SẮC LỆNH VỀ TÔNG ÐỒ GIÁO DÂN
Apostolicam Actuositatem
Nguồn: https://vntaiwan.catholic.org.tw/
Lời Giới Thiệu
Ðôi dòng lịch sử
Năm 1960, Ðức Gioan XXIII thiết lập Ủy Ban Giáo Hoàng về hoạt động tông đồ giáo dân. Và sau 200 lần hội, Ủy Ban đã hoàn tất việc soạn thảo một lược đồ gồm 200 trang.
Ủy Ban gồm tất cả 39 thành phần, trong số có 11 Giám Mục. Bên cạnh Ủy Ban còn có 29 vị cố vấn, mà 14 vị cũng là Giám Mục. Ngoài ra, các đại diện của 26 quốc gia và của nhiều tổ chức quốc tế cũng đến tham dự.
Ngay từ ban đầu, Hồng Y Cento, chủ tịch Ủy Ban, đã đề nghị mời giáo dân tham dự, ít nhất với tư cách cố vấn. Trong kỳ họp đầu tiên, Ðức Gioan XXIII đã chính thức mời Jean Guitton tham dự Công Ðồng với tư cách là dự thính viên giáo dân.
Rồi trong những phiên họp khoáng đại về sau, Ðức Phaolô VI cũng đã đề cử nhiều dự thính viên giáo dân khác, nam giới vào năm 1963 và cả nữ giới vào năm 1964 tham dự. Như vậy Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân đã được thành phần giáo dân cộng tác hoàn thành.
Trong suốt thời gian tranh luận, bản văn được sửa đổi và soạn thảo lại nhiều lần. Ban đầu lược đồ đề cập hết sức bao quát về vai trò của người giáo dân trên thế giới và trong Giáo Hội. Về sau các Nghị Phụ đã cố gắng thu hẹp lại vào một khía cạnh tiêu biểu nhất: tông đồ giáo dân.
Thực ra lược đồ đã được đem bàn cãi từ những phiên họp ở năm 1963, và Ủy Ban liên hệ đã phải rút ngắn lại còn 48 trang, rồi 15 trang ở năm 1964. Vì các Nghị Phụ nhận thấy rằng lược đồ chưa thỏa mãn đủ cho sự đòi hỏi cần thiết, nên nhiều lần cuộc tranh luận đã gặp những khó khăn đáng kể. Và như vậy, để được chấp thuận lược đồ đã phải trải qua những "cơn sốt" trầm trọng.
Ở đây chúng ta cố gắng đưa ra một vài lý do của những trở ngại đó. Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng "Tông Ðồ Giáo Dân" là một đề mục hoàn toàn mới lạ, chưa có một sắc lệnh hay một văn kiện nào trước Công Ðồng Vaticanô II đã đề cập tới. Ðàng khác vấn đề tự bản tính đã là khó khăn, phức tạp; thật vậy, chưa có một quan điểm thần học căn bản Công Giáo nào nói về những thực tại trần thế cũng như về hành động của Kitô hữu trong thế giới.
Sau nữa, muốn tìm một định nghĩa đứng đắn cho "tông đồ giáo dân" thì tự nó không thể cung cấp đủ nhưng người ta còn phải đi tìm những minh chứng và cảm hứng bên ngoài và phải đặt nền tảng ở Giáo Hội cũng như nương tựa vào nhân chủng học (x. René Rémond,Introduction du Décret, Ed. du Centurion).
Tính cách độc đáo
Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Công Ðồng Chung đã quan tâm đặc biệt tới vấn đề tông đồ của giáo dân, cũng như đã dành nhiều nỗ lực cho sự xác định lại sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Giáo Hội chưa bao giờ ý thức sự hiện diện mật thiết của giáo dân trong Giáo Hội. Bởi Giáo Hội được thiết lập vì các tín hữu là con cái mình, và ngay từ ban đầu thời Giáo Hội sơ khai, giáo dân không những là đối tượng cho hoạt động của các Tông Ðồ, mà còn là những cộng tác viên đắc lực của các ngài. Như phần mở đầu của Sắc Lệnh có nhắc đến, những hoạt động tông đồ giáo dân xuất hiện tự nhiên từ giai đoạn đầu của Giáo Hội và đã đem lại những kết quả phong phú. Rồi qua dòng lịch sử, chúng ta thấy rằng có nhiều tu hội và hiệp hội tông đồ phát sinh do cảm hứng của giáo dân hay do họ điều khiển.
Tuy nhiên, phải công nhận rằng cho tới Vaticanô II địa vị của người giáo dân vẫn chỉ được xem như một ngoại lệ do ơn sủng đặc biệt hay riêng tư nào đó; và như vậy sự có mặt của họ chưa bao giờ được nhìn nhận như một hàng riêng biệt. Hơn nữa, với ý niệm hầu như hoàn toàn tiêu cực, hình như Giáo Luật đã không quan tâm tới việc đề cao và công nhận giá trị của người giáo dân.
Ðàng khác, tình trạng của giáo dân lại luôn lệ thuộc vào hàng Giáo Phẩm và Giáo Sĩ. Chúng ta có thể nói rằng quan niệm thế quyền từ nhiều thế kỷ về đây liên lạc giữa chính quyền với công dân được đưa ra áp dụng vào trong Giáo Hội khi qui định mối tương quan giữa Giáo Sĩ và Giáo Dân. Lại nữa trong số các hình ảnh dùng diễn tả bản tính Giáo Hội, hình như người ta vẫn còn giữ lại hình ảnh có chiều hướng Trung Cổ: mục tử và đoàn chiên. Quyền bính và trách nhiệm hướng dẫn là việc của các mục tử; đoàn chiên giáo dân chỉ việc vâng theo những chỉ dẫn của chủ chăn.
Công Ðồng Vaticanô II đã nỗ lực xét lại hoàn toàn quan niệm tổng quát về sự liên lạc giữa Giáo Hội và các tín hữu. Công Ðồng xác nhận rằng người giáo dân phải được đánh giá như cộng tác viên đích thực trong sứ mệnh duy nhất của Giáo Hội là cứu độ mọi người. Ðây là một thành quả tốt đẹp của Công Ðồng trong việc quan niệm địa vị người giáo dân trong Giáo Hội.
Sau đó, Công Ðồng giải quyết một vấn nạn đươc đặt ra từ đầu: đó là việc phân chia hoạt động tông đồ ra "tông đồ trực tiếp và gián tiếp", hoặc, theo nhiều người, phân biệt ra "tông đồ chuyên biệt và không chuyên biệt".
Lúc ấy người ta quan niệm rằng hoạt động tông đồ trực tiếp là tất cả những phương cách truyền bá Phúc Âm và thánh hóa các Kitô hữu hay những người ngoài Kitô hữu bằng sự loan báo Chúa Kitô, loan báo Phúc Âm hay bằng chính đời sống.
Hoạt động tông đồ gián tiếp, trái lại, được cho rằng đó là những hoạt động hệ tại sự bảo đảm và làm hoàn hảo trần thế, cho thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và nhờ vậy tạo nên bầu khí thích hợp cho việc rao giảng Phúc Âm và thánh hóa con người.
Như vậy, theo các quan niệm nầy, tất cả những hoạt động tông đồ có tính cách xã hội chỉ được coi như là tông đồ gián tiếp. Rất nhiều Nghị Phụ không đồng ý quan niệm nầy.
Về sau, Ủy Ban liên hệ bàn cãi lại và quyết định không dùng những từ ngữ phân biệt đó ở trong Sắc Lệnh.
Những nét chính
Nhìn vào Sắc Lệnh, chúng ta nhận thấy điều được Sắc Lệnh nhấn mạnh trước hết là xác định lại giáo lý về tông đồ giáo dân đã trình bày trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hôi: theo đó, Giáo Hội được thành lập với mục đích đem đến cho mọi người ơn cứu chuộc và cứu rỗi.
Sau đó, Sắc Lệnh đề cập tới vấn đề chính là tông đồ giáo dân trong khi vẫn dựa vào những gì đã trình bày ở Hiến Chế về Giáo Hội. Nhưng điều quan trọng là Sắc Lệnh phân biệt "chức linh mục thừa tác" và "chức linh mục cộng đồng". Với "chức linh mục thừa tác", các giám mục và từ đó các linh mục có quyền thi hành những chức vụ tông đồ "nhân danh Chúa Kitô Thủ Lãnh Hiện Thân" (x. Sắc Lệnh về Linh Mục) và do đó các ngài trở nên như Mục Tử chăn dắt. Còn các tín hữu, nhờ "chức linh mục cộng đồng", thi hành những việc tông đồ riêng biệt của họ trong Giáo Hội. Sắc Lệnh đã nhắc lại nhiều lần rằng vì giáo dân tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thế của họ, cũng phải nắm giữ vai trò riêng do phép Rửa Tội, Thêm Sức và nhất là do các đặc sủng riêng biệt của họ.
Thứ đến, Sắc Lệnh nói đến một vấn đề đã gây nên nhiều khó khăn cho việc tông đồ giáo dân: sứ mệnh của Giáo Hội. Sắc Lệnh xác định rằng sứ mệnh của Giáo Hội vẫn là duy nhất, nhưng có thể được diễn tả bằng những hình thức tông đồ khác nhau với những thành quả khác nhau. Như vậy người giáo dân sẽ thi hành việc tông đồ trong các cộng đồng của Giáo Hội mà họ sống trong gia đình, ở môi trường xã hội, môi trường giới trẻ, hay trong lãnh vực quốc gia hoặc quốc tế. Bởi đó, việc tông đồ của người giáo dân cũng có thể đem lại những thành quả phong phú. Nhờ hoạt động tông đồ, họ sẽ loan báo Phúc Âm cho người khác, hoặc thánh hóa họ. Họ cũng có thể nhờ hoạt động mà đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần lãnh vực trần thế.
Ðề cập tới việc thực hiện tông đồ giáo dân, Sắc Lệnh nhắc tới hai phương pháp hoạt động trong Giáo Hội: tông đồ tập thể và tông đồ cá nhân. Cả hai đều là những cách thế hoạt động của giáo dân; tuy nhiên, theo Sắc Lệnh, hoạt động tông đồ có tổ chức qui củ sẽ đáp ứng hữu hiệu hơn cho nhu cầu của con người và của tín hữu. Bởi thế, phương pháp hoạt động tập thể này cần được phát động và khích lệ nhiều hơn trong các lãnh vực hoạt động của giáo dân.
Sắc Lệnh đã đặc biệt lưu ý tới những hội đoàn mới xuất hiện vào quãng mươi năm nay, dưới danh hiệu Công Giáo Tiến Hành.
Sau hết, Sắc Lệnh nhấn mạnh tới việc cần thiết huấn luyện cho những hoạt động tông đồ này cũng như những phương tiện sử dụng.
Chiều hướng nền tảng
Ðể thấu triệt hơn ý nghĩa Sắc Lệnh, ở đây chúng ta cố gắng đưa ra một vài tư tưởng chủ điểm và độc đáo, dựa vào những nét chính vừa nêu trên.
Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng ý tưởng "tham dự vào" trước đã có tiếng vang đáng kể trong Thông Ðiệp "Pacem in terris", giờ đây được Sắc Lệnh Tông Ðồ Giáo Dân nhắc lại và nhấn mạnh trong tầm mức ý nghĩa của nó, từ đầu cho đến cuối bản văn. Thật vậy, trước hết và trên hết, Giáo Hội có sứ mệnh giúp mọi người tham dự vào ơn cứu độ và giáo dân là thành phần được tham dự vào chức vị tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô. Họ được mời tham dự vào sinh hoạt của Giáo Hội, trong sứ mệnh rao giảng Phúc Âm; cho nên đối tượng của Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân là xác định những hình thái và điều kiện cho việc tham dự nầy. Thời gian mà các tín hữu chỉ đóng vai trò thụ động đã qua rồi. Ngày nay Giáo Hội đặt niềm tin ở sự can thiệp, ở sáng kiến cũng như nơi sự tuân phục của con cái mình.
Nguồn gốc sự tham dự đó phát sinh từ địa vị, hoàn cảnh khác nhau của mỗi người trong thế giới. Người giáo dân sống trong thế giới và giữa những thực tại trần gian; cho nên ơn gọi của họ là thánh hóa những gì trần tục. Chính ơn gọi này với hoàn cảnh riêng biệt của mỗi người sẽ định hướng cho đời sống tôn giáo của họ.
Bởi thế, đời sống đạo đức cá nhân của người giáo dân sẽ nhận được cảm hứng từ đời sống hoạt động của họ giữa người khác và giữa cuộc đời; như vậy, với những yếu tố của các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, của đời vợ chồng, gia đình, nghề nghiệp và xã hội, họ sẽ tạo cho mình khoa tu đức hữu hiệu cho bậc sống. Như vậy sự chạm trán với những vấn đề không ngừng đặt ra do cuộc sống hiện tại và theo sự phán đoán trong tầm mức Kitô hữu, là cơ hội quí báu cho người giáo dân để kiểm điểm lại cuộc sống.
Ðịnh nghĩa và quan niệm về ơn gọi của người giáo dân như thế, hàm chứa một cách nào đó, quan niệm thần học về những thực tại trần thế; quan niệm nầy hòa hợp với quan điểm được trình bày ở Hiến Chế nầy, trật tự trần thế có giá trị riêng của nó và người giáo dân sử dụng trật tự đó với trách nhiệm của mình. Thế giới chưa hoàn tất và khuôn mặt của nó tùy thuộc vào hoạt động tự do và ý thức của con người. Như vậy, đứng trước thế giới, người giáo dân có sứ mệnh phải kiến tạo, hoàn hảo hóa sao cho nó trở nên hấp dẫn đối với mọi người và thích hợp với ý định của Thiên Chúa.
Một chiều hướng quan trọng khác của Sắc Lệnh là đặc biệt chú tâm tới thực tại cụ thể của thế giới hiện đại. Bản văn của Sắc Lệnh đã dùng lại ý niệm "dấu chỉ thời đại" mà Thông Ðiệp "Pacem in Terris" đã sử dụng và xem như là một ý niệm quan trọng của Thông Ðiệp. Sắc Lệnh Tông Ðồ Giáo Dân đã đề cập nhiều lần tới tình trạng biến chuyển của thế giới, những điều kiện sống mới mẻ, những đổi thay bất ngờ, tình trạng tăng gia dân số, sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật.
Những phân tích nầy không khác mấy với những điều đã trình bày ở "Hiến Chế Mục Vụ về giáo Hội trong thế giới ngày nay"; nhưng nét đặc biệt của Sắc Lệnh là niềm khát vọng khám phá ra ngôn ngữ của các dấu chỉ thời đại, là sự coi trọng những thực tại trần thế, là nỗi băn khoăn tìm cách thích ứng việc tông đồ giáo dân với hoàn cảnh, nhu cầu và khả năng của thế giới hiện đại.
Trong những đặc điểm chính của thế giới văn minh có lẽ sự liên đới ngày càng gia tăng giữa các dân tộc là một đặc điểm quan trọng nhất. Thật vậy, Thánh Công Ðồng đã đặc biệt chú tâm tới chiều hướng quốc tế đó, và Sắc Lệnh nầy là một trong những bằng chứng của sự chú tâm trên. Hoạt động tông đồ giáo dân phải nhằm tới viễn ảnh quốc tế và thực hiện thế nào để giúp cho các dân tộc gần gũi nhau hơn.
Có lẽ sự quan tâm tới hoạt động tông đồ phổ quát của Sắc Lệnh là một đặc điểm hấp dẫn nhất. theo đó, mọi giáo dân trên thế giới đều được kêu mời tới công việc ấy, và hoạt động tông đồ nầy nhằm đến hết mọi người, làm thế nào để người giáo dân có thể đối thoại với tất cả dù có đức tin hay không.
Như thế, hoạt động tông đồ giáo dân sẽ lan rộng tới mọi khía cạnh của cuộc đời thực tế, tới bất cứ bậc sống nào cũng như nhu cầu nào của nhân loại. Ðứng trên phương diện nầy, Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân đã trở nên một trong những thành quả cũng như một trong những khát vọng chính yếu của Thánh Công Ðồng Vaticanô II.
Lời Mở Ðầu 1*
1. Thánh Công Ðồng
muốn phát động mạnh mẽ hơn việc tông đồ của dân Thiên Chúa 1, nên chú tâm hướng về các Kitô hữu giáo dân, những người có phần riêng biệt và cần thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội, như đã được nhắc đến trong những văn kiện khác 2. Bởi vì, vốn phát sinh từ ơn gọi làm kitô hữu, việc tông đồ giáo dân không bao giờ có thể khiếm khuyết trong Giáo Hội. Trong những buổi đầu Giáo Hội, việc tông đồ này thật là hăng say và kết quả biết bao! Chính Thánh Kinh chứng minh cách phong phú điều đó (x. CvTđ 11,19-21; 18,26; Rm 16,1-16; Ph 4,3).
Thời đại chúng ta đòi hỏi người giáo dân phải nhiệt thành không kém, nhất là những hoàn cảnh hiện tại càng đòi hỏi việc tông đồ của họ phải hoàn toàn mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Quả vậy, càng ngày dân số càng gia tăng, khoa học và kỹ thuật càng tiến triển, những mối tương quan mật thiết hơn giữa con người không những mở rộng môi trường hoạt động tông đồ giáo dân đến vô hạn, môi trường mà phần lớn chỉ dành riêng cho họ, mà còn tạo nên nhiều vấn đề mới đòi họ phải đặc biệt lưu tâm học hỏi. Việc tông đồ này lại càng trở nên khẩn trương hơn, vì sự biệt lập trên nhiều phương diện của cuộc sống con người như thường thấy, càng gia tăng, đôi khi gây nên một sự tách biệt với trật tự luân lý và tôn giáo, cũng như tạo ra một sự nguy hiểm trầm trọng cho đời sống Kitô giáo. Hơn nữa, trong những miền thiếu linh mục hay khi các ngài không được tự do thi hành chức vụ, thì Giáo Hội khó có thể hiện diện và hoạt động hữu hiệu nếu không nhờ giáo dân cộng tác.
Dấu hiệu cho thấy nhu cầu muôn mặt và khẩn trương ấy chính là hoạt động tỏ tường của Chúa Thánh Thần đang làm cho giáo dân hôm nay mỗi ngày một ý thức hơn phần trách nhiệm riêng của mình và thúc bách giáo dân mọi nơi phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội 3.
Trong Sắc Lệnh này, Công Ðồng nhằm làm sáng tỏ bản chất, đặc tính và những cách thế của việc tông đồ giáo dân, nêu lên những nguyên tắc căn bản và ban bố những giáo huấn mục vụ để thi hành việc tông đồ ấy cho hiệu quả hơn. Mọi điều trong Sắc Lệnh này phải được coi như những tiêu chuẩn cho việc xét lại những khoản giáo luật có liên quan đến việc tông đồ giáo dân.
Chương I: Ơn Gọi Làm Tông Ðồ Giáo Dân
2. Giáo dân tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội.
Giáo Hội được khai sinh là để làm cho nước Chúa Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha: tức là làm cho mọi người tham dự vào việc chuộc tội và cứu rỗi 1, để rồi nhờ họ, toàn thể vũ trụ thực sự được qui hướng về Chúa Kitô. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể hướng về mục đích này gọi là việc tông đồ, công việc mà Giáo Hội thực hiện nhờ tất cả các chi thể, tùy theo những cách thức khác nhau. Thật ra ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ. Cũng như toàn bộ một cơ thể sống động, 2*không chi thể nào hoàn toàn thụ động, nhưng cũng tham dự vào đời sống và công việc của toàn thân. Cũng thế, trong Nhiệm Thể Chúa Kitô tức Giáo Hội, toàn thân tùy theo công dụng khả năng từng phần tử khiến thân thể này gắn bó và liên kết chặt chẽ với nhau (x. Eph 4,16), đến nỗi chi thể nào không hoạt động đúng tầm mức của mình trong việc tăng triển toàn thân đều bị coi là vô dụng đối với Giáo Hội cũng như với chính mình.
Trong Giáo Hội có nhiều tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mệnh. Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông Ðồ và những người kế vị các ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân. Thiên Chúa trong Giáo Hội và ở giữa trần gian 2. Giáo dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mình để rao giảng Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn hảo hóa những việc thuộc phạm vi trần thế, sao cho công việc của họ thuộc lãnh vực này làm chứng tỏ tường về Chúa Kitô và góp phần vào việc cứu độ nhân loại. Vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột.
3. Nền tảng của việc tông đồ giáo dân.
Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Ðầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa Tội sát nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, phép Thêm Sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Họ được thánh hiến vào chức vụ tư tế vương giả và dân tộc thánh (x. 1P 2,2-10), hầu trong mọi việc họ dâng những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên hoàn cầu. Ðàng khác, đức ái như là linh hồn của tất cả việc tông đồ, được chuyển thông và nuôi dưỡng nhờ các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể 3.
Việc tông đồ được thực thi nhờ đức tin, đức cậy, đức ái 3*, là những nhân đức mà Chúa Thánh Thần đổ đầy tâm hồn mọi phần tử của Giáo Hội. Lại nữa, nhờ giới răn tình yêu, giới răn cao thượng nhất của Chúa, mọi tín hữu được thúc đẩy để tìm vinh danh Thiên Chúa bằng cách làm cho nước Ngài trị đến và mưu tìm sự sống đời đời cho mọi người để họ nhận biết một Thiên Chúa chân thật và Ðấng Ngài đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô (x. Gio 17,3).
Vì vậy hết mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc Âm cứu độ của Chúa.
Ðể thể hiện việc tông đồ này, Chúa Thánh Thần thánh hóa dân Chúa qua tác vụ và các bí tích. Ngài cũng ban cho các tín hữu những ơn đặc biệt (x. 1Cor 12,7), "phân phát những ơn đó cho mọi người tùy ý Ngài" (1Cor 12,11) để "mỗi người tùy theo ơn đã nhận mà giúp đỡ nhau" và chính họ trở nên như những người quản lý trung tín giữ mọi thứ ơn của Thiên Chúa" (1P 4,10) hầu xây dựng toàn thân trong đức ái (x. Eph 4,16). Do sự đón nhận những đoàn sủng này dẫu là những đoàn sủng thông thường, mỗi tín hữu có quyền lợi và bổn phận sử dụng những ơn đó trong Giáo Hội cũng như giữa trần gian để mưu ích cho mọi người và xây dựng Giáo Hội trong tự do của Chúa Thánh Thần, Ðấng "muốn thổi đâu thì thổi" (Gio 3,8) và đồng thời sử dụng trong sự hiệp thông với anh em trong Chúa Kitô, nhất là với các bản tính đích thực và việc sử dụng thích hợp những đoàn sủng đó, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để thử nghiệm mọi việc và điều nào tốt thì giữ lấy (x. 1Th 5,12; 19,21) 4.
4. Ðường lối tu đức của người giáo dân hướng đến việc tông đồ.
Vì Chúa Kitô, Ðấng được Chúa Cha sai đến, là nguồn mạch nguyên ủy của mọi việc tông đồ trong Giáo Hội, nên hiển nhiên là kết quả phong phú của việc tông đồ giáo dân tùy thuộc ở sự kết hiệp sống động của chính họ với Chúa Kitô, Ðấng phán rằng: "Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy, như vậy mới sinh được nhiều hoa trái vì ngoài Thầy ra các con chẳng làm gì được" (Gio 15,5). Ðời sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô trong Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng sự phù giúp thiêng liêng chung cho mọi tín hữu, nhất là bằng việc tham dự tích cực vào Phụng Vụ 5. Người giáo dân phải làm thế nào để nhờ những phương tiện ấy mà chu toàn nhiệm vụ trần thế trong những hoàn cảnh thường xuyên của cuộc sống mà vẫn không tách khỏi đời sống mình sự kết hiệp với Chúa Kitô, nhưng càng kết hiệp mật thiết hơn chính khi thi hành công việc của mình theo ý Thiên Chúa. Bằng phương thức này, những người giáo dân phải hăng hái và vui vẻ tiến bước trên đường thánh thiện, với sự khôn ngoan và nhẫn nại, họ cố gắng thắng vượt những khó khăn 6. Những việc trong gia đình cũng như những việc ngoài xã hội không được tách rời khỏi động lực siêu nhiên của cuộc sống, theo lời Thánh Tông Ðồ: "Hết thảy công việc anh em làm trong lời nói hay việc làm, hãy nhân danh Chúa Giêsu Kitô mà thực hành, nhờ Người để cảm tạ Chúa Cha là Thiên Chúa" (Col 3,17).
Ðời sống như thế đòi hỏi việc thực hành liên tục đức tin, đức cậy và đức ái 4*.
Chỉ nhờ ánh sáng đức tin và nhờ suy niệm lời Chúa mỗi người mới có thể nhận ra Chúa trong mọi nơi và mọi lúc, vì trong Ngài "ta sống, ta hoạt động, ta hiện hữu" (CvTđ 17,28). Tìm ý Chúa trong mọi biến cố, thấy Chúa Kitô trong mọi người, dù là kẻ thân hay người lạ, phê phán đúng đắn về ý nghĩa đích thực và giá trị của sự vật trần thế, xét nơi chính nó và xét theo tương quan với cứu cánh của con người.
Những người có đức tin này, trong khi tưởng niệm Thánh Giá và sự Phục Sinh Chúa, họ sống trong niềm hy vọng mạc khải của con cái Thiên Chúa.
Trong lúc đời sống lữ hành này, họ được giấu ẩn trong Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô và được giải thoát khỏi nô lệ của cải trần thế, đang khi họ tìm kiếm của cải tồn tại vĩnh viễn, với lòng quảng đại họ sẽ hoàn toàn hiến mình để mở rộng nước Thiên Chúa và đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập và cải tạo lãnh vực thực tại trần thế. Giữa những cơn thử thánh đời này họ tìm thấy sức mạnh trong niềm hy vọng vì họ nghĩ rằng: "Những đau khổ hiện thời chẳng thấm vào đâu so với vinh quang sắp tới sẽ được giải bày cho chúng ta" (Rm 8,18).
Lòng yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa thúc đẩy họ làm việc thiện cho hết mọi người, nhất là cho những người có cùng một niềm tin (x. Gal 6,10), từ bỏ "mọi gian ác, mọi lường gạt, giả trá, lòng ghen ghét và mọi lời nói hành" (1P 2,1) và như vậy họ lôi kéo mọi người đến với Chúa Kitô. Hơn nữa tình yêu của Chúa "giải khắp lòng ta do Chúa Thánh Thần đã ban cho ta" (Rm 5,5) làm cho giáo dân có sức biểu lộ thực sự trong đời sống mình tinh thần các mối Phúc Thật. Theo Chúa Giêsu khó nghèo, họ không tuyệt vọng khi thiếu thốn, cũng không kiêu căng khi dư dật. Bắt chước Chúa Kitô khiêm hạ, họ không háo danh (x. Gal 5,26) nhưng chuyên lo làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn làm đẹp lòng người ta. Họ luôn sẵn sàng bỏ mọi sự vì Chúa Kitô (x. Lc 14,26), và chịu bách hại vì sự công chính (x. Mt 5,10) vì nhớ lời Chúa: "Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta" (Mt 16,24). Sống với nhau trong tình thân hữu của Chúa Kitô, họ sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần thiết.
Nguyên lý đời sống thiêng liêng của mỗi người giáo dân phải mang sắc thái đặc biệt tùy theo bậc sống: đời sống hôn nhân và đời sống gia đình, đời sống độc thân hay góa bụa, trong tình trạng đau yếu, tùy sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội. Vậy mỗi người phải phát triển không ngừng những đức tính và tài năng ban cho mình, thích ứng với hoàn cảnh của mỗi đời sống, và biết lợi dụng những ơn huệ Chúa Thánh Thần ban riêng.
Ngoài ra, giáo dân theo ơn gọi của mình, gia nhập vào một trong những hiệp hội hay tu hội được Giáo Hội nhìn nhận, họ cũng cố gắng trung thành thể hiện những đặc tính của đời sống thiêng liêng đó.
Họ cũng nên kính trọng nghề nghiệp chuyên môn, ý nghĩa gia đình và ý nghĩa công dân cũng như những đức tính liên quan tới đời sống xã hội, chẳng hạn sự liêm khiết, tinh thần công bình, lòng thành thực, lòng nhân hậu, lòng quả cảm; không có những đức tính đó, không thể có đời sống Kitô hữu đích thực.
Gương mẫu hoàn hảo của đời sống thiêng liêng và đời sống tông đồ ấy chính là Ðức Trinh Nữ Rất Thánh Maria, Nữ Vương các Tông Ðồ: khi sống ở trần gian. người đã sống cuộc đời như mọi người, vất vả lo lắng cho gia đình, nhưng luôn luôn kết hợp mật thiết với Con mình và đã cộng tác vào công việc của Ðấng Cứu Thế một cách riêng biệt; còn bây giờ, sau khi đã được đưa lên trời, "với tình yêu thương của người mẹ, Người săn sóc những đứa em của Con Mẹ, đang trên đường lữ hành, gặp nhiều nguy hiểm và thử thách, Người lo lắng cho tới khi họ về tới quê hương hạnh phúc" 7. Mọi người hãy hết lòng tôn sùng Mẹ và phó thác đời sống và cả việc tông đồ của mình cho Mẹ coi sóc.
Chương II: Mục Tiêu Phải Ðạt Tới 5*
5. Nhập đề.
Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô cốt yếu nhằm việc cứu rỗi nhân loại, nhưng cũng bao hàm việc canh tân tất cả trật tự trần thế. Do đó sứ mệnh của Giáo Hội không những là đem Phúc Âm của Chúa Kitô và ân sủng của Người cho nhân loại, mà còn đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế. Bởi vậy, trong khi thi hành sứ mệnh này của Giáo Hội, người giáo dân làm việc tông đồ trong Giáo Hội cũng như giữa đời, trong phạm vi thiêng liêng cũng như trong phạm vi trần thế. Hai phạm vi tuy khác biệt, nhưng trong ý định duy nhất của Thiên Chúa, chúng được liên kết với nhau đến nỗi chính Thiên Chúa muốn thâu tóm vũ trụ lại trong Chúa Kitô thành một tạo vật mới, khởi sự ở trần gian và hoàn tất trong ngày sau hết. Trong cả hai phạm vi, người giáo dân, vừa là tín hữu vừa là công dân, phải được hướng dẫn liên tục bằng một lương tâm Kitô giáo duy nhất.
6. Việc Tông đồ nhằm rao giảng Phúc Âm và thánh hóa.
Sứ mệnh của Giáo Hội nhằm cứu độ con người, sự cứu độ thành đạt được nhờ đức tin vào Chúa Kitô và nhờ ân sủng Người. Vậy việc tông đồ của Giáo Hội và của tất cả các chi thể trong Giáo Hội trước hết nhằm loan báo sứ điệp của Chúa Kitô bằng lời nói, việc làm và nhằm chuyển thông ân sủng của Người cho trần gian. Công việc này được thực hiện chính là do tác vụ giảng lời Chúa và ban các bí tích, đặc biệt được trao phó cho hàng giáo sĩ, trong tác vụ đó, cả giáo dân cũng phải hoàn tất phần quan trọng của mình để trở nên "những kẻ hợp tác với chân lý" (3 Gio 8). Nhất là trong lãnh vực này, việc tông đồ giáo dân và tác vụ chủ chăn bổ túc cho nhau.
Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc Âm và thánh hóa. Chính chứng tá của đời sống Kitô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa, vì Chúa phán: "Sự sáng các con phải soi trước mắt người ta, như vậy để họ xem thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời" (Mt 5,16).
Tuy nhiên việc tông đồ này không chỉ ở tại việc làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói hoặc cho người chưa tin để đưa họ đến đức tin, hoặc cho tín hữu để giáo huấn họ, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt sắng hơn "vì tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta" (2 Cor 5,14) và trong lòng mọi người phải âm vang lời Thánh Tông Ðồ: "Thật khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm" (1Cor 9,16) 1.
Ở thời đại chúng ta phát sinh nhiều vấn đề mới và nhiều sai lầm trầm trọng đang hoành hành nhằm khuynh đảo tận gốc tôn giáo, trật tự luân lý và chính xã hội nhân loại, nên Thánh Công Ðồng này hết lòng khuyên nhủ giáo dân mỗi người tùy tài năng và vốn liếng giáo lý, phải theo tinh thần của Giáo Hội mà ân cần chu toàn phận vụ của mình trong việc làm sáng tỏ, bảo vệ các nguyên tắc Kitô giáo và áp dụng đúng đắn những nguyên tắc đó vào những vấn đề của thời đại này.
7. Canh tân trật tự trần thế theo tinh thần Kitô giáo.
Hẳn thật ý định Thiên Chúa về thế giới là loài người đồng tâm canh tân và liên tục làm cho trật tự trần thế thêm tốt đẹp.
Tất cả những gì tạo nên trật tự trần thế như giá trị của cuộc sống và của gia đình, văn hóa, kinh tế, nghệ thuật và nghề nghiệp, tổ chức cộng đồng chính trị, bang giao quốc tế, và những thực tại tương tự khác, cũng như sự biến chuyển và tiến bộ của chúng, tất cả những thực tại đó, hoặc xét ngay trong chính bản tính của chúng, hoặc xét chúng như thành phần của toàn thể trật tự trần thế, chẳng những chúng là phương thế giúp con người đạt tới mục đích tối hậu, mà chúng còn có giá trị riêng do Thiên Chúa phú bẩm: "Vì Thiên Chúa nhìn thấy vạn vật Ngài đã tạo thành thảy đều rất tốt đẹp" (Stk 1,31). Sự thiện hảo tự nhiên ấy của vạn vật còn có thêm một giá trị đặc biệt do sự liên lạc của chúng với con người, vì chúng được tạo dưng để phục vụ con người. Sau cùng, Thiên Chúa đã vui lòng qui tụ mọi loài, tự nhiên cũng như siêu nhiên, nên một trong Chúa Giêsu Kitô "để Người được nắm quyền tối cao trên hết thảy" (Col 1,18). Nhưng sự đặt định này chẳng những không làm cho trật tự trần thế mất sự tự lập, mất cứu cánh riêng cũng như các định luật và những phương tiện riêng, hay mất tầm quan trọng đối với ích lợi của con người, mà trái lại còn làm cho sức mạnh và giá trị riêng của trật tự đó thêm hoàn hảo, đồng thời nâng cao cho hợp với thiên chức toàn vẹn của con người trên trái đất.
Qua dòng lịch sử, việc sử dụng những sự vật trần thế mắc phải những sai lạc trầm trọng, bởi vì loài người đã bị nhiễm tội nguyên tổ, thường sa vào nhiều lầm lẫn về Thiên Chúa đích thực, về bản tính con người và về những nguyên tắc của luật luân lý: do đó, phong hóa và những định chế của loài người bị hư hỏng, và chính nhân vị đôi khi cũng bị chà đạp. Ngày nay cũng vậy, nhiều người vì quá tin tưởng vào tiến bộ khoa học và kỹ thuật, nên dường như muốn tôn thờ sự vật trần thế, đến nỗi trở thành nô lệ sự vật hơn là làm chủ chúng.
Công cuộc hoạt động của toàn thể Giáo Hội là phải làm cho con người có khả năng xây dựng đúng đắn toàn thể trật tự sự vật trần thế và qui hướng chúng về Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô. Các vị chủ chăn có nhiệm vụ trình bày rõ ràng các nguyên tắc về mục đích việc tạo dựng và việc xử dụng sự vật trần thế được canh tân trong Chúa Kitô. 6*
Còn giáo dân phải đảm nhận việc canh tân trật tự trần thế như là nhiệm vụ riêng, và trong nhiệm vụ đó, nhờ được ánh sáng Phúc Âm soi chiếu tinh thần của Giáo Hội hướng dẫn, và bác ái Kitô giáo thúc đẩy, họ phải trực tiếp và cương quyết hành động. Với tư cách là công dân, họ phải đem khả năng chuyên môn cùng tinh thần trách nhiệm để cộng tác với các công dân khác. Họ phải tìm sự công chính nước Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi sự. Phải canh tân trật tự trần thế cách nào để vẫn tôn trọng toàn vẹn các định luật riêng của nó mà vẫn làm cho trật tự đó phù hợp với các nguyên tắc cao cả của đời sống Kitô giáo, cùng thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau của các địa phương, các thời đại và các dân tộc. Trong những công cuộc của việc tông đồ này nổi bật hơn cả là hoạt động xã hội của người Kitô hữu. Thánh Công Ðồng ước ao hoạt động đó lan đến mọi lãnh vực trần thế kể cả lãnh vực văn hóa 2.
8. Công cuộc bác ái dấu hiệu của việc tông đồ.
Mọi hoạt động tông đồ phải bắt nguồn và lấy sức mạnh từ đức ái 7*. Nhưng một vài công việc tự bản chất của chúng có thể biểu lộ tình yêu cách sống động. Chúa Kitô đã muốn những việc đó là dấu chỉ của sứ mệnh cứu độ (x. Mt 11,4-5).
Giới răn quan trọng nhất trong lề luật là yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn và yêu tha nhân như chính mình (x. Mt 22,37-40). Thật vậy, Chúa Kitô đã làm cho giới răn bác ái đối với tha nhân thành một giới răn riêng của Người và mặc cho nó một ý nghĩa mới phong phú hơn, khi Người muốn đồng hóa mình với anh em như chính đối tượng của bác ái, Người nói: "Bao nhiêu lần các ngươi làm những việc đó cho một trong những người hèn mọn là anh em Ta đây, tức là các ngươi làm cho Ta vậy" (Mt 25,40). Bởi vì khi nhận lấy bản tính nhân loại chính Người đã nối kết toàn thể nhân loại với Người thành một gia đình bằng một tình liên đới siêu nhiên, và Người đã dùng đức ái làm dấu chỉ của các môn đệ Người, khi Người nói: "Nếu các con yêu thương nhau, thiên hạ cứ dấu ấy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy" (Gio 13,35).
Trong thời sơ khai, Giáo Hội thánh đặt bữa ăn thân tình "agapê" đi liền với bữa tiệc Thánh Thể để biểu lộ sự hiệp nhất hoàn toàn trong tình yêu thương chung quanh Chúa Kitô. Như vậy, bất cứ thời đại nào, người ta cũng nhận ra Giáo Hội nhờ dấu chỉ tình yêu này, và Giáo Hội đã tự đảm nhận những công cuộc bác ái như là nhiệm vụ và quyền lợi bất khả di nhượng của mình, dấu Giáo Hội vẫn hân hoan trước những sáng kiến của người khác. Vì thế, Giáo Hội đặc biệt đề cao lòng xót thương đối với người nghèo đói, bệnh tật, cũng như những công cuộc mệnh danh là từ thiện và tương trợ để xoa dịu mọi nỗi thống khổ của nhân loại 3.
Thời nay nhờ những phương tiện giao thông dễ dàng và nhanh chóng hơn, khoảng cách giữa loài người hầu như không còn nữa, và dân chúng trên hoàn cầu được coi như những người cùng sống trong một gia đình, nên những hoạt động và những công cuộc bác ái càng trở nên khẩn thiết và cần được tổ chức rộng lớn hơn. Ngày nay, hoạt động bác ái có thể và phải nhắm tới tất cả mọi người và mọi nhu cầu. Ở đâu có người thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc, thiếu nhà ở, thiếu thuốc men, thiếu việc làm, thiếu giáo dục, thiếu những phương tiện cần thiết để sống xứng danh con người, ở đâu có người bị đau khổ vì nghịch cảnh, ốm yếu, chịu cảnh lưu đày, tù ngục, thì ở đó bác ái Kitô giáo phải tìm gặp, ân cần săn sóc, ủi an và xoa dịu họ bằng những trợ giúp thích đáng. Thi hành bổn phận này trước hết là bổn phận của những người giàu và các dân tộc giàu 4.
Ðể thực thi bác ái mà không bị chỉ trích và để tỏ ra là bác ái đích thực, cần phải nhìn nhận nơi tha nhân hình ảnh Thiên Chúa vì họ đã được dựng nên giống hình ảnh Ngài và nhìn nhận nơi họ chính Chúa Kitô, bởi vì bất cứ sự gì được tặng cho người nghèo là đã thực sự được dâng cho Người. Phải hết sức tế nhị tôn trọng tự do và nhân phẩm của người được trợ giúp. Ðừng làm hoen ố ý hướng ngay lành vì mưu cầu tư lợi hay vì một tham vọng thống trị nào 5. Phải thỏa mãn những đòi hỏi công bình trước đã kẻo những tặng phẩm đem cho tưởng là vì bác ái, mà thực ra phải đền trả vì đức công bằng. Phải tổ chức giúp đỡ sao cho những người được trợ giúp dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc người khác và có thể tự túc.
Vậy người giáo dân phải quí trọng và tùy sức giúp vào các việc từ thiện và những sáng kiến nhằm cứu trợ xã hội của tư nhân cũng như của quốc gia, kể cả quốc tế. Nhờ những công cuộc đó, người ta mới trợ giúp hữu hiệu cho mỗi người và mỗi dân tộc đang lâm cảnh khốn cùng. Trong việc này, giáo dân cần cộng tác với mọi người thiện chí 6.
Chương III: Các Môi Trường Hoạt Ðộng Tông Ðồ 8*
9. Nhập đề.
Giáo dân thi hành việc tông đồ muôn mặt của mình trong Giáo Hội cũng như giữa đời. Trong cả hai lãnh vực này, nhiều môi trường hoạt động tông đồ khác nhau được khai mở. Ở đây chúng tôi muốn nhắc tới những môi trường chính yếu hơn cả là: các cộng đoàn Giáo Hội, gia đình, giới trẻ, môi trường xã hội, các lãnh vực quốc gia và quốc tế. Ngày nay phụ nữ càng ngày càng góp phần tích cực vào tất cả đời sống xã hội, cho nên điều quan trọng là làm sao cho họ tham gia nhiều hơn vào cả những lãnh vực tông đồ của Giáo Hội.
10. Các cộng đoàn trong Giáo Hội.
Giáo dân góp phần tích cực vào đời sống và hoạt động của Giáo Hội, nhờ được tham dự vào chức vụ của Chúa Kitô là tư tế, ngôn sứ và là vua. Trong những cộng đoàn của Giáo Hội, hoạt động của họ cần thiết đến nỗi nếu không có hoạt động đó, chính hoạt động tông đồ của các vị chủ chăn thường không thể đạt được đầy đủ kết quả. Cũng như giáo dân nam nữ đã giúp Thánh Phaolô trong việc rao giảng Phúc Âm (x. CvTđ 18,18-26; Rm 16,3), những người giáo dân có tinh thần tông đồ đích thực cũng đang trợ giúp những anh em thiếu thốn và nâng đỡ tinh thần các vị chủ chăn và các tín hữu khác (x. 1Cor 16,17-18). Vì được nuôi dưỡng nhờ tham dự cách tích cực vào đời sống phụng vụ của cộng đoàn, chính họ nhiệt thành góp phần vào những công cuộc tông đồ của chính cộng đoàn đó: họ đem những người có lẽ đang xa lạc trở về với Giáo Hội. Họ cộng tác đắc lực vào việc rao truyền lời Chúa nhất là bằng việc dạy giáo lý. Họ đem khả năng của mình làm cho việc coi sóc các linh hồn và cả việc quản trị tài sản của Giáo Hội sinh hiệu quả hơn.
Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi qui tụ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội 1. Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong giáo xứ 2. Họ cũng nên có thói quen trình bày với cộng đoàn Giáo Hội những vấn đề riêng của mình hay của cả thế giới hoặc những vấn đề liên quan tới phần rỗi mọi người để cùng nhau góp ý kiến, nghiên cứu và giải quyết. Họ cũng phải tùy sức mà cố gắng đóng góp vào mọi công cuộc tông đồ và truyền giáo của gia đình Giáo Hội địa phương.
Giáo dân phải luôn luôn nuôi dưỡng ý thức về giáo phận vì giáo xứ như một tế bào của giáo phận. Họ phải luôn mau mắn đáp lại tiếng gọi của Chủ Chăn và tùy sức tham gia những sáng kiến chung của giáo phận. Hơn nữa, để đáp ứng những nhu cầu nơi thành thị cũng như ở thôn quê 3, họ không chỉ hạn hẹp sự cộng tác của mình trong giới hạn giáo xứ hay giáo phận nhưng họ cố gắng mở rộng phạm vi tới cả các lãnh vực liên xứ, liên giáo phận, quốc gia hay quốc tế. Hơn nữa, việc di dân mỗi ngày một nhiều, những mối tương giao gia tăng, và việc giao thông dễ dàng đã không để một thành phần xã hội nào sống đóng kín cho riêng mình. Vì thế người giáo dân phải quan tâm đến những nhu cầu của dân Thiên Chúa ở rải rác trên khắp địa cầu. Nhất là họ phải coi những công cuộc truyền giáo như việc của chính mình, bằng cách đóng góp về vật chất hay về cả nhân sự. Vì chưng nhiệm vụ và vinh dự của người Kitô hữu là trả lại cho Thiên Chúa phần của họ đã nhận nơi Ngài.
11. Gia đình trong việc tông đồ.
Vì Ðấng Tạo Hóa đã đặt cộng đoàn hôn nhân làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội loài người và dùng ơn thánh Ngài nâng lên hàng bí tích cao cả trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội (x. Eph 5,32) cho nên việc tông đồ của vợ chồng và của các gia đình có tầm quan trọng đặc biệt, đối với Giáo Hội cũng như đối với xã hội dân sự.
Những đôi vợ chồng Kitô giáo là những người cộng tác với ơn thánh và chứng nhân của đức tin đối với nhau, cũng như đối với con cái và những phần tử khác trong gia đình họ. Chính họ là những người đầu tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái họ. Bằng lời nói và gương sáng họ huấn luyện con cái sống đời Kitô giáo và làm việc tông đồ. Họ thận trọng giúp đỡ con cái trong việc lựa chọn ơn kêu gọi, và nếu thấy chúng có ơn thiên triệu, họ tận tình nuôi dưỡng ơn kêu gọi đó.
Tất cả những việc ngày xưa vốn là bổn phận vợ chồng, ngày nay còn phải được coi là phần quan trọng nhất của việc tông đồ. Ðó là phải biểu lộ và chứng minh bằng đời sống tính cách bất khả phân ly và sự thánh thiện của dây hôn phối. Phải mạnh mẽ nói lên rằng quyền lợi và nhiệm vụ đã được trao ban cho bậc cha mẹ và những người bảo trợ là giáo dục con cái theo Kitô giáo. Phải bảo vệ phẩm giá và quyền tự trị hợp pháp của gia đình. Vì vậy chính họ và những tín hữu khác phải cộng tác với mọi người thiện chí để những quyền trên đây được dân luật bảo vệ hoàn toàn, nghĩa là trong việc cai trị, chính phủ phải quan tâm tới những nhu cầu của gia đình liên quan tới nơi cư ngụ, việc giáo dục trẻ em, điều kiện làm việc, an ninh xã hội và thuế khóa. Khi phải tổ chức di dân, đời sống chung của gia đình phải được hoàn toàn bảo đảm 4.
Chính gia đình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa sứ mệnh trở nên tế bào đầu tiên và sống động của xã hội. Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của Giáo Hội trong nhà mình nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, nếu toàn thể gia đình cùng tham dự vào việc phụng vụ của Giáo Hội, sau cùng nếu gia đình tỏ ra hiếu khách và cổ võ đức công bằng cũng như những việc thiện khác giúp các anh em đang túng thiếu. Trong các việc tông đồ của gia đình cần phải kể đến những việc như: nhận làm con những đứa trẻ bị bỏ rơi, ân cần tiếp đón những khách lạ, cộng tác với học đường, khuyên bảo và giúp đỡ thanh thiếu niên, giúp những người đã đính hôn chuẩn bị cho việc hôn nhân của họ được tốt đẹp, giúp dạy giáo lý, nâng đỡ những đôi vợ chồng cũng như những gia đình khi họ gặp khó khăn về vật chất hay tinh thần, lo cho người già cả không những có những điều cần thiết, mà còn cung cấp cho họ những tiện nghi chính đáng của tiến bộ kinh tế.
Ở mọi nơi và mọi lúc, nhất là trong những miền mà hạt giống Phúc Âm vừa được gieo vãi, hoặc trong những nơi Giáo Hội mới được thành lập hay trong những nơi Giáo Hội đang gặp những trở ngại lớn lao, những gia đình Kitô giáo vẫn là chứng nhân quí giá nhất của Chúa Kitô đối với thế gian bằng tất cả đời sống gắn liền với Phúc Âm và tỏ ra là gia đình Kitô giáo gương mẫu 5.
Ðể dễ dàng đạt tới những mục đích tông đồ này các gia đình nên qui tụ thành những nhóm 6.
12. Giới trẻ hoạt động tông đồ.
Trong xã hội ngày nay, giới trẻ làm thành một sức mạnh rất quan trọng 7. Những hoàn cảnh sống của họ, những nếp sống tinh thần và cả những tương quan của họ với gia đình đã thay đổi rất nhiều. Thường thường họ chuyển quá nhanh sang một hoàn cảnh xã hội và kinh tế mới. Hơn nữa, vai trò xã hội cũng như chính trị của họ mỗi ngày một thêm quan trọng, nhưng họ không được chuẩn bị đầy đủ để đảm nhận những trọng trách mới này cách xứng hợp.
Trọng trách của họ trong xã hội gia tăng, đòi hỏi họ gia tăng hoạt động tông đồ. Vả lại, chính bản tính tự nhiên của họ vốn hướng về hoạt động đó. Nhờ trưởng thành trong ý thức về nhân vị và được thúc đẩy do sức sống hăng say và tính ham mê hoạt động, họ nhận lãnh trách nhiệm của mình và ước muốn góp phần vào đời sống xã hội và văn hóa. Nếu lòng nhiệt thành này được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và được thúc đẩy do sự tuân phục và yêu mến các vị chủ chăn của Giáo Hội thì có thể hy vọng nơi họ những thành quả phong phú. người trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ trong khi chính họ hoạt động tông đồ giữa người trẻ và nhờ người trẻ tùy theo môi trường xã hội họ đang sống 8.
Người lớn cần quan tâm để tạo cuộc đối thoại thân hữu với giới trẻ, vì cuộc đối thoại cho phép cả hai giới vượt qua sự ngăn cách về tuổi tác, hiểu biết lẫn nhau và thông cho nhau sự phong phú riêng của mỗi giới. Người lớn hãy thúc đẩy giới trẻ làm tông đồ trước hết bằng gương sáng và tùy dịp bằng ý kiến khôn ngoan và giúp đỡ thiết thực. Còn giới trẻ cũng phải nuôi dưỡng lòng trọng kính và tín nhiệm đối với người lớn, dầu theo tính tự nhiên họ ham thích những điều mới lạ, tuy nhiên họ cũng phải tôn trọng những truyền thống đáng quí trọng.
Trẻ em cũng có hoạt động tông đồ riêng của chúng. Tùy khả năng, chúng co thể thực sự là những chứng nhân sống động của Chúa Kitô giữa các bạn hữu.
13. Môi trường xã hội.
Làm tông đồ trong môi trường xã hội là cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống: đó là bổn phận và trách nhiệm của người giáo dân mà không ai có thể làm thay họ cách đầy đủ. Trong lãnh vực này, người giáo dân có thể làm tông đồ cho người đồng cảnh ngộ với mình. Ở đó lấy lời nói bổ túc cho bằng chứng của đời sống 9. Cũng ở đó, họ dễ dàng giúp đỡ anh em trong môi trường làm việc hay nghề nghiệp, môi trường học vấn, cư ngụ, giải trí cũng như trong sinh hoạt địa phương.
Người giáo dân chu toàn sứ mệnh này của Giáo Hội nơi trần gian: trước tiên bằng đời sống hòa hợp với đức tin, để nhờ đó họ trở thành ánh sáng thế gian; bằng đời sống lương thiện trong bất cứ công ăn việc làm nào để làm cho mọi người yêu mến sự thật, sự thiện và cuối cùng đưa họ tới Chúa Kitô và Giáo Hội; bằng đời sống bác ái huynh đệ qua việc họ thực sự chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong đau khổ cũng như trong mọi ước vọng, và như thế họ âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động trong tâm hồn mọi người; bằng cuộc sống ý thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc xây dựng xã hội, họ cố gắng chu toàn hoạt động nơi gia đình, ngoài xã hội, trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của Kitô giáo; như thế phương thức hành động của họ dần dần thấm nhập vào môi trường sống và cả môi trường làm việc.
Việc tông đồ này phải nhắm tới hết mọi người trong môi trường hoạt động và không được loại bỏ bất cứ lợi ích thiêng liêng hay vật chất nào có thể làm cho họ. Nhưng người tông đồ đích thực không chỉ hài lòng với hoạt động này, họ còn phải quan tâm đến việc rao giảng Chúa Kitô cho anh em bằng cả lời nói nữa. Bởi vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Kitô nhờ những người giáo dân sống gần họ.
14. Trên bình diện quốc gia và quốc tế.
Môi trường hoạt động tông đồ mở rộng bao la trên bình diện quốc gia và quốc tế, trong đó, hơn ai hết, giáo dân là những người nắm giữ và phân phát sự khôn ngoan Kitô giáo. Tận tâm đối với quốc gia và trung thành chu toàn những nhiệm vụ công dân, người công giáo cảm thấy bó buộc phải cổ võ cho công ích thực sự, và họ phải làm sao cho ý kiến của họ ảnh hưởng tới chính quyền để quyền hành được thực thi chính đáng và để luật lệ đáp ứng được những đòi hỏi của luân lý và công ích. Những người công giáo có khả năng làm chính trị và đã được huấn luyện đầy đủ về đức tin và giáo lý đừng từ chối tham gia việc nước, bởi vì nhờ thi hành nhiệm vụ cách tốt đẹp, họ có thể đóng góp vào công ích và đồng thời mở đường cho Phúc Âm.
Người công giáo phải tìm cách cộng tác với tất cả mọi người thiện chí để cổ động cho bất cứ những gì là chân thật, công bằng, thánh thiện và đáng yêu quí (x. Ph 4,8). Người công giáo hãy đối thoại với họ, hãy đến với họ cách khôn ngoan và tế nhị, hãy tìm cách kiện toàn những định chế xã hội và quốc gia theo tinh thần Phúc Âm.
Trong các dấu chỉ của thời đại chúng ta, phải đặc biệt chú ý tới ý nghĩa ngày một gia tăng và không thể tránh né về sự liên đới giữa các dân tộc mà nhiệm vụ của hoạt động tông đồ giáo dân là phải lo lắng cổ động và biến nó thành một khát vọng chân thành và thiết thực về tình huynh đệ. Hơn nữa giáo dân còn phải ý thức về lãnh vực quốc tế và ý thức về những vấn nạn cũng như những giải pháp trên lý thuyết hay trong thực hành đang được đề ra, nhất là về những vấn đề liên quan tới các dân tộc đang nỗ lực phát triển 10.
Tất cả những ai làm việc ở các nước khác hay đang trợ giúp những nước ấy phải nhớ rằng những mối bang giao giữa các dân tộc phải là cuộc trao đổi huynh đệ đích thực, trong đó, cả hai bên cùng cho và cùng nhận. Còn những ai xuất ngoại để lo công chuyện hay để giải trí phải nhớ rằng dù họ ở đâu họ cũng vẫn là sứ giả lưu động của Chúa Kitô và họ phải sống đúng danh hiệu đó.
Chương IV: Các Phương Thức Hoạt Ðộng Tông Ðồ 9*
15. Nhập đề.
Giáo dân có thể thực hiện việc tông đồ hoặc từng người hoặc liên kết thành cộng đoàn hay hội đoàn.
16. Tầm quan trọng và những hình thức của việc tông đồ cá nhân.
Việc tông đồ mà mỗi người phải thực hiện bắt nguồn từ mạch sống phong phú đích thực Kitô giáo (x. Gio 4,14). Ðó là căn bản và điều kiện của mọi hoạt động tông đồ giáo dân, kể cả việc tông đồ giáo dân tập thể và không gì có thể thay thế việc đó được.
Việc tông đồ cá nhân này rất hiệu quả ở bất cứ nơi nào và thời nào. Hơn nữa, trong một số hoàn cảnh chỉ có hoạt động tông đồ này mới thích hợp và mới có thể thực hiện được. Mọi người giáo dân, dù thuộc thành phần nào đi nữa, dù không có cơ hội hay khả năng để cộng tác trong các hội đoàn đều được kêu gọi và hơn nữa phải làm việc tông đồ cá nhân.
Có nhiều hình thức tông đồ mà người giáo dân dùng để xây dựng Giáo Hội, thánh hóa và làm sống động thế gian trong Chúa Kitô.
Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức ái. Ðó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Người. Cùng với việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người giáo dân rao giảng Chúa Kitô, cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tùy theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa.
Hơn nữa, là những người công dân trong thế giới ngày nay, người công giáo khi cộng tác vào những việc liên quan tới việc xây dựng và quản trị trật tự trần thế, họ phải thấu triệt dưới ánh sáng đức tin những lý do cao cả để hành động trong đời sống gia đình, nghề nghiệp, văn hóa và xã hội và tùy dịp bày tỏ cho người khác nữa. Người giáo dân cũng phải ý thức rằng họ trở nên những người cộng tác với Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa và như vậy làm vinh danh Thiên Chúa.
Sau cùng giáo dân làm cho đời mình sống động bằng đức ái và tùy sức biểu lộ đời sống đó bằng chính hoạt động của mình.
Mọi người phải nhớ rằng nhờ việc phụng tự công cộng và cầu nguyện, nhờ sám hối và tự ý chấp nhận công việc cũng như những khổ cực của cuộc đời làm cho họ nên giống Chúa Kitô đau khổ (x. 2Cor 4,10; Col 1,24) họ mới có thể ảnh hưởng tới mọi người và đem ơn cứu độ cho toàn thế giới.
17. Tông đồ cá nhân trong những hoàn cảnh đặc biệt.
Việc tông đồ cá nhân này rất cần thiết và cấp bách trong những miền mà tự do của Giáo Hội bị cản trở trầm trọng. Trong những hoàn cảnh khó khăn đó, giáo dân tùy khả năng thay thế linh mục, họ liều mất tự do của mình và đôi khi ngay cả mạng sống mình để dạy giáo lý công giáo cho những người chung quanh, huấn luyện cho những người ấy biết sống đạo và khuyến khích họ năng lãnh nhận các bí tích và đặc biệt tôn sùng phép Thánh Thể 1. Thánh Công Ðồng hết lòng tạ ơn Thiên Chúa đã không ngừng cho xuất hiện ngay cả trong thời đại chúng ta những người giáo dân can đảm phi thường giữa những cơn bách hại. Thánh Công Ðồng lấy tình người cha yêu thương và tri ân họ.
Việc tông đồ cá nhân có môi trường hoạt động đặc biệt trong những miền người công giáo ít oi và tản mác. Ở những nơi đó, giáo dân chỉ hoạt động tông đồ từng người hoặc vì những lý do nói trên hoặc vì những lý do đặc biệt do sinh hoạt nghề nghiệp. Nên để thuận tiện gặp gỡ nhau, họ hợp lại thành từng tổ nhỏ không cần đến hình thức tổ chức hay hệ thống chặt chẽ, miễn sao người khác thấy được dấu hiệu của cộng đoàn Giáo Hội như bằng chứng đích thực của tình thương. Như thế, trong khi giúp nhau trên bình diện thiêng liêng nhờ tình bằng hữu và kinh nghiệm, họ được mạnh sức để thắng vượt những khó khăn của cuộc sống và sự hoạt động quá lẻ loi cũng như để việc tông đồ đạt được kết quả phong phú hơn.
18. Tầm quan trọng của việc tông đồ tập thể.
Với tư cách cá nhân, người Kitô hữu được mời gọi hoạt động tông đồ trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên họ nên nhớ rằng con người, tự bản chất đã có xã hội tính., và Thiên Chúa đã vui lòng tập hợp, những người tin vào Chúa Kitô thành dân Thiên Chúa (x. 1P 2,5-10) và kết hợp họ thành một thân thể (x. 1Cor 12,12). Vậy hoạt động tông đồ tập thể rất phù hợp với đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con người cũng như dưới khía cạnh Kitô hữu. Ðồng thời nó cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội trong Chúa Kitô, Ðấng đã phán: "Vì đâu có hai, ba người nhân danh Thầy hội họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18,20).
Vì thế người Kitô hữu phải hiệp nhất cùng nhau để làm tông đồ 2. Họ phải làm tông đồ trong cộng đoàn gia đình cũng như trong giáo xứ và giáo phận là những cộng đoàn nói lên tính cách cộng đồng của hoạt động tông đồ. Hơn nữa họ phải làm tông đồ trong những đoàn thể tự do mà họ đã tự ý gia nhập.
Hoạt động tông đồ tập thể rất quan trọng 10* vì trong các cộng đoàn Giáo Hội, cũng như trong các môi trường khác nhau, hoạt động tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn do một hoạt động chung. Bởi vì các Hội Ðoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ.
Vậy trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động tông đồ ngày nay và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó 3. Do đó điều quan trọng đặc biệt là làm sao cho hoạt động tông đồ tác động vào não trạng quần chúng và những hoàn cảnh xã hội của những người mà hoạt động tông đồ nhằm tới. Nếu không, họ thường sẽ không đủ sức chống lại áp lực của dư luận quần chúng hay của các định chế.
19. Nhiều hình thức của việc tông dồ tập thể.
Có nhiều hội đoàn tông đồ khác nhau 4. Có những hội đoàn nhằm mục đích tông đồ tổng quát của Giáo Hội. Có những hội đoàn nhằm mục đích loan báo Phúc Âm và thánh hóa bằng phương thức chuyên biệt. Có những hội đoàn nhằm mục đích Kitô hóa trật tự trần thế. Có những hội đoàn nhằm làm chứng cho Chúa Kitô đặc biệt bằng từ thiện và bác ái.
Trong số những hội đoàn đó, cần phải đặc biệt chú trọng đến những hội đoàn cổ võ và đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa đời sống thực tế của hội viên với đức tin của họ. Các hội đoàn tự nó không phải là cứu cánh, nhưng phải nhằm giúp Giáo Hội chu toàn sứ mệnh đối với trần gian. Các hội đoàn chỉ có giá trị tông đồ nhờ ở chỗ phù hợp với các mục tiêu của Giáo Hội, ở từng hội viên hay cả hội đoàn có tinh thần Phúc Âm và làm chứng cho Chúa Kitô.
Trước sự tiến triển của các tổ chức cũng như đà tiến hóa của xã hội hiện đại, sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội đòi hỏi các công cuộc tông đồ của người công giáo phải càng ngày càng được tổ chức quy củ trên lãnh vực quốc tế. Các Tổ Chức Công Giáo Quốc Tế sẽ đạt được mục đích cách tốt đẹp nếu các đoàn thể hội viên và các hội viên của các đoàn thể đó liên kết chặt chẽ với các tổ chức trên.
Giáo dân có quyền lập hội đoàn 5, điều khiển hội đoàn và ghi tên vào các hội đoàn đã có sẵn, miễn là phải giữ mối liên lạc cần thiết với giáo quyền 6. Nhưng cần phải tránh phân tán lực lượng do việc lập thêm những hội đoàn và những công cuộc mới khi không đủ lý do, hoặc cố giữ lại những hội đoàn không còn ích lợi hoặc giữ lại những phương thế đã lỗi thời. Cũng không phải luôn luôn thích hợp khi du nhập một cách bừa bãi những hình thức hội đoàn của các nước khác 7.
20. Công giáo tiến hành.
Từ vài chục năm nay, trong nhiều quốc gia, giáo dân càng ngày càng dấn thân vào hoạt động tông đồ. Họ qui tụ lại với nhau dưới nhiều hình thức hoạt động cũng như lập thành các hội đoàn. Những tổ chức này đã và đang theo đuổi những mục đích thuần túy tông đồ mà vẫn liên kết chặt chẽ với Hàng Giáo Phẩm. Trong số những tổ chức ấy cũng như cả các tổ chức tương tự đã có từ trước, đặc biệt phải nhắc đến những tổ chức dầu theo những tiêu chuẩn hoạt động khác nhau nhưng đã đem lại nhiều kết quả phong phú cho nước Chúa Kitô. Các Ðức Giáo Hoàng và một số đông các Giám Mục đã có lý khi tín nhiệm và cổ võ những tổ chức này và đặt cho danh hiệu Công Giáo Tiến Hành. Do đó những hoạt động ấy thường được diễn tả như một sự cộng tác của giáo dân vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm 8.
Những hình thức tông đồ này, dù mang danh hiệu Công Giáo Tiến Hành hay một danh hiệu nào khác, vẫn đang thực hiện một việc tông đồ quí giá ở thời đại chúng ta. Những tổ chức ấy phải hội đủ những yếu tố sau đây:
a) Mục đích trực tiếp của tổ chức này phải là mục đích tông đồ của Giáo Hội, nghĩa là rao truyền Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, và đào tạo cho con người một lương tâm Kitô giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào mọi cộng đoàn cũng như mọi lãnh vực của đời sống.
b) Trong khi cộng tác với Hàng Giáo Phẩm theo thể thức riêng của mình, người giáo dân đảm nhận trách nhiệm và đem kinh nghiệm riêng để điều hành các tổ chức này, tìm những điều kiện thích hợp cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội cũng như để soạn thảo và theo đuổi một chương trình hành động.
c) Người giáo dân hoạt động liên kết với nhau như các cơ quan trong thân thể, điều đó dễ nói lên ý nghĩa cộng đoàn của Giáo Hội và làm cho việc tông đồ được hữu hiệu hơn.
d) Người giáo dân hoạt động dưới sự điều khiển của chính Hàng Giáo Phẩm, dù họ tự nguyện dấn thân, hoặc được mời hoạt động và cộng tác trực tiếp vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm. Hàng Giáo Phẩm có thể thừa nhận sự cộng tác này bằng sự "ủy nhiệm" minh nhiên.
Những đoàn thể nào mà giáo quyền xét thấy hội đủ những yếu tố vừa kể đều được coi là Công Giáo Tiến Hành, mặc dù những tổ chức đó mang những hình thức và danh hiệu khác nhau tùy theo đòi hỏi của từng địa phương và của mỗi dân tộc.
Thánh Công Ðồng ân cần giới thiệu những định chế này vì chắc chắn chúng đáp ứng đúng những đòi hỏi của việc tông đồ của Giáo Hội trong nhiều quốc gia. Thánh Công Ðồng cũng kêu mời các linh mục hoặc giáo dân đang tham gia các hoạt động trên hãy thể hiện những tiêu chuẩn vừa kể mỗi ngày một hơn, và hãy luôn luôn lấy tình huynh đệ mà cộng tác với các hình thức tông đồ khác trong Giáo Hội.
21. Tôn trọng các đoàn thể tông đồ.
Mọi đoàn thể tông đồ phải được đánh giá đúng mức. Tuy nhiên, những đoàn thể tông đồ mà Hàng Giáo Phẩm, tùy theo đòi hỏi của từng địa phương và từng thời đại đã khen ngợi, giới thiệu và truyền lệnh thành lập như những đòi hỏi cấp bách hơn, những đoàn thể đó phải được các linh mục, các tu sĩ và các giáo dân coi là rất quan trọng và mỗi người phải cổ võ những đoàn thể đó tùy theo cách thế riêng của mình. Trong số những đoàn thể đó ngày nay đặc biệt phải kể đến những đoàn thể hay hiệp hội công giáo có tính cách quốc tế.
22. Giáo dân dấn thân phục vụ Giáo Hội với tước hiệu đặc biệt.
Thật đáng kính trọng và đặc biệt đề cao trong Giáo Hội những giáo dân, hoặc độc thân hoặc đã có gia đình, đang dấn thân và đem khả năng chuyên môn của mình phục vụ suốt đời hoặc một thời gian trong các tổ chức và hoạt động của các tổ chức ấy. Giáo Hội cũng rất vui mừng vì thấy càng ngày càng tăng số giáo dân phục vụ trong các đoàn thể hoặc trong các công cuộc tông đồ ở lãnh vực quốc gia mình cũng như trên địa hạt quốc tế và nhất là trong các cộng đoàn công giáo nơi các xứ truyền giáo và ở những Giáo Hội mới thành hình.
Các vị Chủ Chăn của Giáo Hội hãy sẵn sàng đón nhận và biết ơn những giáo dân này và phải lo cho họ có thật đầy đủ điều kiện do đức công bình, liêm chính và đức bác ái đòi hỏi, nhất là lo trợ cấp cho họ và cả gia đình họ để họ có được một đời sống xứng đáng. Ngoài ra còn phải lo cho họ được huấn luyện đầy đủ cũng như được trợ giúp và khích lệ về mặt thiêng liêng.
Chương V: Thống Phải Theo 11*
23. Nhập đề.
Việc tông đồ của giáo dân, cá nhân hay tập thể, phải được đặt vào đúng chỗ trong công cuộc tông đồ của toàn thể Giáo Hội. Hơn nữa, điều cốt yếu của việc tông đồ Kitô giáo là liên kết với những người đã được Chúa Thánh Thần đặt lên cai trị Giáo Hội Chúa (x. CvTđ 20,28). Vả lại, việc cộng tác giữa các tổ chức tông đồ khác nhau cũng cần thiết và phải được Hàng Giáo Phẩm điều hành thích đáng.
Vì muốn cổ võ tinh thần hiệp nhất để bác ái huynh đệ nổi bật lên trong mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội, để đạt được những mục đích chung cũng như để tránh những cạnh tranh nguy hại, cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau và sự phối hợp thích đáng giữa các tổ chức tông đồ trong Giáo Hội, miễn là đặc tính riêng của mỗi tổ chức vẫn được duy trì 1.
Ðiều đó rất thích hợp mỗi khi có công tác đặc biệt nào trong Giáo Hội đòi phải có sự hòa hợp và cộng tác vào việc tông đồ giữa hai hàng giáo sĩ dòng triều, giữa tu sĩ và giáo dân.
24. Liên lạc với hàng Giáo phẩm.
Bổn phận của Hàng Giáo Phẩm là phải hỗ trợ cho hoạt động tông đồ của giáo dân: đề ra những nguyên tắc và giúp các phương tiện thiêng liêng. Phải phối hợp việc tông đồ của họ để sinh ích chung cho cả Giáo Hội. Hàng Giáo Phẩm cũng phải lo cho giáo thuyết và những chỉ thị của Giáo Hội được tuân hành.
Có nhiều thể thức liên lạc giữa việc tông đồ giáo dân với Hàng Giáo Phẩm tùy theo hình thức và mục tiêu của mỗi hoạt động tông đồ.
Trong Giáo Hội quả thực có nhiều công cuộc tông đồ do giáo dân có sáng kiến thành lập và khôn khéo điều hành. Nhờ những tổ chức tông đồ như thế, trong nhiều hoàn cảnh, Giáo Hội có thể chu toàn sứ mệnh của mình cách tốt đẹp, và do đó Hàng Giáo Phẩm thường ca ngợi và cổ võ các tổ chức đó 2. Nhưng không một sáng kiến nào được lấy danh nghĩa công giáo nếu không có sự ưng thuận của giáo quyền hợp pháp.
Có một số tổ chức tông đồ giáo dân, dưới hình thức này hay hình thức khác, đã được giáo quyền công khai chấp nhận.
Ngoài ra vì nhu cầu ích chung của Giáo Hội, giáo quyền có thể lựa chọn và cổ võ cách đặc biệt một vài tổ chức trong số những tổ chức hay hiệp hội tông đồ có sẵn, trực tiếp nhằm mục đích thiêng liêng và giáo quyền cũng nhận trách nhiệm đốivới những tổ chức đó. Như thế, khi tổ chức công việc tông đồ tùy theo cách thức khác cho hợp với hoàn cảnh, Hàng Giáo Phẩm liên kết chặt chẽ hơn một hình thức tông đồ giáo dân nào đó với phận vụ tông đồ của mình, tuy nhiên vẫn giữ nguyên vẹn bản chất và sự khác biệt giữa hai bên. Giáo dân do đấy vẫn còn khả năng cần thiết để được tự do hành động theo sáng kiến riêng của họ. Trong nhiều văn kiện của Giáo Hội hành động trên đây của Hàng Giáo Phẩm được gọi là ủy nhiệm.
Sau hết, Hàng Giáo Phẩm còn trao phó cho giáo dân một vài phận vụ liên quan mật thiết hơn với nhiệm vụ của chủ chăn như việc dạy giáo lý, thi hành một vài động tác phụng vụ, hay việc chăm sóc các linh hồn. Chính do việc ủy nhiệm này, người giáo dân, khi thi hành nhiệm vụ, phải hoàn toàn tuân phục sự điều khiển của cấp trên trong Giáo Hội.
Về những vấn đề liên hệ tới những công cuộc và những định chế thuộc lãnh vực trần thế, Hàng Giáo Phẩm có nhiệm vụ phải chính thức giảng dạy và giải thích những nguyên tắc luân lý phải theo trong địa hạt này. Một khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và bàn hỏi với các nhà chuyên môn, Hàng Giáo Phẩm có quyền thẩm định công cuộc này hay định chế kia là phù hợp hay không phù hợp với các nguyên tắc luân lý và phán quyết những gì phải làm để bảo vệ và cổ võ những lợi ích thuộc lãnh vực siêu nhiên.
25. Hàng giáo sĩ phải giúp đỡ việc tông đồ giáo dân.
Các Giám Mục, các cha sở, các linh mục dòng triều phải nhớ rằng quyền và bổn phận làm tông đồ là chung cho tất cả mọi tín hữu không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và trong việc xây dựng Giáo Hội, giáo dân cũng có phần riêng của họ 3. Vì thế các ngài phải cùng với giáo dân làm việc trong Giáo Hội và cho Giáo Hội với tình huynh đệ, cũng như phải đặc biệt để tâm lo cho giáo dân trong khi họ làm việc tông đồ 4.
Các linh mục được đề cử giúp đỡ các tổ chức tông đồ đặc biệt của giáo dân phải là người có khả năng và được huấn luyện đầy đủ 5. Các linh mục này, vì nhận trách nhiệm do Hàng Giáo Phẩm, nên trong lúc hoạt động, các ngài là đại diện của Hàng Giáo Phẩm trong chính hoạt động mục vụ của mình. Luôn luôn trung thành với tinh thần và giáo lý của Giáo Hội, các ngài phải làm cho giữa giáo dân và Hàng Giáo Phẩm có những liên lạc thích đáng. Các ngài phải ra sức nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và tình thần tông đồ nơi các đoàn thể công giáo đã được trao phó cho các ngài. Các ngài phải hiện diện trong hoạt động tông đồ của các đoàn thể đó bằng ý kiến khôn ngoan và cổ võ những sáng kiến của chúng. Qua những tiếp xúc thường xuyên với giáo dân, các ngài phải chú tâm tìm kiếm xem những hình thức nào đem lại kết quả hơn cho hoạt động tông đồ. Các ngài phải cổ võ tinh thần hiệp nhất ngay trong đoàn thể mình phụ trách cũng như giữa đoàn thể này với các đoàn thể bạn.
Sau hết, các tu sĩ nam nữ phải quý trọng các hoạt động tông đồ của giáo dân. Theo tinh thần và nội qui của mỗi dòng tu, họ cũng nên sẵn sàng giúp phát triển các hoạt động tông đồ giáo dân 6. Họ còn phải ân cần nâng đỡ, trợ lực và bổ túc các công việc của linh mục.
26. Vài hình thức cộng tác.
Trong mỗi giáo phận, phải hết sức liệu sao cho có những hội đồng cố vấn gồm các giáo sĩ, tu sĩ cùng cộng tác thích hợp với giáo dân để giúp cho hoạt động tông đồ của Giáo Hội hoặc trong việc rao truyền Phúc Âm và thánh hóa, hoặc trong các công cuộc từ thiện bác ái, xã hội hay các hoạt động khác. Những hội đồng cố vấn này có thể giúp phối hợp hoạt động của các hội đoàn cũng như của các công cuộc tông đồ của giáo dân đang khi vẫn tôn trọng bản chất riêng và quyền tự trị của mỗi hội đoàn 7.
Nếu có thể, cũng nên thiết lập những hội đồng cố vấn như thế ở cấp độ giáo xứ, liên giáo xứ, liên giáo phận và ngay cả trên bình diện quốc gia hay quốc tế 8.
Hơn nữa, phải thiết lập bên cạnh Tòa Thánh một văn phòng đặc trách hỗ trợ và cổ võ hoạt động tông đồ giáo dân 12*. Văn phòng này được coi như Trung Ương có đủ phương tiện thích ứng để thông báo những tin tức về những sáng kiến tông đồ của giáo dân, đồng thời nghiên cứu những vấn đề thời đại trong địa hạt này hầu giúp ý kiến cho Hàng Giáo Phẩm và cho chính các giáo dân đang dấn thân trong hoạt động tông đồ. Các phong trào và các tổ chức tông đồ giáo dân hiện có khắp thế giới phải được coi như những thành phần của văn phòng này, trong đó có cả giáo sĩ, tu sĩ cùng cộng tác với giáo dân.
27. Cộng tác với anh em Kitô giáo và ngoài Kitô giáo.
Vì cùng chung một gia sản là Phúc Âm và do đó cùng chung một bổn phận là làm chứng cho Chúa Kitô, người công giáo nên và thường phải cộng tác với các Kitô hữu khác, hoặc cá nhân với cá nhân, hoặc giữa các cộng đoàn Giáo Hội trong các hoạt động cũng như trong các hội đoàn trên bình diện quốc gia hay quốc tế 9.
Vì cùng chung những giá trị nhân bản, nên người Kitô hữu đang theo đuổi mục đích tông đồ cũng thường phải cộng tác với những người tuy không theo Kitô giáo 13*, nhưng cũng nhìn nhận những giá trị nhân bản đó.
Nhờ sự cộng tác năng động và khôn ngoan này 10, sự cộng tác có tầm quan trọng đặc biệt trong các hoạt động thuộc lãnh vực trần thế, người giáo dân làm chứng cho Chúa Kitô, Ðấng Cứu Chuộc thế giới và làm chứng cho tình đoàn kết đại đồng của cả gia đình nhân loại.
Chương VI: Huấn Luyện Làm Tông Ðồ
28. Cần huấn luyện để làm việc Tông đồ.
Việc tông đồ chỉ đạt tới kết quả mỹ mãn nhờ việc huấn luyện đầy đủ và chuyên biệt. Sở dĩ đòi hỏi phải được huấn luyện chu đáo như thế không những vì người giáo dân phải tiến bộ liên tục về đời sống thiêng liêng và về giáo lý, mà họ còn phải thích nghi trong khi hoạt động với những hoàn cảnh khác biệt tùy theo thực tại, nhân sự cũng như tùy theo nhiệm vụ. Việc huấn luyện này phải dựa trên những nền tảng đã được Thánh Công Ðồng đề xướng và công bố trong nhiều văn kiện khác 1. Ngoài việc huấn luyện chung cho mọi tín hữu, còn phải có thêm lớp huấn luyện chuyên biệt cho một vài đoàn thể tông đồ có nhiều đoàn viên và hoàn cảnh khác nhau.
29. Những nguyên tắc của việc huấn luyện.
Vì giáo dân cũng được tham dự vào sứ mệnh của Giáo Hội theo thể thức riêng của họ, nên việc huấn luyện cho họ làm tông đồ phải căn cứ trên tính chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa lòng đời, và phải đặc biệt thích nghi với đời sống thiêng liêng của họ.
Việc huấn luyện để làm tông đồ cũng bao hàm việc huấn luyện toàn diện con người cho phù hợp với nhân cách và hoàn cảnh của mỗi người. Thực vậy, giáo dân nhờ việc hiểu biết thấu đáo về thế giới hiện đại, họ phải là một phần tử thích nghi với xã hội và với nền văn hóa riêng của họ.
Nhưng tiên vàn, người giáo dân phải học sao cho biết chu toàn sứ mệnh của Chúa Kitô và của Giáo Hội bằng sống đức tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa sáng tạo và cứu chuộc dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, vì Thánh Thần là Ðấng làm cho Dân Chúa được sống, Ðấng thôi thúc mọi người yêu mến Thiên Chúa Cha cũng như mến yêu thế giới và nhân loại trong Ngài. Việc huấn luyện như thế phải được coi là căn bản và là điều kiện cho mọi hoạt động tông đồ có hiệu quả.
Ngoài việc huấn luyện về đời sống thiêng liêng, còn phải huấn luyện vững chắc về giáo lý, ngay cả về thần học, luân lý, triết học tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh và khả năng. Cũng không thể coi thường việc giáo dục văn hóa tổng quát cũng như đào tạo về kỹ thuật và thực hành.
Ðể việc giao tế với người khác được tốt đẹp, cần phải phát huy những giá trị nhân bản thực, nhất là cách sống chung thân thiện, cộng tác và đối thoại với mọi người.
Bởi vì việc huấn luyện tông đồ không phải chỉ hệ tại việc huấn luyện về lý thuyết, nhưng phải dấn thân trọng tập cho người giáo dân, ngay từ bước đầu dưới ánh sáng đức tin, đồng thời trong khi hành động, biết tự luyện và nên hoàn thiện cùng với người khác. Ðược như vậy họ sẽ phục vụ Giáo Hội một cách tích cực 2. Việc huấn luyện này cần phải được hoàn hảo luôn mãi vì con người ngày một trưởng thành và vì những vấn đề luôn luôn biến đổi. Chính vì thế việc huấn luyện đòi hỏi một kiến thức mỗi ngày một sâu rộng, cũng như một hành động luôn luôn thích nghi. Ðể thỏa mãn những đòi hỏi muôn mặt trong việc huấn luyện, phải luôn lưu tâm tới tính cách duy nhất và toàn vẹn của con người để duy trì và gia tăng sự hòa hợp và thế quân bình nơi họ.
Như thế, người giáo dân mới dấn thân vào chính thực tại của trật tự trần thế một cách tích cực và sâu xa cũng như đảm đương vai trò của mình trong việc điều hành trật tự trần thế một cách hữu hiệu. Ðồng thời, như một phần tử sống động và là chứng nhân của Giáo Hội, họ làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động ngay giữa lòng trần thế 3.
30. Người chịu trách nhiệm huấn luyện.
Việc huấn luyện làm tông đồ phải bắt đầu ngay từ lúc mới giáo dục các trẻ em. Nhưng đặc biệt phải tập cho các thanh thiếu niên biết làm tông đồ và thấm nhuần tinh thần này. Việc huấn luyện này còn phải được tiếp tục trong suốt đời chúng tùy theo đòi hỏi của những trách nhiệm mới mà chúng lãnh nhận. Vậy những ai có trách nhiệm trong việc giáo dục Kitô giáo hẳn nhiên là phải coi trọng bổn phận huấn luyện tông đồ này.
Trong gia đình, bậc cha mẹ phải lo dạy cho con cái ngay từ khi còn thơ ấu nhận biết tình thương yêu thương của Thiên Chúa đối với hết mọi người, và dần dần, nhất là bằng gương sáng, phải dạy cho chúng biết lo lắng đến những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của người lân cận. Như vậy toàn thể gia đình và đời sống chung của gia đình phải nên như trường huấn luyện đầu tiên cho việc tông đồ.
Hơn nữa, trẻ em cần phải được giáo dục sao để vượt khỏi phạm vi gia đình, cho chúng biết nghĩ tới các cộng đoàn khác như Giáo Hội và xã hội. Chúng phải được tham dự vào đời sống cộng đoàn giáo xứ nơi chúng đang sống thế nào để cho chúng ý thức được mình là một thành phần sống động và hoạt động của toàn thể Dân Thiên Chúa. Các linh mục phải luôn nhớ đến việc huấn luyện tông đồ này trong khi giảng dạy giáo lý, trong các bài giảng, trong việc coi sóc linh hồn cũng như trong tất cả mọi hoạt động mục vụ khác.
Các trường học, các trường cao đẳng, các học viện công giáo nhằm mục đích giáo dục cũng có bổn phận phải giáo dục cho giới trẻ tinh thần công giáo và hoạt động tông đồ. Nếu thiếu việc huấn luyện này, hoặc vì thanh thiếu niên không học ở trường đó, hoặc vì một lý do nào khác, bậc cha mẹ và các vị chủ chăn cũng như các hội đoàn lại càng có bổn phận phải quan tâm đến vấn đề huấn luyện này. Do chức nghiệp và phận sự, các thầy dạy và các nhà giáo dục thực hành việc tông đồ giáo dân dưới một hình thức cao cả, do đó họ phải hấp thụ nền giáo lý cần thiết và phải thông thạo cao cả, do đó họ phải hấp thụ nền giáo lý cần thiết và phải thông thạo về khoa sư phạm để có thể giáo dục cách hữu hiệu.
Cả những tập thể hay các hội đoàn giáo dân, hoặc nhằm mục đích tông đồ hay nhằm những mục đích siêu nhiên nào khác, cũng phải tùy theo mục tiêu và phương thế riêng của mình mà chuyên cần hỗ trợ cho việc huấn luyện tông đồ này 4. Chính những tổ chức này thường là đường lối thông thường thích hợp cho việc huấn luyện làm tông đồ. Quả thật chính trong những tổ chức ấy người ta thấy có việc huấn luyện về giáo lý, về đời sống thiêng liêng và cả về thực hành. Cùng với những bạn hữu hay với các đồng chí hợp thành tiểu tổ, các đoàn viên của những tổ chức này kiểm điểm về những phương pháp, kết quả của hoạt động tông đồ của mình và cùng nhau đem đời sống hằng ngày của mình đối chiếu với Phúc Âm.
Việc huấn luyện này phải được tổ chức thế nào để bao gồm tất cả hoạt động tông đồ của người giáo dân. Vì không những họ hoạt động tông đồ giữa những tiểu tổ của các đoàn thể, mà còn phải hoạt động suốt đời trong mọi hoàn cảnh nhất là trong đời sống nghề nghiệp và trong đời sống xã hội. Hơn nữa, mỗi người giáo dân phải tích cực chuẩn bị để làm tông đồ. Việc chuẩn bị này càng cấp bách ở tuổi trưởng thành. Thực vậy càng lớn lên, trí khôn càng mở mang, vì thế mỗi người có thể khám phá thêm những tài năng Thiên Chúa phú bẩm cho, cũng như có thể sử dụng hữu hiệu hơn những đoàn sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho để mưu ích cho các anh em mình.
31. Thích ứng việc huấn luyện với từng hình thức hoạt động tông đồ.
Những hình thức hoạt động tông đồ khác nhau cũng đòi hỏi một sự huấn luyện đặc biệt tương ứng:
a) Ðối với việc tông đồ nhằm rao truyền Phúc Âm và thánh hóa mọi người, người giáo dân phải được huấn luyện đặc biệt để có thể đối thoại với người khác, với những người có đức tin hay với những người không tin, để bày tỏ sứ điệp Chúa Kitô cho mọi người 5.
Vì ở thời đại chúng ta, duy vật chủ nghĩa dưới mọi hình thức đang lan tràn khắp nơi, ngay cả giữa những người công giáo, nên người giáo dân không những phải chuyên cần học hỏi giáo lý công giáo, đặc biệt là những vấn đề đang được đem ra tranh luận, mà họ còn phải làm chứng bằng một đời sống Phúc Âm để chống lại với bất cứ hình thức duy vật chủ nghĩa nào.
b) Về việc cải tạo trật tự trần thế theo tinh thần Kitô giáo, người giáo dân phải được học hỏi về ý nghĩa đích thực và về những giá trị của những của cải trần gian, hoặc căn cứ ở chính những của cải ấy, hoặc căn cứ vào liên lạc giữa chúng với mọi mục đích của con người. Họ cũng phải được tập luyện để sử dụng đúng những của cải trần thế và biết tổ chức các cơ cấu, mà vẫn luôn luôn để ý đến công ích theo những nguyên tắc của học thuyết luân lý và xã hội của Giáo Hội, nhất là giáo dân phải lãnh hội những nguyên tắc và những áp dụng của học thuyết xã hội này để có khả năng không những góp phần vào việc phát triển học thuyết đó mà còn áp dụng đúng đắn học thuyết đó vào từng trường hợp cá biệt 6.
c) Vì những công cuộc bác ái và từ thiện là một bằng chứng hùng hồn về đời sống Kitô giáo, nên việc huấn luyện tông đồ cũng cần phải khuyến khích thực hiện những công cuộc đó, để các đồ đệ của Chúa Kitô, ngay từ thiếu thời, đã biết chia sẻ nỗi đau khổ của người anh em mình và rộng lòng giúp đỡ những anh em thiếu thốn 7.
32. Phương thế huấn luyện.
Người tông đồ giáo dân hiện nay có nhiều phương thế, chẳng hạn: những khóa học tập, những kỳ đại hội, những cuộc tĩnh tâm, linh thao, những buổi họp mặt thường xuyên, những buổi thuyết trình cũng như sách báo và những sách giải thích: tất cả đều là những phương thế giúp họ trau giồi thêm kiến thức về Thánh Kinh cũng như về giáo lý công giáo, giúp họ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cũng như giúp họ hiểu biết những hoàn cảnh sống của thế giới để khám phá và sử dụng những phương pháp thích ứng nhất 8.
Những phương thế huấn luyện này được sử dụng tùy theo các hình thức hoạt động tông đồ khác nhau cũng như tùy môi trường hoạt động.
Có nhiều trung tâm và nhiều viện cao đẳng cũng được thiết lập nhằm mục đích huấn luyện này đã đem lại nhiều kết quả mỹ mãn.
Thánh Công Ðồng hoan hỷ vì thấy những sáng kiến như thế đang thịnh hành nhiều nơi và mong muốn thấy người ta thiết lập những cơ sở như thế ở những nơi đang cần thiết.
Hơn nữa Thánh Công Ðồng cũng cổ võ sự thiết lập những trung tâm thu thập tài liệu và nghiên cứu cho hết mọi hoạt động tông đồ, không những về khoa thần học mà cả về các khoa học khác như nhân chủng học, tâm lý học, xã hội học, phương pháp học, để phát triển tài năng của giáo dân nam cũng như nữ, giới trẻ cũng như giới trưởng thành.
Lời Kêu Gọi
33. Vậy Thánh Công Ðồng nhân danh Chúa hết sức kêu mời
tất cả các giáo dân, hưởng ứng sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hãy mau mắn, đại độ và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô, Ðấng giờ đây đang tha thiết mời gọi họ. Ước gì giới trẻ hiểu rằng lời mời gọi này được đặc biệt gởi tới họ và ước gì họ vui mừng và quảng đại đón nhận. Quả thật chính Chúa một lần nữa nhờ Thánh Công Ðồng này, mời gọi tất cả các giáo dân hãy kết hợp với Người ngày một mật thiết hơn và nhận thức được những gì của Người cũng là của chính mình (x. Ph 2,5), họ hãy tham gia vào sứ mạng cứu rỗi của chính Người và một lần nữa Người sai họ đi tới các thành và những nơi Người sẽ đến (x. Lc 10,1). Như thế giáo dân hãy chứng tỏ mình là cộng tác viên của Chúa, cộng tác vào cùng một công cuộc tông đồ của Giáo Hội bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau. Những cộng tác viên phải luôn luôn thích nghi với những đòi hỏi mới của thời đại và không ngừng ra sức phục vụ Chúa bởi biết rằng khó nhọc của mình không phải là uổng phí trong Người (x. 1Cor 15,58).
Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.
Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 18 tháng 11 năm 1965.
Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.
======================
1* Công Ðồng trình bày tổng quát những lý do thuộc bình diện lý thuyết và những hoàn cảnh khiến cho hoạt động tông đồ giáo dân cần thiết và cấp bách:
- Sự đòi hỏi của ơn gọi Kitô hữu, như các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đã minh chứng điều đó.
- Sự phát triển dân số, tiến bộ khoa học và sự biệt lập của những thực tại trần thế có thể tạo nguy hiểm cho đời sống Kitô hữu.
- Tình trạng thiếu thợ tông đồ làm cho việc tông đồ giáo dân trở nên khẩn thiết hơn.
1 Xem Gioan XXIII, Tông Hiến Humanae Salutis, 25-12-1961: AAS 54 (1962), trg 7-10.
2 Xem CÐ Vat. II, Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, số 33tt: AAS 57 (1965), trg 39tt. - Xem thêm Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, số 26-40: AAS 56 (1964), trg 107-111. - Xem Sắc Lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội: ASS 56 (1964), trg 145-153. - Xem Sắc Lệnh về Hiệp Nhất: AAS 57 (1965), trg 90-107. - Xem Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội, số 16, 17, 18. - Xem Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, số 3, 5, 7.
3 Xem Piô XII, Huấn từ ad Cardinales, 18-2-1946: AAS 38 (1946), trg 101-102. - N.t. bài giảng ad Juvenes Operatos Catholicos, 25-8-1957: AAS 49 (1957), trg 834.
1 Xem Piô XI, Tđ Rerum Ecclesiae: AAS (1926), trg 65.
2* Là nhiệm thể của Chúa Kitô, Ðấng vừa là Linh Mục, vừa là Vua, vừa là ngôn Sứ. Giáo Hội trở thành một cộng đồng tư tế, vương giả và ngôn sứ. Trong đó, có chức linh mục cộng đồng và chức linh mục thừa tác. Chức linh mục thừa tác được dành riêng cho hàng giáo phẩm và cho các ngài quyền tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô trong chức thánh.
Gọi là chức linh mục cộng đồng vì tất cả các tín hữu (giáo dân hay giáo sĩ thuộc hàng giáo phẩm) đều được tham dự vào nhờ phép Rửa Tội. Sự tham dự này cho mọi tín hữu khả năng tự mình dâng lên Chúa lễ tế Thánh Thể, nhờ tay linh mục thừa tác cũng như họ có thể kết hợp với lễ vật hy sinh là Chúa Kitô trong khi rước lễ, và như vậy được dâng chính mình lên như lễ thiêng liêng cho Thiên Chúa. Các tín hữu cũng tham dự quyền vương giả của Chúa Kitô nhờ phép Rửa Tội và Thêm Sức. Quyền vương giả cho họ sức mạnh tinh thần để chế ngự bản tính riêng của họ, bắt nó tùng phục quyền bính Thiên Chúa để chinh phục mọi người cho Nước Trời và chiếu sáng tinh thần Phúc Âm trong lãnh vực trần thế.
Sau cùng, các tín hữu cũng tham dự quyền ngôn sứ. Mọi tín hữu có quyền làm chứng cho Chúa Kitô bằng lời nói và bằng chính đời sống Kitô hữu.
2 Xem CÐ Vat. II. Hiến Chế tín lý về Giáo Hội số 31: AAS 57 (1965), trg 37.
3 Xem n.v.t. số 33, trg 39; x. thêm số 10, trg 14.
3* Ðối với giáo dân, việc tông đồ là bổn phận thiết thực phát sinh do đòi hỏi ơn gọi Kitô hữu. Bổn phận tông đồ này không tùy thuộc những hoàn cảnh như thiếu linh mục hay tình trạng xã hội đang mất đạo, mặc dầu những hoàn cảnh đó có thể khiến cho hoạt động tông đồ giáo dân khẩn thiết hơn.
Ơn gọi làm tông đồ phát sinh từ bí tích Tửa Tội và Thêm Sức; và do đức ái mà Chúa Thánh Thần đổ tràn trong tâm hồn, các tín hữu được thúc đẩy giúp mọi người tham dự vào cuộc sống của Thiên Chúa.
Ðể thực thi việc tông đồ này, người tín hữu dựa vào ân sủng của các bí tích mà họ đã lãnh nhận cũng như vào các đoàn sủng ban cho mỗi người, vì mưu ích cho toàn thể Giáo Hội. Các đoàn sủng có thể là khác thường như ơn nói tiếng lạ hay ơn nói tiên tri, hoặc thông thường như sự trực giác các chân lý của Chúa hay tài năng khôn ngoan để hướng dẫn các linh hồn.
4 Xem n.v.t. số 12, trg 16.
5 Xem CÐ Vat. Vat. II Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh ch I số 11: AAS 56 (1964) trg 102-103.
6 Xem CÐ Vat. II Hiến Chế tín lý về Giáo Hội số 32: AAS 57 (1965) trg 38: x. thêm số 40-41, trg 45-47.
4* Ở đây, Sắc Lệnh đã đưa ra những nguyên tắc để huấn luyện đời sống tinh thần và cá nhân của các giáo dân làm việc tông đồ:
- Hiệp nhất với Chúa Kitô, nguồn mạch và nguyên nhân việc tông đồ của Giáo Hội; thánh hóa đời sống gia đình: thánh hóa những lo âu trần thế hay phàm tục. Mọi sự đều có giá trị riêng của nó và đời sống đạo đức của giáo dân đời họ không được khinh chê những thứ đó.
- Suy gẫm lời Chúa và bác ái với tha nhân là những nhân đức sẽ đem lại kết quả phong phú cho việc tông đồ giáo dân.
- Ngoài những nhân đức chung nói trên, phải thêm nhưng nhân đức riêng biệt do hoàn cảnh sống của mỗi người: đời sống vợ chồng gia đình, độc thân hay góa bụa, tình trạng ốm đau...
7 Xem n.v.t. số 62, trg 63; x. thêm số 65, trg 64-65.
5* Công đồng nêu lên nguyên tắc hướng dẫn tổng quát cho việc tông đồ này: trật tự siêu nhiên và tự nhiên, tuy vẫn phân biệt nhau, nhưng cùng hợp nhất trong một ý định của Thiên Chúa, là Ngài muốn qui tụ toàn thế giới trong Chúa Kitô, và chính do ý định này mà hoạt động tông đồ giáo dân cần thiết có mặt trong lãnh vực trần tục.
Ðức Phaolô VI, vào ngày 3 tháng Giêng năm 1964, đã nói với những người tốt nghiệp khóa "Công Giáo Tiến Hành": "Chúng con phải ý thức về hai xã hội khác biệt nhau này, chúng luôn đi đôi với nhau và liên hệ với nhau. Và chính khi chúng con nhìn nhận cả hai quyền hành này, quyền của Giáo Hội và quyền của trần gian, mà chức vụ của chúng con được phát triển... chúng con trở nên chứng nhân Kitô giáo trong lãnh vực nghề nghiệp của chúng con và là công dân gương mẫu trong đời sống công giáo".
1 Xem Piô XI. Tđ Ubi arcano, 23-12-1922: AAS 14 (1922) trg 659. - Piô XII, Tđ Summi pontificatus, 20-10-1939: AAS 31 (1939), trg 442-443.
6* Ðể bảo đảm giá trị ơn gọi trần thế của người giáo dân, Công Ðồng đã nhắc lại những nguyên tắc nền tảng của giá trị trần thế. Ðã từ lâu, nhiều Kitô hữu và trường phái tu đức tỏ ra coi thường những giá trị nhân bản, và thường họ chỉ đánh giá của cải vật chất như những phương tiện giúp cho việc cứu rỗi cũng như cho mục đích siêu nhiên của người Kitô hữu.
Công Ðồng xác định rằng những tài sản của đời sống và gia đình, nền văn hóa, kinh tế, chánh trị, hay những liên lạc quốc tế v.v... đều có những giá trị riêng của chúng do ý muốn của chính Thiên Chúa (x. MV 36).
Nhưng bậc thang giá trị đúng đắn đòi hỏi rằng những tài sản vật chất ấy, thay vì trở nên thần tượng hay những ông chủ độc tài của con người, phải tùy phục vài lý trí con người cũng như vào những nguyên tắc của đời sống luân lý. Vì chưng, do sự liên lạc mật thiết với nhân phẩm con người mà những tài sản vật chất ấy giữ giá trị của chúng.
2 Xem Leô XIII. Tđ Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), trg 647. - Piô XI, Tđ Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), trg 190. - Piô XII, Nuntius radiophonicus, 1-6-1941: AAS 33 (1941), trg 207.
7* Hoạt động bác ái nằm trong lãnh vực siêu nhiên và trần thế, vì thế tự nó, hoạt động tông đồ giáo dân luôn bao hàm hoạt động bác ái. Tuy nhiên hoạt động bác ái này vẫn luôn có đặc tính thúc đẩy tự nhiên trong mọi lãnh vực, và điều này chứng tỏ cách đặc biệt tinh thần của Chúa Kitô.
3 3 Xem Gioan XXIII, Tđ Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 402.
4 Xem n.v.t. trg 440-441.
5 Xem n.v.t. trg 442-443.
6 Xem Piô XII, Huấn từ ad Pax Romana MIIC, 25-4-1957: AAS 49 (1957), trg 298-299. Và nhất là Gioan XXIII, ad Conventum Consilii "Food and Agriculture Organisation" (F.A.O.), 10-11-1959: AAS 51 (1959), trg 856,866.
8* Ở đây Sắc Lệnh nói đến tinh thần hoạt động phổ quát của việc tông đồ giáo dân. Chính tinh thần này đã đem lại nhiều cảm hứng cho Hiến Chế về Giáo Hội. Tầm hoạt động tông đồ sẽ không giới hạn ở giáo xứ, trong giáo phận hay nơi quốc gia nào.
Tính cách phổ quát này của việc tông đồ giáo dân có nền tảng ở sự ý thức hơn về Giáo Hội như Nhiệm Thể mà Kitô hữu là những chi thể sống động, cũng như ý thức về sự thích ứng cần thiết của Giáo Hội đối với những hoàn cảnh hiện tại của thế giới ngày nay (x. số 10).
1 Xem Piô X. Tông thư Creationis duarum novarum paroeciarum, 1-6-1905: AAS 38 (1905), trg 65-67. - Piô XII, Huấn từ ad fides paroeciae S. Saba, 11-1-1953: Discorsi e Radiomessaggi di diocesi suburbicaria Albanesi, ad Arcem Gandulfi habita: 26-8-1962: AAS 54 (1962), trg 656-660.
2 Xem Leô XIII, Huấn từ 28-1-1894: Acia 14 (1894), trg 424-425.
3 Xem Piô XII, Huấn từ Ad parochos, etc... 6-2-1951: Discorsi e Radiomessaggi di S.S. Piô XII, 12 (1950-1951), trg 437-443; 8-3-1952: n.v.t. 14, (1952-1953), trg 5-10; 27-3-1953: n.v.t. 15 (1953-1954), trg 27-35; 28-2-1954: n.v.t. trg 585-590.
4 Xem Piô XI, Tđ Casti Connubii: AAS 22 (1930), trg 554, - Piô XII, Nuntius Radiophonicus, 1-1-1941: AAS 33 (1941), trg 203. - n.t. Delegatis ad conventum unionis internaltionalis sodalitatum ad iura familiar tuenda, 20-9-1949: AAS 41 (1949), trg 552. - n.t. Ad patresfamilias e Galia Romanperegrinantes, 18-9-1951: AAS 43 (1951), trg 731. n.t. Nuntius radiophonicus in Natali Domini 1952: AAS 45 (1953), trg 41. - Gioan XXIII, Tđ Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 429, 439.
5 Xem Piô XII, Tđ Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 514.
6 Xem Piô XII, Delegatis ad Conventum Unionis internationalis sodatiatum ad iura familiae tuenda, 20-9-1949: AAS 41 (1949), trg 552.
7 Xem Piô X, Huấn từ ad Catholicam Associationem Iuventutis Gallicae de pietate, scientia et actione, 25-9-1904: AAS 37 (1904-1905), trg 296-300.
8 Xem Piô XII, Thư Dans quelques semaines, gởi Ðức Tổng Giám Mục Montréal: de conventibus a iuvenibus operaiis christianis Canadiensibus indictis, 24-5-1947: AAS 39 (1947), trg 257. - Và sứ điệp truyền thanh Ad J.O.C. Bruxelles, 2-9-1950: AAS 42 (1950), trg 640-641.
9 Xem Piô XI, Tđ Quadragesimo anno, 15-5-1931: AAS 23 (1931), trg 225-226.
10 Xem Gioan XXIII, Tđ Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 448-450.
9* Tới đây, Sắc Lệnh tổng hợp hai hình thức hoạt động tông đồ giáo dân: cá nhân và tập thể. Các Nghị Phụ đã bàn cãi nhiều khi nói về Công Giáo Tiến Hành. Nhiều vị không muốn đề cập rõ về "Công Giáo Tiến Hành" hay một hình thức hội đoàn đặc thù nào khác, nhưng chỉ nói một cách tổng quát về các "hiệp đoàn". Trái lại có nhiều Nghị Phụ khác muốn dành một chương đặc biệt về Công Giáo Tiến Hành vì tầm quan trọng, sự cần thiết, bản tính, cơ cấu, sự điều hành của nó v.v... Cuối cùng, Thánh Công Ðồng chấp thuận một cách diễn tả dung hòa như chúng ta thấy ở Sắc Lệnh.
Trước hết Sắc Lệnh nói tới việc tông đồ cá nhân, kết quả tự nhiên của cuộc sống Kitô hữu thực sự thấm nhuần đức tin, cậy, mến. Việc tông đồ cá nhân này thực thi:
- bằng chứng tích đời sống Kitô giáo.
- bằng sự cộng tác như công dân của trần gian vào việc kiến tạo và điều hành trật tự trần gian: đời sống gia đình, nghề nghiệp, văn hóa và xã hội.
- bằng lời cầu nguyện riêng tư, việc đền tội, chấp nhận làm việc và chịu vất vả do cuộc sống để nên giống Chúa Kitô Ðau Khổ. Tất cả những nhân đức này giúp họ có khả năng đạt tới mọi người trong tinh thần tông đồ.
1 Xem Piô XII, Huấn từ ad Conventum ex Omnibus Gentibus Laicorum apostolatui provehendo, 14-10-1951: AAS 43 (1951), trg 788.
2 Xem Piô XII, Huấn từ ad I Conventum ex Gentibus Laicorum apostolatui provehendo, 14-10-1951: AAS 43 (1951), trg 787-788.
10* Tầm quan trọng của việc tông đồ tập thể. Việc tông đồ có tổ chưc rất thích hợp với bản tính xã hội của con người và với niềm tha thiết của Chúa là muốn thu thập mọi người tin vào Chúa Kitô thành Dân Thiên Chúa (x. 1P 2,5-10). Theo Sắc Lệnh các hội đoàn làm việc tông đồ cần phải có bốn đặc tính:
- Mục đích phải là rao giảng Phúc Âm và thánh hóa mọi người.
- Các hội đoàn phải cộng tác với hàng Giáo Phẩm, nhưng vẫn chịu trách nhiệm riêng.
- Hoạt động của các hội đoàn này phải có tính cách cộng đoàn.
- Hoạt động của giáo dân phải tùy thuộc vào sự hướng dẫn của hàng Giáo Phẩm.
3 Xem Piô XII, Tđ. Le Pèlerimage de Lourdes, 2-7-1957: AAS 49 (1957), trg 615.
4 Xem Piô XII, Huấn từ ad consilium Foederationals internationalis virorum catholicorum, 8-12-1956: AAS 49 (1957), trg 26-27.
5 Xem S.C. Concilii, Resolutio Corrienten, 13-11-1920: AAS 13 (1921), trg 139.
6 Xem đoạn sau, ch V, số 24.
7 Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 10-12-1959: AAS 51 (1959), trg 856.
8 Xem Piô XI, thư gởi cho Ðức Hồng Y Bestram, 13-11-1928: AAS 20 (1928), trg 385. - x. thêm Piô XII, Huấn từ ad A.C. Italicam, 4-9-1940: AAS 32 (1940), trg 362.
11* Sắc Lệnh đã nói tới nền tảng của nhân vị và cá nhân trong hoạt động tông đồ giáo dân, tới bản tính cộng đoàn và xã hội của Kitô hữu, tới óc sáng kiến và tinh thần tùng phục, tới việc tông đồ cá nhân và có tổ chức. Giờ đây Công Ðồng đưa ra một vài tiêu chuẩn để cho các khía cạnh tông đồ này, dầu bề ngoài có vẻ đối nghịch nhau, vẫn hòa hợp với nhau, dựa theo sự khôn ngoan cao đẹp và thánh thiện. Sắc Lệnh xác định rằng Giáo Hội không thể chấp nhận chủ nghĩa duy giáo sĩ hay duy giáo dân; hoặc duy pháp lý hay tình trạng vô trật tự. Tự do của con người và sáng kiến cá nhân phải hòa hợp nhau trong việc tìm kiếm công ích. Quyền bính là để phục vụ nhưng phục vụ qua việc điều khiển hướng dẫn. Vấn nạn trung ương tập quyền hay phân quyền giải quyết được nhờ sự kiện hàng Giáo Phẩm và giáo dân cùng theo đuổi một mục đích nhưng có chức vụ khác nhau với quyền lợi và bổn phận khác nhau.
Cũng thế, tinh thần đoàn thể không có nghĩa là tình trạng lộn xộn hay vô trật tự, nhưng là hành động có tổ chức nhắm tới ích chung. Về phía hàng Giáo Phẩm, các ngài nên có khuynh hướng tôn trọng sáng kiến giáo dân, nhất là trong những lãnh vực chuyên biệt của họ, làm sao cho tất cả mọi người đều tha thiết và lo lắng cho thành quả của việc tông đồ trong tinh thần hiệp thông và phục vụ. Ðây là những tiêu chuẩn hướng dẫn việc tông đồ giáo dân:
- Tông đồ giáo dân, cá nhân hay có tổ chức phải ăn nhập với hoạt động tông đồ của toàn thể Giáo Hội, để cho sự hiệp nhất với các mục tử trong Giáo Hội trở thành điều kiện cần thiết cho mọi hoạt động tông đồ.
- Sự cộng tác giữa các tổ chức khác nhau là điều cần thiết và cần được hàng Giáo Phẩm hướng dẫn.
- Sự kính trong lẫn nhau và sự phân phối xứng hợp trở nên như những điều kiện cấp bách cho việc cổ võ tinh thần hiệp nhất và bác ái huynh đệ. Công Ðồng nhắn nhủ tín hữu cần tránh mọi tinh thần tranh đua bất chính giữa các hội đoàn. Ðiều kiện này theo Sắc Lệnh, còn cần thiết hơn nếu có những tổ chức tông đồ giữa các linh mục triều và dòng, tu sĩ và giáo dân.
1 Xem Piô XI, Tđ Quamvis Nostra, 30-4-1936: AAS 28 (1936), trg 160-161.
2 Xem S.C. Concilii, Resolutio Corrienten, 13-11-1920: AAS 13 (1921), trg 137-140.
3 Xem Piô XII, Huấn từ ad II Conventum ex Omnibus Gentibus Laicorum apostilatui provehendo, 5-10-1957: AAS 49 (1957), trg 927.
4 Xem CÐ vat. II, Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, số 37: AAS 57 (1965), trg 42-43.
5 Xem Piô XII, Tông huấn Menti Nostrae, 23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 660.
6 Xem CÐ Vat. II, Sắc Lệnh về Canh tân thích nghi đời sống dòng tu, số 8.
7 Xem Benedictô XIV, De Synodo Diocesana c. I, III, ch. IX, số VII-VIII: Opera omnia in tomos XVII distributa, bộ XI (Prati 1844), trg 76-77.
8 Xem Piô XI, Tđ Quamvis nostra, 30-4-1936: AAS 28 (1936), trg 160-161.
12* Do tự sắc "Catholicam Christi Ecclesiam" ngày 6 tháng Giêng năm 1967, Ðức Phaolô VI chính thức thiết lập Hội Ðồng Giáo Dân và Ủy Ban Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình.
Ðây là một thực hiện cụ thể đối với những điều Công Ðồng đã trình bày ở số 26 của Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân và ở số 90 trong Hiến Chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.
9 Xem Gioan XXIII, Tđ Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 456-457. - Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Hiệp Nhất, số 12: AAS 57 (1965), trg 99-100.
13* Ðiều mà Công Ðồng thiết tha mong muốn là người giáo dân không nên sống riêng rẽ và khép kín với những người không cùng một đức tin như mình. Công Ðồng kêu gọi sự cộng tác "năng động" và "khôn ngoan" của chúng ta với mọi người thiện chí để cùng nhau thăng tiến và cổ võ những gì chân thật, công bằng, thánh thiện và đáng yêu quí (x. Ph 4,8; TÐ 14); và hãy luôn lưu tâm đến "những gì hiệp nhất hơn là chia rẽ".
10 Xem CÐ Vat. II, Sắclệnh về Hiệp Nhất, số 12: AAS 57 (1965), trg 100; x. thêm Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, số 5: AAS 57 (1965), trg 19-20.
1 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, ch II, IV, V: AAS 57 (1965), trg 12-21; 37-49. - x. thêm Sắc Lệnh về hiệp Nhất, số 4, 6, 7, 12: AAS 57 (1965), trg 94-96, 97, 99, 100. - x. thêm trên, số 4.
2 Xem Piô XII, Huấn từ ad IV Conferentiam internationalem "Boy-Scout", 6-6-1952: AAS 44 (1952), trg 579-580. - Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 456.
3 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 33: AAS 57 (1965), trg 39.
4 Xem Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 455.
5 Xem Piô XII, Tđ. Serium laetitae, 1-11-1939: AAS 31 (1939), trg 635-644. - Xem n.t., Ad "laureati" Act. cath. It, 24-5-1953: AAS 45 (1953), trg 413-414.
6 Xem Piô XII, Huấn từ ad Congressum universalem Foederationis mundialis juventutis femineae Catholicae, 18-4-1952: AAS 44 (1952), trg 414-419. Xem n.t. Huấn từ ad Associationem Christianam Operatiorum Italiae (X.C.I.I), 1-5-1955: AAS 47 (1955), trg 403-404.
7 Xem Piô XII, ad Delegatos Conventus Sodalitatum Caritatis, 27-4-1952: AAS 44 (1952), trg 470-471.
8 Xem Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 454.