Chú Giải Tin Mừng Marcô

4: TUYÊN XƯNG & LOAN BÁO

Lm Carôlô Hồ Bạc Xái

GIAI ĐOẠN 4: TỪ LÚC PHÊRÔ TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN ĐẾN NHỮNG LẦN LOAN BÁO THỤ NẠN (8,27 – 10,52)

Trong những giai đoạn trước, Đức Giêsu lo giáo dục các môn đệ, đưa đến kết quả đầu tiên là Phêrô đã nhận thức và tuyên xưng rằng Ngài là Đấng Messia (8,27-30). Như thế một biên giới quan trọng đã được vượt qua.

Nhưng Đức Giêsu còn muốn dẫn họ đi xa hơn vào mầu nhiệm của Ngài: cho họ biết Ngài là Messia theo mô hình nào: một Messia – Tôi Tớ chịu khổ vì mọi người. Để đạt mục tiêu này, 3 lần Ngài báo cho họ biết Ngài sẽ chịu nạn chịu chết. Cả 3 lần đều được Mc ghi lại theo một sơ đồ như sau:

1.  Đức Giêsu báo tin thụ nạn

2.  Môn đệ không chấp nhận nổi

3.  Đức Giêsu dạy bài học hạ mình và phục vụ

Giai đoạn này gồm ba chuỗi:

Chuỗi thứ nhất: (8,31-9,29)

– Loan báo thụ nạn lần thứ nhất

– Vì Phêrô không hiểu nên Đức Giêsu nhấn mạnh rằng: Ai muốn theo Ngài thì phải hiến mạng sống cho Ngài (8,34-9,1)

– Kế đó Đức Giêsu đưa thêm những bảo đảm để môn đệ an tâm:

* Cuộc biến hình (9,2-3).

* Nói về Êlia (9,9-13).

* Chữa một trẻ kinh phong (9,14-29).

Chuỗi thứ hai: (9,30-10,31)

– Loan báo thụ nạn lần 2 (9,30-32).

– Các môn đệ vẫn không hiểu. Đức Giêsu dùng khoảng thời gian đang đi trên đường để dạy họ cách thức theo Ngài.:

* Phải theo Ngài như một đứa trẻ (9,33-37).

* Sống trong cộng đoàn như thế nào (9,38-50).

– Đến đây Mc chêm vào những suy nghĩ của GH sơ khai về những vấn đề trong nếp sống cộng đoàn: Vấn đề ly dị (10,1-12); Đức Giêsu và các trẻ nhỏ (10,13-16); Kêu gọi một người giàu (10,17-22); Nước Trời và sự giàu có (10,23-31).

Chuỗi thứ ba (10,32-45)

– Loan báo thụ nạn lần 3 (10,32-34).

– Môn đệ vẫn không hiểu, thể hiện trong chuyện các con của ông Giêbêdê (10,35-45). Đây là dịp Đức Giêsu nói ra ý nghĩa sâu xa nhất của đời Ngài là chết đi để cứu độ loài người.

Giai đoạn 4 kết thúc với câu chuyện rất đẹp về người mù thành Giêricô (10,46-52): người này đã được chữa khỏi sự mù lòa và còn đi theo Ngài trên con đường lên Giêrusalem, nơi sẽ diến ra những biến cố cứu độ.


BÀI 46: PHÊRÔ TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN (8,27-30)

27Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai? " 28Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó." 29Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô." 30Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. 

------------------

c 27 – Đức Giêsu đang dẫn các môn đệ tới một nơi thật xa Césarée de Philippe là một thành ở tận biên giới phía Bắc, một nơi đa số dân cư là người lương. Cuộc hành trình dài như thế thuận lợi cho thầy trò nói chuyện với nhau và Đức Giêsu dùng dịp này để thăm dò về Ngài.

 Phía trước Mc cũng đã hé màn cho biết những dư luận ấy, từ cảm nghĩ của quần chúng cho đến của Hêrôđê Antipas (6,14-16).

c 28 – Các môn đệ đã phản ánh lại đúng dư luận của mọi người. Dù người ta nghĩ Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả, là Êlia hay một vị nào trong hàng ngôn sứ, thì cách chung họ cũng coi Ngài là một ngôn sứ. Biết như vậy cũng khá tiến bộ rồi, nhưng chưa đủ về Ngài.

c 29 – Bởi thế Đức Giêsu muốn biết chính xác môn đệ nghĩ sao về Ngài. Họ đã theo Ngài khá lâu đã được Ngài kín đáo dạy cho biết mầu nhiệm của bản thân Ngài. Bây giờ Ngài muốn biết họ đã thoát khỏi sự “mù lòa” của Đức tin để biết đúng về Ngài hay chưa.

 Và Phêrô đã lên tiếng “Thầy là Đức Kitô”. Kitô là tiếng hy lạp dịch từ tiếng hy bá lai Messia nghĩa là “kẻ được Thiên Chúa xức dầu” và sai đi thiết lập Nước Thiên Chúa trên trần gian.

 Ngay từ đầu tác phẩm, Mc luôn đặt câu hỏi “Ngài là ai?”. Ma quỷ đã trả lời đúng (1,24 3,11…) nhưng người ta thì vẫn còn mù mờ. ó người cũng biết Ngài là một nhân vật đặc biệt. Tuy nhiên chưa ai nhận ra Ngài một cách rõ ràng là Messia như Phêrô tuyên xưng hôm nay.

c 30 – Dù vậy, Đức Giêsu cũng thấy cần phải giữ “Bí mật Messia”, bởi vì tước hiệu này còn dễ gây hiểu lầm (Mt 4,1-11) và chưa tới lúc công bố.


 Một biên giới quan trọng đã được vượt qua. Lời tuyên xưng của Phêrô cho thấy các môn đệ đã hiểu Thầy mình:

– Ngài không chỉ là một người như mọi người (6,3).

– Không chỉ là một lang y trị bệnh giỏi (3,7-11).

– Không chỉ là một ngôn sứ (6,4-6).

* Mà chính là Đấng Messia.


Chuỗi I: (8,31-9,29)

BÀI 47: LOAN BÁO THỤ NẠN LẦN I (3,31-33)

31Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. 32Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." 

------------------

c 31 – Trong chuyện liền phía trước, Phêrô đã thay mặt nhòm môn đệ tuyên xưng Đức Giêsu là Messia. Tuy nhiên tước hiệu này còn rất mù mờ trong cách hiểu của người Do thái. Vì thế Đức Giêsu thấy cần phải giúp họ hiểu rõ hơn Ngài là Messia như thế nào, bởi vậy Ngài báo cho họ biết trước Ngài sẽ chịu nạn chịu chết.

 Đức Giêsu đã chọn rất kỹ: không dùng tước hiệu Messia, mà tự xưng mình là Con Người. Đây là nhân vật được tiên báo trong Đnl 7,13-14, cũng là kẻ được giao sứ mạng thực hiên kế hoạch của Thiên Chúa như Messia thôi, nhưng đặc biệt hơn, là phải thông qua đau khổ và sự chết.

 – Phải: sự cần thiết phải thực hiện ý Thiên Chúa.

 – Kỳ lão, thượng tế và thông giáo: 3 thành phần Đại Công Nghị gồm tất cả 71 thành viên.

 – … sẽ sống lại: mặc dù Đức Giêsu cho biết thêm Ngài sẽ sống lại, nhưng chi tiết này chẳng được các môn đệ chú ý bao nhiêu (phản ứng sau đó của Phêrô là bằng chứng). Lý do:

 1. Các chi tiết về sự thụ nạn gây ấn tượng quá mạnh.

 2. Công thức sống lại ngày thứ ba đã được người do thái nghe quen tai và chỉ được hiểu theo nghĩa bóng.

c 32 – Phêrô tuy mới tuyên xưng Ngài là Messia những lại cản ngăn Ngài. Tại vì cũng như mọi người do thái khác, ông hiểu rằng Messialà một nhân vật đặc biệt được miễn khỏi những đau khổ và sự chết. Người ta thường nghĩ Messia theo hình tượng của Êlia, kẻ được Thiên Chúa cho khỏi chết, được đưa lên trời cách đặc biệt (2V 2,1-3; Mc 6,15 8,28). Phêrô và các môn đệ khác dù biết Thầy mình là Messia nhưng là một Messia có đặc quyền như thế.

c 33 – Do đó Đức Giêsu thấy cần phải sửa sai môn đệ mình bằng những lời cứng rắn.

 – Quay lại: theo thói quen do thái, Đức Giêsu cư xử như một người thầy, đi trước và môn đệ đi theo sau. Lúc đó Ngài quay lại để nhìn Phêrô và các môn đệ kia.

 – Satan: khi Phêrô ngăn cản Đức Giêsu tức là ông đang làm việc của Satan cản Ngài làm theo ý Chúa Cha (1,12-13).

 – Hãy lui lại đằng sau Thầy: Phêrô phải giữ đúng vị trí môn đệ của mình, không được can thiệp ngăn cản kế hoạch của Thầy.

 – Ngươi chỉ suy tưởng theo hướng của loài người: loài người quen coi Messia là một nhân vật đặc quyền, chưa quen với hình ảnh một Messia chịu khổ và chịu chết.


 Có cả một vực thẳm ngăn cách giữa ý Chúa và cách suy nghĩ của loài người. Khi Mc ghi lại câu chuyện này thì GH vẫn còn bị giằng co giữa 2 sự khác biệt đó. Thánh Phaolô cũng viết: “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, quả là một cớ vấp phạm cho người do thái và một sự điên rồ đối với người lương” (1Cr 1,23).

BÀI 48: BỎ MÌNH VÁC THÁNH GIÁ THEO ĐỨC GIÊSU (8,34 – 9,1)

34Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 35Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 36Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? 37Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình? 38Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người."

1Đức Giê-su còn nói với họ: "Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực."

------------------

c 34 – Đức Giêsu gọi đám đông và các môn đệ lại: những điều Đức Giêsu sắp dạy sau đây không chỉ riêng cho các môn đệ. Mà cho tất cả các Kitô hữu.

  Vác thập giá: ngày nay khi nghe tới việc vác thập giá có lẽ chúng ta không tưởng tượng được hết những khủng khiếp của nó như những thính giả đầu tiên của Mc. Thời đó, thập giá là án tử hình nặng nhất của hình luật la mã. Hơn nữa các tín hữu đang bị bắt bớ và trốn tránh, nếu chẳng may họ bị bắt và lãnh án xử tử thập giá thì quả là chuyện khủng khiếp đối với họ. Vậy mà Mc ghi lại lời Đức Giêsu bảo họ phải vác thập giá mà đi theo Ngài.

cc 35-37 – Những chữ mạng sống trong câu này có ý nghĩa: sự sống của thể xác và sự sống trọn vẹn thật. Sự sống thật là điều quý giá trên hết, do đó ta phải sẵn sàng từ bỏ tất cả, thậm chí bỏ sự sống thể xác, để bảo vệ nó.

c 38 – Xấu hổ: Phải hiểu câu này trong bối cảnh Kitô hữu thời Mc luôn bị đe dọa vì đức tin và thường bị cám dỗ chối mình là Kitô hữu.

c 9,1 Những lời này đã khiến những nhà thánh kinh tốn rất nhiều giấy mực để tranh luận nhau. Đại ý là Đức Giêsu hứa ban phân thưởng cho kẻ nào dám bỏ mình và vác thập giá đi theo Ngài. Phần thưởng ấy là được thấy “triều đại Nước Chúa đến uy hùng”. Nhưng Đức Giêsu muốn nói đến biến cố gì?

 Giả thuyết 1: nói tới cuộc biến hình sắp tới (9,2-8)

 Giả thuyết 2: nói tới việc phục sinh của Ngài

 Giả thuyết 3: trong sự phát triển dần dần về ý thức đối với sứ mạng của mình, khi đó Đức Giêsu vẫn còn tưởng rằng Nước Thiên Chúa sẽ sớm đến – một cách uy hùng chứ không phải một cách âm thầm hoặc đau khổ – nhờ sự chết và phục sinh của Ngài.

BÀI 49: ĐỨC GIÊSU BIẾN HÌNH (9,2-8)

2Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." 6Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." 8Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi. 

------------------

c 2 “Khỏi sáu ngày”: 6 ngày sau khi bắt đầu lễ Đền tội. Lễ này kéo dài đến 7 ngày (Lv 34-36) và ngày thứ 7 thì rất tưng bừng với nhiều nghi lễ. Đức Giêsu chọn thời điểm này để biến hình vì thích hợp cho một mặc khải mới cho các môn đệ.

  “Chọn riêng cho các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan”: 3 môn đệ ưu tuyển được tham dự nhiều biến cố đặc biệt (5,37-43 14,33-34). Họ được Đức Giêsu ưu tuyển tham dự những biến cố đặc biệt ấy bởi vì họ sẽ là những trụ cột của GH.

 – “núi cao”: có người cho là núi Tabor, người khác cho là núi Hermon. Nhưng Mc không nói tên vì không cần thiết, Mc chỉ muốn ngầm so sánh nơi biến hình của Đức Giêsu với núi Sinai ngày xưa.

 – thanh vắng: thuận tiện cho một mặc khải riêng cho các môn đệ ưu tuyển.

c 3 – “Áo Ngài trắng như tuyết”: Mc không quan tâm đến diện mạo người như các Tin Mừng khác. Ông chỉ nói đến sự biến hình của áo. Thực ra thì áo là tượng trưng cho người mặc áo. Áo Đức Giêsu biến hình thì cũng là Đức Giêsu biến hình. Hơn nữa, theo Thánh Kinh, áo trắng là y phục của những tuyển nhân của Thiên Chúa như các thiên sứ (16,6), các người được chọn (Kh 3,5).

c 4 – Êlia và Môsê so sánh với nhất lãm (Mt 17,1-8; Lc 9,28-36) thì thứ tự đảo ngược.

* Môsê được coi là đại diện cho luật.

* Êlia được coi là đại diện cho Ngôn sứ.

* Mà “Luật và Ngôn sứ” là cách nói chỉ toàn thể Cựu Ước.

c 5 – “Lạy Thầy”: nguyên ngữ là Điascale, một tước hiệu được dùng cho tiến sĩ luật.

 – Xin làm 3 lều: Phêrô nói lên ước ao phàm tục muốn kéo dài mãi hạnh phúc hiện tại. Điều này chứng tỏ mặc dù trước đó ông đã tuyên xưng người là Messia những ông chưa hiểu rõ Đức Giêsu là một Messia Tôi Tớ.

c 6 – Câu này cho biết thêm rằng chẳng những Phêrô mà tất cả các môn đệ kia cũng chưa hiểu rõ về mầu nhiệm Đức Giêsu.

c 7Đám mây: Trong Cựu Ước, đó là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện để hướng dẫn (như cột mây trong sa mạc) hoặc gần gũi (như mây phủ lều tạm) với dân Ngài. Mây cũng báo trước sắp có một mặc khải quan trọng.

 – Mặc khải ấy là xác nhận Đức Giêsu là Con ưu ái của Thiên Chúa.

Chú ý: tiếng từ trời hôm nay lặp lại gần giống tiếng từ trời phán xuống trong dịp Đức Giêsu chịu thanh tẩy (1,11), bởi đó ý nghĩa cũng như nhau: Đức Giêsu là Messia Tôi Tớ.

“Hãy lắng nghe lời Ngài”: Đây mới là chi tiết quan trọng. Các môn đệ mặc dù đã biết Đức Giêsu là Messia nhưng họ đang muốn có một Messia hiển hách, nhất là vừa mới chứng kiến cảnh biến hình vinh quang của Ngài. Thật khó cho họ chấp nhận một Messia đau khổ. Bởi vậy tiếng từ trời nhắc họ phải nghe theo lời Người.

c 8 – Ngay sau đó các môn đệ được kéo trở lại cuộc sống bình thường. Biến hình chỉ là những phút giây chớp nhoáng để nâng đỡ đức tin các ông. Sau đó các ông phải tiếp tục cuộc hành trình với Thầy cho đến thập giá.


 Cả 3 Tin Mừng nhất lãm đều ghi lại biến cố này, nhưng cách viết của mỗi tác giả nhằm đưa ra một suy tư thần học riêng:

 – Mt muốn trình bày Đức Giêsu như một Messia mới.

 – Lc nhấn mạnh tới việc chuẩn bị Lễ Vượt Qua sắp tới.

 – Phần Mc thì coi đây là một cuộc hiển vinh của Đấng Messia từ trước tới nay vẫn thích âm thầm kín đáo. Hôm nay Ngài tiết lộ cho 3 môn đệ biệt tuyển thấy trước điều sẽ được thực hiện sau khi Ngài chết và sống lại.


BÀI 50: NÓI VỀ ÔNG ÊLIA (9,9-13)

9Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì. 11Các ông hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước? " 12Người đáp: "Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê? 13Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông." 

------------------

c 9 – Bí mật Messia. Mc một lần nữa nhấn mạnh đến bí mật này sau câu chuyện biến hình, có lẽ để trả lời thắc mắc của các Kitô hữu đầu tiên: sau khi Đức Giêsu đã biến hình vinh quang như vậy, tại sao người ta không nhận ra Ngài?

c 10 – Ba ông đã giữ đúng lời Thầy căn dặn nhưng hỏi nhau: Không phải các ông hỏi nhau về việc sống lại, bởi vì tất cả những người do thái thời đó, trừ phái Sađốc đều tin kẻ chết sống lại. Các ông còn thắc mắc là vì:

 1/ Đức Giêsu nói “Con Người” từ trong kẻ chết sống lại. Theo họ “Con Người” không thể chết.

 2/ Người do thái tuy tin kẻ chết sống lại nhưng cho rằng tới ngày tận thế mới xảy ra điều đó. Còn Đức Giêsu thì loan báo điều đó như sắp xảy ra.

c 11 – Bởi thế các ông mới liên tưởng tới Êlia, một nhân vật mà người do thái tin rằng sẽ đến trước khi Đấng Messia đến. Dân tin như vậy vì dựa vào lời tiên tri trong Ml 3,23-24.

c 12 – Đức Giêsu cũng biết đến niềm tin tưởng này của dân.

 * Sửa sang mọi việc: theo Ml 3,23-24 Êlia sẽ “Đem lòng các người cha quay về với con cái”, nghĩa là hòa giải con người với nhau.

 * Nhưng Ngài cho rằng không nên hiểu lời tiên tri đó theo nghĩa đen, vì nếu hiểu như thế thì không hợp với những lời tiên tri khác (của Is) về Người Tôi Tớ Đau Khổ.

c 13 – Do đó Đức Giêsu đưa ra một giải thích khác về Êlia: đó chính là Gioan Tẩy Giả, kẻ đã đến trước Ngài để chuẩn bị lòng dân chúng (Gioan giảng về sự thống hối), kẻ cũng đã chịu nạn chịu chết. Cái chết của vị tiền hô báo trước cái chết của Đấng mà vị đó dọn đường.

BÀI 51: CHỮA TRẺ KINH PHONG (9,14-29)

14Khi Đức Giê-su và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông. 15Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người. 16Người hỏi các môn đệ: "Anh em tranh luận gì với họ thế? " 17Một người trong đám đông trả lời: "Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. 18Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi." 19Người đáp: "Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi." 20Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép. 21Người hỏi cha nó: "Cháu bị như thế từ bao lâu rồi? " Ông ấy đáp: "Thưa từ thuở bé. 22Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi." 23Đức Giê-su nói với ông ta: "Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin." 24Lập tức, cha đứa bé kêu lên: "Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi! " 25Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: "Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa! " 26Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: "Nó chết rồi! " 27Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên. 28Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: "Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? " 29Người đáp: "Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi." 

------------------

c 14 – “Mấy người thông giáo”: Sự hiện diện của họ cho thấy Đức Giêsu và các môn đệ, sau một thời gian ở miền đất dân ngoại (từ 8,27) đã trở về miền đất do thái.

c 17 – “Quỷ câm”: về đến vùng đất do thái, Đức Giêsu gặp ngay một trường hợp cần ra tay can thiệp. Đó là một đứa trẻ bị quỷ câm nhập. Thời đó người ta cho rằng mọi bệnh tật đều do tà thần làm hại.

c 18 – Những triệu chứng mà cha đứa trẻ mô tả (té xuống đất, sùi bọt mép, nằm bất động) cho thấy rõ đó là chứng kinh phong.

 – Các môn đệ của Đức Giêsu “không đủ sức để trừ”. Lý do sẽ được Đức Giêsu giải thích phía sau.

c19 – “Hỡi nòi cứng tin”: Lời này Đức Giêsu nói về các môn đệ (lý do thứ nhất khiến họ không chữa được cho đứa bé), mà cũng nói về dân chúng, những kẻ đã từng bị các ngôn sứ kết án là cứng tin (Tv 94,7-9). Lời nói của Đức Giêsu tuy cứng cỏi khó nghe những cũng là một lời kêu gọi môn đệ và dân chúng hãy tin vào Ngài.

c 20 – Khi người ta nghe lời Đức Giêsu đưa đứa trẻ đến với Ngài thì nó liền lên cơn, lần này là một cơn rất mạnh.

c 21 – Tuy tình trạng có vẻ khẩn trương, nhưng Đức Giêsu vẫn bình tĩnh hỏi cha đứa bé về bệnh sử của nó. Chứng tỏ Đức Giêsu rất tự tin vào khả năng của mình. Thực ra Ngài hỏi là để cho những người hiện diện thấy rõ hơn sự trầm trọng của chứng bệnh và do đó sẽ nhận ra quyền phép của Ngài cách rõ ràng hơn.

c 22 – Lời đáp của cha đứa bé cho thấy đây là chứng bệnh mắc phải từ lâu và đã tới mức độ trầm trọng.

c 23 – Một lần nữa Đức Giêsu kêu gọi lòng tin (chữ “tin” được sử dụng tới 4 lần trong chuyện này)

c 24 – Sau khi người cha tuyên xưng đức tin thì Đức Giêsu ra tay chữa trị.

c 27 –Những động từ mô tả hành động của Đức Giêsu cũng là những động từ có ý nghĩa phục sinh: nâng dậy (egeirein), cho đứng lên (anistomai). Đức Giêsu là Đấng sẽ sống lại và Ngài có quyền phép làm cho những kẻ chết sống lại. Cũng chính vì ngụ ý này mà Mc đã nhiều lần ám chỉ đến tình trạng như chết của đứa trẻ (cc 18,22-26).

c 29 – Lý do thứ hai khiến các môn đệ không thành công trong trường hợp này là các ông đã không “cầu nguyện” (hoặc “không cầu nguyện và ăn chay” theo Mt 17,21).


 1. Đức Giêsu là Đấng chiến thắng sự dữ và sự chết.

 2. Cần phải tuyệt đối tin vào Ngài.

 3. Và sự cầu nguyện (và ăn chay) là một phương thế để củng cố đức tin cũng như để có thể làm những việc phi thường.

Chuỗi II: (9,30-10,31)

BÀI 52: LẦN THỨ HAI BÁO TIN CHỊU NẠN (9,30-32)

30Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." 32Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. 

------------------

c 30 – Dù Mc không nói rõ những cách viết của ông cho biết Đức Giêsu và các môn đệ đang ở phía cực Bắc xứ Palestine và nay đang đi xuống phía Nam “băng qua xứ Galilê”. Đây cũng chính là lộ trình “lên Giêrusalem” mà Lc thường nói tới một cách rõ ràng hơn. Hành trình của cuộc đời Đức Giêsu là “lên Giêrusalem” để chịu nạn chịu chết và sống lại.

  “Những Đức Giêsu không muốn cho ai biết”: cũng là “bí mật Messia” chưa tới lúc thuận tiện để tiết lộ.

c 31 – Lợi dụng thời gian đi đường, Đức Giêsu báo tin chịu nạn cho các môn đệ biết. Đây là loan báo tin thứ hai. Lời lẽ hầu như giống y lần thứ nhất.

 “Bị nộp”: ai nộp? Sau này Mc sẽ viết ra là Giuđa (14,10), các thượng tế (15,1) và Philatô (15,15). Nhưng thể thụ động của động từ “nộp” cũng được hiểu ngầm là chính Thiên Chúa. Như thế việc chịu nạn của Đức Giêsu không phải chủ yếu là do lòng xấu của con người, cũng không phải là do xui xẻo, mà nằm sẵn trong kế hoạch cứu độ của chính Thiên Chúa. Và Đức Giêsu phải thực hiện kế hoạch đó.

 – “Sống lại”: mặc dù sau những lời báo tin chịu nạn, Đức Giêsu có nói tới việc sống lại, nhưng chi tiết này các môn đệ hoàn toàn không quan tâm. Chứng tỏ các ông quá bàng hoàng vì ý tưởng một Đấng Messia mà có thể chịu nạn chịu chết.

c 32 – Sự không hiểu của các môn đệ được Mc nói rõ và còn thêm chi tiết các ông sợ và không dám hỏi.  

BÀI 53: CÁCH THỨC THEO ĐỨC GIÊSU: NHƯ MỘT ĐỨA TRẺ (9,33-37)

33Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? " 34Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." 36Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: 37"Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy." 

------------------

* Sau mỗi lần Đức Giêsu báo tin chịu nạn thì Mc ghi nhận rằng các môn đệ không hiểu, và Đức Giêsu bỏ công để giáo dục cho các ông hiểu (lần thứ nhất báo tin chịu nạn cũng thế, x.8,32 9,1).

c 33 – Đức Giêsu đã khéo chọn bầu khí cho sự giáo dục này, trở về Capharnaum, thành phố quen thuộc, và trong nhà, nơi chỉ có thầy trò thân mật với nhau.

 Ngài cũng mở màn câu chuyện cách khéo léo “dọc đàng các con tranh luận với nhau gì thế?”.

c 34 – Các môn đệ lặng thinh: thái độ biểu lộ sự xấu hổ, vì Thầy báo tin sắp bị nạn mà họ lại tranh dành nhau về địa vị “ai là người lớn nhất”.

c 35 – Đức Giêsu bắt đầu dạy, Mc cẩn thận đưa ra những chi tiết cho thấy sự nghiêm trang quan trọng của bài dạy này.

 – Đức Giêsu ngồi: tư thế của những Rabbi khi giảng dạy.

 – Gọi nhóm 12 lại: ít khi Mc nói tới Nhóm này. Khi nói tới họ ở đây, ông cho thấy rằng bài dạy này liên quan ưu tiên tới những kẻ sẽ nối tiếp Đức Giêsu mà lãnh đạo GH.

 – Bởi đó Đức Giêsu nói về vấn đề “làm đầu”. Lời dạy của Ngài ngược hẳn với suy nghĩ của loài người: theo Ngài, làm đầu tức là làm chót; lãnh đạo tức là phục vụ.

c 36 – Vì bài dạy quá lạ nên Người thầy cần phải dùng một hình ảnh cụ thể để minh họa. Ngài đã chọn hình ảnh một đứa trẻ.

 – Đứa trẻ: hình ảnh này được Đức Giêsu chọn không phải vì sự ngây thơ trong trắng hay sự khờ khạo của nó, mà chính vì nó không tham vọng (ngược với các môn đệ đã tranh nhau địa vị) và lệ thuộc hoàn toàn vào người lớn. Đứa trẻ cũng là hình ảnh của những kẻ bé mọn, không ích lợi gì cho kẻ phục vụ nó. Có phục vụ nó thì chỉ hoàn toàn vì tinh thần vô vụ lợi mà thôi.

 – Cách đối xử của Đức Giêsu với đứa trẻ còn đáng ngạc nhiên hơn nữa. Người do thái không coi trọng con nít vì nó còn quá ngu dại, nhất là vì nó chưa biết Luật Môsê. Đức Giêsu thì rất trân trọng nó: Ngài “ôm nó vào lòng” và “đặt nó ở giữa các môn đệ”.

c 37 – Sau hình ảnh minh họa, Ngài nói rõ hơn: phải tiếp rước những người như đứa trẻ đó, tức là phải phục vụ những kẻ bé mọn một cách vô vụ lợi. Và để khuyến khích tinh thần phục vụ. Đức Giêsu dám nói thêm rằng phục vụ kẻ bé mọn tức là phục vụ chính Ngài, và còn là phục vụ chính Thiên Chúa.

* Đây là bài học làm người Tôi Tớ, qua đó Đức Giêsu muốn cho môn đệ hiểu Ngài là một Messia Tôi Tớ, và nếu họ theo Ngài thì cũng phải trở thành người Tôi Tớ. 

BÀI 54: NHỮNG LỜI DẠY VỀ NẾP SỐNG CỘNG ĐOÀN (9,38-50)

38Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." 39Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. 40Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

41"Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

42"Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. 43Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. 44[ ] 45Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. 46[ ] 47Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, 48nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. 49Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. 50Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau."

------------------

Đoạn này gom góp những lời dạy rải rác về nếp sống cộng đoàn. Tiêu chuẩn để tập họp những lời dạy ấy là cùng nội dung (nếp sống cộng đoàn), nhưng cũng vì những lời ấy có những chữ giống nhau (gọi là “từ móc nối” mots crochets). Tác giả viết một câu rồi tự nhiên nhớ “bắt quàng” một câu khác vì có những từ giống nhau.

Trong đoạn này có những từ móc nối đã khiến tác giả nhớ “bắt quàng” như:

– “nhân danh” ở c,27 (bài trước) bắt quàng sang các câu 38,39 và 41.

– “vấp phạm” ở các câu 42,43,45,47.

– “lửa và muối” ở các câu 48,49,50.

Vì thế chúng ta đừng mất công tìm sự liên hệ luận lý trong đoạn này mà chỉ cần tìm những ý tưởng thôi: Đức Giêsu muốn dạy những điều gì về nếp sống cộng đoàn?


1/ Tinh thần hợp tác cởi mở (cc 38-41)

 – Vấn đề dược khơi lên bởi Gioan, người trước đây được mệnh danh là “con của sấm sét” (3,17). Gioan cũng phản ảnh tinh thần chung của mọi người là tinh thần khép kín trong nội bộ. Tinh thần này càng dễ hiểu hơn đối với cộng đoàn của Mc vốn đang bị bách hại, tín hữu dễ co cụm lại với nhau.

 – Nhưng Đức Giêsu khuyên tín hữu hãy có một cái nhìn rộng rãi hơn để nhận ra những dấu hiệu cảm tình nơi những người ở ngoài cộng đoàn mình. Trong hoàn cảnh đang bị nhiều người chung quanh soi mói bắt bẻ mà có người nào đó có cử chỉ thân thiện với mình, chẳng hạn cho mình một ly nước, thì mình phải đánh giá tốt cử chỉ ấy và đừng nghi kỵ những hãy hợp tác thân thiện với họ.

2/ Gây vấp phạm (cc 42-47)

 – Vấn đề thứ hai nhắm đến nội bộ cộng đoàn: đừng gây vấp phạm cho “đám trẻ có lòng tin”.

 – “gây vấp phạm”: dịch sát chữ là đặt một tảng đá trên đường khiến người đi phải vấp té.

 – “đám trẻ có lòng tin”: ám chỉ những người mới theo đạo. Đức tin của họ còn rất non kém dễ bị lung lay.

 – Những gì có thể gây vấp phạm cho họ? Thưa là những gì phát xuất từ “tay”, “chân”, “con mắt”. Đó là những cơ quan để tiếp xúc. Vậy trong khi tiếp xúc, phải cân thận đừng làm gì hại đến đức tin non kém của người khác. Chú ý “chặt tay, móc mắt…” chỉ là những hình ảnh cường điệu để nhấn mạnh điều muốn nói thôi, không nên hiểu theo nghĩa đen.

* Riêng về hình ảnh hỏa ngục: trong đoạn này có những hình ảnh ghê gớm như lửa, giòi bọ… Có người hiểu chúng theo nghĩa đen và tưởng tượng hỏa ngục là như thế. Thực ra đây là tác giả tạm mượn hình ảnh một hố chôn tập thể ở ngoại ô phía Nam đồi Giêrusalem, nơi người ta đem vất những xác chết không thừa nhận và xác thú vật cùng mọi thứ rác rưới. Dĩ nhiên những thứ ô uế đó bị phân hủy và có nhiều giòi bọ rúc rỉa. Và để tránh gây nạn dịch, người ta thường xuyên đốt những thứ đó đi khiến dân chúng có cảm tưởng lửa ở đó không bao giờ tắt.

3/ Muối và lửa (cc 49-50)

c 49 – Lửa: hình ảnh của sự thanh luyện.

 – Muối: Đôi khi người ta cũng dùng muối để giữ lửa khỏi tắt

 * Vậy ý nghĩa của câu 49 này là: mọi người vẫn phải được thanh luyện luôn. Cho nên đừng thắc mắc khi gặp những việc khó khăn xảy đến cho mình, hãy coi đó là những dịp để thanh luyện mình.

c 50– Sang câu này “muối” mang ý nghĩa khác: nó là thứ gìn giữ cho khỏi hư đi. Người tín hữu phải luôn giữ mình khỏi bị nguội lạnh (“hãy liệu cho sẵn muối trong mình”)

 – Ngoài ra dù cho cuộc sống có nhiều khó khăn, tín hữu phải cố gắng sống hòa thuận bình an với nhau.

BÀI 55: VẤN ĐỀ LY DỊ (10,1-12)

1Đức Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. 2Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? " Họ hỏi thế là để thử Người. 3Người đáp: " Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì? " 4Họ trả lời: "Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." 5Đức Giê-su nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. 6Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; 7vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. 9Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." 10Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. 11Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; 12và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình." 

------------------

c 1 – “Miền Giuđê bên kia song Giođan”: phía Đông song Giođan, tức xứ Pêrê, nơi có nhiều người lương.

c 2 – “Biệt phái đến hỏi để thử Ngài”: vấn đề được họ đặt ra là sự ly dị. Khi đó có hai lập trường:

 * Lập trường của trường phái Hillel thì rộng rãi, cho phép ly dị một cách dễ dàng

 * Lập trường của trường phái Shamai thì khắt khe hơn, chỉ chấp nhận ly dị trong rất ít trường hợp

 Biệt phái biết vấn đề này gây go nên đem ra gài bẫy Đức Giêsu. Ngài trả lời thế nào cũng có thể bị kết án: hoặc quá rộng rãi hoặc quá hẹp.

 “Chồng có được phép bỏ vợ không?”: hình thức câu hỏi phản ảnh quan niệm do thái trọng nam khinh nữ, chỉ cho phép người chồng bỏ vợ chứ không cho phép ngược lại.

c 3 – Đức Giêsu không hồ đồ đưa ý kiến trước. Nhưng mời họ xem lại Thánh Kinh. “Ông Môsê dạy thế nào?”.

c 4 – Họ trích một câu trong Đnl 24,1, nội dung là cho phép ly dị với điều kiện phải viết chứng thư đưa cho người vợ bị ly dị.

c 5 – Đức Giêsu nhận định về câu Đnl đó: bản chất của nó không phải là lời thiết lập luật nhưng chỉ là lời cho phép chuẩn miễn trong hoàn cảnh người dân còn lòng chai dạ đá, nghĩa là chưa nhận rõ ý Thiên Chúa.

c 6 – Rồi Đức Giêsu trích 2 đoạn Thánh Kinh có trước sách Đnl nữa, tức là trong sách Sáng Thế (St 1,27 2,24). Đó chính là những lời thiết lập định chế đơn hôn và vĩnh hôn. Như thế trong quá khứ nếu có cho phép ly dị thì chỉ là chuẩn miễn thôi. Sự chuẩn miễn không hủy bỏ được định chế hôn nhân.

c 11 – Khi ở riêng với các môn đệ, Đức Giêsu đưa thêm 2 trường hợp để nói rõ hơn về vấn đề trên. Trường hợp thứ nhất là chồng bỏ vợ rồi đi lấy người khác. Đức Giêsu nói không được, và việc lấy người khác bị coi là ngoại tình.

c 12 – Trường hợp thứ hai là vợ bỏ chồng đi lấy người khác. Lập trường Đức Giêsu cũng như lập trường thứ nhất, Phía trên chúng ta đã thấy người do thái trọng nam khinh nữ nên chỉ đề cập đến trường hợp chồng bỏ vợ. Đức Giêsu tôn trọng quyền bình đẳng của phụ nữ nên đề cập đến vấn đề này theo cả hai phía chồng và vợ.

* Đoạn Tin Mừng này cũng phản ảnh quan tâm của cộng đoàn Mc về vấn đề thực tế có nhiều vợ chồng ly dị nhau. Mc ghi lại lập trường của Đức Giêsu để soi sáng suy nghĩ của tín hữu mình.

BÀI 56: ĐỨC GIÊSU VÀ TRẺ NHỎ (10,13-16)

13Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. 14Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào." 16Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng. 

------------------

c 13 – “Con trẻ”: không phải là những em bé quá nhỏ. Heo nguyên ngữ hy lạp (paidion) thì đây là những em tuổi khoảng 7-14.

 – “Để Ngài sờ đến chúng”: Mc đã cho biết nhiều lần người ta mang các bệnh nhân đến để được đụng chạm Ngài hầu được khỏi bệnh (3,10 5,25-28). Trường hợp này khác hơn, vì những đứa trẻ này không có bệnh. Vậy lý do người ta muốn Đức Giêsu sờ chúng có lẽ chỉ vì mộ mến Ngài hoặc vì mong cho chúng cũng được một ơn lành nào đó.

 – “Nhưng các môn đệ la mắng”: có thủ bản chép là “la mắng các em”, có thủ bản khác chép là “la mắng những người mang chúng đến”. Dù sao cũng rõ là các môn đệ không đồng ý việc trẻ nhỏ đến gần Đức Giêsu. Đây cũng là thái độ chung của người do thái thời đó. Lý do là trẻ nhỏ ồn ào, nhất là trẻ nhỏ chưa thuộc luật Môsê. Người ta coi rẻ chúng và xếp chúng vào số những người “sống ngoài luật” như phụ nữ, nô lệ và ngoại kiều.

c 14 –“Đức Giêsu phật ý”: dù Mc không nêu rõ lý do nhưng ta cũng đoán được là vì Đức Giêsu thấy các môn đệ mình có thái độ “khai trừ” kẻ khác

 – “Nước Trời là của những người giống như chúng”: Trẻ nhỏ (và những người giống như chúng) được đề cao không phải vì chúng khờ dại hoặc yếu ớt, mà vì 2 lý do:

 1/ Chúng bị xã hội “khai trừ”. Mà ai bị đời khai trừ thì Thiên Chúa lại che chở.

 2/ Chúng ngoan ngoãn lệ thuộc và tín nhiệm người lớn (trẻ nhỏ dễ nghe, dễ vâng lời).

 Hai điểm này khiến chúng ta trở thành những “người nghèo” được Thiên Chúa ưu ái.

c 16 Và để tỏ lòng ưu ái với chúng. Đức Giêsu đã “ôm chúng vào lòng” và còn “chúc lành cho chúng” (người ta chỉ mong Đức Giêsu “sờ” đến chúng thôi).


Phải đặt câu chuyện này vào bối cảnh thực tế lúc nó đang diễn ra và bối cảnh cụ thể lúc Mc ghi lại:

– Lúc câu chuyện đang diễn ra, Đức Giêsu đang ở trong giai đoạn huấn luyện các môn đệ. Họ sẽ là những người lãnh đạo GH. Đức Giêsu không muốn họ có thái độ khai trừ đối với những người hèn kém mà xã hội coi khinh.

– Trong khung cảnh giáo đoàn của Mc: Mc cũng muốn tín hữu mình có thái độ mở rộng vòng tay với hết mọi người.

BÀI 57: NGƯỜI THANH NIÊN GIÀU CÓ (10,17-22)

17Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? " 18Đức Giê-su đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ." 20Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ." 21Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." 22Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. 

------------------

c 17. Thái độ của người thanh niên này cho thấy anh rất kính trọng Đức Giêsu: anh đã “quỳ lạy” Ngài, một cử chỉ phụng vụ; không những anh gọi Ngài bằng một danh hiệu cao quý là Rabbi mà còn thêm tính từ “tốt”.

 – Câu hỏi của anh cũng chứng tỏ anh có thiện chí muốn tiến cao hơn trên đường đạo đức.

c 18 – Trước tiên Đức Giêsu điều chỉnh cách nói của anh “Chẳng ai tốt lành ngoài một mình Thiên Chúa”. Không phải Đức Giêsu phủ nhận thiên tính của mình, nhưng vì anh chưa biết thiên tính ấy nên làm như Ngài không phải là Thiên Chúa, và nhắc anh một tín điều quan trọng về sự tốt lành của Thiên Chúa mà thôi.

c 19 – Sau khi Đức Giêsu trích Xh 20,12-16 (Đnl 5,16-20) quy định những bổn phận đối với tha nhân và lòng hiếu thảo đối với cha mẹ (những chữ “chớ gây thiệt hại cho ai” là được thêm vào). Đối với người bình thường, giữ bấy nhiêu thôi cũng tạm đủ để “được sự sống muôn đời”.

c 20 – Khi nghe người thanh niên cho biết đã tuân giữ những điều ấy từ nhỏ, Đức Giêsu “nhìn anh”. Nhiều lần Mc ghi nhận cái nhín của Đức Giêsu. Những đa số là những cái nhìn giận dữ (3,5 10,14) hoặc thăm dò (3,34 5,32 10,23). Còn ở đây cái nhìn ấy kèm theo “đem lòng yêu thương”.

 “Con còn thiếu một điều”: Điều mà Đức Giêsu sắp nói ra không phải là bó buộc đối với hết mọi người, nhưng là mời gọi đối với một số người. Đó là “bán của cải… chia cho người nghèo… và theo Ta”

 – Bán của cải: không dính bén.

 – Chia cho người nghèo: điều này được Đức Giêsu và GH đề cao (Cv 2,44 4,32-35).

 – Theo Ta: đây là điều quan trọng nhất trong 3 điểm. Người do thái (và nhiều người thời nay) cho rằng giữ đạo là chỉ cần giữ đủ các điều luật. Đức Giêsu mời tiến thêm một bước quan trọng hơn nữa là THEO Ngài.

c 22 – Nhưng người thanh niên đã không đáp lại lời mời gọi đó, vì anh còn tiếc của.


BÀI 58: NƯỚC TRỜI VÀ CỦA CẢI (10,23-31)

23Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! " 24Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: "Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! 25Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa." 26Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: "Thế thì ai có thể được cứu? " 27Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được."

28Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! " 29Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. 31Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."

------------------

c 23 – “Đức Giêsu rảo mắt nhìn quanh”: cử chỉ thường có ý nghĩa là Đức Giêsu sắp nói một điều quan trọng.

 – Tuyên bố quan trọng đó là “Người giàu đi vào Nước Chúa thật khó lắm thay”.

c 24 – “Các môn đệ sững sờ”: (khi Đức Giêsu lập lại ý này một lần nữa thì các ông “quá sức kinh hoàng” c 26). Thái độ này dễ hiểu, bởi vì người do thái quen nghĩ rằng giàu sang là một phước lành của Thiên Chúa.

c 28 – Để các môn đệ dễ hiểu, Đức Giêsu dùng 2 hình ảnh minh họa:

 – Con lạc đà: một con vật to lớn. Lạc đà cũng là con vật có thể chở nhiều đồ đạc. Một hình ảnh rất khéo để so sánh với người giàu.

 – Lỗ kim: có người giải thích là cửa nhỏ dưới chân tường. Nhưng có lẽ Đức Giêsu muốn nói tới lỗ của cây kim thật, nghĩa là rất nhỏ.

 Tóm lại: người giàu mà vào Nước Thiên Chúa là chuyện hầu như không thể. Bởi đó các môn đệ mới “quá sức kinh hoàng”.

c 27 – Một lần nữa Đức Giêsu “nhìn” các ông, lần này để các ông lưu ý hơn tới bài dạy của Ngài. Điều loài người không làm được thì Thiên Chúa làm được, như thế ơn cứu rỗi không phải là kết quả của sức cố gắng con người, mà là một ơn Thiên Chúa cho không.

c 28 – Ý nghĩa câu nói trên của Phêrô:

 1. Vào Nước Thiên Chúa khó như thế. Vậy việc chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, liệu có thể giúp chúng con vào được không?

 2. Giàu thì khó vào Nước Trời, vậy bỏ của cải như chúng con thì vào được không?

cc 29-30 – Câu đáp của Đức Giêsucho Phêrô biết là được. Ta nên chú ý vài chi tiết:

 * “làm một với sự bắt bớ”: Mc nghĩ đến hoàn cảnh của tín hữu Rôma và dồng hóa họ với các môn đệ Đức Giêsu ngày xưa.

 * “kiếp sau”: chủ đề quen thuộc về thay đổi số phận ở đời sau.

c 31 – Câu này là một “lời nói du ngoạn” của Đức Giêsu, nghĩa là ngày xưa Ngài nói nhưng các tác giả Tin Mừng đã quên khung cảnh nói, do đó mỗi vị ghép nó vào một văn mạch khác nhau (Mt 19,30 20,16). Ý nghĩa nguyên thủy có lẽ là nói tới những người do thái (“những kẻ đầu tiên” được Thiên Chúa kêu gọi) và những Kitô hữu (“những kẻ rốt hết” vì được gọi vào giai đoạn chót). Nhưng Mc gắn nó vào đây thì ý nghĩa được thay đổi: các tín hữu Rôma đang bị coi là những kẻ rốt hết trong xã hội đang bách hại họ, nhưng họ sẽ trở thành những người đầu tiên hưởng phần thưởng Nước Trời.


Cả 3 Tin Mừng nhất lãm đều ghi lại chuyện này với những chi tiết hầu như giống nhau (x.t. Mt 19,22-30 và Lc 18,18-30). Sự kiện này cho thấy các giáo đoàn sơ khai rất coi trọng bài học này. Của cải tiền bạc rất nguy hiểm đối với việc vào Nước Trời.

Chuỗi III:  (10,32-45)

BÀI 59: LẦN THỨ BA LOAN BÁO THỤ NẠN (10,32-34)

32Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình: 33"Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. 34Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại." 

------------------

c 32 – “Trên đường đi Giêrusalem”: Đức Giêsu tiếp tục cuộc hành trình từ Galilê (9,30) ở miền Bắc xuống Giêrusalem ở miền Nam, nơi đó Ngài sẽ chịu nạn chịu chết.

 – “Đức Giêsu đi trước môn đệ”: Đức Giêsu can đảm thực hiện cuộc hành trình đến cái chết. Chẳng những thế, Ngài còn dẫn các môn đệ đi theo vào cuộc hành trình ấy. Bởi thế “nên các ông ngạc nhiên sửng sốt, còn những kẻ theo sau thì sợ hãi kinh hoàng”.

 – ”Bây giờ Ngài kêu riêng Nhóm 12 và bắt đầu nói cho các ông…”: Mc đã bố trí 3 lần Đức Giêsu loan báo thụ nạn dọc theo những chặng đường của cuộc hành trình này, để cho thấy Đức Giêsu quan tâm giáo dục cho các ông ngày càng hiểu hơn sứ mạng của Ngài (8,31-33 9,32-33 và ở đây).

cc 33-34 – So sánh nội dung của 3 lần loan báo thụ nạn:

Lần 1 (8,31): Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các hàng kỳ lão, thượng tế và thông giáo chối chê, rồi chịu người ta giết. Nhưng khỏi 3 ngày thì sẽ sống lại.

 Lần2 (9,31): Con Người sắp bị nộp vào tay người thế và chịu người ta giết, song chết rồi, khỏi 3 ngày thì sẽ sống lại.

 Lần 3 (10,33-34): Này chúng ta lên thành Giêrusalem và Con Người sắp sửa bị nộp cho thượng tế với hàng thông giáo, rồi bị án tử hình và nộp cho dân ngoại, bị sỉ mạ, khạc nhổ, đánh đòn rồi bị giết. Nhưng khỏi 3 ngày thì sẽ sống lại.

 * Nhận xét: Lần thứ ba này rõ ràng hơn và có nhiều chi tiết hơn 2 lần trước:

 – “Bị nộp cho dân ngoại”: ám chỉ đến việc bị giao cho Philatô xét xử.

 – Kể rõ hơn các hình khổ: “bị xỉ mạ, khạc nhổ, đánh đòn”.

 * Trong cả 3 lần Đức Giêsu chỉ loan báo rằng Ngài “sẽ bị giết” nhưng không nói rõ bị giết cách nào, chỉ biết là chết thôi. Dù vậy Ngài vẫn can đảm tiếp tục cuộc hành trình đến cái chết đó.


Việc Đấng Messia bị hành hạ bởi đám dân ngoại, và bị hành hạ cho đến chết quả là khó chấp nhận đối với các tín hữu gốc do thái cách riêng và với mọi tín hữu nói chung. Đây quả là một cớ vấp phạm (1Cr 1,23a), Để tháo gỡ cớ vấp phạm đó, Mc nhấn mạnh rằng điều này là do chính Đức Giêsu thấy trước và loan báo trước đến 3 lần.

BÀI 60: LỜI XIN CỦA HAI CON ÔNG GIÊBÊĐÊ (10,35-45)

35Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây." 36Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? " 37Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." 38Đức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? " 39Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giê-su bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. 40Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được."

41Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. 42Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 43Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; 44ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. 45Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."

------------------

* Mc vẫn theo bố cục quen thuộc của ông, là sau mỗi lần Đức Giêsu loan báo thụ nạn thì gặp phản ứng không thuận lợi nơi các môn đệ khiến Ngài phải nhọc công giáo dục thêm cho các ông.

 – Sau lần loan báo thứ nhất, Phêrô đã cản ngăn và Đức Giêsu phải dạy các môn đệ từ bỏ chính mình để theo Ngài (8,31 – 9,1).

 – Sau lần loan báo thứ hai, các ông tranh nhau chỗ nhất, Đức Giêsu dạy bài học phục vụ (9,30-35).

* Và đây là lần loan báo thứ ba. Cũng vẫn sư đồ đó: 

a/ Loan báo 

b/ Phản ứng các môn đệ 

c/ Giáo dục.

 Chúng ta tìm hiểu phần b và c.

c 35 – “Giacôbê và Gioan”: mỉa mai là họ chính là trong số những người theo Đức Giêsu đầu tiên (1,19-20).

 – “Ngồi bên phải… ngồi bên trái”: Đây không phải chỉ là những chỗ danh dự mà là thực sự thông chia quyền cai trị. Lại thêm một điểm mỉa mai nữa là sau này hai người ở bên phải và trái của Vua Giêsu trên Thập giá không phải là Gicôbê và Gioan mà lại là 2 tên trộm (15,27).

c 38 – “Chén”: biểu tượng của đau khổ (Tv 75,9; Is 51,17-22). Chính Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu đã thốt lên “Xin cho con khỏi chén này” (14,36).

 – “Sự dìm”: thiên pháp là baptême. Người ta quen dịch là “phép rửa” nhưng nghĩa gốc là sự dìm vào trong nước cho ngập toàn thể kể cả đầu. Ngụ ý nói tới cái chết.

c 39 – Đức Giêsu hỏi hai ông có thể chịu những đau khổ và sự chết của Ngài không. Hai ông đáp bừa là có thể. Đức Giêsu hứa sẽ cho hai ông thông chia những điều đó. Thực tế sau này Giacôbê đã chịu tử đạo vào khoảng năm 44 (Cv 12,1-2); còn Gioan theo thánh truyền, thì chịu bắt bớ rất đau khổ.

c 40 – “được dọn sẵn cho ai”: thể thụ động thần thiêng, hiểu ngầm tác nhân là Thiên Chúa.

c 41 – Các môn đệ kia tức giận. Có thể vì thấy hai ông này xin quá đáng, và cũng có thể vì ganh ghét. Mc không che dấu tính ganh ghét tranh nhau danh vọng nơi các môn đệ (9,33-34).

c 42 – Trong phần giáo dục, trước tiên Đức Giêsu nói tới cách cư xử của các thủ lĩnh thế gian *cụ thể là các quan chức của đế quốc Rôma). Họ hay lộng quyền và độc tài.

c 43t – Phần các môn đệ Đức Giêsu, những lãnh tụ tương lai của GH, thì phải cư xử khác hẳn. Đức Giêsu dùng 2 từ rất đặc biệt là “tôi tớ” và “nô lệ”; đây là hạng người thấp hèn nhất trong xã hội Rôma. Những lãnh tụ GH phải sẵn sàng phục vụ người ta trong tư thế hèn hạ nhất.

c 45 – Và Đức Giêsu đưa gương của chính Ngài: hiến cả mạng sống làm giá chuộc cho mọi người.

 – Giá chuộc: đưa một cái gì có giá trị ra để thay thế cho điều mình muốn cứu thoát.

 – Mọi người: Đức Giêsu muốn cứu không riêng một ai hay một nhóm người hoặc một dân tộc nào mà là tất cả mọi người.

 Đây chính là hình ảnh Người Tôi Tớ mà Đức Giêsu đã vay mượn nơi Is 53,10-11.


 GH sơ khai vẫn thắc mắc về việc Người chịu khổ và chịu chết. Mc dùng hình ảnh Người Tôi Tớ của Isaia để giải tỏa thắc mắc ấy.

BÀI 61: NGƯỜI MÙ THÀNH GIÊRICÔ (10,46-52)

46Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. 47Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! " 48Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! " 49Đức Giê-su đứng lại và nói: "Gọi anh ta lại đây! " Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy! " 50Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. 51Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh? " Anh mù đáp: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được." 52Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! " Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi. 

------------------

c 46 – “Thành Giêricô”: Đức Giêsu đang đi theo hướng xuất phát từ phía bên kia sông Giođan (10,1). Vừa qua sông Giođan thì gặp ngay thành Giêricô. Nghĩa là lộ trình “lên Giêrusalem” của Người (11,1) đã tiến tới một khúc ngoặt quan trọng.

 – “và dân chúng đông lắm”: đây là lần đầu tiên Mc ghi nhận có đông người tháp tùng Đức Giêsu trên lộ trình lên Giêrusalem.

 – “Một người mù quen đi ăn xin”: người mù bị coi là ở bên lề xã hội. Người mù này lại thê thảm hơn nữa vì quá nghèo phải quen đi ăn xin.

 – “Tên là Bar-timê”: Mc đặc biệt quan tâm đến người mù ăn xin này, nên chỉ mình ông nêu tên anh (Mt 20,19-34; Lc 18,35-41). Và bởi vì đây là một tên Aram nên Mc dịch sang cho độc giả hy lạp của ông hiểu tên đó nghĩa là “con của Timê”

 – “Bên vệ đường”: hình ảnh làm nổi bật thân phận bị loại ra rìa xã hội.

c 47 * Nhưng con người bị loại ra rìa xã hội này là một người đang tìm kiếm. Bởi đó khi nghe tin có Đức Giêsu người Nazarét đi ngang qua thì anh liền kêu cứu.

 – “Giêsu người Nazarét”: kiểu nói quen thuộc của Mc.

 – “Lạy Đức Giêsu Con Vua Đavít”: Tước hiệu bình dân của Đấng Messia, dựa theo lời của ngôn sứ Natan (2Sm 7,1-17). Điểm đáng lưu ý là anh này tuy mù những đã “thấy” rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia mà ngôn sứ Natan tiên báo. Như thế lời kêu của anh cũng là một lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ.

c 48 – Thế nhưng những người theo Đức Giêsu lại la rầy và buộc anh im. Tại sao? Vì theo suy nghĩ thường tình, một kẻ ở ngoài xã hội như anh mù không được phép quấy rầy một nhân vật quan trọng như Đức Giêsu, huống chi Đức Giêsu lại đang bận rộn với cuộc hành trình. Các môn đệ Đức Giêsu có suy nghĩ tương tự chăng? Rất có thể, bởi vì các ông từng xua đuổi trẻ con không cho chúng đến gần Đức Giêsu (10,13-16).

 – Nhưng anh càng kêu to hơn.

C 49 * Lời Đức Giêsu “Hãy kêu anh đến”: cũng như lúc trước Ngài cho gọi những trẻ nhỏ bị xua đuổi đến, nay Ngài cũng gọi một kẻ ở ngoài rìa xã hội đến với Ngài. Lời này khiến những người kia đổi thái độ. Họ khuyến khích anh mù đến với Đức Giêsu.

 – Đặc biệt họ dùng động từ “đứng dậy”, một động từ mang ý nghĩa phục sinh.

c 50 * Câu này rất hay trong từng chi tiết, và cũng là câu cho thấy tài thuật chuyện khéo léo của Mc.

 – “Anh ta liền”: Trong đoạn này Mc 3 lần dùng chữ “liền” (cc 47,50,52). Cũng như trong toàn tác phẩm Mc rất thường dùng chữ này, làm cho bài tường thuật trở nên nhẹ nhàng sinh động.

 – “Vất cả áo choàng”:

a) chiếc áo tượng trưng cho người mặc áo. Vất áo cũng là bỏ đi thân phận ở ngoài rìa xã hội của anh.

b) Đối với người ăn xin thì chiếc áo là tài sản duy nhất của anh (Xh 22,25-26). Nay anh mù vất áo cũng chính là thực hiện lời Đức Giêsu từng kêu gọi những kẻ muốn theo Ngài là hãy từ bỏ mọi sự.

 – “nhảy chồm lên”: bước nhảy của một người đang ở trong tăm tối để đến với ánh sáng.

 – “chạy đến”: mau mắn.

 * Tóm lại người mù đã nhanh chóng rũ bỏ thân phận của mình và tìm đến đức tin. Anh đã vượt qua được hố sâu ngăn cách anh với xã hội.

c 51 * Câu hỏi của Đức Giêsu có vè thừa “Con muốn Ta làm gì cho con?”. Nhưng Đức Giêsu tôn trọng tự do con người nên hỏi ý con người.

 * Trong lời đáp, anh mù gọi Đức Giêsu bằng một tước hiệu khác (trước đó anh gọi Ngài là con vua Đavít): Rabbouni. Trong tiếng Aram, Rabbi là một tước hiệu danh dự, nghĩa là Thầy; còn Rabbouni vừa danh dự vừa thân mật, nghĩa là “Thầy của con” (mon Maitre)

c 52 – “hãy đi”: 

a) Đức Giêsu không chữa chứng mù nhưng bảo cứ đi, làm như đã khỏi mù vậy

b) Đây cũng là một lệnh sai đi.

 – “Đã cứu”: một động từ súc tích, không phải chỉ chữa lành bệnh tật phần xác mà còn mang ơn cứu rỗi cho linh hồn. Cũng giống như lời Đức Giêsu nói với người phụ nữ loạn huyết (5,34). Động từ này cho thấy ý nghĩa đích thực của những phép lạ Đức Giêsu làm.

 – “Anh ta liền đi theo Ngài”: 

a) Lại là một chữ “liền” nữa.

b) đi theo cũng là một động từ tỏ thái độ của người môn đệ (1,14 2,18).


1. Tình trạng anh mù lúc đầu và lúc sau khác hẳn nhau: mù, ăn xin, ngồi bên vệ đường… sáng, đi theo Đức Giêsu, mang Tin Mừng đi loan báo.

2. Câu chuyện này được đặt vào lúc quan trọng của cuộc hành trình lên Giêrusalem lại càng cho thấy rõ thái độ phải có của người môn đệ: phải mở mắt ra để thấy Đức Giêsu là ai và sứ mạng của Ngài là gì. 

BÀI ĐỌC THÊM: NHỮNG PHÉP LẠ TRONG TIN MỪNG MARCÔ

Tin Mừng Mc ghi lại 17 phép lạ của Đức Giêsu. Số lượng này rất quan trọng so với dung lượng tác phẩm (chỉ có 16 chương) và so với dung lượng ít ỏi mà Mc dành cho những diễn từ của Đức Giêsu (nhất là phần đầu. Chẳng hạn xem 1,14 8,30).

Ta có thể tạm xếp các loại phép lạ ấy như sau:

– Nhạc mẫu của Phêrô (1,19-31).

– Một người cùi (1,40-45).

– Một người đàn bà loạn huyết (5,25-34).

– Một người câm điếc (7,31-37).

– Một người mù ở Betsaida (8,22-26).

– Một người mù ở Giêricô (10,46-52).

– Một người tê liệt ở Capharnaum (2,1-12).

– Một người tê liệt ở hội đường (3,1-16)


– Ở Capharnaum (1,21-28).

– Ở Ghêrasa ( 5,1-20).

– Con gái một phụ nữ Syro-Phênisi (7,24-30).

– Một đứa trẻ câm (9,17-29).


– Con gái ông Giairô (5,21-24 và 35-43).


– Dẹp yên bão táp (4,35-41).

– Đi trên mặt nước (6,45-51).

– “2 lần” hóa bánh ra nhiều (6,30-44 8,1-10).

Tâm thức thực nghiệm của một số người thời nay khiến họ không tin những phép lạ này. Ngược lại, tâm thức người do thái thời xưa lại khiến họ quá chú ý tới khía cạnh lạ lùng của những phép lạ. Chúng ta không nên có những loại tâm thức kể trên khi đọc nhưng tường thuật phép lạ trong Mc.

– Theo Mc, những phép lạ của Đức Giêsu là những dấu chỉ rằng Nước hiên Chúa đã đến (Mt 11,2-6) và Đức Giêsu chính là Đấng Messia. Nói cách khác những phép lạ ấy không những xoa dịu những đau đớn thể xác của con người, mà còn cho thấy ơn giải phóng của Thiên Chúa cả về phương diện tôn giáo và xã hội. Đức Giêsu cho bệnh nhân hội nhập lại vào cộng đoàn xã hội với những người khác và vào sự hiệp thông với Thiên Chúa (2 thí dụ điển hình là chữa người cùi 1,40-45 và chữa bệnh đồng thời tha tội cho người tê liệt 2,1-12).

– Chúng ta cũng phải đọc phép lạ ấy theo diễn tiến bố cục của tác phẩm: chúng giúp ta khám phá con người và sứ mạng của Đức Giêsu theo từng giai đoạn mà Mc muốn dẫn chúng ta đi.

Giai đoạn 1 (1,14 – 3,12) Đức Giêsu muốn cho biết Ngài đến để khánh thành thời đại cứu độ. Có những phép lạ chữa bệnh cho nhạc mẫu của Phêrô (1,29-31), cho một người cùi (1,40-45), một người tê liệt (2,1-12), một người liệt tay (3,1-6). Những phép lạ này chứng minh Đức Giêsu là một kẻ chữa lành không những thể xác mà tâm hồn.

 Giai đoạn 2 (3,13 – 6,6): Đức Giêsu dẫn các môn đệ mang Tin Mừng đến miền đất lương dân. Có 4 phép lạ: dẹp yên bão táp (4,35-41), chữa người bị quỷ ám ở Gêrasa (5,1-20), cứu sống con gái ông Giairô và chữa một phụ nữ loạn huyết (5,21-43). Chúng muốn nói với GH còn non trẻ của Mc rằng Chúa của họ là Đấng uy quyền mạnh hơn cả Sự Dữ và Cái Chết, nhờ đó khuyến khích họ can đảm mang Tin Mừng đến những miền đất lạ.

Giai đoạn 3 (6,7 – 8,26): Đức Giêsu tỏ mình là Môsê mới có khả năng quy tụ và nuôi dưỡng dân mới của Thiên Chúa bằng lời nói và bằng ơn ban chính bản thân Ngài. Đó là ý nghĩa của những phép lạ hóa bánh ra nhiều lần 1 (6,30-44), trừ quỷ cho con gái bà Syro- Phênisi (7,24-30), hóa bánh ra nhiều lần 2 (8,1-9), chữa một người câm điếc (7,31-37) và một người mù ở thành Betsaida (8,22-26).

Giai đoạn 4 (8,27 – 10,52): ráo riết huấn luyện môn đệ để họ có thể chấp nhận cuộc thụ nạn sắp tới của Ngài. Các phép lạ chữa một đứa trẻ kinh phong (9,14-29), người mù thành Giêricô (10,46-52) cho thấy Đức Giêsu uy quyền hơn sự dữ và sự chết, đồng thời mời gọi những ai muốn theo Ngài phải ra khỏi tình trạng mù điếc để thấy rõ Ngài là ai và sứ mạng của Ngài là gì.

Giai đoạn 5 (11,1 – 13,37): tập chú vào việc Người vào Giêrusalem và giảng dạy trong Đền thờ. Chẳng có phép lạ nào. Nhưng có chuyện cây vả héo khô (11,12-14,20-25) muốn nói rằng đức tin của người do thái và ngay cả đền thờ của họ chẳng thỏa mãn được lòng Thiên Chúa, mà chỉ có Đức Giêsu mới làm được mà thôi.

Giai đoạn 6 (14,1 – 16,8): là tường thuật dài về cuộc thụ nạn và phục sinh. Chẳng những Đức Giêsu không làm phép lạ nào mà còn từ chối những thách thức Ngài làm phép lạ, chẳng hạn xuống khỏi thập giá (15,29-32). Vì nếu làm thì có nghĩa là chối bỏ nhân tính của Ngài.

Như thế những phép lạ trong Mc không phải là những “bằng chứng” về thiên tính của Đức Giêsu mà là “dấu chỉ” để giúp người ta tin. Khi được nhìn lại bởi thánh Mc và bởi cộng đoàn của ông dưới ánh sáng phục sinh, chúng là những lời kêu mời hãy tin vào Đức Giêsu là Đấng cứu thoát khỏi mọi sự dữ, kể cả sự chết.