Tông Huấn: "Niềm Vui của Tình Yêu"

AMORIS LAETITIA 

Đức Thánh Cha Phanxicô

Nguồn: http://thuvienconggiao.org/

Chương II : THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA GIA ĐÌNH




31.Thiện ích của gia đình là điều có tính quyết định đối với tương lai của thế giới và Hội thánh. Đã có rất nhiều phân tích về hôn nhân và gia đình, về những khó khăn và thách đố đối với gia đình hiện nay. Chúng ta nên tập chú vào thực tế cụ thể, vì “những đòi hỏi và những lời mời gọi của Thần Khí cũng vang lên ngay trong những biến cố lịch sử”, qua đó “Hội thánh có thể được dẫn đến chỗ hiểu biết thâm sâu hơn đối với mầu nhiệm khôn dò về hôn nhân và gia đình”[1]. Ở đây, tôi không có tham vọng trình bày toàn bộ những gì có thể nói về những đề tài khác nhau liên quan đến gia đình trong bối cảnh hiện thời. Nhưng, vì các Nghị phụ Thượng Hội đồng đã đưa ra một cái nhìn thực tế về các gia đình trên toàn thế giới, nên tôi thấy thật là phù hợp để thâu thập lại đôi điều trong những đóng góp mục vụ của các ngài, thêm vào đó những bận tâm khác từ chính cái nhìn của tôi.


Thực trạng của gia đình

32. “Trung thành với giáo huấn của Đức Kitô, chúng ta hãy nhìn vào thực tế của gia đình hiện nay trong toàn cảnh phức tạp, với ánh sáng và bóng tối của nó. [...] Những thay đổi về nhân học và văn hóa ngày nay đang tác động lên mọi khía cạnh của đời sống và đòi phải có một lối tiếp cận có tính phân tích và đa dạng”[2]. Trong bối cảnh cách đây vài thập niên, các Giám mục Tây Ban Nha đã nhận ra một thực tế là trong các gia đình đã có được sự tự do nhiều hơn, “bằng sự phân công hợp tình hợp lí hơn các gánh nặng, trách nhiệm và công việc. [...] Khi càng đề cao sự thông giao nhân vị giữa vợ chồng, người ta càng góp phần làm cho toàn thể cuộc sống chung trong gia đình có tính nhân văn hơn. [...] Cả xã hội ngày nay trong đó chúng ta đang sống, cũng như xã hội mà chúng ta đang hướng đến đều không cho phép tiếp tục tồn tại những hình thức và mẫu mực gia đình như trong quá khứ mà thiếu sự phân biệt”[3]. Nhưng “chúng tôi ý thức xu hướng chính của những thay đổi về nhân học và văn hóa đó đang dẫn các cá nhân đến chỗ ngày càng ít được hỗ trợ hơn so với quá khứ từ các cấu trúc xã hội, trong đời sống tình cảm và gia đình của họ”[4].

33. Đàng khác, “cũng cần phải xét đến nguy cơ ngày càng tăng về một thứ khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa cực đoan làm biến chất các mối liên kết gia đình và kết cục coi mỗi thành viên gia đình như một ốc đảo cô lập, đôi khi còn nổi lên tư tưởng cho rằng con người tạo nên chính mình bởi các ước muốn riêng tư vốn được xem như tuyệt đối[5]. “Những căng thẳng xâm nhập từ một thứ văn hóa mang đậm tính cá nhân chủ nghĩa coi trọng chiếm hữu và hưởng thụ, làm nảy sinh trong lòng các gia đình những hành xử thiếu kiên nhẫn và hung hăng”[6]. Tôi muốn kể thêm vào đó cả nhịp sống gấp rút hiện nay, những áp lực, cơ cấu tổ chức xã hội và làm việc, vì đó cũng là những nhân tố văn hóa gây nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng có được những chọn lựa lâu dài. Đồng thời, chúng ta cũng thấy mình đang đối diện với những hiện tượng hàm hồ. Chẳng hạn, người ta đề cao tư tưởng về một thứ nhân vị tôn vinh tính chân thực đối lại với cung cách xử sự rập khuôn. Đó là một giá trị có thể phát huy những tài năng và tính bộc phát tự nhiên; nhưng nếu định hướng sai lạc, nó có thể tạo ra những thái độ ngờ vực thường xuyên, tránh né dấn thân, khép mình trong tháp ngà tiện nghi và kiêu căng. Sự tự do chọn lựa giúp ta tự hoạch định đời sống của mình và phát triển bản thân mình tốt nhất, nhưng nếu không có những mục tiêu cao thượng và kỉ luật cá nhân, tự do đó sẽ khiến người ta ngày càng mất dần đi khả năng quảng đại tự hiến chính mình cho tha nhân. Thực tế tại nhiều nước, nơi mà con số các cặp kết hôn đang giảm, thì ngày càng có nhiều người chọn sống độc thân, hay chung chạ như vợ chồng mà không sống chung một nhà. Chúng ta cũng có thể nêu lên một ý thức đáng khen ngày nay về đức công bằng; nhưng nếu hiểu không đúng, điều này sẽ biến các công dân thành những khách hàng chỉ quan tâm mỗi việc cung ứng các dịch vụ cho mình mà thôi.

34. Nếu những nhân tố nguy hiểm này ảnh hưởng đến quan niệm về gia đình, thì gia đình có thể biến thành một trạm quá cảnh, nơi người ta chỉ chạy đến nương nhờ khi cần, hoặc nơi người ta đến để đòi hỏi những quyền lợi, còn các quan hệ thì phó mặc cho những thay đổi thất thường của những ước muốn riêng và hoàn cảnh. Thực ra, ngày nay người ta dễ lẫn lộn giữa sự tự do đích thực và tư tưởng cho là mỗi người có thể phán quyết thế nào tùy ý, như thể ngoài cá nhân chẳng còn đâu là chân lý, giá trị và nguyên tắc định hướng cuộc đời, người ta xem như thể mọi thứ đều như nhau, và mọi sự đều phải được phép. Trong bối cảnh đó, lí tưởng hôn nhân, vốn là một sự dấn thân trọn vẹn và bền vững suốt đời, rốt cuộc sẽ bị tiêu tan bởi những sở thích tùy hứng hoặc bởi những thói thất thường dựa trên cảm tính. Người ta sợ sự cô đơn, người ta ước muốn được sống trong một môi trường được che chở và chung thủy, nhưng đồng thời càng ngày người ta càng sợ bị vướng nhiều hơn vào mối quan hệ có thể cản trở việc thực hiện những khát vọng cá nhân của mình.

35. Là Kitô hữu, chúng ta không thể chối bỏ lí tưởng hôn nhân, chỉ vì lí do không muốn đi ngược dòng cảm thức của con người ngày nay, vì muốn hợp thời, hoặc vì mặc cảm tự ti trước tình trạng suy thoái về đạo đức và nhân bản. Như thế chúng ta sẽ làm cho thế giới thiếu mất đi những giá trị mà chúng ta có thể và phải góp phần. Hẳn là, chẳng có ý nghĩa gì khi cứ ngồi một chỗ mà chỉ trích những điều xấu xa của thời đại, như thể làm vậy chúng ta có thể thay đổi được điều gì. Cũng chẳng ích gì khi cố dùng quyền bính áp đặt luật lệ lên người khác. Điều chúng ta cần là một nỗ lực với sự quảng đại và trách nhiệm nhiều hơn để trình bày các lí do và các động cơ cho việc chọn lựa hôn nhân và gia đình, và bằng cách này giúp người ta sẵn sàng đáp trả hơn nữa ân sủng mà Thiên Chúa ban cho họ.

36. Đồng thời chúng ta cũng phải khiêm tốn và thực tế nhìn nhận rằng, đôi khi cách chúng ta trình bày niềm tin Kitô giáo của mình, và cách chúng ta cư xử với người khác đã góp phần tạo ra tình trạng mà chúng ta đang than vãn như ngày nay, bởi thế chúng ta cần phải tự phê bình một cách thích đáng. Đàng khác, chúng ta thường trình bày hôn nhân theo cách nào đó khiến cho mục đích kết hợp của hôn nhân, lời mời gọi triển nở trong tình yêu và lí tưởng tương trợ lẫn nhau bị lu mờ đi, trong khi quá nhấn mạnh về bổn phận sinh sản như thể đó là mục đích duy nhất. Chúng ta cũng đã không đồng hành tốt với các cặp vợ chồng mới cưới trong những năm đầu hôn nhân của họ, không có những đề xuất thích hợp với giờ giấc của họ, với ngôn ngữ của họ, với những ưu tư cụ thể nhất của họ. Nhiều khi chúng ta cũng đã trình bày một thứ lí tưởng thần học hôn nhân quá trừu tượng, được xây dựng hầu như nhân tạo, xa rời hoàn cảnh cụ thể và các khả năng thực tiễn của các gia đình. Việc lí tưởng hóa quá mức như vậy, nhất là khi chúng ta không đánh thức đủ niềm tín thác vào ơn Chúa, đã không giúp làm cho hôn nhân trở thành hấp dẫn hơn và đáng khao khát hơn, mà hoàn toàn đi ngược lại.

37. Từ khá lâu rồi, chúng ta vẫn cứ tin rằng chỉ cần nhấn mạnh những vấn đề đạo lí, đạo đức sinh học và luân lí, mà không cần khuyến khích người ta mở lòng ra với ân sủng, cũng là điều đã nâng đỡ các gia đình, củng cố mối dây liên kết vợ chồng và mang lại cho cuộc sống chung của họ một ý nghĩa. Chúng ta đã gặp khó khăn khi trình bày hôn nhân như một hành trình năng động của phát triển và thực hiện hơn là một gánh nặng phải chịu đựng suốt cả cuộc đời. Chúng ta cũng cảm thấy khó khăn khi muốn dành chỗ cho lương tâm của các tín hữu, là những người rất thường đáp lại lời mời gọi của Tin mừng cách tốt nhất ngay giữa những giới hạn của họ, và họ cũng có khả năng phân định cá nhân tốt trước những tình huống khi mọi kế hoạch bị đổ vỡ. Chúng ta được mời gọi để đào tạo các lương tâm chứ không thay thế các lương tâm.

38. Chúng ta phải biết ơn vì phần lớn người ta vẫn còn quí trọng giá trị các mối tương quan gia đình với ước mong những giá trị này sẽ kéo dài mãi và được ghi dấu bằng sự kính trọng lẫn nhau. Bởi thế, người ta cảm kích việc Hội thánh đồng hành và hỗ trợ người ta trong các vấn đề liên quan đến việc làm triển nở tình yêu, việc khắc phục những xung đột hay việc giáo dục con cái. Nhiều người quí trọng sức mạnh của ân sủng mà họ đã cảm nhận nơi Bí tích Giao Hòa và Thánh Thể, ân sủng này giúp họ vượt qua được những thách đố trong đời sống hôn nhân và gia đình. Tại một số nước, đặc biệt nơi nhiều vùng của Châu Phi, chủ nghĩa thế tục vẫn không làm suy yếu được một số giá trị truyền thống, và các cuộc hôn nhân vẫn tạo nên một liên kết vững chắc giữa hai đại gia đình thông gia, trong đó người ta vẫn còn giữ được một cơ cấu khá rõ ràng nhằm giải quyết những tranh chấp và những khó khăn. Trong thế giới hiện nay, chúng ta cũng cảm kích chứng tá của các đôi hôn phối không những kiên trì theo thời gian mà còn vẫn tiếp tục sống dự phóng chung và bảo toàn được tình yêu của họ. Điều đó mở ra một hướng mục vụ tích cực, ân cần, có thể từng bước giúp các đôi bạn đào sâu hơn những đòi hỏi của Tin mừng. Thế nhưng, chúng ta rất thường ở trong tư thế tự vệ, và phung phí năng lượng mục vụ cho việc lên án một thế giới suy đồi, mà ít có khả năng đề ra cho người ta những con đường mang lại hạnh phúc. Nhiều người cảm thấy rằng sứ điệp của Hội thánh về hôn nhân và gia đình không phản chiếu rõ ràng lời rao giảng và thái độ của Đức Giêsu, Người đồng thời vừa đề xuất một lí tưởng rất đòi hỏi vừa không bao giờ từ chối gần gũi và cảm thương với những con người yếu đuối, như người phụ nữ xứ Samaria hay người phụ nữ ngoại tình.

39. Điều đó không có nghĩa là không còn nhận ra sự suy đồi văn hóa không cổ võ tình yêu và sự hiến dâng nữa. Những ý kiến tham khảo trước hai Thượng Hội đồng gần đây cho thấy rất nhiều triệu chứng khác nhau của một thứ “văn hóa tạm bợ”. Tôi nghĩ đến, chẳng hạn, lối sống tốc độ trong đó người ta thay đổi từ quan hệ tình cảm này sang quan hệ tình cảm khác. Người ta tưởng rằng tình yêu, cũng giống như các mạng xã hội, có thể kết nối hay ngưng kết nối tùy theo sở thích của người tiêu dùng và cũng có thể nhanh chóng “bị chặn”. Tôi cũng nghĩ tới nỗi sợ mà người ta cảm thấy bởi viễn cảnh của một sự dấn thân vĩnh viễn khơi lên, nghĩ tới nỗi sợ không còn thời gian tự do, nghĩ tới những mối tương quan tính toán thiệt hơn, người ta băn khoăn liệu chúng có bù đắp được sự cô đơn, có được một sự bao bọc chở che, hay được phục vụ thế nào đó hay không. Người ta chuyển đổi cách sống các quan hệ tình cảm giữa con người thành thái độ sống như khi ứng xử với các đồ vật và môi trường, đó là xem mọi sự đều có thể vứt bỏ, mỗi người dùng xong rồi bỏ, mua và hủy, khai thác và vắt kiệt. Rồi thì chia tay! Chứng tự yêu mình thái quá khiến người ta không còn khả năng nhìn thấy được gì ngoài bản thân mình, ngoài những khao khát và những nhu cầu của mình. Nhưng ai sử dụng người khác như các đồ vật, thì sớm hay muộn, sẽ bị người khác sử dụng, bị thao túng và bỏ rơi như thế. Một điều đáng lưu ý là hôn nhân đổ vỡ thường xảy ra nơi những người lớn tuổi mà thích tìm một lối sống “độc lập và từ chối lí tưởng chung sống với nhau cho đến tuổi già, để chăm sóc và nâng đỡ nhau.

40. “Có thể có nguy cơ đơn giản hóa vấn đề cách cực đoan, nhưng chúng ta có thể nói là mình hiện đang sống trong một nền văn hóa khuyến khích người trẻ không lập gia đình, bởi vì họ thiếu những triển vọng cho tương lai. Nhưng cũng chính nền văn hóa đó đang cung cấp cho những người khác quá nhiều sự chọn lựa đến nỗi họ cũng ngần ngại tạo lập gia đình”[7]. Trong một số nước, nhiều người trẻ “thường ở trong hoàn cảnh phải hoãn kết hôn vì vấn đề kinh tế, vì công ăn việc làm hay vì học hành. Đôi khi cũng vì những lí do khác như ảnh hưởng của những ý thức hệ xem thường hôn nhân và gia đình, hoặc do muốn tránh kinh nghiệm thất bại của những đôi hôn nhân đi trước, hoặc do sợ hãi điều gì đó mà họ coi là quá vĩ đại và thánh thiêng, hoặc vì những cơ hội xã hội và những mối lợi kinh tế đi kèm theo cuộc sống chung thuần túy, hoặc do một quan niệm về tình yêu thuần túy dựa trên cảm xúc và lãng mạn, hoặc do sợ mất sự tự do và độc lập của mình, hoặc do việc người ta dị ứng với những gì có tính định chế và thủ tục hành chính”[8]. Chúng ta cần tìm cho ra những ngôn ngữ, những lí lẽ và những chứng từ thích hợp để có thể giúp ta chạm tới nơi thâm sâu nhất của trái tim những người trẻ, nơi họ là những người vốn có khả năng nhất sống để quảng đại, dấn thân, yêu thương và thậm chí sống anh hùng, nhằm mời gọi họ đón nhận những thách đố của đời sống hôn nhân với nhiệt tâm và can đảm.

41. Các Nghị phụ Thượng Hội đồng đã nói tới “những khuynh hướng văn hóa hiện nay có vẻ như không áp đặt một giới hạn nào cho vấn đề tình cảm của con người [...] một thứ tình cảm quy ngã, bất ổn và thay đổi thất thường, vốn không luôn giúp người ta đạt tới sự trưởng thành chín chắn hơn”. Các Nghị phụ cũng bày tỏ bận tâm về “sự tràn lan những hình ảnh khiêu dâm và thương mại hóa thân xác, được thúc đẩy bởi việc lạm dụng các mạng toàn cầu” và “về hoàn cảnh của những người bị buộc phải bước vào con đường mãi dâm”. Trong bối cảnh đó, “các đôi vợ chồng đôi khi không quyết đoán, lưỡng lự và phải vất vả tìm kiếm những cách thế để lớn lên. Nhiều người có xu hướng dừng lại ở những giai đoạn ban đầu của đời sống tình cảm và tính dục. Khủng hoảng trong quan hệ lứa đôi khiến gia đình bất ổn và qua việc li thân và li đị có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho người lớn, trẻ em và toàn xã hội, làm suy yếu các cá nhân và các mối liên kết xã hội”[9]. Những khủng hoảng đời sống hôn nhân, thường được người ta đương đầu “cách quá vội vàng và không đủ can đam để kiên nhẫn, thẩm định, tha thứ cho nhau, làm hòa lại với nhau và cũng để hi sinh cho nhau. Như thế những thất bại sẽ lại làm nảy sinh những quan hệ mới, những đôi bạn mới, các kết hợp và hôn nhân dân sự mới, tạo nên những hoàn cảnh gia đình phức tạp và bất ổn đối với chọn lựa đời sống đức tin”[10].

42. “Sự suy giảm dân số phát sinh do não trạng không muốn sinh con và được khuyến khích bởi những chính sách toàn cầu về sức khỏe sinh sản, tạo ra không chỉ một tình trạng trong đó sự kế tục các thế hệ không còn được bảo đảm, mà theo thời gian còn có nguy cơ sẽ dẫn đến tình trạng nghèo nàn đi về kinh tế và mất hi vọng vào tương lai. Sự phát triển công nghệ sinh học cũng có một tác động rất lớn trên tỉ lệ sinh sản”[11]. Thêm vào đó còn có thể kể thêm những nhân tố khác như “công nghiệp hóa, cuộc cách mạng tình dục, lo sợ lạm phát dân số, những vấn đề kinh tế, [...]. Xã hội tiêu thụ cũng có thể ngăn cản người ta có con, chỉ vì muốn duy trì tự do và lối sống riêng của mình”[12]. Đã đành là với lương tâm ngay thẳng của mình, các cặp vợ chồng, vốn rất quảng đại trong việc truyền sinh, nên có thể hướng họ đến quyết định hạn chế số con vì những lí do đủ hệ trọng, mà luôn luôn “vì lòng yêu mến phẩm giá lương tâm này, Hội thánh hết sức phản bác những can thiệp có tính áp đặt của Nhà nước buộc người ta phải ngừa thai, triệt sản hoặc ngay cả phải phá thai”[13]. Những biện pháp như thế không thể nào chấp nhận được ngay cả trong những nơi có tỉ lệ sinh sản cao, nhưng phải ghi nhận rằng ngay cả tại những nước có tỉ lệ sinh sản rất thấp, các chính trị gia cũng hô hào những biện pháp này. Như các Giám mục Hàn Quốc đã nói, đó là “hành động tự mâu thuẫn, và chối bỏ bổn phận của mình”[14].

43. Tình trạng đức tin và thực hành tôn giáo suy yếu trong một số xã hội đã ảnh hưởng đến các gia đình rất nhiều và càng đẩy các gia đình lâm vào tình trạng phải chơ vơ chống chọi với những khó khăn của mình. Các Nghị phụ đã khẳng định rằng “cái nghèo lớn nhất trong số những cái nghèo của nền văn hóa hiện nay là sự cô đơn, kết quả của tình trạng vắng bóng Thiên Chúa trong đời sống con người và tình trạng mong manh của những mối quan hệ. Người ta cũng có một cảm giác chung về sự bất lực khi đối diện với thực trạng kinh tế – xã hội, rốt cuộc thường đè bẹp các gia đình. [...] Các gia đình thường cảm thấy như mình bị bỏ rơi vì thái độ thờ ơ và không mấy quan tâm của các cơ chế. Các hậu quả tiêu cực về mặt tổ chức xã hội thật là rõ ràng: từ khủng hoảng dân số đến những khó khăn trong giáo dục, từ thái độ ngần ngại không sẵn sàng đón nhận con cái được sinh ra đến xu hướng xem người già như một gánh nặng, cho đến tình trạng gia tăng những cảm xúc bất ổn, đôi khi dẫn đến bạo lực. Nhà nước có trách nhiệm tạo ra các điều kiện mang tính pháp lí và tạo ra công ăn việc làm nhằm có thể bảo đảm cho tương lai của giới trẻ và giúp họ thực hiện dự phóng xây dựng gia đình của họ”[15].

44. Tình trạng thiếu nhà ở xứng hợp và thỏa đáng cũng thường dẫn người ta đến chỗ trì hoãn thiết lập một mối quan hệ chính thức. Cần nhớ rằng “gia đình có quyền có một chỗ ở xứng đáng, phù hợp với đời sống gia đình và đủ chỗ cho các thành viên, trong một môi trường bảo đảm có những dịch vụ căn bản cần thiết cho cuộc sống gia đình và cộng đồng”[16]. Gia đình và nhà ở là hai điều luôn đi đôi với nhau. Điều này cho thấy cần phải nhấn mạnh đến các quyền của gia đình chứ không chỉ của các cá nhân mà thôi. Gia đình là một thiện ích xã hội mà không thể làm ngơ, nhưng cần phải được bảo vệ[17]. Bảo vệ các quyền này là “một lời mời gọi mang tính ngôn sứ có lợi cho định chế gia đình, vốn cần được tôn trọng và bảo vệ khỏi tất cả gì làm phương hại đến nó”[18], đặc biệt là trong bối cảnh ngày nay khi mà hôn nhân gia đình không được quan tâm bao nhiêu trong các kế hoạch chính sách.Gia đình, giữa bao quyền khác, “có quyền được kì vọng một chính sách gia đình thỏa đáng từ phía các nhà cầm quyền trong các lãnh vực tư pháp, kinh tế, xã hội và tài chánh”[19]. Đôi khi, các gia đình rơi vào tình cảnh khốn cùng bi đát khi, một người thân gặp phải bệnh tật, thiếu dịch vụ chăm sóc y tế thích đáng, hay khi thất nghiệp trong một thời gian dài mà không có một việc làm xứng hợp. “Những khó khăn kinh tế không cho phép các gia đình tiếp cận với giáo dục, với đời sống văn hóa và với đời sống xã hội năng động. Hệ thống kinh tế hiện nay tạo ra nhiều hình thái loại trừ xã hội khác nhau. Các gia đình đặc biệt phải hứng chịu những vấn đề liên hệ đến công ăn việc làm. Người trẻ ít có khả năng tìm được việc làm và việc cung ứng lao động thì lại rất chọn lọc và bấp bênh. Ngày làm việc thì kéo dài và thường còn phải mất nhiều thời gian để đi lại. Điều này gây khó khăn cho việc các thành viên gia đình được gặp gỡ nhau và cha mẹ gặp gỡ con cái, để rồi nhờ đó những mối quan hệ hằng ngày giữa họ được vun đắp”[20].

45. “Nhiều trẻ em sinh ra ngoài hôn nhân, đặc biệt trong một số quốc gia, rồi những em này lớn lên chỉ với cha hoặc với mẹ hay trong một bối cảnh gia đình hỗn hợp rộng lớn hoặc được chắp vá. [...] Một thực tế xấu xa và suy đồi nhất trong xã hội hiện nay, đó là tình trạng khai thác tình dục trẻ em. Ngay trong các xã hội đã trải qua bạo lực vì chiến tranh, khủng bố hay tình trạng tội ác có tổ chức, còn thấy rõ những hoàn cảnh gia đình băng hoại, nhất là trong những thành phố lớn và những khu ngoại ô, hiện tượng trẻ em đường phố ngày càng gia tăng”[21]. Sự lạm dụng tình dục trẻ em còn gây tai tiếng hơn khi nó lại xảy ra ngay tại nơi mà các em phải được bảo vệ, đặc biệt trong gia đình, nơi trường học và trong các cộng đồng và tổ chức Kitô giáo[22].

46. “Những cuộc di dân còn cho thấy một dấu chỉ khác nữa của thời đại mà người ta phải đối mặt và tìm hiểu, với tất cả hệ quả nặng nề của nó trên đời sống gia đình”[23]. Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua đã lưu ý tầm quan trọng rất lớn của vấn nạn này, khi ghi nhận rằng “bằng nhiều cách, hiện tượng di dân ảnh hưởng đến toàn bộ cư dân ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Hội thánh vẫn đóng một vai trò hàng đầu trong lãnh vực này. Ngày nay, hơn bao giờ hết, do tính cấp bách, cần phải duy trì và phát triển chứng tá Tin mừng này [...]. Tính di động của con người, như ta thấy trong trào lưu di chuyển tự nhiên của các dân tộc trong lịch sử, có thể tỏ lộ một sự phong phú đích thực, cho cả các gia đình di dân lẫn những đất nước đón nhận họ. Đàng khác đó là việc các gia đình bị bắt buộc phải di cư, do hoàn cảnh chiến tranh, bách hại, nghèo đói, bất công, vốn gắn liền với những thăng trầm của một cuộc hành trình thường gây nguy hiểm đến tính mạng, thương tổn tinh thần con người và mất ổn định gia đình. Trong việc đồng hành với người di dân đòi hỏi phải có một mục vụ chuyên biệt dành riêng cho các gia đình di dân và cho cả những thành viên của gia đình đang còn ở lại nơi nguyên quán của họ. Việc này phải được thực hiện trong sự tôn trọng nền văn hóa của họ, tôn trọng việc huấn luyện đức tin và nhân bản nơi họ xuất thân, tôn trọng gia sản tâm linh phong phú của các nghi lễ và truyền thống của họ, cũng như nhờ đến một chăm sóc mục vụ đặc biệt. [...] Cách riêng, di cư là một thảm kịch và là sự tàn phá đối với các gia đình và các cá nhân khi nó diễn ra ngoài vòng pháp luật và khi được bảo trợ bởi các mạng lưới buôn người quốc tế. Cũng là thảm kịch, có thể nói như thế, khi tình hình liên can đến các phụ nữ và trẻ em bơ vơ, bị buộc phải lưu ngụ lâu ngày trong những nơi tạm trú, trong các trại tị nạn, nơi mà người ta không thể bắt đầu một tiến trình hội nhập. Tình trạng nghèo đói cùng cực và những hoàn cảnh gia đình li tán đôi khi còn dẫn họ đến chỗ bán con mình cho tổ chức mãi dâm hay cho con buôn các cơ phận người ta”[24]. “Những cuộc bách hại các Kitô hữu, cũng như các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt ở Trung Đông, là một thử thách rất lớn, không chỉ cho Hội thánh, mà còn cho toàn thể cộng đồng quốc tế. Cần phải khích lệ mọi nỗ lực để các gia đình và các cộng đoàn Kitô hữu có thể được ở lại trên những vùng đất nguyên quán của mình”[25].

47. Các Nghị phụ cũng quan tâm cách đặc biệt “đến các gia đình của những người khuyết tật, nảy sinh một thách đố sâu sắc và bất ngờ, có thể làm đảo lộn sự quân bình, các ước mong và những kì vọng [...]. Thật đáng khâm phục những gia đình sẵn sàng yêu thương đón nhận thử thách cam go của một đứa con tật nguyền. Các gia đình này cống hiến cho Hội thánh và xã hội một chứng từ rất quí giá về lòng trung tín đối với hồng ân sự sống. Gia đình, cùng với cộng đoàn Kitô hữu, sẽ có thể khám phá được những hành động và ngôn ngữ mới, những hình thức mới để thông cảm và liên đới trong hành trình đón nhận và chăm sóc mầu nhiệm sự sống mong manh của con người. Những người khuyết tật là một quà tặng cho gia đình và là một cơ hội để lớn lên trong tình yêu, trong sự hiệp nhất và giúp đỡ lẫn nhau [...]. Trong cái nhìn của đức tin, gia đình nào đón nhận sự hiện diện của những người khuyết tật sẽ có thể nhận ra và bảo đảm phẩm chất và giá trị của mọi sự sống, với những nhu cầu, những quyền và cơ hội của họ. Gia đình đó sẽ thúc đẩy phục vụ và chăm sóc, cũng như khích lệ sự gần gũi đầy yêu thương trong mọi giai đoạn cuộc sống của họ”[26]. Tôi muốn nhấn mạnh rằng sự quan tâm mà người ta dành cho những người di dân cũng như những người có hoàn cảnh đặc biệt đó là một dấu chỉ của Thần Khí. Thật vậy, cả hai hoàn cảnh đều có tính điển hình: chúng đặc biệt cho thấy rõ cách thức mà ngày nay người ta sống biểu lộ lòng thương xót qua việc đón nhận người khác và giúp những người yếu ớt hòa nhập vào các cộng đoàn.

48. “Phần lớn các gia đình đều có lòng tôn kính những người cao tuổi, yêu mến quây quần quanh các ngài và xem các cụ như một ân phúc. Phải đặc biệt tuyên dương các hiệp hội và các phong trào gia đình vì những hoạt động hỗ trợ những người cao tuổi, cả về mặt tâm linh lẫn xã hội [...]. Trong những xã hội công nghiệp hóa cao, nơi mà con số những người cao tuổi có chiều hướng gia tăng trong khi số sinh sụt giảm, thì những người này có nguy cơ bị coi như một gánh nặng. Đàng khác, những chăm sóc mà các cụ rất cần lại thường tạo nên một thử thách cam go cho những người thân của họ”[27]. “Ngày nay người ta càng có khuynh hướng đẩy lùi bằng mọi cách thời điểm của cái chết bao nhiêu thì càng phải trân trọng giai đoạn cuối đời bấy nhiêu. Tình trạng yếu ớt và phải lệ thuộc của các cụ đôi khi còn bị khai thác một cách bất công để chỉ nhắm tới lợi ích kinh tế. Nhiều gia đình cho chúng ta thấy rằng có thể đối diện với những giai đoạn cuối đời bằng cách đề cao ý nghĩa của việc hoàn tất và tham dự của toàn thể đời người vào mầu nhiệm vượt qua. Một số lớn các cụ lớn tuổi được đón nhận vào trong các cơ sở của Hội thánh, ở đó, các cụ có thể sống trong một bầu khí bình yên và thân thiện, cả về vật chất lẫn tinh thần. Cái chết êm dịu (hay an tử) và trợ tử là mối đe dọa nghiêm trọng cho các gia đình trên toàn thế giới. Những thực hành ấy đã được hợp pháp tại nhiều quốc gia. Trong khi kiên quyết chống lại những thực hành ấy, Hội thánh cảm thấy mình có bổn phận phải giúp đỡ các gia đình đang chăm sóc cho các thành viên cao tuổi và bệnh tật của mình”[28].

49. Tôi muốn nhấn mạnh đến hoàn cảnh các gia đình đang bị chìm ngập trong sự khốn khổ, thiệt thòi về mọi mặt, họ sống trong những điều kiện rất hạn hẹp tơi tả đến đau lòng. Nếu như ai cũng có những khó khăn, thì những khó khăn đó trở thành khắc nghiệt hơn trong một gia đình nghèo cơ cực[29]. Ví dụ như, nếu một phụ nữ phải nuôi con một mình, vì li thân hoặc vì những lí do khác, và chị phải đi làm mà không thể giao con mình cho một ai khác, đứa trẻ sẽ lớn lên trong tình trạng bị bỏ rơi, phó mặc cho mọi loại nguy cơ, và sự trưởng thành nhân bản của nó bị tổn hại. Đối với những người túng cực đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo như thế, Hội thánh phải đặc biệt quan tâm để thông cảm, an ủi, đón nhận họ, tránh áp đặt lên họ đủ thứ luật lệ, như những tảng đá đè bẹp, chỉ khiến người ta cảm thấy bị xét đoán và bỏ rơi bởi chính người Mẹ vốn được mời gọi bày tỏ cho họ thấy lòng thương xót của Thiên Chúa. Làm như thế, thay vì cống hiến năng lực chữa trị của ân sủng và ánh sáng của Tin mừng, thì một số người lại muốn biến sứ điệp Tin mừng ấy thành một thứ “giáo điều”, biến nó thành “những viên đá giết người để ném vào người khác”[30].

 

Một số thách đố

50. Những phúc đáp nhận được cho hai cuộc tham vấn được thực hiện trong diễn trình của Thượng Hội đồng đã đề cập tới những hoàn cảnh rất đa dạng cho thấy những thách đố mới. Ngoài những gì đã được nêu ra, nhiều phúc đáp đã đề cập đến phận vụ giáo dục con cái, đang gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, giữa những nguyên nhân khác, nhiều cha mẹ từ sở làm trở về nhà mệt lả, không còn muốn nói chuyện; nhiều gia đình thậm chí không còn giữ thói quen dùng bữa chung với nhau; và ngoài chứng nghiện truyền hình còn có vô số những phương tiện giải trí khác nhau. Điều này làm cho cha mẹ càng khó hơn trong việc truyền đạt đức tin cho con cái. Có những bản trả lời khác còn lưu ý đến các gia đình thường phải gánh chịu những áp lực, lo âu, nặng nề. Xem ra các gia đình bận tâm đến việc lo toan cho tương lai hơn là cùng chia sẻ cuộc sống hiện tại. Đây là một vấn đề về văn hóa, vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn nữa vì nỗi sợ tương lai không có việc làm ổn định, vì tình trạng kinh tế không bảo đảm, hay vì lo sợ cho tương lai của con cái.

51. Ma túy cũng được đề cập đến như một trong những vết thương của thời đại chúng ta, gây ra cho nhiều gia đình bao nỗi thống khổ và thường kết thúc trong tình cảnh gia đình tan vỡ. Tình hình cũng như thế với nạn rượu chè, bài bạc và những hình thức nghiện ngập khác. Gia đình có thể là nơi dự phòng và bảo vệ, thế nhưng xã hội và chính trị còn chưa nhận ra rằng gia đình có nguy cơ “đánh mất khả năng chống trả để giúp đỡ các thành viên của mình [...]. Chúng ta hãy lưu ý những hậu quả nghiêm trọng của tình trạng gia đình tan vỡ này, đó là, người trẻ bị mất gốc, người già bị bỏ rơi, con cái mồ côi trong khi cha mẹ chúng vẫn còn sống, thanh thiếu niên mất định hướng và không được bảo vệ”[31]. Như các Giám mục Mêhicô đã chỉ cho thấy, có những hoàn cảnh thật đáng buồn như bạo lực trong gia đình, vốn sẽ là mảnh đất phì nhiêu làm sinh sôi các dạng thức mới của gây hấn trong xã hội, bởi vì “những tương quan gia đình cũng có thể lí giải tư chất bạo lực nơi một con người. Các gia đình bị ảnh hưởng như vậy là do thiếu thông giao với nhau; những gia đình trong đó chủ yếu ai cũng sống tư thế phòng vệ, các thành viên không nâng đỡ nhau; không có những sinh hoạt gia đình thúc đẩy sự tham dự chung, tương quan giữa cha mẹ thường đầy xung đột và bạo lực, và tương quan giữa cha mẹ-con cái đầy dấu vết thù địch. Bạo lực trong gia đình là trường nuôi dưỡng sự oán giận và căm ghét trong những tương quan nhân bản nền tảng nhất”[32].

52. Không ai nghĩ rằng gia đình, như một xã hội tự nhiên được thiết lập trên nền tảng hôn nhân, bị suy yếu đi lại có thể đem lại mối lợi gì cho xã hội. Điều ngược lại mới đúng: nó sẽ làm tổn hại đến sự trưởng thành của con cái, đến sự vun xới các giá trị cộng đồng, và sự phát triển đạo đức cho các thành thị và làng quê. Người ta không còn nhận thấy được rõ ràng rằng duy chỉ có sự kết hợp đơn nhất và bất khả phân li giữa một người nam và một người nữ mới hoàn thành được phận vụ xã hội cách trọn vẹn, vì một sự kết hợp như thế mới là một dấn thân bền vững và có thể đem lại hoa quả sự sống mới. Chúng ta phải thừa nhận vẫn có nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau có thể cung ứng một sự ổn định nào đó, nhưng những kết hợp thực tế (union de facto), hay kết hợp đồng giới, chẳng hạn, không thể đơn giản đánh đồng được với hôn nhân. Không có một kết hợp tạm bợ hay loại trừ việc truyền sinh nào lại có thể bảo đảm cho tương lai của xã hội. Thế nhưng, ngày nay, ai là người quan tâm nâng đỡ các đôi vợ chồng, giúp đỡ họ vượt qua được những hiểm nguy đang de dọa họ, đồng hành với họ trong vai trò giáo dục con cái, khích lệ sống bền vững giao ước hôn phối của họ?

53. “Một số xã hội vẫn còn duy trì tập tục đa thê, và một số nơi khác hôn nhân sắp đặt vẫn còn tồn tại [...]. Tại nhiều nơi, không chỉ ở phương Tây, việc sống chung trước hôn nhân đang lan rộng, cũng như có một kiểu sống chung mà không có ý định đảm nhận một dạng thức ràng buộc theo pháp lí”[33]. Tại nhiều nước, luật pháp đang ngày càng cho phép nhiều giải pháp lựa chọn có thể thay thế hôn nhân, đến nỗi kiểu hôn nhân có đặc tính đơn nhất, bất khả phân li và cởi mở đón nhận sự sống, rốt cuộc bị coi như một chọn lựa lỗi thời giữa bao đề nghị khác. Trong nhiều quốc gia, có hiện tượng gia đình ngày càng bị phân rã về mặt pháp lí, đồng thời lại có khuynh hướng chấp nhận những dạng thức hầu như chỉ dựa trên sự tự trị của ý chí cá nhân. Đành rằng việc người ta loại bỏ những hình thức cũ của gia đình “truyền thống”, mang dấu ấn của sự độc đoán, thậm chí là bạo lực, là hợp lẽ và đúng đắn, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người ta được phép coi thường hôn nhân, đúng hơn, nó phải dẫn đến chỗ khám phá lại ý nghĩa đích thực của hôn nhân và canh tân nó. Sức mạnh của gia đình “nằm chủ yếu ở khả năng yêu thương và dạy biết yêu thương. Dẫu có bị tổn thương thế nào thì gia đình vẫn luôn có thể lớn lên khởi đi từ tình yêu”[34].

54. Qua cái nhìn toát lược này, tôi muốn lưu ý rằng cho dù đã có những bước tiến có ý nghĩa trong việc nhìn nhận các quyền của phụ nữ và sự tham gia của họ vào đời sống công cộng, vẫn còn nhiều điều phải làm để phát triển quyền này trong một số quốc gia. Những tập tục không thể chấp nhận vẫn còn chưa hoàn toàn loại bỏ được. Trước hết, tôi muốn nói đến cung cách cư xử bằng bạo lực đáng hổ thẹn mà đôi khi trong các gia đình những người phụ nữ còn phải chịu, những lạm dụng trong gia đình và rất nhiều hình thức nô dịch hóa trong đó không hề cho thấy sức mạnh của đàn ông, mà đúng hơn chỉ là một sự nhu nhược hèn hạ. Bạo lực trong lời nói, trên thân thể, trong tình dục khiến người phụ nữ phải chịu trong một số cuộc hôn nhân là điều mâu thuẫn với chính bản tính của sự kết hợp vợ chồng. Tôi nghĩ tới hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục của người phụ nữ trong một số nền văn hóa, cũng như tình trạng bất bình đẳng không cho người phụ nữ cơ hội có được những vị trí việc làm xứng đáng và có những vai trò đưa ra quyết định. Lịch sử đã để lại dấu ấn những thái quá của các nền văn hóa gia trưởng, vốn xem phụ nữ là thấp kém; nhưng, cũng nên nhắc đến hiện tượng “các bà mẹ mang thai hộ”, hoặc “việc khai thác và thương mại hóa thân xác người phụ nữ trong văn hóa truyền thông hiện nay”[35]. Một số người còn cho rằng nhiều vấn đề hiện nay đã xuất hiện là do sự giải phóng phụ nữ. Nhưng, lập luận ấy không hợp lí, “sai lạc, không đúng. Đó là một hình thức chủ nghĩa nam quyền”[36]. Sự bình đẳng về phẩm giá giữa người nam và người nữ khiến chúng ta vui mừng vì ta vượt qua được những hình thức kì thị xưa, và đã thấy xuất hiện ngay giữa lòng các gia đình hôm nay lối sống tương nhượng. Nếu như ngày nay có dấy lên những hình thức của phong trào nữ quyền không được xem là phù hợp, thì chúng ta cũng phải thán phục công trình của Chúa Thánh Thần, trong khi thừa nhận rõ ràng hơn phẩm giá của người phụ nữ và các quyền của họ.

55. “Người đàn ông đóng một vai trò có tính quyết định không kém trong đời sống gia đình, nhất là, liên quan đến việc bảo vệ và nâng đỡ vợ con. Nhiều người đàn ông ý thức tầm quan trọng vai trò của mình trong gia đình và họ sống vai trò đó đúng với phẩm chất đặc biệt của tính cách nam nhân. Sự vắng mặt đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình, đến việc giáo dục con cái và việc hội nhập chúng vào xã hội. Sự vắng mặt của người cha có thể là về phương diện thể lí, tình cảm, hiểu biết và tâm linh. Khiếm khuyết này tước mất khỏi con cái kiểu mẫu hành xử thích hợp của một người cha”[37].

56. Một thách đố khác nữa xuất hiện dưới những hình thức khác nhau mang sắc thái một ý thức hệ, cách chung được gọi là “phái tính” (gender), chủ trương “phủ nhận sự khác biệt phái tính và tính hỗ tương tự nhiên giữa người nam và người nữ. Ý thức hệ này nhắm tới viễn tượng một xã hội không có sự phân biệt giới tính và làm xói mòn nền tảng nhân học của gia đình. Ý thức hệ này dẫn đến những dự án giáo dục và định hướng lập pháp cổ xúy cho luận điệu rằng căn tính cá nhân và sự ân ái vẫn có được mà hoàn toàn không liên hệ gì đến sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ. Căn tính con người được phó mặc cho những chọn lựa cá nhân, điều có thể thay đổi qua thời gian”[38]. Điều đáng quan ngại là có một số ý thức hệ kiểu này, trong khi muốn đáp ứng cho những khát vọng nào đó đôi khi có thể thông cảm được, trên thực tế lại khẳng định mình như là một tư tưởng duy nhất đúng, qui định cả cách giáo dục trẻ em. Cần phải biết rằng “người ta có thể phân biệt, nhưng không thể tách biệt giới tính sinh học (sex) và vai trò văn hóa-xã hội của giới (gender)”[39]. Đàng khác, “cuộc cách mạng công nghệ sinh học trong lãnh vực sinh sản con người đã đưa đến khả năng là người ta có thể vận dụng tùy ý hành động truyền sinh, làm cho nó độc lập với quan hệ tính dục giữa người nam và người nữ. Như thế sự sống con người và việc làm cha làm mẹ trở thành những thực tại rời rạc, người ta có thể ráp nối hoặc tách biệt, và chủ yếu tùy thuộc vào ước muốn của các cá nhân hay của các cặp, họ không nhất thiết phải là hai người khác biệt tính dục hay kết hôn”[40]. Thông cảm với sự yếu đuối của con người hay sự phức tạp của cuộc sống là một chuyện, còn chấp nhận những ý thức hệ có ý muốn tách biệt hai khía cạnh vốn không thể tách biệt của thực tại lại là chuyện khác. Chúng ta đừng sa vào tội cả gan thay thế Đấng Tạo Hóa. Chúng ta là những thụ tạo, chúng ta không toàn năng. Công trình tạo dựng có trước chúng ta và phải được đón nhận như một quà tặng. Đồng thời, chúng ta được mời gọi bảo vệ nhân tính của mình, và điều đó trước hết có nghĩa là đón nhận nhân tính ấy và tôn trọng nó như nó vốn đã được tạo dựng nên.

57. Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì nhiều gia đình, dù họ không tự coi mình đã hoàn hảo, vẫn sống trong yêu thương, đang chu toàn ơn gọi của mình và tiếp tục bước tới, cho dẫu họ có vấp ngã nhiều lần trên đường đi. Từ những suy tư của Thượng Hội đồng ta thấy không có một nguyên mẫu nào cho gia đình lý tưởng, nhưng ta có một bức tranh khảm được hình thành từ những mảnh ghép của nhiều thực tại khác nhau, đấy ắp những niềm vui, những bi kịch và cả những ước mơ. Các thực tại khiến ta bận tâm đều là những thách đố. Chúng ta đừng tự sa vào bẫy làm mình kiệt sức vì chỉ biết phòng vệ trong than vãn ai oán, thay vì tìm cách khơi dậy những sáng kiến truyền giáo. Trong mọi hoàn cảnh, “Hội thánh cảm thấy cần phải nói lên một lời chân lý và hi vọng. [...] Những giá trị lớn lao của hôn nhân và gia đình Kitô giáo tương ứng với khát vọng tìm kiếm trải dài trong cuộc sống con người”[41]. Dù chúng ta thấy có nhiều khó khăn đi nữa, thì chúng – theo lời của các Giám mục Colombia – nên là một lời mời gọi chúng ta “giải phóng trong ta những năng lực của niềm hi vọng, chuyển những khó khăn đó thành những hoài bão mang tính ngôn sứ, biến chúng thành những hành động hữu hiệu và thành bác ái”[42].


==============

[1] Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio (FC) (22.11.1981), 4: AAS 74 (1982), 84.

[2] RS 2014, 5.

[3] HĐGM TÂy Ban Nha, Matrimonio y familia (6.7.1979), 3.16.23.

[4] RF 2015, 5.

[5] RS 2014, 5.

[6] RF 2015, 8.

[7] Phanxicô, Diễn văn tại Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ  (24.9. 2015): L’Osservatore Romano, 26.9.2015, tr. 7.

[8] RF 2015, 29.

[9] RS 2014, 10.

[10] Phanxicô, Đại hội Ngoại thường lần III của THĐGM, Sứ điệp, 18.10.2014.

[11] RS 2014, 10.

[12] RF 2015, 7.

[13] Ibid., 63.

[14] HĐGM Hàn Quốc, Towards a culture of life! (15.3.2007).

[15] RS 2014, 6.

[16] HĐTT Về Gia Đình, Hiến chương về quyền của gia đình (22.10.1983), 11.

[17] Cf. RF 2015, 11-12.

[18] HĐTT Về Gia Đình, Hiến chương về quyền của gia đình (22.10.1983), Dẫn nhập.

[19] Ibid., 9.

[20] RF 2015, 14.

[21] RS 2014, 8.

[22] Cf. RF 2015, 78.

[23] RS 2014, 8.

[24] RF 2015, 23; Cf. Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới về Di dân và Tị nạn 2016 (12.9.2015): L’Osservatore Romano, 2.10.2015, tr. 8.

[25] Ibid., 24.

[26] Ibid., 21.

[27] Ibid., 17.

[28] Ibid., 20.

[29] Cf. ibid., 15.

[30] Phanxicô, Diễn từ kết thúc Đại hội thường lệ lần XIV của THĐGM (24.10.2015): L’Osservatore Romano, 26-27.10.2015, tr. 13.

[31] HĐGM Argentina, Navega mar adentro (31.5.2003), 42.

[32] HĐGM Mexico, Que en Cristo Nuestra Paz México tenga vida digna (15.2.2009), 67.

[33] RF 2015, 25.

[34] Ibid., 10.

[35] Phanxicô, Huấn giáo ngày thứ Tư (HG) (22.4.2015): L’Osservatore Romano, 23.4.2015, tr. 7.

[36] HG (29.4.2015): L’Osservatore Romano, 30.4.2015, tr. 8.

[37] RF 2015, 28.

[38] Ibid. 2015, 8.

[39] Ibid. 2015, 58.

[40] Ibid. 2015, 33.

[41] RS 2014, 11.

[42] HĐGM Colombia, A tiempos difíciles, colombianos nuevos (13.2.2003), 3.