Suy Niệm về Lòng Chúa Thương Xót

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ

Lời Mở

CÁC BÀI SUY NIỆM VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.


Vừa qua các tín hữu vui mừng đón nhận việc Đức Thánh Cha Phanxicô công bố năm thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Năm thánh bắt đầu từ ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 08.12.2015 và kết thúc vào lễ Chúa Ki-tô làm Vua 20.11.2016. Tuy vậy, cũng có người thắc mắc tại sao Đức Thánh Cha lại mở năm thánh ngoại thường này. Chúng ta cùng lắng nghe lời chia sẻ của Vị Cha Chung: “Nhiều người đang tự hỏi trong lòng: sao lại mở ra Năm Thánh lòng thương xót vào lúc này? Đơn giản là bởi vì Giáo Hội, trong thời điểm chao đảo lớn lao này của lịch sử, được mời gọi để đưa ra những dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa. Đây không phải là thời gian để bị phân tâm; nhưng ngược lại, chúng ta cần phải cảnh giác và cần phải khơi dậy trong chúng ta khả năng để nhận ra những gì là thiết yếu. Đây là một thời gian để Giáo Hội tái khám phá ý nghĩa của sứ mệnh được Chúa giao phó cho mình trong ngày lễ Phục sinh: là trở nên dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót của Chúa Cha (x.Ga 20, 21-23). Vì lý do này, Năm Thánh phải làm sống lại ước muốn biết được cách làm sao đón nhận vô số những dấu chỉ của sự dịu dàng mà Thiên Chúa trao ban cho toàn thế giới, và trên tất cả, cho những ai đang đau khổ, những người đang cô đơn và bị bỏ rơi, không có hy vọng được tha thứ cũng chẳng cảm nhận được tình yêu của Chúa Cha”. (Bài giảng của ĐTC. Phanxico ngày lễ Lòng Chúa thương xót năm 2015).


Thật vậy, xã hội và thế giới chúng ta cần khám phá lại điều thiết yếu và nền tảng. Đó là tình yêu nhân hậu, lòng thương xót của Thiên Chúa từ ngàn xưa cho đến hôm nay đang sống động cách rõ rệt và mạnh mẽ nơi từng tập thể, từng cá nhân, cả với những tín hữu lần những người chưa có niềm tin vào Thiên Chúa. Ngài như người Cha giàu lòng xót thương luôn sẵn sàng mở cánh cửa tình yêu bao la đón nhận người con đi hoang trở về. Ngài như người Mục Tử nhân lành sẵn sàng lên đường đi tìm con chiên lạc, và khi tìm thấy Người Mục Tử vui mừng vác chiên trên vai và đưa về nhà. Thật đẹp biết bao hình ảnh lòng thương xót Thiên Chúa dành cho những người con yêu dấu của Ngài. Vẻ đẹp cao quý này sẽ toả thêm hương thơm, khi con cái của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, biết ý thức sống tinh thần thương xót và nhân hậu trong đời sống thường ngày, trong tương quan với nhau, đặc biệt với những anh chị em bất hạnh và đau khổ, nghèo hèn và yếu đuối. “HÃY CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA – MISERICORDES SICUT PATER” là châm ngôn của năm thánh này. Châm ngôn này được trích từ trong Phúc Âm của thánh Lu-ca (x.Lc 6,36), và đó là lời mời gọi của Chúa Giê-su dành cho các môn đệ và muôn người, trong đó có mỗi người chúng ta. Châm ngôn này cũng tương hợp với Mối Phúc về lòng thương xót mà Chúa Giê-su mời gọi trong Tám Mối Phúc Thật.


“Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được thương xót (Mt 5,7): đó là mối phúc chúng ta nên ao ước đặc biệt trong Năm Thánh này. Như chúng ta thấy trong Kinh Thánh, lòng thương xót là một từ khóa chỉ ra hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài không hạn chế mình trong việc khẳng định tình yêu của Ngài, nhưng còn đi xa hơn là làm cho tình yêu này thành hữu hình và đụng chạm được. Tình yêu, nói cho cùng, không bao giờ chỉ là một khái niệm trừu tượng. Tự chính bản chất của nó, tình yêu hướng đến một cái gì đó cụ thể: ý định, thái độ, và những hành vi được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Lòng thương xót của Thiên Chúa là mối quan tâm từ ái của Ngài cho mỗi người chúng ta. Ngài cảm thấy có trách nhiệm; nghĩa là, Ngài ước muốn sự khang an của chúng ta và muốn thấy chúng ta hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và an bình. Đây là con đường mà tình yêu nhân hậu của các tín hữu Kitô phải đi. Như Chúa Cha yêu thương, con cái của Ngài cũng phải thế. Như Cha đầy lòng thương xót, chúng ta cũng được mời gọi để xót thương nhau”.

Đó là lời của Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong tông sắc năm Thánh về lòng thương xót của Thiên Chúa (số 09). Trong tinh thần tri ân và với tâm tình con thảo vâng lời Vị Cha Chung để sống năm Thánh ngoại thường đặc biệt này, qua việc cầu nguyện, suy tư và tập sống theo tinh thần của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, xin gởi đến quý Linh Mục và tu sĩ, quý ông bà và anh chị em Giáo Dân các bài suy niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Các bài suy niệm này dựa trên Mối Phúc về lòng thương xót mà Chúa Giê-su đã dạy trong Tám Mối Phúc Thật. Các bài này được trích từ tập sách PHÚC THAY (tập sách suy niệm Tám Mối Phúc Thật) của người viết cũng vừa được xuất bản trước ngưỡng cửa năm Thánh, và được bổ túc thêm một số phần để phong phú hơn.


Các bài suy niệm này được tham khảo nhiều tài liệu của các Vị Mục Tử, của các Thần Học Gia và các nhà Thánh Kinh học, như tông sắc về năm thánh lòng Chúa thương xót của Đức Thánh Cha Phanxico, tập sách “Barmherzigkeit – Lòng thương xót” của ĐHY. Walter Kasper, ba tập sách “Đức Giê-su thành Na-gia-rét” của thần học gia Ratzinger, Đức Benedicto XVI, tập sách “Selig seid ihr – Phúc thay cho các bạn” của Đức cố Hồng Y Carlo Maria Martini…


Các bài suy niệm này như là một “quãng đường đi dạo” với đề tài lòng thương xót, và được mở đầu với việc tìm hiểu thuật ngữ thương xót, sau đó cùng tìm hiểu sứ điệp lòng thương xót trong Cựu Ước, sứ điệp của Chúa Giê-su về lòng thương xót của Thiên Chúa, và cuối cùng liên hệ đến đời sống thực tế của Ki-tô hữu, với phần “lòng thương xót của Thiên Chúa và hành trình Đức Tin của chúng ta”.


Dưới đây là các bài suy niệm:

Bài 01: Mối Phúc về lòng thương xót trong bối cảnh của Tám Mối Phúc Thật và thuật ngữ Thương Xót

Bài 02: Từ ngữ thương xót trong Cựu Ước và lòng thương xót của Thiên Chúa trong chuyện sáng tạo

Bài 03: Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ qua chính tên của Ngài

Bài 04: Sự bất trung của con người đối diện với lòng thương xót trung tín của Thiên Chúa

Bài 05: Lòng thương xót, sự thánh thiện, sự công chính và trung thành của Thiên Chúa

Bài 06: Thiên Chúa ưu tiên và chú ý đến cuộc sống. Thiên Chúa ưu tiên và chú ý đến người nghèo khổ và yếu đuối.

Bài 07: Tán tụng lòng thương xót của Thiên Chúa trong các Thánh Vịnh

Bài 08: Lòng thương xót của Thiên Chúa trong biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su

Bài 09: Bước vạn dặm của Đấng giàu lòng thương xót

Bài 10: Chúa Giê-su rao giảng và sống tinh thần lòng thương xót của Chúa Cha

Bài 11: Sứ điệp về lòng thương xót của Thiên Chúa trong một số dụ ngôn

Bài 12: Đổi mới cuộc đời để tìm lại hình ảnh của Cha trên trời, Đấng giàu lòng thương xót

Bài 13: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36)

Bài 14: Thực thi lòng thương xót, con đường dẫn đến ơn cứu độ

Bài 15: Thương cho kẻ đói ăn, thương cho kẻ khát uống

Bài 16: Thương cho kẻ rách rưới ăn mặc

Bài 17: Thương viếng kẻ liệt

Bài 18: Thương viếng kẻ tù rạc

Bài 19: Thương cho khách đỗ nhà

Bài 20: Thương chuộc kẻ làm tôi

Bài 21: Thương chôn xác kẻ chết

Bài 22: Tha thứ, thái độ căn bản của lòng thương xót

Bài 23: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” và giới răn yêu thương kẻ thù

Bài 24: Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội của lòng Chúa thương xót

Bài 25: Phê-rô trải nghiệm lòng thương xót

Bài 26: Mẹ Maria, người Mẹ của lòng thương xót

Bài kết thúc: Chúa là Mục Tử nhân lành hay thương xót.


Qua các bài suy niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, mong sao ai đó có thể học hỏi, đào sâu và sống tinh thần của lòng Chúa xót thương trong năm Thánh, để nhờ đó đời sống Đức Tin được tăng triển và đời sống thiêng liêng được đào sâu hơn.


Qua các bài suy niệm này, người viết mong sao lời giáo huấn của Đức Thánh Cha sẽ được các tín hữu tập sống cách cụ thể trong năm thánh: “Một Năm Thánh để trải nghiệm cách mạnh mẽ trong chính chúng ta niềm vui được tìm thấy bởi Chúa Giêsu, Đấng là Chúa Chiên Lành đã và đang tìm kiếm chúng ta vì chúng ta đã lạc mất. Một Năm Thánh để nhận được sự ấm áp trong tình yêu Ngài khi Ngài vác chúng ta trên vai và đưa chúng ta trở về nhà Cha. Một năm trong đó được Chúa Giêsu chạm đến và được biến đổi nhờ lòng thương xót của Ngài, để chúng ta có thể trở thành những chứng nhân cho lòng thương xót.


Như thế, đây là lý do cho Năm Thánh: đây là thời gian cho lòng thương xót. Đó là thời điểm thuận tiện để chữa lành các vết thương, một thời gian không mệt mỏi để gặp gỡ tất cả những ai đang chờ đợi để được nhìn thấy và chạm tay của họ vào những dấu chỉ của sự gần gũi của Thiên Chúa, một thời gian để trao ban cho tất cả mọi người con đường của tha thứ và hòa giải” (Bài giảng của ĐTC. Phanxico ngày lễ Lòng Chúa thương xót năm 2015).

Cả năm thánh này, chúng ta cùng hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxico, để cầu nguyện mỗi ngày với với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, qua lời kinh chính thức của Năm Thánh:


“Lạy Chúa Giêsu Kitô,Chúa đã dạy chúng con phải thương xót như Cha trên trời,và cho chúng con biết: ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.


Xin tỏ cho chúng con thấy nhan thánh Chúa và chúng con sẽ được cứu thoát. Ánh mắt yêu thương của Chúa đã cứu Giakêu và Matthêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc; đã giúp người đàn bà ngoại tình và Mađalêna không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo; đã khiến Phêrô khóc lóc vì trót phản bội Chúa, và đã hứa Thiên Đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn.


Xin cho chúng con biết lắng nghe, như chính Chúa đang gửi đến mỗi người chúng con, những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria: “Nếu chị biết nhận ra ơn Chúa!”


Chúa là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, gương mặt của Thiên Chúa đang đem lòng xót thương và tha thứ, mà biểu lộ uy quyền trên mọi sự: xin cho Hội Thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian, gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh.


Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối, để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc: xin cho mọi người đến với các thừa tác viên đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.


Xin Chúa gửi Thánh Thần đến và xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con, để Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở thành năm được Chúa ban ân sủng, để Hội Thánh Chúa được thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo, loan báo tự do cho những người bị giam cầm và áp bức, và cho người mù lại được nhìn thấy.


Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, chúng con nguyện xin Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen”. 


(ĐTC. Phanxicô – Bản tiếng Việt của Trang tin HĐGMVN – WHĐ. Dịch từ bản tiếng Anh của Vatican Radio).


Tất cả để phục vụ việc rao truyền Tin Mừng của lòng Chúa xót thương.

Tất cả để xin được làm vinh danh Chúa hơn và giúp ích nhiều hơn cho các linh hồn.


Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.


1. MỐI PHÚC VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG BỐI CẢNH CỦA TÁM MỐI PHÚC THẬT VÀ THUẬT NGỮ THƯƠNG XÓT

Với Mối Phúc nói về lòng thương xót, chúng ta bắt đầu phần thứ hai của các Mối Phúc trong Phúc Âm Mát-thêu. Bốn Mối Phúc đầu tiên nhắc đến tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, cũng như niềm tin vào Thiên Chúa, và sự khao khát tìm gặp Ngài. Còn bốn Mối Phúc kế tiếp nhắc đến tương quan của chúng ta với nhau, với tha nhân bên cạnh mình. Ai tin tưởng vào Thiên Chúa, và có tâm hồn nghèo khó, có tinh thần hiền lành khiêm nhường như Đức Ki-tô, và cùng với Ngài đón nhận những đau khổ xảy đến, cũng như cả cuộc đời luôn khát khao sống sự công chính, khát khao thánh ý của Thiên Chúa, thì người đó sẽ nhận ra rằng, tương quan của mình với anh chị em cũng cần được thay đổi. Yêu Chúa và yêu người là hai tinh thần luôn đi chung và tương hợp với nhau. “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”. (Mc 12, 29-31). Ai tách lìa hai tinh thần này ra khỏi nhau, thì chưa sống trọn vẹn tinh thần của Đức Ki-tô.

Mối Phúc thứ năm này trong mạch văn có một điểm đặc biệt. Đó là từ ngữ “thương xót” được nhắc đến hai lần, trong vế đầu và trong vế cuối: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Còn ở các Mối Phúc trước, chúng ta thấy các cặp sau: tâm hồn nghèo khó và Nước Trời; hiền lành và được Đất Hứa; sầu khổ được Thiên Chúa ủi an; và khát khao nên người công chính được Thiên Chúa cho thoả lòng. Để giúp cho việc suy niệm về Mối Phúc này, giờ đây xin tìm hiểu về ý nghĩa của từ ngữ thương xót.

Thương xót trong tiếng Do Thái là hesed. Theo Cantalamessa, từ ngữ này có hai ý nghĩa nền tảng. Thứ nhất từ ngữ thương xót ngụ ý nói về thái độ của bên mạnh hơn (trong một hiệp ước, hay chỉ về Thiên Chúa) đối với bên yếu hơn, và thường thì diễn tả sự tha thứ cho những người bất tín và tội lỗi. Ý nghĩa thứ hai ngụ ý nói về thái độ hướng đến những hoàn cảnh bất hạnh và khổ đau của người khác (không nhất thiết là những người tội lỗi), và ý nghĩa này được diễn tả trong các hành động nhân hậu và thương xót. Như thế, có thể nói đó là lòng thương xót của trái tim và lòng thương xót của đôi tay.[1]

Theo thần học gia ĐHY. Walter Kasper, từ ngữ quan trọng nhất diễn tả lòng thương xót là hesed. Hesed diễn đạt những ý nghĩa như ơn huệ, dễ thương, và cũng có ý nghĩa ân sủng của Thiên Chúa và lòng thương xót. Ý nghĩa của từ ngữ hesed vượt trên sự rung động hay tội nghiệp về những khổ đau của người khác, và chỉ về sự chú ý tràn đầy tự do và từ bi của Thiên Chúa đối với con người. Hơn nữa, từ ngữ hesed không chỉ về một hành động tạm thời, mà chỉ về hành động kéo dài. Như thế, hướng về Thiên Chúa, từ ngữ hesed này diễn tả ân sủng của Thiên Chúa dành cho con người. Ân sủng này của Thiên Chúa vượt trên tính hợp lý của tương quan giữa hai người trung thành với nhau. Nghĩa là dù con người có bất trung và bội phản, thì Thiên Chúa vẫn thương xót, và Ngài không bao giờ bỏ rơi con người. Ân sủng này của Thiên Chúa còn mang tính cách nhưng không vô điều kiện, và vượt trên mọi sự chờ đợi của con người. Tóm lại, ân sủng này của Thiên Chúa làm tan vỡ mọi chuẩn mực và thước đo của con người. Thiên Chúa quyền năng và thánh thiện đón nhận hoàn cảnh đầy khổ đau và tội lỗi của con người, Ngài đã nhìn thấy cảnh đời oái ăm của con người nghèo nàn và bất hạnh, Ngài đã đón nhận lời kêu van của họ, Ngài đã cúi mình xuống và tự hạ mình xuống, Ngài đã đi xuống với người đang chìm mình trong khổ đau, và dù cho bao sự bất trung của con người, Ngài vẫn tiếp tục đón nhận, tha thứ và ban cho con người những cơ hội mới, dù cho con người lẽ ra cần phải chịu những hình phạt. Tất cả những điều này của Thiên Chúa vượt trên mọi kinh nghiệm bình thường và sự chờ đợi của con người, vượt trên mọi mường tượng và suy nghĩ của con người. Trong sứ điệp của hesed, Thiên Chúa tự mạc khải một phần nào mầu nhiệm của Thiên Chúa.[2]

Trong tiếng Hy-lạp, từ ngữ eleao có ý nghĩa là thương xót, cảm thông. Theo Walter Kasper, Aristoteles là người đầu tiên đưa ra định nghĩa cho từ ngữ thương xót. Cụ thể hơn, Aristoteles đã chỉ ra rằng, kinh nghiệm của người khác dù không lầm lỗi gì nhưng phải chịu đau khổ, cũng làm cho chúng ta bị ảnh hưởng hay cũng đụng chạm tới chúng ta, bởi vì sự đau khổ đó có thể xảy ra với chúng ta. Qua đó, chúng ta sẵn lòng chia sẻ với họ sự đau khổ đó. Trong sự chia sẻ với những nạn nhân phải chịu đau khổ, có hai tâm tình được biểu lộ. Đó là tâm tình cảm thông và đoàn kết. Các Giáo Phụ đã đón nhận cách giải thích của Aristoteles về sự thương xót. Thánh Âu-tinh và thánh Tôma A-qui-nô đều đã giải thích sự thương xót ở trong ý nghĩa “trái tim dành cho những người đau khổ”.

Trong tiếng La-tinh thương xót là misericordia. Cor nghĩa là trái tim và miseri nghĩa là những người nghèo. Như vậy cả hai vị thánh đều theo ý hướng của Aristoteles: “miserum cor habens super miseria alterius – Có một trái tim biết khổ đau đối với khổ đau của những người khác”. Lòng thương xót và cảm thông này đối với thánh Âu-tinh và thánh Tôma A-qui-nô, không chỉ nằm ở trên phương diện cảm giác, hay chúng không chỉ mang dáng dấp của tình cảm, mà còn hướng tới một hành động, tìm cách để chiến đấu cũng như loại bỏ những đau khổ.[3]

Trong Tân Ước, lòng thương xót trong bản văn tiếng Hy-lạp là eleemosyne, có nghĩa là yêu thương người nghèo và giúp đỡ họ. Trong bản văn của Mát-thêu về Mối Phúc thương xót, từ ngữ được dùng trong tiếng Hy-lạp là eleemon, cũng mang ý nghĩa thương xót và cảm thông, ở đây Chúa Giê-su muốn nói về hành động đúng đắn của người môn đệ là biết sống cảm thông và thương xót.[4]

Từ ngữ thương xót trong tiếng Đức là Barmherzigkeit. Trước hết, trong từ ngữ này có từ Herz – trái tim (tâm hồn). Theo Schellenberger, trong lịch sử phát triển của tiếng Đức, thì vào thế kỷ 11, từ ngữ armselig có nghĩa tương đương với từ ngữ thương xót trong tiếng La-tinh misericors. Nếu dịch sát nghĩa là “có tâm hồn nghèo khó”.  Danh từ là misericodia, từ tiếng Đức dịch sát nghĩa là Armseligkeit. “Armseligkeit được nêu ở đây, vì từ ngữ này liên hệ chặt chẽ với một tâm hồn nghèo khó”. Tu sĩ Christian von Stablo đã viết như vậy vào năm 865. Trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó trong tâm hồn, để qua đó Ngài có được trái tim nghèo khó như chúng ta có. Như thế, Chúa trở nên nghèo như chúng ta là người nghèo. Ở đây, Schellenberger đã giải thích khá thú vị. Từ ngữ nghèo – Armut trong tiếng Đức, khi liên hệ đến tương quan thương xót của Chúa (Đấng trở nên nghèo) dành cho chúng ta là người nghèo, thì được biến đổi thành B(i)-Armherzigkeit trong tiếng Đức. Như thế, khi Chúa Giê-su chúc phúc cho những người sống tinh thần thương xót, thì cũng liên hệ đến chính Ngài. Chúa Giê-su thật sự chính là lòng thương xót – B(i)-Armherzigkeit của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa trong Chúa Giê-su đã tự đồng hoá với con người, và con người cũng được đồng hoá với Chúa, khi con người sống đúng tinh thần thương xót – barmherzig của Chúa. Như thế lòng thương xót –Barmherzigkeit ngụ ý chỉ về tương quan của hai người trong cùng một tâm tình và hoàn cảnh, vì người ban tặng và hiến dâng đã tự mình bước vào hoàn cảnh của người đón nhận.[5]

Còn trong tiếng Việt Nam, từ điển Khai Trí đã định nghĩa từ ngữ thương: (1) Thương là yêu (mẹ thương con, vợ thương chồng…). (2) Thương là đau đớn xót xa (thương người nghèo khó, thương thân, thương tâm). Ngoài ra còn có những từ như thương cảm, thương hại trong ý nghĩa thương xót (thương hại cho thằng bé mới lọt lòng mà đã mồi côi).[6] Đọc trong Từ điển Công Giáo 500 mục từ, từ ngữ lòng thương xót (liên ái, Misericordia, Mercy, Miséricorde) được giải thích như sau: “Thương: đau lòng. Xót: thương sâu xa. Lòng thương xót là sự đau lòng, xót xa trước nỗi bất hạnh của người khác, thương được thể hiện bằng hành động cụ thể, như việc giúp đỡ hay ủi an”.[7] Hơn nữa, từ ngữ lòng thương xót này rất gần với từ ngữ lòng nhân hậu. Nhân: lòng thương yêu; hậu: sâu nặng. Nhân hậu: lòng thương yêu sâu nặng. Người có lòng nhân hậu luôn mong muốn và thực hiện điều tốt hoàn toàn vì lợi ích của người khác.[8]

Như thế, từ ngữ thương xót luôn là đề tài quan trọng trong Ki-tô giáo. Vì từ ngữ này gắn liền với hình ảnh và bản chất của Thiên Chúa, cũng như thuộc về căn tính và bản chất của Ki-tô hữu. Vì thế, một cách nào đó, có thể nói rằng, từ ngữ “thương xót” là từ ngữ điển hình của Ki-tô giáo. Nếu chiêm ngắm lại những biến cố xảy ra trong những thập niên vừa qua, người Ki-tô hữu càng thấy giá trị cao quý và quan trọng của lòng thương xót. Trong tác phẩm Barmherzigkeit – Lòng thương xót của Thần học gia ĐHY. Walter Kasper, có chương với tựa đề Barmherzigkeit – ein aktuelles, aber vergessenes Thema – Lòng thương xót, một đề tài có tính hiện tại nhưng lại bị lãng quên. Và Kasper đã mời gọi mọi người cùng suy tư về lòng thương xót, và có thể nói cùng kêu gọi đến lòng thương xót – Schrei nach Barmherzigkeit. Nếu chúng ta đồng ý bước vào hành trình suy tư này, cụ thể hơn bước vào hành trình suy niệm Mối Phúc về lòng thương xót, chúng ta cùng lật lại sách Thánh Kinh, để khám phá ra tầm quan trọng của lòng thương xót.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ

-----------------

[1]  X. CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Beatitudes, eight steps to happiness, t.65.

[2]  X. KASPER W., Barmherzigkeit, Herder Verlag, Freiburg 2012, t.51.

[3]  X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.30-31.

[4]  X. STAUDINGER F., trong Exegetisches Wörterbuch zum Neuen Testament, Horst Balz und Gerhard Schneider (Hrgs.), Band I, Kohlhammer Verlag, Stuttgart 1980, .1043-45.

[5]  X. SCHELLENBERGER B., Entdecke, dass du glueklich bist, t.74-75.

[6]  HỘI KHAI TRÍ TIẾN ĐỨC, Việt Nam Tự Điển, nxb. Văn Mới, Sài-gòn – Hà Nội 1954, t.587.

[7]  X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, 500 mục từ, t.211-212.

[8]  X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, 500 mục từ, t.211.


2. TỪ NGỮ THƯƠNG XÓT TRONG CỰU ƯỚC VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA TRONG CÂU CHUYỆN SÁNG TẠO

Trong Cựu Ước, từ ngữ lòng thương xót được nhắc đến khoảng 400 lần (tính theo sự xuất hiện của từ ngữ rachamim và hai từ ngữ khác có sự liên hệ gần gũi là hesed và hen).  Các tác giả của Cựu Ước đặc biệt đã nhắc đến từ ngữ rachamim, có nghĩa là tấm lòng (entrailles), là tử cung (utérus) của người mẹ mang thai đứa con của mình trước khi sinh ra em bé. Tấm lòng, trong chiều sâu, diễn tả không gian trong người phụ nữ có hướng nhìn về người khác. Nghĩa là, trong ý nghĩa của Thánh Kinh mang tính cách nhân chủng học, tấm lòng diễn tả một nơi chốn là nguồn mạch của mọi cảm xúc, là nguồn mạch sâu xa nhất của tình yêu. Tình yêu này được biểu lộ như là lòng từ bi: tình yêu nội tâm, mãnh liệt, thương xót. Ở đây, chúng ta có thể nhớ đến một đoạn của tiên tri I-sai-a: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình,hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49,15).[1]

Lòng của người mẹ chỉ được hiểu cách trọn vẹn, khi hướng về trái tim, về tình yêu thương của người mẹ dành cho con mình. Như thế, để hiểu được lòng thương xót, theo Kasper, thì cần phải trở về và suy nghĩ về từ ngữ trái tim trong Thánh Kinh (leb, lebab, cardia). Trong ý nghĩa Thánh Kinh, từ ngữ trái tim không chỉ biểu lộ cách đơn giản về một bộ phận quan trọng nhất của sự sống, mà nhìn theo phương diện nhân chủng học, trái tim diễn tả trung tâm điểm của con người, là nguồn mạch của mọi cảm xúc, và của mọi khả năng phán đoán. Ở đây, chúng ta nhớ đến các bài Thánh Vịnh trong Cựu Ước mang tính cách kêu than, tới bài hát ai oán của Giê-rê-mi-a, tới lời than van kêu gào của Vua Đa-vít về cái chết của con trai là Áp-sa-lon (2Sam 19). Chúa Giê-su cũng phẫn nộ và buồn rầu về sự cứng lòng của nhóm Pha-ri-sêu: “Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá”. (Mc 3,5), cũng như Ngài chạnh lòng thương dân chúng: “Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. (Mc 6,34).

Thánh Kinh đi xa thêm một bước, khi nói về trái tim của Thiên Chúa trong ý nghĩa Thần Học. Thiên Chúa chọn con người theo trái tim của Ngài: “Nhưng bây giờ vương quyền của ngài sẽ không đứng vững. Đức Chúa đã tìm cho mình một kẻ như lòng Người mong muốn, và Đức Chúa đã đặt kẻ ấy làm người lãnh đạo dân Người”. (1 Sam 13,14). “Ta đã tìm được Đa-vít, con của Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”. (Cvtđ 13, 22).[2] Những hành động của Thiên Chúa luôn là hành động của trái tim, hành động chan chứa lòng thương xót của Ngài đối với nhân loại. Điều này, Thiên Chúa đã tỏ lộ ngay trong việc sáng tạo của Ngài.

Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ được biểu lộ qua từ ngữ, mà đặc biệt qua lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Lật lại các trang Thánh Kinh về công trình sáng tạo của Thiên Chúa, chúng ta khám phá được lòng thương xót sâu xa của Thiên Chúa. Qua việc sáng tạo, Thiên Chúa đã làm mọi sự đều tốt đẹp và rất tốt đẹp: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp”. (St 1, 31). Đặc biệt, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài, với người nam và người nữ. Ngài đã chúc lành cho con người, và con người cần sinh sôi nảy nở khắp mặt đất. Ngài còn trao trách nhiệm cho con người coi sóc và làm thăng tiến mọi loài thọ tạo. (St 1, 17-30; 2,15). Tất cả tốt đẹp và rất tốt đẹp.

Tuy nhiên, lập tức câu chuyện lại tiếp tục với một thảm hoạ. Con người lại muốn giống như Chúa và muốn tự vinh danh mình, và muốn mình có khả năng biết điều thiện điều ác. Sự lạ lẫm của con người với Thiên Chúa dẫn đến sự lạ lẫm của con người với nhau, và của con người với thiên nhiên. Trái đất giờ đây mang vào mình biết bao nhiêu gai nhọn, và mọi người phải cực nhọc vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt, để làm việc cho sự sống còn. Mầm sống mới giờ đây chỉ có thể được sinh ra trong đau đớn. Phụ nữ và nam giới trở nên xa lạ với nhau (St 3, 16-19). Còn cả chuyện anh em ruột Ca-in và Aben giết hại lẫn nhau nữa (St 4). Sự dữ lớn mạnh như những cơn bão tuyết. Trái tim và những giác quan của con người ngày càng nhuốm màu của sự dữ (St 6,5).

 Dù vậy, Thiên Chúa vẫn không để cho thế giới và con người tiếp tục sống trong thảm hoạ, và tiếp tục rơi vào trong khổ đau. Từ khởi đầu Thiên Chúa nhiều lần đã ra tay can thiệp với những biện pháp khác nhau, để chống lại tội lỗi và sự dữ. Ngài luôn có những hành động tương phản đối với sự hỗn loạn và với những thảm hoạ xảy ra. Từ ngữ lòng thương xót không xuất hiện trong các chương đầu của sách Sáng Thế, nhưng hành động của Thiên Chúa ngay trong câu chuyện sáng tạo diễn tả rất rõ ràng lòng thương xót của Ngài. Khi đuổi con người ra khỏi vườn địa đàng, Thiên Chúa đã ban cho con người áo quần mặc, để con người có thể tự che chở trước đe doạ của thiên nhiên, và che đậy sự xấu hổ của con người với nhau, cũng như gìn giữ phẩm giá của con người (St 3,21). Hơn nữa, dù có phạt Cain về tội giết em, nhưng Thiên Chúa vẫn bảo vệ Cain, đã ghi dấu trên Cain, để bất cứ ai gặp ông không giết ông (St 4, 15). Cuối cùng Thiên Chúa đã tạo cho ông Nôe một cơ hội mới để bắt đầu một cuộc sống mới, sau trận lụt hồng thuỷ. Thiên Chúa đã ban phúc lành cho ông Nôe và con cháu ông, Ngài lập lại trật tự và ký kết giao ước tình yêu che chở con người mang hình ảnh của Ngài. (St 8 và 9).

Nhưng như vậy cũng chưa đủ cho con người. Tính kiêu căng của con người không có điểm kết. Con người lại xây dựng tháp Babel cao ngất tới trời cao. Sự kiêu ngạo đã đưa con người tới tình trạng hỗn loạn của ngôn ngữ, con người không còn hiểu nhau được nữa, vì thế con người đã chia cách nhau và tràn lan khắp mặt đất. (St 11). Một lần nữa Thiên Chúa lại không để con người bất trung và bội phản cô đơn lẻ loi với số phận của họ. Ngài đã chống lại hỗn loạn và thảm hoạ. Với việc kêu gọi ông Áp-ra-ham, Thiên Chúa đã bắt đầu một trang sử mới với con người (St 12, 1-3). Với Áp-ra-ham Thiên Chúa viết trang sử cứu độ con người. Trong Áp-ra-ham, tất cả mọi người trên trái đất được Thiên Chúa chúc phúc. Trong câu chuyện của Áp-ra-ham, người ta có thể đọc được những lời nói diễn tả tình thương và sự trung thành của Thiên Chúa. (St 24, 12.14.27; 32,11). Đó là khởi đầu của câu chuyện nói về hành động tràn đầy lòng thương xót của Thiên Chúa đối diện với biết bao tội lỗi con người gây ra, đối diện với hỗn loạn và thảm hoạ của tội lỗi. Ngay từ ngày đầu tiên, lòng thương xót của Thiên Chúa đã được thực hiện rõ ràng. Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng là cách thức hành xử của Thiên Chúa với sự dữ luôn đe doạ con người. Cách hành xử và hành động xót thương của Thiên Chúa tương phản với sự dữ và hỗn loạn cùng thảm hoạ của nó, và cách hành xử và hành động của Thiên Chúa không nhuốm màu bạo lực. Ngài không tự nhiên xen vào ngay, nhưng với lòng thương xót Ngài tạo cho con người những cơ hội mới, và tái lập sự sống mới với không gian được Chúa chúc lành.[3]

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ

-------------------

[1]  X. BIANCHI E., Chemins d’humanité, Les Béatitudes, Cerf, Paris 2013, t. 92-93.

[2]  X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 50-51.

[3]  X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 52-53.


3. LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA ĐƯỢC BIỂU LỘ QUA CHÍNH TÊN CỦA NGÀI

Câu chuyện sáng tạo đã diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng sau đó đã mặc khải cho Mô-sê tên của Ngài trong biến cố ở tại bụi gai trên núi Hô-rép. Nơi đây, Thiên Chúa đã tự mặc khải là Thiên Chúa của Ap-ra-ham, của I-sa-ác, và của Gia-cóp (Xh 3, 6). Thiên Chúa của các tổ phụ này luôn nhìn đến những nối thống khổ của dân Ngài, và lắng nghe tiếng kêu than của họ: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3, 7-8). Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận nỗi khốn cùng của con người, Ngài nói, Ngài hành động và can thiệp, Ngài giải phóng và cứu độ. Công thức “JHWH,” Đấng dẫn đưa dân Ngài ra khỏi Ai-cập, trở thành một cách diễn tả niềm tin nền tảng trong Cứu Ước: “Ta là JHWH-Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2).

Bốn mẫu tự này trong tiếng Híp-ri được tranh cãi và giải thích rất nhiều rồi, nhưng với người Do Thái đạo đức thì bốn mẫu tự này rất là thánh thiêng, đến nỗi họ không được phép phát âm bốn mẫu tự đó hay từ đó. Trong bản văn tiếng Việt của nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ, bốn mẫu tự này được chuyển ngữ là Ta là Đấng hiện hữu. Cha Nguyễn Thế Thuấn chuyển ngữ là Ta có sao Ta có vậy. Bản văn đại kết của tiếng Đức Einheitsuebersetzung, dịch là Ich bin der ich bin da. Trong bản TOB của tiếng Pháp là: Je suis qui je serai. Còn trong bản tiếng Anh của the New Jerusalem Bible thì: I am he who is. Theo Kasper, trong tư tưởng của người Do Thái, sein (động từ là – hiện hữu) không diễn tả một trạng thái yên tĩnh, mà diễn tả một năng động lớn. Nói khác đó, trong tư tưởng của người Do Thái, sein có nghĩa là một sự hiện hữu cụ thể có nhiều ảnh hưởng và ảnh hưởng mạnh mẽ. Như thế, việc mạc khải của Thiên Chúa: ta là Đấng hiện hữu, diễn tả Thiên Chúa hiện hữu trên con đường cuộc sống của con người, và Ngài ở với con người trong những lúc con người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ngài lắng nghe những lời kêu than của con người. Sự mạc khải tên của Thiên Chúa là một xác nhận cho giao ước giữa Thiên Chúa và con người: “Ta sẽ nhận các ngươi làm dân riêng của Ta, và đối với các ngươi, Ta sẽ là Thiên Chúa. Các ngươi sẽ biết rằng Ta, Đức Chúa, là Thiên Chúa các ngươi” (Xh 6,7). Sự hiện hữu của Thiên Chúa là sự hiện hữu cho dân Ngài và với dân Ngài. Từ ngữ lòng thương xót chưa xuất hiện trong mặc khải của Thiên Chúa trên núi Hô-rép, nhưng đã được diễn tả qua tên của Thiên Chúa, Đấng yêu thương và hiện hữu cho và với dân Ngài.

Tiếp nối với biến cố mạc khải ở Hô-rép là mặc khải ở núi Si-nai. Bối cảnh của câu chuyện là dân Ít-ra-en được Chúa giải thoát khỏi sự nô lệ ở Ai-cập, và Thiên Chúa trao cho dân Ngài Mười Điều Răn (Xh 20, 1-21). Nhưng ngựa quen đường cũ, dân Ít-ra-en lại bội tín và bất trung, chạy theo các thần thánh lạ lẫm, và thờ lạy con bò vàng. Thiên Chúa đã giận dữ và muốn trừng phạt dân Ít-ra-en. Mô-se đã cầu xin với Thiên Chúa, và nhắc Ngài nhớ đến lời hứa của Ngài. Ông đã cầu xin Chúa lòng thương xót và ân sủng: “Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài”. Một lần nữa Chúa đã mạc khải tên của Ngài: “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Đức Chúa trước mặt ngươi. Ta thương (hen) ai thì thương xót (rachamin) ai thì xót” (Xh 33, 19). Lòng thương xót của Thiên Chúa ở đây được diễn tả với quyền năng và sự tự do tuyệt đối của Ngài. Thiên Chúa không quen với bất cứ cái khung đóng kín nào, chuẩn mực nào, ngay cả sự công bình theo nghĩa bình thường. Lòng thương xót của Thiên Chúa tương hợp với chính tên của Ngài. Ngài ra lệnh cho Mô-se hoàn thành bản Mười Điều Răn, Ngài không để cho dân của Ngài, dù bất trung và bội tín, rơi vào hố sâu của khổ đau mà không có lối ra. Thiên Chúa làm mới giao ước của Ngài với dân Ngài, và ban cho dân những cơ hội mới. Thiên Chúa làm điều này với tất cả sự tự do và đó là ân sủng hoàn toàn dành cho dân Ngài.

Biến cố mạc khải thứ ba về tên của Thiên Chúa cho Mô-se vào một buổi sáng khác. “Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Đức Chúa. Đức Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 5-6). Trong lần mạc khải này, lòng thương xót còn được diễn tả với sự trung tín của Thiên Chúa. Thiên Chúa trung tín với dân Ngài, dù dân Ngài có bội tín đến mấy. Đó là bản chất đích thật của Thiên Chúa: nhân hậu giàu lòng thương xót và trung tín. Trong các sách khác của Cựu Ước đều nhắc đến Thiên Chúa với lòng xót thương và trung tín.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ


4. SỰ BẤT TRUNG CỦA CON NGƯỜI ĐỐI DIỆN VỚI LÒNG THƯƠNG XÓT TRUNG TÍN CỦA THIÊN CHÚA

Theo Kasper, cao điểm của mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa được tiên tri Hô-sê diễn tả. Tiên tri Hô-sê sống trong bối cảnh bi thảm suy sụp của dân tộc Ít-ra-en trong vòng 20 năm, khiến vùng Sa-ma-ri bị xâm chiếm và dân chúng phải lưu đày. Bối cảnh bi thảm này tương hợp với sứ điệp mạnh mẽ được viết trong sách của tiên tri Hô-sê. Hô-sê đi vào lịch sử như vị ngôn sứ bị vợ lừa dối, nhưng vẫn hằng yêu mến nàng. Đó cũng là hình ảnh của dân Ít-ra-en bất trung và bội tín với Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn thương xót dân của Ngài. Tiên tri Hô-sê đã tố cáo một dân sống dửng dưng, và ông tiếp tục rao giảng trong lúc vương quốc sắp sụp đổ, ông báo trước hình phạt dành cho dân vô trách nhiệm và bất trung với Giao Ước. Bên cạnh đó, Hô-sê hiểu Thiên Chúa là nhà giáo dục và Người có lý do để răn đe và cho phép những tai hoạ xảy ra. Chính nhờ phương thế này, mà Ít-ra-en quay trở về. Thiên Chúa, Đấng trung tín và đầy lòng thương xót, lại cầm tay của dân Người và cứu độ họ. Tuy nhiên, lúc đầu Thiên Chúa đã quyết định không còn tỏ lòng thương xót với dân bất trung nữa (Hs 1,6), và dân của Ngài không còn là dân của Ngài nữa (Hs 1,9). Với quyết định đó, tưởng chừng tất cả mọi viễn tượng tương lai của dân Ít-ra-en tan thành mây khói, nhưng có một khúc quanh quyết định:

“Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi!

Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành!

Làm sao Ta xử với ngươi như với Át-ma,

để ngươi nên giống như Xơ-vô-gim được?

Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8).

Thiên Chúa biểu lộ sự cảm thông với dân Ngài, và Ngài không muốn hoàn toàn trừng phạt dân Ngài. Lòng thương xót này tương hợp với chính Thiên Chúa, Đấng hiện hữu cho và với con người, đặc biệt khi con người rơi vào hố sâu tối tăm. Đó là cách hành xử của Thiên Chúa, của Đấng Thánh, chứ không phải của người phàm:

“Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.

Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh,

và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11,9).

Như thế, Thiên Chúa thánh thiện không tỏ mình ra trong phẫn nộ và giận dữ, mà Ngài tỏ mình ra trong lòng thương xót và nhân hậu. Thật vậy, lòng thương xót chính là cách diễn đạt sống động về bản chất của Thiên Chúa. Với những tâm tình của tiên tri Hô-sê, chúng ta nhận ra ở trong chiều sâu, Thiên Chúa trong Cựu Ước không phải là Thiên Chúa của giận dữ mà là Thiên Chúa của lòng thương xót. Ngài cũng không phải là Thiên Chúa dửng dưng với các đau khổ của con người. Ngài là Thiên Chúa có một trái tim hoá giải mọi sự giận dữ, và biến đổi mọi sự trong lăng kính của lòng thương xót. Qua đó, một đàng Thiên Chúa tự tỏ ra rất gần gũi với con người, đàng khác Ngài lại mạc khải chính mình hoàn toàn khác với tất cả mọi sự thuộc về con người. Ngài mạc khải chính Ngài là Đấng Thánh, là Đấng hoàn toàn khác với con người. Bản chất phân biệt Ngài với con người chính là lòng thương xót vô bờ bến của Ngài. Lòng thương xót của Thiên Chúa chính là sự cao cả đầy quyền năng của Ngài, một bản chất thánh thiện. Quyền năng của Thiên Chúa ở đây được diễn tả mạnh mẽ qua sự tha thứ của Thiên Chúa đối với dân bất trung của Ngài. Tha thứ gắn chặt với lòng thương xót thuộc về bản chất thánh thiện của Thiên Chúa.

“Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng,

giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin” (Tv 86,5).

Thiên Chúa nhân hậu đầy lòng thương xót vượt trên mọi thước đo và chuẩn mực của con người. Các tư tưởng thần học dù có hay đến mấy cũng không thể nhốt Thiên Chúa vào trong những khuôn chữ thông minh mang tính cách con người. Khi nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, con người không thể dùng ngôn ngữ của con người để diễn tả cho hết được. Chúng ta chỉ có thể chân nhận rằng: Lòng thương xót của Thiên Chúa là một sự mạc khải về sự siêu việt của Ngài vượt trên mọi điều và mọi sự mang tính cách con người, và vượt trên cả mọi sự tính toán của con người. Thật vậy, đừng có giỡn chơi với Chúa, đừng có giam giữ Thiên Chúa vào tư tưởng của con người. Vì thế, Thiên Chúa giàu lòng xót thương không đơn giản là một Thiên Chúa tốt bụng không màng tới những điều xấu xa và tội lỗi của chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa hướng chúng ta về với sự khác biệt trong sự hiện hữu của Thiên Chúa, cũng như hướng chúng ta về sự thánh thiện hoàn hảo không thể hiểu thấu của Ngài, và đó cũng là cách diễn đạt của tình yêu Thiên Chúa luôn tuôn tràn đầy ân sủng.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ


5. LÒNG THƯƠNG XÓT, SỰ THÁNH THIỆN, SỰ CÔNG CHÍNH VÀ TRUNG THÀNH CỦA THIÊN CHÚA

Lòng thương xót của Thiên Chúa được trải dài trong lịch sử cứu độ, từ công trình sáng tạo đến các cuộc mạc khải của Ngài cho Mô-sê, và các tiên tri cũng đã khám phá lòng thương xót của Chúa, đặc biệt là tiên tri Hô-sê. Nơi tiên tri Hô-sê, lòng thương xót của Thiên Chúa liên hệ chặt chẽ với sự thánh thiện của Thiên Chúa. Kasper còn nhấn mạnh thêm rằng, lòng thương xót gắn liền với sự thánh thiện của Thiên Chúa. Qua đó, sự thánh thiện của Chúa nói lên sự khác biệt và sự vượt trổi của Thiên Chúa so với những gì thuộc về trần thế, và thuộc về sự dữ. Sự thánh thiện này, tiên tri I-sai-a đã nhắc đến với ba lần cao rao:“Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6,3). Trước những lời tung hô đó, con người cần phải cẩn trọng, không được xúc phạm đến Thiên Chúa, không được coi thường Ngài và lòng thương xót của Thiên Chúa. Hơn nữa, con người cũng không được phép biến Thiên Chúa thánh thiện và tràn đầy lòng thương xót, thành một người ngốc nghếch không biết gì. Và con người cũng không được phép lấy Thiên Chúa ra làm trò cười cho mình, hay chế diễu Thiên Chúa. Con người là ai? Trí thông minh con người lớn cỡ nào? Sức con người mạnh đến mấy? Một cơn gió thổi qua cũng đủ làm cho những con người thông minh nhất, kiêu hãnh nhất và mạnh mẽ nhất có thể gục ngã. Thiên Chúa thương xót con người. Đó là một điều rất tuyệt vời, mà con người cần chiêm ngắm và cảm tạ. Trong chính lòng thương xót của Chúa, Chúa chỉ cho chúng ta thấy bản chất thánh thiện của Ngài.

Vì sự thánh thiện này, Thiên Chúa luôn chống lại sự dữ. Thánh Kinh nhắc đến sự giận dữ của Thiên Chúa. Tiên tri Nakhum đã nói rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa ghen tương và báo oán, Đức Chúa là Đấng báo oán: Người nổi cơn lôi đình, Đức Chúa báo oán những kẻ thù địch, những kẻ thù của Người, Người tỏ lòng oán hận” (Nk 1, 2).

Chắc chắn có nhiều người không thể chấp nhận hình ảnh của Thiên Chúa giận dữ như vậy. Điều đó cũng đúng thôi. Tuy nhiên, sự phẫn nộ này của Thiên Chúa không phải là sự tức giận mang tính cách tình cảm (emotionel), mà là thái độ mạnh mẽ của Thiên Chúa chống lại tội lỗi và những bất công. Cho nên, tức giận ở đây có thể nói là một cách thức diễn đạt đầy năng động và mạnh mẽ về sự thánh thiện của Thiên Chúa. Vì thế, mà sứ điệp của ngày Chúa phán xét không được phép bỏ qua trong các chú giải.

Sự thánh thiện của Thiên Chúa luôn tương hợp với sự công chính của Ngài. Trong Cựu Ước, suy nghĩ về luật lệ và sự công chính luôn là những suy nghĩ nền tảng và quan trọng. Vì sự thánh thiện của Thiên Chúa, nên Ngài không thể làm gì hơn, là trừng phạt sự dữ và ân thưởng sự tốt lành. Nhưng người đạo đức của Cựu Ước luôn hy vọng vào sự mạc khải về sự công chính mang tính cách toàn cầu của Thiên Chúa (x.Tv 5 – 9; 67,5; 96,13; 98,9). Một niềm hy vọng cánh chung mong chờ ngày Đấng Mê-si-a công chính sẽ đến: “Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà” (Is 11,3-4).

Sự công chính và công lý ở trong một thế giới bất công, đã là một hành động của lòng thương xót đối với những người thấp cổ bé miệng. Như vậy, sứ điệp của lòng thương xót không phải là một ân ban rẻ tiền. Thiên Chúa cũng chờ đợi nơi con người chúng ta hành động đúng đắn theo luật lệ và sự công chính: “Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (Am 5,24). “Ngựa có phi được trên đá lởm chởm không? Người ta đem trâu bò đi cày ngoài biển sao? Thế mà các ngươi đã biến lẽ phải thành thuốc độc, đổi công lý nên ngải đắng!” (Am 6,12). Như thế, lòng thương xót không đối nghịch với sự công chính và công lý. Trong lòng thương xót, Thiên Chúa dừng cơn giận dữ của Ngài lại, và ban tặng cho con người những cơ hội mới để sám hối ăn năn trở về. Lòng thương xót của Thiên Chúa ban tặng cho người tội lỗi thời gian ân huệ, và mong muốn sự quay về của họ. Cuối cùng, lòng thương xót là ân sủng giúp con người ý thức ăn năn sám hối trở về với Đấng yêu thương.

“Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi,

nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp.

Lúc lửa giận bừng bừng,

Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi,

nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót,

Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy.

Ta cũng sẽ làm như thời Nô-ê: lúc đó, Ta đã thề rằng

hồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa,

cũng vậy, nay Ta thề sẽ không còn nổi giận và hăm doạ ngươi đâu.

Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay,

tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi,

giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay,

Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54, 7-10).

Với lời này, tiên tri I-sai-a muốn diễn tả rằng, lòng thương xót chính là sự công chính rất năng động và đầy sức sáng tạo của Thiên Chúa. Lòng thương xót vượt trên những lô-gíc sắt đá của cuộc đời là mang tội thì bị phạt. Nhưng lòng thương xót không bao giờ đối nghịch với sự công chính và công lý. Hơn nữa, lòng thương xót phục vụ cho sự công chính và công lý. Thiên Chúa xót thương không phải là một quan toà nghiêm khắc xét xử mọi người theo lề luật đã được đặt sẵn. Thiên Chúa cũng không phải là một quan chức thực thi theo những quy định đã được đề ra. Ngài thực hiện luật lệ với quyền năng của Ngài. Sự tự do đầy quyền năng của Thiên Chúa cũng không phải là sự tự do tuỳ tiện, và cũng không mang tính cách theo hứng, mà là một hành động của sự trung thành của Thiên Chúa. Thật vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn gắn liền với sự trung thành của Ngài, như tiên tri Hô-sê đã diễn tả. Thiên Chúa luôn luôn và hoàn toàn đáng tin cách tuyệt đối trong sự tự do tuyệt đối của Ngài. Con người có thể tin tưởng vào Thiên Chúa, trong mọi hoàn cảnh con người có thể cậy dựa vào Ngài. Niềm tin tuyệt đối luôn được hướng về Thiên Chúa. Niềm tin không đơn giản có ý nghĩa là công nhận điều gì là thật. Niềm tin có ý nghĩa là trong sự chân nhận sự thật, con người tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, đặt trọn niềm tin của mình vào Ngài, hoàn toàn bám chặt vào Chúa, và đứng vững trong Chúa. Nói khác đi, niềm tin là tín thác hoàn toàn vào sự trung thành và lòng thương xót của Thiên Chúa.“Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững” (Is 7,9). “Cứ tin tưởng vào Người, các ngươi sẽ tồn tại” (2Sb 20,20). [x. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 59-621]

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ


6. THIÊN CHÚA ƯU TIÊN VÀ CHÚ Ý ĐẾN CUỘC SỐNG. THIÊN CHÚA ƯU TIÊN VÀ CHÚ Ý ĐẾN NGƯỜI NGHÈO KHỔ VÀ YẾU ĐUỐI

Sứ điệp lòng thương xót của Thiên Chúa trong Cựu Ước không chỉ có ý nghĩa thiêng liêng, mà còn rất gần với thực tế của cuộc sống, và với đời sống xã hội của con người. Vì tội lội đã phạm, nên con người đáng phải chết, nhưng với lòng thương xót Thiên Chúa đã tha thứ, gìn giữ con người trong sự sống, và còn ban tặng sự sống mới cho con người. Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa của sự chết, mà là Thiên Chúa của sự sống. Ngài không bao giờ mong muốn con người phải chết, mà Ngài ước mong con người được sống và sống dồi dào hơn. Thiên Chúa chẳng bao giờ vui sướng về cái chết của những người tội lỗi, mà Ngài chỉ mong chờ sự ăn năn sám hối trở về của tội nhân, để họ tiếp tục sống là con cái được Thiên Chúa yêu thương. “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng – Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” (Ed 18,23). Chúa Giê-su đã đón nhận sứ điệp của Cựu Ước và luôn nhắc lại rằng: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mc 12,27).

Như thế, lòng thương xót của Thiên Chúa chính là sức mạnh của Thiên Chúa, sức mạnh gìn giữ, khuyến khích, tái lập, xây dựng và thăng tiến sự sống. Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt trên cái lô-gíc công lý của con người, công lý luôn chú ý đến hình phạt và cái chết đáng ban tặng cho người có tội. Lòng thương xót của Thiên Chúa mong muốn sự sống. Trong sự trung tín với Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân của Ngài và với lòng thương xót của Ngài, Thiên Chúa gầy dựng lại tương quan giữa Ngài với dân của Ngài, tương quan đã bị tội lỗi làm cho đổ vỡ. Thật vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn ưu tiên cho sự sống. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã diễn tả rõ ràng rằng, Thiên Chúa chúng ta tin không phải như Nietzsche nghĩ: Thiên Chúa là kẻ thù của sự sống. Với chúng ta, Thiên Chúa là sức mạnh (x.Tv 27,1), Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống (x.Tv 36,10). Ngài là người bạn của sự sống: “Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,26).[1]

Sự ưu tiên đặc biệt của Thiên Chúa luôn là ưu tiên chú ý đến người nghèo khổ và yếu đuối. Khi dân tộc Ít-ra-en còn nghèo nàn và sống ở Ai-cập đã được Thiên Chúa chú ý thương yêu và cứu thoát, đưa ra khỏi Ai-cập và đến vùng đất Chúa hứa. Điều này vẫn luôn luôn ở trong tâm thức của dân Ít-ra-en. Khi dân Ít-ra-en đến được vùng đất hứa, thì Thiên Chúa lại chú ý đặc biệt đến những người khốn cùng, nghèo khổ và yếu đuối đang sống trong vùng đất hứa này. Điều này được diễn tả qua các giới luật cấm ức hiếp và bóc lột những người ngoại kiều, những phụ nữ goá bụa và các trẻ em mồ côi (x.Xh 22, 20-26), cũng như luật che chở người nghèo hèn trước toà án (x.Xh 23,6-8). Sách Lê-vi còn viết ra luật lệ giúp mọi người cần có thái độ tốt trong tương quan xã hội: “ Ngươi không được bóc lột người đồng loại, không được cướp của; tiền công người làm thuê, ngươi không được giữ lại qua đêm cho đến sáng. Ngươi không được rủa người điếc, đặt chướng ngại cho người mù vấp chân, nhưng phải kính sợ Thiên Chúa của ngươi, Ta là Đức Chúa. Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử: không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào. Ngươi không được vu khống những người trong dòng họ, không được ra toà đòi người đồng loại phải chết. Ta là Đức Chúa. Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa”. (Lv 19, 13-18).

Trong bài ca tạ ơn của bà Hanna, mà Mẹ Maria sau này đã lấy phần nào để hát lên bài ca Magnificat, có câu: “Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng” (2 Sm 2, 8). Cũng cần nhắc đến lề luật của ngày Sa-bát: “Trong sáu ngày, ngươi sẽ làm công việc của ngươi; nhưng ngày thứ bảy, ngươi sẽ nghỉ, để bò lừa của ngươi được nghỉ ngơi, và để đứa con của nữ tỳ ngươi và người ngoại kiều lấy lại sức” (Xh 23,12).

Còn trong sách Đệ Nhị Luật, có phác thảo về một dân tộc không có người nghèo và cô đơn lẻ loi: “Tuyệt nhiên giữa anh (em) sẽ không có người nghèo, vì Đức Chúa sẽ chúc phúc dồi dào cho anh (em) trong miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) làm gia nghiệp để anh (em) chiếm hữu” (Đnl 15, 4). Và còn nhiều giới luật bênh vực người ngoại kiều, cô nhi quả phụ và người nghèo khổ. Sự chăm sóc của Thiên Chúa và sự chú ý của Ngài dành cho người nghèo cũng được diễn tả rõ rệt trong sách của các tiên tri. Thiên Chúa lên án những người bóc lột, và bênh vực những người nghèo khổ bị bóc lột và ngược đãi (x.Am 2, 6-8; 4, 1.7-12; 8, 4-7). Thiên Chúa luôn quan tâm chú ý đến người nghèo khổ và không bao giờ bỏ rơi họ: “Những ai nghèo hèn, khốn khổ, tìm nước không ra, lưỡi khô vì khát, Ta, Đức Chúa, Ta sẽ đáp lời, Ta, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Ta sẽ không bỏ rơi chúng” (Is 41, 17). Tiên tri I-sai-a cũng nói rằng, Đấng Mê-si-a sẽ đến với những người nghèo khổ:

“Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi,

vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,

sai đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,

băng bó những tấm lòng tan nát,

công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,

ngày phóng thích cho những tù nhân” (Is 61,1).

Như vậy, chúng ta thấy Thiên Chúa giàu lòng xót thương luôn chú ý đặc biệt đến những người nghèo khổ bất hạnh và yếu đuối. Ngài sẵn sàng bênh vực và chở che họ. Trong nhà Ngài luôn có chỗ cho họ, ngôi nhà tràn đầy lòng xót thương của Thiên Chúa quyền năng và trung tín.[2]

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ

-------------------

[1]  X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 62-63.

[2]  X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 63-64.


7. TÁN TỤNG LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA TRONG CÁC THÁNH VỊNH

Như là các lời thơ, Thánh Vịnh đã diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa rất đẹp và phong phú. Ở đây trong phạm vị hạn hẹp, chúng ta chỉ có thể đọc một số Thánh Vịnh:“Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời“ (Tv 23,6). “Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa”(Tv 25,10). “Lạy Chúa, tình thương Ngài cao ngất trời xanh, lòng thành tín vượt ngàn mây biếc” (Tv 36, 6). “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103, 8). “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv 103,13). Kế bên các Thánh Vịnh tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta còn thấy những lời kêu xin lòng thương xót Chúa: “Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét, khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời. Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con, xin thương xót nghe lời con cầu khẩn” (Tv 4,2). Đặc biệt cần nhắc đến Thánh Vịnh 51 của Vua Đa-vít diễn tả sự ăn năn hối cải về tội lỗi ông đã phạm với bà Bát-se-va, vợ của ông U-ri-a:

“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm

tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm” (Tv 51, 3-5).

Sau lời kêu van lòng thương xót của Chúa, là các lời tri ân Chúa đã thương xót dân Ngài:“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 106, 1), vì “Chúa cứu họ khỏi tay người ghen ghét, giải thoát họ khỏi tay địch thù” (Tv 106,10). Đặc biệt trong Thánh Vịnh 136, lời tạ ơn Chúa Đấng giàu lòng xót thương được nhắc đi nhắc lại đến 26 lần: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Với Thánh Vịnh 136, tác giả muốn mời gọi chúng ta hãy cảm tạ Gia-vê, vì Người tốt lành, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương! Hãy cảm tạ Chúa của cả chư thần, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương! Hãy cảm tạ Chúa của các Chúa, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Dân Ít-ra-en hát lên lời tạ ơn trong dịp đại lễ Vượt Qua, kể lại tất cả những kỳ công Thiên Chúa từ lúc tạo dựng cho đến khi giải phóng và ngày ngày vẫn chăm sóc cho họ. Mỗi kỳ công được kèm theo một điệp khúc đơn điệu nhưng đầy ý nghĩa: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương…

Nếu nhìn lại đời mình, chúng ta thấy lòng thương xót Chúa đã trải dài trong cuộc đời chúng ta, ngay khi chúng ta lọt lòng Mẹ cho đến giây phút hiện tại, và cả trong tương lai đang chờ đón chúng ta, lòng thương xót cũng sẽ đồng hành với chúng ta. Chúa đã cho con vào đời,vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúa đã cho con sinh ra trong một gia đình ấm cúng đầy yêu thương, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúa đã dạy con xưng tụng Thánh Danh Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúa mở Thánh Kinh của Chúa cho con, để qua đó con khám phá ra Chúa yêu thương con dường nào, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúa đã cho phép con thờ lạy Chúa, và mời gọi con đến phụng sự Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúa đã gọi con trở thành môn đệ, trở thành bạn thân của Chúa, dù con bất xứng và tội lỗi, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Giờ đây, trong sự tĩnh lặng của cõi lòng, con ôn lại những giờ phút chỉ có Chúa và con biết được, những giờ phút hạnh phúc và thân ái, những giờ phút buồn phiền và sám hối, những giờ phút xót thương và ân sủng. Con thấy cuộc đời con như được biến thành một lời kinh, những ký ức của con như biến thành một kinh cầu diễm ái, và lịch sử của con như biến thành một Thánh Vịnh. Sau mọi biến cố, lớn nhỏ, vui buồn, chung riêng, là một câu thơ điệp khúc nói lên ý nghĩa của tất cả và liên kết cuộc đời con thành một hoạt động của ơn quan phòng Thiên Chúa: Vì tình yêu và lòng thương xót của Chúa miên man vạn đại và từ đời này đến đời kia Chúa vẫn thế, Đấng yêu thương chúng con vô vàn. “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.[1]

Như thế, sứ điệp lòng thương xót của Thiên Chúa trải dài trong Cựu Ước. Các tác giả luôn luôn nhắc lại rằng, Thiên Chúa giàu lòng xót thương đã kìm hãm cơn giận dữ của Ngài, và luôn ban ân huệ cho dân bất tín và bội trung, để dân của Ngài có thêm cơ hội mà ăn năn sám hối trở về. Thiên Chúa giàu lòng xót thương cũng là Đấng che chở, Đấng gìn giữ, Đấng bênh đỡ những người nghèo khổ và yếu đuối, những người bất hạnh và nhỏ bé không được xã hội chú ý tới. Trong các Thánh Vịnh, Thiên Chúa đã được ca tụng là Đấng giàu lòng xót thương, và muôn người cần ý thức mỗi ngày cao rao lời tri ân cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

Cựu Ước đóng lại, nhưng không phải là kết thúc, Cựu Ước sẽ tìm được sự trọn vẹn của mình ở trong Tân Ước. Và trong Giao Ước mới này, Thiên Chúa giàu lòng xót thương được biểu lộ cụ thể qua chính Chúa Giê-su, con yêu dấu của Cha trên trời, mà vì yêu thương Cha đã ban tặng cho nhân loại chúng ta, để Chúa Giê-su loan báo cho chúng ta Tin Mừng mà muôn người cần đế. Đó là sứ điệp của lòng thương xót.[2]

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ

-------------------------

[1]  X. VALLES C.G. SJ, Psalm for contemplation – Thánh Vịnh để chiêm niệm, Loyola Presse,  Chicago 1998, bản tiếng việt do Ngọc Đính CMC. chuyển ngữ năm 2005, t.447-448.

[2]  X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 64-66.


8. LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA TRONG BIẾN CỐ GIÁNG SINH CỦA CHÚA GIÊSU

Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca nêu bật sứ điệp của Chúa Giê-su về lòng thương xót của Thiên Chúa trong biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su. Biến cố Giáng Sinh của Chúa và cuộc đời của Ngài nơi trần thế là sự thực hiện toàn vẹn lời hứa của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ: “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 22-23). Câu chuyện của Chúa Giê-su cũng thuộc về lịch sử lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50). Giờ đây, Thiên Chúa thực hiện toàn vẹn lòng thương xót của Ngài dành cho dân Ngài, như Ngài đã hứa với tổ tiên của dân Ít-ra-en: Chúa “trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước” (Lc 1,72).

Trong tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Phanxicô đã viết: “Vào ‘thời viên mãn’ (Gl 4,4), một khi tất cả mọi thứ đã được sắp xếp theo đúng kế hoạch cứu rỗi của Ngài, Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế gian, sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria, để biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta một cách quyết liệt. Bất cứ ai nhìn thấy Chúa Giêsu cũng là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9). Chúa Giêsu thành Na-da-rét, qua lời nói, hành động và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa” (số 01).

Thật vậy, qua lòng thương xót của Thiên Chúa, Vầng Đông từ trên cao là Ánh Sáng đích thực viếng thăm chúng ta. Ánh Sáng tràn đầy lòng xót thương đó đặc biệt chiếu soi đến những tâm hồn ngồi trong tối tăm, sưởi ấm họ và dẫn đưa họ về lại con đường bình an:

“Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,

cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,

soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối

và trong bóng tử thần,

dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79).

Tin Mừng Giáng Sinh của Lu-ca đã loan báo một cuộc Giáng Sinh mà biết bao nhiêu người đang chờ mong, cuộc sinh ra của Đấng Cứu Thế: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2, 11). Cuộc sinh ra của Đấng Cứu Thế, Đấng giàu lòng xót thương đã đến với nhiều người thuộc về nhiều thành phần khác nhau: như ông Gia-ca-ri-a với vợ là bà Ê-li-sa-béth thuộc dòng tộc của Aaron (x.Lc 1,6), như Thánh Giu-se đính hôn với Mẹ Maria thuộc dòng tộc của Vua Đa-vít (x.Lc 1, 27 và Mt 1,20). Cuộc sinh ra này cũng đến với ông Si-mê-on một người công chính, và bà ngôn sứ An-na. Cả hai đều là những người đạo đức bình dân. Khi ông Si-mê-on ẵm Chúa trên tay đã hát lên bài ca An Bình:

“ Muôn lạy Chúa, giờ đây

theo lời Ngài đã hứa,

xin để tôi tớ này được an bình ra đi.

Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:

Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,

là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (Lc 2, 29-32).

Câu chuyện sinh ra của Chúa Giê-su đã thực hiện toàn vẹn lời hứa của Thiên Chúa mà ông Si-mê-on và bao người chờ mong, cũng như đã làm cho ý nghĩa của những câu chuyện trong Cựu Ước tìm thấy được ý nghĩa tròn đầy. Như bà An-na, mẹ Sa-mu-en đã hát lên bài hát tạ ơn (x.1Sm 2, 1-11) như là tiếng hát kể về một câu chuyện lịch sử, mà trong đó:

“Đức Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử,

đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên.

Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có,

Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao.

Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,

ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro,

đặt ngồi chung với hàng quyền quý,

tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng” (1 Sm 2, 6-8).

Với Kasper, trong bài hát của bà An-na, người ta có thể nhận ra những điểm tương đồng với Bài Giảng Trên Núi, đó là sứ điệp của Thiên Chúa vượt trên những lô-gíc bình thường của con người. Ngài đã chúc phúc cho kẻ nghèo hèn, những người đau khổ, những người công chính sống tinh thần bất bạo động, những ai có lòng thương xót và những ai xây dựng hoà bình (x.Mt 5, 3-11 và Lc 6, 20-26).[1] Hơn nữa, biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su cũng đến với những người rất bình thường. Đó là các mục đồng đơn sơ. Họ đã được diễm phúc đến để thăm viếng và thờ lạy Đấng Cứu Thế, Vua Hoà Bình sinh ra trong hang lừa nghèo nàn ở Bê-lem. Nguyên Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã suy niệm về những mục đồng như sau: “Không những họ gần gũi với biến cố theo phương diện bên ngoài, nhưng cả bề trong cũng gần gũi với biến cố này hơn là những người trong thành phố vẫn đang an giấc. Tâm hồn họ không xa mấy với Thiên Chúa đã hoá thành Hài Nhi. Điều này cho thấy họ thuộc về những kẻ nghèo hèn, những tâm hồn thật đơn sơ được Đức Giê-su ca tụng, vì họ được dành riêng để tiếp cận Thiên Chúa (x.Lc 10,21-22). Họ đại diện cho những kẻ nghèo hèn Ít-ra-en, những người nghèo nói cách chung: những con người nhận được sự ưu ái của tình yêu Thiên Chúa”.[2]

Biến cố Giáng Sinh của Chúa cũng đem lại sứ điệp của lòng thương xót của Thiên Chúa với hương hoa của bình an. Khi Chúa sinh ra, các Thiên Thần đã loan báo: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Đấng giàu lòng thương xót đến với con người để ban tặng bình an. Sự bình an mà biết bao nhiêu người đang chờ mong và cần tới. Si-mê-on đã thoả mãn khi được nhìn thấy Chúa, và xin cho ra đi trong an bình. Các mục đồng đơn sơ đã vui mừng siết bao, khi được nhìn thấy Hài Đồng Giê-su, vua Bình An được quấn tã và đặt nằm trong máng cỏ đơn sơ. Bình an của Chúa Giê-su là bình an mà trần thế không thể nào đem đến được: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

Sự bình an này được ban tặng rất âm thầm. Đó cũng là cách diễn tả của lòng thương xót của Thiên Chúa qua biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su. I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-cia đã nhận ra điều đó và đã nói rằng, Chúa Giê-su Ki-tô đã bước ra từ sự thinh lặng của Cha trên trời.[3] Thánh Giáo Phụ này hướng đến một đoạn trong sách Khôn Ngoan:

“Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng,

lúc đêm trường chừng như điểm canh ba,

thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài

đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường

xông vào giữa miền đất bị tru diệt,

mang theo bản án không thể huỷ của Ngài

như lưỡi gươm sắc bén” (Kn 18, 14-15).

Thiên Chúa, Đấng như ở rất xa con người, và Đấng mà chúng ta nghĩ rằng, chỉ có thể tôn vinh Ngài trong thinh lặng, giờ đây lại thức giấc ngay trong đêm đen của thế giới chúng ta, Ngài không đến với tiếng hò la, mà Ngài đến từ trong tĩnh lặng, và Ngài – Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và dựng lều ở giữa chúng ta (x.Ga 1, 1.14).

Hàn Mặc Tử, một nhà thơ Công Giáo, trong bài “Đà Lạt Trăng Mờ”, đã viết:

“Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu

Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!

Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt

Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,

Để nghe dưới đáy nước hò reo,

Để nghe tơ liễu rung trong gió,

Và để xem người giải nghĩa yêu”.

Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, bước vào thế giới này trong tĩnh lặng, nên chúng ta chỉ có thể cảm nhận được lòng thương xót, và lắng nghe Thiên Chúa giải nghĩa chữ yêu được toả lan từ hang Bê-lem, khi chúng ta không nói nhiều, không ồn ào, và đi vào thing lặng, nơi đó Đấng giàu lòng thương xót đang chờ đợi chúng ta.

Tóm lại, đã hai ngàn năm qua rồi, câu chuyện Giáng Sinh không đánh mất đi sự thuyết phục của nó. Ngược lại ngày càng lan rộng khắp mọi nơi trên thế giới. Biết bao văn hoá và dân tộc, dù là Ki-tô giáo hay không phải Ki-tô giáo vẫn mừng vui câu chuyện Giáng Sinh với những sắc thái riêng biệt, từ món ăn Giáng Sinh đến các tục lệ mừng ngày Giáng Sinh. Thánh Phan-xi-cô thành A-si-si là người đầu tiên đã dựng nên cảnh hang đá Giáng Sinh, để rồi qua hình ảnh dễ thương của hang lừa với Hài Nhi Giê-su, Mẹ Maria, Thánh Giu-se, các mục đồng cùng chiên lừa, các thiên thần và ba vua đã diễn tả cách sống động hình ảnh của Thiên Chúa nhân hậu giàu lòng thương xót. Hôm qua, hôm nay và mãi mãi ngày sau, ánh sáng của lòng thương xót được thắp lên trong hang Bê-lem luôn chiếu sáng, để sưởi ấm và chiếu soi tất cả mọi người, đặc biệt những ai ngồi trong tối tăm. Câu chuyện Giáng Sinh của Chúa Giê-su còn chứa đựng một điều rất quan trọng. Đó là việc Chúa thương xót chúng ta, đến nỗi mặc lấy thân phận con người như chúng ta. Đó là bước vạn dặm của Đấng giàu lòng thương xót.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ

Trở về mục lục


[1]  X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 69.

[2]  RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth, Prolog die Kindheitsgeschichten,Herder Verlag, Freiburg 2012, Bản tiếng Việt của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, NXB. Tôn Giáo 2013, t.103.

[3]  Trích dẫn bởi KASPER W., Barmherzigkeit, t. 70.


9. CON ĐƯỜNG ĐI XUỐNG CỦA ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

Một cách tự nhiên con người chúng ta dồn tất cả mọi sức lực và tìm đủ mọi cách, để không bước vào con đường đi xuống, con đường đau khổ, con đường bất hạnh, con đường nghèo nàn. Là con người, chúng ta luôn chọn cho mình con đường đi lên, con đường tiến thân để vươn lên trong xã hội, trong thế giới này, một thế giới đề cao hiệu quả, đề cao tài năng, đề cao giàu sang, và luôn muốn có thêm quyền lực. Càng lên cao càng tốt, càng hiểu biết nhiều càng hay, tài khoản càng nhiều số thì càng thoả chí… Đó là hướng sống thực tế và rất bình thường của đời người.

Khi bước theo hướng sống đi lên đó, con người luôn coi con đường đi xuống là một thất bại, là một sự thụt lùi tệ hại. Vì thế, những ai nghèo nàn, những ai ngu dốt, những ai không có quyền lực đều bị coi thường, hay nói nhẹ hơn là không được tôn trọng. Đó là dòng chảy rất bình thường của cuộc đời.

Ngược với dòng chảy của cuộc đời.

Ngược với dòng chảy của cuộc đời, Đức Ki-tô đã chọn con đường đi xuống. Đọc trong Tin Mừng, chúng ta thấy rất rõ ràng, Chúa Giê-su đã chọn con đường này. Ngài không chỉ chọn con đường đi xuống một lần, mà thật nhiều lần Ngài thực sự đi xuống, trở nên thấp hèn. Đặc biệt, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, Ngài vẫn chọn con đường đi xuống, con đường đón nhận biết bao khổ đau.[1] Con đường đi xuống của Đức Ki-tô khởi đi từ chính mầu nhiệm làm người của Ngài. Karl Rahner khi suy niệm về mầu nhiệm này đã thốt lên: “Nhưng Chúa đến như thế nào và Chúa đã làm gì rồi? Chúa đã mặc cho Chúa một thân phận làm người và làm cho thân phận của con người thành thân phận của Chúa, giống chúng con mọi đàng: sinh ra từ lòng một phụ nữ, chịu khổ đau dưới thời Pon-ti-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh, chịu chết và chịu mai táng. Chúa đón nhận những điều chúng con chối từ chạy trốn. Qua việc Chúa đến, Chúa đã bắt đầu với những điều, theo thiển ý của riêng con cần phải chấm dứt: đó là cuộc sống của chúng con, là sự bất lực, là sự giới hạn bên trong sâu xa nhất và là cái chết.”[2]

Chúa đã thực sự đi vào trong đời sống rất bình thường của chúng ta, đến nỗi gần như chúng ta không nhận ra Ngài từ giữa những người khác. “Ôi lạy Chúa, Chúa đã gọi mình là Con Người?” Nhưng không chỉ là một Con Người, mà Chúa còn được bọc trong hình hài của kẻ nô lệ, của một người tôi tớ hèn hạ, đến nỗi cuộc đời này coi khinh Chúa và muốn làm gì Chúa thì làm. Ôi thật nhiệm mầu, con đường đi xuống của Đấng giàu lòng thương xót. Thánh Phao-lô đã thấu hiểu được tinh thần đi xuống của Đức Kitô, nên trong bài ca về Đức Giê-su Ki-tô, thánh nhân đã ca ngợi:

“Đức Giê-su Ki-tô

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).

Ở đây, thánh Phao-lô vẽ lên một nét chân dung rất mạnh mẽ và sộng động về Đức Ki-tô, Đấng giàu lòng thương xót. Khởi đầu bài ca, hình ảnh Đức Ki-tô là Thiên Chúa xuất hiện trước mặt thánh Phao-lô, nhưng chúng ta không thể chờ đợi Phao-lô sẽ diễn tả cho chúng ta về Thiên Chúa ở trời cao như thế nào, mà lập tức, Phao-lô đã cho chúng ta nhìn thấy hành động của Thiên Chúa, nghĩa là dẫn chúng ta bước vào con đường đi xuống của Thiên Chúa, của Đức Ki-tô. Con đường đi xuống được bắt đầu với việc Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang.

Đức Ki-tô là Thiên Chúa. Đó là bản chất, là căn tính và là phẩm giá của Ngài, nhưng điều lạ lùng thay, Ngài đã đi xuống thấp hơn với phẩm giá, căn tính và bản chất cao quý của Ngài, nghĩa là Ngài trút bỏ hoàn toàn vinh quang Ngài có, để mặc lấy cái tầm thường và bần cùng nhất của nhân loại. Hành động của Ngài là hành động của tự do, của tự hiến chứ không bị ép buộc gì cả. Và bước vào con đường đi xuống, Đức Ki-tô mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Điều lạ lùng mà các nhà chú giải nhắc tới ở đây, là Phao-lô không nhắc ngay đến tính cách phàm nhân của Đức Ki-tô, mà nhắc ngay đến thân nô lệ của Ngài.[3] Nhưng tại sao? Chúng ta không thể hiểu được, nhưng chúng ta chỉ có thể biết rằng, bởi vì Thiên Chúa muốn thế. Việc Đức Ki-tô mặc lấy thân nô lệ đã làm tỏ hiện sự mâu thuẫn lớn lao giữa hai hình ảnh Thiên Chúa – kẻ nô lệ. Hai hình ảnh này xa nhau ngàn trùng, và không ai có thể nghĩ đến hay so sánh hai hình ảnh đó với nhau, nhưng hai hình ảnh đó được “hội tụ” nơi Đức Ki-tô.

Đó là hành động của Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót, vượt trên mọi suy tưởng của con người trần thế. Con đường đi xuống của Đức Ki-tô thật là một con đường mầu nhiệm, một con đường của tình yêu vượt trên mọi biên giới, mọi khái niệm của ngôn ngữ, mọi lý luận của trí khôn. Ôi sự khôn ngoan của Thiên Chúa! Sự khôn ngoan làm cho Thiên Chúa thành nô lệ, thành người thực sự. Ngài đã tự ý ghi danh vào trong danh sách của nhân loại với một cái tên rõ ràng là Emmanuen, là Giê-su. Ngài đã nhẹ nhàng bước vào hàng lối của muôn người đang lê bước trên mặt đất này. Hơn nữa, Ngài là một Con Người Nô Lệ,[4] để qua đó Ngài giải thoát kiếp người khỏi cảnh nô lệ khổ đau.

Con Người Nô Lệ – Con Người thực thi lòng Chúa thương xót dành cho nhân loại.

Khi hướng nhìn lên Chúa Giê-su – Con Người Nô Lệ – Con Người thực thi lòng Chúa thương xót, chúng ta sẽ nhận ra biết bao điều tuyệt vời Ngài đã thực hiện để diễn tả hình ảnh của Thiên Chúa là tình yêu (x.1Ga 4, 8,16). “Tình yêu này đã được thể hiện hữu hình và đụng chạm đến được trong toàn bộ cuộc sống của Chúa Giê-su. Nhân tính của Ngài không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được trao ban nhưng không. Các mối quan hệ Chúa hình thành với những người tiếp cận Ngài thể hiện một điều gì đó hoàn toàn độc đáo và không thể lặp lại được. Các dấu chỉ Ngài thực hiện, đặc biệt trước những kẻ tội lỗi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, người bệnh, và những người đau khổ, tất cả đều nhằm giảng dạy về lòng thương xót. Mọi thứ nơi Ngài nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Ngài thiếu vắng lòng từ bi.

Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đám đông dân chúng theo Ngài, nhận ra rằng họ đã quá mệt mỏi và kiệt sức, lầm lạc và không ai chăn dắt, đã chạnh lòng thương cảm sâu xa đối với họ (x. Mt 09,36). Trên cơ sở của tình yêu từ bi này, Ngài chữa lành những kẻ đau yếu được mang đến với Ngài (x. Mt 14,14), và chỉ với một vài cái bánh và một ít cá, Chúa đã làm hài lòng đám đông khổng lồ (x. Mt 15,37). Điều làm Chúa Giêsu chạnh lòng trong tất cả các tình huống này không gì khác hơn là lòng thương xót, nhờ đó Ngài đọc được trái tim của những người Ngài gặp gỡ và đáp ứng nhu cầu sâu xa nhất của họ. Khi Ngài gặp bà góa thành Na-im đem con mình đi chôn, Ngài chạnh lòng thương xót trước những đau khổ bao la của người mẹ đau khổ này, và Ngài đã cho kẻ chết sống lại để trao người con lại cho bà (Lc 7,15). Sau khi giải phóng cho người bị thần ô uế ám tại miền quê Ghê-ra-sa, Chúa Giê-su trao cho anh ta nhiệm vụ này: ‘Anh cứ về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.’ (Mc 5, 19). Chúa cũng đã kêu gọi ông Mát-thêu trong bối cảnh của lòng thương xót. Khi đi ngang qua cái quầy của người thu thuế, Chúa Giê-su nhìn chăm chú vào Mát-thêu. Đó là một cái nhìn đầy lòng thương xót tha thứ cho những tội lỗi của người này, một kẻ có tội và là người thu thuế, mà Chúa Giêsu đã chọn – bất kể sự do dự của các môn đệ – để trở thành một trong số mười hai”.[5]

Kế bên hành động thực thi lòng thương xót, Chúa Giê-su còn loan báo sứ điệp về lòng thương xót. “Trong dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giê-su tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót. Chúng ta biết rõ về những dụ ngôn này, đặc biệt là 3 dụ ngôn: con chiên lạc, đồng tiền bị mất, và người cha có hai người con trai (Lc 15, 1-32). Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa được mô tả là tràn đầy niềm vui, đặc biệt là khi Ngài tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là một lực vượt qua tất cả mọi thứ, làm đầy trái tim với tình yêu và mang lại ủi an qua sự tha thứ.

Từ một dụ ngôn khác, chúng ta thấy được một giáo lý quan trọng cho đời sống Kitô hữu của chúng ta. Khi trả lời cho câu hỏi của Phêrô cần phải tha thứ bao nhiêu lần, Chúa Giê-su nói: ‘Thầy không nói bảy lần, nhưng bảy mươi lần bảy mươi lần’ (Mt 18,22). Sau đó, Ngài tiếp tục kể dụ ngôn về người ‘đầy tớ tàn nhẫn’, là người khi bị chủ gọi đến bảo phải trả lại một số tiền rất lớn, anh đã quỳ trên đầu gối mình van xin lòng thương xót. Người chủ hủy bỏ nợ của anh. Nhưng sau đó anh gặp một người đầy tớ bạn chỉ nợ anh một vài xu. Người bạn đến lượt mình cầu xin anh thương xót, nhưng người đầy tớ đầu tiên đã khước từ và ném bạn mình vào tù. Khi nghe chuyện này, người chủ tức giận và đã triệu hồi người đầy tớ đầu tiên trở lại và nói, ‘ngươi không buộc phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ (Mt 18,33). Chúa Giêsu kết luận: ‘Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình’ (Mt 18,35).

Dụ ngôn này chất chứa một giáo lý sâu sắc cho tất cả chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định rằng lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nó trở thành một tiêu chuẩn để xác thực ai là con cái thật sự của Ngài. Nói vắn tắt, chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót vì lòng thương xót đã được thể hiện ra cho chúng ta trước. Tha thứ cho các sai phạm trở thành diễn đạt rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với Kitô hữu chúng ta đó là một mệnh lệnh mà chúng ta không thể thoái thác cho chính mình. Có những lúc dường như thật là khó biết bao để tha thứ! Nhưng tha thứ là công cụ được đặt vào đôi tay mỏng dòn của chúng ta để đạt được sự thanh thản trong lòng. Lướt thắng được cơn giận, thịnh nộ, bạo lực và trả thù là điều kiện cần thiết để vui sống. Vì vậy, chúng ta hãy chú ý đến lời khuyên nhủ của Thánh Tông Đồ [Phaolô]: ‘chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn’ (Ep 4,26). Trên tất cả, chúng ta hãy lắng nghe những lời của Chúa Giêsu, Đấng đã biến lòng từ bi thành một lý tưởng của cuộc sống và là một tiêu chuẩn cho độ tin cậy của đức tin chúng ta: ‘Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được thương xót’ (Mt 5, 7).[6]

Như thế, chúng ta thấy rằng, với lòng thương xót vô bờ, Chúa Giê-su đã làm cho mọi người nhận ra được con đường tuyệt vời của Ngài, con đường đi xuống đổ tràn đầy hoa tình yêu, con đường của kẻ Nô Lệ phục vụ và giải thoát phận người nô lệ của chúng ta.

Phận nô lệ của đời người được giải thoát nhờ Đức Ki-tô.

Việc Đức Ki-tô mặc lấy thân nô lệ đụng tới chiều sâu thẳm của thân phận đời người. Phận người là phận tôi đòi, phận nô lệ.[7] Chúng ta nhận ra điều này qua một số dòng tư tưởng của nhân loại. Trong dòng chảy của các huyền thoại, thì con người thường hay bị các sức mạnh siêu nhiên đe dọa, làm chủ. Các thần thánh này còn chế ngự và bắt ép con người phải thuần phục chúng, và phải mang vác những ách nặng nề và gánh khổ đau. Không mang tính huyền thoại, thì cuộc sống con người được coi như là một xuất hiện bất ngờ và mù quáng. Tại sao con người có mặt trên mặt đất này? Đâu là ý nghĩa của cuộc sống? Đâu là trung tâm điểm của đời người? Đó là những câu hỏi hiện sinh của muôn ngàn thế hệ. Hình như, kiếp người được đưa vào một cuộc chơi tàn ác, cuộc chơi của những kẻ tôi đòi với những sức mạnh siêu nhiên, mà hậu quả luôn luôn là: khổ đau và bất hạnh giành cho phía con người.

Ngoài ra, nếu nhìn đến sức mạnh của sự dữ và của bóng đêm, chúng ta cũng thấy rõ phận nô lệ của con người. Thật vậy, thần dữ không bao giờ buông tha con người. Chúng có thể đến vào lúc nửa đêm, và chúng cũng có thể là người khách đầu tiên gõ cửa vào lúc sáng sớm. Mưu mẹo chúng thì khỏi phải nói. Ngon ngọt, đẹp đẽ và đạo đức, hay chanh chua xấu xa và thối nát, chúng đều có thể mặc vào. Thật vậy, sự dữ hiện diện dưới cả ngàn hình thức. Nó chiếm lĩnh đỉnh cao quyền năng, và ở dưới đáy vực sâu nó cũng hiện diện và nổi bong bóng để đe doạ muôn người. Sự dữ ở mọi nơi và mọi lúc. Con người luôn có thể bị cám dỗ trở thành nô lệ của tiền bạc và vật chất, mà thần dữ dùng như là một trong những phương tiện lợi hại nhất của chúng. Con người cũng khó lòng thoát khỏi nanh vuốt của thần dữ qua những đam mê của nhục dục, của rượu chè, của xì-ke ma túy. Những đam mê đó được thần dữ gắn lên một bảng hiệu rất kêu: Hoan lạc.

Có lần được đi thực tập trong một trung tâm chăm sóc 80 ông nghiện rượu ở gần Melbourne – Úc Châu, tôi đã thấy những phận người đã từng lạc vào cõi hoan lạc đó, để rồi từ từ đánh mất hết mọi sự, mất mẹ mất cha, mất vợ mất con, mất gia đình, mất nghề nghiệp, và cuối cùng là ôm ấp một thân xác bệnh hoạn, một tinh thần tê liệt, và chỉ còn biết sống nhờ vả vào xã hội, vào người khác. Trong số 80 người đó, có cả những người thương gia giàu sụ một thời, cả những người đã từng đi tu một giai đoạn, và cả những người nông dân bình thường. Thần dữ thích mọi hạng người, không trừ một ai. Chúng thích thú, khi thấy vô số người trở nên nô lệ của chúng. Chúng vui mừng, mỗi lần chúng kéo được một linh hồn ra khỏi Vương Quốc của Thiên Chúa, và đưa linh hồn đó vào trong mảnh đất nô lệ chúng đã chuẩn bị.

Đâu dừng ở đó, thần dữ, kẻ thích thú dùng quyền lực, cũng nhử mồi con người với quyền lực và danh vọng. Lịch sử nhân loại đã chứng minh cho những tội ác của những con người thèm khát quyền lực để lại. Lịch sử nhân loại đã viết lên hai từ nô lệ, khi con người bắt đầu học làm con người văn minh, nghĩa là gần 4000 năm nay rồi. Với đôi mắt văn minh, một số người bắt đầu tự cho mình có quyền trên người khác, bắt người khác trở thành kẻ nô tài phục vụ mình, và kẻ nô tài đó không còn được coi là người, mà là một dụng cụ, một phương tiện để đổi trác, để cho mượn, và cả để bán đi nữa chứ. Trang sử nô lệ này dài lắm, hay nói khác đi sự thích thú quyền lực của con người ở mọi thời đại là một đường dài khó mà cắt đức. Đến mãi thế kỷ 20 nghĩa là chính thức vào năm 1926 và 1956, thì cảnh nô lệ mới được dẹp đi trên bình diện quốc tế, vì đến lúc này con người mới thấy nô lệ là một cách xử sự tàn nhẫn vô cùng.

Dù không còn được có nô lệ, nhưng sự khát khao quyền lực của con người vẫn luôn còn. Vì thế, mà hàng triệu người ngã xuống, bị chôn sống dười lòng đất, bị thiêu đốt trong các lò ga. Những vết thương quá lớn này luôn là lời tố cáo mạnh mẽ về tội ác của những người chạy theo quyền lực và danh vọng, và cũng tố cáo thủ đoạn thối nát và bẩn thỉu của thần dữ làm trên con người.

Lời tố cáo này mạnh mẽ hơn, khi chúng ta nhận thấy những kiểu nô lệ mới xuất hiện trong thế giới chúng ta. Vâng, hôm nay chứ không phải ngày hôm qua, trong xã hội văn minh hiện nay của chúng ta chứ không phải ở trong thời xa xưa, biết bao phận người đang trở thành những nô lệ trong hình thức mới rất tàn bạo và rất tinh vi. Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày hoà bình thế giới năm 2015 đã diễn tả nhiều bộ mặt nô lệ hôm qua và hôm nay như sau: “Ngày nay, với sự phát triển tích cực của ý thức con người, nạn nô lệ, vốn được xem như là một tội ác chống lại nhân loại, đã chính thức bị xóa bỏ trên toàn thế giới. Quyền của mỗi người không được bị xem là nô lệ hay phụ thuộc như nô lệ được thừa nhận trong luật quốc tế như là một điều khoản bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, bất chấp cộng đồng quốc tế đã ký kết rất nhiều hiệp ước nhắm tới việc chấm dứt nạn nô lệ dưới nhiều hình thức, và đã khởi động nhiều chiến dịch khác nhau để chống lại nạn này, hàng triệu người ngày nay – trẻ em, đàn ông và đàn bà đủ mọi lứa tuổi – vẫn bị trút bỏ quyền tự do và bị buộc phải sống trong những điều kiện giống như các nô lệ”.[8]

Theo thống kê của tổ chức Walk Free Foaundation được viết trong The global Slavery Index 2014, ước tính hiện nay có khoảng 35,8 triệu người trên khắp thế giới hiện đang sống cuộc sống như một “nô lệ thời hiện đại”.[9] Về những người bị coi là nô lệ thời hiện đại, Đức Phanxicô, trong sứ điệp nhân ngày hoà bình năm 2015, nhắc đến nhiều lao động nam và nữ, cả những người trẻ tuổi, bị nô dịch hóa trong nhiều khu vực khác nhau, dù là chính thức hay không chính thức, từ công việc trong nhà cho đến việc nông nghiệp, từ các nhà máy công nghiệp đến hầm mỏ, tại nhiều nước những quy định về lao động không khớp với những quy định và chuẩn mực quốc tế tối thiểu, hay thậm chí là phi pháp, khi trong hệ thống pháp luật của mình, không hề có những quy định nào bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tiếp đến, Đức Phanxicô cũng hướng tới nhiều người tị nạn, mà trong cuộc phiêu lưu đầy bi kịch đã phải chịu đói khát, đã bị tước bỏ tự do, bị cướp mất của cải hay bị lạm dụng thể lý và tính dục. Trong số ấy, có những người đến được nơi cần đến sau hành trình mệt rã rời với đầy những sợ hãi và không an toàn, thì lại bị giam giữ trong những điều kiện hết sức tàn nhẫn. Ngoài ra, vị cha chung cũng hướng đến những người bị buộc phải đi vào con đường mại dâm, nhiều người trong số họ còn rất nhỏ, nạn nô lệ và nô lệ tình dục;  Đức Phanxicô cũng hướng đến những phụ nữ bị buộc phải kết hôn, những người bị bán trong những vụ kết hôn được sắp xếp, hay những phụ nữ khi chồng chết thì bị chuyển cho một người thân của chồng như tài sản thừa kế, mà không cần biết cô ta có đồng ý hay không. Nhóm người khác mà Đức Thánh Cha hướng tới là những người lớn cũng như trẻ em. Họ là đối tượng của nạn buôn bán cơ phận, bị bắt nhập ngũ,  để xin ăn, để phục vụ cho những hoạt động phi pháp như sản xuất và buôn bán ma túy, hay để phục vụ cho những hình thức trá hình của việc nhận con nuôi mang tính quốc tế. Cuối cùng, Đức Phanxicô nghĩ đến tất cả những ai bị bắt cóc và bị giam giữ bởi những nhóm khủng bố, bị nô dịch hóa cho những mục đích của họ như là những chiến binh, hay trên hết trong những trường hợp các thiếu nữ và phụ nữ, bị sử dụng như là những nô lệ tình dục. Nhiều người trong số này đã biến mất, trong khi những người khác thì bị bán vài lần, bị tra tấn và bị hành hạ hay bị giết.[10]

Lịch sử nhân loại chưa kết thúc. Hôm nay và ngày mai, nạn nô lệ vẫn còn và thần dữ tiếp tục hoạt động tích cực. Thần dữ tiếp cận những con người thích thú làm lớn, thích chạy theo danh vọng. Thần dữ có thể biến họ thành những nô lệ của chúng với quyền lực tối tăm. Và rồi những kẻ nô lệ của thần dữ sẽ làm cho biết bao phận người trở thành nô lệ của tối tăm. Ôi kiếp người! Không lẽ cuộc sống con người sẽ phải loanh quanh luẩn quẩn trong cái vòng quỷ quyệt, cái vòng nô lệ của thần dữ này mãi sao?

Trằn trọc băn khoăn về kiếp nhân sinh, thì gặp được sự hồi âm rất sống động và mạnh mẽ của Trời cao: Đức Giê-su Ki-tô mặc lấy thân nô lệ, và mặc lấy xác phàm của con người chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót đã vào cuộc chơi với con người. Ngài đã bước vào con đường đi xuống gần bên chúng ta, và nhẹ nhàng đụng vào vết thương của chúng ta, để băng bó, để thoa dịu và để chữa lành. Hành động của Ngài là hành động thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, vì yêu thương chúng ta, mà Thiên Chúa đã ban Chúa Giê-su, Người Con duy nhất cho chúng ta. Và vì yêu thương chúng ta, Chúa Giê-su đã vâng lời Cha trên trời với trọn con người của Ngài. Sự vâng lời của Người Con trong sự lớn lao tuyệt vời này, con người chúng ta không thể bắt chước được. Hơn nữa, Người Con viết hoa sống sự vâng lời cách triệt để, đến từ Trời cao chứ không phải từ đất thấp. Sự vâng lời mà Chúa Giê-su thực hiện như đang đứng thật thinh lặng trước thế giới này, và trước mặt muôn muôn người. Sự vâng lời này được thực hiện với sự tự do của Đức Ki-tô. Ngài đã trút bỏ vinh quang và đi vào con đường hạ mình. Cuối chặng đường là vâng lời, nhưng là vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Cái chết là điểm cuối của con đường vâng lời trong sự tự do của Đức Ki-tô. Với Chúa và chỉ với Chúa, cái chết là một hành động của tự do thật. Tuy nhiên, chính cái chết đã chỉ cho chúng ta thấy được rằng, Đức Ki-tô thật sự đã trở nên người như chúng ta. Ngài đã thật sự mặc lấy xác phàm của chúng ta, vì cái chết là số phận giành cho tất cả mọi người thuộc mọi chủng tộc, mọi chủ thuyết. Như thế, mọi người đều đi con đường dẫn đến cái chết. Không ai thoát khỏi đích đến này.[11]

Ai ý thức về sự chết và chết đi, kẻ đó là người. Và ai biết đến câu chuyện của Con Ngườiviết hoa và tin vào Đấng ấy, người đó sẽ tìm được sự tự do xuyên suốt qua cái chết. Sự tự do này được ban bởi Đấng đã chết trên cây Thánh Giá. Vâng, Thánh Giá của Đức Ki-tô trở thành sứ điệp trung tâm mà thánh Phao-lô rao giảng, và chỉ cho chúng ta biết rằng, cái chết của Đức Ki-tô trên Thánh Giá là cái chết đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cr 1,18). Chính sức mạnh của Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót – được biểu lộ trên Thánh Giá giải thoát chúng ta, vì thế Thánh Giá trở thành điều chúng ta hãnh diện, như thánh Phao-lô nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Gl 6,14). Khi hãnh diện về thánh giá Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta đang hãnh diện về Thiên Chúa và hành động cao quý của Ngài, hành động đưa Ngài bước vào con đường đi xuống. Con đường này là một mầu nhiệm đối với nhân loại.

Im lặng và thờ lạy.

Thật vậy, chúng ta không thể hiểu được con đường đi xuống của Đức Ki-tô. Ngài bơi ngược dòng đời, Ngài yêu thương và ôm ấp cái nghèo, Ngài sẵn sàng chọn cái ghế thấp nhất không ai để mắt tới. Ngài là một Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót – ẩn mình trong những nơi hèn hạ nhất, Ngài thầm lặng không có gì nổi bật, và như bất cứ một người nào đó, Ngài bước vào trong hàng lối của chúng ta, cùng lê bước với chúng ta một cách không ngừng nghỉ.[12]

Vâng, con đường đi xuống của Đức Ki-tô không ai có thể thấu hiểu, dù có đặt biết bao nhiêu câu hỏi và luận đề, có mày mò lý luận và dùng nhiều cách thức để tìm câu trả lời, thì vẫn phải đối diện với ngõ cụt, kể cả thần học gia danh giá Karl Rahner: “Ngài cần phải đến, để cứu độ chúng con ra khỏi chúng con, và Ngài và một lần nữa chính Ngài là Đấng duy nhất có tự do, và chính Ngài là Đấng vô biên duy nhất đã ‘trở nên như chúng con’. Và dù con có biết rằng Ngài yêu thương và Ngài không bao giờ ngừng là Đấng vô biên, thì con vẫn xin hỏi Ngài rằng: Ngài không sợ hãi trước cái chết của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng không bao giờ chết; không sợ hãi trước sự giới hạn của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng vô biên; không sợ hãi trước sự hào nhoáng bên ngoài giả dối của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng trung thành với sự thật? Có phải Ngài đã tự mình đóng đinh vào tạo vật, bằng cách Ngài đã đón nhận cuộc sống thực của Ngài, một cuộc sống thật gần và thân thiện với cuộc đời, mà trước đó trong cõi xa xăm vĩnh cửu Ngài chỉ đụng tới bóng đêm đàng sau, bóng đêm không có giá trị gì đối với ánh sáng không thể tới gần của Ngài? Có phải thập giá trên đồi Gôn-gô-ta không chỉ là sự tỏ bày của Thánh Giá được chuẩn bị cho Ngài, và Ngài phải mang vác Thánh Giá đó trong mọi nơi và mọi lúc?”[13]

Với trí thông minh đầy giới hạn của con người, chúng ta không thể hiểu được con đường đi xuống của Đức Ki-tô. Đó là điều đáng mừng, vì nếu chúng ta hiểu được điều đó, thì con người chúng ta kiêu hãnh biết chừng nào, và có thể chúng ta lại tự nhủ rằng: “Chẳng có gì đặc biệt, đâu cần đến Thiên Chúa nữa”. Vì thế, thay vì tìm cách lý luận, thay vì mày mò để đưa ra những giả thuyết về mầu nhiệm của con đường đi xuống của Đức Ki-tô, thiết nghĩ chúng ta cần im lặng và thờ lạy Ngài, Đấng đang hiện diện trong hình hài của một em bé được bọc tã nằm trong mang cỏ đơn sơ, Đấng đang chịu treo trên Thánh Giá như một con chiên hiền lành và im lặng. Lặng yên ngắm nhìn Ngài, với toàn bộ con người kính cẩn thờ lạy Ngài, Đấng giàu lòng thương xót.

“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,

Để nghe dưới đáy nước hồ reo.

Để nghe tơ liễu run trong gió,

Và để xem trời giải nghĩa yêu” (Hàn Mặc Tử, Đà Lạt trăng mờ).

Xem, chiêm ngắm và thờ lạy Đấng Yêu Thương, Đấng giàu lòng thương xót. Đó là những hành động tuyệt vời trước Đấng đã chọn con đường đi xuống để đến với chúng ta, Ngài sẽ sẵn sàng và vui mừng bước vào từng ngôi nhà tâm hồn mở rộng đón mời Ngài.

Mở lòng đón nhận.

May thay Thiên Chúa không cho chúng ta hiểu mầu nhiệm của con đường đi xuống, mà cho chúng ta đón nhận hoa quả của con đường đó. Con đường đi xuống của Chúa Giê-su diễn tả lòng thương xót vô bờ và cao quý của Thiên Chúa giành cho chúng ta. Một tình yêu làm cho chúng ta trở nên giàu có: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”. (2 Cr 8,9).

Thánh Tông đồ viết cho các Ki-tô hữu ở Cô-rin-tô để khuyến khích họ quảng đại giúp đỡ các tín hữu ở Giê-ru-sa-lem đang túng thiếu. Những lời này của thánh Phao-lô có ý nghĩa gì?

Chúa Giê-su, vốn là Đấng giàu có, đã trở nên nghèo để làm cho nhiều người trở nên giàu có. Khi sống giữa chúng ta Ngài đã không dùng những đặc quyền vốn thuộc về mình; Ngài đã không xuất hiện như Chúa, mà như người tôi tớ, như kẻ nô lệ. Ngài đã không biểu lộ những đặc quyền vốn thuộc Thiên tính của Ngài. Hơn nữa, Ngài mặc lấy thân xác như thân xác của chúng ta (x.Rm 8,3tt), và mang lấy gánh nặng của tội và án phạt của chúng ta. Chiêm ngắm thêm về mầu nhiệm nhập thể của Chúa, chúng ta thấy đó là một hành động vĩ đại qua việc Con Thiên Chúa tự nguyện trở nên khó nghèo, Ngài chọn cái nghèo làm lẽ sống thay vì sự giàu sang. Đức Ki-tô từ bỏ sự giàu sang trên trời là vinh quang Thiên tính của Ngài, chọn trở nên nghèo khó và xuất hiện trong thân phận người nghèo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ về tâm tình này như sau: “Thiên Chúa không tỏ mình nơi quyền lực và giàu sang của trần thế, nhưng nơi sự yếu đuối và nghèo nàn: ‘Người vốn giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em…’. Chúa Ki-tô, Người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đồng quyền năng và vinh quang với Chúa Cha, đã chọn trở nên nghèo khó; Người đã đến giữa chúng ta và trở nên gần gũi với mỗi người chúng ta; Người đã trút bỏ vinh quang và huỷ mình ra không, để trở nên giống chúng ta trong mọi sự (x.Pl 2,7; Dt 4,15). Thiên Chúa làm người là một mầu nhiệm thật cao cả! Và nguyên nhân của tất cả những điều ấy là tình yêu của Người, một tình yêu là ân sủng, lòng quảng đại, ước muốn trở nên gần gũi, một tình yêu chẳng do dự hiến thân hy sinh cho người mình yêu. Bác ái, tình yêu, có nghĩa là chia sẻ số phận của người mình yêu trong mọi sự. Tình yêu làm cho chúng ta nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và loại bỏ những ngăn cách… Khi tự ý trở nên nghèo, Chúa Giê-su không tìm kiếm cái nghèo vì chính nó, nhưng như thánh Phao-lô đã nói: ‘để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Người’. Đây không phải là một kiểu chơi chữ hay một khẩu hiệu! Nhưng là tóm tắt lô-gíc của Thiên Chúa, lô-gíc của tình yêu, lô-gíc của Nhập Thể và Thánh Giá. Thiên Chúa không làm cho ơn cứu độ từ trời cao rơi xuống cho chúng ta, như ai đó làm phúc bố thí từ của dư thừa, chẳng có ý nghĩa vị tha và đạo đức. Tình yêu của Chúa Ki-tô thì khác! Khi Chúa Giê-su bước xuống sông Giô-đan để cho Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa, Người làm thế không phải vì cần thống hối hay hoán cải; Người làm điều ấy để ở giữa dân chúng là những người cần ơn tha thứ, ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Người đã chọn con đường ấy để an ủi chúng ta, cứu rỗi chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi tình trạng khốn khổ. Thật là ấn tượng khi thánh Tông Đồ nói rằng chúng ta được giải thoát không phải nhờ sự giàu sang của Chúa Ki-tô, nhưng nhờ cái nghèo của Ngài, dù rằng thánh Phao-lô biết rõ ‘những sự phong phú khôn lường của Chúa Ki-tô’ (Ep 3,8), ‘là người được thừa kế mọi sự’ (Dt 1,2)”.[14]

Với tình yêu cao cả vượt mọi bức tường, Chúa đã rộng lượng ban cho nhân loại sự phong phúc khôn lường của Nước Trời, sự giàu sang của Thiên Chúa. Và qua thân xác nhân loại mà Chúa đã đón nhận, Chúa mặc lấy tất cả chúng ta thành chính Ngài. Hơn nữa, qua mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Phục Sinh, Chúa Giê-su đã cho chúng ta được phép trở nên giống Chúa hơn và được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Chúa. Đó cũng là nét giàu có, và cũng là một ân sủng lớn lao mà chúng ta nhận được. Đức Benedicto XVI đã suy niệm như sau: “Thiên Chúa thật lớn lao, đến nỗi Ngài có thể trở nên nhỏ bé. Thiên Chúa thật quyền năng, đến nỗi Ngài có thể trở nên bất lực và trở nên một trẻ sơ sinh và đến với với chúng ta, để chúng ta có thể yêu mến Ngài. Thiên Chúa thật tốt lành, đến nỗi Ngài đã từ bỏ vinh quang của Thiên Chúa, Ngài đi xuống thế gian và hiện diện trong hang lừa, để chúng ta có thể tìm thấy Ngài, và để sự tốt lành của Ngài đụng đến chúng ta, lây lan đến chúng ta, và qua chúng ta sự tốt lành của Ngài tiếp tục ảnh hưởng. Đó là Giáng Sinh. ‘Con là con Cha của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con’. Thiên Chúa đã trở nên một người ở giữa chúng ta, để chúng ta có thể được sống với Ngài, có thể trở nên giống như Ngài. Ngài đã chọn hình hài của trẻ sơ sinh trong máng cỏ như là dấu hiệu giúp chúng ta nhận ra Ngài: Đó là Chúa. Chúng ta quen biết Chúa qua Hài Nhi nhỏ bé này”.[15]

Sau khi sinh ra trong cuộc đời, Chúa Giê-su đã bước vào cuộc đời của chúng ta, và Ngài bắt đầu làm cho nhân loại được giàu có qua chính tình yêu của Ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả như sau: “Như thế đâu là cái nghèo mà Chúa Giê-su dùng để giải thoát chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giàu sang? Đó là cách Người yêu thương chúng ta, cách Người trở nên người thân cận của chúng ta như người Samaritanô nhân lành đến gần người bị bỏ mặc dở sống dở chết bên vệ đường (x.Lc 10,25tt). Điều mang lại cho chúng ta tự do đích thực, ơn cứu độ đích thực và hạnh phúc đích thực là lòng thương xót, nhân lành và chia sẻ của tình yêu của Người. Cái nghèo của Chúa Ki-tô làm cho chúng ta nên giàu có là ở chỗ Người đã làm người, mang lấy những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta để bày tỏ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta”.[16]

Qua đó, chúng ta thấy rằng, khi Chúa Giê-su làm cho cuộc sống của chúng ta trở thành cuộc sống của Chúa, cuộc sống của chúng ta với tất cả những thực tế của nó, thì cuộc sống của chúng ta đã được mang một hương hoa khác. Hương hoa của tình yêu và lòng thương xót. Khi Chúa Giê-su để cho cuộc sống của Chúa cứ thế mà chạy dài trên trái đất này, giống như cuộc sống của chúng ta, thì cuộc sống đầy giới hạn này của chúng ta tìm thấy lối thoát, vì Chúa đã mở ra cho chúng ta một hướng đích xuyên suốt qua con đường hẹp, con đường vượt qua Sa mạc khô cằn, và Biển Đỏ nhiều hiểm hoạ, và cả con đường dẫn đến sự chết. Khi Chúa cẩn thận chạm vào cuộc sống của chúng ta, để không có giọt nước mắt khổ đau nào, và của giới hạn đầy nặng nề nào bị trào ra khỏi chén đắng cuộc đời, và hơn nữa Chúa còn uống chén đắng khổ đau đó, thì chén đắng của nhân loại được biến đổi trở thành chén nồng say của tình yêu đem lại ơn cứu rỗi. Khi Chúa để những guồng máy đầy bạo lực và dã man của nhân loại đui mù này, cũng như sự ác độc vô nhân của con người đi vào cuộc sống của Chúa, là lúc Chúa làm cho con người chúng ta thoát khỏi gọng kìm của Sa-tan và thần dữ, của ác độc và bất nhân. Ách nặng nề của cuộc đời được biến thành ách nhẹ nhàng nơi Chúa Giê-su.

Ôi giàu có biết bao nhiêu, hỡi con người được Chúa yêu thương, một Thiên Chúa trở nên nghèo nàn, để làm cho chúng ta trở nên giàu có.

Thật vậy, qua tình yêu rất cụ thể, Thiên Chúa đã đi bước trước, để làm cho chúng ta được giàu có, để chúng ta được đón nhận biết bao hồng ân cao quý. Hồng ân được gặp Chúa, hồng ân được hiệp thông với Chúa, hồng ân được trở nên người thân của Chúa, là anh em của Chúa trong một gia đình, là con của Cha trên trời với Đức Ki-tô là Anh trưởng tử. Đọc tiếp tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta thấy: “Sự giàu sang của Chúa Giê-su ở chỗ là Con Thiên Chúa; tương quan độc nhất của Người với Chúa Cha chính là đặc ân cao cả nhất của Đấng Mê-si-a nghèo khó này. Khi Chúa Giê-su mời gọi chúng ta mang lấy ‘ách nhẹ nhàng’ của Người, Người mời gọi chúng ta trở nên giàu có thêm bằng ‘cái nghèo giàu sang’ và ‘sự giàu sang nghèo khó’ của Người, chia sẻ Thần Khí con thảo và huynh đệ của Người, trở nên con cái trong Người Con, và anh chị em trong người Anh Trưởng Tử (x.Rm 8,29). Người ta bảo rằng chỉ có một điều đáng tiếc thực sự, đó là không được nên thánh (L. Bloy); chúng ta cũng có thể nói rằng chỉ có một sự khốn khổ thực sự, đó là không sống như con cái Thiên Chúa và như anh chị em của Chúa Ki-tô”.[17]

Khi ý thức mình là anh em của Chúa Giê-su, và là con của Cha trên trời, chúng ta mới càng ngạc nhiên hơn với sứ điệp từ trời cao gởi đến cho chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban cho Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Với tất cả tâm hồn, chúng ta đọc những lời này, và chúng ta hướng nhìn lên trời cao, hướng nhìn lên Cha trên trời, Đấng yêu thương chúng ta, chúng ta có thấy mình xứng đáng được yêu thương không? Hơn nữa, Cha trên trời còn ban cho chúng ta Con Một của Ngài, là Chúa Giê-su. Đó là người con yêu dấu của Ngài. Một tình yêu cao quý, một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu lớn hơn tất cả mọi tưởng tượng của con người. Vâng, chúng ta chẳng xứng đáng được như thế, nhưng Cha trên trời vẫn ban tặng cho chúng ta “Món Quà” quý giá trên hết mọi món quà của trần gian. Chúng ta có ý thức đón nhận Chúa Giê-su không? Ngài là ai đối với chúng ta? Ngài có là “Gia Tài” lớn nhất của chúng ta không? Ngài có là tất cả đối với chúng ta không? Trong lịch sử nhân loại, cũng đã có những người cảm nghiệm và ý thức được điều này, như Thánh Nữ Teresa thành Avila, Thánh I-nhã thành Loyola, Mẹ Teresa thành Can-cút-ta, và còn biết bao nhiêu người khác. Với họ, “Chúa là tất cả của tôi”.

Là anh em của Chúa Ki-tô và là con của cha trên trời, còn diễn tả một hồng ân cao quý là chúng ta được tham dự vào sự sống vĩnh cửu với Chúa. Đó là sự giàu sang mà ai ai cũng ao ước. Karl Rahner đã suy niệm về điều này: “Vì chúng con tự mình không thể giúp mình được, và vì chúng con không thể tự cứu mình thoát khỏi mình được, nên chúng con đã kêu cầu sự hiện diện của Chúa và Chân Lý của Chúa, kêu cầu sự toàn năng của cuộc sống Ngài ngự đến trên chúng con, và cũng vì thế chúng con kêu cầu sự khôn ngoan của Chúa, sự tốt lành của Chúa, lòng nhân từ của Chúa, để rồi khi Chúa đến, Chúa sẽ đập vỡ tất cả những giới hạn của chúng con, Chúa làm cho nghèo nàn nên giàu có, và Chúa cho chúng con, những con người của thời gian, được tham dự vào trong sự vĩnh cửu của Chúa.”[18]

Tham dự vào trong sự vĩnh cửu của Chúa là một món quà làm cho chúng ta trở nên giàu có. Thật vậy, nếu dừng bước và đi vào trong chiều sâu của con người, đụng tới bản chất thật nhưng đầy giới hạn của mình, một phận người nhỏ bé, dễ vỡ và đầy tội lỗi, chúng ta sẽ ngạc nhiên biết bao, khi chúng ta được phép bước vào trong ngôi nhà của Thiên Chúa, khi chúng ta –  những phận đời giới hạn, được Chúa cho phép tham dự vào đời sống vĩnh cửu của Chúa.

Sự ngạc nhiên sẽ lớn hơn, khi chúng ta lắng nghe một sứ điệp từ trời cao gởi đến cho chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban cho Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Với tất cả tâm hồn, chúng ta đọc những lời này, và chúng ta hướng nhìn lên trời cao, hướng nhìn lên Cha trên trời, Đấng yêu thương chúng ta, chúng ta có thấy mình xứng đáng được yêu thương không? Hơn nữa, Cha trên trời còn ban cho chúng ta Con Một của Ngài, là Chúa Giê-su. Đó là người con yêu dấu của Ngài. Một tình yêu cao quý, một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu lớn hơn tất cả mọi “tưởng tượng” của con người. Vâng, chúng ta chẳng xứng đáng được như thế, nhưng Cha trên trời vẫn ban tặng cho chúng ta “Món Quà” quý giá trên hết mọi món quà của trần gian. Chúng ta có ý thức đón nhận Chúa Giê-su không? Ngài là ai đối với chúng ta? Ngài có là “Gia Tài” lớn nhất của chúng ta không? Ngài có là tất cả đối với chúng ta không? Trong lịch sử nhân loại, cũng đã có những người cảm nghiệm và ý thức dược điều này, như thánh Tê-rê-sa Avila, như thánh I-nhã thành Lô-giô-la, Mẹ Tê-rê-sa thành Can-cút-ta, và còn biết bao nhiêu người khác. Với họ “Chúa là tất cả của tôi”.

Lời kết.

Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót, bước vào con đường đi xuống, là Chúa đi hành trình trở nên nghèo, mặc lấy thân phận làm người, mặc lấy thân nô lệ. Và trên con đường tưởng như là vô nghĩa này, và con người ai ai cũng lánh xa, Chúa đã giải thoát từng con người được Chúa yêu thương. Ai mang phận người khổ đau, hãy nhìn kìa Chúa cũng mang phận khổ đau như bạn. Ai chịu kiếp tôi đòi nô lệ, xem kìa, Đức Ki-tô cũng chia sẻ kiếp nô lệ tôi đòi như bạn. Ai nghèo đói và rách rưới, không cần thiết phải mặc cảm, vì Chúa Giê-su còn nghèo hơn cả bạn. Hành trình đi xuống của Đức Ki-tô là một hành động tuyệt vời và lớn lao của Thiên Chúa, hành động của tình yêu đến nỗi trút bỏ tất cả, đến nỗi quên cả thân mình, để trở nên không không, trở nên nghèo nhất trong mọi người nghèo. Hành động này của Chúa có mục đích, là làm cho chúng ta được nên giàu nhất với gia tài lớn nhất: Chúa Giê-su. Con đường đi xuống của Chúa có đích đến, là mở cho chúng ta – những kẻ bé nhỏ một con đường lên trời, để có thể tham dự vào trong cuộc sống vĩnh cửu của Chúa.

Ôi tuyệt vời thay con đường đi xuống của Đấng giàu lòng thương xót.

Ôi lạ lùng thay tình yêu của Chúa, tình yêu nên nghèo nàn để làm cho người mình yêu nên giàu có.

Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

-------------------------

[1]  X. NOUWEN H., Jesus – A Gospel, Edited and introduced by Michael O´Laughlin, Orbis Books, New York 2001, t.7.

[2]  RAHNER K., « Gott, der da kommen soll », trong ‚Wort ins Schweigen‘, Verlag Filizian, Insbruck 1954, 6.Auflage, s.66-72.

[3]  X. GNILKA J., Der Philipperbrief, Herder Verlag, Freiburg – Basel – Wien 1968, t.119 tt.

[4]  X. GNILKA J., Der Brief an die Philipper, Geistliche Schriftlesung, Patmos-Verlag, Duesseldorf 1969, t.42

[5]  ĐTC. Phanxicô, Tông sắc ấn định năm thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, số 8.

[6]  ĐTC. Phanxicô, Tông sắc ấn định năm thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, số 9.

[7]  X. GNILKA J., Der Brief an die Philipper, Geistliche Schriftlesung, t.43.

[8]  ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2015, số 3. Bản tiếng Việt của Pr. Lê Hoàng Nam SJ., nguồn: dongten.net.

[9]  The global Slavery Index 2014, t.6, nguồn: www.globalslaveryindex.org

[10]  X. ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2015, số 3.

[11]  X. GNILKA J., Der Brief an die Philipper, Geistliche Schriftlesung, t.43-44.

[12]  X. RAHNER K., « Gott, der da kommen soll », trong ‚Wort ins Schweigen‘, Verlag Filizian Insbruck, 1954, 6.Auflage, s.66-72.

[13]  X. RAHNER K., « Gott, der da kommen soll », trong ‚Wort ins Schweigen‘, Verlag Filizian Insbruck, 1954, 6.Auflage, s.66-72.

[14]  ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp mùa Chay 2014, số 01. Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org

[15]  BENEDIKT XVI, Die Heilige Schrift, Meditation zur Bibel, t.198.

[16]  ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp mùa Chay 2014, số 02.

[17]  ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp mùa Chay 2014, số 02.

[18]  X. RAHNER K., « Gott, der da kommen soll », trong ‚Wort ins Schweigen‘, Verlag Filizian Insbruck, 1954, 6.Auflage, s.66-72.


10. CHÚA GIÊ-SU RAO GIẢNG VÀ SỐNG TINH THẦN LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA CHA

Phúc Âm Thánh Mác-cô bắt đầu với sự chú ý: ”Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Mác-cô bêu bật một điều mới xuất hiện và tóm tắt sứ điệp của toàn bộ Tin Mừng qua lời rao giảng của Chúa Giê-su: ”Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,14). Với biến cố giáng trần của Chúa Giê-su, thời gian biến chuyển đã được tiên báo, và thời gian mà nhiều người mong chờ đã đến. Đó là thời gian Nước Trời, Triều đại Thiên Chúa lên đường và đến gần. Nước Trời đến với những sự chữa lành những người đau yếu của mọi thứ bệnh hoạn. Nước Trời đến với sức mạnh tuyệt đối xua đuổi ma quỷ và sự dữ, kẻ gây ra biết bao đau khổ và bất hạnh cho cuộc sống của con người.

Thánh Lu-ca còn nêu rõ hơn nữa, khi ngài diễn tả hình ảnh Chúa Giê-su giảng trong hội đường ở Na-da-rét: “Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh quý vị vừa nghe’. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4, 16-22). Thánh Lu-ca đã nêu bật được hình ảnh của Chúa Giê-su với sứ mạng cao quý của Ngài, sứ mạng đến để đem Tin Mừng lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho muôn người, và đặc biệt là những người nghèo khổ và bất hạnh.

Trong Tin Mừng của thánh Mát-thêu, chúng ta tìm thấy một đoạn tương tự. Khi các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả đến với Chúa Giê-su và hỏi Ngài, Ngài có phải là Đấng cần đến không. Chúa Giê-su đã liên hệ đến một câu trong sách của tiên tri I-sai-a (61,1) để diễn tả: ”Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11, 4-6). Sứ mạng của Chúa Giê-su trong Phúc Âm của Mát-thêu là sứ mạng trao ban lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại, lòng thương xót có sức chữa lành và nâng đỡ. Cũng trong tinh thần này, Đấng Mê-si-a luôn luôn chú ý đến những người nghèo khổ, những người đang cần đến sự giúp đỡ và những anh chị em nhỏ bé không được chú ý tới.

Như thế, theo tinh thần của các tác giả của Tin Mừng nhất lãm, chúng ta đọc được sự chú ý quan tâm của Chúa Giê-su dành cho những người nghèo khổ và thấp cổ bé miệng: ”Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3) và ”Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6, 20). Với Mối Phúc này, Chúa Giê-su không chỉ hướng đến người nghèo về vật chất, mà Ngài hướng đến tất cả những người bất hạnh và phải gồng gánh nặng nề ở trong mọi phương diện. ”Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Đến đây, chúng ta nên để Đức Phanxicô hướng dẫn chúng ta chiêm ngắm dung mạo thương xót của Chúa Giê-su qua tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16), Thánh Gioan khẳng định như thế lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Tình yêu này đã được thể hiện hữu hình và đụng chạm được trong toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu. Nhân tính của Ngài không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được trao ban nhưng không. Các mối quan hệ Chúa hình thành với những người tiếp cận Ngài thể hiện một điều gì đó hoàn toàn độc đáo và không thể lặp lại được. Các dấu chỉ Ngài thực hiện, đặc biệt trước những kẻ tội lỗi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, người bệnh, và những người đau khổ, tất cả đều nhằm giảng dạy về lòng thương xót. Mọi thứ nơi Ngài nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Ngài thiếu vắng lòng từ bi.

Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đám đông dân chúng theo Ngài, nhận ra rằng họ đã quá mệt mỏi và kiệt sức, lầm lạc và không ai chăn dắt, đã chạnh lòng thương cảm sâu xa đối với họ (x. Mt 9,36). Trên cơ sở của tình yêu từ bi này, Ngài chữa lành những kẻ đau yếu được mang đến với Ngài (x. Mt 14,14), và chỉ với một vài cái bánh và một ít cá, Chúa đã làm hài lòng đám đông khổng lồ (x. Mt 15,37). Điều làm Chúa Giêsu chạnh lòng trong tất cả các tình huống này không gì khác hơn là lòng thương xót, nhờ đó Ngài đọc được trái tim của những người Ngài gặp gỡ và đáp ứng nhu cầu sâu xa nhất của họ. Khi Ngài gặp bà góa thành Naim đem con mình đi chôn, Ngài chạnh lòng thương xót trước những đau khổ bao la của người mẹ đau khổ này, và Ngài đã cho kẻ chết sống lại để trao người con lại cho bà (x. Lc 7,15). Sau khi giải phóng cho người bị thần ô uế ám tại miền quê Ghêrasa, Chúa Giêsu trao cho anh ta nhiệm vụ này: ‘Anh cứ về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào’ (Mc 5,19). Chúa cũng đã kêu gọi ông Mátthêu trong bối cảnh của lòng thương xót. Khi đi ngang qua cái quầy của người thu thuế, Chúa Giêsu nhìn chăm chú vào Mátthêu. Đó là một cái nhìn đầy lòng thương xót tha thứ cho những tội lỗi của người này, một kẻ có tội và là người thu thuế, mà Chúa Giêsu đã chọn – bất kể sự do dự của các môn đệ – để trở thành một trong số mười hai. Thánh Bede Đáng Kính, khi bình luận về đoạn Tin Mừng này, đã viết rằng Chúa Giêsu đã nhìn Mát-thêu với tình yêu thương xót và đã chọn ông: miserando atque eligendo. Thành ngữ này gây ấn tượng mạnh cho tôi đến mức tôi đã chọn làm khẩu hiệu giám mục của mình” (số 08).

Chiêm ngắm Chúa Giê-su, chúng ta thấy Ngài là một Thầy dạy đúng nghĩa trọn vẹn, nên lời giảng của Chúa Giê-su luôn đi đôi với đời sống của Ngài. Lời và đời sống là một nơi Chúa Giê-su. Ngài đã sống tinh thần lòng thương xót của Thiên Chúa cách sống động. Ngài đã chữa lành cho người bị thần ô uế ám, Ngài đã thương nhìn đến và lắng tai nghe người đui mù hành khất kêu xin. Ngài đã tự mình mời người phụ nữ còng lưng đang nghe Ngài giảng trong hội đường ra giữa mọi người, để Ngài chữa lành cho bà, trả lại cho bà sự thẳng đứng của cuộc đời. Ngài đã cảm nhận được sự khổ đau tột bậc không chỉ của thân xác, mà cả tinh thần của người phong hủi, và đã đáp lời anh, khi anh lên tiếng: ”Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Đặc biệt, lòng thương xót được Chúa dành cho những người tội lỗi có lòng ăn năn hối cải: ”Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17).

Người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành, đứng đàng sau sát chân Chúa và khóc. Giọt nước tuôn trào trên đôi chân Chúa. Ngài không rút chân lại, mà Ngài vẫn để vậy, đến nỗi những giọt nước mắt kia làm ướt đẫm chân Chúa. Không chỉ thế, quỳ xuống người phụ nữ dùng mái tóc để lau chân Chúa. Chân Ngài vẫn không rút lại. Đôi chân ướt đẫm các giọt nước mắt thống hối ăn năn giờ cần được lau khô. Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ chỉ dừng lại ở những giọt nước mắt ăn năn. Nước mắt cần chảy đấy. Nhưng chảy rồi, nước mắt cần được lau khô, được lau sạch, để dọn chỗ cho lòng thương xót tràn đầy sự tha thứ của Chúa. Cũng nổi tiếng tội lỗi, Gia-kêu, một tay thu thuế tham lam, khi gặp Chúa và chính Ngài muốn đến nhà của ông, vì hôm nay ơn cứu độ và lòng thương xót của Chúa cần đến thăm ông, để tha thứ, để thánh hoá và để dọn cho ông một con đường mới. Khi bị treo trên cây Thánh Giá, lòng thương xót của Chúa Giê-su vẫn không hề tắt. Ngài đã lên tiếng với kẻ tử tội có lòng thống hối ăn năn: ”Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43).

Lòng nhân hậu của Chúa Giê-su với người trộm lành diễn tả mạnh mẽ lời của Chúa nói trong Phúc Âm của thánh Mát-thêu:”Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi’” (9,13). Đó là câu trả lời của Giê-su trước lời chỉ trích của người Pha-ri-sêu. Họ không hiểu được tại sao Chúa Giê-su lại có thể ngồi ăn chung với người thu thuế và tội lỗi. Sự gần gũi và chú ý đến người đau yếu, nhỏ bé, tội lỗi làm nổi bật tinh thần xót thương nhân hậu của Thiên Chúa dành cho con người, đặc biệt những người thấp cổ bé miệng.

Cũng gần giống như vậy: ”Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội” (Mt 12, 7). Chúa Giê-su đã đặt lại vấn đề với những người mắng các môn đệ của Ngài, khi các ông bứt lúa ăn trong ngày Sa-bát. Việc phạm lỗi trong ngày Sa-bát chính là điểm chính gây ra tranh cãi. Nhưng thật cương quyết, Chúa đã bênh vực cho các môn đệ của mình. Một lần nữa Ngài đã nêu bật tinh thần căn bản và nền tảng mà Cựu Ước luôn coi là quan trọng: Lòng thương xót thì quan trọng hơn tất cả những nghi thức, và sự xót thương thì có giá trị cao quý hơn việc tuân theo luật của ngày Sa-bát.

Xót thương trong những đoạn vừa nêu nói về những tinh thần: “cảm thông”, “cùng chia sẻ những đau khổ”, “từ bỏ việc kết án người khác”. Xót thương là một thái độ căn bản trong tương quan với anh chị em, với tha nhân bên cạnh. Xót thương cần được biểu lộ rõ ràng trong cách hành xử của người với người, ngay trong ngày thường, đặc biệt thái độ và hành động cần có với anh chị em rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Xót thương như thế nào, chúng ta đọc được trong Mát-thêu 25, 35-36:

“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn;

Ta khát, các ngươi đã cho uống;

Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;

Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc;

Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng;

Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”.

Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta sống tinh thần nhân hậu xót thương. Ngài muốn rằng, chúng ta với sức của mình phải dấn thân cho những anh chị em nghèo khổ và ở trong hoàn cảnh éo le. Những anh chị em đau khổ được kể trong danh sách ở trên đang cần đến sự chú ý và tấm lòng cùng bàn tay nhân hậu của chúng ta. Đó chính là một sự gợi ý rất cụ thể cho chúng ta biết phải sống tinh thần xót thương mà Mối Phúc thứ năm này nhắc tới.

Ngoài ra, những việc làm nhân hậu xót thương là sự diễn tả của thái độ nền tảng bên trong của chúng ta. Vì vậy, mà Chúa Giê-su cũng cảnh báo chúng ta trong Bài Giảng Trên Núi rằng: ”Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6, 2-4).[1]

Như thế, lời giảng và thái độ của Chúa Giê-su với những người bất hạnh chan chứa tinh thần của lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, và lòng thương xót của Thiên Chúa được loan báo cho tất cả mọi người, không loại trừ bất cứ ai. Không chỉ dành cho một số ít người đạo đức và công chính, mà Chúa Giê-su đã mở cánh cửa lòng thương xót cho tất cả mọi hạng người. Chỗ trong Nước Trời được dành cho mọi người. Không có ai bị loại bỏ cả. Thiên Chúa đã thực sự lấy lại sự giận dữ của Ngài, và Ngài đã tạo nên một không gian của lòng thương xót, của tình yêu vô bờ bến.[2]

Đức cố Hồng Y Albert Decourtray, Tổng Giám Mục Lyon, thành viên Hàn Lâm Viện Pháp Quốc, có một bài giảng rất hay với tựa đề Chúa Giê-su và sự tôn trọng người khác, nêu bật hình ảnh của Chúa Giê-su Ki-tô giàu lòng thương xót:

“Không hề có ai tôn trọng người khác như Con Người ấy.

Đối với Người ấy, kẻ khác luôn vượt lên trên và cao quí hơn điều mà các tiền kiến muốn gán cho họ, dẫu đó là định nghĩa của các kẻ làm văn hóa hay bậc thông hiểu lề luật. Người ấy luôn thấy nơi ông hay bà mà Người gặp một chốn hy vọng, một lời hứa sống động, một kẻ có thể phi thường, một người được Chúa gọi để thực hiện một ngày mai tươi sáng, vượt lên trên và bất chấp những giới hạn, tội lỗi và đôi khi là những tội ác của họ.

Có lúc, Người còn nhìn vào thực trạng ấy để mặc khải một sự lạ lùng bí ẩn, để suy niệm và tạ ơn!

Người ấy không nói: Bà ấy lung tung, nhẹ dạ, ngu ngốc, bà cứ mãi xếp nếp theo thói đạo hạnh và tôn giáo địa phương hạn hẹp, ấy cũng chỉ là một thứ đàn bà! Nhưng Ngài đến xin bà một ly nước và khởi đầu bắt chuyện với bà.

Người ấy không nói: Đây là một loại gái hư, một thứ đàn bà bán thân mất nết. Ngài nói: Người nữ ấy có nhiều may mắn để hưởng Nước Chúa hơn những kẻ sống bám tiền của hoặc huênh hoang về nhân đức và hiểu biết của mình.

Người ấy không nói: Người đàn bà nầy chỉ là gái ngoại tình. Người nói: Ta không lên án con. Hãy đi đi và đừng phạm tội nữa.

Người ấy không nói: Người đàn bà tìm cách đụng đến áo mình chỉ là một thứ kinh loạn. Người lắng nghe bà, nói với bà và chữa lành bệnh cho bà.

Người ấy không nói: Bà già ấy bỏ tiền xu cắc vào hòm cúng để giúp sinh hoạt đền thờ là một người đàn bà mê tín. Nhưng Người nói bà ấy thật phi thường và ta cần noi theo gương vô vị lợi của bà.

Người ấy không nói: Bọn trẻ nầy chỉ là những đứa nhãi con. Người nói: Các con hãy để chúng đến với Ta và cố sống giống như chúng.

Người ấy không nói: Người đàn ông nầy chỉ là một thứ công chức hư hỏng, nịnh bợ quyền thế và bóc lột kẻ nghèo để vinh thân phì gia. Người tự đến ngồi vào bàn với người đó và quả quyết rằng nhà ông ta đã nhận ơn cứu độ.

 Người ấy không nói như thói thường dân gian: kẻ mù kia hẳn phải đền tội của hắn hay mọi tội của tổ tiên hắn. Người nói rằng suy nghĩ như vậy là không đúng; Người càng làm cho mọi người, và các tông đồ, các ký lục và Pharisiêu ngạc nhiên, khi tuyên dương ông mù ấy đang hưởng ơn cao quí của Thiên Chúa: Hành động của Chúa phải được thể hiện nơi ông ta.

Người ấy không nói: Người sĩ quan nầy chỉ là một kẻ xâm lược. Người nói: Ta chưa hề thấy một Đức Tin nào như thế trong Ít-ra-en.

Người ấy không nói: Người thức giả nầy chỉ là một loại trí thức tự cao. Người mở đường cho ông ta được tái sinh trong Thánh Thần.

Người ấy không nói: Kẻ nầy chỉ là thứ đạo tặc. Người ấy nói với ông ta: Hôm nay, Ta sẽ ở với con trên Thiên đàng.

Người ấy không nói: Tên Giuđa nầy luôn mãi chỉ là một tên phản bội. Người để cho ông ấy hôn mình và nói với ông: Hỡi bạn của ta.

Người ấy không nói: Tên khoác lác nầy chỉ là một kẻ bội nghĩa. Người ấy nói với ông: Phê-rô, con thương Ta không?

Người ấy không nói: Những thầy cả thượng phẩm nầy chỉ là những phường phán xét bất công, vua nầy chỉ là tên múa rối, tên toàn quyền đó chỉ là đứa khiếp nhược, lớp người đang bêu rêu mình chỉ là một lũ đê tiện, các người lính đang hành hạ mình chỉ là quân bạo hành tra tấn. Người nói: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm…

Người Giê-su đã không bao giờ nói: Không có gì tốt nơi người nầy, nơi người nọ, nơi chốn nầy, nơi môi trường kia…

Trong thời đại chúng ta, hẳn Người sẽ không bao giờ nói: Ấy chỉ là một kẻ cuồng tín, chỉ là một thứ chạy theo mốt tân thời, chỉ là một tên tà phái, phát-xít, vô thần, dị đoan…

Với Người ấy, những người khác, dẫu họ là ai, họ đã làm gì, thuộc thành phần nào, thành tích, danh tiếng họ thế nào, thì luôn luôn họ là những con người được Thiên Chúa yêu thương.

Không hề có người nào trả lời cho những người khác như Con Người ấy. Người ấy là Duy Nhất.

Người ấy là Con duy nhất của Đấng làm cho mặt trời chiếu sáng trên kẻ lành cũng như trên kẻ ác.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa. Xin thương xót chúng tôi, là những kẻ tội lỗi!” [3]

Ngoài ra, trung tâm của sứ điệp lòng thương xót mà Chúa rao giảng và sống, là sứ điệp nói về Cha trên trời. Chúa Giê-su đã gọi cha là Áp-ba – Cha ơi. ”Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su đã cho phép chúng ta cũng được cầu nguyện với Cha Ngài ở trên trời với từ ngữ rất thân thương ”Áp-ba, Cha ơi”. Ngài mở cánh cửa ngôi nhà của lòng thương xót của Thiên Chúa, để chúng ta có thể bước vào gặp gỡ người Cha trên trời giàu lòng xót thương. Cha trên trời giàu lòng xót thương luôn chú ý đến thế giới của chúng ta. Đối với Ngài, chúng ta rất quan trọng và rất quý giá. Tóc trên đầu của mỗi người chúng ta đều được Ngài đếm, trong đôi mắt của Cha chúng ta là những viên ngọc thật quý giá. Cha trên trời giàu lòng xót thương cũng thấu hiểu những gì chúng ta đang cần đến, trước khi chúng ta mở lời với Ngài. Ngài cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Cha trên trời không ở xa chúng ta. Cuộc sống của chúng ta chính là món quà cao quý Cha đã ban tặng. Chúng ta được phép cảm nhận bàn tay nhân từ của Cha luôn ấp ủ, che chở và đỡ nâng chúng ta. Chúng ta được phép kêu lên người Cha giàu lòng thương xót, mỗi khi chúng ta rơi vào trong hố sâu khổ đau, dẫu cho chúng ta là những tội nhân. Thật vậy, mỗi khi chúng ta rơi vào trong hoàn cảnh khổ đau và bất hạnh, Thiên Chúa luôn hướng nhìn và nâng đỡ. Chúng ta đọc được điều này qua một số dụ ngôn của Chúa Giê-su. [4]

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

---------------------

[1]  X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.65-67.

[2]  X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 71-73.

[3]  Cố Hồng Y DECOURTRAY A., bài giảng Chúa Giê-su và sự tôn trọng người khác,Nguyễn Đăng Trúc chuyển ngữ, trích từ tập san Định Hướng, số Mùa Đông 1994.

[4]  X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 74.


11. SỨ ĐIỆP VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA TRONG MỘT SỐ DỤ NGÔN

Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta những dụ ngôn thật đẹp về Cha trên trời, Đấng giàu lòng thương xót. Có thể nhắc đến hai dụ ngôn gây ảnh hưởng rất sâu rộng trong cuộc sống và lịch sử nhân loại. Đó là dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (x.Lc 10,25-37) và dụ ngôn người Cha nhân hậu (x.Lc 15,11-32).

Trong dụ ngôn thứ nhất, Chúa Giê-su muốn giới thiệu cho chúng ta một ví dụ điển hình về lòng nhân hậu của người Samaritanô. Người Samaritanô trong đôi mắt của người Do Thái không phải là người đạo đức, mà họ bị coi thường như là người mang một nửa phần của dân ngoại. Với người Do Thái, người Samaritanô không phải là người thân cận của họ, bởi vì giữa những năm 6 và 9 sau Công Nguyên họ đã làm ô uế những vùng xung quanh đền thờ tại Giê-ru-sa-lem qua việc họ “rải xương người chết” trong thời gian của chính lễ vượt qua.[1]

Đọc lại đoạn Tin Mừng này, chúng ta thấy dụ ngôn kể về một người đàn ông trên đường từ Giê-ru-sa-lem tới Giêricô đã rơi vào tay bọn cướp, bị lột sạch sẽ, và kế đó, bị bỏ nằm bên vệ đường nửa sống nửa chết. Có hai nhân vật vị vọng trong xã hội Do Thái được nhắc tới. Đó là một thầy tư tế và một thầy Lê-vi. Trên đường đi, lần lượt cả hai thấy người bị nạn nằm ở dọc đường, nhưng đều tránh qua một bên và đi tiếp mà không có một lời hỏi thăm. Lòng họ không một chút xúc động và cũng chẳng diễn tả một sự tội nghiệp nhỏ bé nào cả. Một sự vô cảm lạnh lùng của những con người được cho là đại diện cho những luật lệ luân lý và đạo đức, cũng như con người ở gần với bàn thờ Thiên Chúa nhất. Trong khi đó một người Samaritanô cũng đi qua, nhìn thấy nạn nhân bị hại nằm bên đường kia, thì ông làm gì? “Có cái gì đó xảy ra: Trái tim ông ta đập thật mạnh và mở ra. Tin Mừng dùng thuật ngữ mà trong xã hội Do Thái nói về cung lòng và sự chăm sóc của người mẹ. Thấy người này trong tình trạng như thế là cú đánh vào ‘lục phủ ngũ tạng’ của ông ta, chạm đến linh hồn ông ta. ‘Ông ta chạnh lòng thương’, đó là cách mà ngày nay chúng ta dịch lại bản văn, cách này đã làm giảm bớt sinh khí nguyên thủy của bản văn. Tia chóa sáng của lòng thương xót đánh vào linh hồn ông ta, giờ đây, chính ông ta trở thành một người thân cận, không để ý đến bất cứ câu hỏi hay nguy hiểm nào cả. Vì thế, sức nặng của vấn đề thay đổi chỗ này. Vấn đề không còn là người khác có phải là thân cận của tôi hay không. Vấn đề là về bản thân tôi. Tôi phải trở nên người thân cận (của người gặp nạn), và khi tôi làm như thế, thì với tôi người khác được kể như chính tôi…Helmut Kuhn đề nghị một giải thích về dụ ngôn này, mà chắc chắn đi ra khỏi nghĩa đen của bản văn, dĩ nhiên, ông thành công trong việc chuyển tải sứ điệp tận căn của dụ ngôn. Ông viết: ‘Tình yêu bạn bè theo nghĩa chính trị hệ tại vào sự bình đẳng của các hội viên. Ngược lại, dụ ngôn biểu tượng về người Samaritanô tốt lành nhấn mạnh đến sự bất bình đẳng tận căn của chúng: Người Samaritanô, kẻ xa lạ với dân chúng, đối diện với tha nhân vô danh. Người Samaritanô, người giúp đỡ nạn nhân vô vọng của vụ cướp bóc dã man. Dụ ngôn đề nghị rằng agape cắt ngang khỏi mọi đường lối chính trị, như được chúng thống trị bằng nguyên tắc do ut des (tôi cho, để bạn sẽ cho), và vì thế, trình bày đặc tính siêu nhiên của agape. Qua tính lô-gíc theo nguyên tắc của nó, agape không chỉ vượt ra khỏi những đường lối này, nhưng còn có nghĩa lật đổ chúng nữa: Người cuối sẽ lên đầu (x.Mt 19,30) và người hiền lành sẽ được đất làm gia nghiệp (x.Mt 5,5). Một điều khá rõ: Tính phổ quát mới đang đi vào bức tranh, và nằm trên yếu tố mà tận sâu thẳm bên trong, tôi đã sẵn sàng trở nên người anh em với tất cả những ai tôi gặp gỡ mà cần tôi giúp đỡ”.[2]

Trở về câu chuyện, chúng ta thấy nơi người Samaritanô một tâm hồn rung cảm trước con người khổ đau. Tâm hồn rung cảm đã thúc đẩy ông dừng bước, gác lại mọi chuyện ông đang cần lo trước mắt, và”ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10,34-35). Với câu chuyện này, Chúa Giê-su muốn trả lời cho câu hỏi: ”Nhưng ai là người thân cận của tôi?”(Lc 10,29). Không ai khác cả, mà chính là người đang rơi vào khổ đau, người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta hơn cả. Người thân cận đó vượt trên mọi yếu tố gia đình, bạn bè quen biết, hay chủng tộc. Người thân cận là người mà tôi đang nhìn thấy họ gặp nạn và họ đang cần tôi giúp đỡ. Tình yêu và lòng thương xót dành cho người thân cận này vượt trên mọi chuẩn mực và thước đo của con người đặt ra. Dụ ngôn này diễn tả mạnh mẽ về tầm quan trọng của lòng thương xót. Tuy nhiên, sẽ quá vội vàng, nếu ứng dụng dụ ngôn này ngay cho đời sống của tín hữu. Theo nhà Thánh Kinh học Bovon, trước hết người Samaritanô là hiện thân của Chúa Giê-su, Đấng có lòng thương xót nhân loại, và giúp đỡ nhân loại. Tinh thần của Đức Ki-tô được cấy rễ vào trong đời sống Đức Tin của mọi con cái Thiên Chúa, được nảy mầm trên mảnh đất Giáo Hội, và nhờ đó mà lòng thương xót của Thiên Chúa được thực thi trong hành trình sống Đức Tin của họ. Sự liên hệ này có ý nghĩa, vì dụ ngôn này được Chúa Giê-su đưa ra trong bối cảnh tranh luận với một người thông luật, với câu hỏi:”Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” (Lc 10,25). Tiếp đến, Chúa Giê-su đã đưa người thông luật vào trong tinh thần yêu thương đã được dạy trong sách luật: ”Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10,27). Như thế, dụ ngôn về lòng thương xót này liên hệ đến tình yêu của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và yêu thương chúng ta. Thiên Chúa đã đi bước trước, là mẫu gương cho chúng ta. Ngài cũng mời gọi chúng ta biết ý thức thực thi và sống tinh thần của lòng thương xót với người thân cận.[3] Thần học gia Ratzinger cũng nhìn người Samaritanô là hiện thân của Chúa Giê-su, Đấng có lòng thương xót nhân loại, những người bị nạn trên đường. “Nếu nạn nhân bị tấn công là hình ảnh của mọi người, người Samaritanô cũng chỉ là hình ảnh của Đức Giê-su Ki-tô. Chính Thiên Chúa, đối với chúng ta là Đấng xa lạ và lạnh nhạt, đã lên đường để chăm sóc tạo vật bị thương của Người. Thiên Chúa, dù rất xa cách chúng ta, đã làm chính Người trở thành người thân cận của chúng ta trong Đức Giê-su Ki-tô. Ngài đổ dầu đổ rượu lên vết thương chúng ta, một cử chỉ được xem như một hình ảnh ân huệ chữa lành của các bí tích, và Ngài đem chúng ta tới quán trọ, Hội thánh, trong đó, Ngài bố trí sự lo lắng cho chúng ta và cũng trả trước cho cái giá của sự lo lắng này. Chúng ta có thể bỏ qua những chi tiết nhỏ của ngụ ngôn, đã thay đổi từ Giáo phụ này sang Giáo phụ kia. Nhưng cái nhìn cao cả đã cho thấy con người đang nằm cách xa lạ và vô vọng bên cạnh đường trong lịch sử, và chính Thiên Chúa trở nên người thân cận của con người trong Đức Giê-su, là cái nhìn mà chúng ta có thể giữ lại cách vui vẻ, như một chiều kích sâu xa hơn của dụ ngôn mà liên quan đến chúng ta. Vì lý do đó, mệnh lệnh cao cả được diễn tả trong dụ ngôn không bị yếu đi, nhưng giờ đây, chỉ xuất hiện trong uy quyền trọn vẹn của nó. Chủ đề quan trọng về tình yêu, là sức ép thật sự của bản văn, giờ đây chỉ được ban cho chiều sâu trọn vẹn của nó. Vì giờ đây, chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta cũng bị ‘loại trừ’, đang cần sự cứu độ. Tất cả chúng ta cần đến ân huệ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cho chính chúng ta, để về phần chúng ta, chúng ta cũng có thể trở nên ‘những tình nhân’. Chúng ta luôn luôn cần Thiên Chúa, Đấng tự trở nên người thân cận của chúng ta, để chúng ta có thể trở nên những người thân cận”.[4]

Dụ ngôn khác cũng rất quen thuộc là dụ ngôn kể về người Cha Nhân Hậu. Nếu nhìn trong bối cảnh của đoạn văn, thì ở trong chương 15, Lu-ca đặt ba dụ ngôn vào trong một chủ đề lòng thương xót, với sự tranh luận giữa Chúa Giê-su và các người Pha-ri-sêu cùng các Kinh Sư. Họ đã lầm bầm về một chuyện mà họ không thể chấp nhận nơi Chúa Giê-su:”Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15,2). Tiếp đến Chúa Giê-su nêu dụ ngôn đầu tiên về con chiên bị mất (Lc 15,1-7). Dụ ngôn thứ hai nói về đồng bạc bị đánh mất (Lc 15,8-10), và dụ ngôn thứ ba quen thuộc và dài nhất nói về người Cha Nhân Hậu, mà cũng có người nói là dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15,11-32).

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc đến ba dụ ngôn này trong tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa: “trong dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giêsu tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót. Chúng ta biết rõ về những dụ ngôn này, đặc biệt là ba dụ ngôn: con chiên lạc, đồng tiền bị mất, và người cha có hai người con trai (x.Lc 15,1-32). Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa luôn được mô tả là tràn đầy niềm vui, đặc biệt là khi Ngài tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là một lực vượt qua tất cả mọi thứ, làm đầy trái tim với tình yêu và mang lại ủi an qua sự tha thứ” (số 09).

Bây giờ, chúng ta đọc và suy niệm dụ ngôn thứ ba, chúng ta thấy từ ngữ thương xót và công bằng hay công lý không xuất hiện trong dụ ngôn, nhưng nội dung của câu chuyện lại diễn tả cách rõ rệt và mạnh mẽ chủ đề lòng thương xót, qua tình yêu của người Cha nhân hậu dành cho đứa con hoang đàng ngỗ nghịch. Lòng thương xót này của người Cha vượt trên sự công bằng mang tính cách lô-gic bình thường. Tất cả những cử chỉ cao cả và tuyệt vời của Cha, khi thấy con về diễn tả một cách sống động tấm lòng yêu thương của cha dành cho con mình: Trông thấy, chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để. Tiếp đến là những cách hành xử rất tuyệt vời khác, có thể nói tương phản hoàn toàn với thực tế cuộc sống, và cũng vượt trên mọi chờ đợi của người con hoang đàng: Mặc áo đẹp nhất, xỏ nhẫn vào tay, xỏ dép vào chân, bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để mở tiệc ăn mừng. Những thái độ cao cả này đã trả lại cho người con một thời đi hoang quyền làm con và phẩm giá làm người quý báu.

Những cử chỉ cao cả của người Cha và tương quan của Cha đối với người con đã từng bỏ nhà đi hoang không căn cứ vào sự công bằng, không căn cứ vào việc chia tài sản vật chất cho đúng đắn, mà căn cứ vào phẩm giá cao quý của con. Phẩm giá cao quý này chính là thước đo của tình yêu, của lòng thương xót. Ngoài dụ ngôn này, không có các dụ ngôn nào khác mà qua đó Chúa Giê-su diễn tả lòng thương xót cách nổi bật, rõ rệt, mạnh mẽ và sâu sắc. Thật vậy, trong dụ ngôn Cha Nhân Hậu, Chúa Giê-su muốn nói với chúng ta rằng: Ta đã làm như vậy, thì Cha trên trời cũng làm như vậy. Lòng thương xót của người Cha trong dụ ngôn này là sự công chính ở cấp bậc cao hơn. Có thể nói mạnh hơn rằng, sống tinh thần lòng thương xót là sự thực hành sự công bằng cách hoàn hảo nhất. Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ làm cho con người đánh mất giá trị của cuộc sống. Lòng thương xót của Thiên Chúa không để cho con người dù tội lỗi và lầm lỡ biết mấy, đánh mất phẩm giá cao quý làm người. Lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước rất tương hợp dụ ngôn của chúng ta: ”Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33,11).[5]

Giờ đây, xin được suy niệm vào câu chuyện của dụ ngôn này. Chuyện kể về người Cha có hai người con. Người con lớn chăm chỉ làm việc, và một lòng tùng phục cha mình. Còn người con thứ thì ở tuổi thanh xuân, chuẩn bị bước vào cuộc đời, nên anh ta ham chơi, thích phiêu lưu mạo hiểm. Vì thế, dù mới ở tuổi 16 chưa có quyền để đòi của thừa kế, chàng thanh niên vẫn đòi Cha cho mình phần của cải mình sẽ được hưởng. Cậu ấy muốn biến món quà của tương lai xa xôi kia trở nên món quà của giây phút hiện tại. Tương lai cần phải được nắm trong tay ngay lúc này đây. Một kiểu tham lam không đáy của đời người, một cách cao ngạo và phung phí của con người trước những món quà cao quý. Nhưng Cha có cho không? Bình thường chẳng có cha mẹ nào chấp nhận trao món quà cao quý của tương lai cho đứa con chưa đủ lớn, chưa đủ trưởng thành. Nhưng chẳng hiểu sao, người cha trong câu chuyện lại “gật đầu” trước lời xin xỏ quá đáng kia. Phải chăng, người cha không thể từ chối đứa con yêu dấu bất cứ điều gì?

Khi “kho tàng tương lai” đã được nắm trong tay của giây phút hiện tại, điều gì đã xảy ra sau đó? Bước ra khỏi mái nhà thân yêu, lên đường đi phương xa. Chẳng biết có chào tạm biệt cha không, chẳng biết có đi khỏi nhà một cách đàng hoàng hay không, hay lén lút và kín đáo ôm “món quà tương lai” lẻn bước qua cửa sau của nhà mình, để đi vào cửa chính của thế giới vui nhộn đang chờ cậu ta trước mặt?

Ăn và chơi mà không làm, thì dù “món quà tương lai” có lớn kếch sù bao nhiêu, một ngày nào đó túi đầy tràn của ngày đầu tiên bước vào đời sẽ trở nên rỗng tuếch. Thê thảm thay phận người tham lam không đáy mà lại còn thích phung phí của trời! Rỗng tuếch sẽ hoàn rỗng tuếch. Cuối cùng, phận người đó đã rơi vào nơi mà anh ta chẳng bao giờ nghĩ tới, và cũng chẳng bao giờ muốn mơ tới. Nơi đó chẳng còn tiếng cười của bè bạn, nơi đó chẳng còn cốc rượu ngon của ngày nào, nơi đó chỉ còn bóng hình lam lũ cô đơn là chính anh đang ngồi bên cạnh những bóng hình không phải là người: một bầy heo. Con heo trong đôi mắt của người Do Thái là con vật dơ bẩn và gây nên biết bao ô uế. Vì thế, mọi người cần phải tránh xa con thú vật đó, nhưng phần anh ta, cũng là người Do Thái đấy, cũng là con cháu Áp-ra-ham đấy, lại phải sống chung với lũ heo kia. Vẫn biết rằng, anh ta là người chăn heo đấy, nhưng chưa chắc số phận của người chăn heo lại sướng hơn lũ heo đâu. Đọc kỹ, thì thấy đúng là vậy. Trong cơn đói khổ, anh ta ao ước lấy cám heo mà ăn nhưng chẳng ai cho. Nhìn lũ heo ăn xong lăn ra ngủ với cái bụng tròn căng, mà lòng anh quặn đau. May thay, cái đau kia cộng với cái đói đang làm cho bao tử của anh “kêu oan” và đã đánh động lòng anh, bắt đôi mắt anh đang thèm thuồng nhìn bầy heo no say, phải ngẩng đầu hướng nhìn về mái nhà thân yêu của mình, về hình ảnh của người Cha yêu dấu. Chẳng biết tại sao lúc này anh lại nghĩ về Cha, về nhà mình? Phải chăng vì đói, vì ao ước có được bữa ăn no bụng của những người đầy tớ trong nhà anh, nên anh làm thế. Chắc chắn rồi ! Nhưng không chỉ thế. Điều sâu xa thúc đẩy anh hướng lòng về Cha, về ngôi nhà thân yêu của mình chính là tình yêu người Cha dành cho anh. Thật vậy, anh chính là một phần của người Cha. Vì thế, khi cho anh của thừa kế, người cha cũng cho anh chính tình yêu của Cha. Tình yêu đó đồng hành với anh không chỉ trong mái nhà thân yêu của những ngày ấu thơ, mà còn theo anh lên đường đến những nơi anh đi tìm hoan lạc. Và tình yêu đó cũng sẵn sàng chia sẻ số phận lam lũ nghèo hèn của anh, ngay tại chuồng thú hôi hám và dơ bẩn kia. Một tình yêu cao quý và trong sạch của Cha luôn ở bên người con yêu dấu, dù người con đó bị biến dạng như thế nào đi nữa.

Vì người con là một phần của Cha, nên khi người con về tới đầu làng, thì đã thấy bóng dáng của Cha đang đứng trước nhà như đang trông mong mình. Nhưng không chỉ là “như”, mà là thật vậy. Tình yêu đã thúc đẩy Cha hàng ngày ra trước cửa nhà để trông ngóng “một phần” của mình trở về. Và vui sướng biết bao nhiêu, sau bao ngày mong ngóng, thì hôm nay đôi mắt cha thấy bóng dáng kia đang lủi thủi trở về. Nhưng làm sao ông có thể nhận ra hình dáng lam lũ kia, không còn mang chiếc áo sạch sẽ của ngày nào, với tấm thân gầy còm không mang hình hài của người con ngày xưa, đang lê bước với đôi chân trần nặng trĩu của ngày hôm nay? Phải chăng tình yêu đồng hành của Cha luôn trong sáng, đến nỗi không có vết bẩn nào của cuộc đời có thể cản trở làm cho cha không còn nhận ra con mình, dù đứa con đó có ra thế nào đi nữa. Một phần của chính Cha vẫn là một phần của chính Cha mà!

Vì thế, cha đã chạy lại ôm cổ con mình và hôn lấy hôn để. Một tình yêu không sợ ô uế bởi cái mùi phảng phất của lũ heo đang ám ảnh trên thân phận lam lũ kia. Một tình yêu dù chẳng mắc nợ gì, nhưng vẫn trả lại cho con những nụ hôn nồng nàn. Những nụ hôn nồng nàn và không ngừng đó như là tất cả những nụ hôn được cộng lại, tính từ ngày đứa con lên đường đi hoang cho đến ngày trở về hôm nay. Nhưng cái cộng lại đó không chỉ mang tính cách số lượng, mà cao quý hơn còn mang tính cách chất lượng. Chất lượng của lòng, của tâm, của chiều sâu nhất trong Cha. Vâng, Cha đã ôm hôn con với tình yêu của lòng mình dành cho con. Tình yêu tỏa ngát hương thơm trên thân xác hôi hám của đứa con hoang đàng. Thật không có mùi nước hoa nào thơm bằng mùi nước hoa của tình yêu!

Chính lúc ở trong vòng tay của Cha, người con đã thành thật lên tiếng thưa với Cha lời mà anh đã chuẩn bị khi còn là người chăn heo. Anh ta nói gì ?”Thưa Cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”. Một lời ăn năn phát xuất từ tấm lòng sâu thẳm của anh. Chính giây phút anh thốt lên lời này, hai tâm hồn đã gặp lại nhau và ôm hôn nhau thật thắm thiết. Tâm hồn của Cha với tình yêu giàu lòng thương xót, và tâm hồn thống hối ăn năn của người con một thời đi hoang đã tìm lại nhịp đập chung. Âm thanh của nhịp đập chung đó như muốn nói rằng : “con là một phần của chính Cha và Cha là một phần của chính con”. Nhưng tại sao lời nói của anh chỉ có vậy? Dấu ba chấm trong câu để lửng như mang một ý nghĩa gì đó. Đọc kỹ lại lời nói người con chuẩn bị trước đó, mới thấy rằng, phần cuối của câu đã bị cắt đứt. Phần đó diễn tả điều gì? ”Xin coi con như một người làm công cho Cha vậy”. Đây là lời cầu xin mà người con chuẩn bị để thưa với Cha. Nhưng vì bị Cha cắt lời giữa chừng, nên người con không nói hết câu được. Tại sao lại vậy? Phải chăng người Cha thấu biết điều đứa con xin? Chẳng biết nữa, nhưng dù sao một lời cầu xin dù thành tâm đấy, nhưng chưa chắc là hợp lý. Cái hợp lý của tình yêu khác với lô-gic của cái đầu. Làm sao Cha có thể chấp nhận lời cầu xin của đứa con, dù đã từng một thời bỏ Cha, bỏ nhà đi hoang, giờ đây không còn muốn giữ phẩm giá cao quý là con, mà xin xuống làm hàng đầy tớ. Không, không thể chấp nhận được. Cái bỏ lửng với ba dấu chấm sao mà tuyệt vời đến vậy! Ăn năn thống hối và trở về với lòng thành tâm sẽ hoàn lại tất cả những gì đã mất. Hay nói đúng hơn, tình yêu của Cha không thể mất dù người con có “quay lưng”, có chối từ và bỏ đi. Mùi nước hoa tình yêu của Cha một lần đã xức lên thân xác và tâm hồn đứa con, thì mùi hương thơm đó sẽ tồn tại mãi mãi. Không có mùi nào khác trong cuộc đời, dù có hôi có nặng đến mấy, có thể “chiếm chỗ” của hương thơm tình yêu. Cũng thế, hương thơm tỏa ra từ ngày được làm con vẫn thế. Con mãi mãi là con, chứ không có gì đổi thay. “Đầy tớ”, hai chữ này không có chỗ trong tình yêu của Cha dành cho con.

Vì là con, và vì con là một phần của chính Cha nữa, nên giờ đây con phải được tỏ lộ vẻ đẹp cao quý của Cha nơi mình. Không chỉ là cái đẹp của lòng bên trong, mà mọi người cần phải nhìn thấy cả nét đẹp tỏ lộ ra bên ngoài. Cái đẹp của chiếc áo mới, mà lại là áo đẹp nhất nữa chứ. Áo đẹp nhất mới xứng hợp với hương thơm của nước hoa tình yêu đang tỏa ngát trên thân xác và con người cậu. “Cậu” chứ không phải là người xa lạ bên ngoài mới tới. Vì thế, các người làm công và đầy tớ cũng cần phải chú ý vẫn giữ một tấm lòng trân trọng đối với người con của Cha, dù đã một thời lầm lẫn đi hoang. Phải gọi người con đó là “Cậu”, chứ không thể thay đổi gì cả. Cuộc đời có nhiều quá khứ, quá khứ với cái đẹp, quá khứ với cái xấu, quá khứ với an bình, quá khứ với khổ đau. Dù xấu dù đẹp, dù an bình dù khổ đau, nhưng tình yêu vẫn là tình yêu. Mọi sự sẽ qua đi, nhưng tình yêu Chúa mãi mãi tồn tại. Tình yêu của Cha không bao giờ chỉ thuộc về quá khứ. Tình yêu của Cha không bao giờ bị giam hãm trong “chiếc tủ” quá khứ. Tình yêu của Cha làm mới tất cả. Tình yêu Cha có sức mạnh làm cho người con vượt trên xấu và trên đẹp, trên khổ đau và trên an bình, để con vẫn luôn là con, để con vẫn được phép đeo vào chiếc nhẫn cao quý trên tay mình. Khi trở về lại với vị trí làm con, là người con nhận lại được “mảnh đất” cao quý và tràn đầy yêu thương trong nhà cha. Trên mảnh đất đó, người con cần được xỏ vào đôi dép của tình yêu. Đôi dép của lòng nhân hậu giúp cho con lại tiếp tục sống vui trong đời.

Mỗi niềm vui đến mà không được “ăn mừng”, thì sẽ nhanh chóng bị quên đi, bị đẩy lui vào dĩ vãng, và tiếc hơn vì giá trị của niềm vui đó vẫn chưa được khám phá cho đủ. Vì thế, cần phải mở tiệc ăn mừng. Làm sao không ăn mừng được? Đồng bạc đánh mất, và tìm thấy vẫn mở tiệc ăn mừng; con chiên lạc đàn, khi tìm lại, được ăn mừng lớn hơn. Còn người con “đã mất nay tìm thấy, đã chết mà nay sống lại”, thì phải ăn mừng sao cho đủ đây? Phải chuẩn bị bữa tiệc cho thật linh đình, nên cần phải đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Mà lạ thay tại sao lại là “con bê đã vỗ béo” ? Phải chăng, con bê này đã được chăm sóc, đã được “vỗ béo” một cách cẩn thận, và chỉ để dành cho bữa tiệc đón “Cậu” trở về? Một bữa tiệc của tình yêu, một bữa tiệc của lòng thương xót. Bữa tiệc mừng “một phần của chính Cha” đã tìm lại được. Bữa tiệc mừng sự hiệp nhất của tình yêu, bữa tiệc của sự trọn hảo của Cha – Đấng giàu lòng thương xót dành cho con mình.

Để cảm nhận sâu hơn lòng thương xót vô bờ của Chúa qua các dụ ngôn, thiết nghĩ cũng nên suy niệm thêm dụ ngôn về con chiên lạc. Thiên Chúa giàu lòng thương xót luôn ở bên, và sự hiện diện của Chúa luôn đem lại bình an. Hơn nữa, sự hiện diện của Chúa còn mang một năng động lớn, là Ngài – vị Mục Tử nhân lành hay thương xót sẵn sàng lên đường khi cần phải cứu thoát một con chiên đang đi lạc. Thánh Luca diễn tả: ”Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,4-7).

Liên hệ đến đoạn Thánh Kinh này, chúng ta để một vị giáo sư kể dụ ngôn về con chiên lạc sau đây: Người kia có nuôi một đàn chiên. Một hôm có một con chiên tìm thấy một lỗ hổng ở hàng rào nó vội chui qua. Nó chạy nhảy bên ngoài, mải mê vui thú, nó đi xa quên cả đường về. Trời sắp tối, nó giật mình thấy bóng dáng một con chó sói đang rình rập từ một lùm cây bên cạnh. Vô cùng sợ hãi nó chạy bán sống bán chết, nhưng con sói dữ tợn vẫn nai lưng đuổi theo nó.

Khi con sói đã gần kề thì may mắn thay người chăn chiên vừa kịp về đến, đánh đuổi con sói và cứu lấy con chiên, ông vác nó trên vai đem về chuồng. Tất cả mọi người thấy vậy bảo người chăn chiên bít lỗ hổng nơi hàng rào lại đề phòng về sau. Nhưng người này từ chối và cứ để như vậy.

Con chiên lạc trong câu chuyện trên đây chính là mỗi người chúng ta. Thiên Chúa yêu thương dựng nên con người chúng ta có tự do. Thật vậy, không tự do thì không có tình yêu, và tự do sẽ không thật là tự do, nếu thiếu vắng trách nhiệm, mà trách nhiệm thì luôn hướng về Chân Thiện Mỹ. Nhưng khốn thay, ngay từ đầu sự tự do Chúa yêu thương ban, đã bị nhiều người lạm dụng và tiếp tục lạm dụng, nghĩa là nhiều người đã và đang đui mù quay lưng với Chân Thiện Mỹ và chạy theo biết bao cám dỗ của sự dữ, của cái tôi. Hậu quả là sự dữ đã du nhập và tiếp tục du nhập vào thế gian.

Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương thì Ngài yêu thương cho đến cùng. Tình yêu đó được diễn tả mạnh mẽ và rõ ràng qua việc vị Mục Tử không chấp nhận sự nhàn hạ thảnh thơi, không hài lòng với khung cảnh thanh bình trong ngôi nhà và trong thánh đường của Ngài. Mà nếu chỉ nghỉ ngơi và thanh thản ngồi hưởng cảnh yên bình thư thái, thì làm sao có được niềm vui đích thực, vì còn biết bao con chiên đang lạc đàn và đang ở đâu đó trong góc phố đen đủi của cuộc đời chờ đợi ơn cứu rỗi.

Cần phải lên đường, cần phải đứng dậy và rời khỏi nơi yên bình thư thái, để đi tìm cho được con chiên lạc đàn. Thật vậy, niềm vui lớn lao của đời phục vụ là khi tìm thấy những con chiên lạc đàn. Một ngày vất vả ngược xuôi, lao công và vất vả, nhưng thật là vui mừng quên cả mệt nhọc, khi tìm được con chiên lạc và đưa trở về. Đêm về, người mệt lả nhưng lòng thì phấn khởi mừng vui, miệng nở nụ cười sâu lắng của lòng Chúa xót thương. Ôi đẹp thay, hình ảnh của người mục tử vác con chiên lạc đàn trên vai và đưa về lại đàn chiên yêu dấu. Con chiên đó giờ đây được ở bên Chúa, được ở trong thánh đường của Chúa, và sự hiện diện của Chúa luôn đem lại bình an, vì Ngài chính là bình an đích thật, là Đấng giàu lòng thương xót vô bờ bến.

Đó là những dụ ngôn rất rất sống động diễn tả về hình ảnh của Thiên Chúa giàu lòng xót thương với muôn muôn người. Đức Clemens (*50 và +97), một Giáo Phụ đã nói về Cha trên trời giàu lòng thương xót như sau: “Cha tốt lành và nhân từ trong mọi sự luôn có trái tim cho những ai kính sợ Ngài. Cha nhân từ và tốt lành sẵn sàng và vui mừng ban tặng những ân sủng của Ngài cho những người biết chạy đến Cha với tâm hồn ngay thẳng”.[6]Các Giáo Phụ khác cũng luôn nhìn lòng thương xót là bản chất đặc biệt của Thiên Chúa. Như vậy, Giáo Hội tiên khởi đã luôn chú ý đến lòng thương xót của Thiên Chúa mà Thánh Kinh đã diễn tả: ”Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50).”Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an” (2Cr 1,3). ”Vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu” (Gc 5,11).

Ở trên, chúng ta vừa tìm hiểu và suy niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, được Chúa Giê-su rao giảng qua các dụ ngôn, và được sống động trong đời sống của Ngài. Khi Chúa Giê-su giảng dạy về Mối Phúc thương xót này, cũng là lúc Ngài đã hoạ lên một nét rất đẹp và rất quan trọng trong bức chân dung của chính Ngài (self-portrait). Cuộc đời của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm với lời của ngôn sứ I-sai-a: ”Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (x.Mt 8,7 và Is 53,4).[7] Như thế, chúng ta nhận ra rằng, Chúa Giê-su với lòng thương xót vô bờ bến, Ngài luôn bênh vực cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta được Ngài giải thoát và cứu độ, chúng ta cũng được Ngài mời gọi sống tinh thần của lòng thương xót với mọi anh chị em khác.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

----------------------

[1] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.235-236.

[2] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.237-238.

[3] X. BOVON F., Das Evangelium nach Lukas, 2.Teilband – Lk 9,51-14,35, Benzinger Verlag, Zürich 1996, t.82.

[4] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.240-241.

[5] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 74-77.

[6] Trích dẫn bởi KASPER W., Barmherzigkeit, t. 89.

[7] X. CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Beatitudes, eight steps to happiness, t.65.


12. ĐỔI MỚI CUỘC ĐỜI ĐỂ TÌM LẠI HÌNH ẢNH CỦA CHA TRÊN TRỜI, ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

Trên hành trình Đức Tin của chúng ta, khi lắng nghe, nghiền ngẫm và cầu nguyện với Lời Chúa, là chúng ta đang bước vào con đường gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy có lòng thương xót giống như Chúa: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhớ các tín hữu trong trong tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa: “Lòng Thương Xót: là luật cơ bản ngự trị trong con tim của mỗi con người đang nhìn chân thành vào đôi mắt của anh chị em mình trên đường đời” (số 02). “Chúa Giêsu khẳng định rằng lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nó trở thành một tiêu chuẩn để xác thực ai là con cái thật sự của Ngài. Nói vắn tắt, chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót vì lòng thương xót đã được thể hiện ra cho chúng ta trước” (số 09).

Lời mời gọi của Chúa Giê-su và lời nhắc nhớ của Vị Cha Chung tương hợp với lời kêu mời của Chúa trong Bài Giảng Trên Núi: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Lời mời gọi của Chúa Giê-su dành cho chúng ta có lòng thương xót nhân từ giống Thiên Chúa là một lời mời gọi chúng ta đổi mới cuộc đời, bởi vì cuộc đời của con người trong thời đầu tiên đã bị tội lỗi làm nhơ bẩn, qua sự bất tuân phục Thiên Chúa. Tội lỗi tương phản với lòng nhân hậu mà Thiên Chúa ước mong có trong bản chất của con người. Tội lỗi đem lại những hậu quả rất đau thương qua việc Cain đã giết chết em ruột là Aben. Tội lỗi này đã làm méo mó khuôn mặt của con người, làm thay đổi khuôn mặt nguyên thuỷ của con người, khuôn mặt của người con giống hình ảnh Cha trên trời.

Như thế, lời mời gọi chúng ta có lòng thương xót giống Thiên Chúa là một bước đi mạnh mẽ, để tái tạo lại khuôn mặt của chúng ta, con người chúng ta của ngày đầu tiên – người con được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng và mang hình ảnh của Ngài. Lòng thương xót là một nhịp cầu quan trọng để chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa, để chúng ta có thể hiệp nhất với Ngài, người Cha của chúng ta. Lòng thương xót thực là một phần nền tảng trong đời sống của con cái Thiên Chúa. Cha nào con nấy. Nghĩa là chúng ta chỉ có thể là con của Cha trên trời giàu lòng thương xót, khi chúng ta mang trong mình lòng thương xót và thực thi lòng thương xót trong cuộc sống. Nhưng với sức mình, chúng ta không thể tự làm được, mà với ân sủng của Chúa, cụ thể qua chính Đức Ki-tô và công trình cứu độ của Ngài, chúng ta có thể trở nên một tạo vật mới, một con người mới, con người của lòng thương xót.

Thánh Phao-lô đã diễn tả trong thư gởi tín hữu thành Cô-lô-sê, về đời sống mới của chúng ta qua bí tích Thánh Tẩy, và trong sự Phục Sinh của Đức Ki-tô. Trước hết, thánh Phao-lô mời gọi chúng ta chú ý[1]: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,1-3). Nhưng những điều thuộc về hạ giới và những gì thuộc về thượng giới là những điều gì? Thánh Phao-lô đã chỉ ra rõ ràng qua lời kêu gọi tiếp theo:“Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ không vâng phục. Chính anh em xưa kia cũng ăn ở như thế, khi anh em còn sống giữa những người ấy. Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi” (Cl 3,5-9). Khi xa rời những gì thuộc hạ giới, chúng ta những người con cái của Cha nhân từ mang hình ảnh của Cha được mời gọi: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài Thánh Vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3, 12-17).

Những lời nhắn nhủ dạy dỗ của Thánh Phao-lô không chỉ là lời cảnh báo cho giáo đoàn ở Cô-lô-sê thời đó, cần chú ý xa lánh những giáo điều sai lạc từ bên ngoài, mà ngài còn đưa lại cho mọi người bảng hướng dẫn cụ thể, để sống đúng tinh thần là những người có niềm tin, những người mang hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Những lời chỉ dẫn này có giá trị trong mọi thời đại cho đời sống của Giáo Hội, và của mọi cộng đoàn địa phương, bởi vì những ai được đón nhận bí tích Rửa Tội, đều “coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm 6,11). Như thế, bí tích Rửa Tội đối với Thánh Phao-lô không chỉ là một nghi thức đạo đức, mà còn là một huyền nhiệm chứa đựng những điều quan trọng nhất giúp cho người có niềm tin sống đạo theo đúng tinh thần là con của Cha nhân từ, Đấng ngự trên trời. Qua bí tích Rửa Tội, tín hữu đoạn tuyệt hoàn toàn với tội lỗi, nghĩa là con người cũ chết đi, con người cũ mà chúng ta phải mang từ khi A-đam cũ phạm tội; để mặc lấy con người mới qua chính A-đam mới là Đức Ki-tô. Con người mới trong Đức Ki-tô và với Đức Ki-tô tìm lại được hình ảnh của Thiên Chúa trong mình và tràn đầy hương hoa của thượng giới. Hương hoa thượng giới cao quý nhất chính là bác ái, yêu thương, nhân hậu và thương xót, những hương hoa thuộc về bản chất của Cha trên trời, Đấng giàu lòng thương xót.[2]

Như vậy, “khi mặc lấy lòng thương xót, chúng ta trở nên những người mô phỏng hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài. Và cũng thế, khi đón nhận lời kêu gọi của Chúa Ki-tô để bước đi theo Ngài, chúng ta thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa”.[3]

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

-------------------

[1] [1] X. KOEHLER Théodore, từ ngữ Miséricorde, trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, Beauchesne, Paris 1980, c.1313 và c.1315

[2] [2] X. MUSSNER F., Der Brief an die Kolosser, Geistliche Schriftlesung, Patmos-Verlag, Duesseldorf 1964, t. 76-83.

[3] [3] KEENAN J.F., SJ., The Works of Mercy, the heart of catholicism, A Sheed and Ward Book, Plymouth UK. 2008, t.9.


13. ANH EM HÃY CÓ LÒNG NHÂN TỪ, NHƯ CHA ANH EM LÀ ĐẤNG NHÂN TỪ

“Đó là một chương trình sống vừa đòi hỏi vừa phong phú với niềm vui và bình an. Lệnh truyền của Chúa Giêsu hướng đến bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Ngài” (ĐTC. Phanxicô, Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 13).

Qua lời mời gọi này của Chúa Giê-su trong Phúc Âm của thánh Lu-ca, chúng ta thấy rằng, lòng nhân từ hay lòng thương xót chính là nền tảng cho đời sống của người Ki-tô hữu. Thật vậy, Người Ki-tô hữu cần “xót thương như Chúa Cha, vì vậy, là ‘phương châm’ của Năm Thánh này. Nơi lòng thương xót, chúng ta tìm thấy bằng chứng về cách thức Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài trao ban toàn bộ chính Ngài cho chúng ta, luôn luôn, tự nguyện, không yêu cầu hồi đáp. Ngài đến giúp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu khẩn Ngài” (ĐTC. Phanxicô, Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 13).

Lòng thương xót là nền tảng của Ki-tô hữu. Điều này được diễn tả rất sống động trong Tân Ước. Dụ ngôn về người Samaritanô (x.Lc 10,37) được nhắc ở phần trên là một thí dụ điển hình, nêu bật được lòng thương cảm đối với người gặp nạn. Hình ảnh sống động về ngày phán xét trong Phúc Âm thánh Mát-thêu (x.Mt 25,31-46), diễn tỏ rõ ràng rằng, lòng thương xót và nhân từ là điều kiện cần có để được ơn cứu rỗi. Điều răn mới của Chúa Giê-su ban cho các môn đệ là điều răn của lòng thương xót, của tình yêu thương lẫn nhau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Thánh Gia-cô-bê tông đồ, đã nối kết tinh thần sống Đức Tin với lòng thương xót. (x.Gc 2,13-15). Thật vậy, Người môn đệ của Chúa không thể làm ngơ và nhắm mắt trước nỗi khổ của anh em mình:“Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,17-18). Trong thời đầu tiên của Giáo Hội tiên khởi, lòng thương xót và nhân từ được nhấn mạnh qua việc tha thứ cho nhau (x.Cl 3,13), qua việc chia sẻ cho nhau tài sản và của cải (x.Cv 4,34-35), qua việc bố thí hay cứu trợ người nghèo khó (x.Cv 9,36; 10,2.4.31), qua lòng hiếu khách (x.1Tm 5,10), qua việc chôn tang người chết (x.Cv 8,2). Thánh Phê-rô đã đưa ra một lời khuyên sống tinh thần thương xót: “ Sau hết, tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1P 3,8-9). Thánh Phao-lô khuyên nhủ giáo đoàn Rô-ma sống tinh thần bác ái và xót thương: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà. Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người. Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,9-21).

Tất cả những lời khuyên và hướng dẫn trong Lời Chúa làm nổi bật tầm quan trọng của thái độ cảm thông và lòng thương xót mà tín hữu của Chúa Ki-tô cần thấm nhuần và thực thi. Như thế, Giáo Hội của Chúa Ki-tô được xây dựng qua chính những cử chỉ tràn đầy tình thương xót này, mà mọi tín hữu cần ý thức và cố gắng sống qua nhiều hình thức khác nhau.[1]

Ngoài ra, các Giáo Phụ cũng chú ý tới lòng thương xót là nền tảng cho đời sống Đức Tin. Giáo Phụ Hermas thành Roma (giữa thế kỷ thứ 2) trong tác phẩm Người Mục Tử (Le Pasteur) đã nêu ra một bảng hướng dẫn tín hữu thực thi những việc tốt, để qua đó họ sống cho Thiên Chúa: “Nâng đỡ các quả phụ, thăm viếng các trẻ mồi côi và những người bất hạnh, chuộc những kẻ nô lệ là đầy tớ của Thiên Chúa, sẵn sàng đón tiếp khách tìm chỗ trọ, không gây thù hận, bình tĩnh và tự hạ mình trước mọi người, kính trọng những người già cả, thi hành công lý, gìn giữ tình huynh đệ, tương trợ những người bị bách hại, kiên nhẫn, không tức giận, an ủi những tâm hồn bị tổn thương, không bỏ rơi những người bị khủng hoảng về Đức Tin mà giúp đỡ họ, đưa họ về lại con đường chính lộ, đón nhận người tội lỗi trở lại, không chèn ép những người thiếu nợ và những người nghèo khổ…”[2] Một thế kỷ sau đó, Cyprien de Carthade (+258) cũng đã giảng dạy về “Lòng thương xót và việc bố thí”. Lactance (Lactantius, + ca. 325) cũng đã viết một số tác phẩm về lòng thương xót, nhấn mạnh đến việc giúp đỡ người nghèo khổ .[3] Grégoire de Naziane (+ 390) cũng đã nhấn mạnh: “Với tất cả con người, chúng ta hướng về người nghèo khổ và tất cả những ai đau yếu, cũng như tất cả những ai đang chịu đựng khổ đau: …các quả phụ, những em bé mồ côi, những người bị đi đày, những nạn nhân của những ông chủ bất nhân, các nạn nhân của những người chủ vô liêm sỉ, những nạn nhân của những kẻ du côn, của những tên cướp bóc, những nạn nhân của những kẻ thu thuế bất nhân…Tất cả những người bất ngờ rơi vào trong khổ đau, đối với tôi họ cần được đón nhận lòng thương cảm nhiều hơn nữa. Đặc biệt tôi nghĩ đến những nạn nhân của sự dữ thật dễ sợ, thân xác đau khổ của họ đụng tới chúng ta”.[4]

Các Giáo Phụ nhắc đến nhiều thái độ và hành động bác ái được bắt nguồn từ lòng thương xót. Không dừng ở đó, mà Origene và Jean Chrysostome cùng các Giáo Phụ khác còn hướng đến cách sống bác ái trong chiều kích thiêng liêng. Cụ thể qua sự chú ý, thăm viếng, chia sẻ, ủi an những người đau khổ và bất hạnh. Đó là sự bác ái và nâng đỡ tinh thần rất cần thiết cho nhiều anh chị em bất hạnh.[5]

Như thế, Lời Chúa và lời các Giáo Phụ luôn mời gọi các tín hữu chú ý đến lòng thương xót trong cuộc sống, cụ thể qua việc sống tinh thần bác ái, yêu thương nâng đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh và bị bỏ rơi. Trong những anh chị em bất hạnh này, Chúa Giê-su đang hiện diện cách sống động. Khi nâng đỡ họ, là nâng đỡ Chúa Giê-su. Đó là con đường để đạt được ơn cứu độ.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

---------------------

[1]  NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, Beauchesne, Paris 1980,c.1328-1329.

[2]  Trích bởi NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1330.

[3]  X. NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1331-1331.

[4]  Trích bởi NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1331.

[5]  Trích bởi NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1332-1334.


14. THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT, CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN ƠN CỨU ĐỘ

Qua một lời kinh đơn sơ, truyền thống Ki-tô giáo đã nêu bật tinh thần thực thi lòng thương xót. Đó là kinh Thương người có Mười Bốn Mối với hai phần: thương xác bảy mối, và thương linh hồn bảy mối.

Trong Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa số 15, ĐTC. Phanxicô đã nhắc đến lời kinh này như là một ước mơ cháy bỏng: “Trong Năm Thánh này, chúng ta trông đợi những trải nghiệm của việc mở lòng mình ra với những người đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội: Chính cái xã hội hiện đại này tạo ra những vùng ngoại vi như thế… Chúng ta đừng rơi vào sự thờ ơ đáng ô nhục hoặc một thứ quán tính đơn điệu ngăn cản chúng ta khám phá những gì là mới mẻ! Hãy để chúng ta thoát khỏi sự hoài nghi thiếu xây dựng! Chúng ta hãy mở to mắt và nhìn rõ sự đau khổ của thế giới, và những vết thương của những anh chị em chúng ta là những người đang bị từ chối phẩm giá của họ, và để cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta bắt buộc phải chú ý đến tiếng kêu muốn được giúp đỡ của họ!…Ước muốn cháy bỏng của tôi là trong Năm Thánh này, dân Kitô giáo có thể suy tư trên các hoạt động thể lý và thiêng liêng của lòng thương xót. Đó sẽ là một cách để thức tỉnh một lương tâm quá thường khi mờ mịt trước cảnh nghèo đói. Và chúng ta hãy bước sâu hơn vào trung tâm của Tin Mừng nơi người nghèo có một trải nghiệm đặc biệt với lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu giới thiệu với chúng ta những hoạt động của lòng thương xót trong lời rao giảng của Ngài để chúng ta có thể nhận ra liệu chúng ta có đang sống như những môn đệ của Ngài hay không. Chúng ta hãy tái khám phá những hoạt động thể lý của lòng thương xót: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên các hoạt động thiêng liêng của lòng thương xót: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết”. Ngoài các lời của kinh thương người có 14 mối này, thánh Biển Đức còn bổ túc một điều khác trong Hiến Luật mà ngài đã viết ra: “Không bao giờ nghi ngờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa”.[1]

Phần đầu của kinh Mười Bốn Mối là thương xác bảy mối[2] tương hợp với đoạn Thánh Kinh cuộc phán xét chung (x.Mt 25,31-36), với mối thứ bảy chôn xác kẻ chết do Giáo Phụ Lactantius (tk.3) bổ túc. Mối thứ bảy này liên hệ đến hình ảnh của Tobia trong Cựu Ước:“Cơm bánh của tôi, tôi cho người đói khát; quần áo của tôi, tôi cho kẻ trần truồng; nếu thấy ai trong số đồng bào tôi chết và bị quăng thây ra phía sau tường thành Ni-ni-vê, thì tôi chôn cất người đó” (Tb 1,17).[3]

Với thương xác bảy mối này, tín hữu được mời gọi chú ý và cảm thông với những người rơi vào những hoàn cảnh bất hạnh. Cũng như khi thực thi tinh thần thương xác bảy mối này, tín hữu bước ra khỏi cái tôi chai cứng và mù tối của mình, để hướng về người gặp khổ đau, và với tất cả thân xác và tinh thần giúp đỡ họ. Tinh thần của thương xác bảy mối cũng tương hợp với tinh thần của Cựu Ước mà người Do Thái luôn chú ý tới: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,6-7). Như thế, khi sống tinh thần xót thương và bác ái, thì trái tim chai cứng sẽ rời bỏ chốn an toàn và ích kỷ, để lên đường gặp gỡ những người bất hạnh đang đối diện với chúng ta trên đường. Khi chúng ta sống tinh thần xót thương và bác ái, thì chúng ta đang đón nhận lời nhắc nhớ của Vị Cha Chung: “Chính Chúa Kitô đang hiện diện trong mỗi ‘con người bé nhỏ’ này. Thân xác Ngài trở thành hữu hình trong xác thịt của những người bị tra tấn, những người bị chà đạp, những người bị đánh đòn, những người bị suy dinh dưỡng, và những người bị lưu đày… để được thừa nhận, vuốt ve, và chăm sóc bởi chúng ta. Chúng ta đừng quên những lời của thánh Gioan Thánh Giá: khi chúng ta lìa đời, chúng ta sẽ được phán xét trên cơ sở của tình yêu” (Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 15).

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

---------------------

[1] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 143.

[2] Kinh 14 Mối dựa vào Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Theo truyền thống lời kinh này được các Giáo Phụ nhắc đến, đặc biệt thánh Âu-tinh đã chú ý đến. Với thời gian lời kinh này trở thành một lời kinh quan trọng. Phần đầu dựa vào chương 25 của Phúc Âm thánh Mát-thêu – Thương xác bảy mối. Trong bản tiếng Việt là: Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn. Thứ hai: Cho kẻ khát uống. Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm: Cho khách đỗ nhà. Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi. Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết. Nếu so sánh với các bản tiếng La-tinh, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp, sẽ nhận ra một sự khác biệt. Đó là: trong khi bản tiếng Việt nhắc đến Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi, thì các bản văn của các ngôn ngữ khác không nhắc đến điểm này. Các bản của các tiếng vừa nêu ở trên tách điểm thứ bốn thành 02 điểm: Viếng kẻ liệt. Thăm kẻ tù rạc. Như thế cũng có 07 điểm thương xác bảy mối. Về bản tiếng Việt, người viết không biết bản gốc ai đã chuyển ngữ, và tại sao lại có phần Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi. Dù không có sự giải thích, nhưng điểm này mang một ý nghĩa quan trọng trong Thương xác bảy mối.

[3] X. BOPP K., từ ngữ Werke der Barmherzigkeit, trong Lexikon fuer Theologie und Kirche, 10. Band, Herder Verlag, Freiburg 2001, c.1099.


15. THƯƠNG CHO KẺ ĐÓI ĂN, THƯƠNG CHO KẺ KHÁT UỐNG

Những hình thức thương và giúp đỡ thể xác người khác thì muôn hình vạn trạng. Chúa Giê-su tóm tắt tất cả trong một câu khuôn vàng thước ngọc nằm trong Bài Giảng Trên Núi: “Mọi điều các con muốn người ta làm cho mình, thì các con cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Như vậy, nếu tôi đói và muốn người ta cho tôi ăn, thì tôi hãy cho kẻ khác đang đói được ăn.

Nhớ lại thời gian còn là tập sinh, cha Giáo gởi tôi đến làm thực tập trong một trung tâm bác ái Công Giáo nằm trong nhà ga xe lửa của thành phố Munich, Đức Quốc. Một trong những công việc bác ái, là mỗi ngày chúng tôi nhận nhiều tấm bánh mì của các lò bánh mì xung quanh tặng. Sau đó, chúng ta tôi quét chút bơ, rắc chút muối trên từng miếng bánh và phân phát cho những người nghèo, cùng những khách bộ hành thiếu thốn ở trong nhà Ga. Công việc chẳng có gì đặc biệt và mệt nhọc, nhưng mỗi lần thấy những anh chị em nghèo khó đón nhận bánh mì với một ly nước trà nóng trong mùa đông lạnh lẽo, lòng tôi vui mừng lắm. Niềm vui đó mang chiều sâu, khi đọc lời của Chúa Giê-su: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống” (Mt 25,35). Chúa hiện thân trong chính người đói khát kia, và Chúa đang mong chờ những tấm bánh, những ly nước được trao ban. Ý thức được điều này, mà rất nhiều người đã hy sinh và dấn thân, để nâng đỡ biết bao người nghèo khổ không có của ăn. Khi học chuyên môn ở Paris, mỗi tuần một lần được đi làm việc tông đồ trong nhà dòng của các thầy Dòng Bác Ái theo tinh thần của Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta. Được cùng với các thầy và các anh chị em giáo dân hy sinh thời gian, lo nấu những bữa ăn trưa cho những người nghèo khổ, và sau đó dọn bữa ăn và phục vụ cho khoảng 40 người vô gia cư từ khắp mọi nơi của Paris kéo về để cùng ăn, lòng xúc động biết bao. Sự xúc động về sự hy sinh và về tình bác ái thương xót của các thầy và nhiều anh chị em giáo dân. Sự xúc động về lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ hiện thật sống động dành cho những người bị bỏ rơi, những người vì nhiều lý do khác nhau đã rơi vào trong hoàn cảnh vô gia cư và mất tất cả: gia đình, nghề nghiệp, của cải, an toàn, tương lai… Nhưng dù họ mất tất cả, lòng thương xót của Thiên Chúa họ không bao giờ bị mất cả. Một nhà thần học đã nói: “Mọi sự sẽ qua đi, nhưng tình yêu Thiên Chúa mãi mãi tồn tại”.

Các thầy và anh chị em phục vụ những người vô gia cư này làm tôi nhớ lại bài Phúc Âm kể việc Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Chúa đã lên tiếng với các môn đệ, khi các ông nói với Chúa hãy cho đám đông về các làng mạc để kiếm cái ăn, vì trời đã chiều: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16). Lời mạnh mẽ của Chúa giúp cho chúng ta ý thức để sống tinh thần bác ái và thương xót những người nghèo khổ thiếu của ăn. Thật là một Xì-căng-đan, nếu các Ki-tô hữu lắc đầu từ chối giúp đỡ những người đói khổ. Dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó trong Phúc Âm của Lu-ca là một lời cảnh báo đối với chúng ta. (x.Lc 16,19-31). Không có câu chuyện nào thê thảm hơn người phú hộ giàu có chỉ mong muốn được giải thoát khỏi sự khổ đau đời đời, sau khi đã sống một cuộc đời giàu sang với của cải vật chất, nhưng lại chẳng biết xót thương người đói khổ, chẳng màng tới một La-da-rô nghèo đói đang nằm ở trước cổng nhà ông ta: “La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta” (Lc 16,20-21). Đó là thái độ vô cảm của người phú hộ. Thái độ vô cảm và sự giàu sang đã làm cho đôi mắt của ông ta đui mù khi còn sống, để rồi dù thật hối hận ở đời sau, nhưng đã muộn rồi. Phải chăng ông ta đã tự chọn cho mình số phận như thế?

Bài học của người phú hộ keo kiệt và vô cảm là một bài học đắt giá đối với chúng ta, những người có niềm tin vào Chúa và sống trong lòng Giáo Hội. Mỗi năm ít nhất hai lần, Giáo Hội mời gọi chúng ta biết ý thức ăn chay, hãm mình và hy sinh phần nào bữa ăn và của cải, để hướng về những người đói khổ và chia sẻ với họ.[1] Đức Thánh Cha luôn luôn kêu gọi chúng ta trong các sứ điệp của Mùa Chay, cần biết ra khỏi mình và cái tôi ích kỷ của mình, để đến với người đói khổ và chia sẻ lương thực cho họ.

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu xin với Chúa Cha: “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày”. Điều đặc biệt trong lời cầu nguyện này nằm ở chỗ: lời kinh của số nhiều (chúng con), chứ không phải lời kinh của số ít (con). Điều này có ý nghĩa gì?[2] Theo Hamman, điều đó muốn dạy ta phải cầu nguyện chung với những người thiếu thốn lương thực hằng ngày, cũng như phải cầu nguyện cho những người ấy. Đừng quên rằng phân nửa thế giới ở trong tình trạng kém dinh dưỡng. Lời cầu xin này vừa là lời cầu cứu Thiên Chúa, vừa là tiếng gọi những ai đang nắm giữ độc quyền của cải trần gian, vì Thiên Chúa ban cho của cải ấy là ban cho hết mọi người. Đó là lời nhắc nhở những người có của, những nước giàu rằng, họ chỉ là người quản lý của Thiên Chúa, họ phải chịu trách nhiệm phân phối của cải sao cho công bình… Khi cầu xin lương thực như thế, người Ki-tô hữu càng đi sâu vào tấn bi kịch của thế giới, càng đi sâu vào giữa lòng nhân loại hôm nay. Không phải để đổ lỗi cho người Ki-tô hữu, mà để động viên họ luôn ý thức nhận ra khuôn mặt của Đức Ki-tô, Người là Đấng có đủ mọi sự giàu sang mà lại chấp nhận trở nên nghèo nàn, Ngài đang hiện diện nơi anh chị em đói khổ.[3] Chính tinh thần yêu thương, đoàn kết và chia sẻ với những người nghèo khổ là nền tảng để chúng ta có thể sống lời cầu nguyện này trong Kinh Lạy Cha một cách cụ thể hơn. Bằng cách chia sẻ lương thực vật chất thiết yếu cho người thiếu thốn. Trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo có viết : “Nhưng sự tồn tại của những người đang đói cơm bánh cho thấy một chiều sâu khác của lời cầu xin này. Thảm kịch đói khát trên thế giới mời gọi các Ki-tô hữu đang cầu nguyện trong chân lý, phải có trách nhiệm hữu hiệu đối với các anh em, trong cách hành động cá nhân của họ cũng như trong sự liên đới của họ với gia đình nhân loại. Lời cầu xin này trong Kinh Lạy Cha không được tách biệt với các dụ ngôn anh Lazarô nghèo khó (x.Lc 16,19-31) và cuộc phán xét chung (x.Mt 25,31-46)”.[4]

Một hình ảnh khác thật hay nơi các em thiếu nhi học Giáo Lý rước lễ lần đầu ở một Giáo Xứ bên Đức mà tôi có thời gian được giúp. Khi học bài Giáo Lý về Bí Tích Thánh Thể, ngoài những ý nghĩa thiêng liêng, các em còn được hướng dẫn về ý nghĩa xã hội mang tính cách bác ái của Bí Tích Thánh Thể, và các em đã khám phá ra rằng: Mỗi em chính là tấm bánh cần được bẻ ra và chia sẻ cho người khác, đặc biệt cho những người đói khổ.

Tâm tình của các em bé thiếu nhi làm tôi nhớ lại câu chuyện của một người mẹ Công Giáo ở quê hương, mà một người quen đã kể. Câu chuyện kể về người mẹ này trong thời gian đói nghèo của quê hương vào năm 1945. Lúc đó người mẹ đã nhìn thấy bao con người nghèo khổ và đói rách từ miền quê lên Hà Nội, họ lang bạt khắp nơi, chỉ sao tìm được hạt gạo, chén cơm để lót cái dạ rỗng tuếch của mình. Đặt mình trong vị trí của họ và qua đó một cách thẳm sâu người mẹ đã hiểu được họ cần gì. Vì thế, một nồi bắp đã được bắt lên bếp. Bắp chín, mẹ cặm cụi ngồi gói từng cái bắp và lên đường ra đi. Lên đường, đó là một hành động cao cả một người mẹ. Những cái bắp trên rổ xe đạp của mẹ càng lúc càng vơi đi, khi mỗi lần mẹ dừng lại bên hè phố mà một người nghèo đói đang ngồi trông mong.

“Trông mong”. Đó chính là một động từ đi liền với hoàn cảnh của những anh chị em thiếu may mắn. Mẹ đã hiểu được cái ý nghĩa sâu xa của động từ này qua đôi mắt của bao người đau khổ trên quê hương và mẹ đã đáp lời. Cũng như dụ ngôn người Samaritanô tốt lành trong Phúc Âm được Chúa Giê-su kể sau lời kêu gọi: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình ngươi”. Mẹ đã hiểu được người thân cận, người bên cạnh của mình là ai và làm thế nào để chia sẻ tình yêu cho họ. Vì thế, tình yêu với Chúa và với anh chị em thúc đẩy mẹ tiếp tục lên đường. Nồi to lại được bắt lên bếp. Giờ đây không phải là những cái bắp mà là những nắm gạo. Trong đôi tay của Mẹ  những nắm gạo được vo tới vo lui, và cuối cùng một nồi cháo nóng “xuất hiện” trong nhà mẹ, và đang chờ mọi người đói khổ. Bao người tuôn đến. Để tránh mọi người xô đẩy và để cho có trật tự, mẹ đã để nồi cháo trong hàng rào và từng người có thể đến để nhận một chén cháo lót dạ. Của cho và cách cho đã đi đôi với nhau. Đó là tiếng nói của trái tim. Trái tim đã khơi dậy không chỉ một nghĩa cử bác ái là móc ra một vài đồng bạc cho người khác, nhưng trái tim còn nói mình phải làm sao để đồng tiền cho đi vẫn giữ được tình thân và làm thăng tiến con người.

Điều này mẹ đã diễn tả rất cụ thể qua hành động rất cao quý: Trong số những người nghèo đến lấy cháo mỗi ngày, mẹ để ý thấy một em trai khoảng 10 tuổi ngày nào cũng đến xin cháo, nhưng không ăn ngay, em cẩn thận bưng bát cháo về hướng đầu đường. Mẹ cho chị bếp đi theo thì thấy một cảnh tượng rất thương tâm: em bé đó đưa chén cháo về cho người mẹ mới sinh đứa con nhỏ còn yếu không đi được. Em ngồi đó nhìn mẹ húp từng miếng cháo, mẹ em hỏi ăn chưa thì em nói ăn rồi. Chị bếp về nói lại cho người mẹ. Mẹ nghe vậy và gọi em bé đến. Bây giờ em bé phải ăn chén cháo khác. Bao tử em cần phải được no đầy như chính tâm hồn của em tràn đầy tình yêu thương. Sau đó, người mẹ còn lấy cho em một cái bánh bích-quy. Thật tuyệt vời. Đã bao giờ bé thơ nghèo khổ kia được hưởng một tình người dịu ngọt được cụ thể hóa trong cái bánh  bích-quy ngọt ngào. Cảm tạ Thượng Đế nhân từ biết bao, cám ơn tâm hồn của mẹ dịu ngọt dường nào! “Nhưng mỗi ngày chỉ lo cho em như vậy chưa đủ. Làm sao để giúp em lo được cho chính mình? Làm sao để giúp cho tâm hồn non trẻ nhưng đầy trách nhiệm kia thăng tiến và lo được cho người mẹ mới sinh còn đang yếu?”

Đó chính là nỗi suy tư của mẹ. Cái bánh bích-quy đi liền với cái hộp của nó. Nhưng bây giờ bánh bích-quy cần phải biến dạng. “Người bạn” của hộp bánh giờ đây là những hạt đậu phộng rang. Mẹ đã rang đậu phộng và đã cho em bé đi bán mỗi ngày. Một sáng kiến của trái tim. Thật tuyệt vời! Sau mỗi ngày em bé đi bán trở về, mẹ đã cùng em tính toán sổ sách. Mẹ lấy lại vốn và cho em tiền lời. Em bé đã đưa tiền lời đó về và mua gạo nấu cháo cho mẹ của em và cho em bé mới sinh. Và cứ vậy, ngày ngày em lại đến với người “mẹ nhân từ“ để nhận “tiền vốn – đậu phộng rang” và lại lên đường.

Tiền – tiền vốn – tiền lời. Đó là một khía cạnh rất thương mại. Nhưng dưới con mắt và bàn tay của mẹ chúng đã trở thành một điểm sáng: Tiền đã biến thành tình yêu, tiền vốn đã biến thành dấn thân và tiền lời đã trở thành hoa quả của lòng thương xót. Mong sao lòng xót thương tiếp tục nở hoa qua biết bao nhiều tấm lòng nhân ái, để nhờ đó biết bao người đói khát được no đầy, những người rách rưới được có cái mặc và những ai đau yếu được chăm sóc.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

-------------------

[1] X. KEENAN J.F., SJ., The Works of Mercy, the heart of catholicism, t.27-28.

[2] X. NGUYỄN Ngọc Thế SJ, Lời Kinh Cha Mẹ dạy, t.100-104.

[3] X. HAMMAN A. G., Abrégé de la prière chrétienne, Desclée, Paris 1987, t.60.

[4] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Bản tiếng Việt của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2009, số 2831, t.784.


16. THƯƠNG CHO KẺ RÁCH RƯỚI ĂN MẶC

Ở bên Đức, tại mỗi khu phố hay làng mạc đều để các thùng của hội Caritas. Mọi người đều có thể đưa quần áo và giày dép cũ không còn sử dụng vào thùng từ thiện đó. Hội Caritas sẽ chuyển tiếp cho những người nghèo ở các nước khó khăn. Có lần, nghe bà mẹ trong một gia đình nói rằng, trước khi chúng ta đưa quần áo đi để bỏ vào trong thùng từ thiện ấy, thì cần phải giặt sạch sẽ, gấp vào đàng hoàng, bỏ vào bịch và đưa tới thùng từ thiện. Một nét của văn minh tình thương và bác ái mà có lẽ mọi người ai cũng cần phải cố gắng để thực thi. Thật vậy, khi cho kẻ rách rưới ăn mặc là chúng ta đang tôn trọng phẩm giá cao quý của họ. Phẩm giá mà Thiên Chúa đã trao ban cho mọi người. Sách Sáng Thế nhắc tới hình ảnh của A-đam và E-và đã được Thiên Chúa trao ban áo mặc: “Đức Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (St 3,21). Tội lỗi đã dẫn đến hình phạt, nhưng đồng hành với hình phạt là lòng thương xót của Thiên Chúa. Tội lỗi của A-đam và E-và không dẫn hai người tới cái chết, nhưng dẫn tới sự lưu đày. Khi hai ông bà bị lưu đày, thì cả hai được Thiên Chúa giàu lòng thương xót che chở qua chính chiếc áo Chúa đã làm ra và trao ban cho cả hai. Chiếc áo này che chở họ trước gió bão và bảo vệ họ trước những đe doạ hiểm nguy từ bên ngoài.[1] Ở đây, cũng nên nhắc lại tâm tình của Kasper, khi đuổi con người ra khỏi vườn địa đàng, Thiên Chúa đã ban cho con người áo quần mặc, để con người có thể tự che chở trước đe doạ của thiên nhiên, và che đậy sự xấu hổ của con người giữa nhau, cũng như gìn giữ phẩm giá của con người (x.St 3,21).[2] Chiếc áo Thiên Chúa trao ban không chỉ che chở con người, mà chiếc áo đó còn mang ý nghĩa tôn trọng phẩm giá cao quý của con người. Con người có quyền được ăn no mặc ấm. Đó là điều mà mọi người ai cũng ao ước và vì thế chúng ta luôn cố gắng không chỉ lo cho mình được mặc ấm và mặc đẹp, mà còn hướng đến anh chị em nghèo khổ, để theo gương của Thiên Chúa từ nhân, trao tặng cho anh chị em rách rưới những chiếc áo che thân.

Câu chuyện của Thiên Chúa mặc áo cho A-đam và E-và cũng đang được sống động trong cuộc đời thực tế. Câu chuyện của một tu sĩ trẻ trên cánh đồng truyền giáo ở đất nước Lào nghèo nàn diễn tả một niềm vui sâu xa, niềm vui của người môn đệ đi tìm kiếm lại vẻ đẹp của Thiên Chúa trên những khuôn mặt nhỏ bé và nghèo hèn: “Câu chuyện về một chú bé mà em có dịp gặp khi đi thăm làng Navai ở Lào trong một ngày lạnh lẽo. Tụi em đã thấy một chú bé co ro vì không đủ ấm dưới một làn áo đơn sơ giữa thời tiết lạnh giá. Hai anh em tụi em thì được bọc dưới mấy lớp áo ấm mà vẫn thấy lạnh. Một trong hai tụi em đã cho chú bé ‘mượn’ một chiếc áo gió để em mặc cho bớt lạnh. Chú bé trả lại áo cho bọn em sau khi đã thấy ấm hơn. Không lâu sau đó khi có dịp thăm lại làng ấy tụi em đã tặng cho bé một chiếc áo ấm. Chú bé đã rất vui và hạnh phúc về điều ấy. Chú bé còn bày tỏ khao khát được học giáo lý và được rửa tội. Từ kinh nghiệm này mà tụi em đã khởi động chương trình áo ấm cho trẻ em trong hai làng Navai và Mương-phương, dù lúc ấy không có một đồng trong tay. Nhưng tạ ơn Chúa là lúc này tụi em không những có đủ số tiền cho chương trình này mà còn dư ra một ít nữa chứ!”. Chiếc áo ấm của lòng thương xót đã làm cho thân người nhỏ bé và nghèo khó ấm êm. Chiếc áo ấm đưa lại cho lòng người niềm vui đích thật. Niềm vui của em bé nghèo hèn lạnh lẽo được người môn đệ của Chúa thương xót và trân quý. Niềm vui này tương hớp với lời mời gọi của Chúa: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có” (Lc 3,11).

Câu chuyện của người tu sĩ này làm tôi nhớ lại câu chuyện nổi tiếng trong truyền thuyết về thánh Martin thành Tour. Chuyện kể rằng: Một đêm hoàn toàn đóng băng (có lẽ là trời mưa, hoặc tệ hơn là vẫn còn bông tuyết), Martin cưỡi trên lưng ngựa, khoác trên mình chiếc áo choàng màu đỏ rất ấm, khi ông đi đến các bức tường thành phố Amiens, Gaul (ở Pháp). Ở đó, ông phát hiện một người đàn ông nhỏ bé, ngồi trên mặt đất, co ro trong bộ quần áo mỏng manh rách rưới của mình. Người đàn ông muốn cầu xin ai đó giúp đỡ nhưng ông đã bị lạnh cóng, đôi môi dường như đông cứng lại với nhau. Đội quân của Hoàng đế đã đi qua và chỉ cười với ông ta, trước khi họ bước vào một trong các quán bar của thị trấn với những đồ ăn, thức uống và bếp lửa ấm áp. Bây giờ vận may của người ăn xin đã thay đổi, khi Martin rút kiếm cắt tấm áo choàng màu đỏ của mình thành hai mảnh, một nửa dành cho người đàn ông nghèo khổ. Đôi môi của người ăn xin dần dần bớt cóng lại, vì thế ông ta bắt đầu nói “cám ơn”, nhưng Martin đã đi trước đó bởi vì ông là người khiêm tốn và e thẹn. Đêm hôm sau, Martin kể lại, ông có một giấc mơ, dù không ai thực sự biết chắc chắn, bởi vì ông là người duy nhất ở đó, nhưng người ta nói ông mơ đã gặp lại người đàn ông nghèo đó một lần nữa và người ấy chính là Chúa Giê-su, Ngài muốn kiểm tra xem Martin có đúng thực là một người đàn ông tốt hay không. Như vậy, Ngài đã thực sự vui bởi vì Ngài đã nói với ông: “Những gì bạn đã làm cho người đàn ông nghèo này, chính là bạn đã làm cho tôi!”.

Lời cuối cùng của câu chuyện về thánh Martin đưa chúng ta về lại lời của Chúa Giê-su: “Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc” (Mt 25,36). Chúa Giê-su hiện diện trong những anh chị em đang rách rưới, đang trần truồng. Chúa và họ đang cần đến những chiếc áo của lòng nhân ái, để che chở bản thân trước những đe doạ của gió bão, để gìn giữ phẩm giá cao quý của con người. Phẩm giá này không bao giờ mất đi, dù con người có đón nhận những cơn bệnh đau đớn.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

--------------------

[1] X. KEENAN J.F., SJ., The Works of Mercy, the heart of catholicism, t.51

[2] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 52.


17. THƯƠNG VIẾNG KẺ LIỆT

Qua Phúc Âm của Thánh Gio-an người ta vẫn nói, phép lạ đầu tiên Chúa làm là phép lạ ở tiệc cưới tại Ca-na, nhưng nếu đọc Phúc Âm nhất lãm, chúng ta thấy rằng, Lu-ca và Mác-cô đều nêu phép lạ đầu tiên Chúa Giê-su làm là phép lạ chữa lành người bị quỷ ám và chữa lành nhạc mẫu của ông Phê-rô (x.Mc 1,21-31 và Lc 4,31-39). Còn Mát-thêu lần đầu tiên nhắc đến việc Chúa làm phép lạ qua câu: “Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (4,23). Nếu chúng ta đọc lại bốn Tin Mừng, thì Chúa Giê-su luôn chú ý đến những người bệnh và Ngài sẵn sàng nâng đỡ và chữa lành cho họ. Qua đó, Chúa Giê-su được coi là người thầy thuốc tốt lành. Đối với các tông đồ, Chúa Giê-su cũng mong muốn các ông sống tinh thần viếng kẻ liệt, chữa lành người đau yếu.

“Nhóm Mười Hai được sai đi để chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1). Chữa lành là một chiều kích quan trọng của sứ mạng tông đồ và Đức Tin Ki-tô giáo nói chung. Eugen Biser còn đi xa hơn khi gọi Ki-tô giáo là “tôn giáo chữa bệnh”, một tôn giáo chữa lành. Một cách nào đó, điều này diễn đạt nội dung của “cứu độ”…. Trong những phép lạ chữa lành do Chúa và nhóm Mười Hai thực hiện, Thiên Chúa bày tỏ quyền năng nhân từ của Người trên thế gian. Những phép lạ này là “những dấu chỉ” thực thụ hướng đến chính Thiên Chúa, và giúp đưa con người vào trong chuyển động hướng tới Thiên Chúa.[1]

Cùng với Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài, tín hữu được mời gọi chú ý đến những người đau yếu, những bệnh nhân đang cần đến sự quan tâm và yêu thương không chỉ của Thầy Thuốc, Bác Sĩ và Y Tá, mà còn cần đến những người xung quanh, nhất là những người gần gũi trong gia đình, họ hàng, làng xóm…Trên hết, tinh thần viếng thăm và chú ý đến người đau yếu được Chúa Giê-su nhắc nhớ chúng ta, vì chính Chúa đang hiện diện sống động trong những người đau yếu. Nói khác đi, họ chính là hiện thân của Chúa Giê-su: “Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25,36). Khi thánh Rôsa thành Lima bị mẹ trách vì đã đem những kẻ nghèo, những bệnh nhân vào nhà, thánh nữ trả lời: “Khi chúng ta phục vụ người nghèo và người bệnh, là chúng ta phục vụ chính Chúa Giê-su. Chúng ta không được lơ là trong việc giúp đỡ tha nhân, vì chúng ta phục vụ Chúa Giê-su trong anh em”.[2]

Nhưng thăm viếng bệnh nhân như thế nào? Ở đây, không bàn đến khía cạnh chuyên môn trong lãnh vực y tế với cách chữa bệnh và cách giao tiếp với bệnh nhân, nhưng xin được có cái nhìn đơn sơ qua chính hình ảnh của Chúa Giê-su. Đọc lại câu chuyện Chúa Giê-su với mẹ vợ của Si-môn (thánh Phê-rô) trong Phúc Âm thánh Mác-cô với ba câu ngắn gọn:“Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1,29-31). Câu chuyện nói rằng, ngay lúc Chúa đến thì mẹ vợ của Si-môn đang ngã bệnh. Ở đây, Mác-cô diễn tả rằng, lập tức người ta nói cho Chúa biết tình trạng của bà đang bị bệnh nằm trên giường, không thể dậy để đón tiếp Chúa và mọi người được. Chúa Giê-su đã phản ứng thế nào? Chúa có nghe lời của người ta nói về tình trạng đau yếu của mẹ vợ Si-môn đang bệnh không? Mác-cô nói tiếp, Chúa lại gần bà. Thái độ lại gần của Chúa chứng minh điều, Chúa đã nghe rất rõ lời người ta nói, và Ngài còn nghe bằng trái tim cảm thông và yêu thương. Vì thế, trái tim lắng nghe đã thúc đẩy Chúa lại gần, Chúa cất bước đến với người đau yếu, và lại gần họ. Người bệnh rất nhạy cảm với thái độ và cách hành xử của người thăm viếng. Đến thăm người bệnh mà ở xa xa để nhìn thì việc viếng thăm đó chỉ mang chút xã giao bên ngoài, chỉ là một ánh mắt nhìn đến với một chút tội nghiệp, nhưng trái tim thì chưa rung động thật sự, chưa mang một giao động của tình yêu. Chúa đã đến gần bà mẹ vợ của Si-môn, và tại giường bà, Chúa đã đưa tay ra cầm lấy tay bà. Người bệnh luôn cảm thấy một sự cảm thông, một sự ủi an, khi được người thăm viếng nắm lấy đôi tay. Một cuộc gặp gỡ thật sự của thân xác tràn đầy ủi an, cảm thông và nâng đỡ. Khi cầm lấy tay bà, Chúa đã đỡ bà dậy. Lòng nhân từ và quyền năng của Chúa đang vực con người yếu đau dậy. Lòng nhân từ và quyền năng của Chúa không bao giờ muốn con người cứ thế mà nằm trên giường, do bởi cơn bệnh nặng đang chế ngự. Con người đau yếu và tội lỗi cần được tiếp tục đứng dậy. Đức Ki-tô, Đấng mặc lấy thân phận của con người, chính Ngài sẽ vượt qua sự chết để trỗi dậy mãi mãi, sẽ làm cho con người được trỗi dậy với Ngài.

Trở về với hình ảnh người ta nói với Chúa về người bệnh, và Chúa đã lắng nghe. Đó là một điều thật căn bản cho việc thăm viếng bệnh nhân. Trong những trường hợp đó, người bệnh ao ước được lắng nghe, được thấu hiểu và được cảm thông. Trong căn bản, người bệnh luôn tìm sự ủi an qua việc người khác lắng nghe họ: “Xin hãy lắng nghe lời tôi nói, và như thế đã là yên ủi tôi” (Gióp 21,2).[3] Ngược lại, đi thăm người bệnh mà chỉ nói về chuyện của mình, hơn nữa lại còn ngồi lê mách lẻo với bệnh nhân chuyện của người khác, thì chỉ làm cho người bệnh thêm mệt. Như thế, thì việc thăm viếng đó đánh mất đi hoàn toàn ý nghĩa và giá trị của nó. Vì thế, khi đi thăm viếng người bệnh và đau yếu, cần phải ra khỏi chính mình, và ra khỏi chính tính tình và thói quen tiêu cực của bản thân, để mở lòng ra với người bệnh, để chú ý hoàn toàn đến họ, để cho họ có được một chỗ trong tâm hồn, trong ngôi nhà của mình. Lắng nghe, nghĩa là để cho người khác hiện diện. Lắng nghe người bệnh là đón nhận họ, dọn cho họ một chỗ và không bao giờ lấy mất đi không gian của họ. Lắng nghe với trái tim cảm thông là thái độ ủi an sâu thẳm đối với người bệnh và yếu đau. Đôi khi chỉ cần lặng thinh, nắm tay người bệnh và nhìn họ với tấm lòng cảm thông tràn đầy yêu thương, thì đã đưa lại món quà cao quý cho người bệnh rồi. Đừng vội nói. Cần chấm dứt thói quen nói cho đã. Người ta không thể đồng hành với người bệnh, nếu người ta không bước vào trường học lắng nghe.[4] Cũng thế, người ta không thể cảm thông được với người tù tội, nếu không thinh lặng lắng nghe họ, lắng nghe với trái tim yêu thương.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ


-----------------

[1] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.212-214.

[2] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2449.

[3] X. MANICARDI L., trong BIANCHI E., L’ accompagnement des Malades, Édetions Parole et Silence, Genève 2003,  t.67-68.

[4] X. MANICARDI L., trong BIANCHI E., L’ accompagnement des Malades, t.68-70.


18. THƯƠNG VIẾNG KẺ TÙ RẠC

Giữa mùa Đông giá rét ở Tây Phương và cũng là dịp tết Nguyên Đán của mọi người Việt da vàng, mùng hai tết âm lịch chúng tôi khăn gói bánh chưng, hạt dưa, các loại mứt và kẹo, lư hương và những bó nhang, cả những câu lộc đầu năm, và lên đường vào một nhà tù để thăm một số anh em. Sau một số thủ tục cần làm, chúng tôi được phép đưa những thứ đồ được chuẩn bị vào trong khuôn viên nhà tù, và được dẫn vào trong một phòng hội. Chúng tôi vội vàng chuẩn bị bàn thờ tổ tiên, xếp bàn ghế và đặt bánh chưng cùng mọi thứ lên bàn. Khoảng 20 phút sau, các tù nhân – những anh em đồng hương đến, có những tù nhân còn đưa tới cả xôi, chả giò, chè và bánh ngọt…Dù hơi hồi hộp, nhưng tay bắt mặt mừng, chúng tôi chào đón nhau và chúc nhau câu chúc đầu xuân. Khi tất cả gần 50 tù nhân tề tựu, chúng tôi bắt đầu buổi Tân Niên với những hương vị của quê hương ngay trong những song sắt ở quê người. Sau khi tâm tình những câu chuyện đầu xuân, chúng tôi cùng nhau hướng về bàn thờ tổ tiên để tưởng nhớ, và theo làn khói của những cây nhang, chúng tôi hướng nhìn lên cao và xin Trời Phật phù hộ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và anh chị em cùng những người thân của mình. “Công Cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Câu ca dao của quê mình hôm nay đã đến với quê người, đã vào cả pháo đài ngục thất, để bao trái tim Việt Nam, dù nghèo hay giàu, dù tốt lành hay có tội, vào những ngày đầu năm vẫn chân thành nhìn về Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ và gia đình dấu yêu. Những trái tim yêu thương đã hội ngộ. Khi tình yêu đến thì tất cả tội lỗi bị xóa tan, để lòng người rạo rực đón mùa xuân mới. Một mùa xuân đem lại thời gian của hồng phúc, thời gian của niềm vui. Sau đó, chúng tôi cùng đọc Kinh Lạy Cha. Hồi hộp biết bao, vì trong số tù nhân chỉ có một hoặc hai người là Công Giáo. Sau khi làm dấu Thánh Giá, chúng tôi cùng đọc lời kinh mà Chúa Giê-su đã dạy, trong sự tôn trọng của các tù nhân khác tôn giáo qua sự yên lặng của họ. Tôi thầm cầu nguyện với Cha trên trời cho tất cả các anh em có được sức khoẻ, bình an và ơn can đảm, cùng những ân sủng mà họ cần đến trong thời gian ở trong ngục tù này.

Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục chia sẻ niềm vui ngày tết với những bài hát và câu hò ngày đầu xuân. Trong số gần 50 khuôn mặt thanh niên đang ngồi ở đây, tôi thấy có một anh khoảng ngoài 30 tuổi có một thái độ rất lạ lẫm. Mỗi lần ai vừa hát xong một bài giúp vui, thì tất cả đều cười tươi và khen lấy khen để, còn khuôn mặt anh ta bộc lộ một nét buồn, và anh như vẫn muốn ở lại trong vỏ ốc của mình. Thấy thế, tôi đổi ghế và đến gần, ngồi xuống đối diện anh. Chào anh và anh chào lại. Anh mời miếng bánh ngọt. Tôi cám ơn và ăn thật ngon miệng. Hỏi ra, thì biết bánh ngọt này do anh tự làm lấy. Miếng bánh ngọt ngon lành trong miệng như muốn nói với tôi rằng: “Sau này, nếu được tự do anh này có thể mở tiệm bánh ngọt được rồi!” Tôi khen anh làm bánh rất ngon. Anh mỉm cười và cám ơn. Câu chuyện đầu xuân của chúng tôi bắt đầu từ cái bánh ngọt này đây. Sau đó, hỏi anh về đời sống trong tù thế nào. Anh bắt đầu kể cho tôi nghe những sinh hoạt thường ngày. Buổi sáng anh dậy sớm, ăn sáng và sau đó quản giám đưa anh đi làm. Sau công việc ở nhà bếp, anh ăn trưa cùng vài người bạn và cả buổi chiều anh có giờ rảnh rỗi. Vì vậy, để đốt thời gian và để đỡ phải nghĩ ngợi lung tung, anh đã quyết định tập tạ, tập fitness đều đặn. Nên anh là một tù nhân rất đô con và khỏe mạnh. Nhưng anh sẽ đốt thời gian cho đến khi nào? Anh kể rằng anh là người tù chung thân. Đã ở tù được 7 năm rồi. Trước đây là người khác đạo, từ ngày lấy vợ anh trở thành người Công Giáo. Vợ chồng anh có một con. Nhưng bây giờ, vợ đã ly dị với anh và lấy chồng khác. Còn đứa con thì đã mấy năm rồi anh chẳng nhìn thấy mặt. Nghe anh kể mà tôi thấy lòng mình buồn làm sao ấy. Còn nguyên nhân làm anh trở thành người tù chung thân, tôi không dám hỏi và cũng không nên hỏi làm gì. Sau đó anh cũng tiết lộ rằng, anh còn mẹ và hai em gái ở quê nhà. Đó là những người thân duy nhất đón nhận anh với quá khứ của anh. Anh vẫn được phép viết thư thường xuyên mỗi tháng về nhà cho mẹ và hai em. Đáp lại, em gái anh cứ ba tuần một lần viết cho anh một lá thư. Anh kể tới đây tôi thấy nơi anh một sự nghẹn ngào chan chứa niềm vui về tình mẹ dành cho mình, tình huynh đệ anh có với em. Những mối tình gia đình này không chỉ chấp nhận và quên đi quá khứ của anh, mà hiện tại còn giữ anh lại với cuộc sống, đem đến cho anh niềm hy vọng, và thúc đẩy anh ý thức sống vươn lên cho ngày mai. Thật quý báu biết bao! Dù thế nào đi nữa, những hồng phúc và niềm vui vẫn còn hiện diện và sống động nơi chính người tù chung thân này. Khi đã kể đôi chút về đời mình, anh hỏi tôi về đời sống của của tôi. Tôi kể anh nghe chút về những bước tôi đi trên đất khách quê người, những vất vả, những âu lo và cả những cố gắng vươn lên để sống trong công việc và học hành. Trên đường tôi đi, Chúa và nhiều người đã dẫn dắt và giúp đỡ tôi, để ngày hôm nay Chúa làm tôi trở thành một người Linh mục cho Chúa, cho Giáo Hội và cho mọi người.

Khi đã trò chuyện với nhau, chúng tôi tò mò hỏi tuổi nhau và khám phá ra một điều là, chúng tôi cùng một tuổi. Nhưng đến đây thì anh nói tiếp: “Con và cha cùng tuổi, nhưng đường đời của mỗi người ở đất khách quê người này lại khác. Hôm nay, con thì như vầy, còn cha thì được như thế”. Tôi nghe mà chẳng biết phải đáp lời thế nào, chỉ biết nói với anh rằng: “Dù thế nào, thì điều quan trọng là anh và tôi luôn có khao khát để sống vươn lên. Đó là một trong những điều căn bản cho cuộc đời”. Anh nhìn tôi và mỉm cười. Sức sống vươn lên của anh và của tôi thật cần thiết biết bao. Sức sống đó tôi đọc được nơi anh qua những cố gắng làm lại cuộc đời của mình trong tù, qua việc chăm sóc chính thân xác và tinh thần mình, qua việc gìn giữ và phát triển tình mẫu tử và tình đệ huynh, qua chính cái bánh ngọt anh làm để đãi anh em bạn tù đồng hương và đãi cả chúng tôi. Cái bánh ngọt ngon miệng của anh làm không chỉ đưa lại cho chúng tôi niềm vui của mùa xuân mới, mà đó còn chính là hồng phúc anh trao cho chúng tôi. Khi chia tay ra về, tôi đã chân thành cám ơn anh và thật chân tình tôi nói với anh rằng, tôi sẽ cầu nguyện đặc biệt cho anh. Tôi hy vọng một ngày nào đó, với thiện chí vươn lên, anh sẽ đón nhận được lòng nhân hậu, và mong sao chúng tôi sẽ gặp nhau bên ngoài ngục thất, để cùng chia một miếng bánh ngọt của Thiên Chúa, của tình người với nhau. Trải nghiệm này thật quý báu biết bao cho hành trình tông đồ của người môn đệ đơn hèn theo Chúa. Ngày xưa Chúa Giê-su đã tuyên bố, Ngài đến để không chỉ rao truyền một năm hồng ân, thời gian của hồng phúc, mà Ngài còn loan báo cho người nghèo một Tin Mừng, một tin vui của mùa xuân mới, và giải thoát người tù nhân ra khỏi gông cùm. Thật vậy, người tù nhân dù tội lỗi có là gì thì vẫn luôn mong ngóng một điều: được giải thoát.

Chữ tù luôn đi đôi với cụm từ mất tự do. Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII đã rất vui mừng khi thăm viếng nhà tù lớn Regina Coeli tại Ý vào ngày lễ thánh Stephano, 26 tháng 12 năm 1958, năm đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng. Ngài nói với các tù nhân rằng: “Các con không thể đến với cha, vì thế cha đến với các con… Do đó, cha ở đây, cha đã đến đây và đã thấy các con; cha chăm chú nhìn vào ánh mắt các con, cha đặt trái tim cha gần trái tim các con. Trong lá thư đầu tiên mà các con viết cho gia đình, các con phải viết về niềm vui, về sự hiện diện của cha với các con và cha hứa cầu nguyện cho gia đình các con”. Lời của ngài tỏ lộ cho thế giới thấy rằng, nhiều khi xã hội có khuynh hướng xem tù nhân là một người bị gạt sang bên lề xã hội hay một con người bị kết án vì cảm xúc hay hành vi của họ. Bằng chứng cho thấy sự gần gũi của ngài với các tù nhân được thể hiện qua việc, trước khi rời nhà tù, ngài đã muốn ở lại giữa các tù nhân. Một bằng chứng thế kỷ đã thuật lại rằng, “trong khi đang ra khỏi cửa nhà tù, Đức Gio-an XXIII thấy một người tách ra khỏi nhóm đang vây quanh bàn thờ. Nhìn ngài với ánh mắt đẫm lệ, người này cúi xuống và hỏi: Những lời hy vọng của ngài có dành cho tôi không, tôi là một kẻ tội lỗi? Đức Thánh Cha không đáp lại, ngài cúi xuống, nắm tay ông và ôm ông vào lòng thật chặt”.

Các tờ nhật báo trong nước viết rằng, với sự kiện này, “Đức Gio-an XXIII đã làm rung chuyển các bức tường của nhà tù Regina Coeli. Người ta không nói về bầu khí tiêu biểu của nhà tù nữa”. Các tờ nhật báo quốc tế, trong đó có tờ Daily Express, đã định nghĩa Đức Gio-an XXIII là “Đức Giáo Hoàng hiện đại”. Một tờ nhật báo Anh quốc đã cho rằng, Đức Gio-an XXIII đang chứng minh rằng, ngài là vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội có cái nhìn rộng mở. Bằng cách thăm viếng các nhà tù tại Roma, Đức Thánh Cha đã khôi phục lại truyền thống bị chôn vùi gần một thể kỷ”. Trong thực tế có một biến cố khiến ngài rất đau lòng đó là ngài không được phép thăm 300 tù nhân, những người bị nhốt trong những phòng giam biệt lập vì bị xem là những tù nhân nguy hiểm. Vì thế, Đức Thánh Cha đã gởi cho mỗi người một ảnh nhỏ với sự bảo đảm rằng ngài không quên “những người con vô hình” (những người ngài không được gặp họ).[1]

Sự kiện đặc biệt này đã được ghi lại qua một tác phẩm nghệ thuật của Giacomo Manzú khắc trên một cánh cửa của đền thờ Thánh Phê-rô ở Roma, diễn tả hình ảnh Đức Gio-an XIII trong bức hình điêu khắc đưa tay qua song sắt của nhà tù, bắt lấy tay của các tù nhân và gọi họ là anh em.[2] Các tù nhân dù đã mất tự do, họ vẫn là anh em, họ vẫn mang một phẩm giá cao quý làm người. Dù quá khứ của họ có nhuốm màu tội lỗi nào đi nữa, thì phẩm giá của họ vẫn thế, vì mọi sự qua đi nhưng tình yêu của Chúa làm nên phẩm giá con người vẫn luôn tồn tại. Một vị Mục Tử khác của Giáo Hội – Đức Thánh Cha Phanxicô, đã làm mọi người ngạc nhiên, khi ngài không cử hành nghi thức Phụng Vụ của ngày Thứ Năm Tuần Thánh (28.3.2013) tại Latran – theo phong tục của Giám Mục thành Roma, cũng không ở trong đền thánh Phê-rô, mà Đức Phanxicô lại vào trong nhà nguyện của trại giam giữ trẻ vị thành niên Casal del Marmo, phía bắc của Roma, và cử hành nghi thức ở đó. Trong nhà nguyện của ngục tù, ngài đã cử hành nghi lễ rửa chân và đã quỳ xuống bằng hai đầu gối trước mười hai tù nhân trẻ. Với tất cả sự trân quý các tù nhân trẻ tuổi, Đức Thánh Cha rửa chân và hôn chân họ. Trong số họ, có hai cô gái trẻ và một trong hai cô gái là người Hồi Giáo. Ngài cũng ôm hôn họ khi trao chúc bình an. Trong bài giảng ứng khẩu đơn sơ và ngắn gọn, Đức Phanxicô nói: “Thật là một cử chỉ cảm động. Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ. Phê-rô không hiểu gì và từ khước. Nhưng Chúa Giê-su giải thích cho ông. Chúa Giê-su là Thiên Chúa mà làm điều đó! Và chính Ngài giải thích cho các môn đệ: ‘Các con có hiểu điều Thầy làm cho các con không? Các con gọi Thầy là Thầy và là Chúa, và các con nói đúng, vì Thầy là như vậy. Vậy nếu là Thầy và là Chúa mà Thầy rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng làm như Thầy đã làm’. Đó là gương của Chúa: Ngài là người quan trọng nhất mà rửa chân, thì người nào cao trọng nhất trong chúng ta phải phục vụ người khác. Đó là một biểu tượng, một dấu hiệu. Rửa chân có nghĩa là ‘tôi là người phục vụ cho anh’. Và cả chúng ta, không phải là chúng ta phải rửa chân mỗi ngày cho nhau sao? Nhưng điều ấy có nghĩa là gì? Có nghĩa là chúng ta phải giúp đỡ nhau. Nhiều khi ta bực mình với người khác, nhưng hãy bỏ qua, và nếu người khác xin bạn giúp, thì hãy làm. Hãy giúp đỡ nhau: đó là điều Chúa Giê-su dạy chúng ta và đó là điều tôi làm, và tôi làm hết lòng, vì đó là bổn phận của tôi. Trong tư cách là Linh mục và như là Giám Mục, tôi phải phục vụ các bạn. Nhưng đó là một nghĩa cử đến với tôi từ trái tim: tôi yêu mến điều đó và tôi làm vì Chúa đã dạy tôi làm. Và cả các bạn: hãy giúp đỡ nhau, khi làm như thế, chúng ta làm điều thiện. Bây giờ chúng ta cử hành nghi thức rửa chân, và chúng ta nghĩ, mỗi người chúng ta nghĩ: Tôi có thực sự sẵn sàng, phục vụ, giúp đỡ người khác hay không? Chúng ta hãy nghĩ điều đó thôi. Chúng ta hãy nghĩ rằng dấu hiệu này là một sự âu yếm Chúa Giê-su đã làm, vì Chúa Giê-su đã đến để làm điều đó, để phục vụ và để giúp đỡ chúng ta”.

Cùng với bà Mary, một người phụ nữ Công Giáo, chúng tôi được phép đến thăm một trại tù. Trước khi đến nhà tù, bỗng chợt bà Mary dừng xe. Bà nói rằng, bà muốn xuống mua một vài thẻ nạp điện thoại. Đến cổng nhà tù, đợi một lát và sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, bà lái xe đưa chúng tôi vào tận bên trong, và đậu xe trong bãi dành cho các nhân viên ở đây. Dù bà chẳng phải là nhân viên của trại tù, nhưng vì tấm lòng và bản chất tốt lành cũng như sự khôn ngoan của bà, nên nhà tù đã cho phép bà đưa xe vào tận bên trong. Đưa xe vào bên trong, không chỉ để tiện đi lại, mà còn tiện để khuân đồ nữa. Mấy thùng mì gói, bánh kẹo và cả vài giỏ quà cáp cho các cai tù được đưa vào phòng đợi. Sau 20 phút ngồi đợi, chúng tôi thấy bóng giáng của những tù nhân đang được các cai tù dẫn ra từ phòng giam. Tay họ bị còng, họ phải xếp hàng dọc, hai tay để trên vai người phía trước và cứ thế từ từ bước vào phòng thăm. Hơn hai mươi chàng thanh niên người Việt bước vào phòng, chúng tôi chào thăm họ. Trong phòng có một vài cái ghế, và cũng có một hàng ghế, nhưng các cai tù bắt tất cả các tù nhân phải ngồi bệt xuống đất. Bà Mary nói tiếng Anh hỏi thăm anh em. Có anh em bà đã gặp trong lần thăm trước, nhưng có một số mới bị bắt vào. Tội trạng thì có gì lớn lao đâu. Một số là ngư phủ lạc vào hải phận của đất nước sở tại, bị cảnh sát biên phòng bắt và bị nhốt ở đây chờ ngày bị trục xuất về quê hương xứ sở. Có người thì cư ngụ bất hợp pháp không giấy tờ, cũng bị bắt và chờ ngày bị trục xuất.

Chữ tù luôn đi đôi với cụm từ mất tự do. Anh em tù nhân ở đây bị mất tất cả, mất cả tự do căn bản cần có là tự do liên lạc về với gia đình người thân ở quê hương. Hiểu được hoàn cảnh của anh em, bà Mary mỗi lần đến thăm đều chuẩn bị một số điện thoại để gọi ra nước ngoài với giá rẻ. Bà lấy ra hai cái điện thoại mới nạp tiền trước đó, và hỏi anh em nào muốn liên lạc về với người thân. Tất cả đều giơ tay. Điện thoại được truyền từ người này sang người khác. Chiếc điện thoại của tình người, chiếc điện thoại nối tình thân, chiếc điện thoại đưa lại những giây phút tự do, để có thể liên lạc với gia đình ở quê hương. Thật quý và giá trị biết bao chiếc điện thoại, khi cha mẹ, vợ con ở quê hương xa xôi được nghe giọng nói của con, của chồng, và hiểu được hoàn cảnh hiện nay của họ. Ngồi ngắm nhìn anh em gọi điện thoại, lòng xúc động biết bao. Sự xúc động hoà với những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của các tù nhân. Những giọt nước mắt không chỉ diễn tả tình cảm của con người, mà còn như muốn nói lên lòng khao khát của anh em được thả ra khỏi chốn ngục tù, mà chẳng ai muốn chọn nơi đó làm chốn nương thân. Tiếng Anh không biết, tiếng địa phương cũng mù tịt, nên anh em được bà Mary nâng đỡ để đối thoại với các nhân viên trại giam và giúp họ làm giấy tờ, để họ có thể mau chóng được hồi hương. Hơn nữa, bà Mary còn giúp họ tìm mua vé máy bay với giá rẻ nhất có thể, để khi có giấy tờ, họ được thả ra và có thể về lại nhà gặp cha mẹ, gặp vợ và con cái. Lòng tốt của người phụ nữ Công Giáo này vượt trên mọi biên giới, không chỉ với người tù nhân Việt, mà với các tù nhân từ Miến Điện và từ những nước nghèo nàn khác. Tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ biết đến giới hạn, không bao giờ chấp nhận biên giới mà con người đã vẽ ra trên quả địa cầu nhỏ bé này. Lòng tốt của người phụ nữ Công Giáo tốt lành này đã ghi dấu trong nhiều cuộc đời của các tù nhân. Một vài tù nhân kể rằng, trên tường của ngục thất, một số anh em tù nhân trước đây giờ đã hồi hương, ghi lại tên của bà Mary và số điện thoại của bà cùng lời khuyên cho những tù nhân đến sau: Hãy liên lạc với mẹ Mary với số diện thoại này…, mẹ sẽ giúp đỡ.

Trước khi rời khỏi trại tù, bà Mary còn vội vàng lấy ra mấy thùng mì gói và một số bánh kẹo và tặng cho anh em tù nhân. Thức ăn trong tù đã thiếu, mà giờ đây còn được ăn một gói mì thì thật là tuyệt biết bao. Lời cuối cùng trước khi tạm biệt anh em là lời Kinh Lạy Cha. Bà Mary lên tiếng và xin anh em cùng cầu nguyện với bà lời kinh mà Chúa Giê-su đã dạy. Lời Kinh Lạy Cha bằng tiếng Anh vang lên trên môi miệng bà, chúng tôi một vài người Công Giáo Việt Nam đọc nhẩm bằng tiếng Việt yêu thương. Lời kinh đó vang lên ngay trong trại tù, giữa những anh chị em khác tôn giáo. Lời kinh này được gởi đến Cha trên trời, Cha của mọi người không kể sắc tộc và màu da, không màng tới hoàn cảnh hạnh phúc hay đau thương. Cha trên trời, Đấng giàu lòng xót thương luôn nhìn đến những người con yêu dấu của Ngài – những tù nhân bất hạnh. Lòng tốt của người phụ nữ Công Giáo tốt lành này đã làm tôi nhớ lời của Thánh Phao-lô nhắn nhủ: “Anh em hãy nhớ đến các người bị xiềng xích, chẳng khác gì anh em cũng bị xiềng xích với họ” (Dt 13,3).

Chào tạm biệt anh em, lòng chúng tôi bịn rịn. Cái bịn rịn của yêu thương và của mong ước anh em mau chóng được thả ra, để về lại với người thân đang mong chờ anh em. Trên xe, bà Mary cho chúng tôi xem con chim được đan bằng những dây nhựa. Bà nói, các tù nhân đã đan và tặng cho tôi. Chú chim đong đưa trên chùm chìa khoá xe của bà như đang nói rằng, tự do tung cánh trong bầu trời cuộc đời là quyền căn bản của con người. Tự do đó cần được chăm sóc, gìn giữ và bảo vệ. Tự do đó cần được chuộc lại, như bà Mary đã và đang tiếp tục làm cho anh em tù nhân.

Chữ tù luôn đi đôi với cụm từ mất tự do, nhưng chữ tù không bao giờ giam hãm được lòng thương xót và nhân ái. Lòng thương xót luôn viếng thăm, ủi an, nâng đỡ và tìm cách chuộc lại tự do cho người tù rạc. Đó chính là tinh thần của Đức Ki-tô, Đấng đang hiện diện sống động trong các tù nhân, như chính Chúa đã nói: “Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,36).

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ


------------------------

[1] Nguồn: dongten.net. Nguyễn Minh Triệu SJ chuyển ngữ từ Radio Vaticana.

[2] X. KEENAN J.F., SJ., The Works of Mercy, the heart of catholicism, t.16-17.


19. THƯƠNG CHO KHÁCH ĐỖ NHÀ

Lật lại câu chuyện Giáng Sinh của Chúa Giê-su, chúng ta thấy hình ảnh Mẹ Maria với thai nhi trong lòng, cùng thánh Giu-se đi tìm một chỗ trọ ở gần Bê-lem. Nhưng tất cả mọi cánh cửa đều đóng lại với hai người. Thánh Lu-ca kể lại rằng: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Ngay từ khi còn trong lòng Mẹ, Chúa Giê-su đã là khách đi tìm chỗ trọ. Đấng yêu thương và quyền năng trở thành người, và hơn nữa trở nên bần cùng nghèo nàn như con người, đến nỗi Ngài phải đi tìm một chỗ trú ngụ, tìm một chỗ để Ngài có thể được sinh ra vào cuộc đời này. Nhưng chẳng có nơi nào trong ngôi nhà của con người có chỗ cho Chúa. Đúng như lời của thánh sử Gio-an nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11), và trong Lu-ca: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Cuối cùng, nơi Chúa sinh ra là máng cỏ cho thú vật ăn, là một hang lừa nghèo nàn và đơn sơ. Điều này tương hợp với lời của Thánh Phao-lô đã nói:“Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9).[1] Câu chuyện khách trọ hài nhi Giê-su không chỉ dừng lại ở đó. Khi vừa được sinh ra, hài nhi Giê-su với cha mẹ mình đã phải chạy chốn khỏi quê hương. Quê hương không chỗ cho họ, mà giờ đây còn bách hại họ, để rồi họ trở thành những người di dân trốn chạy. Thánh Giuse cùng với Mẹ Maria và Hài Nhi Giê-su đã tìm được chỗ trọ tại đất khách quê người ở Ai-cập.

Câu chuyện của khách trọ hài nhi Giê-su là một bài học rất quan trọng trong thời đầu tiên của Giáo Hội, cho tinh thần nhân hậu thương cho khách đỗ nhà. Thánh Phao-lô đã nhắc nhở giáo đoàn Rôma rằng, lòng bác ái không được giả hình giả bộ, và cần thương mến nhau với tình huynh đệ: “Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12,13). Còn thánh Phê-rô thì kêu mời: “Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca” (1P 4,9). Tiếp theo tinh thần của hai thánh Tông Đồ, các Giáo Phụ cũng đã luôn nhắc nhớ các tín hữu ý thức sống tinh thần thương cho khách đỗ nhà. Thánh Biển Đức vào thế kỷ thứ 5-6, cũng đã ghi trong chương số 53 của cuốn tu luật mà ngài soạn một điều quan trọng, là việc thương cho khách đỗ nhà. Vì thế, trong các tu viện dòng Biển Đức, luôn có nhà khách đón những người tìm chỗ trọ. Họ có thể là người đi hành hương, người bộ hành, là các tu sĩ và linh mục cần một chỗ trú ngụ để tĩnh tâm và cầu nguyện. Sau đấy, dòng Xi-tô cũng theo gương đó, nên cũng có nhà khách cho những người tìm chỗ trọ.

Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy làn sóng di dân ở khắp mọi nơi trên thế giới, vì lý do bách hại và chiến tranh, hay vì lý do công ăn việc làm. Một thế giới với biết bao triệu triệu người đang là khách đi tìm chỗ trọ. Thật đau lòng biết bao, nhưng cũng thật đáng quý biết bao, khi các quốc gia đã mở cửa để đón tiếp những người đi tìm chỗ trọ. Không chỉ thế, họ còn tạo điều kiện sống một cách tốt đẹp cho những vị khách này. Không ít người, sau một thời gian, đã xây dựng chính gia đình và nhà cửa mình trên mảnh đất mới, và đã chọn mảnh đất mới thành quê hương thứ hai của họ, nơi họ được sống trong an bình và tự do, được hưởng tất cả các quyền căn bản của con người. Cũng thật quý báu, khi những tổ chức tôn giáo luôn chú ý đến và sẵn sàng nâng đỡ những người di dân nghèo nàn trong nhiều phương diện. Trong số họ đa số là phụ nữ và trẻ em. Như tổ chức Catholic Relief Services hay Caritas internationalis. Vào thập niên tám mươi, Cha Tổng Quền Dòng Tên P. Arrupe cũng đã lập ra tổ chức quốc tế giúp người di dân Jesuit Refugee Service.[2]

Nhỏ hơn nhưng cũng thật là cao quý, khi thấy nhiều Giáo Xứ ở quê hương đã tổ chức đón tiếp các em sinh viên từ miền quê lên thành phố chuẩn bị cho các cuộc kỳ thi vào Đại Học. Cánh cửa nhà xứ mở ra, phòng ốc dọn dẹp sạch sẽ và trải những chiếc chiếu cho các em nằm nghỉ; những bà mẹ của các hội đoàn Công Giáo tiến hành đã thay nhau để chuẩn bị cho các em những bữa ăn chắc dạ no lòng, giúp các em có sức để ôn thi, hơn nữa còn tổ chức những buổi cầu nguyện cho các em, để các em có được tinh thần vững vàng và luôn tín thác vào Thiên Chúa, khi bước vào kỳ thi.

Cũng thật xúc động, khi được phép thấy những nữ tu trẻ trung, đã mở những ngôi nhà tình thương để đón tiếp những người phụ nữ lầm lỡ và đang mang thai. Cánh cửa tu viện rộng mở, các chị em lầm lỡ bị cha mẹ, gia đình và làng xóm chê trách và từ chối, được phép đến trú ngụ. Nơi đó các Sơ giúp các chị có một nơi sống thanh thản nhẹ nhàng, để chuẩn bị cho đứa con trong bụng được sinh ra trong an bình. Nơi đó, các chị được trân quý và không bị la mắng hay trách móc về một giây phút lầm lỡ trong quá khứ. Nơi đó, các chị và những em bé vừa chào đời được các Sơ đón nhận, nâng niu, nuôi nấng và yêu thương. Tuyệt vời hơn, các Sơ đặc biệt đón nhận các em bé mới sinh ra đã bị cha mẹ cho đi, hay tệ hơn có em bị dục vào thùng rác được các Sơ đưa về. Các Sơ cho các em, những khách trọ hài nhi, có được chỗ ăn ở, và được những bàn tay nhân ái của các Sơ như các bà mẹ nhân từ giàu lòng xót thương nuôi nấng chở che. Các em đó là những Thiên Ân hay những Thiên Phúc của các Sơ. Hơn nữa, có một số em bị bỏ rơi, và được các Sơ đón nhận khi mới lọt lòng mẹ, và theo dòng thời gian được các Sơ cho đi học và lớn lên, trở thành những người trưởng thành với nghề nghiệp và với gia đình mới của các em. Những Thiên Ân và Thiên Phúc đó cần tiếp tục trao ban biết bao ân sủng, biết bao phúc lành của Thiên Chúa cho những người bất hạnh khác, đặc biệt cho các em bé khác bị bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng mẹ.

Ngắm nhìn những gì các Sơ làm cho các em bé thơ ngây và bất hạnh, cũng như khi nhìn đến những tổ chức tôn giáo phục vụ cho những người di dân, tôi nhớ lại lời của thánh Phao-lô ngày xưa gởi giáo đoàn Do Thái: “Anh em hãy giữ mãi tình huynh đệ. Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Dt 13,1-2). Không chỉ là đón tiếp các thiên thần, mà còn đón tiếp chính Chúa Giê-su, như Chúa đã nói: “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước” (Mt 25,35), và “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Khi chúng ta đón rước khách tìm chỗ trọ, là chúng ta đón rước Chúa. Và khi chúng ta đón rước Chúa, là lúc chúng ta khám phá ra rằng, chính chúng ta là những khách trọ ở trần gian này. Chúng ta cần cầu xin Chúa cho chúng ta có một chỗ trọ ở trên trời như như anh trộm lành đã cầu xin: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42). Lời cầu xin của người trộm lành là một lời cầu nguyện của kẻ hành khất đầy hy vọng. Trong chính hoàn cảnh vô vọng, anh ta vẫn khiêm tốn hướng đến Chúa Giê-su, để xin Ngài đoái nhìn, để cho anh có được một chỗ trú ngụ trên nước của Ngài, Đấng tốt lành và giàu lòng thương xót. “Vì vậy, qua câu trả lời này, Người cho chúng ta một hy vọng chắc chắn rằng sự tốt lành của Thiên Chúa có thể chạm đến chúng ta, ngay cả trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, và ngay cả sau một cuộc đời sai lầm, ai chân thành cầu nguyện sẽ tìm thấy vòng tay rộng mở của Người Cha nhân lành đang chờ đợi đứa con trở lại”.[3]

“Hai người bị đóng đinh hai bên hướng nhìn về Con Người đã đến chia sẻ số phận của họ, và cùng chết với họ. Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. Trước kia, Chúa Giê-su đã không ngừng nhắc rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ như một món quà tuyệt đối cho không; Người đã đến trần gian không phải để kêu gọi người công chính, nhưng là kẻ tội lỗi. Trong giờ phút quyết luyệt này, khi lìa thế để về bên Cha, Chúa Giê-su chứng thực lời Người một cách rõ ràng không thể tưởng tưởng được. Với người tử tội ấy, kẻ đã biết nhận rằng chúng ta chịu như thế này là đích đáng, và chẳng biết cậy vào đâu ngoại trừ lòng phó thác khiêm tốn và đầy nhân ái của mình, với con người ấy, thì từ trên Thập Giá, Chúa Giê-su tuyên bố: Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. Chúng ta hãy nghe nhà hùng biện Công Giáo Bossuet: Hôm nay: thật là nhanh chóng! Ở với tôi: cùng hội cùng thuyền quá tuyệt diệu! Trên thiên đàng: nơi ở bao tuyệt vời! Vậy thì ai còn hoài nghi được nữa về lòng thương xót của Thiên Chúa, ai còn có thể đem công đức của mình ra khoe nữa?”[4] Lời của Chúa Giê-su nói với anh trộm lành thật là đẹp biết bao. Đó là sứ điệp nhân hậu và tràn đầy ơn cứu rỗi của Ngài muốn gởi tới tất cả những ai, dù quá khứ của họ thế nào, nếu họ biết khiêm tốn, ăn năn và hướng về Chúa để cầu xin, thì đều được Chúa đón nhận và ban tặng một chỗ trọ trên Thiên Đàng.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

-----------------------

[1] X. STOEGER A., Das Evangelium nach Lukas, 1.Teil, Geistliche Schriftlesung, Patmos Verlag, Düsseldorf 1964, t.78

[2] X. KEENAN J.F., SJ., The Works of Mercy, the heart of catholicism, t.21-24.

[3] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện.

[4] Chú thích Lc 23,43 của HURAULT B., trong Lời Chúa cho mọi người, Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, t.1804.


20. THƯƠNG CHUỘC KẺ LÀM TÔI

Khi còn nhỏ đọc lời này trong kinh thương người có mười bốn mối, tôi không hiểu được ý nghĩa của nó. Đến khi trưởng thành tôi hiểu ra ý nghĩa của tình trạng nô lệ đã được viết trong cuốn sách lịch sử nhân loại như thế nào. Chế độ nô lệ là chế độ mà trong đó con người được xem như một thứ hàng hóa để trao đổi và buôn bán. Nô lệ là người bị bắt buộc phải làm việc không lương cho người chủ, bị mất quyền con người, mất tự do và cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào người chủ. Nhiều người trở thành nô lệ, vì bị bắt sau những cuộc chiến (hình thức tù binh), hoặc những cuộc càn quét của lực lượng xâm lăng hoặc của giai cấp thống trị. Một số khi sinh ra đã bị coi như là nô lệ, chỉ vì cha mẹ của họ là nô lệ. Trong lịch sử nhân loại, chế độ nô lệ đã được công nhận bởi hầu hết các quốc gia và xã hội. Hôm nay, chế độ nô lệ theo pháp luật quốc tế đã bị cấm đoán và coi như không còn nữa. Nhưng nhìn vào thế giới và xã hội hiện đại xung quanh, thì lời kinh thương chuộc kẻ làm tôi vẫn còn mang giá trị tròn đầy, bởi vì có biết bao nhiêu người đang trở thành những nô lệ trong hình thức mới rất tàn bạo và rất tinh vi. Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày hoà bình thế giới năm 2015 đã diễn tả nhiều bộ mặt nô lệ hôm qua và hôm nay như sau: “Từ thời xa xưa, các xã hội khác nhau đã biết đến hiện tượng người thống trị người. Đã từng có những giai đoạn trong lịch sử nhân loại, nơi đó cơ cấu nô lệ được chấp nhận cách rộng rãi và được luật pháp ghi nhận. Điều này quy định những ai được sinh ra tự do và những ai sinh ra là nô lệ, cũng như những điều kiện mà qua đó một người vốn sinh ra là tự do nhưng có thể bị mất đi quyền tự do của mình hay có lại nó. Nói cách khác, chính luật pháp cũng thừa nhận rằng một số người nào đó có thể hay phải bị xem là tài sản của người khác…; một nô lệ có thể bị mua bán, chuyển giao hay mua được, như thể họ là một món hàng thương mại. Ngày nay, với sự phát triển tích cực của ý thức con người, nạn nô lệ, vốn được xem như là một tội ác chống lại nhân loại, đã chính thức bị xóa bỏ trên toàn thế giới. Quyền của mỗi người không được bị xem là nô lệ hay phụ thuộc như nô lệ được thừa nhận trong luật quốc tế như là một điều khoản bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, bất chấp cộng đồng quốc tế đã ký kết rất nhiều hiệp ước nhắm tới việc chấm dứt nạn nô lệ dưới nhiều hình thức, và đã khởi động nhiều chiến dịch khác nhau để chống lại nạn này, hàng triệu người ngày nay – trẻ em, đàn ông và đàn bà đủ mọi lứa tuổi – vẫn bị trút bỏ quyền tự do và bị buộc phải sống trong những điều kiện giống như các nô lệ”.[1]

Theo thống kê của tổ chức Walk Free Foaundation được viết trong The global Slavery Index 2014, ước tính hiện nay có khoảng 35,8 triệu người trên khắp thế giới hiện đang sống cuộc sống như một “nô lệ thời hiện đại”.[2] Về những người bị coi là nô lệ thời hiện đại, Đức Phanxicô, trong sứ điệp nhân ngày hoà bình năm 2015, nhắc đến nhiều lao động nam và nữ, cả những người trẻ tuổi, bị nô dịch hóa trong nhiều khu vực khác nhau, dù là chính thức hay không chính thức, từ công việc trong nhà cho đến việc nông nghiệp, từ các nhà máy công nghiệp đến hầm mỏ, tại nhiều nước những quy định về lao động không khớp với những quy định và chuẩn mực quốc tế tối thiểu, hay thậm chí là phi pháp, khi trong hệ thống pháp luật của mình, không hề có những quy định nào bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tiếp đến, Đức Phanxicô cũng hướng tới nhiều người tị nạn, mà trong cuộc phiêu lưu đầy bi kịch đã phải chịu đói khát, đã bị tước bỏ tự do, bị cướp mất của cải hay bị lạm dụng thể lý và tính dục. Trong số ấy, có những người đến được nơi cần đến sau hành trình mệt rã rời với đầy những sợ hãi và không an toàn, thì lại bị giam giữ trong những điều kiện hết sức tàn nhẫn. Ngoài ra, vị cha chung cũng hướng đến những người bị buộc phải đi vào con đường mại dâm, nhiều người trong số họ còn rất nhỏ, nạn nô lệ và nô lệ tình dục;  Đức Phanxicô cũng hướng đến những phụ nữ bị buộc phải kết hôn, những người bị bán trong những vụ kết hôn được sắp xếp, hay những phụ nữ khi chồng chết thì bị chuyển cho một người thân của chồng như tài sản thừa kế, mà không cần biết cô ta có đồng ý hay không. Nhóm người khác mà Đức Thánh Cha hướng tới là những người lớn cũng như trẻ em. Họ là đối tượng của nạn buôn bán cơ phận, bị bắt nhập ngũ,  để xin ăn, để phục vụ cho những hoạt động phi pháp như sản xuất và buôn bán ma túy, hay để phục vụ cho những hình thức trá hình của việc nhận con nuôi mang tính quốc tế. Cuối cùng, Đức Phanxicô nghĩ đến tất cả những ai bị bắt cóc và bị giam giữ bởi những nhóm khủng bố, bị nô dịch hóa cho những mục đích của họ như là những chiến binh, hay trên hết trong những trường hợp các thiếu nữ và phụ nữ, bị sử dụng như là những nô lệ tình dục. Nhiều người trong số này đã biến mất, trong khi những người khác thì bị bán vài lần, bị tra tấn và bị hành hạ hay bị giết.[3]

Trong The global Slavery Index 2014, chúng ta đọc được một vài trải nghiệm như sau: “Khi tôi 13 tuổi, ba tôi đã gả tôi cho một người đàn ông 45 tuổi, người đàn ông này đã hứa trả một số tiền cho gia đình tôi để được lấy tôi làm vợ. Tôi không có hạnh phúc với ông ta, nhưng tôi vẫn phải cam chịu sống với ông ta một năm, trước khi tôi trốn về lại nhà của mình. Ba tôi đã rất giận dữ khi tôi trốn về nhà. Ông đã đánh đập và hăm doạ tôi, bắt tôi trở về lại với người chồng của tôi; nhưng không có roi đòn nặng nề nào của ba tôi tồi tệ bằng việc tôi phải sống với chồng tôi. Khi tôi từ chối trở về với chồng, ba tôi đã đào một cái hố sâu. Ông bắt tôi phải nhảy xuống đó, và ông bắt đầu muốn chôn sống tôi. Tôi hoàn toàn kinh ngạc, khi ông thực sự chôn sống tôi, nếu như người hàng xóm không nghe tiếng cầu cứu của tôi và ngăn chặn ông lại”.[4] Đó là câu chuyện của Shahida, 13 tuổi, là nạn nhân của một việc cưỡng bức hôn nhân. Một chia sẻ khác của Moulkeheir: “Tôi lớn lên và làm việc cho một gia đình. Tôi sinh ra và được đưa vào gia đình này – nơi mà mẹ tôi đã làm việc trước tôi. Công việc rất nặng nhọc. Tôi đã phải đi ra ngoài để chăn đàn dê suốt cả ngày, và khi về thì lại phải lo mọi công việc trong nhà. Tôi không có đủ cơm ăn. Tôi thường xuyên bị đánh đập và bị xúc phạm. Tôi có con cái. Chúng lớn lên và cũng làm việc cho gia đình này. Hai đứa con gái của tôi là kết quả của việc hãm hiếp của người con trưởng trong gia đình ông chủ. Anh ta đã nói rằng, anh ta sẽ chặt đầu tôi, nếu tôi nói cho bất cứ ai biết anh chính là tác giả của việc ấy”.[5] Một nạn nhân khác của nô lệ thời hiện đại kể lại rằng: “Đến ngày hôm nay, tôi không nhớ là từ khi nào nữa tôi đã ngủ chung với súc vật như với bò và dê… Giống như chúng, tôi cũng thật nghèo. Nhưng các con vật thì không bị đánh đập mỗi ngày, còn tôi thì bị”. Ker là tên của nạn nhân. Ker thường xuyên bị hành hạ tra tấn và đã bị mù loà bởi ông chủ của mình. Ker giờ đây là một thiếu niên, và năm ngoái đã được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ, nhưng mẹ của anh ta, một nạn nhân khủng khiếp của bạo lực, vẫn còn sống trong hoàn cảnh cũ”.[6] Đó là một vài chia sẻ điển hình của nô lệ thời hiện đại, mà xã hội chúng ta đang phải đương đầu. Gốc rễ của nạn nô lệ này xuất phát từ quan niệm con người cho phép đối xử với nhau như một đồ vật. Khi nào tội lỗi phá hỏng trái tim con người và làm ngăn cách chúng ta với Tạo Hóa cũng như với tha nhân, thì tha thân không còn được xem là những hữu thể có cùng phẩm giá, như là anh chị em cùng chia sẻ nhân tính, nhưng là những đồ vật. Được tạo ra giống Thiên Chúa và theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng bằng sự cưỡng bức, sự lừa dối, hay bằng những ép buộc về thể lý hay tâm lý, con người đã bị tước đoạt sự tự do của mình, bị bán và bị giảm thiểu xuống thành hàng hóa của một số người; bị đối xử như là phương tiện chứ không phải như cùng đích.

Cùng với nguyên nhân mang tính hữu thể học này – việc loại trừ nhân tính của người khác -, cũng còn có những nguyên nhân khác giúp giải thích những hình thức nô lệ tân thời, như sự nghèo khổ, việc chậm phát triển và sự loại trừ, đặc biệt là khi nó cùng tồn tại với việc thiếu đi nguồn đào tạo hay với một thực tại được đánh dấu bởi sự khan hiếm, nếu không muốn nói là không có, những cơ hội có việc làm. Nạn hối lộ những ai sẵn sàng bất cứ làm việc gì, để họ làm giàu cho bản thần, cũng là một nguyên nhân khác của nạn nô lệ. Thực ra, những người thực hiện việc nô dịch và buôn bán người thường phải mua chuộc cả một hệ thống trung gian phức tạp, một số thành viên của lực lượng cầm quyền hay các viên chức hay các thể chế dân sự và quân đội. Điều này xảy đến khi nằm ở vị trí trung tâm của hệ thống kinh tế là tiền bạc, chứ không phải là con người. Vâng, ở vị trí trung tâm của hệ thống kinh tế hay xã hội phải là con người, hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên để làm bá chủ vũ hoàn. Khi con người bị đồng tiền thay thế, các giá trị sẽ bị đảo lộn. Những nguyên nhân khác của nạn nô lệ là những xung đột vũ trang, bạo lực, hoạt động tội phạm và khủng bố. Nhiều người đã bị bắt cóc để đem bán, bắt đi chiến đấu như binh lính, hay bị khai thác tình dục, trong khi những người khác thì buộc phải đi tị nạn, bỏ lại mọi thứ đàng sau tất cả những gì họ có: đất nước, nhà cửa, của cải và thậm chí là các thành viên trong gia đình mình.[7]

Trước thực trạng nô lệ thời hiện đại đem lại nhiều đau buồn này, chúng ta cần phải có những hành động nào? Lời cầu kinh thương chuộc kẻ làm tôi thật vẫn còn giá trị trong thời đại văn minh và tân tiến của internet và của truyền thông. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người, mọi chính quyền ở các quốc gia, mọi tổ chức liên chính phủ, mọi cơ sở thương mại, mọi tổ chức tôn giáo và tổ chức xã hội cùng dấn thân để xoá bỏ nạn nô lệ. Phần Giáo Hội Công Giáo, thì “trong việc ‘loan báo chân lý tình yêu của Đức Ki-tô trong xã hội’, Giáo Hội luôn dấn thân không ngừng trong các hoạt động bác ái xuất phát từ chân lý về con người. Giáo Hội có nhiệm vụ phải phơi bày ra mọi con đường dẫn đến việc hoán cải, cho phép chúng ta thay đổi cái nhìn về những người thân cận của mình, để nhận ra nơi những người khác ấy, dù là ai, người anh chị em trong một gia đình nhân loại, và để thừa nhận phẩm giá bẩm sinh của họ trong chân lý và tự do, như câu chuyện của Josephine Bakhita soi sáng cho chúng ta. Đây là vị thánh xuất thân từ vùng Darfur của Sudan, người đã bị bắt cóc bởi những người buôn bán nô lệ và bị bán cho những ông chủ tàn ác khi thánh nhân chỉ mới 9 tuổi, và sau đó, từ chính những kinh nghiệm đau thương này, thánh nhân đã trở nên một ‘ái nữ tự do của Thiên Chúa’, nhờ Đức Tin sống trong sự hiến dâng sốt sắng và trong sự phục vụ người khác, đặc biệt là những người thấp bé và bất lực nhất. Vị thánh này, người đã sống giữa thế kỷ 19 và 20, ngày nay vẫn có thể trở thành một mẫu gương điển hình của niềm hy vọng cho nhiều nạn nhân của nạn nô lệ; ngài có thể nâng đỡ cho những nỗ lực của những ai dấn thân trong cuộc đấu tranh chống lại ‘vết thương trên thân mình của nhân loại đương thời, một vết thương trên thân xác của Đức Ki-tô’. Dưới viễn tượng này, tôi muốn mời gọi mỗi người, theo vai trò và trách nhiệm riêng của mình, hãy thực thi hành vi huynh đệ đối với những ai đang bị giam giữ trong tình trạng nô dịch…Vì thế, tôi khẩn thiết nài xin tất cả anh chị em thiện chí, và tất cả những ai dù xa hay gần, bao gồm những cấp độ cao nhất của các thể chế dân sự, những ai chứng kiến nỗi đau của nạn nô lệ tân thời, đừng thỏa hiệp với sự dữ này, đừng quay mặt đi trước những nỗi đau của anh chị em mình, của đồng loại mình, những người đã bị tước đoạt tự do và nhân phẩm, nhưng hãy có dũng lực để đụng đến thân thể đau đớn của Đức Ki-tô, được biểu lộ nơi khuôn mặt của vô số những con người mà chính Ngài gọi là ‘những người anh em bé mọn của Ta’ (x.Mt 25,40.45)”.[8]

Tương hợp với tinh thần dấn thân để giải thoát những nô lệ thời hiện đại mà Đức Phanxicô kêu gọi, cũng như theo tinh thần sống thực thi lòng thương xót nhân hậu của Chúa, chúng ta thấy thời Giáo Hội tiên khởi thánh Phao-lô đã xin cộng sự viên của mình là ông Philemôn đón nhận Ki-tô hữu mới là Onesimus trở nên người anh em của ông, dù trước kia Onesimus là nô lệ của Philemon; và hôm nay chúng ta cũng thấy các nữ tu đứng trong tuyến đầu của của việc dấn thân để cứu thoát biết bao nhiêu nạn nhân của nô lệ thời hiện đại. Nữ tu Sharmi D’Souza đến từ Ấn Độ đã kể về công việc hỗ trợ cho các nạn nhân và truy tố những kẻ buôn người. Nữ tu Sharmi cho biết, các nữ tu cùng với cảnh sát truy lùng tận bên trong các nhà thổ và giải cứu các cô gái. Ví dụ trong một cuộc đột kích, Sơ đã giải cứu được 37 cô gái, trong đó 11 cô là gái mại dâm tuổi vị thành niên. Từ những cô gái này, họ đã tìm hiểu tất cả các tình tiết về những kẻ buôn người là ai và nơi chúng làm việc, và sau đó đã tống được 30 kẻ buôn bán người vào tù. Sơ Sharmi cũng kêu gọi cho các giám mục, linh mục và mục sư sát cánh cùng các nữ tu, để giúp đỡ họ nhổ tận gốc những kẻ buôn bán người trên khắp thế giới.[9] Mong sao, mọi người trên thế giới đều ý thức rằng, trong mắt Thiên Chúa, mỗi con người là một người tự do, dù đó là con gái hay con trai, phụ nữ hay đàn ông, và được tạo dựng vì thiện ích của mọi người trong sự bình đẳng và tình huynh đệ.[10] Mong sao, thế giới này không còn tình trạng nô lệ nữa, và mọi người đều là anh em với nhau, và tất cả đều có một Cha giàu lòng thương xót ở trên trời.

Nguyện xin Thiên Chúa xót thương làm “mọi sự trở nên mới” (x.Kh 21,5), và xin cứu vãn các tương quan giữa con người chúng con, bao gồm cả tương quan giữa nô lệ và ông chủ, bằng cách làm sáng tỏ những điều mà cả hai bên đều có chung: cùng được nhận làm con của Cha, và cùng sống trong tình huynh đệ với Đức Ki-tô, Đấng đã trở nên nghèo nàn, mặc lấy thân phận phàm nhân, thân phận nô lệ, để cứu rỗi chúng con, những người sống như nô lệ của tội lỗi, của bóng đêm và của sự dữ. Xin cho chúng con thấu hiểu và thấm nhuần tình yêu của Chúa, và xin cho chúng con luôn gắn bó và kết hiệp mật thiết với Chúa trong cuộc sống, Đấng đã nói với chúng con: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm, nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).[11]

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

-------------------

[1] ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2015, số 3. Bản tiếng Việt của Pr. Lê Hoàng Nam SJ., nguồn: dongten.net.

[2] The global Slavery Index 2014, t.6, nguồn: www.globalslaveryindex.org

[3] X. ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2015, số 3.

[4] The global Slavery Index 2014, t.33.

[5] The global Slavery Index 2014, t.69.

[6] The global Slavery Index 2014, t.69.

[7] X. ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2015, số 4.

[8] ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2015, số 6.

[9] X. Các nữ tu chống lại hình thức nô lệ mới, bài của Hoàng Minh, nguồn: http://www.chuacuuthe.com.

[10] X. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo tôn giáo đòi hỏi xóa bỏ chế độ nô lệ, nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/

[11] X. ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2015, số 2.


21. THƯƠNG CHÔN XÁC KẺ CHẾT

Đứng trước một người vừa nhắm mắt ra đi, chúng ta mới thấy rằng cái chết là một huyền nhiệm.[1] Sự huyền nhiệm của cái chết có thể được nhìn qua hai điều: Với cái chết của người khác chúng ta thấy rằng, người nhắm mắt ra đi bước vào một con đường mà trên đó anh ta phải đi một mình. Dù chúng ta có nắm lấy tay người chết với tất cả tình yêu thương và dịu dàng của chúng ta, thì chúng ta cũng không thể nào chia sẻ con đường này của người vừa ra đi. “Quả thật, có một đêm đen không âm thanh nào vươn tới được, có một cánh cửa mà ta chỉ có thể bước qua một mình, đó là cánh cửa của sự chết. Mọi nỗi sợ trên trần gian rốt cuộc cũng chỉ là nỗi sợ cô đơn đó”.[2]

Vì thế, chúng ta cần phải trân trọng huyền nhiệm của sự chết nơi mỗi một con người. Có người trong cuộc sống trần thế đã có một đời dễ dàng và hạnh phúc, nhưng cũng có người đã phải vượt qua biết bao nhiêu thử thách và đã phải chiến đấu rất nhiều trong cuộc sống. Dù thế nào, khi họ nằm xuống, chúng ta phải trân trọng họ, trân trọng cuộc đời và trân trọng sự chết của họ.

Với cái chết của bản thân chúng ta, còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa. Chúng ta không biết khi nào chúng ta sẽ nằm xuống và chúng ta sẽ chết như thế nào. Sẽ chết như thế nào, điều này vượt ra ngoài phạm vi con người của chúng ta. Trong sách Gương Chúa Giê-su, còn được gọi là sách Gương Phúc, một cuốn sách mà Mẹ của tôi đã đọc trong cuộc đời, và khi qua đời đã để lại cho tôi, ở chương 23 – Gẫm về sự chết, có đoạn viết rằng: “Nếu có bao giờ bạn chứng kiến một người từ trần, hãy nhớ rằng, bạn cũng phải đi qua con đường đó. Buổi sáng hãy nhớ rằng có thể bạn không còn sống đến buổi chiều, và khi tối đến đừng dám chắc bạn sẽ sống đến bình minh. Do đó, hãy luôn sẵn sàng và sống như thể cái chết không bao giờ đến với bạn mà không chuẩn bị. Nhiều người chết thình lình và không ngờ, vì vào lúc bất ngờ Con Thiên Chúa sẽ đến”.[3]

Ratzinger cũng đã đặt câu hỏi về sự chết, nhưng cũng xin đầu hàng không thể đưa lại câu trả lời: “Thực ra chết là gì? Điều gì xảy ra khi một người chết đi, nghĩa là bước vào cõi chết? Phải nhìn nhận rằng, chúng ta tất cả đều bối rối trước câu hỏi đó. Hẳn không ai trả lời được, bởi vì chúng ta còn đang sống, chưa có kinh nghiệm về cái chết”.[4]

Với cái chết, con người đánh mất đi tất cả: cuộc sống tương quan và cuộc sống tình cảm, những việc làm dở dang, những kế hoạch hay dự án đang ở trên bàn, cả những giấc mơ đang có. Chỉ còn có mỗi một điều là người nằm xuống trao phó linh hồn của mình cho Chúa Cha ở trên trời, như chính Đức Ki-tô đã làm: “Phần con, con đến cùng Cha” (Ga 17,11), và “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Karl Rahner đã suy niệm lời này như sau: “Đối với những ai đã yêu thế gian và trở nên một với thế gian này, thì thật là kinh khủng đối với họ, khi họ rơi vào bàn tay của Thiên Chúa. Nhưng Chúa vẫn kêu lên lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nếu có một lời nào đáng để tin, thì chình là lời này. Lời mà Chúa đã thốt lên trong giây phút đạt tới đích điểm. Có một Thiên Chúa là Cha. Trong tay Ngài người ta có thể phó thác tất cả mọi sự. Mọi sự. Thật vậy, mọi sự đều được đón nhận”.[5]

Còn với Đức Benedicto XVI thì: “Những lời nói của Chúa Giê-su, sau khi cầu khẩn ‘Lạy Cha’, tiếp tục một diễn tả của Thánh Vịnh 31: ‘Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha’ (Tv 31,6). Tuy nhiên, những lời này không phải là một câu trưng dẫn đơn giản, nhưng thay vào đó, biểu lộ một quyết định vững chắc: Chúa Giê-su phó Mình cho Chúa Cha trong một hành động hoàn toàn phó thác. Những lời này là một lời cầu nguyện ‘trao phó’, hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trước cái chết là một điều bi thảm, cũng như với mọi người, nhưng cùng một lúc, được tràn ngập bởi sự bình thản thẳm sâu đến từ lòng tín thác vào Chúa Cha, và ý muốn hiến thân hoàn toàn cho Ngài trong vườn Cây Dầu, khi Người bước vào cuộc chiến đấu cuối cùng, cùng cầu nguyện mãnh liệt, và sắp sửa ‘bị nộp vào tay người ta’ (Lc 9,44), mồ hôi của Người đã trở thành ‘như những giọt máu rơi xuống đất’ (Lc 22,44). Nhưng trái tim của Người hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, và ‘một thiên sứ từ trời’ đã đến để an ủi Người (x.Lc 22,42-43). Bây giờ, trong những giây phút cuối cùng của Người, Chúa Giê-su đã thưa cùng Chúa Cha rằng Người phó thác trọn cuộc đời Người trong tay Chúa Cha”.[6]

Là tín hữu, chúng ta cũng được mời gọi tập sống như Chúa Giê-su trong những giây phút cuối cùng của cuộc sống, chúng ta cần tín thác hoàn toàn vào trong bày tay nhân hiền của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Chính Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta vượt qua cái chết, để bước vào đời sống mới trên Nước Thiên Đàng. Ngoài ra, chúng ta cũng phải tin tưởng hoàn toàn vào Chúa Giê-su, Đấng đã vượt qua sự chết, vượt qua nỗi cô đơn tột cùng của đêm đen, để sống lại và mở ra cho chúng ta một cánh cửa mới, cứu thoát chúng ta ra khỏi đêm đen của cái chết: “Đức Ki-tô đã vượt qua ngưỡng cửa cô đơn cuối cùng của nhân loại; qua cuộc khổ nạn của Ngài, Ngài đã bước xuống tận vực thẳm của thân phận bị ruồng rẫy. Nơi đâu chúng ta chẳng còn nghe được âm thanh nào vọng tới nữa, thì nơi đó có Ngài. Như vậy, có nghĩa là địa ngục đã bị đánh bại, hay đúng hơn cái chết không còn phải là địa ngục nữa. Cả hai giờ đây không còn giống như trước nữa, vì sự sống hiện diện ngay giữa lòng sự chết, tình yêu cư ngụ ngày trong bóng tối tử thần…Chết không còn dẫn vào cô đơn giá buốt, cánh cửa địa ngục nay đã mở toang…Cánh cửa sự chết mở toang, vì trong sự chết này có sự sống: có tình yêu cư ngụ”.[7]Như thế, trong niềm tin vào Chúa Ki-tô, chúng ta tin rằng, sự chết dù đến khi nào và diễn ra thế nào, thì sự chết vẫn không phải là điểm kết của tín hữu: “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy” (1Cr 15,13).

Niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh đem lại cho chúng ta niềm hy vọng về sự sống vĩnh cửu. Chúng ta được phép hy vọng vào điều đó, vì Thiên Chúa khi dựng nên chúng ta, Ngài biết tên chúng ta, Ngài ghi khắc từng người chúng ta vào trong bàn tay của Người: “Này Cha đã ghi khắc con trong lòng bàn tay Cha” (Is 49,16). Tên của chúng ta không bao giờ bị phai nhoà, vì Chúa đã viết tên chúng ta không bằng những giọt mực dễ phai, mà Ngài viết bằng chính tình yêu thương. Mà tình yêu thì không bao giờ mất được. Hơn nữa, Chúa không chỉ viết, chỉ ghi, mà còn khắc tên chúng ta nữa. Khi cho chúng ta bước vào cuộc sống ở trần gian này, Thiên Chúa khắc sâu từng người chúng ta trong trái tim yêu thương của Ngài, và khi chúng ta đi ngang qua cái chết để trở về với Chúa, thì tên của chúng ta đã được Ngài khắc trên tấm bảng của sự sống vĩnh cửu. Rahner đã xác tín đời sống vĩnh cửu của con người cách sâu sắc: “Thánh Kinh không hề biết đến bất cứ đời sống con người nào lại quá tầm thường, đến nỗi con người không có giá trị đủ để trở thành vĩnh cửu, và đó là sự lạc quan cao cả của Thánh Kinh. Không có gì quá nhiều đối với Thánh Kinh. Vì mỗi người được Thiên Chúa gọi với tên của mình, và vì mỗi người hiện hữu trong thời gian và trước sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng phát xét và cứu độ, nên mỗi người là một con người của vĩnh cửu chứ không chỉ những thần linh cao cả của lịch sử. Hơn thế nữa, trong thần học Gio-an điều đó trở nên rõ ràng hơn, khi tính vĩnh cửu ấy đang hiện hữu trong thời gian, và vì thế vĩnh cửu vượt trên thời gian, chứ không phải là một phần thưởng được ban cho sau thời gian và thêm vào cho thời gian.

Thánh Kinh mô tả nội dung đời sống vinh phúc của người chết bằng cả ngàn hình ảnh: Như yên nghỉ và bình an, như bữa tiệc và vinh quang, như sống trong nhà Cha, như vương quốc vĩnh cửu của Vương Triều Thiên Chúa, như cộng đoàn của mọi người đã đạt đến viên mãn vinh phúc, như thừa hưởng vinh quang Thiên Chúa, như một ngày không bao giờ có tận cùng, và như sự thoả mãn không buồn tẻ. Xuyên suốt mọi lời trong Thánh Kinh, ta luôn luôn ước đoán cùng một điều duy nhất: Thiên Chúa là mầu nhiệm tuyệt đối. Và do đó, sự viên mãn và gần gũi tuyệt đối với chính Thiên Chúa cũng là một mầu nhiệm khôn tả, mà ta phải gặp và người quá cố chết đi trong Đức Chúa lại tìm thấy, như sách Khải Huyền nói. Đó là mầu nhiệm hạnh phúc khôn tả”.[8] Giáo Hội cũng dạy chúng ta rằng: “Tất cả các bí tích, nhất là các bí tích khai tâm Ki-tô giáo, đều hướng tới mục tiêu là cuộc Vượt Qua cuối cùng dẫn đưa người con Thiên Chúa vượt qua sự chết, vào đời sống trong Nước Trời. Những điều người tín hữu tuyên xưng trong đức tin và hy vọng tôi đợi trông ngày kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau, lúc đó được hoàn tất trọn vẹn (x. Kinh Tin Kính của CÐ.Ni-xê-a Công-tăng-ti-nô-pô-li). Ðối với Ki-tô hữu, ý nghĩa sự chết được mặc khải trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Ðức Ki-tô, Ðấng đem lại cho chúng ta niềm hy vọng duy nhất. Người ki-tô hữu được cùng chết với Ðức Ki-tô, lìa bỏ thân xác này để được ở bên Chúa (x.2Cr 5,8)”.[9]

Chính vì hiểu được huyền nhiệm của sự chết, và rất trân trọng những người nằm xuống, cũng như dựa vào nền tảng của niềm tin vào Chúa Phục Sinh, Giáo Hội luôn khuyên nhủ con cái mình cần phải thương chôn xác kẻ chết. Lật lại sách Tôbia trong Cựu Ước, chúng ta thấy ông đã nói rằng: “Nếu thấy ai trong số đồng bào tôi chết và bị quăng thây ra phía sau tường thành Ni-ni-vê, thì tôi chôn cất người đó” (Tb 1,17).

Lời của Tôbia làm cho chúng ta nhớ lại hình ảnh của mẹ Tê-rê-sa thành Can-cút-ta. Một trong những trải nghiệm sâu xa của mẹ đánh động lòng người, chính là việc mẹ quyết tâm phải tìm được một nơi chốn cho những người bất hạnh, yếu đau đang nằm chờ chết ở dọc các phố nghèo nàn của thành phố Can-cút-ta. Với mẹ, họ cần được chết như là một con người, chứ không thể chết vất vưởng ở dọc đường như là những con thú và chẳng ai màng tới cả. Phẩm giá của con người, dù nghèo đến mấy, cũng cần phải được tôn trọng. Con người đó với thân xác mỏng dòn và đang đứng trước ngưỡng cửa của tử thần vẫn cần được yêu thương và trân trọng. Thân xác của con người đó chính là công trình sáng tạo tuyệt vời của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, nên mẹ Tê-rê-sa đã lập ra những ngôi nhà hấp hối cho các anh chị em nghèo nàn. Dưới đây là một chia sẻ của các nữ tu của mẹ Tê-rê-sa về công việc thương chôn xác kẻ chết, trong một nhà hấp hối ở Can-cú-ta: “Khi những người hấp hối mới đến trung tâm thường họ không thể nói được, bởi thế khi họ được chở đến bằng xe cứu thương hay bởi các nam hay nữ tu sĩ khiêng vào, họ được nhập viện với tên ‘vô danh’. Sau đó, với một chút săn sóc và yêu thương và thực phẩm, họ có thể nói được và cho biết tên. Các chị cũng thường cố biết xem họ thuộc tôn giáo nào, để khi chết họ được chôn cất cách thích hợp. Người Công Giáo thì ra nghĩa trang, người Hồi Giáo thì ra chỗ chôn cất của người Hồi Giáo, và người Ấn Giáo được hỏa thiêu bên cạnh sông, là chỗ rất gần chúng tôi. Ða số những người đến với chúng tôi là Ấn Giáo, nên nếu chúng tôi không biết tôn giáo của họ, thường chúng tôi chôn họ theo Ấn Giáo”.[10]

Một sự dấn thân khác cho tinh thần thương chôn xác kẻ chết ở tại quê hương. Đó là hình ảnh của một anh em linh mục trẻ ở vùng sâu vùng xa, nơi đó đa số giáo dân là người nghèo. Khi được thuyên chuyển tới đó, cha đã tập chia sẻ cuộc sống với người nghèo, và phục vụ họ trong mọi phương diện. Một điều cha chia sẻ ghi khắc vào tâm hồn tôi. Cha đã mời gọi nhiều anh chị em giáo dân ở những nơi khác mà cha biết, xin họ giúp cha một điều, là góp phần giúp cha có thể đóng được những cỗ quan tài đơn sơ, để khi gia đình nghèo nào có người qua đời, dù Công Giáo hay lương giáo, đều được cha chia sẻ một cỗ quan tài đơn sơ. Tình yêu và lòng thương xót không bao giờ chê bai những cảnh nghèo nàn, tình yêu và lòng thương xót thắng vượt trên cái nghèo và sự chết, để luôn trân quý và gìn giữ phẩm giá của người vừa nằm xuống, dù họ là ai đi nữa.

Với sự trân quý người nằm xuống, mà Giáo Hội đã có nghi thức cao quý nhất để tiễn biệt con cái của mình khi họ được Chúa gọi về. Nghi thức đó chính là Thánh Lễ: “Trong Thánh Lễ, Hội Thánh bày tỏ sự hiệp thông hữu hiệu của mình với người quá cố: khi dâng lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, hy tế cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ðức Ki-tô, Hội Thánh cầu xin Cha cho người con của mình được thanh luyện khỏi mọi tội lỗi, được tha mọi hình phạt, và được nhận vào bàn tiệc trong nước Chúa (x.Sách Lễ Nghi An Táng 57). Nhờ bí tích Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu, nhất là gia đình người quá cố, học sống hiệp thông với người ‘đã an nghỉ trong Chúa’, bằng cách rước Mình Thánh Chúa mà người đó đang là một chi thể sống động, để rồi cầu nguyện cho và cùng với người đó. Nghi thức từ biệt người quá cố lần cuối cùng là lời Hội Thánh ‘phó dâng người này cho Chúa’. ‘Cộng đoàn Ki-tô hữu chào từ biệt lần cuối cùng một chi thể của mình, trước khi xác người đó được mai táng’ (x.Sách Lễ Nghi AnTáng 10). Truyền thống By-zan-tin diễn tả ý nghĩa này bằng cái hôn từ biệt người quá cố: ‘Bằng lời chào cuối cùng này, chúng tôi hát tiễn người ra đi khỏi cuộc đời này và hát bài chia ly, cũng là bài hiệp thông và tái ngộ.

Ðúng vậy, cái chết không hề chia lìa chúng tôi, vì tất cả chúng tôi đang đi cùng một đường và sẽ gặp lại nhau ở cùng một nơi. Chúng tôi sẽ không bao giờ bị chia cách, vì đang sống cho Ðức Ki-tô và giờ này đang được kết hiệp với Người, đang đi gặp Người...Tất cả chúng tôi sẽ đoàn tụ trong Ðức Ki-tô’ (x.Thánh Si-mê-on thành Thê-xa-lô-ni-ca, Sep.)”.[11] Vì thế, khi sống tinh thần thương chôn xác kẻ chết, là lúc chúng ta cầu nguyện cùng Chúa cho người vừa nằm xuống và cho bản thân chúng ta sau này, có được một chỗ trên nước Thiên đàng, như lời khuyên trong sách Gương Chúa Giê-su: “Hãy giữ mình như một khách lạ trên trần gian, một lữ khách không màng gì đến thế sự. Hãy giữ tâm hồn bạn được tự do và dâng lên Thiên Chúa, vì bạn không có căn nhà vĩnh cửu ở đây (x.Dt 13,14). Hằng ngày hãy dâng lên Người kinh nguyện, tiếng thở than và nước mắt thống hối của bạn, để sau khi chết linh hồn bạn được đến với Thiên Chúa trong hạnh phúc”.[12]

Thật là quý báu, khi thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa qua chính hành động yêu thương giúp đỡ người anh em bên cạnh, trong lúc họ rơi vào tình trạng đói khát, rách rưới, bệnh hoạn và bị tù đày, cũng như khi họ chết đi. Tất cả những điều đó, khi chúng ta thực thi, không chỉ cho những anh chị em bất hạnh, mà chúng ta làm cho chính Chúa Giê-su, bởi vì họ là hiện thân của chính Chúa: “Sự khốn cùng của con người xuất hiện dưới nhiều hình thức: thiếu thốn vật chất, bất công và đàn áp, bệnh hoạn thể xác và tâm thần, cuối cùng là cái chết. Sự khốn cùng này là dấu chỉ cho thấy con người sau nguyên tội yếu đuối từ bẩm sinh và cần đến ơn cứu độ. Vì thế, Ðức Ki-tô đã chạnh lòng thương xót và mang lấy thân phận khốn cùng của con người và tự đồng hóa với người bé nhỏ trong các anh em”.[13]

Tóm lại, lòng thương xót có chiều rộng và chiều sâu như thế nào, và lòng thương xót có ý nghĩa gì cụ thể đối với người Ki-tô hữu, cũng như lòng thương xót cần được thực thi ra sao, thánh nữ Faustina đã diễn tả cách sâu sắc trong lời cầu nguyện viết vào năm 1937:

Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để đôi mắt con luôn nhân từ, và con không nghi ngờ hay kết án bất cứ ai qua giáng vẻ bề ngoài của họ, xin giúp con cảm nhận được những gì đẹp đẽ trong tâm hồn của anh chị em bên cạnh và luôn sẵn sàng nâng đỡ họ.

Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để đôi tai con luôn nhân từ, và con luôn chú ý đến nhu cầu của anh chị em bên cạnh, và đôi tai con không “dửng dưng” trước những nỗi đau và kêu than của anh chị em bên cạnh.

Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để miệng lưỡi con luôn nhân từ, và con không bao giờ nói xấu anh chị em bên cạnh, ngược lại mỗi lời con nói ra là lời an ủi và tha thứ cho mọi người.

Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để đôi tay con luôn nhân từ và tràn đầy những việc tốt lành, và đối với anh chị em bên cạnh con chỉ làm những điều tốt đẹp cho họ, phần con thì sẵn sàng đón nhận những gì khó khăn và lao nhọc.

Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để đôi chân con luôn nhân từ, và con luôn sẵn sàng đến và giúp đỡ anh chị em bên cạnh, và luôn làm chủ được sự nhọc nhằn và mệt mỏi của bản thân. Sự nghỉ ngơi đích thật của con nằm ở trong sự phục vụ anh chị em bên cạnh.

Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để trái tim con luôn nhân từ, nhờ đó con luôn cảm nhận được những khổ đau của anh chị em bên cạnh, và trái tim con không từ chối bất cứ ai, cũng như con luôn có thái độ dịu dàng và đúng đắn với những người mà con biết rằng, họ có thể lạm dụng những tình cảm của con; phần con xin được ẩn náu trong trái tim nhân từ của Chúa Giê-su. Với những khổ đau của bản thân, con xin được giữ riêng cho mình. Lạy Chúa, xin cho lòng thương xót của Chúa luôn hiện diện trong con.

Chính Chúa đã lệnh truyền cho con, là con cần phải thực thi ba mức độ của lòng thương xót. Mức độ thứ nhất là: Hành động thương xót và nhân từ - trong mỗi một hành động. Thứ hai: Lời nói thương xót và nhân từ - những gì con không thực hiện được bằng hành động, thì xin giúp con thực hiện bằng lời nói. Thứ ba: Cầu nguyện – Nếu con không thể thực thi lòng thương xót qua hành động và lời nói được, xin giúp con thực thi trong cầu nguyện. Lời cầu nguyện của con vươn tới những nơi, mà bản thân con với thân xác này không thể vươn tới được. Lạy Chúa Giê-su của con, xin thánh hoá con trong Chúa, vì Chúa có thể làm được mọi sự”.[14]

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

Trở về mục lục


[1] X. FERLAY P., Abrégé de la vie spirituelle, Desclée, Paris 1988, t.108-109.

[2] RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, t.248. Tham khảo bản tiếng Việt với tựa đề Đức Tin Ki-tô Giáo, hôm qua và hôm nay, do Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam chuyển ngữ, Đà-lạt 2010.

[3] THOMAS À KEMPIS, Gương Chúa Giê-su, Nhà Sách Fatima, Sài-gòn 1965, Gẫm về sự chết, Chương XXIII, t.102.

[4] RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, t.246.

[5] RAHNER K., Saemtliche Werke, Christliches Leben, Band 14, Herder Verlag, Freiburg 2006, t.162.

[6] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện.

[7] RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, t.248-249.

[8] RAHNER K., Grundkurs des Glaubens, 5. Aufl., Herder Verlag, Freiburg 1976, t.423. Tham khảo bản tiếng Việt với tựa đề Những nền tảng Đức Tin Ki-tô, tập hai: Ki-tô học, do Nguyễn Luật Khoa OFM. biên dịch.

[9] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số.1680-1681.

[10] Linh Đạo Mẹ Têrêsa Calcutta, pt. Giuse TV Nhật chuyển ngữ, trong phần nói về Phục Vụ, nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/

[11] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1689-1690.

[12] THOMAS À KEMPIS, Gương Chúa Giê-su, Nghĩ về sự chết, Chương XXIII t.106.

[13] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2448.

[14] Trích dẫn bởi KASPER W., Barmherzigkeit, t. 144-145.


22. THA THỨ, THÁI DỘ CĂN BẢN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

PHẦN 01

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện xin Thiên Chúa thương xót tha thứ cho chúng ta: “xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12). Lời cầu xin tha thứ mà Chúa Giê-su dạy cũng là một trong những chủ đề chính trong những lời cầu nguyện của người Do Thái. Trong lời cầu nguyện 18 của người Do Thái, có lời cầu xin ơn tha thứ: Lạy Cha, xin cha cho chúng con, vì chúng con đã phạm lỗi chống lại Cha, xin xóa bỏ những lầm lỗi của chúng con trước mặt Cha, vì lòng nhân từ của Cha thật bao la. Lạy Gia-vê Thiên Chúa, Đấng hay tha thứ, xin ngợi khen Cha.[1] Đọc kỹ lại từng lời cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha, sẽ nhận ra được nét đặc biệt trong lời cầu nguyện về tinh thần tha thứ. Đó là, chỉ trong lời cầu nguyện này, theo Joachim Jeremias[2], có thêm một yếu tố “thêm vào”, đó là hành động của con người: “Như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Còn trong các lời cầu nguyện khác chỉ nói về hành động của Thiên Chúa. Vì thế, có thể nói rằng, sự tha thứ của Thiên Chúa luôn gắn liền với sự tha thứ của con người.

Điều này được diễn tả sống động trong dụ ngôn “tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót” (x.Mt 18,23tt). Ý tưởng quan trọng của dụ ngôn này được diễn tả qua câu nói của vị vua trong câu chuyện: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33). Câu nói của vị vua nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của tinh thần tha thứ trong đời sống Đức Tin, cụ thể trong tương quan của người Ki-tô hữu với Chúa và với người khác. Tuy nhiên, theo Gnilka, trong lời cầu xin tinh thần tha thứ của Kinh Lạy Cha, chúng ta không được phép nói rằng: những ai đã sẵn sàng tha thứ cho người khác thì họ đã có một công nghiệp. Với công nghiệp này họ được phép đòi hỏi sự tha thứ của Chúa. Đúng hơn, người Ki-tô hữu cần ý thức rằng: con người chỉ được phép cầu xin ơn tha thứ của Chúa, khi con người về phần mình đã sống tinh thần tha thứ.[3] Cũng thế, đối với Michel Hubaut, thì “chữ ‘như’ này diễn tả một sự lô-gíc của tình yêu…Và không thể chấp nhận được tình trạng, một đàng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, Đấng tha thứ, nhưng đàng khác vẫn đóng kín mình lại và từ chối tha thứ cho tha nhân. Con người cộng tác vào sự tha thứ tội lỗi cho chính họ bằng cách họ đón nhận tình yêu giàu lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng giúp cho con người có khả năng để tha thứ cho anh chị em. Con người, khi sống tinh thần tha thứ cho người khác, là họ bước vào trong sự lô-gic của lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa”.[4]

Thật vậy, sự tha thứ và lòng nhân hậu của Thiên Chúa lớn hơn tất cả những tội lỗi của con người. Ngài có thể biến đổi những lầm lỗi vào trong tình yêu. Tất cả đều có thể đối với Thiên Chúa, tất cả những gì cũ kỹ đều có thể trở nên mới đối với Thiên Chúa.

Cũng thế, sự tha thứ đem lại một cuộc gặp gỡ mới, sự tha thứ “cưu mang” một sự sinh ra mới, đó chính là giao ước mới của Thiên Chúa với dân Ngài, mà tiên tri Giê-rê-mi-a diễn tả : “Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Đức Chúa. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: ‘Hãy học cho biết Đức Chúa’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31,31-34).

Dù dân Ít-ra-en có thất trung và “đập vỡ” giao ước với Thiên Chúa trên núi Si-nai, nhưng Thiên Chúa vẫn trung tín và một mực yêu thương dân của Ngài. Ngay từ ngày đầu tiên, Thiên Chúa với tình yêu đã nói lời xin vâng đối với con cái của Ngài, thì lời xin vâng đó có giá trị cho đến ngàn đời. Sợi dây nối kết của lời xin vâng tình yêu này vững chắc đến nỗi, không có sức mạnh nào của sự dữ, của bóng đêm có thể cắt đứt được. Ngược lại, trong lời xin vâng của tình yêu, Thiên Chúa thiết lập một giao ước mới với con cái của Ngài. Nhưng “cái mới” này không phải là sự lập lại của hành động ngày xưa, mà “cái mới” này diễn tả sự tái lập cách tuyệt vời dân của Thiên Chúa, sự tái lập này dựa trên sức mạnh biến đổi và thánh hóa nội tâm mà con cái của Thiên Chúa nhận được.

Vì thế, lề luật và tinh thần của Chúa không còn được ghi trên phiến đá như giao ước ngày xưa trên núi Si-nai, mà được ghi trong tâm khảm của con người. Nơi tâm khảm đó, nơi cái bên trong sâu thẳm nhất, những người con của đất thấp học biết Cha của trời cao. Cái biết này không chỉ là cái biết thông thường của trí hiểu, mà là cái biết diễn tả thái độ đón nhận và biểu lộ niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, cái biết của những tấm lòng đơn hèn vui mừng bước vào trong tương quan tình yêu với Ngài, vào trong một cộng đoàn với Thiên Chúa là Cha,[5] Đấng yêu thương con người đến nỗi đã hy sinh người Con duy nhất của Ngài cho nhân loại. Đó là Đức Giê-su Ki-tô, Ngài đến để đem Tin Mừng cho con người, Tin Mừng của tha thứ, Tin Mừng của cứu rỗi.

Theo sách ngôn sứ I-sai-a, Người Tôi Tớ của Giavê là Đức Ki-tô sẽ gánh lấy tội của thế gian (x.Is 53,7). Bởi vậy, Gio-an Tẩy giả đã tóm tắt thế nào là chờ đợi Đấng Mê-si-a: đó là nhận “phép rửa thống hối, để được tha tội” (Mt 1,21). Đây là một chủ đề cốt yếu của Tin Mừng. Tha tội là đặc điểm của trật tự mới, một trật tự phải chi phối những quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Nói cách khác, Đức Ki-tô đến rao truyền Phúc Âm của Chúa. Phúc Âm này là Tin Mừng dành cho mọi người, là sứ điệp đem lại niềm vui. Nhưng Đức Ki-tô không chỉ là người giảng lý thuyết, mà đi đôi với lời giảng là những hành động tương hợp với tinh thần của Ngài. Thật vậy, xuyên suốt bốn Tin Mừng, biết bao hành động của Đức Ki-tô đã đưa lại niềm vui cho những con người bất hạnh, cho những con người tội lỗi. Hình ảnh của người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành mà Lu-ca nhắc đến là một điển hình (x.Lc 7,36-50).

Một cuộc gặp gỡ thật đặc biệt giữa lòng nhân từ hay tha thứ của Chúa, với thân phận tội lỗi nhưng chất chứa nỗi lòng ăn năn sâu thẳm của người phụ nữ. Một cuộc gặp gỡ khác giữa người phụ nữ bị kết án vì tội lỗi và Đức Ki-tô. Bối cảnh và tình tiết của câu chuyện được Gio-an diễn tả thật đặc biệt (x.Ga 8,2-11). Một phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình, và theo luật thì bà ta phải bị ném đá. Xử theo luật sẽ là như thế, còn Đức Ki-tô, một Ráp-bi giảng về lòng nhân từ và tình yêu trong đôi mắt người Do Thái thời đó, sẽ xử như thế nào đây? Giữa vòng tròn đám đông vây quanh và dưới sức ép của bao “cái mồm to” đang đổ dồn và chờ đợi, Đức Ki-tô vẫn bình tâm, cúi xuống viết trên đất. Chẳng hiểu Ngài viết gì. Một thái độ lạ lùng làm đám đông nhốn nháo và vặn hỏi Ngài nhiều hơn.

Vẫn bình tâm, Đức Ki-tô ngẩng đầu lên và nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Một câu nói thật nhẹ nhàng, nhưng rất rõ ràng được ném vào bao “cái mồm to” với dụng ý rất xấu xa của đám người gian ác. Và điều gì xảy ra? Tất cả im thin thít, và những bước chân lẳng lặng tách khỏi đám đông, từ đôi chân già nhất đến đôi chân trẻ nhất. Vòng tròn kết án của con người theo luật lệ hà khắc đã tan biến, trả lại một bầu khí nhẹ nhàng dễ thở hơn.

“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Chúa đã nói lời này với nhóm người chỉ nhìn đến lề luật và tội lỗi của người đàn bà; họ tự tin, họ ngạo nghễ dương dương tự đắc. Với lời đó, Chúa muốn nhắc họ nhớ đến tội lỗi của họ: họ không thể để mình ra như những kẻ vô phương trách cứ và không có tội; chính họ cũng cần chạy đến xin Thiên Chúa kiên nhẫn với họ và thương xót họ. Làm sao mà họ có thể vội vã yêu cầu xử tử người đàn bà này như thế, mà không hề nghĩ lại bản thân của họ? Ngoài ra, Chúa không muốn đưa ánh mắt nhìn họ, mà Chúa mời gọi họ hãy tự mình phán xét chính mình; Ngài không muốn gây áp lực trên sự tự do của bất kỳ ai. Thân phận làm người là như thế, đã là người thì có tội. Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn tốt lành và thánh thiện, đúng lý ra Ngài có đầy đủ lý do để lên án loài người tội lỗi chúng ta, nhưng vì thương xót, Ngài đã ban cho chúng ta biết bao cơ hội: “Ta không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”. Trong dụ ngôn về hai con nợ, Chúa Giêsu cũng nói một câu đáng chúng ta suy nghĩ: “Sao ngươi không biết thương xót bạn ngươi như Ta đã thương xót ngươi” (Mt 18,33).

Không một ai dám khẳng định là mình không có tội; không một ai dám cầm đá mà ném trước cả. Tất cả đã bỏ đi. Chỉ còn chị phụ nữ và Chúa Giê-su. Về điều này, thánh Âu-tinh bình luận thật thâm thúy: chỉ còn lại nơi hiện trường có hai hữu thể là người phụ nữ đáng thương và Ðức Giêsu là hiện thân của lòng thương xót (Relietic sunt duo, misera et misericordia).

Đặt mình là người phụ nữ lúc đó, chắc cũng thở phào ra một chút, nhưng vẫn còn hồi hộp lắm, vì không biết Đức Ki-tô sẽ xử với tội lỗi của mình như thế nào. Vẫn với thái độ bình tâm, Đức Ki-tô ngẩng đầu lên và bây giờ Ngài mới nói với người tội lỗi : “Này Chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”. Cho tới đây, Người chỉ quan tâm đến các kẻ tố cáo người phụ nữ; bây giờ Người ngỏ lời với bà.

“Thưa ông, không có ai cả”. Trước lời đáp trả của người phụ nữ, Đức Ki-tô dịu dàng nhưng rất cương quyết nói với chị: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Lòng nhân từ lên tiếng tha thứ và đem lại sức sống mới. Một sức sống mới cần phải đoạn tuyệt với tội lỗi, một sức sống mới tràn đầy tự do, niềm vui và hạnh phúc. Nói khác đi, Chúa không lên án mà cũng không dung túng, nhưng Ngài cho kẻ có tội một cơ hội. Nếu Ngài lên án thì chị này phải chết, không còn cơ hội nào nữa. Nếu Ngài bỏ qua thì chị này sẽ tiếp tục phạm tội, cũng không có cơ hội. Ngài bảo chị về và đừng phạm tội nữa tức là cho chị một cơ hội để làm lại cuộc đời.

Với gương lành sống tinh thần tha thứ của Đức Ki-tô và với lời dạy dỗ của Ngài mời gọi, chúng ta cần học biết cảm thông, tha thứ. Thật vậy, sự tha thứ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống làm người. Đó là một trong những thái độ căn bản trong đời sống bình thường cho mọi người và đặc biệt cho đời sống của người Ki-tô hữu, những người tin vào Đức Ki-tô, Đấng đã sống tinh thần tha thứ cách triệt để, và đã dạy dỗ con cái theo gương Ngài sống tinh thần tha thứ cho nhau. Kế bên lời cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha về tinh thần tha thứ mà Đức Ki-tô dạy, chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng những giáo huấn khác của Đức Ki-tô nhắc nhớ chúng ta sống tinh thần tha thứ. Như trong những câu kế tiếp của Kinh Lạy Cha, Đức Ki-tô nhắc lại tinh thần tha thứ, nhưng với một cung cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).

Như vậy, tha thứ cho anh chị em đồng loại là một đòi hỏi dành cho những ai sống đời sống Đức Tin vào Chúa. Chính sự đòi hỏi này cũng là một lời cảnh báo, đừng bao giờ để cho những tự ái, những căng thẳng, những vết thương, sự thù hận và sự chai cứng trái tim “giết chết” đi lòng nhân từ, nhận chìm thiện chí hòa giải. Đời sống người Ki-tô hữu hệ tại phần lớn ở chính lòng nhân từ thương xót, yêu mến sự hòa bình và sẵn sàng tha thứ, như chính Đức Ki-tô đã sống và mời gọi chúng ta sống như Ngài. Tuy nhiên, tha thứ là một điều không dễ làm. Đó là một hành vi đòi hỏi chúng ta phải mở lòng ra, đôi khi phải lấy hết can đảm để nói lên hai tiếng “tha thứ”, để chạy đến với người có lỗi và giang rộng đôi tay ôm họ vào lòng.

 

PHẦN 02.

Đón nhận nhau, tha thứ cho nhau thật đẹp. Nhưng trong tha thứ có giới hạn về thời gian và không gian không? Trong Phúc Âm của Mát-thêu, chúng ta đọc lại một cuộc đối thoại ngắn ngủi của Phê-rô với Chúa Giê-su: “Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: ‘Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?’ Đức Giê-su đáp: ‘Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy’.” (Mt 18,21-22). Thật thú vị, câu trả lời của Đức Ki-tô! Martini đã làm một con tính, lấy 1440 phút của mỗi ngày để chia với 490 lần là kết quả của 70 lần 7, thì trong một ngày, cứ gần 03 phút cần phải tha thứ một lần. Như thế, tha thứ cho nhau là thái độ thường xuyên và cần thiết cho cuộc sống thường ngày.[6]  Còn đối với Bonhoeffer, một thần học gia và mục sư bị phát xít Đức giết vào thế chiến thứ hai, thì tha thứ không cần con số. Đừng đếm bao nhiêu lần cần phải tha thứ. Tha thứ không “quen” số lượng và không biết đến “chấm hết”. Tha thứ là thái độ sống hằng ngày và không ngừng nghỉ.[7] Thật vậy, trong cuộc sống thường ngày, con người cần phải tha thứ liên lỉ và tha thứ về rất nhiều chuyện. Tha thứ cho một ai đó làm ta thất vọng, tha thứ cho những người đã làm cho ta phải chờ đợi, tha thứ cho những người thân bỏ rơi ta khi ta lâm vào hoàn cảnh cảnh khó khăn, tha thứ cho những lời nói ác ý, những hành động bội phản và lừa dối làm cho ta bị tổn thương. Làm sao kể siết những điều chúng ta cần phải tha thứ. Như thế, cần phải tha thứ không ngừng, phải liên lỉ sống tinh thần hòa giải, nếu chúng ta muốn có một tâm hồn thanh bình, nếu chúng ta ý thức yêu thương chính mình và cuộc sống của mình.

Về câu chuyện của thánh Phê-rô ở trên, Đức Phanxicô cũng nhắc tới trong tông sắc năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 09: “Khi trả lời cho câu hỏi của Phêrô cần phải tha thứ bao nhiêu lần, Chúa Giêsu nói: ‘Thầy không nói bảy lần, nhưng bảy mươi lần bảy mươi lần’ (Mt 18,22). Sau đó, Ngài tiếp tục kể dụ ngôn về người ‘đầy tớ tàn nhẫn’, là người khi bị chủ gọi đến bảo phải trả lại một số tiền rất lớn, anh đã quỳ trên đầu gối mình van xin lòng thương xót. Người chủ hủy bỏ nợ của anh. Nhưng sau đó anh gặp một người đầy tớ bạn chỉ nợ anh một vài xu. Người bạn đến lượt mình cầu xin anh thương xót, nhưng người đầy tớ đầu tiên đã khước từ và ném bạn mình vào tù. Khi nghe chuyện này, người chủ tức giận và đã triệu hồi người đầy tớ đầu tiên trở lại và nói, ‘ngươi không buộc phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ (Mt 18,33). Chúa Giêsu kết luận: ‘Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình’ (Mt 18,35). Dụ ngôn này chất chứa một giáo lý sâu sắc cho tất cả chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định rằng lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nó trở thành một tiêu chuẩn để xác thực ai là con cái thật sự của Ngài.

Nói vắn tắt, chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót vì lòng thương xót đã được thể hiện ra cho chúng ta trước. Tha thứ cho các sai phạm trở thành diễn đạt rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với Kitô hữu chúng ta đó là một mệnh lệnh mà chúng ta không thể thoái thác cho chính mình. Có những lúc dường như thật là khó biết bao để tha thứ! Nhưng tha thứ là công cụ được đặt vào đôi tay mỏng dòn của chúng ta để đạt được sự thanh thản trong lòng. Lướt thắng được cơn giận, thịnh nộ, bạo lực và trả thù là điều kiện cần thiết để vui sống. Vì vậy, chúng ta hãy chú ý đến lời khuyên nhủ của Thánh Tông Đồ Phaolô: ‘chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn’ (Eph 4,26)”.  

Ngoài ra, trong Bài Giảng Trên Núi, ở đoạn trước của Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su đã dạy rằng: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).

Sự chia cách và khuynh hướng tạo nên những căng thẳng không được phép có mặt trong đời sống cộng đoàn và giữa anh chị em với nhau. Nếu không, thì mọi người trong cộng đoàn sẽ không xứng đáng dâng lễ để thờ lạy Thiên Chúa. Nói khác đi, sự bất hòa của anh chị em với nhau làm rách mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa. Lễ tế dâng lên Thiên Chúa của cộng đoàn cần được phát xuất từ những trái tim hiệp nhất, yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho nhau. Lễ tế dâng lên Thiên Chúa và tình huynh đệ nối kết chặt chẽ với nhau.[8]  Ở đây, thánh Cyprianô nhắn nhủ rằng: “Thiên Chúa không nhận tế phẩm của những kẻ gây bất hoà, và Ngài truyền cho họ hãy rời bỏ bàn thờ, và đi làm hoà với anh em trước đã, ngõ hầu có thể giao hoà với Thiên Chúa bằng những lời nài xin an bình. Hy lễ đẹp lòng Chúa hơn cả là sự bình an của chúng ta, sự hoà thuận, tình đoàn kết của đoàn dân trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.[9] Hơn nữa, tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa sẽ trọn vẹn hơn xuyên qua tinh thần hòa giải với người bên cạnh. Thật vậy, “nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4,20).[10]

Trong giáo huấn về Đức Tin và cầu nguyện, Đức Ki-tô cũng nói: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em” (Mc 11,25). Lời cầu nguyện cùng với của lễ không bao giờ tương phản với hành động, ngược lại cả hai được nối kết bởi một nhịp cầu. Cũng thế, tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa luôn gắn liền với tương quan của chúng ta với tha nhân. Chúng ta không thể đi vào cộng đoàn để cầu nguyện, để dâng của lễ lên Chúa, cũng như để sống tinh thần hiệp thông yêu thương, nếu lòng chúng ta nặng trĩu những nỗi đau, nếu những nỗi hận đang trì kéo chúng ta xuống những hố sâu đen tối. Hơn nữa, lời cầu nguyện và của lễ của mỗi chúng ta trong cộng đoàn sẽ chẳng sinh ích gì, nếu chúng ta đang có những chuyện xích mích với anh chị em trong gia đình, với người hàng xóm, với bạn bè xung quanh, và lại ôm ấp vết thương và những bực tức, ôm ấp nỗi hận thù ngăn cản không cho tấm lòng nhân từ mở ra để tha thứ, để hòa giải và xây dựng lại đời sống của cộng đoàn. Đối với Jacques Guillet, cộng đoàn của Tin Mừng được thành lập trên tinh thần tha thứ. Cộng đoàn đó chỉ hiện hiện ở nơi mà tất cả các anh chị em, nghĩa là từng cá nhân một trong cộng đoàn có được một chỗ để hiện diện, được góp mặt vào trong một tập thể chung, vượt trên sự khác biệt về tính tình, và bất chấp mặt ưu và mặt khuyết của họ. Trong cộng đoàn đó, anh chị em chấp nhận mỗi người như họ là, chấp nhận tất cả những lỗi lầm và tội lỗi họ gây ra. Đó chính là tinh thần tha thứ được diễn tả qua tinh thần đón nhận nhau trong cộng đoàn.[11]

Thánh Phao-lô cũng luôn quan tâm đến sự tha thứ trong đời sống cộng đoàn. Ngài đã để lại nhiều giáo huấn khuyên nhủ mọi người trong cộng đoàn sống tinh thần yêu thương và tha thứ. Trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô, thánh nhân đã khuyên nhủ mọi người về đời sống mới trong Đức Ki-tô, đời sống mới trong tình yêu của Chúa. Trong lời khuyên đó có đoạn: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô” (Eph 4,31-32).

Cộng đoàn của Tin Mừng, của những người con sống theo gương Đức Ki-tô cần lột xác, cần cởi bỏ đi con người cũ với chua cay gắt gỏng, với nóng nảy giận hờn, với la lối thóa mạ, để mặc lấy chính Đức Ki-tô, để thấm nhuần tinh thần của Thần Khí Thiên Chúa, để trở nên con người mới thuộc về Đức Ki-tô. Con người mới đó đứng vững trên mặt đất của tình yêu thương. Nơi đó anh chị em trong cộng đoàn học cách hành xử thật tốt với nhau. Một trong những cách hành xử tốt là luôn ý thức tha thứ cho nhau. Sự tha thứ mang lại tinh thần Phục Sinh cho cộng đoàn. Sự tha thứ này trước hết đến từ Thiên Chúa và qua Đức Ki-tô dành cho mỗi người trong cộng đoàn. Nếu thành thật với nhau, thì sẽ nhận ra rằng, cộng đoàn và mỗi người trong cộng đoàn mỗi ngày luôn cần đến sự tha thứ của Chúa. Vì thế, cộng đoàn cần chú ý cầu xin sự tha thứ của Chúa, và cũng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn có thiện chí và có khả năng để biết sống tha thứ cho nhau mỗi ngày.

Trong thư gởi cho giáo đoàn Cô-lô-sê, thánh Phao-lô cũng nhấn mạnh đến tinh thần sống tha thứ trong cộng đoàn của những người được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).

Thánh Phao-lô mời gọi anh chị em thuộc về cộng đoàn của Thiên Chúa, mang lấy những tinh thần tốt lành của Đức Ki-tô và cần vượt trên những sự khác biệt, vượt qua những thành kiến tiêu cực mà người này có về người nọ, biết chấp nhận nhau, chấp nhận mỗi người như họ là, cần phải chịu đựng lẫn nhau trong ý hướng tích cực và sẵn sàng tha thứ cho nhau. Tinh thần tha thứ bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, Đấng là mẫu gương tuyệt vời nhất sống sự tha thứ cách trọn vẹn.

Trở nên hoàn thiện như Cha trên trời (x.Mt 5,48), là yêu thương như Cha trên trời yêu thương, là tha thứ như Cha trên trời, Đấng giàu lòng xót thương luôn tha thứ. Khi chúng ta tha thứ là chúng ta sống trong sự hài hòa với tình yêu của Ngài. Cũng thế, khi sống tinh thần tha thứ, là chúng ta mở rộng lòng mình ra cho tình yêu giàu lòng thương xót của Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ, Đấng chúng ta tin tưởng, và Đấng mà chúng ta luôn luôn có thể chạy đến bất cứ lúc nào, để xin Ngài che chở, cứu chữa, đặc biệt khi chúng ta rơi vào vòng xoáy của sự dữ, hay khi chúng ta phải đối diện với những cám dỗ thử thách trong cuộc đời dương thế này. Một trong những thử thách lớn là sống nhân từ và yêu thương kẻ thù.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

------------------------

[1] X. STRACK H.L., und BILLERBECK P., Das Evangelium nach Matthaeus, I Band, C.H.Beck Verlag, Muenchen 1922, t.421.

[2] JEREMIAS J., Das Vater Unser, Calwer Hefter 50, Calwer Verlag, Stuttgart 1962, t.25.

[3] X. GNILKA Joachim, das Matthaeusevangelium, teil 1, t.225.

[4] HUBAUT M., Dieu, mon père et votre père, Desclée de Brouwer, Paris 1999, t.117.

[5] HAAG E., Das Buch Jeremia, teil II, 1. Aufl., Patmos Verlag, Düsseldorf 1977, t.105-108.

[6] X. Martini C., Le Notre Pere, t.41.

[7] X. BONHOEFFER D., Gesammelte Schriften, IV. Band, 3.Aufl., CHR. Kaiser Verlag, München 1975, t. 402-403.

[8] X. TRILLING W., Das Evangelium nach Matthaeus, Geistliche Schriftlesung, 1. Teil, Patmos Verlag, Duesseldorf 1962, t.118-119.

[9] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2845, t.789.

[10] X. HUBAUT M., Dieu, mon père et votre père, t.118.

[11] X. GUILLET J., trong “Dictionnaire de Spiritualité”, Tome XII, Beauchesne, Paris 1984, c.213-14.


23. LẠY CHA XIN THA CHO HỌ, VÌ HỌ KHÔNG BIẾT VIỆC HỌ LÀM

Cao điểm cũng như chóp đỉnh của tình yêu và lòng thương xót mà Thiên Chúa mời gọi, đối với Chúa Giê-su trong Bài Giảng Trên Núi, chính là giới răn yêu thương kẻ thù: “Khi ấy, Chúa Giê-su nói với các môn đệ rằng: Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). Chúa đã mời gọi mọi người thực thi và sống giới răn yêu thương kẻ thù cách triệt để. Điều này tương hợp với lời mà Chúa mời gọi chúng ta: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Chính Chúa Giê-su đã sống lời mời gọi của Ngài, khi Chúa cầu xin Thiên Chúa trên trời tha cho các người hành quyết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Thật vậy, lời của Chúa Giê-su trên thánh giá là lời sống. Lời sống được nói từ Thánh Giá cho ta thấy một cách thật ngỡ ngàng tình thương của Thiên Chúa còn lớn hơn tội lỗi biết bao nhiêu. Trước khi suy niệm về lời sống này của Chúa Giê-su, chúng ta thấy rằng, tinh thần yêu thương kẻ thù là một đòi hỏi khó khăn nhất mà Chúa Giê-su trao lại cho chúng ta. Tuy nhiên tinh thần yêu thương kẻ thù lại là điều răn trung tâm nhất của Ki-tô giáo. Điều răn này được cấy rễ trong chiều sâu nhất của Giáo Lý Ki-tô giáo, và vì thế tinh thần này trở thành nét đặc biệt trong cách sống của người Ki-tô hữu. Theo ý kiến của các Giáo Phụ, thì giới răn yêu thương kẻ thù là một nét mới và đặc sắc của Ki-tô giáo đối với Cựu Ước và các triết lý ngoại giáo. Trong thư thứ hai của Clemen có nói: Ai không yêu thương kẻ thù của mình, thì người đó không phải là Ki-tô hữu. Giáo Phụ Tertullian gọi giới răn yêu kẻ thù là giới răn nền tảng, và đối với Chrystosomos thì yêu kẻ thù là tóm tắt toàn bộ các nhân đức.[1]

Nhưng dù vậy, thì việc yêu kẻ thù vẫn là một đòi hỏi rất khó thực hiện đối với tất cả mọi người. Đó là một lý tưởng mà ít người có thể đạt tới. Vì thế, mà một số người đã đặt ra vấn nạn, giới răn yêu thương kẻ thù có thực tế không? Giới răn yêu thương kẻ thù này có phải là một điều gì nằm trong thế giới hoàn hảo (Utopie), và giới răn này là một sự đòi hỏi vượt sức con người không? Làm sao mà người mẹ có đứa con bị giết lại có thể yêu thương kẻ giết con của mình? Bà có thể tha thứ cho kẻ đó không? Chúng ta sẽ đi về đâu, nếu chúng ta không chống lại sự dữ; chúng ta sẽ đi về đâu, nếu chúng ta tha thứ cho kẻ thù thay vì chúng ta đòi hỏi một sự công bằng? Heinrich Heine, Friedrich Nietzsche, Sigmund Freud và những người khác đã đặt ra những câu hỏi mang tính cách phê bình trên. Với Freud, thì giới răn yêu thương kẻ thù là một loại trong Credo quia absurdum est, nghĩa là là một điều vô nghĩa trong những thứ vô nghĩa.[2]

Kasper đã đặt lại vấn nạn chúng ta sẽ đi về đâu, khi chúng ta không nhân từ và không tha thứ, nếu chúng ta trả thù kẻ gây ra những bất hạnh cho chúng ta, bằng hành động xấu xa chúng ta – Mắt đền mắt, răng đền răng. Với Kasper, khi nhìn những kinh nghiệm thật đau thương và ghê gớm của những hành động trả thù trong thế kỷ thứ 20, thì giới răn yêu thương cần được cập nhất hoá trở lại, và lòng thương xót nhân từ và tha thứ cần được mọi người nhắc đến như là những hành động khôn ngoan nhất. Chỉ có những ai vượt trên những nấm mồ cũ kỹ, và sẵn sàng đưa tay để bắt tay người khác, để xin được thứ tha, cũng như để sẵn sàng tha thứ, thì những xung đột gây ra nhiều đau thương và làm cho bao dòng máu phải chảy được đặt lại trên bàn để đi tìm hướng giải quyết. Như thế, một tiến trình chữa lành cho biết bao vết thương gây khổ đau sẽ được bắt đầu. Tiến trình chữa lành này sẽ xuyên suốt qua cái vòng lẩn quẩn của bạo lực và dùng bạo lực để chống lại bạo lực, và cũng xuyên qua cái vòng tròn không lối thoát của tội ác và trả thù.

Nói như thế, không phải là chúng ta sẽ giấu nhẹm hay quên khuấy những bất công, những hành động bất nhân. Thật vậy, chúng ta không được phép cất chúng vào trong những ngăn tủ bàn. Chúng ta cần phải thành thật với nhau, đặt những hành động bất nhân và bất công trên bàn, và chúng ta cần phải thú nhận tội lỗi mà chúng ta gây ra với tất cả sự hối lỗi xin thứ tha, cũng như chúng ta mở rộng lòng khoan nhân để tha thứ, để cùng hướng tới một tương lai mới hơn và tốt hơn. Có như thế, thì tinh thần tha thứ sẽ đến, tinh thần này sẽ tẩy trừ nọc độc của thù hận, và làm cho tương quan của chúng ta không còn vướng mắc hai từ ngữ kẻ thù. Như vậy, một sự khởi đầu mới sẽ lên đường, và một tương lai mới của chúng ta sẽ tìm thấy lối đi. Trong tinh thần này, thì giới răn yêu thương kẻ thù không còn là một thứ của credo quia absurdum est nữa, mà là một kiểu của credo quia rationabile est, nghĩa là giới răn yêu thương kẻ thù là một kiểu hành động của lý trí đầy khôn ngoan.[3]

Trong tinh thần của Phật Giáo, cũng nhắc tới lòng từ bi đối với kẻ thù. Trong cuốn Bát Chánh Đạo, con đường đưa đến hạnh phúc, Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana viết: “Lòng Từ Bi Đối Với Kẻ Thù. Có người sẽ tự hỏi làm sao mà họ có thể từ bi đối với kẻ thù. Làm sao mà họ có thể nói một cách chân thật, ‘Cầu cho kẻ thù của tôi được hạnh phúc, bình an, sức khỏe. Cầu cho họ không bị những khó khăn hay hoạn nạn’. Câu hỏi này phát khởi từ sự suy nghĩ sai lầm. Người với tâm đầy phiền não có thể cư xử, hành động xúc phạm hay làm hại đến ta. Do đó, ta coi họ là kẻ thù. Nhưng thực sự ra không có ai là kẻ thù của ta cả. Chỉ có trạng thái tâm tiêu cực của người đó gây ra vấn đề cho ta. Chánh niệm giúp chúng ta thấy rằng các trạng thái tâm không thường hằng. Chúng chỉ tạm bợ, có thể sửa đổi, có thể biến chuyển. Cách tốt nhất để ta được an vui, hạnh phúc là giúp kẻ thù của mình giải quyết các vấn đề của họ. Nếu tất cả các kẻ thù của ta đều được giải thoát khỏi khổ đau, bất mãn, sân hận, nghi ngờ, căng thẳng, bực tức, thì họ không có lý do gì để làm kẻ thù của ta cả. Một khi đã không còn những khổ đau, thì kẻ thù cũng giống như bao người khác - một chúng sinh tuyệt vời…Nếu tâm không trong sạch, thì hành động theo sau tâm ý đó sẽ không trong sạch và tai hại. Điều ngược lại cũng đúng. Như Đức Phật đã dạy chúng ta, ý nghĩ trong sạch về từ bi, tình thương thì mạnh mẽ hơn hận thù, mãnh liệt hơn vũ khí. Vũ khí tàn phá. Nhưng tình thương giúp con người sống trong hòa bình và hòa hợp. Vậy bạn thử nghĩ điều gì sẽ mạnh mẽ hơn và sẽ tồn tại lâu hơn?”[4]

Để có thể thực thi lòng từ bi đối với kẻ thù, với tinh thần của Phật Giáo, cần phải từ bỏ hận thù. “Rào cản lớn nhất đối với lòng từ bi là sân hận. Khi lòng ta tràn đầy sân hận, thì tâm không còn chỗ cho tình cảm thương yêu đối với bản thân hay đối với người khác, không còn chỗ cho hòa bình hay tự tại. Mỗi người phản ứng với sân hận theo cách riêng của mình. Người thì cố gắng để bào chữa cho các cơn giận của mình bằng cách tự nhủ, ‘Tôi có quyền được giận.’ Người khác thì chấp vào sự giận hờn của họ một thời gian dài, đôi khi hàng tháng hay hàng năm. Họ cảm thấy rằng sự sân hận đó khiến họ rất đặc biệt, rất nguyên tắc. Cũng có người lại biểu lộ lòng hận thù ra ngoài bằng những hành động chống báng lại kẻ mà họ giận ghét. Không cần biết cách bạn thể hiện lòng sân hận như thế nào, bạn có thể chắc chắn về một điều: tâm sân hận rút lại làm hại bạn nhiều hơn là nó hại người bạn giận.

Bạn có để ý mình cảm thấy thế nào khi giận dữ không? Bạn có cảm nhận được sự căng thẳng, khó chịu trong lồng ngực, bụng nóng bừng, mắt mờ đi không? Có phải là đầu óc bạn trở nên tối tăm, lời nói trở nên cộc cằn, khó nghe hơn không? Các bác sĩ bảo rằng thường xuyên biểu lộ sân hận mang đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của chúng ta – máu cao, ác mộng, mất ngủ, đau dạ dày, hay ngay cả đau tim. Lòng sân hận cũng nguy hại cho tâm không kém. Nói một cách thẳng thắng là sân hận khiến thân tâm ta rất khổ sở.

Sân hận cũng làm rạn nứt các mối liên hệ tương quan với người. Bạn thường tránh gặp người bạn đang giận, có đúng không? Ngược lại cũng thế, khi biết bạn giận, người kia cũng tránh bạn. Không ai muốn quan hệ với người đang trong cơn nóng giận. Người tràn đầy sân hận có thể rất vô lý, nhiều khi còn nguy hiểm nữa.

Hơn thế nữa, sân hận thường không tác hại nhiều đến người bị giận. Trong nhiều trường hợp, ta nóng giận với người đã xúc phạm ta, nhưng họ không hề hay biết, nên không ảnh hưởng gì đến họ cả. Ngược lại, chính ta là người phải đỏ mặt, phải lớn tiếng và tạo ra một cảnh tượng khó coi, khiến ta cảm thấy rất khổ sở. Kẻ kình địch còn có thể diễu cợt sự giận dữ của ta…

Rõ ràng là sân hận có thể làm hại bản thân ta, vậy ta phải đối phó với nó như thế nào? Làm sao ta có thể buông bỏ sân hận và thay thế nó bằng tâm từ bi, tình thương yêu? Để đối phó với sân hận, trước hết chúng ta phải quyết định tự kiềm chế không hành động theo bản năng sân hận… Một phương cách khác để đối trị với sân hận là quan sát kết quả của nó. Chúng ta biết rất rõ rằng khi giận dữ, ta không thể thấy sự thật một cách rõ ràng. Do đó, chúng ta có thể phạm vào những hành vi bất thiện… Cách đối trị tốt nhất đối với sân hận là lòng kiên nhẫn. Kiên nhẫn không có nghĩa là để cho người khác lấn lướt ta. Kiên nhẫn có nghĩa là dùng chánh niệm để kéo dài thời gian, để ta có thể hành động một cách đúng đắn. Khi phản ứng lại với sự khiêu khích bằng lòng kiên nhẫn, chúng ta sẽ nói lên được chân lý vào đúng thời điểm và dùng ngôn từ chính xác…

Có một câu chuyện rất nổi tiếng miêu tả sự kiên nhẫn và thông thái của Đức Phật khi đối mặt với một người sân hận: có một người Bà la môn giàu có và quyền lực. Người này có thói quen dễ nổi giận, đôi khi không vì lý do gì. Ông ta thường gây gổ với tất cả mọi người. Nếu có ai đó bị xúc phạm mà không nổi giận, ông cũng sẽ tức giận vì điều đó.

Người Bà la môn này đã nghe rằng Đức Phật chẳng bao giờ nổi giận. Một ngày kia ông ta đến gặp Đức Phật và dùng lời lẽ thóa mạ Ngài. Đức Phật lắng nghe một cách kiên nhẫn và từ bi. Sau đó Ngài hỏi người Bà la môn:

- Ông có gia đình hay bạn bè người thân gì không?

- Vâng, tôi có rất nhiều bạn bè và người thân, người Bà la môn trả lời.

- Ông có đi thăm họ thường không? Đức Phật hỏi.

- Dĩ nhiên. Tôi thăm họ rất thường.

- Ông có mang quà tặng cho họ khi ông thăm viếng họ không?

- Chắc chắn rồi. Tôi chẳng bao giờ đến gặp họ mà không mang quà, người Bà la môn trả lời.

Đức Phật lại hỏi, khi ông tặng quà, giả sử họ không nhận. Ông sẽ làm gì với những món quà đó?

- Tôi sẽ mang chúng về và chia sẻ với gia đình tôi, người Bà la môn trả lời.

Lúc đó Đức Phật nói, cũng thế, ông đã cho tôi một món quà. Tôi không muốn nhận. Nó là của ông. Hãy mang nó về nhà và chia sẻ với gia đình.

Người Bà la môn rất xấu hổ khi ông hiểu và ngưỡng mộ lời khuyên từ bi của Đức Phật. Sau cùng, để đối trị sân hận chúng ta có thể nghĩ đến những lợi ích của tâm từ bi. Theo Đức Phật, khi ta thực hành tâm từ bi, ta sẽ ‘ngủ yên, thức dậy thoải mái, và có những giấc mơ đẹp. Được thân cận với chúng sanh và các loài khác. Chư thiên sẽ độ trì ta.

[Nếu ta đầy lòng từ bi, thì ngay lúc đó] khói lửa, thuốc độc và vũ khí không thể làm hại ta. Ta thiền định dễ dàng. Nét thanh tịnh hiện trên gương mặt ta. Ta ra đi nhẹ nhàng và được tái sinh vào cõi giới cao nhất.’ Những viễn ảnh này không phải là dễ chấp nhận hơn là sự khổ sở, sức khỏe kém, và ác nghiệp mà tâm sân hận có thể mang đến cho ta sao?”[5]

Đó tinh thần của Phật Giáo, trở về lại với giới răn yêu kẻ thù mà Chúa Giê-su dạy, người Ki-tô hữu luôn có hình ảnh của Chúa Giê-su trước mắt, như là mẫu gương sống tinh thần này cách triệt để. Trên thánh giá, Chúa đã cầu nguyện với Cha trên trời: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Đó là lời đầu tiên trên Thánh Giá Chúa Giê-su nói. Lời này ở trong bối cảnh quân lính dẫn Chúa Giê-su tới Đồi Sọ, và chúng đóng đinh Ngài vào Thánh Giá. Với Ngài cũng có hai tên gian phi cùng bị đóng đinh, một tên bên trái và một tên bên phải (x.Lc 23,33-34). Sự kiện này được cả bốn Tin Mừng thuật lại. Tuy nhiên, chỉ có Lu-ca nhắc đến câu nói của Chúa Giê-su Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm. Đồi Sọ gợi lên một đồi trọc, không cây cối. Nơi hành hình được định vị ngoài thành thánh. Vùng đất thánh được bao bọc chung quanh, là một khu vực thánh không được xác nạn nhân làm ô uế. Nhưng nơi hành hình này gần cửa thành Giê-ru-sa-lem, vì chính quyền muốn những khách bộ hành trông thấy những nạn nhân hấp hối để răn đe. Như thế, chúng ta có trước mắt một khung cảnh là Đồi Sọ.

Chúa Giê-su chẳng có tội tình gì, lại bị đóng đinh giữa hai tên gian phi, hai tội nhân bị kết án tử. Điều này diễn tả về sự nhục nhã hết sức mà Chúa Giê-su phải chịu, nhưng đó là số phận của người tôi trung“đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân” (Is 53,12). Nếu chúng ta lắng nghe cả bài thương khó của Lu-ca, sẽ thấy Chúa đã nhắc lại sấm ngôn này cho các môn đệ, khi ở trên đường từ Bữa Tiệc Ly đến vườn Ô-liu: “Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Thánh Kinh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất” (Lc 22,37).

Chúa Giê-su bị liệt vào hàng phạm pháp. Nhưng tội gì? Không ai tìm thấy tội tình gì nơi Ngài để kết án được. Chính Phi-la-tô đã lên tiếng tất cả ba lần về sự vô tội của Chúa Giê-su trong Phúc Âm thánh Lu-ca. Lần thứ nhất: “Ta xét thấy người này không có tội gì” (Lc 23,4). Lần thứ hai: “Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo” (Lc 23,14). Và lần thứ ba: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra” (Lc 23,22). Dân chúng có đồng ý với Phi-la-tô để thả Chúa Giê-su không? Tin Mừng đã cho chúng ta thấy lòng hiểm độc của dân chúng, đến nỗi cuối cùng Phi-la-tô phải lên tiếng: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!” (Mt 27,24), và sau đó thì sao? “Toàn dân đáp lại: Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” (Mt 27,25).

Thật là dã man và bất nhân biết bao. Thay vì thả Chúa, một người vô tội và là một Ráp-bi tốt lành, thì dân chúng lại tha thứ cho một kẻ giết người, là Ba-ra-ba: “Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi!” (Lc 23,17). Tiếng la hét đầy bạo lực và đượm màu bất nhân, tiếng la hét của lòng người ác độc đẩy Đấng Cứu Thế tới thập giá chỉ dành cho kẻ phạm pháp. Tiếng la hét của thế giới đang bị thần dữ chế ngự và làm chủ. Tiếng la hét của một thế giới từ chối Chúa Giê-su, vị Vua đích thực, để theo một vị Vua trần thế: “Ông Phi-la-tô nói với họ: ‘Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?’ Các thượng tế đáp: ‘Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da’.” (Ga 19,15). Là nạn nhân của sự thù hằn của những người có thế giá trong xã hội và tôn giáo thời đó, Chúa đã bị đẩy vào mảnh đất đầy sỉ nhục và phải đón nhận án tử từ đám đông dân chúng, với sự hậu thuẫn và xúi giục của nhóm người có thế giá. Một mạng lưới bất nhân đã được dệt lên, để bắt cho được kẻ thù không đội trời chung, dù kẻ thù đó là một người vô tội, tốt lành và theo lẽ thường cần được trân trọng và yêu quý. Trước mạng lưới đầy bất nhân này, cả người nắm chính quyền thời đó, dù không thấy tội gì để kết án Chúa, cũng phải chào thua: “Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá” (Ga 19,16).

Thập giá trên đồi sọ. Chúa Giê-su bị đóng đinh treo lơ lửng trên đó. Con Thiên Chúa xuống thế làm người ngay từ ngày đầu tiên khi chào đời đã ở trong cảnh nghèo nàn của nhân loại, và khi chết đi cũng ở trong cảnh thê lương của nhân loại. Ngài đã sẵn sàng đón nhận tất cả. Sự đón nhận của tình yêu và lời xin vâng. Theo ý Cha một cách triệt để, đến nỗi bằng lòng chết đi và chết trên cây thập tự. Cái chết trên cây thập tự là một cái chết nhục nhã, chỉ dành cho những kẻ gây ra tội ác. Cái chết đó không ai muốn chọn cả. Còn Chúa, dù biết là đau đớn, nhục nhã và bất công, nhưng Chúa vẫn không chạy chốn thập giá trên đồi cao kia. Chân tay Ngài sẵn sàng dang ra, để con người đóng đinh Ngài vào thập giá. Phải chăng Ánh Sáng là Ngài đã thực sự bị bóng đêm thổi tắt? Phải chăng bóng đêm của tội lỗi và của thần dữ đã cướp đi mất Ánh Sáng vĩnh cửu kia? Thập giá đứng sừng sững trên đồi cao. Trong cơn đau đớn tột cùng của thân xác và của tâm hồn, đối diện với những đám lính vừa đóng đinh Ngài, và trong sự hiện diện của đám đông đi theo Ngài trên đường thương khó, Chúa Giê-su vẫn lên tiếng: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm.

Đọc lại lần nữa lời cầu nguyện đầu tiên này, chúng ta ngạc nhiên thấy rằng, Chúa Giê-su đã không cầu nguyện để xin Cha ra tay công bằng xử phạt những kẻ bất nhân hãm hại Ngài, mà Ngài cầu nguyện với Cha, để xin Cha tha thứ cho họ. Đó chính là lô-gic của tình yêu Thiên Chúa. Lôgic này ngược hẳn với tất cả mọi lô-gic của cuộc đời. Đúng thật, sự khôn ngoan của con người không phải là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ý nghĩ của Thiên Chúa không phải là ý nghĩ của loài người. May thay!

Tha cho họ. Vậy họ là ai? Họ chính là những tên lính La Mã, những người làm theo lệnh của Phi-la-tô đóng đinh Chúa Giê-su cho đến chết. Họ chỉ làm theo mệnh lệnh, nhưng những lời chế nhạo, những đòn roi đã thể hiện sự tàn bạo, sự hung tợn trong chính họ. Họ còn là những đám đông dân chúng bị lầm lạc, bị mê hoặc, những kẻ ấy đã bắt Chúa Giê-su phải chết và ép buộc Phi-la-tô giết Ngài. Bọn người ấy chỉ vài ngày trước đã tung hô Chúa Giê-su là Vua (x.Mc 15,6-14, Mc 11,8-10), còn giờ thì dã tâm giết Chúa trên thập giá. Thật tàn bạo, thật khủng khiếp và thật bất công! Nhưng tất cả mọi sự xấu xa đó không cản bước chân của Đấng Cứu Độ, không làm cho bản chất của Đấng Cứu Độ thay đổi. Bản chất đó là tình yêu tràn đầy tha thứ, mà Chúa Giê-su đã loan báo. Đối với thần học gia Ratzinger, Đức Benedicto XVI, thì: “điều mà Chúa đã rao giảng trong Bài Giảng Trên Núi, Ngài đã thực hiện cách trọn vẹn. Chúa không biết ghen ghét là gì. Ngài không bao giờ hận thù cả. Ngài đã cầu nguyện cho kẻ đóng đinh Ngài”.[6] Và “lời cầu nguyện đầu tiên của Chúa Giê-su với Chúa Cha là lời cầu bầu, xin tha thứ cho những lý hình của Người. Với lời này, Chúa Giê-su thực hiện điều mà chính Người đã dạy trong Bài Giảng Trên Núi khi Người nói ‘Nhưng Thầy bảo các con là những người đang nghe Thầy đây, hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những người ghét các con’ (Lc 6,27), và Người cũng đã hứa với những người có thể tha thứ rằng ‘Phần thưởng của các con sẽ thật lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao’ (Lc 6,35). Bây giờ, từ trên Thánh Giá, Người không những chỉ tha thứ cho những kẻ hành quyết Người, mà còn trực tiếp thưa với Chúa Cha để cầu bầu cho họ”.[7]

Tiếp đến, vế thứ hai của lời cầu nguyện là vì họ không biết việc họ làm. Nhưng làm sao Chúa Giê-su lại có thể nói họ không biết việc họ làm? Theo một góc độ nào đó thì họ phải biết việc họ đang làm, nhưng họ không nhận ra điều đó là tội ác tày trời. Đó chính là giết chết Con Một của Thiên Chúa. Nếu suy niệm kỹ lời này, chúng ta thấy, trong lời cầu xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi cho những kẻ quay lưng lại với Ngài, những kẻ thi hành án tử hình, Chúa Giê-su đã thực sự biện hộ cho họ, và đó cũng là một cách minh chứng hùng hồn nhất rằng, điều Ngài đã dạy là hoàn toàn có thể: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Biết bao nỗi tủi nhục và đau đớn mà bọn lính La Mã đã gây ra cho Ngài, Ngài vẫn tha thứ cho họ. Ngài thậm chí còn tha thứ cho những kẻ quay lưng lại với Ngài. Đức Benedicto XVI đã suy niệm vế thứ hai này như sau: “Thực ra, theo lời Người, thì với những kẻ đóng đinh Người không biết việc chúng làm (x.Lc 23,34), Người đặt sự thiếu hiểu biết, sự ‘vô minh’ của họ như động lực của việc Người xin Chúa Cha tha thứ, bởi vì sự thiếu hiểu biết này mở đường cho việc hoán cải, như trường hợp những lời mà viên đội trưởng sẽ công bố về cái chết của Chúa Giê-su: ‘Người này thật sự là người công chính! Người này là Con Thiên Chúa’. Vẫn là một sự an ủi cho mọi thời đại và cho mọi người rằng trong trường hợp những kẻ không thực sự biết Người, những lý hình của Người, và trong trường hợp những kẻ biết, những kẻ kết án Người, Chúa dùng sự thiếu hiểu biết như lý do để xin tha thứ cho họ: Người coi nó như một cánh cửa có thể mở lòng chúng ta ra mà hoán cải”.[8] Khi chúng ta, các tín hữu ý thức sống lời sống này của Chúa Giê-su, lời sống yêu thương và tha thứ cho kẻ thù, thì chúng ta đang bước vào không gian của Bài Giảng Trên Núi, nghĩa là chúng ta vượt ra khỏi tinh thần cũ “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,24) của Cựu Ước, và sống tinh thần của Tân Ước, qua đó thực hiện sự công chính một cách hoàn hảo nhất:“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).

Đọc lại câu chuyện Tê-pha-nô bị ném đá, với sự hiện diện của Sao-lô, sau này trở lại và trở thành vị Tông Đồ dân ngoại, chúng ta thấy được tâm tình cao quý của Tê-pha-nô: “Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: ‘Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con’. Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này’. Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7,59-60). Đức Benedicto XVI đã suy niệm biến cố này như sau: “Đây là lời cuối cùng của ông. Sự so sánh giữa lời cầu nguyện xin tha thứ của Chúa Giê-su với lời cầu nguyện của vị tử đạo là điều đầy ý nghĩa. Thánh Tê-pha-nô thưa chuyện với Chúa Phục Sinh và xin Chúa đừng quy tội cho những kẻ ném đá ông khi nói về việc người ta giết ông - một hành động được xác định rõ ràng bằng thuật ngữ ‘tội này’. Trên Thánh Giá, Chúa Giê-su thưa cùng Chúa Cha và không những chỉ xin tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người, nhưng còn giải thích về những gì đang xảy ra”.[9]

Thánh Âu-tinh đã diễn tả rất hay về mẫu gương tha thứ đặc biệt của thánh Tê-pha-nô, và ngài khuyên bảo mọi người nhìn vào tấm gương thánh nhân, một người dù bị ném đá như mưa nhưng vẫn cầu nguyện cho những kẻ đang giết mình: “Họ thì ném đá mà chẳng hề xin ngài thứ tha, còn ngài thì cầu nguyện cho họ. Đó chính là thái độ mà tôi muốn anh em nhìn xem. Hãy cố gắng vươn tới mức đó. Đừng để lòng mình cứ sà sà mặt đất hoài. Hãy nâng tâm hồn lên! Vâng, hãy leo cao tới mức đó. Hãy yêu thương thù địch. Vì nếu anh em không tha, thì tôi xin nói, chẳng những anh em đã xoá sạch khỏi lòng mình bài Kinh Chúa dạy, mà chính anh em cũng sẽ bị xoá tên khỏi sách sự sống”.[10] Lời của thánh Âu-tinh là một lời nhắc nhớ chúng ta ý thức sống tinh thần tha thứ. Khi sống tinh thần tha thứ, thì chúng ta, những người con cái dưới đất thấp này, có thể bước trên hành trình nên hoàn thiện, như lòng ao ước của Đức Ki-tô: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Hoàn thiện là một con đường dài của đời người, cũng thế, tha thứ là bài tập cho cả cuộc đời.

Một mẫu gương mới là thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II. Ngày 13.05.1981, tại quảng trường thánh Phê-rô, Ali Agca – một sát thủ người Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhắm vào Đức Thánh Cha và bóp cò. Một tiếng nổ chát chúa đã vang lên, Đức Thánh Cha đã bị trọng thương. Sau khi hồi phục, Đức Gio-an Phao-lô II nói: “Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi”. Vào năm 1983, Đức Gio-an Phao-lô II đã đến tận nhà tù, để thăm viếng và tha thứ cho Ali Agca. Trong một lá thư định gửi cho anh Ali Agca, Đức Thánh Cha viết: “Tại sao anh lại bắn tôi khi cả hai chúng ta đều tin vào sự hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất”. Vào đại năm thánh 2000, ngài đã xin Tổng Thống Ý cho anh được ân xá. Thật vậy, Đức Gio-an Phao-lô II đã được mọi người nhắc đến với lòng thương xót, như là một nét đặc biệt của ngài. Đức Hồng Y Schoenborn, trong tác phẩm Wir haben Barmherzigkeit gefunden – Chúng ta đã tìm thấy lòng thương xót, đã có một chương nói về Gio-an Phao-lô II - Đức Thánh Cha của lòng thương xót. Vào Chúa Nhật Phục Sinh 2005, Đức Gio-an Phao-lô II xuất hiện tại cửa sổ phòng của ngài và đã ban lời huấn từ trong ngày Chúa Phục Sinh, nhưng đó chỉ là một cử chỉ chúc lành đơn sơ không có lời nói. Ngài đã tỏ lộ một khuôn mặt đau đớn của tuổi già, nhưng tràn đầy tấm lòng nhân từ của một vị Cha chung đang chúc lành cho đoàn con. Đức Hồng Y Schoenborn đã thấy hình ảnh đó, và mong cho Đức Gio-an Phao-lô II có thể sống cho đến ngày Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót năm 2005. Điều ước mong này đã trở thành hiện thực, vào tối thứ bảy lúc 20.00, trước ngày lễ Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, thư ký riêng của Đức Gio-an Phao-lô II, hiện giờ là Đức Hồng Y Stanislaw Dziwizs, đã dâng lễ cho Đức Gio-an Phao-lô II ngày Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Đức Gio-an Phao-lô II đã đón nhận một vài giọt máu Thánh và được rước Chúa Thánh Thể lần cuối cùng. Lúc 21.37, Đức Gio-an Phao-lô II đã trở về với Thiên Chúa, Đấng là nguồn của lòng thương xót. Năm 1997, khi ngài thăm Lagiewniki, nơi thánh Faustina Kowalska đã sống, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã nói rằng: “Sứ điệp của lòng Chúa thương xót một cách nào đó đã ảnh trong triều đại Giáo Hoàng của tôi”.[11]

Về tinh thần yêu thương và tha thứ cho kẻ thù, cũng có một giai thoại rất thú vị mà cha Arrupe đã trải nghiệm trong dịp ngài ghé thăm một tỉnh Dòng Tên ở Châu Mỹ La Tinh. “Cách đây vài năm, tôi có đến thăm Tỉnh Dòng Tên ở châu Mỹ La-tinh. Với một chút e ngại, người ta mời tôi dâng lễ ở ngoại ô, trong một khu dân cư nghèo nhất. Họ cho tôi biết có khoảng 100.000 người sống trong đầm lầy, vì vùng ngoại ô này được xây dựng trên một vùng đất trũng, mỗi lần mưa đều bị ngập hoàn toàn. Tôi nhận lời ngay, vì kinh nghiệm cho tôi biết khi thăm những người nghèo khổ, ta học hỏi được nhiều điều: ta làm ơn cho họ nhưng họ cũng dạy ta nhiều bài học. Thánh Lễ được cử hành trong một ngôi nhà nhỏ trống trải và ọp ẹp, không cửa rả: chó mèo ra vào tự do. Thánh Lễ bắt đầu với bài thánh ca do một tay ghi-ta xoàng đệm nhạc, nhưng đối với tôi, nó thật tuyệt! Nội dung bài hát là ‘Yêu là tự hiến bằng cách quên mình và tìm kiếm những gì khiến người khác được hạnh phúc. Sống vì yêu thương đẹp biết bao! Chiếm hữu để rồi cho đi, cao thượng dường nào! Cho đi niềm vui và hạnh phúc, cho đi bản thân mình, yêu là thế đấy!... Nếu bạn yêu tha nhân như chính mình và nếu bạn hiến thân cho tha nhân bạn sẽ thấy không có ích lợi nào mà bạn muốn giữ lại cho mình. Sống vì yêu thương, ôi đẹp biết bao!’ …

Bài giảng của tôi ngắn ngủi, đúng hơn đó chỉ là một cuộc đối thoại: họ đã kể cho tôi nghe những điều mà tôi ít có khi được nghe trong các bài giảng trọng thể, những điều hết sức đơn sơ nhưng sâu sắc và cao siêu. Một bà cụ, dáng người nhỏ bé, nói với tôi: ‘Thưa cha, cha có phải là bề trên của các cha này không? Nếu đúng vậy thì ngàn lần cám ơn cha, vì các cha Dòng Tên đã cho chúng con kho tàng quý giá chúng con đang thiếu, đã cho chúng con điều chúng con cần nhất là Thánh Lễ’.

Tiếp theo là một anh thanh niên đứng lên thành kính thưa rằng: ‘Thưa cha, xin cha hiểu cho chúng con rất biết ơn cha, vì các cha đây đã dạy cho chúng con biết yêu thương kẻ thù. Cách đây một tuần, con thủ sẵn một con dao để giết mấy người bạn mà con căm ghét. Nhưng sau khi nghe cha giảng Phúc Âm, con đã đi mua một cây cà-rem và đem cho người bạn con căm ghét đó!’.”[12]

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

----------------------

[1] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.139-140.

[2] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.141 và x. LUZ U., Das Evangelium nach Matthaeus, 1.Teilband, s.316-317.

[3] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.141-142.

[4] Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo – con đường đưa đến hạnh phúc, t.84-85.

[5] Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo – con đường đưa đến hạnh phúc, t. 85-88.

[6] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.230.

[7] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện, ban hành ngày Thứ Tư mùng 15 tháng 2 năm 2012, tại Vatican. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong <http://www.giaoly.org>

[8] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện.

[9] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện.

[10] Trích bởi HAMMAN Adalbert G., trong Abrégé de la prière chrétienne, t.63-64.

[11] X. SCHOENBORN C., Wir haben Barmherzigkeit gefunden, Herder Verlag, Freiburg 2009, t.19-20.

[12] ARRUPE, P. SJ., Loạt bài chia sẻ Thánh Thể trong đời tôi. Bài 7. Chúa Giê-su thích người nghèo hơn. Nguồn: dongten.net


24. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO, GIÁO HỘI CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Giới răn yêu thương và thương xót không chỉ dành cho mỗi Ki-tô hữu, mà còn dành cho Giáo Hội Công Giáo trong ý nghĩa toàn bộ. Hơn nữa, nếu Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô, thì Giáo Hội cần phải mang trong mình chính lòng thương xót và tình yêu thương của Đức Ki-tô. Đó là một trong những điều nền tảng làm nên Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội Công Giáo không phải là một tổ chức bác ái xã hội, cũng không phải là một tổ chức phi chính phủ, mà chính là thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô, Đấng là nguồn mạch của lòng thương xót.

Để cảm nhận và hiểu được được tinh thần lòng thương xót rất nền tảng và quan trọng này của Giáo Hội, chúng ta để Đức Thánh Cha Phanxicô hướng dẫn qua tông sắc năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa: “Giáo Hội đã cảm thấy một trách nhiệm trở nên một dấu chỉ sống động của tình yêu Chúa Cha trên thế giới. Chúng ta nhớ lại những lời cay đắng của thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII khi khai mở Công Đồng, ngài đã chỉ ra con đường phải theo: ‘Giờ đây Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng dược phẩm lòng thương xót chứ không phải là vũ khí của sự hà khắc... Giáo Hội Công Giáo, khi giơ cao ngọn đuốc chân lý Công Giáo tại Công Đồng Đại kết này, muốn thể hiện mình là một người mẹ yêu thương mọi người; kiên nhẫn, dịu dàng, từ tâm và nhân hậu với những con cái đã xa đàn’.

Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói với cùng một mạch văn vào lúc bế mạc Công Đồng: “Chúng tôi muốn chỉ ra lòng bác ái đã là tính năng tôn giáo chủ yếu của Công Đồng này như thế nào... câu chuyện xưa về người Samaritanô nhân hậu đã là mô hình cho linh đạo của Công Đồng... một làn sóng tình cảm và ngưỡng mộ đã tuôn chảy từ Công Đồng trên thế giới hiện đại của nhân loại. Những sai lầm, cố nhiên, là bị lên án vì lòng bác ái đòi hỏi điều này không thua gì những đòi hỏi của sự thật, nhưng đối với chính những cá nhân chỉ có sự khuyên nhủ, lòng tôn trọng và tình yêu. Thay cho những chẩn đoán chán chường, là những phương dược khích lệ; thay cho những dự đoán kinh khủng, là những thông điệp của niềm tin được Công Đồng đưa ra cho thế giới ngày nay. Những giá trị của thế giới hiện đại không chỉ được tôn trọng nhưng được vinh danh, nỗ lực của thế giới được chấp nhận, nguyện vọng của nó được thanh tẩy và chúc lành... Một điểm khác nữa chúng ta phải nhấn mạnh là điều này: tất cả giáo huấn phong phú này được chuyển theo một hướng là sự phục vụ nhân loại, trong mọi điều kiện, trong mỗi nhược điểm và nhu cầu” (số 04).

Tiếp đến, Vị Cha Chung nhắc nhớ: “Lòng Thương Xót là nền tảng của đời sống Giáo Hội. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội phải được bao bọc trong sự dịu dàng mà Giáo Hội đưa ra với các tín hữu hiện diện; không có gì trong lời rao giảng của Giáo Hội và trong chứng tá của Giáo Hội với thế giới có thể thiếu vắng sự thương xót. Chính sự khả tín của Giáo Hội được nhìn thấy trong cách thức Giáo Hội thể hiện tình yêu thương xót và trắc ẩn. Giáo Hội “có một ước muốn bất tận để tỏ lòng thương xót… Tuy nhiên, thiếu vắng chứng tá cho lòng thương xót, cuộc sống trở thành vô ích và vô sinh, như thể bị cô lập trong một sa mạc cằn cỗi. Đã đến lúc Giáo Hội phải đón nhận lời mời gọi hân hoan để thương xót lần nữa” (số 10).

Đức Phanxicô cũng đã nhắc đến thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với tinh thần Giáo Hội cần rao giảng và sống và làm chứng tá cho lòng thương xót: “Hơn nữa, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn thúc đẩy việc loan báo khẩn cấp hơn và đưa ra những chứng tá cho lòng thương xót trong thế giới đương đại: ‘Xuất phát từ tình yêu dành cho con người, cho tất cả những gì là nhân bản và những gì, theo trực giác của nhiều người đương thời với chúng ta, là đang bị đe dọa bởi một mối nguy hiểm lớn lao. Mầu nhiệm của Chúa Kitô.. . buộc tôi phải rao giảng lòng thương xót như tình yêu từ bi của Thiên Chúa, đã được mạc khải trong cùng một mầu nhiệm của Chúa Kitô. Mầu nhiệm ấy cũng buộc tôi phải trông cậy và khẩn cầu lòng xót thương trong giai đoạn khó khăn, và quan trọng này trong lịch sử Giáo Hội và thế giới’ Giáo huấn này là thích hợp hơn hơn bao giờ hết và đáng được đề cao một lần nữa trong Năm Thánh này.

Chúng ta hãy lắng nghe lời ngài một lần nữa: Giáo Hội sống một cuộc sống đích thực khi Giáo Hội tuyên xưng và rao truyền lòng thương xót – là các thuộc tính kỳ diệu nhất của Tạo Hoá và của Đấng Cứu Chuộc – cũng như khi Giáo Hội đem mọi người đến gần với suối nguồn lòng thương xót của Đấng Cứu Thế, mà Giáo Hội là người được ủy thác và phân phát” (số 11), và trong số 12 Đức Phanxicô viết: “Giáo Hội được ủy thác công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim đang đập của Tin Mừng, là điều phải tìm được cách thấm nhập trái tim và tâm trí của mỗi người. Hiền thê của Chúa Kitô phải rặp khuôn hành vi của mình như Con Thiên Chúa, Đấng đã vươn ra với mọi người không coi ai là ngoại lệ. Ngày nay, khi Giáo Hội đang gánh vác trọng nhiệm Tân Phúc Âm Hóa, chủ đề của lòng thương xót cần được tái đề xuất hết lần này đến lần khác với lòng nhiệt thành mới và các hoạt động mục vụ được canh tân. Tuyệt đối cần thiết cho Giáo Hội và cho sự khả tín của thông điệp Giáo Hội đưa ra là Giáo Hội phải sống và làm chứng cho lòng thương xót.

Ngôn ngữ và những cử chỉ của Giáo Hội phải chuyển tải lòng thương xót, để chạm vào con tim của tất cả mọi người và truyền cảm hứng cho họ một lần nữa để tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha. Chân lý đầu tiên của Giáo Hội là tình yêu của Chúa Kitô. Giáo Hội biến mình thành một người đầy tớ của tình yêu này và làm trung gian của tình yêu ấy cho tất cả mọi người: một tình yêu tha thứ và thể hiện bản thân nó như sự trao ban chính mình. Do đó, bất cứ nơi nào Giáo Hội hiện diện, lòng thương xót của Chúa Cha phải là hiển nhiên. Trong các giáo xứ, các cộng đồng, các hiệp hội và các phong trào, nói tắt một lời, là bất cứ nơi nào có những Kitô hữu, tất cả mọi người phải tìm được một ốc đảo của lòng thương xót”.

Với những giáo huấn của các Mục Tử, chúng ta xác tin rằng Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội của lòng thương xót. Chỉ khi Giáo Hội sống và mang trong mình tinh thần này, Giáo Hội mới thể hiện được tinh thần toàn bộ của Đức Ki-tô. Như thế, Giáo Hội sẽ nhận ra Đức Ki-tô hiện thân trong chính những phần của thân thể của Giáo Hội, và đặc biệt trong những anh chị em bất hạnh và nghèo nàn đang cần đến sự đỡ nâng. Chúa Giê-su đang hiện diện trong họ. Giáo Hội cần làm sống động Phúc Âm của lòng thương xót trong các lời nói, trong các bí tích và qua toàn bộ đời sống của Giáo Hội đối với lịch sử của nhân loại, và đối với từng tín hữu. Như thế, Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội của lòng thương xót. Vì thế, Giáo Hội Công Giáo trong cái nhìn tự phê bình, cần luôn trở về để tự chất vấn mình, xem Giáo Hội Công Giáo có là Giáo Hội của lòng thương xót như cần phải là như vậy hay không, cụ thể qua chính những gì Giáo Hội đang thể hiện? Một Giáo Hội không có lòng thương xót và không có lòng bác ái, thì Giáo Hội đó không còn là Giáo Hội của Chúa Giê-su Ki-tô nữa. Đó là ý tưởng của nhà thần học ĐHY. Walter Kasper.[1]

Thánh Âu-tinh đã dựa vào lời của Thánh Phao-lô nói về tầm quan trọng của đức mến: không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì (x.1Cr 13). Ở đây, theo Kasper, thánh Âu-tinh không chỉ nói về đức mến trong sự liên hệ đến cá nhân, mà còn liên hệ đến Giáo Hội trong sự hiệp nhất và yêu thương. Vì thế, nếu thiếu tình yêu thương trong cộng đoàn dân Chúa, thì sự hiệp nhất sẽ bị sứt mẻ, và những việc từ thiện như là những cành nho sẽ bị cắt đứt khỏi thân cây nho. Thánh Âu-tinh nhấn mạnh rằng, nếu không có tình yêu thương trong tinh thần tập thể, tinh thần của Cộng Đoàn, thì mọi sự khác sẽ chẳng là gì. Như thế, tình yêu thương, lòng thương xót và bác ái là một yếu tính của Giáo Hội, cũng như của niềm tin và của sự hiệp nhất trong Giáo Hội.[2] Để Giáo Hội Công Giáo có thể biểu lộ được yếu tính của mình là lòng thương xót, thì những phần tử của Giáo Hội cần thể hiện qua chính cuộc sống của họ, nghĩa là qua chính việc thực thi lòng thương xót trong đời sống thường ngày, với những người thân cận, với những người bất hạnh và khổ đau. Khi sống như vậy, những người Công Giáo thuộc về Giáo Hội đang làm cho bức tranh của Giáo Hội Công Giáo được hiển hiện với yếu tính quan trọng cần có.

Ngoài ra, lời quở trách nặng nề Giáo Hội sẽ phải đón nhận, nếu Giáo Hội không sống những gì Giáo Hội rao giảng. Giáo Hội của Chúa Ki-tô cần phải là chứng từ sống động của lòng thương xót mà Chúa Giê-su đã rao giảng và đã sống. Đó cũng là sứ mạng của Ngài. Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII, trong biến cố khai mạc Công Đồng Vaticanô II, đã nêu rõ rằng, hôm nay Giáo Hội đặc biệt cần phải sử dụng vũ khí là lòng thương xót. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã nhắc đến điều này trong tông huấn về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài đã dành một chương để bàn về lòng thương xót của Thiên Chúa trong sứ mạng của Giáo Hội. Qua đó, Ngài muốn rút ra một kết luận quan trọng, Giáo Hội có trách nhiệm, làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa.[3] Còn đối với Đức Benedicto XVI, tông huấn đầu tiên của Ngài viết với tựa đề Tình yêu của Thiên Chúa – Deus Caritas est. Tôi vẫn nhớ, khi tông huấn này vừa ra, nhận được một bản, tôi đã đọc một mạch với tất cả sự vui mừng và thích thú. Qua tông huấn này, tôi đã có được một khuôn mặt tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Ngài chính là vị Mục Tử nhân lành giàu lòng thương xót, Ngài đã bước theo từng con chiên trên hành trình cuộc đời, và đi vào những nơi con chiên đến, dù nơi đó có bần cùng đến đâu đi nữa.

Cuối cùng, chính vị Mục Tử nhân lành giàu lòng thương xót này đã bước một bước vạn dặm, để trở nên một con chiên hiền lành, và hiến dâng mình làm của lễ để cứu chuộc muôn dân. Cũng là hình ảnh của vị mục tử nhân lành, chúng ta tìm thấy nơi Đức Thánh Cha Phanxicô. Dịp hành hương Rôma đầu năm 2014, có dịp ghé thăm tiệm sách Công Giáo nổi tiếng Ancora, tôi khám phá ra một Thánh Giá theo kiểu của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trên Thánh Giá của Đức Thánh Cha, không có hình chịu nạn, mà là hình ảnh một mục tử vác một con chiên trên vai, phía sau lưng là đàn chiên và trên đầu có một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Khi mới được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô mang cây Thánh giá này. Đó cũng là Thánh Giá ngài vẫn mang từ khi làm giám mục ở Buenos Aires. Hình ảnh người mục tử và đàn chiên có nguồn gốc từ Cựu Ước, tượng trưng cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân riêng của Người. Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn con chiên lạc, để chỉ Thiên Chúa là Đấng Chăn Chiên nhân lành đi tìm người tội lỗi. Có một người kia đi tìm con chiên lạc, và khi “tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai” (Lc 15,5).

Tác giả Tin Mừng Mát-thêu cũng thuật lại dụ ngôn này, và nói về Thiên Chúa trên trời là người Cha “không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (18,14). Như thế, Tin Mừng Mát-thêu nói đến trách nhiệm của các vị lãnh đạo đối với những thành viên nhỏ bé, không có tiếng nói trong cộng đoàn. Con chiên lạc được tìm lại là biểu tượng của ơn cứu độ (x.Mc 4,6-7; Gr 23,1-4; Ed 34,11-16). Thánh Giá cũng là dấu chỉ của ơn cứu độ. Đức Giê-su còn nhấn mạnh đến niềm vui mừng của Thiên Chúa khi tìm lại được người tội lỗi; và Người cũng mời gọi thính giả chia sẻ niềm vui đó (x.Lc 15,25-32).

Về phương diện thần học, dây Pallium mà Giám mục Rôma khoác lên vai, được đan kết bằng lông chiên thật. Và lông chiên là biểu tượng cho chiên bị lạc lối, yếu ớt và đau bệnh. Người mục tử sẽ vác chiên ấy trên đôi vai mình để đưa đến nguồn suối sự sống. Đối với Giáo Phụ ngày xưa, dụ ngôn con chiên lạc mà mục tử tìm thấy nơi sa mạc chính là hình ảnh mầu nhiệm Chúa Ki-tô và Hội thánh. Mỗi một người trong chúng ta chính là những con chiên lạc trong sa mạc không còn biết lối về. Con Thiên Chúa sẽ không thể để điều này xảy ra; Ngài không thể bỏ mặc con người trong tình trạng thê thảm như thế. Ngài đã từ bỏ vinh quang thiên quốc và bước đi bằng chính đôi bàn chân trần để tìm kiếm những con chiên này và theo đuổi chúng đến tận cùng của con đường Thánh Giá. Ngài mang chúng trên đôi vai mình và mang cả nhân loại; Ngài vác tất cả chúng ta trên vai – Ngài chính là Mục Tử nhân lành thí mạng vì đàn chiên. (x.Bài giảng Chúa nhật của Đức Benedicto XVI , 24.4.2005 tại quảng trường thánh Phê-rô).

Theo tinh thần của Đức Ki-tô, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả lòng thương xót đặc biệt của ngài với đàn chiên, đặc biệt với những con người khổ đau và bất hạnh. Hình ảnh ngài ôm hôn một người mặt dị dạng ở quảng trường thánh Phê-rô đã được truyền đi khắp nơi trên thế giới. Hình ảnh ngài cử hành Thánh Lễ rửa chân ở tại một nhà tù cho 12 trẻ vị thành niên, trong số đó có một cô gái người Hồi Giáo, trong năm đầu tiên trên tư cách Giám Mục Rôma, đã làm cho mọi người ngạc nhiên. Đó chính là tinh thần của lòng thương xót mà Chúa Giê-su mời gọi thực thi: “Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,36). Rồi Đức Thánh Cha còn quan tâm đến thăm những người vượt biển lục địa Châu Phi đến một hòn đảo của Ý Đại Lợi, như là một lời thức tỉnh cho mọi người về lòng thương xót của Chúa mời gọi: “Ta là khách lạ, các người đã đón rước” (Mt 25,35). Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng rất cụ thể, khi chính Đức Thánh Cha đã từng gọi điện thoại đến những người bất hạnh, để chia sẻ và thoa dịu nỗi khổ đau của họ. Trong dịp ngài thăm Phi-Luật-Tân đầu năm 2015, ngài đã gặp các em bé bị bỏ rơi và là trẻ bụi đời, ngài đã nghe lời tâm tình của em gái Glyzelle Iris Palomar. Em là nạn nhân của sự bỏ rơi và em phải sống ở ngoài đường phố. Cùng với các bạn khác, em buộc phải tự kiếm sống, không cha mẹ, không nhà cửa và phải ngủ ngoài đường phố. Phần lớn các em bị lừa vào tện nạn mãi dâm và ma túy. Một tổ chức phi chính phủ do một cha Dòng Tên thành lập, đã cứu Glyzelle và nhiều em khác ra khỏi cảnh sống ngoài đường phố, và hiện Glyzelle và các bạn được chăm sóc ở đó. Trong cuộc sống bụi đời, em đã chứng kiến nhiều đồng bạn bị cha mẹ bỏ bê đã xa vào những cạm bẫy cuả sự dữ, như nghiện ngập hoặc nạn mãi dâm. Trong cuộc tiếp kiến Đức Thánh Cha ở Phi-luật-tân, khi em đang đọc bài đã được dọn sẵn để dâng lên vị cha chung, bỗng chợt em không thể đọc tiếp bài đó, ngẩng lên nhìn Đức Thánh Cha Phanxicô, em đặt câu hỏi: “Bakit po pumapayag ang Diyos na may ganitong nangyayari?- Tại sao Chuá lại để xảy ra như vậy?”

“Tại sao Chuá đã cho phép những sự ấy xảy ra, dù đó không phải là lỗi cuả những đứa trẻ vô tội?” Nói tới đây, em nhắm nghiền mắt lại và nức nở khóc.

Cố gắng lắm, em Glyzelle mới kết thúc bằng một câu hỏi thứ hai “At bakit konti lang ang tumutulong sa amin? - Và tại sao lại ít có người giúp chúng con như thế ?”

Giây phút đó, Đức Thánh Cha đã đứng dậy và bước xuống gần em bé gái. Ngài đã rưng rưng nước mắt và ôm chặt Glyzelle vào lòng. Trong bài đáp lời em Glyzelle, Đức Phanxicô đã nói: “Em ấy là người duy nhất đã hỏi một câu hỏi mà không ai có thể trả lời được. Và em ấy cũng đã không diễn tả hết được bằng lời lẽ nhưng đã bằng những giọt nước mắt”. “Tại sao con trẻ có nhiều đau khổ như thế? Tại sao một đứa bé phải chịu đau khổ?” Ngài đặt lại câu hỏi. “Chỉ khi nào mà một trái tim không thể tìm được câu trả lời và bắt đầu khóc, lúc đó chúng ta mới có thể hiểu được”. Ngài nói tiếp.

Và Đức Thánh Cha kêu gọi những người trẻ cần phải học cách để mà khóc: “Cha mời gọi từng người trong chúng con ở đây hãy tự hỏi mình, rằng tôi đã học được cách khóc chưa, khóc như thế nào? Tôi đã học để mà khóc cho một ai đó bị bỏ rơi bên lề đường chưa? Tôi đã khóc cho một ai đó đang bị nghiện ngập chưa? Tôi đã khóc cho một ai đó bị lộng hành chưa?”


“Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã khóc”. Đức Thánh Cha nói. “Ngài đã khóc cho một người bạn vừa mới chết, Ngài đã khóc trong lòng cho một gia đình vừa mới mất đứa con, Ngài đã khóc khi nhìn thấy một bà goá nghèo đem chôn đứa con trai, Ngài đã rơi nước mắt, động lòng trắc ẩn, khi nhìn thấy đám đông không có ai chăn sóc”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh hình ảnh Chúa Giê-su, Ngài đã không sử dụng lòng từ bi theo kiểu thế gian, như là dừng lại một vài giây để ban phát tiền bạc hoặc những của cải vật chất. Nhưng Chúa Ki-tô đã dành trọn thời gian để lắng nghe và an ủi, để đón nhận và chia sẻ với người dân của mình bằng trái tim cảm thông và yêu thương. Giai thoại về cuộc gặp gỡ này là một hình ảnh rất đẹp của vị chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo sống tinh thần thương xót. Thật vậy, những gì các vị chủ chăn thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, là một chứng từ sống động cho cả Giáo Hội cần luôn ý thức rao giảng, thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó cũng là sứ mạng của Giáo Hội.

Rao giảng về lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó là trách nhiệm đầu tiên Giáo Hội cần làm. Giáo Hội cần rao giảng về lòng thương xót của Thiên Chúa ngay trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, mà Thiên Chúa đang bị cho ra rìa, và nhiều người đang lờ đi không nhìn đến Thiên Chúa, hay nói khác đi nhiều người đang sống trong một tâm thức: Thiên Chúa đâu có giúp họ làm giàu và đâu có ảnh hưởng gì trong cuộc sống của con người. Thiên Chúa không còn cần thiết nữa. Quay mặt đi và không quan tâm đến Ngài là thượng sách. Rất nhiều người trẻ ở Tây Phương đang mang tâm thức này. Họ đang bị những khuynh hướng tục hoá tân thời lôi kéo ra xa khỏi Thiên Chúa. Ngay trong xã hội tục hoá tinh vi này, lòng thương xót của Thiên Chúa cần được rao giảng nhiều hơn bao giờ hết. Chính trong bối cảnh xã hội này, mà chúng ta cần lắng nghe lại lời của Thánh Phê-rô: “Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1P 3,15). 

Khi rao giảng lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội cần chú ý không diễn tả một khuôn mặt Thiên Chúa như là một quan toà nghiêm khắc, cũng không trình bày một Thiên Chúa quá dễ dãi, đến nỗi chẳng ai phải lo sợ gì với Ngài cả, và tránh cách trình bày khuôn mặt Thiên Chúa với những nét trừu tượng mang tính triết lý. Thiên Chúa đó là Thiên Chúa của các triết gia mà thôi. Giáo Hội cần rao giảng và diễn tả một cách sống động và thực tế về khuôn mặt nhân từ hay thương xót của Thiên Chúa, như trong Thánh Kinh đã nói về Ngài như là người Cha nhân từ: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an” (2Cr 1,3), và “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2,4). Giáo Hội cần kể lại cho mọi người nghe câu chuyện của Thiên Chúa đã thương xót nhân loại như thế nào, những câu chuyện của lòng thương xót trong Cựu Ước và trong Tân Ước, như Chúa Giê-su đã kể trong các dụ ngôn và đã thực thi trong cuộc sống của Ngài. Cao điểm của lòng thương xót mà Thiên Chúa biểu lộ là con đường thương khó và Thánh Giá của Chúa Giê-su, Giáo Hội cần nêu bật cao điểm này.

Ngoài ra, việc rao giảng về lòng thương xót của Thiên Chúa đi đôi với việc Tân Phúc Âm hoá. Ở đây, cũng nên nói rằng, chúng ta không rao giảng về một Phúc Âm mới nào, mà chúng ta vẫn rao giảng Phúc Âm của Chúa Giê-su, nhưng rao giảng trong một cách thức mới liên hệ đến cuộc sống và hoàn cảnh sống mới của con người. Chúng ta chỉ có thể chạm được trái tim của người nghe, khi chúng ta rao giảng về Thiên Chúa, Đấng hiện diện trong những khổ đau và bất hạnh của con người như là một người Cha giàu lòng thương xót, nghĩa là qua lời rao giảng chúng ta giúp cho người nghe khám phá ra hình ảnh của Thiên Chúa nhân hậu có mặt trong lịch sử cuộc đời của họ. Vì thế, lời rao giảng của chúng ta sẽ chẳng tìm thấy ý nghĩa, nếu chúng ta chỉ có phê bình chỉ trích thế giới hiện đại với những hậu quả tiêu cực, mà chúng ta cần phải rao giảng một Thiên Chúa nhân từ, Đấng ngự trị trên các đám mây và bóng đêm, Đấng cho mưa xuống trên người công chính, lẫn người tội lỗi. Đấng giàu lòng thương xót thấu biết từng người trong chúng ta, và Ngài biết mỗi người chúng ta đang cần gì (x.Mt 6,8 và 32).

Với những người sống xa Chúa và Giáo Hội, chúng ta cần rao giảng cho họ về một Thiên Chúa từ nhân như người Cha luôn sẵn sàng đón nhận đứa con thứ trở về, trao lại cho con phẩm giá cao quý, dù quá khứ đời con thế nào đi nữa. Người Cha giàu lòng thương xót đó như người Samaritanô nhân hậu, luôn dừng bước bên những người bất hạnh bị nạn đang nằm ở bên đường, Ngài cúi xuống để chăm sóc, băng bó vết thương và cứu chữa. Ngài có một tấm lòng cao quý luôn rung động và yêu thương con cái của mình. Tình yêu và lòng nhân hậu này vượt trên mọi bóng đêm, mọi quá khứ tội lỗi, và không bao giờ lắc đầu hay lờ đi, khi thấy những người khổ đau bất hạnh. Người Cha nhân hậu này cũng là người mục tử nhân lành sẵn sàng bỏ hết mọi công việc, và để cả 99 con chiên khác trong chuồng và lên đường đi tìm con chiên lạc. Khi tìm thấy, Ngài vui mừng vác chiên trở về, và nỗi vui mừng về một con chiên tội lỗi trở về lớn hơn niềm vui của 99 con chiên không cần hối cải (x.Lc 15,3-7).

Khi Giáo Hội xác tín mạnh mẽ về lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, là lúc Giáo Hội rao giảng chân lý sâu thẳm nhất về Thiên Chúa, cũng như rao giảng chân lý sâu thẳm nhất về con người. Chân lý sâu thẳm nhất về Thiên Chúa hệ tại ở chỗ, Thiên Chúa là tình yêu tự hiến mình và ban tặng, và là tình yêu luôn sẵn sàng tha thứ cho con cái của mình. Chân lý sâu thẳm nhất về con người mang ý nghĩa, Thiên Chúa trong tình yêu đã tạo dựng nên con người cách tuyệt vời. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, dù cho con người có lìa xa Ngài. Hơn nữa, Thiên Chúa với lòng thương xót còn chuộc lại con người, và gầy dựng lại phẩm giá cao quý của con người. Thiên Chúa đã đi xuống tận chỗ thấp nhất và bần cùng nhất mà con người đã rơi xuống, để kéo con người lên, và đưa con người trở về lại với trái tim hay thương xót của Ngài. Và ở bên Ngài, con người được nghỉ ngơi bồi dưỡng trong an bình.[4] Lời rao giảng về lòng thương xót thật tuyệt vời, nhưng Giáo Hội không chỉ dừng ở đó, mà Giáo Hội cần thực thi lòng thương xót với con cái của mình, cụ thể qua các bí tích và đặc biệt bí tích Hoà Giải.

Tất cả các bí tích đều là bí tích của lòng thương xót, đặc biệt là bí tích Rửa Tội và bí tích Hoà Giải. Khi nhận được bí tích Rửa Tội, tội lỗi được tha thứ (x.Cv 2,38; 1Cr 6,11; Ep 1,7; Cl 1,14), nên bí tích Thanh Tẩy là bí tích của lòng thương xót. Điều này cũng đúng với bí tích Xức Dầu Thánh (x.Gc 5,15). Giáo Hội thời đầu tiên đã trải nghiệm, các tín hữu sau khi được nhận lãnh bí tích Rửa Tội, thì lại rơi vào trong tình trạng tội lỗi như trước, đó là một kiểu ngựa quen đường cũ, vì thế Giáo Hội được Chúa Giê-su trao quyền thực hiện bí tích Hoà Giải, để các tín hữu có thể chạy đến xưng thú tội lỗi và nhận được ơn tha thứ và sức mạnh từ Thiên Chúa. Như thế, bí tích Hoà Giải là bí tích của lòng thương xót, mà qua đó Thiên Chúa luôn và tiếp tục tha thứ cho con cái của Ngài, và ban cho con cái sức mạnh mới để lại bắt đầu bước đi trên hành trình Đức Tin.[5] Trong bài Giáo Lý về bí tích Hoà Giải, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “tất cả chúng ta đều biết, chúng ta mang đời sống này trong những bình bằng sành (2Cr 4,7), chúng ta vẫn có thể bị khuất phục bởi cám dỗ, đau khổ, và cái chết, vì tội lỗi, chúng ta thậm chí có thể bị mất đời sống mới của mình. Vì lý do đó mà Chúa Giê-su đã muốn rằng, Hội Thánh sẽ tiếp tục công việc cứu độ của Người cho ngay cả những phần tử của mình, đặc biệt với bí tích Hòa giải và bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, là hai bí tích có thể được kết hợp dưới danh hiệu các bí tích Chữa Lành… cử hành bí tích Hòa Giải có nghĩa là được ôm ấp trong một vòng tay ấm áp: là vòng tay của lòng thương xót vô cùng của Chúa Cha. Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn rất đẹp này về người con bỏ nhà ra đi với số tiền thừa kế; anh ta đã phung phí tất cả số tiền ấy, và sau đó, khi không còn gì nữa, anh ta quyết định trở về nhà, không phải như một người con, mà như một đầy tớ. Trong lòng chất đầy tội lỗi và nhiều hổ thẹn. Điều ngạc nhiên là khi anh bắt đầu lên tiếng để xin được tha thứ, thì người cha không để cho anh nói, mà ôm chầm lấy anh, hôn anh, và cho dọn một bữa tiệc ăn mừng. Nhưng tôi nói với anh chị em, mỗi khi chúng ta xưng tội, Thiên Chúa cũng ôm chúng ta, Thiên Chúa cũng ăn mừng! Chúng ta hãy tiến bước trên con đường này”.[6] Và trong tông sắc năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Phanxicô viết: “Chúng ta hãy đặt bí tích Hoà Giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự” (số 17).

Còn đối với các thừa tác viên của Thiên Chúa, ngồi trong toà Hoà Giải, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên nhủ rằng: “Tôi nhắc lại với các linh mục rằng, tòa giải tội không phải là phòng tra tấn nhưng là nơi dành cho lòng thương xót của Chúa là điều khích lệ chúng ta làm điều lành càng nhiều càng tốt” (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 44). Trong tông sắc năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài nhấn mạnh hơn nữa: “Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi nhấn mạnh rằng các cha giải tội là dấu chỉ xác thực cho lòng thương xót của Chúa Cha. Chúng ta không tự động trở thành những cha giải tội tốt. Chúng ta chỉ trở thành cha giải tội tốt khi, trên tất cả mọi sự, chúng ta để cho mình thành những hối nhân tìm kiếm lòng thương xót của Ngài. Chúng ta không bao giờ được quên rằng là cha giải tội nghĩa là dự phần vào chính sứ mệnh của Chúa Giêsu để trở nên một dấu chỉ cụ thể cho sự bất biến của tình yêu tha thứ và cứu rỗi của Thiên Chúa. Các linh mục chúng ta đã nhận được ân sủng của Chúa Thánh Thần, để tha tội, và chúng ta chịu trách nhiệm về việc này. Không ai trong chúng ta nắm giữ quyền lực trên Bí Tích này; thay vào đó, chúng ta là những tôi tớ trung tín của lòng thương xót Chúa qua Bí Tích ấy. Mỗi cha giải tội phải đón nhận các tín hữu tương tự như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng: một người cha chạy ra ngoài để gặp con trai mình bất kể nó đã phung phí hết phần sản nghiệp của nó. Các cha giải tội được mời gọi để ôm người con trai ăn năn đang trở về nhà và diễn tả niềm vui được có lại người con ấy. Chúng ta cũng đừng bao giờ mệt mỏi đi ra ngoài với người con trai còn lại, là người đứng bên ngoài, không thể vui mừng nổi, để giải thích với nó là phán đoán của nó quá hà khắc, không công bằng và vô nghĩa dưới ánh sáng lòng thương xót vô biên của người cha. Cầu xin cho những cha giải tội đừng đặt ra những câu hỏi vô ích, nhưng giống như người cha trong dụ ngôn, hãy ngắt ngang bài phát biểu đã được chuẩn bị trước của người con hoang đàng; cầu xin cho các cha giải tội học được cách chấp nhận những lời kêu gọi giúp đỡ và lòng thương xót tuôn chảy từ trái tim của mỗi hối nhân. Nói tóm lại, các cha giải tội được mời gọi là một dấu chỉ về sự ưu việt luôn luôn, ở khắp mọi nơi, và trong bất kể mọi tình huống, của lòng thương xót” (số 17).

Tiến bước trên con đường của lòng thương xót với tinh thần theo gương Chúa Giê-su, Giáo Hội cần xây dựng một nền văn hoá của lòng thương xót trong đời sống của mình, như Kasper diễn tả. Chỉ rao giảng về lòng thương xót trên môi miệng, dĩ nhiên không thể đủ được. Cũng thế, khi Giáo Hội rao truyền sự thật, thì Giáo Hội cần sống theo sự thật, cần đến cùng ánh sáng, để mọi người khác nhìn vào sẽ nhận ra Giáo Hội thực thi lòng thương xót và sống theo sự thật ở trong Thiên Chúa: “Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,21).

Vì thế, sứ điệp về lòng thương xót mà Giáo Hội rao giảng cần được thấm nhuần vào trong thực tế, cũng như ảnh hưởng vào chính bầu khí sinh hoạt và phục vụ của Giáo Hội. Nếu nhìn lại Giáo Hội tiên khởi, chúng ta thấy rằng, Giáo Hội thời đầu tiên đã để lại chứng từ sống động về lòng thương xót, khi Giáo Hội đã luôn chú tâm nâng đỡ những quả phụ, những trẻ mồ côi, những người bệnh tật, những kẻ yếu đuối, những người nghèo khổ và những ai mất khả năng làm việc. Các cộng đoàn thời đó luôn phục vụ những người tù nhân, nâng đỡ những người nô lệ, và sẵn sàng đón những khách bộ hành không nơi nương tựa. Tertulian đã thuật lại rằng, những lo lắng và chăm sóc của người Ki-tô hữu dành cho những người nghèo khổ và bất hạnh đã làm cho thế giới ngoại giáo thời đó ngạc nhiên vô cùng. Đến nối họ đã nói về người Ki-tô hữu: “Hãy nhìn kìa, họ thương nhau đến thế!” Từ thế kỷ thứ 4, trong Giáo Hội đã có những nhà chăm sóc người bệnh, những nhà đón nhận khách bộ hành, cũng như những nơi chăm sóc người nghèo khổ. Sau đó, nhiều dòng tu đã được thành lập với sứ mạng rõ rệt là chăm sóc người bệnh tật, chú tâm đến những người nghèo khổ, các trẻ em mồ côi… Đến hôm nay, tinh thần của lòng thương xót mà Giáo Hội thực thi vẫn còn ảnh hưởng trong đời sống thực tế. Và với tinh thần của lòng thương xót Giáo Hội đã có một ảnh hưởng sâu rộng trong văn hoá của Châu Âu cũng như trong nền văn hoá của nhân loại cho đến ngày hôm nay, dù cho sự tục hoá lan tràn mỗi ngày nhiều hơn trong xã hội.[7]

Nếu Giáo Hội không chỉ rao truyền Tin Mừng của Chúa Giê-su về Thiên Chúa là Cha nhân hậu luôn tha thứ, mà còn sống Tin Mừng đó, thì Giáo Hội luôn chú ý đến người thấp cổ bé miệng, đến những người nghèo khổ và bần cùng, đến những người bệnh tật và khiếm khuyết, đến những người vô gia cư và những người di dân, đến những người nghiện ngập và những người xấu số nhiễm vi trùng Sida, cũng như Giáo Hội chú tâm đến những người tù nhân và những phụ nữ phải làm nghề bán thân xác, vì họ không còn có thể làm gì để nuôi thân, nuôi gia đình, nên cuối cùng đã phải chấp nhận một số phận thảm thê nhất, là bán chính thân xác mình. Chắc chắn Giáo Hội luôn đau đớn khi thấy tội lỗi tràn lan, nhưng Giáo Hội cần luôn tỏ lòng thương xót với những người tội lỗi. Trong tinh thần theo bước Chúa Giê-su, Giáo Hội không bao giờ được phép là Giáo Hội của người giàu, của những người có thế giá, cũng như của các chính trị gia. Đối với Giáo Hội, viễn tượng ưu tiên cho người nghèo khổ là một điều nền tảng và quan trọng mà Giáo Hội cần nhìn đến. Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng có nói về tinh thần truyền giáo của Giáo Hội như sau: “Nếu toàn thể Hội Thánh thừa nhận động năng truyền giáo này, thì chúng ta phải đi đến với tất cả mọi người mà không trừ ai. Nhưng phải ưu tiên cho ai? Khi đọc Tin Mừng, chúng ta thấy một định hướng rõ ràng: không phải những bạn bè và láng giềng giàu có, nhưng trên hết là những người nghèo khổ và tật nguyền, những người thường bị khinh miệt và lãng quên, những người không có gì để trả lại cho anh em (x.Lc 14,14). Không còn gì để nghi ngờ hoặc giải thích, vì chúng chỉ làm yếu đi sứ điệp quá rõ ràng này. Hôm nay và mãi mãi, người nghèo là những người nhận được đặc quyền của Tin Mừng, và việc loan báo Tin Mừng một cách nhưng không cho họ là dấu chỉ của vương quốc mà Chúa Giê-su đã đến để thiết lập. Phải nói thẳng rằng, có một sự liên kết bất khả phân ly giữa Đức Tin và người nghèo. Chúng ta đừng bao giờ bỏ rơi họ” (số 48). “Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục” (số 49). 

Trong Thánh Lễ Chúa chiên lành của Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh, năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền chức Linh mục cho 13 phó tế. Trong bài giảng Ngài đã thiết tha mời gọi các thừa tác viên của Chúa: “Ở đây cha muốn dừng lại, và xin các con, vì tình yêu Chúa Giê-su Ki-tô: đừng bao giờ mệt mỏi thương xót! Các con hãy có khả năng tha thứ như Chúa, là Đấng không đến để lên án, nhưng để tha thứ! Các con hãy thương xót thật nhiều! Và nếu có áy náy vì là những linh mục quá tha thứ, thì hãy nhớ đến vị linh mục thánh kia đến trước Nhà Tạm và thưa với Chúa rằng: ‘Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, nếu con đã tha thứ nhiều quá. Nhưng mà chính Chúa đã làm gương xấu cho con đấy chứ!’ Cha nói thật với các con, cha đau lòng lắm, khi thấy giáo dân không đến xưng tội vì họ đã từng bị quất bằng gậy, bị la mắng trong tòa giải tội. Thật là xấu. Họ đã cảm thấy cửa nhà thờ đóng sầm trước mặt họ. Cha xin các con, chớ làm như vậy! Thương xót! Thương xót! Mục Tử Nhân Lành vào qua cửa, và cửa của lòng xót thương là các vết thương của Chúa: nếu các con không bước vào chức thừa tác của các con qua các vết thương của Chúa, thì các con sẽ không phải là các mục tử tốt lành”.

Thật là quý báu, khi trong đời sống của Giáo Hội, chúng ta vẫn thấy biết bao nhiêu người con, biết bao nhiêu dòng tu, biết bao nhiêu tổ chức đã, đang và tiếp tục thực thi lòng thương xót, và luôn ưu tiên nâng đỡ những người thấp cổ và bé miệng, những người bất hạnh và nghèo khổ. Đó là văn hoá của lòng thương xót luôn cần được nở hoa thơm ngát. Hương thơm này, chúng ta có thể ngửi thấy nơi các nhà Arche của Jean Vanier, trong đó các anh chị em bị bệnh tâm thần được yêu thương và được chăm sóc thật chu đáo. Hương thơm đó cũng toả lan từ trong các ngôi nhà nhỏ bé đơn sơ của các nữ tu sống theo linh đạo của Mẹ Têrêsa Can-cut-ta, trong đó biết bao trẻ mồ côi đã từng bị dục vào thùng rác, từng bị cha mẹ bỏ rơi khi mới chào đời, được các nữ tu đón nhận, chăm nom và nuôi nấng, để các em được lớn lên như những em bé tràn đầy ân phúc của Thiên Chúa.[8] Chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã cảm nhận được hương thơm của lòng thương xót qua tinh thần phục vụ của Giáo Hội, khi ngài nói trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng: “Mặc dù làn sóng thế tục đã tràn ngập xã hội chúng ta, ở nhiều quốc gia – kể cả những nơi mà Ki-tô Giáo là thiểu số – Hội Thánh Công Giáo được coi là một tổ chức đáng tin cậy theo dư luận quần chúng, được tin cậy trong tất cả những gì liên quan đến lĩnh vực đoàn kết và quan tâm đến những người nghèo khổ nhất. Nhiều lần, Hội Thánh phục vụ như trung gian hòa giải để tạo sự thuận lợi cho việc giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình, hòa hợp, môi trường, bảo vệ sự sống, nhân quyền và quyền công dân...” (số 65).

Tuy nhiên, trong Giáo Hội, văn hoá của lòng thương xót không chỉ được giới hạn trong việc giúp đỡ về phương diện vật chất, mà cần được diễn tả qua chính tương quan của các tín hữu với nhau, nghĩa là cung cách hành xử của tín hữu với nhau luôn cần phải toả hương lòng thương xót. Thánh Phao-lô đã nhìn thấy những bè phái chia rẽ trong Giáo Hội (x.1Cr 1,10-17), và ngài đã lên tiếng: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau” (1Cr 1,10). Hơn nữa, thánh nhân còn cảnh báo và kêu mời các tín hữu cần biết yêu thương nhau, chứ đừng cắn xé và chia rẽ: “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy!” (Gl 5,13-15).

Các Giáo Phụ cũng đã lên tiếng chỉ trích những cách sống thiếu yêu thương giữa các tín hữu với nhau. Gregor von Nazianz đã kêu than cách cay đắng với những lời đau đớn về cách sống thiếu yêu thương và hay cãi vã trong Giáo Hội, đặc biệt giữa các Giáo Sĩ: “Thật là hổ thẹn với những người lãnh đạo”. “Chúng ta đã nhảy bổ lên đầu nhau và đang nuốt chửng lấy nhau”. Cũng thế, Chrysostomos cũng lên tiếng với những lời tương tự, và với ngài thì thật là xấu hổ thay cách hành xử thiếu bác ái giữa những người Ki-tô hữu với nhau.[9]

Trong tông sắc năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến tinh thần sống đạo quảng đại không xét đoán của Ki-tô hữu: “Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy các bước của cuộc hành hương để đạt được mục tiêu của chúng ta: ‘Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy’ (Lc 6,37-38). Chúa đòi hỏi chúng ta trên tất cả đừng phán xét để khỏi bị lên án. Những ai muốn tránh sự kết án của Thiên Chúa, thì đừng biến mình thành thẩm phán xét xử anh chị em mình. Con người, bất cứ khi nào họ xét đoán, nhìn không xa hơn những gì là bề mặt, trong khi Chúa Cha nhìn thấu những thẳm sâu của tâm hồn. Bao nhiêu tai hại do lời nói gây ra một khi chúng được thúc đẩy bởi những cảm xúc của sự ghen tương và đố kỵ! Nói xấu người khác đặt chúng ta dưới thứ ánh sáng xấu xa, làm xói mòn uy tín của người khác và biến họ thành con mồi cho các ý tưởng ngẫu hứng của tin đồn. Theo một nghĩa tích cực, để tránh khỏi bị xét đoán và lên án có nghĩa là biết làm thế nào, để chấp nhận những điều tốt đẹp trong mỗi người và để tha cho người ấy khỏi phải chịu những đau khổ có thể gây ra bởi sự xét đoán phiến diện của chúng ta, và bởi cái giả định của chúng ta là chúng ta biết tất cả mọi thứ về người ấy. Nhưng điều này vẫn chưa đủ để bày tỏ lòng thương xót. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải tha thứ và cho đi. Hãy trở thành khí cụ của lòng thương xót vì chính chúng ta là những người đầu tiên nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy rộng lượng với người khác với hiểu biết rằng Thiên Chúa tuôn đổ sự tốt lành của Ngài trên chúng ta với lòng quảng đại bao la” (số 14).

Văn hoá của lòng thương xót giữa các Ki-tô hữu với nhau cần được đặc biệt biểu lộ trong Thánh Lễ, vì nơi đó chúng ta đang làm sống động lại lòng thương xót của Thiên Chúa cách cụ thể. Thư của thánh Giacobê tông đồ khuyên chúng ta rằng: “Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: ‘Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này’, còn với người nghèo, anh em lại nói: ‘Đứng đó!’ hoặc: ‘Ngồi dưới bệ chân tôi đây!’, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao? Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu Đức Tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao? Thế mà anh em, anh em lại khinh dể người nghèo!” (Gc 2,2-6).

Mong sao ước mơ của Đức Cố Hồng Y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận được thực hiện, ước mơ này ngài diễn tả trong một bài suy niệm vào dịp tĩnh tâm dành cho Giáo Triều Roma năm 2000: “Tôi mơ ước một Hội Thánh là Cửa Thánh, mở rộng, bao gồm mọi người, đầy lòng từ bi và cảm thông mọi cơ cực, đau khổ của nhân loại, và tìm cách an ủi họ”.[10]

Mong sao lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng sẽ là một gợi hứng mạnh mẽ cho Giáo Hội sống tinh thần lòng thương xót: “Thánh Tô-ma A-qui-nô đã dạy rằng ngay cả giáo huấn về luân lý của Hội Thánh cũng có một phẩm trật riêng của nó, giữa các nhân đức và giữa các hành động phát xuất từ chúng. Ở đây, điều quan trọng hơn cả là Đức Tin hoạt động qua đức ái (x.Gl 5,6). Những việc làm của đức ái hướng đến tha nhân là sự bày tỏ hoàn hảo nhất bề ngoài của ân sủng của Chúa Thánh Thần ở bên trong: Yếu tố chính của lề luật mới là ân sủng của Chúa Thánh Thần, được tự tỏ lộ trong Đức Tin hoạt động qua đức ái, về điều này ngài nói rằng, đối với hành động bên ngoài, lòng thương xót cao trọng hơn tất cả các nhân đức. Lòng thương xót tự nó lớn nhất trong các nhân đức, vì tất cả các nhân đức khác xoay quanh nó, và quan trọng hơn nữa, nó bù đắp cho sự thiếu sót của những nhân đức khác. Điều này đặc biệt cho nhân đức cao trọng, và như thế thích hợp với việc Thiên Chúa có lòng thương xót, mà qua đó sự toàn năng của Ngài được tỏ bày cách rõ ràng nhất” (số 37).

Mong sao châm ngôn “Hãy xót thương như Chúa Cha!” của Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi sẽ nở hoa kết trái nơi từng Ki-tô hữu, nơi giáo dân và nơi linh mục, nơi giám mục nơi hồng y. Thật đẹp biết bao nếu mọi người cùng Vị Cha Chung sống đúng tinh thần của chính Chúa Giê-su, Đấng luôn thể hiện lòng thương xót của Cha trên trời trong từng lời nói, từng cử chỉ và từng hành động của Ngài.

Mong sao, lời của nhà văn người Đức Heinrich Boell là một lời động viên cho mọi Ki-tô hữu ý thức thực thi nền văn hoá của lòng thương xót trong thế giới hôm nay: “Ít nhất, lòng thương xót là một điều khả thi giữa những Ki-tô hữu, và lúc này hay lúc khác lại có những Ki-tô hữu xuất hiện và làm cho thế giới này phải ngạc nhiên. 800 triệu người trên thế giới này có khả năng làm cho thế giới này phải ngạc nhiên… Chính một thế giới Ki-tô giáo xấu nhất đối với tôi lại vẫn hơn một thế giới tục hoá tốt nhất, vì trong thế giới của Ki-tô giáo luôn có không gian cho những người bất hạnh, mà họ không thể tìm được chỗ nương tựa trong lòng thế giới tục hoá: Cho những người què quặt và bệnh tật, cho những người già cả và yếu đuối…”[11] Điều mà Heinrich Boell diễn tả, là một hồi chuông nhắc nhớ mọi tín hữu cần chú ý đến sứ mạng quan trọng và nền tảng, là phải loan truyền và thực thi nền văn hoá của lòng thương xót giữa lòng xã hội ngày càng tục hoá hôm nay.

Mong sao những câu hỏi của Đức Hồng Y Martini giúp chúng ta sống lòng thương xót một cách cụ thể hơn:

- Thái độ của tôi giống như thái độ của người ta đối với tôi: dễ thương đáp trả sự dễ thương, thô lỗ cộc cằn đáp lại những lời nói cộc cằn thô lỗ, gây hấn đáp lại thái độ công kích? Hay tôi có khả năng phản ứng khác đi, thái độ tràn đầy lòng nhân hậu xót thương?

- Tôi có dễ bị tổn thương? Tôi phản ứng thế nào? Qua lời nói và đối thoại hay là sự im lặng? Thái độ nín thinh có thể làm người khác bị tổn thương rất nặng. Đó là một câu trả lời không tiếng nói nhưng lại nói rất nhiều điều. Câu trả lời này chứng tỏ rằng, chúng ta còn thiếu lòng nhân hậu xót thương.

- Tôi có cầu nguyện cho người đã làm điều dữ đối với tôi không? Lời cầu nguyện cho kẻ thù chính là một thái độ cần có của lòng nhân hậu mà Chúa Giê-su mời gọi. Có lẽ chúng ta cần phải bắt đầu cầu nguyện cho những người làm tổn thương đến chúng ta. Trong lời cầu nguyện, trái tim bị tổn thương của chúng ta sẽ được sưởi ấm, được ủi an và hiền dịu hơn. Như vậy, chúng ta tìm thấy lối vào cánh cửa lòng thương xót nhân hậu của Thiên Chúa.

- Chúng ta có thành công sống tinh thần của lòng thương xót một cách bền chí không? Nghĩa là không chỉ có nghĩa cử đồng cảm và nhân hậu xót thương trong lúc đầu thôi, mà còn trung thành tiếp tục để cho lòng nhân hậu của Chúa thấm vào cuộc đời, vào tâm hồn, và trung tín sống theo tinh thần xót thương này. Đã bao nhiêu lần chúng ta đã thất bại, lúc đầu đi bước thật lớn, nhưng sau đó thì lại dậm chân tại chỗ? Ví dụ như trong cách hành xử với người nghèo khổ, người ngoại kiều, người thấp cổ bé miệng. Bình thường lúc đầu chúng ta bị đánh động tâm hồn, tỏ ra dấu hiệu xót thương họ, và còn làm những cử chỉ biểu lộ lòng nhân hậu của chúng ta, nhưng sau đó thì đâu cũng vào đấy, và còn thê thảm hơn nữa, khi chúng ta bắt đầu chỉ trích, nói xấu, và có những phản ứng thật là tồi tệ đối với họ, đến nỗi chúng ta chẳng còn muốn để mắt đến họ nữa.

Lạy Chúa, còn thật xa để chúng con có thể sống được Mối Phúc của Chúa.

Chúng con muốn chiêm ngắm trái tim của Chúa,

chỉ có trái tim Chúa mới có thể chữa lành cho chúng con,

thoát khỏi sự cứng đầu và lạnh lùng của chúng con,

thoải khỏi tấm màn tối che phủ ánh mắt của chúng con.

Chúng con xin Chúa giúp chúng con có thể cảm nhận được lòng nhân hậu của Chúa trong chính chúng con, để chúng con có thể hiểu rõ tinh thần các Mối Phúc, và tập sống theo tinh thần này,

nhờ đó chúng con có thể làm chứng cho thế giới về tình yêu trung tín của Chúa. Amen.[12]

Thật vậy, Giáo Hội của Chúa Ki-tô phải là Giáo Hội của lòng thương xót, và cần phải là Giáo Hội của lòng thương xót nhiều hơn nữa, vì chính vị thủ lãnh đầu tiên của Giáo Hội, Thánh Phê-rô đã từng trải nghiệm lòng thương xót cách đặc biệt.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

--------------------------

[1] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.155.

[2] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.156.

[3] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.157.

[4] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.157-159.

[5] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.161.

[6] ĐTC Phanxicô ban hành ngày 19 tháng 2 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phê-rô, Phao-lô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ, nguồn: giaoly.org.

[7] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.165.

[8] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.166-167.

[9] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.168.

[10] Trích bởi CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Beatitudes, eight steps to happiness, t.74.

[11] Trích từ Fastenpredigt 2013 in Tettnang, trong trang http://www.kath-kirche-tettnang.de/

[12] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.70-71.


25. PHÊ-RÔ TRẢI NGHIỆM LÒNG THƯƠNG XÓT

Những giọt nước mắt hổ thẹn và hối hận lăn dài trên khuôn mặt của Phê-rô, khi ông vội vã thoát khỏi sân dinh vị thượng tế, là nơi Chúa Giê-su đang bị giam giữ. Một tiếng nói bên trong nội tâm tra khảo ông: “Làm sao ông lại chối bỏ thầy Giê-su cách công khai như vậy?” Cách đây ít lâu, ông không bao giờ có thể tưởng tượng là mình có thể quay lưng với Chúa Giê-su một cách nhẫn tâm như vậy. Những lời khẳng định đầy hiên ngang mà ông vừa nói với Chúa Giê-su, nay lại quay về ám ảnh ông: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33).

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau khi Chúa Giê-su tiên báo, thì đêm hôm ấy, ông đã chối Chúa đến ba lần. Phê-rô thầm nghĩ, mọi sự xảy ra quá nhanh. Trước hết, ông cẩn thận tìm mọi cách để đi theo Chúa vào trong sân. Rồi khi ông thấy mình đã bị nhận diện là môn đệ của Chúa Giê-su, ông chợt nhận ra là mình đang gặp nguy hiểm. Đó là khi người ta bắt đầu lớn tiếng cáo buộc ông: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giê-su đó chứ gì?” (Mc 14,67). Ông cảm thấy hồi hộp. Người ta càng thúc ép ông trả lời cho câu hỏi đó, thì ông càng cương quyết phủ nhận. Trong chốc lát, thái độ nhún vai phủ nhận đã biến thành một lời thề công khai, khi ông bắt đầu thốt lên những lời độc địa mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy” (Mt 26,74).

Ngay khi ông nhớ lại một chuỗi những sự kiện xảy ra quá nhanh, thì lòng ông quặn đau như thắt vì thất bại và ông cảm thấy hết sức chán nản. Sau này, Phê-rô nhận thức rằng khi Chúa Giê-su quay lại nhìn ông, thì chính cái nhìn ấy – một cái nhìn đầy lòng thương xót – đã lay động tâm hồn ông, để ông nhận ra điều khủng khiếp mình vừa làm, đồng thời ông cũng nhận biết là Chúa đã thông cảm và tha thứ cho ông. Khi ông nhận ra điều đó, ông đã khóc lóc thảm thiết. Sertillanges đã chia sẻ như sau: “Đức Giê-su hướng về Phê-rô, mặc dầu ông ở rất xa, nhưng vẫn cảm được cái nhìn của Thầy, cái nhìn làm tan biến sự yếu đuối của trái tim con người, thâm nhập sâu vào tình yêu của nó và ban sức mạnh cho sự yếu đuối ấy. Tảng đá đã chao đảo. Nhưng chính trên tảng đá này mà nền móng của công trình đời đời được thiết lập. Nơi đâu mà xác thịt loài người tỏ ra yếu đuối, nơi đó quyền năng của Thượng Đế được biểu lộ rõ ràng. Phê-rô vấp ngã, nhưng ông là người thứ nhất tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, rằng Ngài là Đấng Thiên Sai Thượng Đế hứa”.[1]

Câu chuyện Phê-rô chối Thầy được trình thuật cả trong bốn Tin Mừng, chỉ cho thấy Giáo Hội tiên khởi đã công bố khuyết điểm của vị thủ lãnh đầu tiên của mình, chứ không che đậy. Dù vậy, họ được thêm vững mạnh, chứ không bị vấp phạm. Kinh nghiệm của thánh Phê-rô xác nhận với họ rằng, thất bại là điều có thể chấp nhận được, bởi vì Thiên Chúa luôn luôn sẵn sàng ban ơn tha thứ. Rất có thể là chính thánh Phê-rô đã phổ biến câu chuyện thất bại của mình, khi người không ngừng cố gắng khích lệ anh chị em mình phấn đấu – như Chúa Giê-su đã yêu cầu Phê-rô: “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Sa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,31-32).

Như Giáo Hội tiên khởi đã xem sự sa ngã của Adam là một “tội hồng phúc”, vì nhờ đó mà xuất hiện Đấng Cứu Thế, Giáo Hội cũng xem sự trượt ngã của Phê-rô là “tội hồng phúc”, vì nhờ đó mà Giáo Hội có được một vị thủ lãnh vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ. Phê-rô bị bó buộc phải đối diện với bóng tối của mình, và điều đó đã làm cho ông trở nên con người khiêm nhường đầy lòng thương xót.[2]

Qua hình ảnh của thánh Phê-rô, Giáo Hội được mời gọi luôn là Giáo Hội của lòng thương xót, và cần phải là Giáo Hội của lòng thương xót hơn bao giờ hết, vì Giáo Hội chính là thân thể mầu nhiệm và sống động của chính Chúa Giê-su, Đấng là mục tử nhân lành, Đấng là nguồn mạch của lòng thương xót. Chính Ngài luôn yêu thương con cái của Ngài, và mời gọi tất cả những ai sống trong khổ đau và bất hạnh hãy đến với Ngài: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28-29). Không chỉ dừng ở nơi đó, mà trong chiều sâu của tình yêu thương, Chúa Giê-su còn trao mọi người con của Chúa cho Mẹ Maria, người Mẹ của lòng thương xót.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

------------------------

[1] SERTILLANGES A.D., What Jesus saw from the cross – Từ trên thập tự, Fr. Thomas Tuý OP.  Chuyển ngữ, chương 7. Người thân yêu. Nguồn: www.nguoitinhuu.org.

[2] WIKIE AU và NORREN CANNON, Những thôi thúc trong tim, Nguyễn ngọc Kính OFM. chuyển ngữ, NXB. Phương Đông 2012, t. 246-247.


26. MẸ MARIA, NGƯỜI MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG 

Nếu lật lại các trang sách Phúc Âm, thì Mẹ Maria xuất hiện trong một số khung cảnh. Tuy nhiên, có hai đoạn Thánh Kinh kể về sự hiện diện của Mẹ Maria và đóng vai trò quan trọng trong linh đạo về Mẹ Maria. Đó là việc Đức Mẹ được tổng lãnh thiên thần Gabriel truyền tin (x.Lc 1,26-38) và sự kiện Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá (x.Ga 19,26tt). Hình ảnh thứ hai mà Gio-an kể nối kết với phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su làm ở Cana được diễn tả trong Phúc Âm của Thánh Gio-an (x.Ga 2,1-12). Như thế, có thể nói rằng, Mẹ Maria có mặt trong những biến cố quan trọng trong lịch sử của ơn cứu độ. Dù Mẹ chỉ được nhắc đến ít lần trong Phúc Âm, nhưng Mẹ vẫn có một vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa với nhân loại chúng ta. Đi sâu hơn một chút vào bài ca Magnificat của Mẹ Maria, chúng ta thấy rằng, Mẹ đã tóm tắt lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, và Mẹ ca ngợi lịch sử cứu độ này như là lịch sử của lòng thương xót, lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với nhân loại: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50).

Với việc Mẹ được chọn và được gọi là Mẹ Đấng Cứu Thế, lịch sử của lòng thương xót đã tìm được ý nghĩa trọn vẹn. Giờ đây, Thiên Chúa qua lòng thương xót vô bờ, Ngài muốn cứu độ nhân loại và dân của Ngài. Mẹ Maria đã được chọn để cùng cộng tác trong công trình cứu độ này: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30). Điều này có nghĩa là, không phải tự mình mà Mẹ Maria được đẹp lòng Thiên Chúa, mà tất cả đều do ân sủng của Thiên Chúa, và vì thế mọi lời ca tụng đều hướng về Thiên Chúa. Chính Mẹ cũng đã thốt lên rằng:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!

Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,46-50).

Mẹ Maria sống trong ân sủng của Chúa, và với sự khiêm nhường của Mẹ và qua lời xin vâng của Mẹ, Mẹ đã trở nên công cụ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Lời xin vâng của Mẹ đã đưa Mẹ vào vị trí của một nữ tỳ phục vụ Thiên Chúa, phục vụ lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, phục vụ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thật vậy, Mẹ đã dành cho Thiên Chúa một không gian trong con người Mẹ, để Thiên Chúa có thể làm những phép lạ cứu chữa nhân loại. Nhưng lời xin vâng của Mẹ cũng vượt trên khả năng của con người, vì thế với lời xin vâng của Mẹ, Mẹ được coi là người có phúc. Qua lời xin vâng của Mẹ, Thiên Chúa đã đi vào thế giới này. Qua lời xin vâng, Mẹ Maria đã trở nên một Evà mới. Trong khi Evà đầu tiên vì sự bất tuân đã đưa lại cho thế giới này biết bao khổ đau, thì qua lời xin vâng của mình Evà mới là đại diện của nhân loại đã tháo cởi được nút rối mà Evà cũ đã gây ra. Vì thế, mà Mẹ Maria – Evà mới đã trở nên người Mẹ của kẻ sống. Qua lời xin vâng của mình, trinh nữ Maria đã trở nên một nữ tỳ lòng thương xót của Thiên Chúa, một trinh nữ đã cưu mang Đấng Cứu Thế, Đấng là nguồn của lòng thương xót.[1] Và Mẹ đã sinh ra, nuôi nấng chăm nom Đấng Cứu Thế, vị Mục Tử nhân hậu.

Là Mẹ Đấng Cứu Thế, là nữ tỳ của lòng thương xót của Thiên Chúa, Mẹ cũng đi con đường Đức Tin như mọi tín hữu. Mẹ đã phải đối diện với biết bao thử thách và đón nhận biết bao nhiêu khó khăn: Ngay từ khi Mẹ mang thai hài nhi Giê-su, cùng với thánh Giuse, Mẹ đã phải đi tìm một nơi trú ngụ và đã bị từ chối, để rồi cuối cùng Mẹ đã phải sinh con trong một nơi dành cho chiên bò. Khi sinh con xong, tưởng rằng cuộc đời Mẹ sẽ an bình. Với con thơ và với Thánh Cả Giuse, Mẹ đã phải đưa con trốn chạy trước sự lùng sục độc ác của vua Hêrôđê. Một cuộc trốn chạy đầy chông gai và thử thách qua đất nước láng giềng. Khi đưa con trẻ Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để dự lễ hội, Mẹ đã bị lạc con và đã phải rong ruổi tìm con với biết bao nỗi âu lo. Và cuối cùng Mẹ đã đau đớn đứng dưới chân Thánh Giá của con Mẹ - Chúa Giê-su, (x.Ga 19,25).

Khi chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh Giá, chiêm ngắm người phụ nữ đang nhìn người Con duy nhất bị những người ác nhân kết án tử và đóng đinh trên Thánh Giá, chúng ta sẽ cảm nhận được tâm trạng của Mẹ: run rẩy, đau xót về những gì Mẹ đã chứng kiến trên con đường khổ nạn của con. Truyền thống Ki-tô giáo, qua việc chiêm ngắm Mẹ trong khung cảnh đó, đã nhận thấy kinh nghiệm đau khổ tột cùng của Mẹ, như một vài vần thơ khuyết danh bằng tiếng La-tinh Stabat Mater, được viết trong thời Trung Cổ: “Stabat Mater dolorosa, iuxta crucem lacrimosa, dum pendebat filius - Mẹ đau thương, đứng kề bên con của Mẹ, treo trên Thập Giá ”. Những vần thơ này đã trở thành bản đại hợp xướng của nhà soạn nhạc người Séc Antonín Dvořák Stabat mater, op. 58. Tác phẩm này được ông sáng tác trong hai năm 1876 và 1877.  Linh mục nhạc sĩ Kim Long cũng đã sáng tác bài Mẹ đứng đó, để diễn tả hành trình Đức Tin của Mẹ dưới chân cây Thánh Giá đau khổ biết chừng nào: Mẹ đứng đó khi hoàng hôn tím màu, nhạc thương trầm buồn hắt hiu, đồi cao u hoài loang máu đào, con Chúa đau thương treo trên thập giá, hiến thân vì nhân loại tội tình. Mẹ đứng đó, tâm hồn tê tái sầu, hiệp thông cùng con dấu yêu, vì thương nhân loại bao khốn cùng, xin dẫn đưa bao tâm hồn lạc hướng về bên Mẹ, Mẹ ơi.

Bản gốc La-tinh (Stabat Mater Dolorosa) được phỏng dịch qua tiếng Việt thì như sau:

“Mẹ đứng dưới chân thánh giá con yêu, 

Tâm can nát tan Mẹ chết trăm chiều,

Gần bên Chúa trong giờ tử nạn.

Mẹ diễm phúc của Con một Cha,

Đấng tạo dựng đất trời,

Buồn thương và thảm thiết biết bao!

Đức Kitô chịu hành hạ trên cao, 

Bên dưới Mẹ đứng nhìn xót xa, 

Thấy Con chết anh hùng, tử đạo.

Hỡi những kẻ đi đường lơ đễnh,

Hãy trông xem Hiền Mẫu chúng ta

Đau xót nào sánh bằng của Mẹ?

Trái tim ai chịu nổi được không?

Chỉ một mình phụng vụ thánh đủ khả năng khai thác tốt đề tài này và có thẩm quyền phổ biến cho mọi thời đại suy ngẫm vì lợi ích các linh hồn thánh thiện. Giáo Hội yêu mến hình ảnh Mẹ Sầu Bi. Người ta có thể giải thích bài ca Stabat Mater (Mẹ đứng kề thánh giá) là phản ánh chính Giáo Hội. Nó là bài ca về lòng mẹ hiền tan nát và khổ đau vinh quang. Giáo Hội lục lọi các lời tiên tri và hô lớn với ngôn sứ Giê-rê-mia lên tổ phụ mình rằng: ‘Tai họa ngươi mắc phải lớn quá rồi, lớn tựa trùng dương ai chứa nổi?’ (Ac 2,13). Hội Thánh áp dụng lời này cho Mẹ Sầu Bi, như khi nói về Đức Giêsu, Hội Thánh áp dụng thân phận cô gái héo hắt Sion: ‘Này tất cả những ai qua lại, hãy nhìn kỹ mà xem, có nỗi khổ nào so sánh được với nỗi khổ Đức Chúa giáng trên tôi?’ (Ac 1,12).

Quả thực Đức Maria là duy nhất trong mọi sự…Đức Mẹ vượt xa trên các thụ tạo khác trong liên hệ với định mệnh con người cả về công nghiệp, thống khổ và vinh quang tương lai. Đức Maria vừa là người Nữ đồng trinh, vừa là Mẹ và là Đấng Đồng công. Ngài là bông hoa chỉ mở cánh ra vì Thiên Đàng mà thôi, Ngài là mặt trăng chiếu sáng trần gian, là mạch suối tuôn trào đức trong sạch, là luống cầy ban tặng bánh hằng sống cho nhân loại lớn lên. Lạy Mẹ, chính từ lòng Mẹ mà sự sống đời đời đã đến với thế giới. Bởi vì Đấng sinh ra cho chúng con đã chọn Mẹ làm hiền mẫu (Kinh Ave Maris Stella - Kính chào Ngôi Sao Biển)”.[2]

Sự hiện diện và đau khổ tột cùng của Mẹ, một đàng diễn tả tình Mẹ dành cho Chúa Giê-su đang bị những người ác nhân kết liễu cách hãi hùng, đàng khác diễn tả sự quyết tâm sống lời xin vâng của Mẹ. Khi Mẹ nói lời xin vâng với Thiên Chúa qua sứ thần Gabriel, Mẹ đã sẵn sàng đi vào con đường mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Mẹ. Ngoài ra, ở tại cây Thánh Giá, nơi con Mẹ đang bị treo đau đớn, lời xin vâng của Mẹ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự hiện diện của Mẹ bên Thánh Giá cho thấy, Mẹ quyết tâm chia sẻ trọn vẹn sứ mạng và hy lễ cứu độ của Con Mẹ là Chúa Giê-su. Mẹ muốn tham dự vào tận đáy sâu thẳm những thống khổ mà Chúa Giê-su chịu. Mẹ không khước từ lưỡi gươm cụ già Si-mê-on ngày xưa tiên báo cho Mẹ: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35b). Mẹ luôn nói lời xin vâng với Thiên Chúa, cụ thể trong chương trình huyền nhiệm của Chúa Cha dành cho Chúa Ki-tô.

Phần cuối cùng của Phúc Âm thứ tư, thánh sử Gio-an còn diễn tả một hình ảnh thật xúc động: Từ trên Thánh Giá, Chúa Giê-su đã trăn trối Mẹ mình cho Gio-an, người môn đệ mà Chúa thương yêu, và trăn trối Gio-an như là đại diện cho Mẹ mình, người nữ tỳ của lòng thương xót (x.Ga 19,26tt). Dưới chân Thánh giá, Mẹ đón nhận toàn thể nhân loại vào tâm hồn Mẹ qua lời trao gởi của Chúa Giê-su: Thưa Bà, đó là con bà. Chúa Giê-su muốn Mẹ đón nhận Thánh Gio-an là người môn đệ Chúa yêu thương, trở thành đứa con của Mẹ. Chúa muốn đem lại cho Gio-an một mái ấm mới, một quê hương mới với người Mẹ luôn yêu thương chăm sóc con mình.[3] Nói cách khác, vào lúc đầu tiên của biến cố nhập thể, thiếu nữ thành Na-da-rét đã trở thành Mẹ Thiên Chúa, thì trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giê-su – Con Mẹ, Mẹ trở thành Mẹ của những người tin, Mẹ Giáo Hội, Mẹ của nhân loại, người Mẹ luôn thương xót con cái của mình. Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) nói rằng: “Ðức Trinh Nữ tiến bước trong cuộc lữ hành Đức Tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên Thánh Giá, là nơi theo ý Thiên Chúa, Mẹ đã đứng ở đó (x.Ga 19,25). Ðức Maria chịu đau khổ kinh khủng với người Con duy nhất của mình, dự phần vào hy lễ của Con, với tâm tình của người mẹ ưng thuận hiến dâng lễ vật do lòng mình sinh ra, để cuối cùng khi hấp hối trên Thánh Giá, Chúa Giê-su Ki-tô đã trối Mẹ làm Mẹ của môn đệ: Thưa Bà, này là con Bà (Ga 19,26-27)” (số 58).[4]

Ở gốc cây biết lành biết dữ, Evà đã mất chức làm mẹ loài người.

Ở dưới chân Thánh giá, Đức Mẹ đón nhận chức vị làm Mẹ loài người.

Là Mẹ loài người và là Mẹ Chúa Giê-su, đó là nét đẹp tuyệt vời nơi Mẹ. Chúa Giê-su đã vẽ lên một tuyệt phẩm về chính người Mẹ của mình, và Ngài cũng trao gởi tuyệt phẩm này cho chính môn đệ yêu dấu của Ngài, và cũng trao gởi cho mỗi người chúng ta. Như thế, qua hành động của Chúa Giê-su, Giáo Hội đã khám phá đôi chút về mầu nhiệm đời sống Ki-tô hữu. Tín hữu là thành viên của một gia đình thiêng liêng. Cũng như một đứa trẻ cần có cha có mẹ để phát triển bình thường, thì tín hữu cũng cần có Đức Maria và Cha trên trời.[5]

Đó là Mẹ của con. Khi đọc lời trên của Chúa Giê-su, chúng ta thấy rằng, trong cái nhìn đầu tiên mang tính con người, Chúa Giê-su đã diễn tả tình yêu của mình dành cho Mẹ Maria. Chúa là Người Con duy nhất của Mẹ, và sau khi Chúa chết, Mẹ sẽ sống lẻ loi một mình trên thế giới này. Có lẽ vì lo cho người Mẹ đang chịu nhiều đau khổ và mất mát, Chúa đã trao gởi Mẹ cho người môn đệ mà Chúa tin tưởng và thương yêu. Gio-an, tên người môn đệ đó, giờ đây trở nên người con trai của Mẹ, và Gio-an cần phải có trách nhiệm với Mẹ Maria.[6] Điều Chúa Giê-su làm thật là một cử chỉ cao quý. Có lẽ thánh Giuse đã qua đời trước đó, nên Chúa không muốn Mẹ mình phải sống trong cảnh goá phụ bị lệ thuộc và cô đơn, cũng như bị người đời nguyền rủa, bởi vì trong xã hội Do Thái thời đó người phụ nữ đơn chiếc là coi như người bị nguyền rủa.

Chúa không muốn người phụ nữ quá đau đớn vì mất con, và đã phải trải qua biết bao thống khổ khi đồng hành với con trên đường Thánh Giá, lại phải một mình chìm trong nỗi đau khổ tột cùng, trong những tháng ngày còn lại của bà. Cũng thật cao quý biết bao, khi Chúa Giê-su trong hoàn cảnh đau khổ của mình trên Thánh Giá, Ngài đã không nghĩ làm sao để Ngài có thể đỡ đau đớn, mà Ngài lại quên mình đi, và nghĩ tới Mẹ mình, nghĩ tới người khác đang đứng kia với một tâm hồn sầu não thảm thê. Đó là tình yêu của Chúa dành cho Mẹ. Một tình yêu không chỉ mang sắc thái của cảm tính, mà còn mang tinh thần quên mình đi, và luôn chú ý và chăm sóc người khác, người gần nhất cũng như người xa nhất.

Trong chính bầu khí của khổ đau, không cần nhiều lời, chỉ một vài lời ngắn ngủi, Chúa đã đưa lại biết bao ủi an cho Mẹ mình, đã tháo cởi chiếc dây trói buộc khổ đau vào cuộc đời của Mẹ: Đó là Mẹ của con. Ngay trong bầu khí khổ đau này, Chúa đã tạo nên một tương quan mới cho Mẹ mình. Trong chính bầu khí của khổ đau, một bầu khí của tình yêu đã được khơi mào, dù rất nhỏ nhưng thật quý giá. Và với thời gian, bầu khí của tình yêu này đã lớn dần và mạnh mẽ, lan toả đến khắp mọi nơi. Bầu khí tình yêu của Mẹ dành cho nhân loại, giờ đây không bao giờ đóng cửa với bất cứ ai. Tình Mẫu Tử này thật cao quý, vì thế tình của mỗi người con dành cho Mẹ cũng cần phải cao quý như vậy.

Khi Chúa Giê-su trao phó cho Gio-an Mẹ của Người, Gio-an đã phản ứng như thế nào? Đọc phần kế tiếp, ngay sau lời Chúa nói với Gio-an, chúng ta thấy rằng: “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27b). Trong bản văn của tiếng Hy-lạp là eis ta idia. Theo Cha Anselm Gruen, thì có nghĩa là vào trong nội tâm của anh, vào trong trái tim của anh.[7] Còn theo Đức Benedicto XVI, thì có nghĩa theo mạch chữ là anh ta đón nhận Mẹ vào trong nơi sâu kín của anh, vào cuộc sống nội tâm của anh.[8] Và theo nhà Thánh Kinh học Schnackenburg cũng vậy. Từ ngữ eis ta idia diễn tả không gian của tâm hồn.[9] Gio-an đã mở rộng cánh cửa đón mời Mẹ Maria vào. Cánh cửa đó không chỉ là cánh cửa nhà của ông, mà là cánh cửa tâm hồn sâu kín của ông. Như thế, Gio-an đã sống đúng điều mà Chúa Giê-su nhắn nhủ ông. Có thể nói rằng, khi Chúa nói “đây là Mẹ của con”, Ngài cũng muốn Gio-an hãy yêu thương Mẹ như Chúa đã yêu thương Mẹ.

Hơn nữa, qua lời trăn chối này Chúa Giê-su cũng đã đặt nền tảng cho việc yêu mến Mẹ Maria trong lòng Giáo Hội, trong lòng mỗi tín hữu. Thật vậy, tín hữu nào đón nhận Mẹ Maria vào nhà mình, vào tâm hồn sâu kín như Gio-an, sẽ không trở thành kẻ cuồng tín hay khờ khạo, nhưng họ trở là những tín hữu với tâm hồn khiêm tốn, đơn sơ, tràn đầy hân hoan và niềm vui tôn kính và yêu thương Mẹ Maria như hiền mẫu của mình. Công Đồng đã dạy rằng: “Phần các tín hữu hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một Đức Tin chân thật. Đức Tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).[10]

PHẦN 02

Một trong những nhân đức cao quý của Mẹ là luôn thờ lạy Thiên Chúa và luôn xin vâng theo thánh ý của Ngài. Vì thế, đi đôi với sự tôn sùng Mẹ Maria, tín hữu luôn ý thức thờ lạy Thiên Chúa trên hết mọi sự, và thờ lạy Ngài là Thiên Chúa Duy Nhất. Đó chính là nét đặc trưng của người Công Giáo: biết đón nhận Mẹ Maria, nhưng không vì thế mà lãng quên Thiên Chúa. Khi đón nhận Mẹ Maria, tín hữu ý thức đó là món quà vô giá mà chính Chúa Giê-su ban tặng. Thật tuyệt vời, khi tín hữu nhận ra rằng: Vì yêu thương nhân loại quá đỗi, nên Cha trên trời đã tặng ban Người Con Duy Nhất của Ngài cho nhân loại. Giờ đây, Người Con Duy Nhất yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh chính bản thân mình cho nhân loại, và ban tặng thêm một món quà cao quý là chính Mẹ của Ngài.

Vì thế, chúng ta xin Chúa cho chúng ta biết luôn mở rộng cánh cửa nhà mình, cánh cửa tâm hồn mình, để như Gio-an đón Mẹ Maria vào, dọn cho Mẹ một chỗ xứng hợp. Có Chúa có Mẹ, thì đời sống tín hữu sẽ không bao giờ lẻ loi. Có Chúa có Mẹ, tín hữu sẽ tìm thấy được an bình và hạnh phúc đích thật. Có Chúa có Mẹ ở bên, tất cả mọi khổ đau của cuộc đời này sẽ không thể làm cho tín hữu đánh mất chính bản thân và cuộc sống của mình. Chữ cuối cùng của cuộc sống này sẽ không phải do thần chết viết lên, mà do chính Chúa và Mẹ viết lên. Chữ đó là chữ thương xót trao ban sức sống và đem lại sự sống vĩnh cửu.

Cuối cùng, hình ảnh của Mẹ ôm xác Chúa Giê-su vào lòng đã trở thành một bức tranh tràn đầy tình yêu thương, lòng thương xót của Mẹ. Ai bước vào đền thờ Thánh Phê-rô ở Rôma đều phải dừng bước trước bức tượng Pieta nổi tiếng của Michelangelo, để chiêm ngắm không chỉ những đường nét nghệ thuật tuyệt vời, mà còn khám phá được chiều sâu của lòng thương xót được tích tụ nơi người Mẹ cao quý. Với Kasper, việc Mẹ Maria ôm con đã chết vào lòng mình diễn tả trải nghiệm lớn nhất nhất về sự đau đớn mà Mẹ phải chịu. Nơi đây, Mẹ không chỉ đón nhận sứ điệp của các Mối Phúc, mà Mẹ - nữ tỳ của lòng thương xót, còn sống động các Mối Phúc đó. Mối Phúc của nghèo khó, Mối Phúc của đau buồn, Mối Phúc của bách hại, Mối Phúc của lòng thương xót (x.Mt 5,1-12).[11]

Một số đoạn Tin Mừng nhắc đến Mẹ Maria, từ nhiều thế kỷ, đã tìm thấy được một chỗ đặc biệt trong lòng của các tín hữu. Tinh thần đạo đức kính mến Mẹ Maria của các tín hữu là câu trả lời sống động cho vai trò của Mẹ, nữ tỳ lòng thương xót của Thiên Chúa, và cũng là tiếng vang lan toả khắp mọi nơi. Tinh thần kính mến Mẹ Maria và tiếng vang này tương hợp với chính lời của Mẹ đã thốt lên: “Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48b).

Một trong những điều quan trọng trong tín lý liên quan đến Đức Mẹ mà Công Đồng Ê-phê-sô (431) nhắc tới, là việc Mẹ Maria được diễn tả là “Người Mẹ sinh ra Thiên Chúa”. Ở đây, điều quan trọng là tính cách Ki-tô học được nêu bật, nghĩa là đụng tới câu hỏi mà thời đó đã tranh cãi, là Chúa Giê-su có phải là con Thiên Chúa hay không. Như thế, vai trò của Mẹ Maria đã luôn được nhắc tới trong sự liên hệ với với Chúa Ki-tô. Theo tinh thần nền tảng này, thì việc tôn kính Mẹ Maria tìm được cách thức đúng đắn nhất và hữu ích nhất.

Dựa trên tinh thần nền tảng này, mà nhiều lời cầu nguyện, các thánh thi và các bài thánh ca đã được các nhà đạo đức và thiêng liêng học viết ra để ca tụng tôn vinh Đức Mẹ. Các nghi thức Phụng Vụ là một chứng minh cụ thể. Vào năm 300, đã có một lời cầu nguyện tôn vinh Mẹ Maria, người Mẹ giàu lòng thương xót: “Lạy Mẹ rất thánh sinh ra Thiên Chúa, dưới bóng cánh và dưới sự chở che của Mẹ, chúng con xin chạy đến để ẩn náu”, và trong ý nghĩa nguyên thủy là: “Lạy Mẹ rất thánh sinh ra Thiên Chúa, chúng con xin ẩn náu dưới lòng thương xót của Mẹ”.[12]

Ngoài ra, một rong những lời cầu nguyện nổi bật nhất diễn tả lời kêu cầu xin lòng thương xót của Mẹ là bài hát Salve Regina - Kính chào Ðức Nữ Vương mà Giáo Hội đã đưa vào giờ kinh tối trong Kinh Phụng Vụ: Kính chào Ðức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, ngọt ngào cho cuộc sống. Kính chào Lẽ Cậy Trông! Này con cháu E-và, thân phận người lưu lạc, chúng con ngửa trông Bà, kêu Bà mà khóc lóc, than thở với rên la, trong lũng đầy nước mắt. Bà là Nữ Trạng Sư, nguyện đưa mắt nhân từ, phía đoàn con đoái lại; và sau đời khổ ải, xin Bà khứng tỏ ra, cho đoàn con được thấy, quả phúc bởi lòng Bà: Ðức Giê-su khả ái. Ôi lượng cả khoan hồng, ôi tấm lòng xót thương, ôi dịu hiền nhân hậu, Trinh Nữ Maria.

Lời cầu nguyện này tính tới hôm nay đã 900 tuổi. Người thốt lên lời cầu nguyện này, có lẽ đã trải qua những kinh nghiệm thật khổ đau. Trong hoàn cảnh đau khổ đó, tín hữu này đã chạy đến với Mẹ Maria và kêu cầu cùng Mẹ giàu lòng thương xót. Tín hữu này là chân phước Hermann sống trong thế kỷ thứ 11. Từ khi 07 tuổi, Hermann đã sống trong tu viện trên đảo Reichenau, Bodensee, Đức Quốc. Đọc lịch sử về chân phước Hermann, chúng ta thấy rằng, ngay từ nhỏ, Hermann đã bị tàn tật, và nếu không có sự giúp đỡ của người khác thì không thể bước đi được. Các bạn đã gọi Hermann là thằng gù, bởi Hermann không thể đứng thẳng lên được. Trong hoàn cảnh bất hạnh này, Hermann đã đi tìm sự ủi an và sức mạnh trong cầu nguyện, và Thiên Chúa nhân hậu đã ban cho Hermann nhiều ơn lành. Trong những tài liệu về đời sống thiêng liêng mà Hermann để lại, có thể tìm thấy những lời cầu nguyện với Mẹ Maria của Hermann. Một trong những lời cầu nguyện đó là lời kinh Salve Regina.

Với lời kinh Salve Regina chúng ta cảm nhận rằng, như ngày xưa sứ thần Gabriel chào Đức Mẹ trong biến cố truyền tin thế nào, chúng ta cũng kính chào Mẹ Maria như vậy: Kính chào Ðức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, ngọt ngào cho cuộc sống. Kính chào Lẽ Cậy Trông! Lời chào này diễn tả khuôn mặt thật đẹp của Mẹ Maria. Mẹ vừa là Nữ Vương của chúng ta, vừa là người Mẹ giàu lòng thương xót, và chúng ta được phép cậy trông vào Mẹ, vì Mẹ luôn cầu bầu cho chúng ta, và với tấm lòng thương xót bao la, Mẹ luôn đưa lại cho cuộc sống chúng ta sự an ủi ngọt ngào, đặc biệt trong những khi chúng ta rơi vào trong thử thách, trong khổ đau và bất hạnh. Vì thế, trong hành trình lưu lạc trên dương thế này, chúng ta những người con của Evà cũ, được phép hướng nhìn và kêu cầu cùng Evà mới bất cứ lúc nào và như thế nào. Lời kêu cầu đó có là rên la, với nước mắt, thì Mẹ Maria đều lắng nghe và đoái nhìn tới. Thật vậy, đôi tai của Mẹ Maria luôn lắng nghe những lời kêu than của con cái khổ đau. Đôi mắt của Mẹ không bị mù tối trước những phận người bất hạnh đang lê bước và lưu lạc trên dương thế này. Mẹ Maria giàu lòng thương xót luôn hiện diện và bầu chữa cho chúng ta. Không chỉ dừng ở sự an ủi đó, Mẹ còn đưa chúng ta đến gặp Chúa Giê-su, quả phúc bởi lòng Mẹ, Đấng là nguồn mạch của lòng thương xót. Vì thế, cùng với chân phước Hermann, chúng ta được phép cao rao lời tung hô Mẹ: Ôi lượng cả khoan hồng, ôi tấm lòng xót thương, ôi dịu hiền nhân hậu. Trinh Nữ Maria.

Ngoài ra, trong thế kỷ thứ 12, Mẹ Maria còn được mọi người kêu cầu đến như là người Mẹ của lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng chữa lành các người bệnh hoạn, nơi trú ẩn cho kẻ tội lỗi, niềm an ủi cho những người bất hạnh, và Đấng hằng Cứu Giúp các tín hữu. Thánh Irene thành Lyon trong thế kỷ thứ 2 đã gọi Mẹ Maria là Đấng tháo nút rối mà Evà cũ đã làm cho bị rối qua sự bất tuân Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ Maria đã trở thành chuyên gia tháo cởi những nút rối bời trong cuộc sống của các tín hữu, nút rối trong cuộc sống cá nhân, nút rối trong tương quan với người khác, và cả nút rối bởi tội lỗi và lầm lỡ đã gây ra. Có một hình ảnh khác gắn liền Mẹ Maria với tinh thần của lòng thương xót: Mẹ Maria với chiếc áo choàng của lòng thương xót. Nếu đi đến nước Đức và nước Áo, đặc biệt phía Nam nước Đức, chúng ta có thể tìm thấy trong một số nhà thờ Công Giáo cổ những tấm hình hay những bước tượng chạm trổ hoạc điêu khắc hình ảnh của Mẹ Maria với chiếc áo choàng thật lớn. Mẹ giang rộng áo choàng nhân ái để cho biết bao người tìm đến và trú ẩn. Trong tập sách Gotteslob – Ca ngợi Thiên Chúa, được sử dụng cho việc hát cộng đồng trong Thánh Lễ, trong tất cả các nhà thờ của Giáo Hội Công Giáo ở Đức, có một bài hát diễn tả hình ảnh này. Bài hát này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1640, ở Innsbruck, Áo Quốc, do một tác giả vô danh. Sau đó, bài hát này đã được các tín hữu ưa chuộng và lan rộng khắp nơi trong vùng nước Đức và Áo. Theo Kasper, bài hát này đã được các tín hữu hát lên thật sốt sắng trong chiến tranh thế giới thứ Hai ở Đức và Áo.[13] Một vài câu trong bài hát diễn tả sống động hình ảnh của Mẹ Maria với chiếc áo choàng của lòng thương xót:

Lạy Mẹ Maria, xin hãy giang rộng áo choàng, xin hãy là khiên che và thuẫn đỡ chúng con. Xin cho chúng con được trú ẩn an toàn dưới áo Mẹ, cho đến khi mọi gió bão qua đi. Lạy Đấng Bảo Trợ và tốt lành, xin chở che chúng con mãi mãi.

Ôi lạy Mẹ của lòng thương xót, xin hãy giang rộng áo choàng, trong mọi lúc và trước mọi hiểm nguy, xin gìn giữ chúng con trú ẩn dưới áo Mẹ. Lạy Đấng Bảo Trợ và tốt lành, xin chở che chúng con mãi mãi.[14]

Ngoài ra, hình ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp rất quen thuộc với tín hữu Công Giáo Việt Nam, cũng là một đặc trưng diễn tả lòng thương xót của Mẹ Maria. Vẫn nhớ thời ấu thơ, mẹ tôi luôn cầu nguyện với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho gia đình và cho mỗi đứa con được bình an và được lớn lên trong sự chở che giúp đỡ của Mẹ Maria, Đấng hằng cứu giúp. Không ít người Công Giáo Việt Nam, khi gặp hiểm nguy, hay khi rơi vào trong những hoàn cảnh bất hạnh, đều ôm ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp vào lòng, và cầu xin Mẹ thương xót chở che, nâng đỡ, để vượt qua đại dương của cuộc đời với biết bao sóng to gió bão đang đe doạ mỗi ngày. Khi còn thanh niên, cùng với các bạn chúng tôi đi giúp một giáo điểm truyền giáo ở quê hương. Xung quanh ngôi thánh đường nhỏ bé thời đó là biết bao anh chị em lương giáo khác. Kế bên thánh đường là một cái ao nhỏ. Trước đây, vị linh mục đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này đã tìm thấy tấm hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được khắc bằng đá ở dưới một cái ao, và đã bị vỡ ra thành một số mảnh. Với tất cả lòng tôn kính Mẹ Maria, cha đã cùng anh chị em gắn lại tấm hình Đức Mẹ, và mọi tín hữu trong vùng đó tin rằng, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã và đang tiếp tục chở che mọi người trong giáo điểm, và bây giờ đã trở thành một giáo xứ.

Một mẫu hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nổi tiếng dịu dàng bế Chúa Giê-su hài đồng trên tay là mẫu hình thuộc trường phái nghệ thuật Đông Phương – Ikone. Mẫu hình nổi tiếng này thường được gọi là Wladimirskaja, được vẽ vào thế kỷ thứ 12, tại Konstantinopel. Hiện nay, tấm hình gốc Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Wladimirskaja được giữ trong viện bảo tàng nghệ thuật Tretjakow – Mạc tư Khoa. Cũng có nhiều bức hình hoạ theo kiểu mẫu này đã được các nghệ nhân vẽ trong thời gian sau này ở nhiều nơi khác nhau.[15]

Tất cả những bài thánh ca, những lời cầu nguyện và các tác phẩm nghệ thuật diễn tả Mẹ Maria với lòng thương xót vô bờ, đã làm rung động biết bao nhiêu tâm hồn. Thánh tiến sĩ Ambrosius cũng đã nêu bật hình ảnh của Mẹ Maria là nguyên mẫu – nguyên bản (Typos) của Giáo Hội. Công Đồng Vaticanô II cũng đã nhắc đến điều này. Là người đầu tiên được cứu rỗi, Mẹ Maria thật là nguyên mẫu. Nghĩa là Mẹ là nguyên mẫu của mọi người được Thiên Chúa cứu rỗi. Là Mẹ của Đấng Cứu Thế, thì Mẹ cũng là Mẹ của tất cả mọi người được cứu rỗi.[16] Công Đồng Vaticanô II diễn tả như sau: “Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, s.62). Không chỉ dừng ở đó, Giáo Hội còn đi thêm một bước, khi xác tín rằng: “Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, s.62).

Trong niềm tin tưởng và với lòng tôn kính Mẹ Maria, người Nữ Tỳ lòng thương xót của Thiên Chúa, người Mẹ luôn hằng cứu giúp con cái của mình, các tín hữu luôn cầu xin với Mẹ Maria: “Xin cầu cho chúng con là kẻ có tội, bây giờ và trong giờ lâm tử”. Cũng xin Mẹ cho mỗi tín hữu luôn biết hướng nhìn lên Mẹ, nguyên mẫu của lòng thương xót, để cùng với Mẹ thực thi nền văn hoá của lòng thương xót trong đời sống thường ngày, ngay trong xã hội tục hoá này. Qua đó, vinh quang của Thiên Chúa và thánh ý của Ngài được thể hiện rõ rệt hơn nữa trên dương thế, thánh ý của vị Mục Tử đầy lòng thương xót luôn đi tìm ơn cứu rỗi cho đàn chiên của mình.

Mối Phúc về lòng thương xót là Mối Phúc nền tảng và quan trọng, vì Mối Phúc này đưa chúng ta về lại với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Ngài đã thương xót nhân loại chúng ta, đến nỗi đã ban Chúa Giê-su, người con duy nhất của Ngài cho chúng ta. Chính Chúa Giê-su đã thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa một cách sống động không chỉ trong lời giảng mà trong cả hành động của Ngài. Hành động của lòng thương xót đạt được cao điểm ở tại cây Thánh Giá. Chúa Giê-su cũng mời gọi mọi tín hữu, những người con tin tưởng vào Ngài ý thức sống tinh thần xót thương như Ngài đã sống. Ngài đã ban cho các tín hữu người Mẹ yêu dấu của Ngài, Mẹ Maria, Nữ Tỳ lòng thương xót của Thiên Chúa, để các tín hữu có thể chạy đến với Mẹ, và Mẹ sẽ dẫn họ đến với con của Mẹ là Chúa Giê-su. Ngoài ra, lòng thương xót mà Chúa Giê-su mời gọi các tín hữu sống không chỉ mang chiều kích cá nhân, mà còn mang chiều kích tập thể. Nghĩa là Giáo Hội của Chúa, là thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô cũng cần trở nên Giáo Hội của lòng thương xót. Có như thế, thì muôn muôn người trên thế giới này sẽ tìm thấy được ơn cứu rỗi, khi gặp được và chạm được chính Đấng là nguồn của lòng thương xót. Để tiếp tục phần suy niệm các Mối Phúc, xin được chuyển tiếp qua Mối Phúc kế tiếp về sự trong sạch của tâm hồn. Những tâm hồn biết thương xót luôn là những tâm hồn trong trắng tuân theo thánh ý của Thiên Chúa.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

-------------------------

[1] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.203-205.

[2] SERTILLANGES A.D., What Jesus saw from the cross – Từ trên thập tự, Fr. Thomas Tuý OP.  Chuyển ngữ, chương 7. Người thân yêu.

[3] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.244.

[4] Thánh Công Đồng chung Va-ti-ca-nô II, Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà-lạt 1972, t.246.

[5] Chú thích Ga 19,25 của HURAULT B., trong Lời Chúa cho mọi người, Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, t.1862.

[6] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.244.

[7] X. GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, E-book, phần 3: Das dritte Wort Jesu am Kreuz – die Quelle der Liebe.

[8] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.244.

[9] SCHNACKENBURG R., Das Johannesevangelium, III.Teil, t.325.

[10] Thánh Công Đồng chung Va-ti-ca-nô II, t.249.

[11]  X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.206.

[12] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.208.

[13] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.210.

[14] X. Das katholische Gesangbuch Gotteslob, Katholische Bibelanstalt, Stuttgart 1975.

unter der Nummer 595. 

[15] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.209.

[16] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.210-211.


27. CHÚA LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH HAY THƯƠNG XÓT

“Misericordiae Vultus” - Dung mạo thương xót.

Đó là tựa đề của tông sắc mà ĐTC. Phanxicô ban hành cho Năm Thánh đặc biệt về lòng Chúa thương xót.

Đức Thánh Cha nói rằng: lòng thương xót là “con đường liên kết Thiên Chúa với con người, vì mở rộng tâm hồn cho niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi, mặc dù có những giới hạn do tội lỗi chúng ta”; lòng thương xót là “luật căn bản ở trong tâm hồn mỗi người”; là “xà nhà nâng đỡ cuộc sống của Giáo Hội”; “là lý tưởng sống và là tiêu chuẩn xác định xem niềm tin của chúng ta có đáng tín nhiệm hay không”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng lòng thương xót “không phải là một dấu chỉ sự yếu nhược, nhưng đúng hơn là phẩm tính toàn năng của Thiên Chúa”. Trong Chúa Giêsu, “tất cả đều nói về lòng thương xót và không gì bị thiếu sự cảm thương”, vì “con người của Chúa Giêsu không là gì khác hơn là tình thương, một tình thương trao ban nhưng không”.

Với tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta cùng chiêm ngắm Chúa Giê-su, vị Mục Tử nhân lành hay thương xót, chúng ta chạy đến để ở lại bên Ngài, như hình ảnh của đàn chiên nhỏ bé chúng ta sống tinh thần cậy trông và tín thác vào Chúa, vào Mục Tử nhân lành, giàu lòng xót thương:

“CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành

và bổ sức cho tôi” (Tv 23,1-3a).

Thiên Chúa là Mục Tử nhân lành hay thương xót, Ngài chăn dắt mỗi người trong chúng ta. Bạn có tin điều đó không? Nếu bạn tin như thế và nếu bạn ý thức bước vào tương quan với Đấng là Mục Tử chăn dắt bạn, nghĩa là bước vào tâm tình cầu nguyện và sống kết hiệp mật thiết với Ngài, thì cuộc đời bạn sẽ biến đổi. Ưu tư của bạn sẽ tan biến, những mặc cảm sẽ không còn, và bình an sẽ quay về với tâm tư đầy xao xuyến của bạn. Với Chúa và ở bên Ngài – Đấng giàu lòng xót thương, bạn sẽ sống an vui ngày này qua ngày khác, giờ này sang giờ kia. Chúa đang ở đó bên cạnh bạn và bạn đang ở trong vòng tay yêu dấu của Chúa. Chúa của những cánh chim bay lượn giữa bầu trời và những đoá huệ khoe sắc ngoài đồng ruộng.[1]

Thiên Chúa là Mục Tử nhân lành hay thương xót, Ngài chăn dắt mỗi người trong chúng ta. Bạn có tin điều đó không? Bạn hãy quan sát những đàn chiên trên các sườn núi với cỏ xanh. Đàn chiên tung tăng chạy nhảy, chúng nhẩn nha gặm gỏ, chúng lững thững dưới bóng râm. Và dưới bóng râm đó chúng nằm lặng yên để nghỉ ngơi trong an bình. Không có gì là hối hả, là kích động, là âu lo. Chúng thậm chí cũng chẳng nhìn người mục tử, chúng biết anh ta vẫn ở đó, với lòng thương xót luôn hiện diện bên cạnh và chăm sóc chở che chúng. Và thế là chúng thoải mái vui hưởng đồng cỏ mơn mởn và xanh tươi. Thanh thản, chúng lại rảo bước tới dòng suối với dòng nước trong lành đang chảy róc rách. Bình lặng nhưng tràn đầy niềm vui, chúng tận hưởng những dòng nước làm mát tâm hồn. Đó là bình an. Đó là hạnh phúc. Ôi thật đúng Lời Chúa nói: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Thật vậy, hướng về Đấng là Mục Tử nhân lành hay thương xót, chúng ta nhận ra rằng, nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta – những con chiên của Chúa không thiếu gì cả. Đắm chìm trong cầu nguyện, kề bên lòng Chúa, chúng ta sẽ khám phá ra rằng: Có Chúa là có tất cả. Chúa là đủ cho tôi rồi. Ngài luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Là Mục Tử nhân lành hay thương xót, Chúa chia sẻ cuộc sống với đàn chiên, cả ban ngày cũng như lúc đêm khuya, khi buồn đau và lúc vui mừng.

Nỗi lo của chiên là nỗi lo của Chúa, niềm vui của chiên là niềm vui của Ngài. Là Mục Tử nhân lành hay thương xót, Ngài chỉ mong sao cho chiên của mình được an bình. Ngài đưa đàn chiên tới đồng cỏ xanh tươi, nơi yên tĩnh và bình lặng, và Ngài để chiên được nghỉ ngơi trong an bình, trong sự an toàn với sự đồng hành và chăm lo của Ngài. “Vui tươi và hồn nhiên. Những con cừu không biết tính toán. Còn bao nhiêu thời giờ? Ngày mai sẽ đi đâu? Năm tới, lượng mưa có đủ cho thảo nguyên hay không? Những con cừu không quan tâm, bởi đã có người chăm sóc cho chúng. Chúng sống hết ngày này sang ngày khác, giờ này sang giờ kia. Đó là hạnh phúc”.[2] 

Đó là bình an đến từ lòng thương xót tuyệt vời của vị Mục Tử. Thật quý báu biết bao, khi đàn chiên được Mục Tử nhân lành hay thương xót chăm lo và cho hưởng những giây phút hoà bình tuyệt mỹ. 

“Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u

con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.

Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,

ly rượu con đầy tràn chan chứa” (Tv 23,4-5).

Lũng âm u mà Thánh Vịnh gia nhắc đến, cũng là thời gian đau thương của dân tộc Do Thái, bị đày ải ở Ai Cập, 40 năm ròng rã trong sa mạc, rồi thời kỳ lưu đày ở Babylon. Những đau thương đó không làm cho dân Do Thái thất vọng hoàn toàn, dù nhiều khi tiếng ai oán thét lên thảm khốc, dù không ít lần bao tâm hồn đã rơi lệ. Thiên Chúa vẫn hiện diện và chở che:“Thật vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của (các) ngươi, đã chúc phúc cho (các) ngươi trong mọi việc tay (các) ngươi làm, Người đã biết cuộc hành trình của (các) ngươi trong sa mạc mênh mông ấy; đã bốn mươi năm Đức Chúa, Thiên Chúa của (các) ngươi, ở với (các) ngươi, và (các) ngươi đã chẳng thiếu thốn điều gì” (Đệ nhị Luật 2,7).

 Thiên Chúa hay thương xót luôn ở đó và với côn trượng trên tay, Ngài bảo vệ đoàn chiên mình, che chở từng con chiên một. Theo truyền thống Thánh Kinh về vị Mục Tử nhân lành, tình yêu của vị mục tử không chỉ được dành cho một đàn, một nhóm, mà còn dành cho từng con chiên, từng người một. Ngài chú ý đến từng con và biết đến từng con một. Ngài biết bạn đang cần gì, Ngài cũng thấu hiểu điều cần cho tôi. Phần chúng ta, điều quan trọng là biết nhận ra Ngài, biết chạy đến với Chúa, và khiêm nhường cầu nguyện và tín thác hoàn toàn vào bàn tay nhân ái của Chúa, Đấng là Mục Tử nhân lành hay thương xót. Đấng nói với chúng ta rằng: “Ta chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Ta chính là Mục Tử nhân lành. Ta biết chiên của ta, và chiên của ta biết ta” (Ga 10,11-14).

Cái biết của tâm hồn luôn nối kết với cái biết của tri thức. Nói khác đi, cái biết mà Chúa Giê-su nhắc đến trong tinh thần của Phúc Âm thánh Gio-an là cái biết của tình yêu, của lòng thương xót. Thật đẹp thay, khi chúng ta nhận ra rằng, Chúa biết chúng ta nghĩa là Chúa luôn thương xót chúng ta. Và cũng thật đẹp thay, nếu chúng ta ý thức và cầu xin Chúa cho chúng ta có thể biết Chúa nghĩa là yêu thương Chúa với toàn bộ con người mình. Trong tình yêu Chúa và dựa vào lòng thương xót vô bờ của vị Mục Tử nhân lành, chúng ta được mời gọi sống phó thác hoàn toàn vào Chúa, như Thánh Vịnh gia nói, và lời này cũng được Chúa Giê-su dùng để cầu nguyện:

 “Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con.

Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín” (Tv 31,6).

 Lời Thánh Vịnh này là lời cầu nguyện mà Giáo Hội đưa vào giờ kinh tối mỗi ngày. Lời cầu nguyện này cũng là lời cầu nguyện của những ai khổ đau và bất hạnh. Trên Thánh Giá, Chúa Giê-su đã dùng lời Thánh Vịnh này để cầu nguyện với Cha trên trời: “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha” (Lc 23,46). “Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong lúc đau khổ này, là một tiếng kêu lớn của lòng tín thác tột độ và hoàn toàn vào Thiên Chúa. Lời cầu nguyện này diễn tả ý thức hoàn toàn của Người rằng Người đã không bị bỏ rơi…Những lời nói của Chúa Giê-su, sau khi cầu khẩn ‘Lạy Cha’, tiếp tục một diễn tả của Thánh Vịnh 31:‘Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha’ (Tv 31,6).

Tuy nhiên, những lời này không phải là một câu trưng dẫn đơn giản, nhưng thay vào đó, biểu lộ một quyết định vững chắc: Chúa Giê-su phó mình cho Chúa Cha trong một hành động hoàn toàn phó thác. Những lời này là một lời cầu nguyện trao phó, hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa… Bây giờ, sự sống sắp sửa rời Người, Người đóng ấn lời cầu nguyện của Người trong quyết định cuối cùng: Chúa Giê-su tự cho phép mình bị nộp ‘vào tay người ta’, nhưng chính trong tay Chúa Cha mà Người phó linh hồn, vì vậy, như thánh sử Gio-an nói, mọi sự đã hoàn tất, hành động tối cao của tình yêu đã được thực hiện đến cùng, đến giới hạn và vượt quá giới hạn”.[3]

 Theo gương Chúa Giê-su, biết bao người đã chìm sâu trong cầu nguyện và tín thác hoàn toàn vào bàn tay nhân ái và hay thương xót của Chúa, khi họ rơi vào trong những hoàn cảnh khổ đau. Qua chính việc cầu nguyện, tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Chúa, họ tìm lại được bình an cho cuộc sống. Đấng là Mục Tử nhân lành hay thương xót luôn ở cùng họ, khi họ bước vào lũng âm u của cuộc đời. Lũng âm u đó là những bất nhân, là những kết án và chụp mũ, là những lời nói, những mưu mô và hành động ác độc. Lũng âm u với sự dữ là chủ và luôn nhăm nhe nuốt chửng đời người trong màn đêm tăm tối. Đừng sợ, dù phải bước đi trong màn đêm u tối. Trong đêm đen của cuộc đời, đừng quên cầu nguyện, đừng bao giờ sợ hãi đến nỗi vung tay khỏi ra khỏi bàn tay Chúa. Ngài là nguồn của ánh sáng đang nắm lấy đôi tay nhỏ bé của mỗi người, ngay tại trong đêm đen đang phủ lấp cuộc đời. Ngài ở đó và Ngài biết tất cả. Điều ấy đủ cho chúng ta rồi. Khi tin tưởng hoàn toàn vào Chúa – Mục Tử nhân lành hay thương xót, chúng ta sẽ ung dung đi lại, hít thở và sống khoẻ vào mọi lúc, ban ngày cũng như ban đêm; và ở mọi nơi, trên đồng cỏ xanh tươi cũng như khi rảo bước qua lũng âm u. Đừng lo toan quá sức đến nỗi không để Chúa là Đấng chăn chiên lo với chúng ta. Có Ngài ở bên và chăm lo, mọi giây phút của cuộc đời chúng ta không còn vướng bận ưu tư cho những giây phút kế tiếp.

 Tuy nhiên, đời người luôn lại phải đối diện với ngõ cụt, với những giây phút thê thảm và bất hạnh nhất ? Lúc đó cầu nguyện như thế nào để tìm lại được bình an? “Làm sao chúng ta dâng lên Chúa những giây phút đen tối nhất, khủng hoảng nhất? Làm sao chúng ta cầu nguyện khi đang ở trong trạng thái cô đơn cùng cực nhất, vô vọng nhất, và cả cuộc đời chúng ta dường như đang sụp đổ? Chúng ta có thể học ở Chúa Giê-su, cách Ngài cầu nguyện đêm trước ngày Chúa bị tử nạn trong vườn Giếtsêmani, ngày đen tối nhất cuộc đời Ngài…

Tin Mừng mô tả như sau: Chúa Giê-su đi ra xa khỏi các môn đệ, khoảng một tầm ném đá, và sấp mình xuống đất mà cầu nguyện. ‘Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, nếu Cha muốn, xin hãy cất chén này khỏi con. Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý con’. Và Ngài trở lại, thấy các môn đệ đang say ngủ. Nên Ngài lại đi vào vườn lần nữa, đau đớn cầu nguyện khẩn thiết hơn nữa, và mồ hôi Ngài đổ xuống đất như những giọt máu. Khi chỗi dậy, Ngài về lại với các môn đệ, thấy các ông vẫn ngủ, lòng Ngài đau buồn cùng cực. ‘Tại sao các con lại ngủ? Hãy dậy và cầu nguyện để đừng sa chước cám dỗ’. Và Ngài đi cầu nguyện lần thứ ba, một thiên thần đến và tăng sức cho Ngài, rồi Ngài đứng dậy mạnh mẽ đối diện với những gì sẽ đến. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong vườn Giếtsêmani có thể là lời cầu nguyện mẫu để chúng ta biết cách cầu nguyện khi ở trong cơn khủng hoảng. Qua lời cầu nguyện của Chúa, chúng ta có thể nhấn mạnh bảy điểm, mỗi điểm cho chúng ta những điều kiện để biết cách cầu nguyện trong những lúc đen tối nhất đời mình:

(1) Lời cầu nguyện xuất phát từ tâm hồn cô đơn của Chúa: Tin Mừng nhấn mạnh điều này khi mô tả việc cầu nguyện diễn ra trong một khu vườn (hình ảnh tượng trưng cho tình yêu) và cả trong việc Chúa đi xa khỏi các môn đệ yêu dấu một tầm ném đá vì các ông không đủ sức lĩnh hội những gì Ngài đang trải qua. Trong cơn khủng hoảng sâu sắc nhất của mình, chúng ta luôn luôn cô độc trong đau đớn, xa khỏi mọi người trong một tầm ném đá. Lời cầu nguyện sâu đậm sẽ phát đi từ đó.

(2) Cầu nguyện với tâm tình mật thiết: Chúa Giê-su bắt đầu cầu nguyện bằng tiếng gọi Cha Ngài, ‘Abba’, tiếng gọi thân mật nhất có thể, tiếng một đứa con nhỏ sẽ nói lên khi ngồi trong lòng  cha mình. Trong những giờ tăm tối nhất, chúng ta phải biết thân mật với Thiên Chúa.

(3) Cầu nguyện từ tấm lòng chân thành trọn vẹn: Theo kinh viện, cầu nguyện được định nghĩa là “nâng tâm trí và tâm hồn lên cùng Thiên Chúa”. Chúa Giê-su đã làm như thế, và làm một cách triệt để, với lòng chân thật cháy bỏng. Ngài xin Chúa Cha cất khỏi thống khổ này, xin cho Ngài một lối thoát. Nhân tính của Ngài run rẩy sợ hãi trước bổn phận này, và Ngài xin được giải thoát. Đó chính là lời cầu nguyện trung thực và chân thật nhất.

(4) Cầu nguyện từ sự bất lực hoàn toàn: Ngài nằm dài trên đất, chẳng ảo tưởng chút gì về sức mạnh của bản thân. Trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, có lời van xin rằng nếu Thiên Chúa làm điều này với Ngài, thì Người phải cho Ngài sức mạnh để thực hiện nó.

(5) Cầu nguyện từ sự mở lòng, bất chấp sự kháng cự trong bản thân mình: Thậm chí khi run rẩy đến rúm người trước điều sắp phải trải qua, và xin được giải thoát, Chúa Giê-su vẫn trao cho Chúa Cha quyền quyết định tuyệt đối trên tự do của Ngài. Lời cầu nguyện của Ngài mở lòng để đón nhận thánh ý của Chúa Cha, nếu đó là điều tuyệt đối Ngài phải làm.

(6) Cầu nguyện liên lỉ: Chúa Giê-su lặp lại lời cầu nguyện trên nhiều lần, và càng lúc càng khẩn thiết, mồ hôi máu của Ngài không chỉ đổ một lần, nhưng nhiều lần.

(7) Cầu nguyện là sự biến đổi: Cuối cùng, một thiên thần (sức mạnh thiêng liêng) đến và tăng sức cho Ngài, rồi dựa vào một sức mạnh mới đến từ ngoài bản thân, Ngài tự phó mình cho điều mà Chúa Cha muốn Ngài trải qua. Nhưng sức mạnh đó chỉ có thể tuôn chảy trong Ngài sau khi, qua sự bất lực của mình, Ngài đã không cậy dựa vào sức mình. Chỉ sau khi đã trải qua sa mạc lòng khô khốc, chúng ta mới mở lòng để sức mạnh Thiên Chúa tuôn đổ vào mình.

Trong quyển sách ‘Tiến bước tới tự do’, Martin Luther King đã kể lại chuyện một đêm nọ, sau khi bị dọa giết, ông đã hoang mang, hoảng sợ, và cũng không khác gì Chúa Giê-su trong vườn Giếtsêmani, ông đã nằm rạp xuống sàn trong nỗi sợ, cô đơn và bất lực – rồi cầu nguyện. Ông cảm nhận lời cầu nguyện đêm đó như tiếng van nài xin Thiên Chúa cho ông tìm được phương thế đường đường chính chính để thoát khỏi tình trạng này, nhưng Thiên Chúa muốn một điều gì đó khác nơi ông. Và đây là những lời cầu nguyện của ông trong đêm đó: ‘Nhưng giờ con sợ hãi. Người ta tìm đến nhờ con lãnh đạo, và nếu con đứng lên dẫn đầu họ mà trong con chẳng có sức mạnh và can đảm, thì họ cũng sẽ nao núng. Con đã cạn kiệt sức lực rồi. Con chẳng còn gì nữa. Đã đến lúc con phải tự mình đơn độc đối mặt với nó’.  Rồi ông nói thêm: ‘Chính lúc đó, con cảm nghiệm được sự hiện diện của Đấng Chí Thánh, một trải nghiệm con chưa có bao giờ’. Một thiên thần đã đến bên ông. Khi cầu nguyện thật tâm, thì cho dù nỗi đau của chúng ta có thế nào đi nữa, thiên thần của Thiên Chúa sẽ luôn luôn đến bên chúng ta”.[4]

Thiên Chúa giàu lòng thương xót luôn ở bên, và sự hiện diện của Chúa luôn đem lại bình an. Hơn nữa, sự hiện diện của Chúa còn mang một năng động lớn, là Ngài – vị Mục Tử nhân lành hay thương xót sẵn sàng lên đường khi cần phải cứu thoát một con chiên đang đi lạc. Thánh Luca diễn tả: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,4-7).

Liên hệ đến đoạn Thánh Kinh này, chúng ta để một vị giáo sư kể dụ ngôn về con chiên lạc sau đây: Người kia có nuôi một đàn chiên. Một hôm có một con chiên tìm thấy một lỗ hổng ở hàng rào nó vội chui qua. Nó chạy nhảy bên ngoài, mải mê vui thú, nó đi xa quên cả đường về. Trời sắp tối, nó giật mình thấy bóng dáng một con chó sói đang rình rập từ một lùm cây bên cạnh. Vô cùng sợ hãi nó chạy bán sống bán chết, nhưng con sói dữ tợn vẫn nai lưng đuổi theo nó.

Khi con sói đã gần kề thì may mắn thay người chăn chiên vừa kịp về đến, đánh đuổi con sói và cứu lấy con chiên, ông vác nó trên vai đem về chuồng. Tất cả mọi người thấy vậy bảo người chăn chiên bít lỗ hổng nơi hàng rào lại đề phòng về sau. Nhưng người này từ chối và cứ để như vậy.

Con chiên lạc trong câu chuyện trên đây chính là mỗi người chúng ta. Thiên Chúa yêu thương dựng nên con người chúng ta có tự do. Thật vậy, không tự do thì không có tình yêu, và tự do sẽ không thật là tự do, nếu thiếu vắng trách nhiệm, mà trách nhiệm thì luôn hướng về Chân Thiện Mỹ. Nhưng khốn thay, ngay từ đầu sự tự do Chúa yêu thương ban, đã bị nhiều người lạm dụng và tiếp tục lạm dụng, nghĩa là nhiều người đã và đang đui mù quay lưng với Chân Thiện Mỹ và chạy theo biết bao cám dỗ của sự dữ, của cái tôi. Hậu quả là sự dữ đã du nhập và tiếp tục du nhập vào thế gian.

Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương thì Ngài yêu thương cho đến cùng. Tình yêu đó được diễn tả mạnh mẽ và rõ ràng qua việc vị Mục Tử không chấp nhận sự nhàn hạ thảnh thơi, không hài lòng với khung cảnh thanh bình trong ngôi nhà và trong thánh đường của Ngài. Mà nếu chỉ nghỉ ngơi và thanh thản ngồi hưởng cảnh yên bình thư thái, thì làm sao có được niềm vui đích thực, vì còn biết bao con chiên đang lạc đàn và đang ở đâu đó trong góc phố đen đủi của cuộc đời chờ đợi ơn cứu rỗi.

Cần phải lên đường, cần phải đứng dậy và rời khỏi nơi yên bình thư thái, để đi tìm cho được con chiên lạc đàn. Thật vậy, niềm vui lớn lao của đời phục vụ là khi tìm thấy những con chiên lạc đàn. Một ngày vất vả ngược xuôi, lao công và vất vả, nhưng thật là vui mừng quên cả mệt nhọc, khi tìm được con chiên lạc và đưa trở về. Đêm về, người mệt lả nhưng lòng thì phấn khởi mừng vui, miệng nở nụ cười sâu lắng của lòng Chúa xót thương. Ôi đẹp thay, hình ảnh của người mục tử vác con chiên lạc đàn trên vai và đưa về lại đàn chiên yêu dấu. Con chiên đó giờ đây được ở bên Chúa, được ở trong thánh đường của Chúa, và sự hiện diện của Chúa luôn đem lại bình an, vì Ngài chính là bình an đích thật. Bình an lúc ban ngày, cũng như bình an lúc ban đêm.

“Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ” (Tv 4,9a).

“Giấc ngủ là phúc lành Chúa tặng cho ban đêm, cũng như bình an là phúc lành Chúa ban cho ban ngày, và giấc ngủ sẽ đến nơi nào có bình an. Chúa đã ban cho con bình an giữa ngàn vạn bươn chải của ngày sống, giữa ganh ghét của người đời, giữa lo toan của công việc và rối bời của những quyết định. Chúa đặt nơi lòng con niềm hoan lạc hơn là buổi người ta được mùa lúa rượu đầy dư, và sự quan tâm Chúa dành cho con lúc ban ngày đã yêu thương dìu con vào giấc điệp ban đêm”.[5] Thật hạnh phúc, khi được sống trong sự quan phòng thật lớn lao dường nào. Hạnh phúc được sống trong an bình của Đấng là bình an. Hạnh phúc được sống theo sự hướng dẫn của Mục Tử nhân lành trên những nẻo đường của cuộc sống. Lạy Thiên Chúa, Chúa là Đấng hay thương xót và chăn dắt con, con sẽ không thiếu gì. 

“Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ

vì chỉ có mình Ngài, lạy CHÚA,

ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4,9).

 “Con hiểu nỗi lo sợ của những người phiêu bạt giữa hoang mạc mỗi khi ngả lưng…Con biết họ lo sợ dã thú có thể tấn công lúc tối trời, lo sợ ác nhân có thể tìm đến trả thù giữa đêm khuya, lo sợ bộ tộc thù địch có thể bất thần mở cuộc công hãm giữa lúc mọi người đang mê mệt. Và con cũng biết những nỗi lo sợ của bản thân mình. Sợ một ngày mới, sợ phải đương đầu với cuộc sống, sợ phải trực diện với bản thân giữa lúc tranh sáng tranh tối của một buổi bình minh mới. Sợ phải cạnh tranh, sợ phải thất bại, sợ không thể kiên định để sống đúng với địa vị của mình, để đáp ứng với những kỳ vọng, để thực thi các vai trò, hoặc khó hơn nữa là sợ không thể phớt lờ những kỳ vọng ấy và khước từ những vai trò mà con biết mình muốn làm, nhưng lại không đủ sức thực hiện. Con sợ đặt lưng xuống giường, vì biết đâu sẽ không bao giờ trỗi dậy; con sợ phải thức dậy để rồi phải kéo lê công việc nhàm chán của kiếp sống. Đó là nỗi lo sợ của bản năng làm trì nặng cuộc sống của con, nhưng thần dược chữa lành lại ở nơi Chúa”[6], Đấng hay thương xót và Đấng là bình an đích thật, Ngài canh chừng cho con an giấc và với côn trượng trên tay, Ngài giữ gìn cho con vững dạ an tâm tiến lên phía trước. Sự hiện hiện của Chúa là bảo đảm của đường đời con đi, Lời của Chúa là ánh sáng soi lối con tiến tới, sự đồng hành của Chúa là sức mạnh của con. Thật vậy, ở bên Chúa, với Chúa và trong Chúa, tâm hồn, thân xác và toàn bộ con người con tràn ngập an bình. Trong sự an bình thanh thản con còn được: 

“Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.

Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,

ly rượu con đầy tràn chan chứa” (Tv 23,5).

 Cuộc sống vẫn có ban ngày và ban đêm. Cuộc đời vẫn phảng phất mùi vị của niềm vui và đau buồn. Mọi sự hình như vẫn thế. Đúng vậy, Đấng là Mục Tử nhân lành hay thương xót vẫn muốn chúng ta tiếp tục ở lại trong thế giới của mình, chúng ta vẫn phải rảo bước qua những lũng âm u trên hành trình của cuộc sống. Nhưng giờ đây có Chúa hiện diện ở bên. Hơn nữa, Ngài mời gọi chúng ta ngồi vào bàn tiệc với Ngài. Chính Mục Tử nhân lành chuẩn bị bàn tiệc này cho chúng ta. Bạn có thể mường tượng được ngồi cùng bàn ăn với Thiên Chúa không? Được ngồi vào bàn ăn của Chúa là một hồng phúc lớn lao. Hơn nữa, điều thú vị ở đây là, bàn tiệc với Thiên Chúa lại diễn ra ngay trước mặt quân thù. Như thế, chúng ta vẫn là con người trước đây, thế giới sống hằng ngày của chúng ta vẫn vậy. Ðiều đặc biệt là giờ đây chúng ta có Thiên Chúa tại bàn ăn. Vì vậy, chúng ta chẳng sợ gì.

Tình yêu của Thiên Chúa che chở chúng ta, đem lại cho chúng ta sự bình an. Tình yêu ấy còn xức dầu thơm lên đầu chúng ta, rót vào ly cuộc đời chúng ta chan chứa ân tình. Mà thương lắm và quý trọng khách lắm gia chủ mới xức dầu thơm lên đầu, và không ngừng châm chén rượu luôn đầy tràn chan chứa. Đối với Thiên Chúa, chúng ta là những người con yêu dấu. Trong đôi mắt Ngài, từng người chúng ta thật quý giá. Vì chúng ta quý giá nên Ngài gìn giữ chúng ta và ban cho chúng ta sự bình an và lòng thương xót.

 Càng khi được đón nhận bình an và được Chúa ấp ủ trong lòng thương xót, thì con chiên của Chúa cần phải ra đi, cần phải lên đường đi vào giữa lòng xã hội và thế giới hôm nay, một thế giới tục hoá và có quá nhiều vấn đề phức tạp. Nơi đó, mỗi con chiên, mỗi Ki-tô hữu cần trở nên chứng nhân của Thiên Chúa tình yêu; nghĩa là các Ki-tô hữu cần có lòng thương xót như Cha trên trời (khẩu hiệu của năm Thánh), và bất cứ ai nhìn đến Ki-tô hữu, thì đều tìm được một ốc đảo từ bi thương xót (ĐTC. Phanxicô).

Thật vậy, lòng thương xót là lý tưởng sống và là tiêu chuẩn xác định xem niềm tin của mỗi Ki-tô hữu có đáng tín nhiệm hay không.

Mong sao lòng thương xót là luật căn bản ở trong tâm hồn mỗi Ki-tô hữu.

Mong sao lòng thương xót là xà nhà nâng đỡ cuộc sống của Giáo Hội.

Mong sao mỗi tín hữu có thể thốt lên từ sâu thẳm lòng mình: 

“Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA

ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,

và tôi được ở đền Người

những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23,6).

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

-------------------------

[1] X. VALLES C.G. SJ, Psalm for contemplation – Thánh Vịnh để chiêm niệm, t.83.

[2] VALLES C.G. SJ, Psalm for contemplation – Thánh Vịnh để chiêm niệm, t.83.

[3] Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện của ĐTC Benedicto XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư mùng 15 tháng 2 năm 2012 tại Đại Sảnh Phao-lô VI. Phao-lô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ. Nguồn: giaoly.org.

[4] ROLHEISER R, OMI., Bài viết Cầu nguyện trong cơn khủng hoảng (17.3.2013), nguồn: http://ronrolheiser.com

[5] VALLES C.G. SJ, Psalm for contemplation – Thánh Vịnh để chiêm niệm, t.31.

[6] VALLES C.G. SJ, Psalm for contemplation – Thánh Vịnh để chiêm niệm, t.32.