5: Giáo Luật

1. TIÊU HÔN: VAI TRÒ TOÀ ÁN TRONG GIÁO HỘI

(Linh mục Peter Hồ Việt, J.C.L., thuộc Giáo Phận Orange, California, hoàn tất chương trình giáo luật tại Giáo Hoàng Học Viện Gregoriana, Roma năm 2008, hiện là Phụ Tá Tư Pháp và Giám Đốc cho Tòa Án Hôn Phối cho Giáo Phận Orange.) 


Vào tháng 10, 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho triệu họp Thượng Hội đồng Giám Mục ngoại thường tại Roma vào tháng 10, 2014 để bàn thảo về những vấn đề gia đình. Một trong những đề tài nóng bỏng được đề cập đến trong Thượng Hội đồng là vấn đề tiêu hôn và vai trò của tòa án hôn phối. Về vấn đề này, một số dư luận, trong cũng như ngoài Giáo Hội, cho rằng Giáo Hội nên nhấn mạnh về tha thứ và bác ái, thay vì những thủ tục rườm rà của toà án. Họ cho rằng Giáo Hội nên nên giống như Chúa Giêsu, cần chú ý đến mục vụ bác ái, thay vì pháp luật và những thủ tục của nó.[1] Hay nói cách khác, Giáo Hội của Chúa cần có tòa án hay không?

Vì những dư luận trên về toà án của Giáo Hội, đề tài “Tiêu Hôn: Vai Trò Tòa Án Trong Giáo Hội” được viết ra, nhằm giúp quý đọc giả hiểu rỏ hơn về nguồn gốc và vai trò thực sự của toà án hôn phối. Để đi sâu vào đề tài, bài viết được chia ra thành hai phần: phần thứ nhất sơ lượt về lịch sử hay nguồn gốc, và những phát triển của toà án Giáo Hội; phần thứ hai bàn thảo về vấn đề tiêu hôn và vai trò của toà án hôn phối trong Giáo Hội.


1. Tòa Án Giáo Hội thời Sơ Khai

Lawrence Wrenn, một linh mục và giáo luật gia nổi tiếng của Hoa Kỳ, nói rằng, “Giáo Hội, có thể nói, là duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền, và phân xử /xét xử. Toà án và việc xét xử đã từng là một phần của Giáo Hội từ lúc đầu.”[2] Tác giả Wrenn cho biết thêm, “Dựa vào thánh sử Matthêô, chính Chúa Giêsu đã phác thảo điều luật đầu tiên về thủ tục cho giáo luật, cho toà án của Giáo Hội”:

Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.[3]

Sau này, khi Thánh Phaolô rao giảng ở những vùng dân ngoại, nhất là khi phải quyết định cho những vấn đề liên quan về đức tin, về luân lý, và những xung khắc trong cộng đồng, ngài cũng dạy tương tự như vậy. Ngài phê chuẩn và nhấn mạnh cho việc có hai hay ba nhân chứng trong mọi tranh tụng: có ít nhất hai lần ngài nhắc đến việc này. Lần thứ nhất, trong thư thứ hai gởi các tín hữu Côrintô, ngài nói: “Đây sẽ là lần thứ ba tôi đến thăm anh em. Mọi công việc phải được giải quyết nhờ có ba mặt một lời” (2 Cor 13:1). Lần thứ hai, trong thư thứ hai gởi cho ông Timôthêô, ngài nói: “Lời tố cáo một kỳ mục, anh em đừng chấp nhận, trừ phi có hai hoặc ba nhân chứng” (1Tim5:19).

Tiếp đến, trong chương thứ sáu của Thư thứ nhất gởi các tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô bàn rộng thêm về việc xét xử các Kitô hữu; trong thư ngài đề nghị Giáo Hội nên lập một hệ thống toà án riêng để xét xử và giải quyết những vấn đề nội bộ:

Khi xảy ra tranh chấp với kẻ khác, có người trong anh em dám đi kiện cáo trước mặt người ngoại mà lại không đến trước mặt các thánh! Nào anh em chẳng biết rằng các thánh sẽ xét xử thế gian ra sao? Mà nếu được quyền xét xử thế gian, anh em lại không xứng đáng xử những việc nhỏ mọn ư? Nào anh em chẳng biết rằng chúng ta sẽ xét xử các thiên thần sao? Phương chi là những việc đời này! Thế mà khi phải xét xử những việc đời này, anh em lại đặt những người mà Hội

Thánh coi nhẹ làm quan toà! Tôi nói thế cho anh em phải xấu hổ. Chẳng lẽ trong anh em lại không có người nào khôn ngoan có thể xét xử các vụ tranh chấp giữa anh em mình ư? Đằng này, anh em đã kiện cáo nhau thì chớ, lại còn đem nhau ra trước toà những người không có đức tin![4]

Theo Wrenn, lời khuyên dạy của Thánh Phaolô có thể là tiếng nói và cũng là sự cổ võ chính thức cho việc thành hình một hệ thống toà án trong Giáo Hội.

Vào năm 197, khi ông Tertullian[5] viết cuốn Apology trong một nỗ lực để thuyết phục tổng trấn của đế quốc La Mã, ông cho rằng những Kitô hữu là những người tốt, không đáng bị bách hại. Và ông đưa ra vài ví dụ về lối sống thánh thiện và hệ thống tòa án để giải quyết những vấn đề nội bộ. Trong chuơng 39 của cuốn Apology, ông nhắc nhở những thủ lãnh La Mã rằng:

Của cải gia đình, là một thứ huỷ diệt tình huynh đệ giữa các ông, nhưng tạo tình liên kết giữa chúng tôi. Một lòng, một trí, chúng tôi không ngần ngại chia sẻ những vật chất chúng tôi có cho nhau. Tất cả là của chung… Nhưng việc chính là tình thương cao thượng, điều mà mọi người biết về chúng tôi. “Thấy không,” họ nói, “xem họ thương yêu nhau thế nào.”… Chúng tôi là một chi thể nối kết bởi cùng một đức tin tôn giáo, cùng sự đoàn kết và kỷ luật, và cùng một hy vọng chung… Cũng chính trong nơi sinh hoạt này những khích lệ được nêu ra, những khiển trách và kiểm điểm thiêng liêng được thực hiện. Nhưng không kém phần quan trọng là việc phân xử được thực hiện giữa chúng tôi, nhằm mang lại sự an tâm cho những ai cảm thấy họ cần được xứng đáng trước thánh nhan Chúa.[6]

Những bản văn trên cho thấy những lời giảng dạy của Chúa trong Phúc Âm Mattheô và giáo huấn của Thánh Phaolô về việc trình người anh em trước cộng đoàn để xét xử vẫn còn thực hiện ở thế kỷ thứ hai. Và đến thế kỷ thứ ba, những tư tưởng của Tertullian được dùng đến như là tài liệu căn bản để phát triển thêm về khía cạnh thủ tục và phương pháp xét xử cho toà án. Những phát triển này được tóm tắt trong văn kiện Didascalia.[7] Wrenn giải thích, “Từ trang này sang trang nọ, Didascalia chú trọng về hệ thống toà án của Giáo Hội, với những hướng dẫn đặc biệt cho các giám mục làm thẩm phán để xử lý những truờng hợp bị vu khống, tham nhũng, hay những trường hợp làm minh bạch và công bằng cho hai bên cáo viên và bị cáo, và những truờng hợp phân xét khác cho những Kitô hữu.”[8]

 

2. Toà Án Giáo Hội thời Hoàng Đế Constantinô

Vào năm 313, khi hoàng đế Constantinô ban sắc lệnh công nhận đạo Kitô là đạo chính thức của đế quốc La Mã, ông đồng thời ban cho các giám mục cùng quyền xét xử như các thẩm phán dân sự, nếu hai bên [cáo viên và bị cáo] đều đồng ý[9]. Sự cho phép này nói lên một việc quan trọng giữa Giáo Hội và xã hội: Giáo Hội có một ảnh hưởng rất lớn trong xã hội thời đó. Hệ thống tòa án của Giáo Hội cũng có ảnh hưởng trong xã hội; và hệ thống luật pháp của Giáo Hội bị ảnh huởng rất nhiều bởi hệ thống luật pháp La Mã, nhất là trong thủ tục thưa kiện và xét xử.[10]

Một ví dụ rõ ràng về sự ảnh hưởng của hệ thống luật pháp La Mã trên luật của Giáo Hội được tìm trong lá thư số 45 trong tập XIII của Đức Thánh Cha Gregoriô Cả[11] gởi đến cho một người tên là Gioan, người biện hộ và là đại diện tư pháp riêng cho ngài. Nội dung và bối cảnh của thư liên quan đến một sự kiện rất tế nhị và quan trọng bùng nổ tại Tây Ban Nha và gây không ít sự chú ý cho toà án dân sự địa phương. Khi sự kiện xảy ra, Đức Thánh Cha Gregoriô phái ông Gioan đến Tây Ban Nha với hướng dẫn là duyệt lại và kiểm định những thủ tục, lời khai, và với quyền để xử. Trong lá thư số 45 ngài đã nhiều lần trích dẫn những tài liệu từ Code và Novels của Justianô, cũng được gọi là Codex Justianus, [Cuốn Bộ Luật Justianus],[12] để giải quyết vấn đề. Nói cách khác, ngài cho rằng những điều lệ của La Mã cùng với những tác phẩm Institutes Digest,[13] nghĩa là những tài liệu luật pháp của triều đại La Mã được thu thập qua vài thế kỷ và thi hành dưới thời hoàng đế Justinô, được dùng trong toà án của Giáo Hội.

Vào năm 1234 Đức Thánh Cha Gregoriô IX, qua việc thu thập và soạn thảo, cho phát hành một lịnh tập cho toà án của Giáo Hội; lịnh tập này được gọi là Decretals of Pope Gregory IX. Dùng phương pháp sắp xếp của Bernard ở Pavia, ngài chia Lịnh Tập thành 5 phần: 1) Iudex (thẩm phán); 2) Iudicium (toà án: thưa kiện & xét xử); 3) Clerus (tu sĩ); 4) Connubia (hôn nhân); 5) Crimen (trọng tội).

Những ví dụ vừa nêu trên cho thấy rằng sự phát triển của Giáo Hội cũng là sự phát triển của toà án và luật trong Giáo Hội. Sự phát triển nói lên sự cầu kỳ trong Giáo Hội, cũng có nghĩa là sự cầu kỳ, nếu không nói là phức tạp, cho những thủ tục của toà án. Đối diện với những phát triển cầu kỳ và phức tạp đòi hỏi Giáo Hội và tòa án của Giáo Hội cần nên rõ ràng, và hệ thống xét xử cần có cấu trúc. Mặc dầu hệ thống luật lệ và phương cách xét xử của toà án của Giáo Hội bị ảnh hưởng bỡi luật dân sự, dẫu rườm rà hơn, nhưng mục đích và vai trò của toà án Giáo Hội vẫn không khác gì với những lời giáo huấn của Chúa: xét xử và sửa lỗi với chủ ý là mang lại đoàn kết và hiệp nhất.[14]

 

3. Tòa Án của Giáo Hội dựa trên Bộ Giáo Luật 1983

Dựa vào những tư tưởng của các thế hệ trước, vào năm 1917 Đức Thánh Cha Piô IX cho ban hành Bộ Giáo Luật 1917[15] mà Giáo Hội dùng suốt thời gian công đồng Vaticanô I, cho đến khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành Bộ Giáo Luật 1983 [Codex Iuris Canonici 1983] mà chúng ta đang dùng; Bộ Giáo Luật 1983 này là bản văn kiện cuối cùng của Công Đồng Vaticanô II.

Theo Wrenn, “Tất cả những điều luật và tác phẩm trong Bộ Giáo Luật 1983, phần nhiều là những lập lại được tìm thấy trong Decretals [Lịnh Tập của Đức Giáo Hoàng Gregoriô IX] của năm 1234 và một phần nhỏ được tìm thấy trong Codex Justianus của năm 535.”[16] Trong chương nói về phần xét xử, Bộ Giáo Luật 1983 nêu ra 5 yếu tố chính: 1) đối tượng vật chất [material object]; 2) chủ thể tích cực [active subject]; 3) hình thức [form]; 4) đối tượng thụ động [passive subject]; và 5) đối tượng chính thức [the formal object].[17] Bộ Giáo Luật cũng nêu ra những thủ tục (de processibus[18]) cần thiết cho toà án trong việc xét xử. Nói tóm lại, những thủ tục toà án nêu trong Bộ Giáo Luật 1983 có cấu trúc, hệ thống chặt chẽ, nhằm mang lại sự công bằng và bảo vệ quyền lợi cho hai bên tố viên và bị cáo, đồng thời giúp tránh những thiên vị và lạm dụng quyền hành bởi bề trên của Giáo Hội. Nhưng quan trọng hơn hết, mục đích chính của toà án Giáo Hội và những xét xử là “Ơn Cứu Rỗi.” Bởi thế, điều luật cuối cùng của Bộ Luật 1983 đúc kết rằng: “Sự công bằng của giáo luật cần được quan sát, và ơn cứu rỗi của linh hồn phải luôn luôn là điều luật cao cả nhất của Giáo Hội.”[19] Nói cách khác, mục đích của giáo luật là phục vụ cho phần rỗi của các tín hữu trong Giáo Hội: “Mục đích của giáo luật là duy trì những gía trị con người và thần học và giúp cộng đồng sống xứng đáng với những giá trị đó.”[20]

 

4. Tiêu Hôn và Vai Trò Toà Án Giáo Hội

Với ơn cứu rỗi là mục đích chính của toà án Giáo Hội, vai trò tòa án hôn phối trong việc cứu xét những hồ sơ xin tiêu hôn cũng nhắm về mục đích là mang ơn cứu rỗi của Chúa đến cho những người đau khổ, bất hạnh: “Tôi đến không để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”[21] Ơn cứu rỗi ở đây không ám chỉ riêng cho một hành động sám hối, nhưng là một con người lỗi lầm ăn năn trở về, chọn Chúa và trở thành một với Chúa Kitô. Ơn cứu rỗi bàn thảo ở đây phải được hiểu trong bối cảnh đức tin: tin vào Chúa, chọn Chúa và trở về cùng Chúa, tức là nguồn thánh thiện.[22]

Khi nhấn mạnh về ơn cứu rỗi, Giáo Hội qua Bộ Giáo Luật 1983 muốn nhấn mạnh về khía cạnh con người; chỉ có “Con Người” [Giêsu] mới có thể ban ơn cứu rỗi cho con người [nhân loại]. Sự chuyển hướng của luật hôn nhân ảnh hưởng rất nhiều cho toà án hôn phối. Trong việc tiêu hôn (dissolutio)[23] hay công bố sự bất thành (declaratio nullitatis)[24] của một hôn nhân, Giáo Hội nhắm vào đức tin, nghĩa là nhắm vào lợi ích thiêng liêng của người tín hữu, bởi vì hôn nhân không chỉ có đặc tính tổ chức (institutio), nhưng còn của tạo dựng (creatio) và thánh thiện,[25] tượng trưng cho giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Ngài (conventio / pactio).[26] Khi công bố một hôn nhân bất thành, toà án hôn phối tháo gỡ những cản trở thiêng liêng và hồi phục nhân phẩm của người lỗi lầm, để họ được tiếp tục làm con cái Chúa và trở về hiệp thông cùng Giáo Hội, Chi Thể của Chúa Kitô.

 

5. Suy Tư của Tác Giả

Đề tài của bài là viết về “vai trò” của toà án trong Giáo Hội, nhưng phần nhiều tác giả qua vài điểm lịch sử viết về sự phát triển và mục đích của nó, đó là mang lại sự trật tự, công bằng, và ơn cứu rỗi. Dẫu biết rằng vai trò và mục đích là hai định nghĩa khác nhau, nhưng vai trò và mục đích của toà án Giáo Hội tựa như hai bộ mặt của một đồng tiền. Lý do là toà án của Giáo Hội chỉ là một trong những cơ cấu, bộ phận sinh hoạt và mục vụ của Giáo Hội. Là một bộ phận trong cơ cấu của Giáo Hội, mục đích và vai trò của toà án luôn luôn là một với Giáo Hội, và phản ảnh bản chất của Giáo Hội, nghĩa là toà án phải là dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa Kitô trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Toà án Giáo Hội, qua việc xét xử, chỉ là một khí cụ của tha thứ, của công bằng, nhằm đến mục đích mang lại sự hiệp thông, tức là ước muốn cuối cùng của Chúa Giêsu trước cuộc thương khó: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.”[27]

Nếu mục đích của Giáo Hội là phục vụ, thì mục đích của toà án cũng vậy. Nếu vai trò của Giáo Hội là bí tích của ân sủng Chúa, thì vai trò của toà án cũng vậy. Toà án của Giáo Hội, dẫu mang tính chất và sắc thái của luật lệ, không thể tự lập hay khác biệt với mục vụ của Giáo Hội. Nó luôn luôn phản ảnh nguồn ân sủng của Chúa Kitô qua Giáo Hội.

----------------------------------

[1] Để biết thêm về những dư luận và bàn cãi cho đề tài này, xin tham khảo bài viết của John L. Allen Jr.: “However dramatic, the Synod of Bishops 2014 was just the beginning” [Oct. 20, 2014] (www.cruxnow.com).

[2] The Code of Canon Law, A Text and Commentary: “Book VII: Processes” [ed. James A. Coriden; Thomas J. Green; Donald E. Heintschel (1985)], tr. 945.

[3] Mt 18: 15-18

[4] 1 Cor 6:1-6.

[5] Ông Tertullian sinh trưởng ở Carthage, bắc-Phi (156-220 AD), là một tác giả và là bút chiến Kitô giáo. Ông cổ võ ngôn ngữ Latin, một ngôn ngữ thông dụng thời đó, thay vì Hy lạp, là ngôn ngữ của Giáo Hội.

[6] The Ante Nicene Fathers III, tr. 46-47. Thứ tự của văn kiện được thay đổi chút ít; và những chữ viết ngả là lời của tác giả Tertullian.

[7] Didascalia là một văn kiện đuợc viết vào khoảng đầu thập niên của thế kỷ thứ 3, và chính thức được phát hành vào năm 1854 bởi Paul de Lagarde. Danh hiệu hoàn chỉnh của Didascalia là Didascalia Apostolorum nghĩa là Giáo Huấn của Các Tông Đồ và Môn Đệ của Chúa Chúng Ta. Nội dung của văn kiện này không đề cập về vấn đề tín lý, nhưng về những kỷ luật và tập tục của Giáo Hội, đặc biệt là những tập tục phụng vụ và cấu trúc tổ chức. Về nguồn gốc của Didascalia, tác giả J. Quasten trong cuốn Patrology giải thích rằng: “Didascalia, dựa trên những điều tra gần đây, được viết vào đầu thế kỷ thứ 3 cho những dự tòng ở bắc phần Syria. Tác phẩm Didascalia được trình bày dựa theo Didache (cf. vol I, tr. 29-39) ~ [tạm dịch là Giáo Huấn của 12 Tông Đồ, đuợc viết vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất hay là vào đầu thế kỷ thứ hai. Didache là một luận thuyết và đuợc xem là văn bản giáo lý đầu tiên của Giáo Hội].

[8] Constitutions of the Holy Apostles, Book II, Sections III-VI, “The Ante Nicene Fathers”, tr. 398-421.

[9] Codex Theodosianus, I 27, 1: Mommson-Myers (Berlin, 1095), tr. 62.

[10] “Once Constantine, the Roman emperor, became a Christian and, in particular, once he granted to bishops the same authority as civil judges…it was inevitable that the procedural law of the Roman civil courts would influence and change the procedures of the church courts. And so it did. [tạm dịch: Khi Constantinô, hoàng đế La Mã, trở thành một Kitô hữu và, trong cách riêng, khi ngài cho phép các giám mục quyền tương tự như các thẩm phán dân sự… việc không thể tránh đuợc đó là thủ tục luật lệ của La Mã có ảnh huởng và thay đổi thủ tục của toà án Giáo Hội. Và nó đã xảy ra như vậy” (New Commentary on the Code of Canon Law [ed. John P. Beal; James A. Coriden; Thomas J. Green (2000)], tr. 1611.

[11] Gregôriô sinh vào một gia đình quý tộc tại La Mã vào năm 540. Trước khi chịu chức linh mục, Ngài là một luật sư dân sự nổi tiếng, là quận trưởng của thành La Mã, và là chủ tịch thuợng viện của La Mã.

[12] Codex Justianô là bộ luật dân sự được thành lập bởi Hoàng Đế Justianô vào thế kỷ thứ 6. Sau khi lên ngôi hoàng đế, ông ban lệnh soạn và cập nhật một bộ luật mới cho đế quốc La Mã. Bộ luật Justianô thay thế 3 bộ luật cũ của Codex Gregorianus, Codex Hermogenianus và Codex Theodosianus. Cf. PL 77, tr. 1294-1300.

[13] Institutiones IV 6, 13; Digesta IV 1, XLII, XLIV 1, 2.

[14] Sự hiệp nhất và đoàn kết là căn bản của Giáo Hội học. Đọc giả có thể tham khảo thêm về đề tài này qua Hiến Chương Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân) #4 &#7 của Công Đồng Vaticanô II, và bài chia sẻ Ecclesiology of Vatican II của Đức Thánh Cha Beneđictô XVI, khi ngài làm Hồng Y Trưởng của Bộ Tín Lý và Đức Tin, (ngày 15 tháng 09, 2001). Sau đây là một phần được trích ra từ bài nói của ngài: “Around the time of the extraordinary Synod of 1985 which attempted to make an assessment of the 20 years since the Council there was a renewed effort to synthesize the Council’s ecclesiology. The synthesis involved one basic concept: the ecclesiology of communion. I was very much pleased with this new focus in ecclesiology and I endeavoured, to the extent I was able, to help work it out. First of all one must admit that the word ‘‘communio” did not occupy a central place in the Council. All the same if properly understood it can serve as a synthesis of the essential elements of the Council’s ecclesiology. All the essential elements of the Christian concept of “communio” can be found in the famous passage from the First Letter of Saint John (1,3); it is a frame of reference for the correct Christian understanding of “communio.” “That which we have seen and heard we proclaim also to you, so that you may have fellowship (communio) with us; and our fellowship is with the Father and with his Son Jesus Christ. And we are writing this that our joy may be complete.” The point of departure of communio is clearly evident in this passage: the union with the Son of God, Jesus Christ, who comes to mankind through the proclamation of the Church. Fellowship (communio) among men is born here and merges into fellowship (communio) with the One and Triune God. One gains access to communion with God through the realization of God’s communion with man—it is Christ in person. To meet Christ creates communion with Him and therefore with the Father in the Holy Spirit. This unites men with one another. The goal of all this is the fullness of joy: the Church carries in her bosom an eschatological dynamic. This expression “fullness of joy” recalls the farewell address of Jesus, His Paschal mystery and the Lord’s return in the Easter apparitions which prefigure His definitive return in the new world. “You will be sorrowful, but your sorrow will turn into joy ... I will see you again and your hearts will rejoice ... ask, and you will receive, that your joy may be full (Jn 16, 20.22.24). If this verse is compared to the invitation to prayer in St Luke (Lk 11,13) it is apparent that “joy” and the “Holy Spirit” are equivalent. Although John does not explicitly mention the Holy Spirit in his first Epistle (1,3) he is hidden within the word “joy.” In this biblical context the word “communio” has a theological, Christological, soteriological and ecclesiological characteristic. It enjoys a sacramental dimension that is absolutely explicit in St Paul: “The cup of blessing which we bless, is it not a communion in the blood of Christ? The bread which we break, is it not a communion in the body of Christ? Because there is one bread, we who are many are one body ... ” (I Cor 10,16ff.). The ecclesiology of communion at its very foundation is a Eucharistic ecclesiology.”

[15] Soạn giả chính cho phần luật hôn nhân trong cuốn Bộ Luật 1917 là Đức Hồng Y Pietro Gasparri (1852-1934): “The main architect of the law of the marriage in the first Code was Pietro Gasparri. He inherited the qualities of the classical Roman lawyers; his legal works are marked with clarity, conciseness and balance. His theological horizon, however, was rather narrow. His main concern was to uphold and to protect the institution of marriage. Hence, the Code drafted under his direction paid little attention to the legitimate desires and needs of individual persons. It stressed throughout the propagation of children as the primary end of the institution; it made the acts apt for the generation of the offspring the principal object of the contract” (Ladislas Orsy, Marriage in Canon Law: Texts and Comments; Reflections and Questions [1990], tr. 35).

[16] New Commentary on the Code of Canon Law: Text and Commentary, tr. 1612.

[17] Đối tượng vật chất là vấn đề trình lên toà án; chủ thể tích cực là thẩm phán hay là toà án xét xử sự kiện; hình thức là thủ tục, phương án cần thiết trong việc điều tra và xét xử; đối tượng thụ động gồm có tố viên, bị cáo, và những biện hộ cho hai bên; và đối tượng chính thức là sự kiện hay là sự phản cáo.

[18] Codex Iuris Canonici [1983], LiberVII: canonici #1400-1572.

[19] Codex Iuris Canonici [1983], #1752.

[20] Ladislas Orsy, Marriage in Canon Law: Texts and Comments; Reflections and Questions [1990], tr. 11.

[21] Lk 5:31

[22] Lumen Gentium (Hiến Chương Ánh Sáng Muôn Dân của Công Đồng Vaticanô II) #4 & #7.

[23] Tiêu hôn (disolutio) nói về Đặc Sủng Đức Tin của thánh Phaolô (điều luật #1143) hay của thánh Phêrô (điều luật #1142) trong việc huỷ bỏ hay tiêu hôn một hôn nhân ngoại đạo. Đặc Sủng của Thánh Phaolô nói về quyền tháo gỡ của Giáo Hội cho một hôn nhân, mà lúc thành hôn hai người nam và nữ chưa được rửa tội nhân danh Chúa Kitô, nhưng sau này hai người ly dị vì không thuận với nhau bởi vì người kia chọn Chúa Kitô. Đặc sủng này dựa vào việc thánh Phaolô rao giảng cho dân ngoại, và sau khi đón nhận tin mừng một trong hai người trong hôn nhân chọn Chúa. Việc chọn Chúa tạo cho hôn nhân đó bất hòa; vợ và chồng không thể sống chung vì đức tin Kitô. Thánh Phaolô cho rằng việc chọn Chúa là cao cả và huỷ hôn nhân đó vì đặc sủng đức tin, bỡi chính Chúa đã nói: “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy…” (Mt. 10:37). Việc công bố hôn nhân bất thành (declaratio nullitatis) nói về quyết định của tòa án, sau khi điều tra sự kiện, chính thức tuyên bố một hôn nhân Công Giáo hay không Công Giáo bất thành, bỡi vì những người đi vào hôn nhân thiếu / không có năng lực (incapaces) từ lúc đầu (ab initio).

[24] Những lý do công bố một hôn nhân bất thành được tìm trong những điều luật sau đây: 1095-1103. Những cản trở làm cho hôn nhân vô hiệu được tìm trong điều luật 1083-1094.

[25] Gaudium et Spes (Hiến Chương Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vaticanô II) #48.

[26] “In the Hebrew’s understanding of marriage, the instutitional aspect dominated: the family was the primary source of the strength of the tribe. To have children in abundance was a great blessing; the survival and the future prosperity of the people depened on them. Yet, side by side with the appreciation of the institution, we are told also touching stories of marital relationships; that of Abraham and Sarah is one of them. The creation narratives, as we have them, are fruit of a long maturation; they contain a culturally advanced, even sophisticated understanding of marriage. The first human beings appear in a sacred context: they are part of the universe that has been created by God. They appear as a couple, as equals, in conversation with their Maker… The source of their equality and unity is now placed directly into God’s own powerful word. He gave them also the task of continuing his work in this creation… The ideal put forward in the creation is that of a monogamous marriage; a remarkable fact because the sacred books tells us about the polygamous unions of several outstanding personalities in the history Israel. This orientation toward monogamy was certainly supported and strengthened by the developing symbolism attached to marriage; Israel used the image of the human couple to describe and to understand with increasing depth of the nation’s relationship to Yahweh; he was the ‘bridegroom,’ and they the ‘bride’. It was a jealous relationship: as Yahweh was the God Israel, Israel had to be the pople of Yahweh” (Ladislas Orsy, Marriage in Canon Law: Text and Comments; Reflections and Questions, tr. 15-16).

[27] Gn 17:24

2. GIÁO HỘI - TIÊU HÔN: TIẾN TRÌNH VÀ Ý NGHĨA

(Lm Gioan Viannêy Nguyễn Ngọc Thụ, J.C.L., thẩm phán toà án tổng giáo phận Galveston-Houston, Texas, phó xứ nhà thờ chánh toà Thánh Tâm giáo phận Houston, quản nhiệm cộng đoàn Việt Nam giáo xứ chánh toà Thánh Tâm, đại diện Đức Tổng Giám Mục cho cộng đồng Công Giáo Việt Nam trong tổng giáo phận, chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam trong tổng giáo phận, và giữ chức vụ chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Miền Nam Hoa Kỳ.) 


Thống kê CARA (CENTER FOR APPLIED RESEARCH IN THE APOSTOLATE) năm 2013 cho biết một trong năm cuộc hôn nhân Công Giáo đã kết thúc qua việc ly dị và một trong mười cặp hôn nhân khai là họ đang ly dị (gồm có người đã tái hôn có hoặc không được tiêu hôn).[1] Mặc dù đa số người ta đều có ý ngay lành là muốn gầy dựng một gia đình nhưng nhiều hôn nhân đã bị đổ vỡ. Giáo Hội Công Giáo cảm thông với sự đau khổ và căng thẳng do hôn nhân đổ vỡ đã gây ra cho tất cả những ai liên hệ. Vai trò căn bản của Văn Phòng Tòa Án các Giáo Phận là để giúp đỡ quý vị thỉnh nguyện xin tiêu hôn. Không may, đã có nhiều sự hiểu lầm về vấn đề tiêu hôn trong Giáo Hội Công Giáo. Tài liệu này sẽ giúp hiểu biết thêm về Tiêu Hôn: Tiến Trình và Ý Nghĩa.

 

1. Tiêu Hôn là gì?

Để trả lời câu hỏi này, hãy tìm hiểu: “hôn nhân trong cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo.” Giáo Hội hiểu rằng hôn nhân là một “giao ước hôn phối, mà qua đó người nam và người nữ cùng nhau tạo nên một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống, mà tự bản tính giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái.”[2] Mỗi người phải hứa trung tín vĩnh viễn trong suốt cuộc đời, cho đến khi một trong hai người phối ngẫu qua đời.[3]

Hôn nhân là một bí tích hoặc không phải là bí tích. Là một bí tích khi cả hai đã được rửa tội theo nghi thức Công Giáo hay theo nghi thức của các giáo phái Kitô hữu khác. Mọi hôn nhân (của người Công Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành, Do Thái Giáo, không phải Kitô Giáo, không có đức tin), dù là bí tích hay không, đều được phỏng định là thành sự.[4] Sự thiện ích của những thành phần có liên hệ (vợ/chồng, con cái, các thành viên gia đình, xã hội, Giáo Hội) đòi buộc việc phỏng định thành sự này. Giáo Hội Công Giáo vẫn trung thành với lời giảng dạy của Đức Giêsu Kitô về hôn nhân, ly dị và tái hôn.[5]

Mọi hôn nhân, ngay từ lúc ban đầu, được phỏng định là thành sự. Do đó, giây liên kết hôn nhân bị ràng buộc cho tới khi một trong hai người phối ngẫu qua đời.[6] Với tất cả mọi suy đoán, sự trái ngược với việc thành sự cũng có thể được đặt ra. Nếu khi có bằng cớ đầy đủ cho thấy hôn nhân đó không thành sự, thì sự phỏng định lúc đầu về việc thành sự của hôn nhân đã không có. Giá trị của lời thề hứa giữa hai người phối ngẫu trao cho nhau trong hôn lễ là một điều hết sức quan trọng. Nếu một người không hiểu trọn vẹn đặc tính của hôn nhân trước khi thề hứa, hoặc không có sự tự do thề hứa,[7] hay không có ý định coi đó là một hôn nhân như Giáo Hội hiểu (nghĩa là: về tính cách vĩnh viễn, sự trung tín, sẵn sàng đón nhận con cái, v.v),[8] hoặc không có khả năng để chu toàn bổn phận và quyền lợi trong hôn nhân,[9] thì người ấy đã bước vào một tương giao mà thiếu một (hoặc nhiều) yếu tố thiết yếu của hôn nhân như Giáo Hội Công Giáo hiểu. Do đó khi một hôn nhân không phản ảnh được sự hiểu biết này, nó được coi là “bất thành” hoặc “vô hiệu.” Qua một tiến trình tiêu hôn, khi có thể chứng minh được là cuộc hôn nhân nào đó không thành sự, và rồi Giáo Hội có thể ban hành một “công bố về tính cách vô hiệu của hôn nhân,” việc công bố này nói lên sự phỏng định thành sự lúc ban đầu của hôn nhân đã không đúng. Giáo Hội không tuyên bố một thực tại mới, mà chỉ nói lên một thực tại mà nó đã thực sự hiện hữu lúc ban đầu. Nếu có điều gì được coi là “mới mẻ” thì đó là sự phỏng định thành sự ngay từ lúc ban đầu bây giờ được tuyên bố là không đúng.

Từ ngữ “tiêu hôn” thường được hầu hết mọi người dùng đến. Nên biết rằng định nghĩa tiêu hôn của Giáo Hội Công Giáo rất khác biệt với định nghĩa trong tự điển phổ thông. Người ta thường hiểu ý nghĩa của sự tiêu hôn với nhiều ý nghĩa mà nó ám chỉ Giáo Hội đang tiến hành điều gì đó trong hôn nhân của quý vị. Điều này không đúng. Thay vào đó, Giáo Hội chỉ ban hành một công bố về hôn nhân. Nếu sự tiêu hôn được ban hành, có nghĩa là Giáo Hội tuyên bố rằng hôn nhân ấy đã thiếu một (hoặc nhiều) yếu tố căn bản ngay từ lúc ban đầu khiến hôn nhân ấy không thành sự. Thay vì dùng từ ngữ “tiêu hôn,” mệnh đề thích hợp trong giáo huấn của Giáo Hội là: “một công bố về tính cách vô hiệu,” nghĩa là một công bố có ý nói rằng một hôn nhân bất thành nên không có sự ràng buộc cho tới khi một trong hai người phối ngẫu qua đời, như trong trường hợp một hôn nhân thành sự.

 

2. Có những mẫu đơn khác nhau trong việc xin một công bố vô hiệu hóa hôn nhân hay không?

Để giúp vào tiến trình xin vô hiệu hóa hôn nhân, linh mục, phó tế hay “Người Bảo Trợ của Người Đứng Đơn (Petitioner)” (ngoài các linh mục và phó tế, một số tòa án đã huấn luyện cho một số giáo dân làm công việc này), sẽ quyết định xem loại đơn xin nào người thỉnh nguyện phải điền. Các đơn xin phổ thông là đơn Formal (Những Trường Hợp Vô Hiệu Chính Thức Xin Công Bố Hôn Nhân Không Thành Sự),[10] đơn Defect/Lack of Canonical Form (Thiếu Yếu Tố Giáo Luật),[11] và đơn Prior Bond (Ràng Buộc bởi Hôn Phối Trước).[12] Và có thêm đơn Đặc Ân Đức Tin: Pauline Priviledge (Đặc Ân Thánh Phaolô),[13] Petrine Priviledge (Đặc Ân Thánh Phêrô) và Ratum Tantum (Hôn Nhân Chưa Hoàn Hợp).[14] Có những thủ tục khác biệt với những loại đơn xin khác nhau. Các vị chuyên môn được nêu ở trên sẽ giúp người thỉnh nguyện trong tiến trình này.

 

3. Ai có thể bắt đầu tiến trình này? Họ bắt đầu như thế nào?

Bất cứ ai đã ly dị về phương diện dân sự, dù là Công Giáo hay không, cũng có thể khởi sự tiến trình này.[15] Họ liên lạc với giáo xứ Công Giáo địa phương để lấy hẹn gặp Người Bảo Trợ cho Người Đứng Đơn. Người Bảo Trợ là một linh mục, phó tế hay giáo dân được giáo xứ chỉ định để cung cấp tài liệu, hướng dẫn và hỗ trợ Người Đứng Đơn trong suốt tiến trình. Người BảoTrợ sẽ quyết định xem loại đơn nào đương sự cần phải điền. (Để có tờ đơn xin tiêu hôn hay cần sự giúp đỡ của Người Bảo Trợ đều miễn phí.) Với một số tòa án, không một đơn thỉnh nguyện nào nộp lên Văn Phòng Tòa Án được chấp nhận nếu không có sự giúp đỡ của Người Bảo Trợ.

 

4. Một người không phải là người Công Giáo và cũng không có ý định trở thành người Công Giáo. Tại sao họ cũng phải nộp đơn xin? Làm thế nào mà Giáo Hội lại áp dụng sự hiểu biết về hôn nhân của Giáo Hội trên họ, khi người đó không phải là người Công Giáo?

Chắc hẳn, người ấy có ý muốn kết hôn với một người Công Giáo trong Giáo Hội Công Giáo. Thường rất khó để một người không Công Giáo hiểu được sự cần thiết của tiến trình này, nhưng Giáo Hội Công Giáo tôn trọng sự toàn vẹn của mọi hôn nhân thuộc bất cứ loại nào: [tôn giáo, hợp thức hóa, dân luật (quan tòa, v.v), xã hội công nhận, v.v...]. Dù rằng tòa án dân sự đã cho mọi người quyền tái hôn trong lãnh vực dân sự, điều đó không có nghĩa là người không Công Giáo có một quyền tương tự trong Giáo Hội Công Giáo. Cũng xin hiểu cho rằng việc trở thành người Công Giáo không đòi buộc cho tiến trình xin tiêu hôn này hoặc để được kết hôn trong Giáo Hội.

Sự hiểu biết về hôn nhân của Giáo Hội được áp dụng cho mọi hôn nhân, vì sự hiểu biết này bắt nguồn từ bản tính loài người và bản chất của hôn nhân (luật tự nhiên). Và luật của Đức Giêsu cũng bắt nguồn từ thực tại ấy. Sự hiểu biết của Giáo Hội về hôn nhân không nhất thiết phải khác biệt với các tôn giáo khác. Điều khác biệt là sự hiểu biết của Giáo Hội được dựa trên sự giảng dạy của Đức Giêsu, đó là không ai có thể tái hôn sau khi ly dị, một khi người phối ngẫu cũ vẫn còn sống.[16] Và sự giảng dạy của Đức Giêsu áp dụng cho mọi người, chứ không chỉ riêng cho người Công Giáo.

 

5. Một người đã kết hôn nhiều lần. Họ có phải làm đơn xin cho mỗi một hôn nhân trước hay không?

. Một đơn xin vô hiệu hóa phải được nộp cho mỗi và mọi hôn nhân đã bị đổ vỡ thuộc bất cứ loại nào: [tôn giáo, hợp thức hóa, dân luật (quan tòa, v.v…), xã hội công nhận, v.v] nếu những người phối ngẫu trước vẫn còn sống và những hôn nhân ấy chưa được Giáo Hội Công Giáo tuyên bố là vô hiệu. Mỗi và mọi hôn nhân trước phải được duyệt xét, qua đơn xin hoặc bằng việc đệ trình giấy khai tử của (những) người phối ngẫu trước. Đây là điều bắt buộc, dù người ấy là Công Giáo hay không. Nếu không có (những) quyết định về tiêu hôn và/hoặc (các) giấy khai tử, người ta không thể kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo. Người Bảo Trợ sẽ giúp Người Đứng Đơn với mỗi đơn thỉnh nguyện.

 

6. Tại sao Văn Phòng Tòa Án lại tiếp xúc với người phối ngẫu cũ (Người Bị Đơn = Respondent) của Người Đứng Đơn trong tiến trình tiêu hôn này? Các viên chức không tin những lời khai của Người Đứng Đơn hay sao?

Đây không phải là vấn đề không tin tưởng, nhưng đúng hơn đó là vấn đề công bằng và tôn trọng người phối ngẫu cũ của Người Đứng Đơn. Người này có quyền được biết về một tiến trình đang xảy ra,[17] cũng giống như họ có quyền được biết khi một thủ tục ly dị dân sự được tiến hành. Nếu Văn Phòng lơ là không tiếp xúc với người phối ngẫu cũ của Người Đứng Đơn, sự kiện này có thể ảnh hưởng đến toàn thể tiến trình xin tiêu hôn.

 

7. Sự việc sẽ giải quyết như thế nào nếu Người Đứng Đơn không biết người phối ngẫu cũ của họ hiện đang sinh sống tại đâu? Nếu không thể nào tìm được người phối ngẫu cũ của họ thì sao?

Với tất cả những kỹ thuật hiện tại, người ta có thể tìm ra người phối ngẫu cũ của Người Đứng Đơn. Xin tham khảo với Người Bảo Trợ, vì họ có những phương thức đã được đề nghị để giúp tìm địa chỉ người phối ngẫu cũ của Người Đứng Đơn. Trong những trường hợp rất họa hiếm người ta mới không thể biết được nơi cư ngụ của người ấy, như là khi việc ly dị đã xảy ra từ lâu và không có con cái, và/hoặc không còn tiếp xúc với người phối ngẫu cũ. Nếu tất cả các phương tiện đã được xử dụng để tìm địa chỉ của họ mà vẫn không có kết quả, thì người phối ngẫu cũ của Người Đứng Đơn sẽ được liên lạc qua địa chỉ của những người họ hàng của người ấy. Nếu thực sự không thể tìm được người phối ngẫu cũ cũng như gia đình của họ, Người Đứng Đơn phải cho biết đã cố gắng làm tất cả những phương cách nào để tìm kiếm địa chỉ của họ. Dĩ nhiên, cuối cùng đơn xin vẫn được tiếp tục cứu xét, nhưng Tòa Án sẽ chỉ định một Người Đại Diện/Được Ủy Quyền[18] để đại diện cho người phối ngẫu cũ của Người Đứng Đơn.

 

8. Nếu người phối ngẫu cũ của Người Đứng Đơn cộng tác trong tiến trình này thì có hữu ích hơn không? Có thể nào người ấy cản trở tiến trình này không? Người phối ngẫu trước của Người Đứng Đơn có phải đồng ý hoặc “ký nhận” trước khi tiến trình được tiếp tục không? Chuyện gì xảy ra nếu họ không trả lời?

Tòa Án luôn luôn khuyến khích người phối ngẫu cũ của Người Đứng Đơn cộng tác và chia sẻ về tương giao vợ chồng và những thất bại. Biết được cả hai phía của câu chuyện thì vẫn tốt hơn. Người phối ngẫu cũ của Người Đứng Đơn không thể ngăn cản tiến trình này. Cũng không cần sự đồng ý hoặc “ký nhận” của họ để tiến trình được tiến hành. Tuy nhiên, họ có quyền kháng cáo bất cứ quyết định nào mà họ không đồng ý. Trong tiến trình xin chính thức tiêu hôn, Tòa Án sẽ liên lạc với người phối ngẫu cũ của Người Đứng Đơn qua thư từ, và họ có ba lựa chọn: (1) Hoàn toàn cộng tác qua việc trả lời các câu hỏi tương tự như của Người Đứng Đơn và có cơ hội để muốn hoặc không muốn đưa ra các nhân chứng; (2) Từ chối hoàn toàn không muốn cộng tác; (3) Không muốn tiếp tục liên lạc với Văn Phòng Tòa Án. Nếu người phối ngẫu cũ của Người Đứng Đơn không trả lời các yêu cầu của Tòa Án, xin vô hiệu hóa hôn nhân vẫn được tiếp tục dù không có sự cộng tác của họ.

 

9. Có phải Giáo Hội Công Giáo nói rằng người chồng/vợ vẫn phải tiếp tục trong hôn nhân với người phối ngẫu dễ hành hạ và làm nguy hiểm đến tính mạng của đương sự?

KHÔNG. Giáo Hội xác nhận rằng có những lúc vợ chồng cần phải sống tách biệt.[19] Vì những lý do như cấp dưỡng con cái và/hoặc tự lập về chánh, rất có thể cần có án ly dị dân sự. Tuy nhiên, một án ly dị dân sự không thể xóa bỏ mối ràng buộc vợ chồng để cho phép người ta kết hôn hợp luân lý với một người khác.[20]

 

10. Tiến trình này được giữ kín như thế nào? Đia chỉ và điện thoại của Người Đứng Đơn có được đưa ra cho người phối ngẫu cũ của đương sự không?

Mọi dữ kiện, kể cả các văn kiện thuộc về dân sự và/hoặc thuộc về Giáo Hội, thu thập được trong tiến trình này là tài sản riêng và vĩnh viễn của Văn Phòng Tòa Án Giáo Phận. Mọi dữ kiện phải được các viên chức của Văn Phòng Tòa Án giữ bí mật và không bao giờ được đưa cho người khác, ngoại trừ những trường hợp Giáo Luật Công Giáo đòi buộc, như là: để duyệt lại bởi Người Đứng Đơn, Người Bị Đơn (Phối Ngẫu cũ).[21] Những dữ kiện này cũng không bao giờ được đưa ra cho các nhân chứng, người phối ngẫu hiện tại/tương lai hay bất cứ ai khác. Nếu Người Đứng Đơn / Người Bị Đơn muốn duyệt xem lại các dữ kiện, việc này phải thực hiện trong văn phòng tòa án, và Người Đứng Đơn cũng như người phối ngẫu cũ không được phép sao chép tài liệu và đem ra khỏi văn phòng tòa án. Địa chỉ và số điện thoại của Người Đứng Đơn sẽ không được đưa ra cho người phối ngẫu cũ.

 

11. Tại sao Người Đứng Đơn lại cần đến các nhân chứng? Tòa Án không tin lời họ hay sao? Ai có thể làm nhân chứng? Trách nhiệm của Người Đứng Đơn đối với các nhân chứng là gì?

Đây không phải là vấn đề không tin tưởng Người Đứng Đơn. Việc cần các nhân chứng có nguồn gốc từ Thánh Kinh.[22] Thực vậy, Giáo Luật đòi buộc phải dùng đến các nhân chứng.[23] Nhân chứng cũng được dùng để đảm bảo sự thật về mối tương giao được tỏ lộ. Ngay cả khi Người Đứng Đơn nghĩ là mối tương giao của họ thật “riêng tư” và có lẽ không bao giờ họ đề cập những khó khăn trong gia đình với người khác, nhưng nhiều lúc chính các nhân chứng lại có những nhận xét và cái nhìn có giá trị liên quan đến hôn nhân đã bị tan vỡ.

Nhân chứng phải biết về quá khứ gia đình, thời thơ ấu của Người Đứng Đơn VÀ hiểu biết về sự tương giao giữa Người Đứng Đơn và người phối ngẫu cũ Trước khi và trong toàn thể thời gian của hôn nhân này. Những thân nhân ruột thịt trong gia đình (cha mẹ, anh chị em) là những người làm chứng hữu ích nhất. Những nhân chứng khác gồm có: họ hàng, bạn hữu, phụ dâu, phụ rể, bạn cùng sở làm, hàng xóm, ngay cả những người họ hàng của người phối ngẫu cũ, v.v... Không được dùng những người này làm chứng: Người Bị Đơn (Phối Ngẫu cũ), con cái của hôn nhân này hay con cái của người phối ngẫu hiện tại hoặc tương lai của Người Đứng Đơn, Trước khi đưa tên những người làm chứng cho Tòa Án, Người Đứng Đơn phải có sự ưng thuận của họ để làm như thế. Nếu không được sự ưng thuận này, hầu hết các nhân chứng sẽ ngạc nhiên và ngay cả tức giận khi họ nhận được những câu hỏi từ Tòa Án.

Tòa Án đòi buộc phải có ba hoặc bốn nhân chứng: tuy nhiên càng nhiều càng tốt. Người Đứng Đơn không được “phụ giúp” những nhân chứng với các câu trả lời của họ. Hãy cho các nhân chứng biết rằng: họ hãy trả lời các câu hỏi với tất cả sự thật; tôn trọng thời gian cho phép để hoàn tất và nộp lại câu trả lời cho Văn Phòng Tòa Án; và xin họ giữ hồ sơ lưu của bản trả lời trong trường hợp bản chính bị thất lạc khi gửi đến Văn Phòng Tòa Án.

 

12. Khi một công bố vô hiệu được đưa ra, đó có phải là quyết định sau cùng không? Nó có ảnh hưởng đến cả hai người phối ngẫu hay không?

Nếu một công bố chấp thuận cho tiêu hôn được đưa ra theo đơn thỉnh nguyện chính thức xin vô hiệu hóa hôn nhân bởi Tòa Án này, thì cần phải có một quyết định chấp thuận thứ hai được Tòa Thượng Thẩm của Các Giáo Phận đưa ra. Chỉ có đơn thỉnh nguyện chính thức xin vô hiệu hóa hôn nhân mới cần phải có quyết định thứ hai. Nếu một trong hai người phối ngẫu bất đồng ý kiến với quyết định chấp thuận hay không chấp thuận cho tiêu hôn, họ có thể theo một phương thức để kháng cáo trong một thời hạn nhất định.[24] Việc kháng cáo chính thức, với quyết định chấp thuận hay không chấp thuận của Tòa Án này, có thể trực tiếp lên Tòa Thượng Thẩm của Các Giáo Phận hay trực tiếp lên Tòa Thượng Thẩm Rôma.

 

13. Có thể nào đơn xin của Người Đứng Đơn bị khước từ không?

Nhiều khi, ngay từ lúc đầu vì đơn xin đã thiếu các lý do hiển nhiên để được công bố vô hiệu hóa, đơn ấy không được chấp nhận để duyệt xem cách trọn vẹn. Ngay cả khi đơn xin được chấp nhận để duyệt xem cách trọn vẹn, rất có thể quyết định sau cùng sẽ là không chấp thuận cho tiêu hôn. Quyết định sau cùng, dù chấp thuận hay không chấp thuận, sẽ chỉ dựa trên tất cả các dữ kiện có thực đã thu thập được. Sự phỏng định hôn nhân được coi là thành sự vào lúc cử hành hôn lễ sẽ bị đảo ngược bởi tất cả các dữ kiện đã thu thập được. Nếu các dữ kiện không làm đảo ngược sự phỏng định việc thành sự, thì sự phỏng định ấy không thay đổi. Thật vậy, có nhiều cuộc hôn nhân thành sự đã không may tan vỡ.

 

14. Nếu một công bố vô hiệu được đưa ra, Người Đứng Đơn và/hoặc Người Bị Đơn (người phối ngẫu cũ) có được tự do để kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo không?

Cả hai đương sự được tự do kết hôn, với điều kiện là mọi hướng dẫn về Phương Cách Dự Bị Sống Đời Hôn Nhân trong Giáo Phận được tuân hành. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các điều kiện phụ thêm có tính cách mục vụ mà Tòa án bắt buộc (như là có thể phải có hướng dẫn chuyên môn) phải được thi hành trước khi bước vào một hôn nhân mới trong Giáo Hội Công Giáo.[25] Sự đổ vỡ tương giao vợ chồng luôn luôn là một kinh nghiệm khó khăn và gay go, thường để lại nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Thông thường, các vấn đề này cản trở các nỗ lực thiết lập một hôn nhân mới và thành công hơn. Để giúp đương sự và người phối ngẫu tương lai xây dựng một tương giao vợ chồng bền vững và tránh được mọi khó khăn trầm trọng có thể xảy ra, những quan tâm có tính cách mục vụ đã được đề ra và bất cứ đòi buộc nào về phương diện hay mục vụ thì phải được chu toàn trước khi khởi sự một hôn nhân mới trong Giáo Hội. Phí tổn cho việc hướng dẫn chuyên môn, nếu bị đòi buộc, là điều đương sự phải chịu trách nhiệm. Nếu có những đòi buộc thêm về mục vụ, người giúp đương sự chuẩn bị hôn nhân trong Giáo Hội sẽ được yêu cầu liên lạc với Văn Phòng Tòa Án, và họ sẽ đề cập với đương sự và người phối ngẫu tương lai về những quan tâm này. Đương sự cũng sẽ bị đòi hỏi phải chu toàn, nếu chưa hoàn tất các bổn phận về luân lý và dân sự đối với người phối ngẫu cũ và/hoặc đối với con cái của (các) hôn nhân trước.

 

15. Tất cả mọi tiến trình phải mất bao lâu? Tại sao lại quá lâu như vậy?

Không thể nào nói trước được trong vòng bao lâu thì tiến trình của Người Đứng Đơn sẽ được kết thúc. Giáo Luật đề nghị rằng một đơn xin tiêu hôn chính thức sẽ được giải quyết trong vòng 18 tháng.[26] Nhưng không có sự đảm bảo nào cả. Có lúc nhanh hơn. Có lúc chậm hơn. Nó tùy thuộc các điều sau: thực chất của các dữ kiện thu thập được cho mỗi đơn xin; sự sẵn sàng cộng tác hay thiếu cộng tác của các nhân chứng; số đơn mà Tòa Án có thể xử lý vào khoảng thời gian đó; và số luật sư giáo luật có thể có vào thời gian đó để đưa ra một quyết định sau cùng. Mỗi đơn xin đều khác biệt, cần số lượng thời gian khác nhau để giải quyết. Nhân viên Văn Phòng Tòa Án hiểu rằng Người Đứng Đơn nóng lòng muốn biết quyết định sau cùng trong tiến trình này. Ngay cả khi có đầy đủ các dữ kiện, điều đó không có nghĩa là đơn xin của Người Đứng Đơn phải được quyết định ngay. Như Giáo Luật đòi buộc và cũng vì sự công bằng, đơn nào nộp trước đơn xin của Người Đứng Đơn, và có đầy đủ các dữ kiện thì Văn Phòng Tòa Án phải giải quyết trước. Tòa Án cố gắng giải quyết mỗi đơn thỉnh nguyện theo đúng kỳ hạn của nó.

 

16. Có phải tiến trình xin Tiêu hôn là một cách làm tiền của Giáo hội? Tại sao lại có tiền lệ phí?

KHÔNG PHẢI VẬY. Thực sự, nhiều Văn Phòng Tòa Án còn phải “tốn kém” thêm ngân khoản trong tiến trình này, vì Giáo Phận phải phụ giúp thêm ngân khoản để Người Đứng Đơn có thể hoàn thành tiến trình này. Giáo Hội Công Giáo không làm tiền nhưng đúng hơn Giáo Hội hỗ trợ mọi người trong sự tương giao thiêng liêng của họ với Giáo Hội. Đó là lý do tại sao nhiều Giáo Phận rộng rãi trợ giúp thêm ngân khoản cho tiến trình này. Quyết định sau cùng, dù chấp thuận hay không chấp thuận cho tiêu hôn, không tốn kém gì cả. Tuy nhiên, lệ phí được dùng để giúp cho việc tiến hành đơn xin.[27] Lệ phí này giúp trang trải chi phí điều hành Văn Phòng Tòa Án, như trả lương cho nhân viên, bưu phí, văn phòng phẩm, v.v… Có những lệ phí khác nhau cho các đơn thỉnh nguyện khác nhau. Toàn phần lệ phí cho tiến trình phải được trả trước khi kết thúc mỗi vụ án. Nếu phải tốn kém cho bản phúc trình của các chuyên gia hướng dẫn tâm lý hoặc các chi phí phụ trội, Người Đứng Đơn sẽ phải chịu trách nhiệm cho những lệ phí này, cộng thêm lệ phí thông thường. Lệ phí tiến hành này chỉ là một phần của phí tổn thực sự.

Điều đáng để ý là có một số phàn nàn về việc phụ giúp trang trải những phí tổn cho tiến trình xin tiêu hôn. Nhưng hãy nhớ rằng, có những phí tổn liên quan đến một cuộc ly dị dân sự, và rồi có những phí tổn liên quan đến việc cử hành hôn lễ mới cũng như bữa tiệc liên hoan sau đó. Tóm lại, dù có tốn kém hay không, người ta chỉ có thể kết hôn trong Giáo Hội nếu khi một công bố vô hiệu hóa hôn nhân được đưa ra.

 

17. Nếu Người Đứng Đơn thực sự không trả nổi lệ phí thì sao?

Nếu Người Đứng Đơn thực sự không thể trả được tổng số lệ phí tiến hành, lệ phí ấy sẽ được bớt đi một phần hay toàn phần, tùy theo hoàn cảnh. Người Đứng Đơn hãy gửi đến Văn Phòng Tòa Án một lá thư cho biết lý do tại sao họ không có khả năng để trả lệ phí. Không ai bị từ chối sự phục vụ của Giáo Hội dựa trên sự việc không có khả năng để trang trải lệ phí. Hãy yên tâm là đơn thỉnh nguyện của Người Đứng Đơn cũng sẽ được cứu xét như bất cứ đơn xin nào khác.

 

18. Có đúng là sẽ dễ dàng hơn và mau hơn khi xin Tiêu hôn, nếu người ta cho tiền nhiều hơn hay có quen biết với các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội?

KHÔNG. Quyết định sau cùng, dù chấp thuận hay không chấp thuận sẽ chỉ dựa trên các dữ kiện thu thập được. Văn Phòng Tòa Án sẽ không nhận bất cứ ngân khoản nào ngoài lệ phí tiến hành đơn xin và nếu có lệ phí phụ trội cho một đơn thỉnh nguyện. Như Giáo Luật đòi buộc và cũng vì sự công bằng, đơn nào nộp trước đơn xin của đương sự, và có đầy đủ các dữ kiện thì Văn Phòng Tòa Án phải giải quyết trước. Nếu một luật sư giáo luật quen biết Người Đứng Đơn và/hoặc người phối ngẫu cũ của đương sự, chính luật sư ấy không đủ thẩm quyền để có thể xử lý trong tiến trình xin tiêu hôn của họ.[28] Giáo Luật đòi buộc mọi viên chức làm việc trong văn phòng tòa án, phải tuân theo các quy tắc đạo đức luân lý.[29]

 

19. Có phải ngày nay thì dễ dàng để có được một công bố vô hiệu hóa hôn nhân hơn trước hay không?

Đúng và không đúng. Đúng, trong ý nghĩa là những năm gần đây, Giáo Hội hiểu biết hơn về con người. Nhờ sự phát triển của khoa tâm lý hiện đại, người ta thấy rằng có một số người không trưởng thành đủ vào lúc cử hành hôn lễ để biết tôn trọng hiệu quả của một lời thề hứa thật nghiêm trọng như lời thề hứa hôn nhân. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là đôi vợ chồng phải có thể nhìn thấy trước tất cả các khó khăn trong hôn nhân. Nó có nghĩa, sự thiếu sót lớn lao trong việc thẩm định hay quý trọng hôn nhân, đã đưa đến sự cách biệt lớn lao giữa sự ưng thuận của một người, với thực tại của một lời thề hứa suốt đời đối với một người khác, nên không thể có một hôn nhân thành sự và có sức ràng buộc. Mặc dù sự cách biệt này thường xảy ra cho những người trẻ, tuy nhiên cũng đã có những sự việc xảy ra rất sai trái trong quá khứ khiến cho những người lớn tuổi cũng không có ý niệm đầy đủ để nhận thức chín chắn những gì mà hôn nhân đưa tới. Ngoài ra, càng ngày càng nhiều người bước vào “hôn nhân” với một sự hiểu biết đối nghịch với sự hiểu biết của Giáo Hội về hôn nhân, (như không muốn có con, tin rằng việc ly dị và tái hôn có thể chấp nhận được, v.v…). Sau cùng, ngày nay càng ngày càng có nhiều người ly dị và xin cho được tiêu hôn. Giáo Hội Công Giáo cố gắng thỏa đáp các thỉnh cầu này, trong khi vẫn trung thành với sự giảng dạy của Đức Kitô.

 

20. Có đúng là mọi đơn xin đều phải gửi sang Tòa Thánh Rôma không?

KHÔNG. Hầu hết các đơn thỉnh nguyện đều được tiến hành ở cấp địa phận. Chỉ trong trường hợp kháng cáo hoặc thỉnh cầu đặc biệt mới phải gửi sang Rôma.[30]

 

21. Đương sự là người Công Giáo ly dị, chưa tái hôn. Họ có phải nộp đơn xin tiêu hôn hay không?

Không nhất thiết. Nếu không bao giờ muốn tái hôn nữa, đương sự ấy không phải nộp đơn thỉnh nguyện. Lý do duy nhất cần phải xin vô hiệu hóa hôn nhân cũ là để có thể kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo. Nhưng xin vui lòng nhớ rằng, nếu đương sự muốn kết hôn trong Giáo Hội, đương sự phải xin tiêu hôn và người phối ngẫu tương lai của đương sự cũng không bị ngăn trở để kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo.[31] Có nghĩa là người ấy: chưa bao giờ kết hôn; góa bụa; và/hoặc đã nhận được việc chấp thuận cho tiêu hôn với (những) hôn nhân trước, dù người ấy là Công Giáo hay không.

 

22. Một người không thể chờ đợi tiến trình này được. Họ sẽ kết hôn “ngoài” Giáo Hội. Có thể nào hôn nhân ấy sau này được Giáo Hội công nhận khi Giáo Hội ban cho họ được tiêu hôn?

Nếu đương sự muốn kết hôn “ngoài” Giáo Hội Công Giáo, có nghĩa là họ muốn sống trong một tương giao không được Giáo Hội công nhận là một hôn nhân thành sự, dù dân luật có công nhận. Khi chọn lựa con đường đó và nếu đã thực sự sống như vợ chồng, họ sẽ không còn được lãnh nhận các bí tích Hòa Giải, Thánh Thể và Xức Dầu,[32] ngoại trừ trường hợp lâm tử. Nếu sau này, hôn nhân cũ được công bố vô hiệu, họ mới có thể hợp thức hóa hôn nhân ấy, nghĩa là, họ phải nói lên lời thề hôn nhân trước một vị linh mục hay phó tế Công Giáo.[33] Nhưng hãy nhớ rằng, không có đảm bảo nào là sẽ có được một quyết định chấp thuận cho tiêu hôn.

 

23. Nếu Người Đứng Đơn không nhận được tuyên bố vô hiệu, và nếu họ tái kết hôn “ngoài” Giáo Hội Công Giáo, đương sự nghĩ họ không còn là người Công Giáo nữa. Điều đó đúng hay không?

KHÔNG. Đương sự ấy luôn luôn là người Công Giáo, trừ khi họ công khai từ bỏ đức tin Công Giáo bằng cách chính thức gia nhập một giáo phái hay tôn giáo khác. Họ luôn luôn được mời và khuyến khích tham dự Thánh Lễ. Tuy nhiên, không thể lãnh nhận các phép bí tích. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Cùng với Thượng hội đồng, tôi khẩn thiết kêu gọi các Chủ chăn và toàn thể Cộng đồng Dân Chúa hãy giúp đỡ những người ly dị. Với sự quan tâm ân cần, làm cho họ đừng nghĩ rằng họ bị tách rời khỏi Giáo hội, vì là người đã được rửa tội, họ có thể và họ phải chia sẻ đời sống của Giáo hội. Họ được khuyến khích nghe Lời Chúa, tham dự Thánh lễ, kiên tâm cầu nguyện, làm việc bác ái, xây đắp công bằng xã hội, nuôi dưỡng con em trong đức tin Công giáo, ngày ngày với ơn Chúa bồi bổ tinh thần và làm việc đền tội. Giáo hội cần cầu nguyện cho họ, khuyến khích họ, và tỏ cho họ thấy Giáo hội là bà mẹ thương xót, nhờ đó nâng đỡ đức tin và lòng trông cậy của họ.”[34]


24. Giáo huấn về hôn nhân, ly dị và tái hôn dường như không thể nào thích hợp với thế giới ngày nay. Đức Giêsu không mong đợi chúng ta hiểu Người theo nghĩa đen, có đúng vậy không?

Đây là điều ngộ nhận khi nghĩ rằng chỉ có thế giới ngày nay mới phải đương đầu với ly dị, tái hôn. Việc ly dị rất phổ thông trong thời Đức Giêsu do đó Người mới giảng dạy chống lại điều đó. Cả những người đồng thời với Đức Giêsu cũng thấy sự giảng dạy của Người rất khó chấp nhận.[35] Đức Giêsu đã nói: “Không phải bất cứ ai cũng có thể chấp nhận được những gì Thầy nói, mà chỉ những người nào được ban cho.”[36] Giáo Hội Công Giáo vẫn trung thành với sự giảng dạy của Đức Kitô và không có quyền cho phép tái hôn sau khi ly dị (nếu người phối ngẫu cũ còn sống). Lời giảng dạy này quả thật là điều khó có thể theo được cũng như có nhiều giảng dạy khác của Đức Kitô khó thi hành, như là: “hãy yêu kẻ thù, và cầu nguyện cho những người bách hại anh em,”[37] phải tha thứ cho nhau “bảy mươi bảy lần bảy,”[38] v.v... Như vậy, chỉ nhờ ơn sủng của Thiên Chúa, chúng ta là con người, mới có thể sẵn lòng sống theo giảng dạy của Đức Kitô.[39]

-----------------------------

[1] Gray, M. (2013). Divorce (Still) Less Likely Among Catholics. Nineteensixty-four.blogspot.com 

[2] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1055, §1

[3] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1056

[4] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1060

[5] x. Mk. 10:2-12; Lk 16:18; Mt. 5:31-32, Mt. 19:3-11; 1 Cor. 7:10-11; Rom. 7:2-3. Giáo Lý Công Giáo, số 1601-1666

[6] 1 Cor. 7: 39

[7] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1057, 1101

[8] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1096

[9] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1095

[10] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1095, 1096-1098, 1099, 1101-1103

[11] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1108, 1111, 1116, 1117, 1127

[12] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1085

[13] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1143-1147

[14] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1061, 1142

[15] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1476

[16] 1. Cor. 7:39; Rom. 7:2-3

[17] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1509 

[18] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1481§1

[19] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1152-1153, 1692

[20] 1 Cor. 7:10-11; theo Giáo Lý Công Giáo, số 1649

[21] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1598

[22] Mt. 18:16; Gn. 8:17; 2 Cor. 13:1

[23] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1526

[24] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1628

[25] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1684

[26] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1453

[27] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1649 

[28] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1448 §1

[29] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1454, 1456-1457

[30] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1442-1444

[31] Giáo Lý Công Giáo, số 1650

[32] 1 Cor 11:27-29

[33] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1156-1160

[34] Số 84 Tông Huấn về Gia Đình Kitô Giáo Trong Cuộc Sống Của Thế Giới; Giáo Lý Công Giáo, số 1651

[35] Mt. 19:10

[36] Mt. 19:11

[37] Mt. 5:44

[38] Mt. 18:22

[39] Giáo Lý Công Giáo, số 1615. 

3. LỊCH SỬ HÔN NHÂN CÔNG GIÁO: DƯỚI NHÃN QUAN GIÁO LUẬT

(Linh mục Dominic Nguyễn Đức Hạnh, O.S.B., J.C.D., tiến sĩ giáo luật Giáo Hoàng Học Viện Latêranô, Rôma, đan sĩ Dòng Biển Đức, hiện là Đan Trưởng Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm, Kerens, Texas.) 


1. Giới Thiệu

Nội dung của danh từ “hôn nhân” không mang tính chất tự tiện, hoặc có thể được thay đổi ý nghĩa do bất kỳ một ai, ngay cả phía bên Hội Thánh và xã hội.[1]

Làm người thì biết sống cho người khác. Không ai có thể sống cho riêng bản thân. Mỗi một người đều có khả năng biết tạo mối tương quan với người khác. Con người hoàn toàn được tự do yêu thương nhau và dẫn đến mối quan hệ với nhau. Chỉ có Thiên Chúa và con người là đối tượng “đáng yêu,” còn mọi loài thụ tạo khác chỉ là ở mức độ “hấp dẫn” mà thôi.[2]

Chiều kích tình dục được hiểu là chiều kích căn bản của một người. Căn tính tình dục liên quan đến thể lý, sinh lý, và ngay cả đến tâm thần. Nói tóm, căn tính tình dục khẳng định về một con người là gì, sống làm sao, họ là nam hay là nữa.[3]

Tông Huấn về Gia đình (Familiaris consortio) cũng có nhận định về căn tính tình dục trong hôn nhân. “Tính dục ấy chỉ được thực hiện một cách nhân bản đích thực, nếu nó là một thành phần làm nên tình yêu, trong đó người nam và người nữ hiến thân trọn vẹn cho nhau cho đến chết” (số 11).

Hôn nhân công giáo là một bí tích dựa trên truyền thống giảng dạy của Giáo Hội. Khi chúng ta hiểu hôn nhân là một ơn gọi, vì đã lãnh nhận bí tích rửa tội, và nếu chúng ta hiểu là một khi đã lãnh nhận bí tích rửa tội là để sáp nhập vào nhiệm thể Chúa Kitô, thì hôn nhân công giáo được cử hành thành sự giữa hai người nam và nữ đã được rửa tội và nó là bí tích hôn nhân.[4]

 “Vì thế, giữa hai người đã được Rửa Tội không thể có khế ước hôn nhân thành sự, nếu đồng thời không phải là bí tích” (GL 1055, §2).

Giáo Hội dạy khế ước hôn nhân và bí tích không thể tách rời. Hai người đã chịu phép rửa tội mới có thể giao hôn và nó trở thành bí tích, bởi vì điều kiện đòi hỏi cho hôn nhân trở nên bí tích là cả hai đã lãnh nhận phép rửa tội. Nếu cả hai người nam và nữ đã chịu rửa tội, và hôn nhân của họ thành sự, đồng thời hôn nhân công giáo của họ là bí tích.[5]

Lịch Sử Hôn Nhân Công Giáo được trình bày trong phạm vi công giáo, cụ thể hôn nhân là một bí tích. Trải qua dòng thời gian, bí tích hôn nhân được Giáo Hội có thẩm quyền định nghĩa và bảo tồn những quy định chung vì ích lợi của đôi phối ngẫu. Dưới nhãn quan giáo luật (GL), lịch sử hôn nhân công giáo, một cách tổng quát, được thiết lập trên nền tảng Kinh Thánh và thần học của Giáo Hội.

 

2. Bí Tích Hôn Nhân

Xét về mặt xã hội, hôn nhân là mối quan hệ tính dục theo một hệ thống văn hóa.[6] Với Đạo Công Giáo, hôn nhân công giáo là mối quan hệ suốt đời, không thể phân ly giữa một người nam và một người nữ.

Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được Rửa Tội lên hàng bí tích (GL 1055, §1).

Hôn nhân công giáo giữa hai người đã được rửa tội, khi được coi là thành sự, thì đó là bí tích.[7] Xét về thực tại con người, sự kết hiệp hôn nhân, qua sự ưng thuận, là khuôn mẫu nhân cách trên hàng bí tích; nó là thực tại mà được thành hình và thánh hiến trở nên bí tích vì đã chịu phép rửa tội.[8]

Hôn nhân công giáo là một thực tại với hình thức pháp lý riêng. Đã là hôn nhân công giáo, thì phải theo hệ thống luật của Giáo Hội Công Giáo, hơn bất cứ hệ thống luật thuộc văn hóa nào khác. Luật Giáo Hội mở ra một cánh cửa sổ lớn nhìn ra sự giàu có về hôn nhân công giáo và đồng thời hôn nhân công giáo là một thực tại được chính Thiên Chúa thiết lập và mang lại cho nó cách dồi dào ơn cứu rỗi.[9]

‘Hôn nhân đời’ khác với ‘hôn nhân giáo luật’. Giáo Hội dạy rằng ‘hôn nhân giáo luật’, theo ‘nguyên tắc’, là bí tích hôn nhân, dựa theo giao ước của Thiên Chúa với con người trong Đức Kitô.[10]Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ... và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 19, 4-5).

Dưới cái nhìn của một số thần học gia và của Công Đồng Vaticanô II, hôn nhân công giáo không phải là hợp đồng, nhưng là ‘giao ước’. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân (số 11) hiểu bí tích hôn nhân là một sự thông dự vào tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Song song với việc sinh sản và giáo dục con cái, phối ngẫu giúp nhau nên thánh, và nhờ đó gia đình trở ‘một giáo hội thu nhỏ’.[11]

Theo dòng lịch sử Giáo Hội trong hôn nhân và bậc gia đình có chất chứa một kế hoạch thánh, một sự thật mà trong đó đời sống hôn nhân được mô phỏng theo công trình sáng tạo của Thiên Chúa, dựa trên nền tảng cần thiết chính Chúa Kitô sinh ích cho nhân loại.[12]

Rất công lý khi nói ‘vợ tôi’ hoặc ‘chồng tôi’. Đó là một hình thức diễn một thực tại người vợ người chồng thuộc về nhau cách nồng thắm. Mối tương quan vợ chồng không được thu nhỏ lại trong những gì là bổn phận phải có và phải làm cho nhau. Cũng không thể cho rằng vợ chồng được phép sống tách biệt nhau như thể ai muốn có tự do hoặc sống ở đâu cũng được.

Mối kết hợp vợ chồng trong hôn nhân hướng về cùng đích và những lợi ích, những trách nhiệm và bổn phận trong hôn nhân.[13]

Xét về mặt xã hội, thông thường sự kết hợp giữa người nam và người nữ là một sự kết hợp cách hỗ tương theo định luật tự nhiên. Còn việc kết hợp trong hôn nhân công giáo giữa một người nam và một người nữ là một sự ‘kết hợp trong tự nhiên’, nghĩa là theo ý định của Thiên Chúa. Kinh Thánh minh chứng: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).[14]

Vì thế sự ‘kết hợp trong tự nhiên’ này hoàn toàn mang tính cách pháp lý, được thể hiện bằng mối quan hệ chính nghĩa. Một cách hiển nhiên, tự trong mối quan hệ của hai người phối ngẫu là một mối quan hệ mang tính cách bất biến, mặc dù hai người phối ngẫu mất đi cá tính và sự tự do cá nhân. Nhưng sự tự trị đó được gói gọn trong mối quan hệ hoàn toàn dựa trên pháp lý, và hơn thế nữa đó là một mối quan hệ thực sự. Đặc tính chính yếu của hôn nhân, mà giáo luật nói rõ, là hiệp nhất nên một và bất khả phân ly. Bằng chứng cụ thể là hai người phối ngẫu được trở nên một xương và một thịt trong một mối quan hệ hết sức là thắm thiết. Bên cạnh đó, hai người phối ngẫu đặt mình vào mối dây ràng buộc hôn nhân nói lên khả năng phán đoán và năng cách của họ.[15]

 

3. Hôn Nhân trong Cựu Ước

Trong Kinh Thánh không có một hệ thống giảng dạy gì về hôn nhân, hoặc có thể tìm thấy những gì nói về bí tích hôn nhân. Tuy nhiên, Kinh Thánh cung cấp những gì là nền tảng về hôn nhân.[16]

Sách Sáng Thế cho thấy kết hợp hôn nhân giữa người vợ và người chồng được căn cứ vào chuyện Thiên Chúa tạo dựng loài người (St 2,18-25; St 1,26-31). Thiên Chúa quan tâm đến họ cách đặc biệt và Ngài ban cho họ cai quản toàn mặt đất.[17]

Người nam và người nữ thành vợ chồng vì hai người sống tương trợ nhau. Do vậy, người nam phải bỏ cha mẹ mình mà kết hôn với vợ mình, thành một xương một thịt, bởi vì chỉ nơi người vợ, người chồng mới tìm thấy chính mình. Vì thế, mối quan hệ vợ chồng còn đặc biệt hơn cả mối quan hệ giữa người con với cha mẹ. Vì thế người nam và người nữ, khi thành vợ chồng thì sinh sản con cái trên khắp mặt đất.[18]

Xét về một khía cạnh trong Cựu Ước, hôn nhân không phải là lập gia đình theo nghĩa hẹp, cho bằng là tiếp tục đời sống gia đình đã có sẵn. Vì thế, con cái là sự chúc phúc và là món quà của Thiên Chúa ban tặng. Ngược lại, gia đình hiếm muộn được coi như là một sự chúc dữ.[19]

Trong hôn nhân, mối quan hệ hỗ tương, niềm vui trong quan hệ tình dục được coi là ý nghĩa và mục đích của hôn nhân.[20]

 

4. Hôn Nhân trong Tân Ước

Các sách Phúc Âm cho thấy phối ngẫu, dưới ánh sáng thiết bách của Nước Thiên Chúa, là những người có trách nhiệm và có khả năng biết kết hợp bất khả phân ly (Mt 5,31; Mt 19,3-12; Mc 10,2-12). Chính Chúa Giêsu cho rằng phối ngẫu có trách nhiệm kết hợp cách vô điều kiện. Sự kết hợp này không bị đòi buộc, nhưng có thể thực hiện được khi Nước Chúa đến trong Đức Giêsu.[21]

Riêng với thánh tông đồ Phaolô, hôn nhân bất khả phân ly được Thiên Chúa thánh hóa (1 Tx 4,3-8; 1 Cr 7,1-16). Sự bất khả phân ly này dành riêng cách tuyệt đối trong hôn nhân của các tín hữu (Ep 5,21-33). Đồng thời, hôn nhân công giáo có ‘tính cách bí tích’ là sự thông phần vào mối kết hợp ơn cứu rỗi của Chúa Kitô với Giáo Hội.[22]

Dựa trên truyền thống Do-thái cũ, Chúa Giêsu siêu nhiên hóa hôn nhân bằng cách không cho phép rẫy vợ và ly dị, vì luật căn bản của hôn nhân là người nam và người nữ đã trở nên một xương một thịt. Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng mục đích sâu thẳm nhất của hôn nhân, dưới mắt Thiên Chúa, là vợ chồng trở nên một.[23]

Hôn nhân thành sự giữa hai người đã được rửa tội thì mới chỉ là hôn nhân thành nhận, nếu chưa có sự hoàn hợp; hôn nhân được gọi là thành nhận và hoàn hợp, nếu hai người phối ngẫu đã thực hiện hành vi vợ chồng với nhau theo cách thức hợp với nhân tính, mà hành vi này tự nó có khả năng dẫn tới sinh sản là mục tiêu tự nhiên của hôn nhân và do hành vi đó mà vợ chồng trở nên một xương một thịt (GL 1061, §1).

Dưới một khía cạnh Tân Ước, quan hệ tình dục (xem 1 Cr 6,12-20) không nhắm tới khoái cảm, nhưng là một hành động, theo tính tự nhiên, diễn tả cách độc nhất lòng cởi mở và lòng cam kết. Về mặt tâm linh, khi thành vợ chồng người nam và người nữ bình đẳng.[24]

Hôn nhân công giáo dựa theo hình ảnh hôn nhân giữa Chúa Giê-su Ki-tô và Giáo Hội (Ep 5,21-33). Do vậy, hôn nhân công giáo giữa người nam và người nữ bảo toàn mối quan hệ giữa Chúa Ki-tô và Giáo Hội. Nói cách khác, hôn nhân công giáo dựa trên nền tảng căn bản của mối quan hệ giữa Chúa Ki-tô và Giáo Hội. Người chồng yêu thương vợ như chính mình vì đó là điều Chúa Ki-tô yêu thương Hội Thánh (xem Cl 3,18; 1 Pr 3,1-7).[25]

Bằng việc cử hành hôn nhân cách hữu hiệu theo phụng vụ, để minh họa rằng hai người phối ngẫu là biểu hiện của mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, và họ tham dự vào mầu nhiệm ấy (GL 1063, 3º).

Để hiểu hôn nhân công giáo là bí tích, một khi đã ưng thuận nói lên lời giao ước hôn nhân, hai người phối ngẫu được Thiên Chúa kết duyên. Thiên Chúa biết một cách xác thực về từng cá nhân, họ là ai, tên gì. Cũng do nhờ hôn nhân là bí tích, hai người phối ngẫu luôn được đổi mới trong đời sống thường nhật và trong lúc gặp khủng hoảng, hoặc khi tuổi già sức yếu.[26]

 

5. Hôn nhân trong lịch sử thần học

5.1. Thời Giáo Hội sơ khai

Các tín hữu thời sơ khai đã không tận gốc thay đổi các tập tục trong hôn nhân. Họ để ý biết hôn nhân được thiết lập như nào, nhưng chỉ biết sống hôn nhân mà thôi. Họ sống đời sống hôn nhân theo những truyền thống sẵn có trong nền văn hóa riêng. Trước hết là văn hóa Do-thái, sau đó là văn hóa Hy-Lạp và Rô-ma. Nhưng họ sống đời hôn nhân theo thánh ý Thiên Chúa (x. 1 Cr 7,39).[27]

Vì đã có những lệch lạc và hiểu sai trong đời sống hôn nhân, một số vị bậc thày tiêu biểu, như Clêmentê thành Alexandria mạnh bạo bảo tồn giá trị hôn nhân và việc sinh sản con cái. Các ngài dạy rằng việc đó là tốt theo ý của Thiên Chúa (x. St 1,28).[28]

Luật lệ của văn hóa Do-thái, Hy-lạp, và Rôma lúc bấy giờ thừa nhận rằng hôn nhân là một ‘hiện tượng xã hội’, có kéo theo vài hậu quả pháp lý. Tuy vậy, hôn nhân hầu như không dính gì với chuyện của gia đình, tức cũng không cần đến phép tắc bên giáo quyền và chính quyền. Bên cạnh đó, từ từ luật phụng vụ của Giáo Hội có can thiệp vào. Mãi đến sau Công Đồng Trentô, vào thế kỷ thứ 16, Giáo Hội mới kiểm soát sự cần thiết cho việc cử hành hôn nhân thành sự.[29]

Thánh Âu-tinh (354-431) đặt tính dục là phần quan trọng trong hôn nhân. Mục đích của hôn nhân là sinh sản con cái. Xét về mặt thần học, giao hợp là tốt, tuy nhiên tối thiểu cũng có ý xấu trong đó. Mọi người con được sinh ra đều bởi ‘tội’, vì việc sinh sản con cái chỉ có thể thực hiện nhờ có sự đòi hỏi dục vọng. Theo ý định của Thiên Chúa con cái được sinh ra, nên ‘tội’ này xem ra được phép hoặc chấp nhận được. Do vậy, xét về mặt luân lý, giao hợp trong hôn nhân với chủ đích sinh sản con cái, nên ‘tội’ này được xác nhận là đúng lý. Hơn nữa, việc bổn phận vợ chồng trong hôn nhân cũng được cho là một quyền đến với nhau.[30]

Thánh Âu-tinh không từ chối, và không hề có ý từ chối, hôn nhân là bậc sống đáng được kính trọng và là bậc sống thánh. Chính do những điều ‘tốt’ trong hôn nhân, đặc biệt hơn là do tình yêu vợ chồng mà ‘tội’ này có thể được thứ tha. Những điều tốt trong hôn nhân là: chung thủy, sinh sản con cái, và bí tích. Vợ chồng sống chung thủy thì không ngoại tình; sẵn sàng đón nhận con cái và giáo dục chúng biết kính sợ Chúa; vì hôn nhân là bí tích, vợ chồng không được ly dị.[31] Đây là ba yếu tố ‘tốt’ của hôn nhân mà vợ chồng phải tôn trọng hoa trái Chúa ban trong hôn nhân và đồng thời họ tự biết giữ mình không sống lăng loàn.[32]

Để có sự ưng thuận hôn nhân, hai người kết ước ít nhất phải biết hôn nhân là một sự hiệp thông vĩnh viễn giữa một người nam và một người nữ, nhắm đến việc sinh sản con cái do một sự cộng tác nào đó thuộc phạm vi phái tính (GL 1096, §1).

5.2. Thời Trung Cổ (thế kỷ 5-15)

Vào thời này, Giáo Hội cũng phải đối phó với những vấn nạn hôn nhân. Người ta không lấy vợ gả chồng theo lẽ bình thường. Trước hết họ nói lên lời giao hôn, sau đó còn nhiều thủ tục khác, như chú rể phải xin phép bố vợ; các gia đình đồng ý cách công khai; cung cấp của hồi môn cho gia đình bên vợ; hình thức trao cô dâu vào tay người chồng, vân vân.[33]

Sau nhiều quan tâm cần thiết của một số nhà thần học, từ từ Giáo Hội nhận thấy phải lãnh trách nhiệm trực tiếp về hôn nhân. Các Đức Giáo Hoàng quyết định chuyển quyền bính điểu khiển hôn nhân từ gia đình sang chính các đôi vợ chồng. Điều này đã dẫn đến hậu quả tốt, và từ đó đã chấm dứt được nhiều hôn nhân dàn xếp vụng trộm hoặc trong bóng tối. Hơn nữa, hôn nhân được thiết lập do sự ưng thuận của đôi phối ngẫu. Đồng thời, nó giúp tạo nên những bổn phận và trách nhiệm trong hôn nhân.[34]

Với sự học hỏi và tra cứu về khái niệm ‘bí tích’ trong hôn nhân giữa những người đã rửa tội, Giáo Hội cảm nghiệm được trách nhiệm lương tâm thật lớn.

Thánh Phêrô Abelard (+ 1142), vào thời này, đã cho hôn nhân được coi như là một trong bảy bí tích. Thánh nhân nói rằng bí tích hôn nhân, cùng với các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể, Xức Dầu, cũng có tầm quan trọng. Vợ chồng cưới nhau về nhà không cách nào mang lại ơn cứu rỗi, nhưng nhờ việc kết hôn ơn cứu rỗi được thể hiện bằng đời sống hôn nhân.[35]

Năm 1184, Công Đồng Vêrôna đã đặt hôn nhân là một trong bảy bí tích, theo ‘Luật Mới Hội Thánh’. Công Đông Vêrôna đã đóng góp lớn cho nền thần học của Giáo Hội liên quan đến bí tích hôn nhân. Công Đồng Vêrôna nhận định rằng bí tích hôn nhân là dấu chỉ ân sủng được lãnh nhận.[36]

Thánh Tôma Aquinô (1225-1274) nhấn mạnh đến khía cạnh mối quan hệ của đôi bạn cộng tác trong việc tạo dựng và ơn cứu rỗi trong bí tích hôn nhân. Thánh Tôma xem việc tình yêu vợ chồng là dấu chỉ ân sủng của Chúa Kitô với Hội Thánh. Thánh Tôma không hạ thấp tình dục trong hôn nhân.[37]

Công Đồng Trentô (1545-1563) đã khẳng khái định nghĩa, hôn nhân là một trong bảy bí tích theo luật lệ có trong Tin Mừng, được thiết lập do Chúa Giêsu Kitô. Cùng một trật, Công Đồng Trentô cũng tái khẳng định quyền Giáo Hội được thiết lập những ngăn trở hôn nhân, những tiêu hôn, và có quyền chỉnh đốn hôn nhân.[38]

5.3. Thần học tín lý

Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng có dạy rằng: “Cộng đồng thân mật của đời sống và tình yêu hôn nhân, đã được Đấng Tạo Hóa thiết lập và quy định những luật lệ cho nó. Chính Thiên Chúa là tác giả của hôn nhân” (Gaudium et spes, số 48).

Sách Giáo Lý Công Giáo cũng có viết:

Ơn gọi hôn nhân đã được khắc ghi trong chính bản tính của người nam và người nữ, như chính họ phát xuất từ ban tay Đấng Tạo Hóa. Hôn nhân không phải chỉ là một định chế của phàm nhân, mặc dù đã có không ít những biến đổi mà hôn nhân đã trải qua suốt các thế kỷ, trong các nền văn hóa, cơ cấu xã hội và thái độ tinh thần khác nhau. Những sự khác biệt này không được làm quên đi những nét chung và trường tồn. Dù phẩm giá của định chế này không phải ở đâu cũng sáng tỏ như nhau, nhưng trong tất cả các nền văn hóa, vẫn có một ý thức nào đó về sự cao cả của việc kết hợp trong hôn nhân (GLCG 1603).

Thiên Chúa đã dựng họ có nam có nữ, nên tình yêu hỗ tương của họ là một hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bất diệt Thiên Chúa dành để yêu con người. Dưới mắt Đấng Tạo Hóa, tình yêu này là tốt, là rất tốt (x. St 1,31). “Và tình yêu này, được Thiên Chúa chúc phúc, được nhắm đến việc sinh sôi nảy nở và trong công trình chung, nhắm đến việc bảo tồn công trình tạo dựng” (GLCG 1604).

Giáo Hội dạy hôn nhân là bí tích để bảo chứng rằng đời sống vợ chồng là hợp pháp và lành mạnh. Nếu có ai phủ nhận tính cách bí tích hôn nhân công giáo, thì đời sống vợ chồng không có gì là sai dưới cái nhìn của họ. Từ bí tích ân sủng được lãnh nhận, nên hôn nhân công giáo giữa hai người rửa tội là bí tích. Hôn nhân công giáo giữa hai người rửa tội là dấu hiệu và là bằng chứng mô phỏng tình yêu Chúa Ki-tô mà chính ân sủng tạo nên hôn nhân. Do vậy hôn nhân công giáo bộc lộ cách toàn diện mối liên đới giữa Chúa Ki-tô và Giáo Hội.[39]

Hôn nhân công giáo là hình ảnh ‘hôn nhân đại thể’ của Chúa Ki-tô đối với Hội Thánh. Vì thế, vợ chồng có bổn phận trình bày hình ảnh không thể sai lầm đó cho thế giới và con cái mình biết rằng tình yêu giữa Chúa Ki-tô và Giáo Hội trong hôn nhân công giáo là mối quan hệ tối hậu và bất khả phân ly, chung thủy cho đến chết.[40]

5.4. Thừa tác viên hôn nhân

Một cách đúng lý, người chồng và người vợ là hai thừa tác viên của bí tích hôn nhân. Vì hôn nhân công giáo được nâng lên hàng bí tích, nên người thành hôn nhận lãnh bí tích hôn nhân. Điều quan trọng là người tiến đến giao ước hôn nhân có muốn lãnh nhận bí tích hôn nhân hay không. Do vậy, bí tích hôn nhân được cử hành khi người nam và người nữ nói lên lời giao hôn qua sự ưng thuận và chấp nhận nhau.[41]

Chính sự ưng thuận của đôi bên được biểu lộ cách hợp thức giữa những người có năng cách về mặt pháp lý làm nên hôn nhân và không một quyền lực nào của loài người có thể thay thế được sự ưng thuận ấy.

Sự ưng thuận hôn nhân là một hành vi của ý chí, nhờ đó một người nam và một người nữ hiến thân cho nhau và chấp nhận nhau qua một giao ước bất khả thu hồi để tạo thành hôn nhân (GL 1057, §1 & §2).

Không thể thiếu sự ưng thuận trong hôn nhân. Nói cách khác, sự ưng thuận là yếu tố cần thiết làm nên hôn nhân. Sách Giáo Lý Công Giáo khẳng định, rằng: “Hôn ước được ký kết giữa người nam và người nữ, cả hai đã được rửa tội và tự do để kết hôn, và họ tự nguyện bày tỏ sự ưng thuận của mình. ‘Tự do’ nghĩa là: không bị ép buộc; không bị ngăn trở theo luật tự nhiên hay giáo luật” (số 1625).

Sự ưng thuận phải được bộc lộ cách rõ ràng và cách có hợp thức, thì nhờ đó phát sinh kết quả pháp lý. Sự ưng thuận, điều kiện đủ trong hôn nhân, là hành động của ý chí mà người nam và người nữ, một cách hỗ tương, trao và nhận nhau với mục đích kết hôn. Vì là giao ước bất khả thu hồi, một khi đã trao nhận thì đời sống hôn nhân sẽ không tùy thuộc vào ý riêng của hai người phối ngẫu nữa.[42]

Theo tính tự nhiên và mục đích của giao ước hôn nhân, đôi bạn thành hôn có ý kết bạn với nhau thành vợ chồng suốt đời bất kể chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai.[43] Vợ chồng trao hiến cho nhau cách trọn vẹn với tất cả bổn phận và trách nhiệm trong hôn nhân. Xét trên phương diện pháp lý, sự ưng thuận là điều kiện đủ trong hôn nhân và là căn bản của hôn nhân, chứ không phải tình yêu được hiểu theo nghĩa hẹp.[44]

Tính tự nhiên và mục đích của hôn nhân, một khi đã thành là bí tích, tạo nên sự hiệp nhất và tính bất khả phân ly. Hiệp nhất nghĩa là trở nên một và hoàn toàn thuộc về nhau. Bất khả phân ly nghĩa là sự kết hiệp với nhau cho đến khi chết. Giáo Hội dạy rằng, một khi bí tích hôn nhân đã ‘thành sự và hoàn hợp’ thì tự bản chất không được phân ly. Chính vì thế, người phối ngẫu, dù là công giáo hay ngoại giáo, không bao giờ được khước từ hôn nhân mình và cưới người khác cách hợp lệ.[45]

Vì là bí tích, đặc tính chính yếu của hôn nhân là sự đơn nhất và bất khả phân ly (GL 1056).

Giáo Hội dạy rằng vợ chồng kết hiệp nên một và bất khả phân ly, sau khi đã ưng thuận giao hôn, hướng về những điều tốt cho nhau, sinh sản và giáo dục con cái. Vợ chồng không được phép rẫy nhau. Trong những trường hợp vì ích lợi cho người tín hữu, Giáo Hội có quyền và tư cách giải hôn. Trên nguyên tắc, bí tích hôn nhân đã hoàn hợp thì tuyệt đối không được phân ly. Nói cách khác, cũng chính vì hôn nhân là bí tích, hai người phối ngẫu không được phép ly dị.[46]

Riêng linh mục chủ sự hay phó tế là những vị chứng kiến việc cử hành Hôn Phối, nhân danh Hội Thánh nhận lời ưng thuận của đôi tân hôn và ban cho họ sự chúc lành của Hội Thánh (xem GLCG 1630).

Hôn nhân chỉ thành sự khi được kết ước trước mặt vị chứng hôn, là Đấng Bản Quyền địa phương hay cha sở, hoặc một linh mục hay một phó tế đã được ủy quyền, và trước mặt hai nhân chứng (xem GL 1108, §1). Như thế vị chứng hôn, không phải là thừa tác viên, đóng vai trò là người hiện diện để yêu cầu hai bên kết ước biểu lộ sự ưng thuận và để nhân danh Giáo Hội chấp nhận sự biểu lộ ưng thuận đó (xem GL 1108, §2).

5.5. Tình yêu vợ chồng

Vợ chồng sống trọn vẹn bằng cách giúp nhau thành thụ là người đàn ông và đàn bà. Hai người bổ quyết về những khác biệt của nhau, mỗi người giúp bạn đời mình tìm ra chính bản thân. Vợ chồng sống cách trọn vẹn, qua mối quan hệ tình dục, một cách gián tiếp, họ chịu ảnh hưởng về nhiều khía cạnh của cuộc sống, như: xã hội, kinh tế, thể lý, tâm linh, và tôn giáo. Do đó, sống cách trọn vẹn phải thích ứng hoàn cảnh sống, uyển chuyển, và thích hợp cho đôi bên. Tắt một điều, đôi bạn phải hiểu nhau và sống hòa hợp.[47]

Sự khác biệt giới tính giữa người nam và người nữ là một sự khác biệt dĩ nhiên. Sự khác biệt này không cần phải giải thích trên phương diện văn hóa và xã hội, hoặc đơn thuần hơn là trên phương diện pháp lý. Sự khác biệt giới tính này chứng minh cho hôn nhân công giáo được tồn tại và có luật lệ. Sự khác biệt về tính dục cũng góp phần trong vấn đề bổ túc cho hai người nam và nữ. Thực chất vì chính sự khác biệt này mà người nam và người nữ mới có thể bổ túc cho nhau. Như thế, nhờ sự khác biệt giới tính và sự bổ túc cho nhau, nên người nam và người nữ mới tìm đến nhau. Mối quan hệ sinh lý giữa người nam và người nữ rất là căn bản, nguyên toàn, và độc nhất, nên trong hôn nhân việc quan hệ tình dục theo tính xác thịt khác với việc quan hệ mà có khả năng sinh sản con cái.[48]

Tình yêu phu phụ là một tổng thể bao gồm mọi yếu tố của con người: những đòi hỏi của thân xác và bản năng, những sức mạnh của giác quan và tình cảm, những khát khao của tinh thần và ý chí; tình yêu đó nhắm đến sự hợp nhất bản thân sâu xa, một sự hợp nhất rõ ràng là vượt quá việc chỉ nên một về thể xác, để trở thành một trái tim và một tâm hồn; tình yêu ấy thật sự đòi hỏi sự bất khả phân ly và lòng chung thủy khi trao hiến cho nhau một cách dứt khoát, và mở ngỏ cho việc sinh sản. Nói tóm lại, đây là những đặt điểm thông thường của bất cứ tình yêu phu phụ tự nhiên nào, nhưng mang một ý nghĩa mới mẻ, một ý nghĩa không những thanh luyện và củng cố những đặc điểm đó, mà còn nâng cao chúng lên đến độ chúng được coi là biểu hiện của những điều thiện hảo riêng biệt của Kitô giáo (Tông Huấn Familiaris consortio, số13).

Vì là bí tích và hiệp thông trong Đức Kitô, nên trong đời sống hôn nhân công giáo hai người phối ngẫu được củng cố, thanh luyện, và trở nên hoàn thiện. Họ hiệp thông với nhau cách thâm sâu hơn nhờ cùng sống đức tin công giáo và cùng lãnh nhận bí tích Thánh Thể chung với nhau (xem GLCG 1644).

Sự chung thủy của vợ chồng dựa trên động lực sâu xa nhất căn cứ vào sự trung tín của Thiên Chúa. Thiên Chúa hằng trung tín với dân Người, nơi Đức Kitô, Đấng hằng trung tín với Hội Thánh. Chính nhờ có bí tích, đôi phối ngẫu được lãnh ơn để thể hiện và làm chứng cho sự chung thủy hôn nhân. Cũng nhờ bí tích hôn nhân, tính bất khả phân ly mang một ý nghĩa mới mẻ và sâu xa hơn. Thiên Chúa yêu thương nhân loại bằng một tình yêu vĩnh viễn và không rút lại, hai người phối ngẫu được dự phần vào tình yêu đó của Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa hằng ở trong họ, hướng dẫn và nâng đỡ họ, và nhờ sự chung thủy với nhau, họ có thể là chứng nhân cho tình yêu trung tín của Thiên Chúa (xem GLCG 1647-1648).

Từ cuộc hôn nhân thành sự giữa những người phối ngẫu nảy sinh một mối dây liên kết vĩnh viễn và độc hữu tự bản chất; ngoài ra, trong hôn nhân Kitô giáo, những người phối ngẫu được củng cố và như được thánh hiến do một bí tích đặc biệt để chu toàn nghĩa vụ và nâng cao phẩm giá bậc sống của mình (GL 1134).

Hôn nhân công giáo không loại trừ sự hiện diện của Chúa và không tách biệt với thế giới bên ngoài. Đời sống hôn nhân không nên riêng rẽ cho chỉ hai người, mà còn đón nhận Thiên Chúa và mọi người đến với mình. Vì là bí tích, hai người phối ngẫu được nhận chìm sâu vào mầu nhiệm Chúa Kitô, đời sống hôn nhân cũng nên cởi mở kết hiệp với Thiên Chúa và với nhân loại.[49]


--------------------------------------

[1] Juan Ignacio Bañares, “Marriage,” in Exegetical Commentary on the Code of Canon Law, Vol. III/2, eds. Ángel Marzoa et al., (Montréal: Wilson & Lafleur, 2004) 1031.

[2] Juan Ignacio Bañares, 1035-1036.

[3] Juan Ignacio Bañares, 1038

[4] Adolfo N. Dacanáy, Canon Law on Marriage. Introductory Notes and Comments, (Quezon City: Ateneo de Manila University Press, 2003²), 2-3.

[5] Adolfo N. Dacanáy, 3.

[6] Waldemar Molinski, “Marriage,” in Sacramentum Mundi, Vol. III, ed. Kark Rahner, (London: Burns and Oats, 1969) 390.

[7] Günter Koch, “What is the Sacramentality of Marriage?,” in Theology Digest 43:1 (Spring, 1996) 42.

[8] Adolfo N. Dacanáy, 2.

[9] Carlos J. Errázuriz M., “Essenza del Matrimonio e Sistema Giuridico Matrimoniale,” in Apollenaris LXXV, (Rome, 2002) 598.

[10] Carlos J. Errázuriz M., 601-602.

[11] Günter Koch, 42.

[12] Carlos J. Errázuriz M., 602.

[13] Carlos J. Errázuriz M., 602-603.

[14] Carlos J. Errázuriz M., 603.

[15] Carlos J. Errázuriz M., 603.

[16] Günter Koch, 44.

[17] Günter Koch, 44.

[18] Waldemar Molinski, 391.

[19] Waldemar Molinski, 391.

[20] Waldemar Molinski, 391.

[21] Günter Koch, 44.

[22] Günter Koch, 44.

[23] Waldemar Molinski, 392.

[24] Waldemar Molinski, 392.

[25] Waldemar Molinski, 392.

[26] Günter Koch, 45.

[27] John P. Beal, “Marriage,” in New Commentary on the Code of Canon Law, ed., et al., BEAL, J., (Mahwah, N.J.: Paulist Press, 2000) 1234.

[28] John P. Beal, 1235.

[29] John P. Beal, 1235.

[30] Waldemar Molinski, 394.

[31] Waldemar Molinski, 394.

[32] John P. Beal, 1236.

[33] John P. Beal, 1236.

[34] John P. Beal, 1237.

[35] Waldemar Molinski, 394.

[36] John P. Beal, 1237.

[37] Günter Koch, 41.

[38] John P. Beal, 1237.

[39] Waldemar Molinski, 395.

[40] Waldemar Molinski, 395.

[41] Waldemar Molinski, 396.

[42] Adolfo N. Dacanáy, 5-6.

[43] Waldemar Molinski, 396.

[44] Adolfo N. Dacanáy, 6. Tình yêu là quan trọng, chính vì thế trong Tông Huấn về Gia đình (Familiaris consortio) cho rằng hôn nhân là giao ước tình yêu. Tuy nhiên, một nhà giáo luật nổi tiếng (Urbano Navarrete) cho rằng tình yêu và tình cảm là một “thói quen,” một hiện tượng tâm lý mà không trực tiếp dưới sự điều khiển của ý chí. Do vậy, nó không phải là vấn đề dễ dàng trực thuộc về qui tắc của luật.

[45] Waldemar Molinski, 397.

[46] Adolfo N. Dacanáy, 2.

[47] Waldemar Molinski, 400.

[48] Juan Ignacio Bañares, 1039.

[49] Waldemar Molinski, 401. 

4. SỰ QUAN TÂM ĐẾN MỤC VỤ CHUẨN BỊ HÔN NHÂN – VAI TRÒ ĐỊA PHẬN, GIÁO XỨ, LINH MỤC

(Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Quang Trực, J.C.L, thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles, California, hiện là đại diện tư pháp cho tòa án (Judicial vicar), là linh mục chánh xứ nhà thờ Cathedral Chapel of St. Vibiana, đã hoàn tất chương trình giáo luật tại Giáo Hoàng Học Viện St. Paul University, Ottawa, (Canada) 2006.) 


NHẬN ĐỊNH

Thời gian chuẩn bị cho bí tích hôn phối (kayrós)[1] là dịp may mắn và thuận lợi để truyền bá đức tin (evangelization) cho những người không có đạo và làm sống động lại niềm tin (renewal of faith) vào Chúa Giêsu cho những bạn trẻ tin vào Thiên Chúa Giáo và Công Giáo.

Xã hội ngày nay đã thay đổi nhiều về pháp luật ảnh hưởng đến gia đình và luân lý sống mỗi ngày một sa sút:

1.      Sự định nghĩa của đời sống hôn nhân và gia đình không chỉ còn trong phạm vi một nam một nữ nhưng với người cùng hệ (same sex union).

2.      Luân lý sống mỗi ngày một lung lay qua sự lựa chọn sống chung với nhau (cohabitation); tệ hại phá thai, ly dị và ly thân mỗi ngày một gia tăng.

Khi xã hội thay đổi cách sống của con người trở thành một cách vô thần và vô luân lý, Giáo Hội phải quan tâm nhiều và chú trọng đến việc giáo dục cho tương lai và chuẩn bị cho đời sống đức tin đặc biệt sự chuẩn bị hôn nhân và gia đình.

Sau Công Đồng Vatican II, sự hiểu biết qua bảy phép bí tích, Giáo Hội luôn nhấn mạnh đến những điểm quan trọng: 1. Giáo Dục (Education) 2. Tâm Linh (Spirituality) 3. Rèn Luyện Đức Tin (Faith Formation).

Đa số các bí tích thời gian huấn đức đòi hỏi từ 1 năm đến 10 năm. Như ở Hoa Kỳ, chương trình giáo lý cho Bí Tích Thêm Sức, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đòi hỏi tối thiểu là 2 năm. Chương trình đào luyện một người thanh niên để chuẩn bị chịu chức Thầy Sáu Phó Tế Vĩnh Viễn cần đền từ 4 đến 5 năm và thụ phong linh mục từ 6-10 năm (có nhiều trường hợp thì lâu hơn hay không được chấp thuận cho dù đã hoàn tất mọi sự).

Tại sao sự chuẩn bị cho Bí Tích Hôn Phối, theo như thống kê chung, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chỉ đòi hỏi tối thiểu là 6 tháng? Có lẽ, đa số các bạn đính hôn lo việc chuẩn bị lễ cưới nhiều hơn và vì vui mừng sẽ lấy được người mình yêu nên đã chú tâm nhiều về việc tổ chức cho tiệc cưới & nghi thức cưới.

Còn việc quan tâm đến sự chuẩn bị cho sống đời sống hôn nhân là một “giao ước” để trở thành “một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống...hướng về thiện ích của đôi bạn, cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái”[2] các bạn đính hôn đã không chú ý đến.

 

THỂ LOẠI CỦA SỰ CHUẨN BỊ

Trong Huấn Quyền Familiaris Consortio (FC) của Thánh Gioan-Phaolô II (1981) và Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình (1996) đã nêu lên vai trò của xã hội, giáo hội và gia đình góp phần quan trọng đến việc chuẩn bị và giáo dục cho giới trẻ tương lai thông hiểu thêm về đời sống hôn nhân và gia đình. Thánh Gioan-Phaolô đã liệt kê ra ba giai đoạn chính:

1.      Chuẩn Bị Xa (Remote):[3] Bắt đầu từ thơ ấu, thiếu niên, và thanh niên (infancy, childhood, and adolescence)

2.      Chuẩn Bị Gần (Proximate):[4] Bắt đầu từ thời gian tìm hiểu và đính hôn và chiếu theo Bộ Giáo Luật 1983 CIC Điều 1063-1065.

3.      Chuẩn Bị Trực Tiếp (Immediate):[5] Giáo xứ chuẩn bị nghi thức thánh lễ hôn phối và giấy tờ cần thiết chiếu cho hợp lệ theo Bộ Giáo Luật CIC 1983, Điều 1066-1070.

Nhìn lại hơn 30 năm từ khi phát hành Huấn Quyền Familiaris Consortio, Bộ Giáo Luật CIC 1983 và Sách Giáo Lý Công Giáo (1992) về việc chuẩn bị cho Bí Tích Hôn Phối và đời sống gia đình, các địa phận vẫn còn chú trọng nhiều về giai đoạn hai và ba (chuẩn bị gần và trực tiếp). Gần như chỉ có một phần nhỏ của Hội Đồng Giám Mục trên toàn thế giới đã chú tâm về giai đoạn 1 (chuẩn bị xa). Đã có rất nhiều thảo luận và kế hoạch nhưng chương trình cụ thể vẫn không có. Nếu có thì tuỳ theo cá nhân của các giám mục tại địa phận.

Tìm được sự giải đáp cho sự thiếu sót hay nêu lên những chương trình của xã hội và Giáo Hội Công Giáo cho việc chuẩn bị đời sống gia đình và đời sống hôn nhân thì ngoài phạm vi của bài viết nầy.


THỜI GIAN TÌM HIỂU VÀ NHẬN ĐỊNH

– CHUẨN BỊ GẦN

Hành trình để nói lên hai chữ “Thưa Có” (I do) trên đôi môi phải được ghi sâu vào con tim của đôi tân hôn và thấu hiểu được trong trí tuệ của họ.

Trong ba giai đoạn của sự chuẩn bị, giai đoạn chuẩn bị gần cần phải được lưu ý đến hơn khi đôi bạn đính hôn (engaged couple) trong thời gian tìm hiểu với nhau để bước vào đời sống hôn nhân và gia đình. Hành trình của việc chuẩn bị gần được chia ra làm hai cơ cấu trách nhiệm liên quan với nhau:

1.      Tham gia (Participation) vào chương trình hay các khoá dự bị cho bí tích hôn phối dưới sự trách nhiệm của địa phận (cộng đồng) hay cộng đoàn.

2.      Nhận định và sẵn sàng (Pastoral Assessment & Readiness) đàm thoại với nhau qua sự hướng dẫn của linh mục và các đôi hôn nhân trong giáo xứ.

Vì tầm quan trọng của sự chuẩn bị, giáo xứ cần đòi hỏi tất cả các đôi bạn đính hôn ghi danh và tham gia vào cả hai mục vụ trên, tham dự các khoá và gặp gỡ chia sẻ với nhau. Chỉ có những hoàn cảnh đặc biệt hay khó khăn chính đáng, cha chánh xứ sẽ cho miễn.

Bài viết sẽ đào sâu về trách nhiệm của giáo xứ qua sự “nhận định và sẵn sàng” (pastoral assessment & readiness) qua vai trò của linh mục và giáo dân hỗ trợ, hướng dẫn, và đồng hành với các bạn đính hôn trong giáo xứ. Có thể đa số các giáo xứ hay cộng đoàn Việt Nam ở Hoa Kỳ nên chú tâm đến những góp ý trong phần hai này.

Kèm theo, bài viết sẽ chú tâm đến Bộ Giáo Luật CIC 1983 điều 1063-1065 và 1077 §1. Qua những điều khoản này, Bộ Giáo Luật đã nhấn mạnh đến việc chuẩn bị Bí Tích Hôn Phối hơn là chú tâm đến sự thành sự của bí tích.

Kế tiếp, những quan sát và đề nghị của bài viết được chiếu theo mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và mục vụ sinh hoạt của các giáo xứ Việt Nam ở Hoa Kỳ.

 

TRÁCH NHIỆM CỦA ĐỊA PHẬN QUA VAI TRÒ

“BẢN QUYỀN SỞ TẠI” (LOCAL ORDINARY)

Bộ Giáo Luật 1983, CIC, Ðiều 1063: Các Chủ Chăn (pastors of souls) có bổn phận lo liệu sao cho cộng đoàn Giáo Hội của mình biết trợ giúp các tín hữu bảo toàn bậc sống hôn nhân theo tinh thần Kitô giáo, thăng tiến bậc sống hôn nhân trên đường trọn lành…[6]

Theo điều 1063, vai trò chính là bổn phận của các “Chủ Chăn.” Họ là các đấng hàng giám mục và linh mục trong địa phận với trách nhiệm điều động những chương trình thăng tiến, tài liệu, giảng huấn, phát huy truyền thông cho mọi lứa tuổi để quảng bá cho đời sống gia đình và hôn nhân.

Đa số các địa phận đã đáp lại lời mời gọi của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình (1996) qua việc phát hành những khóa và buổi tĩnh tâm cho các lớp dự bị và thăng tiến hôn nhân: Pre-Cana, Engage Encounter Weekend Retreat, Natural Family Planning, Marriage Enrichment Sessions, Retrouvaille Weekend Retreat.

Nhiều cộng đồng Công Giáo Việt Nam ở Hoa Kỳ đã mở ra các khóa dự bị hôn nhân từ 4 đến 10 tuần cho các bạn trẻ đã đính hôn. Các khóa đã đưa ra những vấn đề sinh sống và khó khăn trong vai trò vợ chồng và phương cách xây dựng gia đình hạnh phúc: tài chánh, sinh lý và sức khỏe, luật pháp, và sự đối thoại với nhau (finance, intimacy & health, law, and communication).

Theo như sơ đồ tổ chức của các địa phận, những vị giám mục và linh mục với danh hiệu “Bản Quyền Sở Tại” (local ordinary) đóng vai trò chính để cổ võ và duy trì những chương trình nói trên cho đời sống hôn nhân và gia đình hầu tiếp tục hành trình truyền giáo và sứ điệp của Chúa Giêsu.[7]

Chiếu theo Bộ Giáo Luật CIC 1983, điều 1064[8], Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình đã nhắc nhở những vị với danh hiệu “Bản Quyền Sở Tại” (tuỳ theo nhu cầu và hoàn cảnh của địa phương) nên tham khảo hay “bàn hỏi” với những người chuyên môn (luật sư, nhà giáo dục, bác sĩ gia đình và tâm lý) hay với những cặp hôn nhân có nhiều kinh nghiệm sống. Mục đích để tiếp tục thăng tiến những đề mục, và có những người giảng thuyết hay và thực tế để đáp ứng lại những khó khăn của cuộc sống và thay đổi của xã hội.

 

THÀNH CÔNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH DỰ BỊ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH DO ĐỊA PHẬN

Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường tại Roma: Mục vụ Gia Đình vào cuối năm 2014 đã nhận định như sau: Đã có rất nhiều địa phận Công Giáo trên toàn quốc đã và đang có những chương trình chuẩn bị cho bí tích hôn phối rất thành công và có nhiều thành quả tốt.[9] Những chương trình này được hướng dẫn và tổ chức bằng nhiều thành viên trong Giáo Hội: giám mục, linh mục, các nhà chuyên môn, và các cặp hôn nhân.

Vào năm 1995, trung tâm chuyên môn về hôn phối và gia đình thuộc Đại Học Creighton ở Omaha, Nebraska đã phát hành bản thống kê và tham khảo về các chương trình dự bị hôn nhân của các địa phận ở Hoa Kỳ. Sau khi phỏng vấn những cặp hôn nhân đã cưới nhau từ 1 đến 8 năm, trung tâm đã kết luận với chủ đề: “Marriage Preparation in the Catholic Church: Getting it Right.”

Theo như thống kê này, những khóa dự bị hôn nhân đã giúp rất nhiều và có những đề mục rất hay và hữu hiệu cho các đôi hôn nhân đặc biệt khi các khóa chú trọng đến năm (5) đề tài: 1. Đối thoại (communication), 2. Cam kết (commitment), 3. Giao hoà (conflict resolution), 4. Con cái (children), và 5. Giáo Hội (church).

Sau đó có rất nhiều bản thống kê khác do các cơ quan của nhà tâm lý, xã hội học và chính phủ cũng đi đến cùng một kết luận là sự hữu ích của chương trình dự bị hôn nhân.

1.      30% - Chương trình dự bị hôn nhân đã giảm bớt sự ly dị (Stanley, Amato, Johnson & Markman, 2006)

2.      79% - Đời sống hôn nhân và gia đình thêm hạnh phúc (Carroll & Doherty, 2003)

 

VAI TRÒ LINH MỤC TRONG GIÁO XỨ

Hành trình chuẩn bị cho bí tích hôn phôí là cơ hội để truyền giáo trực tiếp và là một sự gặp gỡ để liên đới những cặp đính hôn đến với cộng đoàn giáo xứ. Người linh mục (danh xưng dùng chung cho trường hợp là thầy phó tế hay vị đại diện của giáo xứ) và các nhân viên trong giáo xứ mở tay đón tiếp và nâng đỡ những cặp đính hôn này như là môt người thân trong gia đình của Giáo Hội.

1. NHẬN ĐỊNH VỀ ĐỨC TIN (PASTORAL & SPIRITUAL ASSESSMENT)

Có những hoàn cảnh, đôi bạn đính hôn không biết nhiều về Thánh Kinh, giáo huấn giáo lý và tín điều của Giáo Hội cũng như thủ tục cần thiết của xã hội và Giáo Hội. Qua sự gặp gỡ này, nhân viên giáo xứ có thể mở cánh cửa đức tin của họ cho dù là người Công Giáo, Thiên Chúa Giáo, các đạo khác hay vô thần.

Chiếu theo Bộ Giáo Luật 1983 CIC điều 1065[10], nếu là người đính hôn Công Giáo mà chưa lãnh nhận bí tích Thánh Thể hay Thêm sức, vị linh mục hãy khuyến khích họ ghi danh vào các lớp giáo lý cho người lớn trong giáo xứ để họ hoàn tất ba bí tích khai tâm Ki-tô giáo (sacrament of initiation).[11]

A. Hoàn Cảnh Người Công Giáo

Vị linh mục hãy dùng cơ hội này khuyến khích các cặp đính hôn Công Giáo chuẩn bị tâm hồn và đón nhận bí tích Thánh Thể và bí tích hòa giải. Việc lãnh nhận các bí tích khai tâm sẽ không ảnh hưởng đến lời cam kết của bí tích hôn phối. Tuy nhiên, nếu không có gì cản trở hay khó khăn, thì việc lãnh nhận bí tích Thánh Thể, bí thích Thêm Sức và bí tích hoà giải là một điều cần thiết trong việc giữ đạo và đời sống đức tin để được lãnh nhận những ân sủng đặc biệt qua bí tích hôn phối.

B. Hoàn Cảnh Người Tin Lành & Các Đạo Khác (Phật Giáo hay Do Thái)

Nói chung các bậc phụ huynh Việt Nam ta thường hay khuyên các con dâu hay con rể tương lai nên hoặc phải theo đạo Công Giáo. Trực tiếp hay gián tiếp, có ép buộc hay tự do để trở lại đạo Công Giáo, đây là một điều

kiện mâu thuẫn của lời giao ước trong bí tích hôn phối về sự lựa chọn để trở lại hay theo Đạo Công Giáo.

Trên con đường phục vụ và truyền giáo, Giáo Hội khuyến khích các cặp đính hôn hãy chú tâm đến sự chuẩn bị cho bí tích hôn phối và hãy đợi ơn gọi theo đạo Công Giáo. Cả hai sự quyết định là lời cam kết sẽ ảnh hưởng đến suốt cả đời người. Qua sự gặp gỡ và chia sẻ đời sống đạo và đức tin, vị linh mục sẽ hiểu thêm hoàn cảnh tế nhị của mỗi cặp qua cái nhìn về đạo và đức tin.

2. NHẬN ĐỊNH VỀ SỰ SẲN SÀNG (READINESS)

Qua vai trò là thầy dạy (teacher) và qua thiên chức đại diện cho Giáo Hội, người linh mục tạo lên được một niềm tin thiêng liêng và sự cởi mở của các cặp đính hôn (spiritual relationship & openness). Người linh mục phụ trách nên hy sinh và dành thời gian gặp gỡ và thảo luận từ bốn đến năm lần (4-5 times) với các cặp đính hôn.

Vì thế, ngoài việc tham khảo về những đơn tự và các giấy bí tích đòi hỏi theo Bộ Giáo Luật CIC 1983 và những quy định riêng tuỳ theo từng địa phận, vị linh mục nên đề cập với cặp đính hôn về hành trình cuộc sống của gia đình trong quá khứ và hiện tại.

Xin được đề nghị những đề tài tham khảo với hai bạn đính hôn.

Phiên họp lần 1: Cuộc sống và Liên Hệ với Gia Đình, cha mẹ và anh em; sinh sống và trưởng thành có gì tốt hay khó khăn; công việc làm và sức khoẻ của cha mẹ (family history & upbringing);

Phiên họp lần 2: Học vấn, Đức Tin, Việc Làm, và Thời Gian quen biết nhau; ngày lễ đính hôn có gì đặc biệt (Education, Faith, Career, Courtship);

Phiên họp lần 3: Tính Tình, Tài Chánh, Lý Thuyết Sống, Cách Đàm Thoại (character, finance, commitment, communication) (http://www.foryourmarriage.org/dating-engaged/must-have-conversations/).

Để giúp cho người linh mục trong cuộc đàm thoại, các cặp đính hôn có thể lấy những bài tâm lý học: 1. Miễn phí như Personality Audit (http://www.foryourmarriage.org/wp-content/uploads/Personality_Audit1.pdf) 2. FOCCUS Test (giáo xứ mua để dùng) 3. Trên Mạng (online) cũng có nhiều đề nghị được sự giới thiệu của các địa phận: Catholic marriage prep (http://www.catholicmarriageprep.com/), (http://www.avalonrcdvd.com/)

Sau những buổi chia sẻ, vị linh mục phải đi đến sự “nhận định và sẵn sàng” (pastoral assessment & readiness) của đôi bạn đính hôn. Hãy đưa ra những đề nghị tổng quát và cụ thể tuỳ theo hoàn cảnh. Thí dụ, đôi cặp đính hôn cần gặp nhà tâm lý học. Đặc biệt khi quá khứ và hiện tại đôi bạn đính hôn có liên hệ đến việc nghiện ngập rượu hay thuốc (addiction to alcohol or drugs).

Có những hoàn cảnh tế nhị (hôn nhân vì mục đích di trú) vị linh mục hãy can đảm quyết định hoãn lại việc cử hành bí tích hôn phối chiếu theo Bộ Giáo Luật 1983 CIC Ðiều 1077§1.[12]

 

VAI TRÒ CỦA CẶP HÔN NHÂN TRONG GIÁO XỨ

Người giáo dân chọn ơn gọi “hôn nhân” trong giáo xứ đóng vai trò cố vấn và nhân chứng (mentor & witness) cho đời sống vợ chồng và cha mẹ của gia đình Công Giáo. Ngày nay, do những khả năng chuyên môn và những kinh nghiệm sống hằng ngày của họ, đôi hôn nhân đóng vai trò trợ giúp cho linh mục trong việc chuẩn bị hôn nhân cho các bạn đính hôn. Họ nêu ra được những ví dụ cụ thể (hạnh phúc và khó khăn, thành công và trở ngại - successes and struggles) về những vấn đề hôn nhân và gia đình.

1. THÀNH LẬP BAN CHUẨN BỊ HÔN NHÂN CHO GIÁO XỨ

Về việc chuẩn bị cho bí tích hôn phối qua sự trợ giúp cuả các bạn hôn nhân từ mục vụ Việt Nam hay Hoa Kỳ và đến các sắc dân ngoại quốc khác, gần như chưa có. Nếu có thì rất ít giáo xứ phát động được điều này. Có lẽ là vì quá bận hay không biết làm cách nào để lập lên mục vụ mới này cho giáo xứ. Xin đề nghị những phương cách sau đây:

a.       Vị linh mục chọn ra từ 5 đến 10 cặp hôn nhân và hướng dẫn họ qua 1-3 phiên họp đề cập đến: mục đích, vai trò, tôn trọng sự chia sẻ kín đáo khi gặp các bạn đính hôn.

b.      Tùy theo học vấn và kinh nghiệm sống của đôi bạn đính hôn, người linh mục giới thiệu trực tiếp đến một cặp trong giáo xứ. Trước khi họ gặp gỡ nhau, người linh mục phải viết tóm tắt lời giới thiệu và lý lịch của cặp đính hôn.

c.       Sự gặp gỡ chỉ cần 1 hay 2 lần. Đôi cặp hôn nhân chia sẻ những kinh nghiệm hằng ngày của “sự chung thuỷ”, đặc biệt là trong cái nhìn của truyền thống văn hóa về hôn nhân mà các đôi cặp hôn nhân và đính hôn phải đối diện. Đặc biệt, đề tài chia sẻ cũng xoáy mạnh về đời sống thân mật và sinh lý với nhau (intimacy & sensuality) để nuôi dưỡng đời sống hạnh phúc.

d.      Qua những buổi đàm thoại, nếu có điều gì khó khăn hay trắc trở có thể ảnh hưởng đến sự cam kết của đôi bạn đính hôn, đôi hôn nhân nên gặp riêng với vị linh mục phụ trách. Nếu không có gì, đôi hôn nhân không cần viết về sự nhận định hay sẵn sàng của đôi bạn đính hôn.

2. NHỊP CẦU ĐỨC TIN & LIÊN ĐỚI

Một khía cạnh lớn lao khác của việc tham gia của các đôi bạn hôn nhân là họ như những người tạo nhịp cầu đức tin. Là những khuôn mẫu trong hành trình đức tin, họ chứng thực cho đôi bạn đính hôn thấy ý nghĩa như thế nào là hy sinh để tạo dựng nên một gia đình thánh gia mới cho Giáo Hội.

Liên quan đến tính cách dễ gần gũi và không phân biệt giai cấp như vị linh mục, đôi bạn hôn nhân và đôi bạn đính hôn tạo nên được sự thân mật và quen biết như là một phần tử trong giáo xứ. Sự liên đới giúp cho đôi bạn đính hôn chứng kiến được nét đẹp của đời sống gia đình và đời sống của xứ đạo. Qua đó, đôi bạn hôn nhân có thể thường xuyên đồng hành và hướng dẫn họ để giúp họ trong việc trình bày Giáo Hội như một kiểu kêu mời và phúc âm hóa tha nhân.

Điều rất quan trọng, cánh đồng truyền giáo được thể hiện cách cụ thể qua sự cộng tác của các cặp hôn nhân cho các cặp đính hôn khi mà việc ủng hộ đời sống gia đình của họ bị thiếu sót hay những sự thử thách.


KẾT LUẬN

Qua Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường tại Roma: Mục vụ Gia Đình vào cuối năm 2014, một số hội đồng giám mục đã nêu lên những đề mục cuả chương trình dự bị hôn nhân đã được thay đổi và cấp tiến cho phù hợp với hoàn cảnh của cuộc sống. Tuy nhiên, các hội đồng giám mục cũng đều cảm thấy khi các bạn đính hôn đến giáo xứ xin thủ tục đám cưới thì đã quá trễ vì họ đã chọn ngày cưới (Đoạn 53).

Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường tại Roma đã đưa ra những khó khăn mà nhiều gia đình đang gặp phải mà Giáo Hội cần phải quan tâm đến (Đoạn 61-79): (a) Khó khăn qua sự liện hệ đối thoại với nhau (b) Sự đổ vỡ, hành hung, và sự lạm dụng (c) Sự lệ thuộc vào truyền thông qua các trò chơi trên các mạng internet (d) Chiến tranh và di dân (e) Chủ nghĩa tiêu dùng và cá nhân.

Về phương diện của xã hội, Bộ Giáo Dục ở Hoa Kỳ đã quan tâm phổ biến các chương trình cho các lớp trung học (lớp 9-12) chú trọng về sự phát triển sinh lý hay làm cách nào để chống ngừa thai. Còn giáo dục về đời sống gia đình coi như là không có.

Qua những biến cố thay đổi của xã hội và những khó khăn của thời đại, việc chuẩn bị cho bí tích hôn phối và đời sống gia đình cần phải có sự đầu tư lâu dài. Từ Giáo Hội, đến các nhà cầm quyền và các tư nhân thương mại, nên có những khoản tài chánh dành riêng thêm cho mỗi năm để phát huy những chương trình dự bị hôn phối và huấn luyện nhân đức và hạnh phúc trong đời sống gia đình.

Tại địa phương từ địa phận đến các giáo xứ, giáo dân, đặc biệt những cặp hôn nhân chúng ta không quên được lời mời gọi Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình:

“Người Kitô Giáo trải qua chương trình dư bị hôn nhân là hành trình đức tin. Hành trình này phải được tiếp tục suốt cả cuộc sống của gia đình” (Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, đoạn 1996 câu 16).

Sự tham gia của đôi bạn hôn nhân vào chương trình chuẩn bị cho bí tích hôn phối tạo nên nhiều kiểu loại chương trình khác nhau từ giáo xứ đến địa phận. Việc chuẩn bị cho sự kết hôn và cho bí tích hôn phối cũng làm phong phú hóa đời sống hôn nhân. Chúng ta tăng cường sức mạnh cho việc giáo dục hôn nhân qua việc tăng cường củng cố ban giáo huấn chuẩn bị hôn nhân, nhờ đó dẫn đến việc củng cố hôn nhân cho các thế hệ tương lai.

Sự tham gia của hàng tu sĩ rất cần thiết để tiếp tục đào sâu những cuộc thảo luận liên quan đến các khó khăn có thể xảy đến trong thời gian chuẩn bị cho bí tích hôn phối hay là trong đời sống hôn nhân sau này. Cho dù mục vụ bận đến bao nhiêu, vị linh mục không bỏ rơi được sự gặp gỡ với các bạn đính hôn. Sự gặp gỡ không thể hời hợt cho qua, nhưng phải giúp các bạn đính hôn nhìn thực tế sự liên hệ hay xung khắc với nhau. Một phần nào đó, vị linh mục là chiếc cầu đức tin giúp cho đôi bạn đính hôn đạt được lời cam kết của bí tích hôn phối.

Ước mong từ những cố gắng trong việc chuẩn bị tốt cho hôn nhân, chúng ta sẽ tạo nên được những mái ấm gia đình hạnh phúc. Mong rằng trong tương lai, Đức Giáo Hoàng Phanxico và các địa phận sẽ quan tâm phổ biến các chương trình giáo dục trong các lớp trung học Công Giáo (Catholic high school) và các chương trình giáo lý của giáo xứ với chủ đề hôn nhân và gia đình.

------------------------------

[1] “Kayrós – a period in which God calls upon the engaged and helps them discern the vocation to marriage and family life”(Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, 1996, Câu số 2). 

[2] Bộ Giáo Luật CIC 1983, khoản 1055, §1 

[3] Chuẩn bị xa: Giai đoạn này người ta (gia đình, Giáo Hội, xã hội) dần ghi khắc vào tâm hồn sự quí chuộng mọi giá trị nhân bản đích thực, trong các tương quan liên vị cũng như xã hội, để các em biết tự chủ, biết xử dụng đúng đắn các xu hướng riêng của mình, biết nhận xét và gặp gỡ người khác phái... Đối với Kitô hữu, còn có sự đào tạo vững chắc về đời sống thiêng liêng và giáo lí, để hiểu hôn nhân là một ơn gọi, và là một sứ mạng đích thực, không loại trừ khả năng tận hiến cho Thiên Chúa trong ơn gọi độc thân vì Nước Trời.(Huấn Quyền Familiaris Consortio (FC)#66 - http://www.songtinmungtinhyeu.org/?open=contents&display=2&id=1248) 

[4] Chuẩn bị gần: lứa tuổi thích hợp, với việc dạy giáo lý vào đời chuẩn bị chuyên biệt về các bí tích, giúp các bạn trẻ khám phá các bí tích. Đến lúc thích hợp và tùy theo đòi hỏi cụ thể, giáo dục tôn giáo cần bổ túc bằng một sự chuẩn bị cho đời sống lứa đôi. Trình bày cho các bạn trẻ như một tương quan liên vị phải được phát triển liên tục giữa người nam và người nữ, khuyến khích họ đào sâu những vấn đề về tính dục hôn nhân, về vai trò cha mẹ có ý thức trách nhiệm, những hiểu biết về lãnh vực sinh lí và y học, những phương pháp tốt giáo dục con cái,...(Huấn Quyền Familiaris Consortio (FC)#66 - http://www.songtinmungtinhyeu.org/?open=contents&display=2&id=1248) 

[5] Chuẩn bị trực tiếp: cử hành bí tích hôn phối diễn ra trong nhiều tháng và trong những tuần lễ cuối trước lễ cưới. Trong các yếu tố phải truyền đạt về đức tin, cần đào sâu: mầu nhiệm Chúa Kitô và Hội thánh, về ý nghĩa của ân sủng và trách nhiệm gắn liền với hôn nhân Kitô giáo. (Huấn Quyền Familiaris Consortio (FC)#66 - http://www.songtinmungtinhyeu.org/?open=contents&display=2&id=1248) 

[6] Bộ Giáo Luật 1983, Điều 1063: “Sự trợ giúp này tiên vàn phải được thực hiện:

1° Bằng việc rao giảng, huấn luyện giáo lý thích hợp cho vị thành niên, thanh niên và người lớn, kể cả qua việc xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, ngõ hầu các tín hữu được giáo dục về ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo và về nghĩa vụ của vợ chồng và của cha mẹ Công Giáo;

2°Bằng việc chuẩn bị riêng cho những người sắp kết hôn để đôi bạn được sửa soạn để lãnh nhận sự thánh thiện và những bổn phận của bậc sống mới;

3° Bằng việc cử hành phụng vụ hôn phối cách chu đáo, để làm sáng tỏ rằng đôi bạn trở thành dấu chỉ và tham dự vào mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội;

4° Bằng sự giúp đỡ cho đôi bạn sống trung thành với giao ước vợ chồng, đễ mỗi ngày họ thêm thánh thiện và hoàn hảo hơn trong đời sống gia đình. 

[7] Bộ Giáo Luật 1983 CIC Ðiều 134:§1 Trong luật, tiếng “Bản Quyền” ám chỉ, ngoài Ðức Giáo Hoàng ra, cả Giám Mục giáo phận và những người đứng đầu - dù là lâm thời - một Giáo Hội địa phương hay một cộng đoàn tương đương nói ở điều 368, cùng những người hưởng quyền hành pháp thông thường tổng quát trong những nơi ấy, tức là: các tổng đại diện và đại diện Giám Mục; lại nữa, đối với các phần tử của mình, các Bề Trên cao cấp của các dòng tu giáo sĩ theo luật Giáo Hoàng và các Bề Trên cao cấp của các tu đoàn tông đồ giáo sĩ theo luật Giáo Hoàng, tức những người nắm giữ ít là quyền hành pháp thông thường. §2 Tiếng “Bản Quyền sở tại” ám chỉ tất cả những người nói ở trong triệt §1, trừ các Bề Trên của các dòng và của các tu đoàn tông đồ. 

[8] Bộ Giáo Luật 1983 CIC Điều 1064: Bản Quyền sở tại phải lo liệu để sự trợ giúp nói trên được tổ chức cẩn thận và nếu thấy thuận tiện, nên bàn hỏi với những nam nữ từng trải, kinh nghiệm và chuyên môn.

[9] Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường tại Roma: Mục vụ Gia Đình vào cuối năm 2014 Đoạn 51-54. 

[10] Bộ Giáo Luật 1983, CIC, Ðiều 1065: (1) Những người công giáo chưa chịu Bí Tích Thêm Sức, thì phải lãnh Bí Tích ấy trước khi được nhận kết hôn, nếu có thể được và không có khó khăn trầm trọng.

(2) Ðể việc lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối được dồi dào công hiệu, hết sức khuyên nhủ các đôi bạn nên lãnh Bí Tích Thống Hối và Thánh Thể. 

[11] Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Điều 1212: Ba bí tích: Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể là những bí tích khai tâm đặt nền tảng cho toàn thể đời sống Ki-tô hữu. “Nhờ ân sủng của Ðức Ki-tô, con người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa. Tương tự như việc sinh ra, lớn lên và bảo tồn trong đời sống tự nhiên, người tín hữu được tái sinh trong đời sống mới nhờ bí tích Thánh Tẩy, được củng cố nhờ bí tích Thêm Sức, và nhận lấy bánh ban sự sống đời đời trong bí tích Thánh Thể. Như vậy, nhờ các bí tích khai tâm Ki-tô giáo, họ được hiệp thông sâu xa hơn vào đời sống thần linh và ngày càng tiến tới đức mến hoàn hảo”(x. ÐGH Phao-lô VI, Tông hiến “Tham dự đời sống thần linh”; x. OICA tiền chú 1-2). 

[12] Bộ Giáo Luật 1983 Ðiều 1077§1: “Trong một trường hợp riêng, Bản Quyền sở tại có thể cấm những người thuộc quyền mình hiện cư ngụ bất cứ ở đâu, và tất cả những người hiện đang ở trong lãnh thổ riêng của mình, không được cử hành hôn phối; nhưng sự cấm đoán chỉ có tính cách tạm thời, do một lý do quan trọng và bao lâu lý do ấy kéo dài.”