SẮC LỆNH VỀ CÁC GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ÐÔNG PHƯƠNG

Orientalium Ecclesiarum

Nguồn: https://vntaiwan.catholic.org.tw/

Lời Giới Thiệu

Muốn hiểu rõ mục đích, tầm quan trọng và sự thích hợp của Sắc Lệnh này, thiết tưởng nên biết qua lịch sử của nó. Ủy Ban tiền công đồng đặc trách các vấn đề liên quan đến các Giáo Hội Ðông Phương đã soạn thảo một lược đồ với nhan đề "Ðể tất cả nên một". Các Nghị Phụ đến hội kỳ họp I của Công Ðồng đã quyết định cho một ủy ban hỗn hợp tu chỉnh lại lược đồ trên. Ðức Hồng Y Bea cũng đã soạn thảo một lược đồ về Hiệp Nhất trong đó có đề cập đến các Giáo Hội Ðông Phương ly khai. Ủy ban hỗn hợp đặc trách các Giáo Hội Ðông Phương lúc bấy giờ hạn hẹp lược đồ vào vấn đề các Giáo Hội Ðông còn hiệp thông với Rôma. Lược đồ này mệnh danh là "Về các Giáo Hội Ðông Phương". Như vậy trên nguyên tắc, đã loại bỏ vấn đề Hiệp Nhất giữa các Giáo Hội Ðông Phương ly khai với Giáo Hội Công Giáo. Ðể được rõ hơn, sau này còn thêm vào tiếng Công Giáo. Như thế, tựa đề trở thành "Về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương". "Các Giáo Hội Công Giáo" ở đây chỉ các Giáo Hội Ðông Phương, thành phần của Giáo Hội phổ quát, còn hiệp thông với Tòa Thánh Rôma. Sau nhiều lần tu chỉnh và sửa đổi. Sắc Lệnh đã được Công Ðồng dứt khoát chấp nhận ngày 21-11-1964. 2,110 nghị phụ bỏ phiếu thuận và 39 phiếu chống.

Vì Sắc Lệnh liên hệ đến các Giáo Hội Ðông Phương hiệp thông với Rôma, nên Công Ðồng quan tâm đến quy luật, cách tổ chức và di sản thiêng liêng của các Giáo Hội đó. Nhiều người dị nghị tại sao một Công Ðồng Chung lại quan tâm đến các Giáo Hội riêng biệt. Ðã hẳn, người Ðông Phương có 120 Nghị Phụ đại diện vào Công Ðồng, nhưng đó là một thiểu số sánh với 2,000 Nghị Phụ Tây Phương, là những vi chưa chắc đã luôn thấu hiểu các vấn đề Ðông Phương. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng các đại diện Ðông Phương, Nghị Phụ và các nhà chuyên môn, đã góp phần lớn vào việc biên soạn cũng như tu chỉnh Sắc Lệnh này.

Nhiều phần trong Sắc Lệnh này lẽ ra phải được xen vào các tài liệu khác của Công Ðồng, nhất là trong Hiến Chế về Giáo Hội. Nhưng người Ðông Phương lại thích Công Ðồng soạn thảo và công bố một Sắc Lệnh riêng biệt về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Thượng Phụ Giáo Chủ Maximos IV đã nêu ra những lý do sau đây vào mùa thu năm 1964 và đã được Hội Ðồng Giáo Hội của ngài chuẩn y. Hiện nay các Giáo Hội Ðông Phương có những vấn đề riêng biệt, nhưng đối với Giáo Hội Latinh chúng ta không có tính cách khẩn trương. Thà rằng thảo luận các vấn đề chung với nhau, vì nếu tách rời, có thể sẽ bị lãng quên cách dễ dàng hay ít ra không được giải quyết cách thỏa đáng. Hơn thế nữa, một Sắc Lệnh Công Ðồng có thể đoạn tiêu hay thay đổi một vài quy luật mà trước kia Rôma đã đặt ra cho các Giáo Hội Ðông Phương, nhưng qua dòng thời gian, chúng đã lỗi thời hay ít thích hợp với truyền thống Ðông Phương. Sau cùng, nếu có một sắc lệnh riêng cho các Giáo Hội Ðông Phương thì còn hy vọng, sau Công Ðồng người ta sẽ chiếu cố đến các dự kiện của sắc lệnh và tiến hành cùng một hướng. Có thể thêm một lý do khác liên quan đến các tín hữu theo nghi lễ Latinh: một sắc lệnh riêng biệt về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương sẽ giúp họ hiểu mầu nhiệm Giáo Hội rõ ràng và cụ thể hơn, mầu nhiệm vừa duy nhất vừa đa diện. Một sắc lệnh riêng biệt như thế cũng có thể giúp họ thẩm định một thái độ thích đáng đối với các anh em ly khai của chúng ta.

Sắc Lệnh còn làm sáng tỏ cách tổ chức và đời sống của các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Sắc Lệnh giải thích rõ ràng quyền lợi và địa vị của các Cộng Ðoàn Công Giáo Ðông Phương và phục hồi những đặc ân và tập tục bị hủy bỏ trong quá khứ:

Bố cục Sắc Lệnh như sau:

-          Lời mở đầu: (số 1).

-          Sáu Chương:

1.      Các Giáo Hội địa phương hay Lễ Chế (số 2-4).

2.      Việc bảo vệ di sản tinh thần nơi các Giáo Hội Ðông Phương (số 5-6).

3.      Các Thượng Phụ Ðông Phương (số 7-11).

4.      Quy luật về các bí tích (số 12-18).

5.      Việc Phụng thờ Thiên Chúa (số 19-23).

6.      Liên lạc với các anh em ly khai (số 24-29).

- Kết luận: số 30.

Sắc Lệnh đề cập đến nhiều Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Có hơn 20 Giáo Hội. Trước tiên có nhiều Lễ chế. Lễ chế ở đây là cách thức cử hành phép Thánh Thể và các Bí Tích (lời nguyện, cử điệu...). Có Lễ chế Copticô, Chaldaeô, Syriacô, Armenô, Maroniticô, Byzantinô và Malabarô. Hơn nữa, có khi cũng một nghi lễ phụng vụ được thi hành ở nhiều xứ với những ngôn ngữ khác nhau; ví dụ: Lễ chế Copticô thịnh hành ở Ai Cập và Ethiopia, và như thế người ta phân biệt hai Giáo Hội riêng biệt theo cùng Lễ chế Copticô: một ở Ai Cập và một ở Ethiopia. Các Lễ chế khác cũng vậy. theo nghĩa rộng hơn, Lễ chế không những là phụng vụ của một Giáo Hội, nhưng còn bao hàm cả quy luật, tổ chức, truyền thống và tập tục riêng biệt của mỗi Giáo Hội khác nhau. Ðó là ý nghĩa tại sao có nhiều Giáo Hội Ðông Phương. Cũng có khi trong cùng một thành phố hay trong một miền có hai hay ba cộng đoàn Công Giáo có Lễ chế khác nhau. Như ở Alep có một Giáo Hội Melchita, một Giáo Hội Maroniticô và một Giáo Hội Ðông Phương Armenô. Mỗi Giáo Hội có một Giám Mục riêng. Dù các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương đa số ở miền Cận Ðông, nhưng cũng có những nhóm rải rác ở Âu Châu, Nam Ấn và Bắc Mỹ, do các cuộc di cư vì đàn áp. Tổng số người Công Giáo Ðông Phương khoảng độ 11 triệu.

 


Lời mở đầu

1. Giáo Hội Công Giáo 1*

rất mực tôn trọng những quy chế, nghi lễ phụng vụ, truyền thống Giáo Hội và quy luật của đời sống Kitô giáo nơi các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Thật vậy, truyền thống từ các Tông Ðồ qua các Giáo Phụ 1. 2*vẫn được sáng tỏ nơi các Giáo Hội vẫn nổi danh nhờ sự cổ kính đáng mộ mến ấy. Chính Truyền Thống này tạo nên một phần Mạc Khải của Thiên Chúa và một phần gia sản nguyên tuyền của toàn thể Giáo Hội. Vì thế trong niềm ưu ái đối với các Giáo Hội Ðông Phương là những chứng tá sống động của Truyền Thống trên, Thánh Công Ðồng này ước mong các Giáo Hội ấy được thịnh vượng và biết chu toàn phận vụ đã được trao phó với tinh thần tông đồ hăng say mới mẻ. Vậy, ngoài những quyết định liên quan tới toàn thể Giáo Hội, Thánh Công Ðồng thiết định những chương chính yếu sau đây, còn những điểm khác dành lại cho các Hội Nghị Ðông Phương 3* và Tòa Thánh định liệu4*.

 

Các Giáo Hội Riêng Biệt Hay Các Lễ Chế

2. Sự khác biệt của các Lễ Chế không phương hại đến sự hiệp nhất.

Hội Thánh Công Giáo là Nhiệm Thể Chúa Kitô gồm các tín hữu là những người liên kết chặt chẽ với nhau trong Chúa Thánh Thần nhờ cùng một đức tin, nhờ những bí tích và một quyền cai trị như nhau. Nhờ việc đoàn tụ thành những cộng đoàn khác nhau liên kết bằng phẩm trật 5*, họ tạo nên những Giáo Hội riêng biệt hay những lễ chế 6*. Các Giáo Hội này thông hiệp với nhau một cách lạ lùng đến nỗi những sắc thái khác biệt trong Giáo Hội không phương hại mà còn làm sáng tỏ thêm sự hiệp nhất. Thật ra, Giáo Hội Công Giáo muốn bảo toàn các truyền thống của từng Giáo Hội riêng biệt hay các lễ chế. Ðồng thời Giáo Hội cũng muốn thích nghi nếp sống của mình với các nhu cầu khác nhau thuộc thời gian và nơi chốn 2.

3. Các lễ chế đều có cùng một phẩm giá.

Các Giáo Hội riêng biệt này, Ðông cũng như Tây, tuy có phần khác nhau trong lễ chế như người ta thường nói, như phụng vụ, giáo luật và di sản tinh thần, nhưng tất cả đều được đặt dưới quyền cai quản mục vụ của Giáo Hoàng Roma, Ðấng kế vị Thánh Phêrô theo ý Thiên Chúa trong quyền tối cao trên toàn thể Giáo Hội. 7*Do đó, xét theo phẩm giá, các Giáo Hội đều ngang hàng với nhau, đến nỗi trên bình diện lễ chế không một Giáo Hội nào trổi vượt trên các Giáo Hội khác. Tất cả đều hưởng cùng những quyền lợi và có những bổn phận như nhau, cả đến việc có liên quan tới công cuộc rao giảng Phúc Âm cho toàn thế giới (x. Mc 16,15) dưới sự hướng dẫn của Giáo Hoàng Roma 8*.

4. Các lễ chế phải được học hỏi kỹ lưỡng.

Vì thế, mọi nơi trên hoàn cầu đều phải lo duy trì và phát triển các Giáo Hội riêng biệt và do đó, nên thành lập những xứ đạo và hàng giáo phẩm riêng ở nơi mà lợi ích thiêng liêng của các tín hữu đòi hỏi. Còn hàng giáo phẩm của các Giáo Hội riêng biệt khác nhau, tuy có thẩm quyền 9* trên cùng một địa hạt, cũng phải lo cổ võ sự hiệp nhất trong hành động nhờ các cuộc trao đổi ý kiến với nhau trong các phiên họp định kỳ, đồng thời phải góp sức hỗ trợ các công việc chung để mở mang đạo Chúa cách dễ dàng hơn và bảo vệ kỷ luật trong hàng giáo sĩ cách hữu hiệu hơn3. 10*Mọi giáo sĩ và tất cả những ai tiến tới các chức thánh phải học hỏi cẩn thận về các lễ chế, nhất là về các tiêu chuẩn thực hành trong các vấn đề tương quan giữa các lễ chế. 11*Ngay các giáo hữu cũng phải được dạy dỗ về các lễ chế và các tiêu chuẩn ấy trong giờ giáo lý. Sau cùng, tất cả và mỗi người công giáo, cả những người chịu phép rửa trong bất cứ Giáo Hội hay cộng đoàn không công giáo nào, khi trở về 12* hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo, vẫn phải duy trì và tôn trọng lễ chế riêng dù ở bất cứ nơi nào và phải tùy sức tuân giữ 4. 13*Tuy nhiên, quyền khiếu nại lên Tòa Thánh trong những trường hợp đặc biệt, thuộc cá nhân, cộng đoàn, hoặc giáo miền vẫn được bảo đảm. Như vị trọng tài tối cao cho các tương quan giữa các Giáo Hội riêng biệt, Tòa Thánh, hoặc đích thân hoặc qua các đấng thẩm quyền khác sẽ giải quyết thỏa đáng các nhu cầu trong tinh thần hiệp nhất, bằng cách ban những quy luật, sắc lệnh hay những phúc chiếu 14* thích hợp.

 

Việc Bảo Vệ Di Sản Tinh Thần Nơi Các Giáo Hội Ðông Phương

5. Công lao của các Giáo Hội Ðông Phương.

Lịch sử, các truyền thống, và rất nhiều thể chế trong Giáo Hội đều chứng minh rõ ràng rằng các Giáo Hội Ðông Phương có công biết bao đối với toàn thể Giáo Hội 5. Vì vậy Thánh Công Ðồng không những hết lòng yêu mến và ca ngợi đúng mức gia sản tinh thần của các Giáo Hội này, mà còn xác quyết đó là sản nghiệp của toàn thể Giáo Hội Chúa Kitô. Do đó, Thánh Công Ðồng long trọng tuyên bố rằng các Giáo Hội Ðông Phương cũng như Tây Phương đều có quyền lợi và bổn phận tuân theo những quy luật riêng của mình 15* vì những quy luật này có giá trị nhờ ở đặc tính cổ kính đáng quý trọng, phù hợp với các tập tục của tín hữu hơn và xem ra có thể mưu ích cho các linh hồn cách hữu hiệu hơn.

6. Không được thay đổi cách độc đoán.

Mọi giáo hữu Ðông Phương nên ý thức và xác tín rằng mình có thể và phải luôn luôn tuân giữ các nghi thức phụng vụ hợp pháp và quy luật của mình, và không được thay đổi điều gì nếu không vì lý do tiến bộ riêng thuộc phạm vi tổ chức. Vậy chính các giáo hữu Ðông Phương phải hết sức trung thành tuân giữ các điều ấy. Họ phải lo học hiểu các điều đó ngày càng sâu rộng hơn và đạt đến mức độ hoàn hảo hơn trong thực hành. Nếu vì lý do thời gian hay nhân sự làm cho họ xao lãng một cách bất cẩn, họ phải cố gắng trở về với truyền thống của tổ tiên. Riêng những ai hoặc vì phận sự hay do nhiệm vụ tông đồ có liên lạc thường xuyên với các Giáo Hội Ðông Phương hay với tín hữu thuộc các Giáo Hội này, cần phải được đào luyện chu đáo để am hiểu và tôn trọng các nghi thức, quy luật, giáo thuyết 16* cũng như lịch sử và tâm tính người Ðông Phương tùy theo tầm quan trọng của công việc họ đảm nhận 6. Các dòng tu và các tu hội theo lễ chế Latinh hoạt động tại các miền thuộc Giáo Hội Ðông Phương hay giữa các tín hữu Ðông Phương nên cố gắng thành lập các chi nhánh hay cả những tỉnh dòng theo lễ chế Ðông Phương, nếu có thể, để việc tông đồ được hữu hiệu hơn 7.

 

Các Thượng Phụ Ðông Phương

7. Thể chế Thượng Phụ.

Thể chế Thượng Phụ 17* đã được thịnh hành từ lâu trong Giáo Hội và đã được các Công Ðồng Chung tiên khởi nhìn nhận 8.

Thực ra, danh hiệu Thượng Phụ Ðông Phương dùng để chỉ vị Giám Mục có thẩm quyền trên tất tất cả các Giám Mục kể các các vị Tổng Giáo Chủ 18*, trên hàng giáo sĩ và giáo dân trong địa hạt hay thuộc lễ chế mình chiếu theo luật định, nhưng vẫn tôn trọng quyền tối cao của Giáo Hoàng Roma 9.

Vị Giáo Chủ 19* thuộc một lễ chế nào đó được chỉ định làm giáo chủ cho bất cứ nơi nào ngoài địa hạt thượng phụ, thì vẫn lệ thuộc vào quyền của Thượng Phụ giáo chủ lễ chế ấy theo luật định.

8. Các Thượng Phụ trong Giáo Hội Ðông Phương,

dù tiến chức trước hay sau, tất cả đều bình đẳng trên cương vị Thượng Phụ Giáo Chủ, nhưng giữa các ngài vẫn có ngôi thứ danh dự, được minh định cách hợp pháp 10.

9. Danh dự đặc biệt của các Thượng Phụ Ðông Phương.

Theo truyền thống rất cổ kính của Giáo Hội, các Thượng Phụ Ðông Phương phải được hưởng một danh dự đặc biệt vì các ngài cai quản địa hạt mình như những người cha và thủ lãnh.

Vì thế Thánh Công Ðồng quyết định phục hồi các quyền lợi và đặc ân 20* của các ngài chiếu theo truyền thống cổ kính của từng Giáo Hội và sắc lệnh của các Công Ðồng Chung 11.

Thực ra, chính các quyền lợi và đặc ân này đã có từ thời Ðông Phương và Tây Phương còn hiệp nhất 21*, mặc dầu ngày nay còn phải thích nghi ít nhiều với hoàn cảnh.

Các Thượng Phụ hợp với Hội Ðồng riêng lập thành tòa thượng thẩm để minh xét mọi vấn đề trong địa hạt, kể cả quyền thiết lập các địa sở mới 22* và bổ nhiệm các Giám Mục cùng một lễ chế trong địa hạt thượng phụ, dĩ nhiên vẫn bảo toàn quyền đặc hữu của Giáo Hoàng Roma: can thiệp vào từng trường hợp 23*.

10. Thiết lập những tòa thượng phụ mới.

Theo luật định, tất cả những khoản nói về các Thượng Phụ cũng có giá trị đối với các Tổng Giám Mục Niên Trưởng 24* là những vị đứng đầu một Giáo Hội riêng biệt hay một lễ chế nào đó 12.

Vì thể chế Thượng Phụ là hình thức cai trị cổ truyền nơi các Giáo Hội Ðông Phương, nên Thánh Công Ðồng Chung hết sức mong ước thiết lập thêm những tòa Thượng Phụ Giáo Chủ, khi cần. Việc thiết lập này được dành cho Công Ðồng Chung hay Giáo Hoàng Roma 13.

 

Quy Luật Về Các Bí Tích

12. Tái lập qui luật cũ về các Bí Tích.

Thánh Công Ðồng chấp nhận và phê chuẩn quy luật cổ kính về các bí tích thịnh hành nơi các Giáo Hội Ðông Phương, cả cách thức cử hành và ban các bí tích ấy nữa. Thánh Công Ðồng cũng mong ước phục hồi cách thức này khi cần.

13. Ban Bí Tích Thêm Sức.

Quy luật về thừa tác viên "Thêm Sức" đã thịnh hành từ ngàn xưa nơi các giáo hữu Ðông Phương sẽ được phục hồi hoàn toàn 25*. Do đó, các linh mục có thể ban bí tích này, miễn là dùng Dầu Thánh do Thượng Phụ hay Giám Mục làm phép 14.

14. Tất cả các linh mục Ðông Phương

có thể ban bí tích này thành sự cùng một trật với phép Rửa Tội, 26*hoặc riêng rẽ, cho mọi tín hữu thuộc bất cứ lễ chế nào, kể cả lễ chế Latinh, và để cho hợp pháp, phải giữ mọi điều theo luật định, chung cũng như riêng 15. Các linh mục theo lễ chế Latinh 27* có quyền ban bí tích này, cũng có thể ban cho tín hữu thuộc các Giáo Hội Ðông Phương miễn là không phương hại đến lễ chế. Dĩ nhiên để cho hợp pháp, phải tuân giữ các điều luật, chung cũng như riêng16.

15. Luật giữ này Chúa nhật và các lễ trọng.

Vào Chúa nhật và các ngày Lễ Trọng, các giáo hữu buộc phải tham dự vào Phụng Vụ Thánh 28* hay các giờ ca tụng Thiên Chúa theo tập tục và thói quen của từng lễ chế17. Ðể giáo dân có thể chu toàn bổn phận này cách dễ dàng, giờ thuận tiện cho việc giữ luật đó được ấn định là từ chiều hôm trước cho đến hết Chúa nhật hay ngày lễ trọng18. Thánh Công Ðồng Chung tha thiết khuyên nhủ các tín hữu nên rước lễ trong những ngày đó, cũng như khuyên năng rước lễ hơn, và cả việc rước lễ hằng ngày 19.

16. Quyền tài phán trên các lễ chế khác nhau.

Trong cuộc sống trà trộn hằng ngày của tín hữu thuộc các Giáo Hội Ðông Phương khác nhau trong cùng một miền hay địa hạt đông phương, các linh mục thuộc bất cứ lễ chế nào, một khi được Ðấng Bản Quyền mình ban quyền giải tội theo luật và không hạn hẹp, đều có thể giải tội cho mọi tín hữu trong toàn địa hạt ngài, cả các tín hữu và những nơi thuộc các lễ chế khác nằm trong địa hạt này, miễn là Ðấng Bản Quyền địa phương của các lễ chế khác không ngăn cấm rõ ràng ở nơi đó 20.

17. Bí Tích Truyền Chức.

Ðể phục hồi quy luật cổ kính về Bí Tích Truyền Chức trong các Giáo Hội Ðông Phương, Thánh Công Ðồng mong muốn tái lập chức phó tế vĩnh viễn 29* nơi mà thể chế này đã bị mai một 21. Còn đối với chức Phụ Phó Tế và các Chức Nhỏ cũng như những quyền lợi và bổn phận liên hệ, sẽ do quyền lập pháp của từng Giáo Hội riêng biệt tùy nghi định đoạt 22.

18. Hình thức Giáo luật của việc cử hành hôn phối khác lễ chế.

Ðể tránh những hôn nhân bất thành sự khi người Công Giáo Ðông Phương kết hôn với người không Công Giáo Ðông Phương đã được rửa tội, và để duy trì tính cách bền vững, thánh thiện của hôn nhân cũng như sự hòa thuận trong gia đình, Thánh Công Ðồng phán quyết rằng, để cho hợp pháp, buộc cử hành lễ nghi cho những đôi hôn phối này theo hình thức giáo luật. 30*Còn để thành sự, chỉ cần sự hiện diện của thừa tác viên có chức thánh là đủ, dĩ nhiên phải tuân giữ các điểm khác theo luật định 23.

 

Việc Phụng Thờ Thiên Chúa

19. Các ngày lễ .

Từ nay về sau, duy có Công Ðồng Chung hay Tòa Thánh mới có quyền thiết lập, thay đổi hay bãi bỏ các ngày lễ chung cho các Giáo Hội Ðông Phương. Còn các ngày lễ riêng của các Giáo Hội địa phương, thì ngoài Tòa Thánh ra, Hội Ðồng Thượng Phụ hay Tổng Giáo Chủ cũng có quyền trên, tuy nhiên, nên lưu tâm hoàn cảnh của toàn miền và của các Giáo Hội riêng biệt khác 24.

20. Cử hành lễ Phục Sinh.

Trong khi chờ đợi mọi Kitô hữu thỏa thuận mừng lễ Phục Sinh vào cùng một ngày 31*, Thánh Công Ðồng đã ủy thác cho các Thượng Phụ hay các Ðấng Bản Quyền Tối Cao địa phương việc ấn định một Chúa nhật để mừng lễ này, sau khi tham khảo ý kiến các người liên hệ và được họ chấp thuận hầu thể hiện sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu sống trong một miền hay một lãnh thổ 25.

21. Thời gian thánh.

Về luật thời gian thánh, các tín hữu sống ngoài địa hạt hay miền thuộc lễ chế riêng có thể hoàn toàn thích nghi theo qui luật đang thịnh hành nơi họ sống. Riêng những gia đình theo nhiều lễ chế khác nhau cũng được phép giữ luật này theo một lễ chế mà thôi 26. 32*

22. Kinh nhật tụng.

Các giáo sĩ và tu sĩ Ðông Phương cứ theo tập tục và truyền thống riêng của qui luật mình mà cử hành các giờ Kinh Nhật Tụng, đã được rất mực tôn kính trong các Giáo Hội Ðông Phương từ ngàn xưa 27. Chính các giáo hữu cũng nên noi gương cha ông tham dự các giờ Kinh Nhật Tụng với lòng sốt sắng và tùy khả năng.

23. Ngôn ngữ trong phụng vụ.

Quyền ấn định việc dùng ngôn ngữ trong phụng vụ thánh được dành cho các Thượng Phụ và Hội Ðồng của ngài, hay Ðấng Bản Quyền tối cao của mỗi Giáo Hội và Hội Ðồng Giáo Chủ. Các vị này cũng có quyền phê chuẩn các bản dịch sang tiếng bản xứ sau khi phúc trình lên Tòa Thánh 28.

 

Liên Lạc Với Anh Em Thuộc Các Giáo Hội Ly Khai 33*

24. Cổ võ sự hiệp nhất giữa các anh em Ðông Phương ly khai.

Các Giáo Hội Ðông Phương hiệp thông với Tòa Thánh Rôma có trọng trách đặc biệt phải xúc tiến việc hiệp nhất các Kitô hữu, nhất là các kitô hữu Ðông Phương, dựa theo các nguyên tắc được Thánh Công Ðồng này bàn tới trong sắc lệnh "Về Hiệp Nhất", nhất là họ phải cầu nguyện và làm gương sáng trong đời sống, trung thành với những truyền thống tôn giáo Ðông Phương 34* thời xưa, tìm hiểu lẫn nhau sâu xa hơn, cộng tác và quí trọng con người 35* cùng sự vật 36* trong tình huynh đệ 29.

25. Các anh em ly khai Ðông Phương,

khi trở về hiệp nhất với Công Giáo nhờ tác động của ơn Chúa Thánh Thần, sẽ không bị đòi phải làm gì hơn là tuyên xưng Ðức Tin công giáo 37* một cách đơn giản. Hơn nữa, vì chức vụ linh mục đã thành sự nơi họ vẫn được bảo tồn, nên các giáo sĩ Ðông Phương, khi trở về hiệp nhất với Công Giáo, vẫn còn quyền thi hành chức vụ riêng theo những qui luật do Ðấng có thẩm quyền thiết lập 30. 38*

26. Nguyên tắc về "việc thông dự vào sự thánh".

Luật Chúa cấm thông dự vào sự thánh 39* có phương hại đến vấn đề hiệp nhất của Giáo Hội, hoặc đưa đến sai lầm thật sự hay nguy cơ lạc hướng về đức tin, sinh ra gương mù gương xấu và tạo nên thái độ lãnh đạm 31. Việc thực hành mục vụ chứng tỏ rằng: đối với những vấn đề iên quan đến anh em Ðông Phương, người ta có thể và phải xét tới hoàn cảnh cá biệt của từng người, trong đó có những hoàn cảnh không phương hại đến sự hiệp nhất của Giáo Hội cũng không có những hiểm nguy phải tránh, nhưng chỉ thấy sự cần thiết của ơn cứu rỗi và lợi ích thiêng liêng của các linh hồn thúc bách. Chính vì thế mà Giáo Hội Công Giáo, vì mọi hoàn cảnh thời gian, nơi chốn và nhân sự thường đã và đang còn theo một phương thức hành động mềm dẻo hơn, đang khi đem lại những phương thế cứu rỗi và biểu dương tình bác ái nơi các Kitô hữu cho hết mọi người qua việc tham dự vào các bí tích cũng như các cuộc cử hành phụng tự khác và dùng các đồ vật thánh 40*. Sau khi đã cân nhắc những điều đó, Thánh Công Ðồng đã thiết định nguyên lý hành động sau đây "để chúng tôi khỏi trở thành chướng ngại vật, vì quan niệm quá nghiêm khắc, cho những ai lãnh nhận ơn cứu rỗi" 32 và để xúc tiến ngày một hữu hiệu sự hiệp nhất với các Giáo Hội Ðông Phương ly khai với chúng ta.

27. Áp dụng mục vụ về việc "thông dự vào sự thánh".

Chiếu theo các nguyên tắc vừa được nhắc trên đây, có thể ban các bí tích Cáo Giải, Thánh Thể và Xức Dầu Bệnh Nhân cho những tín hữu Ðông Phương vì ý ngay lành 41* đã ly khai với Giáo Hội Công Giáo, nếu tự ý họ xin và đã chuẩn bị tâm hồn một cách thích đáng. Hơn nữa người Công Giáo cũng được quyền xin chịu những bí tích nầy nơi các thừa tác viên ngoài công giáo thuộc các Giáo Hội có những bí tích ấy thành sự, mỗi khi cần thiết hay ích lợi thiêng liêng đòi hỏi, trong trường hợp ngăn trở thể lý cũng như luân lý, 42*không thể tìm tới linh mục công giáo được 33.

28. Ngoài ra,

cũng theo các nguyên tắc này, khi có lý do chính đáng người Công Giáo và anh em ly khai Ðông Phương có thể cùng nhau thông dự vào những cuộc cử hành phụng tự, dùng chung những đồ vật thánh và nơ thánh 34. 43*

29. Việc ấn định cách thức thông dự vào sự thánh với anh em thuộc Giáo Hội ly khai Ðông Phương

sẽ uyển chuyển tùy theo sự khôn ngoan của các vị Giáo Chủ Bản Quyền địa phương, để sau khi hội ý với nhau, và nếu cần, sau khi đã tham khảo ý kiến của các vị Giáo Chủ của những Giáo Hội ly khai, các vị Giáo Chủ Bản Quyền địa phương ấy có thể điều hòa việc liên lạc giữa các Kitô hữu bằng những nguyên tắc và tiêu chuẩn thuận lợi và hữu hiệu hơn 44*.

 

Kết Luận

30. Thánh Công Ðồng rất hoan hỉ

về sự cộng tác tích cực và hữu hiệu giữa các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương và Tây Phương,

đồng thời tuyên bố rằng: mọi chủ trương có tính cách pháp định này được nêu ra vì những hoàn cảnh hiện tại, cho tới ngày Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội ly khai Ðông Phương đạt tới tình trạng hiệp thông hoàn toàn 45*.

Trong khi chờ đợi, thành khẩn xin các Kitô hữu, Ðông Phương cũng như Tây Phương, dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện sốt sắng, kiên trì và hàng ngày, ngõ hầu nhờ sự trợ giúp của Mẹ Cực Thánh Thiên Chúa, mọi người được hiệp nhất. 46*Cũng xin mọi người cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần, Ðấng An Ủi, tuôn tràn ơn trợ lực và an ủi cho bao nhiêu Kitô hữu của bất cứ Giáo Hội nào đang phải đau khổ và chịu bách hại mà vẫn can đảm tuyên xưng danh Chúa Kitô 47*.

Mọi người chúng ta hãy yêu thương nhau trong tình bác ái huynh đệ và hãy tôn trọng lẫn nhau 35.

Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

 

Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 21 tháng 11 năm 1964.

Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.

Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.


==================

1*  Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội phổ quát. Các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương đều thuộc về Giáo Hội này. Các Giáo Hội đó ngang hàng với Giáo Hội Latinh, không kém hơn, cũng không phải là phụ thêm vào Giáo Hội theo nghi lễ Latinh.

1 Xem Leô XIII, Tông thư Orientalium dignitas, 30-11-1894, trong Leonis XIII Acta XIV, trg 201-202.

2* Các Giáo Phụ là các "văn sĩ" công giáo thời thượng cổ Kitô giáo, từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ tám.

3* Hội nghị là một ủy ban thương gồm vài Giám Mục. Các vị này cộng tác v7í vị thủ lãnh diều khiển một Giáo Hội riêng biệt.

4* Sắc lệnh chỉ đề cập đến một vài điểm của các Giáo Hội Ðông Phương; những vấn đề khác được ủy thác cho Hội Nghị và Tòa Thánh.

5* Hàng giáo phẩm gồm tất cả những ai có quyền thánh và điều khiển Giáo Hội.

6* "Lễ Chế": ở đây hiểu theo nghĩa rộng (xem phần nhập đề). "Giáo Hội riêng biệt ở đây đồng hóa với Lễ Chế. Giáo Hội riêng biệt là Cộng Ðoàn tín hữu có cùng một nghi lễ phụng vụ, một quy luật và cùng dưới một quyền cai trị. Ðứng lẫn lộn "Giáo Hội riêng biệt" với Giáo Hội địa phương. Nhiều Giáo Hội địa phương có thể cùng thuộc về một Giáo Hội riêng biệt.

2 Xem T. Leô IX, Thư In terra pax, năm 1053: "Ut enim". - Innocentiô III, CÐ Lateranô IV, năm 1215, ch IV: "Licet Graecos"; Thư Inter Quattuor, 2-8-1206: "Postulasti postmodum". -Innocentiô IV, Thư Cum de cetero, 27-8-1274; thư Sub catholicae, 6-3-1254, phần mở đầu. - Nicolaô III, Huấn thị Istud est memoriale, 9-10-1278. - Leô X, Tông thư Acceptimus nuper, 18-5-1521. - Phaolô III, Tông thư Dudum, 23-12-1534. - Piô IV, Tông hiến Romanus pontifex, 16-2-1564, ch 5. - Clementê VIII, Tông hiến Magnus Dominus, 23-12-1595, ch 10. - Phaolô V, Tông hiến Solei circumspecta, 10-12-1615, ch 3. - Benedictô XIV, Tđ Demandatam, 24-12-1743, ch 3; Tđ Allatae sunt, 26-6-1745, ch 3, 6-9, 32. - Piô VI, Tđ Catholicae communionis, 24-5-1787. - Piô IX, Thư In suprema, 6-1-1848, ch 3; Tông thư Ecclesiam Christi, 26-11-1853; Tông hiến Romani Pontificis, 6-1-1862. - Leô XIII, Tông thư Praeclara, 20-6-1894, số 7; Tông thư Orientalium dignitas, 30-11-1894, phần mở đầu v.v...

7* Sự hiệp nhất tất cả các Giáo Hội riêng biệt với nhau, đông phương cũng như tây phương, được bảo đảm nhờ cùng một quyền cai trị tối cao của Ðức Giáo Hoàng, vị có quyền hành trên mọi Giáo Hội riêng biệt.

8* Công Ðồng tuyên bố rằng: tất cả mọi Giáo Hội riêng biệt có tư cách như nhau, hưởng cùng một quyền lợi và có những bổn phận như nhau. Như thế Công Ðồng bác bỏ luận đề trước kia được nhiều người ủng hộ rằng Giáo Hội theo Lễ Chế Latinh cao trọng hơn các Giáo Hội đông phương. Các Giáo Hội đông phương có quyền rao giảng Phúc Âm bất cứ nơi nào, như Giáo Hội Latinh. trước kia quyền này chỉ được hạn hẹp trong một vài nơi.

9* Thẩm quyền là một khả năng thực hành quyền thiêng liêng và cai trị các tín hữu.

3 Xem Piô XII, Tự sắc Cleri sanctiati, 2-6-1957, kh 4.

10* Công Ðồng ao ước các Giáo Hội riêng biệt trên cùng một lãnh thổ thông cảm và cộng tác chặt chẽ với nhau trong các công việc chung càng nhiều càng hay.

11* Việc cộng tác giữa các Giáo Hội riêng biệt giả thiết có sự hiểu biết và quý trọng nhau. Như thế Công Ðồng muốn giáo sĩ cũng như giáo dân có sự hiểu biết đó.

12* Công Ðồng tránh dùng tiếng "trở lại" để khỏi va chạm người Ðông phương không công giáo. Dù ở đây chỉ đề cập đến cá nhân đã chịu Phép Thánh Tẩy để trở về với Giáo Hội Công Giáo, tuy nhiên Công Ðồng không loại trừ ý tưởng và lòng ao ước một sự liên kết tập thể giữa người Ðông Phương không công giáo và Giáo Hội Công Giáo.

4 N.v.t. kh 8: "Không có phép Tòa Thánh thì theo lối thực hành của những thế kỷ trước". Cũng vậy, đối với những người ngoài Kitô giáo đã được rửa tội, kh. 11 có câu "Họ có thể chọn lựa lễ chế nào mà họ thích hơn". Bản văn trên đây minh chứng một cách rõ rệt việc theo một lễ chế cho hết mọi người ở bất cứ nơi nào.

13* Công Ðồng muốn mỗi người công giáo đông phương duy trì Lễ Chế và ở lại trong Giáo Hội riêng biệt của mình. Cũng như khi các người đông phương không công giáo trở về với Giáo Hội Công Giáo, Công Ðồng khuyên họ nên liên kết với Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương có cùng một Lễ Chế mà họ đã ở khi còn thuộc về cộng đoàn hay Giáo Hội ly khai. Quy luật này nhằm giúp cho Giáo Hội riêng biệt khỏi phải mai một.

14* Phúc chiếu là một bản trả lời chính thức bằng chữ viết của Tòa Thánh cho câu hỏi của một Giám Mục, một tín hữu hay một cộng đoàn.

5 Xem Leô XIII, Tông thư Orientalium dignitas, 30-11-1894; Tông thư Praeclara gratulationis, 20-6-1894; và các văn kiện khác đã trích dẫn ở ghi chú 2.

15* Công Ðồng nhấn mạnh: Tất cả các Giáo Hội riêng biệt, Ðông Phương cũng như Tây Phương, đều có quyền tự trị theo những quy luật riêng. Vậy Giáo Hội Latinh không phải là mẫu mực cho các Giáo Hội Ðông Phương. Các Giáo Hội này không phải là một biệt lệ. Trái lại sự khác nhau về kỷ luật là một định luật chung.

16* Giáo Thuyết riêng biệt cho Giáo Hội Ðông Phương ở đây chỉ các phương pháp và những cách thức hiểu biết, đào sâu và diễn tả những việc về Chúa như ở Ðông Phương thường dùng ngay từ thời thượng cổ.

6 Xem Benedictô XV, Tự sắc Orientalis Catholici, 15-10-1917. - Piô XI, Tđ Rerum Orientalium, 8-9-1928, v.v...

7 Lối thực hành của Giáo Hội thời các Ðức Giáo Hoàng Piô XI, Gioan XXIII minh chứng cách phong phú phong trào này.

17* Ít ra từ thế kỷ thứ 4, các Giáo Hội riêng biệt chính yếu có một vị thượng phụ đứng đầu. Vị này có quyền trên tất cả các giáo phận và các Giám Mục liên hệ của Giáo Hội riêng biệt đó; ví dụ như Alexandria, Antiokia, Jerusalem, sau đó Constantinopla, là những tòa thượng phụ. Giám Mục Roma là Thượng Phụ Tây Phương. Hiện nay có 6 Thượng Phụ Công Giáo Ðông Phương.

8 Xem CÐ Nicea I. đ th 6. CD( Constantinopla I, đ th 2 và 3. CD( Calcedonia, đ th 28 và 9. CÐ Constantinopla IV, đ th 17 và 21. - CÐ Lateranô IV, đ th 5 và 30. CÐ Florence, Sắc lệnh Pro Graecis, v.v...

18* Tổng Giáo Chủ là một Tổng Giám Mục có quyền trên vài Giám Mục quản trị giáo phận trong một Giáo Hội riêng biệt. 

9 Xem CÐ Nicea I, đ th 6. - CÐ Constantinopla I, đ th 3. - CD- Constantinopla IV, đ th 17. - Piô XII, Tự sắc Cleri sanctiati, kh 216, 2,11.

19* Giáo chủ có quyền trên một khu giáo phận ví dụ trên một giáo phận.

10 Trong các Công Ðồng Chung Nicea I, đ th 6. - Constantinopla I, đ th 3. - Constantinopla IV, đ th 21. - Lateranô IV, đ th 5. - Firenze, Sắc lệnh Pro graecis, 6-7-1439, 9. - Xem Piô XII, Tự sắc Cleri sanctiati, 2-6-1957, đ th 219, v.v...

20* Các Giáo Hội Ðông Phương tự do lựa chọn Thượng Phụ và Giám Mục của mình, tự do thiết lập những giáo phận mới. Họ tự tổ chức lấy phụng vụ, luật pháp và qui luật liên hệ đến hàng giáo sĩ và tín hữu của họ.

11 Xem ghi chú 8.

21* Sự liên kết ấy kéo dài cho đến thế kỷ 11.

22* Ðịa sở là danh từ chỉ giáo phận ở Ðông Phương.

23* Các Thượng Phụ Ðông Phương không thể thiết lập giáo phận mới hay bổ nhiệm Giám Mục ngoài lãnh thổ mình, ví dụ ở Pháp hay Bắc Mỹ v.v... Quyền này dành riêng cho Ðức Giáo Hoàng.

24* Tổng Giám Mục Niên Trưởng chính ở đây là vị lãnh đạo của một Giáo Hội riêng biệt không phải một Giáo Hội thuộc một thượng phụ hay một giáo khu.

12 Xem CÐ Ephesô, đ th 8. - Clememtê VII, Decet Romanum Pontificem, 23-2-1956. - Piô VII, Tông thư In Universalis Ecclesiae, 22-2-1807. - Piô XII, Tự sắc Cleri sanctiati, 2-6-1957, đ th 324-339. - CÐ Carthagô năm 419, đ th 17.

12 Xem CÐ Ephesô, đ th 8. - Clememtê VII, Decet Romanum Pontificem, 23-2-1956. - Piô VII, Tông thư In Universalis Ecclesiae, 22-2-1807. - Piô XII, Tự sắc Cleri sanctiati, 2-6-1957, đ th 324-339. - CÐ Carthagô năm 419, đ th 17.

13 CÐ Carthagô, năm 419, đ th 17 và 57.- CÐ Caceđonia, năm 451, đ th 12. - T. Innocentiô I, Thư Et onus et honor, quãng năm 415: "Nam quid sciscitaris". - T. Nicolaô I, thư Ad consulta vestra, 13-11-866: "A quo autem". - Innocentiô III, thư Rex regum, 25-2-1204. - Leô XII, Tông hiến Petrus Apostolorum Princeps, 15-8-1824. - Leô XII, Tông thư Christi Domini, năm 1895. - Piô XII, Tự sắc Cleri sanctiati, 2-6-1957, kh 159.

25* Ở Ðông Phương, bí tích Thêm Sức thường do một linh mục ban. Mọi linh mục Ðông Phương đều có quyền ban bí tích này. Tại một vài nơi, quyền này bị hủy bỏ. Công Ðồng hồi quyền này cho tất cả. Theo tiết mục tiếp sau, bất cứ linh mục đông phương nào có quyền ban bí tích Thêm Sức cho tín hữu công giáo, dù tín hữu này thuộc một Lễ Chế khác, như Lễ Chế Latinh chẳng hạn.

14 Xem Innocentiô IV, thư Sub Catholicae, 6-3-1254, 3 số 4. - CÐ Lyon II, năm 1274 (Cuộc tuyên xưng đức tin của Michael Palaeologô do Ðức Gregoriô X ghi nhận). - Eugeniô IV, trong CÐ Firenze, Hiến chế Exultate Deo, 22-11-1439, 11. - Celmentê VIII, huấn dụ Sanctissimus, 31-8-1595. - Benedictô XIV, hiến chế Esti Pastoralis, 26-5-1742, 11, số I, III, số 1. - v.v. - CÐ Laodic, năm 347-381, đ th 48. - CÐ Sisen. Armenorum, năm 1312. - CÐ Linanen. Maronitarum, năm 1736, phần II, ch III, số 2 và những CÐ riêng khác.

26* Trong các Giáo Hội Ðông Phương, bí tích Thêm Sức thường được cử hành sau khi ban phép Thánh Tẩy.

15 Xem Huấn thị của Bộ Thánh Vụ (gởi Giám Mục Scepusien) năm 1783. - Thánh bộ Truyền giáo (trước là Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin) (pro Coptis), 15-3-1790 số XIII; Sắc lệnh ngày 6-10-1863, C, a. - Thánh Bộ Giáo Vụ Ðông Phương, 1-5-1948. - Bộ Thánh Vụ, phúc thư ngày 22-4-1896 và thư ngày 19-5-1896.

27* Ở đây chỉ các linh mục theo Lễ Chế Latinh có quyền ban bí tích Thêm Sức trong giáo phận của mình hay đã lãnh nhận đặc quyền này vì lợi ích cho các tín hữu Ðông Phương.

16 Giáo luật kh 782, 4. - Thánh Bộ Giáo Vụ Ðông Phương, sắc lệnh De sacramento Confirmationis administrando etiam fidelibus orientalibus a prebyteris latini ritus, qui hos indulto gaudent pro fidelibus ritus sui, 1-5-1948.

28* Phụng Vụ Thánh là việc cử hành Thánh Thể. Những giờ ca tụng Thiên Chúa chỉ kinh nhật tụng hát trong Cung Thánh, hoặc liên hệ đến lễ Misa hoặc không. Khi các giờ ca tụng Thiên Chúa hát trong nhà thờ, các tín hữu cũng được mời tham dự.

17 Xem CÐ Laodiceô năm 347-381, đ th 29. - T. Nicephorô CP ch 14. - CÐ Duinen. Armenorum năm 719, đ th 31. - T. Theodorô Studita, bài giảng 21. - T. Nicolaô I, Thư Ad consulta vestra, 13-11-866: "In quorum Apostolorum"; "Nosse cupitis"; "Quod interrogatis"; "Praeterea consulitis"; "Si die dominico"; và các CÐ riêng.

18 Ðây là một điểm mới có, ít là từ ngày có luật buộc phải tham dự vào phụng vụ thánh. Hơn nữa, ngày đó tương ứng với ngày phụng vụ nơi các giáo hữu Ðông Phương.

19 Xem Canones Apostolorum 8 và 9. - CÐ Antiokia năm 341, đ th 2. - Timotheô Alexandria, Interrogat. 3. - Innocentiô III, Hiến chế Quia divinae, 4-1-1215; và nhiều CÐ riêng Ðông Phương mới đây.

20 Vì lợi ích cho các linh hồn, khoản luật nhằm dự liệu những tình trạng bị lệ thuộc vào nhiều thẩm quyền (của những người cùng cư ngụ) trên cùng một lãnh địa. tuy nhiên, tính cách "địa hạt" của thẩm quyền vẫn được bảo toàn.

29* Phó Tế vĩnh viễn là một giáo sĩ được thụ phong đểsốngbậc phó tế suốt đời mà không nhận chức linh mục. Tại Ðông Phương việc chính yếu của phó tế là cử hành các nghi lễ phụng vụ. Ở Tây Phương, phó tế còn hoạt động mục vụ nhất là từ Công Ðồng Vaticanô II.

21 Xem CÐ Niceô I, đ th 18. - CÐ Neocesareô năm 314-325, đ th 12. - CÐ Sardaigne năm 343, đ th 8. - T. Leô Cả, Thư Omnium quidem, 13-1-444. - CÐ Calcedonia, đ th 6. - CÐ Constantinopla IV, đ th 23, 26; v.v...

22 Nhiều Giáo Hội Ðông Phương xem chức Phó Tế như một chức nhỏ, nhưng trong Tự sắc Cleri sanctitati, Ðức Piô XII đã ban bố những bó buộc thuộc các chức lớn cho chức này. Khoản luật trên đề nghị nên trở về với luật cổ truyền Ðông Phương riêng với chức Phó Tế. Ðây là một khoản "phá thông lệ" trong tự sắc "Cleri sanctiati". 

30* Hình thức giáo luật đòi buộc hôn lễ phải được cử hành trước mặt Cha Xứ có thẩm quyền, thường là cha xứ của người vợ. Chi tiết này không còn cần thiết cho việc thành sự bí tích hôn phối của người Ðông Phương.

23 Xem Piô XII, Tự sắc Crebiae allatae, 22-2-1949, kh 32, 2, số 5: (quyền chuẩn chước về mô thức của các Thượng Phụ); - Piô XII, Tự sắc Cleri sanctitari, 2-6-1957, kh 267 (quyền của Thượng Phụ để chữa lành tận căn khuyết điểm mô thức). - Bộ Thánh Vụ và Thánh Bộ Giáo Phụ Ðông Phương năm 1957 đã chấp thuận quyền chuẩn chước về mô thức và thi hành việc chữa hẳn khuyết điểm mô thức (cứ 5 năm): "Ngoài tòa Thượng Phụ Giáo Chủ ra, các Tổng Giáo Chủ và các Bản quyền địa phương khác... không phải phục vụ quyền bề trên nào dưới Tòa Thánh".

24 Xem T. Leô Cả, Thư Quod saepissime, 15-4-454: "Petitionem autem". - T. Nicephorô CP, ch 13. - CÐ Thượng Phụ Sergiô, 18-9-1596, đ th 17. - Piô VI, Tông thư Assueto paterne, 8-4-1775. v.v...

31* Các Giáo Hội Ðông Phương khác nhau không luôn luôn theo cùng một niên lịch. Có khi trong cùng một thành phố, các Giáo Hội theo Lễ Chế khác hau, cử hành lễ Phục Sinh không cùng một ngày. Công Ðồng mong muốn các Giáo Hội đó nên đồng ý với nhau dể cử hành lễ Phục Sinh cùng một ngày.

25 Xem CÐ Vaticanô II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, ngày 4-12-1963.

26 Xem Clementê VIII, Huấn dụ Sanctissimus, 31-8-1595, 6: "Si ipsi graeci". - Bộ Thánh Vụ, 7-6-1673, ad 1 và 3; 13-3-1727, ad 1. - Thánh Bộ Truyền Giáo, Sắc lệnh 18-8-1913, mục 33; Sắc lệnh 14-8-1914, mục 27; Sắc lệnh 27-3-1916, mục 14. - Thánh Bộ Giáo Vụ Ðông Phương, Sắc lệnh 1-3-1929, mục 36; Sắc lệnh 4-5-1930, mục 41.

32* Nếu trong một gia đình, vợ và chồng thuộc hai Giáo Hội khác nhau, cả gia đình có thể theo quy luật (ngày lễ, chay tịnh, kiêng thịt...) của cùng một Giáo Hội riêng biệt cũng được.

27 Xem CÐ Laodiceô, 347-381, đ th 18. - CÐ Mar Issaci Chaldaeorum,năm 410, đ th 15. - CÐ Nerses Glaien, Armenorum, năm 1166. - Innocentiô IV, thư Sub Catholicae, 6-3-1254, 8. - Benedictô XIV, Tông hiến Etsi Pastoraltis, 26-5-1742, 7, số 5. - Huấn thị Eo quamvis tempore, 4-5-1745, 42 và tiếp theo. - Các CÐ riêng mới đây: CÐ Armenô (1911), CÐ Coptô (1898), CÐ Maronitô (1736), CÐ Rumenô (1872), CÐ Rutenô (1891), CÐ Syrô (1888)

28 Theo truyền thống đông phương.

33* Mục đích của chương cuối cùng này là đưa ra vài huấn lệnh cho người Công Giáo Ðông Phương để giúp cho Giáo Hội ly khai và Giáo Hội Công Giáo xích lại gần nhau hơn.

34* Người Công Giáo Ðông Phương phải chứng tỏ cho anh em ly khai thấy rằng sự hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo có thể thực hiện mà không làm mất những cá tính đặc biệt của mỗi Giáo Hội riêng biệt.

35* Tiếng Latinh (animoum) chỉ thái độ hay tâm trạng của các tín hữu thuộc một Giáo Hội riêng biệt.

36* Tiếng này bao hàm những đồ vật thánh, nhất là những ảnh thánh.

29 Theo nội dung của Tông hiến về sự hiệp nhất của các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương.

37* Xưa kia Giáo Hội đòi buộc phải tuyên thệ bỏ ly giáo và vạ tuyệt thông được tháo gỡ bằng một lời xá giải đúng nghi thức. Cả hai việc này được Công Ðồng hủy bỏ.

30 Bó buộc của Công Ðồng đối với anh em ly khai Ðông Phương và đối với tất cả các thứ, bậc trong phẩm trật thuộc về luật Chúa và luật Giáo Hội.

38* Vì thế, một linh mục đông phương ly khai sau khi trở về với Giáo Hội Công Giáo có thể thi hành nhiệm vụ linh mục trong Giáo Hội Công Giáo. Cũng thế thầy phó tế sẽ có thể thi hành nhiệm vụ phó tế vì họ đã được thụ phong thành sự trong Giáo Hội ly khai.

39* Tiếng chuyên môn này chỉ sự tham dự của một người Công Giáo vào một nghi thức tôn giáo hay những phận vụ tôn giáo của một Giáo Hội không công giáo; ví dụ người Công Giáo tham dự vào Thánh Lễ do Giáo Hội ly khai cử hành, hay tham dự vào giờ ca tụng Thiên Chúa trong một Giáo Hội ly khai Ðông Phương.

31 Giáo lý này cũng có giá trị trong các Giáo Hội ly khai.

40* Danh từ dùng ở đây có nghĩa rất tổng quát, bao hàm tất cả những gì có liên quan tới việc phụng tự tôn giáo.

32 Thánh Basiliô Cả, Epist. canonica ad Amphilochium, PG 32, 669 B.

41* Người tín hữu Ðông Phương ly khai xin nhận các bí tích vì ý nhay lành khi thành tâm tưởng rằng mình đang thuộc về Chúa Kitô và có thể được cứu rỗi trong Giáo Hội của mình.

42* Có sự ngăn trở thể lý, khi nào trong miền phụ cận không có Linh Mục Công Giáo. Có ngăn trở luân lý khi Linh Mục Công Giáo ở xa hay đau yếu. Những trường hợp như thế thường xảy ra hoặc ở Ðông Phương hoặc đối với những tín hữu sống trong tình trạng di cư. Công Ðồng quan tâm đến phần rỗi của từng Kitô hữu. Bởi thế, dù chỉ vì lợi ích thiêng liêng, cũng đã đủ lý do để xin một linh mục thuộc Giáo Hội ly khai ban bí tích.

33 Những yếu tố sau đây được coi là nền tảng của sự uyển chuyển trên:

1)     Tính cách thành sự của các Bí Tích.

2)     Ý ngay lành và thái độ tâm hồn (chuẩn bị).

3)     Sự cần thiết của ơn cứu rỗi đời đời.

4)     Không có linh mục riêng của lễ chế mình.

5)     Không có nguy hại đáng trách và rõ ràng kéo theo sự lầm lạc.

34 Ðây chỉ nói về việc hiệp thông sự thánh ngoài bí tích. Thánh Công Ðồng chấp nhận sự uyển chuyển trên, dĩ nhiên vẫn phải giữ những gì buộc giữ.

43* Một lý do chính đáng không những là sự cần thiết mà còn là một lợi ích thật sự. Dĩ nhiên phải giả thiết trường hợp không thể thỏa mãn các nhu cầu đó trong Giáo Hội Công Giáo.

44* Trong việc "hiệp thông sự thánh" luôn luôn có một sự liều lĩnh nào đó: chính vì thế Công Ðồng nhấn mạnh giới hữu quyền trong Giáo Hội phải lưu tâm hầu tránh những lạm dụng và nguy hiểm thật sự. Khi Công Ðồng đề cập đến sự thông cảm giữa các Giám Mục Công Giáo và ly khai, Công Ðồng giả thiết không những có sự chung sống ôn hòa giữa đôi bên, mà còn ám chỉ một sự xích lại gần nhau của hai Giáo Hội.

45* Trong trường hợp các Giáo Hội ly khai hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo một số quy luật của Sắc Lệnh này sẽ không còn lý do tồn tại; nhiều quy luật khác cần phải sửa đổi hay thích nghi với hoàn cảnh mới.

46* Lời mời gọi của Công Ðồng gửi đến tất cả mọi tín hữu. Như vậy cũng gửi đến các tín hữu thuộc các Giáo Hội ly khai. Do đó Công Ðồng lại biểu lộ lòng ao ước hiệp nhất giữa các Giáo Hội trong sự viên mãn của Giáo Hội Công Giáo.

47* Công Ðồng ám chỉ đến các cuộc đàn áp đang đè nặng trên các tín hữu Ðông Phương ở một vài nơi, hoặc do các chế độ độc tài, hoặc đôi khi do người Hồi Giáo.

35 Xem Rm 12,10.