Một Tâm Hồn Quyển 3

(Thánh nữ TÊRÊSA viết - KIM THIẾU dịch) 

Lời trình bày


Balê, kinh thành có lẽ là hoa lệ nhất hoàn cầu: người đông như kiến, xe lúc nhúc như bọ. Các cửa miệng Mêtrô ngày đêm phun lên, những lớp người trùng trùng điệp điệp. Các dinh thự đài các nguy nga chen mây chen gió lên tầng này đến tầng khác. Các chính khách, các thương gia, các ngoại trưởng, các nước từ thập phương tấp nập lui tới đàm phán chuyện quốc gia, chuyện quốc tế. Các phong trào đạo đời từ Balê khởi xướng lên hay từ ngoại bang dồn dập tới, rất nhiều và rất hoạt động, luôn luôn nhấp nhô như những làn sóng cuồn cuộn của đại dương lúc gió thổi mạnh...


Nhưng cũng ái ngại thay và thật rất tởm:


Những quảng cáo khoả thân rùng rợn dán đầy dẫy các mặt tường các cửa rạp chớp bóng. Những trai gái mất nết ngang nhiên yêu nhau giữa đường, giữa chợ, giữa phố xá, trên xe, trên cầu cống làm ngứa mắt những người đứng bên, lỡ bước những kẻ qua lại...


Nhìn kinh thành gọi là ánh sáng ấy với những cảnh ái tình luôn luôn bày bày xoá xoá đó, khách tha phương không khỏi rùng mình và nghĩ ngợi, rồi lên án cái tương lai của thành phố năm triệu nhân mạng này. Một hôm tôi cũng đang nghĩ tới chuyện hai anh em Zêbêdêô xin Chúa cho lửa xuống đốt mấy thành tội lỗi thì tiếp được một thư từ Bắc Việt gởi tới.


...


Hĩ ôi! Cha có biết con thích bộ “Một Tâm Hồn” đến đâu không! Tiếng Việt tuyệt lắm mà và thương ôi! “Lời tâm phúc” hứa kia đến bao giờ mới được đọc.


Lời thư đằm thắm như thế từ cố hương bay sang, đã làm nguôi cái tâm tình Zêbêdêô ở khách tha phương, và kích thích đến phải tích cực đáp mối thịnh tình bằng cầm ngay bút viết L.T.P. để xuất bản “Một Tâm Hồn” cuốn III này.


---------------


MỘT TÂM HỒN cuốn III


Thưa độc giả,


Đọc xong “Một Tâm hồn” cuốn II, nhiều độc giả đã rất hài lòng cái Chuyện Tình cao siêu lý thú của Trinh Nữ Têrêsa viết một cách tự nhiên phong phú, và luôn luôn linh động trong mối tình ân ái giữa Tạo Hoá và tạo vật, làm độc giả tự nhiên cảm thấy khoan khoái và như thấy lòng cởi mở trong một hạnh phúc cao khiết.


Rất có lẽ không độc giả nào là không cảm thấy cái tính tình vừa nhẹ nhàng vừa lưu luyến, mà Trinh Nữ Têrêsa không hiểu vì hữu ý hay vô tình đã lấy làm cốt chuyện để làm sống động cả bộ sách “Một Tâm Hồn” hay nói cách phải hơn, mà chính Trinh Nữ đã sống và tự thuật giẽ giàng khéo léo. Thật là đã hoàn bị lắm; nhưng;


Độc giả thân thiện,


“Một Tâm hồn” chưa hết. “Một Tâm Hồn” còn cuốn III nữa. Cuốn III dưới nhan đề:



LỜI TÂM PHÚC

Lẽ ra “Lời Tâm Phúc” đã không quá chậm trễ đến nay mới xuất bản. Nhưng trong muôn sự bao giờ cũng thế: Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên. Dịch giả vì phải tha phương không vì lẽ cầu thực cho bằng dưỡng lão, thành thử việc xuất bản phải đình trệ, đã phụ lòng phần nào lòng mong chờ các độc giả. Vậy thì lời xin lỗi ở đây là phải chỗ lắm.


“Một Tâm Hồn” cuốn III gồm những “Lời Tâm Phúc” Chị Thánh Têrêsa đã nói cùng các chị em nhà Tập nhà Kín Lisieux trong những buổi họp mặt khi Người giữ chức Mẹ giáo và nhiều trường hợp khác, phân xếp lại thành bốn chương.


Đọc Chương I, ta sẽ thấy nhiều “Quan Niệm Cụ Thể” của đời sống mà ít ai đã lưu tâm nhận định.


Đọc Chương II, ta sẽ thấy nhiều “Lý Luận Minh Chính” mà trí óc Trinh Nữ đã khéo biện bạch.


Đọc Chương III, ta sẽ thấy nhiều “Tư Tưởng Cao Siêu” mà có lẽ ta chưa khi nào đã nghĩ tới, và sau hết:


Đọc Chương IV, ta sẽ thấy nhiều “Tâm Tình Tao Nhã” của trái tim nóng hổi đã chớm nở trong đời sống công cộng.


Đọc xong bốn chương của “Lời Tâm Phúc” ta thấy như hiện ra trước mắt một nhãn giới mới lạ màu sắc muôn xinh muôn đẹp, làm phấn khởi lòng người lưu lạc, làm tươi tỉnh cuộc ba vạn sáu ngàn ngày bằng một áp lực siêu nhiên thu hút ta lại, thoát ly ra khỏi khối quá nặng nề của xác thịt, và cái lầm than sinh hoạt của công lệ làm người. Hay ít nhất cũng làm nhẹ nhõm và dễ chịu cái cảnh gần đất xa trời này lắm...


Trinh Nữ Têrêsa phải là một khối óc siêu phàm, phải là một trái tim đẫm tình chìm sâu trong Biển cả Tình Ái và đã sôi tới ngàn độ, đã bốc tới đỉnh trọn lành mới có thể là nguồn xuất phát mạnh mẽ những giọng điệu minh bạch, những lý lẽ tha thiết và huyền diệu như đó.


Balê, ngày 11-7-1954

KIM THIỀU



CHƯƠNG I: NHỮNG QUAN NIỆM CỤ THỂ


1. Thành công của cố gắng

Để trả lời một chị tỏ bộ lo lắng buồn bã, vì nhận biết mình hay sa ngã và kém cỏi trên đàng trọn lành, Chị Thánh nói:


- Chị làm em có cảm tưởng một trẻ nít vừa mới tập đứng, chưa biết đi tí nào, đã muốn lên cho bằng được thang gác để quấn quýt bên mẹ. Em bé cố nhắc bàn chân nhỏ xíu để bước bậc thứ nhất: khó nhọc quá mà vẫn uổng công, nhắc chân lần nào là ngã lần ấy, hễ nhấc chân lên là ngã chổng kềnh!...


Vậy thì thế này, chị là đứa em bé ấy: trên đường thực hành nhân đức, chị cứ nhắc chân nhỏ xíu của chị để tiến đến trang trọn lành, chị đừng có tham vọng bước được ngay, dù chỉ bước tới bậc thứ nhất. Không, chị đừng tưởng tượng to tát thế, Đức Chúa Trời không đòi chị những hành động to tát ấy. Người chỉ đòi ở chị một tấm lòng trung thành và thẳng thắn, rồi từ ngọn thang, Người sẽ yêu đương nhìn chị và chẳng lâu la đâu bằng những cố gắng kia, chị sẽ chinh phục được Người ngay, chính Người sẽ chạy xuống ôm chầm chị vào lòng, sẽ bồng bế chị lên hưởng nước hiển vinh Người đời đời. Nhưng nếu chị lại nản lòng không muốn nhắc chân để bước tới nữa, ấy mới chính là điều nguy hiểm, Chúa sẽ bỏ chị ngay, và chị sẽ phải lưu lạc còn chán ở khách đày này.


Lần kia Chị Thánh đã nói:


- Phương pháp duy nhất để tiến tới mau lẹ trên đường Tình Ái, là luôn luôn ở nhỏ mọn. Tôi đã thực hành phương pháp ấy cho nên nay tôi có thể đồng thanh cùng thánh Gioan Thánh Gia hát:


Tự hạ rõ thấp,

Để lên rõ cao

Tới đỉnh ước ao...


2. Chui qua bụng ngựa

Một lần phải cám dỗ hầu như quá sức chịu đựng, tôi đã thưa Chị Thánh:


- Nhất định lần này em không thể thắng lướt được nữa.


- Sao? Chị tìm cách lướt thắng làm gì cho khổ - Chị Thánh trả lời - chị cứ luồn qua là giản dị nhất. Những linh hồn cao cả, một khi gặp giông tố, các ngài thản nhiên bay lượn trên tầng mây gió là phải; nhưng như ta, chỉ phải nhẫn nại chịu đựng những trận mưa gió ấy, cho dù có bị ướt át chút đỉnh cũng không sao.


Vào sưởi bên lửa Tình Ái, chúng ta sẽ được khô ráo và ấm áp lại ngay.


Nhân chuyện, em nhớ hồi còn nhỏ, có lần em đã muốn vào vườn chơi, lúc ấy một con ngựa đứng ngáng ngang giữa lối. Những người đứng đấy bảo em đánh nó xê qua một bên mà vào. Không đồng ý kiến ấy, em đã mau lẹ chui qua bụng ngựa, vào xuôi xắn và xong ngay... Đấy nhé, với thái độ nhỏ mọn, người ta thành công rất dễ dàng và chóng vánh.


Xưa Chúa Cứu Thế đã trả lời bà mẹ hai anh em Zêbêdêô rằng:


- Để được vinh dự ngồi hai bên tả hữu Ta, đó là hân hạnh của những người mà Cha Ta đã se định  .


Em thiết nghĩ những chỗ danh dự này, sở dĩ từ chối những bậc đại thánh, những anh hùng Tử đạo là cốt dành riêng cho những trẻ nhỏ. Chính vua thánh David đã đề cập vấn đề lúc Ngài nói: Benjamin nhỏ bé nhất, sẽ chủ toạ Hội nghị các Thánh  .


Đức Chúa Trời không muốn Mẹ Bề trên cho phép em ghi chép ngay những bài thơ em nghĩ ra được trong ngày, và em cũng không muốn xin Mẹ phép đó, sợ làm lỗi đức khó khăn. Em cứ ráng đợi giờ nào việc ấy, và đợi thế thật là khổ lắm mới khỏi quên, vì đợi mãi đến tám giờ tối, mới được chép bài thơ đã nghĩ được từ sáng sớm.


Những điều cỏn con đó thật là một hình khổ, nhưng ta nên thận trọng giữ gìn, đừng quá dễ dãi làm giảm bớt công phúc bằng cách hoặc tự tiện, hoặc xin phép những điều làm thuận tiện và dễ chịu đời chân tu.


Khi ai bấm chuông kêu ta hay gõ cửa bảo gì, ta phải nhanh nhẹn hãm mình trả lời ngay, đừng giù giắng viết cho xong chữ, dù ngoáy thêm một nét cũng không. Em đã thực hành điều ấy và xin thực tình tỏ cùng Chị em rằng, chính đó là một nguồn cội bình an thư thái.


Theo ý kiến đó, tôi đã mau lẹ thực hành mỗi khi có dịp, và lần kia vào hồi Chị Thánh bệnh, tình cờ thấy tôi có cử chỉ mau lẹ ấy, Chị Thánh đã bảo tôi rằng:


- Giờ hấp hối mà hồi tưởng lại điều này, chị sẽ được an ủi và hỉ hoan dường nào! Chị vừa làm được một công tác hiển hách hơn là đã khéo léo vận động cùng Chính phủ ban đặc ân gì cho cả nhà Dòng, hơn là cái vinh dự mà toàn thể nước Pháp hoan hô chị như quý bà Judith.


Hơm ấy là ngày giặt, tôi đang nhẩn nha đi ra nhà giặt, vừa đi vừa ngắm nghía hoa vườn, thì đồng thời Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng đang đi ngược lại mà đi nhanh, Chị nói:


- Có phải người ta cũng vội vã như thế, một khi người ta phải nuôi con thơ, và phải làm việc để sinh sống đàn con?


Chị có biết những Chúa nhật và Lễ trọng của em là những ngày nào không?


- Là những ngày mà Chúa thử thách em nhiều.


3. Cái ống dòm

Chị Thánh thường hay nói chuyện với tôi về một đồ chơi thông dụng, mà Chị Thánh đã thích chơi hồi còn nhỏ. Chơi ống dòm, thứ ống gọi là vọng viễn kính, mà người ta dòm thấy ở đầu kia rất nhiều hình đẹp đẽ tươi tốt, và thay đổi màu sắc hầu như vô cùng, chỉ cần xoay vần cái ống đi một chút là thấy sự lạ lùng ấy.


Chị Thánh nói rằng: Cách chơi ấy làm em lạ lắm, em vẫn tự vấn làm sao mà lại có thể diễn ra được những hiện tượng diễm lệ quá thể ấy. Và một ngày kia, sau khi đã khảo sát cặn kẽ, em đã nhận thấy là giản dị vô cùng: có gì đâu, vài cái đầu giấy vụn và mấy miếng vải vụn để lộn xộn ở trong đầu ống. Còn cái ống, thì là ba miếng kính ghép lại với nhau theo hình tam giác đặt nằm trong ống. Manh mối chỉ có thế mà đã sinh ra những công hiệu rất lạ lùng.


Với em, đó là hình ảnh một mầu nhiệm cao cả: bao lâu những việc ta làm dù là rất nhỏ mọn, nếu đã làm vì lòng kính mến Chúa Cả Ba Ngôi - hình dung bằng ba miếng kính ghép lại và phản chiếu vào những việc nhỏ mọn ta làm - những việc đó sẽ trở nên muôn xinh ngàn đẹp và quý giá lạ lùng. Chúa Giêsu, qua miếng kính nhỏ, nghĩa là qua chính mình Người, Chúa nhìn chúng ta, nhận thấy tất cả những cử chỉ nhỏ nhặt của chúng ta đều đẹp đẽ hết, đẹp đẽ mãi; nhưng nếu trệch ra ngoài trung tâm không lời tả xiết của lòng kính mến, chúng ta và những hành động, những cử chỉ của chúng ta sẽ thành cái gì?... Chúng ta sẽ thành những cái máy vô hồn, và những hành động, những cử chỉ của chúng ta sẽ thành những vân rác... những đầu thừa đuôi thẹo... những việc bần tiện không một giá trị nào hết.


4. Con ky và con quay

Chúa Hài Đồng Giêsu, thấy tôi còn trẻ người trẻ nết, đã có nhã ý cho phép tôi được chơi với Chúa, hầu tập đàng nhân đức. Tôi đã chọn chơi Ky (quilles). Tôi hình dung những miếng gỗ to và sặc sỡ nhiều màu như các linh hồn mà tôi muốn chạm tới, còn hòn lăn là tình yêu của tôi.


Năm 1896 vào hồi tháng chạp, các chị nhà Tập đã nhận được nhiều thứ lặt vặt để làm cây sinh nhật. Quý hoá quá, bới ra ở dưới đáy một hộp được một vật rất hoạ hiếm trong Dòng: một con quay.


Cả Nhà đều nói rằng, cái gì mà xấu xí thế, để làm quái gì cái ma này. Tôi đã biết chơi quay từ nhỏ, nên chộp ngay lấy con quay và nói, cái này hay lắm chứ! Cái này có thể quay tít trọn một ngày mà không ngừng miễn là cứ thỉnh thoảng lại quất cho nó một cái. Nói xong tôi đã biểu diễn ngay, làm cả Nhà lạ lùng bỡ ngỡ.


Trong khi biểu diễn ấy, Chị Thánh để ý quan sát tôi, không nói năng gì hết. Rồi tới ngày lễ Sinh Nhật, khi xem lễ Nửa đêm về, tôi thấy để trên bàn phòng tôi một con quay đẹp với một bức thư đề địa chỉ thế này:


Thân tặng bạn yêu dấu,

Người thạo chơi Ky trên núi Carmel.

Đêm Sinh Nhật 1896.


Em yêu dấu của anh,


A, Anh bằng lòng em lắm! Trọn năm qua, em đã cùng Anh chơi Ky rất vui. Anh đã tỏ vẻ hân hoan làm cho cả triều đình thiên thần phải bỡ ngỡ và cảm khoái. Có nhiều thiên thần Kêrubim đã hỏi Anh sao mình đã không được dựng nên làm nhi đồng; có thiên thần tò mò hơn, muốn biết những lời ca hát và đàn địch mình chơi có làm hài lòng Anh bằng những giọng cười giòn giã hồn nhiên của em, mỗi khi băng hòn lăn Tình Ái, em đã phá trúng được một quân.


Với tất cả, Anh đã trả lời, chẳng nên phiền ngại vì không được làm nhi đồng, bởi vì sẽ có ngày các thiên thần cũng được hân hoan chơi với em trên vườn Thiên cảnh. Anh còn nói thêm rằng, chắc chắn nụ cười tươi tắn của em làm mát lòng Anh hơn những điệu đàn hát của muôn thiên thần, vì lẽ rằng, em chỉ có thể chơi và cười trong tình trạng đau khổ, trong lúc quên mình.


Hỡi em yêu dấu, rất yêu dấu của anh, đến lượt Anh, Anh muốn yêu cầu em một điều, em có từ chối Anh không? Hẳn là không, nhất định không, mà em còn yêu Anh hơn cái điều yêu cầu đó vạn phần. Vậy năm nay, anh muốn thay lối chơi khác, dĩ nhiên là lối chơi Anh ưa thích. Anh muốn bây giờ chúng ta cùng chơi quay và, nếu em đồng ý, thì em sẽ là con quay để Anh chơi. Đây, Anh tặng em một con để làm kiểu mẫu, em sẽ thấy nó không có vẻ gì là bóng dáng bề ngoài thật; một người không biết chơi quay, sẽ vô tình giơ chân hất đi là khác: nhưng một trẻ em mà trông thấy nó, sẽ nhảy mừng hớn hở và hò reo: A, con quay thích quá, nó quay được cả ngày mà không ngừng!...


Anh - Giêsu Hài Đồng - Anh yêu em dù em không đẹp, dù em ít duyên, Anh van em cứ quay cả ngày để Anh ngắm nghía cho em thoả. Nhưng để con quay quay và quay cho tít, cần phải có nhiều dây tốt. Vậy em để các chị em làm dây quay, và em phải thật lòng ghi ơn các chị, nhất là những chị nào chăm chỉ làm em quay mạnh và nhanh hơn. Và, một khi Anh đã chơi em thoả thuê sướng rồi, Anh sẽ bế em lên thiên đàng, trên đó cũng như Anh, em sẽ được vui sướng chơi cho thoả chí thoả tình, mà không còn phái chút đau khổ nào nữa.


Anh yêu dấu của em yêu dấu


HÀI ĐỒNG GIÊSU


5. Không nên để lòng tốt thành tính nhu nhược

Hồi còn nhỏ ở nhà mợ tôi, người ta đã cho tôi một quyển sách đẹp. Đọc sách ấy, tôi thấy người ta khen lao một bà giáo đã rất khéo xử việc, không mất lòng ai hết. Tôi để ý nhất là mấy lời này: với chị này thì người nói em không lầm; với chị khác, người nói em có lý. Đọc xong dòng ấy, tôi có cảm tưởng rằng, tôi thì tôi sẽ không làm thế bao giờ, tôi nhất định là nói thật luôn.


Cho tới nay, tôi vẫn một mực thực thà mà nói. Xin thú rằng, giữ được thế cũng đã rất khổ, bởi vì khi ta nghe ai đến cùng ta để kêu ca ai điều gì, tự nhiên ta đồng ý mà trách móc người vắng mặt rất dễ; và người đến kêu ca kia sẽ được nhẹ lòng ngay. Phải, nhưng mà... tôi lại ở trái ngược hẳn, chẳng ai yêu tôi thì chớ, chứ tôi không thể có hai giọng được. Tôi muốn người ta đừng đến với tôi, nếu người ta không muốn biết sự thực.


Để lời khiển trách sinh công hiệu, ta chỉ nên khiển trách khi đáng khiển trách, và phải khiển trách không vì một lý do nóng giận nào hết. Cũng không nên để lòng tốt thành tính nhu nhược. Một khi đã vì công tâm mà khiển trách điều gì, cứ phải khăng khăng giữ thái độ, đừng theo cảm tình mà tỏ bộ thương hại, rồi như ân hận vì đã quá nặng lời. Cái cách theo đuôi mà an ủi ấy làm thiệt hại cho người ta hơn là làm lợi. Cứ để mặc kệ họ, tức khắc là họ hết hy vọng ở người đời, tự nhiên họ nghĩ tới Chúa, tự nhận mình lầm lỗi và biết tự hạ. Nếu không xử thế, nghĩa là nếu họ mà quen thân được an ủi sau mỗi khi bị khiển trách chính đáng, có lúc họ sẽ hành động như đứa trẻ được cưng cho mà xem: họ giậm chân đấm tay và kêu ca inh ỏi, vì nghĩ làm thế, thế nào mẹ cũng phải đến chùi nước mắt cho.


Chớ gì gươm thần là lời Đức Chúa Trời hằng ở trong miệng và trái tim chị em  . Nếu gặp một linh hồn ăn ở không khép, ta đừng khi nào hắt hủi và ruồng rẫy linh hồn ấy, ta hãy luôn luôn nắm giữ gươm thần để vạch vẽ cho chị em biết mình lầm lỗi, chứ đừng vì muốn nhàn thân mà để việc hay dở làm sao cũng mặc. Ta phải chiến đấu mãi, dù chiến đấu mà không trông thắng lợi. Thắng lợi không phải là điểm quan trọng. Tiến! Tiến bất chấp mọi nhiêu khê của chiến sự. Ta đừng nói không còn trông gì ở linh hồn này, linh hồn này có hiểu gì đâu, bỏ quách đi cho xong! Trời! Nếu thế thì hèn nhát quá, phải làm việc nghĩa vụ cho tới cùng chứ.


Xưa nếu ai trong Nhà phải sự khó mà tôi không an ủi được, tôi áy náy và rất phiền; nhưng ít lâu sau, Chúa Giêsu đã làm tôi hiểu rằng, phần tôi chẳng thể an ủi một linh hồn nào. Từ đó, tôi không còn buồn phiền gì điều ấy nữa: tôi dâng Chúa những đau khổ của những kẻ thân yêu tôi, và tôi cảm thấy đã được Chúa nhậm lời. Sau kinh nghiệm ấy, mỗi khi vô tình mà làm điều chi không phải, tôi không còn buồn phiền nữa, tôi chỉ xin Chúa sửa lại sự lầm lỗi ấy thôi.


- Chị có quan niệm thế nào về tất cả những ơn mà Chị đã được Chúa ban?


- Em chỉ có quan niệm này là Thánh Linh Chúa muốn đâu thì thổi đấy thôi  .


6. Lòng cậy trông

Trinh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói cùng Mẹ Agnès de Jésus:


- Thưa Mẹ, giả như con là đứa bất trung, đã thất tín trong một việc nhỏ mọn nào, con thấy rằng, con sẽ bị bối rối khốn nạn lắm, và con sẽ chẳng còn thể tiếp nhận sự chết.


Chị Người tỏ vẻ ngạc nhiên nghe câu nói ấy, thì Người thưa tiếp ngay:


- Con nói thế là nói về lỗi kiêu ngạo. Thí dụ, nếu con nói mình đã được nhân đức nọ, hay mình có thể thực hành nhân đức, và dám thân thưa Chúa, lạy Chúa, tôi yêu mến Chúa quá lắm, tôi yêu mến Chúa đến nỗi không còn dám trùng trình nghĩ tới dù một tư tưởng nghịch cùng đức Tin. Nếu mà nói như thế con cảm thấy mình sẽ bị tấn công ngay, tấn công bằng những cơn cám dỗ rất nguy hiểm, và con sẽ quỵ ngay lập tức.


Để tránh điều khốn nạn ấy, con chỉ phải khiêm nhượng thật lòng thưa Chúa: Lạy Chúa, xin Chúa đừng để tôi thất trung cùng Chúa bao giờ.


Con biết lắm, thánh Phêrô đã ngã. Ngài đã quá tin tưởng vào lòng sốt sắng của tình cảm thay vì cậy trông hẳn vào sức mạnh Chúa. Con dám chắc, giá Ngài đã thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin Chúa ban cho tôi can đảm theo chân Chúa đến cùng”, Ngài đã được lòng can đảm ấy thực.


Thưa Mẹ, Chúa thông biết mọi sự, sao Chúa đã không bảo cho thánh Phêrô hay để xin Chúa sức mạnh, hầu hoàn thành công việc mà Chúa toan tính. Con tin Chúa đã có thái độ thế để tỏ cho ta biết hai điều: một là, Chúa chẳng dạy các Tông đồ điều gì bằng sự hiện diện của Chúa hơn là dạy ta bằng ơn soi sáng; hai là, Chúa đã tiền định thánh Phêrô làm đầu cai trị Hội Thánh, mà trong đó có nhiều phần tử tội lỗi, thì Chúa muốn cho chính ngài có kinh nghiệm rằng, nếu không có ơn Chúa giúp, người ta chẳng làm nên trò trống gì bao giờ. Chính vì lẽ đó mà khi Phêrô chưa sa ngã, Chúa đã phán lời này: Một khi con đã ăn năn trở lại, con hãy kiên dũng các anh em con  . Nghĩa là con hãy thuật lại kinh nghiệm sa ngã của con cho anh em biết để ý tứ giữ mình. Sự cậy trông ơn Chúa là điều cần thiết dường nào.



CHƯƠNG II: NHỮNG LÝ LUẬN MINH CHÍNH


1. Giá trị tình ái

- Cái gì chị cũng phê bình, chị muốn ai ai cũng một quan niệm như chị, cái đó rất lầm. Lập trường của chúng ta là ăn ở như trẻ nhỏ, mà trẻ nhỏ, thì biết phê bình gì bao giờ, biết cái gì là tốt hơn cái gì đâu. Cái gì trẻ cũng cho là tốt hết. Chúng ta hãy bắt chước thế, hơn nữa, nếu cứ phải lý mới làm thì còn công lênh gì.


Các vị thánh sư khả kính của em trên trời đều là những đấng đã cướp nước thiên đàng, chẳng hạn: các thánh Anh Hài, người trộm lành... Các thánh cả được hưởng phúc thiên đàng bằng sự nghiệp lớn lao các ngài đã lập; phần em, em muốn bắt chước những người trộm cắp, em muốn chiếm nước thiên đàng bằng mưu cơ - mưu cơ Tình Ái. Tình ái sẽ là đường lối của em, của em và của tất cả những người tội lỗi như em. Chúa Thánh Linh phấn chấn em khi ban bố lời này trong sách “Dụ Ngôn”: Hỡi ai bé nhỏ nhất hãy đến, hãy học Ta sự khôn khéo  .


- Nếu có thể bắt đầu lại đời tu, Chị sẽ ăn ở thế nào?


- Em tưởng em sẽ ăn ở y như em đã ăn ở xưa nay.


- A, thế thì Chị không cảm thấy trong Chị cái tâm tình của một vị tu hành đã nói: dù tôi đã sống rất nhiều năm hãm mình đền tội, tới giây phút chỉ còn sống thêm một khắc hay một giây, tôi cũng vẫn e sợ có lẽ chính mình lại luận phạt mình.


- Không, em không thể đồng ý kiến ấy được; em bé nhỏ lắm đã biết chi mà dám luận phạt mình. Những trẻ nhỏ chẳng luận phạt mình bao giờ...


- Chị hằng tâm niệm ước ao nên như trẻ nhỏ, vậy xin Chị cho chúng em biết, phải làm gì để đạt tới tinh thần thơ ấu ấy. Ở nhỏ mọn là thế nào?


- Ở nhỏ mọn, chính là tự biết mình là không, cậy trông tất cả ở Chúa như con nít cậy trông tất cả ở người cha, không phải áy náy gì, cũng chẳng phải lo kiếm chác tiền nong chi hết. Ở khó khăn cũng thế: bao lâu đứa con còn nhỏ, vẫn được cha mẹ cung cấp mọi nhu cầu; nhưng một khi đứa con lại ra bộ khôn lớn rồi đây, cha mẹ sẽ không còn muốn nuôi báo cô nó nữa, nhất định sẽ bảo, ừ... thế thì bây giờ lớn rồi, làm lấy mà ăn, tự túc được rồi đấy.


Ấy, chính là để tránh phải nghe cái lời cứng cỏi ấy mà em chẳng muốn lớn chút nào. Em nhận thấy mình rất bất lực trước vấn đề tự túc sống, bởi thế em hằng ở nhỏ mọn, ngày đêm chỉ cặm cụi nhặt nhạnh những cánh hoa tình tứ và hy sinh để dâng Chúa cho vui lòng Chúa.


Ở nhỏ mọn, còn là không tự nhận cho mình những nhân đức mà đã thực hành được, xét thấy mình có tài cán gì thì công nhận ngay là Chúa cho chút của quý ấy trong tay đứa con nhỏ để nó dùng khi hữu sự, bao giờ của quý ấy cũng vẫn thuộc quyền sở hữu Chúa.


Sau hết, Ở nhỏ mọn là đừng ngã lòng vì những lầm lỗi đã trót phạm: các trẻ nhỏ thường hay sa ngã luôn xoành xoạch, nhưng vì quá bé bủn, quá thấp tháp, thành thử ngã cũng chẳng đau gì mấy.


Một chị nhà Tập kể rằng, để bắt chước Chị Thánh, mình đã không muốn lớn, nhân vậy mà Chị Thánh hay gọi mình là em nhỏ, và một tuần phòng kia, Chị Thánh đã nói những lời này:


- Em đừng ngại thưa Chúa Giêsu rằng em yêu dấu Chúa lắm, cho dù em không có cảm thú gì tình yêu ấy. Chính cái vô cảm ấy là phương tiện nài ép Chúa săn sóc em, và bồng bế em như bồng bế đứa con đó.


Bi quan trong mọi công việc, thật là một khổ hình không nhỏ; nhưng tính bi quan ấy không hoàn toàn tại em. Em cứ làm sự có thể để dứt lòng khỏi mọi áy náy thế gian, nhất là khỏi vương vấn bất cứ một nhân vật nào. Ngoài ra còn thiếu sót gì khác, em hãy chắc chắn rằng, Chúa sẽ làm thay em hết.


Hỡi em, hãy an lòng, trên thiên đàng em sẽ chẳng còn bi quan nữa, mọi cái đều lạc quan hết. Cái gì cũng đều nhuộm màu hồng hào siêu nhiên của Bạn Thánh - Bông Huệ nơi thung lũng. Tay trong tay, chúng ta sẽ cùng bước theo Bạn Thánh từng bước.


Nay chúng ta hãy lợi dụng cuộc đời chóng vắn này để làm đẹp lòng Chúa, và bằng hy sinh, chúng ta hãy cứu vãn dâng Chúa nhiều linh hồn.


Ở nhỏ mọn, chúng ta hãy ở nhỏ mọn đến nỗi mọi người có thể giẫm bước lên ta mà ta cũng chẳng có biết, chẳng cảm thấy đau đớn gì. Còn ai lạ lẫm gì thất bại của những trẻ nhỏ.


Nếu đêm tối làm trẻ sợ, nếu trẻ phàn nàn không được nom thấy người ẵm bế nó, nó hãy nhắm mắt lại là xong, đó chính là hy sinh Chúa Giêsu đòi hỏi ở trẻ nhỏ. Trong lúc nhắm mắt nằm nghỉ lặng lẽ ấy, nơi chẳng còn phải sợ sệt đêm tối, vì còn nom thấy đêm đâu mà sợ, và rồi chày kíp nếu không phải sự vui mừng, thì ít là sự bình an sẽ chớm nở và triền miên trong trái tim nó.


2. Ân ái trong tình liên lạc

Lần kia, một chị nhà Tập thưa Chị Thánh rằng:


- Em thiết nghĩ Chị sướng lắm, bởi vì Chị được Chúa chọn đặt để hướng dẫn các linh hồn đường thơ ấu.


- Sao, Chị Thánh trả lời, chị bảo em sướng ấy à? Em lại dám ước ao được Chúa trọng dụng hơn người khác ư? Này chị ạ, miễn là Nước Chúa được thiết lập trong các linh hồn, còn vật dụng nào đó có can gì; đàng khác, Chúa không cần ai hết.


Trước đây ít lâu, có lần em đang chú ý nhìn cái đèn đêm mà bấc đã ngần hầu như sắp tắt, một chị liền vội vàng giọi ngọn nến vào đốt thế mà rồi bởi ngọn nến ấy, các đèn trong nhà được thắp cháy sáng tất cả. Việc cỏn con đó đã làm em ngẫm nghĩ mãi rằng, thế này thì còn ai có thể tự phụ công việc mình làm được nữa. Cái tàn lửa hầu tắt kia đã có thể dùng đốt cháy cả thế gian!


Ta thường tin rằng, được ơn Chúa và được ơn soi sáng, là nhờ các thánh cả cầu bầu, các ngài ví thể những ngọn nến to cháy sáng láng, nhưng bởi từ đâu mà những ngọn nến to ấy cháy sáng láng thế? Có khi là bởi lời cầu nguyện của một linh hồn thơ ấu và mai danh ẩn tích nào đó, bề ngoại tuyệt nhiên không thấy gì là nổi nang và nhân đức, đã tự hạ khiêm nhường dường như là lu mờ cả trước mặt mình vậy.


A, sau này chúng ta sẽ được hiểu biết bao mầu nhiệm!


Đã nhiều lần em trầm lự rằng, có khi tất cả những ơn em được Chúa ban xưa nay, đều bởi lời nguyện xin tha thiết của một linh hồn nào đó, mà linh hồn ấy, chỉ khi nào về thiên đàng em mới nhận biết được.


Chúa muốn rằng, ở thế gian này các linh hồn làm ơn cho nhau bằng lời cầu nguyện, để khi về quê thiên đàng, các linh hồn có thể yêu dấu nhau thắm thiết cho tận tình tận nghĩa, hơn mọi tình nghĩa có thể tưởng tượng được ở thế gian.


Trên nơi cao sang đó, chúng ta chẳng nhìn nhau bằng cặp mắt dửng dưng: ai nấy sẽ cảm thấy mình được ràng buộc chặt chẽ cùng nhau bằng một dây ân ái nào đó. Chúng ta sẽ chẳng nhìn nhau bằng cặp mắt cạnh khoé ghen tỵ, mà trái lại hạnh phúc của mỗi người sẽ là hạnh phúc của mọi người. Với các thánh Tử đạo, chúng ta sẽ cảm thấy mình hạnh phúc như các ngài, với các thánh Tiến sĩ, chúng ta sẽ vui khoái như mình là tiến sĩ, với các thánh Đồng trinh, chúng ta sẽ nên như những bông huệ thơm trong trắng. Thật, như anh chị em trong một gia đình được vinh hiển vì nhau thế nào, trên thiên đàng chúng ta sẽ được vinh hiển vì nhau thế ấy.


Biết đâu, cái lòng hoan hỷ chúng ta cảm thấy trong mình khi chiêm ngưỡng phúc thanh nhàn cả sáng của các bậc Đại thánh, mà chúng ta nhận thấy rằng, bởi phép Chúa an bài, chúng ta cũng đã có phần công vào phúc trọng đó, lòng hỷ hoan ấy, ai dám nói là không cả thể bằng, mà có lẽ còn dịu dàng đằm thắm hơn sự hân hoan vinh phước chính các thánh hưởng.


Còn phần các thánh, chị em thử nghĩ khi các ngài nhận biết hạnh phúc cao sang các ngài được sung sướng hưởng, cũng là nhờ phần nào công ơn các linh hồn nhỏ, thì lẽ nào ngài chẳng tận tình yêu dấu để báo đáp các linh hồn cho lắm sao. Trong mối liên ân liên ái ấy, em thiết nghĩ sẽ có những niềm vui khoái rất lạ lùng ngoài sức tưởng tượng. Bạn tri âm của Đấng thánh Thừa sai, của vị thánh Tiến sĩ, có lẽ như một em bé mục đồng, và người tình chí thiết của vị thánh Tổ phụ lại là một cô gái mộc mạc nhà quê...


A, bao lâu nữa ta mới được lên hưởng phúc trên nước đầy tình đầy nghĩa ấy!


Chị hãy tin rằng, sáng tác được nhiều sách đạo đức, dọn được nhiều áng văn hay, tất cả những giá trị văn nghiệp ấy không cao quý bằng một hy sinh nhỏ mọn. Nhưng những khi ta cảm thấy khó chịu vì không có tài làm thơ viết sách - những việc quá đẹp đẽ - cái diệu kế nhất là ta hãy dâng Chúa những văn phẩm của các tác giả trình bày. Đó là chính nghĩa tốt lành về sự các Thánh cùng thông công. Hẳn chị còn nhớ câu văn tình tứ lắm này của thánh Gioan Thánh Giá trong ca thiêng liêng:


Chim câu ta hỡi, hãy bay trở về


Con nai phải dấu đã hoá tê mê


Đang đứng cao chót vót trên chòm núi


Đón hơi mình đến tự đôi cánh xoè...


Chị xem đó, Bạn Thánh là nai phải dấu không bị quyến rũ bởi ngọn non cao chót vót, mà bị quyến rũ chỉ bởi điệu bay, chỉ vì nhịp cánh vỗ nhẹ nhàng đưa ra một thứ hơi phong tình lý thú.


3. Dong nhan là phản ảnh linh hồn

Một lần phải phiền quá, tôi đã khóc, Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu khuyên tôi tập đức tính đừng để lộ ra ngoài những cái phiền muộn chịu đựng trong lòng. Chị Thánh thêm rằng, chẳng có cái gì làm cho cuộc sống chung chạ phải khó chịu bằng cái tính khí thất thường ấy.


Tôi đã thưa lại rằng, chị nói phải lý lắm, chính em cũng đã nghĩ thế, và rày đi có khóc, em chỉ khóc thầm cùng Chúa thôi. Với mình Chúa, em sẽ bày tỏ hết nỗi lòng, Chúa sẽ hiểu em và luôn luôn an ủi em. Chị Thánh liền ngắt lời tôi ngay:


- Khóc thầm cùng Chúa!


Không, chị đừng có mà làm thế. Với Chúa, chị càng phải tỏ ra ít buồn hơn là với người đời.


Tại sao? Tại vì Chúa chỉ còn các viện tu để an ủi lòng đôi chút; Chúa đến nhà chúng ta để nghỉ ngơi, để quên những phàn nàn năn nỉ luôn miệng của những bạn hữu ngoài đời, bởi vì họ: thay vì nhận biết giá trị thánh giá và hy sinh, họ thường hay khóc và rên rỉ... mà chị lại muốn xử tiếp Chúa cũng bằng cái tình chung nhân loại ấy sao?... Thành thật, đó chẳng phải là tình vị tha chút nào. Ta phải an ủi Chúa Giêsu, chứ chẳng phải là Chúa Giêsu an ủi ta đâu.


Em biết Chúa tốt lành lắm, nếu chị khóc, Người sẽ lau lọt nước mắt chị ngay; nhưng lau rồi, Người sẽ buồn bã bước ra đi, đi vì không thể nghỉ nơi chị được. Chúa ưa thích những tấm lòng vui vẻ, Người yêu dấu linh hồn tươi cười hằng ngày. Vậy từ nay chị nên giấu Chúa những nỗi lòng phiền và hãy vui vẻ thân thưa Chúa rằng, được đau khổ vì Chúa chị sướng lắm.


Dong nhan là phản ảnh linh hồn, chị phải luôn luôn có dong nhan điềm đạm và bình tĩnh như đứa trẻ nhỏ không lúc nào là lúc không bằng lòng. Dù khi một mình (quân tử thận kỳ độc), chị cũng giữ thái độ đó, đàng khác, ta hằng ở trước mặt các thiên thần.


4. Dĩ đức phục nhân

Một lần, tôi muốn được Chị Thánh mừng tôi vì đã thực hành một việc nhân đức, mà tôi cho là cử chỉ anh hùng, Chị Thánh trả lời:


- Việc nhỏ mọn nhân đức ấy đã là gì, so sánh với tất cả những việc mà Chúa có quyền đòi hỏi ở lòng trung thành của chị. Lẽ ra chị phải biết tự hạ hơn vì đã bỏ nhiều dịp để minh chứng lòng yêu mến Chúa mới phải.


Nghe trả lời thế, tôi không hài lòng chút nào, tôi đã để ý tìm dịp xem Chị Thánh thi hành nhân đức làm sao. Thì dịp đã đến ngay.


Mẹ Bề trên sở cậy chúng tôi làm một việc kể là nặng nhọc thật, tôi đã ma lanh dụng tâm làm cho việc càng nặng nhọc hơn lên, mà không lúc nào có thể bắt lỗi Chị được điều gì.


Tôi nhận thấy Chị Thánh luôn luôn nhã nhặn, dịu dàng, khả ái, không nghĩ gì đến nặng nhọc vất vả. Giá dụ có quấy rầy Chị lúc ấy, hay xin Chị giúp đáp việc gì, Chị cũng niềm nở giúp đáp ngay. Sau cùng, không còn cầm mình được nữa, tôi đã ôm chầm Chị vào lòng, thú hết cùng Chị Thánh những tinh ý và những cảm xúc trong mình.


Tôi đã hỏi Người làm thế nào mà nhân đức như thế được: luôn luôn vui vẻ, điềm đạm và bình tĩnh. Chị Thánh trả lời:


- Em chẳng được luôn luôn thế đâu; nhưng kể từ khi em không tìm mình nữa, em thấy đời sống hạnh phúc không thể tưởng tượng.


Trinh Nữ được phong Thánh và tung hô Thánh sư các nơi truyền giáo (17-5-1925)


5. Hai tật lớn ở nơi Chúa

Lần kia tôi thưa Chị Thánh cho biết Chúa có bằng lòng tôi chăng, vì tôi thấy mình rất kém và thiếu thốn nhiều sự quá. Chị Thánh bảo tôi:


- Chị hãy an âm, Đấng mà chị đã cưới làm bạn, có đầy đủ mọi trọn lành mà người đời có thể tưởng tượng được; nhưng giá dụ được phép nói, em dám nói rằng Chúa phải một cái tội to quá: Mù; và Chúa kém một khoa học rất thông thường: toán. Hai cái đại tật ấy ở một người vợ chồng thế gian, thì thật rất đáng tiếc, rất đáng phàn nàn; nhưng như ở nơi Chúa, nơi Bạn Thánh yêu dấu của chúng ta, thì lại thành vô cùng khả kính, khả ái.


Vì rằng, ví thử Bạn Thánh mà trông được tinh tường, nếu Bạn Thánh mà tính được thông thạo thì chị xem, với số tội vô vàn vô số chúng ta đã phạm, lẽ nào Bạn Thánh chẳng huỷ diệt chúng ta ngay trong giây phút! Nhưng không, cái tình ái nồng hậu của Chúa đối đãi chúng ta đã làm Chúa tích cực mù.


Hơn nữa, nếu như người tội lỗi nhất đời mà biết thống hối trong giờ chết, và tắt hơi với chút việc kính mến, tức khắc được Chúa yêu thương ẵm bế ngay vào lòng thương xót, không tính toán gì nữa những ơn đã ban rất nhiều mà đã bị lạm dụng; không nhớ nhung gì nữa những tội ác vô thiên kể, Chúa chỉ tính tới lời nguyện xin sau hết của người khốn nạn trong lúc tắt thở.


Nhưng để làm Chúa mù thế và ngăn Chúa tình tội, ta phải biết dụng tâm chinh phục Chúa, đó chính là điểm yếu ở nơi Chúa...


Có lần tôi đã làm phiền lòng Chị Thánh mà khi xin lỗi, Chị Thánh đã tỏ vẻ cảm động và nói:


- Phải mà chị hiểu được lòng em lúc này! Hơn khi nào hết, bây giờ đây em hiểu rõ rệt sự Chúa niềm nở âu yếm ta mỗi khi ta sai lỗi mà biết chạy ngay đến xin Chúa thứ tha. Nếu như em, một tạo vật hèn mọn, chẳng đáng được chị nói lại, mà cảm thấy lòng yêu dấu chị sôi nổi thế này, thì trái tim Chúa sẽ hồi hộp ái ân biết bao, mỗi khi thấy ta trở lại xin lỗi Chúa... Vâng, nhất định vồn vã và nhanh nhẹn hơn em vừa xong, Chúa sẽ quên hết tội lỗi chúng ta, và chẳng còn khi nào nhớ tới nữa... và quý hoá hơn nữa, Chúa sẽ yêu dấu ta hơn khi ta chưa sa ngã!...


6. Tình yêu phải vị tha

Một chị thuật lại rằng, tôi thấy Mẹ Bề trên có vẻ quý hoá một chị hơn các chị khác, và hình như tỏ bộ tín nhiệm cùng yêu thương hơn tôi, tôi đã đem câu chuyện khó chịu ấy kể cùng Chị Thánh, nghĩ bụng sẽ được Chị Thánh chạnh lòng phân ưu với, có ngờ đâu Chị Têrêsa đã làm tôi phải mủi lòng và bỡ ngỡ quá:


- Chị tưởng mình yêu mến Mẹ lắm sao?


- Nhất định thế, nếu em không yêu mến Mẹ lắm, em sẽ dửng dưng nhìn Mẹ quý hoá các chị em hơn em.


- Chửa vị tất! đây em xin nói để chị hiểu chỗ lầm lẫn của chị: chị chẳng yêu gì Mẹ đâu, trái lại, chị chỉ yêu mình chị thôi. Khi ai yêu ai thật, người ta vui sướng cái hạnh phúc của người yêu, người ta không nề quản một hy sinh nào để mưu cầu hạnh phúc cho người yêu. Vậy nếu chị có thành thật yêu mến Mẹ cách chính đáng, nếu chị có yêu mến Mẹ vì Mẹ, chị sẽ vui sướng nhìn Mẹ được vui thoả ở chỗ chị phải thiệt thòi và bởi chị đã có nhận thức rằng, Mẹ nói chuyện cùng chị ít được thoả thuê bằng nói chuyện với các chị em khác, thì chị không nên phiền rầu khó chịu khi nhận thấy mình như bị quên rơi.


7. Ý nghĩa cuộc đời

Thấy Chị Thánh bệnh nạn, nhiều lần tôi đau lòng thương hại quá, thỉnh thoảng có chíp miệng nói, chao ôi, đời sống quá buồn! Chị Thánh đã bẻ lại tôi thế này:


- Đời sống không buồn gì hết! Đời sống, trái lại, rất vui. Giá chị nói cuộc lưu đày buồn thì tôi đồng ý. Người ta đã đem dùng danh từ đời sống và cái nhất định phải điêu tàn! Chỉ dùng danh từ đẹp đẽ ấy để chỉ các sự trên trời, chỉ những sự không khi nào phải hư nát; và bởi vì ngay khi nay chúng ta đã được hưởng những sự đó nên đời sống không buồn tẻ, đời sống vui, vui lắm...


Nói tới đó, trên gương mặt Chị Thánh nẩy nở hân hoan cách lạ. Trong ít ngày sau, bệnh tình thấy thuyên giảm khá, chúng tôi đã nói cùng Chị Thánh rằng chúng em không biết Chị sẽ chết vì bệnh gì. Người trả lời:


- Em sẽ chết bằng bệnh chết! Nào Chúa đã chẳng phán cùng Adong tổ tông phải chết bằng bệnh gì ư? Chúa phán: Mày sẽ chết bằng bệnh chết  .


- Vậy thần chết sẽ đến tìm Chị?


- Không, không phải thần chết sẽ đến tìm em, chính Thiên Chúa. Thần chết không phải là yêu quái, cũng không phải là tà thần giữa rừng như người ta thường tưởng tượng mà mô tả trên hình ảnh. Đã chép trong sách Bổn rằng chết là linh hồn lìa bỏ xác, chỉ có thế thôi. Bởi đó không khi nào em lo sợ phải chia lìa xác để được phối hiệp tình nghĩa với Chúa đời đời.


Đấng ăn trộm có lẽ chày kíp sẽ đến ăn trộm chùm nho nhỏ của Người... Em đã giằng thấy Người và cố giữ cho khỏi bật miệng la lên: Ối trộm! Ối trộm! em còn gọi Trộm đến nữa là khác: Lại đây, lại đây!



CHƯƠNG III: NHỮNG TƯ TƯỞNG CAO SIÊU


1. Thắng lợi trên đường vui tươi

Một lần, tôi phàn nàn quá vì phải nhọc mệt hơn chị em, làm việc chung xong, tôi lại phải nhận ngay một công tác nữa mà chị em chẳng ai biết cho. Đầy tớ Chúa đã bảo tôi thế này:


- Em ước ao chị luôn luôn là một chiến sĩ can tràng, không bao giờ phàn nàn vì khó nhọc, vì vất vả mình chịu đựng. Nhìn nhận những vết thương của anh chị em là quan trọng, còn những vết thương mình chịu thì chỉ là sây da sứt thịt qua loa thôi. Sao chị lại có cảm tưởng mình mệt nhọc mà chẳng được ai biết tới!...


Thánh nữ Margarita Marie lên hai cái đinh ở tay. Người nói Người chỉ phải đau có cái thứ nhất thôi, bởi vì cái thứ hai Người đã không thể giữ kín, nên chị em đã biết mà thương hại Người rồi.


Với ta, đó là một tâm tình rất tự nhiên; nhưng ước ao người ta biết mình phải khổ, cái đó còn có cao thượng gì nữa.


Khi ta sai lỗi chẳng nên đổ lỗi cho một căn cứ trứ hình nào, chẳng hạn: thời tiết, bệnh nạn; một phải công nhận lỗi ấy là lỗi bởi ta hèn sức yếu đuối; nhưng ta chớ nên ngã lòng bao giờ. Những sơ suất chẳng làm yếu đuối con người, chỉ minh chứng sự thể con người  .


Ngoài phạm vi ghen tỵ, có lẽ chỉ có địa vị bét. Địa vị bét mới có thể không là hư vinh, không làm phiền lòng cực trí. Nhưng chủ trương người đời không ở trong quyền hành người đời luôn đâu  ; nhiều khi ta đã bỡ ngỡ nhận thấy mình có những ước ao phù vân thế phước. Bởi vậy ta phải luôn luôn nhìn nhận mình vào hạng người thiếu thốn, hạng người vụng tài kém sức, nhưng biết hân hoan vì mình là trẻ nít, luôn luôn được Chúa giữ gìn nâng đỡ.


Một khi Chúa thấy ta tự tế nhận là không, và biết thành thực thưa cùng Chúa: Lạy Chúa, chân tôi thất thiểu, lòng lân ái Chúa đã làm cho nên cứng cáp  , Chúa sẽ sẵn sàng giơ tay nâng đỡ ta; nhưng nếu ta lại muốn làm cái gì cho to chuyện, dù lấy nê là do lòng sốt sắng, Chúa cũng bỏ ta ngay. Ta cứ khiêm nhượng, mềm mại chịu đựng phần kém cỏi thiếu thốn, chính đó là sự thánh thiện mà ta cần phải có.


Hơn khi nào hết, giờ chơi chị em rất có thể tập nhân đức. Nếu chị em muốn đặc biệt lợi dụng điều đó, chị em đừng ra chơi với tư tưởng cho mình được hả hê, một là ra chơi để làm hả hê chị em khác. Chị em sẽ thực hành ở đó sự quên mình trọn vẹn. Thí dụ, nếu mình kể cho chị nào nghe một câu chuyện mà mình lấy làm khoái lắm, chị ấy chưa chi đã ngắt lời mình mà nói sang chuyện khác, mình cũng cứ chăm chú nghe, mặc dầu câu chuyện phải nghe ấy chẳng lý thú gì. Lại mình cũng đừng nói tiếp câu chuyện mình phải bỏ dở dang khi nãy.


Thực hành như thế, chơi xong, chị em sẽ cảm thấy lòng khoan khoái thư thái, chị em sẽ cảm thấy chớm nở trong mình một tân sinh lực để thực hành và tiến tới hơn trên đường trọn lành. Và lý do chỉ là vì chị em đã chẳng làm thoả lòng mình, một chỉ làm thoả lòng người khác. Phải mà ai ai cũng hiểu biết rõ rệt cái thắng lợi bởi hy sinh lòng tự ái...


- Chị hiểu biết lắm điều ấy, chắc Chị đã thực hành hằng ngày?


- Vâng, em quên em; em hằng cố gắng không tìm mình khi nào hết.


2. Nhiều bậc trên nhà Cha Cả

Khi thảo luận cùng Chị thánh về tinh thần hãm mình của các thánh, Chị Thánh đã phát biểu ý kiến rằng:


- May quá, Chúa đã tỏ cho chúng ta biết trước trên nhà Cha Cả có nhiều bậc... nếu không thế hẳn là Chúa đã nói rồi.


Phải, nếu tất cả các linh hồn được gọi vào đường trọn lành để về quê thiên đàng, đều phải thực hành sự hãm mình phạt xác nặng nề, hẳn là Chúa đã bảo, và chúng ta cũng đã rất vui lòng chịu đựng. Nhưng Chúa đã tuyên bố có nhiều bậc trên Nhà Cha Cả: nếu có bậc cho các linh hồn cao cả, cho các thánh ẩn tu trên rừng, cho các đấng hãm mình phạt xác cả đời, thì cũng phải có bậc cho các nhi đồng. Bậc đó là bậc dành riêng cho chúng ta đấy, nếu chúng ta biết tận tình tận nghĩa yêu mến Chúa, kính mến Cha Cả và yêu dấu Chúa Thánh Linh.


Xưa khi còn ở ngoài thế gian, mỗi khi thức dậy ban sáng, em thường đem trí nghĩ đến những điều sẽ xảy ra trong ngày hoặc may mắn hoặc rủi ro; nếu thấy trước những chán nản, em thức dậy rất buồn. Nhưng nay khác hẳn, có nghĩ đến những vất vả, những đau thương đang chờ mình, em cũng thức dậy vui vẻ và hăng hái, dường như thấy trước không có gì là khó để chứng minh tình yêu Chúa Giêsu và tấn ích cho đàn em nhỏ mà em phải săn sóc. Đoạn em hôn tượng Chuộc Tội, rồi đặt trên gối, lấy áo mặc và than thở cùng Chúa:


- Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã làm việc đủ rồi, Chúa đã khóc đủ rồi, làm việc và khóc ròng rã 33 năm trường! Bây giờ xin Chúa nghỉ ngơi... đến lượt tôi đi giao chinh, đến lượt tôi đi vác thánh giá...


Lâu nay em vốn nhìn nhận những ngày Chúa thử thách em nhiều là những ngày vui mừng trọng thể của đời em sống.


Lần kia thấy tôi buồn vì ít can đảm, Trinh Nữ đã bảo tôi rằng:


- Chị phàn nàn cái điều chính nhẽ phải là căn nguyên hạnh phúc của chị sao! Công của chị đâu, nếu chị chỉ chiến đấu một khi chị cảm thấy lòng can đảm? Không can đảm thì cũng chẳng sao, nếu chị cứ hành động như có can đảm. Nếu chị cảm thấy mình rất ngại ngùng để cúi nhặt một mối chỉ mà chị vẫn cứ cúi nhặt vì lòng mến Chúa, chị lập được công trọng hơn là đã làm chu đáo một việc cao cả hơn nhiều trong lúc lòng phấn khởi. Thay vì buồn tẻ, chị hãy hân hoan vì lẽ mình yếu đuối mà được Chúa sở cậy công việc hộ giúp Người cứu các linh hồn.


3. Thế nào lại như thế được?

Tôi rất lo sợ lý đoán công thẳng Chúa Trời đất, và dù Chị Thánh đã hết lời phân giải để tôi an lòng, tôi cũng vẫn còn lo sợ lắm. Vậy lần kia, tôi đã vặn Chị Thánh thế này:


- Ta thường được nghe nhắc đi nhắc lại rằng, Đức Chúa Trời nhìn thấy bợn nhơ trong các thiên thần Người, thế mà Chị lại muốn em không lo sợ làm sao được?


Chị Thánh đáp:


- Một cách duy nhất cưỡng bách Chúa đừng phán xét ta điều gì hết: ta ra mắt với hai bàn tay trắng.


- Thế nào lại như thế được?


- Rất giản dị, chị đừng giè giữ cái gì cả, có của gì đem cho hết đi. Phần em, giá mà Chúa cho em sống đến 80 tuổi, em vẫn cứ nghèo như bây giờ, em không biết tần tiện, có cái gì em liền chi phí ngay để mua chuộc các linh hồn.


Nếu em cứ gắng đợi mãi đến giờ chết, mới đưa ra mấy đồng xu nhỏ của em để xin Chúa định giá cho, thì có mà bỏ sừ. Chúa sẽ khám phá ra nhiều gỉ ghét ở mấy đồng tiền ấy, và chắc chắn em sẽ bị đem vào lọc lại trong luyện ngục.


Nào ta đã chẳng nghe nhiều vị thánh cả đến toà chung thẩm với hai tay đầy công trạng, mà thường khi lại phải tống giam trong luyện ngục, bởi vì trước nhan Chúa, tất cả những phán đoán của loài người đều hoen ngọ và thừa thiếu.


- Nhưng, tôi thưa lại Chị Thánh, nếu Chúa không phán xét những việc lành ta làm, thì ít là Chúa sẽ phán xét các việc dữ, lúc ấy sao?


- Chị nói chi vậy! Chúa chúng ta là Công lý, nếu đã không phán xét việc lành của ta, cũng chẳng phán xét việc dữ của ta đâu. Với những linh hồn đã hy sinh làm của lễ Tình Ái Chúa hình như không phải phán xét gì thì phải; mà hơn nữa, Chúa lại còn hối hả trọng thưởng các linh hồn ấy là khác. Trọng thưởng cái tình ái Chúa nhận thấy hồng hào nóng nảy trong những linh hồn ấy bằng những nguồn vui sướng hỉ hoan vô cùng vô tận.


- Để được hưởng đặc ân ấy, Chị nghĩ đọc kinh dâng mình mà Chị đã soạn đó có đủ chăng?


- Ôi, lời lẽ mà thôi thì có bao giờ đủ được!... Để được thực là của lễ Tình ái Chúa, phải hiến toàn thân trọn vẹn. Người ta chỉ được tiêu hao vì Tình theo mực người ta hiến thân cho Tình.


4. Chữa mình làm cái gì?

Khi bị quở trách, em muốn phải quở trách đích đáng hơn là bị quở trách oan uổng.


Chị Thánh trả lời:


- Phần em, em lại muốn được các gian ngoa, được quở trách oan uổng hơn, bởi vì em chẳng có gì để được quở trách, và với lòng vui vẻ, em dâng Chúa sự đó, rồi hạ mình khiêm nhượng với ý nghĩ: em rất có thể làm điều lỗi như người ta vu cáo cho đó.


Chị càng tiến tới bao nhiêu, chị càng phải bớt chiến đấu bấy nhiêu, hay nói đúng hơn, chị càng chiến thắng dễ dàng, bởi vì chị đã biết nhìn cái góc tốt hơn của muôn sự. Lúc ấy, tâm hồn chị sẽ vượt trên muôn loài muôn vật. Như em bây giờ, ai muốn nói làm sao em cũng vẫn dửng dưng hết sức, bởi vì em đã hiểu cái giá trị rất mong manh của dư luận, của xét đoán loài người.


Khi ta không được hiểu và bị xét đoán thiên lệch, ta bào chữa làm cái gì? Cứ để kệ, đừng nói chi; còn gì êm đẹp bằng để người ta xét đoán mình thế nào thì thế! Trong Phúc Âm không thấy nói bà Maria đã phân trần gì khi bị trách móc chẳng chịu làm lụng, chị ngồi lỳ dưới chân Chúa Giêsu. Bà Thánh không nói, chị Martha này, nếu chị hiểu được hạnh phúc tôi đang hưởng, nếu chị nghe được những lời tôi đang nghe, cả chị nữa ấy, chị sẽ bỏ vất mọi công việc để đến đây ngồi với cùng chia vui và cùng an nghỉ.


Không, người không nói thế, người đã lấy sự vắng lắng làm quý hoá hơn kia... A, sự im lặng hồng phúc đã làm cho bao linh hồn cảm khoái và thư thái lạ lùng!...


5. Người nhẫn nại có giá trị hơn người hùng mạnh

Nếu tôi phải sống thêm nữa, việc coi nhà liệt sẽ là việc tôi ưa thích nhất. Tôi không dám ra mặt xin đâu; nhưng nếu tôi được nhận công tác đó trực tiếp bởi đức vâng lời, tôi sẽ coi mình như được biệt đãi lắm. Hình như tôi sẽ làm việc ấy với lòng rất âu yếm, và tâm niệm lời Chúa đã phán: Khi Ta bệnh nạn, các ngươi đã đến thăm viếng  . Tiếng chuông gọi ở nhà liệt phải là nhạc điệu du dương từ trời vang xuống. Phải đi sát bên cửa sổ người bệnh để người bệnh gọi mình được dễ dàng và được giúp đáp ngay.


Nào ta chẳng phải coi mình như con ở, mà mọi người có quyền sai khiến sao? Phải mà chỉ được xem thấy muôn thiên thần đang ở trên trời nhìn chị giao chiến dưới chiến trường! Các thiên thần chỉ đợi giờ kết liễu là đem hoa xuống tung, và trao mũ triều thiên cho chị đội. Chị đã biết, chúng ta vẫn nuôi lòng cái tham vọng được làm Thánh Tử đạo nhỏ, chúng ta phải chiến đấu cho tới khi giành được ngành vạn tuế.


Chúa tốt lành chẳng coi thường những trận giao chinh không được biết đến, nhưng rất công phúc này đâu; người nhẫn nại có giá trị hơn người hùng mạnh, và kẻ thắng được mình có cao giá hơn người chiếm được thành  .


Ở xa xa, sẽ có nhiều linh hồn trở lại cùng Chúa vì những việc bác ái chúng ta làm trong tăm tối; sẽ có nhiều đấng thừa sai cảm thấy mình được uý lạo, được bố thí nhiều của cải. Và nhờ đó, chúng ta thiết lập được nhiều cơ sở thiêng liêng chắc chắn, nhiều đền đài nguy nga để Chúa Giêsu Thánh Thể ngự trị.


Khi suy ngắm nội tình gia đình Nazareth, cái điều bổ ích cho tôi, chính là cái đời sống rất tầm thường và giản dị của Thánh Gia.


Đức Mẹ Đồng Trinh và thánh Giuse, còn lạ gì Đức Chúa Giêsu là Đức Chúa Trời thật, nhưng tuy thị thế, cũng còn nhiều mầu nhiệm cao cả mà Đức Mẹ và thánh Giuse không hiểu nên đã sống như ta bằng đức tin. Có lẽ chưa lần nào các chị để ý tới lời Phúc Âm này chăng:


Đức Mẹ và thánh Giuse không hiểu sự Chúa nói cùng mình  ; và lời sâu nhiệm này nữa:


Cha mẹ Người ngạc nhiên về những điều người ta nói về Người  .


Ai chẳng tin rằng Đức Mẹ và thánh Giuse đã nghe biết thêm nhiều sự, vì chưng ngạc nhiên và lạ lùng là duyên do bởi sự mới mẻ.


6. Điểm tốt trong muôn sự

Nhiều người có tính quá bao quát, đến nỗi làm cho mình quá long đong, vất vả, như tôi thì lại khác hẳn: tôi hằng nhìn nhận góc tốt của sự vật. Nếu một khi sự khó là toàn diện, sự tối tăm là tất cả, tôi lại nhìn nhận là ca hoạ hiếm, và lấy cớ đó làm lẽ để vui lòng.


Bao giờ sự Chúa ban cho tôi cũng làm tôi vui mừng lắm, cả những sự tôi xem như không tốt không đẹp bằng những sự của các chị em khác.


Tôi vẫn đinh ninh cái điều không thể có này; nếu chính Chúa cũng không xem thấy những việc lành tôi làm, tôi cũng không có chút phiền muộn nào hết. Tôi yêu mến Chúa đến chỗ khao khát làm vui lòng Chúa mà chẳng cần phải Chúa biết tôi làm. Biết và thấy thì ra như Chúa lại phải bó buộc ân thưởng tôi... A, chẳng đời nào tôi lại muốn Chúa phải phiền phức thế!


Ở nhà liệt, một lần chúng tôi còn đang đứng đợi Người cám ơn chịu lễ, để vào thăm và xin Người bảo ban ít lời. Bắt đầu, Người hơi buồn, và đã nhẹ nhàng trách chúng tôi vài lời, rồi cho chúng tôi được tự nhiên ngay, và nói:


- Em vừa nghĩ rằng, em chẳng nên ước ao được nghỉ ngơi nhiều hơn Chúa. Chúa, sau khi đã giảng rất nhiều, có lánh lên rừng thì dân chúng cũng đã theo ngay và đã làm Chúa mất hết yên lặng. Chị em muốn lui tới cùng em, xin cứ việc tự do. Em sắp phải sinh thì nhưng tay vẫn không rời khí giới, miệng vẫn ngậm thanh gươm thần, là lời Đức Chúa Trời  .


- Xin Chị cho chúng em biết, để chỉ dẫn đàng thiêng liêng, chúng em phải làm thế nào?


- Với tất cả lòng đơn sơ, các chị đừng quá chú ý vào sự giúp đáp rất có thể thiếu sót lúc sơ khai. Chẳng mấy chốc, các chị sẽ tự nhiên đồng ý mà đồng thanh cùng Bạn tình trong Ca Đệ Nhất rằng:


Bọn lính gác đã lấy áo ngoài của tôi, chúng đã làm tôi bị thương tích. Nếu đã vượt qua được bót gác, hẳn là tôi đã gặp thấy Đấng tôi yêu dấu.


Nếu các chị hỏi han một cách từ từ bình thản, và đừng có tỏ vẻ quá xoắn xuýt Đấng yêu dấu, những lính gác sẽ bảo ngay. Nhưng thường tình, các chị chỉ gặp được Chúa Giêsu sau khi đã thông qua mọi loài mọi vật. Riêng phần em, cũng đã nhiều phen em lặp đi lặp lại đoạn thơ này trong Ca Thiêng liêng:


Từ những người đưa tin,

Đừng sai đến nữa, ta xin với mình,

Mấy điều ta vẫn đinh ninh,

Họ nào biết nói hết tình cho đâu.


...


Chẳng trừ ai, những người hầu hạn,

Đã cùng ta kể lể suốt đêm ngày.

Nhan sắc mình diễm lệ, ta mê say...

Đã làm ta ngây ngất nhất là... cái...

Và sau hết, lần kia Chị Thánh đã nói:


- Nếu tôi là người có của, tôi không thể nhìn một người đói khát mà chẳng cho ăn cho uống. Tôi thực hành điều ấy trong đời sống thiêng liêng, tuỳ kiếm chác được nhiều ít, tôi đem phân phát ngay cho những linh hồn đang chực trầm vong khốn nạn đời đời. Hành động như thế, thật không còn lúc nào nói được là tôi hành động cho mình tôi.


7. Hân hoan ra về thiên đàng

Tôi đã nói cùng Chị Thánh rằng nhiều thiên thần rất đẹp đẽ, vận áo trắng tinh, dong nhan hoan hỉ, sẽ xuống rước linh hồn Người lên hưởng phúc thiên đàng. Chị Thánh trả lời:


- Tất cả những hình dung bày vẽ ấy chẳng phấn chấn em chút nào; em chỉ có thể sống bằng chân lý. Đức Chúa Trời và thiên thần là tính thiêng liêng, chẳng ai có thể nhìn thấy bằng mắt xác thịt. Em không khi nào ước ao được ơn khác thường. Em muốn ráng chờ phúc hưởng Chúa nhãn tiền trên cõi thọ thôi.


- Em đã xin Chúa thương ban cho em một chiêm bao gì, để an ủi em về sự sẽ phải vĩnh biệt Chị.


- Như em, a, không khi nào em lại làm thế! Xin an ủi... Chị đã biết em đấy, em thì em xin thế này này:


Lạy Chúa, Chúa đừng e ngại con sẽ làm Chúa mất nghỉ yên, con xin bình tĩnh chờ đợi cho tới ngày về quê thật thiên đàng.


Phụng sự Chúa trong tăm tối, trong tân khổ, dịu dàng dường nào! Sống bằng đức Tin, ta chỉ có thể sống bằng đức tin ở đời này thôi. Em rất hân hoan ra về thiên đàng; nhưng khi nghĩ tới lời Chúa đã phán:


Chẳng bao lâu nữa, Cha sẽ đến, và đem phần thưởng cho ai nấy, tuỳ công phúc mình sẽ lập.


Em bấm bụng rằng, với em, Chúa sẽ phải lúng túng lắm, bởi vì em chẳng có công phúc nào hết... Chắc là Chúa sẽ thưởng em bằng công nghiệp của Chúa.


- Nhất định, một là Chị không phải vào luyện ngục giây phút nào, hai là chẳng ai được về thiên đàng ngay.


- Em không áy náy gì điều ấy hết; em sẽ luôn luôn bằng lòng nhận án Đức Chúa Trời ra. Nếu phải xuống luyện ngục, em sẽ dạo chơi giữa biển lửa ấy như ba thánh trẻ xưa đã dạo chơi trong lò lửa mà miệng cứ tươi cười hát ca Tình ái.




CHƯƠNG IV: NHỮNG TÂM TÌNH TAO NHÃ


1. Khiêm nhượng là chân lý

Để uý lạo một chị Dòng chịu đựng một điều nhục nhã, Trinh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã tỏ tình cùng chị ấy thế này:


- Giả như em không được nhận vào tu trong Dòng Kín, hẳn là em đã vào nhà Phụ nữ hối cải để sống ẩn dật, sống đê tiện giữa những đàn bà thống hối. Trong trường hợp ấy, hạnh phúc của em là được sống cách ấy trước mắt mọi người. Em sẽ trở nên tông đồ các người đồng cư với em, em sẽ trò chuyện cùng họ những điều em chiêm nghiệm về lòng lân ái hải hà của Chúa...


- Nhưng Chị có thể giấu cha giải tội lòng thanh sạch của Chị thế nào được?

- Em sẽ trình cha giải tội rằng, khi ở ngoài đời, em đã xưng tội chung một lần tất cả rồi, và cha giải tội đã cấm em còn xưng lại nữa.

- Chán quá sức... khi em nghĩ còn bao điều mà em phải cố gắng cho được...


- Cho phải hơn, chị hãy nói còn bao nhiêu điều mà chị phải cố gắng cho mất đi. Chính Chúa Giêsu - Đấng phụ trách việc làm mãn nguyện lòng ước ao của chị - sẽ tuỳ theo lòng cố gắng đó mà hành động giúp chị đấy. Em nhận thấy chị đã lầm đường, mà lầm thế thì chẳng khi nào chị tới đích được; chị muốn trèo núi mà Chúa lại muốn chị phải xuống. Người chờ chị ở dưới thung lũng, ở đất khiêm nhượng.


Khiêm nhượng như em hiểu, là chân lý. Em không hiểu mình có khiêm nhượng không; nhưng em thấy rằng em nhìn nhận chân lý trong mọi sự.


- Nhất định Chị là thánh.


- Không, em không phải là thánh, vì chẳng khi nào em làm nổi việc các thánh làm. Em chỉ là một linh hồn được Chúa Trời ban ân đầy dẫy... bao giờ về nghỉ trên trời, chị sẽ nhận thấy lời em nói đó là thật.


- Nhưng chắc là Chị vốn trung thành với ơn Chúa ban?


- Vâng, từ ba tuổi, chẳng khi nào em đã từ chối Chúa điều gì. Tuy thị thế, em cũng chẳng dám tự hào điều đó, vì chị xem như mặt trời lúc chiều tà, tung ánh vàng nhuộm đẹp lá muôn cây, linh hồn em lúc này cũng được ánh sáng Tình ái giãi chiếu hồng hào tươi tắn; nhưng nếu mặt trời Tình ái lại giãi sáng, tức khắc em sẽ lại đem em trở lại đen đủi và tối tăm ngay.


- Chúng em ước ao được linh hồn hồng hào tươi tắn thế, chị dạy phải làm thế nào?


- Phải thực hành các nhân đức nhỏ mọn. Đó là điều đôi khi cũng khó khăn thật; nhưng chẳng khi nào Đức Chúa Trời từ chối ai ơn mở đầu để khuyến khích ta bắt tay vào việc. Ơn mở đầu này, nếu linh hồn biết dùng nên, sẽ cảm thấy còn được thêm nhiều ơn khác nữa.


Xưa nay, em vẫn cảm thấy mình được khích lệ mạnh mẽ mỗi khi nhớ tới lời dân Do Thái tán dương bà Judith: Quý bà đã hành động với can trường người tráng sĩ, và quý bà có một trái tim cứng rắn như gang thép  .


Vậy tiên vàn phải hành động can đảm, rồi trái tim sẽ được dũng mãnh, và sẽ bước tới thành công mau lẹ và liên tiếp.


2. Cái nhìn ân ái

Ở nhà cơm, chẳng khi nào Chị Thánh Têrêsa ngẩng mặt nhìn gì hết, đó là luật phép nhà. Tôi lấy điều này làm khó giữ quá, thì Chị Thánh đã soạn cho tôi một kinh minh chứng rõ rệt lòng khiêm nhượng của Chị. Trong kinh, Chị Thánh cầu xin cho mình một ơn mà kỳ thực chỉ có tôi mới cần cầu xin thế thôi. Kinh ấy thế này:


Lạy Chúa Giêsu yêu dấu, hai bạn mọn Chúa từ nay quyết chí dốc lòng, chẳng khi nào ngẩng mặt nhìn gì ở nhà cơm nữa, để mặc niệm và học theo gương sáng Chúa đã treo trong đền Hêrôđê.


Ớ Đấng Mỹ lệ vô biên, sau khi bạo vương xúc phạm chế giễu, đã chẳng nhích miệng nói nửa lời, đã chẳng hoài mắt nhìn một cái! Thật quá phải, Hêrôđê chẳng đáng được Chúa đoái nhìn; nhưng hai bạn mọn Chúa ước ao được Chúa thương nhìn lắm. Phận bồ liễu dám van nài Chúa ân thưởng một cái nhìn ái ân, mỗi khi biết cầm hãm con mắt chẳng ngẩng mặt lên, mà nhỡ khi sơ suất cũng xin Chúa đừng từ chối hai bạn mọn cái nhìn âu yếm của Chúa. Hai chúng con xin hứa sẽ biết thành thực nhận lỗi và tự hạ ngay.


Một lần tôi tỏ tình cùng Chị Thánh rằng: Tôi không thể tiến tới trên đàng nhân đức được, có lẽ tôi ngã lòng mất. Chị Thánh đã khuyên tôi rằng:


- Em đã thực hành nhân đức tới nay là 14 năm, mà vẫn chưa được cảm hứng chút nào, em ước ao đau khổ mà đâu có dám nghĩ rằng tìm được vui mừng trong đau khổ, cho đến khi lòng vừa được nếm chút hân hoan ấy, thì linh hồn liền trở nên như bông huệ vừa nở liền rụng liền!


Chị hãy dâng tiến Chúa Giêsu hy sinh không hái trái bao giờ, nghĩa là trọn đời chỉ cảm thấy lòng xung khắc chịu đau khổ, xung khắc ở khiêm nhượng, xung khắc nhìn những hoa hy vọng của tấm lòng thánh cứ đèo, cứ chột, rồi rơi rụng hoài, không hoa nào kết quả được lấy một bông. Nhưng đừng vì thế mà lo ngại và ngã lòng, Chúa Giêsu đã có cách: chỉ trong nháy mắt, trong giây phút chị nhắm mắt sinh thì, Người sẽ làm chín tất cả những bông trái trên cây thiêng liêng trong linh hồn chị.


- Nhưng em cứ sa ngã mãi, người ta sẽ mục cho em là chẳng ra gì, còn Chị, Chị được mọi người nhìn nhận là nhân đức!


- Có lẽ thế thật, bởi vì em chẳng ước ao thế bao giờ... Nhưng sự người ta nhìn nhận chị thiếu nhân đức, cái đó cũng là phải, và là lợi cho chị nữa. Nhìn nhận chị thế này hay thế khác, cái đó chẳng thêm bớt chi nơi chị, chẳng làm chị phải giàu nghèo hơn; trái lại chính những người nhìn nhận thế, lại là những người mất vui trong lòng, bởi vì còn gì dịu dàng hơn sự nghĩ tốt cho kẻ khác!


Như em, em cảm thấy lòng hân hoan mỗi khi được người ta rẻ rúng, nhất là mỗi khi em tự nhận mình hèn kém, còn những lời khen lao nịnh hót chỉ tổ làm em bứt rứt khó chịu.


- Chúa yêu quý Chị lắm, nên đã uỷ nhiệm Chị dẵn dắt các linh hồn.


- Nhiệm vụ chẳng cho hơn em được chút gì, và thực sự trước nhan Chúa, em thế nào vẫn nguyên thế ấy. Chẳng vì muốn em làm trung gian giữa Chúa với chị em, mà Chúa yêu dấu em hơn đâu; nói cách khác cho phải hơn, em chỉ là tôi tớ của chị em trong Nhà. Chính vì chị em chứ chẳng vì em mà Chúa đã cho em cách ăn ở đối đãi mềm mại, coi như là người có nhân đức như chị em thường nhìn nhận cho thế.


Em hay ví mình như cái bát sứ diêu, được Chúa trộn vào đầy các món ă ngon. Đàn mèo con xúm đến ăn tuỳ thích. Thỉnh thoảng các mèo cũng tranh nhau ăn phần hơn, lúc ấy chắc chắn là Chúa Hài Đồng Giêsu đứng xem, và vui sướng tủm tỉm: Cha hài lòng xem chúng con ăn bát sứ diêu này của Cha; nhưng chúng con phải ý tứ, đừng làm vỡ!...


Nói thực ra, thì chẳng làm gì có nguy hiểm đến vỡ bát được, bởi vì bát để ở dưới đất mà. Nhưng như các Mẹ Bề trên thì khác; các Mẹ được đặt chỗm chệ trên bàn chững chạc, đấy có lẽ mới là nguy hiểm thật và nguy hiểm nhiều, vì danh vọng vốn là điều nguy hiểm.


Chao ôi, thường ngày những người quyền sang chức trọng phải dùng của độc, nghĩa là phải luôn luôn nghe lời nịnh hót. Thật là ghê sợ! Phải là một linh hồn đã thoát ly chính mình mới không cảm thấy điều ghê sợ đó!


3. Một phương pháp thánh hoá bữa ăn

Người ta hỏi Chị Thánh về phương pháp thánh hoá bữa ăn, Chị Thánh nói:


- Ở phòng ăn, chúng ta chỉ có một việc phải làm: làm trọn cái việc thô sơ ấy với những tư tưởng cao quý. Nói của đáng tội, thường ở phòng ăn, em cảm thấy lòng nẩy nở nhiều tâm ái rất dịu dàng. Một đôi khi em đã phải miễn cưỡng ngừng tay với ý nghĩ: giả như Chúa Giêsu ở địa vị em, trước những món ăn dọn trên bàn, hẳn là Chúa cũng cầm đũa gắp ăn... Rất có lẽ rằng, thuở bình sinh, Chúa cũng đã dùng những món ăn tương tựa thế. Chúa đã ăn trái, ăn bánh, ăn tôm cá, vv... Những tâm tưởng thơ ngây của em thường là thế này:


Em hình dung mình ở Nazareth trong nhà Thánh gia. Giả mà bữa ăn người ta dọn cho em chẳng hạn rau sống, cá lạnh, rượu hay thức chi khác có chất mạnh, những món ấy em sẽ gắp tiếp thánh Giuse. Còn Đức Mẹ Đồng Trinh, em tiếp Người những món ăn nóng, những trái thật chín, vv... Và những món ngày lễ trọng nhất là xúp, cơm, kẹo, em sẽ tiếp đãi Chúa Giêsu tất cả! Chí như khi người ta dọn bữa ăn dưa muối, em sẽ vui vẻ bảo mình, cô tiểu thư ạ, hôm nay phần cô cả cỗ đấy!


Dưới nhiều hình thức nhã nhặn, Trinh Nữ Têrêsa đã giấu chúng tôi tấm lòng hy sinh cao quý ấy. Chẳng hạn, một ngày kia Mẹ Bề trên cho lệnh dọn cho Chị Têrêsa một món ăn hơi kha khá, tôi đã bắt gặp Trinh Nữ pha cay đắng vào món ăn ấy, và lần khác nữa, tôi thấy Trinh Nữ cứ nhẩn nha uống bát thuốc rất đắng, tôi đã kêu: ối trời! Chị uống nhanh và uống một hơi cho hết.


- A, không, lẽ nào em chẳng lợi dụng những dịp nhỏ mọn này để hãm mình một chút sao? Việc to tát thì em đã không được phép làm rồi...


Trong hồi Trinh Nữ còn ở nhà Tập, lần kia, một chị khoác lại cho Người chiếc áo Dòng, đã nhỡ tay mà không biết, đâm cả cái ghim to qua vai Trinh Nữ, mà Trinh Nữ cứ vui vẻ chịu đựng sự đau đớn ấy nhiều giờ.


Trường hợp khác, tôi đã được chứng kiến sự hãm mình bề trong của Têrêsa. Tôi nhận được một thư rất hay, nhận được lúc giờ chơi mà Người vắng mặt. Đến chiều, Người tỏ ý muốn đọc thư, tôi đã trao ngay cho Người. Một lát sau, Người trả lại, tôi có hỏi Người ý kiến về một điều mà tôi chắc Người đã hài lòng lắm. Người đã lúng túng và sau cùng trả lời:


- Chúa không muốn em đọc thư để bù lại một lần kia em đã quá rộn rã vì tò mò... em chưa đọc thư...


4. Lời vàng tiếng ngọc

Lần kia đang khi bị cám dỗ và phải cầm cự riết, tôi đã được Chị Thánh uý lạo những lời vàng ngọc này:


- Em chỉ có thể bị rầu rĩ, bị thử thách bởi những người lành thánh thôi, vì chưng các chị em đều là những người vừa lòng vừa ý Chúa cả. Phải rầu rĩ vì những người tội lỗi, thì bớt cay cực hơn là phải rầu rĩ vì những người lành thánh; nhưng vì lòng trắc ẩn đối với người tội lỗi, lạy Chúa, tôi nài xin Chúa cho tôi được rầu rĩ vì kẻ lành thánh sống chung quanh tôi, để những người tội lỗi kia được cải quá tự tân. Tôi lại nài xin Chúa đừng để dầu khen ngợi rất hợp tính tình tự nhiên làm yểu điệu đầu óc tôi, nghĩa là tâm trí tôi, mà làm tôi tin mình có nhân đức. Điều ấy tôi đã phải thực hành mãi mới được.


Lạy Chúa Giêsu, Danh Chúa là như dầu đổ tung toé ra  ; mà trong mùi dầu thơm tho ấy, tôi ước ao được tắm lặn cả người tôi ở một nơi xa vắng mọi nhìn ngó của phàm trần.


Muốn thuyết phục chị em công nhận mình là không phải, dù khi điều đó đã quá hiển nhiên, cũng không phải là một tranh luận đẹp đẽ gì, chỉ vì chúng ta không phải là người phụ trách hạnh kiểm chị em. Chúng ta không nên có thái độ như những quan toà phân xử mà chỉ nên ở như những thiên thần hoà bình.


Đã có lần Chị Thánh nói cùng chúng tôi rằng:


- Các chị mải miết vào việc làm quá, các chị băn khoăn đến các vật dụng quá dường như là chỉ có các chị phải chịu hết trách nhiệm. Giây phút này, ở các nhà Kín khác đang xảy ra những chuyện gì, các chị em Dòng chật vật lắm hay được thư thả, có lẽ các chị chẳng nghĩ tới? Việc ta làm phần xác có làm ngăn trở sự suy gẫm của linh hồn ta chăng? Này các chị ạ, cả đến những việc bản thân ta, ta cũng phải dứt lòng ra, chỉ dùng vào đó một cách có ý thức thì giờ đã ấn định thôi.


Em đọc sách, thấy chép lại rằng, xưa dân Do Thái xây thành Giêrusalem, một tay cầm bay để xây, còn tay kia cầm gươm để kháng chiến  . Ấy chính đó là gương mẫu mà ta phải bắt chước: chỉ nên làm việc tay này, còn tay kia phải phòng ngừa lòng mình cho khỏi lo tới những điều ngăn trở ta hiệp tình với Chúa.


Chị Thánh kể thêm rằng, hôm Chúa nhật, em vui vẻ dạo chơi một mình bên phía hàng cây dẻ, kỳ ấy là tiết xuân, em thích ngắm, cảnh mỹ lệ trời đất.


Trời! Thất vọng quá, người ta đã tỉa trụi hết các ngành những cây dẻ đẹp kia đi rồi. Các ngành đã nẩy mầm xanh mơn mởn, đều bị chặt vất lăn lộn ngổn ngang cả dưới đất!


Đứng mà nhìn cảnh tàn phá ấy với ý nghĩ: phải đợi ba năm nữa cũng chửa vị tất cây đã nẩy được ngành, sinh được ngọn như trước chưa... Lòng em đã se lại. Nhưng giây phút ưu tư ấy cũng chẳng lâu; em đã nghĩ lại rằng giá em ở nhà Dòng nào khác, mà người ta có chặt chém tất cả các cây và ngành của nhà Kín Lisieux thì mình có làm sao. Em không thích mình phải buồn rầu vì những chuyện chẳng đâu vào đâu ấy nữa; Bạn Thánh đã là tất cả hoài bão, tất cả nguyện vọng của em rồi... Em muốn luôn luôn dạo chơi trong vườn cây tình nghĩa Chúa, nơi đó, thật chẳng ai còn thể mó máy hay chặt chém gì được.


Một chị nhà Tập đã xin mấy chị giúp giũ cái chăn và dặn kỹ lưỡng rằng, chăn đã lão lắm xin nhè nhẹ tay cho kẻo... Chị Thánh đã bảo chị ấy rằng:


- Giá không phải nhiệm vụ chị phải vá những chăn rách, chị sẽ ân cần thế nào? Chị có ý tứ dường ấy chăng, và dầu có yêu cầu kỹ lưỡng thế, có lẽ cũng chỉ nói cho qua chuyện thôi! Bởi vậy trong hết mọi trường hợp hành động, ta đừng để bóng dáng tư kỷ nào lấn vào bao giờ.


Trông thấy Chị phải nhọc mệt quá, tôi nói cùng Chị Têrêsa rằng, em không thích xem ai phải khổ khi nào hết, nhất là những người lành thánh. Chị Thánh trả lời:


- A, em không đồng ý với chị điều đó! Người lành thánh chịu đau khổ không làm em cảm thương bao giờ. Em biết họ có sức chịu đựg đau khổ lắm, và chịu như thế, họ làm vinh danh Chúa nhiều; nhưng những người không lành thánh, không biết lợi dụng đau khổ mình phải chịu, em rất ái ngại thương những người ấy! Những người ấy làm chạnh lòng cảm thương của em rất nhiều, khiến em phải hết sức hoạt động để an ủi và nâng đỡ họ.


5. Lợi dụng cái dở thành cái hay

Thấy tôi buồn bã lắm vì rất hay lo ra trong khi đọc kinh nguyện gẫm, Chị Thánh bảo:


- Em cũng như chị, mà có lẽ còn quá hơn chị; nhưng một khi biết mình chia trí, em liền cầu nguyện cho những người mà em chia trí đến, và như thế, những người đó được lợi nhiều bởi sự em chia trí. Em tiếp nhận mọi sự vì lòng kính mến Chúa, dù là những tư tưởng quá vẩn vơ dông dài đưa tới trí khôn.


Người ta xin tôi một cái ghim tôi vẫn dùng vừa ý lắm, tôi đã cho với lòng tiếc xót. Chị Têrêsa bảo tôi thế này:


- Gớm, chị giàu có lắm, chị không thể sung sướng được!


Chị Thánh phải phụ trách việc trang hoàng tượng Chúa Hài Đồng. Người biết có một Mẹ không ưa được mùi hoa thơm, nên không bao giờ Người bày hoa thơm dù một hoa má tía, đó là một hy sinh không phải là vừa đối với tính tình Người.


Một hôm, Người vừa bày một bông hoa giả rất đẹp ở dưới chân tượng, Mẹ không ưa được mùi hoa thơm liền gọi ngay Người. Chị Thánh đoán là Mẹ có ý bảo mình cất bông hoa ấy đi. Không muốn Mẹ phải tẽn, Người đã cầm bông hoa ấy trong tay và đề phòng mọi nghĩ ngợi, Người nói ngay rằng:


- Thưa Mẹ, người ta khéo bắt chước tự nhiên quá! Hôm nay ai nhìn bông hoa này mà chẳng cho là hoa thật, vừa mới hái ở vườn về.


Lần kia Chị Thánh nói rằng:


- Có những giây phút người ta thấy khó chịu trong mình lắm đến nỗi như muốn thoát ly khỏi mình. Những lúc ấy, Chúa không bắt ta phải ở lỳ một chỗ, mà thường thường Chúa lại dùng sự khó chịu đó để ta lảng đi nơi khác. Tôi không thấy cách giải phiền nào khác tốt hơn là đi viếng Chúa, đi viếng Đức Mẹ, đi làm việc bác ái.


Ơn đại xá chính và đồng thời là ơn mà mọi người có thể ăn mày không điều kiện thường lệ, chính là ơn đại xá của đức bác ái che đậy muôn vàn tội lỗi  .


Trong kinh nguyện giờ thìn, Chị Thánh nói, có một lời thơ của Thánh vịnh mà ngày nào đọc tới, tôi cũng phải đọc miễn cưỡng. Lời thơ ấy thế này: Tôi đã nghiêng lòng tôi để tuân giữ giới răn Chúa, vì tôi trông mong phần thưởng  . Bao giờ trong lòng, tôi cũng lắp nhanh lại rằng: Lạy Chúa, Chúa biết rõ rệt rằng, tôi phụng sự Chúa chẳng phải vì phần thưởng, một vì lòng kính mến Chúa và muốn cứu các linh hồn.


Chỉ khi nào ở trên trời, chúng ta mới thấy được chân lý tuyệt đối trong mọi sự. Còn như ở thế gian này, dù trong Kinh Thánh cũng thấy có chỗ tối chỗ mờ. Tôi rất khó chịu thấy các bản dịch khác nhau. Nếu mà được làm linh mục, tôi quyết học tiếng Giudêu để có thể đọc chính văn Chúa đã đoái thương dùng trong tiếng nói nhân loại.


6. Áp dụng khoa thôi miên

Lần kia, tôi đã nói cùng Chị Thánh về những hiện tượng kỳ dị của khoa thôi miên đối với những người bằng lòng để nhà thôi miên thuật điều khiển ý chí của mình. Câu chuyện tỉ mỉ ấy đã làm Chị Thánh để ý lắm. Đến sáng hôm sau Người bảo tôi rằng:


- Câu chuyện chị nói chiều qua bổ ích cho em lắm. Em rất ước ao được Chúa thôi miên em... Sáng nay vừa thức dậy, em đã nghĩ ngay tới điều ấy, và với cả một lòng tha thiết dịu dàng em đã dâng trọn ý chí em cho Chúa. Em xin Chúa sử dụng tất cả tài năng trong người em, để mọi hoạt động của em chẳng còn là nhân loại hay là cá nhân em nữa, một là hành động Thiên Chúa, được soi sáng và điều khiển bởi Chúa Thánh Linh.


Trước ngày tôi khấn, tôi đã được một ơn bởi lời Chị Thánh cầu nguyện... Câu chuyện thế này:


Ngày ấy, chúng tôi đã giặt giụa suốt ngày, và như riêng tôi, lần ấy nhọc quá hầu lả người ra, trong lòng lại phải nhiều điều phiền. Đến chiều trước giờ kinh, tôi đã muốn than thở cùng Chị Thánh ít lời cho đỡ phiền, nhưng Chị Thánh bảo đến giờ kinh rồi, Người không còn giờ để an ủi tôi nữa; hơn nữa, Người cảm thấy rằng có an ủi tôi lúc này cũng bằng thừa: Đức Chúa Trời muốn một mình tôi chịu khó lúc này.


Với một tâm trạng chán nản hầu như ngã lòng về ơn kêu gọi, tôi theo Người đi đọc kinh và cứ băn khoăn rằng mình không đủ sức làm chị Dòng Kín, luật phép Dòng khó giữ quá... Tôi đã quỳ đến mấy phút để cầm cự và chịu đựng nỗi khổ tâm ấy, và chưa kịp cầu xin gì thì bỗng nhiên đã cảm thấy trong tâm hồn một chuyển biến khác thường. Tôi như không còn nhận biết mình thế nào nữa.


Ơn kêu gọi, tôi nhìn thấy đẹp đẽ lắm, khả ái lắm; sự đau khổ, tôi thấy mỹ miều lạ, giá trị vô song... Tất cả những hy sinh phạt mình phạt xác, tất cả những nặng nhọc của đời chân tu trong Dòng, tôi lấy làm quý hoá và ưa thích hơn bội phần những vui thú trần tục, và sau cùng từ nhà nguyện bước ra, tôi cảm thấy mình đã thay đổi hẳn.


Hôm sau tôi đã kể cho Chị thánh nghe cái trạng thái tâm tình biến đổi ấy. Chị Thánh tỏ vẻ rất cảm động làm tôi ngạc nhiên lắm tôi đã hỏi xoắn ngay thì Người nói:


- Ôi! Chúa tốt lành dường nào!


Chiều qua chị làm em cám cảnh quá... lúc vào đọc kinh, em đã cầu xin cách riêng cho chị, em nài xin Chúa an ủi chị, thay đổi tâm trạng chị, và tỏ cho chị biết giá trị cao quý của đau khổ. Chúa đã nhậm lời chúng ta cầu xin đấy!


Lần khác, tôi đưa Chị Thánh xem tấm hình bà thánh Jeanen d’Arc khi ngồi tù được nghe tiếng lòng an ủi, Chị Thánh nói:


- Em cũng đang được tiếng lòng an ủi em. Từ trên trời, các thánh phấn khởi em, các thánh bảo em rằng: bao lâu em còn ở tù rạc thế gian, em không thể hoàn thành thiên chức em được; nhưng sau khi đã về thiên đàng, lúc ấy mới là thời buổi thu lượm những thắng lợi của em.


- Trên thiên đàng Chị sẽ được liệt vào hàng các thiên thần Sêraphim.


- Nếu mà được như chị chúc cho đó, em sẽ không đồng ý với các thiên thần về sự xoè cánh để che mặt vì không dám nhìn ngắm Chúa Trời  : mà trái lại, em sẽ mở mắt cho thật to, quyết sẽ chẳng khi nào có cử chỉ xoè cánh ấy.


- Trên thiên đàng, Đức Chúa Trời sẽ làm trọn ý em, vì ở dưới đất, em đã chẳng làm theo ý em bao giờ.


- Khi Chị đã lên thiên đàng, các em phải cầu xin Chị thế nào?


Người trả lời cách khiêm nhượng lắm: các chị cứ gọi em là Têrêsa nhỏ mọn thôi.