MUỐI CHO ĐỜI

Joseph Ratzinger, ĐTC Biển Đức XVI

Nguồn: http://www.simonhoadalat.com/


Lời Mở

Rôma mùa đông. Những người trên công-trường Phêrô mình khoác áo choàng tay cầm dù. Trong các quán cà-phê, khách uống trà. Tôi ở lại nghĩa-trang Campo Santo để xem thêm một ngôi mộ nữa. Thời-tiết dạo này chán đến lũ mèo ở đây cũng phải ngêu-ngao thảm-thiết.

Ngày thứ bảy, như bình-thường, Hồng-y vẫn còn làm việc trong phòng của Bộ. Chúng tôi hẹn nhau sau đó đi về vùng Frascasti, tới Villa Cavalleri nguyên là một ngôi trường của dòng Tên. Ngoài đường, người tài-xế đang ngồi đợi trong chiếc Mercedes mà Bộ tín-lí đã mua lại ở Đức cách đây vài năm. Tôi đứng đợi với một cái rương khổng-lồ như đang chuẩn-bị một chuyến viễn du. Cuối cùng cánh cửa mở, một người đàn ông khiêm-tốn, hơi mảnh-khảnh với mái tóc trắng xoá, bước ra bằng những bước nhỏ. Ông bận bộ âu-phục màu đen cổ cồn, tay xách một chiếc cặp tí-hon, đơn-giản.

Tôi đã ra khỏi Giáo-hội từ lâu lắm rồi. Do khá nhiều nguyên-do. Thời đó, cứ mỗi lần ngồi xuống ghế nhà thờ, tín-hữu lại bị dội lên đầu bao nhiêu là mảnh vụn tín-lí cũ mèm hàng trăm năm. Mọi thứ xưa chắc-chắn nay đã thành khả-nghi, truyền-thống cổ-xưa nay đã hết sinh-lực. Một số người cho rằng đạo phải uyển-chuyển cho phù-hợp với nhu-cầu con người. Một số khác lại bảo Ki-tô giáo đã lỗi thời, hết lí-do tồn-tại. Ra khỏi Giáo-hội là chuyện không đơn-giản. Lại càng không đơn-giản khi muốn quay trở vào lại. Có Chúa thật không? Và nếu có thật thì chúng ta có cần một giáo-hội nữa không? Bộ mặt của nó sẽ như thế nào và làm sao người ta có thể tái nhận-diện được nó?

Hồng-y không bao giờ hỏi tôi về quá-khứ hoặc địa-vị mình. Ông không đòi biết trước các câu hỏi và cũng không yêu-cầu thêm hay bớt một chữ nào vào đó. Không-khí buổi trao-đổi khá căng và đứng-đắn, dù vậy thỉnh-thoảng "ông hoàng giáo-hội" cũng ngồi vắt một chân lên thành ghế khiến tôi tưởng như đang trò-chuyện với một cậu sinh-viên. Có lần ông ngừng nói để chìm vào thế tĩnh-tâm hay cũng có thể là để cầu xin Chúa Thánh-thần giúp tìm ra những từ thích-hợp. Tôi chẳng biết, chỉ đoán vậy thôi.

Hồng-y Joseph Ratzinger là một giáo-sĩ ưa tranh-luận song cũng bị lắm chỉ-trích, đặc-biệt nơi quê-hương ông. Tuy nhiên, nhiều nhận-định và phân-tích trước đây của ông giờ đây đã thành sự thật, đúng cả tới những chi-tiết. Và hiếm có ai đau lòng ý-thức về những mất-mát và thảm-kịch của Giáo-hội trong thời hiện tại cho bằng vị Hồng-y thông-minh xuất thân từ vùng đồng ruộng bang Bayern này.

Một lần tôi hỏi ông, có bao nhiêu con đường dẫn tới Chúa. Tôi thật-sự không biết ông sẽ trả lời như thế nào. Có thể câu trả lời của ông sẽ là: chỉ có một - hoặc nhiều - con đường. Không cần suy-nghĩ lâu, Hồng-y bình-thản trả lời: Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường.

 

München, ngày 15 tháng 8 năm 1996

Peter Seewald 

Dẫn Nhập: Đức Tin Công Giáo: Dấu Chỉ Và Lời Nói

Thưa Hồng-y, nghe nói Giáo-chủ đã có lần sợ ngài. Giáo-chủ đã phải đăm-chiêu và thốt lên: Chà, không biết hồng-y Ratzinger có ý-kiến như thế nào đây!

(Hồng-y cười): Có lẽ ngài nói thế cho vui thôi. Chứ sợ thì chắc-chắn không.

 

Những buổi trao-đổi làm việc với Giáo-chủ có phải diễn ra trong nghi-thức nào không?

Không.

 

Các ngài đọc kinh trước khi bắt tay làm việc?

Không, tôi phải thú thật là không. Chúng tôi ngồi ngay vào bàn.

 

Chỉ việc bước vào phòng, bắt tay, rồi...?

Phải. Tôi đứng chờ đến khi Giáo-chủ tới, bắt tay nhau, ngồi vào bàn, rồi bắt đầu với những chuyện riêng-tư, chẳng chút liên-quan tới thần-học. Thường thì tôi nêu ra vấn-đề trước, Giáo-chủ đặt câu hỏi và rồi cứ thế buổi làm việc bắt đầu.

 

Giáo-chủ cho những ý-kiến cụ-thể?

Tuỳ đề-tài. Có những đề-tài ngài chủ-yếu ngồi nghe. Chẳng hạn chuyện các mục-sư Anh-giáo muốn trở lại Công giáo. Đây là lãnh-vực chưa có giải-đáp pháp-lí phù-hợp. Ngài góp ý rất ít, và chỉ nói: „Mình nên độ-lượng“. Và rồi chẳng quan-tâm gì nữa tới chuyện sau đó vấn-đề được giải-quyết như thế nào. Nhưng những đề-tài liên-quan tới luân-lí, đạo-đức sinh-học, đạo-đức xã-hội hoặc tất-cả những gì có liên-hệ với triết-học thì ngài lại đặc-biệt say-sưa tham-gia. Và cả giáo-lí và tín-lí, là những lãnh-vực ngài rất quan-tâm. Cuộc trao-đổi về những đề-tài này thường rất sâu sắc.

 

Hồng-y bận đồ gì khi làm việc?

Áo dòng đen. Đó là trang-phục truyền-thống mỗi khi gặp giáo-chủ.

 

Và Giáo-chủ?

Áo dòng trắng.

 

Thảo-luận bằng tiếng gì?

Chúng tôi nói với nhau bằng tiếng Đức.

 

Không phải bằng tiếng La-tinh?

Không.

 

Một tín-hữu sùng đạo thuộc cộng-đoàn tin-lành Hutterer có lần gặp ngài và chào: „Chào anh Giuse“. Câu chào nghe có chói tai và thiếu lịch-sự không? Theo lối xưng-hô nhà đạo thì phải là „Thưa đức Hồng-y...“ ?

Không. „Anh Giuse“ tôi thấy rất hay. Lối xưng-hô này không đúng như cách của người Công giáo, nhưng khi đã là anh chị em ki-tô-hữu với nhau thì tôi thấy hợp. Đây là chuyện tôi đã quan-tâm từ rất lâu, năm 1960 tôi đã viết một cuốn sách nhỏ về đề-tài tình huynh-đệ ki-tô giáo.

 

Một hồng-y có bị đòi-hỏi nhiều hơn một linh-mục hay giám-mục không?

Hồng-y là một tín-hữu Kitô, là một linh-mục, một giám-mục. Ông là người trong Giáo-hội mang trách-nhiệm làm sao cho Tin-mừng được rao-giảng và các bí-tích được cử-hành. Tôi không muốn nói là “bị đòi-hỏi” nhiều hơn, nhưng chỉ muốn nói hồng-y có những đòi-hỏi riêng. Ngay cả một linh-mục bình-thường miền quê cũng đã có những đòi-hỏi nặng-nề, là phải hiểu biết kẻ khác và phải ở bên cạnh họ trong lúc họ đau bệnh, trong những dịp cưới-hỏi tang-chế, lúc khủng-hoảng cũng như khi hoan-lạc hay buồn-khổ. Ông phải nỗ-lực cùng họ sống đức tin và gìn-giữ con thuyền hội-thánh.

 

Mỗi ngày cứ phải bận tâm với Chúa, như thế có nhàm-chán, có mỏi-mệt lắm không?

Bận-tâm với Chúa, đối với tôi, là một nhu-cầu. Cũng như ta mỗi ngày phải thở, phải có ánh sáng, phải ăn uống, phải cần tình bạn, cần gặp-gỡ một người nhất-định nào đó, tất-cả những cái đó là những cái không có không được cho cuộc sống. Nếu như bổng dưng không còn có Chúa nữa thì tinh-thần tôi sẽ khó thở. Vì thế không có chuyện nhàm-chán ở đây. Nhàm-chán có thể xẩy ra khi tôi làm một số việc đạo-đức hay đọc sách tu-đức, nhưng với Chúa thì không.

 

Phải chăng cứ bận-tâm với Chúa, với Giáo-hội thì tự-nhiên con người trở nên công-chính, khiêm-tốn, khôn-ngoan và đạo-đức hơn ?

Tiếc rằng không. Ngay cả đọc sách thần-học cũng không làm cho người ta đương-nhiên trở nên tốt hơn. Nó có thể chỉ giúp mình khá hơn, khi mình ngoài chuyện đọc lí-thuyết, còn cố-gắng dùng nó để hiểu mình, hiểu tha-nhân và thế-giới hơn và đem áp-dụng vào cuộc sống của mình. Thần-học tự nó là một sinh-hoạt tinh-thần, nhất là khi nó được thực-hành một cách khoa-học và nghiêm-túc. Nó có thể ảnh-hưởng lên cách hành-xử và thái-độ của con người, nhưng tự nó không hẳn làm cho con người tốt hơn.

 

Có đòi-hỏi nào của đức Giê-su xem ra khó thi-hành cho một hồng-y không ?

Hẳn nhiên là có, bởi vì hồng-y cũng yếu-đuối như những người khác, và có lẽ ông ta còn gặp khó-khăn nhiều hơn vì địa-vị và đủ thứ trách-nhiệm của ông. Tôi có thể nói, có lẽ cả cuộc đời ông cũng chẳng bao giờ thực-thi được đầy-đủ mười điều răn của Chúa, được tóm lại trong một điều chính là đức bác-ái. Nhiều khi thật khó mà mến Chúa yêu người như Chúa dạy. Điều đó quá rõ. Và lịch-sử cũng nhiều lần cho thấy sự yếu-đuối của các hồng-y trên phương-diện này.

 

Như vậy phải chăng một hồng-y thỉnh-thoảng cũng cảm thấy khó mà yêu người?

Như ông biết đó, yêu một cách chung-chung thì chẳng bao giờ có. Dĩ-nhiên có những người thật khó thương, khiến mình đôi lúc phải nghi-ngờ tính bản-thiện nơi họ và phải tự hỏi có phải Tạo-hoá đã lỏng tay để tạo vật này rơi vào hoàn-cảnh càng ngày càng trở nên nguy-hiểm và hết đáng thương chăng. Nhưng rồi thì mình cũng phải tự nhủ, có những người tôi không biết nên tôi không dám xét-đoán, với những người khác, bản-tính họ thế nào tôi phải chấp-nhận như vậy. Còn những người tốt mà tôi biết thì lại làm tôi vững dạ rằng Tạo-hoá biết rõ việc Ngài làm.

 

Ngài có xưng tội không, có linh-mục giải tội riêng không?

Có. Tôi nghĩ, điều này cần-thiết cho tất-cả mỗi chúng ta.

 

Như vậy hồng-y cũng làm chuyện bất công?

Như người ta vẫn thấy.

 

Ngài có đôi lúc cảm thấy, cũng như bao người khác, lúng-túng, bất-lực và cô-đơn?

Có. Chẳng hạn như trong vị-trí của tôi lúc này, lực của tôi quá nhỏ so với vai-trò. Và càng già thì mình lại càng cảm thấy không đủ sức để hoàn-thành những gì phải làm, càng cảm thấy yếu, lúng-túng và chẳng còn đáp-ứng nổi với hoàn-cảnh nữa. Và vì thế tôi phải nói với Chúa, Chúa phải giúp con, nếu không thì con không thể tiếp-tục được nữa. Cũng có khi cảm thấy cô-đơn. Nhưng cám ơn Chúa vì trong đời tôi Ngài đã gởi rất nhiều người tốt tới giúp nên tôi chưa bao giờ phải cảm thấy hoàn-toàn cô-đơn.

 

Từ 1981 ngài là chủ-tịch Bộ giáo-lí đức tin. Bộ này không chỉ là cơ-cấu lâu đời nhất của Vatican mà còn là chỗ đáng sợ nhất. Nhiều thế-kỉ dài cơ-cấu này mang danh là „Toà thẩm-tra thánh“. Nhiệm-vụ của ngài là giữ đức tin công giáo được tinh-tuyền, bảo-vệ Giáo-hội trước nguy-cơ lạc đạo và chế-tài những vi-phạm giáo-huấn đức tin nếu cần. Như vậy, tất-cả những gì ông chủ-tịch nói đương- nhiên đều là giáo-huấn của Giáo-hội ?

Dĩ-nhiên là không. Tôi không bao giờ dám ép đẩy những quan-điểm thần-học mình vào các quyết-định của Bộ. Thành-thật mà nói, tôi cố-gắng tự chế và coi mình như là người điều-hợp của một tập-đoàn lớn với nhiều cộng-tác viên mà thôi.

Chúng tôi làm việc trong nhiều ủy-ban lớn. Có một mạng lưới các nhà thần-học khắp năm châu làm cố-vấn. Chúng tôi liên-lạc với các giám-mục và các tổ-chức của họ. Và ở Rôma chúng tôi có những nhóm nhà thần-học làm việc chung với nhau trong các Uỷ-ban thần-học, Uỷ-ban Kinh-thánh, ngoài ra còn có Uỷ-ban cố-vấn riêng và cuối cùng là thẩm-quyền quyết-định gồm các hồng-y. Tất-cả mọi quyết-định đều thông qua các quy-trình làm việc đó.

Trong cuộc họp hồng-y chúng tôi không bao giờ quyết-định điều gì khi chưa có một sự đồng-thuận rộng-rãi giữa các cố-vấn, bởi vì chúng tôi cho rằng: Sự gì chưa có được ý-kiến chung giữa các nhà thần-học có thẩm-quyền thì chúng tôi không thể nại vào một nguồn sáng nào cao hơn để bảo rằng chỉ có một ý-kiến này hay ý-kiến nọ giá-trị mà thôi. Chỉ khi nào có sự đồng-thuận rộng-rãi của đoàn cố-vấn thì lúc đó chúng tôi mới quyết-định theo.

 

Nhưng cũng có những điều mang quan-điểm của riêng ngài?

Dĩ nhiên. Tôi đã dạy học khá lâu và đã cố-gắng trong khả-năng mình theo-dõi những cuộc tranh-luận thần-học. Tôi cũng đã nói lên quan-điểm thần-học riêng của mình qua các sách tôi xuất-bản.

 

Có khi nào hồng-y Ratzinger phải hành-động ngược lại điều mình nghĩ không? Nghĩa là với tư-cách cá-nhân ngài phát-biểu thế này nhưng với cương-vị trưởng Bộ ngài lại thấy quan-điểm đó khó có thể thực-thi được?

Hãy nói như vầy, với thời-gian cũng có thể có những sửa sai. Qua trao-đổi tôi biết được có những điều trước đây mình nghĩ không đúng. Nhưng tôi không thể phủ-nhận một xác-tín hiện tại mà tôi đã nhận-thức được qua các khả-năng và cơ-hội của mình. Không thể làm khác thế được. Nhưng bằng học-hỏi mình vẫn có thể tiếp-tục phát-triển và nhờ đó có thể sửa sai những lầm-lỗi dĩ-vãng.

 

Nhiều cảnh-cáo và kêu-gọi của ngài đã không đạt kết-quả. Ngài cũng đã không tạo được một phong-trào qui-mô chống lại những trào-lưu thời-đại và không tạo được một chuyển hướng nhận-thức rộng-lớn. Có thể ngài nghĩ rằng Chúa dẫn-dắt Giáo-hội theo con đường huyền-nhiệm của Ngài. Nhưng lời an-ủi đó đâu có xoay-chuyển được kết-quả của những cuộc tranh-luận. Chúng như kiến bò miệng chén, chẳng những không tiến mà càng ngày càng lùi, nội-dung đức tin có vẻ ngày càng thêm sa-sút, thiên-hạ ngày càng thờ-ơ về mọi vấn-đề.

Tôi không bao giờ mơ chuyện xoay-chuyển bánh xe lịch-sử. Ngay cả Chúa của chúng tôi cũng đã phải kết thúc cuộc đời trên thập giá thì làm sao con đường của Chúa có thể mau dẫn đến những thành-công trước mắt được. Theo tôi, đấy là điều rất quan-trọng. Các môn-đồ đã hỏi Chúa: Làm sao vậy, tại sao chẳng có gì tiến-triển cả? Ngài đã trả lời họ với dụ-ngôn hạt cải, với nắm men trong bột và những dụ-ngôn khác, và Ngài đã nói, Chúa không dùng thống-kê để cân đo đong đếm việc của Ngài. Kết-quả của hạt cải và men bột tuy lúc này anh em chưa thấy nhưng sẽ rất quan-trọng và quyết-định.

Như vậy hãy bỏ ra ngoài những thành-công về lượng. Bởi chúng tôi cũng đâu phải là một cửa hàng có thể căn cứ vào số thương vụ mà biết được công việc buôn bán phát đạt với hàng hóa bán ra mỗi ngày một tăng. Nhưng chúng tôi thi-thành một tác-vụ, tác-vụ đó cuối cùng chúng tôi lại đặt-để vào trong tay Chúa. Nhưng mặt khác việc làm của chúng tôi cũng không phải là công toi. Những đốm lửa đức tin đây-đó đã bùng lên trong giới trẻ khắp năm châu.

Có lẽ chúng tôi phải giã-từ cái quan-niệm giáo-hội quần-chúng (giáo-hội của đa-số. Người dịch). Có thể một giai -đoạn lịch-sử giáo-hội mới và khác đang tới với chúng tôi, trong đó Ki-tô giáo trở về với hình-ảnh hạt cải, chúng tôi sẽ chỉ còn là những nhóm nhỏ xem ra vô nghĩa, nhưng quyết-liệt chống lại sự dữ để mang sự lành đến cho thế-giới, để mang Chúa vào thế-giới. Tôi thấy có rất nhiều phong-trào loại này đã xuất-hiện. Tôi thấy lúc này không cần nêu lên những thí-dụ ở đây. Hẳn nhiên không có hiện-tượng đoàn-lũ trở về với Ki-tô giáo, không có cuộc đổi hướng lịch-sử. Nhưng có những lối sống đạo thâm-sâu đang thổi sinh-khí và mang niềm vui cho con người, đó là một lối sống có ý nghĩa đối với thế-giới.

 

Dù vậy càng ngày càng có nhiều người tự hỏi không biết con tàu Giáo-hội có còn chạy được nữa không. Nó còn đáng cho mình bước lên?

Còn chạy và đáng bước lên, tôi tin chắc-nịch như vậy. Đó là một con tàu dày-dạn kinh-nghiệm nhưng đồng thời lại rất trẻ. Nhất là chúng ta lại càng cần nó khi phải đối diện với tình-thế hôm nay. Hãy thử tưởng-tượng lấy con tàu đó ra khỏi bàn cân đối-lực hiện tại thì ta sẽ thấy thế-giới đổ vỡ ra sao và tinh-thần nhân loại chao-đảo như thế nào.

Chúng ta cũng biết rằng, vì sự suy-đồi của Giáo-hội và Ki-tô giáo trong ba, bốn mươi năm qua mà thế-giới đã phải chứng-kiến bao cảnh đổ-vỡ tinh-thần, mất định hướng và tan-hoang. Vì thế tôi dám nói: Nếu chưa có con tàu thì ta phải tạo ra nó. Nó đáp-ứng nhu-cầu sâu-thẳm của con người; nó bám rễ sâu trong bản-chất, nhu-cầu và bổn-phận của con người đến nỗi tôi tin rằng con người sẽ không mất đi những nguồn lực căn bản của mình, họ sẽ là sự bảo-đảm cho con tàu không bị đắm-chìm.

 

Thật khó tưởng-tượng rằng trong thời-gian tới lối sống công giáo lại được xem là lối sống đặc-biệt tân-tiến; cho dù xét kĩ ra thì đó là lối sống tốt, tự-tin và quyết-liệt nhất, mà người ta có thể nghĩ ra trong thời-đại này.

Người ta cho Giáo-hội là một hệ-thống già-cỗi xơ-cứng, càng ngày càng rút mình vào cố-thủ dưới manh áo giáp nặng-nề đè lên ngay chính cuộc sống mình. Nhiều người có cảm-tưởng như thế. Ít người nhận ra nơi Giáo-hội nét tươi-trẻ, can-trường và quảng-đại, giúp phá vỡ vòng vây của cuộc sống thói quen nhàm-chán. Chỉ những ai đã trải qua kinh-nghiệm về lối sống tân thời mới thấy điều đó.

 

Nhiều người rõ-ràng không còn hiểu được nữa đâu là thực chất của Giáo-hội và Giáo-hội sẽ phải ra như thế nào. Ý-nghĩa thật của các dấu-chỉ và lời nói của đạo Chúa giờ như mờ trong nhân-ảnh. So-sánh với Phật giáo thiền-tông chẳng hạn, nhiều người cho rằng mình có thể dễ-dàng hiểu nó chẳng cần tới giáo-lí hay nỗ-lực gì cả.

Đúng thật là chúng ta chẳng còn hiểu gì nhiều về Ki-tô giáo nữa. Chẳng hạn, nhiều bức ảnh trong nhà thờ không còn gợi lên trong ta ý-nghĩa nào nữa, ý-nghĩa trước đây của chúng giờ chẳng còn ai nhận ra; ngay cả những ý-niệm quen-thuộc của thế-hệ trung-niên, như ‚nhà-tạm’ chẳng hạn, nay trở thành xa-lạ. Thế mà đa số chúng ta cứ nghĩ rằng đã biết Ki-tô giáo, giờ phải tìm cái gì khác.

Lúc này phải làm sao tạo nên một sự tò-mò về đạo, phải dấy lên ước-muốn tìm hiểu về thực chất Ki-tô giáo. Đây là điểm quan-trọng cần để ý trong việc rao-giảng đạo Chúa; phải làm sao kéo người ta ra khỏi cái ý-nghĩ là đã biết hết cả rồi để dẫn họ vào con đường tò-mò đi tìm một kho-tàng còn dấu kín; cần được quan-niệm kho-tàng đó như kho-báu cuộc đời đáng tìm, chứ chẳng phải là một gánh nặng với những cơ-chế.

 

Xin được vắn-tắt câu hỏi quan-trọng này: „Công giáo“ nghĩa là gì? Có phải là một hệ-thống gì đó? Có phải đó là một cách xếp-đặt trật-tự thế-giới và mọi vật? Tôi đọc được trong sách ngài câu này: „Tất-cả mọi người là tạo vật của một Chúa và vì thế mọi người đều bình đẳng , mọi người là anh chị em thân-thuộc với nhau, tất-cả đều có trách-nhiệm cho nhau và đều được gọi để yêu-thương kẻ khác, bất luận ai“. Có phải đây thật-sự là một câu nói mang ý-nghĩa đích-thực công giáo?

Đúng, tôi hi-vọng như vậy. Trung-tâm điểm của Công giáo là tin Chúa là đấng Tạo-hoá. Từ đó mới có niềm tin vào sự thống-nhất của bản-tính người nơi mọi người và sự bình đẳng của nhân-phẩm.

Nhưng tôi không tin có thể tóm-tắt tính-chất công giáo như một cách sống vào một công-thức. Đọc cương-lĩnh của một chính đảng, chẳng hạn, ta có thể biết hết đường đi nước bước của đảng đó. Nhưng sống công giáo thì bao gồm hơn thế, ta chỉ có thể kể ra một số thành-tố thiết-yếu của nó, nhưng không chỉ có chừng đó. Đó là việc sống cả một cuộc sống, bao gồm toàn-bộ chương-trình cuộc đời mình. Vì vậy tôi tin rằng không thể diễn-tả nó chỉ bằng ngôn-từ. Nó phải là một cách sống, một cách đi vào cuộc đời với sự hoà-nhập nhuần-nhuyễn giữa lối nghĩ và cách hiểu của mình. Hai yếu-tố đó tương-trợ cho nhau.

Dĩ-nhiên chúng ta có thể kê ra một số điểm trọng-yếu, trước hết là thật-sự tin vào Chúa là đấng hiểu-biết con người, đấng có tương-giao với con người và con người có thể đến được với Ngài qua đức Ki-tô và là đấng cùng với con người làm nên lịch-sử. Đấng đó đã cụ-thể hoá sự hiện-diện của mình qua việc lập nên một cộng-đoàn.

Nhưng tôi nghĩ ta chỉ có thể hiểu những điều trên khi ta cùng lên đường. Nghĩ và sống là một, ngoài ra tôi tin là không có cách nào khác để hiểu tính-chất công giáo.

 

Hiển-nhiên không có một công-thức, nhưng người ta ít nhất cũng có thể nêu lên được cái cốt-lõi của đức tin chứ ?

Cốt-lõi đó là tin vào đức Ki-tô là con Thiên Chúa đã nhập thể làm người; và qua đức Ki-tô chúng tôi tin Thiên Chúa ba ngôi đã dựng nên trời và đất; chúng tôi tin Thiên Chúa đã hạ mình xuống thật thấp để nâng dắt con người và đã cùng con người làm lịch-sử; và Giáo-hội chính là cái khung ưu-tiên diễn ra lịch-sử đó. Giáo-hội ở đây không chỉ là một tập-hợp con người – mặc dù không biết bao nhiêu người tập-hợp trong đó – Nhưng bản-chất đức tin là sống với Giáo-hội và sống trong lòng Giáo-hội, nơi cùng sống và cùng chia-sẻ lời Chúa.

 

Mát-thêu ghi lại trong Tin-mừng „Ai trở nên bé-nhỏ như đứa trẻ này người đó là kẻ lớn nhất trên thiên-quốc“.

Thần-học về sự bé-nhỏ là một khái-niệm nền-tảng trong đạo Công giáo. Đức tin cho chúng tôi hay cái cao-cả đặc-biệt của Chúa thể-hiện ra trong sự bất-lực, về lâu về dài sức mạnh của lịch-sử lại nằm trong tay những kẻ yêu-thương, nghĩa là sức mạnh đó không đo được bằng thước đo cường-lực. Thiên Chúa đã cố tình cho chúng ta thấy Ngài là ai, một đứa trẻ yếu-đuối ở Na-da-rét và một tù nhân bất-lực trên đồi Gôn-gô-tha. Nghĩa là Ngài đã không hiện-thân như một siêu-nhân có sức tàn-phá – thế-giới vẫn lấy khả-năng tàn-phá làm thước đo quyền-lực -, nhưng trái lại cho thấy cường-lực tàn-phá dẫu lớn thế nào cũng không bằng chút sinh-lực tình yêu cỏn-con.

 

Có lần ngài nói đức tin Ki-tô giáo không phải là lí-thuyết mà là một biến-cố.

Phải, điều này rất quan-trọng. Cả cái cốt-yếu nơi đức Ki-tô cũng chẳng phải là Ngài loan-báo một số tư-tưởng nào đó – dĩ-nhiên Ngài cũng đã làm điều này – nhưng tôi trở thành ki-tô-hữu khi tôi tin vào biến-cố này là Chúa đã đi vào thế-gian, Ngài đã hành-động; bởi thế đây là một hành-động, một thực-tế chứ chẳng phải là chuyện chỉ có trong tâm-tưởng.

 

Cái gì trong đạo Công giáo làm cá-nhân ngài mê-say nhất?

Tuyệt-vời là được gia-nhập Giáo-hội sống-động và lớn-lao này. Chỉ xét về khía-cạnh con người thôi thì điều đó đã là một cái gì đặc-biệt rồi. Một định-chế với bao nhiêu yếu-đuối và vấp ngã của con người mà vẫn tồn-tại. Sống trong cộng-đoàn lớn này tôi có thể hiệp-thông với những người còn sống và cả những kẻ đã qua đời. Và cũng qua Giáo-hội tôi nhận-chân được điều quan-yếu của đời mình - là nhận ra được một Thiên Chúa vẫn hằng quan-tâm tới tôi -, đời tôi đặt nền trên sự nhận-chân đó, có thể sống và chết với nó.

 

Phải chăng tự thân đức Giê-su Ki-tô và cùng với Ngài cả tổ-chức Giáo-hội không phải là một huyền-nhiệm, và ai muốn chấp-nhận hay không thì tuỳ ý, như người Mĩ vẫn thường nói: „Take it or leave it“ (cầm lấy hay bỏ nó) ?

Hẳn-nhiên là mỗi người phải tự quyết-định, đúng vậy. Nhưng không phải như kiểu, chẳng hạn, tôi muốn hay không muốn một li cà-phê. Quyết-định ở đây sâu hơn. Nó đụng tới cả cơ-cấu cuộc sống, đụng tới cái gì sâu-thẳm nhất trong tôi. Cuộc đời tôi sẽ hoàn-toàn khác nếu tôi chấp-nhận sống có Chúa, hay không chấp-nhận hoặc chống lại Ngài. Đây là một quyết-định bao gồm toàn-bộ hướng đi của đời tôi: cái nhìn của tôi về thế-giới, tôi muốn tôi là ai và sẽ nên như thế nào. Không phải như bất cứ một quyết-định nào đó của sở-thích hời-hợt bên ngoài giữa trăm ngàn thứ có thể, nhưng trái lại là một quyết-định liên-quan tới toàn-bộ cuộc sống.

 

Nhiều người coi tôn-giáo như thể là một chiếc áo nịt tinh-thần, một phương-tiện, một cấu-trúc hỗ-trợ dành cho những người yếu vía, những kẻ mù-mờ khoác vào để yên tâm với mình và với đời, như nhà phân tâm-học C. G. Jung nói: „Các tôn-giáo là những hệ-thống chữa-trị tâm-lí đúng nghĩa nhất. Giáo-hội có những hình-ảnh đầy quyền-uy diễn-tả hết được mọi vấn-đề tâm-thần“. Bấy nhiêu đó đã đủ chưa? Như thế là đức tin?

Cái đúng ở điều Jung nói, và sau này được Drewermann[1] lặp lại là tôn-giáo tự nó có sức mạnh chữa-trị. Nó cống-hiến câu trả lời cho những khó-khăn và sợ-hãi uyên-nguyên và giúp con người thắng vượt được chúng. Nhưng khi người ta xem tôn-giáo chỉ còn là một đòn-phép chữa-trị tâm-lí hay chỉ dùng hình-ảnh chữa lành bệnh, thì tôn-giáo sẽ mất công-hiệu. Bởi vì rốt cuộc người ta sẽ nhìn ra những hình-ảnh kia là không thật và như thế chúng sẽ mất khả-năng chữa-trị.

Đấy thực ra chỉ là cái do người ta gán cho, chứ bản-chất tôn-giáo không phải vậy. Tôn-giáo còn là cái gì hơn thế, bởi vì nhân loại trong mọi cảnh-huống (và cũng chẳng cần nỗ-lực chữa-trị tâm-lí) vẫn không thể làm gì khác hơn là đi tìm một cái gì khác, đi tìm cái muôn-thuở và cố-gắng vươn tới nó.

Cốt-lõi của tôn-giáo là con người vượt ra khỏi chính mình để nối-kết với một đấng chưa biết, mà đức tin gọi là Chúa, và khả-năng con người vượt ra khỏi những cái có thể nắm có thể đo để đạt tới cái nối-kết uyên-nguyên đó. Con người sống bằng tương-giao; và cuộc sống của nó tốt hay xấu tuỳ vào việc con người có được những tương-giao cơ-bản (như với cha, mẹ, anh, chị, em v.v..) đúng-đắn không. Nhưng tất-cả những tương-giao kia sẽ không đúng khi cái tương-giao đầu tiên, tương-giao với Chúa, có vấn-đề. Tôi có thể nói, chính tương-giao này mới là nội-dung đích-thực của tôn-giáo.

 

Những nền văn-hoá lớn mà ta biết đều đã hay đang có một yếu-tố chung quan-trọng nhất là tôn-giáo. Và giáo-huấn của mọi tôn-giáo xem ra gần như nhau, đó là đòi-hỏi tự-chế, cảnh-giác việc quá coi trọng cái tôi và khuynh-hướng một mình một cõi. Vậy tại sao các tôn-giáo lại không được coi là đồng-đều? Tại sao Chúa của ki-tô-hữu lại trọng hơn Chúa của thổ-dân Mỹ châu? Và tại sao chỉ có một tôn-giáo giúp con người đạt hạnh-phúc?

Quan-điểm coi mọi tôn-giáo đều như nhau, xuất-hiện từ khi bắt đầu có việc nghiên-cứu lịch-sử tôn-giáo trong thời Ánh-sáng, trước đó đôi lúc cũng đã được đề-cập tới, đã là vô lí ngay từ bản-chất tôn-giáo, vì các tôn-giáo không bình đẳng. Có những độ cao thấp khác nhau và có những tôn-giáo bệnh-hoạn và thậm chí làm hại con người.

Phê-bình tôn-giáo của Mác đúng ở điểm này là có những tôn-giáo hoặc những thực-hành tôn-giáo làm tha-hoá con người. Hãy thử nhìn vào các tín-ngưỡng thần-linh ở Phi châu, chẳng hạn. Đấy là lực cản lớn cho sự phát-triển quốc-gia, cho việc hình thành một nền kinh-tế tiến-bộ. Khi ở đâu tôi cũng phải coi chừng thần-linh và sự sợ-hãi vô lí khống-chế hoàn-toàn cuộc sống tình-cảm thì rõ-ràng có cái gì không ổn trong tín-ngưỡng đó. Trong vũ-trụ tôn-giáo ở Ấn-độ (chữ „Ấn-giáo“ là một từ dễ gây hiểu lầm, nó diễn-tả cả một lô tôn-giáo ở Ấn) cũng bao gồm nhiều loại hình khác nhau: Có những tín-ngưỡng rất cao, rất tinh-ròng chứa đấy tình yêu-thương, nhưng cũng có những loại với những nghi-thức tàn-bạo, man-rợ.

Chúng ta biết, tục sát-tế người ghê-rợn đã là một phần của lịch-sử tôn-giáo; chúng ta biết, tôn-giáo bị chính-trị hoá đã trở thành phương-tiện đàn-áp và huỷ-hoại con người; chúng ta cũng đã chứng-kiến những bệnh-hoạn ngay trong Ki-tô giáo. Thiêu sống phù-thuỷ là một sự lặp lại thói-tục của dân German (Đức), tục này nhờ nhiều nỗ-lực truyền-giáo đã biến mất vào đầu thời Trung-cổ, đến cuối thời Trung-cổ, khi lòng tin trở nên sa-sút, lại bùng lên trở lại. Tóm lại, cả các thần-linh cũng không bình đẳng . Có những thần-linh tiêu-cực, nếu như ta nhìn vào vũ-trụ tín-ngưỡng ở Ấn hoặc Hi-lạp chẳng hạn. Tóm lại, chính lịch-sử tôn-giáo cho ta thấy sự phi lí của quan-niệm bình đẳng tôn-giáo.

 

Nhưng ta có thể chấp-nhận sự-kiện một người ngoài Công giáo cũng có thể được ơn cứu-độ chứ ?

Đó lại là một vấn-đề khác. Một người nhận được từ tôn-giáo mình những hướng-dẫn giúp mình vui sống và sống đẹp lòng Chúa - nếu ta muốn dùng chữ này-, thì người đó cũng có thể được cứu-rỗi. Chuyện này không phải không thể xẩy ra, mà trái lại có rất nhiều. Nhưng từ đó mà kết-luận rằng mọi tôn-giáo đều đồng vai như trong một dàn nhạc, như trong một bản giao-hưởng lớn, thì có lẽ sai.

Tôn-giáo cũng khó có thể làm con người trở nên tốt. Điều này có thể xẩy ra trong Ki-tô giáo, khi người ta có một lối sống sai-lạc với đạo hay khi người ta bước vào các giáo-phái. Vì thế tôn-giáo rất cần phải có những quá-trình thanh-tẩy để chúng không trở thành vật cản trong việc sống đạo, nhưng là để thật-sự giúp con người bước đi trên con đường lành.

Tôi muốn nói sở-dĩ Ki-tô giáo muốn qua khuôn mặt đức Ki-tô chứng-tỏ là tôn-giáo đích-thực trong lịch-sử tôn-giáo, điều đó có nghĩa là họ muốn nói lên rằng sức mạnh thanh-tẩy thực-sự thể-hiện trong đức Ki-tô và qua lời của Ngài. Sức mạnh đó có thể không được mọi tín-hữu luôn tuân theo một cách cẩn-thận và đúng-đắn, nhưng nó là mực-thước và hướng đi cho việc thanh-luyện, nhờ đó tôn-giáo không biến thành một hệ-thống áp-chế hoặc hệ-thống vong-thân, nhưng trở nên thật-sự là con đường đưa con người tới với Chúa và về với chính mình.

 

Nhiều người cho rằng chính Ki-tô giáo và Công giáo làm cho con người bi-quan yếm-thế.

Ý-thức hệ đó nẩy sinh từ cuộc cách-mạng Pháp. Người ta cho rằng bản-chất Ki-tô giáo là bi-quan, vì nó tin vào tận thế, vào phán-xét chung. Thời-mới (New Age), trái lại, tỏ ra rất lạc-quan vì khám-phá ra tiến-bộ là định-luật của lịch-sử. Nhưng ngày nay ta thấy hai lối nhìn đó đang nhoà dần. Niềm tự-tin của Thời-mới rõ-ràng đang tan biến. Bởi vì càng ngày ta càng thấy rõ là tiến-bộ cũng đồng nghĩa với sự tiến-triển của khả-năng đập phá, càng thấy đạo-đức con người có lẽ không tiến nhanh như sự hiểu-biết của họ và khả-năng của con người trở thành khả-năng phá-hoại. Ki-tô giáo không cho rằng thế-giới nhất thiết phải luôn tiến-bộ và nhân loại nhất thiết phải luôn tốt hơn.

Đọc sách Khải-huyền ta thấy nhân loại thật ra cứ như đang chạy lòng-vòng. Kinh-hoàng này xẩy ra, biến đi, rồi kinh-hoàng kia lại tới. Và cũng chẳng có điềm báo nào về một tình-trạng cứu-rỗi trong dòng lịch-sử do chính con người tạo nên. Trong Ki-tô giáo không có ý-tưởng cho rằng mọi chuyện liên-quan tới con người nhất thiết không ngừng phát-triển tối-đẹp hơn. Nhưng trái lại niềm tin Ki-tô xác-tín rằng Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi nhân loại và Ngài cũng không để nhân loại hoàn-toàn thất-bại, dù rằng ngày nay nhiều người cho rằng thà con người đừng có mặt thì hơn.

Vì thế, mô-hình lạc-quan bi-quan hoàn-toàn không đứng vững. Tín-hữu ki-tô, cũng như bao nhiêu người sáng-suốt khác, có thể thấy rằng lịch-sử có thể có những cuộc đại khủng-hoảng, có thể ngay hôm nay một khủng-hoảng đang đến với ta. Họ cũng có thể nhận biết rằng lịch-sử không đương nhiên trở nên tốt hơn và biết rằng hiểm-nguy là một thực-tế. Tuy nhiên họ có được cái lạc-quan cuối cùng vì biết rằng Chúa vẫn luôn chở-che thế-giới trong tay Ngài, và bởi thế cả những chuyện kinh-hoàng lay-động ta tận gốc-rễ như Auschwitz[2] cũng cho thấy Chúa bao giờ cũng mạnh hơn sự dữ.

 

Thập giá – một biểu-tượng dễ sợ?

Ở một khía-cạnh nào đó thập-giá quả thực là cái gì dễ sợ, ta không nên phủ-nhận chuyện này. Đó là một lối hành-hình man-rợ nhất trong Thời-cổ mà người ta đã không được phép áp-dụng cho dân Rôma, vì họ coi hình phạt đó bôi nhọ danh-dự dân-tộc này. Thoạt tiên chúng ta khiếp-hãi khi thấy một con người tinh-tuyền nhất trong nhân-loại, một kẻ vừa là người vừa là Chúa đã phải chịu nhục-hình đó. Nhưng chúng ta cũng cần phải sợ cho chính chúng ta và về cuộc sống quá dễ-dãi của ta. Tôi nghĩ Luther[3] đã nói đúng khi ông bảo rằng con người trước hết phải biết hoảng-sợ cho chính mình để từ đó nó mới có thể quay trở về đường ngay nẻo chính.

Nhưng ta đừng dừng lại ở cái kinh-hoàng đó. Đó không phải chỉ là nỗi kinh-sợ, bởi vì kẻ bị treo trên thập giá đang nhìn xuống chúng ta kia không phải là một người thất-bại, không phải là một kẻ cùng đường, không phải là một trong những nạn-nhân hãi-hùng của nhân-loại; bởi vì kẻ bị đóng đinh đó đang nói với ta một điều gì khác hơn Spartakus[4] và các thủ-hạ xấu-số của ông; bởi vì từ thập giá lòng nhân-từ đang toả xuống trên chúng ta, từ kinh-hoàng thập giá một sự sống mới đang bắt đầu. Chính lòng từ-nhân Chúa đang nhìn ta, Ngài tự phó mình trong tay ta, tự trao thân cho ta và như đang cùng ta vác hết cái gánh kinh-hoàng của lịch-sử. Nhìn sâu hơn, thập giá kia một mặt phơi-bày cho ta thấy những nguy-hiểm và kinh-tởm có thể có của con người, mặt khác nói lên sức-mạnh trong sự yếu-đuối của Chúa và cái đáng yêu của Ngài. Như vậy thập giá là dấu-chỉ của thứ-tha, của hoa hi-vọng nở ra từ đáy thẳm lịch-sử.

Ngày nay người ta thường hỏi, sau Auschwitz làm sao còn có thể nói về Chúa và về thần-học được nữa. Tôi có thể trả lời như vầy, thập-giá là bản tóm-tắt trước và đầy-đủ về nỗi kinh-hoàng Auschwitz. Chúa đã bị đóng đinh và Ngài nói với ta, vị Chúa này xem ra yếu-đuối nhưng vô cùng khoan-dung, Ngài tưởng như vắng mặt nhưng thật quyền-uy.

 

Sự thật về con người và về Chúa nói ra nhiều khi có vẻ buồn và khó hiểu. Phải chăng chỉ có những người vững-mạnh mới gánh nổi đức tin? Đức tin thường được xem là chuyện quá lớn. Như vậy làm sao để có được niềm vui trong đức tin?

Tôi muốn nói ngược lại: Đức tin cho chúng ta niềm vui. Nếu không có Chúa, thế-giới sẽ hoang-sơ, sẽ chỉ còn là nỗi buồn chán, và sẽ hoàn-toàn là thiếu-thốn. Điều này ta đang chứng-kiến nơi thế-giới vắng Chúa hôm nay, nó đang càng ngày càng cạn dần sinh-lực và trở nên tẻ-nhạt. Có niềm vui lớn là vì có tình yêu lớn hiện-diện, đó là cốt-lõi của đức tin Ki-tô giáo. Bạn là người chắc-chắn được yêu. Cũng nhờ vậy mà ngay từ đầu Ki-tô giáo đã chiếm được trái tim của đa-số những người yếu-đuối và đau-khổ.

Dĩ-nhiên ngày nay người ta có thể dùng luận-điệu Mác mà cho rằng đạo chỉ là một thứ an-thần chứ chẳng phải là cách-mạng. Nhưng tôi tin, ở mặt nào đó, chúng ta đã vượt qua những phê-bình này. Ki-tô giáo đã đưa chủ và nô-lệ lại gần với nhau, đến nỗi thánh Phao-lô đã có thể nói với một ông chủ: Đừng ngược-đãi nô-lệ của anh, vì nó đã là bạn của anh rồi.

Vì vậy có thể nói yếu-tố căn-bản của Ki-tô giáo là niềm vui. Vui đây không có nghĩa là chút vui-nhộn tầm-phào ló lên từ màn đêm tuyệt-vọng. Chúng ta biết rằng vui-nhộn ồn-ào thường là mặt nạ của tuyệt-vọng. Nhưng đây là một niềm vui đúng nghĩa. Đây là niềm vui gắn chặt với một thân-phận nghiệt-ngã và làm cho thân-phận đó đáng sống. Lịch-sử khởi đầu với tin mừng được Thiên-thần nói với Maria: Hãy vui lên! Trong đêm giáng-sinh, Thiên-thần lặp lại: Ta báo cho các bạn một tin vui lớn. Và đức Giê-su nói: Tôi loan-báo cho anh em một sứ-điệp vui. Tắt lại, cốt-lõi vẫn là: Tôi loan cho anh em một tin vui lớn, Thiên Chúa hiện-diện, anh em là những kẻ được yêu, và đó là điều nắm chắc.

 

Dù vậy, thông-thường không tin vẫn dễ hơn tin. Thật nghịch lí: Một đàng đức tin có đó, con người là một sinh-vật tín-ngưỡng, đàng khác thì con người lại phải chiến-đấu để giữ đức tin.[5] thì rõ.

Bảo không tin dễ hơn cũng chỉ là tương-đối. Dễ ở đây có nghĩa là tự để mình thoát ra khỏi những ràng-buộc của tin và nói: Tôi chả cố-gắng nữa, mệt quá, hãy cho qua một bên. Sự dễ-dãi này là bước đầu của việc không tin. Nhưng sống như thế đâu phải dễ. Sống không tin có nghĩa là mình lơ-lửng trong một tình-trạng hư-vô và rồi trước sau gì mình cũng sẽ tìm-kiếm những điểm tựa. Sống trong tình-trạng không tin quả không đơn-giản. Cứ đọc triết-lí không tin của Sartre và Camus[6] thì rõ.

Hành-vi tin xét như một cuộc lên đường và sự chấp-nhận có lẽ không đơn-giản, mặc dầu cái giây phút tin thực-sự đến với tôi - „mày có quyền sung-sướng rồi đấy“ – có thể diễn ra vô cùng nhẹ-nhàng. Vì thế không được phép nhấn mạnh một chiều đến cái cực-nhọc của tin. Cái dễ của không tin và cái khó của tin nằm trên nhiều bình-diện khác nhau. Theo tôi, cái gánh nặng của không tin còn lớn hơn. Tin cũng làm con người trở nên nhẹ-nhàng. Các giáo-phụ, đặc-biệt trong thần-học đan-viện, thường nói lên điểm đó. Họ nói: Tin có nghĩa là mình trở thành thiên-thần. Mình có thể bay bổng vì không còn thấy mình nặng-nề nữa. Tin có nghĩa là thoát ra khỏi trì lực níu-kéo để du mình vào tình-trạng bay bổng của đức tin.

 

Cái gì làm một người công giáo tốt khác với những người khác?

Người công giáo cũng là người như bao kẻ khác. Cũng có đủ loại xấu tốt. Trong mọi tôn-giáo đều có những người với tâm-hồn rất trong-trắng, mà thần-thoại các tôn-giáo đó bảo là họ đã chạm tới được cái bí-ẩn lớn-lao và đã tìm ra cách-thức sống làm người tốt-đẹp. Tôi nghĩ không nên lập bảng thống-kê người tốt nhất ở đâu. Song có một điểm ta dám nói: Ai kiên-nhẫn sống đức tin và để cho đức tin uốn-nắn mình, người đó, mặc cho bao thất-bại và yếu-đuối, cũng sẽ được tinh-luyện và trở nên tốt.

 

Người công giáo hạnh-phúc hơn những người khác?

Hạnh-phúc là một khái-niệm đa diện. Ông chỉ cần đọc bài giảng trên núi thì biết, bài giảng mở đầu với những chúc phúc. Có thể nói Chúa đã mở ra một trường dạy hạnh-phúc, Ngài giới-thiệu cho nhân loại trường hạnh-phúc: „Tôi chỉ đường cho quý vị“. Nhưng nếu đọc kĩ những lời dạy, ta thấy quan-điểm hạnh-phúc của Ngài khác xa với quan-niệm con người vẫn có.

Đối với ta, có lẽ hạnh-phúc là những ai có của, những ai có phương-tiện làm đẹp cuộc đời mình, những ai sống an-vui thoải-mái và gặp nhiều may-mắn trong cuộc đời. Nhưng Chúa thì lại bảo: Hạnh-phúc cho những kẻ đau-buồn. Nghĩa là bài học hạnh-phúc của Ngài thật mâu-thuẫn, ít là khi đem so với những gì ta nghĩ về ý-niệm này. Hạnh-phúc của Ngài không đồng nghĩa với dễ-dàng thoải-mái. Có vậy mới hiểu thấu được chữ „quay trở về“ của Ngài. Ta phải rời bỏ những chuẩn-mực thông-thường - „hạnh-phúc là tiền-tài, của-cải, quyền-lực“. Đi trên đường đó là ta đang lạc đường. Ngài không hứa-hẹn cho người theo Ngài một hạnh-phúc „bên ngoài“, nhưng là một bảo-đảm an-lành tâm-hồn qua việc kết-hợp với Ngài. Dĩ-nhiên ở đây cũng phải hiểu chính Ngài là tia sáng hạnh-phúc tối-hậu trong cuộc đời tín-hữu Công giáo.

 

Nhưng Chúa ở đâu, tìm Ngài ở đâu? Ngài ẩn mặt? Hình như Chúa rất ít khi xuất-hiện. Con người thất vọng nghĩ rằng Chúa không trả lời họ, chẳng có tín-hiệu nào cho thấy họ đang gặp Ngài trên một làn sóng phát tuyến nào đó.

Ngài không ồn-ào, Ngài không nhất thiết tỏ-hiện chẳng hạn như qua những vụ thiên-tai - dù rằng đó có thể cũng là một lối lên tiếng của Ngài. Ngài không ồn-ào, nhưng vẫn luôn phát sóng. Vấn-đề là ta có mở máy sẵn để dò bắt tín-hiệu đó hay không. Trong cuộc sống và lối nghĩ thường ngày của ta có quá nhiều sóng nhiễu khiến ta khó bắt được đài. Và chúng ta cũng quá xa-lạ với ngôn-ngữ của đài đó nên không nhận ra tiếng của Ngài. Nhưng tôi có thể nói, hễ bất cứ ai quan-tâm đều có thể cảm-nhận được rằng chính Ngài đang nói với tôi lúc này. Và làm quen được với Ngài là cả một may-mắn cho tôi. Ngài có thể xuất-hiện đột-ngột ngay trong những hoàn-cảnh tai-ương, nếu như tôi tỉnh-thức hoặc nếu như có ai đó giúp tôi mở được mật-mã thì chắc-chắn sẽ nhận ra tín-hiệu. Hẳn nhiên Ngài không lớn tiếng, nhưng Ngài nói qua dấu-chỉ và qua các biến-cố cuộc đời ta, qua tha-nhân. Chỉ cần một chút tỉnh-thức và đừng đa mang để bị vướng-mắc vào tất-cả những cái hời-hợt.

 

Tín-hữu công giáo có được phép ngờ-vực không? Hay họ lại bị coi là đồ giả-hình hay là tên lạc-đạo? Cái lạ-lùng khó hiểu nơi tín-hữu ki-tô là họ phân-biệt hai loại chân-lí, chân-lí khoa-học và chân-lí tôn-giáo. Họ vừa nghiên-cứu lí-thuyết Darwin[7] vừa đi nhà thờ. Có thể tách hai cái đó ra được không? Bởi vì chỉ có một chân-lí duy-nhất mà thôi, hoặc thế-giới được tạo-dựng trong vòng sáu ngày, hoặc là nó hình thành sau hàng triệu năm tiến-hoá.

Sống trong thế-giới rối-rắm hiện nay con người không thể không ngờ-vực. Ngờ-vực không nhất thiết phải gắn liền với việc bỏ đạo. Tôi vừa có thể thành-thực nêu lên những câu hỏi thôi-thúc tôi đi tìm lời giải, vừa bám vào Chúa và vào nội-dung cơ-bản của đức tin. Một mặt tôi nỗ-lực tìm lời giải cho những vấn-đề xem ra mâu-thuẫn, nhưng mặt khác tôi cũng tin rằng tôi sẽ chẳng bao giờ tìm được câu trả lời cho hết mọi chuyện, và dù vậy, thế nào rồi những chuyện đó cũng sẽ được giải-quyết. Trong lịch-sử thần-học thỉnh-thoảng cũng có những sự-kiện không thể lí-giải ngay và người ta cũng không nên gượng-ép giải-thích cho qua chuyện.

Đức tin cần kiên-nhẫn và thời-gian. Đề-tài ông nêu ra - Darwin, sự tạo-dựng vũ-trụ, thuyết tiến-hoá - là đề-tài của một cuộc luận-bàn cho tới nay và với phương-tiện ta hiện có vẫn là câu chuyện chưa có kết-thúc. Vấn-đề tạo-dựng trong 6 ngày không phải là điểm cấn-cái nan-giải giữa khoa-học tân-tiến về việc hình thành vũ-trụ và chuyện đức tin. Bởi vì trình-thuật Tin-mừng chỉ mang tính thần-học, chứ không phải nhằm kể lại lịch-sử cấu-tạo vũ-trụ. Kinh thánh Cựu-ước cũng có những trình-thuật khác về tạo-dựng. Những câu chuyện tạo-dựng trong sách Gióp và sách Khôn-ngoan cũng cho thấy tín-hữu thời đó đâu có nghĩ là tiến-trình tạo-dựng được ghi lại rõ-ràng như những tấm hình chụp. Những hình-ảnh Kinh thánh đó chỉ muốn cho ta thấy một điều cơ-bản: vũ-trụ này hình thành do quyền-lực của Chúa và nó là sản-phẩm của Ngài. Còn tiến-trình hình thành của nó ra sao thì lại là một vấn-đề khác, Kinh thánh hoàn-toàn để ngỏ chuyện này. Riêng thuyết tiến-hoá, trái lại, còn chất-chứa quá nhiều giả-thuyết và thường bị trộn lẫn với những triết-thuyết thần-bí nên còn cần rất nhiều nghiên-cứu luận-bàn.

 

Nhiều người không vượt qua được giai-đoạn trẻ con để trưởng-thành trong đức tin. Làm sao để một người, sau khi đã đọc những tài-liệu phê-bình Kinh-thánh, có thể trở lại với đức tin tinh-ròng?

Người đó phải hiểu rằng câu chuyện lịch-sử tạo-dựng rắc-rối trong Kinh thánh không phải là nội-dung đức tin. Song có một cái gì khác hơn, lớn hơn đang chiếu sáng xuyên qua câu chuyện đó. Nhưng trái lại, qua câu chuyện tạo-dựng phức-tạp đó, dĩ-nhiên vẫn chỉ mang tính giả-thuyết, ta có thể thấy được những lời viết ra và những thực-tế - những thứ mà con người đã không dễ tự nghĩ ra được - đã thấm-nhập lên tâm-trí con người sâu-đậm tới chừng nào. Tôi tin rằng, chính khi ta làm quen với yếu-tố con người trong lịch-sử Kinh-thánh, ta càng thấy rằng ở đó không chỉ có yếu-tố con người mà thôi, nhưng còn có một sự hỗ-trợ khác nữa. Vì vậy, cứ an-tâm để những gì thuộc lãnh-vực kĩ-thuật cho khoa-học tìm hiểu. Và khoa-học chắc-chắn sẽ mở ra những soi-sáng giúp ta trở về lại với hành-vi đức tin đơn-giản. Khoa-học sẽ giúp ta thấy rằng trong toàn-bộ câu chuyện lịch-sử có một không hai đó không những có phần đóng-góp của con người, mà còn có một cái gì lớn hơn đã xẩy ra trong đó.

 

Có bao nhiêu con đường tới Chúa?

Bao nhiêu người thì bấy nhiêu con đường. Bời vì, ngay cả giữa những người cùng chung một niềm tin, mỗi người sống mỗi khác. Chúa Ki-tô nói: Tôi là đường. Như vậy rốt cuộc cũng chỉ có một đường mà thôi, và kẻ nào lên đường tìm Chúa, kẻ đó thế nào rồi cũng bước vào con đường của Ngài. Nhưng không phải tất-cả mọi con đường đều như nhau theo ý-thức và ý-muốn chủ-quan của ta. Song trái lại, vì con đường độc-đạo của Chúa quá rộng nên nó biến thành đường riêng cho mỗi người và trong mỗi người.

 

Tertulliano[8] nói câu thật khó nghe: „Tôi tin điều đó, vì nó vô lí“. Thánh An-tịnh (Augustinus) thì lại tin „để mà hiểu“. Còn tại sao hồng-y Ratzinger tin?

Tôi ngả hẳn về trường-phái An-tịnh. Vũ-trụ được tạo-dựng từ lí-trí và nó hợp lí. Cũng thế đức tin có thể nói được là sự hoàn-thành của công-cuộc tạo-dựng nên nó là cửa-ngõ đi vào hiểu. Tôi xác-tín điều đó. Tin như vậy có nghĩa là bước vào hiểu và (nhận) biết. Câu của Tertulliano - ông này vẫn thích những kiểu nói quá đáng - dĩ-nhiên phản-ảnh toàn-bộ suy-tư của ông. Ông ta muốn nói rằng việc Chúa làm thường trái ngược với những gì thế-gian nghĩ. Và Ngài tỏ ra là Chúa qua những trái ngược đó. Nhưng ông này hơi ác-cảm với triết-học, nên tôi không chia-sẻ quan-điểm của ông, nhưng theo quan-điểm của thánh An-tịnh.

 

Và ngài cũng đã có cho mình một khẩu-hiệu tuyên xưng đức tin giống như thế?

Tôi chẳng cần một khẩu-hiệu mới nào cả. Tôi nghĩ câu nói của An-tịnh, mà về sau được Tôma Aquino[9] lấy lại, là tư-tưởng định hướng phải đi. Tôi tin! Và chính trong hành-vi tin này đã hàm-chứa yếu-tố: Hành-vi tin đến từ một đấng mà chính Ngài là lí-trí. Khi tôi tạm lấy đức tin để tùng-phục trước một đấng mà tôi không hiểu, thì tôi biết rằng chính qua đó tôi mở cửa bước vào một sự hiểu-biết đích-thực hơn.

 

Đa-số người thời nay không thể tin những gì họ biết, và họ chẳng biết những gì nên tin. Trong con người của ngài có sự thống-nhất giữa nghĩ và tin, đồng thời cũng có một kết-hợp toàn diện mà chúng tôi – những người tân-tiến thời nay, những kẻ hay nghi-ngờ, những kẻ sa vào mê-lộ - không thể có được. Ngài nghĩ thế nào?

Tôi không dám luận-xét chung-chung về con người tân-tiến thời nay mà bảo rằng tất-cả họ đều bị xâu-xé hay đã không bằng cách này hay cách khác tìm ra cho mình được một sự hài-hoà tâm-hồn. Tâm mỗi chúng ta đều bị dằng-co giữa nhiều cực.

Điều này cũng đúng cho tôi, cho một linh-mục hay một giám-mục. Bởi vì sở-thích cá-nhân, sở-trường, sở-đoản, biết và không biết… không đơn-giản tự-nhiên hoà lẫn với đức tin Ki-tô giáo. Do đó tâm của mỗi người, trong đó có tôi, luôn ở trong tình-trạng căng-thẳng. Nhưng tôi không coi đó là sự xâu-xé. Đối với tôi, việc đồng-hành với Giáo-hội trong niềm tin và biết rằng mình có quyền tin vào cái hiểu-biết mình đang có và rằng những cái hiểu-biết khác đều nhận được ánh sáng từ nó mà ra hoặc ngược lại, tất-cả hẳn đều kết chặt với nhau. Nhất là việc tin vào đức Ki-tô và qua đó cố-gắng tìm cho cuộc sống mình một sự nhất-thống đã giúp tôi kết-hợp được các mối căng-thẳng, để chúng không bị căng quá mà đứt dây.

 

Khi bàn về một cuộc truyền-bá Tin-mừng mới ngài đã nói đến những gặp-gỡ mới, thậm-chí nói đến nhu-cầu một cuộc cách-mạng ki-tô giáo. Bởi vì không phải những hiểu-biết tinh-vi có thể tạo nên được “nền văn-hoá kitô-giáo mới sống-động”, nhưng chuyện cần hơn là phải làm sao tái giới-thiệu đức Ki-tô cho con người. Tôi nghĩ, nhiều người ngày nay rất muốn tin, nhưng vấn-đề là họ không thể tin được. Xem ra chuyện tin ngày nay không còn đơn-giản như trước đây.

Cái đó rõ-ràng. Một đàng chúng ta ngày nay sở-hữu được quá nhiều nhận-thức và kinh-nghiệm, đàng khác đức tin lại được trình-bày quá tỉ-mỉ và hệ-thống khiến không tìm ra lối vào. Tôi nghĩ cần phải có một thứ cách-mạng đức tin về nhiều mặt. Trước hết, đó là có gan chống lại những quyết-đoán chung hiện nay của thiên-hạ. Con người thời nay đang bị một thứ chủ-nghĩa (ý-hệ) vừa-phải ám-ảnh. Chủ-nghĩa này dạy họ phải bằng mọi cách đạt cho được một mức sống nào đó, phải làm sao để có thể tự đạt đích, nghĩa là phải đạt được cái mình ước, mình thích. Với cái chủ-nghĩa đó Thiên Chúa rút cục là một thực-thể xa-lạ, chẳng chút liên-hệ gì tới cuộc sống họ nữa cả. Thêm vào đó, chủ-nghĩa đó cũng coi luân-lí chỉ là kết-quả của những tình-cờ hay những tính-toán mưu-cầu hạnh-phúc.

Như đã nói, cái chủ-nghĩa vừa-phải này đang dồn-ép ta hàng ngày và đẩy ta vào tình-trạng tự cách-li với những gì quan-trọng nền-tảng của cuộc sống. Một mặt con người không nhận-thức được cái chủ-yếu cuộc đời nữa, mặt khác nó lại cảm thấy như đang thiếu một cái gì đó trong cuộc sống. Đó là căn bệnh tập-thể thời-đại mà ta đang rơi vào, căn bệnh của cảm-giác còn thiếu một thứ gì đó trong cuộc sống, rằng cuộc sống thế này chưa đủ. Vì thế ta phải có can-đảm phá tung những cái mà con người vào lúc kết-thúc thế-kỉ XX đang cho là “bình-thường” và tái khám-phá ra đức tin trong dạng-hình nguyên-tuyền của nó.

Sự khám-phá này trước hết đơn-thuần là gặp đức Kitô. Nhưng không phải gặp Ngài qua dáng một anh-hùng lịch-sử, nhưng gặp một Chúa đã xuống thế làm người. Và chỉ khi nào cuộc gặp-gỡ này được thực-hiện trong cuộc sống, thì cuộc sống mới có hướng đi khác. Và từ đó bắt đầu một văn-hoá đức tin, tôi xác-tín như vậy. Điều quan-trọng là một quyết-định như thế không bao giờ mang tính cá-nhân riêng-lẻ, nhưng nó phải được chia-sẻ, phải gây-dựng nên cộng-đoàn. Và trong chừng-mực nó được sống, nó sẽ tạo nên một cách sống và và đem lại văn-hoá.

 

Nhiều người nóng-lòng chờ tương-lai, lao đầu tin-tưởng vào một ngày mai đầy hứa-hẹn nhưng không biết rồi ra như thế nào. Chưa bao giờ có nhiều kết-thúc và bắt đầu như ngày nay. Thỉnh-thoảng người ta có cảm-tưởng nhiều chuyện rồi ra cũng sẽ trở nên tốt-đẹp. Mặt khác, thế-giới hiện tại xem ra như là một nhà thương điên lớn, trong đó xã-hội lạc-thú và hưởng-thụ bên cạnh đói nghèo, chiến-tranh, thiên-tai càng ngày càng tăng, trong đó nhiều dấu-hiệu cho thấy văn-hoá suy-vi, mất-mát trầm-trọng về sự sáng-suốt và khôn-ngoan. Chưa bao giờ có nhiều người mất hướng, nhiều nghiện-ngập, nhiều tình-duyên đổ-vỡ, nhiều trẻ lệch-lạc, nhiều kẻ khốn-cùng vì quá thiếu-thốn cũng như vì quá dư-thừa như hiện nay.

Thưa Hồng-y, ngài có lần nói, cái mà thế-giới chúng ta hôm nay thiếu, không phải là khả-năng đau-buồn, nhưng là khả-năng vui. Nhưng ngài có biết không, càng ngày con người càng khó mà vui được?

Tôi nhận thấy niềm vui thanh-thản càng ngày càng trở nên hiếm. Niềm vui hôm nay ngày càng bị gánh nặng luân-lí và ý-hệ chi-phối. Khi tôi vui, cũng là lúc tôi lo vì nghĩ mình thiếu liên-đới với những kẻ đang đau-khổ. Người ta nghĩ rằng, tôi không được phép vui trong một thế-giới đầy-dẫy đau-khổ và bất-công như thế này.

Tôi có thể hiểu được điều đó. Ở đây cũng là quan-điểm đạo-đức, nhưng dù vậy thái-độ đó là một lầm-lẫn. Bởi vì thế-giới không trở nên tốt hơn vì mất vui, cũng như ngược lại việc không-được-phép-vui vì cái đau của kẻ khác cũng chẳng ơn-ích gì cho những người đau-khổ. Trái lại, thế-giới cần những người khám-phá ra cái thiện, qua đó họ vui-mừng, có đà và can-đảm vươn tới nó. Niềm vui này không triệt-tiêu tình liên-đới. Khi niềm vui đúng-đắn, không do từ ích-kỉ, khi nó đến từ việc khám-phá ra cái thiện, thì niềm vui đó muốn được cảm-thông và loan-truyền. Có điều tôi để ý là trong các khu nghèo-đói ở Nam Mỹ chẳng hạn có nhiều nụ cười và nhiều con người sung-sướng hơn tại đất-nước chúng ta. Rõ-ràng là trong nỗi cùng-cực họ vẫn còn cảm-nhận được cái thiện, bám lấy nó để điều-chỉnh mình và tạo lực sống cho mình.

Như vậy, chúng ta lại cần cái niềm tin phó-thác cội-nguồn kia mà chỉ có đức tin mới cung-cấp cho ta được. Đó là niềm tin vào tính bản-thiện của thế-giới, vào sự hiện-hữu của Chúa và Ngài là đấng tốt-lành. Tin rằng cuộc đời đáng sống, rằng sinh ra làm người là một may-mắn. Từ đó ta sẽ có can-đảm vui, từ đó dấn-thân làm cho kẻ khác cùng vui và đón nhận Tin-mừng.

Giờ nói đến khía-cạnh hai mặt của thế-giới hiện tại, như ông đã mô-tả trên đây. Đó là một ý-thức mới về tình liên-đới, về trách-nhiệm đối với nhân loại nói chung và về trách-nhiệm đối với tạo-vật. Có những phong-trào tạo đoàn-kết, những nỗ-lực liên-đới tìm cách dập tắt những lò lửa khủng-hoảng để giúp tái tạo hoà-bình, vượt qua thống-khổ. Đó là những người mà ta phải chân-nhận họ như những công-dân thời-đại và phải cám ơn họ. Qua đó ta thấy rõ-ràng là tính thiện trong con người không thể bị dập tắt được.

Mặt khác, ông đã nói tới một nhà thương điên khổng-lồ với những khốn-cùng ghê-gớm. Ai cũng rõ điều đó. Tôi tin rằng chính xã-hội đoàn-lũ và những khả-năng nẩy sinh nhờ sự làm chủ thế-giới bằng phương-tiện kĩ-thuật đã tạo nên những phẩm-chất mới, kể cả sự ác. Ta không thể không thấy những hiện-tượng đó.

Những thách-đố lớn đặt ra cho chúng ta là phải làm sao chống lại việc đoàn-lũ-hoá con người kia - nó vừa dồn con người vào đàn-lũ vừa đẩy họ vào tình-trạng cực-kì đơn-độc - và tìm lại khả-năng liên-đới lành-mạnh cho con người. Việc này đòi-hỏi sự dấn-thân hết mình của tất-cả mỗi chúng ta, nhưng chỉ với biện-pháp kĩ-thuật và với nỗ-lực của ta mà thôi thì vấn-đề cũng không thể giải-quyết được.

Tôi muốn nói ở đây hai điều đã được ghi-nhận: Con người là một sinh-vật có luân-lí đạo-đức, có trách-nhiệm với mình và với toàn-thể nhân-loại, đồng thời nó cũng là tạo-vật có thể múc nguồn năng-lực duy-nhất từ Thiên Chúa để đi tiếp.

 

-------------------------------

[1] Drewemann (1940- ): Linh-mục, nhà thần-học Đức, bị cất quyền dạy thần-học vì có những quan-điểm khác với giáo-huấn Giáo-hội. 2005 ông đã tự ly-khai với Giáo-hôi.

[2] Tất-cả những ghi-chú dưới trang đều do người dịch thêm vào để làm rõ nghĩa một số từ-ngữ.

[3] Auschwitz :Trại tập-trung và là lò giết người Do-thái lớn nhất của Quốc-xã Đức.

[4] Luther (1483-1546): linh-mục dòng An-tịnh (Augustin), nhà thần-học, đã tách-rời Công giáo và lập nên Tin-lành ở Đức.

[5] Spartakus : người nô-lệ đã lãnh-đạo một số đồng bạn khác chống lại quân Rôma và đã bị giết bằng án treo thập-giá.

[6] Sartre và Camus :Hai triết-gia hiện-sinh hiện-đại người Pháp.

[7] Darwin : Nhà khoa-học chủ-trương thuyết cho rằng con người là kết-quả của một quá-trình tiến-hoá từ loài vô-cơ mà thành.

[8] Tertulliano : Sống vào khoảng 160-225, văn-sĩ la-tinh, viết nhiều để biện-hộ Ki-tô giáo.

[9] Thánh Tôma ở vùng đất Aquino, 1225-1274, người Ý, nhà thần-học lớn nhất của truyền-thống Kinh-viện thời trung-cổ. 

Chương I: VỀ CON NGƯỜI: GỐC-GÁC VÀ ƠN-GỌI

Thưa Hồng-y, ngài nghĩ gì về ý-tưởng này: Chúng ta bước vào đời, và những gì muốn biết thì ta đã biết, và ta đã có mặt nơi ta muốn ở?

Xa-vời quá. Tôi không biết câu đó xuất-phát từ đâu. Nhưng theo tôi, con người bước vào đời như là một kẻ dò đường. Aristoteles[10] đã nói - và cả Tôma đất Aquino cũng đã nói - về một thứ bảng trống (tabula rasa), có nghĩa là cả hai cho rằng con người sinh ra tâm-trí vốn như một tấm bảng trắng, chưa sẵn có kiến-thức nào và tâm-trí con người thoạt-tiên chỉ biết thu-nhận mà thôi. Tôi không thoả-mãn lắm với tư-tưởng này. Nhưng vẫn cho rằng con người trước hết bước vào đời như một kẻ dò đường, sẵn-sàng ghi-nhận tất-cả những chỉ-dẫn của đời.

Tôi hơi ngã theo Platon[11]. Nghĩa là cho rằng con người sinh ra đã vốn sẵn có một trí nhớ, có thể nói vốn sẵn có một hoài-niệm về Chúa, nhưng hoài-niệm này phải được đánh thức dậy. Con người chẳng biết mình phải biết gì, và con người cũng chưa hắn là đã có đó toàn-vẹn, nhưng nó đang trên đường hình thành.

Tôn-giáo trong Cựu và Tân-ước nói nhiều về hình-ảnh một dân Chúa đang lữ hành, đúng thế Is-ra-en (Do-thái) quả thực là một dân-tộc lữ-hành. Đây là hình-ảnh về chính sự hiện-hữu của con người. Hình-ảnh này nói lên con người là một một kẻ đang trên đường và đây không phải là con đường giả-tưởng, nhưng trên đường đó thực sự sẽ có chuyện xẩy ra liên-quan đến nó và nó có thể truy-tìm, phát-hiện ra và cũng có thể không nhận ra.

 

Ngài thường dùng từ „quan-phòng“. Từ đó có nghĩa gì?

Tôi xác-tín rằng Chúa nhìn thấy chúng ta thật-sự và Ngài để cho chúng ta tự-do – nhưng đồng thời Ngài cũng hướng-dẫn chúng ta. Tôi đã từng thấy nhiều điều thoạt-tiên xem ra không hay đẹp, nguy-hiểm, khó chịu nhưng tới một lúc nào đó lại đâu ra đấy. Mình đột-nhiên ngẫm ra như thế là tốt, là đúng đường. Với tôi, điều đó có nghĩa là đời mình không phải là ngẫu-nhiên, song do một kẻ nào đó đã dự-liệu trước, có thể nói đi trước và sắp-đặt cho mình. Tôi có thể chối-từ mà cũng có thể chấp-nhận những điều đó, và rồi thì tôi nhận ra rằng đời mình đã được một ánh sáng „quan-phòng“ dẫn lối.

Điều đó không có nghĩa là con người hoàn-toàn bị an-bài, nhưng sự quan-phòng kia chính là một thách-đố đối với tự-do của con người. Cũng giống như dụ-ngôn năm nén bạc. Người nhận bạc đồng thời nhận được một nhiệm-vụ nào đó, nhưng người đó có thể thi-hành cách này mà cũng có thể thi-hành cách khác. Dù sao mỗi người đều mang một sứ-vụ, đều có một khả-năng, không ai là kẻ dư-thừa, vô ích. Mỗi người phải cố nhận ra đâu là ơn-gọi của mình và đáp-ứng theo sức mình cho ơn-gọi đó một cách tốt-đẹp nhất.

 

Ngài sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927 tại làng Marktl bên bờ sông Inn thuộc vùng Oberbayern. Vào ngày thứ bảy tuần thánh. Một ngày thích-hợp với ngài?

Đúng thế. Tôi thấy ngày đó quả là tốt, chiều hôm trước lễ Phục-sinh, đang tiến dần tới Phục-sinh nhưng Phục-sinh còn đang ẩn mặt, chưa tới. Tôi thấy đó là một ngày ý-nghĩa, một cách nào đó nó hé cho thấy hình-ảnh lịch-sử và hoàn-cảnh của tôi: Đứng trước cửa Phục-sinh, nhưng chưa bước vào.

 

Cha mẹ ngài tên là Giuse và Maria. Mới bốn giờ sau khi sinh, lúc 8 giờ 30 phút sáng sớm, ngài được rửa tội. Hình như hôm đó có bão tuyết lớn?

Hẳn nhiên tôi chẳng biết chi-tiết đó. Chỉ nghe anh chị tôi kể là hôm đó trời đổ tuyết nhiều và rất lạnh. Dù đã là ngày 16 tháng 4, nhưng thời-tiết Bayern thì ông cũng chẳng lạ gì.

 

Tuy-nhiên rửa tội mới 4 giờ sau khi sinh không phải là chuyện bình-thường.

Dĩ nhiên. Chuyện là vì đó là ngày thứ bảy tuần thánh – và đó chính là cái làm tôi thích-thú. Thời đó chưa có tục mừng lễ Phục-sinh vào nửa đêm. Phải đợi sáng hôm sau mới có lễ, trong đó nước được làm phép để dùng cho nghi-thức rửa tội suốt cả năm. Và vì có nghi-lễ phụng-vụ rửa tội trong thánh-lễ nên cha mẹ tôi nói: „Đàng nào thằng bé cũng đã chào đời“, nên được ông bà cho rửa tội luôn trong giờ phút trọng-đại đó. Thế là tôi là người được rửa tội đầu tiên bằng nước thánh mới làm phép trong năm. Được sinh ra và rửa tội trong đêm chờ Phục-sinh là một sự-kiện quả thật ý-nghĩa cho tôi.

 

Ngài lớn lên ở miền quê và là em út trong ba anh chị em. Cha ngài làm cảnh-sát, gia-đình chẳng khá-giả gì. Có lần ngài kể, mẹ ngài phải tự làm lấy xà-bông để giặt.

Cha mẹ tôi cưới nhau trễ, và một trưởng đồn cảnh-sát ở Bayern như cha tôi thì lương không khá. Với đồng lương đều-đặn đó thì chúng tôi không đến nỗi nghèo, nhưng phải sống tiết-kiệm và đơn-bạc. Tôi rất cám ơn cuộc sống này, vì nhờ vậy mà chúng tôi có được những niềm vui mà nếu sống trong sung-túc thì đã không có được. Tôi thường nghĩ về quá-khứ đó; nó đẹp làm sao, vì chúng tôi đã có thể mừng-vui vì những cái rất nhỏ-nhặt và đã luôn cố-gắng sống cho nhau, với nhau. Cuộc sống đơn-bạc về tài-chánh đã liên-kết chặt-chẽ chúng tôi với nhau.

Cha mẹ tôi đã phải tằn-tiện lắm khi lo cho ba anh chị em chúng tôi ăn học. Chúng tôi đã cảm-nhận được điều đó và cố gắng đáp lại, chính qua đời sống thật đạm-bạc đó mà chúng tôi biết đùm-bọc nhau và yêu-thương nhau. Chúng tôi hiểu được nỗi lòng hi-sinh và yêu-thương của cha mẹ đối với chúng tôi.

Chuyện làm xà-bông là một trường-hợp hi-hữu. Không phải vì nghèo mà phải làm, nhưng vì lúc đó đang chiến-tranh, không phải cái gì cũng có thể mua được. Mẹ tôi có học nghề làm bếp và bà là một tay thành-thạo đủ thứ việc, nên đã biết công-thức làm xà-bông. Cũng nhờ tài cán và sáng-kiến của mẹ mà dù sống trong thời buổi khan-hiếm chúng tôi vẫn luôn có được những bữa ăn ngon.

Mẹ tôi rất giầu từ tâm và có nội-tâm rất vững-mạnh. Còn cha thì khá duy-lí và cả-quyết, vững tin, cái gì cũng biết rõ trước và có những quyết-định đúng khác thường. Khi Hitler lên nắm quyền, ông bảo: Chiến-tranh sẽ tới, nay là lúc chúng ta phải có một mái nhà!

 

Có một người tên là Georg Ratzinger, đã đóng một vai-trò trong lịch-sử đất Bayern.

Đó là ông bác, anh của cha tôi. Ông là một nhà tu, đã đậu tiến-sĩ thần-học. Khi làm dân-biểu tiểu-bang và dân-biểu liên-bang ông đã ra sức tranh-đấu cho quyền-lợi giới nhà nông và bình-dân. Đọc lại biên-bản Quốc-hội tiểu-bang tôi thấy ông chống lại nạn lao-động trẻ con, quan-điểm này thời đó đã chẳng ai nghe và còn coi đó là chuyện lếu-láo. Bác quả là một tay sừng-sỏ. Tất-cả chúng tôi hãnh-diện về việc làm và uy-tín chính-trị của Bác.

 

Cuộc sống của ngài trong gia-đình như thế nào?

Thứ nhất, vì nghề cảnh-sát của cha, nên chúng tôi luôn phải dời chỗ ở. Chính tôi cũng chẳng còn ý-niệm gì về nơi sinh-quán, làng Marktl. Chúng tôi rời Marktl lúc tôi tròn hai tuổi. Chúng tôi dời về Tittmoning, trú trong một cơ-quan cảnh-sát, trước đây là một nhà-xứ cũ đã xuống cấp ngay giữa phố. Nhà bên ngoài rất đẹp nhưng ở chẳng thoải-mái tí nào. Chúng tôi ngủ trong phòng trước kia là phòng họp, còn các phòng khác thì quá chật. Khá đủ chỗ, nhưng khổ cho mẹ tôi hàng ngày phải khệ-nệ mang củi và than đi lên hai cái cầu thang lớn. Về sau, ở Aschau, chúng tôi sống trong một ngôi nhà đẹp do một nông-dân xây và cho cảnh-sát mướn. So với tiện-nghi của ngày hôm nay thì nhà đó cũng chả thấm vào đâu. Không có bồn tắm, nhưng có nước máy.

Để chuẩn-bị về hưu, cha tôi mua lại căn nhà cũ đơn-sơ của một nông-gia ở Hufschlag gần Traunstein. Thay vì nước máy chúng tôi có một cái giếng rất là lãng-mạn. Một bên nhà là rừng sồi xen lẫn dẻ gai còn một bên là núi, mỗi sáng mở mắt chúng tôi thấy núi trước mặt. Trước nhà chúng tôi trồng táo, mận và mẹ trồng nhiều thứ hoa trong vườn. Đó là một chốn thần-tiên, đất rộng cảnh đẹp. Chúng tôi dệt bao mộng-mơ và đùa nghịch trong nhà kho cũ.

Đó là một thế-giới còn tinh-sơ, chưa bị ai khám-phá. Có cả một phòng dệt cũ, vì người sở-hữu trước chúng tôi là thợ dệt. Phòng-ốc rất đơn-sơ – tôi nghĩ căn nhà được xây năm 1726 – và nhà cần phải sửa-chữa vì nước mưa dột vào khắp nơi. Với chúng tôi, đây là một căn nhà mơ-ước của trẻ con, dù thiếu tiện-nghi. Nhưng với cha và mẹ tôi thì chẳng thú-vị lắm, vì phải lo tiền sửa và hàng ngày phải nặng-nhọc kéo nước từ giếng lên. Nhưng chúng tôi đã trải qua những ngày thiên-đàng ở đó. Chỉ cần đi bộ độ nửa tiếng là tới phố. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi luôn có dịp di-động luôn. Chúng tôi chẳng cảm thấy thiếu-thốn tiện-nghi gì, trái lại được hạnh-phúc, tự-do và phiêu-lưu trong căn nhà cũ nhưng ấm tình người này.

 

Giáo-dục của cha mẹ khá nghiêm-nhặt?

Phải, quả có nghiêm-nhặt trong một khía-cạnh nào đó. Cha tôi là một người trực tính nhưng rất nghiêm-khắc. Nhưng chúng tôi luôn cảm-nhận được là ông nghiêm vì thương-yêu, và vì vậy chúng tôi dễ-dàng chấp-nhận cái khắt-khe đó. Đối lại chúng tôi có cái dịu-dàng và ấm-cúng của mẹ để cân bằng. Hai bản-tính trái ngược, nhưng bù-đắp cho nhau. Dù khắt-khe nhưng chúng tôi đã đùa-giỡn trong ấm-cúng, và cha mẹ cũng chơi chung với chúng tôi. Lại nữa chính âm-nhạc dần-dần đã trở thành lực nối-kết mọi người trong gia-đình.

 

Ngài hâm-mộ Mozart[13]?

Đúng thế! Dù lúc nhỏ chúng tôi đổi chỗ ở luôn nhưng cũng chỉ thay-đổi trong vùng giữa sông Inn và Salzach. Và đoạn đời tuổi trẻ lâu, quan-trọng và đẹp nhất của tôi là ở Traunstein, nơi thấm-nhiễm không-khí Salzburg[12]. Tâm-hồn chúng tôi được thấm-đượm Mozart và cho tới nay nhạc của ông vẫn đánh động tận đáy hồn tôi, vì nhạc đó thật tỏa sáng mà cũng thật sâu đậm. Nhạc đó không chỉ để chơi, nhưng nó hàm-chứa toàn-thể bi-kịch của kiếp người.

Nghệ-thuật là nền-tảng. Chỉ lí-trí khoa-học không thôi không thể diễn-tả hết câu trả lời của con người trước thực-tại, và nó cũng không nói lên được những gì con người có thể diễn-tả, muốn diễn-tả và phải diễn-tả. Mà phải cần nghệ-thuật. Tôi nghĩ nghệ-thuật là cái mà Chúa đã đặt-để trong con người. Nghệ-thuật và khoa-học là hai tặng-phẩm lớn nhất mà Chúa đã trao cho con người.

 

Cha mẹ ngài đã gởi cả ba người con vào nội-trú. Tại sao?

Thời ấy, đó là cách duy-nhất để có được „học cao“. Miền quê có rất ít trường trung-học. Và muốn vào trung-học xa thì chỉ có cách là ở nội-trú. Chị tôi học trung-học cùa dòng Phan-sinh nữ, trường cách nhà 5 cây-số nên chị đạp xe hàng ngày tới trường. Sau một thời-gian, chị muốn vào nội-trú và cha mẹ đã cho chị vào. Anh tôi là người đầu-tiên lên trung-học và phải vào nội-trú chứ chẳng có cách nào khác. Tôi hai năm đầu trung-học vẫn ở nhà, nhưng sau đó phần vì là đứa con duy-nhất còn lại trong nhà, phần nghĩ rằng giáo-dục nội-trú sẽ giúp mình sửa-đổi tâm-tánh – đây quả là điều khá khổ-sở đối với tôi – nên cũng xin vào nội-trú luôn. Nội-trú dạy cho tôi cách sống liên-đới và kỉ-luật. Nhưng chỉ được hai năm, vì sau đó tất-cả các trường trung-học ở Traunstein đều bị biến thành trạm-xá quân-y, và chúng tôi phải về lại nhà.

 

Có thể nói được gia-đình ngài rất đạo-đức?

Phải, có thể nói như thế. Cha tôi rất đạo-đức. Mỗi sáng chủ-nhật ông đi lễ sáng lúc 6 giờ, sau đó lại dự lễ chính lúc 9 giờ và chiếu tối lại đi lễ lần nữa. Mẹ lại càng đạo-đức hơn. Tôn-giáo là điểm chung của hai ông bà, dù mỗi người đạo-đức mỗi vẻ.

 

Việc giáo-dục tôn-giáo trong gia-đình như thế nào? Ngày nay nhiều cha mẹ gặp khó-khăn trong vấn-đề này.

Tôn-giáo là một phần của cuộc sống, chỉ qua những buổi đọc kinh chung cũng thấy điều đó. Mỗi bữa ăn đều có cầu-nguyện. Ngày nào không bị giờ lớp ngăn-cản chúng tôi đều đi lễ và cùng nhau tham-dự lễ chủ-nhật. Sau này, khi cha tôi về hưu, chúng tôi thường lần chuỗi; ngoài ra chúng tôi còn được học giáo-lí trong trường. Cha tôi cũng mua sách đạo cho chúng tôi, chẳng hạn như mua báo đạo nhân dịp rước lễ lần đầu. Nhưng ông bà không trực-tiếp dạy chúng tôi về đạo, mà chỉ qua những buổi đọc kinh và đi lễ thường ngày.

 

Lúc còn trẻ cái gì làm ngài say-mê về đạo?

Tôi ngay từ đầu đã rất say-mê phụng-vụ - cả anh chị tôi hình như cũng thế. Khi học lớp hai, cha mẹ đã mua cho tôi cuốn sách lễ đầu-tay. Tôi thích-thú lạ-lùng khi khám-phá ra thế-giới nhiệm-mầu của nghi-lễ la-tinh, được đọc và hiểu những gì diễn-ra trong thánh-lễ. Bắt đầu từ cuốn sách lễ trẻ con đó chúng tôi từng bước với những cuốn đầy-đủ hơn tiếp-tục cuộc hành-trình khám-phá của chúng tôi.

 

Sách lễ là gì?

Đó là cuốn sách linh-mục dùng khi dâng lễ. Cũng có ấn-bản dịch ra tiếng Đức cho giáo-hữu thường.

Những lễ-nghi phụng-vụ, âm-nhạc, những tượng-ảnh và mọi thứ trang-hoàng trong nhà thờ đều làm cho chúng tôi thích-thú. Đó là một mặt. Mặt khác, ngay từ đầu, xét về khía-cạnh lí-trí, tôi cũng đã say-mê tôn-giáo vì những gì được nghe, được đọc. Đầu óc tôi như thể được hướng-dẫn để tiến lên từng bước. Đấy là điều có lợi cho tôi rất nhiều, đặc-biệt vì trong thời vô-thần Quốc-xã chúng tôi phải chín-chắn trong suy-nghĩ. Người ta đóng ấn mình là công giáo, hay đi nhà thờ và nhất là lại muốn làm linh-mục, chuyện đó lại càng bắt mình phải chuẩn-bị tư-thế tự-vệ.

Tôi cảm-thấy thích-thú khi tìm ra được những lí-lẽ biện-hộ và thấu hiểu những lí-lẽ đó, nó trở thành cuộc phiêu-lưu lí-trí càng ngày càng mở rộng chân trời cho tôi. Sự hoà-nhập giữa phụng-vụ long-trọng với việc tìm-hiểu lí-trí đã là cơ-hội đặc-biệt giúp tôi, một con người vẫn cố-gắng tìm-hiểu thế-giới, đơm đầy cuộc sống mình.

 

Rõ-ràng ở đây có sự liên-hệ với quê-hương Bayern, đặc-biệt của tinh-thần công giáo xứ Bayern của ngài. Ngài vẫn luôn nhấn mạnh, mình muốn bảo-vệ niềm tin khiêm-tốn của những kẻ đơn-sơ chống lại cái tự-cao của các nhà thần-học và cả của những người dân giàu trong các thành-phố lớn vẫn tự cho mình là sáng-suốt.

Chúng tôi cố-gắng sống đức tin công giáo một cách đơn-giản. Nhưng sắc-thái của niềm tin đó chúng tôi đã nhận được trước hết là ở miền quê và sau đó là ở thành-phố nhỏ Traunstein, ở những nơi đó đạo Công giáo đã hoà quyện với văn-hoá cuộc sống và lịch-sử đất-đai. Có thể gọi đó là một thứ hội-nhập văn-hoá đức tin khuôn-đúc nên do lịch-sử của chúng tôi.

Chất địa-phương của người Bayern đã thấm-đượm từ trong gia-đình chúng tôi. Cha tôi là người miền Niederbayern, và như ông biết đó, chính-trị Bayern trong thế-kỉ 19 có hai luồng: Một luồng hướng về quốc-gia dân-tộc Đức, một luồng nặng về khuynh-hướng Bayern-Áo và về khuynh-hướng công giáo thân Pháp. Gia-đình chúng tôi theo luồng thứ hai rất nặng óc địa-phương và hãnh-diện về lịch-sử Bayern này. Mẹ tôi xuất-thân từ vùng Tirol, cũng là miền đượm chất công giáo miền Nam. Chúng tôi đồng-hoá mình với lịch-sử nơi đây và ý-thức rằng lịch-sử này mang nét kiêu-hãnh đặc-biệt nào đó. Lịch-sử này hoàn-toàn khác với lịch-sử quốc-xã, loại đã đẩy nước Đức vào thảm-hoạ 1933 - 1945. Vả lại, cũng nhờ nạn Quốc-xã mà chúng tôi càng xác-tín hơn với lịch-sử riêng của mình.

 

Ngài có gặp khó-khăn gì với thân-sinh ngài không?

Dĩ-nhiên không tránh khỏi hoàn-toàn. Dù vậy tôi và cha tôi rất gần nhau, nhờ nhiều kì nghỉ bệnh ở nhà của ông trong những năm cuối đời làm việc. Chế-độ quốc-xã khiến ông ớn tận cổ nên đã tìm mọi cách để xin được về hưu sớm. Trong những tháng nghỉ đó hai cha con chúng tôi đi dạo với nhau nhiều, nên cảm-thấy rất gần nhau. Lại nữa cả ba anh chị em chúng tôi đều được ăn học, mà tiền hưu của cha chẳng bao nhiêu, nên mẹ lại phải đi nấu bếp theo mùa ở Reit vùng Winkl, và vì vậy ở nhà chỉ còn lại hai cha con chúng tôi mà thôi. Ông kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện, ông có tài kể chuyện. Nghe chuyện và đi dạo đã gắn-bó hai cha con chúng tôi với nhau. Và lòng đạo lẫn thái-độ chống-đối chế-độ quyết-liệt của ông làm chúng tôi vững tin. Khả-năng thuyết-phục đơn-giản của ông đến từ sự thẳng-thắn tâm-hồn. Vì thế chúng tôi coi thái-độ của ông là gương-mẫu, dù thái-độ đó ngược lại với dư-luận của thiên-hạ thời đó.

 

Ông đã tỏ thái-độ ra như thế nào đối với chế-độ?

Ông làm công-chức cho tới năm 1937. Ở Tittmoning chúng tôi chứng kiến cái gọi là “thời đấu-tranh“, thời-kì cuối của chế-độ cộng-hoà Weimar (1919-1933). Lúc đó tôi còn rất nhỏ, nhưng đã hiểu được cái đau của cha tôi. Ông đọc báo „Con đường chính-trực“ (Der gerade Weg), một tờ báo chống lại Quốc-xã, tôi còn nhớ những biếm-hoạ chống Hilter trên báo đó. Giọng-điệu chống-đối của ông rất sắt-đá. Khi thấy chế-độ Hitler đang tới gần, ông quyết-định dời nhà về vùng quê. Miền quê tình-hình tương-đối dễ thở hơn, dù rằng đám đông nông-dân đã ngã theo Hitler. Ông không chống ra mặt, vì ở quê cũng không thể ăn-nói dễ-dàng được. Nhưng ở nhà mỗi khi đọc báo tôi thấy ông điên-tiết. Ông thường nói ra nỗi tức-giận của ông sau đó với những người mà ông có thể thố-lộ được. Dù là một công-chức, ông đã chẳng tham-gia vào hội-đoàn nào cả.

 

Ngài có vào Đoàn thanh-niên Hitler?

Thoạt-tiên chúng tôi không vô. Nhưng khi có luật buộc vào Đoàn năm 1941 thì anh tôi phải tham-gia. Tôi lúc đó còn quá trẻ, nhưng về sau, khi còn đang trong chủng-viện, tôi đã ghi tên vào Đoàn. Nhưng sau khi ra khỏi chủng-viện, tôi không bao giờ tới Đoàn nữa. Nhưng thật khó cho tôi, là vì nếu không có chứng-nhận của Đoàn, tôi không được hưởng chế-độ giảm học-phí. Nhưng mà Chúa thương giúp tôi có được một thầy dạy toán tốt. Chính thầy là một đảng-viên quốc-xã, nhưng thẳng-thắn, thầy bảo tôi: „Hãy tới đó một lần, để có được cái giấy…“. Nhưng khi thấy tôi không muốn tới, thầy nói: Thôi được, tôi hiểu, để tôi thu-xếp“. Nhờ đó tôi may-mắn thoát chuyện lui-tới Đoàn.

 

Khi còn nhỏ ngài muốn sau này lớn lên làm gì? Ai là thần-tượng của ngài?

Tôi không thể nói được ai là thần-tượng của mình. Vì nhận-định trẻ-con thường thay-đổi bất thường. Có lần bị ấn-tượng do một người thợ sơn tường nên muốn được trở thành như ông. Về sau, khi thấy hồng-y Faulhaber mặc áo đỏ tía tới vùng tôi ở, tôi lại bị hớp hồn và mong được như ngài.

 

Thợ sơn tường và hồng-y, hai hình-ảnh chẳng ăn-nhập gì với nhau cả.

Đúng vậy, ông nói đúng, thế mới biết trẻ con chẳng cần cân-nhắc, chỉ xét dựa trên những gì chúng thấy mà thôi. Khi đang ngồi ghế tiểu-học, tôi cũng đã mong được làm thầy dạy học. Mẫu-gương đó thật hợp với mong-ước làm linh-mục về sau này. Song tôi có thể nói rằng việc dạy học, việc truyền-đạt kiến-thức và việc viết-lách đã dấy động hồn tôi rất sớm. Khi đang ở tiểu-học tôi đã bắt đầu viết văn, làm thơ v.v..

 

Làm thơ loại nào?

Đụng gì viết nấy; làm thơ về những chuyện xẩy ra hàng ngày, về Giáng-sinh, về thiên-nhiên. Cái đó đơn-giản là dấu-chỉ rằng tôi thích được diễn-đạt và nhất là được truyền-đạt những gì tôi có. Nghĩa là khi tôi học được gì, tôi muốn truyền tiếp cái đó cho người khác.

 

Ngài chẳng bao giờ muốn lập gia-đình? Và đã có mối tình với một cô nào không? Người ta biết giáo-chủ Gio-an Phao-lô II thời thanh-niên cũng rất si-tình.

Tôi có thể nói rằng trong tôi đã không có một dự-án gia-đình nào cả. Nhưng những tình bạn với nhiều xúc-động thì dĩ-nhiên là có.

 

Ơn-gọi đi tu đến với ngài như thế nào? Ngài nhận ra nó bao giờ? Ngài đã có lần nói: „Tôi biết chắc, nhưng không hiểu bằng cách nào, rằng Chúa muốn nơi tôi một điều gì đó, mà tôi chỉ đạt tới bằng cách làm linh-mục“.

Tôi đã không nhận được sự soi-sáng bất-thần nào của Chúa bảo tôi làm linh-mục. Trái lại mầm gọi linh-mục đã lớn dần lên trong tôi, và đã phải suy đi nghĩ lại, phải nỗ-lực nhiều. Tôi cũng không biết mình chấp-nhận tiếng gọi đó bắt đầu lúc nào. Nhưng tôi sớm có ý-thức rằng mỗi người mang một ý-định của Chúa. Và với thời-gian tôi dần-dà nhận ra là Chúa muốn tôi sẽ làm linh-mục.

 

Về sau có giây-lát nào ngài gặp được một thứ tạm gọi là ngộ - hay được soi-sáng về tiếng gọi đó không?

Ngộ theo nghĩa cổ-điển, kiểu nửa thần-bí chẳng hạn, thì không có. Tôi trước sau chỉ là một người công giáo bình-thường. Nhưng theo nghĩa rộng thì đức tin dĩ-nhiên như tia sáng. Và, nói như Heidegger, vừa tin vừa suy-tư ta có thể nhìn thấy vùng trời sáng đó từ trong các nẻo đường rừng.

 

Có lần ngài viết: „Tất-cả cái hiện-hữu đều là những tư-tưởng đã cô-đọng. Tinh-thần Tạo-dựng là gốc và là nền của mọi sự. Mọi thứ hiện-hữu đều hợp lí ngay từ nguồn-cội của chúng, vì chúng đến từ lí-trí sáng-tạo“.

Đó là những câu tôi dùng để thử diễn-tả những gì giáo-lí về tạo-dựng vũ-trụ của Ki-tô giáo đã khai-triển và hàm chứa trên phương-diện triết-học. Mọi thứ mọi loài trong vũ-trụ không phải tự dưng mà có, song chúng đã được một lực sáng-tạo dựng nên, và lực này không phải là một lực chết nào đó, nhưng chính là lí-trí và tình yêu – và như thế thì mọi vật được tạo-dựng rốt cuộc đều hợp lí. Tôi tin đó là triết-lí tạo-dựng của Ki-tô giáo. Khi ta tin và suy-tư, ta sẽ được soi-sáng, nhưng bảo đó là „ngộ“ theo nghĩa thông-thường thì không phải.

 

Sau khi chọn con đường làm linh-mục, có bao giờ ngài cảm-thấy ngờ-vực, bị cám-dỗ hay thử-thách?

Có. Chính trong sáu năm thần-học tôi phải đối diện với rất nhiều vấn-đề và câu hỏi liên-quan tới con người. Sống độc-thân có phải là con đường của mình không? Làm quản xứ có hợp với mình không? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời. Tôi vẫn luôn nhắm thẳng đi tới, nhưng khủng-hoảng đã không thiếu.

 

Khủng-hoảng nào, ngài có thể kể ra một thí-dụ?

Trong những năm học thần ở München tôi phải tranh-đấu với hai câu hỏi. Tôi mê-say môn thần-học như một khoa-học. Tôi thấy tuyệt-vời quá khi mình được bước vào thế-giới mênh-mông của lịch-sử niềm tin; những chân trời suy-tư và đức tin mở rộng trong tôi, và tôi bắt đầu suy-nghĩ về câu hỏi uyên-nguyên của nhân loại và câu hỏi về chính cuộc đời mình. Nhưng càng ngày tôi càng nhận rõ chỉ vui với khoa thần-học mà thôi thì chưa đủ cho một linh-mục, và công việc ở xứ đạo nhiều khi có thể đưa mình xa thần-học, nó bao gồm những đòi-hỏi khác. Tôi không thể học chỉ để làm giáo-sư, mặc dù đó ước-nguyện thầm-kín của tôi. Nhưng chấp-nhận làm linh-mục với tôi có nghĩa là chấp-nhận trọn-vẹn nghĩa-vụ, chấp-nhận làm cả những chuyện-đơn-giản nhất.

Tôi hơi nhút-nhát và chẳng thực-tế chút nào, không chơi thể-thao và không có khiếu tổ-chức lẫn quản-trị. Vì vậy mà tôi phải tự hỏi: Mình có làm nổi phó xứ không, có hướng-dẫn và động-viên được thanh thiếu-niên không, có dạy giáo-lí cho trẻ nổi không, có biết cách quan-hệ với người già-cả, tật-bệnh không, tôi có thể hiến cả đời cho những chuyện đó không và đó có phải là ơn-gọi của đời mình không.

Thêm vào đó dĩ-nhiên là các câu hỏi, mình có thể giữ độc-thân khước-từ hôn-nhân cả đời được không. Vì đại-học bị hư-hại không có chỗ cho phân-khoa thần nên chúng tôi phải tạm-trú trong lâu-đài Fürstenried ở ngoại-ô thành-phố hai năm. Cuộc sống hàng ngày ở đây không những có sự gần-gũi giữa sinh-viên và giáo-sư mà cả sự chung-đụng giữa nam và nữ sinh-viên. Do đó những câu hỏi trong tôi trở thành thực-tế. Nỗi băn-khoăn đó thường bám sát tôi trong những lúc thả bộ trong công-viên và những khi bước vào nhà nguyện, cho đến khi tôi có thể xác-tín thưa „Vâng“ trong ngày lãnh chức phó-tế vào năm 1950.

 

Ngài có phải nhập ngũ vào khi chiến-tranh kết-thúc?

Có. Từ 1943 tất-cả chủng-sinh ở Traunstein phải nhập ngũ thành một nhóm phòng-không ở München. Lúc đó tôi 16 tuổi, phải thi-hành nghĩa-vụ quân-sự hơn một năm, từ tháng 8 năm 43 tới tháng 9 năm 44. Chúng tôi được đóng trong trường trung-học Max ở München. Bên cạnh công-tác, chúng tôi còn được học chữ, chương-trình tuy rút gọn nhưng cũng khá đủ. Thời-gian nhập ngũ chẳng thú gì, nhưng đã có dịp cho những tình bạn nảy-nở.

 

Ngài làm gì trong thời-gian ấy?

Một pháo-đội thường gồm hai ban chính, ban bắn và ban đo-đạc. Tôi được xếp vào ban đo. Thời đó đã có máy điện-tử và quang-học để dò đo những máy bay đang tới gần và chuyển dữ-kiện đo được sang cho ban bắn. Ngoài những buổi thực-tập đều-đặn, chúng tôi phải có mặt bên máy những lúc có báo động. Cái chán là càng lúc càng có nhiều báo động đêm và có nhiều đêm bị mất trắng.

 

Ngài đã chứng-kiến cảnh München bị dội bom?

Có. Sau đó tôi được chuyển sang ban thứ ba là ban điều-hướng toàn-bộ hệ-thống điện-thoại. Chúng tôi đóng ở Gilching gần hồ Ammersee, một vị-trí quan-trọng, vì phi cơ Mỹ bay vào München từ phía nam qua hướng hồ này. Gần chỗ chúng tôi cũng là xưởng chế phi-cơ Oberpfaffenhofen, nơi những phi-cơ phản-lực đầu tiên được chế-tạo. Chúng tôi là những người được thấy những máy bay phản-lực đầu tiên của Đức cất cánh. Nhiều cuộc tấn-công không-quân đã xẩy ra và chúng tôi đã sống cảnh chiến-tranh thật sự.

Mùa thu năm 44 chúng tôi rời quân-dịch và được chuyển sang lao-dịch. Hai tháng dài tôi đóng ở biên-giới Áo Hung, đúng vào lúc quân Hung đầu-hàng quân Nga. Thời đó người ta đắp nhiều lũy lớn để chống chiến-xa. Cuối cùng tôi được chuyển sang bộ-binh, may thay được về đóng tại Traunstein. Được thế là nhờ ông sĩ-quan trách-nhiệm phân-bổ, ông này là người chống lại Quốc-xã, đã cố-gắng tìm cách giúp-đỡ những ai ông có thể giúp được. Ông cho tôi về Traunstein nên thời-gian lao-công bộ-binh của tôi thành ra tương-đối vô hại. Tôi bị bắt ở Traunstein và được giải về Ulm, nơi quân-đội Mỹ đang giữ 40 tới 50 ngàn tù-binh Đức. Ngày 19 tháng 6 năm 1945 tôi được trả tự-do.

 

Ngài còn nhớ gì về giai-đoạn chiến-tranh chấm dứt?

Lúc đó chúng tôi đang ở phi-trường Aibling. Suốt 6 tuần bị bắt chúng tôi phải nằm trên đất ngoài trời, chuyện chẳng thú-vị gì. Quân Mỹ đã không thể dựng lều hay làm nhà cho một khối-lượng tù-binh đông đến như thế. Chúng tôi không có lịch, không có chi hết, cứ cố moi óc mà đoán từng ngày. Cũng chẳng nghe được tin-tức. Chỉ biết là vào ngày mồng 8 tháng 5, quân Mỹ thay vì cứ bắn đạn chiếu sáng lên trời, bỗng dưng bắn pháo bông như điên-cuồng. Và đâu-đó có tiếng đồn là chiến-tranh đã chấm dứt, Đức đã đầu hàng. Dĩ-nhiên chúng tôi đã thở ra nhẹ-nhõm, với hi-vọng nay mai sẽ được thả về và sẽ chẳng có gì xẩy ra cho mình nữa. Nhưng lại có ngay tiếng đồn bảo chúng tôi đừng vội mừng vì Mỹ giờ đây lại chuẩn-bị đánh Nga, và chúng tôi sẽ được tái võ-trang để gởi đi chiến-trường chống Nga. Tôi đã không thể tưởng-tượng và tin được cái liên-minh kia có thể vỡ nhanh như vậy. Tôi chỉ biết mừng là chiến-tranh đã dứt và tôi sẽ không bị giữ lâu.

 

-------------------------------------

[10] Aristoteles (380-322): triết-gia Hi-lạp.

[11] Platon (427-347): triết-gia Hi-lạp, thầy của Aristoteles, hai thầy trò là cha đẻ của nền triết-học phương tây.

[12] Salzburg, nơi sinh-quán của Mozart

[13] Mozart (1756-1791, nhạc-sĩ sáng-tác nhạc cổ-điển người Áo. Salzburg là nơi sinh-quán của ông.

 

 

 

VỊ GIÁO-SƯ TRẺ

Ngài đã có lần nói: “Khi tôi bắt đầu học thần-học, tôi bắt đầu mê những vấn-đề tri-thức, bởi vì chúng giúp tôi khám-phá ra bi-kịch của đời tôi và nhất là khám-phá ra bí-mật của chân-lí”. Điều đó nghĩa là thế nào?

Đó là tôi hơi “cường-điệu”, chứ đơn-giản khi học thần-học, mình không phải học nó như học một nghề, nhưng nhờ nó để hiểu đức tin, với điều-kiện là đức tin phải chân-thực, như tôi đã nói khi bàn về An-tịnh trên đây. Và đức tin như vậy là cửa ngõ đi vào hiểu-biết đúng-đắn cuộc đời mình, hiểu-biết thế-giới và nhân-loại. Khi học thần- học, mình đương-nhiên bị đẩy vào toàn-bộ cuộc vật-lộn trí-thức với lịch-sử tây phương. Ngay từ đầu, đức tin một mặt quyện-lẫn với gia-sản do-thái, mặt khác với gia-sản hi-lạp và la-tinh, rồi dĩ-nhiên với lịch-sử tân-thời của nó. Xem như thế việc học thần-học dính liền với câu hỏi: Cái đó thực chất là gì? Chúng ta có thể nhận-biết gì?

Chủng-viện của chúng tôi lúc đó ở Freising mang một bầu-khí rất sống-động. Anh em về từ chiến-trường, có người đã kinh qua 6 năm chiến-tranh, ai nấy đều khao-khát tri-thức và văn-học, đầu-óc chất đầy những thắc-mắc khởi đi từ những gì mình đã thấy, đã trải qua. Anh em đọc Gertrud von le Fort, Ernst Wiechert và Dostojewski, Elisabeth Langgässer, nghĩa là tất-cả những tác giả nào thời ấy có. Ai học ở München đều làm quen với nhà thần-học luân-lí thời đó là Steinbüchel, với Heidegger, với Jaspers. Mọi người như bị cuốn hút vào một cuộc vui tinh-thần lớn.

 

Luồng gió tinh-thần nào làm ngài đặc-biệt say-mê?

Tôi rất thích Heidegger[14] và Jaspers, và chủ-nghĩa nhân-vị nói chung. Steinbüchel viết cuốn “Ngả rẽ suy-tư” (Die Wende des Denkens), trong đó ông mô-tả biến-chuyển từ học-thuyết mới của Kant sang giai-đoạn nhân-vị thật hay. Đó là cuốn sách cẩm-nang của tôi. Và ngay từ đầu tôi cũng thích nghiên-cứu thánh An-tịnh như một đối-lực với Tôma đất Aquin.

An-tịnh đã định-nghĩa chức-vụ của mình thế này: “Chỉnh những tay phá-rối, ủi-an những kẻ yếu-đuối, phi-bác đối-phương”.

 

Ngài là một giám-mục đúng nghĩa. Ngài cũng đã viết những cuốn sách khổng-lồ, khiến người ta phải tự hỏi không biết ngài lấy giờ ở đâu ra mà làm chuyện đó ngoài thì-giờ cho những công-việc vặt-vãnh thường ngày. Là giám-mục, ngài đặc-biệt phải đương-đầu với những tranh-chấp chính-trị và luôn quan-tâm tới nỗi thống-khổ của dân đen cũng như tìm cách để tất-cả liên-kết chặt-chẽ với nhau. Đó là một thời biến-động lớn với những cuộc di-dân lớn. Như vậy ngài chẳng phải là người đi trên mây.

Theo luật đế-quốc thời đó giám-mục cũng là một quan-toà. Ông có một số thẩm-quyền và phải xử những vụ kiện dân-sự. Vì vậy, ngày lại ngày, ngài sống trong điều-kiện đó và cố-gắng làm sao để thông-truyền cho họ tin mừng và sự hoà-bình của Chúa. Như vậy ngài cũng là một mẫu gương sống, vì suốt ngày phải dành hết thì-giờ cho người dân và những chuyện lặt-vặt thường nhật, mặc dù đam-mê của ngài là chiêm-niệm và việc tinh-thần.

Cái làm cho tôi xúc-động thời đó không phải là vai-trò mục-tử - điều mà tôi không nắm vững – nhưng là cái tươi-mát và sống-động toát ra từ tư-tưởng của ngài. Triết-học kinh-viện có cái vĩ-đại của nó, nhưng quá vô-ngã. Phải cần thời-gian mới bước được vào nó và mới nhận ra những xung-động nội-tại của nó. Còn ở An-tịnh ta có thể trực-tiếp nhận ra ngay con người đam-mê, đau-khổ đầy thắc-mắc và ta có thể đồng-hoá mình với con người này.

Nhưng cuối cùng ngài đã thích thần-học lịch-sử của Bonaventura, tại sao?

Thật ra là một tình-cờ. Sau khi tôi viết luận-án tiến-sĩ về Giáo-hội cổ, thầy dạy tôi, giáo-sư Söhngen, khuyên nên viết luận-án giáo-sư[15] về thời Trung-cổ hoặc Thời mới. Ông bảo tôi bằng cách nào đó nên nghiên-cứu quan-điểm Mạc-khải của Bonaventura[16]. Vì ông biết tôi chịu ảnh-hưởng của An-tịnh nhiều hơn Tôma nên ông khuyên nên viết về Bonaventura, một tác giả ông nắm vững và ngưỡng-mộ.

Thần-học căn-bản lấy chính “mạc-khải” làm đối-tượng. Mạc-khải thực chất là gì? Có thể có nó hay không? Và những câu hỏi tựa như thế. Khi đã đi sâu vào, tôi nhận ra mạc-khải đối với Bonaventura có liên-hệ với cuộc hành-trình phiêu-lưu của Phan-sinh (Franziskus); và cuộc phiêu-lưu kia cũng lại có dây mơ rễ má với Joachim ở Fiore. Joachim[17] cho rằng ta đang ở thời-kì thứ ba: thời của Chúa Thánh-linh, thời của một giai-đoạn mạc-khải mới. Vị này còn làm cả bài tính khi nào thì thời đó bắt đầu, và theo ông, thời thứ ba này tương-đối phù-hợp lạ-lùng với các dữ-liệu sống của thánh Phan-sinh, nghĩa là Phan-sinh chính là người đưa lịch-sử giáo-hội vào giai-đoạn thứ ba này. Vì thế mà những tu-sĩ Phan-sinh, ít là một số đáng kể trong dòng này, sớm có cái cảm-giác về vai-trò đặc-biệt của họ, vai-trò mà Joachim ở Fiore đã tiên-đoán, là: Đây là giai-đoạn của Thánh-linh, thời-kì của một Dân Chúa mới, nghèo, đơn-giản, chẳng cần cơ-cấu trần-tục nào nữa.

Như vậy ý-niệm mạc-khải chẳng phải xuất-phát từ buổi đầu xa-xôi nữa, nhưng gắn liền với lịch-sử - nó là một tiến-trình đẩy tới trong lịch-sử, nó đang bước vào một giai-đoạn mới. Như vậy quan-điểm mạc-khải của Bonaventura không còn là một đề-tài trừu-tượng nữa, nhưng dính liền với việc ám-chỉ lịch-sử thánh Phan-sinh của chính ngài.

 

Cái đó có ý-nghĩa gì đối với ngài?

Có ý-nghĩa cho hai câu hỏi lớn. Câu hỏi thứ nhất có thể diễn-tả như sau: Nếu như đức tin Ki-tô giáo gắn liền với một mạc-khải đã qua từ lâu thì như vậy phải chăng đức tin đó bị đóng ấn là hoài cổ và con người phải chăng bị cột chặt vào quá-khứ? Như vậy đức tin đó có thể bước kịp với lịch-sử không ngừng đi tới và nó còn có gì để nói cho chúng ta không? Phải chăng nó sẽ phải già-nua đi với thời-gian và trở nên không còn hợp thời? Bonaventura đã có câu trả lời, khi ngài nhấn mạnh đến quan-hệ giữa đức Ki-tô và Chúa Thánh-linh dựa theo Tin mừng thánh Gio-an. Theo ngài, lời mạc-khải lịch-sử thì vĩnh-viễn, nhưng lời đó vẫn không bao giờ cạn-kiệt và luôn mở ra những chiều sâu mới. Trong ý-nghĩa đó Chúa Thánh-linh, đấng thông-dịch của đức Kitô, vẫn luôn tiếp-tục nói lời của Ngài cho mọi thời và chứng-tỏ là lời đó luôn-luôn có cái gì mới để nói với trần-gian. Chúa Thánh-linh không phải là nhân-vật của một thời tương-lai nào đó, như cắt nghĩa của Joachim ở Fiore, nhưng Ngài luôn là tinh-thần thời-đại. Thời-đại Chúa Ki-tô là thời-đại của Chúa Thánh-linh.

Câu hỏi thứ hai liên-hệ tới thuyết cánh-chung và không-tưởng. Con người thật khó mà chỉ hi-vọng vào thế-giới bên kia hoặc vào một thế-giới mới sau thế-giới hiện-tại. Họ muốn có một hứa-hẹn ngay trong lịch-sử (đời này). Joachim là người đã nói ra cái hứa-hẹn đó một cách cụ-thể và như vậy ông là kẻ mở đường cho Hegel[18], và ông này, theo P. de Lubac[19] đã lại là người chuẩn-bị mô-hình suy-tư cho Mác. Bonaventura chống lại không-tưởng, là thứ chỉ bịp con người. Ngài đã thành-công vạch ra một con đường sang-suốt và thực-tế để cản lại quan-điểm sống cuồng-nhiệt và hỗn-loạn tinh-thần của phong-trào phan-sinh. Cũng vì thế mà ngài đã và đang bị nhiều người đả-kích. Nhưng cũng chính ngài, qua cộng-đoàn sống đạo không ảo-tưởng nhưng được thúc-đẩy bởi nhiệt-tình đức tin, đã tìm ra câu trả lời cho vấn-nạn của phái không-tưởng: Các cộng-đoàn đạo-đức kia không sống cho một thế-giới mai-hậu xa-xôi, nhưng là để có được chút ánh sáng thiên-đường cho cuộc đời này. Họ cố-gắng sống một cách “không-tưởng”, bằng cách chối-từ sở-hữu, từ-bỏ ý riêng, dục-tính và các thành-tựu. Nhờ vậy làn gió tươi-mát thổi vào thế-giới, bẻ gãy những gọng kìm và Chúa có thể tới gần giữa trần-gian.

 

Sau khi học xong, ngài giúp xứ một năm. Tôi nghe nói một năm đó ngài hầu như chỉ có cử-hành lễ tang?

Không, không phải. Là linh-mục phó xứ tôi mỗi tuần có 16 giờ dạy giáo-lí trong 6 lớp học, từ lớp 2 tới lớp 8. Chừng đó cũng đã đủ mệt rồi, nhất là mình vừa mới tập-tễnh vào nghề. Về lượng thời-gian thì đó là công-việc chính của tôi, và tôi sớm bị cuốn-hút vào đó vì rất mau thấy mình hợp với trẻ. Lúc đó tôi cảm-thấy thú-vị được thoát ra khỏi không-khí trí-thức để tập nói với trẻ. Thật là vui khi mình tìm ra được ngôn-ngữ để diễn-tả những ý-niệm trừu-tượng mà em nhỏ cũng hiểu.

Mỗi chủ-nhật tôi có ba bài giảng, một cho giới trẻ và hai cho người lớn. Và lạ-lùng thay những thánh-lễ trẻ đều đầy-ắp, vì có cả người lớn bổng-nhiên cũng đến dự. Cộng-đoàn chỉ có một phó xứ duy-nhất là tôi và mỗi chiều tối tôi lại phải một mình lo cho sinh-hoạt thiếu-niên nữa. Mỗi tuần có vài lễ-nghi rửa tội và cũng khá nhiều đám tang, đúng như ông nói, bắt tôi phải đạp xe xuyên khắp München.

 

Chỉ có mình ngài làm những công chuyện đó?

Phải, nhưng tôi có một vị chính xứ rất tốt là đức-ông Blumschein. Ông thật là một mục-tử gương-mẫu; ông không phải là một nhà trí-thức, nhưng là một người sống chết với nhiệm-vụ và rất nhân-từ.

 

Ngài đã là một trong những vị giáo-sư trẻ nhất nước Đức, được sinh-viên lắng-nghe. Một anh học-trò kể: Chúng tôi có một vị ăn-nói khác thường, đụng tới cái gì là sáng ra cái đó.

Tôi tin rằng một phần cũng là nhờ lúc đó mình còn trẻ. Dĩ nhiên tôi không soạn bài bằng cách đơn-thuần chắp-nối chi-tiết từ các sách giáo-khoa, nhưng tôi theo gương thánh An-tịnh cố-gắng liên-hệ được càng nhiều càng tốt nội-dung học với thực-tại và cuộc sống đầy vật-lộn của chúng tôi. Tôi nghĩ đó là cái sinh-viên thích nghe.

 

Trong một diễn-từ của giáo-sư Wolfgang Beinert khen-ngợi nhà thần-học Joseph Ratzinger có đoạn đại-ý như sau, thần-học của ngài thâm-thuý đáng bậc sư-phụ và gắn liền với con người ngài. “Đó là một tinh-thần phân-tích tỉnh-tảo, kết-hợp với một lực tổng-hợp mạnh”. Ngài có thể chỉ ra ngay và vạch trần rốt-ráo những nhược điểm thần-học. Ngôn-ngữ của ngài có “lực toả sáng cổ-điển”. Ngài thấy có đúng không?

Tôi nghĩ ở đây cũng như những diễn-văn ca-ngợi thường mang tính cường-điệu. Dĩ-nhiên tôi vẫn cố-gắng để có những phân-tích chân-thực và đã cố giúp các sinh-viên viết luận-án tiến-sĩ của tôi nhận-diện được những điểm yếu trong cách lập-luận của họ. Tôi không làm việc với từng sinh-viên, nhưng mỗi tuần chúng tôi làm việc với nhau khoảng hai giờ ; lần-lượt mỗi sinh-viên thuyết-trình những thành-quả thâu-lượm được và đem ra thảo-luận chung. Lối làm việc này đối với tôi rất quan-trọng và đó cũng là kinh-nghiệm kết-tinh của con người. Tôi tin với lối này tất-cả chúng tôi đều được lợi.

Và dần-dần chúng tôi mở rộng vòng thảo-luận với những vị khách lớn. Chúng tôi đã tới nghe Congar[20] ở Strasbourg, nghe Karl Barth[21] ở Basel, và ngược lại đã mời Karl Rahner[22]. Những buổi đó thật hào-hứng. Chúng tôi không từ chuyện gì để giúp nhau, phân-tích phê-bình thẳng-thắn trong ý-hướng xây-dựng không ác ý. Mặt khác, chúng tôi cũng không dừng lại ở phân-tích, mà cố đi tới những tổng-hợp.

 

Riêng ngài thấy cái gì cá-biệt trong thần-học của ngài hay trong cách ngài dạy thần-học?

Tôi khởi đi từ đề-tài Giáo-hội, đề-tài mà tôi luôn ấp-ủ. Điều tôi trước đây cho là quan-trọng và nay càng quan-trọng hơn là Giáo-hội hiện-diện không phải vì chính nó, nhưng là để giúp con người nhận-diện ra Chúa. Vì vậy tôi có thể nói rằng tôi nghiên-cứu môn Giáo-hội là để giúp hướng về Chúa. Trong chiều-hướng đó thì Chúa mới là đề-tài trọng-tâm trong nỗ-lực của tôi.

Tôi không bao giờ cố thử đưa ra một hệ-thống riêng, một thần-học mới-lạ nào. Cái cá-biệt, nếu muốn gọi đó là cá-biệt, là tôi đơn-giản muốn cùng suy-tư với niềm tin của Giáo-hội, nghĩa là cùng suy-nghĩ về niềm tin với các bậc thầy lớn của Giáo-hội. Đó không phải là một thứ thần-học lẻ-loi do tôi khởi-xướng, nhưng là một nỗ-lực mở rộng tối-đa trên con đường suy-tư chung của đức tin. Vì vậy đối với tôi môn chú-giải Thánh-kinh luôn rất hệ-trọng. Tôi không thể tưởng-tượng có một môn thần-học thuần triết-lí nào cả. Khởi đầu trước hết là lời Chúa. Và chúng ta tin vào lời đó, cố-gắng làm quen và thấu hiểu lời đó rồi cùng suy-nghĩ với các bậc thầy tư-tưởng về đức tin. Vì vậy, thần-học của tôi là một thứ vừa thâm-nhiễm Kinh thánh vừa thâm-nhiễm các giáo-phụ, đặc-biệt là An-tịnh. Nhưng tôi dĩ-nhiên không dừng lại ở Giáo-hội cổ, song bám sát vào những cao điểm suy-tư lớn, đồng thời đưa những suy-tư đương thời ra bàn-thảo.

 

Chân-lí là ý-niệm bản-lề trong suy-tư của ngài. “Cộng-sự viên của Chân-lí” là khẩu-hiệu ngài đã chọn khi làm giám-mục. Tại sao lại không thể là Cộng-sự viên của Thực-tại hay Cộng-sự viên của Khôn-ngoan?

Nếu không có cái này thì chẳng có cái kia. Chân-lí và Thực-tại đi đôi với nhau. Một chân-lí không thực-tại thì chỉ là thuần trừu-tượng. Và chân-lí không do “khôn-ngoan con người” mài dũa nên thì lại không phải là thứ chân-lí được con người chấp-nhận, mà đó là một chân-lí méo-mó.

Ngay từ đầu Chân-lí không phải là đề-tài chính của tôi. Nhưng trong quá-trình làm công-tác trí-óc tôi cảm-nhận rất sâu-xa vấn-đề này: mình có tự-phụ không khi nghĩ rằng có thể nhận ra chân-lí, mặc dù lí-trí mình có nhiều giới-hạn. Tôi cũng tự nhủ hay tới một lúc nào đó nên bỏ qua vấn-đề này đi thì tốt hơn. Nhưng rồi càng đeo-đuổi nó tôi càng nhận ra rằng nếu chối-từ chân-lí mình sẽ chẳng giải-quyết được gì hết, trái lại làm như thế là mình đưa đến độc-tài tuỳ-tiện. Nghĩa là hết thảy những gì có thể còn lại đều là do mình tự quyết-định và có thể hoán-đổi. Con người sẽ tự hủy-hoại phẩm-giá mình, nếu như nó không thể nhận-biết được chân-lí, nếu như mọi thứ chỉ còn là sản-phẩm của quyết-định tuỳ-tiện cá-nhân hay tập-thể.

Từ đó tôi dần hiểu ra điều hệ-trọng này là dù ý-niệm chân-lí chắc-chắn có những đe-doạ và nguy-hiểm trong nó, nhưng ta vẫn không thể bỏ qua nó, nó vẫn là một khái- niệm nền-tảng. Nó như là một đòi-hỏi đối với ta, không cho phép ta kiêu-căng, nhưng trái lại buộc ta phải khiêm-tốn và vâng lời và có thể qui chúng ta vào một mối chung. Sau cuộc vật-lộn dài với hoàn-cảnh tinh-thần của thời-đại hôm nay tôi dần nghiệm ra vị-trí ưu-tiên của chân-lí. Cái ưu-tiên này, như đã nói, không thể nắm-bắt một cách trừu-tượng, nhưng dĩ-nhiên đòi-hỏi phải có khôn-ngoan bắc cầu.

 

Anh ngài đã nói về người em như sau: “Cái mạnh thì chú ấy còn phải chứng-tỏ, nhưng khi tình-thế đòi-hỏi, chú ấy hoàn-thành mọi nhiệm-vụ mình với hết lương-tâm”. Ngài là con người của lương-tâm?

Tôi cố-gắng sống theo lương-tâm. Tôi không dám cả-quyết tôi là người của lương-tâm. Nhưng điều tôi xem ra quan-trọng là không được vì để chiều đám đông hoặc để được họ công-nhận mà hi-sinh chân-lí. Điều này luôn là một cám-dỗ lớn. Dĩ-nhiên tiếng gọi lương-tâm cũng có thể đẩy con người tới chỗ nghĩ rằng chỉ có mình đúng, mình phải chống lại tất-cả. Nhưng với tôi, việc nghe theo tiếng lương-tâm và sẵn-sàng đặt sự hiểu-biết và điều thiện lên trên thị-hiếu và dư-luận là một lí-tưởng và bổn-phận phải theo. Tôma Morus[23], hồng-y Newman[24] và những chứng-nhân lớn khác - chúng ta có những nhân-vật lớn bị bách-hại dưới thời Quốc-xã chẳng hạn như Dietrich Bonhoeffer[25] - đều là những mẫu-gương lớn của tôi.

 

Tuy nhiên có lần ngài đã khẳng-định, con người sống theo lương-tâm đó phải đặt “chân-lí trên cả cái thiện”. Tôi thấy tư-tưởng này không phải là không nguy-hiểm. Như thế có khác gì hành-động của một đại án-quan toà thẩm-tra thánh thời xưa, như Dostojewski đã mô-tả?

Cái thiện ở đây được hiểu là sự quá dễ-dãi không đúng chỗ, không muốn bị rắc-rối, phiền-hà. Thái-độ này rất phổ-biến, đặc-biệt trong lãnh-vực chính-trị, người ta « không muốn mất thiện-cảm ». Để tránh gây rắc-rối hay bị phiền-hà người ta sẵn-sàng chấp-nhận cái giả-dối, cái bất-lương, bất-chính, bất-thiện. Người ta sẵn-sàng hi-sinh chân-lí để mua sự thoải-mái, thành-công, danh-vọng, để được dư-luận đồng lòng. Tôi không chống lại cái thiện một cách chung-chung. Chỉ với cái thiện thì sự thật mới thành-công, mới chiến-thắng. Cái thiện tôi nói đến trên kia chỉ là một bức tranh biếm-hoạ khá phổ-biến của cái thiện. Nghĩa là người ta dùng chiêu-bài cái thiện để chối-bỏ lương-tâm, để mua dư-luận, để tránh phiền-hà, để được an-thân, để được tiếng.

 

Người ta mô-tả ngài là người có “tính kiên-trì của giống dân Bayern xưa” và cũng có “lòng đạo sốt-sắng và đơn-sơ”. Tất-cả những đức-tính đó xuất-phát từ một chiều-kích sâu thẳm mà ta chỉ có thể mô-tả bằng từ ba-rốc[26]. Một đàng người ta bảo ngài là kẻ ý-thức rất rõ về hố thẳm nhân-sinh, nhưng đàng khác ngài lại “giữ cho mình cảm-nghiệm về cái đẹp tươi-sáng của tạo-vật được cứu-rỗi”. Nghe thật mâu-thuẫn?

Ta có thể nói rằng cuộc sống không mâu-thuẫn, nhưng đầy chuyện ngược đời. Vui khi nhắm mắt trước những nỗi kinh-hoàng của lịch-sử thì niềm vui đó cuối cùng chỉ là dối-trá hay không-tưởng, chỉ là trốn chạy. Nhưng ngược lại: ai không còn khả-năng để nhận ra được rằng Tạo-hoá vẫn còn soi-sáng thế-gian tăm-tối này thì kẻ đó hoặc là người hoàn-toàn hoài-nghi yếm-thế, là kẻ đã hết sức sống hay là nên đưa tay tiễn-biệt cuộc đời đi là vừa. Như vậy, thái-độ chấp-nhận hố thẳm lịch-sử và hố thẳm cuộc đời cũng đi đôi với cái nhìn đức tin về sự hiện-diện của sự thiện, cho dù nhiều khi ta khó thấy sự liên-quan giữa hai thái-độ đó với nhau. Chính khi ta muốn chống lại sự dữ, ta lại càng không nên để mình rơi vào chủ-nghĩa đạo-đức u-buồn, nhưng lúc đó hãy thấy rằng cuộc đời còn có bao nhiêu là cái đẹp, nhờ đó ta mới có sức vượt thắng những gì phá đổ niềm vui kia.

 

Ta có thể dùng thần-học như một trò chơi không, như nhà văn Hermann Hesse[27] đã viết trong tác-phẩm “Glasperlenspiel”(Nhạc-cụ thủy-tinh) của ông?

Như vậy không đủ. Tôi muốn nói rằng cũng có yếu-tố trò chơi trong đó. Nhưng thần-học không nhằm dựng lên một thế-giới giả-tạo, không phải là một loại suy-nghĩ toán-học như trong “Glasperlenspiel”, mà nó thực-chất là một cuộc đụng-độ với thực-tại, với mọi khía-cạnh và đòi-hỏi của nó. Như vậy yếu-tố trò chơi là một phần của thần-học, vì trò chơi cũng đúng là một thành-tố của cuộc sống con người, nhưng nó không đủ để luận-bàn về thần-học.

 

Ngài cũng ưa một tác-phẩm khác của Hesse, cuốn “Steppenwolf” (Sói miền thảo-nguyên). Tiểu-thuyết này được coi là một trong những tài-liệu quan-trọng nhất nói về sự bi-quan văn-hoá và chủ-nghĩa hiện-sinh trong giai-đoạn ban đầu. Trong đó Hesse tả một con người tâm-bệnh quá nhạy-cảm. Những dằn-vặt nội-tâm của nhân-vật này cũng là một thứ chẩn-đoán cơn bệnh thời-đại. Mô-tả của Hesse có liên-hệ gì với con người ngài không?

Không. Lối chẩn-đoán và tiên-đoán của cuốn sách quả là một khám-phá đối với tôi. Một cách nào đó cuốn sách loan-báo tất-cả những vấn-đề mà chúng ta phài đối diện trong những thập niên 1960’, 1970’. Sách tả chỉ một nhân-vật, nhưng nhân-vật đó đã tự phân thành nhiều dạng hình để cuối cùng dẫn đến sự tự huỷ mình. Việc cường-điệu cái Tôi trong đó cũng có nghĩa là sự huỷ-hoại chính nó. Nghĩa là không có hai hồn trong một quả tim, mà chỉ là con người đã bị huỷ-diệt. Tôi đọc không phải để qui-chiếu vào mình, nhưng dùng nó như một chìa khoá để thấu hiểu trước và vạch trần vấn-nạn của con người cô-đơn và muốn tự thu mình vào cô-đơn trong thời hiện-đại.

 

Quan-niệm về đa dạng nhân-cách, nghĩa là người ta cho rằng con người không nên giữ nguyên một bản-sắc, nhưng nên tạo cho mình nhiều nhân-cách, hôm nay có thể khoác cho mình bộ mặt này, mai có thể mang một bộ mặt khác. Quan-niệm đó bắt đầu rộ nở thật sự trong thời-đại chúng ta. Mọi chuyện đều có thể. Cá-nhân không còn bị buộc chặt vào một khuôn nào nữa, cuộc sống vì thế là một cuộc chơi không cùng với muôn cảnh muôn trò.

Chính cái thay-đổi tuỳ-tiện đó làm cuộc sống trở nên trống-rỗng. Cuộc đời không chỉ đơn-thuần là một cuộc chơi. Nó quá quan-trọng, vì trong đó ta phải đối diện với sự chết và đau-khổ. Con người có thể để mất bản-sắc, nhưng không thể trốn chạy khỏi trách-nhiệm, và quá-khứ cuộc sống sẽ luôn mang nó về với trách-nhiệm đó.

 

Và rồi ngài nghiễm-nhiên là một giáo-sư, ngài đã dạy ở Bonn, Münster, Tübingen và Regensburg. Nội-dung giảng-dạy của ngài mang chất cải-cách. Hồng-y Joseph Frings ở Köln cuối cùng đã mời ngài làm cố-vấn riêng. Thế rồi có chuyện lạ xẩy ra. Công-đồng đã được chuẩn-bị xong mọi chi-tiết từ lâu. Nhưng sau khi hồng-y Frings đọc bài diễn-văn nẩy lửa do cố-vấn mình viết, thì mọi dự-thảo công-đồng bỗng-nhiên được thảo lại và các phiên họp dự-trù phải được sắp-xếp lại. Chuyện thật xẩy ra như thế nào?

Như Karl Rahner thường nói, không nên đánh-giá quá cao vai-trò cá-nhân. Công-đồng là một tập-thể lớn, trong đó cá-nhân có thể đưa ra những đóng-góp có tính-cách quyết-định, nhưng chúng chỉ có thể thành hình khi tập-thể muốn điều đó. Có thể những người khác cũng đã nẩy ra những ý như thế nhưng chưa diễn ra được, tập-thể cũng đang chờ-đợi cái gì đó.

Hoàn-cảnh của Công-đồng lúc đó là : các nghị-phụ không đến dự chỉ để thông qua những văn bản đã soạn sẵn hoặc, có thể nói, để làm công-việc chưởng-bạ. Nhưng, thể theo chức-vụ mình, các ngài đến để cùng nhau gắng sức tìm cho ra từ-ngữ cần nói lên trong thời-điểm đó. Ý-tưởng chung của các ngài lúc đó là chính các ngài phải ra tay thực-hiện nghĩa-vụ của mình, không phải để gây đảo-lộn đức tin, nhưng trái lại để phục-vụ đức tin một cách đúng-đắn. Theo cái nhìn đó thì diễn-từ khai-mạc của hồng-y Frings (cũng như diễn-từ của hồng-y Liénart/Lille) thực ra chỉ là nói lên điều các nghị-phụ đang ý-thức.

 

Ngài đã viết gì trong diễn-từ đó?

Trước hết nó không phải do tôi viết, đó cũng chẳng phải là một diễn-văn. Chuyện thế này, Rôma lúc đó đã có sẵn những danh-sách đề-nghị người vào các bộ và các uỷ-ban. Nhiều vị thấy như vậy chưa được. Vì thế hồng-y Frings và cả hồng-y Liénart đưa tay góp ý là chúng ta nên triển-hạn việc bầu, vì cần phải gặp nhau trước để biết ai hợp với lãnh-vực nào đã. Đó quả là tiếng nổ đầu tiên khi Công-đồng bắt đầu. Nếu nghĩ lại thì đấy là chuyện chẳng gay-gắt gì cho cam. Việc tìm ra ứng-viên thích-hợp là chuyện thường-tình. Cái ý bất-chợt của hai hồng-y cũng là ý của toàn hội-nghị.

Chuyện thứ hai xẩy ra khi bản văn về mạc-khải được đưa ra để thảo-luận – câu chuyện tôi kể có thể gồm nhiều biến-cố trong đó. Lúc đó hồng-y Frings tuyên-bố - tôi có góp tay trong lời tuyên-bố này - rằng bản văn soạn sẵn không thích-hợp để làm việc, nó cần phải được các nghị-phụ soạn lại từ đầu. Đúng là một quả bom. Kết-quả kà các nghị-phụ phát-biểu chính các ngài sẽ viết lại các văn-kiện từ đầu.

Bài diễn-từ thứ ba, một diễn-từ trở thành nổi tiếng, là chuyện hồng-y Frings yêu-cầu Thánh-bộ đức tin phải cải-tổ các phương-pháp làm việc và công-việc này phải được tiến-hành một cách trong-sáng. Đó là ba phát-biểu đã gây tiếng vang trong dư-luận.

 

Trái bom đã được chuẩn-bị trước? Và ngài đã không ngạc-nhiên về kết-quả của bài phát-biểu?

Có lẽ nó đã làm nhiều người ngạc-nhiên, nhưng nó cũng hợp với mong-đợi chung. Hồng-y Frings trước đó đã tiếp-xúc với một số cá-nhân và biết được họ cũng mong chuyện đó. Có thể nói, điều hồng-y Frings nói ra hợp với mong-đợi của nghị-hội.

 

Ngài được kể là một nhà thần-học tiến-bộ. Đã là một ngôi sao sáng lúc còn là giáo-sư, các giờ giảng bài của ngài đầy ắp sinh-viên. Ngài thảo-luận công-khai về sự thẳng-thắn và khoan-dung. Ngài cũng chống lại cung-cách tân kinh-viện cứng-nhắc của Rôma và đổ cho các vị trách-nhiệm ở đó làm ngưng-trệ Giáo-hội. Là một nhà thần-học trẻ ngài lúc đó đã phàn-nàn là Giáo-hội đưa ra “quá nhiều luật-lệ, nhiều cấm-đoán quá cứng-nhắc, nhiều thứ trong đó đã khiến người ta chẳng còn màng gì tới chuyện mất niềm tin của thế-kỉ này, thay vì ra công giúp con người trở về với ơn cứu-độ”. Có thể nói rằng, không có sự dấn-thân của ngài thì những cải-cách của Vatican II đã không có được.

Người ta nói quá lời về tôi. Nếu lúc đó đã không có nhiều người cùng nghĩ như thế thì làm sao một cá-nhân, nhất nữa tôi là một nhà thần-học chưa có tiếng-tăm quốc-tế nào, lại có thể tạo được những biến-chuyển, cho dù nhà thần-học ấy nói ra nhờ cửa miệng của một hồng-y có tiếng.

Sau khi giáo-chủ Gio-an XXIII triệu-tập Công-đồng và đưa ra khẩu-hiệu “Aggiornamento” (Cập-nhật với thế-giới hôm nay) thì trong các nghị-phụ cũng có ý-muốn mạnh-bạo phải tìm cái gì mới, cần phải ra khỏi sách-vở khuôn-sáo cũ, cần phải mạnh-dạn với một tự-do mới. Không-khí đó lan từ Nam Mỹ tới Úc châu. Lúc đó Phi châu đã có không-khí đó chưa thì tôi không biết. Nhưng chắc-chắn là đại đa-số các giám-mục đã mang tâm-trạng đó.

Tôi không còn nhớ từng câu mà ông đã trưng, nhưng đúng là tôi lúc đó quan-niệm rằng thần-học kinh-viện, như nó vẫn đóng khung như bấy giờ, đã không còn là dụng-cụ thích-hợp nữa để nói chuyện đức tin với thế-giới ngày nay. Phải thoát ra khỏi vỏ cứng đó, phải đương-đầu với tình-trạng ngày nay bằng ngôn-ngữ mới, bằng sự cởi-mở mới. Vì thế trong Giáo-hội cũng phải có bầu khí tự-do lớn hơn. Có lẽ một phần cũng do nhiệt-huyết tuổi trẻ mà tôi đã mạnh-dạn với ý-nghĩ đó. Nhưng nói chung trong lòng Giáo-hội lúc bấy giờ, song-song với không-khí tưng-bừng lạc-quan của thời hậu chiến, đã mang tâm-thức và niềm hi-vọng là chúng ta có thể bắt đầu một thời-điểm mới cho Ki-tô giáo.

 

Ngài vẫn thường nhấn mạnh luôn cố-gắng trung-thành với công-đồng Vatican II và “chẳng muốn quay về cái quá-khứ hôm qua không thể trở lại” nữa. Nhưng đàng khác, chỉ ít năm sau Công-đồng, ngài lại kể ra những tiêu-cực và “tình-trạng phản Công-đồng ». Người ta chờ thay vì một bước nhảy-vọt đi tới thì lại chứng-kiến một “tiến-trình suy-sụp”. Cái gì đã trệch đường?

Đó là vấn-nạn lớn nhất đã đặt ra cho hết thảy chúng ta. Ta có thể kê ra các mong-chờ đã không được thực-hiện. Và ngày nay, những kẻ “cấp-tiến” đang lớn tiếng về một tình-trạng “mùa đông của Giáo-hội”. Chúng ta đã không chứng-kiến được một thời-điểm mới cho Ki-tô giáo, mà lại thấy nhiều bất-cập - bên cạnh một số thành-công, dĩ-nhiên –, điều đó chẳng cần phải dấu-diếm.

Tại sao thế? Tôi thử nêu lên hai điểm: Thứ nhất là vì chúng ta đã trông-mong nhiều quá. Chúng ta dĩ-nhiên không thể tự tạo ra Giáo-hội. Chúng ta có thể thi-hành công-việc của mình, nhưng thành bại không tuỳ ở hành-động của ta. Những biến-chuyển lớn lịch-sử có hướng riêng của chúng, mà một số biến-chuyển đó chúng ta đã không lường trước được đúng-đắn. Đó là điểm một, chúng ta đã chờ nhiều quá, và nhiều khi chờ những điều không phải, ta muốn Giáo-hội phải bành-trướng ra, nhưng thời-điểm của Giáo-hội có thể lại không phải như thế.

Điểm thứ hai là có một khoảng-cách lớn giữa những gì các nghị-phụ muốn và những gì chúng ta nắm được do truyền-thông cung-cấp và đã ảnh-hưởng lên ý-thức chung. Các nghị-phụ đã muốn cập-nhật đức tin - và qua đó muốn tạo sức bật cho đức tin. Nhưng ta thì lại nghĩ cải-cách của Công-đồng là nhằm trút đi những gì không cần-thiết để ta bớt đi được một số gánh nặng. Và như vậy cải-cách rốt cuộc xem ra không phải là sống đức tin cách triệt-để, nhưng chỉ là một cách làm loãng đức tin.

Càng ngày ta càng thấy những giản-lược, những thích-ứng và nhượng-bộ không phải là hình-thức đúng-đắn để làm nhẹ, đào sâu và cô-đọng đức tin. Nghĩa là tựu-trung có hai quan-điểm về cải-cách. Một quan-điểm nhắm tới việc bỏ bớt quyền-lực và yếu-tố bên ngoài để tập-trung vào đời sống đức tin. Còn quan-điểm kia có thể nói chỉ nhắm tới việc làm sao bỏ bớt ràng-buộc để sống cho thoải-mái. Như vậy thì lạc lối là cái chắc.

 

Rõ-ràng lối cắt-nghĩa trên vẫn tồn tại cho tới hôm nay. Thật lạ-lùng, phe cải-cách cũng như phe truyền-thống ai cũng bảo mình làm theo Công-đồng. Từ năm 1975 ngài đã tiên-tri là di-sản của Công-đồng “chưa được tỏ-hiện. Nó đang chờ thời-điểm của nó và tôi tin chắc rằng thời-điểm đó sẽ tới”.

Phải, đúng, có hai lối giải-thích Công-đồng. Tuy nhiên càng ngày càng rõ là các văn-kiện Công-đồng hoàn-toàn đặt nền-móng vào hướng liên-tục của đức tin. Hiện nay có nhiều người bảo các văn-kiện Công-đồng mới chỉ là đà khởi đầu, qua đó mình phải chọn lấy một hướng đi mà không cần phải bám sát vào các văn bản. Nói như vậy thì đâu còn gì là Công-đồng nữa. Dĩ-nhiên ta không để bị trói vào những từ-ngữ chết, nhưng ý-nghĩa đích-thực của các bản văn có thể nhận ra nếu được diễn-giải đúng-đắn; đó là di-sản lớn của Công-đồng. Chính từ đó mà ta phải đón-nhận, giải-thích và am-hiểu. Chính nhờ thế mà ta có được muôn vàn sáng-kiến đặc-biệt trong tương-quan mới đối với thế-giới, với sự giải-thích về tự-do tôn-giáo v.v.

Trong đó, dĩ-nhiên, cũng đầy-dẫy những chỉ-dẫn giúp đào sâu và khuyến-thích đức tin mà ta cần khai-thác. Đây là điều tôi muốn nhấn mạnh đặc-biệt: Di-sản thật của Công-đồng nằm nơi các văn-kiện của nó. Khi ta diễn-dịch chúng một cách trung-thực và đúng-đắn, ta sẽ tránh được thái-độ quá-khích của cả hai phía; và chúng sẽ mở ra cho chúng ta con đường tương-lai sáng-lạn.

 

Đánh gía của ngài về sự lạm-dụng Công-đồng có liên-quan gì đến bước khởi đầu cuộc nổi loạn của sinh-viên ở Âu châu (cuối những năm 1960’. ND)? Rõ-ràng có một chuyển hướng trong thời-gian ngài dạy học ở Tübingen. Từ một giáo-sư thần-học cấp-tiến ngài bổng dưng bị sinh-viên coi là kẻ thù. Họ giật mi-crô không để cho ngài nói. Biến-cố đó đã như một chấn-động đối với ngài. Về sau ngài tâm-sự: “Trong những năm đó tôi học được đến lúc nào thì phải chấm dứt thảo-luận, nếu không nó sẽ biến thành láo-khoét, và tới lúc nào phải ra tay chống-cự để bảo-toàn tự-do”.

Người ta không bao giờ giật mi-crô của tôi. Tôi cũng đã không bao giờ gặp khó-khăn gì với sinh-viên, chỉ có vấn-đề với những nhân-viên tạm gọi là thuộc cấp trung của đại-học mà thôi. Các buổi lên lớp rất trôi-chảy và việc tiếp-xúc với sinh-viên không có vấn-đề gì. Nhưng đúng, tôi thấy đây-đó len-lỏi vào một tinh-thần mới, người ta sử-dụng các phương-tiện ki-tô giáo một cách ý-hệ quá-khích và tôi thấy những giả-dối ở đây. Đây là thời-gian tôi thấy và chứng-kiến hai quan-điểm khác nhau về cải-cách. Tôi thấy có sự lạm-dụng về Giáo-hội và đức tin, được người ta dùng như những phương-tiện quyền-lực, nhưng để thoả-mãn những mục-tiêu riêng với những tư-tưởng và ý-niệm khác hẳn. Chẳng còn ý-hướng đồng-nhất phục-vụ cho đức tin nào nữa. Thay vì phục-vụ đức tin, người ta biến nó thành phương-tiện bởi những ý-hệ độc-đoán, tàn-bạo, man-rợ. Từ đó tôi hiểu rằng muốn thực-thi Công-đồng thì phải chống lại khuynh-hướng này. Như đã nói, tôi không có vấn-đề nào với sinh-viên. Nhưng tôi đã thấy sự độc-đoán, kể cả dưới hình-thức tàn-bạo, đã thực-sự được mang ra sử-dụng như thế nào.

Để cụ-thể-hoá những chuyện xẩy ra lúc đó, tôi kể về một cuốn sách của Beyerhaus vừa in. Beyerhaus là đồng-nghiệp tin-lành gắn-bó nhiều năm với tôi. “Thánh-giá Giê-su, phải chăng đó là một hình-thức vinh-danh bạo dâm và khổ-dâm?”. Và “Tân-ước là một tài-liệu về sự bất-nhân, một cuộc lừa-đảo tập-thể lớn !”. Hai khẩu-hiệu đó không xuất-phát từ truyền-đơn của đám bôn-xê-vích vô-thần, nhưng từ truyền-đơn của đại-diện sinh-viên phân-khoa “Thần-học tin-lành” của đại-học Tübingen trong mùa hè 1969 và được phân-phối trong sinh-viên. Tiêu-đề của truyền-đơn là: “Chúa Giê-su – Ông du-kích rởm”. Người ta dựa vào phê-bình tôn-giáo mác-xít để qui Giáo-hội vào tội đồng-loã với tư-bản để bóc-lột dân nghèo, để gán cho khoa thần-học truyền-thống vai-trò củng-cố tư-bản. Giáo-sư dạy môn Kinh thánh Tân-ước ở Tübingen cũng phụ-hoạ vào tuồng kịch này. Trong một cuộc họp toàn sinh-viên giáo-sư Ulrich Wickert và tôi đã làm mọi cách yêu-cầu ban đại-diện phân-khoa thần-học tin-lành tuyên-bố đứng ngoài những lời-lẽ phạm-thượng đó, nhưng vô-ích. Người ta khẳng-khái trả lời truyền-đơn chỉ nhắm vào những hậu-quả chính-trị mập-mờ, cần phải nêu chúng lên để tìm cho ra sự thật. Giáo-sư Wickert tha-thiết kêu-gọi hãy vứt câu “Giê-su đáng nguyền-rủa!” ra khỏi tập-thể này, lời kêu-gọi đã tan vào khoảng không. (P. Beyerhaus, Der kirchlich-theologische Dienst des Albrecht-Bengel-Hauses, in trong: Diakrisis 17, số tháng ba 1969, trang 9 tt.). Bên đại-diện phân-ban thần-học công giáo đã không xẩy ra chuyện tới mức như thế, nhưng luồng tư-tưởng căn-bản tương-tự cũng đã ập vào. Lúc đó tôi chợt hiểu ra vấn-đề: ai muốn tiếp-tục là cấp-tiến ở đây, kẻ đó phải bán nhân-cách mình.

 

Và giáo-trình „Nhập-môn Ki-tô giáo“ nổi tiếng của ngài đã bắt đầu không hẳn một cách tình-cờ với câu chuyện chú Hans hạnh-phúc?[28]

Phải, đúng thế. Thời đó, sau khi trải qua những năm sôi-động, tôi chợt nhớ tới câu chuyện này. Cả Ki-tô giáo lúc khởi đầu cũng bị coi là một gánh nặng, y như thỏi vàng trong câu chuyện. Và càng ngày tôi càng rõ ra là nếu cứ tiếp-tục diễn-giải theo nhu-cầu giai-đoạn (như trong câu chuyện chú Hans) thì tình-hình càng thêm tệ hơn. Câu chuyện thần-thoại diễn-tả đúng tình-trạng thời đó. Song cần nhớ là tôi đã viết giáo-trình này vào năm 1967, nghĩa là trước khi những lộn-xộn xẩy ra.

 

Có người đoán nhân-vật Hans trong giáo-trình của ngài ám-chỉ Hans…

Không, hoàn-toàn không phải Hans Küng (linh-mục, nhà thần-học đương-thời người Thuỵ-sĩ). Tôi cực-lực minh-xác điều đó. Tôi hoàn-toàn không có ý tấn-công Hans Küng.

 

Ngài có thể đã là một nhà phê-bình lớn trong truyền-thống phản-kháng Giáo-hội ở Đức. Cái gì đã cản bước ngài? Hans Küng đoán là Phao-lô VI đã đem những chức-vụ lãnh-đạo ra để cầm chân một số đầu-óc chỉ-trích.

Tôi hoàn-toàn không biết chuyện đó. Phao-lô VI đã không nói gì với tôi về chuyện đó. Tôi chỉ gặp ngài vào năm 1977, nghĩa là sau lễ phong giám-mục của tôi. Chuyện tôi được phong tổng giám-mục giáo-phận München năm 1977 là cả một ngạc-nhiên và là một chấn- động cho tôi, hoàn-toàn chẳng phải là chuyện đền-đáp cho những nhượng-bộ xu-thời nào cả. Dù ở trong hoàn-cảnh nào, dù tư-tưởng của tôi có phát-triển và thay-đổi theo tuổi-tác, sức thúc-ép căn-bản đối với tôi, cả lúc còn làm việc cho Công-đồng, vẫn là làm sao tháo-gỡ hạt nhân đức tin khỏi những lớp vỏ xơ-cứng để đem lại cho nó sức mạnh và sự linh-động. Sức thúc-ép này rất kiên-định suốt đời tôi. Nó giữ tôi không sa vào hướng chống lại Giáo-hội. Dĩ-nhiên trách-vụ giám-mục có một số sắc-thái khác với vai-trò một giáo-sư. Nhưng điều quan-trọng là tôi không bao giờ đi trệch khỏi sự kiên định đó, nó đã ghi dấu trên cuộc đời tôi (kiên-định đó tôi đã thấm-nhuần từ thủa thiếu-thời) và tôi luôn trung-thành với hướng đi chính này của đời mình.

 

Chính ngài vẫn luôn công-khai tuyên-bố đặt mhiệm-vụ lên trên con người cá-nhân và không bao giờ làm ngược lại. Rõ-ràng thái-độ đó phù-hợp với ý-niệm của ngài về nhiệm-vụ, vâng-lời và phục-vụ. Chính những ý-niệm này đã bị những đợt biến-chuyển văn-hoá làm giảm giá.

Nhưng trước sau gì rồi con người cũng phải trở lại với những ý-niệm đó. Vì nếu không có sự sẵn-sàng qui-phục mình vào một toàn-thể với giá-trị ta đã nhận ra và chính mình không chịu phục-vụ thì làm sao có được tự-do chung. Tự-do con người luôn là tự-do được chia-sẻ. Nó phải được cùng nhau gánh-vác và vì thế nó đòi-hỏi phục-vụ. Các đức-tính đó, nếu ta muốn gọi chúng là đức-tính, hẳn nhiên có thể bị lạm-dụng bằng cách xếp chúng vào một hệ-thống sai-lạc. Thuần hình-thức, chúng có thể không tốt, mà chỉ tốt khi gắn liền với mục-đích nó phục-vụ. Trong trường-hợp của tôi, mục-đích đó là đức tin, là Chúa, là đức Ki-tô và vì vậy tôi biết chắc mình đã đặt chúng đúng chỗ.

 

Vào một lúc nào đó ngài bắt đầu chống lại các nhà thần-học và càng ngày càng to tiếng đối với các chỉ-trích trong nội-bộ thần-học. Một trong những câu chủ-chốt của ngài: „Đó là Giáo-hội của Chúa chứ không phải là chỗ thử-nghiệm cho các nhà thần-học“.

Tôi không muốn chống lại các nhà thần-học, vì như vậy là tôi chống chính mình. Thần-học là một dụng-cụ rất quan-trọng và cao-cả, và nhà thần-học cũng làm một công-việc trọng-đại. Cả phê-bình và tự phê-bình là một phần của thần-học. Tôi chỉ chống lại cái thần-học mất khuôn-thước và vì vậy không còn phục-vụ đúng-đắn được nữa. Vả lại, chúng ta là những người phục-vụ chứ đâu phải là kẻ có quyền bảo Giáo-hội phải thế này thế nọ. Đối với tôi đó là điểm quyết-định. Còn câu „đó là Giáo-hội của Chúa chứ không phải của chúng ta“ là tôi muốn nói rằng không phải chúng ta là người bắt Giáo-hội phải ra thế này thế kia, nhưng mình là những người tin rằng chính Chúa đã lập nên Giáo-hội và vì thế phải cố-gắng để nhìn ra ý Ngài về Giáo-hội và sẵn-sàng phục-vụ cho Giáo-hội đó.

 

 

Vị giáo-sư trẻ (tiếp theo)

Linh-cảm quan-trọng thế nào đối với ngài và nhất là làm sao để có được?

Mình không thể gọi chúng tới được, mà chúng phải tự tới. Nhưng cũng phải cẩn-thận đối với linh-cảm, phải kiểm-chứng chúng với cái lí của toàn-thể. Điều-kiện của một „linh-cảm“ là mình không được vội-vàng, mà phải bình-tĩnh nghĩ-suy, để cho nó chín mùi trong suy-tư của mình.

 

Ngay bước đầu nhận nhiệm-vụ ngài đã phải đối diện với thần-học giải-phóng và sửa lưng những nhà thần-học nào tỏ ra nghi-ngờ tín-điều không sai-lầm của giáo-chủ hoặc chỉ-trích các tín-điều khác. Lối hành-xử của ngài đã để lại ấn-tượng lâu-dài, ít là ở Đức. Giờ nghĩ lại, ngài có thấy là phản-ứng của mình quá gay-gắt? Dù câu trả lời của ngài được công-nhận là đúng.

Có lẽ phải phân-biệt giữa phản-ứng cá-nhân với việc làm nhân-danh Bộ. Tôi phải thú-nhận trong những cuộc biện-luận cá-nhân đôi khi đã tỏ ra gay-gắt. Nhưng trong những quyết-định với tư-cách Bộ tôi nghĩ là chúng tôi đã hành-xử đúng mức. Chúng tôi phải lên tiếng về chuyện thần-học giải-phóng, một phần cũng là để giúp các giám-mục. Để tránh nguy-cơ đạo bị chính-trị-hoá trở thành con cờ của phe đảng và như thế sẽ đổ-vỡ. Sự-kiện người dân đổ-xô đi theo các giáo-phái rõ-ràng phát-khởi từ chuyện này. Ngày nay ai cũng công-nhận việc can-thiệp của chúng tôi là cần-thiết và đúng. Một thí-dụ nổi-bật của lối giải-quyết của chúng tôi là quyết-định chuyển hướng của Gustavo Gutiérrez, được coi là cha đẻ của thần-học giải-phóng. Chúng tôi đã trao-đổi với ông, có những buổi ông và tôi trực-tiếp nói chuyện, và từ-từ chúng tôi đã đả-thông với nhau. Những cuộc trao-đổi giúp chúng tôi hiểu ông, và trái lại đã giúp ông hiểu về sự thiếu-sót của học-thuyết và nhờ vậy ông đã cải-tiến đưa „thần-học giải-phóng“ vào hướng đi đúng-đắn và có tương-lai.

Dĩ-nhiên cũng có những điểm mâu-thuẫn không giải-quyết được. Ngày nay vấn-đề thần-học giải-phóng trên khắp thế-giới đã hoàn-toàn thay-đổi. Sau 15 năm nhìn lại, người ta phải công-nhận là chúng tôi đã xử-sự đúng và xử-sự này đã mang lợi-ích, có lẽ không phải tức-khắc nhưng về lâu về dài. Thời đó một số giám-mục tỏ ra nghi-ngờ đối với câu trả lời của chúng tôi, nhưng nay tất-cả các ngài lại coi đó là những thành-quả nghiễm-nhiên.

 

Nhưng không phải chỉ có đối-thoại mà thôi, mà cả hình phạt im lặng nhiều năm, phạt im lặng để đền tội.

Chữ „phạt im lặng để đền tội“ là do dân Đức đặt ra. Chúng tôi chỉ yêu-cầu ông không phát-biểu gì về đề-tài này trong một năm và đừng đi đây đó trên thế-giới. Hẳn nhiên người ta có thể tranh-luận xem biện-pháp đó đúng hay sai, nhưng một cách khách-quan, tôi thấy việc yêu-cầu dành một thời-gian dài để suy-tư về một chuyện khó-khăn là điều không đến nỗi dở, nếu có người khuyên ta nên thinh-lặng một thời-gian, đừng nóng-lòng vội-vàng xuất-bản, cứ để cho đề-tài chín muồi đã. Lúc này tôi không muốn bàn đến chuyện đúng hay sai nữa. Ông Boff thì vẫn tiếp-tục được dạy học, nhưng ông đã không dạy trong năm đó. Chúng tôi chỉ yêu-cầu ông không thuyết-trình, in sách về thần-học giải-phóng trong một năm. Ông Küng cũng vậy, thời đó giáo-chủ Phao-lô VI yêu-cầu ông đừng ra sách về tín-điều không sai-lầm nữa và nên suy-nghĩ lại về đề-tài đó.

 

Hans Küng và cả ông Boff đã không chấp-nhận yêu-cầu. Như vậy thì không hiểu các biện-pháp đó đã mang lợi hay bất lợi cho Giáo-hội?

Như dư-luận thời đó thì thoạt tiên không có lợi cho Giáo-hội. Nhưng sau đó có lẽ nhiều người đã phải suy-nghĩ, phần vì những biến-chuyển lịch-sử, phần vì con đường ông Leonardo Boff theo-đuổi. Tôi không dám đánh-giá con đường ông đi.

 

Còn trường-hợp Hans Küng, ông đang chờ được khôi-phục danh-dự?

Ở đây có lẽ phải cần bỏ đi chút thần-thoại thêu-dệt. Năm 1979 ông Küng bị Giáo-hội rút lại tác-vụ dạy thần học nhân-danh Giáo-hội. Thoạt-tiên điều đó có thể cay-đắng cho ông, nhưng nhờ vậy mà ông đã tìm được cho mình con đường riêng. Giờ đây ông không phải giảng và chấm thi những môn thuộc giáo-trình thần-học, vì thế có thể dành nhiều thời-gian cho những đề-tài ông thích. Năm 1982 gặp tôi ông cho hay không muốn trở lại vai-trò cũ nữa và ông cảm-thấy thoải-mái hơn với chỗ đứng hiện-nay. Lần-lần ông xa-rời những vấn-nạn ruột của thần-học để tìm ra và phát-triển những đề-tài lớn rộng hơn của ông. Sau đó thì về hưu. Bây giờ mà nói tới việc Giáo-hội bổ nhiệm ông dạy lại thì quả là chuyện vô nghĩa. Nhưng dĩ-nhiên đây không phải là vấn-đề của ông. Ông muốn thần-học của ông được Giáo-hội công-nhận, ông không những vẫn tiếp-tục giữ nguyên quan-điểm phản-bác tín-điều không sai-lầm mà càng lúc càng tỏ ra quá-khích hơn về điểm này. Ông cũng không đồng quan-điểm với Giáo-hội về môn Ki-tô-học và giáo-lí về Chúa ba ngôi. Tôi kính-trọng quan-điểm riêng theo lương-tâm của ông. Nhưng ông cũng không nên yêu-cầu sự chuẩn-nhận của Giáo-hội, mà cần nên xác-định rằng trong những đề-tài căn-bản ông đã có những quyết-định hoàn-toàn cá-nhân.

 

Ngài vẫn yêu-cầu nhìn thực-tại như nó vẫn có và đừng chạy theo thời-thượng. Nhiều phân-tích của ngài về nguyên-nhân khủng-hoảng của Giáo-hội và của thế-giới đã tỏ ra đúng-đắn. Nhưng điều đó đã chẳng làm cho hình-ảnh hồng-y của ngài khá hơn trong dư-luận và truyền-thông. Tại sao? Vì thái-độ dứt-khoát của ngài hay vì đòi-hỏi của ngài quá nghiêm-khắc?

Chính tôi lại biết chuyệt đó ít nhất. Tôi cũng không biết mình có được bao nhiêu độc-giả quan-tâm và có được bao nhiêu độc-giả có trí nhớ tốt. Bởi vì nếu có chuyện gì xẩy ra thì cũng chẳng còn bao nhiêu người nhớ ra đó là sự xác-minh cho những chẩn-đoán của tôi. Tôi cho rằng đó là vì người ta đồng-hoá con người tôi với chức-vụ bộ trưởng và vì ác-cảm với bộ tín-lí và giáo-huấn của Giáo-hội. Vì thế mà một số người cứ xem những gì tôi nói ra là sản-phẩm của một bộ máy chuyên gây khó-dễ cho nhân-loại, chứ không coi đó như một nỗ-lực tri-thức đích-thực và thật lòng muốn hiểu-biết thế-giới và con người.

 

Chỉ cần biết mình luôn có lí là đủ? Tôi muốn nói là nhiều khi những quyết-định đúng cũng cần phải có những thời-điểm đúng và hình-thức biểu-tả đúng. Người ta nói: Lời nói chẳng mất tiền mua, Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Phải, đây là điểm tôi sẵn-sàng lắng-nghe chỉ-trích. Chúng tôi cũng cố-gắng hết khả-năng làm tốt hơn, và luôn đặt nặng việc tiếp-xúc với các giám-mục và bề-trên hội-dòng trong việc tìm lối giải-quyết. Nhưng điều đó cũng không tránh được đôi lúc phải có một biện-pháp quyết-liệt và khó nghe.

 

Ngài là bộ trưởng chứ không phải một linh-mục làm mục-vụ. Có thể chấp-nhận chuyện một linh-mục trẻ chẳng hạn có lúc nào đó lí-luận và hành-động không như những gì buộc ông phải nghĩ phải làm, nếu như ông ta là trưởng của một uý-ban đức tin công giáo?

Có, dĩ-nhiên. Ông ta phải lí-luận và ăn-nói khác đi, nếu không thì không người trẻ nào hiểu ông. Mỗi thế-hệ có một tần-số, phải nhập vào tần-số đó. Đạo là đường đi, nên phải nhận ra từng đoạn đường một. Điều chung-nhất cho chúng ta là không được khơi-khơi rao-truyền những quan-điểm cá-nhân hoặc tập-thể hiện có, nhưng dù là giáo-dân hay linh-mục chúng ta phải nối-kết trong một niềm tin và cố-gắng thông-truyền niềm tin đó đúng với mỗi hoàn-cảnh.

 

Có nghĩa là các linh-mục trẻ làm mục-vụ cho giới trẻ đôi khi gặp khó-khăn trong việc rao-giảng đúng giáo-huấn Giáo-hội về tính-dục, có nên bỏ qua cho họ nếu họ có những lời không hợp ý ngài?

Dĩ-nhiên, miễn là có ý-hướng căn-bản, quan-trọng là chỗ đó. Tuỳ người và tuy hoàn-cảnh mà có phương-tiện và biện-pháp thích-hợp.

 

Một hồng-y cũng được phép nói về tình-dục?

Dĩ-nhiên. Ông ta phải đề-cập tới tất-cả những gì liên-quan tới con người. Và không nên dán nhãn-hiệu xấu lên tình-dục mà gạt nó đi, trái lại nó trước hết là một quà tặng của Tạo-hoá. Trong nhiệm-vụ của tôi hiện tại đặc-biệt phải nói nhiều về chuyện đó. Tôi phải cố-gắng tránh hạn-chế luân-lí hoặc cả Ki-tô giáo vào điều răn thứ 6, nhưng những vấn-nạn Ki-tô giáo đặt ra, liên-quan tới trách-vụ của chúng tôi, buộc chúng tôi luôn bận-tâm tới phạm-vi này của cuộc sống con người.

 

Ngài đã có lần bảo tính-dục là một thứ mìn nổi và là thứ quyền-lực có mặt khắp nơi. Nghe ra có vẻ không có thiện-cảm mấy với tính-dục.

Không, không đúng. Nếu không thì ta đã chống lại niềm tin con người là tạo-vật toàn-vẹn của Chúa và Chúa dựng nên cả người nam lẫn người nữ. Tính-dục không phải là cái gì chỉ xuất-hiện sau khi có tội-lỗi; nó đã có sẵn trong chương-trình tạo-dựng của Chúa. Tạo ra người nam người nữ có nghĩa là Ngài đã tạo nên giới-tính, vì thế tính-dục đã có sẵn ngay từ đầu trong chương-trình của Ngài và nó là cái thiện uyên-nguyên của kiếp người.

Nếu như tôi có nói câu như ông ghi trên thì đó là tôi muốn nói rằng, nếu những lực lớn kia bị tách ra khỏi vị-trí của nó trong con người thì chúng có thể sẽ trở thành những năng-lực phá-hoại lớn nhất. Vì tính-dục làm nên con người như nam và nữ và do đó biểu-thị con người tới tận chỗ thẳm-sâu nhất – vì nó quá quan-trọng và nếu không có nó con người không trưởng-thành và trở nên chính mình - nên dĩ-nhiên nó có thể xé nát và huỷ-diệt con người, nếu tách nó ra khỏi cái thể thống-nhất của con người.

 

Tuy nhiên phải nhận rằng ngày nay hình-ảnh sức mạnh của tình dục có mặt khắp nơi càng ngày càng lấn-át ta.

Kĩ-thuật và các phương-tiện truyền-thông ngày nay đã xé tính-dục ra khỏi thể thống-nhất con người và ra khỏi liên-hệ lứa-đôi giữa người nam người nữ. Trước đây không có vậy. Tính-dục giờ đây đã thật-sự bị bóc hết ý-nghĩa và được bày bán như một thứ hàng-hoá.

 

Nhưng chuyện đó đã có từ 2000 năm nay rồi…

Đúng, nhưng việc tôi có thể trực-tiếp mua tình-dục trong một cửa tiệm hay việc giữa một chợ trời tràn ngập hình-ảnh tôi chẳng còn nhận ra người như là một con người, mà chỉ thấy nó như là một đồ-vật tình-dục, thì trước đây chưa hề có. Khả-năng rao bán tình-dục và rao bán nó như một sản-phẩm đại-trà đã giúp người ta lạm-dụng, làm vong-thân con người đến mức-độ vượt xa tình-trạng trước đây.

 

Thời trung-cổ có những nhà điếm công-cộng, có cái do chính giáo-hội địa-phương quản-lí.

Trong một cuốn sách thánh An-tịnh có nêu lên câu hỏi : phải làm sao bây giờ. Và ngài đã trả lời là con người được sinh ra như thế, thì có lẽ một nhà-nước có tổ-chức tốt nhất nên làm sao để sinh-hoạt đó được đi vào trật-tự. Qua cái suy-nghĩ của vị giáo-phụ lớn và rất thực-tế đó ta thấy con người luôn bị quyến-rũ và đe-doạ bởi nguy-cơ trệch đường. Nhưng tôi tin rằng ngày nay chúng ta có cái đe-doạ hiểm-nguy đặc-biệt mà trước kia chúng ta không gặp.

 

Như vậy ai trung-thành với giáo-huấn tính-dục của Giáo-hội thì được miễn-dịch với những thứ cám-dỗ đó?

Không thể nói như vậy được, vì con người không bao giờ toàn-hảo, nhưng như ta thấy, nó luôn trên đường hoàn-thành và vì thế luôn phải đối diện với nguy-cơ. Nó luôn phải trở nên chính nó. Nó chưa bao giờ đơn-thuần đã hoàn-toàn phát-triển. Con người luôn tự-do, nhưng tự-do đó không bao giờ toàn-hảo. Nhưng tôi nghĩ, ai thật-sự sống trong một cộng-đoàn đức tin sống-động, trong đó mọi người nâng-đỡ nhau và nhờ vậy giúp nhau can-đảm, người đó có thể sống cuộc sống hôn-nhân mình tốt-đẹp.

 

Trong vai-trò của ngài, ngài có sợ câu hỏi nào không, câu hỏi mà mình có thể không trả lời được?

Có lẽ chữ sợ không đúng lắm. Nhưng chúng tôi luôn phải đứng trước thực-tế là có những vấn-nạn không thể có ngay câu trả lời được. Nhất là những vấn-nạn thuộc lãnh-vực luân-lí, đặc-biệt trong lãnh-vực luân-lí y-khoa, và cả những vấn-nạn thuộc lãnh-vực luân-lí xã-hội. Chẳng hạn, các bệnh-viện Hoa-kì hỏi chúng tôi có buộc phải tiếp nước và thức ăn cho các bệnh-nhân trong tình-trạng bất tỉnh hết khả-năng phục-hồi không? Đó là câu hỏi vô cùng quan-trọng cho những người có trách-nhiệm. Vấn-đề khiến họ âu-lo thật-sự và vì họ phải tìm ra một chính-sách chung cho các bệnh-viện. Nhưng sau một thời-gian nghiên-cứu và tìm hiểu lâu, chúng tôi phải đành trả lời trước hết nên hành-động theo tầm nhìn của địa-phương, chứ chúng tôi chưa thể tìm ra một lời giải chung.

Trong lãnh-vực luân-lí y-khoa càng ngày càng có thêm những khả-năng mới và do đó thêm những trường-hợp khó xử mới, ở đây chưa biết áp-dụng nguyên-tắc thế nào. Chúng tôi không đơn-giản có phép mầu tạo ra sự chắc-chắn. Chúng tôi đành phải trả lời, trước hết qúy vị cố-gắng giải-quyết với nhau, để rồi cứ từng chặng chúng ta thâu-lượm kinh-nghiệm hầu đi tới cái chắc-chắn chín mùi.

 

Nhưng ngài nghĩ thế nào cũng phải có câu trả lời?

Không luôn nhất-thiết phải có một câu trả lời chung cho toàn thế-giới. Chúng tôi cũng cố-gắng để biết giới-hạn của mình và từ-chối trả lời khi không thể trả lời được. Nhưng, như qua những thí-dụ đã nêu, không phải chúng tôi đơn-giản muốn có câu trả lời cho mọi vấn-đề ở mọi nơi, nhưng chỉ trả lời khi có vấn-đề cụ-thể và khi có nhu-cầu cần phải tìm ra một đường-hướng chung. Nhưng không phải trả lời vì hệ-thống bắt-buộc phải trả lời, mà trái lại là vì có nhiều người cùng ở trong một hoàn-cảnh khó xử và họ cần biết để có một trách-nhiệm chung.

 

Tôi vẩn chưa hiểu hết lối làm việc và cũng không hiểu được các ngài sử-dụng phương-tiện nào để giải-quyết những vấn-đề rắc-rối mà càng ngày càng nhiều thêm chứ không ít đi.

Một đàng, có những nguyên-tắc căn-bản. Trong trường-hợp này thì đây là nguyên-tắc: Con người là người từ đầu đến cuối; chúng ta không có quyền gì trên sự sống con người, mà chỉ có kính-trọng nó như nó là và kính-trọng phẩm-giá của nó cho đến giây phút cuối. Như vậy, có một số nguyên-tắc rõ-ràng, không nhiều nhưng đơn-giản và cơ-bản. Với khả-năng kĩ-thuật và y-khoa chúng ta lúc này có thêm những trường-hợp tiếp biên khiến ta phải tự hỏi không biết làm sao áp-dụng nguyên-tắc trên cho đúng. Vậy trước hết phải cần có thông-tin. Các bác-sĩ phải cho biết y-khoa có thể làm được gì và đâu là vấn-đề được đặt ra.

Hãy lấy lại vấn-đề chuyền nước và thức ăn. Đây là trường-hợp y-khoa đã bó tay. Có người bảo càng tiếp nước và thức ăn càng kéo dài nỗi đau của bệnh-nhân. Kẻ khác lại bảo, không, như thế là bất-nhân, họ đang chết khát, phải cho họ uống. Hai quan-điểm đối-nghịch nhau. Vậy phải thu-thập thông-tin cần-thiết. Phải cần biết tình-trạng hiểu-biết của y-học tới đâu. Khi các thông-tin từ-từ đồng-qui đi đến tổng-hợp lại, lúc đó mình mới xét cái gì tương-ứng với nguyên-tắc và làm sao để áp-dụng nó cho đúng. Nhưng chỉ khi nào có được kinh-nghiệm chung, trong đó chứa-đựng thông-tin đúng và đồng thời nguyên-tắc được áp-dụng tương-ứng, thì từ kinh-nghiệm chung mới nẩy ra được câu trả lời, lúc đó tôi mới có thể nói được rằng nguyên-tắc được áp-dụng trong trường-hợp này hay trường-hợp khác là đúng-đắn.

 

Ta có thể áp-dụng văn-kiện cổ-xưa cho những vấn-nạn hiện nay không? Tôi muốn nói là có thể trích-dẫn các giáo-phụ và các thánh để giải-quyết các vấn-đề rắc-rối ngày nay không?

Chúng có thể được dùng theo ý-nghĩa cơ-bản, nghĩa là để soi sáng các nguyên-tắc về sự kính-trọng con người, về phẩm-giá con người và về ý-nghĩa của đau-khổ, nhưng không thể dùng cho vấn-nạn cụ-thể được. Tôi tin rằng chúng còn quan-trọng vì thế-hệ chúng ta đã đánh mất đi cái ý-nghĩa tích-cực về đau-khổ. Và có những thứ chúng ta cần phải học lại.

 

Chúng ta đang nói về tài-liệu cổ. Ngài có đọc được bí-mật nào còn dấu trong hầm toà thẩm-tra thánh không? Có cái gì ở đó không bao giờ được phổ-biến không?

"Hầm thẩm-tra thánh“ chính là kho văn-khố của Bộ chúng tôi, ngoài ra chúng tôi chẳng có kho nào khác. Tôi phải thú thật hiếm khi vào văn-khố vì không có giờ. Vì thế không khám-phá ra được bí-mật đặc-biệt nào cả. Thật ra Napoleon trước đây đã dọn sạch kho. Về sau chỉ trả lại một phần nên lượng tài-liệu chẳng còn đủ. Vả, chúng cũng chẳng có gì hay-ho như người ta vẫn tưởng. Mới đây một giáo-sư người Ý có khuynh-hướng tự-do đã vào nghiên-cứu về mấy vụ án, nhưng đã thất-vọng. Ông tưởng gặp những tài-liệu cho thấy cuộc chiến giữa lương-tâm và quyền-lực thì ông chỉ đọc được những biên-bản tội-phạm thông-thường. Lí-do là vì các toà-án thẩm-tra của Rôma xưa tương-đối độ-lượng. Vì thế những người bị ra toà đời lại tự cáo mình về tội có tính-cách tôn-giáo như ma-thuật, bói-toán để được ra toà thẩm-tra của Giáo-hội, vì ở toà này họ thường hi-vọng được xử nhẹ. Nhưng điều đó tôi cũng chỉ nghe nói lại chứ không trực-tiếp đọc tài-liệu.

Các tài-liệu nổi tiếng của kho cả thế-giới đều đã biết. Những gì còn lại chỉ quan-trọng cho các nhà nghiên-cứu chuyên-môn. Chỉ những gì liên-hệ với bí-mật toà giải tội thì phải giữ kín, những tài-liệu này được chất ở một kho riêng và không được phép phổ-biến.

 

Nếu có liên-quan tới bí-mật xưng tội thì tại sao lại dưới dạng tài-liệu viết?

Đó không phải là xưng tội theo nghĩa hẹp, mà là những thứ được xếp vào lãnh-vực lương-tâm và vì thế cũng phải được bảo-lưu như những gì bí-mật. Tôi muốn nói thí-dụ như ai đó có quan-điểm rối đạo và trong tài-liệu cũng có những đoạn đề-cập tới chuyện riêng-tư, chuyện luân-lí. Chuyện rối đạo có thể nói công-khai, nhưng chuyện riêng của người ta thì phải giữ kín.

 

Có lẽ đó là những bí-mật toà cáo-giải của những tay thế-lực chứ chẳng phải là của dân thường?

Tôi chẳng biết gì hơn. Ngày nay chúng tôi vẫn còn có một phân-ban kỉ-luật chuyên-trách về một số ca lỗi-phạm của các linh-mục. Rất ít người biết được chuyện này, và vì để bảo-vệ cho các cá-nhân linh-mục đó, danh-tánh họ được giữ kín. Những hồ-sơ loại này được bảo-lưu ở đấy.

 

Nhưng trong kho đó có lưu-trữ những lời tiên-tri bí-mật nổi tiếng không?

Tôi chỉ biết bí-mật Fatima, ngoài ra còn có những tiên-tri khác không thì tôi không biết.

 

Ai có quyền xem những tài-liệu đó?

Chỉ có giáo-chủ và trưởng Bộ tín-lí có quyền xem tài-liệu Fatima, ngoài ra phải có phép riêng của giáo-chủ.

 

Có thể biết những ai đã được phép xem và con số những người này có nhiều không?

Không nhiều, vì không quá ba hoặc bốn người tất-cả.

 

Có lần ngài đã nói xa gần về bí-mật Fatima và nói, đó là điều „chính đức Ki-tô cũng thường nhắc-nhở, khi Ngài nói thẳng ra rằng: ‚Nếu các ngươi không ăn-năn hối-cải thì các ngươi sẽ chết’“. Lời tiên-tri Fatima đó có làm ngài lo-sợ không?

Không.

 

Tại sao không?

Vì điều đó chẳng có chi khác hơn những lời dạy Ki-tô giáo.

 

Tôi nghĩ Fatima có nói đến ngày tận-thế?

Lúc này tôi không thể nói gì hơn. Chỉ biết là tôi đã không gặp tai-ương ghê-gớm nào cả.

 

Bí-mật có nói khi nào thì tận-thế không?

Không. Nhưng tôi không muốn nói gì thêm về chuyện này.

 

 

Vị giáo-sư trẻ (tiếp theo)

Thỉnh-thoảng người ta vẫn nói, không thể có giáo-chủ Gio-an Phao-lô II nếu không có hồng-y Ratzinger, và ngược lại không có hồng-y Ratzinger nếu không có giáo-chủ-Gio-an Phao-lô II. Ngài là một nhà thần-học thiên-tài bên cạnh một nhà triết-học. Nhưng đã không ai biết được mục-tiêu của Giáo-chủ và rõ đươc ý-nghĩ của Ratzinger. Ngài đã đóng-góp nhiều cho triều-đại giáo-chủ này. Nếu không có cặp Wojtyla – Ratzinger thì Giáo-hội vào cuối thiên niên-kỉ này có lẽ đã khác.

Đó là câu mà tôi tất-nhiên không thể trả lời được. Nhưng tôi muốn cảnh-báo là không nên đánh-giá quá cao vai-trò của tôi. Dĩ-nhiên tôi được giao-phó một nhiệm-vụ quan-trọng, Giáo-chủ tín-nhiệm tôi, chúng tôi đã và sẽ tiếp-tục bàn và thảo với nhau về một số giáo-huấn quan-trọng. Vì thế trong các tài-liệu huấn-giáo của Giáo-chủ đều có một phần tiếng nói của tôi và chắc-chắn tôi đã dự phần trong việc xây-dựng nên giáo-triều này. Nhưng Giáo-chủ cũng có đường-hướng riêng của ngài.

Trước khi tôi tới ngài đã bắt đầu với bộ ba thông-điệp về Đấng cứu-chuộc nhân-loại, về Chúa Thánh-linh và về Lòng nhân-từ của Chúa rồi. Về lãnh-vực luân-lí xã-hội ngài cũng đã bắt đầu với ba tông-thư nói về vấn-đề học-thuyết xã-hội công giáo. Đó là những thứ xuất-phát từ kinh-nghiệm sống và từ triết-học riêng của ngài. Cả nhiệt-tình đại-kết nóng-bỏng cũng là điều nằm sâu trong tâm-trí và mọc rễ ngay trong cá-tính con người ngài – chữ „mọc rễ“ có lẽ thiếu năng-động, tôi muốn nói là cái làm ngài bận-tâm và thúc-đẩy ngài. Ngoài ra ngài dĩ-nhiên cũng có trao-đổi với tôi, mà không chỉ với tôi, về những đề-tài lớn. Ở đây chúng tôi có sự hoà-hợp thâm-sâu. Rồi đây hoàn-vũ Ki-tô giáo và nhân loại sẽ phán-quyết về sự ích-lợi của chuyện hoà-hợp làm việc này.

 

Có khi nào hai người bất đồng quan-điểm? Đã có lần nào ngài phản-đối hoặc chối-từ Giáo-chủ?

Bất đồng đúng nghĩa thì không có. Dĩ-nhiên, khi trao-đổi thông-tin cũng có lúc chúng tôi cho nhau biết điểm này điểm kia không đúng hoặc chưa biết rõ. Hoặc khi tranh-luận mỗi người có thể có cái nhìn khác nhau về vấn-đề. Nhưng bất đồng quan-điểm đúng nghĩa thì chưa bao giờ xẩy ra. Và tôi cũng chưa bao giờ chối-từ ngài điều gì.

 

Sinh-hoạt chung giữa hai người diễn ra cụ-thể như thế nào? Ngài gặp Giáo-chủ thường đều?

Trước hết là những buổi làm việc thông-thường. Bình-thường mỗi chiều tối thứ sáu trưởng Bộ tới gặp Giáo-chủ và thông-báo các kết-quả của Bộ mình (mỗi tháng một lần viên thư-kí Bộ làm báo-cáo này, đôi khi buổi tiếp-kiến bị bãi-bỏ). Đó là buổi làm việc thông-thường, qua đó chúng tôi trình cho Giáo-chủ về công-việc của chúng tôi. Giáo-chủ có sẵn tài-liệu làm việc trên bàn. Chúng tôi tường-trình kết-quả và Giáo-chủ quyết-định. Cũng có những buổi làm việc bất thường khi nhu-cầu đòi-hỏi.

Thời Phao-lô VI đã có lệ nghỉ ngày thứ ba. Gio-an Phao-lô II cũng tiếp-tục lệ đó. Ngài lợi-dụng ngày nghỉ trước giờ ăn trưa độ một đến một tiếng rưỡi cho mời một nhóm nhỏ tới chuyện-trò rồi cùng dùng bữa chung. Nhờ đó chúng tôi có thể gặp-gỡ trao-đổi với nhau từ 12 giờ tới 15 giờ. Buổi gặp này xẩy ra tương-đối đều và là cách gặp thứ hai. Vòng này lớn hơn, còn buổi chiều tối thứ sáu chỉ có mình tôi với Giáo-chủ.

Giáo-chủ tuỳ nhu-cầu triệu-tập những nhóm trao-đổi với những nhân-sự khác nhau - hoặc có thể là các giám-mục của một nước chẳng hạn -, qua đó mỗi người lần-lượt phát-biểu ý riêng trong vòng vài ba phút rồi thảo-luận chung. Nghĩa là Giáo-chủ muốn được thông-tin để nắm vững quan-điểm của hai phía, nếu như có sự trái-ngược nhau, hầu từ đó lần đi tới quyết-định đúng. Tóm lại có hai cách làm việc quan-trọng nhất, lần tiếp-kiến chiều thứ sáu và cuộc thảo-luận buổi trưa.

 

Ngài có thể kể ra một vài đề-tài nói chuyện trong những lần tiếp-kiến?

Đó là những đề-tài cần phải đi tới một quyết-định. Từ vấn-đề thần-học giải-phóng tới vai-trò các nhà thần-học trong Giáo-hội, các vấn-đề liên-quan tới luân-lí sinh-học v.v .. nghĩa là những vấn-đề của Bộ.

Khi phải thực-hiện những dự-án lớn thì chúng tôi trao-đổi tài-liệu cho nhau đều-đặn. Chẳng hạn như muốn ra một Tông-huấn, chúng tôi thảo-luận xem cần phải hình thành như thế nào. Sau khi đã có dự-thảo, chúng tôi lại thảo-luận trên tài-liệu đó. Chúng tôi không bao giờ đột-ngột trình ngài những đề-tài lớn, mà luôn can-thiệp bàn-luận với ngài từng giai-đoạn. Ngài nắm vững diễn-tiến và đôi khi trực-tiếp bắt tay vào từng giai-đoạn.

 

Sau đó Giáo-chủ có hỏi sự-việc ra làm sao rồi không?

Khi không được chúng tôi báo-cáo thì ngài hỏi.

 

Là quốc trưởng, Giáo-chủ là ông hoàng chuyên-chế cuối cùng ở Âu châu, là người đứng đầu Giáo-hội và là kế vị của tông-đồ Phêrô, ngài là tiếng nói sau cùng về những gì thuộc giáo-huấn đức tin. Vatican được xem là quá già-cỗi. Người ta bảo đó là một nhóm cụ già chỉ biết có mình mà thôi, chẳng còn quan-tâm gì tới nỗi âu-lo và khó-khăn của các cộng-đoàn giáo-xứ bên ngoài. Sự chậm-chạp kéo lê bất tận của Vatican đã trở thành châm-ngôn. Là một người trong cuộc, ngài thấy gì về hình-ảnh Vatican?

Vatican trước hết là một quốc-gia, mà Giáo-chủ là quốc trưởng. Về lí-thuyết, đúng là ngài có mọi quyền trong tay, nhưng trên thực-tế ngài gần như chẳng bao giờ sử-dụng các quyền đó. Đó là một quốc-gia tí-hon, có một bộ máy hành-chánh gọi là Governatoraro, nghĩa là có một chính-phủ. Ngày nay còn có ban đại-diện cộng-sự viên nữa. Nghĩa là Vatican không đến nỗi lạc-hậu như người ta vẫn tưởng.

Về câu hỏi khác của ông: Đúng, Giáo-chủ là vị tối-cao canh-chừng đức tin, nhưng ngài không quyết-định một cách chuyên-chế, mà luôn lắng-nghe các giám-mục. Rõ-ràng Vatican làm việc chậm-chạp. Có nhiều lí-do, thứ nhất là vì công-việc ở đó phải thông qua quá nhiều tầng ban, thứ đến là vì sự cẩn-trọng bắt-buộc phải thế. Ngoài ra chậm một phần cũng là do ít người, và nơi đây diễn ra quá nhiều chuyện trong cùng một lúc nên mỗi sự-việc không tiến-hành được nhanh như mình muốn. Nhưng tôi không xem chậm là một khuyết điểm. Những việc ở đó, chẳng hạn như việc lãnh-đạo Giáo-hội, không nên giải-quyết hấp-tấp, mà cần phải kiên-nhẫn. Một số vấn-đề tự nó được giải-quyết với thời-gian mà chẳng cần phải quyết-định ngay.

Dĩ-nhiên các hồng-y đều già hoặc chẳng còn trẻ. Ưu điểm là nhờ kinh-nghiệm tuổi-tác nên các quyết-định chín-chắn hơn. Nhưng phải lưu-ý rằng thành-phần trẻ cũng có mặt. Chúng tôi đưa ra lệ, hễ nhận người vào làm thì người đó phải dưới 35 tuổi và không bao giờ được ở mãi trong Vatican, nhờ thế đã không thiếu tiếng nói của thành-phần trung-niên.

 

Người ta bảo, trước hết phải nắm đường đi nước bước của trò chơi quyền-lực trong Vatican đã, sau đó phải biết cách tham-gia.

Đúng ở một khía-cạnh, bởi vì đó cũng là nơi tiến thân và vì thế phải học cách tiến thoái để đi lên chứ nếu không thì bị đào-thải nhanh-chóng. Điều đó có, là vì trong Vatican cũng chỉ toàn là những con người bình-thường. Nhưng tôi thú thật tôi biết rất ít về chuyện đó. Khi vào đây, tôi đã là một hồng-y, không cần bận-tâm với quyền-lực hay danh-vọng tiến thân nên cũng chẳng quan-tâm gì tới chuyện này.

 

Có cái gì ở Vatican làm ngài bực mình không?

Tôi tin là có. Có lẽ nên giảm bớt bộ máy hành-chánh, nhưng ở đây tôi không có một đề-nghị cụ-thể nào. Các cơ-quan chẳng có bao nhiêu người, và so với con số tín-hữu hoàn-vũ thì cũng không phải là guồng máy hành-chánh quá lớn. Nhưng dù vậy, câu hỏi chính-đáng là có thể bớt nạn bàn-giấy rườm-rà để công-việc được hữu-hiệu hơn không. Song tổng-quan mà nói, tôi rất hài-lòng với sinh-hoạt trong Bộ của tôi. Điều làm cá-nhân tôi không thích là phải ôm-đồm nhiều quá. Trong thực-tế tôi thấy thật khó mà hoàn-thành được tất-cả nhiệm-vụ giao-phó. Tôi tự hỏi không biết làm sao để mình còn chu-toàn được việc trong những Bộ khác, và còn có chút giờ cho mình và cho những giao-tiếp riêng-tư.

 

Ngài có tên trong bao nhiêu bộ trong giáo-triều?

Trong năm bộ, hai hội-đồng và một uỷ-ban (Châu Mỹ la-tinh). Nhưng chỉ có hai bộ đòi-hỏi làm việc thường-đều, đó là Bộ giám-mục và Bộ truyền-giáo. Các Bộ giáo-hội đông phương, Bộ giáo-dục và phụng-vụ, Hội-đồng đại-kết là những cơ-chế không đòi-hỏi sinh-hoạt thường-đều, nhưng khá đầy việc để làm. Còn những cơ-chế khác hầu như chỉ có mặt. Nhưng chừng đó đã quá mệt rồi.

 

Tổng giám-mục Macinkus có lần dùng từ “Xóm các mụ giặt đồ” để chỉ Vatican. Ngài nói: “Chỉ cần tập-trung ba hay bốn linh-mục lại với nhau là họ bắt đầu kể xấu người khác”.

Trước mặt tôi, nói chung, chuyện đó không xẩy ra. Nhưng dĩ-nhiên nơi đâu có tập-trung quá đông người và nhiều chuyện bên nhau, ở đó tất có những bàn ra tán vào. Điều đó hẳn nhiên không tốt, nhưng tôi nghĩ đã là người thì không thể tránh được. Không nên có cái nhìn quá lí-tưởng về linh-mục. Tôi tin là chúng tôi phải khiêm-tốn thú-nhận rằng mình không khác hơn gì những người khác và cũng bị những định-luật tập-thể chi-phối như ai. Mỗi người phải cố-gắng chống lại thói đó. Tất-cả chúng tôi cũng luôn phải tự đặt ra cho mình một kỉ-luật chung. Nhưng tôi tin đó cũng là một may-mắn khi mọi người có cơ-hội trút-bỏ thái-độ tự-cao và phải chấp-nhận mình cũng như bao nhiêu người khác.

 

 

TÓM-TẮT

Không dễ gì tìm được nơi ngài những công-thức hành-xử, đối-phó. Từ nhiều chục năm ngài luôn lội ngược dòng chảy. Đôi khi ngài có tự hỏi là mình đã làm đúng, là mình đã đưa ra được những dấu-chỉ đúng, và cũng đã tìm được lối diễn-tả hợp thời không?

Hẳn nhiên là mình phải tự hỏi như thế. Nhưng cám ơn Chúa là cũng đã có những người khác có thể nói cách khác, có thể làm những gì chính tôi không làm được. Mình trở nên khiêm-tốn hơn, mình học biết được đâu là biên-giới của khả-năng mình. Mình phải thấy việc làm của mình cũng chỉ là một đóng-góp bên cạnh các nỗ-lực khác. Ngoài những người ngồi nặn óc, những người giữ chức-vụ, cần có những người có ân-sủng đặc-biệt để châm ngòi cuộc sống. Vì thế tôi cố-gắng xem những gì mình có thể làm chỉ có ý-nghĩa khi lồng vào tương-quan nhiều mặt và chuyện tự phê-bình cũng là điều căn-bản đối với tôi.

 

Giả như ngài phải sống một mình trên một hòn đảo và chỉ được phép mang theo hai cuốn sách, thì như đã có lần trả lời, ngài sẽ mang theo cuốn Kinh thánh và cuốn Thú-nhận của thánh An-tịnh. Người ta chờ-đợi những thú-nhận nào của hồng-y Ratzinger?

Tôi không có những thú-nhận lớn như An-tịnh. Khi đặt vấn-nạn về cuộc sống và con đường của mình, Thánh-nhân đã làm sáng-tỏ toàn-thể sự hiện-hữu Ki-tô giáo. Tôi chỉ có thể để lại những đóng-góp khiêm-tốn. Những mẩu đó có ý-nghĩa gì cho nhân loại hay có giúp gì cho hiện-tại hay không, cái đó tôi không biết.

 

Có cái gì ngài đã làm, nhưng nay nghĩ lại ngài thấy giả như chuyện đó đừng làm thì hay hơn không ?

Thực ra chẳng có gì tôi đã làm mà ngày nay muốn rút lại. Có nhiều chuyện có lẽ ngày nay tôi sẽ làm khác, vì tuổi-tác đã giúp tôi nhìn vấn-đề từ lăng-kính khác.

 

Nhiều khi người ta có cảm-nghĩ là ngài muốn cất giữ điều gì đó, như một người cha trong gia-đình muốn lưu giữ cái gia-sản đã tạo nên bằng mồ hôi nước mắt. Nếu không phải là để cho chính con mình – chúng rõ-ràng là những kẻ không biết đánh giá và sử-dụng gia-sản đúng mức – thì ít là lớp cháu có thể thừa-hưởng và gia-sản không bị phung-phí. Nhìn lại công-việc của ngài trong tư-cách Bộ trưởng, ngài có nghĩ rằng mình cũng đã cản-ngăn được những biến-chuyển nguy-hiểm, mà công-luận đã không biết đến?

Tư-tưởng muốn lưu giữ chút gì lại, cả cho đàn cháu, tôi thấy thật đẹp. Bởi vì tôi thật-sự ước-ao sao cho sức toả sáng của vật quý này, đó là đức tin, và những cái thiện cái mỹ của cuộc sống đã khai hoa nở nhụy với nó, không bị mất đi. Tôi mong rằng những cái đó tiếp-tục được sử-dụng và nhìn ngắm. Còn về các thành-tựu, tôi nghĩ với tài-liệu về thần-học giải-phóng, về lãnh-vực luân-lí sinh-học và sách Giáo-lí là những gì chúng tôi đã đóng-góp ít nhiều vào những biến-chuyển của 15 năm qua. Nhất là những cuộc gặp-gỡ với các hội-đồng giám-mục đã đưa chúng tôi gần lại với nhau, và cũng đã giúp các giám-mục nhìn thấy sứ-vụ mình trong tinh-thần hiệp thông, hiệp-thông giữa các giám-mục, hiệp-thông với Rôma. Nhờ đó mà những nguy-cơ một chiều được cân bằng, điều thiết-yếu được nhận ra và qua đó biết đặt trọng-tâm vào một số công-việc.

 

Trong một tài-liệu do ngài kí ngài đã nhắc đến lời cảnh-cáo của tông-đồ Phaolô: “Hãy rao-giảng lời Chúa, hãy hoạt-động cho lời đó, mặc cho có người nghe hay không. Hãy liên-lỉ và kiên-trì trong việc cảnh-tỉnh, khiển-trách và cảnh-cáo. Vì sẽ có một thời người ta chẳng còn chịu nghe giáo-huấn lành-mạnh, mà tự ý quay ra tìm-kiếm những thầy dạy mới hợp với tai mình; và người ta chẳng còn đoái-hoài gì tới chân-lí, nhưng mê theo chuyện huyền-hoặc. Nhưng Bạn cứ tỉnh-tảo, chấp-nhận đau-khổ, rao-giảng Tin-mừng, trung-thành chu-toàn phận-vụ của Bạn”.

Tôi không muốn lên mặt làm cao, nhưng tôi muốn nói rằng đoạn trên đã nói lên điều rất thiết-yếu mà tôi coi như chuẩn mức hành-động của tôi trong thời-đại này.

 

Đối với ngài có còn vấn-nạn gì như là vấn-nạn trên hết mọi vấn-nạn? Và nếu như ngài còn một câu hỏi để đặt ra cho tinh-thần thời-đại ngày nay thì ngài muốn hỏi điều gì?

Câu hỏi tôi có thể đặt ra cũng là câu hỏi của muôn người: Tại sao thế-giới này lại như vậy, đau-khổ trên thế-giới này mang ý-nghĩa gì, tại sao sự dữ trong thế-giới này lại mạnh như thế nếu Chúa thật là đấng quyền-năng?

Có lẽ Bộ tín-lí sẽ không có một người trưởng thứ hai với tầm-cỡ, với lí-lịch, với cái biết quán-thông, với lối suy-nghĩ, hành-xử và lòng tin như ngài. Không phải chỉ một thế-kỉ, nhưng là một thế-hệ đã bắt rễ từ thế-kỉ 19 sẽ chấm dứt với con người ngài. Có lần ngài nói: “Cái mới đang tới”. Ngài thấy chỗ đứng của mình trong lịch-sử như thế nào? Ngài đã mở cánh cửa bước vào cái mới rộng đến thế nào? Hay là phải đợi kẻ tới sau ngài làm công-việc đó?

Tôi muốn nhìn mọi chuyện thật tương-đối và muốn nói là hãy chờ xem và chúng ta sẽ thấy dáng-cỡ của người tới sau. Thời-điểm sẽ hoàn-toàn khác và do vậy những con người này sẽ có những hình-dạng khác. Còn chỗ đứng của tôi trong lịch-sử ở đâu thì chưa biết được. Chỉ biết chắc là những ai đã sống trong thế-kỉ này thì đã trải qua những biến-chuyển lớn và quả thực có dính-líu đâu-đó với thế-kỉ trước. Xem thế thì quá đúng là ngày nay hãy còn một liên-hệ rất sống-động với cái đang qua. Vì chúng ta bị đẩy vào một thế-giới khác lạ nên phải giữ-gìn và chuyển-giao sự tiếp-nối. Tôi đã cố-gắng làm chuyện đó. Nhưng rồi đây, với biến-chuyển của lịch-sử mai ngày, điều đó có còn giữ vai-trò quan-trọng nữa hay không thì ta chưa biết. Chúng ta đang chứng-kiến những đổi-thay to-lớn của thời-đại mình, nhưng đâu là những viễn-ảnh sẽ mở ra, điều đó chúng ta chưa nhìn ra được. Tôi tin rằng tôi nhận được nhiệm-vụ phải giữ và chuyển-giao cái nối-tiếp này, đồng thời làm cách nào để giới-thiệu nó với một lịch-sử càng ngày càng chuyển-biến mau-lẹ.

 

Người ta cho rằng có hai Ratzinger: một người trước khi tới Rôma, cấp-tiến, và một ông canh-chừng đạo bảo-thủ và nghiêm-nhặt ở Rôma. Người ta nói chàng thiếu-niên thần-học với miệng-lưỡi cấp-tiến đã trở thành ông già bảo-thủ bất đắc-ý với những cái nhìn đôi khi tuyệt-vọng. Chính ngài có lần nói: Joseph Ratzinger này vẫn luôn trung-thành với mình, chỉ những kẻ khác đã thay-đổi mà thôi.

Tôi tin tôi đã nói điều rất cơ-bản, là tôi vẫn giữ nguyên quyết-định nền-tảng của cuộc đời tôi, là tôi tin Chúa trong đức Ki-tô qua Giáo-hội và cố-gắng sống cho niềm tin đó. Quyết-định đó đã triển-nở qua các giai-đoạn cuộc đời, và tôi mừng là nó đã không bị đông lạnh ở một điểm nào. Tuổi-tác làm thay-đổi con người, ông già 70 không nên ra sức để trở lại tuổi 17 và ngược lại. Tôi muốn trung-thành với cái biết nền-tảng của tôi, đồng thời cũng luôn rộng mở cho những thay-đổi cần-thiết. Và hoàn-cảnh chung-quanh cũng làm thay-đổi vị-thế con người, nó bỗng-chốc đứng trong một màng lưới với những trục-độ khác. Các vấn-đề của Giáo-hội ngày nay khác với những chuyện cách đây 30 năm. Hoàn-cảnh vì thế đã đem lại một giá-trị khác cho những gì con người nói và làm. Tôi không chối-cãi đời mình có những phát-triển và đổi-thay, nhưng tôi luôn giữ cho những phát-triển và đổi-thay đó diễn-biến trên một bản-sắc nền-tảng và chính khi thay-đổi, tôi luôn cố-gắng trung-thành với cái bản-sắc đó. Ở đây tôi đồng-ý với hồng-y Newman khi ngài nói, sống là biến-đổi và ai đã sống nhiều người đó cũng có khả-năng biến-đổi.

Mỗi nhiệm-vụ thường có cái giá của nó. Nhiệm-vụ càng lớn, chẳng hạn như việc phục-vụ chân-lí, thì giá lại càng cao.

Phục-vụ chân-lí là một từ lớn và là cái “ý-muốn cao-cả nhất” của nghề tôi đang làm. Nhưng chuyện phục-vụ đó dĩ-nhiên chỉ xẩy ra trong những hình-thức tầm-thường, qua những chuyện rất khác nhau, rất đơn-giản, nhỏ-bé, âm-thầm đâu đó. Ý-muốn nền-tảng vẫn là phục-vụ sự thật, nhưng trên thực-tế tôi toàn lo chuyện thư-từ, đọc tài-liệu, tiếp-xúc thảo-luận v.v..

Cái giá đối với tôi là đã không thể thực-hiện được hết cái mình muốn, nghĩa là đã không cùng đóng-góp được nhiều vào những thảo-luận tinh-thần lớn của thời-đại, không hình thành được một công-trình riêng. Bởi tôi phải lao vào những cái nhỏ-nhặt và đa-diện của những mâu-thuẫn và biến-cố xẩy ra. Tôi đành phải gạt ra một bên phần lớn những gì mình thích mà quay về với nhiệm-vụ thường nhật của mình. Và tôi phải từ-bỏ ý-nghĩ muốn đọc cái này muốn viết cái nọ để trở về với nhiệm-vụ được giao.

 

Giờ đây ngài bằng lòng với cuộc đời, ngài là người hạnh-phúc?

Phải, bằng lòng, vì sống ngược với mình và với đời mình là điều vô nghĩa. Và tôi cũng tin là mình đã có thể làm được đôi điều có ý-nghĩa một cách khác hơn những gì mình dự-trù và mong-đợi. Tôi thật tình cám ơn Chúa về cuộc sống mà Ngài đã đặt-định cho tôi.

 

Tin, cậy, mến, những nhân-đức nền-tảng – chúng có ý-nghĩa gì trong đời sống của hồng-y Joseph Ratzinger?

Chúng ta đã nói nhiều về tin. Nó trước hết là cội-nguồn của cuộc sống, là quyết-định nền-tảng nhận-biết Chúa và chấp-nhận Ngài. Nó là chìa khoá để cắt nghĩa mọi thứ khác.

Tin là hi-vọng, hị-vọng cái thế-giới không thiện-hảo này sẽ không cứ mãi bất thiện như thế. Với cái nhìn thuần thực-nghiệm, ta có thể nói sự dữ là sức mạnh chính ngự-trị thế-giới. Hi-vọng theo nghĩa Ki-tô giáo là nhìn-nhận có sự dữ nhưng đồng thời cũng vững tin vào tương-lai. Hạt nhân của tin là chấp-nhận mình được Chúa thương và vì thế, không những phải đáp-trả lời Ngài mà còn chấp-nhận công-trình tạo-dựng, chấp-nhận các thụ-tạo, nhất là con người, cố gắng nhìn ra hình-ảnh Chúa trong mỗi con người và nhờ vậy mình trở nên một kẻ sẵn-sàng thương-yêu.

Điều đó không dễ. Nhưng với tiếng thưa Vâng nền-tảng, với niềm xác-tín Chúa đã tạo nên con người, Ngài nâng-đỡ họ và họ không thể đơn-thuần xấu, thì tình yêu sẽ có chỗ tựa và từ niềm tin hi-vọng sẽ nẩy mầm. Hi-vọng như vậy bao gồm cái nhìn tin-tưởng vào thế-giới đầy hiểm-hoạ, nhưng nó hoàn-toàn không có nghĩa là không tưởng: Bởi vì mục-tiêu của hi-vọng không phải là một thế-giới sáng-lạn trong tuơng-lai, nhưng là sự sống đời-đời. Mong-chờ một thế-giới mới tốt-đẹp hơn là điều không lợi cho ai cả, vì thế-giới đó không phải là của chúng ta, và mỗi người trong chúng ta phải sống cho thế-giới mình, cho hiện-tại của mình. Thế-giới của thế-hệ mai-sau chủ-yếu sẽ do tự-do của thế-hệ mai-sau hình thành nên, bàn tay của chúng ta chỉ góp phần rất hạn-chế vào đó mà thôi. Nhưng cuộc sống đời-đời mới là tương-lai của tôi và đó mới là sức mạnh ghi dấu lịch-sử.

 

----------------------------------------

[14] Heidegger, Jaspers, Kant là những triết-gia hiện-đại người Đức. Steinbüchel là nhà thần-học.

[15] Habilitation: luận-án để có thể được nhận văn-bằng và tước-hiệu giáo-sư.

[16]Bonaventura (1221-1274): nhà thần-học kinh-viện lớn nhất bên cạnh Tôma Aquin, người Ý, dòng Phan-sinh, chịu ảnh-hưởng tư-tưởng của An-tịnh.

[17] Joachim Fiore (1130-1202): linh-mục viện-phụ dòng Xitô, người Ý, về sau bị giáo-triều tuyệt-thông; Joachim chia lịch-sử Giáo-hội ra làm ba thời : thời Chúa Cha, thời Chúa Con và thời Chúa Thánh-linh.

[18] Hegel (1770-1831): triết-gia người Đức.

[19] de Lubac (1896-1991): nhà thần-học người Pháp dòng Tên, cố-vấn công-đồng Vatican II.

[20] de Congar (1904-1995): linh-mục dòng Đa-minh, nhà thần học người Pháp, chuyên-viên công-đồng Vatican II, năm 1994 được tước hồng-y.

[21] K. Barth (1886-1968): triết-gia Tin-lành người Thuỵ-sĩ.

[22] K. Rahner (1904-1984): linh-mục người Đức, một trong những nhà thần-học nổi nhất của thế-kỉ 20.

[23] Thomas Morus (1478? –1535): nhà chính-trị và nhân-bản người Anh, đã bị vua Henry VIII xử tử vì không chịu công-nhận và tuân-phục Vua này như là vị giáo-chủ của Anh giáo.

[24] Newman (1801-1890): mục-sư Anh giáo trở lại Công giáo, nhà thần-học, luận-điểm về tự-do lương-tâm của ngài đã ảnh-hưởng trên công-đồng Vatican II.

[25] Bonhöffer (1906-1945): mục-sư tin-lành Đức, chống lại chế-độ Quốc-xã và đã bị chế-độ này hành hình.

[26] Barock : một lối nghệ-thuật đặc-thù trong kiến-trúc, hội-hoạ và âm-nhạc ở Âu châu, với cách trang-trí với nhiều hoa-văn, ảnh-tượng tươi-mát, và âm-điệu sống-động, đầu thế-kỉ 17 tới giữa thế-kỉ 18.

[27] H. Hesse (1877-1962): nhà văn người Đức, giải Nobel văn-chương năm 1946.

[28] Câu chuyện thần-thoại của Đức, tả anh làm công Hans được chủ trả lương bằng một thỏi vàng lớn. Trên đường về nhà, để khỏi phải khệ-nệ mang thỏi vàng nặng, Hans đã lần-lượt đổi nó để lấy nhiều thứ nhằm thoả-mãn cho nhu-cầu trước mắt của mình và cuối cùng vui-vẻ về tới nhà với tay không. 

Chương II: NHỮNG VẤN-ĐỀ CỦA GIÁO-HỘI CÔNG GIÁO - RÔMA LÚNG-TÚNG

Vẫn có hàng trăm ngàn người tuôn tới dự thánh lễ do Giáo-chủ dâng trong những chuyến công-du mục-vụ. Nhưng những cuộc gặp-gỡ lớn đó không nói lên tình-trạng thật của Giáo-hội hôm nay. Ngay từ năm 1984 ngài đã nói về một tiến-trình suy-tàn của Giáo-hội. Ngày nay, người ta có thể dùng hình ảnh lỗ đen nổi tiếng trong vũ-trụ để nói về Giáo-hội. Nghĩa là một thiên-thể đã vỡ tung trong vũ-trụ. Tâm của nó từ lâu đã chẳng còn thấy nữa và nó teo dần thành tinh-cầu tí-hon. Người ta còn nhận ra sự hiện-hữu của nó nhờ qua những chuyển-động lạ-lùng của nó quanh một khối thể khổng-lồ đã biến mất từ lâu. Những mảnh vỡ không thoát ra được khỏi lực hút của tinh-cầu mẹ, cứ cuốn tít vô-định với nhau trong những tập-hợp mới, choảng nhau vỡ tung hoặc tự hủy dần.

Tôi thấy hình ảnh những lỗ đen, những vì sao vỡ rất hay. Sự việc trong thực-tế cũng có thể giống như vậy. Hiển-nhiên, trong giai-đoạn lịch-sử như đã mô-tả hiện nay sẽ không có cảnh hàng đoàn-lũ người quay về với Chúa. Rõ-ràng chưa tới giờ tinh-cầu kia dầy đặc trở lại và lấy lại được kích-thước và lực sáng cũ của nó. Quả là thiếu thực-tế khi nghĩ rằng rồi đây lịch-sử sẽ sang trang và đức tin sẽ trở lại như một hiện-tượng tập-thể.

Nhưng trước sau tôi vẫn tin rằng sẽ có những đợt sóng âm-thầm nổi lên, rằng Giáo-hội có thể nói sẽ tái-sinh từ những kẻ ngoài giáo-hội công giáo và sống lại cái kinh-nghiệm mà các môn-đệ và cả chính đức Giê-su đã sống. Khi Ngài nói: "Ta không tìm thấy một niềm tin như thế ở Is-ra-en", thì có nghĩa là Ngài tin vào những đợt bùng dậy đức tin sống-động nơi thế-giới những người ngoài Giáo-hội, một sự sống-động mà ta không thấy có nơi những ki-tô-hữu hiện nay. Người tin Chúa hôm nay thường tỏ ra mệt-mỏi trong đức tin và coi nó như một gánh nặng phải lê vác một cách khó-nhọc chứ không lấy đó làm vui. Trong ý-nghĩa đó thì hình ảnh tinh-cầu trên cũng không hợp lắm, vì Ki-tô giáo, như tôi đã nói, luôn trở lại tình-trạng hạt cải, và cũng nhờ vậy mà luôn trẻ lại. Rồi đây Ki-tô giáo có thể một lần nữa ảnh-hưởng mạnh lên lịch-sử như nó đã làm trong suốt thời Trung-cổ hay không, điều này thật không ai nói trước được. Tuy nhiên, tôi hoàn-toàn tin chắc rằng Ki-tô giáo vẫn tồn-tại và sẽ hiện-diện dưới những hình-thức mới. Nó cũng sẽ là sức sống của lịch-sử và sẽ cống-hiến cho nhân loại những chỗ trú-ẩn an-toàn để sống-còn.

Có kinh-nghiệm về cái tiêu-cực hay nhìn thấy được rằng cuộc sống không có đức tin thì sẽ bế-tắc hoặc sẽ rơi vào khoảng trống ghê-sợ, những hiểu-biết đó chưa hẳn đã mang lại đức tin. Chúng có thể dẫn ta từ khó chịu qua nghi-ngờ toàn-diện tới thái-độ cay-độc - hoặc dẫn tới việc tự huỷ-hoại chính mình.

 

Chúng ta đang chứng-kiến một hoàn-cảnh thật nghịch-lí. Thế-giới thay-đổi hôm nay đang làm nhiều người ngất-ngư vì tốc-độ biến-chuyển của nó, nhưng đồng thời lại đang tạo ra một môi-trường thật thuận-lợi cho tôn-giáo. Chưa bao giờ con người đua nhau đi tìm những hình-thái tâm-linh siêu-đẳng và hỗn-tạp nhiều như hiện nay. Vậy mà các đạo binh hùng-hậu nhất của các giáo-hội Ki-tô giáo xem ra không lợi-dụng được gì trong cuộc đua tìm ý-nghĩa cuộc sống này.

Trước hết, ở một khía-cạnh nào đó thì quả đúng là một thời-đại mới của tôn-giáo đã mở màn. Con người đi tìm tôn-giáo bằng nhiều cách. Nhưng họ cho là đã không tìm thấy nó trong niềm tin ki-tô, trong giáo-hội ki-tô, mà lại tìm nơi những hình-thái hoàn-toàn mới, trong đó tôn-giáo thường bị biến dạng để trở thành như một thứ đối-lực với cuộc sống hàng ngày, hoặc biến thành một thứ ma-thuật và giáo-phái và từ đó hiện thân dưới những hình-thái bệnh-hoạn. Có lẽ các giáo-hội Ki-tô đại-chúng phần nào bị đè nghẹt bởi sức nặng của quá nhiều định-chế, bởi quyền-hành cơ-chế hoặc bởi sức ép của chính lịch-sử mình. Ta không còn thấy được cái sinh-động, cái giản-dị của đức tin Ki-tô giáo nữa. Làm ki-tô-hữu chỉ còn có nghĩa là gia-nhập một bộ máy khổng-lồ với vô số những điều răn và những tín-điều khó hiểu. Như thế Ki-tô giáo chỉ còn là một gánh nặng thừa-thãi với những truyền-thống và cơ-chế mà người ta không muốn quẳng đi vì còn thấy đâu đó một vài lợi-ích của chúng. Ngọn lửa thật-sự của đạo đã không ngoi lên được qua lớp tro quá dày.

 

Xem ra không chỉ có tro phủ trên đó mà thôi. Theo lối nhìn phiếm-diện của dư-luận hiện thời thì giáo-hội Công giáo không những chỉ là một thứ gì còn sót lại của quá-khứ và có lẽ còn đáng cho vào sọt rác. Đối với thế-giới trước ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, không có khiêu-khích nào lớn hơn sự tồn-tại một giáo-hội phẩm-trật. Nhiều người ngày nay cho rằng chỉ có kẻ điên-rồ mới khẳng-định là chỉ có một Thiên-chúa, Ngài có một người con và Ngài đã gởi người con đó xuống trần để cứu nhân-loại. Có thể nói không có một định-chế nào khiêu-khích thế-giới - mà lạ thay kể cả thế-giới phương tây, nơi chịu nhiều ảnh-hưởng đức tin và giáo-hội Ki-tô - cho bằng giáo-hội Công giáo.

Dưới nhiều khía-cạnh, điều đó nói lên giá-trị tốt của giáo-hội Công giáo, bởi vì Giáo-hội này vẫn còn là lực-lượng khiêu-khích, vẫn là gai nhọn và là sự phản-kháng, hay nói như thánh Phaolô, đó là một cái gì gây tai-tiếng, gây vấp ngã. Nghĩa là giáo-hội Công giáo vẫn còn một ý-nghĩa nào đó và không ai có thể gạt nó qua một bên để thản-nhiên sống được. Tôi đã nói từ lâu rồi là phải phân-biệt hai loại gây tai-tiếng: chính và phụ. Cái tai-tiếng phụ là những lỗi lầm, thiếu sót, những cơ-chế hoá quá độ thật-sự của chúng tôi. Nhưng cái tai-tiếng chính là chúng tôi chống lại sự sa lầy trong cái tầm-thường hoá, hẹp-hòi hay những hứa-hẹn giả, chúng tôi không mặc-nhiên để cho con người ngủ mê trong những ý-thức-hệ tự tạo ra. Vì thế tôi dám nói rằng: Nếu như giáo-hội Công giáo là một cái gai vì nó chống lại cái ý-thức-hệ thế-giới mới có vẻ đang hình thành và bảo-vệ những giá-trị nguồn-cội của con người, những giá-trị mà ý-hệ kia đã không dành cho chúng một chỗ đứng nào cả, thì chuyện đó lại là một điều hay.

 

Rõ-ràng Giáo-hội đã đánh mất sự khả-tín của mình. Một thí-dụ quái-đản: Nhiều năm trước, khi giáo-chủ Gio-an Phao-lô II nhấn mạnh rằng có sự hiện-hữu của thiên-thần, thì nhiều người nghe như chuyện hài-hước. Thế rồi bổng dưng chuyện thiên-thần lại nổi lên như cồn. Dĩ-nhiên thiên-thần lúc này là thứ thật, thứ tốt. Rõ-ràng thiên-thần lúc này lại xuất-hiện từ Giáo-hội.

Thật thú-vị khi quan-sát sự thay-đổi nhanh-chóng của các mốt tinh-thần. Khởi đầu là một thứ đồng-thuận duy-lí, muốn tinh-luyện Ki-tô giáo bằng cách vứt bỏ đi những gì gọi là thừa-thãi. Thiên-thần và các thánh là những thứ chẳng còn hợp thời nữa. Nhưng rồi bổng-nhiên xuất-hiện một thao-thức đi tìm những điều huyền-bí và tìm về một thứ thế-giới đầy siêu-việt, và cả một đợt "sóng thiên-thần" mới xuất-hiện với hành-trạng và hành-tung khó hiểu từ bên ngoài Giáo-hội tràn tới. Đây quả là một hiện-tượng đáng lưu-ý: Những giáo-huấn đến từ Giáo-hội thì chẳng ai quan-tâm hoặc chấp-nhận, trong khi đó những gì đến từ ngoài thì bổng dưng lại được coi trọng. Điều này cho thấy trong lòng sống của Giáo-hội có sự mệt-mỏi, khiến người ta không còn nhận ra cái đẹp và cái cần cho cuộc sống đức tin mình. Như thế, tôi nghĩ, cái từ ngoài đến cũng là cơ-hội giúp chúng tôi đánh thức chính mình.

 

Còn nữa: Cả sự hiểu-biết về đức tin cũng mất, nó như bổng dưng bị một sức mạnh huyền-bí lạ-lùng nào đó cuốn hút đi mất. Chẳng hạn như ở Đức, 30% người lớn tin Giáng-sinh chỉ là một câu chuyện thần-thoại của anh em nhà Grimm (tác giả những chuyện thần-thoại nổi tiêng ở Đức. ND). Các linh-mục không còn biết mình là ai, giáo-dân chẳng hiểu mình nên tin gì, các nhà thần-học tiếp-tục cắt-xén những truyền-thống căn-bản, kho-tàng phụng-vụ bị thất-thoát.

Ông đã nêu lên một số điều gay-go có lẽ cần phải làm sáng tỏ từng điểm một. Có lẽ tôi cũng cần phải bênh-vực cho các nhà thần-học. Nhưng lúc này chúng ta không đi vào chi-tiết này.

Ông có lí, đã có sự mất-mát ngay cả những kiến-thức tôn-giáo đơn-giản. Điều đó khiến chúng tôi phải tự hỏi: Việc dạy giáo-lí của chúng tôi ra sao? Trường lớp chúng tôi làm gì với khá nhiều giờ giáo-lí? Tôi tin rằng người ta đã sai lầm khi truyền lại cho học-sinh quá ít thông-tin. Các thầy cô chúng tôi có lí khi cho rằng dạy giáo-lí không chỉ đơn-thuần là nhồi cho các em nhiều kiến-thức về đạo, nhưng là phải trao cho các em cái gì hơn nữa kia, phải giúp các em học chính cuộc đời mình. Tuy-nhiên quan-điểm này đã khiến thầy cô quá quan-tâm tới việc dạy cho các em có thiện-cảm với lối sống này, và đã bỏ-bê việc truyền-đạt nội-dung thông-tin chính. Tôi nghĩ, chúng tôi phải sẵn-sàng thay-đổi thái-độ. Trong xã-hội trần-tục hiện nay, nếu may-mắn còn có giờ giáo-lí trong trường học, thì đừng trông mong lôi-kéo nhiều học-sinh vào đạo. Nhưng phải giúp các em hiểu Ki-tô giáo là gì. Cần giúp các em, dĩ-nhiên bằng lối giải-thích hấp-dẫn, nhiều thông-tin tốt khiến cho các em phải tự hỏi: Có lẽ đây là cái gì tốt cho tôi chăng?

 

Ngày nay, nhóm những người còn đi lễ, còn đi kiệu hoặc còn bênh-vực Giáo-hội xem ra bị đám đông đa số nhìn với con mắt lạ-kỳ. Ngay nhúm nhỏ người này cũng càng ngày càng cảm-nhận bổng dưng mình đang sống một thứ đạo chẳng còn ăn-nhập gì với thế-giới chung-quanh. Phải chăng tiến-trình sụp-đổ đã trầm-trọng hơn chúng ta tưởng?

Chắc-chắn đang có sự mất-mát kinh-khủng về ý-nghĩa của Ki-tô giáo, và sự hiện-diện cùa Giáo-hội cũng đang thay hình đổi dạng. Rõ-ràng cái xã-hội xưa nay thấm-nhuần Ki-tô giáo lúc này đây đang rạn vỡ ra từng mảng. Trong hoàn-cảnh đó, tương-quan xã-hội và Giáo-hội cũng đang biến-chuyển và cơ chừng như đang đi lần về hướng một hình-thái xã-hội hết chất Ki-tô giáo. Đạo Ki-tô không còn tạo được sự canh-tân nơi tư-duy chung của xã-hội.

Trung-tâm điểm đời sống hôm nay thực-sự nằm nơi những đổi mới kinh-tế và kĩ-thuật. Ở đó - đặc-biệt là ở ngành truyền-thông giải-trí - ngôn-ngữ và cung-cách cư-xử của con người được định hình. Đây có thể nói là lĩnh-vực trung-tâm của cuộc sống con người, hấp-dẫn các phong-trào quần-chúng lớn. Ở đó tôn-giáo dĩ-nhiên không biến mất, nhưng trôi dạt vào lãnh-vực chủ-quan. Đức tin được dung-túng như là một trong những hình-thái tôn-giáo chủ-quan; hoặc nó vẫn còn có được một chỗ đứng như một thành-tố văn-hoá.

Nhưng mặt khác, với cách-thế mới, Ki-tô giáo sẽ cung-cấp cho con người một mẫu-mực sống và nó sẽ hiện-diện như một nơi đầy tình người trong sa-mạc kĩ-thuật. Điều này đã xẩy ra rồi. Nhìn vào các phong-trào như Tân giáo-lí, Fô-cô-la-ri v.v.. thì rõ. Dù người ta có thể chỉ-trích này nọ nơi từng phong-trào, nhưng nói chung đó là những đợt sóng canh-tân. Qua những phong-trào đó, đạo Chúa được cảm-nhận như một cái gì mới và rất nhiều người, từ các phương trời xa, bổng nhiên nhận thấy đó là một cơ-may để sống và có thể sống trong thế-kỉ này. Vì vậy chức-năng công-chúng của Giáo-hội không còn mang hình-thức như trước đây trong thời giáo-hội và xã-hội quyện vào nhau, nhưng nó vẫn luôn còn đó như một cơ-may mới cho con người.

 

Có những ý-niệm xuất-phát từ Giáo-hội, trước đây được cả thế-giới chia-sẻ, nay không còn tác-động gì nữa. Và Giáo-hội cũng càng ngày càng mất sức sáng-tạo. Cho tới mới đây thôi, các nghệ-sĩ và trí-thức mặc-nhiên đi với Giáo-hội. Qua bao thế-kỉ đó là chuyện đương-nhiên. Raffael, Michelangelo hay Johann Sebastian Bach, những con người tài-ba, đã tỏ ra vô cùng sáng-tạo trong khi phục-vụ Giáo-hội. Ngày nay trái lại, nếu còn thích phục-vụ, thì người ta dấn-thân cho tổ-chức Hoà-bình xanh hay Nhân-quyền quốc-tế.

Điều đó có liên-hệ với hướng đi của lịch-sử như đã nói trên. Văn-hoá công-luận ngày hôm nay, đại-diện bởi các hệ-thống truyền-thông, là một thứ văn-hoá vắng bóng siêu-việt. Nơi đó Ki-tô giáo không được cảm-nghiệm như một lực quyết-định. Vì thế mà một số tác-nhân đạo-đức đã đi tìm hướng khác, như ông nói. Nhưng tôi tin chắc trong tương-lai Giáo-hội sẽ không thiếu lực sáng-tạo. Hãy nhìn vào giai-đoạn cuối thời Thượng-cổ, lúc đó có lẽ chẳng ai quan-tâm đến sự hiện-diện của một Biển-đức. Đấy là một kẻ thoát-li xuất thân từ giới quí-tộc và làm nhiều chuyện khác người. Và về sau đã được nhận-diện như là "Con tàu cứu tử cho phương Tây". Và cũng trong cái nhìn đó, tôi tin ngày nay cũng có nhiều tín-hữu Ki-tô thoát-li khỏi cái đồng-thuận kì-lạ của nếp sống đương thời để thử-nghiệm những cách sống mới. Công-luận chẳng ai để ý tới họ, nhưng thật-sự họ đang thực-hiện những chuyện định hình cho tương-lai.

 

Ngài có thể nói rõ thêm về "cái đồng-thuận kì-lạ của nếp sống đương thời” không ?

Nó hàm-chứa trong cái tôi vừa trình-bày: Thiên Chúa chẳng có giá-trị gì trong nền đạo-lí của con người. Nếu Ngài có đó thì Ngài cũng không liên-quan gì với chúng tôi – trong thực-tế đấy là châm-ngôn sống của mọi người. Ngài không quan-tâm tới chúng tôi và chúng tôi cũng chẳng bận-tâm gì tới Ngài. Vì vậy vấn-đề cuộc sống đời-đời cũng không có chỗ đứng. Trách-nhiệm trước Chúa và trước toà-án của Ngài được thay-thế bằng trách-nhiệm đối với lịch-sử, đối với nhân-loại. Từ đó người ta đưa ra các mực-thước luân-lí, có thể được trình-bày một cách quá-khích, chẳng hạn như việc chống nạn nhân-mãn được gắn liền với cuộc đấu-tranh chung nhằm bảo-vệ sự cân-bằng sinh-vật. Từ đó mọi chuyện đều được phép làm, nếu như chúng không cạnh-tranh với nền đạo-lí kia. Vì không có một thẩm-quyền trách-nhiệm nào ngoài công-luận và các toà-án của chúng (có thể dã-man) nên lực kích-động của các mực-thước luân-lí kia trong cuộc sống cá-nhân thường rất yếu. Lực đẩy của lí-tưởng có ích cho người ở xa hơn cho người ở gần; ở gần kề thường hay phát-sinh thói ích-kỉ...

 

Về tình trạng Giáo Hội

Một Giáo-hội hoàn-vũ đương nhiên phải sống trong điều-kiện thiếu đồng-bộ về thời-gian. Văn-hoá, lịch-sử mỗi dân-tộc khác nhau một trời một vực. Ki-tô giáo không chỉ gồm có thế-giới tây phương phóng-khoáng, nặng óc phê-bình và mỏi-mệt với quyền-uy. Còn có những giáo-hội đông phương đang chịu tử-đạo, những giáo-hội có khuynh-hướng xã-hội, chính-trị tại Nam Mỹ. Thêm vào đó là những khuynh-hướng đối-chọi nhau trong suy-tư và đức tin. Ngày nay xem ra trong Giáo-hội sự khác-biệt dễ nhận thấy hơn những điểm tương-đồng. Như vậy còn có sự đồng-thuận trong Giáo-hội không?

Có. Tôi thấy có, khi ta hình-dung trước mắt bức tranh các giám-mục khắp năm châu. Dĩ-nhiên kiểu-cách thảo-luận, tính-khí và hoàn-cảnh những giáo-hội các ngài đại-diện rất khác nhau. Nhưng giáo-hội Công giáo vẫn có cái công giáo tính chung, thể-hiện như qua phụng-vụ, qua các hình-thức sùng đạo, qua những quyết-định luân-lí nền-tảng, qua những xác-tín đặc-biệt. Dù Giáo-hội mang nhiều bộ mặt khác nhau, nhưng căn-bản vẫn là một Giáo-hội, diễn-tả qua sự tuyên-xưng đức tin và trong thực-tế qua sự nối-kết với Rôma, có nghĩa là nối-kết vào một niềm tin chung. Rõ-ràng ở đây có nhiều thế-giới dị-biệt sống bên nhau, nhưng mặc cho những dị-biệt lớn-lao này, họ vẫn có sự thống-nhất chặt-chẽ, có thể cùng dâng lễ chung với nhau bất cứ lúc nào, cùng đối-thoại và hiểu nhau trên những ý-niệm và yếu-tố nền-tảng chung. Tôi tin rằng giáo-hội Công giáo có phần đóng-góp quan-trọng cho nhân loại qua việc nối-kết những thế-giới dị-biệt với nhau trong một đồng-thuận căn-bản và qua đó xây những nhịp cầu nối-kết các dân-tộc.

 

Đồng-thuận căn-bản nay chỉ còn là một đồng-thuận tối-thiểu hay sao?

Không, tôi không nghĩ như vậy. Sự đồng-thuận không có hình-thể trong suốt và nhất-thống như 50 năm trước đây hay vào thời nào khác tôi không rõ. Ngày nay nó mở ra như một cánh quạt với nhiều nền văn-hoá khác nhau. Nhưng nó vẫn là một thống-nhất chặt-chẽ. Nghĩa là tất-cả đều đọc một Kinh-thánh, đọc trong cùng một tinh-thần công giáo truyền-thừa, cùng tuyên-tín những điều trong kinh Tin-kính và cùng vâng-phục một giáo-huấn chung. Điều đó được thực-hiện cách khác nhau trong những hoàn-cảnh khác nhau, nhưng người ta vẫn cảm-nhận được một sự thống-nhất mà tôi như sờ thấy được qua sự gặp-gỡ các giám-mục hoặc các nhóm thanh thiếu-niên trên khắp thế-giới. Vượt trên mọi biên-cương, bản-chất nhất-thống của giáo-hội Công giáo là một cảm-nhận rất thực-tế.

Mặt khác, cũng phải lưu-ý rằng, dù trong hoàn-cảnh thiếu đồng-bộ và đa-tạp văn-hoá, thế-giới vẫn luôn có những trào-lưu tìm về nhất-thống và đồng dạng. Kĩ-thuật và truyền-thông cũng tạo không-khí nhất-thống trên thế-giới. Máy truyền hình ngày nay đã đi vào mọi hang cùng ngõ hẻm của dân nghèo, mang tới mọi người cùng một ý-thức-hệ nào đó, kĩ-thuật giờ đây không đâu là không có mặt. Thế-giới ngày nay có sự tranh-chấp giữa hai khuynh-hướng. Một đàng là áp-lực đồng dạng kéo mọi thứ lên trình-độ kĩ-thuật thế-giới đã đạt và vào ý-hệ của nó. Mặt khác, chống lại nó, là cuộc đấu-tranh căn-tính, trong đó các nền văn-hoá riêng càng ngày càng tìm cách chống lại áp-lực đồng-hoá để giữ lại cho mình bản-sắc và diện-mạo nguyên-thuỷ. Thế mới biết cái đồng dạng và tầm ảnh-hưởng của văn-hoá kĩ-thuật, dù đã len-lỏi vào khắp nơi, vẫn chưa đủ để mang lại sự nhất-thống cho nhân-loại, một sự nhất-thống thấm đến tận tầng nội-tại thẳm-sâu nơi con người. Nhìn từ đó mới thấy hoàn-cảnh phức-tạp và , trên một bình-diện nào đó, quan-trọng hơn của Giáo-hội.

 

Ngài có thể nói rõ hơn?

Những xác-tín và cách ứng-xử tạo sự liên-kết trong Giáo-hội bám rễ sâu hơn là những lối nói và phong-thái hành-động do truyền-thông áp-đặt trên chúng ta. Xử-dụng một máy điện-toán, lái xe, xây nhà cao tầng, làm việc trong một hệ-thống dây chuyền v.v. là những việc được thực-hiện cách giống nhau khắp nơi trên thế-giới. Nhưng liên-quan tới những công-việc này lại có nhiều lối sống hoàn-toàn khác-biệt nhau. Hành-động bề ngoài giống nhau, nhưng cái đó không có nghĩa những người cùng làm một việc giống nhau có thể hiểu nhau, kính trọng nhau và chung sống hoà-bình. Yếu-tố quyết-định ở đây là những xác-tín tôn-giáo và đạo-đức, là cả một lối đào-tạo lương-tâm. Và đấy là điểm Giáo-hội lưu-ý. Rõ-ràng việc đào-tạo nội-tâm con người, một chuyện ít thấy được từ bên ngoài, là việc khó-khăn hơn nhưng đồng thời hệ-trọng hơn để liên-kết con người và giữ-gìn nhân-phẩm. Đào-tạo lương-tâm chung với một niềm tin chung là một chuyện, nhưng những xác-tín chung đó phải được biểu-tả một cách cụ-thể ra bên ngoài, bởi nếu không, chúng sẽ chẳng hiệu-nghiệm. Bởi thế, những điểm chung trong phụng-vụ chẳng hạn cũng như trong toàn-thể đời sống Giáo-hội cần được cảm-nhận một cách cụ-thể, vượt ra bên ngoài những ranh-giới văn-hoá.

 

Có thể xác-định được trong Giáo-hội đâu là những trào-lưu chính, đâu là những phong-trào hay có thể nói là những bè-phái không?

Dĩ-nhiên là có những trào-lưu đây đó từ đông sang tây. Trước hết phải kể tư-tưởng căn-bản của thần-học giải-phóng. Nó có tiếng vọng khắp năm châu cho phép ta nhìn nó với con mắt tích-cực. Căn-bản tư-tưởng của thần-học này là Ki-tô giáo phải tác-động lên cuộc sống con người trần-thế. Nó phải giúp con người có được tự-do lương-tâm và cũng phải đề-cao các quyền xã-hội của con người. Nhưng khi thần-học này bị lái về một chiều thì nó có khuynh-hướng chung muốn biến đạo Ki-tô thành dụng-cụ của một cuộc cách-mạng chính-trị thế-giới. Từ khởi điểm này đã khai-sinh ra quan-điểm là tất-cả mọi tôn-giáo thật ra chỉ là dụng-cụ đấu-tranh cho tự-do, hoà-bình và bảo-tồn công-cuộc tạo-dựng. Như thế chúng phải chứng-tỏ lí-do tồn-tại qua thành-công và mục-tiêu chính-trị. Quan-điểm này tuy đổi-thay theo hoàn-cảnh chính-trị, nhưng nó lan-tràn khắp các châu lục. Nó hiện đang mạnh ở Á châu và cả ở Phi châu. Nó còn xâm-nhập cả vào thế-giới Hồi giáo. Ở đó cũng đã có những nỗ-lực diễn-dịch kinh Koran theo quan-điểm thần-học giải-phóng. Những nỗ-lực này dĩ-nhiên không đáng kể trong Hồi giáo, nhưng chúng có vai-trò quan-trọng trong các phong-trào khủng-bố hồi giáo. Đối với các nhóm này, Hồi giáo đương-nhiên là một phong-trào giải-phóng chống Do-thái chẳng hạn.

Gần đây, quan-điểm giải-phóng trên đã hoà-quyện với tư-tưởng giải-phóng phụ-nữ - nếu ta được phép coi tự-do là mẫu-số chung cho tinh-thần thời-đại mới và thế-kỉ chúng ta. Phụ-nữ lúc này được coi đúng là thành-phần bị áp-bức. Do vậy mà giải-phóng phụ-nữ đã trở thành hạt nhân của mọi hành-động giải-phóng. Thần-học giải-phóng từ địa-vực chính-trị, như thế, đã chuyển sang địa-vực nhân-chủng. Giải-phóng phụ-nữ ở đây không chỉ hạn-chế trong việc giải-phóng khỏi những ràng-buộc vai-trò phụ-nữ của họ, nhưng có cùng đích là giải-phóng họ ra khỏi những hạn-chế sinh-lí tự-nhiên. Ngày nay người ta tách-biệt hiện-tượng sinh-học của phái-tính[29] khỏi những hình-thức lịch-sử của nó. Song, người ta đã không ngừng lại ở cuộc cách-mạng chống lại phái-tính-lịch-sử, mà còn muốn phá luôn hàng rào sinh-lí nơi con người: Nghĩa là con người phải được tự-do vượt ra khỏi những hạn-chế sinh-lí của mình, phải được tuỳ-tiện thay-đổi hình-hài, phải được tự-do thoát khỏi mọi rào cản của bản-chất nó. Chẳng còn những ý-niệm như „bẩm-sinh“, „tự-nhiên“ nữa. Ẩn-nấp sau suy-tư đó là cuộc cách-mạng của con người chống lại những giới-hạn sinh-học của mình. Kì cùng đây chính là cuộc nổi loạn chống lại tính-cách thụ-tạo của con người. Con người phải là hoá-công tạo ra chính mình. Đó là sự lặp lại trong thời-đại mới cái cám-dỗ thời xa-xưa: Con người muốn là thượng-đế cho mình, chính là thượng-đế.

Hiện-tượng thứ ba thấy được khắp nơi trên thế-giới là nỗ-lực đi tìm bản-sắc văn-hoá riêng trong một thế-giới càng ngày càng trở nên đồng dạng, thể-hiện qua ý-niệm „hội-nhập văn-hoá“. Ở châu Mỹ la-tinh, sau khi làn sóng mác-xít đã êm, đang nổi lên trào-lưu mạnh-mẽ đi tìm lại những nền văn-hoá đã mất. „Theologia india“[30]muốn đánh thức dậy các nền văn-hoá và tín-ngưỡng tiền Cô-lôm-bô và tự giải-phóng khỏi lối sống ngoại-lai do người Âu châu áp-đặt. Ở đây ta thấy những liên-hệ chòng-chéo với phong-trào đòi quyền phụ-nữ khá hi-hữu: Phong-tục thờ Mẹ Đất và nguyên-lí nữ-tính trong Thượng-đế được đặc-biệt đề-cao. Đây là điểm tăng-cường cho những khuynh-hướng đấu-tranh đòi quyền phụ-nữ tại Âu Mĩ. Phong-trào này không muốn giới-hạn vào những lí-lẽ nhân-chủng, nhưng cả tìm cách tạo một bộ mặt mới cho ý-niệm Thiên-chúa. Vì theo họ, chính xã-hội phụ-hệ đã phóng-chiếu phụ-quyền vào Chúa, nên họ cố đẩy sự đàn-áp phụ-nữ vào trong ý-niệm Chúa. Trong sự khôi-phục những tôn-giáo cũ này yếu-tố vũ-trụ (Mẹ Đất v.v..) cũng dính-dáng tới các khuynh-hướng của Thời-mới, một trào-lưu muốn hoà-nhập tất-cả các tôn-giáo lại với nhau cũng như nối-kết người và vũ-trụ lại thành một thể nhất-thống. Trở lại vấn-đề hội-nhập văn-hoá: Phi và Á châu, đặc-biệt là Ấn-độ, cũng có phong-trào này, dĩ-nhiên với ít nhiều dị-biệt tuỳ hoàn-cảnh. Câu hỏi đặt ra là: trong chừng-mực nào có thể dùng các nền văn-hoá làm áo khoác cho các tôn-giáo khác nhau? Phải chăng chúng chỉ là những tấm áo khoác? Hay chúng là những tổng-thể sống-động? „Văn-hoá“ thực sự có nghĩa là gì? Còn nhiều vấn-nạn và công-việc lớn phải giải-quyết ở địa-hạt này.

Tôi còn muốn nói tới hai đề-tài nữa đang lưu-hành trên thế-giới. Thứ nhất là chủ-trương Môi-sinh. Chủ-trương này xuất-phát từ ý-thức rằng chúng ta không được tiếp-tục đối-xử với địa-cầu như ta đang làm. Suy từ đó con người phải hổ-thẹn vì đã huỷ-diệt tạo-vật. Và cũng từ đó nẩy sinh câu hỏi, con người thật-sự là gì, phải chăng con người phải lui về vị-trí của mình bên cạnh những sinh-vật khác và những câu hỏi khác đại-loại như thế. Người ta có thể bảo-vệ môi-sinh trong tinh-thần Ki-tô giáo, dựa trên niềm tin vào công-trình tạo-dựng vũ-trụ. Niềm tin này giới-hạn cái tuỳ-tiện của con người, nó đặt ra mực-thước cho tự-do. Người ta cũng có thể chủ-trương bảo-vệ theo cách nhìn chống Ki-tô giáo, nghĩa là theo quan-điểm của Thời-mới, coi vũ-trụ này là Chúa. Đề-tài thứ hai tôi muốn đề-cập là chủ-trương Tương-đối-hoá, hiện đã trở nên rất mạnh. Nó xuất-phát từ nhiều nguồn khác nhau. Con người thời-đại tân-tiến ngày nay coi thái-độ cho rằng chỉ có mình nắm chân-lí và rằng những cái khác không phải là chân-lí hoặc chỉ là mảnh vụn của chân-lí là một biểu-hiện phản dân-chủ, bất khoan-dung và không phù-hợp với tinh-thần hoài-nghi cần có của các nhà khoa-học. Chính từ quan-điểm dân-chủ trong cuộc sống, trong đó hàm-chứa ý-tưởng khoan-dung, mà nỗi thắc-mắc không biết chúng ta, những ki-tô-hữu, có nên tiếp-tục duy-trì cái nhìn đương-nhiên của ta có về đạo không, trở thành câu hỏi nóng-bỏng.

Ở Ấn-độ vấn-nạn này dính liền với truyền-thống tôn-giáo của dân-tộc họ. Dân-tộc này luôn có đặc-tính đi tìm Thượng-đế duy-nhất trong cái không thể gọi tên. Theo đó, tất-cả những gì thuộc tôn-giáo, đều chỉ là những phản-xạ, những phóng-ảnh, những khúc xạ của một Đấng không hề bao giờ tự xuất-hiện. Như vậy không thể có một tôn-giáo đích-thực nào cả. Chúa Ki-tô ở Ấn rõ-ràng có chỗ đứng cao-trọng, nhưng trong quan-niệm họ có về Ngài, họ cho rằng cái gì có nơi Ngài thì cũng đã xuất-hiện nơi các thần-minh khác. Như thế, ở đây luồng khí dân-chủ bao-dung của thế-giới đã kết-hợp với một truyền-thống văn-hoá lớn.

 

Những trào-lưu tư-tưởng thế-giới kia có tầm quan-trọng nào hay nguy-hiểm gì cho giáo-hội Công giáo không? Xem ra công-luận ngày nay cho là chói tai khi nghe người Công giáo bảo rằng đạo họ là đạo thật, rằng đức Ki-tô không phải chỉ là một nhân-vật kiệt-xuất, rằng tôn-giáo không chỉ là một phóng-ảnh.

Tôi có cảm-tưởng câu hỏi "Người ta có thể khắng-định chân-lí tới chừng-mực nào?” và "Đạo Ki-tô có vị-trí nào trong toàn-bộ các tôn-giáo?" là những câu hỏi đang trở nên nóng-bỏng. Cuộc tranh-luận đặc-biệt sôi-nổi ở Ấn-độ, nó cũng tràn vào nền thần-học ở Nam Mỹ qua Thần-học thổ-dân. Còn ở Âu châu và bắc Mỹ thì dĩ-nhiên nó đã và đang hiện-diện khởi đi từ triết-thuyết tương-đối.

 

Ngài nghĩ gì về những luồng tư-tưởng trong Giáo-hội, mà có kẻ cho là phản-động, là thứ công giáo bảo-căn / duy-căn (katholischer Fundamentalismus)?

Đứng trước những gì đang xẩy ra, trước những bấp-bênh kinh-khủng đang đe-doạ con người khiến họ cảm thấy bổng dưng bị cướp mất quê-hương tinh-thần và nền-tảng sống, tất-nhiên họ có phản-ứng tự-vệ và khước-từ cái tân-tiến mà trong mắt họ là thứ phản lại tôn-giáo hay ít ra phản lại đức tin. Tôi muốn nói thêm ở đây là ý-niệm bảo-căn, như hiện nay đang dùng, hàm-chứa nhiều thực-tại khác nhau, cần phải xác-định rõ. Trước hết, ý-niệm bảo-căn phát-xuất từ đạo Tin-lành ở Hoa-kì trong thế-kỉ 19. Truyền thống Tin-lành là duy-kinh, có nghĩa là họ chỉ tin vào Kinh thánh và từ trước cho tới lúc đó họ không gặp khó-khăn vế ý-nghĩa kinh sách, vì việc chú-giải khá nhất-thống. Nhưng sự chú-giải Kinh thánh theo phương-pháp phê-bình lịch-sử, một hệ-quả của thời Ánh sáng, đã làm Kinh thánh giờ đây mất đi tính-cách minh-bạch như vốn có trước đó. Như vậy, cái nhất-thống, cái "căn-bản" của họ không còn nữa. Và vì không có một giáo-quyền trung-ương nên sự-kiện trên quả là một đe-doạ sống-còn cho cộng-đoàn đức tin. Thêm vào đó là thuyết tiến-hoá; nó không những làm lung-lay nội-dung sách Sáng-thế và niềm tin vào sự Tạo-dựng, mà còn biến Chúa thành ra kẻ dư thừa. Vì thế, để chống lại, họ đề ra nguyên-tắc giải-thích Kinh thánh theo nghĩa đen thật nghiêm-nhặt: Mọi giá-trị hệ-tại nơi nghĩa chữ. Chủ-trương này không những chống lại lối chú-giải Kinh thánh theo quan-điểm phê-bình lịch-sử, mà chống luôn cả giáo-quyền công giáo, vì Công giáo không cho phép lối hiểu nghĩa đen như thế. Đó là "chủ-nghĩa duy-căn" trong nghĩa ban đầu của nó. Các "giáo-phái" duy-căn Tin-lành ngày nay gặt được nhiều thành-công lớn trong việc truyền-giáo ở Nam Mỹ và Phi-luật-tân. Họ cống-hiến cho con người cảm-giác an-ninh và sự đơn-giản của đức tin. Còn "duy-căn" mà chúng ta dùng ngày nay đã trở thành một từ để chỉ đủ loại kẻ thù.

 

Hãy cứ tạm dùng chữ duy-căn. Theo ngài, đâu là những trào-lưu tốt, đâu là những trào-lưu phải đặt vấn-đề, là bệnh-hoạn, như ngài đã có lần mô-tả?

Có thể nói rằng: Yếu-tố chung trong những khuynh-hướng rất dị-biệt này, được ta gọi là duy-căn, là việc đi tìm cái chắc-chắn và cái giản-dị của đức tin. Điều này tự nó không có gì xấu, vì chung cuộc, như Kinh thánh vẫn lập đi lập lại, đức tin được dành cho những kẻ bình-dân, bé-mọn, họ không thể sống với những chi-tiết cao-siêu cầu-kì bác-học. Nếu người ta hôm nay vinh-danh cuộc sống thả-lỏng trong bất-ổn và nghi-ngờ coi đức tin là chân-lí tưởng-tượng thì chắc-chắn đó không phải là lối sống mà Kinh thánh muốn đưa ta tới. Việc đi tìm cái chắc-chắn và giản-đơn sẽ trở nên có hại khi nó dẫn đến quá-khích và cố-chấp. Khi chính ngay lí-trí bị nghi-ngờ thì đức tin sẽ bị xuyên-tạc và trở thành một thứ ý-hệ bè nhóm. Thứ ý-hệ này không chút liên-quan gì nữa với lòng cậy tin vào Thiên Chúa hằng-sống là nguồn mạch sự sống và lí-trí của chúng ta. Từ đó nẩy-sinh những hình-thái đạo-đức bệnh-hoạn, chẳng hạn như chạy tìm những cuộc hiện ra, những tín-hiệu từ thế-giới bên kia hay đại-loại như thế. Nhưng thay vì cứ lôi duy-căn ra tiếp-tục mổ-xẻ, các nhà thần-học nên tự hỏi xem họ có lỗi gì không khi hàng ngày càng nhiều người chạy trốn vào những hình-thức tôn-giáo hẹp-hòi bệnh-hoạn. Khi ta chỉ biết tra-hỏi đức tin mà thôi và không vạch ra cho nó một con đường tích-cực thì chuyện chạy trốn là việc đương-nhiên.

 

Đâu là mảnh đất lành-mạnh nhất trong Giáo-hội? Có nơi nào như là trung-tâm mới của giáo-hội Công giáo không?

Tôi không dám nói như thế. Không. Một đàng có những nơi truyền-thống đang được bảo-vệ kĩ hơn. Đàng khác có những nơi khủng-hoảng không trầm-trọng hoặc nơi đó lòng đạo đang bùng lên mạnh. Nói chung thì đâu-đâu đức tin cũng bị đe-doạ; và thách-đố hay đe-dọa, dĩ nhiên, luôn vẫn là những gì tiềm-ẩn sẵn trong đức tin.

 

Là người đứng đầu Bộ tín-lí và là thành-viên của Bộ rao-giảng Phúc-âm ngài hẳn có cái nhìn bao-quát. Phớt qua tình-trạng của Giáo-hội hoàn-vũ bằng những nét chấm-phá như trên hẳn chưa đủ, song ít ra nó cũng hé mở cho ta nhìn vào những đề-tài khác nhau.

Ta có thể đi vào chi-tiết tình-trạng của từng nước không? Trước hết ở Âu châu, bắt đầu với nước Ý được không? Giáo-hội Ý luôn có nhiều dị-biệt: Giáo-hội miền bắc khai-phóng, trong khi ở miền nam lại bình-dân và nặng truyền-thống hơn. Rõ-ràng có sự phân cực giữa cánh cấp-tiến và cánh bảo-thủ và ảnh-hưởng của phong-trào giáo-dân càng ngày càng lớn mạnh.

Nước Ý cũng không tránh khỏi sự phân cực, nhưng theo quan-sát của tôi thì vấn-đề ở đó không mạnh như ở Đức. Dĩ-nhiên thần-học ở Ý cũng đã thu-nhận và chịu ảnh-hưởng nhiều phong-trào nặng đầu-óc phê-bình. Sự phân-rẽ giữa những người Dân-chủ Thiên Chúa giáo không chỉ nói lên ảnh-hưởng của nhiều trường-phái khác nhau trong giáo-hội Công giáo ở Ý, mà còn phản-ảnh những xung-động sâu-xa hơn của thần-học. Nhưng sự ràng-buộc với giáo-triều và giáo-quyền qua giáo-chủ đã đâm rễ ở Ý sâu hơn ở Đức và đó là cái làm họ đoàn-kết với nhau rất mạnh bất chấp mọi căng-thẳng.

Đúng, Công giáo ở miền nam Ý khác ở miền bắc. Miền nam đặt nặng tình-cảm, phong-tục, truyền-thống và rước-sách nhiều hơn. Miền bắc thì duy-lí và chịu ảnh-hưởng của trung Âu nhiều hơn. Và như tôi đã nói, thần-học nước này cũng không nhất-thống và có những giáo-sư thần-học ưa chỉ-trích giảng dạy cả trong các đại-học của giáo-chủ (Giáo-hoàng học-viện). Tuy nhiên ở Ý không có những cuộc đụng-độ gây-cấn như trong các nước phía bắc, song họ luôn cố gắng hợp-nhất cách này hay cách khác. Một điều nữa cũng đã đi vào truyền-thống của Ý là họ vẫn xem giáo-chủ với giáo-quyền của ngài làm điểm qui-chiếu nòng-cốt cho cuộc sống.

Dĩ-nhiên số người dự thánh lễ và ơn gọi tu-trì ở Ý có giảm đi, cũng giống tình-trạng ở các quốc-gia âu châu khác. Nhưng dù sao vẫn còn một ý-thức công giáo, đôi khi rất lỏng-lẻo nơi hầu hết người Ý, kể cả những người thuộc các đảng cánh tả hoặc cộng-sản cũ. Người ta vẫn thấy họ xưng mình là công giáo, dù đạo ít ảnh-hưởng trên lối nghĩ và hành-động của họ. Lòng đạo của người Ý đã thấm vào bản-sắc và văn-hoá của họ, sâu hơn ở Đức.

 

Người ta bảo giáo-hội Ý xem ra đã mệt-mỏi và họ hiện che-đậy tình-trạng này chủ-yếu bằng những dự-án văn-hoá ?

Dĩ-nhiên Ý cũng không tránh được mỏi-mệt và, như ông nói, cũng đã có hiện-tượng tìm nương-tựa nơi khác. Nhưng cũng có rất nhiều giáo-xứ sống-động và có rất nhiều sinh-hoạt giáo-dân. Ở đây, mọi chuyện không có hình-thức tổ-chức qui-cũ như ở Đức, nhưng theo tôi, những sinh-hoạt tự-phát thường mạnh và sống-động hơn. Số ơn gọi linh-mục, chẳng hạn, ở giáo-phận Rôma hiện nay cao hơn con số 50 năm về trước.

 

Việc sụp-đổ hệ-thống chính-trị lay-động giáo-hội Ý mạnh tới mức nào?

Ở Ý khó mà nói được rằng có chuyện gì bị lay-động đến mức nào khi có một hệ-thống chính-trị sụp-đổ. Các chính-quyền cứ đổ mà chẳng có chi thay-đổi. Đúng là đường-lối chính-trị của Hội-đồng-giám-mục Ý đã phải đổi, sau khi đảng Dân-chủ Thiên Chúa giáo vỡ. Chính trong những năm cuối của đảng này, mục-tiêu đoàn-kết người công giáo, đặc-biệt trong lãnh-vực chính-trị người công giáo phải tỏ ra đoàn-kết đúng với trách-nhiệm chính-trị của mình, đã được người ta đưa lên hàng đầu. Dù sao cũng không tránh được việc sụp-đổ của đảng Dân-chủ Thiên Chúa Giáo, và vì thế Hội-đồng giám-mục Ý phải huỷ-bỏ mục-tiêu trên. Có điều giáo-hội Ý giờ đây rút về trung-lập chính-trị và đưa ra mục-tiêu "vượt đảng", có nghĩa là kêu-gọi tín-hữu công giáo, dù thuộc đảng nào đi nữa, thì cũng vì tinh-thần trách-nhiệm mà thống-nhất với nhau trong các vấn-đề đạo-đức luân-lí. Nghĩa là một chính-sách mới kêu-gọi sự đồng-thuận của tất-cả những người công giáo bất luận thuộc chính đảng nào trong các vấn-nạn đạo-đức then-chốt.

 

Ngài ủng-hộ lập-trường đó?

Phải. Nếu nó thành-công thì rất tốt, bởi vì có được sự đoàn-kết căn-bản vượt trên mọi chính đảng.

 

Cả với những người cộng-sản?

Dù sao cũng nên hợp-tác với PDS, tổ-chức hậu-thân của đảng Cộng-sản Ý[31]. Nhưng như ông thấy đó, PRC vẫn bám chặt vào các nguyên-tắc mác-xít.

 

Khác hẳn với bên Đức, các đợt trưng-cầu ý-kiến về những vấn-đề liên-quan tới Giáo-hội ở Ý xem ra không có gì đáng để ý. Có phải là vì họ ít chú-ý đến những vấn-đề tín-lí, mà lại đặt nặng vấn-đề xã-hội và về những áp-dụng thực-tiễn của Ki-tô giáo? Khác-biệt ở đâu? Dân Ý quan-tâm điều gì?

Có lẽ phải nói ngay các cuộc trưng-cầu ở Bỉ và Pháp hoàn-toàn không có tiếng vang và ở Mỹ chắc cũng chẳng đi đến đâu. Trưng-cầu ý kiến có lẽ là nét đặc-thù của Đức. Ở Bỉ, người ta đã phải sửa lại nhiều chỗ trong bảng câu hỏi của Đức để tạo sự quan-tâm. Ở những nước khác ra sao, tôi không biết. Theo chỗ tôi hiểu, ở Ý chả mấy ai chia-sẻ điểm tin mừng – tin dữ[32], bởi vì trong tin mừng dĩ-nhiên cũng mang tính đe-doạ giúp con người thắng vượt được những yếu-đuối của mình. Cũng chả mấy ai ở Ý có ý-kiến về cái đòi-hỏi mơ-hồ phải coi các giáo-hội khác như là anh chị em. Người ta cũng thừa biết, anh chị em không luôn là hình-ảnh mẫu-mực cho cuộc sống hoà-thuận bên nhau. Còn chuyện độc thân, ai cũng biết, đã tạo ra nhiều vấn-đề và thảm-kịch cho con người, nhưng cũng phải thực-tế mà thấy rằng cuộc sống lứa-đôi cũng không đơn-giản hơn. Vì thế người ta chấp-nhận độc thân như là một phần văn-hoá công giáo; dù có nhiều vấp ngã, nhưng độc-thân chứa-đựng nhiều nét cao-cả và cần-thiết. Chúng ta có thể có những lí-luận tiếp-tục đại-loại như thế. Ý không có cảnh li-khai Giáo-hội, nhưng có sự phân-cách giữa Catolici và Laici. Laici là những người tranh-đấu cho một lí-tưởng nhà-nước và nhân-sinh-quan đã thể-hiện rất rõ qua cuộc Cách-mạng Pháp. Hội-viên tam-điểm - những người đã có công lớn trong việc thành-lập quốc-gia Ý - là những Laici điển-hình, họ tự coi là lực-lượng bảo-đảm cho lí-tưởng trên. Giữa hai thành-phần đó có sự kình-chống. Đến thế-chiến thứ hai thì lại có thêm thành-phần cộng-sản. Vấn-đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để tạo cân-bằng giữa các lực-lượng đó, và đâu là điểm cần và có thể tổng-hợp, đâu là điểm phải loại-trừ.

 

Giờ nhìn qua Tây-ban-nha.

Ở Tây-ban-nha khủng-hoảng vào thời kết-thúc chế-độ Franco và của cuộc chuyển-tiếp sang thể-chế dân-chủ đã trùng-hợp với khủng-hoảng hậu công-đồng (Vaticanô II). Chúng gây xáo-trộn lớn trên Giáo-hội nước này. Cho tới lúc đó, giáo-hội Tây-ban-nha, qua lối tổ-chức của giáo-hội này, đã đồng-hoá rất chặt-chẽ với xã-hội và ngay cả với nhà-nước. Nay người ta thấy điều đó là sai. Giáo-hội phải tách ra khỏi thể-chế xã-hội và phải đặt lại đường đi cho mình. Cuộc đổi mới đột-ngột này đã làm giảm ơn gọi linh-mục và tu-sĩ, gây phân-hoá trong địa-hạt thần-học, làm nẩy-sinh nhiều trào-lưu thần-học nặng khuynh-hướng chỉ-trích. Đến nay hãy còn tồn-tại khuynh-hướng ki-tô giáo và thần-học nặng tính phê-bình chỉ-trích đó. Tuy nhiên một phong-trào sống đạo mới, sống-động, theo tinh-thần công-đồng cũng đã thành hình, tách ra khỏi truyền-thống cũ của giáo-hội nhà-nước.

 

Ở Pháp, theo một cuộc thăm-dò ý-kiến năm 1994, có 83% người có đạo chủ-trương chỉ cần tuân-phục lương-tâm. Chỉ 1% tín-hữu công giáo còn tin vào giáo-huấn chính-thức của Giáo-hội.

Phải, trên một bình-diện nào đó Pháp là nước bị tục-hoá mạnh nhất ở Âu châu. Vả lại lòng kiêu-hãnh của người Gô-loa xưa nay vẫn là một nét đặc-trưng trong Giáo-hội. Nhưng nên tin các con số thống-kê tới mức nào? Đúng là công giáo Pháp khá đa dạng, có những phong-trào rất nặng tính chỉ-trích, đọc báo "Golia" hay "Témoignage chrétien" là đủ thấy. Đối lại cũng có cánh đặt nặng truyền-thống. Phong-trào của giám-mục Lefrèvre hoặc các phong-trào khác đặt nặng truyền-thống trong Giáo-hội không đâu mạnh như ở Pháp. Do vậy Giáo-hội này mang những đối-kháng gay-gắt. Nhưng ở đây cũng nổi lên những luồng sống đạo tươi-mát và sinh-động. Chúng không được thống-kê lưu-ý tới, nhưng có giá-trị nhân-bản cao và tiềm-ẩn sức mạnh định-hình tương-lai.

 

Lúc này, thay-đổi lớn-lao nhất diễn ra ở Đông Âu. Các giáo-hội Đông Âu, trước đây dưới thời cộng-sản là những giáo-hội đề-kháng, nay hẳn phải nắm một vai-trò hoàn-toàn mới trong xã-hội.

Tôi không có được thông-tin chính-xác về những nước này, bởi vì chúng tôi tại giáo-triều không thấy hoặc thấy rất ít những luồng thần-học nặng tính chỉ-trích phê-bình trổi lên từ các nước ấy. Hun-ga-ri có phong-trào Bokor do linh-mục Bulány thuộc dòng Piariste sáng-lập. Đó là những xứ đạo nền-tảng nảy sinh qua kinh-nghiệm bị đàn-áp, họ chủ-trương hoà-bình triệt-để như một hình-thức diễn-tả khuynh-hướng sống Ki-tô giáo một cách cực-đoan và càng ngày càng mạnh-mẽ phê-bình những giám-mục bị gán cho tội đầu-hàng chế-độ. Tiếc rằng mọi cố-gắng giàn-hoà cho tới nay đều không thành-công. Thay vào đó phong-trào này trái lại hiện liên-kết chặt với các trào-lưu thần-học thích chỉ-trích và chống phẩm-trật ở các nước phương tây. Bất luận ai thuộc tôn-giáo nào cũng có thể gia-nhập Phong-trào, miễn là chấp-nhận bác-ái yêu-thương là qui-tắc sống quan-trọng nhất cho mình. Ở Tiệp và Cộng-hoà Slô-vác nẩy-sinh từ nhóm các linh-mục "chui" một chiều-hướng thần-học cũng nặng phê-bình chỉ-trích, nhưng sự-kiện đó đã không có tiếng vang. Hiển-nhiên là sau thời-kì bị bách-hại các giáo-hội đó không dễ gì trở lại thời giáo-hội quốc-doanh như trước đây. Và từ căn-bản đó phải lập lại một cộng-đoàn tín-hữu mới có tinh-thần tự-do và phải xác-định lại tương-quan mình với xã-hội. Nhìn thế đủ thấy còn nhiều vật-lộn nội-bộ. Nhưng nói chung gian-khổ đã khiến lòng tin thêm can-cường và tạo nên một thứ kháng-chất đối với một số cám-dỗ.

 

Đặc-biệt ở Ba-lan có những biểu-hiện, mà ít là ở Tây Âu từ lâu ta không thấy nữa. Tôi muốn nói là khuynh-hướng gắn-bó giữa Giáo-hội với những trào-lưu đặc-biệt trong chính-trị và ngay cả với từng nhân-vật.

Đó là một con đường đặc-thù, mà tôi cũng không rõ lắm. Điều phải nhớ là lịch-sử Ba-lan đã trải qua những thăng trầm lớn và trong những thăng trầm lịch-sử đó yếu-tố công giáo đã hiện ra như nét bản-sắc chính của dân-tộc này. Công giáo đã hòa-trộn một cách rất độc-đáo với lòng yêu nước và tình-cảm dân-tộc của Ba-lan. Cả khi Ba-lan không hiện-hữu như một quốc-gia: Qua Giáo-hội Ba-lan vẫn tồn-tại là Ba-lan, qua Giáo-hội đất nước này vẫn giữ được mối liên-kết nội-tại chặt-chẽ mặc cho những chia-cắt đất-đai Vì thế Giáo-hội đã có thêm vai-trò chính-trị mà ngày nay cần phải được xét lại, phải được sống cách khác và chịu-đựng cách khác. Tiến-trình đó đã được bắt đầu, nhưng nó không thể hoàn-tất trong ngày một ngày hai được.

 

Chỉ có công giáo Anh là xem ra mạnh hơn. Xưa nay đối với giáo-triều Rôma thì Anh vẫn là đứa con cưng hoang-đàng?

Trong Anh-giáo vẫn còn rất nhiều yếu-tố công giáo. Nhìn như thế nước Anh với Anh-giáo là một mô-hình đặc-biệt, đứng lơ-lửng ở giữa. Một mặt, Anh tách khỏi Rôma và nhất quyết giữ khoảng-cách với Rôma. Chỉ cần nhớ lại lời ông Hobbes[33] thì rõ: Một quốc-gia phải có tôn-giáo, và đặc-biệt hai thứ công-dân này phải loại đi: đó là đám vô-thần và bọn theo Giáo-chủ (Rôma), vì bọn này qui-phục một vương-quyền ngoại-bang. Như vậy, một mặt có thái-độ dứt-khoát tránh xa, mặt khác lại có gắn-bó chặt-chẽ với truyền-thống công giáo. Trong Anh-giáo những trào-lưu muốn tăng-cường di-sản công giáo vẫn luôn sống-động. Luôn có hai đối-cực kì-lạ, một bên muốn diễn-tả tin-lành hơn, một bên lại muốn diễn-tả công giáo hơn. Khủng-hoảng hiện tại của giáo-hội Anh nói lên điều đó. Một tình-trạng mới đã phát-sinh do hai sự-kiện - mở rộng nguyên-tắc đa-số cho những vấn-đề về giáo-huấn và việc chuyển thẩm-quyền quyết-định về những vấn-đề giáo-huấn cho giáo-hội mỗi quốc-gia. Cả hai điểm này tự chúng đều vô lí, là vì một giáo-huấn đúng hay không đúng không phải là do đa-số hay do giáo-hội quốc-gia ấn-định. Phải hiểu làn sóng chống truyền chức cho phụ-nữ và làn sóng trở lại đạo Công giáo diễn ra trong không-khí chống-đối đó. Nhưng dù sao đi nữa ngay cả giáo-hội nhà-nước cũng không muốn để mất các yếu-tố công giáo, và vì thế đã chủ-ý chấp-nhận các giám-mục chống lại việc truyền chức cho phái nữ và qua đó dung-nạp những thành-phần thân Công giáo trong Anh giáo. Luôn có một tiềm-năng công giáo lớn trong Anh-giáo, như ta đã thấy rất rõ qua cuộc khủng-hoảng hiện nay.

 

Tại Nam Mỹ, các giáo-phái Tin-lành mới đã lôi-kéo được hàng triệu tín-đồ, tín-hữu công giáo đua nhau chạy theo họ. Ở Ba-tây, quốc-gia công giáo lớn nhất thế-giới, đang bùng lên những xung-đột tôn-giáo thật-sự giữa Công giáo và các giáo-phái. Phải chăng đó là hậu-quả của sự thất-bại của thần-học giải-phóng – hay ngược lại giả như Rôma đã khuyến-khích thần-học giải-phóng thì cơ-sự đã không xẩy ra như thế?

Ở đây có nhiều chẩn-đoán khác nhau, và chúng tôi cũng chưa có được những hiểu-biết cụ-thể. Rất nhiều người nói rằng thần-học giải-phóng đã chẳng bao giờ chiếm được lòng những người nó quan-tâm nhất: thành-phần nghèo đói cùng-cực nhất. Chính thành-phần này bỏ nó, vì họ không cảm được những hứa-hẹn đầy tri-thức tính của nó, mà chỉ thấy mất đi cái ủi-an và ấm-cúng của tôn-giáo. Vì vậy họ đổ theo giáo-phái. Dĩ-nhiên những người ủng-hộ thần-học giải-phóng không đồng ý với quan-điểm này. Những lối giải-thích trên cũng có phần khá lớn sự thật. Những hứa-hẹn về một thế-giới tươi-đẹp quá xa-vời đối với tầng lớp những người cùng-đinh, nên họ lại càng muốn ở lại với cái đạo vốn có, cái đạo đi vào đời sống của họ. Chính tầng-lớp này ùa theo giáo-phái, nơi cung-cấp cho họ những yếu-tố mà họ không còn tìm được trong những cộng-đoàn tôn-giáo sặc mùi chính-trị.

Cũng có những tố-cáo ngược lại cho rằng các giáo-phái đã dùng tiền và nhiều phương-thế mờ-ám khác để lôi-cuốn tín-đồ. Cái đó có phần đúng, nhưng không thể hoàn-toàn giải-thích được sự-kiện giáo-phái lan-tràn như hiện nay. Nói chung, chỉ có những phái thiên về đặc-sủng hoặc ngũ-tuần (Pentekoste), nghĩa là những giáo-hội Thánh-linh, là ăn-khách nhất. Song cả những giáo-phái gọi là duy-căn với giáo-huấn nghiêm-nhặt cũng thế. Sự thành-công của các nhóm đặc-sủng Ngũ-tuần cho thấy người ta chờ-đợi nơi giáo-hội một lối sống đạo thoải-mái tự-nhiên và nhiều gắn-bó cộng-đoàn cụ-thể hơn. Nghĩa là bớt đi giáo-điều, nhường chỗ cho cảm-nghiệm về niềm vui sống đạo trực-tiếp. Trào-lưu duy-căn thì cho thấy người ta cần một điểm tựa niềm tin vững-chắc trước những thất-bại ở trần-thế.

Xét chung, sự vững-bền của các giáo-phái không đáng kể. Người ta thay-đổi giáo-phái như thay áo. Và những chuyển-đổi này thường cũng có nghĩa là bước đầu của bỏ đạo. Các diễn-biến này dĩ-nhiên cũng gắn liền với những biến-chuyển xã-hội, với tiến-trình đô-thị-hoá ngày càng mạnh. Người dân bỏ xứ đổ vào những khu ổ chuột quanh các đô-thị, nơi đó chưa có mặt tôn-giáo có qui-cũ hoặc còn vắng bóng những cộng-đoàn tiếp-đón để giúp họ có được một quê-hương tinh-thần mới. Như vậy nguyên-nhân thật đa-diện, không nên có một chẩn-đoán quá đơn-giản.

 

Tại Hoa-kì một số lớn giám-mục cho hay trong tương-lai sẽ bốp-chát trả lời giáo-triều Rôma bằng công-văn?

Không phải nhiều, chỉ có tối đa 30 vị. Tôi đã nói chuyện với một trong những vị cầm đầu và vị đó nhấn mạnh rằng đã có sự hiểu lầm. Ngài nói, chúng tôi là những tín-hữu công giáo tốt, trung-thành với Giáo-chủ, chúng tôi chỉ muốn đưa ra những phương-thức tốt hơn mà thôi. Tôi đã đọc kĩ bản văn liên-hệ và đã cho hay rất tán-đồng với nhiều điểm trong đó, nhưng cũng có vài điểm tôi cho là cần xét lại. Tôi có thể nói rằng, không có việc Hội-đồng Giám-mục Hoa-kì kình-chống Rôma. Trong Hội-đồng có nhiều quan-điểm, điều này tốt, trong đó có một vài quan-điểm có lẽ thật hơi quá-khích. Sau 15 năm ở vị-trí của tôi hiện giờ, tôi có cảm-tưởng quan-hệ giữa Rôma và Hoa-kì đã khá hơn nhiều. Nói chung, chúng tôi có một tương-giao rất tốt với Hội-đồng Giám-mục Hoa-kì. Đó là một Hội-đồng với những đầu-óc trí-thức lớn, lòng đạo sâu, với nhiều chủ chăn tuyệt-vời, có nhiều đóng-góp to-lớn về giáo-huấn cho Giáo-hội hoàn-vũ. Mỗi năm hai lần các đại-diện Hội-đồng sang thăm chúng tôi, các cuộc gặp-gỡ đều rất tâm-đắc.

 

Giáo-hội Bắc Mỹ có lợi-dụng được gì từ làn sóng đức tin đang nổi lên ở đó không?

Có. Tôi nghĩ là có. Mặc dù không nên đánh-giá quá cao một số diễn-tiến và những cuộc tụ-họp đông-đảo tín-hữu công giáo, nhưng xuyên qua các hình-ảnh đó, ta thấy được giới-trẻ đầy nhiệt-tình đạo-đức tại đây đang nhìn Giáo-hội như một nơi nương-tựa và họ xem Giáo-chủ (Rôma) như một mẫu-mực và là một "leader" tôn-giáo của họ. Đã có nhiều cởi-mở và phát-triển tốt-đẹp trong 15 năm qua. Ở đây không chỉ có phong-trào trở lại Công giáo của các mục-sư tin-lành, nhưng còn có cả sự tương-giao hoàn-toàn mới-mẻ với những người Anh giáo trước đây từng đả-kích kịch-liệt giáo-hội Công giáo. Trong nghị-hội quốc-tế ở Cairô và Bắc-kinh[34] đã có sự xích lại gần nhau rất độc-đáo giữa Anh-giáo và Công giáo, chỉ vì Anh-giáo nhận ra Công giáo không phải là một mối đe-doạ Kinh-thánh, như họ trước kia vẫn tưởng, và không bị quyền-hành của giáo-chủ lấn-át, nhưng là một bảo-đảm để Kinh thánh được coi trọng. Những gần-gũi mới-mẻ đó chưa nhanh-chóng đưa tới hợp-nhất, song chúng cho thấy Công giáo có thể là một lối sống « Mỹ » được.

 

Cái gì làm bùng lên phong-trào đạo-đức mới ở Hoa-kì?

Chắc-chắn do nhiều yếu-tố mà tôi không thể phân-tích vì không biết nhiều về nước Mỹ. Nhưng đã có một ý-muốn quay về với đạo-đức và khát-vọng tìm về tôn-giáo. Cũng có sự phản-kháng chống lại siêu quyền-lực của văn-hoá truyền-thông. Cả câu nói của bà Hillary Clinton: "Hãy tắt truyền-hình đi, đừng để nó lèo-lái nữa" cũng cho thấy có một làn sóng lớn đang muốn nói lên: Chúng tôi không muốn thần-phục văn-hoá này thêm nữa.

 

Châu Phi. Người công giáo da đen luôn cảm thấy bị Rôma đối-xử như con ghẻ và không ngừng đấu-tranh để được nhìn-nhận giá-trị. Trên chính lục-địa này Giáo-hội gặp nhiều khó-khăn trong việc dung-nạp những lễ-nghi và đặc-thù văn-hoá địa-phương. Chẳng hạn, trong thánh lễ có được phép gióng trống hay nhảy múa không, hay phải giải-quyết cách nào với tục đa thê. Có những người xác-nhận: "Tôi là một tín-hữu công giáo tốt, và ba người vợ của tôi cũng vậy". Đồng thời còn có cuộc chạy đua với Hồi giáo, một tôn-giáo xem ra hấp-dẫn hơn với dân châu Phi, vì họ tin rằng văn-hoá của họ dễ hội-nhập vào đó hơn.

Người ta nói, châu Phi là một lục-địa của hi-vọng, nhưng ta cũng biết, đó cũng là lục-địa đầy vấn-nạn và căng-thẳng lớn. Thật hổ-thẹn cho chúng tôi, khi những cuộc tàn-sát rùng-rợn nhất lại xẩy ra trên hai nước công giáo Ruanda và Burundi. Điều đó khiến chúng tôi phải đặt vấn-đề làm sao để Tin mừng thấm sâu hơn vào đời sống xã-hội của lục-địa này.

Sau kì Thượng hội-đồng châu Phi và sau nhiều lần gặp-gỡ các giám-mục địa-phương, tôi không có cảm-giác châu Phi cảm thấy bị Rôma xử tệ. Thực ra, mọi người châu Phi đều hãnh-diện được là thành-phần – và là thành-phần bình đẳng - của một giáo-hội cao-cả như giáo-hội Công giáo. Một giám-mục hay hồng-y châu Phi cũng có giá như một vị người Ý, Tây-ban-nha hay Hoa-kì. Từ đáy lòng rất nhiều người thực sự trung-thành với Rôma, yêu quí Giáo-chủ và vui-mừng với lí-lịch công giáo. Khi chúng tôi đề-cập tới những vấn-đề đó hay tới những tranh-luận thần-học, các giám-mục châu Phi luôn phát-biểu thế này: Nếu thật-sự có ai hành-động quá trớn thì đó chính là các nhà thần-học Âu châu chứ không phải Phi châu. Nói như vậy có lẽ quá đơn-giản, nhưng quả thật những kẻ chỉ-trích gắt-gao thường là người Âu. Nói thế không có nghĩa là không có vấn-đề phải bận-tâm ; dĩ-nhiên ở đó cũng có rắc-rối. Nhưng không thể nói rằng có bầu khí bài Rôma trong thần-học Phi châu.

Ông đã đề-cập tới hai lãnh-vực chính, hai khía-cạnh hội-nhập văn-hoá: Hôn-nhân và phụng-vụ. Tôi tin rằng chuyện đa thê đã bị Âu châu hiểu hơi sai. Đây không phải là vấn-đề tình-cảm, mà chủ-yếu là vấn-đề tài-sản và xã-hội. Làm sao có thể bảo-đảm được đời sống của những phụ-nữ ấy? Làm sao để họ có được một địa-vị yên-ổn trong xã-hội? Bởi vì thật ra họ lấy nhau không phải vì tình, mà đó là một cuộc hôn-nhân giữa hai bộ-tộc, một cuộc trao-đổi gia-sản. Nói chung, đây không phải là một vấn-đề tình-cảm, nhưng thực sự là câu hỏi, làm sao một phụ-nữ chẳng còn chồng và vì vậy chẳng còn dây nương-tựa chắc-chắn nữa có thể vẫn có một chỗ đứng chính-đáng trong xã-hội. Như vậy đây thực ra là một vấn-đề thuộc cơ-cấu xã-hội, và là câu hỏi, làm sao tìm ra được những cơ-cấu trong đó chấp-nhận đơn thê là đơn-vị cơ-bản. Nhiều giám-mục Phi châu lạc-quan về chuyện này. Tôi không thể đánh-giá từng trường-hợp được.

Trong phụng-vụ có đủ không-gian tự-do cho những tập-tục và tình-cảm phi châu thể-hiện. Mặt khác, vấn-đề hệ-trọng là không để cho phụng-vụ trở nên quá rườm-rà và vẫn giữ được nét trong-sáng của nó. Nhiều người Phi cũng nghĩ như vậy. Họ cũng như chúng tôi cho rằng hội-nhập văn-hoá không nên bắt đầu ngay từ phép thánh-thể.

Hồi giáo tràn vào Phi châu như thác đổ, một phần cũng nhờ thế-lực tài-chánh, và họ tự coi mình là đạo cao-cả thích-hợp với người châu Phi. Dĩ-nhiên người Phi phải vượt lên trên các tôn-giáo bộ-lạc của mình, và Hồi giáo ghé vào tai họ: Chúng tôi là đạo cao-cả cho Phi châu vì giáo-lí chúng tôi không rắc-rối và luân-lí chúng tôi lại hợp với các bạn. Lí-luận này có ăn-khách, nhưng không phải khắp nơi. Cũng không nên quên, trong phong-trào nô-lệ, Hồi giáo thuộc đội-ngũ đi tiên-phong và đã chẳng kính-trọng gì dân da đen. Nhất là Hồi giáo không có một nhượng-bộ nào hết cho việc hội-nhập văn-hoá. Hồi giáo là của người Ả-rập, và ai muốn vào Hồi giáo, phải mặc lấy lối sống ả-rập, không có chuyện hội-nhập gì cả. Như vậy đạo Hồi, cũng như đạo Kitô, chỉ mới tạo nên được một lớp kem trên mặt đời sống người Phi mà thôi, trong lúc chiều sâu của họ thì vẫn là hoàn hỗn-thần. Cuộc tranh-giành tạo bộ mặt tôn-giáo cho Phi châu như vậy còn nhiêu-khê và lâu dài.

 

Á châu. Người ta tiên-đoán vùng Thái-bình dương sẽ nắm vai-trò kinh-tế và chính-trị quan-trọng trong thế-kỉ tới. Hậu-quả nào cho Giáo-hội?

Rất khó nói. Cho tới nay, trừ Phi-luật-tân ra, Giáo-hội chưa đặt chân vững được lên lục-địa này. Điều đó không có nghĩa là Ki-tô giáo ở đây không giữ vai-trò gì cả. Nó đã biến-đổi các tôn-giáo hiện có và đã bằng nhiều cách thấm sâu vào xã-hội địa-phương. Nhật-bản có rất ít công giáo, con số tín-hữu trước sau không thay-đổi. Nhưng người Nhật rất thích các tập-quán và văn-hoá Ki-tô giáo. Ki-tô giáo do vậy đã trở thành một thực-tế xã-hội, không phải trong ý-nghĩa là người Nhật chấp-nhận nó suốt đời, nhưng nó là một yếu-tố góp phần gây ảnh-hưởng trên xã-hội.

Ở Ấn-độ số tín-hữu công giáo rất ít, nhưng Tân ấn-giáo, một tôn-giáo hiện đang mở rộng tầm ảnh-hưởng trên thế-giới, đã thu-nhận nhiều yếu-tố Ki-tô giáo vào tôn-giáo tương-đối phóng-khoáng của họ. Tiếp đến Trung-quốc vẫn là một miền đất hoang-vu đối với ta, số tín-hữu không đáng kể nhưng có được ảnh-hưởng tinh-thần. Sở-dĩ chính-quyền cộng-sản rất quan-tâm đến Ki-tô giáo là vì họ thấy nó có thực lực. Tuy nhiên, những chuyện đó rồi ra sẽ gây ảnh-hưởng gì trên vai-trò mới của Á châu trong cộng-đồng thế-giới, điều này tôi không dám quả-quyết.

 

Giáo-hội lâm vào tình-thế gay-go mới vì tín-hữu càng ngày càng bị bắt-bớ khắp nơi.

Đúng, và dưới nhiều hình-thức. Ở Trung-quốc, dù đã có dấu-hiệu bao-dung, người ta vẫn đàn-áp Ki-tô giáo, nhất là Công giáo trung-thành với Rôma. Không chỉ ở Trung-quốc mới xẩy ra như thế, nhưng tại một loạt các nước khác cũng vậy. Đâu-đâu và thời nào đạo Chúa cũng bị bách-hại. Còn thêm một mối nguy mới càng ngày càng lớn mạnh, đó là trào-lưu tân thời coi Ki-tô giáo hoặc đạo Công giáo là một ý-hệ thiếu bao-dung và phản tân-tiến nên tìm cách gây áp-lực lên nó. Theo tôi, mối nguy này đã khá lớn, dù nó chưa gần kề trước mắt. Tuy nhiên cái áp-lực xã-hội bắt Giáo-hội chủ-yếu phải thích-nghi với những tiêu-chuẩn hiện-hành thì đã có rồi.

 

Như thế đã là bị bách-hại rồi sao? Giữa việc người công giáo bị các chế-độ độc-tài hoặc hồi giáo nhốt tù hoặc tra-tấn và việc họ bị các chế-độ chính-trị ở tây phương đẩy ra bên lề xã-hội phải có sự khác-biệt chứ?

Dĩ nhiên đó chưa phải là bách-hại Ki-tô giáo. Từ này dùng ở đây không chỉnh. Nhưng hiện đã có không ít lãnh-vực đời sống ngày nay đòi-hỏi phải thật can-đảm nếu muốn tuyên-xưng mình là ki-tô-hữu. Nhất là mối nguy gia-tăng đến từ các loại Ki-tô giáo xu-thời. Thiên-hạ vui-mừng đón nhận họ, khen họ là thứ tốt đời đẹp đạo và đem họ ra để so-sánh mà gán cho thành-phần tín-hữu không xu-thời là thứ duy-căn quá-khích. Mối nguy độc-tài tư-tưởng càng ngày càng tăng, và ai không theo nó thì bị đẩy ra lề, khiến nhiều người tốt không dám xuất-hiện trong hàng-ngũ những kẻ không xu-thời. Nền độc-tài bài Ki-tô giáo trong tương-lai có lẽ tinh-vi hơn những gì ta biết tới ngày nay. Bề ngoài xem ra có thiện-cảm với tôn-giáo, nhưng với điều-kiện là không được đụng đến cách sống và lối nghĩ của nó.

 

-------------------------------

[29] Nghĩa là người ta phân-biệt hai loại phái-tính nơi con người: phái-tính sinh-lí (biologische Sexualität) và phái-tính do quá-trình lịch-sử tạo nên (Gender).

[30] Theologia India = Thần-học thổ-dân. Khi lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ châu những nhà thám-hiểm và thương-buôn Âu châu tưởng là họ đã tới Ấn-độ, nên đã gọi thổ-dân vùng đất mới này là „người Ấn-độ“ ‚Indianer, Indian’. Từ đó chữ Indianer cũng có nghĩa là thổ-dân xưa ở Mỹ châu.

[31] Đảng cộng-sản Ý – PCI – lập năm 1921, tan-rã năm 1990 sau khi khối cộng-sản Đông Âu sụp-đổ. Số đảng-viên còn lại tách thành hai nhánh; nhánh lớn PDS khá ôn-hoà, nhánh nhỏ PRC – Rifondazione communista – vẫn bám vào giáo-điều mác-xít.

[32] Bảng câu hỏi trưng-cầu của Đức nêu ra vấn-đề tin mừng và tin dữ, ý nói Chúa rao-giảng tin mừng, nhưng ngày nay Giáo-hội lại dùng đe-doạ mà giảng đạo.

[33] Hobbes (1588-1679): triết-gia người Anh.

[34] Hội-nghị Liên-hiệp-quốc năm 1994 ở Cairô, thủ-đô Ai-cập, bàn về dân-số và phát-triển. Nghị-hội ở Bắc-kinh; Trung-quốc, năm 1995 bàn về phụ-nữ.

 

 

Tình-trạng ở Đức

Xem ra không ở đâu có nhiều bất ổn, bất đồng và bỏ đạo nhiều như ở Đức và các quốc-gia nói tiếng Đức. Giáo-hội Đức là một trong những giáo-hội giàu nhất thế-giới nhưng nó lại ít ảnh-hưởng trên xã-hội, thua các giáo-hội nghèo hơn trong các nước nghèo hơn. Làn sóng chống-đối Giáo-chủ và giáo-triều Rôma từ Công-đồng Vaticanô I tới nay đã hơn một trăm năm, chưa bao giờ ồn-ào như hiện nay. Chuyện gì đã xẩy ra? Ngài có đau-khổ và lo-lắng cho quê-hương mình không ?

Dĩ-nhiên có lo-lắng, vì sự phân-rẽ trong nội-bộ Giáo-hội và vì đâu-đâu cũng thấy đức tin xuống dốc. Một phía là thành-phần cấp-tiến: họ cho rằng các cải-tổ vẫn chưa đủ và tiếp-tục chống vai-trò giáo-chủ và giáo-huấn của ngài. Phía khác là những tín-hữu có thể tạm gọi là ngoan-đạo: nói chung họ cảm-thấy càng ngày càng mất thoải-mái, Giáo-hội không còn là mái nhà ấm cúng của họ nữa, họ đau-khổ và buồn vì Giáo-hội giờ đây không còn là nơi trú-ẩn an-bình, nhưng là sân-khấu cho những tranh-chấp liên-lỉ, khiến chính họ cũng hoang-mang và phản-kháng. Chính sự chia-rẽ nội-bộ này làm ai cũng bất-bình, buồn-rầu với Giáo-hội, đó là điểm làm ta phải lo-lắng. Thêm vào đó là bộ mặt cằn-cỗi của Giáo-hội, chẳng hạn như các dòng tu nữ dần tàn-lụi và các đợt sóng lớn từng mang nhiều ý-nghĩa trong quá-khứ nay càng ngày xem ra càng lỗi thời.

 

Một số lớn dân-chúng đòi phải tách Giáo-hội ra khỏi nhà-nước nhiều hơn nữa. Có ý-kiến yêu-cầu xoá ý-niệm Thiên Chúa ra khỏi hiến-pháp, bỏ các ngày nghỉ lễ, tục-hoá ngày chủ-nhật, bỏ thuế tôn-giáo. Chuyện có nên treo thánh-giá trong lớp học hay không trở thành vụ tranh-cãi về hiến-pháp.

Làm sao để có một tương-quan đúng-đắn giữa giáo-hội và nhà-nước, câu hỏi này hẳn luôn phải được đặt ra. Bao lâu xã-hội còn chấp-nhận những giá-trị căn-bản Ki-tô giáo như là chỉ-tiêu cho hiến-pháp, bấy lâu còn có thể duy-trì sự liên-hệ tương-đối mật-thiết giữa giáo-hội, nhà-nước và xã-hội, nó còn có ý-nghĩa và không cản-trở tự-do tôn-giáo. Nhưng một khi hết xác-tín về những điểm trên thì sự liên-hệ chặt-chẽ giữa giáo-hội với những định-chế xã-hội có thể trở nên nguy-hiểm. Vì thế, trên căn-bản, tôi không chống lại việc tách-rời rõ-ràng hơn giữa giáo-hội và nhà-nước, khi hoàn-cảnh đòi-hỏi. Sau thế-chiến thứ nhất, Giáo-hội buộc phải tách khỏi các hệ-thống giáo-hội nhà-nước, nhìn chung sự-kiện đó lại tốt cho Giáo-hội. Những liên-hệ quá mật-thiết luôn có hại cho giáo-hội. Vì thế tôi nghĩ các giám-mục tại Đức nên thực-tế cân-nhắc về một mô-hình liên-hệ thích-hợp và xem trong quan-hệ đó điểm nào còn phù-hợp với xác-tín, điểm nào đã đến lúc phải trả lại cho xã-hội. Một cuộc xét lại như thế rất chính-đáng và cần-thiết.

Tôi xin trả lời tiếp các điểm ông nêu ra. Với tôi, rất cần có sự hiện-diện của Chúa trong hiến-pháp, bởi vì đây không phải là chuyện ràng-buộc vào việc tuyên-xưng Ki-tô giáo. Nếu ta hoàn-toàn không chấp-nhận có một khuôn-thước và một thượng-đế ở bên trên ta, thì ta bắt-buộc lại phải thay-thế bằng những ý-thức hệ hoặc để mọi sự tan-rã dần. Một nhà thần-học nặng óc phê-bình như Bultmann cũng đã có lần nói: „Một nhà-nước không Ki-tô giáo thì có thể được, chứ một nhà-nước vô-thần thì không“. Tôi nghĩ là ông ấy có lí trên cơ-bản. Ở đâu không có một khuôn-thước vượt trên những ý-kiến riêng-tư tức-thời của chúng ta, ở đó chuyên-quyền sẽ ngự-trị và con người bị huỷ-hoại.

Những điểm khác, như chuyện thuế tôn-giáo, là những vấn-đề cần suy-nghĩ chín-chắn và thận-trọng.

 

Đó là vấn-đề nóng-hổi, có thể trả lời thế nào?

Tôi không dám xét-đoán. Theo tôi, nhìn chung, hệ-thống thuế tôn-giáo[35] hiện đang được đa-số khá lớn chấp-nhận, vì người ta công-nhận những đóng-góp xã-hội của hai giáo-hội Công giáo và Tin-lành. Trong tương-lai có lẽ người ta sẽ đi đến gần hệ-thống Ý, ở đó một đàng mức thuế thấp hơn nhiều, nhưng đàng khác người ta duy-trì tính-cách tự-nguyện - điểm này tôi cho là quan-trọng. Ở Ý mỗi người phải tặng khoảng 0,8% lợi-tức của mình cho sinh-hoạt văn-hoá hoặc phúc-lợi, trong đó có giáo-hội Công giáo. Muốn tặng ai tuỳ ý, tuy nhiên ở đây đa-số đều tặng cho giáo-hội Công giáo.

 

Ngài cảm-thấy thế nào về phán-quyết ở Karlsruhe[36] ?

Dĩ-nhiên là tôi khó chịu, bởi vì theo tôi, các luận-chứng của toà-án còn mập-mờ và vì tôi trước sau xác-tín rằng ở Đức hãy còn nhiều đồng-thuận về tính Ki-tô giáo, nên biểu-tượng thập-giá trong học-đường vẫn thực-sự có ý-nghĩa. Tôi cũng khó chịu vì tin rằng sự đồng-thuận của đa-số phải được tôn-trọng. Vì thế, xét trên bình-diện nguyên-tắc dân-chủ, phán quyết không có nền-tảng vững. Phản-ứng cho thấy trên đất-nước chúng ta ý-thức ki-tô giáo vẫn còn, ở mỗi tiểu-bang mỗi khác. Tôi nghe nói rằng trong Hội-đồng giám-mục các giám-mục bang Bayern có cảm-nhận khác với các vị ở bang Mecklenburg-Vorpommern chẳng hạn. Ở Mecklenburg-Vorpommern và một phần lớn vùng bắc Đức đã từ lâu không còn treo cây thập-giá nào nữa. Qua đó ta thấy đây không phải là vấn-đề tín-lí. Việc để người ta giật đi cái biểu-tượng nối-kết chúng ta với nhau một cách dễ-dàng như thế là chuyện tôi thấy hoàn-toàn không đúng. Hơn nữa hiến-pháp Bayern vẫn còn đó, hiến-pháp này rõ-ràng đặt các giá-trị ki-tô giáo làm căn-bản cho nền giáo-dục tại đây.

 

Người đứng đầu Bộ giáo-lí đức tin có lẽ sẽ nói: Hãy giữ lại thập-giá trong lớp học!

Đúng.

 

Tại sao loại nấm chia-rẽ lại mọc dễ-dàng ở Đức đến thế? Đất-nước này là đất-nước gì đây, nó bị tà-thần ám-ảnh chăng? Phải chăng chúng ta đã để mất bản-ngã vì lâu nay mải chạy theo hiệu-năng? Grillparzer[37] có lần nói, „Đối với người Đức, Chúa không phải là một thực-thể. Họ kính-trọng Ngài vì coi Ngài là một công-trình của họ, chứ không phải vì họ là công-trình của Ngài“.

Tôi nghĩ chúng ta không nên tự trách mình quá đáng. Cả ở Pháp, Tây-ban-nha, Ý và cả Anh cũng có những trào-lưu bài Ki-tô giáo, nếu muốn nói như thế, và cũng đầy những vấn-đề nội-bộ giáo-hội nổi cộm của họ. Dĩ-nhiên Đức có gánh nặng lịch-sử riêng, gánh này đè rất nặng kể từ 1933/1945. Có gì đặc-biệt ở dân-tộc ta khiến nên nông-nỗi này, câu hỏi thật đáng cho ta suy-nghĩ.

Tôi nghĩ những đức-tính của người Đức và những nguy-hiểm của chúng có liên-hệ chặt-chẽ với nhau. Một đàng chúng ta là một dân-tộc chuộng kỉ-luật, năng-xuất, cần-cù, đúng giờ và nhờ đó quả thực chúng ta đã làm nên chuyện, ngày nay lại trở thành lực-lượng kinh-tế mạnh nhất Âu châu, có đơn-vị tiền-tệ vững nhất. Nhưng những điểm đó cũng đã dễ-dàng đưa ta đến tự-phụ và suy-nghĩ một chiều đề-cao hiệu-năng, lao-động, sản-xuất và kỉ-luật; và vì thế làm thui-chột đi những chiều-kích khác của cuộc sống. Chúng cũng có thể nhiều khi làm ta kiêu-căng đối với các dân-tộc khác, đến độ cho rằng chỉ cái gì là Đức mới thực-sự tốt, những người khác là « loại cẩu-thả » v.v.. Cơn cám-dỗ kiêu-căng và đề-cao hiệu-năng một chiều rõ-ràng đã thành nếp trong lịch-sử Đức, đặc-biệt lịch-sử hiện-đại của Đức, cần phải ý-thức để đương-đầu.

 

Rõ-ràng không phải chỉ có trong lịch-sử hiện-đại. Nhà văn Stephan Zweig đã một lần thử nhận-diện bản-tính quốc-gia và lòng đạo của dân Đức qua hai khuôn mặt Erasmus thành Rotterdam và Luther. Và ông viết: "Thật hiếm khi vận-mệnh thế-giới tạo nên hai khuôn mặt hoàn-toàn trái ngược nhau như Erasmus và Luther". Theo tác giả thì đây là hoà-giải chống quá-khích, lí-trí chống đam-mê, văn-hoá chống thô-lỗ, thế-giới mở rộng chống quốc-gia hẹp-hòi, tiến-hoá chống cách-mạng. Ông cho rằng Luther là người "mị-dân và quá-khích trong mọi vấn-đề". Những tình-cảm bị đè-nén của một dân-tộc nằm trong tay một người tài-ba nhưng quá-khích và hay gây-sự, "toàn-bộ ý-thức quốc-gia Đức hăm-hở vùng lên với tinh-thần cách-mạng chống lại tất-cả những gì có hơi-hám Welsch[38] và hoàng-đế, chống giáo-sĩ, bài ngoại, một nhiệt-tình mờ-ám nhuốm màu xã-hội và tôn-giáo".

Thế-kỉ Cải-cách đã khoác cho nước Đức một diện-mạo mới và cũng đã định hình phần nào cho lịch-sử tương-lai của nước này. Việc đối-chiếu Luther với Erasmus quả lí-thú, nhưng có lẽ nó hơi một chiều. Nên nhớ rằng Erasmus là một người rụt-rè thiếu cả-quyết và thiếu lập-trường rõ-ràng. Điểm này làm ông chắc-chắn khác xa Luther. Cũng vì thiếu lập-trường nên ông bị phía Công giáo chê-trách kịch-liệt. Erasmus đã dùng cung-cách mà ngày nay chúng ta gọi là hàn-lâm để cố tránh-né mọi quyết-định. Dùng cách đó để lờ đi cái thảm-kịch nhân loại là điều dĩ-nhiên không chỉnh. Nhìn như thế thì không hẳn Erasmus là con người có tư-cách trong-sáng và Luther trái lại có tư-cách tăm-tối, cả hai đều có vấn-đề. Dĩ-nhiên chúng ta cũng phải đặt câu hỏi là qua Cải-cách những điểm mập-mờ nào đã nhập vào tính-tính người Đức ; theo công-tâm thì câu hỏi này phải gắn liền với câu hỏi : Công giáo đã đem đến cho ta những vấn-đề gì. Đây là điểm khiến nước Đức có trách-nhiệm rất đặc-biệt trong vấn-đề đối-thoại đại-kết. Chúng ta không nên dấu-diếm những cái dở - bên cạnh nhiều cái tốt - do Luther mang vào lịch-sử Đức, nhưng không phải từ đó mà được phép tự đề-cao và tranh-biện một chiều.

 

Trong các cuộc tranh-luận với Giáo-hội hiện nay, rõ-ràng càng ngày người ta càng ít đề-cập tới nội-dung đức tin, tới những đòi-hỏi của tôn-giáo. Mà cũng lạ nữa là các đề-tài xã-hội, nghèo-đói, bần-cùng-hoá, bóc-lột cũng ít được nói tới. Ngài đã có lần nói lên nghi-ngờ về chuyện quá nhiều người đòi-hỏi Giáo-hội phải chạy theo dư-luận hiện-hành, phải chiều theo lối sống dễ-dãi hẹp-hòi của con người thời-đại đang lặn-hụp trong chán-chường buồn-tẻ.

Cứ nhìn vào dư-luận chung thì điều đó đúng. Nhưng có lẽ ta nên mở rộng vấn-đề và nói rằng, nhìn chung, trong các cuộc tranh-luận nội-bộ Giáo-hội, xem ra chúng ta cứ tiếp-tục bám chặt vào một số đề-tài mà bỏ quên đi những thách-đố lớn của thời-đại. Bất cứ đến đâu, trong các cuộc họp giáo-phận hay bất cứ một buổi họp nào khác người ta đều biết trước những câu hỏi sẽ được đặt ra : độc thân linh-mục, truyền chức cho nữ-giới và tái-hôn sau khi li-dị. Dĩ-nhiên đó là những vấn-đề nghiêm-trọng. Nhưng xem ra Giáo-hội cứ luẩn-quẩn với mấy câu chuyện cố-định của chính mình. Người ta quá ít để ý rằng ngoài Giáo-hội có 80% nhân loại không phải là ki-tô-hữu, họ đang chờ được nghe Tin-mừng hoặc là Tin-mừng cũng được dành cho họ. Chúng ta không nên liên-tục tự dày-vò với những chuyện riêng-tư của chúng ta, trái lại nên suy-nghĩ xem ki-tô-hữu chúng ta ngày nay có thể diễn-tả niềm tin của chúng ta ra sao cho thế-giới và có thể nói với họ điều gì.

Trong ý-thức Giáo-hội, ít là tại Đức, đang có sự co-cụm ghê-gớm. Chúng ta chỉ nhìn mình, chỉ luẩn-quẩn nghĩ đến chính mình, chỉ biết than thân và tự ủi-an, muốn xây-dựng một Giáo-hội tươi-đẹp mà không hiểu rằng Giáo-hội hiện-diện không phải là vì chính nó, rằng chúng ta được kí-thác một Lời, Lời đó phải được loan ra cho thế-giới và Lời đó phải được lắng-nghe, Lời đó có thể trao tặng cho thế-giới một cái gì. Chúng ta đã quên mất nhiệm-vụ của mình.

 

Phải chăng Vatican đã không quan-tâm tới những diễn-biến ở Đức? Người ta có cảm-tưởng Rôma đã không hiểu thấu cái biến-chuyển đáng ngại đó.

Đúng là trong giáo-triều xưa nay có truyền-thống ít dùng tiếng Đức. Người ta thường dùng các ngôn-ngữ la-tinh, nay thêm tiếng Anh. Không thấy nói tiếng Đức. Tuy nhiên ngày nay không thể bỏ qua tiếng Đức và người Đức ở Rôma. Cũng có thể là vì Rôma khó nắm-bắt được toàn-bộ cái đặc-thù của Đức, bởi nó thường gắn liền với những lí-thuyết hàn-lâm tối-tăm, thật khó hiểu cho những ai không sống trong không-khí văn-hoá ấy. Bởi thế việc đối-thoại với Đức không trôi-chảy lắm. Tuy nhiên tôi nghĩ không vội phản-ứng cũng có lợi điểm của nó. Dù thế, tôi nghĩ phải tăng-cường đối-thoại với Hội-đồng giám-mục Đức.

 

Cuộc khủng-hoảng hiện tại của Giáo-hội mang tầm quan-trọng nào? Có phải đấy là thử-thách lớn nhất từ xưa tới nay? Và cuộc khủng-hoảng này có ý-nghĩa gì đối với thế-giới? Chính ngài một lần đã nói, nếu Giáo-hội biến mất thì một cơn địa-chấn tinh-thần sẽ xẩy ra mà mức-độ kinh-hoàng của nó không thể nào mường-tượng nổi.

Trả lời cho câu hỏi thứ nhất: Tôi không biết. Chỉ biết chắc-chắn đây là một trong những thử-thách rất lớn. Nhưng Giáo-hội cổ-thời cũng đã trải qua hai thử-thách rất nặng-nề. Lần đầu do phái Ngộ-đạo (Gnosis) tạo ra, khi họ biến phụng-vụ và đức tin trong Giáo-hội dần thành các ý-hệ, thần-thoại và ảnh-tượng; tiến-trình đó có vẻ âm-thầm từng bước lây lan ra khắp Giáo-hội. Ngày nay đọc lại lịch-sử, người ta nghĩ rằng thời đó có hai phe, bên này là các nhà Ngộ-đạo và phía kia là các giáo-phụ. Nhưng không phải như vậy, mà cả hai đã hoàn-toàn hoà-nhập với nhau và đã phải mất rất nhiều thời-gian mới làm sáng-tỏ được vấn-đề. Lúc đó cũng đã có nỗ-lực vứt bỏ Kinh thánh Cựu-ước – nỗ-lực này rất dễ hiểu và hấp-dẫn – để chỉ còn qui về mỗi Phao-lô mà thôi. Tóm lại, đó là những phong-trào Tự giác-ngộ vô cùng phức-tạp. Đã thế, quá lắm là vào giai-đoạn ban đầu, đã có một giáo-quyền trung-ương và lẽ ra giáo-quyền này đã giải-quyết ổn-thoả chuyện đó. Nhưng khủng-hoảng chỉ được giải-quyết trong nội-bộ từng bước một. Cũng may, chứ nếu không thì Giáo-hội đã mang một bộ mặt khác rồi. Tôi nghĩ đấy là một khủng-hoảng lớn, xẩy ra vào buổi bình-minh của Giáo-hội, giai-đoạn mà Giáo-hội đang bắt đầu tự hình thành.

Khủng-hoảng thứ hai, tuy không trầm-trọng và lớn như lần trước, nhưng cũng là một thử-thách nặng-nề. Đó là thách-đố do phái Arius[39] gây ra, được Hoàng-đế đôi lúc hỗ-trợ hết mình, bởi vì quan-điểm Arius dễ hợp với lối nghĩ thịnh-hành thời đó. Mô-hình của phái này là : Có một Thiên Chúa và sau đó có đức Ki-tô – vị này giống như Thiên-chúa. Quan-niệm quả rất dễ hiểu. Cả bộ máy nhà-nước ra sức vận-động cho quan-điểm đó. Hàng loạt giám-mục, hàng loạt đại-hội, đã ngã theo nó. Cuối cùng mọi dân-tộc gốc German[40] đều theo Arius, đến độ toàn-thể thế-giới cũ, tức các dân-tộc Roman[41] là Công giáo và thế-giới mới, tức giống dân German, theo phái Arius. Qua đó người ta tưởng có thể dễ-dàng nhận ra cái gọi là mới và tương-lai hướng về đâu.

Tôi nghĩ, cuộc khủng-hoảng trong thế-kỉ 16 (phân-rẽ Tin-lành và Công giáo) cũng nặng-nề, dù rằng nó đã không đánh nhiều vào cội-rễ đức tin, bởi vì hai bên vẫn chấp-nhận những điều tuyên-xưng trong kinh Tin-kính. Nhưng các rối-loạn nội-bộ Giáo-hội thì rất lớn, hơn nữa Tin-lành ngay sau đó lại chia năm sẻ bảy, một phần trong đó là những phong-trào quá-khích.

Nhìn như thế thì khủng-hoảng hiện nay có lẽ không phải là thử-thách lớn nhất từ xưa tới nay, song nó cũng là một khủng-hoảng lớn đánh vào cội-rễ (niềm tin).

 

Các nguyên-nhân suy-tàn

Tại sao khủng-hoảng của Giáo-hội lại có thể trở nên nghiêm-trọng đến thế? Tôi muốn hỏi về những nguyên-nhân, rất có-thể phải tìm từ bên ngoài Giáo-hội?

Kể từ thời Ánh-sáng đã hình thành một phong-trào lớn coi Giáo-hội là lỗi thời. Lối suy-nghĩ tân-thời càng mạnh thì khuynh-hướng này càng trở nên cực-đoan. Dù trong thế-kỉ 19 có những trào-lưu quay ngược lại, song nhìn chung, phong-trào chống Giáo-hội vẫn tiếp-tục đi lên. Những gì chứng-minh được bằng khoa-học đã trở thành chuẩn-mực tối cao. Vì thế, thế-giới tân-thời đã đề ra một chỉ-thị - rất rõ nét nơi nhà thần-học Bultmann – mang tính-cách cực-kì giáo-điều và loại-trừ mọi tác-động của Chúa vào trần-thế cũng như mọi phép lạ và mạc-khải. Theo đó, con người có thể có tôn-giáo, nhưng tôn-giáo là chuyện chủ-quan và vì thế không mang nội-dung khách-quan, không mang tính giáo-điều bó-buộc cho mọi người; cũng thế, tín-điều là thứ gì mâu-thuẫn với lí-trí con người. Giáo-hội đang đứng trước cơn gió chướng lịch-sử đó - nếu muốn nói như thế - và cơn gió đó vẫn thổi không ngừng.

Nhưng quan-điểm cực-đoan của thời Ánh-sáng cũng không tránh khỏi một chiều, vì một tôn-giáo, khi bị hạn-chế vào cái thuần-túy chủ-quan, sẽ mất sức sáng-tạo, mà chỉ còn là chủ-thể tự xác-định chính mình. Cái lí-trí thuần-tuý bị giới-hạn bởi khoa-học thực-nghiệm cũng không thể trả lời được những câu hỏi cơ-bản: Ta từ đâu tới, tôi là ai, tôi làm sao để sống cho ra sống, tôi sinh ra đời để làm gì? Những câu hỏi đó nằm trên một bình-diện khác ngoài lí-trí. Và cũng không thể để mặc cho chủ-quan thuần-tuý hoặc sự phi-lí trả lời những câu hỏi đó. Vì vậy, trước mắt, Giáo-hội sẽ chẳng còn đơn-giản là mẫu sống cho cả một xã-hội; trong tương-lai gần, sẽ không có một thời Trung-cổ[42] nữa. Giáo-hội sẽ luôn là một phong-trào bổ-túc, nếu không nói là luồng gió chướng chống lại vũ-trụ-quan hiện-hành, nhưng đồng thời Giáo-hội sẽ luôn chứng-tỏ vai-trò cần-thiết và có lí của mình, nhìn dưới con mắt người đời.

Vào cuối thời Ánh-sáng, trước cuộc cách-mạng Pháp, người ta cũng đã hô: này là lúc Giáo-chủ, Đạt-lai Lạt-ma của thế-giới Ki-tô giáo, phải biến đi, để cho thời-đại lí-trí bắt đầu. Quả thật ngài đã vắng đi trong thời-gian ngắn khi lưu-đày ở Pháp. Nhưng ngai vị giáo-chủ trong thế-kỉ 19 đã mạnh hơn như chưa bao giờ thấy. Và Ki-tô giáo thế-kỉ 19 dù không có sức mạnh và bộ mặt của thời Trung-cổ, nhưng đã trở nên đẹp hơn rất nhiều qua các công-tác xã-hội vĩ-đại đem lại những hậu-quả lớn-lao. Trong nhãn-quan đó, sẽ luôn tồn-tại hai trào-lưu và lực mạnh, biệt-lập nhau, nhưng luôn phải tìm đến nhau. Hoàn-cảnh mới của thế-giới làm đức tin thêm phức-tạp và quyết-định tin Chúa có tính-cách cá-nhân hơn và khó-khăn hơn, nhưng hoàn-cảnh đó không thể bỏ qua Giáo-hội, coi nó như đồ cổ được.

 

Ngày nay Giáo­-hội có thêm nhiều đối-thủ cạnh-tranh, người ta so-sánh cân-nhắc và tìm những nơi nương-tựa mới. Đối với những thế-hệ trước đây có lẽ việc duy-trì sức mạnh niềm tin dễ-dàng hơn, vì họ coi đạo của họ là đạo của tiền nhân, đã được thử-thách, không cần thắc-mắc thêm. Ngày nay một nỗi dè-dặt tận nền-tảng đã nhập vào mối tương-quan này. Một loại tín-điều thời mới và trần-tục xuất-hiện, cho là Giáo-hội đặt nền trên sự áp-bức và quyền-hành. Ngày nay con người được khai-hoá và nhà-nước được tục-hoá, vậy ngôi sao Giáo-hội bắt đầu lặn đi là điều hoàn-toàn hợp lí.

Ở đây tôi muốn nói hai điều: Trước hết, kinh-nghiệm trong các hệ-thống áp-bức cho thấy rằng Giáo-hội không để bị đồng-hoá vào một vũ-trụ quan nhất-thống, vẫn tồn-tại như một đối-lực và là một cộng-đồng hoàn-vũ, một sức mạnh chống lại sự áp-bức. Chưa thời nào cho thấy Giáo-hội tạo được một lực đối-kháng chống lại mọi guồng máy thế-tục, chính-trị và kinh-tế áp-bức như trong thế-kỉ 20 này. Nó cung-ứng cho con người một không-gian tự-do và dựng rào cản cuối cùng chống lại đàn-áp. Các vị tử-đạo đã luôn nêu gương chịu-đựng những thử-thách đó vì tha-nhân. Giáo-hội là một yếu-tố của tự-do, điều này thấy rõ ở Đông Âu cũng như ở Trung-quốc, nhưng cũng cả ở Nam Mỹ và Phi châu. Giáo-hội là một thành-tố của tự-do, chính vì Giáo-hội có hình-thức cộng-đoàn, nghĩa là có sự nối-kết cộng-đoàn với nhau. Bởi thế, nếu tôi đứng lên chống lại độc-tài, tôi không chỉ hành-động với tính-cách cá-nhân, mà còn làm vì một lực bên trong vượt trên cái tôi riêng-tư và cái chủ-quan của tôi.

Điều thứ hai. Có một ý-thức hệ cho rằng mọi chuyện trên đời đều qui về thái-độ quyền-lực. Ý-hệ này đang làm hỏng nhân loại và phá-hoại Giáo-hội. Lấy một thí-dụ cụ-thể: Nếu tôi nhìn Giáo-hội dưới khía-cạnh quyền-lực, thì bất cứ ai không có chức-phận đều là kẻ bị đàn-áp. Từ đó suy ra thì việc truyền chức cho phụ-nữ, chẳng hạn, trở thành một vấn-nạn nóng-bỏng, vì nó là chuyện quyền-lực, cần phải có chức phẩm để có quyền. Tôi nghĩ ý-hệ nhìn đâu cũng nghi có dính-dáng tới quyền-lực đang phá vỡ sự đoàn-kết không những trong Giáo-hội mà của cả cuộc sống con người. Nó còn đưa tới một lối nhìn hoàn-toàn sai, rằng quyền-lực là mục-tiêu tối-hậu trong Giáo-hội; rằng quyền-lực là yếu-tố duy-nhất cắt-nghĩa cho sự hình thành và tồn-tại của thế-giới, của cộng-đồng. Chúng ta không hiện-diện trong Giáo-hội để thi-thố quyền-lực trong một tổ-chức. Nếu việc tham-gia Giáo-hội có một ý-nghĩa, thì đó chỉ vì nó cho ta sự sống đời-đời và một cuộc sống chân-chính đích-thực. Mọi thứ khác đều là thứ yếu. Nếu không phải thế thì cả cái "quyền-lực" trong cái « hội » Công giáo cũng chỉ là thứ tuồng chèo hoàn-toàn phi lí. Tôi nghĩ chúng ta phải thoát ra khỏi ý-hệ quyền-lực và sự giản-lược này, nó thoát-thai từ thái-độ nghi-ngờ của chủ-nghĩa mác-xít.

 

Giáo-hội đã tạo ra vô số những cấm-đoán, như một loại luật-lệ giao-thông, để điều-tiết vận-tốc cuộc sống. Trong khi đó Đợt sống mới (Lifestyle) thì lại ra hiệu cho ta tại các ngã tư đường : « Mày được phép nhấn ga, tăng tốc ». Trong cơn say cảm-giác khoái-lạc vội-vã này tôn-giáo chỉ còn được xã-hội chấp-nhận như một giấc mơ hạnh-phúc không có khổ-đau, như một phù-thủy huyền-bí. Có lẽ Giáo-hội đã bị chỉ-trích nặng-nề và đã không lợi-dụng được luồng sóng tâm-linh này vì Giáo-hội đưa ra đòi-hỏi, vì Giáo-hội nói tới tội-lỗi, khổ-đau, phải sống sao cho công-chính.

Chỉ cần một thí-dụ cho tương-quan lạ-lùng đó: Trên bình-diện quốc-gia, mỗi khi hành-động phạm pháp gia-tăng và xã-hội cảm thấy an-ninh bị đe-doạ thì người ta đòi phải ra thêm luật. Đối với Giáo-hội thì ngược lại, người ta đòi phải thả lỏng thêm, dù rằng luật giáo-hội chỉ có tính-cách luân-lí.

Trong cái nhìn về thế-giới hôm nay có hai tư-tưởng đã trở thành chỉ-đạo, đó là tự-chủ và chống quyền-bính. Hai tư-tưởng này trổi-vượt không kém quan-điểm quyền-lực trên đây. Cả hai hoà-quyện làm một với nhau tác-động thực-sự lên cuộc sống cộng-đoàn của con người. Hậu-quả thật rõ-ràng: Khi một chủ-thể tự-chủ có tiếng nói quyết-định tối-hậu, thì đương-nhiên nó sẽ có thể muốn mọi sự. Nó sẽ muốn ôm tối-đa những gì có thể vơ vào trong cuộc sống. Tôi nghĩ đó là vấn-nạn rất lớn cho cuộc sống hôm nay. Người ta nói, cuộc sống quá phức-tạp và ngắn-ngủi, nên tôi phải bằng mọi cách hưởng-thụ tối đa, không ai được cản-ngăn tôi. Trước hết, tôi phải giật cho được cái phần của tôi trong cuộc sống, phải có thể thực-hiện được chính cái tôi và không ai được phép dây mình vào đó. Ai cản tôi trong việc chiếm-hữu cuộc sống, kẻ đó là thù của tôi.

Các tài-liệu của hai hội-nghị liên-hiệp-quốc ở Cairô và Bắc-kinh hé cho ta thấy cái vũ-trụ-quan trên. Con người ở đây được quan-niệm hoàn-toàn như một cá-thể, nó chỉ là mình nó thôi. Mối tương-giao giúp con người trở thành người đã bị tước-đoạt. Con người ngày nay đòi tự mình quyết-định cho chính mình, đòi chiếm-hữu tối-đa cuộc đời bằng mọi cách, và không muốn để cho ai cản-ngăn cả. Quan-niệm như thế thì dĩ nhiên câu "Mày không được làm thế" - "Mày phải tuân-phục những mực-thước bên ngoài mày nữa" trở thành một thứ đòn tấn-công từ ngoài và con người tìm cách chống lại. Rốt cuộc ở đây lại nổi lên câu hỏi căn-bản cần thảo-luận: Con người làm sao để hạnh-phúc? Nó phải sống ra sao cho phải lẽ? Có thật nó sẽ hạnh-phúc khi chỉ có nó được phép, khi chỉ có nó là chuẩn-mực cho chính nó?

Mới đây tôi có nói chuyện với bạn-bè về chuyện dân vùng Fracasti này đang bước vào mùa tỉa nho. Nho chỉ cho trái nhiều khi chúng được tỉa cành mỗi năm. Việc tỉa cành như thế là điều-kiện đem lại thu-hoạch cao. Qua Tin-mừng Gio-an đoạn 15 ta thấy rõ sự so-sánh hình-ảnh này với đời sống con người và cộng-đồng Giáo-hội. Không có can-đảm tỉa, nho mọc chỉ toàn lá. Nếu áp-dụng hình-ảnh đó cho Giáo-hội thì rồi chỉ có giấy và giấy, chẳng sự sống nào nảy-sinh được. Nhưng ta hãy lấy lại lời của đức Kitô, Ngài nói : Quả thật, nếu ngươi cho rằng, ngươi phải chiếm-hữu chính ngươi và ngươi tự bảo-vệ ngươi, thì ngươi tự làm ngươi hư-hỏng. Bởi ngươi không được tạo nên như một hòn đảo cho riêng mình, chỉ tựa trên chính mình, nhưng ngươi được dựng nên để yêu, để cho, để từ-bỏ, để bị tỉa cái tôi của ngươi đi. Chỉ khi ngươi từ-bỏ, chịu để mất cái tôi của ngươi như đức Ki-tô nói, lúc đó ngươi mới được sống.

Quyết-định nền-tảng này phải được nêu lên rõ-ràng, nó được gắn liền với tự-do con người. Nhưng cũng cần phải ý-thức rõ rằng sống mà chỉ yêu-sách không thôi là một công-thức sống sai-lầm. Chối-bỏ khổ-đau và chối-bỏ tính thụ-tạo, nghĩa là không chấp-nhận một mực-thước trên đầu mình, rốt cuộc là chối-bỏ chính tình yêu và điều này sẽ huỷ-hoại con người. Bởi nhờ chấp-nhận đòi-hỏi, chịu để cắt tỉa, con người mới có thể trưởng-thành và đơm hoa kết trái.

Một điểm thường gặp nơi giới trẻ là họ cảm-thấy họ bị yêu-sách quá ít. Việc họ gia-nhập các giáo-phái cực-đoan phần nào có thể giải-thích là họ đi tìm sự an-toàn, muốn được đùm-bọc; nhưng mặt khác cũng có nghĩa là họ muốn được đòi-hỏi. Đâu đó ẩn-tàng trong mỗi con người cái nhu-cầu nó biết chắc: Tôi cần được đòi-hỏi, tôi muốn nâng tôi lên một mức cao hơn nữa, tôi muốn tự cho đi và học chấp-nhận bị mất-mát.

 

Sự bất đồng giữa đức tin và xã-hội cũng bởi tại xã-hội ngày nay tìm cách khảo-xét xem Giáo-hội, lịch-sử Giáo-hội và giáo-huấn Giáo-hội có còn khả-tín không. Việc làm đó có ngược đời không?

Chẳng ngược đời gì, nếu người ta cố-gắng đạt tới một sự hiểu-biết thấu-đáo nào đó về đức tin. Ngay từ đầu đó cũng là một phần của việc rao-giảng thông-điệp Ki-tô giáo. Đức tin đã chỉ đi vào được trần-thế qua các nhà truyền giáo, vì người ta có thể hiểu được nó và thấy nó rõ-ràng. Phao-lô đã có thể giảng trong các đền thờ không chỉ cho những người Do-thái mà cả cho những kẻ gọi là biết kính-sợ Thiên-chúa, nghĩa là những người ngoại nhưng đã nhận ra Thiên Chúa thật trong tôn-giáo độc-thần Do-thái. Ngài đã soi-sáng họ bằng luận-chứng rằng chỉ với đức Ki-tô thì đạo Do-thái và các tôn-giáo độc-thần có ảnh-hưởng từ Do-thái giáo mới đạt được sự hợp lí. Xem như thế thì cố-gắng của Ki-tô giáo làm cho câu trả lời trở nên sáng-tỏ quả là căn-bản. Tuy nhiên, nếu hiểu ý-niệm khả-tín một cách quá hẹp, đến độ chỉ giữ lại những gì trong Ki-tô giáo phù-hợp với những tập-quán hiện thời của ta trong cuộc sống, thì như thế là ta quá coi nhẹ Ki-tô giáo và chính chúng cũng không còn giá-trị gì.

 

 

Những sai-lầm của Giáo-hội

Hồng-y König đã có lần nhận-định về hiện-tình Giáo-hội hoàn-vũ như sau: „Xét cho cùng, đây là một tiến-trình kéo dài cả thế-kỉ, dẫn đến sự phân-li giữa Giáo-hội và thế-giới. Đây là sự sai-biệt lớn dần giữa tình-trạng ý-thức của con người thời-đại và giáo-lí Ki-tô giáo ». Và ngài tiếp: „Chính Giáo-hội cũng phải biết phê-bình tự hỏi, đâu là phần lỗi của mình trong việc bế-tắc cảm-thông đó, để tìm cách khắc-phục“.

Rõ-ràng có sự bế-tắc cảm-thông, như Hồng-y König nói, và tôi nghĩ Giáo-hội chắc-chắn cũng có phần lỗi. Một đàng vì chúng tôi đã không tìm được ngôn-ngữ phù-hợp với nhận-thức thời nay. Có lẽ chúng ta sẽ bàn sau về những ý-niệm như tội tổ-tông, ơn cứu-chuộc, tội-lỗi, sám-hối v.v. đó là những từ nói lên một sự thật, nhưng trong ngôn-ngữ hiện-đại chúng không còn ý-nghĩa gì nữa đối với đa-số tín-hữu. Làm thế nào để ý-nghĩa những ý-niệm này lọt tai thiên-hạ được là bổn-phận hiển-nhiên phải lưu-ý của chúng tôi. Tuy nhiên, điều đó có thể thành-công chỉ khi nào chính chúng tôi sống những ý-niệm đó từ nội-tâm. Có sống những ý-niệm này thì mới hiểu và mới có thể diễn-tả ra được. Tôi cũng cần nói thêm, là truyền-thông về Ki-tô giáo chưa bao giờ là một truyền-thông chỉ để mà hiểu. Nó bao-trùm toàn-thể con người và tôi chỉ hiểu được nó khi tôi gia-nhập cộng-đoàn những kẻ đồng-hành. Như thế có hai đòi-hỏi: Trước hết là sống Ki-tô giáo thực-sự và nhờ đó hiểu-biết nó, thêm vào đó là tạo được cách diễn-tả mới qua cuộc sống thiết-thực trong cộng-đoàn những người đồng-hành.

 

Dư-luận thường nhìn Giáo-hội như một thẩm-quyền đe-doạ, chai-cứng. Tại sao giáo-quyền lại khắt-khe như thế? Lẽ ra Mẹ giáo-hội phải dịu-dàng với con-cái hơn chứ?

Đúng, nhiều người coi giáo-huấn Giáo-hội rốt cuộc chỉ là một chuỗi những cấm-đoán luân-lí – đặc-biệt trong lĩnh-vực tính-dục – và vì thế họ có cảm-tưởng Giáo-hội chỉ kết-án và o-ép cuộc sống mà thôi. Có lẽ cũng tại vì chúng tôi đã lắm lúc lắm lời trong lãnh-vực này, và lời nói nhiều khi không đi đôi với sự thật và tình yêu. Nhưng tôi nghĩ một phần nữa cũng tại việc chọn đề-tài của truyền-thông. Bởi những cấm-đoán như thế là những tin-tức dễ ăn-khách và dễ hiểu. Nếu như thay vào đó người ta luận-bàn về Chúa, về đức Ki-tô hay về quá nhiều những điều căn-bản trong đức tin thì những đề-tài này có thể lại quá xa-lạ với ngôn-ngữ thế-tục, có thể khó mà tiếp-thu được. Vì thế, thay vì ngồi đó trách-cứ truyền-thông, Giáo-hội phải tự hỏi mình có thể trình-bày thế nào với dư-luận cho đúng mức. Khi rao-giảng cái cốt-lõi của đức tin, những chi-tiết riêng-rẽ sẽ được đặt đúng trong tương-quan với nhau, lúc đó những cấm-đoán nêu lên cũng có chỗ đứng trong một toàn-cảnh rộng lớn hơn và tích-cực hơn. Nhưng khi muốn đưa hết mọi thứ ra cho dư-luận biết, thì sự quân-bình sẽ mất. Vì thế Giáo-hội cần cân-nhắc nội-dung thông-đạt nội-bộ về giáo-lí chung với những gì muốn đưa ra bên ngoài, nơi nội-dung thông-tin của mình chỉ được thiên-hạ chọn-lọc tiếp-nhận một phần mà thôi.

 

Dư-luận nhiều khi có cảm-tưởng Giáo-hội chỉ biết phản-ứng cố-chấp, nghiêm-khắc viện vào các giới-răn và tin rằng Chúa không để Giáo-hội sụp-đổ. Chung-quanh Giáo-hội là thế-giới linh-động, nhưng Giáo-hội xem ra không có khả-năng thay-đổi lối suy-tư, cứ khư-khư bảo-vệ quan-điểm mình. Giáo-hội tỏ ra không có bộ mặt cực-đoan, nhưng có vẻ thiếu uyển-chuyển, đóng khung kiên-cố như một pháo-đài. Sứ-điệp của Giáo-hội vì thế trống-rỗng.

Mỗi quốc-gia dân-tộc đương nhiên có cái nhìn rất khác nhau. Dưới thời áp-bức cộng-sản, người có đức tin, kể cả những kẻ không tin và người đang trên đường tìm đến đức tin như Vaclav Havel[43] chẳng hạn, có cái nhìn hoàn-toàn khác. Họ thực-sự thấy Giáo-hội rao-truyền sứ-điệp tự-do, coi Giáo-hội là một đối-lực chống lại độc-tài, coi đó là một nguồn lực có thể cung-cấp một cái gì đó cho cả kẻ không tin và giúp họ vững tin rằng những chế-độ độc-tài toàn-trị sẽ không bao giờ hoàn-toàn làm chủ được tình-hình.

Cả ở châu Phi, nơi Giáo-hội, dưới nhiều hình-thức, thường đụng-độ với nhà-nước và với tham-nhũng là quốc-nạn lớn của châu lục này, người ta không có cảm-tưởng Giáo-hội chỉ biết khư-khư bảo-vệ mình, nhưng đó là một lực năng-động, sẵn-sàng bảo-vệ cho cả các nước thuộc thế-giới đệ-tam và luôn đưa ra sáng-kiến giải-quyết tình-hình. Họ thấy Giáo-hội không chủ-trương một chính-sách viện-trợ phát-triển chỉ dựa trên vật-chất, song luôn hỗ-trợ những nỗ-lực trao-đổi sinh-động. Cả Nam Mĩ cũng có cái nhìn hoàn-toàn khác. Như vậy, Giáo-hội có thực-sự là một sức đẩy giúp tiến tới hay không, cái này tuỳ nơi sự cảm-nhận của mỗi nước. Sở dĩ Đức, một nước nằm ở Trung Âu, xem Giáo-hội chỉ là lực cản của tiến-bộ và chỉ biết lo bảo-vệ chính mình, theo tôi, phải nhìn ngược lại, là vì người ta không muốn Giáo-hội lên tiếng chống lại nhiều cái ta coi là thoải-mái và thích-hợp.

 

Giáo-chủ Gio-an Phao-lô II kêu gọi: Đừng chạy theo thế-gian. Nhưng phải chăng chính cả Giáo-hội cũng chạy theo hơn ai hết. Xem ra Giáo-hội bị dính chặt với dinh-thự, đầu-tư nhiều tiền-bạc, thời-gian và công-sức vào chuyện bảo-trì nhà-cửa của mình. Lẽ ra thay vì thế Giáo-hội phải giúp người ta hiểu rõ hơn đâu là những ơn-ích cứu-rỗi của Giáo-hội.

Tôi đồng ý với ông. Khả-năng cố-chấp là một yếu-tố rất mạnh kể cả trong Giáo-hội. Vì thế Giáo-hội có khuynh-hướng không muốn nhả ra cái tài-sản hay địa-vị đã đạt được. Khả-năng tự giới-hạn và tự cắt-tỉa chưa phát-triển đúng hướng. Tôi nghĩ đây cũng chính là vấn-nạn của nước Đức. Chúng ta có quá nhiều định-chế hơn là nhân-sự thấm-nhuần tinh-thần giáo-hội để điều-hành. Chính vì bám chặt vào guồng máy kồng-kềnh nhưng trống rỗng bên trong này mà Giáo-hội mất uy-tín. Từ đó nẩy-sinh ấn-tượng là trong một bệnh-viện hay trường học chẳng-hạn, những người không một chút gì gắn-bó với Giáo-hội cũng bị ép hành-xử theo đường-hướng Giáo-hội, chỉ vì Giáo-hội làm chủ những cơ-sở này và có quyền định-đoạt. Đây là điểm ta cần xét mình thực-sự. Nhưng tiếc thay lịch-sử vẫn luôn cho thấy là Giáo-hội không có khả-năng tự mình giũ bỏ được của-cải, mà luôn bị người ta tước-đoạt đi và sự tước-đoạt này rốt cuộc lại trở thành ơn-ích cho Giáo-hội.

Tuy-nhiên cũng có trường-hợp hơi khác; tôi nghĩ tới vụ phân-cách giữa nhà-nước và Giáo-hội Pháp dưới thời giáo-chủ Pi-ô X, nghĩa là vào đầu thế-kỉ 20. Thời đó, nhà-nước Pháp đề-nghị một mô-thức cho phép Giáo-hội tiếp-tục sở-hữu tài-sản, nhưng phải đặt dưới quyền kiểm-soát của nhà-nước. Về sự-kiện này, Pi-ô X tuyên-bố: Tài-sản tinh-thần của Giáo-hội quý hơn tài-sản vật-chất . Chúng ta bỏ tài-sản vật-chất, vì chúng ta phải bảo-vệ gia-sản tinh-thần. Tôi tin đây là một câu nói quan-trọng, đáng cho ta luôn đem ra suy-gẫm.

 

Tôi tự hỏi, tại sao Giáo-hội không có cách nào hay hơn để truyền-giảng về đạo Chúa cho chúng tôi, những kẻ mù-tịt hoặc chỉ biết sơ-sài về đạo; tại sao Giáo-hội không nói nhiều hơn về cái chiều-kích lớn-lao của Công giáo, về tự-do tư-tưởng, về thứ-tha và bác-ái. Tôi thấy thiếu vắng những nghi-lễ, phong-tục, lễ-hội mà Giáo-hội vẫn hãnh-diện và có kinh-nghiệm cử-hành từ hai ngàn năm nay. Isaac Singer[44] kể trong một cuốn sách của ông câu chuyện cử-hành lễ mùa truyền-thống của người Do-thái. Vị giáo-trưởng hát lời nguyện trước bữa ăn rồi giảng. Theo Singer, chưa bao giờ có một bài giảng cắt-nghĩa kinh Thora gây phấn-chấn nơi tín-hữu Chassidim[45] như thế. Vị giáo-trưởng đã vén cho họ thấy những bí-mật thánh. Cuối cùng vào chiều tối, người ta trải một chiếc khăn dùng cho dịp lễ lên bàn và đặt một khoanh bánh mì trên đó, một bình rượu và một cái li bên cạnh. Những người tham-dự có cảm-tưởng chiếc chòi lá[46] biến thành một căn phòng trong đền thờ. Với chúng ta, những buổi họp mặt ki-tô-hữu lại thường biến thành những cuộc lễ-hội với bia và thịt.

Đây cũng lại là chuyện hoà-lẫn giữa Ki-tô giáo và xã-hội và sự hoà-nhập cái tính-chất Ki-tô giáo vào phong-tục và lễ-hội xã-hội, như ta đã nói ở trên. Ở đây, tôi muốn đề-cập một chuyện liên-quan khác. Vị giáo-trưởng chắc-chắn đã không nói điều gì mới, nhưng nghi-thức cử-hành trang-nghiêm và với lòng tin đã làm mới lại những gì ông giảng-giải và làm chúng sống lại trong hiện-tại.

Theo tôi, trong cải-cách phụng-vụ của ta có một khuynh-hướng sai, đó là việc muốn „hội-nhập“ hoàn-toàn phụng-vụ vào thế-giới tân-thời. Nghĩa là phụng-vụ phải ngắn gọn hơn nữa, những yếu-tố được coi là khó hiểu phải được lược bỏ đi; cơ-bản là phải làm sao lồng vào một ngôn-ngữ „thấp“ hơn. Như vậy thì bản-chất phụng-vụ và lễ-nghi phụng-vụ sẽ bị hiểu sai từ căn-bản. Bởi trong phụng-vụ người ta không đơn-thuần hiểu cách thuần lí, như tôi hiểu một bài thuyết-trình, nhưng hiểu bằng nhiều cách, bằng mọi giác-quan và bằng cách hoà-nhập mình vào một cuộc lễ không do uỷ-ban nào bày ra, song từ thẳm sâu muôn ngàn năm hoặc từ muôn đời đang đến với tôi.

Sau khi mất Đền-thánh, Do-thái giáo vẫn bám lấy các ngày lễ và nghi-lễ ở giáo-đường và giữ được sự nối-kết với nhau qua việc cử-hành các buổi lễ lớn được coi như lễ-nghi của Đền-thánh. Lễ-nghi cũng là một cách diễn-tả hình-thức sống chung; không phải nó giúp cho đạo được dễ hiểu một cách hời-hợt bề ngoài, nhưng nó nói lên sự tiếp-nối trọng-đại của lịch-sử đức tin và có thể nói là tượng-trưng cho một sự uỷ quyền không do từ một cá-nhân nào. Linh-mục không phải là nhà hoạt-náo truyền-thông (Showmaster) đang biểu-diễn xuất-sắc một cái gì do ông tự nghĩ ra. Trái lại, ông có thể là một diễn-viên rất tồi, nhưng ông đang đại-diện cho một cái gì hoàn-toàn khác và cái đó hoàn-toàn không tuỳ-thuộc ông.

Dĩ-nhiên phụng-vụ cũng phải dễ hiểu, vì thế lời Chúa phải được đọc lên rõ-ràng và sau đó được cắt-nghĩa, diễn-tả mạch-lạc. Nhưng để hiểu minh-bạch lời Chúa còn có có những lối hiểu khác nữa. Nhất là sự hiểu-biết minh-bạch này không phải là cái do hết uỷ-ban này đến uỷ-ban nọ ở Roma, Paris hay Trier… nặn ra. Trái lại, nó cần có tính-cách liên-tục trọng-đại, tránh mọi hình-thức tuỳ-tiện, qua nó tôi thật-sự tiếp-cận cái vĩnh-cửu, nó nâng tôi lên hoà-nhập vào cộng-đoàn tế-lễ, một cộng-đoàn khác hẳn với cái do các uỷ-ban hoặc ban tổ-chức lễ-hội tự nghĩ ra.

Tôi tin rằng có một thứ chủ-nghĩa giáo-sĩ trị đã định hình, qua đó tôi hiểu hơn về đòi-hỏi truyền chức linh-mục cho phụ-nữ. Người ta coi con người linh-mục là quan-trọng, đòi vị này phải có năng-khiếu và phải thủ-diễn xuất-sắc vai-trò mình; họ coi ông mới thật-sự là trọng-tâm của buổi lễ. Rốt cuộc người ta phải tự hỏi: Tại sao lại phải chỉ là loại người đó? Trái lại, nếu vị linh-mục chịu dấu con người mình đi và chỉ hiện-diện như một đại-diện đơn-thuần thi-hành việc đức tin, thì người ta sẽ không còn tập-chú vào con người của ông nữa, và lúc đó hẳn một cái gì lớn-lao sẽ xuất-hiện. Tôi tin như thế người ta sẽ nhận ra rõ hơn cái lực và sức mạnh của truyền-thống không bị làm méo-mó. Cái đẹp và cái cao-cả của nó sẽ đánh-động cả những tâm-hồn không thể hấp-thụ mọi tiểu-tiết và hiểu chúng bằng lí-trí. Trung-tâm điểm lúc đó chỉ còn là lời Chúa được loan-truyền và diễn-giải.

 

Như vậy, để chống lại tình-trạng cào bằng và phá thiêng đó, cần phải khởi-động lại phụng-vụ cũ?

Nếu chỉ có thế thì cũng chẳng giải-quyết được gì. Theo tôi, cần độ-lượng hơn nữa cho những ai muốn duy-trì phụng-vụ cũ. Điều này chẳng có chút gì gọi là nguy-hiểm hay không thể chấp-nhận được. Một cộng-đoàn bỗng dưng cấm ngặt cái mà cho tới lúc đó vẫn được kể là cực thánh và cực cao-cả và coi việc đòi-hỏi những thứ này là bất chính, thì hẳn là có vấn-đề. Vì như vậy còn gì để tin vào cộng-đoàn đó? Có thể mai đây cộng-đoàn đó lại cấm những gì là lệnh của hôm nay? Tuy nhiên, chỉ trở về với cái cũ, như đã nói, cũng không phải là giải-đáp. Từ 30 năm nay văn-hoá chúng ta đã biến-đổi tận căn, khiến việc quay trở lại phụng-vụ toàn bằng tiếng la-tinh sẽ là một cái gì lạ-lẫm không thể thích-ứng nổi đối với nhiều người. Điều chúng ta cần hiện nay là một huấn-luyện mới về phụng-vụ, đặc-biệt cho cả các linh-mục. Phải làm cho người ta hiểu rằng khoa-học phụng-vụ không nhắm tới việc đưa ra đều-đặn những kiểu-mẫu mới như trong kĩ-nghệ xe hơi. Nhưng mục-đích của nó là dẫn con người vào cuộc lễ, giúp cho con người có thể cảm được cái mầu-nhiệm. Ở điểm này, ta nên học nơi Giáo-hội đông-phương và cả nơi các tôn-giáo hoàn-cầu, vì họ tất-cả đều hiểu rằng phụng-vụ là cái gì khác hơn việc sáng-tạo ra kinh sách và nghi-lễ, là cái gì không thể lạm-dụng được. Tuổi trẻ cảm-nhận điều này rất rõ. Họ đổ nhau về những trung-tâm, nơi phụng-vụ được cử-hành một cách long-trọng và trang-nghiêm không lố-bịch, cho dù họ không hiểu hết những lời họ nghe. Chúng ta cần nhiều trung-tâm như thế. Tiếc thay, chúng ta vô cùng dễ-dãi với những trò chơi phiêu-lưu, nhưng trái lại đối với phụng-vụ cũ chẳng có chút bao-dung nào cả. Chắc-chắn đó là con đường sai.

 

Người ta có thể xác-định được cơn khủng-hoảng của Giáo-hội bắt đầu từ lúc nào không? Đó là hậu-quả của những lỗi-lầm quá-khứ? Phải chăng Giáo-hội đã chồng-chất quá nhiều hành-trang phế-thải, quá nhiều nợ-nần, để bây giờ phải lãnh hậu-quả?

Một mặt, dĩ-nhiên là có sự liên-tục lịch-sử, ta không thể tránh-né nó được. Cũng như lịch-sử nước Đức với tất-cả những cái xấu cái tốt có ảnh-hưởng trên mọi thế-hệ, lịch-sử Giáo-hội cũng thế. Câu hỏi đặt ra: Đâu là những gánh nặng, trong đó có cả những lỗi-lầm, mà ta phải biết và thú-nhận? Nhưng bên cạnh cũng có những cái mới nơi từng thế-hệ đang sống.

Ở đây tôi muốn đề-cập tới cuộc khủng-hoảng với những nguồn-gốc không quá xa trong lịch-sử. Ngay các hoàn-cảnh lịch-sử hiện-đại cũng tạo ra đỉnh cao và vực sâu nơi Giáo-hội. Tôi luôn dùng ví-dụ này để luận-chứng: Khi chủ-nghĩa tự-do (Liberalismus) rộ nở, trong nội-bộ Giáo-hội cũng nẩy ra cuộc tranh-luận về thuyết tiến-bộ (Modernismus), mà Pi-ô X đã có phản-ứng rất mạnh. Sau thế-chiến thứ nhất cuộc tranh-luận bỗng biến mất. Ngày nay nhiều người bảo rằng, lẽ ra thời đó mình phải tranh-luận vấn-đề cho ngã-ngũ, thay vì nhấn chìm chúng. Tuy nhiên, trên thực-tế, thế-chiến thứ nhất được coi là sự thất-bại của chủ-nghĩa tự-do, và chủ-nghĩa này – được coi là lực hướng-đạo tinh-thần của thời đó – đã tàn-lụi theo cuộc chiến. Như vậy thời đó một tình-trạng ý-thức hoàn-toàn mới bổng-nhiên trỗi lên, không những trong Công giáo, mà cả trong thế-giới Tin-lành. Harnack[47], bậc đại-sư của thần-học tự-do, rút lui dành chỗ cho Karl Barth[48] với niềm tin mới cực-đoan của ông; Erik Peterson, nhà chú-giải Kinh thánh lỗi-lạc của Tin-lành và là sử-gia, quay về với Công giáo. Một phong-trào phụng-vụ mới trỗi dậy trong giáo-hội Tin-lành, nơi mà trước đó với nền thần-học tự-do người ta đã kịch-liệt chống-đối lễ-bái. Điều đó có nghĩa là những vấn-đề của thuyết tiến-bộ bỗng dưng chẳng còn được thế-hệ mới với hoàn-cảnh mới quan-tâm chút nào nữa. Chúng ta có thể nhận rõ biến-chuyển đó qua cuốn tiểu-sử tự thuật của Romano Guardini[49], ông này theo học trong thời chủ-nghĩa tự-do, sau đó lại có lập-trường quyết-liệt chống lại chủ-nghĩa tự-do.

Tình-trạng trên còn kéo dài thêm một thời-gian sau thế-chiến thứ hai. Nhưng rồi, rất nhanh, thế-giới phồn-vinh xuất-hiện, còn vượt trội hơn cả thời Belle Époque[50] nữa. Nhờ đó một thứ chủ-nghĩa tân tự-do xuất-hiện, và cũng từ đó Ki-tô giáo bỗng dưng bị coi là lạc-hậu, ngược đời và phản-chứng hơn cả tình-trạng trước thế-chiến thứ nhất.

Nói ra như vậy để hiểu rằng các hiện-tượng khủng-hoảng cũng phải được nhìn trong bối-cảnh lịch-sử mỗi thời-đại. Cho tới một điểm nào đó tôi công-nhận Karl Marx đúng, khi ông bảo tình-trạng ý-thức của một thời-đại là phản-ảnh của toàn-bộ cơ-cấu xã-hội và kinh-tế thời-đại đó.

 

Biết đâu có thể những nỗ-lực tự thanh-tẩy mạnh-mẽ cũng đang tác-động trong tiến-trình suy-thoái hiện nay của Giáo-hội?

Tôi xác-tín những nỗ-lực tự thanh-tẩy đang hoạt-động. Nhưng dĩ-nhiên không nên đơn-giản hiểu rằng sự mất-mát đức tin, chán-chường trong đức tin tự chúng là những tiến-trình tự thanh-tẩy. Tình-thế cống-hiến cơ-hội thanh-tẩy, nhưng không phải ai cũng sử-dụng nó như nhau. Ở đây lại phải trở về với chuyện bám vào tài-sản và định-chế như đã nói trên. Hoàn-cảnh có thể dẫn tới thanh-tẩy. Nhưng không chỉ vì thoái-trào mà người ta đương-nhiên chịu thanh-tẩy.

 

Khó mà đo mức-độ thành-công của Giáo-hội, ít ra không thể dùng các tiêu-chẩn chính-trị hay kinh-tế, dùng số đảng-viên hay lượng thu-nhập để đo được. Tuy nhiên đức Ki-tô có nói với mấy người quản-lí đã được chủ giao tài-sản, là họ phải trông-coi và làm tăng-gia của-cải đó – đặc-biệt kể cả bằng phương-tiện thiếu chính-thống.

Câu hỏi đầu tiên là phải diễn-dịch dụ-ngôn sao cho đúng? Việc Chúa dùng câu chuyện ngân-hàng, dùng việc thương-mại để khuyên người ta sinh lời món tiền sẵn có, chớ nên hiểu là Ngài muốn dạy về phương-pháp. Cả chuyện Chúa nói về người quản-lí bất chính – một dụ-ngôn đặc-biệt khó hiểu –, Ngài nói: Dù sao anh ta cũng đã tìm được một lối giải-quyết, hãy khôn-ngoan như anh ta. Đây không có nghĩa là ta nên sử-dụng các phương-tiện lường-gạt. Nhưng phải hiểu là ta cũng phải khôn-ngoan, tỉnh-táo và biết nắm cơ-hội; rằng ta cũng phải có chút tưởng-tượng và sáng-tạo. Dụ-ngôn chắc-chắn cũng có nghĩa là, nếu ngây-thơ và vững tin tâm-niệm rằng tôi đạo-đức, tôi hạnh-phúc theo kiểu-cách của tôi, còn những gì người khác làm thì chẳng liên-can gì tới tôi cả, hành-xử như thế chắc-chắn là bất-cập. Đức tin thật ra là một món quà tôi nhận được để tặng tiếp cho người khác, là thứ không ai có thể có được trọn-vẹn nếu chỉ muốn giữ cho riêng mình.

Một Ki-tô giáo được đón-nhận thực-sự trong tâm-hồn luôn bao-hàm động-lực thôi-thúc tôi phải chia-sẻ nó với người khác. Nếu tôi khám-phá ra một lối đi, một lối hành-xử đúng, rồi tự bảo, à như vậy là đủ cho tôi rồi, thì cách ứng-xử đó là sai. Bởi như thế là chính lúc đó tôi phá-hủy cái tôi đã khám-phá. Cũng hệt như khi ai đó gặp được niềm vui lớn mà không muốn thông-báo cho kẻ khác biết thì đó chẳng phải là niềm vui đích-thực. Như vậy quả thực động-lực trao tặng là một thành-tố của sứ-mạng mà Chúa Ki-tô đã trao lại cho môn-đệ mình; cũng như việc Ngài khuyến-khích ta có sáng-kiến và can-đảm, dù có phải đương-đầu với nguy-cơ mất-mát. Vì thế ta không thể bình chân như vại mà nói, không sao, Chúa đã không hứa là có đông-đảo quần-chúng đi theo, Ngài không nhắm tới thành-công, chúng tôi đã làm hết bổn-phận mình, còn việc ai theo ai không thì rồi ra sẽ hay. Giáo-hội luôn phải có tâm-trạng bất an gây nên bởi ý-thức rằng mình đã nhận được một món quà dành cho cả nhân-loại.

Mặt khác cũng có lời: „Tôi phái anh em đi như chiên giữa bầy sói“, và „Anh em sẽ bị bách-hại“. Như thế có nghĩa là Chúa báo trước cho biết công-việc của ta cũng luôn gắn liền với chính số-phận của đức Kitô. Và tôi tin rằng ki-tô-hữu phải sống trong tình-trạng căng-thẳng đó. Không thể có tình-trạng tự-mãn theo nghĩa: Chúng tôi đã đạt mức rồi, không thể hơn được nữa – trái lại nghĩa-vụ Chúa trao cho ta luôn mới, đòi-hỏi ta phải là những quản-lí giỏi, biết tìm cách sinh lợi như Chúa dạy, nhưng đồng thời chẳng bao giờ có được trong tay thành-công trọn-vẹn.

 

 

Những điệp-khúc chỉ-trích

Liên-quan tới những chỉ-trích đối với Giáo-hội, Hồng-y đã có lần nói về «điệp-khúc các câu hỏi» : Truyền chức cho phái nữ, ngừa thai, độc-thân, tái hôn sau khi li-dị. Đó là vào năm 1984. Những cuộc trưng-cầu ý-kiến tín-hữu về vấn-đề Giáo-hội năm 1995 ở Áo, Đức và Thuỵ-sĩ cho thấy những điểm trên cho tới nay vẫn hoàn-toàn không thay-đổi. Các cuộc tranh-luận xem ra như kiến bò miệng chén, mệt-mỏi. Với chút giải-thích có-lẽ vấn-đề sẽ sáng-tỏ hơn? Tôi có cảm-tưởng nhiều người chẳng hiểu mình đang nói gì khi đề-cập tới ngai giáo-chủ hay chức linh-mục chẳng hạn, họ thật ra chẳng hiểu nghĩa của những ý-niệm đó.

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, tất-cả những điểm trên đều là những vấn-nạn thực. Nhưng tôi cũng tin rằng ta sẽ lạc đường, nếu như ta nâng chúng lên thành những vấn-nạn tiêu-chuẩn hoặc thành đề-tài duy-nhất cho hoàn-vũ Công giáo. Có một lí-luận rất đơn-giản chống lại quan-điểm trên (mà cả Johann Baptist Metz[51]cũng đã trình-bày trong một bài viết của ông về cuộc trưng-cầu ý-kiến tín-hữu): Thế-giới Tin-lành đã giải-quyết các vấn-nạn này. Chúng đã được họ giải-quyết theo một cách khác, nhưng rõ-ràng cách làm của họ cũng đã không giúp họ sống đời ki-tô-hữu tối hơn giữa trần-thế và vấn-nạn của Ki-tô giáo, cái khó-khăn sống đời ki-tô-hữu trước sau đối với họ vẫn nan-giải không kém chúng ta. Nếu tôi nhớ không lầm, Metz đã nêu lên câu hỏi, tại sao chúng ta giờ đây lại muốn làm một bản sao của Tin-lành. Theo ông, thật may trong lãnh-vực này chúng ta đã có một thí-nghiệm. Điều đó cho thấy những vấn-nạn trên đây không phải là ngăn-trở chính cho việc sống đạo hôm nay. Có giải-quyết chúng thì Tin-mừng cũng không trở nên lôi-cuốn hơn, việc sống đạo vẫn không dễ hơn hoặc Giáo-hội sẽ có đoàn-kết hơn. Tôi nghĩ, phải hiểu rõ một lần cho dứt-khoát là những vấn-nạn kia nhất-định không phải là căn-nguyên cơn đau của Giáo-hội.

 

-----------------------------

[35] Thuế tôn-giáo tại Đức đánh trên tổng thuế thu-nhập hàng năm của mỗi người; mỗi tiểu-bang có mức thuế khác nhau ; mức thuế tôn-giáo hiện nay ở bang ‘công giáo’ Bayern là 8%. Thuế này được chính-quyền trích thẳng từ tiền lương của người đi làm rồi chuyển cho Giáo-hội để Giáo-hội sinh-hoạt và trả lương cho giáo-sĩ cùng nhân-viên phục-vụ cho Giáo-hội và trợ-giúp cho các tổ-chức trực-thuộc Giáo-hội, như Caritas, Diakonie… Hiện chỉ có tín-hữu tin lành và công giáo phải đóng thuế tôn-giáo mà thôi.

[36] Một phụ-huynh học-sinh ở Đức yêu-cầu nhà trường gỡ cây thánh-giá trong lớp. Nội-vụ cuối cùng đã đưa tới Tối-cao pháp-viện và toà áo đỏ đã phán-quyết thuận cho thầy giáo.

[37] Grillparzer (1791-1872): thi-sĩ người Áo.

[38] Welsch: Ám-chỉ các dân-tộc vùng Pháp, Ý, Tây-ban-nha có tiếng nói gốc la-tinh.

[39] Arius: giám-mục ở Alexandria, sinh khoảng năm 228 mất 336.

[40] German: Giống dân Ấn-Đức khoảng thế-kỉ thứ 6 trước tây-lịch đã có mặt ở vùng Scandinavien, về sau tràn xuống phía nam và tây nam Âu châu, hiện có mặt ở các quốc-gia bắc Âu, Anh, Đức, Hoà-lan.

[41] Roman: Các dân-tộc có tiếng nói gốc la-tinh như Pháp, Ý, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha.

[42] Thời Trung cổ ( khỏang từ 700 tới 1500): là thời Ki-tô giáo cầm cân nẩy mực ở Âu châu.

[43] Vaclav Havel: Thi-sĩ và kịch tác-gia người Tiệp, đứng đầu một nhóm trí-thức chống lại chế-độ cộng-sản và sau khi cộng-sản nước này đổ đã được dân bầu lên làm tổng-thống nước Tiệp.

[44] Singer (1907-199): Nhà văn Ba-lan gốc Do-thái, di cư qua Mỹ năm 1935, giải Nobel văn-chương năm 1978.

[45] Chassidim: một giáo-phái Do-thái giáo tại Đông Âu.

[46] Chòi lá: Tín-hữu Chassidim thường mừng lễ mùa truyền-thống trong các chòi lá hoặc trong phòng trang-hoàng với lá cây.

[47] Harnack (1851-1930): Nhà sử và thần-học tin lành người Đức.

[48] Barth (1886-1968): Nhà thần-học tin-lành, người Thụy-sĩ.

[49] Guardini (1885-1968): linh-mục, triết-gia tôn-giáo và nhà thần-học, lãnh-đạo phong-trào thanh-niên và phong-trào phụng-vụ tại Đức.

[50] Belle Époque: thời hoàng-kim ở Âu châu, quãng từ 1890 tới 1914, một thời hoà-bình, xã-hội trở nên giàu-có nhờ kĩ-nghệ và kĩ-thuật tân-tiến, nhờ phúc-lợi mới cuộc sống con người đâm ra buông-thả.

[51] Metz: Linh-mục và nhà thần-học tên-tuổi Đức, tư-tưởng thần-học chính-trị của ông có ảnh-hưởng nhiều trên phong-trào thần-học giải-phóng.

 


Tín-điều không sai lầm

Xin hãy bắt đầu với một điểm mà những người Tin-lành đã dứt-khoát từ rất sớm, đó là tín-điều không sai-lầm. Tín-điều đó giờ đây phải được hiểu ra sao? Có phải tất thảy những gì đức Thánh-cha nói đương-nhiên là thánh và đúng ? Tôi muốn bắt đầu những trọng-điểm chỉ-trích với tín-điều này, vì nó đặc-biệt động-chạm tới con người, dù xét từ bất cứ lí-do nào.

Ông đã đề-cập tới một nhầm-lẫn. Tín-điều đó thực ra không có nghĩa là tất-cả những gì giáo-chủ nói đều không sai-lầm. Nó chỉ có nghĩa là trong thế-giới Ki-tô giáo, dĩ-nhiên theo quan-điểm Công giáo, có một thẩm-quyền quyết-định tối-hậu. Nó có nghĩa là mọi câu hỏi quan-trọng cuối cùng rồi cũng có thể được quyết-định chung-quyết và chúng tôi có thể tin chắc rằng qua quyết-định đó gia-tài của đức Ki-tô được diễn-giải đúng. Trong mọi cộng-đồng Ki-tô giáo, dưới hình-thức này hay hình-thức khác, đều có cái quyết-định trói-buộc đó, có điều là họ không qui thẩm-quyền đó vào một giáo-chủ.

Cả giáo-hội Chính-thống cũng biết rõ là các quyết-định công-đồng không thể sai-lầm, theo nghĩa là tôi có thể tin-tưởng rằng đây là chỗ gia-tài đức Ki-tô được diễn-giải đúng, đây là đức tin chung của chúng tôi. Không cần mỗi người phải tự tinh-lọc đức tin ra từ Kinh-thánh, nhưng Giáo-hội đã được trao cho khả-năng sở-đắc sự xác-thực chung đó. Chỉ có một điểm khác với Chính-thống là Công giáo, ngoài việc công-nhận thẩm-quyền của công-đồng chung, còn công-nhận thêm một thẩm-cấp bảo-đảm sự chính-xác, đó là người kế vị của Phêrô, là người cũng có khả-năng thực-hiện sự bảo-đảm chính-xác này. Khi hành-xử quyền này, dĩ-nhiên giáo-chủ phải tuân-giữ những điều-kiện ràng-buộc rất chặt-chẽ để bảo-đảm rằng ngài không quyết-định theo nhận-thức chủ-quan riêng tư, nhưng trong hiệp-thông sâu-rộng với truyền-thống.

 

Nhưng đã phải rất lâu mới tìm ra lối giải-quyết này?

Đã có nhiều cuộc họp công-đồng diễn ra, trước khi người ta có được một ý-niệm về công-đồng. Các nghị-phụ của công-đồng Nixêa (325), công-đồng đầu tiên, không biết công-đồng là gì, công-đồng này là do Hoàng-đế triệu-tập. Nhưng dù vậy các ngài đã hiểu rằng lúc đó họ không nói lên tiếng nói cá-nhân, mà biết rằng được phép nói (cả Công-đồng các Tông-đồ cũng đã nói như vậy) : « Chúa Thánh-thần và chúng tôi quyết-định » (Công-vụ Tông đồ 15, 28) – nghĩa là : Chúa Thánh-linh đã quyết-định với chúng tôi và qua chúng tôi. Công-đồng Nixêa nói tới ba trung-tâm có ưu-thế trong Giáo-hội, đó là Rôma, Antiôkia và Alêxanđria. Như vậy đó là ba thẩm-quyền kiểm-soát, cả ba cùng liên-kết chặt-chẽ với truyền-thống Phêrô. Rôma và Antiôkia là nơi đặt toà giám-mục của thánh Phêrô. Alêxandria là toà giám-mục của Mác-cô, cũng ở trong truyền-thống Phêrô và đã được nhận vào bộ ba ưu-thế.

Các giám-mục toà Rôma đã ý-thức rất sớm và rất rõ là các ngài đứng trong truyền-thống Phêrô và cùng với trách-nhiệm, các ngài cũng nhận được lời hứa giúp hoàn-thành trách-nhiệm đó. Trong cuộc khủng-hoảng Arius ta thấy rõ chỉ có Rôma có thể đứng lên phản-đối Hoàng-đế. Giám-mục toà Rôma, dĩ-nhiên phải lắng nghe Giáo-hội hoàn-vũ và không được tự tác trong vấn-đề đức tin, có chức-năng tiếp-nối lời hứa đã ban cho Phêrô. Trên thực-tế mãi tới năm 1870[52] mới định-hình ý-niệm này.

Có lẽ cần nói thêm là hiện nay, không những chỉ trong thế-giới công giáo, nhu-cầu về một thẩm-quyền có khả-năng bảo-đảm sự thống-nhất đang được đón-nhận ngày càng rộng. Chẳng hạn như qua cuộc đối-thoại với Anh-giáo ta thấy rõ điểm này. Họ cho hay sẵn-sàng chấp-nhận một thứ lãnh-đạo quan-phòng trong liên-hệ chặt-chẽ với truyền-thống toà giám-mục có ưu-thế nơi Rôma, mặc dầu không muốn qui trực-tiếp lời hứa cho Phêrô vào vị giáo-chủ (công giáo). Nhiều thành-phần trong thế-giới Tin-lành cũng công-nhận rằng thế-giới Ki-tô giáo nên có một thứ phát-ngôn-viên chung – biểu-hiện qua một người. Và cả trong giáo-hội Chính-thống cũng có những tiếng nói chống lại việc xé Giáo-hội họ ra thành những Giáo-hội quốc-gia và thay vào đó họ đề-nghị nên trở về nguyên-tắc Phêrô. Tất-cả những điều trên không có nghĩa là họ chấp-nhận tín-điều của Rôma, nhưng sự đồng-thuận càng ngày càng rõ nét.

 

 

Tin mừng hay tin dữ

Có chỉ-trích cho rằng luân-lí truyền-thống của giáo-hội Công giáo dựa trên mặc-cảm tội-lỗi. Đặc-biệt tính-dục bị đánh-giá tiêu-cực. Họ cho rằng Giáo-hội đổ thêm lên vai con người những gánh nặng chẳng liên-quan gì với mạc-khải. Ngày nay có ý-kiến cho rằng thần-học Ki-tô giáo không nên trụ mãi trên nền tội-lỗi và thống-hối khóc-lóc. Ta phải và có thể tái khám-phá ra mầu-nhiệm của kinh-nghiệm sống đạo ngay bên ngoài tiêu-chuẩn tôn-giáo.

Quả thực tôi chưa bao giờ có thể đánh-giá cao lối đối-chiếu thô-sơ tin dữ với tin mừng như thế. Bởi vì bất cứ ai đọc Phúc-âm cũng đều thấy rằng đức Ki-tô rao-giảng tin mừng và trong tin mừng còn hàm-chứa cả loan-báo về sự phán-xét. Phúc-âm có những từ-ngữ có thể làm ta hoảng hồn. Không nên ém-nhẹm chi-tiết đó. Chính Chúa cũng thấy rõ trong Phúc-âm chẳng có mâu-thuẫn giữa tin lành và tin dữ, nhưng ngược lại. Đối với những kẻ bị áp-bức và đối-xử bất công thì phán-xét và công-lí quả là nguồn hi-vọng thực-sự và vì thế là tin mừng. Chỉ những kẻ đàn-áp hay tạo bất công mới cảm thấy đó là tin dữ.

Triết-gia Adorno cũng đã nói, công-lí chỉ thật-sự có, nếu có sự sống lại của kẻ chết, để những bất công quá-khứ mới có dịp thanh-tẩy được. Nghĩa là bất công phải được thanh-tẩy, công-lí phải được thắng-thế ở một nơi nào đó. Ai trong chúng ta cũng mong-ước chuyện này. Chúa Ki-tô và toà-án của Ngài cũng không phải là một cuộc chiến-thắng của sự dữ, song Ngài là sự chiến-thắng của sự lành, và như thế sự-kiện Thiên Chúa là đấng công-minh và là vị thẩm-phán quả là một tin vui cực-độ. Dĩ-nhiên tin mừng đó đem đến cho tôi những bổn-phận. Nhưng nếu tôi dùng tin mừng đó chỉ để tự thoả-mãn mình thì rốt cuộc nó chẳng có ý-nghĩa gì, nó chỉ là một loại thuốc mê. Vì thế chúng ta phải tập làm quen với tính-cách tòa-án khi nhìn tới những kẻ có quyền mong-chờ công-lí vì đang gặp đau-khổ hoặc bất công. Và rồi chúng ta cũng phải chấp-nhận rằng tiêu-chuẩn này cũng có giá-trị cho chính mình và chúng ta cố-gắng không đứng vào hàng-ngũ những kẻ gây bất công.

Trong thông-điệp về toà-án có yếu-tố gây bất-an, nhưng điều đó lại tốt. Tôi muốn nói rằng nhìn vào thí-dụ thời Trung-cổ ta thấy các tay bạo-chúa thời đó đã gây bao nhiêu bất-công, nhưng khi họ nghĩ đến toà phán-xét, họ đã ra sức làm bao việc lành, lập bao thứ quỹ phúc-lợi để đền-bù lại. Như thế thì ý-thức về phán-xét cũng là một yếu-tố xã-hội và chính-trị. Ý-thức rằng tôi không được phép quay mặt đi khỏi thế-gian, rằng phải góp phần tái tạo sự trong lành cho trần-thế, rằng trên đầu những tay quyền-thế còn có sự đe-doạ cao hơn, như vậy, là một liều thuốc rất công-hiệu, đem lại lợi-ích cho mọi người.

Tuy nhiên chúng ta phải thêm rằng, đức Ki-tô cho ta biết Ngài không phải là một án-quan chỉ biết lạnh-lùng áp-dụng các khoản luật, nhưng Ngài phán-xét với bao-dung, nên chẳng có lí-do gì phải sợ-hãi khi ra trước mặt Ngài. Nhưng tôi nghĩ thâm-tâm mỗi người phải tìm ra sự quân-bình giữa cảm-nghiệm sự hiện-hữu của toà phán-xét và nhận ra rằng tôi không thể đơn-thuần muốn sống sao thì sống, trên tôi còn có toà phán-xét, và mặt khác cũng đừng để mình rơi vào tâm-trạng lo-âu, sợ-hãi.

Tôi nghĩ những điều trên đây cũng là đường-lối rao-giảng và mục-vụ của Giáo-hội. Giáo-hội phải có thể răn-đe được chính những kẻ quyền-lực, những kẻ đang lãng-phí phá-hoại đời mình, nhân-danh công-lí, nhân-danh cái thiện và nhân-danh sự an-bình và hạnh-phúc của chính họ. Nhưng Giáo-hội mặt khác không được phép trở thành sức mạnh gây sợ-hãi, phải biết mình đang nói với ai. Có những tâm-hồn nhạy cảm gần như bệnh-hoạn, rất dễ bị hoảng-sợ. Phải kéo họ ra khỏi vùng sợ-hãi, phải gắng hết sức đẩy vào tâm-hồn họ lời nói của ân-sủng. Song cũng có những tâm-hồn chai-đá, cần phải đập mạnh vào những mảnh chai đó. Tôi nghĩ tất-cả những chuyện đó gắn-bó với nhau, nhưng theo nghĩa toà phán-xét cũng là tin mừng, vì nó làm ta vững dạ : thế-giới này công-chính và cái thiện sẽ thắng-thế.

 

Chúng tôi là dân Chúa

Ý-niệm « dân Chúa » ngày nay được coi như sự diễn-tả tính-cách độc-lập của giáo-dân đối với giáo-quyền, dựa theo khẩu-hiệu « Chúng tôi là nhân-dân »[53], và cái gì dân yêu-sách tất phải được thi-hành. Đàng khác cũng có câu «Ý dân là ý trời ». Ngài nghĩ sao về ý-niệm đó ?

Nếu chúng ta là những nhà thần-học và những tín-hữu, chúng ta trước hết phải xem Phúc-âm nói gì đã. Những ý-niệm lớn như « Chúa là ai ? », « Giáo-hội là gì ? », « Hồng-ân là gì ? » v.v.. đâu do chúng ta tự nghĩ ra. Trao tặng đức tin có nghĩa là trước đó mình đã nhận được món quà đó. Ý-niệm « dân Chúa » xuất-phát từ Kinh-thánh. Việc sử-dụng nó phải theo ý-nghĩa đã được dùng trong Kinh-thánh. Trước hết và chủ-yếu đó là một ý-niệm của Cựu-ước, trong đó ý-niệm « dân » đã có từ xa-xưa trước thời xuất-hiện ý-niệm quốc-gia, nó liên-quan nhiều hơn với ý-niệm dòng-tộc, gia-đình.

Song trên hết nó là một ý-niệm chỉ mối tương-quan. Khoa chú-giải Kinh thánh thế-hệ mới đã làm nổi bật điểm này. Khi hành-xử như một quốc-gia dân-tộc thuần chính-trị, thì Is-ra-en không phải là dân Chúa. Nó chỉ thành dân Chúa khi nó hướng về Chúa. Nó là dân Chúa chỉ khi ở trong tương-quan với Chúa, khi nó qui-chiếu về Chúa, và nơi Is-ra-en tương-quan này thể-hiện qua việc tuân-thủ kinh-sách Thora. Trong Cựu-ước ý-niệm « dân Chúa » bao-hàm trước hết sự-kiện Chúa chọn dân Do-thái. Chúa chọn họ không vì công-lao của dân này hoặc vì đây là một dân-tộc to-lớn và quan-trọng – nhưng là một trong những dân-tộc nhỏ-bé nhất – song chọn vì yêu-thương và để Thiên Chúa thể-hiện tình yêu Ngài nơi họ. Ý-niệm đó mặt khác cũng bao-hàm việc dân Is-ra-en đã đón-nhận tình yêu đó, cụ-thể qua việc họ tuân-thủ kinh Thora. Chỉ với sự tuân-thủ này, qua đó mối liên-hệ với Chúa được thiết-lập, dân Is-ra-en mới là dân Chúa.

Trong Tân-ước ý-niệm « dân Chúa » (có lẽ trừ một hai ngoại lệ) chỉ dùng để chỉ Is-ra-en, nghĩa là dân của giao-ước cũ ; ý-niệm này không trực-tiếp ám-chỉ gì về Giáo-hội. Tuy nhiên, Giáo-hội được hiểu như là sự tiếp-nối của Is-ra-en, mặc dầu ki-tô-hữu không bắt nguồn từ Áp-ra-ham và như vậy không thuộc về dân-tộc này. Tân-ước nói, ki-tô-hữu nhập qua dân Is-ra-en, trong ý-nghĩa là họ bắt nguồn từ đức Ki-tô và vì thế trở thành con-cái Áp-ra-ham. Như vậy ai thuộc vào đức Ki-tô cũng thuộc về dân Chúa. Người ta có thể nói ý-niệm « Thora » được thay-thế bằng ngôi-vị đức Ki-tô và như vậy là khái niệm « dân Chúa », một khái niệm hoàn-toàn không được dùng trực-tiếp cho dân mới, gắn liền với cộng-đoàn của đức Ki-tô và gắn liền với cuộc sống như đức Ki-tô và với đức Kitô, hay là như Phao-lô nói : Hãy có những tâm-tình như đức Giê-su Ki-tô (Phil. 2, 5). Chữ « tâm-tình của đức Kitô» được Thánh-nhân kể tiếp như sau : NGÀI đã vâng lời cho đến chết. Chỉ khi ý-niệm « dân Chúa » được dùng như trong Kinh thánh dùng, ý-niệm đó mới có ý-nghĩa ki-tô giáo. Còn ngoài ra tất-cả chỉ là những ý-niệm tự tạo ngoài Ki-tô giáo không có nội-dung đích-thực. Theo tôi, đó cũng là những sản-phẩm của kiêu-căng. Ai dám bảo mình là dân Chúa, còn người khác phải chăng không phải là dân Chúa.

Nhân bàn về khẩu-hiệu « Chúng tôi là nhân-dân », tôi muốn thêm một nhận-xét rất thực-dụng. Chúng tôi là nhân-dân có nghĩa là « chúng tôi có quyền ấn-định ». Thí-dụ khi hội-viên của một hội nào đó ở Đức họp nhau lại và tuyên-bố họ là nhân-dân và vì thế họ có quyền quyết-định phải thế này phải thế nọ, chắc họ sẽ bị thiên-hạ cười. Mỗi nước đều có những cơ-quan riêng của nó, làm luật chung cho dân nước đó. Ai cũng biết luật liên-bang không thể làm ra bởi hội-đồng của một cộng-đồng nhỏ-bé, mà phải do Quốc-hội Liên-bang, nghĩa là một cơ-quan thực-sự đại-diện cho toàn dân. Cũng thế, không phải bất cứ ai cũng có thể là cái chúng tôi bao-trùm lên cả Giáo-hội và có quyền định-đoạt mọi thứ, nhưng chỉ toàn-thể tổ-chức mới có quyền làm thế và từng nhóm riêng-rẽ cũng có thể làm thế với điều-kiện nó phải ở trong tập-thể đó. Chỉ xét riêng về nhận-thức dân-chủ ta cũng thấy phi lí khi những nhóm riêng đòi quyền quyết-định cho toàn-thể. Hội-đồng giáo-xứ hay Hội-đồng giáo-phận có trách-nhiệm của mình. Họ không thể với tư-cách họ đứng ra quyết-định công-việc của toàn Giáo-hội.

Ngoài những điểm như ta thấy ở luật-pháp quốc-gia (và điểm này cũng quan-trọng cho Giáo-hội), Giáo-hội còn có thêm một điểm nữa là Giáo-hội không chỉ hiệp-thông với những người đang sống, mà cả với những người đã qua đời. Nghĩa là luôn-luôn tất-cả mọi người – kể cả những kẻ đã chết – đều cùng sống, cùng làm nên toàn-thể Giáo-hội, đều cùng thuộc vào khối đa-số trong Giáo-hội. Trong một quốc-gia, một chính-quyền mới lên có thể bãi-bỏ tất-cả những gì chính-quyền cũ đã ban hành và tuyên-bố chúng ta hãy làm lại từ đầu. Nhưng trong Giáo-hội không có chuyện đó. Giáo-hội sống bằng căn-tính của mọi thế-hệ, thứ căn-tính xuyên suốt thời-gian và trong đó các thánh làm nên thành-phần đa-số thực-sự trong Giáo-hội. Mỗi thế-hệ cố-gắng đứng vào hàng các thánh và đóng-góp phần mình vào. Nhưng họ chỉ đóng-góp được khi họ chấp-nhận sự tiếp-nối cao-cả đó và hoà mình vào trong đó.

 

Một quốc-gia hẳn nhiên cũng có cái liên-tục của nó, bất chấp vị tổng-thống nào.

Đúng, tôi nói hơi quá. Không phải mỗi chính-quyền đều bắt đầu lại từ đầu. Các chính-quyền đều kế-thừa cái truyền-thống lớn của quốc-gia, đều bị trói-buộc bởi hiến-pháp, có thể tiếp-tục xây-dựng quốc-gia mà không phải bắt đầu lại từ số không. Vậy những gì đúng cho một quốc-gia cũng đúng cho Giáo-hội, tuy-nhiên với cách-thức sâu-xa và chặt-chẽ hơn.

 

Hiện nay có những phong-trào « Chúng tôi là nhân-dân » tự-tiện nhảy rào, chẳng quan-tâm tới trật-tự, luật-lệ, quốc-hội sẵn có.

Ông muốn nói trong quốc-gia ? Đúng. Đúng vậy. Thế thì hiện-tượng đó cũng chẳng có gì đặc-biệt khi xẩy ra nơi Giáo-hội. Nhưng rõ-ràng các phong-trào dân-chủ cơ-sở trong một quốc-gia đã không thành-công. Liên-bang Xô-viết Nga đã bắt đầu như thế. Họ muốn qua các hội-đồng “nhân-dân cơ-sở” họ có quyền quyết-định, mọi người đều tích-cực tham-gia cai-trị. Nhưng cái gọi là nền dân-chủ trực-tiếp đó, cái mà người ta sử-dụng như nền dân-chủ nhân-dân chống lại nền dân-chủ quốc-hội, trong thực-tế đã trở thành trò bịp. Trong Giáo-hội, nếu có những hội-đồng nhân-dân như thế, thì sự thể cũng chẳng khác chi.

 

Khẩu-hiệu « Chúng tôi là nhân-dân » cũng rất hấp-dẫn, vì lịch-sử mới đây của chúng ta chứng-tỏ nó là một khẩu-hiệu đem lại thành-công qua những phong-trào chống-đối ở Đông Đức trong thời-gian qua.

Điều đó đúng. Tuy-nhiên trong trường-hợp này rõ-ràng có hậu-thuẫn của toàn-dân. Nhưng nay thì đồng-thuận đó đã tan-vỡ. Nó đủ mạnh để dấy lên một cuộc chống-đối lớn, nhưng không đủ để thi-hành đại sự của cộng-đồng một cách tốt-đẹp.

 

Quyền linh-thiêng và tình anh chị em

Tại sao Giáo-hội ngày nay vẫn dùng lối cai-trị chỉ tay và vẫn giữ những cơ-cấu tổ-chức có thể nói mang tính « độc-tài » ? Nhiều người cho rằng trong Giáo-hội cũng có thể áp-dụng chế-độ dân-chủ được. Theo họ, không thể đòi-hỏi xã-hội áp-dụng dân-chủ và nhân-quyền trong khi chính mình thì lại gạt những thứ đó ra ngoài. Không thể hô đòi tình người khắp nơi, còn chính mình chỉ chuyên lên tiếng buộc tội, đòi thi-hành luật-pháp và cảnh-cáo.

Trước hết hãy bàn về chữ phẩm-trật (Hierachie). Chữ này dịch đúng có nghĩa là « nguồn-gốc thánh », chứ không hẳn là « quyền-lực thánh ». Từ « archaé » có cả hai nghĩa, nguồn-gốc và quyền-lực. Nhưng nghĩa đúng hơn có lẽ là « nguồn-gốc thánh ». Nó muốn nói lên sức mạnh của một nguồn-gốc, một sức mạnh thánh-thiêng, có thể nói nó luôn là một bắt đầu mới nơi mọi thế-hệ trong Giáo-hội. Nó không sống chỉ bởi sự liên-tục của các thế-hệ, nhưng bởi chính từ một nguồn-mạch luôn được làm mới lại, do các bí-tích cung-cấp. Đối với tôi, đó là một lối nhìn khác, quan-trọng, cho thấy khái-niệm linh-mục không dính-dáng gì tới quyền-lực. Trái lại linh-mục phải là lối đi, là sự nhắc-nhở lại cái khởi đầu và phải sẵn-sàng phục-vụ sứ-mạng đó. Nếu hiểu chức linh-mục, giám-mục, giáo-chủ chủ-yếu như quyền-lực thì đó là một cái nhìn méo-mó và sai-lầm.

Qua các Phúc-âm, ta biết những tranh-giành thứ-vị nơi các môn-đồ, cái cám-dỗ theo Chúa để có quyền, đã có ngay từ buổi đầu và sẽ còn có mãi. Bởi thế cơn cám-dỗ này hẳn-nhiên có ở mọi thế-hệ, kể cả thế-hệ ngày nay. Nhưng đồng thời cũng có cảnh Chúa rửa chân cho các môn-đồ để giúp họ xứng-đáng bước vào bàn tiệc với Ngài và với chính Thiên-chúa. Với cử-chỉ đó Ngài muốn nói : Ta hiểu chức linh-mục là thế. Nếu các bạn không muốn thì các bạn chẳng là linh-mục. Hoặc như khi Ngài nói với mẹ của Zê-bê-đê-ô: Điều-kiện tiên quyết là phải uống chén này, nghĩa là: phải cùng đau-khổ với đức Kitô. Còn chuyện được ngồi bên tả hay bên hữu, hãy để tính sau. Điều đó cũng có nghĩa là muốn theo Chúa thì phải uống chén của Ngài, phải cùng Ngài chung một thân-phận, phải là một người rửa chân, một kẻ đau trước và cùng đau với mọi người. Đó là điểm thứ nhất, nghĩa là nguồn-gốc và ý-nghĩa đích-thực của phẩm-trật nhất định không phải là cơ-cấu quyền-lực, nhưng là phải duy-trì một cái gì không tuỳ-thuộc mỗi cá-nhân. Không ai tự mình có quyền tha tội, tự mình trao-ban Chúa Thánh-thần, tự mình biến bánh thành mình Chúa hay duy-trì sự hiện-diện của Ngài. Linh-mục như vậy có nghĩa là thi-hành một công-tác nơi Giáo-hội, nhưng Giáo-hội ở đây không phải là một doanh-nghiệp tự quản, nhưng luôn sống nhờ vào nguồn lực gốc đã phát-sinh ra nó.

Điểm nhận-xét tổng-quát thứ hai : « Tình anh chị em » là một cụm từ đẹp, nhưng ta không nên quên cái nghĩa hàm-hồ của nó. Cặp anh em đầu tiên trong lịch-sử thế-giới, theo Kinh-thánh, là Ca-in và A-ben, và anh đã giết em. Đó là một hình-ảnh ta cũng thấy xuất-hiện trong lịch-sử tôn-giáo. Thần-thoại khai-sinh của Rôma cũng giống thế: Câu chuyện Romulus và Remus cũng bắt đầu với hai anh em và người này giết người kia. Như vậy anh chị em chưa hẳn là biểu-tượng của tình thương và bình đẳng . Cũng như vai-trò người cha có thể biến chất thành độc-đoán, cũng thế ta thấy biết bao thí-dụ trong Kinh thánh về tình-nghĩa anh chị em rất tồi-tệ. Như vậy, cả tình anh chị em cũng phải được giải-thoát và phải kinh qua thánh-giá để tìm lại được hình-hài đúng-đắn.

Bây giờ ta bàn về những chuyện thực-tế. Có lẽ Giáo-hội lúc này quá bận-rộn với quyết-định và cai-trị. Bản-chất của giáo-quyền thực ra là để phục-vụ và lo cử-hành các bí-tích, đưa Chúa Ki-tô vào đời và rao-giảng lời Chúa. Còn tất-cả những thứ khác đều phụ vào đó. Lẽ ra giáo-quyền không nên đóng vai-trò cai-trị, mà phải trở về vai-trò tuân-phục cội-nguồn của mình và sống với cội-nguồn ấy. Kẻ có chức quyền phải lưu ý không nên rao-giảng về chính cái tôi và tự đề-cao, nhưng làm lối đi cho kẻ khác bước qua và tự lùi bước - chúng ta đã bàn chuyện này rồi. Như vậy họ trước hết là những kẻ vâng lời, không mở miệng nói, bây giờ tôi muốn phán-bảo điều nọ điều kia, nhưng luôn tự hỏi Chúa muốn nói điều gì và đức tin của chúng ta là gì và cúi mình tuân theo. Thứ đến họ phải là kẻ phục-vụ, sẵn-sàng giúp-đỡ mọi người và theo gương Chúa sẵn-sàng rửa chân cho kẻ khác. Ta thấy thánh An-tịnh đã thực-hiện những điểm đó tuyệt-vời. Như chúng ta đã nói, ngài suốt ngày bận-rộn với những chuyện nhỏ-nhặt, với chuyện rửa chân và sẵn-sàng hi-sinh cuộc sống lớn-lao của mình cho những cái nhỏ-nhặt, nếu muốn dùng từ này, nhưng với xác-tín mình không làm chuyện vô ích. Đó có lẽ là hình-ảnh thật-sự của chức linh-mục. Khi chức linh-mục được sống đúng, thì nó không thể có nghĩa đây là lúc ta nắm được quyền-lực trong tay, nhưng có nghĩa là tự khước-từ những dự-án riêng-tư muốn thực-hiện trong cuộc đời và dấn-thân phục-vụ.

Điều đó kéo theo nhu-cầu tự răn-đe, khiển-trách và như thế là tự chuốc lấy phiền-muộn, như thánh An-tịnh nói. Trong một bài giảng An-tịnh diễn-tả điều đó như thế này : Bạn muốn sống buông-thả, bạn muốn cuộc đời bạn tàn. Nhưng tôi không được phép muốn điều đó. Tôi phải trách-móc bạn dù có trái tai bạn. Rồi thánh-nhân dùng câu chuyện người cha bị bệnh ngủ luôn phải được người con đánh thức, vì đó là cách-thức duy-nhất để chữa cha khỏi bệnh. Nhưng người cha bảo : Hãy để yên cho cha ngủ, cha mệt quá. Nhưng người con trả lời : Không, con không được phép để cha ngủ. Và ngài bảo đó chính là vai-trò của một giám-mục. Tôi không thể để cho các bạn ngủ. Tôi biết các bạn thèm ngủ, nhưng đó chính là điều tôi không chiều ý các bạn được. Trong ý-nghĩa đó, Giáo-hội cũng phải cảnh-cáo nhắc-nhở và trở thành kẻ gây phiền-hà. Nhưng điều cần là làm sao cho người ta hiểu rằng Giáo-hội không có ý quấy-rầy người ta, nhưng chỉ vì chính Giáo-hội đang bị cái thiện thôi-thúc. Tôi không thể để cho các bạn ngủ, vì ngủ có thể sẽ đưa các bạn vào cõi chết. Và khi sử-dụng uy-quyền mình để làm việc này, Giáo-hội cũng phải chấp-nhận cho mình cái khổ-đau của Chúa Kitô. Theo cái nhìn thuần-tuý con người thì bảo-chứng của đức Ki-tô là đau-khổ. Và bảo-chứng của Giáo-hội cũng phải như vậy. Vì thế nơi đâu Giáo-hội có những vị tử-đạo và những người tuyên-xưng đức tin, ở đó Gáo-hội đáng tín cậy nhất. Còn ở đâu an-nhàn dễ-dãi, ở đó thiếu sự đáng tin.

 

Độc thân

Thật lạ-lùng, không có gì làm thiên-hạ điên-tiết cho bằng luật độc thân, dù rằng trong thực-tế nó chỉ liên-quan tới một nhúm nhỏ tí-teo trong tổng-số tín-hữu. Tại sao có luật độc thân?

Nó có liên-hệ với một lời dạy của Chúa Kitô. Chúa nói, có những người vì nước trời từ-bỏ cuộc sống hôn-nhân và dùng cả cuộc sống mình để làm chứng cho nước đó. Từ rất xưa Giáo-hội đã xác-tín rằng linh-mục là sống cuộc sống chứng-nhân cho nước trời đó. Nhìn khách-quan Giáo-hội có thể dựa vào một sự-kiện song-song tương-tự trong Cựu-ước. Is-ra-en tới đất hứa. Mười một bộ-tộc được chia đất. Chỉ có tộc Lê-vi, tộc tư-tế , không được chia đất, không được hưởng gia-sản; gia-sản của họ chỉ là Thiên-chúa. Có nghĩa con cháu của tộc này chỉ sống bằng bổng lễ, chứ không bằng canh-tác đất-đai như các tộc khác. Điểm quan-trọng: Họ không có tư-hữu. Thánh-vịnh 16 viết: Chúa là phần chén của tôi; tôi rút thăm được Ngài, Chúa là đất của tôi. Hình-ảnh Cựu-uớc về tộc linh-mục không có đất, chỉ sống vì Chúa - và nhờ vậy mới làm chứng được cho Ngài - về sau kết-hợp với lời của đức Ki-tô để có-thể tóm-tắt như sau: Gia-nghiệp cuộc đời của linh-mục là Chúa.

Ngày nay chúng ta khó quan-niệm nổi cái lối từ-bỏ đó, là vì cái nhìn về hôn-nhân và con-cái đã đổi nhiều. Xưa kia, chết mà không có con nối dõi là đã sống thừa. Đời tôi không để lại dấu-vết gì và tôi hoàn-toàn tiêu-tan. Trái lại nếu có con cháu, cuộc sống của tôi sẽ được tiếp-nối nơi con cháu. Đó là một hình-thức bất tử tôi đạt được qua con cháu. Vì thế điều tiên-quyết cho cuộc sống là phải có con cháu để vẫn được tiếp-tục tồn-tại trong thế-giới những kẻ hằng sống.

Với quan-điểm đó, từ-bỏ hôn-nhân và gia-đình phải hiểu là : tôi từ-bỏ cái dưới con mắt loài người không những thường-tình nhất, mà còn quan-trọng nhất. Tôi từ-bỏ cung-cấp thêm con người để gắn vào cây gia-phả, từ-bỏ sở-hữu một mảnh đất riêng và chỉ sống với niềm tin rằng đất-đai của tôi là Chúa, và nhờ đó tôi làm cho người khác tin rằng nước trời là có thật. Như vậy tôi không chỉ làm chứng cho Chúa Ki-tô và Phúc-âm bằng lời nói, nhưng cả bằng cuộc sống đặc-thù của tôi và sẵn-sàng dâng cuộc sống tôi cho Ngài toàn quyền sử-dụng.

Như vậy độc thân mang ý-nghĩa vừa Kitô-học vừa tông-truyền. Sống độc thân chẳng phải đơn-giản là để tôi có thêm giờ cho người khác vì chẳng phải lo vợ con. Nói như thế là quá tầm-thường và thực-dụng. Đây là một cuộc sống hoàn-toàn hiến-dâng cho Chúa và từ-bỏ chính cái thông-thường vẫn làm cho sự hiện-hữu của con người tăng-trưởng và đâm hoa kết trái đồi-dào trong tương-lai.

 

Nhưng đây không phải là một tín-điều. Biết đâu một ngày nào đó vấn-đề này được đem ra thảo-luận trong chiều-hướng có thể tự-do lựa-chọn giữa hình-thức sống độc-thân hay không độc-thân ?

Đúng, đây rõ-ràng không phải là một tín-điều. Đó là một lối sống quen-thuộc đã định-hình rất sớm trong Giáo-hội với những lí-do vững-chắc từ nguồn Kinh-thánh. Những nghiên-cứu mới đây cho thấy các hình-thức sống độc thân đã bắt đầu rất sớm, mãi từ thế-kỉ thứ 2, trước thời-điểm thường được trưng-dẫn qua các nguồn pháp-lí. Cả ở đông phương lối sống này đã phổ-biến rộng hơn chúng ta vẫn tưởng. Bắt đầu từ thế-kỉ thứ bảy thì tây và đông mới phân-rẽ đôi đường. Bên đông phương, nếp sống dòng tu (không lập gia-đình) trước sau vẫn là cột trụ của giới linh-mục và của hàng giáo-phẩm. Vì thế độc thân vẫn mang giá-trị lớn ở đó.

Nó không phải tín-điều. Mà chỉ là một lối sống từ-từ thành hình trong Giáo-hội và luôn đứng trước cơ-nguy sụp-đổ. Đòi-hỏi càng cao, nguy-cơ vấp ngã càng lớn. Tôi nghĩ người thời nay đả-phá độc thân là vì họ thấy nhiều linh-mục tự thâm-tâm không chấp-nhận nó, đâm ra hoặc là sống giả-hình không đứng-đắn hoặc tỏ ra khốn-khổ với nó và than-van…

 

… rằng nó huỷ-hoại con người …

Thời nào cũng thế, đức tin càng hao-mòn thì càng nhiều vấp ngã. Vì thế độc thân mất đi khả tín, ý-nghĩa cốt-lõi của nó bị chìm lấp. Nhưng một điều ta cần phải rõ, lúc độc thân khủng-hoảng thì cũng là lúc hôn-nhân khủng-hoảng. Bởi vì như ta thấy thời nay, không chỉ độc thân mà cả hôn-nhân, là nền-tảng của xã-hội, cũng càng ngày càng rạn vỡ. Trong luật-pháp ở các quốc-gia tây phương ta thấy càng ngày hôn-nhân càng bị đặt ngang hàng với những hình-thức sống khác và như thế có thể nói hầu như nó mất hình-thức pháp-lí. Cố-gắng sống cuộc sống hôn-nhân cho ra hồn cũng không đơn-giản hơn việc giữ độc thân. Thực-tế mà nói, bỏ độc thân linh-mục thì ta lại phải đối diện với một vấn-nạn khác: linh-mục li-dị. Giáo-hội Tin-lành biết rõ điểm này. Như thế, ta thấy những hình-thức sống cao-quí của nhân loại hàm-chứa sẵn những nguy-hiểm lớn-lao.

Kết-luận rút-tỉa đầu tiên là ta phải luôn học cách gia-tăng lòng tin, chứ không phải ở đó mà ta-thán rằng tôi không thể giữ nổi nữa. Thứ đến phải tuyển chọn ứng-viên linh-mục kĩ hơn. Vấn-đề là ứng-viên linh-mục hoàn-toàn tự-nguyện sống đời độc-thân, chứ không phải cứ đơn-giản nói, tôi muốn trở thành linh-mục, đời độc-thân tôi sẽ kéo lê theo. Hoặc là nói, không sao, tôi không để ý nhiều tới đàn-bà con gái, tôi sẽ cáng-đáng nổi vấn-đề này. Đó không phải là một khởi đầu tốt. Ứng-viên linh-mục phải nhận chân được đức tin là nguồn lực cuộc sống mình và họ phải biết mình chỉ có thể sống như vậy trong đức tin mà thôi. Có như thế đời độc thân mới trở thành một chứng-tá; có như thế mình mới nói được gì cho người khác và mới thúc-đẩy được họ thêm can-đảm trong cuộc sống hôn-nhân. Hai định-chế tương-quan mật-thiết với nhau. Không thể trung-thành trong trường-hợp này thì cũng không thể trung-thành trong trường-hợp kia ; trung-thành của cái này nâng-đỡ cái kia.

 

Phải chăng ngài hơi quá lời khi cho rằng khủng-hoảng của độc thân và khủng-hoảng của hôn-nhân liên-quan với nhau?

Đối với tôi thì quá rõ. Trong cả hai trường-hợp, vấn-đề đều là quyết-định dứt-khoát cho cả cuộc đời, tự trong thẳm sâu nhân-tính của đương-sự : Giờ phút này, tạm cho là vào tuổi 25 - liệu tôi có thể định-đoạt cho cả cuộc đời tôi không ? Điều này phù-hợp với con người không? Có cách nào để vượt thắng, để hăng-say thăng-tiến và trưởng-thành trong chọn-lựa đó - hay là tôi luôn phải chuẩn-bị tư-thế cho những chọn-lựa mới? Trên cơ-bản, câu hỏi đó có nghĩa là phải chăng con người có-thể quyết-định dứt-khoát về một chuyện hệ-trọng cho cuộc đời? Khi quyết-định cho mình một lối sống con người có khả-năng gánh-vác sự ràng-buộc dứt-khoát đó không? Ở đây tôi muốn nói hai điểm: Thứ nhất, người đó có thể trung-thành với quyết-định của mình chỉ khi nào họ bám rễ sâu trong đức tin; và thứ hai, như thế người đó mới yên và trưởng-thành trọn-vẹn. Chỉ lo chuyện một vợ một chồng thôi thì quá ít cho con người.

 

Nhưng, nếu số-liệu về sự sa-ngã trong đời độc thân đáng tin, thì đời độc thân trên thực-tế đã thất-bại. Xin hỏi lại lần nữa: Liệu mai đây chuyện độc thân linh-mục có thể được thảo-luận theo hướng tự-do chọn-lựa hay không?

Dù sao cũng phải là một lựa-chọn tự-do. Trước khi chịu chức, ứng-viên phải xác-định bằng lời thề là mình hoàn-toàn tự-do quyết-định và muốn. Bởi thế tôi luôn thấy khổ tâm khi nghe người ta sau đó lại phàn-nàn rằng đấy là đời độc-thân bó-buộc và người ta đã cưỡng-ép chúng tôi. Nói thế là mâu-thuẫn với lời hứa ban đầu. Trong việc đào-luyện chủng-sinh, phải hết sức lưu-ý để các ứng-viên nghiêm-túc nhìn-nhận lời thề này. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là hễ đâu đức tin sống và sống đức tin đó với Giáo-hội, ở đó sẽ nảy-sinh sức mạnh để giữ lời thề.

Tôi tin rằng, bỏ điều-kiện độc-thân đi cũng chẳng có gì tốt-đẹp hơn, mà thực ra chỉ che lấp một muộc cuộc khủng-hoảng đức tin trầm-trọng. Quả là một thảm-kịch cho Giáo-hội khi có nhiều người sống nước đôi. Nhưng tiếc rằng đây không phải là lần đầu tiên. Vào cuối thời Trung-cổ, Giáo-hội cũng đã gặp phải tình-trạng đó và đó cũng là một phần nguyên-do đưa tới cải-cách. Dù sao đây cũng là một bi-kịch, khiến phải suy-nghĩ thật kĩ, nhất là để giúp cho những ai đang phải đau-khổ thật-sự vì nó. Tuy nhiên, đa-số các giám-mục trong cuộc họp thượng hội-đồng vừa qua đều cho rằng căn-nguyên đích-thực chính là cuộc khủng-hoảng đức tin; nếu bỏ độc thân thì linh-mục cũng không nhiều hơn và tốt hơn, nhưng chỉ che-đậy cuộc khủng-hoảng đức tin và chúng ta chỉ lừa-gạt mình với những giải-đáp hời-hợt.

 

Xin hỏi lại một lần nữa : Ngài có nghĩ rằng sẽ có ngày linh-mục có thể lựa-chọn giữa độc thân và không độc-thân không ?

Tôi đã hiểu ý của ông. Ở đây tôi phải nói rõ thêm là, theo như lời thề của mỗi ứng-viên linh-mục trước lúc chịu chức thì không có việc cưỡng-bách độc thân. Chúng tôi chỉ nhận vào hàng linh-mục những ai tự-nguyện mà thôi. Một câu hỏi cần đặt ra ở đây : Tương-quan giữa chức linh-mục và độc thân sâu-đậm như thế nào ? Phải chăng việc chỉ muốn chọn một thứ mà thôi có nghĩa là đã đánh giá thấp chức linh-mục ? Ở đây chúng ta không nên thiếu cân-nhắc nhìn sang giáo-hội Chính-thống và Tin-lành. Tin-lành có quan-điểm về chức-vụ hoàn-toàn khác : Đó là một chức-năng, một chức-vụ do cộng-đoàn trao-phó, nhưng không theo nghĩa một bí-tích, không phải chức linh-mục theo đúng nghĩa. Trong giáo-hội Chính-thống ta thấy một đàng có đầy-đủ hình-thức của chức linh-mục, đó là những linh-mục dòng tu, chỉ những người này mới có thể trở thành giám-mục. Bên cạnh đó có «linh-mục nhân-dân », những vị này nếu muốn lập gia-đình thì phải lập trước khi chịu chức và công-việc của họ hầu như chẳng dính-dáng gì tới việc mục-vụ, mà chỉ trông coi việc phụng-tự mà thôi. Đó cũng là một quan-niệm khác về linh-mục. Trái lại chúng tôi quan-niệm rằng, là linh-mục thì cũng phải là theo cách-thức như một giám-mục, và không thể có kiểu phân-biệt như ở Chính-thống giáo.

Không nên coi bất-cứ hình-thức sống quen-thuộc nào của Giáo-hội là hoàn-toàn tuyệt-đối, dù chúng ta đã bám rễ sâu và có lí-do vững-chắc đến đâu đi nữa. Vì vậy vấn-đề luôn còn được mang ra bàn-thảo, như trong hai cuộc họp thượng hội-đồng giám-mục vừa qua. Nhưng tôi nghĩ, xét từ toàn-bộ lịch-sử ki-tô giáo phương tây và từ cái nhìn nội tâm dựa trên toàn-bộ lịch-sử này, thì Giáo-hội chẳng dễ gì đạt được nhiều, trái lại chắc-chắn sẽ có mất-mát nếu bỏ luật độc thân.

 

Như vậy có nghĩa là ngài không tin rằng mai đây sẽ có linh-mục lập gia-đình?

Chắc-chắn không có trong tương-lai gần. Nhưng tôi cũng phải thành-thật với ông rằng chúng tôi đã có linh-mục lập gia-đình, đó là các linh-mục Anh-giáo hoặc những mục-sư thuộc các giáo-hội Tin-lành đã trở lại Công giáo. Nghĩa là có thể có trong những trường-hợp đặc-biệt và chỉ là trường-hợp đặc-biệt mà thôi. Và tôi thiết nghĩ trong tương-lai cũng chỉ là những trường-hợp đặc-biệt mà thôi.

 

Phải chăng phải bỏ luật độc thân, vì nếu không Giáo-hội sẽ không có thêm linh-mục?

Tôi không tin lập-luận này đúng. Vấn-đề mầm non linh-mục có nhiều mặt. Trước hết nó có liên-hệ với việc giảm sinh. Ngày nay trung-bình mỗi gia-đình có 1,5 con, nên vấn-đề số người có thể làm linh-mục được đặt ra khác hẳn với thời số con trong mỗi gia-đình cao hơn. Và trong gia-đình cũng có những ước-vọng hoàn-toàn khác. Ngăn-trở chính trong việc tu-trì ngày nay đến từ cha mẹ, vì họ có những ước-vọng khác nơi con cái. Đó là một điểm. Điểm thứ hai là con số tín-hữu nhiệt-thành cũng giảm, và vì thế lượng cung-cấp nhân-sự cũng nhỏ lại. Nếu như đưa hai yếu-tố trên vào con tính thì lượng ứng-viên linh-mục ngày nay cũng không thấp hơn ngày xưa. Bởi thế phải lưu-ý tới tương-quan này. Do vậy câu hỏi tiên-quyết là : Có tín-hữu không ? Rồi mới tới câu hỏi thứ hai: Tập-thể tín-hữu đó có làm nẩy sinh các ơn gọi linh-mục không?

 

Ngừa thai

Thưa Hồng-y, nhiều tín-hữu không hiểu nổi thái-độ của Giáo-hội đối với vấn-đề ngừa thai. Ngài có biết tại sao họ không hiểu nổi không ?

Có, tôi hiểu rất rõ, vấn-đề thật nhiêu-khê. Con người ngày nay đứng trước sức ép từ nhiều phía, từ lối sống, từ hoàn-cảnh không thể có nhiều con vì vấn-đề chỗ ở và từ bao nhiêu cái khác. Nhưng ở đây ta không nên nhìn vào từng trường-hợp riêng, nhưng nên nhìn đến những ý-hướng lớn mà Giáo-hội muốn nhắm tới.

Tôi tin rằng ở đây có ba sự lựa-chọn căn-bản. Lựa-chọn thứ nhất, một lựa-chọn nền-tảng, là phải có một thái-độ tích-cực về vai-trò của đứa con trong gia-đình nhân-loại. Trong địa-hạt này đã có một thay-đổi lạ-lùng. Từ thời xa xưa cho tới vào thế-kỉ 19 có nhiều con được coi là ân-huệ, ngày nay, trái lại, chúng bị coi là một sự đe-doạ. Người ta nghĩ rằng con-cái sẽ choán mất chỗ của họ trong tương-lai, chúng đe-doạ môi-trường sống của họ v.v.. Ở điểm này Giáo-hội muốn trở lại cái nhìn thủa ban đầu, cái nhìn đích-thực, coi đứa con, một con người mới, là một ân-huệ. Chính khi ta trao-ban sự sống, thì cũng là lúc ta tiếp-nhận sự sống cho chính mình ; và chính sự thoát ra khỏi mình này cũng như chấp-nhận ân-huệ của công-cuộc tạo-dựng là thái-độ tự nền-tảng rất tốt cho con người.

Lựa-chọn thứ hai là phải lưu-ý tới mối tương-quan chặt-chẽ giữa tính-dục và truyền-sinh. Điểm này rất cần-thiết vì ngày nay ta chứng-kiến sự phân-biệt hai khía-cạnh này, một hiện-tượng trước đây chưa có.

 

Gần đây, ngay cả những khuôn mặt tiêu-biểu của thế-hệ 1968, một thế-hệ giầu kinh-nghiệm ngừa thai, có những tuyên-bố rất lạ-lùng. Thí-dụ Rainer Langhans, con người trước kia, trong những cộng-đồng của ông ta, chạy tìm khoái-lạc trong dục-tính, đã lên tiếng : «Với thuốc ngừa thai người ta lột mất chiều-kích tâm-linh của tính-dục và đẩy con người vào ngõ cụt ». Ông phàn-nàn : « Thời nay không còn trao tặng, hiến-dâng nữa ». Ngày nay ông xác-định : «cái cao-cả nhất » của tính-dục là trở thành « cha mẹ » và ông gọi sự-kiện đó là « cộng-tác vào chương-trình của Thiên Chúa ».

Càng ngày người ta càng đi tới nhận-xét có hai thực-tại hoàn-toàn tách-biệt nhau. Trong cuốn tiểu-thuyết giả-tưởng nổi tiếng „Thế-giới mới đẹp“ ta thấy Huxley, với một cái nhìn rất có cơ-sở và rõ-ràng về bi-kịch con người, mô-tả về một thế-giới tương-lai, trong đó tính-dục không còn dính-dáng tí gì nữa với việc truyền sinh. Ở đó trẻ con được sản-xuất trong các viện bào-chế theo kế-hoạch rõ-ràng. Đây chỉ là một biếm-họa, nhưng, cũng như các biếm-hoạ khác, nó nói lên một ý-nghĩa : Con-cái phải là một cái gì được hoạch-định, phải được sản-xuất, nghĩa là chúng được hình thành qua sự kiểm-soát của trí-tuệ. Như vậy thì con người tự huỷ-diệt chính mình. Như vậy con-cái trở thành sản-phẩm để con người thể-hiện ý-muốn của chính mình và ngay từ đầu chúng mất hẳn ý-nghĩa như những dự-án cuộc đời riêng-biệt. Và tính-dục biến thành đối-tượng đổi-chác. Mối liên-hệ giữa nam nữ từ đó dĩ-nhiên cũng mất; ta thấy rõ sự-việc đang diễn-tiến thế nào.

Như vậy vấn-đề ngừa thai thuộc phạm-vi những lựa-chọn căn-bản mà Giáo-hội muốn con người có. Lựa-chọn thứ ba trong phạm-vi này là con người không thể giải-quyết những vấn-nạn luân-lí lớn bằng phương-pháp kĩ-thuật hay bằng hoá chất, mà phải giải-quyết trên bình-diện luân-lí bằng một lối sống. Tôi tin rằng điều này biệt-lập với chuyện ngừa thai, là một trong những nguy-hiểm lớn cúa chúng ta. Chúng ta muốn dùng kĩ-thuật để giải-quyết chuyện làm người và đã quên đi rằng con người có những vấn-nạn uyên-nguyên không thể giải-quyết được bằng kĩ-thuật, nhưng chúng đòi-hỏi một lối sống và những quyết-định nền-tảng cho cuộc đời. Tôi muốn nói rằng trong vấn-đề ngừa thai ta phải lưu-ý tới những lựa-chọn căn-bản này, trong đó Giáo-hội đang vì con người mà tranh-đấu. Sở-dĩ Giáo-hội chống-đối là vì muốn làm nổi bật con người lên. Những đòi-hỏi của Giáo-hội nhiều khi không được diễn-tả khéo-léo, nhưng chúng gói-ghém những chỉ-dẫn cao-quý có chiều-kích tâm-linh cho đời sống con người.

 

Tuy-nhiên vẫn còn câu hỏi, một người nào đó hay một cặp vợ chồng chẳng hạn, đã có nhiều con, cũng có thể bị kết án là thiếu quan-điểm tích-cực về con-cái ?

Không, chắc-chắn là không. Và cũng không nên làm như thế.

 

Dù vậy, phải chăng những người đó phải biết rằng họ đang sống trong một thứ tội-lỗi, nếu họ….

Tôi nghĩ đó là những câu hỏi cần bàn với vị linh-hướng, vị linh-mục, không thể nói một cách trừu-tượng được.

 

Phá thai

Theo giáo-chủ Gio-an Phao-lô II, Giáo-hội sẽ còn quyết-liệt chống lại mọi biện-pháp dính-líu tới «khuyến- khích phá thai, tuyệt sản và ngừa thai ». Theo ngài những biện-pháp đó làm tổn-thương phẩm-giá con người là hình ảnh của Chúa và huỷ-diệt nền-tảng xã-hội. Vấn-đề cơ-bản là bảo-vệ sự sống. Nhưng mặt khác, tại sao Giáo-hội không loại-trừ án tử-hình, mà lại coi đó là « quyền của quốc-gia », như được ghi trong sách Giáo-lí?

Trong án tử, nếu được xử theo đúng pháp-luật, người ta trừng-phạt một kẻ bị chứng-minh đã phạm tội và là mối nguy cho trật-tự xã-hội. Phá thai, trái lại, là án tử cho một kẻ hoàn-toàn vô tội. Đó là hai chuyện khác hẳn nhau, không thể so-sánh được.

Chuyện có thật là một số người coi đứa con chưa sinh như là một địch-thủ, vô cớ chen vào cuộc đời và hạn-chế cuộc sống tôi, vì thế tôi phải triệt-hạ như một kẻ tấn-công bất chính. Nhưng như vậy là rơi vào cái nhìn, như chúng ta đã nói trên, coi đứa con không như một con người được Chúa tạo-dựng theo hình ảnh Ngài và nó có quyền sống riêng, mà trái lại coi nó là một kẻ thù hay một vật chướng-ngại phải bị xử-lí tuỳ ý. Tôi nghĩ vấn-đề là phải làm sao chiếu sáng lương-tri để con người nhìn-nhận thai-nhi là một con người, một cá-thể.

Đó là một nhân-vị khác-biệt người mẹ - mặc dầu nó cần sự che-chở trong bụng mẹ - và bởi thế phải được đối-xử như một con người, vì nó là một con người. Khi chối-bỏ nguyên-tắc : mỗi người là một người được Chúa chở-che và tuỳ-tiện không chấp-nhận tư-cách người nơi họ, thì cũng có nghĩa là ta chối-bỏ nền-tảng của nhân-quyền.

 

Nhưng nếu ai đó chẳng đặng đừng phải quyết-định phá thai thì họ có bị kết tội chống lại sự sống không?

Ai có tội, ai không, câu hỏi này không thể quyết-định một cách trừu-tượng được. Nhưng có thể nói, hành-vi phá thai – bất kể ai gây nên, có thể là vì sức ép của đàn ông - tự bản-chất là giết một con người để nhằm giải-quyết một tình-trạng tranh-chấp. Nhưng phá thai không bao giờ giải-quyết ổn-thoả những tranh-chấp. Các nhà tâm-lí cho chúng ta hay chuyện đó ám-ảnh lên tâm-trí của các bà mẹ ra sao, bởi vì họ biết rằng họ đang mang một con người, nó có thể là con mình và có thể là đứa con làm mình hãnh-diện. Dĩ-nhiên xã-hội phải giúp các bà mẹ có được những phương-cách giải-quyết khác, giúp họ bớt bị áp-lực đè nặng và giúp làm tái-sinh nơi họ tình yêu đối với con-cái.

 

Tái hôn sau khi li-dị

Rút phép thông-công những người đã kết-hôn và, sau khi li-dị, sống đời hôn-nhân theo luật đời, nhưng không được Giáo-hội công-nhận, là một sự-kiện ngày nay chỉ có những-tín-hữu công giáo đặc-biệt trung-thành mới có thể hiểu được. Điều này xem ra bất công, làm nhục người ta và kết cục thiếu tinh-thần ki-tô giáo. Năm 1972 chính ngài phát-biểu: „Hôn-nhân là một bí-tích… nó không loại-trừ sự-kiện cộng-đồng Giáo-hội đón-nhận những ai chấp-nhận giáo-lí này và những nguyên-tắc sống này, nhưng đang rơi vào một hoàn-cảnh éo-le khiến họ đặc-biệt cần được hiệp-thông trọn-vẹn với nhiệm-thể Chúa Kitô”.

Trước hết cần nói rõ, xét về mặt giáo-luật thuần-tuý, những đôi hôn-nhân đó không bị dứt phép thông-công theo nghĩa giáo-luật. Vạ tuyệt-thông là một tổng-hợp những biện-pháp phạt vạ của Giáo-hội, là một sự hạn-chế tư-cách thành-viên trong Giáo-hội. Những người nói trên không bị hình phạt này. Họ vẫn là thành-viên của Giáo-hội, vì đang ở trong một tình-trạng quá đặc-biệt nên không thể rước lễ , nhưng về mặt pháp-lí họ không bị vạ tuyệt-thông. Trong một thế-giới càng ngày hôn-nhân càng đổ-vỡ nhiều, thì rõ-ràng vấn-đề trở thành một gánh nặng lớn, không thể chối-cãi điểm này.

Nhưng tôi nghĩ gánh nặng đó người ta có thể gánh nổi, khi thấy có những người khác cũng không được rước lễ. Vấn-đề sở-dĩ trở thành nỗi khổ tâm là vì người ta coi việc rước lễ là một nghi-thức xã-hội mà nếu mình không tham-dự thì sẽ bị bẽ mặt. Nếu người ta nhận-thức được và tự nhủ rằng, tôi đã phạm một lỗi-lầm, nên trong hoàn-cảnh hiện tại tôi không thể lên rước lễ, và nếu, như thánh Phao-lô nói, biết phân-biệt thân-thể Chúa Ki-tô như thế, lập-tức người ta sẽ có cái nhìn khác. Đó là một điều-kiện. Điều-kiện thứ hai là họ phải cảm được rằng Giáo-hội dù vậy vẫn chấp-nhận họ và cùng đau-khổ với họ.

 

Nghe như một ước nguyện rất đẹp, nhưng quá viễn-vông.

Dĩ-nhiên, điều đó cũng phải được thể-hiện ra trong đời sống của một cộng-đoàn. Ngược lại, khi mình vì ơn-ích cho Giáo-hội và nhân loại chấp-nhận sự từ-chối, thì lúc đó mình đang thực-sự làm chứng cho tính-cách đặc-biệt của hôn-nhân. Ở đây có một điểm tôi tin là rất quan-trọng: Ta sẽ nhận ra rằng đau-khổ và từ-chối có thể là một cái gì tích-cực và ta phải tìm ra một liên-hệ mới với chúng. Kết cục, ta sẽ ý-thức được rằng không rước lễ chúng ta vẫn có thể hiệp-thông dâng lễ, có thể tham-dự bí-tích Thánh-thể một cách ơn-ích và ý-nghĩa. Chuyện đó vẫn còn là vấn-đề khó-khăn, nhưng tôi nghĩ, nếu một số yếu-tố liên-hệ được xếp đúng chỗ thì mọi sự sẽ có thể chịu-đựng dễ hơn.

 

Dù sao đi nữa linh-mục chủ tế vẫn đọc: „Phúc cho những ai được mời tới bàn tiệc của Chúa“. Như vậy, những người khác phải tự cảm-thấy là vô phúc?

Rất tiếc việc dịch-thuật đã không rõ-ràng. Câu trên không ám-chỉ trực-tiếp tới phép Thánh-thể. Nó được rút ra từ sách Khải-huyền và ám-chỉ lời mời tới tiệc cưới đời-đời mà phép Thánh-thể là một hình-ảnh. Như vậy, những ai lúc này không thể rước lễ, thì không phải vì thế mà bị loại khỏi tiệc cưới đời-đời. Như thế có thể nói đây là cuộc tự vấn lương-tâm để tôi nghĩ đến có ngày xứng-đáng với bàn tiệc này và tôi rước lễ lúc này trong tâm-trạng hướng về bàn tiệc đó. Câu trên là lời cảnh-báo, không riêng gì cho những ai không thể rước lễ, là hãy nghĩ tới con đường phải đi để có ngày được nhận vào bàn tiệc vĩnh-cửu. Và biết đâu, vì họ đã chịu khổ-đau nên có thể được tiếp-nhận nồng-hậu hơn.

 

Vấn-đề này hãy còn bàn-thảo hay đã được giải-quyết dứt-điểm rồi ?

Trên nguyên-tắc đã dứt-điểm, nhưng dĩ-nhiên luôn có thể có những vấn-đề cụ-thể, riêng-lẻ. Chẳng hạn, trong tương-lai có thể có những xác-định không cần toà án, rằng hôn nhân trước đã không thành sự. Chuyện này có thể được trao cho các linh-hướng có kinh-nghiệm tại địa-phương xác-nhận. Việc đơn-giản hoá pháp-lí đó có thể xẩy ra. Tuy nhiên, nguyên-tắc căn-bản thì vẫn hoàn-toàn không thay-đổi, nghĩa là hôn-nhân không thể bị tháo gỡ, những ai đã từ-bỏ bí-tích hôn-nhân thành sự để bước vào một cuộc hôn-nhân khác thì không được rước lễ.

 

Có một điểm luôn được bàn đi bàn lại: Giáo-hội cần vớt lại những gì từ truyền-thống và nên loại bỏ đi những gì? Làm sao quyết-định chuyện đó? Có phải đã có một bảng với hai cột: Bên phải là những gì cần giữ, bên trái là những gì cần đổi mới?

Không, không có chuyện quá đơn-giản như thế đâu. Nhưng trong truyền-thống có những điểm không đồng cân như nhau. Trước kia, trong thần-học người ta nói về những cấp-bậc của sự chắc-chắn và đấy chẳng phải là chuyện ngược đời lắm. Nhiều người cho rằng nên quay lại nó. Cụm từ cấp-bậc chân-lí cũng có nghĩa theo hướng đó: nghĩa là mọi chuyện không đồng cân như nhau, có những cái cơ-bản như các quyết-định quan-trọng của công-đồng cũng như những điều đã được ghi trong kinh Tin-kính, đó là kim chỉ nam và vì vậy thuộc về nền-tảng cốt-yếu. Ngoài ra còn có những nhánh phụ, tuy cũng liên-kết với nhau và thuộc vào một thân cây, nhưng không phải tất-cả đều quan-trọng như nhau. Bản-sắc của Giáo-hội có những điểm nhận dạng, Giáo-hội không cứng đọng nhưng sống-động, luôn trung-thành với chính mình trong tiến-trình phát-triển.

 

Truyền chức cho phái nữ

Cả chuyện truyền chức cho phái nữ cũng đã bị từ-chối dứt-khoát, một cách „bất khả ngộ“. Mùa thu 1995 Giáo-chủ lại xác-nhận: „Chúng ta không có quyền sửa đổi điểm này“. Đây lại là một luận-chứng nại vào lịch-sử. Nếu qủa đúng như thế thì đã không thể có một Phaolô, vì mọi cái mới sẽ loại bỏ đi những cái cũ được coi là linh-thiêng và Phao-lô đã đưa ra những cái mới. Câu hỏi được đặt ra: Người ta có thể vứt bỏ quy-luật nào và khi nào? Phải xử-sự ra sao với cái mới? Và: Rút ngắn lịch-sử vào một giai-đoạn và gán cho nó giá-trị thần-thánh không được phép thay-đổi, phải chăng là làm- một việc không phù-hợp với tự-do của kitô-hữu ?

Tôi thấy cần phải làm rõ thêm một số điểm. Trước hết, thánh Phao-lô đã nhân danh đức Ki-tô chứ không tự mình tạo ra cái mới. Và ngài cũng nói rất rõ là ai công-nhận mạc-khải cựu-ước mà đồng thời lại tự ý sửa đổi đi một số điểm thì người đó đã hành-xử không đúng. Cái mới có thể xuất-hiện, vì Thiên Chúa đã đặt sẵn cái mới trong đức Kitô. Và với tư-cách là người phục-vụ cái mới đó, thánh Phao-lô hiểu rằng không phải ngài đã nghĩ ra nhưng nó phát-xuất từ cái mới trong đức Giê-su Kitô. Cái mới đó gắn liền với đức Ki-tô và Phao-lô đã rất khắt-khe ở điểm này. Nếu Ông nhớ lại đoạn tả về bữa tiệc li, Ông thấy Phao-lô nói rõ: „Chính tôi đã nhận được điều mà tôi đang kể lại cho anh em“, và ngài giải-thích rõ-ràng ngài gắn-bó với những gì mà Chúa đã làm trong đêm cuối và những gì ngài đã được nghe truyền lại. Hoặc về thông-điệp phục-sinh, thánh-nhân đã nói: Điều đó tôi đã được nhận-lãnh và chính tôi cũng đã gặp Ngài. Và chúng tôi, và tất-cả chúng tôi đều giảng-dạy anh em như thế; ai không làm điều đó thì tự mình tách khỏi đức Kitô. Phao-lô phân-biệt rất rõ giữa cái mới đến từ đức Ki-tô và việc ngài gắn bó vào đức Kitô, chính sự gắn-bó đó đã cho phép ngài thực-hiện cái mới kia. Đó là điểm một.

Điểm thứ hai là quả thực trong mọi lãnh-vực tất-cả những gì không thực-sự được qui-định bởi Chúa hoặc qua truyền-thống từ các tông-đồ đều thay-đổi liên-tục cho tới ngày nay. Bởi thế vấn-đề chính là: Giáo-huấn đó có thật do Chúa dạy hay không? Căn-cứ vào đâu để biết là do Chúa? Khi xác-nhận câu trả lời của Bộ tín-lí về vấn-đề truyền chức cho nữ giới, giáo-chủ Gio-an Phao-lô II đã không đưa ra một tuyên-bố không sai lầm mới nào cả, ngài chỉ muốn xác-định lại là về vấn-đề này Giáo-hội xưa nay và các giám-mục khắp nơi đã và đang dạy và tuân-giữ như thế. Công-đồng Vatican II nói: Cái gì đã được các giám-mục qua thời-gian rất lâu cùng dạy và hành-động như thế, cái đó không sai lầm, nó biểu-lộ một ràng-buộc không do các ngài tự tạo ra. Câu trả lời đã căn-cứ trên đoạn văn công-đồng đó (Hiến-chế Ánh sáng muôn dân 25). Vì thế, như đã nói, câu trả lời trên không phải là một giáo-huấn không sai lầm do giáo-chủ xướng-xuất, nhưng là một ràng-buộc dựa trên sự tiếp nối của truyền-thống. Mà, thật sự, sự tiếp-nối nguồn-gốc này là chuyện quan-trọng. Đó không phải là chuyện mặc-nhiên. Các tôn-giáo cổ xưa đã có nữ linh-mục, và trong các phong-trào ngộ-giáo cũng vậy. Gần đây một nhà nghiên-cứu người Ý đã khám-phá ra vào khoảng thế-kỉ thứ 5, 6 ở miền nam Ý có xuất-hiện nhiều nhóm cắt-đặt nữ linh-mục, nhưng các giám-mục và giáo-chủ đã can-thiệp ngay. Truyền-thống không xuất-phát từ môi-trường, nhưng từ trong lòng Giáo-hội.

Tôi muốn thêm ở đây một điều khá thích-thú đối với tôi. Đó là một chẩn-đoán do bà Elisabeth Schüssler-Fiorenza đã đưa ra về đề-tài này. Bà là một trong những người Công giáo tranh-đấu cho nữ quyền nổi danh nhất. Bà là người Đức, một nhà chú-giải Kinh thánh tên-tuổi. Bà học khoa này ở Münster, ở đó bà đã kết hôn với một người lai Mỹ và Ý tên Fiorenza, hiện bà đang dạy học ở Hoa-kì. Thoạt tiên bà hăng-say tranh-đấu để nữ giới được truyền chức, nhưng giờ đây bà bảo mục-tiêu đó sai. Kinh-nghiệm với các nữ mục-sư Anh-giáo đã đưa bà tới nhận-thức: ordination is not a solution, phong chức không phải là một giải-đáp, đó không phải là điều chúng tôi muốn. Bà nói: ordination is subordination, truyền chức là tùng-phục, nghĩa là xếp-đặt vào trật-tự và phục-tùng, chính đây là điều chúng tôi không muốn. Chẩn-đoán của bà rất đúng.

Bước vào một „Ordo“ (chức) luôn có nghĩa là bước vào một liên-hệ trật-tự và phục-tùng. Bà Schüssler-Fiorenza nói, mục-tiêu của phong-trào giải-phóng phụ-nữ chúng tôi là không muốn bước vào Ordo, vào Subordo, một « subordination », chúng tôi trái lại muốn vượt lên trên chính hiện-tượng đó. Bà tiếp, cuộc tranh-đấu của chúng tôi bởi thế không được nhắm tới truyền chức cho phái nữ, làm thế là sa ngay vào lỗi-lầm, nhưng chúng tôi phải nhắm tới bãi-bỏ truyền chức, để Giáo-hội trở thành một xã-hội gồm những người bình đẳng , trong đó chỉ có « schifting leadership » tức thay phiên nhau lãnh-đạo. Quả bà đã nhìn đúng nếu đi từ những lí-do nội-tại của tranh-đấu cho việc truyền chức phái nữ, mà thực ra là vấn-đề tham-gia quyền-lực và muốn thoát khỏi lệ-thuộc. Bởi thế thực ra phải nói, đàng sau đó ẩn-chứa một câu hỏi: Chức linh-mục thực ra là gì? Có một bí-tích hay chỉ nên có một sự lãnh-đạo tiếp-nối, trong đó không ai được phép ôm vào mãi „quyền-lực“? Tôi tin rằng những thảo-luận trong tương-lai có lẽ sẽ mang lại ít nhiều thay-đổi theo chiều-hướng này.

 

Những câu hỏi chúng ta vừa bàn, từ nhiều năm nay cứ rộ lên với lúc ít lúc nhiều tiếng vang trong dân-chúng. Ngài nhận-xét thế nào về những việc làm như các cuộc trưng-cầu ý-kiến tín-hữu ở Đức?

Tôi đã đề-cập tới một số điểm khi ta bàn về tình-hình Giáo-hội ở Ý và các nước khác rồi. Tôi cho rằng những nhận-xét của giáo-sư Metz đúng trong nhiều điểm. Nếu tôi không lầm thì ông ấy coi những chuyện hô-hào kia chỉ là việc lo chữa-trị triệu-chứng bên ngoài mà thôi, còn điểm then-chốt thì đã chẳng ai nói tới. Theo ông, cái điểm đó chính là cuộc „khủng-hoảng Thiên Chúa“, một cụm từ có lẽ không được chỉnh lắm, nhưng đã nói lên chính-xác cốt-lõi vấn-đề. Trước đây, lúc bàn về đồng-thuận của xã-hội tân-tiến ngày nay chống lại đức tin, tôi đã mô-tả nó như sau: Thiên Chúa, nếu có thực, thì cũng chẳng được coi ra gì. Nếu người ta sống như thế, Giáo-hội sẽ trở thành một câu-lạc-bộ, cứ phải tìm cho mình những mục-tiêu và ý-nghĩa mới để thay-thế. Và rồi người ta đâm ra bực mình về tất-cả những gì không thể giải-thích được nếu không có Thiên Chúa. Như vậy, chính điểm cốt-yếu thì lại bị loại ra ngoài. Tôi nhớ giáo-sư Metz cho hay là những đòi-hỏi trong các cuộc trưng-cầu đã được thực-hiện trong các giáo-hội Tin-lành. Mặc dầu thế họ vẫn không tránh được khủng-hoảng. Và giáo-sư đã nói đại-khái, tại sao chúng ta lại muốn trở thành một bản sao của Tin-lành. Tôi hoàn-toàn đồng ý với ông ấy.

 

Ở đây rõ-ràng người ta đang muốn lập nên một Ki-tô giáo cho văn-hoá phóng-khoáng phương tây, một loại đức tin thế-tục, đổ đồng lộn-nhào nhiều chuyện. Thứ văn-hoá này, thật ra chẳng liên-hệ gì tới bản-chất Ki-tô giáo hoặc Công giáo, nhưng xem ra lại khá lôi-cuốn. Người ta có cảm-tưởng, ít ra từ quan-điểm thần-học, giáo-quyền hầu như không tìm ra điều gì để bắt-bẻ trào-lưu triết-học đặc-biệt tiêu-biểu qua Eugen Drewermann này.

Đợt sóng Drewermann, như ông thấy, đã êm rồi. Những gì linh-mục ấy thuyết-giảng cũng chỉ là một biến dạng văn-hoá chung, cảm-hứng từ một đức tin bị tục-hoá mà ông đã đề-cập. Tôi muốn nói, người ta không muốn thiếu tôn-giáo, nhưng tôn-giáo chỉ được phép hiện-diện và không được phép đòi-hỏi gì nơi con người. Người ta muốn nắm được cái bí-nhiệm của tôn-giáo, nhưng đồng thời lại muốn tránh-né những gánh nặng của niềm tin. Các hình-thái muôn vẻ của cái tôn-giáo mới đó, cái tôn-giáo tính cũng như triết-lí của nó ngày nay được gộp vào hai chữ New Age. Mục-đích nhắm tới là một loại liên-hiệp huyền-bí với nguyên-lí thần-linh của vũ-trụ, để đạt đích đó phải cần đến nhiều kĩ-thuật khác nhau. Qua đó người ta tin có thể cảm-nghiệm tôn-giáo dưới hình-thức cao-đẹp nhất và đồng thời hoàn-toàn không đi ra ngoài hình-ảnh khoa-học của vũ-trụ. Đứng trước trào-lưu này đức tin Ki-tô giáo trở nên có vẻ cầu-kì, chắc-chắn nó gặp khó-khăn. Nhưng may thay đã không thiếu những đầu-óc ki-tô giáo và những mẫu gương sống đạo lớn trong thế-kỉ chúng ta. Nơi họ, chúng ta thấy sự hiện-diện của đức tin Ki-tô giáo và thấy đức tin đó giúp con người sống trọn nghĩa cuộc đời. Do đó nơi thế-hệ trẻ đã trổi lên những lối sống ki-tô giáo một cách quyết-liệt, cho dù đó không thể trở thành một phong-trào tập-thể, rộng lớn.

 

Những „điệp-khúc chỉ-trích“ chúng ta thảo-luận trên đây chẳng dễ gì dập tắt được. Vậy phải làm sao? Có thể gạt tất-cả chúng sang một bên? Liệu có ngày nào ta sẽ thoát của nợ này?

Chắc-chắn chúng sẽ mất tính-cách khẩn-cấp, khi người ta hết coi Giáo-hội như một đích điểm, như một mục-tiêu tự-tại hay một nơi để đạt quyền-lực, khi người ta lại xác-tín sống đời độc-thân trong đức tin kiên-cường, khi người ta xem tiêu-đích của Ki-tô giáo là cuộc sống đời-đời chứ không phải là tụ nhau lại thành nhóm để thi-thố quyền-lực. Tôi xác-tín rằng, vào một ngày nào đó, khi có một chuyển-biến tinh-thần xẩy ra, thì tính-cách cấp-bách của những câu hỏi trên sẽ đột-ngột biến mất, cũng như chúng đã đột-ngột xuất-hiện, Bởi vì kì-cùng những câu hỏi đó chẳng phải là những vấn-nạn thực sự của con người.

 

-----------------------------------------

[52] 1870: Là năm công-đồng Vatican I chuẩn-nhận tín-điều không sai-lầm.

[53] “Chúng tôi là nhân dân”: Khẩu-hiệu của người dân Đông Đức trước đây đưa ra để chống lại chính-quyền cộng-sản.


Chương III: HAI NGÌN NĂM LỊC SỬ ƠN CỨU ĐỘ VÀ VẪN CHƯA ĐƯỢC CỨU RỖI ?

Giáo-lí ơn cứu-độ đã được loan-truyền từ hai ngàn năm và từ hai ngàn năm nay có một Giáo-hội bước theo đức Ki-tô dấn-thân cho hòa-bình, công-lí và tình yêu. Nhưng vào thời-điểm kết-thúc thiên niên-kỷ thứ hai sau Kitô, kết-quả tổng-kê xem ra nghèo-nàn như chưa từng có. Thậm chí một nhà văn Mỹ, ông Louis Begley, gọi thế-kỷ 20 là "một tang lễ ma-quái". Đó là một hoả-ngục gây nên bởi tội-ác giết người, thảm-sát tập-thể và bạo-lực, nghĩa là một tổng-hợp gói trọn mọi thứ kinh-hoàng.

Trong thế-kỷ 20 số người bị giết cao trội như chưa từng thấy. Đây là thời-điểm xẩy ra cuộc tận diệt người Do-thái và sự phát-triển bom hạt nhân. Người ta những tưởng, sau đệ nhị thế chiến sẽ mở màn một kỷ-nguyên thanh-bình. Hẳn người ta phải biết, với bài học tàn-sát Do-thái, nạn kỳ-thị chủng-tộc cuối cùng sẽ đưa ta về đâu. Nhưng tiếp nối năm 1945 lại là một khoảng thời-gian rách-nát vì chiến-tranh như chưa từng thấy. Trong thập niên 90 chúng ta trải qua tại Âu châu bao cuộc chiến và xung-đột tôn-giáo; khắp nơi trên thế-giới gia-tăng nạn đói, xua-đuổi cư dân, kì-thị chủng-tộc và tội-phạm, sự ác chiếm thế thượng-phong. Dĩ-nhiên thời-điểm kết-thúc thiên niên-kỷ cũng ghi-nhận những biến-đổi tốt-đẹp: chính-sách toàn-trị trong trong các nhà-nước cộng-sản cáo-chung, bức màn sắt ở Trung Âu đã sụp-đổ, những vùng có tranh-chấp sẵn-sàng đối-thoại và các nước Trung Đông rục-rịch xích lại gần nhau.

Suy-tư về những gì Thiên Chúa và nhân loại thực-hiện, nhiều người hoài-nghi tự hỏi: Có thực thế-gian được cứu rỗi? Có thể gọi những năm sau đức Ki-tô là những năm của ơn cứu-độ?

Đây quả là một chuỗi nhận-xét và vấn-nạn. Câu hỏi căn-bản ở đây thật ra là có phải Ki-tô giáo đã mang đến ơn cứu-độ, phải chăng Ki-tô giáo đã mang lại ơn cứu-rỗi hay Ki-tô giáo thật ra vô hiệu? Phải chăng Ki-tô giáo ngày nay đã mất sức sống?

Về vấn-đề này tôi thiết nghĩ trước hết phải nói ngay, ơn cứu-độ, một ơn đến từ Thiên-chúa, không phải là một thực-thể có định lượng và vì thế không thể tính-toán đo-lường thêm bớt. Nhìn theo kiến-thức kỹ-thuật, sự phát-triển trong nhân loại có lẽ đôi khi bị khựng lại, nhưng tựu trung vẫn có sự tiếp-tục tăng-trưởng. Những gì thuần-tuý là lượng-số, hẳn nhiên ta có thể cân đo được và có thể nhận ra những tăng giảm của chúng. Nhưng sự thiện nơi con người không phát-triển theo quy-tắc định-lượng đó, vì mỗi người là một cá-thể mới và vì thế với mỗi người lại bắt đầu một lịch-sử mới trên một bình-diện nào đó.

Sự phân-biệt trên đây rất hệ-trọng. Cái thiện nơi con người không thể tính bằng lượng. Bởi thế không thể cho rằng Ki-tô giáo vào năm khởi-thủy bắt đầu như một hạt cải, và cuối cùng sẽ phải sừng-sững như một đại thụ và ai cũng có thể thấy nó phát-triển tốt-tươi hơn từ thế-kỷ này sang thế-kỷ khác. Trái lại nó luôn có thể bị nghiêng đổ hay vấp ngã, vì ơn cứu-rỗi gắn chặt với tự-do của con người và Thiên Chúa không bao giờ muốn lấy đi tự-do này.

 

Vào thời Ánh-sáng đã nảy ra tư-tưởng cho rằng tiến-trình văn-minh gần như bắt-buộc phải đưa nhân loại liên-tục tiến lên trên con đường chân, thiện, mỹ, và vì thế trong tương-lai không thể có những hành-động man-rợ nữa.

Ơn cứu-rỗi luôn gắn liền với tự-do, có thể nói đó chính là cơ-cấu mạo-hiểm của ơn cứu rỗi. Bởi thế nó không bao giờ đơn thuần được áp đặt từ ngoài hoặc được xây-dựng kiên-cố với một cơ-cấu vững-chắc, nhưng nó được đặt vào một chiếc bình dễ vỡ là tự-do con người. Nếu cho rằng con người đã vươn tới một độ cao, thì cũng phải coi chừng nó có thể rơi xuống và tan-vỡ. Tôi thiết nghĩ đó chính là cuộc tranh-luận khi đức Ki-tô bị cám-dỗ: Phải chăng ơn cứu-rỗi phải như một cái gì kiên-định trên dương-gian, có thể tính-toán được theo nghĩa: mọi người đều có cuả ăn, từ nay không đâu bị đói nữa? Hay ơn cứu-rỗi là cái gì khác hẳn? Vì nó gắn chặt với tự-do, vì nó không bị áp-đặt cho con người trong những cơ-cấu có sẵn, mà trái lại luôn nhịp bước với tự-do của con người, cho nên trong một mức-độ nhất-định nó vẫn có thể bị tan-vỡ.

Ta cũng phải nhìn-nhận rằng Ki-tô giáo đã luôn toả ra một tình nhân-ái dạt-dào. Những gì Ki-tô giáo đã mang vào lịch-sử thật đáng kể. Goethe[54] từng thốt lên: Những gì đã xẩy ra quanh tôi làm tôi phải cúi đầu. Đúng thế, chỉ qua Ki-tô giáo mà hệ-thống chăm-sóc bệnh nhân, cưu-mang người yếu kém và cả một hệ-thống tổ chức từ-thiện đã hình thành. Cũng nhờ Ki-tô giáo mới phát-sinh sự tôn-trọng con người trong mọi hoàn-cảnh. Một sự kiện lịch-sử đáng ghi nhận: Sau khi chấp-nhận Ki-tô giáo, việc đầu tiên hoàng-đế Constantinus thấy phải thi-hành là cải-tổ luật-lệ, để chủ-nhật thành ngày nghỉ cho mọi người và cho người nô-lệ được hưởng một số quyền-lợi.

Tôi cũng có thể đan-cử trường-hợp Athanasius, vị giám-mục lỗi-lạc thành Alexandria trong thế-kỷ thứ tư. Qua kinh-nghiệm bản-thân ngài tả lại cảnh khắp nơi các bộ-lạc cứ nhăm-nhe dao búa kình-chống nhau, mãi tới khi trở thành ki-tô-hữu, họ mới biết chung sống hoà-bình. Nhưng đó là những đặc-tính không do cơ-cấu của một thể-chế chính-trị tự tạo nên. Chúng cũng có thể bị sụp-đổ, như ta ngày nay vẫn thấy.

Ở đâu con người xa rời đức tin, ở đó những tệ-nạn khủng-khiếp thời ngẫu-tượng sẽ ồ-ạt trở lại. Tôi tin rằng, ta có thể nhận thấy rõ Thiên Chúa đi vào lịch-sử một cách nói được là mong-manh hơn chúng ta mong-muốn. Nhưng đó lại là câu trả lời cuả Ngài đáp lại tự-do của ta. Một khi ta muốn và chấp-nhận Thiên Chúa tôn-trọng tự-do của ta, ta cũng phải học tôn-trọng và quí-chuộng tính-cách mong-manh của hành-động Ngài.

 

Ki-tô giáo ngày nay đã bành-trướng rộng-rãi trên khắp thế-giới như chưa bao giờ từng thấy. Nhưng ơn cứu-độ cho thế-gian đã không đương-nhiên đồng-bộ với nhịp tiến đó.

Đúng vậy, sự lan rộng tính được bằng con số tín-hữu ki-tô không đương-nhiên dẫn đến sự cải-thiện thế-gian, vì không phải tất-cả những ai mang tên ki-tô-hữu đều thực-sự là ki-tô-hữu. Ki-tô giáo chỉ ảnh-hưởng gián-tiếp lên khuôn mặt trần-gian qua con người, qua tự-do của họ. Sự dữ cũng không đương-nhiên bị khai-trừ khi ta thành-lập một hệ-thống chính-trị hay xã-hội mới.

 

Sự hiện-hữu của sự dữ mang ý-nghĩa gì đối với ơn cứu-rỗi hay không có ơn cứu-rỗi?

Sự dữ có thế-lực qua ngã tác-động lên tự-do con người và tạo nên những cơ-cấu riêng của nó. Rõ-ràng có những cơ-cấu của sự dữ. Chúng đè-nén con người, chúng có thể ngăn-chặn tự-do và như vậy tạo nên bức tường cản bước Thiên Chúa đi vào trần-gian. Qua đức Kitô, Thiên Chúa thắng sự dữ. Điều này không có nghĩa là từ nay tự-do con người hết bị sự dữ thử-thách, nhưng có nghĩa là Chúa sẵn-sàng đưa tay cho ta nắm và dẫn ta đi, song Ngài không ép-buộc ta.

 

Như thế có nghĩa là Thiên Chúa có quá ít quyền-lực trên dương-thế?

Dù sao Ngài cũng không muốn sử-dụng quyền-lực theo cách như ta tưởng. Đó chính là vấn-nạn mà ông đã gợi lên lúc đầu và tôi cũng muốn đặt ra cho cái gọi là "tinh-thần thế-gian": Tại sao Thiên Chúa bất lực như vậy? Tại sao Ngài chỉ cai-trị một cách yếu-ớt lạ-lùng như một kẻ bị đóng đinh trên thập-giá, như một kẻ thất-bại? Nhưng rõ ràng đó là cách Ngài muốn cai-trị và xử-dụng quyền-lực. Còn như dùng quyền-lực qua cưỡng-bức, áp-đặt và bạo-lực lại không phải là cách cuả Ngài.

 

Xin trở lại câu hỏi lúc đầu: Tình-trạng thế-giới, diễn-tả qua cách nói "một tang lễ ma-quái" của thế-kỷ 20, không nhất-thiết làm ta hoảng-sợ sao?

Là tín-hữu Ki-tô chúng ta biết trần-gian luôn nằm trong bàn tay Thiên-chúa. Ngay cả khi con người tháo bỏ dây liên-kết với Ngài và lao vào huỷ-diệt, trong tình-trạng thế-giới đổ-nát đó Chúa sẽ ra tay làm lại một khởi đầu mới. Phần chúng ta, trong niềm tin vào Ngài, chúng ta hành-động để con người không xa lià Ngài và gắng làm hết sức để thế-gian có thể tồn-tại như kỳ-công và con người như thụ-tạo của Ngài.

Tuy nhiên một viễn-tượng hết sức bi-quan vẫn có thể xẩy ra, trong đó sự vắng bóng Thiên Chúa – Metz gọi đó là "cuộc khủng-hoảng Thiên Chúa" – trở nên trầm-trọng đến nỗi khiến con người rơi vào vực thẳm luân-lí và thế-giới rơi vào vực thẳm đổ-nát, đứng trước bờ tận-thế. Nguy-nan đó chúng ta phải tính tới. Nhưng cho dù viễn-tượng tận-thế kia có xẩy ra, thì Thiên Chúa vẫn còn đó để bảo-vệ những ai tìm Ngài; kết-cục tình yêu vẫn mạnh hơn hận-thù.

 

Gio-an Phao-lô II có nhận-xét: "Vào cuối thiên niên-kỷ thứ hai Giáo-hội lại trở thành Giáo-hội của các vị tử-đạo". Thưa hồng-y, chính ngài cũng làm một bản thống-kê tương-tự: "Nếu chúng ta không tìm lại cái phần làm nên căn-tính ki-tô giáo của mình, chúng ta sẽ không đứng vững trước những thử-thách của thời-đại".

Chúng ta đã trao-đổi về đề-tài này : Giáo-hội sẽ mặc lấy những hình-thức khác, Giáo-hội sẽ bớt phần đồng-hóa với những cộng-đồng lớn, sẽ mặc lấy hình-thái Giáo-hội của thiểu-số, sẽ sinh-động qua những nhóm nhỏ với xác-tín vững-mạnh, sống và hành-động theo niềm tin. Chính qua cung-cách này, nói theo Thánh-kinh, Giáo-hội sẽ là "muối cho đời". Trong tình-thế xáo-trộn này tính-chất bền-bỉ - nghĩa là cái cốt-lõi không thể bị tiêu-diệt nơi con người – lại trở nên quan-trọng hơn và những nguồn sức mạnh nâng-đỡ con người lại càng cần-thiết hơn bao giờ hết.

Bởi thế, một đàng Giáo-hội cần có sự uyển-chuyển để có thể chấp-nhận những tư-tưởng và trật-tự biến-đổi trong xã-hội cũng như cởi bỏ những liên-hệ ràng-buộc trước đây. Đàng khác, Giáo-hội chính vì thế cần có sự trung-kiên để duy-trì cái cốt-lõi làm nên con người, cái làm cho con người sống-còn, cái bảo-vệ phẩm-giá con người. Giáo-hội cần giữ vững điểm này và mở đường cho con người hướng lên cao, hướng vể Thiên Chúa, vì sức mạnh hòa-bình trên dương-thế chỉ đến từ nơi cao đó.

 

Ngày nay nhiều người cho rằng, trải qua bao thế-kỷ Giáo-hội đã hành-động không đúng với mạc-khải. Giáo-chủ đã nêu lên sự bất tương-dung nhân danh tôn-giáo và sự đồng-loã trong tội ác phạm đến nhân-quyền như thí-dụ điển-hình cho "vực thẳm tội-lỗi" của 2000 năm lịch-sử Ki-tô giáo. Ngày nay Giáo-hội hay nói đến lầm-lỗi của mình đối với người Do-thái cũng như đối với phụ-nữ. Trước đây những thú-nhận như thế bị coi là làm giảm uy-quyền. Liệu Giáo-hội có phải lên tiếng bằng sự cởi-mở không che đậy hơn nữa về những lỗi-lầm ngay trong lòng Giáo-hội qua dòng lịch-sử?

Tôi thiết-nghĩ sự thành-thực luôn là một nhân-đức nền-tảng, bởi cũng vì nhờ nó chúng ta nhận biết rõ hơn đâu là Giáo-hội và đâu không phải là Giáo-hội. Trong ý-nghĩa này sự thẳng-thắn mới đây - nếu muốn dùng kiểu nói này - một sự thắng-thắn thú-nhận không che đậy những khía-cạnh đen-tối của lịch-sử Giáo-hội, là một hành-động quan-trọng để chứng-tỏ sự thành-tâm và trung-thực của mình. Nếu sám-hối, xét mình, nhận ra và lãnh lấy chính tội-lỗi mình là cái cốt-lõi của một ki-tô-hữu, bởi chỉ qua đó tôi mới thành-thực với chính tôi và trở nên công chính, thì Giáo-hội như một tác-nhân tập-thể cũng không thể tránh-né việc mổ-xẻ, nhìn ra và nhận lãnh lỗi-lầm mình. Một "thánh-vịnh sám-hối" của Giáo-hội quả thực cần-thiết để Giáo-hội chứng-tỏ mình thành-thực trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người.

Nhưng một điểm khác cũng quan-trọng không nên bỏ qua. Đó là không nên quên rằng, mặc cho lỗi-lầm và yếu-đuối, lời Chúa vẫn luôn được loan-truyền và các bí-tích vẫn tiếp-tục được ban-phát, và nhờ vậy sức mạnh ơn cứu-độ vẫn tác-động chặn đứng sự dữ. Chính vào lúc Ki-tô giáo như cục than hồng tàn-lụi và biến thành tro bụi thì thần-lực Thiên Chúa lại dấy lên những bừng-khởi đạo-đức mới. Chẳng hạn vào thế-kỷ 10, khi các giáo-triều sa-sút thê-thảm và người ta những tưởng Ki-tô giáo tại Rôma tới thời mạt-vận, thì chính vào thời đó tinh-thần dòng tu lại bừng lên và một động-lực hoàn-toàn mới của niềm tin nảy sinh. Quả thực có sự sa-sút trong lòng Giáo-hội hôm nay, Ki-tô giáo còn đó trên hình thức, nhưng chẳng được mấy ai sống thực niềm tin đó. Tuy nhiên, sự hiện-diện của đức Ki-tô vẫn âm-thầm tác-động để đem lại sự đổi mới vào một lúc không chờ không đợi.

 

Xem ra gánh lịch-sử đè nặng trên vai Giáo-hội. Thí-dụ vào dịp kỷ-niệm 500 năm Cô-lôm-bô khám-phá Mỹ châu người ta có dịp chứng-kiến những giao-động tình-cảm chống lại cuộc truyền đạo Ki-tô sôi-sục đến độ có thể tưởng như vấn-đề mới xẩy ra hôm qua.

Vấn-đề này xảy ra một phần do phán-đoán vơ đũa cả nắm, không có chứng-cớ lịch-sử, nhưng chỉ do những giao-động tình-cảm tức-thời. Đã có những lầm-lỗi xẩy ra, kể cả những lỗi-lầm trầm-trọng, điều đó tôi không chối-cãi. Nhưng, về lãnh-vực này, mới đây đã có những nghiên-cứu lịch-sử cho thấy đức tin và giáo-hội Công giáo cũng đã là nhân-tố chống lại sự chà-đạp thô-bạo lên văn-hóa và con người bản-xứ do những kẻ thực-dân đầy lòng tham gây nên. Phao-lô III và những vị giáo-chủ kế tiếp đã mạnh-mẽ bảo-vệ quyền-lợi dân bản-xứ và đã ban-hành những luật-lệ tương-ứng. Vương-triều Tây-ban-nha, đặc-biệt là hoàng-đế Ca-rô-lô V, cũng ban-hành những khoản luật - mặc dầu một phần không được thực-thi - làm vẻ-vang danh-dự triều-đình, vì những luật này đề cao quyền-lợi dân bản-xứ, công-nhiên coi họ là đồng loại và như vậy có đầy-đủ nhân-quyền. Trong thế-kỷ huy-hoàng này của Tây-ban-nha các nhà thần-học và chuyên-gia giáo-luật đã khởi-xướng lên ý-niệm nhân-quyền. Về sau nhiều người lấy lại ý-niệm này, nhưng vương-triều Victoria của Tây-ban-nha đi tiên-phong tinh-luyện ý-niệm đó.

Những nhà truyền giáo lỗi-lạc thuộc dòng Phan-sinh và Đa-minh thực-sự chứng-tỏ là những trạng-sư bênh-vực con người. Không phải chỉ có Bartholomé de las Casas[55], nhưng còn nhiều nhân-vật không tên tuổi khác nữa. Người ta mới khám-phá ra một khía-cạnh hi-hữu của lịch-sử truyền giáo. Những nhà truyền giáo dòng Phan-sinh tiên-khởi tại Mễ-tây-cơ - còn nặng ảnh-hưởng thần-học thần-linh của thế-kỷ XIII - đã rao truyền một hình-thức Ki-tô giáo đơn-sơ, nhẹ phần định-chế và đi thẳng vào lòng người. Không thể có những loạt người uà theo Ki-tô giáo như ta thấy ở Mễ-tây-cơ, nếu họ không cảm-nhận được đức tin như một sức mạnh giải-thoát; kể cả giải-thoát khỏi những tục thờ kính trước đó. Vì dân bản-xứ bị đàn-áp, muốn thoát gông-cùm, ngả theo Tây-ban-nha, nên Mễ-tây-cơ mới bị chinh-phục. Nhìn tổng-quát mới thấy đó là cả một bức tranh không đơn-giản, trong đó có những lỗi-lầm ta không được phép bỏ qua. Nếu lúc đó không có một thế-lực bênh-vực và giải-thoát để những nhóm dân bản-xứ còn tồn-tại như ngày nay tại Trung và Nam Mỹ , thì có lẽ lịch-sử đã xoay-chuyển khác hẳn.

 

Tại sao phải đợi bao thế-kỷ Galilêi[56] mới được phục-hồi danh-dự?

Tôi thiết nghĩ trong trường-hợp này người ta đã hành-động theo nguyên-tắc cứ để mọi chuyện tự trôi theo dòng thời-gian. Không ai thấy cần lên tiếng công-khai phục-hồi danh-dự. Chỉ vào thời Ánh-sáng vụ Galilêi mới được làm nổi cộm lên như một thí-dụ điển-hình cho những tranh-chấp giữa Giáo-hội và khoa-học. Cuộc tranh-chấp mang nặng ý-nghĩa lịch-sử, nhưng thoạt đầu không gây-cấn, giật-gân gần như một huyền-thoại. Thời Ánh-sáng cố trình-bầy sự-kiện như một triệu-chứng bệnh-hoạn về phong-cách Giáo-hội đối-xử với khoa-học. Do đó vụ Galilêi được đánh bóng như tiêu-biểu cho thái-độ bài khoa-học và cổ-lỗ của Giáo-hội. Dần hồi người ta nhận ra đây không chỉ đơn-thuần là câu chuyện của thời xa-xưa, nhưng là vấn-đề đang day-dứt lương-tâm hôm nay, vì thế cần phải giải-quyết một lần cho minh-bạch.

 

Lịch-sử đã xoay-chuyển ra sao nếu không có Giáo-hội, câu hỏi này không ai có thể trả lời được. Trong khi đó có thể dễ-dàng nhận ra đức tin Ki-tô giáo đã giải-thoát và làm cho thế-giới trở nên văn-minh qua sự phát-triển nhân-quyền, nghệ-thuật, giáo-dục thuần-phong mỹ-tục. Không thể hình-dung ra Âu châu nếu không có những tiến-bộ này. Nhà báo Do-thái Franz Oppenheimer viết: "Những nền dân-chủ đã nảy sinh trong thế-giới Do-thái - Ki-tô giáo tây phương. Lịch-sử phát-triển của những nền dân-chủ này là điều-kiện nền-tảng cho thế-giới đa-nguyên chúng ta. Nhờ lịch-sử này chúng ta có những tiêu-chuẩn để đo lường, phê-phán và sửa sai những nền dân-chủ của ta". Và chính ngài cũng lưu-ý rằng, sự tồn-tại những nền dân-chủ có phần liên-quan tới sự tồn-tại những giá-trị ki-tô giáo.

Tôi chỉ có thể thừa-nhận câu nói của Oppenheimer. Ngày nay ta biết rằng mẫu-mực dân-chủ đã nảy sinh từ nội-qui dòng tu với những khoản luật dòng và việc bầu-cử nội-bộ của họ. Thể-chế chính-trị đã rút ra từ đó ý-niệm luật-pháp áp-dụng đồng-đều cho mọi công-dân. Phải công-nhận trước đó đã có khuôn-mẫu quan-trọng của nền dân-chủ Hy-lạp, nhưng nó đã sụp-đổ với thần-minh và phải mất công xây-dựng lại. Hiển nhiên là hai nền dân-chủ tiên-phong ở Mỹ và Anh đều dựa trên sự chấp-nhận những giá-trị Ki-tô giáo và chúng chỉ có thể vận-hành trên căn-bản đồng-thuận về những giá-trị. Không có sự đồng-thuận về giá-trị này, chúng sẽ tan-rã và sụp-đổ. Như vậy, trên bình-diện lịch-sử, ta có thể làm được bản thống-kê tích-cực về Ki-tô giáo, vì nó đã làm nẩy sinh một mối liên-hệ mới giữa người với người cũng như đã kiến-tạo nên một nền nhân-bản mới. Nền dân-chủ cổ Hy-lạp dựa vào sự bảo-hộ linh-thiêng của thần-linh. Nền dân-chủ ki-tô của Thời-mới dựa vào tính-chất linh-thiêng của những giá-trị được bảo-đảm từ đức tin Ki-tô giáo, những giá-trị triệt-tiêu tính-cách độc-tài của đa-số. Những gì trước đây ông nói về bản thống-kê của thế-kỷ 20 cũng cho thấy rằng nếu như ta vứt bỏ Ki-tô giáo ra khỏi thế-giới này, thì những thế-lực cổ-xưa của sự dữ - đã từng bị Ki-tô giáo khai-trừ - sẽ đột-nhập thế-giới trở lại. Dưới cái nhìn thuần lịch-sử ta có thể khẳng-định: Nếu không có nền-tảng tôn-giáo, nền-tảng „linh-thiêng“, thì không có dân-chủ.

 

Newmann, vị hồng-y người Anh, có lần nhận-xét về sứ-mạng truyền giáo của Giáo-hội: "Chỉ nhờ có ki-tô-hữu, nhờ màng lưới cộng-đoàn rải-rác khắp năm châu, nên thế-giới chưa bị huỷ-diệt. Sự tồn-tại của thế-giới gắn chặt với sự tồn-tại của Giáo-hội. Nếu Giáo-hội ngã bệnh, thế-giới sẽ than khóc thân-phận mình."

Có thể người ta cho nhận-xét trên là quá đáng, nhưng tôi nghĩ chính lịch-sử những thể-chế độc-tài vô thần lớn trong thế-kỷ chúng ta như chế-độ Đức quốc-xã và chế-độ cộng-sản, đã minh-chứng cho thấy là sự sụp đổ của Giáo-hội, sự phá-sản và vắng bóng đức tin như lực thúc-đẩy quan-trọng đưa đến hành-động, quả thực đã kéo theo thế-giới xuống vực thẳm. Trước kia thế-giới hỗn thần dù sao cũng còn đôi nét cao-đẹp, và nối-kết với thần-minh-cũng có nghĩa thừa-nhận những giá-trị uyên-nguyên, giúp con người kìm-hãm được cái dữ, chứ ngày nay, một khi kháng-lực chống lại cái dữ không còn nữa, thì sự sụp-đổ hẳn phải vô cùng bi-đát.

Qua hiểu-biết dựa trên kinh-nghiệm ta có thể quả-quyết, khi con người bỗng-nhiên bị lột hết sức mạnh luân-lí như được trình-bầy trong giáo-lí Ki-tô giáo, con người sẽ chao-đảo như con tầu va vào băng-sơn, và sự sống-còn của con người lúc đó thật mong-manh.

 

---------------------------------

[54] Goethe (1749-1832) nhà văn, kịch, thơ đa tài nổi tiếng ở Đức.

[55] Bartholomé de Las Casas (1474-1566) một tay thực-dân người Tây-ban-nha, phản-tỉnh trở thành linh-mục và là chiến-sĩ nhân-quyền tiên-phong cho dân bản-xứ.

[56] Galilêi (1564-1642) nhà toán, vật-lí, thiên-văn ngườI Ý, bị giáo-hội Công giáo kết án và bắt rút lại quan-điểm trái đất quay quanh mặt trời của ông, một quan-điểm trái với quan-điểm của Giáo-hội thời đó.

 

 

Thanh-tẩy - Buổi giao-thời và những đe-doạ rạn-nứt - Một "mùa xuân mới của tinh-thần - con người" cho thiên niên-kỷ thứ ba

 

Thanh-tẩy - Buổi giao-thời và những đe-doạ rạn-nứt

Vào cuối thiên niên-kỷ thời-gian có vẻ qua mau hơn, như do một lực liên-kết huyền-bí nào đó gây nên. Giống như những hạt cát rơi qua lỗ hở với vận-tốc cao nhất, lúc chiếc đồng hồ cát sắp cạn và sắp được dựng ngược lại. Nhiều người xác-tín rằng chúng ta đang ở vào thời-điểm khai-sinh một cộng-đồng thế-giới mới, khác hẳn từ nền-tảng với thế-giới trước đây, cũng giống như thế-giới sau thời cách-mạng kỹ-nghệ khác xa với thế-giới nông-nghiệp lâu đời trước đó.

Đó là cái mà những nhà xã-hội học gọi là biến-cố chia dòng nước, lúc dòng nước đổi hướng chảy ngược chiều, theo biến-cố đó thì chỉ còn vài giá-trị cao-quí rơi-rớt lại cho thời-đại mới. Đó là thời-điểm nói đúng ra là không có hôm nay, nhưng chỉ có cái không-còn-hôm qua và cái chưa-có-ngày mai. Liệu chúng ta có phải sẵn-sàng chờ-đợi một cuộc biến-đổi tận gốc-rễ chăng?

Tôi cũng nhận thấy lịch-sử đang qua mau. Có những phát-minh một khi được thực-hiện, thì tất-cả những gì còn lại sẽ tiếp-nối qua nhanh với vận-tốc chóng mặt. Khi ngẫm-nghĩ 30 năm qua thế-giới biến-đổi ra sao, tôi thấy như sờ thấy lịch-sử đang qua mau cũng như những thay-đổi xẩy ra trong đó đang qua mau. Thế-giới biến-đổi đã thấm vào hiện-tại của ta, và với một mức độ nào đó nó đã có mặt trong đó rồi. Ta thấy rõ tiến-trình đang diễn ra, nhưng chưa có thể nhìn bao-quát được hướng tiến và những gì từ đó sẽ phát-sinh.

Rõ nét nhất là những tập-thể càng ngày càng bành trướng. Nào là Liên-hiệp Âu châu, Liên-hiệp thế-giới Hồi giáo, nào là những nỗ-lực xây-dựng cái gọi là ý-thức thế-giới qua những hội-nghị của Liên-hiệp-quốc. Đồng thời ta quan-sát thấy cá-nhân đặt nặng cái tôi hơn và trở nên cố-chấp hơn. Kết-hợp và phân-ly trói-buộc nhau. Hai sự kiện đối-nghịch: con người kèn-cựa nhau ngày càng mạnh trong lúc nhu-cầu hợp-đoàn ngày càng lớn. Từ đó sẽ nảy sinh ra những loại hình nào, chưa ai tiên-đoán được. Tôi tin rằng trong hoàn-cảnh biến-chuyển mau-chóng và bất khả tiên-đoán của thế-giới này, ta lại càng phải giữ chắc cái cốt-lõi nhân-tính của ta.

 

Những dữ-kiện về sự tồn-tại của địa-cầu ngày càng tồi-tệ. Từ giữa thập niên 80 con số và mức-độ những đại họa tiếp-tục tăng lên khắp thế-giới. Càng ngày càng rõ không phải thiên-nhiên, nhưng chính con người gây nên hầu hết những đại họa. Hoặc vì con người can-thiệp vào hệ-thống thiên-nhiên, hoặc vì con người không kiểm-soát nổi chính mình. Nhiều người cho đó là cơn thịnh-nộ của Thiên-chúa. Biết đâu đây cũng là cuộc thanh-tẩy. Có thể phải phá-huỷ hết cái cũ, để cái mới xuất-hiện? Phải chăng cần phải liều-lĩnh đùa-dỡn với hiểm-nguy, cần đập vỡ hết cái cũ trước khi bước vào đời hôn-nhân[57], cần cuồng-loạn lồng-lộn và sôi men vào giờ chót, lúc lịch-sử thế-giới sang trang, để ta có thể làm cuộc khởi đầu mới? Phải chăng đó thực-sự là sứ-điệp của sách Khải-huyền ?

Khó mà nói được. Dù sao ta cũng phải cố-gắng để cuộc khởi đầu mới có thể thành hình nhờ sức mạnh của công-cuộc sáng-tạo vũ-trụ và của ơn cứu-chuộc. Để những thế-lực dạy con người biết tự chế được tự-do tác-động. Bởi vì ngày nay quả đã rõ vấn-đề là ở tại điểm này. Nghĩa là con người không nên làm tất-cả những gì nó có thể làm - bởi nó có thể huỷ-diệt chính mình và thế-giới -, nhưng phải biết cân-nhắc giữa cái có thể với cái nên làm và được phép làm. Nghĩa là con người phải hiểu rằng, ngoài những cái không thể làm được về mặt thể-lí còn có những điều không được phép làm về mặt luân-lí. Vấn-đề then-chốt là dậy con người biết cưỡng lại được cám-dỗ hái trái cấm.

Giáo-hội phải nỗ-lực giúp con người trưởng-thành, nghĩa là để con người biết cân-nhắc giữa cái có thể luân-lí với cái có thể thể-lí. Ta biết sự cân-nhắc đó không phải chỉ dựa trên tính luân-lí suông, song nó bắt nguồn từ nền-tảng kết-hiệp thâm-sâu với Thiên Chúa hằng-sống. Chỉ khi nào Chúa thật-sự là nguồn lực trong cuộc sống của ta, khi đó luân-lí mới có sức mạnh. Nền luân-lí chỉ dựa trên những tính-toán suông của con người là một nền luân-lí què-quặt.

 

Tình-trạng địa-cầu xem ra hết thuốc chữa từ bên ngoài, nhưng chỉ có thể cứu-vãn từ bên trong, nghĩa là từ một sự thay-đổi ý-thức, một ý-thức không dựa trên cái Tôi. Ngài vừa lưu-ý điều đó: Khi nhắc-nhở ta xa tránh con đường xấu, Kinh thánh có lẽ muốn nói với ta rằng: Chính tình-trạng tinh-thần của ta ảnh-hưởng lên thiên-nhiên.

Phải, tôi cho rằng chính con người gây ra nguy-cơ làm thiên-nhiên mất sức sống. Và sự ô-nhiễm môi-sinh bên ngoài mà ta đang gánh chịu là một phản-ảnh và là sự trào ra của ô- nhiễm môi-sinh bên trong, một thứ ô-nhiễm ta ít để ý tới. Tôi nghĩ đó cũng là điểm bất-cập của các phong-trào bảo-vệ môi-sinh. Họ đứng lên tranh-đấu với sự hăng-say dễ hiểu và chính-đáng chống lại ô-nhiễm môi-sinh. Nhưng sự ô-nhiễm của chính tâm-hồn con người mình thì họ lại coi đó là một trong những quyền tự-do của con người. Bất quân-bình là ở đó. Chúng ta muốn loại bỏ những thứ ô-nhiễm có thể định-lượng được, nhưng lại không để ý tới thứ ô-nhiễm tinh-thần của con người cũng như tính-chất tạo-vật nơi con người, những thứ cần-thiết để con người sống được ra người. Trái lại, ta bảo-vệ, bằng một ý-niệm tự-do hoàn-toàn lệch-lạc, tất-cả những gì do cái tùy-tiện con người tạo nên.

Bao lâu ta còn giữ bức biếm-hoạ về tự-do, nghĩa là tự-do phá huỷ nội-tâm, bấy lâu ảnh-hưởng của nó tác-động lên thế-giới bên ngoài không thay-đổi. Tôi nghĩ chúng ta nên lưu-ý điểm này. Không phải chỉ thiên-nhiên có những trật-tự riêng, những sinh-vật ta cần tôn-trọng, nếu ta muốn sống nhờ thiên-nhiên và trong thiên-nhiên. Nhưng con người, trong sâu thẳm tâm-hồn, cũng là một loài thụ-tạo và có những trật-tự thụ-tạo của nó. Nó không thể tùy-tiện muốn làm gì thì làm. Để có thể sống được từ nội-tâm, con người phải chấp-nhận thân-phận thụ-tạo của mình và phải lưu-ý rằng, cần có sự trong-sạch tâm-hồn, một môi-sinh tinh-thần, nếu muốn dùng kiểu nói này. Nếu không hiểu được yếu-tố môi-sinh căn-bản này, tất-cả những vấn-đề khác sẽ tiếp-tục xấu mãi.

Thánh Phao-lô nói rõ điểm này trong thư gửi giáo-đoàn Rôma, chương 8. Ngài viết : Adam - nghĩa là một con người với tâm-hồn ô-nhiễm - coi tạo-vật-như nô-lệ, chà-đạp chúng, khiến chúng rên-xiết dưới bàn chân con người. Ngày nay ta nghe tiếng than của tạo-vật thảm-thiết như chưa từng có. Phao-lô viết thêm rằng tạo-vật đang mong-đợi ngày con Thiên Chúa đến và sẽ chỉ thở phào, khi con người mang ánh-sáng Thiên Chúa xuất-hiện, và chỉ khi đó chính con người mới lại có thể hít thở được.

 

Chúng ta hiển-nhiên đang đứng trước một chấn-động mới trong tương-lai ; ta sẽ phải có phản-ứng mãnh-liệt, vì ta sẽ không thể thích-nghi mà không bị mất-mát trước những biến-đổi lạ-lùng, đa dạng và triệt-để trên thế-giới. Câu hỏi đặt ra là, liệu ngày nay, với những hiểu-biết cơ-bản lãnh-hội được từ Ki-tô giáo, ta có thể có câu trả lời thích-đáng cho những biến-đổi và thách-thức mới này cũng như cho những vấn-đề chưa sáng-tỏ không?

Dĩ-nhiên phải xử-dụng những hiểu-biết nền-tảng đó vào những lãnh-vực khác nhau. Điều này ta không thể thực-hiện được, nếu ta không cùng tranh-đấu, học-hỏi, chịu-đựng và trao-đổi kinh-nghiệm. Tuy-nhiên những quan-điểm nền-tảng trong Ki-tô giáo đã vạch ra những hướng giải-đáp rồi, chúng chỉ cần được cụ-thể-hóa qua nhào-nặn với kinh-nghiệm thực-tế. Như vậy Ki-tô giáo là một nghĩa-vụ liên-tục trong suy-tư và trong cuộc sống. Nó không phải là toa thuốc cắt sẵn chỉ việc cầm lấy mà dùng, song trái lại nó cống-hiến cho tôi hướng đi và ánh-sáng nền tảng giúp tôi biết nhìn và hành-động, biết nhận ra và tìm được giải-đáp. Nếu tôi hiểu rằng con người là hình-ảnh của Thiên Chúa và nhận ra những trật-tự nền-tảng trong mười giới-răn, tôi sẽ có những hướng-dẫn căn-bản, và tôi phải cụ-thể-hoá chúng cho thích-hợp trong từng lãnh-vực khác nhau. Muốn được thế cần có nhiều người cộng-tác và chung sức tìm ra cách sử-dụng đúng-đắn nhất và ít sai-lầm nhất.

 

 Một "mùa xuân mới của tinh-thần con người" cho thiên niên-kỷ thứ ba

Vào cuối thiên niên-kỷ này chúng ta chứng-kiến sự sụp-đổ của nhiều học-thuyết xã-hội đã một thời đầy hứa-hẹn. Nào là chủ-nghĩa Mác (Marx: "Tôn-giáo là thuốc phiện cho dân" ), nào là phân-tâm học (Freud: "Tôn-giáo là chứng thác-loạn thần-kinh của nhân-loại" ), nào là nền đạo-đức của các nhà xã-hội học và ý-tưỏng cho rằng có thể có một nền luân-lí ngoài định-chế. Thêm vào đó là những khảo-luận bàn về sự đổi mới toàn diện mối liên-hệ phái tính cũng như những quan-niệm hiện-đại về mô-hình giáo-dục phản quyền-bính. Cách đây mười năm chính ngài đã táo-bạo tiên-lượng: "Cái mới đã tới". Theo ngài, cái mới đó hình-thù ra sao? Khi tuyên-bố như thế phải chăng ngài muốn nói rằng nền văn-hóa hậu hiện-đại đã tới thời tàn-lụi, một nền văn-hoá mà ngài đã có lần gọi là "văn-hóa tự xa-lìa kí-ức nguyên-thuỷ của con người, tức kí-ức về Thiên Chúa » ?

Niềm hy-vọng đó được gói-ghém qua cách diễn-tả trên. Tôi muốn nói : ngõ cụt, mâu-thuẫn cũng như những sai-lầm nội-tại của những lí-thuyết trên sẽ có ngày được phơi ra ánh sáng. Và chuyện đó quả thực đã xẩy ra ở mức-độ lớn. Chúng ta chứng-kiến huyền-thoại của nhiều ý-thức hệ đã bị đạp đổ. Chẳng hạn lối giải-thích thế-giới thuần kinh-tế của Marx thoạt tiên nghe có vẻ hợp lí và có sức thuyết-phục, vì thế đã hấp-dẫn được nhiều người, đặc-biệt vì nó được gắn nhãn luân-lí đạo-đức. Nhưng lí-thuyết đó đã không nắm bắt được thực-tại, vì nó không giải-thích được đầy-đủ về con người và rõ-ràng tôn-giáo là một thực-tại uyên-nguyên trong con người. Những thuyết-lí khác cũng sai-lầm như thế. Chẳng hạn như lối giáo-dục phản quyền bính không phù-hợp với con người, bởi vì nhu-cầu quyền-bính là một cái gì tiềm-ẩn sẵn trong con người. Niềm hy-vọng tôi muốn diễn-tả và trước sau vẫn ấp-ủ là các ý-hệ sẽ phải tự phê-bình qua kinh-nghiệm lịch-sử. Từ đó sẽ nảy sinh những suy-tư mới, và từ chỗ các ý-hệ tự phê-bình qua kinh-nghiệm lịch-sử, người ta sẽ có được cái nhìn mới về bản-chất Ki-tô giáo và sẽ nhận-diện ra nó, bởi vì những mảnh vụn chân-lí rải-rác trong các ý-thức hệ này mở cho ta thấy một cách mới-mẻ sự phong-phú tiềm-ẩn của Ki-tô giáo.

Tuy nhiên, như chúng ta đã trao-đổi, thất-bại, sụp-đổ không nhất thiết mở lối cho một cuộc lên đường mới tốt-đẹp. Thí-dụ như trong các quốc-gia cựu cộng-sản, tình-trạng tuột dốc thê-thảm kinh-tế và chính-trị không dẫn tới sự phục-hồi chủ-nghĩa cộng-sản, cũng không tạo được một phong-trào lớn rộng đưa con người quay về với những giá-trị Ki-tô giáo. Trái lại nó làm con người thêm chán-chường, sống hời-hợt, buông xuôi và thất vọng. Những ý-hệ cũ đổ-vỡ không nhất thiết dọn đường cho Ki-tô giáo tái sinh, không nhất thiết từ đó bừng lên những phong-trào lớn rộng, sống-động, tích-cực. Thất vọng nảy sinh có thể kéo theo những sụp-đổ khác, nhưng cũng mở đường cho con người cảm-nhận sức mạnh Thiên Chúa để làm cuộc tái sinh. Nhưng, như đã nói, chúng không nhất thiết xẩy ra như định-luật tự-nhiên.

 

Hiện nay người ta thấy bộ mặt thế-giới thuần khoa-học, vật-chất - duy-lí, từng in đậm dấu lên thế-kỉ qua, đang từ-từ tàn-úa và bị đào-thải. Liệu con người của thiên niên-kỷ thứ ba có phải lại đem thần-thoại vào đời sống? Có thể sử-dụng thần-thoại - mới ngày nào bị chỉ-trích che mờ thực-tại - để nhận ra thực-tại thẳm sâu, nhận ra những liên-hệ rộng lớn? Giống như thời Trung-cổ, khi con người sống trong thế-giới đầy ắp biểu-hiệu. Thời đó không có gì hiện-hữu thực như người ta thấy bên ngoài, tất-cả tiềm-ẩn ý-nghĩa của thế-giới bên kia. Johann Huizinger, một triết- gia chuyên phê-bình lịch-sử lỗi-lạc, viết: "Con người sống trong ảo-mộng, và vì mọi thứ là ảo-mộng, nên con người hiểu được màn đêm siêu-hình".

Đã có nhiều cuộc tìm-kiếm thần-thoại khắp nơi, kể cả trở ngược về thời tiền Ki-tô giáo, thời thần-thoại cổ-xưa, với hy-vọng tìm lại được những mẫu-mực cuộc sống và những sức mạnh nguyên-thủy. Nhưng trong đó cũng chứa đầy tính-chất lãng-mạn. Không bao giờ ta có thể đơn-giản quay ngược dòng lịch-sử, cũng không thể đơn-giản moi lại dĩ-vãng, khi không thỏa-mãn với hiện-tại. Qua việc vực hồn thần-thoại tiền Ki-tô giáo dậy, trong khi không tìm gì nữa nơi Ki-tô giáo - một tôn-giáo có vẻ quá duy-lí và quá cằn-cỗi – người ta có thể nhận ra đó là sự tránh-né những đòi-hỏi của Ki-tô giáo và sự lợi-dụng tối-đa sức mạnh tôn-giáo, trong khi hạn-chế sự hi-sinh và dấn-thân tới mức tối-thiểu.

Tôi không chối-bỏ trong thần-thoại tiềm-ẩn nhiều giá-trị có thể xử-dụng được. Đó là những viễn-ảnh, trong đó con người thoáng thấy chân-lí và tìm ra đường đi cho cuộc đời. Nhưng nếu chúng ta chỉ lựa-chọn thần-thoại để cắt-xén cho hợp nhu-cầu riêng, chúng sẽ mất hẳn hiệu-năng. Không thể có tôn-giáo ngoài liên-hệ ràng-buộc - từ « tôn-giáo » trong La-ngữ[58] nói lên ý-nghĩa này. Nếu không sẵn-sàng bước vào liên-hệ ràng-buộc, nhất là nếu không sẵn-sàng qui-phục chân-lí, thì tất-cả kết-cục chỉ là trò chơi. Ông đã từng đề-cập tới tác phẩm Glasperlenspiel (nhạc cụ thuỷ-tinh). Công-cuộc tìm-kiếm mới-mẻ này có nguy-cơ không đem lại gì đáng kể và ta không đạt được những năng-lực mới mà ta mong-đợi. Nhưng nó chỉ là một thứ mộng-mị, không thể giải-quyết được những vấn-đề trọng-đại và không thể đương-đầu được với những thế-lực lớn trong thế-giới hiện-đại, cũng không thể dẫn đưa ta vào con đường đúng-đắn. Còn đó khát-vọng tôn-giáo, còn đó nhu-cầu tìm múc sức mạnh tôn-giáo, cũng còn đó ý-thức chúng ta cần tôn-giáo và cuộc đời ta còn thiếu một cái gì. Đấy chắc-chắn là những điểm tích-cực, nhưng con người còn bị ràng-buộc bởi quá nhiều tự-tôn. Còn vắng bóng đức khiêm-cung sẵn-sàng chấp-nhận chân-lí, thứ chân-lí đòi-hỏi tôi, thứ chân-lí tôi không tự chọn-lựa.

 

Ngài có-thể nghĩ rằng con người có lẽ đang sống trong một kỷ-nguyên Ánh-sáng mới, một kỉ-nguyên mang lại những sáng-kiến tốt-đẹp, tự-do và chắp nối hai đầu của cái vòng bị đứt đoạn lại với nhau bằng cách đưa chiều-kích đức tin vào cuộc sống và tư-duy? Như thế hố An-rê[59] trong tâm-thức con người có thể được lấp lại, hố chia-cách giữa con người không còn nữa. Đây có thể là viễn-kiến về một cái toàn-thể mới, dĩ-nhiên toàn-thể này không thể không cần tới Thiên Chúa.

Người có đức tin luôn ấp-ủ hy-vọng như thế; họ hy-vọng sau thời đen-tối, mất sự toàn-vẹn, sẽ có cuộc trở về mới. Dĩ-nhiên đây là cuộc trở về hướng lên phía trước, như tôi đã trình-bầy. Ta không thể lùi lại thời xa-xưa. Ông cũng đã nói đến một sự toàn-vẹn mới, một thời Ánh-sáng mới, nghĩa là nói đến sự tìm lại cái cốt-yếu và nối-kết nó với cái mới. Nhưng theo tôi, niềm hy-vọng đó hãy còn lâu mới hiện-thực, bởi vì lực chia-rẽ tinh-thần còn quá lớn. Một đàng người ta mê-say trước viễn-tượng có thể có được cái toàn-vẹn, đàng khác người ta lại từ-khước nó. Thêm vào đó là sư sợ-hãi bị ràng-buộc bởi những cam-kết còn quá lớn. Tôi tin rằng ta sẽ còn phải chao-đảo một thời-gian khá lâu nữa. Nhưng đức Ki-tô sẽ ra tay, Ngài sẽ lướt thắng những mảng nhận-thức rời-rạc càng ngày càng làm cho cuộc sống thêm phân-tán để đem lại cho con người sự toàn-vẹn và hợp-nhất đến từ Thiên-chúa, qua đó sẽ chắp-nối lại cái vòng bị đứt đoạn. Phải cố đi tới trong chiều-hướng này, nhưng tôi không hi-vọng những chuyện đó sẽ xẩy ra trong tương-lai gần.

 

Tuy nhiên trong bài diễn-văn tại trụ-sở Liên-hiệp-quốc ở New York, năm 1995, giáo-chủ Gio-an Phao-lô II đã nói về một trật-tự thế-giới mới, cũng như về một niềm hy-vọng mới cho thiên niên-kỷ thứ ba: "Chúng ta sẽ thấy rằng nước mắt của thế-kỷ này đã dọn đường cho một mùa xuân mới của tinh-thần nhân-loại". Ngài hiểu thế nào về "mùa xuân mới" này? Phải chăng là một bản-sắc mới của con người?

Đấy là một vấn-đề khác. Quả thực Giáo-chủ nuôi hi-vọng là sau thiên niên-kỷ của phân-li chúng ta sẽ bước vào thiên niên-kỉ của hiệp-nhất. Theo viễn-kiến của ngài thì ngàn năm thứ nhất sau công-nguyên là ngàn năm của hiệp-nhất Ki-tô giáo - dĩ-nhiên cũng có những phân-li, như ta biết, nhưng vẫn luôn có sự hợp-nhất Đông Tây -, ngàn năm thứ hai là ngàn năm của những phân-li lớn và giờ đây, vào thời-điểm kết-thúc thiên niên-kỷ thứ hai, sau khi cùng nhau suy-tư cách nghiêm-túc, chúng ta có thể lại tìm lại sự hợp-nhất mới. Toàn-bộ nỗ-lực đại-kết của ngài đã được hình thành trong viễn-tượng mang tính triết-lí lịch-sử đó. Ngài xác-tín rằng công-đồng Vatican II đã đứng trong trào-lưu triết-lí lịch-sử đó, khi Công-đồng chấp-nhận và kêu-gọi thực-hiện đại-kết.

Tinh-thần đại-kết bừng lên trong công-đồng Vatican II có thể nói là dấu-chỉ ta đang tiến về sự hiệp-nhất mới. Như vậy giáo-chủ mang hoài-bão lớn rằng mỗi thiên niên-kỷ có một bộ mặt riêng; rằng tất-cả những đổ-vỡ và nước mắt của thế-kỷ này, như ngài nói, kết-cục sẽ được thu-góp lại để làm nên một cuộc khởi đầu mới. Phải tìm lại hợp-nhất nhân-loại, hợp-nhất tôn-giáo, hợp-nhất Ki-tô giáo, để thực-sự bắt đầu một thời-đại tươi-đẹp hơn. Cần có viễn-kiến. Đó là viễn-kiến tạo cảm-hứng và đẩy ta đi tới trong chiều-hướng này. Gio-an Phao-lô II quả thực đã lên đường với một nhiệt-tình không mệt-mỏi là nhờ sức mạnh của viễn kiến. Thật bất-hạnh nếu ta để cho những tính-toán tiêu-cực chi-phối, thay vì để cho viễn-kiến tích-cực và đầy ý-nghĩa chỉ đường cho ta biết phải làm gì và giúp ta can-đảm thực-hiện. Cái viễn-kiến hợp-nhất kia có thành-tựu được hay không lại là chuyện ta phải phó-thác cho Chúa. Hiện nay tôi thấy nó còn khá xa chúng ta.

 

--------------------------------------

[57] Ở Đức có tục đập vỡ chén dĩa vào buổi chiều trước ngày cưới: họ-hàng và thân-hữu mang chén dĩa, đồ sành sứ cũ tới ném vỡ inh-ỏi trước cửa nhà đôi tân-hôn. Người ta cho rằng mảnh sành vung-vãi la-liệt sẽ đem lại hạnh-phúc cho hai người.

[58] Tôn-giáo = religio, xuất-phát từ religare, có nghĩa là ràng-buộc

[59] Hố An-rê : tên một hố sâu dài khoảng 950 km, chạy qua sườn phía đông Los Angeles ra vịnh California hướng lên phía bắc , nơi hai mảng kiến-tạo địa-chất - mảng Thái-bình dương và mảng Bắc Mỹ - gặp và cọ-xát nhau, từng gây nhiều trận động đất.

 

 

Những trọng điểm phát-triển Giáo-hội - Giáo-hội, nhà-nước, xã-hội; Hồi giáo

Qua việc tách-rời Giáo-hội ra khỏi nhà-nước, thế-kỉ 19 đã coi đức tin là chuyện chủ-quan, vì vậy là chuyện riêng-tư của cá-nhân. Nhiều người cho rằng tiến-trình tục-hóa kéo dài sẽ đe-doạ tới sự sống-còn của đức tin và Giáo-hội. Cái thời nhà-nước áp-đặt luật-lệ trên Giáo-hội đã qua, phải chăng điều này kết cuộc là một cơ-may mới cho Giáo-hội và đức tin? Chính ngài từng nói rõ về điểm này: "Bản-chất tôn-giáo là phải tách-rời khỏi nhà-nước và nhà-nước không có quyền cưỡng-ép đức tin, đức tin đến từ xác-tín đạt được một cách tự-do ".

Chính nhờ Ki-tô giáo mà ý-tưởng tách rời nhà-nước và Giáo-hội nảy sinh. Trước đó hai thực-thể này hoà lẫn vào nhau. Mọi nền văn-hóa cổ đều quan-niệm nhà-nước mang bản-chất thần-thánh và là giám-hộ đích-thực và tối-cao của thế-giới thần-linh. Lịch-sử tiền Ki-tô giáo thời Cựu-ước cũng thế. Ở Do-thái thoạt đầu hai thực-thể đó nhập thành một. Mãi tới khi đức tin của Do-thái bộc-phát ra từ lòng dân để trở thành đức tin của muôn dân, lúc đó đức tin mới thoát khỏi sự đồng-hóa với chính trị và trở thành yếu-tố đứng trên những chia-cách và dị-biệt chính-trị. Đó chính là điểm xung-khắc giữa Ki-tô giáo và Đế-quốc Rôma. Nhà-nước Rôma thời đó nhân-nhượng các tôn-giáo ngoài quốc-giáo, nhưng chỉ với điều-kiện là các tôn-giáo này phải chấp-nhận tôn-thờ nhà-nước như là quyền-lực kết-hợp mọi thần-linh dưới sự che-chở của Rôma cũng như chấp-nhận quốc-giáo như vòng tay bao-che tối-thượng trên mọi tôn-giáo đó.

Ki-tô giáo không chấp-nhận điều đó. Nó lột mất tính-chất thần-thánh của nhà-nước và như vậy nó làm đảo-lộn không những cơ-cấu nền-tảng của Đế-quốc Rôma, mà cả trật-tự của toàn thế-giới thời đó. Như thế, sự tách-rời tôn-giáo và nhà-nước nói cho cùng là một di-sản có nguồn-gốc nguyên-thủy Ki-tô giáo và cũng là yếu-tố quyết-định của tự-do. Với sự tách-biệt đó nhà-nước không còn là quyền-lực thần-thánh nữa, song chỉ là một tổ-chức bị giới-hạn bởi đức tin; với đức tin này người ta không tôn-thờ nhà-nước, nhưng tôn-thờ một Thiên Chúa là đấng đối-đầu và xét-xử nhà-nước. Đó là điểm mới-mẻ. Dĩ-nhiên nó có thể mặc những hình-thái khác nhau tùy thể-chế của mỗi xã-hội. Trong ý nghĩa đó, sự phát-triển của mô-hình tách-biệt nhà-nước khỏi Giáo-hội từ thời Ánh-sáng trở đi được xem là tích-cực, nhưng đồng thời nó lại tiêu-cực ở chỗ Thời-mới đóng khung tôn-giáo vào lãnh-vực chủ-quan - như vậy lại ban cho nhà-nước quyền-bính tuyệt-đối, đó là điểm nổi bất trong tư-tưởng của Hegel.

Một đàng Ki-tô giáo, ít là vào buổi đầu, không hề muốn coi mình là quốc-giáo, mà chỉ muốn khác-biệt với nhà-nước. Ki-tô giáo sẵn-sàng cầu-nguyện cho hoàng-đế, nhưng không thờ-lậy hoàng-đế. Đàng khác Ki-tô giáo luôn công-khai nêu rõ lập-trường nó không chỉ là tình-cảm chủ-quan, - Faust[60] nói: "Tình-cảm là tất-cả", nhưng là chân-lí loan-truyền cho đại-chúng, cống-hiến những tiêu-chuẩn sống, và trong chừng-mực nào đó ràng-buộc cả nhà-nước và các thế-lực trên thế-giới. Như vậy tôi nghĩ rằng, Thời-mới có cái tiêu-cực là chủ-quan-hóa tôn-giáo, song đồng thời nó cũng mang khía-cạnh tích-cực là tạo cơ-may cho Giáo-hội sinh-hoạt tự-do trong nhà-nước tự-do, nếu muốn dùng kiểu diễn-tả này. Đây là cơ-may để đức tin trở nên sống-động hơn, vì nó được sống sâu-xa hơn và dưa trên xác-tín tự-do hơn ; nhưng dĩ-nhiên nó phải cố-gắng chống lại cái chủ-quan-hóa và không ngừng cố-gắng đưa tiếng nói mình vào đại-chúng.

 

Pier Paolo Pasolini[61] cho rằng Giáo-hội có cơ-may sống-còn khi có cái nhìn dị-biệt và giữ thế đối-lập không khoan-nhượng với trần-thế. Ông viết trong thư gửi giáo-chủ Phao-lô VI vào muà hè 1977: "Trong khung-cảnh của một viễn-tượng cực-đoan, có lẽ ảo-tưởng hoặc hướng về tận-thế, Giáo-hội biết rõ mình phải làm gì để tránh cái chết không vinh-quang : đó là đi vào đối-lập. Trong một cuộc chiến-đấu như thế, với kinh-nghiệm truyền-thống lâu dài chống lại thế-quyền của các giáo-triều xưa, Giáo-hội có thể tập-hợp được tất-cả những thế-lực không chịu khuất-phục trước sự thống-trị mới của hưởng-thụ. Bằng cách trở về nguồn, đi vào đối-lập và phản-kháng, Giáo-hội có thể trở thành một biểu-tượng ".

Có nhiều cái đúng trong lời phát-biểu đó. Tính-cách không hợp thời của Giáo-hội một đàng nói lên thế yếu của mình, - Giáo-hội bi gạt ra lề – đàng khác có thể lại là thế mạnh của Giáo-hội. Có lẽ con người cảm được rằng, để chống lại hệ tư-tưởng tầm-thường đang ngự-trị trên thế-giới, cần phải có đối-lập và Giáo-hội có thể trở thành hiện-đại bằng cách không chạy theo lối sống hiện-đại, lên tiếng chống lại trào-lưu tư-tưởng chung. Giáo-hội mang sứ-mạng ngôn-sứ phản-kháng và nó phải có can-đảm đóng đúng vai-trò đó. Chính cái can-đảm nói lên sự thực là sức mạnh lớn của Giáo-hội, cho dù lúc đầu nó có vẻ tác hại, làm mất vẻ dễ mến của Giáo-hội, đẩy Giáo-hội tới chỗ cô-lập.

Tuy nhiên tôi không muốn bao-quát giới-hạn sứ-mạng Giáo-hội vào vai-trò đối-lập. Giáo-hội luôn tham-gia vào những việc xây-dựng tích-cực. Giáo-hội sẽ luôn tìm cách hành-động tích-cực, để mọi chuyện được thi-hành đúng-đắn. Nghĩa là, để bảo-vệ cái cốt-yếu của mình, Giáo-hội không được phép thu mình vào vai-trò đối-lập toàn-diện, nhưng phải biết cân-nhắc kĩ, ở đâu cần phản-kháng, ở đâu cần tiếp tay, ở đâu cần tiếp sức và chung vai sát cánh, ở đâu phải nói có và ở đâu nói không.

 

Đại-kết và hiệp-nhất

Ngài từng nói, đối với giáo-chủ Gio-an Phao-lô II sự hợp-nhất ki-tô-hữu là một viễn-ảnh lớn của thiên niên-kỷ sắp kết-thúc. Giáo-hội Công giáo Rôma đã đi bước mở màn, tổ-chức những cuộc đối-thoại liên tôn trên bình-diện thần-học. Trong thông-điệp "Để họ nên một » về vấn-đề đại-kết, công-bố vào tháng 5.1995, Giáo-chủ bầy-tỏ hy-vọng "Trước thềm thiên niên-kỷ mới…, một thời-điểm vô cùng đặc-biệt…, ước gì tất-cả ki-tô-hữu sẽ hợp-nhất thành một cộng-đoàn chung". Bởi vì "phân-rẽ rõ-ràng là trái với ý đức Kitô, là một cái gai cho thế-giới…". Việc hợp-nhất Ki-tô giáo này có thể đạt được không? Bởi vì trong thông-điệp vừa dẫn, Giáo-chủ cũng viết, phải tuyệt-đối "tránh mọi hình-thức giảm-thiểu hay đồng ý hời-hợt".

Câu hỏi về mô-hình hợp-nhất là một câu hỏi lớn và hóc-búa. Trước hết phải hỏi: Cái gì có thể? Chúng ta được phép hy-vọng gì và không nên hy-vọng gì? Câu hỏi thứ hai: Cái gì thực-sự tốt? Tôi không dám hy-vọng về một sự hợp-nhất Ki-tô giáo tuyệt-đối trong dòng lịch-sử. Chúng ta thấy đó, trong khi ngày nay đang có những cố-gắng hợp-nhất, thì lại tiếp-diễn từng mảng đổ-vỡ. Không phải chỉ có những giáo-phái mới tiếp-nối xuất-hiện, trong đó có những giáo-phái hỗn-tạp pha-trộn nhiều yếu-tố đa thần phi Ki-tô giáo, nhưng nhất là những đổ-vỡ trầm-trọng hơn ngay trong những giáo-hội Cải-cách cũng như trong các giáo-hội Chính-thống. Trong các giáo-hội Cải cách hố phân-rẽ giữa cánh nặng tinh-thần Phúc-âm và những phong-trào tân-thời ngày càng lún sâu (cả trong giáo-hội Tin-lành Đức ta thấy hai hệ-phái đang lìa xa nhau như thế nào). Giáo-hội Chính-thống, vì tính-cách độc-lập của mỗi giáo-hội quốc-gia, vốn đã ít thống-nhất, cũng có những làn sóng phân-li, cũng bị tác động bởi cùng một loại men. Ngay trong giáo-hội Công giáo cũng có những rạn-nứt sâu-xa, đến độ người ta đôi khi có cảm-tưởng hai giáo-hội hiện-diện trong một Giáo-hội.

Phải nhìn cả hai mặt, một đàng các giáo-hội Ki-tô giáo đang cố-gắng xích lại gần nhau, đàng khác những đổ-vỡ nội-bộ vẫn đồng thời xẩy ra. Nên tránh những hy-vọng hão-huyền. Quan-trọng là luôn nhắm vào cái cốt-lõi. Mỗi người cố-gắng vượt ra khỏi chính mình và dùng đức tin mà nắm lấy những gì thực-sự chủ-yếu. Nếu không bị đổ-vỡ thêm và nếu ta hiểu ra, mặc dù còn phân-li, ta vẫn có thể hợp-nhất trong nhiều điểm là ta đã đạt được nhiều rồi. Tôi không tin chúng ta sẽ mau-chóng đạt tới một "liên-hiệp tôn-giáo" lớn. Nhưng còn một chuyện quan-trọng hơn, đó là ta chấp-nhận nhau trong sự kính-trọng và yêu-thương, chấp-nhận cùng là ki-tô-hữu với nhau; và trong những điểm cơ-bản, cố-gắng cùng nhau làm chứng cho Tin-mừng, góp phần làm đẹp bộ mặt thế-giới và trả lời cho những vấn-nạn lớn về Thiên Chúa, về nguồn-gốc xuất-phát và đích điểm của con người.

 

Hồi giáo

Sự hiểu biết lãng-mạn về Đông phương đưa đến việc đổ đồng hình-ảnh Đông phương và Hồi giáo, một hình-ảnh không luôn phù-hợp với thực-tế. Nhưng không thể không thấy Hồi giáo coi những giá-trị của mình khác hẳn từ nền tảng với những giá-trị trong xã-hội tây phương. Chỉ xét nguyên chỗ đứng cá-nhân hoặc sự bình đẳng nam nữ đã thấy đông tây đánh-giá khác hẳn nhau. Những cuộc ném bom khủng-bố của các nhóm hồi giáo quá-khích đang làm giảm uy-tín Hồi giáo ; cả ở Âu châu càng ngày càng sợ bọn giết người cuồng-tín đó. Ai cũng biết là cần phải có nhiều nỗ-lực tìm hiểu đả-thông giữa các nền văn-hoá. Nhưng trên nền-tảng nào?

Câu hỏi thật khó. Tôi nghĩ trước hết phải biết Hồi giáo không phải là một thực-thể thống-nhất. Nó cũng không có thẩm-cấp thống-nhất, vì thế đối-thoại với Hồi giáo luôn là đối-thoại với những nhóm nhất-định nào đó. Không ai có thể nói thay cho toàn-thể Hồi giáo. Có thể nói Hồi giáo không có qui-luật chính-thống chung. Ngoài hai phái chính Su-nít và Si-ít[62] thực sự phân-li, còn có nhiều phái khác nữa. Có một Hồi giáo "cao-quí" với đại-diện điển-hình là quốc-vương nước Ma-rốc, cũng có một Hồi giáo quá-khích, khủng-bố, nhưng ta không nên đồng-hóa nó với toàn-thể Hồi giáo, vì làm như vậy thật là bất công.

Điểm quan-trọng Ông cũng đã nói tới là Hồi giáo nói chung có mô-hình tổ-chức xã hội, chính trị và tôn-giáo khác hẳn ta. Khi người phương tây ngày nay bàn về khả-năng thiết-lập các phân-khoa thần-học Hồi giáo hoặc về ý-kiến coi Hồi giáo như một pháp-nhân công-quyền, người ta giả-thiết rằng, mọi tôn-giáo đều có cơ-cấu giống nhau, đều chấp-nhận một hệ-thống dân-chủ với những qui-chế luật-pháp và những môi-trường tự-do được qui-định bởi qui-chế này. Nhưng bản-chất Hồi giáo mâu-thuẫn với điểm này. Hồi giáo tuyệt-đối không chấp-nhận việc tách rời chính-trị với tôn-giáo, như Ki-tô giáo từ đầu vẫn chủ-trương. Koran là bộ luật tôn-giáo toàn-trị, qui-định toàn-thể đời sống chính-trị và xã-hội, cũng như áp-đặt qui-luật hồi giáo lên cuộc sống cá-nhân. Luật Sharia in dấu lên xã-hội từ đầu đến cuối. Như vậy Hồi giáo có thể sử-dụng một số quyền tự-do theo như hiến-pháp của ta qui-định, nhưng cùng đích của Hồi giáo không thể là : vâng, bây giờ chúng tôi cũng là một pháp-nhân công-quyền, bây giờ chúng tôi cũng hiện-diện như những người Công giáo và Tin-lành. Đó chưa thực-sự là đích điểm của Hồi giáo, nó hãy còn xa-lạ với tôn-giáo này.

Hồi giáo có quan-niệm về toàn-thể luật-pháp khác hẳn, nó bao trùm tất-cả, luật-lệ của Hồi giáo khác hẳn ta. Nữ giới hoàn-toàn lệ-thuộc nam giới; hình-luật cũng như mọi liên-hệ trong cuộc sống đều được qui-đinh nghiêm-khắc và trái ngược với những quan-niệm trong xã-hội tân-tiến của ta. Phải thấy rõ rằng, đây không phải là một tôn-giáo có thể thu-nạp vào môi-trường tự-do của xã-hội đa nguyên. Ngày nay đôi khi chúng ta cứ nhìn Hồi giáo theo mô-hình Ki-tô giáo, chứ không theo bản-chất của đạo này. Vấn-đề đối-thoại với Hồi giáo như vậy dĩ-nhiên phức-tạp hơn nhiều so với đối-thoại với các giáo-hội Ki-tô giáo.

 

Cũng có thể hỏi ngược lại: Sự lớn mạnh toàn-cầu của Hồi giáo có ý-nghĩa gì đối với Ki-tô giáo?

Sự lớn mạnh này là một hiện-tượng nhiều mặt. Một mặt là khía-cạnh tài-chính. Sức mạnh tài-chính các nước Ả-rập đạt được cho phép họ dựng nguyện đường hồi giáo lớn khắp nơi, nuôi-dưỡng được những viện văn-hóa hồi giáo và những việc tương-tự khác. Nhưng đây mới chỉ là một yêu-tố. Yếu-tố thứ hai là căn-tính của Hồi giáo trở nên vững-mạnh hơn, họ đạt đươc một niềm tự-tin mới.

Trong bối-cảnh văn-hóa thế-kỷ 19 và tiền bán thế-kỷ 20, nghĩa là tới khoảng thập niên 60, những nước Ki-tô giáo tiến-bộ vượt bậc về kỹ-nghệ, văn-hóa, chính-trị và quân-sự, khiến Hồi giáo bị đẩy xuống hàng thứ yếu, và Ki-tô giáo, hay ít ra những nền văn-hóa dựa trên nền-tảng Ki-tô giáo, hiện-diện như thế-lực chiến-thắng trong lịch-sử thế-giới. Nhưng rồi bùng-nổ cuộc khủng-hoảng luân-lí rộng-lớn trong thế-giới tây phương, vốn được coi là thế-giới Ki-tô giáo. Đứng trước những mâu-thuẫn luân-lí sâu-xa và sự mất hướng trong thế-giới tây phương, đồng thời với sức mạnh kinh-tế của các nước Ả-rập, hồn Hồi giáo bừng tỉnh: Chúng tôi đây cũng là ai, căn-tính của chúng tôi tốt hơn, tôn-giáo chúng tôi đứng vững, còn các bạn chẳng còn gì nữa.

Đó là cảm-quan của thế-giới Hồi giáo hôm nay: Các nước tây phương không có những thông-điệp luân-lí để truyền đi nữa, họ chỉ còn có thể cống-hiến cho thế-giới những hiểu-biết chuyên-môn; Ki-tô giáo đã thoái-trào, nó không tồn-tại như một tôn-giáo nữa; ki-tô-hữu chẳng còn luân-lí và niềm tin nữa, họ chỉ còn rơi-rớt đâu đây dăm-ba ý-tưởng tân-tiến của thời Ánh-sáng; nhưng Hồi giáo chúng tôi vẫn đứng vững.

Như vậy người Hồi giáo ngày nay nghĩ rằng, tôn-giáo họ kết cuộc là tôn-giáo có sức sống mạnh hơn, có nhiều điều để nói cho thế-giới và là sức mạnh tôn-giáo nền-tảng của tương-lai. Trước kia luật Scharia và những gì liên-quan đã chìm trong bóng tối, nay niềm tự hào có dịp trổi-dậy. Từ đó bừng lên một đà sống mới với cường-độ mới mà Hồi giáo muốn sống. Sức mạnh lớn của họ là đây : Chúng tôi có một thông-điệp luân-lí, nó tồn-tại liên-tục từ thời các tiên-tri và chúng tôi sẽ chỉ cho thế-giới biết phải sống ra sao. Những tín-hữu Ki-tô nhất-định không làm nổi chuyện này. Hẳn ta phải đương-đầu với sức mạnh nội-tại mới này của Hồi giáo, một sức mạnh làm mê-hoặc cả môi-trường đại-học.

 

----------------------------------

[60] Faust là tên một nhân-vật trong vở kịch cũng có tên là Faust của Wolfgang Goethe, văn-hào Đức (1749-1832).

[61] Pasolini , nhà văn và đạo-diễn phim người Ý

[62] Su-nít là thành-phần Hồi giáo đa-số chiếm hơn 90% tín-hữu trung-thành với những lời dạy chính-thống của giáo-tổ Mô-ha-mét được ghi trong sách Sunna. Si-ít là phái thiểu-số, là “Đảng của Ali”, con rể của Mô-ha-mét.

 

 

Do-thái giáo - Một công đồng đồng chung mới

 

Do-thái giáo

Ta hãy đi vào điểm có lẽ quan-trọng nhất trong bảng liệt-kê thứ-tự này. Suốt một thời-gian dài người ta cho rằng tranh-chấp giữa Do-thái giáo và Ki-tô giáo đã tiềm-ẩn sẵn trong chỗ sâu-xa nhất của tôn-giáo. Ngày nay vị trưởng Bộ đức tin Công giáo lại xác-nhận: "Ngôi sao chỉ về hướng Giê-ru-sa-lem. Nó lặn đi và tái xuất-hiện trong lời Chúa, trong Thánh-kinh Do-thái." Thế nghĩa là gì? Phải chăng là một quan-hệ hoàn-toàn mới đối với Do-thái giáo?

Chúng ta chắc-chắn phải sống và suy-tư về mối liên-hệ với Do-thái giáo một cách hoàn-toàn mới, và chuyện đó đang xẩy ra. Sự khác-biệt giữa hai tôn-giáo sẽ không vì thế mà chấm dứt, nhưng có thể chúng ta còn cảm-nhận nó một cách nào đó thấm-thía hơn. Nhưng chúng ta phải sống sự khác-biệt này trên căn bản tương-kính và tương-thân. Chúng ta đang trên đường hướng tới đích này. Tôi muốn nói, qua Thánh-kinh Cựu-ước, vốn là một phần Thánh-kinh Ki-tô giáo, luôn-luôn có mối quan-hệ thân-tộc giữa Ki-tô giáo và Do-thái giáo. Nhưng chính cái sở-hữu chung này lại là đầu mối chia-rẽ, vì người Do-thái có cảm-tưởng rằng chúng ta lấy cắp Thánh-kinh và không sống theo Thánh-kinh. Họ mới là sở-hữu chủ thực-sự. Ngược lại, một đàng phía Ki-tô giáo có cảm-tưởng người Do-thái đọc sai Thánh-kinh Cựu-ước; người ta chỉ đọc nó đúng trong cái nhìn mở ra hướng về đức Kitô. Có thể nói người Do-thái tự đóng kín nên đi lạc hướng. Hiểu như thế thì việc sở-hữu Thánh-kinh Cựu-ước mở đường cho Ki-tô giáo chống Do-thái, đi đến chỗ phát-biểu: Quí vị có Thánh-kinh, nhưng quí vị dùng nó không đúng, quí vị phải xét lại.

Đàng khác, từ thế-kỷ thứ hai, trong Ki-tô giáo luôn có phong-trào muốn loại Thánh-kinh Cựu-ước hay ít ra giảm thiểu ý-nghĩa của nó. Tuy ý-hướng này chưa bao giờ trở thành giáo-huấn chính-thức của Giáo-hội, nhưng đó đây trong Ki-tô giáo có phần coi nhẹ giá trị Thánh-kinh Cựu-ước. Dĩ-nhiên nếu chỉ đọc riêng-rẽ vài khoản luật hoặc những câu chuyện tàn-ác, người ta có thể nẩy ra ý-nghĩ Thánh-kinh của ta không thể là những thứ sách như vậy được; và từ đó sinh ra thái-độ bài Do-thái nơi Ki-tô giáo. Vào Thời-mới, khi Ki-tô giáo bỏ lối chú-giải bóng-gió, lối mà các giáo-phụ đã dùng để « Ki-tô giáo hoá » Thánh-kinh Cựu-ước, thì một thái-độ lãnh-đạm mới đối với bộ sách lại nẩy sinh; chúng ta phải học lại cách đọc nó cho đúng.

Ta phải sống cách mới-mẻ cái tương-quan thân-thuộc qua lịch-sử chung Abraham, nó vừa là đầu mối chia-cách, vừa là nguồn quan-hệ tương-thân. Phải kính-trọng chấp-nhận người Do-thái không đọc Thánh-kinh Cựu-ước với cái nhìn hướng về đức Ki-tô như ta, nhưng hướng về một vị sẽ tới mà họ chưa biết là ai, như vậy niềm tin của ta và họ đều chung một hướng. Ngược lại ta hy-vọng người Do-thái hiểu cho rằng, mặc dầu ta nhìn Thánh-kinh Cựu-ước dưới ánh sáng khác, nhưng ta cũng cố-gắng cùng với họ sống niềm tin của Abraham và như thế có thể sống với tâm-tình hướng về nhau.

 

Tại sao Vatican chờ-đợi rất lâu trước khi công-nhận quốc-gia Do-thái?

Sự thành-lập quốc-gia Do-thái sau đệ nhị thế-chiến phù-hợp với một nghị-quyết của Liên-hiệp-quốc và với quyền của người Do-thái có một quốc-gia riêng, trên một phần đất riêng. Nhưng việc ấn-định biên-giới lại gây tranh-chấp về mặt quyền-lợi các dân-tộc. Như ta biết, một làn sóng dân Ả-rập phải rời khỏi quốc-gia mới thành-lập và có thể nói họ phải sống xen kẽ giữa nhiều quốc-gia trong hoàn-cảnh hết sức khó-khăn và khó xử. Trong những trường-hợp như thế Vatican thường chờ cho tới khi mọi khúc-mắc pháp-lí được sáng-tỏ. Trường-hợp Đông Đức cũng thế. Vatican chỉ thiết-lập ở đó các giáo-phận mới, sau khi thủ-tướng Brandt với chính-sách đông-âu của ông đã giải-quyết ổn-thoả những tranh-chấp giữa Ba-lan và Đức. Ai cũng biết Vatican chưa bao giờ đặt quan-hệ ngoại-giao với Đông Đức. Ở Do-thái còn có thêm vấn-đề Giê-ru-sa-lem: Có thể chấp-nhận một thành-phố linh-thiêng của ba tôn-giáo nay trở thành thủ-đô riêng của một quốc-gia vốn nghiêng về một tôn-giáo hay không là vấn-đề không sáng-tỏ. Ở đây Vatican cũng đã phải chờ tới khi mọi chuyện được giải quyết. Sau hết cũng cần phải có một qui-chế rõ-ràng về vị-trí pháp-lí cuả ki-tô-hữu và những cơ-sở Ki-tô giáo trên phần đất quốc-gia mới.

 

Ngày nay cả trong Giáo-hội cũng chấp-nhận đức Ki-tô là người Do-thái. Vậy thay vì nói "Thiên Chúa đã làm người", ta có thể nói "Thiên Chúa đã làm người Do-thái" được không? Phải chăng cuối cùng rồi đạo Ki-tô cũng phải chấp-nhận Do-thái giáo trong sứ-mạng lịch-sử của nó?

Điểm quan-trọng trước hết là phải ý-thức rõ rằng, đức Ki-tô là người Do-thái. Tuy nhiên tôi muốn nói thêm điều này. Tôi cắp sách đến trường dưới thời Đức quốc-xã và hồi đó tôi thấy nơi những "ki-tô-hữu Đức" khuynh-hướng muốn biến đức Ki-tô thành "người Arier"[63]. Họ cho rằng đức Giê-su là người Galilêa, nên rõ ràng chẳng phải là người Do-thái. Để chống lại khuynh-hướng đó, trong giờ giáo-lí cũng như trong các bài giảng có những tiếng nói cương-quyết: Đấy là nguỵ-tạo, Đức Ki-tô là con Abraham, con Đa-vít, là ngưòi Do-thái; đó là lời hứa cuả Thiên-chuá và là điều chúng ta tin.

Đấy là điểm quan-trọng nối-kết những người Ki-tô và Do-thái với nhau. Vì thề câu nói « Thiên Chúa đã làm người » rất quan-trọng và đúng. Tân-ước cho chúng ta hai gia-phả về đức Giêsu, một chi-tiết cần lưu-ý. Gia-phả theo Mát-thêu tìm về tới Abraham và cho biết Giê-su là con Abraham, con Đa-vít và, như vậy, lời hứa với dân Do-thái đã được thực-hiện. Gia-phả theo Lu-ca trở về tận Adam và diễn-tả Giê-su như một con người thuần-tuý. Đây là điểm hết sức hệ- trọng: Đức Giê-su là người và cuộc sống cũng như cái chết của Ngài có giá-trị cho mọi người. Chính di-sản đức tin Abraham biến di-sản lời hứa thành di-sản chung cho toàn-thể nhân-loại. Vì thế câu nói đơn-sơ, nhưng nền-tảng "Thiên Chúa đã làm người" trước sau rất quan-trọng. Sau hết phải thêm điểm thứ ba: Đức Giêsu, một người Do-thái trung-thành giữ luật, cũng đã vượt ra khỏi khuôn-khổ Do-thái giáo và muốn giải-thích lại toàn-bộ di-sản bằng cách lồng chúng vào một sự trung-tín mới, rộng-lớn hơn. Đây lại là điểm gây tranh-chấp. Nhưng cũng là đề-tài của nhiều cuộc đối-thoại bổ-ích. Đặc-biệt tôi muốn nhắc tới cuốn sách rất hay của Jakob Neusner, một giáo-sĩ do-thái người Mỹ, người đã mở một cuộc đối-thoại đứng-đắn với đề-tài bài giảng trên núi. Ông thẳng-thừng vạch ra những điểm đối-chọi, nhưng nói ra với tình yêu đại-độ và cuối cùng qui về điểm tương-đồng là cùng nhau hướng về Thiên Chúa hằng-sống. Vì thế, không nên che-đậy những điểm bất đồng. Làm như vậy là sai, bởi vì con đường vòng-vo né tránh chân-lí không bao giờ là con đường dẫn đến hòa-bình. Những xung-khắc vẫn còn đó. Điều ta phải học là tìm ra tình yêu và hòa-bình ngay chính trong những điểm xung-khắc.

 

Vụ diệt chủng Do-thái không xẩy ra trong thời của Giáo-hội, nhưng vào lúc Giáo-hội đã mất hết ảnh-hưởng trên lòng người. Tuy nhiên trước sau vẫn phải thảo-luận và đặt câu hỏi, tại sao thảm-họa này có thể xẩy ra trên vùng đất Ki-tô giáo. Người công giáo đã không ngăn-chặn cuộc tàn-sát người Do Thái; có thể không bao lâu nữa con số người công giáo ở Âu châu sẽ thụt xuống dưới con số người Do-thái trước đại-chiến.

Ông có lí nêu lên điểm này. Đây là một đề-tài và vết đen lớn. Điều quan-trọng cần ghi nhận là vụ diệt chủng Do-thái không do ki-tô-hữu gây nên nhân danh đức Kitô, nhưng do phe bài Ki-tô giáo và phải coi là màn chuẩn-bị cho cuộc tiêu-diệt Ki-tô giáo. Chính tôi đã sống thời này ở tuổi thiếu-niên. Người ta không ngừng nói đến việc Ki-tô giáo bị Do-thái hóa và Ki-tô giáo, nhất là Công giáo, Do-thái hóa dân-tộc Đức. Tại München, sau đêm thuỷ-tinh[64], toà tổng giám-mục bị ồ-ạt tấn-công vào ban ngày. Khẩu-hiệu lúc đó là: "Sau Do-thái đến lượt bạn của Do-thái". Ngày nay, trong nhiều nguồn sử-liệu, chẳng hạn trên tờ « Stürmer »[65], người ta đọc được là Ki-tô giáo, đặc-biệt Công giáo, bị coi như phương-tiện người Do-thái dùng trong mưu-toan đoạt quyền-lực - họ dùng từ "Do-thái hóa dân-tộc Đức"-, vì thế muốn hoàn-toàn khống-chế người Do-thái, có ngày phải loại-bỏ hẳn thứ Ki-tô giáo đang có như hiện nay, để dựng nên cái gọi là Ki-tô giáo tích-cực của Hitler.

Không nên bỏ qua điểm quan-trọng này: Việc Hitler diệt Do-thái hàm-chứa tính-toán bài Ki-tô giáo. Tuy nhiên điểm này không mảy-may thay-đổi sự-kiện những kẻ chịu trách-nhiệm trong vụ này là những người đã lãnh phép rửa. Mặc dầu SS[66] là tổ-chức tội-phạm của những kẻ vô thần, và dù không mấy ai trong hàng-ngũ họ là tín-hữu Ki-tô còn giữ đạo, nhưng ít nhất họ đã lãnh phép rửa. Tinh-thần bài Do-thái nơi Ki-tô giáo đã phần nào đóng vai-trò dọn đường ; đó là điểm ta không thể phủ-nhận. Phong-trào bài Do-thái đã từng xẩy ra ở Pháp, Áo, Phổ, ở khắp nơi; đấy có thể là gốc-rễ của vấn-đề. Đây là một lí-do buộc ta không ngừng tự-vấn lương-tâm.

 

Phải chăng người Do-thái trước sau vẫn là một vấn-đề then-chốt cho tương-lai thế-giới, như được chép trong Kinh-thánh?

Tôi không rõ ông nói đến đoạn nào trong Kinh-thánh. Dù sao, với tư-cách là những người đầu-tiên mang lời hứa – giai-đoạn lịch-sử lớn và nền-tảng của Kinh thánh đã xẩy ra nơi dân-tộc này - họ chiếm vị-trí trung-tâm trong lịch-sử thế-giới. Người ta có thể nói, một dân-tộc nhỏ-bé như vậy làm sao có thể có tầm quan-trọng đến thế được. Nhưng tôi nghĩ, trong mọi thời-đại, đặc-biệt ngày nay, ta thấy có cái gì đặc-biệt nơi dân-tộc này và những quyết-định lớn của lịch-sử thế-giới đều cách này hay cách khác có liên-quan tới họ.

 

Một công-đồng chung mới?

Một công-đồng chung mới xem ra đã từ lâu diễn-ra bên ngoài Vatican. Người ta vứt bỏ những thông-điệp cứu-độ và khắp nơi người ta đã định-nghĩa lại những định-đề của đức tin. Giáo-hội có cần một công-đồng Vatican III để giải-tỏa tất-cả và vạch ra hướng đi không?

Tôi thiết-tưởng chuyện đó không xẩy ra trong tương-lai gần. Tôi kể cho ông một câu chuyện. Có lần vị hồng-y Hồi-quốc Cordeiro thuật cho tôi câu chuyện sau đây: Một hôm ngồi gần nhau trong một công-nghị, có mặt hồng-y Döpfner[67], có người lên tiếng: "Chà, thế nào cũng phải có công-đồng Vatican III". Hồng-y Döpfner hốt-hoảng giơ cả hai tay lên : « Không thể xẩy ra bao lâu tôi còn sống ». Như vậy, với hồng-y Döpfner, thì một công-đồng cũng đã đủ rồi. Rõ-ràng ngài xác-tín Công-đồng là những kinh-nghiệm chỉ thu-thập được sau khoảng thời-gian dài.

Thực-tế chứng-tỏ công-đồng là một biến-cố gây đảo-lộn lớn trong Giáo-hội, cần rất nhiều thời-gian mới giải-quyết xong các xáo-trộn này. Còn lâu chúng ta mới thực-hiện được hết những điều của công-đồng Vatican II, một công-đồng Vatican III cũng không phải là giải-pháp tốt để đạt đích này.

Cái diễn ra đều-đặn là những thượng hội-đồng giám-mục. Tôi nghĩ, đây là phương-tiện thích-hợp và thực-tế hơn. Mỗi lần như thế, với trên dưới 200 giám mục đại-diện năm châu, các ngài phải và có thể cùng nhau giải-quyết tình-hình hiện-tại. Một công-đồng chung, xét nguyên mặt tổ-chức không thôi, đã là một chuyện khó giải-quyết rồi. Có tới ba, bốn ngàn giám-mục tham-dự. Đó là một lượng khổng-lồ; với số-lượng này khó có được sự trao-đổi đúng nghĩa và đối-thoại đích-thực. Để soạn-thảo được những hiến-chế bổ-ích, cần được chuẩn-bị từ nội-bộ. Công-đồng không phải là cái máy đột-ngột sản-xuất các quyết-nghị đúng-đắn, rồi mọi chuyện sau đó cứ thế mà tiến. Trái lại công-đồng chỉ có thể thu-góp những gì đang sống-động và sắp-đặt lại thành nghị-quyết. Như vậy cần nhẫn-nại chờ-đợi sự-việc phát-triển, nhẫn-nại chờ thời-gian để những cái sống-động được dần-dà hình thành, trước khi làm nên những nghị-quyết và văn bản dưới hình-thức pháp-lí.

Vì thế đừng coi công-đồng như bất cứ một loại thần dược nào. Trái lại công-đồng thường tạo nên những khủng-hoảng; những khủng-hoảng này dĩ-nhiên phải trở thành những liều thuốc bổ-ích. Hiện thời chúng ta đang bận lo giải-quyết công-đồng Vatican II.

 

------------------------------------

[63] Quốc-xã Đức coi Arier là nguồn giống dân Đức, một giống vượt trội trên các giống dân khác.

[64] Đêm thuỷ-tinh (Reichskristallnacht): đêm mồng 9 rạng mồng 10 tháng 11.1933 những cơ-sở thương-mại và thờ-tự, nghĩa-trang và cả tư-gia của người Do-thái bị Đức quốc-xã phá đổ, phóng hoả và cướp bóc, khởi đầu cuộc tiêu-diệt Do-thái ; từ thuỷ-tinh ám-chỉ mảnh kính thuỷ-tinh đổ vương-vãi nơi các nhà bị tàn-phá.

[65] Stürmer (Quân tiền-phong), tên một tuần báo phát-hành năm 1923, bị đình bản năm 1945, chủ-trương bài Do-thái, dùng ngôn-ngữ đơn-sơ và mị-dân lôi kéo thành-phần thợ-thuyền và nông-dân ủng-hộ việc tiêu-diệt Do-thái.

[66] Schutzstaffel (SS): tổ-chức công-an mật-vụ thời Quốc-xã

[67] Döpfner (1913-1976), hồng-y người Đức, là một trong bốn điều-hợp viên công-đồng Vatican II

 

 

Tương-Lai Giáo-hội – Giáo Hội Tương Lai - Tái khám phá điểm trung dung & Những viễn ảnh của Giáo hội mới


Tương-lai Giáo-hội – Giáo-hội tương-lai

Thưa Hồng-y, trong thế-kỷ XX này người ta còn có thể chờ-đợi từ triều giáo-chủ hiện thời những hướng-dẫn mới có tính-cách mở đường và những thay-đổi mới cho tương-lai Giáo-hội không? Chẳng hạn như những cải-cách nội-bộ của Giáo-hội. Nếu có, ngài nghĩ tới những bước đi nào?

Tôi tin rằng đương-kim Giáo-chủ sẽ còn ra nhiều thông-điệp. Tôi nghĩ ngài đang trăn-trở rất nhiều về chuyện hợp-nhất Ki-tô giáo và đối-thoại liên tôn. Rồi còn các vấn-đề đạo-đức xã-hội và chính-trị. Và trên hết, lãnh-vực then-chốt chính là Tin-mừng; phải liên-tục rao-truyền Tin-mừng, nhưng Tin mừng dễ bị lu-mờ, nếu người ta chỉ chạy theo thị-hiếu quần-chúng.

Hiện nay đang chuẩn-bị họp thượng hội-đồng giám-mục toàn Mỹ châu và thượng hội-đồng giám-mục Á châu. Tôi tin đây là hai biến-cố then-chốt. Nếu Giáo-chủ cố-ý triệu-tập thượng hội-đồng giám-mục toàn Mỹ châu, mặc dù giữa Bắc Mĩ và Mĩ châu la-tinh có những dị-biệt, tức ngài muốn đại lục này, từ những dị-biệt, tìm ra cách bổ-túc cho nhau., tìm ra sức mạnh chung để rao-truyền Tin mừng. Cuộc họp sẽ bàn về những nền văn-hoá châu Mỹ la-tinh, nạn đói nghèo, vai-trò của các nền văn-hoá cổ và căn-tính văn-hoá riêng-biệt của mỗi miền, cũng như làm thế nào để văn-hóa Nhật-nhĩ-man Bắc Mỹ hoà-hợp được với công giáo tính và cả hai có thể đồng-hành. Ở đây tôi tin chúng ta đang đứng trước một biến-cố quan-trọng.

Trong cuộc nghị-hội các giám-mục Á châu, vấn-đề phải thảo-luận là làm sao Ki-tô giáo có thể đi vào bối-cảnh các tôn-giáo Á châu; làm sao có thể hoà-hợp nối-kết sức mạnh lớn-lao của các tôn-giáo Á châu với sức mạnh Ki-tô giáo để đáp-ứng cho những nỗ-lực đặt ra ở cuối thiên niên-kỷ này. Tôi nghĩ thời-gian còn lại của triều Gio-an Phao-lô II được dành cho hai nghị-hội này.

Thêm vào đó chúng ta còn có chương-trình chuẩn-bị cho năm 2000 với chương-trình ba năm mà Giáo-chủ đã công-bố: Một năm tập-trung vào đức Kitô, hình-ảnh Ngài phải được đặt lên hàng đầu; một năm thần-học, trình-bầy tổng-quát đức tin vào Thiên Chúa và một năm dành cho Thánh-Linh. Tất-cả đi song-song với việc đào sâu về phép rửa và bí-tích thánh-thể. Tất-cả đổ vào vào năm 2000 với những cuộc gặp-gỡ các cộng-đồng Ki-tô giáo cũng như Do-thái giáo và Hồi giáo, tức là những tôn-giáo độc thần. Tôi nghĩ chương-trình này – hai nghị-hội cho hai đại-lục và ba năm chuẩn-bị cho năm 2000, mà trung-tâm điểm là Thiên Chúa Ba Ngôi và cuộc gặp-gỡ những người tin Thiên Chúa - sẽ để lại dấu-ấn có tầm ảnh-hưởng sâu-rộng trên thế-giới.

 

Trong một bài viết năm 1970 về « Đức tin và tương-lai » ngài đã nói tới một Giáo-hội với những hình-thức chức-vụ mới. Chẳng hạn sẽ truyền chức linh-mục cho những ki-tô-hữu có tư-cách bảo-đảm và đang có nghề trong tay.

Lúc đó tôi tiên-đoán, nếu được phép nói như thế, Giáo-hội sẽ thu nhỏ lại, có ngày sẽ thành Giáo-hội của thiểu-số, sẽ không hiện-diện trong những không-gian và những tổ-chức lớn như ngày nay, nhưng phải tổ-chức trong khuôn-khổ khiêm-tốn hơn. Lúc đó tôi nghĩ rằng, ngoài những linh-mục được truyền chức từ tuổi trẻ, những giáo-dân có tư-cách bảo-đảm và đang hành nghề có thể cũng được tiến-cử; nhưng đây là những hình-thức chức-vụ khác nhau. Tôi nghĩ cái đúng ở đây là Giáo-hội phải từ-từ thích-nghi với trường-hợp trở thành Giáo-hội của thiểu-số, với một vị-trí khác trong xã-hội. Cái cũng đúng ở đây là lượng người làm việc tự-nguyện sẽ tăng lên. Còn việc tìm vir probatus[68] ("người đã đựợc thử thách") diễn tiến ra thế nào lại là chuyện khác. Tôi muốn nói, trong thời-kì đầu Giáo-hội đã sống nhờ vir probatus, vì thời đó chưa có chủng-viện đào-tạo linh-mục, Giáo-hội thời đó truyển chức linh-mục cho những người đang hành nghề khác. Nhưng kể từ thế-kỉ thứ hai, thứ ba trở đi họ phải từ-bỏ đời sống lứa đôi khi được truyền chức. Hiện nay ta chưa biết vấn-đề sẽ được giải-quyết thế nào trong tương-lai. Nhưng chắc-chắn chức linh-mục vẫn sẽ là một tác-vụ không thể thay-thế được và sẽ còn gắn chặt với đời sống độc-thân.

 

Thay-đổi thế-hệ trong Giáo-hội có đem lại một văn-hóa mới trong Giáo-hội không? Trong Giáo-hội sẽ nảy sinh những hình-thức sống đạo mới không ?

Tôi hy-vọng có. Mỗi bước ngoặt văn-hóa lớn đều đem lại những hình-thức mới trong đời sống Giáo-hội cũng như những hình-thức mới trong văn-hóa đức tin. Hãy lấy thí-dụ trường-hợp nghệ-thuật rô-ma-ních, gô-tích, thời phục-hưng, ba-rốc và rốc-cô-cô, nền văn-hoá giáo-hội thế-kỉ 19, những hình-thức sống đạo mới phát-sinh với những phong-trào tuổi trẻ. Có thể gọi những gì xẩy ra sau công-đồng Vatican II hầu như là một cuộc cách-mạng văn-hóa, nếu như ta nhìn vào những màn thái-quá như thu-dọn trống-trơn các nơi phụng-tự và sự biến-đổi bộ mặt của hàng giáo-sĩ triều và dòng. Ngày nay nhiều người hối-tiếc về những hành động hấp-tấp đó. Nhưng trong một Giáo-hội sinh-động chắc-chắn sẽ nảy sinh những hình-thái diễn-tả mới. Những hình-thái mới này đang trên đà phát-triển mạnh. Việc cần là luôn phải cố-gắng tách cỏ lùng khỏi lúa, theo lời khuyên của tông-đồ Phaolô: "Đừng dập tắt tinh-thần ….Hãy xem-xét tất-cả. Hãy giữ lại cái tốt." (I. Thessa. 5,19,21).

 

Ngài có tin rằng chức-vụ giáo-chủ sẽ tiếp-tục tồn-tại như hiện nay không?

Nó sẽ tồn-tại trong cái cốt-lõi. Nghĩa là cần có người kế vị thánh Phêrô và gánh trách-nhiệm tối-cao, được tập-thể nâng-đỡ. Ki-tô giáo là một tôn-giáo có tổ-chức với những nhân-sự trách-nhiệm. Nó không biến đi trong những cái vô danh, mà hiện thân qua linh-mục chính xứ, giám-mục, và trong trường-hợp Giáo-hội, nhìn như một đơn-vị thống-nhất, cũng hiện thân qua một người. Trách-nhiệm giáo-huấn - như được trình-bầy trong công-đồng Vatican I và II - sẽ tồn-tại để bảo-đảm sự thống-nhất Giáo-hội, thống-nhất đức tin và thống-nhất luân-lí. Nhưng hình-thức thực-thi có thể thay-đổi và chắc-chắn sẽ đổi-thay một khi các cộng-đồng phân-li về hợp-nhất với giáo-chủ. Ngoài ra, với những chuyến viếng-thăm mục-vụ khắp thế-giới, đương-kim Giáo-chủ có lối thực-thi trách-vụ giáo-chủ khác hẳn Piô XII. Tôi không thể và không muốn tưởng-tượng những thay-đổi cụ-thể sẽ xẩy ra. Hiện nay chúng ta chưa thể tiên-đoán được về tương-lai của ghế giáo-chủ.

 

Có thể có những khám-phá thần-học mới làm thay-đổi Giáo-hội và khiến đức tin dễ hiểu hơn, hay ngược lại khiến đức tin thêm tăm-tối chăng?

Tất-cả đều có thể. Trong thế-kỷ này chúng ta chứng-kiến những khám-phá thần-học mới do nhiều tên-tuổi như Lubac, Congar, Daniélou, Rahner, Balthasar, v. v…Họ mở ra những viễn-ảnh mới trong thần-học; nếu thiếu chúng thì ta đã không có công-đồng Vatican II. Vì đức tin đi vào những chiều-kích sâu-thẳm, nên nó luôn có những cái nhìn mới. Mặt khác, những biến-cố bất ngờ cũng có thể đột-ngột ập-tới, như ta đã từng chứng-kiến trong thế-kỷ này với sự xuất-hiện của phương-pháp phê-bình lịch-sử, những khoa-học nhân-văn đi vào thần-học, v v … Chúng ta luôn phải sẵn-sàng đương-đầu với những biến-cố như thế. Đức tin có thể trở nên khó khăn hơn, nhưng cũng có thể hiểu được dễ-dàng và trực-tiếp hơn.

 

Câu hỏi sau đây có thể là một vấn-đề mới, càng ngày càng nóng-bỏng : thần-học giải-thích ra sao về sự-kiện Thiên Chúa chỉ nhập-thể trong con người đức Giê-su, nhưng không dưới hình-thức những vị thần ở Á châu chẳng hạn? Tại sao có chuyện một người duy-nhất trong lịch-sử nhân loại có thể là chân-lí tuyệt-đối?

Trước hết phải nói ngay, cho tới nay không có tôn-giáo nào tin một con người có thể mang thiên-tính, như Ki-tô giáo tin vào thiên-tính của đức Giê-su ở Na-da-rét. Thần Kris-na của Ấn-độ giáo là dạng-hình giống đức Giê-su hơn cả. Thần này được tôn-sùng như « Avatara » (sự giáng-thế của vị thần) của Vis-nu, đi vào lịch-sử các tôn-giáo Ấn-độ dưới nhiều hình-thể khác nhau. Nhưng đây là một quan-niệm rất khác với đức tin Ki-tô giáo về sự hợp-nhất dứt-khoát giữa Thiên Chúa độc-nhất với một con người có thực trong lịch-sử, qua con người đó Thiên Chúa kéo tất-cả nhân loại đến với Ngài. Đức tin Ki-tô giáo lồng trong đức tin Do-thái giáo, cùng tin một Thiên Chúa độc-nhất tạo-dựng vũ-trụ, đấng cùng con người làm nên lịch-sử, tự ràng-buộc vào lịch-sử này và tác-động trong lịch-sử này một cách vĩnh-viễn cho mọi người. Bởi thế không có vấn-đề lựa-chọn giữa Ki-tô và thần Kris-na hay một hình-thức nào khác. Chỉ có sự lựa-chọn giữa một bên là Thiên-chúa, đấng đã tỏ mình ra một cách không thể lẫn-lộn, như là Thiên Chúa độc-nhất cho mọi người và nối-kết đến cả thân mình với con người - và bên kia là một cách hiểu khác về tôn-giáo; theo đó, thần-tính thể-hiện dưới những dạng-hình khác nhau, nhưng không cái nào là dứt-khoát, tức là con người hướng về một cái không bao giờ có tên. Đó là hai cách hiểu khác nhau về chân-lí, Thiên-chúa, vũ-trụ và con người. Tuy nhiên qua những hình-ảnh tôn-giáo của các tôn-giáo lớn khác trên thế-giới, ki-tô-hữu có thể nhận ra những dò-dẫm tìm về Ki-tô giáo. Kitô-hữu cũng có thể tìm thấy đàng sau tất-cả những sự-kiện đó bàn tay bí-mật của Thiên-chúa, đấng dùng các tôn-giáo khác để tác-động lên con người và dẫn con người vào chính lộ. Nhưng Ngài luôn vẫn là vị Chúa không thay đổi, Chúa của đức Giê-su Kitô.

 

Một phần những câu hỏi và những nguy-cơ cho Giáo-hội đã lộ rõ. Chúng ta đã nói tới lời tố-cáo Giáo-hội duy-căn, nghĩa là chống lại xã-hội dân-chủ, ngăn-cản tự-do tư-tưởng, tự-do tôn-giáo cũng như nhăm-nhe thành-lập một quốc-gia thần-quyền. Nội-dung nền-tảng của đức tin dựa trên Kinh thánh càng ngày càng cạn-kiệt. Người ta hồ-nghi về cái chết trên thập-giá, biến-cố lên trời, thông-điệp ơn cứu-độ. Người ta cho rằng các môn-đệ xưa chỉ có những thị-kiến, chính bài giảng trên núi cũng chẳng có thực. Càng ngày càng có nhiều người đòi Giáo-hội phải tự giải-thể để nhường chỗ cho một nền đạo-giáo hậu Ki-tô đang trên đà tăng-trưởng.

Chống lại những tố-cáo trên là đức tin vững-mạnh của hàng triệu tín-hữu Kitô, những người ngày nay còn tìm thấy nơi đức tin của Giáo-hội con đường giúp họ thực-sự thành người. Những chế-độ độc-tài hùng-mạnh của thế-kỷ này đã nhiều lần lớn tiếng khai tử đức tin Ki-tô giáo. Họ cho rằng chỉ những kẻ không chịu sửa sai, không thể cải-thiện, mới lì lại ở đó. Nhưng sau khi các nhà độc-tài khét tiếng bị hạ-bệ, chúng ta thấy những tín-hữu từng bị họ gạt ra ngoài lề xã-hội kia lại là những chứng nhân đích-thực cho tình người và chính họ mở đường cho công cuộc tái-thiết. Đức tin Ki-tô giáo có tương-lai tốt-đẹp hơn những ý-thức hệ từng đòi huỷ-bỏ nó.

 

Tái khám-phá điểm trung-dung – Những viễn-ảnh của Giáo-hội mới

Người ta thường chỉ-trích giáo-chủ muốn mở hướng đi thụt lùi, nhắm mắt trước những kết-quả của công-đồng Vatican II. Nay giáo-chủ Gio-an Phao-lô II lại nói: "Cách chuẩn-bị tốt nhất cho năm giao-thời 2000" là "hết sức trung-thành áp-dụng giáo-huấn của công-đồng Vatican II vào đời sống từng người và đời sống của cả Giáo-hội".

Ngài luôn nổi-bật là giáo-chủ của công-đồng Vatican II; công-đồng là một kinh-nghiệm then-chốt đối với ngài. Ngài đến dự công-đồng khi còn là một giám-mục trẻ. Tôi còn nhớ ngài chỉ được phong tổng giám-mục giữa thời công-đồng. Sau đó ngài đóng-góp rất tích-cực vào việc soạn-thảo hiến-chế «Vui-mừng và hy-vọng » bàn về mối liên-hệ giữa Giáo-hội và thế-giới. Ngài thu-tập nhiều kinh-nghiệm trong khi cộng-tác soạn-thảo văn-kiện này; khả-năng suy-tư triết-học của ngài đã giúp ngài rất nhiều trong công-việc đó. Như thế tài-liệu này, một tài-liệu linh-động nhất của công-đồng và hướng về tương-lai nhiều nhất, đã trở-thành một thứ châm-ngôn cho cuộc đời ngài. Ngài thâm-tín về sự quan-phòng của Chúa nơi công-đồng Vatican II và tin rằng qua công-đồng Chúa Thánh-linh đã trao cho Giáo-hội những sứ-mạng mới - từ những thay-đổi trong phụng-vụ đến phong-trào đại-kết, tự-do tôn-giáo, đối-thoại tôn-giáo, đối-thoại với Do-thái và gặp-gỡ thế-giới hiện-đại. Tôi khó tưởng-tượng ra ai khác được công-đồng đánh-động và ghi dấu sâu-đậm hơn ngài, đến độ lấy công-đồng làm kim chỉ nam cho chính mình. Bởi thế gán cho ngài ý-định đi ngược về thời trước Công-đồng là chuyện hết sức phi lí. Giáo-chủ xác-tín về tầm quan-trọng đặc-biệt của ba năm công-đồng mà ngài tham-dự và góp phần xây-dựng. Xác-tín của ngài vượt xa mức-độ cần-thiết đối với mỗi tín-hữu công giáo. Dĩ-nhiên ngài cũng cảm thấy ngày càng rõ hơn, có nhiều lối giải-thích công-đồng khác nhau, thậm chí đối-nghịch nhau. Vì thế khi nói "trung-thành với công-đồng", dĩ nhiên ngài muốn nói tới sự trung thành năng-động. Chính những gì công-đồng thực-sự muốn nói mới là tấm biển chỉ đường cho ta đi, chứ không phải là cái ta muốn công-đồng nói.

 

Có cần kiểu-cách mới, ngôn-ngữ mới để truyền-đạt đức tin không?

Tôi nghĩ cần. Nỗi mệt-mỏi của ki-tô-hữu, ít ra tại Âu châu, là dấu-hiệu cho thấy cần phải có cách diễn-đạt mới. Tôi đọc tiểu-sử một linh-mục Chính-thống, thấy ông nói: Tôi cố-gắng rất nhiều, nhưng thiên-hạ không muốn nghe, họ ngủ gà ngủ gật hoặc chẳng thèm tới nghe nữa. Chắc là tại cách diễn-tả không khéo. Đó là một trường-hợp điển-hình mà nhiều vị khác cũng đã từng trải qua. Điều quan-trọng là chính người giảng-thuyết phải có mối liên-kết nội-tâm với Kinh thánh với đức Kitô, nguồn-mạch lời hằng-sống, và phải thực sống lời đó trong tư-thế một con người của thời-đại và trong thời-đại, không trốn chạy thời-đại. Khi nói với xác-tín thâm-sâu thực-sự, thì ngôn-ngữ sẽ tự-nhiên mang âm-điệu mới.

 

Những luồng gió mới đặc-biệt từ đệ tam thế-giới có thể đối đầu với " óc địa-phương Âu châu" – nói theo ngôn-ngữ ngài đã từng sử-dụng- đã có chưa? Giáo-hội trong tương-lai sẽ có dáng-vóc Phi châu hơn, hay Á châu hơn, hoặc Mỹ châu hơn, dù sao cũng ít Âu châu hơn chăng?

Nhất-định là thế. Bởi chỉ xét về lượng cũng thấy trọng-tâm ngày càng chuyển từ Âu châu sang các đại-lục khác. Những đại-lục này ngày càng ý-thức sâu-xa hơn về nền văn-hóa của họ. Ta thấy ở đây hơi giống trường hợp Hồi giáo mà ta đã nói đến trên kia. Qua cuộc khủng-hoảng văn-hóa Âu Mỹ, Hồi giáo có được niềm hãnh-diện mới. Cũng thế, cuộc khủng-hoảng này đã khiến những nền văn-hóa lớn khác tái ý-thức về giá-trị văn-hóa và tự-hào về dĩ-vãng văn-hóa của họ : Chúng tôi đây cũng có những đóng-góp mới-mẻ và phong-phú! Người Phi châu ý-thức sâu-xa rằng, một đàng họ còn đang phải tiến lên, còn phải học-hỏi, đàng khác họ đóng-góp cho thế-giới nét tươi-mát rất đáng thán-phục của đức tin toát ra từ con người họ. Họ biết rằng trong di-sản văn-hóa của họ tiềm-ẩn những kho báu đang chờ được khai-thác. Ý-thức này cũng rất mạnh ở Nam Mỹ và Á châu. Bởi thế có thể khẳng-định, bộ mặt tương-lai của Giáo-hội sẽ sống-động dưới nhiều hình-thức văn-hóa và nhờ nhiều đóng-góp của các đại-lục khác.

 

Đã từ lâu chẳng còn ai ngạc-nhiên nữa, nếu như trong tương-lai một vị giám-mục Phi châu hay Mỹ châu la-tinh được bầu vào ghế giáo-chủ.

Đúng thế. Bất cứ ai, ít ra trong hồng-y đoàn, cũng nghĩ rằng chúng tôi có thể bầu một vị người Phi châu hay một vị nào đó ngoài Âu châu. Nhưng thế-giới Ki-tô giáo Âu châu tiếp-nhận sự-kiện đó ra sao, lại là một vấn-đề khác. Vì dù có những tuyên-bố về bình đẳng chủng tộc và những lời lên án kỳ-thị chủng-tộc, người Âu vẫn còn một ý-thức nào đó về mình, và ý-thức này sẽ bùng dậy trong những giờ phút nghiêm-trọng. Tuy nhiên, tôi nghĩ các hồng-y chỉ đơn-giản tự hỏi ai là người thích-hợp nhất, chứ không xét tới mầu da hay nguồn-gốc.

 

Có thể xẩy ra trường-hợp này không : Vì đường-lối suy-tư của Giáo-hội đã thay-đổi, nên một số tín-điều và ngay cả các bí-tích cũng sẽ lấy lại hình-thức cũ, hoặc biến-đổi hay được cải-tổ?

Những gì đã thực-sự trở thành nội-dung đức tin, tức "tín-điều", không thể sau đó lại trở thành sai. Cũng như trong lãnh-lực khoa-học, cái gì đã chứng-minh là đúng, sẽ có giá-trị mãi, nhưng có thể được đặt vào khung-cảnh khác và có vẻ mang một ý-nghĩa khác. Ở đây cũng hệt như thế. Cái đúng, sẽ đúng mãi, nhưng có thể được lồng vào viễn-cảnh khác làm nó hiện ra dưới ánh sáng khác. Chắc-chắn các bí-tích sẽ tồn-tại ; con số 7 bí-tích phù-hợp với những chặng đường của đời người; nhưng trong những thời-đại khác nhau người ta sống bí-tích cách khác nhau. Trước đây 100 năm tín-hữu, kể cả những người sùng đạo, chỉ xưng tội và rước lễ khoảng ba hay bốn lần mỗi năm. Ngày nay rước lễ hằng ngày là chuyện bình-thường. Bí-tích hòa-giải đã trải qua nhiều thay-đổi trong lịch-sử. Thần-học bí-tích của công-đồng Trentô (1545-1563) cũng như giáo-lí về ân-sủng (tranh-chấp biện-bạch với phía cải-cách!) đã không trở nên sai-lầm và sẽ không trở nên sai-lầm, nhưng nó sẽ tiếp-tục phát-triển. Xét như thế, ta thấy suốt trong dòng lịch-sử cái bền-bỉ và cái linh-động có thể tương-hợp.

 

Vào đầu thiên niên-kỷ thứ ba nhen-nhúm một quan-niệm mới về tôn-giáo. Trong đó pha-trộn nội-dung và hình-thức của những nền văn hóa lớn, những yếu tố từ Phật giáo, thuyết vô thần, tục thờ-cúng của các sắc dân sống theo thiên-nhiên. Giáo-hội có thể trở nên phong-phú hơn nhờ những trào-lưu của thế-giới hiện-đại hay nhờ những tôn-giáo khác không?

Cuộc đối-thoại liên tôn đang diễn-tiến. Tôi tin mỗi chúng ta đây đều xác-tín rằng cũng có những điều chúng ta có thể học được, thí-dụ từ thần-bí Á châu, rằng những truyền-thống thần-bí lớn mở ra những khả-năng gặp-gỡ còn rõ hơn như ta thấy trong thần-học khẳng-định (positive Theologie). Xét như thế, di-sản thần-bí của bậc thầy Eckhart[69], của toàn-thể tư-tưởng thần-bí phái nữ thời Trung-cổ, nhất là ở Tây-ban-nha, có chỗ đứng quan-trọng trong cuộc đối-thoại liên tôn ngày nay. Quan-trọng ở chỗ, một đàng nó giúp ta nhìn ra tầm-quan-trọng của những yếu-tố chung trong thần-học thần-bí (thần-học phủ-định), mặc dầu không thể và không nên bỏ qua nét dị-biệt giữa thần-bí Phật giáo và thần-bí Ki-tô giáo. Nó còn quan-trọng ở chỗ ngày nay, từ nội-dung của huyền-thoại và của triết-lí tôn-giáo Á châu, người ta thấy những yếu-tố hoàn-toàn mới có thể tuôn vào tư-tưởng thần-học – mặc dầu cố-gắng sử-dụng những yếu-tố đó tới nay chưa đạt thành-quả mĩ-mãn. Dù vậy chúng mở cho ta những khả-năng đem lại những cơ-may mới cho sự suy-tư thần-học và cho cách-thức sống đạo.

 

Trong khoảng ngót 1500 năm chúng ta đã có một môi-trường ki-tô giáo để lưu-truyền đức tin và giáo-dục ki-tô giáo. Ngày nay một môi-trường như thế đã vắng bóng nơi học-đường, truyền-thông và những cơ-sở xã-hội. Những giá-trị của Giáo-hội và các quan-điểm của xã hội xem ra ngày càng xa-lià nhau. Như vậy làm sao có thể thực-hiện được những dự-án về cuộc sống và về ơn cứu-độ của Giáo-hội trong tương-lai?

Ông nói rất phải, cần có môi-trường ki-tô giáo để thực-hiện những việc này. Theo thiển ý, ki-tô-hữu không bao giờ đứng một mình riêng-rẽ; là ki-tô-hữu nghĩa là đồng-hành với kẻ khác. Cả một tu-sĩ ẩn-tu cũng thuộc về một cộng-đoàn và được cộng-đoàn nâng-đỡ. Bởi thế ưu-tư của Giáo-hội là phải làm sao tạo cho được những cộng-đoàn này. Văn-hóa của xã-hội Âu Mỹ không cống-hiến loại cộng-đoàn này nữa. Điểm này đưa ta trở lại câu hỏi ông nêu trước đây, là Giáo-hội sẽ phải sống ra sao trong một thế-giới càng ngày càng mất đi tính-chất ki-tô giáo. Trong hoàn-cảnh này, Giáo-hội phải thiết-lập những cộng-đoàn một cách khác; các cộng-đoàn phải tìm cách nâng-đỡ nhau và sống đức tin vững-mạnh hơn.

Ngày nay không thể chỉ dựa vào môi-trường xã-hội, vì như thế chưa đủ; một bầu-khí ki-tô giáo bao trùm cả xã-hội không còn nữa. Vì vậy ki-tô-hữu phải thực-sự nâng-đỡ nhau. Lúc này đây đã có những hình-thức khác, đã có những "phong-trào" đủ loại ra đời tạo nên những cộng-đoàn mới. Cần đổi mới việc đào sâu giáo-lí và đức tin để có thể thực-hành và học-hỏi đạo Chúa dễ-dàng hơn. Liên-kết với các dòng tu cũng là một cách để cảm-nghiệm Ki-tô giáo. Nói cách khác, khi xã-hội nói chung không còn cống-hiến môi-trường ki-tô giáo nữa – trong bốn hay năm thế-kỷ đầu xã-hội cũng đã không cống-hiến cho ta môi-trường này -, thì chính Giáo-hội phải thành-lập những nhóm hạt-nhân nhỏ, để bảo-vệ, nâng-đỡ nhau, cùng đi với nhau, nghĩa là cảm-nghiệm và thực-hành được bầu khí đại gia-đình Giáo-hội trong những nhóm nhỏ.

 

Mô-hình Giáo-hội đại-chúng sẽ không thể tiếp-tục có được nữa trên một phần lớn Âu châu. Như vậy mô-hình thay-thế nó sẽ mang hình-dạng cụ-thể ra sao ? Những cộng-đồng năng-động này sẽ được tổ-chức như thế nào? Có thể là những ki-bút Kitô giáo trên lãnh thổ Đức không?

Tại sao không? Rồi ta sẽ thấy. Tôi nghĩ, ngay bây giờ mà phác-họa một mô-hình sẵn cho Giáo-hội ngày mai, một Giáo-hội ngày càng thu hẹp lại cho thiểu-số, là một việc không đúng, thậm chí tự-cao. Nhưng tôi nghĩ, nhiều người sẽ ít nhiều tìm nương-tựa nơi Giáo-hội đó; có thể nói họ sống từ bên ngoài và một cách nào đó cả từ nội tâm với Giáo-hội. Nhưng dù thay-đổi cách nào đi nữa, tôi tin chắc giáo-xứ sẽ tồn-tại như là hạt-nhân chủ-yếu của đời sống cộng-đoàn. Nhưng khó có thể duy-trì toàn-bộ hệ-thống giáo-xứ hiện-tại, mà một phần tương-đối mới thành hình. Người ta sẽ phải học cách đến với nhau để bổ-túc cho nhau. Bên cạnh giáo-xứ sẽ có những nhóm nhỏ liên-kết với nhau, qua đặc-sủng, qua nhân-cách vị sáng-lập, qua con đường tâm-linh đặc-biệt, như trong lịch-sử vẫn thường xẩy ra. Giữa giáo-xứ và "phong-trào" cần có sự trao-đổi tích-cực hơn: Phong-trào cần giáo-xứ để tránh trở thành giáo-phái, giáo-xứ cần "các phong-trào" để không hóa ra xơ-cứng. Hiện nay đã có những hình-thức tu-trì mới ngay giữa trần-thế. Ai để ý, có thể thấy nhiều hình-thức sống đạo của Giáo-hội ngày mai đã xuất-hiện giữa chúng ta rồi.

 

-------------------------------------

[68] Vir probatus: người đã lập gia-đình, có nghề, có tư-cách và cuộc sống xứng-đáng.

[69] Eckhart (1260-1327) : Người Đức, tu-sĩ dòng Đa-minh, nổi tiếng qua tư-tưởng thần-bí và phiếm-thần, bị giáo-quyền lên án, chết trước khi bị ra pháp-đình tôn-giáo.

 

 

"Sạch, sạch, sạch" – Giáo Hội Cống Hiến Những Cơ May Mới Cho Thế Giới - Lịch Sử Của Thế Giới Về Sự Viên Mãn Của Thời Gian


"Sạch, sạch, sạch" – Cuộc cách-mạng tâm-linh

Giáo-hội hôm nay quan-liêu, sợ-sệt và tính-toán kiểu loài người. Giáo-hội có cần tăng-cường suy-tư trực-giác để chống lại việc quá đề-cao lí-trí không? Có cần đề-cao chiêm-niệm và quay về lại với các giá-trị tâm-linh đã bỏ quên quá lâu? Hồng-y Veuillot, cựu giám-mục giáo-phận Paris có lần phát-biểu: "Tất-cả phải tinh-tuyền, sạch, sạch, sạch. Cái ta cần là một cuộc cách-mạng tâm-linh thực-sự". Phải chăng Giáo-hội chỉ có thể còn có những lớp người nối-tiếp, nếu Giáo-hội thực-sự tinh-tuyền, trinh-trong?

Câu hỏi của ông một cách nào đó đã là câu trả lời rồi. Tôi vẫn thường nói chúng ta quá quan-liêu. Bởi thế cần có cách làm việc đơn-giản hơn. Không phải mọi chuyện đểu phải qua các ủy-ban, đôi khi cũng nên có những tiếp-xúc cá-nhân. Không thể giải-quyết mọi chuyện cách thuần-lí. Mặc dầu Ki-tô giáo cho rằng mình hành-xử hợp lí và kêu-gọi sử-dụng lí-trí, nhưng còn nhiều cách nhận-diện thực-tại khác nữa. Chúng ta vừa nói chuyện về đối-thoại liên tôn và khoa thần-bí. Đây là cách tập-trung suy-tư và lắng-đọng tâm-hồn đặc-biệt cần-thiết trong một thế-giới sôi-động. Karl Rahner có câu nổi tiếng: "Kitô-hữu ngày mai hoặc sẽ là một nhà thần-bí hoặc sẽ không phải là nhà thần-bí". Tôi không đòi-hỏi chuyện cao-xa như thế, vì con người luôn vẫn là người. Chúng ta vẫn luôn yếu-đuối, nên không phải tất-cả chúng ta sẽ trở thành những nhà thần-bí. Nhưng câu nói đó đúng ở chỗ là Ki-tô giáo sẽ bị chết ngạt, nếu chúng ta không biết lắng-đọng tâm-hồn để cho đức tin đi vào chiều sâu cuộc sống của mỗi chúng ta, nâng-đỡ và soi-sáng ta. Chỉ biết hành-động và giải-quyết thuần-lí không thôi chưa đủ. Điều rất hệ-trọng là tìm lại cái đơn-thuần, tìm về nội-tâm và về những cách nhận-biết thực-tại vượt ra bên ngoài và bên trên lí-trí.

 

Hồi-tưởng tâm-linh phải chăng cũng có nghĩa là tìm lại đức tin đơn-sơ phù-hợp với những yếu-tố nền-tảng của Ki-tô giáo ?

Đôi khi vấn-đề này có vẻ cầu-kì khiến người ta tưởng chỉ lớp người uyên-bác mới nắm vững. Khoa chú-giải Kinh thánh cống-hiến cho ta nhiều chi-tiết hữu ích, nhưng cũng gây ấn-tượng Kinh thánh quá cầu-kì khiến người bình-dân không hiểu nổi. Ta phải biết Kinh thánh được viết cho mỗi người, là quà tặng đặc-biệt cho những người đơn-sơ. Về điểm này tôi công-nhận một phong-trào phát-sinh từ lòng thần-học giải-phóng có lí khi họ nói tới interpretacion popular (cách diễn-giải bình-dân). Theo họ người bình-dân là sở-hữu chủ của Kinh thánh và chính họ mới là người cắt nghĩa Kinh-thánh. Điều này đúng ở điểm chủ-yếu, vì Kinh thánh được ban cho những người đơn-sơ. Họ chẳng cần quan-tâm đến những chi-tiết khúc-mắc, họ hiểu Kinh thánh muốn nói gì. Nhưng thần-học với những kiến-thức sâu-rộng sẽ không trở nên thừa-thãi; không những thế, nó còn rất cần-thiết trong việc đối-thoại văn-hoá thế-giới. Tuy nhiên thần-học không được phép làm mờ khía-cạnh hết sức đơn-giản của đức tin, một đức tin đặt ta trước mặt một Thiên-chúa, đấng đã giáng trần làm người nên ở gần bên tôi.

 

Ngài có thể nghĩ rằng sau những mất-mát về lượng, nhiều tín-hữu bỏ cuộc, cắt đứt mọi liên-hệ tinh-thần với Ki-tô giáo, rồi ra một phẩm-chất mới của Ki-tô giáo sẽ có thể bảo-tồn và tinh-đọng được đức tin không? Hồng-y Lustiger nói, văn hóa đương-thời không khai-tử tôn-giáo, có dấu-hiệu khai-tử tôn-giáo, trong đó có Ki-tô giáo. Trái lại nó đưa ra đề-án và dự-thảo cho phép linh-cảm những khởi đầu. Ngài nói : «Nhân loại chỉ sống, nếu họ muốn; ngày nay họ đang đứng trước toà chung-thẩm từng phút từng giây». Ngày nay con người có thể tự-do mặc sức phá-huỷ nguồn sống trên trái đất. Cũng thế, họ được tự-do trở thành ki-tô-hữu, chứ không bị ép-buộc như xưa. Hồng-y Lustiger diễn-giải, giờ mới là lúc con người đứng trước "những khởi đầu của thời-đại ki-tô giáo". Ngài có thể chia-sẻ quan-điểm này không?

Tôi không dám nói chúng ta đang đứng trước những khởi đầu của thời-đại ki-tô giáo. Bởi thời-đại ki-tô giáo thực ra là gì ? Điều tôi thực-sự có thể chia-sẻ là Ki-tô giáo luôn có cơ may làm cuộc khởi đầu mới. Tôi đã từng viết, Ki-tô giáo luôn vừa là một hạt cải vừa là một cây lớn, vừa là thứ sáu tuần thánh vừa là chủ nhật phục-sinh. Thứ sáu tuần thánh chưa bao giờ chấm dứt hẳn, nó vẫn còn đó và Giáo-hội chưa bao giờ là một cây đã phát-triển hết cỡ, nếu vậy nó sẽ có lúc khô-héo và lụi-tàn, trái lại Giáo-hội luôn trong tình-trạng hạt cải. Trong ý-nghĩa này tôi đồng ý với Hồng-y là chúng ta lại đang đứng trước một khởi đầu mới và có quyền nuôi hi-vọng. Tin vào Chúa một cách hoàn-toàn tự-do và tin như bằng-chứng chống lại thế-giới đã cạn-kiệt sinh-lực, là một nghĩa-vụ mang lại những hi-vọng và những khả-năng mới cho cuộc sống ki-tô giáo. Chính thời-đại Ki-tô giáo sa-sút về lượng có thể đem lại cho ta sinh-lực mới để ta sống Ki-tô giáo ý-thức hơn. Hiểu như vậy, có thể nói quả thực ta đang đứng trước một kiểu thời-đại ki-tô giáo mới. Ở đây tôi không dám tiên-tri chuyện đó tới sớm hay muộn. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là trong Ki-tô giáo luôn có cuộc khởi đầu mới. Những khởi đầu như thế đã có hôm nay và sau này vẫn có như vậy. Nó sẽ đem lại những hình-thức sống đạo mới và đầy sinh-lực.

 

Cách đây nhiều năm ngài từng bày-tỏ hi-vọng, có gì như là « giờ phút cuả Thánh-linh trong Giáo-hội» đang nhen-nhúm. Ngài nói, có những nhóm người trẻ thoải-mái dấn-thân hoàn-toàn cho niềm tin Giáo hội, cho một "công giáo tính trọn-vẹn không chia-cắt". Ta có cần những ki-tô-hữu mới, can-trường và hãnh-diện hơn không? Có lần ngài đòi-hỏi, Giáo-hội ngày nay không cần những nhà cải-cách, nhưng cần những thánh-nhân mới, biết tựa vào chính sức mạnh tiềm-ẩn của đức tin mà tái khám-phá kho-tàng đức tin và tính bất khả nhượng của nó.

Trước hết hãy bàn tới từ "nhà cải-cách / thánh-nhân": Mỗi thánh-nhân là một nhà cải-cách, nghĩa là người đó làm cho Giáo-hội sinh-động và thanh-tẩy Giáo-hội. Tuy nhiên người ta thường hiểu nhà cải-cách là người thực-hiện những biện-pháp có tính-cách cơ-cấu tổ-chức và hành-động trong phạm-vi này. Nếu hiểu như thế, thì không khẩn-thiết cần họ lúc này. Cái ta thực-sự cần là những người được Ki-tô giáo « hút hồn »; họ sống Ki-tô giáo như nguồn hạnh-phúc và hi-vọng, qua đó họ trở thành ngọn lửa tình yêu và ta gọi họ là thánh-nhân.

Những nhà cải-cách đúng nghĩa của Giáo-hội luôn là những vị thánh; nhờ họ mà Giáo-hội có được bộ mặt đơn-sơ hơn và con đường dẫn tới đức tin dễ đi hơn. Một Biển-đức vào cuối thời thượng-cổ đã tạo ra một lối sống đạo trải dài suốt thời di-dân. Một Phan-sinh và Đa-minh đã dấy lên một phong-trào đại-chúng trở về với tinh-thần khó-nghèo, đơn-sơ và niềm vui của Tin mừng hoàn-toàn mới giữa một Giáo-hội phong-kiến và xơ-cứng. Hay ta trở về thế-kỷ 16. Công-đồng Trentô rất quan-trọng, nhưng cuộc canh-tân giáo-hội Công giáo cuả công-đồng chỉ thực-hiện được nhờ những vị thánh như Tê-rê-xa ở Avila, Gio-an Thánh-giá, Y-nhã ở Loyola, Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô và nhiều vị khác, những người thấm-nhuần đức tin và sống nó một cách đặc-thù, tạo nên những lối sống đạo giúp thực-hiện những cải-cách cần-thiết làm Giáo-hội phục-hồi. Vì thế tôi không tin ngày nay công-cuộc cải-cách giáo-hội nhất-thiết sẽ đạt được qua các nghị-hội và công-đồng, mặc dầu những thứ này cũng nên và cần có, nhưng sẽ đến từ những con người có sức thuyết-phục mà ta gọi là thánh-nhân.

 

Giáo-hội cống-hiến những cơ-may mới cho thế-giới

Trong tông-thư về ngàn năm thứ ba đang đến, Giáo-chủ nhấn mạnh: "Giáo-hội… như một cây cao vươn cành lá che-chở toàn-thể nhân-loại". Điểm tôi cho là quan-trọng trong suy-tư này là: Trước tình-trạng thiếu-hụt trầm-trọng về nhận-thức và khả-năng quyết-định của thời-đại hôm nay, ta cần có những cố-vấn đáng tin. Đó là những nhân-vật hoặc hay hơn nữa là những định-chế như thẩm-cấp cao hơn -, không bị lay-chuyển trong thời-buổi nhiễu-nhương. Thứ xã-hội mở ta muốn duy-trì đang càng ngày càng đòi-hỏi ta quá nhiều chuyện. Nó bỏ mặc ta giữa muôn vàn cơ-hội, buộc ta phải có quyết-định; nó xô ta vào giữa những thứ tự-do thường là vô ích và có hại mà ta không làm chủ được nữa. Để bảo-tồn những cơ-may của xã-hội mở và đồng thời giúp ta tránh rơi vào những hệ-thống độc-tài, có lẽ phải tăng-cường bảo-vệ nền dân-chủ bằng những hệ-thống kín, nghĩa là bằng những mô-hình có thể tồn-tại và có khả-năng phán-đoán không tùy-thuộc dư-luận nhất-thời hay lựa-chọn tình-cờ.

Ông nêu lên vấn-nạn: Giáo-hội có thế đứng nào trong thể-chế xã-hội tự-do, có giá-trị gì, đứng đâu và làm được gì cho xã-hội. Tôi tin rằng ông đã nói lên điều rất hệ-trọng. Giáo-hội không phải là một tổ-chức giữa các tổ-chức, một quốc-gia giữa các quốc-gia, phải được thành-lập như một quốc-gia theo cùng loại qui-luật dân-chủ. Giáo-hội không phải thế, nhưng có thể nói là một sức mạnh tinh-thần. Giáo-hội có hình-thái xã-hội và tổ-chức của nó, nhưng nó chủ-yếu là một nguồn lực tinh-thần cung-cấp cái mà quốc-gia không thể tự có được. Böckenförde có câu nói thời-danh đã thành châm-ngôn: Xã-hội dân-chủ sống bằng những sức mạnh nó không tự sản-xuất được[70]. Đây là điểm mà ông đã gợi ra khi đề-cập tới những hệ-thống nâng-đỡ.

Theo tôi đó cũng là một dẫn-nhập quan-trọng vào câu hỏi về dân-chủ trong Giáo-hội mà giờ đây chúng ta không muốn đi sâu vào nữa. Nếu cho rằng Giáo-hội phải hoạ lại mô-hình tổ-chức và điều-hành của một quốc-gia, thì không nhận ra bản-chất của Giáo-hội. Bởi ta biết rằng chính nền dân-chủ có thể nói là một thứ thử-nghiệm táo-bạo, rằng sự quyết-định theo nguyên-tắc đa-số chỉ có thể giải-quyết đúng một số vấn-đề cuả con người. Nó trở thành phi-lí, khi nó được dùng để giải-đáp những câu hỏi đâu là chân, đâu là thiện; nó cũng trở thành phi-lí, nếu vì nó mà những nhóm thiểu số có thể rất lớn cũng vẫn luôn phải nhượng-bộ và như thế tạo nên một loại độc-tài của phe đa-số. Bởi thế chính dân-chủ tìm-kiếm những thực-tại bổ-sung cho nó, đem lại ý-nghĩa cho cơ-cấu của nó và đến lượt những thực-tại này cũng lại phải được tổ-chức sao cho phù-hợp với nhiệm-vụ riêng-biệt của chúng.

Do đó điều rất hệ-trọng cho Giáo-hội là không được tự coi mình trước hết như một cơ-quan tự điều-hành, cung-cấp một số dịch-vụ nhất-định, nhưng phải biết mình sống bằng một cái không do chính mình tạo nên, sống trung-thành và năng-động với cái đó, nhờ vậy cống-hiến cho toàn-thể nhân loại cái nó không thể tự tạo nên được. Giáo-hội không thể ra lệnh cho thế-giới, nhưng có thể cung-cấp những giải-đáp cho thế-giới, khi nó bị mất hướng. Hình-ảnh muối cho đời, ánh sáng thế-gian từ Thánh-kinh ám-chỉ vai-trò đại-diện của Giáo-hội. Ý-tưởng muối cho đời nói lên không phải cả thế-gian là muối. Giáo-hội, với tư-cách là Giáo-hội, đóng vai đại-diện cho toàn-thể, đi vào lòng toàn-thể nhưng không đơn-thuần rập khuôn một cái gì khác, kể cả không là một quốc-gia. Giáo-hội luôn phải ý-thức về những điểm này. Giáo-hội phải ý-thức sứ-mệnh đặc-biệt của mình là phải thoát ra ngoài tính-chất đặc-thù của trần-thế để đi vào ánh sáng Thiên Chúa và giữ cho lối thoát này thông-thoáng, rộng mở, để khí mát tuôn vào thế-gian.

 

Là sức mạnh có khả-năng kết-hợp và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, Giáo-hội có nên tăng-cường tiếng nói chống lại quyền-lực, chống lại độc-tài thời-thượng và chống lại cả hệ-thống tư-bản với những quá-lạm độc-hại đã từ lâu không thể lường được không? Cũng thế, Giáo-hội có cần nỗ-lực đi tiên-phong trong việc bảo-vệ công-trình tạo-dựng vũ-trụ không? Đây có thể là sự hướng-dẫn của một định-chế giầu truyền-thống và khôn-ngoan, một định-chế có Chúa đứng trên hướng-dẫn.

Ở đây ta trở lại câu hỏi: Giáo-hội phải làm gì để vừa cởi-mở đón nhận cái mới vừa để khỏi bị xơ-cứng như trong dĩ-vãng? Giáo-hội phải đồng-hành với thế-giới tân-thời tới mức nào, đâu là điểm Giáo-hội cần tỏ ra can-trường – gọi là đối-lập ngôn-sứ hoặc những kiểu nói tương-tự? Từ đó nảy sinh câu hỏi thứ hai: Giáo-hội là ai hay là gì? Dĩ-nhiên tất-cả những ai có tiếng nói nhân danh Giáo-hội, tức là giáo-quyền ở mọi cấp, đều phải có can-đảm phản-kháng.

Nhưng lúc này không nên bỏ qua câu nói "Chúng tôi là Giáo-hội" trong ý-nghĩa đích-thực của nó. Không phải chỉ những ai có chức-vụ, chỉ giáo-quyền mới là Giáo-hội. Câu nói trên chỉ hữu-hiệu, đáng tin cho thế-giới và trở thành câu nói đưa đến hành-động, khi nó không chỉ là lời giảng suông, không chỉ xuất-hiện trong những văn-kiện của Rôma hay trong thư mục-vụ, nhưng khi lời nói của người giảng dạy là tiếng nói chung của Giáo-hội sống-động. Vì thế những lời này không nên chỉ do lệnh từ trên ban xuống, nhưng ki-tô-hữu phải cùng nhau học biết chính họ là lực-lượng phản-kháng trong nhiều trường-hợp. Theo tôi đó là điểm rất quan-trọng.

Giáo-quyền chỉ có thể nói ra cách đáng tin và hữu-hiệu những gì đang hiện có và sống-động trong toàn-thể Giáo-hội. Dĩ-nhiên ngược lại cũng đúng: Những cộng-đoàn sống-động của Giáo-hội luôn cần sự nâng-đỡ để căn-tính của họ thêm vững-chắc và nhờ đó họ nhận được khích-lệ sống đời tín-hữu. Khi ta nói : "Giáo-hội phải là lực phản-kháng" thì nên hiểu đó chính là cam-kết chung của toàn-thể tín-hữu, chứ không chỉ của giáo-quyền, và như đã nói, cũng phải biết phân-biệt vàng thau – không phải hễ tân-thời là xấu hay hễ tân-thời là tốt. Tôi nghĩ đây cũng là một đức-tính rất quan-trọng, thiếu nó Giáo-hội không thể giảng-dậy và phục-vụ đúng.

 

Tôi muốn trở lại đề-tài hệ-thống kinh-tế hiện nay của tây phương chúng ta. Ngài có tin rằng, hệ-thống chỉ đề cao kinh-tế thị-trường này có thể sống với tình-trạng hiện-thời qua mười năm nữa không?

Vốn hiểu-biết của tôi về tình-hình kinh-tế thế-giới quả rất hạn-hẹp. Tuy nhiên tình-trạng kinh-tế hiện nay không thể kéo dài là điều hiển-nhiên. Thứ nhất nợ nhà-nước là một mâu-thuẫn nội-tại, vì nhà-nước sống trong tình-trạng nghịch lí, một đàng chi tiền và bảo-đảm cho giá-trị tiền-tệ, đàng khác lại hoàn-toàn phá-sản, vì nợ-nần chồng-chất. Dĩ nhiên còn có mức chênh-lệch nợ-nần Bắc Nam. Những điều đó cho thấy ta đang sống trong ảo-tưởng, mâu thuẫn và tiến-trình này không thể tiếp-diễn mãi trong tương-lai vô-định.

Hiện tại (mùa xuân 1996) chúng ta đang chứng-kiến tình-trạng lạ-lùng ở Mỹ: nhà-nước đột-ngột cháy túi và hết khả-năng trả lương đành phải cho nhân-viên nghỉ việc. Quả là một mâu-thuẫn ghê-gớm, vì nhà-nước có trách-nhiệm bảo-đảm sự vận-hành liên-đới cho toàn guồng máy quốc-gia. Biến-cố này cũng cho thấy hệ-thống nhà-nước của ta có những khuyết-điểm quá lớn và cần nhiều nỗ-lực để tìm ra thuốc chữa. Nhưng tôi muốn nói thêm là người ta sẽ không tìm ra thuốc chữa, nếu dân-chúng không có khả-năng chấp-nhận hi-sinh. Bởi vì không phải chỉ cần có những chỉ-thị của chính-phủ là có thể thực-hiện được những cải-tổ. Đây là thách-đố lớn của các xã-hội. Ta phải biết rằng, ta không thể có tất-cả những gì ta muốn, rằng ta không thể giữ mãi được mức-độ đã đạt được. Phải tìm ra cách tránh bị lệ-thuộc của-cải, chỉ biết khư-khư lo bảo-vệ quyền-lợi và những đòi-hỏi riêng-tư. Tôi nghĩ, cuộc biến-đổi con tim này cần-thiết để có thể hi-sinh cho tương-lai và tha-nhân; đây chính là thách-đố quyết-định vận-mệnh của hệ-thống chúng ta.

 

Thưa hồng-y, lúc này người ta có thể đánh-giá lịch-sử triều-đại giáo-chủ đương thời được chưa? Sự kết-thúc của triều-đại Gio-an Phao-lô II có ý-nghĩa gì cho Giáo-hội và thế-giới? Giáo-chủ qua đi chỉ là chấm-dứt một thời-đại hay còn tiềm-ẩn ý-nghĩa nào khác ? Gio-an Phao-lô II, hiện-thân của thế-giới tây phương, qua đi có nghĩa là thế-giới cũ cũng chấm-dứt?

Tôi rất dè-dặt thảo-luận về những viễn-ảnh tương-lai. Chính sự-kiện Giáo-chủ đến từ Ba-lan đã làm xê-dịch viễn-ảnh rất nhiều rồi. Với Ba-lan, biên-giới Tây Âu lùi xa sang Đông Âu. Chân trời tây phương mở ra với những chiều-kích đông phương. Chính qua những chuyến thăm-viếng mục-vụ, giáo-chủ Gio-an Phao-lô II đã nhấn mạnh nhu-cầu Giáo-hội phải vượt ra ngoài địa-bàn Tây Âu. Tuy nhiên tôi nghĩ di-sản Tây Âu, nếu muốn dùng kiểu nói này, vẫn có chỗ đứng quan-trọng trong lịch-sử. Bởi vì Giáo-hội xưa không phải chỉ cống-hiến cho nhân loại những kho-tàng trường-tồn của nghệ-thuật rô-man-ních, gô-tích, phục-hưng, ba-rốc, v. v., nhưng Giáo-hội này cũng đã cống-hiến bao khuôn mặt thánh-nhân vĩ-đại, những người đã mở ra những lối sống và suy-tư nhằm trình-bầy một Ki-tô giáo cao-cả và chân-thực, nhờ đó con người trở thành người hơn. Nhân loại sẽ không thể dứt-bỏ những yếu-tố nền-tảng này, nhưng có thể và được phép hội-nhập chúng vào những chân trời mới, bao-la hơn.

 

Lịch-sử thật của thế-giới về sự viên-mãn của thời-gian

Trong thông-thư "Ngàn năm thứ ba đang tới” gửi các giám-mục, linh-mục và tín-hữu về đề-tài chuẩn-bị năm 2000, Giáo-chủ nói đến "sự viên-mãn của thời-gian". Ngài giải-thích, ý-niệm thời-gian trong Ki-tô giáo mang "ý-nghĩa nền-tảng". Nghĩa là « thời cuối cùng», giờ sau hết, đã bắt đầu với sự xuất-hiện của đức Kitô. Đây là điểm khởi đầu "thời-gian của Giáo-hội, nó sẽ kéo dài cho tới khi Người trở lại". Hồng-y giải-thích điểm này như thế nào? Có phải vở kịch đã được viết xong từ lâu, chúng ta đã đến ngày tàn?

Đó là một chương mang ý-nghĩa Kinh thánh trong phần đầu của tông-thư. Ý-niệm "thời-gian viên-mãn" lấy từ thánh Phaolô. Tư-tưởng cho rằng đây là “thời kết-thúc”, màn kết của lịch-sử, được viết rõ trong Kinh-thánh. Tuy nhiên phúc-âm Lu-ca, với tầm nhìn xa khác thường, nới rộng điểm kết-thúc qua câu: "Giê-ru-sa-lem sẽ bị nhiều dân-tộc dày-xéo tới khi thời-gian của họ viên-mãn" (Lc,24, 24).

Các giáo-phụ khai-triển ý-niệm này, so-sánh lịch-sử với đời người được chia thành sáu giai-đoạn. Theo các ngài, lịch-sử nhân loại giờ đây đã bước vào giai-đoạn thứ sáu và là giai-đoạn kết. Mãi tới Thời-mới ý thức này mới thay-đổi. Trong thời Phục-hưng xuất-hiện ý-tưởng cho rằng lúc này đây mọi chuyện mới thực-sự bắt đầu. Thời trước đó không phải thời-đại thứ sáu, nhưng là thời Trung-cổ, lúc này ta mới lại tiến lên trong lịch-sử đích-thực và lúc này mới lại là thời-điểm hướng lên phía trước. Tư-tưởng này sở-dĩ nảy sinh, vì con người khám-phá ra rằng những thời-đại của thế-giới dài rộng hơn nhiều và thế-giới cũng như lịch-sử nhân loại không chỉ kéo dài sáu ngàn năm, nhưng trong thời-gian vô định. Như thế ý-niệm “thời cuối cùng” dĩ-nhiên mất ý-nghĩa và thời-gian có thể nói được là kéo dài không biết đến bao giờ.

Cái nhìn theo Kinh thánh và quan-điểm của các giáo-phụ dựa trên lược-đồ sáu thời-đại rõ-ràng, với mỗi thời dài khoảng 1000 năm, phải được xét lại trong bối-cảnh văn-hóa mới. Kinh thánh nói, lịch-sử đi vào thời quyết-định và kết-thúc với sự xuất-hiện của đức Kitô. Tư-tưởng chính-yếu này của Kinh thánh phải được hiểu lại cách hoàn-toàn mới. Tôi muốn nói, sự phát-triển trong những thập niên vừa qua, với lịch-sử thế-giới qua mau hơn và những đe-doạ mỗi ngày thêm đè nặng trên nó, gợi lên ý-tưởng về thời-kì cuối rõ-ràng hơn. Nhưng không phải chỉ có thế. Ta còn hiểu thêm rằng, quả thực một thời-đại lịch-sử mới và cuối cùng đã khởi đầu với phong-trào Ki-tô giáo. Bởi vì ngay từ bước đầu Ki-tô giáo đã nhắm đến hợp-nhất thế-giới, phân-biệt đạo đời và đem lại phần nào sự tự-chủ qua việc xoá sạch dấu-vết thần-linh của thế-giới. Thời-kì lịch-sử này gắn liền với ý-thức cho rằng lịch-sử sắp chấm dứt, không theo cách tính bằng thiên niên-kỉ, nhưng theo nghĩa lịch-sử đang trên đường và Đức Ki-tô là khởi đầu của điểm kết-thúc, thế-giới xa-lìa Ngài, nhưng rồi lại hướng về Ngài.

Đó là những điểm Giáo-chủ muốn đề-cập, ngài muốn nói, chính đức Ki-tô cắm mốc quyết-định vào lịch-sử thế-giới và trên con đường bấp-bênh, ngày càng thêm bi-thảm hơn của lịch-sử, Ngài không những là khởi điểm mà còn là đích điểm. Hướng về Ngài ta đi tới điểm kết-thúc. Kết-thúc này không đơn-thuần là sự huỷ-diệt, nhưng là sự hoàn-tất mĩ-mãn, đem lại nét toàn-vẹn nội-tại cho lịch-sử.

 

Trong tông-thư đã dẫn Giáo-chủ còn nhận-xét rằng theo niềm tin của Giáo-hội, năm 2000 không giống bất cứ năm nào khác, nó không chỉ đáng để ý vì là thời-điểm sang trang của một thế-kỷ hay một thiên niên-kỷ, nhưng là một năm rất đặc-biệt, "năm hồng-ân Thiên Chúa”. Điều đó có ý-nghĩa gì? Sẽ có những hiện-tượng đặc-biệt xẩy ra chăng? Ta sẽ lãnh-nhận những hồng-ân đặc-biệt chăng? Năm toàn-xá phải được dùng để tái tạo công-bằng xã-hội, phải là năm tha tội và hình phạt cho tất-cả những ai lỗi phạm, phải là năm hòa-giải giữa các đối-thủ, năm của những cuộc trở lại dưới nhiều hình-thức, năm của thống-hối trong và ngoài bí-tích. Hay Giáo-hội còn muốn chuẩn-bị cho những gì khác nữa, vì tông-thư còn có một câu nhiều nghĩa: Giáo-hội không thể «bước qua ngưỡng cửa của ngàn năm mới, mà không kêu-gọi con-cái thanh-tẩy qua sám-hối lỗi lầm, bất trung, mâu-thuẫn, trì-trệ"?

Tôi nghĩ cần phải làm sáng-tỏ niên-hiệu này có và không có ý-nghĩa gì. Trước hết phải gạt bỏ mọi mong-chờ hão-huyền. Không có chuyện những biến-cố lớn trên bình-diện vũ-trụ, văn-hoá hay tôn-giáo sẽ tự-nhiên xẩy ra. Cần tỉnh-táo nhận-định rằng niên-hiệu thuần-tuý tự nó gói-ghém những tình-cờ. Dionysius Exiguus[71] đã tính sai mấy năm về ngày sinh của đức Kitô. Niên lịch của ta lại dựa trên cách tính này; đúng ra đức Ki-tô sinh 7 năm trước công-nguyên. Vậy lễ mừng năm 2000 lẽ ra cũng phải xích lên sớm hơn. Nói tóm lại, không nên bận-tâm với những chuyện hão-huyền.

 

Nhưng lịch-sử công-nhận sự-kiện này….

Niên-lịch này đã phổ-biến và ta đã quen với nó. Nhưng nó không được đặt ra do nhu-cầu siêu-hình, chứ đừng nói đến do nhu-cầu thuần-tuý lịch-sử. Vậy, đây là điểm thứ nhất: Cần vứt-bỏ những trông-chờ hão. Điểm thứ hai: Vậy nó là gì? Giáo-chủ nói có lí, trước hết nó là một niên-hiệu tưởng-nhớ. Nó khêu-gợi trí nhớ ta, là niên-hiệu tưởng-nhớ sinh nhật của đức Giê-su Kitô, một biến-cố quan-trọng đến độ đã được dùng để tính thời-gian cho cả nhân-loại, hay ít ra cho phần lớn nhân-loại. Trước hết nó là sự tưởng-nhớ về những gì đã xẩy ra, không phải đơn-thuần hồi-tưởng lại cái gì đã qua, nhưng là đi sâu vào thâm-tâm ta, tưởng-nhớ chính Ngài như đấng luôn hiện-diện và có liên-hệ với ta. Chính vì là niên-hiệu hồi-tưởng và là sự ghi nhớ hiện-tại và tương-lai, không phải chỉ ghi nhớ dĩ-vãng, nên đó là một cơ-may cũng như là một thách-đố đòi ta sống xứng với kỉ-niệm này và lấy nó làm mẫu-mực xét-đoán ta.

Ở đây Giáo-chủ một đàng giúp nhân-loại, ít ra là ki-tô-hữu, tự đổi mới bằng cách lặp lại sự tưởng-nhớ này, cụ-thể qua chương-trình ba năm như đã nói. Chương-trình này là một cố-gắng duy-nhất đi vào thẳm sâu ký-ức ta, đi vào những hiểu-biết và chân-lí được giữ kín trong đó. Đó là điểm thứ nhất, có thể nói Giáo-chủ chỉ ra con đường giúp ta thực-sự nhớ lại, và qua đó nối-kết hiện-tại với tương-lai.

Điểm thứ hai: Ngài lấy lại hình-ảnh năm kỉ-niệm của Cựu ước, theo đó cứ 49 năm, tức 7 lần 7 năm, lịch-sử lại bắt đầu lại. Vào năm đó mọi người phải từ-bỏ hoàn-toàn sở-hữu, làm lại từ đầu, như vậy có thể nói là cũng luôn-luôn gồm có tha-thứ tất-cả, trở về nguồn. Giáo-chủ nói, nếu có một năm kỷ-niệm theo nghĩa này, thì đối với ta đó phải là năm 2000, ta mừng năm này theo cách-thức của ta bằng cách gắng trở về nguồn, tức là trở về với đức Kitô. Những hình-ảnh Cựu-ước đó cũng đặt ra cho ta một thách-đố, đòi ta thanh-toán sòng-phẳng nợ-nần, giải-thoát ta khỏi mọi gánh nặng của những hệ-thống kinh-tế đông cứng hoặc những thứ tương-tự và cố-gắng làm cuộc khởi đầu mới.

Tất-cả những cái đó không tự-nhiên từ trời rơi xuống, nhưng là một nghĩa-vụ và khả-năng của trí nhớ mà có. Tôi muốn nói, ta phải tỉnh-táo với ý-tưởng nền-tảng : tưởng-niệm / ghi nhớ. Nhưng tỉnh-táo không có nghĩa coi thường tất-cả, nhưng là nhận ra đòi-hỏi của nó và cố-gắng tìm ra sức nâng-đỡ, để có thể tận-dụng nỗ-lực ghi nhớ này một cách hữu-hiệu làm nên một cuộc khởi đầu mới.

 

Nhưng Giáo-chủ còn đi rất xa khi nói về thời-điểm bước vào ngàn năm mới. Ngài nói: Hãy thanh-tẩy và thống-hối; và mới đây trong chuyến thăm mục-vụ nước Úc, ngài nói, có lẽ phải vào tận sa-mạc để chờ Chúa trở lại.

Tôi không biết đoạn văn này, nhưng chắc-chắn ngài không muốn nói Chúa sẽ trở lại vào năm 2000. Bởi như thế là mâu-thuẫn, vì ta không biết ngày giờ Chúa trở lại. Có thể nói Chúa sẽ trở lại khi nào trí nhớ lại mở ra; trong ý nghĩa này, qua suốt chiều dài lịch-sử, đã có nhiều lần đức Ki-tô trở lại, tái hiện-diện trong lịch-sử. Như vậy ta nên hoàn-toàn để ngỏ câu hỏi, khi nào Ngài vĩnh-viễn đi vào lịch-sử, khi nào Ngài vĩnh-viễn nắm lấy lịch-sử và lay động nó; ta không nên chắp-nối thời-điểm này với bất cứ một tính-toán thời-gian nào. Cái ta cầu xin, cái ta nên và muốn chuẩn-bị đón-nhận là mong Ngài có thể lại tới trong thời-điểm này, qua tâm-hồn đã mở sẵn. Tôi nghĩ ta nên hiểu lời Giáo-chủ cũng như câu "đi vào sa-mạc" theo ý-nghĩa này. Có người hiểu những lời đó theo nghĩa đen. Nhưng xét tổng-quát, ý-nghĩa của những lời này là, trong thời-gian này ta phải thực-sự gắng thoát khỏi thế-giới cồng-kềnh đủ thứ đồ-đạc dư-thừa, để đi vào tự-do nội-tâm, tỉnh-thức và thống-hối, thiếu chúng không thể có cuộc khởi đầu mới.

 

Bao nhà xã-hội học, tương-lai học và nhà bình-luận văn hóa háo-hức tìm lối giải-thích và cách diễn-tả trừu-tượng cho thời-gian sắp tới. Ta đã có thời hiện-đại, hậu hiện-đại và cả hậu hậu hiện-đại rồi. Nếu thêm một "hậu" nữa, xem ra quá rắc-rối. Có lẽ nỗi khắc-khoải mong-chờ cái sẽ tới sẽ giải-quyết điểm này và có lẽ nỗi khắc-khoải này cũng sẽ tìm ra thuật-ngữ mới cho thời-gian. Ta nên cho nó danh xưng gì? Ngài có đề-nghị nào không?

Tôi không có đề-nghị nào về danh xưng. Tôi luôn phản-đối việc người ta nói tới sự kết-thúc thời Hiện-đại, nói tới thời Hậu hiện-đại. Toàn là lối phân-chia quá vội-vàng. Phải chờ một khoảng thời-gian nhất-định mới nhìn ra điểm thời-đại sang trang. Hẳn thời Phục-hưng đã đẻ ra ý-niệm "Trung-cổ", để nói lên rằng, trước đó đã có chuyện gì xẩy ra, nhưng nay nó phải chấm-dứt. Với kiểu phân-chia thời-đại như thế, thời Phục-hưng muốn trình-bầy chính mình như một cái gì mới và điểm này xem ra có lí. Ngày nay ta cũng chứng-kiến một biến-đổi lớn đang diễn ra giữa dòng lịch-sử trôi mau, làm thay-đổi bộ mặt của Thời-mới với khoảng 400 tới 500 năm vừa qua. Nhưng có lẽ ta nên xét lại toàn-bộ cách phân-chia thời-đại nặng tính tây phương này. Bởi khó nhét vào đó lịch-sử Ấn-độ và Trung-hoa, dù có những điểm song-song. Jaspers gợi lên cái gọi là Thời ngưỡng cửa, chạy xuyên-suốt mọi nền văn-hóa. Dù sao tôi nghĩ, ngay bây giờ ta chưa nên nặn ra một danh xưng cho cái ta chưa biết. Trái lại ta cần tỉnh-thức trước những đổi-thay và gắng nắm sẵn những yếu-tố lèo-lái đúng-đắn - để một khi xuất-hiện thời-đại mới hơn thay-thế cái thời trước kia là mới nhưng nay đã già-cội, cái thời mới hơn này sẽ là thời của nhân loại và của Thiên Chúa.

 

Thưa Hồng-y, đây là câu hỏi chót: Lịch-sử đích-thực của thế-giới là gì? Ngoài ra, Chúa thực-sự muốn gì ở ta? Có lần ngài viết: "Đặc-điểm của lịch-sử là sự giằng-co giữa yêu và không có khả-năng yêu, tức là sự cằn-cỗi của tâm-hồn, nó xẩy ra khi con người chỉ có thể chấp-nhận những giá-trị lượng-số mới là giá-trị và thực-tại… Sự huỷ-diệt khả-năng yêu sinh ra nỗi chán-chường chết người. Nó là sự đầu-độc con người. Nếu nó thắng thế, con người và cả thế-giới sẽ bị huỷ-diệt".

Ở đây tôi dựa vào An-tịnh; còn ngài lại múc từ nguồn truyền-thống giáo-lí Ki-tô giáo, ở đó toàn-bộ lịch-sử được trình-bầy như một cuộc tranh-chấp giữa hai quốc-gia, giữa hai cộng-đồng công-dân. Goethe lấy lại ý-tưởng này và nói, lịch-sử nhìn tổng-quát là một cuộc chiến giữa tin và không tin. An-tịnh có cái nhìn hơi khác, ngài nói, lịch-sử là cuộc chiến giữa hai loại tình yêu, giữa yêu Chúa đến hy-sinh chính mình và yêu mình đến chối-bỏ Chúa. Ngài trình-bầy lịch-sử như bi-kịch về cuộc chiến giữa hai thứ yêu. Tôi tìm cách làm sáng-tỏ thêm ý-tưởng này, khi cho rằng đối-lực của yêu không phải là một loại tình yêu khác, nó không đáng gọi là tình yêu, nhưng là sự chối-bỏ tình yêu. Đó là hiện-tượng ta cũng đang chứng-kiến ngày nay, khi con người bị sự tự-chủ chi-phối đến nỗi nói rằng, tôi không muốn yêu, vì nó làm tôi lệ-thuộc và như vậy nó phản lại tự-do của tôi.

Quả thực yêu có nghĩa là lệ-thuộc vào cái tôi có thể mất đi và như thế đem lại nguy-cơ đau-khổ cho đời tôi. Từ đó sinh ra sự khước-từ ẩn kín hoặc bộc-lộ: Tôi thà không yêu, hơn là mãi-mãi lao vào nguy-cơ đau-khổ, bị giới-hạn khả-năng tự-quyết, bị lệ-thuộc vào cái tôi không thể có và bổng-chốc rơi vào hư-không. Trong khi đó quyết-tâm đến từ đức Ki-tô hoàn-toàn khác: Sẵn-sàng yêu, vì chỉ có thứ tình yêu với nguy-cơ bị đau-khổ và mất-mát mới đem con người về với chính mình và giúp nó thể hiện được bản-chất của mình.

Tôi nghĩ, đây thực là bi-kịch của lịch-sử: trong trận-tuyến kình chống nhau dưới nhiều hình-thức, lịch-sử kết-cục được thu gọn trong công-thức: sẵn-sàng yêu hay từ chối yêu.

 

Và Chúa thực-sự muốn gì nơi ta?

Ngài muốn ta trở thành những kẻ yêu-thương và như vậy trở nên giống Ngài. Bởi, như thánh Gio-an nói với ta, Ngài là tình yêu, Ngài muốn có những thụ-tạo giống Ngài và trở nên như Ngài trong tình yêu tự-do, gắn-bó với Ngài và như thế có thể nói là toả ra ánh sáng của chính Ngài.

 

HẾT

 

----------------------------------------

[70] Nguyên văn câu của thẩm-phán Börkenförde: “Der freiheitliche, säkularisierte Staat lebt von Voraussetzung, die er selbst nicht garantieren kann" : Nhà-nước tự-do và tục-hoá sống bằng điều-kiện mà nó không thể tự bảo-đảm được.

[71] D. Exiguus: tu-sĩ và học-giả, người đầu tiên làm niên lịch Ki-tô giáo dưới thời giáo-chủ Gio-an I (523-526)