Chú Giải Tin Mừng Luca 

VIII. TƯỜNG THUẬT PHỤC SINH

Lm Carôlô Hồ Bạc Xái

BÀI 101: NGÔI MỒ TRỐNG (24,1-12)

1Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. 2Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. 3Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả. 4Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. 5Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: "Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? 6Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, 7là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại."

8Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói. 9Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. 10Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. 11Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.

12Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.

------------------

I- TẦM QUAN TRỌNG

  Như ta đã biết Giêrusalem là một địa điểm trung tâm của tác phẩm Lc. Toàn quyển Tin Mừng là một cuộc hành trình ‘lên Giêrusalem’, toàn quyển Công vụ là một cuộc hành trình của Tin Mừng từ Giêrusalem đến khắp thế giới.

  Tại sao Lc lại coi Giêrusalem là trung tâm? Bởi vì ở đây Đức Giêsu chịu nạn, chịu chết và sống lại. Như thế tường thuật về Đức Giêsu sống lại chính là trung tâm và cao điểm bộ tác phẩm của Lc.

  Cũng nên ghi nhận rằng Lc trình bày biến cố Sống lại và những gì liên can tới nó như diễn ra chỉ trong một ngày, đó là ‘ngày thứ nhất trong tuần’, trong ngày đó, người ta khám phá ngôi mộ trống, các thiên sứ cho biết Ngài đã sống lại, Đức Giêsu đã hiện ra và liền đó Ngài lên trời.


II- GIẢI THÍCH

c 1”Ngày thứ nhất trong tuần”: tức là ngày Chúa nhật, chính vì Đức Giêsu đã sống lại trong ngày này, cho nên từ rất sớm GH đã chọn ngày này làm ngày thánh, ngày nghỉ ngơi thay cho ngày Sabbat của người Do thái.

“Đem thuốc thơm đã chuẩn bị sẵn”: vì lúc liệm xác Đức Giêsu các môn đệ đã làm hơi vội vã (vì sắp tới giờ bắt đầu Lễ Vượt qua), nên sáng Chúa nhật, các bà đem thuốc thơm đến bổ túc việc liệm xác cho đàng hoàng.

c 3 “Khôgn thấy xác Chúa Giêsu đâu nữa”: đây là lần duy nhất Lc dùng từ Chúa Giêsu trong quyển Tin Mừng, nhưng từ này được ông dùng nhiều lần trong Công vụ (Cv 1,21 8,16 11,20 15,11). Ngày Đức Giêsu sống lại, Lc đã lần đầu tiên gọi Ngài là Chúa, chứng tỏ Đức Giêsu phục sinh mang một thân phận mới.

c 4 “Bỗng có hai người”: chú ý chi tiết này không giống nhau nơi các sách Tin Mừng: Mt 28,2.5 nói ‘Một thiên sứ’; Mc 16,5 nói ‘Một thanh niên bận áo trắng’; Ga 20,12 nói ‘hai thiên sứ mặc áo trắng’.

c 5 “Sao đi tìm Đấng Hằng sống giữa người đã chết”:

– Kiểu nói Đấng Hằng sống (le Vivant): trong nhiều kiểu nói về việc Phục sinh (thức dậy, chỗi dậy) Lc đã chọn kiểu nói Đấng Hằng sống.

Trong Cựu Ước, Đấng Hằng sống là chính Thiên Chúa (Ds 14,21.26; Đnl 32,40). Như thế theo Tin Mừng Lc (cũng như Phaolô và Gioan: Rm 5,10; 1Cr 15,45; Ga 3,36; 1Ga 5,11) Đức Giêsu đồng hóa với sự sống (vì thế kiểu nói này phản ánh một quan niệm thần học của Lc. Ngoài ra Lc còn chọn kiểu nói này để dễ hiểu hơn cho độc giả Hy lạp vốn quen xem các thần linh là bất tử).

Cộng với kiểu nói Chúa Giêsu, kiểu nói Đấng Hằng sống đề cao Thiên tính của Đấng Phục sinh.

Câu hỏi của các thiên sứ có giọng điệu một lời trách. Tại sao trách? Vì các bà tỏ ra đã quên hết những lời tiên tri về việc Messia sẽ sống lại. Nếu các bà nhớ những lời đó thì các bà đã biết đi đâu để tìm Ngài. Đằng này Ngài đã sống lại mà các bà lại đi tìm Ngài nơi những kẻ chết. Đúng ra sự kiện ngôi mộ trống phải khiến các bà nhớ lại những lời tiên tri và hiểu rằng Ngài đã sống lại mới phải.

c 6 “Các bà hãy nhớ lại”: vì lý do trên nên các thiên sứ bảo các bà hãy nhớ lại những lời tiên tri.

c 7 “Ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại”: và các thiên sứ đã trích một lời tiên tri trong Hs 6,2 và Jona 2,1. Theo ý kiến của các nhà chú giải ‘ngày thứ ba’ không mang nghĩa đen.

c 8 Lời nhắc nhở của các thiên sứ đã khiến các bà nhớ lại và đã tin ngay rằng Đức Giêsu đã phục sinh.

Chú ý: Lc thường mô tả tâm trạng và tình cảm của các nhân vật (1,12 14,65 2,9) nhưng ở đây ông hoàn toàn không nói gì về tâm trạng và tình cảm của các bà. Đó là vì ông dành trọn bài mô tả cho đức tin của các bà, một đức tin không phải dựa trên tình cảm và có tính hời hợt. Nhưng là một đức tin đặt nền vững chắc trên sự kiện ngôi mộ trống, lời các thiên sứ và lời của các tiên tri Cựu Ước.

c 9 Kể lại cho nhóm 11: chỉ còn 11 vì Giuđa đã hư mất. Chi tiết này cũng chuẩn bị xa cho tường thuật cuộc đề cử Mathia (Cv 1,15-26)

– “Và cho những người khác nữa”: Tin Mừng về việc Phục sinh không dành riêng cho các Tông đồ mà còn cho các môn đệ khác nữa, bởi vì tất cả đều sẽ nhận sứ mạng làm chứng cho việc Phục sinh (Lc 10,1-16).

c 10 Lc kể tên các bà: đó là ‘Maria Madalena; Gioana, Maria mẹ của Giacôbê và mấy bà khác’. Đây chính là những bà đã từng đi theo Đức Giêsu (8,2-3), đã từng có mặt trong cuộc liệm xác Đức Giêsu (23,55). Bởi thế lời chứng của các bà là có giá trị và đáng tin.

c 11 “Nhưng các ông coi là chuyện nhảm”: dù vậy các Tông đồ chưa vội tin vào lời các bà. Chi tiết này cho thấy đức tin của các Tông đồ sau này là một đức tin có suy nghĩ và cân nhắc cẩn thận.

c 12 “Nhưng Phêrô đứng dậy và chạy tới mồ”: đoạn song song trong Gioan 20,2-10 kể có hai người chạy đến mồ là Phêrô và Gioan. Ở đây Lc đã bỏ không nhắc tới Gioan vì muốn tập trung chú ý vào Phêrô. Chính Phêrô là nhân chứng tuyệt hảo nhất về việc Phục sinh, và do đó cũng chính Phêrô sẽ ‘củng cố đức tin của anh em mình’ (22,32). Cũng trong chiều hướng này Lc đã ghi một cuộc Đức Giêsu hiện ra riêng cho Phêrô (24,34) và Phêrô đã lên tiếng thay cho cả nhóm để tuyên bố về việc Phục sinh (Cv 2,14-36 3,12-36 4,8-12).

BÀI 102: HAI MÔN ĐỆ ĐI LÀNG EMMAU (24,13-35)

13Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? " Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." 19Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy? " Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."

25Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? 27Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? "

33Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." 35Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

------------------

I- TẦM QUAN TRỌNG

– Tường thuật này là riêng của Lc.

– Lc viết bài này dựa theo một nguồn tư liệu riêng, tức là ‘truyền thống các môn đệ’ (do đó Tin Mừng của Lc còn được gọi là Tin Mừng của các môn đệ).

Ngày xưa khi Đức Giêsu đi rao giảng thì chung quanh Ngài không chỉ có nhóm 12 mà còn có nhiều môn đệ. Trong những cuộc du hành truyền giáo và nhất là khi thu thập tư liệu để soạn sách Tin Mừng, Lc đã gặp nhiều người trong họ và nhờ thế mà biết được chuyện này.


II- GIẢI THÍCH

c 13 “Hai môn đệ”: lần hiện ra này của Đức Giêsu không phải cho các Tông đồ mà là cho môn đệ. Vì mục đích riêng vừa nói ở trên. Một người tên là Clêôpat (c 18) còn người kia tên gì không rõ. Có lẽ Lc cố ý như thế. Ch. Perrot viết: ‘người bạn của Clêôpat không được nêu rõ tên nhưng lại mang tên của mỗi người tín hữu’

“Emmau”: không rõ ở nơi nào, có người nghĩ là làng Amva cách Giêrusalem 30 km về phía tây.

“Cách Giêrusalem chừng 60 dặm”: tương đương với 12 km. Do đồng hóa Emmau với Amva, một số chuyên viên đã chọn các thủ bản ghi ‘160 dặm’ để hợp hơn với khoảng cách 30 km từ Amva tới Giêrusalem.

– Như thế, hai môn đệ này đã tách rời khỏi nhóm các tông đồ và các môn đệ (c 9), đồng thời họ cũng đi khỏi Giêrusalem là nơi bắt đầu có những tín hiệu hy vọng (c 9).

c 16 “Nhưng mắt các ông còn bị ngăn cản, không nhận ra Ngài”:

– Động từ ‘bị ngăn cản’ ở thể thụ động. Tác nhân nào đã ngăn cản không cho các ông nhận ra Đức Giêsu? C 25 kể ra 2 tác nhân về phái chính các ông, đó là sự ‘tối dạ’ và ‘lòng chậm tin’ của các ông. Nhưng thể thụ động còn ngầm chỉ một tác nhân khác quan trọng hơn nữa, đó là chính Thiên Chúa. Tại sao Thiên Chúa ngăn cản? Thưa vì sau khi sống lại, Đức Giêsu tuy vẫn là Đức Giêsu như trước đây, nhưng đã ở trong một tình trạng khác: cũng như trong cuộc biến hình. ‘dung mạo người hoàn toàn đổi khác’ (9,29), hôm nay Ngài đã ‘đi vào trong vinh quang của Ngài’ (c 26 9,32). Từ nay Ngài thuộc về ‘thế giới của Thiên Chúa’ cho nên mắt người phàm không thể nào nhận ra Ngài được. chỉ khi nào Ngài ‘mở mắt’ (c 31), ‘mở trí’ (24,15) và ‘mở lòng’ (Cv 16,14) cho ai thì người đó mới nhận ra Ngài. (Trong những cuộc hiện ra của Đức Giêsu do Lc và Gioan ghi lại, người ta không nhận ra Ngài ngay, mà phải sau một lời nói của Ngài hoặc một dấu chỉ (Lc 24,30.35.37.39-43; Ga 20,14.16-20 21,4.6.7)

Trong phần tiếp theo của bài tường thuật, Đức Giêsu sẽ làm công việc mở mắt và lòng trí các ông.

c 17-19a – Sau câu hỏi Đức Giêsu mở đầu câu chuyện, câu trả lời đầu tiên của Clêôpat cho thấy tính cách công khai của vụ xử tử Đức Giêsu: “Một mình ông ở Giêrusalem là không biết”

c 19b-21 – Đức Giêsu hỏi câu thứ hai và hai ông thuyết nguyên một bài giảng: mở đầu là một bản toát yếu về sứ mạng và cái chết của Đức Giêsu. Theo họ đánh giá, Đức Giêsu là ‘Một vị ngôn sứ’. Tuy nhiên các thượng tế và thủ lãnh Do thái nghĩ rằng đó chỉ là một ngôn sứ giả nên đã tìm cách để đóng đinh Ngài. Tính từ sở hữu ‘Các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta’ cho thấy chính hai ông cũng đồng quan điểm với họ. Điều này biểu lộ sự thất vọng của hai ông về một Đức Giêsu Messia chính trị (‘Phần chúng tôi trước đây vẫn hy vọng rằng chính Ngài là đấng sẽ cứu thoát Israel’), họ không chấp nhận một Messia chịu khổ, họ không chấp nhận thập giá. Lúc Đức Giêsu bị đóng đinh họ vẫn còn nuôi hy vọng, nhưng sau khi chờ đợi một thời gian, họ hoàn toàn thất vọng (‘những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi’)

c 22-24 Rồi hai ông kể lại những việc xảy ra trong ngày Chúa nhật. Ta hãy chú ý động từ ‘thấy’ được lập đi lập lại nhiều lần: vài phụ nữ đã ‘thấy’ thiên sứ; thiên sứ bảo rằng Đức Giêsu vẫn sống; những chính các bà thì ‘không thấy’ xác Đức Giêsu; vài người trong nhóm tông đồ đã đến mồ, họ cũng ‘thấy’ ngôi mộ trống nhưng cũng ‘không thấy’ chính Đức Giêsu.

c 25-27 Tới phiên Đức Giêsu nói. Lời trách của Ngài nhằm dạy họ rằng vấn đề quan trọng không phải là ‘thấy’ mà là phải hiểu (‘ôi những kẻ tối dạ’) vì phải tin (‘lòng chậm tin’). Họ đã thấy Ngài sống thế nào và làm những gì rồi chết ra sao. Nhưng qua đó họ phải hiểu tất cả những việc đó đều nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà sách thánh đã nói trước (‘lời các ngôn sứ’); và họ phải tin vào kế hoạch đó. Nhân đó, Đức Giêsu giải thích sách thánh lại cho họ hiểu và tin (‘từ Môsê tới các ngôn sứ’: kiểu nói có nghĩa là thành phần chủ yếu của Thánh kinh, thành phần mà người Do thái quen đọc ở hội đường)

c 28-35 Phần mở gút cho vở tuồng chính là bữa ăn tối tại Emmau. Nhờ lời giải thích sách thánh của Đức Giêsu sự hiểu biết và đức tin đã nẩy mầm trong hai ông (c 32: ‘lòng cháy bừng lên’). Cái mầm này sẽ mọc lớn và vững mạnh trong ‘nghi lễ’ bẻ bánh. Cách Lc dùng chữ rõ ràng ngầm so sánh việc bẻ bánh này với bí tích Thánh Thể.

a/ ‘Trời đã xế chiều và ngày sắp tàn’

b/ Những động từ ‘cầm, chúc tụng, bẻ ra và trao’

– Kết quả là ‘Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài’: Đấng phục sinh không còn ‘ngăn cản’ mắt họ nữa. Ngài đã dùng sách Thánh và Lễ bẻ bánh để cho phép họ ‘nhận ra’ Ngài.

‘Nhưng Ngài lại biến mất’: Tình trạng của Đức Giêsu phục sinh là vẫn luôn luôn hiện diện nhưng không hữu hình (chỉ thấy được khi nào Ngài muốn cho thấy).


III- ĐÚC KẾT

Tường thuật này chứa đựng nhiều suy tư của tác giả:

1/ Đức Giêsu phục sinh là Đấng vẫn hằng hiện diện trong GH tuy ta không thấy Ngài.

2/ Hai nơi chúng ta dễ cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài nhất là Lời Chúa và Thánh Lễ.

3/ Mỗi người chúng ta đều có thể có được cảm nghiệm của hai môn đệ Emmau. Mỗi tín hữu chính là người bạn không tên của Clêôpát.

BÀI 103: HIỆN RA CHO 11 TÔNG ĐỒ – SAI ĐI TRUYỀN GIÁO (24,36-53)

36Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! " 37Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? 39Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? " 40Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? " 42Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." 45Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48Chính anh em là chứng nhân về những điều này. 49"Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống."

50Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 52Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, 53và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

------------------

Có thể chia đoạn này thành 3 phần:

a/ Đức Giêsu hiện ra với các tông đồ (36-43).

b/ Lời chỉ bảo sau cùng (50-53).

c/ Đức Giêsu lên trời.


A- HIỆN RA VỚI CÁC TÔNG ĐỒ (35-43)

  Tư tưởng quan trọng trong phần này là nỗi khó khăn của các tông đồ khi phải chuyển từ nhận thức Đức Giêsu vẫn như trước đây sang nhận thức vè Đức Giêsu phục sinh: một mặt Ngài đã hoàn toàn biến đổi (vì đã phục sinh), nhưng mặt khác Ngài vẫn là Đấng đã chịu đóng đinh. Bởi khó khăn đó nên các tông đồ ban đầu đã không tin, và chỉ dấn dần về sau các ông mới tin được.

c 36 Sáng kiến xuất phát từ chính Đức Giêsu: Ngài chủ động đến với các ông và ban ‘bình an’ cho các ông. Cần nhớ ‘bình an’ là một trong những ân huệ đặc biệt của thời Messia (2,14 19,38).

c 37 Phản ứng đầu tiên của các ông khi thấy Ngài là ‘kinh hồn bạt vía và tưởng là thấy ma’: Phản ứng này rất trái ngược với điều mà chính họ đã vừa nói trước đây với hai môn đệ Emmau (c 34: ‘những người này (các tông đồ) bảo hai ông (hai môn đệ Emmau) ‘Chúa đã sống lại thật rồi và đã hiện ra với ông Simon’). Có lúc tin, có lúc lại không tin: đó là tâm trạng chưa ổn định của các tông đồ ban đầu.

c 38-40 Để thuyết phục các ông, trước hết Đức Giêsu nói (cc 38-39) và sau đó là làm một hành động (c 40). Việc cho các ông thấy và rờ chân tay Ngài nhằm chứng minh rằng Đức Giêsu hôm qua đã từng chịu nạn chịu chết; và Ngài cũng là người bình thường, vì ‘ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thấy có đây’.

c 41 Vậy mà các ông vẫn chưa tin, Đức Giêsu lại nói lời thứ hai và làm cử chỉ thứ hai (c 41: ‘Ở đây anh em có gì ăn không?; c 43: ‘Ngài cầm lấy và ăn trước mặt các ông’). Nhưng các tông đồ vẫn chưa đi đến đức tin: Lc không ghi một câu nói nào của các ông sau cố gắng thứ hai này của Đức Giêsu.


B- NHỮNG CHỈ BẢO SAU CÙNG (44-49)

  Phần thứ hai của cuộc hiện ra gồm một bài giảng khá dài của Đức Giêsu để đưa các tông đồ thực sự đến với đức tin, để tiếp theo đó Ngài có thể sai họ đi loan báo Tin Mừng.

c 44-46 Để tin vào Đức Giêsu phục sinh, chỉ có sự hiện ra của Ngài chưa đủ, cần phải thuyết phục bằng lời Thánh Kinh nữa. Vì thế Đức Giêsu bắt đầu chứng minh rằng những điều được nói trong Thánh Kinh (‘Luật Môsê, ngôn sứ và Thánh vịnh’) nay đã ứng nghiệm nơi Ngài; Đấng Messia phải chịu khổ, chịu chết rồi mới sống lại. Đấy cũng là cách mà Đức Giêsu phục sinh đã dùng đối với hai môn đệ Emmau (24,25-27).

c 47 Ngài còn cho họ biết rằng chương trình cứu độ của Thiên Chúa không chấm dứt với việc phục sinh của Ngài, nhưng còn phải kéo dài tới thời GH: GH phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân biết, tin và sám hối để được tha tội.

“Bắt đầu từ Giêrusalem”: Thành phố mà Đức Giêsu hoàn thành kế hoạch Thiên Chúa không phải là điểm tới mà chỉ là điểm khởi đầu cho một sứ vụ sẽ lan tới khắp muôn dân.

c 48-49 Để có thể chu toàn một sứ mạng quan trọng như vậy, các tông đồ cần nhận được ‘quyền năng từ trời cao ban xuống’. Quyền năng này vốn có trong Đức Giêsu (1,35 4,14) cũng được Đức Chúa Cha hứa ban cho các tông đồ.


C- ĐỨC GIÊSU LÊN TRỜI (50-53)

  Việc Đức Giêsu được rước lên trời được Lc thuật lại ở đây, cuối quyển Tin Mừng, và ở đoạn đầu quyển Công vụ Tông đồ(Cv 1,9-12), nhằm cho thấy sự liên tục của chương trình cứu độ.

c 50 “Sau đó Ngài dẫn các ông tới gần Bêtania”: Tại sao Đức Giêsu chọn địa điểm này? Vì đây là nơi Ngài được phong vương (19,28-38: bắt đầu cuộc rước vào thành Giêrusalem).

“Giơ tya chúc lành cho các ông”: Cử chỉ này là của Vị Thượng Tế để ban phúc cho dân Chúa (Si 50,22-22), Dacaria đã không thể làm cử chỉ này (1,21-22), nay Đức Giêsu hoàn thành nó.

c 51 – “Ngài rời khỏi các ông và được rước lên trời”: So sánh với 9,51 (‘Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Ngài nhất quyết đi lên Giêrusalem’), chúng ta hiểu Lc muốn nói rằng cuộc xuất hành của Đức Giêsu đã hoàn tất, nay Ngài trở về bên cạnh Chúa Cha.

c 52 “Bấy giờ các ông bái lạy Ngài”: Đây là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng Lc mô tả các tông đồ trong tư thế bái lạy Đức Giêsu. Cử chỉ tôn kính này chỉ dành cho một mình Thiên Chúa (4,8). Cử chỉ bái lạy này cho thấy các ông đã hoàn toàn vượt khỏi sự kìm hãm của lòng cứng tin và đã thực sự đạt tới đức tin.

“Lòng đầy hoan hỉ”: với đức tin đã có, các ông chấp nhận từ nay dù không còn thấy Thầy bằng cặp mắt xác thịt nhưng lòng vẫn hân hoan vì các ông luôn tin vào Ngài.