Linh Đạo Hôn Phối

THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

PHẦN 2

(Nguồn: www.vietcatholic.net)

HẠNH PHÚC HÔN NHÂN

của AC Phạm Hòa Hiệp

"Thông điệp "Đời sống con người" giúp chúng ta phác họa một linh đạo cho đời sống vợ chồng. Sự tương giao hôn nhân hòa thuận được hình thành trong hợp-thức phàm trần và siêu nhiên. Sự tương giao hòa thuận này hàm nghĩa rằng đôi vợ chồng cùng đặt mình trong sự tỏ bày trung thực của thân xác." (Trần thuyết trong triều yết ngày 21-11-1984 – Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô 2)

1. 'Ai sẽ chỉ cho ta thấy hạnh phúc?

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con nhiều hoan lạc, hơn khi thiên hạ được mùa, lúa rượu đầy dư...’ (Tv 4,7-8)

Con người ước vọng hạnh phúc. Từ thuở con người được sinh ra trong vũ trụ, qua mọi thời miên man khắc khoải kiếm tìm, ước vọng này đã gợi lên nhiều trọng đề nghị luận khả dĩ triển khai thích đáng sự hiểu biết về con người và về hạnh phúc. Con người trong tương quan với Trời? với vũ trụ vạn vật? con người với chính mình và với tha nhân?... Cũng trĩu nặng những ưu tư ấy, hạnh phúc tròn đầy trong cuộc sống lứa đôi, tương quan vợ chồng, một tương quan giao tiếp nam nữ có những nét chấm phá riêng chứa đựng những chiều kích vô cùng nhiệm lạ "người với ta tuy hai mà một"... Thật vậy, một cách lạ lùng, trong đời có những người tự nhiên mình khó nói chuyện, hoặc có những người tự dưng mình cảm thấy không hợp và có những người không tài nào mình có thể đi đến một sự thông cảm giao hòa... Thế nhưng, giữa lòng nhân loại đông như sao trời cát biển, khi có một đôi bạn nam nữ tự do đón nhận nhau trong lòng mến chân thành ươm hạt một tình yêu thủy chung như nhất, phải nói đó là một hiện tượng huyền nhiệm của tình yêu đôi lứa "tình cho nhau môi ấm, một lần là trăm năm"... Yêu là gì? tình yêu từ đâu xuất hiện vào đời đôi bạn tình nhân? Một ngọn nguồn tình yêu, có hay không? là hiện thực hay chỉ là mộng mơ?

Đây giây phút lương duyên đầy thi vị

Đẹp như trời tinh khiết buổi thái sơ

Đây giao hòa, cõi thực giữa cõi mơ

Xin thành kính dâng lên Nguồn Chí Ái...

(Nhiệm lạ - Linh mục thi sĩ CUNG CHI)

Trong ánh đuốc truy tìm hạnh phúc... Những suy nghĩ nào, những chọn lựa nào...

"Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân"... Tiến đến hôn nhân, ai cũng mong được người bạn đường ý hợp tâm đầu, không hay cãi vã gây bất thuận bất hòa, đó là căn bản cho hạnh phúc gia đình. Theo kinh nghiệm dân gian thì các tuổi sau đây hợp nhau (các bộ tam hợp): THÂN-TÝ-THÌN; DẦN-NGỌ-TUẤT; HỢI-MÃO-MÙI; TỴ-DẬU-SỬU. Các tuổi khắc nhau (các bộ tứ xung) là: DẦN-THÂN-TỴ-HỢI; THÌN-TUẤT-SỬU-MÙI; TÝ-NGỌ-MÃO-DẬU. Nếu không hợp (nằm trong bộ tam), thì cũng đừng xung (nằm trong bộ tứ)!

Tin Mừng của Chúa Kitô lại gợi lên một sinh hoạt vợ chồng Yêu thương trong sự nối kết khắng khít THIÊN-NHÂN-ĐỊA: Yêu thương giữa vợ chồng, từ bi bác ái giữa vợ chồng, ý hợp tâm đầu giữa vợ chồng... sự sinh hoạt trần gian đầm ấm hạnh phúc vợ chồng, ấy là do sự kết hiệp tình yêu vợ chồng trong Thiên Chúa, hướng về Thiên Chúa, không xa cách hay cắt đứt với Người.

Đường tương lai trước mặt đang rộng trải

Chúng con đi mang âu yếm trong lòng

Tay nắm tay tính chuyện tát bể Đông

Xin được lãnh ơn Thiên Linh cao cả...

(Nhiệm lạ - Linh mục thi sĩ CUNG CHI)

Khoa học về con người, cách riêng về đời sống tâm linh của con người cho thấy rằng khuynh hướng tìm đạt hạnh phúc nơi con người đối chiếu tương ứng với những điều mặc khải của Thiên Chúa trong Tin Mừng Chúa Kitô mang đến cho con người. Nói khác, người ta cảm nhận rằng mặc khải của Thiên Chúa có thể làm thỏa mãn những ước vọng của con người nơi tâm hồn, có thể lấp đầy những đòi hỏi cùng tận của lòng con người. Xét về bản tính tinh thần, nơi con người có sự ước ao đạt đến sự thật tuyệt đối, sự lành tuyệt đối, hạnh phúc tuyệt hảo... và những khát vọng ấy diễn tả trong mỗi hành động tự do và hiểu biết của con người. Tín thư mặc khải tình yêu tinh tuyền trọn hảo theo mời gọi của Thiên-Chúa-Tình-Yêu luôn vang động vào tận cùng sâu thẳm tương quan vợ chồng cả hồn cả xác.

2. Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi... (St 2,23).

Từ khởi nguyên tạo thành: Là nam là nữ Người đã dựng nên chúng. Bởi thế mà đàn ông sẽ bỏ cả cha mẹ mình, và cả hai, chúng sẽ nên một thân xác (Mc 10,6). Vậy điều Thiên Chúa đã phối hợp thì người ta chớ có phân ly (Mc 10,9).

"Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời, đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người, đâu có lòng bác ái, thì Chúa chúc lành khôn nguôi, đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan niềm vui..." (thánh ca Đâu có tình yêu thương - Vinh Hạnh)

"Đạo vợ chồng tình sâu nghĩa ái "(Gia huấn ca - Nguyễn Trãi)

Không phải là không biết đến những lời kinh thánh, những lời khuyên dạy của đạo lý thánh hiền, trải nghiệm đời sống vợ chồng, có lẽ là đại đa số nếu không muốn khẳng định là hầu hết mọi người, đều cùng nhận thức rằng những bức tranh của cuộc sống lứa đôi không luôn luôn chỉ toàn là những bức tranh tươi đẹp hừng sáng mầu hồng. Những cuộc tình đôi lứa có thể có đầy đủ những hỷ nộ ái ố tham sân si, đầy đủ những đen tối phũ phàng của vị kỷ, so bì, tị nạnh, ghen tuông, hờn oán, bạo hành, phân ly, dối gạt, bất trung, thù hận.... khả dĩ đẩy đưa đến mọi hình thái của thảm cảnh, của địa ngục trần gian.

Từng lời nói, từng cử chỉ, tấc dạ

Từng tia nhìn, từng khóe mắt, nụ cười

Cả những lúc thinh lặng đến rợn người

Xin biến hóa thành tình ca muôn điệu

Gặp những phút lỡ lầm đến khó hiểu

Những vụng về, sơ xuất, trái ý nhau

Những nghi ngờ, thoi thóp trái tim đau

Xin giữ trọn sắt son niềm chung thủy...

(Nhiệm lạ - Linh mục thi sĩ CUNG CHI)

Trong thời đầu của cuộc tình yêu nhau, vợ chồng tung tăng tay trong tay, nồng nàn chung lưng đấu cật... nhất nhất công kia việc nọ cùng nhau hoàn thành trôi chảy một cách tự nhiên trong phấn chấn yêu thương thắm thiết... đúng là "thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn", hầu như không cần phải vạch rõ đâu là bổn phận vợ, đâu là bổn phận chồng... Nhưng nếu bổn phận là một qui định mang tính câu thúc bó buộc, trong thực tế phức tạp của đời sống lứa đôi, quan điểm vợ chồng phải có những bổn phận đối với nhau trước sau đều được cả đôi vợ chồng cùng khẳng định và chấp hành.

Có một sưu tập vào khoảng năm 1714 tổng kết tới khoảng 56 trường hợp đặt vấn đề "bãi trừ bổn phận vợ chồng", theo đó yêu cầu bãi trừ của bên phía nữ nhiều hơn một cách đáng kể của bên phía nam.

Trong việc chăn gối, khi vợ hay chồng, người này từ khước ý muốn "ân ái" của người kia, sự từ khước này có thể tạo nên nguyên nhân cho các cuộc "giải quyết sinh lý" ngoài hôn nhân, hoặc có thể là nguyên cớ của các cuộc ngoại tình thầm lén. Đàng khác, những "bê tha" đó, có thể được vợ hay chồng, người này nại ra để hù dọa hầu cưỡng buộc người kia phải thỏa mãn những cơn nhục dục của mình.

3. Còn Ta, Ta bảo các ngươi:

phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng (Mt 5128).

Vì thế, ý niệm về bổn phận vợ chồng cần phải được triển khai sâu rộng một cách thích đáng,

Biết rằng trong bất cứ cuộc sống chung nào giữa những con người với nhau, người ta phải cùng nhau thỏa thuận đề ra những qui định có tính cách câu thúc, bó buộc, ngay cả đi đến ấn định những trừng phạt hay chế tài nếu vi phạm... bởi vì, trong tương quan "bổn phận và quyền lợi", nếu không có những qui định như vậy thì ai ai cũng có thể nại nhiều lý do để miễn trừ cho mình, chỉ muốn có quyền lợi mà không muốn có bổn phận. Trong tương quan vợ chồng, những lý do để miễn trừ bổn phận thường là: mệt mỏi, bận bịu việc nhà tràn ngập, con cái đau ốm, ngăn trở nghiệp vụ... hoặc đơn giản hơn là: biếng nhác, dửng dưng tình cảm, nhàm chán yêu đương... Sự ý thức nghiêm chỉnh bổn phận vợ chồng, sự thông hiểu sâu sắc nghĩa vụ phu thê sẽ tránh cho đời sống lứa đôi khỏi rơi vào tình trạng nguội lạnh u buồn, khô héo tàn tạ vì thiếu hẳn tình yêu đúng nghĩa.

Bao ngang trái, khác biệt, vẻ kỳ dị

Sẽ long lanh biến sắc trong hy sinh

Giữa bao dung lượng thứ quên thân mình

Hoa yêu đương không nếm mùi tàn tạ...

(Nhiệm lạ - Linh mục thi sĩ CUNG CHI)

Như việc ươm trồng vun tưới một cây ăn trái, nghĩa vụ vợ chồng đối với nhau thuộc về cả hai đương sự phải quan tâm gầy dựng thực hiện. Tuy nhiên, người vợ cần được cảm thấu nghĩa vụ này một cách nhạy bén hơn, do bởi:

-       người nữ dễ có khuynh hướng tránh việc "ân ái thể xác" hơn người nam, thậm chí đôi khi còn giữ quan niệm rằng sự "kiêng khem" này làm cho đời sống lứa đôi được thanh khiết hơn. Như đã biết, ý niệm ảo tưởng lụn bại xa xưa về sự thanh khiết này đã được đề ra để từ chối kế đồ yêu thương trong mầu nhiệm "nhập thể".

-       người nữ thường quan niệm khinh xuất một cách tai hại về tâm sinh lý phái nam, khiến họ không biết rằng nhu cầu "hợp hoan thể xác" (cùng trở nên một xương một thịt) nơi người nam là nhu cầu không phải trước tiên để "giải quyết sinh lý", nhưng là một nhu cầu trào vọt thúc đẩy nơi người chồng thông tỏ tình yêu cho người vợ đồng lúc với ước muốn sôi sục được cảm biết một cách thuyết phục tình yêu thủy chung như nhất của vợ mình dành cho mình.

Nghĩa vụ phu thê, nghĩa vụ diễm phúc này nhắc nhở đôi bên vợ chồng, thực hữu của người này (tất cả sinh mệnh, toàn diện xác hồn) là quà tặng cho người kia, và quà tặng này bao hàm tất cả thân xác hiện sinh cụ thể như được diễn tả qua thuật ngữ "trao thân gửi phận". Nghĩa vụ vợ chồng trao tặng thân xác cho nhau nhắc nhở về một tình yêu vợ chồng hiện thực trong xác phàm, chứ không phải là mộng mị trên mây trên gió, một thứ tình yêu ảo tưởng trong mơ tưởng thần tiên huyền hoặc. Nghĩa vụ vợ chồng trong việc ái ân thể xác như vậy cảnh tỉnh đôi bên đương sự về những gì làm cho họ dửng dưng xem nhẹ những đòi hỏi tương giao phái tính trọn vẹn và đặc biệt trong chiều kích xác thể, về những gì làm cho họ lơ là quên lãng những đòi hỏi ứng đáp yêu đương thầm kín phòng the vợ chồng mà bản chất sinh động mang một tầm quan trọng nhiều khi có tính cách quyết định cho sự bền vững tình yêu đôi lứa, bền vững hôn nhân.

Vậy là, nghĩa vụ vợ chồng có thiên chức là một giới luật tình yêu, một lệnh truyền yêu thương; không phải là sự thống trị của người này trên người kia để nại vào những yêu sách "quyền lợi, bổn phận"...

Đã có những thời và những nơi mà người ta quan niệm mục đích hôn nhân trước tiên là sinh đẻ đồng thời là giáo dục con cái, hoặc với những chủ ý khác phụ theo như là sự nương tựa vợ chồng, giải pháp hộ lý tình dục...

Thật khó nói về ý nghĩa đích thật của hôn nhân khi đứng trước những trường hợp người ta cưới vợ lấy chồng chỉ nhằm mục đích giải quyết sinh lý, xem hôn nhân như là khuôn khổ trong đó tha hồ tự do giải phóng nhục dục đè nén, giải tỏa ức chế cho cách riêng những người có tư chất sung mãn tình dục.

Phải nhận thức rõ ràng và dứt khoát rằng hôn nhân được tạo dựng nên không phải để làm dịu những cơn khát dục tình hay để thỏa mãn những mê đắm khoái lạc dục vọng.

4. Nhược bằng họ không tiết dục

được, họ hãy kết hôn. Vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu... (Mieux vaut se marier que de brûler de désir... (1Cr 7,9)

Lời khuyên này của thánh Phaolô tông đồ về hôn nhân đã có thể bị hiểu sai, khiến cách riêng những người trẻ khó kềm hãm ham muốn nhục dục của mình có thể vịn vào lời khuyên đó mà chủ định hôn nhân là giải pháp ổn thỏa cho sự buông tuồng dục vọng của họ.

Nam cũng như nữ, ở độc thân cũng như sống kết bạn hôn nhân, mọi người đều được mời gọi sống nhân đức khiết tịnh. Về vấn đề này, phải nhận rằng những người sống kết bạn hôn nhân chịu cám dỗ nhiều hơn so với những người sống độc thân (như các vị linh mục, tu sĩ nam nữ...), bởi một lẽ nhục thể vợ chồng như "mỡ trước miệng mèo" đối với nhau, và nhất là hôn nhân là môi trường thuận lợi cho mọi ham muốn thể hiện ái ân qua mọi hình thái biến ảo hay cuồng si mê loạn. Đối với những người sống độc thân, với một nếp sống không phóng đãng lang chạ, tất nhiên họ không bị những cám dỗ dục vọng phái tính trong một mức độ giống như những người sống bậc vợ chồng. Trải nghiệm này hiện thực cho cả những người sống đời tu trì độc thân, khi họ nhận ra rằng mọi buổi tối trên giường ngủ của họ không có một người nam hoặc người nữ nào. Lẽ đương nhiên phải khẳng định là đối với những người sống bậc độc thân, sự giữ gìn nhân đức khiết tịnh đòi hỏi cả một cuộc chiến đấu, nhất là trong thời đại duy vật hưởng thụ ngày nay.

Hôn nhân có phải là giải pháp ổn thỏa, thuận tình, hợp lý, định khuôn trật tự... đối chiếu với một bối cảnh tự do giao tiếp nam nữ, phóng đãng tràn lan, buông tuồng vô hạn? có phải là phòng the cho sự mê đắm tà dâm? phải hiểu thế nào về câu "Vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt bởi mê dục..." (Mieux vaut se marier que de brûler de désir...).

Bản chất của hôn nhân đã từng được thánh Phaolô rao giảng: "Hãy tùng phục nhau trong sự kính sợ Đức Kitô: Vợ hãy phục tùng chồng, như thể đối với Chúa… Chồng hãy yêu mến vợ, cũng như Đức Kitô đã yêu mến Hội thánh…

5. Cũng vậy,

chồng phải yêu mến vợ mình, như chính thân mình. Mà yêu mến vợ thì khác gì là yêu mến mình!. Quả có ai bao giờ lại đi ghét xác thịt mình, trái lại người ta dưỡng nuôi mặc ấm, cũng như Đức Kitô xử với Hội thánh, vì là chi thể của Thân Mình Ngài" (Ep 5, 21)

Nhưng đứng trước tình trạng bệnh hoạn suy vong của con người đắm đuối ngụp lặn trong đồi trụy khoái lạc dục vọng xác thịt, từ góc nhìn suy ngắm mầu nhiệm cứu độ, thánh Phaolô quảng diễn hôn nhân đem lại một phương thức trị liệu cho sự mê đắm nhục dục nơi thân phận con người phàm tục. Trải nghiệm đó xuất phát từ nhận thức sự mê đắm nhục dục mang dấu ấn của nguyên tội, tội lụy tổ truyền theo đó con người mưu tìm hạnh phúc trong sự lạm dụng biến suy bản chất cũng như cứu cánh của tạo thành bằng những nhân tố trần gian như là chiếm đoạt, thống trị, óc hưởng thụ, chủ thuyết tự hữu tự tại, tư lợi vị kỷ... những nhân tố này không do Thiên Chúa tạo nên, như thánh Gioan đã vạch rõ trong thư: ‘Vì mọi sự có trong thế gian: đam mê của xác thịt, đam mê của con mắt, và kiêu hãnh của của cải... các điều ấy không do tự Cha, nhưng là do tự thế gian mà có’ (1Ga 2,16).

Trong thân phận phàm nhân, kể từ thời nguyên tội, mọi người đều bị lụy vào sự mê đắm sắc dục này, đặc biệt trong hôn nhân vốn có thể được biến thành một môi trường tốt cho cám dỗ mê đắm hưởng thụ sắc dục. Chính vì vậy, bí tích hôn nhân là một đặc ân tăng cường sức mạnh cho những người có ơn gọi sống đời vợ chồng khả dĩ chống lại những cám dỗ mê dục của xác thịt. Với đặc ân có tác dụng trị liệu này, bí tích hôn nhân mang hiệu lực của phương thức trị liệu, cứu chữa người nam và người nữ bị thương tổn bởi nguyên tội, diệt trừ tận gốc mầm mống mê đắm nhục dục. Đặc ân trị liệu này trong bí tích hôn nhân, nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, đem lại cường tráng và tân tạo tận thâm sâu cốt lõi cho những người dấn thân vào cuộc sống hôn nhân vợ chồng; với đặc ân trị liệu đó, bí tích hôn nhân mời gọi họ chân thành hiến thân cho nhau, một sự hiến tặng trọn vẹn hiện sinh bao gồm trọn vẹn chiều kích xác thể.

Từ huyền thoại về nhà hiền triết Socrate xứ Hy Lạp nong nả ngày đêm trên khắp các nẻo đường tra hỏi truy tìm chân lý, có những đôi vợ chồng không tránh khỏi nhiều vấn nạn khắc khoải:

"Yêu cho biết sao đêm dài... (Ảo ảnh - Lời và nhạc Y Vân)" Ý thức bàng hoàng về một tình yêu ảo ảnh, lời thảng thốt não nùng về một tình yêu không có thật, sau chuỗi ngày "tận hưởng bên nhau" tất cả cơ hồ chỉ là vô thường, chỉ là hư vô…

"Yêu rồi tình yêu sao chua cay, men nào bằng men thương đau đây… cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau, hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi!…" (Tình lỡ - Lời và nhạc Thanh Bình) Trải nghiệm đớn đau tuyệt vọng não nề vào cuối đường một duyên tình lỡ làng, không phải thiên duyên tiền định nhưng bi đát thay chính là một xe duyên lầm lỡ…

Thế nào là một tình yêu thật? Biết bao những tra hỏi vật vã "khi vò chín khúc, khi chau đôi mày" trổ sinh trên những khúc đường khuya của đời sống hôn nhân!. Tình là giây oan? Tu là cội phúc ??? Trong cuộc sống lứa đôi cụ thể và hiện thực, đâu là những chuẩn mực minh bạch, những khuôn vàng thước ngọc sáng tỏ hầu giúp cho vợ chồng ái ân nhất cử nhất động đúng cách và những bước đi yêu đương đúng đường đúng hướng.

Nhu cầu về một "định chuẩn" để an lòng vì được có tính chính đáng hợp phép, để không bị bối rối lương tâm vì được hợp lệ hợp thức. Khi có những chuẩn mực minh bạch và khách quan, vợ chồng được an tâm khi chấp hành theo đúng những qui định chuẩn mực đó. Khi vượt lằn qui định đã vạch, vợ chồng sẽ bị u uẩn dằn vặt lương tâm hay sẽ bị ê chề mặc cảm tội lỗi. Thật khó chừng nào để nhào nặn ra những "định chuẩn" ấy, những chuẩn mực ứng xử trong tương quan vợ chồng!!!.

Trong khuôn khổ hôn nhân vợ chồng, nếu có thể nhào nặn ra những "định chuẩn" nào đó thì không phải là tất cả những "định chuẩn" ấy đều thích hợp cho tất cả mọi đôi hôn nhân. Ngay trong một đôi hôn nhân, khó lòng có những chuẩn mực luôn luôn phù hợp cho cả vợ cả chồng bởi một lẽ giản dị rằng mỗi người là một thực thể độc đáo riêng biệt, không chung một nền đào tạo, không luôn luôn đồng một nhận thức, khác nhau cả về cảm xúc lẫn tính tình... vì thế, có thể chuẩn mực này thuận cho người này mà lại nghịch cho người kia. Đó là chưa nói đến, không phải điều gì đó "được phép làm" thì luôn luôn là hợp tình hợp cảnh.

Vậy thì, một chuẩn mực khả dĩ có cơ may thành hình nhất thiết phải có bản chất là lòng tế nhị yêu thương nhạy bén ân cần, theo đó khởi phát đòi hỏi người này có ý chí và thành tâm thiện ý cố gắng khớp theo hiện trạng định chuẩn riêng biệt của người kia, chứ không phải chỉ là vợ chồng đồng khớp theo một "chuẩn mực" định sẵn ở ngoài sự đồng thuận của cả hai.

Hơn nữa, về vấn đề cảm tính trong tương giao thân mật tính dục vợ chồng, có một khác biệt giữa nam và nữ. Nơi người nữ vốn có cảm ứng nhục thể đặc biệt tinh tế, ít đậm mầu "dục tính xác thể", người nữ có thể cảm thấy ngượng ngùng, khó xử, thậm chí có thái độ khinh nhờn hay cự tuyệt đối với một số cử động thân mật phòng the. Ngược lại, phía người nam, xúc cảm mạnh hơn nhiều về phương diện "nhục dục", có thể tỏ ra u buồn nhụt hứng, phẫn chí, bất mãn vì không được ứng đáp trong động thái ái ân đúng như mong muốn.

Dẫu sao, cuối cùng ra, cần thiết phải có một nguyên tắc ứng xử chung cho đôi bên vợ chồng. Một gợi ý của linh mục Finet được diễn tả như sau:

"Tất cả mọi tác nhân xa hay gần giúp cho sự tương giao nhục thể vợ chồng đích thực “nên một thân xác” thì mang tính tốt lành, chính đáng nên cần được triển khai và thực hiện. Tất cả mọi tác nhân xa hay gần khiến qui về sự hưởng thụ ích kỷ hay sự thống trị vợ chồng người này trên người kia là nguy hại nên cần phải tiên liệu và xa tránh"

Nguyên tắc này giả thiết vợ chồng không những phải có lòng chân thành mà đồng thời phải có khả năng sáng suốt biện biệt tốt xấu, ý chí và nhẫn nại, lập trường hành động cương quyết suốt trong công cuộc chiến đấu xây dựng đời sống hôn nhân theo cứu cánh tạo dựng của Thiên-Chúa-Tình-Yêu.

Hôn nhân, một cuộc tương giao vợ chồng toàn diện, trọn vẹn, tiến đến hoàn hảo...

Những tác nhân xa: một cử chỉ âu yếm thường nhật, một bó hoa, một động tác phụ giúp, một biểu lộ quan tâm, một quà tặng... tất cả được thi triển với tất cả tấm lòng chân thành yêu thương...

Những tác nhân gần: nụ hôn, vòng tay ôm ấp, vuốt ve, khúc dạo đầu khơi dẫn cảm xúc hợp hoan ái ân...

Dẫn vào càng lúc càng sâu vườn tình huyền hoặc đầy hoa thơm cỏ lạ, mỗi bước đi là một định hướng cẩn trọng lần theo lối đi vào tình yêu chân chính quang tỏa ánh sáng của Chân Thiện Mỹ.

6. Người đã làm ra tự một người

mọi dân thiên hạ để họ lan khắp mặt đất mà ở. Người đã định thời tiết phân minh và cương giới nơi chốn họ ở, ngõ hầu họ tìm kiếm Thiên Chúa và họa may rờ rẫm sao mà gặp được Người (Cv 17,26).

Chân Thiện Mỹ của tương giao vợ chồng, trong tương giao đích thật này, vợ chồng cảm nhận một niềm hoan lạc nhục thể khôn tả, một niềm vui sướng thanh thỏa đặc biệt. Nhưng những cảm thú sung sướng ấy không phải là mục đích, chúng chỉ là hoa quả của hành động tương giao. Về vấn đề này, cần phân biệt rằng tiến đến tương giao trọn vẹn nên một trong thân xác (maximum de communion) không phải là tìm kiếm tột đỉnh của cảm thú sung sướng (maximum de plaisir). Có những động thái "hiến thân" (don des corps) không đem lại sự "nên một thân xác" (communion), bởi vì kinh nghiệm chứng nhận rằng có thể có những khoái cảm cao độ mà hoàn toàn vắng bóng sự sung mãn của "tương giao vợ chồng nên một trong thân xác". Chính sự vợ chồng "nên một trong thân xác" mới là mục đích của hành động tương giao.

Chân Thiện Mỹ của tương giao vợ chồng, với tương giao đích thật này, vợ chồng hòa hợp nên một trong tình thương, phục tùng nhau chứ không phải thống trị nhau (biết rằng óc thống trị có thể biểu lộ hay ẩn nấp qua mọi hình thái tinh tế không dễ phát hiện)

Tất cả những tác nhân xa hay gần có những tác dụng gì?

Những tác nhân bất hảo gây nên: thờ ơ lạnh nhạt, do dự, ứng đáp lạc điệu, hiệp thông trắc trở, thủ thế chống hòa đồng... tất cả những thái độ tiêu cực trong sự hiến thân trọn vẹn cho nhau (nảy sinh từ đủ mọi thứ nguyên do, tỷ dụ một vết thương lòng chỉ bởi một sự hiểu lầm nhau).

Những tác nhân tốt lành làm phát sinh: niềm tin tưởng tín thác, sự ứng đáp thuận nhịp hoàn hảo, niềm hiệp nhất nồng nàn tận đáy tim lòng.

Người nam và người nữ, là những con người không phải là những “con vật”, "đồ vật", không phải là những "bộ máy tự động vô hồn"... Những câu hỏi như:

Phải làm gì để tôn trọng phẩm giá là một con người trong việc tỏ tình yêu với nhau?

Phải làm sao trước sự ngỏ ý muốn "ân ái" của người vợ hay người chồng?

Nên làm thế nào để cuộc ái ân vợ chồng được toại nguyện, khi phải tính tới những yếu tố chi phối một cách khác nhau trên người nam và người nữ như: thời tiết, khung cảnh không gian, những bức xúc đời thường, thể trạng cá biệt (kinh nguyệt phụ nữ), căng thẳng tâm sinh lý, mệt nhọc, trầm cảm...

Làm thế nào để diễn tả sự "tự ý trao thân hoàn toàn" chứ không phải chỉ là sự "cho thuê mướn tấm thân"?

Làm thế nào để tránh bị nhàm chán vô vị trong việc chăn gối vợ chồng?

Hướng về một tương giao hôn nhân đích thật và toàn vẹn, một lô phức tạp những câu hỏi day dứt đặt ra thường xuyên trong cuộc sống giữa vợ chồng với nhau đẩy tới ý thức về sự hiện diện thúc bách của bao nhiêu là yêu sách có bản chất bó buộc chứ không phải nhiệm ý: yêu sách sống chân thực tình yêu, yêu sách cư xử bác ái đối với nhau trước hiện trạng thực hữu riêng biệt của mỗi bên, vợ hay chồng...

Từ đầu tới cuối trong suốt toàn bộ quá trình đón nhận nhau trong tình yêu hôn nhân, đó là công việc biện phân sáng suốt từng cử chỉ lời nói, công việc chỉnh hướng những gì sai lạc, công việc "tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết" để cảm thông nhau trong tận sâu thẳm của những nỗi niềm tâm sự, công việc dắt nhau lên đỉnh cao Chân Thiện Mỹ... đó là cả một công trình tạo dựng dài lâu vô thời hạn có thể hàm chứa những giai đoạn vui hay buồn, lúc thăng lúc trầm, lúc thành lúc bại... Người nam hay người nữ đều giống như một rừng hoang mênh mông huyền bí, cuộc tình vợ chồng đi vào đời nhau như dấn bước vào một cuộc phiêu lưu vừa tìm kiếm, khám phá trong tin yêu, vừa xây dựng kiến tạo trong hy vọng. Mỗi một lần vợ chồng "kết hiệp nên một thân xác" với nhau, sự kết hiệp này thể hiện thành niềm hoan lạc của tình yêu vợ chồng chân thực và trọn vẹn. Lòng mến chân thành giữa vợ và chồng là môi giới tượng hình về tình yêu trong mầu nhiệm hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói khác, tình yêu hôn nhân chân thực bắt nối thông hiệp vào chiều kích yêu thương vô biên của Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu (Dieu est Amour).

"Đôi môi khi trao cho nụ hôn, là dấn theo tất cả tình yêu." (Les lèvres qui s'engagent pour un baiser, engagent tout l'amour. Linh mục văn sĩ Michel Quoist lột tả đầy ý nhị trọn hảo về tình yêu hôn nhân sinh động thiết tha với cả hồn cả xác).

Cúi lạy Chúa Nguồn Tình Thiêng nhiệm lạ

Giúp chúng con sống trọn nghĩa thương nhau

Luôn khắng khít như giao hứa ban đầu

Mỗi hơi thở thơm tho mầu duyên thắm.

(Nhiệm lạ - Linh mục thi sĩ CUNG CHI)

Chiêm ngắm dung nhan Chúa với hoạt động dào dạt của ân sủng Người trong thực tế muôn mặt của đời hôn nhân, bằng những vần thơ "thương ngàn thương" trong thi phẩm "Nhiệm lạ", linh mục thi sĩ Cung Chi mở hướng về góc nhìn tràn ngập tin yêu, thiết tha nguyện cầu và miệt mài hy vọng của nhiệm tích hôn nhân trong đời sống vợ chồng, nhiệm tích nâng cao phẩm giá cao trọng người nam người nữ trong tương giao Tình Yêu Thật.



LÀM SAO ĐỂ VỢ CHỒNG SỐNG HẠNH PHÚC?

Của ÔB Phan Hữu Lộc

"Anh chị là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, những người thánh thiện và yêu thương. Anh chị hãy mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau. Như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh chị, anh chị cũng hảy tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh chị hãy có đức yêu thương, đó là mối giây ràng buộc mọi điều toàn thiện…" (1Cr 6,13-15).

Con người ở trần gian ai cũng đều có giới hạn, không ai vẹn toàn về bất cứ mặt nào-thân xác, tính tình, trí tuệ, lòng đạo đức... nên đời sống vợ chồng (nói riêng) cần nhận định và chấp nhận sự thể ấy đối với mình cũng như đối với bạn đường (vợ hay chồng). (Phần I).

Nhận định, chấp nhận rồi cần phải tha thứ cho mình và cho bạn đường về sự giới hạn đó, để sự trao thân cho nhau được đầy đủ, không chút mặc cảm và sự đón nhận trọn vẹn không chút dè dặt. (Phần II).

Vợ chồng trao thân cho nhau vì con người có hồn nhưng cũng còn có thân xác. Xác thịt đóng vai trò quyết định trong sự cho và nhận để truyền sinh và giúp nhau kết hiệp--tuy tương đối--, để đi tới sự kết hiệp toàn diện, sung mãn trong Thiên Chúa vào ngày sau. Riêng lối sống tu sĩ độc thân vì Nước Trời thì lại muốn kết hiệp trực tiếp với Thiên Chúa ngay đời này, tuy rằng cũng còn thiếu sót, và sẽ đạt được sự kết hiệp sung mãn trong Chúa vào ngày cánh chung!. (Phần III).

Đó là ba Phần trình bày thiết thực dưới đây về đời sống vợ chồng theo đường lối Giáo Hội để vợ chồng được hạnh phúc tương đối qua sự kết hiệp trong Chúa ở đời này và tiến dần đến sự kết hiệp hạnh phúc tuyệt đối trong Chúa sau khi sống lại!

1. Nhân vô thập toàn

Hôn nhân là một lối sống mà ta không thể không cảm nghiệm về giới hạn của mình và người bạn đường (vợ hay chồng). Giới hạn về thân xác của người yêu vì người đó không bao giờ trở thành con người lý tưởng. Giới hạn về tính tình bởi nhiều tính xấu và nhiều lệ thuộc vào sự giáo dục đã nhận được, về ảnh hưởng của cuộc đời trước kia đã qua, về những vết thương tâm hồn đã chịu. Giới hạn về trí óc thông minh và cả đến về đời sống đạo đức nữa...

Giới hạn nơi chính mình và nơi bạn đường cho nên trước hết là phải chấp nhận giới hạn của nhau... Hơn nữa, nhiều khi còn phải yêu chuộng giới hạn đó nữa. Cái giới hạn của người mình yêu trở thành người yêu duy nhất (unique), người-yêu-của-mình! Lời khen đẹp ý người yêu nhất: "Anh chỉ yêu có một mình em!" hoặc: "Em không yêu ai ngoài anh!"

Sau đó, là phải biết tha thứ cho nhau. Trong hôn nhân, ai có ý tưởng hay có ý muốn biến đổi vợ hay chồng theo ý muốn mình là điều mộng mơ. Người vợ hay chồng là con người đó, đang sống cùng ta với những hạn hẹp của họ mà ta phải yêu chuộng, chứ không phải là con người lý tưởng ta mong chờ. Đừng "đứng núi này trông núi nọ". Bao gia đình tan vỡ cũng chỉ vì vợ hay chồng, không nhận chân sự thật về cái hay cũng như cái dở (giới hạn) của bạn đường, mà chỉ mộng mơ về một con người hoàn hảo như lòng mình ước ao, mong chờ, hay như người mẫu quảng cáo trên báo chí, tivi!

Nhưng giới hạn không thể tránh được đó, (nhân vô thập toàn), thường ban đầu chưa thấy lộ diện, nhưng dần dà với thời gian chung sống, nó sẽ xuất đầu lộ diện, tương tợ như khi ta nói: "Cây kim ẩn trong bọc, lâu ngày rồi cũng lòi ra"! Một vài đôi tình nhân, ban đầu cũng đã cố gắng nói cho nhau biết về những khuyết điểm của mình, nhưng vì đang trong thời kỳ yêu đương, họ khó tránh khỏi những cái nhìn lệch lạc. Khi yêu, ta thường chỉ nhìn thấy khía cạnh tốt đẹp của người yêu ("yêu ai yêu cả đường đi lối về"), cha mẹ hay bạn hữu có nhận xét khác, có khuyên răn gì cũng khó lòng chấp nhận.

Nếu có nhận những khiếm khuyết của người yêu, thì lúc con tim đã bị mũi tên tình ái bắn vào, đang tràn ngập trong bể ái tình, người ta thấy có thể bỏ qua, hay cho rằng thiếu sót đó không gì là quan trọng lắm: nhịn nhau được. Nhưng chỉ vài tháng, hay một vài năm, sau ngày về chung sống bên nhau, khi tình yêu mặn nồng nguội lạnh dần, người ta mới thấy những khiếm khuyết đó hiện ra rõ nét, và làm ta khó chịu, khó chấp nhận. Nhất là về vết thương tình cảm, sinh lý hay đạo hạnh chịu từ nhỏ hay thiếu thời mà chỉ hiện rõ sau nhiều năm chung sống mà nhiều lần, nạn nhân không hẳn là khi nào cũng nhớ tới được. Nhận định về giới hạn đó có thể làm cho đời sống vợ chồng rạn nứt, đôi khi dẫn đến tan rã. Bấy giờ ta thường nghe nói: "Anh đó đâu phải là người tôi muốn lấy!" hoặc "Biết thế tôi đâu có rước cô ả về!" Dẫu vậy, đó lại là không ai khác!...

Cho nên điều khôn ngoan và thiết thực cho hai người đính hôn có lẽ là nên cố gắng nói lên cho nhau biết những yếu kém và những vết thương lòng mà mình nhớ được và được xem là đúng sự thật. Nhiều người lại không dám tỏ ra, sợ rằng người kia biết được sự thật, sẽ không còn kính nể mình.

Lời thưa chấp nhận lấy nhau, CÓ, lúc cưới hỏi không bao giờ là lời đáp một cách trọn vẹn và thấu hiểu tường tận việc mình làm. Vả lại, lời đáp yêu đương không bao giờ có thể tinh suốt được trăm phần trăm. Điều đó giả thiết là phải có khả năng nói lên hết với nhau và phải biết về mình một cách đầy đủ; đó lại là điều không thể dễ có được. Nhưng đó vừa là cái hiểm nguy của lời thề yêu nhau trong hôn nhân và lại làm cho hôn nhân trở nên cao cả. Cho nên trước những khó khăn khó tránh khỏi đó, mà chỉ dựa vào sức của nhân trần thì bước phiêu lưu vào hôn nhân quả là táo bạo! Một vị linh mục nói với một chàng trai, tự cho mình là không tin Chúa, khi đến gặp ngài theo lời người vợ (đạo đức) yêu cầu. Ngài nói đại ý: Hôn nhân là một cuộc phiêu lưu đầy gian nan trở ngại, khó thành công, không thể đạt đựơc nếu không có Thiên Chúa cùng đồng hành. Bí tích Hôn nhân sẽ giúp đôi vợ chồng tránh được bao tai hại đó, nếu biết dựa vào Chúa, và đưa Chúa vào đời sống sau này của đôi bạn.

Hôn nhân quả thực tỏ hiện cho ta thấy sự mỏng dòn và giới hạn của ta. Người ta không thể chơi mãi cái trò "bịt mắt bắt dê" với người vợ hay chồng luôn sống với ta trong những chi tiết nhỏ nhặt hay trong những chuyện thầm kín. Theo chiều hướng đó, hôn nhân là một kinh nghiệm đáng sợ và đáng quý về sự chân thực của chính mình. Và bởi vậy đó là một trường dạy về sự khiêm nhừơng. Sống đụng chạm với nhau thường ngày, ta không thể che đậy hay giả dạng được và những gì ta muốn che đậy về lỗi lầm hay bất toàn của mình một ngày kia sẽ lần lượt xuất đầu lộ diện. Điều đó cũng áp dụng cho sự hữu hạn về thân xác, cũng như hữu hạn về tính tình... Người ta có thể làm bộ mặt "đi ăn cưới" khi đến thăm gia đình mẹ vợ, nhưng người ta không thể mãi mãi làm như thế được.

Cũng như giới hạn về sự thông minh: người ta có thể nổi danh ngoài xã hội, nhưng lại tỏ ra thật tệ trong cảnh huống thường nhật của sự sống vợ chồng; cũng như giới hạn về nền giáo dục: con người thô lỗ ẩn dưới vẻ hào nhoáng bên ngoài thì chóng hay chầy sẽ lộ diện ra... Điều đó cũng đúng cho đời sống thiêng liêng: người ta thấy lối sống sốt sắng phi thường lúc làm lễ hỏi, lúc tĩnh-tâm học lớp Dự bị hôn nhân, lúc đi hành hương..., nhưng người ta không thắng nổi đời sống mòn mỏi của đôi bạn sẽ làm cho người ta lộ ra sự khô khan nguội lạnh về lòng đạo đức. Hay nói cách khác, vợ hay chồng không thể "chơi trò hai mặt" mãi được!

Cho nên muốn có một đời sống vợ chồng đạo đức, điều đòi hỏi đầu tiên là biết chấp nhận những giới hạn đó. Không phải để vịn vào đó làm cớ, nhưng để nhìn biết những giới hạn đó là con người. Điều thứ hai là biết tha thứ cho chính mình, bằng cách phân biệt những gì mà không do lỗi mình làm với những gì do mình lười biếng, trì trệ làm cho những tật xấu ấy thêm khó sửa vì bén rễ sâu trong ta.

Và cũng cần biết chấp nhận khi thấy giới hạn nơi bạn đường, đừng mơ tưởng người đó là thần tượng, nhưng để yêu mến cách thiết thực. Bởi vì vợ hay chồng cũng còn nhiều thiếu sót và nhiều yếu đuối. Ta không thể vừa nói ta yêu mến họ, lại vừa từ chối những giới hạn của họ; tệ hơn nữa là những tật xấu mà ta hằng chống đối hàng ngày mà nghĩ rằng sẽ thay đổi một ngày kia. Nếu thế thì ta không thương người vợ hay chồng cụ thể đang sống với ta, mà mơ tưởng đến hoặc hy vọng một người yêu khác trong tưởng tượng và có lẽ cũng không hề có.

Nhưng nói thế không có nghĩa là cấm ta hy vọng một ngày nào đó, nhờ ơn Chúa, vợ hay chồng sẽ thay đổi tốt hơn; vì với Chúa mọi sự đều có thể được... Nhưng Hy Vọng đây không phải là hy vọng kẻ đó đổi thay để sau cùng trở nên người chồng hay vợ mà ta mài dũa mong chờ bấy lâu theo ý muốn của mình. Người ta thường nói: "Mình muốn kẻ khác thay đối, thì hãy bắt đầu thay đổi chính mình trước"!

2. Sự thứ tha, con đường hiến thân.

Bao lâu ta chưa tự tha thứ những giới hạn của mình cũng như những giới hạn của bạn đường, thì ta chưa đạt tới sự thật của việc trao thân. Và điều đó càng đúng khi ta nói đến sự giới hạn của thân xác. "Le corps révèle l’homme (Thân xác nói lên con người), như đức Gioan Phaolô II đã nhận định trong buổi triều yết ngày 14.11.79... Phương thức gãy gọn này chứa đựng tất cả những gì mà khoa học nhân thế sẽ nói đến về con người như là một cơ thể, về sự năng động của nó, về sinh lý học riêng biệt của nó v.v." Thân xác "nói" cho ta nghe, tỏ cho ta biết với tư cách là một bản vị, và ta nhận được thân xác ban cho không, để ta trao thân... Nhưng ta không thể chu toàn sự trao thân này của ta, nếu trước đó, không chấp nhận thân xác của mình. Và nhận nó như là nó. Và nó là nó, mới cho ta biết mình là ai. Trong hôn nhân, sự trao thân được diễn tả và thực hiện bởi sự trao hiến thân xác. Vì thế, trao thân cho nhau đòi hỏi trước tiên là mình đón nhận chính mình bởi thân xác của mình.

Điều đó đòi hỏi trước tiên là mình có thân xác, và đừng mơ tưởng mình là thần linh! Điều cám dỗ này thường thấy nhiều nơi phái nữ, dẫu rằng... Biết bao cặp vợ chồng bất hòa với nhau, vì họ không thực sự nhận mình có một tấm thân xác thịt. Người ta mơ tưởng đến một tình yêu không đòi hỏi xác thịt (platonique), mà là thiêng liêng, điều mà chỉ có thể thấy nơi sự kết hợp của những tâm hồn và những con tim; muốn một tình yêu "trong sạch", tìm cách lánh xa những gì thực sự là xác thịt. Đó là lý thuyết của phái Manichéenne đã gây bao điều lạc giáo mà Giáo Hội Công Giáo, không ngừng bác bỏ: phái Catharisme, Encratisme, Jansénisme...

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thực sự đã nói đi nói lại nhiều lần và rất rõ về vấn đề này, nhất là trong bài trình bày về lý do chính đáng thúc đẩy việc chọn sống độc thân và trong bài bình luận về những lời Chúa về việc ngoại tình trong lòng (Mt 5:27-28). Ngài hết sức nhấn mạnh như điên dại để loại trừ tận gốc rễ về mọi nghi ngờ có thể đè nặng trên giá trị của thân xác và về giới tính quả là đầy ý nghĩa. Quả thực, đây là cách để hiểu về chính con người và về ơn gọi của nó trong chương trình Thiên Chúa: "Một thái độ của bè phái Manichéen có thể dẫn đến sự "tiêu diệt" về thân xác, nếu không thật sự, ít nữa trong ý chí, đi đến việc chối bỏ giá trị của giới tính của con người, về nam tính và nữ tính, hoặc ít ra chỉ "cho phép" họ, trong giới hạn mà giới tính đáp lại sự đòi hỏi cần thiết để sinh con cái. Trái lại, đúng như lời Chúa giảng trên núi, nền luân lý Công Giáo có đặc điểm bởi sự biến đổi về lương tâm như thế và bởi những thái độ như thế của con người, về phái nam cũng như phái nữ, họ diễn tả và thực hiện giá trị của thân xác và của giới tính, theo ý hướng đầu tiên lúc Chúa tạo dựng, để cho nam nữ "kết hiệp hai người thành một" là nền tảng rất thâm sâu về luân lý và nền văn hóa của con người" (Bài thuyết trình 22.10.1980). Và ngài kết thúc buổi triều yết hôm đó với lời quả quyết dứt khoát và không chút dị nghĩa: "Lối hiểu biết và cách đánh giá về thân xác và giới tính của con người theo lạc giáo Manichéenne là hoàn toàn xa lạ với Phúc Âm"

Chấp nhận có một thân xác cũng đòi hỏi mình chấp nhận cái thân-xác-đó, thân xác được ban cho ta, với nhiều giới hạn và nhiều khuyết điểm, bởi chính thân xác đó mà Chúa ban cho để ta có thể trao thân. Có một hình thức tha-thứ được ban cho ta để ta có thể làm hòa với chính mình để ta có thể chấp nhận cái thân xác thực sự và thiết thực đó. Nếu không, thân xác được làm ra để trao ban trở nên một chướng ngại vật cho sự trao ban của chúng ta: ta không thể trao thân cho nhau mà không yêu mến cái thân xác đó...

Chúng ta còn phải chấp nhận thân xác của bạn đường để có thể nhận đầy đủ sự tận hiến của kẻ đó và bởi thế, tha thứ những giới hạn của họ về thân xác để nhìn thấy đó là phương thế mà kẻ đó dùng để trao thân... Nghĩa là thân xác của người vợ hay chồng có tốt hay xấu thì trao ban cái đó, và ta không thể đòi hỏi người vợ hay chồng phải có một thân xác trao ban như ta mong chờ. Chúng ta có lẽ không bao giờ nói hết những tai hại mà tranh ảnh, báo chí, màn hình nói về những thân xác có vẻ đẹp lý tưởng, hầu như toàn vẹn để ta luôn so sánh cái thân xác mình và của bạn đường với những gương mẫu đó---ít khi có lợi cho mình, làm cho ta luôn muốn được cái tấm thân đó và ước ao bạn đường cũng muốn được như thế. Đó là hai điều vô nghĩa! Điều thứ nhất là những tấm thân được trình bày trên tivi là những tấm thân không có thực sự - hình đã được sửa chữa, lường gạt, chế tạo... Những lý tưởng đó không có gì là thực sự mà chỉ là "tô son vẽ phấn" qua phương pháp máy móc điện ảnh, nhất là thời nay nghệ thuật sửa chữa bóng hình... là chuyện quá thông thường! Điều thứ hai là nếu ta cố gắng cho được như các hình mẫu sửa chữa đó thì chỉ làm cho hình ảnh thực của mình thành hị hợm. Mình không còn là mình nữa, Ngày nay, nghe đâu người ta đang có phong trào cấm đưa lên báo chí tài tử, người mẫu, sau khi đã gọt đẽo, thêm bớt cho thành con người có thân xác lý tưởng... để tránh cho những thiếu nữ quá ham chuộng hình hài gọt sửa đó khỏi trở thành những cô gái có thân hình quá gầy guộc có thể dẫn tới cái chết, như đã xảy ra.

Ngoài ra, ngày nay, một số phụ nữ có tấm thân no tròn, đẫy đà... không còn mặc cảm nữa, mà đã đứng lên đòi hỏi chị em cùng cảnh ngộ hãy sống thực, chấp nhận sự thực... để lấy lại giá trị đích thực của chính mình, qua những tổ chức thi Hoa Hậu phụ nữ "no tròn". Thân xác ta làm cho ta là ta, cũng như tâm hồn ta cũng vậy. Con người ta là thân xác này và tâm hồn này.

Nói vậy phải chăng là dẹp mọi cố gắng làm cho thân xác ta có giá trị thêm lên, và gạt bỏ mọi cố gắng để sửa chữa những thiếu sót của mình? Dĩ nhiên là không! Ta càng không phải là ta nếu ta ăn mặc lôi thôi, không sửa soạn! Những điều đó phải làm một cách hợp lý và khôn khéo... và đôi khi với chút hài hước! Tất cả những gì làm cho ta dễ nhìn hơn là điều tốt: tô son, đánh phấn, kẻ đậm thêm lông mày, khoác chiếc áo may cắt vừa người làm giảm đi chỗ béo mập, đeo cặp kính vừa mắt làm tăng thêm vẻ đẹp... tất cả những điều đó là lành mạnh, làm cho ta thêm yêu mến tấm thân của ta được ban cho ta để ta tận hiến cho nhau. Và đó cũng là cách thức để ta nhìn tấm thân của bạn đường và yêu thích tấm thân đó. Người ta còn đi đến chỗ yêu thích những "gồ ghề" của tấm thân nữa là khác: như là một phát giác, một tang chứng về con người đó, bởi vì đó là của kẻ đó, và nó nói lên con người đó là "độc nhất", là vợ mình hay chồng mình. Nhìn như thế thì không thể chê vợ xấu, hay chồng già mà chạy đi tìm một tấm thân khác, trẻ hơn, hấp dẫn hơn, lực lượng hơn, vì tấm thân đó, dù hấp dẫn đến đâu, cũng không phải là tấm-thân-chồng-mình (hay vợ mình) mà mình đã nhận trước mặt Chúa để tận hiến cho nhau. Cho nên câu thề hứa kết hôn trước mặt Chúa có nghĩa rộng lớn như sau: "Anh (em) hứa sống với em (anh) lúc vui cũng như lúc buồn, lúc trẻ cũng như lúc già..., lúc khỏe cũng như lúc đau yếu, lúc giàu cũng như lúc nghèo..." Và đó là dấu chứng đích thực của tình yêu trưởng thành!

Ngoài người yêu mình ra, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, đi tìm "món ngon của lạ..." chỉ là tình dục, sự trao thân cho nhau chỉ là "le contact de deux épidermes" (hai làn da dập lên nhau) nói theo tây phương, mà khó dịch!

Phải thường xuyên tha thứ cho thân xác mình để yêu thương nó hơn để giúp nó tận hiến cho ta hơn, và sự tha thứ thân xác của bạn đường để họ dễ đón nhận hơn... Điều này phải làm vào bất kỳ tuổi nào và cái nhìn này cần được nuôi dưỡng dưới cái nhìn của Chúa. Sự giáo hóa này của cái nhìn là sự cần thiết cho tình yêu, vì tình yêu đó giúp ta nhìn người yêu như một ơn ban cho hoặc một tận hiến. Những vết nhăn trên thân xác người yêu vì sanh nở để lại, sẽ không xem đó như là một điều chê trách, nhưng là một điều nói lên cho một ơn huệ có ý nghĩa: vết nhăn trên gương mặt người vợ không phải là để gợi nhớ lại ước ao thời trẻ tuổi mà lại là dịp để ca tụng một cuộc đời hy sinh cho chồng con, nếu nói được thế.

Đôi bạn như thế sẽ dần dà xem thân xác của nhau, không dựa vào hình trên gương phản chiếu, mà chỉ qua cặp mắt của bạn đường chiêm ngắm vẻ đẹp độc nhất không tìm đâu ra được như thế, hoặc chỉ có riêng vợ hay chồng nhìn thấy được mà thôi. Chính cái nhìn của người vợ hay chồng để nói lên cái đẹp của hai người, không phải cái tâm tình mà ta có thể có phù hợp hay không đối với chuẩn mực của sự đẹp.

Cái gương soi của đôi bạn chính là con mắt nhìn của người kia. Chỉ có người chồng có thể nói với người vợ (và ngược lại) những lời trong Nhã Ca: I: 15-16)

- Nàng đẹp quá, Bạn-tình ơi, đẹp quá !

Đôi mắt nàng là một cặp bồ câu.

- Người yêu hỡi, anh tuấn tú làm sao !

Giường chúng ta là cánh đồng xanh ngát.

Cái nhìn qua lại để tỏ hiện cái đẹp độc nhất của bạn tình là kho tàng lớn lao của đôi trái tim tình yêu của họ, là mái ấm thánh thiêng và bí quyết của sự thầm kín của họ và sự hiến thân cho nhau.

3. Thứ tha và kết hiệp

Chúng ta được tạo dựng để sống đời sau vĩnh cửu. Đó là điều ta tuyên xưng lúc đọc Kinh Tin Kính: "Tôi tin có sự sống đời đời...", niềm hy vọng của người tín hữu do đức tin đảm bảo một cách chắc chắn. Đối với ai có ơn gọi sống đời hôn nhân thì đó là con đường chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu là điểm tối hậu của nhân loại. Trạng thái sống lại đó là gì? Là sự thần- thánh- hóa (divinisation), nền tảng của cuộc sống nhân loại, theo lời đức Gioan Phaolô II đã nói trong buổi triều yết ngày 9.12.1981.

Nghĩa là thế nào? Đơn giản là sự sống lại là tình-trạng sung mãn nhất của con người, bởi sự hoàn thành của ý nghĩa việc vợ chồng tận hiến thân xác cho nhau. Nói cách khác, trong sự sống lại thì sự khao khát hiệp thông với tư cách là con người, là sự khao khát cao độ nhất và toàn diện hơn cả của chúng ta mà chúng ta tìm cách thực hiện trong hôn nhân, sẽ đầy đủ bởi tác động của Thiên Chúa cho ta tận hiến chính mình cho Thiên Chúa. "Sự hiệp thông nội tại (của Tam Vị) trong Thiên Chúa, đức Gioan Phaolô II giải thích, sự hòa hợp của những gì là nhân-tính đối với những gì là thuần túy thiên-tính sẽ đạt tới đích điểm. Linh đạo mới mẻ này sẽ là hoa quả của ơn Chúa, nghĩa là Thiên Chúa hiệp thông trong chính thiên-tính của mình không chỉ là với linh hồn mà cả những gì là nhân-tính (Thuyết trình 12.1981)

Hôn nhân nhắm đến việc xây dựng trong ta cái khao khát hiến dâng toàn diện, rèn luyện cho nó lớn lên và chín mùi đến thỏa mãn mà chỉ có Thiên Chúa là Đấng thực hiện được mà thôi. Theo nghĩa đó, hôn nhân là một môi giới, môi giới mà những ai có ơn gọi đi tu thì được miễn, nghĩa là tận hiến chính mình cho Thiên Chúa ngay trần gian này. Bởi sự độc thân vì "Nước Trời" là một sự lựa chọn của kẻ đã thực hiện ngay ở trần gian này – dĩ nhiên còn là bất toàn-- sự tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và sự đón nhận ơn của Thiên Chúa mà chỉ có thể thực hiện đầy đủ trên Nước Trời, sau khi mọi thân xác sống lại.

Đối với kẻ có ơn gọi hôn nhân -- đa số --, đời sống tình trạng hôn nhân chuẩn bị cho họ đi tới biến cố đó của Nước Trời. Tất cả việc làm của hôn-nhân là mỗi ngày một hơn, dẹp bỏ dần dà, những chướng ngại vật giúp cho ta nhận ơn Chúa đầy đủ nơi sự sống lại, sẽ thực hiện nhân bản trọn vẹn hơn bằng cách thụ hưởng chính Thiên Chúa trọn vẹn và đời đời được ghi trong con tim nam nữ, từ nguyên thuỷ.

Đó là cái đích cuối cùng và cao cả của hôn nhân trên bình diện thiêng liêng. Nhưng cái cùng đích đó được thực hiện trước hết bởi sự khiêm nhường do lòng tha thứ. Sự tha thứ là chặng đường bắt buộc phải đi qua của sự hiệp thông, bởi vì sự lỗi lầm (mà vợ chồng tha thứ cho nhau) là những điểm tai hại cho sự hiệp thông.

Vì thế, sự tha thứ là điều làm cho sự hiệp thông luôn mãi tái tạo. Phải đi qua sự ấy, nhờ sự tha thứ không ngừng, một đòi hỏi rộng lượng tha thứ --bảy mươi bảy lần bảy--, để gìn giữ sự hiệp thông. Sự tha thứ không thể là chuyện hiểu ngầm; nó phải được tỏ bày một cách khiêm tốn và được bộc lộ ra một cách rõ ràng. Các vị khổ tu trong đan viện hiểu rõ tâm lý về luật này, nên mỗi ngày vào giờ "thú lỗi" (chapitre de coulpes), các ngài đã vui vẻ thú nhận hay chấp nhận lỗi lầm của mình về nhân đức yêu thương anh em trong đan viện và xin anh em tha thứ. Không biết mình có lỗi lầm thực sự hay không, nhưng sự tự thú trước như thế, và khiêm tốn xin tha thứ, có thể cắt đứt được những lời bóng gió nói về mình hay đôi khi tố cáo sai lầm, bịa đặt về mình. Đó như là bức tường mà đan viện dựng lên để ngăn ngừa những sự thể như thế có thể xảy ra.

Đối với vợ chồng, sự tha thứ là đòi hỏi tiên khởi cho sự trưởng thành trong hiệp thông giữa vợ chồng. Không có tha thứ, nhiều cặp vợ chồng vẫn có thể sống được với nhau, nhưng chỉ là kiểu "góp gạo nấu chung", sống với nhau một cách hời hợt, không có tâm đầu ý hiệp về tâm hồn và thể xác. Ca dao Việt Nam đã nói:

"Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,

Vô duyên đối diện bất tương phùng".

Trong hôn nhân khi không có tha thứ, hoặc có xin mà không được chấp nhận thì giống như làn nước xoáy mòn nền nhà trước khi làm cho nó sụp đổ. Và khi mà đôi bạn tỏ bày sự tận hiến thân xác cho nhau, mà trước đó không thực là đã tha thứ cho nhau thì sự tận hiến đó chỉ còn là điều giả dối và không thể cho rằng là một sự kết hiệp thực sự. Hoặc ngày nay, bên trời Âu, nhiều bà vợ còn cho đó là sự "hãm hiếp" nữa! Kể ra cũng không sai lầm, vì là một thứ giao hợp ép buộc! Vì vậy tại sao sự tha thứ là sự bảo đảm cho sự trung thành đôi lứa, vì nó luôn đặt họ trước đòi hỏi về sự trung thực, sự thật và về sự hiệp thông giữa hai người.

Sự bất trung trong hôn nhân thường chỉ là tiếng dội của việc tha thứ, hoặc không xin, hoặc xin mà không chấp nhận, làm cho giữa hai người có vùng tăm tối, không nói ra, đau buồn, oán hận, thiếu thốn... dần dà trở nên môi trường cho sự dối trá. Sự tha thứ thường được duy trì nơi đôi bạn, trái lại gìn giữ mãi mãi trong sự đòi hỏi về sự thật làm cho sự trung thành trong đôi bạn bền chặt luôn. Phụng vụ thánh thể dạy cho ta biết sự xin tha thứ như là bước đầu bắt buộc trước khi chịu lễ, dọn lòng ta rước lấy Chúa bởi hai lần xin tha lỗi: Tôi cáo mình cùng Đức Chúa Trời...; Con chẳng đáng Chúa ngự vào lòng con, nhưng xin Chúa...

Từ sự tha thứ này, đến sự tha thứ khác, sự hiệp thông trong hôn nhân trở nên chính xác hơn, dứt khoát hơn, dù nó luôn luôn là chưa vẹn toàn, nhưng đào sâu trong ta sự khao khát, sự hiệp thông toàn diện mà chính Thiên Chúa, vào thời sau hết, sẽ là đối tượng và là nguyên nhân lấp đầy!

Xuân Giáp Ngọ 2014 (Phỏng theo tài liệu của đức Gioan Phaolô II)

Xin Chúa thánh hóa gia đình chúng con (2000)

Nhóm gia đình trẻ 2014



TRƯỞNG THÀNH CỦA TÌNH YÊU

của AC Nguyễn Long Hằng

Yếu tố căn bản của linh đạo hôn nhân chính là tình yêu đong đầy trong trái tim của hai người phối ngẫu như quà tặng của Chúa Thánh Linh. Đôi tân hôn đón nhận ân huệ này qua bí tích hôn phối như một ân huệ đặc biệt. (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 trong buổi triều kiến ngày 14.11.1984)

1. Đêm tối của cảm xúc

Các tác giả nổi tiếng của những bài viết về vấn đề thiêng liêng đều công nhận rằng, đời sống thiêng liêng thường gặp đó đây nhiều thử thách, tựa như những giai đoạn tăng trưởng cho đời sống thiêng liêng. Đó là đêm tối của cảm xúc, lúc mà linh hồn không còn hứng thú cầu nguyện, lúc mà đời sống tâm linh hình như đã mất đi mọi thú vị và hấp dẫn, đó là những đêm đen của linh hồn, là những kinh nghiệm đau đớn trong tăm tối của đức tin. Thánh Gioan Thánh Giá đã diễn tả cho chúng ta biết nhiều về tình trạng này. Nhưng gần đây nhất, đêm tối của Đức Tin mà mẹ thánh Têrêsa thành Calcutta đã trải qua càng làm cho chúng ta xúc động hơn nữa. Chính mẹ đã viết những lời này: "Người ta thường nói rằng, những kẻ sa vào hỏa ngục phải chịu khốn khổ đời đời chỉ vì đánh mất Thiên Chúa. Nhưng nếu họ còn có một chút cỏn con hy vọng là sẽ có được Thiên Chúa, thì chắc họ sẽ vượt qua được những khốn khổ đó. Nhưng trong hồn tôi, tôi cũng cảm thấy chính cái khốn khổ đánh mất Thiên Chúa đó, một Thiên Chúa không thương tôi nữa, một Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa, một Thiên Chúa thật ra không hiện hữu... Những bóng tối này bao phủ tôi tứ bề, tôi không thể vươn lên tới Thiên Chúa, không còn ánh sáng, không còn ơn soi sáng nào chiếu vào hồn tôi. Tôi nói về tình yêu của các linh hồn, về tình yêu dịu dàng dành cho Thiên Chúa - lời nói vừa ra khỏi miệng tôi thì tôi lại thất vọng vì tin vào đó... Thiên đàng, cả một sự trống rỗng! Không có một tư tưởng nào về thiên quốc lọt vào tâm trí tôi, bởi vì không còn hy vọng nữa" (Thư gởi cha Picachy, ngày 03.09.1959). Nhưng dầu vậy, mẹ thánh vẫn không ngừng yêu Chúa.

Thế thì tại sao đời sống phối ngẫu lại được miễn trừ những thử thách ấy nhỉ, những thử thách sẽ thanh luyện đôi vợ chồng và giúp cho tình yêu của họ đạt đến mức trưởng thành, hoàn hảo. Ơn gọi đời sống hôn nhân là con đường nên thánh đích thực, là một trong hai ơn gọi của đời sống Kitô hữu để cho đi chính mình, bên cạnh đời sống độc thân và trong sạch. (Tông huấn Familiaris Consortio, số 11), và như thế, đời sống hôn nhân là một con đường dẫn tới sự trọn hảo của tình yêu Thiên Chúa, thế thì làm sao con đường này không có những khó khăn và thử thách, như đời sống tu trì, tuy rằng dưới những hình thức khác nhau. Nếu không như vậy thì thật là bất bình thường. Và nếu một đời sống hôn nhân mà không gặp những thử thách như thế, thì có thể là đời sống hôn nhân ấy chỉ tà tà ở mức độ tầm thường.

Đêm tối của cảm xúc ít khi xảy đến vào những ngày tháng đầu của cuộc sống lứa đôi, lúc mà tình cảm của cả hai đang dạt dào, đang say mê đắm đuối. Chỉ khi một vài năm tháng đã trôi qua thì lúc đó người ta mới cảm thấy đêm tối của cảm xúc xuất hiện: "Họ không cảm thấy yêu người phối ngẫu nữa vì sự mãnh liệt của tình yêu đã dịu lắng lần". Chẳng có gì bất thường cả, ngay cả trên bình diện tâm lý. Những khám phá mới đây về lãnh vực tình dục cho thấy rằng những xúc cảm của tình yêu là kết quả của một hiện tượng phức tạp, đến từ nhiều lý do khác nhau, nhưng hiện tượng này sẽ biến mất dần, trung bình là sau chừng 36 tháng. Bởi đó người ta không thể ở trong tình trạng si mê đắm đuối vì yêu suốt đời được. Thế thì có cần phải lo lắng không? Nhiều người có thể sẽ rơi vào sự nhầm lẫn giữa tình yêu và cảm xúc yêu thương: "Tôi không cảm thấy là tôi yêu em (yêu anh) nữa. Bởi thế, chắc là tôi không yêu em (yêu anh) nữa!". Cần phải phân biệt một cách chín chắn ở đây. Thường thì tình trạng nhạt nhẽo này là kết quả của sự lười biếng trong tình yêu. Người ta mãi lo làm lụng, mãi lo chăm sóc con cái, lo cho mọi bận rộn ngày thường và cuối cùng thì người ta quên dành thời gian cho cuộc sống lứa đôi. Thế thì có cần cố gắng hết sức để làm sống lại những đắm đuối yêu thương, những si mê của những ngày đầu tiên không? Không có gì cấm cản cả nếu tình trạng này là kết quả của những sơ sót và lạnh nhạt đối với nhau. Trong trường hợp này, chỉnh đốn lại là điều cần làm, và nên làm.

Nhưng nếu đã cố gắng chỉnh đốn lại mà tình trạng này vẫn tiếp tục thì làm sao nhỉ? Có lẽ đã đến lúc cần phải tinh luyện tình yêu, trải qua một vài thử thách để cho tình yêu được trưởng thành, cũng là lúc khám phá ra sự thật là hành động yêu thương không chỉ là cảm thấy mình yêu thương. Trong "Tình yêu và trách nhiệm", đức Gioan Phaolô 2 đã phân tích và chứng minh rằng cảm xúc yêu thương chưa phải là trạng thái hoàn hảo của tình yêu. Trong cảm xúc yêu thương, khi chỉ tìm kiếm cảm xúc, có thể chính là một sự tìm kiếm chính mình trong đó. Tình yêu như thế, có nghĩa là người ta chỉ tìm kiếm sự thỏa mãn trong cảm xúc có được nhờ đối tượng yêu thương. Và có thể là, thật ra người ta đang yêu chính mình trong lúc yêu thương đắm đuối với người phối ngẫu. Những đắm đuối yêu thương này không có gì là xấu xa cả, miễn là chúng phải được gói trọn vào trong những thái độ cao cả hơn của tình yêu. Nếu người ta chỉ ở lại trong tình trạng này, thì có lẽ người ta chỉ nằm lại trong trạng thái ấu trĩ của tình yêu. Cần phải khám phá ra rằng cảm thấy mình yêu đắm đuối cũng chưa chắc là hành động yêu thương thật sự, đúng nghĩa của tình yêu. Bởi vì khi ấy, cảm xúc yêu thương còn nằm trên bình diện của sự nhạy cảm và của tình cảm: đối tượng yêu còn được tìm kiếm khi nào nó còn bù đắp được những gì thiếu thốn trong tôi. Vì thế, dĩ nhiên là kẻ đang yêu trở nên ích kỷ và không thể mở lòng ra với những gì cao quý hơn.

Thế thì khi nào người ta mới yêu thương thật sự? Khi người ta tìm kiếm trước hết là hạnh phúc của đối tượng yêu, nghĩa là khi người ta quên mình đi vì kẻ khác. Tình yêu khi đó trở nên thứ tình yêu vị tha. Người ta ước muốn cho đối tượng yêu được hạnh phúc mà không màng đến mình. Tình yêu vị tha vượt lên trên cái gọi là cảm xúc để ngự trị ở trình độ ý chí. Trong trường hợp này, tình yêu mới thực sự là tình yêu của con người, vì lúc ấy nó phải vận dụng khả năng đặc biệt mà chỉ con người mới có, đó là muốn điều tốt bởi vì việc đó tốt. Tình yêu say đắm nằm trên bình diện cảm xúc, còn tình yêu vị tha nằm trên bình diện của ý muốn. Trước hết là muốn điều tốt cho người mình yêu, tình yêu vị tha có thể dẫn đến việc hy sinh đi chính ý muốn của mình để thực hiện ý muốn của người yêu và tìm thấy niềm vui ở đó. Trong một khía cạnh nào đó, tình yêu vị tha là luôn luôn nói với người mình yêu rằng: "không theo ý tôi, nhưng theo ý anh (ý em)", và trong ý hướng này, nó mang một ý nghĩa hy sinh, quên mình. Khi hai người có một liên hệ với nhau trong trạng thái muốn điều tốt cho nhau, thì khi đó giữa họ nảy sinh ra một thứ tình cảm được gọi là tình bạn thân thiết. Bản chất của tình bạn thân là muốn điều tốt cho bạn, trước khi muốn cho bản thân mình. Và đôi vợ chồng được mời gọi sống tình bạn thân thiết này trong cuộc sống hôn nhân. Tình yêu vị tha không cản trở những cảm xúc đắm đuối yêu thương, lôi kéo hai người đến gần nhau. Trái lại, nó sẽ xác định, bao gồm và sắp đặt thứ tự để bảo đảm cho tình yêu vị tha này có được một viễn ảnh bền vững hơn. Thêm vào đó, khi tình yêu có tính chất hướng về người khác, chính là bước đầu tiên giúp cho tình yêu được trưởng thành. Nhưng tình yêu vị tha có phải là tột đỉnh của tình yêu vợ chồng không? Chắc chắn là không, vì tột đỉnh của tình yêu nằm trong sự cho đi chính bản thân mình. Đức Gioan Phaolô 2 gọi đó là tình yêu phu phụ. (ngài dùng chữ sponsal, gốc từ chữ latinh sponsus=chồng hay sponsa=vợ). Ngài định nghĩa tình yêu vợ chồng như sau: "Tình yêu vợ chồng khác hẳn mọi thứ tình yêu khác. Nó bao gồm việc cho đi chính bản thân mình. Tất cả mọi hy sinh, cố gắng để muốn điều tốt cho kẻ khác không đi xa bằng tình yêu vợ chồng. Cho đi chính bản thân mình chắc chắn là vượt cao hơn việc muốn điều tốt cho người khác, ngay cả trong khi muốn điều tốt cho kẻ khác, kẻ khác đó trở nên chính mình như trong tình bạn thân. Tình yêu vợ chồng, tình yêu phu phụ chính là thứ tình yêu tuyệt đỉnh mà đôi tân hôn được mời gọi, và với tình yêu này mà chính họ đã long trọng tuyên hứa với nhau - có khi không thật sự ý thức - qua lời này tuyên hứa kết hôn: "Anh (em) trao thân cho em (anh)". Mặc dầu câu tuyên hứa này chỉ có trong công thức thứ ba của nghi thức hôn phối, nó cũng được hiểu ngầm trong hai công thức khác. Trong tình yêu vợ chồng, đôi tân hôn đạt tới đích điểm của ơn gọi làm người của mình, vì đặc điểm của con người chính là tự cho đi chính bản thân mình. Công Đồng Vatican 2 đã khẳng định trong thông điệp Gaudium et Spes: "Con người là tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính mình. Họ chỉ có thể gặp lại bản thân mình nhờ chân thành cho đi chính bản thân mình" (Gaudium et Spes 24). Vì là con người, nên chỉ người khi biết trao tặng chính bản thân mình một cách hoàn toàn, không điều kiện và không giới hạn. Vì thế, trong hôn nhân, đôi tân hôn được mời gọi để trao tặng chính bản thân mình cho người phối ngẫu, cũng như những linh mục tu sĩ được mời gọi trao tặng chính bản thân mình cho Thiên Chúa. Trong mọi đời sống, để sống trọn ơn gọi làm người, đời sống đó phải biết cho đi, trong đời sống gia đình hay đời sống thánh hiến.

Nóng bỏng với những tình cảm dạt dào của thời gian đầu gặp gỡ, đôi tân hôn không nhận thức được rằng mình được mời gọi sống đời tận hiến cho người mình yêu. Cho đến khi những cảm xúc ấy lặng dần, đó là lúc đôi tân hôn phải nhận thức được ý nghĩa sâu thẳm của việc lãnh nhận bí tích hôn phối. Đêm tối của cảm xúc chắc chắn là một dịp may để thăng tiến tình yêu đến mức trưởng thành. Nó có thể là một lời mời gọi vượt qua, từ tình yêu thiên về cảm xúc tiến đến một tình quên mình, để từ đó họ thực hiện ơn gọi làm người của mình. Sẽ có những lúc say mê, những lúc đắm đuối, cũng tốt thôi. Nhưng họ sẽ không còn nghĩ rằng yêu nhau chỉ là cảm thấy yêu. Họ sẽ khám phá ra rằng yêu thương thật sự chính là trao tặng chính bản thân mình mà không cần đền đáp, không cần điều kiện, một cách nhưng không.

2. Đêm tối của lý trí

Nếu tình yêu phu phụ có thể thanh luyện và truởng thành trong đêm tối của cảm xúc, đôi khi đôi tân hôn cũng được mời gọi để trải qua một hình thức triệt để và đôi khi đau đớn hơn của sự thanh luyện. Có thể người ta sẽ không những không cảm thấy mình yêu, mà còn không biết là mình yêu. Không hiểu tại sao mình lấy nhau, lấy nhau để làm gì, tại sao lại lấy người này, người kia, có thể lầm lẫn vì đã lấy nhau, lầm lẫn trong ơn gọi, nghi ngờ phép cưới không thành v.v... Đêm tối này nằm trong lãnh vực của lý trí, của suy nghĩ chứ không còn nằm trong lãnh vực cảm xúc hay tình cảm. Đó là thử thách tối cao của tình yêu, mà lần này tình yêu chỉ tồn tại được là nhờ ý chí của người phối ngẫu đối với lời hứa trung thành. Đây là một thử thách không diễn tả được, một thử thách sống còn, một cuộc chiến thiêng liêng cần đến vũ khí là lời cầu nguyện. Đức Gioan Phaolô 2 đã nhấn mạnh điều này trong buổi triều kiến chung ngày 27.6.1984, khi ngài giảng giải đoạn kinh thánh nói về việc thành hôn của Tobie và Sara. Vì Sara bị chúc dữ, nên hôn sự của họ được so sánh bằng trận chiến sống còn và đôi tân hôn bị lôi cuốn vào trận chiến của sự lành và sự dữ. Thế thì làm sao họ chiến thắng được sự dữ ? Nhờ lời cầu nguyện mà Tobie mời gọi Sara trong đêm tân hôn, cả hai đã tuyên bố đặt Thiên Chúa vào giữa hôn sự của họ, qua đó họ mặc lấy sức mạnh của chính Ngài. Trong đêm tối của lý trí, đôi vợ chồng phải nhận thức rõ ràng về ý nghĩa và tầm quan trọng của những lời mà họ đã tuyên bố khi trao thân gởi phận cho nhau: "Để yêu em (anh) trong vui mừng cũng như khi bị thử thách, trong hạnh phúc cũng như lúc gian nan". Để yêu em một cách trung thành, cho dù anh không biết em có yêu anh không, cho dù anh không hiểu gì nữa về cuộc sống hôn nhân của chúng mình, cho dù anh không còn chút cảm xúc nào, cho dù anh trách móc em vì em không hiểu anh, cho dù anh tự trách anh vì đã không hiểu em... Trung thành đến cùng, không điều kiện, cho dù tất cả chung quanh ta thúc đẩy ta nuốt lời đã hứa. Trung thành không phải vì con cái, vì sợ người ta nói, vì thể diện gia đình, vì nề nếp xã hội, nhưng bởi vì đã cho đi chính bản thân mình, cho đi mà không lấy lại, cho đi mãi mãi. Chính đó là sự thanh lọc cuối cùng. Chính đó là lúc mà hôn nhân trở nên mong manh và chỉ còn tồn tại được là nhờ vào ý chí, muốn tiếp tục cho đi trong khi trí khôn lại bảo rằng không còn lý do nào để tiếp tục cho đi. Đó cũng là lúc mà ma quỷ tăng cường nỗ lực để đánh lạc hướng của đôi vợ chồng về sự trao thân gởi phận mà họ đã thề hứa. Cũng giống như cô Marthe Robin tâm sự rằng, ma quỷ đã thôi thúc cô rằng "Có ích gì nhỉ?" khi mỗi tuần cô được diễm phúc sống lại cuộc khổ nạn của Đức Kitô, thì đôi vợ chồng, trong đêm tối của lý trí của cuộc sống hôn nhân này, cũng bị cám dỗ để buông xuôi, để lỗi lời thề hứa bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng trong tiếng "Xin vâng" được lặp lại trong mọi hoàn cảnh, trong hy hiến của tình yêu, chính là lúc họ nói lên được cái huy hoàng và chân thật của tình yêu họ dành cho nhau.

Đức Kitô cũng đã trải qua đêm tối của lý trí, lúc Ngài hoàn thành công cuộc cứu độ, lúc Ngài thực hiện việc kết hợp giữa Ngài và Giáo Hội như hiền thê: "Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?". Khi sự hiến thân của Ngài không còn được nâng đỡ bởi sự hiểu biết, chính là lúc Ngài thích nhất, lúc của lễ chính bản thân Ngài trở nên hoàn hảo nhất. Đức Giêsu có thể cũng kêu gọi một vài cặp vợ chồng bước theo Ngài trên con đường tình yêu hoàn hảo đó, cũng như Ngài đã kêu gọi một số linh hồn yêu Ngài không lý do, không điều kiện. Cơn thử thách này và con đường thanh luyện triệt để này không chỉ dành cho những bậc khổ tu, những nhà huyền bí. Chúng cũng có thể là lời kêu gọi cho những cặp vợ chồng sống đời tận hiến cho nhau, như chính Ngài đã tận hiến cho loài người. Những người được mời gọi như thế là những linh hồn được ưu tuyển, vì Đức Giêsu chỉ mời gọi những ai mà Ngài biết chắc rằng họ sẽ chấp nhận để sống trọn vẹn tình yêu hy hiến cho nhau như tình yêu của chính Ngài.

Chúng ta có thể sợ hãi những thử thách để tinh luyện tình yêu như thế. Bình thường thôi. Vì chính Đức Kitô cũng lo sợ như vậy, đến độ người ta có thể nghĩ rằng sự sợ hãi làm cho Ngài run sợ đến chảy mồ hôi máu ở vườn cây dầu không phải vì Ngài lo sợ những khổ hình sắp phải chịu, mà là lo lắng cho đêm tối của lý trí đang chờ Ngài ở đỉnh núi sọ. Nhưng đó cũng là thử thách giúp chúng ta đạt đến tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, có nghĩa là đạt được sự hoàn hảo của ba nhân đức Tin, Cậy, Mến. Khi đức tin bị bao phủ bởi bóng tối của lý trí mà vẫn vững tin, đức tin ấy trở nên tinh tuyền: khi đôi vợ chồng vẫn bền vững trong lời hứa thủy chung, vẫn tiếp tục trao thân gởi phận cho nhau, ngay cả khi không còn biết được lý do tại sao, thì lúc đó lời hứa thủy chung của họ đạt được giá trị đích thực của nó. Họ cũng trở nên hoàn hảo trong đức cậy, vì nó giúp cho họ tiếp tục duy trì sự cho đi, không nhờ vào cảm xúc, tình cảm, hay sức lực con người, mà chỉ nhờ vào ơn thánh Chúa mà họ đã nhận lãnh được qua bí tích hôn phối. Ơn thánh này tiếp tục được ban cho họ, giúp họ sống trọn vẹn mỗi giây phút những đòi hỏi của đời sống hôn nhân. Cuối cùng, họ trở nên hoàn hảo trong đức mến, trong tình yêu, khi tình yêu này tiếp tục được ban phát mà không cần lý lẽ. Tiếp tục yêu thương ngay cả khi mình không hiểu tại sao phải yêu thương chính là sự hoàn hảo của tình yêu, bởi vì đó chính là thứ tình yêu mà Đức Kitô đã yêu thương chúng ta: yêu thương không có lý do...

3. Cho tới khi cái chết chia cách chúng ta

Những đôi tân hôn thường ước muốn một cách ngây thơ là, không những được sống chung với nhau, mà còn được chết chung với nhau. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng việc ấy ít khi xảy ra, và tất cả mọi đôi tân hôn đều phải đối diện với sự mất đi của người mình yêu mến. Theo thống kê thì người nữ sống thọ hơn người nam, và vì thế thường hay phải chịu cảnh góa bụa, nhưng đó là một thử thách mà cả hai vợ chồng đều có thể gặp phải.

Cảnh góa bụa, trước tiên và dĩ nhiên là một thử thách để thanh luyện cảm xúc và tình cảm. Không còn được chia sẻ với nhau những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày, không còn đưọc thấy mặt nhau, không còn được cảm nhận những yêu thương trìu mến của người mình yêu, không còn cảm thấy được sự hiện diện của người được gọi bằng chữ Mình ơi, (một xương một thịt), quả là một thử thách lớn lao, ngay cả khi thử thách này đã được báo trước và chuẩn bị chẳng hạn như trong thời gian nằm trên gường bệnh, việc này đã giúp cho đôi vợ chồng từ từ chấp nhận điều phải đến, nhưng lại gắn bó hai người lại với nhau một cách bí ẩn.

Đó cũng là một thử thách cho đời sống tâm linh. Khi hai vợ chồng không sống riêng rẽ, mỗi người một cuộc sống, mà sống hiệp thông với nhau, không những về thể xác và tình cảm, mà còn về tâm linh, thì khó mà trở về một đời sống tâm linh riêng lẻ. Nhưng chưa chắc phải như thế. Đời sống tâm linh trong cuộc sống góa bụa là một đời sống tâm linh của người độc thân hay vẫn phải giữ đặc tính của đôi vợ chồng? Người ta khó có thể nghĩ được rằng, sau khi đã chia sẻ với nhau trăm nghìn điều về đời sống nội tâm trong nhiều năm tháng, người ta trong một sáng một chiều, có thể sống như những việc ấy chưa bao giờ xảy ra vậy. Không những vô nhân đạo về phương diện tâm lý, mà lại vô lý trên bình diện tâm linh. Thế thì đời sống tâm linh của cảnh góa bụa phải là thế nào? Cốt yếu là việc thông công. Những người sống cảnh goá bụa đã làm chứng rằng họ thông công với người phối ngẫu đã qua đời với cường độ cao hơn và một cách thiết thực hơn. Nhà văn Công Giáo Jean Guitton đã làm chứng sau cái chết của vợ ông về kinh nghiệm chuyển từ việc đối thoại qua việc thông công. Nhưng chúng ta nói về việc thông công nào vậy? Chính là việc thông công mà Giáo Hội gọi là tín điều các thánh thông công. Đó không phải là sống trong kỷ niệm với những cảm xúc về người đã mất, nhưng là cảm nghiệm sự hiện diện của họ và sống với họ qua một sự thông công tâm linh, chứng tỏ rằng kinh nghiệm này vượt lên trên tất cả mọi sự cảm thông hay trải nghiệm họ đã từng trải với nhau trong suốt thời gian còn chung sống. Cái chết chia cách hai vợ chồng, nhưng lại kết hợp họ trong một sự hiệp thông hơn hẳn những gì họ đã chia sẻ với nhau khi còn sống. Đó phải là đời sống tâm linh của cuộc sống góa bụa, cuộc sống thông công mà chúng ta vẫn tuyên xưng mỗi Chúa Nhật trong kinh Tin Kính, có liên hệ trực tiếp đến mầu nhiệm Phục Sinh. Đời sống tâm linh này vẫn là một đời sống tâm linh của vợ chồng, nó còn vượt lên thêm một bực. Có thể nói cách khác, đó là sự trưởng thành hoàn hảo nhất của tình yêu vợ chồng.

Thật vậy, hôn nhân loan báo việc xác loài người sẽ sống lại vào ngày quang vinh của Đức Kitô - Vị hôn phu. Sự sống lại này sẽ là kết cục trọn hảo nhất của kiếp người chúng ta, nhờ sự kết hợp hoàn toàn với những gì chúng ta đã có cảm nghiệm trong cuộc sống này, trên bình diện thể xác và bình diện tâm linh. Nhưng sự sống lại cũng là thành quả hoàn hảo nhất của loài người, thụ tạo duy nhất được kêu gọi sống mầu nhiệm thông công: "Nước Trời, đức Gioan Phaolô dạy, chắc chắn là đích điểm của mọi ước vọng của loài người: đó là sự viên mãn của sự tốt lành mà con người ao ước, vượt khỏi mọi mơ ước mà con người có thể có trong cuộc sống ở trần gian này. Nó chính là sự viên mãn trọn hảo của ân huệ của Thiên Chúa" (Cuộc triều kiến ngày 21.4.1982). Trong ngày Phục Sinh, mầu nhiệm các thánh thông công sẽ được tỏ bày một cách rõ ràng, và chính Thiên Chúa sẽ là trung tâm của mầu nhiệm thông công này. Lúc ấy, con người sẽ nhận biết Thiên Chúa cách trọn vẹn, và đó chính là sự thông công trọn hảo.

Một thắc mắc của những người sống đời góa bụa là đời sau sẽ như thế nào, lúc xác kẻ chết sống lại. Đức Kitô đã chẳng tuyên bố sao: "Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời". (Matthêu 22, 30). Cũng như bí tích hôn phối hình như chấm dứt với cái chết, vì Giáo Hội cho phép người ở góa được phép tái hôn, có nhiều người nghĩ rằng mối ràng buộc của đôi vợ chồng chấm dứt hoàn toàn với cái chết. Điều này có thể làm cho đời sống nội tâm bất ổn và có thể trở thành một nỗi ám ảnh nặng nề. Chẳng lẽ bí tích hôn phối mà chúng ta đã lãnh nhận có ít ý nghĩa và chẳng nặng ký bao nhiêu sao, bởi vì nó bị tiêu huỷ hoàn toàn trong thời viên mãn, nơi mà chúng ta được mời gọi bước tới? Trước tiên cần phải nhấn mạnh về câu mà Giáo Hội dùng trong nghi thức cử hành bí tích hôn phối. Câu "cho tới khi cái chết chia cách chúng ta" được thay bằng câu "suốt cuộc sống của chúng ta". Câu này không phải tầm thường đâu, vì "suốt cuộc sống của chúng ta" phải được hiểu là "suốt cuộc sống đời đời của chúng ta, mà cuộc sống ấy đã được bắt đầu trên trái đất này". Hơn nữa, cũng phải hiểu rõ lời của Đức Kitô nói với nhóm Sa đốc. Ngài không nói, "trong ngày sống lại, người ta không - là - vợ - là - chồng", nhưng ngài nói, "trong ngày sống lại, người ta - chẳng - lấy vợ lấy chồng". Trong ngày sống lại người ta không lấy vợ lấy chồng, bởi vì một lý do thật đơn giản là những gì được loan báo và bắt đầu ở dưới đất sẽ thực sự được hoàn thành trong ngày sống lại. Đức Gioan Phaolô 2 đã khẳng định rằng: "Bí tích Hôn phối có giá trị trên trời, giá trị cơ bản, phổ quát và bình thường" (Cuộc triều kiến ngày 31.03.1982). Nhưng những người sống cuộc sống vợ chồng dưới đất, sẽ có liên hệ với nhau thế nào, khi mối liên hệ vợ chồng được tiếp tục cách viên mãn trong nước Trời? Khó mà hình dung được. Nhưng thánh Tôma d'Aquin đã nói rằng: "Sự kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa trong ngày Phục Sinh không loại trừ việc chúng ta có thể có liên hệ gần gũi với ai đó, nhưng sự gần gũi này được đo bằng đức mến. Có nghĩa là trong ngày sống lại, chúng ta sẽ gần gũi hơn với những người chúng ta đã yêu thương hoặc với những người đã yêu thương chúng ta. Điều này cho phép ta nghĩ rằng thật là đúng cho những đôi vợ chồng đã sống đời hôn nhân với một tình yêu lớn nhất".

Cuộc sống góa bụa sắp đặt cho người sống nó trải nghiệm mầu nhiệm các thánh thông công, và điều này khẳng định rằng, linh đạo vợ chồng trong cảnh góa bụa là linh đạo của mầu nhiệm thông công. Linh đạo này vẫn là linh đạo của vợ chồng, nhưng trên một mức độ tuyệt vời hơn. Khi sống chiều kích thông công này một cách đặc biệt với người phối ngẫu đã quá cố, nhưng vẫn sống trong Thiên Chúa đợi chờ ngày sống lại, những người vợ, người chồng góa có thể trở thành những tiên tri đích thực của mầu nhiệm các thánh thông công.



NIỀM VUI TRAO BAN

của AC Đoàn Quốc Khánh

"Quả là một sự kết hợp kỳ diệu, khi họ TRỞ NÊN MỘT,

và do sự kết hợp đó nẩy sinh TÌNH CHA và TÌNH MẸ,

vậy là họ đã trở về nguyên ủy của SỰ SỐNG".

1. Vai trò của thân xác trong cuộc sống lứa đôi.

Thế giới ngày nay đứng trước hai khuynh hướng có vẻ nghịch thường: một đàng là hiện tượng tôi luyện thân xác bằng mọi phương tiện, nhất là trong các ngành nghệ thuật, thời trang… cốt sao đạt được một thân hình tuyệt hảo. Khuynh hướng thứ hai coi như một hệ quả của phái khắc khổ, chê bai và coi thường những giá trị của hình hài con người.

Phải quan niệm là thân xác của mỗi người chúng ta, cùng với tinh thần, góp phần vào sự triển nở của nhân vị, phát huy nhân cách và mở rộng tương quan với người phối ngẫu và với xã hội bao quanh. Bởi mỗi người chúng ta có một thân thể, như chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quả quyết: "THÂN THỂ CHÚNG TA LÀ CHÍNH CHÚNG TA" (notre corps, c’est nous!). Và nhờ đó, chúng ta nhận chân ra nét đẹp, nét phong phú của tình yêu đôi lứa: họ sẽ không còn nhìn nhau qua tấm gương nữa, mà nhìn nhau thực sự qua ánh mắt, qua dòng sống, qua chiều kích hiện sinh: đây mới thực là phương cách thể hiện tình yêu của Thiên Chúa.

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã tạo dựng Con Người. Ish và Isha, một người nam và một người nữ, và Ngài coi đó như một tuyệt phẩm của công cuộc tạo dựng. Sự kết hợp của họ trong hôn nhân đã mạc khải ra những gì Thiên Chúa mong đợi nơi con người: tình dục đôi lứa sẽ rộng mở trong một chiều kích hướng thượng, thăng hoa về hướng tinh thần. Thân xác, như đền thờ của Thánh Linh, sẽ tỏ bày ra những biểu hiện vô hình, linh thiêng và thần thánh.

Vậy niềm vui yêu thương phát xuất từ đâu? Câu trả lời chắc hẳn phải tìm từ khởi thủy của nhân loại, điều mà Thánh Giáo Hoàng đã gọi là TIỀN SỬ THẦN HỌC CỦA CON NGƯỜI như sách Sáng thế đã vạch rõ: con người, đứng trước Thiên Chúa và chính mình, đã thấy mình khác hẳn với mọi loài vật trên trời và dưới thế. Nhưng đây cũng là một hoài vọng của thân phận con người, vì từ căn bản, nó vẫn cô đơn. Chính Đức Chúa cũng phán: "Con người ở một mình không tốt…" (St 2,18). Tuy con người ý thức được sự ưu việt của mình, theo nghĩa không một sinh vật nào có thể sánh được với họ, vì xét theo chiều hướng tích cực, họ có khả năng cai quản mọi loài – nhưng họ vẫn không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng (ST 2,20). Adam (có nghĩa là con người) vẫn hoài vọng trao ban cho một sinh vật tương tự về nhân tính một sinh vật có thể đón nhận sự trao ban của chính ông. Ông vẫn sống trong nỗi cô đơn, nhưng đồng thời vẫn ý thức mình là một nhân vị, khác hẳn với bao sinh vật khác.

Theo đức Gioan Phaolô II, không một sinh vật nào có thể cung hiến cho con người những điều kiện căn bản, theo đó có thể có hồng ân trao phó, tín thác cho con người. Trong nỗi cô đơn có thật đó, Công Đồng Vatican II đã có một định nghĩa tuyệt hảo về con người: "Chỉ có con người, một thụ tạo duy nhất trên trần đời, là Thiên Chúa muốn cho họ một hồng ân chân thành nhất của chính mình" (GS,24).

Chúng ta hiểu niềm vui, sự hân hoan xâm chiếm tâm hồn con người Adam, khi Evà xuất hiện, ông kêu lên: "Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!" (St 2,23).

Đây không phải chỉ là sự chiêm ngưỡng thân hình kiều diễm của Evà, nhưng còn là một niềm vui khôn tả của một nhân vật, được thể hiện như một nhân vị, khi trao ban chính mình cho người phối ngẫu. Một "cái tôi thứ hai" một sự hiệp thông nhân vị: là lời ca tụng tình yêu, là một bài hát yêu thương của nhân loại, là một bản thánh kinh của sách Diễm Tình Ca.

2. Niềm vui hiệp thông.

Nỗi hân hoan trao phó chính bản thân mình đã trở thành sự thông hiệp hỗ tương, như sách Diễm Tình Ca diễn tả. Đây là một sự hiệp thông của một người đàn ông và một người đàn bà trong tình yêu đôi lứa, tình yêu dâng hiến trao ban. Đức Gioan Phaolô II, trong buổi triều yết ngày 6/6/1984, đã nói: "Chân lý về tình yêu, như Diễm Tình Ca diễn tả, không thể tách rời khỏi ngôn ngữ của thân xác" Tất cả sách này đều quy chiếu về niềm vui trao ban: "Những ngôn từ của con người không hẳn chỉ là nét thơ phú cho người tình, vẻ đẹp của người tình trổi vượt hơn mọi cảm quan, vì còn là một hồng ân và trao hiến của con người".

Suy niệm về sách Diễm Tình Ca sẽ là một ân sủng cho đôi lứa. Và nếu các nam nữ tu sĩ suy niệm về bản văn này, họ sẽ bắt gặp mối tương quan của con người với Thiên Chúa theo kiểu nói của thánh Bernarđô, hay là mối lương duyên huyền nhiệm (theo thánh Gioan Thánh Giá). Những người phối ngẫu sẽ cảm nghiệm bản văn này và ý thức được cánh cửa rộng mở trong niềm hiệp thông thể xác một cách nguyên tuyền, trước khi bị tội tổ tông làm lu mờ những liên hệ hỗ tương, trước khi con tim trinh trắng chưa bị nhục dục làm ô uế.

Dĩ nhiên, tình trạng nguyên tuyền này đã bị tội tổ tông làm hư hoại. Nhưng con tim thanh khiết có thể được cứu vãn khi đón nhận Ơn Cứu Chuộc của Chúa Kitô, tìm lại niềm vui nguyên thủy của sự thông hiệp. Bản văn của sách Diễm Tình Ca sẽ minh chứng cho chúng ta sự rạng rỡ của thân xác trong đời sống đôi lứa, một thứ tình dục trọn hảo, theo nghĩa biết tôn trọng và lượng giá ơn gọi của thân xác, của ngôn ngữ thân xác. Thánh Giáo Hoàng đã có lý khi đề ra ba buổi triều yết về những hệ luận luân lý của nền thần học về thân xác, niềm vui sâu xa khi đón nhận người phối ngẫu với tư cách của một nhân vị, và khi đón nhận những đòi hỏi luân lý của đời sống đôi lứa.

Khát vọng do tình yêu đòi hỏi, khi đặt căn bản trên ngôn ngữ của thân xác, sẽ là một tìm hiểu về vẻ đẹp nguyên tuyền, về nét đẹp của linh hồn và thân xác.

3. Niềm vui vẫn tồn tại.

Điều gì vẫn tồn tại cho dù những vi phạm của tội tổ tông? Chắc hẳn đó là tiếng than của bà Evà, sau những lời chúc dữ như hệ lụy của tội nguyên tổ: "Adam ăn ở với Evà, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Cain. Bà nói: nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người" (St 4,1). Theo đức Gioan Phaolô II, đây là tiếng reo vui của người mẹ chúng sinh, người mẹ của muôn loài, niềm vui trước sự cao vời của việc sinh con.

Đây là niềm hân hoan của bất kỳ bà mẹ nào trước phép lạ của đời sống, và cũng là niềm vui của những người cha đồng tham dự vào, vào nguồn suối của sự sống nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn sống. Điều này lý trí cũng có thể chân nhận ra, bằng chứng là triết gia Aristote, vào thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, khi nói về Nguyên Ủy đệ nhất (Causa causarum) là Thiên Chúa: "Nguyên Ủy này là một sự sống hoàn hảo nhất, đã ban cho chúng ta sự sống, trong một khoảnh khắc này" (Siêu hình học, cuốn 12, chương 7). Vậy nếu Thiên Chúa là Sự Sống, thì người nam và người nữ, cả hai là hình ảnh của Ngài qua sự thông hiệp, thì họ cũng là hình ảnh của sự sống này. Hơn nữa, Thiên Chúa khi thông truyền Sự Sống qua mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, thì con người cũng được cộng hưởng ân sủng đó: "Một người con sinh ra, do sự kết hợp của lứa đôi, thì người con này sẽ là một hình ảnh và sẽ rất giống Ngài" (GS 9).

Người con sinh ra, là một hoa trái, đồng thời cũng là chứng nhân của sự thông hiệp, cho dù sự thông hiệp này bị sứt mẻ, bị biến thái. Người con vẫn là dấu hiệu bền vững của sự thông hiệp đầu tiên. Vì vậy, người con phải củng cố sự thông hiệp của cha mẹ, và phải cứu vãn sự thông hiệp này. Khi một cuộc hôn nhân rạn nứt, vì không còn tình yêu, thì bậc cha mẹ phải vững tâm trong đời sống chung, vì con cái. Con cái là biểu hiệu của sự hiệp thông, là ấn tích không thể xóa nhòa. Là minh chứng của niềm vui trao ban, là pháo đài sau cùng cho dù tình yêu đã cạn tuyệt. Biết bao các bậc phụ huynh, qua ánh mắt của các con mình, đã tìm được lý do và nghị lực, để sống mãi bên nhau? Con cái sẽ là những người con cứu vãn tình yêu, là lòng thương xót tối hậu cho tình yêu có thể tàn úa.

Chính vì vậy, đức Gioan Phaolô II đã tranh đấu liên lỉ chống lại nền văn minh của sự chết, đang làm băng hoại những xã hội phát triển, tới độ Ngài dám chống lại những âm mưu, những toa rập chống lại sự sống (thông điệp Tin Mừng của Sự Sống, số 17). Vì từ khước con cái cũng là chống lại Thiên Chúa, tác giả của mọi sự sống. Khi đứa trẻ trở thành một gánh nặng, bị giảm trừ thành một giá phải trả, thì khi đó, cha mẹ đã đánh mất ý nghĩa của sự hiệp thông và căn cớ của niềm vui này. Bởi lẽ, niềm vui yêu thương cũng là niềm vui trao ban, và không có trao ban nào lớn hơn là trao ban sự sống. Quảng đại đón nhận sự sống trong các gia đình sẽ là niềm hy vọng của nhân loại, hướng về nguồn mạch của mọi hiệp thông và an vui. Gia đình, trong niềm hy vọng đó, sẽ là sự hiệp thông căn bản của đôi phu phụ, tiếp nối nơi đời con cháu. Khi đó, chúng ta hiểu sự quả quyết của Thánh Giáo Hoàng – Tương lai của nhân loại khởi đầu từ gia đình – và đây không phải là một công thức xuông, nhưng là tiếng kêu của niềm hy vọng.

Tháng 12.1996 Ban Giám Đốc chấp nhận cho Ban Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình tổ chức Khánh Nhật kỷ niệm hôn nhân cho các phụ huynh đã trải qua 10, 15, 20, 25, 30, 40, 50, 60 năm hôn phối vào ngày lễ Thánh Gia hàng năm.