Tông Huấn: "Niềm Vui của Tình Yêu"

AMORIS LAETITIA 

Đức Thánh Cha Phanxicô

Nguồn: http://thuvienconggiao.org/

Chương VII : CỦNG CỐ VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI




259. Cha mẹ luôn có ảnh hưởng trên sự phát triển về mặt tinh thần của con cái, về điều tốt cũng như điều xấu. Vì thế, việc tốt nhất là họ hãy đảm nhận trách nhiệm không thể né tránh này và thực hiện việc giáo dục cách ý thức, nhiệt thành, hữu lí và phù hợp. Vì chức trách giáo dục này của gia đình là rất quan trọng và trở nên rất phức tạp, nên tôi muốn dừng lại ở điểm này để xem xét cách đặc biệt.

 

Con cái của chúng ta đang ở đâu?

260. Gia đình không thể khước từ mình chính là nơi nâng đỡ, đồng hành, hướng dẫn con cái, cho dù cần phải tái tạo lại các phương pháp và tìm cho ra các nguồn lực mới. Cha mẹ cần phải dự tính xem mình muốn trao cho con cái những gì. Bởi thế cha mẹ không được tránh né tự hỏi xem ai là người đang quan tâm cung ứng cho chúng những trò giải trí và niềm vui, ai là kẻ đi vào phòng của bọn trẻ qua các màn hình TV hay máy điện tử, ai là người mà mình trao phó con cái để họ hướng dẫn chúng trong những thời gian rảnh rỗi. Chỉ cần chúng ta dành thời gian cho con cái, nói với chúng về những chuyện quan trọng một cách đơn giản với tâm tình trìu mến, và tạo ra những cơ hội lành mạnh để chiếm hết thời gian của chúng, như vậy sẽ giúp chúng tránh được khỏi bị xâm hại. Cảnh giác thì luôn luôn cần thiết. Bỏ bê con cái không bao giờ là điều hay. Cha mẹ phải hướng dẫn và chuẩn bị cho con cái, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, để chúng biết đối phó với những hoàn cảnh mà chúng có thể gặp phải, chẳng hạn như các nguy cơ bị tấn công, lạm dụng hoặc nghiện ngập.

261. Tuy nhiên, lo lắng quá đến mức bị ám ảnh thì không phải là giáo dục, và chúng ta không thể kiểm soát hết mọi tình huống mà con mình có thể trải qua. Ở đây có thể ứng dụng nguyên tắc “thời gian thì quan trọng hơn không gian”[1]. Nói cách khác, điều quan trọng là tạo ra các qui trình hơn là kiểm soát các nơi chốn. Nếu một phụ huynh bị ám ảnh muốn biết con mình đang ở đâu và kiểm soát mọi việc làm của nó, thì đó chỉ là tìm cách kiểm soát về nơi chốn. Đó không phải là giáo dục con, không giúp con tăng trưởng, không chuẩn bị cho con đối đầu với những thách đố. Điều đáng quan tâm chủ yếu là tạo ra nơi con cái, với cả tình thương yêu, những tiến trình giúp trưởng thành sự tự do của con, chuẩn bị, triển nở toàn diện, vun trồng sự tự lập đích thật. Chỉ như thế đứa con mới có được những yếu tố cần thiết để biết tự bảo vệ và hành động cách thông minh và khôn ngoan trong các hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, câu hỏi quan trọng đặt ra không phải là biết con mình hiện đang ở đâu, lúc này nó đang ở với ai, theo nghĩa thể lí, nhưng là hiện giờ nó đang ở đâu theo nghĩa hiện sinh, nghĩa là nó đang đặt những xác tín, mục tiêu, ước muốn, dự tính cuộc đời mình ở đâu. Thế nên, những câu hỏi mà tôi muốn đặt ra với các bậc cha mẹ là: “Chúng ta có tìm hiểu con mình đang thực sự “ở đâu” trong hành trình đời sống của chúng không? Tâm hồn của chúng đang thực sự ở đâu, chúng ta có biết không? Và nhất là, chúng ta có muốn biết điều đó không?”[2].

262. Nếu trưởng thành chỉ là sự phát triển một cái gì đó vốn đã có sẵn trong mã di truyền, thì sẽ không có gì để làm. Sự khôn ngoan, khả năng phán đoán và lương tri không phụ thuộc vào các yếu tố tăng trưởng thuần túy về lượng, nhưng phụ thuộc cả một chuỗi các yếu tố tổng hợp trong thâm sâu tâm hồn con người; chính xác hơn, nằm ngay trong trung tâm của tự do con người. Hẳn nhiên, mỗi đứa con sẽ làm ta ngạc nhiên với các dự tính của chúng xuất phát từ tự do ấy, chúng phá vỡ cả những khuôn suy nghĩ của cha mẹ, và nếu điều đó có xảy đến thì cũng tốt. Giáo dục gồm cả nhiệm vụ giúp phát triển sự tự do có trách nhiệm, để tại các giao điểm của cuộc đời chúng biết lựa chọn với ý ngay lành và thông minh; đào tạo những người hiểu rõ rằng cuộc sống của mình và của cộng đoàn mình là do mình định đoạt và sự tự do này là một quà tặng lớn lao.

 

Huấn luyện đạo đức cho con cái

263. Dẫu cha mẹ cần đến trường học để bảo đảm cho con cái mình có được một nền giáo dục cơ bản, nhưng họ không bao giờ có thể khoán trắng việc huấn luyện đạo đức cho con cái nơi một ai khác. Sự phát triển tình cảm và đạo đức của một con người đòi hỏi một kinh nghiệm cơ bản: tin rằng cha mẹ của mình là đáng tin cậy. Đó là một trách nhiệm trong giáo dục: với tình thương và gương sáng cha mẹ tạo sự tin tưởng nơi con cái, truyền cho chúng một lòng kính trọng trong yêu thương. Khi một đứa con nào đó không còn cảm thấy mình được quý yêu trước mặt cha mẹ, dù đó là do khuyết điểm của mình, hoặc nó không nhận thấy cha mẹ đang quan tâm thật sự đến nó, điều đó gây tổn thương sâu sắc và tạo nhiều nhiều khó khăn trên bước đường trưởng thành của nó. Sự vắng mặt này, tức là sự bỏ rơi do thiếu tình thương, sẽ gây ra một nỗi đau sâu sắc hơn là một sự sửa dạy nào đó có thể có do trẻ làm một hành động sai trái.

264. Nhiệm vụ của cha mẹ bao gồm cả việc giáo dục ý chí và phát triển những thói quen cũng như khuynh hướng tình cảm hướng thiện cho con cái. Điều đó hàm ý nói đến những cách cư xử tốt đẹp đáng để học tập và những khuynh hướng cần phát triển dẫn đến sự trưởng thành. Nhưng người ta luôn bàn đến một tiến trình khởi đi từ sự bất toàn đến sự viên mãn hơn. Ước muốn thích nghi với xã hội, hoặc thói quen từ bỏ được thỏa mãn ngay lập tức để thích ứng với một luật lệ và bảo đảm cho mình một cuộc chung sống tốt đẹp, tự nó đã là một giá trị khởi đầu cho tâm hồn hướng đến những giá trị cao hơn. Việc giáo dục đạo đức phải luôn được thực hiện bằng những phương pháp tích cực và đối thoại giáo dục liên quan đến sự nhạy cảm và ngôn ngữ riêng của con cái. Ngoài ra, việc giáo dục này phải được thực hiện theo cách quy nạp, sao cho đứa trẻ có thể tự mình khám phá được tầm quan trọng của các giá trị nhất định, các nguyên tắc và luật lệ, thay vì áp đặt cho nó những điều được xem như là những chân lí dứt khoát.

265. Để hành động tốt thì “phán đoán đúng” hoặc chỉ biết rõ những gì phải làm thôi cũng chưa đủ, cho dù đó là điều ưu tiên. Nhiều lúc chúng ta không nhất quán với những xác tín riêng của mình, ngay cả khi chúng chắc chắn. Ngay cả khi lương tâm nói cho ta về một phán đoán luân lí nhất định, thì những thứ khác hấp dẫn hơn có khi sẽ lôi cuốn mạnh hơn, nếu ta chưa đạt được tới mức sự thiện vốn được tâm trí nắm bắt đã bén rễ trong ta như một thiên hướng tình cảm thâm sâu, như ước muốn hướng thiện vượt trổi hơn những điều hấp dẫn kia và cho ta cảm thấy rằng sự thiện mà ta đã nhận biết cũng là sự thiện “cho chúng ta” tại đây và lúc này. Một sự giáo dục đạo đức hữu hiệu bao hàm việc cho người ta biết nên hành động tới mức nào thì tốt. Ngày nay, thường sẽ không đạt được hiệu quả khi ta yêu cầu một điều gì đó đòi hỏi cố gắng và hi sinh từ bỏ mà lại không cho thấy rõ ràng sự thiện mà người ta có thể đạt được.

266. Cần phải phát triển những thói quen. Ngay cả những thói quen mà trẻ đã đắc thủ có một vai trò tích cực, chúng giúp chuyển các giá trị quan trọng đã được nội tâm hóa thành những hành vi bên ngoài lành mạnh và bền vững. Một đứa bé có thể có tâm tính dễ hòa đồng và sẵn lòng đối xử tốt với người khác, nhưng nếu trong một thời gian lâu mà không được người lớn nhắc nhở, không quen nói những tiếng “làm ơn”, “xin lỗi”, “cám ơn”, thì tâm hướng tốt lành đó của nó không dễ dàng được bày tỏ ra theo cung cách này. Củng cố ý chí và lặp lại những hành động nhất định nào đó tạo nên hạnh kiểm đạo đức, và không có sự lặp đi lặp lại có ý thức, tự do và trân trọng những hành vi tốt thì việc giáo dục hạnh kiểm đó sẽ không hoàn tất. Những lí do, hoặc sự hấp dẫn mà ta cảm thấy về một giá trị nhất định nào đó, sẽ không trở thành nhân đức nếu không có những hành động vốn có động lực thúc đẩy thích hợp.

267. Tự do là một cái gì đó rất kì vĩ, nhưng ta cũng có thể đánh mất nó. Giáo dục đạo đức là vun trồng tự do qua các gợi ý, các động lực, những áp dụng thực hành, những khích lệ, phần thưởng, gương lành, mẫu mực, biểu tượng, những suy tư, những lời khuyên dạy, xem xét lại cách hành động và các đối thoại giúp con người phát triển những nguyên tắc bền vững trong nội tâm, có thể đi đến mức làm điều tốt một cách bộc phát. Nhân đức là một xác tín đã được chuyển hóa thành nguyên tắc hành động thuộc nội tâm và bền vững. Bởi thế, đời sống đạo đức xây dựng tự do, củng cố và giáo dục tự do, qua việc ngăn chặn con người trở thành nô lệ cho những xu hướng cưỡng bách biến con người thành bất nhân và chống xã hội. Thật vậy, chính phẩm giá con người đòi hỏi mỗi người phải “hành động theo sự lựa chọn có ý thức và tự do, nghĩa là được thúc đẩy và xác quyết bởi những xác tín cá nhân”[3].

 

Việc sửa phạt có giá trị kích hoạt

268. Tương tự, điều thiết yếu cần giúp trẻ em và thanh thiếu niên nhận ra rằng mọi hành động xấu đều có hậu quả của nó. Cần khơi dậy nơi chúng khả năng tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và hối hận vì đã gây ra sự dữ làm cho người ta đau khổ. Một số hình phạt – đối với những hành động hung hăng chống lại xã hội – có thể phần nào đạt được mục tiêu này. Điều quan trọng là kiên quyết dạy cho trẻ biết xin lỗi và sửa chữa những thiệt hại gây ra cho người khác. Khi tiến trình giáo dục cho thấy những hoa quả nơi sự trưởng thành tự do cá nhân, thì chính đứa trẻ đến một lúc nào đó sẽ bắt đầu chân nhận với lòng tri ân rằng thật là quí hóa khi được lớn lên trong một gia đình và nó cũng chịu đựng được ngay cả những đòi hỏi mà tiến trình huấn luyện đặt ra.

269. Việc sửa lỗi sẽ là một kích hoạt khi cùng một lúc cha mẹ đáng giá cao và nhìn nhận những nỗ lực của con trẻ, còn con trẻ thì nhận ra cha mẹ vẫn tin tưởng kiên nhẫn với nó. Một đứa trẻ được ân cần sửa sai sẽ cảm thấy mình được quan tâm, nó nhận thấy mình là một ai đó, cảm thấy cha mẹ nhìn nhận những tiềm năng của mình. Điều này không đòi hỏi cha mẹ phải hoàn hảo, nhưng cần khiêm tốn nhận biết những hạn chế của mình và chứng tỏ rằng mình cũng rất nỗ lực để trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, một dấu chứng mà con cái cần thấy nơi cha mẹ đó là không để cho những cơn giận cuốn mình đi. Khi con làm điều xấu, thì phải được sửa lỗi, nhưng không bao giờ xem con như một kẻ thù hoặc như một đối tượng để mình trút cơn nóng giận. Ngoài ra, người lớn phải biết rằng một số hành vi xấu gắn liền với sự mỏng manh và giới hạn tuổi tác của trẻ nhỏ. Bởi thế, việc thường xuyên sửa phạt có thể sẽ gây tác hại chứ không giúp trẻ cảm nhận được mức độ nghiêm trọng của các hành vi và gây ra sự chán nản bực bội: “Hỡ những người làm cha, đừng làm con cái bực tức” (Ep 6,4; cf. Cl 3,21).

270. Điều cơ bản là đừng biến kỉ luật thành một lực kháng hủy hoại ước muốn, nhưng trở thành một lực đẩy để đi xa hơn. Làm thế nào để hòa nhập kỉ luật với sức năng động nội tâm? Làm thế nào để đảm bảo kỉ luật là một giới hạn có tính xây dựng của cuộc hành trình mà đứa trẻ phải đảm nhận, chứ không phải là một bức tường ngăn chặn hoặc là một lối giáo dục gây ức chế? Cần tìm ra sự cân bằng giữa hai thái cự có hại như nhau. Một đàng đòi phải xây dựng một thế giới phù hợp với những ước muốn của con cái, chúng sẽ lớn lên với ý thức mình là chủ thể của quyền lợi chứ không phải của trách nhiệm. Đàng khác đi đến chỗ con cái sống mà không ý thức về phẩm giá của mình, về căn tính riêng và các quyền của mình, chúng bị đè nặng bởi các nghĩa vụ và phục tùng để thực thi những ước muốn của người khác.

 

Thực tiễn trong kiên nhẫn

271. Giáo dục đạo đức bao hàm việc chỉ đòi hỏi một đứa bé hay một người trẻ chỉ những điều đối với chúng không là một hi sinh quá mức chịu đựng, và chỉ đòi hỏi trong mức độ chúng phải nỗ lực mà không gây phẫn uất hoặc cảm thấy bị cưỡng bức. Hành trình thông thường là đề ra những bước nhỏ có thể được hiểu, được chấp nhận và được trân trọng, và bao gồm một sự từ bỏ hợp lí. Ngược lại, nếu đòi hỏi quá nhiều, thì sẽ không được điều gì cả. Con người ta ngay khi có thể được giải thoát khỏi quyền bính, có thể sẽ thôi không còn làm điều tốt nữa.

272. Việc giáo dục đạo đức đôi khi gặp phải phản ứng khinh thường do con trẻ trải nghiệm mình đã bị bỏ rơi, vì thất vọng, thiếu tình thương, hoặc một ấn tượng xấu về cha mẹ. Các giá trị đạo đức được phóng chiếu lên những hình ảnh méo mó của người cha và người mẹ, hoặc những yếu đuối của người lớn. Bởi thế, ta cần giúp thanh thiếu niên biết áp dụng trong thực tế những điều tương tự như: những giá trị đạt được cách đặc biệt nơi một số người rất gương mẫu, nhưng cũng được thể hiện một cách không hoàn hảo và ở các mức độ khác nhau. Đồng thời, vì những phản kháng của người trẻ thường gắn liền với những kinh nghiệm tiêu cực, cho nên ta cần giúp họ theo con đường chữa trị vết thương của thế giới nội tâm này, từ đó họ mới có thể đi đến sự thông cảm và hòa giải với con người và với xã hội.

273. Trong khi đề ra các giá trị, ta cần tiến hành từ từ, khai triển bằng nhiều cách khác nhau tùy theo độ tuổi và khả năng cụ thể của con trẻ, không đòi hỏi phải áp dụng các phương pháp nghiêm ngặt và thiếu uyển chuyển. Những đóng góp có giá trị của tâm lí học và khoa học giáo dục cho thấy rằng để làm thay đổi hành vi của một đứa trẻ cần có một quá trình tiệm tiến, nhưng cũng như tự do nó cần được khai thông và kích thích, vì tự nó tự do không thể đảm bảo sự trưởng thành của mình. Tự do được đặt trong hoàn cảnh, thực tế, đó là tự do bị giới hạn và có điều kiện. Tự do đó không đơn thuần là một khả năng lựa chọn điều tốt hoàn toàn có tính bộc phát. Ta thường không phân biệt được cách thỏa đáng giữa hành động “tự nguyện” và hành động “tự do”. Một người nào đó có thể ước muốn rất mạnh mẽ một điều gì đó xấu xa, do một niềm đam mê không thể cưỡng lại hoặc bởi một nền giáo dục tệ hại. Trong trường hợp như vậy, quyết định của người ấy đúng thực là tự nguyện, không mâu thuẫn với xu hướng của ý chí, nhưng đó không phải là tự do, bởi vì hầu như người đó không thể không chọn điều xấu ấy. Đó là điều xảy ra với người nghiện ngập ma túy không cưỡng lại được. Khi người đó muốn có ma túy thì anh làm hết sức để có nó, nhưng anh ta đã bị áp lực cưỡng bức mạnh mẽ đến nỗi lúc đó anh không thể có một quyết định khác hơn. Vì vậy, quyết định của anh là tự nguyện, nhưng không tự do. Không có nghĩa gì cả khi nói “hãy để anh tự do lựa chọn”, bởi lẽ thật ra anh không thể chọn lựa, và càng lao vào ma túy anh càng gia tăng nghiện ngập. Người nghiện cần đến sự giúp đỡ của người khác và một tiến trình giáo dục.

 

Đời sống gia đình như một khung cảnh giáo dục

274. Gia đình là trường học đầu tiên dạy các giá trị nhân bản, nơi đây người ta học biết sử dụng tự do một cách tốt đẹp. Có những xu hướng đã được hình thành chín chắn trong thời thơ ấu bám rễ sâu trong con người và chúng vẫn còn tồn tại suốt cuộc đời, như một cảm xúc thuận lợi đối với một giá trị, hoặc như một sự chối bỏ tự phát những lối cư xử nhất định. Nhiều người hành động trong cả cuộc sống theo một cung cách nhất định nào đó vì họ xem như vậy là đáng giá, cái cung cách hành động như đã thấm sâu và trở thành con người của họ từ thời thơ ấu: “Tôi đã được dạy như thế”; “Đó là những gì tôi đã học”. Trong bối cảnh gia đình, người ta cũng có thể học biết phân định với tinh thần phê bình các thông điệp do các phương tiện truyền thông đem lại. Thật đáng buồn, một số chương trình truyền hình hoặc một số hình thức quảng cáo có ảnh hưởng tiêu cực và hạ thấp những giá trị hấp thụ được từ trong cuộc sống gia đình.

275. Trong thời đại hiện nay, nơi mà những lo lắng và tốc độ kĩ thuật ngự trị, nhiệm vụ rất quan trọng của gia đình là giáo dục khả năng biết chờ đợi. Vấn đề không phải là cấm bọn trẻ chơi với các thiết bị điện tử, nhưng phải tìm cách để giúp chúng có khả năng phân biệt các lí lẽ khác nhau và không áp dụng tốc độ kĩ thuật số trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Trì hoãn không phải là khước từ ước muốn, nhưng là làm chậm lại sự thỏa mãn của mình. Khi trẻ em hoặc thanh thiếu niên không được giáo dục để chấp nhận rằng có những điều phải chờ đợi, chúng sẽ trở thành những kẻ kiêu căng độc tài, bắt mọi sự phục tùng để thỏa mãn nhu cầu trước mắt của chúng và chúng lớn lên cùng với thói hư muốn có “tất cả ngay lập tức”. Đó là một sự lừa dối kinh khủng vốn không giúp cho tự do triển nở, mà còn làm hại tự do. Trái lại, khi người ta giáo dục để học biết trì hoãn một số điều và học biết chờ đợi cho tới thời điểm phù hợp, tức là người ta dạy cho biết làm chủ bản thân, độc lập trước các xung năng của mình nghĩa là gì. Như thế, khi trẻ em kinh nghiệm được mình có thể chịu trách nhiệm về chính mình, lòng tự trọng của chúng càng được phát triển. Đồng thời, điều đó dạy cho chúng biết tôn trọng quyền tự do của người khác. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là kì vọng trẻ sẽ hành động như người lớn, nhưng cũng không được xem thường khả năng phát triển sự tự do trong trách nhiệm đến mức trưởng thành của chúng. Trong một gia đình lành mạnh, tiến trình học tập này được thực hiện cách thôg thường qua những đòi hỏi của cuộc sống chung.

276. Gia đình là môi trường đầu tiên của việc hòa nhập xã hội, bởi vì đó là nơi đầu tiên con người học biết đặt mình đối diện với người khác, để lắng nghe, để chia sẻ, để chịu đựng, để tôn trọng, để giúp đỡ, để chung sống. Nhiệm vụ của giáo dục là phải khơi dậy cảm nhận về thế giới và xã hội như “bầu khí gia đình”, dạy ta biết “sống” vượt ra ngoài giới hạn ngôi nhà riêng của mình. Trong khung cảnh gia đình ta học để làm sống lại sự gần gũi, quan tâm lẫn nhau, chào hỏi nhau. Nơi đó người ta phá vỡ vòng vây ích kỉ nguy khốn để nhận ra rằng chúng ta đang sống cùng những người khác, với những người khác, những người xứng đáng với sự quan tâm, tử tế, và tình cảm của chúng ta. Sẽ không có mối tương quan xã hội nào nếu không có chiều kích đầu tiên của cuộc sống thường nhật này, xem ra rất nhỏ nhặt: sống gần gũi bên nhau, hằng ngày chúng ta gặp nhau lúc này lúc khác, cùng lo đến những điều tất cả chúng ta bận tâm, giúp nhau trong những điều nhỏ nhặt hằng ngày. Mỗi ngày gia đình phải sáng tạo những cách thức mới để gia tăng sự nhận biết lẫn nhau.

277. Trong khung cảnh gia đình người ta cũng có thể thiết lập lại các thói quen tiêu dùng để cùng nhau tiên liệu cho ngôi nhà chung: “Gia đình là chủ thể chính của một hệ sinh thái toàn diện, bởi lẽ nó là chủ thể xã hội đầu tiên, chứa đựng trong chính mình hai nguyên lí-nền tảng của nền văn minh nhân loại trên trái đất: các nguyên lí của hiệp thông và nguyên lí của sự phong nhiêu”[4]. Cũng vậy, những lúc khó khăn và gian khổ trong đời sống gia đình có thể dạy ta rất nhiều điều. Chẳng hạn như khi trong gia đình có một người bệnh, vì “trước hoàn cảnh bệnh hoạn, trong gia đình cũng phát sinh những khó khăn, nguyên nhân do sự yếu đuối của con người. Nhưng, nhìn chung, thời gian gia đình có người bệnh lại là thời gian làm tăng sức mạnh gắn kết gia đình. [...] Một nền giáo dục mà đánh mất sự nhạy cảm với bệnh tật của con người, sẽ làm cho con tim người ta trở nên cằn cỗi. Điều đó làm cho trẻ “bị tê liệt” trước nỗi đau khổ của người khác, không có khả năng đối đầu với đau khổ và sống kinh nghiệm các giới hạn”[5].

278. Các công nghệ truyền thông và giải trí ngày càng phong phú có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn hoặc cản trở sự gặp gỡ giữa cha mẹ và con cái xét về mặt giáo dục. Khi được sử dụng tốt thì chúng có thể hữu ích để nối kết các thành viên trong gia đình cho dẫu ở xa nhau. Sự liên lạc thường xuyên có thể giúp giải quyết các khó khăn[6]. Tuy nhiên, cần phải biết rõ rằng chúng không thay thế cho nhu cầu đối thoại cá nhân và sâu xa hơn vốn cần có một sự tiếp xúc thể lí, hoặc ít nhất, nghe được tiếng nói của người kia. Chúng ta biết đôi khi những phương tiện này làm cho người ta cách xa nhau thay vì xích lại gần nhau, như khi đến giờ ăn mà mỗi người đều chú tâm vào chiếc điện thoại di động của mình, hoặc khi một người đi ngủ trong khi phải chờ người kia, đang mải mê hàng giờ với một thiết bị điện tử. Trong gia đình, đây cũng phải là lí do để đối thoại và thỏa thuận với nhau để làm sao gia đình dành ưu tiên cho sự gặp gỡ của các thành viên mà không rơi vào những điều cấm đoán phi lí. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua những nguy cơ của các hình thức truyền thông mới đối với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, chúng đôi khi làm cho trẻ trở nên thờ ơ, tách rời khỏi thế giới thực. Bệnh “tự kỉ về kĩ thuật” này dễ dàng đưa trẻ vào tầm thao túng của những người tìm cách xâm nhập vào thế giới sâu kín của chúng với những bận tâm ích kỉ.

279. Cũng không tốt nếu cha mẹ trở nên độc tài toàn trị đối với con cái mình, chúng vốn chỉ có thể tin tưởng vào họ, bởi vì như thế là cản trở một tiến trình thích đáng giúp chúng hòa nhập vào xã hội và trưởng thành tình cảm. Để hiệu quả của việc làm cha và làm mẹ được nối dài đến với một thực tại rộng lớn hơn, “các cộng đoàn Kitô hữu được kêu gọi để hỗ trợ cho sứ mạng giáo dục của gia đình”[7], cách đặc biệt qua huấn giáo khai tâm. Để hỗ trợ một nền giáo dục toàn diện, chúng ta cần “làm sống lại giao ước giữa gia đình và cộng đoàn Kitô hữu”[8]. Thượng Hội đồng đã muốn nêu rõ tầm quan trọng của các trường Công giáo, vốn “đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cha mẹ hoàn tất bổn phận giáo dục con cái[9] [...]. Các trường Công giáo cần được khuyến khích trong sứ mạng giúp các em học sinh lớn lên thành người trưởng thành, những người có thể nhìn thấy thế giới bằng cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu và hiểu được cuộc sống như một lời mời gọi phục vụ Thiên Chúa”. Theo nghĩa đó, “cần được khẳng định cách dứt khoát về quyền tự do của Hội thánh về việc dạy đạo lí và quyền phản đối theo lương tâm của các nhà giáo dục”[10].

 

Cần có giáo dục giới tính

280. Công Đồng Vatican II đề cập đến sự cần thiết phải có về “một nền giáo dục giới tính tích cực và khôn ngoan”, dành cho trẻ em và thanh thiếu niên “dần theo năm tháng khi chúng lớn lên” và “phải lưu tâm đến những tiến bộ của tâm lí học, sư phạm và giáo dục”[11]. Chúng ta nên tự hỏi liệu các tổ chức giáo dục của chúng ta đã đảm nhận thách đố này chưa. Thật khó để nghĩ về vấn đề giáo dục giới tính trong một thời đại khi người ta có xu hướng tầm thường hóa và làm nghèo nàn tính dục. Người ta chỉ có thể hiểu được nó trong cái nhìn toàn cảnh của một nền giáo dục về tình yêu, sống dâng hiến cho nhau. Bằng cách đó, ngôn ngữ của tính dục sẽ không bị làm nghèo nàn đi một cách đáng buồn, nhưng được khai sáng. Xung năng tính dục có thể được vun trồng trong một tiến trình nhận biết chính mình và trong sự phát triển năng lực tự chủ, có thể giúp khơi lên khả năng quí giá của niềm vui và sự gặp gỡ thân tình.

281. Giáo dục giới tính cung cấp thông tin, nhưng không được quên rằng trẻ em và thanh thiếu niên chưa đạt tới sự trưởng thành đầy đủ. Thông tin phải đến đúng thời điểm theo cách thức phù hợp với lứa tuổi. Sẽ không ích lợi nếu cứ chất đầy cho chúng các dữ liệu mà không phát triển một ý thức phê bình trước sự xâm lấn của các ý tưởng đề xướng, các văn hóa phẩm khiêu dâm thiếu kiểm soát và sự tràn ngập của các kích thích có thể gây phương hại đến tính dục. Những người trẻ phải có khả năng nhận ra rằng chúng đang bị tấn công dồn dập bởi các thông điệp không mang lại ích lợi gì cho chúng và cho sự trưởng thành của chúng. Cần giúp chúng nhận biết và tìm kiếm những ảnh hưởng tích cực, đồng thời giúp chúng tránh xa tất cả những gì làm biến dạng khả năng yêu thương của chúng. Cũng vậy, chúng ta phải chấp nhận “trước hết cần có một ngôn ngữ mới mẻ và phù hợp hơn để giới thiệu cho trẻ em và thanh thiếu niên về đề tài tính dục”[12].

282. Nền giáo dục giới tính gìn giữ một cảm thức e thẹn lành mạnh có một giá trị lớn lao, cho dẫu ngày nay một số người cho rằng đó là một điều đã lỗi thời. Đó là sự phòng vệ tự nhiên của một nhân vị bảo vệ cõi riêng tư nội tâm của mình và tránh không để mình biến thành một sự vật đơn thuần bị người khác sử dụng. Nếu không có cảm thức e thẹn, ta có thể giản lược tình cảm và tính dục thành những nỗi ám ảnh chỉ chú ý vào hoạt động sinh dục, thành những bệnh lí làm méo mó khả năng yêu thương của ta và những hình thức khác nhau của bạo lực tình dục dẫn đến việc đối xử phi nhân tính hoặc làm tổn hại những người khác.

283. Thông thường giáo dục giới tính tập trung vào việc kêu gọi người ta “bảo vệ mình” bằng cách tìm thực hành một thứ “tình dục an toàn”. Những lối nói đó truyền đạt một thái độ tiêu cực đối với mục đích sinh sản tự nhiên của tính dục, như thể đứa con có thể có là một kẻ thù phải đề phòng. Như thế là cổ võ thái độ duy kỉ gây hấn thay vì cởi mở đón nhận. Mời gọi thanh thiếu niên đùa bỡn với thân xác và các thèm muốn của mình, như thể chúng đã có sự trưởng thành, các giá trị, sự dấn thân cho nhau và các mục đích riêng của hôn nhân, quả là một điều vô trách nhiệm. Như thế tức là khuyến khích họ vui vẻ sử dụng người khác như một đối tượng trải nghiệm để bù đắp các khiếm khuyết và những giới hạn lớn của mình. Trái lại, điều quan trọng là dạy một khóa học về các biểu hiện khác nhau của tình yêu, về việc chăm sóc lẫn nhau, về sự dịu dàng tôn trọng nhau, về việc thông giao giàu ý nghĩa. Quả thật, tất cả điều này chuẩn bị cho một sự tự hiến hoàn toàn và quảng đại mà họ sẽ bày tỏ, sau một cam kết công khai, qua việc hiến dâng thân xác. Như thế sự kết hợp tính dục trong hôn nhân sẽ thể hiện như dấu chỉ của một sự cam kết toàn vẹn, được làm cho phong phú nhờ cả quá trình đi trước.

284. Không được lừa dối người trẻ khiến họ nhầm lẫn giữa các bình diện: sự hấp dẫn tình dục “nhất thời tạo ra một ảo tưởng của sự nên một, nhưng nếu không có tình yêu thì sự “nên một” này rốt cuộc vẫn để lại tình trạng hai người xa lạ và phân li như trước”[13]. Ngôn ngữ của thân xác đòi hỏi học tập kiên trì để biết diễn giải và phải giáo dục những ham muốn của mình để thật sự tự hiến. Khi người ta tưởng mình trao hiến tất cả ngay lập tức thì rất có thể là người ta không trao hiến gì hết. Một đàng ta hiểu đó là sự mong manh và nhầm lẫn của tuổi trẻ, đàng khác là khuyến khích thanh thiếu niên kéo dài sự ấu trĩ của họ trong cách diễn tả tình yêu. Nhưng, ngày nay ai là người sẽ nói về những điều này? Ai có thể quan tâm đến các bạn trẻ? Ai sẽ giúp họ chuẩn bị một cách nghiêm túc để sống cho một tình yêu cao thượng và quảng đại? Ngày nay người ta quá coi nhẹ việc giáo dục giới tính.

285. Giáo dục giới tính cũng nên bao hàm cả sự tôn trọng và lòng quí trọng sự khác biệt, điều đó thể hiện nơi mỗi người khả năng vượt qua sự khép kín trong những giới hạn của chính mình để mở ra đón nhận người khác. Ngoài những khó khăn có thể hiểu được mà mỗi người có thể gặp phải, người trẻ cần được giúp đỡ để biết chấp nhận thân xác của mình như nó đã được tạo ra, bởi vì “nghĩ rằng mình là chủ nhân tuyệt đối của thân xác mình, sẽ dẫn tới có khi cách tinh vi nghĩ rằng mình cũng là chủ tuyệt đối trên cả tạo thành [...]. Quí trọng thân xác mình, là người nam hay là người nữ, cũng cần thiết để có thể nhận ra chính mình trong cuộc gặp gỡ với tha nhân, một người khác với mình. Bằng cách đó, chúng ta có thể vui mừng đón nhận tặng phẩm đặc biệt là tha nhân nam hay nữ kia, vốn là công trình của Thiên Chúa Tạo Hóa, và giúp làm phong phú cho nhau”[14]. Chỉ bằng cách bỏ đi nỗi sợ sự khác biệt người ta mới có thể đạt đến sự giải thoát chính mình để khỏi qui hướng về mình và tìm kiếm chính bản thân. Giáo dục giới tính phải giúp người ta chấp nhận chính thân xác mình, chứ không tìm cách “xóa bỏ sự khác biệt tính dục để rồi không còn biết phải đối diện với nó ra sao”[15].

286. Người ta cũng không thể không biết rằng cấu trúc hình thành nên hiện hữu của mỗi người, nữ cũng như nam, không chỉ là tập hợp những yếu tố sinh học hay di truyền, mà còn nhiều yếu tố khác liên quan đến tính khí, lịch sử gia đình, văn hóa, kinh nghiệm sống, nền giáo dục ta đã nhận được, những ảnh hưởng của bạn bè, người thân trong gia đình và những người ta ngưỡng mộ, cũng như những hoàn cảnh cụ thể khác đòi hỏi một nỗ lực thích ứng. Quả thực là chúng ta không thể tách rời nam tính và nữ tính ra khỏi công trình tạo dựng của Thiên Chúa, vốn là điều có trước tất cả các quyết định và kinh nghiệm của chúng ta và trong đó có những yếu tố sinh học không thể bỏ qua. Nhưng nam tính và nữ tính đúng là cái gì đó không phải cứng nhắc. Cho nên, cách thể hiện nam tính của người chồng, chẳng hạn, có thể linh động thích ứng với hoàn cảnh công việc của người vợ. Đảm đương việc nhà hoặc một vài công việc chăm sóc con cái không hề làm cho người chồng giảm đi nam tính của mình, cũng không hàm nghĩa đó là một sự thất bại, một sự nhượng bộ hay một điều gì đáng xấu hổ. Chúng ta phải giúp trẻ chấp nhận là bình thường những “hoán đổi” lành mạnh này mà không hề làm giảm sút phẩm giá hình ảnh của người cha. Quan niệm cứng nhắc về nam tính hay nữ tính sẽ trở thành quá đáng, và không giáo dục trẻ em cũng như người trẻ về tính hỗ tương được thâm nhập vào các điều kiện thực tế của hôn nhân. Sự cứng nhắc này, đến lượt nó, có thể cản trở sự phát triển các năng lực của mỗi người, đến mức có thể coi những người nam cống hiến cho nghệ thuật hay khiêu vũ là ít nam tính và những người nữ thi thành nhiệm vụ điều hành thì ít nữ tính. Điều này, cảm ơn Chúa, nay đã thay đổi, nhưng tại một số nơi những quan niệm không phù hợp vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến sự tự do chính đáng và làm hư sự phát triển đích thực về căn tính cụ thể của con cái và tiềm năng của chúng.

 

Thông truyền đức tin

287. Giáo dục con cái phải đi qua một hành trình thông truyền đức tin, một việc trở nên khó khăn do lối sống hiện tại, giờ giấc làm việc, tính phức tạp của thế giới ngày nay, trong đó nhiều người, để tồn tại, phải chịu một nhịp độ điên cuồng[16]. Dù sao, gia đình vẫn phải tiếp tục là nơi học biết những lí lẽ và vẻ đẹp của đức tin, để cầu nguyện và phục vụ tha nhân. Điều này bắt đầu với bí tích Rửa tội, trong đó, như Thánh Augustinô nói, các bà mẹ nuôi dạy con mình là để “cộng tác vào sự sinh hạ thánh thiêng”[17]. Sau đó, khởi sự hành trình tăng trưởng sự sống mới này. Đức tin là một ơn huệ của Thiên Chúa mà ta lãnh nhận trong bí tích Rửa tội, chứ không phải là kết quả của một hành động phàm nhân, tuy nhiên cha mẹ là phương thế Thiên Chúa dùng để giúp cho đức tin của con cái được trưởng thành và phát triển. Bởi thế, “thật tuyệt vời khi các bà mẹ dạy cho con nhỏ của mình làm cử chỉ hôn Chúa Giêsu hay Đức Mẹ. Một cử chỉ dịu dàng tình cảm biết bao! Khi ấy trái tim của con trẻ sẽ trở thành nơi cầu nguyện”[18]. Thông truyền đức tin giả định rằng cha mẹ thực sự sống kinh nghiệm đức tin, tin tưởng vào Chúa, tìm kiếm Ngài, cần đến Ngài, bởi lẽ chỉ bằng cách này “đời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa, và truyền tụng những chiến công của Ngài” (Tv 144,4) và “ người cha sẽ dạy cho con cái rõ Ngài là Đấng tín trung” (Is 38,19). Điều này đòi hỏi chúng ta kêu xin Chúa hành động trong tâm hồn của con cái, nơi mà chúng ta không thể chạm đến được. Hạt cải rất bé nhỏ sẽ trở thành một cây lớn (cf. Mt 13,31-32), và như thế chúng ta nhận ra sự không cân đối giữa việc làm và hiệu quả. Bởi thế, chúng ta biết rằng mình không phải là chủ nhân của tặng phẩm nhưng là những người quản lí cần mẫn. Tuy nhiên, nỗ lực sáng tạo của chúng ta là một đóng góp giúp chúng ta cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa. Vì thế, “phải chăm lo quí trọng các đôi vợ chồng, những người mẹ và những người cha, như những chủ thể tích cực của việc huấn giáo [...]. Việc huấn giáo trong gia đình là một trợ lực lớn lao, như một phương pháp hiệu quả nhằm huấn luyện các cha mẹ trẻ và làm cho họ ý thức sứ mạng của mình như là những người loan báo Tin mừng cho chính gia đình mình”[19].

288. Việc giáo dục đức tin biết thích ứng với mỗi đứa trẻ, bởi vì các phương thế đã học hoặc các công thức đôi khi không còn tác dụng. Trẻ nhỏ cần các biểu tượng, những hành động, và những chuyện kể. Thanh thiếu niên thường dị ứng với uy quyền và các qui tắc, vì thế tốt hơn nên khích lệ kinh nghiệm đức tin cá nhân của các em và cung cấp cho các em những chứng tá sáng ngời nhằm thuyết phục bởi chính vẻ đẹp của những chứng tá ấy. Cha mẹ muốn đồng hành đức tin với con cái mình cần chú ý đến những thay đổi của chúng, vì họ biết rằng kinh nghiệm tâm linh không áp đặt nhưng đề nghị trong sự tự do. Điều quan trọng là con cái nhìn thấy một cách cụ thể đối với cha mẹ chúng việc cầu nguyện thật sự là quan trọng. Bởi thế, những khoảnh khắc cầu nguyện trong gia đình và những diễn tả lòng đạo đức bình dân có thể có sức loan báo Tin mừng mạnh hơn bất kì việc dạy giáo lý và bài giảng đạo nào. Tôi muốn bày tỏ cách đặc biệt lòng biết ơn đến tất cả các bà mẹ không ngừng cầu nguyện, như Thánh nữ Monica, cho những người con của mình đang lạc xa Chúa Kitô.

289. Thực hành việc thông truyền đức tin cho con cái, theo nghĩa tạo thuận lợi cho việc biểu lộ và phát triển đức tin, cho phép gia đình trở thành nhà rao giảng Tin mừng, và một cách tự nhiên gia đình bắt đầu thông truyền đức tin cho mọi người xung quanh, ngay cả những người bên ngoài phạm vi gia đình. Những đứa con lớn lên trong các gia đình truyền giáo thường trở thành những nhà truyền giáo, nếu như cha mẹ biết cách sống sứ vụ này, bằng cách đó người khác cảm thấy họ gần gũi và thân thiện, và như thế con cái lớn lên theo cách tương quan này với thế giới mà không từ bỏ đức tin và những xác tín của mình. Chúng ta nên nhớ rằng chính Đức Giêsu đã ăn uống với những người tội lỗi (cf. Mc 2,16; Mt 11,19), Người đã dừng lại để trò chuyện với người phụ nữ Samaria (cf. Ga 4,7-26), và tiếp chuyện với ông Nicôđêmô vào ban đêm (cf. Ga 3,1-21), Người còn để cho một cô gái điếm xức dầu bàn chân mình (cf. Lc 7,36-50), và đã không ngần ngại đụng chạm các người bệnh (cf. Mc 1,40-45; 7,33). Các Tông đồ của Người cũng làm như vậy, họ không phải là những người xem thường người khác, không khép kín trong những nhóm nhỏ của những người đặc tuyển, tách khỏi cuộc sống của dân chúng. Trong khi chính quyền bách hại họ, họ lại được hưởng lòng yêu mến của toàn dân (cf. Cv 2,47; 4,21.33; 5,13).

290. “Gia đình như thế là chủ thể của hoạt động mục vụ thông qua việc loan báo Tin mừng cách minh nhiên và sự kế thừa đa dạng các hình thức chứng tá như: sự liên đới với những người nghèo, sự đón nhận những con người khác biệt, việc bảo vệ thiên nhiên, sự liên đới tinh thần và vật chất với các gia đình khác, nhất là với những gia đình túng quẫn nhất, việc dấn thân cho sự thăng tiến công ích ngay cả qua việc làm thay đổi những cơ cấu xã hội bất công, bắt đầu từ địa hạt nơi gia đình đang sống, bằng cách thực hành các việc thương xót về phần xác lẫn phần linh hồn”[20]. Điều này phải được đặt trong bối cảnh của niềm xác tín quí giá nhất nơi các Kitô hữu, đó là: tình yêu của Chúa Cha nâng đỡ chúng ta và làm cho chúng ta lớn lên, tình yêu ấy được thể hiện trong sự hiến thân trọn vẹn của Đức Giêsu, Đấng đang sống giữa chúng ta, tình yêu ấy làm cho chúng ta có khả năng một lòng một ý đương đầu với mọi bão tố và mọi giai đoạn của cuộc đời. Ngay giữa lòng mỗi gia đình lời loan báo Tin mừng tiên khởi (kerygma) cũng cần phải được vang lên, cả khi thuận lợi cũng như không thuận lợi, để khai sáng cho cuộc hành trình. Khởi đi từ kinh nghiệm sống trong gia đình, mọi người đều có thể thốt lên rằng: “Chúng tôi đã tin vào tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng tôi” (1 Ga 4,16). Chỉ từ kinh nghiệm này, mục vụ gia đình mới có thể giúp các gia đình, vừa là những Hội thánh tại gia vừa là men Phúc âm hóa trong xã hội.


==============

[1] EG, 222: AAS 105 (2013), 1111.

[2] HG (20.5.2015): L’Osservatore Romano, 21.5.2015, tr. 8.

[3] GS, 17.

[4] HG (30.9.2015): L’Osservatore Romano, 1.10.2015, tr. 8.

[5] HG (10.6.2015): L’Osservatore Romano, 11.6.2015, tr. 8.

[6] Cf. RF 2015, 67.

[7] HG (20.5.2015): L’Osservatore Romano, 21.5.2015, tr. 8.

[8] HG (9.9.2015): L’Osservatore Romano, 10.9.2015, tr. 8.

[9] RF 2015, 68.

[10] RF 2015, 58.

[11] CĐ Vatican II, Tuyên Ngôn Gravissimum Educationis về Giáo Dục Công Giáo, 1.

[12] RF 2015, 56.

[13] Erich Fromm, The Art of Loving, New York, 1956, tr. 54.

[14] Phanxicô, Thđ. Laudato Si’ về Chăm sóc Ngôi Nhà Chung (24.5.2015), 155.

[15] HG (15.4.2015): L’Osservatore Romano, 16.4.2015, tr. 8.

[16] Cf. RF 2015, 13-14.

[17] Augustino, De sancta virginitate 7,7: PL 40, 400.

[18] HG (26.8.2015): L’Osservatore Romano, 27.8.2015, tr. 8.

[19] RF 2015, 89.

[20] RF 2015, 93.