Linh Đạo Hôn Phối

THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

PHẦN 1

(Nguồn: www.vietcatholic.net) 

LỜI MỞ

Cuốn sách mang tựa đề ‘Linh Đạo Hôn Phối theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II’ ở đây có nghĩa là cuốn sách trình bày ‘một số khía cạnh về đời sống tâm linh của các đôi bạn Công Giáo theo giáo huấn của Ngài.

Chúng ta biết lúc còn tại thế Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban nhiều văn kiện liên quan đến đời sống gia đình: Tông huấn ‘Cộng Đồng Gia Đình’ (Familiaris Consortio – 1981), ‘Thơ gửi các Gia Đình’ (Lettre aux Familles – 1994)… Ngài rất quan tâm đến đời sống thánh thiện, đạo đức của đôi bạn, của gia đình mà chính công đồng Vatican II đã cổ động, đã kêu ‘hôn nhân là một ơn gọi nên thánh’:

1. ‘Nhờ sức riêng của bí tích hôn phối, các đôi vợ chồng Kitô giáo biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (xEp 5,32). Họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái nên thánh. Cũng vì thế, họ được những ơn riêng cho bậc sống của mình trong Dân Chúa (x Cr7,7) (LG 11,2).

2. ‘Vợ chồng Kitô giáo được củng cố và được thánh hiến bằng một bí tích riêng để được lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá thuộc bậc sống của họ. Nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô để chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ. Nhờ đó, tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến và càng ngày họ càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau. Bởi đó, họ cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa’ (GS 48,2).

3. ‘Ơn gọi nên thánh chung của mọi người cũng nhằm đến đôi bạn và cha mẹ Kitô hữu. Đối với họ, ơn gọi này được nêu rõ bởi sự cử hành bí tích Hôn Phối và được phô diễn cách cụ thể trong đời sống hôn nhân và gia đình (xLG 41). Chính trong cuộc sống ấy mà ân sủng được phát sinh và ta nhận thấy sự đòi hỏi phải có một linh đạo hôn phối và gia đình đích thực và sâu xa’ (FC 56).

Nhưng linh đạo Hôn Phối theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mà chúng tôi trình bày hôm nay đề cao những khía cạnh mới mẻ và căn bản từ Thánh Kinh, mà chính ngài gọi là ‘thần học thân xác’ (Théologie du corps). Đây là một công trình lớn lao mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nghiền gẫm lâu năm trước và còn dành năm năm đầu triều đại giáo hoàng (1979-1984) để trình bày cho giáo dân trong các buổi triều yết chung ngày thứ tư. Tất cả là 129 bài với 800 trang viết (1).

Hiện nay nhiều nhà thần học và nhiều nhà ‘luân lý gia đình’ đang khai triển và hệ thống hoá những giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đức Hồng Y Angelo Scola, lúc còn làm viện trưởng đại học Latran (Roma) đã nhận định: ‘Đây là huấn giáo tuyệt tác của Đức Gioan Phaolô II’ (Magistère génial de Jean-Paul) (2). Cha George Weilgel viết: ‘Đây là quả bom nổ chậm của thần học’ (bombe à retardement théologique). Quả vậy, thần học về thân xác của Đức Gioan Phaolô II có thể được coi như một khúc quặt, không chỉ đối với thần học Công Giáo mà còn đối với cả tư tưởng hiện đại’ (3). Mới đây, đức Hồng Y Philippe Barbarin cũng phát biểu: ‘Đức Gioan Phaolô II đã cống hiến cho Giáo Hội và thế giới một giáo huấn rất phong phú về thân xác và về hôn nhân trong 129 buổi triều yết chung ngày thứ tư’ (3).

Dựa vào ý tưởng của các ngài, đặc biệt của giáo sư Yves Semen trong cuốn ‘La Spiritualité conjugale selon Jean Paul II’ (Linh đạo của vợ chồng) (4) chúng tôi soạn cuốn ‘LINH ĐẠO HÔN PHỐI’ này vừa để:

Xin thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II ban phúc lành cho những người góp phần thực hiện công việc bé nhỏ này, cũng như cho quý đọc giả thân thương. Tất cả để vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các gia đình.

Lễ Phục Sinh, lễ thân xác nhân loại

được thăng hoa nhờ sự sống lại của Chúa Kitô.

Paris 20. 04. 2014

Thay mặt cho Ban Tu Thư

Lm Giuse Mai Đức Vinh

————–

(1) Có thể đọc tác phẩm đầy đủ về ‘Thần học thân xác’ của Đức Gioan Phaolô II của ông Yves Semen ‘La sexualité selon Jean-Paul II’, Presses de la Renaissance, 2004.

(2) xCarlo Caffara, ‘Identidad y diferencia. La relacionbombre y mujer’, Madrid, nxb. Encuentro, 1989 tr.34

(3) George Weilgel, ‘Jean Paul II, témoin de l’Espérance’ JC. Lattès, 1999, p. 427

(4) Yves Semen, ‘La Spiritualité conjugale selon Jean-Paul II, Presses de la Renaissance, 2010, p.11.

Ban Tu Thư Giáo Xứ VN Paris
Nguồn: Vietcatholic New


THẦN HỌC THÂN XÁC VÀ LINH ĐẠO HÔN PHỐI

của Lm Mai Đức Vinh

Trong buổi triều yết ngày 02.04.1980, Đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố: "Những ai đang tìm trong hôn nhân sự toàn mãn về ơn gọi nhân bản và kitô của họ, đều được mời gọi đi từ thần học thân xác mà nguồn gốc nằm trong sách Sáng Thế, đến việc kiến tạo chính thể chất đời sống và phong cách của họ".

1. Linh đạo hôn phối chưa được nhìn nhận.

Công đồng Vatican II có lý khi nhấn mạnh rằng: Giáo Hội không chỉ là Giáo Hội của giáo sĩ, linh mục và giám mục, nhưng là của toàn thể những người đã chịu phép rửa tội. Chân lý này đã được khẳng định một cách long trọng và quảng diễn bởi đức Gioan-Phaolô II trong tông huấn ‘Người tín hữu giáo dân’ (Christi fideles laici). Vậy giữa những người đã chịu phép rửa tội, giáo dân là thành phần rất đông đảo và đa số họ là những người lập gia đình, là đa số vững chắc của dân Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu linh đạo của linh mục và tu sĩ thường được trình bày một cách dồi dào và phong phú, thì cho đến nay, linh đạo của khối đa số này còn quá nghèo nàn và nông cạn. Vì thế, một cách chung, chính phần dân Kitô hữu đông nhất, tự thấy mình thiếu một linh đạo thích ứng chuyên biệt cho bậc sống và ơn gọi của họ. Phải chăng đó là một mâu thuẫn lớn lao, hầu như một gương xấu? Phải chăng vì thế, những người sống gia đình, mỗi khi họ tìm kiếm một linh đạo, họ bị ép buộc nuôi mình bằng linh đạo của những người độc thân?

Ngay trước khi khai mạc công đồng Vatican II, năm 1962, cha Caffarel muốn sáng lập một linh đạo hôn phối cho các nhóm Notre-Dame. Trong số báo ‘Nhẫn Vàng’ (Anneau d’Or) năm 1962, khi viết về đề tài ‘Hôn nhân và Công Đồng’, cha đã không ngần ngại hạ bút: ‘Làm sao Giáo Hội không thể nghĩ đến các giáo dân đang sống bậc gia đình, làm sao Giáo Hội lại nỡ lòng coi họ như những người độc thân, sống cô đơn lẻ bóng? Rồi, chính cha tự vấn về các gia đình Kitô hữu theo cách thế mà hôn nhân Kitô giáo đang được hiểu và sống trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay’ [1]. Từ đó cho tới nay là nửa thế kỷ, vấn đề ‘linh đạo hôn phối’ đã được quan tâm và thăng tiến đến đâu? Người ta đã biết đi về nguồn để khai mở một linh đạo hôn phối đặc thù chưa?

Xem ra Giáo Hội đã cực nhọc trong nhiều thế kỷ để nhìn nhận trong hôn nhân có một ơn gọi chính thực Kitô giáo với ý nghĩa tròn đầy, khả dĩ hướng dẫn những người muốn nên thánh trong bậc giáo dân. Có lẽ đó là sự khó khăn mà Giáo Hội đã gặp phải khi ngại ngùng chấp nhận ý nghĩa đích thực về dục tính nhân bản. Người ta cũng phải nhìn nhận với Xavier Lacroix rằng: Kitô giáo là tôn giáo của thân xác, vì được xây trên sự nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa – thì không thể coi khinh chê thân xác. Coi khinh thân xác là từ chối chính mình, ‘Tất cả đã xẩy ra dường như Kitô giáo đã thích ứng với thân xác đau khổ, thân xác lao động, thân xác hiến tế cách thoải mái hơn thân xác thụ hưởng khoái lạc’ [2]. Về điểm này, đức Gioan-Phaolô II, khi nói về thần học thân xác, không ngần ngại tuyên bố rõ ràng: "Đối với Kitô giáo, thân xác và dục tính vẫn còn mang những giá trị thường rất ít được coi trọng" [3].

2. Linh đạo hôn phối có điểm tựa: thần học thân xác theo Đức Gioan Phaolô II

Người ta đã phải đối xử công bằng với cha Caffarel và các Nhóm Notre-Dame, vì đã can đảm và cả gan mở ra những con đường hoành tráng và tràn đầy hy vọng. Tuy nhiên cho đến nay, người ta vẫn chưa đưa ra cho linh đạo hôn phối, cái nền tảng thần học có khả năng quảng diễn linh đạo ấy, mà còn để nó nằm yên trong phạm vi trực giác thôi. Thần học thân xác của đức Gioan-Phaolô II bù đắp lại sự thiếu sót to lớn đó. Từ nay, linh đạo hôn phối có điểm tựa thần học vững chắc, nhờ đó, có thể được kiến tạo và phát triển. Chính đây là một biến cố thật đáng kể. Nhưng không phải tất cả những người có trách nhiệm trong Giáo Hội đã biết quan tâm đến mọi tầm mức của nó. Sự lên ngôi của thần học thân xác này tạo nên một nền tảng thần học đáng kể: Đó là một giáo huấn lớn lao nhất mà trong lịch sử Giáo Hội chưa có một vị giáo hoàng nào đề cập tới cùng một chủ đề, với trên một trăm trang. Tuy nhiên đã 25 năm sau khi đức Gioan Phaolô II hoàn thành giáo huấn qua những buổi triều yết chung ngày thứ tư, đa số các mục tử trong Giáo Hội và phần lớn giáo dân có đôi bạn vẫn còn coi nhẹ linh đạo hôn phối. Điều đó đáng suy nghĩ.

Với thần học thân xác của đức Gioan Phaolô II, hôn phối từ nay được thiết lập và nhìn nhận, không như một ơn gọi bậc nhì, nhưng như một trong hai con đường khả dĩ giúp đôi bạn nên trọn lành bằng chính sự hiến thân. Hiến chế mục vụ ‘Niềm vui và Hy vọng’ (Gaudium et Spes) của công đồng Vatican II về Giáo Hội trong thế giới hôm nay, khẳng định mạnh mẽ trong một định thức mà sau này đức Gioan-Phaolô II đã xử dụng rất nhiều, rằng: "Con người là thụ tạo duy nhất trên mặt đất mà Thiên Chúa đã muốn dựng nên vì chính họ, chỉ có thể gặp lại chính bản thân nhờ thành thật hiến thân" [4]. Việc hoàn tất của công trình hiến thân này mà trong đó con người được mời gọi gặp lại chính mình, có thể thực hiện được nhờ việc thánh hiến trong đời sống ‘độc thân vì nước trời’ hay nhờ ‘việc tận hiến trong hôn nhân’. Đức Gioan Phaolô II nói: "Chắc chắn, bản tính của tình yêu trong đời sống vợ chồng hay trong đời sống độc thân tận hiến mang đặc tính hôn ước, nghĩa là nó thể hiện nhờ hồng ân tận hiến hoàn toàn. Tình yêu này hay tình yêu khác đều có mục đích diễn tả ý nghĩa hôn ước của thân xác đã được ghi ấn ngay từ đầu trong cơ cấu riêng của chính người đàn ông và người đàn bà" [5].

3. Mục đích của bài viết.

Hai con đường hôn phối và trinh khiết, đều có thể dẫn đến sự thánh thiện, cho dầu hai con đường đó không hoàn toàn nhất trí trong việc trả lời cho một tiếng gọi âm vang tự đáy lòng của con người. Nếu Giáo Hội đã vinh danh trong nhiều thế kỷ, là điều phải lẽ, con đường hiến thân trong đời sống tu sĩ, thì có lẽ bây giờ đã đến lúc Giáo Hội phát hiện những công phúc và những giá trị to lớn của con đường khác, con đường hiến thân trong đời sống hôn nhân. Ngay từ năm 1931, trong thông điệp ‘Hôn nhân khiết tịnh’ (Casti connubì), đức Piô XI đã nói rằng: ‘Các đôi bạn ‘là như đã được thánh hiến bởi một bí tích thật cao cả’ [6]. Như vậy, Đức Giáo Hoàng gián tiếp nhìn nhận: ‘những người sống đôi bạn có thể tựa trên một linh đạo tương ứng với ơn gọi đặc thù của họ’. Như một lời ngôn sứ, cha Caffarel đã phát biểu trong các buổi hội chuẩn bị công đồng, rằng: "Không thể coi là đủ việc nhắc lại cho những Kitô hữu sống đôi bạn rằng: ‘Hôn phối không phải là một bậc sống bất toàn hảo’, nhưng còn phải trình bày cho họ một giáo thuyết khổ hạnh và huyền nhiệm, một ‘tu đức’ được soạn thảo không phải từ kinh nghiệm đời sống đan tu, nhưng từ kinh nghiệm của bậc sống đôi bạn, từ những đòi hỏi, những khó khăn, những ân sủng của bậc sống vợ chồng… Dĩ nhiên tu đức ấy cần có sự tham gia ý kiến của những người sống gia đình" [7]. Cũng cần nói lên rằng: các đôi bạn Kitô hữu nêu bật nhiều hình ảnh gương mẫu của các thánh, và cụ thể là các ngài đã nên thánh bằng đức trọn lành của đời sống hôn nhân. Cũng chính đức Gioan-Phaolô II đã kiến tạo một công trình đổi mới khi ký sắc lệnh, năm 2001, phong chân phước cho ông Luigi và bà Maria Beltrame-Quattrocchi, là đôi vợ chồng Kitô hữu được tuyên phong chân phước đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, nhân danh sự thánh thiện của đời sống vợ chồng, và cho mừng lễ vào đúng ngày kỷ niệm hôn phối của các ngài. Điều rõ ràng là từ nay người ta có thể nên thánh ngay trong đời sống hôn nhân. Điều mà xưa nay ít ai nghĩ tới.

Cũng như những bài viết khác trong tập sách và như chúng tôi trình bày ở trên, mục đích của bài viết này là nêu bật một số khía cạnh của linh đạo hôn nhân, dựa theo thần học thân xác mà đức Gioan Phaolô II đã mở ra trong Giáo Hội của thế kỷ XXI chứ không phải cho thế kỷ XX. Rồi trong suốt thời gian cai quản Giáo Hội, đặc biệt trong các buổi triều yết chung ngày thứ tư mỗi tuần, Đức Giáo Hoàng đã nhắc đến những yếu tố giáo lý cơ bản của thần học thân xác. Dĩ nhiên không dễ dàng công thức hóa những khái niệm chắc chắn về thần học thân xác. Có lẽ vì lý do đó, đức Gioan Phaolô II đã không công bố một lúc ý hướng của ngài khi ngài khởi sự phổ biến giáo huấn này kể từ tháng 9.1979.

Dầu vậy, người ta có thể nhất trí với sự suy nghĩ của ông George Weigel là người đã đánh giá thần học thân xác của đức Gioan-Phaolô II như ‘một quả bom thần học nổ chậm, và nó có thể nổ với nhiều tiếng vang ngoạn mục trong lịch sử tam thiên niên của Giáo Hội’ [8]. Có lẽ sự suy đoán của ông George Weigel hàm súc một khía cạnh tiên tri nào đó, khi ông viết những dòng này vào năm 1999, gần 5 năm trước ngày đức Gioan Phaolô II tạ thế. Lúc đó ông còn viết: "Có thể xẩy ra là thần học thân xác của đức Gioan Phaolô II, nguồn phát sinh những tranh luận, chỉ được quan tâm đến khi nào chính ngài đi ra khỏi kịch trường… Khi điều đó xẩy ra, có lẽ trong thế kỷ XXI, thần học thân xác có thể được nhìn nhận như một khúc quặt, không nguyện trong thần học Công Giáo, nhưng cả trong lịch sử của tư tưởng tân thời" [9]. Năm 2009, tức 20 năm sinh nhật ‘việc thành hình và phổ biến giáo huấn này của đức Gioan Phaolô II, thì phải chăng đó chính là công trình khai mở một linh đạo hôn phối được xây trên nền tảng ‘ơn cứu độ thân xác và đặc tính bí tích của hôn nhân’. Dưới tiêu đề này, chính đức Gioan Phaolô II đã đề nghị hệ thống hóa lại những giáo huấn của ngài về thần học thân xác? [10].

Phần chúng tôi, chúng tôi chỉ dám bày tỏ vắn gọn món quà mà đức Gioan Phaolô II đã tặng cho Giáo Hội thế kỷ XXI qua việc vinh danh ‘Ơn gọi của thân xác con người’. Ngài nói: "Thân xác và chỉ mình nó có khả năng làm cho chúng ta nom thấy cái mà xưa nay chúng ta không nom thấy: thiêng liêng và thần linh. Thân xác đã được dựng nên để thuyên chuyển vào thực tại hữu hình của thế giới, mầu nhiệm dấu ẩn trong Thiên Chúa tự đời đời và trở nên dấu hữu hình của mầu nhiệm ấy" [11]. Ơn gọi của thân xác, các đôi vợ chồng Kitô hữu, hơn các phần tử khác trong Giáo Hội, có sứ mệnh làm những người mạc khải và tiên tri về ơn gọi của thân xác. Đó là sứ mệnh thật cao đẹp và thật khẩn trương trong thế giới không hiểu đủ thân xác con người và thường lại nhận định nó như là vật liệu đơn giản có thể xử dụng được. Thế thôi [12].

4. Trong văn hóa Việt Nam.

Trong cuốn ‘Văn Hóa Gia Đình’ do Giáo Xứ Việt Nam-Paris xuất bản, chúng tôi đã mạo muội trình bày về ‘Linh Đạo Gia Đình’ [13] với ‘hàm ý chứng minh rằng Đức tin Công Giáo đã hội nhập và thăng tiến đặc biệt Văn Hóa Gia Đình Việt Nam’, thì hôm nay ở đây chúng tôi cũng có thể nói lên rằng:

Mấy lời hiếu tự nói qua,

Để cho ai nấy trẻ già nhớ ơn.

Làm người sống ở thế gian,

Ai không đội đức cao sang nặng dày;

Nói sao cho hết cho rồi,

Biết bao khí huyết tài bồi cho ta.

Phần hồn thì Chúa sinh ra,

Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành.

Phụ tinh mẫu huyết đúc hình,

Cho ta toàn vẹn sinh ra làm người…

Thể hình ngày tháng nhẩn nha,

Đúc dần từng tí cho ta thân này… [14]

Khóa Chuẩn Bị Hôn Phối đầu tiên (1995)

Khóa Chuẩn Bị Hôn Phối thứ 39 (2014)


--------------------------------

[1] L’Anneau d’Or s.105-106, nxb Feu Nouveau, 1962, tr.179-180.

[2] Xavier Lacroix, ‘L’Avenir c’est L’autre, nxb Cerf, 2000, tr.145

[3] Cathéchèse du 22.10.1980, s.3

[4] Vatican II, Constiturion Gaudium et Spes, s. 24,52.

[5] (Cathéchèse du 14.4.1982, s.4.

[6] Piô XI, tđ ‘Casti connubì’, 1,3

[7] L’Anneau d’Or, s.105-106 sđc, tr. 186

[8] George Weigel, ‘Jean Paul II, Témoin de l’espérance, JC Lattes, 1999, p. 427

[9] Nt.

[10] Catéchèse du 28.11.1984, s.1. - Có thể đọc các bản văn chính thức của những cuộc triều yết của đức Gioan Phaolô II nói về ‘thần học thân xác’ (la théologie du corps) trong bộ ‘Homme et Femme, il les créa, Une spiritualité du corps’, nxb Cerf, Paris, 2004.

[11] La Catéchèse du 20. 02. 1980, s.4.

[12] Bài viết này, chúng tôi dựa theo bài ‘Pour une spiritualité propre aux personnes mariées’ của Yves Semen, trong cuốn La Spiritualité Conjugale selon Jean-Paul II, éd. Presses de la Renaissance, Paris 2010, p. 15-24.

[13] Mai Đức Vinh, ‘Linh đạo gia đình’ trong ‘Văn Hóa Gia Đình’ 2006, tr.511-550.

[14] Lm Trần Lục, ‘Hiếu Tự Ca’, Giáo Xứ VN/P in lại, 1986.


HÔN NHÂN TRONG ÁNH SÁNG HÔN LỄ CỦA ĐỨC KITÔ VÀ GIÁO HỘI

của Lm Mai Đức Vinh

'Vì lòng kính mến Đức Kitô, anh chị em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy phục tùng chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh. Chính Người là Đấng cứu chuộc của Hội Thánh, thân thể của Người'. (Ep 5,21-23)

Trong buổi triều yết ngày 28.07.1982, đức Gioan Phaolô II đã quảng diễn một đoạn thư của Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Êphêsô nói về ‘đời sống vợ chồng’. Bản văn ấy như sau:

"Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh chị em hãy tùng phục lẫn nhau. Các bà vợ hãy phục tùng chồng như tùng phục Chúa Giêsu, vì chồng là đầu của vợ, cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Ngài là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Ngài. Và như Hội Thánh tùng phục Chúa Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh. Như vậy Ngài thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và bằng lời hằng sống. Để dưới mắt Người có một Hội Thánh xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ, trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Ngài. Sách Thánh có lời chép rằng: chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ và gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng" (Ep 5,21-33). Đọc xong, Đức Gioan Phaolô diễn giảng những câu then chốt.

1. Phục tùng lẫn nhau

Phải hiểu làm sao về vấn đề phục tùng, 'Hỡi các bà vợ, các bà phải phục tùng chồng các bà cho phải phép'? Đức Gioan Phaolô II giải thích thật rõ ràng và thẳng thắn. Lần đầu tiên trong lịch sử thần học hôn phối, chính ngài đã dùng diễn từ 'phục tùng tương hỗ hay phục tùng lẫn nhau'. Ngài nói: "Khi viết 'vợ phải phục tùng chồng', thánh Phaolô không chủ trương rằng hiến ước giữa ngôi vị (pacte interpersonnel) dành riêng cho hôn nhân là một hiến ước thống trị của đàn ông trên đàn bà. Ngài phát biểu một quan niệm ngược lại, nghĩa là người đàn bà có thể và phải tìm thấy trong những tương quan với Chúa Kitô Đấng là bạn đời duy nhất cho người này và cho người khác. Theo giáo thuyết của bức thư, thì hôn phối loại trừ yếu tố 'chồng chúa vợ tôi, mọi quyết định đều do chồng' mà hiến ước ngày xưa đã đè nặng và ngày nay đôi khi vẫn còn đè nặng trên cơ chế của hôn nhân. Đúng thực, chồng và vợ phải phục tùng lẫn nhau, bổ túc cho nhau. Nguồn suối của sự phục tùng tương hỗ này là lòng đạo đức (pietas) Kitô giáo, là ơn đạo đức. Tình yêu biểu lộ lòng đạo đức" [15].

Yếu tố nào cho phép đức Gioan Phaolô II quả quyết sự phục tùng giữa người chồng và người vợ phải là sự phục tùng tương hỗ, trong khi thư của thánh Phaolô không nói rõ như vậy? – Cách đơn giản, chính sự đòi hỏi tình yêu phải chân thật mà thánh tông đồ đã đưa ra một định thức đòi buộc người chồng 'Hỡi các ông chồng, hãy yêu vợ mình'. Nếu người cHồng Yêu vợ thực tình, ông không thể chủ trương chỉ một bên phải phục tùng. Bởi lẽ tình yêu thành thật loại trừ mọi hình thức thống trị. Đức Gioan Phaolô nói: 'Tình yêu loại bỏ mọi hình thức phục tùng khiến người vợ trở thành tôi tớ hay nô lệ của người chồng, trở thành đối tượng phục tùng đơn phương. Tình yêu cũng đòi hỏi người chồng phục tùng vợ mình, như chính chồng và vợ phải phục tùng Chúa. Cộng đoàn hay đơn vị mà họ phải tạo dựng vì lý do hôn nhân phải được thực hiện trong một hồng ân tương hỗ, chính là sự phục tùng tương hỗ' [16]. Một sự phục tùng trong tình yêu không phải là một sự phục tùng thống trị, nhưng là sự phục tùng hiến dâng tương hỗ. Đó mới là ý nghĩa xác thực của sự phục tùng mà thánh Phaolô mời gọi vợ chồng.

2. Sự tương đồng to lớn.

Bản văn trích từ thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Êphêsô ở trên (Ep 5,21-33) nêu bật sự tương đồng to lớn giữa hôn lễ người trần thế và hôn lễ của Đức Kitô và của Giáo Hội. Đó chính là điều đức Gioan Phaolô II chủ tâm nói đến ở đây và ngài nhấn mạnh về một sự tương đồng. Ngài không nói bằng một ẩn dụ, nhưng với một so sánh đơn sơ, một hình ảnh diễn tả mối tương quan vợ chồng bày tỏ ra bên ngoài qua những từ ngữ sống động. Ngài nói về một tương đồng, tức là về một đối ứng tương tự giữa vợ chồng. Điều đó có nghĩa là, khi lá thư gửi cho người Ephêsô nói về hôn lễ người trần thế qui chiếu về hôn lễ của Đức Kitô và của Hội Thánh, thì đó không chỉ nói về một hình ảnh đơn thuần có tính cách sư phạm để giúp chúng ta hiểu về phẩm chức của hôn phối Kitô giáo, nhưng còn nói nhiều hơn nữa về sự tương đồng chính yếu giữa những tương quan vợ chồng trong hôn nhân và những tương quan của Đức Kitô và của Giáo Hội: tình yêu hiến dâng. Nói một cách khác, chỉ những hôn lễ thể hiện toàn phần và toàn mãn cái cốt lõi của hôn phối 'là tình yêu hiến dâng', mới là hôn lễ của Đức Kitô và của Hội Thánh. Vậy, hôn lễ giữa người trần thế được kết ước đúng theo sự thật thì có sứ mệnh phải nên giống, hay ít ra có chí hướng nên giống, hôn lễ của Đức Kitô và của Hội Thánh.

Có ba câu chủ chốt trong sự tương đồng này. Câu thứ nhất: "Chớ gì người vợ tùng phục chồng như tùng phục Chúa". Câu thứ hai vừa cắt nghĩa và vừa biện minh cho câu thứ nhất: "Người chồng là đầu của người vợ như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh", nghĩa là bằng cùng một cách: như Giáo Hội phục tùng Đức Kitô thì các bà phải phục tùng chồng của các bà. Câu thứ ba là: "Còn các ông chồng, các ông phải yêu thương vợ như Đức Kitô yêu Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh". Như vậy, hôn lễ người trần thế được thiết lập tương quan với quà tặng hôn lễ của Đức Kitô cho Hội Thánh: Đức Kitô-Hôn phu hiến thân cho Giáo Hội-Hôn thê, nghĩa là cho mỗi người trong chúng ta. Vì chúng ta là phần tử của Hội Thánh, là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, nên chúng ta được mời gọi tiếp nhận vị Hôn Phu đã hiến mình cho Hội Thánh tức là cho chúng ta. Sống đời sống hôn nhân, chúng ta thông hiểu, thưởng thức, chiêm ngưỡng những mối liên hệ của Đức Kitô và của Hội Thánh, đồng thời chúng ta phải quyết tâm đạt tới sự trọn hảo của tình yêu hiến dâng vốn có trong hôn lễ giữa Đức Kitô-Hôn phu và Hội Thánh-Hôn thê. Đó chính là điều mà đức Gioan Phaolô II tha thiết mời gọi: "Những liên hệ hỗ tương giữa đôi bạn, chồng và vợ, các Kitô hữu phải học hỏi và sống theo hình ảnh những liên hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh" [17]. Ngài nói thêm: "Sự tương đồng được dùng trong thư gửi giáo đoàn Ephêsô, một trật soi chiếu mầu nhiệm về những tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh, thì đồng thời cũng mạc khải chân lý chính yếu về hôn nhân: nghĩa là hôn nhân chỉ tương ứng với ơn gọi của người Kitô hữu khi nó phản ảnh tình yêu mà Đức Kitô-Hôn phu trao tặng cho Hội Thánh, hôn thê của Ngài và Hội Thánh cố gắng đền trả cho Đức Kitô tình yêu ấy" [18].

3. Hôn nhân như là ân sủng của giao ước.

Bí tích hôn phối như ân sủng của giao ước là một điểm nặng tính chất tín lý. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đặc biệt đến điểm này trong những buổi triều yết ngày 6, 13, 20 tháng 10 năm 1982, qua những khía cạnh có lẽ sâu xa nhất, tuyệt trác nhất và cũng khúc mắc nhất của thần học thân xác. Chính ở đây, đức Gioan Phaolô II đặt bí tích hôn phối như là 'bí tích chủ yếu' (sacrement primordial), một diễn từ chưa ai dùng. Ngài cũng coi như 'kiểu mẫu đầu tiên (prototype) của các bí tích giao ước mới'. Đây cũng là một ý niệm mới mẻ.

Vậy, trước tiên phải xác định ý nghĩa của 'từ bí tích'. Từ này có ít ra hai ý nghĩa, và đã biến chuyển trong hai mươi thế kỷ qua. Ý nghĩa thứ nhất vừa rộng rãi vừa cổ điển thoát sinh từ truyền thống thánh kinh thời các giáo phụ. Đó là ý nghĩa đức Gioan Phaolô II sử dụng trong những buổi triều yết nói về thần học thân xác. Bí tích có nghĩa là ‘mầu nhiệm của Thiên Chúa giấu ẩn từ đời đời, tuy nhiên không phải là trong một bí mật vĩnh cửu, nhưng trong sự mạc khải và sự thể hiện’ [19]. Xét theo là sự thể hiện của chương trình thần linh vĩnh cửu, thì bí tích liên quan đến phần rỗi nhân loại. Và như vậy, có thể có ‘bí tích sáng tạo’ và ‘bí tích cứu chuộc’. Chính trên cơ bản bí tích sáng tạo mà người ta phải hiểu bí tích hôn phối như bí tích căn bản. - Còn một nghĩa khác, chặt chẽ hơn, hiện đại hơn, đó là ý nghĩa thời xưa người ta học trong cuốn sách Giáo Lý Trẻ Em: 'Bí tích là dấu chỉ bề ngoài và hữu hiệu về ơn sủng, do Chúa Giêsu thiết lập để thánh hóa các linh hồn' [20]. Là máng thông ơn sủng, mỗi bi tích được định tính theo chất liệu (matière) và mô thể (forme) của nó. Đây là gia sản của 'mô chất thuyết ông Aristote' (hylémorphisme aristolicien) khởi xướng và thánh Thomas d’Aquin tu chính lại. Đức Gioan Phaolô II đã dựa trên ý nghĩa cổ thời và rộng lớn của từ bí tích để suy tư và trình bày quan điểm của ngài về bí tích: Bí tích là mầu nhiệm trong chương trình của Thiên Chúa vốn có trong Thiên Chúa từ thuở đời đời. Chính trong ánh sáng này mà chúng ta có thể nhận định bí tích hôn phối như bí tích cơ bản.

4. Hôn phối như bí tích cơ bản.

Ngay phút đầu buổi triều yết ngày 6.10.1982, đức Gioan Phaolô lặp lại điều đã trình bày trong buổi triều yết ngày 20.02.1980, rồi ngài đưa ra một kết luận sâu sắc về đoạn sách Sáng Thế nói đến chương trình của Thiên Chúa từ nguyên thuỷ: "Loài người xuất hiện trong thế giới hữu hình như một diễn từ cao đẹp nhất về ân huệ thần linh bao phủ toàn diện con người. Nhờ ân huệ này, con người đi vào thế gian 'tương giống đặc biệt với Thiên Chúa'. Bởi sự tương giống này, con người trổi vượt và bá chủ ‘hữu hình tính’, vật thể tính, nam tính hay nữ tính và khỏa thể tính của mình (sa visibilité, sa corporéité, sa maculinité ou féminité, sa nudité) trong thế giới. Còn điều khác cũng phản ảnh sự tương giống này, đó là lần đầu tiên, con người ý thức về ý nghĩa vợ chồng qua thân xác, ý thức thấm nhuần mầu nhiệm vô tội nguyên thủy. Như vậy, trong phạm vi hình thành một bí tích cơ bản, chắc chắn có dấu chỉ hữu hình về mầu nhiệm vô hình ẩn dấu nơi Thiên Chúa từ muôn thuở. Đó là mầu nhiệm của Chân Lý và Tình Yêu, mầu nhiệm của sự sống thần linh mà con người thực sự được tham dự" [21].

Bản tóm tắt những phân tích của đức Gioan Phaolô II về sách Sáng Thế kể từ câu trả lời của Chúa Giêsu về việc rẫy vợ, cần phải được xét lại trong ánh sáng của thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Êphêsô. Lá thư này quy chiếu về sách Sáng Thế: "Chính vì thế người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mình để luyến ái với người vợ và cả hai chỉ còn là một huyết nhục" (Ga 2,24). Trong thư gửi cho giáo dân Êphêsô, thánh Phaolô lấy lại câu trích này trước khi quả quyết 'Đây là mầu nhiệm thật lớn lao' (Ep 5,31-32). Đức Gioan Phaolô II lưu ý rằng: thánh Phaolô muốn nói đến ở đây việc thực hiện liên tục vốn có giữa bí tích căn bản dính liền với việc ân thưởng siêu nhiên của người đàn ông ngay trong việc tạo dựng, và hồng ân mới mẻ được trao ban khi Đức Kitô "đã yêu thương Giáo Hội đến nỗi hiến mình vì Giáo Hội hầu thánh hóa Giáo Hội…" (Ep 5,25-26). "Hồng ân mà người ta có thể xác định trong toàn bộ như là bí tích Ơn Cứu Độ" [22].

Theo đức Gioan Phaolô II, ngay ở những câu đầu của thư gửi giáo đoàn Êphêsô, thánh Phaolô như muốn chúng ta về với tình trạng con người trước tội nguyên tổ: 'Chúc tụng Thiên Chúa là thân phụ Đức Giêsu Kitô (…), Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Chúa Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người' (Ep 1,3-4). Đó là chương trình của Thiên Chúa dấu ẩn trong mầu nhiệm của lòng Chúa thương xót tự đời đời: Quả vậy, khởi đầu bức thư thánh Phaolô đã chỉ cho chúng ta thấy những ý định vĩnh cửu của Thiên Chúa Cha đối với con người, ngay trước khi tạo dựng con người. Chúa đã chọn chúng ta trước khi tạo dựng vũ trụ. Sách Sáng Thế đã báo trước lời thư của thánh Phaolô khi nói: "Thiên Chúa thấy mọi sự mà ngài đã làm đều tốt lành" (St 1,31). Diễn từ 'thánh thiện và tinh tuyền trước thánh nhan Người nhờ tình thương của Người’ ám chỉ về sự vô tội nguyên thủy, trong đó người đàn ông và đàn bà trần truồng trước mặt nhau mà không mắc cỡ (St 2,25). Nếu đem đối chiếu lời của sách Sáng Thế và lời của thư gửi giáo đoàn Êphêsô, người ta có thể kết luận rằng: thực tại việc tạo dựng loài người, đàn ông và đàn bà, đã mang dấu ấn ‘con người được lựa chọn từ đời đời trong Đức Kitô hầu trở nên dưỡng tử'. Từng người trong chúng ta đã được tuyển chọn như là dưỡng tử ngay trước khi thế giới được tạo dựng. Nhận định này cho phép chúng ta xác định mối liên quan với vấn đề hôn nhân như bí tích cơ bản. Đức Gioan Phaolô II đã trình bày tư tưởng đó trong buổi triều yết ngày 20.02.1980. Đây là một trong những lời phát biểu vừa sâu xa vừa nặng ký nhất về thần học thân xác. Ngài nói: "Như dấu chỉ hữu hình, bí tích (xét theo là chương trình ngàn đời của Thiên Chúa) được thiết lập với con người thọ tạo xét theo là thân xác, và với sự kiện hữu hình nam tính và nữ tính. Như vậy, thân xác và chỉ thân xác, có khả năng làm cho cái hữu hình thành cái vô hình: thiêng liêng và thần linh. Thân xác đã được tạo dựng để chuyển đưa vào thực tại hữu hình của thế giới mầu nhiệm giấu kín từ muôn thuở trong Thiên Chúa thành dấu chỉ hữu hình về Thiên Chúa" [23].Và đó là ơn gọi của thân xác chúng ta, là ơn gọi của hôn phối như bí tích cơ bản. Theo đức Gioan Phaolô II 'Hôn phối là trung điểm của bí tích sáng tạo. Theo nghĩa này, hôn nhân là một bí tích cơ bản' [24]. Quả thật, hôn phối hưởng một phẩm tính bao la trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa tình yêu!

5. Hôn phối, nguyên mẫu của các bí tích Giao Ước Mới.

Theo giáo huấn của đức Gioan Phaolô II, ‘Hôn nhân không những là bí tích cơ bản, mà còn là nguyên mẫu (prototype) của các bí tích Giao Ước Mới’. Vì lý do tội nguyên tổ, hôn phối như bí tích căn bản, đã mất siêu nhiên tính múc lấy từ bí tích sáng tạo vũ trụ. "Tuy nhiên, ngay trong tình trạng này, nghĩa là tình trạng tội phạm di truyền của con người, hôn phối vẫn không ngừng là hình ảnh của bí tích được gợi lên trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô" (xEp 5,22-33). Và thánh Phaolô không ngần ngại đánh giá là ‘mầu nhiệm cao cả’. Nào chúng ta lại không thể suy luận rằng hôn phối còn là và luôn là mấu chốt (plate-forme) của việc thể hiện các kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa, mà theo những kế hoạch đó thì bí tích sáng tạo đưa con người lại gần và chuẩn bị con người lãnh nhận bí tích cứu độ, dẫn con người đi vào trong chiều kích của công trình cứu rỗi? [25].

Nếu, trong chương 5 của thư gửi giáo đoàn Êphêsô có trích lại lời sách Sáng Thế: "Bởi thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ để luyến ái vợ mình, và cả hai chỉ còn là một huyết nhục" (St 2,24), thì chính vì thánh Phaolô muốn ám chỉ rằng: 'từ đó có sự liên tục giữa bí tích cơ bản và bí tích cứu chuộc, trong đó Đức Kitô, với tư cách là hôn phu, đã hiến mình chịu chết vì Giáo Hội là hôn thê của Ngài. Và chính trong bí tích cứu chuộc, nhờ Đức Kitô đã hiến mình cho Giáo Hội, mà Giáo Hội trở nên một hiền thê đông con cái'. Cho dù sự tương đồng của thư gửi giáo đoàn Êphêsô không nói rõ như thế, chúng ta cũng có thể nói thêm rằng: ‘Nhờ kết hợp với Đức Kitô như vợ kết hợp với chồng của mình, Giáo Hội trở nên phong nhiêu và được thiên chức làm mẹ thiêng liêng của bí tích Cứu Chuộc’ [26].

'Mầu nhiệm này thật cao cả, tôi muốn nói rằng mầu nhiệm ấy ứng dụng vào Đức Kitô và Giáo Hội' (Ep 5,32). Mầu nhiệm này đã trở nên rõ ràng, khi quy chiếu về hôn nhân đã được thiết lập tự nguyên thủy như sách Sáng Thế chứng thực, cũng như khi quy chiếu về sự kết hợp của Đức Kitô và Giáo Hội. Nhưng sự rõ ràng này không muốn nói một cách minh bạch toàn thể mầu nhiệm; mầu nhiệm này vẫn còn bị che khuất như đối tượng của đức tin. Dấu ấn chỉ về thực tại của mầu nhiệm không phơi bày toàn diện thực tại. Chỉ trong sự thưởng kiến hồng phúc chúng ta mới sẽ nhận biết toàn mãn. Sống tại thế, các đôi bạn Kitô hữu mang sứ mệnh hiệp thông, phải trở nên những dấu chỉ sống động của mầu nhiệm lớn lao về sự kết hợp hôn ước giữa Đức Kitô và Giáo Hội [27].

Chúa lấy linh tích ràng buộc, ban nhiều ơn cao siêu

-----------------------------

[15] Buổi triều yết 11.8.1982, s.3

[16] Buổi triều yết 11.8.1982, s.4

[17] Buổi triều yết 11.8.1982, s.8

[18] Buổi triều yết 18.8.1982, s.2

[19] Buổi triều yết 20.10.1982, s.8

[20] Sách Giáo Lý Trẻ Em của thánh Piô X, phần 4, ch.1

[21] Buổi triều yết 20.2.1980, s.3,4.

[22] Buổi triều yết 13. 10. 1982, s.2

[23] Buổi triều yết 20. 2. 1980, s.4

[24] Buổi triều yết 6. 10. 1982, s.6

[25] Buổi triều yết 13. 10. 1982, s.1

[26] Buổi triều yết 13. 10. 1982, s.4

[27] Bài này viết phỏng theo đề tài 'Le mariage dans la lumière des noces du Christ et de l’Eglise'. Trong cuốn La spiritualité conjugale selon Jean Paul II’ của ông Yves Semen, Presses de la Renaissance, Paris, 2010, tr. 236-251.



DUYÊN LÀNH VÀ THÁNH THIỆN CỦA CẶP VỢ CHỒNG

của Ptvv Phạm Bá Nha

Biết bao người và biết bao nhiêu giáo dân

tìm cách hoàn hảo ơn gọi hôn nhân.

Và nhiều người muốn thánh thiện trong bậc vợ chồng

Con cái là vườn xuân, đem lại hạnh phúc và nguồn sinh lực trong gia đình. Nên phải chăm bón và nuôi dưỡng và phát triển ơn gọi bậc vợ chồng. Dù gặp nhiều khó khăn, ngày nay, trong gia đình có nhiều người dấn thân phục vụ người khác và ý thức sâu xa về bảo tồn sự sống.

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người quan tâm hơn hết đến gia đình,

Và đặc biệt vai trò vợ chồng trong việc thánh hóa bản thân và giáo dục sống đức tin Công Giáo. Ngày 02.04.1980, trong buổi triều yết, Đức Giáo Hoàng nói: “Biết bao người và biết bao nhiêu giáo dân tìm cách hoàn hảo ơn gọi hôn nhân.

Đức Gioan Phaolô II đã ban hành hiến chương các gia đình (24.11.1983) và mở năm Gia Đình (26.12.1993), gửi thư cho các gia đình (2.4.1994), lập Giáo Hoàng Học Viện về Sự Sống (11.2.1994), Gởi thư cho các lãnh đạo các quốc gia (19.3.1994), cảnh giác về chiều hướng văn hóa sự chết nơi hội nghị về Dân Số ở Cairo. Gửi thư cho trẻ em kết thúc năm Gia đình (13.12.1994).

Không phải dư thừa bàn lại hai phiá cạnh sống ‘‘Duyên Lành’’ và ‘‘Thánh Thiện’’ của cặp vợ chồng

1. Vợ chồng sống qua duyên lành

Văn hóa gia đình VN ghi rõ nét từ khi tình yêu chớm nở tới khi thành gia thất.

Không phải ngẫu nhiên, tình cờ mà trở thành vợ chồng. Hai người như có duyên và nợ với nhau. Bên ngoài như "đôi đũa lệch", thế mà vợ chồng Yêu thương, chung thủy sắt son, ăn kiếp ở đời.

- Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn

- Theo nhau cho trọn đạo đời

Dẫu mà không chịu, trải tơi mà nằm

- Không thiêng cũng thể bụt nhà

Dầu khôn dầu dại cũng là chồng em

- Thuyền theo lái, gái theo chồng

Hôn nhân gia đình được họ hàng chứng giám, tác thành

- Hạt lúa vàng, hạt thóc cũng vàng

Anh yêu em, bác mẹ, họ hàng cũng yêu

Cùng nhau làm việc xây dựng mái ấm gia đình

- Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ

Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu

- Qua đồng ghé nón thăm chồng

Đồng bao nhiêu lúa, thương chồng bấy nhiêu

- Gái thương chồng, đương đông buổi chợ

Trai thương vợ, nắng quái chiều hôm

- Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon

- Lấy chồng cận núi kề sông

Nước không lo cạn, củi không lo tìm

Kết quả là sinh con đẻ cái và cùng nhận trách nhiệm giáo dục

- Anh về chẻ nứa đan sàng

Chẻ tre đan chõng cho nàng ru con

- Thương ai bằng nỗi thương con

Nhớ ai bằng nỗi gái son nhớ chồng

Luật đạo đời không xa nhau. Nếp sống và phong tục Việt Nam phù hợp phần nào với bí tích hôn nhân Công Giáo. Qua Thánh Kinh:

2. Sống hòa hợp thánh thiện

Lịch sử Giáo Hội cho hay, từ thánh thiện cá nhân ảnh hưởng tới khi chung sống vợ chồng và lây lan cả gia đình thánh thiện. Trong thời gian gần đây có nhiều cặp vợ chồng đạo đức thánh thiện xả thân phục vụ Giáo Hội và Tin Mừng, được Giáo Hội tuyên phong lên bậc chân phước

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận xác nhận trách nhiệm giáo dục của vợ chồng:

Trong Thánh Kinh kể lại, Bà mẹ cùng 7 người con bị bắt, bà nhìn các con chết trước mặt trong một ngày. Mà bà can đảm cậy trông nơi Thiên Chúa. Bà khuyên từng người con: nhận biết Thiên Chúa, đừng sợ đao phủ, và thương mẹ, sinh ra và nuôi các con (x. 2Mcb 7, 1-42)

Kinh nghiệm mục vụ Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận viết: Tình yêu luôn thao thức, không phải vì hoài nghi tình yêu của người bạn mình, nhưng vì thấy mình có trách nhiệm tạo cho nhau những gì mới mẻ, là cảm hứng, biến đổi, có khi chính bạn cũng không biết. Chính nỗi thao thức ấy là niềm vui. (ĐHV.471)

Mẫu gương sáng ngời nơi Ông bà Chân Phước Luigi Beltrame Quattrocchi (Ý, 1880-1951) và Maria Corsini (1884-1965),

Ngày 21-10-2001, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, tại công trường Thánh Phêrô Roma, Đức Giáo Hoàng Phaolô II đã phong Chân Phước cho hai vợ chồng. Đó là Ông Bà Luigi Maria Beltrame Quattrocchi.

Đời sống đức tin của Ông Bà ghi lại nhiều nét độc đáo nổi bật:

-       Trong những trang nhật ký khi mới quen nhau, và thư từ trao đổi, bằng tiếng Anh, vì thấy còn nhiều lỗi sai văn phạm, cho thấy từ thời xuân xanh, hai người trẻ đã có những tình cảm rất nồng nàn, say đắm theo đuổi lý tưởng. Hai ông bà thành hôn năm 1905. Sau 21 năm thành hôn, theo lời khuyên của cha linh hướng, hai người quyết từ bỏ đời sống tính dục. Lúc ấy ông Luigi mới 46 tuổi và bà Maria 41 tuổi. Các nhà chép sử cho rằng đây là sự độc thân cao cả không phải cuồng tín. Nhưng biểu lộ cho lòng khiết tịnh mở đường cho mức cao đời sống tâm linh.

-       Mỗi sáng, ông bà siêng năng tham dự Thánh Lễ và rước lễ. Trong nhà tổ chức đọc kinh, lần chuỗi Mân Côi chung. Cụ ông Luigi qua đời năm 71 tuổi. Những năm cuối đời cụ bà đã bỏ bớt thời giờ viết văn, để chuyên tâm cầu nguyện. Cụ Maria qua đời năm 81 tuổi. Đức Hồng Y Jose Saraiva Martins, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh đã nhấn mạnh đến những điểm nổi bật của đôi vợ chồng này về đời sống cầu nguyện, tham gia tích cực trong các sinh hoạt và phong trào của Giáo Hội, tạo bầu khí ấm cúng, sự qúi mến lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái. Về bà Maria, Đức Hồng Y xác định rằng bà đã trực diện trước cái chết, cụ Maria đã hoàn toàn phó thác ‘‘tình yêu và sự bí nhiệm nơi Chúa Quan Phòng’’.

Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng chủ phong nhấn mạnh: Hôm nay chúng ta có một khẳng định dứt khoát rằng con đường nên thánh theo ơn gọi sống đời vợ chồng là có thể, là đẹp, là sinh hoa trái cách ngoại thường và là căn bản cho gia đình, xã hội và Giáo Hội.

Về hai Chân Phước, Đức Thánh Cha nói: Cả Hai đã sống cuộc sống hàng ngày qua con đường phi thường. Ngay giữa bao nhiêu niềm vui cũng như bao mối bận tâm của đời sống thường ngày, Họ đã có đời sống thiêng liêng hoàn hảo. Việc rước lễ hằng ngày là trung tâm của đời sống họ. Thêm vào đó, Họ có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt bằng việc lần hạt Mân Côi mỗi tối cũng như luôn biết tìm đến các sách thiêng liêng trong đời sống hằng ngày. Ông Luigi, qua bao lo toan, buồn vui, với tư cách là cha, là chồng, ông luôn quan tâm đến việc giáo dục và sống đức tin Kitô hữu trong gia đình. Trong khi đó, bà Maria là một nội trợ có văn hóa cao và một đức tin sâu đậm.

Sau đó, Đức Thánh Cha khích lệ những cặp đang gặp khó khăn trong đời sống đôi bạn, đau yếu hay con cái không được ngoan như mong muốn. Nhiều người khóc khi nghe Đức Thánh Cha đề cập đến những gian nan thử thách trong đời sống vợ chồng, và cảm động vì những lời khích lệ của ngài cũng như gương sáng của hai Chân Phước mới. (ĐMHCG. 11-2001, tr. 62-63)

Cần cha mẹ thánh thiện trước mới dễ bề giáo dục. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận xác nhận: Ngạc nhiên khi nghe đến ơn gọi cha mẹ gia đình, người ta lầm tưởng khi dành ơn thiên triệu bậc trọn lành cho tu sỹ thôi. (ĐHV 476).

Đây là trường hợp Ông bà Chân Phước Louis Martin (Pháp, 1823-1894) và Zélie Guérin (1831-1877), song thân Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

Ông Louis và bà Zélie ước ao nên thánh, quyết tâm nên thánh bằng công việc căn bản của mỗi Kitô hữu: chu toàn bổn phận trong gia đình, trong nghề nghiệp, sống đời sống bí tích, trung thành với việc cầu nguyện, tham gia sinh hoạt giáo xứ và góp phần vào những công việc bác ái từ thiện.

Từ thanh xuân hai người muốn đi tu.Ý Chúa nhiệm mầu, ngày 13.8.1858, Louis 35 tuổi, và Marie 29 tuổi, làm lễ thành hôn, tại nhà thờ Đức Mẹ thành Alençon, bắc Pháp. Ngay chiều ngày cưới, Louis đã nói với bạn trăm năm: mình ước ao giữ gìn với bạn như em mà thôi. Nhưng ít tháng sau, hai người đã hiểu được trách nhiệm vợ chồng.

Ước mong duy nhất là có con trai làm linh mục Truyền giáo. Ông bà sinh hạ 9 người con. Hai trai và hai gái đã về Thiên Đàng sớm. Còn lại 5 gái đều đi tu: Marie Louis (1860-1940), tu Dòng Kín Lisieux. Marie Pauline (1861-1951), tu Dòng Kín Lisieux. Marie Léonie (1883-1941), tu Dòng Thăm Viếng. Marie Céline (1869-1959) tu Dòng Kín Lisieux và Marie Françoise Thérèse (1873-1897) tu dòng Kín Lisieux. Lấy tên Thérèse de Jésus

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước và nói trong giảng lễ, 19.10.2008, tại Lisieux:

“Cặp vợ chồng này đã loan truyền Phúc Âm của Kitô qua hôn nhân gương mẫu của họ. Họ nhiệt thành sống đức tin và chuyển tiếp cho gia đình và mọi người chung quanh. Qua lời kinh và nhân chứng Phúc Âm song thân thánh Têrêsa đồng hành và chia sẻ hành trình đức tin của ái nữ", người được Chúa gọi để tận hiến cho Người bên trong các bức tường của tu viện Camêlo.

Chính tại đây, trong bóng tối Dòng Kín, thánh Têrêsa ý thức được ơn gọi của mình là "Tình yêu trong trái tim Giáo Hội". Nghĩ đến phong thánh cho Ông Bà Martin, tôi muốn nhắc lại ý chỉ khác mà tôi yêu thích có là gia đình. Gia đình có vai trò căn bản trong việc nuôi dưỡng con cái trong tinh thần hoàn vũ, cởi mở và đáp ứng với thế giới và các vấn nạn hiện nay và tạo dựng các ơn gọi cho đời sống truyền giáo. (DCAC 313, 11.2008, tr.18)

Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế "mục vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay" (Gaudium et Spes) đã nói đến sự thánh thiện hôn nhân và gia đình: Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống vợ chồng định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Đời sống này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận không thể rút lui… nhờ sức mạnh của bí tích này, họ thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô để chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình, nhờ đó tất cả đời sống của họ thấm nhuần Đức Tin, Cậy, Mến và càng ngày họ càng tiến gần sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau. Cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa. (x. 48)

Công Đồng xác nhận thêm đặc tính hôn nhân là Thiên Chúa muốn tất cả mọi người thành một gia đình đối xử với nhau bình đẳng tình huynh đệ. Và nhất là được thánh hóa hai người ‘nên một, như chúng ta nên một’’ (x. Ga 17, 21-22), (x. số 24)

Trong buổi triều yết, 6.11.2013, tại công trường Thánh Phêrô, với hơn 100.000 khách hành hương, trong đó có khoảng 100 trẻ em tàn tật, đức Phanxicô nói: Không có tình yêu, tất cả mọi ơn không ích lợi cho Giáo Hội. Vì ở đâu không có tình yêu thương, thì sự trống rỗng được lấp đầy bởi ích kỷ. Sống hiệp nhất của Giáo Hội, sự hiệp thông bác ái có nghĩa là không tìm lợi lộc riêng mình, mà chia sẻ với đau khổ và vui mừng của anh em khác (x. 1Cr 12,26)

Cuối lời huấn dụ, ngài xin mọi người làm cử chỉ bác ái, không phải xin tiền. Ngài kể vừa đi thăm em Noemi, 1 tuổi rưỡi, bị bệnh nặng: Em cười thật tội nghiệp. Chúng ta không biết em, nhưng em được rửa tội, một Kitô hữu. Trong thinh lặng xin Chúa và đọc kinh Kính Kính Mừng, xin Đức Mẹ cho em sức khỏe, cho những cha mẹ khôn ngoan thánh thiện nuôi và giáo dục con. Mọi người trong quảng trường cùng đọc kinh Kính Mừng.



ĐỂ HÔN NHÂN TRỞ NÊN MỘT ƠN GỌI

của C. Micheline Kim Chi

"Hôn nhân trở nên như ơn gọi của Kitô hữu với điều kiện phản ảnh được tình yêu của Chúa Kitô hôn phu, yêu thương Giáo Hội hôn thê, và Giáo Hội cố gắng đáp trả tình yêu ấy"

(Gioan Phaolô II, buổi tiếp kiến ngày 18.8.1982)

1. Cho mình hay cho người

Đám cưới nào cũng là niềm vui cho gia đình và bạn bè của cô dâu chú rể. Những câu chúc và quà tặng cho đôi uyên ương thật ý nghĩa và tốt đẹp như: trăm năm hạnh phúc, hạnh phúc tới răng long tóc bạc v.v Nhất là niềm vui của cô dâu, như xác nhận một lần nữa với cha mẹ: Đây là người đàn ông con đã chọn, người sẽ mang lại hạnh phúc cho đời con.

Kết hôn là việc tự nhiên của con người, có người muốn có một trạng thái đầy đủ về cảm xúc và tình cảm trong hôn nhân, thường thấy ở phái nữ, hay hy vọng những xoa dịu của tình dục, xảy ra với phái nam. Và cũng không thiếu những đôi kết hôn để tìm được sự an toàn của một vài điều trong cuộc sống: tiền bạc, danh vọng, hay để lấp một khoảng trống cô đơn. Đây là sự thường gặp ở những người tìm mọi cách đi đến hôn nhân, để thoát ra khỏi một hoàn cảnh khó khăn nào đó. Thái độ này thường làm cho người bạn yêu lẩn tránh dù bạn không thiếu những tính tốt, nhưng người khác phái có cảm nhận là họ bị bạn lợi dụng.

Xã hội hiện đại có xu hướng phá vỡ những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống, hôn nhân như chiếc bình thủy tinh mong manh dễ vỡ, vì mỗi hôn nhân là kết hợp giữa hai người khác biệt, có những quan điểm, ý thích không giống nhau, mâu thuẫn về nhiều điều. Khi hai người dự định kết hôn để thành lập một gia đình, cần xem xét kỹ lưỡng về những cá biệt của mình với người bạn đời, để có thể đồng ý phát triển, một tinh thần hôn nhân thích hợp cho cả hai. Đây có thể là một tiến trình rất khó khăn, nếu vội vàng thì sự tìm hiểu sẽ dễ lầm lẫn đưa tới thất vọng khi chung sống vì sự khác biệt của mỗi người.

Nếu coi hôn nhân như động lực để đạt mọi điều ước muốn của mình thì đó là một sự nguy hiểm không nhỏ. Người bạn đời của mình sẽ trở nên một phương tiện để thỏa mãn nguyện vọng mình đã "xây mộng", quên rằng người đó là con người chứ không phải là một dụng cụ. Nhiều khi cả hai người cùng một mục đích tìm ở đối tượng những khả năng để thỏa mãn tự ái cá nhân, họ mong tìm được hạnh phúc với người bạn đời của mình, trong trường hợp này, không có gì là sai trái, Sự tự nguyện cả hai là do tình cảm và lương tâm, khác với ơn gọi của các linh mục, tu sĩ, sự kết hôn của họ là xu hướng tự nhiên của con người, không phải là đáp lại ơn gọi, ngay cả khi họ lãnh nhận Bí tích hôn phối.

Bản tính hôn nhân là phát triển giá trị phục vụ và yêu thương của hai vợ chồng, người ta kết hôn để khám phá ra cách chia sẻ cho nhau tình yêu, ân sủng và tài năng mà Chúa đã ban cho mỗi người, trong hôn nhân không có sự lấn áp, ai hơn ai kém. Kết hôn là cơ hội cho người chồng và người vợ phục vụ lẫn nhau để xây đắp hôn nhân và tạo hạnh phúc gia đình, mà nó sẽ được coi là một đơn vị có giá trị của nước Thiên Chúa ở trần gian.

2. Khả năng hay ơn gọi

Dưới khía cạnh Kitô giáo, hôn nhân là một ơn gọi, là một hành động tốt đẹp và thánh thiện, là Bí tích, tình yêu vợ chồng trở nên phương tiện để qua đó mỗi người cảm nhận được tình Chúa yêu thương, nâng đỡ, qua lời kinh nguyện. Điều này giúp cho vợ chồng vượt qua được những cám dỗ, khó khăn đầy rẫy trong đời sống hôn nhân. Chỉ có thể gọi hôn nhân Công Giáo là ơn gọi khi tình yêu của vợ chồng được thể hiện với những đòi hỏi như "Hôn nhân tương đương như ơn gọi của người Kitô hữu với điều kiện phản ảnh được tình yêu của Chúa Kitô hôn phu, yêu thương Giáo Hội hôn thê, và Giáo Hội cố gắng đáp lại tình yêu ấy". Đức Phaolô II đã nhấn mạnh trong buổi tiếp kiến ngày 18.08.1982. Lời nói này là sự đòi hỏi tuyệt đối làm những người sửa soạn kết hôn e ngại, chúng ta hãy chú ý từng chữ, Ngài nói rất rõ: "Không phải là ơn gọi… Nếu…" Khi vợ chồng cùng hứa yêu thương nhau như yêu thương Thiên Chúa, cả hai đã tạo được một ơn gọi hôn nhân đích thực. Tính cách tuyệt đối và cốt lõi điều Đức Thánh Cha đưa ra làm chúng ta phải suy nghĩ: tình yêu này phải phản ảnh tình yêu tuyệt đối của Chúa Kitô hôn phu, với Giáo Hội hôn thê. Yêu đến độ Ngài đã tận hiến mình chết trên thập giá.

Nếu tình yêu của vợ chồng cũng tương tự như tình yêu của Chúa với Giáo Hội thì vợ chồng cũng phải thương yêu nhau hết lòng và hy sinh cho nhau. Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy tình yêu của bao người đã hiến mình vì ơn gọi yêu thương Giáo Hội (các Thánh tử vì đạo, các Thánh, những nhà truyền giáo) thật không phải dễ! Nhưng chỉ cần, khi kết hôn vợ chồng theo đúng những đòi hỏi của tình yêu thương nhau thì hôn nhân đó đã là một ơn gọi đích thực của người Kitô giáo.

Hôn nhân Công Giáo còn là một tương giao với Thiên Chúa như là một thành phần hợp tác cùng hai vợ chồng, là một quyết định đứng đắn và ngay thẳng để bao gồm Thiên Chúa như một dấu chỉ bảo chứng cho tình yêu hai người. Tin tưởng Thiên Chúa hiện diện trong tình yêu hôn nhân đem lại một kết quả thực tiễn khác: khi có những xung khắc, bất hòa, thử thách, vợ chồng ít muốn đối nghịch với nhau. Họ quay về với Thiên Chúa để tìm sự trợ giúp, cùng cầu nguyện chung, trong những lúc khó khăn nhất, họ luôn tin tưởng và dựa vào sự hiện diện của Ngài trong đời sống lứa đôi để bám chặt, tìm về bên nhau.

3. Kết hôn hay việc làm

Nếu hôn nhân trở nên một ơn gọi của Kitô hữu thì đôi vợ chồng cũng phải nghĩ và xây dựng cho nhau trong đời sống hôn nhân và nghề nghiệp. Văn hóa hiện đại thời nay đánh giá tất cả vào sự thành công hay những đòi hỏi của nghề nghiệp, là Kitô hữu chúng ta cần suy nghĩ sâu xa hơn về sự liên hệ giữa những hoạt động nghề nghiệp và ơn gọi hôn nhân. Làm cách nào đặt thứ tự và tầm quan trọng giữa bổn phận gia đình và công ăn việc làm, nhất là khi nghề nghiệp đòi hỏi ta phải dành nhiều thì giờ?

Thật khó tìm được giải pháp toàn vẹn. Nếu đôi vợ chồng cùng xem hôn nhân như một ơn gọi để hiến dâng tình yêu cho nhau như Đức Kitô đã hiến mình cho Giáo Hội thì ơn gọi Kitô hữu phải làm trước tiên là lo cho hôn nhân và gia đình của họ, đó cũng là điều đẹp ý Thiên Chúa. Nhưng tiếc thay, cũng có những cặp vợ chồng quá lo toan cho nghề nghiệp mà quên hẳn bổn phận gia đình.

Khi anh Đông, luật sư, và chị Xuân, kỹ sư nông lâm, quyết định xin chịu Bí tích hôn phối sau một năm rưỡi yêu nhau, gia đình, bạn bè đều vui mừng và cho rằng họ là cặp vợ chồng lý tưởng, rất xứng đôi. Cả hai đều đã nỗ lực để thăng tiến trong nghề nghiệp, với những hy sinh, để đạt được thành công như hiện tại, họ nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục cố gắng hơn để xây dựng sự nghiệp, tạo một gia đình hạnh phúc. Sáu tháng sau, Đông được lên chức nhưng phải đi làm việc ở bên Arabie Saoudite, Xuân không muốn chồng đi làm xa, nhưng Đông đã thuyết phục vợ với những lý lẽ chắc nịch và rất thực tế như: thời buổi kinh tế khủng hoảng, đây là cơ hội để Đông sẽ tiến xa hơn, lương tăng gấp ba, vợ chồng phải hy sinh để củng cố ngân quỹ gia đình lo cho con cái sau này, không lâu anh sẽ trở lại Pháp làm việc... Xuân đành đồng ý để chồng đi làm xa dù chị hơi e ngại, vợ chồng chị sẽ cô đơn, trống trải lắm đây vì "anh ở đầu sông, em cuối sông". Hai, ba tháng một lần, Đông và vợ đi thăm nhau, làm chuyến khứ hồi đã mất hai ngày, thời gian gần nhau chẳng được bao nhiêu, chưa kể có những khi Đông bận rộn vì việc làm, họp ở sở bất kể ngày giờ, làm Xuân xót xa vì thương chồng. Đông cũng bỏ không dự lễ như khi ở Pháp vì là xứ Hồi giáo, nhà thờ Công Giáo hầu như không có, trừ một vài nơi dành cho nhân viên ngoại giao của các sứ quán. Đông chờ qua năm, hy vọng được chuyển đi nơi khác, Xuân cũng sốt ruột không kém chồng, nhưng Đông nói cứ chờ chứ không muốn làm đơn xin đổi ngay, anh vẫn có ý mong được thăng thưởng thêm lần nữa trước khi đi. Hai năm trôi qua, cả hai vợ chồng đều mệt mỏi, nhất là Xuân, những lần gặp chồng nàng luôn thúc dục Đông xin đổi việc làm về Pháp, vợ chồng được gần nhau, Đông ậm ừ cho qua chuyện… rồi những ngày tháng chờ đợi trôi qua… Khi hai người có cơ hội ở gần nhau, họ không muốn nói với nhau một lời nào, không khí ngày càng trở nên nặng nề. Tám tháng qua, cả hai đều mệt mỏi, không giải quyết được vấn đề, cùng đồng ý lập đơn ly dị. Họ không biết phải chọn nghề nghiệp hay hôn nhân? Đời sống lứa đôi của họ thọ được ba mươi tháng, chưa đầy ba năm!

Maurice Shumann, một người Công Giáo, đã cho chúng ta thấy ông không kết hôn để dành hết cuộc đời làm chính trị, hoặc như nhạc sĩ nổi tiếng Camille Saint-Saens, kết hôn trễ, ở tuổi 40, có đời sống nội tâm và một đức tin vững vàng, nhưng vẫn không thể dung hòa những đòi hỏi trong đời sống nghệ thuật với đời sống gia đình.

Mỗi hoàn cảnh đều có những khác biệt, không phải chúng ta phải tránh làm một số nghề, nhưng khi lập gia đình, chúng ta cần đề cao cảnh giác là dành phần ưu tiên cho đời sống gia đình. "Công việc trước hết là để dành cho con người chứ không phải con người dành cho công việc" đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại trong thông điệp nói về công việc của con người. Người nói tiếp "Chúng ta nên nhớ và xác tín rằng: gia đình là trọng tâm, để từ đó luật lệ xã hội và đạo đức được tạo thành"

Chúng ta có thể dung hòa để đưa đến một thỏa thuận nào đó, nhưng về phương diện trên, khi kết hôn, người Kitô hữu phải dành ưu tiên cho ơn gọi gia đình, mọi thứ khác chỉ là phần phụ thuộc. Ta sẽ nghĩ sao khi một linh mục bỏ thì giờ cầu nguyện để lo việc khác trong cộng đoàn? Người ta kể rằng các nữ tu ở dòng Thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa, dù kiệt sức trong công việc phục vụ những bệnh nhân đang hấp hối trong thành phố Calcutta, Mẹ Têrêsa Calcutta đã không bớt thời giờ cầu nguyện mà mỗi ngày lại tăng thêm một giờ chầu Thánh Thể. Cũng như một kỹ nghệ gia Gia nã Đại đã hỏi người "Tôi có phải hiến tất cả của cải như trong Thánh Kinh dạy không? Mẹ Têrêsa trả lời: Ông không thể cho, những của này không thuộc về ông, ông chỉ là người quản lý chỉ để cai quản. Nhưng ông có thể cai quản theo cách của Chúa Giêsu, là làm theo thứ bậc tình yêu của ông: vì ông có gia đình, trên hết là vợ, rồi đến các con của ông, tiếp theo mới đến những nhân viên trong xí nghiệp" Lúc đó, vị kỹ nghệ gia mới ý thức là ông đã đảo ngược những bậc thang ưu tiên của đời sống. Ông đã đặt xí nghiệp lên trên hết, sau đó rất xa, mới đến vợ con.

Về phương diện này, vợ chồng Kitô hữu sống trong ơn gọi hôn nhân có thể sẽ gặp những điều đối nghịch trong một xã hội mà con người phải phụ thuộc nhiều vào đời sống nghề nghiệp, đôi khi họ phải hy sinh can đảm, bỏ qua những cơ hội thăng tiến trong việc làm. Nhất là cần ý thức rằng không gì tốt đẹp và cao cả bằng công việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Trong thư gửi các gia đình năm 1994 đức Gioan Phaolô II không ngần ngại nói rằng "Trong gia đình, chúng ta phải nhấn mạnh đến giá trị, tầm quan trọng những công việc phụ nữ làm trong gia đình, công việc này phải được nhìn nhận và đánh giá cách tối đa. Trách nhiệm của người đàn bà, sau khi sinh con, nuôi nấng, trông con rồi dậy dỗ đứa trẻ, nhất là khi chúng còn nhỏ, rất lớn và quan trọng không kém gì một công việc chuyên môn". Vì thế, để tìm ra ơn gọi hôn nhân, cả hai cũng phải khôn ngoan cân nhắc và nhất là chung lời cầu nguyện.

Có nhiều mặt phải giải quyết trong cuộc sống, thiết tưởng, nếu đôi lứa coi hôn nhân như sự đáp trả một ơn gọi thì cần cân nhắc lấy quyết định chọn đời sống gia đình.

Chúc Anh Chị trung thành với ơn Chúa và trọn đời hạnh phúc.