7: Tâm Lý - Xã Hội - Truyền Thông

1. GIA ĐÌNH VÀ ẢNH HƯỞNG TRUYỀN THÔNG NGÀY NAY QUA INTERNET

(Linh mục John Trần Công Nghị S.T.D. sinh quán Đồng Nhân, giáo phận Phát Diệm. Học Tiểu chủng viện Phát Diệm ở Saigòn (1957-1963), học Triết học tại Đại Chủng viện Saigòn (1963-1966) học Thần học tại Đại học Giáo hoàng Urbano VIII, Roma (1967-1971 và 1977-1979). Thụ phong Linh mục tại Roma năm 1971. Tiến sĩ Thần học Đại học Urbano năm 1980. Học Xã hội học tại Fordham University (1971-1975). Từ 1975-1976 và 1980-1986 phục vụ trong các chương trình định cư người Việt tị nạn tại Fort Chaffee, New Orleans, Washington DC, Portland. Từ năm 1986 cho đến nay làm mục vụ tại TGP Los Angeles và kiêm giám đốc VietCatholic Network. Hiện tại là Chánh xứ giáo xứ St. Catherine of Alexandria, Catalina, Los Angeles.) 


Theo dõi diễn tiến Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường về Gia Đình họp trong tháng 10 năm 2014 vừa qua tại Vatican hầu sửa soạn cho Thượng Hội Đồng Giám Mục chính thức về gia đình dự tính được tổ chức cũng tại Vatican vào năm tới từ ngày 4-25/10/2015 với chủ đề: “Ơn gọi và Sứ mệnh của Gia đình trong Giáo hội và trong Thế giới hiện đại,” chúng ta có thể thấy tầm ảnh hưởng của truyền thông đã ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào tới diễn biến và ngay cả kết quả của nghị hội này.


Một kinh nghiệm về Truyền thông qua Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường về Gia Đình

Bản phúc trình được công bố ngày 13 tháng Mười vừa qua, thường được gọi là bản phúc trình sau thảo luận, nhưng thực ra gọi là bản phúc trình giữa khóa mới đúng, vì cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng có tính chuẩn bị này vẫn chưa hoàn tất. Các nhóm thảo luận nhỏ theo ngôn ngữ đang làm việc ráo riết để hoàn tất mục tiêu của Thượng Hội Đồng lần này. Bản phúc trình vì thế là dụng cụ để các nhóm này đào sâu. Phòng Báo Chí của Tòa Thánh cũng chính thức cảnh cáo rằng: đã có những giá trị được gán cho bản tường trình này nhưng không tương hợp với bản chất của nó. Nó chỉ là bản tóm lược cuộc thảo luận trong tuần trước của Thượng Hội Đồng, là “một tài liệu để làm việc,” nó không phải là một văn kiện có tính thẩm quyền, mà chỉ được dùng làm căn bản để Thượng Hội Đồng thảo luận tiếp trong tuần lễ thứ hai

Đức Hồng Y Raymond Burke chẳng hạn cho rằng bản phúc trình này không phản ảnh chính xác các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng, mà thực tế, đã “đẩy mạnh các chủ trương mà nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng không chấp nhận, và, tôi dám nói, trong tư cách các mục tử trung thành của đoàn chiên không thể chấp nhận.” Ngài mạnh mẽ cho hay “một số đông các nghị phụ Thượng Hội Đồng thấy bản tường trình này đáng phản đối.” [1]

Phiên họp chung thứ mười hai ngày 17/10/2014, của Thượng Hội Đồng đặc biệt về Gia Đình đã nghe phần trình bày các Phúc Trình của 10 nhóm nhỏ,[2] phân chia theo ngôn ngữ: hai nhóm tiếng Pháp, ba nhóm tiếng Anh, ba nhóm tiếng Ý và hai nhóm tiếng Tây Ban Nha. Nói chung, các nhóm nhỏ trình bày cả việc đánh giá “Bản Tường Trình Sau Thảo Luận” (RPD), tức tài liệu tạm thời công bố vào giữa khóa họp của Thượng Hội Đồng, lẫn các đề nghị để tổng hợp vào trong “Bản Tường Trình của Thượng Hội Đồng” (RS), tức văn kiện dứt khoát và có tính kết luận của Thượng Hội Đồng.

Trước nhất, có việc lên tiếng tỏ ra bối rối trước việc công bố, dù hợp lệ, Bản RPD, vì cho rằng đây chỉ là tài liệu để làm việc, chưa nói lên ý kiến nhất thống của mọi nghị phụ Thượng Hội Đồng. Do đó, sau khi phát biểu sự đánh giá của mình đối với công việc soạn thảo bản văn và cấu trúc của nó, các nhóm nhỏ đã trình bày các gợi ý của họ.

Vì có những phát biểu gây tranh cãi về bản tóm luợc được công bố, nhiều nghị phụ đã công khai tỏ ý không tán thành phương pháp phối trí của Đức HY Balfisseri, tổng thư ký của Thượng Hội Đồng. Lý do chính là vì ngài quyết định không công bố phúc trình của các nhóm nhỏ cho công chúng. Quyết định này đã bị Đức HY Erdo, tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng, phản đối, với lý do: “đã công bố bản phúc trình sau khi thảo luận thì cũng nên công bố bản phúc trình của các nhóm nhỏ.”[3] Do đó nội dung các cuộc thảo luận của các nhóm nhỏ đã được công bố. Sự kiện này tạo nên sự cảm thông và hiểu biết sâu xa hơn diễn tiến và những gì được bàn luận chi tiết trong Thượng Hội Đồng.

Nhờ thế, phúc trình của các nhóm nhỏ đã lần lượt được công bố. Trước nhất là các phúc trình của ba nhóm nói tiếng Anh, sau đó là các phúc trình của các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha.[4]

http://vietcatholic.net/News/Html/131522.htm & “Thượng hội đồng về gia đình: phúc trình của các nhóm nhỏ (3)” 6/11/2014 http://vietcatholic.net/News/Html/131534.htm

Một số nghị phụ tại Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình, như Đức Hồng Y Robert Sarah, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum, cảm thấy thất vọng vì vấn đề rước lễ của người ly dị và tái hôn được chú ý nhiều quá trong khi những vấn đề nghiêm trọng hơn của gia đình như ảnh hưởng của truyền thông đối với gia đình không được thảo luận đến nơi đến chốn.


Truyền thông trong thế giới hôm nay

Truyền thông thời hiện đại cung ứng cho con người ngày nay một khối lượng thông tin rất lớn và đa dạng. Về tâm lý mà nói, những lứa tuổi khác nhau, giới tính khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau có những sở thích khác nhau. Cho nên, một số nghị phụ mô tả gia đình ngày nay như một party - 24/24 7 ngày trong tuần - trong đó mỗi người trong gia đình có những vị khách riêng và họ bận rộn tiếp những vị khách ấy đến mức gia đình mất đi ý nghĩa của một tổ ấm và đi xa đến mức nó trở nên một hotel của những người khách chỉ còn giờ để nói “Hi, chào” với nhau trong những dịp gặp mặt, nếu có. Ngay cả trong những cộng đoàn tu sĩ cũng có tình trạng trên. Người ta busy trả lời email, chat… không còn giờ cho những sinh hoạt chung.

Trong những năm 1990s và đầu thập niên 2000, phương tiện chủ yếu để tiếp cận với Internet là desktop. Ngày nay, mỗi thành viên trong gia đình đều có những phương tiện đa dạng và rẻ tiền để access vào Internet: Smart phones, Ipads, Tablets …và họ chìm sâu vào thế giới riêng của mình.

Có nghị phụ còn mô tả gia đình ngày nay như một con thuyền trong đó các thành viên đang say sóng vì con thuyền đó không có người cầm lái. Nó bị giằng co để đi về những hướng khác nhau. Người cha, người mẹ trong gia đình truyền thống là những người định hướng, và thông truyền đức tin cho con cái. Ngày nay, họ không còn làm được những công việc ấy vì con em họ và cả chính bản thân họ lúng túng khi tiếp cận với một khối lượng thông tin rất lớn và đa dạng, nhiều thứ trong đó không tương hợp (compatible) với đức tin, nếu chưa muốn nói là thù hận (hostile) với những gì họ tin tưởng. Hình ảnh tiêu biểu nhất trong các gia đình ngày nay là người cha, người mẹ không có khả năng, và đôi khi là sự kiên nhẫn, để trả lời những vấn nạn đức tin do con cái đặt ra cho họ.

Vấn đề có tính cấp bách nhất là làm sao người Công Giáo có thể dùng ngay chính các điều kiện kỹ thuật mới này để đối thoại với thế giới và tân Phúc Âm hóa ở mức độ dễ hiểu nhất nhưng không compromise tín lý của mình. Cách riêng đối với Giáo Hội Việt Nam, cái nguy hiểm hiện nay là ít ai tha thiết muốn làm chuyện đó. Người ta hứng thú viết những bài với những triết lý sâu xa nhưng ít ai quan tâm đến chuyện trang bị cho những tín hữu đơn sơ những hiểu biết nhất định về tín lý, học thuyết xã hội của Giáo Hội và lập trường của Giáo Hội trước những vấn nạn của thế giới hôm nay, tăng cường đời sống thiêng liêng cho họ và cảnh báo với họ về những nguy cơ đang đặt ra cho các gia đình.

Chúng ta cần những giám mục, linh mục, những chuyên gia trong hàng giáo dân dám làm những công việc người Mỹ dám làm trên đài truyền hình EWTN: trình bày những vấn đề phức tạp nhất bằng những lối giải thích dễ hiểu nhất.

Một thực tại bi đát nhất là tình trạng say mê những thành công, đam mê sự nổi tiếng trong lãnh vực truyền thông. Có những nhóm hay thậm chí có những cá nhân “xông pha” vào lãnh vực truyền thông bằng cách đơn giản là sao chép, hay duplicate những efforts của người khác, thay vì hoạt động chung với nhau. Nếu muốn công việc tông đồ của mình thành công hơn người khác thì định luật dễ bị cám dỗ là cần việc tông đồ của người khác kém thành công hơn mình dưới những hình thức như:

-        Nhẹ nhàng thì bất hợp tác và ao ước họ đừng thành công như mình. Không đóng góp chia sẻ để họ không ngang bằng mình.

-        Và xấu xa nhất là nói xấu, phá hoại công việc của người khác cho họ thua kém mình đi.

 

Ảnh hưởng của Truyền thông qua Internet trên các Gia đình và con em

1. Vài hàng dẫn nhập về Truyền thông qua internet

Bài trình bầy này của tôi muốn hạn hẹp phạm vi Truyền thông qua phương tiện internet nhắm các gia đình Công giáo mà hầu hết ngày nay họ đều quan tâm và lo ngại khi con em họ sử dụng internet, làm thế nào để phòng ngừa? làm thế nào kiểm soát đây? Mặt trái tối tăm của internet và những tác hại khôn lường cho mỗi người, nhất là các con em trong gia đình, cho Giáo Hội và xã hội.

Từ những năm cuối cùng của thế kỷ 20 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một sự bùng nổ các kỹ thuật thông tin dẫn đến sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới đang định hình xã hội, đang thay đổi Giáo Hội và gia đình chúng ta. Một thí dụ cụ thể và mang tính thời sự là biến cố Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI thăm Ba Tây vừa qua. Khi Đức Giáo Hoàng còn đang trên máy bay, những gì ngài nói với các ký giả đã được truyền đi trên toàn thế giới bằng đủ các thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Và ngay khi ngài đáp xuống phi trường quốc tế São Paulo, nếu chúng ta có máy điện toán và truy cập vào VietCatholic thì dù chúng ta đang ở đâu trên thế giới này, chúng ta cũng có thể thấy được những hình ảnh của ngài và đọc được những lời tuyên bố của ngài gần như tức thời. Chỉ hơn một thập niên trước đây, những điều này nằm mơ cũng không thấy nổi!

Ngay từ những ngày đầu của kỹ thuật Internet, Giáo Hội đã thấy ở đây những cơ hội thật bất ngờ và lớn lao. Nó cho phép người ta trực tiếp và tức khắc tiếp cận những tài nguyên tôn giáo và tâm linh quan trọng - những thư viện khổng lồ, những nhà bảo tàng và những nơi thờ phượng, những văn kiện giáo huấn của Huấn Quyền, những bài viết của các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Hội Thánh và kho tàng khôn ngoan tôn giáo của nhiều thời đại. Internet có một khả năng đáng kể để vượt qua khoảng cách và sự cô lập, giúp con người có thể tiếp xúc với những người thiện chí có cùng tư tưởng, những người gia nhập vào những cộng đoàn đức tin ảo (virtual communities of faith) để khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau. Giáo Hội có thể thực thi một sự phục vụ quan trọng cho người Công Giáo cũng như không Công Giáo bằng sự lựa chọn và truyền đi những dữ liệu hữu ích qua phương tiện truyền thông này.[5]

Sau gần 20 năm hoạt động, hiện nay đã có trên 50 triệu lượt người vào đọc các các tài liệu trên mạng lưới VietCatholic, đó là chưa kể cho đến năm 2010 (khi đó người ở Việt Nam không vào internet được) mỗi ngày VietCatholic gởi hàng mấy ngàn email về Việt Nam cho các linh mục tu sĩ mà vì điều kiện cấm cách không thể vào VietCatholic được. Cũng trong 20 năm hoạt động đó, các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân cộng tác với VietCatholic đã biên soạn, phiên dịch hơn 1,000,000 trang tài liệu.

Chúng ta có thể nói như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Chúa đang đặt vào tay chúng ta một phương tiện truyền bá sứ điệp của Đức Kitô vượt quá trí tưởng tượng phong phú nhất của những người truyền giảng Tin Mừng đi trước chúng ta.”[6]

Tuy nhiên, chúng ta có thể nói đồng tiền có hai mặt. Phương tiện truyền thông mới này trong khi có thể được dùng cho lợi ích của cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội và Giáo Hội thì chính nó cũng có thể được dùng để khai thác, gây ảnh hưởng, thống trị và làm băng hoại các gia đình.

2. Những ảnh hưởng đối với người lớn

2.1 Vấn đề những hình ảnh dâm dục trên Internet

Ngay những ngày đầu của Internet, người ta đã thấy trước hiểm họa này. Tuy nhiên, tất cả những cố gắng ngăn chặn đều tỏ ra vô hiệu, phần lớn vì thái độ không quyết tâm của chính quyền các nước. Quyền tự do phát biểu đã được các chính quyền nại ra để tránh né phải đối đầu với những thế lực tư bản khổng lồ trong kỹ nghệ hình khiêu dâm trên Net. Hiện tượng hình ảnh, sách báo dâm dục là một thực trạng kinh hoàng. Các hình ảnh khiêu dâm đã tràn lan hơn bao giờ trong lịch sử loài người.

Trong thư Mục Vụ nhan đề “Giá phải trả: Những hình ảnh khiêu dâm và cuộc tấn công vào Đền Thờ Sống Động của Thiên Chúa,” Đức Cha Paul Loverde, Giám Mục giáo phận Virginia, Hoa Kỳ đã lên tiếng báo động về thực trạng kinh hoàng đang hoành hành như một trận dịch khổng lồ cướp đi linh hồn người ta và tàn phá hôn nhân gia đình.[7]

Đức Cha Loverde nhận định: “Ngày nay có lẽ hơn bao giờ, người ta thấy hồng ân thị giác của mình và qua đó là viễn ảnh về Thiên Chúa bị bóp méo bởi những hình ảnh dâm dục tội lỗi. Chúng cản trở và hủy hoại khả năng con người nhìn thấy tha nhân như những biểu hiện độc đáo và đẹp đẽ của kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa. Thay vào đó chúng làm tối tăm tầm nhìn của họ, khiến họ nhìn người khác như những thứ để lợi dụng và lèo lái.”

Lo ngại của Đức Cha Loverde hoàn toàn có căn cứ. Thật vậy, trong số ra ngày 28/5/2006, tờ Independent tại Anh công bố một kết quả nghiên cứu về việc truy nhập vào các trang chuyên cung cấp các hình ảnh khiêu dâm trên Net. Cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Nielsen NetRatings cho thấy hơn 40% người nam tại Anh đã truy nhập vào các trang dâm dục trong năm 2005.

Cuộc nghiên cứu cũng ghi nhận hơn 50% trẻ em tại Anh đã vào các trang dâm dục trong khi “đang tìm kiếm những thứ khác.”

Một khi computer đã nối vào Internet thì việc truy cập vào các trang dâm dục là vô cùng dễ dàng, nếu người sử dụng chủ ý muốn truy cập vào các trang đó. Điều đáng quan ngại là trong nhiều trường hợp, người dùng không chủ ý vào các trang này nhưng các chương trình tìm kiếm trên Internet cũng vẫn trình bày ra những hình ảnh khiêu dâm hay những nối kết (links) dẫn vào các trang dâm dục.

Trong số ra ngày 10/11/2006 tờ Colorado Catholic Herald ghi nhận rằng những người thường truy cập vào các trang dâm dục trên Net thường nhanh chóng trở thành nghiện ngập. Ông Dan Spadaro của Trung Tâm Tư Vấn Imago Dei Counseling ở Colorado Springs cho biết thêm: “Khi tình trạng nghiện ngập này đạt đến một mức độ nào đó, tính dục thay vì hướng đến một quan hệ yêu thương, nó chỉ còn đơn thuần như một cảm giác,” và khi đó người ta có khuynh hướng “tìm những cảm giác lạ hơn.”

Thật vậy, tại Úc Châu, tờ The Age ở Melbourne, trong số ra ngày 4/6/2006 cảnh cáo rằng những người thường truy cập vào các trang dâm dục cũng thường là những kẻ “săn tình trên Net,” và những “mối tình trên Internet này” đang làm gẫy đổ hạnh phúc của nhiều gia đình. Bà Simone Buzwell, giáo sư môn Tâm Lý tại Đại Học Swinburne cho biết “nhiều mối quan hệ hôn nhân bị tan nát bởi những mối tình bí mật trên mạng, trong khi các luật sư cho biết ngày càng có sự gia tăng những vụ li dị có liên quan đến Internet.”

Trong báo cáo nhan đề “Finding Love Online” (Tìm Tình Trên Mạng), bà Simone Buzwell đã phỏng vấn hơn 1000 người có dính líu đến những mối tình trên Net và ghi nhận rằng hơn một nửa số người được phỏng vấn nhìn nhận đã đi xa đến mức có quan hệ tính dục với người “bạn tình” trên Net.

Trong số ra ngày 16/8/2006 tờ Christian Science Monitor tại Hoa Kỳ ghi nhận rằng những hình ảnh khiêu dâm trên Net đang làm thay đổi nhân cách nhiều người theo chiều hướng xấu đi và bạo lực. Corydon Hammond, đồng giám đốc của Trung Tâm Tính Dục và Hôn Nhân tại Đại Học Utah cho biết: “Tôi chưa từng thấy một kẻ tấn công tính dục nào lại không có dính líu đến những hình ảnh dâm ô.”

Tờ Colorado Catholic Herald cho biết đối với những kẻ nghiện hình dâm ô, tất cả các mối quan hệ quan trọng đều bị dẹp qua một bên. Những kẻ nghiện thường có khuynh hướng phủ nhận các vấn nạn hay đổ lỗi cho người khác. Ông Dan Spadaro ghi nhận những kẻ nghiện này thường phải chống đỡ với những u uất.

Dan Spadaro cũng lưu ý rằng việc những người chồng truy nhập vào những trang dâm ô gây ra một ảnh hưởng tiêu cực nơi người vợ. Với những người chồng công khai xem những hình ảnh này, người vợ cảm thấy lo ngại mình không đủ hấp lực để giữ nổi hạnh phúc gia đình. Trong khi với những người chồng lén lút truy nhập vào các trang dâm ô, người vợ cảm thấy bị phản bội hay là nạn nhân của những lời dối trá.

Một chuyên gia tâm lý khác, ông Rob Jackson, nói với tờ Colorado Catholic Herald rằng những bà vợ của những ông chồng nghiện hình ảnh dâm ô thường có “những biểu hiện phức tạp về cảm xúc bao gồm giận dữ, buồn phiền và u uất.”

Văn hóa của thế giới ngày nay thường coi vấn đề hình ảnh dâm ô chỉ là một sự yếu đuối cá nhân, người ta thường tình; hay ngay cả một thú vui hợp pháp. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc nhìn ngắm những hình ảnh dâm ô này là một tội trọng, một lỗi hết sức nghiêm trọng, như đã được nêu trong sách Giáo Lý Công Giáo số 2354.

Tính chất vô luân của hành vi này là ở chỗ nó xuyên tạc sự thật về tính dục của con người. Và do đó, điều đáng lẽ là biểu hiệu sự kết hiệp thân mật của đôi lứa trong cuộc sống và trong tình yêu thì giờ đây bị giản lược thành một thứ giải trí tầm thường hay ngay cả một thứ lợi ích cho những kẻ khác.

Đức Cha Loverde cảnh cáo rằng các hình ảnh dâm ô phương hại đức khiết tịnh vì nó dẫn đến những ý nghĩ dơ bẩn trong trí người nhìn nó và thường dẫn đến các hành vi đồi bại như thủ dâm hay ngoại tình.

Các hình ảnh dâm ô cũng vi phạm công lý. Vì chúng gây ra các thương tổn nghiêm trọng cho phẩm giá những người dự phần, mỗi người trong đó trở thành vật mua vui hay thứ dùng để đem lại lợi nhuận cho kẻ khác.

Các hình ảnh dâm ô dìm tất cả những kẻ dự phần vào trong một thế giới đầy ảo tưởng, trong đó con người hướng chú ý và tình cảm của mình khỏi người phối ngẫu của mình. Chúng làm cho những người nam nữ ngày nay khó lòng sống trung tín với nhau hơn bao giờ.

2.2 Vấn đề những trang thù địch với Công Giáo

Một trong những vấn nạn đặc thù do Internet đưa ra là sự có mặt của những trạm thông tin thù địch dành riêng cho việc hạ nhục và tấn công vào Giáo Hội Công Giáo. Như chúng ta đã biết, một thực tế đáng buồn là thường khi thế giới truyền thông tỏ ra thờ ơ hay ngay cả thù địch với đức tin và luân lý Kitô Giáo.

Trong bài nói chuyện với các Đức Giám Mục Ba Tây hôm 11/5, Đức Thánh Cha nói: “Thời đại ngày nay chắc chắn là một giai đoạn khó khăn đối với Giáo Hội, và nhiều tín hữu đang chao đảo. Cuộc sống xã hội đang trải qua những giai đoạn mất định hướng. Tính chất thánh thiêng của hôn nhân và gia đình bị tự do tấn kích, và người ta nhượng bộ trước các áp lực có hậu quả tiêu cực cho các tiến trình luật pháp; người ta biện minh cho một vài tội ác chống lại sự sống nhân danh tự do và quyền cá nhân; người ta mưu sát phẩm giá con người; nạn dịch ly dị và tình trạng chung sống ngoài hôn nhân lan tràn.”[8]

Trong bối cảnh quốc hội các nước liên tục thông qua những dự luật cho phép phá thai, cho phép kết hôn đồng tính, trợ tử, an tử.. Giáo Hội mạnh mẽ đi ngược lại trào lưu sự chết này. Trong khi văn hóa truyền thông tiêm nhiễm quá đậm một ý tưởng tiêu biểu của thời hậu hiện đại theo đó sự thật duy nhất tuyệt đối là không có sự thật tuyệt đối, Giáo Hội không ngừng đưa ra những xác quyết khách quan, dứt khoát và chung cuộc về luân lý. Thành ra, một số nhóm trong xã hội có những mâu thuẫn gay gắt với Giáo Hội.

Hơn thế nữa, lại có một số nhóm tôn giáo quá khích chủ trương truyền bá tôn giáo mình bằng cách hạ nhục các tôn giáo khác. Điều này cũng góp phần làm xấu thêm tình hình.

Anh chị em cũng biết là điều hành một Web site không tốn bao nhiêu tiền đâu. Thế nên, những địa chỉ thông tin thù địch với Giáo Hội Công Giáo ngày nay nhiều vô kể, tiếng Việt thôi cũng phải có hàng trăm!

Điều chúng tôi muốn nói ở đây là không ít người Công Giáo chao đảo trước những luận điệu của những thành phần thù địch với Giáo Hội. Lượng thông tin choáng ngợp trên Internet, nhiều thứ chưa được đánh giá về phương diện chính xác và tầm quan trọng, là một vấn đề cho nhiều người. Nhiều thủ pháp thông tin giật gân, kích động, lặp đi lặp lại cũng góp phần làm cho nhiều người giáo dân chao đảo. Nhiều người không có khả năng phán đoán đến mức Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội đã phải chua chát nhận định rằng:”Thực tại, đối với nhiều người, là những gì truyền thông cho là thật” (Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Aetatis Novae, 4).

Trong bài giảng Thánh Lễ Khai Mạc Cơ Mật Viện tháng 4/2005, Đức Thánh Cha lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã nói: “Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng … Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này - trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc(x Eph 4:14).[9]

2.3 Vấn đề những trang giả danh Công Giáo

Sự lan tràn của những trạm thông tin tự xưng là Công Giáo cũng tạo ra một vấn đề thuộc dạng khác. Nhiều giáo dân tỏ ra lúng túng khi cần phân biệt giữa những diễn giải của những giáo lý chuyên biệt, những thực hành đạo đức cá nhân, những tranh luận về ý thức hệ mang nhãn hiệu Công Giáo với những lập trường chân thật của Giáo Hội.

Không phải chỉ giáo dân mới lúng túng. Trên Catholic Standard & Times số ra ngày 21/12/2006, cha Ronald M. Vierling, M.F.C., M.A., M.Div. giáo sư Thần Học tại Lansdale Catholic College thuộc tổng giáo phận Philadelphia, Hoa Kỳ lên tiếng báo động rằng: Ngày nay ngày càng có nhiều bài làm của các sinh viên phân khoa Thần Học trích dẫn những giáo huấn sai lạc của Giáo Hội hay cho rằng Công Đồng Vatican II đã đề cập đến điều này, điều nọ nhưng trong thực tế không đúng như thế.

Phân tích những bài làm này, cha Ronald ghi nhận rằng nhiều sinh viên đã truy cập các nguồn tài liệu này từ các Web sites giả danh Công Giáo nhưng thực ra là chống Công Giáo hay những thứ “We are the Church” (Chúng ta là Giáo Hội) trong đó chủ trương đại đồng, hổ lốn.

Điều đáng báo động là những Web sites “truyền bá Tin Buồn và Tin Đồn” này ngày càng nhiều và một số giáo dân cũng bị chao đảo.

Thánh Phaolô cảnh cáo chúng ta: “Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường” (2 Tim 4:3-4).

Tôi muốn nói điều này để giúp chúng ta phân biệt đâu là truyền thông Công Giáo chân chính. Truyền thông Công Giáo về bản chất phải là những truyền thông về Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Đó là việc công bố Tin Mừng như một lời có tính tiên tri và giải thoát cho những người nam, người nữ trong thời đại chúng ta. Đó là lời chứng cho sự thật thánh thiện và cho phẩm giá cao trọng của con người trước sự tục hóa tận gốc. Đó là chứng tá được đưa ra trong tình liên đới với tất cả những tín hữu, chống lại sự tranh chấp và chia rẽ để minh chứng cho công lý và sự hiệp thông giữa các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hóa. Truyền thông Công Giáo chân thực phải hướng đến sự hiệp thông, hiệp thông trong các cộng đoàn, trong Giáo Hội, và hiệp thông cao nhất là hiệp thông giữa từng cá nhân với Chúa Kitô – chứ không phải cổ vũ điên cuồng cho chia rẽ, và thù hận. Cứ dấu đó mà chúng ta nhận biết thực hư.

 

3. Những ảnh hưởng đối với con em chúng ta

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cho Ngày Thế Giới Truyền Thông Lần Thứ 41 được tổ chức vào ngày 20/5/2007 có chủ đề: “Trẻ em và Truyền Thông: Một Thách Đố cho Giáo Dục.” Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha đã trích dẫn câu Thánh Kinh nguyền rủa những kẻ gây gương mù cho trẻ em “Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã” (Lc 17:2). Tôi đề nghị chúng ta đọc kỹ sứ điệp này. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ muốn nói rằng chủ đề của sứ điệp này và việc trích dẫn câu Thánh Kinh trên đã đủ cho thấy tính chất nghiêm trọng và cấp bách phải đề ra một phương thế an toàn cho con em chúng ta trong việc sử dụng máy điện toán và Internet.

3.1 Đánh giá tình hình:

Internet là cánh cửa mở ra một thế giới ồn ào náo nhiệt với ảnh hưởng định hình mạnh mẽ. Internet định hình căn bản những yếu tố mà qua đó con người cảm nhận thế giới chung quanh họ, xác nhận và biểu tỏ ra điều mà họ cảm nhận. Tình trạng sẵn sàng thường xuyên của hình ảnh và ý tưởng cùng với sự truyền đạt nhanh chóng ngay cả từ lục địa này sang lục địa khác, đang có những hệ quả sâu sắc, cả tích cực lẫn tiêu cực, đối với sự phát triển về phương diện tâm lý, đạo đức, và xã hội của giới trẻ.

Không phải mọi thứ ở đàng sau cánh cửa Internet là an toàn, lành mạnh và trung thực đâu. Việc đào tạo liên quan đến các phương tiện truyền thông xã hội cần được mở ra cho trẻ em và thanh niên nhằm chống lại con đường dễ dàng của sự tuân theo mà không biết phê phán, chống lại áp lực bạn bè và khai thác thương mại. Người trẻ có bổn phận với chính họ - và với cha mẹ, gia đình và bạn bè, các vị mục tử và thầy cô giáo, và trên hết là với Thiên Chúa - phải dùng Internet một cách lành mạnh.

Internet đặt trong tầm với của thanh niên ở vào tuổi rất sớm một khả năng bao la để làm điều tốt cũng như để gây hại, cho chính họ và cho người khác. Nó có thể làm phong phú đời sống họ vượt xa những mơ ước của các thế hệ đi trước và đến lượt lại cho họ khả năng để làm phong phú đời sống của những người khác. Internet cũng có thể nhận chìm họ trong chủ nghĩa tiêu thụ, hoang tưởng dâm đãng và bạo lực, và cô lập về tâm lý.

Thanh niên, như thường được đề cập đến, là tương lai của xã hội và Giáo Hội. Việc sử dụng lành mạnh Internet có thể giúp chuẩn bị cho họ gánh vác trách nhiệm với xã hội và Giáo Hội. Nhưng điều này không tự động xảy đến. Internet không chỉ đơn giản là một phương tiện truyền thông dành cho vui chơi giải trí và mua sắm. Nó là dụng cụ để hoàn thành công việc hữu ích, và thanh niên phải học để xem và dùng nó như thế. Trong không gian điện toán, tối thiểu giống như ở những hoàn cảnh khác, họ có thể được kêu gọi để đi ngược lại với trào lưu, chống lại xu hướng văn hóa, ngay cả chịu bắt bớ vì lẽ công chính.

3.2 Những đề nghị cụ thể

3.2.1 Phụ huynh phải kiểm soát việc truy cp vào Internet

Điều đầu tiên tôi muốn nói là những cha mẹ nào đưa máy điện toán dù có nối vào Internet hay không vào trong phòng riêng của con em mình thì xin lỗi cha mẹ đó, anh chị em khờ dại quá. Chính anh chị em đang gây ra dịp tội cho con cái mình.

Tờ Sunday Telegraph tường thuật rằng trong năm tài khóa 2005-2006, gần 2000 công chức các cấp tại Úc bị sa thải vì bị bắt gặp quả tang nhiều lần đang coi những hình khiêu dâm trên máy điện toán. Tôi muốn nhấn mạnh chữ “nhiều lần.” Họ là những người lớn, những người ý thức đầy đủ những hậu quả của hành vi mình và họ bị bắt quả tang “nhiều lần.” Con cái chúng ta chống nổi những cám dỗ tinh vi của thế giới sa ngã này hay không trong bối cảnh của một căn phòng riêng, đóng kín cửa lại? Kho tàng tu đức khôn ngoan dạy rằng “tránh xa dịp tội.” Anh chị em có lỗi nghiêm trọng trước mặt Chúa khi chính mình mang dịp tội đến cho con cái mình.

Tôi xin trích dẫn ở đây một lời lên án mạnh mẽ của Đức Hồng Y Justin Rigali của Philadelphia đã đăng trên VietCatholic, tuy hơi nặng nề nhưng có lẽ phải nói mạnh như vậy để chúng ta thấy được tác hại về mặt thiêng liêng với con trẻ. Ngài nói: “Những bậc cha mẹ nào đưa computer vào phòng riêng của con cái thì hoặc là quá ngu, hoặc là chủ tâm muốn giết linh hồn của chúng[10]

Xin các bậc phụ huynh dọn computer ra giữa nhà, nhiều người qua lại và cách nào đó kiểm soát việc truy nhập vào Internet của các em. Năm ngoái, Trung Tâm Nghiên Cứu Tông Đồ Mục Vụ (CARA) của trường đại học Georgetown Hoa Kỳ cho biết những gia đình có khả năng kiểm soát việc truy cập vào Internet của con cái nhiều nhất là những gia đình duy trì nề nếp cầu nguyện chung vào buổi tối. Gia đình cầu nguyện chung vào một thời điểm nhất định sau khi chấm dứt mọi hoạt động khác.

3.2.2 Nhận thức đầy đủ về lợi hại của computer và Internet

3.2.2.1 Computer Game:

Nhiều gia đình để con em chơi game và chat thoải mái với bạn bè hết giờ này sang giờ khác. Hầu hết những gia đình đều có rất nhiều game, đó là chưa kể một loại game rất đang thịnh hành là game Internet hay còn gọi là game online, game trực tuyến. Anh chị em ở đây, xin nói thử cho tôi biết trẻ em chơi game thì được những lợi ích gì nào?

Tôi xin giới thiệu một nghiên cứu của trường đại học Edith Cowan ở Tây Úc trong năm 2006. Người ta khảo sát hai nhóm, mỗi nhóm 50 học sinh lớp 6. Một nhóm gồm những học sinh chơi game nhiều giờ trong tuần và một nhóm gồm những học sinh không chơi game bao giờ. Các em được trao cho một đề toán như sau: “Chu vi của một hình vuông là 24cm, hỏi diện tích hình vuông bằng bao nhiêu?.”

Để trả lời đúng, học sinh phải làm thành hai bước. Bước thứ nhất là chia chu vi cho 4 để ra cạnh là 6cm. Bước thứ hai là lấy cạnh nhân với cạnh để ra diện tích là 36cm vuông.

Đa số những học sinh không chơi game làm hai bước như trên. Trong khi đó, đa số các học sinh chơi game làm bài rất nhanh nhưng chúng chỉ đưa ra những đáp số vớ vẩn, chẳng hạn như lấy 24cm nhân với 4 hay nhân với chính 24. Có đứa còn trừ cho 4!

Những nhà nghiên cứu nhận xét rằng những học sinh chơi game nhiều thường có xu hướng phản ứng rất nhanh, hậu quả của những phản xạ chớp nhoáng khi đương đầu với những game trong computer. Điều này gây khó khăn nghiêm trọng khi học sinh phải suy nghĩ thành nhiều bước như trong đề toán nêu trên. Nói cách khác, khả năng suy luận và phán đoán thận trọng, là những yếu tố then chốt trong việc học tập của những học sinh chơi game bị giảm sút đáng kể. Nói nôm na cho dễ hiểu, trẻ em càng chơi game nhiều càng KHÓ có triển vọng học hành đến nơi đến chốn.

Không những thế, người ta cũng nhận thấy những học sinh này có vấn đề trong quan hệ với cha mẹ và thầy cô giáo. Theo phản xạ hấp tấp, chúng thường có khuynh hướng “độp lại” tức khắc, không chịu suy nghĩ trước những lời răn dạy của cha mẹ và thầy cô giáo.

Trong sứ điệp Ngày Truyền Thông Xã Hội năm nay, Đức Thánh Cha viết: “Khi được tiếp cận với những gì thật đẹp đẽ và đạo đức, trẻ em được trợ giúp để phát triển khả năng đánh giá, sự thận trọng và những năng khiếu về nhận thức… Thẩm mỹ, một hình thức phản ánh Thiên Chúa, linh hứng và làm sống động con tim và tâm trí những người trẻ, trong khi sự xấu xí và thô tục có một tác động gây chán nản trên thái độ và hành vi.[11]

Trung tâm CARA của trường đại học Georgetown đã làm một cuộc khảo sát và họ thấy rằng hơn 90% các loại game hiện nay có mầu sắc bạo lực, trong đó hơn 78% có liên quan đến những hành động giết người hàng loạt (massacre).

Bạo lực và tính dục: hai yếu tố tai hại của Computer Games

Câu hỏi được đặt ra ở đây là làm sao chúng ta có thể xây dựng một nhân sinh quan đề cao những giá trị Kitô giáo trong đó có việc bảo vệ và kính trọng sự sống trong khi hàng ngày, hàng giờ cha mẹ để con em mình sống trong một môi trường thô tục, đề cao một nhân sinh quan bạo lực: càng giết nhiều càng được thưởng nhiều? Đó là một thứ nhân sinh quan đối nghịch và thù hận sâu xa với những giá trị Kitô Giáo.

Bậc cha mẹ cần phải suy nghĩ thận trọng và đừng dùng computer như người giữ trẻ cho chúng ta. Bản tin sau đây có thể giúp chúng ta nhận thức rõ hơn một chút:[12]

My Friend, một tạp chí Công Giáo dành cho trẻ em, do các nữ tu dòng Thánh Phaolô điều hành trong 28 năm qua, đã quyết định dành hẳn tháng 5/2004 cho một loạt bài phân tích tệ lạm dụng Internet, computer game cũng như các phương tiện truyền thông khác như TV và video.

Theo tờ My Friend, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã có kế hoạch đưa lên Internet rất nhiều những tài nguyên hữu ích cho ngành giáo dục. Và trong thực tế nhiều trẻ em khôn ngoan đã biết tận dụng Internet nói riêng và computer nói chung cho việc học hành. Tuy nhiên, theo một thống kê được đưa ra trong Hội Nghị Giáo Chức Công Giáo Hoa Kỳ, quy tụ hơn 15,000 nhà giáo dục Công Giáo, được tổ chức từ 13 đến 16/4/2004 tại Hynes Convention Center, Boston, hơn 80% trẻ em học càng ngày càng sa sút từ khi có computer và Internet trong gia đình.

Các nhà giáo dục than phiền rằng tuy đã có những hướng dẫn rất cụ thể, nhiều bậc cha mẹ vẫn để mặc cho con chơi game hay dại dột đặt computer trong phòng riêng của con cái và không thể nào phân biệt nổi các em đang học hay đang tán dóc (chat) với bạn bè trên Net.

3.2.2.2 Chat:

Tôi đặc biệt muốn gióng lên một tiếng chuông về một vấn nạn trầm trọng khác ở đây; đó là vấn đề chat hay tán dóc trên Internet. Bây giờ gần như gia đình nào trong chúng ta cũng có computer và đi đến đâu cũng thấy một thực trạng đáng buồn là các bậc phụ huynh để mặc cho con cái chat thoải mái, hết giờ này sang giờ khác, có khi chat thâu đêm suốt sáng.

Tôi nghĩ chữ “tán dóc” dùng để dịch chữ “chat” trong tiếng Anh là rất hay vì nó nói lên một khía cạnh rất phổ biến khi người ta chat; đó là nói dóc, nói ba hoa, nói gian, nói dối. Anh chị em nên biết một đặc trưng của Internet là tính chất anonymity, tức là nặc danh. Những người tán dóc với nhau trong các chat room, hay qua các chương trình như ICQ, Yahoo Messenger,.. thường là chưa hề quen biết nhau. Tình trạng nặc danh trên Internet khiến người ta ăn nói bạo dạn hơn, xuồng xã hơn, “nổ” bạo hơn so với trường hợp mặt đối mặt. Người ta có một cảm tưởng rằng họ không phải chịu bất cứ một trách nhiệm nào về hành động của mình.

Một khía cạnh đáng quan tâm là nhiều người tin rằng những luật luân lý và xã hội không có hiệu lực trên Internet. Cụ thể, rất nhiều người tin rằng nói dối, kể cả gian dâm cũng không phải là một tội trên Internet mặc dù họ nhìn nhận rằng những điều này ghi rõ trong Mười Điều Răn.

Như thường xảy ra với trẻ con, những gì chúng làm ở ngoài đường hay khi chúng tán dóc trên Net sẽ nhanh chóng len lỏi và hình thành nhân cách của chúng. Từ việc nói dối trên Net tới dối cha, dối mẹ gần lắm.

Một khía cạnh nữa là khi chúng ta để cho con trẻ tán dóc với những người xa lạ thì điều đó cũng không khác gì chúng ta để cho bất cứ một người không quen biết nào vào nhà mình tán tỉnh, tán dóc, tán hươu, tán vượn với con em mình về đủ mọi đề tài mà chúng ta không hề hay biết. Nếu cứ để mặc cho bá tánh tứ phương tán tỉnh, dạy dỗ chúng như thế, chúng ta mất dần ảnh hưởng trên con cái mình và không còn khả năng dạy bảo chúng được nữa.

Các nhà tâm lý ghi nhận rằng những trẻ thường tham gia vào các chat rooms thường là những trẻ không hài lòng với thực tại nhưng không cố gắng xoay chuyển tình hình bằng những nỗ lực và ý chí phấn đấu. Chúng muốn tìm đến một thế giới khác nơi những lời tâng bốc của đối phương và những lời dối trá chúng đưa ra, mà oái ăm thay, lừa được cả chính chúng, đang cho chúng có cảm tưởng về chính mình như một con người mới đẹp hơn, tài ba hơn, giàu sang hơn, và thành công hơn. Trong hoàn cảnh mơ màng như vậy, con cái chúng ta dễ bị quyến rũ, đặc biệt bởi những kẻ tinh quái vẫn hằng rình rập để dụ dỗ trẻ con trên Net.

3.2.3 Kiểm soát việc dùng Internet làm bài của con cái

Trước đây để ‘sao y bản chánh’ cũng cần một chút cố gắng nào đó. Những học sinh nào muốn gian lận trong các bài làm, ít ra cũng cần phải vào thư viện tìm ra một vài cuốn sách đúng đề tài đang làm, rồi chép ra nguyên văn hay sửa lại đôi chút. Hoặc giả cũng phải nhờ vả hay thuê mướn một người nào đó làm cho mình. Nhưng ngày nay, chỉ cần không quá 5 phút để vào Internet ‘download’ xuống với đầy đủ trích dẫn và thư mục tham khảo, từ văn chương Hoa Kỳ cho đến Shakespeare và lịch sử thế giới. Càng ngày càng có nhiều Web sites cung ứng dịch vụ này miễn phí hoặc với một phí tổn không đáng một cây cà rem.” Sơ Mary Heather, giảng dạy tại một trường Công Giáo thuộc tổng giáo phận Baltimore đã cho biết như trên trong khóa họp đặc biệt về “Plagiarism” (tình trạng học sinh cọp dê, đạo văn, ăn cắp tài liệu hay sao y bản chính bài vở của người khác và cho rằng chính mình đã làm).[13]

Hội nghị đã nhận định rằng cùng với đà phát triển vũ bão của Internet, Plagiarism đang làm tê liệt guồng máy giáo dục ở nhiều nước, đặc biệt ở các nước nói tiếng Anh. Bất chấp các cố gắng của các nhà giáo dục, thành quả đào tạo không cao nổi. Trong khi điểm số cho các bài về nhà làm (project, assignment) khá cao, điểm số trong các kỳ thi thấp đến mức đáng kinh ngạc.

Điều đáng băn khoăn là các tài liệu trên Net quá nhiều nên trong trường hợp học sinh đạo văn của người khác, các thầy cô giáo rất khó biết. Điều đáng nói nữa là trong nhiều trường hợp chính phụ huynh lại là người tiếp tay cho con em họ trong việc lục lọi trên Net. Trong nhiều trường hợp, học sinh và ngay cả phụ huynh lầm lẫn giữa việc đạo văn và việc tham khảo tài liệu (là một việc tốt, đáng khuyến khích).

Tổng giáo phận Baltimore đã thông qua một kế hoạch phức hợp để đối phó với tệ nạn này. Kế hoạch này bao gồm việc giải thích về plagiarism và tác hại của nó cho học sinh và phụ huynh, đề ra những chính sách khắt khe hơn với những học sinh vi phạm, tăng cường tu nghiệp cho thầy cô giáo và tất cả các bài làm của học sinh sẽ được dò tìm dấu vết đạo văn thông qua một dịch vụ trên Net tại địa chỉ http://www.turnitin.com. Mạng lưới này chịu trách nhiệm thiết kế một cơ sở dữ liệu (database) các tài nguyên trên Net về tất cả các môn học. Tổng giáo phận Baltimore cũng đưa ra lời kêu gọi bộ Giáo Dục Hoa Kỳ tiếp tay trong vấn đề này.

3.2.4 Phụ huynh phải biết dùng computer và Internet

Một trong những lời khuyên của Hội Đồng Giám Mục Anh và chúng tôi thấy rất hợp lý là chúng ta không thể nào kiểm soát đúng đắn việc sử dụng computer và Internet của con em mình nếu chính bản thân chúng ta không biết dùng và không nêu gương cho chúng trong việc dùng computer và Internet.

Văn kiện Giáo Hội và Internet của Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông [14]cũng khuyến cáo:

Vì lợi ích của con cái họ, cũng như của chính họ, các bậc cha mẹ cần phải “học và thực hành những năng khiếu của những người xem, nghe và đọc một cách nhạy bén, hành xử như những mẫu gương về sự sử dụng thận trọng các phương tiện truyền thông xã hội tại gia.” Về phương diện Internet, trẻ em và thanh niên thường tỏ ra quen thuộc hơn là cha mẹ chúng, nhưng cha mẹ vẫn phải hướng dẫn và giám sát con cái họ trong việc sử dụng Internet. Nếu điều này có nghĩa là họ phải học hỏi thêm về Internet, thì đó cũng là điều đáng làm.

Việc giám sát của cha mẹ phải bao gồm cả việc phải bảo đảm rằng kỹ thuật lọc (filtering technology) được dùng trong những máy điện toán dành cho con cái khi điều kiện tài chính và kỹ thuật cho phép, ngõ hầu bảo vệ con trẻ tối đa có thể được khỏi những tài liệu khiêu dâm, những kẻ săn tìm tính dục, và những đe dọa khác. Tiếp cận với Internet mà không có giám sát là điều không thể cho phép. Cha mẹ và con cái cần đối thoại với nhau về những điều đã thấy và đã kinh qua trong không gian điện toán; chia sẻ với những gia đình khác có cùng những giá trị và cùng những mối ưu tư sẽ rất là hữu ích. Bổn phận căn bản của cha mẹ ở đây là giúp con cái trở nên những người sử dụng biết phân định và có trách nhiệm, và không là những kẻ nghiện Internet đến nỗi lơ là những tiếp xúc với chúng bạn và cả với thiên nhiên.

Đề nghị cuối cùng của tôi là quý cha, và các Hội Đồng Mục Vụ nên tổ chức những buổi sinh hoạt hướng dẫn các bậc phụ huynh về vấn đề này. Tôi biết nhiều người trong chúng ta rất quan tâm dạy dỗ con cái trong ánh sáng đức tin Công Giáo nhưng chúng ta gặp những khó khăn rất lớn về ngôn ngữ, và kỹ thuật để có thể am hiểu vấn đề. Tôi thiết nghĩ chúng ta cần có ngay một chương trình Mục Vụ Gia Đình trong lãnh vực giáo dục để cung ứng cho các bậc phụ huynh không những kiến thức về Internet nói riêng mà cả những vấn đề rộng lớn hơn trong việc giáo dục thế hệ trẻ là tương lai của Giáo Hội và đất nước chúng ta.

 

4. Kết Luận

Để kết luận, tôi xin đưa ra hai nhận định sau:

Thứ nhất, chúng ta cám tạ Chúa vì sự hiện diện của những phương tiện truyền thông mạnh mẽ như Internet. Qua Internet, Chúa đang đặt vào tay chúng ta một phương tiện truyền bá sứ điệp của Đức Kitô vượt quá trí tưởng tượng phong phú nhất của những người truyền giảng Tin Mừng đi trước chúng ta. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng kỹ thuật truyền thông mới này trong sự khôn ngoan để mưu ích cho bản thân, gia đình, xã hội và Giáo Hội.

Thứ hai, Internet đang làm cho hàng tỷ hình ảnh hiện ra trên màn hình của hàng triệu máy điện toán trên hành tinh này. Từ dãi ngân hà của hình ảnh và âm thanh này, có ló dạng thiên nhan của Ðức Kitô và tiếng của Ngài có được lắng nghe không hay chỉ là những lạm dụng, thù hận, bạo lực, vu cáo, khủng bố, và lèo lái. Tất cả lệ thuộc vào suy tư và sự khôn ngoan của chúng ta trong sự tuân phục ánh sáng của Thánh Thần.

-----------------------------------

[1] X. “Thượng Hội Đồng về Gia Đình: các nhận định không thuận lợi cho phúc trình sau thảo luận” (10/14/2014) http://vietcatholic.net/News/Html/131190.htm

[2] X. “Thượng Hội Đồng về Gia Đình: phiên họp chung mười hai” (17/10/2014) http://vietcatholic.net/News/Html/131216.htm

[3] X. “Thượng hội đồng về gia đình: phúc trình của các nhóm nhỏ (1)” 5/11/2014 http://vietcatholic.net/News/Html/131229.htm

[4] X. “Thượng hội đồng về gia đình: phúc trình của các nhóm nhỏ (2)” 5/11/2014

[5] X. Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, “Giáo Hội và Internet” (22/2/2002), 6: Thành Vatican, 2002, tr. 13-15. http://vietcatholic.net/News/Html/24159.htm.

[6] X. Tông Thư “Sự Phát Triển Nhanh Chóng” (24/1/2005), Đức Gioan Phaolô II, 2005, tr. 2.http://vietcatholic.net/News/Html/24110.htm.

[7] X. VietCatholic News. Cơn dịch hình ảnh khiêu dâm http://vietcatholic.net/News/Html/39795.htm 14/12/2006

[8] X. VietCatholic News. Diễn từ của Đức Thánh Cha với các Giám Mục Ba Tây ngày 11/05/2007 http://vietcatholic.net/News/Html/43852.htm 13/5/2007.

[9] X. VietCatholic News. Bài giảng của ĐHY Josheph Ratzinger trong thánh lễ khai mạc Cơ Mật Viện http://vietcatholic.net/News/Html/25797.htm

[10] X. VietCatholic News. Sứ Điệp Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 41 http://vietcatholic.net/News/Html/44053.htm

[11] X. [3] ibid.

[12] X. [6] ibid.

[13] X. VietCatholic News Tạp chí Công Giáo My Friend tấn công tệ lạm dụng Internet http://vietcatholic.net/News/Html/17801.htm 21/04/2004

[14]  X. VietCatholic News Các trường Công Giáo ở Baltimore: Phụ huynh phải chú ý hơn đến việc trẻ con dùng Internet http://vietcatholic.net/News/Html/1080.htm 16/08/2002. 

2. ĐỜI SỐNG TÍNH DỤC VÀ HẠNH PHÚC HÔN NHÂN

(Trần Mỹ Duyệt, Ph.D. Cử Nhân Tâm Lý Ứng Dụng, Cao Học Tâm Lý Trị Liệu và Cộng Đồng, Tiến Sỹ Tâm Lý. Sinh hoạt trong lãnh vực tâm lý. Tác giả, dịch giả, và diễn giả về các chủ đề liên quan đến tâm lý, hôn nhân, gia đình, xã hội và giáo dục. Cùng với Lm. Trịnh Ngọc Danh và một số giáo dân thiện chí, khởi xướng và phát triển Gia Đình Nazareth một sinh hoạt mục vụ với mục đích duy trì, phát triển vẻ đẹp và giá trị của ơn gọi hôn nhân. Hiện đang sinh sống tại Westminster, CA.) 


Hôn nhân là tiếng đáp trả của tình yêu, là lời thề hứa chung thủy trong cuộc sống lứa đôi của hai người yêu nhau. Hôn nhân được bao bọc và ràng buộc bởi luật pháp, và sự thừa nhận của xã hội. Dưới nhãn quan Kitô Giáo, hôn nhân là một ơn gọi, một giao ước yêu thương giữa một người nam và một người nữ. Hôn ước này được chúc phúc bởi Thiên Chúa, Đấng là “tình yêu” (1 Ga 4:8). Từ tình yêu hai người dành cho nhau ấy phát sinh tình yêu cha mẹ, tình yêu con cái, tình yêu anh chị em, họ hàng, người thân, tình yêu xã hội, và tình yêu nhân loại. Hạnh phúc hôn nhân còn được tiếp nối do được thông phần với Thiên Chúa trong việc sản sinh con cái: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất…” (St 1:28).

Một hồng ân bao la. Một hạnh phúc vô biên. Một bầu trời chan hòa và đầy ắp những ước mơ cho mọi cuộc tình. Nhưng mặt sau của hôn nhân là một thảm kịch. Thống kê mới nhất cho thấy có đến 50% những cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị.[1]

 

Những con số thống kê tượng trưng:

Câu hỏi được nêu lên là tại sao và đâu là lý do của những đổ vỡ trên. Trong những câu trả lời, phần lớn có liên quan đến ngoại tình. [2]

- 41% người chồng, người vợ hoặc cả hai thừa nhận có ngoại tình trong tư tưởng và hành động.
- 57% nam giới và 54% nữ giới đã thừa nhận hành động ngoại tình. Trong đó:
- 36% ngoại tình với những người cùng sở, hoặc nơi làm việc.
- 36% ngoại tình trong khi công tác xa nhà.

Kết quả những hành động ngoại tình này đưa đến 31% đổ vỡ gia đình và kết thúc bằng ly dị.

Từ những dữ kiện trên, đưa đến một kết luận thực hành liên quan đến hạnh phúc hôn nhân là đời sống tính dục và sự hài hòa về sinh lý.

 

Tính dục là gì?

Tính dục là gì mà nó làm điên đảo lòng người, và gây ra thảm họa cho đời sống hôn nhân gia đình như vậy?

-        Tính dục là một bản năng và nhu cầu:

Theo tiến sỹ Juli Slattery, khác biệt giữa người chồng và người vợ là người chồng kinh nghiệm về tình dục như một nhu cầu vật lý chính của họ. Cũng như thân thể chúng ta bảo cho biết khi nào mình đói, mình khát hoặc mệt mã, thân thể của người đàn ông sẽ bảo cho họ biết khi nào cần nhu cầu thỏa mãn sinh lý. Nhu cầu này lại bị ảnh hưởng do những yếu tố ngoại cảnh, được thúc đẩy bởi kích thích tố nam testosterone. Và như một sự thỏa mãn chính đáng sau khi nhu cầu sinh lý được giải tỏa, người đàn ông cảm thấy mình thoải mái, hạnh phúc.

Ngược lại, ham muốn tình dục của người phụ nữ không do những thôi thúc của thể lý, nhưng liên quan đến tình cảm. Người đàn ông có thể bị kích thích một cách dễ dàng chỉ do nhìn ngắm một người phụ nữ khỏa thân. Thanh sắc là hai yếu tố thường gây nên những thèm muốn dục vọng nơi người đàn ông: “…Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5: 28).

Tuy vậy, đàn ông thường dùng yếu tố bản năng để biện minh cho hành động ngoại tình và cho sự chung thủy của họ. Khác biệt căn bản giữa tính dục người đàn ông và đàn bà là đàn ông có thể phân biệt rõ ràng hành động sinh lý và sự ràng buộc tình cảm với một người phụ nữ, trong khi đó đối với người phụ nữ cả hai chỉ là một. Tóm lại, “tính dục đối với người đàn ông có một ảnh hưởng rất lớn trên tình cảm, hạnh phúc hôn nhân và tinh thần của họ.[3]

Tính dục với cái nhìn bản năng là điều tốt và cần thiết. Nó cũng là một ân huệ Thiên Chúa ban cho con người, đặc biệt cho những ai sống trong đời sống hôn nhân. Thế nên con người hưởng dùng ân huệ này là điều chính đáng.

-        Thèm muốn của thân xác:

Đàn ông “luôn luôn” nghĩ về tình dục. Theo những khảo cứu của the Kinsey Institute for Research in Sex, Gender and Reproduction thuộc Đại học Indiana, công bố trên the journal Proceeding of the National Academy of Scientists, 54 % đàn ông và 19% đàn bà nghĩ về tình dục năm, ba lần mỗi ngày.[4]

Gần đây, theo một cuộc khảo cứu tại Anh Quốc, người ta trung bình nghĩ đến sinh lý 13 lần một ngày. Kết quả này phù hợp những gì mà chính người Việt Nam chúng ta cũng vẫn thường nói:

“Đêm bẩy, ngày ba
Vào ra không kể.”[5]

Tháng Giêng năm 2012, Tạp Chí Khảo Cứu Về Sinh Lý (Journal of Sex Research) đã phổ biến nghiên cứu do Giáo sư Terri Fisher thực hiện tại Đại học Ohio dựa vào việc thăm dò 120 sinh viên nam và 163 sinh viên nữ từ 18 đến 25 tuổi. Kết quả cho thấy trung bình một sinh viên nam nghĩ đến sinh lý 19 lần mỗi ngày, trong khi đó một sinh viên nữ là 10 lần một ngày.

Một khảo cứu khác, theo bác sĩ Louann Brizendine, thì đàn ông nghĩ về sinh lý cứ 52 giây, trong khi người phụ nữ là 1 lần mỗi ngày.[6]

Qua những dữ liệu trên, đưa đến kết luận chung là: Tính dục là bản năng, và đàn ông nghĩ về sinh lý nhiều hơn đàn bà. Tùy theo mức độ hormone Testosterone trong cơ thể mỗi người đàn ông mà mức độ nghĩ đến, cũng như ham muốn dục vọng nhiều hay ít.

-        Bao nhiêu cho vừa?

Nhu cầu sinh lý và thỏa mãn sinh lý là một trong những yếu tố đem đến sự điều hòa của đời sống tâm sinh lý, dẫn đến hạnh phúc hôn nhân. Nhưng ngược lại, nó cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến bất hạnh trong hôn nhân nếu nhu cầu này không được giải quyết một cách tốt đẹp với sự hiểu biết và ý thức trưởng thành. Sau đây là tổng hợp những cuộc khảo cứu của Kinsey và Morton Hunt cho thấy con số trung bình ân ái vợ chồng (làm tình) trong một tuần dựa theo tuổi tác.[7]

Theo kết quả khảo cứu của Kinsey năm 1948, 1953:

Từ 16-25 2.45 lần
Từ 26-35 1.95 lần
Từ 36-45 1.40 lần
Từ 46-55 .85 lần
Từ 55-60 .50 lần

Con số trung bình mỗi tuần có chỉ số cao hơn theo khảo cứu của Morton Hunt năm 1974:

Từ 18-24 3.25 lần
Từ 25-34 2.55 lần
Từ 35-44 2.00 lần
Từ 45-54 1.00 lần
55 tuổi trở lên 1 lần

Sự khác biệt có thể được diễn giải tùy theo quan niệm về tính dục, ảnh hưởng của văn hóa, xã hội, phim ảnh, và ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý, giáo dục và tôn giáo. Nói chung phần đông những người có gia đình tại Hoa Kỳ, trung bình làm tình 2 hoặc 3 lần một tuần. Tuổi từ 50 đến 59, trung bình 4 hoặc 5 lần một tháng (Laumann et al., 1994).[8] Và theo khảo cứu của (Michael et al., 1994, p.136), con số trung bình là 7 lần một tháng.[9]

Tóm lại, nhu cầu và sự đòi hỏi tình dục là một nhu cầu đi liền với con người. Đối với những người có hay không có gia đình, nó vẫn là một cái gì rất thu hút và rất hấp dẫn. Qua bài thơ nói về những thói hư của mình, thi sỹ Trần Tế Xương đã viết:

“Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được cái gì hay cái nấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà!”[10]

Những ai đã dính vào những thứ “lăng nhăng” như Trần Tế Xương đều thấy rõ rằng chừa bất cứ thứ nào trong những thứ đó cũng đều khó, và như nhà thơ Non Côi Sông Vị thì chừa đàn bà vẫn là thứ khó chừa nhất. Thực tế đã chứng minh ông nói đúng. Nhiều vỹ nhân, quân tử, nhiều vua, quan, chính trị gia và những nhân vật lẫy lừng trong lịch sử đã thân bại danh liệt vì đàn bà. Ngay cả những vị tu hành đức cao danh trọng cũng không thoát khỏi những ràng buộc và quyến rũ của nó. Do đó, đối với những ai đang sắp sửa bước vào đời sống hôn nhân, hoặc đang sống trong đời sống này cần phải ý thức và hiểu một cách trưởng thành về hồng ân tính dục, và học hỏi biết xử dụng nó cách khéo léo để mang lại hạnh phúc cho gia đình, và chính mình.

 

Hồng ân tính dục

Nhiều lần hay ít, đàn ông hay đàn bà, nhìn vấn đề bằng cặp mắt tự do hay bảo thủ, tính dục vẫn là trái táo của vườn Địa Đàng năm xưa đã từng làm mê mẩn lòng người. Không một ai đã dám can đảm tuyên bố mình không cần và không bị thu hút bởi nó.

Không chỉ đến từ bản năng và sự thôi thúc của con người tự nhiên, chính Thiên Chúa cũng chúc lành và khuyến khích vợ chồng về việc hưởng dùng ân huệ tính dục.

“Cùng với người vợ yêu thương,
bạn hãy hưởng trọn cuộc đời,
hết mọi ngày trong kiếp sống phù du
đã được ban cho bạn dưới ánh sáng mặt trời.”(Gv 9:9)

Lời tình ca của Salômôn cũng chính là lời thì thầm, lãng mạn của hai người tha thiết yêu nhau, và đắm đuối bên nhau:

“Ước gì chàng hôn ta những nụ hôn chính môi miệng chàng!
Ân ái của anh còn ngọt ngào hơn rượu.”(Diễm Tình Ca 1:2)

Và trong ân ái ngọt ngào đó,

“Chàng đưa tôi vào phòng tiệc,
cho tôi uống rượu nồng,
đã thắng tôi nhờ sức mạnh tình yêu.”(Diễm Tình Ca 2:4)

Rượu nồng tượng trưng sức mạnh của tình yêu. Tình yêu chới với và lâng lâng đưa hai thân xác gặp lại nửa phần kia của chính mình. Chỉ qua hành động tính dục, người vợ và người chồng mới có thể nói với nhau rằng: “Và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mc 10:8). Theo Đức Biển Đức XVI: “Con người một cách nào đó không trọn vẹn, nên phải đi tìm kiếm nơi người khác phần nào đó cho sự toàn vẹn của mình, nghĩa là con người chỉ trong sự hiệp thông với phái tính khác mới có thể trở nên “trọn vẹn,” đó chính là điều tìm thấy trong Kinh Thánh.”[11]

Cái lãng mạn, chất ngất của tình yêu đã được cặp mắt thi nhân thần thánh hóa:

“Trời cao xanh ngắt. - Ô kìa!
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.”[12]

Chốn bồng lai của “đôi vợ chồng” phải bay về chính là tổ ấm yêu thương. Và trung tâm tổ ấm ấy là cái giường nơi mà cả một vùng trời tình yêu xanh ngắt ngự trị. Ở đó, Ô kìa “cả hai trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (St 2:25).

Vì sợ con người lợi dụng và lạm dụng tình dục, Thiên Chúa đã có lệnh cấm không cho phép những người ngoài hôn nhân được bén bảng đến chốn bồng lai tiên cảnh này: “Ngươi không được ngoại tình.” (Xh 20:14) Đối với những người đã có gia đình và đã biết thế nào là cái hạnh phúc ngất ngây của tình dục thì Ngài bảo họ: “Ngươi không được ham muốn vợ người ta” (Xh 20:17).

Và để tình yêu vợ chồng được trọn vẹn qua hồng ân tính dục, sau đây là một số những chỉ dẫn của Giáo Hội Công Giáo được ghi trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo:[13]

Số 2360: “Theo ý định của Thiên Chúa, phái tính hướng về tình yêu vợ chồng. Trong hôn nhân, ái ân trở thành dấu chỉ và bảo đảm của sự hiệp thông tinh thần. Giữa hai tín hữu, dây liên kết hôn nhân được thánh hóa bằng bí tích.”

Số 2361: “Nhờ khả năng tính dục, người nam và người nữ hiến thân cho nhau qua những hành vi dành riêng cho vợ chồng. Tính dục không chỉ là hành vi sinh lý, nhưng liên can đến những điều thâm sâu nhất của nhân vị. Tính dục chỉ thực sự xứng đáng với con người, khi nó là thành phần không thể thiếu của tình yêu giữa người nam và người nữ đã cam kết hiến thân cho nhau trọn vẹn suốt đời.”

Số 2362: “Những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quý và chính đáng. Ðược thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự hiến thân cho nhau nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn.”

Chính Ðấng Sáng Tạo ... đã muốn rằng trong nhiệm vụ truyền sinh đôi vợ chồng cảm thấy một sự vui thú và thỏa mãn nơi thân xác và tinh thần. Vì vậy, vợ chồng chẳng làm điều gì xấu khi tìm kiếm và tận hưởng sự khoái lạc đó. Họ đón nhận những gì Ðấng Sáng Tạo đã ban cho. Tuy nhiên, họ phải biết giữ tiết độ (Pi-ô XII, bài giảng 29 - 10 - 1951).

 

Trách nhiệm tính dục

Không chỉ là một hồng ân, tính dục còn là một trách nhiệm: “Theo nhãn quan Kitô Giáo, đức khiết tịnh tuyệt nhiên không có nghĩa là phủ nhận hay miệt thị tính dục con người, nhưng đúng hơn nó là một năng lực tinh thần biết bảo vệ tình yêu khỏi những nguy hiểm của sự ích kỷ và của tính bạo động, và đưa tình yêu đến mức thể hiện trọn vẹn” (Thánh Gioan Phaolô II - FC 33).[14]

Tính dục trong hôn nhân không phải là những đòi hỏi cần thỏa mãn theo nhu cầu thể lý và tâm lý. Dưới ánh sáng lời Chúa, nó còn là một bổn phận bắt buộc giữa người chồng và người vợ. Thánh Phaolô đã giải thích vấn nạn này một cách rất rõ ràng với người Corinthô hai ngàn năm trước:

“Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy.Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Xa-tan lợi dụng để cám dỗ” (1 Cr 7:3-5).

Để xóa tan tư tưởng sai lạc về tính dục, và làm cho tính dục nhuốm mầu sắc quá thiên về vật chất, sau khi tạo dựng mọi loài, Thiên Chúa đều hài lòng với sản phẩm của mình và thấy nó tốt đẹp. Vậy nếu Thiên Chúa không cho hành động tính dục là dơ bẩn, con người cũng không được phép nghĩ nó là dơ bẩn. Hơn nữa, phải cho đây là một hành động nghiêm túc và thực hành nó một cách có trách nhiệm, bởi vì hành động tính dục trong hôn nhân là một bổn phận như Thánh Phaolô đã cắt nghĩa cho người Corinthô, và chắc chắn là ngài cũng muốn nói điều ấy với con người qua mọi thời đại.

Đặc biệt ở thời đại hôm nay khi tính dục được đưa vào sinh hoạt xã hội mang mầu sắc văn hóa và chính trị. Một dịch vụ buôn bán, trao đổi và kiếm lời. Nguyên số tiền mà người ta chi ra cho các dịch vụ mãi dâm mỗi năm cũng lên đến hàng trăm triệu mỹ kim. Và đây là một lời cảnh báo cho những thất bại về tính dục trong hôn nhân. Để giúp cho vợ chồng hiểu về trách nhiệm cao cả của mình trong đời sống tính dục, tài liệu giáo lý chuẩn bị cho Đại Hội Gia Đình Thế Giới 2015 viết:

Trong niềm hân hoan qua ngôn ngữ của Adam lần đầu gặp Evà: “Cuối cùng, đây là xương của xương tôi, và thịt của thịt tôi” (Gen 2:23, NRSV). Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ghi rằng, từ nguyên thủy, “người nam nhìn ra người nữ như cái “tôi” khác chia sẻ cùng nhân tính” (CCC, 371). Người nam và người nữ chia sẻ phẩm tính bình đẳng đến từ Thiên Chúa là Tạo Hóa của họ. Trong chương trình của Thiên Chúa, cả hai giống nhau, và cái khác của người nam và người nữ xẩy ra cùng lúc trong tình trạng bổ khuyết sinh lý của họ như giống đực và giống cái. Được tạo dựng với nhau (Gen 1:26-27), người nam và người nữ sẵn sàng cho nhau. (CCC, 371) Sự khác biệt tính dục là một lời nhắc nhở căn bản rằng việc chúng ta được dựng nên để trao hiến cho nhau đã được hướng dẫn bằng đức hạnh và tình yêu Thiên Chúa.[15]

Trách nhiệm về tính dục do đó bắt nguồn từ mầu nhiệm con người, và đến từ Thiên Chúa. Trong Sáng Thế Ký, Thiên Chúa đã truyền cho con người phải làm việc này không chỉ vì nhu cầu tâm sinh lý, mà còn để duy trì, bảo vệ nòi giống. Ngài đã trao quyền được cộng tác với Ngài trong việc tạo dựng con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1:28). Tính dục trong hôn nhân vì thế còn có một mục đích tối hậu là sinh sản con cái.[16]

Sách Giáo Lý Công Giáo số 2363 dạy: “Nhờ sự kết hợp của vợ chồng, hai mục đích của hôn nhân được thực hiện: lợi ích của chính đôi vợ chồng và lưu truyền sự sống. Không thể tách rời hai ý nghĩa hoặc hai giá trị này của hôn nhân mà không làm biến chất đời sống tinh thần của vợ chồng cũng như phương hại đến lợi ích của hôn nhân và tương lai của gia đình. Như thế tình yêu vợ chồng đòi hỏi người nam và người nữ vừa phải chung thủy vừa phải sẵn sàng đón nhận con cái.”

 

Những hội chứng bất thường của tình dục

Rất nhiều người có những vấn nạn, những khó khăn về sinh lý và hành động sinh lý. Họ thường hay che dấu và không muốn trao đổi với người khác ngay cả với vợ hoặc chồng. Nhưng vì không thỏa mãn được nhu cầu và ước muốn tình dục nên vợ chồng luôn có những xung khắc trong đời sống sinh lý, biến nó trở nên nhàm chán, dơ bẩn, hoặc ghê tởm. Những căn bệnh chính sau đây được liệt kê trong cẩm nang Diagnostic and statistical Manual of Mental Disorders (DSM) năm 2000 của Hiệp Hội Các Nhà Tâm Thần Học Hoa Kỳ:

-                    Mất ham muốn (Sexual desire disorders): Liên quan đến thái độ lạnh nhạt, coi thường, hoặc không vui thích hành động giao hợp. Người mất ham muốn tình dục được gọi là người mang hội chứng hypoactive sexual disorder. Đây là căn bệnh thông thường đối với những nhà chuyên môn trị liệu tình dục (Letourneau & O’Donohue, 1993)[17]. Triệu chứng thông thường dẫn đến tình trạng mất ham muốn bao gồm những lý do thể lý và tâm lý như bực bội, nóng giận, sợ hãi mất khả năng, sợ có thai, hoặc có những tai nạn trong quá khứ liên quan đến hành động sinh lý.

-                    Mất hưng phấn (Sexual arousal disorders): Mất kích thích tình dục đối với đàn ông là không có khả năng cương cứng dương vật hoặc khả năng giao hợp. Đối với đàn bà là không tạo được kích thích để tiết ra chất nhờn trong âm đạo. Họ mất hứng thú hoặc không có khả năng tạo hưng phấn trong tình dục (American Psychiatric Association, 2000). Căn bản của bệnh này dẫn đến liệt dương (impotence) của phái nam và lãnh cảm (frigidity) của phái nữ. Có ít nhất 30 triệu đàn ông ở Hoa Kỳ bị liệt dương (Goldstein, 1998). [18]Tâm lý mệt mỏi, chán chường, nghiện rượu, là lý do của căn bệnh. Sự lập đi lập lại những thất bại của mình cũng là điều khiến cho tình trạng bệnh lý trở thành trầm trọng hơn đối với nam giới. Với nữ giới, tình trạng mất kích thích tình dục cũng đến từ những lý do thể lý và tâm lý. Những trường hợp quá khứ như bị hiếp dâm, bị xâm phạm tình dục, hoặc ái ân thô lỗ và bạo tợn của người yêu, của chồng cũng đã khiến cho nhiều phụ nữ trở nên mất hứng thú.

-                    Không đạt kích ngất (Orgasmic disorders): Trong khi phụ nữ khó lòng đạt kích ngất, hoặc bị kích ngất một cách đột ngột và khác thường (rapid orgasm). Phái nam thường xuất tinh sớm (premature ejaculation), hoặc có những người không xuất tinh được. Tình trạng không đạt kích ngất không chỉ đối với đàn ông mà còn đối với cả đàn bà. Đối với đàn ông xuất tinh trong vòng 30 giây được cho là xuất tinh sớm. Cũng như các chứng bệnh khác của tình dục, không đạt kích ngất khi giao hợp cũng có những lý do thể lý và tâm lý.

-                    Đau rát khi giao hợp (Sexual pain disorders): Đàn ông cũng như đàn bà đều có thể gặp phải chứng đau rát khi giao hợp (dyspareunia). Triệu chứng này ở phụ nữ còn dẫn tới có cảm giác không muốn để cho dương vật lọt vào âm đạo (vaginismus). Đau rát khi giao hợp thuộc cả hai phái, nhưng phần đông xẩy ra cho giới phụ nữ. Nó xẩy ra có thể là do nguyên nhân thể lý và cũng có thể là lý do tâm lý. [19]Tuy nhiên phần lớn sự đau rát của phụ nữ xẩy ra là thiếu chất nhờn tiết ra từ âm đạo. Cũng có thể là phản ứng do những hóa chất từ những bao cao xu (condoms), những dụng cụ ngừa thai hoặc do những hành động giao hợp mạnh bạo, cuồng loạn của đàn ông.

-                    Liệt dương và xuất tinh sớm của phái nam, lãnh cảm và không đạt kích ngất của phái nữ, đau rát khi giao hợp của cả hai phái là những căn bệnh thông thường của đời sống tình dục. Những căn bệnh này là lý do dẫn đến những tư tưởng tiêu cực, những ý nghĩ xấu về tính dục và hành động ân ái vợ chồng. Ảnh hưởng của nó sẽ làm cho đời sống hôn nhân trở nên căng thẳng, tẻ nhạt, nhàm chán, và đưa đến đổ vỡ. Để chữa trị những căn bệnh sinh lý bất thường, đòi hỏi người chồng, người vợ hoặc cả hai phải đối diện với thực tế, có nghĩa là phải chấp nhận mình có bệnh để có sự thông cảm của nhau, và tìm phương pháp chữa trị.

Về phương diện y khoa, họ cần bác sỹ gia đình và các bác sỹ chuyên môn để khám nghiệm, chữa trị các chứng cao mỡ, cao máu, tiểu đường, yếu tim, yếu thận, hoặc liên quan đến nang thượng thận (adrenal glands), tuyến giáp trạng (thyroid) hay nghiện ngập. Về phương diện tâm sinh lý, họ phải đến gặp các nhà tâm lý, các nhà chuyên môn về sinh lý để phân tích và trị liệu những hội chứng đang ảnh hưởng đến đời sống và khả năng tình dục. Tóm lại, để chữa trị những căn bệnh về sinh lý không nên dựa vào kinh nghiệm của người này, người khác, hoặc những toa thuốc bí truyền, những cách thức chữa trị gia truyền. Nhưng phải được chẩn đoán và chữa trị một cách khoa học đôi khi phức tạp và tốn kém.

Một trong những quan niệm rất thiếu khoa học về sinh lý và di truyền học liên quan đến số phận phụ nữ và các bé gái là quan niệm trọng nam khinh nữ, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.” Do quan niệm này nhiều bà mẹ và nhiều bé gái đã phải đau khổ, tủi hận, mặc cảm và chết oan. Nhưng việc sinh con trai hay con gái hoàn toàn không do phụ nữ. Theo khảo cứu của khoa học, tinh trùng được chia ra làm hai loại, một nửa tính nam (male sperm) mang nhiễm sắc thể giới tính (sex chromosomes) Y. Một nửa tính nữ (female sperm) mang nhiễm sắc thể giới tính X. Trong khi giao hợp, nếu tinh trùng mang nhiễm sắc thể giới tính Y gặp trứng, thai nhi sẽ là con trai. Ngược lại, nếu tinh trùng mang nhiễm sắc thể giới tính X gặp trứng, thai nhi sẽ là con gái. (Phạm, 2006)[20]

 

Tôi thuộc về người yêu của tôi

Lời người yêu trong Diễm Tình Ca (7:11) diễn tả cách tuyệt vời sự thao thức, cuốn hút của giây phút ân ái vợ chồng. Nhưng vì hành động ái ân không phải là một việc làm theo bản năng, và bị thúc đẩy bởi những thèm muốn xác thịt. Để có những giây phút hạnh phúc bên nhau, người chồng cũng như người vợ cần phải hiểu biết những trạng thái tâm sinh lý của nhau, và đi vào những giây phút ấy bằng sự chuẩn bị tâm lý cũng như thể lý.

Trong Human Sexuality, 5th Edition, (Spencer A. Rathus et al., 2002)[21] đã tóm lược những trạng thái sinh lý của Masters and Johson,[22] tùy thuộc vào sự thay đổi của cơ thể và những kích thích bên ngoài. Những rạo rực, thôi thúc của sinh lý theo đó mang 4 đặc tính: excitement (kích thích), plateau (đạt đỉnh), orgasm (kích ngất) và resolution (trạng thái bình thường).

-                    Excitement (kích thích): Do được kích thích khoảng từ 3 tới 8 giây, cơ quan sinh dục của đàn ông từ từ cương cứng, dịch hoàn và bao bọc dịch hoàn trở nên săn chắc. Về phía nữ giới khoảng từ 10 tới 30 giây âm đạo bắt đầu ẩm ướt do chất nhờn tiết ra, âm vật, vành trong và vành ngoài của cơ quan sinh dục nở và mở rộng, đổi mầu.

-                    Plateau (đạt đỉnh): Sự cương cứng của dương vật và toàn bộ cơ quan sinh dục của phụ nữ kể cả phần sâu nhất của âm đạo được biến đổi. Cặp nhũ hoa của phụ nữ trở thành căng phồng và hai đầu nhũ hoa cũng cứng lên. Do bị kích thích và hưng phấn một vài giọt tinh dịch có thể tiết ra từ đầu dương vật của đàn ông. Lúc này, máu trong cơ thể tiếp tục bơm nhanh, hơi thở dồn dập, tim đập từ 100 đến 160 nhịp một phút. Thời gian sẵn sàng cho hành động giao hợp.

-                    Orgasm (kích ngất): Sự hòa nhập giữa hai thân xác, tạo nên một cảm giác sung sướng và đê mê chất ngất. Các bắp thịt ở vùng chậu và thành âm đạo co thắt. Máu trong người tăng lên tột đỉnh. Tim đập lên đến 180 nhịp một phút. Hơi thở dồn dập 40 cái một phút. Một cảm giác thôi thúc, ấm áp, vỡ òa, và thoải mái. Đối với người đàn ông kích ngất được đánh dấu bằng việc xuất tinh. Một lượng tinh dịch và tinh trùng được bắn ra từ 2 tới 3 giây.

-                    Resolution (trạng thái bình thường): Sau khi xuất tinh, dương vật của đàn ông bắt đầu thu lại và trở về trạng thái bình thường. Âm đạo và thành âm đạo của người phụ nữ cũng từ từ trở lại trạng thái cũ. Thời gian trong vòng 5 phút sau khi kích ngất đối với cả nam và nữ. Mặc dù thời gian cần cho cơ thể trở lại bình thường của hai phái tương tự như nhau, nhưng riêng với nữ giới thời gian trở lại trạng thái bình thường không nhanh như nam giới. Do đó, nếu được kích thích và nếu họ muốn, họ có thể tiếp tục giao hợp.

Do những khác biệt về thể lý và tâm sinh lý, phản ứng sinh lý của phái nam được ví như chiếc máy vi ba sóng (microwave) dùng hâm nóng đồ ăn, và phái nữ như chiếc lò nướng (oven). Microwave mở lên nóng liền, và tắt đi nguội liền. Nhưng oven mở lên từ từ mới nóng, và khi tắt cũng nguội từ từ. Vì những khác nhau về tâm sinh lý, nên để có một cuộc ái ân đem lại hạnh phúc cho cả hai vợ chồng, đòi hỏi cả hai, đặc biệt người đàn ông phải hiểu được khác biệt này. Và việc chuẩn bị cho một cuộc ái ân cũng có những bước căn bản của nó.

-                    Thời giờ cho nhau: Hành động ân ái, một cuộc hội ngộ đem lại hạnh phúc cho hai thân xác và hai tâm hồn nên phải có thời giờ cho nhau. Nó không thể được thực hiện một cách chộp giật, chớp nhoáng hay máy móc, vì điều này không phù hợp với những đòi hỏi thể lý cũng như tâm lý phụ nữ.

Bởi đó thời gian đầu là lúc vợ chồng cần để quấn quít, hôn hít, vuốt ve và ôm ấp. Những hấp dẫn thể lý cộng với những lời tình lãng mạn sẽ đem lại hưng phấn cho những phản ứng tâm sinh lý. Giây phút vợ chồng bên nhau phải là những giây phút đắm đuối, thơ mộng, tình tứ, và của nhịp đập hai trái tim.

Để có những giây phút này, cả hai cần có những đối đãi thân mật, yêu thương, và dành thời giờ cho nhau trước đó qua những giao tiếp thường ngày giữa hai vợ chồng. Những lời nói yêu thương, cử chỉ tế nhị, săn đón, và quan tâm đến nhau chính là những yếu tố cần để chuẩn bị cho giây phút ân ái.

-                    Cho nhau biết là mình được yêu: Tác động ân ái, giao hợp vợ chồng là những tác động của yêu thương. Người chồng cũng như người vợ cần phải cho nhau biết rằng tình yêu và những thu hút của tình yêu đã dẫn hai người và đem họ lại với nhau. Nói cho nhau nghe và bày tỏ cho nhau tình yêu của mình, để cả hai thấy rằng mình đang yêu và được yêu. Ân ái vợ chồng không phải là một thỏa mãn hoàn toàn dục vọng, và hành động theo bản năng. Nó phải được diễn ra bằng những lời nói, cử chỉ và hành động của tình yêu. Tình yêu sẽ níu kéo, ghì chặt hai thân xác, và hòa hợp hai tâm hồn: “Chàng đưa tay trái cho tôi gối đầu, đưa tay phải ghì chặt lấy tôi” (Diễm Tình Ca 2:6).

-                    Môi trường an toàn: Giây phút vợ chồng bên nhau là thời gian của riêng tư giữa hai người. Nó phải được thực hiện trong không gian an toàn. Những tiếng động đạc, những chi phối bên ngoài thường làm cho người phụ nữ cảm thấy mất hứng thú, và dĩ nhiên sự đáp trả sẽ không nồng nàn, tha thiết:

“Đương khi bếp tắt cơm sôi,
Con ngồi khóc đói, chồng đòi tòm tem.

Bây giờ bếp đã cháy lên,
Cơm đà sắp chín, tòm tem thì tòm.”[23]

Cơm chưa chín, bếp lửa tắt ngấm, và con ngồi bên khóc lóc đòi ăn chắc chắn không phải là thời gian, hoàn cảnh và môi trường thuận tiện cho một cuộc ân ái.

-                    Cảm ơn anh, cảm ơn em: Kinh nghiệm thường ngày cũng như những kết quả khảo cứu cho thấy sau khi đã xuất tinh, tức là đạt kích ngất, thỏa mãn được nhu cầu, người chồng thường lăn ra ngủ. Họ không quan tâm đến những thao thức, những hạnh phúc còn rơi rớt lại nơi người vợ. Nhưng nếu bỏ qua, hoặc không quan tâm đến nó vô tình sẽ tạo cho người vợ, người yêu cái cảm giác họ bị lợi dụng, hoặc chỉ là dụng cụ để cho chồng đạt được thỏa mãn. Hành động này sẽ ghi vào tâm tư người vợ sự tủi hổ, giận hờn, và coi thường. Kết quả nó sẽ để lại hình ảnh xấu, một cái nhìn tiêu cực về sinh lý, về tình yêu vợ chồng, và khiến cho những lần ân ái sau trở nên khó khăn, hoặc dễ dàng bị từ chối.

 

Kết luận

Hành động ân ái chính là biểu tượng của tình yêu, là trách nhiệm và bổn phận cần thiết của đời sống hôn nhân. Không ai được coi thường hành động sinh lý vợ chồng, và cũng không ai có thể nói đó là những hành động, những việc làm dơ bẩn, tội lỗi, xấu xa.

Người vợ khôn ngoan và yêu chồng không để chồng bị đói, thèm khát và bị bỏ rơi. Hành động như vậy chỉ tạo ra những cơ hội cho việc vụng trộm và thèm muốn ngoài hôn nhân mà không phải là chính mình, và mở đường cho chồng đi hoang. Người chồng khôn ngoan, yêu vợ cũng không thể thiếu sót bổn phận chăn gối. Không tìm thỏa mãn dục vọng hay nhu cầu sinh lý một cách hoàn toàn theo bản năng. Làm như vậy sẽ tạo cho người vợ cảm giác bị xúc phạm và bị lợi dụng thân xác.

Hạnh phúc của đời sống ân ái vợ chồng là những lúc:

“Chàng đưa tôi vào phòng tiệc,
cho tôi uống rượu nồng,
đã thắng tôi nhờ sức mạnh tình yêu.”(Diễm Tình Ca 2:4)

-----------------------------------

[1] U.S. Divorce Rates and Statistics. Divorcesource.com.

[2] Infidelity Statistics. Infidelity facts. Infidelityfacts.com.

[3] Slattery, J. (2009). Sex Is a Physical Need. No More Headaches. Tyndale House Publishers, Inc.

[4] How Often Do Men Think About Sex?- Netscape Men’s

[5] Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Tục Ngữ Phong Dao. AR: Sống Mới, 1978, Tập 1, tr.123.

[6] Brizendine, L. (2006). Female Brain. New York: Random House, Inc.

[7] M. Hunt (1974). Sexual Behavior in the 1970’s. New York: Playboy press, p.191.

[8] Laumann, E.O., Gagnon, J.H., Michael, R.T., & Michael, S. (1994). The social organization of sexuality: Sexual practives in the United States: Chicago: University of Chicago Press.

[9] Michael, R.T., Gagnon, J.H., Laumann, E.O., & Kolata, G. (1994). Sex in America: A definitive survey. Boston: Little, Brown.

[10] Trần Tế Xương. Ba cái lăng nhăng. Nxb Văn hóa - Thông tin, 1998.

[11] Lm. Augustinô Nguyễn Văn Dụ. (2010). Để Có Được Một Cái Nhìn Kitô Giáo Về Tính Dục. Ban Mục Vụ Gia Đình Tổng Giáo Phận Saigon, tr. 47.

[12] Hoài Thanh và Hoài Chân. Tiếng sáo Thiên-thai. Thế Lữ trong Thi Nhân Việt Nam. Hoa Tiên xuất bản, Saigon 1967. tr. 66.

[13] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Ủy Ban Giáo Lý. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

[14] Lm. Augustinô Nguyễn Văn Dụ. (2010). Để Có Được Một Cái Nhìn Kitô Giáo Về Tính Dục. Ban Mục Vụ Gia Đình Tổng Giáo Phận Saigon, tr. 61.

[15] World Meeting of Families 2015 Philadelphia. Love Is Our Mission. The Family Fully Alive (2014), 44. Our Sunday Visitor, Inc.,

[16] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Ủy Ban Giáo Lý. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

[17] Letourneau, E., & O’Donohue, W. (1993). Sexual desire disorders. In W. O’Donohue &J.H. Geer (eds.) Handbook of sexual dysfunctions: Assessment and treatment. (pp. 53-81). Boston: Allyn & Bacon.

[18] Goldstein, D. (1998, October 18). Chemistry of sexual desire yields its elusive secrets. The New York Times, pp. C1, C15.

[19] Meana, M., & Binik, Y.M. (1994). Painful coitus: A view of female dyspareunia. Journal of Nervous and Mental Desease, 182(5), 264-272.

[20] Bác sỹ Tiến Sỹ Phạm Viết Tú (2006). Y Học Thường Thức Hỏi & Đáp. (Tr. 611). B N Magazine xuất bản.

[21] Rathus, S.A., Nevid, J. S., & Rathus, L. F. (2002). Human Sexuality in a World of Diversity. 5th Edition. (pp. 157-163). Boston: Allyn & Bacon.

[22] Masters, W.H., & Johnson, V.E. (1966). Human sexual response. Boston: Little, Brown.

[23] Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Tục Ngữ Phong Dao. AR: Sống Mới, 1978, Tập 2, tr.96. 

3. BẠO HÀNH TRONG GIA ĐÌNH

(John Lê Mừng, MA, tốt nghiệp Cử Nhân Quản Trị Kinh Doanh năm 1979, University of Iowa, Iowa City; Cao Học Tâm Lý Khải Dẫn năm 1996, Trinity College of Graduate Studies, CA. Về hưu sau 32 năm làm việc cho Cơ Quan Xã Hội Quận Orange trong chương trình Adult Employment Services và Chidren & Family Services. Hiện thời là Gia Trưởng Gia Đình Nazareth, Mục Vụ Gia Đình của Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam - Giáo Phận Orange. Marie Lê Lan, MA, MFT (Marriage & Family Therapist), tốt nghiệp Cao Học Tâm Lý Khải Dẫn năm 1994, National University, San Diego, CA. Về hưu sau 30 năm làm việc cho Cơ Quan Xã Hội Quận Orange trong chương trình Bảo Vệ Trẻ Em và Hỗ Trợ Gia Đình (Child Protective Services và Children & Family Services). Hiện thời là Mediator cho văn phòng Consortium for Children, CA.) 


Hằng năm, Giáo Hội Cộng Giáo Hoa Kỳ dành trọn Tháng 10 cho việc Tôn Trọng Sự Sống để kêu gọi sự chú ý đến tệ nạn xúc phạm nhân phẩm là Bạo Hành Gia Đình. Bạo hành gia đình là một vết thương che kín của nhiều gia đình và trong cộng đồng chúng ta. Các nạn nhân thường yên lặng chịu đựng vì nhiều lý do khác nhau: vì sợ hãi, xấu hổ hoặc mượn lớp vỏ “quan hệ gia đình” để giữ danh giá cho gia đình. Còn những nguời bạo hành, nếu có nhận ra khiếm khuyết của mình, cũng thường không tìm cách giải quyết, không nhận trách nhiệm về hành vị bạo hành của mình. Trái với lối suy nghĩ thông thường, bạo hành gia đình không phải chỉ xảy ra ở giới hạ lưu kém lợi tức mà là vấn đề của mọi lứa tuổi, mọi giai cấp xã hội, chủng tộc, trình độ học vấn, bất kể tôn giáo, những cặp hôn nhân đồng tính cũng như dị tính.

Hầu như mỗi ngày báo chí, truyền thanh, truyền hình đều đăng những tin tức đáng tiếc về bạo hành trong gia đình. Đa số người bị hành hung là người được coi là yếu đuối, phụ thuộc, người vợ. Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ ước lượng hằng năm có tới 4 triệu người vợ bị hành hung: 1 trong 4 bà vợ cho biết đã bị hành hung ít nhất là 1 lần trong đời; 3 trong 4 người ở Hoa Kỳ có biết về một nạn nhân bạo hành, mặc dầu hầu hết các trường hợp xảy ra không được khai báo với nhà chức trách.

Có người cho rằng bạo hành trong gia đình là một bản năng tự nhiên trong bất cứ xã hội nào nên không thể ngăn ngừa và sửa đổi được. Hầu hết các quốc gia đã quan tâm khá đặc biệt bằng cách quy đinh các biện pháp phòng ngừa, ngăn chận bạo hành trong gia đình theo luật pháp quốc gia mình. Tuy nhiên, bạo hành vẫn xảy ra và khi xảy ra, thì cả gia đình cần được giúp đỡ. Có thể chính bạn phải chịu đựng sống trong tình trạng bạo hành cho dù chỉ xảy ra có một lần; có thể người bạn đồng nghiệp hoặc người thân nào đó hiện đang bị ngược đãi. Cho dù bạn là ai đi nữa, hãy kêu gọi giúp đỡ.

Dựa trên những kiến thức và kinh nghiệm sau nhiều năm làm việc trong chương trình Bảo Vệ Trẻ Em và Hỗ Trợ Gia Đình (Children and Family Services) chúng tôi chú tâm trình bày những nguyên nhân và ảnh hưởng của bạo hành gia đình, và đề nghị những phương thức cụ thể có thể áp dụng được để giúp các gia đình chuẩn bị cũng như phòng ngừa các trường hợp bạo hành gia đình. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những ảnh hưỏng lâu dài về cả thể chất lẫn tâm thần cho con cái, đôi khi chính bản thân chúng cũng là nạn nhân của bạo hành. Nhận định của nhiều nghiên cứu cho thấy sự bạo hành bắt nguồn từ các em thưở còn thơ ấu vì đã chứng kiến cảnh bạo hành giữa cha mẹ trong gia đình.

 

Thế nào là bạo hành gia đình?

Bạo hành gia đình có thể được định nghĩa là những hành vi bạo lực xảy ra giữa các thành viên trong gia đình, thường xảy ra giữa vợ chồng và trong bất cứ mối tương quan tình cảm nào nhằm nắm được quyền hành hay kiềm chế việc xử thế của một người gần gủi với mình. Bạo hành trong gia đình là một mô hình do lâu ngày thành thói quen dùng để khống chế người khác qua việc gây sợ hãi, đe dọa tâm thần hoặc dùng bạo lực. Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của bạo hành gia đình. Nạn nhân có thể là đã lập gia đình hoặc độc thân, ly thân hoặc sống chung với nhau trong thời gian hẹn hò. Không có một loại nạn nhân bạo hành tiêu biểu ngoại trừ một điều, nạn nhân thường là phụ nữ. Thống kê của Văn Phòng Biện Lý cho biết 92% trong tất cả các vụ bạo động trong gia đình, phần lớn người bạo hành là đàn ông, người chồng cũ, nhưng cũng có một số ít là đàn bà. Thống kê còn cho thấy bạo hành tinh thần là một trong những nguyên nhân chính gây nên bịnh trầm cảm nơi người phụ nữ.

 

Bạo hành thể xác:

- Các hành vi có tác động trực tiếp đến sức khỏe của nạn nhân “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”có thể gây thương tích bầm dập cho đến chết người như đánh đấm, đạp, xô đẩy, tát, nắm tóc kéo lê, vặn cổ tay v.v. Bạo hành thường bắt đầu bằng các va chạm bình thường rồi dần dần leo thang thành các công kích xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

- Không cho đi bác sĩ để giữ gìn sức khỏe, dấu dược phẩm, thực phẩm, nước uống, phá rối không cho ngủ hoặc ép dùng rượu, cần sa ma túy, bỏ rơi nơi đường vắng vẻ nguy hiểm. Theo thống kê của Tòa Án Nhân Dân tại Việt nam, trung bình mỗi năm trên cả nước có tới 8000 vụ ly hôn mà nguyên nhân là do bạo hành gia đình. Cũng theo thống kê của các bệnh viện và phòng y tế cấp cứu, có hơn 27% phụ nữ nhập viện vì bị hành hung.

 

Bạo hành tình dục:

Các hành vi bạo hành về thể lý thường đi liền hoặc tiến đến bạo hành về tình dục trong đó nạn nhân bị cưỡng bức giao hợp, ép buộc làm tình hội đồng. Người bạo hành cưỡng ép giao hợp khi nạn nhân đang ngủ, xúc phạm vào bộ phận sinh dục trên cơ thể, coi người phối ngẫu như thứ đồ chơi, hoặc không quan tâm đến nhu cầu sinh lý của người phối ngẫu.

 

Bạo hành tâm lý:

- Người bạo hành thường xuyên dùng lời nói hăm dọa khủng bố đến nỗi nạn nhân bị hoảng loạn tâm thần, hăm dọa tự tử hoặc sẽ sát hại người phối ngẫu và con cái, đập phá để thị uy.

- Cô lập người phối ngẫu khỏi bạn bè và không cho liên lạc với gia đình của họ, kiểm sóat việc giao du di chuyển, nhục mạ trước công chúng, nói nặng lời để hạ nhân phẩm và làm mất niềm tự trọng, kể lại một cách diểu cợt những vụ tình ái riêng tư, coi người phối ngẫu như tôi tớ, độc đoán mọi việc lớn nhỏ.

 

Bạo hành kinh tế:

Người bạo hành kiểm soát các nguồn tài chánh, không cho xử dụng tiền, cấm đoán đi làm, tước đoạt các nguồn tài trợ, hủy hoại tài sản cá nhân.

 

Chu Trình Của Bạo Hành:

Có nhiều giả thuyết đã được đặt ra để giải thích tại sao người đàn ông lại dùng bạo lực đối với người phối ngẫu của mình như các vụ cải cọ thường xuyên trong gia đình, thiếu khả năng truyền đạt cảm thông, lạm dụng rượu chè ma túy, tinh thần căng thẳng, gặp tình trạng khó khăn về tài chánh. Các hành vi bạo hành thường tiếp diễn vì bạo lực là một phương pháp hữu hiệu mà người bạo hành dùng để kiểm soát và khống chế một người khác, và vì họ không phải chịu các hậu quả bất lợi do các hành vi của họ. Trong thâm tâm, người bạo hành không bao giờ nhận trách nhiệm về các hành vi bạo hành gây ra, nhưng đưa ra những lý do ngụy biện để bào chữa cho hành động của mình.

 - Giai đoạn dồn nén:

Tâm lý của người đàn ông bạo hành thường từ chối chia sẻ những ưu tư về việc làm, bất đồng trong gia đình, những lo lắng và áp lực trong đời sống hằng ngày. Họ thường khép kín và cố giữ trong lòng những vết thương, đau khổ, bực tức, thất vọng cho chính mình. Giai đoạn nầy có thể kéo dài đến cả năm hoặc chỉ có một vài ngày. Trong thời gian nầy, chính đương sự nhiều khi không để ý nhưng những người xung quanh đều nhìn thấy và quan tâm

- Giai đoạn bộc phát:

Đến giai đoạn nầy, người bạo hành không kiểm chế chính mình được nữa, chỉ cần một câu nói nghịch ý, một hành vi không đáng kể cũng đủ làm đương sự “nổi khùng” và hành động bất cứ gì để lấy lại uy thế. Một khi đã bùng nổ, các hành vi bạo hành sẽ tiếp tục tái diễn và càng ngày càng leo thang cho đến khi người bạo hành bị bắt giữ hoặc can thiệp.

- Giai đoạn “tuần trăng mật”

Sau khi được can thiệp, người bạo hành bắt đầu hối lỗi vì đã làm tổn thương những người thân. Họ sẽ xin lỗi và hứa từ nầy về sau sẽ không có hành vi bạo hành quá đáng nữa. Họ đồng ý đi gặp các vị cố vấn gia đình và bắt đầu tâm sự, chia sẻ những khắc khoải, dồn nén mà đang chất chứa trong lòng. Họ đi nhà thờ, mua hoa cho người phối ngẫu và làm tất cả những gì người phối ngẫu hằng ước muốn. Nhưng sau vài lần thất hứa trở lại “chứng nào tật đó,” người bạo hành bắt đầu trách móc và đổ lỗi, “nếu cô ốm bớt thì tôi đâu có chưởi cô” hoặc “nếu mầy là người vợ đảm đang thì tao đâu có đánh mầy làm gì.” Thực tế là người vợ chặng hề có lỗi gì, nhưng chỉ vì người chồng cảm thấy mất uy quyền và thiếu tự chủ.

Một khi giai đoạn “tuần trăng mật” chấm dứt, chu trình bạo động sẽ ngắn hơn và người bạo hành sẽ có hành vi bạo động mãnh liệt và thường xuyên hơn. Bạo hành gia đình sẽ càng ngày càng gia tăng, trừ khi người chồng thức tỉnh và chấp nhận chịu trách nhiệm về hành vi bạo động sai trái của mình. Giận dữ là một cảm giác bình thường, nhưng có thể đi quá trớn đến mức độ không thể kiềm hãm được. Chế ngự được sự giận dữ là một quyết tâm khó giữ nhưng lại là một điều kiện then chốt để tránh bạo hành.

 

Những nguyên nhân và ảnh hưởng của bạo hành trong gia đình

Có nhiều lý do dẫn đến các hành vi bạo hành, từ việc gia đình không có một chức năng bình thường cho đến sự thiếu thông đạt cảm thông; từ sự dồn nén tâm lý của người chồng đến sự khêu khích của người phối ngẫu, hoặc vì các chất kích thích như rượu, ma túy, hoặc vì thiếu một cuộc sống tâm linh cho đến tình trạng kinh tế khó khăn. Kết quả của những nghiên cứu về bạo hành đã chứng minh rằng những người có hành vi bạo hành thường muốn chế ngự người khác, chẳng những bằng bạo lực mà còn dùng những khả năng trổi vượt về tâm lý, kiến thức , thông đạt, và ngay cả về dáng dấp, màu da hay giọng nói.

Bạo hành gia đình thường có tỷ lệ cao ở các gia đình có những hoàn cảnh đặc thù như trình độ văn hóa thấp, bịnh tật, thất nghiệp hoặc nghiện ngập. Tuy nhiên, điều nầy không có nghĩa là những gia đình giàu có hay trí thức sẽ không có bạo hành. Theo ủy ban về các vấn đề xã hội, nguyên nhân sâu xa của bạo hành gia đình bắt nguồn từ tư tưởng bất bình đẳng giới từng tồn tại trong văn hóa Việt Nam. Từ lâu nay, chế độ phụ hệ, tư tưởng “nam trọng nữ khinh” kéo theo sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới.

Bạo hành gây ảnh hưỏng từ thể chất đến tâm lý của nạn nhân. Nhiều hành vi bạo hành gây thương tật suốt đời, thậm chí tử vong. Nhiều người vợ không chịu nỗi hoàn cảnh bị bạo hành đã bức tử con cái và gây thương vong cho chính bản thân họ.

 

Tại sao nạn nhân bạo hành không bỏ đi

Một câu hỏi thường được đặt ra là tại sao nạn nhân bạo hành không chịu dứt khoát xa lánh người hành hung mình. Nhiều lý do đã được nêu ra dựa theo thống kê và các nghiên cứu xã hội, văn hóa:

Đa số các nạn nhân không biết các chương trình tư vấn địa phương để giúp đở họ khi bị hành hung, và cũng không biết có những nhà tạm trú dành riêng cho nạn nhân của bạo hành. Các phụ nữ còn cần được giải thích để hiểu rõ bạo hành gia đình là một hành động cần lên án. Nhẫn nhục chịu đựng tình trạng bạo hành không phải là phương cách an toàn và để gia đình có được hạnh phúc.

Trong văn hóa Việt Nam, nhiều người thường quan niệm rằng chuyện chồng đánh vợ chỉ là chuyện bình thường trong lúc nóng giận. Đó là quan niệm sai lầm và là một vấn nạn chung cho xã hội. Trách nhiệm của mọi người là phải tích cực góp tay giúp những nạn nhân bị bạo hành gia đình thông hiểu về những luật lệ chống bạo hành.

 

Nhận diện các dấu hiệu về bạo hành gia đình

Các dấu hiệu sau đây có thể cho thấy hoặc dẫn đến sự bạo hành trong gia đình:

Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy có đến 50% các trường hợp bạo hành là do người nghiện rượu hoặc ma túy gây ra, nhưng đó không phải là một biện minh chính đáng cho các hành vi bạo hành. Người bạo hành đôi khi giả say để tránh lưới pháp luật.

Hàng triệu phụ nữ phải đương đầu với bạo hành trong gia đình mỗi ngày. Không có lý do gì chính đáng để bào chữa cho các hành vi bạo hành của người phối ngẫu đối với bạn, cho dù bạn nói hay làm bất cứ gì. Bạo hành trong gia đình không ngưng, nhưng thường trở thành tệ hại hơn. Bạo động trong gia đình không bao giờ là lỗi của bạn. Nếu bạn là nạn nhân của một vụ bạo hành trong gia đình, hãy tự bảo vệ lấy mình và gia đình, đồng thời đi tìm sự giúp đỡ. Nhiều người tin rằng hành hung vợ là chuyện bình thường trong hôn nhân vì khi còn bé đã thường xuyên chứng kiến cảnh bạo hành xảy ra giữa bố mẹ.

 

Bạn có thể làm gì để tự bảo vệ lấy mình:

Đa số các trường hợp bạo hành đều không được đưa ra ánh sáng vì người hành hung đương nhiên phủ nhận mà nạn nhân lại dấu diếm. Họ sợ bị chồng hành hạ trả thù nên cắn răng chịu đựng. Họ cũng không muốn ai biết chuyện chẳng lành vì nếu hôn nhân tan vỡ thì miệng người đàm tiếu.

Bạn cần phải dùng những cách thức sau đây để bảo vệ tánh mạng của mình:

 

Khi bạn quyết định cắt đứt mối liên hệ

 

Những điều chúng ta có thể làm để giúp nạn nhân của bạo hành:

Đôi khi thật khó hiểu tại sao những nạn nhân của bạo hành lại có thể chịu đựng như vậy, nhưng chính bạn có thể giúp họ thay đổi cuộc sống.

Điều quan trọng nhất là tìm cách hỗ trợ và khích lệ để chứng tỏ cho họ biết là bạn quan tâm và cảm thông tình trạng khó khăn họ đang trải qua:

 

Những hậu quả có thể xảy ra cho trẻ em:

Bạo động trong gia đình giữa vợ chồng không những gây thương tích đến người phối ngẫu mà còn để lại những ảnh hưỡng lâu dài đến trẻ em trong nhà. Các cuộc nghiên cứu cho thấy là từ 80 đến 90 phần trăm số trẻ em sống trong nhà có bạo hành động đều biết về bạo động. Các chuyên gia tâm lý tin rằng chứng kiến cha me đánh nhau khiến trẻ em lo lắng, sợ hãi liên tục và nếu xảy ra thường xuyên, trẻ em sẽ bị tổn thương cả về thể lý lẫn cảm xúc, ngay cả khi các em đã trưởng thành.

 

Gia tăng nguy cơ ngược đãi trẻ em:

 

Gia tăng nguy cơ phát triển hành vi bạo hành và ngược đãi:

 

Tác hại về tinh thần

Trẻ em có thể :

 

Tác hại về thể lý:

 

Các khó khăn về giao tiếp do bạo hành gây ra:

Bạo hành trong gia đình là một vấn nạn xã hội mà các quốc gia và các tổ chức xã hội đã quan tâm từ nhiều năm qua. Đa số các trường hợp bạo hành không được đưa ra ánh sáng vì nạn nhân không biết tin tưởng ai và cũng không biết cơ quan chính quyền nào có thể giúp họ giải quyết vấn đề. Người bạo hành thì đương nhiên phủ nhận các hành vi sai trái của họ và đưa ra đủ lý do để đổ lỗi cho nạn nhân hoặc hoàn cảnh. Nhiều nạn nhân bị hăm dọa đến tính mạng cũng như sự an toàn của con cái và người thân. Qua kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong Cơ Quan Xã Hội, chúng tôi nhận thấy phần lớn các nạn nhân bạo hành trong cộng đồng Việt Nam, mặc dù vì lý do an toàn, không muốn rời nhà để vào các nhà tạm trú hoặc ở trọ với người thân. Nạn nhân bạo hành không muốn báo cáo cho cơ quan chính quyền vì sợ người phối ngẫu có thể bị bắt giam, gia đình sẽ thiếu thốn tài chánh và từ đó, tình trạng gia đình sẽ trở thành tan nát, phân ly. Nhiều nạn nhân muốn giữ gia đình “trọn vẹn” vì con cái còn nhỏ. Họ quan niệm nếu gia đình phân tán, cha ở một nơi mẹ ở một chỗ, sợ con cái khó lập gia đình khi lớn lên. Do đó, nạn nhân đành cắn răng chịu đựng và không dứt khoát lánh xa người hành hạ mình. Vấn đề tôn giáo cũng là một trong những lý do rất tế nhị có ảnh hưởng quan trọng trên quyết định của nạn nhân bạo hành. Nhiều nạn nhân lo ngại việc đi ra khỏi nhà là ngưỡng cửa đưa đến ly thân, ly dị và như vậy trái với những giáo điều của Giáo Hội dạy. Trong thực tế, các trường hợp bạo hành trong gia đình thường đi đôi với vấn đề ngược đãi các trẻ em. Do đó, Cơ Quan Xã Hội không chỉ giúp các nạn nhân bạo hành mà còn quan tâm đến đời sống của cả gia đình trong đó có các trẻ em trong nhà. Để hiểu rõ hơn, mục tiêu tối hậu của các chương trình bảo vệ trẻ em, hỗ trợ gia đình hoặc các chương trình giúp đở các nạn nhân bạo hành là làm sao giúp gia đình đoàn tụ càng sớm càng tốt. Sau một thời gian cách ly để vợ chồng hay cha mẹ có cơ hội tham dự các lớp hướng dẫn làm cha mẹ, học hỏi về kỹ năng truyền đạt hữu hiệu và nhất là cảm nhận những ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài của bạo hành gia đình trên con cái, vợ chồng hoặc cha mẹ sẽ được trở về xum hợp với con cái trong một bầu khí mới và lành mạnh, một môi trường sống an bình hơn.

Người bạo hành không thể dùng bất cứ lý do gì để biện minh cho các hành vi bạo động của mình. Bạo hành trong gia đình không phải là bị chọc tức hay bởi người khác gây ra, nhưng trách nhiệm nằm ngay chính người bạo hành. Bao hành gia đình không phải gây ra vì ma túy hay uống rượu vì bạo hành ít khi chấm dứt ngay, kể cả khi người bạo hành ngưng uống rượu hoặc dùng ma túy. Bạo hành gia đình cũng không phải là vấn đề liên hệ gia đình, do đó tư vấn về hôn nhân không phải là giải pháp thích đáng.

Bạo hành trong gia đình chỉ chấm dứt khi người bạo hành nhận chịu trách nhiệm về các hành vi bạo động của họ và quyết tâm sửa đổi với sự trợ giúp của các cơ quan xã hội địa phương. Điều tiên quyết là các chương trình giúp đở nạn nhân bạo hành cần được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng để nạn nhân bạo hành có thể được giúp đở khi cần. Cả vợ chồng hoặc cha mẹ cần nhận thức những hậu quả nghiêm trọng do bạo hành gia đình gây ra, nhất là những ảnh hưởng sâu đậm về tâm lý và cảm xúc trên trẻ em để cắt đứt vòng lẩn quẩn của bạo hành có thể bắt đầu trở lại khi các trẻ em lớn lên.

Chúng ta không chấp nhận để bạo hành gia đình xảy ra cho bất cứ ai. Dứt khoát là như vậy.

 

John Lê Mừng, MA
Marie Lê Lan, MA, MFT

 

Tham chiếu:

4. VAI TRÒ KHẢI DẪN TÂM LÝ TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

(Trần Mỹ Duyệt, Ph.D. Cử Nhân Tâm Lý Ứng Dụng, Cao Học Tâm Lý Trị Liệu và Cộng Đồng, Tiến Sỹ Tâm Lý. Sinh hoạt trong lãnh vực tâm lý. Tác giả, dịch giả, và diễn giả về các chủ đề liên quan đến tâm lý, hôn nhân, gia đình, xã hội và giáo dục. Cùng với Lm. Trịnh Ngọc Danh và một số giáo dân thiện chí, khởi xướng và phát triển Gia Đình Nazareth một sinh hoạt mục vụ với mục đích duy trì, phát triển vẻ đẹp và giá trị của ơn gọi hôn nhân. Hiện đang sinh sống tại Westminster, CA.) 


Tâm lý là một ngành học nhằm khảo cứu não trạng con người và sinh hoạt của nó. Con người suy nghĩ và hành động như thế nào. Những suy nghĩ ấy ảnh hưởng đến hành vi nhân tính hoàn toàn tự do, và thái độ của con người ra sao. Gần đây ngành này đã được san định và khảo cứu theo nhiều trường phái, đặc biệt là phân tâm học và tâm lý trị liệu. Hai ngành này giúp thẩm định và trị liệu hay chữa trị những hội chứng tâm lý và tâm thần, trong đó cũng bao gồm việc khảo cứu và hướng dẫn những khó khăn, khủng hoảng của đời sống hôn nhân và gia đình. Dưới con mắt của những nhà chuyên môn, thì đời sống hôn nhân gia đình cũng là một bệnh nhân của khoa tâm lý trị liệu.

 

Đặc sủng khải dẫn

Ðặc sủng tuy nhiều, nhưng chung một nguồn gốc:

“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người.” (1 Cr 12: 4-11)

Dưới nhãn quan thần học, Thần Khí của Thiên Chúa luôn luôn có mặt và hiện diện trong đời sống con người. Ở mỗi người Ngài ban cho sở hữu một số đặc sủng khác nhau để xây dựng đời sống và làm tăng thêm ý nghĩa cho đời. Tóm lại, tất cả mọi người đều được ban tặng một đặc sủng nào đó. Riêng đối với những người được coi như những người cha tinh thần, những người thầy khôn ngoan, và những người hiểu biết sâu xa về tâm lý con người, theo Thánh Phaolô, họ được ban cho ơn hiểu biết để trình bày, ơn chữa lành, ơn nói tiên tri, ơn phân định thần khí, và ơn giải thích các tiếng lạ. (x. 1 Cr 12: 8-10) Họ là:

 

Vai trò khải dẫn

Công việc của những người trên, dù với cái nhìn tôn giáo, tâm linh, đạo đức xã hội, giao tế xã hội, hay đi sâu vào những phân tích tâm lý, tình cảm cá nhân, nói chung là:

Chữa lành thương tích tâm hồn. Linh hướng khi có những chuyện cần giải quyết về đời sống tâm linh, tinh thần và sống đạo. Đây là vai trò đặc thù của những nhà tu hành, những linh mục.

Phân tích, tìm hiểu và hướng dẫn những khó khăn trong đời sống tình cảm cá nhân, gia đình và xã hội, những trách nhiệm và bổn phận giáo dục của cha mẹ. Việc khuyên giải, hướng dẫn này trước đây vẫn là công việc của các linh mục, các vị tu hành, những người lớn tuổi, những bậc thầy. Trong sự phát triển của ngành tâm lý trị liệu và tâm lý ứng dụng, đặc biệt tâm lý hôn nhân, tâm lý gia đình, tâm sinh lý, tâm lý giáo dục và tâm lý xã hội, công việc khải dẫn, cố vấn hôn nhân gia đình ngày nay được qui về những nhà tâm lý. Trong sách Giáo Lý chuẩn bị cho Đại Hội Gia Đình Thế Giới năm 2015 tại Philadelphia, Hoa Kỳ, đã nhấn mạnh đến vai trò, nhiệm vụ hướng dẫn và cố vấn con cái của “những bậc cha mẹ, trong đại gia đình, những cha mẹ đỡ đầu, những người khải dẫn, và những nhà giáo dục.” [1]

Như những người được Thần Khí bao phủ và trao phó một trách nhiệm, trên phương diện nghề nghiệp, những tâm lý gia trị liệu, hướng dẫn và cố vấn còn là những người có kiến thức rộng rãi và được huấn luyện chuyên môn một cách đầy đủ cho nghề nghiệp và sứ vụ của họ.

 

Những đòi hỏi chuyên môn

Những nhà chuyên về tâm lý, những bác sỹ tâm lý và những nhà khải đạo được huấn luyện và đào tạo một cách chuyên môn, thông thường với học vị tiến sỹ (doctorate) từ các trường đại học và chuyên nghiệp theo những trường phái tư tưởng tâm lý chính mà họ nghiên cứu như:

Lý thuyết nhấn mạnh việc nghiên cứu những tác dụng của tâm lý và hành vi (Functionalism). Học thuyết trường phái tâm lý Gestalt (Gestalt Psychology). Phân tích những uẩn khúc của tiềm thức (Psychoanalysis). Chẩn đoán và kiểm soát hành vi, thái độ (Behaviorism). Tâm lý nhấn mạnh về sự thôi thúc tự nhiên dẫn đến hành động sáng tạo và động lực để nhận ra khả năng đầy đủ của con người (Humanistic Psychology). Nghiên cứu khả năng nhận thức dẫn đến sự hiểu biết sâu xa tâm lý con người (Cognitivism).[2]

Từ những học thuyết trên, khoa tâm lý chia thành nhiều ngành học chính như:

Clinical psychology (Tâm lý trị liệu), Cognitive psychology (Tâm lý nhận thức), Developmental psychology (Tâm lý phát triển), Evolutionary psychology (Trắc nghiệm tâm lý), Forensic psychology (Tâm lý tội phạm), Health psychology (Tâm lý sức khỏe), Neuropsychology (Tâm lý thần kinh), Occupational psychology (Tâm lý lao động), và Social psychology (Tâm lý xã hội). [3]

Tóm lại, tùy theo trường phái và ngành học, các nhà nghiên cứu về tâm lý ra trường với những chuyên môn đặc biệt. Những người mang học vị và chuyên môn như clinical psychologist (tâm lý gia trị liệu), cognitive psychologist (tâm lý gia phân tích nhận thức), personality psychologist (tâm lý gia phân tích nhân cách), psychometric (khảo sát tâm lý), counceling psychologist (tâm lý gia khải dẫn), health psychologist (tâm lý gia về sức khỏe thể lý và tâm lý) và education psychologist (tâm lý gia giáo dục) là những người trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến việc phân tích, trị liệu và hướng dẫn về cá nhân, về hôn nhân và gia đình. Trực tiếp nhất là clinical psychologist, counseling psychologist, và education psychologist.

Cũng như những môn học khác, tâm lý học cũng có những ngành chuyên môn như tâm lý trẻ em, tâm lý người cao niên, tâm lý đàn bà, tâm lý đàn ông, tâm sinh lý, tâm lý tình yêu, tâm lý hôn nhân, tâm lý đạo đức…

Ngoài khả năng nghiên cứu, học hỏi và chuyên môn, những người này còn phải trải qua thời gian thực tập và thi đậu bằng hành nghề, lúc đó họ mới được công nhận là những bác sỹ tâm lý, tâm lý gia trị liệu và được phép mở văn phòng để phân tích, chữa trị và cố vấn. Do tính chuyên nghiệp, họ phải thi hành nghiêm nhặt những qui luật của chức năng và đạo đức nghề nghiệp. Một trong những đòi hỏi này là luật bảo mật (confidentiality), buộc họ phải giữ tuyệt mật những gì họ nghe, họ biết về thân chủ trong chương trình trị liệu, hoặc khải dẫn hay cố vấn.

Do những đòi hỏi gắt gao về giáo dục, huấn luyện và chuyên môn, các nhà tâm lý học, những nhà cố vấn, khải dẫn về tâm lý hoàn toàn khác với những ông, những bà thầy bói, những nhà tử vi tướng số, những người xem chỉ tay hoặc bói bài. Theo quan niệm chung, việc làm của những người bói toán, tử vi, tướng số ít nhiều có tính cách mê tín, dị đoan. Hơn nữa khả năng nghề nghiệp của họ được đào tạo như thế nào, từ trường sở nào cũng không rõ ràng:

“Bói ra ma, quét nhà ra rác.”[4]

Và:

“Hòn đất nó biết nói năng,
Thì thầy địa lý hàm răng chẳng con.”[5]

Khác biệt giữa bác sỹ tâm lý và bác sỹ tâm thần

Mặc dù đã sống và làm quen nhiều năm với xã hội cũng như các phương pháp chữa trị của Tây Phương, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, nhưng phần lớn người Việt hải ngoại cho đến nay vẫn còn lẫn lộn và không hiểu rõ sự khác biệt thế nào giữa tâm lý trị liệu và tâm thần trị liệu. Do đó, phần đông hễ nghĩ đến tâm lý là nghĩ đến tâm thần. Nghĩ đến tâm thần là nghĩ đến thần kinh. Và nghĩ đến thần kinh là nghĩ đến điên, mát, hay khùng. Và vì hiểu như vậy nên có rất nhiều người mang những triệu chứng khác nhau thuộc lãnh vực chuyên môn này cần được chữa trị đã không tìm được sự trị liệu đúng lúc, đúng mức, và khi khám phá ra thì mọi việc đã đi khác xa. Vậy tâm lý và tâm thần học khác nhau như thế nào? Nói một cách đơn giản, làm sao phân biệt một bác sĩ tâm lý và một bác sĩ tâm thần?

Bác sĩ tâm thần (psychiatrist), là một bác sĩ y khoa chuyên nghiên cứu và trị liệu những bệnh nhân tâm thần. Bệnh nhân của họ là những người mang những hội chứng như mất khả năng lý trí, rối loạn trí phán đoán, trầm cảm, mất ngủ, tâm thần phân liệt, ảo tưởng, ảo giác, ảo vọng, hoảng hốt, bối rối, mộng du, nói cười vu vơ, vô cảm…Những bệnh nhân mà theo ngôn ngữ bình dân vẫn cho là điên, là mát hay khùng. Những bệnh nhân này chủ yếu là phải chữa trị bằng thuốc. Thí dụ antianxiety drug, antidepressant drug, hoặc antipsychotic drug. Tuy nhiên trong một số trường hợp một bệnh nhân tâm lý cũng là bệnh nhân tâm thần, và một bệnh nhân tâm thần cũng là bệnh nhân tâm lý hoặc cả hai.

Bác sỹ tâm lý (clinical psychologist), sau khi đã trải qua thời gian thực tập hậu tiến sĩ, và sau khi thi lấy bằng hành nghề mới trở thành bác sĩ tâm lý. Như vậy, không phải hết mọi người có bằng tiến sĩ tâm lý đều là bác sĩ tâm lý. Cũng như không phải hết mọi bác sĩ y khoa đều là bác sĩ tâm thần.

Bệnh nhân tâm lý là những người mang những hội chứng có nguồn gốc từ tâm lý, do những dồn nén trong cuộc sống, do những xáo trộn của nội tâm, hoặc do những khắc nghiệt của cuộc đời đưa đến. Những chứng như mất ngủ, buồn bực, cáu giận, ợ chua, khó chịu, kinh nguyệt bất thường, sinh lý yếu kém, lãnh cảm, đau rát khi giao hợp, bất lực, xuất tinh sớm, nhức đầu, lở loét dạ dầy, nghiện rượu, nghiện xì ke ma túy, bài bạc, cuồng dâm, bạo dâm, trẻ em bướng bỉnh, khó dậy, vợ chồng tranh cãi, bất hòa, khắc khẩu, có tư tưởng tự tử…. là những triệu chứng phát xuất từ tâm lý bất ổn.

Tóm lại, các bác sĩ tâm thần dùng thuốc hay y dược trị liệu (medical therapy), các bác sĩ tâm lý dùng những phân tích và hướng dẫn tâm lý hay tâm lý trị liệu (psychotherapy) để chữa trị, và hướng dẫn các bệnh nhân hoặc thân chủ. Điểm khác nhau ở đây là các bác sĩ tâm thần cho toa, các bác sĩ tâm lý đưa ra những chương trình trị liệu.

 

Khác biệt giữa vai trò linh mục và nhà tâm lý

Đối với số đông giáo dân Việt Nam, khi có vấn đề gì khó khăn liên quan đến đời sống tâm linh cũng như đời thường, họ vẫn tìm đến các linh mục vì nghĩ rằng “cha nói là Chúa nói,” và rằng cha biết hết mọi sự. Tuy nhiên, trong những lãnh vực chuyên môn, thí dụ, hôn nhân, gia đình, giáo dục, và tâm lý, hiểu biết của nhiều linh mục rất giới hạn. Chính vì thế, có những trường hợp khi một người gặp khó khăn về hôn nhân đến với một linh mục, không những không đem lại kết quả gì mà ngay cả vị linh mục ấy cũng đã bị rơi vào cơn khủng hoảng tình ái và “bỏ áo dòng.” Vì thế, với ý thức trưởng thành và sự hiểu biết vai trò linh mục và nhà tâm lý trong lãnh vực chuyên môn về hôn nhân, gia đình cũng giúp giải quyết những khó khăn không những cho các cặp vợ chồng, mà còn cho cả những vị linh mục nữa:

Khi một ứng viên tiến lên để được Đức Giám Mục đặt tay, xức dầu trở thành một linh mục, thánh chức ấy đã trở nên một ơn gọi, một năng quyền thiêng liêng, và cũng có thể nói là một “nghề thiêng liêng” của vị tân linh mục.

Nhiệm vụ chính của linh mục là chăm lo cho phần linh hồn, phần tâm linh của những người sẽ được trao phó cho họ. Do bổn phận thiêng liêng và cao cả ấy, các linh mục phải chuyên chú vào việc cử hành thánh lễ, giảng giải, rao truyền lời Chúa, và cử hành các bí tích. Đó cũng là sứ mạng của ơn gọi đời linh mục.

Nhưng trong vai trò là người cha tinh thần của một cộng đoàn, một giáo xứ, vị linh mục cũng phải kiêm nhiệm luôn cả vai trò hòa giải và khải dẫn. Kiến thức của các linh mục xét cả về tôn giáo lẫn khoa học thường thức được coi là phổ thông và trổi vượt hơn phần lớn tầng lớp giáo dân, đặc biệt, giáo dân tại các nước kém mở mang và thiếu phương tiện học hỏi. Đó là chưa kể một số linh mục với ơn gọi tu muộn trước khi vào chủng viện, họ đã là những người có bằng cấp và khả năng chuyên môn như bác sỹ, nha sỹ, tiến sỹ, tâm lý gia, luật sư, kỹ sư, giáo sư, giảng sư…Nhưng phần lớn các linh mục không hành nghề tâm lý và khải dẫn theo một nghĩa thông thường.

Ngoài những linh mục được chỉ định để hành nghề tâm lý trong các chủng viện, trong các dòng tu, các trường học, các trung tâm trị liệu… các linh mục thường ngày không có đủ thời giờ để thực hiện các trường hợp phân tích, trị liệu về tâm lý. Bởi vì nhiệm vụ thiêng liêng và trách nhiệm tổng quát của các ngài đã quá vất vả và choán nhiều thời giờ. Do đó, khi gặp những vấn đề có tính cách chuyên môn, thông thường các linh mục giới thiệu đến những nhà chuyên môn.

Trong khi vị linh mục hướng dẫn phần tinh thần, áp dụng những nhân đức và noi theo gương Chúa, Đức Mẹ, các thánh để hàn gắn những đổ vỡ trong hôn nhân, giúp các cặp vợ chồng sống nhẫn nại, chấp nhận và chịu đựng nhau. Nhà tâm lý trái lại, phân tích, hướng dẫn và trị liệu các trường hợp liên quan đến đời sống tình cảm, tâm lý cá nhân, tâm lý khác biệt nam nữ, tâm lý hôn nhân, tâm lý xã hội, tâm lý giáo dục, tâm sinh lý. Thí dụ, qua những phân tích về cá tính và những phức tạp của đời sống, nhà tâm lý tìm được cái mấu chốt hiện đang làm cho vợ chồng trở nên bất hòa, tranh cãi và mất hạnh phúc. Đồng thời cũng tìm ra được phương thức để củng cố và giải hòa những bất đồng ấy.

Tuy không phải là một vị linh mục hoặc linh hướng, nhiều nhà tâm lý cũng đã được huấn luyện trong những môi trường đạo đức, thí dụ, các vị linh mục tâm lý gia hồi tục, các cựu chủng sinh, tu sỹ hồi tục sau đó trở thành những nhà tâm lý, hoặc những tâm lý gia có đời sống nội tâm vững vàng… Những người này, với lòng đạo đức, với tư cách của những Kitô hữu trưởng thành, họ rất ảnh hưởng trong việc hướng dẫn và chữa trị của họ. Tâm lý đạo đức ảnh hưởng trong tiến trình trị liệu và khải dẫn. Trong những lần Chúa làm phép lạ chữa cho người này, người khác, Ngài đã đề cao sức mạnh của niềm tin: “Đức tin con đã chữa con!” (Xem Luca 8:48).

Bởi đó khi chọn lựa một nhà tâm lý, điều cần thiết phải biết không chỉ là kiến thức chuyên môn, mà cả đến quan niệm và đời sống tâm linh của nhà tâm lý ấy nữa. Tìm được một nhà tâm lý có đức tin và đời sống đạo là một điều may mắn. Cũng như tìm được một vị linh hướng với kiến thức về tâm lý là một ân huệ.

 

Những căn bệnh của hôn nhân

St. John Berchmans, (13 tháng Ba 1599 - 13 tháng Tám 1621) một tu sỹ Dòng Tên đã có lần nói: “Vita communis est mea maxima penitentia.” Câu nói được chuyển ngữ sang tiếng Anh: “Life in common - that is the common, daily life of every man and woman - is my greatest penance.” Nó lột tả rất sống động về những hy sinh, vất vả và đôi lúc rất nghiệt ngã của đời sống hôn nhân khi hai người nam và nữ phải sống chung với nhau: “Đời sống chung - chung đụng - của một người đàn ông và một người đàn bà là một cực hình lớn lao nhất của tôi.” [6]

Ứng dụng vào đời sống hôn nhân gia đình, tư tưởng này diễn tả một thực tế phũ phàng nhưng cũng không ai có thể phủ nhận. Thi sỹ Hồ Dzếnh đã tóm lại bằng hai câu thơ rất lãng mạn:

“Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở.”[7] (Ngập Ngừng)

Qua cái lãng mạn trong tình yêu, Hồ Dzếnh như vậy cũng đã nói lên cái “cực hình lớn lao nhất” của John Berchmans, không phải với con mắt của một nhà tu hành, nhưng bằng thực chất khắc nghiệt của đời sống chung. Bởi vì trong hôn nhân có sẵn tâm lý khác biệt giữa nam và nữ. Tâm lý này phát xuất từ ngàn xưa khi trong cái mênh mang của đất trời và khi người nam và người nữ đầu tiên còn cảm thấy hạnh phúc bên nhau. Thánh Kinh kể Adam khi được Thiên Chúa đem Evà đến giới thiệu cho ông, ông đã hớn hở nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, và thịt bởi thịt tôi.” (St 2:23) Nhưng rồi cũng chính xương và thịt của ông lại làm khổ ông, khi đưa trái cấm cho ông ăn, để rồi cả hai phải chịu án phạt: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (St 3:12).

Nhưng có lẽ án phạt nặng nề nhất là Ngài để cho hai tâm lý khác biệt lại phải sống chung với nhau. Đàn ông và đàn bà, theo John Gray đến với nhau từ hai hành tinh xa thẳm. Một người đến từ Hỏa Tinh và một người đến từ Kim Tinh (Men are from Mars, Women are from Venus). Đây là sự khác biệt mà chính Sigmund Freud sau nhiều năm nghiên cứu về tâm lý học cũng đã không phân tích và lý giải nổi: “…cả tâm lý nữa cũng không thể giải thích được cái bí ẩn của nữ giới…” (…that psychology too is unable to solve the riddle of femininity…). [8] Như vậy, đối với ông tổ ngành phân tâm học, phụ nữ vẫn luôn luôn là một “huyền nhiệm.” Và “chỉ khi nào người đàn ông và người đàn bà có thể tôn trọng và chấp nhận những khác biệt của nhau, lúc đó tình yêu mới có cơ hội nở hoa.” (When men and women are able to respect and accept their differences then love has a chance to blossom.)[9]

Khác biệt thể lý dẫn đến những khác biệt tâm lý và tâm sinh lý, tự nó đã làm cho đời sống của người chồng và người vợ vốn đã phức tạp, khó hiểu càng trở nên phức tạp và khó hiểu hơn. Hơn nữa với thời gian, sức ép của công ăn việc làm, những cám dỗ của vật chất và xã hội bên ngoài càng làm cho họ, mặc dù đã mặn nồng yêu thương nhau ban đầu cũng có những thử thách và khó khăn trong cuộc sống chung. “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,” và kết quả là cãi vã, giận hờn, ngoại tình.

Dưới cái nhìn của tâm lý hôn nhân, tâm lý gia đình thì “ngoại tình” chính là một căn bệnh mà nhiều người đã mắc phải, và hậu quả dẫn đến thường là hôn nhân đỗ vỡ. Kết quả của một cuộc khảo cứu phổ biến trên Associated Press, Journal of Marital and Family, ngày 1 tháng 1 năm 2014 về tình trạng ngoại tình của những người trong đời sống hôn nhân được tóm lược như sau: [10]

Theo một khảo cứu khác tại Liên Hiệp Vương Quốc Anh và Wales, trong năm 2007, con số những gia đình đổ vỡ vì ngoại tình là 29%; và trong năm 2006, con số này là 32%. Cũng theo kết quả khảo cứu này, 75% trường hợp đàn ông ngoại tình đã dẫn đến ly dị, và con số này là 22% đối với phụ nữ. [11]

Cũng theo các nhà chuyên môn, người đàn ông ngoại tình vì cảm thấy thiếu thốn, hoặc thừa thãi trong gia đình. Tình cảm vợ chồng lạnh nhạt. Những phân tích cho thấy, nhiều người đàn ông ngoại tình vì thấy mình bị vợ bỏ rơi, coi thường, và xa cách. Trong nhiều trường hợp, người vợ đã không dành thời giờ cho chồng. Không có những đáp ứng nhu cầu sinh lý.

Ðối với họ, thời giờ cho chồng là thứ yếu và là sau hết. Người chồng là người sau cùng được hỏi han tới, được quan tâm nếu như nàng đã hoàn tất xong công việc ở sở, công việc ở nhà, và hằng trăm thứ linh tinh khác với con cái, bạn bè. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào lúc nào nàng muốn, nàng hài lòng, và nàng thích thì nàng mới chiều chuộng, mới thăm hỏi, và âu yếm.

Riêng đối với nữ giới, thì lý do ngoại tình là vì nàng đã mất sự kính trọng dành cho chồng. Chồng đã đánh mất vẻ đẹp thần tượng của mình bằng những lời ăn, tiếng nói, bằng thái độ cư xử, hoặc bằng lối sống ích kỷ... Ngoài ra, nàng còn muốn chứng minh cho chồng biết là nàng vẫn còn hấp dẫn và vẫn có người khác đang ở ngoài kia chờ nàng. Đặc biệt, cuộc sống lứa đôi nhàm chán, thiếu hấp dẫn từ phía người chồng. Kết quả của 50% những vụ ly dị là câu trả lời cho những hôn nhân đổ vỡ.[12]

 

Tại sao khải dẫn tâm lý lại cần thiết?

“Đói thì ăn rau, đau thì uống thuốc.” [13]

Lý do đưa đến hôn nhân mất hạnh phúc và đổ vỡ bao gồm:

Đối với những cuộc hôn nhân như thế, mầm mống của chia rẽ và mất hạnh phúc nằm ngay trong những quyết định từ ban đầu. Theo từ ngữ Công Giáo, thì đây là những hôn nhân “không thành sự,” những hôn nhân không do “Thiên Chúa liên kết,” nhưng là do những thiếu sót, tính toán loài người, hoặc do dã tâm lường gạt nhau, lợi dụng nhau. Theo tâm lý, đó là những hôn nhân bệnh hoạn. Do đó, tính cách vững bền và trách nhiệm hôn nhân không đòi hỏi người chồng hay người vợ phải trung thành với hôn nhân ấy. Điều mà rất nhiều người Kitô hữu và ngay một số linh mục vẫn hiểu lầm hoặc cắt nghĩa một cách chủ quan, quá khích là: “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không được phân ly” (Mc 10:9).

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 5-11-2014, dành cho các tham dự viên khóa học do Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma tổ chức về hôn phối kết ước thành sự nhưng chưa hoàn hợp (super rato). Trong vai trò là cha, là thầy, và là nhà khải dẫn chung toàn thể Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã khuyến khích các tòa án hôn phối trong Giáo Hội tiến hành mau lẹ hơn để vô hiệu hóa những cuộc hôn nhân này. Ngài nói: “Có một số thủ tục quá dài hoặc quá nặng nề không có lợi và dân chúng bỏ không xin tòa án cứu xét nữa…”[14]

Nếu nhức đầu, sổ mũi, ho, cúm hoặc những vấn đề liên quan đến bệnh tật, chúng ta tìm đến bác sỹ, hoặc nếu có những vấn đề liên quan đến luật pháp chúng ta đi tìm các luật sư…thì khi có những khó khăn, những nan đề trong đời sống hôn nhân, việc tìm đến các nhà tâm lý chuyên môn là một hành động khôn ngoan và cần thiết.

Điều cần lưu ý về tình trạng sức khỏe tâm lý trong hôn nhân, đó là có những khó khăn mà ta cứ tưởng để vậy sẽ qua đi, nhưng trong thực tế thì không. Thí dụ, những bất đồng về cá tính, vợ chồng cãi vã, bất hòa, giận hờn, ghen tương, những khó chịu hằng ngày với vợ hoặc với chồng, những dồn nén về sinh lý, những bất đồng về việc nuôi dậy con cái… Những thứ đó nếu không được giải tỏa sẽ dẫn đến chỗ mất niềm tin với chính mình, và sự nghi ngờ, bất tín với chồng hoặc vợ mà hậu quả của nó sẽ vô cùng lớn lao.

Tóm lại, khi nghĩ đến đời sống hôn nhân gia đình, chúng ta cần phải ý thức rằng cuộc sống này tuy là một ơn gọi tốt lành, đẹp đẽ, giá trị và cần thiết, nhưng nó cũng là một cuộc sống với nhiều khó khăn xét về mọi mặt, đặc biệt là tâm lý. Và khi có những vấn đề hoặc khi gặp những khó khăn này, không những người có vấn đề mà điều rất nên làm là cả hai vợ chồng cùng phải tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn. Đối với các linh mục hoặc những ai có trách nhiệm tinh thần liên quan đến hạnh phúc hôn nhân của người khác cũng nên ý thức rằng, nếu khả năng chuyên môn mình bị giới hạn trong những lãnh vực ấy, thì trách nhiệm đòi buộc và hành động khôn ngoan trong những trường hợp này là giới thiệu cho những người đến với mình một sự giúp đỡ chuyên nghiệp.

 

Chúa Giêsu: Bác sỹ và Nhà Tâm Lý

Trong bốn Tin Mừng, Chúa Giêsu không những được người đương thời coi là Thầy Thuốc (Bác Sỹ) nhưng chính Ngài cũng đã tự xác nhận: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần… tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9:12-13; xem thêm Mc 2:14-17; Lc 27-32).

Không những là một Bác Sỹ, Ngài còn là một Bác Sỹ Tâm Lý và Bác Sỹ Tâm Thần nữa: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai” (Mc 1:32-34). Trong khi bị giam trong ngục, Gioan Tẩy Giả sai môn đệ đến tìm hiểu Chúa Giêsu là ai, và họ được Ngài cho biết căn tính Ngài qua những việc Ngài làm: “Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. Người trả lời hai người ấy rằng: ‘Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi’” (Lc 7:21-23).

Và là một Cố Vấn Kỳ Diệu (Is 9:5) có sức hàn gắn, xoa dịu mọi vết thương lòng. Ngài đã cho người thiếu phụ phạm tội ngoại tình biết rằng chị ta vẫn được yêu thương: “Tôi cũng không lên án chị đâu… Chị đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8:11). Phục hồi danh dự cho người đàn bà bị xã hội coi là tội lỗi và ruồng bỏ, đang đổ thuốc thơm rửa chân cho Ngài bằng những lời an ủi “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7:48). Và nhất là khi Ngài chỉ cho những người bối rối hay lầm lạc con đường đem lại bình an trong tâm hồn: “Thưa thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời” (Lc 18:18).

Đời sống hôn nhân sẽ không thể hạnh phúc nếu những khủng hoảng (cá nhân hay gia đình) chiếm ngự tâm trí chúng ta. Cùng lúc khi chúng ta tìm kiếm sự chữa lành và hướng dẫn của các linh mục, các người khôn ngoan, và các bác sỹ tâm lý, chúng ta còn phải đến với Bác Sỹ, Tâm Lý Gia, Cố Vấn Kỳ Diệu Giêsu để được Ngài băng bó và chữa lành các vết thương tâm hồn và tâm lý cá nhân, gia đình, và đời sống hôn nhân của chúng ta. Chính Ngài đã hứa: “Thầy để lại bình an cho các con” (Ga 14:27).

Việc tìm kiếm sự giúp đỡ, chữa lành để đem lại bình an, hạnh phúc trong hôn nhân gia đình là điều cần thiết và hợp thánh ý Thiên Chúa.

----------------------------------

[1] Love Is Our Mission The family fully alive. World Meeting of Families-Philadelphia. Published 2014, p. 56

[2] Koenig David, Media Demand. Six Major Schools of Thought in Psychology. www.classroom.synonym.com

[3] What is psychology? What are the branches of psychology? www.medicalnewstoday.com

[4] Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Tục Ngữ Phong Dao. AR: Sống Mới, 1978, Tập 1, tr.36

[5] Ibid., tr. 168

[6] Martin, James, SJ. My Life With The Saints. Chicago: LoyolaPress, 2006, p. 338

[7] Hồ Dzếnh. Quê Ngoại, xuất bản năm 1943.

[8] Freud, Sigmund. Femininity (1993). In Trouse, J., ed.., Women and analysis. New York: Grossman, 1974

[9] Gray, John. Men Are From Mars, Women Are From Venues. New York: Karper Collins, 1992, p. 14

[10] Marriage Infidelity Statistics. statisticbrain.com

[11] Redmond, Jodee. Rates of Divorce for Adutery and Indifelity. Lovetoknow divorce

[12] U.S. Divorce Rates and Statistics. Divorcesource.com

[13] Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Tục Ngữ Phong Dao. AR: Sống Mới, 1978, Tập 1, tr.119

[14] Lm. Trần Đức Anh, OP. Nguồn: vietcatholic.net

5. GIÁO DỤC CON CÁI TRÊN ĐẤT MỸ: HỘI NHẬP KHÔNG QUÊN TRUYỀN THỐNG

(Giáo sư tiến sĩ Lê Xuân Hy, Ph.D., dạy tâm lý, làm trưởng khoa Công Giáo Học, giám đốc viện phát triển con người (Institute for Human Development) và giữ Gaffney Endowed Chair, tại Seattle University.) 


Giáo dục tại Mỹ: Một vấn đề nghiêm trọng

Người cũng như muông thú được Chúa ban cho ơn coi trọng việc nuôi con. Chó đẻ con sẽ hung dữ để bảo vệ con. Người mẹ từ ngày đầu sanh con đã thức khuya dậy sớm cho con bú và thay tã cho con. Khi con lớn lên và gặp khó khăn, bố mẹ còn cảm thấy đau hơn cả đứa con. Khi con thành công, bố mẹ sung sướng khoe đi khoe lại với mọi người.

Vì việc quan trọng như vậy nên nước Mỹ chi trên 900 tỉ mỗi năm cho việc giáo dục cấp trung tiểu học—nhiều nhất thế giới, không những về tổng số mà còn theo đầu người nữa. Năm 2011, trường Sư Phạm của University of Southern California đã so sánh 12 cường quốc và cho biết là mỗi năm Mỹ chi $7,743 cho mỗi học sinh. Các nước khác chi ít hơn nhiều. Nhật chi $3,756 và Nam Hàn $3,759, tức là 48% của Mỹ. Ba Tây chi $1,683[1].

Dù chi nhiều như vậy, giáo dục của Mỹ lại gặp nhiều vấn đề nan giải. Trước khi hội nhập hoàn cảnh này, chúng ta nên nhìn rõ vài khía cạnh của vấn đề giáo dục con em tại Mỹ.

 

Học Vấn

Năm 2014 Mỹ vui mừng vì 80% các em tốt nghiệp trung học, so với 71% của năm 1998[2]. Vậy là 20% các em không học hết trung học. Ở nhiều thành phố lớn, tỉ lệ này còn cao hơn. Tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, 41% không học hết trung học. Ngay cả các em học giỏi trong trung học công lập cũng có vấn đề. Điểm toán của học sinh Mỹ là 489/600, đứng thứ 10 trong 12 nước, so với Nhật là 531 và láng giềng Canada 534[3]. Yếu toán thì các em không học các ngành khoa học được. Nhiều người không dè là cả các ngành khoa học xã hội cũng cần toán. Thí dụ như ngành tâm lý: hầu hết các em rớt bậc cử nhân vì rớt lớp toán thống kê, và không giỏi toán thống kê thì không được nhận vào chương trình thạc sĩ hay tiến sĩ.

 

Sức Khoẻ

Một dấu hiệu các em Mỹ thiếu sức khỏe là cân lượng. Suốt thập niên qua, tỉ lệ béo phì (obesity) của các em từ 2 đến 19 tuổi là 17%.[4] Các em béo rất khó xuống cân, nên khi lớn lên bị nhiều thứ bệnh trầm trọng như tiểu đường, dễ đưa tới mù loà và chết yểu. Có nhiều lý do làm các em béo phì, và một trong những lý do dễ hiểu là đồ ăn của các em. Các em ăn nhiều. Phần ăn lớn hơn, và khi đưa các em phần ăn lớn thì các em tự động ăn nhiều hơn. Một cái bánh ngọt ngày nay lớn hơn bánh trong thập niên 1970 gấp bẩy lần,[5] và từ đó mỗi em ăn thêm 200 calories mỗi ngày.[6] Số lượng tăng, nhưng phẩm chất lại kém: 40% là đường và mỡ,[7] mà em nào ăn nhiều đường và mỡ lúc 3 tuổi thì tới 8 tuổi trí thông minh sẽ cùn đi.[8]

Các em Mỹ, cách chung, ăn uống một cách khó khăn. Có một truyện nhi đồng tên là D. W. the Picky Eater.[9] Truyện này khá phổ biến, vì đánh đúng vào tâm trạng kén ăn của nhiều em. Và các em thường chọn đồ ăn không tốt về mặt dinh dưỡng. Ngược lại, các em bên Nhật được huấn luyện ăn bất cứ đồ gì được dọn ra, và ăn cho hết, tới hạt cơm cuối, thế mà tỉ lệ béo phì tại Nhật chỉ có 4%. Trẻ em tại nhiều nước Tây phương khác—như Canada, Pháp, Thụy Điển—cũng dễ dàng hơn trong việc ăn uống, và kết quả lành mạnh hơn Mỹ.[10]

 

Tâm Lý

Một giáo sư nhiều kinh nghiệm hướng dẫn tôi khi tôi mới tới dậy tại Seattle University, “các em sinh viên dễ vỡ như thuỷ tinh vậy”[11] , nên phải nhẹ tay. Một trong những lý do mà các em trở nên yếu đuối, mỏng manh như vậy là tại phụ huynh, và có khi cả thầy cô nữa, cứ muốn giúp các em tự đánh giá mình cao (self-esteem), vì nghĩ rằng khi tự tin như vậy các em sẽ nhiệt tình học hỏi và từ đó thành công hơn. Tuy nhiên, sau vài thập niên đi theo chiều hướng này, một số tâm lý gia tiên phong trong ngành đã nhận ra mình sai lầm, mà lại không thay đổi được chiều hướng của cả xã hội. Thế là các em được khen nhiều, trong khi không chắc về khả năng của mình, nên luôn lo sợ bị người khác chê; nói cách khác, càng được khen nhiều khi không thật sự có khả năng thì càng dễ mất tự tin và lệ thuộc vào người khác, tức là ngược lại cái kết quả của cái tự tin thật dựa vào khả năng thật.[12]

 

Xã Hội

Tôi xin bàn tới hai khía cạnh: với bố mẹ và với bạn. Với bố mẹ, các em Mỹ muốn độc lập, đi đến căng thẳng nữa. Một hôm gia đình tôi đi ăn. Tại bàn bên cạnh, một em Mỹ quãng 5 tuổi gọi món ăn cho chính mình, làm cô tiếp viên khâm phục. Còn cháu bé 5 tuổi nhà tôi hỏi tôi, “Bố ơi, con nên gọi món gì?” Tôi rất vui là cháu biết hỏi, và bàn với cháu là bố mẹ tính gọi mấy món này rồi, nên con nên gọi món khác để thử được nhiều thứ. Trong học vấn cũng vậy. Sheena Iyengar, khi còn ở Stanford University, làm thí nghiệm sau: cô cho các em xếp mẫu tự thành chữ; có khi thì để cho các em tự chọn các tập mẫu tự, có khi lại xin mẹ em chọn cho em. Khi các em Mỹ trắng tự chọn thì làm giỏi hơn là khi mẹ chọn; lại có em còn than phiền là tại sao lại cho mẹ chọn. Trong khi đó, các em gốc Á châu làm giỏi hơn nhiều khi nghĩ là mẹ chọn, và còn nhờ cô giáo khoe với mẹ là em làm được.[13] Hai cách nhìn đời và hành động khác nhau.

Trong khi độc lập với bố mẹ, thì các em Mỹ lại lệ thuộc bạn bè nhiều, kể cả đi tới liên hệ tình dục. Bản khảo cứu Youth Risk Behavior Surveillance (YRBS) cho biết quãng 50% học sinh trung học đã có liên hệ tình dục, và trên 1/3 đang có liên hệ đó, chứ không phải chỉ trong quá khứ mà thôi.[14] Liên hệ này dễ đưa tới những khó khăn, và vì còn quá trẻ nên ảnh hưởng rất nặng, ảnh hưởng nhiều tới việc học, còn có khi tự tử nữa. Ngay cả cuốn Kama Sutra nổi tiếng của Ấn Độ cũng khuyên rõ ràng là khi học thì tránh liên hệ tình dục.[15]

 

Tôn Giáo

Các học sinh trung học hầu như không được học gì về tôn giáo, dù rằng tôn giáo là một phần quan trọng trong lịch sử phương Tây cũng như trong thế giới ngày nay. Lý do là trong khung cảnh luật pháp ngăn cách đạo và đời, mà nhiều người vô thần luôn sẵn sàng kiện bất cứ chuyện gì liên quan đến đạo, nên các nhà xuất bản sách giáo khoa tránh đề tài này để khỏi bị kiện.[16]

Các tiến bộ về khoa học và y khoa cũng làm con người ít đến với Chúa hơn. Ông Thomas Groome, một giáo sư về giáo lý nổi tiếng tại Boston College, kể là khi ông lớn lên bên Ái Nhĩ Lan, chị của ông qua đời khi còn nhỏ vì sốt xuất huyết. Khi tới phiên ông sốt xuất huyết, bố ở xa, còn mẹ không đưa con tới nhà thương giữa mùa đông được, nên chỉ biết quỳ cạnh giường con và năn nỉ với Chúa là bà chỉ đứng lên nếu con qua cơn bệnh. Bà quỳ suốt đêm, thiếp đi, và khi tỉnh lại thì con đã đỡ sốt, và bà tin là Chúa đã cứu. Nếu chuyện đó xẩy ra bây giờ, bà mẹ sẽ gọi 911, xe cứu thương chở đi, rồi bà trông cậy vào bác sĩ.

 

Kinh Nghiệm

Không cần đọc bài này, đa số bố mẹ cũng từng có kinh nghiệm xương máu về cái khó, và thất bại nữa, trong việc này. Các bố mẹ kể cho tôi nghe nhiều kinh nghiệm khó khăn khác nhau. Có một ông khi mới qua Mỹ, có gánh nặng gia đình, yếu tiếng Anh, ít được giúp đỡ, thế mà tận lực học, lấy được bằng cử nhân khoa học và trở thành một chuyên viên cao cấp; trong khi bây giờ con cái ông lớn lên có đủ mọi cơ hội mà phí giờ, chơi trò chơi điện tử, học kém. Một vị khác khoe là con em học rất giỏi và giầu sụ, nhưng ngay sau đó than là cả con lẫn cháu mất đi tiếng Việt và văn hóa Việt, kể cả đức tin mạnh của người Công Giáo Việt. Bố mẹ khát khao được nghe con “mời Bố Mẹ xơi cơm” mà cả đời không được. Con không đi nhà thờ, mà cũng không đưa cháu tới nhà thờ nữa. Nay bố mẹ đã lớn tuổi, gần về với Chúa, và có phần hối hận là trước kia dồn hết sức cho con thành công về học vấn nhưng xao nhãng cộng đoàn và đức tin, mà bây giờ không biết cách nào để kéo lại!

Tôi không có ý trình bầy hay lượng giá toàn bộ về việc giáo dục con cái trên đất Mỹ. Trên đây chỉ là một số lượm lặt về cái khó của việc này. Còn nhiều khó khăn khác cũng như nhiều cái hay chưa được nói tới. Tôi chỉ xin nói qua tới ba cái hay quan trọng. Một là các em mạnh dạn phát biểu, thích áp dụng, và có óc sáng tạo. (Tuy nhiên phải có căn bản vững thì mới đi tới sáng tạo được, mà nhiều em không đạt được căn bản này, nên vẫn nói nhiều nhưng chỉ nói tầm bậy, mà lại cứ tin là mình hay.) Hai là có nhiều cơ hội và xã hội tương đối ít lên án. Thí dụ như một em gái 16 tuổi mà có bầu thì trường có người giúp, sanh con rồi học tiếp. Ba là người lớn rất trọng các em, nhất là em nào chịu tôn trọng và nghe lời người lớn. Vì vậy những em Á Đông nào giữ được sự tôn trọng thầy cô sẽ được các thầy cô Mỹ nâng đỡ tận tình hơn hầu hết thầy cô Á Đông.

Trước những khó khăn trên, một giải pháp dường như rõ ràng là đưa các em vào văn hoá Việt. Sau đây là 3 bằng chứng cho giải pháp đó. Một, bố mẹ lớn lên trong văn hoá Việt nên vượt được nhiều trở ngại và thành công. Hai, các em học trung tiểu học tại Việt Nam rồi mới qua Mỹ giỏi toán hơn các em lớn lên ở Mỹ nhiều. Ba, trong những em ở Mỹ mà giỏi toán có vẻ là vì các em lớn lên trong gia đình giữ truyền thống Việt, và có khi học thêm

các phương pháp toán theo lối Á châu như Kumon. Như vậy câu trả lời là giữ văn hoá Việt, phải không ạ? Vấn đề phức tạp hơn vậy.

 

Văn hoá Việt trên đất Mỹ

Văn hóa Việt là gì? Văn hoá có một cấu trúc phức tạp, liên quan đến nhiều phương diện. Một mặt thì văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên. Ứng xử đây là gồm cả ứng phó lẫn tận dụng môi trường này. Thí dụ như một cộng thể tại thôn quê với nhiều sông nước trong vùng khí hậu nhiệt đới sẽ có những lối sinh hoạt và quần áo khác hẳn vùng thành thị gần đó, hay là vùng thôn quê tại xứ lạnh.

Một mặt khác, văn hoá ứng xử với môi trường xã hội, như cách nhận thức về vũ trụ, về con người, cách tổ chức đời sống cộng thể, cách đối phó với môi trường xã hội, và nhiều mặt khác.[17] Các khảo cứu tiếp tục khám phá ra các sự khác biệt giữa các nền văn hoá đông-tây. Thí dụ như về cách suy nghĩ. Khi được hỏi, “Xin chọn một trong hai: con bò đi với gà hay con bò đi với cỏ?” thì đa số người Á đông chọn bò và cỏ (liên hệ: bò ăn cỏ), trong khi người Tây phương chọn bò và gà (phân loại: cùng là giống vật).[18]

Vì văn hoá liên quan đến nhiều yếu tố như vậy, nên một nền văn hoá như văn hoá Việt rất đa dạng và chuyển mình liên tục. Thí dụ như mỗi miền có phần khác nhau. Rồi người rời Việt Nam năm 1980 có những kinh nghiệm về văn hoá Việt mà người rời năm 1975 không có, và văn hoá năm 2015 tại quê nhà cũng đổi khác phần nào rồi. Như vậy khi bảo tồn văn hoá Việt, ta bảo tồn cái gì hay là dạng nào? Nhất là khi có nhiều cái không có được.

Một cái rõ ràng: khi ở trên đất Mỹ thì không ở trên đất Việt được. Hoàn cảnh làng xóm cũng thay đổi nhiều. Tại khá nhiều giáo xứ bên Việt Nam, giáo dân có thể đi bộ tới nhà thờ được, rồi la cà từ nhà này qua nhà khác một cách dễ dàng. Các em bên này vất vả học tiếng Việt, và khi nói được tiếng Việt thì cách suy nghĩ ít nhiều vẫn có mùi Mỹ.

Vì văn hoá phức tạp như vậy, nên việc bảo tồn văn hoá Việt không phải là đơn giản. Hơn thế nữa, ngoài việc bảo tồn, ta còn phải đáp ứng, vì cái hay của Việt Nam chưa hẳn có thể dùng thẳng như vậy tại Mỹ.

Cách hay nhất mà tôi từng nghe thấy là một đề nghị của thầy Quyên Di: kiếm ra cái hồn Việt nằm sâu dưới bề mặt đa dạng. Như vậy ta vừa giữ được cái tinh túy, vừa uyển chuyển đáp ứng được. Hình như thầy đề nghị hai đặc tính, là tình thương và lòng tin vào Trời.[19] Yêu thương và thờ phượng—theo thứ tự đó, lại chính là cách xây dựng cộng đoàn, như cha giáo Nguyễn Khắc Hy PSS dạy.[20]

 

Làm gì bây giờ?

Theo văn hoá thực dụng của Mỹ, tôi xin gợi ý một số điểm mà gia đình Việt Nam tại Mỹ có thể áp dụng để bảo trì và phát triển cái hay của hồn Việt Nam trong khi đáp ứng vào và tận dụng những cái hay của văn hoá và hoàn cảnh Mỹ.

 

Yêu thương và diễn tả tình thương với con em

Trọng tâm của văn hoá Việt cũng như của đời sống Công Giáo là tình thương. Vậy việc quan trọng nhất là bố mẹ Việt Nam tiếp tục sống đời yêu thương hết lòng. Nhưng khác một điều là cần diễn tả, bằng lời, lặp đi lặp lại, tình thương vô điều kiện của cha mẹ cho con cái. Các em Việt Nam có khi nhìn qua gia đình Mỹ một cách thèm thuồng vì bố mẹ Mỹ thường nói “I love you,” mà các em Việt không được nghe câu đó từ bố mẹ mình. Người Việt tị nạn có một tình thương con thật đậm đà, một phần vì phải hy sinh rất nhiều cho tương lai của con. Bố tôi là một nhà ngoại giao, nhưng khi qua Mỹ, ngay trong tuần đầu Ông đi làm gác gian, kể cả chùi nhà cầu, ca ban đêm, cho một trường nghèo tại Mỹ. Lương tháng $600 vào năm 1975, Ông cần kiệm từng đồng khi trả tiền nhà, tiền ăn, để gửi những đồng còn lại giúp cho hai đứa con đi học đại học, và sau này khi có cơ hội thì gửi về Việt Nam. Mỗi khi tôi về thăm Ông, Ông chỉ nói, “Con về rồi đó hả?” nhưng tôi biết Ông đã chờ từ lâu. May mắn là tôi còn đủ gốc Việt Nam để nhận ra tình thương đậm đà của Ông qua cuộc sống này, dù Ông không nói thẳng ra, và tôi còn cảm thấy tình thương không nói này lại càng đậm đà hơn. Tuy nhiên, đối với các em lớn lên bên Mỹ này, phải nói đi nói lại nhiều lần may ra các em mới nghe thấy, nên cha mẹ cần phải nói. Năm nào tôi cũng tâm sự vài lần với các con, “Con càng gặp trở ngại, nhất là khi con có lỗi, thì Bố sẽ càng cố gắng nhẹ nhàng và bênh đỡ con, nên khi gặp trở ngại gì thì xin cho Bố biết liền, để Bố con mình cùng hợp trí, hợp sức giải quyết vấn đề, và nhờ đó mà các con càng trưởng thành hơn, thông cảm với người yếu đuối hơn, giúp người hoạn nạn được hơn; mà dù có bị nặng tới đâu đi nữa cũng đừng buông tay kết liễu đời mình.” Diễn tả rõ như vậy, mong là con nghe.

 

Cách bố mẹ đối thoại và cư xử với nhau

Con cái không chỉ nghe những điều bố mẹ nói với mình, mà còn nghe và nhìn cách bố mẹ đối xử với nhau. Con cái dễ hục hặc với bố mẹ vì chúng còn bồng bột, thiếu trưởng thành. Đây là điểm thuộc về căn tính nhân chủng học, không liên quan gì mấy đến văn hoá. Nhưng cách giải quyết những xung khắc này hoàn toàn khác nhau trong những văn hoá khác nhau.

Là những người Việt Nam, chúng ta có thể nói được rằng văn hoá Mỹ mắc sai lầm khi ứng dụng lối giải quyết mà nghe thì có vẻ hay nhưng kết quả chưa hẳn đã tốt: đối xử với các em như đối xử với người lớn, để luyện cho các em trưởng thành.[21] Tôi nghĩ rằng cách huấn luyện có hiệu quả hơn là những người làm bố mẹ phải giáo dục con cái bằng gương sống vợ chồng đối xử với nhau cách trưởng trong tình thương, và tôn trọng nhau trong cách cư xử. Mẫu gương cũng như tổ ấm tình yêu này thành công trong việc nuôi dưỡng và huấn luyện các em.[22] Hôn nhân nào cũng có những lúc căng thẳng, và chính lúc đó là lúc con em học được nhiều về cách cư xử trong yêu thương khi gặp khó khăn. Khi bố mẹ lỡ lớn tiếng hay cư xử cộc cằn với nhau, mà sau đó biết xin lỗi, làm hoà, thì lại dậy được cho con cách xử sự khi mình có lỗi.

 

Đại gia đình và cộng đoàn tình thương

Không phải chỉ trong gia đình, mà không khí yêu thương và tôn trọng trong đại gia đình và cộng đoàn Việt Nam cũng nuôi dưỡng các em. Vậy đưa các em vào cộng đoàn càng sớm càng tốt, đồng thời nhiệt tình đóng góp vào kho tình thương của cộng đoàn. Chúa ban cho các mối liên hệ giữa người gốc Việt với nhau có một tình thân đậm đà hơn đa số các mối liên hệ giữa người Mỹ hay với người Mỹ. Thí dụ như một em lớn lên trong phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ảnh hưởng cũng như liên hệ tốt. Khi gặp khó khăn với bố mẹ, em có thể tâm sự với một huynh trưởng hay một bạn tốt trong phong trào. Còn nếu em đã tới tuổi choai choai rồi bố mẹ mới đưa vào phong trào thì chắc lúc đầu khó đáp ứng. Theo thiển ý của tôi, và theo kinh nghiệm của một số bố mẹ, thì nên đặt nặng những mối liên hệ Việt Nam này cho dù phải hy sinh một số cái hay khác. Thí dụ như gần nhà tôi, đi bộ tới được, là một giáo xứ Mỹ giầu mạnh, cơ sở thật đầy đủ, với các thầy cô có bằng cấp cao, một số được trả lương hậu nữa, và đôi khi có cả người Việt dậy bằng tiếng Anh trong một số lớp. Nhưng gia đình tôi chọn lái xe đi xa, tới nhà thờ Việt không đủ chỗ đậu xe, phòng học thiếu tiện nghi, thầy cô không được huấn luyện kỹ như bên kia. Tôi thấy kết quả tốt đẹp: các con lớn lên, làm huynh trưởng, đi dậy giáo lý, trong khi các em cùng lớp trong giáo xứ Mỹ hững hờ và đa số không còn sinh hoạt trong nhà thờ nữa. Một số phụ huynh Việt khác cũng nhận ra điều này, nên kéo các con từ xứ Mỹ và chương trình thuần tiếng Anh qua chương trình song ngữ. Khi kéo giữa đường như vậy, lúc đầu thì đầy nước mắt, nhưng khi thành công rồi thì cả bố mẹ, con cái cùng hài lòng.

 

Tiếng Việt

Một phần quan trọng trong cái nôi văn hoá của gia đình và cộng đoàn Việt Nam là tiếng Việt. Một thí dụ là cách xưng hô. Cái hay của tiếng Anh hay tiếng Hoa là bình đẳng trong ngôn ngữ: I và you, ngộ và nị. Còn cái hay của tiếng Việt liên quan trực tiếp đến cái tinh túy của hồn Việt như đã bàn ở trên, đó là tình thương và mối tương quan. Khi em Vi “mời chị Ái vào xơi cơm,” em diễn tả và nuôi dưỡng một tình thân thương khác hẳn “Ái, come eat.”

Nhiều phụ huynh có thể đã nản chí trong việc khuyến khích con cái nói tiếng Việt, và nghĩ là càng lớn càng khó bắt đầu, nên buông xuôi luôn. Thật ra ngay cả tuổi lớn hơn, dù khó, vẫn học được. Vài năm trước tôi gặp một em trai đã ngoài 20 tuổi, không biết tí tiếng Việt nào, thế mà chỉ sáu tháng sau là em nói nhuyễn, vì em quen một cô bạn gái mới từ Việt Nam qua. Chủ yếu là động lực và cách khuyến khích.

Một cách để khuyến khích con tôi nói tiếng Việt là tôi xử theo văn hoá của ngôn ngữ mà các cháu dùng. Nếu con xin điều gì bằng tiếng Anh, tôi sẽ lý luận, đắn đo, suy nghĩ, không vội quyết định, xem rằng có thể có những nguy hiểm nào, mà một nguy hiểm là không được rồi. Thí dụ như con xin đi chơi khuya thì có nguy hiểm, không được. Còn nếu con xin bằng tiếng Việt thì tôi xử theo tình cảm và mối liên hệ, cùng kiếm cách xem làm sao có thể thực hiện được điều đó, có khi bằng cách góp ý để thay đổi đôi chút theo tinh thần liên hệ. Thí dụ như con đừng khuya quá, đi với bạn nào mà bố biết, và có cách nào liên lạc khi cần thiết, và nếu cần nữa thì bố chở đi và bố đón về dù bố có phải thức khuya hơn.

Một cách khác nữa là sưu tập và chia sẻ với các em cái hay trong tiếng Việt mà không thể dịch ra tiếng Anh được. Thí dụ như lễ hội tình yêu Tiên Dung – Chử Đồng Tử của tỉnh Hưng Yên vào ngày 10 tháng 2 âm lịch. Truyện tình yêu luôn thu hút các em lớn. Thầy Quyên Di đưa ra những ý nghĩa tâm linh của từng chi tiết trong câu chuyện này (cũng như nhiều truyện khác). Thí dụ, Chử Đồng Tử nghèo tới độ không có tên riêng nữa. “Đồng Tử” là một em trai. Em từ làng Chử Xá. Chử là bến nước. Xá là làng. Vậy Chử Đồng Tử là một em trai từ một làng bên bến nước. Thế mà em lại được Tiên đoái hoài tới, rồi cho em làm con rể vua. Chuyện này làm người Công Giáo có thể nghĩ tới việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn có Giáo Hội nghèo cho người nghèo. Trong Kinh Thánh thường nhắc đến việc Thiên Chúa luôn bênh vực người nghèo, cô thế, bị áp bức. Dùng những từ ngữ và câu chuyện có tính cách văn hoá để dạy con em chúng ta tinh thần Phúc Âm Kitô giáo là điều Giáo Hội luôn khuyến khích, và các nhà thần học gọi là “hội nhập văn hoá.” Việc này được công đồng Vatican II cổ võ nhiều, và rõ ràng nhất là trong hiến chế Gaudium et Spes và văn kiện Nostra Aetate của Công Đồng.

Còn một số cách khác mà chúng tôi thử nghiệm và thấy có kết quả, đã được trình bầy trong cuốn Mở Cửa Tâm Linh, xuất bản năm 2013. Đề tài cách dậy tiếng Việt cho các em ở nước ngoài hấp dẫn và cần thiết, nhưng cần nhiều chuyên viên cộng tác, có thể đưa tới một tập sách riêng, giống như tập sách về gia đình này.

 

Nhẫn nại

Tôi từng thấy một số trường hợp mà ảnh hưởng của bố mẹ chỉ có kết quả sau khi các ngài đã qua đời. Dù ta qua đi, Thiên Chúa vẫn dẫn dắt con cái mình. Vì vậy mình cứ bàn hỏi và cân nhắc việc gì cần làm, rồi kiên trì thực hiện, nhưng để kết quả trong tay Thiên Chúa.

 

Nhận tình thương từ Thiên Chúa

Sức người có hạn. Ta phải có nguồn tình yêu thì mới tiếp tục yêu thương được, nhất là gặp khi khó khăn trường kỳ. Tình thương vợ chồng và cộng đoàn nâng đỡ chúng ta, nhưng cũng có hạn thôi. “Chỉ trong Chúa linh hồn con an nghỉ,” thánh Augustinô tâm sự. Mỗi người cần nguồn trợ lực đó suốt cuộc đời, nhất là trong lúc khó khăn—vì lỗi mình hay vì hoàn cảnh, vượt qua được hay phải gánh chịu suốt đời. Đời sống cầu nguyện hằng ngày, nhất là qua phút hồi tâm, xét lại bao nhiêu ơn lành Thiên Chúa ban cho ta mỗi ngày, giúp chúng ta bắt đầu từ Thiên Chúa, nhận lãnh từ Thiên Chúa, rồi trao lại tình thương cho nhiệm thể Ngài—nhất là nơi con cái. Phép Thánh Thể và phép Giải Tội cũng giúp ta nhận lãnh tình thương để làm lương thực nuôi cuộc sống tình thương.

 

Một vài ý cuối

Bài này không có tham vọng lượng giá trọn vẹn nền giáo dục Mỹ hay tóm tắt văn hoá Việt, mà chỉ trưng ra vài khó khăn trong vấn đề nuôi con tại Mỹ, và kết thúc bằng vài gợi ý làm sao tận dụng một vài cái hay Việt trong hoàn cảnh Mỹ. Tôi chỉ là một trong những phụ huynh vật lộn với khó khăn này, và chia sẻ những trăn trở của mình, chứ không dám khuyên nhủ ai. Mong rằng chúng ta cùng hợp sức, lắng nghe tiếng Chúa, xây dựng cộng đoàn tình yêu và thờ phượng, để cả chúng ta và con cái, cộng đoàn cùng được hưởng phần nào hạnh phúc trong Chúa, trên đường về quê trời. Cũng xin cám ơn người bạn đời của tôi giúp tôi viết bài chia sẻ này, một số bố mẹ chia sẻ kinh nghiệm, một số em tâm sự, và Thầy Quyên Di cũng như Cha Nguyễn Khắc Hy PSS, hướng dẫn. 

----------------------------------

[1] http://rossieronline.usc.edu/u-s-education-versus-the-world-infographic/ [1/1/2015].

[2] http://www.manhattan-institute.org/html/cr_baeo.htm [1/1/2015].

[3] http://rossieronline.usc.edu/u-s-education-versus-the-world-infographic/ [1/1/2015].

[4] Center for Disease Control and Prevention. Overweight and Obesity: Childhood Obesity Facts, http://www.cdc.gov/obesity/data/childhood.html [1/1/2015].

[5] Christine Gross-Loh, Parenting Without Borders: Surprising Lessons Parents Around the World Can Teach Us (New York: Penguin, 2013), 58. Cuốn này trình bày cách rõ ràng và chi tiết hơn nhiều bài khảo cứu được nói tới trong bài này.

[6] Carmen Piernas & Barry M. Popkin, “Food Portion Patterns and Trends among U.S. Children and the Relationship to Total Eating Occasion Size, 1977-2006,” The Journal of Nutrition, ngày 27/4/2011.

[7] Jill Reedy & Susan M. Krebs-Smith, “Dietary Sources of Energy, Solid Fats, adn Added Sugars Among Children and Adolescents in the United States,” Journal of the American Dietetic Association 110, no. 10 (October 2010), 1477-1484.

[8] Kate Northstone, “Are Dietery Patterns in Childhood Assocaited with IQ at 8 Years of Age? A Population-based Cohort Study,” Journal of Epidemiology and Community Health, ngày 2/7/2011.

[9] Marc Brown, 1997. Little, Brown Books for Young Readers.

[10] Christine Gross-Loh. “Global food rules: How parents around the world teach their kids to eat.” Parents without border, 56-88.

[11] John Bean, đối thoại riêng, “Students are made of glass.”

[12] Christine Gross-Loh. “Feeling good: Can self-esteem be harmful?” Parenting Without Border, 89-115.

[13] https://www.ted.com/talks/sheena_iyengar_on_the_art_of_choosing [1/1/2015].

[14] http://recapp.etr.org/recapp/index.cfm?fuseaction=pages.StatisticsDetail&PageID =555 [1/1/2015].

[15] ”.. [C]elibacy should be observed while one is a student acquiring knowledge.” “Chapter Two. The Suitable Age.” Kama Sutra: A guide to the art of pleasure, Vatsyayana, bản dịch mới của A. N. D. Haksar (New York:Penguin, 2011).

[16] Nicole Smith. Problems and Weaknesses in the American Educational System. http://www.articlemyriad.com/problems-weaknesses-american-educational-system/ [1/1/2015].

[17] Xin xem Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của giáo sư Trần Ngọc Thêm.

[18] Richard G. Nisbett, The Geography of Thought: How Asians and Westerners Think Differently...and Why (New York: Free Press, 2003).

[19] Bài nói chuyện với các linh mục tu sĩ Việt Nam du học tại Hoa Kỳ, Tustin, CA, ngày 29 tháng 12, 2014.

[20] Bài nói chuyện với các linh mục tu sĩ Việt Nam du học tại Hoa Kỳ, Tustin, CA, ngày 30 tháng 12, 2014.

[21] Darlena Cunha, “I’m a die-hard liberal. It ruined my parenting,” Washington Post, November 4, 2014.


[22] P.R. Amato, “The impact of family formation change on the cognitive, social, and emotional well-being of the next generation,” Future of Children 15-2 (2005):75-96. 

6. CON CÁI: QUÀ TẶNG CỦA THIÊN CHÚA

(Phó Tế Trần Vân, trước năm 1975 phục vụ Không Quân VNCH, hai lần tu nghiệp tại Hoa Kỳ. FCC License Viễn Thông Liên Bang, hơn 30 năm làm việc cho nghành dầu khí ExxonMobil / Shell. Chịu chức Phó Tế ngày 15 tháng 1 năm 2011. Hiện đang phục vụ Cộng Đoàn Việt Nam tại Giáo Xứ Saint Francis of Assisi, Bakersfield, California. Thuyết trình viên cho Gia Đình Nazareth Giáo Phận Orange và Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình TGP Los Angeles.) 


Hàng năm, khi mùa Giáng Sinh về. Phố phường tưng bừng tấp nập, người người đua nhau mua sắm, chọn mua những món qùa tốt đẹp nhất để tặng cho nhau. Ai cũng đoán xem người mình sắp cho sẽ thích cái gì, món qùa nào sẽ làm vui lòng người nhận nhất. Ai cũng mong muốn mình sẽ nhận được những món quà mà mình ao ước. Có một món qùa mà chúng ta không có quyền đòi hỏi, và cũng không biết món qùa đó sẽ như thế nào, nhưng đó lại là món qùa qúy gía nhất: Qùa Tặng của Thiên Chúa.

Một năm sau ngày cưới, Chúa ban cho chúng tôi món qùa đầu tiên. Một đứa con trai. Thật đúng như lòng mong ước, như lời chúc mừng của bạn bè trong ngày cưới: “Đầu năm con trai, cuối năm con gái.” Ông bà nội vui mừng vì đã có cháu đích tôn. Vợ chồng bàn tính đặt tên cho con, đứa con đầu lòng phải chọn một cái tên gì cho có ý nghĩa, sau những ngày bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi chọn tên cho con là Hợp, để nói lên tâm tình hòa hợp của hai tâm hồn, và tình yêu vợ chồng được kết hợp nơi Thiên Chúa, nhưng vì trong gia đình đã có người tên Hợp. Nên đổi thành tên là Hiệp, tên Hiệp nghe cũng hay hay.

Thằng bé xinh xắn, bụ bẫm, dễ nết, ăn ngủ tối ngày như chó con vậy. Từ đó nó được gọi là Thằng Chó Con. Chó Con càng lớn càng láu lỉnh, khôn ngoan, lại có tài coi nhà rất giỏi, người lạ đến nhà không ai lấy được một thứ gì ra khỏi cửa. Có lần, một bà cô tới chơi, lúc về gỉa bộ cầm cái nón rách của mẹ nó đi ra. Nó trông thấy liền chạy lại giữ tay bà, nó nói: “Đừng, đừng, của mẹ mà”, nhất định không cho bà cầm chiếc nón đi ra, ai cũng bảo nó là: “Thằng chó giữ của.” Buồn cười nhất là một hôm nó đang chơi ở ngoài sân, có lẽ mải chơi nên “xấu” ra quần. Một con chó đánh mùi, từ đâu chạy tới, cắn ngay vào đũng quần nó mà lôi đi sồng sộc, nó vừa khóc vừa kéo co với con chó, miệng thì không ngừng: “Bố sư cha mày, cha sư bố mày.” Nó vừa gào to, vừa khóc nên cả xóm túm lại xem, ai cũng phải cười. Thì ra những lời văn hoa đó, nó học được từ nơi bà hàng xóm, bà này thường hay mắng chửi các con như vậy.

Cuộc sống trở nên khó khăn hơn sau năm 1975, mọi người phải tham gia lao động. Tôi cũng phải đi làm ruộng rẫy, vợ ở nhà nuôi con và chăn mấy con heo, căn nhà của ông bà nội để lại, nhà đã cũ, mái lại dột. Những ngày mưa là phải đem thau, nồi ra hứng nước, mỗi lần như vậy Thằng Chó thích lắm, vì được chơi nghịch nước. Việc đồng áng làm chưa quen nên nhiều khi chán nản, nhưng niềm an ủi lớn nhất vẫn là Thằng Chó. Mỗi khi về đến nhà là nó chạy ra ôm lấy chân, mừng vui, líu lo đủ chuyện, rồi nhõng nhẽo đòi cắp bế, đi đâu cũng phải cõng nó trên lưng.

Một đêm kia trời mưa tầm tã. Thằng Chó lên cơn sốt, người nóng bừng bừng, run lập cập. Tôi nói nhà tôi lấy thuốc cho con uống, chắc là cả ngày đi chơi trúng mưa bị cảm. Nhưng rồi suốt đêm nó lăn lộn, vật vã không sao ngủ được, thỉnh thoảng lại kêu lên: “Bố ơi lấy thuốc chảm (cảm) uống đi, lấy nước uống đi.” Trong nhà chỉ có một lọ thuốc Aspirin cho người lớn, mỗi lần nó đòi là tôi bẻ một mẩu nhỏ, bỏ vào miệng cho nó uống. Hai vợ chồng thức coi cho đến sáng, rồi vội vàng đưa Thằng Chó vào bệnh viện. Một giờ sau nó tắt thở!

Người ta nói nói bị hạch chuột. Chuột ơi! Mày đem cái chết đến con tao, mày giết con tao. Rồi tôi mua bẫy, tôi thức, tôi canh, giết chuột để trả thù. Như một người điên, tôi trách mình, trách đời, trách Chúa. Như kẻ mất hồn tôi chẳng cần làm việc, tôi lang thang, thơ thẩn, bỏ nhà thờ, bỏ gia đình, bỏ quê hương, bỏ luôn người vợ đáng thương, tìm đường tôi vượt biên.

Được một người quen mách bảo, mấy tháng sau tôi đã lên tầu. Con tầu bé nhỏ, ra khơi trong một đêm bão tố, đêm vọng lễ Phục Sinh. Chúa cho thoát chết! Tám tháng vất vưởng nơi trại tị nạn. Cuối cùng tôi được nhận vào Mỹ, hai ông bà người Mỹ nhận về sống chung với họ. Cô đơn, buồn tủi, mỗi khi ngồi vào bàn ăn tôi khóc, nhớ nhà, nhớ con, nhớ vợ. Tình cờ một hôm, thấy trên tờ báo có hình một đứa bé, nhìn mặt nó sao giống Thằng Chó quá. Tôi cắt ra, dán vào tờ bìa cứng, rồi đem treo trong phòng ngủ, mỗi ngày tôi nói chuyện với con. Sau một thời gian mất liên lạc, bỗng nhiên được tin vợ tôi cũng đã ra đi, và hiện nay đang ở Pháp. Thế rồi sau hơn hai năm xa cách, thật không ngờ còn có ngày đoàn tụ. Gặp lại nhau. Ôi chan hòa nước mắt!

Sau ngày đoàn tụ, Chúa lại ban cho chúng tôi món qùa thứ hai, một đứa con trai. Thằng bé thật kháu khỉnh, hai mắt to tròn, đen lánh, trông thật dễ thương. Tôi bắt đầu cảm tạ ơn Ngài sau bao năm than oán. Vợ chồng đặt tên cho nó là Kim Phát, tên một giáo xứ mà bố mẹ chúng tôi là những giáo dân từ vùng Kim Sơn, Phát Diệm di cư vào miền nam. Nơi rừng núi cao nguyên, cuộc sống buổi ban đầu cơ cực, thiếu thốn mọi bề, thương nhớ quê hương, nhớ người thân còn ở lại, hoàn cảnh như nhau, nên mọi người coi nhau như anh em ruột. Chúng tôi, hai đứa trẻ cũng gọi nhau là anh em họ.

Sau một năm chung sống với hai ông bà Mỹ, chúng tôi dọn ra riêng. Ông bà giúp vốn mua cho chiếc trailer, rồi kéo ra đặt trong khu Trailer Park. Trước mặt nhà là một quán ăn xập xệ, mỗi buổi sáng xe rác tới phía sau để lấy rác đi. Thằng bé, khi nghe tiếng xe ầm ì là nó vội chạy ra xem, nhảy mừng thích lắm, vì cả ngày bị nhốt trong cái trailer chật hẹp, mà chung quanh hàng xóm toàn là người lớn, nên xe đổ rác là một “entertainment” hấp dẫn nhất cho nó. Có lần hỏi sau này lớn lên Kim Phát muốn làm gì? Nó trả lời ngay: “Làm xe đổ rác”, từ đó nó được gọi là Thằng Xe Rác. Cuộc sống cũng quen dần, nhưng trong lòng vẫn mang một nỗi băn khoăn: Chẳng lẽ cứ sống mãi trong cái khu trailer tồi tệ này sao? Chẳng lẽ cứ để đứa con chỉ mong lớn lên làm người phu đổ rác? Không thể được. Tôi phải vươn lên, phải có tiền, phải có nhà, phải có xe. Tôi làm hai job, làm cả cuối tuần.

Thế rồi ngày tháng qua mau, tôi miệt mài làm việc kiếm tiền. Vợ chồng chúng tôi không còn trong khu Trailer Park nữa. Thằng Xe Rác cũng lớn khôn lên, nó đã có em, nó đi học, nó có bạn bè, hết tiểu học nó lên trung học, bố con chẳng còn thân mật như xưa, cứ xa dần trong quan hệ. Nó ham bạn bè kệ nó, bố cũng có bạn bè của bố, cuối tuần bố thường hay đi vắng. Thánh lễ Chúa nhật, thường hay đến trễ, nhiều khi chỉ đứng cuối nhà thờ, lễ chưa xong đã vội dắt con ra, dần dần thành thói quen cho cả gia đình. Sau này khi Thằng Xe Rác đã biết lái xe, tự nó đi lễ một mình, thì lễ cuối nhà thờ, lễ ngồi ngoài xe, lễ không có mặt.

Một lần kia, hai vợ chồng sửa soạn để đi chơi Las Vegas, nó đòi ở nhà một mình, viện lý do mười sáu tuổi. Sau một hồi cãi vã, cuối cùng cũng cho nó ở nhà. Tối thứ Sáu, từ Las Vegas gọi về, nó trả lời: “Bố mẹ yên tâm, tối nay con chỉ rủ mấy đứa bạn tới chơi, coi movie thôi.” Tối thứ Bẩy lại gọi về, nó cũng trả lời như vậy. Sau mấy ngày vui chơi thoải mái, chúng tôi về tới nhà chiều hôm Chúa Nhật, thấy trong nhà ngoài sân vẫn sạch sẽ, ngăn nắp còn hơn cả trước lúc ra đi. Vợ chồng thầm khen Thằng Xe Rác! Nhưng đâu có ngờ đến ngày hôm sau. Vừa đi làm về, ông hàng xóm bên cạnh nhà qua hỏi: “Cuối tuần này nhà you có gì mà party dữ thế? Hàng xóm chúng tôi phải gọi police tới dẹp tối hôm thứ Bẩy, chúng nó say sưa, đánh nhau ầm ỹ.” Tôi nghe xong, chết đứng người, thì ra Thằng Xe Rác đã nói dối, nó đã thu dọn trước khi chúng tôi về.

Sau lần đó, quan hệ bố con trở nên gay gắt. Tôi kiểm soát chặt chẽ, không cho nó đi đâu. Nhưng rồi nó vẫn tìm cách để đi chơi. Có lần gọi về la mắng, nó cãi tay đôi. Tức quá, đang ngồi nơi bàn ăn, trên bàn sẵn có chai pickle, tôi liền chộp lấy, ném ngay vào mặt nó. Nhưng may thay, nó né kịp, chai pickle bay qua cửa sổ, kính vỡ tan tành, mảnh văng tung tóe. Tôi hoảng hồn. Tim tôi thắt lại. Tôi chạy tới ôm chầm lấy con rồi khóc. Tôi khóc cho con, tôi khóc cho tôi. Tan vỡ hết rồi!

Từ sau hôm đó nó trở nên lầm lì ít nói, về đến nhà là vào phòng đóng cửa, học hành sa sút hẳn. Ngày ra trường High School với điểm số hai chấm chẵn (GPA 2.0). Nó mừng lắm! Nó nói với mọi người rằng, từ nay nó không còn phải đi học nữa, tôi thất vọng, mẹ nó đau buồn. Nó kiếm việc làm rồi đòi dọn ra riêng, mẹ nó khóc than, đêm ngày cầu nguyện, tìm cách khuyên lơn, tôi hứa thay đổi. Nó không đòi dọn ra nữa, mấy năm sau tự nhiên đi học lại, ban ngày đi làm tối đến trường, chăm chỉ ngoan ra.

Ngày nó ra trường, cả nhà hớn hở, các bạn nó cũng vui mừng, có đứa lấy sơn bột viết lên kính xe của nó: Congratulations Kim Fat! 10 year degree! Lấy bằng về nó trao cho mẹ, nó nói: “Bằng của mẹ đây.” Mẹ hỏi tại sao? Nó trả lời: ”Vì mẹ muốn, con làm cho mẹ.” Rồi nó vẫn tiếp tục làm công việc cũ, bòn đủ tiền down, nó mua một căn nhà nhỏ và xin dọn ra riêng.

Ra ở riêng rồi, nhưng mẹ vẫn thường gọi nó đến ăn cơm. Có lần mẹ hỏi: “Sao con không đổi nghề, con đã ra trường, con đã có bằng, sao không đi tìm job khác.” Nó vẫn trả lời: “Bằng của mẹ mà.” Lúc này tính nết nó đã thay đổi nhiều, thân mật hơn với bố, gần gũi nhiều với mẹ, chơi đùa vui vẻ với các em. Một năm sau nó khoe là có job mới. Mẹ nó ngỡ ngàng, thì ra nó đã nộp đơn và được County phỏng vấn nhưng giấu mẹ. Thằng Xe Rác bây giờ đã là một công chức nhà nước, đi làm quần áo chỉnh tề veston cà vạt. Mẹ nó vui mừng lắm!

Món qùa thứ ba, Chúa ban cho là đứa con gái. Nhìn nó mà buồn! Đầu không có tóc, trán thì vồ, môi lại cong lên, vợ chồng phàn nàn với nhau: “Chán thật, có tí con gái sao mà xấu thế!.” Thằng anh Xe Rác gọi nó là em bé, em bé được đặt tên là Liên Khương, giáo xứ Liên Khương. Vì nơi đang ở mất an ninh, nên hai gia đình chúng tôi phải dời đi nơi khác, lần này hai nhà bố mẹ chúng tôi cũng lại ở gần nhau, chỉ cách có một căn. Cô em họ hàng ngày vẫn thường sang chơi với các em tôi.

Thời gian này tôi đã vào quân đội, cuối tuần thỉnh thoảng mới về thăm. Tối hôm ấy, giáo xứ có chiếu xinê, tôi hẹn gặp nàng nơi cuối sân nhà thờ. Dưới một gốc cây, chúng tôi đứng bên nhau. Coi phim Chúa mà tim sao hồi hộp, lấy hết can đảm tôi ghé tai nàng: “Chúng mình không phải là anh em họ.” Nàng sững sờ, đứng im chẳng nói, rồi không biết tự bao giờ, đang lúc coi phim, bàn tay tôi đã nắm lấy tay nàng. Cái nắm tay run run đầu tiên ấy, đã dẫn đến một cuộc tình, một lễ cưới đơn sơ trong ngôi Thánh Đường Liên Khương bé nhỏ này.

Bé Liên, lớn lên, tính tình nhanh nhẹn, ưa nhẩy nhót, múa hát suốt ngày, thích môn Gymnastic. Nó nhào lộn, ngã té liên miên, đầu lúc nào cũng sưng u mấy cục, nhưng được cái thông minh, học giỏi. Ngay khi còn học Junor High, nó đã được nhà trường cho sang Nhật biểu diễn. Lên High School chơi Basket ball, Tennis, rổi được tuyển vào đội Cheer Leader. Những lần xem con tung lộn lên trời mà chóng mặt. Ngày ra trường High School bé được mang vương miện, được chọn là hoa khôi. Ôi! Lúc này ai cũng khen con bé đẹp và có duyên.

Bé say mê chơi tuyết, năm đó nó đoạt giải nhất môn biểu diễn Snowboard, được đăng hình lên trang đầu của tờ báo mỹ, rồi được lên Catalog thời trang Sport, quảng cáo TV. Được các hãng thể thao tài trợ đi nhiều nơi trong nước Mỹ và cả Âu châu. Các bạn coi nó như thần tượng, còn vợ chồng tôi thì chẳng vui gì, chỉ mong con mình học sao cho giỏi, để sau ra làm bác sĩ, nha sĩ hay duợc sĩ, chứ thể thao thì có ra gì. Ngoài ham thích snowboad, bé còn chơi suboard, skydiving, toàn những thứ nguy hiểm. Mẹ nó rầu rĩ lắm, khuyên nhiều lần không được, gọi nó là Liên Crazy, Liên Khùng!

Vào đại học, nghe lời bố mẹ chọn theo nghành y khoa, được một năm thì chuyển sang thương mãi. Sau khi ra trường bé làm việc ngay cho các hãng thể thao, hết vùng biển lại lên miền núi. Thấy bố mẹ chẳng vui, mấy năm sau bé chuyển sang dụng cụ y khoa (surgical). Nhờ trước kia đã học các lớp dự bị nghành y, cộng thêm khiếu ăn nói, bé hội nhập dễ dàng.

Công việc hàng ngày phải tiếp xúc với các bác sĩ, đến các nhà thương, vào trong phòng mổ. Nó không biết sợ, có lần còn gọi điện thoại về hỏi mẹ: Mẹ ơi “Con khéo” nghĩa là gì? Hôm nay trong ca mổ, có một ông bác sĩ Việt Nam nói con như vậy, con không hiểu, thì ông nói con gọi về hỏi mẹ. Nghe xong, mẹ nó cười to trả lời: “Con khéo là con khôn, con không khùng nữa.” Nhưng chỉ một thời gian sau, bé tâm sự với mẹ rằng: Con không thích hợp với không khí ở nhà thương, con thấy các bác sĩ mệt lắm, làm việc nhiều giờ, bị tress, bị gọi bất cứ giờ nào. Con không muốn tiếp tục, thế rồi nó lại quay về với cảnh thiên nhiên, trời xanh, núi tuyết.

Món qùa cuối Chúa ban là đứa con trai út. Nó có khuôn mặt “đẹp giai” giống bố đầu vồ, ai cũng nói vậy. Vợ chồng đặt tên cho nó là Michael, với tên đệm là Jones để ghi nhớ lại thời gian ban đầu nơi quê hương thứ hai là đất Mỹ. Ông bà Jones đã coi chúng tôi như là con ruột. Cả ba lần sinh con, hai ông bà đều tới nhà thương ngồi chờ xem mặt cháu, đến ngày xuất viện là hai ông bà dành phần bế cháu về. Sau đó ở lại cả tuần lễ, bà lo săn sóc cho hai mẹ con, ông thì nấu ăn, rửa chén. Ông bà rất thương các cháu, các cháu gọi ông bà là Granpa, Grandma Jones. Có lần ông bà đã cùng chúng tôi và các cháu về thăm quê hương Việt Nam.

Qua kinh nghiệm của hai đứa trước, Michael được để ý hơn các anh chị nó, được học trường Công Giáo ngay từ tiểu học, được vào đội giúp lễ, được tham gia Thiếu Nhi Thánh Thể, được các anh chị lớn “take care” thật là chu đáo. Nó có tính hay làm, không chịu ngồi yên một chỗ, nhất là lo o bế chiếc xe của mẹ. Nào là thay nhớt, rửa xe, hút bụi, lau nhà, đổ rác. Đặc biệt mỗi khi thấy mẹ hơi khó chịu là lấy thuốc bắt mẹ uống, rồi bóp vai, đấm lưng cho mẹ. Đi chợ với mẹ là nó coi label cho mẹ, thứ nào cao mỡ, nhiều đường, nhiều muối thì không cho mẹ mua, ngày nào cũng nhắc mẹ phải uống nhiều nước. Những lúc thấy mẹ buồn, mẹ ngồi yên một chỗ là nó lại đến chọc phá cho mẹ phải cười. Nhiều lần mẹ nó phải cáu lên, nhưng nó vẫn cứ thích đùa giỡn với mẹ suốt ngày.

Cuộc đời nó đang êm đẹp, khi sắp học xong trung học, nó đi khám mắt để lấy kiếng, khám xong, ông bác sĩ ra gặp riêng tôi, ông nói: Đôi mắt của Michael có vấn đề, chỉ có một cách duy nhất là phải lấy giác mạc (cornia) của một người hiến (donor) để thay. Tôi không hiểu ông ta nói gì. Qúa bất ngờ, tôi chẳng nói được lời nào! Bệnh gì mà quái lạ? Ông ta lẳng lặng viết cho tôi một dòng chữ trên tờ giấy nhỏ: “Keratoconus.” Chúa ơi sao lại như vầy? Một tương lai nó đang ấp ủ, một giấc mơ được làm Cảnh Sát (CHP), làm lính như bố khi xưa…Tôi không thể tin được lời ông bác sĩ này, tôi phải tìm thêm các bác sĩ khác, nhưng họ đều nói giống nhau, họ cho biết hiện nay chỉ có một loại thử nghiệm (study) duy nhất nhưng chưa được FDA công nhận, và bảo hiểm cũng sẽ không trả tiền. Vợ chồng tôi cũng vẫn làm, dù chỉ là một hy vọng mong manh. Nhưng rồi tiền mất tật mang!

Tội nghiệp cho Michael, các bạn cùng lớp nay đã đi xa, đứa đi đại học, đứa đi làm, đứa vào quân đội. Nó chẳng còn ai, vơ vẩn một mình, tinh thần xuống dốc. Một ngày kia bỗng nhiên nó lên cơn sốt nặng, đưa vào bệnh viện, thử máu, chụp phim. Nó lại bị thêm một bệnh: Valley Fever. Một loại nấm độc (Coccidioidomycosis) bay theo gió bụi. Ôi gió bụi cuộc đời! Cuộc đời con tôi! Hơn một năm nay, vào ra bệnh viện, cho đến hôm nay vẫn còn chuyền thuốc, phản ứng đớn đau, mất ăn, khó ngủ, rụng tóc, xuống cân.

Ở nhà một mình buồn quá, nó xin được nuôi một con chó. Con chó nhỏ mầu vàng được nó nhận về từ Animal Shelter, con chó ốm yếu, tả tơi, coi thật thảm thương. Chẳng ai biết tên nó là gì? Gọi tên nào nó cũng cứ ngớ ra trông rất buồn cười. Michael liền đặt tên cho nó là Hair-ral, vì lúc mới đem về lông lá nó lù xù. Bây giờ được Michael săn sóc, tắm rửa, chải chuốt mượt mà, trông cũng dễ thương. Nó còn dậy con Hair-ral biết nghe lời, biết đứng, biết ngồi, làm trò đủ kiểu, hai đứa suốt ngày đùa giỡn, Michael ngồi đâu nó nhảy vào lòng, đi đâu nó cũng chạy theo. Hai đứa cùng chung cảnh ngộ! Mỗi lần nhìn con mà trong lòng xót xa. Thương con, trách Chúa.

Chúa ơi! Thấm thoát đã bốn mươi năm, bốn mươi năm trong đời sống vợ chồng. Chúa đã kếp hợp chúng con bằng tình yêu của Chúa, và Chúa đã ban cho chúng con những đứa con, là những qùa tặng vô gía. Con hết lòng cảm tạ, vì qua những qùa tặng đó mà con nhận ra những gía trị, và nét đẹp của từng đứa con, đồng thời con cũng cảm nghiệm những niềm vui hòa lẫn với những đau buồn, con ân hận, con xót xa cho những thiếu xót, sai lầm trong bổn phận của con.

 

Quà tặng đầu tiên: Thằng Chó Con.

 

Quà tặng thứ hai: Thằng Xe Rác.

 

Quà tặng thứ ba: Con Liên Khùng.

 

Qùa tặng thứ tư: Michael Jones

 

Con cái là niềm hạnh phúc mà Chúa ban cho chúng ta trong đời sống hôn nhân, vậy mà sao cũng có những cặp vợ chồng không thể có con? Rồi những đứa con sinh ra tật nguyền, bệnh tật thì sao? Chẳng lẽ Chúa lại không thương chúng? Và có những đứa con lớn lên trở nên ngỗ nghịch, khó dậy, sa đoạ thì sao? Trong những hoàn cảnh ấy, là cha mẹ chúng ta ai không tránh khỏi những lo âu, buồn phiền, than trách. Nhưng chúng ta sẽ không tìm ra được câu trả lời cho thỏa đáng, và cũng không thể hiểu nổi với trí khôn hạn hẹp của con người. Nhưng chúng ta phải tin một điều rằng Thiên Chúa chắc chắn thiện hảo, nếu Ngài để bất cứ sự dữ nào xẩy ra, chỉ vì Ngài biết rằng từ những sự dữ ấy sẽ có sự tốt lành lớn lao hơn về sau.

Qua những câu chuyện thật về con cái mà tôi mạo muội kể ra với tất cả tấm lòng chân thành, chỉ với một mong ước được chia sẻ những kinh nghiệm đau thương ấy, hy vọng sẽ giúp cho các bậc làm cha mẹ nhận ra được tầm quan trọng, và trách nhiệm cao qúy của mình đối với con cái. Để rồi tự xét lại coi:

 

Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã tạo dựng nên con người, và đã ban cho chúng ta những qùa tặng qúy gía nhất: Đó là con cái.

7. GIÁO DỤC CON CÁI: CHIA SẺ CẢM NGHIỆM SỐNG

(Nguyễn Thu Nhi nhiệt thành sinh hoạt Công Giáo Tiến Hành từ khi còn niên thiếu; Hội Trưởng điều hành Đoàn Con Đức Mẹ tại giáo xứ Thăng Long, Saigon, trước 1975, hướng dẫn giáo lý cho các em xưng tội lần đầu và giáo lý tân tòng nhiều năm, trước khi lập gia đình. Tại Hoa Kỳ, vẫn tiếp tục hướng dẫn giáo lý tân tòng cho đến nay. Góp bài với bút hiệu Sương Mai cho tiết mục Mái Ấm Gia Đình trên Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ suốt 8 năm. Cùng với phu quân là Nguyễn Văn Nhuệ, đồng Giảng viên lớp Dự Bị Hôn Nhân gần 30 năm tại Giáo Phận Orange. Cặp phu thê Nguyễn Văn Nhuệ & Thu Nhi cùng với linh mục Trịnh Ngọc Danh và một số anh chị thành lập và điều hành Chương Trình Gia Đình Nazareth, nhằm phục vụ các gia đình.) 


Biến cố đổi đời

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản. Sự kiện này không xẩy ra đột ngột, nhưng từ nhiều tháng trước khi mất Miền Nam, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ ngưng tiếp viện khí giới cho Việt Nam Cộng Hoà, đồng thời từ từ rút quân về nước. Tin nẩy lửa như thế làm sao dân chúng Miền Nam không hoang mang, thất vọng, từ đó nhiều người tự hỏi: “Tại sao Hoa Kỳ bỏ Miền Nam? Quân đội Việt Nam Cộng Hoà giỏi nhất thế giới làm sao thua được!” Vì sợ phải sống dưới chế độ dã man, vô thần của Cộng Sản, nên rất nhiều người tìm đường ra khỏi Việt Nam, bất chấp hiểm nguy, gian khổ, kể cả cái chết.

 

Những ngày di tản buồn

Gia đình chúng tôi cũng trong tình trạng thoát ly đau đớn như trên, và quyết tâm rời khỏi Việt Nam để thực hiện cuộc ra đi này. Ngày 28 tháng 4 năm 1975, tôi và 5 con nhỏ ra khỏi Việt Nam bằng phi cơ của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ. Việc phải đến đã đến : ngày 30 tháng 4 năm 1975, Miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản. Ông xã của tôi bị kẹt lại, nhưng vẫn tiếp tục tìm đường đi và ngày 4 tháng 5 năm 1975 đã vượt biên bằng một tầu nhỏ. Thật may mắn, cũng ngày 4 tháng 5 năm 1975, 6 mẹ con chúng tôi được Hoa Kỳ đưa vào Camp Pendleton. Ngày 23 tháng 7 năm 1975, ông xã nhà tôi được đoàn tụ với gia đình tại Camp Pendleton. Cuối cùng, ngày 30 tháng 7 năm 1975, giáo xứ St. Catherine De Siena cử người đón gia đình chúng tôi ra khỏi trại, để chính thức định cư tại Tiểu Bang California, Hoa Kỳ.

Khi chưa ra khỏi Việt Nam, thì lo sợ phải ở với Việt Cộng, con cái mất Đức Tin, sợ khổ. Nhưng khi thoát được Cộng Sản, đến định cư tại Hoa Kỳ, một quốc gia vĩ đại và trổi vượt thế giới về nhiều phương diện, từ văn hoá, xã hội đến kinh tế, khoa học, mọi sự đều tiến nhanh tiến mạnh. Một quốc gia tuyệt đẹp, đẹp về phong cảnh, đẹp cả về lòng người tin vào Thiên Chúa được thực hiện qua hành động cụ thể là lòng bác ái đón nhận nhiều sắc dân, giúp đỡ tiền bạc, thức ăn, thuốc men cho các nước nghèo, một niềm tin yêu dành cho Thiên Chúa, tôi vui mừng nhìn thấy một hàng chữ tuyệt vời trên các tờ giấy bạc “In God we trust.” Con người được hưởng các thứ tự do: tự do ngôn luận, tôn giáo, di chuyển.v.v…

Tạ ơn Chúa đã đưa gia đình chúng tôi đến định cư tại một nước đứng hàng đầu thế giới về nhiều phương diện. Nhìn lại nước Việt Nam thì quá nhỏ bé, chậm tiến, nghèo khổ.v.v… Như vậy là gia đình chúng tôi được sống trong 2 quốc gia quá chênh lệch nhau. Mặc dầu được sống trong một cường quốc có nhiều ưu điễm nhất thế giới như Hoa Kỳ, nhưng chúng tôi vẫn chỉ coi Hoa Kỳ là quê hương thứ hai mà thôi. Chúng tôi luôn tạ ơn Chúa và xin Ngài ban muôn ơn lành xuống trên nước Hoa Kỳ.

Còn nước Việt Nam, dù nhỏ bé và thấp kém về mọi sự, nhưng vẫn là quê hương thứ nhất của chúng tôi. Chúng tôi vẫn hãnh diện được là người Việt Nam, con rồng cháu tiên, thuộc giòng dõi các thánh anh hùng tử đạo Việt Nam.

Trở lại với nếp sống của Hoa Kỳ, về cơm áo thì không sợ vì sống ở đây không lo đói rét, chỉ cần chịu khó làm việc là có cơm ăn áo mặc, nhưng còn việc giáo dục thì sao? Rất khó, vì ở đây có nhiều mục hấp dẫn, lại được tự do hưởng thụ. Đất nước quá rộng lớn, cha mẹ khó theo dõi được con cái. Khi con còn trong các lớp tiểu học, cha mẹ có thể theo dõi con được 100%, các lớp 9 tới 10, theo dõi con được khoảng 60%, khi con học lớp 11, 12 thì chỉ còn 40%. Nhưng khi con vào đại học, rất khó theo dõi con, không ảnh hưởng được con nữa. Con có tự do lựa chọn cách sống, do đó, có nhiều cha mẹ thất bại trong việc giáo dục con, có cha mẹ có các con học rất giỏi, các con đứa bác sĩ, người luật sư, con khác là giáo sư, và có con lấy bằng Tiến Sĩ v.v…cha mẹ này thành công về sự nghiệp của các con, nhưng tất cả chúng đều mất đức tin và bỏ đạo. Giáo dục thất bại 50% mà 50% này lại rất quan trọng, vì nó đụng tới phần rỗi đời đời. Có những phụ huynh ở vào tình trạng đau khổ hơn. Con không chịu học hành, chỉ lo ăn chơi, cha mẹ vui sao được. Có trường hợp tệ hơn nữa, con bỏ học, bỏ đạo, chơi bời trác táng, mê tứ đổ tường, trộm cắp, giết người, thất bại về việc giáo dục con về cả đạo và đời.

 

Ưu tư về việc giáo dục con.

Gia đình chúng tôi, sau khi tìm hiểu nước Hoa Kỳ, nhận thấy việc giáo dục con cái ở đây vô cùng khó khăn. Chúng tôi rất lo sợ và nói với nhau: Làm sao giáo dục con ở Hoa Kỳ này được thành công về đạo và đời đây ? Nhớ lại khi tìm đường ra khỏi Việt Nam cũng khó lắm. Nỗi lo này cũng giống như khi muốn thoát khỏi Việt Nam, một phần tự mình đi tìm kiếm đường đi, một phần chạy đến với Chúa và Đức Mẹ, xin các Ngài tìm giúp. Nhờ các Ngài hướng dẫn, chúng tôi tìm được đường đi. Với kinh nghiệm cứ đến với Chúa và Đức Mẹ, chắc chắn sẽ được như ý. Chính các Ngài đã giúp chúng tôi cách hướng dẫn con. Chúng tôi xin được chia sẻ cùng quí vị với tất cả lòng biết ơn Chúa và Đức Mẹ..

Khi các con bước vào đại học, cha mẹ phải cố gắng mua xe để chúng tự lái xe tới trường. Ngoài giờ học, chúng tự do đi chơi với bạn, đi movie, shopping.v.v… Cha mẹ không thể kiểm soát, theo dõi con được. Vì thế tất cả các bậc phụ huynh đều có những lo lắng giống nhau. Chúng tôi cũng thế, lo cho con đủ thứ, không kể hết được. Nhưng cũng may, vì là người Công Giáo, nên đặt niềm tin vào Chúa và Đức Mẹ, phó thác con cái cho các Ngài chăm sóc, hướng dẫn. Chúng tôi vẫn nói với nhau : “Ở nước Hoa Kỳ rộng lớn này, lại có tự do, bởi vậy cha mẹ bó tay và chỉ biết phó thác và dâng hiến cuộc đời các con cho Chúa. Từ việc phó thác này, Chúa lại cho chúng tôi một ý nghĩ rất tuyệt vời. Đó là:

Giúp các con có Chúa.

Vì chỉ có Chúa là Đấng gần gũi và theo dõi mà thôi. Chúng tôi rất sung sướng và quyết định phải giúp các con có Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng và đầy quyền năng ở đâu cũng có Ngài. Có Chúa là có bình an, niềm vui và thánh thiện. Có tất cả moi sự tốt lành. Ngài hướng dẫn từng chút, từng bước. Có Chúa quỉ thần phải tránh xa. Tư tưởng cho các con có Chúa vừa đến trong chúng tôi, thì một câu hỏi nẩy ra trong chúng tôi: Giúp các con có Chúa bằng cách nào ? Câu hỏi rất khó, tôi xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Và có câu trả lời:

Cho các con Đức Tin.

Lại một câu hỏi nữa trong tôi: Lấy Đức Tin ở đâu để cho con? Câu hỏi hắc búa quá ! Xin Chúa Thánh Thần giúp con. Ngài nói trong tôi: Chính cha mẹ phải có Đức Tin và cho con chính Đức Tin của mình. Vâng, đúng vậy, chúng tôi là cha mẹ phải cho các con cái mình có. Nếu tôi không có Đức Tin thì lấy gì cho các con.Thí dụ, tôi là mẹ nói với các con: “Các con ơi! phải đặt trọn niềm tin vào Chúa nhé.” Nhưng chính tôi lại có hành động ngược lại khi tôi xin Chúa ban cho tôi điều này việc kia. Cả tuần không thấy được như lời cầu xin, rồi than van trách Chúa trước mặt các con, tỏ vẻ nghi ngờ Chúa không thương. Những lời trách Chúa, thiếu niềm tin vào Chúa, như vậy là tôi không đặt niềm tin vào Chúa, và tôi không có đức tin để cho các con. Trái lại, tôi đã cho các con sự nghi ngờ Chúa, nếu cứ tiếp tục, chính tôi sẽ làm cho các con mất đức tin vào Thiên Chúa. Đức tin rất cần thiết. Có đức tin chắc chắn có Chúa và có đức tin phần rỗi nắm chắc trong tay. Trong Kinh Thánh, nhiều lần Chúa nói: “Đức Tin đã cứu con” (Lc, 7:50).

Chúng tôi là cha mẹ muốn cho con cái Đức Tin, thì chúng tôi phải cho chúng. Đức Tin như Chúa muốn qua lời thánh Giacôbê: “Đức tin không việc làm là Đức Tin chết” (Jacôbê 2:17). Nhờ ơn Chúa giúp, chúng tôi đã cho các con chúng tôi Đức Tin có việc làm qua biến cố sau đây.

Một lần, tôi cúi xuống giếng múc một ca nước nhỏ khoảng 1kg, nước mấp mé miệng giếng. Nhưng khi vừa đứng lên, thì bên hông trái của tôi rất đau buốt, lúc đó baby trong bụng được 4 tháng, tôi đi nằm nghỉ, hy vọng sẽ hết, nhưng không hết, trái lại đau đớn ngày càng gia tăng., đi bác sĩ uống nhiều thứ thuốc cũng không thuyên giảm, đi uống thuốc thầy đông y cũng không hết. Cái đau đớn quá sức này kéo dài 1 năm, 2 năm và cứ thế tiếp tục đau. Ai mách ở đâu có thầy giỏi thuốc hay là có tôi. Đau quá ngủ không được, ăn cũng không ngon. Mỗi bữa ăn thật khổ, thí dụ 6 giờ ăn, thì 5 giờ 30 tôi đã phải ngồi vào bàn ăn rồi. Vì khi ngồi vào ghế thì giống như cả mấy ngàn cây kim đâm vào mông trái đau buốt vô cùng, cái đau này người ta gọi là đau thần kinh toạ, nhiều lúc đau quá đi không nổi. Cái đau kinh khủng này kéo dài 15 năm. Khi hết đau, không phải nhờ thuốc hay bác sĩ giỏi, mà chính nhờ cầu nguyện, cả gia đính cầu nguyện. Phó thác và đặt trọn niềm tin vào Chúa và Mẹ.

Để có can đảm vượt qua được thánh giá đau buốt này, tôi phải coi như đây là một của lễ dâng lên Thiên Chúa để xin ơn tha thứ cho chính mình, cho mọi người thân yêu, cho nhân loại và các linh hồn nơi luyện hình. Đặc biệt cầu cho các con ngoan, học giỏi và có đức tin tuyệt đối vào Chúa. Trước khi hết thánh giá đau thì đau lại tăng thêm, tức là từ thần kinh toạ kéo thêm xuống đùi, tới bụng chân, ngón chân. Các con tội nghiệp thay nhau bóp chân cho mẹ. Tôi xin các con cầu nguyện, viết thư về Việt Nam xin cầu nguyện.

Tôi không tiếp tục uống thuốc và đi chữa bệnh nữa. Tôi chấp nhận và đặt trọn niềm tin vào Chúa. Đúng như lời Chúa đã nói với những bệnh nhân được Chúa chữa lành: “Đức tin đã chữa con.” Lời Chúa cũng đã ứng nghiệm với tôi. “Đức tin đã cứu con.” Vâng, tôi đã được chữa lành sau 15 năm vác thánh giá đau đớn, để được phục sinh với Ngài. Các con tôi chứng kiến mẹ chúng đau, nhưng không bao giờ nghe mẹ chúng oán trách Chúa, hay có thái độ, lời nói bất mãn Chúa. Tuyệt đối không. Đó là đức tin tôi cho các con tôi.

Kiếm việc làm cho Đức Tin các con.

Đây là những việc làm giúp đức tin các con sống động.

Người ta thường nói: “Vô tri bất mộ.” Mọi việc trong gia đình, nhất là việc đạo đức, để các con hiểu và dễ chấp nhận, chúng tôi thường giải thích cho các con hiểu lợi ích của mỗi việc, và dậy cho chúng biết làm. Vì thế, mỗi khi đề nghị các con làm việc này việc kia, thì các con rất phấn khởi và thích được làm.

 

Sinh hoạt hàng ngày.

Sáng thức dậy, mỗi người tự động dâng ngày cho Chúa và Mẹ Maria, để cả ngày thuộc trọn về Chúa và Mẹ, để các Ngài chăm sóc che chở, chúc lành. Sau đó, mỗi người đi làm việc riêng của mình, và ăn điểm tâm. Người lớn đi làm, các con đi học. Sau giờ học về nhà nghỉ ngơi, coi TiVi giải trí khoảng 50 phút, rồi đi làm homework. Còn tôi là mẹ lo vào bếp để nấu cơm chiều cho cả nhà ăn lúc 6 giờ. Ăn xong, mọi người xúm lại, mỗi người một tay thu dọn chén đĩa đem ra chậu rửa chén, dọn dẹp lau chùi nhà bếp cho sạch. Cất thức ăn còn dư cho vào tủ lạnh, sau khi mọi người hoàn tất các việc thuộc về nhà bếp rồi, cả nhà giải trí theo ý thích mình muốn. 9 giờ tối, cả nhà quây quần trước bàn thờ để cầu nguyện.

Chương trình cầu nguyện của gia đình :

1.      Làm dấu thánh giá.

2.      Hát hoặc đọc kinh Chúa Thánh Thần.

3.      Kinh ăn năn tội.

4.      Dâng 12 Kinh Kính Mừng kính 12 nhân đức của Đức Mẹ.

5.      Đọc một đoạn Kinh Thánh, chia sẻ cảm nghiệm Lời Chúa.

6.      Xin lỗi nhau nếu có lời nói, hành động làm cho nhau buồn, cám ơn đã giúp nhau làm được việc tốt như chỉ dậy nhau làm toán.v.v…

7.      Cám ơn, trông cậy.

8.      Hát một bài kính Đức Mẹ.

9.      Chúc bình an của Chúa cho nhau, chúc nhau ngủ một đêm bình an.

 

Sinh hoạt ngày Thứ Bẩy

Ngày thứ 7, cả nhà từ bố mẹ và 5 con cùng xúm lại làm các việc trong nhà, ngoài sân, đã được phân chia công việc cho mỗi người rõ ràng rồi. Vì thế, đến giờ làm cứ thế mà thi hành.

Trong nhà 4 mẹ con đàn bà lo các việc: lau nhà, hút bụi, lau bàn ghế, chùi bồn rửa chén, lau chùi bếp. Mẹ nấu cơm, các cô gái xong việc vệ sinh trong nhà thì phụ mẹ nấu ăn. Đây cũng là cơ hội học nấu ăn nơi mẹ.

Ngoài sân, 3 bố con lo cắt cỏ, nhổ cỏ dại, cắt tỉa lá sâu, cành khô bỏ đi, quét lá cây. Thế là có một vuờn cây thật đẹp.

 

Bữa ăn chung thân tình.

Khi tất cả đã hoàn tất các việc trong nhà, ngoài sân, thì mẹ cũng sẵn sàng bữa ăn trưa ngon miệng cho cả nhà. Ba ngồi vào bàn ăn trước nói lớn tiếng: “Các con ơi! Ba đói bụng rồi, các con ngồi vào bàn ăn để thưởng thức tài nấu ăn của má chứ.” Thế là tất cả ngồi vào bàn ăn, vui vẻ ăn ào ào. 30 phút sau đã sạch bách.

Những bữa cơm gia đình, chỉ có 2 ngày cuối tuần là cả nhà được ăn chung, mỗi ngày 2 bữa trưa và chiều, còn những ngày trong tuần chỉ ăn chung một bữa cơm chiều thôi.

Trong các bữa cơm chung với nhau, chúng tôi quí lắm, vì thế tránh không lợi dụng bữa ăn để tố khổ nhau. Nhưng chúng tôi cố gắng tạo cho nhau những bữa ăn đầy tình Chúa và tình người, thí dụ, mỗi người có những câu chuyện vui, tếu, kể cho nhau nghe. Tâm lý tuổi trẻ thích nghe kể chuyện, tôi là mẹ tìm những mẩu chuyện vui, hoặc có tính cách giáo dục, lành mạnh.

Sau ăn trưa, các con chơi vui, coi TV, một giờ sau đó đi học bài, làm homework, nếu có. Rồi chuẩn bị cho bữa cơm chiều, bữa chính của gia đình. Sau bữa ăn chính này, cả nhà nghỉ ngơi, rồi cầu nguyện chung trước khi đi ngủ.

 

Sinh hoạt ngày Chúa Nhật

Chúa Nhật, gia đình chúng tôi ưu tiên đi tham dự thánh lễ. Dịp này, chúng tôi giải thích cho các con hiểu giá trị và lợi ích của thánh lễ. Chúng tôi nghĩ, nếu các con không hiểu giá trị của thánh lễ, thì khi dự lễ chúng chỉ dự cho có lệ mà lòng thì không có cảm xúc nào, vì “vô tri bất mộ” mà. Nhưng nếu được hiểu về thánh lễ có giá trị làm vui lòng Chúa Cha, qua thánh lễ, các con tham dự sẽ đón nhận được ơn lành của Thiên Chúa ban, đặc biệt là được tham dự tiệc thánh thể của Chúa Giêsu và được thông hiệp vào việc cứu nhân loại, thì các con phải có của lễ dâng lên Chúa Giêsu, chính Ngài đón nhận của lễ từ các con và biến của lễ đó thành của Ngài và dâng lên Chúa Cha, để xin Chúa Cha tha thứ cho cả nhân loại sa đoạ tội lỗi ngày nay.

Vậy các con lấy của lễ ở đâu để dâng trong thánh lễ hôm nay? Tôi nói, của lễ của các con là các việc hy sinh, hãm mình má đã dậy các con, chuỗi mân côi, lời cầu nguyện, các việc trong nhà: quét nhà, lau nhà, rửa chén, hút bụi, cắt cỏ, phụ nấu ăn với má. Các con phải biến tất cả thành lễ vật dâng lên Chúa Giêsu, Ngài sẽ nhận của lễ của mỗi con như của lễ của Ngài, và chính Ngài dâng lên Chúa Cha để đền tội cho nhân loại, trong đó có mọi người trong gia đình mình. Nhờ thánh lễ, các tội nhân được ơn tha thứ, các linh hồn trong luyện hình được giải thoát.

Dâng lễ vật của các con vào thời điểm nào trong thánh lễ? Thời điểm thích hợp nhất là khi Linh Mục chủ tế dâng bánh rượu, lúc đó, các con dâng lễ vật của các con lên Chúa để cùng với lễ vật của Linh Mục và cộng đoàn dân Chúa hợp lại và Linh mục dâng lên Thiên Chúa thay chúng ta. Của lễ của mỗi người chúng ta rất nhỏ bé, nhưng nếu các con làm với tình yêu được kết hợp với lễ vật và tình yêu của Chúa Giêsu, thì của lễ nhỏ bé của các con sẽ trở nên vĩ đại, của lễ tầm thường sẽ trở nên phi thường, có giá trị cứu thế giới. Khi các con tham dự thánh lễ, ngoài lễ vật thường xuyên, nếu các con có được lễ vật sát tế dâng lên trong thánh lễ thì tuyệt vời.

 

Lễ vật “sát tế” ?

Chắc chắn các con không hiểu “sát tế” là gì. Tôi giải thích: “Sát tế là khi một người nào đó có lời nói, hay hành động làm tổn thương danh dự của các con. Chắc chắn cái tôi, cái tự ái của các con sẽ nổi lên mãnh liệt, rồi cái danh dự hão chỗi dậy, làm cho các con bực tức, muốn ăn thua đủ với người ấy. Lúc đó, các con bình tĩnh, lắng đọng tâm hồn, xin Chúa, Đức Mẹ giúp để có đủ sức giết chết đi cái tôi, tự ái, tiêu diệt danh dự hão đi. Thế là các con có của lễ “sát tế” dâng trong thánh lễ. Tuy nhiên, vì con người yếu đuối, có thể vài giờ sau nó lại chỗi dậy, không chịu chết, không sao, cứ để nó chỗi dậy, nhưng rồi lại cố gắng bắt nó phải chết đi, cũng có thể nó chỗi dậy sau một tuần, hai tuần, 1, 2 tháng, thì cứ mỗi lần nó muốn sống lại, thì các con cố gắng càng sớm càng tốt, và cuối cùng nó phải thua các con. Má có nhiều kinh nghiệm về việc tiêu diệt cái tôi, tự ái, má rất thông cảm.

Má thí dụ tượng trưng một lần. Lần đó, má bị 2 người đánh cho một trận chí tử, tức là một người vu khống cho má, còn một người thì tin lời vu khống đó, thế là phôn lại xỉ vả la lối um xùm, không cho má cơ hội đính chính, rồi cúp phôn, và giận má lâu lắm. Ngay giây phút má bị vu khống, bị nghe nhiều lời nói xúc phạm, làm cho má rất bực bội, tự ái nổi lên, khiến toàn thân má giống như lên cơn sốt nóng ở độ cao nhất. Nhưng sau khoảng 2 giờ lên cơn sốt nóng “tự ái,” má xin Chúa, Đức Mẹ giúp diệt cái tôi xuống, diệt được cái tôi tự nhiên cảm nhận ngay được sự bình an trong tâm hồn. Nhưng khi đi ngủ, khoảng quá nửa đêm nó lại chỗi dậy, làm cho cơn tức giận chỗi dậy theo, má vội vàng ấn nó xuống, để có của lễ sát tế. Thế là một tháng sau, 2, 3 tháng kế tiếp, tự ái lại vùng dậy, sau 10, 15 phút má lại sát tế được. Cuối cùng, tự ái nó thua má hoàn toàn. Trong Kinh Thánh, Chúa dậy: “Hãy tha thứ không phải 7 lần, mà phải tha 70 lần 7” (Mt 18:22) và “hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6: 27,28).

 

Kẻ thù trở thành ân nhân.

Tha thứ cho người làm nhục mình đã khó, Chúa lại muốn mình cầu nguyện cho người ấy. Càng khó! Má cầu xin Chúa giúp để làm được điều Ngài muốn. Má suy nghĩ, và trong đầu má có tư tưởng này: “Đây là của lễ quí giá, tự nhiên mình không có được để dâng lên Chúa, bây giờ mình có được là nhờ có người sắm cho mình. Như vậy người này là đại ân nhân. Nhờ Chúa ban tư tưởng này làm cho má thật là vui, và má cầu nguyện, thân thưa với Chúa: “Chúa ơi! Đây là của lễ Chúa yêu thích, tự con không có được, nhưng người này đã sắm cho con, nhờ đó mà con có để dâng lên Chúa. Vì thế, họ không còn là kẻ thù của con nữa, mà là đại ân nhân của con. Cầu xin Chúa ban muôn ơn lành hồn xác cho họ.

Một điều phấn khởi má chia sẻ với các con: người đó chỉ sắm của lễ quí đó một lần thôi, nhưng Chúa làm phép lạ cho của lễ hoá ra thật nhiều. Vì thỉnh thoảng nghĩ tới việc bị họ vu khống và xỉ vả, thì tự ái lại xung lên, bực bội lại vùng dậy. Má lại cố gắng giết chết cái tôi. Cái tôi của má có dịp chết đi sống lại nhiều lần, nhờ đó má có nhiều của lễ dâng lên Chúa. Qua kinh nghiệm, mỗi khi sát tế cái tôi, giết chết tự ái thì đau đớn vô cùng, nhưng sau đó đem lễ vật sát tế đi đến thánh lễ để dâng lên Chúa thì rất sung sướng. Má thưa với Chúa: “Chúa ơi! Hôm nay, con có của lễ sát tế dâng lên Chúa.”

Nhờ sống thánh lễ mà mọi người trong gia đình không để lòng thù ghét, giận hờn, nhưng luôn có niềm vui và bình an trong tâm hồn.

 

Gia đình gia nhập Đạo Binh Hồn Nhỏ.

Để đức tin có việc làm nội tâm sâu đậm hơn, chúng tôi thấy cần phải tìm một đoàn thể công giáo tiến hành nào mà cả gia đình cùng gia nhập được. Nhưng tôi nghĩ rất khó, vì mỗi đoàn thể thường dành cho từng giới như: Liên Minh Thánh Tâm dành cho các ông, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo dành cho các bà đã có gia đình. Thiếu Nhi Thánh Thể dành cho các em thì các con đã gia nhập rồi. Ba đoàn thể tôi kể trên và nhiều đoàn thể khác thì cũng không thể vào cả gia đình được. Mặc dầu khó, nhưng tôi vẫn cứ mong muốn, hy vọng và đợi chờ.

Cuối cùng, Chúa thương ban cho tìm được một đoàn thể mà cả gia đình cùng tham gia được. Lại rất có chiều sâu, với cái tên thật thu hút: Đạo Binh Hồn Nhỏ Thánh Tâm Nhân Hậu Chúa Giêsu.” Chúa Giêsu đã ban cho đạo binh này một sứ điệp tình yêu, mà tôi đã đọc hết 2 cuốn trước khi gia nhập. Càng đọc tôi càng bị lôi cuốn, nhất là lời Chúa Giêsu: “Đạo Binh Hồn Nhỏ không phải là sản phẩm của loài người, mà là công cuộc cứu độ phát xuất từ Thánh Tâm Cha. Thánh Tâm đã bị tan nát, luôn xót thương thế gian khốn khổ.” (TĐTYNH ngày 30-12-1972)

Lời tiếp của Chúa Giêsu: “Để chống Đạo Binh Satan, các con hãy lập Đạo Binh Hồn Nhỏ. Con cái Thiên Đàng chống con cái bóng tối. Lửa từ trời chống lửa hoả ngục. Khí giới của các con là Tình Yêu.” (TĐTYNH ngày 10-10-1967)

Lời tiên tri của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Sẽ có một đạo binh của những tâm hồn bé nhỏ, hiến mình vì tình thương độ lượng. Đạo Binh này sẽ đông như sao trời, nhiều như cát biển, gây khủng khiếp cho Satan, và giúp Đức Maria đạp nát cái đầu của thần kiêu ngạo.” (Thánh Têrêsa thành Lisieux)

Đạo Binh Hồn Nhỏ rất thích hợp với lòng mong ước của chúng tôi, cho nên chúng tôi mau mắn gia nhập.

Cả gia đình chúng tôi sốt sáng tận hiến làm con nhỏ của Chúa vào dịp đại lễ Giáng Sinh năm 1978.

Đời sống nội tâm (=Linh đạo) của Đạo Binh Hồn Nhỏ chính là tinh thần thơ ấu thiêng liêng của Thánh Tiến sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, và chúng tôi bắt đầu làm việc tông đồ cho môi trường này.

 

Cho con kiến thức về nữ công gia chánh.

Về nữ công, các con đã được huấn luyện qua việc giúp má phụ may để gia đình được chi tiêu thoải mái hơn.

Về gia chánh (nấu ăn), các con cũng đã nấu được kha khá các món ăn thường ngày rồi. Đã đến lúc các con cần biết nấu những món ăn ngon và đặc biệt cho việc giao tế với bạn bè, thân hữu, nhất là nấu những món ăn ngon cho ông bà nội, ông bà ngoại, cha mẹ đôi bên, anh chị em ruột thịt, chú bác cô dì, cho những dịp lễ đặc biệt như: Giáng Sinh, Phục Sinh, Tết Nguyên Đán, sinh nhật, kỷ niệm thành hôn.v.v… Vì thế, việc giúp các con biết nấu ăn rất quan trọng, nhất là con gái. Vì trong tương lai, con gái sẽ lập gia đình, trong nhiệm vụ làm vợ làm mẹ rất cần biết nấu ăn. Ngoài việc giao tế, người vợ người mẹ nhờ có kiến thức về nấu ăn sẽ biết thay đổi món ăn để chồng con ăn ngon và không bị chán ngấy. Nếu chỉ có 4,5 món cứ ăn hết ngày này qua ngày kia, ăn hoài sẽ chán ngán, không muốn ăn nữa, Với tình trạng trên, tôi quyết định sẽ dậy các con 3 món ăn đặc biệt vào Chúa Nhật này.

Sáng Chúa Nhật, sau khi cả nhà vừa tham dự thánh lễ về, cô út hỏi: “Má ơi, hôm nay đi chơi đâu hả má?” Tôi trả lời: “Chúa Nhật trước đã đi shopping rồi. Tuần này, ở nhà nấu ăn, má muốn dậy nấu mấy món ăn thật ngon để cả nhà cùng thưởng thức. Ba và các con đều vui vẻ đồng ý ngay. Các con nhao nhao hỏi: “Má ơi! hôm nay mình ăn món gì? Tôi đáp: “Hôm nay sẽ nấu 3 món đặc biệt. Mấy chị em phấn khởi theo má vào bếp. Má vừa làm vừa chỉ các con từng li từng tí và thực hành ngay. Tất cả 3 món ăn đã hoàn tất và được đặt trên bàn ăn. Ba được mời vào bàn trước, rồi cả nhà cùng quây quần chung quanh bàn ăn. Ba lên tiếng: “Mùi thơm từ các món ăn làm ba đã đói lại đói hơn, chắc ngon lắm đây! Mấy cô con gái được thể: “Ba ơi, chắc là phải ngon vì có các con đóng góp với má. Cả mấy ba con vừa ăn vừa khen ngon quá, ngon hơn ăn tiệm nhiều, lại có nhiều chất bổ, không có bột ngọt. Má nói bột ngọt không tốt cho sức khoẻ. Má ơi, tuần sau má dậy chúng con nấu 3 món ăn khác nhé.” Tôi trả lời: “Không, tuần sau má chỉ nấu một món thôi, vì ba má có một chương trình rất đặc biệt cho gia đình mà các con sẽ là vai chính. Vì thế chỉ ăn một món, còn dành giờ cho sinh hoạt đặc biệt. Các con lựa một món: phở bò tái chin, bún riêu, bún thang, bún bò Huế” . Thưa má, chúng con chọn phở ạ. Tối Thứ Bẩy má sẽ dậy các con nấu phở. Sáng Chúa Nhật đi lễ về, ăn sáng chút chút, rồi đi vào sinh hoạt. Sau sinh hoạt, cả nhà ăn phở. Mấy con tò mò hỏi: “Ba má ơi, sinh hoạt gì làm chúng con hồi hộp quá ! Chúng con biết trước được không? Tôi đáp: “Được chứ. Bây giờ ba má cho các con biết trước để các con chuẩn bị.”

Chúa Nhật tuần sau có cuộc họp mặt để rút ưu khuyết điểm về ba má. Các con tỏ vẻ ngạc nhiên vì chưa bao giờ xẩy ra. Các con ngạc nhiên lắm phải không?! Vì bình thường chỉ cha mẹ rút ưu khuyết điểm con cái, chứ không có việc con cái rút ưu khuyết điểm cha mẹ. Lần này, ba má làm một cuộc cách mạng: ba má cho các con được nhận xét về ba má. Chúa Nhật tuần sau đi lễ về, các con ăn sáng một chút, sau đó ba má và các con ra phòng khách, ba má và các con rút ưu khuyết điểm cho nhau, các con sẽ được nhận xét cái hay cái dở của ba má. Sau đó, ba má nhận xét về cái hay cái dở của các con. Các con có một tuần để suy nghĩ, nhớ lại ba má đã làm những gì tốt đẹp, những gì không tốt đẹp, nói và làm gì cho các con khó chịu, bất mãn. Sau nhận xét của các con về ba má, điều gì ba má sai làm các con buồn, ba má sẽ ghi nhận và sửa, kế tiếp ba má sẽ nhận xét về các con, về cái hay cái dở.

Tôi để ý theo dõi các con, lúc nào rảnh rỗi là lại thấy 5 cái đầu chúi vào nhau, rì rầm, tôi nghĩ: “Chắc mấy đứa đang tìm khuyết điểm của ba má, rồi đem ra tố khổ đây.” Thấm thoát đã qua một tuần và ngày họp mặt đã tới. Đi dâng thánh lễ về, ăn qua loa, rồi tất cả ra phòng khách. Để bắt đầu, ba đề nghị mọi người đứng lên và làm dấu thánh giá, đọc kinh Lậy Cha. Má dâng lời nguyện tự phát. Sau lời nguyện, mọi người ngồi. Ba đề nghị: “Để lên tinh thần, chúng ta nói điểm hay trước, rồi khuyết điểm sau. Ba má mời các con cứ tự nhiên nhận xét về ba má.”

 

Các con nhận xét về ba má.

Mở đầu,mấy cô cậu khen ba má tối đa. Sau đó, chúng nhận xét về khuyết điểm cũng rất mạnh. Lần lượt từ cô lớn nhất dần dần đi xuống tới cô út. Chúng thi nhau đả kích, lên án ba má, nào là ba độc tài, độc đoán. Má ỷ quyền làm mẹ, bắt các con phải theo ý má.v.v…chúng kể đủ thứ, vừa khóc vừa tố khổ ba má nhiều điều khiến các con phải đau buồn và bất mãn. Chúng tôi cứ ngồi yên nghe các con kể tội.

 

Ba má nhận xét về phê phán của các con.

Chúng tôi nói: “Trước hết, ba má cám ơn các con đã can đảm nói ra tất cả những gì u uất từ sâu thẳm của tâm hồn. Có điều ba má làm sai khiến các con buồn, bây giờ các con nói ra ba má mới biết, và nhận thấy ba má làm sai thật. Ba má xin lỗi các con nhé, xin các con tha cho ba má. Ba má hứa sẽ không để xẩy ra nữa.” Còn một số lỗi chúng kể ra không đúng sự thật, có sự hiểu lầm. Nhân cơ hội này, chúng tôi kiên nhẫn giải thích cặn kẽ cho tới khi chúng hiểu rõ mới thôi. Khi hiểu thấu đáo rồi, chúng tỏ ra ân hận và xin lỗi cha mẹ. Tạ ơn Chúa. Chúng tôi cám ơn các con.

 

Ba má nhận xét về các con.

Tôi nói: “Các con ơi, bây giờ đến lượt ba má nhận xét về các con. Trong việc nhận xét này, ba má không chủ tâm kể tội, lên án các con. Mục đích chỉ để ba má và các con hiểu nhau, thông cảm và thương nhau hơn. Một phần muốn giúp các con đã tốt thì tốt hơn, đã ngoan thì ngoan hơn. Ba má lúc nào cũng là ba má yêu quí của các con, chứ không phải là quan toà kết tội các con. Bây giờ ba má nhận xét về các con với tất cả tình thương nhé.”

Chúng tôi rất ôn tồn, nhẹ nhàng rút ưu khuyết điểm về các con. Chúng ngồi yên lặng và chăm chú nghe bố mẹ nhận xét. Quan sát, chúng tôi nhận thấy tai nghe, nhưng cặp mắt thì lấm lét nhìn ba má, nhiều lúc nhìn nhau. Vợ chồng chúng tôi thay phiên nhau nói. Mỗi người nói mấy điều, rồi nhường lời cho người kia nói tiếp cho tới khi không còn gì để nói nữa.

Tôi là mẹ nói với các con: “Tất cả những gì ba má muốn nói thì ba má đã nói ra hết rồi. Vậy, điều gì ba má nhận xét không đúng, thì các con cứ việc đính chính để ba má hiểu các con không có lỗi đó. Ba má sẵn sàng nghe những lời giải thích của các con.

 

Các con nhận xét về phê phán của ba má.

Một đứa con lên tiếng: “Thưa ba má, nghe ba má nói lên những sai lỗi của chúng con, chúng con thấy rất đúng, chúng con không ngờ đã có những thái độ, lời nói và hành động làm buồn lòng ba má. Chúng con thành thực xin lỗi ba má. Chúng con hứa sẽ chừa từ từ và cố gắng làm ba má vui. Có một điểm má hiểu lầm, chúng con xin đính chính…”

Một đứa khác có ý kiến: “Thưa ba má, nhờ việc rút ưu khuyết điểm hôm nay, chúng con nhận ra tình thương dạt dào ba má dành cho chúng con. Ba má hy sinh thật nhiều cho chúng con mà chúng con không để ý. Kể từ nay, chúng con nhất định phải là con ngoan, hiếu thảo của ba má.”

Kết thúc, cả nhà đứng lên, với lòng tri ân Thiên Chúa, cùng lớn tiếng đọc chung Kinh Sáng Danh, rồi ăn phở.

 

Hãm mình, hy sinh để cầu nguyện.

Cũng có những câu chuyện giúp cho lòng đạo đức gia tăng như : muốn các con biết và thích làm việc hãm mình, thì tôi kể chuyện cùa thánh tiến sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, rồi khuyến khích các con và tạo cơ hội cho các con hãm mình để dâng lên Chúa và Mẹ Maria, cầu các linh hồn trong luyện hình, cho người tội lỗi. Đây là điều mọi Kitô hữu nên làm, các việc hãm mình cũng có thể cầu nguyện cho mình, cho gia đình, hay cho công tác nào đó mình đang chuẩn bị thực hiện.v.v…

Muốn giúp các con có việc hãm mình, chúng tôi tìm việc cho chúng. Thí dụ, trong bữa ăn, món nào ngon thì ít phút sau đã hết rồi, mà thường thì cha mẹ nhường cho các con ăn, nhưng món ăn nào các con không thích thì cha mẹ phải ăn thay 5 con, vì thế 2 người thay cho 5 cũng lâu hết lắm, do đó, 2, 3 bữa rồi mà vẫn còn. Để món ăn mau hết, chúng tôi phải thánh hoá món ăn ế ẩm kia bằng cách kêu gọi các con hỗ trợ.

Tôi còn nhớ bữa cơm hôm đó có một món ăn các con không thích, vì thế cứ mỗi bữa ăn đem ra, bố mẹ ăn được tí nào thì ăn, còn lại đem vô tủ lạnh, mà bỏ thì sợ phí của Chúa có tội. Hôm đó, vì vừa kể chuyện về chị thánh Têrêsa trong câu chuyện này, tôi nhấn mạnh tới việc hy sinh hãm mình của chị thánh, nhờ đó cứu được nhiều linh hồn. Các con có vẻ thích, bữa cơm tối hôm đó, tôi hỏi các con : “Trong bữa cơm này, các con có muốn cứu các linh hồn không ?” Tất cả giơ tay: “Dạ có ạ.” Tôi chỉ vào món ăn các con không thích: “Các con hãm mình ăn một miếng xin Chúa cứu một linh hồn, muốn cứu 5 linh hồn thì ăn 5 miếng.” Thế là thi nhau ăn, chỉ ít phút sau là hết, và hết trước các món ăn khác.

Mùa lạnh ở Mỹ này, mọi người đều dùng nước ấm để xúc miệng, rửa mặt, tắm. Tôi xin các con, thay vì rửa mặt, xúc miệng bằng nước ấm, thì hãm mình dùng nước lạnh. Còn tắm thì không nên tắm nước lạnh, nguy hiểm. Muốn uống nước coca, thì hãm mình uống nuớc thường. Những việc nhẹ nhàng ngay trong tầm tay ai cũng có thể làm được, miễn là có người chỉ dẫn. Muốn các con ham thích lần chuỗi Mân Côi, tôi kể cho các con nghe về việc Đức Mẹ hiện ra ở Fatima ban 3 mệnh lệnh: “Ăn năn đền tội, Tôn sùng Trái Tim Mẹ, Lần hạt Mân Côi.” Giải thích cho các con từng mệnh lệnh. Chúng tôi đã dậy các con lần hạt Mân Côi từ khi chúng còn nhỏ, mới học lớp mẫu giáo, cho nên chúng tập được thói quen lần chuỗi hàng ngày khi lên tới Trung học và Đại học.

 

Chủ động giờ cầu nguyện.

Còn việc làm này rất quan trọng tôi cần phải giúp các con. Bình thường thì bố mẹ điều khiển các buổi đọc kinh tối, các con đọc theo. Hôm đó, được Chúa soi sáng, tôi nghĩ bây giờ cứ bố mẹ thay nhau điều khiển các buổi cầu nguyện trong gia đình. Ít năm nữa, các con vô đại học ở xa nhà, hoặc sau này các con lập gia đình, trong 2 trường hợp này không có ba má điều khiển đọc kinh, thì các con sẽ làm gì, chúng sẽ đọc kinh hay bỏ đọc kinh. Chắc chúng dám bỏ vì chưa biết điều khiển nên ngại và bỏ luôn thì sao.

Từ tư tưởng tiêu cực trên, tôi quyết tâm phải tập cho các con chủ động trong việc cầu nguyện của gia đình. Tối hôm đó, khi các con đã sẵn sàng tham dự buổi cầu nguyện với bố mẹ, chúng tôi nói : “Từ trước tới giờ, thường là ba má điều khiển cầu nguyện, ba má muốn các con cũng phải chủ động trong việc cầu nguyện. Ba má muốn mỗi con phải chủ động việc cầu nguyện trong gia đình mình chứ không phải là ba má nữa. Vậy, hôm nay các con phải để ý má điều khiển cầu nguyện đọc kinh một tuần liền. Sau một tuần, tôi chỉ vào người con lớn: “Con theo dõi mà làm một tuần sau đó con làm một tuần, tuần kế tới em con. Chúng tôi có 5 con, thì chỉ có 4 tuần là 4 đứa điều khiển giờ kinh tối rất ngon lành, trừ đứa con út còn nhỏ chưa làm được. Từ đó, chúng tôi không còn làm chủ buổi cầu nguyện chung của gia đình nữa, mà chính các con lần lượt chủ động.

Một việc vô cùng quan trọng chúng tôi không lơ là mà phải đặt lên hàng đầu, đó là cho các con đi học giáo lý để xưng tội lần đầu và chịu phép thêm sức. Để các con có tinh thần tông đồ, ưa thích giúp người kém may mắn, chúng tôi cho các con đi Thiếu Nhi Thánh Thể, Hướng dạo. Những đoàn thể tốt này giúp các con có đời sống tâm linh tốt và tinh thần thiện nguyện giúp đời, giúp người rất nhiệt thành. Đó là kết quả của Đức Tin có việc làm. Với kinh nghiệm hướng dẫn các con có đức tin bằng việc làm, thì cùng một lúc các con có thêm 2 nhân đức cần thiết, đó là Đức Cậy và Đức Mến. Đây là 3 nhân đức vô cùng quan trọng, làm nền tảng cho đời sống đạo. Tuy nhiên Đức Tin phải đứng hàng đầu.Như đã nói ở trên, muốn có Chúa thì phải giúp con có Đức Tin vì Đức Tin giúp các con gần Chúa và phó thác trọn vẹn trong tay Chúa và Đức Mẹ. Đức Cậy giúp các con tìm ra ánh sáng trong khi tâm trí đang ở trong bóng đêm tăm tối, trong buồn nản và thất vọng. Đức Mến giúp các con yêu Chúa và yêu người.

Nhờ giúp các con có đức tin bằng việc làm mà các con yêu Chúa, nhưng yêu Chúa không phải chỉ qua môi miệng, mà phải bằng việc làm, việc đầu tiên cho con là chúng tôi phải tạo cho các con có việc làm bằng chính gương sáng về Đức Ái của chúng tôi. Sống tại đất Hoa Kỳ này vỏn vẹn chỉ có 2 vợ chồng chúng tôi và 5 con.

Còn tất cả 2 bên gia đình đều kẹt lại Việt Nam. Tổng số người ruột thịt gần 100, tất cả ở trong hoàn cảnh thiếu ăn thiếu mặc, chúng tôi không thể làm ngơ được. Mỗi khi nhận được thư bên nhà xin giúp đỡ, thì cũng chỉ gửi được một chút thôi. Vì khi sang Hoa Kỳ, 5 người con của chúng tôi còn nhỏ, không để chúng ở nhà mà không có người lớn. Vì thế, chỉ một người đi làm, mà một đi làm nuôi 7 miệng ăn thì không thể đủ được. Tôi là mẹ ở nhà trông các con và nhận hàng may về nhà làm để vừa trông các con vừa làm phụ với ông xã mới đủ ăn.

Cũng may mắn hàng năm có 3 thời điểm có nhiều hàng may, đó là :

-        Trọn tháng 12 dịp lễ Giáng Sinh.

-        Một tháng dịp lễ Phục Sinh.

-        2 tháng mùa hè.

Những dịp này, để có thể giúp 2 bên gia đình tại Việt Nam được nhiều hơn, tôi phải làm mỗi ngày 16 giờ. Vào mùa hè, tất cả các con đều phải phụ giúp may. Còn những tháng đi học thì chúng không phải giúp mẹ, tôi ưu tiên cho chúng học.  

 

Trình diễn văn nghệ tại chỗ.

Riêng 2 tháng hè, nhờ các con phụ giúp, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc, vì có nhiều ngày được gần gũi các con trọn vẹn. Quan sát thấy các con phấn khởi giúp mẹ, mỗi đứa một việc theo khả năng, các con vừa làm vừa hát, đôi khi kể chuyện vui. Tối bố về kể chuyện tếu cho cả nhà cười ra nước mắt. Hai tháng hè biến garage thành sân khấu rất linh động, hấp dẫn. Cả nhà ai cũng thích thú, tôi cảm thấy hạnh phúc tràn ngập. Nhờ cả nhà chịu khó làm việc, tiền vào khá hơn,việc chi tiêu trong gia đình được thoải mái hơn. Sau kỳ hè, chúng tôi có khả năng giúp đỡ những người thân yêu ở Việt Nam. Mỗi gia đình một thùng quà và tiền. Các con thì được thưởng cho đi chơi Disney Land, Sea World, hoặc đi mua sắm quần áo, giầy, và các thứ cần thiết để chuẩn bị cho niên học mới. Chúng tôi vẫn dậy các con : “Các con ơi ! Chúa dậy các con phải thương yêu, kính trọng và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Anh chị em phải thương yêu nhau, đùm bọc nhau. Sau này, con nào làm khá tiền thì phải giúp đỡ anh hay chị nghèo hơn.”

Việc giúp các con biết phụ mẹ làm may rất ích lợi, chúng có làm mới ý thức được sự lao động cực khổ của cha mẹ, nhờ đó biết yêu thương, thông cảm và giúp đỡ những người kém may mắn.

Sau khi gửi quà về giúp cho người nhà ở Việt Nam, tôi nói với các con: “Đức ái phải lan rộng tới mọi người.”

Bác ái không phải chỉ thực hiện cho người trong gia đình, mà còn phải lan rộng tới bạn bè thân hữu. Nếu họ cần các con yểm trợ, như tài chánh, công việc làm, nhờ đưa đi bác sĩ, hay tới nhà thờ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật.v.v…vì họ không có phương tiện. Những trường hợp trên các con không nên làm ngơ, nhưng hãy mau mắn tiếp tay theo khả năng của các con.

Nói tới những người đói khổ trên thế giới, thì nước nào cũng có, trong đó có Việt Nam chúng ta. Nhiều người túng thiếu cùng cực, nhất là Phi Châu. Ngay cả Hoa Kỳ này được tiếng là có lòng bác ái và làm bác ái nhiều nhất, nhưng cũng có nhiều người thiếu ăn thiếu mặc. Các con đừng quên những người xấu số này.

 

Đức ái ở nhiều khía cạnh.

Thay vì nói hành, nói xấu, vu oan, giá hoạ, làm mất danh dự người này người kia là tội lỗi đức ái rất nặng, thì các con không nên làm, nhưng hãy thực thi đức ái bằng nói tốt, nghĩ tốt và làm tốt cho mọi người.

-        Cầu nguyện cho người gặp hoạn nạn, người bệnh, người gặp đau khổ…

-        Cầu nguyện cho người tội lỗi trở lại với Chúa.

-        Cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi và xin lễ cho các linh hồn trong luyện hình, những linh hồn này không còn dịp để lập công đền tội. Chỉ còn việc đền tội trong luyện hình cho tới khi hết mọi tì ố. Họ cần chúng ta đền thay để mau chóng được tinh tuyền hầu bước vào quê trời hưởng hạnh phúc tuyệt vời, bất diệt.

Má lưu ý các con điều quan trọng này: tội nói hành nói xấu, vu khống, xuyên tạc, làm mất danh dự người ta khó đền lắm. Để hết tội này, các con phải làm 3 việc cần thiết sau đây :

-        Xin lỗi người mình làm mất danh dự.

-        Đi xưng tội.

-        Lấy lại tiếng tốt cho họ.

 

Giúp các con có bạn tốt.

Giúp các con có bạn tốt cũng là giúp các con có Chúa. Sống trên đời này, ai cũng cần có bạn để chia vui sẻ buồn, thông cảm, ủi an, bạn có lòng đạo đức sẻ giúp gần Chúa, trong số 5, 7 bạn tốt, chắc chắn sẽ có một người trở thành tri kỷ. Người bạn này với mình rất tâm đầu ý hợp về nhiều khía cạnh. Trong cuộc sống đôi khi gặp thất bại về việc làm ăn, gia đình vợ chồng bất hoà căng thẳng, tinh thần đi xuống, chán nản, thất vọng, muốn buông xuôi tất cả. Nhưng có bạn “tri kỷ” tới chia sẻ, thông cảm và trao tặng những lời an ủi, khích lệ, nhờ đó mọi đau đớn, chán nản, thất vọng sẽ tan biến rất nhanh. Có người thành công trên trường đời nhờ bạn. Vì vậy, các cụ có câu: “Học thầy không tầy học bạn.”

Nếu các con có bạn xấu, ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, bị lây tính hư tật xấu của bạn. Nhiều người chúng ta đã chứng kiến họ là người tốt, chăm chỉ làm ăn, rất ngoan, nhưng sau này vì chơi với mấy bạn ăn nhậu, nên người này cũng bị nhiễm vi trùng ăn nhậu rất nhanh, làm cho vợ con bất mãn, buồn rầu, nhất là mỗi khi đi ăn nhậu về tới nhà, say sưa, ăn nói lảm nhảm, đi đứng khập khiễng như người điên, rồi ói mửa đầy nhà, vợ con phải lau dọn. Tuổi trẻ còn đi học mà gặp bạn xấu, mê chơi, sớm muộn sẽ bị rủ rê bỏ học đi chơi theo bạn. Như vậy, việc học sẽ đi xuống, đang điểm A thành C và cả F nữa.

Bạn yếu đức tin hay vô thần rất dễ làm cho các con bị lung lay đức tin. Con người nhân vô thập toàn, bởi vậy chắc chắn có những khuyết điểm, những sai trái có thể từ chính cha mẹ của mình, cũng có thể từ các đấng bậc trong giáo hội có những sai quấy, bạn đức tin nửa vời hay bạn vô thần sẽ sẽ nhân cơ hội đó có lời nói tiêu cực làm cho đức tin các con bị chao đảo, rồi có thành kiến không đẹp với giáo hội.v.v…

 

Giúp các con chọn bạn đời tốt.

Các con thương, nếu các con muốn chọn được bạn đời tốt, các con nên thực hiện những điều sau đây :

1.      Cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ giúp tìm được người bạn tốt.

2.      Chính các con phải là người tốt.

3.      Về ngoại hình (sắc đẹp), tùy ý thích của mỗi người, ba má không có ý kiến, ít nhất là trung bình.

4.      Tính tình cởi mở, dễ chịu, điềm đạm, ăn nói lịch sự ôn tồn.

5.      Sở thích, tập quán, quan niệm …phải hợp với mình thì mới tâm đầu ý hợp được, nếu khác biệt chút ít thì cũng tạm được, rồi từ từ giúp nhau hoà hợp. Còn nếu quá khác biệt thì không thể hạnh phúc được, tối ngày gây nhau, sớm muộn cũng xa nhau, phải chấm dứt sớm.

6.      Trình độ học vấn và việc làm: nếu đàn ông thì 2 vấn đề này cần lắm, vì là trưởng gia đình nắm vai chính, học lực bằng hay hơn thì tránh được mặc cảm. Tuy nhiên, vấn đề này cũng không nên đặt quá nặng.

7.      Lòng đạo sâu sắc rất cần thiết, sẽ giúp vượt qua nhiều khó khăn.

8.      Sức khoẻ dồi dào sẽ góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc. Để ý gốc gác dòng họ xem có ai bệnh truyền nhiễm không, nếu có, thì phải tìm cách giãn ra.

9.      Liên hệ họ hàng: cũng rất quan trọng. Nếu có tiếng đạo đức hiền lành, thì cám ơn Chúa và cứ việc tiến tới.

10.  Quan niệm nghiêm chỉnh về việc chọn vợ kén chồng: không nên lấy cho có. Thật nguy hiểm!

11.  Sau khi suy nghĩ, cầu nguyện và quyết định tiến đến hôn nhân, các con phải trung thành sống trọn ơn gọi hôn nhân cho tới cùng.

12.  Sau khi cưới rồi, nếu bạn đời gặp rủi ro, sức khoẻ không bình thường, các con vẫn phải chấp nhận thực tế, và chăm sóc với tất cả tình yêu thông cảm.

 

Từ từ hội nhập vào Hoa Kỳ

Thời gian đi quá nhanh, mới ngày nào gia đình xuất trại Camp Pendleton để thực sự hội nhập vào nước Hoa Kỳ cũng là thời điểm gần niên học mới. Các con chúng tôi phải chuẩn bị ngay cho kịp. Ngày đầu tiên các con chúng tôi tới trường với vốn liếng Anh Ngữ còn yếu kém. Nhưng, nhờ ơn Chúa ban cho trí khôn thông minh, chúng chăm chỉ học hành, cố gắng hết sức, lại có bố giúp kèm học. Cho nên chỉ mấy tháng sau là chúng theo kịp các bạn học. Ra trường Junior High School và High School, chúng đều được xếp vào loại học sinh xuất sắc, nhờ đó chúng dễ dàng được nhận vào trường đại học UCI một trường gần nhà, chúng có thể sáng đi chiều về được, rất tiện lợi

Đứa con đầu tiên bước vào đại học UCI là con gái lớn nhất của chúng tôi. Rất may mắn khi cháu vào UCI, thì các Linh Mục Dòng Tên cũng bắt đầu mở Khoá Linh Thao cho giới trẻ. Cháu được chúng tôi khuyến khich tham dự Khoá Linh Thao một cuối tuần. Sau khoá về, cháu và mấy bạn thành lập một nhóm để sinh hoạt. Nhóm thành lập được 7 sinh viên với tên dễ thương “Nhóm Hạt Cải.” Mỗi tuần họp nhóm một lần vào buổi tối. Các nhóm viên ngồi lại với nhau, cùng cầu nguyện, đọc và chia sẻ Lời Chúa. Dần dần, con số lên tới 48 sinh viên. Nhóm Hạt Cải này được nối kết từ người trước tới người sau, cho đến bây giờ vẫn sống và sống mạnh.

Sau này, những con còn lại của chúng tôi cũng lên đại học UCI, thì cũng đi khoá Linh Thao và vào Nhóm Hạt Cải.

Như chúng tôi đã chia sẻ, việc giáo dục con cái là quan tâm lớn nhất, nhưng nhiều khi chúng ta cũng chỉ biết nương tựa vào Thiên Chúa và nhận ra sự hạn chế của mình. Việc con cái thành công, dĩ nhiên là niềm vui vô hạn của cha mẹ, nhưng không luôn là “thành quả do tay mình tạo nên” mà quả là hoàn toàn “hồng ân Thiên Chúa.”

Chúng tôi tin rằng tình yêu chân thành, lòng chung thủy và sự quan tâm chúng tôi dành cho nhau là món quà quý báu nhất chúng tôi dành cho con cái, bên cạnh tình yêu tự nhiên của mọi cha mẹ dành cho con mình.

Chính quà tặng này có thể là động cơ thúc đẩy các con chúng tôi phấn khởi học hành để đạt kết quả mỹ mãn. Với cố gắng, con cái chúng tôi có thể được xem là thành công ngoài xã hội, như có sự nghiệp vững vàng, cuộc sống ổn định v.v… Nhưng là những người làm cha mẹ, đó chưa phải là niềm vui lớn lao, mặc dù những người cha mẹ như chúng ta không bao giờ muốn thấy con cái sống trong thiếu thốn.

Nhưng niềm vui và an ủi nhất là khi con cái sống đức tin sau khi đã trưởng thành, và dấn thân làm việc tông đồ khi có điều kiện. Không gì vui hơn khi gia đình chúng tôi thấy được cả 3 thế hệ đang cùng làm việc tông đồ trong giáo xứ. Tạ ơn Chúa vô cùng.

 

Hồng ân Thiên Chúa bao la
Muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người.