Mẹ Đồng Công

CON ĐAU MẸ KHỔ, ĐƯỜNG ĐỜI ĐỚN ĐAU

TRẦM THIÊN THU

CON ĐAU MẸ KHỔ

Con đau khổ, Mẹ khổ đau
Nỗi sầu phủ kín tím chiều Can-vê

Ác nhân cười nhạo hả hê
Mặc ai đau khổ tái tê cõi lòng

Mẹ nhòa mưa lệ lưng tròng
Người dưng thấy cũng rưng rưng mắt buồn

Can-vê trĩu nặng hoàng hôn
Trời quên đổ nắng, đất hờn chuyển rung

Cuối cùng, sự thật tỏ tường
Ác nhân run sợ, thật lòng nói ra [1]

Nhưng Thiên Chúa vẫn thứ tha
Thật lòng sám hối được vô Thiên Đàng [2]

Bao năm con đã hoang đàng
Chân thành thú tội, xin thương, lạy Thầy!

Mẹ ơi, xin giúp cầu thay
Cho con được Chúa ra tay độ trì.


TRẦM THIÊN THU

-------------------

[1] Mt 27:54; Mc 15:39; Lc 23:47 – “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.”
[2] Lc 23:43 – “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”



ĐƯỜNG ĐỜI ĐỚN ĐAU

Suốt đời trên cõi thế trần
Đức Mẹ âm thầm chịu đựng khổ đau

Niềm đau, nỗi khổ theo nhau
Không ngừng hành hạ Mẹ Yêu suốt đời

Môi khô cằn cỗi nụ cười
Nỗi lòng se sắt, rã rời tâm can

Có còn đau đớn nào hơn
Mẹ ôm Con Chúa, xác thân cứng đờ?

Còn đâu những tháng ngày xưa
Ngọt ngào hạnh phúc bao la, êm đềm

Dưới chân Thập Giá chiều buồn
Máu và nước mắt nhuộm miền Can-vê

Mẹ ôm xác Chúa tái tê
Lòng như tơ rối, bộn bề khổ đau

Thâm tình mẫu tử thẳm sâu
Xin vâng cho trọn tin yêu Chúa Trời

Từng giây phút cả cuộc đời
Mẹ khổ tơi bời nhưng mãi có Con

Ôm Con từ chốn Be-lem
Nơi Can-vê Mẹ vẫn ôm Con mình

Mẹ đi hết cuộc hành trình
Ðức Tin vẫn sáng lung linh rạng ngời

Xin thương nâng đỡ, Mẹ ơi!
Dẫn con đi trọn đường đời tin yêu.

TRẦM THIÊN THU

ĐỒNG CÔNG

Lm. LOONEY EDWARD

KHÓC VỚI MẸ

Giáo Hội kính nhớ Đức Mẹ Sầu Bi ngày 15 tháng 09. Lễ này bắt nguồn từ Phúc Âm với lời tiên tri của Simêon nói rằng một lưỡi gươm sẽ đâm vào trái tim của Đức Mẹ. Khi đứng dưới chân Thập Giá, Mẹ đã thực sự trở thành biểu tượng của người mẹ đau khổ. Kiệt tác Pietà của danh họa Michelangelo mô tả Đức Mẹ ôm thi thể bất động của Con Yêu.

Trong ngày lễ này, chúng ta nên hướng đến sự đau buồn của Đức Mẹ sau khi Chúa Giêsu chịu chết. Nhưng chúng ta, với tư cách là những người khóc thương cái chết của những người thân yêu trong cuộc sống, có thể sát cánh với Đức Mẹ trong lúc đau buồn, giống như Đức Mẹ chắc chắn sẽ đứng bên chúng ta trong lúc chúng ta đau buồn. Người Mẹ Sầu Bi mang đến cho chúng ta những bài học khác nhau trong khoảng thời gian u sầu và đau khổ của chúng ta.


ĐỨC MẸ ĐỨNG BÊN CHÚNG TA

Cái chết đến với người thân yêu của chúng ta. Có thể chúng ta đã hiện diện khi người thân của chúng ta trút hơi thở cuối cùng. Là một linh mục, khi cầu nguyện với một gia đình bên giường bệnh của người thân đang hấp hối, tôi thường nghĩ tới sự hiện diện của Đức Mẹ với chúng ta. Là người Công giáo, suốt đời chúng ta thường cầu xin Đức Mẹ chuyển cầu qua Kinh Kính Mừng, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp chúng ta bây giờ và lúc lâm chung. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, tôi tin rằng Đức Mẹ vẫn trung thành với lời cầu xin của chúng ta và những lời cầu bầu của Mẹ giúp người sắp chết trong giây phút đó. Những câu chuyện từ các vị thánh cũng kể lại sự hiện diện của Đức Mẹ trên giường bệnh. Trong lúc đau buồn, chúng ta sát cánh với Đức Mẹ, người đã đứng dưới chân Thập Giá và đau khổ, chúng ta cầu xin Mẹ không chỉ đứng với chúng ta trong lúc đó, mà cùng chúng ta cầu nguyện cho người thân yêu của chúng ta, và cũng cầu cho chúng ta.


TÌM LẠI DẤU ĐỜI

Trong tiểu sử về cuộc đời của Chúa Giêsu và Đức Mẹ, lời kể của Đấng đáng kính Anne Catherine Emmerich về những gì xảy ra sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập Giá. Bà dựa trên những mặc khải về cuộc đời, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, gợi ý rằng sau khi Chúa Giêsu được mai táng, Đức Mẹ đã đi lại con đường khổ nạn của Chúa Giêsu từ nhà Caipha đến dinh Philatô, nơi Chúa Giêsu bị tra khảo, đến đường đi lên đồi Sọ. Đức Mẹ đã trải nghiệm lại đau khổ của Con Yêu.

Đối với Emmerich, người mẹ đau buồn đã khóc thương khi nhớ lại các sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Điều tương tự cũng có thể hữu ích cho chúng ta, những người đang than khóc. Điều đó có thể là đến viếng thăm những nơi có ý nghĩa – chẳng hạn ngôi nhà thời thơ ấu, nơi ghi đậm ký ức, mộ phần,... Tìm lại dấu đời của những người thân yêu có thể là niềm an ủi, khi chúng ta nhớ lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của họ.


LƯU GIỮ KỶ NIỆM

Thánh Luca cho chúng ta biết rằng Đức Mẹ trân trọng những khoảnh khắc đặc biệt của cuộc đời Chúa Giêsu và suy đi nghĩ lại trong lòng. Đức Mẹ đau thương khi ôm lấy thi thể bất động của Con Yêu, Mẹ nhớ lại đã từng ôm Con khi còn là Hài Nhi nơi máng cỏ Belem. Lưu giữ những ký ức đẹp đẽ về cuộc sống mà Mẹ đã sống với Con Thiên Chúa. Sau cái chết của Con và chuẩn bị mai táng, ký ức tràn ngập trong tâm trí và trái tim của mỗi người khi xem lại hình ảnh hoặc video đầy những dấu ấn kỷ niệm. Khi Đức Mẹ cùng các tông đồ vào Phòng Tiệc Ly và an ủi họ, chúng ta có thể tưởng tượng họ trân trọng tất cả các sự kiện họ đã chia sẻ với Chúa Giêsu. Đức Mẹ dạy chúng ta ghi nhớ và quý trọng như một cách trợ giúp để giảm bớt đau buồn và thương tiếc.


HY VỌNG ĐOÀN TỤ

Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Đức Mẹ đã sống những ngày còn lại và mong được ở bên Con mãi mãi. Tuy nhiên, có những thời điểm trong cuộc đời, Đức Mẹ có thể đến gần Chúa Giêsu – khi cử hành Bí tích Thánh Thể. Mỗi lần các tông đồ bẻ bánh với Giáo Hội sơ khai, mỗi lần họ đọc lời truyền phép từ đêm Tiệc Ly, sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa họ. Khi rước lễ, Đức Mẹ đón nhận Chúa Giêsu trong lòng. Điều này cũng đúng với chúng ta và những người thân yêu của chúng ta. Thánh Lễ chúng ta cử hành trên trái đất này là cách tham dự Phụng Vụ Thiên Đàng. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta tham dự cùng các thiên thần và các thánh trong bài thánh ca ngợi khen, chúng ta cũng cùng ca ngợi những người được chúc phúc trên Thiên Đàng. Tin rằng những người thân yêu của chúng ta đang ở bên Chúa, việc chúng ta tham dự Thánh Lễ nối kết chúng ta với những người đã đi trước chúng ta. Đó chỉ là một trong nhiều lý do mà chúng ta nên cử hành Thánh Lễ cho những người đã khuất.

Hơn nữa, chúng ta nên sống với niềm mong đợi được đoàn tụ. Sự hiệp nhất của chúng ta trên thế gian giới hạn trong việc cử hành Thánh Thể, nhưng chúng ta biết rằng chúng ta có thể được kết hợp với những người chúng ta yêu mến cho đến muôn đời trên Vương Quốc Thiên Đàng, khi chúng ta được lãnh nhận phần thưởng mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Điều đó có nghĩa là chúng ta nên sống xứng đáng được thừa hưởng Vương Quốc đã được chuẩn bị cho chúng ta từ khi sáng thế bằng cách từ bỏ tội lỗi, sửa đổi cách sống, yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Chắc chắn rằng mỗi ngày trong cuộc đời của Đức Mẹ đều muốn ở bên Con Yêu, và Thiên Chúa đã làm cho Đức Mẹ thỏa ước mong bằng cách cho Mẹ về Thiên Đàng cả thể xác và linh hồn mà không phải qua sự chết. Thiên Chúa cũng muốn thỏa mãn ước muốn của chúng ta, nhưng chúng ta phải làm trọn trách nhiệm của mình. Vì thế, hãy sống mỗi ngày trong niềm mong đợi về Quê Trời vĩnh phúc!


Lm. LOONEY EDWARD
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ https://catholicexchange.com)
Lễ Đức Mẹ Sầu Bi – 2020


Đồng Công Cứu Chuộc

Vũ Văn An

Từ thập niên 50 của thế kỷ trước, người ta đã nghe nói tới tước hiệu đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ. Và ở Việt-Nam, chúng ta đã thấy xuất hiện một dòng tu nổi tiếng mang danh hiệu này.

Công Đồng Vatican II, khi nói về Đức Mẹ, đã không dành trọn một sơ đồ, mà đặt Đức Mẹ vào chung một sơ đồ về Giáo Hội. Điều này khiến một số người đồ đoán là Công Đồng đã chính thức giảm nhẹ vị trí của Đức Mẹ trong lòng sùng kính chính thức của Giáo Hội. Nhưng dù sự giải thích đó có đúng đi chăng nữa, thì lòng sùng kính đối với Mẹ Thiên Chúa trong lòng tín hữu vẫn không có gì thay đổi. Luật cầu là luật tin vẫn là một chân lý không thay đổi trong truyền thống hai ngàn năm của Thánh Giáo Hội Công Giáo. Nên nếu luật cầu không thay đổi thì luật tin cũng không thay đổi.

Cuối thế kỷ 20, một số người Công Giáo đã khẩn khoản thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố một cách vô ngộ Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Chuộc Tội. Năm 1985, trong một số diễn văn, Đức Giaon Phaolô II đã sử dụng tước hiệu này để nói về Đức Mẹ. Tại Guayaquil, Ecuador, Ngài nói: “Vì Người đặc biệt gần gũi thánh giá Con của Người, nên Người cũng có một cảm nghiệm đầy đặc ân về sự Phục Sinh của người Con ấy. Thực vậy, vai trò Đồng Công Cứu Chuộc của Người không chấm dứt với cuộc hiển vinh của Con mình”. Trước đó, ngày 8 tháng Chín năm 1982, khi chào đón các bệnh nhân trong một buổi triều yết chung, Ngài nói: “Mẹ Maria, dù được tượng thai và sinh ra không bị tì vết tội lỗi, nhưng đã dự phần cách kỳ diệu vào cuộc thống khổ của Con Trai thần thánh mình, ngõ hầu trở nên Đấng Đồng Công Cứu Chuộc của nhân loại”.

Đầu thập niên 1990, Giáo Sư Mark Miravalle của Trường Đại Học Phanxicô tại Steubenville ở Hoa Kỳ có phát động một chiến dịch xin chữ ký để thỉnh cầu ĐứcGioan Phaolô II chính thức công bố tín điều Đồng Công Cứu Chuộc. Hơn sáu triệu chữ ký đã thu được từ 148 quốc gia, gồm cả chữ ký của Mẹ Têrêxa thành Calcutta, của Đức Hồng Y John O’Connor, Tổng Giám Mục New York, của 41 vị hồng y khác và của 550 vị giám mục khắp năm châu. Tuy nhiên, một tín điều như thế vẫn chưa được chính thức công bố.

Năm 2005, tại Fatima, 5 vị hồng y đã đồng bảo trợ một hội nghị quốc tế chuyên bàn về tước hiệu Đồng Công Cứu Chuộc này. Hội nghị sau đó đã đệ lên đức Bênêđíctô XVI một thỉnh nguyện thư, xin Đức Giáo Hoàng long trọng công bố Đức Mẹ là “Mẹ thiêng liêng của toàn thể nhân loại, đồng công với Chúa Giêsu Cứu Chuộc, đấng trung gian mọi ơn phúc với Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian duy nhất, đấng bào chữa với Chúa Giêsu Kitô nhân danh nhân loại”. Trong số 5 vị hồng y này, có Đức Hồng Y Luis Aponte Martinez, tổng giám mục (hưu) của San Juan, Porto Rico và Đức Hồng Y Telesphore Toppo, tổng giám mục Ranchi, Ấn Độ.


KHÔNG MỚI LẠ


*ĐỨC MẸ GUADALUPE

Trong cuộc phỏng vấn do Zenit thực hiện ngày 18 tháng Ba năm nay tại San Juan, Puerto Rico, Đức Hồng Y Martinez cho rằng công bố tước hiệu này, ta không nói gì mới thêm về Đức Mẹ mà chỉ là giải thích rõ vai trò của Người trong chương trình cứu rỗi mà thôi.

Đức Hồng Y cho hay năm 2002, tại Rome, ngài có trực tiếp trình bầy với Đức Gioan Phaolô II tầm quan trọng của tín điều trên trước mặt nhiều vị hồng y khác. Theo ngài, việc công bố này mật thiết liên hệ với việc tân phúc âm hóa của Giáo Hội, nhất là tại Châu Mỹ Latinh, nơi việc phúc âm hóa lần đầu vốn đã được Đức Mẹ Guadalupe hướng dẫn, thì lần này hẳn cũng sẽ thành công rực rỡ nếu được Mẹ Chúa Kitô lãnh đạo.

Việc long trọng định nghĩa các vai trò hiền mẫu của Đức Mẹ, như là đấng đồng công cứu chuộc, đấng trung gian, và đấng bào chữa càng làm Đức Mẹ thi hành nhiều hơn các chức năng hiền mẫu trên để cầu bầu cho thời đại ta đạt được hiệu năng tối đa trong việc tân phúc âm hóa.

Đức Hồng Y cũng cho hay: trọn bộ nội dung công bố này thực ra đã có từ ngàn xưa, và sẵn có ngay trong học thuyết chính thức của Giáo Hội rồi, chỉ cần mở lại Hiến Chế Lumen Gentium, số 57, 58, 61 và 62. Ngoài ra, nó vốn là giáo huấn cố cựu của các vị giáo hoàng trong nhiều thế kỷ. Gần đây nhất, Đức Gioan Phaolô II đã xưng tụng Đức Maria là đấng đồng công cứu chuộc 6 lần trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài. Tất nhiên, vai trò này lúc nào cũng được hiểu như là tùy thuộc hoàn toàn vào Chúa Giêsu, và chỉ như một con người nhân bản tham dự với Chúa Cứu Thế trong công trình cứu chuộc mà thôi.

Tuy không có gì mới lạ, nhưng theo Đức Hồng Y, một công bố có tính tín điều sẽ mang thêm ánh sáng và trân qúy hơn đối với học lý, khiến nó hoàn hảo hơn, như chính giải thích của Chân Phúc Giáo Hoàng Piô IX khi cho công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai năm 1854.


*NGƯỜI BÌNH DÂN

Ngoài ra, các chức năng đồng công cứu chuộc, trung gian và bào chữa bên trong vai trò tổng quát làm mẹ thiêng liêng cũng không có gì khó hiểu đối với người bình dân. Theo Đức Hồng Y, người tín hữu ở Châu Mỹ La-tinh chẳng hạn, không những hiểu học lý này trong tâm hồn mà còn cảm nghiệm được các vai tuồng đó của Đức Mẹ trong chính cuộc sống họ. Một lần nữa, Đức Mẹ Guadalupe là hiện thân của các vai tuồng này một cách hết sức năng động trong vai trò một người mẹ từng chịu đau khổ với Chúa Giêsu cho chúng ta, một người mẹ đến để nuôi dưỡng chúng ta bằng ơn thánh của Chúa Giêsu, và một người mẹ luôn cầu bầu cho chúng ta khi khốn khó. Đó là đấng đồng công cứu chuộc, đấng trung gian và đấng bào chữa, chứ còn ai đây!

Đức Gioan Phaolô II đã nói một cách hết sức sáng sủa về việc Đức Mẹ làm trung gian nhân danh chức phận làm mẹ của mình bằng cách sử dụng thuật ngữ “Trung Gian Hiền Mẫu” (maternal mediation). Còn gì thông thường và dễ hiểu hơn một bà mẹ chịu đau khổ, nuôi dưỡng và khẩn cầu cho con cái mình? Mà đó lại chính là điều Đức Mẹ làm cho ta trong tư cách người mẹ thiêng liêng của ta. Đó quả là điều hết sức đơn giản và là một phần trong cảm nghiệm hàng ngày của các tín hữu Công Giáo. Điều đối với một số học giả xem ra khó chấp nhận thì lại đã được tỏ lộ cho những người chất phác nhỏ nhoi và đã được Giáo Hội tiếp nhận từ lâu.


ĐẠI KẾT


*MẸ BỒNG CON

Nhưng đối với sứ mệnh đại kết hết sức tế nhị của Giáo Hội thì sao? Tín điều này có thể góp phần gây trở ngại gì chăng? Đức Hồng Y Martinez cho hay theo bản tính và ơn gọi, các bà mẹ luôn là người kết hiệp các gia đình. Mẹ Chúa Giêsu trong gia đình Chúa Giêsu cũng thế thôi. Sứ mệnh đại kết của Giáo Hội hết sức quan trọng, nhưng nếu loại Đức Mẹ ra ngoài, ta chỉ tổ làm chậm bước tiến của ta hướng tới hiệp nhất Kitô Giáo trong nhiệm thể Chúa Kitô.

Đức Gioan Phaolô II đã nói rõ trong thông điệp đại kết của ngài, tựa là “Ut Unum Sint”, rằng hoạt động đại kết đúng nghĩa của Công Giáo không bao giờ có nghĩa là ta phải thỏa hiệp học thuyết Công Giáo cũng như làm trở ngại việc phát triển học lý chân chính, trong đó có các học lý liên quan đến Đức Mẹ.

Việc long trọng xác định chức phận làm mẹ thiêng liêng của Đức Mẹ thực ra sẽ là bước nhẩy vọt trong phong trào đại kết, vì việc này sẽ minh nhiên phân biệt điều được Giáo Hội dứt khóat truyền dạy: tức việc Đức Maria không phải là một nữ thần, Giáo Hội Công Giáo không xếp Đức Mẹ lên bình diện ngang hàng với Chúa Giêsu, con thần thánh của Người, trái lại Người chỉ là một con người nhân bản tham dự vào hành động cứu chuộc có tính lịch sử một cách tuyệt đối và hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa Giêsu. Điều ấy sẽ khai quang được rất nhiều các hiểu lầm vốn có xưa nay nơi anh chị em Kitô hữu không phải là Công Giáo, dẫn đến một đối thoại và hiệp nhất lớn lao hơn liên quan tới mẹ Chúa Giêsu bên trong nhiệm thể của Người. Đấy mới là đại kết thực sự theo cái nhìn Công Giáo.

Trước ngày quyết định công bố tín điều Hồn Xác Lên Trời vào năm 1950, người ta cũng nêu cùng một phản chứng như thế liên quan đến đại kết với Đức Piô XII. Sau khi công bố tín điều ấy, Giáo Hội đã cảm nghiệm được một tiến bộ vĩ đại nhất cho tới lúc đó về đại kết, dẫn đến Công Đồng Vatican II.

Đức Maria là Mẹ phong trào đại kết, Mẹ của hiệp nhất, chứ không phải là một trở ngại. Ta hãy dành cho Người cơ hội để Người hiệp nhất chúng ta theo cách chỉ có một bà mẹ có thể làm được, bằng cách công khai và hãnh diện công bố các vai trò hiền mẫu của Người trong việc cầu bầu cho chúng ta. Nếu ta biết long trọng kêu mời Người cầu bầu cho, thì sứ mệnh hiệp nhất Kitô giáo sẽ được thăng tiến xiết bao.


*PHẢN ỨNG

Thông tấn xã Zenit, ngày 5 tháng Năm năm 2008, đã phỏng vấn Đức Hồng Y Telesphore Toppo về phản ứng trong Giáo Hội đối với cuộc vận động gần đây của ngài liên quan đến tín điều trên. Được biết, gần đây, Đức Hồng Y Toppo, cùng với 4 vị hồng y kia, có gửi cho các vị hồng y và giám mục khắp thế giới một lá thư, mời gọi các ngài tham gia vào thỉnh nguyện thư xin Đức Bênêđíctô tuyên bố tín điều Đồng Công Cứu Chuộc.

Ngài cho hay mặc dù đa số các vị hồng y và giám mục trực tiếp gửi thư cho Đức Thánh Cha để ủng hộ công bố này, nhưng ngài cũng nhận được khá nhiều thư trả lời rất khích lệ. Nhiều thư nói đến nhu cầu phải có tín điều này và sự cầu bầu lớn nhất của Đức Mẹ đối với hoàn cảnh nhiễu nhương hiện nay trên thế giới, kể cả chiến tranh và khủng bố, bách hại tôn giáo, sa đọa luân thường, gia đình tan vỡ và cả các thiên tai nữa.

Một cách tổng quát, các thư của các hồng y và giám mục khắp thế giới đều nhất trí rằng nay đã đến lúc cần một tín điều mới về Đức Mẹ làm liều thuốc chữa các khó khăn độc đáo đang đe dọa thế giới. Như Người từng làm ở Phòng Trên Lầu và trong Giáo Hội sơ khai xưa, Đức Mẹ có thể cầu bầu mà không một ai khác có thể cầu bầu được để Chúa Thánh Thần tuôn đổ ơn thánh, sự bình an và che chở mới mẻ cho Giáo Hội và thế giới.

Đức Hồng Y Toppo cũng cho hay ngày 3 tháng Sáu năm 2006, ngài có gặp Đức Bênêđíctô XVI trong một buổi yết kiến riêng, trong đó, ngài trình lên Đức Thánh Cha bản đúc kết các bài thuyết trình thần học của Hội Nghị Thánh Mẫu năm 2005 tại Fatima liên quan tới tước hiệu đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ. Ngài cũng trình lên Đức Thánh Cha bản thỉnh nguyện thư xin Đức Thánh Cha long trọng lấy quyền giáo hoàng xác định Đức Mẹ là mẹ thiêng liêng của mọi người, là đấng đồng công cứu chuộc, đấng trung gian mọi ơn thánh và là đấng bào chữa. Bản thỉnh nguyện này đến lúc đó đã được chữ ký của rất nhiều hồng y và giám mục trên thế giới.

Trong buổi yết kiến kéo dài 15 phút ấy, Đức Thánh Cha tỏ ra hết sức quan tâm đến các tài liệu đệ trình. Đức Thánh Cha tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy số đông các hồng y và giám mục đã ký vào bản thỉnh nguyện. Trong ít tháng gần đây, Đức Thánh Cha còn nhận được thêm nhiều thư nữa của các hồng y và giám mục thế giới ủng hộ tín điều nói trên.


Á CHÂU


*ĐỨC MẸ ẤN ĐỘ

Nói đến phản ứng đại kết và liên tôn, cũng như Đức Hồng Y Martinez, Đức Hồng Y Toppo cho hay việc xác định này sẽ giúp các bên đối thoại hiểu đúng đắn các điều căn bản trong giáo huấn Công Giáo. Tước hiệu đồng công cứu chuộc là cơ hội để ta trình bầy học thuyết của chúng ta liên quan đến Đấng Cứu Chuộc và mầu nhiệm cứu chuộc, quyền tối thượng trong sáng kiến Thiên Chúa, và vai trò tuyệt đối không thể đua tranh được nơi tính duy nhất của Chúa Giêsu như là Đấng Cứu Chuộc Thần Linh.

Chân lý liên quan đến việc cứu chuộc này phải được bổ túc bằng nhu cầu không thể thiếu đòi phải có sự hợp tác của con người thụ hưởng. Con người tự mình phạm tội được, nhưng không tự cứu chuộc được mình. Nói cách khác, đòi phải có sự hợp tác, đối với mỗi người tùy theo kế hoạch đã được Thiên Chúa tự ý phác thảo và chọn lựa. Như thế, ta có thể giúp các bạn đối thoại của ta hiểu nhiều điều về Đức Maria: việc ngài hợp tác bằng một lòng suy phục kế hoạch của Thiên Chúa, dẫn ngài trở thành Mẹ Chúa Giêsu; sự gần gũi với Chúa Giêsu ở lúc chịu đóng đinh như đấng đồng công cứu chuộc; việc ngài bào chữa cầu bầu và gây ảnh hưởng với Chúa Giêsu cho ta; việc ngài là Mẹ Giáo Hội, Nữ Vương Thiên Đàng, và Đấng Trung Gian mọi ơn phúc.

Sự hợp tác của Đức Mẹ giúp mọi Kitô hữu và cả người không phải là Kitô hữu hiểu được sự hợp tác cần có nơi ta với Chúa Giêsu và với ơn thánh của Người để được cứu rỗi. Đức Hồng Y Toppo tin chắc các Kitô hữu không phải Công Giáo hiện đang đối thoại với chúng ta sẽ hoặc là thấy tín điều này có thể chấp nhận được hoặc là không có luận điểm nào có giá trị và có tính thuyết phục chống lại tín điều này.

Ngài kể lại năm 1890, một bé gái thuộc phái Luthêrô tại Ranchi, tên Ruth Kispotta, khi khám phá ra người Công Giáo không tôn thờ Đức Mẹ như một vị thần, dù họ có tôn kính ngài trong tư cách là mẹ Chúa Giêsu, nên đã trở lại Công Giáo và lập ra tu hội bản xứ đầu tiên gọi là Nữ Tử Thánh An-nê, ngay tại Ranchi

Người không theo Kitô giáo cũng sẵn sàng hiểu quan điểm của chúng ta trong vấn đề này. Đó là lý do khiến rất nhiều người không phải là Kitô hữu đổ xô tới các đền kính Đức Mẹ khắp thế giới, kể cả lục địa bao la Á Châu. Họ cảm thấy được Đức Mẹ lôi kéo vì sự gần gũi của ngài với Chúa Giêsu.

Tại Ấn Độ, có một đền thờ dâng kính “Dhori Ma” tức Đức Bà Hầm Mỏ, căn cứ vào một bức tượng được các thợ mỏ than Ấn giáo ở Dhori khám phá ra. Ngày nay, bức tượng Đức Bà này được hàng chục ngàn người tôn kính: cả Kitô hữu lẫn người Ấn giáo và Hồi giáo. Tất cả đều trân qúy Bà Mẹ hết lòng chăm sóc con cái mình và hoàn toàn nhất mực phục vụ chúng.


*HỒI GIÁO

Theo Đức Hồng Y Toppo, việc trình bầy Đức Maria như đấng đồng công cứu chuộc sẽ rất được tán thưởng trong cuộc đối thoại với Hồi Giáo, vì một lý do giản dị là Đức Mẹ vốn được người Hồi Giáo biết rõ nhờ kinh Kô-răng. Người Hồi Giáo tôn kính Đức Maria như “người phụ nữ vĩ đại nhất” không hề có tội và mãi mãi đồng trinh. Đức Maria là người phụ nữ có phẩm giá cao cả và vai trò cũng như tầm quan trọng của ngài được nhìn nhận trong sách Kô-răng, trong sách Hadith và trong lòng sùng kính của cuộc sống Hồi Giáo hàng ngày.

Đức Hồng Y Toppo không ngần ngại nói rằng Đức Maria xưa nay vẫn là khuôn mẫu thực sự cho cả người Hồi giáo và Kitô giáo. Ngài phải là sự trợ giúp tuyệt diệu trong các cố gắng đối thoại liên tôn của chúng ta. Việc trình bầy chính xác Đức Maria như đấng đồng công cứu chuộc sẽ đem lại một ngả đường êm mát cho việc khám phá ra chân lý Công Giáo và khuyến khích mọi người thành tâm cộng tác với các sáng kiến của Thiên Chúa đầy yêu thương và đầy hấp lực mà lòng từ bi thì trải dài hết đời này qua đời nọ.


Vũ Văn An

ĐỨC MARIA ĐẤNG ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

ĐỨC MARIA ĐẤNG ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC

[Dt 5,7-9; Ga 19,25-27]


Sau lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi - Mẹ Maria cùng chia sẻ cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

Phúc Âm kể về bảy sự thương khó của Đức Mẹ:

1- Lời tiên báo của ông Simêon (Lc 2,34-35)

2- Cuộc chạy trốn sang Aicập (Mt 2,13-21)

3- Lạc mất Chúa ba ngày (Lc 41,50)

4- Vác thập giá lên đỉnh Canvê (Ga 19,17)

5- Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập giá (Ga 19,18-30)

6- Tháo xác Chúa (Ga 19,39-40)

7- Táng xác Chúa (Ga 19,40-42)


Bảng liệt kê những nỗi đau của Đức Maria trên đây có từ thế kỷ XIV đã ăn sâu vào mọi hình thức văn chương đạo đức: các bài giảng, kinh nguyện, thi ca. “Stabat Mater” (Mẹ đứng) là một bài ca thương diễn tả một cách tài tình và cảm động những nỗi thống khổ của Đức Trinh Nữ Maria dưới chân Thập giá. Tác phẩm “Pietà” là một hình ảnh rất hấp dẫn trí tưởng tượng quần chúng, diễn tả hình ảnh Đức Mẹ ẵm thân xác đẫm máu của Chúa Giêsu trên đầu gối.


Đức Maria thông phần đau khổ với Chúa Cứu Thế là một khía cạnh quan trọng của lòng tôn sùng Đức Mẹ. Điều này dựa trên cơ sở:

1. Mẹ hiệp công cứu chuộc loài người

Trong suốt cuộc sống của Chúa Giêsu trên trần gian, từ tuổi thơ ấu đến ngày trưởng thành, từ khi âm thầm đến lúc công khai, bao giờ Mẹ cũng hiện diện bên Chúa. Cách riêng trong công cuộc khổ nạn, Mẹ chẳng những đã hiện diện, mà còn đồng hành theo Chúa cho đến cùng. Các môn đệ tiếng là những kẻ theo Chúa gần gũi trong ba năm đời rao giảng, thế mà trên đường thánh giá chẳng thấy bóng ông nào; còn Mẹ dẫu chẳng xuất đầu lộ diện để cho Chúa khỏi bận vướng, lại theo bước Chúa cận kề trên đường khổ nạn và đứng ngay bên thánh giá lúc Chúa chịu tử hình, nước mắt nuốt vào trong.

Lời tiên tri Simêon nay ứng nghiệm: “Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà…” (Lc 2,35). Mẹ đã nhận lấy lưỡi gươm đâm thâu trái tim mình theo thánh ý Thiên Chúa. Mẹ đứng đó lặng thầm không nói một câu chẳng buông một tiếng dẫu là tiếng thở dài, dáng đứng kiên cường vừa đón nhận qua tiếng “xin vâng” muôn thuở, vừa hiệp thông trong sự đau khổ của con mình. Mẹ đứng đó dưới chân thập giá chứng kiến cái chết nhục hình của người con yêu quý. Mẹ chia sẻ mọi nổi oan khiến nhục nhã của người con chí thánh. Dung mạo của Mẹ dưới chân thập giá tuyệt đẹp.Tước hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo là vậy đó.

Nếu Chúa Giêsu chịu chết để chuộc tội cho thiên hạ và ban ơn cứu rỗi cho hết mọi người, thì Đức Mẹ bởi đã hiệp thông với Chúa Giêsu trọn vẹn, không chỉ về thời lượng từ đầu đến cuối mà đúng hơn, còn về chất lượng gắn bó keo sơn mẹ con một dạ một lòng. Ngày xưa người ta quen nhìn Mẹ là đấng đồng công cứu chuộc (bài hát “trên đồi Golgota”), ngày nay đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu, và vì Mẹ cũng cần đến ơn cứu độ của Con mình, nên thật thích đáng để xưng tụng Mẹ là đấng hiệp công cứu chuộc.

Nếu “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con một mình”, thì Mẹ cũng hiệp thông trong tình yêu đại lượng ấy mà vâng theo thánh ý. Mẹ hiệp công cứu chuộc bằng chính trái tim của Mẹ, nên Mẹ cũng nhạy cảm hơn bất cứ ai trong gia đình nhân loại về tình lân mẫn đối với con cái loài người.


2. Mẹ Maria là Mẹ của nhân loại

Nhưng dưới chân thánh giá hôm ấy, Mẹ còn nhận lấy một lời đặc biệt của Chúa Giêsu khi giới thiệu thánh Gioan cho Mẹ “Thưa Bà, này là con Bà”. Xét về bối cảnh giờ tử nạn thì đây chẳng khác nào lời người ra đi dành cho người ở lại, mang mầu trăn trối linh thiêng, Chúa Giêsu muốn Đức Mẹ nhận Gioan làm con để đối xử với Gioan như đối xử với mình. Gioan từ đó là hiện thân sống động của Chúa Giêsu trong đời Đức Mẹ. Xét về hình thức của câu nói, nhất là kèm theo vế thứ hai Chúa Giêsu giới thiệu Đức Mẹ cho thánh Gioan “Này là Mẹ con”, người ta thấy trải ra như hai vế của bản hợp đồng ký kết song phương, được đóng ấn bởi công cuộc cứu chuộc dưới sự chứng giám của Đấng chịu đóng đinh.

Nếu công cuộc cứu độ thực hiện một lần thay cho tất cả và có giá trị vĩnh cửu thì bản hợp đồng “mẹ-con” cũng sẽ tồn tại mãi mãi. Nhưng xét về nội dung, lời trăn trối ấy chính là việc thiết lập một tình mẫu tử giữa Đức Mẹ và Gioan làm tiền đề và nền móng cho tình mẫu tử thiêng liêng giữa Đức Mẹ và toàn thể nhân loại. Truyền thống vẫn coi Gioan như đại diện cho nhân loại mới đã được sinh ra trong ơn cứu rỗi, và Đức Mẹ từ lời trăn trối của Chúa Giêsu cũng là Evà mới hạ sinh mọi người trong tình mẫu tử thiêng liêng nhiệm mầu ấy.

Cuộc chiến trên thập giá giữa Thiên Chúa và con người. Hình như con người đã thắng khi đóng đinh Đấng Cứu Thế. Thế nhưng, Thiên Chúa lại chọn thập giá để biểu lộ tình yêu chiến thắng. Con đường của Thiên Chúa là con đuờng tình yêu. Tình yêu chiến thắng sự chết. Mẹ đã thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Mẹ dâng hiến con mình trong hy lễ cứu độ với niềm tin phục sinh. Vì thế, Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng.

Đức Maria là Mẹ của nhân loại, là Mẹ của từng người chúng ta. Chúa Giêsu đã trối Mẹ Maria lại cho Gioan, bấy giờ đại diện cho các thánh tông đồ, cho Giáo Hội và cho cả loài người. Chúng ta hãy đón Mẹ về ở với chúng ta, yêu thương và gắn bó với Mẹ. Môi miệng, trái tim chúng ta đừng bao giờ rời xa rời Mẹ; bản thân chúng ta hãy noi gương nhân đức của Mẹ. Hãy chạy đến cùng Mẹ lúc gặp gian nan khốn khó, tuyệt đối tin tưởng và trông cậy vào Mẹ.

Nếu tình mẫu tử nhân gian dù bất toàn, vẫn được con người khắp nơi ca ngợi “bao la như biển Thái Bình...”, thì tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Mẹ đối với con cái loài người lại còn bao la lớn rộng muôn trùng, mênh mông chan chứa bao dung ngàn đời. Đó là tình yêu thương chan hòa được mở ra cho hết mọi người.


3. Đức Mẹ ban ơn cho mỗi người

Đón nhận nhân loại vào trong gia đình thiêng liêng, Đức Mẹ đã vận dụng tất cả khả năng của mình để tôn vinh Thiên Chúa qua việc giúp đỡ con cái nhân loại. “Đầy ơn phước”, được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ cận kề Thiên Chúa hơn bất cứ ai, nên cũng đầy quyền thế hơn bất cứ ai, để có thể can thiệp chuyển cầu ơn phúc một cách hiệu quả. Tất cả những ơn lành trần thế nhận được qua việc khấn với Đức Mẹ đều phát xuất từ một địa chỉ chung là quyền thế của Đức Mẹ bên cạnh Thiên Chúa. Nhưng quyền thế ấy được vận dụng như thế nào là do nhịp rung trái tim của Mẹ, một trái tim có nguồn gốc nhân loại, nên không những có trọn niềm trắc ẩn rung động cảm thông trìu mến của tình mẫu tử nhân loại, mà còn vượt trội vì đã đến mức thập toàn ở trên đỉnh cao thánh đức.

Gần bên Chúa, Mẹ thật uy quyền; nhưng Mẹ lại dịu hiền khi gần nhân loại. Chính vì vậy, yêu mến cậy trông cũng là thái độ thích hợp khi đến bên Mẹ. Những ai khắc khoải sám hối thao thức đổi mới canh tân có thể xin Mẹ dìu dắt, chắc chắn Mẹ sẽ dẫn đến tòa giải tội để nhận lấy ơn tha thứ. Những ai đau buồn sầu khổ vì đau yếu bệnh hoặc vì gánh nặng vai mang, mong ước đời sống bình an có thể kêu khấn xin Mẹ đỡ nâng, chắc chắn Mẹ sẽ sớm hỗ trợ để ban cho cuộc sống an bình. Mỗi người đều có chung một nỗi niềm thống hối Mùa Chay, hãy vững tin và cậy trông chắc chắn Mẹ sẽ chúc lành và giúp ta trang bị lại trái tim tinh tuyền.

Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống suy niệm dáng đứng của Mẹ Maria dưới chân thập giá và đúc kết qua những vần thơ tâm tình.

Ngày xưa Mẹ đứng kiên cường,
Dưới chân thánh giá hiệp công cứu đời.

Ngày nay ngự chốn cao vời,
Mẹ thương xót hết mọi người dương gian.

Ban ơn thánh, phúc bình an,
Dạy thêm trông cậy, ươm tràn tin yêu.

Mẹ thuộc về Thiên Chúa trọn vẹn nên trái tim Mẹ thanh khiết không cùng. Mẹ là tác phẩm đẹp nhất của Chúa Thánh Thần, là một Ngôi Vị Thiên Chúa nghệ sĩ tài ba. Nhưng Mẹ sinh ra Chúa Giêsu, là Ngôi Hai Thiên Chúa, Con duy nhất và đồng bản thể với Thiên Chúa, nên Mẹ vĩnh viễn là Mẹ Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Con của Mẹ, vừa là Đấng Tạo Hoá, vừa là Thiên Chúa Cứu Độ.

Có Mẹ nâng đỡ, ta sẽ không sa ngã; có Mẹ chở che, ta sẽ không sợ gì; có Mẹ hướng dẫn, ta sẽ không mệt mỏi lạc đường; có Mẹ phù trợ, ta sẽ đạt tới mục đích cuối cùng của cuộc đời là chính Thiên Chúa.

Vì Mẹ đã hiệp công trong ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, vì Mẹ đã nhận mọi người làm con cái, và vì lòng Mẹ rất bao dung, nên dưới chân Thánh Giá, Mẹ đích thực là Mẹ của lòng xót thương. Vấn đề được đặt ra cho ta không phải là băn khoăn xét xem Mẹ có yêu ta hay không, mà là tự hỏi xem mình đã yêu Mẹ thế nào. Nếu kết thúc bài Phúc Âm cho biết “Từ giờ ấy môn đệ đem Mẹ về nhà mình”, thì cũng thế, từ hôm nay, ta hãy đem Mẹ về nhà bằng lòng tôn sùng yêu mến, bằng việc siêng năng lần hạt và bằng việc sống đẹp dưới ánh nhìn của Mẹ. Làm như thế, chắc chắn ta sẽ được Mẹ ấp ủ trong lòng xót thương đời này và đời sau.

Cầu chúc cho mọi người được thêm lòng yêu mến Đức Mẹ.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

MẸ MARIA ĐẤNG ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC

Phùng Văn Hoá

Từ  khi Chúa Giêsu ra công khai giảng đạo thì người ta đã nhiều lần thắc mắc về Ngài “ Ai nấy đều sững sờ đến nỗi hỏi nhau rằng: Cái gì vậy ? Giáo lý mới hay sao ? Người này lấy quyền bính truyền cho uế linh đến nỗi chúng cũng phải vâng phục ? ( Mc 1, 27 ). Chẳng những dân chúng ngay cả  các môn đệ cũng ngơ ngác hỏi nhau sau khi Chúa làm phép lạ dẹp yên gió bão “ Họ sợ hãi quá đỗi nói với nhau rằng: Vậy người này là ai mà gió và biển cũng  đều phải vâng phục ? ( Mc 4, 41 ).

Một lần kia khi ở trong sân đền thờ dân chúng vây quanh  Chúa và thẳng thắn  đưa ra lời chất vấn “ Thầy để chúng tôi vơ vẩn đến chừng nào. Nếu Thầy là Đức Kitô thì hãy nói tỏ tường cho chúng tôi đi.” ( Ga 10, 24 ). Từ bao đời nay người Do Thái vẫn một lòng mong đợi Chúa Cứu Thế và khi được nghe những lời  giảng dạy những phép lạ  Chúa làm  thì nghĩ chắc hẳn Đấng Kitô đã đến với  dân tộc họ. Chúa Giêsu không xác nhận mà cũng không phủ nhận Ngài nói: “ Ta đã nói cho các ngươi mà các ngươi không tin. Những việc Ta nhân danh Cha ta mà làm đều làm chứng cho Ta. Nhưng các ngươi không tin vì các ngươi chẳng thuộc về đoàn chiên của Ta. Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết nó và nó theo Ta” ( Ga 10, 25 -28 ).

Đức Kitô biết dù có nói thì người Do Thái vẫn không tin và sở dĩ như thế là vì trong quan niệm  Đấng Kitô ( Messia ) của họ hoàn toàn khác với Đấng đang hiện diện ngay ở trước mặt, là con của bác thợ mộc Giuse và bà  Maria. Điều này cho thấy  một khi đã chấp chặt vào một quan niệm nào đó thì thật rất khó để mà nhận ra sự thật.

Trải qua 20 thế kỷ, từ lúc đương thời Đức Kitô cho đến tận bây giờ, thần học vẫn chưa nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ như đích thật Ngài là. Tại sao ? Bởi vì người ta vẫn theo đuổi một thứ thần học gọi là Kitô Học ( Christologia ). Kitô Học là cái học về Đức Kitô được phân chia làm hai khuynh hướng. Một là khuynh hướng chia cắt và hai là không chia cắt.

Với khuynh hướng chia cắt còn gọi là thần học từ dưới lên  người ta muốn tách biệt Chúa Giêsu ra khỏi danh hiệu Kitô có nghĩa muốn đặt lại cho đúng vị trí ông Giêsu thành Nazareth  đưa ông ấy trở lại với thế giới loài người. Việc đạp đổ tín điều Kitô là cần thiết để xây dựng lại hình ảnh Giêsu khả dĩ có thể chấp nhận được vì phù hợp với …lý trí.

Ngược lại với phương pháp chia cắt lại cho Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời ( Logos ) là Đấng  Tạo Hoá  nhập thể làm người “ Đới với niềm tin của chúng ta giữa Chúa Giêsu Nazareth và Con Thiên Chúa không còn một khoảng cách hữu thể nào nữa: Giêsu Nazareth là Con Thiên Chúa và Con Thuiên Chúa đã trở nên Giêsu Nazareth. Giêsu Nazareth là Con và mãi mãi là Con  Thiên Chúa và từ lúc làm người, Con Thiên Chua không bao giờ rời bỏ nhân tính của mình nữa” ( Đgm Phaolô Bùi Văn Đọc và các linh mục khác – Đức Kitô hôm qua hôm nay và mãi mãi ).

Bởi đâu Chúa Giêsu lại đã trở thành  Đấng Tạo Hoá như thế ? Tất cả chỉ là do cách giải  Kinh Thánh theo nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral )  về Đấng Thiên Chúa Sáng Tạo của thần học. Một khi đã theo nghĩa này thì không bao giờ có thể hiểu Kinh Thánh  cả phần Cựu lẫn Tân Ước trong tính nhất thống của nó là cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa suốt từ thời tổ phụ Apraham cho đến thời tận cùng Ơn Cứu Độ là thời hiện nay chúng ta đang sống.

Trong cuộc hành trình đức tin này, vai trò của Đức Maria là vô cùng quan trọng và có thể nói mà không sợ sai lầm rằng nếu không có  Đức Maria Đấng Đồng Công Cứu Chuộc thì không thể có Ơn Cứu Chuộc. Sao có thể  khẳng định như thế ? Đó là vì Đức Maria chính là Người  Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan đã được tiên báo từ muôn thuở. “ Đức Chúa Giêhova phán với con rắn: Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).

Trước đây các nhà chú giải  Kinh Thánh cho rằng  trình thuật này chưa đựng Lời Hứa Ban Đấng Cứu Thế. Mặc dầu trình thuật không có lời nào nói đến Đấng Cứu Thế  nhưng giải như thế là rất chính xác bởi chưng Đấng Cứu Thế sẽ chỉ ra đời sau lời Xin Vâng của Đức Maria “ Này tôi là tôi  tá ĐCT, tôi  Xin Vâng như lời sứ thần truyền” ( Lc 1, 38 ).

Nếu Thiên Chúa đã ban cho con người tự do tại sao chúng ta không thể đưa ra giả thiết rằng Đức Maria  có thể…không nói lời Xin Vâng ? Tuy nhiên Đức Maria đã Xin Vâng và chốc ấy Ngôi  Hai đã xuống thế làm người ( Kinh Truyền Tin ) “ Lời Xin Vâng của Đức Maria là hành vi cao cả nhất mà Người đã làm. Lời đó đã đem Người nào trong công cuộc thực hiện các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Nhập Thể sẽ không thể phát triển nếu không có lời ấy; bởi lời ấy sẽ thực hiện mầu nhiệm to tát của Ngài: Làm sáng chói ánh vinh quang của Ơn Thánh là mầu nhiệm Chúa Kitô nghĩa là sự Chúa Kitô hiện diện trong chúng ta” ( MV Bernadot O.P Mẹ Trong Đời  Tôi ).

Tại sao  không có lời Xin Vâng thì mầu nhiệm Nhập Thể sẽ không  thể phát triển ? Lý do là vì mục đích của Nhập Thể là để sản sinh  Kitô khác ( Alter Christus ) trong tâm hồn các tín hữu. Một lần kia Đức Mẹ nói với Thánh Getrude “ Giêsu con rất dịu dàng của mẹ không là con độc nhất ( Unigenitus ) nhưng thật là con đầu lòng ( Primo Genitus ). Vì Mẹ đã thụ thai Ngài đầu hết trong dạ Mẹ. Nhưng sau Ngài đúng hơn bởi Ngài Mẹ đã thụ thai chúng con tất cả khi nhận lấy chúng con làm con cái trong dạ đầy tình hiền mẫu Mẹ để chúng con nên anh em Ngài đồng thời là con của Mẹ” ( MV Bernadot O.P SĐD ).

Đức Maria cưu mang sinh hạ Đức Kitô là để  sinh ra chúng ta là những Kitô khác. Nếu không phải là mục đích ấy làm sao có thể gọi Đức Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế  ? Nói cách khác công cuộc cứu thế của Đức Kitô chính là qua Mẹ Maria để sản sinh Giêsu nơi các tâm hồn. Mặt khác cũng vì lý do Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu là để sinh các Kitô khác thế nên Ngài mới vui lòng dâng Người Con rất yêu dấu vào trong đền thờ.

Việc dâng con  này là theo luật định. Thế nhưng bên trong việc giữ luật ấy còn ẩn chứa một sự hy sinh  vô cùng cao cả. Từ trong cõi thâm sâu của lòng mẹ Đức Maria biết rằng rồi đây Chúa Giêsu  con Mẹ sẽ phải hiến dâng làm của lễ hy sinh trên thập tự đớn đau. Cùng với việc hiến dâng này Đức Maria  cũng phải chịu một nỗi thống khổ lớn lao đúng như lời tiên tri Simeon “ Này người con này đã được lập nên để khiến cho nhiều người trong Itsraen vấp ngã và đứng dậy. Cũng là một dấu lạ bị nói nghịch. Còn ngươi một thanh gươm sẽ  đâm thấu tâm hồn ngươi để ý tưởng của nhiều tâm hồn được bày tỏ” ( Lc 2, 34 -35 ).

Với  những lời của tiên tri Simeon, Đức Mẹ đã linh cảm được tất cả những đớn đau mà con của Mẹ phải chịu. Những nỗi  đớn đau đến tận tâm can ấy đã theo Mẹ trong suốt cuộc hành trình của Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên cũng như Chúa Giêsu, Đức Mẹ không hề chùn bước sợ hãi trái lại còn mong mỏi cho ngày ấy đến “ Ta đến đem lửa xuống thế gian và mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên. Ta  phải chịu một phep rửa và Ta khắc khoải biết bao đến khi nó được hoàn thành” ( Lc 12, 49 -50 )/

Chúa Giêsu cũng như Đức Mẹ không sợ hãi bởi vì các Ngài biết rõ sự hy sinh  đớn đau tột bực ấy sẽ là nguồn ban sự sống và là sức mạnh thần linh cho một đoàn dân đông đảo sẽ  đến là Hội Thánh sau này. Sức mạnh ấy ta thấy ở nơi Đức Mẹ khi Ngài đứng vững dưới chân Thánh Giá. Thử hỏi có bà mẹ nào lại không sụp đổ khi chứng kiến cảnh con mình chịu chết cách ghê rợn như vậy hay không ? Đức Mẹ đứng vững và nghe lời trối của Chúa Giêsu “ Khi thấy Mẹ và môn đệ mình yêu dấu đứng bên cạnh, Chúa nói với Mẹ rằng: Này đây là con Mẹ. Rồi Người  nói với môn đệ: Đây là Mẹ con. Kể từ giờ đó người môn đệ rước bà về nhà mình” ( Ga 19, 25 -27 ).

Lời trối của Chúa Giêsu khi còn ở trên Thánh Giá đã cho thấy Đức Mẹ là Mẹ thật về phần hồn của  mỗi tín hữu chúng ta. Hành vi  của Thánh Gioan rước Đức Mẹ về nhà mình cũng phải là của chúng ta. Không có Đức Mẹ trong cuộc sống tâm linh của mình thì làm sao Chúa Giêsu có thể được sinh ra trong ta ? Cũng như Thánh Gioan chúng ta rước Đức Mẹ về nhà tâm hồn mình không phải để ta nuôi Mẹ nhưng là để Mẹ nuôi nấng chăm sóc cho ta. Đức Mẹ nuôi dưỡng  để cho ta được lớn lên trong Ơn Thánh bằng các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể, nguồn của sự sống thần linh “ Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời. Ta sẽ khiến kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta cũng ở trong kẻ ấy” ( Ga 6, 54 -56).

Chúa nói: Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ có sự sống đời đời, vậy thịt và máu Chúa sở dĩ có là của ai nếu không phải là của Mẹ Maria và chỉ của một mình Mẹ thôi ? Nhận ra như vậy để thấy rằng với việc Rước Chúa vào lòng cùng một trật ấy ta cũng rước Đức Mẹ vào trong tâm hồn mình làm sao có thể khác được ?

Bí tích Thánh Thể  gắn liền với Thánh Lễ và nói đến Thánh Lễ tức là nói đến Đạo Công giáo Tông Truyền. Bao lâu còn Giáo Hội thì còn có Thánh Lễ. Ngược lại Thánh Lễ không còn thì Giáo Hội của Chúa Kitô cũng không còn. Thánh Lễ diễn lại hy tế của Chúa Giêsu trong đó có Đức Mẹ đứng kề bên Thánh Giá, Ngài đại diện cho toàn thể loài người trong tư cách Người Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan.

Để khởi đầu công cuộc cứu chuộc, Giêhova Thiên Chúa đã báo trước về cuộc giao  chiến giữa Người Nữ Maria và rắn Sa Tan “ Đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh 12, 9 ). Cuộc chiến ấy đã diễn ra một cách quyết liệt khi  có sự xuất hiện của Đức Kitô còn được gọi là Ađam mới “ Vì như bởi sự không vâng lời của một người ( Ađam ) mà mọi người đều trở nên tội nhân thế nào thì bởi sự vâng phục của một người ( Đức Kitô ) mà mọi người đều sẽ trở nên công chính cũng thể ấy” ( Rm 5, 19 ). Adđam vì nghe lời Eva cố tình ăn trái cấm là trái phân biệt  thiện ác ( St 2, 16 -17 ) mà đã phải chết.

Cái chết ở đây dĩ nhiên không phải là chết phần xác nhưng là phần tâm linh. Khi Tâm thoạt khởi phân biệt tức thời liền mất  thực tại vô phân biệt. Khi thấy một cái nhà nếu khởi phân biệt lớn nhỏ đẹp xấu đắt rẻ v.v..thì Tâm ta không nhận ra được  nhà trong thực tại nó là. Ngay sau khi nguyên tổ phạm tội ăn trái cấm liền bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng để phải  lăn lóc dấn mình vào chốn  nhị nguyên khốn khổ, đất bụi lại trở về đất bụi ( St 3, 18 -19 ).

Nếu Ađam ( cũ ) với sự cộng tác của Eva đã ăn trái cấm phân biệt và bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng thì Ađam mới với sự đồng công của Đức Maria trong lời Xin Vâng mà đã được trở lại Vườn Địa Đàng xưa đã mất. Vườn Địa Đàng xưa ấy là biểu trưng cho Thực Tại Vô Phân Biệt. Đức Kitô có khi gọi Thực Tại ấy là Nước Trời có khi gọi là Đâng Cha. Chính bởi Nước Trời là Thực Tại Vô Phân Biệt thế nên Chúa nói “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi hễ ai chẳng nhận lấy Nước ĐCT như một trẻ nhỏ thì hẳn không được vào đó” ( Lc 18, 17 ).

Trẻ nhỏ thì đơn sơ dễ tin dễ nhận, cha mẹ bảo gì nó nghe như vậy và cũng chính nơi sự dễ tin dễ nhận ấy mà trẻ nhỏ được sống trong vòng tay yêu thương của cha của mẹ…Đối với đời thường đã vậy còn đời tâm linh thì cũng không khác. Đức tin luôn là điều trọng yếu,  còn có đức tin thì lòng đạo còn có cơ triển nở cho đến thành toàn. Trái lại đức tin một khi đã mất thì đời sống tôn giáo chỉ còn là một thứ phô trương bề ngoài không có thực chất.

Đạo Công giáo là Đạo Đức Tin và đức tin ấy có thực chất chứ không phải vu vơ “ Chỉ có một thân thể một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một Phép Rửa một ĐCT là Cha mọi người vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở tgrong mọi người” ( Eph 4, 4 -6 ).

Đức tin chân chính là tin nơi một Đấng Cha nội tại và cũng chính do nơi đức tin ấy chúng ta mới cần đến Đấng Kitô Trung Gian Cứu Chuộc cùng với sự Đồng Công của Đức Maria. Nói đến “ Chuộc” điều ấy chỉ có thể là…chuộc lại một cái chi đó rất quý. Cái rất quý ấy chính là phẩm vị Con Thiên Chúa vốn sẵn đủ ở nơi mỗi người nhưng đã bị Tội Nguyên Tổ làm cho hư mất.

Chẳng phải nhân loại  này đều là những đứa con bỏ nhà cha mình mà đi hoang sao ? Hãy tỉnh ngộ và trở về để được nghe  những lời vô cùng dịu ngọt của người cha “ Chúng ta hãy ăn mừng vì con ta đây đã chết mà nay lại sống đã mất mà lại tìm được” ( Lc 15. 23 -24 ).


Phùng Văn Hoá

ĐỨC MẸ ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC

JM. Lam Thy ĐVD

Phụng vụ Giáo hội ấn định 2 lễ mừng kính Đức Mẹ trong tháng 8:
Ngày 15/8 lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (lễ trọng)
22/8 lễ Đức Maria Nữ Vương (lễ nhớ).

Cũng vì “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” là một tín điều, còn “Đức Maria Nữ Vương” là một tước hiệu tôn kính Đức Mẹ, nên kẻ viết bài này liên tưởng đến tước hiệu “Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc” và cố công tìm hiểu để chia sẻ với anh em. Nhưng trước hết, xin cùng suy niệm về mầu nhiệm Đức Mẹ Mông Triệu (Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời) độc nhất vô song này:

Theo lịch sử Phụng vụ thì vào năm 650, khi quân Ba-tư xâm chiếm Trung Đông, các đan sĩ chạy sang Rô-ma đem theo “Lễ Mẹ Ly Trần”, đổi thành “Lễ Mẹ Lên Trời” và mừng kính trọng thể vào ngày 15/8 hàng năm. Tới năm 1950 (vào đúng ngày lễ Các Thánh Nam Nữ – 01/11), khi ban hành tông hiến “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa vô cùng vinh hiển), Đức Thánh Cha Pi-ô XII đã long trọng tuyên bố tín điều “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” như sau: “Ta tuyên xưng, công bố và xác nhận tín điều được Thiên Chúa mạc khải là Mẹ Thiên Chúa Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria trinh nguyên, khi thời gian sống tại thế hoàn tất, cả hồn lẫn xác của Người đã được đưa về trời trong vinh quang thiên quốc.” (TCF:207). 

Ngày Đức Maria được ân thưởng lên trời cả hồn lẫn xác, là một cái mốc quan trọng đánh dấu “thời gian sống tại thế hoàn tất”, mở ra một giai đoạn mới mang tính chất vĩnh cửu: “Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian. Tuy nhiên phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Ðấng Trung Gian duy nhất.” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 62).

Xin cùng tìm hiểu những danh xưng và tước hiệu của Đức Mẹ theo chiều dài lịch sử Giáo Hội (xc. “Các Tín Điều về Mẹ Maria” – nguồn: Thanhlinh.net):


I. Danh xưng và tước hiệu: Nói về danh xưng và tước hiệu của Đức Mẹ thì nhiều khôn xiết: Ngoài những tước hiệu “Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian” như hiến chế “Lumen Gentium” (số 62) đề cập, còn rất nhiều danh xưng tôn kính Đức Mẹ (xc. Kinh cầu Đức Bà). Nguyên ủy từ tên gọi Maria đã mang một giàn ý nghĩa: Tiếng Do-thái, Maria là Miryam. Rồi Miryam được cải biến thành Mariam, có nghĩa là “cay đắng”. “biển đắng cay”. Maria là “Người Soi Sáng”, là “Sao Biển”, là “Lệnh Bà”, là “Người Nữ đạp nát đầu con rắn” (St 3, 15), là “Người Đẹp” (Dc 6, 10), là “Trinh Nương” (Is 7, 14), “Trinh nữ” (Lc 1, 27). Trước Danh Thánh Maria huyền diệu, toàn Giáo Hội đã tin tưởng kêu lên cùng Đức Mẹ: Ave Maria (Kính mừng Maria), Salve Regina (Kính chào Nữ Vương),  Ave Maris Stella (Kính chào Sao Biển), Ave Regina Cælorum (Kính chào Nữ Vương Thiên Đàng)… Và cũng từ đó, Giáo hội đã tuyên tín:

1- Tín điều Mẹ Maria Là Mẹ Thiên Chúa: Vào năm 431, Công Đồng Chung Ê-phê-sô đã tuyên tín: “Tuyệt thông cho những ai không tuyên xưng rằng Đấng Emmanuel thực sự là Thiên Chúa, và bởi thế, Đức Trinh Nữ là Mẹ của Thiên Chúa (theotokos) vì Mẹ đã hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thành nhục thể theo xác thịt.”

2- Tín điều Mẹ Maria Trọn Đời Đồng Trinh: Năm 649, Công Đồng La-tê-ra-nô tuyên tín: “Khốn cho những ai không theo các vị Nghị Phụ thánh đức tuyên xưng một cách chân thực và xác đáng rằng Đức Maria, trinh nguyên và vô nhiễm, là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã thực sự thụ thai chính Thiên Chúa Ngôi Lời, Đấng được Thiên Chúa Ngôi Cha hạ sinh trước các kỳ thời, bởi Chúa Thánh Thần mà không cần đến hạt giống loài người, và đã sinh ra Người hoàn toàn không bị hư hại gì, tình trạng đồng trinh của Mẹ sau khi sinh con cũng không hề bị sứt mẻ.” (xc. DS:252 hay “The Christian Faith” trang 149).

3- Tín điều Đức Maria Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội: Vào ngày 8/12/1854, bằng sắc lệnh “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa bất khả ngộ), Đức Pi-ô IX long trọng công bố: “Với uy quyền của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, của hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, cũng như của riêng Ta, Ta công bố, tuyên ngôn và xác nhận tín điều được mạc khải bởi Thiên Chúa buộc mọi tín hữu phải tin vững vàng và trung kiên là “Rất Thánh Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu thai, nhờ đặc ân của Thiên Chúa toàn năng và công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội.” (TCF:204). Sau đó hơn 3 năm, ngày 25-3-1858, khi hiện ra với chị thánh Bernadette, chính Đức Mẹ đã công nhận tín điều này bằng cách tự xưng mình là “Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

4- Tín điều Đức Maria Mông Triệu (Hồn Xác lên Trời): Với tông hiến “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa vô cùng vinh hiển), vào ngày Lễ Các Thánh (01/11/1950), Đức Pi-ô XII long trọng công bố: “Ta tuyên xưng, công bố và xác nhận tín điều được Thiên Chúa mạc khải là Mẹ Thiên Chúa Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria trinh nguyên, khi thời gian sống tại thế hoàn tất, cả hồn lẫn xác của Người đã được đưa về trời trong vinh quang thiên quốc.” (TCF:207). Cũng như ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã hiện ra với chị thánh Bernadette để xác nhận tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Pi-ô IX công bố; Đức Mẹ cũng tỏ ra xác nhận tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, khi cho Đức Pi-ô XII được thị kiến “hiện tượng mặt trời nhẩy múa như ở Fatima ngày 13-10-1917”, tổng cộng 4 lần vào những ngày 30/10, 31/10, 01/8 và ngày 8/11 năm 1950 (TWTAF3:284-287).

Ngoài ra , tước hiệu “Mẹ Maria Là Mẹ Giáo Hội” được Đức Thánh Cha Phao-lô VI long trọng công bố ngay trong buổi họp Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II (ngày 21/11/1964) để ban hành Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (Ánh Sáng Muôn Dân): “Ta mong muốn Mẹ Thiên Chúa phải được cả thế giới Ki-tô hữu tôn vinh và khẩn cầu hơn nữa bằng tước hiệu (Mẹ Giáo Hội) tuyệt dịu ngọt này.” (CTFY:88). Do đó, “Rất Thánh Maria là Mẹ Giáo Hội”, theo cách thức và ngôn từ công bố của Đức Phao-lô VI, cũng có thể mang một tính chất quan trọng và thiết yếu như các Tín Điều Thánh Mẫu chính thức khác. Như vậy thì việc Đức Phao-lô VI công bố tước hiệu Mẹ Maria Là Mẹ Giáo Hội – một tước hiệu nói lên chính thực tại của vai trò Mẹ Maria thực sự là Mẹ của Giáo Hội – cũng là một đối tượng của Đức Tin, như các Tín Điều Thánh Mẫu khác.

Riêng tước hiệu “Mẹ Maria Đồng Công Cứu Chuộc”, tuy chưa được Giáo hội chính thức tuyên tín, nhưng cũng đã được Thánh Gio-an Phao-lô II xác tín trong Hiến chế “Lumen Gentium” (Ch. VIII – “Đức Nữ Trinh Maria trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô và Giáo Hội”, các số 60, 61, 62). Đó là chưa kể trong một loạt 70 bài Giáo lý ngày Thứ Tư (giảng dạy trong khoảng thời gian từ 6/9/1995-12/11/1997), thì bài giảng ngày Thứ Tư 9/4/1997 với đề tài về Đức Mẹ, Thánh Gio-an Phao-lô II đã giải thích: “Từ ngữ ‘cộng tác viên’ áp dụng cho Mẹ Maria đòi có một ý nghĩa đặc biệt. Việc các tín hữu cộng tác trong ơn cứu chuộc xẩy ra sau biến cố Can-vê, một biến cố sinh hoa kết trái do nỗ lực nguyện cầu và hy sinh của họ. Còn Mẹ Maria đã cộng tác trong chính biến cố này và với vai trò làm mẹ; bởi thế, việc cộng tác của Mẹ bao hàm toàn thể công cuộc cứu độ của Chúa Ki-tô. Chỉ có một mình Mẹ đã được liên kết vào hiến tế cứu chuộc bằng cách này, một hiến tế mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.”


II. Tước hiệu Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc: Về tước hiệu Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, cũng đã có không ít những phản biện cho rằng nếu coi Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc như thế là đánh đồng Đức Giê-su Thiên Chúa với người phàm. Công trình cứu độ nhân loại không thể xếp ngang hàng Đức Mẹ với Đức Ki-tô được. Thực ra từ “đồng công” ở đây không dùng với nghĩa “đánh đồng” (cho mọi thứ đều ngang nhau, như nhau, đồng hóa mọi giá trị nên như một mẫu số chung). Thực ra, từ “đồng” ở đây phải được hiểu là cùng chung lòng góp công góp sức vào một công việc (đồng lòng, đồng công); cùng chung một hướng đi (đồng hành); cùng chung chịu mọi gian nan, thử thách (đồng cam cộng khổ).

Nói cách khác, “đồng công” chỉ có nghĩa là “cộng tác” (Cộng tác là “Cùng góp sức làm chung một công việc, nhưng có thể không cùng chung một trách nhiệm. Vd: Cộng tác với nhiều tờ báo. Hai người cộng tác với nhau.” – Từ nguyên). Thánh Au-gus-ti-nô đã thật chí lý khi khẳng định: “Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không làm được nếu ta không cộng tác với Người.” Sự cộng tác ấy không phải là “làm thay”, mà là “ưng thuận góp sức làm chung công trình cứu độ của Thiên Chúa” với lòng tin tuyệt đối. Nền tảng căn bản của sự cộng tác chỉ có thể là “đức tin”. Vì thế, khi chữa bệnh cho con người, chính Thiên Chúa Ngôi Hai đã nói thẳng: “Lòng tin của con đã chữa lành con” (Mt 9, 22). Câu chuyện Đức Giê-su về thăm Na-da-ret là một minh họa cụ thể: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.” (Mc 6, 5-6). Quả thật “Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa.” (Thánh Au-gus-ti-nô).

Đức Maria đã tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa nên mới xưng mình là nữ tì và “xin vâng” theo chương trình của Chúa Quan Phòng, như Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (số 61) lý giải: “Từ muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Ki-tô, đã dâng Chúa Ki-tô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta.”

Ngoài ra, thiết tưởng cũng cần minh định lại vị thế của Đức Mẹ khi “đồng công cứu chuộc” hoàn toàn không phải là “đánh đồng” (xếp ngang hàng) Đức Mẹ với Đức Giê-su Ki-tô. Vâng, “Vai trò làm mẹ của Ðức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Ki-tô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Ðức Nữ Trinh trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Ki-tô. Ảnh hưởng ấy nương tựa và hoàn toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Ki-tô, nguồn mạch mọi quyền lực của ảnh hưởng đó. Nhưng ảnh hưởng này không làm cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Ki-tô.” (Hc “Lumen Gentium”, số 60).

Đức Maria là “cộng sự viên quảng đại” đã “cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế”; như vậy thì chẳng phải Đức Mẹ đã “đồng công” với Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ trong chương trình cứu chuộc nhân loại đó sao? Để vấn đề thêm sáng tỏ, xin cùng tìm hiểu sự “đồng công cứu chuộc” của Đức Mẹ trong lich sử Thiên Chúa cứu đô loài người,


III. Đức Mẹ đã Đồng Công Cứu Chuộc nhân loại như thế nào? Hiến chế “Lumen Gentium” (số 62) giải thích: “Nhưng trong nhiệm cuộc ân sủng, Ðức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ, từ khi Ngài tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin – sự ưng thuận mà Ngài đã không ngần ngại giữ vững bên thập giá – cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn. Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời.”

Đức Mẹ đã “tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin (Lc 1, 26-38)”, nên dù “không biết đến người nam”, nhưng vẫn “thụ thai bởi phép Thánh Thần” (Lc 1, 34-35). Tới ngày sinh Con thì sinh trong hoàn cành khó nghèo, không nhà cửa, không quán trọ, mà phải nương tựa vào hang bò lừa. Đã cực khổ như vậy, còn bị thế lực thù địch (Hê-rô-đê) âm mưu hãm hại, phải đem Con trốn sang Ai Cập. Không chỉ vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha, Đức Maria còn vâng phục cả Người Con trong suốt hành trình thực hiện công trình cứu thế (“hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” – Lc 2, 19.51; “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” – Ga 2, 5; ưng thuận làm Mẹ Giáo Hội tiên khởi ngay dưới chân thập tự – Ga 19, 26-27).

Sự “tin tưởng ưng thuận” của Đức Maria thể hiện rõ nét nhất qua “Bảy sự đau đớn” mà Đức Mẹ gánh chịu suốt 33 năm trong vai trò làm Mẹ dưỡng nuôi Đức Giê-su Con-Thiên-Chúa-làm-người: *1/- Ông Si-mê-ôn nói tiên tri – Lc 2, 33-35; *2/-Đức Giê-su trốn sang Ai-cập và các anh hài bị giết – Mt 2, 13-15; *3/- Lạc mất Con  – Lc 2, 41-46; *4/- Đức Giê-su vác thập giá  – Ga 19, 16-18; *5/- Bảy lời trăng trối – “Thưa Bà, đây là con của Bà.” – Ga 19, 26; *6/- Liệm xác Đức Giê-su – Ga 19, 38-40; *7/- Mai táng Đức Giê-su – Mt 27, 57-61). Chỉ bao nhiêu đó cũng quá đủ để nói lên sự “đồng công” của Đức Mẹ trong nhiệm cuộc cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa. Đó là chưa kể cho đến sau khi được hưởng vinh phúc “Hồn Xác Lên Trời”, Đức Mẹ vẫn tiếp tục thiên chức làm Mẹ liên lỉ phù hộ, cầu bầu để đem lại những ân huệ giúp đàn con nơi trần thế được phần rỗi đời đời (Hc “Lumen Gentium”, số 62).

Đó là đôi nét bao quát về tước hiệu Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc. Thấm nhiễm được ý nghĩa cao vời đó, Linh mục Đa Minh Maria Trần Đình Thủ đã sáng lập và được Đức Giám mục Phê-rô Maria Phạm Ngọc Chi (Giáo phận Bùi Chu – Phát Diệm) ban bố sắc lệnh thành lập Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc vào ngày 02/02/1953. Hội Dòng chủ trương huấn luyện các thành viên theo Linh Đạo Đồng Công thể hiện qua việc tận hiến cho Chúa Giê-su, nhờ Mẹ Maria (“Ad Jesum per Mariam”). Sau đó hơn một năm, tức là vào tháng 8/1954, vì tình hình đất nước chia đôi, Dòng Đồng Công đã di cư vào miền Nam Việt Nam. Trụ sở hiện nay của Dòng đóng tại số 521, Tỉnh lộ 43, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, Saigon. Tới năm 1975, gần một nửa thành viên của Dòng sang định cư tại Hoa Kỳ và được Tòa Thánh châu phê, cho thành lập Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ (“Congregation of the Mother Co-Redemptrix”), đặt trụ sở tại 1900 Grand Avenue. Carthage, MO 64836, – Phone: (417) 358-7787.


Kết luận: 

Tóm lại, chẳng những Đức Trinh nữ Maria Vô Nhiễm đã đồng ý trở thành Mẹ Thiên Chúa, mà Mẹ còn tự nguyện chấp nhận với những vất vả, khổ cực và nhất là đau buồn tột đỉnh vì cái chết của Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ để cứu độ nhân loại. Dù là Đấng đồng công cứu chuộc nhưng Đức Mẹ vẫn không thể có vai trò ngang bằng với Đức Ki-tô trong nhiệm cuộc cứu độ ấy; bởi chính Đức Maria cũng cần được cứu độ và quả thật Mẹ đã được Con của mình cứu. Đức Mẹ chỉ đồng công góp sức trong vai trò “cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa Cha…, đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế.” (Hc “Lumen Gentium”, số 61); và nhờ vậy Thiên Chúa mới hoàn tất công trình cứu độ nhân loại của Người.

Hiểu được vấn đề như vậy, “Tất cả mọi Ki-tô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Ki-tô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia.” (Hc “Lumen Gentium”, số 69).

Năm nay là năm “Đời Sống Thánh Hiến”, xin toàn thể cộng đồng Ki-tô hữu (đã được thánh hiến qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức) cùng hướng về Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, như lời ký thác của ĐTC Phan-xi-cô trong Tông thư gửi tất cả các người tận hiến nhân dịp năm Đời Sống Thánh Hiến: “Tôi ký thác Năm đời sống thánh hiến cho Đức Maria, Trinh nữ của lắng nghe và chiêm niệm, môn sinh tiên khởi của người Con yêu dấu của mình. Chúng ta hãy nhìn ngắm Người, là nữ tử quý mến của Chúa Cha và được trang điểm bởi mọi hồng ân, như mẫu gương tuyệt vời của việc đi theo Chúa Ki-tô trên đường yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.” Ước được như vậy. Amen.


JM. Lam Thy ĐVD

Maria Đồng Công Cứu Chuộc

Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

(Suy niệm Lời Chúa, thứ 5 Chúa Nhật 24 TN - Lễ Đức Mẹ Sầu Bi)

Dt 5, 7-9
Tv 30
Ga 19, 25-27

Thân xác Đức Giê-suđược Đức Maria ban tặng, Ngài đã bị giết chết, nhưng chỉ sau ba ngày Ngài sống lại toàn thắng sự dữ, đánh gục thần chết. Nhưng khi Ngài đến với các môn đệ lại thấy thân thể Ngài còn mang thương tích (x Ga 20,27). Đó là dấu chỉ những ngườiđược Chúa cứu độ là các chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Ngài còn phải đổ máu. Thánh Phaolô nhận ra vết tử thương ấy là lời mời gọi các Kitô hữu phải chấp nhận gian khổ khi phục vụ Tin Mừng để bù vào những gì còn thiếu sót trong cuộc Tử Nạn của Đức Giêsu vì Thân Mình Ngài là Hội Thánh (x Cl 1,24). Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ Hội Thánh đứng đầu trong việc cộng tác này. Bởi vì Mẹphải trả giá tiếng Xin Vâng trong ngày Truyền Tin không chỉ trên môi miệng, mà thể hiện trong suốt cuộc đời của Mẹ đi trong u tối của niềm tin, gặp đầy chông gai đau khổ. Hội Thánh quen gọi là Bảy Sự Đau Đớn của Đức Maria. Con số bảy ở đây không phải là con số toán học, nhưng là số biểu tượng về sự phong phú bất tận và hoàn hảo. Truyền thống trong Hội Thánh thường nhìn nhận Bảy Sự Đau Đớn của Đức Ma-ri-a đó là :


1/ Ông Giuse định tâm bỏ Đức Maria.

Sau ngày Truyền Tin, ông Giuse chồng Đức Maria biết bạn mình có thai làm ông hoảng sợ. Sợ vì biết bạn mình công chính mà lại tố cáo nơi pháp luật? Bạn mình mang thai Con Thiên Chúa mà lại không được trao phó cho ông sứ mệnh làm cha nuôi Đấng Cứu Thế, làm sao ông dám nhận ? Bởi đó sự lo âu của ông Giu-se cũng chính là sự đau khổ nơi Đức Maria (x Mt 1,19).


2/ Ngày Mẹ sinh Con không nơi nương nhờ.

Vì theo lệnh của hoàngđế Augusto, ông Giuse và Đức Maria phải trở về Bethlem khai hộ khẩu, thời điểm này Đức Maria đến ngày lâm bồn, cả hai ông bà đi tìm nơi sinh Con Thiên Chúa, nhưng vào thành gõ cửa xin ngụ nhờ, đều bị chối từ “không có chỗ cho ông bà” (Lc 2,7).


3/ Con Đức Ma-ri-a bị vua Hê-rô-đê lùng giết.

Đức Ma-ri-a vừa mới sinh Con, thì nghe một hung tin từ thiên thần đến báo mộng “phải đưa Con trẻ trốn qua Ai Cập, nếu không nhanh chân sẽ bị Hê-rô-đê giết Hài Nhi”. Thế là hai ông bà trong đêm khuya vắng lặng ầm thầm bồng Con chạy trốn! (x Mt 2,13t)


4/ Lưỡi gươm thiêng đâm vào tim Đức Maria.

Ngày Đức Maria dâng Con vào Đền Thờ, Mẹ đã nghe ông Simêon nói tiên tri : “Trẻ này làm cho nhiều người chỗi dậy,đồng thời nhiều kẻ bị bổ nhào, và một lưỡi gươm sẽ đâm vào lòng Bà” (Lc 2,34-35). Đức Maria nghe lời ấy,ba mươi ba năm suy đi nghĩ lại thấy đau đớn trong lòng. Quả thật ngày Thứ Sáu Tuần Thánh lời ông Simêon tiên báo đã ứng nghiệm : Mẹ đứng dưới chân thập giá nhìn Con đã chết, thế mà tên lính Roma không buông tha, chúng dùng gươm ngoáy nát tim Con, lúc ấy Đức Giêsu không biết đau vì đã chết, nhưng lòng Mẹ vô cùng tan nát ! (x Ga 19,33-37).


5/ Đức Maria lạc mất Con!

Đức Giêsu theo cha mẹlên Đền Thờ Giêrusalem, sau buổi lễ Ngài trốn cha mẹ ở lại để sinh hoạt giáo lý với các bậc tấn sĩ. Cha mẹ Ngài ba ngày vất vả lo lắng đi tìm Con, dò hỏi khắp nơi nhưng không thấy, cuối cùng hai ông bà trở lại Đền Thờ mới tìm thấy Con. Đức Maria trách nhẹ Con : “Tại sao Con ở đây làm cho cha mẹ phải đau khổ đi tìm”. Đức Giê-su không xin lỗi lại thản nhiên thưa rằng : “Tại sao cha mẹ lại tìm Con, cha mẹ không biết rằng Con hằng ở trong Nhà Cha Con sao?” Câu nói ấy làm Đức Maria suy đi nghĩ lại trong lòng (x Lc 2,41t).


6/ Thiên Chúa tráo đổi Con thật của Mẹ.

Xưa kia hai phụ nữ nằm chung giường với con của mình, một bà đã đè chết con rồi tráo đứa chết cho bà bên cạnh! Khi bà kia thức dậy biết xác đứa bé không phải là con mình, thế là hai bà cãi nhau, dành đứa sống là con mình! Vua Salômôn phân xử cho hai bà, ông nói : “Mỗi bà cầm một chân em bé, ta chẻ đôi mỗi bà một nửa”, người mẹ thương con, nên nhường con cho bà kia.Vua Salômôn thấy vậy liền lên tiếng xác nhận: “Bà nhường em bé đích thực là mẹ nó” (x 1V 3, 16-28).

Trong ngày Truyền Tin, Thiên Chúa hứa ban cho Đức Maria sinh Con Đấng Tối Cao (x Lc 1,32), thế mà ba mươi ba năm sau, ở đồi Sọ, Đức Giêsu lại nói “Gioan mới là con Bà” (x Ga 19,25-27 : Tin Mừng). Như vậy vua Salômôn đã phân xử công bằng, không để chuyện tráo đổi con xảy ra. Thế mà Thiên Chúa lại tráo đổi “Con Đấng Tối Cao” là Con thật của Mẹ để nhận lại một phàm nhân yếu đuối là Gioan !?


7/ Vì tham tiền loài người tiếp tục chôn Con Mẹ đã Phục Sinh.

Lý do Con Đức Maria bịnộp cho kẻ ác chỉ vì Giuđa người môn đệ của Đức Giêsu tham 30 đồng bạc (x Mt 26,15). Nhưng chỉ ba ngày sau, Con Mẹ từ cõi chết sống lại là nguyên nhân làm cho mọi người thoát tay tử thần, để được sống dồi dào hạnh phúc như Thiên Chúa. Thế mà dân Chúa chọn lại nghe các chú lính tham tiền, đã nhận đút lót của các vị kỳ mục Do Thái nên phao tin đồn nhảm : “Chúng tôi có nhiệm vụ canh gác mộ ông Giê-su, khi chúng tôi ngủ, môn đệ của ông đến trộm xác đưa đi mất!” (x Mt 28,11-15). Như thế là họ làm vô hiệu hóa công ơn cứu chuộc của cả hai Mẹ-Con!

Sở dĩ Đức Maria đã cộng tác với Con, chia sẻ nỗi đau khổ trong sứ mệnh cứu đời, là vì cả đến Giêsu Con Mẹ, “dầu là Con Thiên Chúa, Ngài cũng phải trải qua đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục. Và một khi thành toàn, Ngài nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời cho tất cả những ai vâng phục Người”(Dt 5,8-9 : Bài đọc).

Suốt cuộc đời nghiệt ngã của Đức Maria chịu bao nỗi đau khổ, xem ra Thiên Chúa đã nói dối Mẹ. Lời than trách của bà Lớn thành Shunem nói với ngôn sứ Êlysê khi con bà chết : “Tôi đã chẳng nói với ông rằng : xin đừng đánh lừa tôi đó hay sao” (2V 4,28), chắc chắn sẽ dội vào tâm hồn Mẹ Maria, vì trong ngày Truyền Tin, Mẹ được nghe Chúa hứa ban phúc lành :

Vì thế, Đức Maria cất tiếng ngợi khen Chúa : “Muôn đời khen tôi có phúc” (x Lc 1,48b).

Thế mà trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, những ơn phúc trên trở thành “thung lũng đầy nước mắt”(kinh Lạy Nữ Vương). Dù Thiên Chúa trắc nghiệm tiếng xin vâng của Mẹ qua sóng thần đau khổ ập đến, nhưng đã không quật ngã được Đức Maria. Trái lại Mẹ vẫn ĐỨNG dưới chân Thập Giá như một dũng tướng đứng chỉ huy trận chiến giữa thiện-ác ; Mẹ đứng giữ bánh lái con thuyền Giáo Hội lúc gặp phong ba bão tố Đức Tin kinh hoàng nhất. Xưa kia, Chúa dạy ông Noe rất chi tiết về việc đóng tầu, thế mà phần quan trọng nhất của tầu là bánh lái không thấy Chúa bảo làm (x St 6-8). Bởi vì tầu Noe đó chính là Hội Thánh, bánh lái là Đức Maria sau này Chúa mới lắp vào con tầu!

Vậy lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con được bú sữa Đức Tin của Mẹ, chúng con đang gặp thử thách gian nan, vì Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc loài người với Con Mẹ, đúng như lời tuyên xưng của Hội Thánh : “Vinh phúc thay Đức Trinh Nữ Maria, Đấng không phải chết mà được lãnh cành thiên tuế Tử Đạo gần bên thập giá Chúa” (Tung Hô Tin Mừng), xin Mẹ cầu cùng Chúa “lấy tình thương mà cứu độ chúng con” (Tv 31/30,17b : Đáp ca).


THUỘC LÒNG

Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài cũng phải trải qua đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục. Vàmột khi thành toàn, Ngài nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời cho tất cả những ai vâng phục Người (Dt 5,8-9).


Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

MẸ ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng

Ngày 15 tháng 9
Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc

Không phải ngẫu nhiên ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi (15/9) được Giáo Hội mừng ngay sau lễ kính Suy Tôn Thánh Giá (14/9). Điều đó nói lên mối liên hệ mật thiết giữa vai trò của Đức Giêsu và Mẹ Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Để cứu nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa đã dùng chính Người Con duy nhất của mình làm giá cứu chuộc muôn dân. Thánh Gioan, vị Tông Đồ được Đức Giêsu yêu mến, đã diễn tả tâm tình ấy như sau: « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời » (Ga 3, 16).

Đức Giêsu đã đến trong thế gian để sống và chết cho việc cứu độ nhân loại. Người đã bước đi trên con đường Thập giá để mở lối cho những ai tin vào Người một cõi sống trường sinh bất tử. Cây Thập giá chính là bảo chứng tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philiphê viết: « Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập tự » (Pl 2, 6-8).

Có thể nói, con đường mà Đức Giêsu đã đi qua: kể từ lúc mới sinh ra tại Bêlem, đến khoảng thời gian ba mươi năm ẩn dật tại Nadareth, cũng như ba năm cuối đời xuôi ngược khắp các làng mạc và thị trấn của Palestin để rao giảng Tin Mừng cứu độ, cho đến hành trình cuối cùng lên Giêrusalem để bước vào cuộc Khổ hình Thập giá đều in đậm dấu ấn của Đức Maria. Chính vì vậy, Đức Maria được tôn phong là Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến đoạn đường Thập giá mà Đức Maria đã bước theo Chúa Giêsu cho đến cùng.

Tin mừng theo thánh Gioan trong ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi kể lại: « Đứng gần Thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người » (Ga 19,25). Trong khi đó, một số môn đệ của Người đã bỏ mặc Thầy mình mắc nạn và đã cao chạy xa bay vì sợ bị liên lụy đến bản thân. Mẹ can đảm đứng đó để mang lấy tất cả khổ đau của con Mẹ. Có người mẹ nào trên đời này khi nhìn thấy con mình gặp nạn mà tâm hồn lại chẳng quặn đau. Mẹ Maria đã thông phần vào toàn bộ cuộc khổ hình của Đức Giêsu. Nhìn con mặt mũi máu me đầm đìa và tấm thân quằn quại trong đau đớn nhuốc nha thì trái tim Người Mẹ cũng nát tan đến tận cùng trong đau khổ cùng cực. Nhìn con chết nhục nhã tức tưởi và trần trụi trên thập giá ô nhục thì bản thân Mẹ cũng chết lặng người cùng con. Đến khi ẵm được xác con đã trút hơi thở cuối cùng với bao thương tích vào trong lòng, trái tim Mẹ như bị lưỡi gươm sắc nhọn đâm thâu đúng như lời của tiên tri Simêon.

Sở dĩ trước mọi nghịch cảnh xảy ra trong đời, Mẹ Maria luôn đứng vững vì Mẹ có đời sống nội tâm gắn kết với Thiên Chúa đầy quyền năng. Nhờ đó, Mẹ hằng nhận ra thánh ý Chúa: « Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng » (Lc 2,19). Chính vì thế ngay cả khi chứng kiến cuộc khổ nạn của con mình, Mẹ Maria cũng vẫn tin tưởng rằng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà trong ngày sứ thần loan báo cho Mẹ vẫn đang được thực hiện.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, cũng là Mẹ của Giáo Hội và Mẹ của các giáo hữu, xin giúp chúng con vững bước trên con đường hẹp mà Con Mẹ đã đi qua để bước vào cõi vinh phúc với niềm tin tưởng và phó thác. Xin Mẹ đồng hành với chúng con để nâng đỡ ủi an chúng con trong những lúc gian nan nguy khốn. Xin cho chúng con biết tận dụng những đau khổ gặp phải để kết hiệp với màu nhiệm khổ giá của Chúa Giêsu con Mẹ.


Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng

Mẹ Maria, Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc

Giuse Phạm Văn Tuyến

Mẹ Maria, Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc

Nhiều anh em không đồng ý Ðức Maria là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc. Những anh em này lý luận rằng, nếu Ðức Maria thật là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc thì công cuộc cứu chuộc chúng ta của Chúa Giêsu là một công cuộc cứu chuộc chưa đầy đủ, còn thiếu; vì có thiếu thì Chúa Giêsu mới cần người đồng công với mình, và nếu công cuộc cứu chuộc chúng ta của Chúa Giêsu còn thiếu thì đức tin chúng ta đặt vào Người là đức tin hão huyền. Nhưng vì Chúa Giêsu đã phán, Gioan 14:6, “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua thầy.” Cho nên, thật là rõ ràng, chúng ta có đến được với Chúa Cha hay không, có được cứu chuộc hay không là phải qua Chúa Giêsu, và chỉ có qua Chúa Giêsu mà thôi nên công cuộc cứu chuộc chúng ta của Chúa Giêsu phải là đầy đủ và vẹn toàn; Người không cần ai đồng công với Người, cho nên ai tin Ðức Maria là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc thì người đó thật là sai lầm.

Anh em thân mến, đúng là chúng ta có đến được với Chúa Cha hay không là phải qua Chúa Giêsu và chỉ qua Chúa Giêsu mà thôi, nhưng Ðức Maria vẫn là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc. Ðúng là công cuộc cứu chuộc chúng ta của Chúa Giêsu là công cuộc cứu chuộc hoàn toàn đầy đủ và vẹn toàn, nhưng Chúa Giêsu vẫn cần sự đồng công của mẹ mình là Ðức Maria Trinh Khiết Vẹn Toàn. Tại sao vậy?

Chúng ta hãy cùng nhau trở lại tội nguyên tổ. Như tôi đã chia xẻ với anh em trong TGBH 20, khi Ông Adong được tạo dựng thì con cái của ông, là mầm mống sự sống, đã có sẵn trong ông rồi. Cho nên khi Ông Adong ăn trái Chúa cấm, thì không phải chỉ một mình ông ăn, mà tất cả con cái ông đều đã ăn. Giống như một bà mẹ mang thai vậy, khi bà ăn thì thai nhi trong lòng bà cũng được ăn. Rõ ràng hơn, khi bất tuân mà ăn trái Chúa cấm thì hai ông bà đã trở thành người tội lỗi; mà từ là người vô tội đổi sang thành kẻ có tội là một sự thay đổi trạng thái, từ trạng thái sống sang trạng thái chết, chứ không phải là một ảnh hưởng như ăn đồ thiu thì bị đau bụng. Mà đã thay đổi trạng thái thì toàn thể con người của hai ông bà, mình, máu, linh hồn, nhân tính, và ngay cả mầm mống sự sống ở trong hai ông bà đều thay đổi. Tương tự như khi nước đổi từ thể lỏng sang thể đặc thì mọi phân tử của hợp chất nước đều thay đổi chứ không phải chỉ có một phân tử H hay O là thay đổi mà thôi. Chính vì vậy mà Thánh Phao Lô dạy, Romans 5:12, “Vậy, bởi một người mà tội đi vào thế gian, và vì tội mà có sự chết thì vì thế mà sự chết đến với mọi người, giống như là mọi người đã phạm tội vậy.” Thành ra, ngoại trừ Mẹ Maria thì chúng ta, kể cả trẻ sơ sinh, ai cũng mang tội ăn trái Chúa cấm tức là tội tổ tông, và những tội chúng ta phạm. Mà đã mang tội, dù là một tội rất nhỏ nhoi, thì cũng không ai có thể vào nước Chúa ngoại trừ là người đó tẩy xóa được tội lỗi của mình.

Làm sao để chúng ta có thể tẩy xóa tội lỗi của chúng ta? Thưa, tự chúng ta, chúng ta không thể làm gì để có thể tẩy xóa tội lỗi của chúng ta được; khi đã phạm tội, chúng ta chỉ có thể được tha thứ mà thôi. Ở đây, chúng ta cần phân biệt, khi tội được tha thứ thì hoàn toàn khác với được tẩy xóa. Tha thứ là bỏ qua, không bao giờ nhắc đến một lỗi lầm nào nữa, nhưng ảnh hưởng và kết quả gây ra bởi tội đó vẫn còn. Thí dụ tội đánh đập người vô cớ. Nếu như nạn nhân tha thứ cho người đánh đập mình thì chỉ có nghĩa là người bị đánh đập bỏ qua chuyện này, không truy tố, không bao giờ nhắc tới mà cũng không đòi hỏi gì. Thế nhưng những đau đớn mà nạn nhân phải chịu thì đã xảy ra và không thể lấy lại được, nên tuy đã được tha thứ, nếu kẻ hành hung thành tâm ăn năn thống hối thì phải tự tìm cách mà đền bù cho nạn nhân cách cân xứng, và tội hành hung này không được tẩy xóa cho đến khi nạn nhân được đền bù cách cân xứng. Còn tẩy xóa tội có nghĩa là tội đó được bôi đi, xóa đi; giống như tội đó chưa xảy ra. Vì thế mà tự chúng ta, chúng ta không thể làm gì để có thể tẩy xóa tội lỗi của chúng ta được

Muốn được tha thứ thì chúng ta phải hội đủ ba điều kiện này: 1. Chúng ta phải nhìn nhận tội lỗi của mình. 2. Chúng ta phải ăn năn thống hối và phải dốc lòng chừa cải. 3. Chúng ta phải đền bù cách cân xứng cho mọi thiệt hại, mất mát gây ra bởi tội mà chúng ta phạm ngay khi còn ở đời này hoặc đời sau trong lửa luyện tội. Xin xem TGBH 7, và 11. Còn muốn tẩy xóa tội của mình thì như tôi vừa chia xẻ ở trên, tự chúng ta, chúng ta không thể làm gì để có thể tẩy xóa tội lỗi của chúng ta được. Bởi vì muốn tẩy xóa tội lỗi của mình thì:

1. Một là chúng ta phải có sự đền bù giống y như sự mất mát hay sự thiệt hại mà chúng ta gây ra. Tức là, SXH 21:23- 25, (23) “..., mạng đền mạng, (24) mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, (25) phỏng đền phỏng, thương tích đền thương tích, roi đòn đền roi đòn.” Nhưng đền bù cách này chỉ có thể áp dụng cho những thiệt hại vật chất mà thôi; còn những thiệt hại thể lý khác như sự đau đớn cũng như những thiệt hại luân lý, và những thiệt hại liên hệ khác thì chúng ta không thể đong lường được. Mà đã không đong lường được thì sự đền bù cũng không thể giống y như sự thiệt hại được. Vậy thì tẩy xóa tôi lỗi của mình bằng cách này coi như không ai làm được rồi!

2. Hai là khi sự đền bù không thể giống y như sự mất mát hay sự thiệt hại mà tội lỗi của chúng ta gây ra thì chúng ta có thể dâng một của lễ để thay cho sự đến bù mà chúng ta phải có với điều kiện là người được đền bù đồng ý và chấp nhận của lễ mà tội nhân dâng để đền bù. Như vậy, trong hai cách tẩy xóa tội lỗi này, chắc bạn thấy chỉ có cách thứ hai là có thể thực hiện được, đúng không? Vâng, đúng như vậy. Thế nhưng..., vì chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, vì chúng ta là tạo vật của Thiên Chúa, vì chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần, và vì chúng ta là chi thể Chúa Kitô nên khi phạm tội, thì ngoài phạm đến chính mình, phạm đến tha nhân, chúng ta còn phạm đến Thiên Chúa nữa. Mà đã phạm đến Thiên Chúa thì chúng ta không thể có được sự đền bù nào giống y như sự xúc phạm mà tội lỗi của chúng ta gây ra cho Người được. Còn nếu chúng ta muốn dâng một của lễ đền bù thì, ngoại trừ Mẹ Maria, chúng ta cũng không ai có thể có được bất cứ một của lễ nào đáng được Chúa Cha chấp nhận. Thành ra khi đã phạm tội thì chúng ta không thể làm gì để có thể tẩy xóa tội lỗi của mình.

Nhưng chúng ta thì không ai tẩy xóa được tội lỗi của mình chứ còn đối với Thiên Chúa thì sự gì cũng có thể. Vậy Thiên Chúa tẩy xóa tội lỗi của chúng ta bằng cách nào? Thưa Người tẩy xóa tội lỗi chúng ta theo cách thứ hai, tức là nếu chúng ta có một của lễ nào dâng lên Người mà Người chấp nhận thì Người sẽ tẩy xóa tội lỗi của chúng ta. Nhưng Người biết chúng ta không có của lễ nào đáng được Người chấp nhận nên Người mới cho chúng ta của lễ để chúng ta dâng lên Người mà đền bù cho tội lỗi của chúng ta cách cân xứng. Của lễ Người cho là của lễ mà mỗi khi chúng ta dâng thì chẳng những là Người không bao giờ từ chối mà Người lại không thể từ chối được. Của lễ ấy chính là Chúa Giêsu. Xin xem TGBH 13. Khi nhận của lễ này, Thiên Chúa sẽ xóa bỏ mọi tội lỗi của chúng ta, và như thế là chúng ta không phải đền gì cho Người nữa. Ðây là điều mà chính Thánh Gioan Tẩy Giả đã công bố, Gioan 1:29, “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian.”, và trong Thánh Lễ, mỗi khi nâng mình và máu Chúa Giêsu lên thì linh mục cũng công bố, “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian...”

Tại sao Chúa Cha lại phải cho Chúa Giêsu cho chúng ta? Sao Người không cho chúng ta một con vật đặc biệt nào, một vị thánh, hay một thiên thần mà phải cho Chúa Giêsu? Ðây là câu hỏi mà tôi đã đặt ra với bạn trong TGBH 8, còn câu trả lời thì thưa, vì Thiên Chúa là Ðấng Tác Tạo, còn lại thì tất cả đều là thụ tạo. Ðã là thụ tạo thì không một thụ tạo nào có thể có được các thuộc tính của đấng tạo ra mình. Cho nên, lấy một thụ tạo mà đền cho Ðấng Tác Tạo thì sự đền bù này không bao giờ có thể giống y như sự mất mát hay sự thiệt hại mà tội lỗi chúng ta gây ra được, và Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận. Thêm vào đó, tất cả mọi thụ tạo là của Thiên Chúa. Lấy bất cứ cái gì của Thiên Chúa mà đền cho Thiên Chúa thì có đền bù gì đâu? Vậy, muốn đền bù cho Thiên Chúa cách cân xứng thì phải lấy Thiên Chúa mà đền cho Thiên Chúa. Chúa Cha ban Chúa Giêsu cho chúng ta là vì vậy.

Chúa Cha đã ban Chúa Giêsu cho chúng ta bằng cách nào? Thưa vì không một người tội lỗi nào xứng đáng đưa tay đón nhận Chúa Giêsu từ tay Chúa Cha nên Người mới trao Chúa Giêsu cho chúng ta qua Ðức Maria. Ai muốn đón nhận Chúa Giêsu làm của lễ dâng lên Chúa Cha thì người ấy chỉ có thể đón nhận Chúa Giêsu qua Ðức Maria mà thôi. Chính vì vậy mà sự có mặt của Ðức Maria trong chương trình cứu chuộc chúng ta của Thiên Chúa là sự có mặt không thể thiếu được. Nói cách khác, Chúa Giêsu không thể cứu chuộc chúng ta mà không có Ðức Maria. Vì thế Ðức Maria phải là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc. Nhưng dù Ðức Maria đã đồng công với Chúa Giêsu, sự đồng công của Bà không hề, mà cũng không thể làm giảm giá trị bất cứ một việc làm nào của Chúa Giêsu, và nhất là không thể làm giảm đi chút nào giá trị cuộc tử nạn mà Chúa Giêsu đã chịu. Vì thế, tuy Ðức Maria là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc, Chúa Giêsu vẫn là của lễ hy tế hoàn toàn đầy đủ và vẹn toàn. Ðức Maria thật là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc. Không thể sai được!

Nhưng vai trò của Ðức Maria trong công cuộc cứu chuộc chúng ta của Thiên Chúa không phải là Bà chỉ có đón nhận Chúa Giêsu từ Chúa Cha rồi đem Chúa Giêsu mà ban phát cho những ai muốn đón nhận Người. Không! Không phải chỉ có thế! Bởi vì khi Chúa Cha ban Chúa Giêsu cho chúng ta là Người ban cho chúng ta một của lễ để chúng ta dâng lên Người mà đền thay cho tội lỗi của chúng ta; vì thế chúng ta phải có người dâng của lễ. Vậy ai trong chúng ta là người xứng đáng cho công việc này? Thưa không một ai trong những người tội lỗi như chúng ta là xứng đáng. Vì chúng ta là những người tội lỗi, mà đã có tội, dù là một tội rất nhỏ nhoi thì chúng ta cũng không ai có thể vào nước Chúa được, đừng nói chi tới chuyện ra trước nhan thánh Chúa mà dâng của lễ. Thế có phải Chúa Giêsu là người dâng của lễ lên Chúa Cha không? Thưa, trong bữa tiệc ly, khi Chúa Giêsu dâng chính Người lên cho Chúa Cha thì đó là lúc Người tự hiến mình làm của lễ chứ không phải là Người dâng của lễ. Tự hiến mình làm của lễ và dâng của lễ là hai việc làm hoàn toàn khác nhau. Dâng của lễ là bưng vác một của lễ nào rồi đem dâng của lễ đó lên cho một người hay một đấng nào đó, vì vậy, hành động dâng của lễ đòi phải có của lễ và người dâng của lễ. Còn tự hiến mình làm của lễ nghĩa là hoàn toàn trao phó chính mình cho một người nào để người đó xử dụng mình như một của lễ, vì thế, khi hiến mình thì hành động tự hiến tự nó là đầy đủ; vì thế mà khi tự hiến thì của lễ và người dâng của lễ là một. Tại sao Chúa Giêsu lại tự hiến mình làm của lễ? Ðể hiểu được lý do này, chúng ta phải trở lại của lễ mà Tổ Phụ Abraham dâng lên Thiên Chúa. Ông Abraham đã dâng gì? Thưa ông dâng con mình là Isaac. Thiên Chúa có nhận của lễ ông dâng không? Thưa không! Vì nếu Thiên Chúa nhận thì Người đã để cho Ông Abraham giết chết Isaac rồi. Người không nhận của lễ của Abraham vì trên đường đi dâng của lễ, cậu bé Isaac hỏi cha mình, STK 22:7, “Thưa cha, lửa và củi thì có đây, nhưng con chiên cho thiêu lễ thì ở đâu?” Hỏi như vậy tức là Isaac đã không biết ý định của cha mình. Và vì không biết nên, hiển nhiên là trong việc dâng hiến này, Isaac đã không có sự lựa chọn, thiếu hiểu biết, và không có tự do. Vì thế, nếu Isaac đã bị giết thì không phải là cậu đã tự hiến thân; mà vì Isaac đã không tự hiến thân nên Thiên Chúa cũng không bao giờ nhận một của lễ như vậy. Còn Chúa Giêsu, Người biết tỏ tường chương trình cứu chuộc chúng ta của Thiên Chúa. Người biết trước là Người sẽ phải chịu khổ hình và phải chết, nhưng vì yêu thương chúng ta nên Người đã tự hiến thân mình để được trở nên của lễ đền thay cho tội lỗi chúng ta. Vì thế, khi Chúa Giêsu tự hiến mình làm của lễ thì chúng ta mới có của lễ chứ chưa có người dâng của lễ; chưa có người mang vác, bưng Chúa Giêsu mà dâng lên cho Chúa Cha. Vậy thì ai là người xứng đáng cho công việc này? Thưa người xứng đáng dâng của lễ, xứng đáng mang, vác, bưng Chúa Giêsu mà dâng lên Chúa Cha chính là Ðức Maria Trinh Khiết Vẹn Toàn. Là một thụ tạo như chúng ta, Ðức Maria là người duy nhất được đặc ân vô nhiễm, là đấng không hề mắc tội tổ tông, là đấng trọn đời đồng trinh, là thụ tạo duy nhất tuyệt đối tuyệt hảo và vẹn toàn, là Mẹ Thiên Chúa. Một thụ tạo như Ðức Maria mới được phép bước ra, đứng trước nhan thánh Chúa mà dâng của lễ. Và vì chỉ có Ðức Maria là người được phép đứng trước nhan thánh Chúa mà dâng của lễ nên Bà không thể thiếu được trong chương trình cứu chuộc chúng ta của Thiên Chúa. Bà đồng công với Chúa Giêsu để cứu chuộc chúng ta là vì vậy. Khi dâng của lễ, Bà cũng không hề, mà cũng không thể làm giảm giá trị của lễ mà Bà dâng là Chúa Giêsu được. Và như thế, một lần nữa, tuy Ðức Maria là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc, Chúa Giêsu vẫn là của lễ hy tế hoàn toàn đầy đủ và vẹn toàn. Ðức Maria quả là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc! Thật sự là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc!

Bạn thân mến, bây giờ chúng ta đã có của lễ để đền thay cho tội lỗi của chúng ta. Chúng ta cũng có người thay mặt chúng ta mà dâng của lễ lên Chúa Cha. Nhưng bạn có biết không? Dù Thiên Chúa là Ðấng Thánh, là Ðấng Toàn Năng. Trước mặt Người, toàn thể triều thần thiên quốc quỳ lạy và không ngừng tung hô, Thánh! Thánh! Thánh! Xung quanh Người, 12 đạo binh các thiên thần đêm ngày chầu chực. Vậy mà khi trao Chúa Giêsu cho chúng ta, nếu chúng ta không đón nhận thì Thiên Chúa cũng phải chịu vì Người đã ban cho chúng ta tự do. Và vì tôn trọng quyền tự do của chúng ta, Chúa Cha chỉ đặt Chúa Giêsu trong một cái hòm, hòm bia Thiên Chúa; ai muốn lãnh nhận Chúa Giêsu thì cứ đến đó mà lãnh. Thật là dễ dàng lại còn miễn phí nữa!

Thiên Chúa Cha đặt hòm bia Thiên Chúa ở đâu? Làm sao để chúng ta có thể nhận ra hòm bia này? Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã chỉ ban lời của Người cho con cháu nhà Jacob; Người đặt lời này trong một chiếc hòm, hòm bia Thiên Chúa bằng gỗ quý dát vàng, và trao chiếc hòm này cho dân riêng của Người là Dân Do Thái. Bước sang Tân Ước, không phải Thiên Chúa chỉ ban cho chúng ta lời của Người mà Thiên Chúa lại ban cho chúng ta chính Ngôi Lời là Chúa Giêsu, và Chúa Cha đã đặt Ngôi Lời trong cung lòng Trinh Nữ Maria, là hòm bia Thiên Chúa mới. Thiên Chúa thật khôn ngoan và chu đáo biết bao khi, từ thời Cựu Ước, Người đã cho chúng ta thấy Ðức Maria qua hình ảnh một cái hòm. Như thế là để chúng ta thấy được, nếu chúng ta muốn đón nhận Chúa Giêsu làm của lễ dâng lên Chúa Cha thì chúng ta phải mở cửa cái hòm này, và nhất là để chúng ta thấy được, nếu chúng ta đón nhận Chúa Giêsu từ chiếc hòm này thì chúng ta không thể sai lầm, không bị Lucifer lường gạt. Vậy nếu bạn lãnh nhận hay có ai trao Chúa Giêsu cho bạn ở một nơi nào khác bên ngoài cái hòm này thì bạn biết ngay đó không phải là Chúa Giêsu thật. Và thưa bạn, một lần nữa, cái hòm này chính là Ðức Maria Trinh Khiết Vẹn Toàn. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã trao hòm bia Thiên Chúa cho dân riêng của Người là dân Do Thái. Bước vào Tân Ước, Thiên Chúa cũng làm như vậy, Người cũng trao hòm bia Thiên Chúa mới cho dân riêng của Người, cho giáo hội mà Người thành lập, là Giáo Hội Công Giáo.

Ðến đây chắc có bạn sẽ hỏi, nếu chỉ có Ðức Maria là người xứng đáng được phép đứng trước nhan thánh Chúa Cha mà dâng của lễ thì, trong Thánh Lễ, khi chúng ta dâng của lễ là chúng ta dâng của lễ lên cho ai? Thưa chúng ta dâng của lễ của chúng ta lên cho Chúa Giêsu. Chúng ta phải dâng của lễ của chúng ta lên Chúa Giêsu để của lễ của chúng ta và của lễ của Chúa Giêsu, là chính Chúa Giêsu, trở nên một. Rồi sau đó, cũng trong Thánh Lễ, khi Chúa Giêsu tự hiến mình thì của lễ của chúng ta được dâng lên Chúa Cha vì Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu. Của lễ này mới là của lễ được Chúa Cha chấp nhận; khi chấp nhận của lễ này thì Chúa Cha tẩy xóa mọi tội lỗi của chúng ta, những ai tham dự Thánh Lễ cách trọn hảo. Khi tội lỗi chúng ta được tẩy xóa thì chúng ta không còn phải đền bù gì cho Thiên Chúa nữa. Bạn có thấy Thánh Lễ cao trọng biết là dường nào không?

Câu hỏi sau cùng liên quan đến đề tài này là, Ðức Maria dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha khi nào? Thưa, Ðức Maria dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha khi Bà dâng Chúa Giêsu trong đền thánh, Luca 2:22, nhưng không kết thúc ở đây. Vì sự hiến dâng Isaac của Ông Abraham là một lễ tế bắt đầu bằng sự vâng phục Thiên Chúa của ông, và không hoàn thành cho đến khi ông toan sát tế con mình là Isaac. Sự hiến dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha của Ðức Maria là một hy tế cũng bắt đầu bằng sự vâng theo thánh ý Chúa của Bà và không hoàn thành cho đến khi Chúa Cha chấp nhận của lễ của Bà là cái chết của Chúa Giêsu, chết trên cây Thánh Giá. Vì thế, của lễ mà Ðức Maria dâng lên Chúa Cha không phải là Chúa Giêsu lành lặn, không mang thương tích mà là Chúa Giêsu đầy thương tích, Chúa Giêsu chịu khổ hình, chịu đổ hết máu mình ra, và chịu chết. Như vậy, trong công trình cứu chuộc chúng ta của Thiên Chúa, Chúa Giêsu là Ðấng thực thi công cuộc ơn cứu chuộc bằng cách tự hiến mình chịu nạn, và chịu chết để trở thành của lễ đền bù cho tội lỗi của chúng ta, nhưng Ðức Maria lại là người dâng công cuộc ơn cứu chuộc này lên Chúa Cha. Trong một vai trò như vậy, làm sao Ðức Maria lại không là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc cho được?

Ðiểm chót để chúng ta suy gẫm: Tại sao Chúa muốn Ông Abraham dâng con của ông? Thưa vì dâng con của mình mới là dâng. Dâng con người khác thì ai mà không dâng được? Vậy nếu Ðức Maria đã dâng con người khác thì dù đứa con này có tự hiến, nhất định là Thiên Chúa không nhận của lễ Bà dâng. Nhưng Ðức Maria đã dâng con của chính mình, đứa con duy nhất, đứa con tự hiến. Vì thế, Ðức Maria chẳng những thật là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc; Bà còn thật sự là mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Thiên Chúa nữa. Xin Chúa chúc phúc và dẫn đưa bạn về đường ngay nẻo chính.

Thân ái kính chào trong Chúa và Mẹ Maria,

Giuse Phạm Văn Tuyến

MẸ SẦU BI

Mic. Cao Danh Viện

MẸ SẦU BI

Thước nào đo được chiều sâu
Của lòng sầu thảm mượt màu bi ai

Một đời dài, phận nhân loài
Chấm nầy nối tiếp chấm hoài sầu bi.

“Xin vâng” từ ấy khởi đi
Từ ly theo cả từ ly một đời

Bỏ qua cái nét xuân thời
Nhận chân làm Mẹ, bỏ lời ước duyên.

Chịu từng lưu bước truân chuyên
Ôm từng tiếng nói muộn phiền quê hương

Cam lòng gánh nỗi thê lương
Hành trình Thánh Giá, chung đường Mẫu Tâm.

Thước nào đo được lặng thầm
Từng lằn máu tứa, từng tầm lằn roi

Chén nào đắng tựa thiệt thòi
Con yêu lủng lẳng giữa trời hạ trong.

Mẹ nào không xót tình nồng
Lệ trôi kín kẻ với lòng cây tin

Xin vâng với cả khối tình
Tin yêu, phó thác, hiến mình, hiệp thông.

Suy tôn Thánh giá duyên hồng
Chứa chan ơn Cứu Chuộc, Lòng Xót Thương

Suy tôn Mẹ, Đức Nữ Vương
Nhiệm mầu kết hiệp trên Đường Sầu Bi.

Dạy con từng bước chân đi
Tín trung, phó thác, kiên trì tin yêu.

Mic. Cao Danh Viện