Những Người Lữ Hành

TRÊN ĐƯỜNG HY VỌNG

Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận

LỜI MỞ

Con thân yêu, Trên đường hy vọng,

Xưa nay có nhiều người lữ hành.

Thuộc mọi giai cấp, mọi lứa tuổi,

Đủ mọi màu da, mọi thời đại.


Người đi trước con, người đang sát cánh con.

Mỗi cuộc đời là một huyền nhiệm,

Muôn nghìn nỗi gian truân thử thách;

ức triệu lòng dũng cảm kiên cường.


Trước gieo trong nước mắt,

Sau gặt trong hân hoan.

Lắm lúc cha chùn bước, nản lòng,

Nhưng nhìn gương họ, nghe tiếng họ,

Tâm hồn cha lại phấn khởi, tươi vui,

Và vững bước bên những bạn đường yêu quý.

Trong niềm yêu thương chan chứa,

Cha thuật lại cho con,


Bước đường của một số người lữ hành,

Cha đã biết và còn nhớ được,

Những người cha yêu mến nhất,

Cuộc đời họ đã in đậm nét vào quả tim cha.


Hãy nghe tiếng họ thúc giục con,

Hãy nhìn gương họ soi sáng con,

Rồi ngày ngày con sống

và làm cho người khác thích như con:


Sống cầu nguyện, sống cần lao,

Sống phó thác, sống dồi dào nội tâm,

Sống hiện tại, sống thanh bần,

Có Thánh Thể, có Thiên đàng trong con.


Tình yêu Chúa chẳng phai mòn,

ở đâu có Chúa không còn thiếu chi.

Ai dũng cảm hãy bước đi,

Giờ đây ta hãy thực thi Tin Mừng!


Tiến lên thanh thoát hân hoan,

Dưới chân Thánh giá Chúa đang đợi chờ,

Chúa trông con đó mỗi giờ,

Đây là nơi con dành cho Bạn Tình.


* * *

Này, người lữ khách hôm nay thân mến!

Nơi đây không cống hiến cho con,

Những lời khuyên lơn răn bảo,

Cũng không thay con suy ngắm.


Nhưng đây chỉ là những kinh nghiệm sống

Của các bậc Thánh và các người Thánh

“Những người lữ hành trên đường hy vọng”.

Họ có thật và họ sống thật!


* * *

Mong con hãy bình tâm suy niệm,

Để rút ra tia sáng,

Soi chiếu bước chân đi...


_______________________

1. RA ĐI

1. Cha kẻ tin.

* Abraham đã ra đi, vì hy vọng đến đất hứa. Maisen đã ra đi, vì hy vọng cứu dân Chúa khỏi nô lệ. Chúa Giêsu đã ra đi từ trời xuống đất, vì hy vọng cứu nhân loại (Đường Hy Vọng (ĐHV) 4).

* Đã ra đi phải bất chấp lưỡi thiên hạ đàm tiếu. Ba đạo sĩ ra đi, hy vọng gặp Chúa Cứu Thế, họ đã gặp; Phanxicô Xaviê ra đi, hy vọng cứu các linh hồn, ông đã gặp; Goretti ra đi, thoát cơn cám dỗ, hy vọng gặp Chúa, chị đã gặp (ĐHV 7).

Abraham là một người dân quê ở thành Ua thuộc xứ Canđê. Một ngày nọ, Thiên Chúa nói với ông: "Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, khỏi nhà của cha ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn"... (Stk 12,1-2). Abraham ra đi. Đâu là đất Chúa hứa? Làm sao trở thành một tổ phụ dân lớn với một bà vợ không con lại đã quá già rồi? ... Bao nhiêu câu hỏi đã được đặt ra, nhưng Abraham vẫn cứ ra đi, lao mình vào nơi vô định. Khi đã sinh được cậu con trai đầu lòng, Thiên Chúa lại phán: "Ngươi hãy đem con ngươi, đứa con một yêu dấu là Isaac, mà đi tới đất Môria và ở đó, hãy dâng nó làm của thượng hiến (Stk 22,2). Abraham, ruột đau như cắt vì quá yêu con, vẫn thắng lừa đặt con lên núi tế lễ Chúa.

Suốt đời ông là một cuộc thử thách không ngừng, nhưng ông vẫn hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, sẵn sàng nghe theo tiếng Chúa mọi nơi, mọi lúc. Bởi thế, ông được gọi là "Cha các kẻ tin" (Rm 4,11), người "tuyệt vọng mà vẫn một niềm hy vọng" (Rm 4,18).

2. Bước qua mình song thân.

* Tiến lên trên đường hy vọng, bất chấp những van nài "tan nát lòng" của tình thân thuộc cố tri, như Phaolô: "xiềng xích với gian nan đang chờ tôi"; như Chúa Giêsu: "này Thầy lên Giêrusalem để chịu nạn" (ĐHV 9).

* Không nhượng bộ, không phải là kiêu căng, tự ái hay ngoan cố. Không nhượng bộ là yêu thương quyết liệt lý tưởng của mình (ĐHV 15)

Chân phước Charles Cornay đã từ bỏ gia đình theo tiếng Chúa gọi. Một hôm, trên đường truyền giáo, lúc xe lửa dừng lại ở một ga gần làng của ngài, cha mẹ và tất cả anh chị em ngài đều ra đó để đón thăm. Vì quá thương con, cha mẹ ngài đã ngã lăn trên đường, ngăn cản không cho ngài đi tiếp. Cornay can đảm bước qua mình cha mẹ mà ra đi. Ngày 20.9.1837, ngài đã chịu Tử đạo với án lăng trì tại Sơn Tây, Bắc Việt.

3. Giáo Hoàng xuống biển.

* Chúa dắt con trên đường, để con ra đi, và thu được nhiều hoa trái". Đường ấy là "đường hy vọng", vì chan chứa hy vọng, vì "đẹp như hy vọng". Sao không hy vọng khi con đi với Chúa Giêsu, khi con về cùng Đức Chúa Cha? (ĐHV 1). 

* Bí quyết đường hy vọng gồm ba điểm: Ra đi = bỏ mình; Bổn phận = Vác Thánh giá mỗi ngày; Bền Chí = "Theo Thầy" (ĐHV 2)

* Không nhượng bộ xác thịt, - không nhượng bộ cho lười biếng; - không nhượng bộ cho ích kỷ... Con không thể gọi đen là trắng,  xấu là tốt, gian là ngay được. (ĐHV 13).

Thánh Clêmentê I Giáo Hoàng là một người rất đạo đức, thánh thiện, đã viết nhiều tác phẩm lừng danh, nổi tiếng nhất là thơ gởi giáo hữu Corinthô. Trên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã lôi kéo rất nhiều người trở lại đạo Chúa đến nổi hoàng đế Trajan phải lưu đày ngài sang Kéc-xô-nê, một chốn rừng sâu nước độc, đồng số phận với 2000 giáo hữu khác. Ở đây, ảnh hưởng lòng quả cảm và nhân đức sáng lạng của ngài lại lan rộng hơn, khiến hoàng đế Trajan phải hạ lệnh buộc neo vào cổ ngài và thả xuống lòng biển.

4. Cha Benoit lên Núi Phước Sơn.

* Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước (ĐHV 3).

* Dù có ra khỏi nhà, đi phương xa vạn dặm mà cứ mang theo tất cả tật xấu, cả con người cũ, thì có khác gì ở nhà đâu? (ĐHV 5).

* Các thánh là những người điên vì Chúa. Khôn ngoan thế gian quá không làm thánh được (ĐHV 6). 

Ra đi là một sự lột xác, hy sinh cả nếp sống cũ. Ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời 15.8.1918, Cha Benoit (Cố Thuận) cùng với một số anh em linh mục mở một bữa tiệc gia đình cuối cùng, có đầy đủ thịt, cá, rượu. Sau bữa đó, ngài từ biệt nếp sống cũ ra đi cùng với một người bạn, tiến thẳng lên Núi Phước Sơn, Quảng Trị, khai phá một đám rừng đang có cọp ăn mồi ở trong. Đêm ấy, hai người che lều ngủ tạm, và sáng mai bắt đầu một nếp sống mới: không ăn thịt, không uống rượu, hút thuốc; chỉ biết hy sinh hãm mình, cầu nguyện và xay lúa, giả gạo, tự lực cánh sinh. Ngài đã thu hút nhiều kẻ đến sống cầu nguyện, hy sinh như ngài.

5. Mười nhà truyền giáo đi vào tử địa.

* Mất để được, chết để sống, từ để gặp. Ba đạo sĩ liều nguy hiểm, chế nhạo; Phanxicô liều xa cha mẹ, mất của cải, thú vui, Goretti liều mạng sống (ĐHV 8).

* Giàu hay nghèo, khen hay chê, sang hay hèn, không sao cả, chấp nhận tiến lên trên đường hy vọng hồng phúc và đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô Đấng cứu chuộc chúng ta (ĐHV 10).

* Đi, đi, đi mãi, đi quyết liệt, đi không nhượng bộ cũng như không ai đi với người đi lui (ĐHV 12).

Cách đây khoảng 100 năm, Hội Truyền giáo Lyon (Pháp) sai một lớp đầu tiên gồm 10 linh mục đi sang Dohomey (Phi châu) để truyền giáo. Bốn năm sau, cả 10 vị đều bị giết chết. Thế nhưng, dù rừng sâu, nước độc, dù dân chúng đang lạc hậu, có nhiều ác cảm hàng hàng lớp lớp các nhà truyền giáo khác vẫn hăng hái ra đi. Người này ngã xuống, kẻ khác đứng lên. Đến nay sau một thế kỷ, những giọt máu và mồ hôi đã sai hoa kết quả: Giáo Hội Dohomey đang vươn mình lớn mạnh, lại hân hạnh có vị Hồng Y tiên khởi: Bernard Gantin.

6. Quyết không giả vờ.

* "Ta là sự thật". Không phải báo chí là sự thật, không phải đài phát thanh là sự thật, không phải Tivi là sự thật. Con theo loại sự thật nào? (ĐHV 11).

* Ba phải? - Đi đường nào được?  - Ba Chúa? - Ba Hội Thánh?  - Ba luân lý?  - Ba lương tâm? (ĐHY 14). 

* Nhượng bộ tiền của, chức tước, nhượng bộ mạng sống để giữ lấy lý tưởng, danh dự, đức tin, con chấp nhận. Nhưng không bao giờ con chấp nhận đổi ngược lại: lỗ lã quá? (ĐHV 16).

Thánh Micae Hồ Đình Hy (1808-1857) quê ở Nhu Lâm, Thừa Thiên, là một giáo dân đạo đức, bác ái, một vị quan thanh liêm, chính trực, được thăng đến hàng tam phẩm, trông coi mọi việc trong đền vua. Cuối năm 1856, một số quan triều bị ngài ngăn chặn trong những việc làm bất chính, đã tố cáo ngài với vua Tự Đức. Ngài đã bị bắt với một lý do duy nhất: Theo Đạo Gia-tô, trái lệnh triều đình. Trong chốn ngục tù, ngài bị hành hạ tra tấn quá sức, khiến nhiều vị quan đồng nghiệp vốn đã quý mến đức độ của ngài phải cảm thương khuyên ngài giả vờ chối đạo để được tha, rồi sau đó lại tiếp tục sống đạo...

Hồ Đình Hy cương quyết không giả vờ. Ngày 22.5.1857, ngài đã đổ máu đào chết vì đạo Chúa tại An Hoà, Huế.


_______________________

2. BỔN PHẬN

1. Lời Thánh Augustinô.

* Bổn phận là ý Chúa trong giây phút hiện tại (ĐHV 17).

* Một vị thánh ngoài bổn phận là thánh ở xa xa thường hay "làm phép lạ" sái nơi, sái giờ. Đến gần thì gây lộn xộn, và hoang mang khó sống (ĐHV 21).

* Bổn phận là giấy vào Nước Trời: "Ai thực hiện ý Cha Ta trên trời, sẽ vào Nước Trời (ĐHV 27). 

Augustinô mải miết theo lạc thuyết Ma-ni-kê (Nhị nguyên) và xa hoa trụy lạc, nhưng chàng vẫn cảm thấy chán nản, ê chề, thất vọng. Ngày kia, tâm hồn Augustinô vụt đổi mới khi ánh sáng Tin Mừng lọt vào. Chàng hân hoan theo Chúa Giêsu và chịu phép rửa tội vào năm 33 tuổi. Từ đây, chàng tìm được bí quyết sống hạnh phúc: chu toàn thánh ý Chúa trong công việc bổn phận hằng ngày. Chàng viết: "Lạy Chúa, Chúa nên cho con, nên tâm hồn con mãi xao xuyến và băn khoăn bao lâu chưa được nghỉ an trong Ngài? 


2. Một tý nữa thôi.

* Thế giời không đổi mới, vì người ta quan niệm sự thánh thiện ngoài bổn phận (ĐHV 23).

* Các thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các ngài đâu làm gì lạ? Họ chỉ chu toàn bổn phận (ĐHV 25).

Đây là kinh nghiệm của một đấng thánh sống Lời Chúa. Ngài tâm sự: "Tôi hiểu bổn phận của tôi qua Lời Chúa như sau: Vác Thánh giá là chu toàn nhiệm vụ của mình", là chính công việc của bản thân tôi, bất kỳ lớn nhỏ; mỗi ngày là trong từng giây phút hiện tại.

Bất cứ làm công việc gì, tôi cũng nhớ đến câu ấy. Mỗi ngày tôi quyết tâm chầu Thánh Thể đúng một giờ. Nhưng lắm lúc, tôi sốt ruột thấy một giờ sao lâu quá! tôi xem đồng hồ. Bất giác nhớ lại bổn phận của tôi trong giây phút này là chầu Thánh Thể, tôi tự nhủ: "Một tý nữa thôi, một tý nữa thôi". Và tôi tiếp tục cầu nguyện. Song tôi lại sốt ruột, liếc xem đồng hồ. "Một tý nữa thôi, hãy cố gắng lên!" Và cứ như vậy, không bao giờ tôi rút vắn giờ chầu Thánh Thể mỗi ngày.


3. Đức Cha Seitz và bổn phận.

* Con hãy thưa, "Lạy Chúa, nơi bổn phận của con là núi Calvariô, và con là của lễ toàn thiêu (ĐHV 30).

* Chính sự chết cũng là bổn phận cuối cùng mà con làm cách sẵn sàng và đầy yêu mến (ĐHV 32). 

Đức Cha Phaolô Seitz (Kim) luôn hiện diện giữa giáo dân. Vào năm 1972, khi những trận đánh giải phóng Kontum bùng nổ ác liệt, ngài vẫn lái xe đi cứu thương dưới làn bom đạn. Một phóng viên ngoại quốc phỏng vấn ngài trên cảnh đổ nát hoang tàn:

- Đức Cha không sợ sao? 

++ Tôi không sợ, ngài trả lời. Nhưng ngẫm nghĩ một lát ngài nói tiếp: "Không, tôi chưa nói đúng sự thật. Tôi sợ lắm chứ! Nhưng vì bổn phận, tôi sẵn sàng sống chết với giáo dân của tôi".


4. Bệnh nhân cũng có bổn phận của mình.

* Có người không vác thánh giá của mình hay của người khác mà tưởng tượng thánh giá mình quá nặng. Có người vác thánh giá cả làng mà không vác thánh giá của mình. Có người vác thánh giá cả làng và gán thánh giá của mình bắt kẻ khác vác  (ĐHV 18).

* Giáo dân nghĩ: thánh là sốt sắng kinh nguyện, giảng  giải, xa lánh thế gian: họ hoá ra giáo sĩ, tu sĩ thời xưa. Tu sĩ nghĩ: thánh là dấn thân giúp việc xã hội, hoạt động chính trị, tranh đua  với giáo dân mà nhập thế. Loạn xà ngầu (ĐHV 22).

* Thợ nên thánh ở công xưởng, lính nên thánh ở bộ đội,  bệnh nhân nên thánh ở bệnh viện, học sinh nên thánh ở  học đường, nông phu nên thánh ở ruộng rẫy, linh mục nên  thánh trong mục vụ, công chức nên thánh ở công sở. Mỗi  bước tiến là một bước hy sinh trong bổn phận (ĐHV 24).

Nhà Dòng của Thánh Cottolengo thành Torinô (Bắc Ý) được gọi là ngôi nhà bé tý của Chúa Quan Phòng. Trong nhà đó, nuôi đủ các thứ bệnh nhân và người tàn phế, mọi người chu toàn bổn phận theo sức của mình.

Những người liệt thì cứ mười lăm phút lại được nghe máy ghi âm nhạc: "chúng ta hãy nhớ mình đang ở trước mặt Chúa ", và họ dâng bổn phận chịu đau khổ lên Chúa. 

Những người tàn phế khác thì chia nhau phục vụ cho trên 3000 cư dân chung sống trong nhà. Họ phân thành từng ban: ban nấu bếp, ban giặt rửa, ban vệ sinh, ban làm bánh mì... Ban cuối cùng này hầu như gồm toàn những người câm và điếc, kể cả anh trưởng ban. 

Chúng ta thử tưởng tượng: nếu mỗi người ăn hai quả trứng thì phải có trên 6000 quả trứng, nếu mỗi người ăn hai ổ bánh mì thì phải có trên 6000 ổ bánh mì! mà mỗi ngày đều phải cung cấp với một số lượng như thế! Và tất cả đều do bàn tay bệnh nhân, phế nhân làm. 

Tất cả mọi người trong nhà ấy, què quặt, câm điếc cũng như tê liệt đều có bổn phận và đều thánh hoá mình trong bổn phận.


5. Cách ngôn Nhật Bản.

* Nếu ai cũng nên thánh trong bổn phận, thì tâm hồn mới, gia đình mới, thế giới một (ĐHV 20).

* Vấn đề rất đơn giản: trước khi hành động, con nghĩ: "Chúa muốn con làm gì?" Hãy thực hiện ý Chúa (ĐHV 36).

"Nếu mỗi người đều quét sạch cổng mình thì cả làng đều sạch". Cách ngôn của ta: "Nếu ai cũng thánh hoá bổn phận mình thì cả xã hội đều tốt đẹp".


6. Bác sĩ Longet.

* Thánh hóa bổn phận của con. Thánh hóa người khác nhờ bổn phận con. Thánh hóa chính mình con trong bổn phận (ĐHV 19).

* Không gắn bó với ý Chúa từng giây phút, con sẽ bỏ dỡ đường hy vọng, vì con cho bổn phận bình lặng, vô danh và đồng điệu (ĐHV 35).

Bác sĩ Longet là một bác sĩ người Pháp đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây mấy mươi năm và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Dooley người Mỹ đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân trong bệnh viện mình, bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày cũng như đêm (ông thánh hoá bổn phận). 

Được hỏi vì sao ông quý bệnh nhân đến thế? Vì sao ông có thể bỏ ăn, bỏ ngủ vì bệnh nhân, xem bệnh nhân là trên hết? Ông đáp: Vì thấy Chúa Giêsu trong mỗi người bệnh (ông thánh hoá mình trong bổn phận). 

Mỗi sáng, khi đi dự lễ, bệnh nhân lương giáo ai muốn đi, ông đều cho đi. Mỗi chiều chúa nhật, ông lại cho các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này, nơi nọ. Và mỗi tối, ông lần chuỗi chung với bệnh nhân Công giáo. Vì là người Pháp, ông chỉ thuộc các kinh Lạy Cha, Kính Mầng, Sáng danh đủ để lần hạt chung với họ là những người khác quốc tịch (ông thánh hoá người khác nhờ bổn phận). 

Ít lâu sau, Longet trở về lại Pháp, vào Chủng viện dâng mình làm linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo khổ nhất ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức, ông bị bệnh và qua đời trước khi tới nơi mong ước.


7. Chuyện ông Viện Trưởng.

* Vì thương thuyết đòi điều kiện trong bổn phận, vì không theo ý Chúa, vì theo ý Chúa có giới hạn mà tâm hồn con khắc khoải, bất an (ĐHV 34).

* Chúa muốn mưa, con cũng muốn, - Chúa muốn nắng, con cũng muốn, - Chúa muốn sướng, con cũng muốn, - Chúa muốn cực, con cũng muốn, - Chúa và con chỉ có một ý. Bí quyết hạnh phúc của con (ĐHV 37).  

Ông Viện trưởng viện đại học Milanô hiện nay là một nhà nghiên cứu khoa học đồng thời là một Kitô hữu sốt sắng. Ông lại nổi tiếng là một người bạn dễ mến đối với các khoa trưởng, giáo sư, một người cha yêu quý và dễ cảm thông đối với các sinh viên trong viện. Ngoài các giờ nghiên cứu, ông cầu nguyện trước Thánh Thể. Ngoài các tác phẩm khoa học, phát minh, ông còn viết nhiều sách thiêng liêng có giá trị. Ông nên thánh trong bổn phận, tạo nên những thế hệ thông minh và kiên cường. Ông lại sống độc thân. Nhiều người lấy làm lạ hỏi: "Sao ông tốt đến thế?" Một người biết rõ về ông và trả lời: "Ông là vị phụ trách Tổng quyền của Tu Hội Chúa Kitô Vua". Vì khiêm nhường, ông không nói điều này ra nên ít người biết.


8. Nên Thánh nhờ cầu nguyện.

* Sống bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng: là liên lỉ canh tân - là quyết định chọn hay chối Chúa - là tìm Nước Chúa, - là tin ở tình yêu vô bờ của Chúa, - là hành động với tất cả hăng say, - là thể hiện mến Chúa yêu người, "ngay trong giây phút này" (ĐHV 26).

* Chấp nhận thánh ý Chúa; vâng theo thánh ý Chúa; yêu mến thánh ý Chúa. Con chọn hạng nào? (ĐHV 28).

Bác sĩ Emiliô Trosalti (bệnh viện Polyclinicô - Roma) là một người như mọi người, có nhà riêng, có lương bổng, có xe hơi, quan hệ bạn bè rất tốt, săn sóc bệnh nhân tận tình; nhưng nơi ông có những đặc điểm nổi bật: phản ứng đầy tinh thần Phúc Âm, thái độ nhã nhặn nhưng siêu nhiên vô cùng. Ông là Tổng thơ ký của một Tu Hội đời. Ông nói: "Bí quyết hạnh phúc của tôi, sự bền đổ của tôi là cầu nguyện, sáng một giờ, chiều một giờ... , nhờ cầu nguyện, kết hợp với Chúa, tôi giải quyết được mọi thắc mắc, thắng hết được mọi chước cám dỗ". Ngoài các sách thiêng liêng khác, ông có viết cuốn: "Sự cầu nguyện trong Tu Hội Đời".


9. Nhận như Thập giá.

* Trong cuộc sống hằng ngày, Chúa ban cho ta hạnh phúc tham dự mầu nhiệm cứu rỗi. Đối với mỗi người, con đường thánh giá đi theo con đường bổn phận (ĐHV 38). 

Khi Hồng Y Sartô vừa được bầu làm Giáo Hoàng (Pio X), thì theo Giáo luật, vị Hồng Y niên trưởng đến hỏi ngài: "Đức Hồng Y có chấp nhận làm Giáo Hoàng không?"- Ngài đáp: "Tôi xin nhận nhiệm vụ Giáo Hoàng như là Thánh Giá Chúa trao cho tôi".


10. Quán ăn cầu nguyện. 

* Chỉ cần làm bổn phận trong giây phút hiện tại là nên thánh. Một khám phá, một mạc khải đem bình an và phấn khởi cho tâm hồn con (ĐHV 31).

* Tiến lên trong bổn phận mỗi ngày, con sẽ thấy "Ách Chúa êm ái, gánh Chúa nhẹ nhàng" (ĐHV 33). 

Ngoài các giờ cầu nguyện trước Thánh Thể, các chị thuộc Tu Hội Eau-vive (Nước Hằng Sống)(nguồn gốc tại Bỉ) còn mở quán ăn phục vụ khách hàng. Thoạt đầu mới bước chân vào, người ta thấy bầu không khí là lạ! Thức ăn thì thật là ngon, các cô chiêu đãi lại quý khách hơn cả bạc vàng. Châm ngôn của họ: phục vụ Chúa Giêsu trong các thực khách. Khách hàng khi thấy đã quen quen, hỏi họ: "Tại sao các cô thuộc nhiều quốc tịch mà lại sống chung với nhau? Các cô có gia đình không? ..." Bây giờ, các chị mới thuật lại cuộc sống Tu Hội của họ một cách đơn sơ, chân thành khiến nhiều người cảm kích, có kẻ bắt đầu tìm hiểu đạo, lên đường trở về với Chúa. 

Đặc biệt sau giờ cơm tối, thông thường vào lúc 9 giờ. Tu Hội có giờ cầu nguyện, chia sẻ Phúc Âm. Các chị thưa với khách hàng: "Giờ đây chúng tôi có giờ cầu nguyện, quý vị nào muốn tham gia, chúng tôi xin kính mời, ai không tham gia, xin cứ tự nhiên". Thế rồi các chị cùng một số ít thực khách sắp ghế vòng quanh lại và bắt đầu giờ cầu nguyện với những bài Thánh Ca sốt sắng, truyền cảm. Có nhiều người ban đầu không tham gia, dần dần thấy hay hay cũng lắng tai nghe, rồi những lần kế tiếp lại xách ghế ngồi phía sau tìm hiểu. Khi đã quen, đã mê thì tuần nào cũng một vài lần đến ăn cơm, nhưng cốt để tham dự giờ cầu nguyện ban tối mà họ cho là rất tự nhiên, hấp dẫn và cảm động. Quán ăn đã trở nên nhà cầu nguyện, vì có Chúa hiện diện giữa họ. 


_______________________

3. BỀN CHÍ

1. Dòng Nữ Tu mù.

* Bạo dạn để thưa với Chúa tất cả những gì con muốn, con nghĩ: "Thầy ở với các con lâu nay, chưa thấy các con xin điều gì". Bạo dạn là tin yêu như con với Cha (ĐHV 40). 

* Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. "Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời" (ĐHV 43).

* Nếu con không quyết tâm bền chí, đừng nói: "tôi hiền", phải nói: "tôi hèn" (ĐHV 57). 

Dòng Nữ Tu mù được thiết lập giữa lòng thành phố Paris. Trong dòng này, ngoài bà Bề trên, một chị Việt Nam cùng một vài chị sáng mắt, bao nhiêu Nữ tu khác đều mù cả. Trước đó, các thiếu nữ đó tưởng rằng đời họ dường như đã chấm dứt, tất cả chỉ toàn là bóng đêm... Thế nhưng khi bước chân vào dòng, tia hy vọng đã rực sáng lên trong lòng họ. Họ kiên nhẫn, bền chí học chữ, học nghề, học phổ thông, học nhạc... (theo phương pháp Braille). Trong nhà thờ, họ hát kinh bằng cách sờ chữ với đôi bàn tay. Ngoài ra, họ còn mở trường dạy các em mù, một trường rất được các phụ huynh học sinh quý chuộng. Trong lớp, thầy mù trò cũng mù mà vẫn vui vẻ hồn nhiên. Với một ngôi nhà ba tầng, các em tự do lên xuống, nô đùa ngoài sân như những người sáng mắt vậy. 

Sự bền chí của các Nữ tu đã thánh hoá chính cuộc đời họ. Và hơn thế, còn làm cho biết bao trẻ em bất hạnh khác thấy đời của mình tươi đẹp, hạnh phúc.


2. Thầy Vianney bền chí. 

* Đừng nản lòng vì thất bại. Nếu con tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công. Chúa muốn vậy. Xem gương Chúa Giêsu trên thánh giá (ĐHV 41).

* Bền đỗ đến cùng là đặc tính của các thánh, vì "Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi" (ĐHV 49). 

Cuộc Cách mạng Pháp 1789 bùng nổ khiến thầy Vianney phải bỏ dở việc học. Nhưng sau đó, thầy đã tìm hết cách để tự học dưới sự dìu dắt của cha xứ. Nhưng khổ thay, học mấy cũng chẳng nhớ. May lúc ấy địa phận phải cảnh khan hiếm linh mục nên Vianney được Bề trên gọi về để khảo hạch. Và lẽ dĩ nhiên là lần nào cũng trượt!

Vianney không nản lòng, cứ tiếp tục học. Cuối cùng Bề trên thấy thầy bền chí quá bèn gọi cha xứ đến hỏi về thầy.

- Thầy có lòng đạo đức không? 

++ Thưa có! 

- Thầy có kính mến phép Thánh Thể không? 

++ Thưa có! 

Cha Chính quyết định: "Thôi, thôi cho thầy chịu chức vì thầy bền chí, chứ nếu thi hạch thì không bao giờ đỗ được". Về sau, Vianney trở thành một Vị Thánh thời danh, thu hút nhiều tâm hồn trở về cùng Chúa. Năm 1925, Đức Piô XI đã đặt ngài làm quan thầy các cha xứ.


3. Charles de Foucauld, hạt giống trong sa mạc. 

* Kết quả và thành công khác nhau. Có thể không kết quả bên ngoài, nhưng thêm kinh nghiệm, thêm khiêm tốn, thêm tin Chúa, đó là thành công dưới mắt siêu nhiên (ĐHV 42).

* Dù mọi người bỏ dỡ hành trình, con cứ tiến, quần chúng dễ bị lôi cuốn thì đông đảo, lãnh đạo sáng suốt lại hiếm hoi. Con phải có bản lãnh, đừng theo quần chúng mù quáng (ĐHV 50).

* Người trộm lành đã hạnh phúc vì hy vọng ở tình yêu Chúa, Giuđa đã khốn nạn vì thất vọng (ĐHV 53).

Cha Charles de Foucauld suốt đời ở giữa lòng sa mạc Sahara để tu thân tích đức, chiêm niệm, chầu Thánh Thể và sống bác ái với dân tộc Touareg. Ngài đã để lại nhiều bút tích thật cao siêu, đầy sốt mến. Suốt đời ngài tha thiết cầu xin cho có một người đến trong sa mạc cùng chung sống một lý tưởng với ngài. Cầu nguyện mãi mà chẳng thấy ai, nhưng ngài vẫn bền chí cầu nguyện. Đến ngày ngài gục xuống, thân xác được chôn vùi ở giữa lòng sa mạc mênh mông mà vẫn không thấy bóng người mong ước. Xét bề ngoài thì quả là một thất bại! 

Thế nhưng, hạt giống ấy sau một thời gian chôn vùi đã đâm chồi nảy lộc: các Hội Dòng theo tinh thần của ngài mọc lên khắp nơi. Ngài xin một người Chúa cho hàng trăm, hàng nghìn Tiểu Đệ, Tiểu Muội có mặt trên khắp thế giới.


4. Lửa thử vàng.

* Bạo dạn không phải là phiêu lưu, bất khôn. Muốn đi cùng đường hy vọng con phải bạo dạn. Có mấy người đứng bên Chúa dưới thánh giá? (ĐHV 39). 

* Mỗi sáng thức dậy, con khởi sự lại cuộc đời, hăng say và lạc quan. Dù đường đi trục trặc, con cứ đi với Chúa, như về làng Emmau, sẽ đến đích (ĐHV 48). 

* Giữ vững tinh thần của con, mặc dù cảm thấy rã rời, nguội lạnh: vì mây mù sẽ qua đi, không che mãi được mặt trời. Chỉ đợi mây mù bay qua thôi (ĐHV 51).

Đến nhận một giáo phận trong đó hàng giáo sĩ thì rời rạc, giáo dân lại quá khô khan, Đức Cha Hervas rất đỗi lo âu. Ngài cầu nguyện, nghiên cứu, đối thoại và cuối cùng đi đến một phương thức tĩnh tâm với một kỹ thuật rất độc đáo, hấp dẫn, nhằm thánh hoá giáo dân, đào tạo cán bộ tông đồ trong giáo phận: đó là "Học Hội Kitô hữu"' (Cursillos de Christiandad). Công việc đang tiến hành tốt đẹp thì đùng một cái: một số người trong giáo phận hiểu lầm Ngài và ra sức chống đối kịch liệt. Họ còn làm đơn kiện đến Toà Thánh và bày tỏ thái độ bất hợp tác với ngài về mọi mặt.

Để tránh sự đổ vỡ lớn hơn. Toà Thánh đã thuyên chuyển Đức Cha J. Hervas sang một giáo phận nhỏ nhất nước Tây Ban Nha. Tuy thế vẫn chưa yên. Vị Giám mục kế vị ngài lại còn ra một bức thư luân lưu kết án "Học Hội Kitô hữu" là một tổ chức lạc đạo sai lầm về tín lý lẫn luân lý. 

Phần Đức Cha J. Hervas, ngài vẫn kiên trì bền chí. Dần dần nhiều người cảm phục, hàng giáo phẩm và giáo sĩ nhận ra cái hay của phương pháp ngài và ra sức hưởng ứng. Phong trào "Học Hội Kitô hữu" bành trướng khắp nơi, được các Đức Cha chúc lành và khuyến khích.

Gương khiêm nhường và sự bền chí của Đức Cha J.Hervas thật đáng cho mọi người khâm phục. Hiện nay ngài vẫn còn sống và đang hướng dẫn phong trào lớn mạnh khắp nơi trên thế giới.


5. Đức Cha Francois Pallu.

* Đường hy vọng dài thăm thẳm. Con đừng làm "Thánh lâm thời": phong ba dồn dập, nước sơn sẽ phai nhạt và tượng thánh sẽ hiện hình quỉ (ĐHV 44). 

* Con run sợ, vấp ngã, khó khăn, hiểu lầm, công kích, sỉ nhục, tử hình... Con quên Phúc Âm sao? Chúa Giêsu đã chịu tất cả. Cứ theo Ngài con sẽ Phục sinh (ĐHV 47).

Vào thế kỷ XVII, Toà Thánh đã phong hai vị Giám mục làm Đại Diện Tông Toà đầu tiên: Đức Cha Lambert de la Motte phụ trách Đàng Trong kiêm Campuchia, Lào, Thái Lan và Đức Cha Francois Pallu phụ trách Đàng Ngoài kiêm Trung Quốc, Triều Tiên. Thật là một khu vực rộng lớn không thể tưởng tượng : Dưới quyền Đức Cha Francois Pallu chỉ có một ít vị thừa sai, không có một vị linh mục Việt Nam nào, xứ sở lại đang ở trong tình trạng cấm cách khốc liệt. Từ Pháp, Đức Cha từ giã gia đình ngày 3.1.1662, dùng tàu buồm vượt qua Trung Hải rồi men theo đường bộ một thời gian lâu dài, qua hết các nước Trung Đông, vịnh Ba Tư, Ấn Độ mới đến Thái Lan. Năm 1670, trên đường đến Bắc Việt, lúc đi ngang qua Huế, thuyền của ngài bị đánh giạt vào Philippin, ngài bị người Tây Ban Nha bắt. Sau ba tháng lại bị đày vòng qua Thái bình Dương, vượt cả Đại tây Dương, đến Tây Ban Nha. Tuy gian khổ ê chề, nhưng tim ngài vẫn luôn chói sáng một niềm hy vọng: "Tôi phải mang Phúc Âm đến tận Trung Quốc". Vừa được trả tự do ngài tìm mọi cách để đến Bắc Kinh, và cuối cùng thân xác ngài được chôn vùi tại đây theo như người tôi trung của Chúa hằng mơ ước. Một câu nói của ngài đáng cho chúng ta ghi nhớ: "Tôi tự cho mình hạnh phúc nếu có thể đem xương cốt mình bắc một cầu tới Bắc Việt và tới Trung Quốc"!


_______________________

4. TIẾNG GỌI

1. "Samuen! Samuen!"

* Tiếng gọi vẫn tiếp tục nhắc nhở con trong một việc nhỏ: "Hãy theo Thầy!" và tiếng "Vâng" của con cũng tiếp tục cho đến hơi thở cuối cùng (ĐHV 72). 

Đêm ấy, trẻ Samuen đang ngủ trong Đền thờ, gần Khảm Giao ước của Thiên Chúa thì có tiếng gọi đích danh cậu: "Samuen! Samuen!" Cậu thưa ngay: "Này con đây" và vội vàng chạy đến cùng Thầy cả Hêli. Nhưng trong cả ba lần. Hêli không có gọi. Lần thứ tư, Samuen thưa lớn tiếng: "Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe". Và Thiên Chúa đã nói chuyện cùng Samuen. Từ đó về sau, Samuen ngày càng lớn lên trong ơn gọi, có Thiên Chúa luôn ở cùng cậu và cậu không để rơi mất một lời nào của Ngài. Samuen đã trở thành một Ngôn sứ vĩ đại vì nhờ biết lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa (l Sam 3).


2. Tiếng gọi từ bụi gai.

* Chọn lựa bao giờ cũng tiếc nuối, do dự; suy nghĩ, nhưng cuối cùng phải quyết định (ĐHV 62).

* Con ngạc nhiên sao đủ hạng người tình nguyện làm "cảm tử" theo tiếng gọi của Chúa? Vì Chúa đã nói: "Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế" (ĐHV 67).

"Ta tạt qua nhìn quang cảnh hùng vĩ ấy mới được: tại sao bụi gai lại không cháy thiêu đi?" Moisen nhủ thầm như thế và tiến lại gần. Thiên Chúa liền gọi đích danh ông từ giữa bụi gai: "Moisen! Moisen!" - Ông đáp lại: "Này con đây". Và Thiên Chúa tâm sự với ông về Danh Tính mình, về nỗi khổ của Dân tộc mình ở Ai Cập. Sau cùng người nói: "Bây giờ con hãy đi". Moisen ngập ngừng: "Con là ai mà dám..." Thiên Chúa phán: "Ta sẽ ở với con". Ông vẫn chưa an tâm! Sau đôi ba lần vặn hỏi quanh co, Moisen thú thật: "Lạy Chúa xin xá lỗi, con không phải là người có tài ăn nói... Con cứng cả miệng, cứng cả lưỡi!" Thiên Chúa nói ngay: "Ai cho người phàm có miệng... lại không phải chính Ta đó sao? Con hãy đi, chính Ta sẽ ở với miệng con và dạy con điều con phải nói..." 

Moisen đã trẩy đi Ai Cập để cứu dân mình khỏi nô lệ với một vũ khí, một bảo đảm duy nhất: "Giavê ở cùng ông" (Xh 3-4).


3. Tiếng kêu trong thị kiến. 

* Hãy theo Thầy!" Các tông đồ đã bỏ mọi sự theo Chúa, con có dứt khoát một phen theo Chúa không? Chúa phải gọi con mấy lần rồi? (ĐHV 61). 

* Công đồng Vatican II dạy ta "trở về nguồn". Con hãy khám phá lại đời sống các tông đồ, những người đã sống, đã nghe, đã sờ tận tay Chúa Cứu Thế và làm chứng về Ngài (ĐHV 75) 

Đêm ấy đang ngủ, Phaolô thấy thị kiến một người xứ Makêđonia khấn xin với ông rằng: Hãy qua Makêđonia cứu giúp chúng tôi! Và Phaolô đã trẩy đi Makêđonia vì biết rằng chính Thiên Chúa đã gọi ông đến rao giảng Tin Mừng cho họ (Cv 16,8).


4. Không hề từ chối sự gì. 

* Quyết định theo Chúa của con không phải chỉ là một chữ ký, không phải là một lời tuyên thệ thôi. Nhưng là một sự hiến dâng liên lỉ thực hiện trong cả cuộc sống (ĐHV 69). 

Trong "Truyện một Tâm Hồn". Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu thú thực: "Từ lúc có trí khôn cho tới bây giờ, tôi không hề từ chối Chúa sự gì". 


5. Hơn nữa! Hơn nữa!

* Chúa bảo con: "Hãy đi rao giảng Phúc âm". Chúa không ra thời khóa biểu, không vạch kế hoạch, Chúa để con sáng kiến và vượt đi, miễn là con mang Phúc âm (ĐHV 74). 

Vì quá yêu mến Chúa và các linh hồn, nên Phanxicô Xaviê chất chứa trong tim một nguyện vọng và một chương trình vĩ đại: "Sau khi truyền giáo ở Ấn Độ, Malaxia, Nhật Bản, tôi sẽ đi vào Trung Quốc rồi từ đó vượt qua Mông Cổ, Liên Sô, đi về Âu châu, tôi lại vòng sang châu Á một phen nữa". Thế nhưng chương trình của Thiên Chúa lại khác. Lúc Phanxicô vừa đến đảo Tam Châu, chuẩn bị vào Trung Quốc thì bị một cơn sốt rất nặng. Ngước mắt nhìn vào mảnh đất mình hằng mong ước mang Tin Mừng đến. Phanxicô gục ngã lìa đời khi vừa mới 49 tuổi. Trong suốt mấy mươi năm trường, đức ái là tiếng gọi duy nhất thúc bách ngài liên lỉ. Mỗi lần phải đau khổ, ngài hân hoan thưa với Chúa: "Mas! Mas!" (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là: Hơn nữa! Hơn nữa!). Phanxicô luôn sẵn sàng hy sinh "hơn nữa" cho các linh hồn. Khi nhắm mắt lìa trần, ngài đã rửa tội trên 10.000 người. Chương trình ngài còn lớn lao "hơn nữa" nhưng Thiên Chúa lại muốn thế khác.


6. Một Cha sở khiêm nhường.

* Con muốn tháo lui vì có những sự trái ý, vì gặp những người không thể chịu nổi! Con theo Chúa hay theo mấy người ấy ? (ĐHV 66). 

* Thưa: "Vâng" là dễ, nhưng hãy xem Chúa Giêsu theo tiếng gọi cho đến chết trên thánh giá. Hãy bỏ mình, vác thánh giá mỗi ngày và đóng đinh mình trên thánh giá ấy (ĐHV 73). 

* Lúc con tự mãn về công việc tông đồ của con là lúc nguy hiểm nhất. Ma quỷ tập trung lực lượng để đánh úp con (ĐHV 79). 

Như trước đây đã nói, Cha Vianney đã được chuẩn phần kiến thức cần thiết. Ngài được "vớt", "đề cử" nhờ bền chí! 

Hôm mới về xứ Ars, một xứ vỏn vẹn có 300 giáo dân, Cha Vianney đã khởi sự xây dựng giáo xứ bằng những chất liệu: cầu nguyện, hy sinh, hãm mình ... Dần dần, giáo dân từ nhiều xứ đổ xô tới xứ Ars nghe ngài dạy giáo lý 15 phút trước giờ kinh trưa và nhất là để xưng tội với ngài.

Các bạn đồng nghiệp đều biết trước đây Vianney rất tầm thường, dốt nát, lại thêm bản tính con người không khỏi ghen tỵ khi thấy giáo dân đổ xô đến xưng tội với một cha xứ hạng bét như vậy, nên họ đã trình với Đức Cha địa phận như sau: "Thưa Đức Cha, Cha Vianney trước đây học hành kém cỏi mà nay lại cả gan giải tội cho giáo dân khắp nơi. Họ bị những lời đồn thổi, phóng đại, mê tín, quyến rũ, nên ào đến xứ Ars ngày càng đông. Có thể có những nố khó mà cha Vianney đã giải sai các nguyên tắc trong luân lý thần học!" Đức Cha cũng không khỏi lo lắng. Ngài gọi Cha Vianney đến và giao cho ngài một số nố rất khó giải để về giải trên giấy tờ đàng hoàng rồi đem nộp cho Toà Giám mục. Chỉ vài ngày sau, Cha Vianney đã đem lên nạp Toà Giám mục tất cả những lời giải đáp. Các vị chuyên môn luân lý thần học xem qua đều phải khen rất đúng và khôn ngoan. Ai nấy đều ngạc nhiên lẫn mến phục. 

Nhưng chưa hết, càng ngày giáo dân càng đến xưng tội với Cha Vianney càng đông khiến Cha phải giải tội từ nửa đêm. Và một lần nữa, các bạn đồng nghiệp lại làm tờ đơn kiện Cha Vianney gởi thẳng lên Toà Giám mục. Trong đơn đại ý nói: "Cha Vianney đảm đương xứ mình chưa xong mà cả gan quyến rũgiáo dân các xứ khác đến xưng tội với mình càng ngày càng nhiều. Kiến thức của Ngài thì ai cũng rõ là rất giới hạn nên thật nguy hiểm có nhiều nố phức tạp có thể bị Ngài giải sai. Hơn nữa, tình thế ấy lại còn làm mất trật tự trong các giáo xứ khác vì giáo dân không xưng tội ở xứ nhà mà lại ùn ùn kéo nhau qua xưng tội ở xứ Ars. Kính xin Đức Cha ra lệnh cấm Cha Gioan Maria Vianney giải tội cho các nơi... " 

Một linh mục được giao trọng trách đem tờ đơn ấy lên Toà Giám mục. Nhưng vị này cũng có lòng bác ái muốn giúp đỡ anh em, nên khi ngang qua xứ Ars đã tạt vào thăm cha sở đôi phút. Trong câu chuyện hàn huyên, cha ấy vào đề: "Tôi muốn tâm sự thành thật với Cha: anh em rất bất bình về việc Cha giải tội từ nửa đêm cho giáo dân các xứ đến đây. Cha làm như thế là hạ uy thế của anh em, lại làm mất trật tự trong giáo xứ nữa. Đàng khác, Cha làm gì cho mệt, cứ lo cho xứ mình là đã đủ. Tôi nói thật với Cha, mất lòng trước được lòng sau: Cha cũng tự biết sự học hành của mình có giới hạn... Vì thế, anh em đã làm một tờ đơn trình bày công việc ấy lên Đức Cha và xin Ngài cấm Cha giải tội cho giáo dân các giáo xứ khác. Tôi vì tình huynh đệ, nên trước khi lên gặp Đức Cha, cũng muốn cho Cha biết, không giấu giếm chi. Tiện đây, tôi cho Cha xem bức thơ để Cha hiểu qua và thu xếp sao cho êm đẹp". Nói đoạn, cha ấy trao tờ đơn cho Cha Vianney xem, trong lòng rất đổi ái ngại vì sợ Cha Vianney sẽ nổi tự ái, giận dữ trách móc anh em mình ... Nhưng lạ thay Cha Vianney vẫn bình thản đọc thơ! Và điều đáng ngạc nhiên hơn nửa là ngài thong thả lấy bút châm mực. Ngài viết gì thế? Vị linh mục kia hồi hộp theo dõi và thấy Cha Vianney hí hoáy viết ở cuối bức thơ: "Việc anh em nói trên đây rất đúng với sự thật. Con cũng xin ký tên vào đơn đồng tình cùng anh em". Rồi ngài xếp thơ, trao lại và cám ơn cha kia cách niềm nở. 

Dầu sao cũng phải chu toàn sứ mạng với bất cứ giá nào. Cha kia mang bức thơ lên Toà Giám mục. Đọc xong, thấy bên dưới các chữ ký của các cha lại có cả chữ ký của Cha Vianney nữa, Đức Cha mới lấy làm lạ hỏi cha cầm thơ. Cha kia trình bày đầu đuôi tự sự. Đức Giám mục kết luận: "Các cha xem, Cha Vianney phản ứng cách rất khiêm tốn. Có ai lại đồng ý tự kiện mình bao giờ! Ngài thực là người đạo đức. Thôi ta cứ để xem. Nếu là việc Chúa thì sẽ vững bền, ngược lại, nếu là việc của ý riêng ngài thì thế nào cũng sụp đổ..." Cha kia về thuật lại mọi sự cho anh em nghe, ai cũng ngạc nhiên thầm nghĩ: "Đáng lẽ Cha Vianney phải giận dữ căm thù mình mới phải. Ai ngờ ngài lại ký tên vào đơn kiện ngài: Thôi ta cứ chờ xem theo như quyết định của Đức Cha".


7. Được gọi để gọi.

* Chúa Giêsu rõ ràng quyết liệt: "Ai muốn theo Ta, hãy ...". "Ai không ... chẳng đáng làm môn đệ Ta". Đường lối sáng tỏ, tiếng gọi không úp mở (ĐHV 63). 

- Thưa ông bà muốn gặp ai ạ? 

Chị Céline đã nói câu ấy lần đầu tiên cách đây 40 năm. Từ đó ngôi nhà khách với chùm chìa khóa, cái chổi, chiếc ghế đã trở thành giang sơn của chị.

Bổn phận của một chị giữ nhà khách là gọi người khác. Trong suốt 40 năm trường, chị Céline chỉ làm ngần ấy công việc! Câu hỏi trên kia chị phải lặp đi lặp lại đến hơn 10 lần mỗi ngày. Với thời gian, phương thế có đôi phần thay đổi: từ cái kẻng đến chuông điện, rồi điện thoại, sau đó lại trở về chuông kéo, kẻng sắt ... nhưng công việc luôn luôn vẫn là gọi người khác. 

Ôi chao! biết bao khuôn mặt đã xuất hiện tại nhà khách, bao giọng nói đã vang rền trong điện thoại! Nhưng có một điều chị Céline hằng đoán chắc: người ta đang gọi, đang xin gặp một người nào đó ... trừ ra chị. Vì thế chị thường nói đùa : "Tôi chỉ được Chúa gọi một lần duy nhất và từ dạo ấy, tôi đã luôn luôn gọi người khác: tôi được gọi để gọi". 

Một ngày của chị bị cắt vụn thành từng miếng, công việc của chị bị chẻ thành từng mảnh, luôn luôn là gián đoạn. Khi cầm chuỗi lần hạt, chị biết mình sẽ không đọc được quá 10 kinh, khi xem sách chị đoán sẽ thưởng thức không quá 10 giòng; trong nhà nguyện, chị quỳ ở ghế cuối cùng, gần cửa ra vào, luôn thấp thỏm đợi chờ chuông reo ... Luôn bị gián đoạn, nhưng chỉ với "sự gián đoạn" này của mình, chị mới có thể tạo nên "sự liên lạc" của người khác. Chị bao giờ cũng nhanh nhẹn đối với một khách sang cũng như một bà lão nhà quê. Tất cả mọi người đều ăn cắp giờ của chị. Không ai cần gặp chị... Với thời gian, da mặt chị nhợt nhạt hơn, người chị tiều tụy hơn, nhưng nụ cười vẫn tươi nở như thuở nào, lời kinh dâng Chúa mỗi ngày lại càng thêm sốt sắng hơn. 

Và rồi một hôm, trong lúc vội vã đi gọi người khác, chị Céline đã ngã quỵ trong hành lang nhà dòng! thổ huyết! chị bập bẹ :"Chúa đến gọi tôi lần thứ hai" (và cũng là lần cuối cùng). Đôi tay chị run run ôm lấy lồng ngực khiến chùm chìa khóa rơi trên nền gạch hoa. Đàng kia, chiếc ghế vẫn vô tình không biết từ nay mình sẽ là đồ vô chủ ... 

Chị Céline đã suốt đời trung thành với tiếng gọi của Chúa và với công việc bổn phận hằng ngày của chị: được gọi để gọi người khác. Giá trị và sự cao cả của chị không phải là ở chỗ đó sao?


_______________________

5. SỐNG NỘI TÂM

1. Quả tim Thánh Nữ Têrêxa. 

* Đứng trên tầng lầu cao, nhìn xuống đường, con thấy làn sống người cuồn cuộn chảy. Đủ loại xe, đủ hạng người, dành nhau, tông nhau, đâm đầu chạy, vội vã hấp tấp, hốt hoảng, vì tình, vì tiền, vì tham vọng, vì đua sống (ĐHV 82). 

* Người ta bảo: Khủng hoảng đức tin, khủng hoảng quyền bính; Cha nghĩ: Khủng hoảng thánh thiện. Chúa muốn thanh lọc để thấy rõ, đâu là thánh, đâu là quỷ! (ĐHV 99).

Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, vị Thánh lớn nhất của thế kỷ XX, bổn mạng các xứ truyền giáo, là vị Thánh chẳng làm việc gì có giá trị vĩ đại bên ngoài: không giảng thuyết, không đi truyền giáo, không viết sách thần học, không làm phép lạ, không chịu các cực hình như bao vị thánh Tử đạo xưa nay. Chị chỉ sống kết hiệp với Chúa từng giây phút qua mọi công việc tầm thường của đời một Nữ Tu Dòng kín Carmêlô. Chị viết: "Tôi muốn có một quả tim bao la để yêu mến Thiên Chúa, để ôm ấp tất cả nhu cầu của Giáo Hội... tôi muốn hy sinh cả cuộc sống tôi để cầu nguyện cho công việc truyền giáo".


2. Nên lời ngợi khen Chúa.

* Thế gian sợ thinh lặng vì họ sẽ thấy mình trống rỗng cô đơn. Những người sống nội tâm quí sự thinh lặng, vì họ tìm thấy một thế giới mới tốt đẹp, trong cuộc sống thân mật với Chúa Ba Ngôi, mà thế gian không thể khám phá được. (ĐHV 89)

"Nên lời ngợi khen Chúa", đó là tên thực của chị Elisabeth de la Trinité, một nữ tu liên lỉ sống đời chiêm niệm và kết hiệp cùng Chúa Ba Ngôi ngự trong lòng mình. Chị lấy tên ấy từ một danh từ ở trong thơ Thánh Phaolô: "Laudem gloriae". Mà quả thực, đời chị cả là một lời khen ngợi liên lỉ dâng lên Chúa Ba Ngôi trong cung thánh tuyệt vời của Ngài là chính tâm hồn chị. Hãy suy niệm "kinh dâng mình" do chị sáng tác thì sẽ biết được tâm hồn cũng như đường lối nên thánh của chị.


3. Vị Giáo Hoàng năng tĩnh tâm. 

* Khí giới của con là nguyện ngắm, hy sinh, các nhiệm tích, chuỗi Mân Côi, tĩnh tâm... Đồng minh của con là Đức Mẹ, thánh Giuse, Thiên thần, thánh bổn mạng, cha linh hướng. Con chắc chắn thắng trận, trừ khi con dần dần hạ khí giới và phản đồng minh của con (ĐHV 81). 

* Nếu mỗi năm con quyết tập một nhân đức, hằng ngày con rèn luyện một ít, đến nay con đã khá trọn lành (ĐHV 83). 

Mặc dù công việc Hội Thánh bề bộn, Đức Gioan XXIII vẫn sống một cuộc sống dồi dào. Đặc biệt Ngài rất năng tĩnh tâm, tạm dẹp hết mọi công việc và dọn một phòng riêng ở Vatican để sống những giờ khắc âm thầm bên Chúa, nghe lời giảng dạy... 

Trước khi Công đồng Vatican II khai mạc, ngài đã tĩnh tâm một thời gian rồi đi Loretto để cầu nguyện, một nơi tục truyền có nhà của Đức Mẹ ban ơn cho Công đồng thành công.


4. Kết hợp với Chúa Tử Nạn.

* Hoà bình nhờ chiến thắng, chiến thắng nhờ tranh đấu. Con muốn bình an trong tâm hồn, phải tranh đấu liên lỉ (ĐHV 80). 

* Trên đời không gì quý bằng ơn thánh. Đã khởi sự thiên đàng trong lòng ngay từ trần gian (ĐHV 93).

* Lòng mến phải tuyệt đối! Chúa dạy: "Không ai làm tôi hai chủ"...Con làm tôi mấy chủ? (ĐHV 97). 

Bà Marthe Robin là một trong những người đã được in năm dấu thánh. Bà sống trong thế hệ của chúng ta, đôi mắt đã mù loà, thân xác đau đớn, co quắp, thông phần vào sự thương khó của Chúa Giêsu liên lỉ.  

Trên 30 năm nay, bà không ăn uống gì, chỉ sống bằng Mình Thánh Chúa. Khi linh mục trao Mình Thánh Chúa cho bà thì có cảm tưởng y như Mình Thánh bay từ tay mình vào thẳng miệng bà thực sự. Bà âm thầm sống trong một căn nhà nho nhỏ, có cha linh hướng săn sóc; đi đâu thì cha khoá cửa lại vì bà chẳng cần ăn uống gì hết.

Tuy mắt đã mù, không đọc sách báo, cũng chẳng nghe đài phát thanh, nhưng mỗi lần có ai xin bà cầu nguyện về một việc gì, thì bà trả lời như thể đang nghe thấy tất cả những tin tức cuối cùng và mới mẽ nhất về nơi chỗ, diễn tiến của sự việc vừa xảy ra. Trong cảnh âm thầm lặng lẽ ấy, nhiều ngôi nhà tĩnh tâm đã mọc lên. Nhiều tâm hồn nhờ khung cảnh và bầu khí thánh thiện quanh bà đã thay đổi cả cuộc sống. 


5. Giám mục của truyền hình.

* Thủy thủ lặn đáy biển, phi hành gia bay trên phi thuyền đều dấn thân mạo hiểm, vì khoa học. Ngày nào con bỏ tất cả và bất cứ giây phút nào cũng sẵn sàng liều mình vì Chúa, người ta mới tin đời nội tâm của con (ĐHV 84). 

* Hãy chạy khắp thế gian và la lớn tiếng với mọi người: "Có một người đã chết cho bạn." (ĐHV 95). 

* Mỗi ngày dành riêng ít phút thinh lặng để giúp đời nội tâm tiến lên. Lâu nay con đã dành mấy phút? (ĐHV 98). 

Trên thế giới, không mấy ai mà lại không biết danh tiếng của Đức Cha Fulton Sheen, trước là phụ tá Giám mục tại New York, sau trở thành Giám mục giáo phận Rochester, ngài là một người hoạt động không biết mệt mỏi. Với tư cách một Giám mục phụ tá rồi Giám đốc Hội Truyền Bá Đức Tin toàn quốc, ngài đã viết nhiều bài báo và nhiều tác phẩm đạo đức có giá trị. Đặc biệt người ta quen gọi ngài là "Giám mục truyền hình", vì tuần nào ngài cũng xuất hiện trên màn ảnh vô tuyến truyền hình để giảng dạy với biệt tài thu hút vô số khán thính giả (20 triệu). 

Ngoài những số tiền lớn, ngài kêu gọi giáo dân đóng góp, người ta nói rằng nguyên tiền bán sách của ngài và xuất hiện trên màn ảnh vô tuyến truyền hình cũng lên đến hàng triệu đôla mỗi năm. Ngài dùng những món tiền lớn ấy để làm gì? Dâng cho Hội Truyền Bá Đức Tin. 

Một điều nổi bật khiến người ta càng mến phục ngài hơn và là bí quyết thành công của ngài: sống đời nội tâm liên lỉ. Ngài chỉ sống trong một căn nhà nho nhỏ ngoài thành phố New York. Sáng đến văn phòng làm việc, chiều tối lại trở về ngoại-ô. Ban sáng, sau giờ nguyện ngắm, ngài dâng Thánh lễ rồi giúp lễ cho cha thơ ký (lúc ấy chưa có thói quen đồng tế). Mỗi tối, ngài cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể. Bên kho tàng vô giá ấy, ngài múc lấy nhựa sống cho hồn tông đồ và bầu nhiệt huyết hăng say để rồi truyền lại cho mọi người qua sách báo cùng các phương tiện truyền thông xã hội.


6. Thiếu đời nội tâm có thể đi tới đâu? 

* Tất cả mọi người không cần tài ba lỗi lạc mới nên thánh được, chỉ cần ơn Chúa và ý chí của con. Ít người làm thánh, vì học tập thành tài dễ hơn là thay đổi cả cuộc sống nên thánh (ĐHV 87).

* Con hăng say phụng sự Chúa rất tốt, nhưng lòng sốt sắng không đi đôi với sự canh tân tâm hồn thì không đẹp ý Chúa (ĐHV 88)

* Trên màn ảnh, ngọn lửa phần phật làm mọi người kinh khiếp, nhưng không đốt nóng, không nấu chín; vì nó lửa giả, không do một lò lửa hồng bốc lên (ĐHV 96).

Trong lịch sử Hội Thánh có vị tu sĩ danh tiếng tên là Luthêrô, thuộc Dòng Augustinô tại Đức, mới 35 tuổi đã làm tới chức Giám tỉnh! Nhưng vị Giám tỉnh ấy lại quá ham hoạt động, chỉ tìm vinh danh bên ngoài. Ông nói: " Tôi quá bận: nào phải đi dạy học, giảng thuyết, viết sách, nên không có giờ đọc kinh, không có giờ nguyện gẫm, không có giờ dọn mình dâng Thánh lễ, không có giờ để cám ơn Chúa, có lúc tôi phải bỏ luôn cả lễ..." Kết quả là vị tu sĩ thông thái này đã chủ trương lạc thuyết, bất chấp lời khuyên bảo của Toà Thánh, ly khai khỏi Hội Thánh, ra khỏi Dòng để kết bạn và lôi cuốn lắm kẻ theo mình, làm cho Hội Thánh phải bị tổn hại nặng.

Ở nước Pháp cũng có một giáo sĩ lỗi lạc đồng thời là một văn hào danh tiếng tên là Lamennais. Ông cũng đồng lối sống như Luthêrô, suốt ngày lo lắng nhiều việc bỏ bê giờ cầu nguyện chỉ cậy vào trí khôn mình mà không tìm kiếm ánh sáng nơi Thiên Chúa. Nên hồi kết thúc cũng không khác gì Luthêrô: kiêu căng, bất tuân phục, kéo khốn nạn xuống trên bản thân mình và lôi nhiều người cùng xuống vực thẳm.


7. Một đời nội tâm đơn sơ. 

* Thinh lặng bên ngoài, nhất là thinh lặng bên trong là bầu khí của cuộc sống nội tâm (ĐHV 86). 

* Ai phải nên thánh? Tất cả mọi người, không có luật trừ. Khởi sự từ chính mình con, vì Chúa mời gọi tất cả (ĐHV 92). 

Để tìm một gương dễ nhớ, dễ hiểu cho đời sống nội tâm, thiết tưởng không gương nào bằng cha Antoine Chevrier, người lập Tu Hội Linh Mục Prado, viết nhiều sách thiêng liêng giá trị, trong đó cuốn căn bản nhất là: "Môn đệ đích thực của Chúa Kitô". 

Trong thời gian tĩnh tâm tại Đan viện Sept Fons, ngài đã viết trên vách tường phòng những chữ đơn sơ thâm thúy sau đây, nói lên tất cả bầu nhiệt huyết sống kết hợp mật thiết với Chúa của ngài mà ngày nay vẫn còn đậm nét: 

- Máng cỏ 

- Nazareth 

- Thánh Giá 

- Thánh Thể. 

Sống khó nghèo, trinh khiết, tuân phục, yêu thương, thinh lặng, khiêm nhường như Chúa Giêsu đã sống nơi máng cỏ, tại Nazareth, trên Thánh Giá và trong Nhà Tạm. Thật rõ ràng, đơn sơ, thâm thúy, phong phú và dễ nhớ, dễ bắt chước biết bao!.


_______________________

6. SIÊU NHIÊN

1. Vị Giáo Hoàng của Thập giá. 

* Mọi người khen con mà Chúa chê con, được ích gì? Mọi người nhạo cười con, mà Chúa khen con, hạnh phúc cho con. Khi dân chúng kể: "Xin tha Baraba" Baraba vẫn là kẻ trộm. Khi dân chúng la lối: "Hãy đóng đinh nó!"Chúa Giêsu vẫn là Con Thiên Chúa vô tội (ĐHV 103). 

* Mọi người khen con mà Chúa chê con, khốn cho con. Mọi người nhục mạ, vu cáo, ghê gớm con, nhưng Chúa khen con, thì hạnh phúc cho con vì Nước Thiên đàng là của con (ĐHV 102). 

Gánh lấy trọng trách thực hiện Công đồng Vatican II, Đức Phaolô VI đã đem hết sức mình để phục vụ Hội Thánh với tất cả lòng khiêm tốn, bác ái, cương nghị... Ngài không ngớt nhắn nhủ, kêu gọi, giảng giải, sẵn sàng chấp nhận mọi lời khen chê, phê bình, chỉ trích, phản chứng, ra đi... Ngài thường nói: "Cha muốn làm tất cả những gì có thể để thực hiện Công đồng Vatican II", "Cha muốn làm tất cả những gì có thể để vãn hồi hoà bình trên thế giới".


2. Vị Thánh của giới trẻ. 

* Sự điên dại trước mặt loài người là sự khôn ngoan trước mặt Chúa (ĐHV 106).

* Thánh giá là sự dại dột đối với người Do thái, là sự vấp phạm đối với người Hy Lạp (ĐHV 107).  

Thánh Gioan Boscô đã chấp nhận hết mọi đau thương, gian khổ của cuộc đời để đạt mục đích duy nhất: đưa giới trẻ về cùng Chúa. Ngài đi ăn xin từng miếng cơm, manh áo, tấm chăn để đem về cho tốp lâu la du đảng của ngài dùng. Hằng đêm, ngài phải thức khuya để làm báo, viết sách để huấn luyện giới trẻ, bênh vực Hội Thánh... đến nỗi lúc già, mắt ngài mờ đi vì phải thức khuya quá độ. 

Ngài chọn một khẩu hiệu: "Da mihi animos, caetera tolle", tạm dịch "Xin Chúa cho con được cứu nhiều linh hồn, còn mọi sự khác (của cải, danh vọng, thành công) Chúa cứ cất đi!".


3. Ơn được mắc bệnh ung thư. 

* Đừng nói tôi làm theo lương tâm. Còn lương tâm không để theo? (ĐHV 109).

* Tại sao tận hiến cho Chúa mà con so sánh mình với người đời, phàn nàn vì thua sút điều này, điều nọ. Con tiếc vì làm tôi Chúa thiệt thòi sao? (ĐHV 116).

Năm 1953, nhiều nhật báo Mỹ đăng tin: "Ngày 14.01.1953, tại Kansas, bác sĩ báo tin cho Julius Bussi đang nằm điều trị tại nhà thương rằng: Cha phải chết dần chết mòn vì bệnh ung thư". 

Là một người luôn có tinh thần siêu nhiên, hết lòng tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, ngài mỉm cười đáp: "Đó là đặc ân, đó là thánh ý Chúa muốn. Nhờ bệnh ung thư tôi có đủ thời giờ để dọn mình chết lành hơn là bị các bệnh hoạn, tai nạn khác bất ngờ xảy đến, không chuẩn bị kịp". 


4. Làm vinh danh Chúa hơn. 

* Ở trong nhà thờ suốt ngày cũng chưa hẳn là nhân đức, nếu còn bắt lý lẽ, nếu còn phản ứng theo khôn ngoan thế gian, còn tự ái.. Gioan và Giacôbê ở với Chúa luôn, nhưng Ngài phải hỏi: "Chúng con có tinh thần của ai"? (ĐHV 108). 

* Hãy nhìn mọi sự với con mắt của Thiên Chúa, con sẽ thấy giá trị khác, kích thước khác (ĐHV 111).

Khi lập Dòng Tên, thánh Ignatiô Loyola đã chọn cho Dòng một khẩu hiệu: "Ad majorem Dei gloriam": làm cho sáng danh Chúa hơn tất cả mọi công việc thuộc các lãnh vực: truyền giáo, mục vụ, giáo dục, khoa học... Luôn luôn phấn đấu trong tất cả để danh Chúa được vinh hiển hơn.


5. Con muốn phần thưởng nào? 

* Hãy vui mừng vì con thành công và hãy cám ơn Chúa vì có người khác thành công hơn con (ĐHV 105). 

* Nếu không có sự phục sinh thì người Công giáo là hạng vô phúc nhất trần gian (ĐHV 114). 

Là một tu sĩ Dòng Carmêlô, thánh Gioan Thánh Giá đã viết nhiều sách thiêng liêng có giá trị bất hủ. Ngày nọ Chúa hỏi ngài: "Con muốn phần thưởng nào?" Thánh Gioan Thánh Giá đáp: “Xin cho con được chịu đau khổ và xỉ nhục vì Chúa”.


6. Chúng tôi muốn la lớn một lời: Thiên Chúa. 

* Phaolô trồng, Apollô tưới, Thiên Chúa cho có kết quả (ĐHV 113). 

* Chúa "dắt con trên đường, để con ra đi, và thu được nhiều hoa trái". Đường ấy là đường hy vọng", và chan chứa hy vọng, vì "đẹp như hy vọng". Sao không hy vọng khi con đi với Chúa Giêsu, khi con về cùng Đức Chúa Cha? (ĐHV l). 

Năm 1943, Cô Chiara Lubich đã khởi xướng phong trào Focolare với lý tưởng "Hiệp nhất tất cả mọi thành phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô".  

Chiara Lubich lúc ấy là một Cô gái trẻ, vừa tròn 18 tuổi. Tuy nhiên Cô đã có một đời sống nội tâm sâu xa, yêu thích sống gần Thiên Chúa. Một lần nọ, mẹ Cô sai Cô đi mua sữa cho em, Cô vui vẻ làm công việc với tinh thần vui tươi, hăng hái. Trên đường đi, Cô cảm thấy dường như đã tìm được ơn gọi của mình là hoạt động bác ái giữa những người cùng khổ. Lúc đó Cô đang điều khiển một nhóm Công giáo Tiến hành. Sau chuyến đi dự khoá hội thảo tại Loretto, Chiara Lubich đã quyết tâm theo Chúa bằng cách sống ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, Khó nghèo và Tuân phục. 

Thế chiến thứ hai bùng nổ, Chiara Lubich vẫn còn ở lại Trentô để phục vụ các nạn nhân chiến tranh. Tình yêu của Cô đối với tha nhân đã quyến rũ nhiều thiếu nữ khác cùng sống lý tưởng Bác ái Hiệp nhất, thấy Chúa trong tha nhân, nhất là trong những người bị đời bỏ rơi và xua đuổi... Và nếp sống ấy đã vượt ra khỏi ranh giới thành phố Trentô.

Vào một ngày nọ, giữa năm 1948, một thanh niên 20 tuổi, chuyên viên điện, đến sửa điện tại nhà các cô. Nghe các cô nói về Thiên Chúa và về kinh nghiệm sống, anh thích thú và muốn nghe mãi. Lúc xong việc thay vì nhận tiền công, anh ta lại xin được trở thành Focolarinô, vì nghe thấy một tiếng thiêng liêng gọi anh sống đời sống đó. Rồi một kỹ sư nữa cũng đến xin gia nhập. Thế là "Tổ Nam" được thành hình. Trụ sở đầu tiên của tổ là một chỗ nuôi gà vịt được sửa lại. Ngày kia, có một linh mục đến gặp hai anh. Thấy hai anh sống trong chuồng gà, ngài chê là điên. Các anh trả lời: "Chúng con điên vì Tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng điên". 

Ngày nay phong trào đã bành trướng khắp thế giới. Năm 1977, chị Chiara Lubich được giải thưởng quốc tế Templeton về tôn giáo trao tặng tại Luân đôn. Chị thường nói: "Chúng tôi lên tiếng để la lớn cho thế giới một lời: Thiên Chúa".


7. Dàn xếp lương tâm.

* Đừng nói tôi làm theo lương tâm. Còn lương tâm không để được theo? (ĐHV 109). 

Trước kia, Giáo Hội Việt Nam có luật buộc ngày thứ sáu phải kiêng thịt. Ông nọ vào quán, biết quán có cá, nhưng ông thích ăn thịt hơn. Vừa kéo ghế ngồi, ông gọi một loạt tên các thứ cá mà ông biết chắc chắn chẳng bao giờ có: "cho tôi dĩa cá sấu! cho tôi dĩa cá voi!". Chủ quán luôn miệng đáp: "Không có! không có!" 

Thế rồi ông tự nhủ: "Lạy Chúa, Chúa biết cho con, con đã làm hết sức, đã gọi nhiều thứ cá mà chẳng có. Thôi! Con đành phải gọi một tô phở thịt bò tái mà ăn trong ngày thứ sáu kiêng thịt vậy!" Cầu nguyện xong, ông ta thi hành liền "theo đúng sự dàn xếp của lương tâm".


_______________________

7. CẦU NGUYỆN

1. Thánh Phanxicô cầu nguyện. 

* Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động (ĐHV 119). 

* Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin (ĐHV 122). 

Vì suốt ngày mỏi mệt rao giảng Tin Mừng cho lương dân, nên mỗi khi đêm về quỳ gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể, Thánh Phanxicô Xaviê có những lúc quá mệt mỏi phải ngủ gục trên bàn thờ. Lúc ấy ngài thường cầu nguyện: "Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa thì ít nữa xác con đây muốn ở gần Chúa ".


2. Ông già xứ Ars. 

* Con tưởng trẻ em chưa làm gì được, người bệnh không làm gì được cho Hội Thánh nữa? Không đâu, sau lời cầu chính thức của Hội Thánh, lời nguyện của trẻ em và bệnh nhân rất đẹp lòng Chúa. Năng nhắc họ ý thức! (ĐHV 141). 

* Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là Cha, chứ không phải là giờ làm bài, là giờ của quả tim, chứ không phải là giờ luận lý. Đừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa (ĐHV 142). 

Người ta thấy một nông dân xứ Ars, mỗi ngày trước khi ra đồng, đều có ghé đứng vào cuối nhà thờ cầu nguyện giây lát rồi mới đi cày. Khi trở về ông cũng ghé vào nhà thờ cầu nguyện như vậy. 

Ai cũng để ý và cảm phục. Một hôm có người hỏi: "ngày ngày ông ghé vào nhà thờ mấy bận để làm gì thế?" Lão nông dân trả lời cách đơn sơ mà đầy ý nghĩa: "Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi".


3. Thánh nhân mở cửa nhà chầu. 

* Con tin lời cầu nguyện toàn năng không? Hãy suy Lời Chúa: "Thầy nói thật với các con, hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa sẽ mở". Có công ty bảo hiểm nào bảo đảm cho chắc chắn hơn lời ấy không? (ĐHV 121). 

* Một người thánh mà không cầu nguyện là thánh giả. Con đợi xem, họ sẽ sụp đổ không mấy hồi (ĐHV 131). 

Những lúc gặp tội nhân cứng lòng, khuyên bảo mấy cũng chẳng chịu trở lại, thánh Vincent Ferrier càng gia tăng việc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện để kéo ơn Chúa xuống cho họ nhiều hơn. Như thế vẫn chưa đủ. Đêm về, ngài lại thức khuya trước bàn thờ than thở cùng Chúa và nhiều khi còn bạo dạn mở cửa nhà chầu để nói chuyện cùng Chúa với một đức tin mạnh mẽ. Ngài nài nỉ Chúa ban ơn cho bằng được để cứu các linh hồn cứng cỏi ấy khỏi sa hoả ngục.


4. Cầu nguyện cho kẻ thù. 

Quá tức tối trước bài giảng của Stephanô, người Do Thái lôi ngay ông ra ngoài thành Giêrusalem để ném đá cho hả giận. Trước lúc lìa trần, Stephanô thều thào trong hơi thở: "Lạy Chúa, tội của họ xin Chúa đừng chấp xét!" (TĐCV 7,54-60).


5. Một cộng đoàn cầu nguyện. 

* "Khi hai hay ba người hiệp nhau vì Danh Ta, thì Ta ở giữa họ". Lời Chúa Giêsu đã ứng nghiệm, đặc biệt nơi nhiều cộng đoàn cầu nguyện, họ sống xa linh mục từng ngàn cây số mà vẫn hướng dẫn nhau cầu nguyện kiên trì giữa gian nan và cô đơn (ĐHV 124).

* Con tìm bạn để an ủi, nâng đỡ con khỏi cô đơn. Sao con không tìm gặp người bạn không bao giờ phản bội con, và có thể ở với con liên lỉ bất cứ nơi nào? (ĐHV 130).

* Sách thiêng liêng làm nhiều người nên thánh, đó là dầu nuôi lò lửa cầu nguyện (ĐHV 145).

Một bà nọ thuật lại trong cuốn sách nhan đề "Où Dieu pleure" rằng: "Bà cùng với một số người Đức bị đưa đi đày xa quê hương từ giữa lòng thế chiến thứ hai. Tất cả đều là người Công giáo và cùng lao động tại một nông trường. Nơi ấy không có nhà thờ cũng chẳng có linh mục. Nhưng họ được tụ họp mỗi chiều chúa nhật tại một nghĩa địa cũ để cầu nguyện với nhau. Khi biết cách đó 1000 cây số có linh mục, anh chị em Kitô hữu bèn quyết định hằng tháng góp tay nhau một ít tiền để mua vé xe cho một bà già đi về nơi ấy để mang Mình Thánh Chúa đến cho họ. Thế rồi từ đó, mỗi chiều chúa nhật, họ đều gặp nhau trong nghĩa địa với tâm hồn hân hoan vui sướng vì biết rằng có Chúa Thánh Thể, mà bà kia mang trong mình, đang ở cùng họ. Họ sốt sắng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa... Những ai yếu liệt đều được trao tặng của ăn đi đàng quý giá ấy trước khi qua đời. 

Nhờ đó trong suốt mấy mươi năm trời, cộng đoàn Kitô hữu ấy vẫn sống với niềm tin kiên vững, đùm bọc yêu thương nhau trong tình bác ái huynh đệ.

Năm 1972, được trả tự do, bà già ấy đã thuật lại câu chuyện cảm động cho tác giả cuốn sách. Bà cũng cho biết mình chính là người điều khiển cộng đoàn cầu nguyện vào những chiều chúa nhật tại nghĩa địa. Bà nói: "Tôi ra đi với tất cả niềm lưu luyến, nhớ thương, với biết bao kỷ niệm về cộng đoàn cầu nguyện và cộng đoàn huynh đệ Thánh Thể ấy".


6. Gương Hồng Y Gilroy. 

* Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện (ĐHV 120).

* Muốn biết công việc tông đồ của ai, con hãy xem người ấy cầu nguyện thế nào (ĐHV 132). 

* Nếu con không phải là người cầu nguyện, không ai tin con làm việc vì Chúa thôi (ĐHV 133). 

Đức Hồng Y Norman Gilroy, Tổng Giám mục giáo phận Sidney (Úc đại lợi) là người sáng lập Hội Chầu Thánh Thể trong Tổng giáo phận của ngài cũng như trên toàn thế giới. Để nêu gương sáng cho mọi người trong việc tôn thờ Thánh Thể, mỗi ngày, dù bận rộn công việc, nhọc mệt, căng thẳng, hoặc phải đi công cán ở nước ngoài, ngài vẫn duy trì một giờ chầu Chúa Thánh Thể, ban ngày không được thì ban đêm, chẳng bao giờ bỏ.

7. Nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con. 

* Một người chưa vào đạo mà cầu nguyện là dấu rất tốt; khởi sự cầu nguyện là khởi sự có đức tin (ĐHV 137). 

Xưa có một người mù lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện bằng câu: "Nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con". 

Một hôm, người ta dẫn ông đến mồ của Thánh Thomas thành Cantobery để xin Thánh nhân làm phép lạ chữa lành đôi mắt. Ông được nhận lời: đôi mắt vụt sáng lên ngay. Nhưng sau những giây phút vui mừng sung sướng, ông chợt nhớ mình quên kết thúc lời cầu nguyện bằng câu thường lệ: "Nếu điều đó có ích lợi cho phần rỗi của con", nên ông vội vàng trở lại trước phần mộ của thánh Thomas, xin được hoá mù lại, nếu điều đó có ích lợi cho phần rỗi của ông hơn là được sáng mắt. 

Đôi mắt ông lại hoá nên mù như trước, nhưng đời ông từ đó nên thánh thiện.


8. Cha - Con Ta. 

* Chúa dạy con đọc kinh để giúp con cầu nguyện, nhưng việc chính là gặp gỡ, nói chuyện giữa Cha và con: "Khi con cầu nguyện, đừng lo phải nói gì! Hãy vào phòng đóng cửa, cầu nguyện với Cha của con cách kín đáo, và Cha con thấy mọi sự sẽ nghe lời con". Không cần hình thức, chỉ cần tâm tình phụ tử (ĐHV 127).

Trong lần gặp gỡ thánh Phanxicô vào dịp thánh nhân qua Toà Thánh để xin phê chuẩn luật dòng Anh Em Hèn Mọn. Đức Thánh Cha thân mật hỏi ngài: 

- Con có bao giờ thấy Chúa chưa? 

- Con vừa thấy đêm qua.

- Người có nói gì với con không?

- Người và con bên nhau suốt đêm không nói gì. Tuy nhiên, cứ mỗi lúc con nói "Cha" với Người thì Người trả lời lại với con: "con Ta". Cứ thế, chẳng có gì hơn... cho đến lúc trời sáng.

9. Đan sĩ Silouanne. 

* Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Máy móc tự động có thể làm hơn con (ĐHV 118). 

* Lời cầu nguyện của con phải phổ cập, quả tim con phải chứa đựng cả thế gian, nhưng đừng vì đó mà quên những thực tế trong con, và chung quanh con (ĐHV 144).

* Đặc biệt với tâm hồn toàn hiến, đáng lẽ trong căn cước phải khai: "nghề nghiệp: cầu nguyện". Các nghề khác thế gian đều làm cả. Thế gian đòi hỏi con làm đại lý và xin nài con: "cầu nguyện cho tôi!" (ĐHV 146)

Silouannne là một đan sĩ đơn sơ, thánh thiện, người Nga, thuộc Chính Thống giáo, tu ở núi Athos Hy Lạp, từ lúc 20 tuổi cho đến lúc qua đời (70 tuổi). Giáo chủ Antoine Bloom, đại diện Chính Thống giáo Âu châu, có kể lại một câu chuyện như sau trong đời ngài: 


10. Thằng quỷ làm dấu Thánh Giá. 

*Con hãy cầu nguyện luôn luôn bất cứ ở đâu. Chúa Giêsu đã nói: "Hãy cầu nguyện không ngừng" (ĐHV 123). 

Valentia mồ côi lúc mới lên 5, phải ở với mẹ tại một khu lao động nghèo khổ. Ngày ngày sau Thánh lễ, cậu phải vào các tiệm ăn để đánh giày cho khách. Mỗi lần khách trả tiền, cậu đều làm dấu Thánh giá cám ơn Chúa.  Tụi bạn nom thấy thế nhiều lần to nhỏ với nhau: "Gạo thì không lo mà lo giữ đạo!" Valentia vẫn cứ hiên ngang giữ hình thức cầu nguyện đơn sơ ấy. 

Năm 17 tuổi, cậu được ban văn nghệ khu phố cho đóng vai thằng quỷ. Màn đầu vừa dứt, khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Sang màn thứ hai, trời đột nhiên đổ mưa, sấm sét nổi lên ầm ầm. Như bao nhiêu lần trước, "thằng quỷ trên sâu khấu quên mất mình đang đóng kịch, vội quỳ gối làm dấu Thánh giá. Khán giả cười rồ lên, tưởng thằng quỷ làm hề, không ngờ Valentia cầu nguyện thật!" 

Sau đêm ấy, mọi người trong khu xóm hiểu được hoàn cảnh của cậu, họ chung nhau quyên tiền để giúp Valentia ăn học. Đến sau, Valentia đỗ tiến sĩ lúc mới 30 tuổi!


_______________________

8. HY SINH

1. Thập giá đời tu sĩ. 

* Hy sinh và nguyện ngắm đi đôi: nếu con không hy sinh, con đừng phàn nàn vì nguyện ngắm nguội lạnh (ĐHV 148). 

* Con phải hy sinh nhiều khi sống giữa những người khác chính kiến con, khác địa vị con, khác lý tưởng con. Hãy xem gương Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài sống giữa loài người tội lỗi, 33 năm hy sinh liên lỉ (ĐHV 149). 

* Nếu con không hy sinh bên ngoài, không ai tin con hy sinh bên trong. Hy sinh giác quan rất quan hệ, Đavid đã sụp đỗ vì không giữ mắt (ĐHV 160). 

Thánh Louis de Gonzaga là một tu sĩ dòng Tên sống đời trinh khiết, siêu việt như thiên thần. Tuy nhiên, vì vẫn là con người, nên ngài không thể không cảm thấy thấm thía những Thánh giá do đời sống cộng đoàn đem lại: đó là những xích mích, va chạm không làm sao tránh khỏi. Và ngài đã chấp nhận vác lấy cách khiêm tốn, vui tươi, coi đó là một dịp đền tội, như lời Ngài nói: "Việc đền tội lớn nhất của tôi là đời sống cộng đoàn, Mea maxima poenitentia, vita communis". 


2. Những hy sinh của vị Thánh Nhỏ.

* Gặp một người làm khổ, con có thể có hai thái độ: "Người này hại tôi; người này thánh hóa tôi" (ĐHV 150).

* Đừng hy sinh kiểu biệt phái, hãy hy sinh theo Phúc Âm (ĐHV 154). 

* Không hy sinh nơi những việc nhỏ, con sẽ đầu hàng trước những hy sinh lớn lao (ĐHV 164). 

* Để thúc đẩy con, mỗi lần hy sinh, con định rõ một mục tiêu: cứu một linh hồn; dâng cho một bệnh nhân; cầu cho Hội Thánh ở một địa phương gây cấn (ĐHV 165).

Trong truyện "Một tâm hồn", Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu có thuật lại một hy sinh rất đẹp của Thánh Nữ: "Một lần kia tại nhà giặt, con ngồi giặt đằng trước mặt chị. Chị này giặt khăn tay, chốc chốc lại làm bắn nước bẩn vào con. Thoạt đầu con muốn lùi ngay lau mặt cho chị ấy biết để đừng làm bắn nước bẩn vào con nữa. Nhưng nghĩ lại như thế là dại, vì bỏ mất những hạt ngọc người ta tặng mình một cách đại lượng, và con đã thôi không tỏ vẻ khó chịu gì hết. Hơn nữa, con lại cố nén mình để ước ao nước bẩn ấy bắn lên con rất nhiều. Qua nửa giờ con đã cảm thấy sự vui thú được vấy nước bẩn. Con định bụng hể sau này có dịp lại đến chốn đất lành ấy để được một cách làm giàu không mấy khó khăn". 

Nơi khác, ngài còn nói: "Với lòng kính mến Chúa, thì dù cúi xuống nhặt một cái kim nhỏ, ta cũng cứu được một linh hồn". 

Một lần nọ, chị coi nhà liệt khuyên ngài mỗi ngày nên đi bách bộ ngoài vườn 15 phút. Ngài coi lời khuyên đó như một mệnh lệnh. Bữa kia vào lúc quá trưa, một chị trông ngài bước đi khó khăn quá, mới thương hại bảo rằng: 

- Chị về nằm nghỉ có lẽ lợi hơn đi bách bộ, đi như thể chỉ thêm mệt. 

Ngài thưa lại:  

- Vâng, chính thế! Nhưng chị có biết em lấy sức gì để đi được như thế chăng? Em đi để làm ích cho một vị truyền giáo, với ý nghĩ: ở cõi xa xăm kia, có vị truyền giáo dường như đã kiệt sức vì mãi miết theo đuổi công cuộc mở mang Nước Chúa; em muốn dâng lên Chúa những bước đi mệt nhọc này để vị tông đồ ấy đỡ nhọc mệt.


3. Một chứng tích tình yêu. 

* Hy sinh con, đừng hy sinh kẻ khác (ĐHV 158).

* "Vì Chúa yêu thương môn đệ, Ngài đã yêu thương đến cùng!" Tận cùng ấy là Thánh giá. Hy sinh của con phải trọn vẹn, phải là lễ toàn thiêu, nếu "yêu tận cùng" (ĐHV 161). 

* Trong một cuộc hành hương long trọng, nghìn vạn người tham gia, ai cũng muốn vác thánh giá đi tiên phong. Nhưng trong cuộc hành hương của mỗi ngày, mấy ai sẵn lòng vác thánh giá của mình? Anh hùng thinh lặng khó lắm? (ĐHV 171).

Cha Maximilien Kolbe, người Ba lan, là một tu sĩ Dòng Phanxicô rất hăng say hoạt động. Ngài đã tình nguyện sang truyền giáo ở Nhật, đặc biệt chuyên ngành ấn loát sách báo để truyền giáo, người cũng đã có dịp ghé qua Sài gòn, nhưng vì bệnh lao phổi, phải trở về Ba lan điều trị. Tại quê nhà, M. Kolbe vừa chữa bệnh vừa hoạt động không ngừng. Ngài dùng sách báo để truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ. Ngài quá trông cậy, kính yêu Đức Mẹ đến nỗi được người ta gán cho biệt hiệu: "Người con điên của Đức Mẹ ". 

Lúc Phátxít Đức chiếm đóng Ba lan, chúng thấy ảnh hưởng ngài trên quần chúng quá mạnh nên đã tống ngài vào ngục. 

Ngày nọ, trại giam của ngài có một tù nhân vượt ngục. Sáng hôm sau, lúc điểm danh thấy mất một người, viên sĩ quan áp dụng ngay luật lệ của Phátxít Đức: hễ một tù nhân trốn thoát, mười người tù khác phải đền mạng. 

Trên sân nhà tù, ai nấy đều thinh lặng và khiếp đảm. Viên sĩ quan coi tù ngục vừa giận dữ rảo bước vừa đưa tay chỉ định: tên này.... tên này... Ai lâm vào sổ đoạn trường thì phải sang sắp hàng một bên. Chợt có tên kêu thất thanh: "Khốn cho tôi, tôi còn vợ và một đàn con nhỏ". 

Giữa bầu khí thinh lặng và rùng rợn ấy, một tù nhân bước ra khỏi hàng, đứng im cách nghiêm nghị. Viên sĩ quan Đức quát hỏi: 

- Mi là ai? 

- Maximilien Kolbe, linh mục Công giáo! 

- Mi muốn gì? 

- Tôi xin nguyện chết thay cho anh bạn tù này (ngài đưa tay chỉ vào người vừa la thất thanh), vì anh còn con thơ và vợ dại.

- Muốn ngu thì cho ngu! Vào sắp hàng thế, còn tên kia được tha! 

Mọi tù nhân có mặt trên sân đều ngơ ngẩn, ngạc nhiên, thán phục... Viên sĩ quan Đức hô lớn: "Sắp sẵn! Đi!". Mười người lặng lẽ đi vào phòng giam đói của nhà ngục. Theo lời các tù nhân thuật lại, thường những kẻ bị giam đói khóc lóc chửi rủa cho đến khi tắt hơi. Cha M. Kolbe luôn miệng khuyến khích, thúc giục mọi người cầu nguyện. Các tù nhân bên ngoài nghe tiếng họ hát và đọc kinh, ban đầu lớn, càng về sau càng yếu đi, rồi đến một lúc thì hoàn toàn im lặng. Ngày thứ mười hai, cửa phòng giam đói được mở ra. Mọi người đều đã chết, trừ một mình cha Kolbe, với đôi mắt vẫn sáng dù thân hình tàn rũ. Viên cai ngục bắt ngài đưa tay ra và chích cho một mũi thuốc độc ân huệ. Vị linh mục chết ngay. Họ đưa xe đến xúc xác ngài và các bạn tù đổ vào lò đốt. 

Mấy mươi năm sau, vào năm 1972, Toà Thánh đã tôn phong ngài lên bậc Chân phước, sau khi cứu xét kỹ lưỡng các nhân đức anh hùng của vị linh mục. Giây phút cảm động nhất trong Thánh lễ do Đức Phaolô VI chủ tế trong buổi lễ tôn phong ấy là hồi dâng lễ vật: một đoàn người tiến lên mang bánh, rượu, nến và hoa hồng trắng đỏ: hoa hồng trắng chỉ sự trinh khiết, hoa hồng đỏ chỉ sự hy sinh tử đạo. Đoàn người dâng lễ gồm có người Ba lan, đồng hương của ngài, và vài thiếu nữ mặc quốc phục Nhật Bản, nơi ngài đã đến truyền giáo. Cảm động hơn cả là lúc Đức Thánh Cha ôm hôn ông già bưng cái chén thánh tiến lên: đó chính là tù nhân đã được cha Kolbe thế mạng. Trong lúc ấy, toàn thể cộng đoàn hát vang khúc tình ca: "Không có tình yêu nào cao quý bằng chết thay cho bạn hữu". Chứng tích sờ sờ trước mắt khiến nhiều người hôm ấy không cầm nổi giọt lệ...


4. Cha Đamien Tông Đồ người hủi. 

* Nếu biết chế ngự bằng hy sinh: hồn và xác con là hai người bạn đoàn kết và vô địch. Nếu không biết chế ngự: hồn và xác con là hai kẻ thù không bao giờ lìa xa nhau được (ĐHV 168).

* Có những người hy sinh mà muốn mọi người biết mình hy sinh; có những người không hy sinh mà muốn mọi người biết mình hy sinh; có những người hy sinh luôn mà không muốn ai biết mình hy sinh (ĐHV 170). 

* Con có thể hy sinh mạng sống, hy sinh cả cuộc đời, vì hy vọng chan chứa với Chúa Giêsu: "Người sống lại như lời Thánh Kinh, Người lên trời, Người sẽ trở lại trong vinh quang... Nước Người sẽ không bao giờ cùng" (ĐHV 174)

Cái đảo xa xăm ấy nằm cô đơn giữa lòng Thái-bình-dương mênh mông. Trên đảo toàn là người hủi: cụt tay, đứt chân, mắt đui mày lở, răng rụng... 

Một hôm, Đức Giám Mục đặc trách quần đảo gióng tiếng kêu gọi các linh mục ở Âu Châu tình nguyện hy sinh sang đó phục vụ. Một linh mục trẻ, đẹp trai, thông minh, khỏe mạnh hăng hái đáp lời: đó là cha Đamien, người về sau được thêm biệt danh: "Tông đồ người hủi". 

Chiều hôm đó, trong nhà thờ đông nghẹt những người hủi da ngăm đen với mùi hôi tanh nồng nặc, Đức Giám mục đứng trên bàn thờ quay xuống giới thiệu với giáo dân: "Các con thân mến, các con hằng mong ước có một linh mục đến cùng các con, thì đây, cha Đamien, một linh mục người Bỉ sẽ sống chung với các con từ nay cho đến chết. Các con có sung sướng không?" 

Cả nhà thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Đamien đứng cạnh Đức Giám mục chẳng hiểu tí nào. Rồi họ từ từ tiến lên cung thánh, dáng điệu chất phác đơn sơ. Cha Đamien càng nhìn thấy họ đến gần càng sởn tóc gáy. Họ trông như những thây ma còn sống, như những quái thai mất hẳn dáng người. Họ làm gì đây? Họ tiến đến bên Cha sờ vào mặt, vào tay, vào áo cha... Cha hỏi Đức Giám mục: "Họ làm gì thế? Nói gì thế?" Đức Cha trả lời: Họ nói, họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, chẳng bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ, đẹp trai, không bệnh tật như Cha, tự nhiên lại đến phục vụ họ trên mãnh đất cùng khốn này. Họ không tin mắt mình nên mới đến sờ mó vào người cha, xem thử cha có thực sự bị phung hủi như họ không. Rồi họ nói với nhau: "Không, cha đẹp quá!" 

Dần dần, cha Đamien hòa đồng được với họ. Ngài không còn cảm thấy tởm gớm họ như ngày đầu. Nói đúng hơn, ngài đã quá yêu Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong họ nên chẳng còn thấy e sợ, gớm ghiếc chi! 

Một ngày kia, đến lượt cha cũng mắc bệnh hủi. Thân hình cha lở loét, nhức nhối. Mặt mày cha sù sì, đen đủi, u nần trông rất dễ sợ. Một số báo ở Bỉ đăng hình cha mô tả sự hy sinh vĩ đại của cha. Bà cụ của cha mắt mờ không đọc được, nhìn vào bức hình cũng chẳng nhận ra nổi đứa con yêu. Bà hỏi con cháu: "Hình ai đây mà trông ghê sợ vậy?" Con cháu trả lời: "Một người hủi bên đảo Molokai của anh Đamien đấy!" Qua mặt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả đều xót xa rơi lệ.

Cha Đamien đã sống với người hủi cho đến chết. Tình yêu Chúa đã giúp cha hy sinh suốt đời vì họ.


5. Viên đá đầu tiên dính đầy máu đỏ. 

* Thiên hạ nói: "Người này là mối họa cho tôi!" Con phải nói: "Người này là khí cụ Chúa dùng biến đổi tôi!"(ĐHV 151). 

* Không hy sinh, không có nhân đức thánh thiện. Ai chưa "bỏ mình vác thánh giá" thì chưa "theo Thầy" được. Đó là điều kiện tiên quyết (ĐHV 157). 

* Người hy sinh biết rộng lượng trước khuyết điểm của người và nghiêm khắc trước khuyết điểm của mình (ĐHV 169). 

- Xin cám ơn ông, đây là viên đá đầu tiên của ngôi thánh đường tôi muốn xây lên đây trong một thời gian nữa. 

Đó là lời của một linh mục thừa sai thốt lên vào năm 1896 trên mảnh đất lương dân nghịch đạo ở Cayenne, vùng Saint-Ouen. Khi vừa thấy chiếc áo dòng thâm của vị thừa sai xuất hiện, một người dân đã lấy đá ném thẳng vào vị linh mục thừa sai. Ngài bình tĩnh cúi xuống nhặt viên đá dính đầy máu và thốt lên câu nói trên. 

Thời gian trôi qua, vị linh mục vẫn bền chí hy sinh, tiếp xúc, cầu nguyện, gặp gỡ, rao giảng... cho đến một hôm, viên đá dính đầy máu đỏ xưa kia trở thành viên đá đầu tiên của ngôi nhà thờ xây trên xứ ấy để dâng kính Đức Mẹ. Hội Thánh Chúa luôn luôn lớn lên từ những hy sinh của con cái mình.


6. Hy sinh để cám ơn Chúa. 

* Con nghĩ rằng con không có gì để hy sinh cho Chúa, nhưng Chúa thấy con bỏ quá nhiều dịp: tươi cười với một người nói móc họng con: thinh lặng trước một vụ vu cáo bất công; yêu thương một người bạn phản bội; không nói một lời hóc búa trả đũa. Mọi giây phút đều có dịp hy sinh (ĐHV 153). 

* Vì yêu thương sẵn sàng hy sinh tất cả: "Để thế gian biết Đức Chúa Cha yêu Thầy và Thầy yêu mến Đức Chúa Cha, chúng ta hãy chỗi dậy và ra đi?" (ĐHV 159). 

Hôm đó, trên chuyến bay từ Ý qua Mỹ, mang theo một số Giám mục mới đi dự Công đồng Vatican II về, có một cô chiêu đãi viên rất đẹp. Suốt chuyến bay, cô rất bực mình vì một đôi mắt cứ nhìn chòng chọc vào cô, và đôi mắt đó không là của ai khác hơn là Đức Cha Fulten Sheen, vị tông đồ lừng danh của nước Mỹ. Khi phi cơ hạ cánh, và đợi cho các hành khách xuống hết, vị Giám mục mới tiến đến trước mặt cô, nói nửa nghiêm trang nửa bông đùa: "Cô đẹp lắm! Cô hãy cám ơn Chúa vì đã cho cô đẹp!" 

Vài hôm sau, có tiếng gõ cửa văn phòng làm việc của Đức Cha Fulten Sheen, cô chiêu đãi viên hôm nọ xuất hiện. Nàng vào đề liền: 

- Câu nói của Đức Cha làm cho con suy nghĩ mãi. Con phải cám ơn Chúa thế nào? 

- Cô biết trại phong cùi Di Linh ở Việt Nam chứ? 

- Vâng, con đọc báo có nghe đến! 

- Chúa đã lấy hết sắc đẹp của những người cùi ở đó mà ban cho cô. Cô hãy qua bên đó mà an ủi họ. 

Chỉ từng ấy! Cô chiêu đãi viên sau đó trút bỏ cả tương lai huy hoàng, khoác bộ áo nữ tu, và sau một thời gian tập sự học hỏi, đã tình nguyện sang Việt Nam phục vụ, ngay giữa những người cùi Di Linh, để cám ơn Chúa vì đã ban cho mình sắc đẹp.


7. Đôi mắt trao tặng kẻ mù. 

* Ai cũng kính trọng những người được in Năm Dấu Thánh, nhưng ai cũng sợ Chúa in Năm Dấu Thánh trên mình bằng hy sinh (ĐHV 152). 

Cuối năm 1955, tại một bệnh viện, người ta nghe tiếng cha Don Gnochi thì thầm với bác sĩ: "Khi tôi mất rồi, xin bác sĩ móc hai mắt tôi để ghép vào cho hai đứa trẻ mù mà tôi đã nuôi nấng". 

Sau mấy tuần làm việc, bác sĩ đã thành công: hai đứa trẻ bắt đầu thấy ánh sáng và càng ngày, các em càng được trông thấy rõ. Bác sĩ tìm hết cách hỏi hai em về mối dây liên hệ giữa hai em và linh mục Don Gnochi. Hai em cho biết là chẳng có họ hàng gì. Thì ra trong suốt cuộc đời làm linh mục, cha Don Gnochi chuyên kiếm tìm những trẻ tàn tật đem về nuôi dưỡng, săn sóc, huấn luyện... Quá cảm kích trước tấm gương hy sinh vĩ đại, vị bác sĩ đã quyết đinh hiến dâng cả cuộc đời mình phục vụ các người xấu số. Gương hy sinh lôi kéo nhiều kẻ hy sinh.


8. Giọt nước mắt tha thứ.  

* Người thực sự yêu thương, luôn luôn hy sinh mà không bao giờ kể công (ĐHV 155). 

Đứng trước hung tin: Jacques, cậu con trai yêu quí vừa từ trần, nữ bá tước Littry vô cùng đau khổ và cảm thấy tiêu tan hết nghị lực; tuy nhiên, bà vẫn cố gắng lao mình vào công việc phục vụ các bệnh nhân trong bệnh viện do bà sáng lập năm 1870, ở thung lũng Marne, xứ Eperny. 

Ngày nọ, một thương binh người Đức được cho đến bệnh viện. Dù y thuộc thành phần quân đội thù nghịch đã giết chết con trai bà bá tước, nhưng bà vẫn tiếp nhận một cách vui vẻ. Đến khi lúc soạn đồ đạc, áo xống của người thương binh, bà bắt gặp chiếc ví và cái đồng hồ của cậu Jacques trong túi áo của tên lính Đức ấy. Vừa bàng hoàng, vừa tức giận, nữ bá tước Littry chỉ biết thốt lên: "Đúng đây là tên lính đã giết con trai mình!". Nhưng kìa, một mảnh giấy trong chiếc ví của Jacques rơi xuống. Bà Littry vội cúi xuống nhặt lên đọc, một hàng chữ đập mạnh vào mắt bà: "...Mẹ yêu quý! con luôn nhớ đến mẹ và cầu nguyện cho mẹ. Nếu chẳng may con tử trận, xin mẹ đừng quá bi lụy, nhưng hãy can đảm, quảng đại chịu đau khổ để cầu nguyện cho con..." 

Sau một hồi xúc động, bà Littry cúi xuống tiếp tục săn sóc tên lính Đức cách tận tình. Trên mặt y, một giọt nước mắt của bà rơi xuống, nóng hổi, lóng lánh như hạt sương mai...!.


9. Cha già lựu đạn. 

* Chúa thường gởi hy sinh đến những người Chúa yêu, những hạng người được Chúa yêu ít lắm, vì không mấy ai chấp nhận hy sinh (ĐHV 163). 

* Thánh thiện và tội lỗi, lắm lúc chỉ do thắng bại của một phút hy sinh (ĐHV 172). 

Nữ tu Antoinette vẫn thường gọi thế khi nhắc tới ông lính già kỳ chướng, khó tính nhất trong bệnh viện. Gặp ai ông cũng nhăn nhó, nạt nộ; có chuyện gì khó chịu ông ta la lối rùm beng. 

Ngày kia đang mãi mê phục vụ, nữ tu Antoinette nghe tiếng cha già lựu đạn hét lên: "đem cho tôi quả trứng!" Antoinette vui vẻ đem đến. 

- Trứng chưa chín đủ mà cũng đem cho tôi à! cha-già-lựu-đạn nhăn nhó bảo. Antoinette tươi cười đem trứng đi luộc lại.

- Trứng chín quá! luộc gì mà luộc vô hậu đến thế!  

Antoinette chẳng biết làm sao, chị bèn đi lấy lò kê một bên gường và trao cho ông lính khó tính một quả trứng để ông luộc lấy cho vừa ý ông. Ông già thấy thế nổi máu nóng lên, đạp đổ lò bếp, quăng trứng xuống sàn nhà, miệng quát lớn: "Cô không biết tôi là bệnh nhân sao! Bệnh nhân mà đi luộc trứng à?" 

Nữ tu Antoinette chẳng nói nữa lời, chỉ thinh lặng cúi xuống thu nhặt, quét dọn... Lát sau, chị lại đem đến cho ông lính già một cái trứng khác: "Anh cố gắng dùng thử cái này, tôi luộc vừa chín thôi!" Bất giác ông lính già rùng mình cảm động, nói lý nhí trong miệng: "Tôi ăn quả trứng mà cũng là ăn lòng tốt của bà nữa".


_______________________

9. QUẢ TIM

1. Quả tim của con người trở lại. 

* Con cảm thấy quả tim con yếu đuối. Các thánh cũng như con. Nhưng nhờ vậy họ mới làm thánh: nhờ ơn Chúa và ý chí (ĐHV 181). 

* Con dâng cho Chúa một quả tim, trong đó đủ mọi thụ tạo chen nhau chiếm chỗ, rồi con bảo Chúa nhận và giữ quả tim ấy sao? (ĐHV 182).

Sau khi con tim mình bị Chúa chiếm đoạt, Augustinô đã trở thành một Kitô hữu, một tu sĩ và là một Giám mục thánh thiện, lừng danh. Đặc biệt trong quãng thời gian làm Giám mục thành Hippone (Phi châu), Ngài đã thể hiện một tinh thần khiêm tốn và huynh đệ tuyệt hảo đối với các linh mục dưới quyền Ngài. Thánh nhân qua đời năm 430, hưởng thọ 76 tuổi, để lại nhiều bộ sách quí giá về thần học, minh giáo và chú giải Thánh Kinh.


2. Hai nàng trinh nữ. 

* Đừng để tháng ngày làm cho quả tim già nua. Hãy yêu thương với một tình yêu ngày càng mãnh liệt, mới mẻ, trong trắng hơn: tình yêu Chúa đổ vào quả tim con (ĐHV 178). 

* Ngần ngại gì? Hãy cắt đứt xích xiềng ràng buộc con, dù là xiềng vàng, để tiến lên. Cuối đường có Chúa đón chờ con (ĐHV 179).

Clara là một thiếu nữ rất xinh đẹp, chào đời 16.7.1194 trong một gia đình quyền quí tại Alexandriô, miền Ombri, nước ý. Năm 16 tuổi, quả tim tươi trẻ ấy đã can đảm lìa bỏ gia đình để tận hiến cho Chúa Kitô. Nàng không ngần ngại cắt đứt mái tóc óng-ả của mình để trở thành một tu sĩ, dưới sự hướng dẫn của Thánh Phanxicô khó khăn. Ngài đã lập dòng các Nữ tu tận hiến cho Chúa (Clarisses) và qua đời 11.8.1253 trước sự thương tiếc của mọi người. 

Thánh Rosa thành Lima cũng thế. Dầu được mọi người trong gia đình chiều chuộng, ngài vẫn luôn tỏ ra thùy mi, đơn sơ từ lời nói cho đến cách ăn mặc. Để giữ mình trinh khiết, ngài đã mặc áo dòng ba Đa-minh lúc vừa 22 tuổi. Từ đó ngài bắt đầu sống một cuộc đời ăn chay nhiệm nhặt, nàng tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và suy gẫm về Thánh lễ. Ngài còn ước ao đi truyền giáo các nơi xa xôi, nhưng vì sức yếu lại thêm gánh nặng gia đình nên không thể thực hiện được ước mơ. Bù lại, ngài hăng hái giúp đỡ các bệnh nhân và người nghèo khổ. Ngày 24.8.1617, Ngài đã qua đời vì bệnh ung thư sau những năm dài say mê với công việc bác ái.


3. Quả tim nồng nàn. 

* Đừng dâng tim con cho Chúa, rồi tìm quả tim người khác thay vào. Chúa không muốn con chơi "trò ghép tim" ấy đâu (ĐHV 176).

* Chúa muốn tất cả lòng con, Chúa không chấp nhận chia sẻ với ai (ĐHV 186).

Thánh Nữ Maria Madalêna Pazi (Ý) khấn giữ mình đồng trinh ngay lúc mới 10 tuổi. Sáu năm sau, ngài từ hôn với một vị lãnh chúa, và từ giã cha mẹ để hiến thân trong Dòng Kín, sống một cuộc đời hoàn toàn bác ái, khiêm nhường. Ban đêm bà tình nguyện giúp các chị em yếu liệt và làm việc nhà cách kín đáo thay cho chị em...Lòng bà rất sốt sắng kính mến Chúa đến nỗi phải lấy nước lã đắp lên ngực mới chịu nổi...! Bà thường cầu nguyện: "Xin cho con được sống để chịu đau khổ vì Chúa, cứ đau khổ mà không chết". Bà qua đời lúc 41 tuổi, năm 1607, sau một thời gian lâu dài trên giường bệnh.


4. Hai cái xương sườn gãy.

* Các Thánh càng già thì quả tim họ càng tươi trẻ (ĐHV 177). 

* Con đổi một quả tim nhàu nát, để lấy Thánh Tâm yêu thương Chúa sao được? (ĐHV 183). 

* Con mang quả tim rao bán qua tay mọi người. Khi đã chê chán rồi, con đem dâng cho Chúa! Chúa dại hơn con sao? (ĐHV 185). 

Thánh Philipphê Nêri (1515-1595) có một quả tim yêu thương linh hồn người ta rất tha thiết. Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả thời giờ để ngồi tòa giải tội. Với nếp sống bình dân, dễ mến, ngài đã gây được ảnh hưởng trên nhiều người. Không ai quên được câu nói của ngài: "Với kẻ yêu mến Chúa thì không có gì nặng nhọc, mệt mỏi, nhưng đầy hân hoan trong nguồn suối chân thật". Trước tình trạng sa đọa trong Hội Thánh thời bấy giờ, ngài chủ trương: "Người ta chỉ có thể canh tân bằng sự thánh thiện chứ không thể bằng cách nào khác, vì thế ngài đã lập dòng Thăm viếng để góp phần canh tân Hội Thánh. Năm 1593, ngài khiêm nhường từ chối mũ Hồng Y và lui về tu viện sống đời ăn chay cầu nguyện. Quả tim ngài luôn bùng cháy lửa yêu mến Chúa và các linh hồn đến nỗi Chúa làm phép lạ cho hai cái xương sườn bên cạnh quả tim gãy và nổi cao lên rõ ràng trên lòng ngực.


5. Nên thánh nhờ một thây chết.

* Cứ mỗi lần con lại nói: "Phải mà tôi đã dứt khoát từ đầu!" Mong con đừng còn phải nhắc lại lời hối tiếc muộn màng ấy. (ĐHV 180)

* Con nói: "Đây là những tình bạn nâng đỡ tôi." Hãy xem nếu không tiến lên thì đó chỉ là gánh nặng đè bẹp con xuống. (ĐHV 184)

- Tôi đã đánh mất mọi sự, chỉ trừ Đức Tin. 

Câu nói ấy đã được thốt lên từ đôi môi của một cô gái hoang đàng, trụy lạc tên là Marguerite de Cortone. Trong suốt chín năm trời, sau cuộc tái hôn của thân phụ, cô Marguerite luôn sống dầm dề trong tội lỗi... Nhưng rồi một ngày kia, Thiên Chúa đã đánh động con tim hoang đàng của cô bằng một quang cảnh ghê rợn: ở một góc rừng, Marguerite rất đỗi bàng hoàng xúc động khi đứng trước thi thể thối tha của người yêu. Nàng tự hỏi: "Sau đó còn lại gì, lạy Chúa, và rồi cô gái trụy lạc ấy đã trở về lại với gia đình, xin lỗi thân phụ, tròng một giây thừng vào cổ để tỏ dấu ăn năn thống hối. Đoạn nàng đến xin các tu sĩ dòng Phanxicô hướng dẫn, và sau ba năm đầy thử thách với nhiều đêm dài miệt mài khóc lóc đền tội, Marguerite đã khoác lên mình bộ tu phục dòng ba Phanxicô... Sau đó, nàng biến nhà mình thành một bệnh xá vừa săn sóc các bệnh nhân vừa lao động sản xuất nuôi họ. Ma quỷ dùng trăm phương ngàn kế để cám dỗ Marguerite nhưng nàng đã mãnh liệt chống trả. Ơn Chúa tuôn xuống như mưa trên nàng, nhất là ơn làm cho tội nhân ăn năn trở lại.


6. Dẫn lực của một tâm hồn.

* Các Thánh bỏ mọi sự, nhưng các Thánh đi đâu, thiên hạ theo đến đó: xem Thánh Vianney, Cha Piô...(ĐHV 189)

- Tôi tín nhiệm cha mới sai cha đến xứ Ars, một xứ chẳng có lòng đạo đức bao nhiêu. 

Nghe lời đó thốt lên từ miệng vị Giám mục. Cha Vianney không nản lòng, trái lại vẫn một mực tin cậy vào Chúa. Khi về nhận sở, cha thấy lời Đức Giám mục quả không ngoa. Chẳng một ai đón tiếp, Thánh lễ đầu tiên chỉ một vài kẻ tò mò đến dự. Ngày Chúa nhật cả con nít lẫn người lớn đều đi làm chẳng ai màng đến Thánh lễ với ông cha. Thấy giáo dân khô đạo, xa Chúa như thế, cha Vianney rất đau khổ và tìm mọi cách để gần gũi họ. Chiều chiều, người ta thấy bóng cha lang thang ngoài đồng, thăm hỏi cười vui với nông dân. Nhờ thế, một thời gian cha con hiểu nhau, quý mến nhau tin cậy nhau. Người ta rất đổi ngạc nhiên trước sức hấp dẫn kỳ diệu phát xuất từ con người đơn sơ ấy. Ngài ngồi ở toà giải tội hàng giờ. Thành phần những người đi xưng tội thuộc đủ mọi giáo xứ, mọi địa phận và cả mọi quốc gia nữa! Cái gì thu hút họ đến thế? Thưa: quả tim của cha. Cha Vianney có quả tim tràn đầy tình yêu Chúa và những kẻ tội lỗi. Nhiều người đàn ông cứng cỏi ban đầu đến cố ý để chỉ trích chế nhạo ngài, đến sau đều phải thú nhận "từ nơi cha có một sức gì quá ư mãnh liệt khiến tôi không thể không vào toà giải tội, xưng hết các tội lỗi, rồi trở về đổi mới hân hoan!". Cả các Hồng Y, Giám mục cũng bị thu hút đến xưng tội và ban trưa tới ngồi ở ghế giáo dân nghe cha Vianney dạy giáo lý nữa! Một linh mục dốt nát nhất dạy cho hàng vị vọng trong Hội Thánh.

Vào những năm cuối đời, người ta không còn nghe rõ tiếng cha nữa, chỉ thấy môi cha mấp máy; chốc chốc cha lại chỉ tay vào nhà chầu, nước mắt chảy ròng ròng... cả nhà thờ thấy thế đều cảm động. Người ta tuôn đến xứ Ars để xưng tội càng ngày càng đông. Nhà nước phải đặt một đường xe lửa chạy dài đến thôn trang hẻo lánh ấy, lập thành một ga mới để phục vụ khách hành hương. Cha Vianney qua đời ngày 4.8.1859. Hơn một trăm năm sau, khách hành hương vẫn không ngớt kéo về Ars để nhìn ngắm chiếc giường đơn sơ và đôi guốc gỗ, suy gẫm những bài giảng với nét chữ nguệch ngoạc còn sai lỗi chính tả của cha. Quả như một lời danh nhân đã nói: "Tài năng tuyệt tác chỉ khiến người ta đứng ngoài mà thán phục, nhưng quả tim vĩ đại lại thu hút người ta vào bên trong". Mà quả tim nào vĩ đại bằng quả tim các Thánh?


7. Sức hút lên cao. 

Cha Abel là một tu sĩ rất đạo đức thánh thiện. Dù tu viện của Ngài ở tận trên cao chóp núi Liban (xứ Libia), đường đi trắc trở, thế mà ngày ngày tội nhân trên khắp xứ đều tuôn về đó để xưng tội. Khi ngài đã ly trần, người ta còn kéo nhau đến bên mồ ngài cầu nguyện, xin ơn. 


8. Chinh phục bầy ngựa hoang.

* Dùng tình yêu để làm tông đồ, một cớ rất hay! Nhưng hãy xét lại, bây giờ chỉ còn tình chứ không còn gờ-ram nào tông đồ nữa. (ĐHV 192) 

Lúc còn là linh mục trẻ, cha Thánh Gioan Boscô thường hay ra vào trại cải huấn thăm viếng các chú bé bị giam. Ngày kia, ngài đến gặp ban giám thị trại và đề nghị: "Tôi xin ban giám thị cho phép tôi đưa các em đi cắm trại một ngày ngoài trời để chúng tự do, thoải mát đôi chút". Cả ban giám thị nhìn nhau ngớ ngẩn. Xưa nay có ai đề nghị như thế bao giờ! Lỡ ra mấy trăm tù nhân nhóc con ấy bỏ chạy tán loạn thì chết cả lũ! 

- Không được đâu cha! Tụi nó trốn hết.

- Xin các ông cứ tin tưởng vào tôi. Tôi sẽ dẫn đi trong trật tự, trả về đủ số, không thiếu mất một người!

- Thiếu thì sao?

- Tôi xin ở tù thay. Mà chắc không thiếu đâu. Trái lại tôi hy vọng sau khi trở về chúng sẽ vui vẻ tử tế hơn, các ông điều khiển càng dễ... 

- Xin lỗi cha, nếu không quen năng gặp cha ra vào trại giam này mấy năm qua, chúng tôi đã tưởng cha là một thằng điên hoặc mát mát tốc tốc làm sao ấy. Nguy hiểm lắm cha à! 

Cha Boscô cứ dai dẳng năn nỉ một hồi, ban Quản đốc ưng ý nhưng với một điều kiện: sẽ cho đội lính đi bọc hai bên. Cha Boscô không chấp nhận điều kiện, cương quyết chỉ có mình ngài dẫn đi. Sau hết họ xiêu lòng, đánh bạo cho phép.

Rồi ngày chúa nhật trù định đã đến. Cha Boscô sắp các tù nhân trẻ tuổi thành đội, mỗi đội có một đội trưởng phụ trách. Cửa tù mở rộng. Các tù nhân hớn hở đi ra. Vượt khỏi thành phố Torinô, họ đến một khu rừng mát mẻ, soạn lều cắm trại, dọn bếp nấu ăn, thi đua thể thao, hát hò văn nghệ thoả thích... Thật là một khung cảnh ngoạn mục! Cha Boscô lăng xăng giữa họ đùa chơi, chuyện trò hay khuyên bảo. 

Trời càng về chiều, ban Giám thị càng hồi hộp nhìn đồng hồ, mặt mày tái mét bảo nhau: "Dại dột quá! Không chừng chết cả lũ!" Bỗng thấy nghe tiếng đàn tiếng hát từ xa vọng lại. Họ thở phào nhẹ nhỏm. Cửa tù lại mở rộng. Các tù nhân theo hàng ngũ tiến vào. Ban Giám thị giở sổ điểm danh: Không thiếu một mống! 

Mấy ngày sau, ban giám thị mở một cuộc điều tra. Tất cả các tù nhân trẻ đều trả lời: "Cha Boscô yêu thương chúng tôi. Chúng tôi yêu thương cha Boscô. Bởi thế nhiều lần chúng tôi muốn đào tẩu, nhưng nhìn ngài, chúng tôi không thể nhẫn tâm được!" Gặp lại cha Boscô, ban giám thị bắt tay ngài và nói: "Cha làm cho chúng tôi một phen hú hồn, mất vía! Nhưng chúng tôi hết sức cảm phục cha. Cha đã trao quả tim cho họ và chinh phục quả tim của họ cho cha. Chứ chúng tôi đây, với mấy vòng gác, hàng rào, khoá sắt, chó berger, bóng đèn pha, trăm người lính gác... mà tháng nào cũng có đứa trốn được?"


9. Một quả tim vĩ đại.

* Bao nhiêu mối tình vẩn vơ vấn vương, hay nhiều vòng xích buộc con không bay lên cao được (ĐHV 193).

* Không phải tổng số hoạt động là quan hệ, nhưng chính cao độ của tình yêu nó biến đổi hành động của con mới quan hệ. (ĐHV 194). 

Là một cô gái yếu đuối, chỉ sống đến 24 tuổi, ở trong kín cổng cao tường của Dòng Kín Carmêlô, Têrêxa Hài Đồng Giêsu vẫn có một quả tim tràn đầy nguyện vọng cao cả. Cô đã ghi lại trong "Truyện một tâm hồn" như sau:  "Lạy Chúa Giêsu, được nên bạn Chúa, được làm nữ tu nhà Kín, được làm mẹ các linh hồn bằng sự phối hợp với Chúa, những sự đó đáng lẽ đủ cho con rồi. Nhưng con cảm thấy trong con còn có những ơn kêu gọi khác nữa: ơn kêu gọi làm chiến sĩ, làm linh mục, làm tông đồ, làm tiến sĩ, làm thánh Tử đạo. Con muốn được hết những việc anh hùng nhất, con muốn can đảm như một nghĩa quân, con muốn hy sinh trên bãi chiến trường hầu bênh vực Hội Thánh.  "...Con muốn soi chiếu các linh hồn như các thánh Tiên tri, các Thánh tiến sĩ. Con muốn chạy rảo cùng trái đất rao giảng danh Chúa và trồng Thánh giá vinh hiển của Chúa trên đất ngoại đạo... Nhưng một sứ mệnh đó mà thôi thì cũng chưa đủ cho con, con muốn một trật rao giảng Phúc Âm trong các miền trên thế giới, cho đến tận những cù lao xa xôi nhất. Con muốn làm thừa sai, nhưng không phải chỉ trong một ít năm, mà con muốn làm từ thuở tạo thiên lập địa và tiếp tục cho đến tận thế... 

"Ôi! Điều con muốn hơn hết là được Tử đạo. Tử đạo đó là sự con ước ao từ lúc nhỏ. Sự ước ao đó đã lớn lên trong con nơi phòng nhỏ hẹp của Dòng Kín. Nhưng càng điên dại hơn nữa, là không phải con chỉ muốn chịu một thứ hình khổ mà thôi; còn chịu tất cả mọi giống hình khổ thì mới thoả mãn ý con. 

"Như Chúa, ôi Bạn đáng kính thờ, con muốn bị đánh đòn và chịu đóng đinh. Con muốn chết bị lột da như thánh Batôlômêô. 

"Con muốn như Thánh Gioan bị bỏ vào vạc dầu sôi; con muốn như thánh Ignatiô bị răng các thú dữ nghiền nát để nên bánh xứng đáng dâng lên Chúa trời. Con muốn giương cổ cho lý hình chém, như thánh Agnès và Thánh Cêcilia; và như Thánh nữ Jeanne d'Arc, con muốn kêu tên Giêsu trên đống lửa hồng. 

"Khi tư tưởng con nhớ đến những khổ hình chưa hề thấy giữa những người có đạo với nhau trong thời quỷ vương, thì lòng con cũng bắt nhảy mừng, con muốn những khổ hình đó được dành để cho con. Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy mở cuốn sách hằng sống ghi lại những việc lành của tất cả các thánh cho con thấy. Những việc làm đó con cũng muốn làm tất cả vì Chúa. 

"Với những ý nghĩ điên dại này, Chúa sẽ trả lời làm sao hả Chúa? Ở trên thế gian này có một linh hồn nhỏ mọn và bất lực hơn con nữa không? Song le, chính vì nó yếu đuối bất lực mà Chúa đã thương làm thỏa mãn muôn vàn khát vọng trẻ con của nó; và ngày hôm nay đây, Chúa lại muốn lấp đầy bao nhiêu khát vọng của nó lớn hơn trời cao đất rộng.  

"...Lạy Chúa, con không dám ước xin thêm gì nữa, con sợ e sẽ bị đè bẹp dưới sức nặng của những điều ao ước táo bạo của con... Những điều con ước mênh mông, là sự điên cuồng? Nếu thật thế thì xin Chúa soi sáng cho con... và đánh tan nó đi. 

"...Ôi lạy Chúa Giêsu, nguyên sự ước ao yêu Chúa đã gây êm dịu ngọt ngào đến thế, thì khi được yêu Chúa thật sự và yêu Chúa đời đời, sẽ còn hạnh phúc êm đềm chừng nào nữa?"


10. Quả tim hiếu hoà.

* Ngần ngại gì? Hãy cắt đứt xích xiềng ràng buộc con, dù là xiềng vàng, để tiến lên. Cuối đường có Chúa đón chờ con. (ĐHV 179)

Thánh Phanxicô Assisiô có tinh thần và cuộc sống rất nghèo khó. Ngài lại khiêm tốn, chỉ xin chịu chức phó tế không dám lãnh nhận chức linh mục. Nhưng dưới lớp áo và dáng vẻ thô sơ ấy che dấu một quả tim hơn vàng, một quả tim tốt đẹp lạ thường mà chúng ta có thể tìm hiểu phần nào trong "Kinh Hoà bình" của thánh nhân: 


11. Bầu nhiệt huyết của một sĩ quan.

* Không chịu theo ý Chúa, nhưng con đành làm nô lệ, theo ý riêng của người nọ người kia! (ĐHV 190)

* Quả tim và bổn phận? Phải chọn bên nào? Hãy chọn bổn phận và thực hiện với tất cả quả tim. (ĐHV 191)

Lúc quyết định lập Dòng Tên, Thánh Ignatiô Loyola đã lên núi Mont-Serrat, ở trong hang Hanrôse (Tây ban Nha) thinh lặng tĩnh tâm nhiều ngày để chuẩn bị toàn hiến cuộc đời cho Chúa. Ngài trao khí giới dưới bàn thờ Đức Mẹ, giả từ nếp sống binh nghiệp và bắt đầu thời kỳ tự tập nhân đức (1523). Năm 1534, trên ngọn đồi Montmartre (Pháp), ngài đã cùng chín người bạn cùng đồng chí hướng thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đặt nền móng đầu tiên cho Dòng Tên. 

Với bầu nhiệt huyết nóng hổi của một cựu sĩ quan, Ignatiô đã quyết tâm trở thành một chiến sĩ can trường của Chúa. Tâm tình ấy biểu lộ trong một kinh mà các hướng đạo sinh khắp thế giới quen đọc: 


12. Ảnh hưởng của một con người thánh. 

Năm 1964, dịp Đại Hội Thánh Thể tại Bombay (Ấn Độ), Đức Thánh Cha Phaolô VI đã qua chủ lễ và chính thức thăm nhân dân Ấn độ. Ngài đã chiếm được quả tim mọi người, đa số theo Ấn giáo, Phật giáo và Hồi giáo, vì đã có một tâm hồn vô cùng quảng đại và tế nhị. Nhân dân Ấn nhắc đến ngài không ngớt, và gọi ngài là Gandhi của Tây phương. Họ còn nhớ mãi những nghĩa cử ngài đã làm trong chuyến viếng thăm ấy: như không dùng phi cơ riêng mà chỉ đáp máy bay của hàng không Ấn với tấm vé của một du khách thường, như tặng 5000 đô la cho gia đình của một phóng viên Ấn bị giết vì tai nạn xe cộ trên đường hành sự; như ngồi ăn chung trên một ghế băng với các cô nhi và với khẩu phần của chúng; như tặng nguyên chiếc xe hơi Lincoln (xe chính thức của ngài) cho Mẹ Têrêxa để rồi chỉ dùng một chiếc xe Jeep đi đây đi đó thăm viếng; như ký chi phiếu hơn 500 triệu francs để giúp cho các kẻ nghèo, như nhờ các phóng viên đăng tải lời kêu gọi các nước giàu có hãy để ra một phần ngân sách giúp đỡ các nước kém phát triển. Ngài chỉ qua Ấn hơn một tuần, nhưng để lại trong lòng dân Ấn nhiều kỷ niệm sâu đậm. Như các bác tài xế taxi nọ từ chối chạy trên một số đường vì theo lời bác nói, đó là đường thánh, bởi Đức Thánh Cha Phaolô VI đã đi qua. Như một bác tài xế khác, trong khi đi mua hơn 4000 chiếc gường và 4000 chiếc chăn với số tiền do Đức Thánh Cha gởi tặng các cô nhi của Mẹ Têrêxa, đã bị cảnh sát bắt vì lái xe vô một con đường ngược chiều. Được biết bác đang đi mua quà cho Đức Thánh Cha tặng kẻ nghèo, viên cảnh sát tha ngay không phạt nữa. 


_______________________

10. CHÍ KHÍ

1. Bát cơm bị vỡ.

* Đừng ham cãi vã sôi nổi, con sẽ ra mù quáng. Đam mê như mây mù, che khuất ánh sáng khôn ngoan của Thiên Chúa (ĐHV 210).

* Đừng đùng đùng quát mắng khi người khác có lỗi. Hãy nhẫn nại đợi chờ, với lời lẽ dịu dàng và tất cả ý ngay lành, con đạt nhiều kết quả hơn là chửi mắng nhau từng giờ. Thành công cho bản thân con và con chế ngự tính tình của con (ĐHV 217).

* Hãy quay lưng cho hạng người bất nhân, họ rỉ tai con: "Dại gì cho khổ cái đời!" Chúa Giêsu đã đuổi Phêrô: "Satan hãy cút đi!" (ĐHV 223).

Thánh Bênêđictô chào đời năm 480 tại Mercia. Trong thời kỳ đang mải mê theo đuổi việc học, ngài đã nhận ra thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa muốn ngài vào một khu rừng vắng ở Subiacô cách Roma 40 dặm để sống đời tịch liêu thân mật với Chúa. Và chính tại nơi đây, ngài đã lập nên đời sống Đan tu, sống cộng đoàn, chiêm niệm và lao động, một lối tu trì lúc đó chưa có ở Âu châu. Ngày nay, tại Subiacô, vẫn còn tất cả di tích của Tu viện nguyên thủy. 

Tiếng nhân đức của ngài đồn vang khắp nơi; nhiều kẻ đến xin dâng mình cho Chúa theo luật dòng của ngài đặt. Phần đông môn đồ đều hăng say, quảng đại; nhưng cũng có một số ít không chịu nổi, muốn ngài nới rộng luật đôi chút. Ngài cương quyết giữ vững lý tưởng tu trì. Thấy thế, ngày nọ, có kẻ lén bỏ thuốc độc vào bát thức ăn của ngài; nhưng lạ thay, lúc ngài làm dấu Thánh giá, tự nhiên bát thức ăn ấy vỡ ra. Các kẻ ác tâm kia vội quỳ gối thú lỗi.


2. Thiếu phụ can trường.

* Người chí khí biết thinh lặng. Ăn nói bừa bãi, thiếu suy nghĩ, gieo rắc chia rẽ, thủ đoạn đó là khí cụ của ma quỉ để hạ đức bác ái (ĐHV 204).

* Người chí khí không tọc mạch dòm ngó việc người khác, nhưng đem tất cả ý chí để biết mình rõ hơn (ĐHV 205).

* Đừng nói: "Tôi tự nhiên vậy, sửa sao được." Không, đó là những khuyết điểm, con phải "nên người", "nên con Chúa". Những tính ấy bất xứng với con (ĐHV 222).

- Bá tước Chantal đã tử nạn! Tin sét đánh ấy đập vào tai Gioanna Phanxica Chantal. Bà bàng hoàng đến ngất xỉu. Lại thêm một Thánh giá nặng trong đời của bà. Thánh giá thứ nhất Chúa gởi đến là cái chết của mẹ bà vào lúc bà chưa được hai tuổi. Bây giờ lại một Thánh giá thứ hai đúng lúc bà mới 28 xuân xanh. Tuy đau khổ trước cái chết của chồng, người thiếu phụ trẻ tuổi ấy vẫn can đảm, quyết ở vậy nuôi 4 con thơ và ôm ấp lý tưởng chỉ thuộc về Chúa. Chính lòng đạo đức, bác ái và chí khí của bà đã nâng đỡ bà trong cơn thử thách. Hành động sáng chói sau đây là một bằng chứng cụ thể: bà đã tình nguyện mang đứa con của kẻ bắn chết chồng mình đến nhà thờ chịu phép Rửa tội và làm mẹ đỡ đầu cho nó. 

Nhờ sự hướng dẫn của thánh Phanxicô de Sales, bà đã dâng mình vào dòng Thăm Viếng và đã hy sinh đóng góp rất nhiều để làm cho Dòng phát triển mọi mặt.


3. Một thông điệp bí mật.

* Người ích kỷ tránh trách nhiệm, tránh nhọc mệt, tránh hy sinh; họ muốn tạo hạnh phúc, tạo một "thiên đàng dành riêng" cho họ giữa trần gian, nhưng họ sẽ mất thiên đàng vĩnh viễn (ĐHV 196).

* Đừng cho khiếp nhược là khôn ngoan. Chính vì nhiều người còn ánh sáng "khôn ngoan" kiểu đó mà còn tối tăm chiếm đoạt nhiều môi trường họ không dám mơ ước (ĐHV 199).

* Chúa không sinh con để làm đàn cừu, đàn vịt, nhưng để lãnh đạo môi trường của con. Lãnh đạo là thúc đẩy, là lôi cuốn (ĐHV 214). 

Chế độ Phátxít cũng như thuyết phân biệt chủng tộc của Hitler, được quân đội và vũ khí che chở, đang trên đường bành trướng mãnh liệt, thì bỗng dưng phải một tường thành: tiếng nói bênh vực nhân quyền của Hội Thánh Công giáo.

Đức Thánh Cha Piô XI đã cương quyết nói lên tiếng nói của lương tâm và sự thật. Ngài bí mật cho ấn loát và đưa vào nước Đức một bức thông điệp lên án sự sai lạc và tàn ác của thuyết phân biệt chủng tộc cũng như của chế độ Phátxít Hitler. Một ngày chúa nhật nọ, bức thông điệp ấy được đọc lên trên khắp nơi toà giảng ở các nhà thờ thuộc lãnh thổ nước Đức, trước sự bàng hoàng và tức giận của Hitler cũng như của mật vụ Gastapa. Vì sự thật, Đức Piô XI cũng như toàn thể Giáo Hội Đức đã sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả, và hậu quả sau đó đã thực sự đến. Đức Piô XI bị thoá mạ. Nhiều Hồng Y, Giám mục, giáo sĩ cũng như giáo dân nổi tiếng của Giáo Hội Đức đã bị bắt. Nhưng lịch sử muôn đời sẽ còn khâm phục chí khí và ý thức sứ mạng của Đức Piô XI.


4. Đứa con yêu của tổ quốc.

* Lợi dụng quần chúng để tiến thân, không phải là tư cách người lãnh đạo. Con sẽ làm lãnh tụ xứng đáng nếu con không tránh quần chúng, nhưng tìm đến với họ và liều thân cứu họ (ĐHV 198).

* Va chạm người khác là sự thường. Sống một xã hội không va chạm nhau chỉ có thể là thiên đàng. Một hòn đá nhờ va chạm mà láng hơn, tròn hơn, sạch hơn, đẹp hơn (ĐHV 211).

* Thời giờ và sức lực là của Chúa, tại sao phí phạm vì những trở ngại dọc đường. Đại dương bao giờ cũng có sóng, thuyền cứ vững vàng lướt đi, không nghĩ gì đến sóng (ĐHV 220). 

Đức Cha Mannix, một Giám mục gốc Ái Nhĩ Lan (Irlande), đã được Toà Thánh cử sang làm Tổng Giám mục giáo phận Melbourne (Úc Đại Lợi). Trong thời kỳ Ailen tranh đấu với Anh quốc để giành lại độc lập, ngài có một thái độ rất quả cảm và một tiếng nói rất uy tín. Ngày nọ theo dự tính, ngài về thăm quê hương Ailen bằng tàu thủy; nhưng khi tàu vừa về đến gần Ailen thì chính phủ Anh quốc cho hải quân ra cản đường với pháp lệnh: "Tổng Giám mục Mannix không được đặt chân lên Ailen mà phải về Anh quốc. Hơn thế, dù ở Anh, Tổng Giám mục cũng không được lên vùng Tô Cách Lan (Scotland) là nơi có nhiều người gốc Ái Nhĩ Lan đang ở". Trước lệnh đó, Đức Cha Mannix trả lời: "Không được lên Tô Cách Lan thì tôi sẽ lên một tỉnh gần Tô Cách Lan vậy". Sau đó, ngài đã đến New Castle, một tỉnh gần Tô Cách Lan và các nơi khác đều tựu về New Castle để nghe ngài diễn thuyết về bổn phận của người Công giáo đối với nền độc lập của Tổ quốc. Cuộc diễn thuyết thành công không thể tưởng tượng. Các báo chí đăng tải những bài diễn thuyết của ngài sang đến tận Ái Nhĩ Lan, gây nên một bầu khí sôi nổi trong mọi tầng lớp dân chúng. 

Một thời gian sau, Ailen giành lại được độc lập nhưng vẫn lệ thuộc một phần vào Anh quốc. Trong Hiến pháp có ghi một điều khoản buộc Quốc trưởng hay Thủ tướng Ái Nhĩ Lan trước khi nhậm chức phải tuyên thệ bảo vệ Anh giáo (Tin lành) và trung thành với Nữ hoàng Anh là người đứng đầu Anh giáo. Trước điều khoản ấy, phần đông các vị Giám mục Ái Nhĩ Lan đều bảo: "Người Công giáo không được tuyên thệ như vậy".

Mà chúng ta biết tại Ailen, 95% dân chúng là người Công giáo, nên các Thủ tướng được bầu lên là người Công giáo, nhưng sau đó ai cũng phải từ chức và nhường ghế thủ tướng cho một ứng cử viên tin lành vì thấy không thể tuyên thệ như hiến pháp đòi buộc. Liên tiếp mấy nhiệm kỳ, các dân biểu Công giáo trong Quốc hội cảm thấy rất phân vân giữa hai điều phải lựa chọn: tuyên thệ thì mắc lỗi, không tuyên thệ thì thiệt thòi cho Tổ quốc. 

Đến một nhiệm kỳ kia, ông Edmond de Valera được bầu lên. Lúc ấy, một bức điện tín từ Úc Đại Lợi đánh sang cho Quốc hội Ailen, nội dung gọn lỏn: "Khi ta tuyên thệ mà nước Anh biết là ta sẽ không giữ lời, thì được phép tuyên thệ! Ký tên: Tiến sĩ Mannix". Theo lời khuyên, ông Edmond de Valera đã tuyên thệ. Trên ghế Thủ tướng ông đã ra sức hoạt động cho Ái Nhĩ Lan được độc lập hoàn toàn... và quốc hội đã nhất trí bỏ phiếu xoá hẳn điều khoản trên ra khỏi Hiến pháp.


5. Tiếng nói của lương tâm. 

* Người chí khí có tinh thần hy sinh, như viên đường, hạt muối! Chấp nhận tan biến để làm cho thức ăn có mùi vị ngon lành mà không khoe khoang (ĐHV 201).

* Người chí khí có tâm hồn ngay thẳng và cảm thấy đê nhục khi bươi móc việc kẻ khác hoặc sống quanh co (ĐHV 202). 

Trước sự đàn áp Tôn giáo một cách khoa học và dã man của Mao trạch Đông, Đức Cha Kỳ Ân đã can đảm đọc trên toà giảng nhà thờ chính toà Thượng Hải một bài diễn thuyết nói rõ lập trường đúng đắn của Hội Thánh và của chính ngài. Trong bài ấy có câu: "Nếu có hai linh hồn, tôi có thể hy sinh một, nhưng bởi chỉ có một linh hồn, một lương tâm, nên tôi không thể hy sinh nó với bất cứ giá nào cả... Bản thân tôi có linh hồn và thể xác, linh hồn tôi xin phó thác cho Chúa, hiến dâng cho Hội Thánh, còn thể xác tôi xin trao tặng Tổ quốc..." 

Vì trách nhiệm, vị Tổng Giám mục Thượng Hải đã nói lên tất cả sự thật, dù quá biết những cái chi đang chờ đợi ngài. Ngài sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả. Và thật thế, hai ngày sau, ngài bị bắt và mất tích cho đến hôm nay.


6. Ở tù trong Chúa.

* Trước trở ngại, con hãy đứng vững như một tên khổng lồ. Ơn Chúa không thiếu. Nếu con phải hạn chế hoạt động một thời gian, có cần gì đâu! Việc con làm là việc của Chúa, hơn là việc của con (ĐHV 219).

* Chiếu sáng đời con bằng đức tin và đức ái. Đốt cháy thế gian với ngọn lửa Chúa đặt trong tim con (ĐHV 226).

* Làm thế nào mà tư tưởng, ngôn ngữ, hành động con khiến người ta phải phản ứng: Con người này đã say mê một cuốn sách: PHÚC ÂM, đã bị lôi cuốn bởi một lý tưởng: CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU (ĐHV 227). 

Trong thời gian bị cầm tù, mục sư Wurmbrand người Roumanie phải ở dưới một cái hầm tối tăm, lạnh lẻo. Khổ hơn nửa là phải ăn uống và làm mọi việc vệ sinh tại chỗ! Các bạn tù với ông la lết trong đó, cuối tuần mới được phép quét dọn. Ông đã chịu lắm nhục hình. Có lần lính gác bắt ông ăn phân, ông xin được phép ăn phân của mình nhưng họ không chịu, bắt phải ăn phân của người khác. 

Suốt 17 năm tù ngục như thế, mục sư Wurmbrand vẫn kiên trì, dũng cảm, trước sau như một. Ông luôn hăng hái phục vụ các bạn tù, động viên tinh thần họ, cư xử với mọi người trong tâm tình bác ái, yêu thương. Bí quyết của ông: Tôi đang ngồi tù với Chúa. (Sau khi được trả tự do, ông cho xuất bản một cuốn sách được dịch sang tiếng Pháp, nhan đề: "Mes prisons avec Dieu".)


7. Cậu bé can đảm. 

* Con phải tập "biết từ chối", "biết nói không" (ĐHV 224). 

* Nghiêm trang và vững vàng, cử chỉ bên ngoài phải chiếu dọi tâm hồn bên trong: tâm hồn bình an, tự chủ của con, không trẻ nít lúng túng hồi hộp (ĐHV 228). 

Thời Cách mạng Pháp, Giáo Hội bị bách hại dữ dội. Một hôm cha xứ Bretagne cải trang đến dâng lễ tại một gia đình đạo đức trong xứ, là gia đình của cậu Benjamin. Cậu bé rất sung sướng vì đây là lần đầu tiên cậu được giúp lễ, cậu theo cha xứ đi đưa Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt. Bỗng có tiếng xì xào... một toán lính đang tiến lại... Cha xứ vội trao Mình Thánh Chúa cho cậu Benjamin rước, dù cậu chưa được rước lễ vỡ lòng! Cha cũng trao cho cậu giữ luôn cả Mặt Nhật, rồi cả hai chia tay nhau, mỗi người chạy một ngả. Vì còn nhỏ, chạy yếu, Benjamin bị toán lính bắt được. Một lát sau, cha xứ cũng bị bắt. Chúng tra hỏi cha: "Mày cất dấu Mình Thánh Chúa ở đâu? Cha một mực im tiếng. Tức giận, chúng bắn cha chết tại chỗ. Lục soát một hồi cũng chẳng thấy Mình Thánh Chúa đâu, chúng liền quay sang Benjamin: "Chắc chắn mày đang giữ Mình Thánh Chúa, đưa ngay cho tụi tao kẻo thiệt mạng", Benjamin vừa can đảm vừa ngây thơ trả lời:

- Mình Thánh Chúa tôi đang còn giấu... 

- Ở đâu? 

-...trong lòng tôi, các ông mổ ra mà lấy!" 

Điên tiết, bọn lính giết liền Benjamin tại chỗ, bên một cây sồi cổ thụ. Mấy năm sau, Giáo Hội Pháp được bình yên trở lại. Một cơn bão làm đổ cây sồi cổ thụ. Dưới gốc cây bị trốc lên, người ta tìm thấy hai xác: trên xác cậu bé, Mặt Nhật còn đó, sáng ngời.


_______________________

11. CHÚA HIỆN DIỆN

1. Nhà tạm Cựu Ước. 

* Chúa hiện diện không phải là lý thuyết. Chúa là Cha, ở bên con, với tất cả quyền năng và tình yêu. Cha năn nỉ, Cha khuyên bảo, mời gọi, trách móc, tha thứ và luôn luôn yêu thương (ĐHV 234).

Trong suốt 40 năm trường phiêu cư trong sa mạc, Nhà Tạm là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa với dân Israel mà đại diện là Môisen và Aaron. Cứ mỗi lần Môisen vào Nhà Tạm thì cột mây buông xuống, đứng lại nơi cửa và Môisen cùng với Thiên Chúa đàm đạo với nhau, diện đối diện như bằng hữu thân thiết, trong lúc bên ngoài thì dân chúng ai ở lều nấy, cúi mình phục lạy. Hai ông thường vào đó để nhận lệnh Chúa hoặc cầu bầu thay cho dân. Lần kia, Côrê, Đatan và Abiran cấu kết với 250 người khác nổi lên làm phản. Hai ông liền vào Nhà Tạm cầu nguyện và mặt đất liền nứt ra nuốt những kẻ nổi lên chống lại các vị đại diện Chúa.


2. Đền thờ Giêrusalem.

* Ở lầu son gác tía, hay lều tranh vách đất con không lo, miễn là con luôn luôn cho nhà ấy đáng yêu thương, lúc ấy biến thành thiên đàng vì có Chúa (ĐHV 246). 

Đó là một Thánh đường nguy nga, với những dãy cột đồ sộ bằng cẩm thạch muôn màu óng ánh; những cây cột này được dát vàng trên chóp và đỡ nâng một mái lớn cũng dát vàng. 

Sau khi đi qua một khu đất gồm nhiều dãy hành lang rất đẹp, ta phải leo lên một cái thang 10 cấp rồi qua một trong chín cửa (trong đó cửa Đẹp là cửa chính, tương tự như Ngọ Môn ở thành nội Huế) để vào sân phụ nữ. Qua sân phụ nữ, bước lên mấy bậc, ngang qua cửa Nicaner lộng lẫy, ta sẽ vào tiền đường Israel rộng 300 thước vuông, chứa được 1000 người. Tiến vào trong nữa là Sân các tư tế. Từ sân ấy, leo lên 12 bậc nữa là tới Nội điện. Trong thâm cung nội điện, chìm mờ trong ánh sáng vàng nhạt là một căn phòng hình chữ nhật dài 20 thước, rộng 10 thước. Đây là Cung thánh, giữa nổi lên một bàn thờ bằng vàng, ngày đêm nghi ngút khói hương. Bên hữu bàn thờ, một chân nến bằng vàng 7 ngọn cung kính dâng, đối diện với một cái bàn nhỏ dát vàng ở bên tả, trên có 12 chiếc bánh không men tượng trưng 12 chi tộc Israel. 

Cung thánh là nơi tôn nghiêm thánh thiện chỉ có chủ tế được vào mỗi ngày hai lần để dâng hương, ngoài ra không ai được lai vãng. Nhưng chính trong cung thánh còn một nơi tôn nghiêm hơn nữa, quen mệnh danh là nơi Cực Thánh. Một tấm màn lớn mỗi bề sáu thước ngăn Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh này. Xưa kia, đây là chỗ đặt Hòm Bia và cây gậy nở hoa của Aaron; bây giờ chỉ còn trơ lại một phiến đá đã dùng làm bệ đỡ. Ngoài ra không còn đồ vật nào khác. Vì nó biểu hiệu nơi Đấng Tối Cao ngự trị một cách đặc biệt, nơi chỉ mình vị Thượng tế mới được diễm phúc mỗi năm một lần vào đó để tế lễ mà thôi.


3. Như thấy Chúa hiện diện. 

* Chúa hiện diện bên con, không phải chỉ là một tâm tình, nhưng Chúa phải chiếm hữu cả con người con, hướng dẫn, yêu thương, an ủi con (ĐHV 241). 

Tất cả những ai đã từng được thấy Đức Piô XII trong các cuộc lễ ở đền thờ Thánh Phêrô hay các buổi triều yết chung riêng, đều đồng thanh xác nhận rằng: "Chúng tôi có cảm giác như người đang thấy Chúa hiện diện."


4. Niềm an ủi trong chốn lao tù. 

* Một hồi chuông, một ngọn tháp nhắc nhở con: Chúa đang ở trong Nhà Tạm gần con, lòng con nóng nảy, hướng đến thờ lạy yêu mến Chúa (ĐHV 233). 

* Hãy nhờ Đức Mẹ đưa con đến với Chúa Giêsu, con sẽ quen sống bên Chúa (ĐHV 240). 

Linh mục Scheider, thuộc Dòng "Ngôi Lời" ở Trung Quốc, sau làm Giám đốc trường Thánh Phêrô tại Roma, có thuật lại rằng: "Lúc bị giam tù ở Thượng Hải, chúng tôi biết cách trại giam vài trăm thước có Dòng Carmêlô, và ai trong chúng tôi cũng xem đó là nguồn an ủi lớn lao nhất đối với chính mình, vì chúng tôi tin có Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện ở đó. Chúng tôi luôn hướng về nơi ấy để cầu nguyện và tế lễ với Chúa suốt thời gian bị giam giữ".


5. Nhìn qua khe cửa. 

* Năng đặt tay trên lòng và bảo con: "Chúa ở với tôi, trong tôi." Dần dần Chúa sẽ cho con nếm hạnh phúc ấy (ĐHV 230). 

* Tại sao người Kitô hữu than van mình cô đơn? Chúa Kitô của họ ở đâu? (ĐHV 237). 

Thánh Phanxicô Salêsiô có một người bạn chí thân là Đức Cha Camus. Lần nọ, Đức Cha Camus đến nghỉ hè với Thánh nhân một thời gian khá lâu. Lúc về, vị Giám mục phát biểu: “Trước đây, tôi nghe Đức Cha Phanxicô Salêsiô hằng luôn sống trước mặt Chúa như thể Chúa luôn luôn hiện diện bên ngài, nhưng tôi vẫn chưa tin. Tiện dịp, tôi xin đến nghỉ nhà ngài để tự mình kiểm chứng. Nhờ chiếm được một phòng cạnh phòng ngài đêm ngày tôi đã quan sát mọi thái độ, mọi cử chỉ của ngài qua một khe hở: lúc làm việc cũng như lúc nghỉ ngủ, lúc viết lách cũng như lúc cầu nguyện... Nay tôi xác nhận rằng: ngài hằng sống trước mặt Chúa. Ngài ở một mình nhưng có Chúa hiện diện bên ngài luôn”.


6. Tôi đã thấy Chúa trong một con người.

* "Chúa ở đâu?" - "Chúa ở trên trời" - Đó là câu trả lời của trẻ em, đó là một thiếu sót lúc dạy giáo lý. "Chúa ở trong con", sung sướng, gần gũi, xác đáng biết bao! (ĐHV 231). 

* Hãy sống bên Chúa, và con sẽ nên thánh, thiên đàng không gì khác là Thiên Chúa hiện diện (ĐHV 242).

Trong cuộc điều tra để phong thánh cho linh mục M. Vianney, Toà án Hội Thánh đã cho mời tất cả những ai đã từng có dịp tiếp xúc với thánh nhân đến đặt tay trên Phúc Âm và thề nói hết sự thật hay cũng như dở về ngài. Trong số các nhân chứng được mời đến, có một bác nhà quê chất phác nói một câu đơn sơ, vắn tắt mà đầy ý nghĩa: "Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người."


7. Chúa là của con. 

* Chúa Giêsu là tất cả của con: là cùng đích các ý hướng, là lý do các quyết định, là động lực các tình cảm, là mẫu gương các hành động của con (ĐHV 235). 

* Chúa Ba Ngôi ở trong con, con trở nên đền thờ Chúa, con cũng là của lễ toàn thiêu, con là lời ngợi khen không ngừng, con là đóa hoa muôn sắc dâng lên Chúa. (ĐHV 244). 

Thánh Phanxicô Assisiô đã từ bỏ mọi sự, chọn nếp sống khó nghèo để theo Chúa. Một đêm mùa đông kia, ngoài trời đầy tuyết lạnh, ngài được Chúa cho cảm nghiệm một cách thấm thía về Chúa đang hiện diện trong ngài. Quá sung sướng, ngài quên tất cả rét lạnh, lăn lóc trên tuyết suốt đêm và chỉ lặp đi lặp lại một câu: "Chúa là của con, là tất cả mọi sự của con!" = Deus meus et omnia.


8. Không còn chỗ núp. 

* Từng ngàn bệnh nhân trong nhà thánh Cottolengo có một nét đặc biệt trên khuôn mặt, lâu lâu máy vi âm lại dịu dàng nhắc: "Chúng ta đang ở bên Chúa!" (ĐHV 232). 

* Đối với Thiên Chúa, lương tâm đã đủ; đối với con mắt người đời, cần cả khôn ngoan, vì mắt họ không nhìn thấu lương tâm con (ĐHV 239). 

Một thiếu nữ trắc nết nọ đến cám dỗ một thánh nhân phạm tội với mình. Ngài bảo: "Được lắm, ta hãy kiếm nơi nào kín đáo đi". Cô dẫn ngài vào một căn phòng và khoá cửa lại. Ngài bảo: "Đây tôi sợ cũng chưa được kín đáo". Cô lại đưa ngài đến một căn phòng khác có một lối vào cong queo lại thêm hai lớp cửa thật là vững chắc. Ngài nói: "Tôi vẫn còn ngại, chỗ này cũng chưa kín đủ, với lại nhỡ có ai đột nhập thì làm sao thoát nạn!" Cô lại đưa ngài lên tầng lầu cao nhất, chỗ kín đáo bí mật nhất, lại có hệ thống báo động và nhiều lối thông thương, chuồn đi rất dễ. Cô bảo: "Như thế này thì thật là cẩn mật!!! muốn thấy đã là điều không thể, huống nữa là đi vào!" Lúc ấy thánh nhân mới dốc bầu tâm sự ra: "Cô ơi, không có chỗ nào kín cả!". Cô ta trố mắt ngạc nhiên nhìn ngài. Ngài nói tiếp: "Làm sao ta che mắt Thiên Chúa được? Ngài là Đấng thấu suốt mọi sự, cô không biết sao?" Rồi ngài khuyên răn, dạy dỗ cô gái. Về sau cô trở thành người đạo đức, có lòng sám hối sâu xa...


_______________________

12. HỘI THÁNH

1. “Vì Hội Thánh, vì Hội Thánh!”

* Mỗi khi có ai tỏ ý lo sợ Ngài đau khổ, nhọc mệt, Đức Phaolô VI luôn luôn trả lời: "Vì Hội Thánh! Vì Hội Thánh!" Con hãy sống và trả lời như vậy (ĐHV 247).

* Phân biệt vấn đề thần học lịch sử và vấn đề khả năng; Đức Giáo Hoàng không buộc phải là người có nhiều khả năng hơn cả, nhưng bất cứ ai là người Chúa chọn và trao quyền thì con vâng phục vì Chúa "giao chìa khóa Nước Trời" cho người ấy (ĐHV 255).    

* Con hãy sẵn sàng hy sinh cho Hội Thánh và hy sinh do Hội Thánh (ĐHV 265).  

Trong một bữa cơm thân mật, có người hỏi Đức Ông Polgallo:

- Đức Ông là người thân cận Đức Thánh Cha, vậy có điều gì nơi Đức Thánh Cha đánh động Đức Ông hơn cả?   

- Dĩ nhiên Đức Thánh Cha Phaolô VI là một vị Giáo Hoàng rất thông minh và thánh thiện. Nhưng riêng tôi, điều làm cho tôi cảm kích hơn cả nơi ngài là lòng ngài muốn hy sinh vì yêu Hội Thánh. Mỗi khi hòa mình vào đám đông ở Bombay, ở Manilla chẳng hạn, hầu như ngài quên tất cả. Ngài để cho mọi người lôi kéo. Chúng tôi những kẻ có nhiệm vụ bảo vệ ngài, phải lắm phen cực nhọc... Nên những lúc thân mật cha con, chúng tôi vẫn thưa với ngài: "Thưa Đức Thánh Cha, chúng con thấy Đức Thánh Cha vất vả quá, với muôn ngàn lo âu, thức khuya dậy sớm, lắm phen nguy hiểm đến tính mạng. Đức Thánh Cha để cho đám đông lạ mặt lôi kéo mình như thế, chúng con ngăn cản bảo vệ không nổi. Xin Đức Thánh Cha giữ gìn sức khỏe cho". Nhưng mỗi lần như thế, ngài đều đáp lại với chúng tôi như một điệp khúc nhỏ nhẹ, dịu dàng: "Tất cả vì Hội Thánh! Vì Hội Thánh!" Nhiều khi chúng tôi mệt lả, ngao ngán, nhưng nhớ đến câu nói của ngài, chúng tôi phải vươn lên theo ngài, không thể bỏ ngài, và cảm phục kính mến ngài hơn!


2. Hội Thánh của Chúa.

* Nhiều người chê cách tổ chức của giáo triều La Mã. Tôi đồng ý rằng giáo triều La Mã không trọn lành, nhưng tôi xin họ xem thử chính nước họ có hoàn hảo hơn không? Hơn thế, còn phải phân biệt, giáo triều là một cơ quan, không phải là Hội Thánh (ĐHV 252).        

* Yêu mến Hội Thánh, vâng lời Hội Thánh, trung thành với Hội Thánh, cầu nguyện cho Hội Thánh (ĐHV 253).       

* Có người hễ nghe nói đến Hội Thánh là chỉ trích giáo triều ù lì, nhà thờ tốn tiền, nghi thức rườm rà... Hội Thánh đâu phải giáo triều, nhà thờ, nghi thức, hiểu như thế là sai lạc quá! Hội Thánh là toàn thể dân Chúa đang tiến về Nước Trời (ĐHV 254).   

Từ ngày thành lập đến nay, Hội Thánh hầu như liên lỉ gặp những thử thách bên trong cũng như bên ngoài.         

Thử thách bên trong: hết lạc thuyết này đến lạc thuyết khác nổi lên, hết ly giáo này đến ly giáo nọ xuất hiện:       

- Ariô: Năm 321, linh mục Ariô giảng dạy rằng: Chúa Kitô chỉ có một Bản tính, là Bản tính loài người thôi. Quả là sai lạc! Vì thế, năm 325, Công đồng Nicêa đã được triệu tập và công bố một bản tuyên xưng đức tin khẳng định rằng: "Chúa Kitô là Thiên Chúa thật, đồng Bản tính (consubstantialis) với Đức Chúa Cha". 

- Nestôriô: là Thượng phụ Giáo chủ thành Constantinôpôli, Nestôriô chủ trương rằng: Đức Giêsu Kitô có hai Ngôi vị là Ngôi vị Thiên Chúa và Ngôi vị loài người, nên Đức Maria chỉ là mẹ của một con người chứ chẳng phải là Mẹ của Thiên Chúa. Vì thế năm 431, một Công đồng chung nhóm họp ở Êphêsô đã cất chức Nestôriô, kết án mười hai luận đề của ông và khẳng định: Maria là Mẹ của Thiên Chúa (Thêotokos). Đến ngày 22 tháng 6 năm đó, kinh "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội" ra đời. Công đồng Êphêsô còn khẳng định thêm: Chúa Kitô chỉ có một Ngôi vị và hai Bản tính.    

- Otykô: Chưa hết, một Đan viện phụ ở Constantinôpôli, đối thủ của Nestôriô, lại đi quá trớn mà quả quyết rằng: Ngôi Lời kết hợp chặt chẽ với nhân tính đến nỗi chỉ còn một bản tính duy nhất là Thiên tính thôi, khiến Công đồng Calcêđônia, năm 451, phải tái khẳng định: Chúa Kitô có hai Bản tính.       

- Phêcius: Nhưng từ đời Thượng phụ Phêcius (891), do nhiều nguyên nhân tâm lý, địa dư, chính trị, não trạng, Giáo Hội Đông và Tây phương đã dần dần tách xa nhau và đến thời Thượng phụ Micae Xêrulariô (1054) thì ly khai nhau hẳn; tất cả các giáo đoàn thuộc nghi thức Hy-lạp đều theo họ, lập ra Chính Thống giáo. Ly giáo này không nhận quyền tối thượng thẩm và ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng Roma.            

Đến thế kỷ XIV, XV ở bên Tây phương, các vua chúa lại nhúng tay vào nội bộ của Hội Thánh. Lúc nào họ cũng tìm cách đặt con cháu mình vào chức vụ Giám mục hoặc Đan viện phụ để vây cánh thêm mạnh mẽ và nhất là để hưởng bổng lộc của nhà Dòng, nhà Chung. Phần đông các Giám mục và Đan viện phụ ấy chỉ sinh hoạt ở triều đình, mỗi năm về địa phận hay đan viện vài lần để thu hoạch hoa lợi. Do đó đời sống tu trì sinh ra nguội lạnh, sút kém; hàng giáo sĩ thì không được đào luyện cho đủ khả năng đạo đức.

Các vua chúa còn dùng cả ảnh hưởng của mình để tranh ngôi Giáo Hoàng nữa. Có những thời kỳ vô cùng đen tối: Trong Hội Thánh có hai Giáo Hoàng, không biết ai giả ai thiệt (thế kỷ 14, 15). Hay mấy chục năm liền, các Giáo Hoàng về ở tại Avignon, phải bỏ thành Roma hoang vắng, lạnh lẽo. Giáo sử gọi thời kỳ này là "thế kỷ sắt".       

Sang thế kỷ XVI, Hội Thánh lại gặp một cơn khủng hoảng về Đức tin rất trầm trọng. Nhiều nơi chủ trương theo Giáo Hội Tin lành, không thông hiệp hoặc cấm thông hiệp với Đức Giáo Hoàng, như các giáo phái:   

- Luthêrô (1483-1546): ông là thầy Dòng Augustinô, người Đức, tính tình hung bạo cứng cổ, nhưng rất thông minh, làm giáo sư luân lý và Kinh Thánh. Vốn sẵn tính bi quan lại bị lương tâm bối rối hành hạ, Luthêrô đưa ra lạc thuyết: Bản tính loài người sau nguyên tội đã ra bại hoại nên mọi hành động đều xấu xa tội lỗi. Muốn được cứu rỗi, chỉ cần tin vào công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, còn mọi cố gắng để lánh tội và tập nhân đức đều vô ích. Nên năm 1521, Đức Lêô X đã ban hành Tông hiến "Decet Romanum Pontificem" kết án và tuyệt thông Luthêrô.  

- Zwingli (1484-1531): Đồng thời với Luthêrô ở Đức, Ulrich Zwingli người Thụy sĩ xây dựng lạc thuyết của mình dựa trên quan niệm: ý muốn của Thiên Chúa chỉ được biểu hiện trong Thánh Kinh. Ông từ chối Thánh truyền và các luật lệ của Hội Thánh, khởi xướng lý thuyết Giáo Hội Quốc gia Dân chủ.          

- Calvinô (1509-1564): Calvinô cũng chủ trương con người hoàn toàn xấu xa và chỉ chấp nhận hai Bí tích: Rửa tội và Bí tích Thánh Thể. Suốt mười mấy năm liền, ông tổ chức Giáo hội Tin lành ở Thụy sĩ và sau đó đã lan truyền sang các nước Đức, Thụy điển, Ý, Pháp...

- Anh Giáo: Vì say mê cô hầu Anne de Boleyn, Vua Henri VIII nước Anh đã muốn ly dị vợ chính là Catharine xứ Aragon. Đức Thánh Cha Clêmentê VII không chấp nhận cuộc toan tính ấy. Nổi tức, Henri bèn lập ra Giáo hội quốc gia, phủ nhận quyền của Đức Giáo Hoàng. Đến đời vua Edouard VI (1558-1603) thì họ hoàn toàn ly khai Giáo Hội. Năm 1583, Nữ hoàng Êlisabeth tuyên bố chiếu chỉ: "Một tôn giáo duy nhất": Anh giáo được thành lập.  

Trong thời kỳ này, có thể nói Hội Thánh phải hứng chịu một "cơn bắt đạo lạnh". Các vua chúa đã có những thái độ khắc nghiệt như:          

* Tịch thu nhà thờ và tài sản của Hội Thánh Công giáo mà trao cho Tin lành.        * Giết chết, trục xuất những ai không bỏ Công giáo mà theo Anh giáo, kể cả các vị có chức lớn trong nhà nước như Thánh Thomas More (chưởng ấn), Hồng Y Gioan Fisher.  

* Người Công giáo không được giữ một số chức vụ cao cấp như Thủ tướng, tướng lãnh quân đội.       

Đến thế kỷ XIX, XX lại nổi lên những lạc thuyết như: Duy lý, Cải tân với Renau, Loisy... Thời đại hôm nay lại xuất hiện thêm thuyết Tục hoá, những khủng hoảng quyền bính, sự ra đi của nhiều linh mục, tu sĩ.

Nếu là một tổ chức trần thế thì qua bao nhiêu biến cố "tự hủy diệt" như trên, chắc Hội Thánh đã sụp đổ từ lâu rồi. Nhưng cứ mỗi lần có lạc thuyết nỗi lên, Chúa lại cho xuất hiện nhiều người đứng lên bênh vực Hội Thánh: Trong mấy thế kỷ xác định giáo thuyết ban đầu thì có thánh Augustinô (354-430), thánh Basiliô (329-379), thánh Grêgôriô Nazian (325-390), thánh Hilariô (315-369), thánh Athanasiô (295-373)...Những lúc thế quyền vật chất lan tràn vào cung thánh để lủng đoạn thì Thiên Chúa lại sai thánh Đa Minh (1170-1221), thánh Phanxicô Assisiô (1182-1226), thánh Bênađô (1090-1153) nêu gương sống khó nghèo, cầu nguyện để thức tỉnh.        

Lúc nhiều bậc vị vọng trong Hội Thánh chỉ đi lại với triều đình vì thuộc dòng dõi của vua chúa, bỏ rơi đám dân nghèo, thì Chúa lại sai thánh Vinh Sơn đệ Phaolô (1581-1660) lập Dòng Bác Ái chăm sóc người cùng khổ, thánh Gioan Lasan (1631-1719) lập Dòng Sư huynh dạy dỗ các trẻ bần dân, và thánh Gioan Thiên Chúa (1495-1550), thánh Camillô Lellis (1550-1614) phục vụ kẻ bệnh hoạn tật nguyền.        

Khi phải đương đầu với các thế quyền áp đặt đạo Tin lành ở nhiều nước Âu châu Thiên Chúa lại sai thánh Phêrô Canisiô (1521-1597), thánh Phanxicô Salêsiô (1567-1622), thánh Ignatiô Loyola (1493-1556) lập Dòng Tên để chống đỡ Hội Thánh.

Năm 1545, Đức Thánh Cha Phaolô III đã triệu tập Công đồng Tridentinô để xác định rõ những điểm giáo lý bên Tin lành đã phủ nhận, tổ chức lại đời sống tu trì và việc huấn luyện linh mục trong các chủng viện. Thêm vào đó, thánh Vinh Sơn đệ Phaolô lập Dòng Lazariste, cha Olier lập Hội Xuân Bích, thánh Carôlô Borrômêô (1538-1584) lập Dòng Thánh Ambrôsiô... Tất cả đều nhằm mục đích đào tạo hàng giáo sĩ, thực thi những điểm Công đồng Tridentinô đã quyết định. 

Trước những khủng hoảng của thế kỷ XIX và XX này, các Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Piô X, Piô XI, Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô II đã can đảm sáng suốt vạch rõ những điểm sai lạc, đồng thời nổ lực canh tân Hội Thánh. Công cuộc sáng chói nhất của các ngài là Công đồng Vatican II mà mỗi người chúng ta đang thụ hưởng những thành quả tốt đẹp như:         

* Canh tân đời sống Hội Thánh đối nội cũng như đối ngoại,      

* Tiến tới hiệp nhất với các anh em lạc giáo và ly khai,  

* Đối thoại với anh em ngoài Công giáo, anh em vô thần.          

Nói tóm, sau mỗi lần khủng hoảng, Hội Thánh lại được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn để tiến tới trên con đường canh tân ngày càng tốt đẹp, tươi trẻ và hùng mạnh hơn. (ĐHV 252, 253, 254).    

Thử thách bên ngoài:

* Đừng ngạc nhiên khi người ta phá Hội Thánh, vì đó là nhiệm thể Chúa Kitô; họ tiếp tục giết Chúa Kitô; không giết Chúa Kitô được nữa, người ta phá Hội Thánh. (ĐHV 251).

* Con tin Hội Thánh vì Chúa Giêsu đã lập Hội Thánh, và chỉ lập Hội Thánh ấy thôi. Con đau khổ vì những bất toàn nơi bộ mặt nhân loại của Hội Thánh, nhưng con liên đới với những bất toàn ấy. Con nỗ lực để tẩy luyện và thực hiện ý Chúa Giêsu nơi Hội Thánh (ĐHV 268).

- Mới vừa giảng đạo được ba năm, chính Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Hội Thánh, phải bị án chết một cách nhuốc nha tất tưởi. Bấy giờ, các thủ lãnh Do Thái tưởng rằng đạo Công giáo đã bị chôn vùi làm một với Chúa.      

- Tiến đến, Hội Thánh mới bành trướng đã phải trải qua 300 năm bách hại khắp đế quốc Roma: Các Tông đồ đều chịu tử đạo, tất cả các Giáo Hoàng kế vị thánh Phêrô đều phải đổ máu mình để minh chứng đức tin. Mãi cho đến năm 313, sắc chỉ Milan về tự do tín ngưỡng mới được ban hành. Ba trăm năm dài đẫm máu ấy đã để lại cho lịch sử và các Kitô hữu một bài học như sau: càng chém giết, càng bắt bớ, thì người ta càng làm đạo Chúa lan rộng mãi, như lời Tertullianô nói "Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống trổ sinh con nhà có đạo".      

- Đến thế kỷ VI và VII, làn sóng các dân Man-di lại tràn ngập đế quốc Roma, gây không biết bao điêu đứng, khó khăn cho Hội Thánh. Gót chân của các bô lão Goth, Wisigoth, Normands, Germains, Vandales, Huns... đi đến đâu là gây sụp đỗ tiêu tan đến đó. Nhưng với sự kiên trì dạy dỗ, Hội Thánh đã cảm hoá được, lôi kéo họ trở về.   

- Khi hầu hết các quốc gia Âu châu đã trở lại đạo Công giáo, ai cũng tưởng rằng, Giáo Hội sẽ là một gia đình hoà thuận tốt đẹp, nhưng các vua chúa lại muốn xen vào nội bộ của Hội Thánh để tranh giành ảnh hưởng. Họ tìm cách đề cử những Giám mục, Hồng Y, Đan viện phụ có khuynh hướng theo mình để thu phục nhân tâm, tăng cường uy thế, thụ hưởng bổng lộc. Khiến các Giáo Hoàng phải liên tiếp kiên cường bảo vệ sự tự do của Hội Thánh khỏi những tranh chấp vật chất và trần thế ấy. Lịch sử còn ghi lại những vụ Fréđêric, Barberousse ở Đức, Philippe le Bet ở Pháp chống đối và dùng vũ lực đối với Đức Giáo Hoàng nhưng đã không thể làm cho ngài nhượng bộ.      

- Đến thời Cách mạng Pháp (1789-1799), không biết bao nhiêu linh mục, tu sĩ phải lưu đày, xử giảo hoặc bị nhận chìm xuống lòng biển Thái Bình Dương. Nhưng Hội Thánh không vì thế mà sụp đỗ. Đến khi Napolêon lên ngôi, ông lại sang Ý bắt luôn cả Đức Giáo Hoàng Piô VII đem về cầm tù tại Fontainebleau, vì ngài đã phản đối việc ông ly dị Josephine để cưới Marie-Louise làm vợ. Một hôm vì quá tức giận, Napolêon I đã nói thẳng với Hồng Y Consalvi, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh: "Ông không biết sao: tôi có thể tiêu diệt cả Hội Thánh" Hồng Y Consalvi hóm hỉnh trả lời:"Thưa ngài, chính chúng tôi đây là kẻ ở bên trong Hội Thánh, mà dù với bao gương xấu, tội lỗi, chia sẻ khuyết điểm vẫn không phá nổi Hội Thánh, suốt 19 thế kỷ qua thì sức mấy mà ngài phá tan Hội Thánh được!" Về sau, Napolêon đã phải tuyên bố: "Các dân nước qua đi, các ngai vàng sụp đỗ, Hội Thánh vẫn tồn tại!" 

- Đến năm 1820, Cách mạng Tây ban Nha lại giải tán nhiều dòng tu, giết chết khoảng 35.000 linh mục; nhiều vị bị họ vất xuống đất cho xe chạy qua; số Toà Giám mục rút xuống còn 6.       

- Trong trận thế chiến thứ hai, Phátxít Đức cũng giết chết rất nhiều linh mục, tu sĩ. Tất cả đều bị họ tống vào các trại tập trung hoặc đốt trong lò thiêu xác.   

- Rồi mới cách đây khoảng 20 năm đế quốc xã hội Trung Hoa, với chủ trương bá quyền bành trướng của Mao Trạch Đông, lại góp tất cả các Giám mục Trung quốc giam vào các trại tập trung ở miền Bắc, khiến giờ đây có trên 120 địa phận vắng bóng Giám mục. Thật là tàn ác, vi phạm lộ liểu nhân quyền. Chính họ đã đặt ra 45 giám mục cho Hội Thánh tự trị mà không có sự chấp thuận của Toà Thánh. Thế nhưng, chỉ một năm sau cả 45 ông giám mục này, vì không được nhân dân tín nhiệm, nên đã biến mất vào các trại tập trung.  

Tóm lại, mặc dù phong ba bão táp không ngừng đánh vào thuyền của thánh Phêrô, thuyền Phêrô suốt 20 thế kỷ vẫn không bị chìm ngập. Giờ đây Nêron đã yên nghỉ dưới nấm mồ; Philippe le Bel, Frédéric Barberousse, Napolêon, Bismark, Mao Trạch Đông, Hitler đang chu du nơi đâu, trong lúc Hội Thánh vẫn muôn đời đứng vững và luôn luôn nghe vang vảng bên tai câu nói của Thầy mình: "Này Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).


3. Con đã đọc chưa? 

* Sống đạo không phải chỉ để được cứu rỗi; sống đạo không phải chỉ để giải thoát con người. Sống đạo là hiệp nhất với toàn thể dân Chúa trên khắp thế giới, hiệp nhất với Đầu là Đức Kitô, và đại diện của Ngài là Đức Thánh Cha, để tiếp tục sự chết và sự Phục Sinh giải phóng nhân loại. Ngoài sự thông hiệp ấy, như cành nho đã lìa cây, chỉ còn là "công giáo" trong "hồ sơ lý lịch" (ĐHV 256).

* Con công kích cơ cấu, tại sao chính con lại khư khư đòi tổ chức kiểu này, xếp đặt người nọ, lập các ủy ban, tiểu ban, văn phòng! Con giống nhóm tuyên bố: "Đời nay có bệnh viết tắt như ONU, UNESCO v.v... Chúng tôi cực lực phản đối, và lập hội "Chống viết tắt" tên là ASS (Association sans single). Mâu thuẫn (ĐHV 260). 

- Hằng tuần trong buổi triều yết chung vào ngày thứ tư Đức Thánh Cha đều có giảng giải cho giáo hữu một bài hàm chứa nhiều điểm liên quan đến họ hoặc đến tinh thần của Hội Thánh, của thế giới. Con có khi nào đọc một trong số những bài giảng ấy chưa?

- Công đồng Vatican II đã bế mạc vào ngày 8-12-1965. Và các Đức Thánh Cha đều nói: "Chương trình chính của triều đại chúng tôi thực hiện Công đồng". Con đã đọc được mấy Sắc lệnh? Suy ngắm được mấy Hiến chế? Tìm hiểu được mấy Sứ điệp? Học hỏi được mấy Tuyên ngôn của Công đồng Vatican II? Công đồng Vatican II có ảnh hưởng gì đến đời sống của con không? Nếu chính bản thân con mà chưa rõ Công đồng Vatican II thì làm sao các giáo dân tầm thường có thể biến đổi để canh tân theo chương trình của Hội Thánh mà Đức Gioan XXIII đã gọi là: "Một cuộc Hiện xuống mới" được? Tinh thần con ở ngoài Hội Thánh mà con không hay biết! Thực nguy hiểm!

- Thông điệp "Hoà bình trên thế giới" của Đức Gioan XXIII đã được Hồng Y Suenen mang qua Liên Sô và được Quốc hội Liên Sô tiếp đón đầy thiện cảm, con đã đọc chưa? Một Hồng Y khác cũng mang Thông điệp ấy sang Liên Hiệp Quốc và được Liên Hiệp Quốc kính cẩn đón chào, thế mà con xem được mấy chữ? Con không đọc trong lúc những kẻ ngoài Công giáo và Vô thần lại nghiên cứu từ lâu và còn tặng giải thưởng Pulitzer cho tác giả thông điệp đó!


4. Chứng nhân của Hội Thánh.          

* Có thứ công giáo vụ lợi, có thứ công giáo lý lịch, có thứ công giáo xu thời, có thứ công giáo danh dự. Chúa chỉ chấp nhận hạng "công giáo trăm phần trăm", "công giáo vô điều kiện", "họ đã bỏ mọi sự và theo Người" (ĐHV 261).

* Trong Hội Thánh mọi người được mời gọi và có bổn phận nên thánh. Nếu con không sống thánh thiện, con đừng lên mặt canh tân Hội Thánh. "Không ai có Thánh Thần mà chống lại Đức Kitô" (ĐHV 267).

* Hội Thánh của giới trẻ, Hội Thánh của giới già, Hội Thánh của trí thức, Hội Thánh của lao động, Hội Thánh của người nghèo, Hội Thánh của người giàu, Hội Thánh của da vàng, Hội Thánh của da đen, Hội Thánh của phụ nữ, Hội Thánh của nam giới, Hội Thánh của tất cả, Hội Thánh chấp thuận tất cả, Hội Thánh không kỳ thị ai. Kỳ thị và chia rẽ không có chỗ trong Hội Thánh (ĐHV 270).        

Ngày nay không ai lại không biết Mẹ Têrêxa thành Calcutta, một nữ tu Bác Ái chuyên việc tông đồ bằng cách phục vụ những kẻ mắc bệnh cùi, ốm đau, cùng khổ, đặc biệt là những người đang hấp hối nằm la liệt trên các hè phố tại Calcutta Ấn Độ.     

Trước đây, có lần một vị sư Phật giáo nói với Mẹ: "Tôi biết và yêu mến Đức Kitô lắm, nhưng tôi ghét Hội Thánh của ngài. Nếu các chị làm điều các chị nói, có lẽ các chị sẽ trở nên nơi hội ngộ để chúng tôi có thể gặp gỡ Hội Thánh của Đức Kitô"     

Sau một năm có dịp cùng làm việc với Mẹ Têrêxa, vị sư đó phát biểu: "Tôi đã quan sát chị. Bây giờ tôi thực sự tin rằng các chị làm việc chỉ cốt để giúp những người nghèo khổ, xấu số nhất. Chúng tôi sẽ dâng cho các chị một ngôi nhà trong khuôn viên chùa chúng tôi để làm bệnh xá miễn phí!"     

Nhờ các cuộc hoạt động từ thiện, bác ái, Mẹ Têrêxa đã nhận được nhiều giải thưởng của chính phủ Ấn Độ, chẳng hạn như giải "Padna Shri" (Hoa huệ tuyệt vời) năm 1963. Cùng năm đó, chính phủ Philippine tặng Mẹ giải thưởng Magsaysay (giải thưởng dành cho vùng Đông Nam Á về các công cuộc xã hội). Năm 1971, Mẹ lại được vinh dự lãnh giải thưởng "Hoà bình Gioan XXIII" do chính tay Đức Phaolô VI trao tặng tại Roma. Gần đây nhất, tháng 10 năm 1979, Mẹ Têrêxa lại được hân hạnh nhận giải thưởng Nobel Hoà bình 1979 là giải thưởng lớn nhất và tiếng tăm nhất thế giới.  

Thế nhưng, giải thưởng làm Mẹ Têrêxa thích thú và hãnh diện nhất chính là đưa được nhiều người về với Hội Thánh Công giáo và làm cho nhiều người khác yêu mến Hội Thánh của Đức Kitô hơn.


5. Bức tranh của giáo dân Đức thời Bismark.

"Thủ tướng sắt", người đó là ai vậy?    

Là Thủ tướng Bismark, một nhà độc tài đã thao túng chính trường Đức quốc thế kỷ vừa qua. Ông đã gây nhiều khó khăn cho Giáo Hội, vì Giáo Hội phản đối đường lối độc tài Phátxít của ông.     

Trong những tháng ngày đen tối ấy, giáo dân Đức đã có sáng kiến in ra một bức hí họa, nhà nào cũng treo, các tiệm hàng thì gián trước cửa kính. Bức hí hoạ ấy trình bày một tên khổng lồ đang hì hục toát mồ hôi để xô một tảng đá xuống biển; bên cạnh đó, một thằng quỷ Satan nhìn nhe răng cười nham nhở và bảo tên khống lồ kia: "Tao đã nhọc mệt suốt 20 thế kỷ mà vẫn chưa làm được, mày là ai mà dám cả gan làm?"

Bismark biết được ý nghĩa của bức hí hoạ thì vô cùng tức tối, nhưng chẳng biết làm sao! Cuối cùng, "đấu tranh văn hoá, Kulturkampi" nhằm chống tôn giáo của ông thất bại, và ông cũng đã nằm xuống như bao nhà độc tài khác trong đắng cay và thất sủng đối với hoàng đế Guillaume. Hai người thù hận nhau đến nỗi trước khi chết, Bismark đã trối với gia đình phải liệm xác ông gấp, kẻo ông phải giáp mặt hoàng đế Guillaume đến... phúng điếu!


6. Hội Thánh là tôi.    

* Không ai phá Hội Thánh vì yêu Hội Thánh (ĐHV 248).

* Hội Thánh có nhiều khuyết điểm và gương xấu, nhưng Hội Thánh có lời hứa của Chúa. Hội Thánh là một phép lạ liên lỉ. Tuy nhiên đừng vì thế mà phơi bày khuyết điểm và gương xấu cho mọi người. Cũng đừng vì đó mà tha hồ làm gương xấu, để Chúa làm phép lạ mỗi ngày (ĐHV 264).        

Nữ tu đời Ange Hattei, trong tác phẩm "Jesus caritas", có thuật lại câu chuyện như sau: "Trước Công đồng Vatican II, một hôm có người bạn vô thần tôi yêu mến đã nhận định với tôi rằng, Hội Thánh là một thế lực tiền bạc, là điểm tựa của các nhà độc tài và đại tư bản". Ông ta thắc mắc về các vị lãnh đạo Hội Thánh độc đoán và phe phái, về các tín hữu tự cho mình là tốt mà hành động xấu xa, về các linh mục lo lắng thụ hưởng và làm giàu... Tôi kiên nhẫn lắng nghe ông rồi nói: "Tôi đã làm gì anh mà anh hạ nhục tôi như vậy?" Ông ta sững sồ bảo: "Tôi xỉ nhục cô ư? Nhưng tôi đâu có nói gì cô! Không nói gì cô mà cũng chẳng nói gì về một người bạn của cô cả, như linh mục X... hay chị Y... chẳng hạn. Tôi nói đến Hội Thánh cách chung mà!" Tôi trả lời: "Đúng thế, Hội Thánh cách chung là tôi, Hội Thánh cách chung là tất cả những kẻ mà anh chỉ trích, những kẻ mà anh loại trừ; họ trộn lẫn với nhau một cách không thể phân ly được. Hội Thánh cách chung là họ, là tôi, là tất cả những người ấy!". Ông bạn từ đó không bao giờ còn thắc mắc với tôi về Hội Thánh. Và nhiều lần trước mặt tôi, ông còn tìm cách làm nổi bật những dấu hiệu tích cực về sự hiện diện của Hội Thánh trong thế giới này nữa.


_______________________

13. ĐỨC TIN

1. Đức tin Tiên Tổ. 

Suốt ba thế kỷ liền, kể từ năm 1533, Phúc Âm của Chúa đến Việt Nam cùng với Thánh giá Chúa. Biết bao tín hữu Chúa bị lưu đày, bị chiếm đoạt tài sản, lẩn lút sống trong rừng sâu nước độc, cam chịu mọi đau khổ để trung thành với Đức tin. Cho đến cuối thế kỷ XIX, ta có thể tính được trên 130.000 đấng thuộc mọi thành phần đã được diễm phúc Tử Đạo. Trong số đó có 117 vị đã được các Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Piô X và Đức Piô XII phong lên bậc Chân phước. Và ngày 19.6.1988 Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã tôn phong các ngài lên bậc Hiển Thánh. Chúng ta có thể chia ra như sau: 

* Đời Trịnh Doanh 2 vị 

* Đời Trịnh Sâm 2 vị 

* Đời Cảnh Thịnh 2 vị 

* Đời Minh Mạng 57 vị 

* Đời Thiệu Trị 3 vị 

* Đời Tự Đức 51 vị. 

Thành phần các Thánh ấy: 

* 8 Giám mục 

* 50 Linh mục 

* 16 Thầy giảng 

* 1 Chủng sinh 

* 42 Giáo dân.

Giáo Hội Việt Nam ta nghèo nàn không sánh được với các Giáo Hội ở Âu Mỹ, nhưng chúng ta cũng hãnh diện về lòng trung thành sắt son với Đạo Chúa của Tổ tiên ta: Ba thế kỷ bắt bớ, tù đày và trên 130.000  Đấng Tử Đạo.


2. Trong bóng tối giáo đường.

* Nhiều người nói: "Tôi có đức tin, tôi còn đức tin." Có lẽ "đức tin của giấy khai sinh" không phải đức tin của đời sống; ít người sống theo đức tin (ĐHV 274).

* Con đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin lý thuyết và hình thức, nhưng phải sống một đức tin chân thực, thiết ái và trung thành (ĐHV 280).

* Thành thực cầu xin như các Tông Đồ: "Xin Thầy thêm sức mạnh cho đức tin chúng con." (ĐHV 282). 

Vào những buổi chiều tà nhà thờ vắng vẻ, thánh Phanxicô Salêsiô thường đến trước Chúa Giêsu Thánh Thể sốt sắng cầu nguyện. 

Một hôm đang lúc mãi mê cầu nguyện thì ngài nghe tiếng sột soạt trong bóng tối. Tưởng là kẻ trộm, ngài vụt đứng dậy cất tiếng hỏi: "Ai?". Một bóng lạ mặt tiến đến gần ngài và nói: "Thưa Đức Giám mục, con không có đạo, con nghe Đức Giám mục giảng về Chúa Giêsu Thánh Thể, nhưng con không tin. Vì thế hôm nay, thừa lúc chiều tối, con lẻn vào nhà thờ, rình xem thử Đức Giám mục viếng Mình Thánh Chúa như thế nào? Con thú thực: con đã thấy rõ đức tin của Đức Giám mục. Giờ đây con vững vàng tin..."


3. Ba câu hỏi của giáo dân Nhật Bản.

* Có gì hạnh phúc bằng tin tưởng mình đang ở trong Hội Thánh, ở đó những khắc khoải của tinh thần được giải quyết và quả tim đầy tràn hy vọng (ĐHV 281).

* Không ai bắt con chối Chúa, nhưng có thể bắt con đi ngược lại với đường lối của Chúa, "để giữ đức tin". Thực là mâu thuẫn: Đức tin của con sẽ chết vì con sợ chết, sợ đau, sợ cực (ĐHV 286).

* Đối với người Kitô hữu, tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng; Chúa không phải là Đấng bắt con phải kính mến, nói đúng hơn, Chúa là Đấng mà con phải để cho Ngài yêu thương con vô hạn (ĐHV 288).

* Chúa của người công giáo cao cả, không phải vì Ngài "toàn năng", nhưng vì Ngài "toàn ái". Ngài siêu việt vì Ngài là "Tình yêu tuyệt đối" (ĐHV 289). 

Giáo hội Nhật Bản rất anh dũng. Họ có nhiều vị Tử Đạo rất oanh liệt, chẳng hạn như thánh Phaolô Miki. Thánh Phaolô Miki và 25 bạn đồng đội đã bị bắt và bị treo trên những cây thập tự giá đối diện với bờ biển trên một chiếc tàu... Tuy phải gia hình đau đớn, Phaolô Miki và các bạn vẫn vui tươi và không ngừng giảng đạo cho những kẻ đến xem. Các Ngài kêu gọi họ ăn năn trở lại, tha thứ cho những ai xỉ nhục và kết án mình. Thái độ khiến nhiều người đến xem điên tiết. Họ lấy giáo đâm chết tu sĩ Miki và các bạn. Hôm ấy là ngày 5.2.1597, ngay giữa một thời kỳ bắt bớ khá gắt gao, nhưng vẫn còn có tính cách địa phương.

Cuộc bắt bớ này, đến năm 1613 thì lan ra khắp mọi nơi và mọi chỗ. Năm đó chiếu chỉ của Daifusanna vừa được ban hành, Giáo Hội Nhật Bản liền rơi vào tình trạng nguy kịch. Dấu hiệu mở màn là cuộc xử tử công khai 50 Đấng Tử Đạo ở Nagasaki ngày 22.9.1622. Cuộc bách hại trở nên dã man và ác liệt trên đất Kiu-shu vào những năm 1636-1638 sau khi quân sĩ của Shimbara, một viên tướng Công giáo đứng lên bảo vệ đức tin và sinh mạng, bị đánh tan hoàn toàn: Gần 35.000 người Công giáo bị giết trong cuộc nổi dậy ấy. Các vua Nhật tưởng đã diệt được đạo Công giáo tận gốc rể. Bên ngoài, các nước cũng nghĩ rằng đức tin của giáo dân Nhật còn quá non yếu, khó đương đầu nổi cơn bắt đạo gắt gao như vậy, nhất là với chính sách bế quan tỏa cảng của các vua Nhật, chính sách cấm các nhà truyền giáo đặt chân lên đất Phù Tang. Thế nhưng thực tế lại khác. 

Vì các Kitô hữu không có linh mục, không Thánh lễ, không thánh đường đó đã anh dũng ngoan cường sống đạo tới 200 năm sau, đến khoảng giữa thế kỷ XIX, thời Minh Trị Thiên hoàng, khi các nhà truyền giáo lại được đặt chân lên đất Nhật. Sau đây là một chứng tích hùng hồn cụ thể: 

Một hôm, cha Petitjean đi đến giảng đạo tại Nagasaki trước mặt một số đông người Nhật. Nghĩ rằng họ toàn là lương dân nên sau bài giảng, ngài tươi cười hỏi: "Có ai thắc mắc gì không?" Một người đưa tay chất vấn: 

- Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời cho chúng tôi có hay không? 

- Tốt lắm, xin quí vị cứ đặt câu hỏi. 

- Câu hỏi thứ nhất: Các ông có tin Đức Mẹ đồng trinh không?

- Có.  

- Câu hỏi thứ hai: Các ông có vâng lời và thông hiệp với Đức Thánh Cha không?

- Có

- Câu hỏi thứ ba: Là linh mục, các ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không?

- Có

- Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi toàn là Công giáo cả! 

Cha Petitjean hết sức bàng hoàng, ngạc nhiên, như từ cung trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm nhau, không cầm được nước mắt vì quá sung sướng cảm động. Nhà truyền giáo hỏi: 

- Bấy lâu nay có ai giảng dạy cho anh chị em không? 

- Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi! 

- Vậy thì sao anh chị em còn sống đạo sốt sắng đến thế? 

- Thưa Cha, đó là nhờ ông bà Tổ tiên chúng con truyền lại, sau là nhờ chúng con biết âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết yêu thương đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

- Nhưng tại sao anh chị em lại đặt cho cha ba câu hỏi vừa rồi? 

- Thưa cha, vì ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ: sau này có ai đến giảng đạo, chúng con phải cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà đánh giá xem họ có phải là những nhà thừa sai chân chính không. Nay chúng con quá đỗi vui mừng vì các cha đích thực là những người được Hội Thánh sai đến. Chúng con sẽ nghe lời các cha và giữ vững đức tin Tổ tiên chúng con truyền lại.


4. Gương sống đạo của Tổ tiên chúng ta.

* Nắm vững đức tin, con phân biệt đâu là đường hy vọng của tâm hồn tông đồ, đâu là lối chết của thế gian (ĐHV 273).

* Các Tồng Đồ đã khiêm tốn thuật lại trong Phúc Âm đức tin yếu hèn của họ, để chúng ta mạnh tin hơn (ĐHV 279).

* Con đừng giả vờ để thoát khó nguy. Con nhớ gương Êlêazarô: "Vì ở tuổi chúng tôi không nên giả vờ, kẻo nhiều thanh niên tưởng rằng Êlêazarô đã 90 tuổi đầu mà còn theo lối sống của dân ngoại. Rồi sự giả vờ của tôi để sống thêm một ít lâu nữa, tôi cũng làm cho chính họ lầm lạc, và vì thế, tôi sẽ chuốc lấy nhơ nhớp và ô danh cho tuổi già của tôi..." (ĐHV 285).

* Con phải can đảm để sống đức tin hàng ngày, bằng các thánh tử đạo can đảm để giữ đức tin (ĐHV 287).

* Sự cứu rỗi của nhân loại không phải là một "tổ chức", mà là một "mầu nhiệm", mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu chết sống lại (ĐHV 290). 

Trên đây cha đã nhắc sơ đến sự hy sinh vì đức tin của ông bà tổ tiên chúng ta, nói đến số lượng và thành phần của các thánh Tử Đạo. Nay mô tả chi tiết các hình khổ đã dành cho các ngài. Như nào là có những giáo xứ (ở Quảng Trị) bị lính lùa vào nhà thờ rồi chất rơm chung quanh đốt cháy tất cả. Nào là cả Nhà Dòng Mến Thánh giá Phan Rang bị vứt xuống giếng và lấp đất chôn sống đi. Nào là có những thiếu nữ Công giáo non yếu bị đưa về Huế phạt gia hiệu, phơi nắng ngày này sang ngày khác rồi chặt một ngón tay trước khi đánh đập và tha về. Nào là gương 12 vị Chánh trương, trùm trưởng khắp nơi bị đưa về Huế, giam trên thành Lồi (bức thành người Chàm xưa đắp lên để đánh với người Việt Nam, xa thị xã độ 10 cây số). Các ông phải bứt cỏ nuôi voi cho nhà vua cho đến khi chết dần chết mòn tất cả; nay 12 ngôi mộ của các ông vẫn còn nguyên vẹn dưới chân thành ấy. 

Và sau đây, cha xin ghi lại vắn tắt gương sống của một vài vị để soi chiếu cho chúng ta: 

Những vị có chức vụ trong nhà nước hoặc quân đội như: 

- Thánh Micae Hồ Đình Hy, ngài làm quan Thái bộc tới Hàm- tam- phẩm và đã chịu trảm quyết thời Tự Đức tại Huế 22.5.1857. 

- Thánh Phaolô Tống Viết Bường, chức Thị vệ. Đã chịu trảm quyết ngay trước cổng nhà người con gái ngài, ngày 23.10.1833, tại Huế, triều vua Minh Mạng. 

- Thánh Phanxicó Trần Văn Trung, Cai đội. Đã chịu trảm quyết tại Huế ngày 6.10.1858, dưới triều Vua Tự Đức. 

- Thánh Giuse Lê Đăng Thị. Cũng là Cai đội. Chịu xử giảo tại Huế, ngày 24.10.1860, dưới triều vua Tự Đức. 

- Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, một lý trưởng gương mẫu liêm khiết. Ngài đã bị xử trảm tại Nam Định, ngày 12.8.1838. 

Các vị này là những công dân tận tụy với chức vụ, trung thành với Tổ quốc và nhân dân, nhưng chỉ vì không bỏ đạo mà phải chịu án tử hình.  

* Những người giáo dân lãnh trách nhiệm tông đồ trong hội đồng giáo xứ như:  

- Thánh Giuse Nguyễn Vân Lưu trùm họ Mạc Bắc. Ngài đã giúp đỡ và giấu ẩn cha Thánh Philipphê Minh trong nhà nên bị bắt, giải về Vĩnh Long. Vì già yếu và với lại chịu lắm khổ hình, ngài đã chết rũ tù ngày 2.5.1854. 

- Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, trùm xứ và thầy thuốc. Ngài đã bị giam cùng với Đức cha Cao, Cha Điểm, Cha Khoa, thầy Phêrô Từ và đã chịu tử hình ngày 10.7.1840, tại Đồng Hới. 

- Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, trùm cả Bình Định, một trợ tá đắc lực của Đức Cha và hàng giáo sĩ. Ngài đã bị bắt và phát lưu vào Mỹ Tho, nhưng vì quá gian khổ nên đã từ trần lúc vừa đến Mỹ Tho ngày 15.7.1855. 

- Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, Câu Phủ Họ Đầu Nước, tỉnh An Giang, rất nhiệt thành và quí mến hàng linh mục. Ngài đã bị bắt cùng với Cha Đoàn Công Quý và hy sinh vì Chúa tại Châu Đốc, ngày 31.7.1859. 

- Thánh Antôn Nguyễn Đích, thường gọi là ông trùm Đích, ngài rất đạo đức, yêu người nghèo và tận tụy giúp đỡ hàng giáo sĩ. Ngài đã bị bắt cùng với con rể là Thánh Micae Lê Mỹ, vì cho linh mục Thánh Giacôbê Mai Năm trú ngụ tại nhà. Cả ba đã trung kiên đến cùng và đã xử trảm tại Nam Định ngày 12.8.1838.  

- Thánh Mathêu Nguyễn Văn Phượng, một người nổi tiếng đạo đức thông minh, được bầu làm trùm họ Sáo Bùn, Quảng Bình. Ngài bị bắt vì tội chứa chấp cha Thánh Gioan Hoan và oa trử đồ lễ cùng sách vở Công giáo. Ngài đã bị xử trảm ngày 26.5.1861, tại Đồng Hới cùng với cha Hoan. 

* Những phụ nữ Công giáo Việt Nam đã anh dũng tuyên xưng đức tin như: 

- Thánh Anê Lê Thị Thành, một bà mẹ Công giáo gương mẫu. Vì sốt sắng giúp đỡ các linh mục trong buổi cấm đạo nên bà đã bị bắt và vì chịu quá nhiều cực hình, thân thể đầy thương tích, lại không ăn uống được, nên kiệt sức và chết rũ tù ngày 12.7.1841. 

* Những anh hùng vô danh mà từ Nam chí Bắc, ai đã sống trong những tháng năm đầu thế kỷ 20 này đều có thể gặp. Đó là các cụ ông, cụ bà trước đây đã bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn rồi bị người ta rạch mặt lấy mực tàu xâm lên trên má hai chữ "Tả đạo" để dù đi đến đâu, nhân dân ai cũng nhận ra đây là những người theo đạo tả; nhưng đối với giáo dân, đây là biểu tượng của đức tin kiên cường sáng chói.

"Chúng ta hãy ca tụng những bậc vĩ nhân, những bậc tiền bối của chúng ta" (Giảng viên 44,1).


5. Tuyên xưng bằng máu.

* Hãy có một đức tin sắt đá, con sẽ làm được tất cả, vì mỗi lần Chúa làm phép lạ, Chúa hỏi có tin không. "Đức tin con làm cho con được lành." (ĐHV 278). 

* Chúa toàn năng và hằng hữu, nếu con tin Chúa, con sẽ làm những việc lạ lùng như Chúa Giêsu đã làm, và còn làm những việc vĩ đại hơn nữa. Ngài đã hứa! (ĐHV 284).

Đức tin là con mắt thần, là sức mạnh vũ bão. Người có đức tin trông thấy những kẻ khác không thể trông thấy, làm được những cái kẻ khác không thể làm được.

Khi đứng trước lưỡi gươm trần của tên đao phủ đang đưa lên cao, Thánh Phêrô Veren vẫn hiên ngang tuyên bố: "tôi tin". Khi miệng bị chém không thể nói được nữa, ngài vẫn bình tĩnh lấy ngón tay thấm máu đang chảy ràn rua trên ngực và viết lên mặt đất, nơi ngài sắp gục ngã làm của lễ, hai chữ: Tôi Tin. 

Đúng như lời Thánh Kinh: "Sự chiến thắng của tôi chính là đức tin kiên vững".  


6. Đức tin của anh công nhân.

* Xem hành động của con, phản ứng của con, đủ biết đức tin của con sống động hay là "đức tin nhãn hiệu"! (ĐHV 275). 

Ông ấy là giám đốc của một xưởng kỹ nghệ chuyên sản xuất nông cụ. Ông ta không tin có Thiên Chúa và cũng chẳng tin vào tinh thần trách nhiệm của các công nhân trong xưởng. Sáng hôm ấy, hơn 1000 công nhân trong xưởng nghe nói ông giám đốc đã lên đường đi công tác nơi xa, mà sớm lắm cũng một tháng sau mới trở về, nhưng đến tối ông âm thầm về lại xưởng. Sáng ngày hôm sau, ông đứng trên văn phòng ở lầu hai quan sát các công nhân làm việc. Bộ mặt thực của mỗi người đều bị lộ: ai ai cũng lười biếng, nhác nhớn, duy chỉ một anh công nhân lúc nào cũng làm việc tận tụy, hăng say. Tên anh là Shirley, người Công giáo duy nhất của xưởng. 

Hôm sau các công nhân nghe rằng, ông giám đốc đã hoãn chuyến đi vì trở ngại kỹ thuật! Riêng Shirley, chàng được gọi lên văn phòng: 

- Anh Shirley, tôi hết lòng khen ngợi anh, anh là một công nhân tốt. Tôi không thấy đức tin của anh, nhưng nhìn qua công việc lao động và thái độ sống của anh, tôi cũng hiểu được phần nào... 

Mấy tháng sau, các công nhân nghe tin ông giám đốc bắt đầu học giáo lý Công giáo.


7. Thà bị lột da. 

* Trên đường hy vọng, con cần một địa bàn để chỉ đường cho con trong những lúc tăm tối gian nan nhất, đó là đức tin, địa bàn Hội Thánh trao cho con ngày chịu phép Thánh Tẩy (ĐHV 271). 

Ngày kia có người hỏi Fabre, một nhà côn trùng học danh tiếng: "Ông có tin vào Thiên Chúa không?" - Nhà bác học trả lời không chút ngần ngại: "Tôi không thể nói không tin vào Thiên Chúa. Vì không có Người, mọi sự đều tối đen, tôi cũng chẳng hiểu được tí gì. Tôi thà bị lột da còn hơn là để mất niềm tin vào Thiên Chúa ". 


_______________________

14. TÔNG ĐỒ

1. Hai rương bài gẫm của một vị Tổng Thống.

* Giáo dân thời sơ khai diễn tả cách nôm na: Tông đồ là người có Chúa Kitô trong lòng, Chúa Kitô trên mặt, Chúa Kitô trong mệng, Chúa Kitô trên tay, Chúa Kitô trong óc, Chúa Kitô trên vai... Tóm tắt, là một người đầy tràn Chúa Kitô và cho kẻ khác Chúa Kitô (ĐHV 292).

* Đừng nói nhiều, làm ít, hoạt động dài, cầu nguyện vắn, nhận rộng rãi, cho hẹp hòi, khoan dung cho mình, khắt khe với người (ĐHV 304). 

Sau đệ nhị thế chiến, nước Ý hầu như hoàn toàn tan nát vì bom đạn và ách Phátxít của nhà độc tài Mussolini. Ông De Gasperi đã can đảm, sáng suốt lèo lái công cuộc phục hưng quốc gia về mọi mặt. Lúc ông mất (1954), người ta khám phá ra trong phòng ông có hai rương đầy ập giấy tờ; nhìn kỹ thì toàn là bài gẫm mỗi ngày do chính tay ông ta viết ra năm này qua năm nọ. Ai nấy đều ngạc nhiên và càng thêm lòng thán phục quý mến một nhà chính trị khéo léo, đồng thời là tông đồ thánh thiện đã hy sinh trọn đời cho dân tộc, tận tụy với công việc mà vẫn không bỏ qua những giây phút sống nội tâm, nguyện cầu. 


Tổng Thống De Gasperi đã làm tông đồ trong sứ mệnh của ông. Đức Piô XII đã cho chôn xác ông trong đền thờ thánh Lôrensô, cạnh mồ Đức Thánh Cha Piô IX.


2. Viên Thị trưởng nhiệt thành.

* Tông đồ là thánh hóa môi trường bằng môi trường, lao động là tông đồ của lao động, học sinh là tông đồ của học sinh, bộ đội là tông đồ của bộ đội... (ĐHV 293).

* Kẻ thù hiểm nhất của công việc tông đồ là kẻ "nội thù", Giuđa nộp Chúa. (ĐHV 314).

* Kẻ thù khốc hại nhất của đời tông đồ con không phải là kẻ ngoại thù, đối lập con, nhưng là kẻ nội thù: chính bản thân con có thể thành tên gián điệp làm việc cho cả hai bên: Thiên Chúa và ma quỷ (ĐHV 315). 

Là một giáo sư đại học lỗi lạc, một chính trị gia nổi tiếng, ông La Pira, Thị trưởng thành phố Florence, còn là một tông đồ giáo dân hăng hái nhiệt thành, sống đời toàn hiến trong bậc độc thân và chuyên tâm nghiên cứu các vấn đề thần học cách sâu xa kỹ lưỡng. Có lần, một chị ủy viên Italia kia dâng mình vào Dòng Kín. Buổi lễ được Đức Hồng Y Agagiania đến chủ toạ và đặt Mình Thánh Chúa, còn thuyết trình viên về đề tài "Đời sống chiêm niệm" trước mặt Đức Hồng Y chính là Thị trưởng La Pira!

Ông La Pira còn hoạt động tông đồ ngay trong môi trường chính trị một cách hăng say với tư cách là một Thị trưởng. Giữa lúc giặc Mỹ xâm lược dội bom xuống Hà Nội, ông đã đến thăm Việt Nam và bàn về vấn đề vãn hồi hoà bình, xây dựng nước Việt Nam độc lập thống nhất. 

Thế giới đều biết tiếng ông La Pira và khâm phục tài năng cũng như lòng đạo đức của ông.


3. Tông đồ hớt tóc dạo.

* Bị nhục mạ, bắt bớ, đuổi từ thành này sang thành khác, là dấu Chúa thương con, Chúa chọn con làm tông đồ thật. "Tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn Thầy, họ đã xử với Thầy thế nào, cũng sẽ đối với các con như vậy. Hãy vui mừng hoan hỉ... vì nếu chúng con theo thế gian, thì thế gian không ghét chúng con." (ĐHV 295). 

Lắm kẻ ở thành phố Hồ Chí Minh quen biết một cụ già hớt tóc dạo, theo đạo Tin lành, người rất vui vẻ, dù vợ đã chết, con cái ở xa, có đứa đi nghĩa vụ. Cụ sống trong một căn nhà lụp xụp nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc. Mỗi khi khởi sự hớt tóc là cụ nói ngay đến Phúc Âm, đến Chúa Jésus-Christ. Nhiều người khó quên được câu nói của cụ: "Tôi không ham giàu gì, kiếm được đủ ăn và lo "hầu Chúa" hằng ngày là tôi sung sướng thỏa mãn!"

Cụ hân hoan về sứ mạng Chúa Kitô trao cho cụ và đã lợi dụng nghề hớt tóc của mình để triệt để thi hành sứ mạng ấy.

4. Cha gánh nước thuê.

* Bị nhục mạ, bắt bớ, đuổi từ thành này sang thành khác, là dấu Chúa thương con, Chúa chọn con làm tông đồ thật. "Tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn Thầy, họ đã xử với Thầy thế nào, cũng sẽ đối với các con như vậy. Hãy vui mừng hoan hỉ... vì nếu chúng con theo thế gian, thì thế gian không ghét chúng con."  (ĐHV 319). 

Thời Tự Đức cấm đạo gắt gao, có một linh mục tên "cụ Thanh" cải trang đi gánh nước thuê tại chợ Đông Ba, Huế. Ban ngày làm việc lam lũ, tối về trú ngụ nhà bà Tham, thuộc xứ Gia Hội. 

Nhờ gánh nước thuê mà cụ Thanh tiếp xúc được với nhiều giáo dân, cho họ chịu các phép Bí tích, Giải tội cho các tín hữu bị giam ở khám đường, nhất là cho những ai sắp ra pháp trường lãnh phúc Tử Đạo. Cụ thường trà trộn trong dân chúng, làm dấu sao đó để các giáo hữu nhận ra mình. 

Lúc linh mục Đặng Đức Tuấn bị bắt đưa ra Huế để xử, ngài được tự do tạm một thời gian để làm bản điều trần nổi tiếng về đạo Công giáo. Trong những tháng ngày ấy, thỉnh thoảng ngài ghé thăm nhà bà Tham ở Gia Hội. Trong nhà bà có tên đầy tớ hầu hạ cơm nước rất lễ phép, kính cẩn. Sau đôi ba lần thăm viếng, cha Đặng Đức Tuấn để ý suy nghĩ: "Anh này sao thấy có vẻ quen quen". 

Một hôm đang ngồi ở bàn ăn, Cha Tuấn đăm đăm nhìn vào mắt tên đầy tớ đứng ở gốc phòng, rồi bạo dạn hỏi: "Phải mày không Thanh?" - "Thưa phải" - "Trời đất! Vậy mà bao nhiêu tháng nay tao nhìn không ra". Nói đoạn cha Tuấn ôm choàng lấy cụ Thanh nước mắt chảy ròng ròng... Thì ra hai anh em đã học cùng nhau một trường ở Penang (Malaysia), sau bao nhiêu năm dài xa cách giờ đây mới gặp nhau lại! 

Cụ Thanh vẫn tiếp tục nghề gánh nước thuê như cũ... Cho đến một hôm, sắc tha đạo được triều đình ban bố, Đức Cha Bình (Sohier) bấy giờ mới ra mắt công khai và chọn ngày làm lễ tạ ơn trọng thể tại Kim Long, nơi có Tòa Giám mục. Giáo dân khắp nơi hân hoan tựu về mừng lễ thật đông đảo. Cả những vị quan trong triều và người bên lương ở Kinh đô cũng đến để xem. Trong lễ hát trọng thể ấy, vị chủ tế không phải là Đức Cha Bình mà là... Cụ Thanh. Giáo dân xôn xao, người bên lương thì ngạc nhiên khen ngợi và trầm trồ bảo: "Ngỡ là ai, hoá ra cụ Thanh gánh nước thuê ở chợ Đông Ba. Không ngờ ông ta giữ chức vụ to đến thế. Ông ca La tinh thật hay, mà cả ông Tây cũng phải quỳ chầu nữa...". 

Cụ Thanh đã tìm ra phương pháp tông đồ cho thời đại mình dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh Linh.

5. Tông đồ trên máy phát thanh.

* Giọng tự mãn khiến mọi người lánh xa, không ai tin con làm tất cả thay Chúa Thánh Thần (ĐHV 317). 

Ai cũng biết những tác phẩm của Đức Cha Tihamer Toth, một nhà đại giáo  dục nước Hung Gia Lợi, như: "Kinh tin kính", "Mười điều răn", "Chúa Cứu Thế với thanh niên", "Chí khí người trẻ"... Các tác phẩm ấy rất thiết thực, hấp dẫn, đã được ngài nói trên đài phát thanh và thu hút rất đông thính giả, nhất là thanh niên nam nữ tại nước ngài. 


6. Tông đồ truyền hình.

* Thời đại mới, nhu cầu mới, phương pháp mới. "Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế", và Ngài ban cho Hội Thánh lễ Hiện Xuống mới (ĐHV 296). 

Như đã nói, ngoài công việc của một Giám mục phụ tá, một giám đốc toàn quốc của Hội truyền bá Đức tin, Đức Cha Fulton Sheen còn dâng hiến cả cuộc sống để làm tông đồ trên máy truyền hình nữa... từng triệu giáo dân trong và ngoài nước Mỹ cũng như lương dân khắp nơi đều chăm chú theo dõi các bài giảng của Đức Cha trên màn ảnh truyền hình. Tin Mừng được thổi vào nhà họ như làn gió mát mang nguồn sinh lực cho những giờ khắc hoang mang, chán nản, Đức Cha Fulton Sheen đã đáp ứng nhu cầu Lời Chúa của thời đại mới bằng phương pháp mới vậy.


7. Tấm gương của một đại tông đồ truyền giáo.

* Hăng say hết mình, nhưng biết chia sẻ với mọi người, biết cộng tác với kẻ thua mình. Đừng làm đại lý tất cả, hầu như từ lúc con khởi sự hoạt động mới có trời đất muôn vật (ĐHV 297).

* Việc Chúa, không ai được giữ độc quyền đại lý. Các tông đồ thưa Chúa: "Có người không theo chúng con mà lấy danh Thầy trừ quỷ." Chúa bảo: "Ai không chống Ta thì thuận với Ta" (ĐHV 306).

* Tâm hồn tông đồ kính trọng thượng cấp, kể cả khi trình bày ngược lại chỉ thị, và không bao giờ vô lễ trước mặt kẻ khác. Không thể tha thứ thái độ bất tuân, hai lòng (ĐHV 316).

* "Tông đồ bằng bữa ăn". Bữa cơm là chuyện thường tình, nhưng Chúa ăn ở nhà Mađêlêna, ở nhà Simon, Giakêu, khác xa chúng ta: "Hôm nay sự cứu rỗi đã đến với nhà này!" (ĐHV 326).

* Đừng ham đại chúng, đừng vụ số đông, hãy xác tín vấn đề cán bộ; quần chúng lộn xộn rời rạc, chỉ cần một cán bộ đủ khuấy động, đủ khơi dậy cả quần chúng; cán bộ là hồn, là bộ óc, là xương sống của quần chúng (ĐHV 338).

Thánh Phanxicô Xaviê là một tiến sĩ lừng danh ở đại học Sorbone, Pháp, cùng lúc lại được giữ chức vụ Khâm sai của Đức Giáo Hoàng. Với tài năng và chức vụ ấy, cộng với lòng nhiệt thành tông đồ nóng hổi, ngài đã lên đường truyền giáo khắp nơi. 

Nhưng Á châu đất rộng mênh mông, đường đi lại gian nan trắc trở, thánh nhân đã làm thế nào? 

* Ngài đã nghiên cứu phương pháp truyền giáo, tâm lý của dân bản xứ nơi Ngài đến giảng đạo.

* Vạch ra những quy luật buộc nhà truyền giáo phải noi theo. 

* Gieo rắc hạt giống xong nơi nào, ngài liền xếp đặt, huấn luyện những kẻ cộng tác, thừa kế, rồi lại ra đi rao giảng. Ở phương trời xa, ngài dùng thơ từ để dạy dỗ, giải đáp, động viên tinh thần họ, thúc đẩy họ tiến lên. 

Năm 1904, ngài được Đức Piô X đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo, không phải chỉ vì ngài đã rao giảng và rửa tội cho một số lớn lương dân; nhưng còn vì đã vạch ra phương pháp truyền giáo cho các cộng sự viên của Ngài, thời đại Ngài và cho cả muôn ngàn thế hệ mai sau nữa.


8. Một bàn tay kín đáo.

* Cái "tôi" của con càng bành trướng thì việc tông đồ càng thất bại, cái "tôi" của con càng tan biến, việc tông đồ càng kết quả (ĐHV 302).

* Lãnh nhận một trách nhiệm tông đồ là sẵn sàng chấp nhận chịu "tử đạo" bởi mọi người, ở mọi nơi, bằng mọi cách, với tất cả yêu thương và bền chí như Phêrô và Gioan: Họ từ hội đường ra về vui vẻ vì đã được xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Chúa (ĐHV 313).

* Người ta không để ý đến sự hiện diện khiêm tốn và hoạt động thầm lặng của tông đồ. Nhưng sự vắng mặt của tông đồ làm cho người ta thấy ngay môi trường trống rỗng và chết lạnh. Không ai chú ý và quí trọng muối, ánh sáng, khí trời, nhưng thiếu chúng là vũ trụ chết ngay. Không ai để ý quả đất đang hoạt động, xoay vần, nhưng nếu nó đứng lại chúng ta cũng tiêu diệt (ĐHV 342). 

Cha Phêrô đau thương hàn nặng và qua đời. Nhiều kẻ đến giúp tang gia. Người ta mở tủ kiếm y phục để thay cho ngài, nhưng lục lọi một hồi lâu mà vẫn không thấy một mảnh áo quần nào cả. Các linh mục bạn rất đổi ngạc nhiên, giáo dân thì đâm ra hồ nghi không biết trong lúc đau ốm, ai đã đến lấy trộm áo xống của ngài.

Người ta tra hỏi Hội đồng giáo xứ, quyết tìm cho ra lẽ. Bấy giờ họ mới trình bày lẽ thật: "Kính thưa quí cha, không ai lấy trộm đồ cha xứ chúng con hết! Ngài đã bố thí tất cả, nhưng rất kín đáo, nên chẳng một ai hay biết. Ngài giao cho anh em chúng con thuốc men, tiền bạc, quần áo, thức ăn để giúp những gia đình thiếu thốn. Ngài chỉ còn mỗi hai bộ quần áo, một bộ đang mặc, còn bộ kia bẩn chưa giặt được... Tất cả chỉ ngần ấy thôi!" 

Bây giờ mọi người mới vỡ lẽ. Giáo dân cũng như lương dân trong xứ vô cùng xúc động vì bấy lâu nay chính ngài đã giúp đỡ họ cách kín đáo, tế nhị mà họ chẳng hay.


9. Một cuộc đầu tư hữu ích.

* Sẵn sàng hy sinh những tiện nghi con thấy không hợp cho một tông đồ đích thực. Đừng tạo nên những sự cần thiết không cần (ĐHV 303). 

* Quả tim con phải rộng đủ để chứa đựng và rung nhịp với tất cả chương trình Phúc Âm hóa của Hội Thánh ( ĐHV 331). 

Tạp chí "Truyền bá đức tin" có thuật lại câu chuyện một cụ già Ấn Độ, lúc còn là thanh niên đã say sưa nghiện ngập cà-phê, thuốc lá, rượu mạnh có tiếng. Nhưng rồi một hôm, chàng đọc thấy trên báo lời kêu gọi giúp nuôi chủng sinh ở các giáo phận nghèo. Đọc xong,  chàng rất đổi phân vân: một đàng chàng muốn mình phải làm một cái gì đó, đàng khác, chàng thấy những thứ ấy lại quá hấp dẫn, chả có vẻ tội lỗi gì! 

Tuy nhiên chàng đã quyết định: bỏ tất cả, nhưng dần dần với thời gian. Chàng đóng góp số tiền tiêu xài ấy vào quỷ Truyền Bá Đức tin để giúp nuôi ít chủng sinh nghèo. Cụ thể, liên tiếp trong mấy mươi năm, nhiều thế hệ chủng sinh, linh mục đã được chàng giúp đỡ. Họ liên lạc thư tín với chàng mỗi lúc một nhiều... Thời gian trôi qua, đến ngày chàng thanh niên nghiện cà-phê, thuốc lá, rượu mạnh xưa kia trở thành cụ già 85 tuổi. Ngày kỷ niệm sinh nhật 85 của cụ, cụ tuyên bố trước mặt họ hàng: "Với những hy sinh suốt mấy mươi năm qua, tôi đã đài thọ cho việc huấn luyện các chủng sinh, và đến nay, con số các linh mục rãi rác khắp nơi được tôi giúp đỡ lên đến 30 người. Tôi rất hạnh phúc. Tôi đã đầu tư thành công, và tôi sẽ còn tiếp tục đầu tư cho đến giờ Chúa gọi". 


10. Tre tàn, măng mọc.

* Ánh sáng tông đồ của con phải chuyển sang những lớp tông đồ khác, cho đến lúc thế gian từ u tối tràn ngập hào quang. Làm tông đồ cho tông đồ (ĐHV 305).

* Nếu mỗi giáo xứ, con huấn luyện được 5 chiến sĩ đích thực thôi, nhưng người đến sau con, sẽ xử dụng, hợp tác với họ, quyết sinh, quyết tử suốt ba bốn chục năm. Bao nhiêu tiềm lực chúng ta quên khám phá, khai thác trong nước Chúa. (ĐHV 337). 

Thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan sinh năm 1798 tại Kim Long, tỉnh Thừa Thiên. Ngài là một linh mục thánh thiện, gương mẫu đã can đảm hy sinh vì Chúa tại Đồng Hội ngày 26.5.1861. Mặc dù thời buổi cấm cách ngặt nghèo, ngài không quên nhiệm vụ to lớn và quan trọng cho tương lai là lo chuyển bó đuốc tông đồ sang tay các thế hệ trẻ. Ngài đã huấn luyện được 12 người con làm linh mục. Vì thế, tuy máu ngài đã đổ ra vì Chúa, 12 người con ấy vẫn tiếp tục sứ mạng anh dũng của ngài cho đến ngày tàn của cuộc đời. Và họ cụ thể, "tre tàn măng mọc", lớp này ngã xuống, lớp khác đứng lên!


11. Không chút nản lòng.

* Cần chọn lọc nhưng đừng chỉ trích, bất tín nhiệm, khinh rẻ. Những tông đồ Chúa Giêsu chọn để xây dựng cả Hội Thánh cũng đầy khuyết điểm. Ngài chỉ cần họ đơn sơ, chân thành theo Ngài (ĐHV 301).

* Trong việc tông đồ, huấn luyện và lựa chọn chiến sĩ tâm huyết tối quan trọng. Một lãnh tụ lỗi lạc đã nói: "Nếu có ba trăm chiến sĩ, tôi sẽ cai trị đến chết." Chúa Giêsu chọn 12 người để tồn tại đến tận thế (ĐHV 309).

* Con đừng do dự về con và về người khác: chài lưới như Phêrô, thu thuế như Matthêu đều làm tông đồ được. "Hãy theo Thầy, Thầy sẽ làm cho chúng con chinh phục người ta." Con làm không được nhưng Thầy làm được (ĐHV 330). 

Thấy Thánh Gioan Boscô đi thu nhặt bọn cao bồi, du đảng, cặn bã xã hội về nuôi dưỡng, yêu thương, giáo dục, lắm kẻ cho là việc luống công vô ích. Mà nhận xét của họ lúc đầu cũng có vẻ đúng, vì nhiều đứa thói nào tật ấy, ở với thánh nhân một thời gian rồi lại trốn đi, mang theo cả chăn áo, đồ vật trong nhà. Nhưng thánh Gioan Boscô không chút nản lòng, vẫn đem hết tâm hồn huấn luyện chúng, đổ bầu nhiệt huyết tông đồ từ quả tim ngài sang quả tim chúng. Thế rồi ngay lúc còn sống, ngài đã đào tạo nhiều linh mục, tu sĩ, mở nhiều nhà huấn luyện khắp  các nước Âu châu, nắn đúc được nhiều giáo dân, công dân tốt, phái một đoàn truyền giáo sang Nam Mỹ giảng đạo. Ngài được phúc thấy một đứa con trong đám lâu la của mình lên làm Giám mục tại Nam Mỹ, sau này được vinh thăng lên Hồng y: Hồng Y Cagliêrô. Hơn thế nữa, một cậu thiếu niên trước kia ở với Ngài là Đôminicô Saviô lại được phong Thánh. Kẻ kế vị ngài cũng trở thành Thánh, là cha Don Rua.

12. Một thánh một thể.

Mỗi vị thánh đều có một lối riêng để thể hiện cuộc sống của Chúa Giêsu trong đời mình. Vườn hoa muôn sắc của Hội Thánh gồm đủ mọi giống hoa, không hoa nào giống hoa nào cả: có hoa bò dưới đất, có hoa lại leo trên cành; hoa này nở về đêm, hoa kia khoe sắc lúc mặt trời đúng ngọ. Chính cái đẹp thiên hình vạn trạng ấy khiến lòng người cảm thấy ngây ngất. Tùy theo ơn soi sáng của Thánh Linh, các Thánh đã sống Tin Mừng mỗi người mỗi vẻ: 

* Thánh Phanxicô Salêsiô làm linh hướng cho Hoàng hậu nước Pháp, được triều đình hết sức trọng kính, đến nỗi mời kiêm luôn chức cố vấn cho nhà vua. Một hôm thấy thánh nhân đang ngồi trên xe, một người Tin lành vốn có óc ác cảm bước ra chận lại và hỏi: 

- Trong Thánh Kinh đâu có chỗ nào cho thấy các thánh Tông đồ đi xe mà nay ông lại đi xe! 

- Có chứ! Thánh Phanxicô Salêsiô nhanh trí và dịu dàng đáp.

- Chỗ nào? Ông nói tôi nghe! 

- Ông bạn không nhớ à! trong Công vụ tông đồ (8, 26-40) có kể lại câu chuyện hoạn quan của nữ hoàng Kandakê, nước Êthiôpi, trên đường đi từ Giêrusalem xuống Gaza, đã mời phó tế Philipphê cùng lên ngồi xe để giải thích sách Tiên tri Isaia cho ông ta nghe đó! 

* Thánh Phanxicô Assisiô, trái lại bắt chước Chúa Giêsu trong cuộc sống khó nghèo hoàn toàn. Ngài trút bỏ y phục cho cha khi bắt đầu cuộc đời chứng nhân phiêu lưu vô địch. Sau đó chỉ sống bằng nghề ăn xin. Đến khi sai đệ tử đi rao giảng Tin Mừng, ngài bắt phải thực thi các chỉ thị truyền giáo của Chúa (Mc 6, 8-9) sát mặt chữ. Phần ngài, cũng vì khiêm tốn, ngài chỉ chịu chức phó tế, từ chối chức linh mục. 

* Thánh Brunô lập Dòng Cartusianô suốt đời sống trong thinh lặng. Thánh Canasiô lại đi rao giảng cho anh chị em Tin lành khắp mọi nơi. 

* Thánh Vinh Sơn Phaolô ngày đêm lo việc từ thiện bác ái. Nhưng thánh Simong Cột, suốt mấy mươi năm  trường chỉ ở trên cột để cầu nguyện, giữa nắng giữa mưa!


13. Cha của người cùi.

* Những điều con ước ao mà không thực hiện được, lắm lúc đẹp lòng Chúa và công nghiệp hơn tất cả kết quả mà con đắc chí (ĐHV 298).

* Không cần địa vị nào mới làm tông đồ được. Đừng thắc mắc địa vị con hay địa vị người khác; làm vì Chúa hay vì địa vị? "Việc ngồi bên tả hay bên hữu là việc Đức Chúa Cha" (ĐHV 310).

* Nay địa vị này, mai địa vị kia, người tông đồ không cảm thấy mất mát gì cả, chỉ biết một tiếng gọi: "Đến để phục vụ, không để được hầu hạ." Ở đâu cũng nên thánh (ĐHV 311).

* Con buồn vì mất địa vị, vì không được "đặt đúng chỗ", con đi buôn sao mà buồn vì lỗ lã? (ĐHV 312). 

Sau 15 năm làm Giám mục địa phận Sài gòn, Đức Cha Gioan Cassaigne đã tình nguyện về sống giữa những bệnh nhân cùi thân yêu ở Di Linh, trong một ngôi nhà gỗ nhỏ hẹp. Tuy không giữ một địa vị nào trước mặt xã hội, nhưng ngài thật là một chứng nhân tình yêu Thiên Chúa, một con người của bác ái vị tha. Mười tám năm trời ngài sống trong thinh lặng giữa rừng núi thâm-u, với những bệnh nhân quê mùa chất phác, không mấy ai biết rõ, nhưng khi quả tim vị anh hùng ấy ngưng đập, thì quả tim của dân Việt cũng như của toàn thể thế giới đều rung cảm lên. Ai nấy đều cảm phục tấm gương chứng nhân anh dũng của ngài.

14. Có râu - không râu.

* Việc tông đồ nhằm đưa người ta vào Hội Thánh, không phải để lập những Hội Thánh riêng của nhóm này nhóm nọ, dòng này, dòng kia. Chưa rối đạo, nhưng rối việc đạo lắm (ĐHV 320). 

Đây là một câu chuyện hài hước, dí dỏm:   Trong ngôi thánh đường nổi tiếng nọ ở Ý, người ta thuê một hoạ sĩ trứ danh đến vẽ một bức ảnh của Thánh Phanxicô Assi thật lớn. Hôm họa sĩ bắt đầu chuẩn bị thuốc sơn, giá vẽ, thì một tu sĩ Phanxicô đến góp ý thế này: "Xin họa sĩ lưu ý, thánh Phanxicô không có râu đâu, phải vẻ cho đúng sự thật". 

- Vâng, tôi sẽ làm ngài thỏa mãn! 

Hôm sau, một tu sĩ ngành Capuxinô lại đến gợi ý: "Họa sĩ nên nhớ. Thánh Phanxicô của chúng tôi có râu đàng hoàng, phải vẽ cho đầy đủ" 

- Vâng, xin ngài cứ yên tâm! Thế là cuộc tranh chấp "cha thánh của chúng tôi có râu - cha thánh của chúng tôi không có râu" đã bùng nổ. Khổ nhất là nhà họa sĩ, cứ bị hai nhóm đến quấy rầy, làm mất nhiều giờ lao động. Và rồi biết theo ý kiến ai đây!

Suy nghĩ một thời gian lâu, cuối cùng ông nảy ra ý kiến: treo một bức màn ngăn lại, rồi ngồi vẽ sau bức màn ấy, kèm theo lời tuyên bố: "ngày khánh thành mới hạ màn xuống và ai nấy sẽ thỏa mãn". 

Ngày khánh thành đã đến! Tu sĩ hai phe và giáo dân trong vùng nghe phong phanh về câu chuyện ấy kéo nhau tới thật đông trước nơi làm việc của họa sĩ. Nghi thức khai mạc bắt đầu, bức màn từ từ hạ xuống, mọi người đều nín thở, hồi hộp... Trên khung ảnh, Thánh Phanxicô Assi hiện ra nằm dài, mình đắp chăn, trông có vẻ ốm liệt. Oái oăm thay, chiếc chăn ấy lại kéo lên tận sống mũi, khiến chẳng ai biết vị thánh nghèo có râu hay không có râu: đúng là bên nào cũng thỏa mãn!


15. Vì tôi là người Công giáo.

* Trước khi phàn nàn người nọ người kia, hãy tự hỏi mình: "Muối của tôi còn mặn không? Đèn của tôi còn sáng không?" (ĐHV 300).

* "Tông đồ bằng hy sinh và thinh lặng" như hạt lúa chôn vùi, nát thối để sinh muôn ngàn hạt khác nuôi nhân loại. "Tông đồ bằng chứng tích." Lời quả quyết suông không đáng người ta tin tưởng mấy, dù ngọt ngào trau chuốt đến đâu. Tang vật đáng tin hơn. Hình ảnh chụp được, tiếng nói ghi âm được, càng dễ đánh động người ta hơn.   Nhưng chính con người sống động bằng xương thịt, nếu cả cuộc sinh hoạt, nếu cả một lớp người, một gia đình cùng sống một lý tưởng, thì chứng tích ấy có một sức mạnh thuyết phục lớn lao biết chừng nào! (ĐHV 322). 

Trong thời đệ nhị thế chiến, tại một nước Châu Á mà đa số dân chúng đều theo Phật giáo hay thờ cúng Tổ tiên, nhiều cuộc giao tranh ác liệt đã xảy ra. Hầu hết mọi người đều phải di tản. Các cơ sở đều bị phá tan tành. 

Khi hoà bình được tái lập, tất cả chỉ còn là một đống tro tàn tỏ tường: cầu cống, dinh thự, nhà cửa, nhất là viện bảo tàng đồ sộ của quốc gia. Nhưng một điều khiến ai nấy cũng lấy làm ngạc nhiên là hết thảy báu vật của viện bảo tàng vẫn nguyên vẹn. Thì ra chúng đã được ông Giám đốc già can đảm bảo vệ đến giây phút cuối cùng và di tản đến nơi an toàn hơn. Và khi mọi sự đã sinh hoạt bình thường, ông lại tự nguyện đứng ra xây một viện bảo tàng mới với vốn vay ở ngân hàng, hứa sau này sẽ trả góp nhờ thu tiền vé của khách du lịch, không xâm phạm một xu của công quỹ nhà Nước.

Ngày khánh thành viện-bảo-tàng, báo chí đều đăng tải công lao của ông, và nhân dân trong nước hết sức hoan nghênh và cảm phục ông. Nhà Nước cử ông làm Giám đốc viện bảo tàng cho đến vĩnh viễn và trao tặng huy chương cao quý để cám ơn ông vì đã có công giữ gìn các báu vật của quốc gia khỏi tổn hại. Vì như mọi người khác, ông cũng đã có thể bỏ chạy, cũng đã có thể giấu ít đồ quí, bảo là đã tiêu tan dưới bom đạn, để rồi sau đó ngầm bán ra ngoại quốc kiếm chút ít cho bản thân mình. 

Khi đứng trước quần chúng cảm phục, thắc mắc, hỏi han, cụ già Giám đốc đã trả lời cách đơn sơ, khiêm tốn và bình thản: "Tôi đã làm vậy chỉ vì tôi là người Công giáo".  

Những báu vật cụ đã gìn giữ nguyên vẹn nay vẫn được trưng bày trong viện bảo tàng quốc gia. Cứ ba tháng, người ta thay đổi một lần, cất đồ cũ vào, đem đồ mới ra và phải làm như thế trong khoản 15 năm mới xong một vòng đầy đủ, ngần ấy đủ biết kho báu quý giá chừng nào và số lượng lớn lao ngoài sức tưởng tượng.

16. Tông đồ tiếp xúc.

* Làm tông đồ là "làm như các thánh Tông Đồ". Nếu không nghiền ngẫm và thuộc lòng Tông Đồ Công Vụ, thì con không làm tông đồ đắc lực được (ĐHV 291).

* "Tông đồ bằng tiếp xúc": "Phải chăng tâm hồn chúng tôi sốt mến khi nói chuyện với Người dọc đường?" Con không nghĩ rằng: mỗi cuộc tiếp xúc là một công tác tông đồ sao? (ĐHV 323). 

Tuy chỉ làm Giáo Hoàng trong một thời gian vắn vỏi, không đầy năm năm, nhưng Đức Gioan XXIII đã làm tươi trẻ hẳn khuôn mặt của Hội Thánh. Trong suốt quảng đời trên ngôi Giáo hoàng ấy, ngài đã đi thăm phạm nhân ở trại giam Ara Coeli, viếng các trẻ em ở viện nhi đồng, đột xuất chống gậy đến với các công nhân đang làm việc trong vườn hoặc ở nhà in Vatican. Trong các buổi triều yết, tính hồn nhiên, những câu chuyện dí dỏm và lòng nhân ái từ ngài phát xuất ra thật là như sức nóng sưởi ấm mọi con tim lương giáo vây quanh ngài. Qua Công đồng Vatican II do ngài triệu tập 11.10.1962, ngài đã mở một con đường xinh đẹp cho Hội Thánh tiếp xúc với thế giới, với anh em không Công giáo, với anh em Vô thần, khai mào một giai đoạn cởi mở và thông cảm. Ngài đã để lại một câu nói bất hủ: "Nếu Hội Thánh không đến với nhân loại thì nhân loại không đến với Hội Thánh". 

17. Các tông đồ tư tưởng.

* "Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi." Một tông đồ sa đọa làm hỏa ngục vui mừng hơn cả một đoàn lũ. Hãy cầu nguyện và nâng đỡ nhau (ĐHV 294).

* "Tông đồ bằng tư tưởng": nâng đỡ một người bạn đang lung lạc, mở chân trời cho bạn thấy khả năng và ơn gọi cách sáng tỏ, đem hy vọng cho một cuộc đời sắp tan vỡ. Báo chí sẽ bớt đăng những tin uống thuốc ngủ... độc dược... nếu có những người như con. (ĐHV 324). 

Ở đây, cha xin nhắc đến một đôi văn hào hiện đại đã đem tư tưởng thấm nhuần Tin Mừng của mình sáng soi cho nhiều người khắp thế giới. 

Văn hào Francois Mauriac (1885-1970), thành viên Hàn Lâm Viện Pháp, đã viết nhiều tiểu thuyết mô tả cuộc tranh chấp giữa đức tin và xác thịt, nhiều vở kịch có nội dung và tinh thần Kitô giáo. Ông được tặng giải thưởng Nobel văn chương năm 1952. 

Văn hào Thomas Merton, về sau vào Dòng Khổ tu, đã để lại rất nhiều tác phẩm trứ danh được dịch ra nhiều thứ tiếng từ Anh ngữ, chẳng hạn như: Không ai là một hòn đảo, Hạt giống chiêm niệm, Sống đời tĩnh niệm... 

Văn hào John Wu, trước là đại sứ của Trung Hoa tại các nước, sau đi tu làm linh mục, đã để lại nhiều tác phẩm về triết lý Đông Tây, làm cho nhiều giới suy nghĩ. 

Văn hào Daniel-Rops (1901-1951) thành viên Hàn Lâm Viện Pháp, sau khi trở lại đạo Công giáo, chỉ chuyên viết về Chúa Kitô và Hội Thánh của Người. Những pho sách súc tích, có giá trị văn chương cũng như lịch sử, khoa học của ông đã được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng và được tái bản nhiều lần: như "Cuộc đời Đức Giêsu trong lịch sử" đã được tái bản đến 538 lần ngay lúc tác giả còn sống! Những tác phẩm đó đã soi sáng đức tin cho không biết bao nhiêu người, nhất là hạng trí thức. 

Bác sĩ Tagaski Nagai (1908-1951) người Nhật Bản nạn nhân của bom nguyên tử thả xuống Hiroshima. Ông đã may mắn sống sót nhưng chết vợ hiền và thương tích đầy khắp thân thể. Tuy đau khổ tâm hồn về gia đình tan nát, quặn quại thể xác vì cơn bệnh hoành hành, bác sĩ Nagai vẫn vừa vui tươi nghiên cứu khoa học, thí nghiệm trên thân xác mình các thứ thuốc điều trị hậu quả của chất phóng xạ, vừa tường thuật những ngày còn lại của đời ông. Thật là một gương sáng về tin yêu, hy vọng cho mọi người trên khắp thế giới.

Đức Hồng Y Saliège, người phụ trách mục "Mảnh vụn suy tư (nhưng dấu tên) trong một tuần báo Công giáo ở Toulouse (Pháp). Mục này các độc giả rất thích đọc, vì nó vừa dí dỏm vừa thấm thía sâu sắc, bắt người ta phải suy nghĩ. Tuy nhiên không ai biết rõ tên tác giả là gì, mấy chục năm sau mới biết là Đức Hồng Y Saliège.


18. Tông đồ thiếu nhi.

* "Tông đồ bằng đau khổ", không giảng giải, không hoạt động, nhưng thinh lặng tế lễ cứu bao linh hồn. Chúa Giêsu hấp hối trên thánh giá, Đức Mẹ hấp hối trong tâm hồn dưới chân Thánh Giá (ĐHV 321).

* Từ xưa, "thiếu nhi" đã làm tông đồ đầy dũng cảm: Tarcisio đã mang Chúa đến bao nhiêu người. Hãy ghi lời Chúa: "Đừng khinh dể trẻ con." (ĐHV 328).  

Chiaretta sinh ra trong một gia đình nghèo nàn, thêm thay mới bốn tuổi đầu lại mắc bệnh nặng, làm mủ trong phổi, khó thở thường hay mửa ra máu. Cha mẹ em, mặc dù nghèo khó, nhưng vì thương con tha thiết, vẫn đưa em đi bệnh viện này đến bệnh viện kia. Gia đình cứ thay đổi chỗ ở luôn để mong em chóng khỏi. Nhưng các bác sĩ đều bó tay bất lực. Chiaretta phải chết sớm thôi! 

Trong cơn buồn phiền, cha mẹ em tình cờ nghe nói đến phong trào Bác ái Hiệp Nhất (Focolare), liền đưa em đến một bệnh viện gần trung tâm Loppiano, và cả gia đình tập sống yêu thương theo Lời Chúa. Sau một thời gian, bầu khí gia đình trở nên sốt sắng hẳn. Chính em Chiaretta sống Lời Chúa cách đơn sơ thâm trầm nhất. 

Hằng ngày, Chiaretta rước Chúa Giêsu Thánh Thể và cố gắng sống giây phút hiện tại. Em ghi tên vô lớp học nhưng suốt năm chỉ đến lớp được ba, bốn lần, vào những lúc khỏe nhất. Ngoài những lúc ấy, em phải luôn sống trong lồng dưỡng khí, thở bằng khí oxy. Ngày ngày các bạn mang bài học về cho em, rồi nhận bài làm của em để nộp. Thế mà đến kỳ thi cuối năm, em đứng hạng nhất! Mặc dù biết mình không thể ở trần thế được bao lâu, Chiaretta vẫn sống giây phút hiện tại cách vui vẻ, vẫn làm bài vở như các bạn học. Cha mẹ, bác sĩ, y-tá ai cũng xót xa cảm phục vô cùng. Đặc biệt là mỗi lần chích cho em một mũi thuốc (mà mỗi ngày nhiều ống như thế), em cũng đưa tay ra kèm theo một nụ cười rất tươi tĩnh: "cứ chích cho em đi! đừng ngại! Có Chúa sống với em!" 

Ngày cơn bệnh trở nên trầm trọng, cha mẹ Chiaretta đã quyết định đưa em về nhà. Lúc từ giã, em đi quanh bắt tay các bạn khác cùng phòng, nói một câu đơn sơ: "Chúng ta sẽ gặp nhau, không dưới đất thì trên Thiên đàng vậy!" Rồi em cám ơn bác sĩ, y-tá và ra về vui vẻ. Mấy ngày sau Chiaretta giã biệt cõi đời, nụ cười vẫn tươi nở trên môi! 

Hiện nay gia đình em đã sống hẳn tại trung tâm Focolare, Loppiane. Chính cha đã gặp cha mẹ của em Chiaretta và nghe thuật lại câu chuyện về đời em như vừa kể. Một em của Chiaretta cũng đang mắc bệnh như chị. Và cô bé này, mới 5 tuổi đầu, mà cũng chia sẻ kinh nghiệm sống Phúc Âm với cha!.

19. Tông đồ của giới lao động.

* Nếu con bảo "giáo dân có ơn đặc sủng của Chúa Thánh Thần" có người sẽ cho rằng con nhạo báng họ! Nếu con bảo "giáo dân là tư tế, tiên tri, vương giả", có người sẽ cho con là thệ phản!  Có mấy giáo dân ý thức họ được Chúa gọi? Chúa cần họ? Hãnh diện và tri ân vì được làm con Chúa nhờ phép Thánh Tẩy? Làm chiến sĩ, chứng nhân cho phép Thêm sức? (ĐHV 333).

* Thời đại giáo dân. Bao lâu chưa động viên được toàn lực dân Chúa ý thức và hành động, các tầng lớp xã hội này chưa thể thấm nhuần Phúc Âm được (ĐHV 334).

* Bí quyết công cuộc tông đồ trong thời đại ta: Tông đồ giáo dân! (ĐHV 335). 

Là con trai của một gia đình lao động ở Bỉ, cậu Cardji phải vất vả từ tấm bé. Ba của cậu chết sớm. Ngày ba cậu hấp hối cậu đã cầm tay ba và nói với ba:"Thưa ba, ba đã là một người thợ, một người cha gương mẫu, hy sinh vì  các con. Con xin hứa với ba là sẽ cố gắng xứng đáng với ba, sẽ làm tông đồ phục vụ giới lao động!" 

Cậu Cardji đã giữ lời hứa, dâng mình vào chủng viện để làm linh mục. Rồi với quả tim không ngớt thao thức phục vụ giới thợ thuyền, cha đã sáng kiến lập ra phong trào Thanh Lao Công (JOC). Với phương pháp "Xem-Xét-Làm", căn cứ trên dự kiện thực tế để giải quyết các vấn đề theo ánh sáng Phúc Âm, phong trào đã thành công rực rỡ. Giới trẻ lao động nhờ phong trào đã hăng say sống Đức Tin và đấu tranh cho công bình, bác ái, giải phóng chính giai cấp của mình. Phong trào này lan khắp mọi nơi. Năm Đức Ông Cardji kỷ niệm Kim Khánh linh mục, các bạn Thanh Lao Công đã tặng ngài một vé máy bay để ngài có thể đi năm châu thăm những kẻ chính tay ngài đã giải phóng. Ngài được giới trẻ khắp thế giới vô cùng yêu mến và ngưỡng mộ. 

Để tỏ lòng ghi ơn của Toà Thánh đối với ngài cũng như mến yêu sâu xa đối với giới trẻ, Đức Gioan XXIII đã phong ngài làm Hồng Y. Ngài thường nói:"Tôi muốn leo lên mái nhà và la cho mọi người nghe một bí quyết: Phải dùng giáo dân làm tông đồ trong môi trường của họ". 

20. Các Đức Giáo Hoàng và Tu hội đời.

* Tông đồ bằng "phụ nữ" rất đắc lực, từ bà Maria, bà Salomé theo giúp Chúa Giêsu, thánh Phaolô cũng nhắc đến nhiều phụ nữ tông đồ: "Xin gửi lời chào Tryphéna và Tryphosa, các bà đã liều công lao nhọc trong Chúa." (Rom. 16:12) (ĐHV 327).

* Hãy nghiên cứu các tu hội đời: thời đại mới, giải pháp mới, đó là ân đặc sủng của thời đại ta, sẽ làm thăng tiến đời sống thiêng liêng của bao giáo dân. Các Đức Giáo Hoàng đã nhận thấy dấu hiệu của thời đại trước chúng ta những mấy chục năm (ĐHV 339).

* Đường lối của tông đồ thời đại ta: - Ở giữa trần gian, - Không do trần gian, - Nhưng cho trần gian, - Với phương tiện của trần gian (ĐHV 340).

* Là chi thể của nhiệm thể, chúng ta là óc để suy tư, là mắt để nhìn thực tại trần thế, là tai để nghe tiếng rên rỉ, đòi hỏi, là vai để gánh vác, là tay để cứu vớt, là chân để đi đến với người khổ đau, là quả tim để khắc khoải yêu thương, là miệng để nói những lời bác ái ủi an. Nhờ tông đồ mà Hội Thánh hiện diện giữa thế giới ngày nay (ĐHV 341). 

Chính các Đức Giáo Hoàng đã mở lối, ban hành những chỉ thị sáng suốt, cũng như đặt hết tin tưởng vào Tu Hội Đời. Chính các ngài đã được Thánh Linh soi sáng để đón nhận và hướng dẫn những tâm hồn tận hiến giữa trần thế trong thời đại ta. Sau đây, cha xin trích dẫn lời của một vài Đấng đã nói đến Tu Hội Đời. Đó là những lời vàng ngọc mà ta phải suy ngắm để hiểu ý nghĩa của Tu Hội Đời chúng ta. 

Đức Piô XII dạy: 

* Về bản chất Tu Hội Đời: "Các Tu hội này được kể là thuộc bản chất đời sống trọn lành, vì có nhiều tính cách giống với dòng tu. Cả hai như có mối liên hệ, bà con có sự tương đồng chặt chẽ" (Tông Sắc Hội Thánh Mẹ Quan Phòng, số 6). "Các Tu Hội Đời đã bắt đầu thành hình trong tiền bán thế kỷ vừa qua, do một ơn soi sáng đặc biệt của Chúa Quan Phòng, với mục đích đặc biệt cách trung thành giữa trần thế các lời khuyên Phúc Âm, và chu toàn cách tự do hơn những công việc bác ái mà các dòng tu bị thời thế, hoàn cảnh gây khó dễ hay hoàn toàn ngăn cấm không cho thực hiện được... Các Tu Hội Đời cũng chứng tỏ rằng mình có thể làm thành một khí cụ rất hữu ích để xâm nhập môi trường và làm việc Tông đồ giữa trần thế". (Tông sắc HTMQP số 9). 

* Về hoạt động của Tu Hội Đời: "Sự phát triển tốt đẹp của Tu Hội Đời chứng minh ngày càng rõ rệt hơn bằng các Tu Hội Đời có thể: 

- Phục vụ Hội Thánh và các linh hồn cách hữu hiệu. 

- Sống mọi nơi mọi lúc đời sống trọn lành thực sự, trong những trường hợp mà đời sống dòng tu theo Giáo luật không thể thực thi hoặc khó thích ứng nỗi. 

- Kitô hoá cách thâm sâu gia đình, nghề nghiệp, xã hội nhờ sự tiếp xúc trực tiếp mỗi ngày của một cuộc đời toàn hiến cho việc thánh hoá. 

- Làm việc tông đồ dưới nhiều hình thức và đóng những vai trò mà hoàn cảnh, nơi chốn, thời gian khiến linh mục và tu sĩ khó thực hiện được" (Tông sắc HTMQP số 10).

* Về đặc tính của Tu Hội Đời:

"Tính cách trần thế là lẽ sống của Tu Hội Đời". "Không những việc tông đồ của các Tu Hội Đời phải được thực hiện giữa trần thế, nhưng cũng phải thực hiện với những phương tiện trần thế, nghĩa là với nghề nghiệp, hoạt động, hình thức, nơi chốn, hoàn cảnh thích hợp với điều kiện trần thế" (Tự sắc Sau một năm tốt đẹp số 11). "Tu Hội Đời là ơn quan phòng của Thiên Chúa" (số 6).

* Đức Phaolô VI dạy:

“Tu Hội Đời là một biến cố rất quan trọng cho cuộc sống hiện tại của Hội Thánh” (Diễn văn ngày 2.2.1972). “Các con là: một cành lá xinh tươi và mạnh mẽ của Hội Thánh trong giây phút lịch sử này, một cánh quân của Hội Thánh đang tiến mạnh giữa trần gian”. (Diễn văn 20.9.1972)

21. Mảnh giấy trong chiếc huy chương.

* "Tông đồ bằng hy sinh và thinh lặng" như hạt lúa chôn vùi, nát thối để sinh muôn ngàn hạt khác nuôi nhân loại. "Tông đồ bằng chứng tích." Lời quả quyết suông không đáng người ta tin tưởng mấy, dù ngọt ngào trau chuốt đến đâu. Tang vật đáng tin hơn. Hình ảnh chụp được, tiếng nói ghi âm được, càng dễ đánh động người ta hơn. Nhưng chính con người sống động bằng xương thịt, nếu cả cuộc sinh hoạt, nếu cả một lớp người, một gia đình cùng sống một lý tưởng, thì chứng tích ấy có một sức mạnh thuyết phục lớn lao biết chừng nào! (ĐHV 322) 

Sau những tháng năm làm đầy tớ cho một gia đình quý tộc, Sophie Berdanska phải thất nghiệp đói rách, lang thang... Ngày kia gia đình Merston, một gia đình Do Thái thuê nàng về chăm sóc cho mấy đứa trẻ trong nhà họ. Ngay hôm đầu tiên, khi biết được Sophie là người Công giáo, ông chủ đặt điều kiện là "nàng không được giảng đạo" cho con cái của ông. Sophie nhận lời. Và chiều hôm ấy, lúc còn lại một mình trong phòng, nàng lấy một mảnh giấy nhỏ, viết một giòng chữ, xếp lại và bỏ vào huy chương cha nàng để lại rồi mang vào cổ. Lũ trẻ trong nhà nhiều lần đòi Sophie cho coi chiếc huy chương ấy, nhưng Sophie nhất định không cho: Bí mật của đời cô mà! 

Dưới sự chăm sóc chỉ bảo của Sophie, lũ trẻ trong gia đình Merston càng ngày càng nên nhu mì, ngoan ngoãn. Cuộc sống đang trôi qua lặng lẽ thì một hôm, họa tai dồn dập xảy tới: Bé Naim đau nặng cả nhà cuống quít đưa bé đi bệnh viện. Sophie tình nguyện túc trực ngày đêm ở đó. Rồi thêm hai đứa nữa cũng ngã bệnh. Gánh đã nặng lại càng nặng thêm trên đôi vai Sophie. Tuy nhiên, nàng vẫn tận tình phục vụ cách vui vẻ, cho đến khi ba đứa nhỏ trở lại bình thường. Nhưng rồi một hôm, kết quả của những ngày lao nhọc thức khuya, dậy sớm: Sophie ngã bệnh và từ trần. 

Hai năm trôi qua. Hôm nay là ngày giỗ của Sophie Berdanska. Người ta thấy cả gia đình Merston dậy sớm và cùng nhau đến một nhà thờ Công giáo dự Thánh lễ... Phải chăng là phép lạ? 

Không! Sau khi Sophie đã mất được ít lâu, lúc tình cờ mở chiếc huy chương của nàng mà tụi trẻ đã vất lăn lóc từ lâu trong một xó, ông Merston rút ra được một mảnh giấy trên có ghi dòng chữ: "Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo tôi trước mặt họ như một chứng tích hùng hồn". Ông hết sức bàng hoàng cảm phục. Rồi gia đình của ông cũng thế. Và sau đó, tất cả mọi người đến nhà thờ xin nhận lãnh Bí tích Rửa tội. 

Hôm nay, họ đang trên đường đến nhà thờ dự lễ giỗ lần thứ hai của Sophie Berdanska, vị tông đồ trẻ đã mang Tin Mừng đến cho họ bằng một cuộc sống âm thầm, nhưng chan chứa tình yêu, bác ái.


_______________________

15. THÁNH LỄ

1. Khóc rồi lại cười.

* Người thánh là người tiếp tục Thánh Lễ suốt ngày (ĐHV 350).

* Mỗi lần dâng Thánh Lễ là mỗi lần giang tay đóng đinh con lại trên Thánh Giá, và uống cạn chén đắng với Chúa. Đây không có chỗ cho khán giả (ĐHV 357).

Mặt mày thánh Gioan Vianney nhăn nheo, xấu xí; nhà thờ xứ Ars lại lát gạch nung đất và nhỏ hẹp; ghế quỳ thì xiêu vẹo cũ kỹ, ngài cũng dâng lễ như mọi linh mục khác. Nhưng tại sao ai nấy lại chen chúc nhau đến dự Thánh lễ của ngài? Thưa vì ngài dâng lễ hết sức sốt sắng! Có lần giáo dân thấy ngài cầm Mình Thánh Chúa trên tay một hồi, nước mắt chảy ròng ròng sau đó nụ cười tươi nở lại trên môi... Họ lấy làm lạ mới tọc mạch hỏi. "Thưa cha, sao sáng nay cầm Mình Thánh Chúa, cha khóc rồi cha lại cười?"

Ngài đáp: "Lúc ấy ma quỉ cám dỗ cha ngã lòng trông cậy sẽ mất Chúa đời đời, nên cha lo sợ quá, cha khóc. Nhưng sự nhớ lại mình đang cầm Chúa trên tay nên cha thưa với Chúa: Lạy Chúa, con không chịu mất Chúa, con cần Chúa mãi, Chúa luôn ở với con! Nói thế rồi cha sung sướng quá đỗi phải bật cười".

Chúa Giêsu với cha thành là một. Người ta thấy Chúa Giêsu tế lễ trong cha: bí quyết lôi kéo mọi người đến với cha là ở chỗ đó!


2. Thánh lễ của cha Piô.

* Biết giá trị của Thánh Lễ, dù xa, dù khó con cũng tham dự; càng hy sinh, càng thấy con mến Chúa (ĐHV 346).

* "Nhà tạm tốt đẹp nhứt, hào quang sáng chói nhứt, chân đèn rực rỡ nhứt, thánh đường uy nghi nhứt, là LINH MỤC.

* Đặt một linh mục nguội lạnh ở vương cung thánh đường, không ai thèm gặp. Đặt một linh mục thánh thiện trong một nguyện đường nghèo nàn, hẻo lánh, ai cũng tìm đến." (Cha Chevrier) (ĐHV 352).

Thường giáo dân thấy cha nào làm lễ lâu thì phàn nàn, kêu van, dài quá, chán quá, mệt quá... Nhưng lạ thay, cha Piô dâng Thánh lễ lâu đến 3 tiếng rưởi đồng hồ mà các Hồng Y, Giám mục, giáo sĩ, giáo dân vẫn chen chúc nhau đến dự, còn lết đến gần bàn thờ để nhìn cha. Các Hồng Y, các Giám mục ấy lại làm lễ đại triều không hơn ngài sao mà lại đi dự lễ của ngài? Ai dự lễ do cha Piô làm cũng đều say sưa, sốt sắng, không biết mỏi mệt. Họ đồng thanh nói: "Thấy nét mặt cử chỉ ngài, chúng tôi như thể trông thấy Chúa Kitô đang phải thương khó trên bàn thờ thực sự. Đức tin chúng tôi nhờ thế càng thêm vững vàng, lòng ăn năn sám hối càng thêm quyết chí, lòng mến Chúa ngày càng gia tăng. Đi dự lễ ngài mấy lần cũng không chán!" Từ Mỹ châu, Á châu, Phi châu, Úc châu, người ta băng rừng vượt biển đến một thị trấn nhỏ  miền Nam nước Ý thì cốt để dự lễ của một tu sĩ già! Ở quê nhà họ không có ai làm lễ sao? Có chứ! nhưng ở đây, họ thấy Chúa Giêsu làm lễ.


3. Thánh lễ Giáng Sinh trong trại học tập.

* Dù cô đơn nơi đèo heo hút gió, dù tăm tối trong ngục tù, con hãy hướng về các bàn thờ trên thế giới, nơi Chúa Giêsu đang tế lễ; con dâng lễ và rước lễ thiêng liêng. An ủi và can đảm sẽ tràn ngập lòng con (ĐHV 364).

* Thánh Thể làm cho ta hiệp nhứt trong Nhiệm Thể. Dâng lễ, dự lễ mà không yêu thương là mâu thuẫn, quái gở (ĐHV 362).

Một phóng viên báo chí người Anh bị cầm tù trong những tháng năm cách mạng văn hoá của Mao Trạch Đông, lúc được trả tự do, có viết một bài báo nhan đề: "Thánh lễ Giáng Sinh của linh mục Shah". Trong đó ông thuật lại một câu chuyện vô cùng cảm động: "Tôi bị giam trong một trại ở miền Nam Trung quốc. Trong trại, có một ông già trạc 40 tuổi, tên là Shah. Người ta biết ông là một linh mục dòng Xitô, người Trung Quốc, trong trại ăn uống rất kham khổ, kỷ luật thì khắt khe, công tác lao động lại nặng nề. Chúng tôi phải đào đất và gánh những gánh thật nặng lên đổ trên một ngọn đồi cao. Lại còn phải khẩn trương không thì roi đòn vọt tới tấp, bị kỷ luật làm kiểm điểm. Linh mục Shah là một người rất có lòng bác ái. Ông không khỏe nhưng ai mệt liền được ông gánh giúp. Ai gánh nặng không nổi thì ông đổi cho gánh nhẹ của mình. Ông luôn luôn vui vẻ, động viên anh em. Trong trại ai cũng đem lòng mến.

Tôi là người Công giáo, nhưng suốt bao tháng năm tôi chẳng sống đạo tí nào. Tôi khô khan lắm. Không hiểu sao ông Shah biết tôi là người có đạo. Lạ quá! Một hôm, giữa trời đông giá rét, vào giờ giải lao, ông Shah cầm tay kéo tôi đi theo và nói:

- Anh là người Công giáo phải không?

- Phải!

- Hôm nay là lễ gì, anh có biết không?

- Tôi không biết!

- Lễ Giáng Sinh. Chắc anh nhớ gia đình, nhớ bao kỷ niệm. Thôi đi theo tôi, ta cùng xuống hố đất đàng kia. Tôi sẽ cùng anh dâng Thánh lễ.

Có một sức gì nơi ông thu hút tôi khiến chân tôi phải bước. Cả hai chúng tôi xuống một hố sâu. Chung quanh miệng hồ, đất đào lên được đắp cao thành hai mô vững chắc. Tôi chẳng hiểu làm sao, ông lại có một tí rượu nho trong cái bát nhỏ và một mẩu bánh mì. Ông để cả hai trên mô đất, giữa cảnh hoang tàn giá rét. Đôi tay ông giang ra. Ông cầu nguyện rồi đưa Mình Thánh Chúa lên cao. Nét mặt ông sáng ngời. Tôi chăm chú nhìn rồi tự nhiên đầu gối tôi khuỵu xuống. Tôi quỳ. Tôi cũng cầu nguyện. Tôi ăn năn sám hối. Ông cho tôi rước lễ. Mắt tôi nhoà lệ. Lòng tôi cũng như lòng ông ấm áp hẳn lên. Và  chúng tôi vội vàng trở về chỗ cũ.

Một tên lính gác thấy chúng tôi tiến lại liền chạy ngay đến tóm cổ linh mục Shah và hỏi: "Mày đi đâu đàng kia?" Ông thẳng thắn đáp lời: "Hôm nay là lễ Giáng Sinh. Giờ giải lao tôi đi cầu nguyện". Tên lính liền vụt cho ông một trận đòn chí tử. Ông làm thinh chịu đựng.  Hắn dẫn ông đi. Và từ hôm ấy, tôi không còn gặp lại ông ta nữa. Nhưng trong suốt cuộc đời tôi, tôi không bao giờ quên được cảnh tượng chiều hôm ấy: một dáng người  cao cao, hai tay giơ lên, gương mặt gầy gò, nhưng toát vẻ thánh thiện, áo quần rách nát tung bay theo chiều gió, giữa trời và đất, ông Shah với Chúa! Chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ trong đời tôi có một lễ Giáng Sinh sốt sắng như thế. Cũng từ ngày ấy, Đức tin sống lại trong tôi..."


4. Vết chân nóng hổi.

* Mặt trời sáng và tung tỏa ánh sáng. Thánh Thể là sự sống và nguồn phát xuất sự sống Thần Linh, sự sống hòa hợp giữa các dân tộc: "Thịt ta làm cho thế gian được sống." (ĐHV 361).

* Có thể triệt hạ tất cả thánh đường trên mặt đất, nhưng bất cứ đâu còn linh mục thì còn Thánh lễ, còn Thánh Thể. Có thể tiêu diệt tất cả linh mục, nhưng đâu có hai hay ba người hiệp nhau vì danh Chúa, thì vẫn có Chúa ở giữa họ (ĐHV 388).

Vua Thánh Venceslaô xứ Tiệp Khắc (907-929) có thói quen đêm nào cũng thức dậy đến nhà thờ để viếng Thánh Thể. Một đêm nọ trời đông giá rét, viên thị vệ theo hầu thánh nhân phàn nàn: "Trời lạnh quá, đi trên tuyết, chân hạ thần cóng cả lên". Vua Thánh Venceslaô quay lui, dịu dàng bảo: "Cứ chịu khó theo ta và đặt bàn chân ngươi lên vết chân ta". Viên thị vệ tuân theo và bỗng nhiên cảm thấy ấm áp lạ thường. Từ đó ông ta càng tin tưởng mến Chúa, theo gương Đấng mình đang dẫm bước theo.


5. Các đèn chầu sống động.

* Gia đình thánh thiện là gia đình hâm mộ Thánh Lễ (ĐHV 353).

* "Phải có đời đời để dọn mình, phải có đời đời để tạ ơn, vì dâng một Thánh Lễ" (Thánh Vianney) (ĐHV 354).

* Linh Mục cùng tế lễ với Chúa Giêsu, cùng trao mình với Chúa Giêsu, làm của ăn cho mọi người, bất cứ lúc nào, trao tất cả! (ĐHV 355).

Trong lịch sử Hội Thánh, không thánh nào mà lại không sùng kính Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhưng trong số đó cũng có nhiều vị mà cuộc đời đặc biệt gắn liền với Thánh Thể như ngọn đèn chầu. Như thánh Anphongsô tuy đến ngày sức khoẻ già yếu nhưng đêm khuya vẫn lần mò từng bậc cấp lên xuống thang gác để đến cùng Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh Phanxicô Carracciôlô, Thánh Pascal Baylon... chuyên rao giảng về tình yêu Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể, lập nhiều thiện hội tôn sùng chầu kính Bí Tích cực trọng đó. Thánh Rymard thì lập dòng Thánh Thể với đặc điểm ngoài các công việc mục vụ khác, trong nhà thờ của Dòng đêm ngày đều đặt Mình Thánh Chúa và cứ thay phiên nhau, mỗi lượt hai linh mục mặc áo các phép mang dây stola quỳ chầu Chúa Giêsu Thánh Thể.

Thánh nữ Magarita Maria, ngay lúc còn nhỏ, đã có lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể đến nỗi mỗi khi  cha mẹ ngài thấy con mình vắng mặt, thì chỉ cần chạy đến nhà thờ thì thấy ngay con bé đang quỳ chầu Chúa Giêsu Thánh Thể ở đó. Lòng trí Thánh nữ hằng luôn khao khát dự mọi Thánh lễ, linh hồn thì luôn kết hợp theo dõi các linh mục dâng lễ trong mọi lúc, ngày cũng như đêm. Có thể nói được rằng, cuộc đời của Thánh nữ chỉ nghĩ đến Thánh Thể; không mấy lúc Ngài quên nhớ đến Chúa Giêsu ngự trong Bí tích đó. Thánh Nữ viết: "Chúa dạy tôi dâng lễ như sau: khi con dâng lễ phải cầm lòng, cầm trí sốt sắng, nguyện cầu tha thiết như Đức Mẹ xưa đứng dưới cây Thánh giá của Thầy".


6. Đền thờ Montmartre.

* Đèn không sáng nếu hết dầu, xe không chạy nếu cạn xăng, hồn tông đồ sẽ suy mạt nếu không đến với Thánh Thể: "Ai không ăn thịt Ta và uống máu Ta, chẳng được sống đời đời" (ĐHV 360).

* Người công giáo "Chúa Nhựt" không đủ sức để cải tạo thế giới vật chất ngày nay. Sống Thánh Lễ là bí quyết để đem Chúa cho thế giới và đưa thế giới đến với Chúa (ĐHV 366).

Trong thành phố Paris diễm lệ, vùng Montmartre được xem như một nơi đầy tội lỗi trụy lạc nhất. Nhưng cũng ngay tại đó lại có mọc lên một ngôi đền thờ rất lớn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và có chầu Thánh Thể liên lỉ. Mình Thánh Chúa được đặt trong chiếc Hào Quang cao ba thước, phải có bậc thang để đi lên phía sau mới thay được.

Điều đáng cho chúng ta cảm phục và bắt chước là khắp nơi nước Pháp cũng như nhiều nơi trên thế giới có người tình nguyện đăng ký đến chầu một, hai ngày nhất định trong mỗi năm. Đúng ngày đã định, họ đến nhận phiên chầu tại Montmartre, hết phiên lại trở về. Ngay trong thành phố Paris cũng có một số người tự nguyện sẵn sàng "thay thế" trong trường hợp một ai đó ở xa bị trắc trở không thể đến được. Mỗi lần như thế ban tổ  chức chỉ cần gọi điện thoại là họ đến ngay cùng Chúa Giêsu Thánh Thể để chầu thay cho người phương xa đang mắc kẹt, và cũng thế cho bao người tội lỗi đang mãi mê trong những ổ trụy lạc dưới chân đồi.


7. Tông đồ Thánh Tâm.

* Cả cuộc sống con phải loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại (ĐHV 369).

* Đời con là một Thánh Lễ: lúc sám hối đọc kinh "thú tội", khi tha thiết đọc kinh "Lạy Cha", lúc hân hoan hát kinh "Vinh Danh", hồi vui mừng hát "Alleluia". 

* Nhưng con không ngừng "Dâng lên Chúa"

  "Anh chị em hãy cầu nguyện",

 "Tin kính một Thiên Chúa là Cha",

 "Hiệp nhứt cùng nhau nhờ Chúa Thánh Thần", và 

 "Thông hiệp cùng Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu" (ĐHV 372).

Trên thế giới ai cũng biết tên Cha Matêô Crawley, một linh mục thuộc Dòng Hai Thánh Tâm ở Picpus nước Bỉ. Sau khi được Chúa cho lành bệnh thổ huyết rất nặng, ngài đã tình nguyện đi khắp thế giới để rao giảng về Thánh Tâm Chúa. Không ai lại không hay biết cuốn sách nổi tiếng của Ngài: "Chúa Giêsu Vua Tình Yêu". Ngài đã phổ biến khắp nơi phương pháp: "chầu giờ thánh ban đêm trong gia đình". Mỗi gia đình tự do nhận lãnh mấy giờ trong mỗi tháng và mỗi người trong gia đình có tình nguyện thức một giờ ban đêm cầu nguyện, đền bồi phạt tạ, an ủi Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Cha đã thấy nhiều cụ già tại các xứ đạo Việt Nam hưởng ứng rất nồng nhiệt. Họ hy sinh rất nhiều cho công việc "Chầu giờ Thánh ban đêm trong các gia đình". Họ  có cuốn sổ ghi tên đêm nào, gia đình nào, người nào sẽ làm giờ thánh. Và chiều chiều họ xách chiếc đồng hồ reo cũ kỹ lại đàng nhà ấy để nhắc nhở cho gia đình ấy nhớ mà thức cầu nguyện; chiều mai họ lại lấy đồng hồ mang sang gia đình khác. Họ làm thế với mục đích duy nhất: an ủi Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Giêtsêmani.


8. Thánh lễ cuối cùng.

* Mỗi khi trao Chúa Giêsu Thánh Thể cho giáo dân, con hãy ý thức trao cả đời con, thời giờ của con, sức khỏe, tài năng, tiền của, nghĩa là máu thịt con cùng với Mình Máu Thánh Chúa làm của nuôi mọi người và mỗi người không phân biệt ai (ĐHV 376).

* Hằng ngày cùng với Chúa Giêsu, con dâng hiến mình, sẵn sàng từng giây phút, để "bị nộp" vì anh em con, để "đổ máu ra cho nhiều người được tha tội" (ĐHV 377).

Trong thời Cách mạng Pháp, rất nhiều linh mục, tu sĩ bị giết, trong số đó có một linh mục khi vừa bước lên thang máy chém, đã hát to câu: "Tôi sẽ bước lên bàn thờ!" Vâng, đây là Thánh lễ cuối cùng của đời ngài và là một Thánh lễ đẹp nhất. Ngài dâng máu mình hoà với  máu Chúa Giêsu Thánh Thể.

Trong một thánh đường ở nước Đức có một tấm bia trên đó có ghi hàng chữ: "Nơi đây, Luthêrô đã dâng Thánh lễ cuối cùng". Kinh khiếp và đau xót làm sao! Vì sau Thánh lễ ấy, Luthêrô đã lìa bỏ Hội Thánh, bỏ Dòng tu (dòng Augustin) mà ông ta là bề trên giám tỉnh để đi kết bạn, lập phái Tin lành Luthêrô. Một hôm giữa cảnh  trời trăng sao, bà vợ ông bảo: “Anh xem cảnh trời trăng sao đẹp quá!". Ông đáp: "Nhưng không đẹp cho chúng ta đâu!".


9. Thánh lễ mở tay.

* Con muốn hỏi: "Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả?" Hãy tham dự thánh lễ, vì không kinh, không tổ chức, nghi thức nào bằng lời nguyện và hy lễ Chúa Giêsu trên thánh giá (ĐHV 349).

* Đời con chỉ có một mộng ước; nó thành trọng tâm thu hút và điều khiển tất cả tâm trí và hành động của con: Thánh lễ như Chúa Giêsu suốt đời "rất mong ăn lễ Vượt Qua" (ĐHV 380).

Đức Cha Berteaud, Giám mục địa phận Tulle, luôn luôn mang trong mình kỷ niệm Thánh lễ mở tay, Thánh lễ đầu tiên trong đời linh mục của ngài; đến nỗi sau 40 năm làm linh mục, khi thấy ngài làm lễ, có người đã nói: "Đức Cha Berteaud luôn luôn làm lễ mở tay!".


10. Thánh lễ vô giá.

Một chúa nhật nọ, trời mưa rét, lạnh lẽo, ông Mazoni (1785-1873) một thi sĩ trứ danh nước Ý, đứng lên từ giã các bạn để đến nhà thờ tham dự Thánh lễ. Các bạn khuyên ông: "Trời mua lạnh, nhà thờ lại xa, thôi để chúa nhật tới..." Thi sĩ Mazoni duyên dáng đáp: "Trong các bạn, nếu có ai mất 100 ngàn lires (tiền Ý), chắc không chịu ngồi chờ cho đến khi ấm áp mới đi tìm. Nhưng 100 ngàn lires là gì sánh với một Thánh lễ!".


_______________________

16. VÂNG PHỤC

1. "Vâng phục - Bình an"

* Một đạo binh kỷ luật là một đạo binh hùng mạnh. Một tông đồ vâng phục là một tông đồ anh dũng (ĐHV 391).

* Chúa Cứu Thế đã cách mạng, muôn triệu người hưởng ứng, khẩu hiệu của Ngài: "Vâng lời đến chết" (ĐHV 395).

Ngày Đức Roncalli (về sau là Giáo Hoàng Gioan XXIII) thụ phong Giám mục, ngài được vào yết kiến Đức Piô X để tạ ơn. Đức Giáo Hoàng hỏi:

- Con chọn khẩu hiệu nào?

- Thưa "Vâng phục và bình an".

- Tại sao con chọn khẩu hiệu đó?

- Thưa Đức Thánh Cha, lúc con còn là học sinh, chiều nào con cũng thấy Hồng Y Daronius đã già cả đi qua công trường Thánh Phêrô. Mỗi lần như thế, ngài đều lấy một ít tiền tặng cho các người nghèo, đoạn vào thẳng đền thờ Thánh Phêrô, đến ngay trước tượng Thánh nhân và hôn chân ngài, rồi gục đầu vào chân tượng, đọc thực lớn tiếng: "Vâng phục và bình an", ai ở gần đó đều có thể nghe được. Đọc xong, Hồng Y khả kính đó đến quỳ gối cầu nguyện trước mồ thánh Phêrô, tỏ lòng cung kính, vâng phục và trung thành với Hội Thánh rồi ra về. Hình ảnh cao đẹp và tiếng nói đanh thép ấy đã ghi sâu vào tâm trí con, nên con chọn câu nói ấy làm khẩu hiệu.

Nghe qua Đức Thánh Cha rất cảm động, hài lòng và đưa bàn tay chúc lành cho tân Giám mục Roncalli. Khẩu  hiệu ấy đã được vị Giám mục thực hiện trong suốt cả đời ngài.


2. Tấm gương vâng phục của hai nhà Bác học.

* Thế gian bảo con vâng phục như vậy là "điên khùng". Chúa nói con vâng phục vì Chúa là "anh hùng" (ĐHV 393).

* Không vâng lời, dù có thực hiện những công trình vĩ đại cũng không đẹp lòng Chúa. Chúa chỉ quý lòng con, Chúa không cần công trình của con, Chúa tạo dựng cả vũ trụ không cần con (ĐHV 400).

Cha Lagrange (1855-1938) Dòng Đa Minh là một nhà bác học chuyên môn về Thánh Kinh rất nổi tiếng. Người ta nói rằng: kể từ Thánh Giêrônimô người đã dịch toàn bộ Thánh Kinh ra tiếng La tinh đến nay, chỉ có cha Lagrange là sánh kịp.

Cha Teilhard de Chardin, một linh mục Dòng Tên (1881-1955), cũng là một khoa học gia tên tuổi, đã viết nhiều tác phẩm lừng danh về khoa học, thần học lẫn triết lý, tu đức.

Khi các tác phẩm của hai linh mục danh tiếng ấy bắt đầu xuất bản, thì có một vài điểm trong đó đã bị dư luận xuyên tạc, hiểu lầm, khiến Thánh Bộ Đức Tin đã yêu cầu các ngài ngưng ngay việc phổ biến chúng, đồng thời hãy cố gắng tìm cách giải thích những chủ trương, tư tưởng mới lạ của các ngài rõ ràng hơn, sao cho phù hợp với Giáo lý công giáo, tránh sự hiểu lầm lạm dụng...

Đã là người ai lại không có tự ái được; với lại các đấng đâu phải là tay tầm thường: Cha Lagrange là người có uy tín nhất về Thánh Kinh trên toàn thế giới. Chính ngài đã có công xây dựng trường Khảo cổ Thánh Kinh tại Giêrusalem và lúc ấy đang làm Giám đốc. Cha Teilhard de Chardin là người không những chỉ có uy tín ở Âu châu mà cả Á châu nữa, cũng chịu ảnh hưởng, vì bấy giờ ngài còn đang nghiên cứu khoa học và dạy tại một đại học nổi tiếng ở Trung quốc. Hơn thế, tác phẩm của các ngài lại rất đỗi công phu, quý giá, ai cũng chờ đợi; vậy mà nay phải đình chỉ phổ biến, phải sửa chữa, tu chỉnh. Thế nhưng, các ngài vẫn khiêm tốn vâng lời Tòa Thánh, thinh lặng đợi chờ và tiếp tục nghiên cứu, mặc cho báo chí bên ngoài khai thác rùm beng.

Sau nhiều năm đào sâu thêm vấn đề, sắp xếp và giải thích các chi tiết cần thiết, tác phẩm của các ngài đã được Toà Thánh cho phép xuất bản và thành công rực rỡ. Mọi người, mọi giới đều ca ngợi sự thông thái của các ngài, nhưng nhất là khâm phục lòng khiêm tốn vâng lời của các ngài đối với Toà Thánh.  


3. Không ăn bánh sữa.

* Trinh khiết là chết cho nhục dục, vâng phục là chết cho ý riêng (ĐHV 402).

* "Vâng lời trọng hơn của lễ" vì của lễ là hoa quả, hương trầm, súc vật, tiền bạc v.v... Khi vâng lời, con lấy chính mình con làm của lễ, giết chết ý riêng con, tự ái của con làm của lễ toàn thiêu (ĐHV 406).

Trong hạnh bà thánh Magarita Maria, cha Rolin có ghi lại câu chuyện sau đây chứng tỏ tinh thần vâng phục sáng ngời của vị Thánh nữ:

"Từ bé, tôi đã không thể ăn một chút bánh sữa (pho-mát). Nguyên chỉ nghe mùi nó, tôi cũng đã nôn mữa ngay. Ngày dẫn tôi vào dòng, anh tôi đã trình rõ cho Bề trên về việc này. Bề trên hứa sẽ không bao giờ bắt tôi ăn bánh sữa. Vị Bề trên kế tiếp là Mẹ Anna cũng thế. Nhưng đến đời Mẹ Rosalia làm Bề trên, bà nhất quyết ép tôi ăn bánh sữa cho kỳ được. Lúc ấy tôi lấy làm quá ghê tởm, và nếu không vì lòng mến Chúa, kính yêu Nhà Dòng thì tôi đã bỏ dòng mà đi. Nhiều lần tay tôi đã cầm bánh sữa lên, nhưng không sao đưa vào miệng được, đành phải bỏ xuống. Một hôm, tôi đang quỳ trước nhà chầu cầu nguyện sốt sắng, tôi nghe rõ tiếng Chúa phán bảo tôi: "Ai thực lòng mến Ta thì vâng lời trong mọi sự". Tôi bèn quyết tâm dù chết cũng vâng lời Bề trên. Vào nhà cơm, tôi cầm lấy bánh sữa lên ăn ngay trước mặt Bề trên và các chị em trong dòng. Nhưng vừa nuốt xong, tôi liền nôn mửa và kéo dài tình trạng ấy cho đến tối. Mấy ngày sau, tôi lâm bệnh phải nằm nhà liệt.

Tôi chấp nhận tất cả và vâng lời như thế trong suốt tám năm trời. Khi bệnh tình đã đến lúc trầm trọng, người tôi gầy yếu hẳn đi, bấy giờ bề trên mới cho phép tôi ngưng ăn bánh sữa".


4. Người con của đức vâng lời.

* Xem một tâm hồn vui vẻ và nhanh chóng vâng phục chừng nào, con đoán được tâm hồn đó thánh thiện chừng ấy (ĐHV 392).

* Vâng phục trong thinh lặng, sự thật sẽ giải thoát con. Thinh lặng 5 năm, 10 năm, cả đời con. Thinh lặng trong sự chết... Chúa biết con đủ rồi, và ngày tận thế nhân loại cũng sẽ biết (ĐHV 405).

Cha Piô thuộc hàng ngũ con cái của thánh Phanxicô Assisiô. Cư ngụ tại tu viện San Giovani Rotondo, miền Nam nước Ý.

Ngài là người được Chúa in Năm Dấu Thánh trên mình. Ngày đêm máu thấm ra liên lỉ và gây đau đớn nhức nhối cho ngài như Chúa Giêsu trên Thánh giá năm xưa. Mặc dù đôi tay ngài được mang găng và lót bông, nhưng máu vẫn thấm ra tươi rói.

Bên ngoài, từ hàng giáo phẩm đến các giáo dân, ai cũng mến yêu khâm phục ngài như vị Thánh sống. Họ đến dự Thánh lễ của ngài, sốt sắng, xưng tội với ngài, vì ngài được ơn biết nhiều sự kín nhiệm trong tâm hồn người ta. Thế nhưng bên trong nhà Dòng lại có một số anh em tị hiềm nghi kỵ. Ngài ở tầng lầu bên này, họ ở các nhà bên kia, nhưng ngày đêm theo dõi rình rập, xem thử ngài có ăn vụng gì không. Họ không hiểu nổi tại sao ngài có thể ăn chay lâu đến thế! Cha Piô quá rõ điều đó, và tâm hồn rất đau đớn nhưng vẫn âm thầm chịu đựng.

Hơn thế nữa, họ còn bảo cha: "Cha Piô quào cấu cho rách tay chảy máu chứ đâu có Dấu Thánh!" Họ yêu cầu Bề trên đưa ngài ra phòng mạch bác sĩ để khám, xem ngài như một tên lừa đảo, đạo đức giả. Thật là đau đớn tủi nhục, nhưng Cha Piô vẫn bình tĩnh vâng lời. Và Chúa đã thưởng công ngài: sau một thời gian khám nghiệm, chụp hình hai bàn tay, các bác sĩ đã nhất trí xác nhận: "Đây là một trường hợp khoa học không thể giải thích được. Hai lỗ đinh nơi đôi tay của ngài lớn đến nỗi người ta có thể nhìn thấu qua mà đọc những dòng chữ đặt ở bên dưới".

Cha Piô còn phải liên tục chịu nhiều thử thách vô số; nhưng sau đây là cơn thử thách nặng nề hơn cả: Số là có nhiều giáo dân khắp năm châu đến xưng tội với ngài. Nhờ ngài họ đã làm lại cuộc đời, nên mang của cải đến dâng ngài để làm việc thiện. Có người sau khi cho tất cả sản nghiệp, còn tình nguyện ở lại phục vụ dưới quyền ngài nữa. Với số tiền khổng lồ ấy, ngài đã xây nhiều bệnh viện miễn phí, nhiều nhà đón tiếp mọi người đến tĩnh tâm. Đức Thánh Cha Piô XII rất quý mến ngài, nên đã cho ngài được phép quản trị và xử dụng số tiền người ta dâng cúng để làm việc bác ái đạo đức, cũng như gây vốn để đài thọ chi phí cho các bệnh viện, nhà tĩnh tâm vừa nói. Công việc tốt đẹp ấy ngày càng phát triển...

Một hôm vị Tổng quản lý nhà dòng mang hết tiền bạc của nhà dòng và vay mượn thêm ở ngân hàng một số lớn để hùn vốn trong một "áp-phe" (vụ làm ăn) mang tên "áp-phe Dreyfus". Cha Piô biết được rất đau lòng, vì đó là một việc rất phiêu lưu, vừa trái với tinh thần khó nghèo của vị Thánh sáng lập.

Quả thế, sau đó ít lâu, "áp-phe Dreyfus" sụp đổ và gây tai tiếng khắp nơi. Vị Tổng quản lý nhà dòng hết sức hoảng hốt, chỉ còn một cách duy nhất là bán hết các cơ sở của nhà dòng để trả nợ cho ngân hàng. Nhưng phép đâu mà bán nhà dòng? Ông liền nghĩ ngay đến số vốn của cha Piô, và lợi dụng Đức Piô XII mới băng hà, Toà Thánh đang bề bộn công việc để thi hành một diệu kế. Mấy ngày sau đó, theo đúng kế hoạch của vị Tổng quản nhà dòng San Giovani Rotondo đệ trình lên Toà Thánh một tờ đơn với nội dung: "Nay cha Piô đã già, xin Toà Thánh rút lại đặc ân của Đức Piô XII đã cho phép ngài quản trị số vốn người ta dâng cúng để lo việc đạo đức bác ái, và giao số vốn ấy lại cho nhà dòng quản lý thay". Toà Thánh thấy trình bày hợp lý, lại thêm đang ở lúc giao thời giữa hai triều đại Giáo hoàng, chẳng ai rõ ý định của Đức Piô XII lúc trước, nên Toà Thánh đã chấp thuận.

Một buổi chiều nọ, Bề trên gọi Cha Piô đến và trình bày rõ ràng quyết nghị của Toà Thánh. Ngài cho phép Cha Piô tự quyết định: chấp thuận hoặc khiếu nại. Cha Piô xin phép được suy nghĩ trong ít ngày. Suốt đêm hôm ấy, cha trằn trọc, khổ tâm, vì biết đây là âm mưu đen tối của vị Tổng quản lý. Rồi đây các bệnh viện; nhà tĩnh tâm lấy đâu ra tiền để đài thọ? Số phận biết bao người nghèo sẽ đi về đâu? Cha vô cùng buồn khổ như đang cơn hấp hối. 

Nhưng người con khiêm nhường ấy đã phó thác mọi sự trong tay Chúa. Không đợi lâu, ngay sáng hôm sau, Cha Piô mang tất cả sổ sách đến gõ cửa văn phòng Bề trên. Ngài đặt tất cả trên bàn rồi quỳ gối, chấp tay thưa: "Thưa Bề trên, con xin giao tất cả trong tay Bề trên, vì con là đứa con của đức vâng phục".

Người ta không rõ số tiền ấy là bao nhiêu, nhưng chỉ biết đó là 300 ngàn cổ phần trong các công ty đủ loại. Cử chỉ ấy càng làm sáng ngời sự thánh thiện của cha thánh, nêu gương cho ta trong đức vâng lời và khiêm nhường.


_______________________

17. THANH BẦN

1. Người nghèo trong giấc mơ.

* Nghèo hèn, nghèo khó, nghèo khổ, nghèo cực. Nếu có tinh thần thanh bần, hãy chấp nhận những hậu quả của nghèo nàn giữa xã hội (ĐHV 413).

* Có như không có, bán như không bán, mua như không mua, như không có gì cả, mà làm chủ tất cả, không đòi hỏi gì cả, sẵn sàng cho tất cả. Đó là tinh thần thanh bần (ĐHV 421).

Đầu thế kỷ XIII, Chúa gởi đến cho nhân loại một vì sao rạng sáng đức hy sinh, trong Phúc Âm triệt để, hăng hái loan truyền sự thật và đặc biệt là sống nghèo khó. Vì sao ấy là Phanxicô Assisiô, nước Ý.

Sau những năm bôn ba truyền giáo khắp nơi, lắm kẻ đã đi theo ngài. Nên ngài đã soạn thảo và đệ trình lên Toà Thánh bản Hiến pháp của một dòng mới mang tên: "Dòng Anh em hèn mọn". Khi nghiên cứu bản Hiến pháp, Toà Thánh đã quyết định không thừa nhận, bởi cho đó là điều không thể thực hiện được. Vì căn cứ vào truyền thống, các dòng đều có cơ sở, động sản, bất động sản... thì mới bảo đảm được tương lai.

Phanxicô lang thang quanh quẩn ở Roma nhiều ngày cho đến một hôm, ngài được Đức Thánh Cha Innocentê III cho vào triều yết. Thánh nhân sụp lạy Đức Thánh Cha và nói: "Xin Đức Thánh Cha phê chuẩn luật Dòng Anh em hèn mọn của chúng con. Nếu bảo rằng luật ấy không thể giữ nổi, thì sao trong Phúc Âm Chúa lại dạy: Hãy bỏ mọi sự mà theo Thầy. Không thể sống Phúc Âm một cách triệt để được sao?" Đức Thánh Cha hiền từ chúc lành cho Phanxicô và hứa sẽ tận tình giúp đỡ. Đêm ấy Chúa cho Đức Thánh Cha nằm mộng thấy Đền thờ Latêranô (là đầu và là mẹ của các đền thờ) ngã nghiêng sụp đổ thì kìa, có một người gầy ốm, ăn mặc khó khăn rách rưới chạy đến kề vai nâng dậy. Đức Thánh Cha nhìn kỹ thì rõ ràng người ấy là Phanxicô! Mấy ngày sau, ngài triệu tập Hội đồng Hồng Y và phê chuẩn bản luật của các Anh em hèn mọn. Ngài giải thích: "Chúa cho Cha hiểu qua giấc mơ ấy là Hội Thánh Chúa đang phải lâm nguy vì xa hoa vật chất, nên phải có những kẻ sống tinh thần nghèo khó Phúc Âm mới chống đỡ toà nhà Hội Thánh đứng vững được".


2. Các chị em Tiểu Muội.

* "Nghèo trong con ở, nghèo trong áo con mặc, nghèo trong đồ con ăn, nghèo trong đồ con dùng, nghèo trong việc con làm" (Cha Chevrier) (ĐHV 408).

* Thế gian không thấy con vâng phục, thế gian không biết con trinh khiết, nhưng thế gian dễ nhận ra con là chứng nhân thanh bần (ĐHV 418).

Họ là ai? Thưa là những đồ đệ trung tín, những đứa con tinh thần của Cha Charles de Foucauld, người đã sống hãm mình cầu nguyện và chầu Thánh Thể giữa sa mạc Sahara mà trước khi chết đã để lại di chúc: "Tôi ước ao được chôn ngay tại chỗ tôi lìa đời, và an nghỉ nơi đây cho đến tận thế. Cấm không ai được dời hài cốt tôi khỏi nơi mà Thiên Chúa nhân lành đã cho tôi hoàn tất cuộc hành hương trên cõi trần thế. Không quan tài, không cần  xây hầm mộ, chỉ cần dựng trên nấm mồ đơn sơ một thánh giá gỗ".

Khắp trên thế giới, các chị em Tiểu Muội đều sống tinh thần nghèo khó Phúc Âm như Cha Charles de Foucauld đã thể hiện, dưới những túp lều tranh, trong những xóm bình dân lầy lội, hay trên những con thuyền chật hẹp. Đâu đâu chị em cũng tìm được hạnh phúc vì có Chúa Giêsu Thánh Thể ở cùng.

Trong Thủ bản của các chị em có ghi thế này: "Chúng ta yêu quý cách riêng những kẻ mọn hèn khốn khổ, vì biết rằng yêu thương giúp đỡ kẻ nhỏ hèn trong hàng ngũ con cái loài người là yêu thương giúp đỡ chính mình Chúa. Chúng ta sẽ đem lòng tôn trọng và bác ái mà nồng hậu tiếp đón họ, chú ý đối đãi hết sức nhã nhặn với họ là những phần chi thể đau yếu của Chúa Giêsu.

"Chúng ta chia sẻ đời sống với kẻ nghèo, cùng ở một nhà như họ, cùng ăn những thức ăn như họ, cùng mặc một thứ quần áo mà chúng ta sẽ vá mạng cho đến khi không thể dùng được nữa. Mỗi khi đi đâu, nếu có thể được chúng ta sẽ đi hạng chót, hạng của người nghèo. Ở bệnh viện xin cấp dưỡng như người nghèo, và khi chết, xin chôn cất như một người nghèo...

"Như Chúa Giêsu đã tự ý trở nên kẻ rốt hèn và làm đầy tớ mọi người, chúng ta cũng không để các kẻ khác hầu hạ, nhưng luôn luôn chọn những công việc thấp hèn và khó nhọc hơn hết.

"Ở trong nhóm chúng ta, ai nấy đều cùng mong muốn ở dưới kẻ khác: yêu thích chỗ rốt cùng, vui lòng nhận lấy mọi điều xỉ nhục, không tìm cách chữa lỗi, mặc dù mình bị trách oan, trừ ra khi danh dự của Chúa hay đức bác ái có thể vì đó mà bị tổn hại...

"Khiêm tốn trong tư tưởng, lời nói, việc làm; khiêm tốn với kẻ nhỏ hèn cũng như với kẻ quyền thế. Khiêm tốn khi thành công cũng như lúc thất bại, khi được khen lao cũng như khi bị lăng mạ. Luôn giữ thái độ hiền lành, dễ dàng dung thứ, và đầy khoan hồng đối với kẻ khác".


3. Kho tàng Hội Thánh.

* Dùng của cải cách quảng đại, trọng của cải cách tế nhị, xa của cải cách anh hùng (ĐHV 414).

* “Hội thánh của người nghèo”, không phải để làm cho dân chúng nghèo mãi, nhưng với nỗ lực thăng tiến cuộc đời của dân chúng về mọi phương diện (ĐHV 420).

Thánh Lorensô Phó tế, phụ tá của Đức Giáo Hoàng Sixtô, là một người suốt đời tận tụy giảng dạy, lo lắng cho giáo dân Roma trong cơn cấm cách và đặc biệt thương yêu những người nghèo khổ. Ngài bị hoàng đế bắt và ra lệnh phải nộp tất cả tài sản của Hội Thánh do ngài quản lý. Ngài xin hẹn mấy hôm. Đúng ngày, hoàng đế vui mừng đợi ngài đem nộp của cải. Và rồi, Lorensô đã đến, dẫn theo một lũ đoàn người nghèo khổ, bệnh tật, què quặt mà ngài đã giúp đỡ bằng của cải Hội Thánh, hạng người mà hoàng đế bỏ rơi, chẳng thèm đếm xỉa. Đứng trước mặt hoàng đế, Lorensô nói: "Tâu hoàng đế, đây là tất cả kho tàng của Hội Thánh".

Tức tối, hoàng đế hạ lệnh bắt giam ngài, tra tấn, cực hình đủ cách, và cuối cùng cho lý hình nung đỏ giường sắt rồi đặt ngài lên trên rán cho chết cháy. Hôm ấy là ngày 10.8.258.


4. Linh mục "Ba xu".

* Người ít đòi hỏi là người sướng, vì thấy mình đầy đủ, người nhiều đòi hỏi là người cực, vì cứ thấy mình thiếu thốn mãi (ĐHV 409).

* Sự thanh bần thứ nhất là gì? - Là làm việc! Đây là niềm an ủi của con khi hiểu ý nghĩa của nhọc mệt lao tác hàng ngày. Hạnh phúc của con được Chúa nói trong Phúc Âm: "Phúc cho tôi tớ đó, chủ đến mà gặp nó đang làm như thế" (ĐHV 423).

Cách đây 40 năm, có một cha Việt Nam sống rất nghèo khó và đạo đức. Đặc biệt với số tiền tiết kiệm từng xu năm này sang năm khác, ngài đã cùng hai người thợ dần dần xây xong một ngôi nhà trang an, sáng sủa.

Mỗi ngày ngài ăn hai bữa, mỗi bữa ba xu và tự nấu ăn lấy: một xu gạo, một xu mắm tôm và một xu tráng miệng bằng một mẩu bánh hình ông phật mà dân địa phương vẫn gọi là bánh "Tam ích". Lúc nào có người dâng cúng dư tiền mua vật liệu thì công việc tiến hành mạnh hơn, đến lúc sạch túi thì tạm đình chỉ. Tiền bổng  lễ mỗi ngày mấy hào ngài dành để trả công thợ.

Lúc mới khởi công ai cũng nói: "biết bao giờ mới xong được". Đến ngày khánh thành, mọi người đều hoan hỉ, cảm phục và tặng cho vị linh mục một biệt hiệu đơn sơ nhưng nói lên tất cả lòng thương mến biết ơn: "Cha ba xu". Vì quá lao lực và cam khổ, chỉ vài năm sau, "cha ba xu, qua đời giữa sự thương tiếc của mọi người. Trước lúc nhắm mắt lìa trần, ngài nói: "Tôi sung sướng vì đã hy sinh tất cả để làm việc Chúa, tử lao bất tử lao".

Ngày nay, ngôi thánh đường vẫn còn sừng sững trước mặt mọi người như tấm gương phản chiếu đức thanh bần và hồn tông đồ sáng chói của vị linh mục.


5. Rất nghèo nhưng rất giàu.

* Đừng rộng rãi với của người ta, đừng keo kiệt với của riêng con, đừng phung phí với của công cộng (ĐHV 412).

* Khó nghèo không phải là không có của: đó là khốn khổ, thiếu thốn. Khó nghèo trước tiên là tập trung của cho đúng. Một cốc cà-phê, một cốc bia! Nhưng cũng là một cốc mồ hôi, một cốc nước mắt, một cốc máu đổi lấy nó. Một khói thuốc, nhưng cũng là một hơi thở hổn hển của người lao động vô danh (ĐHV 422).

Ngày nay ai đáp xe đến xứ Ars, vào thăm nhà xứ, trông nhìn chiếc ô (dù) cũ kỹ, cái áo chùng thâm vá trước vá sau, đôi giày xộc xệch và cái nồi được dùng để nấu khoai tây một lần ăn trong nhiều ngày, đều phải công nhận rằng: Cha Gioan Vianney thật là một người sống nghèo khó, thanh bạch.

Lúc tới nhận xứ, cha bỏ một ít đồ đạc trong chiếc xe cải tiến kéo đi; đến nơi tối ấy phải mượn bát dĩa của gia đình Des Gorets mà dùng. 

Thế nhưng, đàng khác, ngài là một người rất giàu có, vì dần dần được rất nhiều người dâng cúng của cải. Nhưng có bao nhiêu tiền, ngài đều đem ra mở cô nhi viện, trường miễn phí và sắm sửa Hào Quang, áo lễ rất đẹp. Ngài thường nói: "Cái gì đẹp nhất tôi đều dành cho  phụng vụ, việc làm Chúa". Ngài sống khắc khổ với bản thân, nhưng rất quảng đại với mọi người.


6. Cậu bé thanh bần.

* Không có của mà tham vẫn chưa phải là thanh bần, có của mà không dính bén vẫn có thể "có lòng khó khăn" thực sự (ĐHV 411).

* Thinh lặng nhường nơi chỗ tiện nghi hơn, công việc lợi lộc hơn cho kẻ khác, đó là dấu thanh bần chân thành (ĐHV 415).

Cậu Gioan Boscô được cha xứ nuôi nấng để chuẩn bị vào Chủng viện. Ngài rất thương yêu tín cẩn cậu, vì thấy rõ ơn thiên triệu nơi cậu bé thông minh đạo đức ấy.

Nhưng rủi thay, cha già Don Cafassô, người đỡ đầu của Gioan Boscô, lại sớm lâm bệnh nặng. Trước khi ly trần, ngài gọi cậu Gioan đến bên giường và bảo: "Cha thương con và quyết lòng đưa con đến tận bàn thánh. Nhưng nay thánh ý Chúa lại khác. Vậy chìa khóa đây, con hãy cầm lấy, cha trối lại tất cả gia tài của cha cho con. Có gì con hãy bán hết mà ăn học cho đạt tới mục đích cha con ta hằng mong ước". Nói đoạn Cha Don Cafassô tắt thở. Các đấng bề trên hay tin đều tựu về lo việc mai táng. Bấy giờ Gioan Boscô thành thực thuật lại cơn bệnh cũng như lời trăn trối của người cha khả kính trước lúc lìa trần. Vừa nói xong, cậu bé rút chìa khóa ở túi áo ra, kính cẩn trao cho bề trên và nói: "Thưa cha Bề trên, con xin trao chìa khóa này cho Cha Bề trên. Con không nhận gì cả; xin bề trên dùng tài sản của cha con mà làm việc lành. Trên Thiên đàng ngài cầu nguyện cho con là đủ...".


7. Đấy là nhà của tôi.

* Của cải chôn vùi con, nếu con đội nó lên đầu; của cải làm bệ chân con nếu con đứng trên nó (ĐHV 407).

* Lúc 15 tuổi, thiếu nữ Clara đến tu viện, Thánh Phanxicô hỏi chị: "Con đến tìm gì ở đây?" - "Con tìm Thiên Chúa", Clara đáp. Câu trả lời gọn ghẽ và rõ rệt. Đó là tất cả kho tàng của chị. Clara đã nên thánh. Mấy ai biết chọn như chị (ĐHV 424).

Hôm ấy, vào dịp lễ thánh Têrêxa Avila, một nhà Dòng Kín nọ mở cổng cho giáo dân và bà con vào tham quan. Có một người khách hiếu kỳ không hiểu được lý do cuộc sống khắc khổ nhiệm nhặt của các Nữ Tu này, bèn nghĩ bụng: "Chỉ những người không đủ cơm ăn, áo mặc, nghèo khổ xấu số mới liều mình dấu thân vào một nơi kinh khủng này".

Ông gặp một Nữ tu tại hành lang và hỏi: "Này Chị, giả chị có một toà nhà sang trọng như toà nhà ở ngoài cổng, đối diện với Nhà Dòng, Chị có thể hy sinh chôn mình vào trong bốn bức tường đóng kín này chăng?".

Chị Nữ tu vui vẻ trả lời: "Thưa ông, nhà ấy chính là nhà của tôi!"

Quả vậy, đó là toà nhà của Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, người nữ tu mà ông khách hiếu kỳ vừa chất vấn.


8. Bức thư một chủng sinh nghèo.

* Nhìn vào con, con thấy thiếu, con cực số một. Nhìn vào anh em con, con thấy bao nhiêu người khốn cực hơn con (ĐHV 410).

"Đại chủng viện Roma, ngày 16 tháng Giêng năm 1901.

Trọng kính thăm Ba má, Bác Hai, Cậu và anh chị. Khi thư này đến nhà, chắc cả nhà đang sốt sắng dự tuần đại phúc mở tại họ đạo; và con mong rằng tất cả đã sốt sắng lo việc phần hồn, xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu.

Con không cầu cho gia đình được giàu sang, chỉ xin cho mọi người trở nên Kitô hữu tốt, sống nghèo khó, bằng an, phó thác trong tay Chúa quan phòng.

Con lấy làm vinh dự sống trong cảnh nghèo của gia đình mình, không bánh mì chỉ ăn cháo, không bao giờ biết đến thịt, có chăng là đôi ba dịp trong năm. Lễ Giáng Sinh thì được thẻo bánh, Má tự làm. Tuy nhiên, gần 20 đứa con đang chờ chực đĩa cháo, nhưng nếu có người đến ăn xin, má vẫn mời họ ngồi vào bàn mà chia bữa ăn với chúng con...

Xin Ba má tha cho những kẻ đã và đang làm hại gia đình mình. Biết đâu trước mặt Chúa, họ tốt hơn mình...

Chúa muốn con làm linh mục không vì giàu sang. Nếu thế thì thật là khốn nạn. Con sẽ làm linh mục để phục vụ kẻ nghèo. Con: Angelô"

Đó là bức thư thầy A. Roncalli (sau là Giáo Hoàng Gioan XXIII) gởi thăm Ba má.


_______________________

18. TRONG TRẮNG

1. Đóa hoa trinh khiết.

* "Phúc cho ai trong trắng vì sẽ được thấy mặt Thiên Chúa." Không phải chỉ có tu sĩ, mà cả người đời cũng phải trong trắng theo đấng bậc mình. Sống trong trắng không phải bị ràng buộc, nhưng cần được tự do hơn (ĐHV 425).

* Bao nhiêu tâm hồn giáo dân trong trắng gương mẫu giữa trần gian. Tâm hồn tận hiến của con phải cảm phục, phấn khởi và vươn cao hơn nữa. (ĐHV 433).

Thánh Nữ Maria Goretti sinh năm 1890 tại miền Pontins, gần bờ biển, cách thành Roma khoảng 25 cây số. Thuở còn nhi nữ, thánh nhân đã là cô gái nhan sắc mặn mà khiến Alexandre, một thanh niên cùng làm việc trong nông trại với ngài, đã dùng lời đường mật dụ dỗ. Thánh nữ cương quyết chống lại và bảo: "Anh Alexandre, đừng, đừng làm thế, Chúa không muốn anh xuống hỏa ngục đâu". Và lần khác, thánh nữ đã nói cách dịu dàng với anh ta: "Không, anh Alexandre, Chúa không muốn chúng ta làm điều đó!" Nhưng chàng trai ấy quá say mê nhan sắc của ngài; vì thế, lúc Goretti mới 13 tuổi đầu, vào ngày 5.7.1902, lợi dụng lúc cả nhà đi làm xa,  Alexandre đã dùng võ lực cưỡng bách Goretti. Ngài chống cự mãnh liệt, nhưng vì sức yếu nên cuối cùng phải khuất phục. Và sau đó, vì sợ bị tố cáo, Alexandre đã đâm chết Thánh Nữ. Sáng hôm sau, ngày 6.7.1902, trước khi trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Nettunô, Thánh nữ Goretti đã thều thào: "Vì tình yêu Chúa Kitô, tôi sẵn sàng  tha thứ cho anh Alexandre, và muốn anh cũng được vào Thiên đàng với tôi".

Năm Thánh 1950, Đức Piô XII đã phong Thánh cho Maria Goretti trước sự hiện diện của bà mẹ già yêu dấu và bên cạnh bà, có cả... anh Alexandre, lúc ấy đã vào dòng tu!.


2. Đôi mắt xanh của chị nữ tu.

* Có nhiều thiên thần trong trắng mà lại là ma quỷ của ghen ghét. Vô phúc cho cộng đoàn nào gặp loại thiên thần ấy (ĐHV 426).

* Cha đã gặp nhiều người, thuộc nhiều giới, ở nhiều nước khác nhau, sống độc thân hạnh phúc giữa đời. Bí quyết của họ: "Sống cầu nguyện." (ĐHV 435).

* Giá trị của thân xác con: - Mua chuộc bằng Máu Thánh Chúa, - Làm đền thờ Chúa Ba Ngôi, - Sẽ vinh hiển muôn đời. Đừng đem bán “xôn”! (ĐHV 450).

* Xem thường không giữ ngũ quan là mở cửa cho địch vào thành. David thắng Goliath khổng lồ nhưng không thắng được mắt mình (ĐHV 455).

Trên khắp các nước, thế chiến đã bùng nổ. Quân Phátxít chiếm cứ khắp nơi. Một viên tướng Phátxít đến một nhà dòng kia, yêu cầu kêu Mẹ Bề trên cho ông ta gặp. Khi vừa dốc cạn ly nước từ tay Mẹ Bề trên, viên tướng Phátxít lập tức vào đề:

- Xin bà cho tôi gặp chị Maria. Bà Bề trên bấm  chuông gọi chị ấy ra. Ông tướng vui vẻ hẳn lên và nói cách sổ sàng: "Tôi yêu cầu bà trao ngay cho tôi chị này, tôi say mê chị". Hai mẹ con nhìn nhau lúng túng; chị Maria vội đỡ lời: "Tôi là một nữ tu tầm thường, nào có  gì để ông say mê. Xin ông tìm ở ngoài thế gian, lắm người nhan sắc lộng lẫy... "

- Không! không! Tôi yêu chị vì chị có con mắt xanh tuyệt đẹp. Tôi say mê quá!

- Không! Xin lỗi ông, không bao giờ tôi chấp nhận điều ấy.

- Nếu chị không chấp nhận, nội ngày mai, tôi sẽ ra lệnh tiêu diệt cả nhà dòng này!

Một bầu khí thinh lặng ghê rợn ập xuống phòng khách. Ông tướng đứng lên và bảo: "Tôi cho một đêm suy nghĩ, sáng mai tôi sẽ trở lại. Phải trả lời dứt khoát: nếu không, tôi sẽ..."

Ngày hôm ấy, cả Nhà Dòng thiết tha cầu nguyện sốt sắng hơn. Thâu đêm chị không thể nào chợp mắt:  "Chẳng lẽ vì mình mà cả nhà phải bị tiêu diệt? Không, không thể được! Hay tôi phải bỏ Nhà Dòng, bỏ Tình yêu Chúa Kitô, bỏ đức trinh khiết? Không, không bao giờ như thế!" 

Sáng hôm sau, khi chị em còn nguyện kinh, ông tướng Phátxít đã có mặt ở phòng khách, đôi mắt hau háu, nôn nóng, sốt ruột.

Từ đầu hành lang, Chị Maria đang tiến lại, nhưng... bên cạnh lại có một người khác dẫn đi, tay chị cầm một cái dĩa. Viên tướng há hốc mồm, trố mắt kinh ngạc. Chị đã bước vào phòng khách, nhưng ông vẫn không ngớt ngẩn ngơ. Chị Maria khuôn mặt đầy máu me, đang sờ soạng đặt cái dĩa trên mặt bàn và nhỏ nhẹ trình bày: "Thưa ông, vì ông say mê cặp mắt của tôi... nên tôi xin  sẵn sàng biếu ông cặp mắt ấy... trên dĩa này. Còn thân xác tôi, đời tôi, tôi đã hiến dâng cho Thiên Chúa".

Viên tướng Phátxít vừa bàng hoàng kinh ngạc vừa cảm phục. Ông xấu hổ đứng dậy bỏ ra về và không đá động gì đến nhà dòng nữa.


3. Tội lỗi xông mùi.

* Chúa chỉ ban sự trong trắng cho linh hồn khiêm nhượng. Con hãy cầu xin hàng ngày với tâm hồn đơn sơ chân thành, thực sự nhìn nhận sự yếu đuối của con (ĐHV 427).

* Muốn trong trắng, con phải hy sinh; cành huệ trắng tinh, cành mai thơm tho, cành đào xinh đẹp, vì nó đâm rễ sâu vào lòng đất, vì nó cầm cự với mưa bão, vì nó chịu những bàn tay cắt tỉa (ĐHV 431).

* Nhiều thanh niên cười ngạo nghễ mỉa mai, cho là chuyện hoang đường của thời thượng cổ, nếu ai đề cập đến vấn đề sống trong trắng. Nhưng đến phiên họ, họ chọn người bạn trong trắng, họ đánh ghen, họ tự vẫn khi gặp người bạn đồi trụy (ĐHV 434).

* Bại một trận không phải là thua cả cuộc chiến. Chúa muốn dùng mọi sự để làm nên sự lành, kể cả tội lỗi (ĐHV 457).

Gioan Boscô và Philipphê Nêri là hai vị Thánh sống đời trinh khiết lạ thường. Hai ngài còn có lòng yêu mến giới trẻ cách đặc biệt. Các vị hoà mình với các thanh thiếu niên, vui vẻ nô đùa với họ, ăn uống với họ, cầu nguyện với họ và yêu mến họ.

Với sự hiện diện đầy thương yêu ấy các ngài muốn  phải làm sao cho họ không thể phạm tội được. Nhưng tuổi thanh niên nhiều yếu đuối làm sao khỏi vấp ngã. Nên Thiên Chúa đã ban cho các ngài một đặc ân là hễ gặp linh hồn nào còn mắc tội trọng, các ngài liền cảm  thấy một mùi thối tha ghê tởm xông lên, khiến các cậu thanh niên không thể giấu giếm với các ngài một tội nào!

Sau kỳ nghỉ hè, thanh thiếu niên lại tựu trường và đang nô đùa vui vẻ giữa sân. Thánh Gioan Boscô đi đến với chúng, tươi cười thăm hỏi... Nhưng hễ đứa nào mắc tội trọng chưa xưng thì phải chạy trốn ngay vì sợ ngài ngửi được mùi hôi thối. Hơn thế nữa, chúng còn phải lấy khăn che mặt lại vì không thể chịu được cặp mắt của thánh nhân. Ngài nhìn ai như thấu suốt cả tâm hồn.


4. Thánh Giêrônimô chống với ma quỉ.

* Người kiêu ngạo trước sau cũng sa ngã nặng. Họ cậy vào sức riêng mình, không dựa vào Chúa (ĐHV 428).

* Ma quỷ có thể đuổi được, thế gian có thể tránh xa được. Xác thịt con mang theo mãi đến chết (ĐHV 430).

* Con đừng bảo: "Nước không dập tắt được lửa!" - Chỉ vì nước ít lửa nhiều thôi (ĐHV 438).

* Xác thịt là đặc công nằm sẵn trong con, sách báo, phim ảnh, bè bạn xấu là những khí giới ngày càng tối tân hơn. Nếu con không hiện đại hóa khí giới của con: cầu nguyện, bí tích, hy sinh..., nếu con không tỉnh thức canh phòng, nếu con không dẹp ngay mọi mầm mống nổi loạn, nếu con nuôi dưỡng đặc công, nếu bỏ các đồng minh là các thánh, là bạn tốt, con sẽ bị tấn công vũ bão và thảm bại (ĐHV 439).

* Không trong trắng, việc tông đồ không bảo đảm: "Kho tàng con ở đâu, lòng con ở đó." (ĐHV 442).

* Thần ô uế chỉ sợ ăn chay và cầu nguyện. Con đã làm chưa? (ĐHV 452).

Thánh Giêrônimô sinh năm 340 tại Stridon miền Dalmitie, nước Nam Tư. Ngài là một Đấng thông minh  đạo đức, đã được Đức Thánh Cha Đamasô trao cho sứ mệnh dịch toàn bộ Kinh Thánh sang La ngữ. Bản dịch này vẫn còn dùng trong Phụng vụ Giáo Hội: Đó là bản dịch Phổ thông (Vulgata). Ngài đã sang Thánh Địa, vào trong hang Bêlem để ẩn thân cầu nguyện và phiên dịch Kinh Thánh. Thế mà theo lời ngài thuật lại, có những lúc ma quỷ, xác thịt cám dỗ ngài hết sức nặng nề! Chúng làm ngài nhớ lại những quang cảnh xa hoa trụy lạc, những bạn bè xấu nết dâm đảng ngày trước ở thủ đô Roma. Để chống lại ma quỉ cám dỗ, ngài đã chay kiêng hãm mình và cầm đá đấm vào ngực. Với ơn Chúa và ý chí mình, ngài đã chiến thắng. Đức Bonifaciô VII suy tôn ngài lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài mất năm 420.


5. Thánh không ai ngờ.

* Mađalêna đã chỗi dậy và nên thánh, chừng nào con mới quyết định? (ĐHV 437).

* Ăn uống nhậu nhẹt vô độ là mở cửa cho quỷ dâm dục (ĐHV 440).

* Các thánh cũng yếu đuối như con, có vị yếu đuối hơn con nữa, có thế mới có công nghiệp, mới làm thánh. Họ chỉ khác con là họ quyết tâm (ĐHV 448).

* Đừng bao giờ khinh anh em con, nếu đứng vững đến hôm nay là ơn Chúa, xem chừng kẻo ngày mai con ngã nặng hơn! (ĐHV 454).

Với quyết tâm theo Chúa Giêsu, sống cuộc đời như Chúa Giêsu, cha Charles de Foucauld đã sang bên Thánh địa, vào Dòng Khổ tu Xitô, chịu chức linh mục và làm những việc rất hèn hạ trong nhà, để nên giống Chúa. Tuy thế, ngài vẫn chưa thỏa mãn. Sau đó ít lâu, ngài lại  xin phép sang Sa mạc Sahara, cư ngụ trong vùng  Touareg, để sống cùng thổ dân Berbères, suốt ngày chầu Thánh Thể, viết sách, làm việc bác ái và rao giảng Tin Mừng cho họ. Cuộc sống của ngài là một cuộc sống khó nghèo, trơ trụi và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể cách kỳ diệu.

Nhưng nếu ngược dòng lịch sử cuộc đời của ngài, ta thấy tuổi thanh niên của ngài thực xa hoa. Vào trường võ bị Saint-Cyr, Charles de Foucauld là một sinh viên rất thông minh nhưng vô kỷ luật. Mê tán gái và thích ăn nhậu. Có hôm anh rủ bạn bè trốn học cùng nhau đi dạo phố. Để cải trang anh mang bộ râu mép giả. Giữa bữa ăn vui vẻ trong tiệm, bỗng bộ râu của Charles rơi xuống! Thật là rủi ro! Ông chủ tiệm sinh nghi bèn gọi báo cảnh sát. Cảnh sát ập tới, kiểm soát giấy tờ thì ố hô..., toàn là những anh sinh viên sĩ quan phạm kỷ luật! Họ chở về  trường và cho nghỉ vài hôm trong khám! Tình nhân của Charles thì hàng tá. Vài cô lại có con với anh. Đến lúc ra trường sĩ quan để nhập đoàn thám hiểm sa mạc Sahara, Charles de Foucauld vẫn tỏ ra vô kỷ luật vì thế việc thăng quan tiến chức của anh thật chậm chạp.

Một hôm được ơn Chúa đánh động mạnh mẽ, anh rời bỏ binh nghiệp và dâng mình cho Chúa. Nghe nói thế, cả gia đình chẳng một ai tin, còn phì cười nữa. Thế nhưng, với sự quyết tâm dũng cảm và ơn Chúa dạt dào, Charles Foucauld đã nên một vị thánh thời danh, được nhiều người thời đại ta tôn sùng, yêu mến.

Cũng như Augustinô, Charles de Foucauld thật là một vị thánh không ai ngờ.


6. Lời cầu nguyện của một linh mục.

* Quả tim của con không phải bằng đá. Quả tim của con quý báu vì nó bằng thịt, vì nó biết yêu thương. Hãy can đảm cầm thánh giá cả hai tay và cắm vào đó (ĐHV 445).

* Xác thịt luôn luôn mỏng dòn, dù mặc áo gì, dưới lớp áo vẫn là xác thịt (ĐHV 449). 

* Tôi không muốn biết, muốn nhớ quá khứ của anh em tôi. Tôi chỉ muốn biết hiện tại của anh em để thương nhau, để nâng đỡ nhau, và tương lai để tin nhau, để khuyến khích nhau (ĐHV 458).

Cha Michel Quoist là một linh mục thánh thiện đã viết rất nhiều sách báo giúp các linh hồn, trong số đó có cuốn "Prières" mà lắm người quen thuộc. Riêng trong bản Pháp ngữ, tác phẩm ấy đã in tới 350.000 cuốn. Gần đây, nó đã được dịch sang Việt ngữ dưới một nhan đề rất thi vị "Lời kinh thắp sáng cuộc đời".

Bài "Lời cầu nguyện của một linh mục chiều chúa nhật" trong tác phẩm ấy nói lên tất cả tâm hồn ngài, tâm hồn nhiều anh em linh mục, với sự yếu đuối lẫn sự cao cả của một cuộc đời hiến dâng. Có thể nói đây là lời kinh diễn tả một cuộc đấu tranh, một đời quyết chiến:

"Lạy Chúa, chiều nay một mình con trơ trụi. Những tiếng đồng hồ trong nhà thờ lịm tắt dần. Những người đi chầu đi lễ đã ra hết rồi. Và con cũng lủi thủi trở về nhà xứ, một thân một bóng. 

"Con đã gặp những kẻ đi dạo chơi về. Con đã đi ngang qua rạp hát vừa lúc đám đông đổ xô ra. Con đi dọc thềm các quán cà-phê ở đó có nhiều người đi dạo, dáng vẻ đã mệt mỏi, đang ngượng ngạo kéo dài cuộc vui của ngày chúa nhật. Con đụng phải những đứa trẻ đang đi chơi trên vỉa hè. Những đứa trẻ, lạy Chúa, những đứa trẻ của người khác, chứ không bao giờ là của con.

"Lạy Chúa, này con đây. Một bóng một thân. Yên lặng làm con ngạt thở. Cô đơn làm con bực nhọc. Lạy Chúa, năm nay con được 35 tuổi... với một thân thể như bao người khác, với những bàn tay chắc chắn để làm việc, với một quả tim được dành để yêu đương. Nhưng con đã hiến dâng tất cả cho Chúa, vì thật ra Chúa đang cần những cái đó. Con đã hiến dâng tất cả cho Chúa...Nhưng Chúa ơi, dâng như vậy thật là đau khổ.

"Thật là đau khổ khi con phải dâng thân xác cho Chúa: vì thân xác đó cũng tận hiến cho một người khác. Thật là đau khổ khi con phải yêu mọi người mà không được giữ lại riêng ai. Thật là đau khổ khi con bắt một bàn tay mà không được muốn cầm giữ lại. Thật là đau khổ khi con vừa gây được một tình cảm, đã phải vội dâng ngay cho Chúa. Thật là đau khổ khi con không cho mình chút nào, mà phải hoàn toàn sống cho tha nhân. Thật là đau khổ khi con phải sống như những người khác, giữa những người khác, mà phải là một người khác. Thật là đau khổ khi con phải luôn luôn ban phát mà không được tìm cách nhận lãnh. Thật là đau khổ khi con phải đến với những người khác mà chẳng hề có một kẻ tìm đến với con. Thật là đau khổ khi con phải đớn đau vì tội lỗi của tha nhân, nhưng lại không có quyền từ chối nhận lãnh và gánh chịu chung. Thật là đau khổ khi con biết những kín nhiệm mà không được thố lộ cho ai. Thật là đau khổ khi suốt đời con phải luôn luôn lôi kéo tha nhân  mà không để một ai kéo lôi, dù chỉ trong chốc lát. Thật  là đau khổ khi con phải luôn ra tay nâng đỡ những người yếu đuối còn chính mình lại không thể nương tựa vào một kẻ mạnh hơn. Thật là đau khổ vì phải cô đơn, cô đơn trước mọi người, trước cái chết, trước tội lỗi.

***

"Này con, con không cô đơn. Ta đang ở với con. Ta là con. Vì Ta cần một nhân tình thứ hai để tiếp tục mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc. Từ muôn thuở Ta đã chọn con. Ta cần đến con.

"Ta cần đến tay con để tiếp tục chúc phúc. Ta cần đến môi con để tiếp tục rao giảng. Ta cần đến thân con để tiếp tục đau khổ. Ta cần đến tim con để tiếp tục yêu thương. Ta cần đến con để tiếp tục cứu độ. Con ơi, hãy ở lại với Ta.

***

"Lạy Chúa, này con đây. Này thân xác con đây. Này trái tim con đây. Này linh hồn con đây.

"Xin cho con được cao thượng đủ để vượt lên khỏi thế gian. Xin cho con được mạnh mẽ đủ để nâng đỡ thế  gian. Xin cho con trong sạch đủ để ôm ấp thế gian vào lòng mà không hề muốn giữ lại nó. Xin cho con trở nên một nơi gặp gỡ tạm thời thôi. Xin cho con trở nên một con đường không dừng lại ở bản thân, bởi vì nó có thể tiếp nhận một ai, chỉ là để dẫn đưa họ về cùng Chúa.

"Lạy Chúa, chiều nay, khi vạn vật đều im tiếng, và khi trái tim con cảm thấy đau nhói vì cô quạnh. Khi ai nấy đang ngấu nghiến tâm hồn con, mà con lại bất lực không thể làm họ thỏa mãn. Khi bao nhiêu khốn nạn về tội lỗi của thế gian là cả một khối nặng đang đè trên vai con. Thì con nói lại với Chúa tiếng "Xin Vâng", không phải một trong tiếng cười vang, nhưng là chầm chậm, khiêm tốn, sáng suốt, một mình trước mặt Chúa, giữa cảnh chiều tà êm ả".


7. Con là đại thánh.

* Một khi đã chỗi dậy, hãy cầm khí giới và quyết liệt tác chiến, ban chiêu hồi của quỷ dâm ô khéo lắm! (ĐHV 456).

Một giáo dân nọ đến xưng tội với Thánh Phanxicô Salêsiô. Anh ta phạm quá nhiều tội trọng nên phải cố gắng hết sức mới xưng đủ mọi tội lỗi. Sau khi lãnh lời tha thứ, ông nói: "Con cám ơn Đức Cha, bây giờ Đức Cha nghĩ thế nào về con?"

- Con là một vị đại thánh, vì hồn con trong trắng và được cả Thiên đàng mến yêu.


8. Một phương pháp hay.

* Ban thông tin của quỷ dâm ô hấp dẫn lắm, luật sư của xác thịt biện hộ ráo riết lắm. Đừng đối thoại với nó, hãy biết sau chốc lát hưởng lạc, con sẽ cảm thấy chán ngấy, cắn rứt và cô đơn: Con đổi thiên đàng lấy hỏa ngục sao? (ĐHV 451).

* Càng sống trong trắng, chí khí càng vững, vì đã được rèn luyện qua nhiều trận anh dũng (ĐHV 459).

Lạy Chúa, con muốn sửa mình lắm, nhưng sửa hoài chẳng được. Cơn cám dỗ mạnh quá. Mạnh hơn con nhiều cha ạ! 

Thánh Philipphê Nêri nhìn chàng thanh niên thiện chí và dịu dàng khuyên bảo:

- Hãy can đảm lên, cha đề nghi với con hai điều thôi: mỗi ngày con hãy đọc một kinh "Lạy Nữ Vương" và suy niệm đến cái chết; con hãy cố tưởng tượng xác con nằm dưới lòng đất, đôi mắt thối rữa ra, thân mình thì hôi hám, miệng đầy giòi bọ...Rồi con hãy tự nhủ: vì những thú vui xác thịt mà tôi ra như thế và mất nước Thiên đàng!

Chàng thanh niên nghe lời khuyên của vị Thánh, ngày nào cũng cầu nguyện với Mẹ các kẻ đồng trinh và suy niệm về cái chết. Với sức phấn đấu và ơn Chúa, chàng giữ được lòng trong trắng cho đến hơi thở cuối cùng.


9. Vấn đề độc thân của các linh mục.

Nhiều lần chúng tôi đã nghe đề cập đến vấn đề sống độc thân của các linh mục. Đối với giáo dân Việt Nam và đại đa số giáo dân trên thế giới thì đó là điều được mọi người tự nhiên chấp nhận và đòi hỏi: Người tận hiến cho Chúa thì phải dâng tất cả cuộc đời để làm chứng nhân tình yêu vô hạn của Chúa, và để đủ điều kiện phục vụ dân Chúa cách tích cực, hữu hiệu hơn.

Trước tiên cần xác định như sau: Sống độc thân không chỉ có giá trị thuần siêu nhiên, mà cả trong địa hạt nhân bản nữa. Người sống độc thân không trực tiếp nhằm đến việc từ chối hôn nhân, nhưng coi độc thân là điều kiện để quy hướng con tim về một đích điểm khác hẳn một thiếu nữ, tức là Nước Thiên Chúa. Họ tìm thực  hiện bản ngã, và điều ấy làm họ vui sướng, thỏa mãn con tim trong Chúa Kitô. Một thái độ rất "người" với một nguyên do siêu việt! Khi nói rằng đời độc thân thánh hiến là dấu chỉ cuộc sống vĩnh cửu, điều ấy không ám chỉ đến một sự trốn thoát cuộc sống hiện tại. Vì cuộc sống vĩnh cửu, chính là Nước Thiên Chúa, là sự hiện diện của hồng ân Thiên Chúa ngay trong đời sống hiện tại, một sự hiện diện thúc đẩy con người mong ước hiến trọn tình yêu.

Độc thân và hôn nhân là hai tiếng gọi, hai ngã đường khác nhau để thực hiện lời mời gọi của Chúa Kitô: "Hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo". Nhưng sở dĩ truyền thống vẫn cho bậc độc thân thánh hiến là cao trổi hơn bậc sống đôi bạn, là vì truyền thống không xét đến phương diện cá nhân: mỗi người đều hoàn hảo nếu thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Kitô, nhưng xét đến bình diện thực hiện cuộc sống vĩnh cửu, mà cuộc sống vĩnh cửu giá trị hơn cuộc sống trần gian rất mực. Do đó sứ mạng của đời sống độc thân là ôm trọn đời sống vĩnh cửu và đem tỏ lộ cho trần gian.

Đời sống độc thân có ý nghĩa và sứ mệnh tuyệt vời như thế, nhưng cũng không thiếu những tranh luận, chống đối xảy ra trong lòng Hội Thánh, nhất là trong thời đại hậu Công đồng Vatican II và sau ngày Thông điệp "Sacerdotalis coelibatus" của Đức Phao lô VI (24.6.1967) ra mắt. Nhiều linh mục đã bỏ ra đi. Nhiều giáo dân lên tiếng đề nghị: "Cứ làm như bên giáo hội Tin lành và giáo hội Chính thống: chấp nhận cho Mục sư và linh mục của họ được tự do sống độc thân hay lập gia đình. Như thế có phải là đơn giản hơn không!"

Thay vì tranh biện với kiểu luận lý sơ sài như trên, ta hãy nghe đôi lời tâm sự của các bậc có uy tín trong vấn đề độc thân nói lên kinh nghiệm của họ.

Mục sư Jungmann nói: "Qúy vị đừng có chỉ nghĩ Giáo Hội Công giáo của quý vị gặp khủng hoảng. Bên Tin lành chúng tôi còn gặp khủng hoảng hơn bên quý vị rất nhiều!"

Trong một cuộc họp mặt giữa các Linh mục Công giáo và các Mục sư Tin lành, một Mục sư đã nói cảm tưởng của mình về đời sống độc thân như sau: "Tôi bắt đầu hiểu giá trị đời sống độc thân trong Giáo Hội Công giáo. Tôi cảm thấy các cha là anh em với nhau và tạo nên một gia đình thực sự. Chúng tôi không thể nói như thế đối với chúng tôi... Nếu một Mục sư nào đó thành công, tôi không sung sướng gì, nếu một Mục sư nào đó đau khổ, tôi không đau khổ với họ... Giữa chúng tôi không có bầu khí gia đình, họa chăng chỉ có giữa vợ chồng chúng tôi thôi!"

Dịp Thượng Hội Đồng Giám mục năm 1971, trong đó hai vấn đề chính là thừa tác vụ của linh mục và công bình trên thế giới, Đức Tổng Giám mục Công giáo ở Beyrouth (Liban) đã tâm sự những lời sau đây: "Các Đức Cha hãy cố giữ lấy kho tàng quý báu của Giáo Hội La tinh, tức là luật độc thân linh mục. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm nhiều trong vấn đề này, vì giáo phận tôi, giáo phận theo nghi thức Đông phương, có những linh mục độc thân và những linh mục lập gia đình. Lắm vấn đề phức tạp mà quý vị không thể tưởng tượng được!"

Các giáo phận Công giáo chúng tôi, cũng như bên Chính thống, luôn luôn ở Toà Giám mục mấy cha độc thân để dự phòng sau này làm Giám mục kế vị chúng tôi, vì Giáo luật đòi buộc các Giám mục phải độc thân, không có gia đình.

Lại còn phức tạp do luật buộc linh mục chỉ được kết hôn một lần trước khi chịu chức thánh; có những trường hợp linh mục mới 30 tuổi, 35 tuổi mà đã goá vợ, tay bồng tay bế, lũ con nheo nhóc không ai nuôi dưỡng. Thực là nan giải!

Đối với các giáo phận có một linh mục qua đời để lại một gia đình neo đơn, con thơ vợ dại thì thực là một gánh nặng tài chánh rắc rối. Bên Giáo Hội La tinh, một linh mục chết rồi chẳng phải giải quyết gì cho gia đình cả!

Trong lãnh vực mục vụ càng phức tạp hơn: mặc dù tập quán linh mục đã có từ xưa truyền lại, giáo dân vẫn quí mến linh mục độc thân hơn: các ngài có ở xa hoặc đi đến đâu, họ cũng tìm cách gặp gỡ để xin lễ, xưng tội.

Linh mục có gia đình chỉ phục vụ trọn vẹn trong ngày chúa nhật, còn những ngày khác thì đi làm ăn để chu cấp cho gia đình. Như thế làm sao tiếp xúc được với đồng đạo giáo dân?

Thuyên chuyển một linh mục có gia đình thật là một vấn đề khó khăn. Được lệnh ông sẽ bảo: con sẵn sàng đi nhưng nhà con đang mắc làm việc ở công sở kia, các cháu lại đang theo học ở trường nọ, gia đình con không nhất trí đến địa phương ấy!" - Lắm lúc vị linh mục ấy thì tốt, nhưng bà vợ hoặc con cái chưa nói là xấu, chỉ nói là giáo dân không có thiện cảm, thì cũng đủ để họ ghét luôn ông linh mục, rồi dần xa việc đạo; trường hợp xảy ra sự thù hằn thì họ mất đức tin luôn! Mà nếu thuyên chuyển vị linh mục ấy không được thì cha truyền con nối, tiếp tục giữ nhà xứ thế hệ này sang thế hệ khác, làm sao giáo xứ phải chịu sự áp bức của một gia đình, nên đời sống đạo hạnh sa sút không thể tưởng.


_______________________

19. Gia Đình

1. Một bà hoàng hậu đạo đức.

* Gia đình là tế bào của Hội Thánh. Chân lý này làm thấy rõ sự cao cả và sứ mạng của gia đình:

- Nối tiếp Hội Thánh Chúa Giêsu đã thiết lập ở trần gian.

- Hiện diện của Chúa là chủ gia đình thực sự.

- Thừa tác vụ tư tế trong gia đình là vai trò của người cha.

- Chứng tích sự hiện diện Hội Thánh bằng sự sống gia đình hàng ngày.

- Nỗ lực vươn lên đến Chúa của gia đình, làm Hội Thánh cùng tiến lên.

- Liên lạc giữa Chúa và mỗi chi thể trong gia đình. (ĐHV 494).

* Chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình công giáo. Không vị giám đốc nào tài ba, chuyên môn đến đâu có thể thay thế cha mẹ được.  Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội Thánh và xã hội nhân loại cũng rung rinh sụp đổ. Đức Gioan XXIII biên thư cho cha mẹ ngày ngài được ngũ tuần: "Thưa Thầy Mẹ, hôm nay con được 50 tuổi, Chúa thương ban cho con nhiều chức trong Hội Thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con được ngồi trên chân Thầy Mẹ" (ĐHV 505).

Sống trong cảnh giàu sang và danh vọng của triều đình Pháp vào tiền bán thế kỷ XIII, làm sao Vua Louis IX lại trở thành một thánh nhân được? Đó là nhờ gương sáng và sự giáo dục của mẹ ngài. Hoàng Hậu Blanche de Castille. Bà đã âu yếm, kiên cường dạy dỗ con. Vua Thánh Louis không bao giờ có thể quên được lời nói của mẹ hằng nhắc đi nhắc lại bên tai ngài: "Louls con thân yêu của mẹ, con biết mẹ yêu con lắm; nhưng thà mẹ thấy con chết trước mặt mẹ trăm ngàn lần, không thà mẹ thấy con phạm tội trọng mất lòng Chúa một lần".


2. Những giọt nước mắt không vô ích.

* Thời đại ta, Hội Thánh đã vạch ra một linh đạo về hôn nhân, cho chúng ta thấy hôn nhân là một phương tiện để con người triển nở và là một ơn gọi đến sự thánh thiện (ĐHV 475).

* Nếu giáo dân đặt nặng nhiệm vụ trần thế của mình, thì nhiệm vụ trần thế quan trọng nhất, quyết định nhất của họ là đời sống gia đình (ĐHV 477).

* Huấn luyện những chi thể hoạt động trong nhiệm thể Chúa Kitô, làm cho con cái mình nên con Chúa. Nhiệm vụ cha mẹ đòi buộc các con phải đi tiên phong về mọi phương diện, mọi nhân đức (ĐHV 492).

Trước sự sa đọa của cậu con trai tại thành Carthage, bà Monica rất đổi buồn phiền. Bà vẫn thường khóc lóc cầu nguyện cho con và năng chạy đến cùng Thánh Giám mục Ambrôsiô để nhờ cậy ngài khuyên bảo. Thánh nhân an ủi bà: "Nước mắt bà sẽ không vô ích đâu! Bà hãy trông cậy, Augustinô con bà sẽ trở lại".

Đúng như lời Thánh nhân an ủi, sau những năm đắm mình trong tà thuyết và lạc thú, Augustinô cảm thấy chán ngán, cô đơn sầu muộn tột độ. Anh nghiên cứu giáo lý Công giáo, đi nghe thánh Ambrôsiô giảng và chịu phép Rửa tội năm 33 tuổi. Thấy con đã trở về cùng Chúa; bà Monica khấp khởi vui mừng theo con đi về Phi châu, nhưng dọc đường, người mẹ thánh thiện và can trường ấy đã nhắm mắt bình an trong Chúa. Khi thuật lại cái chết của mẹ mình, Thánh Augustinô viết: "Lạy Chúa, chúng con nghĩ: không được làm bổn phận hiếu thảo đối với mẹ chúng con, với lời than khóc rên rỉ vì cái chết của bà đâu phải là một hoạn nạn, và bà cũng chẳng mất đi hoàn toàn: đời sống trong trắng của bà minh chứng điều ấy và chúng con có lý mà tin vững vàng rằng bà đang an nghỉ trong Chúa... Dần dần con lại nhớ đến người tôi tớ của Chúa, mẹ con luôn luôn đạo đức thánh thiện trước mặt Chúa, luôn luôn dịu dàng săn sóc chúng con. Con mất mẹ cách đột ngột, nhưng con cảm thấy an ủi khi con dâng cho Chúa nước mắt con khóc mẹ, con dâng nước mắt ấy cầu cho mẹ con. Nếu ai đoán xét con phạm tội vì khóc thương một bà mẹ chết đi và tạm thời mắt con không còn trông thấy nữa, thì xin họ nhớ rằng chính bà đã khóc than biết bao năm trường để mắt bà được trông thấy con sống lại với Chúa, xin họ đừng nhạo cười con, nhưng xin họ cũng khóc lóc vì tội lỗi con đã phạm trước mắt Chúa. Chúa là Cha của tất cả anh chị em chúng con trong Đức Kitô".


3. Bà mẹ can trường.

* Tình yêu hôn nhân có sức rút từ quả tim con người tất cả can đảm, tin tưởng và quảng đại (ĐHV 467).

* Người ngoài đánh giá hôn nhân công giáo theo mức độ thánh thiện của gia đình công giáo (ĐHV 499).

Ngày 17.9.1798, thời vua Cảnh Thịnh, Tây Sơn, một người anh hùng xứ Huế gục ngã: Thánh Emmanuel Nguyễn văn Triệu. Pháp trường in vết máu đỏ của ngài.

Trước đó, trên quãng đường từ khám đường đến nơi hành quyết, người ta thấy một bà cụ già đi bên cạnh  phạm nhân để an ủi, động viên, khích lệ con can trường chết vì đạo Chúa.

Khi lý hình vừa hoàn tất phận sự: đầu của Emmanuel Triệu vừa rụng xuống, thì giáo dân nhất loạt ùa ra lấy bông và vải thấm máu của ngài. Bà mẹ của ngài tiến thẳng đến trước mặt quan: "Bẩm quan, khi con tôi còn sống thì thuộc quyền của quan, nay con tôi đã chết, xin quan cho tôi được lĩnh xác mang về chôn cất, hay ít nữa được chiếc đầu". Quan truyền binh lính trao ngay chiếc đầu phạm nhân cho bà. Bà mẹ già bình tĩnh lấy vạt áo trước bọc đầu con lại, ôm siết vào ngực, giữa đôi bàn tay xương xẩu và đi bộ trên 10 cây số để trở về nhà.


4. Bà mẹ tận tụy.

* Hạnh phúc của một người không căn cứ ở của cải, chức vụ, nhưng ở tình yêu mà người ấy tập yêu suốt đời (ĐHV 462).

* Khi con còn trẻ, con đi nơi con muốn, nhưng khi trưởng thành, người khác sẽ cầm tay con, nhiều người khác, nhiều bàn tay nhỏ sẽ níu lấy và lôi kéo con đến nơi con không muốn, nơi mà không bao giờ con dám đến, nơi mà không bao giờ con tin rằng con có sức đến... nhưng tình yêu có thể bắt buộc con làm tất cả! (ĐHV 465).

Bà Margarita có hai đời chồng: người chồng trước mất sớm để lại hai mụn con trai, người chồng sau cũng vội ra đi giữa một đàn con đông đúc, trong số đó có Gioan Boscô mới trọn hai tuổi.

Mặc dù bà cũng thương yêu và chiều chuộng người anh cả Gioan Boscô, nhưng tính tình nó quá nóng nảy hung hăng, khiến bà rất buồn phiền đau khổ. Cha xứ thấy Gioan Boscô vừa sáng trí lại vừa đạo đức, nên  khuyên bà cho cháu lúc rảnh rỗi được lên nhà xứ học hành, đào luyện cho ngày bước vào nhà Chúa. Thằng anh cả ghét em lắm! Nó bắt Gioan Boscô làm việc đêm ngày và đánh đập cậu một cách tàn nhẫn. Nó bảo: "Mày xem tao đâu có chữ nghĩa gì mà làm việc có ai hơn nổi không!" Gioan Boscô đáp: "Ờ! thì cũng như con bò nhà ta thôi, nó đâu học hành gì mà vẫn cày thật khoẻ". Bị thua trí, thằng anh tức giận đấm đá túi bụi cho đến lúc Gioan Boscô ngất xỉu trên đất. 

Người quả phụ thấy thế càng thêm đau khổ, lắng lo. Một đêm kia, bà gọi Gioan Boscô lại và nói nhỏ vào tai cậu: "Mẹ thương con lắm, nhưng nếu ở gần anh con, mẹ e rằng có ngày anh con nóng tính sẽ đánh chết con mất! Mấy hôm nay, mẹ thao thức băn khoăn và nghĩ thế này: Thôi, mẹ đành tạm xa con, mẹ gởi con qua nhà cậu cách đây vài chục cây số. Con cố gắng giúp việc cậu cho qua ngày tháng. Mẹ con ta cầu nguyện. Chúa sẽ không bỏ con đâu. Người sẽ cho ước vọng con được thành tựu, con hiểu ý mẹ chưa?"

"...Thưa mẹ, Gioan Boscô nhỏ nhẹ nói: con sẽ nghe lời mẹ. Xa mẹ và các anh em con nhớ lắm, nhưng con cố gắng lao động để vừa ý cậu. Con đem theo ít sách vở để kiếm giờ rỗi đọc thêm. Con cương quyết không bỏ ý định dâng mình cho Chúa, dù phải khó khăn đến đâu chăng nữa, xin mẹ cứ yên trí". Sáng hôm sau, lúc trời còn mờ sương, bà quả phụ trẻ đưa tiễn con lên đường. Nhìn theo cậu bé vai mang túi rết đựng ít thức ăn, vài ba cuốn sách... người mẹ không khỏi bùi ngùi rơi lệ.

Ở nhà cậu, tuy Gioan Boscô khỏi bị đánh đập, nhưng công việc lao động lại quá sức nặng nề. Vì nhà người cậu chuyên làm bánh mì hằng ngày, từ ba giờ sáng, cậu Gioan Boscô đã phải dậy sớm đốt lửa. Dưới ánh lửa chập chờn. Gioan Boscô lấy sách ra học. Càng học cậu càng thông minh tiến bộ.

Cuộc đời cứ trôi qua như thế cho đến một hôm, người anh cả của Gioan Boscô quyết định lập gia đình và ra làm ăn sinh sống riêng rẽ. Cậu được mẹ vui sướng đón về và ngày ngày đến nhà cha xứ học hành, tu luyện. Đến năm 1835, cậu tròn 20 tuổi và được vào Đại học Torinô. Trước ngày tựu trường, vì gia đình quá nghèo, mẹ cậu phải đành lòng mang chiếc áo cưới, kỷ vật quý báu nhất của bà, sang nhà hàng xóm năn nỉ họ mua dùm, để kiếm tiền may cho cậu chiếc áo chùng thâm.

Ngày tháng thoi đưa. Thoát chốc đã đến lúc Gioan Boscô được hạnh phúc bước lên bàn thánh. Sau lễ thụ phong linh mục bà mẹ hiền sung sướng cảm động quỳ gối lãnh nhận phép lành đầu tay của đứa con trai quý yêu. Bà ôm hôn con âu yếm và nhắn nhủ con mấy lời vàng ngọc, bằng một cung giọng ngọt ngào như xưa: "Hỡi Gioan, con yêu dấu của mẹ, hôm nay mẹ sung sướng lắm, mẹ mãn nguyện thấy con đã trở thành linh mục. Con hãy thành tâm phụng sự Chúa và tận tụy phục vụ các linh hồn. Xin con đừng lo gì cho mẹ, một chỉ nhớ đến mẹ lúc dâng lễ trên bàn thánh, chừng ấy là đủ cho mẹ".

Linh mục Boscô ghi tạc lời mẹ vào trong tâm khảm, sốt sắng phục vụ mọi người, nhất là trẻ em côi cút đơn nghèo và bọn lâu la, cao bồi, du đảng...Từ tháng 12 năm 1841, ngài bắt đầu quy tụ chúng lại để nuôi nấng, dạy dỗ. Dần dần ngài xây dựng thêm nhà cửa, tổ chức công việc giáo dục cách có hệ thống, kỷ cương. Nhưng phần thì tiền bạc hiếm hoi, phần thì thấy bọn lâu la, cao bồi du đảng ai cũng ngán, thành thử chẳng có ai tìm đến giúp đỡ... Gioan Boscô không biết xoay xở cách nào, bèn về quê năn nỉ mẹ già: "Xin mẹ gắng lên giúp con vì Chúa, vì các linh hồn thanh thiếu niên". Thấy con tiều tụy lại thêm lửa mến Chúa yêu người nung đốt, bà Margarita không quản tuổi già theo con lên đường phục vụ.

Dù lũ trẻ trong trường thật ngỗ ngáo mất dạy, sức khỏe của bà lại càng ngày càng yếu, hậu quả của một xuân thời vất vả long đong, nhưng bà Magarita vẫn hăng say dấn thân phục vụ. Mười mấy năm lần lượt trôi qua, càng lâu công việc càng bề bộn ra, cơ sở càng rộng lớn, cha Gioan Boscô càng vất vả, thì bà Magarita càng thêm mệt nhọc. Nhưng đến một hôm, thấy mình không chịu được nữa, bà bèn gọi cha Boscô lại, rót nhẹ vào lòng đứa con trai: "Gioan con yêu quý của mẹ, vì thương con, mẹ đã âm thầm phục vụ suốt bao năm qua; nhưng cái lũ lâu la ấy ngày càng thêm quá quắt. Mẹ không còn sức chịu đựng được nữa. Con nghĩ xem, mẹ trồng được luống rau nào là chúng đá bóng làm tan nát hết; mẹ mới nuôi được bầy gà chúng cũng chẳng tha, rượt đuổi theo làm chúng tán loạn... Con biết, mắt mẹ đã mờ, mẹ rán khâu quần áo cho chúng, nhưng vừa khâu xong, chúng hùa nhau vật lộn đấm đá khiến quần áo chúng chẳng còn tấm nào nguyên vẹn; chăn mền con đã chạy ngược chạy xuôi kiếm về cho chúng, chúng nô đùa dơ bẩn chẳng thèm rửa ráy, cứ phóng đại lên giường trùm kín mít làm dơ bẩn hết trơn; thậm chí còn có đứa ban đêm trốn đi, mang theo cả chăn màn áo xống!"

Cha Gioan Boscô thương yêu mẹ lắm, nghe những lời trên như đứt ruột náy gan; ngài than thở với mẹ: "Mẹ ơi! con biết mẹ rất thương con, con không muốn làm cho mẹ phải khổ, nhưng vắng bóng mẹ thì còn ai giúp con phục vụ hữu hiệu được nữa?" Rồi ngài thinh lặng, ngước nhìn lên Thánh giá. Bà mẹ cũng nhìn lên. Nước mắt cả hai chảy ròng ròng, tình thương dạt dào khôn tả. Bỗng dưng bà Margarita buột miệng: "Gioan con, thôi mẹ hiểu rồi, mẹ sẽ ở lại với con. Ở lại cho đến chết".

Bọn lâu la tuy nghịch ngợm, ngỗ ngáo nhưng càng khôn lớn, chúng càng yêu mến quý chuộng bà. Cả nhà đều gọi bà cái tên âu yếm thân mật: "Mamma Margarita: Má Margarita". Sau hơn 20 năm phục vụ bên cạnh con, mùa đông năm 1865, bà Margarita thanh thản ra đi, để lại niềm thương tiếc xót xa cho đại gia đình. Ai cũng xem bà như một vị Thánh.


5. Song thân của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

* Các con ngạc nhiên khi nghe nói đến "ơn gọi làm cha mẹ gia đình"? - Người ta lầm lạc khi dành ơn thiên triệu, bậc trọn lành cho tu sĩ thôi (ĐHV 476).

* Sự hiệp nhất giữa đôi bạn phải rất trọn vẹn: hiệp nhất thể xác, tình yêu, tinh thần và thiêng liêng, nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô. Yêu trong Chúa, đẹp lắm! Yêu thương vì Chúa, càng đẹp hơn! Gia đình lắng nghe tiếng Chúa và cùng tiến lên trong sự thân mật Chúa (ĐHV 489). 

* Gia đình là một "trung tâm ánh sáng", đem ngọn lửa hồng đốt sáng nóng kẻ khác. Ngày nào mỗi gia đình là một "trung tâm ánh sáng", thế giới này sẽ là một đại gia đình đầy ánh sáng, đầy hy vọng. (ĐHV 502).

Têrêxa mồ côi mẹ lúc chưa đầy 4 tuổi, các chị lại lần lượt noi gương nhau bước vào Dòng Kín, vì thế cô rất được cha yêu quý chiều chuộng.

Khi vừa 14 tuổi rưởi. Têrêxa ước ao dâng mình cho Chúa theo chân các chị lắm, nhưng chẳng biết làm sao để tâm sự cho cha già hiểu. Cô sợ rằng cái tin sét đánh ấy, sẽ khiến cha đau buồn, giảm thọ, vì ông thương cô "công chúa" của ông lắm; hơn nữa, hai chị sau hết của cô lại mới vào Dòng Kín cách đó chẳng bao lâu.

Một buổi chiều kia, thấy cha ra vườn ngồi chơi, hai tay khoanh lại ngắm thiên nhiên xinh đẹp, Têrêxa đánh bạo đến ngồi gần bên cha, nhưng miệng chưa thốt nên lời mà nước mắt đã ràn rụa. Ông Martin cúi xuống nhìn con tỏ lòng yêu thương tha thiết. Đoán biết có điều uẩn khúc muốn nói, ông ẵm đầu con vào ngực và hỏi:

- Có việc gì vậy? nói cho cha nghe nào....

Bấy giờ Têrêxa mới gạt nước mắt tỏ cho cha biết việc mình quá sức ao ước vào Nhà Kín. Ông Martin nghe cũng phải bật khóc. Thế nhưng, ông chẳng nói một lời gì ngăn cản ơn kêu gọi của con; ông chỉ bảo cách nhỏ nhẹ:

- Con còn trẻ, làm sao quyết định việc đó được!

Têrêxa vẫn tiếp tục năn nỉ, nêu đủ mọi lý do. Cuối cùng ông Martin cũng phải đành lòng chấp thuận theo thánh ý Chúa.

Ngày nay, du khách nào đến viếng tư đường của Têrêxa Hài Đồng Giêsu, xin đừng quên tản bộ ra phía sau vườn, đến ngay chỗ xảy ra câu chuyện trên đây và chiêm ngắm pho tượng trắng bằng đá cẩm thạch do một nhà điêu khắc trứ danh thực hiện. Pho tượng nói lên tất cả tình phụ tử trong giây phút quan trọng của cuộc đời Chị Thánh Têrêxa. Càng nhìn, du khách càng cảm động say mê...

Thế nhưng, dù ý cha đã chấp thuận, Têrêxa vẫn chưa bước vào Dòng Kín được, vì còn quá nhỏ, mới 15 tuổi đầu! Ông cứ bèn đưa cô "công chúa nhỏ" của mình theo đoàn hành hương sang thành Roma yết kiến Đức Thánh Cha Lêô XIII. Têrêxa đã bạo dạn xin phép Đức Thánh Cha chuẩn cho mình được vào dòng Kín lúc 15 tuổi. Thấy cô bé nài xin cách đơn sơ chân thành khẩn khoản. Đức Lêô XIII rất cảm động, nhưng vẫn bảo cứ theo sự quyết định của Đấng bản quyền trong địa phận và sau cùng các đấng đã chấp thuận.

Thế là Têrêxa được vào Dòng Kín! Công lao và sự hy sinh của ông Martin to lớn biết chừng nào! Về sau, khi viết chuyện "Một tâm hồn", Têrêxa luôn nhắc đến công ơn của cha, không những trong việc nuôi nấng về mặt vật chất, mà cả về mặt thiêng liêng nữa! "Lần kia đang nghe giảng về mẹ Thánh Têrêxa Avila, cha liền cúi xuống khẽ bảo con: con cầm trí nghe, đang nói về thánh quan thầy của con đấy! Con vẫn cầm trí, nhưng xin nói thực rằng con hay nhìn cha hơn nhìn đến diễn giả. Diện mạo cha tốt đẹp, nói cùng con nhiều sự, thỉnh thoảng hai mắt cha ứa lệ, cha cố giữ mà không giữ nổi phải để tràn ra. Khi nghe giảng về chân lý đời đời, cha hình như không còn phải là người dương thế nữa, linh hồn cha như đã bay xa về thế giới khác..."

Đã có một cha thánh thiện như thế, Têrêxa cũng được một bà mẹ đạo đức. Thánh nữ đã viết về cha mẹ như sau: "Thiên Chúa đã ban cho tôi một người mẹ và một người cha xứng đáng sống ở trên trời hơn là ở dưới thế". Cả hai ông bà đã giáo dục con theo tinh thần Kitô giáo, nhưng vẫn không bao giờ tưởng tượng mình sẽ có một cô bé út sau này sẽ làm thánh cả. Thế nhưng, chính cuộc sống của họ đã chuẩn bị con đường cho Thánh nữ bước đi, như lời Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm: "Cây tốt ắt sinh trái tốt". 

Người ta còn nhớ tháng 9 năm 1843, một thanh niên tên Louis Martin đi bộ từ xứ Normandie miền Tây nước Pháp, đến tận Thụy Sĩ, leo lên núi Alpes để xin vào tu Dòng thánh Bernard, nhưng cha Bề trên bảo cậu: "Con chưa biết La ngữ, hãy về học rồi đến đây cha sẽ nhận". Rồi cũng khoảng thời gian ấy, một thiếu nữ tên Maria Guérin cùng đi với mẹ đến xin dâng mình vào Dòng Nữ Tu thánh Vinh Sơn Phaolô, nhưng bà bề trên trả lời cách dứt khoát dưới sự soi sáng của Chúa: "Chúa không muốn, con hãy về ở thế gian".

Ngài biết thiện chí của cậu Louis Martin và cô Maria Guérin, nhưng thánh ý nhiệm mầu của Ngài đã định liệu cách khác. Ngày 13.8.1858, họ đã làm lễ thành hôn tại nhà thờ Đức Bà thành Alencon.

Hai ông bà sinh được 9 người con, 4 đứa đầu Chúa cất về lúc còn nhỏ tuổi, 5 đứa sau lần lượt dâng mình cho Chúa trong dòng Kín và dòng Thăm Viếng. Têrêxa là con gái út. Hai ông bà rất ước ao hiến dâng cho Chúa một đứa con trai để đi truyền giáo, nhưng Chúa lại gọi hai cậu con trai nhỏ Louis và Jean Baptiste về Thiên đàng lúc chưa được một tuổi. Để bù lại, Chúa đã cho Têrêxa, con gái út, được Đức Piô XI phong làm bổn mạng các xứ truyền giáo, đồng hàng với thánh Phanxicô Xaviê.


6. Bà mẹ thánh thiện và đảm đang thành Luân Đôn.

* Chúa Kitô đã muốn xây dựng nhiệm thể Ngài bằng những tế bào gia đình; Hội Thánh có thể thay đổi đường lối tông đồ, thay đổi các hội đoàn, nhưng Hội Thánh luôn luôn phát triển nhờ các gia đình. Đức tin được thông truyền qua các tế bào sống động và lành mạnh ấy (ĐHV 495).

* Giáo dục con cái là "Trường vươn lên" cho cha mẹ. Trẻ con có "cái nhìn chỉ trích", chúng là những "quan sát viên khắt khe". Chúng bắt buộc các con xử trí đúng vai trò của các con và do đó giúp các con tiến lên (ĐHV 496).

Đầu thế kỷ XX này, tại Luân Đôn, có một gia đình công nhân vừa nghèo khó lại vừa đông con: cả thảy 13 đứa! Bố của chúng phải đi làm việc suốt ngày ở xí nghiệp, bà mẹ ở nhà làm nghề phụ và lo việc nội trợ. Dù đầu tắt mặt tối, bận bịu suốt ngày suốt đêm, nhưng bà Vaughan vẫn vui vẻ thay mặt chồng dạy dỗ con cái học giáo lý tập luyện chúng có tinh thần đạo đức, khuyên chúng chịu khó học tập, lao động và đặc biệt là trưa nào, rửa chén bát xong, bà Vaughan cũng đến nhà thờ chầu Chúa một giờ. Láng giềng ai cũng lấy làm lạ và hỏi bà: "Một bầy con 13 đứa, bận rộn sáng tối, mà sao trưa nào chị cũng đi chầu Thánh Thể?" Bà tươi cười bảo: "Thấy một bầy con lúc nhúc, ăn bữa mai chạy gạo bữa hôm, tôi lo lắm. Hơn thế, chúng còn đến trước trường học, theo bạn bè rủ rê đi chơi hoặc ra phố phường xa hoa, do đó nhiều nguy hiểm, tôi càng thao thức hơn. Thành thử mỗi ngày dầu bận việc đến đâu, tôi cũng bỏ ra một giờ để chầu Chúa, sốt sắng xin Người ban ơn cho vợ chồng tôi nuôi nấng các cháu hằng ngày dùng đủ và dạy dỗ chúng nên người đạo đức". 

Chúa đã nhận lời và ân thưởng cho lòng tin cùng sự hy sinh của bà Vaugran: trong 13 người con, một người làm Hồng Y Tổng Giám mục giáo phận Luân Đôn, một người khác làm Tổng Giám mục, hai người làm linh mục hai nam tu sĩ, hai nữ tu sĩ; còn 5 người ở thế gian lập gia đình lưu truyền nòi giống, sống cuộc đời đạo đức thánh thiện.


7. Hai chiếc nhẫn.

* Thực đáng buồn khi thế giới văn minh ngày nay chỉ hiểu giáo lý công giáo về hôn nhân qua "những luật cấm!"; thế giới đâu ngờ Chúa Giêsu đã đến cứu chuộc tình yêu nhân loại, đã ban một sự thăng tiến con người lạ lùng là bí tích hôn nhân! Con phải học và trình bày khía cạnh tích cực, tốt đẹp của hôn nhân công giáo (ĐHV 480).

* Gia đình là tế bào của Hội Thánh, nói cách khác, là một "Hội Thánh cỡ nhỏ" (Ecclesiuncula) ở đó Chúa Giêsu hiện diện, sinh sống, chết, phục sinh cách mầu nhiệm trong các chi thể (ĐHV 493)

* Con hãy tin rằng: đời sống gia đình công giáo là một "lối tu đức" riêng biệt (ĐHV 497).

Hôm Đức Cha Sartô (sau này là Thánh Giáo Hoàng Piô X) vừa được thụ phong Giám mục, ngài liền về thăm mẹ. Ngài để tay trên bàn trước mặt mẹ già nghèo khó và thưa: "Mẹ xem đây này, chiếc nhẫn mới Giám mục của con".

Bà cố đưa bàn tay nhăn nheo của mình đặt trên tay con và bảo: "Nếu không có chiếc nhẫn cưới nghèo nàn của mẹ đây thì làm sao có chiếc nhẫn giám mục của con ngày hôm nay được!".


8. Tông Đồ liên gia.

* Ý thức được sứ mạng, nhiều gia đình công giáo sẽ đặt dưới quyền xử dụng của Hội Thánh những mãnh lực nhân loại và siêu nhiên của tình yêu vợ chồng, của bí tích hôn nhân, với một sự hăng say lạ thường (ĐHV 482).

* Những giây phút thinh lặng bên nhau, chìm đắm trong cầu nguyện, Những giây phút tự phát cầu nguyện cho nhau, cho con cái, Những giây phút trao đổi thân mật về đời sống thiêng liêng, về việc tông đồ, Là một mạc khải, một niềm vui sâu xa và thắm thiết. Các con hãy kinh nghiệm: Chúa ở giữa các con! (ĐHV 490).

* Giờ "ngồi bên nhau", "cùng nhau ngồi bên Chúa" là giờ của chân lý, là một khám phá kỳ diệu, là một liều thuốc thần tiên. Bầu khí gia đình sẽ thay đổi, nhiều vấn đề gay cấn được thông cảm giải quyết. Trước kia hai vợ chồng "chung sống hòa bình" cách nông cạn, rời rạc. Giờ đây tất cả là một tình yêu, một niềm vui, một lo âu, một lời cầu nguyện. (ĐHV 504).

Cách đây 20 năm, cha được gia đình Cậu-ly ở Chicago (Hoa Kỳ) mời dùng cơm tối. Suốt buổi chiều hôm ấy, cha nghe hai vợ chồng họ nói say sưa về "Phong trào gia đình công giáo", mà họ đang là hội viên hoạt động. Họ bảo:


9. "Những bà mẹ không đám cưới".

* Có một sự sáng suốt đáng buồn: xét mọi người theo quá khứ của họ. Có một sự sáng suốt đầy yêu thương: đoán trước người ta có thể biến đổi tốt đẹp chừng nào! (ĐHV 472).

* Tình yêu không mù quáng: Thấy yếu đuối của người yêu và cố gắng gánh vác. Thấy khả năng của người yêu và tế nhị khơi dậy (ĐHV 473).

* Gia đình công giáo làm tông đồ bằng cách "tiếp đón". "Mở rộng nhà" các con và đồng thời "mở rộng lòng" các con. Nhà nào lại không có khách? "Tiếp đón" là cách thế tiện nhất, tự nhiên nhất, để làm chứng tích về tình yêu, về sự hiệp nhất, về niềm vui, về cởi mở... "Nghệ thuật tiếp đón" sẽ trở nên "tông đồ tiếp đón". Các con hãy sống và làm cho những ai đến gia đình các con đều "thèm sống như các con" (ĐHV 503).

Trong xã hội ngày nay, vì cám dỗ xa hoa đồi trụy, vì thiếu kinh nghiệm cuộc sống, nhiều thiếu nữ bị lợi dụng phải sa ngã, đánh hỏng cả cuộc đời. Có những gia đình hạnh phúc đã nghĩ tới họ và lập ra "Phong trào giúp những người mẹ không đám cưới". Tổ chức này hoạt động chính thức ở Canada và Mỹ. 

Thông thường, thiếu nữ nào gặp phút sa lỡ cũng đều mang một tâm tư buồn chán đau khổ: đi đến hôn nhân bất đắc dĩ thì không vừa ý và có lẽ sẽ chẳng hạnh phúc, về gia đình lắm lúc bị bố mẹ đánh đuổi, ở lại địa phương thì hàng xóm phỉ báng xấu hổ suốt đời. Nên chỉ còn cách là đi nạo thai hoặc tự tử! Tổ chức nói trên nhằm mục đích giúp đỡ họ trong những hoàn cảnh như vậy.

Đến văn phòng của tổ chức, các cô gặp những ông bà rất thông cảm, biết lắng nghe tâm tư đau thương và xấu hổ của họ, yêu mến họ và thu xếp mọi sự cho họ. Sau khi nắm rõ sự việc, chính những nhân viên văn phòng ấy an ủi thông cảm với gia đình các cô và liên lạc với những gia đình đạo đức trong tổ chức ở các thành phố khác để đón các cô tới. Các cô có thể chọn lựa mua vé xe hoặc máy bay hay tàu lửa tùy ý. Đến nơi các cô thấy ngay hai ông bà lạ mặt đón tiếp mình cách niềm nở như cha mẹ ruột. Họ đưa các cô về nhà lo lắng săn sóc cho đến ngày sinh nở. Chính họ làm cho tinh thần các cô biến đổi thấy đời còn đáng yêu, còn đáng hy vọng để sống thảnh thơi, an bình. Họ giúp các cô xây dựng lại cuộc đời nơi này hay nơi khác; hoặc đưa các cô trở về gia đình cũ, tiếp tục nâng đỡ các cô mà không bao giờ nhắc đến quá khứ, chỉ tin tưởng và làm việc cho tương lai.

Không ai biết được số gia đình làm việc như thế là bao nhiêu, nhưng chắc là đông lắm, và phải có một lòng bác ái, hy sinh cao độ mới thực hiện được.


10. Hai vợ chồng câm.

* Đòi hỏi biến đổi mà không yêu thương làm cho bạn mình bất mãn. Yêu thương mà không đòi hỏi biến đổi là cho bạn phương tiện. (ĐHV 468).

* Yêu thương để giúp bạn biến đổi là cho bạn phương tiện. Bắt bạn biến đổi mới yêu thương là cất hết phương tiện (ĐHV 469).

* Ý thức rằng các con đồng trách nhiệm về sự trưởng thành trong tình yêu Chúa. Ý thức rằng ơn gọi của các con là cùng nhau và nhờ nhau nên thánh: Ý thức rằng ơn bí tích thường xuyên giúp đỡ các con. Các con được thúc đẩy hăng say sống mầu nhiệm Chết và Phục Sinh qua mọi khía cạnh của đời sống các con. (ĐHV 486).

Anh câm, chị cũng câm, thế mà vẫn tìm hiểu nhau và đi đến hôn nhân như mọi người khác! Không những thế, gia đình còn làm ăn khấm khá và dần dần sinh được 6 người con. Xóm giềng thấy thế ai cũng mừng cho gia đình câm và rỉ tai nhau: "Câm cũng khổ mà cũng hay, khỏi có lời qua tiếng lại, cũng chẳng phải nghe tiếng nặng tiếng nhẹ, bớt được nhiều vụ va chạm xích mích".

Ai ngờ đâu, con người có thật lắm cách để bày tỏ tình cảm của mình! Vợ chồng câm mà vẫn cơm không lành, canh không ngọt. Cả hai cùng đưa nhau ra tòa ly dị. Thiên hạ hiếu kỳ lại được dịp đi xem. Tòa chấp thuận cho họ ly dị nhau và quyết định mỗi bên phải nuôi 3 đứa, cứ mỗi tháng hai bên gặp nhau một lần để cho con cái thăm bố mẹ và anh chị em thăm nhau.

Thế nhưng vẫn không xuôi, lại cùng nhau ra tòa lần nữa, vì mấy lần gặp nhau cả hai vợ chồng vẫn có chuyện xích mích trong lúc con cái thì ríu rít vui vẻ. Tòa xử: "Từ đây ba tháng mới gặp nhau một lần".

Được một thời gian, gia đình câm ấy lại... dắt nhau ra toà! Vì vợ chồng vẫn tiếp tục sinh sự. Toà án phải đi đến một giải pháp sau hết: "Từ đây, con đi thăm mẹ và anh chị em thì bố đừng đi theo, mà con đi thăm bố và anh chị em thì mẹ phải ở nhà. Chừng ấy mới yên được!" 


11. Mối tình sắt son.

* Đôi bạn đối với nhau, cũng như đối với con cái, sống tất cả tình yêu của Chúa Giêsu đối với mọi người. Đôi bạn do đó tham dự và sống lại mầu nhiệm cứu chuộc. Đôi bạn tập yêu thương cách phong phú, vô bờ bến, như Chúa Giêsu yêu họ và yêu mọi người (ĐHY 466).

* Tình yêu luôn luôn thao thức; không phải vì hoài nghi tình yêu của bạn mình, nhưng vì thấy mình có trách nhiệm tạo cho nhau những gì là mới mẻ, là cảm hứng, là biến đổi, có khi chính bạn cũng không hay biết. Chính nỗi thao thức ấy là một niềm vui (ĐHV 471).

Cuộc sống gia đình của một vị tướng lãnh nọ ở Philippine đang đầm ấm trôi qua trong bầu khí thánh thiện đạo đức, thì bỗng một hôm, bác sĩ chẩn mạch cho biết: bà mắc bệnh phung cùi, phải đưa vào trại cùi xa cách mọi người càng sớm càng tốt.

Thực là một tin sét đánh! Từ đây vợ chồng phải xa nhau sao? Quả thế, không mấy ngày sau, ông tướng buồn khổ đưa vợ vào trại bài phong; nhưng vì quá yêu vợ, ông nghĩ ra được một diệu kế: Tất cả nhà cửa, tiện nghi sang trọng ông đều giao cả cho con cái ở. Còn ông, ông thuê một căn nhà nhỏ ngay trước mặt trại cùi và đến sống ở đó. Ngày ngày, ban sáng, trước khi đi làm, ông ghé vào thăm vợ; chiều tối xong công việc, ông cũng ghé vào an ủi. Cả hai chia sẻ tâm tình lo âu, nhọc mệt cũng như vui sướng trong ngày cho nhau, báo tin về con cái, bạn bè, rồi cùng nhau đọc kinh cầu nguyện.

Lúc đầu không một ai biết rõ, nhưng dần dần người ta mới để ý, tìm hiểu và tỏ lòng cảm phục bàn tán với nhau: "Làm sao họ trung thành với nhau như thế! Làm sao ông tướng tài ba ấy lại quí vợ đến thế!"

Mười mấy năm trôi qua, bệnh bà đến lúc khỏi hẳn. Vị tướng sung sướng lái xe đưa vợ về nhà sum họp với con cái, bạn bè, để lại cho dân chúng xa gần một hình ảnh cao đẹp về mối tình hiệp nhất yêu thương trong Chúa.


12. Bà mẹ can đảm của 7 anh em nhà Macabê.

* Canh tân gia đình để canh tân Hội Thánh (ĐHV 478).

* Sinh con cái không phải đáp lại nhu cầu nối tiếp giống nòi, nhưng là ước muốn tăng trưởng nhiệm thể; giáo dục con cái là huấn luyện những kẻ thờ phượng Đức Chúa Cha cách trung thực. Khám phá và khâm phục ý định cao cả của Chúa về gia đình các con (ĐHV 491).

Dưới ách thống trị của các vua dòng dõi Sêlaukus Hy Lạp (198-143), dân Do Thái đã trải qua một cơn bách hại thật là khủng khiếp. Quan quân ngày đêm truy lùng những kẻ cắt bì cho con cái, hội họp ngày thứ Bảy; hoặc bắt ép một số người phải ăn thịt heo, trái với lề luật dạy. Ngày nọ, có một gia đình gồm: một mẹ với 7 người con đều bị bắt và bị cung bách phải ăn thịt heo. Lý hình tra tấn bằng đòn trượng và gân bò, nhưng họ vẫn một dạ trung thành không lay chuyển. Vua Antiôcho quá xung giận. Ông ra lệnh cắt lưỡi và lột da đầu người con cả rồi vất lên chảo; lần lượt người con thứ hai, thứ ba... cho đến người con thứ sáu đều chịu những cực hình như thế. Nhưng tất cả 6 anh em vẫn một mực trung thành với lề luật thánh cho đến hơi thở cuối cùng. Hôm ấy, những kẻ hiếu kỳ đến xem đều nghe được rõ ràng những lời tuyên bố vàng của họ: "Chúng tôi sẵn sàng chết chứ không trái phạm các Lề luật cổ truyền!", "Đồ khốn kiếp, người cất mạng sống đời này của chúng ta, nhưng Vua vũ trụ sẽ cho chúng ta sống lại!", "Ông đừng có ảo tưởng... "

Còn người mẹ, bà thật là người thật đáng cảm phục, đáng được kính cẩn ghi nhớ. Một lòng cậy trông vào Chúa, bà đã can đảm chứng kiến 7 con cùng chết trong một ngày. Lòng đầy chí khí anh hùng, khí phách nam nhi, bà nói với các con bằng tiếng nói của Tổ tiên: "Mẹ không được biết làm sao chúng con đã xuất hiện trong dạ mẹ, vì không phải mẹ đã tặng chúng con sinh khí và sự sống, cũng không phải mẹ đã xếp đặt các yếu tố xây đắp mỗi đứa chúng con. Ấy vậy, Đấng Tạo thành vũ trụ, Đấng đã nắn đúc con người khi sinh ra và đã là nguồn gốc của tất cả mọi sự, người sẽ trả lại cho chúng con, trong lòng lân mẫn Người, sinh khí với sự sống, một khi chúng con đã không màng đến chính mình để bênh vực các Luật của Người".

Antiôcho tưởng cho mình bị nhạo báng và nghĩ đó là lời mạt sát ông. Với cậu bé nhất còn sống sót, chẳng những ông ra lời phủ dụ mà còn thề thốt cam đoan mình sẽ ban cho cậu của cải, làm cho cậu hạnh phúc, nếu cậu từ bỏ truyền thống của Tổ tiên, sẽ cho cậu nên thân hữu của mình và trao ban chức tước. Nhưng vì người thanh niên không thèm để ý tới, vua mới gọi bà mẹ lại và mời mọc bà hãy khuyên cậu bé hòng cứu lấy nó. Ông khẩn khoản mãi thì bà nhận việc khuyên con. Bà cúi xuống trên cậu và nhạo lừa bọn bạo chúa ác độc, bà nói thế này bằng tiếng tổ tiên:

- Con ơi, con hãy thương mẹ đấng cưu mang con 9 tháng và cho con bú mớm 3 năm, cũng đã nuôi nấng dẫn đưa con tới tuổi này và đã dưỡng dục con, mẹ xin con hãy ngước nhìn trời đất mà xem tất cả mọi vật trong đó, và hãy biết rằng Thiên Chúa đã làm ra chúng, không phải do vật chất gì đã có trước, và về loài người thì cũng như vậy! Đừng sợ tên lý hình ấy, nhưng hãy ở sao cho xứng với các anh con và hãy chấp nhận chết, ngỏ hầu nhờ lòng thương xót của Chúa, mẹ được gặp lại con cùng các anh con".

Bà vừa dứt lời thì cậu thiếu niên nói: "Các ngươi còn đợi gì nữa? Ta không vâng theo lệnh truyền của vua, nhưng vâng nghe lệnh truyền của Lề luật đã được ban xuống cho tổ tiên chúng ta ngang qua Moisen. Còn ngươi là kẻ đã bày ra tất cả các trò độc ác này trên người Do Thái, ngươi sẽ không luột khỏi tay Thiên Chúa đâu. Vì nếu chúng ta có phải khổ, ấy là bởi tội lỗi chúng ta; nếu cốt để quở phạt và sửa dạy mà Chúa Hằng sống đã thịnh nộ chốc lát với chúng ta, thì Người sẽ lại nguôi giận làm hoà với các tôi tớ của Người. Còn ngươi, quân vô đạo, đồ khả ố hơn hết giữa mọi người hết thảy, ngươi đừng dương dương tự đắc một cách vô lối, phách tẩu với những hy vọng mờ ám mà giơ tay hành hạ các tôi tớ của Người! Vì ngươi không thoát được án của Thiên Chúa, Đấng Toàn năng hết thảy mọi sự. Quả vậy, anh em của chúng ta sau khi đã chịu khổ hình vắn vỏi để được sống muôn đời, thì bây giờ đã được đặt dưới giao ước của Thiên Chúa, còn ngươi, do sự phán xét của Thiên Chúa, ngươi sẽ mang lấy án phạt công minh xứng với sự kiêu ngạo của ngươi. Phần ta, cũng như các anh ta, ta xin phó nộp xác hồn ta vì các luật lệ Tổ tiên, mà khẩn cầu Thiên Chúa, xin Người thương đến dân tộc chúng ta và dùng những thử thách tai họa mà đưa ngươi đến chỗ tuyên xưng rằng chỉ có Người là Thiên Chúa. Ta cũng chỉ xin sự thịnh nộ của Đấng Toàn năng đã giáng xuống cách công bằng trên tất cả giống nòi ta, đến ta và các anh em ta thì dừng lại".

Tức uất người lên, vua đã xử với cậu một cách độc ác hơn là với các người khác, vì lấy làm đắng đót lời chế nhạo ấy. Vậy họ đã qua đời hoàn toàn trong sạch và đầy lòng tin cậy vào Chúa. Cuối cùng, sau các con, người mẹ cũng đã chết Tử Đạo. (2 Mac 7,1-19; 20,41).


13. Tông đồ trong gia đình.

* Phương tiện độc nhất để biến đổi tâm hồn bạn mình là chấp nhận bạn như thuở ban đầu, vì được yêu thương là điều kiện cần thiết để biến đổi (ĐHV 470).

* Chúa đã trao cho con một người bạn thân yêu, những đứa con xinh xắn, trong sáng để nâng đỡ nhau nên thánh. Con đã làm gì? (ĐHV 485).

Gia đình em Cécilia cư ngụ ở mạn Bắc Ý, trong một xóm lao động nghèo nàn. Từ sáng sớm, ba em là một công nhân phải đến sở làm việc và mãi tới 8, 9 giờ tối mới về tới nhà. Vì thế, chẳng mấy khi Cêcilia gặp được ba. Còn mẹ thì lo việc nội trợ và làm việc phụ để kiếm chút ít thêm vô ngân quỹ gia đình. Bà rất bác ái, đạo đức. Tuy kinh tế của gia đình chẳng sung túc bao nhiêu, nhưng có gì bà đều san sẻ ngay cho lối xóm. Ai đau ốm, bà biếu thuốc men; áo quần các kẻ rách, bà bỏ giờ khâu vá hộ; nhà nào có nhu cầu, bà đem hết khả năng giúp đỡ. Cả làng xóm ai cũng quý mến bà, tấm tắc khen bà là người hiền lành phúc hậu.

Em bé Cêcilia mới 6 tuổi đầu mà đi học cấp I. Em rất hãnh diện về mẹ và cảm thấy mình sống trong một gia đình hạnh phúc, được mẹ quý mến yêu thương.

Từ hai năm nay, ở trường học của giáo xứ, em Cêcilia được huấn luyện sống Lời Chúa, nhìn thấy Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong những người bị áp bức, đau khổ. Em rất ngoan. Em thường hay chia sẻ kinh nghiệm sống với các bạn.

Một hôm thật bất ngờ như gáo nước lạnh tạt vào mặt, một đứa bạn nói: "Này Cêcilia, mẹ mày thực tốt, nhưng khốn khổ vô cùng!"

- Sao thế?

- Mày đừng tưởng gia đình mày hạnh phúc, vì bố mày đêm nào về đến nhà cũng say sưa be bét. Ông đánh đập, chửi mắng mẹ mày, hàng xóm nhà nào cũng nghe, mày không tin thì cứ thử rình xem!

Câu nói đó như sét đánh vào tai Cêcilia... Bao nhiêu giấc mơ xinh đẹp về gia đình phút chốc tan tành sụp đổ. Tất cả hãnh diện trở thành tủi nhục. Quá xấu hổ với bạn, Cêcilia đành cúi mặt làm thinh.

Tối hôm ấy, mẹ Cêcilia cho em ăn cơm sớm để em có thời giờ học bài, rồi bà đưa em lên gác. Xong kinh tối, bà ôm hôn con, đắp chăn cho con rồi nhè nhẹ xuống nhà làm việc, đợi chồng về ăn cơm cùng một thể.

Nhưng đêm hôm ấy Cêcilia chẳng tài nào ngủ được, mà em cũng quyết không ngủ để xem câu chuyện các bạn nói hồi chiều có đúng không. Em cứ trằn trọc thao thức cho đến khi tiếng chuông gọi cửa vang lên. Cêcilia nghe rõ tiếng mẹ ra mở cửa. Vứt chăn cách mau lẹ, em rón rén bước nhẹ từng bước đi xuống thang gác, nép kỹ sau bức màn và hồi hộp theo dõi...

Một cảnh tượng hãi hùng đang diễn ra trước mặt Cêcilia: Ba em đầu tóc rối bù, hơi thở sặc toàn mùi rượu. Ông ném mạnh mũ và áo xuống nền nhà; bà mẹ dịu dàng thu nhặt cất vào tủ, vui vẻ dọn bàn mời chồng ăn tối. Đôi mắt đỏ ngầu, ông trợn trừng nhìn bà chê lui chê tới, rồi tuôn ra hằng loạt lời mắng chửi như điên. Bà mẹ cúi mặt làm thinh, vừa ăn vừa khóc. Lát sau, ông lùa nguyên cả mâm cơm xuống nền nhà, chén bát vỡ tan tành, đồ ăn chảy lênh láng... Cũng chưa vừa ý, ông còn tặng vợ những cú đá tàn nhẫn.

Sau bức màn, Cêcilia chết lịm. Em thầm thỉ: "Thôi đúng rồi, tụi bạn đâu có nói oan... cả lối xóm đều biết cả... Khốn nạn quá!"

Gượng mình đứng dậy, Cêcilia rón rén lên gác.

Hôm sau bi kịch ấy lại tái diễn trước mắt Cêcilia... Tuy thế sáng nào Cêcilia thấy mẹ cũng vui tươi, nén lòng lao mình vào công việc phục vụ đàn con nhỏ. Riêng Cêcilia thì tâm thần bấn loạn, lòng đã đau xót. Em suy nghĩ, cầu nguyện, nhớ lại Lời Chúa và thương mến mẹ vô cùng, thấy bà tuy đau khổ vì chồng, nhưng vẫn một mực thương yêu trọng kính. Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trong ba, trong mẹ, Cêcilia xác tín được điều đó. Em băn khoăn suy nghĩ hoài, nhưng chẳng biết làm sao. Cuối cùng Chúa soi sáng cho em một diệu kế rất hay.

Từ nay, tối nào Cêcilia cũng nằm thức chờ ba. Vừa nghe tiếng chuông, em liền ra cổng đón ba, cất áo mũ cho ba. Vừa kéo ghế cho ba ngồi, em quay sang giúp mẹ dọn bàn. Trong suốt bữa ăn, em cứ ngồi kề bên ba, ríu rít kể những chuyện vui ở trường, hỏi thăm ba công việc ở sở. Thoạt đầu ba em rất lấy làm lạ, càu nhàu khó chịu, nhưng dần dần cũng đành chịu thua con, thấy trong lòng vui vui... Nhiều lúc Cêcilia đứng giữa nhà hát cho ba nghe các bài hát ở trường em. Ông thích thú lắm. Bầu khí gia đình ngày càng nhẹ nhàng, dễ chịu. Mỗi lần ông bảo: "Cêcilia đi ngủ đi, để sớm mai còn dậy sớm đến trường", Cêcilia đều nũng nịu "Con thương ba nhọc mệt suốt ngày, con muốn ngồi mãi với ba". Tuy vẫn còn ngà ngà say, ông cũng lấy làm cảm động vì câu nói đơn sơ của con, đoạn choàng tay ôm hôn con một cách âu yếm.

Ba tháng trôi qua, bi kịch ngày xưa đã lui vào dĩ vãng. Một hôm như thường lệ, ba Cêcilia bảo: "Đi ngủ đi, mai con dậy sớm đến trường mà con!", Cêcilia âu yếm ôm choàng lấy ba và nói: "Ba ơi! ba biết tại sao con không đi ngủ không?" - "Ba chả biết! Con thức vớ vẩn gì cho hại sức khỏe" - "Không đâu ba ạ! Nếu ba má thương con, ba má cho phép con nói nhé! Mà đừng mắng con" - Ừ, nói đi ba má nghe thử".

Cêcilia đánh bạo thuật lại cách đơn sơ làm sao em đã bị xúc động và tủi nhục trước câu nói của một người bạn, rồi hằng đêm, sau bức màn che, em đã chứng kiến tất cả... Cêcilia thú thực là em thương ba má lắm. Em thấy Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong ba, trong má; vì thế em muốn mang Chúa đến cho ba má, yêu thương người đang bị bỏ rơi trong ba má... Nên mấy tháng nay, em đã thi hành diệu kế như trên... Càng nghe, hai ông bà càng cảm xúc. Họ mừng mừng, tủi tủi, không ngờ con bé khôn ngoan, đạo đức như vậy. Ba má Cêcilia ôm siết lấy con, nghẹn ngào nhìn nhau... Lát sau ba Cêcilia mới thốt lên lời: "Từ nay con phải đi ngủ sớm nghe không! Ba hứa với con: ba má sẽ hoà thuận, thương yêu nhau. Ba má cũng sẽ tìm hiểu và sống Lời Chúa như con. Ba má thương yêu con lắm!"


14. Cây thông đâu cần học giáo lý.

* Chuẩn bị làm linh mục có chủng viện, chuẩn bị làm tu sĩ có đệ tử viện, tập viện, chuẩn bị làm giáo sư có trường sư phạm, chuẩn bị làm cha mẹ có gì? - Không có gì cả! Thật là một thiếu sót lớn lao trên thế giới. Lúc này tạm có lớp dự bị hôn nhân nhưng chưa đi đến đâu. Bao nhiêu người sẽ là nạn nhân do cuộc phiêu lưu của các con? (ĐHV 463).

Câu chuyện sau đây xảy ra ở xứ Escles, miền Vosges nước Pháp, khoảng cuối thế kỷ XIX. Một hôm, cha xứ gặp một bà mẹ và bảo:

- Bà nhớ cho mấy cháu đi học giáo lý để chuẩn bị rước lễ vỡ lòng nghe!

- Cho hay không cũng chẳng quan hệ gì. Bà vừa nói vừa chỉ tay về phía rừng thông. Cha xem! Cây thông đâu cần học giáo lý mà chúng vẫn tươi tốt và phát triển như thường đó!

- Ờ.. vậy con heo trong chuồng cũng thế phải không bà?

Sau đó một thời gian, vào năm 1910, cả xứ Escles xôn xao trước hung tin: cậu con trai của người đàn bà nói trên đã bóp cổ giết chết mẹ vì bà ta không đưa tiền cho nó đi tiêu xài, nhậu nhẹt... Màng lưới pháp luật đã tóm cổ nó và tuyên án tử sau đó mấy ngày.


_______________________

20. KHIÊM NHƯỢNG

1. Quỳ gối đọc thư Bề trên.

Mặc dù bước chân Phanxicô Xaviê đã rảo khắp gần hết Á-châu đi giảng đạo, ngài lại có bằng Tiến sĩ Đại học Sorbone trong tay, rồi còn kiêm nhiệm luôn chức Khâm sai Toà Thánh, trong lúc Ignatiô Bề trên của ngài, chỉ là một cựu sĩ quan ít học, nghèo hèn, nhưng mỗi lần nhận được thư của Bề trên, Phanxicô đều quỳ gối đọc thư cách cung kính. Rồi khi viết thơ cho Bề trên cũng thế, ngài quỳ gối để tỏ lòng cung kính vị đại diện Chúa và Giáo Hội!



2. Khiêm tốn và hiền lành đích thực.

* Con chỉ hiểu được đức khiêm nhượng khi suy nghiệm cả cuộc đời Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hạ mình chịu mọi sự ngớ ngẩn, dốt nát, hiểu lầm sâu độc, suốt 33 năm vì yêu chúng ta (ĐHV 510).

* Chỉ người khiêm nhượng thật mới được an vui như Chúa Giêsu dạy: "Hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng và các con sẽ tìm thấy bình an cho tâm hồn." (ĐHV 516).

* Không thể tránh căng thẳng, nhưng giảm bớt căng thẳng được. Trước hết Chúa không buộc con làm tất cả mọi sự. Thứ đến việc gì Chúa giao con làm, Chúa ban thời giờ và phương tiện. Nếu với tất cả cố gắng và thiện chí, con không thực hiện được là Chúa không muốn. Tại sao căng thẳng ngã lòng? Cứ bình an! (ĐHV 522).

Thánh Phanxicô Salêsiô có bẩm tính rất nóng nảy, họ hàng, bạn bè ai cũng biết thế...

Một hôm, có người đến Toà Giám mục Annecy để thăm thánh nhân. Trong câu truyện trao đổi hai bên, ông ta nhiều lần lớn tiếng cãi vã, đấm bàn, đấm ghế, chỉ trích phê bình và mắng nhiếc thánh nhân thậm tệ. Thế nhưng, thánh Phanxicô cứ ngồi nghe cách thinh lặng, thỉnh thoảng lại mời ông khách xơi trà hút thuốc. Trước những câu nói nặng nề xấc láo, thánh nhân vẫn đáp lại những lời lẽ hết sức dịu dàng, khiến ông khách quý bắt đầu cảm thấy thẹn thùng rồi từ từ rút lui.

Người anh của thánh nhân ngồi ở phòng sau chăm chú theo dõi câu chuyện hai bên. Khi người khách vừa ra khỏi cổng, ông phóng mình ngay ra phòng khách thánh nhân và lạ lùng thay... Phanxicô vẫn tươi cười bình tĩnh. Ông liền nói: 

- Nè chú Phanxicô, xưa nay tính chú nóng như lửa sao độ này lại hiền lành nhịn nhục đến thế. Tôi ở phòng sau nghe lão ta nói mà sốt ruột lên gan, muốn nhào ra đánh cho một trận cho vỡ mật ra. Đồ lếu láo, mất dạy!

- Anh à! ai cũng có máu Adong cả. Em cũng bực tức, xung giận lắm, nhưng em cố gắng theo gương Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Cứ mỗi dịp như vừa rồi, em lại tập thêm một ít bằng cách tự bảo: Này hỡi Phanxicô, hãy đậy kỹ vung, đừng mở, đừng nói gì ráo! Cuối cùng em thấy rằng: lấy một giọt mật, bắt được cả bầy ruồi; chứ cậy cả thùng giấm, chẳng tóm được một con.


3. Một vị Hồng Y khiêm tốn.

* Bao lâu con còn tôn thờ cái "tôi" của con, chẳng khác nào con cầu nguyện: "Lạy Chúa xin Chúa hãy tin con, hãy trông cậy vào con." (ĐHV 519).

* Thử thách cay đắng nhất là chấp nhận giới hạn mình. Chịu đóng đinh vào một thánh giá nhỏ hẹp, con càng đau đớn hơn. Nếu thánh giá rộng, con còn được thoải mái hơn phần nào! (ĐHV 520).

Năm 1974, người ta nghe một lúc hai tin dồn dập:

- Đức Cha Goiburu mới qua đời!

- Ngài được thăng chức Hồng Y từ lâu!

Thật thế, sau khi Đức Cha Goiburu đã nhắm mắt ra đi Đức Giáo hoàng Phaolô VI mới công bố ngài là một Hồng Y "in pecto" (giữ kín) của Hội Thánh Công giáo.

Lòng trung thành của ngài đối với Hội Thánh đã được Đức Phaolô VI ban cho vinh dự cao quý nói trên. Đức Giáo hoàng còn cho biết thêm: sau những năm ngồi tù ở Bungari, Đức Cha Goiburu bị quản chế trong một xứ nọ. Khi được tin Đức Thánh Cha chọn mình làm Hồng Y bí mật, ngài đã trình bày cùng Đức Thánh Cha như sau: "Nay con yếu đuối lại đang ở trong vòng kỷ luật, xin Đức Thánh Cha hãy để chức Hồng Y lại cho một người khác có khả năng hơn con". Thấy lòng khiêm tốn của Đức Cha Goiburu, Đức Thánh Cha càng quý mến hơn và giữ y quyết định và phong ngài làm Hồng Y "không công bố".


4. Đức khiêm tốn của một vị Giáo hoàng.

* Nếu con hiểu biết hạnh phúc được làm con Chúa thì những điều sỉ nhục không thấm gì con và những lời hoan hô cũng chẳng thêm gì cho con (ĐHV 506).

* Nếu con biết rõ mình con, con sẽ tức cười, khi nghe tung hô con, và con thấy các sự khinh rẻ con là có lý. Con lại ngạc nhiên tại sao người ta mới xử ngang độ ấy thôi (ĐHV 507).

* Khi con tự hạ mình, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con, mà con vui lòng chấp nhận vì Chúa, lúc ấy con khiêm nhượng thật (ĐHV 509). 

* Coi chừng khiêm nhượng "giả hiệu" khi con từ chối mà kỳ thực là thoái thác bổn phận dấn thân của con và sợ chịu sỉ nhục vì Chúa (ĐHV 514).

* Người khiêm nhượng như hạ mình sát đất không còn ngã xuống đâu nữa. Người kiêu ngạo như leo trên tháp cao, rất dễ nhào và ngã nặng khủng khiếp! (ĐHV 517).

Lúc được phong chức Tổng Giám mục, Đức Cha Roncalli là Khâm sứ Toà Thánh kiêm Đại diện Tông Toà quản trị các giáo phận ở Bungari và Thổ. Công việc của ngài rất khó khăn phức tạp, vì phải trông coi cả một vùng rộng lớn đang sôi động về mặt chính trị, chia rẽ về mặt tôn giáo: Công giáo với Tin lành, Chính thống, Hồi giáo rồi trong chính đạo Công giáo: các linh mục triều lại chia rẽ với các tu sĩ.

Trong lúc thi hành công việc mục vụ, Đức Tổng Giám mục Roncalli nhận được một bức thơ nặng lời chê bai chỉ trích ngài về mọi mặt, do tay một linh mục bất mãn viết. Đọc thơ xong, Đức Cha Roncalli không nói một lời, lòng vẫn thiết tha yêu vị linh mục ấy.

Thời gian trôi qua, ngài được thăng chức Sứ thần Toà thánh tại Paris, rồi Hồng Y Giáo chủ ở Venêzia và cuối cùng đắc cử Giáo Hoàng với danh hiệu là Gioan XXIII năm 1958. 

Linh mục bất mãn viết thơ năm nào vẫn còn sống. Một hôm gặp dịp giáo dân trong vùng tổ chức một cuộc hành hương sang Roma để yết kiến Đức Tân Giáo Hoàng cũng là vị cựu Tổng Giám mục yêu quý của họ ngày xưa, linh mục ấy cũng ghi tên theo phái đoàn. Đến Roma, ngài lại xin cho được đặc ân tiếp kiến riêng Đức Giáo Hoàng. Lời thỉnh cầu ấy được Đức Gioan XXIII chấp thuận. Sau đây là câu chuyện do chính cha ấy thuật lại:


5. Em chỉ là một cái chổi.

* Đức Maria càng khiêm tốn, thì càng trong sáng, vì càng thấy rõ những sự kỳ diệu Chúa làm trong lòng Mẹ. Như ánh sáng qua một bóng đèn thủy tinh không vướng bụi. (ĐHV 512). 

* Người sống trước mặt Chúa không thể kiêu ngạo được. - Ngạo về điều gì? - Tất cả đều là của Chúa! (ĐHV 513).

Sau khi được diễm phúc thấy Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức nước Pháp, chị Bênadêta đã xin vào tu viện một dòng Kín ở Nevers. Một ngày Chúa nhật kia, vào năm 1876, một nữ tu đưa cho Bênadêta xem bức ảnh người ta đã chụp chị ở hang đá Lộ Đức trước đây để xem phản ứng chị thế nào.

Đang chăm chú xem bức hình của mình, đột nhiên Bênadêta hỏi:

- Người ta dùng chổi để làm gì hả chị?

- Để quét nhà.

- Quét xong họ để chổi ở đâu?

- Trong góc nhà, sau cánh cửa, chỗ "cư trú" thường lệ của nó. 

- Đời em cũng thế chị ạ. Đức Mẹ đã dùng em, rồi để em vào chỗ của em. Em sung sướng lắm, và em muốn ở yên trong chỗ đó mãi!


_______________________

21. CẨN MẬT

1. Bí mật toà cáo giải.

* Chúa Giêsu là Ngôi Lời, nhưng để thực hiện việc tông đồ theo ý Đức Chúa Cha, trong 33 năm, Ngài thinh lặng 30 năm và nhất là trong giờ tử nạn, Ngài đã thinh lặng (ĐHV 523).

* Đừng mong rằng nói nhiều, thiên hạ sẽ thông cảm với con, càng nói càng thêm kẻ hở, thiên hạ càng hiểu ngược xuôi, xuyên tạc hơn, rồi con cứ phải đính chính lời đính chính trước (ĐHV 525).

* Mỗi khi bị kích thích muốn khoe tài, mỗi khi bị khiêu khích muốn đấu khẩu, mỗi khi bực tức muốn cho nổ tung. Thinh lặng, thinh lặng; dù khôn mấy con sẽ "phát thanh đặc biệt" và lời lẽ cũng sẽ chua cay sắc bén "đặc biệt" hơn con ngờ (ĐHV 529).

Linh mục Gioan Nêpômuxen nổi tiếng đạo đức thánh thiện nên được hoàng hậu chọn làm cha linh hướng và cha giải tội cho bà. Một ngày kia vua cho mời ngài đến và yêu cầu ngài phải nói tất cả sự thật mà hoàng hậu đã thổ lộ. Linh mục Gioan Nêpômuxen từ chối cách lịch sự vì điều ấy thuộc phạm vi lương tâm... Sau nhiều lần thúc giục và đe dọa đủ cách, nhà vua vẫn không thể bắt ngài nói một lời nào cả. Quá tức giận, vua bèn hạ lệnh chặt đầu và vất xác Gioan Nêpômuxen xuống sông. Ngài đích thực là một thánh nhân vì đã cẩn mật trung thành ấn toà giải tội và những vấn đề thuộc phạm vi lương tâm của kẻ khác.


2. Sự "cẩn mật" của Thánh Gioan Vianney.

* Cẩn mật nhiều, con sẽ hối hận ít (ĐHV 524).

* Cẩn mật đâu phải là mầu nhiệm, chỉ là sự tế nhị tự nhiên. Chẳng hạn con đâu muốn ai đem cuộc đời cá nhân của con ra phơi bày bàn tán công khai (ĐHV 531).

Giáo dân khắp nơi tuôn đến xứ Ars càng ngày càng đông khiến cha Vianney phải giải tội suốt ngày đêm để tiếp nhận nhiều linh hồn trở về với Chúa. Tăm tiếng ngài một lúc một lớn. Nhưng vì có tâm hồn khiêm tốn, cha cứ nài nỉ xin Đức Giám mục cho mình được vào Dòng khổ tu để ăn chay cầu nguyện. Đức Giám múc không chấp thuận. Lòng cha Vianney càng thêm khắc khoải lo âu. Đến một hôm, ngài tới một quyết định gớm ghê: "trốn". Phải trốn khỏi giáo xứ, rồi sau xin phép Giám mục. Và cha quyết giữ bí mật.

Tối ấy, ngài gọi riêng bà Catarina Latxan là người hiện đang trông coi viện mồ côi đến và nói: "Con cố gắng tiếp tục công việc nặng nhọc ấy một mình, vì đêm nay, lúc 10 giờ cha sẽ trốn đi, cha không về lại nữa. Con phải giữ bí mật hoàn toàn nghe!" Bà Catarina bàng hoàng xúc động thưa: "Con biết làm sao được.. Tùy ý cha! Con hứa sẽ giữ bí mật... " Cha Vianney yên tâm đi ngủ.

Nhưng cha vừa ra khỏi phòng, bà Catarina liền gặp ngay cha phó và trình bày: "Cha có biết không, 10 giờ đêm nay cha sở sẽ trốn đi. Ngài mới nói với con cách đây mấy phút và bảo con phải giữ hoàn toàn bí mật" - "Nguy quá! Ngài mà đi thì bỏ rơi biết bao linh hồn đến xưng tội nơi đây", cha phó vừa nói vừa chạy đi báo cho thầy già ngay. Câu chuyện bằng lệnh: "phải tuyệt đối giữ bí mật!

Mười giờ đêm hôm ấy, cha Vianney xách đèn bão nhẹ nhàng ra đi. Bên ngoài trời tối om, nhà nào nhà nấy im lìm đóng cửa. Vượt khỏi khuôn viên nhà thờ một quãng. Cha Vianney yên trí tiến bước.

Nhưng một lúc sau đó, ngài nghe có tiếng động sau lưng. Quay lui, cha giật mình kinh hoàng. Thật là quái gỡ! cha phó, thầy già và bà Catarina đang lẻo đẽo theo sau.

- Về đi theo cha làm gì!

- Cha đành bỏ chúng con sao? Biết bao nhiêu người hằng ngày tìm đến cha để xưng tội. Rồi bao nhiêu công việc đang bỏ dở!

- Không, để cha đi thôi! cha đi vào dòng khổ tu dọn mình chết.

Thấy không thể thuyết phục ngài được, cha phó nhanh trí đáp: "Vâng, chúng con xin tùy ý cha, nhưng... thôi để chúng con đưa cha đi một quãng. Xin cha trao cây đèn bão cho con để con xách đi trước. Con còn trẻ, thấy đường rõ hơn cha!"

Cha Vianney thật thà giao cây đèn bão cho cha phó xách đi trước, ba người thinh lặng dõi bước theo sau... Hai tiếng đồng hồ trôi qua... Cha Vianney mừng thầm tự nhủ: "Chắc đi đã khá nhiều dặm". Bỗng đâu có tiếng chuông nhà thờ vang lên báo hiệu "Kinh nguyện Truyền tin". Cha Vianney giật mình nghĩ: "Đã 12 giờ khuya, giờ mình thường lên nhà thờ ngồi toà giải tội". Đi được một quãng nữa, bốn người nghe có tiếng inh ỏi gọi nhau! Thì ra... giáo dân xa gần đợi mãi không thấy cha, tìm ở nhà xứ cũng chẳng có, họ bèn thắp đuốc đi tìm và gặp cả bốn cha con đang loanh quanh ở đầu làng!

Cha phó thật mưu mô xảo quyệt, ngài cứ xách đèn dẫn cha Vianney đi quanh trong làng, hết lối này lại đến hẻm kia. Thế là cha Vianney tuổi già mắt kém đành phải mắc mưu. Giờ đây giáo dân vây quanh cha tứ phía: người khóc bù lu bù loa, kẻ túm áo cha rồi cùng nhau đưa cha về lại nhà xứ. Cha Vianney chịu thua vì ai cũng giữ bí "bí mật tuyệt đối" cách tương đối cả!!!

Nhưng đó cũng là thánh ý mầu nhiệm của Chúa muốn cha Vianney ở lại xứ Ars để cứu nhiều linh hồn tội lỗi. Ngài muốn vào dòng khổ tu, nhưng ngồi toà cho hối nhân còn cực hơn ở dòng khổ tu gấp bội! 


3. Văn phòng cẩn mật số một.

* Hạt giống rơi xuống lòng đất được chôn vùi kín đáo sẽ sinh hoa kết quả, hạt giống rơi xuống xa lộ bị chim trời tha mất, xe cộ nghiền nát (ĐHV 528).

* Bao nhiêu tác phẩm, bao nhiêu diễn văn, bao nhiêu chương trình, kế hoạch quan trọng của con, được thành công rực rỡ đều phát xuất từ tế bào âm thầm của óc não con, tức những nhịp đều của quả tim con khiến máu tuần hoàn nuôi sống các bắp thịt con hoạt động. Nội tâm thâm trầm là căn bản: hy sinh, nhẫn nại, suy tư, yêu mến (ĐHV 530).

Vì tin tưởng ở sự cẩn mật cũng như tính cách vô tư, nhân đạo, bác ái của Hội Thánh, nên trong trận đại chiến thế giới vừa qua (1939-1945), cả hai phe Phátxít cũng như Đồng minh đều chấp nhận cho Đức Thánh Cha Piô XII tổ chức một văn phòng tại Toà Thánh, với nhân viên thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau, để đón nhận quà tặng, thư tín của các gia đình thuộc bất cứ phe nào gởi đến, rồi tìm cách trao lại cho các tù binh ở khắp nơi. Văn phòng cũng tìm hỏi tin tức của những người mất tích rồi trả lời cho các người thân yêu của họ. Hằng ngày, văn phòng nhận và gởi đi hàng vạn lá thơ, quà tặng, mang lại vui tươi cho biết bao người đang sống trong những hoàn cảnh đau thương bi đát do chiến tranh gây ra.


4. Cẩn mật khi làm việc thiện 

* Chúa làm phép lạ rồi Chúa cấm nói. Chúa vinh hiển trên núi Taborê rồi cũng cấm nói. Lý tưởng tông đồ của con, con cứ ấp ủ và hành động; Chúa Thánh Thần sẽ giúp con, thế gian sẵn sàng chê bai, chống đối vì sự bất cẩn của con (ĐHV 526).

* Trong Thánh Kinh, gương Đức Maria cẩn mật, Bà Yudith cẩn mật đã làm những việc anh hùng. Đừng khinh phụ nữ. Lực sĩ vô địch như ông Sam-son đã bại trận vì bất cẩn thua phụ nữ Dalila. (ĐHY 527).

Hôm nọ, bá tước Livois thuộc hội từ thiện thánh Vinh-sơn đến xin tiền một bà đạo đức đang ngồi vá áo. Bá tước hỏi:

- Sao bà không may áo mới?

- Tôi tiết kiệm tiền đó dành dụm cho kẻ nghèo.

- Thế lần này bà có gì cho họ không?

- Có chứ!

Bà vừa nói vừa lấy một tờ giấy 1000 quan Pháp, rồi dùng tay trái trao cho bá tước Livois. Bá tước lấy làm lạ, vì theo phép lịch sự, bao giờ người ta cũng đưa bằng tay phải:

- Sao bà lại đưa bằng tay trái?

- Kẻo tay phải biết thì nó sẽ không chịu ngồi mạng cái áo rách của tôi! 


_______________________

22. VUI TƯƠI

1. Nhà làm xiếc tí hon.

* Thánh thiện đâu phải là nhăn nhó, cực khổ, đau thương! Thánh thiện là tươi vui liên lỉ vì được Chúa, "được đất trên trời là của mình vậy" (ĐHV 532).

Nói đến thánh Gioan Boscô, ta nghĩ ngay đến một con người luôn luôn vui tươi và gây niềm vui cho kẻ khác.

Lúc còn thơ ấu, Gioan Boscô lần đi xem một gánh xiếc nhỏ đến trình diễn tại giáo xứ suốt mấy tuần lễ. Cứ mỗi chiều chúa nhật, ông chủ xiếc lại cố gắng ra tay trổ hết nghề để thu hút mỗi người đến xem. Và thế là trong nhà thờ chẳng có ai chầu Thánh Thể và đọc kinh! Gioan thấy vậy rất đau lòng. Cậu ta lặng lẽ quan sát ông chủ xiếc rồi về nhà âm thầm tập luyện.

Chúa nhật sau, cậu bé ra trước sân nhà thờ và cả gan thưa lớn tiếng với giáo dân: "Thưa bà con, cô bác, bà con cứ vào nhà thờ chầu Thánh Thể cách thong thả đừng bỏ việc Chúa. Sau giờ chầu, cháu xin được tranh tài với ông chủ xiệc này cho bà con xem, khỏi mất tiền mua vé vô ích!"

Giáo dân không tin, cậu bé cứ van nài mãi. Cuối cùng ông chủ xiếc cũng bảo: "Thôi bà con cứ vô nhà thờ đi. Sau giờ chầu xin mời tất cả ra đây xem thằng nhãi này làm gì mà cả gan thách thức tôi". Quay sang nhóc tí Gioan Boscô, ông dọa: "Nè, mày làm không xong cả làng sẽ đánh chết nghe chưa thằng nhãi!"

Vừa xong giờ chầu Thánh Thể, mọi người vội vã ra sân... Gioan Boscô đứng kề bên ông chủ xiệc. Cậu bé quá! Chỉ mới ngang hông đối thủ... Cuộc tranh tài bắt đầu.

Trước hết, ông chủ xiếc đặt chiếc gậy trên đầu ngón tay, ông cho chiếc gậy nhảy lần qua ngón tay, rồi qua vai, qua mắt, đứng trên mũi... Thiên hạ vỗ tay hoan hô nhiệt liệt; nhưng vì mũi ông ta quá to thành thử chiếc gậy phải rơi xuống đất. Ông chộp lấy, giao cho Boscô và nói: "Mày làm thử xem!" Mọi người hồi hộp theo dõi. Gioan Boscô bình tĩnh cho chiếc gậy nhảy từ đầu ngón tay, qua vai, đến mũi..., và vì mũi cậu bé quá nên chiếc gậy đứng mãi không rơi. Bà con vỗ tay hoan hô rền trời, thế là Gioan Boscô thắng được trận đầu: 1-0.

Trận thứ hai: Trước sân nhà thờ có một cây thông cao vút, ông chủ xiếc cắm cúi leo một mách lên tới ngọn cây. Mọi người vỗ tay reo hò. Ông đắc chí, tụt xuống và hất hàm hỏi Gioan: "Mày có bao giờ leo cây thông chưa?" Gioan Boscô gật đầu, xắn tay áo và phóng mạnh lên cây. Bà con trong xứ ra sức động viên: "Gắng lên! Gắng lên! Hoan hô Gioan Boscô". Thoạt chốc, Gioan đã trèo lên đến đầu ngọn. Một tràng pháo tay nổi lên rền trời ân thưởng nhà xiệc tí hon gan dạ... Bỗng mọi người đều ngưng vỗ tay không khí lặng như tờ: Vì trên cây, Gioan Boscô cố gắng leo cao hơn chút nữa, rồi nhờ thân mình nhỏ bé, cậu ghì lấy ngọn cây cho đầu trở xuống, hai chân chổng thẳng lên trời: cậu "trồng cây chuối" ngay trên ngọn! Pháo tay nổ lên như bắp rang. Ông chủ xiệc thấy nóng bừng ở tai. Gioan Boscô ghi thêm một bàn thắng nâng tỉ số lên 2-0.

Trận thứ ba: "Nè, Gioan - ông chủ xiệc nói - Mày hãy xem, đàng kia có cái ao khá rộng, bên kia ao là bờ đất hẹp, cạnh bờ ao có một bức tường bằng đá lởm chởm. Mày và tao lần lượt nhảy sang. Nếu nhảy hụt sẽ rơi xuống nước; nếu nhảy qua, đầu sẽ đánh vào tường vỡ sọ chết tươi. Mày có dám không?" 

Cậy mình cao cẳng dài giò, ông chủ xiếc quyết ăn thua đủ một lần cuối cùng với Gioan Boscô. Ông phóng mạnh một cái, phút chốc đã đứng chống nạnh trên bờ ao. Pháo tay nổ rền trời. Cậu Gioan bình tĩnh, xắn tay áo, lấy đà "Vụt! Cậu sang đứng ngay dưới chân tường rồi nhanh như tia chớp, vụt thêm lần nữa, Gioan Boscô đã đứng trên bờ tường, cao hơn ông chủ xiếc. Sau một phút nín thở, nào mũ, nào nón, khăn tay... thi nhau bay lên trời. Dân chúng reo mừng phỡ lỡ, không những họ phục tài Gioan mà còn hãnh diện về cậu: Không ngờ xứ ta lại có thằng bé tài hoa hơn ông chủ xiệc lão luyện đến thế!" Gioan ghi bàn thắng cuối cùng với tỷ số 3-0. Ông chủ xiệc thẹn thùng, quơ nhanh dụng cụ rồi bỏ đi... Từ đó, mỗi lúc có lễ lớn, trong xứ lại được Gioan biểu diễn mua vui cho hết mọi người. Ai cũng mến yêu thán phục cậu.

2. Gioan Boscô làm ảo thuật.

Gioan Boscô vào trường học chẳng được bao lâu, chúng bạn đã đồn tới tai Bề trên: "Thằng Gioan Boscô nó biết làm ảo thuật! Nó có phép ma quỉ gì mà lạ quá!" Thế rồi một hôm, Gioan Boscô bị gọi lên văn phòng Bề trên. Gõ cửa xong, được lệnh, cậu rón rén đi vào. Đôi mắt cha Bề trên núp sau gọng kiếng đăm đăm nhìn cậu bé. Gioan đứng khép nép. Cha bề trên hỏi: "Gioan, con nói thực cho cha nghe, người ta đồn rằng, con có tài ảo thuật hay phù phép ma quỉ gì đó phải không?" - "Thưa cha không, con đâu có phù phép gì! con chỉ đùa với chúng bạn đôi chút cho vui thôi!" - "Đùa thì đứa nào chả đùa! nhưng mấy đứa kia có làm phù phép đâu! Phải khai rõ cho cha nghe. Cha biết hết. Đứa nào cũng nói con có phù phép. Nếu con không nói thực, cha sẽ đặt vấn đề về con trong kỳ họp hội đồng của các cha nay mai" - "Thưa cha, con sẽ khai, nhưng trước hết, xin cha cho con biết bây giờ là mấy giờ rồi ạ?" Hơi ngạc nhiên, cha bề trên bảo: "Con đợi cha chút". Rồi ngài lật sách lật vở, mở tung ngăn kéo, xỏ tay vào túi quần áo cũng chẳng thấy chiếc đồng hồ đâu. "Lạ quá! chiếc đồng hồ quả lắc thường vẫn được cha đặt trên bàn mà!" Cậu Gioan tươi cười ngả tay ra trước mặt ngài: "Thưa cha, đồng hồ của cha đây". Cha bề trên bây giờ mới hiểu ra; ngài vừa cười vừa nói: "Thôi, cha hiểu rồi, con nhanh nhẹn tinh quái lắm. Từ rày trở đi cứ đùa cho vui đi! Cha đã hiểu phù phép của con rồi!" Thì ra cậu Gioan vừa bước vào phòng đã đoán biết bề trên có chuyện thắc mắc về mình, liền quơ ngay chiếc đồng hồ nhét vào túi để trả lời ngài một cách khéo léo, hóm hỉnh!!!

Sau này, lúc đã trở thành linh mục lập dòng, ngài luôn nhắc nhở mọi người trong nhà một khẩu hiệu: "In hymmis et canticis: Hãy ca vui lên!" (ĐHV 532).

3. "Tôi sẽ mỉm cười".

* Tại sao không vui? Chắc là giữa tâm hồn con với Chúa có điều gì không thỏa. Xét mình đi, con sẽ thấy ngay (ĐHV 534).

Một chị nữ tu nọ gặp nhiều thử thách, nào là va chạm trong cuộc sống chung đụng với chị em, nào là khi công việc không thành công liền bị phê bình chỉ trích thế này thế khác... Những thử thách ấy lắm lúc làm chị nản lòng thối chí. Nhưng sau những giây phút suy niệm Lời Chúa trước Chúa Giêsu Thánh Thể, chị đã quyết tâm sống can đảm, chị làm việc vì Chúa, chị tìm kiếm thánh ý Chúa không sợ dư luận bàn tán vào ra. Chị chọn một câu châm ngôn rất đơn sơ: "Tôi sẽ mỉm cười". Sáng vừa thức dậy, chị nói ngay: "Hôm nay tôi sẽ mỉm cười". Trước mọi hoàn cảnh khó khăn, chị tự nhủ: "Tôi sẽ mỉm cười". Từ đó công việc hoá ra nhẹ nhàng, mọi người chung quanh chị cũng được thoải mái vui tươi.

4. Đại linh hướng mà vẫn tiếu lâm.

* Con không có tiền? Con không có quà để tặng? Con không có gì cả. Con quên tặng họ niềm vui, tặng sự bình an mà thế gian không thể cho được, kho tàng vui tươi của con phải vô tận (ĐHV 540).

Cha Dom Marmion (1858-1923) là một linh mục gốc người Ái Nhĩ Lan, tu Dòng thánh Bênêđictô, về sau qua Bỉ và làm Đan Viện Phụ ở đó. Ngài có tính luôn luôn khôi hài vui vẻ. Mặc dù đang ở trong một Dòng khổ tu thinh lặng, sống đời chiêm niệm liên lỉ, và có lòng đạo đức thánh thiện đến nỗi được Đức Hồng Y Mercier tín nhiệm chọn làm cha linh hướng, mặc dù là tác giả một bộ sách tu đức giá trị nổi tiếng, cha Dom Columban Marmion vẫn luôn luôn là một con người nhẹ nhàng, thoải mái, thảnh thơi. Lần kia, ngài từ Ái Nhĩ Lan sang Bỉ, vì gấp quá không kịp mua vé tàu thủy, nên ngài cứ xách đại va-li lên tàu. Khi tàu đang lênh đênh giữa biển khơi, cha Marmion biết được ông thuyền trưởng cũng là người Ái Nhĩ Lan, nên ngài tìm cách gặp ông và nói: "Chào ông thuyền trưởng, tôi đến thú tội với ông: tôi đi lậu không có vé tàu!"

- Thế thì lôi thôi lắm. Sao cha không mua vé?

- Thưa ông, biết được ông là người Ái Nhĩ Lan, tôi cũng là người Ái Nhĩ Lan, mà người Ái Nhĩ Lan ta có bao giờ có đi xa mà mang theo giấy vé gì đâu, ngay cả đi vào thiên đàng cũng vậy!

Ông thuyền trưởng phá lên cười. Thế là huề cả làng. Chẳng những thế, ông còn tiếp đãi người đồng hương vui tính cách long trọng nữa.

Trong Đan viện của ngài có vị Viện Phụ Cả, dáng người gầy ốm, khắc khổ, thánh thiện, chu chu chắm chắm. Còn ngài, vị Viện phụ nhà thì ngược lại: quá sức béo mập, thoải mái, tiếu lâm và tươi cười luôn. Do đó, vào những giờ giải trí ngoài sân, các tu sĩ thích tụ lại quanh ngài để nghe ngài nói chuyện, cha con tâm sự "tò te" với nhau hàng giờ mà không chán. Các tu sĩ thích gọi ngài bằng biệt hiệu "thứ Ba béo (Mardi gras)", còn Viện Phụ Cả thì được gọi bằng danh hiệu "thứ Tư lễ tro". Đó là vì xưa nay, người Âu châu có thói quen đánh chén ngày thứ Ba áp lễ Tro thực khoái chí say sưa, để rồi 40 ngày sau, họ ăn chay kiêng thịt, hãm mình đền tội.

Niềm vui vẫn không thiếu trong những cuộc đời chiêm niệm khắc khổ vậy.

5. Trước giờ chết vẫn vui.

* Nếu con làm vì Chúa, tại sao con nản lòng? Càng gian truân con càng vui tươi như Gioan và Phêrô bị đánh đập ở hội đường "ra về vui vẻ vì được xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa"; như Phaolô: "Tôi tràn đầy vui tươi giữa những thử thách của tôi" (ĐHV 536).

* Thành công, con cảm ơn Chúa; thất bại, con cũng cảm ơn Chúa, vui tươi mãi... Chính là lúc Chúa muốn thử xem con làm vì Chúa hay vì ý riêng con. Vui vẻ, can đảm lúc thất bại khó khăn hơn hân hoan lúc xuôi may; hạng anh hùng này con đếm được đầu ngón tay (ĐHV 537).

Thánh Thomas More chào đời ở Luân Đôn năm 1478. Sau khi giúp việc một thời gian cho Giám mục Morton, ngài đã theo Đại học Oxford, về sau còn chuyên về thêm ngành luật. Mùa Xuân 1505, ngài bắt đầu cuộc sống đôi bạn, xây dựng gia đình thành một tổ ấm gương mẫu, đạo đức. Sau khi được thăng đến chức đại phán quan, với bao lời mua chuộc dụ dỗ, ngài vẫn cương quyết không chấp nhận cuộc hôn nhân giữa vua Henri VIII và cô Anna Boley. Nhà vua tìm hết cách bố trí cho ngài làm Tổng Giám mục Anh giáo, ngài cũng từ chối cách lịch sự mà cương quyết. Quá thất vọng, bực tức, bạn thân hoá nên thù địch, nhà vua hạ lệnh giam ngài trong một nhà tù tại Luân Đôn. Trước khi chịu Tử Đạo ngày 6.7.1525, ngài đã mạnh dạn tuyên bố: "Tôi biết tại sao tôi bị kết án... Bỏ cuộc sống đời này, tôi vào cuộc sống mới trong sự quan phòng của Thiên Chúa... Xin Chúa chúc lành ban ơn cho Đức Giám mục Fischer và cải hoá nhà vua". Lúc bước lên đoạn đầu đài, chiếc khăn quàng cổ của ngài bị gió bật tung ra, ngài còn khôi hài bảo tên lính: "Xin quàng chiếc khăn lại giùm tôi". Tên lính bảo: "Ông sắp đứt đầu rồi còn sợ lạnh hay sao mà còn đòi quàng cổ?" Ngài vừa cười vừa đáp: "Sức khỏe là của Chúa ban, tôi phải bảo quản cho tới giây phút cuối cùng". Đoạn ngài nói với ông bạn đưa tiễn ngài: "Cám ơn anh đã đưa tôi lên máy chém. Việc đi xuống tôi tự liệu lấy".

Hồng Y Gioan Fischer, người được Thomas More nhắc đến trong giờ cầu nguyện trước giờ vĩnh biệt, là Đức Giám mục của Giáo phận Rochester. Ngài bị bắt tại Luân Đôn, cũng với một lý do tương tự như Thomas More. Vì lòng nhiệt thành và nhân đức, ngài được Đức Thánh Cha Phaolô III ban tước hồng y chính trong thời gian đó. Vua Henri VIII được tin ấy liền ngạo mạn tuyên bố: "Giáo Hoàng Roma có gửi mũ hồng y đến thì Giám mục Fischer cũng chẳng còn đầu để mà đội". Ngay sau đó, ngài bị kết án tử hình. Vui mừng vì mình đã chu toàn nhiệm vụ Chúa giao phó, trước khi bước lên đoạn đầu đài. Hồng Y Gioan Fischer đã cất cao bài Te Deum (Tạ ơn) trong niềm hoan hỉ của một chứng nhân đức tin hy vọng sẽ được thấy mặt Chúa. Hôm ấy là ngày 22.6.1535.


6. Các thánh không buồn.

Nhìn vào "Tự điển cuộc sống" của thánh Vianney, người ta đọc thấy toàn là những chữ: ăn chay, hãm mình, đền tội, khổ nạn... Nhìn vào gương mặt của ngài, người ta cũng gặp toàn là những nét: gian truân, khắc khổ, lao nhọc, đau thương... Thế nhưng trong con người ấy lại chói ngời một quả tim luôn vui tươi, từ ái với hết mọi người. Ngày ngày, vào khoảng 12 giờ cha Vianney rời nhà thờ và trở về nhà xứ để ăn trưa. Đến một giờ, ngài lại vào toà giải tội và ngồi ở đó cho mãi tới tối. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi vắn vỏi ấy, cha Vianney phải tranh thủ để làm biết bao công việc: thường thường ăn cơm bao giờ cũng đứng, vì ngồi thì sợ kéo dài giờ ra. Vừa ăn xong, ngài vội đi thăm các trẻ mồ côi, các em mẫu giáo... Ai cũng thấy ngài vui tươi âu yếm và sung sướng giữa những tâm hồn đơn sơ ấy. Từ giã các em, ngài rảo bước đến nhà các kẻ ốm liệt; gặp ai dọc đường, ngài cũng an ủi thăm hỏi. Các gia đình đều mong cha sở đến thăm, vì đối với họ, dường như nơi ngài, tàng ẩn một niềm vui không bao giờ vơi. Lúc trở lại nhà thờ, ngài cũng trao đổi một vài lời vắn tắt, có lúc dí dỏm, hài hước với khách hành hương đang đứng trước sân nhà thờ chờ đến lượt vào toà xưng tội.

Lần nọ, cha Vianney gặp một bà trong xứ đến chào ngài. Biết bà là người thật lắm mồm lắm mép, nói huyên thuyên suốt ngày, ngài liền hỏi:

- Trong suốt năm, có tháng nào con nói ít hơn mọi tháng không?

Bà ta bỡ ngỡ ấp úng thưa:

- Thưa cha, con thì quen thói rồi, tháng nào con cũng nói như nhau cả.

- Không, có một tháng con nói ít hơn. Con biết tháng nào không? Bà ngẩn ngơ:

- Tháng nào, thưa cha?

- Tháng hai dương lịch, vì tháng đó chỉ có 28 ngày, 29 ngày thôi.

Ai nấy cười phá lên. Ngài vội vã bước vào toà giải tội.

Lần khác, cha Vianney thấy ở trước sân nhà thờ có một quày hàng bán chuỗi, tượng ảnh và có cả hình của ngài nữa. Ngài bèn dừng lại, cầm lấy tấm hình của ngài đưa lên cao cho mọi người xung quanh coi và nói: "Thiên hạ dại dột thực, cái hình nhăn nheo như con khỉ khô này mà cũng phải mua mất một đồng quan!" Các người chung quanh được dịp cười bể bụng lăn chiêng. Cha Vianney cũng cười, giao trả tấm ảnh lại rồi bước vào nhà thờ.

7. Những bông hoa nhỏ trong đời Đức Gioan XXIII.

* Vui với người thương con. Vui với người ghét con. Vui lúc con hớn hở. Vui lúc lòng con đau khổ tê tái. Vui lúc mọi người theo con. Vui lúc con cô đơn bị bỏ rơi. Vui tươi và làm cho mọi người đến với con cũng cảm thấy bầu khí vui tươi, mặc dù lòng con tan nát. Đó là thánh thiện hơn mọi sự ăn chay hãm mình. (ĐHV 539)

Ai cũng biết Đức Gioan XXIII là một cụ già rất vui vẻ hài hước. Đàng sau nụ cười tiếu lâm của cụ, người ta khám phá ra một kho tàng khôn ngoan, cương nghị của một nhà lãnh đạo lỗi lạc tài ba. Sau đây là vài mẫu chuyện nhỏ trong cuộc sống đơn sơ bình dị của ngài:

*Đức Gioan XXIII với ông Bidault:

Lúc nước Pháp vừa được giải phóng khỏi gót giày xâm lược của Phátxít Đức, Tướng De Gaulle lên nắm chính quyền và ông Bidault trở thành Thủ tướng của Cộng hoà Pháp quốc. Bấy giờ Đức Piô XII bổ nhiệm Tổng Giám mục Roncalli là Sứ thần Toà Thánh tại Paris, một nhiệm sở vô cùng khó khăn, phức tạp. Vị Tân Sứ thần vừa đến nhiệm sở, Tướng De Gaulle liền đưa sang một danh sách yêu cầu Toà Thánh thay mấy chục Giám mục mà ông nghĩ là có cảm tình với cựu Thống chế Pétain. Đức Cha Roncalli tiếp nhận danh sách và thinh lặng nghiên cứu, nghe ngóng một thời gian, cốt để kéo dài công việc. Mặc cho Thủ tướng Bidault nhiều lần thúc giục, ngài vẫn hứa hẹn trì hoãn...

Một hôm trong lúc nói chuyện với một số chính khách, Thủ tướng Bidault nổi giận phát ra một câu: "Cái con lợn Roncalli làm gì mà không chịu đổi các ông Giám mục cho tôi chớ?" Câu nói ấy lọt vào tai vị Sứ thần Toà Thánh. Trong một buổi tiếp tân sau đó không lâu, trước mặt đông đảo quan khách ngoại giao, Thủ tướng Bidault tiến lại phía Sứ thần Roncalli đang uống rượu và trò chuyện thân mật với một số Đại sứ. Sau đôi ba lời xã giao thăm hỏi, Thủ tướng vào đề ngay: "Sứ thần Roncalli đã tính xong việc thuyên chuyển mấy chục vị Giám mục ấy chưa? Sao mà chậm trễ thế?" Roncalli vui vẻ đáp: "Thưa Thủ tướng, ngài muốn con lợn khốn nạn Roncalli làm gì nào?"

Một năm sau, chính phủ De Gaulle đổ nhào, vấn đề trên đã được giải quyết tốt đẹp: Toà Thánh chỉ thuyên chuyển hai Giám mục trên danh sách mấy chục vị theo chính phủ đòi hỏi.

*Ngồi một bên bà Đại sứ ăn mặc thiếu đoan trang.

Trong một buổi dạ tiệc ở điện Elysé, Sứ thần Roncalli oái oăm thay lại được xếp ngồi cạnh một bà Đại sứ ăn mặc rất hở hang. Mấy ông Đại sứ quen thân với Sứ thần Roncalli cứ nhìn sang ngài suốt buổi tiệc, miệng cười túm tím ra chiều đắc ý lắm! Về phần cụ già Roncalli, ngài vẫn đơn sơ tự nhiên, chuyện trò với khách chung quanh cách vui vẻ.

Sau bữa tiệc, lúc mọi người ra về hối hả, mấy vị Đại sứ hồi nãy quây quần Đức Cha Roncalli và thân mật hỏi ngài: "Bữa tiệc vừa rồi, ngồi bên bà ấy, Đức Cha có cảm thấy lúng túng không? Không! Tôi cảm thấy sung sướng là đàng khác!

*Họ lấy làm ngạc nhiên, không hiểu được ý ngài bèn hỏi tiếp:

- Tại sao mà sung sướng?

- Sao lại không sung sướng? các vị không thấy cả bàn tiệc ai cũng để ý nhìn tôi là một cụ già ngộ nghĩnh thay vì để ý đến bà Đại sứ xinh đẹp hở hang kia đó sao?

* Với đôi hôn phối ở Pittsburg, Mỹ.

Sau khi Đức Gioan XXIII qua đời, Đức Hồng Y Wright đã thuật lại câu chuyện sau đây về con người vĩ đại vừa đơn sơ ấy:

"Trong thời gian làm Giám mục tại giáo phận Pittsburg, lần nọ, tôi được vào triều yết Đức Thánh Cha Gioan XXIII. Vừa thấy tôi, Đức Thánh Cha vui vẻ bắt tay và nói cách khôi hài: "Tên Đức Cha thật rắc rối: viết là "Rit" mà đọc là "Ray"! Tiếp theo câu khôi hài dí dỏm ấy là những câu chuyện về vấn đề mục vụ trong giáo phận... Sau cùng, ngài hỏi chuyện thân mật:

- Đức Cha có nhớ trong thành phố Pittsburg có con đường... này không?

- Thưa Đức Thánh Cha có ạ!

- Ở số nhà... có một người giáo dân tên là... Đức Cha có biết không?

- Thưa Đức Thánh Cha con chịu thôi, nhưng lúc về con sẽ cố gắng đi hỏi. 

- Tôi có được bức thơ của anh ta. Nó báo tin nó sắp cưới vợ và xin tôi ban phép lành. Tôi thấy địa chỉ của nó ở trong giáo phận của Đức Cha, nên giữ lại cái thiệp chúc mừng này, định giao cho Đức Cha để nhờ Đức Cha trao lại cho nó.

- Thưa Đức Thánh Cha, con xin làm theo ý Đức Thánh Cha.

- À, nếu được, xin Đức Cha gọi nó và vợ nó ở tỉnh... đến gặp Đức Cha, tôi nhờ Đức Cha trao quà cho hai chúng nó và nói là Đức Thánh Cha chúc lành, cầu nguyện cho gia đình chúng nó luôn mãi hoà thuận thương yêu nhau, giữ vững hạnh phúc lâu dài...

- Thưa Đức Thánh Cha, gọi anh ấy thì được chứ còn vợ anh ấy ở xa nơi con quá, tương tự như Roma đi Mátcova lận!

- Thế thì làm sao chúng quen biết nhau được! Lạ thật! Thôi, ít nữa là xin Đức Cha gọi điện thoại cho chúng nó đòi chúng nó đến thử một lần xem sao. Chúng ta cùng mang lại hạnh phúc tươi vui cho một gia đình..."

Đức Hồng Y Wright kết luận: "Câu chuyện ấy có tính cách khôi hài nhưng cũng làm cho tôi rất cảm động. Đức Thánh Cha Gioan XXIII là tác giả của những công trình vĩ đại như việc triệu tập Công Đồng Vatican II, nhưng cùng lúc, ngài cũng không quên mang niềm vui đến cho những kẻ hèn mọn nhất trong đám con cái thân yêu của ngài".

8. "Bên nước Ba Lan người ta không bao giờ khóc".

* Làm sao con hết buồn? Hãy cầu nguyện! Tại sao thế? Vì con gặp Chúa: Mađalêna tìm xác Chúa, hai môn đệ đi làng Êmau đã gặp Chúa và quên hết mọi ưu sầu (ĐHV 541).

* Càng được chung phần thống khổ của Đức Kitô chừng nào, anh em hãy vui mừng! Ngõ hầu khi vinh quang của Ngài mặc khải ra, anh em cũng được vui mừng hớn hở." (1P. 5:13) (ĐHV 542).

Lúc giáo dân Ba Lan cùng đi với phái đoàn 50 Giám mục do Đức Hồng Y trưởng Giáo Chủ Stefan Wyzynsky hướng dẫn đến chúc mừng Đức Tân Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhiều người cảm động đến nỗi phát khóc vì nghĩ rằng ngài sẽ không bao giờ về lại giáo phận Cracovie thân yêu của ngài nữa.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã an ủi họ và nói một câu thật đáng cho chúng ta ghi nhớ: "Ở nước Ba Lan, người ta không bao giờ khóc".

9. Ông vua ca hát.

* Con phải vui tươi luôn. Đường hy vọng không thể chấp nhận lữ hành buồn phiền được, đường hy vọng đem lại vui tươi (ĐHV 535).

Người ta tặng biệt hiệu "ông vua ca hát" cho thánh Phanxicô Assisiô, vì ngài luôn vui tươi và sáng tác nhiều bài thơ khúc nhạc ca tụng Chúa. Năm nọ, suốt cả tuần thánh, ngày nào ngài cũng đọc và suy niệm bài Tin Mừng về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cho các đồ đệ nghe. Đến đêm Phục Sinh, lòng hân hoan quá đỗi, ngài dặn đồ đệ "Đêm nay đừng tắt đèn, cứ để nó tiếp tục cháy, nó cũng phải hân hoan vì cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô".

Cuộc đời ngài đầy dẫy những chuyện vui tươi. Tất cả đã được ghi chép trong cuốn sách "những bông hoa nhỏ" mà không biết bao thế hệ Kitô hữu đã thích thú đọc. Tinh thần vui tươi ấy được tóm gọn qua câu châm ngôn của Dòng ngài sáng lập: "Hãy sống nghèo khó, khiêm nhường vì tình yêu Chúa Kitô chịu đóng đinh và luôn ca hát niềm vui".


10. Vui cười trong đau khổ.

* Đừng buồn phiền, hãy có cái nhìn siêu nhiên và con sẽ thấy mọi sự dưới khía cạnh mới (ĐHV 533).

Là một nhà diễn thuyết thời danh đồng thời là một người có lòng bác ái cao độ, nên hôm nọ, vừa gặp một người nghèo khổ ăn mặc rách rưới, đầu gối lỡ loét, linh mục Taulère liền cho tiền và ân cần hỏi han:

- Chắc anh khổ lắm?

- Cám ơn cha. Khổ thì khổ nhưng con vẫn vui.

Thấy cha Taulère có vẻ ngạc nhiên, anh ta nói tiếp:

- Từ thuở còn nhỏ, con đã tin rằng, Chúa là Đấng Toàn năng và là Đấng yêu thương con; nếu con mắc bệnh như thế này chắc hẳn cũng không ngoài thánh ý của Ngài nên con vui mừng đón nhận. Nếu con khoẻ mạnh, con sẽ cám ơn Chúa hết lòng. Nếu có thiếu thốn áo mặc, con cũng tự nhủ với mình: "Xưa trên Thập giá, Chúa đâu có áo che thân. Mình được như thế này thì cũng còn hơn Chúa nhiều lắm!... và giả như một con mắt con bị khoét, con cũng vẫn cứ vui cười với con mắt kia..."


11. Nụ cười trị giá 40 ngàn Mỹ kim.

* Vui với người thương con. - Vui với người ghét con. - Vui lúc con hớn hở. - Vui lúc lòng con đau khổ tê tái. - Vui lúc mọi người theo con. - Vui lúc con cô đơn bị bỏ rơi. - Vui tươi và làm cho mọi người đến với con cũng cảm thấy bầu khí vui tươi, mặc dù lòng con tan nát. Đó là thánh thiện hơn mọi sự ăn chay hãm mình (ĐHV 539).

Ide, một ngôi làng nhỏ bé ở nước Hoà Lan là quê hương của Hans Bergen. Anh ta có một khuôn mặt quá xí trai nên bị mọi người trong làng bỏ rơi, khinh rẻ. Quá buồn khổ, Hans Bergen tuy vẫn sống mà dường như đã chết từ lâu...

Thế rồi đến một hôm, chàng thanh niên cô độc ấy chết thực sự. Dân làng Ide cũng chẳng lưu ý gì đến cái chết ấy cả; thế nhưng sau đó mọi người đều ngạc nhiên khi đọc thấy trong di chúc của Hans Bergen: chàng có để lại một gia tài 40.000 Mỹ kim cho một em bé chẳng bà con thân thuộc gì với anh ta hết. Anne Martine là tên cô bé ấy.

Trong di chúc, Bergen nêu rõ lý do: "Tất cả các ông bà trong làng đã cau mày hay nhìn đi nơi khác khi gặp tôi. Nhưng một ngày kia, tôi gặp bé Anne, em đã trao tặng cho tôi một nụ cười khả ái. Đó chính là nụ cười chân thành duy nhất tôi đã nhận được trong đời tôi".


_______________________

23. KHÔN NGOAN

1. Sự khôn ngoan của Thập giá.

* Các nhà bác học, các thiên tài đã đóng góp rất nhiều cho văn minh thế giới. Nhưng họ chỉ có những mảnh vụn chân lý. Một thế giới có trật tự tốt đẹp, cần phải có một sự khôn ngoan siêu việt: Ngôi Lời, "nhờ Người mà muôn vật được tạo thành" (ĐHV 549).

* Con tin tưởng và theo gương thánh Phaolô: "Khi đến với anh em, tôi đã không đến với uy thế của ngôn ngữ, hay khoa khôn ngoan để rao giảng chứng chỉ của Thiên Chúa. Quả tôi đã quyết định là giữa anh em tôi không muốn biết gì, ngoài Đức Kitô Giêsu và là Đức Kitô Giêsu bị đóng đinh thập giá." (1Cor. 2:1-2) (ĐHV 554).

Thường thường người ta ai cũng cầu xin cùng Chúa cho được ơn khôn ngoan sáng suốt để cư xử với mọi người. Nhiều người khác lại cầu xin cho được những ơn lành phần hồn phần xác; nhưng ít kẻ cầu xin cho được vác Thánh giá Chúa, chịu đau khổ vì Chúa...

Thánh nữ Margarita thuật lại rằng: "Một hôm Chúa hiện ra và phán bảo tôi. Hai điều sau đây con muốn chọn điều nào: một là được khỏe mạnh, lòng trí luôn vui hưởng sự ngọt ngào êm ái, được bề trên tín nhiệm, chị em quý mến, người ngoài cảm phục, hai là phải ốm đau bệnh tật, chịu bề trên thử thách, chị em khinh dể, luôn luôn cay đắng tư bề khổ cực.

"Nghe vậy tự nhiên lòng tôi xao xuyến âu lo. Tôi sấp mặt xuống đất và than thở cùng Chúa: Lạy Chúa, con chẳng dám chọn điều nào cả, nhưng điều nào đẹp lòng Chúa hơn thì xin Chúa chọn thay cho con.

"Chúa lại phán bảo cùng tôi: Ta chọn cho con, con đường Thánh giá, vì chỉ Thánh giá mới làm đẹp lòng Ta hơn cả, và chỉ ai yêu mến Thánh giá mới thực giống Ta hoàn toàn... Cũng chính lúc ấy, Chúa cho tôi xem thấy những sự khốn khó của cả đời tôi. Tôi rùng mình kinh khiếp, âu lo cho số phận mai ngày, không biết đời mình đau khổ sẽ dẫn về đâu. Bấy giờ tôi suy nghĩ: "Yêu ai thì trao tặng phần quý nhất cho người mình yêu. Chúa Giêsu sẽ ban cho những kẻ Ngài yêu, ngoài Nước Thiên Đàng, chẳng còn gì quý hơn cho bằng Thánh giá".

Khi Margarita trình bày những lời truyền dạy của Thánh Tâm Chúa cho bà bề trên, bà liền bảo phải viết vào giấy và tường trình cho các Đấng Bản quyền địa phận. Các Đấng xem xong ai cũng lắc đầu, cho Margarita là người nếu không bị quỷ ám thì cũng là kẻ cuồng tín. Nhục nhã hơn nữa, một vị linh mục nọ còn đến làm phép trừ quỉ cho chị.

Thế là tiếng đồn chị Margarita bị quỉ ám vang khắp nơi. Đâu đâu người ta cũng khiếp sợ và xa tránh chị như tránh tà ma. Mãi về sau, cha De la Colombière, một linh mục Dòng Tên, bề trên ở tỉnh Parey-le-Mondial mới xác nhận việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là do chính Người truyền dạy. Thế nhưng, một thời gian sau nữa, quyết nghị lại bị một hồng y phi bác, Margarita lại thêm một phen bị mọi người khinh ghét, coi là kẻ đạo đức giả hình, nửa người nửa ngợm, tà ma ám ảnh.

Ta hãy nghe lời chị thánh tâm sự: "Bấy giờ mọi người đồng tình làm khổ tôi, bêu xấu tôi, bạc đãi tôi. Nếu không có Chúa nâng đỡ, tôi không sức nào chịu được". Mà đau khổ xỉ nhục đâu phải chỉ xảy ra trong vài ngày. Chị phải chịu đựng như thế trong suốt 20 năm trường. Nhưng nhờ những năm dài này, đầy nước mắt đau thương ấy việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được phổ biến khắp nơi.

Mới đây, vào năm 1974, các Giám mục, Hồng y khắp thế giới đã tề tựu về nước Pháp để tham dự đại hội quốc tế về việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, tổ chức ở Parey-le-Mondial là nơi Chúa đã hiện ra cùng Maria Margarita năm 1675. Vì thế kỳ Đại hội này cũng là dịp kỷ niệm 300 năm ngày Chúa tỏ Thánh Tâm Người cho nhân loại.

Những đau khổ, khờ dại của chị Margarita ngày xưa tại Dòng Thăm Viếng nay đã biến thành vinh hiển, khôn ngoan trên Nước Thiên đàng.


2. Thiên Chúa xử đụng kẻ tầm thường.

* Ngôi Lời đã nhập thể, và Đức Chúa Cha đã phán: Đây là Con Ta yêu dấu và đẹp lòng Ta, hãy nghe lời Người." Người là sự sống: con chỉ sống bằng tinh thần của Người. Người là đường: con chỉ theo bước chân Người. Người là Thật, con chỉ tin lời dạy của Người (ĐHV 550). 

* Muốn được khôn ngoan con hãy tha thiết cầu xin và con phó thác cả cuộc đời con sống tuyệt đối theo ý Chúa. Đến giờ phút cần thiết, dù phải điệu đến trước tòa quan, giờ ấy không phải con nói, nhưng chính Chúa Thánh Thần sẽ nói bởi miệng các con, như "Têphanô đã giảng, đầy lòng tin vào Chúa Thánh Thần" (ĐHV 556).

Có ai ngờ cô bé chăn chiên ở Domrémy miền Lorraine nước Pháp lại trở thành vị đại anh hùng dân  tộc, đã can đảm đứng lên đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi bờ cõi... Nhưng sự thật là thế! 

Sau khi đã giải phóng được phần lớn nước Pháp khỏi ách đô hộ của Anh quốc và đưa vua Charles VII về nhà thờ chính toà thành Reims để xức dầu phong vương, Jeanne d'Arc (1412-1431) lại xuất chinh một lần nữa; nhưng rủi thay, phen này cô phải thất trận và sa vào tay quân giặc (1430). 

Họ lập một toà án để xử Jeanne d'Arc và quyết buộc tội cô là kẻ rối đạo để hòng thiêu sống cô. Họ đặt ra một câu hỏi: Cô có ơn nghĩa cùng Chúa không? 

Đây là một câu hỏi vô cùng hóc búa. Nếu trả lời "có" thì sẽ buộc tội là rối đạo, vì nào có ai dám cả gan xưng mình là có ơn nghĩa Chúa? Mà nếu trả lời "không" thì cũng sẽ buộc tội rối đạo ngay, vì không có ơn nghĩa cùng Chúa thì ở trong tay ma quỉ chứ còn gì nữa! Jeanne d'Arc cầu nguyện hồi lâu và trả lời bằng câu rất khôn ngoan khiến các quan toà đều kinh ngạc: "Nếu tôi có ơn nghĩa Chúa thì xin Chúa gìn giữ ơn nghĩa đó trong tôi. Nếu tôi chưa có ơn nghĩa Chúa thì xin Chúa ban ơn nghĩa Chúa cho tôi".


3. Tên điên thành Assisiô.

* Người ta khen con hay chê con, con đừng lo sợ vì mất mát hay sung sướng vì tăng thêm điều gì: Chỉ một điều làm con thiệt hại: tội lỗi. Chỉ một điều tăng thêm giá trị: nhân đức. Khen chê đừng lo, cũng như không sợ súng giả, không ham bạc giả (ĐHV 544).

* Con đừng hoài nghi lúc thấy đường hy vọng vắng bóng những người mà thế gian cho là khôn ngoan. Chúa Giêsu đã báo trước: "Lạy Cha, con đội ơn Cha vì Cha đã ẩn dấu những điều này cho những người thông minh, khôn ngoan và Cha đã bày tỏ cho kẻ thấp hèn." Con chỉ cảm tạ Chúa, vì đã ban cho con biết sự khôn ngoan thật. (ĐHV 551).  * Thế gian sợ sự khôn ngoan ấy, vì Chúa Giêsu gọi là "đường hẹp", vì nó đảo lộn cuộc sống cũ, vì nó khuấy rầy thế gian, vì nó đặt lại nấc thang giá trị, vì thiên hạ cho là "chướng tai". Nhưng những tâm hồn thiện chí khiêm cung, những giới trẻ đầy nhiệt huyết, qua mọi thời đại đã theo sự khôn ngoan ấy đến cùng (ĐHV 552).

Phanxicô là con trai của cụ Bênađô, một thương gia tơ lụa nổi tiếng thành Assisiô nước Ý. Sau những tháng ngày làm việc ở trong gia đình, chàng được Chúa soi sáng và cảm nghiệm sâu xa Lời Chúa nói với chàng thanh niên giàu có trong Phúc Âm: "Anh chỉ còn thiếu một điều thôi. Hãy bán tất cả của cái mà phân phát cho kẻ nghèo và anh sẽ có một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Tôi" (Lc 18,22). Chàng cương quyết cùng một số anh em tình nguyện sống nghèo khó theo Phúc Âm và tự gọi tên nhóm là "Anh em hèn mọn". Thân phụ chàng, ông Bênađô, rất đỗi buồn phiền, thuyết phục con hoài mà không sao ngăn cản được. Một hôm, hai cha con đang giằng co vật lộn nhau trên đường thành Assisiô thì Đức Giám mục đi ngang qua; thấy công chuyện lôi thôi, ngài mời cả hai về Toà Giám mục. Trước mặt vị Đại diện Chúa và mọi người hiếu kỳ đang đứng xem đông đảo. Ông Bênađô đã tuyên bố: "Thằng Phanxicô là một cái ô nhục cho giòng họ tôi. Tôi từ nó, không nhận nó làm thừa kế nữa". Đức cha quay sang Phanxicô dịu dàng hỏi: "Con có muốn nói gì không, Phanxicô?" Thưa Đức Cha, không. Rồi... thoắt một cái, chàng cởi bộ đồ áo nhung đang mặc, cuộn tròn lại và đặt dưới chân ông Bênađô, hoàn toàn không trước mặt Chúa và loài người. Chàng nói lớn với mấy tay quyền quý và dân chúng đang đứng xem ở ngoài: "Cho đến bây giờ tôi vẫn gọi ngài là Phêrô Bênađô là cha tôi. Nhưng từ giờ trở đi, tôi chỉ còn một người cha là Thiên Chúa!... Tôi là kẻ điên mới". Đức Giám mục thấy Phanxicô đang trần truồng thì cởi áo khoác ngoài choàng lên người chàng. Từ đó, Phanxicô bắt đầu một đời sống mới: ăn mặc rách rưới rảo quanh các đường phố vừa rung chuông vừa rao giảng Tin Mừng tình thương, đói thì xin ăn, đêm về thì ngủ lang bạt. Ông Bênađô quá sức tức giận và hổ thẹn, bèn sai đầy tớ chực sẵn ở nhà, mỗi lần Phanxicô đi ngang qua thì ra đánh đập, mắng nhiếc, trút cơm thừa canh cặn lên đầu chàng.


Chiều hôm ấy, Phanxicô ngang qua trước cửa nhà ông Bênađô, theo sau là một đám người ô-hợp: kẻ thành tâm thiện chí muốn đi theo tu tập lẫn người xỉ nhục, nhiếc mắng, ném trứng thối vào chàng thanh niên điên. Tôi tớ trong nhà vừa thấy bóng Phanxicô liền ùa ra đánh đập, tạt đồ dơ vào mặt Phanxicô và quát: 

- Mày là đồ khốn nạn, đồ ăn mày! Phanxicô vẫn quỳ thinh lặng cúi đầu. Một tu sĩ đứng bên chàng đáp:

- Phanxicô, anh thật có phước, vì ai nghèo khó thì được Nước Trời làm của mình vậy.

Tên đầy tớ tiếp tục mắng chửi:

- Có nhà cao cửa rộng không ở, lại đi làm kiếp ăn mày! Đúng là thằng điên!

Vị tu sĩ nhẹ nhàng rót vào tai Phanxicô:

- Anh Phanxicô, anh thật khôn ngoan, vì được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích chi!

Tên đầy tớ giận sôi lên, vừa đánh vừa chửi:

- Mày là đồ vô phúc! Cha mẹ bà con đã từ mày, vì mày đã bỏ giai cấp quí tộc để đi làm một tên nghèo đói, mạt hạng!

Vị tu sĩ vẫn bình thản bảo:

- Anh Phanxicô, anh thật khôn ngoan và hạnh phúc, vì Thiên Chúa là Cha của anh. Bạc vàng, danh vọng rồi sẽ tiêu như mây khói. Còn kẻ bỏ mọi sự mà theo Chúa sẽ được Ngài thưởng gấp trăm!  ...Tuần nào cũng đều xảy ra một vài vụ như trên. Dần dần, các đầy tớ cảm thấy chán chê và thôi không thèm la mắng, đánh đập chàng nữa. Những kẻ đi theo nghe Phanxicô giảng ngày càng đông đảo. Họ hết sức mến yêu cảm phục lòng nhẫn nại khiêm nhu của chàng. Nhìn vào con người chàng, họ hiểu biết sự khôn ngoan đích thực là bỏ hết mọi sự để chỉ gắn bó vào một mình Thiên Chúa.

Lúc sắp nhắm mắt lìa cõi trần, các môn đệ nài nỉ xin Phanxicô trăn trối đôi lời. Ngài chỉ lắc đầu: "Các con tôi, các anh em tôi, những gì tôi phải nói với anh em, tôi đã nói tất cả.Giòng máu nào có trong con tim, trong huyết quản, tôi đã trao cho anh em. Giờ đây tôi không còn chữ nghĩa nào để nói. Nếu còn gì phải nói, Thiên Chúa sẽ giữ tôi lại trên trần gian này".

- Thế cha không có gì, không có gì hết để nói với chúng con sao? Gilles, một môn đệ của Phanxicô thốt lên.

Phanxicô thì thầm: "Khó nghèo, hoà bình, yêu thương. Không có gì khác, các anh em ơi... Khó nghèo, hoà bình, yêu thương". Ngài cố ngồi lên, nhưng sức hơi đã mòn: "Cởi quần áo cho tôi... Đặt tôi nằm trần truồng dưới đất để tôi được sờ vào đất đai và đất đai được chạm vào tôi"

Phanxicô lìa trần ngày 4.10.1226, trên môi hát bài thánh thi ca tụng Chúa: "Xin tán tụng Ngài, Chúa con ơi với tất cả tạo vật của Ngài..."


4. Ai khôn hơn ai?

* "Đối với những kẻ hư mất, thì lời rao giảng về Thập Giá là một sự điên rồ; còn với ai được cứu độ, tức là chúng ta, thì lại là quyền năng của Thiên Chúa." (1Cor. 1:18) (ĐHV 543).

Thánh Gioan Boscô hết sức yêu thương bọn thanh niên cao bồi du đãng. Ngài nghĩ rằng chúng nó hư hỏng, tâm hồn vẩn đục cũng chỉ vì thiếu tình thương, thiếu giáo dục của gia đình, hoặc vì ảnh hưởng xấu xa của xã hội.  Và cũng vì hăng say phục vụ đám trẻ, nên ngài đã sớm mắc bệnh lao, phải về tĩnh dưỡng ở quê. Khi xong xuôi, ngài thỉnh cầu mẹ già lên giúp đỡ. Trên con đường từ quê lên tỉnh, hai mẹ con nghèo xơ, nghèo xác, không có một hào dính túi, phải đi bộ đến rã cả chân. Tới một công viên, hai mẹ con ngồi nghỉ, thở dốc, dáng vẻ vô cùng mệt nhọc... Một linh mục già đi ngang qua thấy thế dừng lại hỏi thăm. Nghe Gioan kể lại sự tình, thấy khuôn mặt xanh xao, hốc hác, cầm lòng không được cha già liền rút chiếc đồng hồ quả lắc trong túi ra, đặt vào tay Gioan và nói: "Tôi chẳng có gì, sẵn đây có chiếc đồng hồ quả lắc, xin cha bán mà giúp đỡ!" Gioan Boscô rất đổi cảm kích trước cử chỉ thấm tình huynh đệ. Hai mẹ con nhìn nhau: Đây là tất cả vốn liếng cho cái chương trình vĩ đại trong tương lai của hai người.

Tin tường ở ơn phù hộ của Đức Bà, cha Gioan lại hăng say tiếp tục công việc: Thuê nhà quy tụ thêm lũ lâu la, ngày chúa nhật đưa chúng đi chơi, lúc thì xin chơi ở sân đá bóng của giáo xứ này, lúc lại còn chơi ở công viên giáo xứ khác, đâu đâu cũng chỉ chơi được vài ba lần rồi thế nào cũng bị đuổi! Ai cũng lắc đầu ngán ngẫm cái bọn nghịch tặc ấy: "Con cái nhà ai mà rách rưới, xơ xác, ồn ào phá phách, không lễ độ một ít nào cả!" Vì thế cha con Gioan Boscô phải luôn luôn dời chỗ... Ngài thường bênh vực bọn quỷ tặc: "Đó là những đứa trẻ bị bỏ rơi! Nếu chúng được dạy dỗ, yêu thương, tôi tin chắc chúng sẽ trở nên người tốt..."

Không những người ngoài bàn tán mà cả anh em linh mục trong giáo phận cũng to nhỏ với nhau:

- Gioan quá kiêu căng, nó là thánh thần gì mà dám cải hoá bọn côn đồ đó!

- Tôi nghĩ nó không kiêu căng đâu, nhưng có lẽ mát mát hấp hấp làm sao đấy!

- Nó say mê công việc quá! Kể ra nó cũng là người đạo đức và dấn thân thực, nhưng biết đâu vì quá hăng say công việc mà thần kinh nó bị căng thẳng!

Từ lý thuyết phải đi đến thực hành, họ kết luận: "Phải kiếm cách cho Gioan an dưỡng".

Một chiều nọ, hai vị kinh sĩ đi xe đến thăm Gioan, Gioan tiếp đón niềm nở. Trà thuốc xong, hai vị vào đề ngay:

- Cha Gioan này, cha làm việc căng thẳng mệt mỏi quá! Mời cha lên xe cùng với anh em chúng tôi đi dạo một vòng cho thoải mái!

- Xin cám ơn quí vị kinh sĩ. Hôm nay con bận quá, con xin hẹn dịp sau.

- Bận gì mà lắm thế. Đi một vòng cho mát rồi lại về thôi mà!

Các ngài năn nỉ hoài, Gioan đành lễ mễ xách mũ theo các ngài ra xe. Gioan mời hai vị đi xe nhà mình. Tới gần cửa xe, hai kinh sĩ mời Gioan vào trước. Gioan mau miệng từ chối: "Không, không, xin mời hai ngài lên trước, con không dám!" Nhường mãi không được, hai kinh sĩ đành bước lên xe. Rầm! Gioan đóng ập cửa lại, quát bảo tài xế: "Cho hai ngài đi mau lên!"

Tài xế nghe mật lệnh của cha Gioan Boscô đã cho phóng mạnh xe cho hai vị kinh sĩ đến nhà thương điên thành phố. Ở đây người ta vừa được điện báo, họ bố trí sẵn: cổng mở ra, nhân viên đợi sẵn trong sân. Xe vừa dừng, họ liền áp tới lôi hai ngài vào phòng mạch. Họ ngạc nhiên to nhỏ cùng nhau:

- Lẹ thực, theo điện báo với giấy tờ thì chỉ có một ông linh mục điên sắp được đưa tới mà sao bây giờ lại đến hai ông?

- Không phải chúng tôi! Ông khác cơ!

Hai vị kinh sĩ thi nhau đối chối phân trần. Nhưng họ càng la hét om sòm, thì nhân viên càng tưởng thực.

- Ông nào nữa! Đã có lệnh bác sĩ, hễ xe đến là bắt vào phòng ngay. Nếu có vùng vằng hung hăng thì xích tay lại.

Giữa lúc ồn ào náo động, thiên hạ xúm nhau xem, thì bác sĩ đi ra. Các nhân viên trình bày: "Theo lệnh thì chỉ có một ông, mà bây giờ xe lại chở đến hai ông. Ông nào cũng không chịu vào phòng còn làm ùm lên. Xin bác sĩ giải quyết". Nhìn ra mặt hai vị kinh sĩ, bác sĩ liền nói: "Ông linh mục điên đâu rồi?"

- Thưa bác sĩ, ông ấy ranh quá! Ông bảo chúng tôi lên xe trước rồi đóng ập cửa lại. Thế là xe chạy đến đây. Thật không ai ngờ!

- Thôi, các ngài an tâm mà về nghỉ cho khỏe. Chắc ông Gioan đó không điên đâu! Các ngài đã rõ chưa: điên sao mà đa mưu túc trí như thế! Ông Gioan còn minh mẫn hơn các ngài tưởng nhiều!"


5. Một nhà ngoại giao khéo léo.

* Thế giới không chỉ biến đổi nhờ hành động thôi, thế giới biến đổi nhờ tư tưởng, vì tư tưởng chỉ huy hành động (ĐHV 547).

* Sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần ban, sẽ soi sáng các dự định của con, sẽ hướng dẫn các chương trình của con, sẽ biến đổi các hành động của con thành giá trị vĩnh cửu, sẽ làm con người con bất tử, trường sinh (ĐHV 553).

Theo thông lệ của một số quốc gia Âu Mỹ, vị Sứ thần Toà Thánh đương nhiên là niên trưởng của ngoại giao đoàn. Thông lệ này có nhiều điểm tiện lợi. Vì Toà Thánh không ngã theo phe nào, nên những lúc đọc diễn văn vào các dịp lễ lớn, chẳng bao giờ xảy ra thắc mắc, gây hiềm khích giữa nước này với nước khác. Vì thế, Tướng De Gaulle khi bắt đầu thành lập chính phủ năm 1944, đã yêu cầu Toà Thánh phái Sứ thần sang gấp cho kịp đầu năm Dương lịch. Ông ngại rằng nếu vị Sứ thần Toà Thánh không sang kịp, thì đầu năm ấy, Đại sứ Liên Sô, lúc ấy đang niên trưởng sẽ đọc diễn văn chúc mừng Tổng Thống. Và trong thực tế, Đại sứ Liên Sô đã soạn sẵn một bài diễn văn, vì đã cận ngày rồi mà bóng dáng vị Sứ thần Toà Thánh chẳng thấy đâu cả.

Ba ngày trước lễ, Đức Cha Roncalli mới có mặt tại Paris. Trình quốc thư xong, ngài về nhà dọn bài diễn văn. Các đồng nghiệp đến cho ngài hay Đại sứ Liên Sô đã dọn sẵn một bài diễn văn rồi! Thật là khó xử! Làm sao cho khỏi chạm tự ái nhất là giữa Mátcova và Vatican?

Đức Cha Roncalli gọi điện thoại xin phép đến thăm Đại sứ Liên Sô. Đại sứ nhận lời và hẹn giờ...

Đúng hẹn, Đức Cha Roncalli vào phòng khách toà Đại sứ Liên Sô tại Paris. Sau một lúc chuyện trò thân mật, Đức Cha Roncalli vui vẻ khai đề: 

- Thưa Đại sứ, theo thông lệ thì ngày mai khi chúc mừng năm mới Tổng Thống nước Pháp, tôi sẽ phải đọc một bài diễn văn; thế mà tôi nghe Đại sứ cũng có dự bị một bài diễn văn rồi, phải không, thưa Đại sứ?

- Đúng vậy, sợ ngài đến không kịp, tôi phải soạn sẵn, kẻo nhỡ ra...

- Thưa Đại sứ, tôi vừa tới Paris, chân ướt chân ráo, chưa quen người quen việc, mà thủ đô Paris lại là một nơi phức tạp nhất hoàn cầu. Vậy xin Đại sứ cho phép tôi được xem diễn văn của ngài.

- Được lắm! Được lắm! Xin ngài đợi tôi một chút, tôi sẽ giao cho ngài đọc.

Đại sứ Liên Sô lấy bài diễn văn trao cho Đức Cha Roncalli rồi đăm đăm nhìn phản ứng của ngài trong lúc ngài chăm chú đọc.

- Ngài đọc xong rồi à? Ngài thấy thế nào? Xin cho tôi biết cảm tưởng.

- Hay lắm, tốt lắm! Và có một điều nữa tôi muốn nói, không biết ngài có cho phép không?

- Xin ngài cứ nói, đừng ngại!

- Nói lên điều này, tôi thấy rất táo bạo, nhưng với tất cả sự chân thành: nếu không có gì trở ngại, xin ngài cho tôi được mượn bài diễn văn của ngài để đọc vào ngày mai... Tôi khỏi dọn, mà nội dung cũng tốt đẹp đầy đủ cả rồi!

-Tôi sẵn lòng và lấy làm vinh dự nữa! Nhưng tôi xin phép được hỏi: Ngài là Sứ thần Toà Thánh mà dám dùng diễn văn của Đại sứ Liên Sô sao? Điều này khiến tôi ngạc nhiên quá!

- Được lắm chứ, vì chúng ta đều nói lên những tâm tình tốt đẹp cả. Xin ngài cho tôi được đọc hoàn toàn như văn bản của ngài, chỉ xin thêm một câu vắn tắt thôi.

- Câu nào xin ngài cho biết.

- Tôi muốn thêm câu: "Xin ơn trên phù hộ Tổng Thống" có được không?

- Tôi hoàn toàn nhất trí, vì đó là phần riêng của ngài, ai cũng hiểu vậy cả.

Thế là hôm sau, đại diện cho ngoại giao đoàn, Đức Cha Roncalli đã đọc bài diễn văn chúc Tết Tổng Thống De Gaulle. Đọc xong, hết mọi người hoan hô khen ngợi, đến bắt tay mừng ngài thành công. Đức Cha Roncalli mỉm cười và nói: "Đó là công nghiệp của Đại sứ Liên Sô. Tôi mượn bài của ông. Còn phần tôi, tôi chỉ có câu cuối cùng!"

Đại sứ Liên Sô rất hân hạnh và từ đó về sau, ông ta rất có thiện cảm với Sứ thần Toà Thánh.

Còn Đức Cha Roncalli thì được mọi người khen ngợi là khôn ngoan, tế nhị, khéo léo vô cùng, vì đã có tư tưởng đoàn kết, hoà hợp để xây dựng hoà bình trên toàn thế giới.


6. Đức Gioan XXIII nói về đơn sơ và khôn ngoan.

* Ai "sẽ hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao"? Ai "sẽ đánh tan những người kiêu ngạo trong lòng"? Ai sẽ mang lại trật tự cho bao tư tưởng lộn xộn, lệch lạc? Ai sẽ đem bình an cho người thời đại ta, để vững tâm đi trên đường hy vọng? Chỉ có sự khôn ngoan Thiên Chúa ban qua tay Đức Mẹ, "Tòa đấng khôn ngoan". (ĐHV 545).

* "Thế giới nghèo" quằn quại trong đói khát, tủi nhục, trong bao vấn đề xã hội, lúng túng giải quyết không được: khó bó khôn. "Thế giới tư bản" lặn lội trong khoái lạc, tạo thêm nhu cầu, đầu óc chất chứa tư tưởng lộn xộn, tuyên truyền thêm bất an, hoang mang, tự tôn mình làm thầy thiên hạ; ngạo mất khôn (ĐHV 546).

* Khi những người thông minh, Khi những nhà bác học, Nghĩ mình biết tất cả, Khám phá được tất cả, Biết quỳ gối nguyện cầu Thiên Chúa, Biết những phát minh của mình chỉ là tia sáng từ trời chiếu soi, lúc ấy họ nhìn vũ trụ với cặp mắt khác, họ thấy mọi sự được tổ chức theo một trật tự, một chương trình hoàn hảo từ đời đời (ĐHV 548).

"Đối xử với mọi người, phải tôn trọng họ cách khôn ngoan và đơn sơ theo tinh thần Phúc Âm. Phải luôn noi gương Chúa Giêsu để ăn ở đơn sơ, hấp dẫn trong mức độ khôn ngoan của người hiền triết, của các thánh. Xin Chúa giúp. Tuy kẻ gian dù không dám khinh nhưng có coi thường sự đơn sơ chất phác thì mặc họ; đừng kể chi nếu họ có đôi cử chỉ hay đôi lời ý nhị để ma lị ta; vì thường gậy ông đập lưng ông, họ phải xấu hổ gánh chịu việc họ làm. Ai "đơn sơ ngay thẳng, kính sợ Chúa" sẽ luôn luôn "xứng đáng hơn mạnh mẽ hơn" với điều kiện là phải khôn ngoan, dè dặt và hoà nhã. Kẻ đơn sơ không sợ tuyên xưng Phúc Âm mọi nơi, mọi lúc, trước mặt mọi người, dù họ là hạng người cho Phúc Âm là hèn yếu, ấu trĩ. Đừng để kẻ khác gạt gẫm làm cho chúng ta đoán xét sai lạc; dù ai có thái độ nào với ta, ta vẫn giữ tâm hồn thư thái bình tĩnh.

"Khôn ngoan, tức biệt giữ một phần sự thực khi chưa tiện nói ra, miễn là sự thinh lặng đó không làm nhẹ giá hay gây sự hiểu lầm cho một phần sự thật được tiết lộ. Khôn ngoan là người biết đi đến mục đích mình đã lựa chọn bằng những phương pháp kiến hiệu để quyết định đúng và thi hành đúng. Khôn ngoan là người biết tiên đoán và đo lường mọi khó khăn trở ngại có thể xảy ra, biết chọn con đường vừa phải để không gặp trở ngại khó khăn quá lớn. Khôn ngoan là người khi đã nhắm mục đích tốt đẹp, lớn lao, cao cả, sẽ không lạc hướng, nhưng biết vượt mọi trở ngại để làm cho được việc một cách hoàn hảo. Khôn ngoan là người trong mọi vấn đề biết đâu là cái chính, không lẩn quẫn trong cái phụ: biết dồn hết toàn lực một cách liên tục chặt chẽ để đi cho tới cùng đích một cách tốt đẹp. Khôn ngoan là người khi bắt đầu đã biết dâng và phó thác thành quả cho Chúa; dù có thất bại phần nào, hoặc thất bại hoàn toàn đi nữa, họ vẫn an tâm vì đã làm đúng, và biết quy hướng tất cả theo ý Chúa và cho vinh quang cao cả của Chúa.

"Đơn sơ không đối chọi với khôn ngoan hay ngược lại. Đơn sơ đóng vai trò tình yêu, khôn ngoan là tư tưởng. Tình yêu cầu nguyện, tri thức canh phòng. "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện". Cả hai hoà hợp cách hoàn hảo. Tình yêu như chim cu rù rì, tri thức như con rắn không vấp ngã, không va đầu, vì khi bò tới, đầu của rắn cất cao quan sát mọi trở ngại trên đường tiến".


7. Để được khôn ngoan thật.

* Con phải vui tươi luôn. Đường hy vọng không thể chấp nhận lữ hành buồn phiền được, đường hy vọng đem lại vui tươi (ĐHV 535).

Đức Ông Albert Battandier có thuật lại một câu chuyện xảy ra trong đời ngài: "Một hôm tôi bị một người bạn vả mặt một cách vô lý. Không đánh trả cũng chẳng hé môi, rồi bất nhác nhớ lại Lời Chúa Giêsu, tôi liền giơ thêm má kia cho ông ấy vả, và ông ta giáng thêm một cái thật mạnh nữa! Lúc đó trên bàn có sẵn con dao. Tôi đứng dậy và phải phấn đấu cầm mình lắm mới khỏi quơ lấy nó để trả thù. Tôi nhắm mắt đi thẳng một mạch ra nhà thờ. Tôi quỳ cầu nguyện và an bình đã trở lại trong tôi. Bây giờ tôi mới thấm thía sự khôn ngoan đích thực của Thập giá".


_______________________

24. HỌC

1. Thành quả của lòng khiêm tốn học hỏi.

* Muốn tiến kịp, tiến nhanh, tiến vững trên đường hy vọng, con phải học (ĐHV 557).

* Học để biết. Học để canh tân. Học để phục vụ. Học để yêu mến (ĐHV 560).

* Không thông thạo, con dễ tự phụ và tuyên bố táo bạo. Trường hợp con có địa vị, con càng dễ ảo tưởng con thông thạo hơn nữa. Đại họa cho con và cho nhiều người vì sự bất lực ngạo nghễ của con (ĐHV 576).

* Tài không đủ, phải có đức. Tài của con người kiêu căng, khó chịu, chỉ để xử dụng với máy móc và chất hóa học, chứ không để yêu thương thuyết phục người khác (ĐHV 577).

Khi được bổ nhiệm làm Hồng Y Tổng Giám mục thành Milanô, Đức Cha Ratti (sau này là Giáo hoàng Piô XI) rất lấy làm băn khoăn, lo lắng; bởi vì tuy là một người rất thông minh thánh thiện, nhưng chuyên môn của ngài là ngành ngoại giao và đặc biệt là ngành thư viện (ngài đã quản thủ thư viện Vatican trong nhiều năm); các công việc mục vụ của giáo xứ, giáo phận đối với ngài thật là vấn đề rất mới!

Bởi thế, khi mới về nhận giáo phận, trong suốt sáu tháng đầu, ngài đã khiêm tốn mời ông chủ tịch Công giáo Tiến hành ngày ngày đến Toà Giám mục dạy vẽ cho ngài về phong trào đó: tinh thần, cơ cấu, tổ chức, chi tiết của mỗi ngành cũng như những thành công và thất bại của phong trào trong thời gian trước. Thế rồi, chỉ 6 tháng sau "thầy dạy" của ngài "hết chữ", đành phải công nhận "học trò" đã bao quát, tổng hợp được mọi vấn đề, chiều sâu cũng như chiều rộng. Bây giờ Đức Hồng Y Ratti mới bắt đầu ngồi lại cùng các chiến sĩ hăng say trong giáo phận để vạch chương trình và ra sức thực hiện những quyết định độc đáo do ngài đề xướng. Công việc mục vụ được tiến hành cách mau lẹ, thành công, đem lại phấn khởi và niềm tin tưởng cho mọi người.

Mấy năm sau, ngài được bầu làm Giáo Hoàng dưới danh hiệu là Piô XI. Trong suốt 17 năm trên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã mạnh mẽ xúc tiến khắp nơi vấn đề Công giáo Tiến hành. Dưới sự hướng dẫn sáng suốt của ngài, một đà tiến mới mẻ đã đưa những tâm hồn trai trẻ nồng nhiệt lao mình vào các hoạt động tông đồ ngay giữa lòng trần thế, tại những môi trường kỳ diệu đang mở ra trước mắt họ giữa thập niên 1930-1940. Ai ai cũng cảm nghiệm một nguồn sinh lực tươi vui mới mẻ đang ào ạt thổi vào, làm rung chuyển cả Thân mình Hội Thánh, đến nỗi mọi người đều đồng thanh kính tặng ngài danh hiệu: "Giáo Hoàng của Công giáo Tiến hành ". Đứng trước sự kiện ấy, nhiều người lầm tưởng Đức Piô XI đã có một chuỗi đời dày đặc kinh nghiệm về Công giáo Tiến hành; có ngờ đâu thành quả ấy chính là con đẻ của một lòng khiêm tốn kiên trì học hỏi và của sự can đảm thực hiện đúng lúc, không quản ngại những khó khăn, gian khổ...


2. Trên ngôi Giáo Hoàng vẫn còn học hỏi.

* Làm việc! Học và hành không lìa nhau. Con sẽ gần thực tế hơn, con sẽ thấy: nói dễ, làm khó; con sẽ bớt phê bình, con sẽ gia tăng xét mình (ĐHV 567).

* Con hỏi "Học đến bao giờ?" - Học luôn mãi. Thế giới biến chuyển, tưởng sự hiểu biết của mình vô hạn (ĐHV 580).

Đức Piô XII là một vị Giáo Hoàng rất thánh thiện, đạo đức đồng thời cũng là một bậc trí thức vĩ đại. Ngài vừa học vừa hành suốt đời. Hằng đêm, ngọn đèn cuối cùng của thành phố Roma bao giờ cũng là đèn phòng của Đức Piô XII. Nó chỉ lịm tắt khi đồng hồ thong thả gõ một tiếng.

Đức Piô XII học trong sách vở, qua các chuyên gia, bác học cũng như từ những kinh nghiệm phong phú đã đang của cuộc sống. Nếu đọc lại các diễn văn của ngài, ta sẽ thấy ngài đề cập đến rất nhiều vấn đề một cách hết sức sâu sắc: từ những vấn đề tôn giáo, thần học, Thánh Kinh, đến các đề tài chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, xã hội, gia đình, nghề nghiệp, chiến tranh, hòa bình... Ai cũng biết 4 giờ chiều là lúc ngài đi bách bộ trong vườn Vatican và đọc lại bài diễn văn của những ngày sau. Đức Piô XII còn có biệt tài về ngoại ngữ. Những năm cuối cùng của cuộc đời, lúc ngài đã ngoài 80 tuổi, ngài vẫn còn học thêm nhiều ngoại ngữ. Trong các buổi triều yết, giáo dân rất lấy làm sung sướng ngạc nhiên mỗi lần nghe ngài nói thêm một ngoại ngữ mới.

Các diễn văn của ngài là những tài liệu rất quý giá đã được Công đồng Vatican II tham khảo trích dẫn rất rộng rãi. Ngài thường nói: "Cám ơn Chúa đã cho cha sống đến ngày hôm nay, trong một thế giới biến chuyển nhanh chóng với nhiều đau thương phức tạp, vì nhờ đó, cha có dịp học hỏi mãi và dấn thân phục vụ nhiều hơn".


3. Phép lạ không chấm dứt nỗ lực.

* Ai có mười nén phải làm lợi mười nén. Ai có năm nén phải làm lợi năm nén. Ai có một nén cũng phải làm lợi một nén (ĐHV 561).

* Trách nhiệm càng cao mà thiếu khả năng nghề nghiệp càng khốc hại. Con muốn phó mạng trong tay một phi công, một bác sĩ không kinh nghiệm không? (ĐHV 564).

Đọc truyện thánh Phanxicô Xaviê, ta thấy để đem Tin Mừng cho lương dân, có lúc Chúa ban cho thánh nhân nói thứ tiếng mà mọi người dân bản xứ ai cũng nghe như tiếng nói của mình; và cũng lắm khi "chân ướt chân ráo" đến một xứ lạ, ngài đã phải dùng thông ngôn để giảng đạo.Thế nhưng, chớ quên rằng thánh nhân đã phấn đấu rất nhiều để học thêm ngoại ngữ. Chính ngài đã đưa ra nguyên tắc sau đây cho các nhà truyền giáo thuộc quyền ngài: "Trong một thời gian nhất định, phải cố gắng học thuộc thổ ngữ của vùng mình phụ trách. Nếu ai lười biếng không đạt được yêu cầu, thì mặc dù ở trong tình trạng khan hiếm thừa sai, cũng phải gửi trả người ấy về lại Âu châu!".


4. Thiên tài phải đi đôi với đức hạnh.

* Xem nghề nghiệp con là một ơn thiên triệu thực hiện ý Chúa giữa xã hội, con sẽ thánh hóa nghề con. (ĐHV 565). 

* Hy sinh cho nghề nghiệp, tận tụy với văn hóa, phục vụ khoa học, cao đẹp lắm; nhưng con nhớ đây là phương tiện, không phải là cùng đích (ĐHV 566). 

Những ai chuyên về điện và vô tuyến điện không thể không biết nhà bác học Marconi (1874-1937). Chính ông đã xây dựng hoàn chỉnh đài phát thanh Vatican và là một người bạn chí thân của Đức Piô XI.

Người ta kể lại rằng, chính Marconi là người đầu tiên đã tìm ra "một thứ ánh sáng bí mật, có sức mạnh hủy diệt ghê hồn". Một hôm, ông mang phát minh ấy ra thí nghiệm cho nhà độc tài Phátxít Mussolini xem. Một cuộc tập trận giả có quân đội, vũ khí, chiến xa... được dựng lên. Ông Marconi và Mussolini cùng ngồi trong một chiếc xe ở đàng xa phía trước. Khi đã bố trí sẵn sàng đâu vào đấy, bàn tay Marconi nhẹ bấm vào nút phóng "tia sáng mới lạ" ấy ra thì... ghê rợn thay, toàn thể binh sĩ trong phạm vi luồng sáng chiếu qua đều ngã lăn ra chết, xe tăng, vũ khí lập tức ngưng hoạt động. Mussolini thích chí la lên: "Thành công mỹ mãn!" và yêu cầu nhà bác học Marconi trao ngay tất cả tài liệu về tia sáng ấy cho ông. Mussolini thầm nghĩ: "Với vũ khí này trong tay, từ nay ta sẽ bá chủ Âu châu và cả thế giới!" Ngược lại, Marconi một nhà bác học chân chính, có lương tâm Công giáo, thì lại nghĩ rằng: "Đây là một thành tựu lớn lao của khoa học, nhưng nếu mà sa vào tay những tên độc tài Phátxít thì nó trở thành vũ khí vô cùng khủng khiếp và sẽ đem lại nhiều hậu quả không sao lường được". Mấy ngày sau đó, Mussolini càng thúc giục, Marconi càng nhẩn nha kéo  dài thời gian hứa hẹn thêm. Rồi ngày ngày nhà bác học leo lên một chiếc thuyền con lững lờ trôi dọc theo bờ biển... Từ xa người ta sẽ lầm tưởng đó là một khách thanh thản nhàn du; nhưng nhìn kỹ, họ sẽ thấy một khuôn mặt âu sầu đang trầm tư nghĩ ngợi: "Làm sao tôi có thể trao những công trình nghiên cứu khoa học ấy vào tay những tên độc tài Phátxít được!"

Thế rồi, Marconi cuối cùng đã đi đến một quyết định can đảm.

Không mấy ngày sau, người ta nghe tin ông chết một cách đột ngột, mang theo tất cả mọi bí mật xuống đáy mồ. Tuy màn bí ẩn vẫn bao trùm lên cái chết ấy, nhưng nguyên nhân và thủ phạm gây nên nó, ai cũng đoán ra được dễ dàng!


5. Khoa học phục vụ đức tin.

* Giờ học là giờ cầu nguyện. (ĐHV 558).

* "Hãy mến Chúa với tất cả quả tim con, với tất cả tâm hồn con, với tất cả sức lực con, với tất cả trí khôn con." Chưa học để phục vụ đúng mức, con chưa mến Chúa. (ĐHV 559).

* Học đây không phải là vào lớp hay văn chương khoa học. Học là luyện khả năng của con, nghề nghiệp của con cho tinh vi, hiện đại (ĐHV 562).

* Thanh niên, đời con đầy hy vọng, hăng say luyện đức và rèn tài. Bao nhiêu phấn khởi và tươi sáng vì con thao thức vươn lên lý tưởng tông đồ, môi trường của con. (ĐHV 570).

* Lên phi cơ, nhìn xe cộ, nhà cửa, người ta, loài vật, như đồ chơi của lũ trẻ; lên nguyệt cầu mới thấy địa cầu nhỏ bé. Người càng học hỏi thông minh, càng khiêm tốn, càng muốn học thêm (ĐHV 571).

* Nhiều người công giáo thông minh một khi sinh hoạt giữa xã hội lại giấu diếm tính cách công giáo của mình. Đó là hạng "công giáo sơ-mi", tiện đâu thay đó (ĐHV 572).

Đầu thế kỷ XX này, các nhà khoa học, kỹ thuật đã bỏ dưới đáy biển một dây cáp nối liền Âu châu và Mỹ châu. Kể từ đó, để liên lạc, người ta không cần gởi thơ lâu ngày mà chỉ cần điện thoại ngay cho nhau là có thể thông báo tin tức trong vòng một vài phút.

"Sẽ khánh thành đường điện thoại này bằng lời gì đây?, đó là câu hỏi mà các nhà khoa học đã đặt ra. Cuối cùng, lương cũng như giáo, tất cả đều nhất trí: Lời nói đầu tiên của Đại Tây Dương sẽ là: "Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người (thiện tâm) Chúa thương".

Ngày 21.7.1969, lúc Neil Armstrong, con người đầu tiên đặt chân lên mặt nguyệt cầu, các nhà khoa học đã muốn đặt trên ấy một vài kỷ niệm cho thế hệ mai sau. Họ đã mời các vị Nguyên Thủ quốc gia mỗi người viết một bức thông điệp ngắn để họ ghi khắc vào một chiếc dĩa nhỏ đặc biệt, làm bằng chất silicon mầu xám. Các bức thông điệp đều được chụp và thu nhỏ lại chỉ còn bằng cái chấm nỏ xíu, phải dùng kính hiển vi mới đọc được. Thông điệp của Đức Thánh Cha Phao lô VI khởi đầu với câu nhập đề trong Tin Mừng Thánh Gioan: "Lúc khởi nguyên đã có Lời, và Lời ở nơi Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa... Mọi sự đã nhờ Người mà thành sự, và không Người thì đã không gì thành sự" (Jn 1,1-3). Đoạn tiếp theo là thánh vịnh thứ 8, một thánh vịnh ca tụng vinh quang Thiên Chúa Tạo Hoá: "Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con. Lẫy lừng thay danh Ngài toàn cõi trái đất. Uy phong Ngài vượt quá trời cao. Ngắm trời xanh tay Ngài sáng tạo. Muôn trăng sao Chúa đã an bài. Thì con người là chi mà Chúa còn nhớ đến? Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? So với Thần Linh, Ngài không thể thua là mấy. Ban vinh dự huy hoàng làm mũ triều thiên. Kiệt tác của Ngài, Ngài cho làm bá chủ. Muôn loài muôn sự Ngài đặt cả dưới chân... Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con. Lẫy lừng thay danh Ngài toàn cõi đất".

Tưởng cũng nên biết là khi Đức Thánh Cha theo dõi những bước chân đổ bộ nguyệt cầu của con người đầu tiên, ngài đã ban phép lành Toà Thánh cho phi hành đoàn Apollo XI bằng những lời lẽ như sau: "Danh dự, chào mừng và phép lành cho các con, những người chinh phục nguyệt cầu, ngọn đèn của đêm tối, của giấc mơ... "

Khoa học không đối nghịch với đức tin, nếu được xử dụng với thiện chí và tâm hồn ngay thẳng, vì cả khoa học và đức tin đều kiếm tìm các chân lý từ Thiên Chúa là Chân lý tuyệt đối, tuyệt hảo. Một trong những bằng chứng hiển nhiên nhất là khoa học chú giải Thánh Kinh được tiến triển mạnh mẽ trong những thập niên gần đây phần lớn là như những phát minh khám phá của khoa học. Như các nhà khảo cổ đã khai quật nhiều di tích trong phạm vị Thánh địa và đã xác đinh được những điều Thánh Kinh ghi lại về các điểm cũng như các sự kiện xảy ra ngày trước. Đặc biệt nhất là khám phá ra rất nhiều bản sao Thánh Kinh tại các hang động Qumrân bên bờ biển chết từ năm 1947.

Cũng nhờ khoa học kỹ thuật, mà các kỹ sư, kiến trúc sư, các nhà khảo cổ và sử học theo lệnh Đức Piô XII, đã đào sâu dưới Đền thờ Thánh Phêrô, ngay tại bàn thờ chính, và đã khám phá cũng như kết luận một cách chính xác sự kiện mộ thánh Phêrô (xác) và thánh Phaolô (đầu) chôn ở đây, theo đúng truyền thống Hội Thánh đã tin nhận suốt 20 thế kỷ qua.

Một trong những đóng góp đáng kể của khoa học vào lãnh vực đức tin trong thế kỷ 20 này là việc phát hiện ra mặt thực của dấu vết in trên bức khăn liệm thành Torinô nước Ý. Bức Khăn Liệm này là một thánh tích mà người ta cho rằng đã dùng để liệm xác Chúa Giêsu. Nó có in nhiều vết máu và thân thể lờ mờ của một kẻ bị đóng đinh. Người ta vẫn tôn sùng nó từ bao thế kỷ và đến năm 1898 thì nó đã được khoa học khám phá cách đặc biệt. Năm đó nó được chụp ra ảnh lần đầu tiên. Và khi rửa tấm phim, nhà nhiếp ảnh chính thức đã thấy hiện ra trên tấm phim hình một con người với những đường nét, góc cạnh, màu sắc của một bức ảnh thật. Người ta lúc ấy mới khám phá ra rằng các dấu vết in trên khăn liệm chỉ là mặt trái (âm bản) của một hình người thôi. Và từ đó trở đi, nhờ tấm phim của bức khăn (mà đúng ra phải gọi là một bức hình thật), các nhà khoa học đã có dịp nghiên cứu tấm khăn tường tận và thấy các dấu vết trên nó hoàn toàn phù hợp với những điều mà Thánh Kinh mô tả về Chúa Giêsu và về cuộc khổ nạn của Người. Họ đã dùng khoa nhiếp ảnh, giải phẫu, sinh lý, hoá học mà cho ta thấy khuôn mặt thật của Chúa Giêsu và biết được chi tiết cuộc khổ nạn Phục sinh của Người cách đây 2000 năm vậy.


6. Học để phục vụ các linh hồn.

* Muốn cách mạng thế giới, phải có ơn Chúa, nhưng con phải là khí cụ điêu luyện (ĐHV 563).

* "Ở nhưng" là cội rễ mọi sự dữ. "Ở nhưng" là sự dữ. Tông đồ không biết "ở nhưng". Không có "tông đồ hưu", chỉ đổi cách làm việc tùy sức (ĐHV 569).

* Hội Thánh ở giữa trần gian. Tất cả mọi kiến thức, khoa học đều được xử dụng để bênh vực và trình bày chân lý; càng hiểu biết con càng phục vụ Hội Thánh đắc lực hơn (ĐHV 572).

* Con hiểu biết một chân lý khi con tìm học chân lý ấy. Con càng thông hiểu rõ rệt hơn khi con tìm cách bênh vực chân lý ấy (ĐHV 581).

Mọi vị thánh đều phấn đấu khai thác triệt để những "nén bạc" mà Chúa ban hầu phụng sự Hội Thánh, phục vụ các linh hồn cách đắc lực và có hiệu quả.

Nhiều đấng có khả năng giới hạn đã phải nổ lực học hành hết sức và vất vả như: Thánh Maria J. Vianney. Chúng ta biết ngài được làm linh mục là nhờ "phép chuẩn". Vì tuy học hành kém cỏi, đầu óc mù tịt, nhưng nhờ có lòng đạo đức và sự bền chí mà ngài đã được thụ phong linh mục. Rồi khi làm linh mục, dù Chúa đã ban cho ngài lắm ơn đặc biệt để cứu các linh hồn cho đến nỗi một lần kia, quỷ Satan đã nói với ngài: "Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao đành phải thất nghiệp". Nhưng ngài vẫn không ỷ  lại vào ơn thánh. Cứ mỗi sáng thứ hai, ngài mang giấy bút lên phòng thánh để dọn bài giảng chúa nhật sắp tới. Ngoài ra, ngài tiếp tục mua sách vở thêm để học hỏi. Ngày nay người ta còn giữ lại được một tủ sách khá lớn của ngài.

Thánh Giuse Cupertinô lúc làm chủng sinh cũng phấn đấu học hành "tróc xương, trầy da", nhưng đến kỳ khảo hạch nào cũng... trượt vỏ chuối! Bề trên biết ngài là người đạo đức, thánh thiện nỗ lực, muốn chọn làm linh mục, nên phải bày mưu lập kế cho ngài qua được kỳ thi. Lần nọ, trong lúc khảo hạch, thánh nhân được sắp đứng ở giữa hàng. Đức Giám mục khởi sự khảo hạch các thầy đứng đầu, ai cũng đáp gọn gàng thông suốt khiến ngài rất hài lòng, và như để tiết kiệm thời giờ, ngài bảo: "Thôi, bây giờ khảo hạch mấy thầy ở cuối hàng xem có thuộc thần học không?". Các thầy đứng cuối hàng cũng không kém các thầy đứng trước, ai nấy đều thuộc bài trôi chảy. Đức Giám mục xoa tay tuyên bố: "Vậy là đủ, tha hạch những thầy đứng ở giữa hàng". Curpertinô thoát khỏi một phen hú hồn, thở phào nhẹ nhõm, miệng tíu tít cám ơn bề trên. Sau đó ngài được làm linh mục, rồi làm thánh, và hơn thế nữa, ở Âu châu, người ta đã chọn ngài làm quan thầy cho những hạng... đi thi!

Bên cạnh những vị thánh phải học hành vất vả như trên, lại có những vị thánh tài ba xuất chúng, nhưng cũng hy sinh trọn đời để nghiên cứu, học hành và dạy dỗ: Thánh Gioan Boscô rất thông minh, đã miệt mài tận dụng hết mọi khả năng để nghiên cứu, học hành, viết nhiều sách báo cho giới trẻ và soi sáng, hướng dẫn giáo dân tránh khỏi những lạc thuyết thời bấy giờ.

Thánh Maximilien Kolbe, một linh mục chuyên nghiên cứu và làm tông đồ bằng cách viết sách vở, làm báo chí. Lúc sang truyền giáo ở Nhật Bản, ngài thành lập nhà in xuất bản tạp chí. Khi bị lao phổi phải về lại Ba Lan, ngài tiếp tục hoạt động tông đồ bằng báo chí sách vở cho đến ngày vào tù và chết đói trong một trại giam Đức quốc xã.

Thánh Albertô Cả là một ngôi sao sáng của thế kỷ XIII. Sau khi theo học Đại học Padua, ngài vào Dòng Đa Minh và tỏ ra có khiếu về triết học, thần học. Nên sau đó, ngài lại được gọi sang Cologne (Đức) để tiếp tục tu luyện. Khi đã đỗ đạt, ngài được mời làm giáo sư dạy các Đại học Hildesheim, Fribourg, Rattisbone và Strasbourg. Danh ngài nổi nhất là thời kỳ làm giáo sư tại Đại học Paris. Năm 1260 ngài được bổ nhiệm làm Giám  mục thành Rattisbone và chết tại đó vào năm 1280, thọ 87 tuổi, để lại nhiều tác phẩm quý giá và đủ mọi vấn đề nhất là triết học và thần học. Năm 1942, Đức Piô XI đã phong tước vị Tiến sĩ Hội Thánh cho ngài, và tôn ngài làm quan thầy những người chuyên môn về "khoa học tự nhiên".

Thánh Thomas Aquinô, người học trò thông minh xuất chúng nhất của thánh Albertô Cả. Nhờ bầu khí và hoàn cảnh gia đình. Thomas Aquinô đã được hấp thụ một nền học vấn chắc chắn ngay từ lúc còn nhỏ. Lớn lên, ngài lại được thụ huấn với thánh Albertô Cả. Nên mới 27 tuổi mà ngài đã là giảng sư Đại học với một kiến thức uyên bác có thể hướng dẫn được giới trí thức thời bấy giờ đang say sưa nền triết lý của ngoại giáo Hy Lạp. Ngài chỉ sống đến 49 tuổi mà để lại một kho tàng phong phú khôn lường về thần học và triết học cho Hội Thánh. Trong đó công trình sáng chói nhất là bộ "Tổng luận thần học" mà muôn thế hệ sau này vẫn còn say mê nghiên cứu học hỏi. Cái độc đáo và ưu việt nhất của ngài là tổng hợp được kiến thức của thời đại, giải đáp được các vấn nạn đương thời và có nhiều trực giác vượt thời gian mà đến nay thần học đang khám phá thấy. Năm 1567, Đức Piô V đã phong ngài làm Tiến sĩ Hội Thánh với biệt hiệu "Tiến sĩ thiên thần". Đến năm 1880, Đức Lêô XIII lại đặt ngài làm quan thầy các trường Công giáo và lấy học thuyết của ngài làm mẫu mực cho triết học và thần học của Hội Thánh.

Đức Gioan XXIII cũng nêu gương sáng cho ta trong việc kiên trì học tập, bất kể tuổi tác và hoàn cảnh. Trong Công đồng Vatican II, các nghị phụ đều nhất trí dùng La ngữ làm ngôn ngữ chung, nên Đức Thánh Cha tuy đã 81 tuổi, đầu tóc bạc phơ, vẫn phải luyện lại La ngữ. Trong tập hồi ký, ngài có viết: "Chúa nhật 9.9.1962: tiếp linh mục Ciappi để chuẩn bị diễn văn bằng La ngữ trong các phiên họp mà tôi phải chủ tọa (mỗi ngày 11 giờ)". "Thứ năm 13.9.1962 vẫn bàn chuyện đạo đức với linh mục Ciappi bằng La ngữ; tập nói lại cho quen". Ngoài ra ngài còn học thêm Anh ngữ trong suốt thời gian làm Giáo Hoàng.

Còn rất nhiều vị thánh khác mà ta không thể kể hết, cũng như có vô số giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân đã và đang đóng góp rất nhiều vào công cuộc phát triển thuộc đủ mọi địa hạt. Với một bầu nhiệt huyết nóng hổi của Tin Mừng, họ đã ra sức phục vụ nhân loại và Hội Thánh. Một số đã được mời làm chuyên viên trong ủy ban Công lý và Hoà bình trung ương hoặc các hội đồng giáo dân là những cơ quan đã và đang, sẽ được Toà Thánh tham khảo ý kiến về các vấn đề thuộc phạm vi thế tục. Một số khác được mời vào viện Hàn Lâm Khoa Học của Toà Thánh.


7. Phương pháp làm việc trong Hội Thánh.

* Hội Thánh cần sự hợp nhất của những bộ óc thông minh để đem tình yêu Chúa đến trong mọi lãnh vực trần thế. Hội Thánh đau khổ và rối loạn vì sự chia rẽ và lộn xộn của những đầu óc thông minh mà tâm hồn tự cao, tự đại. Các thiên thần dữ đã làm như thế (ĐHV 568).

* Tự xem mình "chuyên môn tất cả" là phản khoa học và lạc hậu. Thời đại này, muốn phục vụ, phải đem tất cả hiểu biết để hợp tác (ĐHV 578).

Hội Thánh có một phương pháp làm việc rất độc đáo: Một đàng Hội Thánh trông cậy hoàn toàn vào ơn Chúa, theo lời Chúa Giêsu đã phán: "Không Thầy chúng con không làm gì được"; đàng khác Hội Thánh dùng hết mọi khả năng, phương tiện của loài người. Nên thường thường, trước khi ban những lời giảng dạy, ra những quyết định, Đức Thánh Cha đều có tham khảo các Đại học Công giáo, các tổ chức bên cạnh Toà Thánh gồm những Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc đủ mọi ngành mọi giới như vừa kể trên: Ủy ban Công lý Hoà bình, Hội đồng Giáo dân, Viện Hàn Lâm Khoa học.

Ngày 15.9.1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI còn lập thêm một tổ chức mới mang tên: "Thượng Hội đồng Giám mục thế giới", gồm có các đại điện các Giám mục của mọi quốc gia, ba năm họp một lần tại Roma, có Văn phòng thường trực, và trước mỗi khóa họp, chương trình nghị sự cũng như các tư liệu đều được gởi đi tất cả các giáo phận. Các Giám mục tiếp nhận các tài liệu ấy, tham khảo rộng rãi các ý kiến của giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân trong giáo phận, rồi gởi sang Văn phòng thường trực để kịp thời đúc kết và phổ biến lại trước khi khai mạc hội nghị.

Qua tất cả những cơ quan ấy, chúng ta thấy chính Đức Thánh Cha lắng nghe, học hỏi, tham khảo liên lỉ, rồi cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng mới đi đến những quyết định cụ thể.

Nếu trên thế giới có một tổ chức nào có một người cầm quyền tối cao và được triệt để vâng lời nhất, thì đó là Hội Thánh Công giáo. Nhưng ngược lại, nếu trên thế giới có một tổ chức nào dân chủ nhất, trong đó ai cũng được góp ý mà chẳng sợ có người theo dõi, trả thù... và mỗi ý kiến đệ trình đều được nghiên cứu, đánh giá một cách chân thành, không phe cánh, không mưu mô thì đó cũng là Hội Thánh Công giáo.


8. Cha đẻ tiếng Việt.

* Nếu mỗi ngày con học thuộc một danh từ thôi, nếu mỗi tháng con đọc thêm một cuốn sách thôi, đến nay con đã tiến nhiều. Nếu đến nay con chưa làm, hãy khởi sự ngay từ hôm nay (ĐHV 575) 

* Văn bằng chứng minh con đã thông minh một giai đoạn nào đó, đặc biệt lúc đi thi. Nếu sự học hỏi của con đứng ngang đó, dù một đống văn bằng cũng không bảo đảm sự thông minh của con (ĐHV 579).

Không người Việt Nam chính hiệu nào mà lại không biết đến tên cha Đắc Lộ, một giáo sĩ người Pháp mà danh tính gắn liền mãi mãi với chữ quốc ngữ của dân tộc ta; nhưng thật rất ít người biết trong hoàn cảnh nào ngài đã làm nên một công trình vĩ đại như thế.

Ở đây, thiết tưởng ta nên nhắc lại những lời nói đầu tiên ngài ngỏ với dân bản xứ khi tàu vừa cập bến Cửa Bạng ngày 19.3.1627: "Đây là tàu của người Bồ Đào Nha, những người danh tiếng lừng lẫy khắp phương đông... Hiện giờ tàu của họ có chở một thứ hạt trai tuyệt đẹp và quý giá, ai mua thì cả đời được giàu có hạnh phúc muôn thuở. Không nên sợ giá cao, vì chẳng ai nghèo đến nỗi không đủ tiền để mua hạt trai ấy". Tổ tiên chúng ta mới khấp khởi vui mừng xin ngài ít là cho xem qua đôi ba hạt. Ngài trả lời: "Hạt trai ấy mắt xác thịt không thể xem thấy được, chỉ có trí khôn hiểu được mà thôi. Hạt trai ấy chính là lề luật Thiên Chúa, một cái gì quý trọng hơn trân châu và hàng hoá Ấn Độ. Chúng tôi sẵn sàng giảng dạy luật đó cho anh chị em, nên không ngại vượt biển băng ngàn đến đây".

Lúc ấy vào thời hai chúa Trịnh Nguyễn, một thời vừa có chiến tranh, vừa có cấm cách bắt đạo Chúa. Sự đi lại vô cùng khó khăn, nhất là đối với một ông tây "da hồng mũi lõ"! Vì thế, thường cha Đắc Lộ phải giảng dạy, làm lễ, cử hành các bí tích ban đêm. Còn ban ngày, ngài di chuyển bằng cáng: hai người gánh một chiếc võng, ngài nằm trong đó, lấy chiếu che lại. Dạo ấy, từ sông Gianh đến Phan Rang, Phan Thiết chỉ có lưa thưa một vài giáo sĩ. Lắm lúc cả địa hạt rộng rãi ấy chỉ có một mình Cha Đắc Lộ tung hoành. Ngài phải lẩn trốn nhiều vùng, phải âm thầm đi đi lại lại để củng cố giáo đoàn Đàng Trong. Mỗi lần ra đến Huế, ngài lại còn lo cho cả giáo dân thuộc địa phận Đàng Ngoài nữa. Các đại diện của giáo dân bên kia sông Gianh vào gặp ngài, chịu các phép bí tích, nhận chỉ thị để rồi trở về củng cố cuộc sống đức tin của các giáo hữu vắng bóng chủ chăn.

Khắp Đàng Trong, không chỗ nào mà không in dấu vết chân cha Đắc Lộ. Ba lần ngài bị phát giác phải đuổi về Macao, và mỗi lần như thế, đợi bầu khí hơi hơi lắng dịu ngài lại sắm sửa lễ vật sang dâng cho Chúa Nguyễn, đi theo ghe thuyền nhà buôn trở lại Việt Nam.

Không có văn phòng, quạt điện, máy điều hoà, thư viện, thiếu hẳn mọi tiện nghi tối thiểu, thế mà cha Đắc Lộ soạn thảo thành công cuốn "Phép giảng 8 ngày cho những người muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo Thánh Chúa Trời" và cuốn tự điển: "Ba thứ tiếng Việt-Bồ-La" gồm cả văn phạm tiếng Việt, cách dùng chữ La tinh thay chữ Nôm, lối phát âm... Ngài đã mang về ấn loát tại nhà in Vatican vào quãng năm 1651, làm nền tảng cho tiếng Việt ngày nay.

Dĩ nhiên ngài đã căn cứ vào công trình của những người tiền phong như cha Buzomi chẳng hạn. Nhưng ngài đã có công lớn trong việc tổng hợp, phân tách từ ngữ xác định văn phạm, phát âm và đưa tất cả đến tình trạng hoàn chỉnh để phục vụ Hội Thánh. Ngài đã thâm tính rằng: ngôn ngữ là khí cụ thiết yếu để đưa Tin Mừng đến cho mọi dân tộc, không phải chỉ trong chốc lát mà còn cho muôn vàn thế hệ mai sau. Chắc chắn phải có một tâm hồn hiếu học, một tinh thần tông đồ nồng cháy mới có thể kiên trì nghiên cứu, bảo quản và hoàn thành một công trình khó khăn như thế, giữa bao thử thách gian nan.


_______________________

25. PHÁT TRIỂN

1. Linh mục moi rác.

* Mặc dù giúp đỡ anh em sung sướng bao nhiêu đi nữa, nếu con để họ thành những "bộ máy tự động", con chưa làm cho họ phát triển thực sự (ĐHV 587).

* Thực là khó! Nhưng con phải quyết tâm giúp cho người khác: - Biết vùng dậy. - Biết suy tư. - Biết tổ chức. - Biết chiến đấu. - Biết chống ngược ý con khi cần. Con sẽ hạnh phúc thật vì anh em cùng thăng tiến với con (ĐHV 593).

Trong trận thế chiến thứ hai, Âu châu lâm vào cảnh bị tàn phá, đói rách tột độ. Một linh mục ở Paris quen gọi là "Abbé Pierre" (Cha Pierre), quá xúc động trước cảnh cùng khốn của đồng bào, bèn nảy ra sáng kiến: Từ căn nhà bé nhỏ của ngài, ngài đã gọi điện thoại đến mọi người, nơi thì xin đôi giày, chỗ khác xin chiếc áo rách, người này xin gói cà phê, gia đình nọ lại được ngài xin một đôi vớ cũ...

Những kẻ mang quà đến cho ngài đều được chứng kiến tận mắt nhân vật "Abbé Pierre" và chỗ ở của ngài: một căn phòng tồi tàn, chật hẹp quá sức tưởng tượng, không đủ chỗ chứa những quà tặng nho nhỏ người ta đem đến. Họ rất đỗi xúc động và to nhỏ cùng nhau: "Có ngờ đâu một linh mục lại ở một căn phòng tồi tàn như thế!" "Ờ! thấy ngài như thế ai mà lại làm ngơ được!" Một thời gian sau. nhiều người tình nguyện đến giúp cha Pierre: kẻ thì biên sổ, kẻ thì đi nhận quà từ các gia đình, người thì mang quà đi phân phát... Tiếng tăm cha ngày càng đồn xa, nhiều người hưởng ứng, tổ chức càng lan rộng, từng triệu người đến cứu giúp, được nâng đỡ xây dựng lại cuộc đời.

Sáng kiến đẻ ra sáng kiến: Trong "đô thành ánh sáng" Paris có những người nghèo khổ quá sức tưởng tượng. Mỗi sáng sớm, trời còn mờ sương, lắm kẻ đã thức dậy, dùng một cây gậy có mũi nhọn, lang thang đến những hầm rác mà các gia đình vừa đổ ra trong đêm trước để bưới móc, xem cái gì còn xài được thì bỏ vô bị mang về nhà: thịt, xương, bánh mì... thì ăn, còn vụn thuốc xé ra bỏ vào ống điếu hút. Lắm lúc đánh lộn nhau bỏ mạng cũng chỉ vì một cục xương, miếng thịt... Cha Pierre thấy thế bèn nảy ra sáng kiến thành lập "Hội moi rác", tiếng bình dân quen gọi là "nhóm moi giẻ rách". Hội đã chia đô thành ra nhiều khu vực để các "thành viên" làm việc, khỏi đánh đập tranh giành nhau vì vấn đề rác nhiều rác ít!

Nhưng cha Pierre không dừng lại đó. Ngài tận dụng những dịp ấy để tiếp xúc với họ, nâng đỡ họ, tìm hiểu yêu thương họ, và cuối cùng đi đến chỗ biến đổi họ, huấn luyện họ biết tôn trọng lẫn nhau. "Nhóm moi giẻ rách" sau một thời gian đã biến thành "Cộng đoàn Emmaus", bao gồm những thành viên biết yêu thương nhau, đón tiếp nhau theo gương hai người bộ hành Emmaus xưa đã biết tiếp đón Chúa. 

Cộng đoàn Emmaus không những chỉ moi rác, mà sau đó còn cùng nhau đi xin thu dọn những đống sắt vụn, giấy vụn, gỗ vụn... của các xí nghiệp phế thải rồi đem về bán lại cho người khác. Dần dần số vốn lên cao, họ chia sẻ cho nhau, tạo hạnh phúc ấm no cho các gia đình có chân trong cộng đoàn. Một số vốn khác được họ san sẻ cho các trẻ em nghèo, hoặc những gia đình đói khổ neo đơn, để rồi dần dần những người ấy cũng được khám phá hạnh phúc, tươi nở nụ cười sau những ngày lầm than đen tối.

Ngày nay cộng đoàn Emmaus đã lan tràn sang nhiều nước. Ở tại Nhật Bản, Cộng đoàn đã hoạt động rất đắc lực thu thập nhiều sản phẩm gởi đi phân phát cho các nước nghèo để họ cũng được phát triển mỗi ngày một hơn.


2. Người sáng lập tổ chức Caritas.

* Bớt diễn thuyết về hạn hán ở Sahel, sóng thần ỏ Bangladesh, bạo động ở Nam Mỹ, nhưng hãy tìm thấy Chúa Giêsu bị bỏ rơi, kém mở mang kế bên con, dưới mái nhà con, bên kia vách tường con. Nếu quả tim nhân loại đã ráo cạn tình yêu. Nếu sóng thần của hận thù ích kỷ đã dâng cao, thì đại họa diệt vong không còn xa! (ĐHV 597)

* Phát triển nói cách cụ thể là một quả đất, ở đó Chúc thư Chúa Giêsu được thực hiện. Mọi người yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, san sẻ với nhau trong tình huynh đệ phổ cập (ĐHV 604)

Dưới ách thống trị độc tài Phátxít của Hitler, nhân dân Đức quốc nói chung và người Công giáo trong nước nói riêng phải chịu một sự đàn áp hết sức độc dữ, man rợ. Lúc Phátxít Đức lâm chiến chống lại khối Đồng minh, thì cảnh cơ khổ lại càng gia tăng không kể xiết.

Đức Ông Werthmann là một linh mục đã từng tham dự đại chiến thứ nhất, lập được nhiều công lao trong công tác xã hội nên được chính quyền ban thưởng một số huân chương có giá trị.

Thời ấy, linh mục nào có việc phải đến các văn phòng của đám thuộc hạ Hitler đều gặp phải rất nhiều khó khăn rắc rối. Thế nên, Đức Ông Werthmann mới nảy ra sáng kiến: đi đâu ngài cũng mang huân chương đầy ngực. Nhờ đó, việc ra vô các văn phòng Phátxít lúc nào cũng dễ dàng. Ngài bèn lợi dụng uy tín để đi khắp nơi, tổ chức nhiều công cuộc bác ái, cứu trợ tối đa cho nhân dân đang lầm than, đói khổ.

Năm 1945, chiến tranh thế giới chấm dứt, nước Đức hoàn toàn bị sụp đổ, tê liệt, lãnh thổ phải chia đôi và đặt dưới quyền kiểm soát các nước Nga, Anh, Pháp, Mỹ. Hội đồng Giám mục Đức thời bấy giờ muốn Giáo Hội góp một tay vào việc tái thiết đất nước, nhưng không có một tổ chức Công giáo nào có tính cách toàn quốc để mà làm phương tiện cả. Các ngài đang nhóm họp, lúng túng thảo luận với nhau thì sực nhớ đến tổ chức Caritas của Đức ông Werthmann. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, đồng tâm nhất trí chọn tổ chức ấy làm phương thế để hoạt động. Từ đó, công việc khiêm tốn và kiên trì của Đức ông Werthmann trở thành một tổ chức quốc gia, rồi dần dần biến thành tổ chức Caritas quốc tế, đặt trụ sở trung ương tại Roma, trong khu vực các toà Bộ của Toà Thánh. Tổ chức này chuyên cứu trợ nạn nhân thiên tai, đói kém, chiến tranh và những người tị nạn, dưới rất nhiều hình thức như phân phát thuốc men, thực phẩm, mở trường học, xây dựng lại nhà cửa và tìm nơi sinh sống định cư cho.


3. Bác thợ nề được giải Nobel.

* Thiên Chúa muốn sự hợp tác của chúng ta trong việc tạo dựng cũng như trong việc cứu rỗi. Nếu Chúa làm một mình, công trình sẽ hoàn hảo hơn, nhưng con người sẽ kém "cao cả". Con hãy theo phương pháp của Chúa (ĐHV 584).

Cha Dominique Pire (1910-1968) gốc người Bỉ, thuộc Dòng Đa Minh, sáng lập viên nhóm "xây dựng" (Les Bâtisseurs) là người đã dấn thân tích cực vào công cuộc cứu trợ hàng triệu người từ Đông âu sang tị nạn ở Tây âu sau đại chiến thứ hai.

Ngài là "Bác thợ nề " (với hai bằng tiến sĩ thần học và tiến si chính trị xã hội học) đã thu hút được nhiều thanh niên đem hết bầu nhiệt huyết đi theo ngài từ nước này sang nước nọ để xây dựng hàng vạn nhà cửa cho những gia đình trong cảnh màn trời chiếu đất. Họ gồm đủ mọi hạng người, mọi lứa tuổi. Có những công nhân trẻ, những sinh viên, học sinh tự nguyện hy sinh cả kỳ nghỉ phép, nghỉ học của mình để đến một nước xa lạ để xây dựng nhà cửa cho những người khác màu da, khác sắc tộc, khác tiếng nói. Công việc bác ái tự nguyện ấy đã được cả thế giới nhiệt liệt hoan nghênh, khiến cha Pire đã lãnh được nhiều giải thưởng quốc tế, cao quý nhất là giải Nobel Hòa bình năm 1958. Nhưng niềm vui lớn nhất của ngài là đã đem lại hạnh phúc, an cư cho nhiều gia đình, nhất là tạo cho giới trẻ Âu châu một lý tưởng, một lẽ sống xinh đẹp. 


4. Ông cha "thịt mỡ".

* Thảm kịch của người nghèo không phải chỉ là thiếu thốn, nhưng là vì họ không thể sống "xứng con người" (ĐHV 588).

* Chúa có thể chọn những người "thụ động", những người tội lỗi, hung hăng, rắc rối để hợp tác với Chúa (ĐHV 591).

Cũng sau kỳ đại chiến thứ hai, với làn sống người ồ ạt di cư từ Đông âu sang Tây âu (nhất là ở Đức), thực phẩm đã trở nên khan hiếm. Có nơi người ta phải ăn đến cả thịt chó, một điều ngoài sức tưởng tượng của người dân Âu Mỹ.

Một linh mục Dòng Prémontres, người Hoà Lan, tên Warenfried van Straaten đã lao mình cứu trợ trạng huống đáng thương ấy. Với một giọng nói thật tự nhiên, ngài đã lên tiếng ở đài phát thanh: "Xin cho tôi thịt mỡ ướp mặn" - Sao lại xin thịt mỡ ướp mặn? - Thưa vì thịt mỡ ướp mặn ăn được nhiều mì; nếu không mặn thì ăn mì với thịt rất tốn kém!

Chỉ trong vòng mấy tháng sau, người ta đã gởi đến cho ngài hàng ngàn tấn thịt mỡ. Ngài tiếp nhận và phân phát cho nhiều gia đình đang trong tình trạng đói khổ ở các trại tạm cư. Khắp Âu Mỹ ai cũng biết đến tên ngài. Nhưng biết thì biết mà than thở thì vẫn than thở: "Ồ! tên gì mà dài quá! thôi thì tạm gọi là "ông cha thịt mỡ" đi (le père au lard) và thế là tên ấy được phổ biến khắp thế giới. Sau một thời gian, tình trạng người di cư đã tạm ổn định, ngài liền biến tổ chức từ thiện của ngài thành một cơ quan cứu trợ tôn giáo, đáp ứng nhu cầu của những nơi Hội Thánh đang gặp khó khăn về vật chất cũng như tinh thần (tiếng Pháp gọi là "Aide à l'Eglise en détresse"). Bây giờ, tặng phẩm không chỉ là thịt mỡ ướp mặn mà thôi, nhưng còn là xe đạp, máy khâu, máy chiếu phim, loa, đài, xe máy, xe hơi 2 ngựa, xe tải... Tất cả đều được gởi đi các nước để đẩy mạnh công cuộc phát triển, đưa cuộc sống con người ngày càng xứng đáng với nhân phẩm mà Thiên Chúa đã muốn cho họ có được?


5. Giúp người phát triển.

* Con đừng thỏa mãn khi đã giúp người ta. Con đừng làm việc dễ hơn cả: CHO. Chúa đòi con làm việc khó hơn, giúp kẻ khác để họ tự giúp lấy mình và để họ biết sẵn sàng giúp mọi người (ĐHV 583).

* Chúa dạy con, xong công việc, hãy nói: "Tôi là đầy tớ vô dụng..." Thực là sâu xa, giàu ý nghĩa. Vô dụng vì chính ơn Chúa đã làm, con là khí cụ. Vô dụng vì con không cần giữ anh em trong tình trạng thụ ơn, thua kém vĩnh viễn, nhưng con đã làm cho họ không cần đến con nữa (ĐHV 585).

* Hãy làm cho người khác lớn lên và con khuất đi. Hãy cho họ ít thua, đòi hỏi họ nhiều hơn. Hãy biết cứu họ và làm cho họ cứu kẻ khác. Đừng khư khư giữ địa vị ân nhân, viện trợ, nhưng làm anh em của mọi người, phục vụ mọi người (ĐHV 586).

Joseph Frings! Người ấy là ai? Thưa là một nhạc sĩ nổi tiếng, một nhà thần học sâu sắc, đồng thời là một người có bộ óc thực tế và tâm hồn quả cảm.

Mặc dù cơ quan Caritas quốc tế đã được thành lập ở Đức với nhiều kết quả đáng khen ngợi, thế nhưng ngài vẫn chưa thỏa lòng. Con người thực tế và quả cảm ấy còn muốn lập thêm một cơ quan mới với mục đích mới. Đó là cơ quan "Misereor" (Thương xót) với mục đích "giúp người đang gặp khó khăn được phát triển, để rồi họ tự biết cứu lấy bản thân họ, và sau đó chính họ lại giúp người khác cũng được phát triển". Ngài cũng thúc đẩy thành lập một cơ quan tương tự để đặc biệt phục vụ cho người dân ở Châu Mỹ La tinh, lấy tên là "Adveniat" (Tiến lên). Hai cơ quan này đã giúp mở rất nhiều trường học chữ, học nghề, đào tạo chuyên viên kinh tế, tài trợ cho không biết bao nhiêu là tổ hợp, hợp tác xã, chương trình tự túc phát triển tại các nước đang mở mang trên khắp thế giới.

Hồng Y Joseph Frings luôn nhắc nhở nhân dân Đức: "Lúc nước Đức tan nát, thế giới đã giúp ta; nay ta phải giúp cả thế giới lại".


6. Quỹ phát triển thế giới.

* Không phải vũ trụ hết chỗ ở, nhưng lòng người quá chật hẹp! Không phải hết súc vật để ăn, nhưng loài người chực vồ nuốt nhau như thú dữ (ĐHV 596).

* "Phát triển là danh hiệu mới của hòa bình". (Phaolo VI) (ĐHV 600).

* Bao lâu các quốc gia mở mang chưa bỏ một phần trăm lợi tức giúp các dân nghèo phát triển. Bao lâu 20% dân giàu trên thế giới còn chiếm hết 80% tài nguyên của nhân loại, thì hiểm họa thế chiến nguyên tử không thể tránh được. (ĐHV 601).

* Vạch kế hoạch và thực hiện viện trợ bất vụ lợi có triển vọng mang lại hòa bình hơn là các cuộc hội nghị hạn chế vũ khí hạch tâm, thượng đỉnh kinh tế... Phí giờ, phí của, chẳng ai tin ai! (ĐHV 602).

* Con phải là "Tông đồ phát triển" như Đức Phaolô VI đã kêu gọi và chính Ngài đã là vị "Giáo Hoàng lữ hành vì phát triển và hòa bình" (ĐHV 603).

Ai đã tung sáng kiến kỳ diệu ấy ra? - Đức Giáo Hoàng Phao lô VI. Thực vậy, đó là đứa con cưng của ngài, chào đời trong dịp ngài đi Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế ở Bombay (Ấn Độ), bên cạnh những người nghèo khổ của một quốc gia trong số mấy mươi quốc gia đang trên đường phát triển. (Điệp văn thế giới ngày 4.12.1964).

Với một lời lẽ tha thiết và cương quyết, Đức Thánh Cha nhắc lại tổ chức ấy trong Thông điệp "Phát triển các dân tộc" công bố ngày 26.3.1967:

Ngân quỹ Quốc tế:


7. Một thế giới tốt đẹp hơn.

* Phát triển không phải chỉ là cho ăn, cho mặc, cũng không phải chỉ phát cày phát cuốc, đào giếng, đào mương. Phát triển là thăng tiến con người toàn diện, là làm cho họ sống "xứng người hơn." (ĐHV 582).

* Món quà tuyệt hảo mà con có thể tặng người giúp việc con không phải là chiếc áo đẹp, đôi giày tốt, cái đồng hồ quý, nhưng là "TÌNH NGƯỜI", tình anh em mà con âm thầm tặng họ qua các cử chỉ nhỏ nhặt suốt ngày (ĐHV 590).

Trên đây cha đã nhắc tới một số người lữ hành đã có những hành động cụ thể, những sáng kiến độc đáo về lãnh vực phát triển trên con đường họ đã và đang bước đi. Giờ đây cha muốn nhắc đến những người đã vạch ra đường hướng, kế hoạch ấy cho toàn thể Giáo Hội.

Vị phải nhắc đến trước tiên là Đức Thánh Cha Piô XII. Trong một bài diễn văn quan trọng, ngài đã vạch ra đường hướng căn bản bằng một câu nói thật rõ ràng và đầy ý nghĩa: "Xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn". Câu nói ấy đã được ngài giải thích: "Làm cho con người lạc hậu thành con người văn minh, làm cho con người văn minh thành con người của Chúa".

Hưởng ứng lời ngài, linh mục Lombard Dòng Tên đã mở một trung tâm ở ngoại ô thành Roma, kề trại nghỉ hè của Đức Thánh Cha là Castelgandolfo.

Trung tâm ấy mang tên: "Một thế giới tốt đẹp hơn" có mục đích tạo môi trường thuận lợi cho các cá nhân hoặc đoàn thể muốn đến tĩnh tâm, dự khóa huấn luyện để nung nấu tinh thần phát triển; thêm niềm xác tín vào lời kêu gọi của Đức Thánh Cha cũng như để nhận thức cách rõ ràng hơn về sứ mệnh của mình giữa lòng thời đại. Hiện nay trên thế giới, người ta đã mở nhiều trung tâm như thế để đem tia sáng ấy chiếu tỏa ra khắp nơi. 


8. Kinh tế phục vụ con người.

* Chấp nhận những người chỉ biết nằm, biết ngồi, chỉ muốn lẽo đẽo đi theo, muốn được giúp, được cứu, được cho, để con được làm anh trưởng, được luôn luôn cần thiết, thực dễ vô cùng! Nhưng con hãy luyện những con người trách nhiệm, những con người muốn đứng, những con người đáng làm người (ĐHV 592).

* Đại họa không phải chỉ là đói khát, khốn khó của các dân tộc nghèo khó. Đại họa chính là sự vô ý thức của các dân tộc nô lệ và bóc lột (ĐHV 599).

Cha Louis-Joseph Lebret (1897-1966), cựu sĩ quan Hải quân, là một tu sĩ Dòng Đa-minh người Pháp, đã có công khởi xướng và cùng với nhà chuyên môn giàu thiện chí khác (như cha: Th. Suavet, H. Quoist) lập nên một học thuyết, đồng thời cũng là một nhóm mang tên "Kinh tế và nhân bản (Economie et Humanisme) nhằm mục đích phát động một nền kinh tế phục vụ con người!

Sau khi nghiên cứu và đúc kết thành một học thuyết, một hệ thống thực sự, ngài đã cùng với các đồng chí cho xuất bản nhiều sách báo, vạch ra một đường hướng phục vụ thế giới mới mẻ, ai muốn hưởng ứng thì cứ vận dụng cách sáng tạo vào hoàn cảnh của địa phương mình.

Cha Lebret đã được mời du hành khắp thế giới (từ nhiều làng bên nước Pháp tới những xứ kém mở mang, từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tới Hội trường Công đồng Vatican II) để trình bày đường lối của ngài về "kinh tế và nhân bản". Ngài nhấn mạnh rằng: "Phải làm sao để vừa phát triển nền kinh tế, vừa phát triển con người toàn diện về mọi mặt, vật chất cũng như tâm linh, và phát triển đồng đều trên mọi miền khắp thế giới".

Ngài đã để lại lời cầu nguyện sau đây thật đáng cho chúng ta suy niệm:

"Lạy Chúa lỗi tại con,

. Tại con không chân thành yêu anh chị em con,

. Tại con không cảm thấy đau khổ trước những sự khốn cùng của anh chị em con,

. Tại con hay thờ ơ lãnh đạm bên cạnh người xấu số,

. Tại con đã khinh dể nhiều người, nhất là những người nghèo hèn, những người có địa vị kiến thức kém hơn con,

. Tại con đã để cho kẻ khác phải chờ đợi con,

. Tại con đã quên hay thất hứa khi con đã hẹn với người ta.

. Tại con không giữ đúng như lời cam kết.

. Tại con không ăn ở dễ dãi với kẻ khác, không sẵn sàng với kẻ khác,

. Tại con không biết tìm hiểu hoàn cảnh của người ta,

. Tại con đã từ chối một sự giúp đỡ, theo tính ích kỷ của con,

. Tại con đã không ra tay xoa dịu một vết thương mà lẽ ra con phải làm,

. Tại con chỉ tới lui kết nghĩa với những người mà con mong sẽ đem lại lợi ích cho con.

. Tại con đã làm tổn thương người ta nhiều vì lời ăn tiếng nói của con,

. Tại con đã hạ bệ những kẻ đối nghịch với con,

. Tại con đã láo xược và ăn ở bất công,

. Tại con đã làm gương xấu quá nhiều...

Nên anh chị em con đã bị tổn thương nhiều vừa hồn vừa xác.

Lạy Chúa, lỗi tại con!!! Xin Chúa tha thứ cho con.

Và con cũng xin Chúa tha thứ cho những anh chị em vì lỗi con mà đã sống bất xứng".


_______________________

26. DẤN THÂN

1. Dấn thân vì người nghèo.

* Con đừng nghĩ dấn thân là lao mình vào những hoạt động hăng say náo nhiệt. Con hãy hiểu nghĩa dấn thân sâu hơn: "Theo gương Chúa, yêu thương đến mức độ quên mình hoàn toàn vì người khác, hiến mình hoàn toàn, hiến mình nhưng không, để hiệp nhất với kẻ khác, hầu họ được phong phú và công việc Chúa nơi họ được thành công. (ĐHV 605).

* Con người chỉ giống hình ảnh Chúa khi hiến mình liên lỉ, như mỗi Ngôi trong Thiên Chúa là: Hoàn toàn hiến dâng, Hoàn toàn tương quan, Hoàn toàn yêu thương. (ĐHV 606).

* Sống đức tin, con sẽ nhìn với đôi mắt Chúa Giêsu, con sẽ thấy kích thước đời đời trong các biến cố (ĐHV 628).

Như chúng ta đã biết, ngày nay trên thế giới, hầu hết mọi người đều nghe tiếng và hết lòng khâm phục mến yêu mẹ Têrêxa thành Calcutta. Từ thuở thiếu thời, bà đã quen sống trong nếp sống văn minh vật chất, đầy đủ tiện nghi; nhưng trước lời mời gọi thầm kín và mãnh liệt của Chúa bà đã đi đến một quyết định thật táo bạo: từ bỏ tất cả, lột xác toàn diện để dấn thân theo Chúa.

Sau khi đã suy nghĩ và cầu nguyện, Têrêxa rời bỏ quê hương, trẩy sang Ấn Độ, một nước đông dân vào bậc nhất thế giới và cũng là quốc gia có từng triệu người chết đói hàng năm. Tại đây, Têrêxa ra sức tìm hiểu tập tục, học hỏi ngôn ngữ xứ Ấn Độ, và sau một thời gian ngắn, bà nhập tịch trở thành một người dân Ấn Độ thực sự. Rồi suốt những tháng năm sống trong bức tường của Tu viện, ngày ngày đôi mắt Têrêxa vẫn chọc thủng bức tường để nhìn ra xã hội bên ngoài: bà đã chứng kiến tận mắt hàng trăm người chết đói, hàng ngàn kẻ hấp hối nằm lăn lóc trên các ngã đường của đô thị. Dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh Thần và được ngọn lửa tình yêu thúc đẩy, bà đã mạnh dạn xin phép bề trên rời bỏ tu viện để ra sống giữa khu xóm lao động nghèo nàn: ăn mặc như người nghèo, lao động vất vả như người nghèo, hoàn toàn giống như mọi người để làm chứng nhân đích thực cho đức ái trọn hảo.

Và đức bác ái thì truyền nhiễm. Gương sáng của Têrêxa đã thu hút được nhiều thiếu nữ Ấn độ. Vì thế, sau một thời gian thử luyện, bà đã thành lập một dòng cho các chị em muốn theo lý tưởng sống khó nghèo và phục vụ giai cấp nghèo. Ngày nay dòng của mẹ Têrêxa mọc lên tại nhiều nơi trên thế giới.

Chứng tích khiêm nhường âm thầm và bác ái sinh động của mẹ Têrêxa đã lôi cuốn được hầu hết người dân xứ Ấn. Cửa nhà của mẹ luôn luôn mở rộng để đón tiếp mọi người. Ai đến đấy cũng tìm được bầu khí của Tin Mừng, của yêu thương thực sự, và chính bầu khí ấy là nguồn bình an, hy vọng làm thỏa mãn cơn khát của lòng họ.

Nghe đến tên mẹ, khắp nơi trên thế giới đều cảm phục mến yêu. Có nhiều nước đã ngỏ lời mời mẹ đến diễn thuyết. Nhưng một phụ nữ nghèo hèn, chẳng chuyên môn một khoa nào cả thì biết nói gì đây? Mẹ Têrêxa chỉ nói lên những lời được rút ra từ quả tim của mẹ, những lời của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu dấn thân thí mạng sống mình vì kẻ mình yêu. Bởi thế, tuy đơn  sơ và dịu dàng, nhưng lời lẽ của mẹ Têrêxa đã là những  mũi tên xuyên thâu và nung đốt tâm hồn mọi người. 


2. Thí mạng cho người hủi Việt Nam.

* Khi con giúp kẻ khác quên bản thân để hiến mình, con giúp họ làm hình ảnh Chúa hiện tỏ nơi họ (ĐHV 608). 

* Chính lúc hiến mình, con tập biết hiến mình. Vì nói hiến mình dễ, thực sự hiến mình khó; giảng khuyên hiến mình dài, tình nguyện hiến mình ngắn, hô hào hiến mình đông, bền đỗ hiến mình hiếm. (ĐHV 609).

* Mỗi dịp hiến mình trong ngày không phải là một khổ đau, mất mát, nhưng là một đề nghị của Chúa để con được lớn lên (ĐHV 610).

Trong nước Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, người ta nghe nói nhiều đến nhà phung Quy Hoà, ở ngoại ô thị xã Quy Nhơn, nhưng thử hỏi mấy ai biết đến vị sáng lập nhà phung ấy! Vị đó là cha Paul Maheu, một linh mục người Pháp đã từ giã quê hương thân yêu với cuộc sống tiện nghi, để chôn đời mình giữa đám người xa lạ, mắc phải thứ bệnh khủng khiếp nhất trong loài người.

Thật thế, bệnh phung cùi là một thứ bệnh khủng khiếp nhất. Ai mắc nó phải chịu một cơn hấp hối trường kỳ, dai dẳng. Thân thể họ luôn luôn nhức nhối, lở loét, xông mùi thối tha nồng nặc. Dung nhan thì dần dần bị tàn phá, đặc biệt là khuôn mặt và tay chân, ai trông cũng xa lánh nhờm tởm. Xã hội quá khiếp sợ họ nên thường tìm hết cách xua họ vào một nơi khuất mặt và như muốn lãng quên đi kẻo mất vui cuộc sống. 

Paul Maheu thì lại khác, là một linh mục Công giáo,  ngài đã dấn thân vào nếp sống của người cùi, chọn họ làm con cái quý yêu cật ruột, sống trong một ngôi nhà  bé nhỏ ngay giữa làng phung để đêm ngày săn sóc họ, lo  cho họ đầy đủ vật chất cũng như tinh thần.

Phía sau nhà có một cái kẻng, mỗi lần nghe tiếng  kẻng đánh, cha vội đi ra và dịu đàng hỏi:

- Có việc gì vậy con? Vào đây!

Ngày nào cũng thế, điệp khúc ấy cứ vang lên đều đặn, và con tim của những người phung hủi hân hoan đón lấy. Rồi đến lượt họ, họ cũng cất lên những lời tâm sự, vì trong cảnh cô đơn buồn tủi ấy, chỉ mình cha Maheu là người thân tín duy nhất của họ thôi.

- Thưa cha con đau buồn quá! Đêm qua con mới rụng thêm mất một đốt ngón tay nữa. Con đã lượm được, nè, đây cha xem.

Cha Maheu cầm lấy đốt lóng tay, thương tiếc như chính một phần thân thể của mình. Ngài ôm choàng lấy bệnh nhân, nghẹn ngào thốt lên những lời an ủi động viên tinh thần họ:

- Tội nghiệp con quá! Ta hãy cứ chiến đấu với bệnh tật, cứ dùng thêm thuốc để chận đứng cơn bệnh đi...

Đối với cha Maheu, không gì quý bằng các người phong hủi. Ngài không thể rời họ một ngày, không thể không tìm cách khen lao họ khi có dịp. Mỗi khi khách từ xa tới thăm, ngài thường mời ở lại dùng bữa. Trong lúc ăn, miệng ngài liên tiếp giới thiệu:

- Mời dùng trứng này, do gà của người phung nuôi đấy! Mời dùng cá này cũng của người phung mới câu hồi sáng; còn đây là xà-lách cũng do tay người phung trồng đấy! Tốt lắm!

Vừa mời ngài vừa ăn một cách ngon lành trong lúc  khách thì quá khiếp sợ, chẳng dám dùng một tí chứ đừng  nói chuyện ăn với uống.

Không mấy năm sau, cha Maheu đã trở thành người  phung thực sự. Càng đau đớn càng có dịp để chia sẻ cuộc  đời của họ, họ càng yêu mến trọng kính ngài. Và rồi một hôm, người hùng dấn thân đã nằm xuống, xác ngài được  chôn cất ngay giữa làng cùi bên cạnh những người con thân yêu nhất. 


3. Ông tổ "Hùng tâm dũng chí".

* Con phải hiện diện trên đường hy vọng để dâng hiến và mời gọi kẻ khác dâng hiến, đó là cách con phục vụ họ tốt đẹp hơn cả; con giúp họ nên giống hình ảnh Thiên Chúa trong Đức Kitô (ĐHV 611). 

* Con gặp trăm ngàn thanh thiếu niên, lay lất trên đường, không lối thoát. Họ bàn tán bất tận về mộng xây dựng một xã hội mới, một con người mới, nhưng họ đã gặp xì ke, bạo động, trụy lạc, dối trá, chán nản... Họ cần con, họ kêu con: tiếng kêu của người chết đuối, tiếng van của người ngộp thở (ĐHV 618). 

Sau đại chiến thứ hai, thanh thiếu niên ở các nước Âu châu, nhất là nước Pháp, cảm thấy thể chất tâm lý tan nát rã rời. Rất nhiều em phải thất lạc gia đình, không  biết đi về đâu; em khác lại mất cha, chết mẹ; có em lại  phải bệnh hoạn tàn tật, lang thang khắp nơi, tụ tập lại  thành từng bè, từng lũ, chia nhau đi cướp bóc, đập đánh, chơi bời phóng đảng. Các chính quyền đã cố gắng phục hồi kinh tế, cải tạo xã hội. Nhưng cho ăn, cho mặc đâu phải là đủ. Các em còn cần tình thương, cần lý tưởng để xây dựng cuộc đời mới. Linh mục Gaston Courtois, người Pháp đã dấn thân vào công việc ấy. Theo gương thánh Gioan Boscô, ngài săn sóc các em, yêu thương các em, hướng dẫn các em trong nhiều buổi sinh hoạt thoải mái, hùng mạnh. Ngài cũng khuấy động lên trong hàng ngũ những người có trách nhiệm ý thức về sự sa sút của giới trẻ. Họ cộng tác với ngài. Thế rồi hàng vạn thanh thiếu niên đã tìm lại được tuổi xuân, niềm hy vọng lại bừng sáng, lý tưởng sống lại hiện rõ. Phong trào "Hùng tâm dũng chí" ra đời và chẳng mấy chốc lan rộng khắp năm châu.

Vừa hoà mình với các em, cha Gaston Courtois vừa thức khuya dậy sớm để viết sách báo hướng dẫn giới trẻ. Trước nhỏ sau lớn. Nhà in Fleurus ra đời giữa lòng thủ  đô Paris và ngày càng phát triển mạnh.

Cha Gaston Courtois được mời tham gia nhiều tổ  chức quốc tế đặc trách thanh thiếu niên. Về sau, ngài  được gọi sang phục vụ bên cạnh Toà Thánh. Dù đã lớn tuổi nhưng chủ nhật nào người ta cũng thấy ngài đi sinh hoạt với nhóm thanh thiếu niên ở Roma, vẫn tươi vui hăng hái như thuở nào. Thanh thiếu niên sung sướng vây  quanh ngài, cởi mở tâm sự với ngài. Chúng biết quả tim  ngài hằng yêu mến chúng, vì cả cuộc đời ngài đã hiến  trọn cho chúng. 


4. Hoá nên người Trung Hoa để chinh phục người Trung Hoa.

* Con phải trở nên "chính con" theo ý Chúa, bằng cách giải tỏa hình ảnh Chúa trong con khỏi những bụi bặm bao phủ, che đậy nhơ bẩn. Như điêu khắc gia đục dũa tảng đá để nét mặt kính ái của Chúa tỏ hiện dần dần (ĐHV 607). 

* "Đây là bằng chứng để ta biết được lòng mến: là Đấng ấy đã thí mạng vì ta. Và ta, ta cũng phải thí mạng vì anh em." (1Yn 3: 16). Con hỏi cha: "Đâu là mức độ dấn thân?" Hãy làm như Chúa Giêsu: "Thí mạng." Nếu con tuyên bố rùm beng, hoạt động khơi khơi, sống đạo lè phè, con sợ cơ cực, sợ nghèo, sợ tù, sợ chết..., nếu con dấn thân lối "cứu viện cho người thắng trận," thì thôi, nên dẹp tiệm, "dấn thân trá hình", "dấn thân thương mãi." (ĐHV 612). 

Tuy là người Bỉ, cha Vincent Lebbe (1877-1940) đã tình nguyện dấn thân sang truyền giáo ở Trung quốc. Suốt bao năm ngày, ngài luôn miệt mài thao thức, suy tư và cầu nguyện trước vấn đề khó khăn: Làm sao để dấn thân truyền giáo và phục vụ xã hội Trung Hoa cho đắc lực. Thế rồi, dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa, câu trả lời đã đến với cha: muốn đến với người Trung Hoa phải trở nên người Trung Hoa thực sự. 

Cha Viencent Lebbe đã triệt để dấn thân theo đường hướng ấy, từ lối cắt tóc, để râu, ăn mặc cho đến cách suy tư, cử hành phụng vụ, giảng dạy giáo lý (ngài xin nhập tịch Trung Hoa và lấy tên là Lôi Minh Viễn), tất cả đều nhắm một mục đích là làm sao để vừa phù hợp với tâm hồn người Trung Hoa, vừa bảo tồn căn nguyên bản chất Kitô giáo. Và trong tinh thần ấy, ngài đã thành lập một Hội Dòng lấy tên "Anh em hèn mọn của Thánh Gioan Tẩy giả" để vận dụng cách sáng tạo nếp sống khổ tu vào hoàn cảnh cụ thể của xã hội và tâm hồn người Trung hoa và áp dụng nguyên tắc truyền giáo của ngài.

Tại nước Bỉ quê hương ngài cũng có rất nhiều người sùng mộ tinh thần ấy. Họ đã lập nên một Tu hội Truyền giáo cho các linh mục viết tắt là S.S.H, tạm dịch là "Hội trợ tá của các xứ truyền giáo ". Họ cũng lập thêm một Tu hội cho nữ giới viết tắt là A.F.I (Nữ trợ tá quốc tế).

Tinh thần cốt yếu của cha Lebbe là gì?

Đó là không đi theo phương pháp bấy lâu: đến một quốc gia, nhận trách nhiệm coi sóc một giáo phận hoặc một giáo xứ, đứng đầu hàng giáo sĩ địa phương... mà là theo một phương pháp mới: đến một quốc gia, một giáo phận do hàng giáo phẩm bản xứ quản trị và làm những người trợ tá phục vụ dưới quyền họ, cho dù họ kém khả năng hơn mình. Đối với những năm đầu của thế kỷ XX này, chủ trương trên thật là mới mẻ, độc đáo, có tính chất cách mạng. Vì trước đây, tại các xứ truyền giáo, hầu như chẳng có một vị Giám mục bản xứ nào, huống nữa là sự kiện các linh mục thừa sai đi làm trợ tá cho hàng giáo sĩ bản xứ. Quả là táo bạo!

Và còn táo bạo hơn nữa là sự việc sau đây: Trong một chuyến trở về công tác ở Âu châu, cha Lebbe đã sang Roma xin được yết kiến Đức Thánh Cha Piô XI, vị Giáo Hoàng được mệnh danh là "Giáo hoàng của Công giáo Tiến hành" và "Giáo Hoàng của truyền giáo".

Trong buổi triều yết, ngài đã trình bày với Đức Piô XI:

- Xin Đức Thánh Cha đặt các Giám mục bản xứ cho người Trung quốc.

Đức Thánh Cha vui vẻ trả lời:

- Đó là điều cha rất mong muốn. Con thấy hàng Giáo phẩm Trung quốc hiện nay có đủ khả năng nhận trách nhiệm lãnh đạo nhận các giáo phận không?

- Thưa Đức Thánh Cha, con tin chắc là có. Với ơn Chúa, họ sẽ chu toàn tốt trách nhiệm... Con thấy Toà Thánh cần trao trách nhiệm cho hàng giáo sĩ bản xứ càng sớm càng tốt.

Đức Thánh Cha hỏi ngay:

- Con có biết rõ linh mục Trung quốc nào xứng đáng được tấn phong làm Giám mục không?

- Thưa Đức Thánh Cha có! 

- Biên tên cho cha ngay đi.

Cha Lebbe liền lấy giấy bút ra, viết ngay liền một danh sách gồm tên 10 linh mục Trung quốc và đệ trình lên Đức Thánh Cha.

- Tốt lắm! Cha sẽ xúc tiến ngay việc này.

Thật là một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Cha Lebbe ra về, tâm hồn cảm động hân hoan. Đức Piô XI quả là một vị Giáo Hoàng đầy nhiệt tình và sáng suốt!

Ngày lễ Chúa Kitô Vua, 28.10.1926, chính Đức Piô XI chủ sự phong chức cho 6 Giám mục Trung quốc đầu tiên tại đền thờ Thánh Phêrô, trong số đó hầu hết đều nằm trong danh sách của cha Lebbe đề nghị. Lúc ấy tại một góc đền thờ, người ta thấy ngài quỳ gối âm thầm cảm tạ Chúa, vì đã cho ngài chứng kiến tận mắt điều ngài mong ước bấy lâu nay. Sau Thánh lễ, Đức Piô XI tiếp các Tân Giám mục Trung quốc tại phòng khách, tặng cho mỗi vị một chiếc đồng hồ quả lắc và truyền các ngài trước khi về nước, hãy đi khắp Âu châu để cho mọi người thấy được hàng Giám mục bản xứ. Thế rồi, tiếp sau các Giám mục Trung quốc ngày 30.10.1928, Đức Piô XI cũng tự tay phong chức cho vị Giám mục Nhật Bản tiên khởi địa phận Nagasaki, rồi các Giám mục Ấn Độ, Indonêsia... Ngày 11.6.1933, cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng cũng được chính tay Đức Piô XI tấn phong làm Giám mục Việt Nam tiên khởi.

Sau những tháng năm dấn thân phục vụ cho công cuộc truyền giáo, cha Vincent Lebbe đã nằm xuống (1940). Dân tộc Trung quốc coi ngài như một vị anh hùng quốc gia. Hội Thánh coi ngài như vị tiền phong của những công cuộc truyền giáo hiện đại. Thân xác ngài được chôn vùi ngay tại lòng đất Trung Hoa, để lại tấm gương sáng cho Kitô hữu thuộc đủ mọi thời.


5. Một biển ánh sáng.

* Con người khác quanh con, cả nhân loại đang đau thương, khấp khểnh trên đường mịt mù, Đời con phải là hiến dâng, Để bắt nhịp cầu hy vọng, Đưa họ đến với Chúa là cùng đích của tình yêu, là tất cả. Bên Chúa, nhân loại không còn ai xa lạ, nhưng tất cả là anh em con (ĐHV 615).

- Xin vui lòng tắt hết đèn! Một giọng nói nhỏ vang lên bên tai người phụ trách ánh sáng. Tất cả công trường rộng lớn chìm vào bóng tối. Mọi người nhôn nhao âu lo.

- Xin anh chị bình tĩnh và trả lời câu hỏi của tôi: có tối lắm không?

- Tối lắm! Đen nghịt! mọi người la lớn!

- Tôi yêu cầu ai có hộp quẹt, máy lửa, đèn pin... hãy bật sáng lên!

Một phút nặng nề trôi qua...

- Có sáng không?

- Sáng lắm!

- Anh chị em xem: cả một biển ánh sáng. Thôi bật tất cả đèn pha lên lại.

Giọng vị linh mục vang lên sang sảng trên máy vi âm, một giọng nói có sức thu hút mọi người như hương thơm vương trong làn gió. Ngài chuyên môn phụ trách các bài giảng Tin Mừng trong những dịp lễ trọng. Hôm nay, thính giả kéo đến tham dự quá đông đến độ không một giáo đường nào có thể chứa nỗi, nên người ta đành kéo nhau ra công trường để nghe ngài giảng.

- Giữa trần gian đầy tăm tối, bất công đồi trụy này, người ta rất cần ánh sáng. Ánh sáng của mỗi người chúng ta tuy lập lòe yếu ớt, nhưng nếu ai cũng bật sáng ngọn đèn của mình, ai cũng hăng say dấn thân vì công ích thì tất cả chúng ta sẽ hợp thành một biển ánh sáng. Chúng ta sẽ phá tan u tối... Anh chị em có quyết tâm như vậy không?

- Quyết tâm! Quyết tâm!!!


6. Chuyến xe lửa tốc hành.

* Con phải là hạng người công giáo ngoan đạo, sống quanh quẩn phòng thánh và con đã hóa nên "nửa thần, nửa thánh, nửa người" không? (ĐHV 620).

* Đừng để thiên hạ xây dựng thế giới này mỗi ngày mà con không hay biết, không khám phá, không thao thức, không nhúng tay vào. Chúa đã cứu chuộc con, trao sứ mạng cho con và đặt con vào thế gian trong thế kỷ này, thập niên này, môi trường này. Đặt con, chứ không phải cục đá! Khác nhau lắm! Đừng làm "công giáo bù nhìn." (ĐHV 621).

* Sự ly dị giữa cuộc sống đạo ở nhà thờ và ngoài xã hội, là gương xấu tai hại nhất trong thời đại chúng ta. (ĐHV 622).

* Một cuộc cách mạng thực sự, khả dĩ canh tân tất cả, từ lòng con người mà chính mình cũng không dò thấu, đến toàn bộ cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội... của thế giới, không thể thực hiện "ngoài con người, ngoài Thiên Chúa", chỉ thực hiện "bởi con người, trong Chúa Kitô, với Chúa Kitô." Con hãy dấn thân vào mặt trận cách mạng thế giới ấy (ĐHV 623).

"Thế giới như một chuyến xe lửa tốc hành đang lao mình tới trước với một tốc độ kinh hoàng. Người dấn thân là người có can đảm nhào lên chuyến xe lửa ấy, chụp lấy tay lái và lái nó đi theo một hướng tốt đẹp hầu đạt đến mục đích mà họ mong muốn. Người không dấn thân là người hiểu biết nhưng không muốn lăn xả vào, chỉ đứng nhìn từ bên ngoài như một khán giả bàng quan".

Câu trên được trích trong một tác phẩm của cha Raoul Plus, một tác giả có công biên soạn nhiều sách thiêng liêng cho hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, hun đúc nhiều tâm hồn tông đồ dấn thân phục vụ xã hội.


7. Các hạng linh mục thợ.

* Tại sao con cảm thấy con dang dỡ? Tại sao con thấy con đang lạc lõng giữa đường? Con xao xuyến? Con ngột ngạt? Vì con chưa đánh tan mây mù dày đặc đang che khuất hình ảnh Chúa trong con (ĐHV 614).

* Đây mấy hạng dấn thân con muốn biết: Có người sau một thời gian vẫy vùng dấn thân, đâm ra hoài nghi giá trị cuộc đấu tranh, rồi rút lui về nhà thờ, tìm nguồn an ủi, "sợ bỏ quên Chúa, tôi không dấn thân." Có người "dấn thân cả xác lẫn hồn" vào cuộc đấu tranh, và để rảnh tay chém chặt, họ buông thả luôn cả Thiên Chúa. Trước họ nghĩ rằng: để thành công rồi sẽ nhớ Chúa; sau cùng họ nói: "Đây là việc đời, tôi dấn thân, Chúa không liên hệ, mời Chúa đứng ngoài." Có người không chịu đào tẩu khỏi chiến trường mà cũng không phản bội sứ mạng Chúa trao, họ xác tín chỉ thắng trận với Chúa Kitô, vì thế với tất cả tâm hồn "tôi dấn thân với Chúa Kitô." (ĐHV 619).

Chung quanh những năm 1950-1955, vấn đề "linh mục thợ" rất sôi nổi ở Pháp.

Phải thành thực công nhận rằng những linh mục dấn thân làm thợ trong các công xưởng, hầm mõ, sẵn sàng hoà mình với giới lao động thợ thuyền để gần gũi họ, mang Chúa đến cho họ, là những người đầy thiện chí và rất có nhiệt huyết tông đồ.

Tuy thế, cũng một mục đích nhưng hướng tiến của mỗi người lại khác nhau.

Có nhiều người hết sức hăng say nhiệt tình bênh vực quyền lợi của giới cần lao nhưng lại bỏ quên các giờ đọc kinh, nguyện gẫm, bỏ cả làm lễ, cử hành các Bí tích, dần dần trở nên nguội lạnh, thờ ơ và ra đi vĩnh viễn, mất ơn gọi... Một thời gian sau, họ đã thú nhận với anh em: "Trước đây thợ thuyền biết tôi, kính trọng tôi, có gì họ cũng tâm sự, tin tưởng gởi gắm vào tôi. Giờ đây họ biết tôi thôi là linh mục, họ vẫn tử tế với tôi, những cảm tình của họ chỉ như một người bạn rủ rê nhậu cho vui chứ không bao giờ họ thổ lộ tâm can của họ cho tôi như trước nữa".

Có một số khác thấy gương ra đi của các anh em thì sinh chán nản thất vọng, không còn dám dấn thân nữa. Họ lui về với cuộc sống thầm lặng, tìm nguồn an ủi, "sợ bỏ quên Chúa, tôi không dấn thân".

Với hai hạng người trên đây, phong trào linh mục thợ đã phải trải qua một cơn khủng hoảng sâu đậm.

Nhưng một số trong họ đã can đảm vượt mọi trở ngại, tin tưởng và khiêm tốn đối thoại với hàng giáo phẩm, thành thật kiểm điểm chặng đường đã qua, rồi vạch ra một hướng đi mới có sự cân bằng giữa việc dấn thân đem Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người mang lại sự giải phóng đích thực cho giới lao động, và đời sống nội tâm nền tảng của mọi việc tông đồ. Hàng giáo phẩm hết sức nâng đỡ họ và cùng với sự chấp thuận khuyến khích của Toà Thánh, với sự cộng tác của họ, các Giám mục đã lập nên "Hội truyền giáo cho nước Pháp" (La Mission de France) để truyền giáo lại cho các giai cấp thợ thuyền trong nước, vì tuy là một quốc gia được mệnh danh là "Trưởng Nữ của Hội Thánh", nước Pháp vẫn còn có  không biết bao nhiêu người hoá ra vô đạo, nguội lạnh. Hàng linh mục thợ cuối cùng này sau khi vượt qua nhiều thử thách, đã đạt tới thành công, suốt đời luôn sống trong hạnh phúc và dấn thân triệt để.


8. Hai vị thánh dấn thân.

* Lâu nay cha thấy con đi kề bên Chúa mà không thấy Chúa, không gặp Chúa, không suy tư với Chúa, không đối thoại với Chúa, không hành động với Chúa. Con không an vui trong tâm hồn, và con dấn thân một mình, ngoài Chúa. Con đã mời Chúa lui về nhà thờ! (ĐHV 624).

* Con phải chọn cách dấn thân, nghĩa là căn cứ vào: khả năng của con, nhu cầu của anh em, môi trường con đang lăn lội. Con không làm được tất cả, nhưng làm tất cả những gì con làm được, vì làm với ĐỨC TIN (ĐHV 626).

Không cần phải đợi đến thời này, Hội Thánh mới đặt ra vấn đề dấn thân nhập cuộc. Ngay từ thời Trung cổ, nhiều vị đại thánh khổ tu ở nơi kín cổng cao tường, nhưng nhờ ơn Chúa soi sáng cũng dấn thân triệt để, không chỉ vào một công việc, một môi trường mà còn vào những công việc chung của toàn thể Hội Thánh.

Thánh Bênađô (1090-1153) thuộc Dòng Khổ Tu Xitô, là Viện phụ tiên khởi của Clairvaux (Pháp), một chi nhánh của Dòng. Suốt đời ngài luôn sống trong thinh lặng, khổ chế, nhưng vẫn sẵn sàng dấn thân mỗi khi nhu cầu Hội Thánh đòi hỏi: ví dụ ngài được Đức Giám mục Guillaume de Champeaux truyền chức linh mục và sai di biện bác chống lại các lạc giáo, đã vâng lệnh Đức Giáo Hoàng Innocentiô II ra đi giảng thuyết chống lại ly giáo Pierre de Léon.

Ngài còn đi đây đó để hoà giải nhiều nhà cầm quyền Âu châu đang chống đối nhau kịch liệt. Xong sứ mệnh, ngài lui về tu viện, sống thầm lặng và viết rất nhiều tác phẩm giá trị, nhất là phương diện tín lý. Năm 1153, ngài nhắm mắt lìa trần tại Clairvaux, thọ 63 tuổi.

Thánh nữ Catarina thành Sienna (1347-1380) sống khổ hạnh, gương mẫu đúng theo lý tưởng của một nữ tu Dòng Thánh Đa-minh. Nhưng dưới sự thúc đẩy của ơn Chúa, một nữ tu hèn yếu như ngài mà đã quả cảm đi hoà giải nhiều gia đình đang chia rẽ nhau vì những mối thù truyền kiếp. Ngài còn thường xuyên thăm viếng các bệnh nhân chăm sóc giúp đỡ những người yếu đuối, bất chấp sự vu khống dèm pha của một số người cho ngài là đạo đức giả.

Lạ lùng hơn nữa, với lòng băn khoăn thao thức cho vận động của Hội Thánh, ngài đã nỗ lực chấn hưng lòng đạo đức đang bị sa sút, và vừa thuyết phục vừa vận động xin Đức Thánh Cha Grêgôriô II dời giáo triều về Roma, vì kể từ thời Đức Clêmentê V, năm 1309, các vị Giáo hoàng đều phải lưu vong tại Avignon (Pháp) khiến cho trong Hội Thánh rất đỗi hoang mang và chia rẽ trầm trọng; có lúc có đến hai vị Giáo hoàng, không biết ai giả ai thật. Năm 1376, chính thánh Catarina đã đưa Đức Thánh Cha Grêgôriô XI về lại Roma giữa sự hân hoan của toàn thể Hội Thánh, chấm dứt cuộc lưu đày gần 70 năm tại Avignon. Ngài còn được triệu về Roma để làm cố vấn cho giáo triều nữa. Thánh nữ qua đời ngày 29.4.1380 lúc vừa 33 tuổi.

Tóm lại, tuy là một nữ tu mù chữ và trẻ tuổi, thánh Catarina đã chi phối đời sống chính trị, đời sống Hội Thánh và đời sống thiêng liêng tại Ý lúc bấy giờ. Nên chả lạ gì mà ngài đã được phong làm Tiến sĩ Hội Thánh.


9. Linh mục làm trò xiếc.

* Người Kitô hữu dấn thân khác với người ngoài vì con nhìn mục đích và phương tiện với cái nhìn của đức tin: Mục đích: vì Chúa Kitô, con mến Chúa trong anh em. Phương tiện: con hãy nhớ rằng, qua các tổ chức, các cơ cấu, con nhằm "con người", hợp tác chân thành chứ không "giựt dây" họ, yêu thương chứ không thù ghét, không vụ lợi, không làm loạn (ĐHV 625).

* Tông đồ đạo đức cũng là một lối dấn thân, nhưng các hoạt động rất đáng khen ấy, "không chuẩn" cho con khỏi dấn thân phục vụ anh em trong các việc trần thế, nơi mà Chúa Quan Phòng đặt để con (ĐHV 627).

Cha Simon được thuyên chuyển đến một vùng dân chúng rất nghèo khó, khổ nhất trong nước Pháp! Mà chúng ta biết: một khi thân xác quá đói thì việc phượng thờ Chúa và lo lắng cho phần hồn cũng gặp nhiều khó khăn đáng kể (có thực mới vực được đạo!). Cha Simon dâng lễ tại nhà thờ rất sốt sắng, nhưng... chỉ có một mình ngài, nhà hoàn toàn trống rỗng, đánh muốn vỡ cả chuông mà chẳng có ma nào tới, vì cái đói buộc họ suốt ngày sản xuất lao động. 

Cha Simon quá buồn nản, nhưng ngài nhất định không chịu thua. Nhiều lần ngài đến tận mỗi gia đình để ân cần hỏi thăm và khuyên lơn tha thiết. Dần dần các trẻ em trong giáo xứ bắt đầu tới, một ít người đã phấn đấu đi lễ chúa nhật. Thế nhưng, nhiều hàng ghế trong nhà thờ vẫn còn trống. Suy nghĩ mãi, một hôm cha Simon đánh bạo nói với họ:

- Anh chị em thân mến, anh chị em hãy tin tôi: hãy trở về với Chúa, anh chị em sẽ được hạnh phúc. Tôi xin hứa với anh chị em, mỗi gia đình có một nhà ngói để làm tổ ấm, rất vệ sinh, tiện nghi đầy đủ. Sau đó ta cùng xây trường học cho con em ta, bộ mặt làng sẽ đổi mới... Tôi chỉ xin chị em một điều kiện: Hãy trở về với Chúa. Chúa không trao tận tay cho anh chị em cơm bánh, lúa gạo; nhưng người ban sức mạnh để lao động, ban hoà khí để sum họp vui vẻ, ban óc tiết kiệm để tích lũy, rồi đời ta sẽ khắm khá hơn...

Lời hứa thì bao giờ cũng tốt đẹp, nhưng cha Simon sẽ làm gì đây, vì ngài không một xu dính túi, không một người quen biết để vay mượn. "Thôi đành liều mạng vậy! biết đâu ta sẽ thành công!" Cha Simon hăng hái bắt tay vào việc, ngài chuẩn bị dụng cụ, chở trên một chuyến xe và đi đến thành phố đầu tiên. Công việc trước hết là vào toà soạn của một nhật báo để thuê họ đăng tin: "Ngày ... cha Simon sẽ biểu diễn nhảy cao 36 mét xuống nước, mời đồng bào đến xem ở bờ sông... lúc... giờ!" Rồi ngài lê mê đem cọc sắt đến, vặn đinh ốc vào, dựng một giàn nhảy ở bờ sông cao 36 mét.

Đúng giờ hẹn, thiên hạ ùn ùn kéo nhau đến xem ông cha biểu diễn. Cha Simon mình mặc đồ tắm, từ từ leo lên tận đỉnh, khom mình chào khán giả, rồi nhanh như tia điện xẹt, ngài phóng mình xuống nước, bọt tung lên cao mấy mét. Lát sau, ngài ngoi lên và bơi vào bờ. Khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt: "Bis! Bis! Thêm lần nữa". Cha Simon không ngần ngại theo ý họ nhảy liên tiếp 2,3 lần nữa. 

Biểu diễn xong, giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt, ngài lau mình mặc áo vào và ngỏ lời với khán giả:

- Thưa anh chị em, tôi là một cha xứ, tên Simon. Giáo dân tôi nghèo quá, tôi không biết làm sao để cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của họ được thoải mái hơn, hết bệnh tật, hết đói rách, hết mù chữ... Tôi quyết tâm xây cho mỗi gia đình một ngôi nhà cỏn con, làm lớp học cho trẻ em, dạy thêm nghề phụ cho người lớn... Tôi không bán vé, mà cũng chẳng có tiền để làm vé, nhưng nếu anh chị em muốn giúp tôi, thương con cái tôi, thì kẻ ít người nhiều, xin anh chị em bỏ vào chiếc mũ tôi đây... Ai chưa có hoặc muốn cho riêng, xin gửi về địa chỉ của tôi... Tôi xin cám ơn thay cho con cái tôi.

Nghe ngài nói ai cũng cảm động. Họ hết lòng ủng hộ ngài; chẳng mấy chốc chiếc mũ đã đầy, tiếng đồn lan ra khắp xứ.

Rồi từ đó, hằng tuần, cứ chiều thứ bảy cha Simon lại về giáo xứ, đem theo một số tiền, dâng lễ ngày chúa nhật, rồi lại đi tiếp tục biểu diễn khắp nơi. Cứ mỗi lần cha Simon trở về lại giáo xứ thì khuôn mặt ngôi làng được biến đổi hơn một chút nhà nhà cảm thấy vui tươi phấn khởi, nhiều mái ngói đỏ chói mọc lên, nhiều vách tường được xây dựng, nhất là nhà thờ có tiếng hát cầu kinh ngày càng lớn mạnh, sốt sắng.

Sau ba năm, mỗi gia đình đều có được một ngôi nhà ngói khang trang sạch sẽ. Năm thứ tư, trường học đã mọc lên, bệnh xá cũng được tu bổ, thuốc men dồi dào. Không ai còn nhìn ra dáng dấp của ngôi làng cũ nghèo nàn năm xưa. Tâm hồn các Kitô hữu trong giáo xứ đã biến đổi, họ tìm thấy tình yêu Chúa trong con người cha xứ của họ.


10. Ngày sống của Đức Thánh Cha Piô XII.

* Các nhà xã hội học, tâm lý học, phân tích theo chuyên môn, làm nhiều thống kê công phu. Con đừng xem thường những công trình khoa học ấy, nhưng con hãy thu các câu hỏi họ ra và đọc với đôi mắt đức tin (ĐHV 617). 

* Khi theo dõi tin tức, con phải nhìn thấu qua bên kia con người và lịch sử, con xác tín: "Đây là tin tức của Nước trời", rồi sau khi xếp báo lại, tắt Radio, Tivi, con sẽ cầu nguyện sốt sắng. (ĐHV 629)

* Sau những hàng chữ trên mặt báo, trong nhưng hình ảnh trên truyền hình, qua những tin tức của làn sóng điện, con khám phá giá trị Phúc Âm trong những biến cố vui mừng và hy vọng, lo âu và sầu khổ, trở ngại và tiến bước của dân Chúa trên đường về Đất Hứa (ĐHV 630).

* Chúng ta dùng danh từ phân biệt đạo và đời, hồn và xác, nhưng các yếu tố ấy không thể tách rời nhau được, nó bó kết lẫn nhau trong lòng con Chúa: - Chỉ có một cuộc sống, - Chỉ có một lịch sử, - Đạo, đời, hồn, xác - Đều liên hệ mật thiết. (ĐHV 631).

* Mỗi giây phút, con đang thực hiện chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử (ĐHV 633).

Mỗi sáng, sau giờ nguyện gẫm và Thánh lễ, Đức Thánh Cha Piô XII vào phòng dùng điểm tâm (8 giờ). Trên bàn ngoài một ít thức ăn thanh đạm, người giúp việc đã để sẵn các tờ báo mới nhất vừa xuất bản trong đêm.

Vừa điểm tâm, Đức Piô vừa nhìn qua một loạt những hàng tít lớn nhỏ để có cái nhìn bao quát về các biến cố quan trọng mới xảy ra trên thế giới. Sau đó, ngài đọc lại những bài đáng chú ý hơn, rồi mở radiô nghe tin tức ban sáng.

Điểm tâm xong, Đức Thánh Cha lên văn phòng (8 giờ 30) và nhân vật được ngài trực trước tiên là Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh. Vị này trình bày thêm cho Đức Thánh Cha chi tiết các biến cố, báo cáo về các điện tín vừa nhận được từ các đại diện Toà Thánh gửi về, bàn thảo đến các vấn đề liên quan đến Hội Thánh.

Đức Thánh Cha chăm chú lắng nghe và ngắm nhìn các biến cố ấy dưới ánh sáng đức tin, để tìm cách đem Tin Mừng vào lòng thế giới, băng bó các vết thương, hoà giải mối hận thù giữa các dân tộc. Buổi hội kéo dài đến mấy tiếng đồng hồ. Sau đó ngài tiếp các vị Hồng Y Bộ trưởng ở Vatican, tiếp các Giám mục khắp nơi đến trình bày về mỗi địa phận, rồi tiếp các chính khách, các giáo sĩ có tiếng và các phái đoàn. Đến một giờ trưa, ngài xem qua danh sách những người ngày mai xin bệ kiến. Nửa giờ sau, Đức Thánh Cha dùng bữa trưa rồi nghỉ. Đúng 4 giờ chiều, ngài đi bách bộ giải trí trong vườn Vatican. Một giờ sau ngài trở về, đọc kinh một lúc và bắt đầu làm việc lại. Suốt thời gian này Đức Thánh Cha ngồi ở bàn giấy để dọn diễn văn, thảo các thông điệp sẽ công bố, phúc thư cho những người đặc biệt, gởi bí thư kiểm soát thường vụ, sắp chương trình làm việc ngày mai, rồi trước khi dùng cơm tối thì đi lần hạt với các bí thư và vệ đoàn.

Khoảng 9 giờ đêm, ngài dùng cơm tối. Mười giờ trở lại văn phòng làm việc cho đến một giờ sáng. Ngọn đèn của phòng ngài bao giờ cũng là ngọn đèn tắt sau cùng trong thành phố Roma. Ngài không bao giờ ra khỏi khuôn khổ làm việc đó, trừ lúc phải tham dự các nghi lễ. Và chẳng khi nào ngài nhúng tay vào các vấn đề hoàn toàn hành chánh Vatican. Ngài đã ủy cho các cộng tác viên trông coi bộ máy cai trị đó. Phần ngài, ngài hoàn toàn hiến thân cho công cuộc của Hội Thánh và hoàn vũ. Các đấng kế nghiệp ngài cũng theo nếp sống tốt lành và sáng suốt ấy.


_______________________

27. CANH TÂN

1. Chương trình canh tân của Đức Phaolô VI.

* Đức Phaolô VI đã vạch rõ muốn canh tân thế giới ngày nay phải loại bỏ:

1) Thuyết thế gian hóa: chỉ xem hạnh phúc trần thế là cùng đích, tôn thờ khoái lạc, của cải, quyền thế...

2) Thuyết tục hóa: Không còn chấp nhận giá trị của hy sinh, khiêm nhượng, nhẫn nại...

3) Thuyết chính trị hóa: chủ trương chỉ có chính trị mới giải quyết được mọi vấn đề: hòa bình, phát triển, gia đình, huynh đệ, công lý... (ĐHV 655).

* Cuộc đời con chỉ là một chuỗi liên tục: giờ ngủ, giờ thức dậy, giờ ăn, giờ học, giờ công sở, giờ lao tác, giờ giải trí, giờ tivi, giờ đọc báo... Nếu không có một yếu tố gì thống nhất đời con, một yếu tố cần thiết độc nhất, thì đời con thật là nhàm chán rời rạc. Yếu tố ấy là Tình Yêu Thiên Chúa. Đời con sẽ đổi mới hẳn. Tất cả hoạt động của con từ đây là những nét biểu lộ chứng tích của Thiên Chúa trong con (ĐHV 656).

Đức Phaolô VI đã nhiều lần kêu gọi canh tân qua các lời giảng dạy cũng như các văn kiện của ngài. Ngài nói có ba điều cần phải tiêu diệt trong tâm hồn người Công giáo trước khi canh tân Hội Thánh và xã hội:

a- Thuyết thế gian hoá (mondanisation) chỉ xem hạnh phúc trần thế là cùng đích của cuộc đời. Nhiều người Công giáo vẫn dự lễ, đọc kinh, vẫn đóng góp vào các việc bác ái, nhưng cuộc sống của họ rất xa lạ với Tin Mừng. Trọng tâm của đời họ là quyền hành, lạc thú, tiền của. Bạn hữu của họ là những người giàu sang, ngay cả những kẻ bóc lột, tham nhũng, những kẻ nắm chức quyền trong tay một cách độc tài khát máu... Họ không nghĩ đến đời sau, họ bình thản như thể sẽ sống muôn đời trên cõi thế này và thiên đàng đối với họ chính là trần gian.

b- Thuyết tục hoá (sécularisation): gạt hẳn sự siêu nhiên ra khỏi cuộc đời của người Kitô hữu, không còn tìm thánh ý Chúa; cho rằng hy sinh, khiêm nhường, nhịn nhục là dại dột, chỉ vâng phục khi nào mình thấy hợp lý, có lợi cho bản thân. Con người tu sĩ, con người Kitô hữu giờ đã hoá nên con người thế tục luôn luôn thốt lên: "Dại gì làm thế cho khổ cái đời!"

c- Thuyết chính trị hoá (politisation): đặt mọi vấn đề dưới khía cạnh chính trị; chủ trương rằng công lý, huynh đệ, hoà bình, phát triển... chỉ được giải quyết bằng chính trị. Loài người chỉ đối thoại với nhau bằng sức mạnh, chỉ giao tiếp bằng sách lược. Loại hẳn Thiên Chúa ra khỏi xã hội, không bao giờ chấp nhận, nhìn xem hoặc giải quyết một vấn đề dưới ánh sáng Phúc Âm. Đức Phaolô VI đã nói rằng, những chứng bệnh này không những chỉ là người ngoài, mà còn là của những người con Hội Thánh. Chúng là những nguyên nhân căn bản đưa đến sự "tự hủy diệt".


2. Nguyên nhân khủng hoảng hiện tại.

* Người ta thường đổ tội cho Hội Thánh ù lì, cổ xưa, nặng nề cơ cấu, nên không lạ gì phải có khủng hoảng. Không đúng vậy đâu. Con đừng la làng và đổ lỗi cho Hội Thánh để chuẩn cho con xét mình và suy nghĩ. Hội Thánh là tất cả dân Chúa, trong đó có con. Đây là nguyên do khủng hoảng:

1) Hạ giá trị sự cầu nguyện.

2) Người Công Giáo cũng nói, cũng nghĩ như kẻ khác (không còn gì là siêu nhiên).

3) Không chấp nhận sự điên dại của thánh giá Chúa (ĐHV 636).

* Con phải canh tân tâm hồn quảng đại, đơn sơ đối với Chúa: "Chúa muốn gì, con cũng cho hết", và đừng quên điều thứ hai: "Chúa cho con gì con cũng nhận hết" (ĐHV 642).

* Khi con tật bệnh, cha mẹ tiếp máu, chuyển sang cho con, để đổi mới con, làm cho con sống lại tươi tắn hồng hào hơn. Con chỉ canh tân được đời sống con, canh tân Hội Thánh, nếu con liên lỉ chuyển máu Chúa vào huyết quản, vào tim con, tiếp cứu cho con, thay thế máu xấu của con (ĐHV 643).

* Với tất cả nỗ lực của chúng ta để canh tân, Với tất cả sách vở, tổ chức, ủy ban, hoạt động, hy sinh, Với tất cả con người, cơ khí, nhà máy, xa lộ, phi thuyền, vệ tinh, khoa học,... Chúng ta sẽ là gì? Đời chúng ta có ý nghĩa gì? (ĐHV 647).

* Nếu chúng ta không nhìn lên Chúa là nguồn hy vọng cho đời ta luôn luôn mới mẻ, an vui. Ai giải đáp được? (ĐHV 648).

Là một nhà thần học Tin lành, mục sư Oscar Cullmann đã giảng dạy nhiều năm tại nước Áo, để lại nhiều tác phẩm rất giá trị về Thần học, Thánh Kinh và Phụng vụ.

Giữa lúc Âu châu đang chìm đắm trong khủng hoảng sau Công đồng Vatican II, người ta đã mời ông sang diễn thuyết cho một số nhà trí thức Công giáo họp tại Strasbourg, nước Pháp. Ông thành thực đi thẳng vào vấn đề và trình bày đại khái như sau:

a- Hạ giá sự cầu nguyện, đang lúc mà sự cầu nguyện phải chiếm địa vị tối thượng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không bám víu vào Chúa thì chúng ta không còn sức mạnh nữa.

b- Người Kitô hữu cũng nói, cũng nghĩ như người khác, không nhìn sự kiện với con mắt Thiên Chúa, không phản ứng với thái độ Phúc Âm. Trên lý thuyết và danh nghĩa thì họ là một Kitô hữu, nhưng ra giữa xã hội, đi sâu vào thực hành thì họ là một người ngoại đạo, một kẻ vô thần.

c- Người Kitô giáo không chấp nhận sự điên dại của Thập giá Chúa, như thánh Phaolô đã dạy. Họ muốn đua đòi khôn ngoan theo kiểu thế gian. Họ tránh hy sinh, tránh khó nghèo. Họ tìm lời khen, họ muốn tự do theo ý riêng họ. Họ muốn theo Chúa Giêsu lúc Người biến hình trên núi Taborê, nhưng dừng lại bên ngoài vườn Giêtsêmani, và không trèo lên núi Thập giá".

Ý kiến của Mục sư Oscar Cullmann trên đây quả phù hợp với tư tưởng của Đức Phaolô VI vậy.


3. Gioan cụ già rất trẻ.

* Phải canh tân bao lâu? - Phải luôn luôn khởi sự lại. - Phải luôn luôn tu chỉnh thêm. Con đừng an nghỉ, bao lâu hôm nay con chưa tiến hơn hôm qua một bước trong sự hiệp nhất với Chúa. Con phải đinh ninh rằng, lúc con khởi sự đứng lại là khởi sự thụt lui xuống dốc, khởi sự cổ hủ (ĐHV 640).

* Thế kỷ nào cũng có những "biến cố Phúc Âm" với những người Chúa Quan Phòng ban cho thế giới, cho lịch sử: Bênêđictô, Augustinô, Phanxicô, Bênađô, Vinh-sơn, Avila, Inhaxiô, Gioan Boscô, Têrêxa Hài Đồng... và mỗi lần các ngài lại khám phá một khía cạnh mới mẻ, thổi một luồng sinh khí mới của Phúc Âm đáp lại đòi hỏi của thời đại (ĐHV 645).

* Con hãy hợp tác để tạo nên "Mùa Xuân Mới" cho Hội Thánh. Con hãy chuẩn bị các tâm hồn đón nhận "Một lễ Hiện Xuống mới" trong Hội Thánh. Con hãy nên cánh của mở ra để đón làn gió mát dịu ngập tràn, làm tươi sáng Hội Thánh (ĐHV 657).

* Động lực và tác giả mọi cuộc canh tân trong Hội Thánh là Chúa Thánh Thần, "Đấng canh tân mặt đất". Mỗi cuộc canh tân phải là một lễ Hiện Xuống mới và không thể có lễ Hiện Xuống mới ngoài Chúa Thánh Thần. Con không thể canh tân ngoài Chúa Thánh Thần (ĐHV 660).

Chiều ngày 28.10.1958, sau khi lãnh phép lành đầu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng Gioan XXIII, nhiều người đã tỏ vẻ thất vọng thốt lên lời: "Phải mà được Đức Hồng Y Agsgianian làm Giáo Hoàng thì hay biết mấy, Đức Giáo Hoàng mới già quá! 78 tuổi rồi còn làm gì được nữa!"

Chính Đức Tân Giáo Hoàng cũng biết như vậy. Nhưng, ai có ngờ đâu, trong khoảng thời gian không đầy 5 năm, biết bao cuộc canh tân đã được thực hiện trong lòng cuộc sống Vatican cũng như trên toàn thể Hội Thánh và thế giới.

Ngày trước, Đức Giáo Hoàng không bao giờ bước chân ra khỏi Vatican, trừ dịp hè, đi nghỉ tại Castelgandolfo, vì đó là thông lệ, cũng như vì mỗi lần Đức Giáo Hoàng ra khỏi Vatican thì nước Ý phải đón tiếp và gìn giữ an ninh trật tự như một vị Quốc trưởng. Thế mà Đức Gioan XXIII mới lên ngôi Giáo Hoàng chưa được hai tháng đã có ý định đi thăm viếng nhà tù Ara coeli và bệnh viện nhi đồng Gesù Bambino trong thành Roma vào dịp lễ Giáng Sinh. Người ta trình ngài:

- Tâu Đức Thánh Cha, xưa nay các Đức Giáo Hoàng đâu có đi ra ngoài như thế!

- Xưa không ra thì nay cha ra thử xem sao!

- Biến cố này đối với năm 1958 thực là mới mẻ táo bạo; các báo cho chạy tít lớn đăng hình ảnh và hết lòng ca ngợi cụ già trẻ trung ấy.

Hôm khác, ngài gọi xe đi thăm một linh mục thân thiết già cả đang lâm bệnh nặng ở xa thủ đô Roma cả trăm cây số. Một lúc sau, cả Vatican báo động: "Đức Giáo Hoàng đã mất tích" rồi thông báo cho chính phủ Ý hay. Cảnh sát được huy động tối đa mà cũng không sao tìm ra bóng dáng vị Giáo Hoàng lạ lùng ấy. Chiều tối, xe hơi chở Đức Giáo Hoàng trở về nhà, ngài tươi cười chống gậy bước lên tầng cấp!

Một bữa khác nữa, ngài bảo đi mời một ông bạn đến dùng bữa với ngài. Người ta liền tâu:

- Thưa Đức Thánh Cha, xưa nay các Đức Giáo Hoàng chỉ dùng bữa một mình thôi à!

- Cha thấy có luật nào cấm Đức Giáo Hoàng mời khách ăn cơm thân mật đâu! Ăn cơm với người khác đâu phải là tội!

Một buổi sáng nọ, các công nhân đang làm việc trong nhà in Vatican thấy Đức Gioan XXIII từ từ tiến vào, chẳng có một lời báo trước... Họ hết sức ngạc nhiên và lúc đầu hoảng hốt, nhưng rồi họ sung sướng vây quanh ngài, nghe ngài hỏi han thân mật.

Chiều chiều, ngài hay xuống bách bộ trong vườn Vatican, và thường lúc ấy các người làm vườn phải đi chỗ khác hay phải nghỉ việc; nhưng ngài ra lệnh cứ để họ làm việc tự nhiên, có lúc ngài dừng chân nói chuyện với họ.

Chưa trị vì được bao lâu mà Đức Thánh Cha đã đổi hẳn bầu khí ở Vatican như thế, khiến ai ai cũng trìu mến ngài, và nhất là cảm thấy bỡ ngỡ về tính đơn sơ nhân hậu của vị Giáo Hoàng đã ngoài 80 tuổi.

Nhưng trong giáo triều cũng như đối với toàn thể Giáo Hội, Đức Gioan XXIII lại còn đem đến rất nhiều bỡ ngỡ nữa:

Công đồng Vatican II, một biến cố vĩ đại của Hội Thánh cũng như của nhân loại trong thế kỷ XX và còn ảnh hưởng sâu xa đến các thế hệ mai sau chính là do sáng kiến và công lao của Đức Gioan XXIII vậy. Thế nhưng, với một giọng khiêm tốn và hồn nhiên, ngài đã thuật lại như sau: "Một đêm kia, tôi thao thức không ngủ, đầu óc chồng chất không biết bao nhiêu vấn đề cần giải quyết, tự nhiên, như một ơn linh ứng của Chúa Thánh Linh, tôi tự bảo: Phải triệu tập Công đồng! Công đồng Vatican II, nhất định sẽ là cánh cửa mở để làn gió mát trong và mới mẻ thổi vào lòng Hội Thánh".

Ngài rất tin tưởng và lạc quan về Công đồng, nhưng không bao giờ đánh mất nét thực tế. Khi nghe ngài tuyên bố sẽ thực hiện công trình vĩ đại ấy, có nhiều la lối rùm beng: "Hội Thánh đã canh tân rồi!" Ngài trả lời bằng một câu nói rất thâm sâu: "Hội Thánh không bao giờ canh tân xong, nhưng luôn tự canh tân mãi" (L'Eglise n'est jamais réformée, mais elle est toujours réformants). Chính ngài là người đầu tiên đã dùng danh từ "cập nhật hoá" để nói lên tinh thần và chiều hướng ấy.


4. Hoạt động canh tân của Đức Phaolô VI.

* Tình yêu nhân loại giới hạn một nhóm người.

- Tình yêu thần linh tiếp đón mọi người.

- Tình yêu nhân loại đáp trả sau,

- Tình yêu thần linh tình nguyện bước trước.

- Tình yêu nhân loại kéo riêng về mình,

- Tình yêu thần linh hợp nhất với kẻ khác.

- Tình yêu nhân loại chỉ động đến con người.

- Tình yêu thần linh biến đổi cả con người.

- Một khi con người được biến đổi, xã hội sẽ biến đổi, luật lệ sẽ biến đổi, liên lạc giữa người với người sẽ biến đổi: Canh tân toàn diện (ĐHV 638).

* Mỗi ngày báo chí chạy bằng hàng tít lớn những câu chuyện giật gân, những biến cố bùng nổ giữa loài người. Con phải hiện diện, phải hồi hộp thao thức với nhân loại. Những thời hiệu ấy thúc đẩy con xây dựng một xã hội mới mẻ mà báo chí không săn tin nổi: Xây dựng Nước Thiên Chúa, ngay từ trần gian với phương tiện có giữa trần gian (ĐHV 644).

* Canh tân đòi hỏi can đảm. Canh tân đòi hỏi quyết định: Trước bao nhiêu đau khổ, Trước tiếng gọi của Thiên Chúa, Con đừng hững hờ giả lờ, Hãy nên một tông đồ dấn thân cho công cuộc canh tân, dĩ nhiên với nhẫn nại hy sinh và chỉ vì mến yêu Hội Thánh (ĐHV 659).

Tiếp tục sự nghiệp của Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI đã trung kiên thi hành sứ mệnh thực hiện Công đồng Vatican II dù phải trải qua muôn nghìn gian truân, thử thách, khủng hoảng, ra đi trong cũng như ngoài Hội Thánh.

Chiếc mũ "Ba tầng" của giáo phận Milanô dâng cho ngài có nạm nhiều viên ngọc quý sáng ngời đã được ngài đem bán ngày 18.11.1964 để lấy tiền giúp kẻ nghèo và từ đây ngài chỉ đội mũ như các Giám mục.

Ngày 15.9.1970, ngài đã giải tán các đội lính hầu trong Vatican và chỉ để lại vệ binh Thụy Sĩ để gác cổng.

Nhưng ngoài những việc nói được là nhỏ nhất ấy, Hội Thánh và thế giới còn chứng kiến không biết bao nhiêu là công cuộc cải cách được thực hiện dưới triều đại của ngài, một triều đại kéo dài 15 năm giữa lòng một thế kỷ có nhiều thay đổi lớn lao kỳ diệu xen lẫn với những khó khăn, khủng hoảng thật trầm trọng.

Chẳng hạn ngài đã nâng tổng số Hồng Y Đoàn lên đến 120 vị và quyết định các vị Hồng Y từ 80 tuổi trở lên không được quyền ứng cử và bầu cử Tân Giáo hoàng nữa. Ngài đã quốc tế hoá giáo triều: trước đây, các Toà Bộ thường do những vị có quốc tịch Ý điều khiển, nay ngài quyết định chọn nhiều vị xuất sắc trong hàng giáo phẩm khắp nơi đưa về Roma phục vụ Toà Thánh phụ trách các Toà Bộ có tính cách then chốt ở Vatican, chẳng hạn:

* Đức Hồng Y Villot (Pháp): Quốc Vụ Khanh Toà Thánh.

* Đức Hồng Y Franje Seper (Nam Tư): Thánh Bộ Đức Tin.

* Đức Hồng Y Agnelo Rossi (Braxin): Thánh Bộ Phúc Âm hoá.

* Đức Hồng Y Bernadin Gantin (Dahomey): Ủy ban Tông toà Corunum và Công lý Hòa bình.

* Đức Hồng Y Jan Willebrands (Hoà Lan): Văn phòng Giáo hội Hiệp nhất.

* Đức Hồng Y Eduard Pironie (Achentina): Thánh Bộ Tu sĩ.

* Đức Hồng Y Gabriel Carrone (Pháp): Thánh Bộ Chủng viện và Đại học.

* Đức Hồng Y R. Knox (Úc đại Lợi): Thánh Bộ Bí tích.

* Đức Hồng Y Maurice Roy (Canada): Hội đồng Giáo dân.

* Đức Hồng Y J. Lourdasamy (Ấn Độ): Tổng thơ ký Thánh bộ Phúc Âm hoá.

* Đức Hồng Y L. Rubin (Ba Lan): Tổng thơ ký Thượng Hội đồng Giám mục.

Để hỏi ý kiến dân Chúa, ngài đã thiết lập Thượng hội đồng Giám mục gồm các thành viên do Hội đồng Giám mục mỗi nước đề cử và một số do chính Đức Giáo Hoàng chỉ định; Hội đồng này ba năm họp một lần để góp ý kiến cho Đức Giáo Hoàng về các vấn đề đang sôi bỏng trên thế giới hoặc quan trọng trong Hội Thánh.

Và chắc không ai quên được những chuyến công du trong đời ngài:

Là một Giáo Hoàng của hòa bình, ngài đã biến ngày 1.1 dương lịch hằng năm thành ngày Quốc tế Hoà bình, có mục đích giáo dục, học tập, cầu nguyện và hành động cho hoà bình (kể từ năm 1968); sáng kiến này đã được tổ chức Liên Hiệp quốc tán đồng và trên 50 quốc gia tích cực hưởng ứng. Rồi suốt cuộc đời, ngài đã tích cực nỗ lực vận động hòa bình cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong số đó có dân tộc Việt Nam chúng ta.

Là một Giáo Hoàng của sự hiệp nhất, ngài đã thành lập văn phòng liên lạc với các Kitô hữu ngoài Công giáo. Ai có thể tưởng tượng được những nghi thức long trọng và cảm động tại Vương Cung Thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành lúc Đức Phaolô VI ôm hôn Thượng phụ Giáo chủ Athénagoras. Tưởng cũng nên biết rằng trước đó vào ngày 7.12.1965, Đức Phaolô VI ở Roma và Đức Athénagoras I ở Istabum cùng một lúc đã tuyên bố xóa bỏ án "vạ tuyệt thông" lẫn nhau, một nguyên do phát sinh sự ly khai năm 1054, khiến cho hơn 900 năm chia rẽ oán hận nhau được xóa nhoà. Năm 1973, khi Đức Thượng phụ Shenouda của Hội Thánh Marcô, Ai Cập đến thăm Toà Thánh thì điều đó có nghĩa 1500 năm cách trở đã được vượt qua. Mới đây vào năm 1976, Đức Phaolô VI đã gây chấn động khắp nơi bằng cử chỉ qùy xuống hôn chân vị Đại diện Giáo hội Chính thống trong lễ kỷ niệm 10 năm hủy bỏ sắc lệnh tuyệt thông.

Đối với các Giáo hội Kitô khác, ngài đã bước được những bước rất tốt đẹp, Ngày 23.3.1966 tiến sĩ Ramsey, Tổng giám mục Canterbury, Giáo chủ Anh giáo đã đến thăm Toà Thánh. Và năm 1969, Đức Phaolô VI đã đến Genève (Thụy sĩ) thăm trung tâm Đại kết các Tôn giáo, nơi quy tụ 234 Giáo hội Tin lành, Anh giáo, Chính thống giáo. Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Genève từ khi nơi này trở thành Trung tâm Giáo hội Tin lành (thế kỷ XVI). Ngày 2.10.1970, chính ngài đã chủ tọa lễ cầu nguyện khai mạc Hội nghị Đại hội Tôn giáo gồm: Anh giáo, Presbyterian, Methodist, Chính thống.

Là một vị Giáo Hoàng của đối thoại, Đức Phao lô VI đã thành lập văn phòng liên lạc với những người vô thần. Ngài đã tiếp đón nhiều chính khách cao cấp của các nước Chủ nghĩa xã hội như Chủ tịch Nikolai Podgorny của Liên Sô (1967). Chủ tịch của Roumanie (1974), ông Janos Kadar, Bí thư thứ nhất của ban chấp hành Trung ương đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Hungari, và ông E. Giesek, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (1977).

Riêng đối với Việt Nam, Đức Phao lô VI đã gọi là một "ngày đáng ghi nhớ" lúc ông Xuân Thủy, đại diện Chính phủ đầu tiên của Việt Nam đến Vatican ngày 14.2.1973. Ba tháng sau, Đức Phaolô VI tiếp kiến ông Nguyễn văn Hiếu, trưởng phái đoàn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Chủ nghĩa Xã hội Việt Nam ở Hội nghị La Celle-Saint-Cloud. Trước đó vào tháng 2.1971, Vatican đã tiếp bà Nguyễn thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời và là trưởng phái đoàn của Chính phủ này tại Hội nghị Paris. Đức Phaolô VI chỉ nói cách khiêm tốn về "một cuộc dấn thân theo sức chúng ta" để vãn hồi hoà bình chính đáng và lâu dài, bảo đảm cho con người được sống trong tự do hạnh phúc xứng với mọi dân tộc.

Ngài đã gởi một phái bộ do Đức Tổng Giám mục Sergiô Pignedoli dẫn đầu sang Ba Lan và Liên Sô năm 1970. Tháng 2 năm sau, đặc phái viên của ngài là Đức Tổng Giám mục Agostinô Casaroli được gởi sang Matcova, khởi đầu cuộc Hội đàm với nhà cầm quyền Liên Sô. Cuộc bang giao giữa Toà Thánh với Cộng Hoà Nam Tư cũng đã được tái lập trên cấp bậc Sứ thần và Đại sứ từ 15.8.1970. Mối quan hệ với các nước Chủ nghĩa Xã hội ở Đông Âu và sinh hoạt của Hội Thánh tại các nước ấy cũng được bình thường hoá...

Khuôn khổ chật hẹp ở đây không cho phép nói lên tất cả những hoạt động canh tân của Đức Phaolô VI, nhưng lịch sử rồi đây sẽ ghi chép lại tất cả mọi nỗ lực, nhẫn nại, can đảm và thành tín của ngài trong sứ mệnh thực hiện Công đồng Vatican II.


5. Tại sao người Công giáo chưa canh tân được Hội Thánh và thế giới.

* Canh tân là trở về nguồn. Công thức canh tân: Làm cho người công giáo trở lại đạo công giáo. Làm cho người Kitô hữu trở lại với Chúa Kitô. Mới nghe, con ngạc nhiên, nhưng ngẫm nghĩ lại, con sẽ thấy đúng như vậy. Một câu nói của thánh Gandhi nhiều lần khiến ta suy nghĩ: "Tôi mến Chúa Kitô, nhưng tôi không yêu người Kitô hữu, vì họ không giống Chúa Kitô." (ĐHV 634).

* Mỗi ngày "Phúc Âm hóa" lại trí óc và quả tim con, bằng cách đọc, suy ngắm, say sưa uống lấy lời hằng sống, để từ từ Phúc Âm thấm nhuần sâu xa vào mỗi tế bào, mỗi thớ thịt của con, đó là canh tân, cách mạng chắc chắn nhất (ĐHV 646).

* Kể từ hôm nay, từ nét mặt con, từ cử chỉ con, từ sự thinh lặng, từ quả tim con, từ tâm hồn con, từ mọi hành động, từ cách sống, từ cách chết của con, phải tỏa ra một ánh sáng của Chúa hiện diện trong con, qua những nơi con đi, vào những người con gặp (ĐHV 649).

* Nếu con chỉ "giữ đạo", con chưa canh tân. Ma quỉ muốn đuổi Chúa ra khỏi thế gian và lôi thế giới ra khỏi Chúa. Con phải đem Chúa đến cho thế giới và đưa thế giới về với Chúa (ĐHV 650).

* Hàng rào kiên cố nhất, không phải là chiến lũy, không phải hàng rào điện tử, đó là "hàng rào hờ hững" của con: "Ai chết mặc ai! Ai đói khổ mặc ai" Sụp đổ, thoái hóa cũng mặc! Như thế được rồi:" làm sao vượt nổi! (ĐHV 652).

* Canh tân xã hội bằng con người đã canh tân trung thực theo Phúc Âm. Đức tin sẽ đem lại một giá trị mới cho công việc bổn phận của họ. Người ta không biết họ đâu? Không nghe họ nói, nhưng người ta công nhận có sự gì đổi mới, tự nhiên thấy nếp sống đẹp hơn, bầu không khí phảng phất hương vị mới lạ (ĐHV 653).

* Không phải bước nhanh, bước gấp, nhưng bước vững, bước đúng con sẽ tiến xa. Không phải hô hào thúc đẩy cho thế giới tiến, nhưng chính con phải khởi sự tiến lên (ĐHV 654).

Chúng ta nên suy nghĩ những lời sau đây của một cán bộ Cộng sản viết trong báo "Tự Do" xuất bản tại Fribourg, Thụy sĩ:

Chúng ta nên tự vấn: những lời này đáng được nói với chính bản thân tôi. Thử hỏi tôi đã đọc, đã học tập Công đồng Vatican II lần nào chưa? Được nhiều hay ít? và cố gắng thực hiện được mấy phần?


_______________________

28. CUỘC SỐNG MỚI

1. Cuộc chiến đấu cuối cùng.

* Đối với người không biết đích, giờ chết là giờ thất vọng, vì mất tiền tài, mất khoái lạc, mất bằng hữu; trước mắt họ, toàn tối tăm, hư vô sụp đổ. Đối với con, cuối con đường hy vọng tràn ngập ánh sáng (ĐHV 665).

* Trước muôn ngàn thử thách đau khổ, con hãy sốt sắng, tin tưởng và đọc nhiều lần: "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy." Bí quyết can đảm của người Kitô hữu (ĐHV 674).

- Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen!

Vừa đưa bàn tay mặt nắm chặt lấy tay trái, thánh Hialariô (+371) vừa khẩn thiết kêu xin Chúa và tuyên xưng vào cuộc sống mai sau.

Chúng ta biết ngài là một thầy dòng khổ tu tại Palestina chuyên đời cầu nguyện và hy sinh khổ hạnh. Nhưng đến giờ phút cuối cùng, trước khi nhắm mắt, ngài đã phải đương đầu với một chước cám dỗ rất nặng hầu như ngã lòng trông cậy vào Chúa nhân từ và quá đỗi khiếp sợ toà phán xét nên đã phải cầu nguyện tha thiết như trên.

Còn chúng ta, chúng ta có năng nghĩ đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình không?


2. Cái nhìn của thánh Aloysiô Gonzaga.

* Nghe tiếng cha mẹ đến, đứa bé ở nội trú bỏ tất cả, không tiếc một cái gì để chạy theo cha mẹ. Con đừng dính bén bất cứ đồ vật gì nơi tạm trú này (ĐHV 671).

* Máy điện tử tối tân nhất tên là "Muôn đời"; con hãy dùng nó để chọn quyết định quan trọng nhất của đời con. Muôn đời thù ghét trong hỏa ngục? Muôn đời yêu thương trên Thiên Đàng? (ĐHV 684).

* Cái gì không mang nhãn hiệu "Muôn đời" là đồ giả. (ĐHV 687).

Một hôm, ban giáo sư trường muốn trắc nghiệm các thiếu niên đang chơi ở sân, bèn đặt một câu hỏi: "Nếu anh được biết anh sắp chết trong một giờ nữa thì anh sẽ làm gì?

Có nhiều câu trả lời khác nhau:

- Tôi sẽ vào nhà thờ cầu nguyện.

- Tôi sẽ dọn mình xưng tội.

- Tôi sẽ tìm gặp cha mẹ và người thân lần cuối cùng.

- Còn tôi, nếu tôi biết tôi sắp chết, tôi vẫn tiếp tục chơi!.

Câu trả lời ấy của cậu Aloysiô Gonzaga làm ban giáo sư vô cùng bỡ ngỡ.

- Tại sao trước giờ phút nghiêm trọng như vậy mà anh cả gan tiếp tục chơi?

- Vì Chúa dạy phải luôn luôn sẵn sàng, mà bổn phận hiện giờ của tôi là chơi nên tôi cứ tiếp tục chơi. Thánh ý Chúa trong giây phút hiện tại này đối với tôi là chơi, nên tôi chơi là làm đẹp lòng Ngài vậy!

Tại sao chỉ là một thiếu niên mà Aloysiô Gonzaga lại có lòng đạo đức khôn ngoan đến thế? Đó là nhờ công giáo dục của người mẹ thánh thiện, của môi trường học đường. Cậu thường nói: "Tôi nhìn mọi sự và đánh giá mọi sự dưới khía cạnh "đời đời", cái nhìn không có giá trị "đời đời", không xây dựng cuộc sống "đời đời", không hướng dẫn ta đến cùng đích "đời đời" thì đối với tôi đó là hư vô cả".


3. Một cuộc ra đi bình an.

* Một lời kinh gây tin tưởng cho con cái Chúa, nhưng vì quá quen, quá thường, con không ý thức tất cả ý nghĩa thế mạt, mà chỉ người Công Giáo được mặc khải: "Hằng sống hằng trị muôn đời. Amen." (ĐHV 673).

* Giữa những đau khổ, oan ức, những giả dối, bất công, con hãy vững vàng tuyên xưng với toàn thể dân Chúa: "Và người sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, nước Người sẽ không bao giờ cùng." (ĐHV 679).

* Thái độ của giáo dân buổi sơ khai chấp nhận sự chết là cả một cuộc cách mạng. Chứng tích ấy khiến thế giới La Mã phải tin ở tình yêu Thiên Chúa và cuộc sống vĩnh cửu (ĐHV 685).

Cha Franz Rosebaum là một linh mục thuộc Dòng Lời Chúa, quốc tịch Đức, đã từng phụ trách một nhóm truyền giáo ở Trung quốc; về sau, ngài được Toà Thánh tín nhiệm giao phó trọng trách làm Hiệu trưởng trường Giáo hoàng Học viện thánh Phêrô tại Roma.

Các linh mục thuộc 40 quốc tịch khác nhau đã sống ở Học viện thánh Phêrô đều đồng thanh ca tụng và mến phục tinh thần đạo đức, hy sinh, gương mẫu về mọi mặt của ngài.

Năm 1961, ngài mắc phải chứng bệnh ung thư ruột. Dù qua nhiều cuộc giải phẫu, bệnh tình vẫn cứ nặng dần; tuy thế, ngài vẫn bình tĩnh và cố gắng theo nề nếp sinh hoạt của Học viện, mặc dù đã có cha Schneider thay thế chức vụ cho. Ngài đã tỏ ra tin tưởng, can đảm và vui vẻ cho đến giây phút cuối cùng.

Hôm ấy, trong bầu khí tĩnh lặng của bệnh viện do các Nữ tu Dòng Thánh Linh điều khiển, cha Franz Rosebaum lên cơn hấp hối. Ngài đưa mắt nhìn các thân nhân đang vây quanh ngài và xin mọi người cất lên lời kinh "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa". Câu cuối cùng vừa dứt, cha Rosebaum lặng lẽ ra đi bình an.

4. Đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu.

* Hạt lúa gieo xuống đất không chết, trong nó sẽ phát xuất sự sống phong phú mới mẻ hơn. Hạt lúa nấu thành cơm nuôi nhân loại cũng không chết, nó tươi nở trong một cuộc sống khác đẹp hơn, cao quí hơn. (ĐHV 688).

* Từ đây trên các "vòng hoa phúng điếu", xin con đừng để hai chữ "phân ưu" nữa. Trong các thư từ con đừng để hai chữ "quá cố" nữa, vì họ "đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại" và "đang hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa". (ĐHV 689).

* Đối với Kitô hữu, không có người chết. Tất cả các kẻ chết của chúng ta đang sống. Họ là chi thể của Chúa Kitô như chúng ta, chúng tôi thông hiệp với nhau trong đức tin (ĐHV 690).

Thuộc quốc tịch Đức, Vath là một thương gia có hạng ở Thượng Hải (Trung quốc). Giữa lúc công việc kinh doanh đang hồi phát đạt, ông Vath bỗng nghe tiếng Chúa gọi. Và vị thương gia giàu có đó đã can đảm dẹp tiệm mà tận hiến cuộc đời mình cho Chúa. Ông xin vào học trong Chủng viện Thánh Benađô dành cho những người tu muộn tại Roma. Không phải ông chán đời, nhưng ông muốn dấn thân để phục vụ đời cách đắc lực hơn. Và ít năm sau, ông được phong chức linh mục. Sau đó, Ông trở lại Hồng Kông, đầu tư cuộc đời vào việc phục vụ dân nghèo Trung quốc đang sống chen chúc nhau ở trên bán đảo chật hẹp ấy.

Phương pháp hoạt động của cha là thành lập Caritas (Hội Bác ái cứu trợ Công giáo) với những lớp bổ túc văn hóa, những thư viện, những trường dạy nghề, trường kỹ thuật, quán cơm bình dân, lưu xá rẻ tiền cho sinh viên học sinh hoặc các công nhân, văn phòng tiếp đón người tị nạn từ Trung quốc Lục địa... Và chỉ sau một thời gian, Caritas Hồng Kông đã trở thành mô phạm cho các Caritas trên thế giới, nhờ tài kinh doanh của cha Vath được đem ra khai thác đúng chỗ và triệt để (cựu thương gia ở Thượng Hải). Có điều là giờ đây ngài không kinh doanh cho bản thân ngài nữa, mà là kinh doanh cho các người nghèo để thăng tiến cá nhân và gia đình họ.

Vì công lao của ngài quá lớn nên Tòa Thánh đã tặng cho ngài danh vị: Giám chức (Đức Ông).

Về sau, ngài được bầu làm Giám đốc Caritas Đông Nam Á và cuối cùng, ngài giữ luôn chức vụ Chủ tịch Caritas quốc tế trong những năm 1971, 1972, 1973. Chính lúc này ngài lại mắc bệnh ung thư. Sau mấy tháng điều trị, ngài đã nhắm mắt lìa đời và được an táng tại Đức.

Sau khi ngài từ trần, bạn bè lẫn giáo dân ai ai cũng bùi ngùi xúc động: Vì mặc dù trong cơn bệnh đang hoành hành ác liệt, ngài vẫn bình tĩnh ghi băng trao gởi đến họ, đến các kẻ kế nghiệp, đến các nhân viên cộng sự, những trối trăn đượm đầy đức tin và bình an. Ngài nói mình vẫn luôn luôn kiên vững trong đức tin, liên lỉ kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Tử nạn, cũng như không ngừng hy vọng vào tình yêu Thiên Chúa mà đợi chờ ngày sống lại hiển vinh. Ngài đã ân cần nhắn nhủ, động viên từng người hăng say toàn hiến đời mình cho nhiệm vụ và thực thi bác ái.

Ngài tạm biệt mọi người trong lúc tâm hồn tràn ngập tình tri ân cảm mến. Quả là một ơn Thiên triệu và một cuộc đời kỳ diệu.


5. Bài học hư vô.

* Con nhìn thấy những giọt nước lã chã rơi trong một chiều đông. Mỗi ngày bao nhiêu người cùng vào cõi đời đời, như hạt nước kia không ai để ý, và một giây phút nào đó, một hạt nước rơi ấy chính là con (ĐHV 666).

* Nhìn bao nhiêu thân ngọc mình ngà, minh tinh, hoa hậu đã chịu số phận thối tha, hư nát, con hiểu được tiếng "Hư vô" và con tự rút lấy bài học (ĐHV 675).

Là con trai của công tước xứ Gandie, nước Tây Ban Nha, Phanxicô Borgia (1510-1572) mồ côi mẹ lúc 10 tuổi và được giao phó cho một người cậu đang làm Tổng Giám mục thành Saragesse nuôi dưỡng, giáo dục. Năm lên 18 tuổi, chàng được bước chân vào hoàng cung của ông Charles Quint, kết hôn cùng cô Eléonore de Castre và sinh hạ được 5 người con. Sau đó chàng được đắc cử làm cận vệ của hoàng hậu, tương lai huy hoàng mở ra trước mắt.

Nhưng đùng một cái, biến cố sau đây đã làm đảo lộn cuộc đời chàng. Số là hoàng hậu Isabelle, một mỹ nhân sắc nước hương trời vừa hoá ra người thiên cổ. Phanxicô có trọng trách đưa thi hài bà đến an táng tại lăng tẩm nhà vua Genade. Đến nơi, lúc mở nắp quan tài để giao nhận đúng là thi hài của hoàng hậu Isabelle, Phanxicô đã sửng sốt rùng mình trước một thân xác thối rình, giòi bọ rúc rỉa... Và cảnh tượng ấy đã khiến chàng suy nghĩ thấm thía về cuộc đời tạm gửi ở trần gian để rồi đi đến quyết định: "Từ nay mọi danh vọng của trần thế và mọi lạc thú của nó chẳng còn dính dáng gì đến Phanxicô này nữa!". Chàng đệ đơn lên hoàng đế xin rút lui khỏi triều đình. Đáp lời, vua Charles Quint đặt chàng làm phó vương xứ Catalogne. Ở đây, vừa tỏ ra là một viên chức gương mẫu tài ba, Phanxicô vừa đeo đuổi một cuộc sống tu trì cầu nguyện. Ít lâu sau, cha của Phanxicô qua đời, ông trở thành công tước xứ Gandie và là sáng lập viên của một bệnh viện và nhiều tu viện khác trong xứ. Khi người bạn đường là bà Eléonore de Castre nhắm mắt, ông xin gia nhập Dòng Tên và 17 năm sau, trở thành vị Tổng quyền thứ ba của Dòng.

Sau một chuyến truyền giáo, ngài ngã bệnh tại Ferrare và qua đời năm 1572, thọ 62 tuổi.


6. Nhật ký của một bà mẹ ung thư.

* Người ta hối tiếc và than van: "Đời tàn"; ngược lại, con phấn khởi và reo lên: "Niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô sắp đến." (ĐHV 667).

* Người đời nói: "Mỗi ngày gần mồ thêm một bước." Con phải nói: "Mỗi ngày gần cửa Thiên Đàng hơn một bước." (ĐHV 668).

* Giữa những thử thách bên trong bên ngoài khủng khiếp nhất, con hãy nhớ lời sách Khải Huyền: "Và Người sẽ lau sạch nước mắt họ, chết sẽ không có nữa, phiền muộn, kêu gào và khó nhọc sẽ không còn nữa, vì các điều cũ đã qua" (ĐHV 682).

* Nhìn cuộc đời chóng qua không phải để mà yếm thế, bi quan, buông trôi... nhưng để phấn khởi, hăng say tranh đua với thời gian. Người ta bảo thời giờ là vàng, con hãy xác tín: thời giờ là Thiên Đàng, thời giờ là Tình Yêu (ĐHV 686).

Một lần nữa hai vợ chồng trẻ lại lo âu đưa nhau đi khám bệnh ở phòng mạch bác sĩ. Lần này viên bác sĩ tế nhị cho họ hiểu là bệnh ung thư của bà đã đến giai đoạn trầm trọng không thể chữa được. Bác sĩ an ủi, động viên tinh thần họ và cho toa mua ít thuốc để giảm cơn đau.

Thương thay hai anh chị không phải là người sung túc. Đã nghèo lại có tới 6 mặt con thơ nên cuộc sống thật là lam lũ. Tuy nhiên, gia đình vẫn hạnh phúc êm đẹp, vì cả hai đều thương và tôn trọng nhau, tạo nên một bầu khí chan hoà hạnh phúc, đạo đức. Người vợ tên là Têrêxa, anh là Giuse, cả hai đang ở trong một quốc gia tân tiến nhất: Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Sau nhiều ngày cùng lo âu đau khổ, hai vợ chồng đã lấy lại được bình an và can đảm. Họ nhìn thẳng vào thực tế với con mắt đức tin, và đã có những phản ứng thật độc đáo, phát xuất từ niềm tin yêu, hy vọng vốn đang cháy trong lòng họ. Chính bà vợ đã viết tất cả vào cuốn nhật ký, ta hãy lần giở từng trang để chiêm ngắm tâm hồn một phụ nữ quả cảm, một gia đình Công giáo sáng chói và một cộng đồng dân chúng biết yêu thương nhau:


7. Đức Phaolô VI suy niệm về sự ra đi của mình.

* Trên Thiên Đàng, người tông đồ mới thôi lao nhọc. Nhưng ngay ở Thiên Đàng, người tông đồ vẫn tiếp tục cứu giúp trần gian. (ĐHV 677).

* Người tông đồ không chết, sự sống không tiêu diệt, chỉ biến đổi: "Hiện giờ ta thấy, nhưng ở trong gương, cách mường tượng, bấy giờ thì tận mắt, diện đối diện." (ĐHV 678)

Trên đường hy vọng, chúng ta đã lấm phen gặp vị lữ hành cao cả này: Đức Giáo Hoàng Gioan Baotixita Montini.

Sau lúc ngài về nhà Cha một thời gian, thì vị Bí thư trong suốt 25 năm của ngài, linh mục Pasquale Macchi, đã lục soạn các giấy tờ, bản thảo, nhật ký và đã tìm thấy một bài suy niệm dài về sự chết của ngài. Ở đây chỉ xin trích một vài đoạn ngắn:

Cuối một đời Giáo Hoàng với nhiều phong ba bão táp nhưng cũng nhiều thành tựu rất tốt đẹp, một sự nghiệp rất lớn lao, Đức Phaolô VI đã suy niệm về sự chết với những tâm tình khiêm tốn, yêu thương, ý thức sứ mạng và liên lỉ kết hợp với Chúa Kitô như thế đó.

Ngài lại còn muốn nên giống Chúa Kitô trong cách chết: "Tôi muốn được chết nghèo. Về mộ phần, xin chôn tôi ngay trong lòng đất trơn, với một phiến đá đơn giản để ghi chỗ và kêu gọi lòng đạo đức của các tín hữu. Đừng xây đài kỷ niệm cho tôi...


8. Bức thư gởi cho chính mình.

* Biết trần gian là nơi tạm trú, sao con còn bo bo dành cho được sở này, chức kia, tiếc nuối chiếc bàn, chiếc ghế...? Con sẽ mang nó theo vào Thiên Đàng "hưởng phúc đời đời" sao? Phi lý và điên khùng! (ĐHV 672).

* Đừng để lúc sắp bước chân vào ngưỡng cửa đời đời, con hối tiếc vì đã đổi "của thiệt" lấy toàn "đồ giả" (ĐHV 676).

* Luxia, Yaxinta, Phanxicô đã trông thấy hỏa ngục vô cùng rùng rợn kinh khủng và không bao giờ quên được cảnh tượng ấy. Hãy tin lời Đức Mẹ! Đừng nhắm mắt không tin có hỏa ngục để rồi một hôm mở mắt thấy mình trong hỏa ngục(ĐHV 683).

Alexi là một thanh niên vui tươi, hâm mộ thể thao, âm nhạc, đồng thời cũng là một tông đồ nhiệt thành và rất thực tế. Năm 25 tuổi, anh viết cho mình một bức thư, bỏ vào phong bì đề tên tuổi hẳn hoi, bên dưới có ghi: "Sẽ mở đọc vào năm tôi đúng 60 tuổi". Bức thư được anh để ngay trên bàn viết, dưới chân cây Thánh giá nhỏ bằng gỗ.

Ngày tháng như chiếc thoi đưa, thấm thoát anh Alexi đã trở thành cụ già 60, đầu tóc bạc phơ. Vào đúng ngày sinh nhật thứ 60, cụ Alexi mời con cháu bạn bè đến chung vui trong một tiệc trà thân mật.

Sau bữa tiệc, cụ mở ra trước mắt mọi người lá thơ chính tay cụ đã viết 35 năm về trước. Tuy đã lớn tuổi, giọng cụ vẫn còn "phong độ", ai cũng nghe được rõ ràng từng tiếng:

"Bạn thân mến,

"Mừng kỷ niệm 60 năm sinh nhật của bạn! Kể từ hôm nay bạn bắt đầu bước đi trên một đoạn đường mới. Sáu mươi tuổi đã qua là kể như đời bạn đã xế chiều. Dù bạn vẫn còn khỏe, nhưng sức dẻo dai đã kém thua trước nhiều lắm. Bạn hãy bảo vệ sức khỏe để còn đóng góp tích cực vào phúc lợi chung.

"Bạn hãy biết ra đi, biết rút lui cách nhẹ nhàng và nhường chỗ cho đàn em trẻ hơn bạn, có khả năng thể xác và tinh thần hơn bạn.

"Nhưng không phải rút lui để rồi cầu an, nhàn hạ. Bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm của 60 năm trước đầy nụ cười và nước mắt của bạn cho đàn em. Và bạn hãy sung sướng khi thấy họ thành công hơn bạn, vì nhờ họ, Thiên Chúa được vinh danh hơn.

"Bạn hãy tiếp tục dấn thân cho đến hơi thở cuối cùng, theo sức bạn, theo tuổi bạn. Bạn hãy chuộc lại những thời giờ bạn đã lãng phí trong suốt 60 năm qua. Hãy kiểm điểm trước mặt Chúa, hãy rút kinh nghiệm từ quá khứ. Hãy cảm tạ Chúa và sám hối trước mặt Người. Bạn hãy dành phần còn lại của cuộc đời bạn để làm một việc gì cho Chúa, một việc mà giờ đây Chúa đang mời gọi bạn cộng tác dấn thân.

"Bạn đừng quên rằng bạn đang tiến về nhà Cha, mỗi phút một gần hơn. Bạn hãy sẵn sàng, đừng bám víu vào của cải trần gian, vào địa vị. Hãy sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng của đời bạn, đẹp lòng Chúa và vui lòng gia đình, bè bạn trong mọi sự.

"Hãy dứt khoát, hãy quyết tâm mãnh liệt. Hãy thực hiện nghiêm túc. Hãy kết hợp với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse bạn Ngài.

"An bình và ơn sủng của Chúa ở cùng bạn.

"Ngày sinh nhật thứ 25 của Alexi"

Đọc xong bức thư, cụ Alexi nói tiếp: "Cách đây 35 năm, tôi ngại rằng khi đã 60 tuổi, tôi sẽ nghĩ mình vẫn còn sức, sẽ bám víu vào địa vị, vào của cải... nên tôi đã viết bức thư này cho tôi. Hôm nay tôi tha thiết xin con cháu, bạn bè cầu nguyện cho tôi thực hiện những gì Chúa muốn trong giây phút hiện tại này".


9. Một tấm gương hấp hối.

* Con cảm thấy an ủi vì đấng đoán xét con là cha nhân từ của con; Ngài càng chí công, con càng vững lòng, vì Ngài xử theo sự yếu đuối của con, nhưng đừng lạm dụng lòng nhân lành Chúa để khuyến khích mình liều lẫn trong tội lỗi. (ĐHV 680).

* Chúa gọi con làm thánh, nếu con chấp nhận vào luyện ngục, con đã phụ tình yêu của Chúa. (ĐHV 681).

Không một cơn hấp hối nào có thể tránh được đau khổ về phần xác cũng như lo lắng trong tâm hồn. Chị thánh Têrêxa đã đơn sơ và tự nhiên bước vào giây phút ấy. Ta hãy dõi theo tấm gương thánh thiện của chị. Lúc sức khỏe đã đến hồi hao kiệt, mãi tới ngày áp qua đời, chị Têrêxa vẫn còn muốn ở một mình ban đêm. Thỉnh thoảng chị phụ trách nhà liệt ghé vào thăm chị. Lần nọ, thấy chị chấp tay trên ngực, mắt thì ngước lên trời, chị coi nhà liệt bèn hỏi:

- Chị làm gì thế" Phải nhắm mắt ngủ đi chứ!

- Chị ơi em đau quá, không thể ngủ được nên em cầu nguyện.

- Chị cầu nguyện gì nữa?

- Em chẳng cầu xin gì, em chỉ yêu mến Chúa thôi!

***

Thỉnh thoảng chị Thánh lại thốt lên:

- Ôi, Thiên Chúa tốt lành dường nào... Thật Ngài thương xót và nhân từ lắm mới ban sức cho con chịu đau khổ thế này.

Chiều hôm ấy, chị trao cho Mẹ Bề trên một mảnh giấy viết bằng bút chì có những giòng chữ run rẩy như sau:

"Lạy Chúa con, Chúa đối xử với con là lễ mọn tình yêu cách nhân từ lắm! Bây giờ Chúa dung hoà những đau đớn thể xác với những cơ cực linh hồn. Tuy dù con chưa có thể nói: Cơn phiền giờ hấp hối đã bao vây tôi tứ phía, nhưng với tất cả lòng biết ơn, con xin kêu lên rằng: con đã xuống tới vực u ám sự chết, song con không e sợ gì vì Chúa hằng ở với con".

Mẹ Agnès de Jésus bảo Têrêxa:

- Có mấy chị tưởng con sợ chết lắm!

- Điều ấy rất có thể, chị thưa, con không dám tự tin đâu, con vẫn nhận mình hèn hạ yếu đuối, nhưng hiện giờ đây con cứ hưởng tâm tình vui vẻ Chúa ban cho đã sau định thể khác, cũng còn giờ mà vui chịu cách khác. Cha tuyên úy nhà dòng hỏi con bằng lòng chết chăng, con đã thưa cha rằng: "Thưa cha con trộm nghĩ chỉ phải cam lòng mà sống, chứ được chết thì con vui mừng lắm!" Mẹ ơi, nếu mẹ thấy con phải đau đớn quá, và dù lúc tắt hơi con cũng không tỏ dấu gì vui, mẹ cũng đừng buồn phiền nhé! Chúa chúng ta chẳng chết vì tình yêu sao? Mà mẹ xem đấy, giờ hấp hối của Chúa đã thế nào!

...Đã mấy tuần lễ qua, Têrêxa đau đớn cơ cực không thể ngồi dậy được, nhưng hôm nay, lúc hai giờ rưỡi chiều ngày 30.9.1897, chị ngồi lên được và kêu:

- Mẹ ơi, chén đắng đã đến đầy miệng rồi! Không bao giờ con dám tưởng mình có thể chịu đau khổ tới chừng này. Con chỉ có thể hiểu rằng: Con chịu được nỗi đau đớn này là bởi lòng con rất tha thiết phần rỗi linh hồn anh chị em.

Một chốc sau, Têrêxa lại lặp đi lặp lại nhiều lần như sau:

- Mọi lời con đã viết về lòng ao ước chịu đau khổ là thật hết. Con không hối hận vì đã hiến thân tế lễ tình yêu Chúa.

Rồi chị thưa Mẹ Bề trên:

- Mẹ ơi, xin Mẹ giúp con dọn mình chết lành!

- Con ơi, con đã rất sẵn sàng để ra trước toà Chúa rồi, vì xưa nay con đã hiểu nhân đức khiêm nhường lắm!

- Vâng, con biết thế, linh hồn con chỉ ước ao tìm sự thật của lòng khiêm nhường!

Bốn giờ rưỡi chiều, bệnh bắt đầu chuyển qua cơn hấp hối, Têrêxa thấy chị em vào phòng bèn mỉm cười cách âu yếm, chào và cám ơn chị em, rồi hai tay rời rạc nắm lấy Thánh giá. Mồ hôi toát ra đầy mặt, chị run rẩy cả mình.

Khi Nhà Dòng đánh chuông kinh tối, chị nhìn lên Mẹ Maria cách âu yếm. Đến bảy giờ vài phút, chị quay lại thưa mẹ Bề trên:

- Thưa Mẹ, phải đây là giờ hấp hối? Con sắp chết ư?

- Phải, hỡi con, giờ hấp hối đấy; nhưng Chúa muốn con hy sinh ít phút nữa.

- A! Vâng... vâng... con xin vui lòng chấp nhận!

Vừa dứt lời, Têrêxa ngửa mặt lên nhìn ảnh Chuộc tội và than thở:

- Ôi.. Con mến Chúa!... Lạy Chúa con... con... mến... Chúa... lắm!!!

Đoạn Têrêxa gục đầu qua bên phải mà thiếp đi. Rồi bỗng dưng, chị ngửa mặt lên như có một tiếng mầu nhiệm gọi, mắt mở ra, gương mặt sáng láng bình an vui vẻ lạ thường, đăm đăm nhìn ảnh Mẹ, lâu chừng năm phút... và linh hồn bay về cùng Chúa.


10. Đức Gioan XXIII trước ngưỡng cửa đời đời.

* Người lạc đường, thất vọng; người không biết đích, vô vọng; người tiến về đích, hy vọng; ở đó con sẽ gặp Thiên Chúa, Cha nhân từ đợi chờ con, con sẽ toại vọng (ĐHV 664).

* Con hãy sẵn sàng cầm đèn sáng đợi chờ giờ Chúa trở lại, như Chúa muốn, nơi Chúa muốn, lúc Chúa muốn (ĐHV 670).

Đức Gioan XXIII luôn luôn chuẩn bị để ra trước toà Chúa. Ngài đã để lại bốn bản di chúc được viết trong các kỳ tĩnh tâm:

1- Bản thứ nhất vào năm 1939-1945.

2- Bản thứ hai làm tại Venise 29.6.1954.

3- Bản thứ ba làm tại Castelgandelfo ngày 12.9.1961, lúc đang là Giáo Hoàng.

4- Bản thứ tư, gửi dòng họ Roncalli, làm tại Vatican ngày 3.12.1961.

Chúc thư sau cùng này được ngài viết cách đơn sơ, thân tình như sau:

"Thăm em Severo,

"Hôm nay bổn mạng em, thánh Phanxicô Xaviê..., anh dùng máy chữ mới, đánh thư này gửi về em, chứng minh dù đã già 80 tuổi, anh vẫn tiếp tục phục vụ Chúa và Hội Thánh.

"Thư này cho em, anh cũng muốn là tiếng nói chính thức với hai em trai Alfredo, Giuseppino, các em gái, các em dâu và các cháu sau này. Dù bận việc, dù đang quy hướng về thế giới, anh vẫn không quên các em, các cháu trong nhà. Các em không còn đến được với anh như xưa, nhưng qua Đức Ông Capovilla, các em cứ nói tất cả, và anh sẽ nhận được tin tức đầy đủ.

"Các em đều biết: từ ba năm qua, nghĩa là từ khi anh làm Giáo Hoàng, anh không thể biên thơ riêng cho ai, dù là người nhà, các em thông cảm! Tự hãm mình như vậy, tức là vinh dự lớn lao cho chúng ta, và các em biết rằng lòng anh quý yêu gia đình dạt dào không thể tưởng tượng.

"Những cuộc lễ, lời chúc tụng tuổi 80 của Giáo Hoàng đã qua. Anh chỉ thích được chúc tụng cám ơn Thiên Chúa đã và sẽ gìn giữ anh tới cùng.

"Do lòng Chúa thương, tên dòng họ Roncalli đã được toàn thể giáo giới yêu quý. Các em hãy tiếp tục ở khiêm tốn, khiêm tốn như thế. Người đời chỉ biết có tiền, chức vị, lạc thú với bất cứ giá nào, dù man rợ với nhau...

"Nhờ em nói lại với tất cả bà con xa gần, mà giờ này anh không biết rõ:

"Dòng họ Roncalli hãy thương yêu đoàn kết với nhau. Anh không viết thư được cho từng người, vì, đúng như em Giuseppo nói: Anh là Giáo Hoàng, là người tù hạng sang không được làm những gì mình muốn.

"Đặc biệt anh thương những em đang nghèo, đang khổ nhất trong các em... khổ đến nỗi phải di cư ra thành Milan để kiếm công ăn việc làm.

"Các em khổ, vì đôi khi kẻ thiếu nhận xét đã bảo: Có anh làm Giáo Hoàng mà dòng họ vẫn nghèo nàn, tình trạng xã hội không được đổi thay. Trái lại, các em nên biết rằng nhiều người hiểu Giáo Hoàng, hiểu rằng giáo hoàng, con của những người dân quê chất phát nhưng khả kính, rất yêu thương bà con dòng họ; nhiều Giáo Hoàng trước đây cũng xuất thân từ gia đình nghèo như anh; vinh dự của Giáo Hoàng là đã giúp gia đình mình như đã vì bác ái mà giúp bất cứ gia đình nghèo nào khác. Đó là tước hiệu danh dự của Giáo Hoàng Gioan và của dòng họ Roncalli mà nhiều người đã hiểu và quý mến.

"Anh có chết, nhiều kẻ sẽ ca tụng anh như anh đã ca tụng Thánh Piô X: ngài sinh nghèo và chết nghèo.

"Anh đã 80 tuổi, các em cũng già với anh, can đảm lên! Nơi gường anh có ảnh mồ mả của ông nội, của bác Hai, của Ba má, của ba chị Maria, Ancilla, Têrêxa, của em Giovanni và cháu Enrica. Đẹp thay cả một đoàn linh hồn đang chờ đợi và cầu nguyện cho chúng ta...!" Anh, Gioan XXIII, Giáo Hoàng.

Ngài đã nhìn giờ Chúa gọi thế nào?

Ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 15.8.1961, ngài viết trong nhật ký:

"...Nay đã 80 tuổi, con đã đến ngưỡng cửa của "cái già" Chúa nói. Con sẵn sàng hy sinh không hạn chế, dù là mạng sống và nhận lấy cái chết như ngưỡng cửa đưa vào cõi hằng sống. Đây, con giơ tay lên, đôi tay đã yếu và run rẩy, để kẻ khác mặc áo và dẫn đi. Còn cái "nơi con không muốn tới", cái đó không có, vì chính Chúa mở lối; con sẽ "theo Chúa trên các nẻo đường Chúa đi" (Mt 8,19), dù là đi đến chỗ hiến tế, khổ hình và chết, cái chết bảo đảm cho số phận đời hạnh phúc.

"Lạy thánh Giuse, vị bảo trợ đặc biệt của người sắp chết với sự giúp đỡ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria mà Ngài đã có phúc đồng hành khi còn sống, con xin kết thúc trang ghi lại cuộc cấm phòng bằng câu kết mà Hội Thánh hát mừng Ngài: xin Ba Ngôi Chí Cao tha thứ cho kẻ nguyện cầu. Vì công lao của Thánh Giuse, xin cho con vào thiên quốc, để chúng con được mãi mãi lặp lại bài ca cảm tạ của lòng chúng con tri ân. Amen".

11. Bức thư trước giờ hành quyết.

* Nghe tiếng cha mẹ đến, đứa bé ở nội trú bỏ tất cả, không tiếc một cái gì để chạy theo cha mẹ. Con đừng dính bén bất cứ đồ vật gì nơi tạm trú này (ĐHV 671).

Linh mục Trochu đã viết một cuốn sách rất công phu về Chân phước Ven (Thánh Théophan Vénard). Trong sách đó có ghi lại rằng: đang lúc bị án tử hình vì đức tin và bị giam tại Hà Nội chờ ngày trảm quyết, thánh Ven đã viết nhiều bức thư nhờ giáo dân chuyển về cho gia đình. Trong số các thơ ấy, có mấy dòng sau đây, được thánh nữ Têrêxa Hài Đồng (là người bảo trợ tinh thần cho thánh nhân) chọn làm như của chính mình vậy:


_______________________

29. GIAN KHỔ

1. "Nếu không có những tháng ngày gian khổ..."

* Đường con đi, có hoa thơm, cảnh đẹp, có chông gai, có hùm beo, có bạn hiền, có trộm cướp, lúc mưa sa, lúc nắng cháy, chuyện không thể tránh được.

Con cứ đi, miễn lòng con đầy Chúa, đi như Phanxicô, như Cyrillô, Athanasiô... đừng mất thì giờ đứng lại, đừng sợ tiếng chửi, đừng ăn mày tiếng khen (ĐHV 693).

* Giữa những thử thách, con hãy nghĩ gian khổ sánh sao được với nước Thiên Đàng. Đó là phương pháp của Chúa: "Phước cho ai khó nghèo, ai khóc lóc, ai chịu bắt bớ... vì Nước Thiên Đàng là của mình vậy" (ĐHV 695).

* Hoạt động con bị hạn chế, danh tiếng con bị lu mờ, chống đối dồn dập tứ phía! Hãy đợi chờ giờ của Chúa: "Cây nào tốt, Cha Ta sẽ tỉa"; cành non sẽ đâm chồi, nở hoa, mang trái nặng trĩu hơn (ĐHV 698).

* Không có cơn thử thách nào lớn lao bằng cơn thử thách của Chúa Giêsu trên thánh giá, lúc xác hấp hối, tâm hồn lại cảm thấy chính Đức Chúa Cha như cũng bỏ mình, Chúa Giêsu phải nói lên nỗi khổ e chề nhất trong đời Ngài: "Sao Cha bỏ con!" Hãy hiệp nhất với Chúa Giêsu trong những giây phút hãi hùng, tăm tối nhất của đời con. Bình an sẽ trở lại và con sẽ nói được như Chúa Giêsu: "Con phó mạng sống con trong tay Cha!" (ĐHV 715).

Năm 1953...

Giáo Hội Ba Lan rùng mình trước tin Đức Cha Baraniak bị bắt.

Một tháng sau, vào một đêm khuya tĩnh mịch, Đức Hồng Y Wyzynsky nghe có tiếng chuông reo, ngài vội vã ra mở cửa. Con chó trong nhà nhác trông thấy có nhiều người lạ lố nhố ngoài hiên liền nhảy vồ ra ngoặm ngay vào cánh tay một người. Đức Hồng Y bình tĩnh lấy thuốc rịt vết thương lại và khoác lên mình người lạ một chiếc áo choàng cho y đỡ rét.

Khi biết rõ ý định của họ, ngài xin được sang chào ông cố của ngài đang ở phòng bên cạnh. Họ lắc đầu. Ngài bước lên một xe bịt bùng và đoàn xe bắt đầu chuyển bánh trong đêm...

Sau hai năm cầm tù, ngài còn bị quản chế thêm nhiều tháng ngày nữa tại nhiều nơi trên khắp lãnh thổ Ba Lan. Trung bình cứ mỗi tháng, ngài đều "được" thay đổi nơi cư trú 2,3 lần, vì nghe ngài ở tại đâu, giáo dân khắp nơi đều ùn ùn kéo đến và mặc dù không thấy mặt ngài, họ cũng vây quanh vườn đọc kinh cầu nguyện cho ngài rồi ra về. Thế là chỉ trong vòng mấy năm, ngài hân hạnh được ở khắp đó đây trong nước.

Sau những biến động vào mùa thu năm 1956, ngài được trở về giữa niềm hân hoan, kính mến và tin tưởng của toàn thể giáo hữu. Năm 1957, Đại Hội Thánh Thể được tổ chức long trọng tại thủ đô Varsovie, giáo phận của ngài, hơn nửa triệu giáo dân đã đến tham dự.

Đức Thánh Cha Piô XII đã trao cho ngài đặc quyền được thay thế Đức Giáo Hoàng cắt cử các Giám mục khắp nước Ba Lan. Và ngài đã làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan từ đó đến nay. Ai ai cũng gọi ngài là "con người của Chúa Quan Phòng", vì ngài đã sáng suốt hướng dẫn Giáo Hội Ba Lan và tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp với nhà nước của quốc gia ấy. Có nhiều người, nhất là các phóng viên báo chí, muốn tò mò tìm hiểu các chi tiết của những ngày gian khổ trong đời ngài, đã được ngài trả lời gọn ghẽ: "Tôi đã hiến dâng tất cả cho Mẹ Maria. Tôi không muốn nhắc lại quá khứ. Ta hãy nhìn thẳng vào tương lai mà tiến lên".

Trong bài diễn văn đáp lời chúc mừng của Đức Hồng Y Wyzynsky đại diện cho Giáo hội Ba Lan, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II đã khai mở bằng một giọng đầy tri ân trìu mến: "Thưa Đức Hồng Y, nếu không có những tháng ngày gian khổ của Đức Hồng Y, thì hôm nay không thể có một người con của Giáo Hội Ba Lan ngồi trên toà Phêrô được".


2. Thầy đi đâu?

* Trong giờ Tử Nạn, Chúa đem theo những Tông Đồ Ngài yêu thương riêng: Phêrô, Gioan, Giacôbê. Con sợ Chúa thương không? (ĐHV 699)

* "Ai thuê tôi săn sóc bệnh nhân một vạn đồng một ngày, tôi cũng không nhận!", một bác sĩ nói. - "Thưa bác sĩ, nữ tu đáp, phần tôi, nếu không phải vì mến Chúa, một triệu đồng một giờ tôi cũng không chịu. Nhưng vì Chúa tôi sẽ ở đây đến chết" (ĐHV 709)

* Gian khổ là cơm bữa của đời người. Nhưng với người công giáo, cuộc sống của họ "loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại". Con có sung sướng khi đọc lời ấy không? (ĐHV 710)

* "Con có uống nổi chén đắng của Thầy không?" Con hãy thưa: "Con tình nguyện uống chén đắng đến giọt cuối cùng, vì là chén đắng của Thầy, vì Thầy đã uống trước con!" (ĐHV 716)

* Gian khổ nặng nề nếu con khiếp sợ trốn lánh, gian khổ dịu dàng nếu con can đảm chấp nhận (ĐHV 717)

Cách đây chừng 20 năm, người ta đã dựa vào cốt truyện trong tác phẩm "Quo vadis?" (Thầy đi đâu?) của văn hào Công giáo Ba Lan Sienkiewez (1846-1916), giải Nobel 1905 để đóng một cuốn phim nổi tiếng khắp thế giới cũng mang tựa đề ấy.

Từ đâu có cốt truyện ấy? Ai đã nói tiếng Thầy đi đâu?

Theo truyền khẩu giáo dân thời Hội Thánh sơ khai người ta biết được rằng, vào các thế kỷ I-IV, các hoàng đế Roma đã ra công bách hại đạo Chúa hết sức hung hãn: nào là đâm chém, nào là đóng đinh thập tự, nào là cho thú dữ ăn thịt ở nơi hí trường Colisê để nhân dân thỏa thích thưởng ngoạn, nào là buộc vào cột trụ, tẩm dầu rồi đến đêm châm lửa đốt cháy vùn vụt như bó đuốc. Thật muôn phần khủng khiếp!

Phêrô, thủ lãnh của Hội Thánh, lúc ấy cũng bị truy nã gắt gao theo lệnh của hoàng đế Nêron. Vì thế người có ý định tạm lẩn trốn ra khỏi thành Roma một thời gian, cho qua cơn sóng dữ. Một đêm nọ, người ta trông thấy một bóng dáng đàn ông đang hồi hộp lần bước trên con đường Appia. Lúc gần đến cửa Capena, bỗng nhiên ông ta đứng khựng lại! Từ xa một người đang tiến thẳng về phía ông. Ông dụi mắt rồi quá đỗi vui mừng, Phêrô ôm chầm lấy người ấy và hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu? Thì ra người ấy là Chúa Giêsu, tội nhân bị xử mấy mươi năm về trước. Đáp lại câu hỏi của Phêrô, Người ôn tồn nói: Phêrô vì con sợ gian khổ, con định đào tẩu, nên Thầy phải vào thành Roma để chết thay cho con". Nói xong Chúa Giêsu biến mất... Phêrô hiểu ý Thầy bèn quay gót trở lại thành Roma, chấp nhận mọi gian khổ, củng cố đức tin của anh em giáo hữu, xông pha giữa muôn nghìn nguy hiểm cho đến năm 67 thì bị bắt và bị tống giam ở nhà ngục Tullianum. Theo lưu truyền, Phêrô đã cảm hoá được hai người lính canh ngục tên là Processô và Martinian, cả hai đều được rửa tội và được tử vì đạo. Rồi sau đó, thánh nhân cũng được diễm phúc đi lại con đường thập giá của Thầy, không phải đường lên Núi Sọ ở Giêrusalem mà là đường đến hí trường Caligula, trên đồi Vatican. Nhưng khi đến nơi, vì cảm thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy, nên ngài xin phép cho được đóng đinh ngược, đầu chúi xuống đất.

Để kỷ niệm nơi Chúa hiện ra cho Phêrô, giáo hữu đã xây cất ngay tại chỗ đó một nhà thờ mang tên: "Quo vadis, Domine?"


3. Đóa hồng đầy thử thách.

* Tránh gian khổ con đừng trông làm thánh (ĐHV 702).

* Trên Thiên Đàng, con sẽ hối tiếc: "Phải gì tôi đã có dịp mến yêu, chịu khổ vì Chúa hơn!" (ĐHV 704).

* Đau khổ nhất là do những người phải thông cảm và có phận sự bênh vực con gây nên. Hãy hiệp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên Thánh Giá: "Lạy Cha, sao Cha bỏ con!" (ĐHV 705).

Thánh nữ Rosa Lima (1586-1617) đã theo gương can đảm của thánh Catarina thành Sienna để sống một đời hy sinh khổ hạnh, cầu nguyện và bác ái. Nhưng cuộc đời chị thánh đặc biệt chói loà nhờ một cơn thử thách gian khổ rất nặng. Chị sống vỏn vẹn có 31 năm thế mà đã phải trải qua một tình trạng khô khan nguội lạnh trong đời sống thiêng liêng kéo dài suốt 15 năm, mặc dù chị rất đạo đức! Chị đã phải luôn luôn chiến đấu trong tối tăm mù mịt, như thể bị Chúa bỏ rơi. Chị phải liên lỉ chống trả với những cơn cám dỗ nặng nề lôi kéo chị đến bờ hố sâu chán nản, tuyệt vọng: thực là một vực thẳm còn khốn nạn hơn cả sự chết! Đó là chưa kể chị phải mắc một thứ bệnh nặng và gặp nhiều khốn khó trong gia đình.

Nhưng chị đã khiêm nhường và bền đỗ sống trong đức tin. Suốt cả cuộc đời, Thánh Thể là lương thực duy nhất nuôi sống chị. Sau cùng Chúa đã ban triều thiên sáng chói cho chị: Rosa thành Lima trở thành thánh bổn mạng của toàn thể nhân dân Nam Mỹ.


4. Nghệ thuật sống an bình trong gian khổ.

* Trong gian khổ có điều con nên tránh:

- Đừng điều tra "tại ai"? Hãy cám ơn dụng cụ Chúa dùng thánh hóa con.

- Đừng than thở với bất cứ ai. Chúa Thánh Thể, Đức Mẹ là nơi con tâm sự trước hết.

- Khi đã qua, đừng nhắc lại và trách móc, hận thù. Bỏ quên đi, không nhắc lại bao giờ và nói Alleluia! (ĐHV 700).

* Con tức tối sao không biện minh được với kẻ thù. Đừng lạ gì: "Họ sẽ giết các con như đã giết các tiên tri" (ĐHV 701).

* Nếu thể xác con căng thẳng, hãy tạm nghỉ. Gác bỏ các lo âu, con sẽ lấy sức lại và công việc kết quả hơn. Chấp nhận giới hạn sức khỏe của con là can đảm, biết săn sóc là khôn ngoan (ĐHV 707).

* Thời gian là một yếu tố quan trọng; khi một biến cố xảy đến, đừng hấp tấp lúng túng. Hãy suy nghĩ nhẫn nại đợi chờ, lắm lúc sau một đêm, con sẽ thấy sự việc khách quan và sáng suốt hơn (ĐHV 708).

* Hành động tốt và thinh lặng (ĐHV 711).

Một tâm hồn thánh thiện nọ, sau khi trải qua bao tháng ngày gian khổ cũng như những giây phút thành công, đã để lại những lời nhắn nhủ, đồng thời cũng là những kinh nghiệm sống rất đơn sơ và hữu ích sau đây. Chúng ta nên suy niệm và thực hành:

* Nghệ thuật điều khiển lưỡi.

Thánh Kinh có nói: “Miệng người khôn ngoan cất trong con tim. Trái tim kẻ dại bày ra ngoài miệng” (Huấn Đạo 21,26).

Hãy chuộng nghe hơn là nói, vì im lặng quý hơn nói. Nói ít thì khôn hơn nói nhiều. Nói ít mà nói đúng, nói hay thì hay hơn là nói nhiều nhưng nói bậy. Hãy chú ý: nói đúng vấn đề thì hơn là nói luôn miệng.

Những luật sau đây giúp điều khiển lưỡi chúng ta:

- Suy nghĩ trước khi nói.

- Biết nói bằng sự im lặng.

- Cầm giữ miệng lưỡi khi trái tim đang xao xuyến.

- Im lặng khi thấy mình quá ưa nói.

- Nói sau kẻ khác.

- Đừng bao giờ nói chống đối kẻ khác.

- Bao giờ cũng nói tốt kẻ khác.

- Đừng bao giờ tìm cách tự bào chữa.

- Lúc nào cũng nói năng khiêm tốn.

- Không bao giờ nói trái sự thật.

- Luôn luôn thận trọng trong lời nói.

- Đừng bao giờ nói theo hứng.

- Im lặng đừng nói những lời chua cay khi trái tim bối rối và bị kích thích. Trong câu chuyện, "khi gió thổi bốc lên thuận chiều", hãy cầm hãm khuynh hướng "trút hết gan ruột ra".

- Cầm mình đừng nói những sai sót của bản thân. Biết giới hạn như vậy sẽ tạo được một nguồn hạnh phúc mới mẻ.

- Hãy kiểm soát giọng nói của bạn.

- Đừng tìm biết tin tức vì tò mò.

- Hãy nhớ lấy điều này là đừng bao giờ phàn nàn về chuyện gì, đừng chỉ trích ai, đừng than trách hoàn cảnh nào, cũng đừng phê bình sự vật gì hết.

- Đừng nói về mình, cũng đừng nói về những việc riêng mình.

- Nếu muốn nói về mình, thì chỉ tâm sự với một số rất ít người thôi.

* Im lặng là bài học hay nhất.

- Im lặng khi tức bực.

- Im lặng khi bị chỉ trích.

- Im lặng lúc bị từ chối.

- Im lặng lúc thất vọng.

- Im lặng lúc gặp cảnh vô ơn.

- Im lặng khi cảm thấy lòng ghen ghét.

- Im lặng lúc bị người khác ghen ghét.

- Im lặng lúc bị phản bội.

- Im lặng khi được thỏa mãn.

- Im lặng lúc đau khổ mọi nỗi.

Hình như không có thực hành nào giá trị bằng sự im lặng. Im lặng cho ta thấy một sức mạnh tiềm tàng. Im lặng thu hút được sự tín nhiệm. Im lặng bảo đảm cho ta được sự kính trọng. Người dè dặt đúng mức là con người có dáng huyền bí, biểu lộ một vẻ tuyệt đẹp của tâm hồn.

Im lặng còn có một tính cách tích cực nữa. Nhiều khi im lặng không nói lại là câu trả lời hữu hiệu nhất, thuyết phục lòng người hơn trăm bài hùng biện.

* Cố gắng hơn tí chút.

- Nhẫn nại hơn tí chút để chấp nhận một người không hợp với tôi chút nào, nhưng tôi lại bó buộc sống với.

- Kiên quyết hơn tí chút để tiếp tục công việc này mà bổn phận đời tôi làm tôi cảm thấy chán ngấy.

- Khiêm nhường hơn tí chút để ở lại nơi Chúa dẫn dắt tôi tới, nhưng không mảy may phù hợp với ước vọng và chương trình của tôi.

- Biết lẽ phải hơn tí chút để chấp nhận người khác cùng với bản tính của họ, thay vì đòi hỏi họ rập theo khuôn khổ tôi thích.

- Khôn ngoan hơn tí chút để đừng làm phiền lòng người khác và ít nhúng tay vào công việc của họ.

- Can đảm hơn tí chút để chịu dựng một biến cố đột ngột làm tôi mất bình an cách thâm sâu.

- Tươi tỉnh hơn tí chút để không tỏ ra tôi bị trái ý.

- Bỏ mình hơn tí chút để cố gắng tìm hiểu tư tưởng và cảm nghĩ của người khác.

Trên hết mọi sự, cầu nguyện hơn tí chút để kết hợp với Chúa trong trái tim tôi và bàn hỏi với Ngài.


5. Gian khổ của các thánh.

* Bão tố quật ngã cây cối, bẻ gẫy cành khô, cành sâu. Nhưng không thể nhổ được cây thánh giá đã cắm vào lòng đất. Đừng tiếc những cành kia, dù không gió cũng gẫy, không gẫy cũng phải chặt vì nó làm hại (ĐHV 691).

* Chúa Giêsu đến đâu cũng có một số người sống chết cho Ngài, và cũng có một số người quyết giết chết Ngài. Sao con muốn mọi người yêu con? Sao nao núng khi có người ghét con? (ĐHV 692).

* Khi đau khổ cực độ, con hãy nhìn lên Thánh Giá, ôm choàng lấy Thánh Giá và con sẽ thinh lặng đứng vững như Đức Mẹ (ĐHV 694).

* Người ta vô ơn với con! Con làm ơn để họ cám ơn sao? (ĐHV 696).

* Con than phiền vì kẻ nghịch của con liên lỉ chen lấn, giành giật trở ngại công việc tông đồ của con? Sao con quên "Cây lúa và cỏ lùng"? Lúa cứ vươn lên! (ĐHV 697).

* Gian nan luyện người Chúa đã muốn cho chịu đau khổ để thông cảm với những người đau khổ. Như Chúa đã cầu cho nhân loại với tiếng thống thiết và nước mắt (ĐHV 703).

* Con phản đối: "Bất công!" - Lòng con tức tối trước việc xảy đến gây khổ tâm cho con. Hãy nghĩ lại xem: Chúa Giêsu đã làm gì nên tội mà phải chịu đóng đinh? Như thế có công bình không? (ĐHV 712).

* Hoa hồng, hoa huệ tốt thơm, rực rỡ bao lâu phân tro màu mỡ biến thành hương sắc. Việc tông đồ cũng tiến mạnh khi gian khổ được đổi thành yêu thương (ĐHV 713).

* Thử thách gian khổ là "giấy phép theo Chúa" để hưởng hạnh phúc hân hoan với Chúa: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá..." (ĐHV 714).

Mỗi vị thánh đều có chịu gian khổ cách này hoặc cách khác. Môn đệ không thể khác Thầy!

Tất cả 12 Tông đồ đều đã theo gương Thầy Chí Thánh chịu hình khổ Tử đạo.

Tất cả các Giáo Hoàng kế vị thánh Phêrô suốt 300 năm đầu tiên đều đã hy sinh mạng sống vì Chúa.

Thánh Athanasiô (295-373) trong những giây phút đen tối nhất của cuộc đời, vẫn không hề mảy may khiếp sợ trước uy quyền của hoàng đế, không một chút chịu theo những ý kiến trái ngược của các vị Giám mục chạy theo bè rối Ariô ở Công đồng Nikêa năm 325, và cũng không lo phải chịu cực hình gian khổ. Suốt 45 năm trời trong chức vụ chủ chăn, ngài đã phải lưu đày 5 lần tất cả, đúng như lời tiên báo của thánh Pakôme về ngài lúc ngài còn ở trong sa mạc Thébaides: "Athanasiô cột trụ và là đèn pha của Hội Thánh sẽ hứng chịu nỗi đoạn trường". Quả vậy, bị rượt đuổi và để trốn tránh các cuộc bách hại, có lần ngài đã phải ẩn mình trong một hang động suốt 5 năm. Lần khác, kẻ thù công bố một giá rất cao cho những ai chặt được thủ cấp ngài, khiến ngài phải chạy trốn suốt đêm trên một chiếc thuyền con dọc theo bờ sông Nil, Ai Cập. Hoàng đế Constance, kẻ bội giáo Julien, Valens và các kẻ thù khác đều nghĩ: Nếu tóm cổ được Athanasiô họ sẽ tiêu diệt được đức tin của người Công giáo một cách dễ dàng. Rồi lúc đã 71 tuổi đầu, ngài còn ẩn núp trong ngôi mộ thân phụ ngài ròng rã suốt bốn tháng. Nhưng dù ở đâu, thánh Athanasiô vẫn luôn gần gũi tiếp xúc với các giáo dân động viên họ sống kiên cường trong một niềm tin đích thực...

Thánh Hilariô (315-369), Giám mục giáo phận Poitiers tại Pháp, bị nhóm lạc giáo Ariô dùng mưu thuyết phục hoàng đế Constance đày sang xứ Phrygia (Cận đông), vì ngài đã dám triệu tập một Công đồng địa phương để chống họ. Trong cảnh cô đơn tù tội, ngài đã thốt lên: "Người ta có thế đày ải các Giám mục một cách êm thắm, nhưng họ có thể đày chân lý được không?". Suốt thời gian lao tù ngài vẫn hướng dẫn giáo phận của ngài qua thư từ, giáo huấn, rồi còn viết được bộ tổng luận 12 cuốn về Chúa Ba Ngôi, chống lại bè rối Ariô nữa. Bốn năm sau, tại Đại hội Giám mục ở Séleucie (một thành phố trong xứ Phrygia), ngài đã thuyết phục được toàn thể các Giám mục theo lập trường của Hội Thánh. Phe lạc giáo sợ bị thất bại chua xót nên đã bàn với hoàng đế cho ngài hồi hương.

Thánh Cyrillô thành Giêrusalem (315-386) đã thức tỉnh các Kitô hữu trước hiểm họa lạc giáo Ariô. Nhờ có trí thông minh, ngài đã bảo vệ Thần Tính của Chúa Kitô, chống lại những lý luận tinh vi nhưng sai lạc của họ. Phẫn uất vì thấy ngài là một lợi khí sắc bén làm cho hàng ngũ họ tan rã, họ đã tìm cách trục xuất ngài và lưu đày ngài nhiều phen, tổng cộng tất cả là 16 năm. Nhưng rồi đức tin, tài hùng biện và phẩm cách anh hùng của ngài tại Công đồng Constantinopoli (381) đã làm cho lạc giáo Ariô bị kết án lần thứ hai và biến ngài thành một trong những vị bảo vệ đức tin vĩ đại.

Thánh Eusêbiô Vercellôsi (315-371), Giám mục giáo phận Vercelli (Ý), cũng vì trung thành với giáo lý chân chính của Hội Thánh mà bị vua Constance II (theo lạc thuyết Ariô) đày sang Scythopolis từ năm 335 đến 362. Ngài đã chịu đói khát, nhục hình đủ cách, nhưng luôn luôn tỏ ra trung thành với đức tin và thường xuyên thư từ liên lạc với các tín hữu để nâng đỡ tinh thần của họ.

Thánh Gioan Thánh Giá (1542-1591), người Tây Ban Nha, đã nỗ lực giúp thánh Têrêxa thành Avila canh tân Dòng Carmêlô (nữ và nam). Nhưng thoạt tiên, cả nhà dòng đều chống lại cuộc cải cách của ngài. Năm 1577, ngài bị giam trong một căn phòng ở Talède và đã trốn thoát sau đó 9 tháng. Trong thời gian ấy, ngài đã sáng tác những vần thơ thần bí nổi tiếng nhất. Về sau cuộc cải cách của ngài được chấp thuận, ngài được giao phó nhiều chức vụ trong nhà dòng. Nhờ có đức từ bỏ trọn hảo và một lòng yêu mến Thánh giá nồng cháy, đời đời ngài đã nên như một ngọn lửa chiếu soi trong đêm tối, hướng dẫn nhiều người tiến lên đỉnh toàn thiện. Châm ngôn luôn luôn xuất hiện trên môi miệng ngài là "Toàn Hiến". Ngài đã cho chúng ta một quy luật sống sau đây: "Nếu bạn muốn đạt đến việc chiếm hữu Chúa Kitô, bạn đừng bao giờ tìm kiếm Người với đôi vai vắng bóng Thánh giá". Ngài còn viết: "Nếu nơi nào không có tình yêu, chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa tình yêu vào đó và chúng ta sẽ nhận được ánh sáng của nó. Và khi cuộc đời chấm dứt, chúng ta sẽ được xét xử căn cứ vào tình yêu". Các tác phẩm thần bí của ngài đã làm cho ngài trở thành tiến sĩ của đời sống chiêm niệm.

Thánh nữ Elisabeth hoàng hậu nước Hungari (1207-1231). Tuy mang tiếng là vợ của một ông vua, nhưng cuộc đời cũng đầy gian lao đau khổ. Khi chồng bà là vua Louis từ trần trong một cuộc thánh chiến (1227) thì Henri là em ông lên tiếm vị. Vì sợ mất ngôi, ông đã trục xuất mẹ con bà ra khỏi hoàng cung. Bà phải bơ vơ tạm trú trong một chuồng ngựa mục nát và còn đi ăn xin để nuôi ba con nhỏ (lúc ấy bà mới 20 tuổi). Tuy đắng cay khổ nhục, bà vẫn vui lòng chấp nhận để nên giống Chúa. Về sau, lúc đoàn quân viễn chinh hồi hương, nhân dân bắt buộc Henri phải trả lại quyền bính cho người cháu, nên thánh nữ đưa con cái trở lại triều đình. Nhưng rồi vì muốn luôn mãi sống khó nghèo, nên ngài khoác lên mình bộ tu phục Dòng Ba Phanxicô, sống thinh lặng và cầu nguyện cho đến ngày trút hơi, lúc mới 24 tuổi.

* Không phải con chỉ can đảm nhẫn nại, nhưng giá trị cứu chuộc của đau khổ rất lớn lao, nếu con hiệp với sự thương khó Chúa Giêsu (ĐHV 706).

Thánh Gioan Maria Vianney không chỉ chịu nhiều hình khổ gây nên do ma quỷ mà còn phải gian nan hơn nữa vì anh em khinh rẻ nhạo báng, chỉ trích công việc tông đồ của ngài.

Một đêm kia, ngài nghe cả nhà rung chuyển như bị động đất, chung quanh có tiếng giày đi thình thịch, ồn ào như cả đại đội lính, thật hết sức khủng khiếp. Giáo dân ở chung quanh nhà xứ cũng nghe như thế. Họ to nhỏ bàn tán với nhau: "Có ai đến khủng bố cha xứ mình chăng?" Tối hôm sau, thanh niên dân vệ cùng nhau bàn một kế hoạch: tất cả nhất trí mang súng vào quanh hành lang nhà xứ mà ngủ, quyết trừng trị cho bằng được bọn bất lương. Gần nửa đêm, nhà xứ bỗng rung chuyển dữ dội, tiếng ầm ầm nổi lên cơ hồ như sắp tận thế. Nhưng khi bật đèn lên thì thanh nhiên chẳng thấy ai hết. Lạ quá! Họ ngơ ngẩn một hồi, rồi vì quá kinh hãi, bèn cùng nhau ôm súng vắt giò lên cổ mà chạy. Hôm sau, chẳng còn một ai dám lai vãng chung quanh nhà cha xứ. Cha Vianney biết là ma quỷ muốn làm cho ngài phải kinh khiếp, mệt mỏi, mất ngủ, vì ngài đã cướp của chúng khá nhiều linh hồn ở tòa giải tội. Ngày nay, ai tới viếng thăm nhà xứ Ars vẫn còn thấy tang chứng rất rõ: một chiếc giường gỗ bị bọn chúng đốt cháy mất một phần. Lần khác, lúc thánh Vianney còn đang đánh tội, Satan bèn hiện ra làm hại người. Nó xô ngài ngã vào tường. Hiện nay mười ngón tay đầy máu của ngài chống vào tường và đôi vai cũng đầy máu của ngài ngã vào tường vẫn còn in dấu rõ ràng ngay tại nơi đánh tội. Có lần ma quỷ tức tối đã thét lên: "Mày cướp các linh hồn của tao! Mày phải chừa bớt!" Nhưng ngài thì cho biết: "Đêm nào ma quỷ cũng quấy rầy cha càng dữ thì ngày hôm sau cha bắt được những "con cá càng bự" đã bỏ xưng tội lâu năm".

Tiếng đồn ma quỷ quấy nhiễu cha Vianney làm cho một số anh em linh mục phì cười mỉa mai: "Lại thêm chuyện phép lạ ở xứ Ars! Cái chú Vianney dốt đặc này không chịu an phận cho xong, lại nay bày chuyện này mai đồn tin khác. Toàn là những chuyện nhảm nhí, vô bổ, tung ra cũng chỉ cốt để quyến dụ bà già con trẻ đến cái xứ khỉ ho cò gáy ấy!" Cha Vianney nghe các lời mỉa mai chê trách ấy thì đều dâng cho Chúa và thinh lặng chịu đựng.

Một hôm, nhân dịp mở tuần đại phúc tại một xứ trong hạt, người ta đã mời cha Vianney cùng nhiều linh mục khác đến giúp. Sau bữa cơm tối, cha Vianney nhẹ nhàng nói với anh em: "Thưa các cha, con hay bị ma quỷ quấy phá, nhất là áp những hôm con cứu được nhiều linh hồn tội lỗi nặng. Vì thế, để đề phòng, con xin trình các cha trước, nếu đêm nay ma quỷ có làm gì thì xin các cha cứ biết vậy và an tâm, nó phá một lúc rồi sẽ hết!" Cha Vianney vừa dứt lời, các cha khác đã cười rồ lên:

- Lại chuyện ma quỷ! Sao mà nghe cha nói toàn là chuyện giật gân tào lao không à! Có thật không? Hay cha bị ám ảnh thế?

- Đây là dịp tốt, cha khác bảo, mình cứ nghe hoài câu chuyện ma quỷ phá rối cha Vianney mà chẳng bao giờ chứng kiến được, may ra tối nay mình sẽ được một pha xem tận mắt! Cha Vianney cứ yên trí "ngủ đi"! Tụi này không sợ ma quỷ gì đâu, trái lại còn mong xem thấy tận mắt là khác!

Cả nhà tắt đèn đi ngủ. Nửa đêm, giữa lúc mọi người đang say sưa giấc điệp thì nhà xứ rung động dữ dội, ghế bàn chạy đi lay lại, đồ đạc thì lăn lóc rơi xuống vung vãi trên sàn nhà, cột nhà thì kêu răng rắc như muốn gãy đôi.. Các cụ hớt hơ hớt hãi mang áo ngủ lùng thùng chạy ra sân, mình toát cả mồ hôi hột, miệng không ngớt kêu lên:

- Dễ sợ quá! Chưa bao giờ thấy chuyện khủng khiếp như thế này! Cái gì thế? Động đất lớn à?

- Thế còn ông Vianney đâu mất?

- Chắc ông ở trên phòng! Đợi yên ta lên tìm xem.

Các cụ kéo nhau lên gác, gõ cửa: "Cộc cộc". Có tiếng guốc khua trên sàn nhà, cha Vianney mở cửa, các cụ ái ngại hỏi:

- Cha đang ngủ à?

- Vâng, con đang ngủ!

- Thế cha không nghe gì cả sao? Chúng tôi kinh khiếp quá!

- Có con có nghe. Thì... hồi tối, ở nhà cơm, con có trình với các cha rồi! Ma quỷ nó hay quấy phá con như thế lắm! Xin các cha cứ yên tâm, có đêm nó làm con nhiều lần như thế, nhưng không sao cả! Vì nó thua to, nó căng thì nó quấy phá vậy thôi!

Nói xong, ngài chào các cha và đi ngủ. Các cụ cũng trở về lại phòng, nhưng suốt đêm không sao nhắm mắt được. Cơn ác mộng kinh hoàng vừa xảy ra cứ bám chặt vào tâm trí các cụ như đỉa đói.

Sáng hôm sau, vào giờ điểm tâm, các cụ lại nhắc đến câu chuyện khiếp sợ hồi hôm và nói: "Cha Vianney, bây giờ chúng tôi tin thực đúng là "băng hỏa ngục" nó quấy phá cha. Mấy lâu nay chúng tôi chế nhạo cha, nhưng đêm vừa rồi chúng tôi phải một phen thật kinh hồn khiếp vía và cảm thấy xấu hổ với cha quá! Xin cha thông cảm và thứ tha lỗi lầm cho anh em chúng tôi. Nhưng nay chúng tôi yêu cầu cha một điều: suốt tuần đại phúc này, chiều nào cha cũng phải về xứ Ars để ngủ rồi sáng mai lại chịu khó đến đây. Chứ nếu cha ngủ đây thì chúng tôi phải di tản hết. Khiếp quá chịu không thấu!"

- Con xin vâng lời các cha. Khởi sự chiều nay, con sẽ về nhà ngủ. (ĐHV 705, 706).

Cô Bernađêta được thấy Đức Mẹ hiện ra nhiều lần tại Lộ Đức cũng như các em Giaxinta, Phanxicô và Luxia được thấy Đức Mẹ hiện ra nhiều lần tại Fatima và trao sứ mệnh phổ biến sứ điệp của Mẹ cho toàn thể thế giới đã phải chịu nhiều đau khổ, gian lao. Nào bị cha mẹ rầy la, chửi mắng, đánh đập vì câu chuyện gây phiền nhiễu cho gia đình, nào bị bà con lối xóm chê bai, lăng mạ là đồ gian dối, là lũ ranh con cả gan lường gạt giáo dân; cha xứ cũng cật vấn các em đủ cách, bảo các em đừng tuyên truyền ba chuyện nhảm nhí, xoay các em, bắt các em nói sự thật, nhưng các em chẳng biết làm sao hơn nữa đành khóc sướt mướt, an ủi, động viên nhau cầu nguyện và hy sinh thêm. Cha chánh xứ của Bernađêta lại còn bảo: "Ma quỷ đấy, không phải thần thánh gì đâu! Lần sau có ra hang đá, con phải xách nước thánh theo, hễ thấy Bà ấy hiện ra thì rẩy vào người Bà". Bernađêta rất đau lòng nhưng vẫn tuân lệnh. Khi em rẩy nước thánh vào Bà, Bà chỉ mỉm cười chứ không chạy trốn!

Các em còn phải đau khổ vì các cơ quan an ninh địa phương. Họ cho các em là bọn bịp bợm, mê tín, buôn thần bán thánh, làm rối loạn an ninh trật tự, nên bắt giam, thẩm vấn, đe dọa đủ điều.

Nhưng điều làm cho các em phải dày vò ray rứt hơn cả là bị người ta cấm không cho ra hang đá, ra cây sồi, theo đúng lời đã hẹn với Mẹ. Không lẽ bất tuân lời Mẹ? Nhưng đàng khác, làm sao có thể đi? Mọi người đều ngăm đe nhiếc mắng thế kia! Tuy nhiên, các em vẫn can đảm, nhẫn nại, Mẹ đã thanh luyện các em trong lò gian nan đau khổ để các em nên xứng đáng là những sứ giả tí hon mang sứ điệp Mẹ đến cho toàn thế giới.

Trên đây chỉ đan cử một vài gương sáng của năm ba vị thánh, vì trong tập này đã có dịp nhắc đến gian khổ của nhiều vị thánh khác như Têrêxa d'Avila, Gioan Lasan, Gioan Boscô, Anphongsô, Margarita Maria, các thánh Tử Đạo...


_______________________

30. ĐỨA CON HẠNH PHÚC

1. Con đường thơ ấu thiêng liêng.

* Thời gian là của Chúa, muôn vật là của Chúa, Alpha và Omega, căn nguyên và cùng đích; Chúa toàn năng, cao cả, nhưng đồng thời chăm sóc chim trời cá biển, thú rừng, hoa đồng nội và Chúa đếm hết tóc trên đầu con: Chúa chỉ kể tình yêu. Bình an và hạnh phúc cho tâm hồn nhỏ bé biết khao khát vô tận (ĐHV 734).

* Chúng ta quan niệm Nước Trời khó khăn, phức tạp quá! Chúa Giêsu chỉ đặt một điều kiện: "Ai không trở nên như trẻ thơ, thì chẳng đáng vào Nước Trời" (ĐHV 735).

Nói đến con đường thơ ấu thiêng liêng bất cứ ai cũng nghĩ ngay đến chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Chính Thiên Chúa đã dùng chị để vạch ra cho những tâm hồn đơn sơ bé mọn một đường lối tuyệt hảo để đi đến cùng Thiên Chúa. Cần phải suy niệm nghiêm túc toàn bộ tác phẩm "MỘT TÂM HỒN" hay "THỦ BẢN TỰ THUẬT" mới mong hiểu được phần nào con đường đơn sơ tín thác ấy.

Sau đây chỉ trích lại một vài mảnh vụn thu nhặt đó đây để chúng ta cùng suy niệm và cầu nguyện:

Chị thánh Têrêxa viết cho chị cả Marie du Sacré-Coeur: "Chị yêu dấu, em đoán chị muốn nghe em kể lại những mầu nhiệm mà Chúa đã tỏ cùng em, những mầu nhiệm mà Chúa đã tỏ cùng chị rồi. Em chắc thế! Vì xưa chính chị đã tập cho em biết trầm mặc những tâm sự với Chúa. Tâm sự với Chúa tức là mầu nhiệm, mà mầu nhiệm thì lưỡi phàm trần không thể nói. Chỉ có trái tim mới cảm được phần nào thôi. Dầu vậy, em cũng xin cứ nói một đôi lời:

Chị đừng nghĩ rằng em đang được vững vàng sung sướng trong suối an ủi. Ôi! không phải thế đâu. Sự an ủi của em là đừng còn được an ủi gì ở thế gian này nữa. Trong im lặng kín đáo, Chúa Giêsu đã dạy dỗ em. Chúa không ra mặt, không lên tiếng, cũng không dùng sách vở nào. Và em chẳng hiểu sách vở nào hết mặc dù có đọc. Đọc sách họa hoằn lắm em mới gặp được đôi lời an ủi; chẳng hạn như trót giờ ngắm sáng nay em cảm thấy khô khan lắm, mãi lúc gần xong em mới được câu an ủi này: Đây là điều Cha Thầy ban để dạy các con. Người sẽ dạy các con các việc phải làm. Cha muốn con năng đọc sách Sự Sống là sách biên chép rành mạch khoa học tình yêu và nghệ thuật yêu thương.

Ôi! Khoa học Tình yêu! Nghệ thuật yêu thương! Những tiếng du dương êm ái dường nào! Nghe như mật rót vào tai, làm linh hồn hết sức cảm khoái! Em chỉ ước ao học chuyên môn khoa ấy, và để theo học, dù đã tốn phí hết cơ nghiệp, em cũng còn nói như "Bạn tình" trong Nhã Ca; "Em chưa tốn phí gì cả " (Nhã Ca 8,7).

Em cũng nhận rằng chỉ có tình yêu mới đủ làm ta được vừa lòng, vừa ý Chúa. Vậy tình yêu phải là tất cả cơ nghiệp của em, em chỉ biết say sưa yêu mến Chúa cho trọn tình nghĩa.

Chúa Giêsu đã cho em biết con đường duy nhất đưa ta đến bến lửa tình yêu là phó thác mình trong tay Chúa, tựa hồ đứa con nít nằm ngủ trên cánh tay Cha, không còn biết lo sợ gì nữa. Chúa đã phán qua miệng vua Salomon thế này: "Ai nhỏ bé nhất hãy đến với Ta" (Châm ngôn 9,4). Nơi khác: "Chúa xót thương những người bé nhỏ" (Khôn ngoan 6,6). Tiên tri Isaia cũng nhân danh Đấng nguồn tình yêu mà nói: "Ngày sau hết Chúa sẽ dẫn đàn chiên Chúa vào cánh đồng cỏ xanh rờn. Người sẽ chọn chiên nào bé nhỏ hơn để ẵm bế trên ngực". Và như chưa thỏa lòng đủ với những cách tỏ tình yêu đương ấy, Chúa lại còn soi cho Tiên tri Isaia nói: "Như mẹ kia mơn trớn yêu dấu con thế nào, Ta cũng sẽ ẵm bế an ủi chúng con, ôm ấp vào lòng và ru trên đầu gối như vậy" (Is 40,11)

Chị yêu dấu hỡi, nghe những lời tha thiết đó, chúng ta biết nói sao? Chúng ta chỉ còn biết im lặng mà khóc vì ơn, vì nghĩa, vì tình... Ôi! Nếu các linh hồn yếu đuối và thiếu thốn như linh hồn em mà thấu hiểu điều em chiêm niệm đây, làm sao còn linh hồn nào thất vọng trên đường trọn lành nữa? Em dám nghĩ: hết thảy sẽ dễ dàng bay tới đỉnh Ái sơn, vì Chúa chẳng buộc ta phải có những hành động to tát hiển hách, phải làm những việc cả thể, phi thường, Người chỉ buộc ta phải phó trót cho thánh ý Người, và giữ luôn luôn tâm lòng tri ân cho toàn vẹn. Chúa đã phán: "Cha chẳng cần những đoàn chiên dê của chúng con, bởi vì tất cả những cầm thú trên rừng xanh, những chim muông trên rừng núi là của Cha hết. Cha biết rõ từng con chim bay lượn trên non nước. Nếu Cha đói, Cha chẳng phải nói với chúng con đâu, bởi vì trái đất và mọi sự trong trái đất đều là của Cha. Nào Cha phải cần ăn thịt bò và uống máu dê ư? Chúng con hãy dâng lên Cha những lời khen ngợi, những hành động đền ơn trả nghĩa".

Đó là tất cả những sự mà Chúa đòi hỏi ở ta. Người chẳng cần chi công việc ta làm, chỉ cần ta có lòng yêu mến Ngài là đủ.

Thưa chị yêu dấu, chị đã ngỏ ý muốn hiểu thấu lòng em, tất cả những tâm tình em, và em muốn viết lại đây cái mộng xuân tươi đẹp nhất của đời em, cùng cả cái mà chị kêu là "học thuyết của em". Thì nó như thế đấy!"

***

* Khi người ta xin điều gì, người ta khai khả năng và công trạng... nhưng em bé, cách đơn sơ, chỉ khai: "Con là con ông.., con bà..., ở trên xóm..." Đó là tất cả đơn từ của nó. Con hãy hiên ngang và cầu nguyện như vậy: "Con là con Chúa, con Đức Mẹ..." (ĐHV 719).

* Đứa bé đến quán mua đồ cho mẹ, quán đã đóng cửa, nó gõ mãi, chủ quán tức tối mở cửa, sẵn sàng mắng nó một trận, nhưng thấy em bé đơn sơ, chủ đầu hàng và tươi cười âu yếm: "Tội nghiệp, con giỏi quá, đi đâu giờ này?..." và nó được tất cả, hãy sống như trẻ thơ (ĐHV 720).

* Trẻ con không cần biết cha mẹ giàu hay nghèo chỉ biết có cha mẹ là đủ, dù có bom đạn, dù có đói rách, hiểm nguy, miễn là có cha mẹ, trẻ ngủ thiếp đi bằng an. Nó trú ở tình yêu hầu như toàn năng của cha mẹ. Con hãy phó thác như vậy! (ĐHV 721).

* Bé con lầm lẫn bao nhiêu lần, cha mẹ cứ thương vì biết đứa bé không có lòng xấu. Nó dốc lòng mãi và nó sa ngã mãi. Không hề gì! Chỉ thiện chí của nó. Mặc dù cha mẹ nó yếu đuối không làm gì được: "Con đừng dại nữa nghe con!..." - "Dạ." - "Con có thương ba má ngàn lần không?" - "Có." - "Vạn lần không?" - "Có." - "Triệu lần không?" - "Có." - Chúa chỉ cần thiện chí của con. Ơn Chúa sẽ giúp con (ĐHV 722).

Và từ tâm tình đó phát xuất ra "Lời nguyện xin các linh hồn thơ ấu" sau đây:

***

* Cầu nguyện, con đừng ngại xin Chúa, con cứ đơn sơ thành thực, như đứa bé: biết được yêu thương, nó xỏ tay vào túi áo cha, mở xách của mẹ để kiếm quà. Chúa không nói dụ ngôn "đứa con xin cha bánh và cá sao?" (ĐHV 723).

* Con mệt mỏi, con cầm trí lâu không được, con chán nản. Miễn con yêu mến Chúa là đủ. Một đứa bé chơi trước mặt cha mẹ, ngồi trên chân cha mẹ, hay nhìn cha mẹ, hoặc ngủ ngon lành, cha mẹ cũng sung sướng nâng niu nó (ĐHV 724).

Chị thánh Têrêxa đã sống tinh thần thơ ấu như thế này trong cách cầu nguyện:

"Cầu nguyện để được nhậm lời, thì không cần phải đọc một câu kinh đặt thật hay và thật đúng hoàn cảnh. Ngoài những kinh nguyện chung hằng ngày, tôi không có can đảm lật từng trang sách để tìm những kinh hay; làm như thế chỉ thêm nhức đầu rối trí bởi kinh nào cũng thấy hay cả. Thành thử, vì không thể đọc hết các kinh, tôi làm như mấy đứa nhỏ không biết đọc sách: chỉ nói đơn sơ với Chúa những điều tôi muốn nói, và luôn luôn Chúa hiểu tôi. Đối với tôi, cầu nguyện là một cái gì đơn sơ hướng lên trời, là một sự nhắc lòng lên với Chúa, là một tiếng kêu biết ơn và đầy lòng yêu mến lúc gặp thử thách cũng như được vui thỏa. Tóm lại, cầu nguyện là một cái gì cao cả, siêu nhiên, làm cho tâm hồn mở ra và kết hợp với Chúa".

***

* Cha mẹ xin kẹo của em bé, nó thu tay lại, nó không cho, cha mẹ năn nỉ, nó còn tiếc, nó đưa tay ra, mở tay dần dần và cho cha mẹ. Cha mẹ mừng vui, hôn con đã quảng đại, thắng tánh ích kỷ và cho con thêm nữa. Chúa vui sướng vì những hy sinh nhỏ mọn của con (ĐHV 726).

* Tâm hồn trẻ con không biết căm thù, vừa bị cha mẹ sửa phạt, nó khóc lóc nhưng nó quên liền, nó thiu thiu ngủ trên tay vừa đánh phạt nó. Con hãy quên tất cả bực tức, ác cảm, ở trên tay dịu hiền của cha mẹ con, con hạnh phúc quá rồi! (ĐHV 728).

Trong cuộc sống hằng ngày, chị thánh Têrêxa không bỏ qua một dịp nào mà không hiến tế mình một cách vừa đơn sơ như một đứa con yêu mến Cha, vừa cao cả, vừa tế nhị. Chị thuật lại:


2. Vinh danh Cha là hạnh phúc của con.

* Tâm hồn trẻ thơ đây không phải là thơ ngây. Nhưng là yêu thương không giới hạn, phó thác cho cha mẹ tất cả; cha mẹ bảo gì, làm tất cả; theo cha mẹ, bỏ tất cả; tin tưởng cha mẹ hơn tất cả. Hùng dũng, vững vàng, xưng đạo làm con của người Kitô hữu (ĐHV 730).

Cha Charles de Foucauld đã để lại không biết bao nhiêu bút tích làm ích cho các tâm hồn tận hiến, cho các linh hồn ao ước hoàn toàn phó thác trong tay Chúa là Cha từ nhân. Mấy giòng vắn tắt sau đây giúp ta suy niệm một ít tâm tình sâu xa nhất của ngài:



3. Tâm hồn đơn sơ trên ngai Giáo Hoàng.

* Sống tinh thần con Chúa không phải là ủy mị, thụ động, nhưng là một linh đạo: Dễ dàng trong sự khó khăn, Đơn sơ trong sự phức tạp, Dịu dàng trong sự cương quyết, Hùng dũng trong sự yếu đuối, Khôn ngoan trong sự điên dại. "Nếu các con không trở nên như trẻ thơ, các con không được vào Nước trời." (ĐHV 727).

* Nhà tạm Chúa Thánh Thể và Mẹ Maria là bí quyết của sức mạnh con trên đường hy vọng. Tất cả các tinh tú dù xán lạn, bao la đến đâu, cũng không sánh với quả đất nhỏ hẹp này được (ĐHV 733).

Đức Gioan XXIII mà chúng ta có dịp nhắc đến nhiều lần, tuy ở trên ngôi Giáo Hoàng rất đỗi cao sang, nhưng vẫn luôn giữ một tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường như một trẻ thơ trước mặt Thiên Chúa.

Ngài đã ghi lại ngày 11.8.1961 trong "Tâm hồn nhật ký":


4. Thế nào là đứa con hạnh phúc.

* Bạo dạn vì ơn Chúa là điều kiện để nên thánh, hãy bạo dạn như trẻ thơ, vui tươi chấp nhận ý Chúa, sẵn sàng theo ý Chúa bất cứ đến đâu, yêu mến Chúa tận tình. Trẻ thơ sẵn sàng lên mặt trăng, tình nguyện đi phi thuyền, miễn là có sự hiện diện của cha mẹ (ĐHV 729).

Có người hỏi chị Chiara Lubich làm sao chị có thể theo dõi hằng trăm ngàn người trên thế giới, làm sao chị có thể hướng dẫn tất cả mọi người theo cùng một linh đạo? Chị mỉm cười trả lời: "Tôi không theo dõi ai cả. Tôi chỉ theo dõi Thiên Chúa từng giây phút, và nếu tôi theo dõi Thiên Chúa thì đám đông sẽ theo tôi!"

Cha Antoine Weber đã thuật lại một kinh nghiệm sống tương tự như thế. "Khi tôi làm việc ở Braxin, tôi có quen biết một chị bếp người Phi châu. Chị mù chữ nhưng là một đầu bếp giỏi, hằng tuần được gởi đi nấu cơm cho một trại lính. Chính trong công việc này, chị đã khám phá ra chiều sâu của Phúc Âm. Chị thầm hiểu phải thực hiện ý Chúa trong từng giây phút, yêu Chúa trong mỗi anh chị em, phục vụ Chúa trong hết mọi người. Đời sống chị, chị xem là một cuộc phiêu lưu kỳ thú, vì mỗi ngày chị lại khám phá thêm một khuôn mặt mới của Chúa, hiểu thêm một khía cạnh mới của tình yêu Chúa Kitô muốn trao cho mỗi người anh chị em. Một ngày kia, chị kể lại cuộc sống chị và đã đánh động được nhiều người. Chị trở nên một nguồn suối nước tưới mát phong phú cho những ai được chị thông truyền kinh nghiệm sống cho. Một giáo sư thần học sau khi gặp được chị đã nói rằng ngài học được nơi chị nhiều hơn những năm ở ban thần học. Một nhà tâm lý học cũng bảo: chị không có mặc cảm với người khác, chị sống như một người con của Thiên Chúa, chị đã tỏ ra hoàn toàn tự do".

Điều đáng tiếc là đa số anh em Kitô hữu đã không thực hiện thánh ý Chúa trong giây phút hiện tại. Mỗi người thành lập chương trình riêng cho mình. Họ thất vọng vì đời sống quá bình lặng, vô danh và độc điệu của họ. Họ không sống đời sống của họ cách sâu xa. Họ sống trong giấc mơ, trong hoài niệm, trong tương lai nhưng không sống trong giây phút hiện tại của mình.


5. Hạnh phúc làm con Chúa.

* Người mồ côi được sung túc phú quý là người hạnh phúc, nhưng không phải là người con hạnh phúc. Nghèo khó mấy mà có cha yêu, mẹ mến là người con hạnh phúc. Con có ý thức con là đứa con vô cùng hạnh phúc vì làm con Chúa Cha, con Mẹ Maria không? (ĐHV 718).

Chúng ta đã có dịp tìm hiểu đời sống vui tươi của Viện phụ Dom Columban Marmion (1858-1923). Ngài đã giảng dạy và đã viết rất nhiều sách. Trọng tâm đường hướng của ngài là "làm thế nào để sống đạo làm con Chúa một cách vui tươi hạnh phúc".

Tác phẩm của ngài được viết rất đầy đủ, trong sáng. Mời các bạn có thời giờ hãy tìm đọc hoặc đọc kỹ lại ít là ba cuốn sau đây, theo thứ tự từ trên xuống dưới:

1- Sống Đức Kitô (Le Christ vie de l'âme).

2- Thần tượng đời tu (Le Christ idéal du religieux).

3- Dom Columban Marmion, nhà linh hướng thế kỷ (Dom Columban Marmion, un maitre de vie spirituelle, D.R. Thibaut).

Thiết nghĩ ba tác phẩm ấy nói lên đầy đủ đường lối của ngài, một đường lối mà ngài đã thực hiện qua chính cuộc sống bản thân. Hễ thiếu một trong ba cuốn ấy thì chưa hiểu rõ tinh thần của Dom Columban Marmion được.

Ngoài ra còn có những tác phẩm bổ túc hoặc quảng diễn đường hướng trên một cách sâu rộng hơn:

4- Đến mà xem (Le Christ dans ses mystères).

5- Đời thần duyên (L'Union à Dieu dans le Christ d'après les lettres de direction de Dom Columban Marmion, D.R. Thibaut).

6- Sống đau khổ (Face à souffrance).

7- Sống tận hiến (La Vierge consacrée au Christ),

8- Thần tượng linh mục (Le Christ idéal du prêtre).

Viện phụ Dom Columban Marmion còn là vị linh hướng, là bạn thân tình, là người cố vấn tín cẩn của Đức Hồng Y Mercier (1851-1926), Giáo chủ nước Bỉ. Do đó, có thể nói rằng học thuyết của Dom Columba Marmion đã được phản ảnh trong lời giảng huấn của các tác phẩm của Đức Hồng Y Mercier, đặc biệt trong hai cuốn:

1- Tĩnh tâm linh mục (A mes prêtres).

2- Tĩnh tâm chủng sinh (A mes séminaristes).


_______________________

31. BÁC ÁI

1. Bác ái là thí mạng.

* Chúa Giêsu bị bỏ rơi trên thánh giá, Chúa Giêsu còn bị bỏ rơi trong mọi anh em đau khổ, khắp trên thế giới (ĐHV 803).

* Ngày tận thế Chúa phán xét về đức ái, không phải về các thành công vĩ đại (ĐHV 804).

Chúa Giêsu đã dạy: "Không có tình yêu nào cao cả bằng thí mạng vì kẻ mình yêu" và chính Người đã làm gương trước.

Bước theo Ngài, các thánh cũng làm như vậy. Cha xin đan cử một vài mẫu gương sống động sau đây:

Thánh Paulinô, Giám mục thành Nôla (353-431), sau khi thu xếp xong việc gia đình từ bỏ chức lãnh sự ở Roma, đã sống một cuộc đời tu đức khổ hạnh và làm đến chức Giám mục. Khi quân Goths chiếm đóng xứ ngài và bắt nhiều người làm nô lệ, ngài đã bán tất cả gia sản để nuôi người nghèo và chuộc nhiều kẻ nô lệ trong số đó. Tới lúc quân Vandales tiến đến, ngài không còn gì để bán nữa nên đã hy sinh chính bản thân của mình, đi làm nô lệ thay cho con trai của bà góa và bị điệu sang Phi châu. Mãi lâu sau, ngài mới được trả tự do và trở về lại giáo phận Nôla của ngài trước niềm hân hoan cảm phục của mọi giáo hữu.

***

* Hãy yêu thương nhau không bằng lời nói mà bằng việc làm. Hãy yêu thương nhau bằng tay mặt mà tay trái không biết. "Hãy yêu thương nhau như Thày yêu thương chúng con" (ĐHV 755).

* Nếu các công việc từ thiện xã hội của con không phải vì Chúa, thì con chỉ là nhân viên của một chi nhánh Hồng Thập Tự (ĐHV 786).

Thánh Vinh Sơn Phaolô (1581-1660) là một vị thánh của bác ái. Suốt đời ngài tận tụy hy sinh để nâng đỡ cuộc sống của những ai bị xã hội ruồng bỏ, như những kẻ nghèo khó, cô nhi, quả phụ, nông dân quê mùa, hay tội nhân trong chốn ngục tù.

Trước hết về phần thiêng liêng, ngài đã đem hết lòng đạo đức và khôn ngoan để làm bề trên hướng dẫn Dòng Đức Bà Đi Viếng (là Dòng lo cho những kẻ nghèo khó) trong suốt 40 năm. Ngài cũng đi khắp nơi, nhất là trong những vùng thôn quê, những khu xóm lao động bị giới vương bá bóc lột để rao giảng Tin Mừng. Ngài còn nhiệt thành trong việc canh tân đời sống linh mục và thiết lập các chủng viện.

Về phần xác, nói được ngài là người đầu tiên có sáng kiến khởi xướng việc sáng lập nhiều hội Bác ái từ thiện để lo cho những người khốn khổ, giáo dục các cô thiếu nữ...

Mãi đến lúc tuổi già, nhiều đêm khuya tuyết sa lạnh buốt, ngài vẫn lang thang tìm kiếm những cụ già thân run lập cập giữa cảnh màn trời chiếu đất, hay những trẻ thơ vô tội bị vứt bỏ ở các góc đường để bế về nhà săn sóc, cứu chữa...

Để nối tiếp công việc bác ái phi thường ấy, ngài thành lập Hội Dòng "Các linh mục chuyên giảng đại phúc" để rao giảng cho giới bần cùng ở chốn thôn quê và Dòng Nữ Tu Bác ái để cứu giúp những người nghèo khổ.

Vì quá tận tụy trong chức vụ và vì tuổi già sức yếu, ngài đã an nghỉ trong Chúa lúc gần 80 tuổi. Đức Lêô XIII đã tôn ngài làm bổn mạng các Hội Từ Thiện Công giáo khắp thế giới. Chúng ta nên ghi nhớ câu nói của ngài: "Đức Bác ái chân thực thì mở tay ra và nhắm mắt lại".

***

* Bác ái không có biên giới; nếu có biên giới, không còn là bác ái nữa (ĐHV 787). * Nếu không triệt để thi hành chúc thư của Chúa Giêsu, là sống bác ái, thì con là đứa con bất hiếu vô phúc thật (ĐHV 806).

Thánh Camillo Lellis (1550-1614) đã lập một Dòng để giúp các bệnh nhân; Dòng ấy có lời khấn thứ tư buộc người tu sĩ phải hoàn toàn dấn thân cho họ bất chấp bệnh truyền nhiễm, vì đó là tiếng gọi của lòng nhân lành Chúa.

Nhưng chúng ta biết, ngay từ thời niên thiếu, Camillo là một quân nhân chỉ biết đua đòi ăn chơi phóng đãng. Ngài đã sống một cuộc đời thanh niên sa đọa, đến nỗi sau cùng phải vào nằm trong bệnh viện Roma. Tại đây, những đau đớn của chính bản thân, nhất là những rên xiết của những bệnh nhân đã khiến ngài xúc động sâu xa và quyết tâm sửa đổi đời sống.

Sau khi trở về cùng Chúa, Camillo đã nhận ra ơn gọi của mình là phục vụ các bệnh nhân nghèo khổ. Bởi đó, trước hết ngài đã tình nguyện giúp việc tại bệnh viện và xin gia nhập Dòng Phanxicô. Khi chịu chức linh mục xong, ngài đã lập một Dòng tu với lời khấn đặc biệt như đã nói. Những lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm: "Ta đau yếu và các con đã thăm viếng" đã đốt lên trong tim ngài một ngọn lửa tình yêu mạnh mẽ đối với những kẻ ốm liệt. Về sau, mặc dầu bị bệnh nhức đầu, lỡ loét bao tử liên miên hành hạ, ngày ngày ngài vẫn vui vẻ chăm sóc bệnh nhân. Ngài bình thản chịu đựng mọi tủi nhục khổ đau và thường nói: "Tôi hằng ước ao có một trái tim rộng lớn như thế giới để bao phủ thế giới bằng ngọn lửa của lòng bác ái đang bốc cháy trong tôi".

***

* Khi con giúp ai điều gì, phải hết sức bác ái, để người thụ ân tha thứ cho con, cái nhục họ chịu khi nhận của con (ĐHV 788).

Còn vô số gương bác ái của nhiều vị thánh nam nữ khác nữa, nhưng vì khuôn khổ tập sách, chúng ta không thể kể hết được. Có thể nói vị thánh nào cũng có những gương bác ái, bởi lẽ bác ái là bản chất, là mẫu số chung của cuộc sống các ngài. Vì các thánh, là những người sống trọn vẹn cho tình yêu.


2. Tướng tiền phong của công cuộc bác ái xã hội.

* Yêu người là "trách nhiệm chắc chắn về lòng mến Chúa" của con (ĐHV 765).

* Yêu người không phải là vuốt ve nuông chiều họ, nhưng có lúc yêu người là làm phiền lòng họ, vì sự thật và vì lợi ích của họ (ĐHV 766).

Người ấy là ai mà được một danh hiệu cao đẹp như thế?

Thưa: một đứa con hoang người da đen thuộc giai cấp nô lệ, tên Martinô Porres (1569-1639) mà Đức Gioan XXIII đã suy tôn lên đài vinh quang các thánh vào ngày 6.6.1962 và cũng chính là vị Giáo Hoàng khả kính đã tặng danh hiệu cao quý vừa nói cho ngài.

Suốt đời, Martinô Porres đã luôn giơ tay an ủi kẻ âu lo, thăm viếng chạy chữa thuốc thang cho kẻ liệt lào, nâng đỡ kẻ già nua góa bụa, giúp đáp người cơ khổ túng thiếu, hàn gắn vết thương lòng cho những người cô độc bị áp bức. Mà nhân đức nói trên, Martinô đã thực hành từ tấm bé. Khi còn nhỏ, Martinô lợi dụng những lần mẹ sai đi mua đồ lặt vật để bớt xén tí tiền đem biếu cho những người cậu nghĩ còn cùng khổ hơn. Được biết như thế, mẹ Martinô hơi tỏ vẻ khó chịu và nhiều lần trách mắng con. Có lần tức quá bà đã giáng cho cậu một tát tai đau điếng.

Lúc lên 7 tuổi, Martinô đã đủ sáng suốt để nhận thấy rằng thành phố Lima đầy những chướng tai gai mắt. Bên cạnh những lối sống xa hoa trụy lạc do sự bóc lột mà mồ hôi nước mắt của kẻ khác nhan nhản không biết bao nhiêu cảnh cô đơn, nghèo nàn khổ cực. Thế nhưng giữa bao thối nát đen tối ấy vẫn còn sáng lên nhiều mẫu gương tông đồ bác ái đích thực, ảnh hưởng sâu đậm trên tâm hồn của cậu thiếu niên. Ban đầu, mẹ cậu đang ở trong hoàn cảnh nghèo túng cô đơn, thấy con hay giúp người cùng khổ đôi chút tiền bạc thì rất bực mình khó chịu; nhưng dần dần bà suy nghĩ, tỉnh ngộ, đổi ác cảm thành thiện cảm. Bà yêu quý con ngày càng thắm thiết và đã trở thành một vị hiền mẫu giàu lòng bác ái.

Năm 22 tuổi, Martinô xin vào Dòng Đa-minh để làm gia nhân. Nhưng bề trên nhà dòng thấy chàng có nhiều nhân đức nên sau một thời gian đã chọn làm trợ sĩ. Thầy hết sức sống bác ái yêu thương giữa cộng đoàn. Một hôm, tu viện phải khẩn trương thanh toán một món nợ mà chẳng kiếm đâu ra tiền. Cha Bề trên bất đắc dĩ phải mang đi bán một vài báu vật của tu viện. Cha vừa ra khỏi cổng, thầy Martinô đã vội chạy theo, vừa thở vừa thưa:

- Nhà Dòng cần tiền để trả nợ, nhờ ơn Chúa, thưa cha, con có cách trả được!

- Con trả bằng cách nào? Cha Bề trên quay lại hỏi, tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Thưa cha, con là một người da đen hèn hạ, chẳng có chi cho Nhà Dòng. Xin cha cứ bán con đi để lấy chút tiền trả nợ cho người ta. Con xin cha ban cho con đặc ân ấy... Biết đâu lọt vào tay thiên hạ, họ sẽ bắt con làm việc vất vả và hữu ích hơn...

Nghe nói thế, cha bề trên xúc động đến chảy nước mắt. Ngài đăm đăm nhìn thầy Martinô từ đầu đến chân một cách yêu thương trìu mến và ra hiệu bảo thầy quay trở lại nhà dòng.

Đã chăm làm việc lại có nhiều tài nên thầy Martinô suốt ngày quần quật: hết ở trong kho quần áo lại sang bệnh viện, hoặc lang thang ngoài hè phố để giúp những người nghèo khổ cô đơn. Một hôm đang lúc đi đường, thầy gặp một người áo quần xác xơ tả tơi, mình đầy ung nhọt hôi hám và mắc phải một chứng bệnh đớn đau cùng cực. Thầy bèn cõng người ấy về phòng riêng của thầy ở trong tu viện, đặt nằm thoải mái trên giường, ra sức tắm rửa, thay quần áo, cho ăn uống... Thầy săn sóc bệnh nhân cách tận tụy như săn sóc chính Chúa Giêsu. Thấy vậy, một tu sĩ tỏ dấu bất mãn và lên tiếng trách thầy sao lại đưa đứa ăn mày ghê tởm về phòng và lo lắng quá đàng hoàng. Martinô ôn tồn đáp: "Thưa thầy, tôi nghĩ rằng việc thương người hoạn nạn còn quý gấp vạn lần sự sạch sẽ. Thầy nghĩ xem, mền chiếu tôi có dơ bẩn thì chỉ mất một chút xà-bông là giặt sạch, nhưng cả một suối nước mắt nhân loại cũng không đủ để rửa sạch những vết thương do cái xã hội bất công và ích kỷ gây ra.


3. Cái quần của thánh Gioan Vianney.

* Ký sổ vàng, mua vé số, cho áo quần cũ, những việc bác ái để khỏi bị quấy rầy! Yêu thương mới là khó. Hãy để lòng con trong sổ vàng, trong vé số, trong gói áo quần cũ! (ĐHV 740).

* Bác ái là nối dài tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại (ĐHV 792).

Thánh Gioan Vianney thiết tha yêu mến Chúa và các linh hồn. Mấy mươi năm liền, ngài luôn giam mình trong toà giải tội mỗi ngày 18 tiếng đồng hồ để đem các tội nhân về trong vòng tay Chúa. Không những thế, ngài còn luôn canh cánh bên lòng mối bận tâm và cảnh nghèo túng cơ cực của nhân dân. Chính ngài đã lập nên các viện cô nhi, lớp học mẫu giáo và sẵn sàng cho kẻ nghèo tất cả những gì ngài có hay kiếm được.

Trong lúc toà án giáo phận Belley đang tiến hành việc điều tra về hạnh tích của vị linh mục, để lập hồ sơ xin phong thánh, thì có một cụ già quê mùa nghèo khó đến làm chứng như sau:

"Hôm ấy, trời đã sầm tối, tôi thấy cha Vianney đi giúp tuần đại phúc ở một xứ xa về; giữa đường vắng chỉ có tôi với ngài; vừa gặp tôi, ngài liền lên tiếng chúc một cách vui vẻ:

- Chào ông, mấy lâu nay có được sức khỏe không? Công việc làm ăn ra sao?

- Chào cha, dạ cám ơn Chúa, con cũng thường luôn; nhưng chẳng giấu gì cha, con túng thiếu quá, mất liên tiếp ba vụ mùa liền!

- Tội nghiệp! Tôi thương ông và các cháu lắm! Chúng nó rất ngoan.

Vừa nói ngài vừa xỏ tay vào túi áo, lục soát khắp cùng mà cũng chẳng lòi được một xu. Nhìn trước nhìn sau, ngài ghé vào tai tôi bảo nhỏ:

- Ông chịu khó đợi cha một chút nghe!

Tôi vâng lời đứng đợi. Ngài rón rén đi ra sau một lùm cây... Mấy phút sau ngài trở lại, trao tận tay tôi một vật và nói:

- Cha không còn gì cả. Ông vui lòng lấy cái quần của cha đây đem bán mà mua bánh mì cho các cháu. Ông thông cảm, bữa sau có gì cha sẽ giúp cho thêm. Thôi chào ông nhé!

Tôi chưa kịp cám ơn vì quá xúc động nghẹn ngào thì bóng dáng ngài đã biến mất sau hàng cây ở trước mặt..."

***

Cũng trong dịp điều tra để phong thánh cho vị linh mục thánh thiện, một bác nhà quê khác đã làm chứng rằng: "Tôi quê mùa chất phác, chẳng biết nói chi, chỉ xin thưa thế này: Tôi nghĩ Thiên Chúa hẳn tốt lành vô cùng vì cha sở chúng tôi là một người phàm giữa thế gian mà đã tốt lành quá sức tưởng tượng..." 


4. Bác ái trong cuộc sống thường ngày.

* Khi nào con đi công tác cho Đức Mẹ một cây số xa nhà con, chưa chắc con đã sống bác ái thật. Chừng nào con dám công tác bên cạnh nhà con, đến với những người nghe thấy con mỗi ngày, cha mới tin con bác ái thật! (ĐHV 738).

* Cộng đoàn nào có một thánh tu hành thì thánh ấy hay làm cho cộng đoàn có nhiều thánh tử đạo (ĐHV 760).

* Tính xấu của tôi, gọi là nhân đức. Thiện chí của anh em tôi gọi là khuyết điểm (ĐHV 763).

* Con không thiếu khuyết điểm, sao con tức tối và tấn công khuyết điểm của anh em? (ĐHV 764).

* Bác ái là tu đức liên lỉ: tu miệng lưỡi, tu quả tim, tu lỗ tai, tu con mắt, tu lá gan, tu bộ óc.. Tất cả con người con vẫy vùng, nhưng con phản ứng yêu thương, như Chúa Giêsu (ĐHV 797).

Chị thánh Têrêxa Hài Đồng không bỏ qua một dịp nào mà không hy sinh vì lòng mến Chúa. Chị nên của lễ toàn thiêu suốt ngày. Chúng ta hãy nghe chị thuật lại câu chuyện đơn sơ nhưng đầy can đảm nhẫn nại sau đây để rồi đến phiên ta, ta cũng hãy làm như chị:

"Con còn nhớ hồi con còn nhỏ ở nhà tập, Chúa đã có lần soi sáng cho con thấy một việc bác ái mới. Việc làm tuy nhỏ, song Chúa là Cha, thấu suốt mọi sự kín nhiệm Ngài đã xem chủ ý của con hơn là việc làm bên ngoài của con nên đã ban thưởng cho con ngay ở đời này. Đó là những lúc chị Saint-Pierre phải xuống nhà cơm hay là xuống ca hội. Giờ nguyện gẫm buổi chiều, chị ngồi ở hàng ghế ngay trước mặt con, cứ tới sáu giờ kém mười phút thì phải có một chị bỏ dở nguyện gẫm để dìu chị xuống phòng ăn, vì hồi đó trong nhà có nhiều người đau khiến các chị y tá không thể đích thân đến rước chị đi được. Mà tất cả đều biết việc này không phải là chuyện dễ. Rất khó làm cho chị Saint-Pierre vừa ý. Chị đau nhiều quá nên hễ động một chút là rên. Tuy nhiên con không muốn bỏ lỡ một cơ hội thi hành đức yêu thương vì nhớ lại Lời Chúa đã phán: "Khi các con làm một việc gì cho anh em hèn mọn nhất của Ta là các con đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,40). Thành thử một hôm con hết sức khiêm tốn đến xin giúp chị. Nguyên việc thuyết phục chị chấp thuận cái ý nguyện này cũng đã khó rồi. Cuối cùng, nhờ biết ăn nói khéo léo, con đã thành công mỹ mãn.

Thế là một buổi chiều, khi thấy chị Saint-Pierre lắc cái đồng hồ cát của chị thì con hiểu ý chị muốn nói: Thôi ta đi! Đầu tiên, con cảm thấy rất ngại, tuy nhiên con cũng vội vã đứng dậy, và các nghi thức bắt đầu. Nguyên việc nhắc cái ghế cho chị cũng có một nghi thức riêng, phải nhắc thật khoan thai, không được vội vã. Sau đó là khởi hành. Phải vừa đi theo vừa đỡ chị ở chỗ thắt lưng. Con phải đỡ nhẹ hết sức, nhưng nếu chẳng may bước lỡ một bước thì lập tức chị làm như thể tại con không biết nâng chị, rồi vừa lảo đảo muốn té vừa bảo: "Chúa ơi! Chị đi mau quá! Tôi ngã bây giờ!" Nếu con cố gắng đi chậm hơn thì chị lại nói: "Theo tôi mau lên! Tôi chẳng thấy tay chị đỡ tôi gì cả. Chị buông tôi ra, tôi ngã đây này. Thì tôi nói có sai đâu: Chị còn trẻ quá, đâu có dắt tôi được!" Thật là may nếu chúng con vào nhà cơm mà không có tai nạn nào. Nhưng đến đó lại gặp những khó khăn mới: Phải khéo léo để giúp chị ngồi xuống mà không làm phật lòng chị, rồi lại phải xem tay áo cho chị (phải biết cách xắn mới được) bây giờ công việc kể như xong. Nhưng rồi nhận thấy hai bàn tay tật nguyền của chị lấy bánh bỏ vào tô cách khó khăn, nên con lại giúp chị luôn việc này nữa. Sau đó con nở một nụ cười rất tươi rồi mới đi. Thấy con để ý giúp chị như thế, chị cảm động lắm. Dần dần, nhờ cách giúp đỡ tự nhiên ấy mà chị thích con, và sau cùng trở nên hết sức dễ dãi.

... Khi dìu chị Saint-Pierre, con làm với tất cả lòng mến của con. Nếu có dìu Chúa Giêsu thật sự, con cũng không thể làm hơn được nữa".


5. Nhìn người khác với con mắt Thiên Chúa.

* Trước khi xét đoán, con hãy cầu nguyện rồi hãy làm như Chúa Giêsu trong trường hợp con (ĐHV 737).

* Nếu con khen người khen con, chấp nhận người không phản đối con, giao tiếp với người đồng ý kiến với con, con không bác ái cũng không sáng suốt: Mù dắt mù (ĐHV 759).

* Chúng ta phải biết cám ơn lẫn nhau. Người nhận: vì được yêu thương giúp đỡ. Người cho: vì được dịp lớn lên trong tình yêu (ĐHV 771).

* Tại sao ngày nào con cũng lập tòa án và bắt anh em con diễn hành lần lượt qua đó? Tại sao lúc nào cha cũng thấy con ngồi ghế quan tòa, không bao giờ ngồi băng bị can? (ĐHV 772).

* Tại sao con ghi khắc khuyết điểm của người vào bia đá, còn tội lỗi của con thì viết trên cát (ĐHV 776).

* Hạnh phúc cho một huynh đệ đoàn là gì? Là "Phúc cho kẻ bị bắt bớ". Đúng vậy! Đây là một cuộc bắt bớ có tổ chức, có thời khóa biểu, có luật lệ. Những cuộc bắt bớ này đem lại sự cứu chuộc, vì đặt con trong ý nghĩa của lịch sử và của Hội Thánh là xã hội hóa trần gian (ĐHV 778).

* Hãy lấy một tờ giấy và bình tĩnh viết trên đó đức tính của người con bất bình, con sẽ thấy họ không hoàn toàn xấu như con nghĩ từ đầu (ĐHV 783).

* Đừng phàn nàn cà phê đắng, chỉ tại đường của con không ngọt đủ (ĐHV 790).

Cha Gaston Courtois là một vị giảng phòng thời danh và là một nhà linh hướng khôn ngoan, thánh thiện, giàu kinh nghiệm rất được các linh hồn mến phục. Ngài có thuật lại câu chuyện như sau:

"Một nữ tu nọ đến gặp tôi và nói với giọng đầy xúc cảm:

- Thưa cha, con chịu không nỗi nữa, đời sống cộng đoàn làm con ngột ngạt quá. Con đã phấn đấu nhẫn nại, nhưng nay con quá căng thẳng. Xin cha giúp con, nếu không thì...

- Cha nghe con, con cứ thành thật nói những gì đè nặng trên lòng con.

- Thưa cha, dĩ nhiên sống chung thì không làm sao tránh khỏi những va chạm, con chấp nhận thế; nhưng vô phúc cho con vì gặp phải một chị... không chút thiện cảm tí nào. Chị hay phê bình chỉ trích con nhịn mãi không được nên chính con cũng phê bình chị lại. Con thấy nơi chị cái gì cũng xấu cả. Con không thể nào nhìn mặt chị được, đâu có chị là con tránh đi ngay để khỏi bực tức và sinh tội.

- Con giữ đức bác ái sao lại không thương yêu chị ấy?

- Con biết Chúa dạy phải yêu thương cả kẻ nghịch của mình nữa. Song con thú thực với cha, đối với ai cũng được nhưng đối với chị ấy thì con ghét cay ghét đắng, ngửi không được, chịu cũng chẳng nổi!

- Chị ấy xấu lắm sao?

- Thì con đã thưa với cha: chị ấy xấu hết chỗ nói: kiêu ngạo, phê bình, chỉ trích, nóng nảy, hay hờn dỗi, nói xiên nói xỏ, chua cay đắng đót, kể ân kể nghĩa, khoe khoang cùng mình... Nói tóm là xấu từ đỉnh đầu đến dưới bàn chân, từ trong ruột ra tới ngoài vỏ... Con không thể nào chịu nổi được nữa. Quá sức tưởng tượng!

- Con khẳng định chị ấy hoàn toàn là xấu?

- Thì cha không tin con sao? Không lẽ con bịa đặt ra à? Con đã cố gắng hiểu tốt cho chị ấy. Nhưng không thể được.

- Đây, cha trao cho con một tờ giấy và một cây bút, con khởi sự viết cho cha các tính tốt của chị ấy đi!

- Chao ôi, có đâu mà viết! không lẽ cha bắt con bịa đặt ra sao!

- Con cứ bình tĩnh suy nghĩ xem! Không lẽ xấu đến thế mà người ta lại cho ở trong nhà dòng à?

- Thế mới khốn nạn chứ. Ở với nhau tưởng là thiên đàng, hoá ra là địa ngục, chín tầng địa ngục!

- Bây giờ cha giúp con tìm thử xem chị ấy có mấy tính tốt nhé!

- Vâng, con đã đến đây thì xin vâng lời cha. Đố mà tìm được! Cha tìm ra một tính tốt, con phục sát đất!

- Chị ấy giờ giấc có đúng theo thời khắc biểu trong nhà không?

- À... chuyện này thì có!

- Con ghi vào đi, số 1. Chị ấy có vâng lời bề trên không?

- Chả biết trong lòng thế nào, chứ bề ngoài thì vâng lời triệt để.

- Ghi vào, số 2. Bổn phận của chị, chị có chu toàn không?

- Thưa cha chị ấy lo làm vườn và nuôi lợn nuôi gà. Mà nhờ khoẻ như trâu nên lúc nào cũng vượt chỉ tiêu cả, làm con chạy theo đến hụt hơi muốn chết.

- Thế là con ghi thêm điểm tốt số 3. Khi ai nhờ vả chị ấy chị có sẵn sàng giúp đỡ không?

- Dạ có! chị đã nhận giúp ai việc gì là làm hết sức tận tụy.

- Con ghi vào điểm tốt số 4.

Cha Gaston Courtois cứ hỏi và chị nữ tu ghi gần hết trang giấy. Ngài dịu dàng bảo:

- Thôi, ngang đây cũng tạm đủ rồi. Từ đây con phải nghe lời cha, trước khó sau dễ: Con hãy yêu Chúa Giêsu trong chị ấy. Con để trang giấy này trên bàn của con và hằng ngày nhìn vào các đức tính của chị để tìm hiểu chị và yêu mến chị. Mỗi khi cảm thấy khó chịu, con đọc một kinh Kính Mừng và cầu nguyện cho chị. Nhất là con cố gắng tươi cười với chị, đừng tìm cách lẩn tránh, ngược lại, phải tìm dịp tiếp xúc chuyện vãn với chị, giúp đỡ chị hay nhờ chị giúp con.

-Thà cha bắt con ăn chay đánh tội một ngàn ngày còn hơn bắt con làm công việc ấy. Khó quá cha à!

- Con cố gắng đi, vì mến Chúa. Con xin Đức Mẹ giúp con, cha cũng cầu nguyện cho con. Rồi đúng một tháng sau con đến gặp cha lại. Nếu không nghe lời cha thì đừng bao giờ đến gặp cha nữa!

~o~o~o~o~

Một tháng trôi qua, chị nữ tu lại đến gặp cha Gaston Courtois.

- Thế nào, báo cáo lại cho cha nghe coi.

- Liều thuốc cha cho con uống đắng quá, nhưng con đã phấn đấu và bắt đầu có kết quả rồi cha ạ! Con bớt căng thẳng, chúng con đã có dịp trao đổi với nhau năm ba câu. Chị ấy giúp con đôi việc nhỏ, con cũng đã giúp chị vài chuyện lặt vặt... Nhưng bên nào cũng còn giữ thế, chỉ đối xử dò chừng vậy thôi!

- Hoan hô con! Hãy cám ơn Chúa và xin Mẹ Maria giúp thêm. Chúng ta cầu nguyện và chiến đấu thêm hơn nữa với bản thân mình, còn chị ấy con hãy giao cho Chúa. Con đã bước cái bước khó nhất, bây giờ hãy mạnh dạn tiến thêm hơn nữa. Hẹn con tháng sau nhé!....

Từ đây mỗi tháng, chị nữ tu đều gặp cha Gaston Courtois một lần, báo cáo những bước tiến khả quan hơn. Hai bên đối phương đã xích lại gần nhau, đã dám đối thoại với nhau cách thẳng thắn. Dần dần những tháng sau đó, kẻ thù không đội trời chung đã hoá thành bạn hữu: Cả hai đã "bình thường hoá quan hệ" giữa nhau, câu chuyện nhỏ to đã "thắm thiết tình hữu nghị".

Tháng thứ năm, chị nữ tu đến gặp cha Gaston Courtois với nét mặt hớn hở thoải mái:

- Thưa cha, con chịu thua cha rồi! Con xin đầu hàng! Trước đây con đến gặp cha với một tâm hồn bi đát, thất vọng. Giờ đây con lại đến với một tâm hồn tràn ngập hy vọng vui tươi. Chúng con đã hiểu nhau, mọi mây mù đã tan biến nhường chỗ cho khung trời sáng sủa. Chúng con đã trở nên đôi bạn thân, dễ dàng tâm sự và nâng đỡ nhau về mọi mặt. Từ đây, cha khỏi bắt con suy nghĩ về các đức tính của chị ấy nữa, kẻo con sẽ yêu riêng chị mà làm tổn thương đến tình đoàn kết hiệp nhất trong cộng đoàn!

- Không phải cha thắng, nhưng chính trái tim Mẹ Maria, chính tình yêu Chúa Giêsu đã giúp cha con mình chiến thắng... Cha chia vui với con, và con hãy cứ vui tươi mà sống như vậy! Sau cơn mưa trời lại quang đãng! Có Chúa, Mẹ Maria và Thánh Giuse ở giữa các con luôn!


6. Đừng tiếc lời khen hay nụ cười thân ái.

* "Tôi không làm việc bác ái được vì tôi không có tiền! Chỉ có tiền mới bác ái sao? - Bác ái của nụ cười, bác ái của bắt tay, bác ái của thông cảm, bác ái của thăm viếng, bác ái của cầu nguyện (ĐHV 741).

* Đừng đợi gần chết mới làm hòa với nhau. Đừng để gần chết mới phân phát của cải. Bác ái: "chẳng đặng đừng", bác ái "bất đắc dĩ", con sẽ tiếc vì yêu thương quá chậm (ĐHV 742).

* Người ta không cần của con! Người ta không cần con cho, bằng cần con hiểu họ, thương họ! (ĐHV 743).

* Đừng tức tối vì người ta chỉ trích con, hãy cám ơn vì con bao nhiêu tồi tệ mà họ chưa nói (ĐHV 744).

* Cuộc sống huynh đệ thử thách và nâng đỡ tình bác ái, cây trên rừng che đỡ nhau khỏi ngã lúc gió bão (ĐHV 746).

* Chúa nói: "Nếu ai mất lòng con, hãy để của lễ, về làm hòa với người ấy..."; còn con, con làm ngược lại: "Cứ dâng của lễ và phóng thanh cho mọi người biết, trừ ra gặp đương sự." Tin mừng của con! (ĐHV 752).

* Con chủ trương phải đối thoại, nhưng con không chấp nhận ai nói trái ý con. Đó là "đối thoại có chương trình và giới hạn" hay nói đúng hơn: hai người độc thoại (ĐHV 753).

* Tại sao con hà tiện một tiếng khen? Tiếc một nụ cười? Một siết tay với người ta? Bao nhiêu người không cần bạc tiền, chỉ cần lòng con (ĐHV 785).

Cũng chính cha Gaston Courtois thuật lại chứng tích sau đây:

- Thưa cha, con đau khổ quá, con định lên Tòa Giám mục xin thuyên chuyển đi xứ khác!

- Tại sao thế? Con cứ nói hết đầu đuôi câu chuyện cho cha nghe. Cha sẵn sàng giúp con.

- Con nghĩ con thực xấu số: mới tập tễnh vào đời mà gặp một cha xứ quá tệ! Bầu không khí nhà xứ nghẹt thở lắm, cha ạ! Không ngày nào mà không có chuyện va chạm xích mích. Giờ cơm đúng ra là buổi thân mật nhất, vui vẻ nhất lại là lúc im lặng nặng nề, ai cũng cúi đầu ăn cho xong mà đi. Ăn cũng chẳng biết ngon lành gì nữa. Do đó, đời sống thiêng liêng cũng bị ảnh hưởng, lại sinh thêm gương xấu cho giáo dân...

- Ngài khó tính lắm sao?

- Hết chỗ nói! Vừa lạc hậu vừa độc đoán, không bao giờ chấp nhận đối thoại, xem người không bằng ngọn rau má!

- Ngài hay chỉ trích con lắm à?

- Gặp ai ngài cũng chê bai cha phó, cha thấy có tệ hại và chán nản cho tuổi trẻ không! Nào là ít kinh nghiệm, nào là bồng bột, nào là thiếu nghiêm trang, cứ hay chơi đùa với thanh niên, trẻ con, nào là dạy giáo lý không đúng. Ngài muốn con giáo dục thanh thiếu niên theo kiểu xưa, dùng sách giáo lý cổ lỗ sỉ mà dạy thế thì đứa nào thèm nghe! Muốn bệ vệ như ngài thì con lúng túng quá và không cách nào chịu được!

- Thế con có bao giờ chỉ trích ngài không?

- Con phải công nhận là có. Vì con phải bênh vực lập trường của con chứ! Con đã phê bình ngài trước mặt nhiều người. À, mà ngài lại còn hà tiện lắm nữa kia! Con mới ra trường, không có được xu mô. Tuần trước, đưa thiếu nhi đi cắm trại liên hoan sau ngày rước lễ vỡ lòng, con đến xin ngài lì xì; ngài đã không cho thì thôi, lại còn phê thêm một câu chua như giấm: "Các cha đời bây giờ chả làm nên được cái gì cả, chỉ ham chơi đùa với cắm trại!". Dẫn bầy trẻ đi, con phải rán vui nhưng trong thâm tâm thực đắng cay chua xót. Cha thấy có khổ không?... Thú thực với cha, con năng bàn chuyện cha xứ với giáo dân lắm!

- Cha thông cảm với con, nhưng con hãy bình tâm suy nghĩ lại. Ai lại không có tính khí, có lập trường của mình. Nhất là người càng lớn tuổi thì càng giữ quan điểm của thời họ, của lối giáo dục mà họ đã hấp thụ. Sau con đến tuổi già cũng dễ mắc phải tật ấy. Con phàn nàn với người ta về cha xứ, tất nhiên có kẻ mách lại cho ngài biết, và như thế ngài sẽ chỉ trích chê bai con lại. Thế là hết tình nghĩa huynh đệ và càng đắng cay chua xót với nhau hơn. Con đã đến với cha thì cha bàn với con thế này. Con thấy ngài có điểm nào có thể khen được không?

- Chịu? Con thấy ngài như cái hũ cũ, chả có gì mà khen cả!

- Thế con thấy ngài giảng thế nào?

- Kể ra không hấp dẫn mấy, nhưng mà có dọn trước, có bố cục, mạch lạc đàng hoàng; kiểu cổ điển: có mở đầu, kết luận...

- Ngài có chịu khó ngồi tòa giải tội không?

- Cha thì thực là khéo hỏi chuyện! Về vấn đề ấy thì con thua xa ngài. Ngài ngồi tòa thực là kiên trì, và ai xin giờ nào ngài cũng sẵn sàng cả.

- Sổ sách các phép ngài làm có phân minh không?

- Ngài khó tính thì thật là khó tính nhưng sổ sách thì ngài ghi từng ngày một, rõ ràng minh bạch, không chê vào đâu được...

- Bây giờ cha xin con nghe cha: Từ đây ngài có nói gì con thì mặc ngài, trước sau thì ta vẫn là ta; nhưng ngược lại, phần con, vì hy sinh, vì yêu mến Chúa trong ngài, nếu con phải phấn đấu sống với ngài thật là bác ái huynh đệ. Và để ngài xác nhận là con tốt với ngài, cha đề nghi con lợi dụng tất cả mọi dịp để khen ngài. Không phải cha bảo con tâng bốc hay cho ngài đi tàu bay giấy, nhưng con nên khen những điểm tốt mà chính con vừa xác nhận đó! Can đảm lên! Mẹ Maria sẽ giúp con. Tháng sau con tới lại!

Ba mươi ngày trôi qua, cha phó ấy lại đến gặp tôi. Vừa bắt tay ngài đã vội vàng nói:

- Cha ơi có nhiều chuyện vui lắm! Để con thuật lại cha nghe!

- Cha vẫn cầu nguyện và mong tin của con.

- Nghe lời cha con về phấn đấu hết sức, lắm lúc phải vận dụng hết tâm lực để dằn lòng xuống mà tươi cười niềm nở với ngài. Hôm chúa nhật, sau bài giảng của ngài, con vào phòng thánh gặp ông từ hỏi ngay: "Ông có nghe cha xứ giảng không? Thực là mạch lạc và sốt sắng! Lúc nào tôi cũng chăm chỉ theo dõi để học cách giảng của ngài". Ba ngày sau, lúc lên làm lễ, gặp ông từ, ông vội đến sát tai con nói khẽ với con: "Con có thuật lại lời cha hôm nọ cho cha xứ nghe, ngài vui vẻ bảo con: "Ông từ thấy chưa, đó là một cha phó còn trẻ mà trí xét đoán rất đúng đắn". Chiều thứ bảy, ngồi tòa xong, con đi xuống bếp và nói với bà bếp: "Tôi còn trẻ mà mới ngồi tòa có một lúc mà đã nghe mỏi mệt cả người, thế mà cha xứ thật là nhẫn nại; ngài ngồi lâu mấy cũng được, ai xin lúc nào cũng sẵn sàng". Ít hôm sau bà bếp mách lại với con: "Cha biết không, con thuật lại lời cha nói bữa chiều thứ bảy cho cha sở nghe; ngài có vẻ đắc chí, vừa cười vừa nói: "Đấy bà xem cha phó này có lòng khiêm nhượng, biết kiểm điểm mình và đánh giá những điều hay của kẻ khác mà bắt chước. Bà gắng nấu nướng bồi dưỡng cho ngài. Trông ngài độ này hơi xanh..." Con cũng có dịp nói chuyện với các mẹ gia đình và lúc kết thúc đã chêm vào một câu: "Tôi về đây thực là may mắn vì học được rất nhiều đức tính nơi cha sở, đặc biệt sổ sách của ngài thật là phân minh, ngày nào xong ngày ấy không bao giờ để lại hôm sau, cẩn thận số một. Về sau có bà đến bảo riêng con: "Chúng con có thuật lời cha cho cha sở nghe, ngài cười và bảo chúng con: "Cha phó ngày càng tiến bộ, bây giờ ngài hiểu cách tôi điều hành giáo xứ, chịu khó học hỏi lắm. Thực may mới có được một cha phó như thế!" Bầu không khí giữa ngài với con dần dần thêm phần thoải mái cởi mở. Những bữa cơm không còn là giờ cực hình nữa mà là lúc đàm thoại thân mật. Chúa nhật vừa qua ngài còn cho con 100 phật lăng để đem các thiếu nhi đi trại dịp Bổn mạng giáo xứ. Thực may nhờ có cha...

- Bây giờ, con còn đòi lên Đức Cha xin thuyên chuyển nữa không?

- Hết rồi, cơn khủng hoảng đã qua. Bây giờ lại sợ đổi đi là đàng khác!


7. Vì bác ái phải đau khổ.

* Con không lượng được người say rượu có thể làm hại thế nào! Đâm chém, đốt nhà, giết người... Khi con say vì đam mê hận thù, con càng mất sáng suốt hơn thế nữa (ĐHV 747).

* Đâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa; đâu có thù ghét ở đó có hỏa ngục (ĐHV 749).

* Trong một giây, một chấm phết, bất cứ ai cũng có thể bôi nhọ bức họa vô giá của Raphael, đã tốn bao công phu, thời giờ mới thực hiện, nhưng ai làm lại được? (ĐHV 751).

* Lời bất công của người công chính vô cùng ác hại. Đó là thuốc độc do tay bác sĩ trao. Toa thuốc ấy càng truyền ra, càng giết người (ĐHV 757).

* Môi trường đòi buộc con thinh lặng hoạt động, con cứ thích nghi môi trường và đi đến đâu con hãy "gieo rắc tình yêu". Con sẽ ngạc nhiên, vì một ngày kia, nhìn lại những nơi con đã đi qua, hạt giống tình yêu đã nặng trĩu gấp mười, gấp trăm nơi tâm hồn những người Chúa Quan Phòng định cho gặp con trên đường hy vọng (ĐHV 777).

* Những ai tổ chức vu cáo, thóa mạ, xúi giục căm thù, chống đối, dù với mục đích nào, cũng không che giấu được tính cách phản Phúc Âm. Vì Chúa là tình yêu (ĐHV 782).

* Sao con trách móc, khi người ta phủi ơn con? Công nghiệp của con mất đi sao? Hay là con bắt Chúa cám ơn con? "Ai làm cho một người hèn mạt nhất trong anh em là làm cho chính mình Ta." (ĐHV 784).

* Con tốt, người ta nói xấu, con vẫn tốt. Con nghèo, người ta khen con giàu, con vẫn nghèo. Tại sao con lên ký và sút ký theo dư luận? (ĐHV 794). * Đừng đê hèn nói xấu người vắng mặt. Hãy nói như lời con được ghi âm, hành động như cử chỉ con được chụp hình (ĐHV 805).

Một phụ nữ tên là Nêrêa Caggianô ước ao vào dòng tu và chị đã trình bày ước nguyện ấy với thầy Giêrađô Magella, trợ sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Nhờ một số giáo dân ở thị trấn Lacédoine giúp đỡ, thầy đã trao cho chị đủ số tiền hồi môn để nạp vào một dòng nữ Chúa Cứu Thế có tiếng là đạo đức thánh thiện tại thành Foggia (Ý). Nhưng khi cơn sốt sắng ban đầu như lửa rơm phực cháy ấy đã qua, chị Nêrêa đâm ra nhớ gia đình, buồn nản và một tháng sau, "tân nữ tu" lủi thủi trở về nhà cha mẹ. Thay vì nhìn nhận mình không đủ thiện chí để bền đỗ trong nếp sống tu tập, chị ta lại kiếm một cách để chữa mình, kể cả nói xấu các bà dòng. Nhưng giáo dân trong vùng ai nghe được những lời của chị cũng đều mau miệng cải chính: Thầy Giêrađô vốn rất quan tâm lo lắng cho các nữ tu ấy được lòng đạo đức sốt sắng, nếu họ xấu xa như chị nói thì thầy lại đưa chị vào tu trong ấy làm gì!" Chị Nêrêa nêu đủ lý do để phân trần nhưng tất cả đều bị họ bẻ gãy. Cuối cùng chị đâm ra ghét luôn cả thầy Giêrađô. Hễ nghe ai nói đến thầy là chị lắc đầu bỉm môi: "À! Thầy Giêrađô! Thầy ấy đâu có hay ho gì...!" Những chữ cuối cùng được chị bỏ lửng một cách có hậu ý làm người nghe hiểu ngầm như thầy Giêrađô có chuyện chi đó rất bí mật, không tiện nói ra. Thế nhưng, chẳng một ai chịu tin vào luận điệu của chị.

Bấy giờ, chị Nêrêa bèn quyết định đánh ván bài xả láng...

Trước tiên chị làm đủ mọi cách để được một linh mục khôn ngoan, có uy tín chấp thuận làm cha linh hướng và cha giải tội của chị, đó là linh mục Benigno Bonaventura. Để được ngài tin, chị giả vờ sống thật đạo đức, siêng năng hãm mình chịu khó. Khi thấy ngài có lòng tin tưởng, chị liền cả gan phạm sự thánh, lợi dụng ngay cả phép giải tội để bỏ vạ cáo gian thầy Giêrađô. Chị nghĩ rằng nếu thầy Giêrađô mang tiếng xấu thì chẳng còn một ai tự ý chế nhạo chị về việc bỏ dòng ra về nữa, vì họ sẽ cho rằng thầy Giêrađô là người tào lao bê bối, đã lầm lỡ đưa chị vào một dòng khô khan nguội lạnh nên việc rút lui là một điều dĩ nhiên.

Thế là một ngày kia, chị Nêrêa vào toà giải tội và thưa với cha Bonaventura rằng: "Cách đây không lâu, thầy Giêrađô đi qua thị trấn Lacédoine và tạm trú tại nhà ông Constantin Capucci, để hôm sau, cùng với ông Capucci đưa hai cô gái của ông ta vào dòng. Ở nhà ông còn có hai cô gái nữa; một trong hai cô ấy lại là người có tính nhát sợ và rất ít nói. Hôm thầy Giêrađô tạm trú ở nhà ông Capucci, chính thầy đã có chuyện đồi trụy xấu xa với cô ta..."

Nêrêa khai rất tỉ mỉ, đầy đủ chi tiết về ngày giờ, nơi chỗ... và nêu rõ chính chị đã chứng kiến cảnh tượng ấy. Chị nói còn có thể viện ra nhiều nhân chứng khác nhưng vì đức bác ái, chị chẳng muốn lôi nhiều người vào cuộc kẻo to chuyện. Rồi chị yêu cầu cha Bonaventura phải trình bày với bề trên Dòng Chúa Cứu Thế về "vụ thầy Giêrađô", cốt để cho câu chuyện được thêm phần đáng tin hơn. Cha bèn bảo chị cứ làm một tờ đơn báo cáo. Đoạn ngài ghi thêm vài hàng chữ giới thiệu vào đơn ấy trước khi gửi đến thánh Anphongsô, bề trên tu viện và cũng là bạn thân của ngài.

Đọc lá đơn xong, thánh Anphongsô đau đớn vô cùng. Vì một đàng, ngài rất tín nhiệm cha Bonaventura, đàng khác ngài biết rõ thầy Giêrađô là một tu sĩ rất mực thánh thiện. Nhưng ngài cũng biết dầu các thánh cũng còn có thể yếu đuối sa ngã, nên dù không hoàn toàn tin tưởng vào bức thư, ngài vẫn cho tiến hành việc điều tra về vụ ấy...

Cha Villani được ngài sai đến nhà dòng Illicêtô, và kết quả sơ khởi cho biết cả hai điều mà bức thư của Nêrêa tố cáo đều đúng: Thầy Giêrađô có đi Lacédoine và có tạm trú tại nhà ông Capucci.

Thánh Anphongsô rất đau khổ vì câu chuyện làm tổn thương đến danh dự nhà dòng rất nhiều. Ngài e ngại rằng đây không phải là một huyền thoại mà là một sự thật!!! Đau đớn biết bao! Hôm sau, ngài trình bày tất cả mọi chuyện cho thầy Giêrađô hay. Giêrađô im lặng lắng nghe, không tỏ một chút gì xúc động; và như Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn, thầy đã thinh lặng chẳng hé môi đối chất nửa lời. Thầy nghĩ rằng mình phải luôn luôn giữ đúng tinh thần từng chữ trong luật dòng: "Khi bề trên bảo ban sửa dạy, hãy khiêm tốn chấp nhận và đừng tự bào chữa".

Giêrađô làm thinh, và như thế bề trên có thể hiểu là thầy đã nhận tội. Nhưng thánh Anphongsô vẫn nhất mực kính mến thầy, ngài chẳng hoàn toàn tin tưởng vào các lời tố cáo. Dầu thế, vì có chứng cớ rõ ràng mà thầy Giêrađô lại không nói gì hết nên buộc lòng phải ra hình phạt:

- Cấm thầy không được rước lễ.

- Không được gặp khách hay nhận gởi thơ từ cho bất cứ ai.

Giêrađô thinh lặng cúi đầu nhận lấy hình phạt cùng tất cả tủi nhục đớn đau một cách bình tĩnh, khiêm tốn. Thầy bị giam lỏng ở tu viện Pagani. Một số anh em trong Dòng thấy thầy bị phạt mà chẳng hiểu nguyên cớ ra sao, một số bạn bè tâm phúc và một ít linh mục trong dòng biết rõ câu chuyện đều bảo thầy phải tự bào chữa. Thầy Giêrađô suy nghĩ một lúc rồi dịu dàng đáp lại: "Anh em muốn ngăn cản không cho tôi chịu khó vì Chúa sao? Tôi muốn vâng theo thánh ý Chúa vô điều kiện. Tôi cầu nguyện cho những người vu cáo tôi". Sợ mình phải tội cố chấp, thầy xin được gặp cha linh hướng Margotta để trình bày mọi sự? Ngài cũng đồng ý như vậy; cứ giữ thinh lặng, sự thật sẽ giải thoát tất cả.

Mặc dù rất đau khổ và xấu hổ, thầy Giêrađô vẫn giữ trọn niềm tin yêu, phó thác, cậy trông vào Chúa. Có gian nan chí khí và sự thánh thiện của con người mới rạng sáng. Đối với thầy, nỗi đau đớn nhất không phải là sự hiểu lầm, xấu hổ, nhưng là không được chịu lễ hằng ngày. Thầy luôn luôn tự bảo: "Tôi đau khổ lắm, nhưng không sao cả, miễn là tôi có Chúa trong lòng".

Hôm nọ, có một cha trong dòng đề nghị thầy giúp lễ cho ngài, vì thầy thường tỏ ra ái mộ việc giúp lễ lắm. Thế nhưng, lần này thầy lại kiên quyết từ chối và giải thích cách đơn sơ: "Thưa cha, cha đừng cám dỗ con. Ở gần bàn thờ mà không rước Chúa thì con chịu không nổi. Con sẽ giành Chúa trên tay cha!..."

... Mấy tháng sau, nhân dân trong vùng được tin chị Nêrêa ốm nặng sắp ly trần. Cùng với cơn bệnh đang hoành hành, lương tâm đã cắn rứt giày xéo chị. Chị quá khủng khiếp lo sợ nên cuối cùng đã thú hết mọi chuyện về "vụ thầy Giêrađô" với cha Bonaventura. Ngài buộc chị phải rút lại những lời vu cáo độc địa trên. Chị đã viết một bức thư rút lại tất cả và tự tay ký tên vào dưới bức thư đó. Bức thư được chuyển từ Lacédoine tới tận tay thánh Anphongsô. Ngài vui mừng quá đỗi: thầy Giêrađô yêu dấu của ngài thực đúng là người trong trắng vô tội. Thầy đã chiếu toả một tấm gương bác ái anh hùng và rất mực thánh thiện trong suốt cơn thử thách đau khổ ê chề.

Niềm vui lan đến các tu viện xa gần, đến tâm hồn hết mọi giáo hữu. Từ đó, thầy Giêrađô càng được yêu mến cảm phục.


8. Chơi vẽ chân dung.

* Nếu Thiên Chúa chỉ dạy mến Chúa thì hay quá! Nhưng Ngài thêm luật yêu người cũng trọng bằng luật mến Chúa thì thực là vô cùng rắc rối! Phức tạp cho nhiều người (ĐHV 775).

* Một bộ máy, dù tinh vi và kiên cố đến đâu, nếu các bộ phận khô dầu cũng hư hỏng. Hãy rót dầu bác ái của con vào để máy chạy điều hòa không sứt mẻ (ĐHV 791).

* Con phải nói được cách thành thực rằng: "Tôi không xem ai là kẻ nghịch của tôi, kể cả những người căm thù tôi nhất, những người bắt bớ tôi, thề không đội trời chung với tôi. Tôi luôn luôn xem họ là anh em tôi" (ĐHV 793).

* Người ta thuê đăng báo để tâng bốc mình những tài năng tưởng tượng, để tuyên truyền cho mình những công trạng bịa đặt, để chụp mũ đối phương tội ác dựng đứng. Con cũng muốn làm mờ mắt Thiên Chúa như thế sao? (ĐHV 795).

Một cộng đoàn nữ tu nọ đã sống với nhau rất thành thực, tràn ngập tinh thần hiệp nhất bác ái. Các chị đã bày ra trò chơi "vẽ chân dung" sau đây:

Tất cả nhà đều ngồi trong phòng chơi. Bốc thăm trúng tên chị nào thì chị ấy mới ra khỏi phòng. Trong lúc đó, các chị em còn lại sẽ cùng nhau vẽ chân dung của chị ấy. Mỗi người, với hoàn toàn tự do và bác ái, sẽ nói lên nhận xét của mình về chị và cả nhà cùng đề cử một người phụ trách ghi chú các nét trên bức chân dung:

1- Những đức tính của chị, để nêu gương cho chị em và để cùng chị cảm tạ Chúa cũng như khuyến khích chị tiến lên cao hơn nữa.

2- Những khả năng, những khuynh hướng tốt đẹp mà có thể chính chị cũng không thấy mình có, để khích lệ bản thân chị khám phá ra và phát triển thêm để phục vụ tích cực hơn.

3- Những khuyết điểm, những thiếu sót cần phải biết căn nguyên để trị liệu và quyết tâm nhắc nhủ nhau phấn đấu cải thiện.

Mọi người nhất trí sẽ không thuật lại cho đương sự ai nói điều nọ điều kia vì mục đích của trò chơi là chỉ vì tình bác ái.

Khi đã vẽ xong chân dung thì mời chị ấy vào và đọc cho nghe những nét chính trong chân dung của chị mà chị em đã hợp tác phác họa. Mỗi người vui vẻ nhận bức chân dung của mình và hợp tác vẽ chân dung của người khác.

Mỗi lần chỉ vẽ chân dung một số ít.

Phải có tình bác ái huynh đệ chân thành và lòng khiêm nhượng đơn sơ mới chơi trò chơi này được. Nó vừa có mục đích giải trí, vừa giúp đỡ cộng đoàn cũng như mỗi tâm hồn thiện chí tiến lên mãi.


9. Bác ái để xây dựng cộng đồng quốc tế.

* Bác ái là trở thành một cộng đồng làm phát sinh những mối tương quan mới. Có tương quan mới, sẽ có thế giới mới (ĐHV 799).

* Bác ái không phải chỉ có yêu thương và tha thứ; bác ái là cả một hành động để tạo một bầu không khí mới giữa cộng đồng làng xã, cộng đồng quốc gia, cộng đồng quốc tế (ĐHV 800). * Biến thế giới của thú vật nên thế giới của con người, biến thế giới của con người nên thế giới của con Chúa (ĐHV 801).

* Không ghét ai chưa đủ, thương người chưa đủ, giúp người chưa đủ. Hiệp nhất trong tình yêu và hành động mới đủ. Chúa Giêsu cầu xin: "Xin Cha cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha" (ĐHV 802).

Ngày 4.10.1965, Đức Phaolô VI đã đọc một bài diễn văn quan trọng tại Đại Hội Liên Hiệp Quốc. Tiếng nói của ngài dĩ nhiên chẳng mặc một màu sắc chính trị, nhưng chỉ là âm thanh vang vọng của sứ điệp Tin Mừng. Ngài nhấn mạnh rõ ràng:

Với cử chỉ và lời nói khiêm tốn mà quả cảm ấy, Đức Phaolô VI muốn dạy chúng ta biết rằng biên cương của đức bác ái không chỉ giới hạn giữa người với người, mà còn dùng để xây dựng một xã hội mới, điều mà người Kitô hữu thường không đánh giá là quan trọng!


10. Mấy nguyên tắc đơn sơ để sống bác ái.

* Phàn nàn là một bệnh dịch hay lây, triệu chứng: bi quan, mất bình an, nghi ngờ, mất nhuệ khí kết hiệp với Chúa (ĐHV 739).

* Đặt mình vào địa vị kẻ khác, con sẽ thấy những lời tuyên bố long trọng và vô trách nhiệm của con hớ hênh quá, và con sẽ dè dặt dần dần (ĐHV 761).

Vị linh mục kiêm văn hào E. Loutil với biệt hiệu Pierre l'Ermite đã viết nhiều bài báo và tác phẩm nổi tiếng, ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng Pháp, nhất là giới trẻ.

Ngài đã nêu lên một ít nguyên tắc đơn sơ, nhưng có hiệu quả lớn lao nếu chịu khó thực hiện:

1- Chấp nhận nhau.

2- Không xét đoán ai.

3- Không chỉ trích ai.

4- Không bè phái.

5- Nghĩ tốt về kẻ khác.

6- Nói tốt về kẻ khác.

7- Sửa lỗi cho nhau.

8- Cùng nhau suy nghĩ.

9- Luôn luôn tha thứ.

10- Cùng nhau hành động.

11- Liên đới trách nhiệm.

12- Cùng nhau giải trí.

13- Cùng nhau cầu nguyện.

Ngài đã sống rất thọ, và trong cuốn sách "Nhìn lại đời tôi ( Je regarde ma vie), ngài có tường thuật: "Tôi đã làm linh mục trên 50 năm, làm chánh xứ, cả đời có 47 cha phó cả thảy. Trừ một cha, còn tất cả đều giảng hay. Mặc dù khác tính, khác sở thích, khác chính kiến, khác tuổi tác, chúng tôi vẫn thông cảm với nhau, vẫn hợp tác chặt chẽ thân tình và yêu thương nhau. Nên nay nếu Chúa cho tôi chọn lại thì:

Thứ nhất: Tôi chọn làm cha xứ.

Thứ hai: Tôi chọn làm cha xứ.

Thứ ba: Tôi chọn làm cha xứ.

Chúng tôi đã tìm thấy hạnh phúc trong đời linh mục do tình huynh đệ thắm thiết có mặt giữa chúng tôi".


_______________________

32. VIỆC TẦM THƯỜNG

1. Tầm thường nhưng cao đẹp.

* Muốn nên thánh, con hãy làm những việc thường, có khi xem ra vô ý nghĩa nhất. Nhưng con đặt vào đó tất cả niềm mến yêu của con (ĐHV 814).

* Nhìn cây cổ thụ sum sê, con đừng quên rằng, từng trăm năm trước nó đã khởi sự từ một hạt giống tí ti (ĐHV 816).

* Tự nhiên có ai lên đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn được? Tự nhiên có ai lên cung trăng được? Thử thách, hiểm nguy, ôn luyện, chuyên cần mỗi ngày, nhiều ngày mới đạt được đích họ hy vọng (ĐHV 817).

Thánh nữ Margarita Maria (1647-1690) mồ côi cha tử thuở còn bé. Mẹ chị yếu đuối phải cậy nhờ người anh chồng đến giúp đỡ, trông coi cơ nghiệp. Ông anh vui vẻ nhận lời và cùng với vợ con dọn dẹp đến ở cùng gia đình em. Ông ta có biệt tài quản lý trông nom nhưng lại rất keo kiệt, thu tóm hết mọi quyền hành trong gia đình. Mẹ con chị Margarita có thiếu thốn sự gì cũng phải ngửa tay xin hai bác, lắm lúc hai bác lại từ chối một cách tàn nhẫn. Cả bánh ăn cũng giới hạn khiến mẹ con nhiều lần phải xách bị sang hàng xóm mà vay. Không những thế, hai bác còn hành hạ chửi rủa cháu bé một cách thậm tệ đắng cay. Nhiều khi bác đánh quá đau, Margarita phải trốn ở một góc chuồng bò hay xó vườn, mãi đến tối mới dám mò vô lại. Nhiều lần khác bị mắng nhiếc chua cay thậm tệ, cô bé chẳng biết làm sao hơn, bèn lủi thủi ra vườn ngồi khóc sướt mướt, mất cả ăn cả ngủ...

Tuy chịu đau đớn gian khổ từ bé như vậy, nhưng không bao giờ Margarita chịu hở môi kêu trách một lời. Sau này vì vâng lời cha linh hướng, chị mới đơn thành thuật lại mọi chuyện ấy. Đức Giám mục Laugnet nói: "Chị Margarita rất hiền hậu, khiêm tốn. Chị tự đặt mình làm đầy tớ phục vụ mọi người trong bất cứ công việc nào. Không bao giờ người ta thấy chị tỏ dấu khinh bỉ hay làm mất lòng ai!"

Chính vì những hy sinh rất tầm thường nhưng cao đẹp trước mặt Chúa, mà chị Margarita đã được Chúa chọn để rao giảng sứ điệp tình yêu của Thánh Tâm Chúa.


2. Làm bất cứ bổn phận nào cũng có thể nên thánh.

* Việc nhỏ, lòng nhỏ; việc lớn, lòng lớn; việc lớn, lòng nhỏ; việc nhỏ, lòng lớn. Con hãy thực hành cách sau hết: Trung tín trong việc lớn, dễ; trung tín trong việc nhỏ, khó. Chúa khen kẻ thực hành cách sau này (ĐHV 807).

* Không có công việc nào hèn hạ, chỉ có tâm hồn hèn hạ (ĐHV 811).

Thánh Bonaventura (1221-1274) trước khi làm Hồng Y coi sóc giáo phận, đã làm Bề trên Cả điều khiển Dòng Phanxicô. Ngài có tiếng là rất thông minh xuất chúng, viết nên nhiều tác phẩm lừng danh, trong đó có cuốn "Commentaire sur les quatres livres des sentences" và nhiều tác phẩm thần học rất có giá trị.

Một hôm, thầy nấu bếp xin gặp ngài với nét mặt thật thê lương ảm đạm, thầy trình bày:

- Thưa cha, mấy lâu nay con buồn quá nhưng vẫn cứ ấp ủ mãi trong lòng. Đến hôm nay, con mới bạo dạn xin phép gặp cha để nhờ cha giải quyết nỗi lo âu cho con.

- Cha sẵn sàng giúp con, con cứ tự nhiên trình bày mọi chuyện.

- Thưa cha, con trộm nghi: thông thái thời danh như cha thì thật là hạnh phúc. Vì nhờ đó cha có thể yêu mến Chúa, phụng sự Chúa, và sau lên thiên đàng dễ dàng hơn, ngồi gần Chúa hơn!... Nghĩ lại phận con là một tên đầu bếp rất hèn, con cảm thấy quá buồn tủi! Không biết rồi đây có được lên thiên đàng không, thấy được sự vinh hiển Chúa không, có gần gũi Chúa như cha được không!

- Ồ, con đừng nghĩ thế! Chúa chẳng bao giờ đòi hỏi sự thông thái thời danh cả. Chúa chỉ sợ con không mến Chúa trong các công việc bổn phận tầm thường hằng ngày của con thôi!

- Vậy dốt như con cũng có thể yêu mến Chúa như cha Bề trên Cả sao?

- Đúng thế! - Mấy bà ngoài chợ cũng thế à?

- Dĩ nhiên rồi! Miễn là mấy bà dâng cho Chúa mọi công việc!

Nghe đến đây thầy đầu bếp chẳng còn đè nén được niềm phấn khởi. Không kịp chào Bề trên Cả, thầy vội chạy ra khỏi phòng, leo lên thành, nhảy xuống đường, chạy đến phố chợ và la lên: "Anh chị em ơi! Các bà bán hàng ngoài chợ ơi! Tôi báo cho anh chị em một tin rất vui mừng, anh chị em có thể nên thánh bằng cha Bề trên Cả của chúng tôi được".

Thầy vừa chạy vừa la lớn tiếng như điên, quanh cả phố chợ. Người ta thật khó mà nhận ra thầy vì thầy chạy quá nhanh, nhưng giọng nói của thầy thì ai cũng nghe: "Cứ làm bổn phận tầm thường vì mến Chúa thì sẽ nên thánh cả. Chính cha Bonaventura mới cho tôi biết! Mừng quá! Vui quá!"


3. Tấm gương của ông Frank Duff.

* Tìm việc lớn, khinh việc nhỏ, con lạc đường hy vọng, vì Chúa hứa: "vào hưởng sự vui mừng của Chúa cho những ai trung thành trong việc nhỏ" (ĐHV 815).

* Một bản nhạc du dương, một bức họa thần tình, một tấm khảm quí đẹp được kết tinh bằng những mũi chỉ, những nét mực, những nốt nhạc đơn sơ, nhưng phải có danh sư nhẫn nại mới sáng tạo ra tác phẩm (ĐHV 823).

* Một việc rất tầm thường mà tạo bầu khí "dễ thở", bầu khí yêu thương, không tốn của, không mất công, không ai thấy. Nhưng nguyệt cầu tốt đẹp mà không ai sống vì không có "bầu khí thở được" (ĐHV 826).

Sinh trưởng ở nước Cộng Hoà Ái Nhĩ Lan, Ông Frank Duff đã sống một cuộc đời rất mực đạo đức thánh thiện, hoàn toàn dấn thân làm việc tông đồ giữa lòng trần thế với phương tiện của trần thế; đặc biệt ông rất có lòng sùng kính Đức Mẹ Maria. Ông đã suy ngắm tác phẩm của thánh Montfort và nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh, ông đã thành lập Hội Đạo Binh Đức Mẹ (Legiô Mariae) vào năm 1921, ngay tại quê hương Ái nhĩ Lan của ông.

Như mọi người đều biết, Đạo Binh Đức Mẹ đã phát triển khắp nơi một cách nhanh chóng, làm ích cho muôn vàn linh hồn, khiến ông Frank Duff được Đức Thánh Cha tỏ lòng quý mến ưu đãi, hàng giáo phẩm khắp nơi nể nang kính trọng; người ta đã mời ông đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới. Thế nhưng, cuộc đời của ông bao giờ cũng được khoác lên một vẻ bình dị khiêm tốn. Ban đầu khi Đạo Binh Đức Mẹ mới thành lập, ông phải điều hành mọi công việc, nhưng về sau, tuy vẫn còn sức khỏe, chỉ có đôi tai hơi suy yếu, ông đã tự ý rút lui và nhường quyền điều khiển cho kẻ khác.

Mặc dù được nhiều người trên thế giới đến Dublin, thủ đô Ái Nhĩ Lan, viếng thăm, hỏi ý kiến, ông vẫn sống một cuộc đời nghèo khó, tận tụy với công việc bổn phận khiêm hèn nhất.

Nghe nói đến công việc bổn phận khiêm hèn nhất, chắc ai cũng buột miệng hỏi: "Việc gì vậy?"

Thưa đó là việc phát thư, tiếng xưa gọi là lon-ton hay tùy phái. Ai đến tận nơi chứng kiến tận mắt cảnh này cũng đều cảm kích xúc động và trào dâng muôn vàn kính mến. Nguyên trong thành phố Dublin đã có trên 500 tiểu đội Đạo Binh Đức Mẹ. Cứ mỗi sáng, vừa đi lễ về, ông Frank Duff đã ngồi ngay ngắn trên chiếc xe đạp cũ rích, và thế rồi, dù trời nắng hoặc sương mù hay mưa gió tuyết sa, chiếc xe đạp vẫn đều lăn bánh tiến về phía bưu điện. Tới nơi, ông Frank Duff nhảy vội đến hộp thơ lấy hết mọi thư tín mang về cho trung tâm. Tại trung tâm, ông lại còn phân phối và bỏ vào các hộc theo địa chỉ của mỗi văn phòng, mỗi cá nhân phụ trách. Nếu có thư về địa chỉ của một trong 500 tiểu đội ở thành phố, ông lại mau mắn đạp xe mang đi ngay.

Vào trung tâm Đạo Binh Đức Mẹ, cứ các buổi họp của Ban điều hành hay các buổi sinh hoạt của nhiều tiểu đội ở các phòng bên cạnh; nếu không có người giới thiệu chắc chắn quý khách sẽ xem ông già kia là một anh phát thơ làm mướn cho trung tâm, một tên vô danh tiểu tốt cứ mải mê thinh lặng soạn từng đống thư từ, xếp ngay ngắn vào hộc... Chỉ khi nào anh em cần ý kiến ông để trả lời, giải quyết một vấn đề hóc búa hoặc tế nhị nào từ phương trời xa xôi gởi đến, bấy giờ ông mới vui vẻ đóng góp ý kiến hoặc trả lời thay...

Có phải ông Frank Duff thích làm như thế vì bản tính tự nhiên không? Ông làm như chỉ vì kính mến Chúa và Đức Mẹ. Chính những hàng sau đây do từ ngòi bút ông viết ra cho chúng ta thấy chí khí phi thường của ông trong những việc tầm thường hèn mọn ấy:


4. Tâm hồn thánh thiện trong những việc tầm thường.

* Theo mắt thế gian, công việc của Đức Mẹ rất tầm thường: việc ở máng cỏ, việc gúp bà Isave, việc ở Nazareth, việc đi chầu lễ ở Jerusalem, việc chôn cất thánh Giuse, việc bị sỉ nhục đau đớn ở Calvariô. Theo mắt siêu nhiên, đời Đức Mẹ phi thường, vì tất cả những việc ấy Mẹ đều làm vì mến Chúa Giêsu (ĐHV 808).

* Ẵm đứa bé là chuyện thường, nhưng được mẹ ẵm, đối với em bé là hạnh phúc lớn nhất mà em không chịu đổi với bất cứ giá nào ở trần gian (ĐHV 809).

* Muốn được phong thánh, phải chứng minh có "nhân đức anh hùng". Bền chí làm những việc tầm thường suốt cả cuộc đời vì mến Chúa, hẳn là anh hùng; thánh Têrêsa Hài Đồng đã làm như thế (ĐHV 813).

* Thiên hạ mua vé lên đỉnh nhà chọc trời Manhattan, khen ngợi kiến trúc tân kỳ, nhưng mấy ai nhớ đến từng thanh sắt, từng viên sạn, từng hạt cát nhỏ nhít làm nền móng vững chắc, gánh vác nổi ngôi nhà ấy (ĐHV 819).

Chị thánh Têrêxa Hài Đồng đã sống một cuộc đời rất đơn sơ bình dị đến nỗi khi chị ốm nặng, một chị trong dòng đã nói: "Chừng nào chị Têrêxa chết, biết lấy gì để viết về chị trong Nhật ký của nhà dòng đây?" Thế nhưng trong âm thầm khiêm hạ và qua những công việc tầm thường không ai hay, chị thánh Têrêxa đã đặt vào đó một lòng mến Chúa vô cùng cao cả. Chị viết:

****

Tối áp lễ Đức Bà Núi Carmêlô, một chị nhà tập nói với chị Têrêxa rằng: "Nếu sáng mai chị rước lễ xong rồi lập tức lìa trần, có lẽ sự ra đi tốt lành ấy an ủi em khỏi hết phiền muộn". Chị thánh Têrêxa đáp lại: "Rước lễ rồi lìa trần! Lìa trần trong ngày lễ trọng! Không, em không muốn thế đâu: những linh hồn thơ ấu không thể học đòi như vậy được. Trong tiểu lộ em đang đi, chỉ có những cái tầm thường, giản dị thôi. Việc gì mà em đã làm, phải là việc các linh hồn thơ ấu cũng làm được hết!"

Trong hội đồng quyết định việc phong thánh cho chị Têrêxa, có một giáo chức thuộc giáo triều đã nói: "Đời chị Têrêxa không có gì lạ cả, chỉ toàn là những việc tầm thường thôi". Đức Piô XI trả lời ngay: "Tôi chấp nhận việc phong thánh cho chị, vì chị đã làm những việc tầm thường".


5. Hai thầy trợ sĩ.

* Thử lấy kính hiển vi mà xem: một giọt nước óng ánh hơn kim cương, một con vi trùng ghê tởm rùng mình; đừng khinh những cái nhỏ (ĐHV 820).

* Ngày sống của con là một "chuỗi lời nguyện tin yêu cụ thể hóa trong công tác tầm thường" (ĐHV 822)

Mặc dù trong cuộc đời thánh Giêrađô Magella và Martinô Porres có xuất hiện nhiều phép lạ lớn lao, cũng chẳng qua là vì Thiên Chúa muốn dùng sự thánh thiện của cả hai như khí cụ để thực tình và cứu giúp các linh hồn; nhưng chính bản thân các thầy thì chỉ chuyên tìm kiếm những việc tầm thường, luôn hạ mình sống ở địa vị khiêm tốn rốt hèn trong tu viện, làm trợ sĩ, phụ tá cho các anh em linh mục, chứ không thi hành những việc cao cả hoặc có ảnh hưởng bên ngoài lừng lẫy như dâng lễ, giải tội, thuyết giáo.

Martinô Porres, sau khi suy nghĩ kỹ càng và cầu nguyện sốt sắng, đã đến gõ cửa tu viện Santo Rosariô. Vì lòng khiêm nhu, cậu chỉ xin được xem như một lao công trong nhà dòng.

Dằng dẳng chín năm trường, cha tu viện trưởng Juan de Torenzana thấy lòng đạo đức của Martinô quá phi thường và sáng chói, nên đã cho thầy chính thức mặc áo dòng làm trợ sĩ. Martinô tiếp tục vui vẻ làm các việc hèn hạ nhất trong tu viện. Ngoài ra, vì trước khi vào dòng thầy có học nghề y tá, nên thầy còn được phép săn sóc bệnh nhân. Vì quá yêu thương những người xấu số không chốn ngụ cư nên thầy đã xin phép mang họ về nhà dòng để tận tình săn sóc cứu chữa. Có những lần phòng thầy hết cả chỗ, thày phải đem họ sang gởi gắm ở nhà bà chị kế bên.

***

* Con bảo đợi lúc nào có thời cơ, con sẽ làm việc vĩ đại; không biết đời con thời cơ sẽ đến mấy lần! Nhưng hãy cướp thời cơ mỗi ngày để thực hiện cách phi thường những việc tầm thường (ĐHV 818).

* Xin nước bà Samaritana, mượn lừa cỡi vào thành Jerusalem, mượn thuyền ngồi giảng, mượn phòng lập phép Thánh Thể, nhìn đồng tiền bà góa bỏ vào hòm cúng; chủ nhân đâu ngờ việc không đâu mà mình được hân hạnh đến thế! (ĐHV 825).

Thầy Giêrađô Magella, lúc còn tuổi thanh niên, đã sớm ôm ấp mong ước ao trở thành một tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế, nhưng mẹ thầy không chấp thuận, bởi lẽ thầy là con trai cả độc nhất của bà; hơn nữa, các cha trong nhà dòng cũng chê thầy, chẳng muốn nhận thầy vào Tu viện làm chi. Một đêm kia sau nhiều năm tháng cầu nguyện và thao thức, Giêrađô đã đi đến một hành động quyết liệt: cậu lấy cái khăn phủ giường trong nhà chắp nối lại với nhau, buộc một đầu vào song cửa sổ, đầu kia thắt ngang hong rồi tung mình nhảy xuống đất trốn ra khỏi nhà, để lại trên bàn một mảnh giấy với dòng chữ: "Con từ giã mẹ và các em để đi làm thánh, xin đừng mất công tìm kiếm con".

Biết sáng hôm ấy các cha dòng đi giảng ở Rionoro, nên Giêrađô lặn lội suốt đêm, nhắm hướng ấy mà tiến. Trời vừa sáng, nhác trông thấy các cha dòng ở đàng xa, cậu vừa vẫy tay vừa lớn tiếng gọi các cha. Các ngài dừng lại. Cậu chạy đến thở hổn hển, nước mắt ràn rụa van nài: "Xin các cha nhận con vào dòng. Con quá khát khao trở thành người toàn hiến cuộc đời cho Chúa". Các cha cương quyết từ chối: "Con không thể làm trợ sĩ trong dòng được đâu, về nhà đi". Lòng Giêrađô vô cùng đớn đau nhưng vẫn không nản chí; cậu tiếp tục nói: "Ít là xin các cha cho con thử một thời gian, nếu không được thì đuổi con về". Các cha lẳng lặng tiếp tục con đường, Giêrađô kiên nhẫn lẻo đẻo theo sau. Đến xứ Rionore, cậu dốc hết khả năng, ngôn ngữ, nài xin tha thiết một lần nữa: "Xin các cha cho con thử một thời gian ngăn ở nhà dòng cũng được". Các vị vẫn lắc đầu. Giêrađô một mực không chịu trở về nhà, cậu ở lại giúp thầy trợ sĩ của các cha. Một hôm, không thể cầm mình được nữa, cậu can đảm quỳ xuống trước mặt cha Cafra, vừa khóc vừa nức nở kêu xin: "Nếu cha không nhận con thì hằng ngày con sẽ nhập đoàn cùng các kẻ khó đến xin ăn ở cửa tu viện!" Thấy lòng khiêm nhường nhẫn nại của Giêrađô, cha Cafaro xúc động và thầm nghĩ: "Chắc cậu ta có ơn Chúa nhiều mới bền đỗ được như thế". Vì vậy sau đó, ngài đã gọi cậu đến cùng cha Lorenzô d'Antonio, tu viện trưởng ở Illicêtô với mấy dòng chữ giới thiệu sau đây: "Con xin gởi đến cha một thanh niên mới chỉ xin vào dòng. Chắc cậu ta chẳng làm được việc gì, vì sức kém lắm; nhưng con xét đáng nhận, vì cậu ta nài xin con rất tha thiết, vả lại cậu ta cũng có tiếng là đạo đức thánh thiện ở xứ Murô". Được sự chấp thuận của cha Lorenzô, Giêrađô vô cùng sung sướng, cậu liên lỉ cảm tạ Chúa và hăng hái trong môi trường của mình.

Quả thực, đúng như lời giới thiệu của cha Cafaro, thầy Giêrađô không làm được việc gì ích lợi cho nhà dòng. Thầy chỉ chuyên việc giữ cửa, quét dọn nhà cơm và khâu may áo xống cho anh em. Thế nhưng lời cha Cafaro lại càng đúng hơn, Giêrađô rất mực đạo đức thánh thiện. Bởi thế, các cha đi giảng đại phúc ở đâu cũng đòi thầy đi cho bằng được. Thầy nấu cơm, giặt giũ quần áo giúp các cha, nhất là cầu nguyện ở nhà thờ và khuyên bảo các tội nhân. Có những kẻ quá cứng lòng, các cha không làm gì được, bèn phải trao cho thầy Giêrađô khuyên lơn an ủi, và lần nào thầy cũng đạt được thành quả tốt đẹp, đến nỗi có một cha phải thốt lên: "Sự hiện diện của thầy Giêrađô trong tuần đại phúc cần thiết cho chúng tôi hơn là có một trăm vị linh mục!"


6. Giám mục bán sữa và Giám mục chữa xe.

* Việc nhỏ, nhưng do sức mồ hôi nước mắt mà quí, việc thường nhưng tình yêu tha thiết mà trọng. Người con thảo mặc chiếc áo len cũ rích nhưng không chịu đổi với bất cứ áo đắt tiền nào khác, vì mỗi mũi len đối với anh ta là một cử chỉ yêu thương của mẹ (ĐHV 821).

* Dù con có tử đạo, "nộp mình chịu thiêu," dù con có làm tông đồ: giảng dạy bằng "các thứ tiếng nhân loại và thiên thần", dù con có hoạt động từ thiện "đem cả tư gia vốn liếng mà phát chẩn", mà con "lại không có lòng mến thì cũng hư không vô ích" cho con. Việc con làm không quan hệ. "Cách" con làm mới quan hệ (ĐHV 831).

Cha Trochta, người Tiệp khắc, đã bị bắt giam dưới thời Đức quốc xã và bị đem đi xử bắn ban đêm với một số đông đảo tù nhân khác. Một loạt súng máy nổ dòn. Tất cả đều ngã gục xuống đất. Sau đó, các tử thi được vứt lên xe. Chuyến xe nặng nề chuyển bánh trong đêm hướng về lò thiêu xác.

Nằm giữa các xác chết, linh mục Trochta dần dần tỉnh lại, một ống chân của ngài đã bị gãy, máu me bê bết khắp cả và mình. Ngài cố hết sức để chui ra khỏi đống tử thi đang phủ trên người; và khi đến một khúc quanh, xe chạy chậm lại, ngài vội vàng tụt xuống đất, nép mình dưới một bờ ao. Sáng sớm hôm sau, đồng bào gặp được cha, họ tìm hết cách để thu giấu ngài và ra sức chạy chữa thuốc men cho ống chân bị gãy...

Sau đại chiến, Đức quốc xã bại trận, ngài được chọn làm Giám mục, nhưng lại phải bị cầm tù vì tội phản động một thời gian sau. Mãi nhiều năm trôi qua, ngài mới được trả tự do, trở về giáo phận cũ. Kỳ họp Thượng Hội đồng Giám mục nào cũng đều có mặt ngài tại Rôma cả. Dân chúng rất kính yêu quý chuộng ngài, vì ngài thật thánh thiện và bình dân. Họ tặng cho ngài một biệt hiệu rất dễ thương: "Giám mục bán sữa". Thực vậy, ngài có một chiếc xe nhỏ, sáng nào cũng lái đến hãng sữa, lãnh sữa chở đi phân phối cho các tư gia đã đặt mua hàng năm, rồi nhặt các chai không mang về nạp cho hãng sữa. Xong công việc, ngài lại lái xe về Tòa Giám mục chăm lo việc mục vụ, giảng huấn...

Năm 1974, Đức Phaolô VI tuyên bố Đức Cha Trochta là một trong hai vị Hồng Y mấy lâu nay chưa được công bố. Nhà Nước Tiệp Khắc đã quan tâm giúp đỡ cho ngài sang Roma để lãnh mũ đỏ trong một nghi thức long trọng được tổ chức riêng cho một mình ngài.

***

* Với tâm hồn cao cả, việc tầm thường hóa ra cao cả: Ai cho một bát nước lã vì danh Chúa sẽ được thưởng trên thiên đàng (ĐHV 812).

* Trên đường "dâng hiến", không có việc gì là tầm thường cả, một cử chỉ nhỏ nhặt nhất vì kẻ khác là một bước đến tình yêu, do tình yêu, là một sự phát triển con người (ĐHV 827).

Đức Cha Alfred Ancel (1898- ), Giám mục phụ tá tổng giáo phận Lyon, là Bề trên Tổng quyền của Tu Hội linh mục Prado, kế vị cha Chevrier, đồng thời cũng là một diễn giả rất nổi tiếng, đã được mời đi khắp đó đây để giúp các tuần tĩnh tâm, các buổi hội thảo cho hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ cũng như giáo dân mọi hạng.

Để hoà mình với giới lao động theo gương Chúa Giêsu ở Nazareth, ngài làm việc mục vụ nửa ngày, còn nửa ngày mang búa, kềm, mỏ lét, cờ-lê... ra xưởng sửa xe, nêu cao giá trị của những công việc tầm thường nhưng rất đẹp lòng Chúa. Năm 1963, ngài cho xuất bản một cuốn sách nói về kinh nghiệm "Giám mục thợ" ấy, mang tên: "Năm năm trời với các bạn thợ".


7. Những cử chỉ đơn sơ phản ảnh một tâm hồn cao cả.

* Ngày sống của con là một "chuỗi lời nguyện tin yêu cụ thể hóa trong công tác tầm thường" (ĐHV 822).

Đức Hồng Y Agagianian, quê ở Arménie (Liên Sô), từ thuở còn bé đã có trí thông minh lạ thường. Mới 13 tuổi đầu mà cậu đã được giáo phận gởi sang du học ở Roma. Vì phải đơn thương độc mã đi tàu thủy đến Napoli, rồi tử Napoli lại phải sang xe lửa lên Roma và tìm đường đến trường nên gia đình cậu, sợ cậu bé thất lạc ở giữa đất khách quê người, bèn làm một tấm bảng, bắt cậu mang trước ngực, trên đó ghi đầy đủ tên tuổi và địa chỉ cần thiết để nhờ hành khách hướng dẫn cho. Mấy năm sau, học hết thần học mà thầy Agagianian vẫn chưa đủ tuổi để lãnh chức linh mục...

Bước đầu lên cấp bậc trong Hội Thánh, Đức Hồng Y Agagianian suýt đắc cử Giáo Hoàng năm 1958 trong mật tuyển viện bầu Đức Gioan XXIII.

Vào khoảng năm 1965, ngài bị ung thư ở thận. Vì quý trọng tài đức của ngài nên Đức Phaolô VI yêu cầu ngài hy sinh tiếp tục điều khiển Thánh Bộ Phúc Âm hoá cho đến tuổi về hưu (75 tuổi). Một bác sĩ cũng gốc Arménie được triệu đến để chẩn bệnh cho ngài. Vị bác sĩ cho biết vì ngài đã quá già chẳng nên giải phẩu làm chi. Tuy rất đau đớn và nhọc mệt, ngài vẫn luôn phấn đấu, bình tĩnh và vui tươi cho đến hơi thở cuối cùng. Mọi người đều biết ngài mắc bệnh ung thư, nhưng chính ngài thì không bao giờ nói đến bệnh tật của mình cả. Ngài vẫn tươi cười niềm nở tiếp đón các Giám mục khắp nơi đến Thánh bộ. Ai hỏi đến sức khỏe của ngài, ngài chỉ mỉm cười trả lời: "Chúng ta đang ở trong lòng bàn tay nhân từ của Thiên Chúa".

***

* Dù con có tử đạo, "nộp mình chịu thiêu," dù con có làm tông đồ: giảng dạy bằng "các thứ tiếng nhân loại và thiên thần", dù con có hoạt động từ thiện "đem cả tư gia vốn liếng mà phát chẩn", mà con "lại không có lòng mến thì cũng hư không vô ích" cho con. Việc con làm không quan hệ. "Cách" con làm mới quan hệ (ĐHV 831).

Đức Ông Don Luigi, trước là người phụ trách các trại huấn luyện tuyên úy hướng đạo Công giáo tại Ý, sau được Đức Phaolô VI chọn làm Giám mục hầu cận Giáo Hoàng tại Vatican, đã tiết lộ: "Chúng tôi là những người hân hạnh ở sát cạnh Đức Thánh Cha tại Tòa Thánh cũng như các chuyến công du rất bận rộn và mệt mỏi của ngài. Sau bao năm chung sống, điều đánh động chúng tôi nhất, là Đức Phaolô VI không kêu mệt kêu đau bao giờ. Chúng tôi biết ngài lớn tuổi, ngài ít ngủ, ngài bị thấp khớp nặng nhưng chí khí sắt đá và ý chí mãnh liệt về sứ mệnh của ngài đã lướt thắng và chấp nhận tất cả, như ngài vẫn thường nói: "Tất cả vì Hội Thánh".

***

* Ba mươi năm khôn tả ở Nazareth, chúng ta không biết Chúa, Mẹ Maria làm gì cả; lên thiên đàng chúng ta sẽ hiểu được phần nào (ĐHV 828).

* Chúng ta có thể nghĩ rằng ba mươi năm này đầy mầu nhiệm, mầu nhiệm thông hiệp, mầu nhiệm hiệp nhất. Tình yêu nhân loại không hiểu thấu vì là mầu nhiệm của Tình Yêu Thiên Chúa (ĐHV 829).

* Ba mươi năm chỉ xiết nhìn trông. Mấy hồi thầm lặng nói không ra lời. Giêsu nhìn Giuse, Maria, cha mẹ nhìn Giêsu. Cả nhà nhìn lên Chúa Cha; ba mươi năm hạnh phúc, làm việc tầm thường nhất trong cái nhìn thông hiệp thần linh nhất (ĐHV 830).

Trong hồ sơ điều tra để phong thánh cho một vị tu sĩ, có một chứng tích rất đơn sơ nhưng giàu ý nghĩa. Nhân chứng khai rằng: "Tôi là một nhân chứng ở cạnh phòng thầy. Lối kiến trúc cổ điển trong các tu viện thường xếp hai dãy phòng đối diện nhau, dọc theo một hành lang ở giữa. Sống chung lâu ngày, thành thử tuy đóng cửa, nhưng hễ nghe tiếng giày khua trên nền gạch từ xa tiến lại là chúng tôi đoán được dễ dàng bước đi của ai. Có những người anh em bước đi thật mạnh dội vang khắp cả nhà. Thậm chí còn có kẻ bước những bước thật nặng nề hoặc năng đóng cửa cái "rầm" khiến cho mọi người mất cả nghỉ ngơi, an tĩnh. Còn thầy tuy ở sát phòng tôi suốt mấy mươi năm trời, nhưng dù đêm hay ngày, thầy vẫn bước những bước rất nhẹ nhàng, đóng mở cửa thật dịu dàng cẩn thận đến nỗi anh em cũng như tôi không bao giờ biết được thầy đi, thầy về lúc nào. Tôi nghĩ đây chỉ là một cử chỉ nhỏ mọn, nhưng nói lên tất cả sự tế nhị của tâm hồn đầy bác ái yêu thương".


8. Mỗi tháng đi thăm Giám mục một lần.

* Với năm cái bánh và hai con cá của em bé, Chúa đã làm phép lạ nuôi năm ngàn người. Chúa vẫn toàn năng, nhưng Chúa yêu thương thiện chí của con (ĐHV 824).

* Có hai đường để sống giây phút hiện tại: Thực hiện ý con hay thực hiện ý Chúa (ĐHV 832).

Cha Thomas Brophy, thuộc địa phận Melbourne (Úc), đã chia sẻ kinh nghiệm sống như sau:

"Tôi thụ phong linh mục đã 27 năm, từng làm phó xứ, làm chánh xứ. Tôi muốn xây dựng xứ đạo tôi thành một cộng đồng mới, tạo lý tưởng yêu mến Chúa bằng cách giúp giáo dân ý thức luôn có Chúa Giêsu đang sống trong họ. Nhưng chương trình ấy không thành công. Nghe nói có khoá tu nghiệp ở Ý dành cho các linh mục, nên nhân dịp năm ngân khánh của tôi, tôi xin phép sang tham dự. Tôi chung sống huynh đệ với 62 linh mục và tu sĩ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Thời gian đó giúp tôi khám phá được câu trả lời cho những băn khoăn của cuộc đời tôi:

Sống giây phút hiện tại và  yêu mến Chúa trong anh em.

Tôi cảm thấy như sờ được chính Thiên Chúa trong anh em và trong vạn vật. Tôi lấy lại niềm tin và sung sướng về lại với giáo phận. Nhưng rồi, ngoài việc xây dựng lại giáo xứ, một hôm tôi đã suy nghĩ: Đức Giám mục R. Knox của tôi thực là cô đơn, chính ngài là Chúa Giêsu bị bỏ rơi. Mặc dù ngài tiếp nhiều khách, có nhiều nhân viên phụ trách nhiều văn phòng, nhưng hết giờ ai về nhà nấy. Người ta chỉ gặp ngài vì công vụ. Tôi bèn quyết định mỗi tháng sẽ đi thăm ngài một lần. Tôi gọi điện thoại xin phép gặp ngài, ngài hẹn giờ, tôi đến. Nội dung câu chuyện chỉ là trình bày công việc mục vụ trong xứ, hỏi thăm sức khỏe. Sau nửa tiếng đồng hồ, tôi rút lui. Mấy tháng sau tôi cũng làm như vậy. Đến tháng thứ tư, Đức Tổng Giám mục R. Knox hỏi tôi: "Trước kia cha không thăm tôi, sao bây giờ tháng nào cha cũng đến? Cha cứ nói thực, cha có vấn đề gì khó khăn không? Có ý kiến gì cần trình bày không?"

- Thưa Đức Tổng, con không có vấn đề gì cả. Giáo xứ con vẫn vui vẻ và tiến triển tốt; nhưng thú thực, con đã dốc lòng mỗi tháng đi thăm Đức Tổng một lần, vì con nghĩ Đức Tổng là Chúa Giêsu bị bỏ rơi, con phải yêu mến, thăm viếng, chia sẻ nỗi lòng của Đức Tổng...

Nghe tôi nói, ngài rất bỡ ngỡ và cảm động:

- Mấy lâu nay tôi không ngờ và không để ý đến lòng tốt của cha. Cám ơn cha lắm! Quý hoá quá!

Thế rồi ngài nói hết lo âu của ngài, những khó khăn ngài gặp phải, những chương trình ngài dự định... Tôi chỉ việc ngồi nghe. Lúc tôi kiếu về, ngài bắt tay thân mật và dặn:

- Hẹn tháng sau nhé! Nhớ đến thăm tôi!

Và mỗi lần tôi đến, ngài giữ tôi lại nói chuyện suốt mấy tiếng đồng hồ, thao thao bất tuyệt...

Bây giờ tôi hiểu: Tuy ngài có bao nhiêu là Giám mục Phụ tá, Tổng đại diện quản hạt. Nhưng có lẽ tất cả chỉ tiếp xúc với ngài vì công việc thôi. Còn tôi, tuy chỉ là một linh mục tiểu tốt vô danh, chỉ làm một việc rất tầm thường, là mỗi tháng đi thăm Giám mục của tôi một lần, và chăm chỉ nhẫn nại ngồi nghe ngài. Nhưng tôi thiết nghĩ việc nhỏ mọn này cũng có giá trị phần nào và cần thiết, vì Đức Giám mục của tôi còn có người biết lắng nghe bao tâm sự đang chất chứa trong lòng.


_______________________

33. LÃNH ĐẠO

1. "Ánh sáng thế gian".

* Lãnh đạo là dấu hiệu hữu hình của quyền bính. Người lãnh đạo phải ý thức sứ mệnh chỉ huy của mình, sứ mệnh đại diện cho uy quyền và bổn phận làm cho kẻ khác trọng uy quyền của mình. Làm như thế là phục vụ quần chúng (ĐHV 840).

* Tai họa lớn nhất của con khi lãnh đạo là sợ nói và hành động như một nhà lãnh đạo (ĐHV 841).

* Không có hành động nào mà không phải là "thánh giá", nếu không vác nổi thánh giá thì không được gì cả (ĐHV 849).

Tháng 9 năm 1939, nhà độc tài Phátxít Hitler xua quân xâm lược Tiệp Khắc, rồi tiếp đó thôn tính Ba Lan, thi hành những thủ đoạn cướp bóc, tàn phá, diệt chủng...

Với ý ngay lành và nhằm mục đích cứu vãn Giáo Hội phần nào, một vị Hồng Y Giáo chủ Đông Âu đã có những lời tuyên bố có vẻ xu thời, xoa dịu, hoà hoãn với chính quyền Phátxít và đã bị Hitler lợi dụng để xuyên tạc che mắt thế giới, cũng như gây bao hoang mang cho giáo dân đang quằn quại giữa lòng cuộc chiến ghê tởm.

Biết được tin ấy, Đức Piô XI đánh điện tín khẩn trương mời vị Hồng Y Giáo chủ về Roma. Ngài lắng nghe, thông cảm với ý ngay lành của vị Hồng Y, nhưng không nhất trí với thái độ và lập trường của nhà lãnh đạo ấy. Theo ý Đức Thánh Cha, Hồng Y Giáo chủ phải là người lãnh đạo dân Chúa, phải là "ánh sáng thế gian" như lời Chúa dạy trong Phúc Âm. Ngọn hải đăng không cần tuyên bố rùm beng, nhưng chỉ cần sáng lên giữa phong ba bão táp, kiên vững giữa gầm sóng vỗ, để người ta thấy rõ con đường trước mặt mà hăng hái tiến đi. Một người khác có thể nói lời hoà dịu với Hitler và ai hiểu sao thì hiểu; nhưng người lãnh đạo dân Chúa thì không được phép làm vậy, không thể có thái độ ba phải, dù phải gian nan khổ cực, dù phải hy sinh mạng sống. Chúa Giêsu đã nói: "Ta là Mục tử tốt lành... thí mạng sống mình vì chiên... Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta" (Jn 10). Nhưng nếu tiếng của ta mập mờ, sinh nhiều rối loạn thì ai biết ngã nào theo nữa!

Hồng Y Giáo chủ nghe Đức Thánh Cha giải thích đã hiểu được trách nhiệm của mình. Ngài cám ơn Đức Thánh Cha và hứa sẽ vâng lời Đức Thánh Cha trong hết mọi sự, bất chấp mọi nguy hiểm sa đọa. Ngài đã trở lại quê hương, nói rõ lập trường của Giáo Hội đối với những tội ác xâm lược, tàn sát người vô tội đến độ diệt chủng do nhà độc tài Phátxít Hitler gây nên.

Thế giới lấy làm kính phục tâm hồn quả cảm của vị Hồng Y Giáo chủ ấy. Riêng Hitler, ông ta gầm thét căm thù, gây nên cho ngài nhiều chuyện khó dễ, rắc rối; nhưng ngài vẫn kiên trì đứng vững, thinh lặng và sáng chói như ngọn hải đăng. Giáo dân vững tâm nhìn lên ngài như vị lãnh đạo tinh thần rất xứng đáng của họ.


2. Sẵn sàng đối thoại chân thành.

* Chúa Giêsu không loại bỏ các Tông Đồ vì họ không hiểu Ngài hay cứng đầu đối với Ngài. Con đừng nản lòng, cứ nhẫn nại, tử tế với hạng người ác ý, ác tâm, đê tiện. Ơn Chúa sẽ thu phục họ (ĐHV 876).

* Nhiều gia đình, nhiều cộng đoàn chỉ dùng lưỡi để đối thoại với nhau. Nếu biết dùng lưỡi để đối thoại với nhau. Nếu biết dùng quả tim đối thoại đứng đắn, tâm hồn họ sẽ xích lại gần nhau (ĐHV 877).

* Tìm đâu ra bí quyết của đối thoại làm tâm hồn được giải thoát, cởi mở, trí khôn sáng suốt? - Hãy tìm trong Phúc Âm (ĐHV 879).

* Chúa Giêsu không từ khước một ai đối thoại với Ngài. Ngài đối thoại với bạn hữu, với người lạ, với dân ngoại, với người tội lỗi, với người chống đối (ĐHV 880).

Một trong những thành tựu lớn lao đời Giáo Hoàng của Đức Phaolô VI là việc bình thường hoá quan hệ với các nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Đông Âu và sinh hoạt của Hội Thánh tại các nước ấy.

Ngài đã thành lập "Văn phòng liên lạc với các nước vô thần" để tiếp tục công trình riêng của ngài và nhất là công trình của Công đồng Vatican II. Chính ngài đã niềm nở, can đảm và chân thành đối thoại với các vị lãnh tụ của các nước Chủ Nghĩa Xã Hội. Người ta còn nhớ vào tháng 6 năm 1977, ông Janes Kadar, Bí Thư thứ nhất của ban chấp hành Trung ương Đảng Công Nhân Xã Hội Chủ Nghĩa Hungari; đã chính thức viếng thăm Toà Thánh Vatican cùng hội kiến thân mật với Đức Phaolô VI. Liền sau cuộc tiếp kiến, khi được các phóng viên báo chí phỏng vấn, ông Kadar đã nói lên với họ một câu vắn tắt nhưng đầy ý nghĩa: "Tôi không phải là Kitô hữu nhưng tôi thuộc Kinh Thánh rất nhiều. Tôi nhớ có chuyện bà Lót, trên đường chạy thoát, đã ngoái nhìn phía sau và liền bị biến thành một bức tượng. Ta cùng đừng nhìn lại phía sau như vậy".

Đức Phaolô VI muốn hướng về tương lai, muốn lãnh đạo Hội Thánh trên con đường mới nên, cũng như ông Janes Kadar, ngài chỉ muốn nhìn tới trước để tiến lên mãi.


3. Lãnh đạo là phục vụ công lý tạo tác hoà bình.

* Lãnh đạo là phục vụ: phụng sự Thiên Chúa, phục vụ người mình điều khiển, phục vụ công ích. Lãnh đạo là nô bộc tình nguyện (ĐHV 835).

Năm 1965, giữa lúc Johnson cho chiến tranh leo thang tại Việt Nam, thì Đức Phaolô VI được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, qua vị Chủ Tịch Amintore Fanfani và vị Tổng Thư Ký U-Thant, mời sang Nữu-Ước (4.10.1965). Trước sự hiện diện của Tổng Thống Johnson, Đức Phaolô VI không ngần ngại nói thẳng đến vấn đề hoà bình, nhắc lại lời của một vị Tổng Thống mà ông Johnson đang kế nghiệp:

Ngài luôn có những hoạt động nhằm chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Với các Giám mục Việt Nam đến Roma, ngài thường nói: "Tôi làm tất cả những gì có thể được để vãn hồi hoà bình ở Việt Nam. Việt Nam có một chỗ đặc biệt trong trái tim và lời cầu nguyện của tôi. Mỗi tối trước khi ngủ, tôi mở cửa sổ, hướng về Việt Nam, cầu nguyện và chúc phúc lành cho Việt Nam!".

Các đoàn hành hương biết "chỗ ngứa" của ngài, nên trong các buổi triều yết chung, mỗi khi ngài nhắc đến "Việt Nam" thì họ vỗ tay vang dội cả đền thờ Thánh Phêrô. Họ biết làm thế ngài rất vui thỏa. Không danh xưng một quốc gia, dân tộc nào được Đức Phaolô VI nhắc đến bằng hai chữ Việt Nam. Ngài đã có 92 diễn từ về Việt Nam.

Mặc cho thế lực nào phản đối, mặc cho chế độ nào phiền trách. Đức Phaolô VI vẫn ý thức sáng suốt sứ mệnh rao truyền chân lý, hoà bình, công chính của ngài và đã can đảm thực hiện sứ mệnh ấy. Lịch sử tôn vinh ngài, bao nhiêu quả tim trên thế giới yêu mến ngài. Ngài đã kiên cường lãnh đạo Hội Thánh đi theo con đường Công lý Hoà bình vậy.


4. Ai muốn đi đạo hãy đến với Giám mục Phanxicô Salêsiô.

* Chinh phục được con tim của tùy viên, người lãnh đạo dám:

- Để tùy viên nhìn gần mà không sợ mất mát,

- Hạ mình họ mà vẫn cao thượng,

- Tự do từ tốn mà kính phục,

- Cương quyết đòi hỏi mà được vâng lời triệt để (ĐHV 866).

* Chúa Giêsu không nhằm biến đổi tức khắc các Tông Đồ bằng mệnh lệnh, nhưng Chúa để họ tuần tự canh tân. Con hãy tin tưởng và làm cho người ta tin tưởng, sống và làm cho người ta thích sống như con (ĐHV 873).

* Chúa Giêsu không định giờ để ra lệnh, hay mở lớp huấn luyện tinh thần. Ngài dùng cơ hội thực tế trong đời sống để cho các tông đồ những bài học thiết thực: lúc đi ngang vuờn nho, cây vả, đồng lúa, lúc các em bé đến chơi, lúc các Tông Đồ tranh giành địa vị (ĐHV 874).

Đức Cha Bossuet (1627-1704), Giám mục giáo phận Meaux (Pháp), là một người sống gần thời thánh Phanxicô Salêsiô (1567-1622). Giám mục giáo phận Annecy (Pháp) và thành Genève (Thụy Sĩ).

Ngài vừa là một văn hào vừa là một nhà hùng biện lỗi lạc nổi tiếng khắp Châu âu. Trong văn chương nước Pháp ngày nay người ta vẫn còn học tác phẩm của ngài (ngài được xem như một trong những văn sĩ cổ điển thượng thặng). Ngài chuyên về các điếu văn, bài giảng, lịch sử và nhất là tranh biện tôn giáo. Chính ngài đã viết một pho sách lớn công kích các giáo hội Tin lành. Nghe danh ngài, ai ai cũng nể phục.

Trong khi đó Đức Cha Phanxicô Salêsiô, một người cũng thông minh xuất chúng, lại có một lối bênh đạo khác hẳn. Ngài rất nhân từ, bình dân, giản di, niềm nở đón tiếp mọi người, nghe ngóng mọi người, tìm hiểu và giải quyết những thắc mắc của họ sẵn sàng đối thoại ngay cả đối với những anh em lạc giáo có ác tâm muốn bắt bẻ ngài nhưng cuối cùng chính họ là những kẻ bị ngài chinh phục. Ngài không ngại mất thời giờ nhẫn nại nghe họ, như thể chỉ có mình ngài với họ thôi. Có người góp ý: "Đức Cha tiếp họ làm gì cho mất công, họ có ý đến để bài bác Đức Cha đó!..." Ngài trả lời: "Mỗi linh hồn đã là một giáo phận đối với một Giám mục". Nhờ tìm hiểu đón tiếp từng cá nhân như vậy mà ngài đã làm cho trên 10.000 người theo lạc giáo trở lại Công giáo (nên nhớ miền Chablais và thành Genève thuộc giáo phận Annecy là trung tâm hoạt động của Tin lành Calvino Thụy Sĩ).

Giám mục Bossuet khiêm tốn nhận thức điều ấy và tuyên bố công khai: "Ai muốn tranh luận về giáo lý thì hãy đến với tôi, tôi sẽ làm cho họ thua lý. Nhưng ai muốn đi đạo thì đi đến Đức Cha Phanxicô Salêsiô; ngài hiền từ, không tranh luận, nhưng có một khả năng chinh phục lạ thường".


5. Lãnh đạo là răn bảo trong yêu thương.

* Biết điều con muốn và cách cương quyết. Nếu không cương quyết định đoạt, con sẽ làm các tùy viên tê liệt. Để các tùy viên tự do quyết định, con sẽ gây hỗn loạn (ĐHV 846).

* Lãnh đạo là sống kỷ luật, tìm hiểu lệnh trên, khôn khéo hành động theo mệnh lệnh. Lãnh đạo là tìm kiếm phương thế thực hiện và giàu nghị lực để thắng các trở ngại (ĐHV 847).

Dòng Salésiens (Institut des Prêtres Salésiens, lấy tên Thánh Phanxicô Salêsi) do thánh Gioan Boscô thiết lập năm 1868 (với mục đích mở trường dạy các em mồ côi nghèo khổ) đã phát triển mạnh mẽ, có nhiều chi nhánh tại Tây Ban Nha. Một hôm trong giấc ngủ, cha Giám đốc của một trường thuộc nhà dòng nghe thánh Gioan Boscô nói về mình rõ ràng từng tiếng: "Con lãnh đạo nhà này, nhưng con sơ suất để nhiều học sinh lỗi luật, hãy cải thiện nếp sống trong nhà lập tức". Lúc ấy thánh Boscô đang hoạt động ở nhà mẹ tại Turinô (Ý) nhưng Chúa hay ban cho ngài cùng một lúc có mặt ở hai chỗ.

Cha Giám đốc trường bận rộn nhiều công việc, vì thế tâm trí phải xao lãng, không nhớ lời thánh Boscô. Vài hôm sau ngài lại nghe tiếng thánh nhân bảo như lần trước. Nhưng rồi, ngài cũng quên nốt. Ít ngày sau, thỉnh thoảng ngài có nhớ đến chỉ thị của thánh Boscô, nhưng ngài lại tự nhủ: "Mình đã phấn đấu làm hết phận sự, lại được các tu sĩ khác cùng cộng tác, cùng chia sẻ trách nhiệm cả mà... Hay đây chỉ vì mình bị in trí, ám ảnh? Không nên vội tin những giấc mơ!"

Đã mấy ngày trôi qua mà ngài chẳng khởi sự cải cách một điều gì cả! Sáng hôm ấy, ngài dâng lễ như thường lệ. Lúc bắt đầu đọc kinh Cáo mình, ngài nghe tiếng thánh Boscô nói rõ ràng: "Hãy mau cải thiện kỷ luật trong nhà, nếu không thì đây là Thánh lễ cuối cùng của đời con". Kinh khiếp quá!

Lễ xong ngài liền bàn hỏi với các linh mục, tu sĩ phụ tá ai cũng lắng lo, suy nghĩ, nhưng thảo luận suốt ngày mà vẫn không tìm được nơi nào hoặc học sinh nào lỗi luật cả. Tối hôm ấy, cha Giám đốc trằn trọc trên giường, thao thức, hồi hộp, không sao nhắm mắt được. Lời thánh Gioan Boscô phán bảo ban sáng vẫn còn vang vẳng bên tai: "...nếu không thì đây là Thánh lễ cuối cùng của đời con!". Ngài vắt tay lên trán, tính nhẩm từng giờ, từng khắc, từng phút đang trôi qua chầm chậm... "mai tôi còn sống để dâng lễ nữa không?"

Bỗng chốc mắt ngài sáng rực lên: thánh Gioan Boscô đứng ngay cạnh giường từ hồi nào:

- Hãy chỗi dậy, mặc áo vào và đi theo cha!

Cha Giám đốc nửa mừng nửa sợ vâng lời chỗi dậy, mặc áo vào và lẻo đẻo theo sau thánh Gioan Boscô. Đi đến đâu các cửa đã khoá đều tự động mở ra cả. Thánh nhân đưa tay chỉ từng phòng học, từng nhà ngủ, từng nhà chơi, phòng khách... chỉ đến đâu ngài phê bình đến đó: phòng này được, đáng khen, có lòng đạo đức, học hành tiến bộ; phòng kia kỷ luật lỏng lẻo, học tập lôi thôi... Cuối cùng, thánh nhân đưa cha Giám đốc tới một phòng và chỉ cho ngài thấy:

- Xem kìa, chúng nó thật vô kỷ luật: bỏ việc học hành, biếng lười lao động, xao nhãng kinh nguyện, thậm chí còn có đứa trẻ trở thành sa đọa, xấu xa... Cha Giám đốc trông thấy rõ ràng từng đứa từng lỗi, từng sự việc xảy ra... thánh Boscô tiếp:

- Cha nhắc lại: Phải yêu thương chúng nó, hoà mình với chúng nó, tìm hiểu chúng nó, cùng ăn, cùng giải trí, cùng cầu nguyện, cùng đối thoại với chúng nó. Sự hiện diện đầy yêu thương của chúng ta khiến chúng được đặt vào một tình trạng không thể phạm tội. Phải cương quyết ngăn chận sự dữ với bất cứ giá nào...

Cha Giám đốc lúng túng cám ơn thánh Gioan Boscô đoạn hứa sẽ làm theo lời khuyên bảo của ngài. Thánh nhân đưa cha trở lại tận giường, chúc lành cho cha rồi vụt biến đi.

Vừa tảng sáng, cha Giám đốc triệu tập Hội đồng các tu sĩ trong nhà lại, thuật lại tỉ mỉ câu chuyện thánh Gioan Boscô đến thăm cùng nói lại những điều, những biện pháp thánh nhân đã đề nghi. Cả nhà nhất trí, phân công tác theo dõi các học sinh cách chặt chẽ. Họ đã bắt gặp quả tang mọi việc đúng hệt như thánh Boscô đã cho thấy. Họ thi hành kỷ luật ngay: một số ít bị loại ra khỏi nhà, số còn lại phải chịu kỷ luật nặng nhẹ tùy trường hợp. Từ ngày ấy trở đi, tinh thần trong nhà, từ tu sĩ đến học sinh đã có những bước cải tiến rõ rệt. Ngôi trường từ đó trở thành một gia đình hạnh phúc, gương mẫu.


6. Những lời nhắn nhủ người lãnh đạo.

* Hãy khiêm tốn quảng đại nếu Chúa muốn chọn con lãnh đạo trong môi trường của con. Sứ mệnh cao cả, quan trọng. Con cần ý thức hạnh phúc của các Tông Đồ khi nghe Chúa Giêsu nói: "Thầy sẽ làm cho các con chinh phục người ta" (ĐHV 837).

Cha Joan Habillon (1632-1707) Dòng Biển Đức, Tu viện Saint Maur, Paris, là một diễn giả danh tiếng, một thầy dạy đàng nhân đức rất ảnh hưởng, đã để lại nhiều tác phẩm giá trị. Qua các tác phẩm đó, người ân cần khuyên nhủ những người lãnh đạo bằng lời lẽ thật thâm trầm, sáng suốt, khiến mọi người đều phải nghiêm chỉnh lắng nghe:

"Ôi, bao nhiêu là bó buộc trong chức vụ lãnh đạo! Con chỉ nhận nhiệm vụ ấy khi đức vâng lời kêu gọi con, và chỉ ở trong chức vụ ấy với tất cả lòng run sợ của con.

Con hãy đem hết nỗ lực và khi cần, phải hy sinh cả mạng sống con để mưu ích cho các tu sĩ, nhưng cũng đừng giảm bớt sự lo lắng cho chính linh hồn con.

Con hãy phân phối các hoạt động con bên ngoài cũng như bên trong tu viện, đồng thời cũng đừng làm mất sự thinh lặng nội tâm.

Con hãy mở lòng rộng rãi đối với anh em, với người nghèo túng, đừng sợ sẽ thiếu thốn gì.

Con hãy có một đức bác ái rộng lớn, đến nỗi bao quát được các sự cần thiết của anh em con, một đức quảng đại đến nỗi lướt thắng mọi khó khăn xảy đến.

Con hãy bền chí đến nỗi không bao giờ chán nản và buông xuôi.

Con hãy siêu thoát đến nỗi không bao giờ tìm lợi cho bản thân mình.

Con hãy hoà hợp với tầm ức mọi người, hãy âu yếm giúp đỡ những người mới tập sự.

Con hãy thương xót những ai yếu đuối với một tâm lòng chiếu cố đầy bác ái, con hãy khuyến khích những người mạnh mẽ bằng những lý do xác đáng, cao thượng.

Con hãy xa lánh khác nào thuốc độc mọi thái độ thống trị độc tài.

Con chỉ ra lệnh sau khi đã sốt sắng cầu nguyện và đem hết lý lẽ để thuyết phục.

Con chỉ quở trách với tất cả tâm lòng yêu thương.

Nếu buộc lòng con phải cương quyết quở trách, thì con cho hành động vì đam mê.

Con hãy dùng hình phạt vì bất đắc dĩ và hối tiếc.

Con chỉ làm cho người ta yêu mến để tránh sự dữ và tội ác.

Con hãy xác tín rằng con chỉ có quyền chuẩn luật dòng khi có lý do chính đáng vì bác ái hay khẩn cấp.

Sau khi con đã đem hết thiện chí chu toàn nhiệm vụ, con hãy xem mình là tôi tớ và nhìn nhận: vì khuyết điểm của con mà bề dưới phạm lỗi và thiếu nhân đức".


7. Bị phản đối, được cảm phục rồi được luyến tiếc.

* Lãnh đạo là người: - Biết - Muốn - Thực hiện. Và đồng thời gây cảm hứng cho kẻ khác: - Biết - Muốn - và thực hiện (ĐHV 834).

* Con hãy đặt mình vào địa vị các cộng sự viên, trao đổi quan điểm thân mật với họ, đón tiếp ân cần, tỏ cho họ, thái độ nhân hậu ấy sẽ làm cho họ yêu thuong con, tin tưởng con (ĐHV 863).

* Công trạng con không ghi trong huy chương trên ngực, trong các bản tuyên dương, các diễn văn ca ngợi con. Phần thưởng của con được ghi trong cái nhìn, trong quả tim của các cộng sự viên của con (ĐHV 864).

Đó là trường hợp của Đức Cha Hsu, Giám mục giáo phận Hồng Kông.

Là một người ngoại đạo, gốc ở Thượng Hải, Francis Hsu đã học tại Đại học Oxford, Anh quốc, rồi về làm một công chức cao cấp tại Hồng Kông. Nhờ ơn Chúa soi sáng và hướng dẫn, ngài đã trở lại đạo Công giáo, dâng mình làm linh mục, sang học tại Đại chủng viện dành cho những người tu muộn ở Roma.

Sau khi thụ phong linh mục, ngài trở về Hồng Kông, làm Giám đốc Caritas. Công việc đang phát triển tốt đẹp thì một ngày kia, Đức Cha Biauchi thuộc Hội truyền giáo Pime đã già yếu, muốn chọn cha làm Giám mục phụ tá cho ngài.

Đa số giáo sĩ tại Hồng Kông, đều tỏ thái độ phản đối kịch liệt. Họ đưa ra nhiều lý lẽ thật vững chắc:

- Chúng tôi không muốn chấp nhận một người mới vào đạo làm Giám mục của chúng tôi. Cha Francis Hsu mới hôm qua đây là công chức của Nhà Nước Hồng Kông ai cũng còn nhớ cả! Hơn nữa, ngài là người Thượng Hải, mà tại Hồng Kông đa số là người Quảng Đông, nói tiếng Quảng Đông; cha Hsu nói tiếng Quảng Đông với giọng Thượng Hải, ngài giảng thì ai nghe cho được!

Người khác lại bảo:

- Hồng Kông thiếu gì linh mục đạo đức, anh tài mà lại chọn người mới làm linh mục cố mấy năm, chưa biết công việc mục vụ trong giáo xứ... lên làm Giám mục!

Cả một phong trào nổi lên phản đối rầm rộ. Họ viết thỉnh nguyện thư gởi sang Toà Thánh, lại còn xin các Giám mục ở Đài Loan can thiệp giùm để tránh được sự khốn nạn là được một người "nước rửa tội trên trán chưa ráo" lên làm Giám mục của một giáo phận lớn lao và phức tạp như Hồng Kông.

Sau khi cân nhắc kỹ càng, Toà Thánh cương quyết phong cha Francis Hsu làm Giám mục Hồng Kông. Ngài làm phụ tá hai năm rồi lên Chánh toà. Vì đức tin và lòng vâng phục, hàng giáo sĩ Hồng Kông phải chấp nhận nhưng trong thâm tâm người nào cũng đầy thất vọng, lo lắng. Ai cũng chờ xem ông "đạo mới" hành động ra sao... Một ít lâu sau, họ bắt đầu thấy Đức Cha Hsu bắt tay vào việc.

Ngài trùng tu ngôi nhà thờ Chánh toà cho khang trang và mỹ thuật, phù hợp với phụng vụ mới, phân phối lại các giáo xứ, mở thêm nhiều trung tâm Caritas để phục vụ giới nghèo, tạo điều kiện cho giới trẻ học nghề, học văn hóa bổ túc.

Các tổ chức trong giáo phận như Hội đồng Linh mục, Hội đồng mục vụ, Tông đồ giáo dân đều hoạt động sôi nổi, theo sát các sáng kiến và chỉ thị của Tân Giám mục. Ngài lắng nghe mọi người, học hỏi với những nhà chuyên môn, đi đến những xóm nghèo, những khu lao động để tìm hiểu thao thức nguyện vọng của giáo dân. Ngài tiếp đón mọi người. Phân phối công việc cho ai nấy tùy khả năng và thiện chí. Tất cả đều diễn tiến một cách tốt đẹp, khiến cho mọi linh mục phải thốt lên: "Trước đây người ta phản đối việc tấn phong Giám mục cho Đức Cha Hsu bao nhiêu thì ngày nay người ta lại phục sát đất các công việc và con người của ngài bấy nhiêu!".

Thật thế giáo phận Hồng Kông là một giáo phận vô cùng phức tạp: Phức tạp từ việc nhiều linh mục Trung quốc từ Lục địa đi ra thuộc đủ mọi giáo phận, gây lắm khó khăn cho sự hoà đồng, đến chuyện các tu sĩ thuộc các dòng vừa bị trục xuất cũng từ Lục địa Trung quốc ra mà đa số là những thừa sai ngoại quốc, những nhà chuyên môn với trình độ kiến thức cao, rất khó điều khiển! Hơn nữa, trong giáo phận lại có vô số dòng nam, dòng nữ, các Hội Truyền giáo cũng nhiều, chỉ cần kể đến một ít tổ chức lớn cũng đủ thấy bao nhiêu là khó khăn, phức tạp: Dòng Tên, Dòng Đa Minh, Dòng Maristes, Hội Thừa sai MEP (Pháp), Hội Thừa sai PIME (Ý), Hội Thừa sai Maryknoll (Mỹ)... Thế mà, với một vóc người nhỏ thó, lanh lẹ, Đức Cha Hsu đã làm nổi bật tài lãnh đạo sáng suốt, sự bình tĩnh phi thường trong tất cả các buổi họp. Vấn đề nào ngài cũng am tường, câu hỏi hóc búa nào cũng được ngài giải quyết cách dễ dàng, thực tế, và cho những quyết định thật sáng suốt hay ho. Không một ai qua mắt ngài nổi! Các linh mục ngoại quốc hết lời ca tụng ngài, dân Tây cũng như dân Tàu đều tỏ ra cảm phục, quý mến ngài. Giáo phận Hồng Kông thực sự hướng đến một tương lai huy hoàng, đầy lạc quan và tin tưởng.

Các vấn đề đối ngoại cũng được Đức Cha Hsu giải quyết cách tốt đẹp. Ngài là một trong những ủy viên uy tín nhất của ban lãnh đạo Đài phát thanh Veritas ở Phi luật Tân. Chính ngài là người đã tổ chức các buổi họp Ban thường vụ Hội Đồng Giám mục Á châu ở Hồng Kông.

Làm sao một mình ngài lại có thể cùng một lúc thực hiện được nhiều công việc thuộc nhiều lãnh vực như thế? Thưa vì ngài biết dùng người, tin người và phân phối công việc cho mỗi người, mỗi Dòng cách hợp lý và chính xác. Thành quả rõ ràng nhất là ngài đã tổ chức, điều hành cách tốt đẹp, thoải mái, đâu vào đấy, nhiều phiên họp của Ban Thường vụ Hội Đồng Giám mục Á châu tại Hồng Kông. Hồng Y, Giám mục nào đến tham dự cũng đều thoả mãn, khâm phục.

Năm 1973, tại Hồng Kông xảy ra một vụ tổng đình công của toàn thể giáo sư, giáo viên trong nhiều tháng mà chính quyền bó tay bất lực, giải quyết không nổi. Cuối cùng cả hai bên đều nhất trí mời Đức Cha Hsu đứng ra làm người hoà giải trung gian. Nên nhớ đại đa số giáo sư, giáo viên ở Hồng Kông đều là người ngoài Công giáo, điều ấy chứng tỏ uy tín của Đức Cha Hsu lớn biết chừng nào. Suốt nhiều đêm ngày, ngài đã vất vả hội họp, gặp gỡ riêng từng nhóm giáo sư, giáo viên, nghiên cứu các yêu cầu của họ rồi thương lượng với Nhà Nước. Công việc đang tiến hành tốt đẹp, hai bên đã đi đến chỗ thoả thuận, ngày thành công huy hoàng sắp đến thì đùng một cái: trưa hôm ấy, sau khi dùng cơm tại khách sạn Lee's Gardens trong một buổi họp mặt vui vẻ với các giáo sư, lúc đứng dậy ra về bỗng nhiên Đức Cha Hsu ngã nhào xuống. Một giáo sư bác sĩ Y khoa có mặt trong buổi họp mặt vội chạy đến tìm cách cấp cứu. Nhưng than ôi, quả tim Đức Cha Hsu đã ngưng đập! vì tinh thần hy sinh, bác ái hoà giải; vì xót thương biết bao con em hiện đang thất học; vì quá lao nhọc trong suốt những ngày vừa qua, nên quả tim của nhà lãnh đạo tài ba phải ngưng đập một cách mau chóng, lôi kéo theo bao niềm đau đớn, tiếc thương.

Không một đám tang nào trọng thể như đám tang của Đức Cha Hsu: ngoài giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân trong giáo phận khóc thương ngài, người ta còn thấy sự hiện diện của đông đảo các giáo sư, những người ngoài Công giáo đã được tiếp xúc hiểu biết ngài. Ai ai cũng thương tiếc một vị thầy, một người bạn, một nhà lãnh đạo sáng suốt và trìu mến của xứ Hồng Kông.


8. Nhà lãnh đạo can đảm.

* Đường hy vọng cần người lãnh đạo, theo từ ngữ là người dẫn đường, cũng gọi là thủ lãnh, nghĩa là người làm đầu. Không có đầu suy nghĩ, tứ chi sẽ suy nhược, thiện chí bị phân tán, nghị lực sẽ lụi bại, hỗn loạn sẽ thống trị và công cuộc tan vỡ (ĐHV 833).

* Nhà lãnh đạo công tâm và khiêm tốn làm việc cho người kế vị, bất kể người đó là ai. Con hãy nhằm sự trường cửu của công việc lên trên danh tiếng và lợi ích cá nhân con (ĐHV 868).

Đức Hồng Y Roques, Tổng Giám mục giáo phận Rennes. Ngài đã liên tục ra sức tranh đấu cho trường tư thục Công giáo ở Pháp trong thời kỳ tiếp theo sau đệ nhị thế chiến; bởi vì tuy nước Pháp là một nước mà đại đa số công dân là người Công giáo, nhưng trong thời kỳ ấy lại có một chính sách kỳ thị, bài trừ tôn giáo hết sức trắng trợn dưới sự chỉ huy của phái Tam điểm.

Họ đề ra nguyên tắc: là người công dân ai cũng phải đóng thuế vào công việc văn hóa giáo dục, nhưng lại chủ trương người học trường công thì được miễn phí tổn, còn người học trường tư thì lại phải tự đài thọ lấy. Mà ta biết Giáo hội Pháp từ lâu đã có một hệ thống giáo dục rất chặt chẽ và nổi tiếng, gồm từ mẫu giáo lên đến Đại học và kỹ thuật; mà như thế là phải vừa nộp thuế giáo dục vừa phải nai lưng đóng góp để tự đài thọ mọi chi phí cho các học đường của mình! Đức Hồng Y Roques đã lên tiếng quyết liệt yêu cầu xóa bỏ sự bất công này. Chính quyền bèn đưa ngài ra tòa án. Ngài bằng lòng chấp nhận. Và hôm ấy, tòa án đã là diễn đàn để ngài nói lên tiếng nói của công lý, của sự thật, tiếng nói của vị chủ chăn bênh vực quyền lợi được giáo dục của con chiên mình. Mặc dù bị phạt vạ 3 đồng, ngài vẫn là kẻ chiến thắng vì được mọi người hoan nghênh cảm phục và yêu mến, và cũng từ đó uy tín của ngài ngày càng lên cao.

Tiếng nói và bản án của Đức Hồng Y Roques đã là "tiếng nói báo động" khơi mào cho một cuộc đấu tranh liên tục. Người Công giáo đã mạnh dạn lên tiếng về vấn đề ấy trên các báo chí, sách vở, diễn đàn Thượng Hạ Viện. Dư luận quần chúng cũng ngày càng thuận lợi cho công cuộc đấu tranh. Cuối cùng, đến thời tướng De Gaulle đứng ra lập chính phủ lần thứ hai (1958), Lưỡng viện đã bỏ phiếu một dự luật mới đem lại thắng lợi cho các trường tư thục.

Tên tuổi Đức Hồng Y Roques từ đó gắn liền với các nền giáo dục tư thục Công giáo Pháp một cách chặt chẽ. Trong cũng như ngoài nước Pháp, ai ai cũng nhắc đến vị lãnh đạo tinh thần với bản án "Ba phật lăng" nầy kèm theo một lòng trìu mến, kính phục vô biên.


9. Những đức tính của người lãnh đạo theo thánh Anphongsô.

* Chúa Giêsu đem lửa đến thế gian và muốn cho quả đất rực cháy. Con phải là ngọn lửa sáng với chí khí tông đồ, con đốt sáng ngọn đuốc khác, để chuyển lửa sáng lan rộng cho đến lúc thế giới thành một biển ánh sáng (ĐHV 836).

* Nhận trách nhiệm lãnh đạo, con phải nhớ rằng, sau khi đem hết thiện chí chu toàn nhiệm vụ, con hãy xem mình là tôi tớ vô dụng, nhìn nhận con còn nhiều khuyết điểm và không ngạc nhiên, buồn phiền khi được đáp trả bằng hiểu lầm và vô ơn (ĐHV 882).

Thánh Anphongsô (1696-1787) thực sự là người đủ tư cách và thẩm quyền để khuyên bảo các nhà lãnh đạo trong Hội Thánh, trong các Dòng. Tại sao như thế? Vì giữa xã hội, ngài đã là một luật sư danh tiếng, trong lòng Giáo Hội ngài là một Giám mục giáo phận và là đấng lập Dòng tu. Ngài đã vui hưởng nhiều danh dự vinh quang nhưng cũng đã gánh vác, cảm nghiệm không biết bao nhiêu thử thách, lo âu, đau khố, nhất là trong những năm cuối cùng của đời ngài.

Rút tỉa những kinh nghiệm quý báu của mình, ngài đã nhắn nhủ các người lãnh đạo như sau:

- "Lãnh đạo phải có một đời sống nêu gương. Nếu lãnh đạo không thi hành điều mình nói, thì sự chỉ huy của mình sẽ trở nên vô ích và độc hại.

- Lãnh đạo phải luôn luôn làm việc vì Chúa và phải xác tín rằng mình thường được đền đáp bằng vô ơn bội nghĩa.

- Lãnh đạo quá nghiêm khắc sẽ huấn luyện nên những tu sĩ nhiều khuyết điểm và thích giấu che vì họ chỉ hành động do lòng khiếp sợ và nô lệ đối với Bề trên.

- Lãnh đạo kiêu ngạo sẽ bị mọi người ghét bỏ, tính xấu ấy còn ngăn trở chính mình cũng như tu sĩ thánh hoá bản thân và hơn thế còn gây trở ngại cho sự bảo tồn luật pháp trong nhà dòng. - Lãnh đạo phải có một lòng can đảm, nhẫn nại vô bờ, phải hy sinh chịu đựng đủ mọi sự chống đối, công việc mệt nhọc; lại còn luôn tỏ ra bình tĩnh, hoà nhã, dễ thương với hết mọi người. - Lãnh đạo phải bác ái yêu thương tiếp đón tất cả mọi người trong bất cứ mọi trường hợp. - Lãnh đạo phải vô tư, phải yêu thương tất cả không phân biệt, phải giúp đỡ hồn xác mọi người, chớ thiên vị một ai. - Lãnh đạo nào không lướt thắng những ác cảm và thiện cảm, những xúc cảm khó chịu của bản thân, sẽ xét đoán hấp tấp và sa vào muôn nghìn khuyết điểm. Lãnh đạo đừng tự phụ rằng mình có thể quản trị Hội dòng với ánh sáng riêng của mình, vì phải luôn luôn cần đến lời cầu nguyện và lời khuyên bảo của kẻ khác. - Lãnh đạo phải biết đoán phòng các nhu cầu thiêng liêng và vật chất của tu sĩ để nâng đỡ họ với tâm lòng của một người cha người mẹ, người anh, người chị. - Lãnh đạo phải tỉnh thức xem xét việc giữ luật dòng, phải kiểm điểm cách đúng đắn và cẩn thận. - Lãnh đạo đừng vội vã xét đoán, nhưng hãy cân nhắc, suy nghĩ và thăm dò trước khi phán quyết. - Lãnh đạo phải trừng phạt những lỗi phạm luật dòng, nhưng trước khi quở phạt phải bảo ban nhiều lần với tâm hồn đầy tràn bác ái. - Lãnh đạo phải cương quyết đối với hạng người bất khẳng và ngăn ngừa gương xấu truyền nhiễm.

- Lãnh đạo phải công bình, gương mẫu, khôn ngoan, bác ái, hoà nhã và tỉnh thức, nếu không muốn bị xét đoán kinh khủng trước toà Chúa".


10. Tài lãnh đạo của Đức Gioan XXIII.

* Muốn lãnh đạo sáng suốt, cần phải biết nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là nghệ thuật cần thiết để tránh nóng nảy, mệt trí, cau có, mất tự chủ, hoảng hốt (ĐHV 850).

* Quá lao lực, có ngày sẽ bất lực, quá bận tâm, có ngày mất nội tâm. Mặc dù bận rộn và càng bận rộn, con phải dành thời giờ để suy tư, học hỏi và nhất là cầu nguyện. Con sẽ tìm được bình an (ĐHV 852).

* Để có thể điều khiển mọi hoạt động và quy hướng mọi cố gắng về mục đích, người lãnh đạo có khả năng phân biệt rõ ràng những ý tưởng tổng quát, nhờ đó có cái nhìn toàn diện và hiểu biết đầy đủ về mọi ngành trong tổ chức của mình (ĐHV 860).

* Mỗi cá nhân là một "mầu nhiệm"; muốn lãnh đạo, con cần phải biết từng tùy viên, với nhu cầu, sở thích, tính tình, phản ứng của họ, đánh giá đúng mức, đặt vào đúng chỗ (ĐHV 861).

Ai cũng công nhận Đức Gioan XXIII là một nhà lãnh đạo lỗi lạc có biệt tài, đã từng giữ nhiều chức vụ then chốt và tế nhị trong Hội Thánh:

- Phục vụ Thánh Bộ Truyền giáo (1920).

- Khâm Mạng Toà Thánh tại Bungari (1925).

- Đại diện Tông toà tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp (1934).

- Sứ thần Toà Thánh ở Pháp (1944).

- Hồng Y Giáo chủ Venise (1953).

- Giáo Hoàng (1958).

- Triệu tập Công đồng Vatican II, biến cố vĩ đại nhất của Hội Thánh trong thế kỷ XX.

Ngài đã học tập lãnh đạo với ai?

Với Đức Giám mục Radini-Tedeschi, vị sư phụ mà ngài hết lòng yêu mến và kính phục ngay từ hồi còn là một Chủng sinh trẻ tuổi, nhất là về sau, lúc trở thành Bí thư Toà Giám mục. Ngài đã học tập với Đức Cha Radini-Tedeschi không biết bao nhiêu là đức tính quý hoá và chính tay ngài đã viết một cuốn sách về thân thế và sự nghiệp của vị Giám mục đáng kính này.

Nhưng ngoài gương mẫu của con người sống động mà ngài đã được hạnh phúc gần gũi này, Đức Gioan XXIII còn học trong sách vở báo chí. Sau này người ta biết được rằng ngài đã nghiên cứu rất nhiều về một vị lãnh đạo thời danh khác trong Hội Thánh là thánh Carôlô Borômêô, Hồng Y Tổng giáo phận Milanô (1538-1584). Ngài đã say mê cuộc sống thánh Carôlô cách lạ lùng, đã khảo cứu tất cả các tài liệu về vị thánh ấy trong nhiều thư viện và đã xuất bản thành một tác phẩm rất công phu gồm hai cuốn sách nhan đề là: "Những cuộc kinh lý mục vụ của thánh Carôlô Bôrômeô". Vì lòng sùng kính vị thánh này mà ngài đã chọn chính ngày lễ của thánh nhân (4.11.1958) để làm Lễ Đăng quang.

***

Bên ngoài, xem như ông già Gioan XXIII làm việc tùy hứng, không có chương trình gì, nhưng kỳ thực bên trong là cả một sự đúc kết hài hoà tuyệt diệu của lòng mến tin, hy vọng, phó thác vào Chúa và sự khôn ngoan phi thường của một bậc vĩ nhân. Ngài thường hay nhắc đi nhắc lại mấy nguyên tắc lãnh đạo của ngài như sau:

- Chấp nhận tất cả với tâm hồn đơn sơ. Không tìm đia vị, danh vọng. Biết tin tưởng các cộng sự viên và uốn nắn họ dần dần.

- Có vài ý kiến đơn sơ, tầm thường, nhưng tầm quan trọng bao trùm thế giới, và quyết tâm thực hiện cho kỳ được.

- Luôn luôn chỉ bảo và giúp đỡ người khác làm việc Biết tin người, dùng người.

- Không bao giờ tự làm tất cả. Không tự ái, khiêm tốn luôn có kế hoạch phân phối công việc, chia sẻ trách nhiệm.

- Một đôi khi để người khác tự do làm. Có những thí nghiệm bạo dạn, không ra chỉ thị nhưng theo dõi và cho phép các người khác thử.


11. Thập đại bại và thập đại thắng.

* Đón nhận mọi ý kiến, nhưng không lệ thuộc ý kiến (ĐHV 842).

* Có vô số ý kiến mà không quyết định là vô ích. Có ít tư tưởng mà thực hiện tất cả mới là lãnh đạo thực sự (ĐHV 845).

* Biết giữ kỷ luật cá nhân, biết tổ chức đời sống, biết phân giá trị mọi việc. Đó là những điều kiện giúp con lãnh đạo cách hiên ngang, anh hùng, đem lại tin tưởng lúc mọi người rung động, loạn lạc... (ĐHV 854).

* Con đừng quên rằng tùy viên của con là người, là một nhân vị, là con Chúa, nên chỉ có họ và Thiên Chúa có quyền đối với họ. Không ai được coi họ như vật sở hữu, như máy móc sản xuất (ĐHV 867).

* Lãnh đạo không gương sáng được vâng phục mà không kính phục. Lãnh đạo chỉ nêu gương sáng trong nhiệm vụ được vâng phục, kính phục, mến phục và tỏa ra một tầm ảnh hưởng rất sâu rộng (ĐHV 869).

* Đặc điểm của lãnh đạo thiên tài là biết quy tụ công tác viên bằng cách: Tìm họ, khám phá họ, tiếp đón họ, chọn họ, huấn luyện họ, tín nhiệm họ, xử dụng họ, mến yêu họ. Không ai là nhà lãnh đạo lý tưởng cũng như không ai là cộng tác viên thập toàn (ĐHV 870).

* Lãnh đạo phải trở nên mọi sự cho mọi người, trong bất cứ trường hợp nào, chấp nhận mọi thứ công việc, nhọc mệt, chống đối và khi cần phải hy sinh cả mạng sống con để mưu ích cho đoàn thể, nhưng đừng bao giờ làm giảm sút sự lo lắng cho chính linh hồn con (ĐHV 881).

Một thanh niên nọ có dịp học hỏi nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Trong các anh hùng người Việt, vị mà anh khoái nhất là ông Nguyễn Trãi, vì tinh thần ông rất dũng cảm, khí thế ông rất kiêu hùng. Anh ta thuộc lòng cả bài "Bình Ngô đại cáo" của ông.

Khi đọc bức thư của ông gởi cho Tướng lãnh Trung quốc khuyên bảo họ nên rút quân xâm lược về, nếu không sẽ thảm bại nhục nhã; anh khoái nhất là chỗ vị quân sư của vua Lê Lợi đã phân tích sự việc dưới tiêu đề: "Lục đạt bại và Lục đại thắng", nghĩa là sáu nguyên do bất lợi khiến cho Trung quốc xâm lược phải thua và sáu nguyên về thiên thời, địa lợi, nhân hoà, chính nghĩa, ái quốc khiến quân ta sẽ thắng.

Chàng thanh niên ấy đêm ngày cứ trầm ngâm suy nghĩ về "Lục đại bại và lục đại thắng" mãi cho đến một hôm anh nảy ra một sáng kiến về thuật lãnh đạo, mà rồi, vì thấy hay hay, anh bèn bắt chước Nguyễn Trái đặt tên cho là: "Thập đại bại và thập đại thắng". Anh lấy làm thích chí và vui vẻ đem ra giải thích cho các bạn mười lý do khiến người lãnh đạo thất bại và ngược lại mười lý do khiến người lãnh đạo thành công. Các bạn anh nghe qua cũng tạm được bèn tặng cho anh một biệt hiệu khiêm tốn nhưng cũng rất oai: "Nguyễn Trái tí hon". Tuy là sáng kiến của một "cậu bé tí hon" nhưng cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ:

Thập đại bại (của lãnh đạo):

1- Kiêu căng, xem người như máy móc, độc đoán chẳng chịu nghe ai, bảo thủ ý kiến.

2- Băn khoăn, bi quan, khiến cho người khác cũng đâm hoang mang.

3- Không biết dùng người, không chọn người, không biết huấn luyện, không hoà mình, không khoan dung, sống cách biệt, giữ óc địa phương.

4- Đa nghi đối với mọi người, mang bệnh "do dự mãn tính", sợ mất lòng, thay đổi ý kiến như chong chóng.

5- Tự mình ôm đùm bao quát tất cả, lạc lõng trong những chuyện vụn vặt, phiền toái không phân biệt đâu là chính yếu đâu là phụ thuộc.

6- Miệng nói rất khéo, nhưng làm thì khác, cuối cùng chẳng ai tin. Tuyên bố rùm beng, nhưng sống và hành động không ra gì. Gặp khó khăn thì buông xuôi nản lòng. Thành công thì huênh hoang tự đắc và cướp công, vô ơn đối với kẻ thành tâm giúp mình.

7- Dấn thân nửa vời, thịnh thì xu thời, "xông pha cứu trợ người thắng trận" trước ai hết; suy thì rút lui nhẹ nhàng không chịu trách nhiệm và đổ lỗi cho kẻ khác

8- Không có chương trình và kế hoạch, hăng tiết theo cảm hứng, thích tấn công, khó chịu khi nghe sự thật mất lòng.

9- Ích kỷ, chỉ tìm danh lợi cho bản thân mình, sợ người khác hơn mình, giấu kỹ những kinh nghiệm của mình.

10- Không cầu nguyện, chỉ tin vào tài năng và mưu mô, thủ đoạn trần tục, trông cậy vào quyền thế.

Thập Đại thắng:

* Sáng kiến hợp thời và hữu hiệu mới lãnh đạo được (ĐHV 843).

* Con phải tin tưởng vào sứ mạng của con, cảm hóa và truyền thông lòng tin tưởng, bầu nhiệt huyết trong con cho kẻ khác (ĐHV 838).

* Con hãy dùng ý chí tập trung tư tưởng, can đảm quyết định và quyết định kịp thời (ĐHV 844).

* Chỉ trích cấp trên làm nhụt nhuệ khí, tạo chia rẽ giữa các tùy viên và mở đường cho họ bình phẩm phương pháp, bươi móc khuyết điểm của chính con (ĐHV 848).

* Lãnh đạo phải can đảm, có cái nhìn bình tĩnh trước mọi biến cố, ở mọi nơi, trong mọi lúc. Chừng ấy con ổn định được tình trạng thử thách nguy hiểm nhất (ĐHV 851).

* Con đừng phí một giây, đừng dư một lời, đừng bỏ một dịp. Con sẽ cương quyết hơn. Được người cảm phục hơn (ĐHV 853).

* Nhìn rõ, nhìn thật, nhìn đúng. Xét người, xét việc, xét cảnh. Đó là óc thực tế con cần có để lãnh đạo, dựa trên các dữ kiện khách quan (ĐHV 855).

* Dùng toàn công thức là máy móc, ngủ trong thủ tục là lỗi thời, lạc trong chi tiết là chật hẹp. Con phải: - Nhìn tổng quát, - Thích ứng dẻo dai, - Biến dở thành hay. Con cần: - Cố vấn, - Chuyên viên, - Nhất là cần ý chí của con (ĐHV 856).

* Như Chúa Giêsu đã ở liên lỉ với các Tông Đồ suốt ba năm, con hãy hòa mình với các cộng tác viên của con, thông cảm, chia sẻ tâm sự, vui buồn và đoán biết tâm lý từng người. Con sẽ ngạc nhiên vì lúc ấy họ sẽ đoàn kết và cố gắng vượt mức (ĐHV 862).

* Chiếm được con tim của tùy viên, con có thể thấy họ dốc toàn lực để theo con, vì họ biết con yêu họ thành thực, đậm đà, hy sinh cho tận tụy. Nếu con không lãnh đạo bằng tình yêu, con phải sử dụng hạ sách: "vũ lực" (ĐHV 865).

* Thiên Chúa là bí quyết của nhà lãnh đạo: Ngài ban uy quyền và không bỏ ai dựa vào quyền năng của Ngài để lãnh đạo. Tinh thần khiêm nhường và lòng bác ái là căn bản; Phúc Âm của Ngài hướng dẫn nhà lãnh đạo (ĐHV 871).

* Nhà lãnh đạo không chỉ căn cứ vào báo cáo thôi, nhưng lo lắng đọc "sách đời sống" của mỗi tùy viên hơn: đọc trong lòng họ, trong khả năng họ, trong thử thách họ (ĐHV 872).

* Lúc đối thoại, Chúa Giêsu không đóng miệng Phêrô nóng nảy. Lời lẽ bồng bột chua chát của người khác không làm sụp đổ vũ trụ đâu. Con đừng sợ, cứ đối thoại với tất cả tâm hồn thay vì lý sự (ĐHV 878).

Chắc các bạn cũng cảm nghiệm cái lý thú của "Thập đại bại và thập đại thắng" rồi chứ gì? Hoan hô "Nguyễn Trãi tí hon"! 


_______________________

34. KIỂM ĐIỂM

1. Công đồng Vatican II, một cuộc kiểm điểm sâu rộng trong Hội Thánh.

* Trên đường hy vọng, thỉnh thoảng con phải dừng chân nơi bóng mát, để kiểm điểm lại: rút kinh nghiệm bước tiến, chuẩn bị thêm hành trang, sửa chữa những bước lệch lạc (ĐHV 883).

* Công tác càng lớn, kế toán càng kỹ. Nếu con cẩu thả, ấy là dấu con xem thường sự sống đời đời của con (ĐHV 884).

Dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, rảo qua những chặng đường lịch sử của Hội Thánh của Đức Giáo Hoàng đã can đảm mạnh dạn đứng ra triệu tập nhiều Công đồng chung để kiểm điểm lại lối trình bày nền Thần học của Hội Thánh, phi bác các chủ trương lầm lạc của các lạc giáo, canh tân đời sống đạo của mọi Kitô hữu.

- Công đồng Nicêa (325).

- Công đồng Constantinopoli (381).

- Công đồng Chalcêdonia (451) phán dạy các tín điều về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, về Chúa Thánh Thần đồng bản tính với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.

- Công đồng Êphêsô (431) truyền dạy Tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, phi bác lạc thuyết của Nestêriô, Thượng phụ thành Constantinôpôli.

- Công đồng Tridentinô (1545-1563) dạy các Tín điều về sự Cứu rỗi, về Đức tin, về phép Thánh Thể, bác lại các lạc thuyết do Lutherô, Calvinô, Zwingli... đồng thời ban bố những Huấn thị về việc đào tạo các chủng sinh, về kỷ luật các hàng giáo sĩ.

- Công đồng Vaticanô I (1870) quyết định Tín điều về đặc ân "Bất khả ngộ" của Đức Giáo Hoàng.

Riêng Công đồng Vaticanô II (1962-1965), thì có một sắc thái hoàn toàn mới mẻ, tuyệt nhiên không nhằm phi bác hay rõ rệt lên án một lạc thuyết nào; nhưng ngược lại đã kiểm điểm những thiếu sót còn tồn tại ở một số thành phần của Hội Thánh cách chân thành và khiêm tốn. Ta có thể đọc đó đây giọng kiểm điểm như sau:

Trách nhiệm của người Công giáo đối với vấn đề Vô thần:

Hội Thánh không ngừng thúc đẩy tẩy luyện và đổi mới.

Hội Thánh còn thúc đẩy kiểm điểm và canh tân cách cụ thể.

Đây chỉ là một tỉ dụ về các Dòng tu: "Phải thích nghi xét lại các Hiến chế, căn bản chỉ nam, các sách luật lệ, sách kinh, sách nghi thức và các sách khác như vậy; hay bỏ những gì đã lỗi thời để thích nghi với các Văn kiện của Thánh Công đồng này..." (Sắc lệnh về Cải tổ và Thích nghi các Dòng tu, số 3).

Nhìn tổng quát thì Công đồng Vatican II là một cuộc kiểm điểm toàn thể sinh hoạt trong nội bộ của Hội Thánh, cũng như kiểm điểm đường hướng đối ngoại, cái nhìn và sự đóng góp của Hội Thánh đối với thế giới ngày nay. Những chi tiết về vấn đề này sẽ được nói đến trong các mục "Canh tân" và "Dấn thân", xin miễn nhắc lại. Nhưng điểm đặc biệt ở đây là Công đồng Vatican II không kiểm điểm cách tiêu cực, bi quan, theo lối điều tra, chỉ trích, lên án, thanh trừng trong nội bộ hay đối phương, ngược lại, đây là một sự suy niệm sâu rộng dưới ánh sáng Tin Mừng, bao quát tất cả mọi vấn đề của con người, và nhằm đem lại hiệp nhất với các anh em ngoài Công giáo, thông cảm và hợp tác với các anh em Vô thần.

Đức Phaolô VI, trong giây phút huy hoàng cảm động nhất của nghi thức bế mạc Công đồng Vatican II tại công trường thánh Phêrô, đã dùng những danh từ như sau để diễn tả sự kiểm điểm ấy: "Giờ lên đường, giờ giải tán đã điểm. Lát nữa, Chư huynh sẽ từ giã Đại Hội Công đồng để trở về gặp gỡ nhân loại, mang về cho nhân loại Tin Mừng về sự canh tân Hội Thánh, công việc mà chúng ta làm từ bốn năm nay".


2. Khám phá giáo phận của mình.

* Bay lồng lộng giữa không gian thế mà lộ trình của phi thuyền rất rõ rệt; là phi hành gia con phải sửa tay lái liên lỉ, và triệt để nghe lời chỉ bảo từ quả đất, lệch lạc là không đến đích (ĐHV 894).

* Để nhằm đúng hướng trên đường hy vọng, con phải phản ứng ngay: "Lạy Chúa, tất cả vì yêu mến Chúa, tất cả vì Chúa trong anh em con. Con không dành gì cho con, Con không muốn ai biết ơn con, Con không muốn phần thưởng nào." (ĐHV 903).

* Con thấy hoài bão lớn lao, chương trình hành động vĩ đại, trở ngại cao như núi, rộng như biển, con yếu đuối sao vượt nổi! Lấy phương tiện ở đâu? Thánh Phaolô đã nói với giáo dân ngày xưa băn khoăn như con: "Chúa chọn kẻ yếu đuối để làm cho kẻ mạnh mẽ phải hổ thẹn", "miễn là ơn Chúa không vô ích trong tôi", nghĩa là con phải trung tín nghe theo ơn Chúa (ĐHV 907).

Đức Hồng Y Suhard (1874-1949) là một vị chủ chăn lỗi lạc, điều đó chẳng một ai dám phủ nhận, đặc biệt về đường hướng đạo đức thâm sâu mà ngài đã vạch ra trong các thư luân lưu danh tiếng, chẳng hạn như: - "Hội Thánh tiến hay lùi" (Essor ou déclin de l'Eglise)(Mùa Chay 1948). - "Linh mục giữa xã hội" (Le Prêtre dans la cité), (Mùa Chay 1949).

Đức Thánh Cha Piô XII rất lấy làm cảm phục khi đọc qua các thư luân lưu ấy. Trong một dịp Đức Hồng Y Suhard đến Vatican để yết kiến, ngài đã tươi cười nói đùa rằng: "Năm nay Đức Hồng Y có ra thông điệp nào mới không?"

Giữa những bận rộn của Giáo phận gồm mấy triệu giáo dân, mười Giám mục phụ tá, 1500 linh mục và cả vạn tu sĩ nam nữ, một hôm, linh mục Bí thư trình Đức Hồng Y một tập sách mới viết, định xuất bản, do một linh mục trẻ trong giáo phận soạn ra. Linh mục ấy thiết tha xin Đức Hồng Y xem qua cuốn sách và xuất y trước khi ấn hành. - Tốt lắm, cha cứ để đấy, lúc nào rỗi tôi sẽ xem.

Một tuần rồi hai tuần, ba tuần trôi qua, Đức Hồng Y bận nhiều công việc, cuốn sách cứ nằm cô đơn ở một góc bàn. Cha Bí thư lựa dịp tiện nhẹ nhàng nhắc lại:

- Khi nào xin Đức Hồng Y xem qua tập sách!

- Được lắm, tôi không quên đâu, nói cha ấy thông cảm nhé!

Lại một tháng nữa trôi qua. Cha trẻ cảm thấy thời gian ấy dài gần như nửa thế kỷ!

Chiều hôm ấy, trời rét như cắt thịt, Toà Tổng Giám mục hoàn toàn vắng khách; trong bầu không khí thân mật, đầm ấm, cha Bí thư rụt rè trình bày:

- Thưa Đức Hồng Y, xin Đức Hồng Y xem qua tập sách cho ông cha trẻ kia được phấn khởi, ông ta cứ hỏi con hoài à! Có thể hôm nay vắng khách, xin Đức Hồng Y xem qua tí thôi, cũng như đọc sách báo giải trí vậy!

- Đúng, tôi bận quá nên chậm trễ mất, cha đưa cuốn sách cho tôi, tôi bắt đầu đọc ngay bây giờ.

Cha Bí thư mừng khấp khởi, trao ngay cuốn sách Đức Hồng Y và nhẹ nhàng rút lui.

Bảy giờ tối, chuông điện báo giờ cơm reo vang, mọi người đứng đợi ở phòng ăn, ai cũng thắc mắc "thường ngày Đức Hồng Y là người rất đúng giờ mà sao hôm nay lại phải đợi ngài lâu thế này? Hay là ngài có việc gì chăng?"

Cha Bí thư lon ton chạy lên phòng Đức Hồng Y, gõ cửa, bước vào:

- Mời Đức Hồng Y xuống xơi cơm tối.

- Thôi, cha nói trong nhà cứ ăn đi, đừng đợi tôi!

- Thưa Đức Hồng Y ốm à?

- Không, tôi không sao cả! Cha bảo họ mang vào cho tôi bát xúp và ít bánh mì là đủ rồi. Đừng cho ai vào, tôi bận tí việc thôi, không ốm đâu!

Nghe cha Bí thư thuật lại, mọi người trong nhà vẫn chưa an tâm, vì biết rõ Đức Hồng Y là người rất chịu khó, không bao giờ than van ốm bệnh, lại chẳng đời nào bỏ buổi cơm chung, vì ngài rất quan tâm đến giờ sum họp gia đình ấy! Nhưng thế nào cũng phải vâng lời ngài: người giúp việc mang bát xúp và bánh mì vào để ở góc bàn rồi lui ra.

Mười hai giờ khuya... Đèn trong phòng Đức Hồng Y vẫn còn bật sáng, cha Bí thư gõ cửa bước vào:

- Thưa Đức Hồng Y có ốm bệnh gì không? Mời Đức Hồng Y đi nghỉ kẻo khuya rồi! Không sao cả, tôi đang đọc sách, cha cứ đi ngủ đi!

Một giờ sáng... Đèn vẫn còn sáng trưng trong phòng. Các bà nữ tu giúp việc rất áy náy. Chẳng biết vì sao chiều nay ngài không xuống dùng cơm chung, bây giờ đã một giờ sáng, ngài cũng chưa đi ngủ! Nguy hiểm thật! Bà nhất và một bà phụ trách y tá gõ cửa, bước vào:

- Xin Đức Hồng Y thứ lỗi, chúng con có mang ít thuốc cần dùng lên, nếu Đức Hồng Y nghe trong mình khó chịu không ngủ được, xin Đức Hồng Y dùng chút ít.

Đức Hồng Y vừa cười vừa nói:

- Không sao cả, các bà đi ngủ đi! Cha đọc cuốn sách hấp dẫn quá, đọc từ trưa qua đến giờ, quên cả ăn! Cha quyết đọc xong mới đi ngủ. Chỉ có thế thôi, cám ơn các con.

Hôm sau vừa dùng điểm tâm xong, Đức Hồng Y gọi ngay cha Bí thư vào và bảo:

- Cha gọi điện thoại mời các Giám mục phụ tá, các Tổng đại diện và ban cố vấn đến họp!

- Thưa Đức Hồng Y, chúng ta chưa chuẩn bị gì cả! Chưa có chương trình nghị sự!

- Không sao! Cha cứ điện thoại mời các đấng ấy đi?

- Thưa Đức Hồng Y, con đã điện thoại cho tất cả Hội đồng cố vấn rồi; ai cũng hỏi con: có vấn đề gì khẩn trương đến thế?

- Nói thực cho cha nghe, đó là tập sách của cha Henri Godin nhan đề: "Nước Pháp, một xứ truyền giáo" (La France, pays de mission) mà cha đã giao cho tôi chiều hôm qua. Tôi đã đọc hết cả cuốn quên cả ăn cả ngủ. Mấy lâu nay tôi cứ nghĩ rằng tôi đã biết rõ thành phố Paris, giáo phận của tôi. Nhưng bây giờ tôi đọc trong đó thấy có nhiều sự kiện rất mới lạ và bất ngờ, khiến cho tôi phải bồn chồn thao thức. Tôi tự kiểm điểm lại: thực tôi chưa biết rõ giáo phận của tôi. Tôi rất cảm kích. Những tư tưởng ấy ám ảnh, thúc bách tôi, khiến tôi trằn trọc suốt đêm, chỉ mong mau đến sáng để gặp các vị cố vấn và tức khắc đi thẳng vào vấn đề... Cám ơn cha Henri Godin đã trao sách ấy cho tôi đọc.

Và kết quả công việc kiểm điểm này là ngài đã lập ra Hội Truyền giáo Paris năm 1944 và ra hai bức thư luân lưu nổi tiếng nói trên.


3. Khiêm tốn kiểm điểm.

Một Giám mục gần San Paolô (Thủ đô Braxin) đã biết rõ tinh thần của phong trào Focolare (Bác ái Hiệp nhất). Ngài muốn tinh thần tốt đẹp ấy cũng được thâm nhập vào giáo phận của ngài. Ngài mời một nhóm linh mục của nhóm Focolare đến giảng tĩnh tâm. Họ đã đến, nhưng ngay những ngày đầu tiên họ gặp phải một sự chống đối rất nặng nề và cảm thấy trở ngại rất nhiều trong việc giảng huấn. Sau đó, vào giờ nói chuyện với các linh mục, họ nhận ra rằng giữa các linh mục và Giám mục có một sự căng thẳng rất trầm trọng. Họ trình bày với Đức Giám mục về chuyện đó, ngài hứa sẽ sẵn sàng xin lỗi các linh mục trong Thánh lễ ngày mai về những khuyết điểm sai lầm và bất công trong suốt thời gian qua. Ngài muốn sống đúng theo câu khuyên của Chúa: "Khi con dâng lễ, nếu chợt nhớ ra có ai bất bình với con, hãy để lễ vật đó trước bàn thờ rồi đi làm hoà với anh em con trước đã, rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật" (Mt 5,23-24).

Trong Thánh lễ, Đức Giám mục đã khiêm tốn xin lỗi cộng đoàn linh mục, nhưng điều đó vẫn không mang lại một kết quả nào. Ngài hiểu rằng cần phải tiến thêm một bước nữa. Ngài tìm đến từng phòng để nói chuyện riêng với mỗi linh mục. Cử chỉ này đã làm cho các linh mục rất đỗi xúc động. Các ngài bắt đầu cởi mở, trình với Đức Giám mục hết mọi khó khăn, mọi vấn đề của các ngài. Các ngài bộc lộ hết tâm hồn mình cho Giám mục và chấp nhận Giám mục như là người anh, như chính Chúa Giêsu, và tạo nên một sự cảm thông sâu xa giữa hai bên. Trong tuần phòng đó, tất cả đã trở nên một đại gia đình, và cuối tuần phòng, Đức Cha đã có một quyết định quan trọng: Ngài thay đổi cách thăm viếng. Từ nay, ngài sẽ ở lại chung sống hai ba ngày với từng linh mục trong mỗi giáo xứ để tạo một bầu khí huynh đệ giữa linh mục và Giám mục. Và từ đây các linh mục cũng rất ước mong đến ngày Đức Giám mục đến thăm xứ mình.


4. Làm Giáo Hoàng mà vẫn còn nghiêm túc kiểm điểm.

* Kiểm điểm mỗi tối, kiểm điểm mỗi tuần, kiểm điểm mỗi lần xưng tội, kiểm điểm mỗi lần tĩnh tâm. Xe tốt mấy cũng làm máy lại, sức khỏe mấy cũng khám tổng quát nếu muốn tránh sự sụp đổ bất ngờ, không cứu vớt được (ĐHV 887).

* Con đừng khinh dể những sự bất tín nhỏ mọn; không cần bão lụt khủng khiếp, những con sâu nhỏ trong một đêm, có thể làm tan nát bao nhiêu vốn liếng lao lực trong một cánh đồng xanh tươi thơm ngát (ĐHV 888).

* Chỉ có lính điên mới đưa lưng lãnh đạn, miễn đừng tử thương thì thôi. Đó là thái độ của con khi phạm tội nhẹ, chỉ cốt tránh tội trọng thôi (ĐHV 889).

* Con đau đớn vì thấy nhiều phản bội với Chúa: tốt, nhưng chưa đủ. Phải làm như Mađelêna "được tha nhiều vì đã yêu nhiều"; phải làm như Gioan: trốn bỏ Chúa trong vuờn Giêtsimani, nhưng trở lại đứng bên thánh giá, dốc quyết hằng yêu mến bằng hành động (ĐHV 890).

* Không tránh tội nhẹ, con mến Chúa ít quá, con không đủ động lực nội tâm để tiến trên đường hy vọng (ĐHV 891).

Trong cuốn "Tâm hồn nhật ký" Đức Gioan XXIII đã ghi lại tất cả cuộc sống thiêng liêng của ngài, trong đó phần quan trọng nhất là phần ghi lại những lần tĩnh tâm từ lúc còn ở chủng viện (1898) cho đến những năm trên ngôi Giáo Hoàng (1963). Đối với ngài, mỗi lần tĩnh tâm là mỗi lần kiểm điểm lại cuộc đời và có quyết định mới. Đặc biệt là lúc đã ngoài 80 tuổi, gần từ giã dương thế, mặc dù ở trên ngôi Giáo Hoàng bận rộn muôn nghìn công việc đại sự, ngài vẫn thường xuyên tự kiểm điểm. Ngài luôn quyết tâm sống xứng đáng là một tâm hồn cao cả, muốn sửa đổi mình liên lỉ để sống đẹp lòng Chúa cho đến giây phút cuối cùng.

Ngày thứ hai 14.8.1961, ngài ghi:


5. Ông quản lý xí nghiệp dễ thương.

* Không kiểm điểm "bệnh thiếu sót" là một thiếu sót lớn, đây là một ít hiện tượng: hững hờ làm việc Chúa, tính toán giảm thiểu các hy sinh, khéo léo tránh thoát trách nhiệm, hành động vì lý do trần tục, so đo lánh nặng tìm nhẹ... (ĐHV 892).

* Sự ăn năn hối cải của con không phải là "hát bội", khóc lóc não nùng xong rồi thì hết tuồng, hạ màn. Và đâu lại vào đó! (ĐHV 893).

* Dốc quyết ít điểm, dốc quyết thực tế, dốc quyết căn bản. Có những người tưởng mình thánh thiện vì có một sổ lớn đầy dẫy những dốc quyết mây mưa (ĐHV 896).

* Đừng phiền muộn, đừng ngã lòng. Lắm lúc hiện tượng ấy do bịnh "kiêu ngạo" phát sinh. Con cứ đinh ninh rằng con thuộc chín phẩm thiên thần không thể phạm tội sao? (ĐHV 899).

* Con dốc quyết làm tông đồ Chúa, nhưng con không phó thác vô điều kiện cho Chúa, làm sao con là khí cụ đắc lực trong tay Chúa, khi con còn tháo gỡ và cất giấu ít bộ phận (ĐHV 900).

Anh Romulo, quản lý một xí nghiệp ở Philippine có thuật lại câu chuyện của anh như sau: "Tôi làm việc tại một xưởng bia nọ ở Philippin. Trong xưởng có 1000 công nhân nhưng họ không hề liên lạc với nhau và sống tình huynh đệ chút nào cả. Tôi quản trị cái xí nghiệp này, nhưng cũng chẳng có mối dây thân hữu gì với họ. Tôi đối xử với họ như đối xử với nô lệ, vì thế tôi bị họ ghét cay, ghét đắng.

"Nhưng từ ngày tôi tập sống Lời Chúa, tập chia sẻ kinh nghiệm sống, biết kiểm điểm mọi sự dưới ánh sáng Tin Mừng, đời tôi biến đối rõ ràng. Tôi nhìn thấy Chúa trong những người công nhân, và do đấy muốn bắc một nhịp cầu thông cảm giữa họ với nhau và giữa họ với tôi, muốn yêu Chúa Giêsu nơi mỗi người trong họ. Nhưng thoạt đầu không phải là dễ! Vì ghét tôi, họ cho tôi là có ý đồ xấu: sợ đình công, gây cảm tình cá nhân, thu phục lòng nhân viên để dễ bề dò xét. Họ hoài nghi tôi không thành thật với họ; nhưng tôi đã kiên nhẫn, và sau hết đã thành công.

"Giờ đây, mỗi sáng tôi không còn cảm thấy chán ngấy khi bước chân vào xí nghiệp nữa, vì bầu khí đã thay đổi hẳn trong sự liên lạc giữa công nhân với nhau và với quản trị viên. Đặc biệt nhất là một sáng kia, có một công nhân đến chào thăm ông Giám đốc, một chuyện chưa bao giờ xảy ra trước đó! Ông Giám đốc hỏi: "Tại sao thế?" Anh công nhân trả lời: "Vì ông đã thấy Chúa Giêsu trong tôi và tôi đã thấy Chúa Giêsu trong ông."


6. "Phải sửa chữa bất công".

* Kiểm điểm rồi con phải làm thế nào? Con hãy khiêm tốn khóc lóc tội mình như Phêrô, con hãy ngồi bên chân Chúa, yêu mến bù lại như Mađalêna, con hãy dốc quyết canh tân như Giakêu, con hãy làm tông đồ hăng say như Phaolô. Tràn đầy hy vọng con tiến lên (ĐHV 904).

Dưới nanh vuốt độc tài Phátxít của Hitler, chính Giáo Hội Công giáo Đức là nạn nhân trước tiên và kế đến là những người Đức lương thiện khác. Dầu vậy, sau ngày Đảng Quốc xã bị triệt hạ, hàng giáo phẩm Đức đã khiêm tốn cùng nhau kiểm điểm lại quá khứ đau thương cũng như trách nhiệm nặng nề của nước họ trong thế chiến thứ hai vừa qua. Nhân ngày 1.9 là ngày kỷ niệm đại chiến bùng nổ, hàng Giáo phẩm Đức đã ra một tuyên bố như sau:


7. Đại Hội Giám mục Á châu.

* Thấy công cuộc lớn lao, lắm lúc con nghe cám dỗ muốn được sự khuyến khích, được phương tiện của quyền thế để làm việc Chúa kết quả chóng hơn, vinh danh Chúa hơn. Vinh danh Chúa hay sáng danh con?

- Nếu cần phương diện quyền thế, Chúa Giêsu đã dùng rồi.

- Hãy tìm nước trời rồi mọi sự sẽ được ban thêm cho con.

- Chỉ trích kẻ khác, cậy quyền thế để rồi con cũng nương tựa và nô lệ quyền thế sao? (ĐHV 901).

* Phải chăng con sợ người sáng suốt cười con là "điên dại"? Têrêsa Avila, Phanxicô Assiô, Cottolengô, Gioan Boscô... lúc còn sống nhiều người gọi là điên dại, nhưng ngày nay những tên điên dại ấy lại được tôn làm thánh. Hãy tin tưởng và mạnh tiến (ĐHV 902).

* Mọi người đều mang nhiều ước vọng: Sách báo, Trường học, Hội đoàn, Nhà máy. Với sức con, ước vọng lại hoàn ước vọng. Nhưng để ơn Chúa vào trước cái ước vọng ấy, con có những số kỷ lục. Ngàn sách báo, Vạn trường học, Triệu hội đoàn, Tỷ nhà máy. (ĐHV 905).

* Phương tiện của con cũng như các Tông Đồ:

Thánh Thể: "Thày ở với con mỗi ngày đến tận thế."

Thánh Linh: "Thày sẽ sai Đấng An Ủi đến cho các con."

Mẹ Maria: "Đây là Mẹ con."

Phúc Âm: "Hãy đi rao giảng Phúc Âm."

Chúa Giêsu đã trao cho con, con cho là ít sao? Thế gian có gì sánh được không? (ĐHV 906).

Dưới sự chủ tọa của Đức Phaolô VI, từ 23-29 tháng 11 năm 1970 tại Manila, 250 vị Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục khắp lục địa Á châu đã họp và thảo luận bảy đề tài liên quan đến Á châu, một lục địa mà dân số đông gần bằng hai phần ba nhân loại, một lục địa của những người trẻ: gần 60% dân số dưới 25 tuổi, một lục địa của nhiều nền văn hoá, tôn giáo, lịch sử và truyền thống cổ xưa khác nhau, một lục địa đang bừng tỉnh, đang viết nên lịch sự thời đại sắp đến cho nhân loại.

Sau khi nghe những bản tham luận do đại diện hàng giáo phẩm mỗi nước đọc, các Giám mục đã trao đổi, thảo luận và cuối cùng đã cùng nhau soạn thảo và bỏ phiếu từng số bản tuyên ngôn quyết nghị, trong đó, với những lời lẽ rất thắm thiết và chân thành, các Giám mục đã khiêm tốn kiểm điểm lại quá trình của sinh hoạt trong mỗi địa phương mình để tiến lên, dấn thân hoàn thành những bổn phận cụ thể của giai đoạn lịch sử sắp đến. Nhiều giáo sĩ, tu sĩ ngày ngày đã và đang đọc bản quyết nghị ấy để suy niệm và cầu nguyện như của chính bản thân mình. Chúng ta cũng hãy ghi lại một vài số trong bản quyết nghị ấy:

Số 16. "Trong quá khứ, tạ ơn Chúa, chúng tôi đã cố gắng sống trung thành với sự đòi hỏi phục vụ, ngay cả với giá máu tử đạo: nhiều người đi trước chúng tôi đã giúp cho các quốc gia chúng tôi tiến bộ, nhờ trường học và nhà thương, nhiều hình thức phục vụ cộng đồng và các công cuộc từ thiện. Phần đóng góp của họ để phát triển văn hoá và tinh thần không phải là không đáng kể.

Số 17. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải lấy làm tiếc mà nhìn nhận rằng chúng tôi cũng đã thiếu sót. Chúng tôi đã chỉ bảo về những quyền lợi hẹp hòi và "riêng tư". Chúng tôi đáng lẽ phải tỏ ra cảm thương và lo lắng hơn cho người nghèo và phải lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn cho công bình và cho công cuộc bảo vệ nhân quyền. Chúng tôi đã không thể hiện một đời sống Kitô hữu, và không làm cho Hội Thánh được nhập thể trong những đường lối và mẫu mực của mỗi nền văn hoá riêng của chúng tôi, và do đó đã làm cho Hội Thánh trở thành xa lạ trong quốc gia của chúng tôi. Chúng tôi đã không cố gắng tìm hiểu, giao hoà và cộng tác với những người anh em của chúng tôi thuộc các Giáo Hội Kitô giáo khác và thuộc những tín ngưỡng khác.

Số 18. "Trước mặt Chúa Kitô và những anh em chúng tôi, chúng tôi hết lòng thành khẩn dấn thân chịu trách nhiệm "về tất cả những gì liên quan đến nhân phẩm con người". Bởi quả thực là sai lạc nếu vì chúng ta dấn thân với Chúa Kitô mà chúng ta quay bỏ những nhiệm vụ và công việc trần thế. Trái lại, lòng tin, lòng trông cậy và tình mến Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta phục vụ anh em mình vì biết rằng như Chúa Kitô đã hy sinh mạng sống vì chúng ta, thì chúng ta cũng phải hy sinh mạng sống cho anh em chúng ta. (Tin thư cho nhân loại của các Nghị phụ Công đồng Vatican II, 20.10.1962).

Những bổn phận cụ thể.

Số 19. "Trước hết, chúng ta nhất quyết thực sự phải là "Giáo Hội của người nghèo". Nếu chúng ta nhất quyết và đứng về phía những đám đông của lục địa Á châu thì chúng ta phải chia sẻ phần nào sự nghèo khổ của họ trong lối sống cụ thể của chúng ta. Hội Thánh không thể dựng nên những hải đảo trù phú trong một Đại dương nghèo đói khốn khố. Chính đời sống tu của chúng ta phải làm chứng cho tinh thần thanh bần của Tin Mừng. Và mọi người, dù đơn hèn và nghèo khổ đến đâu, cũng sẽ không thấy khó khăn khi đến với chúng ta những người anh em của họ.

Số 20.  "Chúng tôi nhất quyết lấy can đảm mà lên tiếng bênh vực quyền lợi của những người bị thiệt thòi và có thể chống lại mọi hình thức bất công và bất cứ từ đâu đến. Chúng tôi sẽ không tự bó tay bằng cách thoả hiệp và cấu kết với những người giàu có thế lực trong những quốc gia chúng tôi. Số23:

Sau Đại Hội, các Giám mục đã bắt tay thực hiện ngay một số việc cụ thể: bầu một Ban Thường Vụ của Hội Đồng Giám mục Á châu, trong đó có mấy ủy ban chính sau đây nhằm nghiên cứu các vấn đề sôi bỏng nhất của khu vực này:

1- Ủy Ban Phát triển (Á châu là một thế giới của người nghèo).

2- Ủy Ban Phục vụ giới trẻ (Á châu là một thế giới đông người nhất).

3- Ủy Ban Nghiên cứu Tông đồ giáo dân (Thời đại của giáo dân).


_______________________

35. ĐỨC MẸ MARIA

1. Mối tình đầu của tôi.

* "Đây là Mẹ con!" Sau phép Thánh Thể, Chúa không thể trối gì hơn cho con. Mẹ đã đạp đầu con rắn. Mẹ sẽ giúp con chiến thắng ma quỷ, xác thịt, thế gian. Mẹ sẽ ban ơn cho con giữ vững lý tưởng cao cả Chúa đã đặt vào lòng con (ĐHV 913).

* Đứa con có bệnh tật, xấu xí, người mẹ vẫn thương yêu. Dù con nguội lạnh, tội lỗi, phản bội, con hãy phó mình trên tay Mẹ. "Chúa Giêsu trối: Đây là Mẹ con!" Nỡ nào Mẹ bỏ con (ĐHV 914).

* Lúc ngã sa, con hãy khiêm tốn, khóc lóc với Mẹ, vì con đã giết chết con Mẹ, Mẹ sẽ đón nhận con. Gioan Mẹ cũng nhận, người trộm lành, Mađalêna, Mẹ cũng nhận làm con Mẹ (ĐHV 915).

Từ thuở thơ ấu, thánh J.M. Vianney đã có lòng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Hồi mới 8 tuổi, đi chăn chiên ở ngoài đồng, cậu Gioan đã biết khuyến khích các bạn quỳ gối và lần hạt trước ảnh Đức Mẹ.

Gioan thường thi đua cuốc đất với anh cậu. Người anh thì lớn và khỏe hơn cậu nhiều, thế nhưng rốt cuộc lần nào anh ta cũng thua. Đó là vì Gioan áp dụng chiến lược thần sầu quỷ khóc sau đây: Cậu lấy một bức ảnh Đức Mẹ để ở đàng xa rồi cứ nhắm đấy mà cuốc, cuốc đến chân ảnh Đức Mẹ, cậu lại dời ảnh Đức Mẹ đi xa hơn... và cụ thể, cậu nhanh chóng đạt tới đích. Cậu nhìn Mẹ, làm việc với Mẹ, nên tươi vui phấn khởi tràn ngập linh hồn. Cậu vượt thắng anh, và sau này vượt thắng mọi sự với Mẹ.

Làm linh mục, Gioan Vianney lại càng tiến triển mạnh mẽ trong việc sùng kính Đức Mẹ; ngài miệt mài hun đúc lòng cậy trông vào Mẹ trong các tâm hồn giáo dân xa gần đến xưng tội với ngài. Các ngày lễ Đức Mẹ đối với ngài là những dịp hân hoan vui mừng nhất. Ngài thường khuyên giục con chiên dọn mình sốt sắng trước các ngày lễ ấy.

Đặc biệt cha xứ Ars rất có lòng sùng kính Đức Mẹ dưới tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội. Không ai sung sướng bằng ngài trong ngày Đức Piô IX long trọng công bố Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội (8.12.1854). Sau khi được phép Toà Giám mục ngài lên thành phố Lyon, vào tiệm mua một bộ áo lễ hạng nhất, màu xanh da trời (ngài cho là màu hợp với Đức Mẹ, nên phải xin phép riêng); trên nền mâu áo xanh ấy, người ta thêu những nụ hoa bằng kim tuyến óng ánh rất đẹp để thỏa lòng mến yêu của ngài dành cho Đức Mẹ trong ngày lễ trọng đại tôn kính Mẹ.

Cha Trochu thuật lại rằng: có lần, giáo dân tò mò tụ họp ngoài phòng ngài, trên căn gác của nhà xứ, tình cờ nghe có giọng nói của một phụ nữ nào đó nói chuyện với ngài trong phòng. Họ ngạc nhiên lắng tai theo dõi và nghe ngài nói với bà này những nhu cầu của các linh hồn, gởi gắm nhiều kẻ tội lỗi cứng lòng, than thở. chuyện vãn rất là thân mật... Họ to nhỏ cùng nhau: "Cha sở mình nói chuyện với bà nào vậy hả?

- Đời nào ngài cho phép phụ nữ lên phòng ngài trên gác? Nhưng đích thực là giọng phụ nữ mà! Lạ quá!

- Ừ! Lạ thực! Tôi cũng nghe rõ ràng giọng của người phụ nữ!

- Nội dung câu chuyện lại toàn là những việc đạo đức, cầu nguyện cho kẻ có tội...

- Mà đâu phải một lần với hai! Có người đã nghe như thế nhiều lần rồi. Thôi phen này mình thử đánh liều đứng đợi ở trước cửa phòng, chờ lúc cha mở cửa ra xem thử có ai không.

Khoảng nửa giờ sau, cánh cửa xịch mở. Cha Vianney bước ra, bất ngờ gặp ngay mấy ông trong giáo xứ đang đứng đợi.

- Chào các ông, có việc gì không? Chắc là xin sổ sách rửa tội, hôn phối chứ gì? Mời các ông vào...

Sẵn dịp tốt, các ông bước ngay vào, nhìn quanh nhìn quẩn một hồi cũng chẳng thấy bóng ai! Lạ thực! Mấy ông nhìn nhau lúng túng. Cha Vianney thấy vậy vội lên tiếng hỏi:

- Mấy ông cần cha giúp việc gì, cứ nói đi!

Một ông đánh bạo nói:

- Thưa cha, chúng con xin thú thực với cha, chúng con chẳng có việc gì cần cả, mà chúng con biết rằng nói dối với cha cũng chẳng xong. Thực ra, mấy lâu nay chúng con có nghe tiếng lạ nói chuyện với cha, mà hình như... người ấy là một phụ nữ! Chúng con biết cha rất thánh thiện trinh trong, không bao giờ cho đàn bà lên gác, thế mà chúng con lại nghe rõ ràng tiếng hai người nói chuyện. Lạ quá! chúng con quyết rình ngoài cửa lần này thì bị cha bắt gặp. Chúng con xin thú thực với cha.

Nghe xong, cha Vianney tỏ vẻ lúng túng, một đàng, ngài khiêm tốn chẳng muốn nói đến ơn trọng mình được, đàng khác, nếu không nói thì nhỡ ra mấy ông này xét đoán dông dài thì thật là bất tiện. Suy nghĩ giây lát, ngài dịu dàng bảo:

- Để các ông an tâm, cha xin nói thật với các ông: thỉnh thoảng cha được diễm phúc thấy Đức Mẹ hiện ra nói chuyện với cha. Cha van xin Mẹ cho các tội nhân ăn năn trở lại, nhất là những kẻ khô khan nguội lạnh, tâm hồn hoang vắng từ lâu... Các ông hãy yêu mến Đức Mẹ. Đức Mẹ là mối tình đầu của cha! Nhưng xin các ông giữ kín đừng tiết lộ cho ai biết việc này.

- Chúng con xin vâng lời cha. Chúng con sung sướng quá vì chúng con đã được nghe tiếng Đức Mẹ. Cha lại còn sung sướng hơn chúng con gấp vạn lần vì cha được gặp gỡ, hầu chuyện với Đức Mẹ. Thật hạnh phúc biết bao!

***

Trước toà án giáo phận, lúc thẩm vấn các chứng nhân để lập hồ sơ phong thánh cho cha xứ họ Ars, họ đã đặt tay trên Phúc Âm mà thề nói tất cả sự thật. Họ đã thuật lại câu chuyện trên đây. Ngoài ra họ còn trình bày những chứng tích khác thật đơn sơ, cảm động:

- Chính chúng con đã nghe ma quỷ đập đánh cha thánh và gầm thét: "Tao đã bảo mầy biết bao lần, tại sao mầy kính mến cái bà ấy ẳm đứa bé trên tay (Đức Mẹ bế Chúa Giêsu); vì bà ấy mà tao không hại được mầy! Tại sao mầy vâng lời thằng mặc áo tím (Đức Giám mục)?... Chúng con đã hỏi lại cha xứ chúng con và ngài cũng đã xác nhận có như thế.


2. Thánh nào cũng kính Đức Mẹ.

* Mẹ làm gương ẩn dật khiêm cung nhưng đồng thời Mẹ luôn luôn hiện diện phục vụ; Mẹ không ra mặt, không lên tiếng, nhưng Mẹ hằng ở gần bên Chúa Giêsu: sống trọn vẹn cho Chúa và Chúa trong con (ĐHV 926).

* Chúa Giêsu đang tiếp tục sống và hành động trong Hội Thánh vì thế Mẹ Maria hiện diện trong Hội Thánh và trong con, Mẹ Hội Thánh và Mẹ con (ĐHV 927).

Mỗi vị thánh đều có những nét đặc thù hoàn toàn khác biệt nhau, "mỗi thánh mỗi thể" mà! Nhưng nếu ta nhìn kỹ, ta sẽ thấy tất cả các ngài cùng có một điểm chung: "Vị thánh nào cũng yêu mến Đức Mẹ".

* Thánh Gioan Tông đồ thì kể từ giây phút Chúa trối dưới chân Thánh Giá, ngài đã đưa Đức Mẹ về nhà mình và sống thảo hiếu với Mẹ.

* Thánh Bênađô nổi tiếng về lòng sùng kính Mẹ Maria. Người ta nói chính ngài đã đặt ra kinh "Hãy nhớ" (Lạy Thánh Nữ đồng trinh Maria...) Những câu cuối cùng trong kinh "Lạy Nữ Vương" cũng do ngài thêm vào vì lòng quá mến yêu Đức Mẹ: "Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh!".

* Thánh Anphongsô đã nhiệt thành rao truyền lòng thành kính Đức Mẹ hằng cứu giúp và soạn một tác phẩm gồm 2 cuốn nhan đề là "Vinh quang của Đức Mẹ" để cổ võ mọi người yêu mến Đức Mẹ.

* Thánh Đa-minh lãnh nhận sứ mệnh phổ biến việc lần hạt Mân coi như là một phương thế hiệu nghiệm để cứu rỗi bản thân và thế giới.

Ngoài ra còn không biết bao nhiêu là vị thánh đã chép sách, đã cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ cách này hoặc cách khác; đã được Mẹ hiện ra; đã lập các dòng tu nam nữ với tước hiệu của Mẹ...

Các Đức Giáo Hoàng cũng luôn luôn nhắc nhở toàn thể Hội thánh phải yêu mến, cậy trông và bắt chước gương Mẹ. Như Đức Piô V, Đức Grêgôriô XIII, Đức Clêmentê XI, Đức Bênêdictô XIV, Đức Lêô XIII đều xác nhận: nhờ ơn Đức Mẹ mà Hội Thánh thoát khỏi nhiều cơn gian nan nguy hiểm không thể tưởng tượng được. Các ngài cũng thúc giục giáo dân lần hạt Mân côi, chạy đến cùng Mẹ trong hết mọi dịp.

Gần ta hơn Đức Piô IX đã công bố Tín điều ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM ngày 8.12.1854. Đức Lêo XIII lập tháng Mân côi (tháng 10) trong toàn thể Hội Thánh. Đức Piô XI dạy xây một hang đá Lộ Đức trong vườn Vatican và mỗi chiều ngài đều xuống dạo vườn đến trước hang kính viếng Đức Mẹ. Đức Piô XII thì do một sự quan phòng đặc biệt đã thụ phong Giám mục vào chính ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima (13.5.1917). Ngài đã tuyên bố Tín điều ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI ngày 1.11.1950. Chính chiều hôm ấy, ngài được xem thấy phép lạ mặt trời xoay vần ngay trên khung trời Vatican y hệt như ở Fatima. Ngài đã dâng loài người cho Trái Tim Mẹ và công bố Năm Thánh kính Đức Mẹ (1945).

Đức Gioan XXIII thì có ra một Thông điệp về việc sùng kính Đức Mẹ (29.9.1961). Ngài đã đi đến tận Loretto, nơi tục truyền có nhà của Đức Mẹ để cầu nguyện và phó dâng Công đồng Vatican II cho Đức Mẹ.

Đức Phaolô VI đã đích thân sang chủ toạ lễ kỷ niệm 50 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (1917-1967), gặp chị Lucia. Ngài cũng đã ban hành một Tông huấn nói về việc Sùng kính Đức Mẹ (Marialis cultus), đặc biệt nhấn mạnh về kinh Truyền tin, chuỗi Mân Côi và Kinh Cầu Đức Mẹ.

Trong Hiến chế Tín lý về Hội Thánh, Đức Phaolô VI và cùng các nghị phụ công bố Đức Mẹ là "Mẹ Hội Thánh vào ngày lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền thánh 21.11.1964. Ngài cũng đã chọn ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8.12.1965) để bế mạc Công đồng Vatican II.

Đức Gioan-Phaolô II là một "Tâm hồn Thánh mẫu". Nhìn lên huy hiệu của ngài, ta thấy trên nền xanh, chỉ có một Thánh giá và một chữ M (Maria) màu vàng núp ẩn dưới cánh thập tự, thực là đơn sơ và giàu ý nghĩa! Khẩu hiệu của ngài càng vắn tắt, thâm thúy và bộc lộ rõ ràng hơn nữa tâm hồn Thánh mẫu: "Totus Tuus", một khẩu hiệu rất khó mà diễn tả hết mọi ý nghĩa: "Tận hiến cho Mẹ, toàn thân thuộc về Mẹ, tất cả đều là của Mẹ..."


3. Tôi ước ao làm linh mục để giảng Mẹ Maria.

* Muốn nên thánh, con hãy bắt chước trẻ thơ; nó không hiểu lý thuyết gì, nhưng nó nhìn mẹ nó, nó làm theo mẹ nó, nó tin mẹ nó biết tất cả, làm đúng tất cả. Nhìn Mẹ Maria, làm như Mẹ Maria, con sẽ nên thánh (ĐHV 918).

Đầu tháng 7 năm 1897, bệnh phổi của chị thánh Têrêxa đã chuyển sang tình trạng trầm trọng, người ta phải đưa chị xuống nằm nhà liệt.

Mẹ Agnes rất xúc động khi đưa mắt nhìn lên căn phòng vắng lạnh của em Têrêxa, nghĩ rằng từ đây chị sẽ không còn trở lại phòng này nữa! Mẹ nói cùng chị:

- Mai ngày chị ra đi, mỗi khi ngang qua phòng này, vắng bóng chị, chúng tôi đau đớn biết là chừng nào!

- Ôi! Mẹ yêu quý! Con xin an ủi mẹ thế này: Mẹ hãy nghĩ con đang được sung sướng trên Nước Thiên đàng và hãy biết rằng một phần lớn hạnh phúc ấy con đã sắm chính tại đây.

Nhìn lên trời, Têrêxa nói tiếp:

- Bởi lẽ con đã phải đau khổ ở phòng này nhiều lắm. Con ước gì được chết tại phòng này!

Vào nhà liệt, Têrêxa nhìn cách âu yếm thiết tha lạ thường bức tượng Đức Mẹ trưng bày ở đó. Chị Maria đã chứng kiến lần Têrêxa ngất trí, khi ấy hỏi Têrêxa rằng:

- Em nhìn gì thế?

- Thưa chị, chưa khi nào em thấy Đức Mẹ đẹp quá thế này!... Nhưng lần này là tượng Mẹ, còn lần xưa, chị biết rồi, không phải là tượng đâu...

Một chiều kia, Têrêxa than thở:

- Ôi, tôi mến Mẹ Maria lắm! Giả như tôi là linh mục, tôi sẽ rao giảng về Đức Mẹ dịu đàng lắm! Người ta cứ bảo Đức Mẹ rất cao sang, không thể lui tới được. Phải chi cứ giảng rằng: Đức Mẹ bình dân rất dễ bắt chước! Ngài là Mẹ hơn là Nữ Vương! Đã có lần tôi nghe nói: Sự sáng láng của Mẹ che lấp các thánh như Mặt trời mọc lên lấn át các vì sao trên trời. Lạy Chúa! Sao lại kỳ dị như thế được? Người Mẹ lại nhẩn tâm lấn át sự vẻ vang của con cái mình ư? Tôi không thể nghĩ như vậy; tôi tin thật rằng Đức Mẹ sẽ ban thêm sự sáng láng cho những con cái được về Thiên đàng. Đức Mẹ đồng trinh. Cuộc đời Ngài đơn sơ, giản dị chừng nào! (ĐHV 911, 914).

Mà suốt cuộc đời ở trong Dòng, chị Têrêxa đã liên lỉ kết hiệp mật thiết với Mẹ Maria: các tập sinh thường ngạc nhiên vì thấy chị Giám tập Têrêxa thường đoán đúng ý mình. Chị Têrêxa tâm sự với họ:


4. Phải hiểu sứ điệp thế nào?

* Mấy lời vắn tắt diễn tả cuộc đời Mẹ con; với tâm tình thánh thiện, hãy ghi vào lòng mà suy niệm và bắt chước: "Này con là tôi tá": Ecce. "Con xin vâng": Fiat. "Linh hồn con ngợi khen Chúa": Magnificat (ĐHV 920).

* Chuỗi Mân Côi là giây ràng buộc con với Mẹ, là cuốn phim kỷ niệm con đường hy vọng của Mẹ: âu yếm như Bêlem, khắc khoải như Ai Cập, trầm lặng như Nazareth, lao động như xưởng mộc, sốt sắng như đền thờ, cảm động lúc Chúa giảng, đau khổ bên thánh giá, vui mừng lúc Phục Sinh, tông đồ bên thánh Gioan. Tóm tắt lại, Chúa sống trong Mẹ, Mẹ trong Chúa, hai cuộc đời chỉ là một. Đừng bỏ chuỗi Mân Côi Mẹ đã trao và nhắn nhủ con sống như Mẹ, với Mẹ, nhờ Mẹ, trong Mẹ (ĐHV 922).

* Mẹ có thể hiện ra nơi đô thị, giữa nhà chọc trời, trong các Vương Cung Thánh Đường, cho các nhân vật quan trọng, các nhà thần học. Nhưng Mẹ đã chọn nơi hoang vu, núi đồi, xa vắng, với những người không ai thèm đến, đến những chỗ không ai muốn đến. Mẹ muốn con cũng đến với Mẹ (ĐHV 930).

* Con hãy tìm giá trị của một đời sống thiêng liêng, một linh đạo sâu xa nơi Mẹ Maria. Mẹ hoạt động, nhưng tất cả mọi cử chỉ và tư tưởng, dù vụn vặt nhất, cũng vì Chúa Giêsu, Mẹ không thể có một giây phút nào ngoài Chúa Giêsu được. Đời Mẹ là một vực sâu vô tận của nội tâm; trong Mẹ, hoạt động và chiêm niệm không tách lìa: chiêm niệm giữa hoạt động, hoạt động do chiêm niệm (ĐHV 937).

Đức Mẹ đã hiện ra nhiều nơi trên thế giới: Trà kiệu, La vang, La Salette, Trols-Rivières (Canada), Lộ Đức, Fatima. Ở đâu Đức Mẹ cũng là Mẹ nhân lành được Chúa ủy phái đến để nhắc lại cho đoàn con tình yêu của Chúa và lời kêu gọi của Chúa trước những khúc quanh lịch sử. Mẹ đến với con người trong tư cách là Đấng "Đồng Công Cứu chuộc".

Các trẻ em được thấy tường tận Mẹ Maria như Bênêđêta, Phanxicô, Giacinta và Lucia đã thay đổi hẳn cả cuộc đời, trở nên thánh thiện, tốt lành. Còn chúng ta, chúng ta cũng nhận được sứ điệp của Mẹ, tại sao chúng ta vẫn bê bối và nguội lạnh. Đó là tại chúng ta hiểu sứ điệp của Mẹ một cách nông cạn, chủ quan:

1- Cải thiện đời sống: Là câu dành cho những người tội lỗi khốn nạn, chứ còn tôi, nếu tôi vẫn giữ đạo thì câu này đâu có đáng cho tôi quan tâm!

2- Tôn sùng Mẫu Tâm:Đối với nhiều người là trung thành làm tuần cửu nhật kính Đức Mẹ Hằng Cứu giúp, là chịu khó đi nhà thờ ngày thứ bảy, nhất là ngày thứ Bảy đầu tháng.

3- Siêng năng lần hạt Mân côi: Đối với nhiều giáo dân là chịu khó lần chuỗi, được càng nhiều chuỗi càng tốt cứ nhắm mắt đọc cho hết 50 kinh Kính Mừng. Giữ đúng như thế là đã làm trọn sứ mệnh của Đức Mẹ!

Nếu hiểu như vậy mà thoả mãn là hoàn toàn sai lạc, là một cách đón nhận sứ mệnh Mẫu Tâm hoàn toàn bề ngoài, dễ bị xuyên tạc hết sức.

Kỳ thực, sứ điệp của Mẹ, với những tiếng rất đơn sơ mà ý nghĩa rất sâu xa ấy là cả một đường lối tu đức, một chương trình cứu rỗi. Thiết tưởng chúng ta nên suy niệm và thực hiện sứ điệp của Mẹ Maria như sau:

* Cải thiện đời sống: Là làm cuộc cách mạng triệt để đối với bản thân, là một sự lột xác, là hy sinh những gì dù là nhỏ mọn đến đâu mà chẳng đẹp lòng Mẹ.

Cải thiện liên lỉ để nên giống Mẹ. Cải thiện để hiệp nhất với Chúa Giêsu Con Mẹ. Cải thiện để nên giống gương mẫu trọn lành là Chúa Giêsu.

* Tôn sùng Mẫu Tâm: Không phải chỉ kính mến Trái Tim Đức Mẹ, làm việc sùng kính Mẹ ngày thứ Bảy đầu tháng, như thế quá dễ!

Tôn sùng Mẫu Tâm đích thực là yêu Mẹ, là quyết tâm tập các nhân đức của Mẹ, là kết hiệp với Mẹ liên lỉ, là tránh tất cả những gì làm phiền lòng Mẹ, là yêu mến Chúa Giêsu và thánh Giuse như lòng yêu mến của Mẹ là hăng say làm việc tông đồ để đưa mọi người đến với Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria.

* Siêng năng lần hạt Mân Côi: Không phải chỉ là lần hạt cho nhiều, nhưng chính là kết hiệp với Mẹ Maria để suy niệm và sống các mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể, để cùng Tử nạn và cùng Phục Sinh với Chúa Giêsu.

Như thế, cuộc đời chúng ta nên một chuỗi Mân Côi sống, diễn tả lại các tâm tình của Chúa Giêsu trong cuộc sống hằng ngày.

Hiểu đúng đắn như thế thì sứ điệp Mẫu Tâm mới đạt tới mục đích mà Mẹ mong muốn: Đó là một sự tận hiến cuộc đời để dấn thân thực hiện chương trình sống đạo thâm sâu mà Mẹ đã vạch cho người Công giáo giữa lòng xã hội hôm nay.


5. Lòng sùng kính Mẹ của Đức Gioan XXIII.

* Bất cứ chỗ nào con cũng noi gương Mẹ Maria, cho thế gian Chúa Giêsu. Điều kiện không phải là nơi chỗ, vì lần đầu tiên, trong chuồng bò, Mẹ đã cho các mục tử Chúa Giêsu. Điều kiện là con phải sống bác ái, hiệp nhất vì lúc ấy mới có Chúa Giêsu ở giữa con. Đời con phải là một lễ Giáng Sinh liên lỉ, mang Chúa Giêsu đến cho mọi người (ĐHV 940).

* Con là tâm hồn trẻ muốn sống rất trung thực, con hãy bắt chước Đức Mẹ; trong Đức Mẹ không còn cái "tôi" nữa, tì vết của con người cũ không có. Đức Mẹ vô nhiễm và đầy tràn Chúa đến nỗi không thể nói đến Mẹ Maria mà không nghĩ đến Chúa Giêsu (ĐHV 941).

Từ tuổi thanh niên, Đức Gioan đã có một lòng sùng kính Đức Mẹ tha thiết.

Lúc còn là Đại chủng sinh, ngày 24.3.1903, thầy Roncalli đã viết: "Ngày mai lễ trọng Truyền Tin, các chuông trên khắp thế giới sẽ vui vẻ lặp lại lời Truyền tin Ave Maria đầu tiên. Các Thiên thần lặp lại với giọng dịu dàng, loài người đọc lại lời chào Ave Maria với giọng xúc cảm!

Qua những dòng vắn tắt nhưng thực là súc tích ở trên đây, ta thấy thầy Roncalli là một tâm hồn toàn hiến cho Mẹ. Trong suốt cả cuộc đời, từ ngày làm Giám mục, sau các bữa tối, ngài đều lần hạt chung ở nhà nguyện với mọi người trong nhà. Người cho biết đó là thói quen lành thánh mà ngài đã học được với Đức Cha Radini- Todeschi và Đức Hồng Y Ferrari ở Milanô.

Trên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã nhiều lần khuyên bảo giáo dân kính mến Đức Mẹ Maria, ngài đã chọn 11.10.1962 là ngày Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa để khai mạc Công đồng Vatican II.

Trước đó, vào ngày 29.9.1961, ngài đã công bố Thông điệp Mân Côi. Năm ấy, dù đã đến bát tuần, lại bận rộn chuẩn bị Công đồng Vatican II, nhưng do lòng sùng kính Mẹ thúc đẩy, ngài đã công bố Thông điệp về Mẹ với tâm hồn của một con thơ đối với Mẹ hiền. Sau khi công bố Thông điệp, ngài đã cho phép đăng tải bản văn đó chính tay ngài viết về mười lăm mầu nhiệm chuỗi Mân côi.

Vì nhiều người không có sách "Tâm hồn nhật ký" để có dịp đọc hết cả mười lăm mầu nhiệm, nên ở đây cha xin ghi lại Năm sự Vui để ít là các con có dịp hiểu phần nào tâm hồn Thánh mẫu của Đức Gioan XXIII.

Nếu con là tâm hồn tận hiến trong Tu viện hoặc ở nhà mà có sách, tại sao thỉnh thoảng con không đem mười lăm mầu nhiệm do chính tay Đức Gioan XXIII kính mến viết ra để suy ngắm lúc lần hạt? Cha đã làm và thấy rất hữu ích.

Năm sự vui.

1. Truyền Tin:

Một biến cố quan trọng nhất của mọi thời đại. Điểm sáng chói nhất của sự hợp tác giữa đất trời.

Ngôi Lời tạo dựng mọi sự hoá thân làm người cứu rỗi nhân loại.

Maria Vô Nhiễm, hoa thơm đẹp nhất, đẹp nhất thụ tạo, đáp lời thiên sứ: "Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng" và lập tức cưu mang để làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ chúng ta.

Cao cả dịu đàng thay mầu nhiệm Truyền tin!

Phận sự chính yếu và liên tỉ của chúng ta là tạ ơn Chúa đã nhận làm người để cứu rỗi và làm Anh của các anh em đồng tử của Mẹ Maria. Khi nguyện mười kinh, ngoài sự tỏ lòng tri ân, sẽ xin ơn khiêm nhường, trong trắng thực sự, và lòng mến Chúa cao cả mà Maria là gương mẫu dịu dàng.

2. Thăm viếng.

Cuộc thăm viếng tốt đẹp. Cả hai cùng chờ ngày sinh con. Hai lời chúc tụng rất hoà điệu: "Em có phúc hơn mọi người nữ" vì "Chúa đã nhìn đến phận hèn tớ nữ, nên mọi thế hệ sẽ khen em có phúc" (Lc 1,42).

Từ đồi Ain-Karim, đã chiếu giọi một ánh sáng vừa cao siêu vừa nhân phàm, gương mẫu của gia đình sống mầu nhiệm Mân Côi. Ngày nay cũng có nhiều gia đình như thế; từ những gia đình này phát xuất nhiều ơn gọi làm linh mục, làm thừa sai, làm tông đồ trong mọi lãnh vực: sĩ, nông, công, thương.

Khi đọc mười kinh Kính Mừng, chúng ta xin được hoà hợp yêu thương, không những trong gia đình ruột thịt mà cả những anh em họ hàng, đồng bào và đồng loại.

3. Sinh Chúa ở Bêlem:

Thiên Chúa xuất hiện từ cung lòng vô nhiễm, nằm trong máng cỏ. Quanh Ngài là yên tĩnh, nghèo khổ, đơn sơ và trong trắng. Sau tiếng thiên thần chúc tụng, đến tiếng chúc tụng của mục đồng nghèo. Tiếp sau đó là sự viếng thăm của các nhân vật với những lễ vật quý giá. Đêm Bêlem đó là đêm quốc tế.

Mọi dân tộc đã đến quỳ quanh máng cỏ, Chúa Hài Đồng nhìn từng người thuộc các dân nước: Do Thái, Roma, Hy Lạp, Trung quốc, Châu Phi, các dân nước thuộc dĩ vãng, hiện tại và tương lai.

Qua mười kinh Kính Mừng, ta dâng toàn thể con trẻ được sinh ra trong vòng 24 tiếng trong ngày sinh chúng, dù được rửa tội hay không, vẫn thuộc về Nước Công lý Hoà bình của Chúa.

4. Dâng vào Đền thánh:

Thánh Giuse có mặt trong khi Chúa Giêsu trên tay Mẹ xuất hiện giữa hai Giao ước, như là ánh sáng mạc khải của nhân loại.

Khi đọc mười kinh Kính Mừng, ta mừng cho Hội Thánh đang nẩy nở, với những chủng sinh và tập sinh nơi chủng viện, tu viện, trường thừa sai, đặc biệt là lớp tông đồ giáo dân đang lên. Hội Thánh vẫn lớn lên giữa bách hại, trong viễn tượng đầy khích lệ khiến ta thốt lên lời hân hoan.

5. Gặp lại Chúa trong Đền thánh:

Dù theo dõi, dù chăm sóc, hai ông Bà vẫn lạc mất Chúa Giêsu, vất vã ba hôm mới tìm lại được, và gặp Ngài ngồi giữa các tiến sĩ, thưa hỏi khôn ngoan.

Chúa khôn ngoan vẫn ở giữa Hội Thánh. Hội Thánh hằng lắng nghe tiếng nói của thời đại, đáp lại cho cả một giáo thuyết khôn ngoan, và khiêm nhường hướng về tương lai tìm hiểu cách khoa học.

Qua mười kinh Kính Mừng, ta đặc biệt cầu cho những ai được gọi phục vụ sự thật, bác ái, sưu tầm, giảng dạy, truyền bá chân lý bằng phương tiện truyền thông, phương pháp thính thị. Cầu cho các nhà bác học, giáo sư, nhà báo, đặc biệt những thợ Phúc Âm biết noi gương Chúa, trình bày sự thật cách chân thành, không mưu mô giả dối".

Nếu không nói trước thì ai ngờ được những tư tưởng sâu sắc, mới mẻ này là của một cụ già 80 tuổi!

Con thử suy niệm xem có hay không.


6. Đức Bà phù hộ các giáo hữu.

* Muốn biết Mẹ con tốt đẹp chừng nào, con hãy nhớ Mẹ Chúa Ngôi Hai, cao cả, toàn năng: Phúc cho con chừng nào vì Ngài cũng là Mẹ của con. Nếu không phải Chúa Giêsu nói, con không thể hiểu được (ĐHV 917).

* Đọc kinh cầu Đức Mẹ là sách đơn sơ Hội Thánh dạy con hiểu và nhớ các tước hiệu, quyền năng, nhân đức, lòng yêu thương của Mẹ con; càng nhìn Mẹ, con càng sung sướng, hy vọng cho số phận con đang chiến đấu vất vả và con kêu Mẹ như trẻ thơ: "Cầu cho chúng con! Cầu cho chúng con!" (ĐHV 919).

* Con trào trào nước mắt đến với Mẹ, an ủi kẻ âu lo, con đau khổ ê chề, đến với Mẹ phù hộ các giáo hữu, con tội lỗi ngã sa, đến với Mẹ bầu chữa kẻ có tội và chính con, hãy trở thành một Maria khác, để đón tiếp mọi người đến trú ẩn và con cũng sẽ là nguồn sống, là an vui, là hy vọng của anh em (ĐHV 935).

Thánh Gioan Boscô có lòng kính mến Đức Mẹ dưới danh hiệu "Đức Bà phù hộ các giáo hữu". Bất cứ việc gì của riêng ngài, của nhà dòng ngài sáng lập, của Toà Thánh hoặc của kẻ khác đến xin ngài cầu nguyện, giúp đỡ, ngài luôn luôn trả lời bằng câu: "Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Đức Bà phù hộ các giáo hữu".

Sống trong thời đại bè Tam điểm hoành hành dữ dội tại Ý, cha Boscô là một trở ngại, là kẻ thù đệ nhất của chúng. Công việc của ngài làm, sách báo do ngài viết, ảnh hưởng của ngài trên giới trẻ... tất cả đều làm cho hỏa ngục và tay sai của nó căm thù ngài cách đặc biệt.

Để thoả lòng sùng kính Đức Bà phù hộ các giáo hữu và để giải quyết nhu cầu của giáo dân, ngài đã khởi công xây một ngôi thánh đường dâng kính Đức Mẹ ở Torinô. Công việc đang tiến hành cách tốt đẹp, mọi người đều phấn khởi nô nức chờ đợi ngày khánh thành... thì bổng một đêm kia, trời quang gió lặng, người ta nghe một tiếng ầm như sét nổ: ngôi thánh đường sắp khánh thành trong phút chốc đã trở thành đống gạch vụn! Sáng hôm sau, mọi người đều tiu ngỉu, buồn phiền, cha Boscô cũng không khỏi âu sầu khi biết mình đang trong cảnh túng thiếu, lấy tiền đâu mà xây dựng lại? Ngài suy nghĩ trong chốc lát rồi nói: "Ma quỷ muốn phá công cuộc của tay Mẹ, chúng ta đừng nản lòng, cứ tiếp tục! Hãy tin tưởng nguyện cầu của Mẹ..." Và thật thế, một thời gian sau, công việc được tiến hành lại một cách đều đặn, và ngôi thánh đường đã hoàn thành.

***

Nhiều công việc bận rộn khiến cha Boscô phải đi sớm về khuya. Mọi người đều tỏ ý lo ngại, sợ ngài bị kẻ thù ám hại. Mỗi lần như thế, ngài đều vui vẻ trả lời: "Có Đức Mẹ! Có Đức Mẹ! " Và điều con cái ngài nơm nớp lo sợ thực sự đã xảy đến: Mấy lần ngài bị chúng thuê bọn du đảng chận đánh, nhưng lần nào ngài cũng thoát nạn. Tại sao?

Đây là một trường hợp điển hình: Tối ấy cha Boscô đi qua một khu phố hoang vắng, bổng chốc từ trong một gốc đường, mấy bóng đen nhảy ra, lấy một cái bao tải chụp lên ngài:

- Phen này mày đã chết chưa? Bọn tao đã cảnh giác mà mày không nghe!

Chúng nó mới đấm đá được vài cú thì một con chó xam xám thực lớn không biết từ đâu nhảy tới, vồ lên cắn xé bọn chúng rất dữ tợn: đứa thì bị thương trên đầu, đứa chảy máu ướt cả cánh tay, đứa thì rách hết quần áo... Khiếp sợ quá, chúng bèn thả ngài ra và lớn tiếng kêu cứu: "Cha Boscô ơi, cứu chúng tôi với! Nó cắn chết chúng tôi bây giờ!" Cha Boscô vùng vẩy thoát ra khỏi bao tải và gọi đại con chó "xam xám" Con chó bổng trở nên hiền lành, ngoắc đuôi chạy lại đứng cạnh ngài. Mấy chú du đảng một phen hú hồn, đâm đầu chạy trối chết. Con chó xám đưa cha Boscô về tận nhà rồi biến mất. Từ đó về sau, mỗi khi đêm đến, ngài có chuyện phải đi đâu xa nhà, thì con xám lại xuất hiện đi kèm một bên, hễ ai động đến ngài nó liền vồ lên cắn xé khủng khiếp. Và khi ngài đã về đến nhà yên lành thì không thấy bóng dáng nó nữa. Phần cha Boscô, tử ngày con xám xuất hiện, vẫn thản nhiên điềm tĩnh. Ai bàn đến chuyện con xám, ngài chỉ trả lời: "Hãy trông cậy Đức Bà phù hộ các giáo hữu".

***

Một cậu thanh niên học trò của cha Boscô bị ốm nặng. Cậu van nài gia đình tìm cho kỳ được cha Boscô để cậu xưng tội với ngài. Nhưng rủi thay, hôm ấy cha Boscô lại đi vắng. Khi được tin khẩn, ngài trở về thì cậu đã qua đời. Gia đình cậu ta vô cùng đau đớn, khóc lóc thảm thiết trước mặt cha Boscô. Ngài bình tĩnh sốt sắng quỳ bên thi hài cậu thiếu niên và tha thiết cầu xin cùng Đức Bà phù hộ các giáo hữu.

Lạ lùng thay! Một lúc sau bỗng nhiên, cậu thiếu niên bắt đầu động đậy. Cậu mở mắt nhìn quanh, rồi ngồi bật dậy. Cậu vui mừng ôm lấy cha Boscô và sốt sắng xưng tội với ngài. Cha con tâm sự một hồi lâu trong bầu khí thân mật, âu yếm. Ngài cho cậu rước Mình Thánh Chúa rất sốt sắng. Sau đó, cha Boscô để cậu nói chuyện vui vẻ với gia đình. Trong câu chuyện, cậu thuật lại một cách vui tươi: "Bố mẹ à, đáng nhẻ ra con phải mất linh hồn vì con đã chết đi khi trong lòng còn mắc tội trọng. Con đã trông thấy hoả ngục: thật vô cùng khủng khiếp! Vừa trông thấy ma quỷ và các linh hồn khốn nạn bị giam cầm trong đó, con hãi hùng quá đỗi! Nhưng may có lời cầu nguyện và công nghiệp cha Boscô của con, Đức Bà phù hộ các giáo hữu đã xin Chúa cho con được khỏi án phạt đời đời và sống lại đợi đến lúc cha Boscô trở về để xưng tội chịu lễ".

Cha Boscô đợi cậu nói chuyện một hồi lâu rồi nhẹ nhàng hỏi:

- Con đã được dọn mình sẵn sàng, con đã được gặp mặt gia đình vui vẻ, bây giờ tùy ý con, con muốn sống hay muốn lên Thiên đàng?

- Thưa cha, nếu sống, nhỡ con sa ngã mất lòng Chúa thì mất tất cả. Giờ đây con rất hạnh phúc, con ước ao được về Thiên đàng để ở bên Chúa và Mẹ Maria.

Cậu ôm hôn giả biệt cha Boscô, cha mẹ và gia đình rồi nằm xuống nhắm mắt an nghỉ. Cha Boscô cùng toàn thể gia đình quỳ gối cảm tạ ơn Đức Bà phù hộ các giáo hữu.


7. Mariapolis và Opus Mariae.

* Lòng con rộng bao la, nhưng túi con có giới hạn, chỉ có một món quà con còn có thể cho luôn, một quà tặng thỏa lòng con, một quà tặng quý không ai có thể mua nổi, một quà tặng tốt không gì sánh bằng: hãy cho họ Chúa Giêsu như Mẹ Maria (ĐHV 934).

Chị Chiara Lubich là người sáng lập ra phong trào Focolare vào năm 1943. Lý tưởng chị đề ra là: "Hiệp nhất mọi thành phần của nhiệm thể". Với một lòng mến yêu Đức Mẹ tha thiết, và dần dần men theo sự phát triển của phong trào, chị đã đặt thêm cho nó một cái tên xinh đẹp: "Công trình của Mẹ" (Opus Mariae) và các cuộc đại hội hằng năm của phong trào được gọi là "Đô thành của Mẹ Maria" (Mariapolis), vì đó không phải là những cuộc đại hội để đọc tham luận hoặc để bàn cải, nhưng là một nơi mà mọi người đều tràn ngập tình thương mến lẫn nhau như ở trong căn nhà của Mẹ Maria vậy.

Biết bao lần người ta nghe chị Chiara Lubich nói lên nhiều điều tốt đẹp về Mẹ. Ở đây cha xin ghi lại cho các con một vài mảnh vụn, tư tưởng xinh tươi về Mẹ Maria đã được chị Chiara Lubich viết ra đó đây:

* Không phải để hát Magnificat.

"Đức Trinh nữ Maria đi đến nhà bà Isave không phải để hát kinh Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen Chúa) mà là để giúp đỡ bà chị họ. Ta cũng thế, ta đừng đi đến với người khác để phô bày kho tàng trong quả tim ta, nhưng để cùng vác gánh nặng những khổ đau của họ và chia sẻ niềm vui cũng như trách nhiệm của họ.

"Như thế là hành động tốt đẹp. Vả lại cũng sẽ đến giờ ta mở rộng lòng ta cho người anh em để chia sẻ cho họ sự giàu có đích thực của ta và cùng nhau yêu mến Đấng đã thúc giục ta nhìn nhận và đối xử với nhau như là anh em ruột thịt".

* Cuộc cách mạng lớn lao nhất trong lịch sử loài người, lối phản chứng trung thực nhất, Mẹ Maria đã làm với Chúa Giêsu, trong chính mình, không đập đổ, không tiêu diệt, không đến để phá lề luật, nhưng để hoàn thành lề luật, nhưng đã hy sinh để giây phút lịch sử được thực hiện: Tân Ước đã được thiết lập, thay thế Cựu Ước (ĐHV 938).

* Con thích phiêu lưu, hãy bước theo đời Mẹ là "một cuộc hành trình phiêu lưu trong đức tin", chỉ biết phó thác mọi sự trong tay Chúa, và tiến đi, dù máng cỏ, dù Ai Cập, dù Nazareth, dù Golgotha, cứ tin và đi. Phiêu lưu vô cùng bảo đảm (ĐHV 939).

* Với Mẹ Maria.

"Khi các môn đệ tụ họp quanh Mẹ Maria, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên họ cách mãnh liệt và họ bắt đầu nói lên lời hằng sống với sức mạnh phi thường, rung chuyển ngàn vạn tâm hồn khiến họ quyết tâm theo Chúa Giêsu, Hội Thánh khởi đầu như thế...

"Với Mẹ Maria là sự hiện diện của tình yêu, một tình yêu mới mẻ. Nếu người Kitô hữu biết yêu nhau như có Mẹ Maria giữa chúng ta, thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ hiểu rõ hơn Lời Chúa do các Đấng kế nghiệp các Tông đồ rao giảng. Lời Chúa sẽ thấm sâu vào lòng ta và làm nổ tung quanh ta cuộc cách mạng Kitô hữu. Phải nói thẳng ra rằng nhiều người mang danh nghĩa là Kitô hữu để ngủ, để chơi, để mất giờ theo văn thư chuyện không quan trọng, đang lúc ấy cuộc cách mạng của hận thù đang xâu xé thế giới..."

* Nỗi đau khổ càng gia tăng khi cảm thấy mình bất lực; dưới chân thánh giá, Mẹ nhìn con thân yêu, Mẹ bất lực hoàn toàn; càng yêu thương, lòng Mẹ càng tan nát. Nhưng Mẹ đứng vững, để Mẹ ấp ủ con những khi con cảm thấy bất lực trước đau khổ (ĐHV 944).

* Dưới chân thánh giá, con thấy Mẹ Maria đạt đến mức độ anh hùng của mọi nhân đức: hiền lành, khiêm nhượng, thinh lặng, nhẫn nại, tin tưởng, cậy trông, yêu mến (ĐHV 945).

* Cuộc Tử nạn của Mẹ Maria.

"Chúng ta ít suy ngắm về sự thương khó của Mẹ Maria quá! Chúng ta ít suy niệm lưỡi đòng đã đâm thâu trái tim Mẹ, ít nhớ đến cái cảm tưởng kinh khủng như bị bỏ rơi của Mẹ trên Núi Sọ, khi Chúa Giêsu trao Mẹ lại cho một người khác...

"Có lẽ bởi vì Mẹ Maria đã khéo léo ẩn che nổi đau thương của mình, đã giấu cơn hấp hối khốn khổ của mình trong dịu hiền ánh sáng, trong thinh lặng. Đối với ta, Mẹ là Đấng Vô nhiễm, là Mẹ đẹp xinh, là Mẹ Chúa Giêsu, đúng thế! Nhưng ta ít nhớ Mẹ là Mẹ chịu đóng đinh, mặc dù không có sự đau đớn nào bằng sự đau đớn của Mẹ.

"Nếu ngày nào đó, lúc sự đau đớn của ta đến cực độ, lúc cả con người của ta vùng vẫy cuồng loạn, vì chính kết quả của sự đau khố của ta hình như bi rút khỏi tay ta, cắt lìa khỏi lòng ta, giây phút ấy, ta hãy nhớ đến Mẹ.

"Vì nhờ sự khổ nạn ấy mà chúng ta nên giống Mẹ phần nào, vì nhờ đó mà hình ảnh Mẹ Maria in rõ hết vào tâm hồn ta. Mẹ là Mẹ toàn xinh, là Mẹ của mọi người vì do ý Chúa, Mẹ đã phải chia lìa khỏi mọi người và nhất là chia lìa khỏi Con yêu dấu Mẹ (nhờ hy sinh chịu phân ly như vậy mà Mẹ lại càng gần gũi ta hơn, làm Mẹ yêu thương ta hơn).

* Đức Mẹ hoàn toàn sống cho Chúa Giêsu, sứ mạng của Mẹ là đồng công cứu chuộc với Chúa Giêsu. Tất cả vinh danh của Đức Mẹ là do nơi Chúa Giêsu. Đức Mẹ không là ai cả, nếu con không phải là Chúa Giêsu, nếu cả đời Đức Mẹ không phải là cho Chúa Giêsu. Đời con không là gì cả nếu tách lìa Chúa Giêsu (ĐHV 936).

* Sống lại cuộc đời Mẹ Maria.

".. Làm sao sống lại cuộc đời của Mẹ Maria? Hãy trao tặng cho thế gian Chúa Giêsu đang hiện diện trong ta, đang hiện diện trong cộng đoàn của ta nhờ đức ái. Sống lại cuộc đời của Mẹ là phục vụ Hội Thánh, phục vụ đúng mức những kẻ giờ đây, giữa chúng ta, đang đại diện Chúa Kitô và thánh Phêrô, nghĩa là Đức Thánh Cha và các Giám mục..."

* Sự hy sinh toàn hiến của Mẹ càng cao quý khi Mẹ phó thác cho Chúa trọn vẹn; đi ngược lại với ước nguyện của các thiếu nữ thời ấy. Mẹ đã quyết sống đồng trinh. Chúa đã ban cho Mẹ cả hai: vừa đồng trinh vừa làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại (ĐHV 933).

* Đây là Mẹ con.

"Chúng ta hãy xưng đạo làm con đối với Mẹ, không phải chỉ để ca ngợi và noi gương Mẹ, nhưng để giúp Mẹ, chia sẻ những cuộc chiến đấu, những công việc của Mẹ, tuân theo ước muốn của Mẹ. Làm con Mẹ là chịu đau khổ và chiến đấu trong các cuộc chiến mà Mẹ chỉ huy ở trần gian qua các thế kỷ. Thánh Kinh đã giới thiệu với thế giới: Mẹ là Đấng đã đạp nát đầu con rắn.

"Ta phải sống xứng tình hiếu thảo đối với Mẹ, chu toàn vượt mức trách nhiệm của ta, đến mức độ mà ta coi tất cả thao thức của Mẹ đối với nhiều đứa con hoang đàng của Mẹ như chính là nổi âu lo của chúng ta, đến mức độ mà ta nên như những cánh tay nối dài của Mẹ để làm lành giữa trần gian, đến mức độ mà người ta cũng có thể nói về chúng ta: "và từ lúc ấy môn đệ đem Bà về nhà mình".


8. Lòng sùng kính Mẹ chân chính.

* Đức Mẹ thiếu tất cả những gì trần gian cho là hạnh phúc. Đọc kinh "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa", con thấy Mẹ như một vực sâu "thấp hèn", "tôi tá", "người hèn mọn", "người đói khát". Nhưng Chúa đã nhìn đến vực thẳm ấy và với lòng thương xót, đã làm cho Mẹ "đầy ơn phước", nghĩa là đầy ơn Chúa (ĐHV 931).

* Không Thiên Chúa, con hoàn toàn trống rỗng, cô đơn, khốn nạn. Mức độ sung mãn hạnh phúc của con người con tùy mức độ con liên lạc với Thiên Chúa. Mẹ Maria hoàn toàn hướng về Thiên Chúa; Ngài thấy Mẹ là thụ tạo toàn hảo như ý Ngài. Mọi sự tốt đẹp của Thiên Chúa biểu lộ cách trong sáng nhất trong Mẹ (ĐHV 942).

* Mẹ Maria là hiện thân của sự nghèo khó; Mẹ sống nghèo cách tự nhiên vui vẻ; Mẹ yêu mến cuộc sống nghèo, vì lòng Mẹ giàu, kho tàng Mẹ lớn; Mẹ nghèo nhất, Mẹ đẹp nhất, vì Mẹ đẹp với vẻ đẹp của Chúa Giêsu. Có gì nghèo bằng thiên nhiên, mà lại đẹp như thiên nhiên: từ ái như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, óng ánh như hạt sương, dễ thương như chim sẻ, thơm tho như cành huệ nơi thanh vắng (ĐHV 943).

Nói đến lòng sùng kính Mẹ Maria, chúng ta không thể không nhắc đến thánh Louis de Montfort (1675-1716). Ngài đã rao giảng lòng sùng kính Mẹ suốt đời, Giáo thuyết của ngài về Maria đã được cô động lại trong một cuốn sách mang tựa đề thật đẹp "Sách vàng" (Livre d'or) trong đó gồm các tác phẩm:

- Bí quyết nên thánh.

- Sùng kính chân chính.

- Phụ lục: chuẩn bị tận hiến và bảy đề tài học tập.

Tuy cuốn sách đã chào đời năm 1712, nhưng ngày nay đối với chúng ta vần là một đường lối sùng kính Mẹ Maria căn bản và thiết thực. Ở đây chỉ nhắc lại một vài điểm thiết yếu của tinh thần thánh Montfort:

Bảy hạng người và bảy lối đạo đức giả trong việc tôn sùng Đức Mẹ.

* Năm cách tôn sùng đích thực

***

Tận hiến cho Mẹ.

Theo thánh Montfort, lòng thành thực sùng kính Mẹ phải đi đến tột đỉnh là tận hiến cho Mẹ.

Ngài viết: "Tôi đã nói: Điểm chính của đời tận hiến là làm mọi việc với Mẹ, trong Mẹ, nhờ Mẹ và vì Mẹ. Vào hội tận hiến, mỗi ngày đọc đôi kinh, việc đó không có chi là khó cả; đi sâu vào tinh thần tận hiến mới thực là khó: Ta phải thực tâm tùy thuộc, làm nô lệ của Mẹ và nhờ Mẹ làm nô lệ của Chúa Giêsu. Tôi đã gặp nhiều người nhiệt thành tận hiến nhưng chỉ bề ngoài: người có tinh thần tận hiến thật ít có, người bền đỗ sống đời tận hiến lại càng hiếm hơn". Ngài giải thích:

Tâm hồn tận hiến, theo thánh Montfort, phải phục vụ Chúa như người nô lệ của tình thương. Ngài giải thích đơn sơ rõ ràng: "Tôi xin nói ra là chúng ta phải lệ thuộc và phục vụ Chúa Giêsu không như người làm thuê có tiền, nhưng như nô lệ của tình thương, mà vì hết lòng quý mến Chúa nên hiến mình làm nô lệ để phục vụ Chúa, coi việc được lệ thuộc Chúa là một vinh dự rất cao cả...


9. Tinh thần tận hiến của đạo binh Đức Mẹ.

* Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán (ĐHV 947).

Như chúng ta đã thấy trên đây, ông F. Duff đã nhờ giáo lý Thánh Mẫu của thánh Louis Montfort mà lập ra Đạo Binh Đức Mẹ. Và cũng nhờ nghiền ngẫm các tác phẩm của thánh nhân mà kể từ năm 1921, ông đã hướng dẫn nhiều người tận hiến cho Mẹ cách hoàn hảo.

Theo ông, đường lối chủ yếu là trực tiếp tận hiến cho Chúa Thánh Thần theo gương mẫu Mẹ Maria, nhờ Mẹ Maria để cộng tác vào việc đổi mới xã hội.

Một thiếu nữ thuộc Đạo binh Đức Mẹ, bị giam trong ngục tù của Trung Quốc tại Côn-minh tới cách mạng văn hóa, đã ghi lại trong mảnh giấy nhỏ tâm tình tận hiến của chị. Mảnh giấy ấy đã được trao cho gia đình chị trước ngày chị vĩnh biệt cõi đời.

Ngày con vừa hiểu Mẹ khiết tâm.

Mẹ ôi! Con mến Mẹ vô ngần.

Nhớ một chiều hôm bên Thánh giá,

Yêu Con, âm thầm Mẹ hiến dâng.

***

Con dâng muôn sự giữa thế trần:

Xác hồn của cải với người thân,

Ngày đêm say sưa con cầu khẩn:

Con là của Mẹ vạn muôn lần.

10. Đức Maria, người Mẹ làm cho chúng ta hy vọng.

* Phản ứng đầu tiên của trẻ thơ là gọi: "Mẹ ơi!" khi lo sợ, khi lúng túng, khi đau buồn. Tiếng Mẹ là tất cả cho trẻ. Con hãy năng gọi: "Mẹ, Mẹ ơi! Con yêu mến Mẹ, Mẹ là tất cả của con" (ĐHV 921).

* Không quà gì quý bằng quà mà lòng Mẹ Maria tặng cho chúng ta: Chúa Giêsu, món quà quý nhất. Chính lòng Đức Mẹ cũng quý nhất vì "Giêsu con lòng Bà" (ĐHV 923)..

* Con thơ bắt chước mẹ tất cả, dù khó khăn nguy hiểm, không phải vì có ý theo gương mẹ, vì mẹ là thần tượng, là tất cả, nhưng vì yêu mẹ, tin mẹ. Xem mẹ uống thuốc, con uống theo, mẹ đi ở tù, con vào theo. Mẹ Maria là tấm gương sáng vừa tầm con, con hãy mô phỏng gương Mẹ. Chúa Ba Ngôi không thể làm một tâm hồn thánh thiện hơn được (ĐHV 925).

Không một ai hiểu rõ lòng sùng kính Mẹ Maria của dân tộc Balan mà lại không biết đến bức ảnh danh tiếng của Mẹ ở Jasna Góra, trong giáo phận Czestochowa.

Mùa hè năm 1957, Đức Piô XII đã làm phép bức tượng ấy. Nó vừa được người ta họa lại và không ngừng đi thăm viếng các giáo phận trong nước Balan. Bức tượng đến đâu, ơn lành Mẹ tuôn vải đến đó cho hết mọi người giáo hữu tới kính viếng.

Còn Đức Gioan Phaolô II, người con ưu tú nhất của dân tộc Balan thì có một lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Chính khẩu hiệu của ngài: "Totus tuus" (Hoàn toàn thuộc về Mẹ) nói lên điều ấy một cách hùng hồn hơn cả.

Trong bức thông điệp đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng của ngài (Redemptor hominis) công bố 4.3.1979, ngài đã dành số cuối cùng (22) để nói về Mẹ dưới một tựa đề thật xinh đẹp: "Đức Maria, người Mẹ làm cho chúng ta hy vọng", tuy vắn tắt nhưng rất súc tích và là một cách trình bày khoa Thánh Mẫu học của ngài. Cha không thể ghi vào đây tất cả, nhưng ít là một đôi phần để ai không có bức thông điệp ấy trong tay cũng có thể suy niệm được giáo lý Thánh Mẫu của Đức Gioan Phaolô II:

Nếu những dòng chữ trên đây là của một nhà Thần học, một nhà Thánh mẫu học đang lên tiếng giảng dạy, thì những lời lẽ đơn sơ chân thành sau đây lại là tâm tình của một đứa con hiếu thảo đang trình bày với Mẹ tất cả những chặng của lòng mình sùng kính Mẹ thiết tha:

Tạm biệt Mẹ Jasna Góra (6.6.1979).

Lạy Mẹ Jasna Góra,

Lạy Mẹ, xin Mẹ khấng nhậm lời con!

Lạy Mẹ, xin Mẹ đừng bỏ chúng con!

Lạy Mẹ, xin Mẹ hướng dẫn chúng con!".


_______________________

36. NIỀM HY VỌNG

1. Đèn trời muối đất.

* Người Công Giáo là ánh sáng giữa đen tối, là muối sống giữa thối nát, và là hy vọng giữa một nhân loại thất vọng (ĐHV 950).

* Yêu Chúa là yêu trần gian. Mẹ say Chúa là mẹ say trần gian. Hy vọng ở Chúa là hy vọng trần gian được cứu rỗi (ĐHV 954).

* Nếu suy gẫm những trang này, mà con không làm cho Phúc Âm tràn ngập cả đời con, nếu con còn cầu nguyện: "Nước Cha dừng lại", thì con không phải là hy vọng của trần gian (ĐHV 957).

Trong thời đại chúng ta đang sống, mỗi khi nói về ơn gọi linh mục, người ta nghĩ ngay đến con số thống kê thật đáng lo âu, số ơn gọi khắp nơi sút giảm, số linh mục ra đi; và những danh từ được dùng thường là: bi quan! khủng hoảng! tương lai mờ mịt!

Thế nhưng, cũng chính trong thời đại hôm nay sinh nhiều cách sống ơn gọi rất đáng cảm phục và khiến cho ta luôn hy vọng. Chẳng hạn như ở nước Cộng hoà Liên Bang Đức, có một nhóm 70 linh mục cùng nhau nhất quyết đặt tất cả của cải vào một quỷ chung. Một trong những linh mục ấy lâm phải cảnh hoạn nạn, ốm đau kéo dài suốt nhiều tháng, trong lúc phải giải quyết nhiều vấn đề trong hoàn cảnh một giáo xứ mới: Nào là xây dựng, nào là sắm sửa... Một thời gian sau, ngài gặp cha Tổng đại diện để trình bày sổ sách tài chánh. Cha Tổng đại diện hỏi:

- Đau ốm lâu ngày lại thêm phải xây dựng sắm sửa đồ đạc trong giáo xứ, chắc là phải tốn kém nhiều... Cha còn nợ nhiều lắm phải không?

- Thưa con chỉ trình sổ sách cho cha Tổng đại diện rõ tình hình tài chánh trong giáo xứ của con thôi! Thực ra có nhiều anh em linh mục cùng để của cải chung đã giúp con trang trải những phí tổn trên và không còn nợ nần gì nữa!

- Cha nói chuyện gì lạ thế? Có nhiều linh mục sống chung, cùng để của cải dùng chung với nhau à? Lạ lùng quá!

Cha Tổng đại diện đi đi lại lại với vẻ suy tư, vừa cảm phục, vừa tự kiểm điểm...

Nhưng không phải chỉ có nhóm 70 linh mục để của dùng chung với nhau trên đây thôi đâu, còn có rất nhiều nhóm khác ở Cộng hoà Liên Bang Đức làm như vậy. Họ còn có một cử chỉ huynh đệ bác ái khác nữa khiến cho ta phải khâm phục là đã cùng nhau suy nghĩ và quyết tâm: "Chúng ta được đầy đủ, nhưng còn bao nhiêu linh mục khác ở nước thứ Ba, anh em của ta, đang thiếu thốn về mọi phương diện. Mỗi năm ta để chung một số tiền, giao cho Toà Thánh giúp cho các anh em linh mục nghèo, ít là để họ có tiền mua sách báo hoặc thuốc men tối thiểu!"

Góp gió thành bão: Thánh Bộ Phúc Âm hoá đã nhờ có số tiền đó mà tặng cho mỗi linh mục trong thế giới thứ Ba hằng năm 25 mỹ kim để mua sách báo, thuốc men. Số tiền thật chẳng lớn lao gì, nhưng tấm lòng vĩ đại, tình huynh đệ thắm thiết quả là một nguồn an ủi lớn lao cho nhiều linh mục trong các nước nghèo khổ. Tóm lại, nếu có những nơi tăm tối mù mịt, thì cũng có những nơi khác khẳng khái nêu cao khẩu hiệu "Đèn trời muối đất".


2. Tôi đã lỗi đức tin, lỗi đức cậy trông.

* Thánh Phaolô hằng khuyên nhủ giáo dân đừng sống như những người không có hy vọng (ĐHV 951).

* Con phải loan Tin Mừng trên thế giới, không phải chỉ tiêu cực giữ giới răn, nhưng loan báo một sứ điệp lạ lùng: Chúa thương yêu ta, Chúa yêu thương trần gian và cứu trần gian (ĐHV 955).

* Con hãy làm cho người công giáo tin tưởng ở ơn thiên triệu Kitô hữu, ơn thiên triệu gia đình, ơn thiên triệu vợ chồng, ơn thiên triệu nghề nghiệp. Họ sẽ hết chán nản, họ sẽ tràn đầy hy vọng vì họ ý thức rằng, Đấng đã gọi sẽ đưa họ đi đến cùng đích (ĐHV 969).

Một linh mục người Pháp nọ vừa chịu chức, sau những ngày "mở tay" thân mật với gia đình, đã đi giải trí ở vùng quê với một toán hướng đạo.

Cha con cùng mang balô đạp xe đến một xứ đạo có tiếng là khô khan nguội lạnh nhất nước Pháp. Vừa dựng trại ở bìa rừng, cạnh con suối mát xong, cha con liền vào gặp cha xứ.

- Thưa cha, xin phép cho chúng con dâng lễ ở nhà thờ.

- Tốt lắm, cha cứ tự nhiên như ở nhà.

- Thưa cha, trong Nhà Tạm có đủ Mình Thánh Chúa cho các em chịu lễ không?

- Không... cha ơi! Từ mười năm qua con về đây không một ai chịu lễ cả, nên con không để Mình Thánh Chúa... Xin cha lấy một ít bánh lớn bẻ nhỏ ra cho các em chịu lễ cũng được.

Cha mới lên nhà thờ, các em hướng đạo đến vây quanh bàn thánh, cùng thưa kinh sốt sắng, cùng hát lên hăng hái, vui tươi. Đến lúc hiệp lễ, tất cả các em đều lên rước lễ.

Suốt buổi lễ, cha xứ quỳ gối ở cuối nhà thờ lặng lẽ theo dõi tất cả, tâm hồn hết sức xúc động: đã mười năm qua, xứ ngài chưa bao giờ có một Thánh lễ như thế!

Lúc cha mới vừa cởi áo lễ ở phòng thánh xong, ngài rất đổi ngạc nhiên thấy cha xứ quỳ gối dưới chân mình từ hồi nào.

- Xin cha giải tội cho con, vì mười năm qua, con đã lỗi đức tin, lỗi đức trông cậy. Hôm nay thấy thanh thiếu niên sốt sắng thế này, nhờ ơn Chúa, con đã lấy lại được niềm hy vọng đã vổ cánh từ bao năm qua. Với cố gắng tông đồ, con tin rằng xứ con từ nay sẽ chổi dậy...


3. Những phương tiện nhỏ bé để làm việc tông đồ.

* Trên thánh giá, Chúa nghèo lắm! Con chỉ xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh một điều: yêu thương, đau khổ và luôn luôn hy vọng (ĐHV 956).

* Con hãy hy vọng luôn luôn, đừng chán nản vì những sự khó khăn nội bộ, ngay trong việc tông đồ. Như thánh Phaolô: "Kẻ thì rao giảng Đức Kitô vì lòng mến, bởi biết rằng tôi đã được chỉ định lo bênh đỡ Tin Mừng. Kẻ lại giảng truyền Đức Kitô vì ganh tị, ý định không tinh tuyền, tưởng làm vậy sẽ gây thêm khổ cực cho cảnh lao tù của tôi. Cần chi! Dù sao đi nữa, bởi lấy lệ hay vì tình thật, miễn là Đức Kitô được rao truyền thì tôi vui mừng và tôi cứ vui mừng luôn!" (Ph. 1:16) (ĐHV 976).

Nhiều người nghĩ rằng muốn làm tông đồ cần phải có ơn Chúa đặc biệt.

Không! Ơn Chúa ban luôn luôn sẵn có, miễn là ta biết nhìn thấy và xử dụng. Đó chỉ là những ơn thông thường, những đặc tính của mỗi người, những tình tiết của mỗi hoàn cảnh...

Nói như vậy thì ai cũng có tài năng cả, hoàn cảnh nào cũng thuận lợi cả; nhưng tài năng ấy, ân phúc ấy, thuận lợi ấy không phải chỉ để cho một mình ta được cứu rỗi mà là để phục vụ ích lợi của tất cả mọi người.

Trong viện dành cho người mù ở đảo Sardaigne (Ý) có một cô gái tên là Pina, mù cả hai mắt từ hồi còn nhỏ. Rủi ro thay! Cha tuyên úy của nhà mù vừa bị bệnh tê liệt không thể dâng lễ được nữa. Vì lý do đó, người ta định đưa Chúa Giêsu ra khỏi nhà. Nghe tin ấy, cô Pina kêu nài tận đến Đức Giám mục, xin ngài để Chúa Giêsu ở lại, vì đó là ánh sáng duy nhất của những kẻ mù loà như cô. Cô được phép, và cùng một trật cũng được đặc ân trao Mình Thánh Chúa cho cha tuyên úy và các bạn của cô.

Nhưng không những thế, cô luôn luôn cầu nguyện và ước ao phục vụ hơn nữa theo sức cô.

Cô được dùng mấy giờ trên đài phát thanh nọ của tư nhân, và với phương tiện ấy, cô đã chuyển đến cho các bạn cô món quà tuyệt hảo nhất mà cô nhận được nơi Chúa để nâng đỡ những người đau khổ bằng chính kinh nghiệm của cô: Những bài suy niệm, những lời khuyên nhủ, những khuyến khích, và biết bao là câu chuyện bổ ích khác...

Làm sao cô Pina học được, làm được những điều ấy khi mà cô cũng như cả nhà đều phải mù loà: Ai đọc sách cho cô nghe: Ai giảng dạy cho cô hiểu? Đó là nhờ cô, ngoài những điều nghe người ta nói, còn nghe đài phát thanh quốc gia, đặc biệt là đài phát thanh Vatican; cô nghe những bài suy niệm Phúc Âm, những tin tức nóng bỏng trên thế giới, những lời nhắn nhủ tha thiết của Đức Thánh Cha, theo dõi những biến cố trong Hội Thánh... Cô mù loà, nhưng ánh sáng Phúc Âm vẫn chiếu giọi đến tâm hồn cô, cho cô chất liệu để suy niệm và sau đó chuyển lại cho những người bạn cùng đau khổ như cô.

Trong một thời gian rất lâu, chẳng ngờ rằng cô Pina là người tàn phế! Khi biết được, ai cũng xúc động. Cuộc đời của cô đã làm cho nhiều người, nhất là những tâm hồn tận hiến phải suy nghĩ:

* Có bao giờ tôi nghĩ đến việc dùng vài giờ trong tuần lễ hoặc ít là mười lăm phút mỗi ngày để giúp người khác chưa?

* Tôi có biết săn sóc nhà cửa, nấu nướng, may vá và làm những việc lặt vặt trong nhà không?....


4. Sống và rao giảng Tin Mừng.

* Trong vài chục năm, nhân loại đã tiến bộ kỹ thuật và khoa học hơn nhiều thế kỷ. Nhân loại đầy đủ sức mạnh khủng khiếp, có thể tự sát với vũ khí hạch tâm được. Nhân loại đầy đủ phương tiện khổng lồ, hầu như no nê không thiếu gì nữa. Nhân loại cảm thấy làm được mọi sự, nhưng không biết tại sao mình sống, mình đi về đâu, tương lai thế nào? Nhân loại đang trải qua một cơn khủng hoảng hy vọng (ĐHV 958).

* Thiên Chúa không lui bước trước tiến bộ của con người. Ngược lại càng đầy sức mạnh, con người càng cảm thấy cần hy vọng để tiến, cần tình yêu để sống. Nếu không có như thế, sống để làm gì? Có đáng sống không? Không lẽ hư vô và thù ghét là gia nghiệp của con người tiến bộ? (ĐHV 959).

* Con người nghĩ rằng khoa học càng tiến bộ, Thiên Chúa càng thoái lui. Trong lòng nhiều người "Chúa chết rồi", giờ đây lương tâm họ được giải thoát, nhưng cái tự do ấy làm cho họ hoang mang, hoảng hốt. Họ thiếu hy vọng (ĐHV 960).

* Thời đại nào cũng có những người tự xưng là tiên tri, nhưng đường lối của họ không đem lại hy vọng cho nhân loại. Chỉ Chúa Giêsu tự xưng là "Đường", chỉ Ngài đem lại hy vọng với kích thước của thế giới:

 - "Hãy rao giảng Tin Mừng cho một người"

 - "Hãy làm chứng nhân cho Ta. đến tận cùng thế giới" (ĐHV 961).

* Chúng ta cầu xin Chúa, nhưng Chúa trông vào chúng ta. Ngài đã lập một cơ quan để ban sự cứu rỗi: Hội Thánh. Hội Thánh chịu trách nhiệm về công việc Chúa, và niềm hy vọng lớn lao nhất của toàn thể anh em (ĐHV 965).

* Không thể quan niệm được một Kitô hữu không mê say đem hy vọng ngập tràn thế giới (ĐHV 972).

* "Các bạn Thế Hệ Mới" (GEN)! Phải là "thanh niên của hy vọng", vì với hy vọng, các bạn sẽ luôn luôn hạnh phúc và các bạn sẽ làm cho mọi người hạnh phúc. (Chiara Lubich). (ĐHV 973).

Người giáo dân nên thánh nhờ sống bác ái, mà nền tảng cuộc sống bác ái là sống Lời Chúa, sống Tin Mừng.

Trong thời đại ngày nay, nhất là sau Công đồng Vatican II, Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho người giáo dân tự động sáng kiến quy tụ thành từng nhóm nhỏ, chẳng hạn:

- Những cộng đoàn cầu nguyện,

- Nhóm sống Lời Chúa,

- Nhóm Bác ái hiệp nhất,

- Nhóm cầu nguyện Chúa Thánh Thần,

- Nhóm suy niệm Lời Chúa...

Mỗi nhóm đều mang một sắc thái riêng biệt, linh động, tùy hoàn cảnh, tâm lý của từng địa phương, từng dân tộc... Nhưng căn bản vẫn là sống Lời Chúa và rao giảng Lời Chúa. Lời Chúa sống động trong lòng mỗi người. Họ thầm hiểu rằng nó luôn thích hợp với mọi hoàn cảnh và mọi hạng người, mọi dân nước... Họ cố gắng chia sẻ những đau đớn khắc khoải của người khác hầu tìm phương thế để giải quyết. Họ coi như mình có trách nhiệm trước những vấn đề thuộc phạm vi xã hội, như báo chí, phim ảnh, chiến tranh, kỳ thị chủng tộc... Họ luôn luôn đi sát cánh với những vấn đề sôi bổng đó. Họ lưu tâm đặc biệt đến tình trạng kinh tế trong mỗi quốc gia. Họ thực thi nhiều công tác bác ái từ thiện cho các nước thuộc thế giới thứ ba.

***

* Giáo dân là người mến yêu sứ mạng trần thế của mình, là người thực hiện đời đời trong đời tạm.

 - Là người tin rằng Chúa giao cho mình trần gian và anh em, để đưa họ đến cứu rỗi vĩnh cửu.

 - Là người xác tín rằng Chúa ban sự cứu rỗi, nhưng Chúa đòi việc hợp tác của con người. Biết hy vọng, bảo đảm hy vọng, mang lại hy vọng (ĐHV 963).

* Người hy vọng là người cầu nguyện. Đối tượng của lời cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng. Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa. Ngài tìm họ để hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài (ĐHV 964).

Trên những nẻo đường cha đi, cha đã bất chợt khám phá ra lắm người lữ hành đang cặm cụi với công việc bổn phận. Các con đừng tưởng cha gặp họ trong những trung tâm huấn luyện, nơi mà có thể nhờ một bầu khí đạo đức nào đó, họ có những tâm tình tốt đẹp. Không! Nhưng là ở giữa cuộc sống thường ngày:

Trong một văn phòng đơn sơ của tổ chức "Giúp Hội Thánh đau thương" do ông cha "Thịt mỡ" phụ trách, cha gặp được nhiều người, cùng làm việc với họ, và tự nhiên cảm nghiệm được nơi họ có "một cái gì" đáng yêu hơn khi bước vào những văn phòng khác. Khi ra về, cha xem đồng hồ và nói: "Tôi phải đi gấp vì tôi có hẹn chiều nay dự buổi họp với Focolare ở ngoại thành Roma" - "Thế à! chúng tôi cũng sẽ có mặt ở đấy!" - "Thì ra các ông cũng tham gia cái "Bếp lửa" ấy? Chúng ta sẽ gặp nhau". Họ cười cách sung sướng và ôm choàng lấy cha. Cha đã khám phá ra bí quyết thái độ làm việc của họ.

Hôm sau, tình cờ cha gặp ông Ladénius, Giám đốc của văn phòng ấy, đang đi bộ lúc trời sầm tối ở Piazza di Diana:

- Chào ông, ông đi đâu đấy?

- Tôi đi cầu nguyện, tôi phụ trách một cộng đoàn cầu nguyện và sống Lời Chúa.

Lại thêm một khám phá mới khiến cha phải suy nghĩ và cảm phục. Thực là một tông đồ giáo dân căn bản và đắc lực

***

* Con người hy vọng để sống, để tiếp tục sống. Con người sẽ quay về với ai có thể mang lại cho họ niềm hy vọng lớn lao nhất: Niềm hy vọng ấy, Chúa Giêsu đã quả quyết: "Ta đến cho thế gian sống và sung mãn." Niềm hy vọng ấy, Chúa ban qua tay Mẹ Maria: "Nguồn hy vọng của chúng con" (ĐHV 962).

* Làm một cuộc cách mạng: Đừng đem đời người công giáo xa lìa môi trường, để quây quần quanh các việc thiêng liêng. Đẩy người công giáo mang niềm hy vọng của mình xâm nhập môi trường (ĐHV 970).

Trong một chuyến viếng thăm thành phố Aachen ở Đức để làm việc với tổ chức Misereor, cha được cô Kurts hướng dẫn trong những việc di chuyển cũng như trong công việc tiếp xúc, trao đổi. Cách làm việc tận tâm, bác ái nhẫn nại suốt ngày của cô Kurts khiến cha phải cảm mến hết sức. Mấy hôm sau, trên chuyến xe lửa cùng đi với cô về Bruxelles thủ đô nước Bỉ để dự một buổi họp, cha mới khám phá ra cô thuộc về một tu hội đời! Thảo nào phong cách đạo đức và bầu nhiệt huyết tông đồ cũng như sự hy sinh phục vụ của cô cao độ đến thế!

Tin Mừng được thể hiện trong cuộc đời của những giáo dân ấy. Họ không ngờ chính họ đã rao giảng Tin Mừng, đã dạy cho cha biết làm thế nào để sống Lời Chúa và gây cho lòng cha thèm khát có những giáo dân Việt Nam cũng sống một đời sống như vậy. Thực là những cuộc gặp gỡ, những khám phá vô cùng quý giá và lý thú!


5. Người hy vọng sống kết hiệp với Chúa Giêsu.

* Con không trông đợi một cuộc sống khác. Con "tin hằng sống vậy", niềm hy vọng ấy đã đâm chồi nơi con, và sẽ tiếp tục tưới nó bất tận (ĐHV 967).

* Con hoàn toàn sống trong hiện tại, nhưng con cũng hoàn toàn sống trong đời đời. Con chăm lo cứu rỗi anh em. Nhưng con không quên rằng với Chúa và vì Chúa. Con hết sức tiến tới. Nhưng với tất cả ánh sáng từ trời cao. Con dấn thân giữa trần thế, Nhưng với tình yêu thần linh. Tất cả điều ấy có ý nghĩa gì. Nếu con không mang niềm hy vọng lớn lao nhất trong quả tim con?  (ĐHV 968).

Chúa Giêsu đã dạy: "Thầy là cây nho chúng con là ngành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy thì sẽ trổ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, chúng con không làm gì được" (Jn 15,5).

Chúa Giêsu không đòi trực tiếp trở thành hoa trái, song Người xem đó như là kết quả của đời sống hiệp nhất với Người.

Thật thế, để mang lại nhiều thành quả lâu dài, thành quả có ấn dấu Thiên Chúa, người hy vọng cần phải sống hiệp nhất với Chúa Kitô và càng sống hiệp nhất với Người, ta càng mang lại nhiều thành quả.

Lời Chúa Giêsu "ở trong Thầy" không nhấn mạnh vào những lúc người ta đạt kết quả, nhưng nhằm nói lên một trạng thái cố định sung mãn.

Sự thực, nếu ta quen biết một người sống kết hiệp mật thiết với Chúa như vậy, ta sẽ thấy rằng với một nụ cười bình thường, một lời nói hay một cử chỉ, một cách cư xử quen thuộc hằng ngày, họ vẫn có thể làm chấn động được bao con tim, nhiều khi còn giúp cho những kẻ ấy tìm lại được Chúa.

Dĩ nhiên, để sinh được nhiều hoa trái, lắm lúc phải trải qua mưa gió, giông tố, bao nhiêu trở ngại nguy hiểm khó khăn trên đường.

Tại Bồ Đào Nha, cô Maria bắt đầu bước chân vào đại học. Môi trường ở đây có thực nhiều khó khăn. Đa số bạn bè của cô đều đấu tranh theo ý thức hệ riêng của họ, và ai cũng muốn kéo theo mình những sinh viên chưa có đường lối rõ rệt.

Maria biết rõ đâu là con đường của mình đang đi, và biết nó không dễ dàng, an thái theo Chúa Giêsu và sống hiệp nhất với Người. Cô bị bạn bè coi là người không có bản lãnh, không có lý tưởng, vì họ chẳng biết gì về những ý tưởng của cô. Nhiều lần cô cảm thấy hổ thẹn trước mặt người khác, nhất là những khi đi đến nhà thờ. Thế nhưng cô vẫn quyết chí tiếp tục đi nhà thờ vì thấy rằng mình phải sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Lễ Noel đến, Maria thấy có nhiều bạn không thể về gia đình vì nhà họ quá xa, cô liền đề nghị với những bạn bè khác cùng nhau tặng quà cho những người bạn ấy. Maria rất đổi ngạc nhiên thấy mọi người đều chấp nhận đề nghị của mình ngay lập tức.

Ít lâu sau, trong lớp lại có cuộc bầu phiếu và kết quả thực bất ngờ và lạ lùng: Chính Maria được chọn làm đại diện cho lớp. Không những thế, Maria còn ngạc nhiên hơn nữa khi nghe người ta nói: "Chị được nhiều phiếu thật đúng lý, vì chỉ có chị mới có một đường lối rõ rệt, biết mình muốn gì và phải thực hiện như thế nào!" Dần dần có mấy bạn sinh viên tìm hiểu lý tưởng của Maria và cũng muốn sống như cô.

Đây là hoa trái tốt đẹp mà Maria đã trổ sinh nhờ sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu.


6. Hôm nay con mới thực sự làm lễ mở tay.

* "Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã thể theo lòng hải hà mà tái sinh chúng ta cho hy vọng hằng sống, nhờ sự Phục Sinh từ cõi chết của Đức Giêsu Kitô." (1P 1:3) (ĐHV 949).

* Kitô hữu là "những người đợi chờ, những người hy vọng Chúa quang lâm." (Thánh Phaolô) (ĐHV 952).

Một linh mục thừa sai ở Phi Châu đã vâng lời Đức Giám mục đến một trung tâm tu nghiệp các linh mục. Với bản tính cởi mở, khi gặp cha Giám đốc, ngài nói ngay:

-Thưa cha, con không thích đến đây tí nào, nhưng vâng lời Đức Giám mục, con mới tới đây để xem mình có nên cưới vợ hay không? Cha có muốn con ở lại không?

- Xin mời cha ở lại, ta sẽ có dịp cùng nhau tâm sự.

Sau nhiều tuần lễ trao đổi, cha Giám đốc biết ngài bị khủng hoảng trong chức linh mục từ tám năm nay, ngay trước khi tình nguyện đi thừa sai. Do đó, dù ngài viện đủ lý do để từ bỏ đời linh mục, nhưng sau khi tham khảo ý kiến của nhiều vị cố vấn, cha Giám đốc vẫn quả quyết với ngài:

- Xin cha cứ tiếp tục đời sống linh mục. Ngài ở lại, nhưng mãi hai tháng sau ngài mới chịu đồng tế với các anh em linh mục lần đầu tiên.

Trong bữa cơm tối ấy, với niềm hân hoan an bình ngài nói cách xúc động:

- Hôm nay con mới thực sự cử hành Thánh lễ "mở tay" của con.

Hai tháng trước ngài sống thất vọng nhưng giờ đây tâm hồn ngài đã tràn ngập niềm hy vọng.


7. Một vị thánh âm thầm.

* Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng (ĐHV 978)

Trong các vị thánh, cha thiết tưởng không vị thánh nào âm thầm bằng thánh Giuse.

Dù ẩn tu trên rừng trên rú, thánh Phaolô và Antôn cũng có đi thăm nhau, nói chuyện dạy dỗ các môn đệ. Dù lập dòng khổ tu im lặng suốt đời, trừ gần một giờ ngày chúa nhật và lễ trọng, thánh Brunô cũng đã để lại cho Hội Thánh nhiều sách vở bút tích. Dù đơn sơ bé mọn, chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng còn nói lại cho thế gian cuộc đời mình qua “Truyện một tâm hồn”: Chúa muốn các ngài trao sứ điệp của Chúa cho thế gian.

Còn thánh Giuse, rất cao cả, ở bên Chúa Giêsu và Mẹ Maria mà vẫn âm thầm suốt đời.

Âm thầm lúc kính sợ Chúa, muốn bỏ Đức Mẹ mà rút lui. Âm thầm lúc đêm khuya hiểm nguy đưa Chúa Giêsu và Mẹ Maria sang di cư ở Ai Cập. Âm thầm lúc lạc mất Chúa Giêsu trong Đền thánh Giêrusalem. Âm thầm trong cuộc đời lao động ở Nazareth.

Thế nhưng, trong sự âm thầm thinh lặng ấy, thánh Giuse đã là mẫu gương tuyệt vời của đời nội tâm kết hiệp liên lỉ với Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Ngài là mẫu gương của lao động kết hiệp với cầu nguyện kiên trì, mẫu gương của phục vụ tận tình, của hy sinh vô điều kiện, của bổn phận chu toàn với tất cả tình yêu, từng giây từng phút.

Công chính, trung thành, khiêm tốn và tin tưởng vững vàng, thánh Giuse đã làm cho đời ngài đẹp, cho đời những kẻ chung quanh ngài được hạnh phúc từng giây từng phút. Ngày nào cũng phục, Giờ nào cũng hy sinh. Phút nào cũng yêu thương.

Không cần ồn ào, nhưng giây phút nào cũng tuyệt đẹp, vì thế tất cả đều đẹp.

Thánh nữ Têrêxa d'Avila đã có lòng yêu mến và trông cậy thánh Giuse cách chí thiết, đồng thời bà cũng truyền lại cho Dòng Carmêlô lòng sùng kính ấy. Bà đã nói: "Xưa nay chưa bao giờ tôi cầu nguyện cùng thánh Giuse mà bị từ chối cả".

Đức Lêo XIII rất có lòng kính mến thánh Giuse nên đã dạy đọc kinh thánh Giuse suốt tháng Mân côi. Đức Gioan XXIII từ lúc còn là một chủng sinh đã chọn thánh Giuse làm mẫu gương thánh thiện cho đời mình. Thầy Roncalli ghi trong nhật ký ngày 29.3.1903: "Nghĩ đến thánh Giuse thật là êm đềm, dịu dàng thoải mái. Trong cảnh mệt yếu hiện tại, con chỉ xin người một việc, là được tinh thần sống nội tâm thực sự, đặc biệt được ơn suy gẫm và chịu lễ sốt sắng. Đó là những điều dốc lòng dịp cấm phòng, nhưng thực hiện là điều cần hơn, nhất là trong tình trạng hiện tại của đời sống nội tâm của tôi. Thánh Giuse hiển vinh, cầu cho con".

Vừa lên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã quyết đinh đặt thánh Giuse vào trong lễ quy Roma để tỏ lòng ngài tin cậy thánh Giuse, quan thầy Hội Thánh.

Phần cha, cha xin các con hãy xác tín lời thánh Têrêxa d'Avila nói về thánh Giuse; kinh nghiệm đời cha cũng thấy như vậy. Cùng với lòng sùng kính Đức Maria, cha mạ cha đã dạy cho cha lòng sùng kính thánh Giuse từ lúc còn tấm bé. Cha còn nhớ cha của cha lúc nào trong túi áo khâu (lá quạ) cũng có sách tháng ông thánh Giuse. Ông cụ làm việc sùng kính ông thánh Giuse mỗi năm 12 tháng.

Các con hãy dâng ngày thứ Tư đầu tháng, kính thánh Giuse.

Hãy kết hợp sự tận hiến cho thánh Giuse với sự tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ, vì không có điều gì làm cho Mẹ Maria và Chúa Giêsu vui lòng bằng việc sùng kính thánh Giuse.

Hãy truyền bá việc sùng kính và tận hiến cho thánh Giuse, vì điều ấy làm đẹp lòng Mẹ Maria nhất và là phương tiện để giúp các linh hồn nên thánh.

Cùng Giêsu với Mẹ từ nhân,

Xin thánh Giuse nhận nỗi lòng Phó thác,

mến yêu và cảm tạ,

Kết hợp cùng Cha hết tâm hồn,

                       ***

Quyết làm thiên hạ mến Cha hơn,

Như Têrêxa đã tôn sùng.

Giữ gìn xinh đẹp cành hy vọng,

Công trình tay Cha mãi vun trồng.

Tưởng cũng nên nhắc lại cho các con Gia đình Hy Vọng của chúng ta còn mang tên "Công trình của Thánh Giuse" (Opus Joseph) như phong trào Focolare mang tên là "Công trình của Đức Maria" (Opus Mariae) vậy.


8. Chúa cấm con thất vọng.

* Hãy cố gắng, dù yếu đuối ngã sa, con hãy xin Chúa thứ tha và tiếp tục tiến. Trên võ đài, trong vận động trường quốc tế, các lực sĩ cũng lắm lần ngã quị, bị nhiều cú đấm, bị thương tích, nhưng cứ vùng dậy, cứ hy vọng, họ đã đoạt giải vô địch quốc tế (ĐHV 971).

Cha Charles de Foucauld có để lại mấy giòng sau đây, đọc kỷ con sẽ thấy phấn khởi tâm hồn và lấy lại được niềm tin, nhất là những lúc hầu như con thất vọng:

"Dù con xấu xa, dù con tội lỗi, con cũng trông cậy vững chắc rằng con sẽ được lên trời. Chúa cấm con thất vọng về điều đó.

"Dù con bội bạc cách mấy, khô khan cách mấy, hèn nhát cách mấy, lợi dụng ơn Chúa cách mấy, Chúa cũng vẫn bắt buộc con phải hy vọng được sống đời đời dưới chân Chúa trong tình thương và sự thánh thiện.

"Chúa cấm con ngã lòng trước sự khốn nạn của con. Chúa không cho con nói: "Tôi không thể đi tới được, đường lên trời khó khăn quá, tôi phải thụt lùi và trở xuống chỗ thấp".

"Trước những sa ngã trở đi trở lại của con, Chúa lại cấm không cho con nói: "Tôi không hề sửa mình được, tôi không có sức để nên thánh, tôi không xứng đáng để vào thiên đàng..."

"Vậy Chúa muốn con phải trông cậy luôn vì Chúa ra lệnh và vì con phải tin ở tình thương và quyền năng của Chúa.

"Phải, khi cần nhớ tới điều Chúa đã làm cho con, con tự nhiên bắt tin tưởng và tình thương của Chúa. Mặc dù con cảm thấy con là đứa phản bội, bất xứng, con vẫn tin cậy ở tình thương ấy; con vẫn biết là Chúa luôn sẵn sàng để tiếp rước con như thể người cha của đứa con hoang đàng trong Phúc Âm, nhất là vì chính Chúa đã không ngớt gọi mời con và ban cho con những phương thế để đến dưới chân Chúa..."


9. Ngân hàng tình thương.

* Có hạng "công giáo đợi chờ", khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến. Có hạng "công giáo thụ động", "trốn tránh, vô trách nhiệm". Họ chỉ biết "nhìn lên" để kêu cứu, mà không biết "nhìn tới" để tiến, "nhìn quanh" để chia sẻ, gánh vác (ĐHV 966).

Chị Phaxica mang trong mình nhiều thứ bệnh tật: Nhức đầu, đau tim, viêm ruột... Chị đã được lắm bác sĩ khám bệnh, giải phẫu, điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau. Và hầu như mọi người đều bó tay. Tuy thế, chị vẫn không nản lòng. Chị sống Lời Chúa mỗi ngày, và có nhiều câu đã đánh động tâm trí chị cách mãnh liệt như: "Hãy sắm cho mình những ví tiền sẽ không hề cũ nát kho tàng không hao vơi trên trời, nơi trộm không lai vãng và mọt không nhấm nát. Vì kho tàng các con ở đâu thì lòng các con cũng ở đó". (Lc 12,33).

Hôm khác, chị lại gặp một đoạn Lời Chúa đánh động: "Kẻ nào cho một trong những kẻ bé mọn này uống một bát nước lã mà thôi, vì danh nghĩa là môn đồ, thì quả thật, Ta bảo các con, nó sẽ không mất phần thưởng của nó" (Mt 10,42).

Những lời Chúa Giêsu nói trên đây đã thấm thía vào tâm hồn chị và chị nảy ra một sáng kiến: Thành lập "Ngân hàng tình thương", có mục đích đón nhận vốn của những ai muốn mở trương mục, gom góp những lời nguyện và các việc hy sinh trong bổn phận vì tình thương Chúa và các linh hồn. Số vốn ấy cùng với tình thương trên Thánh giá sẽ sinh nhiều ơn ích cho vinh quang Chúa, cho cuộc cứu rỗi nhân loại và nhất là cho chính bản thân người mở trương mục.

Trong khuôn khổ tập này không thể nói hết mọi chi tiết về ngân hàng tình thương, chỉ biết rằng có nhiều chị bạn đã hưởng ứng sáng kiến ấy,và như vết dầu loang ở trên tờ giấy, nhiều gia đình, nhiều thanh niên thiếu nữ, nhiều cộng đoàn đã vui vẻ mở trương mục. Mấy lâu nay họ nghĩ họ hết của, họ nghèo, không ngờ rằng thực sự họ là những kẻ rất giàu có, vì mỗi một giây họ đều có thể sống tràn đầy tình thương để bỏ vốn vào đại cuộc cứu rỗi nhân loại, để gởi đến những địa phương đang nóng bỏng trên thế giới... Họ cầm trương mục trên tay và tự nhủ: "Từ bé tới giờ tôi chẳng bỏ vào ngân hàng một xu! Hôm nay tôi mới bắt đầu..." Liền đó là một nụ cười âu yếm tươi nở trên môi: "Ngân hàng dễ thương thật!" Đời sống thiêng liêng của họ đã vươn lên; bởi vì họ hiểu rõ ràng đây không phải là một "sổ kho", nhưng là một sự cam kết trước, và rồi trong tuần tới phải làm hết mọi cách để hoàn thành kế hoạch, vượt mức chỉ tiêu. Đời sống họ luôn tiến bộ như mũi tên bay. Tâm hồn họ cũng sẽ mở rộng theo kích thước bao la của Hội Thánh và của thế giới. Họ sẽ cố gắng đáp ứng những chiến dịch bỏ vốn theo nhu cầu của giáo phận, theo ý của Đức Giám mục, hoặc cho một chuyến công du của Đức Thánh Cha được thành công.

Mỗi một phút giây trong đời sống đều đáng giá ngàn vàng! Con đã tìm hiểu và mở trương mục chưa?


_______________________

37. SỐNG HY VỌNG

1. Chuẩn bị "Lễ Hiện Xuống mới".

* Để tóm tắt những tư tưởng con đã suy gẫm trước đây, cha mong con hằng ngày nhớ các điều đơn sơ sau đây, khác nào những tấm bảng chỉ lối đi trên đường hy vọng của con:

Con muốn thực hiện một cuộc cách mạng: canh tân thế giới. Hoài bão lớn lao đó, sứ mạng cao đẹp đó, Chúa trao cho con, con thi hành với: quyền lực Chúa Thánh Thần." Mỗi ngày con chuẩn bị Lễ Hiện Xuống mới quanh con (ĐHV 979).

Chính Đức Gioan XXIII đã dùng danh từ "Lễ Hiện xuống mới" để diễn tả Công đồng Vatican II, một biến cố vĩ đại nhất của Hội Thánh trong thế kỷ XX này, một biến cố không ai ngờ trước, ngay cả vị Giáo Hoàng khả kính. Ta hãy đọc chính những giòng do tay Ngài đã viết sau đây:

Tôi không nghĩ chi trước. Bất ngờ hôm nay 20.1.1959, khi bàn chuyện với vị thư ký, tôi nói đến Công đồng chung, Hội đồng Roma, sữa lại Giáo luật. Thực ra lúc đó tôi không có dự ước hoặc một kế hoạch nào.

"Công đồng làm cho chính tôi cũng bỡ ngỡ và không ai ngờ rằng con người tôi lại nghĩ đến việc lớn lao đó.

"Rồi sau đó, mọi diễn biến tự nhiên xảy đến êm đẹp..."

Ngài cũng không ngờ ngài làm Giáo Hoàng. Sau này chính ngài đã tâm sự: "Lúc thấy số phiếu dồn cho tôi ngày càng lên cao, tôi vẫn nghĩ rằng có thể số phiếu lại dồn về vị Hồng Y khác, vì quả là xứng đáng hơn tôi. Chính tôi cũng công nhận vị ấy xứng đáng, khả kính và tôi rất hài lòng".

Thực sự ngài không ngờ, nhưng ngài đã sống đơn sơ phó thác theo ý Chúa. Ngài đã chuẩn bị cuộc đời ngài nên một dụng cụ sắc bén để Chúa xử dụng trong khúc quanh lịch sử ấy.

Tâm hồn của ngài được trưởng thành, được nên thánh thiện mỗi ngày, vì từ thuở thanh thiếu niên, ngài đã khiêm tốn tự kiểm điểm học hỏi, kể cả việc ghi lại những câu châm ngôn thu góp đó đây để suy ngắm và tôi luyện bản thân, chẳng hạn:

"Khi chê con, người ta nói sự thật; chứ khi khen con, tức họ đã nói quá sự thực và gián tiếp họ nhạo con đấy. Người chê ta là bạn của ta, kẻ khen ta lại là kẻ thù của ta " (Thánh J. Vianney).

"Một câu hoà bình quý hơn một tấn chiến thắng" (Thánh Robert Bellarminô).

"Là người, ai lại không lầm lẫn; chỉ có những thằng khùng mới ngoan cố theo đuổi sự lầm lạc của mình" (Cicêron).


2. Tạo hạnh phúc cho mọi người.

* Con xúc tiến một chiến dịch: làm cho mọi người hạnh phúc. Con hy sinh mình từng giây phút với Chúa Giêsu, để đem an bình trong tâm hồn, phát triển thịnh vượng cho các dân tộc. Đường lối tu đức thầm kín và thiết thực! (ĐHV 980).

Trên một vùng đất Á châu, có một phụ nữ lang thang đầu đường xó chợ, lăn lóc với những cô nhi nghèo nàn, chui rúc vào trong các xóm "ổ chuột" đói rách, không biết gớm ghiết những người bệnh hoạn ghê tởm nhất... với quyết tâm làm cho họ lành bệnh, bình thường hoá cuộc sống của họ giữa lòng xã hội. Bà đã nuôi các em cô nhi cho đến lúc trưởng thành, tạo điều kiện cho chúng học tập văn hoá, kỷ thuật, để bản thân chúng được sung sướng và đến lượt chúng, chúng cũng làm cho xã hội tiến bộ, phóng mình ra khỏi nghèo nàn, áp bức, bệnh tật.

Người phụ nữ ấy, ta đã có dịp nhắc đến nhiều lần, không ai khác hơn là mẹ Têrêxa thành Calcutta. Tuy là người gốc Nam Tư, sinh ra tại Nam Tư năm 1910, nhưng bà đã hy sinh tất cả, rồi bỏ quê hương thứ nhất để trẩy sang Ấn Độ và chọn nơi này làm quê hương thứ hai của mình. Bà cũng chọn luôn những người đói khổ, rách rưới, bị bỏ rơi làm con cái, anh chị em của bà, vì bà thấy Chúa Giêsu trong họ. Họ đã hiểu bà, yêu thương bà và kính trọng bà như người hiền mẫu.

Khắp Ấn Độ cũng như trên toàn thế giới mọi người đều biết bà và gọi bà bằng một tên rất dịu dàng: "Mẹ Têrêxa".

Mẹ đã lãnh nhận nhiều giải thưởng quốc tế. Ngoài ra năm 1964, khi Đức Phaolô VI sang Bombay (Ấn Độ), giáo dân Mỹ đã tặng cho ngài một chiếc xe hơi Limousine, màu trắng, loại đặc biệt, để ngài xử dụng trong mấy ngày ở Bombay. Lúc rời Ấn Độ, ngài đã tặng chiếc xe ấy cho mẹ Têrêxa! Và mẹ đã đem chiếc xe ra xổ số để giúp người nghèo. Mỗi lần nhận giải thưởng, mẹ Têrêxa cũng đem tặng lại cho các người nghèo yêu quý của mẹ.


3. Thí mạng vì anh em.

* Con nắm vững một đường lối tông đồ: "Thí mạng vì anh em", vì không có tình yêu nào lớn lao hơn. Con hao mòn từng giây phút và sẵn sàng tiêu hao để chinh phục anh em về với Chúa (ĐHV 981).

Chúng ta đã có dịp nói đến thánh Maximilien Kolbe. Sau đây là lời của Đức Gioan-Phaolô II nói về vị anh hùng thí mạng ấy, lúc ngài đến dâng lễ ở nhà thờ thánh Gregôriô Cả tại Pian duo Torri (Roma) và viếng nguyện đường dâng kính thánh nhân:

"... Tôi muốn bày tỏ niềm vui của một người cha đối với anh chị em, khi thấy anh chị em có hảo ý chọn thánh Maximilien Kolbe làm đấng bảo trợ cho anh chị em. Chính Đức Phaolô VI, vị Giáo hoàng vĩ đại và luôn luôn đáng mến đã gọi ngài là "một hình ảnh sáng ngời của thế hệ chúng ta" (Huấn từ Gaudete in Domino). Như anh chị em đã biết giữa những thử thách bi đát nhất vốn làm cho thời đại ta chìm trong vũng máu. Thánh Maximilien Kolbe đã tự nguyện hiến mình chịu chết để cứu một người anh em mà chính ngài không thân thuộc (ông Francois Gajowiczek). Ông ta là một người vô tội bị kết án tử hình để trả thù vì có một người tù đã vượt ngục Oswecim. Vị tử đạo anh hùng bị kết án chết đói; ngày 14.8.1941, linh hồn tốt lành của ngài đã về cùng Chúa sau khi đã nâng đỡ an ủi các bạn tù cùng số phận khốn khổ như ngài.

"Là một người con hiền lành và khiêm nhường của thánh Phanxicô khó nghèo, một Hiệp sĩ chí thiết của Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngài đã băng rừng vượt biển rảo khắp từ Ba Lan sang Ý, đến tận xứ Nhật Bản để làm phúc thiện cho mọi người theo gương Chúa Kitô, "đi đến đầu thì bao ơn lành đến đó" (Cv 10,38). Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Phanxicô là ba mối tình cao cả của ngài, nghĩa là bí quyết đức bác ái của ngài. Ai tiếp xúc với ngài cũng nghe ngài lập đi lặp lại: "Chỉ có tình yêu là sáng tạo". Chính lý tưởng cao cả ấy, bổn phận của mỗi Kitô hữu chân thành ấy, đã giúp ngài vượt qua cơn thử thách rùng rợn khủng khiếp và để lại chứng tích lạ lùng của tình yêu anh em, của lòng tha thứ cho kẻ giết hại mình.

"Ước gì gương sáng và sự trợ giúp của thánh M. Kolbe hướng dẫn chúng ta biết yêu thương chân thành, yêu thương vô vị lợi, xứng người Kitô hữu, đối với tất cả các anh chị em trong một thế giới mà hận thù không ngừng giày xéo cuộc sống con người...!


4. Tất cả hiệp nhất.

* Con hô một khẩu hiệu: "Tất cả hiệp nhất", hiệp nhất giữa các người công giáo, hiệp nhất giữa các Kitô hữu, hiệp nhất giữa các dân tộc. Như Chúa Cha và Chúa Con là một (ĐHV 982).

Đức Thượng phụ Athénagoras (1886-1974) là biểu tượng sống động của phong trào hợp nhất Kitô giáo. Ngài liên kết chặt chẽ với Đức Phaolô VI. Ngài tuân theo và đồng ý với mọi đường lối cũng như chương trình của Đức Giáo Hoàng ở Roma. Ngài gọi Đức Phaolô VI là thánh Phaolô 2. Mỗi đêm ngồi cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ cho Đức Thánh Cha.

Ngài luôn luôn khát vọng sự hợp nhất. Cũng như Đức Gioan XXIII, lúc hấp hối, miệng ngài đã liên lỉ lặp lại câu này: "Làm sao để trở nên một".

Đức Thượng phụ Giáo chủ còn nói về sự hiệp nhất thế này: "Một ngàn năm đầu, Hội Thánh chỉ là một gia đình, một ngàn năm sau là sự cải vả chia lìa nhau! Còn giờ đây chúng ta đang ở ngưỡng cửa của thời đại mới: Thời đại bác ái hiệp nhất!" Rồi ngài hỏi hai lần: "Các cha có biết cuốn sách nào hay nhất thế giới không? " Và ngài tự trả lời: "Chính các cha là cuốn sách đó, vì nếu chúng ta hiệp nhất trong tình yêu của Chúa là chúng ta hiệp nhất trong Đức Kitô, mà Đức Kitô là tất cả sự khôn ngoan của vũ trụ".


5. Bánh nuôi sống trần gian.

* Con tin một sức mạnh: Thánh Thể, thịt máu Chúa sẽ làm cho con sống, "cho thế gian sống, và sống phong phú hơn." Manna nuôi dân Do Thái đi đường về đất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy Vọng (ĐHV 983).

Thế kỷ XX mà chúng ta đang sống, có nhiều người được in năm dấu thánh. Những vị được nói đến nhiều nhất là cha Piô ở Ý, chị Têrêxa Newmann ở Đức và Marthe Robin ở Pháp. Các chị Têrêxa Newmann lẫn bà Marthe Robin suốt mấy chục năm trời không ăn không uống gì, chỉ sống nhờ rước Mình Thánh Chúa. Đó là một phép lạ hiển nhiên xảy ra hằng ngày mà khoa học chẳng tài nào giải thích nổi, và là một hồng ân Chúa ban để củng cố đức tin của ta vào phép Thánh Thể.

Phép Thánh Thể còn là nguồn mạch của sự hiệp nhất giữa hàng ngũ con cái loài người. Ngày hành hương về trung tâm Thánh Mẫu Jasna Góra đã đến, từ nơi bị giam cầm, Đức Hồng Y Stefan Wyzynsky đã truyền phép một hình bánh lớn gửi về trung tâm Thánh Mẫu để bỏ vào Mặt Nhật cho giáo dần toàn quốc Ba Lan đến Jasna Góra được chầu suốt ngày suốt đêm. Đó là chứng tích của sự hiệp nhất giữa vị Giáo chủ và đàn chiên. Mọi người vô cùng cảm động khi nghe tin ấy, lời cầu nguyện do đó sốt sắng, mối giây liên lạc còn thắm thiết vững bền.


6. Bác ái, đồng phục của chúng ta.

* Con mang một đồng phục, nói một ngôn ngữ: Bác ái là chứng tích để biết con là môn đệ Chúa, là dấu hiệu rẻ mà khó kiếm nhất.

Bác ái là sinh ngữ số một, mà thánh Phaolô cho là cao trọng hơn tiếng nói của loài người và các thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất sẽ tồn tại trên Thiên Đàng (ĐHV 984).

Cha Guido thuật lại: "Trong thời Quốc xã, tu sĩ nhiều Dòng tu bị bắt giam. Trong những ngày đầu, mỗi người còn giữ y phục riêng của Dòng mình, và như thế, họ họp thành từng nhóm nhỏ theo mỗi dòng tu.

"Dần dần, với thời gian. áo dòng rách nát hết, họ phải mặc áo tù nhân nên chẳng còn phân biệt gì nữa. Điều đặc biệt liên kết mọi người là cùng nhau đau khổ. Một thời gian sau nữa, không còn phân biệt người nào thuộc dòng nào, nhưng tất cả đều là anh chị em với nhau: cùng chung một tình bác ái huynh đệ. Đó là lần thứ nhất các dòng tu sống chung với nhau và khám phá ra họ là anh chị em với nhau. Những người lính gác thấy tình thương như thế cũng thay đổi thái độ và cũng đổi chính sách sống giữa họ với nhau nữa: họ đối xử với nhau có tình người hơn".


7. Bí quyết cầu nguyện.

* Con nắm một bí quyết: cầu nguyện. Không ai mạnh bằng người cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả. Khi các con hiệp nhau cầu nguyện, có Chúa ở giữa các con. Cha tha thiết khuyên con, ngoài giờ kinh, hãy cầu nguyện mỗi ngày tối thiểu một giờ, nếu được hai giờ càng tốt. Không phải là mất mát vô ích đâu! Trên quãng đường Cha đi, Cha đã thấy lời Thánh Têrêsa Avila ứng nghiệm: "Ai không cầu nguyện, không cần ma quỉ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục". (ĐHV 985).

Thánh Ignatiô dạy: "Hãy cầu nguyện trước mọi quyết định".

Thánh Bênađô khuyên bảo: "Hãy cầu nguyện hơn cậy tài".

Cha Suars dạy: "Người lãnh đạo nào biết bàn hỏi với Chúa là người lãnh đạo có kết quả nhất".

Cha Gaston Courtois nói: "Ta phải luôn luôn làm một "ê-kíp" với Chúa".

Những lợi ích trực tiếp của đời cầu nguyện.

a- Con sẽ nên dụng cụ sắc bén hơn trong tay Chúa, vì nó luôn luôn trong sáng, luôn luôn mới mẻ.

b- Tâm hồn con nên như một "ăng-ten" tinh vi để thử "làn sóng điện" các tác động của Chúa Thánh Thần.

c- Tâm hồn con như cái "fich cắm điện" (branché) vào luồng điện, nhờ đó ơn hiện sủng Chúa đến liên lỉ với con trong mọi công việc.

d- Con sẽ có tư tưởng và hành động siêu nhiên, vì Chúa, chứ không mưu cầu lợi ích cá nhân, thắng không kiêu căng, bại không nản. e- Con sẽ không trần tục hoá phong cách của con: xử dụng mưu mô thủ đoạn, miễn sao thành công giữa đời.

Những lợi ích gián tiếp của đời cầu nguyện.

Nhờ kết hợp với Chúa, con tránh được các tính xấu sau đây:

a- Thiếu nhẫn nại.

b- Hấp tấp.

c- Sợ mất lòng.

d- Hay thay đổi.

e- Thiên vị.

Nhất là con cứu rỗi được linh hồn của con.


8. Phúc Âm: Nội quy của con.

* Con giữ một Nội Qui: Phúc Âm. Đó là hiến pháp trên tất cả mọi hiến pháp. Là hiến pháp Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ; không khó khăn, phức tạp, gò bó như các hiến pháp. Ngược lại, linh động, nhân hậu, làm phấn khởi linh hồn con (ĐHV 986).

Trước khi là một nhà Thánh Kinh học số một trong Hội Thánh, thánh Hiêrônimô đã là một văn hào nổi tiếng. Ngài mê say đọc các tác phẩm của Cicêron. Một hôm ngài nghe tiếng Chúa hỏi:

- Hiêrônimô, con là môn đệ của ai?

- Thưa con là môn đệ của Chúa.

- Không phải, con là môn đệ của Cicêron!

Từ đó, ngài hồi tâm giác ngộ và quyết chí tìm hiểu Lời Chúa. Ngài mê say cho đến nỗi qua tận Thánh địa, vào trong hang đá Bêlem để phiên dịch Thánh Kinh, suy ngắm Lời Chúa, sống lại khung cảnh Chúa Giêsu đã sống, đã làm phép lạ, đã lập phép Thánh Thể, đã tử nạn. Với kinh nghiệm ấy, ngài đã viết: "Ai không hiểu biết Kinh Thánh thì cũng không hiểu biết chính mình Chúa Giêsu". Lời này đã được Công đồng Vatican II trưng lại trong Hiến chế Tín lý Thiên Chúa mạc khải, số 25.

***

Lúc còn bé, cha thấy một cha già làm cái bao, tương tự như bao kiệu Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt, trong đó ngài để một cuốn Tân ước nhỏ, bọc nhung (về sau ngài tặng cho cha). Ngài luôn mang trước ngực với lòng cung kính. Lúc nào rảnh lại lấy ra đọc.

Cha cảm phục ngài, nhưng cũng có lắm kẻ trêu ngài, cho ngài là "xưa quá"! Bây giờ cha lớn lên, đọc Hiến chế Tín lý Thiên Chúa mạc khải, số 21, cha càng hiểu rõ và kính mến vị linh mục thánh thiện ấy hơn nữa: "Hội Thánh đã luôn luôn tôn kính Thánh Kinh như tôn kính chính Thánh Thể Chúa".


9. Chúa Kitô dịu hiền ở trần gian.

* Con trung thành theo một vị lãnh đạo là Chúa Kitô và Đại Diện của Ngài: Đức Thánh Cha, các Giám Mục, kế vị các Thánh Tông Đồ. Sống và chết vì Hội Thánh như Chúa Kitô. Đừng nghĩ chết vì Hội Thánh mới hy sinh. Sống vì Hội Thánh cũng đòi hỏi nhiều hy sinh (ĐHV 987).

Đức Giáo Hoàng là đại diện Chúa Kitô ở trần gian, Đức Giám mục là đại diện của Đức Giáo Hoàng trong một giáo phận. Các ngài được Chúa ủy quyền để lãnh đạo dân Chúa, làm nô bộc tình yêu của dân Chúa.

Mỗi ngày dâng lễ, con tuyên xưng và cầu nguyện "Xin Chúa nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, cùng với tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng... và Đức Giám mục... của chúng con". Nếu lòng trung thành, yêu mến và hành động của con không đi đôi với lời nói thì con không có tinh thần của Hội Thánh. Con là đứa con bất hiếu, thà hoá thành người dâng nước lả còn hơn. Hãy nhớ lời thánh nữ tiến sĩ Catarina thành Sienna: "Đức Giáo Hoàng là Chúa Giêsu dịu hiền giữa trần gian".


10. Ý nghĩa của kinh Truyền tin.

* Con có một tình yêu: Mẹ Maria. Thánh Gioan Maria Vianey đã nói: "Mối tình đầu của tôi là Mẹ Maria." Nghe Mẹ sẽ không lầm lạc, hoạt động vì Mẹ sẽ không thất bại, làm vinh danh Mẹ sẽ được sống đời đời (ĐHV 988).

Đức Piô XII và Gioan XXIII đều có thói quen đọc kinh Truyền tin ban trưa và các ngày chúa nhật và đại lễ chung với giáo dân tụ họp ở công trường thánh Phêrô.

Đúng 12 giờ trưa, cánh cửa phòng Đức Thánh Cha mở ra, dân chúng vỗ tay chào Đức Thánh Cha, còi xe ở công trường cũng rít lên... Đức Thánh Cha có mấy lời chào hỏi, nhắn nhủ rồi nguyện kinh Truyền tin và ban Phép lành cho dân Chúa.

Từ ngày Đức Gioan-Phaolô II nhậm chức đến nay, ngài nguyện kinh Truyền tin với dân mỗi ngày và ba lần: sáng, trưa, tối.

Tại Jasna Góra, đền thánh Mẹ quê hương ngài, Đức Gioan-Phaolô II đã nói:

"Anh chị em thân mến,

"Hôm nay tôi nguyện kinh Truyền tin với anh chị em, tôi ước ao cùng anh chi em cầu xin cùng Mẹ rất thánh của chúng ta làm cho kinh Truyền tin luôn luôn nhắc nhỡ cho mỗi người và mọi người trong chúng ta nhớ phẩm giá con người cao trọng chừng nào. Đó cũng là kết quả và là mục đích kinh này. Khi nhắc lại: "Ngôi Lời đã thành xác phàm", nghĩa là Con Thiên Chúa đã làm người, ta phải nhận thức rằng mỗi người đã trở nên cao cả biết chừng nào nhờ mầu nhiệm ấy, mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập thể.

"Mỗi người, đúng thế! Chúa Kitô đã xuống thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria và đã làm người để mạc khải tình yêu muôn đời của Chúa là Đấng Tạo Hoá mà cũng là Cha của chúng ta.

"Nếu chúng ta đọc kinh Truyền tin thường xuyên, kinh ấy phải có một ảnh hưởng trên tất cả cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể chỉ nguyện kinh Truyền tin bằng môi miệng, và cùng một lúc hành động trái ngược lại với nhân phẩm, trái ngược lại với bản chất con người Kitô hữu".


11. Thánh giá trong đời người theo Chúa Giêsu.

* Con có một sự khôn ngoan: khoa học Thánh Giá. Nhìn Chúa Giêsu trên Thánh Giá, con giải quyết ngay được vấn đề đang khiến con xao xuyến. Thánh giá là tiêu chuẩn để chọn lựa và quyết định, tâm hồn con sẽ bình an (ĐHV 989).

Tu sĩ Thomas Homerken (thường gọi là Thoma a Kemplis, 1380-1431) gốc ở Kempen (Rhénanie, Đức) thuộc Dòng Augustinô, là người đã đề ra tác phẩm bất hủ: "Gương Chúa Giêsu". Theo người ta nói, đó là cuốn tu đức được đọc nhiều nhất, sau sách Tin Mừng. Thánh Ignatiô, đấng sáng lập Dòng Tên, đã khuyên một môn sinh như thế này: "Mỗi ngày con phải đọc một chương sách Gương Chúa Giêsu, vì chính cha đã có kinh nghiệm, hể giở ra trang sách nào một cách tình cờ, cha cũng thấy đáp ứng nhu cầu hiện tại của tâm hồn cha".

Cha Thomas Kempis có viết những giòng sau đây:

Ít người yêu mến Thánh giá Chúa Giêsu.

* Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng ít kẻ muốn vác Thánh giá với Người.

* Nhiều kẻ ước ao được an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn được chịu thử thách với Người.

* Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người.

* Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu một sự gì khó vì Người. 

* Nhiều kẻ theo Chúa Giêsu cho đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ theo Ngài đến uống chén đắng tử nạn.

* Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu xỉ nhục với Người.

* Nhiều kẻ yêu Chúa Giêsu khi không có gian truân, nhiều kẻ ca ngợi tung hô Chúa Giêsu khi ban ơn an ủi nhưng nếu Chúa Giêsu ẩn mình hoặc bỏ quên họ trong giây lát, lập tức họ sẽ phàn nàn, than trách hoặc quá sức thất vọng.

Cả cuộc đời Chúa Giêsu là Thánh giá và Tử đạo, còn con, con muốn an nghỉ và vui chơi!

Con lầm lạc? Lầm lạc! Nếu con tìm sự khác hơn là thử thách...


12. Làm sao hướng về Chúa liên lỉ?

* Con có một lý tưởng: Hướng về Chúa Cha, một người Cha đầy yêu thương. Cả cuộc đời Chúa Giêsu, mọi tư tưởng, hành động, đều nhằm một hướng: "Để thế gian biết Thầy yêu mến Đức Chúa Cha và Đức Chúa Cha yêu mến Thầy..." "Những gì đẹp lòng Đức Chúa Cha thì Thầy thực hiện luôn." (ĐHV 990).

Yêu ai thì năng nhớ đến người ấy. Chị em trong dòng Carmêlô cũng đặt câu hỏi trên với mẹ Têrêxa Avila: "Làm sao hướng về Chúa luôn mãi?" Mẹ Têrêxa trả lời một cách rất thực tế, dễ nhớ và dí dỏm: "Các con ạ, nếu các con ở dưới bếp mà các con không thấy Chúa trong nồi niêu, sooang, chảo của các con, thì đời con buồn lắm".


13. Ai mạnh hơn?

* Con chỉ có một mối lo sợ: Tội lỗi. Triều đình Hoàng Đế Hy Lạp đã nhóm họp để bàn cách trả thù thánh Gioan Kim Khẩu vì ngài đã thẳng thắn khiển trách bà Hoàng Hậu. Kế hoạch I: Bỏ tù. - "Nhưng ông ấy sẽ được dịp cầu nguyện, chịu khó vì Chúa như ông hằng mong muốn." Kế hoạch II: Lưu đầy. - "Nhưng đối với ông ấy, đâu cũng là đất Chúa." Kế hoạch III: Tử hình. - "Ông sẽ được tử đạo, chúng ta sẽ thỏa mãn nguyện vọng ông: được về với Chúa." "Tất cả kế hoạch I, II và III không làm cho ông khổ đau, ngược lại ông sẽ vui sướng chấp nhận." Kế hoạch IV: "Chỉ có một điều ông khiếp sợ nhất, gớm ghét nhất là tội lỗi, nhưng bắt ông phạm tội không được!" Nếu con chỉ sợ tội, thì không ai mạnh hơn con (ĐHV 991).

Thánh Gioan Kim Khẩu (340-407) sinh tại Antiochia nước Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc đó ngài 60 tuổi, ngài được bầu làm Giám mục thành Constantinople, thính giả rất say mê tài diễn thuyết và lòng sốt sắng của ngài nên họ đã tặng cho ngài biệt hiệu "Kim khẩu" (Miệng vàng).

Với tính tình cương trực, luôn luôn bênh vực công lý, ngài đã phản đối nữ hoàng Eudoxie về việc bà chiếm đoạt gia sản của một goá phụ ở Callitrope và của nhiều người khác. Ngài đã bị kết án lưu đày. Người ta không biết được bao nhiêu khổ cực ngài đã phải chịu vì Chúa Kitô và bao nhiêu người nhờ ngài mà trở lại với Chúa, nhưng mọi người thảy đều thán phục lòng bác ái, chí khí phục vụ công lý, bênh vực kẻ nghèo, lời diễn thuyết nồng nhiệt và sách vở đạo đức do ngài để lại.

Nữ hoàng Eudoxie sợ sự thật nên phải dùng hạ sách lưu đày ngài, nhưng trước mắt nhân dân, nữ hoàng Eudoxie đã thua sự thật.


14. Ai tình nguyện.

* Con ôm ấp một ý nguyện: "Dưới đất cũng như trên trời". Dưới đất lương dân biết Chúa như trên trời. Dưới đất mọi người khởi sự yêu mến nhau như trên trời. Dưới đất đã bắt đầu hạnh phúc như trên trời. Con sẽ nỗ lực thực hiện nguyện vọng ấy. Khởi sự đem hạnh phúc thiên đàng cho mọi người ngay từ trần thế. (ĐHV 992).

Trước đây, có một vị Giám mục thừa sai, trong một chuyến trở về lại Âu châu, đã đến thăm một dòng nữ nọ. Chị em trong dòng rất ước mong được nghe chuyện lạ của giáo phận ngài.

Được dịp tốt, Đức Cha nói cho các chị nghe tất cả những nổi khốn khổ của dân chúng trong vùng ấy: nghèo đói, bệnh tật, mù chữ, mê tín dị đoan, khí hậu khắc nghiệt, bệnh sốt rét hoành hành, không mấy ai sống thọ, thiếu thốn các tiện nghi của thế giới văn minh, thiếu nhất là các nhà truyền giáo nam nữ đến để phục vụ họ phần hồn và phần xác, vì các tu sĩ hiện có vừa ít lại vừa ở xa nhau, không mấy khi gặp nhau, thực cô đơn lúc sống cũng như lúc ốm đau, ly trần.

Ngài dừng lại, ngập ngừng, dường như muốn nói diều gì đó song lại sợ thất vọng phủ phàng... Nhưng cuối cùng, ngài cũng đánh bạo cất tiếng hỏi:

- Thưa các chị em, tôi xin hỏi thử. Có ai trong các chị tình nguyện đến giúp chúng tôi không?

Chẳng chút do dự, cả nhà trên 50 người đều giơ tay tình nguyện:

- Con, con xin đi theo Đức Cha!

Cuối cùng, bề trên phải chọn một số chị em có điều kiện hơn cả để chuẩn bị cho ngày ra đi phục vụ. Những người khác sẽ tham gia bằng cầu nguyện, hy sinh. Ai ai cũng ôm ấp một nguyện vọng: "Dưới đất cũng như trên trời".


15. Họ đi tìm gì ở Phi Châu?

* Con chỉ thiếu một điều: "Bán của cải, bố thí và theo Thầy" nghĩa là con phải dứt khoát. Chúa cần hạng tình nguyện thoát ly! (ĐHV 993).

Lịch sử Phi Châu có nhiều trang vô cùng đen tối, đẫm máu. Lắm người tự xưng là văn minh tiến bộ đã đến trên mảnh đất Phi Châu để bắt con dân của những dân tộc đáng thương ấy đem sang châu Mỹ bán làm nô lệ. Bắt nhiều người khác đã sang đó để tranh giành bóc lột sức lao động, mồ hôi nước mắt của người da đen, để vơ vét cà-phê, ca cao, kim cương, đồng, chì, vàng, bạc...

Nhưng cũng không thiếu những vị anh hùng âm thầm đem mạng sống đến để phục vụ những người anh em mà tuy bề ngoài đen đủi, xấu xa nhưng trong lòng và trước mặt Chúa rất trong trắng, xinh đẹp.

Trong số những người vô danh có tấm lòng hào hiệp, ta có thể nhận ra khuôn mặt của một vài vị điển hình sau đây:

Ông Raoul Follereau.

Thuộc quốc tịch Pháp, sinh tại Nevers năm I903, ông đã hiến cả cuộc đời để phục vụ người phong cùi. Ông đã đi khắp thế giới để thức tỉnh loài người đừng quên số phận của những người phong cùi mà đại đa số đang sống tại Phi Châu. Phần lớn thời giờ của ông, ông đều dùng để lăn lội từ trại phung này sang trại phung khác hầu tìm mọi cách cứu chữa, giúp đỡ họ. Hội "Bạn người cùi" do ông sáng lập đã làm được không biết bao nhiêu là việc phi thường, nhờ sự đóng góp của nhiều người có khi là người nghèo khổ mạt hạng, nhưng vẫn cố gắng hy sinh để mua một lọ thuốc, một bát cháo trao cho những người khốn khổ hơn họ. Ông Raoul Follereau còn sáng lập "Dòng Bác ái" (l'Ordre de la Charité), một tổ chức tự do quy tụ tất cả những ai muốn dấn thân sống tình huynh đệ trong tư tưởng, lời nói, việc làm và dành một năm một giờ tiền lương cho kẻ nghèo. Ông thường nói: "Chỉ có bác ái mới cứu được thế giới", và viết một cuốn sách rất hay: "Chỉ có một chân lý là yêu thương nhau" (La seule vérité c'est de s'aimer). Ông đã được giải thưởng của nhiều quốc gia và của Hàn Lâm Viện Pháp. Cùng với cha Damien (1840-1889) ông là người được tặng danh hiệu cao quý: "Tông đồ người hủi". Hiện ông vẫn còn sống và còn phục vụ.

Bác sĩ mục sư A. Schweitzer.

Người Pháp thì nói bác sĩ Schweitzer (1875-1965) là dân Pháp, người Đức bảo ông là người gốc Đức, nhưng chắc chắn một điều là ông mang trong mình quả tim Phi Châu!

Là một bác sĩ mục sư Tin lành, Schweitzer còn là một nhà thần học, chú giải Thánh Kinh lỗi lạc, một văn hào kiêm giáo sư âm nhạc và nhạc sĩ nổi tiếng. Người ta bảo thiên tài của ông bao quát như Leonard de Vinci, ngoại trừ kiến thức về khí giới. Nếu trọn đời bác sĩ ở Âu châu, thì tương lai của ông vô cùng rạng rỡ. Nhưng ông đã từ bỏ tất cả, vợ chồng cùng nhau sang Phi Châu (xứ Gabon) phục vụ cho đến mãn đời. Vừa chữa bệnh cho dân nghèo từ làng này sang làng khác, mở nhiều bệnh xá khắp nơi, phục vụ mọi người bất kể ngày đêm, bác sĩ Schweitzer lại vừa đem Tin Mừng đến cho nhân dân Phi châu, để họ biết phẩm giá của họ, cũng là người con của Chúa như bao kẻ khác. Ông đã chết và được chôn cất ngay tại mảnh đất Phi châu theo đúng sở nguyện của một tâm hồn quên thân mình vì Chúa và đám dân nghèo. Ông được giải Nobel hoà bình năm 1952.

Đức Hồng Y Léger.

Ai ai cũng biết tiếng Hồng Y Léger, Tổng Giám mục giáo phận Montréal ở Canada. Ngài là một nhà hùng biện trứ danh; chiều nào cũng quỳ gối lần hạt trước hang đá Lộ Đức tại nhà thờ chính toà Montréal và cho truyền đến mọi gia đình khắp nơi trên toàn quốc để giáo dân được tham gia lần chuỗi Mân côi với ngài.

Đời ngài trải qua nhiều danh dự tột bậc. Trước năm 1950, ngài là Viện trưởng Học viện Canada ở Roma, sau đó là Tổng Giám mục giáo phận Montréal và là một tiếng nói thế giá tại Công đồng. Chính ngài, tại Công đồng, đã làm cho Hội Thánh ý thức lại tư cách "nữ tỳ nhân loại" của mình. Và để trở nên một dấu chỉ, năm 1967, ngài đã xin Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho mình được từ chức Tổng Giám mục, để sang Phi châu sống trong một trại cùi, dâng lễ, giải tội, an ủi và giúp đỡ những người da đen khốn khổ. Đời ngài là một chứng tích sáng ngời của tình thương thí mạng.


16. Ai áp dụng "Phương pháp tiếp xúc" đầu tiên?

* Con dùng một phương pháp tông đồ hữu hiệu: tiếp xúc, để hòa mình nhập thể với mọi người, để hiểu, để yêu mọi người.

Tiếp xúc hơn giảng, hơn viết sách. Tiếp xúc giữa người với người, lòng bên lòng, bí quyết bền đỗ, bí quyết thành công. (ĐHV 994).

Không phải ngày nay, khi đã có Công giáo Tiến hành, Tông đồ giáo dân, có các lý thuyết gia chuyên nghiên cứu các phương pháp tông đồ, người ta mới đánh giá cao phương pháp tiếp xúc cá nhân (contact personnel) như một khám phá mới mẻ. Phương pháp này đã được áp dụng cách đây đã 2000 năm, và người xử dụng khéo léo phương pháp ấy nhất không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu.

Không có một chính trị gia, một lãnh tụ nào xưa nay đã có những tiếp xúc tự nhiên như Người. Những cuộc tiếp xúc của tình thương không quảng cáo. không có ai bảo vệ không có những hứa hẹn lợi lộc, chỉ có sự thật, chỉ có tình thương, trên rừng dưới biển, trong nhà ngoài sân, đối thoại với mọi người, không trừ ai! với người tội lỗi như Giakêu, Mađalêna, thiếu phụ Samaria, với bạn hữu thân tình như mấy chị em ở Bêtania, với các thanh niên, với các cụ già, với đàn trẻ nhỏ...

Từng nghìn người lũ lượt theo chân Chúa Giêsu, theo mấy ngày liền, đến nỗi trong bị cạn cả thức ăn, ngồi chật nhà đến nỗi phải khoét mái để thòng người bệnh xuống...

Không bao giờ ta suy cho thấu tình thương yêu vô cùng cũng như sự thánh thiện và vẻ đẹp đơn sơ hiền hậu của những lần Chúa Giêsu gặp gỡ tha nhân. Hãy thinh lặng suy niệm các đoạn Phúc Âm:

- Chúa nói chuyện với người thiếu phụ xứ Samaria bên bờ giếng Giacop.

- Chúa vào nhà Simon tật phung, nhà Giakêu thu thuế.

- Chúa trực diện với người đàn bà ngoại tình bị lên án phải ném đá.

Và những lời của Chúa Giêsu sau đây:

- "Ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ bổ sức lại cho".

- "Hãy để các trẻ đến cùng Ta, vì Nước Thiên đàng là của những tâm hồn giống như chúng nó".

- "Ta không đến để được hầu hạ nhưng để phục vụ".

- "Ta không đến để cứu những kẻ công chính nhưng để cứu những người tội lỗi". Con hãy làm như Chúa Giêsu. Hãy tin tưởng và yêu mến Chúa Giêsu. Hãy tiếp xúc như và với Chúa Giêsu. Con sẽ thấy kết quả.


17. Tại tôi không sống với Chúa.

* Chỉ có một việc quan trọng nhất, Maria đã chọn phần tốt nhất: ngồi bên Chúa. Nếu con không sống nội tâm, nếu Chúa Giêsu không phải là linh hồn các hoạt động của con, thì... Con thấy nhiều, hiểu nhiều rồi, cha miễn nói (ĐHV 995).

Cha Antoine thuật lại: "Có một linh mục sống mười lăm năm trong khổ cực và luôn luôn chống đối Đức Giám mục, ngài cầm đầu một nhóm linh nục phản chứng. Trước ngày ngài định tới gặp Đức Giám mục xin hồi tục về cưới vợ thì tình cờ ngài gặp một người trong số các anh em của tôi. Cha này đề nghị với ngài, hãy làm một cố gắng cuối cùng xem sao. Ngài đồng ý và đến trung tâm chúng tôi. (Trong thời gian này có một cô 28 tuổi bị bệnh ung thư đã hy sinh tất cả để cầu nguyện cho ngài trở lại).

Anh em chúng tôi đón tiếp ngài, cho ngài làm quen với cuộc sống và đối xử chân thành với ngài cũng như đối với các linh mục khác.

Sau một tháng rưởi sống chung, tôi được dịp đọc nhật ký của ngài lúc còn ở chủng viện. Tôi xác tín rằng ngài có ơn gọi thực sự, nhưng tôi không sao trình bày tất cả với ngài, chỉ cầu nguyện và mời ngài tiếp tục sống với chúng tôi.

Sau ba tháng, ngài gặp tôi và nói: "Tôi đã tìm thấy tình huynh đệ đích thực, như ngày xưa thánh Phaolô tìm thấy Thiên Chúa trên đường đi Damas".

Từ đó ngài trở nên cởi mở, vui vẻ, nhưng vẫn mang một tâm sự thầm kín trong tâm hồn chưa giải quyết được.

Một ngày kia, ngài bỏ ra đi và để lại cho tôi một mảnh giấy nhỏ có ghi: "Con đi và con sẽ trở lại vào tháng 8".

Nhưng chỉ mười ngày sau ngài trở về. Gặp tôi ngài chào và nói:

- Thưa cha, con đi gặp bác sĩ riêng.

Tôi không nói gì, cứ vui vẻ mời ngài tiếp tục sống với anh em.

Sáu tháng sau, ngài tới gặp tôi và lần này ngài tâm sự:

- Thưa cha, con đã tìm ra được nguyên tắc để sống. Đời linh mục con đau khổ vì thiếu cuộc sống âm thầm, mật thiết với Chúa Giêsu!

Chúng tôi tiếp tục tâm sự với nhau vui vẻ thân mật hơn. Sau đó, ngài trở về giáo phận, tiếp tục sống đời linh mục tốt đẹp và hạnh phúc".


18. Làm sao tìm thánh ý Chúa?

* Con chỉ có một của ăn: "Thánh Ý Chúa Cha" nghĩa là con sống, con lớn lên bằng ý Chúa. Con hành động do ý Chúa. Ý Chúa như thức ăn làm con sống mạnh, vui; ngoài ý Chúa, con chết (ĐHV 996).

Nhà thần học Teuler người Đức thuật lại: "Có lần tôi muốn tìm một định nghĩa về thánh ý Chúa, tôi suy nghĩ mãi nhưng tìm không ra; tôi cứ đi dạo thơ thẩn trong các vườn hoa, vào các nhà thờ, lục các thư viện nhưng vẫn tìm không ra. Một hôm, tôi vào cầu nguyện trong nhà thờ, lúc đi ra tôi thấy một cụ già ăn mày đang đứng ở cửa nhà thờ ngả mũ xin tiền. Theo thói quen, tôi lấy tiền biếu cụ và chào: "Bonjour Monsieur!", nghĩa từng tiếng là "chúc ông một ngày tốt". Cụ già trả lời: "Tous les jours sont bons!" (ngày nào lại không tốt). Nghĩ ông già bướng bỉnh, tôi dừng lại và nói:

- Xin lỗi cụ, cụ đói rách thế mà cụ bảo ngày nào cũng tốt sao?

- Thưa ông, tôi theo ý Chúa. Chúa muốn mưa, tôi cũng muốn, Chúa muốn nắng tôi cũng muốn, Chúa muốn sướng tôi cũng muốn, Chúa muốn cực tôi cũng muốn, chấp nhận tất cả. Phần tôi đã lo phấn đấu lao động lúc trẻ nên đủ ăn, giờ đây già, bà con rộng lòng nên cũng đủ ăn, ngày nào cũng đẹp!"

Ông Teuler tiếp: "Cụ già này thông hơn tôi, chính ông đã cho tôi định nghĩa thánh ý Chúa là gì!".

Chính Đức Gioan XXIII, lúc tĩnh tâm chịu chức Phó tế ngày 10.4.1903, cũng đã ghi lại những lời tương tự như thế:

"Trời mưa, trời nắng, trời lạnh, bề trên lớn, bề trên nhỏ, quyết định thế này hay thế khác, tôi vẫn phải vui: Không một lời chỉ trích, kêu ca, công khai hay trong lòng, trên môi bao giờ cũng nở một nụ cười tươi, hồn nhiên chân thành. Thành công không nên làm tôi mất tự chủ, đau buồn của cuộc đời không được đánh đổ tinh thần tôi".


19. Phút đẹp nhất đời.

* Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: Giây phút hiện tại, sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn; đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó! (ĐHV 997).

Cha Gonza thuật chuyện: "Hồi ấy tôi là công nhân, có dịp đi tiếp tế ở một trại tù Phátxít. Trại này có chừng 500 người gồm Giám mục, Tổng đại diện, quản hạt, chánh xứ, phó xứ... Họ bị kết án không cho hoạt động gì cả. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ gặp những người chán nản, tuyệt vọng. Tôi chắc rằng đau khổ lớn lao nhất đối với họ là thấy hàng vạn giáo dân không có người lo, đang lúc đó 500 linh mục bị cầm tù ở đây. Họ vui vẻ trả lời với tôi: "Chúng tôi đang sống với Chúa và đang theo Chúa ở đây. Theo tính tự nhiên, sống mà không hoạt động, nhất là bỏ con chiên là một điều đau khổ lớn. Nhưng chúng tôi làm điều Chúa muốn, chứ không phải điều chúng tôi muốn. Chúng tôi tin chắc là Chúa sẽ lo cho giáo dân thay chúng tôi. Ở đây chúng tôi chỉ cần làm việc là sống mỗi giây phút đầy yêu thương nhau, sống Phúc Âm. Khi thấy chúng tôi vui vẻ yêu thương nhau và thương yêu họ, cả những người lính gác cũng vui vẻ, tử tế với chúng tôi".

Cha Gonza kể tiếp: "Có lần tôi lại đi tiếp tế cho một linh mục bị giam biệt phòng, tôi hỏi ngài có buồn chán lắm không? Ngài đáp: "Theo tính tự nhiên rất là buồn, vì mình phải câm suốt năm, suốt tháng, suốt ngày. Nhưng rồi tôi đã tập chấp nhận tất cả. Khi có được bánh rượu thì tôi dâng lễ, khi không có bánh rượu thì tôi mang Mình Thánh Chúa trong túi áo, kết hợp với Chúa Giêsu suốt ngày. Và khi không có gì nữa thì tôi theo ý Chúa, tự nhủ nếu Chúa không muốn cho tôi dâng lễ, làm việc tông đồ, thì sống với Chúa trên Thánh giá vậy. Tôi hát suốt ngày và suy niệm Lời Chúa, nghe Chúa nói với tôi, tôi nói với Chúa. Tuy đau khổ, nhưng tôi cứ sống từng phút, hết phút này đến phút khác, và tôi thấy đây là những giây phút đẹp nhất của đời tôi. Chưa bao giờ tôi dâng Thánh lễ, chưa bao giờ tôi chầu Chúa sốt sắng như bây giờ!".


20. Nguồn cảm hứng của thuyết bất bạo động.

* Con chỉ có một tuyên ngôn: "Phước thật tám mối". Chúa Giêsu đã tuyên bố trên núi: "Bát Phúc". Hãy sống như vậy, con sẽ nếm được hạnh phúc rồi rao truyền cho mọi người con gặp (ĐHV 998).

Trên thế giới, không ai lại không biết thánh Gandhi (1869-1948) một nhà ái quốc Ấn Độ đã dùng đường lối bất bạo động mà thu hồi độc lập cho quốc gia mình. Lúc còn trẻ, ông sang Anh quốc học nghề luật sư, và nhờ đó đã có dịp tiếp xúc với Kitô giáo. Ông đọc Phúc Âm thường xuyên và rất say mê Chúa Kitô, đặc biệt là thán phục "Tám mối phúc thật" của Người. Ông đã lấy đó làm nguồn cảm hứng cho thuyết bất bạo động của ông rõ rệt mang tinh thần tám mối phúc thật và đã trở thành cho ông một lợi khí để thu hồi độc lập quốc gia từ tay người Anh. Tuy nhiên, vì quá tiêm nhiễm quan niệm của Ấn giáo coi Thượng đế phải hoàn toàn siêu việt, không thể nhập thể cách hèn hạ, và vì thấy nhiều Kitô hữu (đặc biệt là người Anh đang đô hộ nước ông) không sống tám mối phúc thật của Chúa Giêsu, ông Gandhi đã không trở lại đạo. Ông có nói một câu khiến ta phải suy nghĩ: "Tôi yêu mến Chúa Kitô nhưng tôi ghét người Kitô hữu, vì họ không giống Chúa Kitô. Nếu họ giống Chúa Kitô, thì dân Ấn của chúng tôi đã trở lại Kitô giáo cả rồi".


21. Làm gì để nên thánh.

* Con chỉ có một công việc quan hệ: Bổn phận. Không kể lớn hay nhỏ, vì lúc ấy "con làm việc của Cha con" - trên trời Ngài chỉ định cho tôi thực hiện chương trình của Ngài trong lịch sử. Làm bổn phận là đường lối tu đức chắc chắn nhất, đơn sơ nhất. Nhiều người bày vẽ một lối tu đức rắc rối, rồi phàn nàn là khó! (ĐHV 999).

Các thánh chỉ làm bổn phận mình, theo ơn Chúa ban cho mỗi người. Thánh Giuse và Mẹ Maria không làm gì khác hơn là chu toàn bổn phận âm thầm, khiêm tốn mỗi ngày, nói được là bổn phận tầm thường hơn con nữa.

Chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu chỉ lo làm việc nội trợ trong nhà Kín như các chị em khác.

Thánh Isiđôrô cứ đi cày như các nông dân khác.

Thánh Gioakim và Anna là cha mẹ gia đình vất vả như cha mẹ của mọi gia đình khác.

Thánh Gioan Vianney chỉ ngồi tòa giải tội như bất cứ một linh mục nào khác. Có linh mục nào mà giải tội không được đâu! Nhưng cha Vianney rất ý thức về bổn phận cao cả của ngài và đã chu toàn một cách rất tuyệt hảo, mặc dầu ngài dốt đặc. Trước ngài ngồi tòa mỗi tuần ít giờ, dần dần mỗi ngày ít giờ, rồi sau cùng, suốt mấy chục năm cuối đời, ngồi tòa giải tội mỗi ngày 18 giờ. Ngài chỉ làm chừng ấy thôi mà ma quỷ cũng phải thét lên: "Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao phải bó tay thất nghiệp".

Hiện giờ, chúng ta có hơn 400.000 Linh mục. Nếu ta cùng làm như cha Vianney thì sao!


22. Ơn Chúa và ý chí con.

Cậu Phaolô Bột, tiểu chủng sinh làng Sơn-miếng, phủ Ung-hòa, tỉnh Hà đông, bị bắt cầm tù vì theo đạo Gia-tô. Cậu bị tra tấn dữ dằn, và vì còn trẻ, non gan yếu dạ nên cậu đã bước qua thập tự giá theo lệnh quan. Người ta thả cậu về. Mẹ cậu đuổi cậu ra khỏi nhà vì không muốn một đứa con chối Chúa. Phaolô bèn đi tìm một linh mục để xưng tội rồi lại trở về xin lỗi mẹ. Mẹ cậu tha lỗi và khuyên cậu: "Hãy vững vàng tuyên xưng lại Đức tin, có Chúa giúp con".

Nhờ ơn Chúa soi sáng, cậu Bột lấy lại ý chí, và với một tâm hồn can trường quả cảm, cậu chạy thẳng đến dinh Thượng Nam Định và lớn tiếng nói: "Tôi đã dại dột bước qua Thập giá, giờ đây tôi đến xưng đạo lại, tôi sẵn sàng chết vì Chúa". Lính đuổi cậu ra và quát bảo: "Đồ ngu dại, đi đi, về nhà ngay kẻo chết. Bén mảng đến đây làm gì!" Nhưng cậu Bột vẫn can đảm đứng lì lại đấy, miệng không ngớt tuyên xưng Đức tin.

Sau khi lãnh bản án của quan phê chuẩn, cậu bị voi chà nát bét cả thân mình. Linh hồn cậu bay thẳng về nơi vinh hiển (1858).

***

Phêlixita và Perpêtua là hai thánh nữ đang học đạo thì bị Hoàng đế Sêvêrê bắt giam. Vì Phêlixita đang mang thai nên được hoãn xử tử, đợi đến ngày sinh nở xong mới mang ra pháp trường. Đang lúc còn ở tù, cả hai đã được vinh dự chịu phép Thánh tẩy trở thành Kitô hữu chính hiệu.

Trong chốn tù ngục, cả hai đã phải phấn đấu gắt gao, vì phải chịu biết bao nhiêu là lo âu dày vò, xao xuyến.

Perpêtua thuộc dòng dõi quý tộc, mỗi ngày người cha già của nàng đến khóc lóc thảm thiết, năn nỉ nài xin con hãy vì tình thương tuổi già của mình và vì gia nghiệp lớn mà chối đạo... Ai là con mà chẳng động lòng xót xa trước giòng suối lệ của thân phụ; nhưng với ơn Chúa và ý chí mình Perpêtua đã thắng.

Còn Phêlixita trong cơn đau đớn lúc sinh con, đã bị lính gác mỉa mai: "Bây giờ sinh con, chị kêu van như thế, ngày nào bị giết, chị chịu sao nổi?" Phêlixita đáp: "Bây giờ chỉ có mình tôi đau khổ, nhưng chừng ấy có sức Chúa trong tôi". Rồi Phêlixita phải dứt lìa tình mẹ con, giao đứa con thơ đang bú cho người nhà nuôi dưỡng. Cả hai chị em đã ra hí trường chịu khổ hình tàn nhẫn. Khi còn có thể, miệng họ vẫn hiên ngang ca hát để chúc tụng Thiên Chúa.

Một lúc sau, hí trường im bặt tiếng hát cả hai đã nát thịt tan xương dưới gót chân và hàm răng của thú rừng tàn bạo. Ơn Chúa và ý chí họ đã thắng. Hôm ấy là ngày 7.3.203.


_______________________

38. CON CÓ MỘT TỔ QUỐC

1. Tạm biệt quê hương tôi.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có rất nhiều dịp để nói lên lòng yêu mến tổ quốc Balan của ngài. Ở đây, chúng ta hãy suy niệm những lời nói chân thành của ngài đã được truyền đi trong bầu không khí cảm động ở phi trường Bilace, lúc ngài từ biệt quê hương để trở về Roma:

"Giờ phút đã điểm, tôi phải từ giã giáo phận Cracovie và tổ quốc Balan. Mặc dù sự chia ly này không thể cắt đứt những mối dây thiêng liêng sâu đậm và những tâm tình thắm thiết ràng buộc tôi lại với thành phố của tôi, quê hương của tôi và đồng bào của tôi giờ đây tôi vẫn cảm thấy đau đớn về sự chia ly ấy. Nhưng bây giờ tòa Giám mục của tôi là Roma, và tôi phải trở về đó, nơi mà không người con nào của Hội Thánh và chúng ta có thể nói rằng: không một người nào, Balan hay quốc tịch nào bị xem là xa lạ cả.

"... Tôi xin cám ơn tất cả anh chị em; tôi muốn tiếng "cám ơn" đến tận những người tôi mang ơn, và tôi không biết có ai trong nước Balan này mà tôi không mang ơn họ.

"Những ngày ngắn ngủi ở Balan càng làm cho tôi gắn bó hơn nữa những sợi dây thiêng liêng kết hiệp tôi với quê hương yêu quý, với Giáo hội Balan, Giáo hội mà tôi muốn phục vụ với tất cả tâm hồn tôi, với tất cả sức lực tôi qua thừa tác vụ Giáo Hoàng của tôi.

"Tôi cám ơn anh chị em đã hứa cầu nguyện cho tôi. Từ nơi xa xăm ấy, bên kia núi Alpes, tâm trí tôi sẽ lắng nghe tiếng chuông kêu gọi giáo dân cầu nguyện, nhất là lúc nguyện kinh Truyền tin, lúc mà tôi nghe nhịp tim của đồng bào tôi...

"Tôi xin tạm biệt Cracovie. Tôi xin chúc Cracovie một mùa xuân mới. Tôi cầu chúc cho Cracovie mãi mãi là một chứng tích cao đẹp của lịch sử đất nước, của Giáo Hội, trước mặt dân Ba Lan, Âu châu và thế giới những ngày hôm nay...

"Tôi xin tạm biệt nước Ba Lan, quê hương yêu quý của tôi! Giờ ra đi này, tôi xin hôn kính đất Ba Lan, mảnh đất mà lòng tôi không bao giờ có thể xa rời được.

"Xin Thiên Chúa Toàn năng chúc lành cho anh chi em: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". (ĐHV. Con có một tổ quốc).



2. Hai nhà ái quốc Công giáo Việt Nam.

Tiếng chuông ngân trầm, Việt Nam nguyện cầu.

Tiếng chuông não nùng, Việt Nam buồn thảm.

Tiếng chuông vang lừng, Việt Nam khởi hoàn.

Tiếng chuông thanh thoát, Việt Nam hy vọng. (ĐHV... Con Có Một Tổ Quốc)

Là người Công giáo Việt Nam chúng ta luôn luôn hãnh diện đã góp phần xây dựng đất nước từ khi đạo Công giáo đến Việt Nam. Chúng ta đặc biệt hãnh diện vì có lắm khuôn mặt Công giáo yêu nước chân chính đã được ghi công trong lịch sử: Hai khuôn mặt nổi bật nhất, trong số đó là ông Nguyễn Trường Tộ và Linh mục Đặng Đức Tuấn.

* Nguyễn Trường Tộ (1827-1871)

Ông người thôn Bùi Châu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, theo học chữ Nho từ thuở nhỏ, tuy có tài về thơ văn, nhưng vì chán lối học từ chương và có khuynh hướng về lối học thực dụng, nên ông không theo đường cử nghiệp. Nhờ có đạo, nên một Nhà Dòng ở Tân Ấp mời ông làm thầy dạy chữ Hán, do đó ông gặp được một giáo sĩ thừa sai là Đức Giám mục Gauthier (Ngô Gia Hậu). Vị Giám mục này dạy ông học tiếng Pháp và các khoa học phổ thông, rồi sau đó đem ông qua Ý, qua Pháp một thời gian để ông quan sát học tập thêm nữa. Khi về nước, giữa lúc người Pháp đang đánh lấy Gia Định (1859), ông có giúp việc cho Soái phủ Nam Kỳ trong ít lâu, chú tâm góp phần vào việc giảng hòa hai chính phủ Pháp và Việt. Rồi ông về quê, đem các điều đã sở đắc giúp người đồng hương khẩn đất, lập ấp và kiến trúc, đồng thời viết nhiều bản điều trần để xin Triều đình canh cải mọi việc.

Năm 1866 (Năm Tự Đức thứ 19), ông được cử đi tìm mỏ ở Nghệ An, Hà Tịnh. Tháng 6 năm ấy ông được Quan Tổng đốc Hoàng Tố Viêm giao cho việc cắm lối để đào sông thiết cảng, một công trình thủy lợi quan trọng thời bấy giờ. Đến tháng 9, ông lại cùng với Đức Giám mục Gauthier sang Pháp để mướn chuyên viên kỹ thuật và mua máy móc. Nhưng vì việc giao thiệp giữa Triều đình Việt Nam với Soái phủ Nam Kỳ trở nên gay go, nên khi ông đang lo các việc ở Pháp thì nhận được lệnh đình chỉ việc mướn chuyên viên và mua máy móc mà về.

Đến năm 1868, Vua Tự Đức lại phái ông sang công tác bên Pháp, nhưng ông đau không đi được. Năm 1871, Vua lại triệu ông vào Kinh (Huế) để đem học sinh sang Pháp, nhưng ông cũng đang đau nên phải từ chối. Giữa năm ấy thì ông mất, thọ 44 tuổi. Trước khi mất, ông còn viết nhiều bản điều trần nữa.

Nội dung các bản điều trần đó (viết từ năm 1863-1871) là trình bày những điều ông đã xem thấy, hiểu biết về thế giới văn minh khoa học, kỹ thuật cho Triều đình hay và thảo ra một chương trình cải cách để giúp cho việc phát triển Quốc gia và đối phó với hoàn cảnh đương thời. Những bản quan trọng nhất là về chính sách Tôn giáo (1863), về việc phái học sinh du học ngoại quốc (1866), về việc giao thiệp với nước ngoài (1868), về cải cách nông nghiệp, về việc tu chỉnh võ bị (1871), đào tạo nhân tài (1871), về việc phát triển kỹ nghệ, về việc dùng Quốc văn (1867)...

Lời lẽ các bản điều trần cho thấy ông là một người học thức rộng, kiến văn nhiều, lại có lòng nhiệt thành yêu nước, muốn đem những điều sở đắc mà giúp vào việc canh tân đất nước cho giàu mạnh phú cường. Lúc đầu, nhà vua thấy kế hoạch của ông có nhiều điều hay, cũng có ý muốn đem ra thực hành, nên có lần giao cho việc đi tìm mỏ và phái ông sang Pháp mua máy móc và tuyển chuyên viên (1866). Nhưng tiếc thay Triều thần bấy giờ phần nhiều không hiểu thời cuộc, chỉ một mực thủ cựu, không tán thành các việc ông xin, lại tìm cách bài bác công kích, nên chương trình hay ho của ông đành phải bỏ đó.

* Cha Đặng Đức Tuấn.

Cha Đặng Đức Tuấn cũng là người đồng thời với ông Nguyễn Trường Tộ. Thời ấy Vua Tự Đức và triều đình Huế, như hai triều vua trước, đều xem đạo Công giáo là một dị đoan, là tà thuyết mê hoặc nhân tâm, xúi dân phản quốc và chạy theo giặc Pháp, nên đã ra sắc chỉ cấm đạo (từ năm 1848).

Để sửa đổi những quan niệm sai lầm ấy, cha Đặng Đức Tuấn, một linh mục địa phận Qui Nhơn, đã làm một bản điều trần bày tỏ mọi căn nguyên rồi định ra Huế, để trình cho Vua ngự lãm (khoảng 1860-1861). Đang khi đi đường thì ngài bị bắt và bị giải lên huyện Mộ Đức, tỉnh Bình Định. Quan huyện cho điệu ngài lên tỉnh. Ở đây nhân vua có hai vị quan ở Kinh vào kinh lý, nên bản điều trần của cha Đặng Đức Tuấn được xem qua và rồi cha bị giải ra Huế để trực tiếp cung khai với Triều đình đúng như lòng ngài sở nguyện.

Đến Huế, ngài được gặp Đại thần Phan Thanh Giản và Thượng thư Lâm Duy Tiếp. Hai ông hỏi đạo Công giáo dạy những gì và vì sao "Tây dương" đến gây hấn quấy rối. Cha Tuấn liền phân giải hai vấn đề quan trọng đã gây bao tai hại lớn lao trong thời kỳ ấy bằng những lời lẽ như sau:

"Đạo Công giáo dạy phụng sự Thiên Chúa linh thiêng, tạo thành thiên địa, cầm quyền sinh tử; phàm người thế có tinh linh vâng theo đường chính tất hưởng trường sinh cõi thọ."

"Đạo dạy phục quyền vua thay mặt Thiên Chúa trị dân; đạo dạy hiếu kính phụ mẫu, đền ơn sinh thành."

"Các lý thật lẽ ngay bên đạo do ở pho sách Kinh Thánh rút ra, thành thử xưa nay vẫn một mực; và tuy truyền giáo tứ phương nhưng tựu trung đâu đó vẫn dưới quyền Đức Giáo Hoàng ngự tại Roma."

"Nếu việc (gây hấn) do ở Roma, thì xin chịu Đạo phá rây, nhưng không phải; chiến tranh mà có là do bởi ở nước ngoài vì đường danh lợi mà tạo nên. Nếu truyền giáo mà hoành hành như thế, thì xin Triều đình xét năm kia tàu lại, như đạo nội ứng cho giặc tất nhiên sẽ rủ nhau bỏ xứ chạy ùa theo giặc. Nhưng bởi không có cái nhị tâm đó nên đâu đó vẫn ở yên giữ luật Nước Nhà..."

Sau đó, cha Đặng Đức Tuấn còn làm thêm vài bản điều trần nữa và được chính vua Tự Đức đọc. Xem xong, nhà Vua truyền mở gông giải xiềng và ban thưởng cho ngài, rồi cha được tự do thăm viếng các giáo hữu đang bị giam cầm vì đức tin trong ngục thất.

Đến tháng 3 năm 1862, cha Tuấn lại dâng thêm hai bản điều trần nữa. Lần này vua Tự Đức thuận theo những lời yêu cầu của ngài nên hạ lệnh cho tha các giáo hữu đang bị bách hại và bị tống ngục.

Lúc đó, miền Nam đã bị Pháp chiếm, miền Bắc lâm cảnh nổi loạn và tàu Pháp đang ra Huế, đợi ký kết Hoà ước với Việt Nam. Triều đình bàn tán xôn xao, không biết phái ai đi Đại sứ. Thượng thư Bộ binh Lâm Duy Tiếp bèn mời cha Tuấn đến dò ý kiến. Ngài đề nghị cụ Phan Thanh Giản cùng ông ta đi, và ngài cũng xin đi tháp tùng làm cố vấn. Vua Tự Đức y theo lời xin. Từ ngày ấy cha Tuấn được ra vào Tả viện và Hoàng thành để bàn bạc chuyện thương thuyết với hai ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp. Đến tháng 5 thì cả ba cùng Phái Bộ vào Sài gòn ký hoà ước Nhâm Tuất.

Sau cha Đặng Đức Tuấn được về Bình Định và mỗi lần phải tra hỏi, Vua Tự Đức lại ra chỉ triệu ngài về Huế. Nhờ ngài mà Triều đình bớt ác cảm với Đạo và biết rõ quan niệm yêu nước chân chính của người Công giáo. Phần ngài thì cũng được dịp góp phần vào việc chính sự quốc gia.


_______________________

39. THAY LỜI KẾT

Con chọn Chúa:

Lạy Chúa Giêsu

Trên đường hy vọng suốt 2000 năm nay,

Tình thương Chúa như một lượn sóng

Đã lôi cuốn bao người lữ hành.

Họ đã yêu Chúa với một mối tình sống động,

Thể hiện qua tư tưởng, lời nói, việc làm,

Với một tâm hồn mạnh hơn mọi cám dỗ,

Mạnh hơn mọi đau khổ, hơn cả sự chết,

Họ đã là lời Chúa ở trần gian,

Đời họ là một cuộc cách mạng,

Đổi mới cục diện của Hội thánh.


***

Nhìn những tấm gương sáng ngời ấy,

Từ tấm bé con đã mang một ước vọng:

Bước toàn hiến đời con,

Cuộc đời duy nhất con đang chiếm hữu,

Cho một ý tưởng bền vững không bao giờ sụp đổ.

Và con đã cương quyết!

Nếu chúng con làm theo ý Chúa,

Thì Chúa sẽ hoàn tất ý định đó,

Và con lăn xả vào cuộc mạo hiểm mầu nhiệm này.


***

Con đã chọn Chúa,

Và con không bao giờ hối hận.

Con nghe Chúa bảo con:

"Hãy ở trong Thầy, trong tình yêu Thầy".

Làm sao ở trong người khác được?

Chỉ có tình yêu Chúa mới làm được sự lạ này,

Con hiểu Chúa muốn trọn cuộc đời con:

"Tất cả! vì yêu mến Chúa".


***

Con theo từng bước của Chúa trên đường hy vọng:

Bước lang thang ra chuồng bò Bê-lem,

Bước hồi hộp trên đường trốn sang Ai cập,

Bước bồn chồn trở về trú ngụ Na-gia-rét,

Bước phấn khởi lên Đền thánh với Mẹ Cha,

Bước vất vả suốt 30 năm trời lao động,

Bước yêu thương ba năm rao giảng Tin Mừng,

Bước thao thức kiếm tìm chiên lạc,

Bước xót xa vào Giêrusalem đầm đìa nước mắt,

Bước cô đơn ra trước toà không một người thân,

Bước ê chề vác thánh giá lên đồi tử nạn,

Bước thất bại chết chôn trong mồ kẻ khác,

Không tiền không bạc,

Không manh áo, không bạn hữu,

Chúa Cha cũng xem chừng bỏ rơi Chúa,

Nhưng Chúa phó thác tất cả vào tay Cha.


***

Lạy Chúa, quỳ trước Nhà Chầu,

Một mình con với Chúa,

Con hiểu rồi:

Con không thể chọn con đường khác,

Đường khác sung sướng hơn,

Bên ngoài vinh quang hơn,

Nhưng không có Chúa, người Bạn muôn năm,

Người Bạn duy nhất của con trên đời.

Nơi Chúa là tất cả Thiên đàng với Chúa Ba Ngôi,

Tất cả trần gian với toàn nhân loại.

Khổ đau của Chúa là của con,

Của con, nỗi khốn khổ của những tâm hồn sát cạnh,

Của con, tất cả những gì không phải an hoà,

Tươi vui, đẹp đẽ, sung sướng, dễ thương...

Của con, tất cả sầu muộn, thất vọng, chia ly, bỏ rơi,

khốn nạn...

Những gì là chính Chúa, vì Chúa đã gánh hết;

Những gì nơi người anh em, vì Chúa trong họ.


***

Con tin vững vàng:

Vì Chúa đã cất bước khải hoàn sống lại:

"Hãy vững lòng, Thầy đã thắng thế gian" 


***

Vì Chúa dạy con:

Hãy bước những bước khổng lồ:

"Đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng".

Con sẽ lau sạch nước mắt ưu phiền

Và những con tim chán nản;

Con sẽ đưa về sum họp

Những tâm hồn xa cách;

Con sẽ đốt cháy trần gian bằng lửa tình yêu,

Thiêu sạch những gì cần phải hủy bỏ.

Để chỉ còn lại chân lý, công bình và yêu thương.


***

Nhưng lạy Chúa! Con biết con yếu đuối lắm!

Xin giúp con bỏ tính ích kỷ, yêu an nhàn;

Cho con đừng sợ kham khổ dày vò,

Không xứng tông đồ của Chúa;

Cho con sẵn sàng mạo hiểm,

Mặc cho thiên hạ khôn ngoan;

Con xin làm "đứa con điên"

Của Chúa, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse;

Con muốn lăn xả vào thử thách,

Chấp nhận mọi hậu quả,

Và không cần biết hậu quả,

Vì Chúa đã dạy con liều mạng.

Nếu Chúa dạy con bước lên Thánh giá nằm mãi đó,

Vào trong Nhà Chầu thinh lặng cho đến ngày tận thế:

Con cũng xin liều mạng bước theo

Con sẽ mất tất cả,

Nhưng Chúa vẫn còn!

Tình thương Chúa vẫn còn!

Tràn ngập quả tim con,

Để yêu thương tất cả.

Và chừng ấy đủ hạnh phúc cho con.

Vì thế con xin lặp lại:

"Con chọn Chúa!

Con chỉ Muốn Chúa!

Con chỉ Muốn Vinh Danh Chúa".


Cuồng Tử

(ĐHV số 1001).

Tác giả Nguyễn Văn Thuận, HY