Tư Liệu Lòng Chúa Thương Xót
Quyển 3

NHỮNG BÍ QUYẾT VỀ SỨ ĐIỆP VÀ LÒNG SÙNG KÍNH 

(Thánh nữ Faustina)

Xuôi dòng lịch sử, thông qua chính dân riêng của mình, Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu lớn lao dành cho nhân loại, thụ tạo của Người. Trong thời đại chúng ta, có người như vậy là một cô bé được rửa tội với tên là Helen Kowalska, hiện nay là Thánh nữ Faustina, được biết đến trên toàn thế giới.

Helen được Đức Giêsu trao cho một sứ mạng đặc biệt nhất từ thời các tông đồ. Người bảo chị rằng Người trao cho chị sứ điệp phải chuẩn bị cho thế giới về việc Người đến lần cuối cùng (Nhật ký, 429).

Chị chào đời tại làng Glogowiec, thuộc giáo xứ Swinice, Warckie, Ba Lan, ngày 25 Tháng 8, 1905. Chị là con thứ ba trong số 10 đứa con của bà Marianna và ông Stanislaw Kowalska. Cha chị là một thợ mộc lành nghề, nhưng ông cũng làm việc trong một trang trại nhỏ để phụ thêm vào những nhu cầu của gia đình. Ông là một người rất đạo đức. Người ta kể lại, mỗi sáng, ông vẫn dành ra khoảng một giờ quỳ gối cầu nguyện trước khi bắt đầu ngày làm việc. Buổi tối, ông quy tụ cả gia đình lại để cùng nhau đọc kinh tối. Thánh nữ Faustina viết trong nhật ký: “Khi nhìn thấy cha tôi cầu nguyện, ngay cả bao năm tháng với tư cách là một nữ tu, tôi vẫn ngạc nhiên vì bản thân tôi không thể cầu nguyện sốt sắng được như ông ”.

Nhờ lòng yêu mến Tin Mừng và kinh nguyện trong gia đình của người cha, nên lòng yêu mến Thiên Chúa đã phát triển nơi Helen ngay từ tuổi còn thơ. Năm 7 tuổi, chị có được kinh nghiệm thần bí đặc biệt đầu tiên. Chị ghi lại trong nhật ký của mình: “Năm 7 tuổi, tôi nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa trong linh hồn mình, với lời mời gọi đến với một cuộc sống hoàn thiện hơn”.

Năm 9 tuổi, Helen xưng tội lần đầu, và một thời gian ngắn sau, chị rước lễ lần đầu tại nhà thờ giáo xứ St. Casimir, Swinice. Năm 12 tuổi, chị đến trường lần đầu tiên, nhưng lại phải rời khỏi trường vào năm 14 tuổi. Đây là tình trạng khó khăn của đất nước Ba Lan thời đó, vì thiếu trường học và giáo viên trong các khu vực nông thôn, cho nên sau hainăm học, các em phải rời khỏi trường để những trẻ khác có cơ hội được giáo dục cơ bản.

Ngôi   nhà  của gia đình Kowalska  được xây cất từ năm 1890. Năm  1983,  giáo xứ  địa phương đã mua lại căn nhà này để lưu giữ kỷ  niệm  của Thánh nữ Faustina. Hiện nay, đây là một nhà bảo tàng chứa đựng những đồ vật từ thời Thánh nữ sống ở đó, nhất là chiếc giường nơi Thánh nữ chào đời. Trong một  căn phòng khác, trưng bày những dụng cụ thợ mộc và trang trại thuộc về cha của Thánh nữ. Tấm ảnh Lòng Chúa Thương Xót treo trên tường lần đầu tiên đặt trong nhà thờ giáo xứ năm 1955, đã được chuyển sang nhà của gia đình Kowalska vào năm 1983, khi giáo xứ mua lại căn nhà này.

 

Năm 16 tuổi, Helen Kowalska rời khỏi nhà, và bắt đầu làm người giúp việc nhà cho gia đình Leokadia Bryszewska, chủ một cửa hàng bánh trong thị xã Aleksandrow, quận Lodz. Ông chủ tiệm bánh nói rằng chị là nhân viên chu đáo và chịu khó làm việc nhất mà ông tuyển dụng. Chị lãnh phép thêm sức tại nhà thờ giáo xứ địa phương sau bẩy tháng chị ở đó.

Chính tại đây, một hôm, ở sân nhỏ phía sau nhà và giữa ban ngày, chị có được thị kiến đặc biệt về một hình ảnh sáng ngời. Hình ảnh đó còn mãnh liệt hơn cả ánh sáng ban ngày, và sự kiện này là chất xúc tác khiến chị quyết định gia nhập dòng tu.

Sau kinh nghiệm đó, Helen trở về nhà thuyết phục cha mẹ mình để được vào dòng, nhưng cha mẹ chị lại từ chối không cho phép, vì hai ông bà cần đến thu nhập của chị hầu hỗ trợ gia đình, và họ không có khả năng thanh toán một khoản tiền cho nhà dòng. Khoản tiền này cần thiết đối với bất cứ ai khi gia nhập một dòng tu.

Mùa thu năm 1922, Helen thay đổi công việc và làm người giúp việc nhà cho các nữ tu Franciscan tại Lodz. Vài tháng sau, niềm khao khát gia nhập nhà dòng khiến chị viết thư xin cha mẹ cho phép mình vào dòng, nhưng một lần nữa, ông bà lại bảo chị rằng họ không có khả năng. Chẳng bao lâu sau, chị ghi lại trong nhật ký của mình:

“Tôi hướng tới phù hoa của cuộc đời, mặc dù linh hồn tôi không tìm được sự an bình. Lời kêu gọi không dứt đến với đời sống tu trì vẫn không rời khỏi tôi, và là nguồn gốc của nỗi đau khổ liên tục trong tâm hồn tôi. Tôi đã cố gắng kiềm chế lời kêu gọi này bằng những sao lãng trần thế khác nhau, tôi tránh né Thiên Chúa trong cuộc đời mình, và tìm cách kết bạn với những người khác”.

Ngày 2 Tháng 2, 1923, Helen bỏ giúp việc nhà cho các nữ tu Franciscan, và đến làm việc cho gia đình bà Mariana Sadowska, tại số 29 đường Abramowskiego, Lodz. Chị làm việc ở đó với tư cách quản gia và chăm sóc những đứa trẻ.

Các em gái của Helen làm việc trong cùng khu vực, và chị bắt đầu đi tới các buổi khiêu vũ với họ. Trong một buổi khiêu vũ diễn ra vào tháng 7, 1924, tại một đại sảnh địa phương ở Công viên Wenecja, Lodz, Helen có một thị kiến trong khi đang nhảy múa. Chị nhìn thấy Đức Giêsu rất đau khổ khi nói với chị: “Con để cho Ta tiếp tục chờ đợi bao lâu nữa?”

Sửng sốt trước thị kiến này, chị rời khỏi buổi khiêu vũ và quyết định đến Nhà thờ Chính Tòa St. Stanislaus Kostka gần đó, nơi đặt Bí Tích Cực Thánh.

Trong nhà thờ chính tòa, có vài người nhận ra Helen khi chị đến đó, nhưng chị phớt lờ họ và đi lên bàn thờ, trước Bí Tích Cực Thánh. Chị phủ phục trên sàn nhà, cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn.

Đột nhiên, chị nghe thấy tiếng nói của Đức Giêsu trong linh hồn mình. Người nói: “Hỡi con gái của Ta, hãy tới Warsaw, tại đó, con sẽ có thể gia nhập một dòng tu”.

Tối hôm đó, Helen quyết định đi tới Warsaw.

Khi Helen đến thành phố Warsaw, chị tìm thấy linh mục chính xứ tại nhà thờ đầu tiên mà chị đi qua, đó là nhà thờ St. James, đường Grojecka, nằm giữa thành phố Warsaw. Sau khi nghe câu chuyện của chị, cha xứ cho chị địa chỉ của một gia đình tốt lành mà ngài quen biết. Ngài bảo chị cứ tới đó, và chị sẽ có được một căn phòng.

Vài tuần sau, chị đi tìm xem có dòng tu nào tiếp nhận mình không, nhưng mọi nhà dòng chị tìm đến đều từ chối lời yêu cầu của chị. Cuối ngày, chị đi vào một nhà thờ và cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con. Xin Chúa đừng bỏ rơi con trong lúc này”.

Nhà dòng kế tiếp mà chị đi tới là dòng “Các Nữ Tu Đức Bà Thương Xót” tại đường Zytnia. Tại đây, chị gặp Mẹ Bề Trên, bà bảo chị hãy đến nhà nguyện của dòng và hỏi vị chủ nhà (là chính Chúa) xem Người có tiếp nhận chị hay không. Chị tới nhà nguyện và khẩn cầu: “Lạy Chúa của ngôi nhà này, Chúa có chấp nhận con ở đây không?” Một lần nữa, chị lại nghe thấy một tiếng nói trong linh hồn mình: “Con ở trong tâm hồn Ta, và Ta tiếp nhận con vào đây”.

Chị trở lại với Mẹ Bề Trên, và kể lại cho mẹ điều mình vừa nghe thấy, và Mẹ Bề Trên nói: “Tốt, nếu Chúa chấp nhận chị, thì tôi cũng phải chấp nhận chị”.

Ngày 1 Tháng Tám, 1925, Helen Kowalska gia nhập Dòng các Nữ Tu Đức Bà Thương Xót tại Warsaw. Chị viết trong Nhật Ký của mình: “Dường như thể tôi đã bước vào vương quốc của Thiên Đàng, những lời nguyện liên tục thốt lên từ tâm hồn tôi, những lời nguyện của lòng yêu mến và cảm tạ dâng lên Chúa, vì đặc ân tuyệt vời là chấp nhận tôi như một tôi tớ trong Nhà Người”.

Tuy nhiên, Helen vẫn phải làm việc ở bên ngoài nhà dòng suốt ngày thêm một năm nữa, như một người giúp việc nhà, để kiếm được khoản tiền mà cha mẹ chị không đủ khả năng nộp.

Dòng các Nữ Tu Đức Bà Thương Xót mà Thánh nữ Faustina gia nhập thành lập tại Pháp, ban đầu được biết đến như dòng “Ma-đa-lê- na”. Nhà dòng được thành lập nhằm giúp đỡ các phụ nữ vô gia cư và các thiếu nữ đường phố Paris. Năm 1862, nhà đầu tiên của dòng được mở tại Ba Lan là ở Warsaw.

Nhà đầu tiên có một lịch sử thật hỗn loạn. Nhà dòng được xây dựng trong thời kỳ nước Nga xâm chiếm và áp bức Ba Lan, và được xây dựng phía sau một tòa nhà cũ kỹ, để giữ kín đối với người Nga. Trong Thế Chiến II, cơ quan mật vụ Đức Quốc Xã đã xây dựng một khu dân cư Do Thái để giam giữ người Do Thái. Một trong các bức tường của khu dân cư Do Thái này hướng về phía bên cạnh nhà dòng. Đôi khi, những người Do Thái nào leo qua khỏi bức tường, thì nơi trốn tránh đầu tiên của họ là ở trong nhà dòng.

Nhiều người Do Thái ẩn náu tại đó, trong những năm cuối cuộc xâm chiếm của Đức. Và sau cùng, trong cuộc nổi dậy năm 1944, nhà dòng trở thành một trong những nơi chủ yếu dành cho “phong trào phản kháng có võ trang”.

Khi quân Đức phát hiện phong trào, thì tất cả các nữ tu đều bị bắt giữ và đưa đến một trại tập trung để trả đũa, còn nhà thờ và tu viện thì đã hoàn toàn bị thiêu hủy. Sau chiến tranh, khi cộng sản tiếp quản Ba Lan, họ không cho phép các nữ tu khôi phục tòa nhà, cho đến khi nhiều cuộc đình công của những công dân buộc họ phải nhượng bộ. Năm 1998, nhà dòng được Đức Hồng Y Joseph Glemp dâng hiến cho Lòng Chúa Thương Xót. Trong lễ phong thánh cho Thánh nữ Faustina, Đức giám mục đã dâng hiến giáo xứ cho Thánh nữ Faustina và Lòng Chúa Thương Xót.

Năm 1925, chỉ sau ba tuần trong nhà dòng tại Warsaw, cô thiếu nữ Faustina quyết định rời khỏi tu viện, vì chị nhận thấy mình không có đủ thời gian để cầu nguyện. Hôm chị quyết định đến gặp bề trên và nói rằng mình ra đi, thì chị có một thị kiến trong khi cầu nguyện. Đức Giêsu bảo chị là Người không muốn chị rời khỏi tu viện trong thời gian này. Lúc đó, chị biết rằng mình không bao giờ có thể ra đi, cho đến khi Chúa sẵn sàng cho chị ra đi.

Ngày 23 Tháng 1, 1926, chị được đưa từ Warsaw đến nhà dòng tại Cracow, nơi chị hoàn tất thời gian thỉnh sinh của mình. Ngày 30 Tháng 4, 1926, chị nhận áo dòng và lấy tên là Maria Faustina. Hai năm sau, chị khấn lần đầu với các lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, mà chị khấn lại hàng năm trong vòng 5 năm.

Có các mức độ cam kết khác nhau dành cho các nữ tu theo cấp bậc của họ, và các nữ tu này được gọi là choir. Choir thứ nhất bao gồm các nữ tu có trình độ cao, và họ quan tâm đến việc giáo dục các thiếu nữ mà họ chịu trách nhiệm. Choir thứ hai bao gồm các nữ tu có trình độ kém, được chỉ định làm tất cả các việc tay chân và nông trại trong nhà dòng. Nữ tu Faustina được xếp vào choir thứ hai.

Ngày 31 tháng 10 năm 1928, nữ tu Faustina được đưa trở lại nhà Warsaw, nơi chị làm việc trong nhà bếp. Tháng 2, 1929, chị được cử đến Vinius, lúc đó vẫn còn là một phần của Ba Lan. Từ đây, một lần nữa, chị lại làm việc trong nhà bếp. Tháng 8 năm đó, chị được cử đến nhà dòng tại Kiekrs, một ngôi làng nhỏ gần Poznan.

Một hôm, trong khi đang đi dạo và ngắm cảnh thôn quê tươi đẹp, chị có được thị kiến về Đức Giêsu bên cạnh mình. Người nói với chị rằng cảnh đẹp này không là gì, so với vẻ đẹp chờ đợi các linh hồn trong cõi vĩnh cửu.

Tháng 6, 1930, nữ tu Faustina được cử đến một nhà khác tại Plock, nơi chị làm bánh trong lò nướng. Chị vẫn ở lại nhà này đến tháng 10, 1932. Chính tại đây, ngày 22 tháng 2 năm 1931, lần đầu tiên Đức Giêsu hiện ra với chị, với những chùm tia sáng màu đỏ và xanh xám phát xuất từ trái tim Người, đây là một hình ảnh mới mà trước đây, thế giới chưa bao giờ nhìn thấy. Cuối cùng, hình ảnh này được biết đến như Ảnh Lòng Chúa Thương Xót. Người bảo chị hãy cho vẽ lại tấm ảnh để tôn kính, hầu tấm ảnh này có thể trở thành một phương tiện đối với các ân huệ cao cả cho toàn thể nhân loại. Người bảo chị hãy trưng bày tấm ảnh trước hết trong nhà nguyện, rồi sau đó trên toàn thế giới. Chị ghi lại điều này trong Nhật Ký của mình:

“Buổi tối, khi ở trong phòng riêng, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng. Một bàn tay Người giơ lên với động tác ban phép lành, bàn tay kia chạm vào áo trên ngực. Phía dưới áo, hơi lệch sang một bên ngực, từ đó tỏa ra hai chùm tia sáng, một chùm màu đỏ, chùm kia màu xanh xám. Trong thinh lặng, tôi cứ nhìn chằm chằm vào Chúa; linh hồn tôi bị nỗi sợ hãi tác động, nhưng cũng cả niềm vui cao cả. Một lúc sau, Chúa Giêsu nói với tôi: ‘Con hãy vẽ một tấm ảnh theo kiểu mẫu con nhìn thấy, với dấu hiệu đặc trưng: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Ta mong sao tấm ảnh này được tôn kính trước hết trong nhà nguyện của con, và (sau đó) trên toàn thế giới. Ta hứa linh hồn nào tôn kính tấm ảnh này thì sẽ không bị hư đi. Ta cũng hứa ban chiến thắng trên những kẻ thù của họ ở nơi đây trên trái đất, đặc biệt trong giờ chết. Chính Ta sẽ bảo vệ linh hồn này như vinh quang riêng của Ta’”.

(Địa điểm đầu tiên tấm ảnh này được nữ tu Faustina, cha Sopocko và người họa sĩ tôn kính là trong căn phòng nơi tấm ảnh được vẽ tại Vilnius. Căn phòng này đã trở thành nhà nguyện của dòng “Các Nữ tu Chúa Giêsu Thương Xót”, dòng mà Đức Giêsu bảo Thánh nữ Faustina thành lập, cũng tại Vilnius).

Đức Giêsu nói với nữ tu Faustina: “Ta đã, đang và sẽ là Thầy dạy của con, hãy phấn đấu để làm cho tâm hồn con trở nên giống như Trái tim dịu hiền và khiêm nhường của Ta. Đừng bao giờ đòi hỏi quyền lợi cho mình. Hãy chịu đựng với sự kiên nhẫn và bình tĩnh tất cả mọi sự rơi xuống với con. Đừng tự vệ khi con bị nhục nhã, mặc dù con vô tội, cứ để cho những người khác chiến thắng. Đừng ngừng sống tốt đẹp khi con nhận thấy lòng tốt của mình bị lợi dụng. Chính Ta sẽ nói lên cho con khi cần thiết” (Nhật ký, 1701).

Sau này, nữ tu Faustina viết trong Nhật ký của mình: “Tôi chấp nhận niềm vui hoặc nỗi đau khổ, lời khen ngợi hoặc sự nhục nhã với cùng tâm tình. Tôi nhớ rằng điều này điều khác đều đang qua đi. Những điều người ta nói về tôi quan trọng gì đối với tôi? Từ lâu, tôi đã từ bỏ tất cả mọi sự liên quan đến con người mình. Ôi lạy Chúa Giêsu nhân lành, Thầy của con, tên con là bánh thánh hoặc hy sinh, không phải bằng lời nói, nhưng bằng hành động, trong việc từ bỏ chính mình và trở nên giống như Chúa trên Thập giá” (Nhật ký, 485).

Cuối tháng 11, 1932, Nữ tu Faustina rời khỏi Plock và trở lại Warsaw để tập sự lần thứ ba, thời gian này kéo dài 5 tháng, đây là nơi chị khấn trọn đời ngày 1 tháng 5, 1933. Chị ghi lại ngày đó trong Nhật ký của mình:

“Bây giờ, tôi ở trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở trong tôi, khi Đức Giám Mục đeo nhẫn vào ngón tay tôi, thì tôi cảm thấy Thiên Chúa tràn ngập khắp toàn bộ con người tôi”.

 

Vilnius, Thành Phố của Lòng Chúa Thương Xót

 Sau khi khấn trọn đời, nữ tu Faustina được cử đến Vilnius. Chị nói: “Vì những thay đổi thường xuyên của tôi (đến nhiều nhà khác nhau của tu viện tại Ba Lan), nên tôi không có thầy dạy thường xuyên, và tôi gặp khó khăn lớn trong việc nói những điều đó (các thông điệp nhận được từ Thiên Chúa). Vì thế, tôi cầu nguyện thiết tha xin Chúa ban cho tôi một cha linh hướng. Lời nguyện của tôi đã được nhận lời chỉ sau khi tôi khấn trọn đời lúc tôi tới Vilnius.

Vị linh hướng đó là cha Michael Sopocko. Thiên Chúa cho phép tôi nhìn thấy ngài trong một thị kiến ngay cả trước khi tôi tới Vilnius.”(Nhật ký, 34).

Chính tại thành phố Vilnius, ngày nay được gọi là “Thành phố của Lòng Chúa Thương Xót”, mà Thánh nữ Faustina và cha linh hướng của chị, cha Michael Sopocko, Chân phước, đã bộc lộ cho thế giới sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót lần đầu tiên. Trong thời Thánh nữ Faustina, Vilnius là một phần của Ba Lan, nhưng hiện nay, đây là thủ đô của Lithuania.

Đây là nơi nữ tu Faustina đã trải qua thời gian lâu dài nhất của cuộc đời chị trong tu viện. Và trong nhà dòng tại Vilnius, chị đã viết cuốn Nhật Ký nổi tiếng hiện nay, “Lòng Chúa Thương Xót Trong Linh Hồn Tôi”, với sự khích lệ của cha Michael Sopocko, linh hướng của chị.

Chính tại thành phố này, tấm ảnh Lòng Chúa Thương Xót của Đức Giêsu được vẽ lần đầu tiên. Và trong nhà dòng tại Vilnius, chị đã nhận được kinh nguyện đầy sức mạnh “Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót”, hiện nay được đọc khắp thế giới.

Cũng tại Vilnius, dòng “Các Nữ tu Chúa Giêsu Thương Xót”, mà Chúa bảo Thánh nữ Faustina thành lập, đã được lập ra. Các nữ tu dâng hiến cuộc đời mình để cầu nguyện và làm việc vì lòng thương xót đối với thế giới. Chính tại Vilnius, “Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót” được cử hành lần đầu tiên năm 1935, ở thánh điện Mẹ Thương Xót.

Cũng tại đây, những cuốn sách và tờ rơi đầu tiên về sứ điệp Lòng Lòng Chúa Thương Xót được in ra. Ngày nay, nơi đây trở nên được biết đến như địa điểm quan trọng nhất trong lịch sử về việc sùng kính và sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót. Đây là nguyên nhân tại sao Vilnius được biết đến như “Thành phố của Lòng Chúa Thương Xót”. Chính tại đây, tất cả những yêu cầu của Chúa chúng ta đối với Thánh nữ Faustina trong sứ điệp của Người về Lòng Chúa Thương Xót đã được thực hiện.

Một thiên thần đã hiện ra với nữ tu Faustina trong căn phòng tu viện của chị tại Vilnius. Chị nói: “Tôi nhìn thấy một Thiên Thần đến thi hành cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, ngài mặc một chiếc áo sáng chói, gương mặt ngài sáng trưng vinh quang, một đám mây bên dưới chân ngài. Từ đám mây, những tiếng sét và ánh chớp xuất hiện trong bàn tay ngài, và từ bàn tay ngài, chúng tỏa ra và sắp đánh vào trái đất. Khi tôi nhìn thấy dấu hiệu này của cơn thịnh nộ thần thánh sắp đánh vào trái đất, đặc biệt một địa điểm nào đó, thì tôi bắt đầu van xin Thiên Thần hãy nán lại, để cho thế giới hối cải. Nhưng lời van xin của tôi không là gì cả trước cơn thịnh nộ thần thánh. Ngay lúc đó, tôi nhìn thấy Ba Ngôi Cực Thánh. Sự cao cả trong vẻ uy nghi của Người xuyên thấu tôi một cách sâu xa, và tôi không dám lập lại những lời van xin của mình nữa.

“Chính lúc đó, tôi cảm thấy trong linh hồn sức mạnh của ân huệ Đức Giêsu, vốn ở trong linh hồn tôi. Khi tôi ý thức được ân huệ này, thì ngay lập tức, tôi tranh thủ trước ngai Thiên Chúa. Ôi, Chúa và Thiên Chúa chúng ta thật cao cả, và không làm sao có thể hiểu nổi sự thánh thiện của Người! Tôi sẽ không cố gắng mô tả sự cao cả này, vì ngay bây giờ, chúng ta sẽ nhìn thấy Người như Người vẫn thế. Tôi tự nhận thấy mình đang khẩn cầu Thiên Chúa cho thế giới bằng những lời mà tôi nghe thấy từ bên trong. Khi tôi đang cầu nguyện theo cách này, thì tôi nhận thấy Thiên Thần trở nên bất lực: Ngài không thể thi hành việc trừng phạt công bằng đúng theo các tội lỗi. Trước đây, tôi chưa bao giờ cầu nguyện với nội lực như tôi đã cầu nguyện lúc đó. Những lời tôi khẩn khoản van nài Thiên Chúa là như thế này:

“Lạy Cha Hằng hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, Linh hồn và Thần tính của Con rất yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.

“Sáng hôm sau, khi tôi vào nhà nguyện, thì tôi nghe thấy những lời này: Mỗi khi con vào nhà nguyện, hãy đọc ngay kinh nguyện mà Ta đã dạy con hôm qua. Khi tôi đọc kinh, thì tôi nghe thấy trong linh hồn mình những lời: Kinh nguyện này sẽ được sử dụng để làm dịu đi cơn phẫn nộ của Ta, con sẽ đọc kinh này suốt chín ngày, lần Chuỗi theo cách thức sau đây:

Trước hết, con sẽ đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng, rồi đến Kinh Tin Kính. Về KINH LẠY CHA khi lần Chuỗi, con sẽ đọc những lời sau đây: ‘Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha, Mình và Máu, Linh hồn và Thần tính của Con rất yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới’. Về KINH KÍNH MỪNG khi lần Chuỗi, con sẽ đọc những lời sau đây: ‘Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới’.

Kết thúc, con sẽ đọc ba lần những lời sau đây: ‘Lạy Đấng Chí Thánh, là Thiên Chúa Toàn năng, Hằng hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới’”.

Nữ tu Faustina viết về nhà Vilnius, nơi chị ở lại đến ngày 21 tháng 3 năm 1936. Chị nói rằng chị ngạc nhiên khi nhà dòng được xây dựng với một số tòa nhà nhỏ, thay vì một tòa nhà lớn chung cho cả nhà dòng sinh sống. Chị sống ở một trong các nhà nhỏ, và nói rằng đời sống cộng đoàn ở đó thật tuyệt vời.

 

 Lúc tôi tới Vilnius để tìm hiểu thành phố này liên quan đến những mặc khải đối với Thánh nữ Faustina như thế nào, thì dường như một phép lạ nơi chính nó, khi tôi phát hiện trong số 5 căn nhà hình thành nên cộng đoàn tu viện. Căn nhà duy nhất còn lại chính là nơi Thánh nữ Faustina đã từng sinh sống, trong đó, cuốn Nhật Ký được viết ra, và “Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót” được trao cho toàn thế giới. Đây là căn nhà duy nhất còn lại trong số 5 căn nhà, vẫn còn tồn tại trong Thế Chiến II và vụ chiếm đóng của quân Đức từ năm 1942 đến năm 1944, rồi đến cuộc chiếm đóng của cộng sản từ năm 1944 đến năm 1991. Thật đáng ngạc nhiên khi căn nhà này vẫn còn đứng vững, đến nỗi tôi bắt đầu cho khôi phục địa điểm thánh thiêng này và bảo quản cho thế hệ sau này.

Trong mạc khải đầu tiên liên quan đến việc vẽ tấm ảnh Lòng Chúa Thương Xót, lời yêu cầu mà Đức Giêsu đã chỉ thị cho Thánh nữ Faustina cũng được thực hiện khi chị đến Vilnius. Hình như đây là hành động của Chúa Quan Phòng, vì chính trong thành phố này, tấm ảnh “Mẹ của Lòng Chúa Thương Xót”, vốn được dân chúng tại Ba Lan và Lithuania yêu mến rất nhiều, đã từng được tôn kính suốt 500 năm trong một thánh điện bên kia cổng vào thành phố cổ Vilnius. Hiện nay, tấm ảnh Lòng Chúa Thương Xót được vẽ tại Vilnius đã được trưng bày và tôn kính công khai lần đầu tiên, không chỉ trong cùng thành phố, nhưng đồng thời còn được tôn kính giống như tấm ảnh “Mẹ của Lòng Chúa Thương Xót”.

Tại Vilnius, Thánh nữ Faustina gặp gỡ cha Michael Sopocko, linh hướng của chị, người mà Đức Giêsu đã nói:

“Ngài sẽ là người giúp đỡ con rõ rệt tại đây, trên trần thế, những ý tưởng của ngài liên kết gần gũi với những ý tưởng của Ta, như vậy, cùng với ngài, con hãy an tâm về những gì liên quan đến công việc của Ta. Ta sẽ không để cho vị linh mục này phạm lỗi, và con không nên làm gì mà không xin phép ngài” (Nhật ký, 1408).

Chính cha Sopocko đã ủy thác và thanh toán tiền cho họa sĩ Eugene Kazimirowski vẽ tấm ảnh gốc về Lòng Chúa Thương Xót tại Vilnius. Ngày 2 tháng 1 năm 1934, nữ tu Faustina đến thăm họa sĩ này lần đầu tiên. Sau nhiều buổi hội ý kéo dài với cha Michael Sopocko, nữ tu Faustina và họa sĩ, cuối cùng, tấm ảnh đã hoàn tất vào mùa hè năm 1934. Thật không may, nữ tu Faustina lại không mãn nguyện với tấm ảnh này. Sau đó, khi nhìn vào Thánh Tâm trong nhà nguyện, chị rất thất vọng và kêu lớn tiếng: “Ai có thể vẽ Chúa thật đẹp giống như Chúa thực sự như vậy?”. Thật ra sau đó, chị nghe thấy những lời Đức Giêsu nói: “Sự cao cả của tấm ảnh này không hệ tại ở những màu sắc của tấm ảnh, hoặc kỹ năng từ cây cọ của họa sĩ, nhưng hệ tại ở Lòng Thương Xót của Ta phát xuất từ đó”.

Từ xưởng vẽ của họa sĩ, lần đầu tiên tấm ảnh được đưa đến căn hộ của cha Sopocko, ngài lưu giữ tại đó một thời gian. Nhưng khi ngài hơi không chắc chắn về giá trị của tấm ảnh và những mạc khải, thì ngài lại quyết định giấu tấm ảnh phía sau tấm pa-nô ở hành lang của dòng Bênađô (nơi ngài là tuyên úy). Tại đây, tấm ảnh này được hoàn toàn ẩn giấu, không ai có thể biết về nó, ít nhất cho đến khi ngài nhận được thêm chứng thực về toàn bộ điều đang xảy ra.

Một thời gian ngắn sau, trước sự ngạc nhiên của cha Sopocko, nữ tu Faustina nói rằng Đức Giêsu không muốn tấm ảnh của Người bị giấu phía sau tấm pa-nô trong dòng Bênađô, nhưng Người mong muốn nó được trưng bày cho thế giới. Chị cũng nói với ngài rằng Đức Giêsu muốn tấm ảnh được trưng bày trước hết tại thánh điện “Mẹ của Lòng Chúa Thương Xót”. Việc trưng bày một tấm ảnh mới thật xa lạ tại thánh điện Đức Bà nổi tiếng nhất ở Lithuania không dễ dàng đối với cha Sopocko.

Gần cuối dịp kỷ niệm Năm Toàn Xá 1935, cha Sopocko ngạc nhiên khi ngài được mời cử hành 3 ngày, từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 4. Tuần tam nhật này kết thúc bằng một Thánh lễ vào Chúa Nhật sau Lễ Phục Sinh ngày 28, tại thánh điện “Mẹ của Lòng Chúa Thương Xót”, được biết đến như Ausros Vartai, hoặc Cổng Bình Minh ở Lithuania, và Ostra Brama, Cổng Nổi Bật, ở Ba Lan. Đó là một ngày Chúa Nhật, mà hiện nay đối với thế giới, được biết đến như “Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót”, nhưng thời đó, chỉ duy nhất nữ tu Faustina và cha Sopocko biết được ý nghĩa. Chính tại đây, trong ngày cha Sopocko chịu trách nhiệm cử hành Thánh lễ, lần đầu tiên ngài có cơ hội công khai trưng bày Ảnh Lòng Chúa Thương Xót, bên cạnh tấm ảnh “Mẹ của Lòng Chúa Thương Xót”. Cha Sopocko coi Ảnh này như Đức Maria một lần nữa lại đưa Lòng Chúa Thương Xót đến với thế giới, thông qua Đức Giêsu, Con Mẹ. Nữ tu Faustina ở tu viện trong dịp kỷ niệm ngày 28 tháng 4, 1935. Khi mô tả ngày này trong Nhật Ký của mình, chị viết: “Chính ở đó, tại Cổng Nổi Bật, trong dịp kỷ niệm Năm Toàn Xá, tấm ảnh đã được trưng bày công khai lần đầu tiên, và cha linh hướng của tôi giảng về Lòng Chúa Thương Xót, đây là điều đầu tiên mà Chúa Giêsu yêu cầu, và tôi vẫn chờ đợi từ rất lâu. Khi ngài bắt đầu nói về lòng thương xót cao cả của Chúa, thì tấm ảnh đã trở thành một người sống động, và những chùm tia sáng từ Lòng Thương Xót của Người thấm nhập tâm hồn những người quy tụ tại đó”.

Ngay sau đó, cha Sopocko làm phép ảnh, và đặt bức vẽ bên cạnh bàn thờ cao của Nhà thờ Thánh Micae, nơi ngài là cha xứ. Chẳng bao lâu sau, tấm ảnh trở nên phổ biến trong toàn bộ khu vực Vilnius, nơi tấm ảnh được tôn kính công khai, và nghe nói có đầy rẫy các ân huệ cao cả. Sau khi Nhà thờ Thánh Micae bị chính quyền cộng sản đóng cửa, tấm ảnh đã được kín đáo đưa đến Nhà thờ Chúa Thánh Thần tại Vilnius, nhưng vì những lý do mà chỉ có cha xứ Jan Ellert tự biết, ngài không muốn đặt tấm ảnh trong nhà thờ, nên đã đặt tấm ảnh cách xa công chúng, ở nơi nào đó trong Dòng ĐaMinh. Khi cha Josef Grasiewicz, một linh mục khác trong Dòng ĐaMinh, bạn của cha Sopocko, được chuyển đến một nhà thờ mới bằng gỗ, tại một thị trấn nhỏ bên trong Liên Bang Xô Viết, tên là Nowa Ruda, thì ngài đã mang theo tấm ảnh, và treo công khai trong nhà thờ ở đó.

Năm 1951, cha Grasiewicz bị những người Xô Viết bắt giữ, và nhà thờ nhỏ này bị chính quyền đóng cửa. Nhưng các tín hữu ở Nowa Ruda đã chuyển Ảnh Lòng Chúa Thương Xót đến một địa điểm mới, tại đây, tấm ảnh vẫn được giấu kỹ suốt 35 năm.

Cuối cùng, năm 1986, tấm ảnh trở lại với Nhà thờ Chúa Thánh Thần của Dòng ĐaMinh tại Vilnius. Lần này, tấm ảnh được một vị linh mục mới của giáo xứ đặt ở bên cạnh bàn thờ trong nhà thờ, và vẫn ở đó cho đến năm 2004, khi một thánh điện mới được xây dựng trong đám phế tích của một nhà thờ bị đổ nát ở trung tâm Vilnius, nhà thờ mà cha Sopocko đã từng là cha xứ, và đây là nơi hiện nay đang treo Ảnh Lòng Chúa Thương Xót nguyên thủy. Bức vẽ nguyên thủy là một tấm ảnh rất đặc biệt.

Tấm ảnh này được vẽ tại Vilnius, trước sự hiện diện của Thánh nữ Faustina và cha Michael Sopocko, Chân phước. Đây là Ảnh Lòng Chúa Thương Xót duy nhất mà Thánh nữ Faustina đã từng đứng phía trước để ngắm. Đây là tấm ảnh được sử dụng trong buổi cử hành Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, trước sự hiện diện của chị năm 1935.

Ngày 21 tháng 3 năm 1936, nữ tu Faustina chuyển đến Warsaw và rời khỏi Vilnius. Một thời gian ngắn sau, Mẹ Tổng Quyền chuyển chị sang một nhà khác của dòng tại Walendow. Từ đó, vào tháng 4, 1936, chị được chuyển sang một nhà khác trong thị trấn nhỏ Derdy. Ngày 11 tháng 5, 1936, một lần nữa, chị được chuyển từ Derdy đến một nhà khác tại Cracow.

Ngày 19 tháng 9, 1936, nữ tu Faustina ngã bệnh, chị được khám tại bệnh viện ở Pradnik (hiện nay được gọi là Bệnh viện Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II). Chị viết trong Nhật Ký của mình: “Khi chúng tôi rời khỏi phòng bác sĩ và tới nhà nguyện của bệnh viện một lát, thì tôi nghe thấy những lời này trong linh hồn mình: ‘Hỡi con của Ta, chỉ thêm vài giọt trong chén thôi, bây giờ sẽ không kéo dài lâu nữa”. Trong lần khám bệnh kế tiếp tại bệnh viện, các bác sĩ đều chẩn đoán chị bị mắc bệnh lao phổi, và chỉ thị chị phải cách ly khỏi các nữ tu khác.

Từ tháng 12, 1936 đến tháng 9, 1938, nữ tu Faustina được điều trị ở bệnh viện này vài lần (toàn bộ thời kỳ đó kéo dài trên 8 tháng). Sự kiện này được tưởng niệm bằng tấm bản đặt phía bên trái nhà nguyện tại bệnh viện ở Pradnik. Đầu năm 1938, khi sức khỏe của chị trở nên xấu hơn, thì các bề trên chuyển chị đến nhà dòng tại Rabka ở thôn quê để dưỡng bệnh.

Tuy nhiên, nữ tu Faustina chỉ ở lại đó một thời gian rất ngắn, vì như chị viết, chị cảm thấy rất mệt, chị buộc phải nằm lại trên giường. Sau khi trở lại nhà dòng tại Cracow, sức khỏe của chị càng ngày càng tồi tệ hơn. Năm 1938, một lần nữa, chị lại được đưa đến bệnh viện ở Pradnik. Từ đó, bốn tháng sau, chị viết cho Mẹ Tổng Quyền Michaela Moraczewska và nói:

“Thưa Mẹ kính yêu, đây sẽ là lần liên hệ cuối cùng của chúng ta trên trái đất. Con cảm thấy rất yếu, và con đang viết với một bàn tay run rẩy. Con đau đớn thật nhiều như con có thể chịu đựng, nhưng Chúa Giêsu không cho phép nỗi đau đớn này vượt quá khả năng chịu đựng của con. Nếu nỗi đau đớn lớn, thì Lòng Chúa Thương Xót cũng thật lớn. Bây giờ, con hoàn toàn phó thác bản thân con cho Thiên Chúa và Lòng Thương Xót của Người. Xin tạm biệt Mẹ kính yêu, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở dưới chân ngai Thiên Chúa”.

Ngày 17 tháng 9, 1938, chị từ bệnh viện trở về tu viện tại Cracow. Lúc 10g45 tối ngày 5 tháng 10, 1938, Nữ tu Faustina Kowalska đã qua đời. Tang lễ diễn ra hai ngày sau, trong lễ Đức Mẹ Mân Côi theo phụng vụ, và là ngày Thứ Sáu đầu tháng. Thi hài chị được chôn cất lần đầu tiên trong một ngôi mộ chung tại nghĩa trang của nhà dòng.

 

Đặc điểm đáng chú ý nhất trong linh đạo của Thánh nữ Faustina là sự tập trung mãnh liệt của chị vào sự thật là, bản thân chị không là gì hơn một đường dẫn những mặc khải của Thiên Chúa đến với nhân loại.

Nữ tu Faustina hoàn toàn ý thức rằng mình ít học, không có những kỹ năng truyền đạt đặc biệt. Chị chỉ có thể viết, không thể đánh vần, toàn bộ chữ viết của chị đều được thực hiện theo ngữ âm. Chị là một người rất nhút nhát, có rất ít bạn trong tu viện, và không hề có bạn ở bên ngoài nhà dòng. Chị không có bất cứ kinh nghiệm nào về thế giới, tuy nhiên, chị lại được Đức Giêsu yêu cầu truyền đạt cho thế giới sứ điệp quan trọng nhất, kể từ khi Người sai các Tông Đồ.

Nữ tu Faustina biết rằng mình chỉ là một công cụ đơn sơ, và không thể làm gì, chỉ làm được những điều Chúa làm thông qua chị mà thôi. Chị cầu nguyện liên lỉ, xin Đức Giêsu ban cho mình sức mạnh và sự hiện diện liên tục của Chúa Thánh Thần, để chị có thể thực hiện thánh ý Người.

Chị viết trong Nhật Ký: “Từ lúc đầu, tôi vẫn ý thức về sự yếu đuối của mình. Tôi biết rất rõ bản thân mình là ai. Vì mục đích này, Chúa Giêsu đã mở mắt cho linh hồn tôi; tôi là một vực thẳm của sự khốn cùng, và tôi hiểu rằng bất cứ điều gì tốt đẹp có nơi tôi đều chỉ hệ tại ở ơn thánh của Thiên Chúa. Sự hiểu biết về tình trạng khốn cùng của mình cho phép tôi nhận biết được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa”.

Nữ tu Faustina không bao giờ để lại bất cứ hoài nghi nào nơi các nữ tu tại tu viện Cracow hoặc Warsaw qua những điều các nữ tu nghĩ về mình. Chị ghi lại trong Nhật Ký một trong các Mẹ Bề Trên có lần nói với chị: “Hãy loại ra khỏi đầu mình ngay, Chúa Giêsu mà lại tâm tình như thế với một kẻ bất toàn khốn nạn như chị đấy à! Chị hãy nhớ chỉ có các linh hồn thánh thiện mới được Chúa Giêsu kết thân như vậy mà thôi! ” (Nhật Ký, 133) (hoặc xem ghi chú 43 ở cuối Nhật Ký).

Mặc dù nữ tu Faustina khổ tâm, nhưng chị vẫn nói: “Con vẫn phải tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Lần tới, khi con gặp Chúa, con sẽ tự hạ mình và nói: ‘Lạy Chúa Giêsu, dường như Chúa không kết giao thân mật với những người khốn khổ như con’. Chúa Giêsu đáp lại: ‘Hỡi con gái của Ta, con cứ an tâm, chính thông qua sự khốn khổ của con, mà Ta muốn bày tỏ sức mạnh từ lòng thương xót của Ta’ ”.

Tất nhiên, có một thông điệp quan trọng khác mà Đức Giêsu chuyển đến nữ tu Faustina, thông qua cha Sopocko, linh hướng của chị, thông điệp này để giải thích cho chị tại sao Người chọn một nữ nông dân đơn sơ, ít học và rất không có kinh nghiệm trong cuộc sống, để thực hiện công việc quan trọng này.

Cha Sopocko nói với chị rằng Thiên Chúa chỉ chọn những người đơn sơ, để truyền đạt cho nhân loại những sứ điệp quan trọng, chứ không phải các Hồng Y, Giám Mục, giáo sư hoặc nhà thần học.

Thiên Chúa thường chọn những linh hồn yếu đuối nhất và đơn sơ nhất, như là khí cụ cho những công việc cao cả nhất của Người. Chúng ta có thể nhận thấy điều này khi nhìn vào những người đầu tiên Chúa chọn làm Tông Đồ, hoặc khi chúng ta nhìn vào lịch sử Giáo Hội, và nhận thấy những công việc cao cả đều được hoàn thành do những người ít khả năng nhất, vì chính bằng cách này, những công việc của Thiên Chúa được mặc khải vì chúng là những công việc của Người.

Quả thật điều này cũng được minh chứng qua việc những người đơn sơ được Đức Mẹ chọn, để chuyển các thông điệp của Mẹ đến thế giới.

Hiện nay Nhật Ký của Thánh nữ Faustina đã được dịch sang gần như mọi ngôn ngữ trên thế giới, và Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót là một ngày lễ trọng, và được cử hành trên khắp thế giới Công Giáo.

 

Ngày 28 tháng 10, 1892, ông Stanislaus Kowalska và bà Marianna Babel kết hôn với nhau, phúc lành của Thiên Chúa đối với việc xe duyên của hai ông bà không bao giờ đi vào những giấc mơ không tưởng của họ. Ông 25 tuổi, bà 18 tuổi, và cuộc sống của hai ông bà không dễ dàng chút nào. Cả hai ông bà đều là những người nghèo từ những khu đất nhỏ ở thôn quê, nhưng ông là một thợ mộc, và đây là sinh kế chủ yếu của ông. Những giấc mơ của hai ông bà đơn giản nhất, là trải qua một cuộc sống lương thiện và sùng đạo, với một mái nhà và có khả năng nuôi dưỡng gia đình họ.

Hôn lễ của hai ông bà được tổ chức tại làng Dabie, trong quận Turek thuộc thị trấn Lodz, nơi song thân cô dâu sinh sống. Chú rể sống tại Glogowiec, cách đó vài cây số. Tại đó, ông có một căn nhà tranh nhỏ, với chỉ hơn 10 mẫu đất canh tác, và cánh đồng cỏ rộng ba mẫu ¼ dành cho ba con bò. Ông trồng trọt trên mảnh đất này lúc sáng sớm và chiều tối. Thu nhập chính của ông là từ công việc thợ mộc.

Khi kết hôn, ông hy vọng cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn đôi chút, vì vợ ông sẽ gánh vác nông trại và chăm sóc số lượng nhỏ thú nuôi. Bà đã không làm ông thất vọng.

Bà chăm chỉ làm việc và là một người bạn đời chung thủy, giữ cho nhà cửa vườn tược hoàn toàn trật tự, hết sức săn sóc ông. Thậm chí trong suốt đời sống hôn nhân, dù mùa hè hay mùa đông, bà còn mang bữa trưa nóng hổi tới tận nơi làm việc của ông.

Hai ông bà sống một cuộc đời siêng năng làm việc, nhưng từ lâu, họ không được chúc lành bằng những đứa con, và họ sợ mình đang già đi mà không có con. Thế rồi bất ngờ sau 10 năm kết hôn, lần đầu tiên bà Marianna mang thai con gái đầu lòng. Sau lần mang thai đầu tiên thật đáng ngạc nhiên, thêm 9 đứa con nữa, nhưng chỉ có 8 đứa con sống sót, 6 gái và 2 trai. 2 đứa con gái của họ đều chết khi còn nhỏ. Con trai đầu tiên là đứa con thứ bẩy, và con trai thứ hai là đứa con thứ tám. Thân phụ Thánh nữ Faustina 46 tuổi và vợ ông 39 tuổi, khi đứa con út của họ chào đời. Những đứa con trai của hai ông bà lại không phải là niềm tự hào chủ yếu của họ. Nhưng chính là đứa con gái thứ ba của hai ông bà, Helena, chào đời ngày 25 tháng 8 năm 1905. Chị thừa hưởng từ cả cha lẫn mẹ những phẩm chất tốt nhất của họ, tính cách đơn sơ chân thành, bản chất siêng năng làm việc, liêm chính, kiên trì, và đặc biệt lòng yêu mến thiết tha đối với Thiên Chúa.

Những người quen biết và còn nhớ gia đình họ đều nói rằng từ tuổi nhỏ, cô bé Helena đã khác hẳn các anh chị em còn lại của mình. Chị luôn luôn là cánh tay phải của cha mẹ, và luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ họ, vì thế, chị có một vị trí đặc biệt trong nhà. Khi có thêm con cái, thì gia đình họ trở nên căng thẳng hơn về tài chính. Tột đỉnh căng thẳng, lúc thế chiến I đã tàn phá Ba Lan, thì người cha phải gia tăng gấp đôi nỗ lực, để chu toàn những bổn phận trong gia đình của mình. Ông làm việc trong xưởng mộc mọi giờ có thể được, và làm việc trong nông trại nhỏ xen giữa các công việc. Ông ngủ rất ít, để kịp đáp ứng những gì cần thiết trong nhà. Ngay cả như vậy, ông vẫn rất ý thức được những nhu cầu thiêng liêng của con cái. Ông là một người cực kỳ kỷ luật. Bản chất ông chính xác, vì cuộc sống trong thời buổi khó khăn đó buộc phải thế. Chỉ duy nhất bà mẹ có khả năng xoa dịu bàn tay công thẳng của người cha.

Giống như hầu hết các gia đình thời đó, gia đình Kowalska rất gia trưởng. Người cha nắm giữ hầu hết mọi quyền hành trong tay, và không có yêu cầu gì chống lại những quyết định của ông. Ông bố là người quyết định con cái phải làm những việc lặt vặt trong nhà, và bà mẹ nhìn vào đó để thực hiện mọi việc. Cả cha lẫn mẹ đều nuôi dạy con cái để trở nên tận tâm, lương thiện và siêng năng làm việc, nhưng hai ông bà lại có một khía cạnh dịu hiền đối với con cái. Ông bố không khoan dung, mặc dù ông vẫn yêu thương con cái. Ông hoàn toàn đảm nhận những nhu cầu của gia đình và mái nhà, ông đòi hỏi tương tự nơi những người khác, như ông đã từng đòi hỏi đòi hỏi chính bản thân mình. Ông dạy dỗ con cái sống theo lương tâm và đáng tin cậy trong bất cứ công việc nào mà chúng được giao phó.

Trong khi ông bố làm việc, con cái ở nhà với bà mẹ. Do đó, bà đóng góp một phần lớn hơn vào việc nuôi dạy con cái. Bà rất đạo đức và hiểu biết, nhưng giống như chồng mình, bà là người siêng năng làm việc và giữ kỷ luật. Bà dạy dỗ con cái theo cùng những nguyên tắc như người cha, nhưng sau này, những người con đều đồng ý rằng phương pháp của bà êm dịu hơn.

Chính bà mẹ dạy dỗ các con các kinh nguyện và những yếu tố chủ yếu trong đạo. Bà dạy dỗ các con rất tốt, đến nỗi khi những đứa trẻ đến trường, thì chúng đều đã biết giáo lý và các bài học về kiến thức trong đạo đã được trình bày cho chúng, mà không khó khăn gì. Bà mẹ còn dạy cho các con giữ trật tự trong mọi sự, và cá nhân chúng phải luôn luôn sạch sẽ.

Đối với gia đình Kowalska, căn nhà tranh của họ là một niềm tự hào và luôn hoàn toàn gọn gàng ngăn nắp, quần áo của bọn trẻ đều được giữ sạch sẽ và khâu vá cẩn thận. Sở thích đối với sự trật tự và sạch sẽ, được học hỏi trong mái nhà của gia đình, vẫn còn lại suốt đời nơi Thánh nữ Faustina. Chị không bao giờ sao lãng điều đó, ngay cả khi chị bị kiệt sức do những năm tháng sức khỏe chị suy yếu vì bệnh tật. Mặc dù chiếc áo dòng của chị cũ kỹ và mạng vá, nhưng vẫn luôn sạch sẽ. Trong đôi mắt Thánh nữ Faustina, việc hết sức cố gắng chăm sóc quần áo là một dấu hiệu tôn trọng những người chung quanh, tất nhiên, không có việc đến viếng Chúa trong nhà thờ mà không ăn mặc gọn gàng. Trong gia đình, đạo là yếu tố chính đối với cuộc sống của họ. Đức tin mang lại cho họ gương mẫu trong đời sống hằng ngày. Cả hai cha mẹ đều chăm sóc, sao cho những bổn phận trong đạo đều được duy trì, như tham dự thánh lễ Chúa Nhật và đọc kinh hằng ngày. Ít nhất mỗi năm hai lần, cả gia đình cùng nhau Xưng tội và Rước lễ. Vấn đề khó khăn nhất cần giải quyết là thánh lễ Chúa Nhật. Nhà thờ giáo xứ ở Swinice, cách nhà 2 cây số, chỉ có duy nhất một thánh lễ, vì thế, cả gia đình phải đi lễ cùng một lúc. Việc này trái ngược với một số bổn phận trong nhà, vẫn cần phải thực hiện, dù đó là Chúa Nhật hay không; chẳng hạn, đưa những con bò ra cánh đồng cỏ. Làm thế nào để việc này hài hòa với bổn phận tham dự thánh lễ? Chỉ có Helena tìm được câu trả lời. Buổi tối, khi lên giường, chị mở cửa sổ ra, và khoảng bình minh, chị lẻn ra ngoài, và trước khi cả nhà dùng bữa sáng, thì lũ bò đều từ đồng cỏ trở về.

Một Chúa Nhật, cha chị thức dậy rất sớm, ông không biết gì về kế hoạch của con gái, nên khi ông phát hiện chuồng bò trống trơn, với những cánh cửa mở toang, thì ông nghĩ là Helena đã để ngỏ cửa, ông sợ kẻ trộm đã lấy cắp gia súc của mình. Ông chạy ra sân trại, và kinh ngạc khi thấy Helena ở phía sau lũ bò khá xa, chị đang đưa chúng từ đồng cỏ trở về bằng một con đường tắt giữa hai cánh đồng lúa mì. Lũ bò đang ngừng lại gặm cỏ trên một lối đi hẹp, có cỏ mọc bên cạnh lúa mì, không lạ gì khi chúng đi gần lúa mì. Ông lặng đi khi lần đầu tiên nhìn thấy Helena ở đằng sau lũ bò, đang tự ca hát một mình, ông không thể tin là những con vật cứ bước đi thành hàng một, mà không đụng chạm đến cây cối, và cái roi mà ông có ý định sử dụng để đánh Helena rơi khỏi tay ông.

Một thời gian dài sau đó, câu chuyện cứ xoay quanh như điều “kỳ diệu”, vì lũ bò như thể ở trong sự kìm kẹp của một sức mạnh vô hình, đều hài lòng với phần cỏ nghèo nàn giữa hai cánh đồng lúa mì không được canh giữ, và không dẵm vào lúa mì. Dường như đối với chúng, điều này như một bằng chứng đáng tin cậy rằng Thiên Chúa đã và đang hành động trong cuộc đời Helena.

Mặc dù với tư cách là một nữ tu đã tuyên khấn, bổn phận của chị là vâng phục các bề trên của mình, nhưng chị vẫn được Đức Giêsu kêu gọi đến với một sứ mạng đặc biệt, là công bố lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với thế giới, và trung thành ghi lại những mặc khải trong một cuốn Nhật Ký mà cả thế giới mọi thời sẽ tìm đến. Trong suốt cuộc đời, Nữ tu Faustina gia tăng sự hiểu biết về lời kêu gọi này đối với Lòng Chúa Thương Xót. Chị phát triển một cam kết kiên quyết đối với thánh ý Thiên Chúa, và chị viết nhật ký đều đặn, theo yêu cầu từ cha Sopocko, linh hướng của chị. Tín thác vào ân huệ Thiên Chúa, chị hoàn toàn đi vào cuộc thương khó của Đức Kitô, và với tất cả những nỗi đau khổ này, chị dâng hiến trọn vẹn bản thân mình cho Đấng Toàn Năng, để cứu độ các linh hồn.

Khi Helena chỉ mới lên 7 tuổi, lần đầu tiên cô bé nghe thấy Đức Giêsu nói trong linh hồn mình, và những mặc khải từ Đức Giêsu vẫn tiếp tục trong phần đời còn lại của chị, hướng dẫn chị trong sứ mạng lập lại lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Thiên Chúa hướng dẫn Nữ tu Faustina từng ngày trong cuộc đời chị, làm cho mọi người biết được mong ước thiết tha của Người đối với việc cứu độ các linh hồn, nhưng cũng giúp chị đương đầu với những đòi hỏi tự nhiên, trước khối lượng công việc nặng nề của chị trong nhà bếp. Đức Giêsu luôn luôn hiện diện với chị.

Một trong những mặc khải quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất đối với Giáo Hội là “Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót”, mang lại cho các linh hồn cơ hội để hoàn toàn nhận được ơn tha thứ các tội lỗi của họ và hòa giải với Thiên Chúa.

Đức Giêsu nói: “Hỡi con gái của Ta, hãy nói với cả thế giới về lòng thương xót không thể hiểu nổi của Ta. Ta mong sao ‘Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót’ trở thành một nơi nương náu và che chở đối với tất cả mọi linh hồn, đặc biệt các tội nhân khốn khổ. Ngày hôm đó, chính chiều sâu lòng thương xót dịu hiền của Ta mở ra. Ta tuôn đổ cả đại dương thương xót của Ta xuống những linh hồn nào đến với suối nguồn thương xót của Ta… Đừng để cho linh hồn nào sợ tiến đến gần Ta, dù tội lỗi của họ có đỏ thẫm. Lòng thương xót của Ta thật cao cả, đến nỗi không tâm trí nào, dù của con người hay thiên thần, sẽ có khả năng thăm dò được cho đến muôn đời” (Nhật ký, 699).

Đáp lại sứ điệp này, ngày 30 tháng 4 năm 2000, khi phong thánh cho Nữ tu Faustina, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Chúa Nhật thứ I sau Lễ Phục Sinh là “Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót” trong cả Giáo Hội toàn cầu.

Đức Giêsu cũng trao cho Nữ tu Faustina một kinh nguyện rất đạt hiệu quả, mà chị ám chỉ như Kinh Hoán Cải, hiện nay được biết đến phổ biến như kinh lúc 3 giờ chiều, Người hứa rằng khi nào đọc kinh này lúc 3 giờ thay cho tội nhân nào đó, thì sẽ mang lại sự sống cho tội nhân đó. Người nói với chị rằng đây là giây phút lòng thương xót chiến thắng trên lẽ công bằng, giây phút mà đại dương thương xót mở ra cho toàn thế giới. Đức Giêsu nói: “Kinh nguyện làm vui lòng Ta nhất là kinh cầu xin ơn hoán cải cho các tội nhân. Hỡi con gái của Ta, con hãy biết rằng kinh này luôn luôn được lắng nghe và nhận lời. Ta mong sao con nhận biết sâu xa hơn tình yêu bùng cháy trong Trái Tim Ta dành cho các linh hồn, và con sẽ hiểu được điều này khi con suy niệm Cuộc Thương Khó của Ta. Hãy kêu cầu Lòng Thương Xót của Ta thay cho các tội nhân; Ta mong ước cứu độ họ. Khi con đọc kinh này với một tâm hồn thống hối và với đức tin thay cho tội nhân nào đó, thì Ta sẽ ban cho linh hồn đó ơn hoán cải. Đây là kinh nguyện này (Nhật ký, 186): ‘Kính lạy Máu và Nước đã tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, như thác nguồn thương xót chúng con: con tín thác vào Chúa’” (Nhật ký, 187).

Để thực hiện sứ mạng của mình đối với nỗi đau khổ chuộc tội vì ơn cứu độ các tội nhân, và tập trung sự chú ý của thế giới vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Nữ tu Faustina đã hoàn toàn tự hiến thân cho Đức Giêsu. Chị tin rằng Người sẽ chuẩn bị cho công việc của mình, và nâng đỡ chị, khi chị phấn đấu để vẫn trung thành với lời kêu gọi của Người. Trên thực tế, Đức Giêsu đã trở thành Thầy dạy của chị.

Nữ tu Faustina viết: “Tôi sẽ không biết sống thế nào, nếu không có Chúa. Chúa Giêsu thường đến thăm tôi trong chỗ riêng tư, để dạy dỗ, trấn an, khiển trách và răn bảo tôi. Chính Người hình thành tâm hồn tôi theo những ý muốn thần thánh của Người, nhưng vẫn luôn với rất nhiều lòng thương xót và nhân lành” (Nhật ký, 1024).

Nữ tu Faustina học hỏi nhiều để đáp lại lời kêu gọi của Chúa trong Tin Mừng Matthêu:

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Tôi êm ái và gánh Tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30).

 

Nữ tu Faustina được ban cho khả năng nhìn thấy mọi giây phút trong cuộc đời, như một cơ hội để chia sẻ công việc của Chúa, và đào sâu mối quan hệ của chị với Thiên Chúa. Ngay cả những công việc lặt vặt hằng ngày và những lời chế giễu của các nữ tu khác, vốn có rất nhiều, chị đều để cho chúng trở thành những nguồn ân huệ cho mình, và Đức Giêsu khuyến khích chị bằng cách nói rằng:

“Ta đã, đang và sẽ là Thầy dạy của con. Hãy phấn đấu để làm cho tâm hồn con trở nên giống như Trái Tim dịu hiền và khiêm nhường của Ta. Đừng bao giờ đòi hỏi quyền lợi cho mình. Hãy chịu đựng với sự kiên nhẫn và bình tĩnh tất cả mọi sự xảy đến với con. Đừng tự vệ khi con bị nhục nhã, mặc dù con vô tội, cứ để cho những người khác chiến thắng. Đừng ngừng sống tốt đẹp khi con nhận thấy lòng tốt của mình bị lợi dụng. Chính Ta sẽ nói lên cho con khi cần thiết” (Nhật ký, 1701).

Sau này, Nữ tu Faustina viết:

“Tôi chấp nhận niềm vui hoặc nỗi đau khổ, lời khen ngợi hoặc sự nhục nhã với cùng tâm tình. Tôi nhớ rằng điều này điều khác đều đang qua đi. Những điều người ta nói về tôi quan trọng gì đối với tôi? Từ lâu, tôi đã từ bỏ tất cả mọi sự liên quan đến con người mình. Ôi lạy Chúa Giêsu nhân lành, Thầy của con, tên con là bánh thánh hoặc hy sinh, không phải bằng lời nói, nhưng bằng hành động, trong việc từ bỏ chính mình và trở nên giống như Chúa trên Thập Giá” (Nhật ký, 485).

Đức Giêsu đã giúp Nữ tu Faustina đối phó không chỉ với cảm xúc khó chịu, nhưng còn đối phó với nỗi đau khổ cực kỳ về thể lý vẫn quấy rầy chị phần nhiều trong cuộc sống trưởng thành của chị. Cùng với những nỗi đau khổ khác, chứng bệnh lao và những phức tạp của nó đã bổ sung thêm khó khăn cho những công việc lặt vặt mà chị được phân công. Bất kể những nỗ lực hết sức nơi con người chị, đôi khi, những công việc này chỉ được hoàn tất nhờ ơn trợ giúp của Chúa. Tình trạng yếu đuối và kiệt sức buộc Nữ tu Faustina phải nghỉ ngơi, và chị trải qua nhiều thời gian trong bệnh xá nhà dòng và trong một viện điều dưỡng. Những thời kỳ đau bệnh chị phải bỏ việc càng khiến cho các nữ tu khác phải cáng đáng công việc thay cho chị bất mãn, và có những nhận xét nhẫn tâm, nhưng vụ này không xảy ra tại tu viện ở Vilnius mà chị yêu mến. Có dịp trở lại nơi đây sau khi ở Cracow, chị nói: “Ôi! Tôi cảm thấy hạnh phúc biết bao khi trở lại nhà dòng này. Tôi cảm thấy như thể mình đang vào dòng lần thứ hai. Tôi nhận được niềm vui thích không dứt, với sự thinh lặng và an bình, trong đó, linh hồn có thể dễ dàng tự đắm chìm trong Thiên Chúa, được tất cả mọi người giúp đỡ, và không bị ai quấy rầy” (Nhật ký, 407).

Bệnh tật không chỉ là nguồn gốc nỗi đau khổ thể xác của Nữ tu Faustina. Chị cũng trải nghiệm nỗi đau đớn quằn quại từ năm dấu thánh bên trong. Mặc dù nỗi đau đớn này không liên tục, nhưng nó thường xuyên trở lại trong khi chị mắc bệnh. Như đối với mọi nỗi đau khổ, chị sẵn sàng chấp nhận tất cả, như một phương tiện để đạt được ơn thánh hóa. Chị hiểu rằng nỗi đau khổ là ân huệ của Thiên Chúa đối với mình. Chị nói:

“Nỗi đau khổ là một ân huệ cao cả; thông qua nỗi đau khổ, linh hồn trở nên giống Đấng Cứu Độ; trong nỗi đau khổ, tình yêu trở nên trong suốt; nỗi đau khổ càng lớn, thì tình yêu càng tinh tuyền”.

Chỉ hai năm sau khi Nữ tu Faustina qua đời, việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót bắt đầu loan truyền tại Ba Lan và Lithuania. Các nữ tu trong dòng chị tại Vilnius bắt đầu cùng nhau sử dụng cuốn sách kinh nguyện Lòng Chúa Thương Xót đầu tiên, do cha Sopocko, linh hướng của chị đưa ra, mà không biết rằng chính Thánh nữ Faustina là tác giả. Không phải chờ đến năm 1941, Mẹ Michael Moraczewska, bề trên nhà dòng thời đó, lần đầu tiên đã nói với Tu Viện về sứ mạng đặc biệt mà Thiên Chúa giao phó cho Nữ tu Faustina.

 

 Hình như việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót lần đầu tiên được đưa đến các quốc gia khác, do các binh lính được cha Michael Sopocko yêu cầu khâu tờ truyền đạt về Lòng Chúa Thương Xót trong bộ đồng phục của họ, sau khi ngài trở thành cha tuyên úy quân đội trong thế chiến II. Điều này đã trở thành việc đạo đức phổ biến tại nhiều quốc gia.

Sau khi xem xét các bản tường thuật không đầy đủ và không chính xác về các  thị kiến của  Nữ  tu Faustina, và vì cách thức phiên dịch trái ngược với Giáo Lý và giáo huấn Công Giáo cho nên ngày 6 tháng 3, 1959, Tòa Thánh đã nhanh chóng hành động và ngăn cấm việc loan truyền thêm về lòng sùng kính. Hậu quả là “Bản Khai Báo” này đã đình chỉ việc loan truyền sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót suốt gần 20 năm. Sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót được   mặc khải  cho Thánh  nữ Faustina bắt đầu ảnh hưởng đến Đức Hồng Y Karol Wojtyla vào đầu thập niên 1940, khi ngài còn là một chủng sinh tại Cracow. Andrew Deskur, bạn cùng lớp với ngài, sau này trở thành một Hồng Y, nói với ngài về một nhân vật khẳng định rằng mình là nhà thần bí, và được cho là đã nhận  được một sứ điệp từ Đức Giêsu, được gọi là sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót.

Trong Công Đồng Vatican II, Đức Hồng Y Karol Wojtyla bàn bạc với Đức Hồng Y Ottaviani về mong ước của tín hữu trong việc tôn vinh nữ tu Faustina lên bàn thờ. Đức Hồng Y Ottaviani khuyên ngài nên thu thập những chứng từ có lời thề của những người nào biết Nữ tu Faustina khi còn sống. Với tư cách là Tổng Giám Mục Cracow, Đức Hồng Y Karol Wojtyla ủy thác cho Đức Cha Julian Groblicki, giám mục phụ tá của ngài, bắt đầu điều tra về cuộc đời và các nhân đức của Nữ tu Faustina.

Tháng 9, 1967, việc điều tra hoàn tất, và tháng 1, 1968, Quá trình phong Chân Phước bắt đầu. Nhờ kết quả tích cực của việc điều tra, nên các hồ sơ giấy tờ được gửi đến Thánh Bộ Đức Tin. Thánh Bộ do dự, vì “Bản Khai Báo” và lệnh cấm đã thông qua năm 1959. Nhờ kết quả của việc xem xét tất cả các tài liệu và bản phỏng vấn nhiều nhân chứng do Đức Giám Mục Julian Groblicki liệt kê, nên Thánh Bộ đã phổ biến một “Bản Khai Báo” mới, đề ngày 15 tháng 4 năm 1978, tuyên bố:

“Sau khi xem xét nhiều tài liệu gốc vốn không được biết đến trong lệnh cấm được thông qua năm 1959, do đó, hiện nay sau khi xem xét hoàn cảnh đã thay đổi sâu xa, bản tường thuật và ý kiến của nhiều Giám Mục, chúng tôi tuyên bố không còn ràng buộc những lệnh cấm được trích dẫn trong “Bản Khai Báo” năm 1959”.

Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng ngày 30 tháng 11 năm 1980, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phổ biến bức tông thư thứ hai của ngài “Dives in Misericordia” (Phong Phú trong Lòng Thương Xót), trong đó, ngài mô tả lòng thương xót của Thiên Chúa như sự hiện diện của một tình yêu cao cả hơn mọi sự dữ, cao cả hơn mọi tội lỗi, và thậm chí còn cao cả hơn cả cái chết. Trong đó, ngài mời gọi Giáo Hội khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa cho toàn thế giới.

Việc phổ biến bức tông thư thứ hai của Đức Thánh Cha là một sự kiện có ý nghĩa trong cuộc đời ngài, và trong mối quan hệ của ngài với Nữ tu Faustina, sứ điệp và việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót. Trong “Nhân Chứng của Niềm Hy Vọng, Tiểu Sử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”, George Weigel ghi lại cuộc phỏng vấn cá nhân của ông với Đức Thánh Cha liên quan đến bức tông thư về Lòng Chúa Thương Xót, và ảnh hưởng của Nữ tu Faustina đối với ngài.

Đức Thánh Cha nói rằng ngài cảm thấy “rất gần gũi” với Nữ tu Faustina về mặt thiêng liêng, và đã từng “nghĩ đến chị suốt một thời gian dài”, khi ngài bắt đầu viết tông thư “Dives in Misericordia”. Ngài bảo vệ Nữ tu Faustina, khi tính cách chính thống của chị bị đặt vấn đề tại Roma sau khi chị qua đời, tất nhiên, vì những hiểu lầm sai trái trong bản dịch đầu tiên đối với cuốn Nhật Ký của chị.

Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng rất mạnh của Nữ tu Faustina và sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót đối với cuộc đời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngày 22 tháng 11 năm 1981, nhân dịp “Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua”, sau một thời gian dài nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe vì mưu sát, Đức Thánh Cha đã xuất hiện công khai lần đầu tiên bên ngoài Roma, khi ngài đi tới Thánh Điện Tình Yêu Thương Xót ở Collevalenza, gần Todi, Ý, để dâng lời cảm tạ.

Tại đây, trong vòng vài ngày, một cuộc hội nghị quốc tế đã được tổ chức, để suy nghĩ về bức tông thư Dives in Misericordia.

Sau khi cử hành Thánh lễ, Đức Thánh Cha đưa ra một lời phát biểu công khai mạnh mẽ về tầm quan trọng của sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Một năm trước đây, tôi đã phổ biến tông thư ‘Dives in Misericordia’, và chính điều đó khiến tôi đến Thánh Điện Tình Yêu Thương Xót hôm nay. Bằng sự hiện diện của mình, tôi muốn xác nhận lại thông điệp của bức tông thư này theo một cách thức mạnh mẽ hơn. Tôi muốn đọc lại và công bố lại bức tông thư này một lần nữa. Ngay từ đầu sứ vụ của tôi tại Tòa Thánh Phêrô ở Roma, tôi vẫn coi sứ điệp này là nhiệm vụ đặc biệt của mình. Chúa Quan phòng đã chỉ định cho tôi cương vị hiện nay đối với con người, Giáo Hội và thế giới. Có thể nói chính xác rằng cương vị này chỉ định cho tôi sứ điệp đó, như một nhiệm vụ của tôi trước mặt Thiên Chúa”.

Trong Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót ngày 10 tháng 4 năm 1991, hai năm trước khi phong chân phước cho Nữ tu Faustina, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói về Nữ tu Faustina, liên hệ chị với bức tông thư của ngài, và nhấn mạnh vai trò của chị trong việc đưa sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót đến với thế giới. Ngài nói:

“Những lời trong tông thư của tôi về Lòng Chúa Thương Xót (tông thư ‘Dives in Misericordia’) đặc biệt gần gũi với chúng ta. Chúng gợi nhớ hình ảnh của Nữ tu Faustina Kowalska, tôi tớ Thiên Chúa, con người đơn sơ này đã đưa sứ điệp Phục Sinh về Đức Kitô Thương Xót đến với toàn thế giới”.

“Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót ” ngày 18 tháng 4 năm 1993, Nữ tu Faustina đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước tại Quảng trường Thánh Phêrô, Roma. Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng của ngài bằng một trích dẫn từ Nhật Ký của chị: “Tôi cảm thấy rõ là sứ mạng của tôi không kết thúc sau khi tôi chết, nhưng mới chỉ bắt đầu”.

Hiện nay, sứ mạng của Nữ tu Faustina vẫn tiếp tục và đang mang lại kết quả thật đáng ngạc nhiên. Quả thật tuyệt vời, làm thế nào mà lòng sùng kính của chị đối với Chúa Giêsu thương xót đang lan truyền trong thế giới đương thời, và chinh phục được rất nhiều tâm hồn con người. Chắc chắn đây là dấu chỉ của thời đại, một dấu chỉ trong thế kỷ XX của chúng ta.

Thế kỷ vừa qua vượt khỏi tất cả các thế kỷ khác trong những tiến bộ mới về khoa học và công nghệ, vốn làm sao lãng và choán hết tâm trí con người bằng rất nhiều cách thức đến nỗi con người đã mất đi ý nghĩa đích thực và mục đích của cuộc sống trên trái đất. Con người càng ngày càng muốn nhiều hơn, tình trạng này đưa đến một nỗi sợ hãi và thao thức sâu xa nơi con người, vốn không biết đến giới hạn. Con người cần đến một nơi nương náu khỏi toàn bộ tình trạng này, sẽ đưa họ đến sự an bình và niềm hy vọng nào đó đối với tương lai … “… Và thế giới có thể tìm được ở đâu nơi nương náu và ánh sáng của niềm hy vọng, nếu không phải nơi Lòng Chúa Thương Xót ?”

 

 Nữ tu Faustina đã nhận được năm dấu thánh ẩn giấu, và hầu hết trong cuộc đời mình, chị chịu đựng nỗi đau đớn bên trong, từ những thương tích của Đức Kitô. Mặc dù bên ngoài không hiện diện dấu hiệu nào về những thương tích của Đức Giêsu, nhưng chị vẫn cảm thấy đau đớn quằn quại vì những vết thương trong bàn tay, bàn chân và cạnh sườn của mình. Nỗi đau đớn và sự kết hiệp với cuộc thương khó của Đức Giêsu xảy ra nhiều lần trong suốt cuộc sống đã tuyên khấn của chị dù bên ngoài không có gì rõ rệt, chỉ một mình chị và cha giải tội của chị ý thức được năm dấu thánh.

Cuối cùng, Mẹ Bề Trên Margaret nhận ra rằng Thiên Chúa đã kêu gọi Nữ tu Faustina kết hiệp với Người, nên mẹ tích cực hỗ trợ chị. Mặc dù Nữ tu Faustina vẫn bị ám ảnh vì những hoài nghi, nhưng chị nhận được lời hứa của Đức Giêsu rằng Người sẽ trợ giúp chị trong kỳ tĩnh tâm kế tiếp, trước khi chị khấn trọn đời.

Kỳ tĩnh tâm bắt đầu ngày 17 tháng 4. Cha Joseph Andrasz, SJ., đến giúp chị. Trong ngày thứ bốn của kỳ tĩnh tâm, Nữ tu Faustina xưng tội với cha Andrasz, và xin ngài giải thoát mình khỏi những thị kiến bên trong và những trách nhiệm mà chúng mang lại.

Ngài nói rằng mình không thể làm được, nhưng ngài đã xác nhận những thị kiến của chị, và bảo chị cầu xin một cha linh hướng thường xuyên. Nữ tu Faustina đã cầu nguyện, và sau đó, chị nhận được thị kiến về cha linh hướng của mình trong tương lai, cha Michael Sopocko.

Ngày 1 tháng 5 năm 1933, Nữ tu Faustina tuyên khấn trọn đời, với tư cách là một tu sĩ trong Dòng “Các Nữ Tu Đức Bà Thương Xót”. Niềm vui của chị vượt khỏi mọi lời diễn tả. Chị viết trong Nhật Ký của mình rằng chị căng thẳng về việc rời khỏi tập viện và vẫn mãi quan tâm đến Mẹ Bề Trên. Nữ tu Faustina nói với Đức Giêsu rằng chị sẽ gia nhập tập viện của Người, và vĩnh viễn là “tập sinh nhỏ bé của Đức Giêsu”.

Sau khi khấn, Nữ tu Faustina được chuyển đến Vilnius, nơi chị trở thành người làm vườn. Với sự hiểu biết ít ỏi về việc làm vườn, chị tin tưởng cầu xin Thiên Chúa giúp mình trong công việc. Chị do dự khi ra đi, nhưng Đức Giêsu trấn an chị: “Con đừng sợ. Ta sẽ không để mặc con cô độc”. Ngày 25 tháng 5 năm 1933, khi đến đó, chị nhận thấy nơi này khác hẳn với tu viện Thánh Giuse ở Cracow.

Tu viện này bao gồm vài nhà nhỏ, với khoảng 18 nữ tu. Nhưng ở đây tại Vilnius, Nữ tu Faustina tìm được một người có ảnh hưởng sâu xa nhất trong cuộc đời mình, cha Michael Sopocko, cha linh hướng vĩnh viễn của chị. Chị nhận ra ngài từ thị kiến mà Đức Giêsu đã ban cho chị trước đây. Ngay từ đầu, ngài đã thật nhạy cảm đối với linh đạo sâu xa của Nữ tu Faustina, và vẫn như vậy, trong suốt cuộc đời còn lại của chị. Với sự hướng dẫn của cha, Nữ tu Faustina bắt đầu viết nhật ký. Cuộc đời chị tiếp tục như bình thường, với đầy ắp công việc và kinh nguyện, bị ngắt quãng vì bệnh tật. Vào tháng 8, chị chịu đựng cơn hen xuyễn dữ dội đầu tiên. Có thể căn bệnh này phát xuất từ bệnh lao đã quấy rầy chị, và sẽ gây ra hầu hết nỗi đau khổ thường xuyên trong thời gian còn lại của cuộc đời chị. Nữ tu Faustina vẫn tiếp tục có những thị kiến của Đức Giêsu. Chị ghi lại trong Nhật Ký của mình những kinh nghiệm và các cuộc nói chuyện liên tục với Người. Khi chị trải nghiệm tình trạng tối tăm về mặt thiêng liêng, như chị đã từng bị trong Mùa Vọng năm đó, thì Người trấn an chị bằng những lời khích lệ mang lại cho chị sự an bình.

Tháng 2,1935, sau khi Nữ tu Faustina được tin mẹ mình sắp qua đời, và mẹ chị mong muốn gặp con gái lần cuối, Nữ tu Faustina được phép về thăm nhà. Suốt 10 năm nay chị không về thăm nhà. Chị về tới nhà và tiến thẳng đến mẹ, bà nằm liệt giường và không thể ngồi dậy. Nữ tu Faustina đặt bàn tay lên đầu bà và nói: “Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô”. Rồi sau vài lời nguyện thầm, chị trấn an mẹ rằng chẳng bao lâu nữa, bà sẽ khỏe lại hơn. Một thời gian ngắn sau, mẹ chị ngồi dậy được, mà không cần đến bất cứ sự giúp đỡ nào, ngay cho dù các bác sĩ đều nói rằng bà không thể ngồi dậy nếu không giải phẫu. Hôm sau, mẹ của Nữ tu Faustina ra khỏi giường và trở lại bình thường. Trên thực tế, bà đã sống tới gần 100 tuổi, mà không khám bác sĩ lại.

Khi nghe tin Nữ tu Faustina về thăm nhà và mẹ chị khỏi bệnh cách kỳ diệu, các bạn hữu và hàng xóm kéo tới đầy nhà. Họ đưa con cái mình đến để Nữ tu Faustina ôm hôn chúng. Dân chúng từ khắp chung quanh khu vực đã đến nghe chị nói về Thiên Chúa và kể lại nhiều chuyện về việc chữa lành nhờ lời cầu nguyện. Nữ tu Faustina thực sự thích thú chuyến thăm viếng gia đình và cơ hội gặp lại mẹ, nhưng chị lại nhận thấy mình thiếu đi cảnh cô tịch của nhà dòng và tất cả những cơ hội để cầu nguyện. Khi trở lại nhà dòng, chị cảm tạ Chúa vì mẹ mình khỏe mạnh, và Đức Giêsu quả quyết với chị là thời gian chị dành cho gia đình rất làm vui lòng Người.

 

 

Một thời gian ngắn sau, Nữ tu Faustina nhận được một sứ điệp từ Đức Giêsu, sứ điệp này sẽ làm cho chị khổ tâm trong hầu hết những năm tháng còn lại của cuộc đời chị. Hình như Người yêu cầu chị rời khỏi dòng và thành lập một cộng đoàn tu trì mới sẽ được dâng hiến cho Lòng Chúa Thương Xót (xem Nhật ký, 435-438).

Hết lần này đến lần khác, chị cứ hỏi các cha giải tội về điều này. Mỗi lần, chị đều được bảo là hãy chờ đợi, hoặc không làm bất cứ điều gì, nếu không được sự đồng ý từ các bề trên. Chị cảm thấy cần phải thành lập cộng đoàn này, vì chị biết đây là Thánh ý Thiên Chúa.

Nữ tu Faustina không biết chắc việc đó sẽ được thực hiện như thế nào. Trong kỳ tĩnh tâm tháng 10 tại Cracow, chị đã hỏi cha giải tội về việc thành lập cộng đoàn mới, ngài đã khuyên chị đừng làm bất cứ việc gì trong thời gian đó.

Cha giải tội cảm thấy việc khấn trọn đời là lý do để chị ở lại trong nhà dòng hiện tại. Ngài cảm thấy chị cần phải trung thành và vâng phục các bề trên, ngài cam đoan lại với chị là Chúa sẽ làm cho điều đó xảy ra, nếu nó cần phải xảy ra. Trong những thị kiến sau này, Đức Giêsu cũng an ủi chị. Người nói thánh ý Người sẽ được thực hiện, và chị không nên lo lắng về dòng tu mới sẽ xảy đến như thế nào.

Dù đã hết sức cố gắng, Nữ tu Faustina vẫn không thể bỏ yêu cầu của Chúa đối với một cộng đoàn mới. Một mặt, Đức Giêsu nói chị cần phải thành lập dòng tu mới, nhưng các bề trên của chị lại tiếp tục ngăn cản chị bất cứ hành động nào. Tình trạng rối loạn tinh thần là một căng thẳng đối với sức khỏe của cơ thể chị.

Đầu năm 1936, chị đến gặp Đức Cha Romuald Jalbrzykowski, Tổng Giám Mục thành Vilnius, để xin ngài hướng dẫn. Ngài bổ sung tiếng nói của mình vào tiếng nói của mọi người khác, khi ngài nói: “Con phải chờ đợi cho đến khi rõ ràng Đức Giêsu muốn”.

Năm 1935 là một năm đầy cảm xúc đối với Nữ tu Faustina, bắt đầu vào tháng 4, đỉnh cao là các buổi kỷ niệm năm Toàn Xá về Ơn Cứu Độ Thế Giới. Đây là năm mà tất cả những kinh nghiệm của chị làm cho chị hoàn toàn nhận ra sứ mạng của mình trong cuộc đời. Rõ ràng Chúa sẽ sử dụng chị trong các kế hoạch cứu độ của Người đối với các linh hồn.

Rõ ràng chị không chỉ phải phấn đấu, sao cho ơn trợ giúp rõ rệt của Lòng Chúa Thương Xót, dưới hình thức tấm ảnh, trở nên hiển hiện đối với thế giới, nhưng nhờ Lòng Chúa Thương Xót, các linh hồn có thể nhận được ơn tha thứ và hòa giải hoàn toàn, qua buổi lễ long trọng Chúa Nhật thứ I sau Lễ Phục Sinh. Chị cũng phải nhắc nhở những người đã phạm tội trọng và mất niềm hy vọng vào ơn cứu độ rằng Lòng Chúa Thương Xót vẫn luôn dành cho họ, nếu họ hối cải. Bấy giờ, chính nhiệm vụ này càng ngày càng lôi cuốn Nữ tu Faustina.

Lòng nhiệt thành với việc tông đồ hoàn toàn thiêu đốt tâm trí chị, giống như một ngọn lửa. Đối với linh hồn mình, chị miệt mài với mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chị tôn thờ Đức Giêsu yêu thương, tha thứ và thương xót. Chị cũng phó thác bản thân cho Lòng Chúa Thương Xót, và cố gắng đưa về cho Chúa tất cả những linh hồn cố chấp và phản nghịch, đặc biệt những linh hồn rất bất hạnh và bị bỏ rơi, thất vọng đến nỗi xa lìa khỏi cánh tay Thiên Chúa, Đấng vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi họ trở lại.

Cho đến lúc đó, vai trò của Nữ tu Faustina chủ yếu là báo tin cho cha Sopocko, như thể ngài là người thi hành Thánh ý Thiên Chúa. Ít nhất chị hiểu như vậy. Nhưng công việc của ngài thực sự giới hạn trong việc thực hiện tất cả những gì liên quan đến nhận thức chính thức và theo phụng vụ về sứ điệp và lòng sùng kính. Tuy nhiên, chị đã nhận được yêu cầu riêng biệt từ Thiên Chúa, đó là cứu thoát các linh hồn, bằng cách mang đến cho Người các linh hồn tội nhân, đặc biệt tất cả các linh hồn Người tìm kiếm, như bày tỏ trong các kinh nguyện trong Tuần Chín Ngày mà Người đã ban cho chị.

Chúa cũng muốn thành lập một dòng tu mới, với đặc sủng là tiếp tục mang các linh hồn đến cho Người, qua lời cầu nguyện và công việc hằng ngày. Hy vọng các chương và trích dẫn sau đây từ Nhật Ký của Thánh nữ Faustina sẽ nêu rõ rằng chủ yếu đây là một dòng tu mới. Đức Giêsu bảo chị hãy thành lập một dòng tu mới hoàn toàn tận hiến cho việc đền bù lẽ công thẳng của Thiên Chúa, vì những tội lỗi của thế giới, và liên tục cầu nguyện, van xin Lòng Chúa Thương Xót cho toàn thể nhân loại. Lời yêu cầu này của Đức Giêsu đến với chị không lâu sau khi kết thúc các buổi lễ của Năm Toàn Xá tại Vilnius.

Thời điểm chính xác của mạc khải này không được ghi lại trong Nhật Ký của Nữ tu Faustina, nhưng tường thuật đầu tiên của mạc khải phát xuất từ cuộc nói chuyện với cha linh hướng của chị vào tháng 5, 1936, và một lần nữa vào ngày 8 tháng 1 năm 1936. Chị ghi lại: “Khi tôi đến gặp Đức Cha Jalbrzykowski (Tổng Giám Mục thành Vilnius), tôi nói với ngài rằng Chúa Giêsu bảo tôi cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa cho thế giới, và có một dòng tu mới sẽ van xin Lòng Chúa Thương Xót cho thế giới. Tôi xin phép ngài tất cả những điều Chúa Giêsu đã yêu cầu tôi”.

Chị ghi lại trong Nhật Ký (429): “Khi ý thức những chương trình vĩ đại Thiên Chúa dành cho mình, tôi kinh hãi trước tầm mức lớn lao và cảm thấy hoàn toàn bất lực trước những chương trình ấy.

Tôi bắt đầu trốn tránh các cuộc chuyện vãn nội tâm với Chúa, bằng cách nhồi nhét cho kín thời giờ bằng những lời khẩu nguyện. Tôi làm điều đó chỉ vì khiêm nhượng, nhưng tôi nhận ngay ra đó không phải là khiêm nhượng thật, đúng hơn, đó là một cám dỗ do thần dữ.

Vào một dịp kia, thay vì tâm nguyện, tôi đã đọc sách thiêng liêng, và trong linh hồn đã nghe những lòi này một cách rõ ràng và mạnh mẽ:

“Con hãy sửa soạn thế giới cho lần đến sau cùng của Cha”.

Những lời này đánh động tôi thật sâu xa, và mặc đù giả vờ như không nghe thấy, nhưng tôi hiểu rất rõ ràng và không còn nghi ngờ gì nữa về những lời ấy.

Một lần kia, vì quá mệt nhọc trong cuộc chiến tình yêu với Thiên Chúa và cứ phải thường xuyên thoái thác, vịn cớ không đủ sức thực hiện công việc, tôi muốn ra khỏi nhà nguyện, nhưng một sức mạnh đã giữ tôi lại và tôi thấy mình bất lực. Khi ấy, tôi được nghe những lời này:

“Con muốn rời nhà nguyện, nhưng con sẽ không rời Cha được, vì Cha ở khắp nơi. Con không thể tự mình làm được việc gì, nhưng với Cha, con có thể làm được mọi sự”.

Không phải cho đến mục ghi ngày 9 tháng 6, chúng ta mới tìm thấy trong Nhật Ký một câu có thể đưa ra ánh sáng đối với mặc khải mới và yêu cầu quan trọng này của Đức Giêsu. Nhưng ở đây, chị cũng không nói rằng tất cả mọi sự Đức Giêsu nói với mình đều rõ ràng.

Một buổi tối, Nữ tu Faustina đang đi dạo qua khu vườn tại Vilnius, thì chị nghe thấy những lời này: “Nhờ lời khẩn cầu của các con, con và những người bạn của con sẽ nhận được lòng thương xót cho bản thân và toàn thế giới”. “Tôi hiểu rằng mình sẽ không ở lại trong Nhà Dòng nơi hiện nay tôi đang ở. Tôi nhận thấy rõ Thánh ý Thiên Chúa đối với tôi là ở nơi khác. Nhưng tôi vẫn tiếp tục biện hộ trước mặt Thiên Chúa, khi thưa với Người rằng tôi không có khả năng thực hiện nhiệm vụ này. Tôi nói: ‘Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rất rõ con người của con’, và tôi bắt đầu liệt kê với Chúa những yếu đuối của mình, che giấu chúng, sao cho Người đồng ý là tôi không có khả năng thực hiện các kế hoạch của Người. Rồi tôi nghe thấy những lời này:

‘Con đừng sợ, chính Ta sẽ thực hiện tất cả những gì còn thiếu nơi con’.

Tôi hiểu rằng Thiên Chúa đòi hỏi một lối sống hoàn hảo hơn nơi tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục sử dụng tình trạng bất lực của mình như một cách biện hộ” (Nhật ký, 435).

Sự thinh lặng kéo dài của Nữ tu Faustina trong Nhật Ký đối với mặc khải quan trọng này, và thái độ có vẻ phản kháng của chị trong việc nói với cha linh hướng tất cả mọi sự liên quan đến đòi hỏi quan trọng của Đức Giêsu thật khó hiểu, so với toàn bộ chi tiết được chị ghi lại về từng mạc khải khác.

 

 Vấn đề về dòng tu mới xảy đến lần đầu tiên trong cuộc nói chuyện của Nữ tu Faustina với cha Sopocko vào ngày 29 tháng 6 năm 1935, khoảng một tháng sau khi chị thú nhận với ngài trong bí tích hòa giải mà chị đang tránh né một đề tài đặc trưng. Nữ tu Faustina nói:

“Khi tôi nói với cha linh hướng Sopocko của tôi về những điều khác nhau mà Chúa đang bảo tôi, thì tôi nghĩ là ngài sẽ nói rằng tôi không có khả năng làm được tất cả những việc đó, và Chúa Giêsu không sử dụng các linh hồn đáng thương như tôi cho những việc mà Người muốn thực hiện. Nhưng tôi lại nghe thấy (từ cha Sopocko) những lời với ý nghĩa là Thiên Chúa chỉ thường xuyên chọn nhất những linh hồn như vậy, để thực hiện các kế hoạch của Người. Chắc chắn vị linh mục này (cha Sopocko) được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn.

“Ngài (cha Sopocko) thấm nhuần những bí mật sâu xa nhất của linh hồn tôi, giữa tôi và Thiên Chúa, dù tôi chưa nói với ngài, vì tự tôi không hiểu được chúng, và Chúa không ra lệnh rõ ràng là tôi phải nói với ngài.

“Bí mật là thế này: Thiên Chúa đòi hỏi phải có một Dòng Tu sẽ loan truyền lòng thương xót của Thiên Chúa cho thế giới, và nhờ lời cầu nguyện của họ, sẽ đạt được Lòng Chúa Thương Xót cho thế giới. Khi cha hỏi tôi có bất cứ mong ước nào hay không, thì tôi đáp lại là tôi không có bất cứ chỉ thị nào rõ rệt; nhưng lúc đó, một ánh sáng thấm nhập linh hồn tôi, và tôi hiểu rằng Chúa đang nói thông qua ngài. Tôi tự vệ vô ích khi nói rằng tôi không nhận được bất cứ chỉ thị nào rõ rệt, vì ít nhất đến cuối buổi nói chuyện của chúng tôi, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu trên ngưỡng cửa, như Người được trình bày trong tấm ảnh, và Người nói với tôi:

“Ta mong muốn có một Dòng Tu”.

Tuy nhiên, tôi vẫn không nói với ngài (cha Sopocko) ngay, vì tôi đang vội vàng trở về nhà, và tôi vẫn tiếp tục lập lại với Chúa: ‘Con không có khả năng thực hiện các kế hoạch của Chúa, ôi lạy Chúa!’. Nhưng thật kỳ lạ, Chúa Giêsu không hề chú ý đến những lời kêu cầu của tôi, nhưng Người cho tôi xem và hiểu rằng công việc này cần thiết đối với Người như thế nào. Người không kể đến những yếu đuối của tôi, nhưng Người hướng dẫn tôi nhận biết tôi phải khắc phục bao nhiêu khó khăn, và thụ tạo đáng thương này không thể suy nghĩ gì ngoài câu: ‘Con không có khả năng. Ôi lạy Thiên Chúa của con!’”.

Trong cuộc đấu tranh kế tiếp của lương tâm, bạn có thể nhận thấy rõ nhân tính của Nữ tu Faustina. Bạncó thể hiểu được sự phản kháng của chị, vì nỗi sợ hãi lớn lao của một người ít học, không có kinh nghiệm trần thế, và không có bất cứ ý tưởng nào về cách làm sao để bắt đầu nhiệm vụ lớn lao này, trong việc tìm kiếm các thiếu nữ gia nhập dòng tu mới.

Rồi đến việc tạo ra một đặc sủng, tìm kiếm cho họ một chỗ ở để sinh sống, xin phép Tòa Thánh Vatican, và cuối cùng, cũng cần phải có một số tiền, không điều gì trong số đó nằm trong khả năng của Nữ tu Faustina. Ý nghĩ về việc đảm nhận việc này hoàn toàn áp đảo chị, nhưng mặt khác, chị vẫn mong muốn thực hiện Thánh ý Thiên Chúa với cả tâm hồn.

Theo lý lẽ con người của Nữ tu Faustina, việc này không thể thực hiện được, ít nhất do bản thân chị. Nữ tu Faustina đã nhắm mắt, bịt tai lại, và thậm chí chị còn không muốn nghĩ đến, hầu phần nào tránh né tiếng nói đó cứ đến với chị để yêu cầu điều không khả thi.

Nữ tu Faustina không nhận ra rằng như trong trường hợp Tấm Ảnh, Đức Giêsu không mong đợi cá nhân chị thực hiện toàn bộ việc đó, những mặc khải được dành cho một mình chị như người được chọn, nhưng chị chỉ cần truyền cảm hứng để thực hiện công việc thôi.

Nữ tu Faustina phải truyền cảm hứng cho những người khác trong toàn bộ việc này, cuối cùng, chị đã thực hiện, cùng với cha Sopocko tiếp nhận chỉ thị từ chị, chính ngài cho vẽ Tấm Ảnh, và chính ngài thành lập dòng tu mới. Dòng tu mà Đức Giêsu đã yêu cầu thành lập, và Nữ tu Faustina truyền cảm hứng, chưa bao giờ được nhìn nhận như nhà dòng đáng được. Dòng này được gọi là Dòng “Các Nữ Tu Chúa Giêsu Thương Xót”, hiện nay, có một nhà tại Vilnius, tại căn nhà nơi cha Sopocko đã từng sinh sống, và Tấm Ảnh được vẽ dưới sự hướng dẫn của Nữ tu Faustina và cha Michael Sopocko. Dòng “Các Tu Sĩ Chúa Giêsu Thương Xót” cũng được thành lập tại đây, trong thành phố Vilnius.

 

 Dòng các Nữ Tu Chúa Giêsu Thương Xót, Dòng mà Đức Giêsu bảo Nữ tu Faustina thành lập, và được mời gọi hầu tận hiến cuộc đời mình để cầu xin Lòng Chúa Thương Xót cho toàn thể nhân loại, bắt đầu vào năm 1942, khi một số thiếu nữ tham dự cuộc họp do cha Michael Sopocko, linh hướng của chị, tổ chức ở nhà riêng của ngài tại Vilnius.

Cũng tại nhà này, Ảnh Lòng Chúa Thương Xót gốc đã được họa sĩ Eugene Kazimirowski vẽ, theo hướng dẫn của Nữ tu Faustina và cha Sopocko. Trong cuộc sống ngắn ngủi của Nữ tu Faustina, bản thân chị không thể hoàn tất được hai trong số những công việc khác do Đức Giêsu giao phó cho chị.

Thứ nhất là thành lập một dòng tu mà ngày nay là Dòng “Các Nữ Tu Chúa Giêsu Thương Xót”, thứ hai là lập ra “Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót ” trong Giáo Hội, nhưng lúc chị hấp hối trên giường, chị vui mừng khi Đức Giêsu nói rằng cha Sopocko sẽ là người giúp đỡ hữu hình của chị trên trái đất, và chính cha Sopocko sẽ thành công trong việc hoàn tất cả hai nhiệm vụ này.

Sau chiến tranh, cha Sopocko buộc phải rời khỏi Vilnius, hầu tìm kiếm địa điểm và củng cố một đặc sủng, để thành lập một dòng tu mới. Trong việc này, ngài nhận được sự giúp đỡ từ cha Wiadyslaw Wantuchowzki, người nhận trách nhiệm hướng dẫn đào tạo cho nhóm đầu tiên đáp lại lời mời gọi. Cha Edmund Nowicki, người phụ trách việc Truyền Giáo tại Gorzow, đã xin phép cho nhà dòng hoạt động, và công việc bắt đầu trong quận của ngài.

Các nữ tu chọn một ngôi nhà ở Mysliborz làm nơi cư ngụ, và ngày 25 tháng 8 năm 1947, chín thiếu nữ đầu tiên bắt đầu đời sống cộng đoàn. Nhưng phải đến 8 năm sau, họ mới xin được tất cả các phép để trở thành một dòng tu.

Ngày 2 tháng 8 năm 1955, cha phụ trách việc Truyền Giáo tại Gorzow đã phổ biến một sắc lệnh cho phép các thiếu nữ này được mặc áo dòng, và trở thành “Các Nữ Tu Chúa Giêsu Thương Xót”.

Hiện nay, Dòng này vẫn tổ chức các cuộc hội nghị quốc gia và quốc tế cho các môn đệ của Lòng Chúa Thương Xót, và muốn giữ quan hệ với những người sùng kính trên khắp thế giới.

Hãy nhớ những lời Thánh nữ Faustina: “Con người giống như một thân xác mục nát, và từ quan điểm của con người, không có niềm hy vọng, và hình như mọi sự đã mất đi, nhưng không bao giờ như vậy đối với Thiên Chúa. Phép lạ của Lòng Chúa Thương Xót có thể hoàn toàn phục hồi người đó.

Ôi! Thật điên rồ biết bao người nào không tận dụng phép lạ nơi lòng thương xót của Thiên Chúa!”

 Những Kinh Nguyện Lòng Chúa Thương Xót,

xin Chuyển Cầu và xin Ơn Chữa Lành

Ôi lạy Thiên Chúa của con! Khi nhìn vào tương lai, con khiếp sợ. Nhưng tại sao lại cứ nhìn vào tương lai? Chỉ có giây phút hiện tại mới quý giá đối với con, vì có thể tương lai không bao giờ nằm trong linh hồn con.

Bằng sức mạnh của con, không còn gì để thay đổi, sửa chữa hoặc bổ sung gì cho quá khứ; vì các ngôn sứ hoặc các bậc khôn ngoan vẫn không thể làm điều đó; vì thế, đối với những gì quá khứ bủa vây, con vẫn phải tín thác vào Thiên Chúa.

Trong giây phút hiện tại, Chúa thuộc về con, toàn thể và trọn vẹn. Con hết sức mong ước có được Chúa, mặc dù con yếu đuối và nhỏ bé, Chúa vẫn ban ơn cho con trong quyền năng của Chúa.

Vì thế, khi tín thác vào lòng thương xót Chúa, con sẽ bước đi suốt đời như một trẻ nhỏ, mỗi ngày đều dâng hiến cho Chúa tâm hồn này, bùng cháy lòng yêu mến đối với vinh quang cao cả hơn của Chúa. (Nhật ký của Thánh nữ Faustina).

Hãy nhớ những lời Thánh nữ Faustina:

“Linh hồn nào loan truyền Lòng Chúa Thương Xót trên toàn thế giới, với lòng khiêm tốn sâu xa, thì đều làm vui lòng Thiên Chúa!”

(Nhật ký của Thánh nữ Faustina).

 

Đức Giêsu nói với Thánh nữ Faustina:

“Hãy không ngừng lần Chuỗi mà Ta đã dạy con. Bất cứ ai lần Chuỗi đều sẽ nhận được Lòng Thương Xót cao cả trong giờ chết. Các linh mục sẽ khuyên các tội nhân lần Chuỗi như niềm hy vọng cuối cùng.

Ngay cả tội nhân nào cứng lòng nhất, nếu họ lần Chuỗi, thậm chí một lần, đều sẽ nhận được ân huệ từ Lòng Thương Xót vô biên của Ta. Ta muốn toàn thế giới nhận biết Lòng Thương Xót vô biên của Ta.

Ta muốn ban các ân huệ không thể tưởng tượng cho những ai tín thác vào Lòng Thương Xót của Ta”.

Có thể lần Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót bằng Chuỗi Mân Côi thông thường:

Trước hết, đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng và một Kinh Tin Kính.

 

Đọc trước mỗi chục:

- Lạy Cha Hằng hữu, con xin dâng lên Cha, Mình và Máu, Linh hồn và Thần tính của Con rất yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

- Để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới.

Sau mỗi chục, đọc những lời sau đây:

 

- Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô.

- Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.

 

Sau 50 kinh, đọc ba lần:

- Lạy Đấng Chí Thánh là Thiên Chúa Toàn năng, Hằng hữu.

- Xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

 

Trong giờ này, bạn có thể nhận được mọi ơn cho bản thân mình và những người khác.

Vào giờ này (lúc ba giờ chiều), hãy cầu xin Đức Giêsu thương xót tất cả các linh hồn khốn khổ sắp chết và đang trên đường bị kết án đời đời. Bạn không thể cầu xin được hành động thương xót nào lớn lao hơn:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết, nhưng suối nguồn sự sống vẫn tuôn trào xuống các linh hồn, và đại dương thương xót vẫn mở ra cho toàn thế giới.

 Ôi! Suối nguồn sự sống Lòng Thương Xót của Chúa, xin bao phủ thế giới và trút hết cho chúng con.

Thánh nữ Faustina được ban kinh này, như một kinh xin ơn hoán cải, (xem Sổ Tay về Việc Sùng Kính Lòng Chúa Thương Xót), và được chọn như một lời nguyện tắt phù hợp lúc 3 giờ chiều.

 

Lạy Thánh nữ Faustina, chị nói với chúng tôi rằng sứ mạng của chị vẫn tiếp tục sau khi chị qua đời, và chị sẽ không quên chúng tôi (Nhật ký, 281, 1582).

Chúa chúng ta cũng ban cho chị một đặc ân cao cả, khi nói với chị:

“Hãy phân phát các ân huệ như con muốn, cho những ai con muốn, và khi nào con muốn”.

Tin tưởng vào điều này, tôi cầu xin chị chuyển cầu ơn mà bây giờ tôi đặc biệt cần đến.

Quan trọng hơn hết, xin giúp tôi biết tín thác vào Đức Giêsu như chị, và do đó, tôn vinh lòng thương xót của Người trong từng giây phút của cuộc đời tôi.

 

Kính lạy Máu và Nước đã tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, như thác nguồn Thương Xót chúng con: Con Tín Thác Vào Chúa.

“Hỡi con gái của Ta, hãy hết sức cố gắng đi Đàng Thánh Giá trong giờ này, với điều kiện là các bổn phận của con cho phép; nếu con không thể đi Đàng Thánh Giá, thì ít nhất, con hãy đến nhà nguyện một lát, và thờ lạy Bí Tích Cực Thánh, Trái Tim đầy lòng thương xót của Ta; và nếu con không thể đến nhà nguyện, thì con hãy đắm chìm trong lời cầu nguyện chỉ trong một giây phút rất ngắn, dù con ở bất cứ đâu”.

 

Hãy nhớ những lời Thánh nữ Faustina:

“Lạy Chúa Giêsu, sức mạnh, sự an bình, nơi nghỉ ngơi của con, mỗi ngày, linh hồn con đều được đắm chìm trong những ánh sáng của Lòng Chúa Thương Xót. Không giây phút nào trong cuộc đời, con không cảm nghiệm lòng thương xót của Người, ôi lạy Thiên Chúa!

 

Con không trông mong bất cứ điều gì trong toàn bộ cuộc đời con, nhưng chỉ trông nhờ nơi lòng thương xót vô biên của Chúa. Đây là nguồn mạch hướng dẫn cuộc đời con, ôi lạy Chúa! Linh hồn con đầy ắp lòng thương xót của Thiên Chúa”.

(Nhật ký của Thánh nữ Faustina).

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho Thánh nữ Faustina, tôi tớ Chúa, ơn tôn kính sâu xa đối với lòng thương xót vô biên của Chúa.

Nhờ những lời cầu nguyện của chị, nếu đây là thánh ý Chúa, con nguyện xin Chúa ban cho con ơn mà bây giờ con sốt sắng cầu xin Chúa (…đề cập đến ý nguyện của mình …) Amen.

Hãy nhớ những lời Thánh nữ Faustina:

“Ôi lạy Chúa! Chân lý vĩnh cửu, xin ban cho con một tia sáng trong ánh sáng của Chúa, hầu con có thể đi đến chỗ nhận biết Chúa, và tôn vinh lòng thương xót vô biên của Chúa cách xứng đáng. Đồng thời, xin ban cho con nhận biết bản thân, toàn thể vực thẳm khốn khổ của con người con”.

(Nhật ký của Thánh nữ Faustina).

 

Lạy Chúa Giêsu, xin dòng máu tinh tuyền và lành mạnh của Chúa luân chuyển trong cơ thể đau yếu đáng thương của con.

Xin cho thân thể tinh tuyền và lành mạnh của Chúa biến đổi cơ thể đau yếu bệnh hoạn của con.

Và xin cho một sự sống lành mạnh và đầy sinh lực chảy trong con một lần nữa, nếu đây là thánh ý Chúa. Amen

 

Đức Giêsu nói với Thánh nữ Faustina:

“Con hãy nói với các linh hồn đừng đặt vào lòng họ những trở ngại đối với lòng thương xót của Ta, vốn hết sức mong muốn hành động bên trong họ. Lòng thương xót của Ta hoạt động trong tâm hồn người nào mở cửa ra đón nhận. Cả tội nhân lẫn người công chính đều cần đến lòng thương xót của Ta.

Ơn hoán cải cũng như ơn bền đỗ là ân huệ từ lòng thương xót của Ta. Linh hồn nào tín thác vào Ta thì được ưu tiên đối với trái tim thương xót của Ta, họ có quyền đầu tiên đến với lòng thương xót của Ta. Không linh hồn nào tín thác vào Ta và kêu cầu lòng thương xót của Ta mà bị thất vọng”.

(Nhật ký của Thánh nữ Faustina).

 

Lạy Chúa Giêsu, từ nay, chúng con xin hoàn toàn tận hiến cho Chúa, trong bàn tay từ ái Chúa, chúng con dâng hiến trọn vẹn quá khứ, hiện tại và tương lai của con. Lạy Chúa Giêsu, từ nay, xin Chúa hãy săn sóc, bảo vệ, chở che gia đình chúng con. Xin giúp chúng con trở thành những người con ngoan hiền của Chúa. Qua diện mạo của Chúa đây, xin Lòng Thương Xót Chúa chiến thắng mọi thế lực ác thần trên thế gian.

Xin cho những ai khi sùng kính Lòng Thương Xót Chúa sẽ không bị hủy diệt. Xin Lòng Thương Xót Chúa trở thành niềm vui của họ ngay đời này, là niềm hy vọng trong lúc sinh thì, và là vinh quang của họ trong cuộc sống vĩnh hằng. Người là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

 

Hãy nhớ những lời Thánh nữ Faustina:

“Đừng để cho linh hồn nào, ngay cả những linh hồn khốn khổ nhất, trở thành nạn nhân của sự nghi ngờ; vì bao lâu chúng ta còn sống, mỗi người đều có thể trở thành một vị thánh, quyền năng của ân huệ Thiên Chúa thật lớn lao. Điều duy nhất còn lại cho chúng ta là đừng phản đối những hành động của Thiên Chúa”

(Nhật ký của Thánh nữ Faustina).

 

Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Đấng duy nhất tốt lành, lòng thương xót Chúa không thể hiểu nổi đối với mọi khả năng hiểu biết, cho dù của con người hay thiên thần, xin giúp con, người con yếu đuối của Chúa, làm theo Thánh ý Chúa, như Chúa cho con biết.

Con không mong ước gì ngoại trừ việc thực hiện những ý muốn của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, này đây linh hồn và cơ thể con, tâm trí và ý chí con, trái tim và toàn bộ tình yêu của con.

Xin hướng dẫn con theo kế hoạch đời đời của Chúa. Amen.

 

Câu chuyện bắt đầu từ nhiều năm trước, trong một căn phòng tại Vilnius, với một nữ tu khiêm tốn tên là Faustina, vì đức vâng phục, chị được cha Linh Hướng yêu cầu viết lại những kinh nghiệm thiêng liêng của mình. Việc này được biết đến như “Nhật Ký của Thánh nữ Faustina – Lòng Thương Xót Chúa Trong Linh Hồn Tôi” – một tài liệu thần bí đặc biệt, thu hút tâm hồn nhiều người trên khắp thế giới.

Các bài viết của chị trước hết đều thông qua Chân phước Michael Sopocko, linh hướng của chị, và chị có được một thị kiến về những lúc khó khăn mà ngài sẽ gặp, khi đưa sứ điệp này đến với thế giới: “Tôi có một thị kiến trong nội tâm – nhanh chóng hơn cả tia chớp – về linh hồn của ngài (cha Sopocko) trong nỗi đau khổ cực kỳ, nỗi đau đớn mà Thiên Chúa chạm vào rất ít linh hồn bằng một ngọn lửa như vậy. Nỗi đau khổ phát xuất từ công việc của ngài. Xảy đến một thời gian công việc mà Thiên Chúa đang yêu cầu rất nhiều, sẽ như thể dứt khoát không thực hiện được. Sau đó, Thiên Chúa sẽ hành động bằng quyền năng cao cả, điều này sẽ mang lại bằng chứng cho tính xác thực của việc này. Việc này sẽ trở thành một nét đặc biệt mới cho Giáo Hội, mặc dù nó sẽ âm ỉ suốt một thời gian dài. Thiên Chúa đầy lòng thương xót vô biên, không ai có thể phủ nhận được” (Nhật ký, 378).

Với Đức Hồng Y Karol Wojtyla, ban đầu là Tổng Giám Mục thành Cracow, rồi sau đó, được đưa lên Tòa Thánh với tư cách là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một chương mới được viết trong câu chuyện về việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót. Và thật là một chương đặc biệt: việc phong chân phước cho Nữ tu Faustina vào năm 1993, rồi đến lễ phong thánh cho người Nữ tu khiêm tốn trong năm 2000. Chị là vị thánh đầu tiên của thiên niên kỷ mới!

Khi Thánh nữ Faustina được phong thánh, chúng ta có thể nói rằng Nhật Ký của chị và Lòng Chúa Thương Xót cũng được tôn vinh, mà theo lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “sang thiên niên kỷ mới (…) và đối với mọi người, họ sẽ học hỏi để hiểu biết rõ hơn gương mặt của Thiên Chúa và gương mặt đích thực của các anh chị em mình”.

Trong lễ phong thánh cho Nữ tu Faustina, Đức Giáo Hoàng nói: “Những năm phía trước sẽ mang lại gì cho chúng ta? Tương lai của con người trên trái đất sẽ ra sao? Chúng ta không được biết. Tuy nhiên, điều chắc chắn là ngoài tiến bộ mới, thật không may, sẽ không thiếu những kinh nghiệm đau thương.

Nhưng ánh sáng của Lòng Chúa Thương Xót, mà Chúa muốn ban lại cho thế giới theo một cách thức, qua đặc sủng của Thánh nữ Faustina, sẽ là đường lối cho con người trong thiên niên kỷ III ”.

Nhìn lại thời gian qua, chúng ta nhận ra quả thật đây là những lời tiên tri. Tình trạng rối loạn trong thế giới, đặc biệt trong Giáo Hội, đặc biệt suốt hai năm qua, là bằng chứng không thể phủ nhận về một thế giới cực kỳ cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi con người quay lưng lại với Thiên Chúa, thì họ không chỉ mất đi ý thức về cảm giác gần gũi và ý nghĩa đích thực của cuộc đời, nhưng họ cũng mất đi ý thức về niềm hy vọng và mong đợi vui tươi.

Do đó, liệu có còn lại bất cứ niềm hy vọng nào không? Vẫn có niềm hy vọng, nhưng chỉ thông qua lòng thương xót của Thiên Chúa, và điều gì có thật đối với Giáo Hội, thì cũng có thật đối với thế giới. Theo lời Thánh nữ Faustina, Lòng Chúa Thương Xót “sẽ là nét đặc biệt mới đối với Giáo Hội”, và chúng ta dám nói rằng Lòng Chúa Thương Xót cũng sẽ thay đổi thế giới, vì chỉ với Lòng Thương Xót và Lòng Trắc Ẩn của Thiên Chúa, thì mới có thể ngăn chặn những xung đột, tránh được lòng tham và bỏ lại phía sau tình trạng nghèo nàn của linh hồn và thân xác, cả về mặt thể lý lẫn thiêng liêng.

 

Trong sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót, Đức Giêsu yêu cầu mọi người tham gia loan truyền Lòng Chúa Thương Xót bằng lời nói và hành động, và bằng cách đóng góp, tất cả chúng ta có thể trở thành một phần trong lịch sử của sứ điệp này.

Hiện nay, các Môn đệ của Lòng Chúa Thương Xót đang giúp xây dựng một “Bệnh Viện Dành Cho Người Hấp Hối” được đặt tên theo Chân phước Michael Sopocko, linh hướng của Thánh nữ Faustina, đây chỉ là một dự án tại Vilnius, “Thành Phố của Lòng Chúa Thương Xót ”, nơi bắt đầu toàn bộ dự án. Bệnh viện này đang được xây dựng ngay trên mảnh đất mà Ảnh Lòng Chúa Thương Xót được vẽ, nơi chính Thánh nữ Faustina đã từng đến thăm nhiều lần. Sự hiện diện của các Tu sĩ và Nữ tu Chúa Giêsu Thương Xót do Thánh nữ Faustina thành lập trong Thành phố Vilnius này thật kỳ diệu. Việc Thánh nữ Faustina nhận được Chuỗi Hạt và viết Nhật Ký trong Nhà Dòng này, tại thành phố này, dường như do Chúa Quan Phòng, nhưng việc Nhà Dòng này được thoát khỏi những đổ nát chỉ trước khi nó sắp bị phá hủy, và nhanh chóng biến thành một nơi tưởng niệm tuyệt vời về chuyến thăm viếng của Chúa chúng ta ở đây làm cho nơi này trở thành một địa điểm hành hương rất thánh thiêng đối với tất cả những ai tin tưởng nơi Lòng Chúa Thương Xót, điều này không kém gì phép lạ.

Khi nhìn lại, chúng ta có thể nhận thấy không phải bàn tay con người đã bảo vệ tất cả những nơi này tại Vilnius cho thế hệ sau, nhưng do bàn tay Thiên Chúa, đây thực sự là Lòng Chúa Thương Xót trong hành động.

 

Joseph phải trải qua một cuộc giải phẫu trầm trọng, thời gian cậu bé sống phần đời còn lại của mình tùy thuộc vào đó. Đây không phải là một cuộc giải phẫu tùy chọn, vì nếu Joseph không được giải phẫu ngay, thì có thể cậu bé chỉ còn được sống vài tuần nữa, trong cuộc sống ngắn ngủi nhưng hạnh phúc với gia đình.

Joseph lên 5 tuổi, và cậu bé đã làm tất cả những điều mà một đứa trẻ 5 tuổi vẫn làm. Joseph đến trường và tham gia tất cả các vụ nhào lộn dữ dội với các cậu bé khác. Joseph thích bóng đá, và đã từng nói với mọi người rằng khi lớn lên, cậu bé muốn trở thành một cầu thủ bóng đá.

Một hôm, bà mẹ gọi Joseph dậy đi học, nhưng cậu bé không trả lời, mặc dù bà mẹ đã gọi nhẹ nhàng mấy lần, nhưng vẫn không đánh thức được con trai. Cuối cùng, bà mẹ hoảng sợ và gọi bác sĩ.

Joseph được đưa đến bệnh viện, và sau các xét nghiệm kỹ, họ phát hiện một khối u bên trong sọ đang chèn ép não của cậu bé. Theo kinh nghiệm của bác sĩ, khối u này có thể phát triển với tốc độ đáng báo động, vì thế, trong sự cố này, họ nhận thấy cần phải giải phẫu ngay lập tức.

Vài giờ sau, Joseph thức dậy, bà mẹ bảo con trai rằng cậu bé đang ở trong bệnh viện, và sẽ phải ở lại lâu hơn, vì các bác sĩ muốn điều trị cho một chỗ đau trong đầu cậu bé. Trên thực tế, Joseph phải trải qua cuộc giải phẫu ngay ngày hôm sau. Không ai được để lại bất cứ ảo tưởng nào về tình trạng trầm trọng của quá trình giải phẫu.

Nếu tất cả mọi việc đều tốt đẹp, thì họ có thể cứu được mạng sống của Joseph, nhưng có lẽ không hơn gì việc cậu bé sẽ trải qua phần đời còn lại của mình trên một chiếc xe lăn. Không có triển vọng nào rõ rệt đối với một cậu bé 5 tuổi hoạt bát, với tham vọng trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp.

Cha mẹ của Joseph bị quẫn trí, và tối hôm đó, khi những người hàng xóm nghe tin này, thì họ đều gọi điện thoại dồn dập, với những lời chúc tốt đẹp và hứa cầu nguyện.

Người cuối cùng gọi điện thoại tối hôm đó, trước cuộc giải phẫu, là một phụ nữ mà trước đây mẹ của Joseph chưa bao giờ quen biết, nhưng sau khi bày tỏ với bà mẹ sự đồng cảm và những lời chúc tốt đẹp của mình cho ngày hôm sau (ngày giải phẫu), người phụ nữ này rút ra từ túi mình tấm ảnh của một nữ tu trẻ, và nói rằng: “Đây là tấm ảnh một người bạn của tôi, trong những lúc như vậy, chị đừng do dự cầu xin nữ tu này giúp đỡ. Nếu chị cầu nguyện, tôi cam đoan với chị là các sự việc sẽ không tồi tệ đâu”.

Cha mẹ của Joseph cám ơn người phụ nữ đó vì sự quan tâm của bà ấy, rồi đặt tấm ảnh trên bàn cà- phê, mà không hề để mắt đến. Không ai trong số họ có lòng đạo đức, và mỗi người đều nghĩ rằng người phụ nữ đã để lại tấm ảnh này rất tin tưởng vào nó, dù với ý ngay lành, nhưng bà ấy vẫn có suy nghĩ đơn giản.

Khoảng 2 giờ sáng, mẹ của Joseph thuyết phục chồng bà đi ngủ, vì ngày mai sẽ là một ngày dài.

Đêm trôi qua, bà đã uống nhiều tách trà và cứ đi tới đi lui trên sàn nhà, nhưng bà vẫn không thể thư giãn được. Khi bà đi qua bàn cà-phê, với vô số tách trà trong tay, bà dừng lại và cầm tấm ảnh lên rồi nhìn vào đó lần đầu tiên. Đây là tấm ảnh của một nữ tu trẻ mặc áo hoàn toàn màu đen, ngoại trừ màu trắng bên dưới chiếc lúp đen, và cổ áo màu trắng kiểu roma giống như một linh mục. Trước đây, bà chưa bao giờ thấy một nữ tu nào mặc như vậy.

Bà đưa tấm ảnh xuống chiếc ghế dài ở phòng khách trong khi bà bắt đầu nhấm nháp tách trà. Bà nghĩ đến đứa con trai nhỏ của mình sáng sớm mai trên một chiếc xe đẩy bằng thép, được đẩy vào một phòng mổ lớn lạnh lẽo, đầy những người xa lạ mặc áo trắng toát, hoàn toàn trùm khẩu trang trắng, bà hình dung có thể con mình khiếp sợ như thế nào, khi không có mẹ ở đó nắm bàn tay bé.

Nước mắt bà bắt đầu tuôn trào, rồi không hiểu sao tấm ảnh của người nữ tu trẻ này lại nằm trong tay bà, rồi bà nói chuyện với tấm ảnh và van xin chị giúp đỡ.

Sáng hôm sau, cha mẹ của Joseph ngồi rất yên lặng trong phòng đợi bệnh viện. Cuối cùng, bác sĩ giải phẫu đi vào phòng đợi. Bác sĩ mỉm cười nói: “Joseph sẽ bình an vô sự. Cuộc giải phẫu diễn ra cực kỳ tốt đẹp và mất ít thời gian hơn chúng tôi mong đợi. Con trai ông bà sẽ hồi phục và trải qua một cuộc sống bình thường. Tôi không thể bảo đảm là Joseph sẽ trở thành một cầu thủ giỏi, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào cháu bé, nhưng Joseph sẽ không có cách nào bị giới hạn về mặt thể lý. Cháu bé sẽ chơi bóng đá lại. Tôi không phải là một người Công Giáo đạo đức, nhưng hôm nay, tôi tin rằng có người nào đó ở trên cao đang săn sóc cháu bé”.

Vài tháng sau toàn bộ cú sốc trong những ngày khủng khiếp đó, khi Joseph đang chơi trong vườn, thì bà mẹ hỏi con trai là có phải cậu bé rất sợ hãi lúc vào phòng mổ hôm đó không.

Joseph nói: “Sợ hãi sao? Không, vì đêm hôm đó, trước khi mổ, một bà sơ xinh đẹp đến nói chuyện với con, và đến sáng, sơ ấy đi bên cạnh xe đẩy của con, nắm tay con, khi người ta đưa con vào phòng mổ. Sơ ấy còn đứng nắm tay con trong lúc mổ, nhưng khi con thức dậy sau đó và hỏi sơ ấy, thì hình như không người nào biết con đang nói về ai. Không người nào khác nhìn thấy thì có kỳ lạ không hả mẹ?”. Khi Joseph giải thích người nữ tu đó như thế nào, thì chỉ lúc đó, bà mẹ mới chợt nhớ đến tấm ảnh mà người phụ nữ đó đã đưa cho mình buổi tối trước hôm giải phẫu.

Bà mẹ xác định lại sự việc. Bà còn nhớ mình đã đặt tấm ảnh ở đâu trong buổi tối khủng khiếp đó. Bà đưa tấm ảnh ra trước mặt Joseph. Và nói: “Có thể đây là bà sơ mà con nhìn thấy phải không?”. Joseph trả lời: “Ổ, đúng đấy mẹ à, đó là một bà sơ thật xinh đẹp. Sơ ấy là ai hả mẹ? Có phải là bạn mẹ không?”.

Bà mẹ nói: “Joseph à … Trước hôm con giải phẫu, sơ ấy không phải là bạn mẹ , nhưng bây giờ, mẹ nghĩ là sơ ấy sẽ trở thành bạn mẹ suốt thời gian còn lại của cuộc đời mẹ, và con không bao giờ được quên sơ ấy, vì sơ ấy cũng là một người bạn lớn của con. Tên sơ ấy là Nữ tu Faustina của Bí Tích Cực Thánh”.

 

(Trích trong Divine Mercy, Passport to Heaven - Tác giả: Val Conlon)

“Xin Giúp Chúng Tôi Lau Khô Những Giọt Nước Mắt”(“Lòng Chúa Thương Xót bằng Hành Động”)

Đây là một cơ sở được bắt đầu bằng “Các Ẩn Phẩm Lòng Chúa Thương Xót ” tại Dublin, nhằm giúp mang Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đến cho những trẻ em khốn khổ và bị bỏ rơi tại Đông Âu, Ecuador và Zambia, dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse, người cha yêu thương trẻ con.

Sứ Mạng của Chúng Tôi – Lòng Chúa Thương Xót bằng Hành Động

Để đáp lại lời kêu gọi của Chúa, chúng tôi cũng nhận ra cơ hội mang những mặc khải của Người đến cho cuộc đời, với sự đổi mới đức tin qua việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót. Để đạt được lòng tin, chúng ta phải bắt đầu bằng những việc làm bác ái. Trước hết, hãy cho người khác ăn và săn sóc những nhu cầu thể lý của họ. Như chúng ta được thấy, khi thực hiện những công việc này của lòng thương xót đối với những kẻ vô gia cư và thiếu thốn, chúng ta cho thấy rõ là những việc tốt lành này được truyền cảm hứng do niềm tin của chúng ta nơi những mặc khải về Lòng Chúa Thương Xót. Như vậy, chúng ta làm cho hình ảnh và sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót được biết đến.

Vì các dự án nhân đạo của chúng tôi được nhìn nhận là cứu thoát được nhiều cuộc sống của các trẻ em, nên các dự án này không bị bất cứ nhà cầm quyền nào phản đối hoặc phủ nhận, ngay cả những kẻ vẫn còn chịu ảnh hưởng từ lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Nhưng trong công việc, chúng tôi cũng gây ảnh hưởng đến cuộc tìm kiếm tinh thần của họ về ý nghĩa cuộc đời, bằng sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót, đặc biệt trong thời đại chúng ta. Hiện nay, chúng tôi đã thiết lập được một vị trí chắc chắn cho những điều đã từng là không gian do học thuyết cộng sản chiếm giữ, và chúng tôi đã lấp đầy không gian đó bằng giáo lý Công Giáo, được Lòng Chúa Thương Xót truyền cảm hứng.

 

Thánh Nữ Faustina

Tông Đồ Lòng Chúa Thương Xót

Chân Phước Linh mục Micae Sopocko (1888-1975)