Hướng dẫn về các trường phái và phong trào

Phần này chứa đựng những mô tả ngắn gọn và thư mục liên quan đến các trường phái triết học lớn được nêu ra trong các mục từ. Những tên gọi được in đậm chỉ ra rằng có những mục từ riêng cho các triết gia, các trường phái hoặc phong trào này. 

- Absolute Idealism ( Chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối)

Một hình thức của chủ nghĩa duy tâm đâm cành trổ nhánh từ Schelling và Hegel, bao gồm cả chủ nghĩa Hegel mặc dầu được phát triển bên ngoài nước Đức với nhiều qui chiếu đến việc tranh luận triết học bản địa cũng nhiều như qui chiếu đến Hegel. Những hình thức của chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối được phát triển ở Anh Quốc bởi Bradley, Joachim và Bosanquet và, tại Mỹ, bởi Royce, Calkins và Blanshard. Chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối nhìn thế giới cảm giác như là chỉ hiện thực phần nào thôi. Tri thức của con người, hay cái có vẻ như là thế, thì rất manh mún và phiến diện. Tri thức thực sự là những mệnh đề liên kết hoàn hảo với nhau.

Bất kì cái gì hiện thực đều là một phương diện của ý thức vĩnh cửu hay Tinh thần Tuyệt đối ( der absolute Geist/ the Absolute Spirit). Chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối có khuynh hướng tiến đến chủ nghĩa phiếm thần (pantheism) và chủ nghĩa tập thể( collectivism) và bị phản đối mạnh mẽ bởi những người mong muốn nhấn mạnh đến những nhân vị cá thể trong siêu hình học và trong chính trị, nhất là những người theo chủ nghĩa nhân vị ( personalists).

Thư mục

Cunningham,G. Watts (1993) The Idealistic Argument in Recent British and American Philosophy ( Luận chứng duy tâm trong triết học Anh- Mỹ cận đại), Freeport, NY: Books for Library Press.

Joachim,H.H. (1906) The Nature of Truth ( Bản chất Chân lí), Oxford.

Metz, Rudolf (1938) A Hundred Years of British Philosophy ( Trăm năm Triết học Anh quốc), J.W.Harvey, T.E.Jessop và H.Sturt dịch, London: Allen Unwin( Nguyên tác tiếng Đức, Heidelberg, 1934).

Quinton,A.M. (1971-2) Absolute Idealism, Proceedings of the British Academy 57.

Randal Jr., John Herman (1967) F.H.Bradley and the working out of absolute idealism (F.H.Bradley và sự phát triển của chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối), journal of the History of Philosophy 5: 245-67.

Robinson, Daniel S. (1951) Philosophy today: Absolute Idealism ( Triết học ngày nay: Chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối), Personalist 32: 125-36.

Sprigge,T.L.S. (1983) The Vindication of Absolute Idealism ( Minh oan cho chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối), Edinburgh: Edinburgh Univ. Press.

STUART BROWN 

- Analytical Philosophy( Triết học phân tích)

Các triết gia phân tích là những người tin rằng nhiệm vụ chính, hay là nhiệm vụ duy nhất cho triết học là sự phân tích những khái niệm và rằng triết học không nên toan tính đưa ra những phát biểu về bản chất của thực tại. Mặc dầu phong trào phân tích hiện đại có khuynh hướng đối nghịch lại siêu hình học truyền thống, sự phân tích vẫn từng được quan niệm như một phần của triết học , ít nhất là từ Socrate.Phong trào phân tích hiện đại bắt đầu với công trình phân tích của Frege về bản chất của toán học và nguyên lúc đầu được đặc trưng bởi sự nhấn mạnh vào phân tích lôgích. Lí thuyết những mô tả của Russell tìm cách chỉ ra bằng cách nào mà một thành ngữ qui chiếu như “ Ông vua hiện nay của nước Pháp” có thể có ý nghĩa mặc dầu là một nhân vật như thế không hề tồn tại trên đời. Đây được coi là điển lệ của phân tích lôgích. Trong số những khuôn mặt lãnh đạo buổi đầu có Moore và Wittgenstein thời trẻ. Học phái thành Vienne, đặc biệt là Carnap chịu ảnh hưởng bởi giai đoạn này của triết học phân tích rồi sau đó ảnh hưởng ngược lại nó, chẳng hạn thông qua

A.J. Ayer. Mặc dầu Cambridge và Vienna thường được coi như những nơi khai sinh nền triết học này, Justus Hartnack đã yêu sách rằng triết học phân tích phát sinh, và hầu như độc lập, ở Uppsala, Thụy điển. Ba lan cũng phát triển truyền thống riêng của mình về triết học phân tích, gắn liền với Twardowski và học phái Lvov-Warsaw.

Triết học phân tích đã phát triển theo một số phương cách. Một trong những hướng phát triển là thông qua ảnh hưởng của Wittgenstein thời trưởng thành, người sau khi trở lại với triết học vào những năm cuối thập niên 1920s, trở nên càng lúc càng hoài nghi hơn đối với sự thực hành phân tích giản qui. Nói một cách chặt chẽ, ông bác bỏ phân tích nhưng triết lí ngữ học (linguistic philosophy) sau này của ông thường được nhìn như là một sự phát triển bên trong cùng một truyền thống hơn là bác bỏ nó. Triết học phân tích bén rễ vào nền văn hoá có tính đẳnguyên cao của Hoa kỳ, và trong khi làm như thế, thì bản thân nó cũng chịu tác động bởi các phong trào khác như chủ nghĩa dụng hành( pragmatism) và như một hậu quả, càng trở nên đa dạng hơn nữa.Vì những điều này và những sự phát triển khác, nhiều nguyên tắc đặc trưng của triết học phân tích ban đầu đã bị ném lên thảm xanh từ chính bên trong truyền thống. Một vài người, như Quine, đã tấn công sự phân biệt phân tích- tổng hợp ( the analytic-synthetic distinction). Strawson, mặc dầu tìm cách bảo vệ điều này, lại muốn dấn thân vào vùng lãnh thổ mà ông đặt tên là “siêu hình học mô tả” ( descriptive metaphysics). Vị trí của lôgích học trong triết học không còn được nhất trí nữa. Nhiều triết gia phân tích, kể từ thập niên 1970s, đã nghiêng cảm tình nhiều hơn với các truyền thống, cả hiện tại lẫn quá khứ, những truyền thống vốn bị các bậc tiền bối của họ thù địch.

Một ảnh hưởng mở rộng xa hơn lên triết học phân tích là sự nảy nở hứng thú vào những lãnh vực triết học trước đây thường bị lơ là. Trong khi lôgích học, ngôn ngữ, tri thức luận và triết lí khoa học dường như là những vùng trọng điểm, thì kể từ thập niên 1950s các triết gia phân tích đã làm việc trong nhiều lãnh vực khác nữa,chẳng hạn như : mỹ học( Sibley,

Wollheim và nhiều người khác), đạo đức học( Stevenson, Hare, Foot và những người khác), triết lí giáo dục( Hirst và Peters), triết lí lịch sử ( Dray), triết lí pháp luật (Dworkin và Hart), triết lí tôn giáo ( Alston, Mitchell, Swinburne và nhiều người khác), triết lí các khoa học xã hội( Winch) và triết lí chính trị (G.A. Cohen).

Triết học trong thế giới nói tiếng Anh, cũng như tại bán đảo Scandinavia, vẫn còn nằm trong truyền thống này và ảnh hưởng của nó vẫn tiếp tục tăng trưởng ở nhiều nơi khác. Chẳng hạn nó đã được giới thiệu vào Tây ban Nha bởi Ferrater Mora, ở Đức bởi Tugendhat và ở Bồ đào Nha bởi Hegenberg. Tại Pháp, việc giảng luận Wittgenstein đã được Jacques Bouveresse thực hiện , còn Pascal Engel thì giảng luận về Davidson và Dennett.

Thư mục

Ammerman, Robert(1965) Classics of Analytic Philosophy ( Những tác phẩm kinh điển của triết học phân tích), New York: McGraw-Hill.

Antiseri, Dario (1975) Filosofia Analitica: L’analisi del linguaggio nella Cambridge-Oxford Philosophy ( Triết học phân tích: Phân tích ngôn ngữ của triết học Cambridge-Oxford), Rome: Citta Nuova.

Corrado, Michael (1975) The Analytic Tradition in Philosophy. Background and Issues

(Truyền thống phân tích trong triết học. Bối cảnh và các vấn đề), Chicago:  

American Library Association.

Ferrater Mora, José (1974) Cambio de marcha in filosofia ( Trục chuyển trong triết học), Madrid: Alianza Editorial.

Hartnack, Justus (1967) Scandinavian Philosophy, in trong Encyclopedia of Philosophy, New York: Macmillan Co.

Hylton, Peter Russell (1990) Idealism and the Emergence of Analytic Philosophy ( Chủ nghĩa duy tâm và sự nổi lên của triết học phân tích), Oxford: Clarendon Press.

Pap, Arthur (1949) Elements of Analytic Philosophy ( Những thành phần của triết học phân tích), New York: Macmillan.

Passmore,John (1988) Recent Philosophers ( Các triết gia gần đây), London: Duckworth.

Skolimowski, Henryk (1967) Polish Analytical Philosophy. A Survey and Comparison with British Analytical Philosophy( Triết học phân tích Ba lan. Khào luận và đối chiếu với triết học phân tích Anh quốc), London: Routledge Kegan Paul.

Urmson, J.O.(1956) Philosophical Analysis ( Phân tích triết học), Oxford: Oxford University Press.

Weitz, Morris (1966) Twentieth Century Philosophy: The Analytic Tradition ( Triết học thế kỉ hai mươi: Truyền thống phân tích), New York: Free Press.

William Bernard and Montefiore, Alan (1965) British Analytical Philosophy ( Triết học phân tích Anh quốc), London: Routledge Kegan Paul.

STUART BROWN 

- Comtean Positivism ( Chủ nghĩa thực chứng kiểu Comte)

Một phong trào theo đuổi những lí tưởng và thực hành của chủ nghĩa thực chứng được gợi hứng bởi Auguste Comte (1798-1875). Theo Comte,lịch sử của các khoa học phải trải qua các giai đoạn thần học và siêu hình học trước khi đi đến giai đoạn thực chứng khi các nhà khoa học từ bỏ những yêu sách về chân lí tuyệt đối để theo đuổi cuộc nghiên cứu thực nghiệm về những tương quan kế tiếp và giống nhau giữa các hiện tượng. Cách mạng Pháp, theo Comte đã đưa xã hội Pháp từ giai đoạn thần học sang giai đoạn siêu hình học. Điều cần có là một xã hội học thực chứng, nó sẽ, vì là thực sự khoa học, đem lại sự đồng thuận và đưa tới một xã hội tốt đẹp hơn. Về sau Comte biến chủ nghĩa thực chứng thành một thứ tôn giáo thế tục, với những ngày lễ, một lịch các thánh và một thứ kinh bổn. Các Hội Thực chứng họp nơi những chỗ gần như giáo đường và dấn thân vào một thứ thờ phụng thế tục, tôn thờ lí trí.

Chủ nghĩa thực chứng của Comte rất có ảnh hưởng ở Pháp và vào đầu thế kỉ hai mươi Lévy- Bruhl còn viết một quyển sách đầy nhiệt tình về Comte. Tuy nhiên đến thập niên 1920s, theo Benrubi, triết học Pháp được đánh dấu đậm nét hơn bởi những phản ứng chống lại một thứ “thực chứng duy nghiệm” ( empiric positivism). Comte có một số người ngưỡng mộ ở Anh , kể cả John Stuart Mill. Hội Thực chứng London được thành lập năm 1877, là linh hồn của phong trào thực chứng ở Anh. Theo Metz, các hội này phô bày sức mạnh và năng lực tăng trưởng lớn nhất trong hai thập niên 1880s và 1890s. Nhưng đến khúc quanh của thế kỉ một tiến trình thoái hoá nhanh chóng thâm nhập vào mà không có gì ngăn cản được và dưới tác động của nó toàn bộ phong trào thoi thóp rồi dần dần tiêu vong. Một trong những nhóm này, do Frederic Harrison lãnh đạo, còn hoạt động tích cực và tờ báo của nó,The Positivist Review còn được phát hành cho đến năm 1925.

Một số các triết gia Ý chịu ảnh hưởng chủ nghĩa thực chứng của Comte, gồm có Ardigo,

Marchesini, Martinetti, Rignano và Varisco. Chủ nghĩa này cũng có ảnh hưởng ở châu Mỹ Latinh trong thế kỉ mười chín nhưng khi việc áp dụng nó không đem lại những cải thiện chính trị và kinh tế , thì đã nảy sinh những phản ứng chống lại nó vào đầu thế kỉ hai mươi và đó là một khởi điểm quan trọng cho những tư duy triết học độc đáo, nhất là với Caso và Vasconcelas ở Mexico.

Thư mục

Benrubi, Isaac (1926) Contemporary Thought of France ( Tư tưởng Pháp hiện đại), Ernest B. Dicker dịch, London: William Norgate.

Bridges,J.H. (1915) Illustrations of Positivism: A Selection of Articles from” The Positivist Review”in Science, Philosophy, Religion and Politics ( Những minh hoạ cho chủ nghĩa thực chứng: Tuyển tập các bài viết từ The Positivist Review về khoa học, triết học, tôn giáo và chính trị), London:Watts.

Charlton, D.J.(1963) Secular Religions in France 1815-1870 ( Những tôn giáo thế tục ở Pháp từ 1815-1870), London: Oxford Univ. Press.

Kent,W. (1932) London for Heretics ( Thành London cho những kẻ dị giáo), London:

Watts. ( Nguyên tác tiếng Đức, xuất bản ở Heidelberg, 1934).

Metz, Rudolf (1938) A Hundred Years of Philosophy( Trăm năm triết học), J.W.Harvey, T.E.Jessop và H.Sturt dịch, London: Allen Unwin (Nguyên tác tiếng Đức, xuất bản ở Heidelberg, 1934).

STUART BROWN VÀ ROBERT WILKINSON 

- Critical Realism ( Chủ nghĩa hiện thực phê phán)

Nhãn hiệu này được một nhóm các nhà hiện thực Mỹ có ảnh hưởng chọn nhận để tự phân biệt với những nhà tân hiện thực ( new realists) của thập kỉ trước đó. Nhóm gồm có D.Drake, A.O. Lovejoy, J.B.Pratt, A.K.Rogers, G. Santayana, R.W.Sellars và C.A.Strong. Họ phản đối cái họ gọi là chủ nghĩa hiện thực ngây thơ (naïve realism) của những nhà tân hiện thực, những người tin rằng các đối tượng vật lí được tri giác trực tiếp. Theo các nhà hiện thực phê phán, tâm trí ta chỉ tri giác trực tiếp những ý tưởng hay các dữ liệu cảm giác . Như vậy, họ quay về với thuyết nhị nguyên tri thức luận( the epistemological dualism) của Descartes. Một vài người, nhưng không phải là tất cả, cũng chấp nhận một thuyết nhị nguyên hữu thể học về tâm hồn và thân xác ( an ontological dualism of mind and body).

Ngoài nước Mỹ, Dawes Hicks chọn nhận tên gọi “ chủ nghĩa hiện thực phê phán để đặc trưng hoá lập trường của chính ông.

Thư mục:

Drake, D. và những người khác (1920) Essays in Critical Realism ( Những tiểu luận về chủ nghĩa hiện thực phê phán), New York: Garden Press.

Kurtz, Paul (1967) American Philosophy in the Twentieth Century: A Sourcebook (Triết học Mỹ trong thế kỉ hai mươi : Một sách nguồn), New York: Macmillan.

Sellars, R.W. (1932) A Philosophy of Physical Realism ( Một triết học về chủ nghĩa hiện thực vật lí ), New York: Macmillan.

Harlow,V.E. (1931) A Bibliography and Genetic Study of American Realism ( Một thư mục và nghiên cứu di truyền học về chủ nghĩa hiện thực Mỹ), Oklahoma City: Harlow.

Montague, William P. (1937) The Story of American Realism ( Câu chuyện về chủ nghĩa hiện thực Mỹ), Philosophy 12: 140-50,155-61.

Passmore, John (1957) A Hundred Years of Philosophy ( Trăm năm triết học), London: Duckworth.

STUART BROWN 

- Empiricism ( Chủ nghĩa duy nghiệm)

Đại thể là lí thuyết theo đó mọi kiến thức về thế giới đều có cơ sở nơi kinh nghiệm giác quan. Chủ nghĩa duy nghiệm đặc biệt được ưa chuộng trong thế kỉ hai mươi bởi các nhà dụng hành( Pragmatists) lẫn các nhà thực chứng lôgích ( Logical Positivists). William James qui chiếu về tri thức luận của mình như là “ chủ nghĩa duy nghiệm triệt để và cả

A. J. Ayer lẫn Herbert Feigl đều tự cho quan điểm của họ là “ chủ nghĩa duy nghiệm lôgích” ( logical empiricism). Mặc dầu chủ nghĩa duy nghiệm rất có ảnh hưởng trong nửa đầu thế kỉ , đặc biệt là nơi các triết gia khoa học và những ai hoài nghi về khả tính của siêu hình học, nhưng về sau chủ thuyết này lại trở thành đề tài cho sự phê phán triệt để từ các triết gia như Quine, Wittgenstein và Feyerabend.

Thư mục

Anderson, John (1962) Studies in Empirical Philosophy ( Nghiên cứu triết học thực nghiệm), Sydney : Angus Robertson.

Ayer, A.J. (1940) Foundations of Empirical Knowledge ( Những nền tảng của kiến thức thực nghiệm), London: Macmillan.

Feyerabend, Paul K. (1965) Problems of empiricism ( Những vấn đề của chủ nghĩa duy nghiệm) in trong Beyond the Edge of Certainty, Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall.

Jorgenson, Jorgen ( 1951) The Development of Logical Empiricism ( Sự phát triển của chủ nghĩa kinh nghiệm lôgích), Chicago: University of Chicago Press.

Morick, Harold (1972) Challenges of Empiricism ( Những thách thức của chủ nghĩa duy nghiệm), Belmont, CA: Wadsworth và London: Methuen, 1980.

Quine, W.V.O. (1936) Two Dogmas of Empiricism ( Hai giáo điều của chủ nghĩa duy nghiệm) trong From a Logical Point of View, London: Gollancz.

STUART BROWN


- Evolutionary Philosophers ( Các triết gia tiến hoá)

Không hẳn là một trường phái mà là một số các triết gia đã dành cho khái niệm tiến hoá, nhất là thuyết tiến hoá của Darwin, một vị trí trung tâm trong hệ thống của họ. Những hệ thống này đôi khi có tính tự nhiên chủ nghĩa( naturalistic), như của Haeckel, và đôi khi có tính bất khả tri luận( agnostic), như của Spencer. Nhưng có những vị khác đã tìm cách thích ứng công trình khoa học của Darwin vào một cái khung siêu hình học hay có tính đánh giá mà có vẻ dễ cảm tình hơn đối với tôn giáo. Một vài người khác, như Lloyd Morgan, giải thích ý tưởng tiến hoá theo một cách phi cơ giới và phi giản qui( in a non-mechanistic and nonreductionist way), vẫn chừa chỗ cho chủ nghĩa hữu thần. Những người khác, như Teilhard de Chardin đã thích ứng khái niệm tiến hoá vào trong một hệ thống phiếm thần ( a pantheistic system).

Thư mục

Boodin, John Elof (1923) Cosmic Evolution ( Tiến hoá vũ trụ).

Bergson, Henri (1907) L’Évolution créatrice ( Tiến hoá sáng tạo), Paris.

Goudge, Thomas A. (1961) The Ascent of Life: A Philosophical Study of Evolution ( Sự thăng tiến của đời sống: Một nghiên cứu triết học về tiến hoá ), London: Allen Unwin.

Hobhouse, L.T. ( 1901) Mind in Evolution ( Tinh thần trên đà tiến hoá), London.

Morgan, C. Lloyd (1923) Emergent Evolution ( Tiến hoá nổi lên), London.

Noble, E. (1926) Purposive Evolution ( Tiến hoá hữu đích), London.

Sellars, Roy Wood (1922) Evolutionary Naturalism ( Chủ thuyết duy nhiên tiến hoá), Chicago: Open Court.

Dotterer, Ray H. (19500 Early Philosophies of Evolution ( Những triết học tiến hoá buổi đầu) trong A History of Philosophical System), Freeport, NY: Books for Libraries Press.

Mac Dougall, W. Modern Materialism and Emergent Evolution ( Chủ nghĩa duy vật hiện đại và tiến hoá nổi lên), London: 1923.

Stow, Persons (19500 Evolutionary Thought in America ( Tư tưởng tiến hoá ở Hoa kỳ), New Haven, CT: Yale Univ. Press.

STUART BROWN


- Existentialism ( Chủ nghĩa hiện sinh)

Từ “ chủ nghĩa hiện sinh” thường được dùng để chỉ một phong trào rộng lớn, trong đó Heidegger và Sartre thường được nhìn như là hai người trình bày chính. Những nhà tư tưởng khác cũng thường được gán nhãn hiệu “triết gia hiện sinh “ là Kierkegaard, Jaspers, Marcel , Buber và Simone de Beauvoir. Người ta cũng còn cho là những khuôn mặt rất cách xa về thời gian như Thánh Augustin và Pascal cũng nằm trong số những tổ phụ trí thức của chủ nghĩa hiện sinh. Trào lưu này đạt đến đỉnh điểm thời kỳ hậu chiến ở Pháp nhưng bắt đầu suy tàn từ thập niên 1960s.

Một ưu tư chung của chủ nghĩa hiện sinh là nhận định sự kiện con người hiện hữu trong thế giới là như thế nào. Không có sự đồng thuận hoàn toàn về nhận định này phải chứa đựng những gì: cả chủ nghĩa vô thần của Sartre lẫn tư tưởng tôn giáo của Marcel và Buber đều được nhập thể vào tư tưởng hiện sinh. Tuy thế, một vài yếu tố minh nhiên hơn của câu phát biểu trơ trụi này có thể được định thức. Về phương diện nhận thức luận, người ta phủ nhận rằng có thể có một mô tả tuyệt đối khách quan về thế giới như nó vốn là thế ( an absolutely objective description of the world as it is) mà không có sự can thiệp của những quan tâm hay hành động của con người. Thế giới là một” dữ kiện” ( the world is a “given’/ le monde est une “donnée”) và không có một chủ nghĩa hoài nghi tri thức luận nào về hiện hữu của nó; nó phải được mô tả trong tương quan với chính chúng ta. Không có một yếu tính cố định nào mà các tại thể phải thích nghi vào để định phẩm như là con người; chúng ta là cái gì mà chúng ta quyết định muốn là ( we are what we decide to be) Ý thức con người có một cách thức hiện hữu ( mode of being) khác với cách thức hiện hữu của các đối tượng vật lí.

Một con người không chỉ hiện hữu như một đồ vật( một thân xác) nhưng còn như một phivật, một “hư vô”; nghĩa là như một ý thức hay “ khoảng trống” ( emptiness/ néant) , đó là điều kiện cho sự chọn lựa cái gì mà người ta muốn làm và muốn là. Chúng ta không thể lựa chọn để hoặc là lựa chọn hoặc là không lựa chọn; ngay cả nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể từ chối lựa chọn, thì chính điều đó cũng đã là một lựa chọn.

Những vấn đề về tự do và lựa chọn có tầm quan trọng tối yếu trong chủ nghĩa hiện sinh.

Sartre nghĩ rằng những lựa chọn đích thực là hoàn toàn không xác định. Nếu chúng ta hành động nhằm đáp ứng những đòi hỏi của một vai trò xã hội – nếu chẳng hạn, một anh chàng hầu bàn cà phê thực hiện những gì anh chàng nghĩ là những bổn phận được định sẵn của công việc mình làm, hoặc những tình nhân không được đền đáp ứng xử như họ nghĩ họ phải làm thế - lúc đó chúng ta phạm lỗi lựa chọn trong ngụy tín (Bad faith/ Mauvaise foi). Nếu chúng ta thực hiện những quyết định chỉ bằng cách qui chiếu vào điển lệ đạo đức bên ngoài hay những tập tục, những thủ tục thì lúc đó, cũng tương tự như thế, chúng ta không đi đến những lựa chọn đích thực. Buber bất đồng với Sartre về cái gì phải chọn lựa: ông chủ trương rằng những giá trị đã được khám phá, chứ không phải phát minh, có thể được chọn nhận cho cả một đời người.

Nhiều triết gia hiện sinh nhận định rằng có hai cách tiếp cận thế giới. Đối với Sartre, chúng ta có thể nhận định một cách nhầm lẫn chính mình là những đồ vật xác định, không khác biệt trong cách mà chúng ta hiện hữu so với các đối tượng vật lí cố định, quen thuộc, rắn chắc chung quanh chúng ta. Khi chúng ta ý thức được rằng hiện hữu của chúng ta không giống như hiện hữu của các đối tượng vật lí, thì vì đó chúng ta bị phân li khỏi thế giới vật chất và trượt vào một viễn tượng chân thực đầy lo âu xao xuyến. Đối với Buber, không hề có cảm giác lo âu xao xuyến hay phân li. Bất kì kinh nghiệm nào của chúng ta cũng có khả năng mang chúng ta từ viễn tượng thế giới tầm thường, hàng ngày đến thế giới phi thời (atemporal) và phi nguyên nhân ( acausal) của tự do, đối thoại và sự thu hồi lại tính toàn thể của hiện hữu con người chúng ta ( the wholeness of our human existence).

Người ta thường cho rằng chủ nghĩa hiện sinh liên quan đến những kinh nghiệm chủ chốt hay kinh nghiệm khủng hoảng (key or crisis experiences). Vì vậy những chủ đề hiện sinh thích hợp để đưa vào những tác phẩm văn học, như đã xảy ra với tiểu thuyết triết lí La Nausée ( Buồn nôn) của Sartre và nhiều vở kịch của ông như Le Diable et le Bon Dieu( Quỉ và Chúa), L’Engrenage ( Guồng máy) vv… và cả tập truyện vừa Les Mains Sales ( Những bàn tay bẩn).

Theo David Cooper, chủ nghĩa hiện sinh đã có một ảnh hưởng lên những triết gia đến sau như Richard Rorty. Trào lưu này nằm ngay nơi dòng chính của tư tưởng triết học thế kỉ hai mươi và đóng góp một cách có ý nghĩa vào việc thay thế di sản Descartes từng thống trị triết học trong suốt ba thế kỉ trước đây.

Thư mục

Sartre, J.P. (1938) La Nausée (Buồn nôn), Paris: Gallimard.

Sartre, J.P. (1948) Les Mains Sales ( Những bàn tay bẩn), Paris: Gallimard.

Cooper, David E. (1990) Existentialism, Oxford: Blackwell.

Kaufmann, W. (1975) Existentialism from Dostoievsky to Sartre, New York: New American Library.

Macquarrie, J. (1973) Existentialism: An Introduction, Guide and Assessement ( Chủ nghĩa hiện sinh: nhập môn, hướng dẫn và đánh giá), London: Penguin .

Olafson, F.A. (1967) Principles and Persons: An Ethical Interpretation of Existentialism

( Những nguyên lí và những nhân vị: Một kiến giải đức lí về chủ nghĩa hiện sinh), Baltimore: Johns Hopkins Univ. Press.

Solomon, A.C. (1972) From Rationalism to Existentialism ( Từ chủ nghĩa duy lí đến chủ nghĩa hiện sinh), New York: University Press of America.

Solomon, A.C. (1987) From Hegel to Existentialism ( Từ Hegel đến chủ nghĩa hiện sinh), Oxford: Oxford Univ. Press.

Sprigge, T.L.S. (1984) Theories of Existence ( Những lí thuyết về hiện sinh), London: Penguin.

Warnock, M. (1970) Existentialism, Oxford: Oxford Univ. Press.


- Frankfurt School ( Die Frankfurter Schule—Trường phái Frankfurt)

Nhóm từ này lúc đầu được dùng để chỉ “ Những lí thuyết gia phê phán” ( Critical Theorists) gắn bó với Institut für Sozialforschung ( Viện nghiên cứu xã hội), sau khi viện này được thành lập lại ở Frankfurt-am-Main sau Đệ nhị Thế chiến ; hiện nay nhóm từ này đã được dùng để chỉ “lí thuyết phê phán” nói chung từ lúc khởi thủy vào thập niên 1920s cho đến hiện trạng như là một truyền thống triết học tuy phân tán nhưng vẫn còn rất năng động.

Institut für Sozialforschung được thành lập như một tổ chức tư nhân vào năm 1923 để phát triển nghiên cứu Mácxít liên ngành, và khi Max Horkheimer kế nhiệm sử gia Carl Grünberg làm Giám đốc vào năm 1930 ông khai trương quan niệm về một lí thuyết phê phán riêng biệt. Viện cung cấp một cơ sở hay những hình thức hậu thuẫn lỏng lẻo cho nhiều người trong số những nhà tư tưởng Tân-Mácxít xuất sắc nhất của thế kỉ hai mươi. Mặc dầu sự nổi lên của chế độ Quốc xã có nghĩa rằng Viện này phải sớm liệu lánh nạn nếu không muốn bị ở tù cả đám, lúc đầu đến Geneva rồi Paris, và sau đó, năm 1934, đến New York nhưng những công trình của Viện vẫn sống sót qua những thăng trầm này và tờ báo của nó, Zeitschrift für Sozialforschung , xuất bản từ 1932 đến 1941 ( mà ba phần tư những số về sau được viết bằng tiếng Anh), vẫn còn là một trong những tư liệu trí thức phong phú nhất về thời đó.

Cũng như Max Horkheimer, Theodor Adorno và Herbert Marcuse, những người gắn bó với viện còn có Walter Benjamin, sử gia Franz Borkenau, người cộng sự gần gũi nhất với Horkheimer, Friedrich Pollock, một nhà kinh tế và hai nhà kinh tế khác, Henryk Grossman và Arkady Gurland, các nhà tâm lí Bruno Bettelheim và Erich Fromm, các lí thuyết gia chính trị và pháp lí Otto Kirchheimer và Franz Neumann, nhà Hán học Karl Wittfogel và lí thuyết gia văn học Leo Lowenthal. Felix J. Weil, người sáng lập Viện, cũng xuất bản hai khảo luận văn học, những bài báo và điểm sách của ông bắc ngang qua một dải đề tài rất rộng. Tuy nhiên, viễn tượng riêng biệt của trường phái Frankfurt chủ yếu vẫn là của Adorno, Horkheimer và Marcuse. Đó là một thứ Tân Mácxít uyển chuyển hướng đến một triết học càng ngày càng tiêu cực hơn về lịch sử (an increasingly negative philosophy of history) được biểu thị bởi quyển Dialektik der

Aufklärung ( Biện chứng Khai minh) của Adorno và Horkheimer mà họ viết ra đúng vào thời điểm cao trào của Đệ nhị Thế chiến, biện luận rằng sự phê bình của Khai minh về huyền thoại và thống trị tự nó cũng góp phần vào việc tạo nên những hình thức thống trị mới. Helmut Dubiel đã đặc trưng hoá chính xác viễn tượng của họ như là một đáp trả cho ba thách thức trầm trọng: những thách thức từ chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa tư bản quản lí (managerial capitalism) mà những điểm tương đồng dễ nhận thấy giữa chúng và tính bất khả chiến bại biểu kiến của chúng đẩy những nhà tư tưởng Frankfurt vào một vị thế đối lập thường trực và càng ngày càng tuyệt vọng.

Một thế hệ thứ nhì gồm những lí thuyết gia phê phán hậu chiến, đáng kể là Jürgen Habermas, Karl Otto Apel, Albrecht Wellmer và, một thời, Alfred Schmidt, theo đuổi những viễn tượng của trường phái Frankfurt trong một khung cảnh hàn lâm chính thống hơn, nhắm hội nhập các khoa học xã hội với triết học trong một tổng hợp đề xây dựng gần với những ý định ban đầu của Lí thuyết Phê phán hơn là với sự phát triển hậu chiến của trường phái. Gần đây hơn nữa, một số các triết gia và nhà xã hội học đã từng làm việc với Habermas trong thập niên 1970s như Claus Offe, Axel Honneth và Klaus Eder đang tiếp tục dự án của lí thuyết phê phán trong những năm 1990s.

Thư mục

(1936) Studien über Autorität und Familie ( Nghiên cứu về quyền lực và gia đình), Paris: Felix Alcan.

(1956) Soziologische Exkurse ( Các phương diện xã hội học), Frankfurt: Europäische Verlagsanstal.

Bottomore, Tom (1984) The Frankfurt School, London: Tavistock.

Dubiel, Helmut (1978) Wissenschaftorganisation und politische Erfarung. Studien zur frühen Kritischen Theorie ( Tổ chức khoa học và kinh nghiệm chính trị. Nghiên cứu sự phát triển của lí thuyết phê phán) Cambridge, Mass: MIT Press, 1985.

Held, David ( 1980) Introduction to Critical Theory: Horkheimer to Habermas ( Dẫn luận vào lí thuyết phê phán: từ Horkheimer đến Habermas), London: Hutchinson.

Honneth, Axel và Wellmer, Albrecht (1986) Die Frankfurter Schule und die Folgen (Trường phái Frankfurt và những kế tiếp), Berlin: De Gruyter.

Jay, Martin (1973) The Dialectical Imagination. A History of the Frankfurt School and the Institute of Social Research,1923-1950 ( Trí tưởng tượng biện chứng. Một lịch sử trường phái Frankfurt và Viện Nghiên cứu Xã hội), London: Heinemann.

Wiggershaus, Rolf (1987) Die Franfurter Schule, Munich: Hanser.

WILLIAM OUTHWAITE


- Hegelianism ( Chủ nghĩa Hegel)

Một hình thức của chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối ( absolute idealism), gắn liền với ảnh hưởng của triết gia Đức , G.W.F.Hegel (1770-1831). Chủ nghĩa Hegel là quan trọng xuyên suốt thế giới phương Tây trong thế kỉ mười chín và ảnh hưởng của nó còn đi vào thế kỉ hai mươi- chẳng hạn bởi Edward Caird ở Anh và W.T. Harris ở Mỹ. Những triết

gia Hêghêliên ở các nơi khác có Bolland ở Hà lan và một số triết gia ở các nước Tây Âu khác. Những hình thức bản địa của chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối, nối kết một cách mong manh hơn với Hegel, được phát triển ở Anh quốc bởi Bradley và Bosanquet, ở Ý bởi Croce và Gentile và ở Mỹ, bởi Royce và Blanshard.Mặc dầu Hegel là một bête noire ( kẻ đáng ghét thậm tệ--tiếng Pháp trong nguyên tác) trong con mắt các triết gia phân tích và ảnh hưởng của ông trong thế giới nói tiếng Anh xuống rất thấp trong những thập niên trung kì của thế kỉ vừa qua, song việc nghiên cứu trước tác của ông đã nảy chồi đâm nhánh trở lại kể từ những năm 1970s.

Thư mục

De Guibert, Bernard (1949) Hegelianism in France ( Chủ nghĩa Hegel ở Pháp), Modern Schoolman 26: 173-7.

Findlay, J.N. (1956) Some Merits of Hegelianism ( Một vài công trạng của chủ nghĩa Hegel) Proceedings of the Aristotelian Society 56: 1-24.

Haldar, H. (1927) Neo-Hegelianism ( Tân thuyết Hegel), London.

Levy, Heinrich (1927) Die Hegel-Renaissance in der deutschen Philosophie ( Hiện tượng Phục hưng Hegel trong triết học Đức), Charlottenburg.

McTaggart, John Ellis (1901) Studies in Hegelian Cosmology ( Những nghiên cứu về vũ trụ học Hegel), Cambridge.

Metz, Rudolf (1938) A Hundred Years of British Philosophy(Trăm năm triêt học Anh), J.W.Harvey, T.E.Jessop và H.Sturt dịch, London: Allen Unwin ( Nguyên tác tiếngĐức , Heidelberg, 1934).

STUART BROWN


- Hermeneutics ( Tường chú học)

Tường chú học, nghệ thuật và phương pháp luận kiến giải phát sinh từ Hy lạp cổ đại, đã trở thành một phụ tá đắc lực cho thần học trong Cơ đốc giáo và đạt thành tựu xuất sắc trong thế kỉ mười chín như một phương pháp luận của các khoa học nhân văn, đã thách thức ưu thế thống trị của chủ nghĩa thực chứng. Gần đây nó trở thành thời thượng trong giới trí thức Phương Tây, đặc biệt bởi vì nó có mặt trong những tác phẩm triết học của Heidegger và Gadamer.

Việc giải thích pháp lí, các bản văn tôn giáo và văn học thì cũng xưa như việc tìm hiểu thiên nhiên. Bởi vì chuyện sống hay chết, tự do hay bị giam tù có thể phụ thuộc vào việc giải thích

( và thi hành) pháp luật đúng hay sai, sự cứu chuộc có thể phụ thuộc vào việc đọc cho đúng thông điệp thiêng liêng và tính mạch lạc văn hoá có thể phụ thuộc vào sự đồng thuận hợp lí về văn học, tường chú học xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu kiến giải có phương pháp và xác đáng( the need for methodical and veridical interpretation). Môn học chủ đạo đầu tiên của tường chú học là những bản văn nhưng vào thế kỉ mười chín- chủ yếu thông qua trước tác của Sleiermacher và Dilthey – thì những hiện tượng có ý nghĩa như diễn từ, những biểu cảm thể lí, những hành động , những lễ nghi hay ước lệ cũng được coi là những thứ cận văn bản (text-like) bởi vì nơi chúng, kinh nghiệm của con người được kiến giải và truyền thông. Do vậy, việc nghiên cứu chúng- không giống như thiên nhiên câm nín- đòi hỏi một cách tiếp cận tường chú học. Thấu hiểu những ưu tư của một con người hay những định chế của một xã hội thì giống với việc giảng luận một bài thơ hay một văn bản pháp lí hơn là giống với việc giải thích những biến đổi hoá học.

Phạm vi của tường chú học về sau càng được nới rộng thêm- trước tiên nơi triết học về đời sống của Dilthey, và gần đây hơn trong triết học lục địa đương đại – bằng cách nhấn mạnh rằng kiến giải là một yếu tố đặc trưng và lan toả của đời sống con người, nó tìm thấy sự hoàn thành có tính hệ thống như là một triết lí tường chú học ( Hermeneutic Philosophy).

Phương pháp luận kiến giải truyền thống, liên tuc được chắt lọc, khởi đầu bằng cách nhìn nhận rằng mục tiêu của nó là sự lãnh hội ý nghĩa của những thực thể cá nhân. Mối quan hệ giữa các thành phần và toàn thể, cả cơ cấu nội tại của văn bản ( hay một thứ cận văn bản- something text-like) và khung cảnh rộng hơn của nó trở thành tiêu điểm. Hậu quả là trong Vòng Tường chú học ( Hermeneutic Circle) ý nghĩa của các thành phần quyết định ý nghĩa của toàn thể, trong khi ý nghĩa của toàn thể, đến lượt nó, lại quyết định ý nghĩa của các thành phần( câu và các từ tạo nên câu đó; toàn bộ sáng tác của một nhà thơ và một trong những bài thơ của ông ấy, chẳng hạn). Hậu quả là, ở đây không có khởi điểm cố định cho nhận thức và điều này đã được xem như một thách thức cho việc tìm kiếm một số nền tảng gắn liền với tri thức luận truyền thống.

Tuy nhiên, điều này không miễn trừ với các vấn đề tri thức luận. Ngay cả nếu sự chắc chắn tránh né chúng ta, như nó vẫn làm thế trong các công cuộc nhận thức khác và vẫn có, một cách đáng kể, những yếu tố chủ quan trong nhiều kiểu kiến giải, thì chân lí, hoặc ít nhất là sự phân biệt giữa cái tốt hơn và cái xấu hơn, vẫn là mục tiêu. Để đặt cơ sở cho những phán đoán như vậy đòi hỏi phải giải thích rõ những tiền giả định của một cách tiếp cận tường chú học.

Một tiền giả định đó là có những yếu tố chung, cơ bản của nhân tính. Sẽ không có cơ sở cho kiến giải nếu chúng ta không thể giả định- bất chấp tính đa phức và sự đổi thay lịch sử - rằng những người khác hẳn là cũng có khả năng lí luận và đáp ứng về phương diện cảm tính phần lớn cũng giống như chúng ta.

Giả định thứ nhì là nguyên lí của Vico cho rằng con người có thể hiểu những gì mà con người đã làm. Hai giả định này rõ ràng là tương thuộc nhau. Một bản tính chung làm cho thế giới nhân văn trở nên quen thuộc và khả năng của chúng ta giải mã những biểu tượng của thế giới đó xác định và làm rõ phạm vi tính cộng đồng đó.

Tường chú học như là sự thăm dò có phương pháp ý nghĩa thì phân biệt với những hình thái nhận thức khác và sử dụng những tiền giả định và những tiến trình của riêng nó; tuy nhiên điều này không loại trừ việc chia sẻ một vài tiền giả định và phương thức với những cách tiếp cận nhận thức khác.

Thư mục

Dilthey, W. (1976) The Development of Hermeneutics ( Sự phát triển của tường chú học) In trong Dilthey: Selected Writing, Cambridge: Cambridge Univ.Press.

Gadamer, H.G. (1975) Truth and Method ( Chân lí và Phương pháp), Terren Bruden và John Cumming dịch, London: Sheed Ward.

Habermas, Jürgen (1968) Knowledge and Human Interest ( Kiến thức và sự hứng thú của con người), J.Shapiro Heinemann dịch, Evanston III: Northwestern Univ. Press.

Palmer, R.E. (1969) Hermeneutics, Evanston III: Northwestern Univ. Press.

Ricoeur, Paul (1981) Essais de l’herméneutique ( Nhũng khảo luận tường chú học), Paris:

Seuil.

H.P. RICKMAN


- Idealism ( Chủ nghĩa duy tâm)

Vào cuối thế kỉ mười bảy từ “idealist” được Leibniz dùng để chỉ một triết gia dành tính ưu tiên cho tinh thần con người và gán một tầm quan trọng kém hơn cho các giác quan và chống lại chủ nghĩa duy vật.

Ông cho Platon là triết gia duy tâm vĩ đại nhất, gắn kết triết gia Hy lạp này với những nghi ngờ về hiện hữu của thế giới vật chất. Phương diện cuối cùng này gây ấn tượng nơi Kant và như là hậu quả từ ảnh hưởng của ông, chủ nghĩa duy tâm trở thành tương phản, một cách phổ biến nhất với chủ nghĩa hiện thực ( realism). Kant tìm cách trung gian hoà giải và, bằng cách của ông, vượt qua cuộc tranh biện giữa những người hiện thực và những người duy tâm. Nhưng ông công nhận rằng triết học của ông là một hình thái của chủ nghĩa duy tâm( cũng như là một hình thức của chủ nghĩa hiện thực) và ông gây ảnh hưởng rất lớn trên truyền thống duy tâm Đức, một truyền thống, đặc biệt là qua Hegel, giữ một vị trí thống trị trong triết học Tây phương vào buổi đầu thế kỉ hai mươi.

Chủ nghĩa Hegel được đại diện, vào đầu thế kỉ hai mươi bởi Edward Caird ở Anh và W.T.

Harris ở Mỹ. Những hình thức bản địa của chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối được phát triển ở Anh bởi Bradley và Bosanquet và ở Mỹ với Royce. Tuy nhiên chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối bị chống đối từ đầu thế kỉ bởi chủ nghĩa dụng hành , chủ nghĩa nhân vị và chủ nghĩa hiện thực. Ảnh hưởng của chủ nghĩa duy tâm phai tàn đáng kể trong nửa đầu thế kỉ hai mươi, mặc dầu đã có những biểu hiện của một cuộc hồi sinh trong những thập niên 1980s và 1990s.

Thư mục

Foster, John (1982) The Case for Idealism ( Những lí lẽ tán thành chủ nghĩa duy tâm), London: Routledge Kegan Paul.

Rescher, Nicholas (1982) Conceptual Idealism ( Chủ nghĩa duy tâm khái niệm), Washington, DC: University Press of America.

Sprigge, T.L.S. (1983) The Vindication of Absolute Idealism ( Xác minh chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối), Edinburg: Edinburg Univ. Press.

Walker, R.C.S. (1989) The Coherence Theory of Truth: Realism, Anti-Realism, Idealism

( Lí thuyết mạch lạc về chân lí: Chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa chống hiện thực, chủ nghĩa duy tâm), London: Routledge.

Coates, P. và Hutto,D. Current Issues in Idealism ( Những vấn đề hiện hành trong chủ nghĩa duy tâm), Bristol: Thoemmes Press.

Cunningham, G. Watts (1933) The Idealistic Argument in Recent British and American Philosophy ( Luận chứng duy tâm trong triết học Anh Mỹ cận đại), Freeport, NY: Books for Library Press.

Dasgupta, Surendranath (1962) Indian Idealism ( Chủ nghĩa duy tâm Ấn độ), Cambridge: Cambridge Univ. Press.

Ewing, A.C. (1945) Idealism: A Critical Survey ( Chủ nghĩa duy tâm: Một khảo sát phê bình), London: Methuen.

Howie, John Burford, Thomas ( 1975) Contemporary Studies in Philosophical Idealism ( Những nghiên cứu đương đại về chủ nghĩa duy tâm triết học), Boston,Mass: Stark Co.

Metz, Rudolf (1938) A Hundred Years of British Philosophy (Trăm năm triêt học Anh),J.W.Harvey, T.E.Jessop và H.Sturt dịch, London: Allen Unwin ( Nguyên tác tiếng Đức, Heidelberg,1934).

Milne, Alan (1962) The Social Philosophy of English Idealism ( Triết học xã hội của chủ nghĩa duy tâm Anh), London: Allen Unwin.

Muirhead, J.H. (1931) The Platonic Tradition in Anglo-Saxon Philosophy. Studies in the History of Idealism in England and America ( Truyền thống Platon trong triết học AngloSaxon. Nghiên cứu lịch sử chủ nghĩa duy tâm ở Anh và Mỹ), London: Allen Unwin.

Quinton, A.M. (1971-2) Absolute Idealism, Proceedings of the British Academy 57.

Vesey, Godfrey (1982) Idealism. Past and Present ( Chủ nghĩa duy tâm. Quá khứ và hiện tại), Cambridge: Cambridge Univ. Press.

STUART BROWN


- Intuitionism ( Chủ nghĩa trực quan)

Trong toán học, chủ nghĩa trực quan định danh một hệ thống do L.E.J. Brouwer( 18811966) đề xướng; chủ nghĩa này đồng hoá chân lí với việc được biết như là thật. Yêu sách của nó là: Trong toán học một phát biểu chỉ đúng nếu có bằng chứng về nó và rằng một thực thể toán học chỉ hiện hữu nếu người ta có thể cho nó một bằng chứng hiện hữu có tính xây dựng ( In mathematics a statement is true only if there is proof of it and that a mathematical entity exists only if a constructive existence proof can be given for it). Theo Brouwer, toán học không thể giản qui vào lôgích theo cách mà Frege và Russell từng đề xướng. Chủ nghĩa trực quan toán học bác bỏ luật phủ định kép( the law of double negation), luật khử trung ( the law of excluded middle) và kiểu giản qui cổ điển (classical reductio).

Trong đạo đức học chủ nghĩa trực quan là lập trường cho rằng những chân lí đạo đức được nhận ra bởi trực quan, nghĩa là được nhận thức trực tiếp hơn là được hậu kết. G.E.Moore( 1873-1958) là người trình bày chính cho quan điểm này, cho rằng điều thiện là một đặc tính không tự nhiên và không thể phân tích nhưng có thể được lãnh hội bởi trực quan.

Thư mục

Dummett, Michael (1977) Elements of Intuitionism ( Những yếu tố của chủ nghĩa trực quan), Oxford: Oxford Univ. Press.

Heyting, A. (1966) Intuitionism, Amsterdam: North-Holland.

Hudson,W.D. (1967) Ethical Intuitionism ( Chủ nghĩa trực quan đạo đức), London: Macmillan.

Parkinson,G.H.R. (1988) An Encyclopedia of Philosophy ( Bách khoa thư Triết học), London: Routledge.

DIANÉ COLLINSON


- Legal Positivism ( Chủ nghĩa thục chứng pháp quyền)

Từ “ chủ nghĩa thực chứng” được dùng theo một nghiã đặc biệt khi liên quan tới pháp lí, chẳng hạn phủ nhận rằng có bất kì những quyền nào ( như những quyền được giả định là “những quyền tự nhiên”) trừ trường hợp những quyền được công nhận bởi luật thành văn của các quốc gia. Chủ nghĩa thực chứng pháp quyền đi ngược thời gian về đến ít nhất là thế kỉ mười tám và được liên kết, chẳng hạn, với Jeremy Bentham. Nó được đại diện, trong thế kỉ hai mươi bởi Hans Kelsen và một số người khác. Mặc dầu những nhà thực chứng pháp quyền không tất yếu là những nhà thực chứng theo một nghĩa rộng hơn, chủ nghĩa thực chứng pháp quyền là một hậu quả của Chủ nghĩa Thực chứng Lôgích trong chừng mực mà những phát biểu về quyền tự nhiên có thể bị coi là mang tính siêu hình và vì vậy, theo học thuyết này, là vô nghĩa. Một số người được gắn với chủ nghĩa thực chứng lôgích, như nhà sáng lập Trường phái Uppsala, Axel Hgerström, cũng được biết đến như là những nhà thực chứng pháp quyền.

Thư mục

Detmold, M.J. (1984) The Unity of Law and Morality: A Refutation of Legal Positivism

(Tính đồng nhất của pháp luật và đạo đức: Phản bác chủ nghĩa thực chúng pháp quyền),London: Routledge Kegan Paul.

MacCormick, Neil (1986) An Institutional Theory of Law: New Approaches to Legal

Positivism ( Một lí thuyết định chế về luật lệ: Những tiếp cận mới với chủ nghĩa thực chứng pháp quyền), Dordrecht: Reidel.

Shuman, Samuel I. (1963) Legal Positivism: Its Scope and Limitations ( Chủ nghĩa thực chứng pháp quyền : Phạm vi và những hạn chế ), Detroit: Wayne State University Press.

STUART BROWN 

- Linguistic Philosophy( Triết học ngôn ngữ)

Chịu ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau bởi Wittgenstein thời kì sau, một số các triết gia, nhất là ở Oxford và Cambridge, gồm cả Ryle, Austin và Wisdom bắt đầu làm triết lí như thể là những vấn đề của nó có thể được giải, hay hoá giải, thông qua sự chú tâm cẩn thận đến những chi tiết của ngôn ngữ. Một tác phẩm rất có ảnh hưởng của Ryle, Concept of Mind ( Khái niệm Tinh thần), tìm cách chứng tỏ- bằng cách nhìn vào những động từ, trạng từ và hình dung từ chỉ những trạng thái và hoạt động của tinh thần- rằng cái “con ma trong cỗ máy” của Descartes chỉ là một huyền thoại. Austin thì lôi kéo sự chú ý đến một số những cách sử dụng khác của ngôn ngữ hơn là việc phát biểu những sự kiện. Wisdom thì tìm cách phát triển một ý tưởng của Wittgenstein cho rằng triết học, xét về một số phương diện, thì cũng giống như môn tâm trị liệu (psychotherapy). Triết học ngôn ngữ từng có ảnh hưởng xuyên suốt thế giới nói tiếng Anh, chẳng hạn trong trước tác của Bouwsma và Searle ở Mỹ và Scandinavia, qua trước tác của Von Wright, Harnack và những người khác.

Triết học ngôn ngữ có thể nhìn như một sự phát triển bên trong triết học phân tích vốn cũng hướng tiêu điểm vào ngôn ngữ. Nhưng những người thường được gọi là “triết gia ngôn ngữ” lại bác bỏ ý tưởng về một ngôn ngữ lôgích và đặt nặng việc nghiên cứu ngôn ngữ thông thường.

Thư mục

Chappell,V.C. (1964) Ordinary Language ( Ngôn ngữ thông thường), Englewood Cliffs, NJ: Prentice- Hall, 1964.

Rorty, Richard (1967) The Linguistic Turn: Recent Essays in Philosophical Method (Khúc quanh ngữ học: Những tiểu luận gần đây về phương pháp triết học), Chicago: Chicago Univ. Press.

Waismann, Friedrich (1965) The Principles of Linguistic Philosophy ( Những nguyên lí của triết học ngôn ngữ), London: Macmillan.

STUART BROWN


- Logical Positivism ( Chủ nghĩa thực chứng lôgích)

Từ “chủ nghĩa thực chứng lôgích” nguyên lúc đầu dùng để chỉ lập trường của một nhóm triết gia và các nhà khoa học về sau được biết đến dưới cái tên Học phái thành Viên (Vienna Circle). Những nguyên lí chủ đạo của chủ nghĩa thực chứng lôgích là:

(1) những mệnh đề duy nhất đích thực ( đúng hay sai, một cách thật chặt chẽ, về thế giới) là những mệnh đề có thể kiểm chứng được bằng các phương pháp khoa học.

(2) các mệnh đề giả định của đạo đức học, siêu hình học và thần học không thể kiểm chứng được và do đó, nói một cách chặt chẽ, là vô nghĩa.

(3) các mệnh đề của lôgích học và toán học là có ý nghĩa nhưng tính đúng sai của chúng được khám phá bằng phân tích chứ không phải qua thực nghiệm hay quan sát.

(4) công việc của triết học không phải là dấn thân vào siêu hình học hay những khẳng định đầy mưu đồ về cái gì là trường hợp điển hình, mà đúng hơn là dấn thân vào sự phân tích. 

Mặc dầu chủ nghĩa thực chứng lôgích thuộc về bên trong một phong trào rộng lớn gọi là chủ nghĩa thực chứng và có thể được nghĩ đến như là có những người tiên phong trong phong trào Khai minh của thế kỉ mười tám và trong phong trào gắn liền với Auguste Comte ở thế kỉ mười chín, nhưng sự phát triển ở thế kỉ hai mươi có sự khác biệt rất rõ là sự nhấn mạnh vào lôgích và ngôn ngữ. Điều này được báo trước trong Logisch-Philosophische

Abhandlung ( tức quyển Tractatus Logico - Philosophicus) của Wittgenstein (1921) nhưng trực tiếp phái sinh từ học phái thành Viên và gắn kết với các nhóm ở Berlin (mà Hempel và von Mises là thành viên), các Học phái Lvov-Warsaw và Uppsala. Chủ nghĩa thực chứng lôgích đã trở nên một trong những phong trào có ảnh hưởng nhất trong triết học vào những thập niên giữa của thế kỉ hai mươi. Sau khi chủ nghĩa Quốc xã thắng thế, rất nhiều những khuôn mặt hàng đầu của phong trào, kể cả Carnap và Hempel, đã di trú đến Hoa kỳ. Chủ nghĩa thực chứng lôgích cũng có ảnh hưởng ở Scandinavia, ở Thụy điển như là di sản của Trường phái Uppsala, ở Phần lan thông qua Kaila và ở Đan mạch với Jorgensen. Ở Anh quốc, phong trào có được một trong những đại diện hùng biện nhất nơi A.J.Ayer mà sự phê phán những mệnh đề đạo đức và tôn giáo tiếp tục gây ảnh hưởng lên tranh luận triết học khá lâu sau Đệ nhị Thế chiến, như trong những bài viết về đạo đức của R.M. Hare và trong sự phê bình của A.G.N. Flew về những khẳng quyết thần học.

Mặc dầu chủ nghĩa thực chứng lôgích từng rất có ảnh hưởng song nó cũng không bao giờ thoát khỏi những khó khăn. Nó đã không bao giờ có thể phát biểu nguyên lí tối quan trọng về tính khả chứng ( the principle of verifiability) một cách chính xác đủ để vẽ ra đường phân cách giữa các mệnh đề khoa học, một đàng, và đàng khác là những mệnh đề siêu hình học, ở đúng vị trí.. Tính khả tín ( the credibility) của nguyên lí này bị phá hoại bởi sự thất bại đuợc lặp đi lặp lại trong việc vẽ ra phân tuyến này một cách thoả đáng hay giải thích chính qui chế của nguyên lí này.

Những triết gia hàng đầu đã từng một thời có cảm tình với chủ nghĩa thực chứng lôgích lại chuyển dịch sang những lập trường mới. W.Van O.Quine , chẳng hạn, biện luận rằng sự phân biệt giữa các mệnh đề phân tích và mệnh đề tổng hợp được lặp lại trong nhiều trước tác duy nghiệm, là không thể đứng vững. Trong thập niên 1960s, ở phương Tây có một phản ứng rộng khắp chống lại chủ nghĩa duy khoa học. Định hướng duy khoa học của các nhà thực chứng lôgích trở nên đáng ghê sợ đối với các triết gia như Wittgenstein và nhiều người khác. Vào những năm cuối cùng của thập niên 1960s chủ nghĩa thực chứng lôgích đã không còn ảnh hưởng trực tiếp trong văn hóa trí thức phương Tây, mặc dầu nó đã ảnh hưởng đến sự phát triển của triết học phân tích.

Thư mục

Ayer, A.J. (1936) Language, Truth and Logic ( Ngôn ngữ, chân lí và lôgích), London: Gollancz ; tái bản 1946.

Ayer, A.J. (1959) Logical Positivism, Glencoe, III: Free Press and London: Allen Unwin.

Feigl, H. and Blumberg,A. (1931) Logical Positivism, a New Movement in European Philosophy ( Chủ nghĩa thực chứng lôgích, một phong trào mới trong triết học Âu châu), Journal of Philosophy.

Reichenbach, Hans (1951) The Rise of Scientific Philosophy ( Sự nổi lên của triết lí khoa học), Berkely Los Angeles: University of California Press.

Coffa, J. Alberto (1991) The Semantic Tradition from Kant to Carnap: To the Vienna Station ( Truyền thống ngữ nghĩa học từ Kant đến Carnap: Đến trạm thành Viên), Cambridge: Cambridge Univ. Press.

Friedman, Michael (1991) The Re-evaluation of Logical Positivism ( Tái thẩm định chủ nghĩa thực chứng lôgích), Journal of Philosophy 10.

Gower, Berry (1987) Logical Positivism in Perspective ( Chủ nghĩa thực chứng lôgích và viễn tượng), Totowa: Barnes Noble.

Hanfling, Oswald (1981) Logical Positivism, Oxford: Blackwell.

Jorgenson, Jorgen (1951) The Development of Logical Empiricism ( Sự phát triển của chủ nghĩa duy nghiệm lôgích), Chicago: University of Chicago Press.

Quine, W. Van O. (1936) “ To dogmas of empiricism” ( Hai giáo điều của chủ nghĩa duy nghiệm) trong From a Logical Point of View, London: Gollancz.

Rescher, Nicholas (1985) The Heritage of Logical Positivism (Di sản của chủ nghĩa thực chứng lôgích)< New York: Lanham.

STUART BROWN  

- Lvov-Varsaw School ( Trường phái Lvov-Varsaw)

Cũng còn được gọi là “ Học phái Vác-sa-va” ( Varsaw Circle), trường phái phân tích lôgích này có nhiều quan hệ gần gũi với Học phái thành Viên ( Vienna Circle). Mặc dầu phát triển độc lập với nhau, vẫn có nhiều quan hệ qua lại giữa hai nhóm. Nhưng theo Z.Jordan, các triết gia khác như Russell, Frege, Hume, Leibniz, Mill, Spencer, Bolzano, Brentano, James, Poincaré, Duheim, Mach, Hilbert, Einstein, Husserl, Bridgman, Whitehead và Weyl cũng có ảnh hưởng. Mối quan tâm chính của Trường phái này hướng về lôgích và ngôn ngữ. Họ tìm kiếm trong một ngôn ngữ lôgích “một trung gian hoàn hảo hơn là diễn từ thông thường”. Về phương diện tiêu cực, họ không tin vào” tư biện trừu tượng về một sự minh nhiên ảo tưởng và dối lừa”( abstract speculation of an illusive and deceptive clarity). Vài người, như Ajdukiewicsz, gần gũi hơn với chủ nghĩa thực chứng lôgích, nhưng những người khác, như Kotarbinski, Lukasiewicz và Tarski, mặc dầu thích lôgích học không có siêu hình học, song có lập trường ít quá khích hơn Học phái thành Viên. Trên đại thể, các triết gia Ba lan tránh những cuộc mạo hiểm lập trình đầy tham vọng ( the ambitious programmatic ventures) của các triết gia Áo.

Thư mục

Coniglione, Francesco (1993) Philosophy and Determinism in Polish Scientific Philosophy ( Triết học và thuyết tất định trong triết lí khoa học Ba lan), Amsterdam: Rodopi.

Jordan, Z. (1945) On the Development of Mathematical Logic and of Logical Positivism in Poland between the Two Wars ( Về sự phát triển của lôgích toán học và của chủ nghĩa thực chứng lôgích tại Ba lan giữa hai Thế chiến), London: Oxford Univ. Press.

Skolimowski, Henryk (1967) Polish Analytical Philosophy : A Survey and Comparison with British Analytical Philosophy ( Triết học phân tích Ba lan : Một khảo sát và đối chiếu với triết học phân tích Anh quốc), New York: Humanities Press.

Wolenenski, Jan (1984) Logic and Philosophy in the Lvov- Varsaw School ( Lôgích và triết học nơi Học phái Lvov- Varsaw), Dordrect: Kluwer Academic.


- Marxism ( Chủ nghĩa Mác)

Mặc dầu có lẽ là được biết đến nhiều nhát như một lí thuyết xã hội chính trị ( nguồn gốc của chủ nghĩa Cộng sản, chẳng hạn thế), chủ nghĩa Mác từ cơ sở là một lí thuyết triết học mà cỗi rễ của nó nằm trong chủ nghĩa duy tâm của Hegel và khái niệm của Hegel về biện chứng. Trong khi Hegel đưa ra định đề về một “ Tinh thần thế giới” (Weltgeist/ L’Esprit du Monde/ World-Spirit) dần dần đạt đến việc tự thực hiện thông qua một quá trình tiến hoá biện chứng, thì biện chứng Mácxít vẫn bám trụ ở cấp độ vật chất- đó là khái niệm duy vật biện chứng mà chủ nghĩa Mác được cơ cấu. Khi áp dụng vào lịch sử bởi Marx (xem Tuyên ngôn Đảng Cộng sản ) lí thuyết duy vật biện chứng vẽ ra một bức tranh về đấu tranh giai cấp diễn ra qua thời gian với mỗi hình thức xã hội ( hay “chính đề”) sản sinh ra thể mâu thuẫn với nó ( hay “phản đề”) cho đến khi một tổng hợp đề mới được hoàn tất song lại đặt tiến trình biện chứng vào một chu kì mới. Từ một viễn tượng như thế, xã hội Trung cổ được kế tiếp bởi xã hội tư sản, đến lượt nó lại được kế tiếp bởi một xã hội mới, không giai cấp, xã hội xã hội chủ nghĩa – sự chuyên chính vô sản – trong đó giai cấp công nhân nắm quyền kiểm soát các phương tiện sản xuất của xã hội, qua đó nới rộng chu kì của cuộc đấu tranh giai cấp.

Marx nhìn xã hội như là gồm có hạ tầng cơ sở kinh tế và thượng tầng kiến trúc văn hoá mà hạ tầng có ưu thế hơn. Bản chất của thượng tầng kiên trúc văn hoá của một xã hội( các định chế pháp lí, chính trị, giáo dục vv…của nó) được cho là lệ thuộc phần lớn vào bản chất của hạ tầng kinh tế và những phương tiện sản xuất đi theo. Marx thăm dò bản chất của hạ tầng kinh tế của xã hội tư bản và loại hình xã hội phát sinh từ đó trong tác phẩm lớn của ông, Das Kapital ( Tư bản luận). Tác động chính của kinh tế tư bản, như tác phẩm kinh điển này khẳng định, là tha hoá ( to alienate—còn được dịch là vong thân , phóng thể) người lao động từ lao động của họ, một hiện tượng về sau được các lí thuyết gia Mácxít gọi là quá trình vật hoá (reification)- sự biến đổi lao động và người lao động thành hàng hoá để bị mua bán trên thị trường.Như vậy Marx để lại cho các môn đệ của mình một lí thuyết triết học có một chương trình làm việc xã hội-chính trị rõ ràng, đó là thay đổi thế giới, hơn là chỉ lo giải thích nó.

Trong thế kỉ hai mươi chủ nghĩa Mác từng là một lí thuyết có ảnh hưởng cực kì rộng lớn, không chỉ về chính trị( như việc thiết lập nhiều hệ thống chính trị Mác xít ở Liên sô và Đông Âu và tại Cộng hoà nhân dân Trung hoa), mà còn có ảnh hưởng về triết học và mỹ học. Có nhiều trường phái khác nhau trong lòng chủ nghĩa Mác; quan trọng nhất là các trường phái Sôviết và Tây ]u. Trường phái trước ( Lenin, Stalin và một số khác) chủ yếu quan tâm đến vấn đề chính trị thực tiễn của việc xây dựng Nhà nước mới, xã hội chủ nghĩa, còn trường phái sau ( Lukács và Trường phái Frankfurt và những người khác) thường được đặc trưng hoá bởi sự quan tâm nhiều hơn vào mỹ học và các vấn đề triết học hàn lâm. ( Còn chủ nghĩa Mao thì lại tiêu biểu cho một biến thể khác, một sự mô phỏng tư tưởng Mácxít vào những điều kiện xã hội rất khác biệt của một đất nước nông nghiệp ở phương Đông). Tác động của chủ nghĩa Mác vào tranh luận mỹ học từng rất đáng kể, với những cuộc bút chiến giữa những người theo chủ nghĩa hiện thực và những người theo chủ nghĩa hiện đại, phản ánh cuộc tranh luận vẫn chạy theo suốt chiều dài lịch sử về vai trò xã hội thích đáng của nghệ thuật và của người nghệ sĩ. 

Vào cuối thế kỉ hai mươi sự suy tàn của chủ nghĩa Mác trong tư cách một lực lượng chính trị quốc tế đã xói mòn nghiêm trọng thế giá triết học và mỹ học của nó. Chẳng hạn, đối với những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại ( postmodernists) thì chủ nghĩa Mác đã trở thành một trường hợp điển hình của một thứ “đại tự sự” ( grand narrative) hay lí thuyết tổng quát (universal theory) đã quá đát!

Thư mục

Anderson, Perry (1976) Considerations on Western Marxism ( Những nhận định về chủ nghĩa Mác ở phương Tây), London: NLB.

McLellan, David (1973) Karl Marx: His Life and Thought ( Karl Marx, cuộc đời và tư tưởng), Basingstoke: Macmillan.

Marx, Karl (1867) Das Kapital, Hamburg: Meissner Behre.

Marx, Karl Engels, Friedrich (1848) Manifest der Kommunistischen Partei ( Tuyên ngôn Đảng Cộng sản), London: Communist League.

STUART SIM


- Materialism ( Chủ nghĩa duy vật)

Trong siêu hình học, quan điểm cho rằng thế giới về nền tảng là vật chất và rằng những hiện tượng tinh thần là một chức năng hay là có thể giản qui vào những hiện tượng vật lí. Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm đối lập nhau quyết liệt trong siêu hình học và đã có một lịch sử dài cho cuộc đối kháng này trong triết học Trung hoa và Ấn độ cũng như của châu Âu. Chủ nghĩa Mác liên quan đến cái gọi là “ chủ nghĩa duy vật biện chứng”, đã từng rất có ảnh hưởng không chỉ ở Liên sô cũ và ở Trung hoa lục địa, nhưng còn, mặc dầu ở một mức độ kém hơn nhiều, ở Nhật bản và châu Mỹ Latinh. Những người theo chủ nghĩa duy vật ở phương Tây, một cách đặc trưng, chọn nhận quan điểm mà họ mệnh danh là “ Chủ nghĩa hiện thực khoa học”. Chủ nghĩa duy vật triết học đã có những người biện hộ có ảnh hưởng tại Hoa kỳ ( R.W.Sellars) và cả tại Úc (J.J.C.Smart và D.M. Armstrong) và hiện nay đang được tranh luân sôi nổi trong sách vở và báo chí qua suốt thế giới nói tiếng Anh. 

Thư mục

Armstong, D.M. (1968) A Materialist Theory of Mind ( Một lí thuyết duy vật về tâm hồn), London: Routledge and Kegan Paul.

Bunge, Mario (1981) Scientific Materialism ( Chủ nghĩa duy vật khoa học), Dordrect: Reidel.

Churland, Paul M. (1981) Eliminative Materialism and Propositional Attitudes ( Chủ nghĩa duy vật loại trừ và những thái độ đề xuất? ),* Journal of Philosophy 78: 67-90.

Feyerabend, Paul K. (1963) Materialism and the mind-body problem(Chủ nghĩa duy vật và vấn đề tâm hồn –thân xác), Review of Metaphysics 17: 49-66.

Lund, David H. (1994) Perception, Mind and Personal Identity: A Critique of Materialism ( Tri giác, Tâm hồn và Lí lịch cá nhân: Phê phán chủ nghĩa duy vật). Lanham: MD: University Press of America.

McGill,V.G., Farber and Sellars (1949) Philosophy for the Future: The Quest of Modern Materialism ( Triết học cho tương lai: Cuộc tìm kiếm của chủ nghĩa duy vật hiện đại), New York.

McGinn, Colin (1980) Philosophical Materialism ( Chủ nghĩa duy vật triết học), Synthese 44: 173-206.

Madell, Geoffrey (1988) Mind and Materialism ( Tâm hồn và chủ nghĩa duy vật), Edinburg: Edinburg Univ. Press.

O’Connor, John (1969) Modern Materialism: Reading on Mind-Body Identity ( Chủ nghĩa duy vật hiện đại : Bài đọc về sự đồng nhất tâm hồn-thân xác), New York: Harcourt, Brace World.

Robinson, Howard (1982) Matter and Sense: A Critique of Contemporary Materialism 

( Vật chất và cảm giác: Phê phán chủ nghĩa duy vật đương đại), Cambridge: Cambridge Univ. Press.

Sellars, R.W. ( 1950) The New Materialism ( Chủ nghĩa duy vật mới), in trong A History of Philosophical Systems, Freeport, NY: Books for Library Press.

Smart, J.J.C. (1963) Philosophy and Scientific Realism ( Triết học và chủ nghĩa hiện thực khoa học), New York: Humanities Press.

STUART BROWN 

- Munich Circle (Học phái Munich)

Học phái Munich ( đặt “căn cứ địa” ở Đại học Munich) đánh dấu một thời đoạn có ý nghĩa trong quá trình phát triển của hiện tượng học trong nửa đầu thế kỉ hai mươi. Nguồn gốc của học phái mang nợ nhiều đối với Theodor Lipps(1851-1914),bởi vì những thành viên ban đầu của học phái là những sinh viên của ông, họ thường có những cuộc gặp gỡ đều đặn cho mục đích tranh luận về tâm lí học mô tả của ông – xem quyển Grundtatsachen des Seelebens ( Những sự kiện cơ bản của đời sống tâm hồn, 1883) của ông. Nhóm này tự gọi mình là Akademish-Psychologischer Verein ( Hội các nhà tâm lí hàn lâm) và chính tại một trong những cuộc gặp gỡ của nhóm mà Lipps đã chọn để bảo vệ chủ thuyết duy tâm lí của ông chống lại cuộc công kích kịch liệt mới rồi của Husserl đối với chủ thuyết này, trong quyển Logische Untersuchungen ( Nghiên cứu lôgích học).Husserl đã biện luận rằng, ngược lại với yêu sách của Lipps, chủ thuyết duy tâm lí không thể làm nền tảng cho lôgích học; bởi vì nếu gợi ý rằng tâm lí học về tri thức có thể cung cấp một nền tảng như thế là mở rộng thênh thang con đường đưa đến chủ nghĩa hoài nghi và,cùng với nó,là sự phá hủy hoàn toàn tri thức và bất kì cảm thức nào về đúng/ sai.

Bất chấp sự bảo vệ quyết liệt lập trường của mình, Lipps đã phải thảng thốt chứng kiến đám sinh viên của mình tranh nhau chạy ùa đến ôm chầm lấy môn học mới- hiện tượng học- đặc biệt là theo kiểu định thức của Husserl trong Logische Untersuchungen, thêm vào với lòng say mê mỹ học Husserl và vấn đề tổng quát về giá trị. Điều rõ ràng đối với các sinh viên này- nhưng lại mờ đục đối với ông thầy cũ của họ- đó là ở đây có một cách tiếp cận triệt để đến vấn đề nền tảng của khoa học mà không hề phụ thuộc vào chủ thuyết duy tâm lí, chủ nghĩa thực chứng hay chủ nghĩa duy nhiên.

Say sưa với môn học mới- hiện tượng học- của thầy Husserl, các thành viên của nhóm bắt đầu qua lại giữa Munich và Göttingen nơi Husserl đang dạy vào thời ấy.Điều này có nghĩa là một số thành viên của Học phái Munich cũng đồng thời là thành viên của Học phái Göttingen.

Các thành viên của Học phái Munich mà nhiệt tình và kiến thức uyên bác của họ đã củng cố cách tiếp cận hiện tượng học đối với triết học trong những năm tiếp theo sau đó có: Adolf Reinach, Theodor Conrad, Moritz Geiger, Aloys Fischer, August Gallinger, Ernst von Aster,

Hans Cornelius, Dietrich von Hildebrand và từ1906, Max Scheler. Những người thuộc về các

Học phái Munich và Göttingen là: Wilhelm Schapp, Kurt Stavenhagen, Hedwig Conrad Martius, Dietrich von Hildebrand, Jean Hering, Edith Stein, Fritz Kaufmann, Alexander Koyré và Roman Ingarden.

Thư mục chọn lọc

Boring, E.G. (1950) A History of Experimental Psychology ( Lịch sử Tâm lí học thực nghiệm) New York: Appleton-Century-Crofts.

Geiger, Moritz (1913) Beiträge zur Phänomenologie des ästhetischen Genusses ( Góp phần vào Hiện tượng học về thưởng ngoạn thẩm mỹ), Jahrbuch für Philosophie und Phänomenologische Forschung 1, Halle: Niemeyer, pp.567-684.

Ingarden, Roman (1957) Über die gegenwärtigen Aufgaben der Phänomenologie ( Về sứ mệnh hiện nay của hiện tượng học), Archivio di Filosofia, pp.229-42.

Spiegelberg, A. (1971) The Phenomenological Movement: A Historical Introduction (Dẫn luận lịch sử vào phong trào hiện tượng học), The Hague: Martinus Nijhoff.

SEBASTIEN ODIARI 

- Naturalism ( Chủ nghĩa tự nhiên)

Từ này có nhiều nghĩa và không chỉ có những loại chủ nghĩa tự nhiên khác nhau- đạo đức, tri thức và mỹ học, chẳng hạn- mà cón có nhiều dị bản trong số này. Tuy thế mà khi từ này được dùng bên ngoài ngữ cảnh và không có định tính, thì thông thường nhất là nó chỉ một viễn tượng theo đó người ta không cần phải viện đến bất kì nguyên nhân siêu nhiên nào để giải thích các hiện tượng. Chủ nghĩa duy vật là một hình thức của chủ nghĩa tự nhiên nhưng một người theo chủ nghĩa tự nhiên không hẳn đã là người duy vật. Santayana là một ảnh hưởng lớn lên chủ nghĩa tự nhiên ở Mỹ vào đầu thế kỉ hai mươi, chẳng hạn lên Morris Cohen và Woodbridge; Dewey, R.W.Sellars, Ernest Nagel và Sidney Hook cũng là những nhà tự nhiên hàng đầu.

Chủ nghĩa tự nhiên đạo đức là một hình thức thông thường khác của chủ nghĩa tự nhiên , theo đó những hành động là đúng hay sai là như thế vì có một vài đặc tính tự nhiên. Chủ nghĩa công lợi là một trong những loại đạo đức tự nhiên.

Thư mục

Fenner, D.H.W. (1993) Varieties of aesthetic naturalism ( Những dị bản của chủ nghĩa tự nhiên thẩm mỹ), American Philosophical Quarterly 30: 353-62.

Ferm, Vergilius (1950) Varieties of naturalism (Những dị bản của chủ nghĩa tự nhiên) in trong A History of Philosophical Systems, Freeport, NY: Books for Libraries Press.

Franklin, R.L. (1973) Recent Works on Ethical Naturalism ( Những tác phẩm gần đây về chủ nghĩa tự nhiên đạo đức), American Philosophical Quarterly 7:55-95.

Krikorian,Y.H. (1944) Naturalism and the Human Spirit ( Chủ nghĩa tự nhiên và tinh thần con người), New York: Columbia Univ. Press.

Kurtz, Paul (1990) Philosophical Essays in Pragmatic Naturalism ( Những tiểu luận triết học về chủ nghĩa tự nhiên dụng hành), Buffalo, NY: Prometheus.

Munro, James (1960) Naturalism in Philosophy and Aesthetic ( Chủ nghĩa tự nhiên trong triết học và mỹ học), Journal of Aesthetics and Art Criticism 19: 133-8.

Pettit, Philip (1992) The Nature of Naturalism ( Bản chất của chủ nghĩa tự nhiên), Proceedings of the Aristotelian Society, Supplementary Volume 66: 245-66.

Pratt, J.B. (1939) Naturalism, New Haven, CT: Yale Univ. Press.

Scott, Jr, Robert B. (1980) Five Types of Ethical Naturalism ( Năm típ của chủ nghĩa tự nhiên đức lí), American Philosophical Quarterly 17: 261-70.

Sellars, R.W. (1970) Realism, Naturalism and Humanism ( Chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa nhân bản) trong Contemporary American Philosophy,Vol.2, 1930.

Stroud, Barry (1977) Transcendental Arguments and Epistemological Naturalism (Những luận chứng siêu nghiệm và chủ nghĩa tự nhiên tri thức luận), Philosophical Studies 31: 10515.

Wagner, S.J. and Warner, R. (1993) Naturalism: A Critical Appraisal ( Chủ nghĩa tự nhiên: Một thẩm định phê bình), Notre Dame: Notre Dame Univ. Press.

STUART BROWN 

- Neo-Kantians ( Những người Tân chủ Kant)

Những người được gọi là Tân chủ Kant không hợp thành một phong trào thống nhất vì họ đại diện cho nhiều phản ứng, thường là rất khác nhau, đối với các lập trường triết học đang thắng thế tại Đức vào khoảng giữa thế kỉ mười chín và đặc biệt là đối với chủ nghĩa duy tâm Hegel và nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa nhất nguyên và chủ nghĩa duy vật tìm thấy nơi Büchner, Haeckel ,Vogt và những người khác. Trong thời kì đó, được đặc trưng bởi tình trạng, nói như Dilthey, vô chính phủ về niềm tin( anarchy of conviction), thì việc quay về với Kant đối với nhiều người có vẻ là một chiến lược đầy hứa hẹn. Song le dường như không có một khuynh hướng triết học có thể nhận diện rõ ràng chung cho những người này. Từ Neukantianismus đã được sử dụng từ khoảng năm 1875. Mặc dầu vào thời đó người ta chưa thường nói đến Jungkantianer ( Những người trẻ theo Kant) hay một thứ “Tân phê phán”, việc đặc trưng hoá của cách tiếp cận mới đối với triết học như là “ Tân chủ Kant” đã đứng vững.

Otto Liebmann, người tung ra tiêu ngữ “Quay về với Kant” vào năm 1865, thường được nhìn như là đại diện đầu tiên của phong trào này. Những người khác cũng quan trọng đối với thưở “khai môn lập phái“ của Tân chủ Kant là Eduard Zeller (1814-1908), Hermann von Helmholtz (1821-94) , và Friedrich Albert Lange (1828-75) đôi khi được coi là tiêu biểu cho Tân chủ Kant giai đoạn đầu hay là giai đoạn sinh lí học (physiological Neo-Kantianism).

Quan điểm của họ đối lập với các quan điểm siêu hình hay hiện thực của Liebmann, Alois Riehl (1844-1924) , Enrich Adickes (1866-1928), Friedrich Paulsen (1864-1908) và Max Wundt (1879-1963) chẳng hạn. Một đại diện muộn màng của phe phái này là Heinz Heimsoeth (1886-1975). Hai truyền thống triết học quan trọng nhất có thể được nhận ra trong Tân chủ Kant là “Marburg Schule” và Südwestdeutschen Schule( Trường phái Tâynam Đức), còn được gọi là Baden hay Heidelberg Schule. Cũng khá quan trọng là “Göttingen Schule’ hay còn được gọi là Neufrieser Schule”.

Các triết gia quan trọng nhất của Trường phái Marburg là Hermann Cohen(1842-1918),

Paul Natorp (1854-1924) và Ernst Cassirer(1874-1945). Cũng có ý nghĩa là Rudolf

Stammler (1856-1938), Karl Vorländer(1860-1928) và Arthur Buchenau(1879-1946).

Tư tưởng của Cohen và Natorpgần với trường phái siêu hình nhưng Cohen đặt dấu nhấn mạnh hơn trên “sự kiện khoa học” và những nhận định tri thức luận. Thực vậy, triết học đối với ông không là gì khác ngoài một lí thuyết về các nguyên lí của khoa học và cùng với nó, của tất cả văn hoá”. Chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa duy tâm lí, Cohen chọn nhận một cách kiến giải Kant theo kiểu rất là Platônít. Cassirer, cao đồ số một của Natorp, đặt dấu nhấn nhiều hơn vào văn hoá so với các vị thầy của ông. Khi làm như thế ông tiến gần hơn đến các quan điểm của Trường phái Baden. Các triết gia Tân chủ Kant theo hệ phái này đặt dấu nhấn nhiều hơn vào việc thám cứu các giá trị và vai trò của chúng trong các khoa văn hoá cổ điển ngay từ điểm khởi đầu.Các thành viên

quan trọng nhất của trường phái này là Wilhelm Windelband (1848-1915) và Heinrich Rickert (1863-1936) . Những người khác là Jonas Cohn (1869-1947) , Emil Lask (18751915) và Bruno Bauch (1877-1942). Trường phái Göttingen được đặc trưng bởi tư tưởng của Leonard Nelson (1882-1927) người, ở một mức độ khá rộng, theo Jakob Friedrich Fries (1773-1843). Đặc biệt phản ứng lại Trường phái Marburg, Nelson đặt dấu ấn mạnh hơn vào tâm lí học , trong khi đồng thời phủ nhận rằng ông đang biện hộ cho chủ thuyết duy tâm lí. Nelson không gây được ảnh hưởng nhiều như các đồng nghiệp của ông ở Marburg và Baden, mặc dầu Rudolf Otto (1869-1937) mang nợ ông ở một mức độ nào đấy.

Thư mục

Adair-Toteff, Christopher (1994) The Neo-Kantians Raum Controversy ( Cuộc tranh luận về những người Tân chủ Kant ở Raum), British Journal of the History of Philosophy 2: 131-48.

Beck, Lewis White (1967) Neo-Kantianism, trong The encyclopedia of Philosophy, New York: Macmillan.

Dussort, Henri (1963) L’École de Marburg ( Trường phái Marburg),Paris: Presses Universitaires de France.

Finnis, J.M. (1987) Legal Enforcement of “Duties of Oneself”: Kant vs Neo-Kantians

( Sự thực thi hợp pháp những nghĩa vụ tự thân : Kant chống lại những người Tân chủ Kant), Columbia Law Review 87: 433ff.

Köhnke, Klause-Christian (1992) The Rise of Neo-Kantianism: German Academic Philosophy between Idealism and Positivism ( Sự nổi lên của Tân chủ Kant: Triết học hàn lâm Đức giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa thực chứng), New York: Cambridge Univ. Press ( Nguyên bản tiếng Đức: Entstehung und Aufstieg des Neukantianismus, Frankfurt aim Main: Suhrkamp, 1986).

Lehmann, Gerhard (1963) Kant im Spätidealismus und die Anfänge der neukantischen Bewegung ( Kant trong chủ nghĩa duy tâm muộn và sự khởi đầu của phong trào Tân chủ Kant) Zeitschrift für philosophische Forschung 23: 438-56.

Ollig, Hans Ludwig (1982) Neukantianismus. Texte der Marburger und der

Südwestdeutschen Schule, ihre Vorläufer und Kritiker ( Tân chủ Kant. Văn bản của các Trường phái Marburg và Tây nam Đức, người ủng hộ và người phê bình), Stuttgart: Reclam Verlag.

Ollig, Hans Ludwig (1987) Materialien zur Neukantianismus Diskussion ( Chất liệu cho tranh luận về Tân chủ Kant), Darmstat: Wissenschaftliche Buchgesellschaft.

Piché, Claude (1991) Kants dritte Kritik und die Genese des badischen Neukantianismus(

Ba quyển “Phê phán” của Kant và sự khai sinh Tân chủ Kant ở Baden), Akten des siebenten internationalen Kant-Kongresses, kurfürstliches Schloss zu Mainz, 1990, Gerhard Funke xuất bản , Bonn Berlin: Bouvier Verlag, pp.615-28.

Willey, Th.E. (1978) Back to Kant.The Revival of Kantianism in German Social and Historic Thought,1860-1914 ( Quay về với Kant. Sự hồi sinh của chủ nghĩa Kant trong tư tưởng xã hội và lịch sử Đức), Detroit.

MANFRED KUEHN 

- Neoscholasticism ( Tân Kinh viện)

Tên gọi này được gán cho một phong trào triết học bắt đầu vào giữa thế kỉ mười chín và mặc dầu thường hướng tiêu điểm vào tư tưởng của Thánh Thomas d’Aquin , có thể được xem như một sự hồi sinh và tiếp tục của triết học Kinh viện nói chung. Chủ nghĩa Kinh viện, như nó được gọi tên trong thời Phục hưng, phát xuất từ cuộc hồi sinh của triết học Aristote trong thế kỉ mười hai và nở hoa trong các thế kỉ mười ba và mười bốn. Sau một thời kì chững lại, đến thế kỉ mười sáu và mười bảy nó lại được hồi sinh bởi Cajetan, John of St Thomas và Francisco Suares, trong phong trào được gọi là “chủ nghĩa Kinh viện thứ nhì”. Sau đó nó lại suy tàn một lần nữa và hầu như hấp hối cho đến khi một cuộc hồi phục sự quan tâm đối với Thánh Thomas diễn ra trong lòng Giáo hội Công giáo vào đầu và giữa thế kỉ mười chín. Mặc dầu sự hiềm khích ban đầu trong lòng Giáo hội đó, những trung tâm quan trọng của một chủ nghĩa Kinh viện hồi sinh đã được thành lập tại Rome và Louvain vào cuối thế kỉ và một số báo chí có ảnh hưởng đã củng cố cuộc hồi sinh này. Buổi đầu tại Louvain, các nhà Tân kinh viện kiên quyết kết ước với niềm tin vào một thứ philosophia perennis ( triết học vĩnh cửu) và với quan điểm cho rằng trong toàn bộ lịch sử tư tưởng châu Âu, chỉ có thánh Thomas là đã đến gần nhất trong việc trình bày cặn kẽ một triết học như thế. Tuy nhiên việc nghiên cứu những khác biệt đôi khi rất triệt để giữa các triết gia lớn thời Trung cổ chứng tỏ rằng cuộc tìm kiếm một philosophia perennis chưa phải là phần chính yếu nhất của truyền thống Kinh viện và xuyên suốt thế kỉ hai mươi trường phái Tân kinh viện đã bộc lộ những phân li nội tại cơ bản. Những cái mà mọi nhà Tân kinh viện đều chia sẻ đó là:

Trước tiên, sự kết ước với một vài hình thức của chủ nghĩa hiện thực, cả về phương diện tri thức luận và , đặc biệt là, thực tại khách quan của các giá trị;

Thứ nhì là, sự kết ước với siêu hình học như là khoa học triết lí nền tảng; và

Thứ ba là, niềm tin rằng các triết gia Kinh viện trước đây đã tiếp cận các vấn đề triết học theo một cách, xét trên đại thể, là đúng.

Hiện nay khuynh hướng ưu thế trong Tân kinh viện là chủ nghĩa Thomas siêu nghiệm (transcendental Thomism), phái sinh từ cuộc chạm trán và tổng hợp một phần của vài yếu tố trong chủ nghĩa Thomas với Kant ( Bernard Lonergan, Emerich Coreth, Joseph Maréchal) và Heidegger (Johannes Lotz).

Thư mục

John, Helen James (1966) The Thomist Spectrum (Quang phổ Thánh Thomas), New York: Fordham Univ. Press.

McCool, Gerald A. (1989) Nineteenth Century Scholasticism ( Chủ nghĩa Kinh viện ở thế kỉ mười chín), New York: Fordham Univ. Press.

McCool, Gerald A. (1989) From Unity to Pluralism ( Từ nhất tính đến đẳnguyên) New

York: Fordham Univ. Press.

Van Riet, Georges (1965) Thomistic Epistemology ( Tri thức luận Thánh Thomas), 2quyển, St Louis London: Herder.

HUGH BREDIN 

- New Realism ( Tân hiện thực)

“Các nhà Tân hiện thực” là một nhóm sáu triết gia Mỹ (E.B.Holt, W.T.Marvin,W.P.Montague, R.B. Perry,W.T.Pitkin, và E.G.Spaulding). Họ đã viết một loạt các bài báo có tính cương lĩnh vào năm 1910 và một thời gian ngắn sau đó. Trong các bài báo này, họ chống lại học thuyết duy tâm về những tương quan nội tai. Họ khẳng định sự độc lập của sở tri đối với năng tri ( the independence of the known from the knower) trong trường hợp của ít nhất là một số đối tượng – các đồ vật vật thể, các tâm hồn và các thực thể toán học. Để tránh một lí thuyết hoặc là duy tâm hoặc là duy vật về tâm hồn, thì vài người, đặc biệt là Holt, chọn nhận một thuyết nhất nguyên trung lập ( a neutral monism).

Ở Anh, Moore và Russell có nhiều điểm chung với các nhà Tân hiện thực này và đôi khi vào nhóm với họ ( Xem Chủ nghĩa hiện thực phê phán và Chủ nghĩa hiện thực).

Thư mục

Holt, Edwin B. (1910) The Program and First Platform of six Realists ( Cương lĩnh và tuyên ngôn đầu tiên của sáu nhà hiện thực), Journal of Philosophy, Psychology and Scientific Methods 7: 393-401.

Holt, Edwin B. (1912) The New Realism: Cooperative Studies in Philosophy ( Tân hiện thực: Những nghiên cứu hợp tác trong triết học), New York: Macmillan.

Boman L. (1955) Criticism and Construction in the Philosophy of the American New Realism ( Phê phán và xây dựng trong triết học của Tân hiện thực Mỹ), Stockholm: Alquist Wittsell.

Metz, Rudolf (1938) A Hundred Years of British Philosophy ( Trăm năm triết học Anh

quốc), J.W.Harvey, T.E.Jessop và H.Sturt dịch, London: Allen Unwin ( Nguyên tác Đức ngữ, xuất bản tại Heidelberg, 1934).

Passmore, John (1957) A Hundred Years of Philosophy ( Trăm năm triết học), London: Duckworth.

STUART BROWN 

- Personalism ( Chủ nghĩa nhân vị)

Từ này có nguồn gốc trong thế kỉ mười chín từ quan điểm của Schleiermacher và nhiều người khác cho rằng Thượng đế có ngôi vị chứ không phải như được quan niệm trong các hệ thống phiếm thần và chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối. Việc sử dụng từ ngữ này trong buổi đầu của thế kỉ hai mươi, khi một số các triết gia yêu sách danh xưng này, đặt tiêu điểm nhiều hơn vào những nhân vị con người như là những thực thể nền tảng và bất khả giản qui ( human persons as fundamental and irreducible realities). Maritain, Mounier và Stefanini bảo vệ một thứ chủ nghĩa nhân vị Cơđốc giáo hay Công giáo chống lại các triết học duy nhiên và duy vật. Vì những lí do tương tự một số nhà duy tâm tuyệt đối , bao gồm Caird, Calkins và Green gắn kết với chủ nghĩa nhân vị. Nhưng, ở một mức độ khá rộng , những người tự gọi là “Triết gia nhân vị” phản ứng chống lại truyền thống đang thắng thế lúc đó- chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối . Nhiều người nghiêng về chủ nghĩa duy tâm như

Brightman,Carr, Howison, Rashdall và Webb và bác bỏ khuynh hướng của chủ nghĩa duy tâm theo Hegel thường tiến đến nhất nguyên (monism) hay phiếm thần (pantheism) mà họ cho là phủ nhận thực tại tối hậu của các nhân vị cá thể. Nhưng một vài nhà nhân vị cũng là nhà hiện thực , như Pringle-Pattison và Pratt. Nhà dụng hành Schiller chọn nhận từ này cho mình. Chủ nghĩa nhân vị của Macmurray một phần là phản ứng chống lại những ảnh hưởng văn hoá rộng lớn hơn có khuynh hướng phi nhân vị hoá ( depersonalize) dân chúng cũng như chống lại các khunh hướng duy cơ giới và giản qui trong triết học. Điều đó cũng đúng đối với nhà nhân vị người Mêhicô, Antonio Caso.

Với Howison và Bowne, chủ nghĩa nhân vị trở thành một trường phái được thiết lập ở Đại học Boston cũng như ở Đại học Nam California. Tờ báo The Personalist được lập ra năm 1919 và đến năm 1980 được đặt tên lại là The Pacific Philosophical Quarterly.

Thư mục

Bowne, Borden Parker (1908) Personalism, Norwood,Mass: Plimpton Press.

Knudson,A.C. (1949) The Philosophy of Personalism ( Triết lí của chủ nghĩa nhân vị),

Boston, Mass: Boston Univ. Press.

Macmurray, J. (1961) Persons in Relation ( Các nhân vị trong quan hệ), London: Faber.

Sturt, H. (1902) Personal Idealism ( Chủ nghĩa duy tâm nhân vị), London: Macmillan.

Brightman,E.S. (1950) Personalism trong A History of Philosophical Systems, Freeport, NY: Books for Libraries Press.

Deats, Paul and Robb, Carol (1986) The Boston Personalist Tradition in Philosophy, Social Ethics and Theology ( Truyền thống nhân vị ở Boston trong triết học, đạo đức xã hội và thần học), Macon, GA: Mercer Univ. Press.

Lavely, John H. (1967) Personalism trong Encyclopedia of Philosophy, New York: Macmillan Co.

Metz, Rudolf (1938) A Hundred Years of British Philosophy ( Trăm năm triết học Anh  quốc), J.W. Harvey, T.E. Jessop và H. Sturt dịch, London: Allen Unwin ( Nguyên tác Đức ngữ, xuất bản tại Heidelberg, 1934).

Passmore, John (1957) A Hundred Years of Philosophy ( Trăm năm triết học), London: Duckworth.

STUART BROWN 

- Phenomenology ( Hiện tượng học)

Điều gì hợp nhất những cái rất đa dạng từng được gọi bằng cái tên chung là hiện tượng học đó là một vấn đề của tính đồng dạng thân tộc( family resemblance) hơn là những học thuyết xét cách chung. Có thể phân biệt những loại hiện tượng học sau đây.

Hiện tượng học hiện thực ( Realist phenomenology)

Môn này được khơi nguồn cảm hứng từ tác phẩm Logische Untersuchungen ( Thám cứu lôgích học) của Husserl, được đặc trưng bởi một hữu thể học phong phú, bác bỏ sự hạn chế duy nghiệm đối với thể lí và tinh thần về cái gì hiện hữu. Có những thực thể vật lí và những thực thể tinh thần nhưng cũng còn có các con số, các trạng thái của sự việc, các định luật lôgích, các định chế, các tác phẩm nghệ thuất và vv…Theo tiêu ngữ “Quay về với chính sự vật” ( To the things themselves) các thực thể của mọi hình thái hữu thể học cần được lãnh hội như chúng tự phô bày với ý thức chứ không phải như lí thuyết hay hệ thống nào đấy bảo rằng chúng phải là như thế, như thế. Mọi vật đều có yếu tính của nó. Hiện tượng học là sự nghiên cứu các yếu tính và những tương quan giữa các yếu tính bằng một cách nhìn phi cảm giác (non-sensory seeing) gọi là“trực quán yếu tính” (Wesensschau/ Intuition of Essences). Những chân lí mà một hiện tượng học như vậy khải lộ thì có tính a priori (tiên thiên/ tiên nghiệm). Tính a priori đó không chỉ là hình thức mà còn gắn liền với bất kì cái gì , nghĩa là có những chân lí apriori về cảm giác. Hơn thế nữa tính tất yếu vốn đặc trưng hoá các chân lí a priori chẳng có liên quan gì với chuyện chúng ta nghĩ thế nào hay ngay cả chuyện chúng ta phải suy nghĩ như thế nào mà thuần túy khách quan. Mặc dầu sự nhấn mạnh đáng kể được dành cho ý hướng tính của ý thức ( the intentionality of consciousness) và những kinh nghiệm hữu hướng (intentional experiences) tạo thành chủ đề chính yếu của hiện tượng học, điều này không phải vì người ta nghĩ rằng, một cách nào đó, những sự vật khác với ý thức phụ thuộc sự tồn tại và đặc tính của chúng vào ý thức. Mà đúng hơn việc không nhận ra ý hướng tính bị chê trách vì những toan tính giản qui các đối tượng vật chất vào cảm giác, lôgích học vào tâm lí học, các giá trị vào các cảm thức.  

Hiện tượng học siêu nghiệm ( Transcendental phenomenology)

Mặc dầu từng khơi nguồn cảm hứng cho hiện tượng học hiện thực, hiện tượng học của

Husserl đã phát triển thành một hình thức của chủ nghĩa duy tâm. Đối với hiện tượng học siêu nghiệm, ý thức hay chủ thể tính là chủ đề duy nhất.Những đối tượng của ý thức có mặt trong mô tả hiện tượng luận nhưng chỉ thuần tuý như những đối tượng hữu hướng ( intentional objects), nghĩa là những đối tượng như là đối tượng của ý thức. Từ những động cơ một phần có tính Descartes và một phần có tính Kant, một phương thức được chọn nhận để đi đến ý thức thuần túy. Đây không phải là một hạng mục trong thế giới mà là cái vì đó có một thế giới ( This is not an item in the world but that for which there is a world). Tác vụ cho phép nhà hiện tượng học đi vào chiều kích siêu nghiệm của ý thức thuần túy là sự giản qui hiện tượng học hay giản qui siêu nghiệm(phenomenological or transcendental reduction). Đây là một cách phản tư (reflecting) lên ý thức chống lại việc để bị dung hoá bởi thế giới và những hạng mục trong thế giới, liên quan đến việc treo lửng hành động của mọi niềm tin về hiện hữu thực sự và bản chất thực sự của mọi đối tượng của ý thức( kể cả thế giới như một toàn thể). Ý hướng tính không còn được quan niệm như phương cách theo đó một chủ thể ý thức tự liên hệ với một thực tại sẵn có trước mà như trung gian trong đó cái gì kể là thực tại, được cấu tạo. Hiện tượng học siêu nghiệm là sự mô tả những cơ cấu yếu tính của quá trình tạo thành thế giới trong chủ thể tính siêu nghiệm ( Transcendental phenomenology is the description of the essential structures of the constituition (constituiting) of the world in transcendental subjectivity).

Hiện tượng học tường chú học ( Hermeneutic phenomenology)

Đây là cụm từ Heidegger dùng để mô tả hình thái hiện tuợng học của riêng ông. Hiện tượng học là phương pháp hữu thể học, việc nghiên cứu Hằng thể (Sein) của các Tại thể ( Seiendes).Một sơ dẫn cần thiết về vấn đề ý nghĩa của Hằng thể như là Hằng thể(Sein als Sein/ L’Être en tant qu’Être/ Being as such) là hữu thể học về hằng thể, nó đặt câu hỏi về Hằng thể ( Ấnecessary preliminary to the question of the meaning of Being as such is the ontology of the being which asks the question about Being). Nói rằng Hằng thể là chủ đề riêng của hiện tượng học gợi ý rằng Heidegger dấn thân vào một cái gì hoàn toàn khác với hiện tượng học siêu nghiệm mà chủ đề là ý thức siêu nghiệm.

Tuy nhiên sự khác biệt không lớn như thoáng có vẻ lúc đầu. Hằng thể không phải là một thứ trừu xuất kì tuyệt nào nhưng là cái làm cho các tại thể có thể tự phô bày hay được gặp gỡ ( Being is not some great abstraction but that which makes it possible for beings to show themselves or be encountered). Dasein – từ mà Heidegger dùng để chỉ thực tại người- là độc nhất trong mức độ mà Hằng thể của nó bao hàm sự hiểu biết về Hằng thể của chính mình và cả của cái gì không phải là chính mình. Hiện tượng học là có tính tường chú học theo nghĩa rằng nó hệ tại việc kiến giải, sự mở phơi khái niệm (Auslegung/ the conceptual unfolding) hiểu biết của Dasein về Hằng thể. Tại thể với sự hiểu biết về Hằng thể không phải là một Ngã siêu nghiệm (transcendental Ego) bên ngoài thế giới nhưng là một tại thể mà Hằng thể của nó là hiện-hữu-trong-thế-giới( In-der-Welt-Sein/ Être-au-monde/ Being-inthe-world).

Tuy nhiên đây không phải là một sự lật ngược thô thiển đối với tính ngây thơ trước Kant( pre-Kantian naiveté). Dasein không ở trong thế giới theo nghĩa một vật được đặt trong một vật lớn hơn nhiều. Nó không phải là một chủ thể , không giống như chủ thể siêu nghiệm, không nằm ngoài thế giới. Mà đúng hơn quan niệm về Dasein như là hiện-hữu-trong-thếgiới biểu thị một toan tính vượt qua tình trạng lưỡng phân chủ thể-khách thể (the subjectobject dichotomy). Cái mà Heidegger muốn chỉ bằng từ” thế giới” là một cơ cấu của ý nghĩa. Đây không phải là một cái gì ở trên và chống lại Dasein mà là một phần của cái gì mà Dasein vốn là. Đảo ngược trật tự thông thường, những phương thức lí thuyết của ý hướng tính được nhìn như có nền tảng trong những phương thức thực tiễn. Hiện-hữu-trong-thế-giới tự thân nó không phải là một trường hợp của ý hướng tính mà là một điều kiện cho khả tính của ý hướng tính.

Hiện tượng học hiện sinh ( Existential phenomenology)

Hình thái hiện tượng học này được tiêu biểu tốt nhất bởi Merleau-Ponty. Đến cuối sự nghịêp triết học của mình Husserl giới thiệu ý tưởng về Lebenswelt, thế giới của kinh nghiệm sống. Những đặc tính và cơ cấu mà các khoa học tự nhiên gán cho thế giới khách quan thật ra là sản phẩm của một tiến trình lí tưởng hoá và toán học hoá những cơ cấu thế giới đời sống ( the product of a process of idealization and mathematization of “life-wordly” structures). Nhiệm vụ của triết học không phải là “giáng cấp” thế giới đời sống xuống thành” chỉ là biểu kiến” (mere appearance) mà là dọn dẹp khỏi nó “bộ trang phục ý tưởng” ( the garment of ideas) mà khoa học đã khoác lên nó. Phần lớn do thông qua ảnh hưởng của Merleau-Ponty mà nhiều nhà hiện tượng học tiến đến chỗ nhận ra rằng sự mô tả thế giới đời sống và sự phơi trần định kiến của ý tưởng về một thế giới khách quan gồm những thực thể hoàn toàn xác định, là nhiệm vụ chính của hiện tượng học. Cái khiến cho một hiện tượng hoc như thế mang tính hiện sinh đối lại với tính siêu nghiệm, đó là ý thức về thế giới đời sống mà nó tìm cách diễn tả là ý thức của một chủ thể có thân xác, dấn thân vào những hoàn cảnh cụ thể và vào lịch sử, trong thế giới, chứ chẳng phải là ý thức của một Ngã siêu nghiệm mơ hồ nào. Nó bao hàm một sự giản qui (reduction) theo nghĩa treo lửng hành động của các khoa học khách quan nhưng không phải là một sự giản qui siêu nghiệm thực sự ( a genuinely transcendental reduction). Không giống như Husserl, Merleau-Ponty không nhìn việc khải lộ thế giới sự sống như chỉ là một giai đoạn trên đường tiến đến chủ thể tính siêu nghiệm cấu tạo thế giới (world-constituting transcendental subjectivity).

Thư mục 

Husserl, E. (1900-1) Logische Untersuchungen ( Thám cứu lôgích học), Halle.

(1913) Ideen zu einer reinen Phänomenologie und phänomenologischen Philosophie (Những ý tưởng liên quan đến một hiện tượng học thuần túy và một triết lí hiện tượng học), Tübingen.

Phänomenologie des inneren Zeitbewusstseins ( Hiện tượng học về ý thức thời gian nội tâm), Tübingen.

Formale und transzendentale Logik ( Lôgích hình thức và lôgích siêu nghiệm), Tübingen.

(1950) Cartesianische Meditationen ( Những suy niệm về Descartes), The Hague.

(1954) Die Krisis der europäischer Wissenchaften und die transzendentale

Phänomenologie( Khửng hỏang của khoa học châu Âu và hiện tượng học siêu nghiệm), The Hague.

Heidegger,M. (1927) Sein und Zeit ( Hữu thể và Thời gian; Anh: Being and Time; Pháp: Être et Temp), Tübingen.

( 1975) Grundprobleme der Phänomenologie ( Những vấn đề cơ bản của hiện tượng học), Frankfurt.

(1978) Metaphysische Anfanggründe der Logik ( Những nền tảng siêu hình của lôgích học), Frankfurt.

(1929) Kant und das Problem der Metaphysik ( Kant và vấn đề siêu hình học), Bonn.

1929) Grundbegriffe der Metaphysik ( Những khái niệm cơ bản của siêu hình học),Frankfurt.

(1929) Was ist Metaphysik? ( Siêu hình học là gì?), Bonn.

(1929) Vom Wesen des Grundes( Về yếu tính của các nguyên nhân), Halle.

(1940) Über den Humanismus ( Thư về nhân bản chủ nghĩa), Frankfurt.

(1943) Vom Wesen der Wahrheit ( Về yếu tính của chân lí),

(1950) Der Ursprung des Kuntswerks ( Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật) in trong quyển Holzwege ( Đường rừng), Frankfurt.

Einfürung in die Metaphysik ( Nhập môn siêu hình học), Tübingen.

Was heist Denken? ( Suy tư là gì?) , Tübingen.

(1957) Der Satz vom Grund ( Nguyên lí nền tảng) , Pfullingen.

(1957) Identitt und Differenz ( Đồng nhất và dị biệt), Pfullingen.

(1959)Unterwegs zur Sprache ( Trên đường đến với ngôn ngữ), Pfullingen.

(1961) Nietzsche, 2 quyển, Pfullingen.

(1986) Beiträge zur Philosophie: vom Ereignis ( Góp phần vào triết học: về biến cố), Frankfurt.

Merleau-Ponty, M. (1945) Phénoménologie de la Perception ( Hiện tượng học về tri giác), Paris.

Howard,M., Howard,J. và Keat,R. (1991) Understanding Phenomenology( Tìm hiểu hiện tượng học), Oxford: Basil Blackwell. 

Pivcevic,E. (1970) Husserl and Phenomenology, London: Hutchinson University Library.

Spiegelberg,H. (1960) The Phenomenological Movement ( Phong trào hiện tượng học), The Hague.

PAUL GORNER 

- Philosophical Anthropology ( Nhân loại học triết học)

Phong trào này có thể theo dấu ngược về đến thế kỉ mười tám – đặc biệt là tới Kant- và nó có những nhà tiên phong trong đầu thế kỉ hai mươi, kể cả Dilthey và Husserl. Phong trào này nở hoa ở Đức trong những thập niên 1920s và 1930s, khi Max Scheler và Helmuth Plessner là những khuôn mặt chủ chốt. Kể từ đó nó đã lan truyền đến những nơi khác và đã lôi cuốn sự chú ý trong thế giới nói tiếng Anh. Phong trào có thể được đặc trưng hoá như là một phản ứng chống lại những kiểu nghiên cứu nhân tính theo cách quá duy khoa học, duy cơ giới hay thích giản lược như những cách tiếp cận chịu ảnh hưởng Darwin, Freud và một số cách tiếp cận khác. Khoa học hiện đại thường được nhìn bởi những người gắn bó với nhân loại học triết học như là đang trong trạng thái khủng hoảng ( đôi khi như là phản ánh một cuộc khủng hoảng trong xã hội châu Âu hiện đại). Với sự nhấn mạnh là không được coi con người chỉ như là những đối tượng khoa học mà là những hữu thể tự do, nó có những điểm tương đồng với một vài phong trào khác, như chủ nghĩa hiện sinh và hiện tượng học. Trong số những người thường được gắn liền tên tuổi với nhân loại học triết học là Ludwig Binswanger, Martin Buber, Ernst Cassirer, Arnold Gehlen, R.D.Lang, Michael Polanyi và

Werner Sombart. Nhưng hơi thở của phong trào tạo ra sự đồng thuận về lịch sử của nó trở nên không chắc chắn. Phong trào đã được phát triển trong một số lãnh vực, kể cả sinh học, tâm lí học và thần học, theo nhiều phương cách. Những người tự mô tả mình như là dấn thân vào nhân loại học triết học cũng tự định nghĩa theo nhiều cách khác nhau và họ kiến tạo và liên kết với những lịch sử khác nhau.

Thư mục

Agassi, Joseph (1977) Towards a Rational Philosophical Anthropology ( Hướng về một nhân loại học triết học thuần lí),The Hague: Martinus Nijhoff.

Cassirer, Ernst (1963) An Essay on Man ( Khảo luận về con người ), New Haven, CT: Yale University Press.

Haeffner, G. (1990) The Human Situation: A Philosophical Anthropology ( Tình cảnh con người: Một nhân loại học triết học), E.Watkins dịch, Notre Dame: Notre Dame Univ. Press.

Holbrook, David (1988) Further Studies in Philosophical Anthropology( Thâm cứu nhân loại học triết học), Aldershot: Avebury.

Landmann, Michael (1955) Philosophische Anthropologie ( Nhân loại học triết học), Berlin.

Rescher, Nicolas (1990)Human Interests: Reflections on Philosophical Anthropology (Những quan tâm của con người: Suy nghĩ về nhân loại học triết học), Stanford: Stanford Univ. Press.

Lenfers, Dietmar (1980) The Marvel of Human Being: A Student Manual of Philosophical

Anthropology ( Kỳ quan Con người: Một thủ bản Nhân loại học triết học cho sinh viên), Dublin: Dominican.

Pappe, H.O. (1961) On Philosophical Anthropology, Australasian Journal of Philosophy 39: 47-64.

Pappe, H.O. (1967) Trends in Philosophical Anthropology in Post-war Germany ( Các khuynh hướng trong nhân loại học triết học ở nước Đức hậu chiến), Philosophy of Science: 46-56.

STUART BROWN 

- Positivism( Chủ nghĩa thực chứng)

Trên đại thể, đó là bất kì quan điểm nào dành cho khoa học độc quyền kiến thức về vũ trụ. Chủ nghĩa thực chứng mang đặc trưng chống siêu hình và thường là chống tôn giáo. Từ này được Claude-Henri Saint-Simon(1760-1825) tung ra và được môn đệ của ông, Auguste Comte (1789-1857) phổ biến rộng rãi. Chủ nghĩa thực chứng theo Comte không chỉ là một triết học mà còn là một thứ thay thế tôn giáo – tôn giáo nhân loại, cũng có giáo đường và lễ nghi phụng vụ. Chủ nghĩa này, về phương diện chuyên nghiệp, thì kém tính hàn lâm hơn Chủ nghĩa thực chứng lôgích của Học phái thành Viên, nên một số thành viên của học phái này bác bỏ từ chủ nghĩa thực chứng bởi vì sự liên tưởng đến phong trào thực chứng cũ kĩ trước đây và họ thích nhóm từ “ chủ nghĩa duy nghiệm lôgích” hơn.

Tuy nhiên, chống lại điều này, một thành viên là Victor Kraft biện hộ cho việc chấp nhận nhãn hiệu “ nhà thực chứng”: “ Xét cho cùng, Học phái thành Viên chia sẻ với chủ nghĩa thực chứng truyền thống sự hạn chế của mọi kiến thức thực chứng.”

Thư mục

Frankel, Charles (1950) Positivism trong A History of Philosophical Systems, Freeport, NY: Books for Libraries Press,pp.329-39.

Kolakowski, Leszek (1968) Positivist Philosophy from Hume to the Vienna Circle (Triết học thực chứng từ Hume đến Học phái thành Viên), N.Guterman dịch, New York: Doubleday, và Hartmondsworth: Penguin Books,1972.

Kraft, Victor (1953) The Vienna Circle: The Origin of Positivism ( Học phái thành Viên: Nguồn gốc của chủ nghĩa thực chứng), A.Pap dịch, New York: Philosophical Library.

STUART BROWN 

- Post-Marxism ( Hậu- Mácxít)

Hậu Mác xít có thể được định nghĩa theo hai cách chính: trước tiên, như một toan tính tái định thức ( to reformulate) tư tưởng Mácxít qua ánh sáng của những phát triển lí thuyết và xã hội gần đây chúng đã thách thức nhiều giả định và phạm trù của chủ nghĩa Mác cổ điển; thứ nhì là, như một sự bác bỏ học thuyết Mácxít để theo một trong những phát triển lí thuyết gần đây. Một cách để chỉ ra sự khác biệt là sự phân biệt của Ernesto Laclau và Chantal Mouffe giữa “post-Marxist” và “post-Marxist”. Người ta là một “post-Marxist” , theo Laclau và Mouffe, là kết ước với việc tìm không gian bên trong chủ nghĩa Mác cho một dãy những phong trào phản kháng xã hội – chủ nghĩa nữ quyền, sinh thái học chống định chế( anti-instituitional ecology) , những nhóm thiểu số về sắc tộc, quốc gia hay giới tính, chẳng hạn, cũng như cho những kỹ thuật của Hậu cấu trúc và Hậu hiện đại. Nó cũng còn phải thách thức tính hiệu lực của nhiều giả định Mácxít kinh điển như vị trí trung tâm của giai cấp lao động trong công cuộc đổi mới xã hội và những khái niệm bá quyền (hegemony) và tính tất yếu lịch sử ( historical necessity). Chủ nghĩa Mác mới nhắm đến một cách tiếp cận đẳnguyên về chính trị.

Đàng khác, Post-Marxism mặc hàm một đoạn tuyệt dứt khoát với, và chuyển động vượt qua, chính nghĩa Mácxít và những ưu tư của nó. Một trường hợp điển hình có lẽ là hiện tượng nhiều trí thức Pháp mà niềm tin vào lí thuyết Mácxít bị chao đảo bởi những hành động của Đảng Cộng sản Pháp trong những biến cố ở Paris năm 1968, khi Đảng này bị cảm thấy là đã thông đồng với Nhà nước tư sản đương quyền trong việc tháo ngòi nổ cho một tình huống cách mạng. Những nhà tư tưởng như Jean François Lyotard và Jean Baudrillard sau đó đã từ bỏ chủ nghĩa Mác và quay sang hậu hiện đại trong những hình thái đa dạng của nó. Post- Marxism hơn là một thái độ- chủ yếu là vỡ mộng chán chường đối với chủ nghĩa Mác, hơn là một hệ thống tư duy chuyên biệt có chủ quyền riêng.

Thư mục

Laclau, Ernesto and Mouffe, Chantal (1985) Hegemony and Socialist Strategy: Towards a Radical Democratic Politics ( Bá quyền và chiến lược xã hội chủ nghĩa : Hướng đến một nền chính trị dân chủ cấp tiến ), London: Verso.

Laclau, Ernesto and Mouffe, Chantal (1987) Post-Marxism without Apologies ( Hậu Mác xít mà không có những biện hộ), New Left Review.

Lyotard, Jean François (1974) Économie libidinale ( Kinh tế học dục tính),Paris: Minuit.

Smart, Barry (1992) Modern Conditions, Postmodern Controversies ( Điều kiện hiện đại, tranh luận hậu hiện đại), London: Routledge.

STUART SIM 

- Postmodernism( Chủ nghĩa hậu hiện đại)

Chủ nghĩa hậu hiện đại là một phong trào bắt đầu vào thập niên 1970s. Những người trình bày chính gồm Jean François Lyotard, Jean Baudrillard, Gilles Deleuze và Félix Guattari. Chủ nghĩa này được tìm thấy trong triết học, văn hoá và các ngành nghệ thuật và coi Nietzsche là một trong số những tổ phụ triết học của mình.

Trong khi không thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng nào về chủ nghĩa hậu hiện đại, nó bao gồm một sự khảo sát những khuynh hướng xã hội và văn hoá đã từng thống trị những xã hội tư bản tiên tiến kể từ những năm cuối thập niên 1950s và được đặc trưng hoá bởi sự ly tán và phân mảnh; một quan tâm đến các hình ảnh, phiến diện và phù du; và sự bác bỏ cuộc tìm kiếm triết học truyền thống vì một nhất tính nổi bật, thực tại, trật tự và mạch lạc cho mọi hiện tượng. Phong trào này là người kế thừa đồng thời là người phê bình chủ nghĩa hiện đại , một danh xưng mà Lyotard dùng để chỉ “ bất kì khoa học nào minh nhiên kêu gọi đến một thứ đại tự sự nào đấy” ( modernism, a term which Lyotard uses to designate any science that…make[s] an explicit appeal to some grand narrative ). Những thứ tự sự như vậy được cho là những tổng kết toàn diện về một tiến trình có tính viễn đích luận, tiến trình này cuối cùng sẽ thực hiện một tình trạng sự vật nào đấy mà cho đến nay vẫn còn là lí tưởng xa vời. Hai tổng kết mà Lyotard dồn mọi nỗ lực công kích, một là niềm tin giải phóng đâm chồi nảy lộc từ Phong trào Khai minh và cuộc Cách mạng Pháp, và cuộc tổng kết tư biện thuần lí , đâm chồi từ truyền thống Hêghêliên với lí tưởng là tổng hợp đề hoàn bị của tri thức. Mọi đại tự sự và những thông đồng hay thoả thuận nhờ đó chúng được đặt nền tảng đều đã sụp đổ, và vấn đề biện minh hay hợp thức hoá cho bất kì công cuộc nào được cho phép bởi giả định của chúng lại một lần nữa trở nên gay gắt.

Lyotard lập luận rằng do quá trình điện toán hoá trong ba thập niên vừa qua, bản chất của chính kiến thức đã thay đổi. Bất kì thông tin nào mà không thể được đưa vào một hình thức phù hợp để được lưu trữ trong một ngân hàng dữ liệu, đều bị biên tế hoá (marginalized – nói nôm na là bị cho ra rìa/ đẩy ra bên lề). Kiến thức được hợp thức hoá không phải bởi sư kêu gọi đến tính đúng/ sai của nó hay khả năng biểu thị chính xác cái gì đang được nói đến, một cách khách quan. Thay vì thế, có một lời kêu gọi đến tính hiệu năng của nó : tối thiểu hoá đầu vào hoặc tối đa hoá đầu ra hoặc cả hai, đó là mục tiêu phải được thành tựu.

Để thay thế các đại tự sự đã có những trò chơi ngôn ngữ, tương đối , hạn chế và vô ước. Mỗi trò chơi ngôn ngữ được quản trị bởi chính bộ nội qui của riêng nó và được chơi bởi những ai chịu kí vào hợp đồng, dầu mặc nhiên hay minh nhiên. Không có sự tự hợp thức hoá cho các trò chơi ngôn ngữ vốn là võ đoán (arbitrary) và do vậy có thể thay thế.Chúng luôn luôn được đặt trong tư thế chống lại một địch thủ, dầu đó là người khác hay ngôn ngữ khác, như nó vẫn được sử dụng theo truyền thống.

Hậu hiện đại cũng biện hộ quan điểm cho rằng thời gian bị chia lìa. Theo cách tiếp cận “đại tự sự” thời gian được nhìn như một dòng chảy thường hằng, đồng dạng, khách quan, một chiều, được chia ra thành quá khứ hiện tại và tương lai. Hiện tại được coi như cầu nối giữa quá khứ và tương lai và tiến trình thời gian được phản ánh trong các thì của động từ. Theo hậu hiện đại, không có thực tại khách quan quản trị cơ cấu của ngôn ngữ: cái gì theo truyền thống được nghĩ như trong quá khứ hay trong tương lai thì co thể được hồi tưởng hay khắc ghi vào cái gì theo truyền thống vẫn được nhìn như là hiện tại. Với việc bác bỏ thời gian” đại tự sự”, có một sự phân mảnh thời gian thành một chuỗi những hiện tại vĩnh hằng và bị chia lìa , không hẳn phải đối nghịch với quá khứ hay tương lai (there is a temporal

fragmentation into a series of perpetual and dislocated presents which are not to be constrasted with the past or the future).

Những quyển tiểu thuyết “đùa nghịch “ với tiến trình thời gian như quyển Finnegans Wake của James Joyce, xét về phương diện này, cần được coi như mang tính hậu hiện đại, cũng như mọi tác phẩm nghệ thuật tiền phong là những biểu thị của thời gian, không gian và ý nghĩa bị chia lìa và phân mảnh, dầu chúng có thuộc về thời kỳ hậu chiến hay không. Một vở kịch như En attendant Godot ( Trong khi chờ Godot) của Samuel Beckett được coi là một sự cự tuyệt lòng chờ mong hiện đại rằng sẽ có bất kì ý nghĩa bao quát, hoàn bị nào cần được tìm kiếm trong chính văn bản, hoặc sẽ được cung cấp một cách hợp thức bởi bất kì một thành viên hiện đại nào trong công chúng thính giả. Văn nghệ tiền phong bị đứng bên lề của nghệ thuật, và bị kềm giữ tại đó bởi những kẻ thông đồng với hay góp phần tạo ra những qui luật võ đoán của phê bình nghệ thuật. Quan điểm cho rằng không có thực tại khách quan phía sau những chuỗi hình ảnh phù du được trình bày cho chúng ta đạt đến hình thức phát biểu cực đoan nhất nơi tuyên bố của Baudrillard rằng Chiến tranh Vùng Vịnh chưa hề xảy ra; thay vì thế, Phương Tây đang chạm trán với những hình ảnh truyền hình phân mảnh chúng trình bày, nhưng không biểu thị, những “quả bom thông minh “ của Mỹ đang làm đổ nhào những vị trí đặt vũ khí của Iraq.

Một vài phương diện trong chương trình hậu hiện đại thì gây hứng thú hơn hay hữu dụng hơn là những phương diện khác. Phong trào tiền phong trong nghệ thuật có thể dẫn dắt công chúng khán thính giả hay người phê bình nghĩ về và có thể xét lại những mong đợi hay những nguyên lí theo đó sự tiếp cận nghệ thuật của họ được đặt cơ sở, nhưng không phải mọi niềm tin có nền tảng đồng thuận đều là võ đoán và có thể thay thế, và sự giải phóng và việc giảm nhẹ khổ đau là những mục tiêu đáng mong ước ngay dầu nếu chúng có thể chẳng bao giờ được thực hiện trọn vẹn.

Thư mục

Lyotard, J.F. (1979) La Condition Postmoderne ( Hoàn cảnh hậu hiện đại), Paris: Éditions de Minuit.

Fekete, J. (1987) Life after Postmodernism: Essays on Value and Culture ( Cuộc sống sau Hậu hiện đại: Những tiểu luận về giá trị và văn hoá), Manchester: Manchester University Press.

Jameson, F. (1990) Postmodernism, or the Cultural Logic of Late Capitalism ( Hậu hiện đại hay là lôgích văn hoá của chủ nghĩa tư bản muộn), Durham,NC: Duke Univ. Press. 

Norris, C. (1990) What ‘s Wrong with Postmodernism? Critical Theory and the Ends of Postmodernism ( Điều gì sai với Hậu hiện đại? Lí thuyết phê phán và những cùng đích của Hậu hiện đại), Baltimore: Johns Hopkins Univ. Press.

Sarup, M. (1988) An Introductory Guide to Post-structuralism and Postmodernism( Dẫn luận vào Hậu cơ cấu và Hậu hiện đại ), Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.

Silverman, H.J. (1990) Postmodernism- Philosophy and the Arts ( Hậu hiện đại- Triết học và các nghệ thuật), London: Routledge.

Silverman, H.J.and Welton, D. (1988) Postmodernism and Continental Philosophy ( Hậu hiện đại và triết học lục địa), Albany: State University of New York Press.

KATHRYN PLANT 

- Post-structuralism ( Hậu cơ cấu luận)

Hậu cơ cấu luận là một phong trào nằm trong phê bình triết học và văn học . Phong trào này nổi lên từ và thù địch với Cơ cấu luận vốn vẫn yêu sách tính khách quan, sự tách rời và tính hoàn bị khoa học. Những người trình bày chính của hậu cơ cấu là Jacques Derrida, Jacques Lacan, Julia Kristeva, Jean François Lyotard và Roland Barthes. Nó có những khuynh hướng chung với Hậu hiện đại và bao gồm giải cơ cấu (deconstruction) trong phạm vi của nó. Phong trào này bắt đầu ở Pháp vào cuối thập niên 1960s, nhanh chóng lan tràn sang các phần khác của châu Âu và Bắc Mỹ.

Như một phong trào, nó được đặc trưng hoá bởi tính cách chống truyền thống, chống siêu hình và chống ý thức hệ. Nó cho rằng rất nhiều, hay tất cả văn bản triết học trong truyền thống Tây phương đã tình cờ tự phá hoại vì không có thể giữ vững những giả định mà trên đó chúng được đặt nền. Một thí dụ cho trường hợp này là sự phê bình của Derrida đối với Levy-Strauss, trong đó Derrida cho rằng có một mâu thuẫn nổi bật giữa những khẳng định rằng sự cấm kị chuyện loạn luân là tự nhiên, nhưng tuy thế vẫn cần được củng cố bằng những chế tài xã hội. Một minh hoạ khác đến từ quyển Émile ou de l’éducation ( Émile hay là bàn về giáo dục) : quyển sách này khẳng định rằng bản chất tâm lí của phụ nữ thì khác với của đàn ông, nhưng phụ nữ không nên ( chứ không phải là không thể) đi theo cùng những hứng thú và những công việc như đàn ông. 

Theo tư tưởng hậu cơ cấu, không có sự cố định của ý nghĩa, hay, theo thuật ngữ của Derrida, không có “siêu hình học của hiện diện” ( metaphysics of presence) trong ngôn ngữ. Lập trường này đi ngược lại quan điểm của Saussure vốn cho rằng ý nghĩa của các từ có thể được neo chặt bởi ý nghĩa của các từ khác hiện diện trong cùng câu hay cùng nhóm từ. Luận chứng hậu cơ cấu cho rằng một từ không thể được xác định ý nghĩa bằng cách đó bởi vì ý nghĩa của những từ khác cũng đâu có cố định!

Liên minh với lập trường này là quan điểm mở rộng cho rằng ý nghĩa của một văn bản cũng bất định. Khẳng định này có thể được hiểu theo một trong hai cách: rằng thay vì chỉ có một cách giải thích xác định và đầy đủ thẩm quyền về một tác phẩm văn học, có thề có nhiều ý nghĩa; hoặc là một bản văn có thể mang bất kì cách giải thích nào. Yêu sách tiết độ hơn có thể hữu ích bởi vì nó cho phép nhiều cách tiếp cận trong phê bình văn học.

Hậu cơ cấu đặt nghi ngờ lên qui chế của chủ thể như là một thực thể liên tục, như thế một thực thể sẽ là một cơ cấu cố định và thường trực.

Điều hữu ích nhất trong chương trình hậu cơ cấu là những luận giải đệ nhị đẳng (secondary commentaries) về các tác phẩm của những nhà tư tưởng đi trước và những viễn tượng mới về các văn bản. Nếu chỉ những phương diện này của hậu cơ cấu được bảo lưu, thí nó sẽ trở thành một phong trào triết học và văn học ít cực đoan hơn và dễ được quí mến hơn.

Thư mục

Derrida, J.(1986) Shibbolet, trong Midrash and Literature, New Haven:Yale Univ.Press.

Dews, P. (1987) Logics of Disintegration: Post-Structuralist Thought and the Claims of Critical Theory ( Lôgích của sự phân rã: Tư duy hậu cơ cấu và những yếu sách của lí thuyết phê bình), London: Verso.

Easthope, A. (1988) British Post-Structuralism ( Hậu cơ cấu ở Anh), London: Routledge.

Merquior, J. (1986) From Prague to Paris: A Critique of Structuralist and Post-Structuralist Thought ( Từ Prague đến Paris: Một phê bình tư tưởng cơ cấu và hậu cơ cấu, London: Verso. 

Sarup, M. (1988) An Introductory Guide to Post-structuralism and Postmodernism( Dẫn luận vào Hậu cơ cấu và Hậu hiện đại ), Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.

Weedon, C. (1987) Feminist Practice and Post-Structuralist Theory ( Thực tiễn nữ quyền và lí thuyết hậu cơ cấu), Oxford: Blackwell.

KATHRYN PLANT


- Pragmatism ( Chủ nghĩa dụng hành/ thực dụng)

Chủ nghĩa dụng hành phát sinh trong thập niên 1860s từ những cuộc tranh luận giữa một số các nhà tư tưởng trong khoa học, toán học, luật học, tâm lí học và triết học, tất cả đều chịu ảnh hưởng thuyết tiến hoá của Darwin, nhắm đến một triết lí khoa học trong đó những vấn đề có thể được giải đáp một cách dứt khoát như là trong các khoa học. Từ “pragmatic” được chọn ra từ tác phẩm Kritik der Reinen Vernunft ( Phê phán lí tính thuần túy) của Kant, trong đó từ này được dùng để chỉ một kiểu phán đoán mà về nó không thể có sự chắc chắn khách quan nào nhưng trong thực tế người ta lại chắc chắn về nó , như được chỉ ra bởi việc người ta sẵn lòng đánh cược theo nó. Peirce tin tưởng nhà tâm lí học và triết gia người Anh, Alexander Bain với định nghĩa chủ chốt về niềm tin là “ cái mà trên đó người ta chuẩn bị để hành động”. Mặc dầu chủ nghĩa dụng hành không phải là triết lí của chủ nghĩa cơ hội (opportunism) và không phải là bất tương thích với việc tham gia vào một số nguyên lí nhưng nó quan tâm chính yếu vào cái gì làm được việc cho những mục tiêu trong tầm tay và ý tưởng về cái thực hành( the practical) có tính trung tâm đối với triết học dụng hành, tuy vậy quan niệm của chủ nghĩa dụng hành về cái thực hành lại là một vấn đề gây tranh cãi.

Người sáng lập chủ nghĩa dụng hành là Charles Sanders Peirce. Peirce quan niệm về chủ nghĩa dụng hành như là một phương pháp làm sáng tỏ các ý tưởng và dùng nó để làm sáng tỏ những ý tưởng như ý nghĩa, chân lí và thực tại. Peirce nghĩ về sự nghiên cứu như là phát sinh trong nghi ngờ, bất quyết, một cảm thức không thoả mãn từ đó chúng ta phấn đấu để tự giải phóng chúng ta, điều này đến lượt nó lại kích thích sự nghiên cứu hay tư duy , nhằm loại trừ sự khó chịu của nghi ngờ để tạo ra niềm tin mà Peirce đặc trưng hoá như là một cảm thức thoả mãn được đánh dấu trong bản chất chúng ta như là một thói quen hành động. Có một niềm tin là có một thói quen hành động theo một cách nào đó dưới những điều kiện nào đó ( to have a belief is to have a habit of acting in a certain way under certain conditions). Ý tưởng chính là ý nghĩa của một quan niệm trừu tượng cần được tìm trong quan niệm của chúng ta về những hiệu ứng thực tiễn, nhìn thấy được của nó, dưới nhiều điều kiện giả thuyết khác nhau. 

Peirce đi đến quan niệm về chân lí bằng cách áp dụng tiêu chuẩn dụng hành( the pragmatic criterion); do vậy ông chủ trương rằng chân lí là ý kiến mà mọi nghiên cứu hội tụ về nếu được thực hiện đủ lâu dài, khiến cho chân lí là ý kiến mang số phận là được chấp nhận như kết quả tối hậu của nghiên cứu( the truth is that opinion upon with inquiry converges if carried on long enough, so that the truth is the opinion fated to be accepted as the ultimate outcome of inquiry). Như vậy, thay vì định nghĩa nghiên cứu như một quá trình nhắm đến chân lí, Pierce định nghĩa chân lí như kết quả của nghiên cứu, nghiên cứu được tiến hành theo một cách nào đấy và với những biện pháp an toàn nào đấy, giống như những biện pháp đặc trưng của khoa học. Thực tại, ông quan niệm, là cái gì tồn tại độc lập với những gì mà bất kì ai đó nghĩ về nó, vậy thực tại là đối tượng của một niềm tin đích thực (Reality is what it is independently of what anyone thinks about it, so reality is the object of a true belief).

Quan niệm của Peirce được William James chọn nhận và biến cải ít nhiều. Vận dụng lí thuyết dụng hành về ý nghĩa vào khái niệm chân lí, James đi đến quan điểm cho rằng chân lí của một ý tưởng cần được tìm kiếm trong chuyện làm được việc của nó; một ý

tưởng là đúng nếu nó thoả mãn, có thể kiểm chứng và đã được kiểm chứng trong kinh nghiệm ( The truth of an idea is to be found in its working; it is true if it satisfies, is verifiable and verified in experience).

Song le, Peirce lại lấy làm buồn lòng về chuyện biến cải ý tưởng nguyên bản của ông nên ông đã”cúng xôi chè” đặt tên lại cho học thuyết của mình là” pragmaticism”, một cái tên “đủ xấu xí để khỏi bị quỉ thần nhòm ngó” ( Nguyên văn: A term ugly enough to be safe from kidnappers ). Điều khiến Peirce bối rối đó là dường như James cho phép những yếu tố chủ quan len lỏi vào phương trình: nếu tin rằng một ý tưởng nào đó là đúng sẽ dẫn đến việc người ta hành động theo một cách khác với cách mà người ta có lẽ sẽ hành động nếu người ta tin rằng ý tưởng đó sai, như vậy theo quan điểm của James ý tưởng sẽ được nói là có ý nghĩa, vì nó tạo ra sự khác biệt trong hành vi và đời sống cụ thể. Đối với Peirce, việc nhập khẩu niềm tin vào tiêu chuẩn của ý nghĩa không thể áp dụng cho phương cách cần thiết trong nghiên cứu khoa học. Trên quan điểm của James, bởi vì thực tại có thể uốn nắn và tuỳ thuộc vào thay đổi phù hợp với những ý muốn của con người, do đó, như thế là chân lí. Chuyện này thì Peirce lại không thể chấp nhận. Éo le thay! Trong khi trước tác của Peirce ít được độc giả biết đến thì cách xử lí của James lại khiến cho chủ nghĩa dụng hành trở nên nổi tiếng cũng như gây tranh luận sôi nổi.

James giúp cho chủ nghĩa dụng hành trở nên lừng danh. John Dewey áp dụng nó vào mọi lãnh vực của đời sống, đặc biệt là, nhưng không phải duy nhất, vào giáo dục. Dewey chủ trương rằng một ý tưởng là đúng nếu nó thoả mãn những điều kiện của vấn đề mà nó đang tìm cách giải quyết. Dewey quan niệm mọi ý tưởng như là những giả thuyết, những giải pháp thử nghiệm cho các vấn đề, đúng trong mức độ chúng thoả mãn những điều kiện của vấn đề. Kiểu mẫu nghiên cứu của Dewey là một kiểu mẫu sinh học: một cơ thể làm gì khi nó đói? Đói là một tình trạng không thoả mãn từ đó cơ thể đấu tranh để tự giải thoát bằng cách dấn thân vào những hoạt động tìm kiếm thực phẩm; hoạt động tìm kiếm và tiêu hoá thực phẩm thoả mãn những điều kiện của vấn đề, và suy tư,trong quan điểm của Dewey, chỉ khởi lên từ những tình huống bất quyết, có vấn đề. Mặc dầu tình huống bất định trở thành xác định thông qua nghiên cứu, tính xác định không phải là một điều kiện thường trực; giải được một vấn đề lại đưa đến những vấn đề mới, và ý nghĩa của đời sống, kiến thức và nghiên cứu cần được tìm kiếm trong hành động ( the meaning of life, knowing and inquiry are to be found in action).

Dewey tổng quát hoá kiểu mẫu này, bao trùm mọi vấn đề xã hội và đạo đức cũng như là nghiên cứu khoa học. Trên quan điểm của Dewey, gọi là “chủ nghĩa công cụ”

(instrumentalism), mọi tư duy xã hội là một hình thức của nghiên cứu xã hội dính líu đến thực nghiệm, đòi hỏi sự biến cải tích cực môi trường.Tình huống gồm bởi việc cơ thể trong tương tác thường xuyên với môi trường thay đổi khi tương quan giữa cơ thể và môi trường thay đổi và mục tiêu là thi hành sự kiểm soát thông minh đối với tình huống bất định để mang nó đến một kết thúc thoả đáng. Như vậy những ý tưởng, tư duy, tâm hồn là công cụ để xây dựng lại tình huống bất định, còn nghiên cứu và kiến thức xảy ra vì mục đích thích nghi và cải tạo môi trường. Dewey đi đến chỗ chủ trương rằng những vấn đề truyền thống về tri thức luận và phần lớn những vấn đề triết học truyền thống khác khởi lên do những lẫn lộn phát sinh từ truyền thống, việc thiếu khảo sát những tiền giả định chưa được xem xét tỉ mỉ và thiếu tổng kết thích hợp về cơ sở sinh vật của đời sống con người.

Cả James và Dewey đều chủ trương rằng tâm hồn phát triển trong quá trình tiến hoá như một phương tiện giúp các tạo vật có tâm hồn phát triển thích nghi và cải tạo môi trường. George Herbert Mead có những quan điểm rất giống Dewey nhưng đẩy những quan điểm chủ tiến hoá và dụng hành về tâm hồn đi xa hơn những nhà dụng hành khác và phát triển một lí thuyết độc đáo về nguồn gốc của ngôn ngữ và trí thông minh và bản ngã từ sự tương tác giữa các cơ thể khác nhau và những hành vi qua đó chúng dấn thân vào cuộc tương tác này. Điều này đưa đến một siêu hình học độc đáo nhưng cũng rất khó hiểu và một lí thuyết về tâm lí học xã hội đáng lưu ý vì tính độc đáo và tính hiệu quả.

C.I.Lewis phát triển một chủ nghĩa dụng hành duy khái niệm(conceptualistic pragmatism), một lí thuyết dụng hành về thể tiên nghiệm( a pragmatic theory of the a priori). Trong khi Dewey nhìn sự phân biệt giữa những chân lí phân tích và chân lí kinh nghiệm như là một

“lưỡng nguyên luận không thể bảo vệ” (untenable dualism), chỉ đánh dấu vai trò khác nhau mà mỗi thứ đảm nhận trong việc nghiên cứu, Lewis đề xướng ý tưởng rằng những ý tưởng tiên nghiệm có thể được biện minh và biến cải trên nền tảng dụng hành. Lewis chủ trương rằng chính yếu tố tiên nghiệm trong tri thức là có tính dụng hành, chứ không phải yếu tố kinh nghiệm.

F.C.S. Schiller có một viễn tượng hoàn toàn khác, không phải của một nhà lôgích học. Mặc dầu không phải là một trong những người chủ xướng thuyết dụng hành song ông là một đồng minh Anh quốc rất có cảm tình với nhiều ý tưởng của William James, đặc biệt là ý tưởng của James về ý chí muốn tin (the will to believe). Ông gọi triết học của mình là chủ nghĩa nhân bản và các nhà nghiên cứu đã gọi triết học của ông là chủ nghĩa nhân bản dụng hành( pragmatic humanism). Ông giữ một vai trò quan trọng trong triết học Anh quốc như là nhà phê bình chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối của Bradley và Bosanquet, một vai trò được tăng cường hiệu quả nhờ tài năng tu từ văn thể đặc biệt của ông.

Nói rút lại là, những nhà dụng hành quan trọng nhất là Peirce, James và Dewey. Trong những năm gần đây một số những ý tưởng chủ đạo của họ đã được chấp nhận, biến cải và vận dụng trong nhiều phương cách bởi các triết gia đương đại như W.V.O.Quine, Donald Davidson và Richard Rorty. Như vậy, sau một thời kỳ suy tàn trong khoảng giữa thế kỉ hai mươi , chủ nghĩa dụng hành, dưới một lớp áo hơi khác, lại trở nên rất linh hoạt và lại chiếm vị trí trung tâm nơi diễn đàn triết học.

Thư mục

(1969-90) The Works of John Dewey ( Toàn tập John Dewey) gồm tất cả là 37 quyển, do Southern Illinois University Press xuất bản.

(1887) Psychology ( Tâm lí học ), New York: Harper Brothers.

(1899) The School and Society ( Nhà trường và xã hội), Chicago: University of Chicago Press.

The Child and the Curriculum ( Trẻ em và chương trình học ), Chicago: University of Chicago Press.

Studies in Logical Theory ( Nghiên cứu lí thuyết lôgích học), Chicago: University of Chicago Press.

(1910) The Influence of Darwin on Philosophy and Other Essays in Contemporary Thought ( Ảnh hưởng của Darwin lên triết học và những tiểu luận khác về tư tưởng đương đại), New York : Henry Holt Company. 

(1916) Democracy and Education : An Introduction to the Philosophy of Education

( Dân chủ và giáo dục : Dẫn luận vào triết lí giáo dục), New York: Macmillan.

(1916) Essays in Experimental Logic ( Khảo luận về lôgích thực nghiệm), Chicago: University of Chicago Press.

(1920) Reconstruction in Philosophy ( Xây dựng trong triết học ), New York: Henry Holt Co.

(1922) Human Nature and Conduct. An Introduction to Social Psychology ( Bản tính và hành vi con người. Dẫn luận vào tâm lí học xã hội), New York: Henry Holt Co.

(1925) Experience and Nature ( Kinh nghiệm và thiên nhiên), Chicago: Open Court.

(1927) The Public and Its Problems ( Công chúng và những vấn đề của nó), New York: Henry Holt.

(1929) The Quest for Certainty ( Truy tìm sự chắc chắn), New York: Minton, Balch.

(1932) Individualism, Old and New ( Chủ nghĩa cá nhân, cũ và mới), New York: Minton, Balch.

(1932) [với James Hayden Tufts] Ethics ( Đạo đức học), New York: Henry Holt.

(1934) A Common Faith ( Một niềm tin chung), New Haven: Yale Univ. Press.

Art as Experience ( Nghệ thuật như kinh nghiệm), New York: Minton, Balch.

Liberalism and Social Action ( Chủ nghĩa tự do và hành động xã hội), New York: G.P.Putnam.

Logic: The Theory of Inquiry (Lôgích: Lí thuyết điều tra), New York: Henry Holt Company.

Freedom and Culture ( Tự do và Văn hoá), New York: G.P.Putnam.

(1939) Theory of Valuation. International Encyclopedia of Unified Science ( Lí thuyết về đánh giá . Bách khoa quốc tế về khoa học thống nhất), Chicago: University of Chicago Press.

( 1949) [ với Arthur Bentley]Knowing and the Known ( Tri thức và đối tượng tri thức), Boston: Beacon Press

(1975-90) The Works of William James, xuất bản bởi F.H.Burkhardt, F.Bowers và I.K.Skrupselis, 21 quyển, Cambridge, Mass: Harvard Univ. Press.

(1890) The Principles of Psychology ( Những nguyên lí tâm lí học), 2 quyển, New York: Henri Holt.

(1892) Psychlogy, Briefer Course ( Tâm lí học, Giáo trình tóm tắt), New York: Henri Holt.

The Will to Believe and Other Essays ( Ý chí để tin và những khảo luận khác), New York: Longmans,Green Co.

Human Immortality: Two Supposed Objections (Sự bất tử của con người: Hai phản biện giả thiết), Boston: Houghton Mifflin.

Talks to Teachers on Psychology and to Students on Some of Life’s Ideals ( Nói chuyện với thầy cô giáo về tâm lí học và với sinh viên về một vài lí tưởng sống), New York: Henri Holt Company.

(1903) The Varieties of Religious Experience: A Study of Human Behaviour( Những biểu hiện đa dạng của kinh nghiệm tôn giáo: Một nghiên cứu về hành vi con người), New York: Longmans, Green Co. 

(1907) Pragmatism ( Chủ nghĩa dụng hành), New York: Longmans, Green Co.

(1909) The Meaning of Truth: A Sequel to Pragmatism ( Ý nghĩa của Chân lí: Cuốn tiếp theo của Chủ nghĩa dụng hành), New York: Longmans, Green Co.

(1909)A Pluralistic Universe(Một vũ trụ đẳnguyên),NewYork:Longmans,Green Co.

Some Problems of Philosophy: A Beginning of an Introduction to Philosophy (Một số vấn đề triết học: Khởi đầu cho một Nhập môn triết học), New York: Longmans, Green Co.

Essays in Radical Empiricism ( Những khảo luận về Chủ nghĩa thực nghiệm triệt để), New York: Longmans, Green Co.

(1868) Questions concerning certain faculties claimed for man ( Những vấn đề liên quan đến một số khả năng được cho là của con người), Journal of Speculative Philosophy 2:103114.

Somes consequences of four incapacities ( Một số hậu quả của bốn điều không thể), cùng tạp chí trên, số 2:140-57.

Grounds of validity of the laws of logics: further consequences of four incapacities ( Cơ sở hiệu lực của các định luật lôgích học : những hậu quả xa hơn của bốn điều không thể), ibid. 2: 193-208.

The fixation of belief ( Tính cố định của niềm tin), Popular Science monthly 12;1-15.

How to make our ideas clear ( Làm thế nào cho các ý tưởng của chúng ta trở nên sáng sủa), ibid. 12:286-302.

(1878) The doctrine of chances ( Học thuyết về những điều tình cờ may rủi), ibid.12: 60415.

(1878) The probability of induction ( Xác suất của qui nạp), ibid.12: 705-18.

(1878) The order of nature ( Trật tự thiên nhiên) ibid.13: 203-17.

(1878) Deduction, Induction and Hypothesis ( Diễn dịch, qui nạp và giả thuyết), ibid.13: 470-82.

The architecture of theories ( Kiến trúc của các lí thuyết), The Monist 1:161-76.

The doctrine of necessity examined ( Kiểm tra thuyết tất định), ibid.2: 321-37.

(1892) The law of mind ( Định luật của tâm trí ),ibid.2: 533-59.

(1892) Man’s glassy essence ( Yếu tính trơn trợt của con người),ibid.3: 1-22.

(1982-) Writings of Charles S.Peirce. AChronological Edition ( Trước tác của Charles Peirce, theo niên đại), Max H. Fisch xuất bản, Bloomington:Indiana Univ. Press.

Những hợp tập:

(1931-5) The Collected Papers of Charles Sanders Peirce,vols 1-6 Charles Hartshorne

và Paul Weiss xuất bản , Cambridge, Mass: Harvard Univ.Press.

(1959) The Collected Papers of Charles Sanders Peirce, vols 7-8, Arthur Burks, Cambridge, Mass: Harvard Univ. Press.

(1868) Questions concerning certain faculties claimed for man ( Những vấn đề liên quan đến một số khả năng được cho là của con người), Journal of Speculative Philosophy 2:103114.

Somes consequences of four incapacities ( Một số hậu quả của bốn điều không thể), cùng tạp chí trên, số 2:140-57.

Grounds of validity of the laws of logics: further consequences of four incapacities ( Cơ sở hiệu lực của các định luật lôgích học : những hậu quả xa hơn của bốn điều không thể), ibid. 2: 193-208.

The fixation of belief ( Tính cố định của niềm tin), Popular Science monthly 12;1-15.

How to make our ideas clear ( Làm thế nào cho các ý tưởng của chúng ta trở nên sáng sủa), ibid. 12:286-302.

(1878) The doctrine of chances ( Học thuyết về những điều tình cờ may rủi), ibid.12: 60415.

(1878) The probability of induction ( Xác suất của qui nạp), ibid.12: 705-18.

(1878) The order of nature ( Trật tự thiên nhiên) ibid.13: 203-17.

(1878) Deduction, Induction and Hypothesis ( Diễn dịch, qui nạp và giả thuyết), ibid.13: 470-82.

The architecture of theories ( Kiến trúc của các lí thuyết), The monist 1:161-76.

The doctrine of necessity examined ( Kiểm tra thuyết tất định), ibid.2: 321-37.

(1892) The law of mind ( Định luật của tâm trí ),ibid.2: 533-59.

(1892) Man’s glassy essence ( Yếu tính trơn trợt của con người),ibid.3: 1-22.

(1982-) Writings of Charles S.Peirce. A Chronological Edition ( Trước tác của Charles Peirce, theo niên đại), Max H. Fisch xuất bản, Bloomington:Indiana Univ. Press.

Những hợp tập:

(1931-5) The Collected Papers of Charles Sanders Peirce,vols 1-6 Charles Hartshorne

và Paul Weiss xuất bản , Cambridge, Mass: Harvard Univ.Press.

(1959) The Collected Papers of Charles Sanders Peirce, vols 7-8, Arthur Burks, Cambridge, Mass: Harvard Univ. Press.

Thayer, H.S.Meaning and Action: A Critical History of Pragmatism ( Ý nghĩa và hành động: Một lích sử phê bình về chủ nghĩa dụng hành), Indianapolis: Hackett Publishing Company.

Thayer, H.S.Pragmatism: The Classics Writings ( Chủ nghĩa dụng hành: Những bản văn kinh điển), Indianapolis: Hackett Publishing Company.

(1949) Wiener, Philip P.Evolution and the Founders of Pragmatism) ( Quá trình tiến hoá và những nhà sáng lập chủ nghĩa dụng hành), Cambridge,Mass: Harvard Univ. Press.

MARCUS SINGER


- Process Philosophy ( Triết học tiến trình)

Một triết học siêu hình đưa ra định đề rằng chính tiến trình, hơn là bản thể, mới là nền tảng. Phong trào này dưới sự dẫn dắt của Whitehead mặc dầu Hartshorne cũng có ảnh hưởng trong phần sau của thế kỉ.Tờ báo Process Studies được thành lập năm 1971.

Thư mục

Brown, Delwin[ xuất bản] (1971) Process Philosophy and Christian Thought ( Triết học tiến trình và tư tưởng Cơđốc), Indianapolis: Bobbs-Merrill.

Lucas, George (1989) The Rehabilitation of Whitehead: An Analytic and Historical Assessment of the Process of Philosophy( Phục hồi phẩm giá cho Whitehead: Một thẩm định phân tích và lịch sử về tiến trình của triết học), Albany: NY: SUNY Press.

Moreland, J.P. (1988) An Enduring Self: The Achilles’Heel of Process Philosophy (Một bản ngã liên tục:Gót chân Achilles của triết học tiến trình), Process Studies 17.

Neville, Robert C. (1974) The Cosmology of Freedom ( Vũ trụ học tự do), New Haven, CT: Yale Univ. Press.

Neville, Robert C. (1987) Contributions and Limitations of Process Philosophy ( Đóng góp và hạn chế của triết học tiến trình), Process Studies16.

Reck, Andrew J. (1975) Process Philosophy, A Categorical Analysis ( Triết học tiến trình, một phân tích phạm trù), Tulane Studies in Philosophy 24: 58-91.

Sibley, Jack R. and Gunter, Pete A.Y. àxuất bản] (1978) Process Philosophy: Basic Writings ( Triết học tiến trình: Những văn bản cơ bản), Washington DC: University Press of America.

STUART BROWN 

- Realism ( Chủ nghĩa hiện thực)

Những cuộc tranh luận gắn liền với chủ nghĩa hiện thực đã được ghi khắc sâu xa trong triết học và, ở phương Tây, có niên đại lùi xa đến ít nhất là Platon và Aristote, mỗi người là một nguyên mẫu(prototype) cho một loại triết gia hiện thực. Platon chống đối lại quan niệm cho rằng những giá trị đạo đức lệ thuộc vào ước lệ xã hôi và lí thuyết các mô thể của ông (theory of form) đại diện cho một loại chủ nghĩa hiện thực đạo đức. Chủ nghĩa hiện thực của Platon hướng tới liên kết với niềm tin vào sự hiện hữu của những thực thể trừu tượng nói chung và đặc biệt là các đối tượng toán học. Chủ nghĩa hiện thực trong toán học từng là một lập trường phổ biến mặc dù gây nhiều tranh cãi, và được Frege, trong số nhiều người khác nữa, chấp nhận.

Mặc dầu là một người hiện thực về những đối vật trừu tượng, Platon lại có khuynh hướng chối bỏ thực tại của các đối tượng giác quan và vì lí do đó, ông lại được gắn với chủ nghĩa duy tâm. Về phương diện này Aristote khác biệt với thầy mình và chủ nghĩa hiện thực của Aristote về các đối tượng giác quan còn có ảnh hưởng rất lớn, chẳng hạn trong truyền thống Kinh viện. Ngay cả khi chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối thống trị trong các đại học Anh Mỹ, thì từ buổi đầu thế kỉ hai mươi Aristote vẫn luôn cung cấp một giải pháp thay thế. Chủ nghĩa hiện thực thế kỉ hai mươi không chỉ có những liên kết này với quá khứ xa xăm mà còn với những chủ nghĩa hiện thực khác, như với chủ nghĩa hiện thực của Trường phái Lương thức thông thường Scotland. Như vậy đây là một từ ngữ với phức tính lịch sử rất lớn ( a word of great historical complexity) và không một phác biểu chung chung nào có thể đem lại công lí cho sự chọn lựa từ “nhà hiện thực” cho các triết gia thế kỉ hai mượi như một toàn bộ. Chủ nghĩa hiện thực đã được đem đối lại không chỉ chủ nghĩa duy tâm mà còn với chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa xây dựng ( constructivism) và chủ nghĩa hiện tượng ( phenomenalism).tuy nhiên , sự đối địch với chủ nghĩa duy tâm có tầm quan trọng đặc biệt từ buổi đầu thế kỉ.

Cuộc phản kháng hiện thực chủ nghĩa chống lại chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối có niên đại ngược về đến ít nhất là Russell và Moore trong thập niên 1890s, được đặc trưng hoá bởi việc chấp nhận thuyết đẳnguyên, những liên hệ ngoại tại, lí thuyết hô ứng về chân lí ( a correspondence theory of truth) và một niềm tin vào những thục tại độc lập với tinh thần.

Ở Mỹ có nhiều trường phái hiện thực khác nhau như Tân hiện thực( New Realism) và Hiện thực phê phán (Critical Realism) và những từ này cũng được nới rộng đến các nhà tư tưởng với những quan điểm tương tự, trong những lãnh vực khác.

Trong số những vấn đề tồn đọng dai dẳng về chủ nghĩa hiện thực có vấn đề làm thế nào để thích nghi hoá nó bên trong một tri thức luận duy nghiệm (empiricist epistemology).

Những người đã từng tán trợ một tri thức luận duy nghiệm trong khoa học có khuynh hướng phủ nhận thực tại của các thực thể lí thuyết( to deny the reality of theoretical entities). Chống lại hiện tượng này, có những người tự gọi là “nhà hiện thực khoa học” (scientific realists) như W.Sellars, người từng mong ước khẳng định thực tại của mọi thực thể được nói đến trong khoa học, kể cả những thực thể không thể quan sát.

Nhiều triết gia trong hai thập niên 1980s và 1990s , phản ứng lại một chủ nghĩa chủ quan phổ biến trước đó trong đạo đức hay những hình thái khác của chủ nghĩa tương đối tràn lan, đã tìm cách bảo vệ chủ nghĩa hiện thực đạo đức.

Thư mục

Blaskar, Roy (1975) A Realist Theory of Science ( Một lí thuyết hiện thực về khoa học)  Leeds: Leeds Books.

Devitt, Michael (1984) Realism and Truth ( Chủ nghĩa hiện thực và chân lí ), Oxford: Blackwell.

Moore,G.E. (1903) The Refutation of Idealism ( Phản biện chủ nghĩa duy tâm), Mind, New Series 7.

Putnam, Hilary (1982) Three Kinds of Scientific Realism ( Ba loại chủ nghĩa hiện thực khoa học), Philosophical Quaterly 32:195-200.

Wild John (1948) Introduction to Realist Philosophy ( Nhập môn triết học hiện thực), New York: Harper Bros.

Wright, Crispin (1992) Truth and Objectivity ( Chân lí và tính khách quan), Cambridge, Mass: Harvard Univ. Press.

Bowman, Lars (1955) Criticism and Construction in the Philosophy of American New Realism ( Phê bình và xây dựng trong triết học tân hiện thực Mỹ), Stockholm:Almqvist Wiksell.

Bowman, Lars (1967) British and American Realism, 1900-1930 ( Chủ nghĩa hiện thực Anh-Mỹ), Monist 51: 159-304.

Dummett, Michael (1982) Realism, Synthese 52: 55-112.

Feyerabend, Paul (1964) Realism and Instrumentalism ( Chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa công cụ) trong The Critical Approach to Science and Philosophy, New York : Free Press.

Harlow, Victor (1931) A Bibliography and Genetic Study of American Realism ( Một thư mục và nghiên cứu di truyền về chủ nghĩa hiện thực Mỹ), Oklahoma City: Harlow Publishing

Co.

Passmore, John (1985) Recent Philosophers ( Các triết gia gần đây), London: Duckworth, ch.5.

Perry, Ralph Barton (1926) Philosophy of the Recent Past ( Triết học trong quá khứ gần), New York:Scribner’s.

Schneider, Herbert (1946) A History of American Philosophy ( Lịch sử triết học Mỹ), New York: Columbia Univ. Press.

Schneider, Herbert (1964) Sources of Contemporary Realism in America ( Những suối nguồn của chủ nghĩa hiện thực đương đại Mỹ), Indiana: Bobbs-Merrill.

STUART BROWN 

- Semiology ( Kí hiệu học)

Kí hiệu học, hay khoa học về các kí hiệu (the science of signs), phần lớn phái sinh từ tác phẩm của nhà ngữ học Ferdinand de Saussure, một trong những suối nguồn cảm hứng chính đàng sau cơ cấu luận (structuralism), một phong trào có thể yêu sách chính đáng là cái nôi của phân tích kí hiệu học. Đối với Saussure, ngôn ngữ là một hệ thống và điều tối quan trọng là, một hệ thống những dấu hiêu được đồng thuận theo qui ước nó moi ra được một phản ứng có thể nói trước từ một cá nhân .Việc nghiên cứu ngôn ngữ chủ yếu là sự nghiên cứu những tương quan giữa các kí hiệu khác nhau của nó , nghĩa là, của ngữ pháp nội tại của hệ thống ngôn ngữ. Ngôn ngữ trở thành kiểu mẫu cho cách vận hành của mọi hệ thống kí hiêu mà Saussure tiên báo sự phát triển của một ngành học tổng quát hơn gọi là kí hiệu học ( semiology, từ ngữ căn Hy lạp semeion là kí hiệu), một ngành học sẽ nghiên cứu những hệ thống như thế.

Phân tích kí hiệu học( semiological analysis) là một môn học phân tích những tương quan ngữ pháp giữa các kí hiệu trong lòng một hệ thống đã cho. Theo cách đó, Claude LéviStrauss khảo sát một nhóm những huyền thoại của thổ dân Nam Mỹ như một hệ thống tự dung (a self-contained system) ở đó các kí hiệu được vận dụng quanh một huyền thoại cá thể theo cách các biến tấu theo một chủ đề ( variations on a theme). Quả thật nhóm huyền thoại này tạo thành một loại với ngữ pháp đặc thù của nhóm.

Trước tác của Roland Barthes chứa đựng một vài trong số những thí dụ bền bỉ nhất của phân tích kí hiệu học trong văn học cơ cấu luận( structuralist literature) với những nghiên cứu tỉ mỉ về những hiện tượng như quảng cáo và thời trang. Trong mỗi trường hợp, quan tâm của Barthes là nhận dạng những mã kí hiệu học được lồng vào trong hệ thống và công chúng đáp ứng những mã này như thế nào ( to identify the semiological codes involved in the system and how the audience responds to these). Văn học và điện ảnh cùng song hành tạo ra những hệ thống cho phân tích cơ cấu luận với việc nhà phân tích đứng ngoài nhận dạng và mô tả ngữ pháp áp dụng vào một văn bản nào đấy hoặc thông qua các thể loại văn học và phim ảnh vv…

Thư mục

Barthes, Roland (1957) Mythologies ( Huyền thoại học), Paris: Seuil.

Culler, Jonathan (1983) Structuralist Poetics: Structuralism, Linguistics and the Study of Literature ( Thi pháp cơ cấu luận: Chủ nghĩa cơ cấu, Ngôn ngữ học và Nghiên cứu văn học), London: Routledge Kegan Paul.

Lévi-Strauss, Claude (1964) Mythologiques I: Le cru et le cuit ( Huyền thoại học: Cái sống và cái chín), Paris: Plon.

Saussure, Ferdinand de ( 1916) Cours de Linguistique générale ( Giáo trình ngôn ngữ học đại cương), Charles Bally, Albert Sechehaye và Albert Reidlinger xuất bản, Paris: Payot. Bản tiếng Việt: Cao Xuân Hạo dịch, Nhà sách Phương Nam.


- Structuralism ( Cơ cấu luận/ Chủ nghĩa cấu trúc)

Cơ cấu luận là một phương pháp luận ( methodology) được vận dụng một cách độc đáo trong các khoa học xã hội và về sau được thích nghi vào việc xử lí các văn bản văn học và, rộng hơn , vào mọi tác phẩm nghệ thuật. Người trình bày chính yếu, đầu tiên của phương pháp luận này là Ferdinand de Saussure mà tác phẩm lí thuyết của ông về ngữ học là tổ phụ chung của mọi phân tích cơ cấu luận về sau. Chính Saussure đã đem lại sức đẩy cho các công trình cơ cấu luận sau ông bằng câu phát biểu rằng mọi phương diện của đời sống xã hội đều có thể xử lí bằng phương pháp luận mà ông đã áp dụng cho ngữ học.

Phương pháp tiếp cận cơ cấu luận được Saussure gọi là “tĩnh” (static) hay “đồng đại” ( synchronic) nghĩa là phi lịch sử ( ahistorical). Nó lấy một phần chéo (a cross-section) của chủ đề và cung cấp một phân tích về cách theo đó mọi phần của một hệ thống tự điều hành (a self-regulating system) vận hành cùng nhau để tạo thành một toàn thể lien tục và mạch lạc. Những yếu tố như vậy chỉ có ý nghĩa hay chức năng bằng cách đối chiếu với những yếu tố khác và từ vị trí của nó bên trong hệ thống tổng thể. Đối với Saussure, ý nghĩa của một từ , hay cái mà ông gọi là một dấu hiệu, một phần được qui định bởi việc đối chiếu với những từ khác trong văn mạch nó diễn ra. Phương pháp luận cơ cấu cũng nhắm trở thành thuần tuý mô tả: nó coi như những dữ liệu thô chỉ là những hiện tượng xã hội thực sự xảy ra mà nó không đánh giá hay phê phán gì.

Saussure đưa ra một phân biệt quan trong giữa mức độ sâu hơn của ngôn ngữ, hay là những qui tắc và phương thức vận trù bên trong một ngôn ngữ tự nhiên và cấp độ bề mặt hay lời nói hay là những sợi dây từ ngữ sinh ra bên trong và bị giới hạn bởi những qui tắc và phương thức đó. Các nhà cơ cấu luận đối chiếu sau này cũng chọn nhận một kiểu phân chia hai tầng tương tự như thế: Lévy-Strauss, chẳng hạn, nghĩ rằng những huyền thoại đặc thù là sự điển hình hoá của một cơ cấu sâu hơn hay kiểu thức chung cho mọi huyền thoại và yêu sách rằng những khám phá của ông trong lãnh vực này có thể được sử dụng cho một nghiên cứu cơ cấu luận xa hơn về cách mọi tâm hồn con người vận trù như thế nào. Co cấu luận nối kết mọi ví dụ cá thể của các hiện tượng xã hội vào cơ cấu nổi bật của chúng và điều này có nghĩa là những tác giả hay những nguồn gốc của chúng không được đưa vào nhận định bằng bất kì cách nào.

Nếu được vận dụng thích đáng, những phân tích cơ cấu luận có thể hữu ích, mặc dầu hạn chế. Một phê phán nổi lên chống lại phương pháp luận này đó là nó chỉ đơn thuần giả định rằng việc nghiên cứu các hiện tượng là những toàn thể mạch lạc: cả trong cách xử lí huyền thoại (treatment of myth) của Lévi-Strauss lẫn trong việc nghiên cứu Sáng thế kí ( study of Genesis) của Edmund Leach đều không có bất kì toan tính nào để phản chứng cái giả thuyết cạnh tranh cho rằng nguyên liệu chính là một tập hợp lỏng lẻo các tự sự từ nhiều nguồn khác nhau. Một phản bác khác đó là bằng việc sử dụng không thích đáng phương pháp luận này, cái gì được cho là cơ cấu nổi bật của các thí dụ điển hình đặc thù ( the underlying structure of particular exemplifications) chỉ là do đặt để chứ không phải được khám phá( simply imposed and not discovered).

Cơ cấu luận từng có ảnh hưởng mạnh mẽ trên nhiều ngành học xuyên suốt phần lớn thế kỉ hai mươi, nhưng trong ba thập kỉ cuối nó đã bị “di dời” bởi Hậu-cơ cấu luận (Poststructuralism), hậu duệ thù địch của nó.

Thư mục

Barthes, Roland (1990) S/Z , R.Miller dịch, Oxford: Blackwell.

Leach, Edmund (1969) Genesis as Myth ( Sáng thế kí như là huyền thoại ), London: Jonathan Cape.

Lévi-Strauss (1955) Tristes Tropiques ( Nhiệt đới buồn hoang), Paris: Plon.

Lévi-Strauss (1958) Anthropologie structurale ( Nhân loại học cơ cấu), Paris: Plon.

Lévi-Strauss (1962) La Pensée sauvage ( Tư tưởng hoang dã), Paris: Plon.

Lévi-Strauss (1964) Le cru et le cuit (Cái sống và cái chín), Paris: Plon; bản tiếng Anh

The Raw and the Cooked, John DoreenWeightman dịch, New York: Harper Row.

Saussure, Ferdinand de ( 1916) Cours de Linguistique générale ( Giáo trình ngôn ngữ học đại cương), Charles Bally, Albert Sechehaye và Albert Reidlinger xuất bản, Paris: Payot. Bản tiếng Việt: Cao Xuân Hạo dịch, Nhà sách Phương Nam.

Piaget, Jean (1971) Structuralism, London: Routledge.

Sturrock, J. (1979) Structuralism and Since ( Cơ cấu luận và kể từ đó), Oxford: Oxford University Press.

KATHRYN PLANT 

- Uppsala School ( Trường phái Uppsala)

Trường phái Uppsala, theo Wedberg, là “trường phái hàn lâm tự nhiên chủ nghĩa đầu tiên trong triết học ở Thuỵ điển”. Triết học hàn lâm ở Thụy điển trước đó đậm màu sắc duy tâm. Phong trào Tân thực chứng được thành lập bởi Axel Hägerström và Adolf Phalén và nở hoa suốt thời kỳ 1910-40. Justus Hartnack từng bày tỏ quan điểm rằng Triết học phân tích (Analytical Philosophy) có thể nói là đã phát sinh, gần như độc lập, ở bảnơi: Cambridge, Uppsala và Vienna. Trường phái Uppsala chia sẻ với Học phái thành Viên một chủ kiến mạnh mẽ chống siêu hình học, cũng như quan điểm cho rằng những phát biểu đạo đức không có giá trị chân lí( moral utterances have no truth value).Nó chia sẻ với những nhà phân tích ở Cambridge như Moore và Russell cả sự nhấn mạnh lên phân tích khái niệm và một kết ước mạnh mẽ với chủ nghĩa hiện thực trong phản ứng lại chủ nghĩa duy tâm từ trước đến lúc đó vẫn còn đang thắng thế.

Trường phái Uppsala, về một số phương diện, vẫn tiếp tục trong thời kỳ sau Đệ nhị Thế chiến bởi Konrad Marc-Wogau, Ingemar Hedenius và những người khác. Tuy nhiên những người này chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi học phái thành Viên và bởi triết học phân tích Anh-Mỹ hơn là bởi Hägerström và Phalén.

Thư mục

Hartnack, Justus (1967) Scandinavian Philosophy ( Triết học nơi bán đảo Scandinavia), đăng trong Encyclopedia of Philosophy, New York: Macmillan Co.

Sandin, Robert T. (1962) The Founding of the Uppsala School ( Việc thành lập Trường phái Uppsala), Journal of the History of Ideas 23: 496-512.

Wedberg, Anders (1980) Sweden, trong Handbook of World Philosophy: Contemporary Development Since 1945, London: Aldwych Press,pp.173-90.

STUART BROWN 

- Utilitarianism ( Chủ nghĩa công lợi)

Chủ nghĩa công lợi là một học thuyết đạo đức qui phạm ( a normative ethical doctrine)

nảy sinh phần lớn từ những tổ chức ở thế kỉ mười chín và phái sinh từ quan điểm rằng hạnh phúc là điều thiện lớn nhất. Nó phán xét tính đạo đức của những hành vi qua những hậu quả của chúng. Phiên bản được biết nhiều nhất của Nguyên lí Công lợi (The Principle of Utility) là phiên bản được định thức bởi John Stuart Mill (1806-73):” Tín điều chấp nhận như là nền tảng của đạo đức, Công lợi, hay là Nguyên lí Hạnh phúc lớn nhất chủ trương rằng những hành động là đúng theo tỉ lệ chúng hướng tới gia tăng hạnh phúc, là sai theo tỉ lệ chúng hướng tới tạo ra điều ngược lại của hạnh phúc” ( The creed which accepts as the foundation of morals, Utility, or the greatest Happiness Principle holds that actions are

right in proportion as they tend to promote happiness,wrong in their proportion as they tend to produce the reverse of happiness. Utilitarianism,ch.1).

Jeremy Bentham(1748-1832) được nhiều người nhìn như là nhà sáng lập của chủ nghĩa công lợi hiện đại mặc dầu nguyên lí tổng quát của nó đã được phát biểu từ trước bởi Helvetius, Hutcheson và Hume. Bentham chủ trương rằng chỉ có lạc thú là tốt, xét trong bản chất, và đau khổ, xét trong bản chất, là xấu, và rằng tổng số lạc thú hay đau khổ phát sinh từ quá trình hành động là yếu tố quyết định để xét đoán tính đạo đức của một hành động.

Henry Sidgwick( 1833-1900) trong The Methods of Ethics (1874), phê bình và phát triển học thuyết công lợi, bác bỏ thuyết lạc thú tâm lí (psychological hedonism) và biện luận rằng những nguyên lí đạo đức có thể được biết bằng trực quan. G.E.Moore, trong quyển Principia Ethica, cũng bác bỏ thuyết lạc thú tâm lí và cũng biện luận rằng Chủ nghĩa Công lợi phạm lỗi giả tạo duy tự nhiên ( the naturalistic fallacy), nghĩa là diễn dịch những phán đoán đạo đức từ những phát biểu về sự kiện ( deducing moral judgements from statements of facts). Ông cho rằng điều thiện là một đặc tính không tự nhiên, được nhận ra bởi trực quan và rằng một hành động là đúng nếu những hậu quả của nó tốt hơn bất kì hành động khả hữu nào khác.

Chủ nghĩa công lợi đã bị phê phán gay gắt bởi Bernard William, ông cho rằng nó không chú trọng đến ý nghĩa mà đời sống thực sự có đối với những người trưởng thành họ định dạng cuộc đời của mình một cách có ý nghĩa bằng những dự phóng mà tầm quan trọng của chúng đã không được nhìn nhận bởi một học thuyết chỉ tìm cách thoả mãn càng nhiều sở dục càng tốt mà không quan tâm đến những giá trị khác nhau của chúng.

Thư mục

Bentham, Jeremy (1789) Introduction to the Principles of Morals and Legislation (Nhập môn các nguyên lí đạo đức và pháp lí), London.

Mill, J.S. (1861) Utilitarianism, London.

Moore, G.E. (1903) Principia Ethica (Nguyên lí đạo đức), Cambridge: Cambridge University Press.

Sidgwick, H. (1874) The Methods of Ethics ( Những phương pháp của Đạo đức học), London: Macmillan. 

Smart, J.J.C. and William, B.A.O. (1973) Utilitarianism: For and Against ( Chủ nghĩa

Công lợi: Theo và Chống) Cambridge: Cambridge University Press.

DIANÉ COLLINSON 

- Vienna Circle ( Học phái thành Viên)

Tên gọi được chọn nhận bởi một nhóm các nhà Thực chứng lôgích ( Logical Positivists) ở Vienna do Moritz Schlick lãnh đạo. Các triết gia hàng đầu của nhóm là Rudolf Carnap, Otto Neurath, Herbert Feigl, Friedrich Waismann, Edgar Zilsel và Victor Kraft. Trong số những nhà khoa học và nhà toán học nổi bật có Phillip Frank, Karl Menger, Kurt Gödel và Hans Hahn. Ludwig Wittgenstein và Karl Popper, cả hai người đều quen biết các thành viên của Học phái này mặc dầu họ tự cách ly với những ý tưởng của nó. A.J.Ayer trong thời trẻ đã liên kết với học phái này và trở thành một trong những người biện hộ có khả năng nhất cho những quan điểm của Học phái nơi các xứ nói tiếng Anh. Năm 1929 nhóm ra tuyên ngôn bày tỏ “thế giới quan khoa học “ (wissenschaftlich Weltauffassung) của mình. Nó cũng tổ chức một Hội nghị Quốc tế ở Prague, tiếp theo bởi những hội nghị khác, trong thập niên 1930s ở Königsberg,Copenhagen, Prague, Paris và Cambridge. Bằng cách này, những mối dây đồng minh được tạo ra với những nhóm tương tự ở Berlin, Uppsala và Warsaw (Trường phái Lvov-Warsaw). Học phái thành Viên đã có những bạn đồng hành trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Mỹ( Ernest Nagel, Charles Morris và W.V.O.Quine) và ở Anh ( Susan Stebbing và Richard Braithwaite). Ảnh hưởng quốc tế của nhóm càng được củng cố thông qua việc nắm quyền kiểm soát tờ báo Erkenntnis, mà Carnap và Reichenbach dùng làm ấn phẩm chính cho phong trào Thực chứng Lôgích.

Học phái bị tan tác khi bọn Quốc xã lên nắm quyền sinh sát trong thế giới nói tiếng Đức. Thế nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn rất đáng kể nơi các xứ khác. Tại Hoa kỳ, nơi Carnap đến di trú, một chuỗi tác phẩm đầy tham vọng mang nhan đề International Encyclopedia of Unified Science ( Bách khoa thư quốc tế về khoa học thống nhất) được lên kế hoạch. Cuối cùng thì chuỗi tác phẩm này cũng được hoàn thành, mặc dầu một số thành viên trong đó ( như quyển Structure of Scientific Revolution- Cơ cấu của cách mạng khoa học- của Kuhn ) khá cách xa trong tinh thần với chủ nghĩa thực chứng lôgích. Trong thế giới nói tiếng Anh thì ảnh hưởng của Học phái thành Viên, nói chung là khá đáng kể mặc dầu hơi bị pha loãng bởi cái cách mà chủ nghĩa thực chứng lôgích tác động vào Triết học Phân tích. Ở Scandinavia ảnh hưởng của Học phái vẫn tiếp tục, đặc biệt là thông qua Trường phái Uppsala. 

Thư mục

Ayer, A.J. (1956) The Vienna Circle in trong The revolution in Philosophy ( Cuộc Cách mạng trong Triết học), London: Macmillan.

Ayer, A.J. (1958) History of the Logical Positivism Movement ( Lịch sử phong trào thực chứng lôgích), Glencoe, III: Free Press and London: Allen Unwin.

Kraft, Victor (1950) Der Wienner Kreis: Der Ursprung des Neopositivismus ( Học phái

thành Viên : Suối nguồn của chủ nghĩa Tân thực chứng), Vienna.

Neurath, Otto (1935) Le Dévelopement du Cercle de Vienne et L’Avenir de L’Empiricisme Logique ( Sự phát triển của Học phái thành Viên và tương lai của chủ nghĩa duy nghiệm lôgích), Paris: Hermann.

Neurath, O., Carnap, R., and Hahn ,Hans (1929) Wissenchaftliche Weltauffassung : Der Wienner Kreis ( Thế giới quan khoa học : Học phái thành Viên), Vienna: Wolf.

Smith, Barry (1987) Austrian Origins of Logical Positivism ( Những nguồn gốc Áo của chủ nghĩa thực chứng lôgích), trong Logical Positivism in Perspective, Totowa, NJ: Barnes Noble.

Übel, Thomas E. (1991) Rediscovering the Forgotten Vienna Circle ( Khám phá lại Học phái thành Viên bị lãng quên) Dordrecht: Kluwer Academic Publishers.


- Vitalism ( Hot lực luận)

Từ này và một vài biến thể gần đã được dùng để mô tả một vài loại hình rất khác nhau của triết học trong thế kỉ hai mươi. 

Một trong những hình thái sử dụng chính là trong triết lí sinh học ở đó hoạt lực luận được dùng để bày tỏ quan điểm rằng sự sống là một đặc tính của các cơ thể không thể giản qui vào các tiến trình lí hoá, một quan điểm được những người như Driesch và von Uexküll chủ trương. Các nhà tư tưởng này quan niệm rằng trong khi có những liên lạc gần gũi giữa các đặc tính hữu cơ và vô cơ của các cơ thể nhưng dứt khoát không thể giản qui cái trước vào cái sau. Những cơ thể sống phô bày những nguyên lí hay những cách thức tồn tại (modes of being) hoàn toàn biệt loại với cái vô cơ. Hoạt lực luận theo nghĩa này cần được phân biệt với quan điểm của những nhà sinh học như J.S.Haldane và von Bertalanffy, những người thích nghĩ về mình như là những “người duy hữu cơ” (organicists), chủ trương rằng nhiều tiến trình hữu cơ có thể được giản qui vào những tiến trình vô cơ, nhưng phủ nhận rằng cái vô cơ có thể được đồng hoá với cái cơ giới (the inorganic can be identified with the mechanical).

Sự sử dụng quan trọng thứ nhì từ này là trong từ ghép “ratio-vitalism” ( hoạt lực luận thuần lí) được Ortega y Gasset chọn nhận để mô tả triết học của chính ông và do vậy rất có ảnh hưởng trong các cộng đồng ngôn ngữ Tây ban Nha-Bồ đào Nha( Hispanic language communities). Ortega phân biệt quan điểm của ông với sự sử dụng trong triết lí sinh học được mô tả trên đây; với những tri thức luận nhìn kiến thức như một quá trình sinh học ( chẳng hạn, Avenarius); và với những tri thức luận yêu sách khả tính của một sự lãnh hội phi thuần lí về thực tại tối hậu( chẳng hạn Bergson). Hoạt lực luận thuần lí là quan điểm cho rằng:

(a) lí tính là phương tiện duy nhất để đạt đến kiến thức , nhưng

(b) nhấn mạnh rằng lí tính phải được nhìn như đặc tính của một chủ thể sống động, suy nghĩ về hệ thống đang được bàn đến.

Thư mục

Edwards, Paul (1967) Encyclopedia of Philosophy ( Bách khoa thư triết học), New York: Macmillan Co.

Ferrater Mora, José (1984) Diccionario de Filosofia ( Từ điển triết hoc), Madrid: Alianza Editorial.

Nagel, E. (1961) The Structure of Science ( Cơ cấu của khoa học), London: Routledge Kegan Paul.

Ortega y Gasset, José (1924) Ni vitalismo ni racionalismo ( Không hoạt lực luận cũng không thuần lí luận), trong Obras completas III.

Schlick, M. (1949) Philosophy of Nature ( Triết học thiên nhiên), New York: Philosophical Library.

Toulmin, S.and Goodfield, J. (1962) The Architecture of Matter ( Kiến trúc của vật chất), London: Hutchinson.

ROBERT WILKINSON