Đức Mẹ Truyền Phép Lần Hạt

Bài 12 - 22

Nguồn: https://www.memaria.net

12. Ðức Mẹ làm gương đức yêu người

Cứ bản tính tự nhiên, Thiên Chúa phú cho người mẹ lòng yêu con rất bao la, dù là đứa con rất ngỗ nghịch. Ðức Mẹ là Mẹ Chúng ta, Người đã nhận chúng ta là con, thì đức Mẹ không thương yêu chúng ta sao được.

Thánh Inhaxiô tử đạo nói: “Khi Ðức Mẹ còn sống ở thế gian, Người đã tỏ lòng thương yêu người ta hết sức. Thấy ai phải đau khổ ốm đau coi như chính mình phải những nỗi khổ sở ấy. Ai gặp sự rủi ro, Người liền thăm viếng yên ủi và cầu cho người ấy”.

Ở thế gian mà Ðức Mẹ đã thương yêu loài người chúng ta dường ấy, phương chi bây giờ Người đang hưởng hạnh phục vì có quyền cao chức trọng trên trời, lẽ nào chẳng thương xem giúp đỡ chúng ta hơn.

Theo gương Ðức Mẹ, ta hãy thương yêu người đồng loại như chính mình ta. Ta hãy yêu người ta vì Thiên Chúa. Ta hãy thương yêu những kẻ túng nghèo, đau khổ, tàn tật, hãy thương yêu người thù địch của ta. Vì mọi người đều là con Thiên Chúa. Ta hãy thương yêu thật trong lòng, trong việc làm, trong lời cầu nguyện.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ thương yêu chúng con quá bội. Vì thương yêu, Mẹ đã phó Con rất yêu quý Mẹ chịu chết để cứu chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con hiểu giá trị của đức yêu người, để chúng con noi gương Mẹ mà thương yêu mọi người vì lòng kính mến Chúa.

Thánh Tích

Nữ tu bỏ dòng, Mẹ Maria thay thế.

Truyện này do thánh Ligoriô kể. Phúc, một thiếu nữ xinh đẹp nết na đạo hạnh, xin vào tu dòng. Chị làm gương tốt cho chị em, nhất là lòng mến Ðức Mẹ. Mẹ bề trên thấy chị là người đạo đức hơn ai thì trao công việc giữ nhà thờ cho chị. Chị Phúc ngày thêm nhân đức và lòng mến Chúa yêu người.

Bấy giờ có một chàng thanh niên sang trọng hay vào nhà thờ đọc kinh cầu nguyện. Chàng thấy chị Phúc xinh đẹp nết na thì đem lòng luyến ái. Từ đó chàng dùng dịp đọc kinh để được xem thấy chị Phúc, lại cố tìm để gần gũi trò chuyện với chị nữa.

Ban đầu chị Phúc thấy chàng thanh niên đó nhìn ngắm mình, thì lấy làm khó chịu và khinh ghét lắm, nhưng dần dần xiêu lòng và liều mình trò truyện cùng chàng nọ. Chẳng bao lâu, 2 bên yêu nhau, quyết đem nhau đi nơi khác.

Khi chị Phúc sắp trốn nhà dòng thì đem chìa khóa nhà thờ để dưới chân tượng Ðức Mẹ rồi quỳ gối thở than rằng: “Lạy Mẹ nhân lành xin Mẹ thương tha thứ sự bội bạc của đứa con tội lỗi này. Con không đáng làm con Mẹ nữa, đây con trao trả chìa khóa, áo nhà dòng và mọi việc làm cho Mẹ”. Rồi chị mở cổng ra đi theo tiếng gọi của dục tình.

Nhưng khốn thay hoan lạc thế gian thật mau tan như mây khói . Cặp uyên ương ấy đưa nhau đi ở một phương xa, tận hưởng vui sướng xác thịt được 15 năm thì lại chán ghét nhau.

Một hôm Phúc ra chợ gắp bà mua bán cho nhà dòng xưa (Phúc biết bà ta mà bà ta không nhận ra Phúc). Phúc liền hỏi: “Thưa bà, bà có biết chị Phúc không?” Có, bà kia đáp, tôi quen biết chị ấy đã lâu: chị ấy là người đạo đức nhất nhà dòng, hiện nay chị đang giữ việc coi nhà thờ, mở cửa cho người ta vào cầu nguyện. Phúc nghe nói rất bỡ ngỡ, định tâm tàng hình trở về nhà dòng xem hư thực thế nào?

Lúc đến nhà dòng, cô Phúc nói với người gác cổng: “Bác làm ơn cho tôi gặp chị Phúc”. Chờ một lát, người gác cổng trở ra nói với Phúc rằng: “Cô Phúc sắp ra đấy”, rồi y trở vào. Bấy giờ Phúc trông lên, thấy Ðức Mẹ ăn vận như tượng Ðức Mẹ trong nhà thờ lúc chị trao chìa khóa, áo nhà dòng mười lăm năm về trước. Thấy thế, chị sợ hãi bối rối quá, nhưng Ðức Mẹ bảo rằng: “Phúc con ơi! Ðã 15 năm nay, con bỏ nhà dòng, Mẹ đã phải trá hình làm mọi việc thay cho con, để giữ tiếng tốt cho con, và bây giờ con hãy lấy chìa khóa, nhà dòng này và lại tiếp tục công việc xưa. Con hãy ở lại trong nhà dòng mà ăn năn sửa mình lại, Chúa sẵn lòng tha thứ cho con; con hãy an lòng, tội con chưa ai biết cả”. Nói đoạn Ðức Mẹ biến đi.

Chị Phúc thấy Ðức Mẹ thương mình dường ấy, thì vui mừng nước mắt dàn dụa và quyết tâm vâng lời Ðức Mẹ trở vào dòng và từ đấy hằng ăn năn đền tội mình cho đến chết. Lúc hấp hối, chị tỏ mọi sự trước sau để thiên hạ muôn đời ca tụng lòng nhân lành Ðức Mẹ đối với loài người. . . .

==============================

13. Ðức Mẹ là Mẹ Trinh Khiết

Thời Ðức Mẹ, người đời khinh chê người giữ mình khiết trinh. Các thiếu nữ Do thái đều kết bạn cả, và ai không có con thì người đời cho là hạng người bất hạnh. Vì Chúa Giêsu chưa xuống thế dạy cho người ta biết quí trọng đức trinh khiết.

Khi Ðức Mẹ ở trong đền thờ Giêrusalem, nhờ Chúa soi sáng. Người hiểu nhân đức ấy rất trọng và đẹp lòng Chúa, nên dù thiên hạ chê cười, Ðức Mẹ cũng quyết khấn giữ mình khiết trinh trọn đời.

Vì thế, thánh Bônaventura gọi Ðức Mẹ là Ðấng tiên phong các thánh trinh khiết, vì Người khấn giữ mình trinh khiết trước hết mọi người. Người qúi trọng nhân đức này đến nỗi thà mất chức làm Mẹ Con Thiên Chúa chẳng thà mất đức trinh khiết. Khi Sứ thần Gabriê truyền tin Người sẽ thụ thai sinh Chúa Giêsu, thì Người không vui mừng ngay và cũng không nhận lời Sứ thần ngay, nhưng Người thưa rằng: “Tôi đã khấn giữ mình khiết trinh, thì còn chịu thai và sinh con làm sao được?”

Sứ thần thưa lại: “Bà thụ thai sinh con không theo thói người đời, nhưng bởi phép Chúa Thánh thần, nên dù sinh con, bà vẫn còn đồng trinh”.

Ðức Mẹ mới ưng nhận và đáp lại: “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi vâng lời Sứ thần truyền”.

Ðể ca ngợi Ðức Mẹ Trinh khiết, Giáo hội đã mượn lời Kinh thánh: “Maria, Mẹ tốt đẹp mọi bề, Mẹ chẳng vương bóng tội; Mẹ đẹp hơn ánh trăng, sáng hơn mặt trời. Mẹ là hoa huệ trắng mọc giữa bụi gai”.

Chẳng những Ðức Mẹ trinh khiết hơn mọi người thế gian mà còn hơn các thiên thần, vì thế Ngôi Hai Thiên Chúa đã chiếm lòng Người làm bàn thờ ngự chín tháng tròn.

Thánh Augustinô nói: “Người trinh khiết sẽ là thiên thần dưới đất”. Thiên Chúa không buộc ai ở trinh khiết, nhưng buộc mọi người giữ đức ấy trong bậc mình, người ở bậc vợ chồng, phải giữ nghĩa vợ chồng cùng nhau ăn ở cho xứng đáng là con cái Chúa, đừng theo xác thịt ăn ở như loài vật.

Bấy lâu nay, ta có giữ đức sạch sẽ trong bậc mình không, biết bao lần ta mê theo xác thịt, làm dơ bẩn linh hồn. Vậy ta hãy quyết tâm hối cải và thưa cùng Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, Nữ vương các thánh trinh khiết, gương mẫu những ai muốn giữ nhân đức trinh khiết. Xin Mẹ giúp chúng con kìm hãm xác thịt, để chúng con giữ linh hồn trong trắng đáng làm con Mẹ ở đời này và đời sau vô cùng.

Thánh Tích

Quí đức trinh khiết …

Nhân dân sống hai bên chân núi Anpơ (Alpes) là những người hiền lành, ngay thẳng, đạo đức. Hồi hai nước Pháp và Áo giao chiến dân này phải khổ sở thiệt hại rất nhiều. Ðàn bà phụ nữ phải ẩn tránh vào rừng núi cho khỏi quân giặc hãm hiếp. Maria, một cô gái 18 tuổi, chưa kịp trốn đi, bỗng có quân Áo xông vào nhà định bắt. Cha của Maria chạy ra ngăn cản bị chúng đâm chết tại chỗ. Maria sợ hãi, thà chết chẳng thà thất trinh, chạy lên một ngọn đồi. Thấy quân giặc tróc nã đến gần hết đường trốn chạy. Maria cậy trông Ðức Mẹ, ngước mắt nhìn lên trời và nguyện rằng: “Lạy Mẹ Maria, Nữ vương các thánh trinh khiết, xin cứu thoát con”. Nói đoạn, Maria tự đỉnh đồi gieo mình xuống. Quân giặc thấy cô gái liều thân như vậy thì kinh sợ. Chúng ngỡ rằng Maria vỡ đầu gẫy cỗ, nát thịt gẫy xương.

Ôi! ngợi khen lòng nhân lành Ðức Mẹ chẳng bỏ lời những ai cậy trông Người. Quân giặc phải bỡ ngỡ biết mấy, khi nhìn xuống chân đồi, thấy Maria đang bình tĩnh quì gối cầu nguyện. Thấy sự lạ lùng làm vậy, chúng về trại, chúng kể lại phép lạ chính mắt đã thấy cho anh em đồng ngũ nghe. . . Nhờ vậy, từ hôm ấy quân lính Áo không đi hãm hiếp dân chúng nữa.

Còn Maria, tạ ơn Ðức Mẹ đoạn, cô liền vào đồn lính Pháp kể sự lạ Ðức Mẹ đã cứu mình. Ai nấy đều ca ngợi Ðức Mẹ và xây một bàn thờ ở chân đồi, chỗ Maria gieo mình xuống, để ghi dấu muôn đời lòng nhân từ Ðức Mẹ đối với con cái trông cậy Người.

==============================

14. Ðức Mẹ làm gương đức khó nghèo

Từ thủa nhỏ, Ðức Mẹ đã hiểu biết giá trị đức khó khăn, nên Người khấn giữ nhân đức ấy từ lúc còn thơ ấu. Theo linh mục Casiniô: Ðức Mẹ thuộc dòng họ vua Ðavit, nên Người dâng vào đền thờ và làm phúc cho kẻ khó khăn, chỉ giữ lại một phần nhỏ để nuôi mình.

Chính Ðức Mẹ đã nói sự ấy cho thánh nữ Brigitta rằng: “Mẹ đã khấn giữ đức khó khăn từ thuở nhỏ, của cải cơ nghiệp ông cha để lại, Mẹ đã phát cho người nghèo khó cả”.

Thánh Giuse, bạn Người cũng là người khó khăn. Vàng bạc ba vua dâng lúc sinh Chúa trong hang Belem, Người cũng dùng để giúp đỡ người nghèo đói.

Khi dâng Chúa Con vào đền thờ, Ðức Mẹ theo thói người túng nghèo, lấy đôi chim câu để chuộc con.

Chẳng những Ðức Mẹ không xấu hổ, không giấu mà còn muốn người đời biết mình là người nghèo khó nữa.

Lúc sinh Chúa Giêsu, khi đem Người trốn, Ðức Mẹ đã chịu thiếu thốn mọi sự.

Sau khi Chúa về trời, Ðức Mẹ sống một đời thiếu thốn với môn đệ Gioan. Khi chết chỉ có áo cũ trối lại cho chị em họ mà thôi.

Người đời hay khinh chê những người nghèo khó. Tục ngữ rằng: “Người đời chuộng của chuộng công. Nào ai có chuộng tay không bao giờ”.

Thật, chẳng nhân nghĩa gì hơn nhân nghĩa tiền.

Thói đời thì thế, nhưng Chúa Giêsu, là Chúa của mọi vật thì trái hẳn lại. Người phán: “Phúc cho người khó khăn, vì Thiên đàng là của họ”.

Chẳng những Chúa khen cùng chúc phúc cho người khó khăn mà chính Chúa đã sống cuộc đời khó khăn hơn ai hết, từ khi sinh trong hang đá Belem, đến lúc chết gục trên thánh giá, không còn một tấm vải che thân.

Vậy nếu ta gặp bước khó khăn, ta hãy lấy làm vinh dự vì được sống cuộc đời như Chúa và Ðức Mẹ xưa. Nếu Chúa ban cho ta giầu có dư dật, ta đừng đem lòng trìu mến quá lẽ. Hãy dùng nó mà giúp đỡ kẻ bần hàn, Hãy dùng nó như chiếc thang giúp ta bước lên thiên đàng. Ai làm phúc cho người nghèo khổ, ấy là cho Thiên Chúa vậy, sau này Chúa sẽ trả lại bội hậu trên thiên đàng.

Lạy Mẹ, xin Mẹ giúp chúng con sống cuộc đời khó khăn, không mê tham của cải hư hèn, một biết dùng nó cho đẹp lòng Chúa và giúp ích cho hồn và xác chúng con.

Thánh Tích

Thánh Mactinô giúp người nghèo.

Hồi thánh Mactinô còn thanh niên và chưa trở lại đạo: thời kỳ tại ngũ, đóng ở tỉnh Ambianô (nước Pháp), gặp một người hành khất tả tơi. Y xin Mactinô chiếc áo vì đang mùa đông giá lạnh, Mactinô thấy y rét run cầm cập khốn nạn quá, động lòng thương. Nhưng tiền không có, Mactinô liền rút gươm cắt đôi áo đang khoác cho y một nửa.

Ðêm sau, lúc đang ngủ, Mactinô thấy Chúa Giêsu mặc nửa chiếc áo khoác, đã cho người hành khất hôm trước, hiện ra cùng mình có các sứ thần chầu chực chung quanh. Ðồng thời nghe thấy Chúa nói cùng sứ thần: “Nửa áo này, là của Mactinô, chưa được rửa tội đã cho ta đấy”. Nói đoạn Chúa biến đi.

Bấy giờ, Mactinô hiểu biết ngay: làm phúc cho người nghèo khổ cũng là như giúp đỡ chính Chúa Giêsu vậy.

Sau đó nhờ ơn Chúa giúp, Mactinô chịu rửa tội, rồi từ biệt thế gian dâng mình cho Chúa sau làm giámmục, khuyên được nhiều người trở lại đạo. Mactinô sống thánh thiện, sau được phong thánh và làm nhiều phép lạ.

Phần chúng ta có hết tình thương giúp kẻ nghèo khổ không?

==============================

15. Ðức Mẹ làm gương việc cầu nguyện

Ðời Ðức Mẹ là đời cầu nguyện liên lỉ. Lúc thức lúc ngủ, khi vui khi buồn, không lúc nào Ðức Mẹ thôi hướng lòng trí về Thiên Chúa.

Hồi lên 3 tuổi, Người dâng mình trong đền thờ cho dễ đọc kinh cầu nguyện đêm ngày. Khi Sứ thần truyền tin cũng là lúc Ðức Mẹ đang cầu nguyện. Lúc Chúa Giêsu sống lại đến yên ủi Ðức Mẹ thì cũng là lúc Người đang cầu nguyện. Lại khi Chúa Thánh Thần hiện xuống thì Ðức Mẹ cũng đang cùng các tông đồ cầu nguyện nữa.

Thánh Augustinô nói: “Cầu nguyện là chìa khóa mở cửa thiên đàng”. Thánh Anphongso Ligoriô lại quả quyết: “Ai cầu nguyện, sẽ rỗi linh hồn, ai không cầu nguyện, thì dễ mất linh hồn .” Bà thánh Têrêsa mẹ nói: “Ai không cầu nguyện thì tự mình đi xuống hỏa ngục, không cần ma quỉ nào đẩy nó vào”. Vậy, ta muốn cứu linh hồn mình thì phải noi gương Ðức Mẹ mà cầu nguyện. Cầu nguyện liên, cầu nguyện sốt sắng và theo ý ngay lành.

Buổi sáng ta hãy cầu nguyện, vì lời nguyện lúc này như là của nuôi linh hồn mạnh sức chiến đấu cùng ma quỉ và lập công. Buổi tối, trước khi ngủ ta hãy ép mình đọc kinh để cảm tạ Chúa đã ban ơn giúp sức ta làm việc cả ngày và cũng để xin Người gìn giữ hồn xác ta ban đêm nữa.

Lại mỗi khi gặp khốn khó như: Lúc đau yếu, khi bị ma quỉ cám dỗ khuấy khất, ta hãy đem lòng lên cùng Chúa và Ðức Mẹ. Cầu xin Người thêm sức cho ta được dùng mọi dịp để lập công.

Ôi! Biết bao người giáo hữu ngày đêm bê tha tội lỗi, mê tham của cải, công việc thế tục, lòng trí ra khô khan nguội lạnh không mấy khi nhớ đến Chúa. Ta hãy xét xem đã bao lần ta quên lãng việc đọc kinh cầu nguyện?. Ta hãy thực tình ăn năn và xin Chúa thứ tha.

Lạy Ðức Mẹ, xin Ðức Mẹ giúp chúng con noi gương Mẹ mà siêng năng đọc kinh lần hạt, để đời chúng con được tươi đẹp hơn mà sau này những kinh ấy sẽ kết thành triều thiên cho chúng con trên thiên đàng.

Thánh Tích

Hãy luôn chạy đến cùng Đức Mẹ

Hãy luôn chạy đến cùng Đức Mẹ, đó là câu tóm kết tất cả khoa thần học của Thánh Anphongsô, vị tiến sĩ Hội thánh, đó là trung tâm học thuyết tu đức của thánh nhân vậy.

Khi người đến tuổi già, không còn đủ trí nhớ để nhớ mình đã lần hạt Mân côi chưa, người vẫn hỏi thầy dòng coi bệnh:

- Hôm nay tôi đã lần hạt chưa thầy?

Một hôm thầy ấy nói với người:

- Thưa cha, bao nhiêu tràng hạt cha đã đọc dư ra hôm nay, con xin cha nhường tất cả cho con.

Đấng thánh liền tỏ vẻ mặt nghiêm trang và nói:

- Thầy đừng đùa, thầy không biết rằng phần rỗi đời đời của tôi là nhờ ở tràng hạt Mân côi ử”

Đó là sự thật tỏ rõ như ban ngày: Nếu ta luôn luôn chạy đến cùng Đức Mẹ, chắc chắn thế nào ta cũng rỗi linh hồn và nên thánh.

(Joseph Schrijvers, CSs.R, Mẹ Tôi, bản dịch của Phạm Đình Khiêm, Ns.TT Đức Mẹ tái bản,1987, trang 77)

==============================

16. Ðức Mẹ làm gương năng rước lễ

Sau khi Chúa về trời, Ðức Mẹ còn sống ở thế gian 14 năm nữa. Bấy nhiêu năm, Người những ước mong về trời cùng Chúa Giêsu, giám mục Bossuê nói rằng: Bấy nhiêu năm xa cách Chúa Giêsu, Ðức Mẹ sống được là nhờ ở phép lạ. Ðể khỏi cô đơn, Ðức Mẹ nhớ đến nhiệm tích Thánh Thể: Người rước Chúa Giêsu vào lòng mỗi ngày, Người đã làm gương cho giáo dân thời bấy giờ năng rước lễ.

Ðức Mẹ dọn mình rước lễ sốt sắng như xưa Người dọn mình đón Ngôi Hai xuống trong lòng vậy.

Ta hãy tưởng tượng, trước bàn thờ thánh Gioan dâng lễ, Ðức Mẹ quì gối, đôi tay chắp trước ngực, mắt đăm đăm nhìn ngắm Mình Thánh Chúa. Người như quên mọi sự, chỉ ước ao rước lấy Chúa Giêsu mà thôi. Sau khi rước lễ, Người cám ơn lâu giờ, hát ca vịnh ngợi khen Chúa với tâm hồn sốt sắng lạ thường.

Chính lúc rước lễ, ta được hợp nhất với Chúa Giêsu. Ôi phúc trọng dường nào: loài người được hợp nhất cùng Thiên Chúa!

Chính Chúa Giêsu bắt buộc ta phải chịu lấy Người khi Người phán: “Nếu ai chẳng ăn thịt Ta, thì chẳng được sống đời đời”.

Ta phải năng rước lễ, vì Mình Thánh Chúa là sức mạnh giúp ta giao chiến cùng tội ác, giúp ta giữ mình thanh sạch.

Có ba điều kiện cho được rước lễ nên:

1. Phải sạch tội trọng. Tội trọng làm cho ta mất ơn nghĩa cùng Chúa đáng phạt đời đời. Người nào biết mình mắc tội trọng mà còn rước lễ thì cả lòng làm hư phép Mình Thánh như Giuđa xưa.

2. Phải có ý ngay lành. Ta rước lễ để vâng lời Chúa truyền dạy, để được hợp nhất với Chúa và với các phần mình mầu nhiệm trong Hội thánh, để được thêm sức mạnh trong linh hồn, để được thêm lòng mến Chúa, để được chừa tội nhẹ và diệt trừ những thói hư nết xấu, nhất là để được sống đời đời.

3. Phải giữ chay một giờ trước khi rước lễ, nghĩa là không ăn đồ dặc, trừ uống nước lã, cũng trừ bệnh nhân uống thuốc hay ăn uống chưa đủ 1 giờ.

Tuy tội nhẹ không ngăn trở việc rước lễ, nhưng trước khi rước lễ, ta phải giục lòng ghét những tội ấy, và thêm lòng tin cậy kính mến Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể.

Lạy Mẹ Maria Mẹ đã làm gương sự năng rước lễ, rước lễ sốt sắng cho chúng con bắt chước. Xin Mẹ giúp chúng con biết dọn mình xứng đáng, giữ linh hồn chúng con trong sạch, để làm đền thờ cho Chúa ngự hằng ngày và liên mãi.

Thánh Tích

Rước lễ phạm sự Thánh.

Năm 867, vua Lôtariô mê một phụ nữ kia và lấy cô ta làm vợ lẽ. Ðức Giáo Hoàng Nicolaô can gián, nhưng vua chẳng nghe, nên vua bị phạt vạ mất phép thông công. Vua Lotariô quá mê say, không sao bỏ được. Năm sau Ðức Giáo Hoàng Adrianô lên thế vị. Vua Lotariô liền sang Ý mừng vị tân Giáo Hoàng, nói dối mình đã bỏ vợ lẽ và xin Người giải vạ. Các quan triều đồng tình làm chứng gian. Ðức Giáo Hoàng tin và giải vạ cho vua. Sáng hôm sau Người dâng lễ cầu nguyện cho vua.

Trước khi cho chịu lễ, đức Giáo Hoàng cầm Mình Thánh nói với vua trước mặt các Hồng Y và các quan rằng: “Nếu vua đã thực lòng bỏ vợ lẽ, đã thực lòng hối cải, thì vua hãy lên chịu Mình Thánh Chúa. Nếu vua không thực lòng thì đừng chịu Mình Thánh kẻo bị phạt”. Ðức Giáo Hoàng lại bảo các quan rằng: “Nếu các quan chẳng có đồng tình giấu lỗi cho vua, thì Mình Thánh các quan chịu sẽ ban cho các quan sự sống đời đời”. Nghe lời ấy vua quan khiếp sợ. Nhưng vua và ít nhiều quan cứ lên rước lễ. Ðoạn Ðức Giáo Hoàng mời vua và các quan ở lại dự yến. Hôm sau mới trở về. Về đến thành Lucia, vua và nhiều quan mắc bệnh lạ lùng, chẳng ai luận được bệnh gì: ruột gan thì nóng như lửa, da thì tróc lột cả, tóc thì rụng hết. Nhiều quan chết trước mặt vua. Vua cố gắng về đến thành Plaxenxia thì bất tỉnh và qua đời ở đó, không biết có kịp ăn năn tội chăng?

Mọi người đều tin đó là phép lạ Chúa phạt những người cả lòng làm hư phép Mình Thánh. Vậy ta hãy xin Ðức Mẹ hộ giúp đừng bao giờ ta phạm tội trọng ấy.

==============================

17. Ðức Mẹ năng suy nhớ cuộc tử nạn Chúa Giêsu

Ðức Mẹ dạyThánh Brigitta rằng: “Trong những năm Mẹ còn ở thế gian, không bao giờ Mẹ quên được những khổ cực của Con Mẹ đã chịu, không bao giờ Mẹ quên được những khổ nhục của Con Mẹ trên núi Calvê”.

Người ta thuật lại chẳng những Ðức Mẹ suy ngắm những sự thương khó Chúa Giêsu trong lòng mà thôi, người lại năng viếng những nơi Chúa Giêsu đã chịu cực và chịu chết.

Ðức Mẹ vào vườn Giệtsimani, nơi Chúa đã đổ mồ hôi máu vì lo buồn, Người vào tiền đường Philatô, nơi Chúa bị những trận đòn nát thịt, nơi quan dữ quấn cho Người một vòng gai.

Ðức Mẹ bước theo con đường Chúa đã đi vai vác thánh giá cho đến đỉnh núi Calvê. Sau cùng Người vào viếng hang đá, nơi Chúa đã được an táng.

Ðức Mẹ thăm viếng nơi nào thì đôi mắt đẫm lệ, Người quì xuống hôn kính nơi ấy. Về sau, nhiều giáo dân theo gương ÐứcMẹ cũng đến Giêrusalem viếng những nơi thương khó Chúa Giêsu. Mỗi khi thăm viếng những nơi thánh ấy, họ thêm lòng mến Chúa và gớm ghét sự tội.

Chẳng có sự gì giúp người ta dứt bỏ đường tội, thêm lòng mến Chúa và tiến tới trên đường nhân đức cho bằng suy ngắm những sự thương khó Chúa Giêsu. Một giọt lệ chảy ra vì thương hại Chúa đã chịu chết tủi cực thì có công phúc hơn làm nhiều việc lành khác.

Nhìn ngắm ảnh Chúa trên thánh giá, các thánh đã thêm lòng mến Chúa, quyết xa lánh những vui sướng thế gian, quyết bỏ những vinh hoa thế tục. Thánh Phaolô xưng mình chỉ học biết có Chúa chịu khổ hình thập tự mà thôi.

Ta nên bắt chước Ðức Mẹ và các thánh năng suy ngắm những sự thương khó Chúa Giêsu, để thêm lòng mến Chúa và ghét tội. Nhất là ta năng ngắm đường Thánh giá là một phương pháp hiệu lực giúp ta tiến tới trong đường tu đức. Ðường Thánh giá là chính đường Chúa đã đi, là đường ngay nẻo chính đưa ta lên thiên đàng.

Lạy Mẹ Maria, xưa Mẹ năng suy ngắm những sự thương khó Chúa, năng viếng đường Chúa đã đi, xin Mẹ giúp chúng con biết tưởng niệm cái chết đau khổ của Chúa, cho chúng con ghi sâu vào lòng những thương tích Chúa, để bởi đó chúng con lĩnh được nhiều ơn ích trong linh hồn.

Thánh Tích

Chữa tượng Thánh giá được ơn trở lại

Ở một họ đạo kia, trong tuần đại phúc giáo dân sốt sắng, đua nhau đến nhà thờ đọc kinh dâng lễ, nghe sách nghe giảng. Chỉ có một bác phó rèn chẳng đến nhà thờ bao giờ. Nhà bác ta ở gần nhà thờ đang khi giáo dân đọc kinh dâng lễ, tiếng đe búa vang dội liên mãi.

Người ta khuyên bảo, nhưng bác coi thường. Tuần đại phúc gần xong, Cha xứ mượn bác ta chữa một ảnh Thánh giá. Hai ngày sau, bác ta mang trả lại. Bác tỏ vẻ buồn phiền hầu như phát khóc. Cha xứ hỏi tại sao thì bác ta thưa: “Thưa cha, nhìn ngắm Chúa Giêsu tử hình trên thập giá, con cảm động không sao cầm được nước mắt, vì tội con phạm quá nhiều. Ðã hai đêm nay con không ngủ được những hồi tưởng đến cuộc đời bội bạc của con. Từ nay con quyết chí sửa mình lại”.

Ngày cuối đại phúc, người ta đã thấy bác phó rèn cùng với giáo dân đến nhà thờ đọc kinh dâng lễ và xưng tội rước lễ sốt sắng.

==============================

18. Ðức Mẹ làm gương sự nhẫn nhục chịu đau khổ

Trên đời Ðức Mẹ khổ cực hơn ai hết. Giáo hội nhận Ðức Mẹ là Nữ vương các thánh Tử đạo, vì Người đã chịu nhiều khổ cực hơn mọi thánh Tử đạo. Các thánh Tử đạo chịu đau khổ với một thời gian vắn vỏi, năm ba ngày, đôi ba tháng, một hai năm là cùng, còn Ðức Mẹ chịu đau khổ suốt đời.

Ðau khổ của Ðức Mẹ lại nhiều và sâu cay hơn đau khổ của các thánh Tử đạo đau khổ ngoài xác, nhưng Ðức Mẹ đau khổ trong lòng. Vết thương trong lòng bao giờ cũng nặng hơn ngoài xác, Ðức Mẹ không bị người ta hành hạ đánh đập, nhưng suy đến những hình khổ của Chúa Giêsu, Con Người, phải chịu thì lòng Ðức Mẹ như bị một mũi gươm vô hình thâu qua.

Thánh Ansêlmô dạy: ” Nếu không có ơn Trên nâng đỡ, Ðức Mẹ sẽ chết vì đau khổ”. Ðời của Ðức Mẹ tuy tràn đầy đau khổ, nhưng Người vẫn sống vững vàng, sống kiên nhẫn, điềm tĩnh khi nghe Sứ thần truyền đem Con trốn sang Aicập, hay khi lạc mất Con ba ngày. Người vẫn nhẫn nhục đứng dưới Thánh giá trên núi thánh, mặc cho đôi hàng lệ tuôn rơi.

Ðối với Ðức Mẹ, không có gì là tình cờ. Mọi sự do Chúa định đoạt, Người chỉ biết cúi đầu tuân theo, tự hiến thân cùng với Con làm của lễ hy sinh đền tội thiên hạ.

Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa còn phải đau khổ, lẽ nào ta thoát khỏi. Vậy khi gặp sự đau khổ như chết cha, mất mẹ, khi ốm đau bệnh tật, khi bị người đời hà hiếp khinh chệ . . ta chớ buông lời kêu trách. Hãy bắt chước Ðức Mẹ cam lòng chịu đựng. Bao lâu đau khổ còn đè nặng trên vai, hãy noi gương Ðức Mẹ đứng dưới Thánh giá lẳng lặng nhìn Con chết nhục cho đến giây phút cuối cùng.

Lạy Mẹ rất thánh, Mẹ đã làm gương sự nhẫn nhục chịu khó. Xin Mẹ thêm sức cho chúng con bao lâu còn ở dưới thế, bắt chước Mẹ vui lòng chịu mọi đau khổ để thêm công đáng Chúa thưởng trên thiên đàng.

Thánh Tích

Người mẹ mất con

Năm 1842, bên Pháp có một bà góa sang trọng chỉ có một con trai. Chẳng may cậu ta bị thương hàn, được ít lâu thì chết. Bà mẹ thương tiếc lăn khóc đêm ngày, quên ăn mất ngủ.

Ngày lễ kính Ðức Mẹ sầu bi, bà đi dự lễ, nghe giảng về những đau khổ của Ðức Mẹ. Nhắc đến cảnh tượng Ðức Mẹ đứng dưới chân Thánh giá, thì thầy cả hỏi giáo hữu: “Nào ai trong anh em đau khổ bằng Ðức Mẹ? Dầu vậy Ðức Mẹ vẫn một lòng chịu đau khổ không một lời than trách. Anh em hãy noi gương Ðức Mẹ, hoặc Chúa để anh em phải đau khổ hãy cùng Ðức Mẹ đứng dưới thánh giá lẳng lặng nhìn Con, không một lời ca thán”. Nghe đến đấy, bà cảm động. Quì trước tượng Ðức Mẹ suy ngắm những đau khổ của Ðức Mẹ. Bà thấy trong lòng đầy an ủi, từ đấy bà bắt chước Ðức Mẹ vui lòng chịu khổ đau không còn kêu khóc như trước nữa.

==============================

19. Ðức Mẹ cứu chữa các tội nhân

Ðức Mẹ là Mẹ các giáo hữu chẳng những nguyên người công chính, mà lại kẻ có tội nữa. Ðức Mẹ nói với bà thánh Birgitta rằng: “Mẹ là Mẹ những ai sa ngã đang quyết tâm chỗi dậy trở về cùng Chúa”.

Ðức Mẹ hiện ra cùng bà thánh Getruđê: Ðức Mẹ khoác một áo dài rộng. Những muông dữ như sư tử, hùm, beo và nhiều giống khác chạy đến ẩn mình dưới áo ấy, Ðức Mẹ không đuổi chúng, lại mơn trớn vuốt ve và tỏ lòng thương yêu chúng lắm. Ðức Mẹ tỏ cho bà thánh biết: những muông dữ đây là những người đầm đìa trong đống tội lâu năm. Ðức Mẹ chẳng ghét bỏ, nhưng đầy lòng thương yêu họ. Người sẵn lòng bào chữa cho chúng, miễn sao biết đường trở về cùng Chúa. Ðức Mẹ cũng như người Mẹ thế gian, thấy con mình phải sự khốn khó, thì hết lòng săn sóc cho đến khi thoát khỏi.

Ðức Mẹ chẳng những bào chữa cho các tội nhân, lại tìm phương thế đưa chúng về cùng Chúa.

Người dùng mọi cách thế, để lôi kéo tội nhân về cùng Chúa.

Hỡi những ai bấy lâu còn dầm mình trong đống tội, bấy lâu còn làm tôi xác thịt, mau hãy quyết tâm hối cải. Hãy chạy đến xin Ðức Mẹ giơ tay, xin Người dắt về cùng Chúa. Hỡi những ai còn ngần ngại, mau mau hãy chỗi dậy đến cùng Ðức Mẹ và than thở cùng Người rằng:

Lạy Mẹ, bấy lâu chúng con phản nghịch cùng Chúa và bất hiếu cùng Mẹ. Nhưng bây giờ chúng con quyết tâm thống hối trở về cùng Chúa. Chúng con xin phó thác linh hồn trong tay Mẹ, xin Mẹ gỡ chúng con khỏi ách tội để chúng con được làm tôi ngay con thảo của Chúa và Ðức Mẹ đời đời.

Thánh Tích

Trở lại nhờ kinh Kính mừng

Gioan là một thanh niên con nhà sang trọng có tiếng bên phương tây, chàng mê đàng tội, sau nhờ có Ðức Mẹ, hối cải trở về cùng Chúa. Cha mẹ Gioan giữ đạo hẳn hoi và chăm lo việc giáo dục con cái. Anh em Gioan cũng đạo đức nết na. Chỉ một mình Gioan bạo ngược từ bé.

Gioan có sức khỏe lạ lùng, lại can đảm, tài võ nghệ không ai bằng. Anh ta thường cậy sức khiêu khích mọi người. Gioan hung bạo thích đổ máu và coi sự giết người là một chuyện thường. Chẳng những thế, anh lại ghét đạo Công giáo, nói nhiều lời xúc phạm đến Thiên Chúa.

Nghe ai nói đến Thiên Chúa, thì anh ta nổi giận đùng đùng. Chúa đã dùng nhiều dịp làm cho anh ta khiếp sợ, nhưng anh ta càng bạo ngược hơn. Một lần sét đánh ngay bên cạnh, anh ta nổi giận nói phạm đến Chúa, và giơ súng bắn ngược như muốn bắn Thiên Chúa. Có lần sét đánh ngay bên giường anh ta ngủ, anh ta cũng chẳng sợ. Lần khác đang đi ngựa, sét đánh chết ngựa, anh ta cũng chẳng sợ. Gioan theo đàng tội cho đến năm 38 tuổi. Dù Gioan ghét bỏ đạo, nhưng đôi khi, trước giờ đi ngủ anh còn lẩm bẩm đọc kinh Kính mừng, anh quen đọc từ bé.

Một ngày kia, Gioan đến LuânÐôn xem thầy cả trừ quỉ ám. Anh ta hỏi quỉ: “Tại sao ngày nọ sét đánh cháy chân giường tao ngủ, mà tao không chết”. Quỉ dữ đáp: “Vì Ðức Mẹ chữa anh, chẳng phải một lần ấy nhưng còn nhiều lần khác. Giả như Ðức Mẹ không thương thì anh mất linh hồn đã lâu rồi”.

Gioan nghe ma quỉ nói thì kinh khiếp. Lúc ấy nhờ ơn Chúa soi sáng, anh ta quyết định ăn năn trở lại. Hôm sau anh đi xưng tội ngay và từ đó sống một đời thánh thiện. Gioan từ giã gia đình tìm một nơi vắng vẻ để hãm mình đền tội cho đến chết.

==============================

20. Ðức Mẹ cứu chữa bệnh nhân

Sau khi tổ tông phạm tội, con người trở nên yếu đuối, mắc đủ các giống bệnh tật.

Thật vậy, nào ai ở thế gian có thể tự phụ mình vô bệnh tật. Từ lúc lọt lòng đến tuổi già, người giầu sang, kẻ nghèo hèn không ai thoát khỏi tai ác của bệnh tật. Vì tội, bệnh tật đã gieo mầm vào cơ thể con người từ lúc dựng thai, ta sinh trong tội lỗi thì cũng sinh trong bệnh tật.

Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu cũng thương loài người và nhờ quyền thế Chúa ban cũng đã cứu chữa biết bao bệnh nhân. Giáo Hội đã xưng là “Ðức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn”.

Lịch sử đã cho ta biết rất nhiều bệnh nhân, bất cứ tôn giáo nào, đều được Mẹ chữa một cách mầu nhiệm. Trong các nhà thờ Ðức Mẹ ở thành Lorêto, thành Lyông, thành Balê, và nhiều nhà thờ khác bên Pháp, bên Ý và Ðức, người ta thấy rất nhiều bảng vàng treo trên tường, kể công ơn Ðức Mẹ đã chữa khỏi các bệnh nhân.

Biết bao bệnh nhân được Ðức Mẹ chữa khỏi, đã chép sách ca tụng muôn đời lòng thương yêu Ðức Mẹ. Ngày nay ở Lộ Ðức số bệnh nhân được Ðức Mẹ chữa đã kể rất nhiều hằng năm có đến hàng vạn người. Cũng có nhiều bệnh nhân không được Ðức Mẹ chữa khỏi, nhưng Người ban ơn yên ủi để họ vui lòng chịu đựng hầu thêm công phúc.

Khi ta mắc bệnh, ta hãy vững lòng cầu xin Ðức Mẹ cứu chữa. Ta phải kiên tâm cầu xin cho đến khi Người cứu chữa. Nhiều người đã cầu xin mà chưa được đã vội ngã lòng.

Phải cầu xin rằng: Lạy Mẹ, nếu sức khỏe phần xác sinh ích cho con phần hồn thì xin Mẹ chữa con cho. Nếu Ðức Mẹ biết sức khỏe ấy sẽ tác hại cho linh hồn con thì xin Mẹ giúp con chịu bệnh này cho vui lòng.

Nếu lâu ngày mà bệnh chẳng bớt, ta đừng buông lời kêu trách kẻo mất công phúc; vì mọi bệnh tật là hình phạt của tội ác, nếu ta vui lòng sẽ sinh ích rất nhiều cho ta.

Lạy Mẹ Maria rất thánh là Ðấng chữa được mọi bệnh nhân, khi Chúa cho chúng con phải ốm đau, xin Mẹ chữa chúng con. Nếu Chúa muốn chúng con phải chịu bệnh lâu năm, xin Mẹ giúp chúng con chịu cho nên, để những bệnh tật ở đời này nên như bậc thang đưa chúng con về thiên đàng.

Thánh Tích

Ở làng kia, xa Lộđức năm ngày đường, có một bà tên là Ca mắc bệnh đã chín năm tròn. Bà ta không ăn, không ngủ được, đau xương, đau ruột đau khắp cả mình, lại sốt rét mê man. Bà cố sống, cũng chỉ sống ẻo lả, vì sinh khí đã suy nhược.

Bà ta bàng hoàng sống giở, chết giở, lú lẫn đến nỗi quên kinh đọc hằng ngày. Bà Ca dù kiệt sức nhưng cũng đến viếng hang đá Lộđức. Bà thuê một chiếc xe độc mã. Dọc đường bà kiệt sức, đã mấy lần ngất đi. Người ta tưởng khó lòng đưa bà tới Lộ đức. Ðến nơi, người ta lay bà, khiêng tới một cửa hang, trong khi đó bà vẫn bất tỉnh.

Ðược một lúc bà hồi lại. Người ta đưa cho bà một bát nước suối Ðức Mẹ. Bà uống vài hớp không thấy chuyển bệnh; bà uống ngay hớp nữa, bà thấy trong mình đau đớn như đứt ruột nát gan, các khớp xương như tan rã.

Bà Ca nhìn ngắm tượng Ðức Mẹ trên cửa hang đá, bỗng bà thấy trong mình dễ chịu. Các bệnh tật dần dần biến hết. Bà vui mừng kêu lên: “Ô! Tôi khỏi rồi! Lạy Mẹ Maria! Con cảm tạ Mẹ đời đời! Con hết lòng cảm tạ Mẹ, vì Mẹ đã chữa con”.

Bà ấy ở lại tạ ơn trước tượng Ðức Mẹ ít lâu. Người ta thấy phép lạ cả thể ấy thì hết lòng tin cậy Ðức Mẹ. Bà Ca ăn uống khỏe mạnh như người không bệnh tật, bà ra về lòng hớn hở ca ngợi Ðức Mẹ. Ðể tỏ lòng biết ơn Ðức Mẹ, năm nào bà cũng đến viếng Ðức Mẹ ở Lộ Đức.

==============================

21. Ðức Mẹ giúp con cái chết lành

Trong đời, không có lúc nào khổ cực và nguy hiểm cho bằng lúc hấp hối trên giường bệnh, quỉ dữ lợi dụng lúc ấy, tìm trăm nghìn cách để khuấy khuất bệnh nhân. Khi thì nó bầy các tội ra trước mắt, để bệnh nhân bối rỗi rồi sinh nản lòng. Lúc thì nó cám dỗ bệnh nhân luyến tiếc của cải, chức quyền đời này, để bệnh nhân lấy sự chết làm cay đắng.

Giờ ấy, bệnh nhân phải đau đớn trong lòng ngoài xác, khó dọn mình để về đời sau, nhưng những ai là đầy tớ trung thành của Ðức Mẹ, hãy vững lòng tin tưởng: không bao giờ Ðức Mẹ từ bỏ con cái Người trong giờ sau hết, Người đã lĩnh quyền che chở ta trong giờ chết, khi Người đứng gần thánh giá lúc Chúa trút hơi thở cuối cùng.

Trong kinh Kính Mừng, ta thường cầu xin: “Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Ðức Mẹ hằng săn sóc nâng đỡ ta trong giờ chết. Người giúp bệnh nhân lướt thắng những chước cám dỗ nặng nề. Người vỗ về giờ chết. Người an ủi để bệnh nhân lấy cái chết làm nhẹ nhàng và để dọn mình về đời sau.

Thánh Anrê Avêlinô lúc hấp hối phải quỉ dữ khuấy khuất nặng nề. Ông thánh không ngừng kêu tên cực trọng Ðức Mẹ liên mãi, cho đến khi được yên giấc trong tay Ðức Mẹ.

Thánh Gioan lúc hấp hối cũng mắc phải những cơn cám dỗ mãnh liệt. Người hằng kêu xin Ðức Mẹ đến cứu chữa, nhưng chẳng thấy giảm bớt, thì lo buồn quá. Bỗng chốc Ðức Mẹ hiện ra, dùng lời dịu dàng mà quởtrách ông thánh: “Ớ con, sao con lo buồn? Con hãy vững vàng trông cậy, không bao giờ Mẹ bỏ con cái trong giờ chết”.

Chẳng những Ðức Mẹ giúp đỡ bệnh nhân lướt thắng những cơn cám dỗ, Người lại giảm bớt những đau đớn và giúp bệnh nhân được chết lành. Người đã tỏ điều ấy cho bà thánh Birgitta rằng: “Chính Mẹ yên ủi con cái cho chúng bớt đau đớn và đỡ khiếp sợ thần chết”.

Ta muốn Ðức Mẹ thương giúp ta trong giờ sau hết, thì khi còn khỏe ta phải hết lòng sùng kính Mẹ. Ta hãy siêng năng lần hạt, mang ảnh Ðức Mẹ trong mình. Ta hãy noi gương Ðức Mẹ ăn ở thánh thiện, giữ lòng thanh tịnh và hết lòng mến Chúa yêu người. Vì sống thế nào thì chết thể ấy: sống lành thì chết lành, sống dữ thì chết dữ. Hằng ngày ta cũng nên cầu nguyện cho bao nhiêu người đang hấp hối được vững lòng dọn mình về đời sau, để ngày sau, họ cũng cầu nguyện cho ta được chết lành bằng yên.

Lạy Mẹ Maria là Đấng cứu giúp những ai ước ao chết lành, xin Mẹ cũng che chở chúng con trong giờ sau hết. Khi chúng con hấp hối trên giường bệnh, xin Mẹ an ủi nâng đỡ chúng con và giúp chúng con được chết lành trong tay Mẹ.

Thánh Tích

Trước đây hơn một trăm năm, bên Hoa kỳ có chiến tranh. Dân sự tàn sát lẫn nhau giết hại rất nhiều. Trận Carôlina chết nhiều người hơn cả. Trong số đó, có một vệ binh tên là Patrixiô, còn trẻ tuổi bị thương nặng ở đầu. Ban cứu thương thấy Patrixiô phải dấu nặng gần chết, thì để lại không đưa về bệnh viện.

Patrixiô kiệt sức, không nói được, nhưng trong lòng còn tỉnh. Anh ta thầm thĩ kêu xin Ðức Mẹ: “Lạy Ðức Mẹ, Ðức Mẹ biết con đang mắc tội trọng, xin Ðức Mẹ liệu cho con được gặp thày cả trước khi chết”.

Ðức Mẹ thương nghe lời Patrixiô cầu xin. Ban cứu thương trước định bỏ, sau lại đưa anh về bệnh viện. Thấy đến nơi, các bà phước coi bệnh nhân thấy anh sắp chết liền liệu cho anh được xưng tội, chịu lễ và ăn mày các phép. Anh ta vui mừng và tạ ơn Ðức Mẹ, và đêm hôm ấy anh được chết lành bằng yên trong tay Ðức Mẹ.

==============================

22. Ðức Mẹ cứu linh hồn luyện ngục

Xưa Ðức Mẹ dạy thánh Birgitta rằng: “Mẹ là Mẹ các linh hồn ở luyện ngục, Mẹ hằng giúp đỡ, giảm bớt những hình khổ cho chúng”.

Có khi Ðức Mẹ xuống luyện ngục để giảm bớt hình khổ cho họ. Ðức Mẹ rút vắn thời hạn giam phạt các linh hồn ấy. Nhất là những linh hồn mồ côi, được Ðức Mẹ thương giúp cách riêng.

Nhiều đấng thánh nói: những ngày lễ kính Ðức Mẹ, Ðức Mẹ xuống luyện ngục an ủi các linh hồn, có linh hồn được Ðức Mẹ giảm bớt hình khổ, có linh hồn được Ðức Mẹ đưa về trời ngay.

Xưa Ðức Mẹ hiện ra phán cùng Ðức Giáo Hoàng Gioan rằng: “Những ai đeo áo Ðức Bà và tôn sùng Mẹ khi còn sống, thì lúc chết mà còn bị giam trong luyện ngục, Mẹ sẽ xuống cứu và đưa kẻ ấy về thiên đàng ngày thứ bảy sau khi kẻ ấy qua đời”.

Ta hãy bắt chước Ðức Mẹ thương giúp các linh hồn ở luyện ngục, nhất là những linh hồn mồ côi, linh hồn cha mẹ, họ hàng thân thích những kẻ làm ơn cho ta. Ta hãy đọc kinh lần hạt, làm phúc bố thí, xưng tội chịu lễ, dâng cho các linh hồn ấy chóng được về nơi mát mẻ.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ ban cho chúng con được ơn bắt chước Mẹ, thương giúp các linh hồn ở luyện ngục, dâng việc lành cầu cho các linh hồn ấy.

Thánh Tích

Giáo dân Lamã xưa có thói quen, trước ngày lễ Ðức Mẹ lên trời, cầm nến đi viếng các nhà thờ. Có một lần, bà sang trọng kia cùng với mọi người vào nhà thờ cầu nguyện, bà trông thấy một bà đã quen trước, chết được sáu tháng, cũng quì đọc kinh bên cạnh bà.

Bà ta bỡ ngỡ, ra đứng ngoài cửa đợi khi bà ấy ra thì hỏi: “Bà có phải là Morozia không?” người ấy thưa: “Phải, tôi phải giam phạt ở luyện ngục từ ngày tôi bỏ thế gian cho đến bây giờ. Nhưng ngày mai là ngày lễ Ðức Mẹ lện trời, tôi và nhiều người khác mà bà không trông thấy. Hôm nay chúng tôi đến đây lần cuối cùng để tạ ơn Ðức Mẹ”.

Bà này còn đang nghi ngờ, thì bà ta lại tiếp: “Ðể bà tin lời tôi nói, thì ngày rầy sang năm, chính ngày lễ Ðức Mẹ lên trời, bà sẽ bỏ thế gian”.

Thánh Phêrô Ðamiêng làm chứng điều ấy rằng: “Bà kia tin lời đó, và từ đấy, bà làm nhiều việc lành đợi ngày về đời sau. Quả thật, ngày hôm trước lễ Ðức Mẹ lên trời, bà ngã bệnh nặng và chính ngày lễ thì qua đời”.