Chú Giải Tin Mừng Marcô

TIỀN NGÔN

Lm Carôlô Hồ Bạc Xái

TIỀN NGÔN (1,1-13)

Sau khi đề tựa cho tác phẩm, Mc giới thiệu con người Đức Giêsu bằng cách so sánh Ngài với Gioan Tẩy Giả. Như thế phần này gồm 4 ý:

– Tựa đề 1,1

– Sứ mạng của Gioan Tẩy Giả 1,2-8.

– Đức Giêsu chịu thanh tẩy 1,9-11.

– Đức Giêsu chịu cám dỗ 1,12-13.


BÀI 1: TỰA ĐỀ “Bắt đầu Tin Mừng về Đức Giêsu Con Thiên Chúa” (1,1)

1Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa 

------------------

Mc bắt đầu tác phẩm của mình bằng một lời đề tựa rất súc tích với từng chữ được lựa chọn kỹ lưỡng.

“Bắt đầu: Đây là chữ đầu tiên của sách Sáng Thế và nhiều sách khác. Có lẽ tác giả ngụ ý rằng Đức Giêsu khai mở một lịch sử mới, một cuộc tạo dựng mới.

“Tin Mừng”: Nguyên ngữ hy lạp là EVANGELION. Chữ này không chỉ một quyển sách, mà là một tin tức vui mừng. Isaia đã dùng chữ này (Is 40,9 52,7) để nói đến biến cố dân Thiên Chúa được giải phóng khỏi kiếp lưu đầy bên Babylon. Vào thời Đức Giêsu, chữ “Tin Mừng” có nghĩa là một biến cố thuận lợi đánh dấu lịch sử, chẳng hạn như một cuộc chiến thắng, một cuộc sinh ra, một sự lên ngôi.v.v… Ở đây, chữ Tin Mừng có nghĩa là một tin rất vui mừng: Giêsu Nazareth chính là Kitô và là Con Thiên Chúa.

Giêsu chính là “Kitô”: nguyên ngữ là CHRISTOS. Đây là dịch từ chữ hy bá lai MESSIA. Trong Kinh Thánh, Messia là người được xức dầu, tức là người được Thiên Chúa thánh hiến và sai đi để thiết lập vương triều của Ngài trên thế giới.

“Giêsu còn là “Con của Thiên Chúa”: Vào thời Đức Giêsu, tước hiệu này được gán cho Messia. Nghĩa mà người ta thường hiểu là một vị vua được nhận là con của thần linh. Nhưng đối với Đức Giêsu, cách sống của Ngài cho thấy Ngài có liên hệ đặc biệt độc nhất vô nhị với Thiên Chúa. Ngài không phải “con được nhận” mà chính là “con ruột” của Thiên Chúa. Hơn nữa Ngài chính là “Thiên Chúa đến với loài người”.


 Hai tước hiệu “Kitô”“Con Thiên Chúa” là 2 cao điểm của mặc khải, đánh dấu 2 phần của tác phẩm:

– Phần I đưa độc giả dần dần đi tới lời tuyên xưng của Phêrô và các môn đệ “Thầy là Đức Kitô” (8,29).

– Phần II đưa độc giả cũng dần dần đi tới lời tuyên xưng của viên sĩ quan bách quản dưới chân thập giá “Quả thật ông này là Con của Thiên Chúa” (16,39).


BÀI 2: SỨ MẠNG CỦA GIOAN TẨY GIẢ (1,2-8)

2Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. 3Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.

4Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. 5Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.

6Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. 7Ông rao giảng rằng: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần."

------------------

1.  Giải thích

 Khuôn mặt nổi bật nhất trước khi Đức Giêsu đến là Gioan Tẩy Giả. Mc giới thiệu ông cách đột ngột bằng một đoạn trích Thánh Kinh mà ông nói là của Isaia, nhưng thực ra là kết hợp tới 3 đoạn Cựu Ước mang cùng một ý tưởng là: con đường phải chuẩn bị để gặp Đức Giêsu.

c 2 –“Như đã ghi trong sách ngôn sứ Isaia”: Thực ra chỉ có phần cuối của đoạn trích này là của Isaia

  “Đây là vị sứ thần Ta đã sai đi trước mặt con để vì con sửa lối dọn đường”: Đây là trích Xh 23,20. Kẻ nói lời mày là Thiên Chúa. Ngài nói với Mosê để khuyến khích ông mạnh dạn đưa dân Thiên Chúa đi qua sa mạc tiến về Đất Hứa Canaan. Đến thế kỷ V tcn. Câu trên được Malakhi dùng lại (Ml 3,1). Khi Mc dùng lại câu này một lần nữa, ông muốn nói rằng Gioan Tẩy Giả chính là Êlia mà dân do thái mong đợi sẽ trở lại. Còn Đấng mà Gioan Tẩy Giả dọn đường chính là Đức Giêsu, Ngài đến thăm dân không phải trong quyền uy của sự phán xét, mà là trong sự yếu đuối của tình yêu dâng hiến.

c 3 “Nơi hoang địa có tiếng kêu vang: hãy lo dọn đường Chúa sẵn sàng, lối Ngài đi sửa cho ngay thẳng”. Đây mới là câu trích Isaia 40,3> Ngôn sứ Isaia nói lời này với dân do thái đang bị lưu đày bên Babylon để báo cho họ biết rằng Thiên Chúa sắp giải thoát họ. Mc trích lại câu này với ngụ ý rằng Đức Giêsu chính là Thiên Chúa sắp đến thăm dân Ngài, vì thế họ hãy lo chuẩn bị đón tiếp Ngài.

 Sau khi trích lại những lời Cựu Ước, Mc cho thấy những lời đó đã ứng nghiệm: Sứ giả xuất hiện.

c 4: Vị sứ gỉa của Đấng Messia này có tên là Gioan. Ông còn được gọi là Tẩy Giả vì ông làm phép rửa bằng cách dìm người ta xuống nước song. Ông làm việc này ở hoang địa.

c 5: Người ta đến xin thanh tẩy với Gioan thật đông và từ khắp nơi. Tại sao? Vì họ đa số là “dân đen” không thể theo những quy định tỉ mỉ về sự trong sạch mà giới trí thức đặt ra. Họ thích nghi thức đơn giản của Gioan để được Thiên Chúa tha tội. Có lẽ nghi thức này gồm việc dìm xuống nước và việc công khai xưng thú tội lỗi ra.

c 6: Mô tả cách sống đặc biệt của Gioan: Ông mặc giống như Êlia (2V 1,8). Ông chỉ ăn những sản phẩm của thiên nhiên. Cách ăn mặc này không giống với Đức Giêsu: Đức Giêsu không ăn mặc khác người. Ngài cũng mặc như người ta, cũng ăn thịt và uống rượu. Đức Giêsu cũng không sống nơi hoang địa xa cách người ta, Ngài sống giữa mọi người. Cuối cùng Đức Giêsu trình bày sứ điệp của Gioan: đây chính là người đi trước và dọn đường cho Đức Giêsu.

c 7: Đức Giêsu “mạnh thế” hơn Gioan. Gioan phải tự xóa mình đi trước mặt Ngài như một đầy tớ tự xóa mình đi trước mặt chủ, thậm chí tự coi không xứng đáng cởi giày cho chủ.

c 8: Nhất là có sự khác biệt giữa phép thanh tẩy của Đức Giêsu. Gioan chỉ thanh tẩy bằng nước, còn Đức Giêsu bằng Thánh Linh. Chính điểm này khiến Đấng Messia trổi vượt sứ giả của mình, bởi vì Messia là kẻ có Thánh Linh (1,10). Với ơn ban Thánh Linh mà Ngài sẽ ban sau khi phục sinh, Đức Giêsu sẽ dứt khoát mang lại sự tha tội (Cv 2,38).

2. Kết luận

 Ngay từ trang đầu, Mc đã đặt Gioan Tẩy Giả, sứ mạng của ông và phép thanh tẩy của ông vào đúng vị trí của chúng. Chúng chỉ là một sự loan báo và một sự chuẩn bị cho Đức Messia đến. Có lẽ Mc muốn trả lời cho những thắc mắc của độc giả ông thời đó có nhiều người cho rằng chính Gioan mới là Messia (Ga 1,19-34).


BÀI 3: LỜI TUYÊN XƯNG CỦA VIÊN SĨ QUAN

Phần II: đưa độc giả cũng dần dần đi tới lời tuyên xưng của viên sĩ quan bách quản dưới chân thập giá “Quả thật ông này là Con của Thiên Chúa” (16,39).

 

ĐỨC GIÊSU CHỊU THANH TẨY (1,9-11)

9Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. 10Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. 11Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con." 

------------------

c 9: -Phía trước Mc có nói tới Đức Giêsu, nhưng tới bây giờ Ngài mới xuất hiện.

 – “Bấy giờ từ Nazareth xứ Galilê đến”: Mt giới thiệu Đức Giêsu rất ngắn gọn như thế (Lc 4,16 tuy nói cũng ngắn gọn nhưng còn cho biết thêm Nazaret là nơi Ngài được nuôi dưỡng). Sở dĩ Mc nói ngắn gọn về thời gian trước của Đức Giêsu là để nhấn mạnh tới biến cố quan trọng nhất lúc mới bắt đầu đời công khai: Đức Giêsu chịu thanh tẩy.

  “Và ông Gioan đã thanh tẩy cho Ngài ở song Giođan”: Mc không nói tại sao Đức Giêsu chịu thanh tẩy của Gioan. Có lẽ vì Ngài đã theo làm môn đệ ông này một thời gian. (Ga 3,26).

c 10 – Các Kitô hữu đầu tiên cũng biết đến phong trào thanh tẩy rất thịnh hành thời đó. Họ thắc mắc: phép thanh tẩy của Đức Giêsu có gì đặc biệt? Mc viết 10 câu này cũng có phần nhằm giải đáp thắc mắc đó. Mc không nói tới việc Đức Giêsu được dìm xuống nước, nhưng lại nói tới những gì xảy ra sau đó. Mà nói cách này cũng không phải là một tường thuật tả chân, nhưng là một mặc khải qua những hình ảnh mà tác giả chọn dùng:

 “lên khỏi nước”: Is 63,11 viết về lời kêu cầu của dân để xin Chúa tái diễn hành động cứu thoát của cuộc xuát hành như sau: “Đâu rồi Đấng đã cho Ngài (nghĩa là Môsê) lên khỏi lòng biển? … Đâu rồi Đấng đã đặt nơi lòng Ngài Thánh Linh của Ngài?”. Khi dùng hình ảnh “lên khỏi nước”, Mc ngầm nói Đức Giêsu chính là Môsê mới, và phép thanh tẩy của Ngài chịu là một cuộc qua biển mới. Môsê mới đã nhận lãnh Thánh Linh để hướng dẫn đoàn chiên mình tới Đất Hứa.

 – “các tầng trời mở tung”: Truyền thống do thái nghĩ rằng sau khi các ngôn sứ cuối cùng (Khacgai, Giacaria, Malakhi: thế kỷ VI và V tcn.) biến mất thì trời đã bị đóng lại, liên lạc giữa Thiên Chúa và loài người bị cắt đứt, “Thánh Linh bị dập tắt”. Bởi thế dân chúng kêu xin: “Chớ chi Ngài xé trời ngự xuống” (Is 63,19b). Lời kêu xin này hôm nay được đáp ứng: Trời đã mở ra lại. Đó là dấu liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người được tái lập khi Đấng mà muôn dân trông đợi từ trời ngự xuống.

 – “Và Thánh Linh như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài”: Chính vì Đức Giêsu là Đấng trên trời ngự xuống nên Ngài được Thánh Linh ngự xuống trên Ngài. Biến cố này đánh dấu một kỷ nguyên mới: Đức Giêsu là Đấng Messia đến mang ơn tha thứ cho loài người (Cv 2,37-38). Về hình ảnh chim bồ câu, có nhiều giải thích: (a) ám chỉ bồ câu mà Nôe thả ra sau cơn hồng thủy (St 8,8-11); (b) ám chỉ đến Thánh Linh bay là là trên mặt uông mang lúc tạo dựng vũ trụ (St 1,2); (c) người do thái thời Đức Giêsu hay so sánh các ngôn sứ với chim bồ câu. Có lẽ giải thích (c) là đúng nhất. Nếu ở đây Mc muốn coi Đức Giêsu là “Vị ngôn sứ” của kỷ nguyên mới.

c 11 – “Tiếng bởi trời”: Đây là cách kính trọng nói quanh để tránh nói thẳng tới Thiên Chúa. Tiếng từ trời nghĩa là tiếng của Thiên chúa: – Câu nói từ trời là trích bởi 3 nơi trong Cựu Ước:

 “ Con là con của Ta”: Trích Tv 2,7 nói về ngày lên ngôi của vua Messia.

 “ Con ưu ái”: Trích St 22,2 nói về Isaac là con yêu dấu của Abraham.

 “Làm Ta vui thỏa hoàn toàn”: Trích Is 42,1-2 nói về Người Tôi Tớ của Giavê.

 Tóm lại Thiên Chúa xác nhận Đức Giêsu là con của Thiên Chúa, là Đấng Messia, là Người Tôi Tớ.

 Qua cách viết như vừa phân tích ở trên, Mc không nghĩ rằng phép thanh tẩy mà Đức Giêsu lãnh nhận là để tẩy xóa tội lỗi, bởi vì Ngài không có tội. Đúng hơn đây là lúc Đức Giêsu đăng quang làm Messia, là lúc Thiên Chúa ban lệnh cho Ngài bắt đầu thi hành sứ mạng trong tư cách là Messia, là Con của Thiên Chúa và là Người Tôi Tớ.

BÀI 4: ĐỨC GIÊSU CHỊU CÁM DỖ (1,12-15)

12Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. 13Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

14Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."

------------------

c 12 – “Liền đó”: Ngay sau khi Đức Giêsu chịu thanh tẩy, ngay sau khi Ngài đăng quang làm Messia.

“Thánh Linh thúc đẩy Ngài”: cũng chính Thánh Linh đã ngự trên Ngài trong biến cố thanh tẩy nay thúc đẩy Ngài.

 “lên hoang địa”: hoang địa nào? Có lẽ là hoang địa Giuđê nơi Gioan rao giảng (1,4), nhưng tại sao Thánh Linh thúc đẩy Đức Giêsu lên hoang địa? Thưa vì Ngài chính là Môsê mới: Ngài đã thực hiện việc qua biển mới trong biến cố thanh tẩy, nay Ngài lại thực hiện thời gian Israel xưa sống ở hoang địa.

c 13 – “Suốt 40 ngày”: Con số 40 này cũng là con số ngày xưa Israel sống ở hoang địa.

 – “chịu Satan cám dỗ”: Satan là tên mà Thánh Kinh dùng để chỉ đến kẻ thù bí mật chống lại việc thành lập vương triều Thiên Chúa. Các Tin Mừng nhất lãm kia đều mô tả các cơn cám dỗ, chỉ riêng Mc là nói chung chung thôi. Có lẽ Mc muốn chúng ta nghĩ đến những cơn cám dỗ mà Đức Giêsu gặp trong suốt thời gian sứ mạng: nhiều lần Ngài bị cám dỗ dùng sự uy quyền để lập vương triều Thiên Chúa (8,11 13,31-33 12,13 14,38 15,29-32) nhưng Ngài đã luôn luôn từ chối, chỉ muốn khiêm tốn vâng theo ý Cha.

 – “Ngài sống cùng dã thú”: Is 11,6 đã vẽ lên một cảnh thanh bình con người sống cùng dã thú. Cảnh đó nay đã thực hiện. Tức là kỷ nguyên Messia bắt đầu.

 “và có các thiên sứ phục vụ”: nghĩa là được Thiên Chúa trợ giúp.


 Đức Giêsu chính là Đấng Messia, Ngài là một con người mới, sống hài hòa với trời (Thiên Chúa) và đất (dã thú).

*** Phần tiền ngôn 1,1-13 giống như khúc nhạc mở đầu một bản giao hưởng, trong đó những nhạc đề chính được giới thiệu đầy đủ. Toàn thể bản giao hưởng sau đó chỉ là triển khai những nhạc đề đã được giới thiệu ở phần đầu.