SẮC LỆNH VỀ HOẠT ÐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI
Ad Gentes
Nguồn: https://vntaiwan.catholic.org.tw/
Lời Giới Thiệu
Sắc Lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội có một lịch sử dài. Trong giai đoạn chuẩn bị Công Ðồng đã có 7 bản thảo liên tiếp, nhưng ít được chấp nhận. Vì thế, Ủy Ban Công Ðồng đặc trách vấn đề truyền giáo đã soạn thảo một lược đồ mới với nội dung rộng rãi và rõ ràng hơn. Ðiều đáng tiếc là tháng 5-1964, một Ủy Ban phối hợp đã đơn giản lược đồ đó vào 13 vấn đề tuy chính yếu nhưng không mấy phong phú. Ðến ngày 6-11-1964 Công Ðồng khởi sự thảo luận, và một sự kiện lạ thường xảy ra: để biểu lộ mối quan tâm đặc biệt đến một vấn đ9ề quan trọng như vậy, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đích thân giới thiệu vấn đề tranh luận qua một huấn từ ngắn. Ngài nói: "Khi quyết định chủ tọa ít là một buổi họp khoáng đại của quý chư huynh, ngày hôm nay Ta muốn hiện diện lúc quý chư huynh đang quan tâm đến lược đồ về việc truyền giáo. Sở dĩ Ta quyết định như vậy, là vì tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề hôm nay đang chi phối tâm trí của quý chư huynh". Sau khi thảo luận 13 vấn đề, người ta thấy rằng lược đồ rất ít được quảng diễn. Cuộc bỏ phiếu ngày 9-11-1964 quyết định là Ủy Ban đặc trách các vấn đề truyền giáo phải soạn thảo một lược đồ mới. Dĩ nhiên, Ủy Ban đã thu lượm được tất cả những nhận xét của các Nghị Phụ, nhờ đó, kết quả rất tích cực. Một lược đồ mới ra đời và ai cũng ca tụng: dàn bài rõ ràng và hợp lý, trích dẫn Thánh Kinh, nền tảng thần học vững chắc, giáo lý dồi dào, áp dụng cụ thể, đầy đủ mà không dài dòng chi tiết. Sau một vài tu chỉnh, bản văn cuối cùng đã được nhận ngày 7-12-1965 với 2,394 phiếu thuận, 5 phiếu chống. Ðây là một trong những tỷ số chấp thuận cao nhất cho một văn kiện Công Ðồng. Trước tiên Sắc Lệnh được gọi là "Sắc Lệnh về vấn đề truyền giáo". Tựa đề hiện nay "Về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội" lần đầu tiên được xuất hiện trong lược đồ của 13 vấn đề. Lý do chính yếu của việc thay đổi tựa đề hình như là để nhấn mạnh mối tương quan mật thiết giữa hoạt động và Giáo Hội. Hoạt động truyền giáo là việc thiết yếu của Giáo Hội, nó thuộc về sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới. Vì thế tựa đề không muốn nói rằng: hoạt động truyền giáo là một hoạt động riêng biệt trong Giáo Hội, bên cạnh những hoạt động khác như hoạt động mục vụ, xã hội v.v...
Sự tương quan của Sắc Lệnh này với Hiến Chế tín lý về Giáo Hội được đánh dấu bằng những chữ đầu tiên của hai văn kiện "Ánh Sáng muôn dân" và "đến muôn dân". Hai câu này ám chỉ đến lời tiên tri Isaia (42,6 và 49,6): đầy tớ của Yahvê được sai đến cho thế giới để soi sáng và cứu rỗi muôn dân. Trước tiên, lời tiên tri áp dụng vào Chúa Kitô, sau đó áp dụng vào Giáo Hội vì Giáo Hội tiếp tục công trình của Người. Giáo Hội đang và luôn luôn sẽ là ánh sáng, là nguồn ơn cứu độ cho thế giới vì chính khi truyền giáo, Giáo Hội sẽ chu toàn vai trò chính yếu này. Hiến chế tín lý về Giáo Hội minh định rằng Giáo Hội là ánh sáng muôn dân, là dấu chỉ thánh thiện (là bí tích) nói lên loài người có cùng một nguồn gốc và một ơn cứu rỗi. Thực vậy, theo Hiến Chế, trung tâm và đời sống Giáo Hội là hoạt động truyền giáo. Như thế, hoạt động truyền giáo là bản chất của sứ mạng Giáo Hội. Sắc Lệnh về hoạt động truyền giáo tiếp tục đề tài đó, không phải chỉ lặp lại suông, nhưng đặt nó vào trong một khung cảnh lịch sử và địa lý của thời đại ngày nay.
Muốn thấu triệt ý nghĩa và tầm quan trọng của Sắc Lệnh, phải đặt nó trong ý hướng căn bản của Công Ðồng Vaticanô II. Người ta đã so sánh Vaticanô II và cho rằng Công Ðồng thích hợp với thế giới hiện đại cũng như Công Ðồng Giêrusalem thích hợp với thời xưa (CvSđ 15). Thời đó, Giáo Hội Hội sơ khai cũng sắp dấn bước rao giảng Phúc Âm cho muôn dân và phải đương đầu với vấn đề truyền giáo nghiêm trọng nhất trong lịch sử: phải đặt điều kiện thế nào để lương dân có thể gia nhập Giáo Hội? Ngày nay mọi người đều biết Giáo Hội, nhưng đa số nhân loại chưa được đem về với Chúa Kitô, và lòng trung thành của chính các Kitô hữu cũng chưa được như ý muốn. Công Ðồng Vaticanô II canh tân nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội, cởi mở với thế giới ngày nay và đề nghị một cuộc canh tân theo tinh thần Phúc Âm nhằm phát huy lòng trung thành của Giáo Hội với sứ mạng được Chúa Kitô giao phó đối với thế giới Kitô giáo và lương dân. Chính ý thức sứ mạng cấp bách này làm nền tảng thống nhất các hiến chế, sắc lệnh và tuyên ngôn của Công Ðồng. Do đó, phải đọc sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội trong toàn thể chiều hướng đó.
Sắc Lệnh này khảo luận các vấn đề lý thuyết cũng như thực hành về hoạt động truyền giáo trong thời đại ngày nay. Ðồng thời, Sắc Lệnh cũng có tính cách rất thần học, nghĩa là các chủ đề chính cũng như các vấn đề truyền giáo luôn luôn được đặt trong tương quan với nguồn mạc khải. Những giải quyết và những tiêu chuẩn thực tế đều có nền tảng thần học vững chắc, thường trực tiếp dựa trên những bản văn Thánh Kinh. Mọi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội bắt nguồn từ tình yêu giữa Ba Ngôi và là một hiệu quả, hay có thể nói là sự nối tiếp sứ mạng của các Ngài, là sự hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong thế giới, Ðấng muốn mọi người được cứu rỗi.
Trước hết, Sắc Lệnh phân biệt rõ ràng việc rao giảng Phúc Âm tiên khởi cho các dân tộc chưa được nghe Phúc Âm. Sau đó Sắc Lệnh đề cập đến sự hỗ trợ mà Giáo Hội phổ quát phải đem lại cho các Giáo Hội vừa được khai sinh để những Giáo Hội này được vun trồng một cách đầy đủ và đâm rể sâu trong lòng dân tộc và văn hóa. Tuy nhiên, không có vấn đề truyền giáo trong các xứ đang xa dần Kitô giáo, những xứ mà trước kia đã được rao giảng Phúc Âm nhưng hiên đang trải qua một sự thoái hóa rõ rệt, hay nói cách khác, những xứ đó không còn đáp ứng với lý tưởng Kitô giáo chân chính. Có người đã trách cứ Sắc Lệnh không đề cập đến hoạt động truyền giáo nhằm phục hưng các xứ này. Dĩ nhiên Giáo Hội cũng có sứ mạng đó. Nhưng đây không phải là sứ mạng "đến với muôn dân" theo ý nghĩa Thánh Kinh. Sắc Lệnh đã có lý khi tự hạn chế vào các việc truyền giáo theo nghĩa thông thường. Việc phục hưng Kitô giáo được thảo luận trong những văn kiện khác dưới nhiều khía cạnh khác nhau, ví dụ như Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.
Bố cục của Sắc Lệnh dễ nhận thấy; đây là các phần chính:
- Phần mở đầu (số 1).
- Sáu Chương:
1. Những nguyên tắc giáo thuyết (số 2-9).
2. Chính công việc truyền giáo (số 10-18).
3. Các Giáo Hội địa phương (số 19-22).
4. Các nhà truyền giáo (số 23-27).
5. Tổ chức hoạt động truyền giáo (số 28-34).
6. Sự cộng tác (số 35-41).
- Kết luận (số 42).
Lời Mở Ðầu
1. Ðược Thiên Chúa sai đến muôn dân
để nên "bí tích cứu độ phổ quát" 1, Giáo Hội, vì những đòi hỏi căn bản của công giáo tính và vì mệnh lệnh của Ðấng Sáng Lập 2, 1* nhất quyết loan báo Phúc Âm cho hết mọi người. Thực vậy, chính các Tông Ðồ, nền tảng của Giáo Hội, đã theo chân Chúa Kitô, "rao giảng lời chân lý và khai sinh các giáo đoàn" 3. Do đó, những người kế vị các Tông Ðồ có nhiệm vụ tiếp tục công việc này, để "lời Chúa được lan tràn và sáng tỏ" (2 Th 3,1), nước Chúa được công bố và thiết lập khắp trần gian.
Nhưng tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh 2* mới, vì thế Giáo Hội, là muối đất và ánh sáng trần gian 4, càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài, hầu mọi sự được tái lập trong Chúa Kitô, và nơi Ngài mọi người họp thành một gia đình và một Dân Chúa duy nhất.
Bởi vậy 3*, trong niềm cảm tạ Thiên Chúa vì những kỳ công mà toàn thể Giáo Hội đã nhiệt tâm thực hiện, Thánh Công Ðồng này ao ước vạch ra những nguyên tắc hoạt động truyền giáo và tập trung năng lực mọi tín hữu lại, để Dân Chúa, khi dấn thân bước trên đường chật hẹp của thập giá, mở rộng nước Chúa Kitô, là Chúa và là Ðấng thấu suốt muôn đời 5 đồng thời dọn đường chờ Người đến.
Chương I: Những Nguyên Tắc Giáo Thuyết 4*
2. Ý định của Chúa Cha.
Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha 6. 5*
Ý định này tuôn trào từ "suối tình yêu" cũng là lòng thương của Thiên Chúa Cha, vì chính Ngài là Nguyên lý vô Nguyên lý, bởi Ngài Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi Ngài và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần. Vì quá nhân từ thương xót, Người đã tự ý dựng nên chúng ta, và lại nhưng không mời gọi chúng ta tham dự vào sự sống và vinh hiển với Ngài; Ngài còn rộng rãi đổ tràn lòng nhân từ xuống cho chúng ta và còn đổ mãi không ngừng đến nỗi Ngài là Ðấng tác tạo muôn loài lại trở nên "mọi sự trong mọi người" (1Cor 15,28), để đồng thời làm vinh danh Ngài và mưu cầu hạnh phúc cho chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa muốn mời gọi mọi người tham dự vào sự sống của Ngài, không những chỉ từng cá nhân không liên lạc gì với nhau, mà Ngài còn liên kết họ thành một dân duy nhất, trong đó đoàn tụ mọi con cái đã tản mác khắp nơi 7.
3. Sứ mệnh của Chúa Con.
Ý định của Thiên Chúa nhằm cứu rỗi toàn thể nhân loại không phải chỉ được thực hiện một cách có thể nói là kín đáo trong tâm trí con người, hoặc bằng những kế hoạch, ngay cả kế hoạch tôn giáo, để nhờ đó con người tìm kiếm Thiên Chúa bằng nhiều cách, "hầu may ra sẽ đến gần Ngài hoặc gặp được Ngài, mặc dù Ngài không ở xa mỗi người chúng ta" (CvTđ 17,27); những kế hoạch đó cần phải được soi dẫn và tu bổ, tuy đôi khi, nhờ ý định nhân lành của Chúa Quan Phòng, có thể được coi như những con đường hướng về Thiên Chúa chân thật hoặc chuẩn bị Phúc Âm 8. 6* Nhưng để củng cố hòa bình hay là mối hiệp thông cùng Thiên Chúa, và để xây dựng một xã hội huynh đệ giữa con người, con người tội lỗi, Ngài đã quyết định đi vào lịch sử loài người một cách mới mẻ và dứt khoát bằng cách sai Chúa Con mặc lấy xác phàm chúng ta, để nhờ Chúa Con, Ngài giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm và Satan 9 và để trong Chúa Con Ngài hòa giải trần gian với chính Ngài 10. Thật vậy, nhờ Chúa Con mà Ngài đã sáng tạo vũ trụ 11 thì Ngài cũng đặt Chúa Con thừa hưởng vũ trụ, để trong Chúa Con mọi sự được tái lập 12.
Bởi vậy, Chúa Giêsu Kitô được sai xuống thế trần làm trung gian đích thực giữa Thiên Chúa và nhân loại. Vì Người là Thiên Chúa, nên "ở trong Người, ngay trong thân xác Người, có tất cả sự sung mãn về thiên tính" (Col 2,9). Còn theo nhân tính, Người là Adam mới 7* được đặt làm đầu nhân loại đã đổi mới: "Người đầy ân sủng và chân lý" (Gio 1,14). Do đó, bằng đường lối nhập thể đích thực, Con Thiên Chúa đã đến để làm cho loài người thông phần vào bản tính Thiên Chúa; dù giàu sang, Người đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta, để nhờ sự thiếu thốn đó mà chúng ta được sang giầu 13. Con Người không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống chuộc tội thay cho nhiều người, nghĩa là mọi người 14. Các Thánh Phụ 8* luôn quả quyết rằng sự gì không được Chúa Kitô nhận lấy thì không được cứu thoát 15. Thật vậy, Chúa Kitô đã nhận lấy trọn vẹn nhân tính chúng ta, là những kẻ khốn khổ và nghèo hèn, ngoại trừ tội lỗi 16. Chúa Kitô, "Ðấng được Chúa Cha thánh hóa và sai xuống trần gian" (x. Gio 19,36) đã nói về chính mình rằng: "Thần Linh Chúa ở trên ta, nên Ngài đã xức dầu cho Ta, sai Ta rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, an ủi kẻ khổ tâm, loan báo sự giải thoát cho kẻ tù đầy và đem sự sáng mắt cho kẻ đui mù" (Lc 4,18); Người còn nói: "Con Người đến tìm kiếm và cứu vớt điều gì bị hư đi" (Lc 19,10).
Những gì Chúa đã một lần rao giảng hay đã hoàn tất trong Người cho phần rỗi nhân loại, phải được công bố và truyền bá tới tận cùng trái đất 17, bắt đầu từ Giêrusalem 18: như thế những gì đã một lần thực hiện cho phần rỗi mọi người, sẽ có hiệu lực qua suốt dòng thời gian, cho hết mọi người.
4. Sứ mệnh của Chúa Thánh Thần.
Ðể hoàn thành việc đó, Chúa Kitô đã sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha đến để Ngài thực hiện công trình cứu chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Giáo Hội bành trướng thêm mãi. Dĩ nhiên là Chúa Thánh Thần đã hành động nơi trần gian trước khi Chúa Kitô được vinh hiển 19, nhưng trong ngày Hiện Xuống, Ngài đã ngự xuống trên các Tông Ðồ để ở lại với họ muôn đời 20: Giáo Hội công khai ra mắt dân chúng, Phúc Âm bắt đầu được phổ biến giữa muôn dân nhờ lời giảng dạy, và sau hết tiên báo sự hợp nhất các dân tộc trong tính cách công giáo của đức tin, nhờ Giáo Hội Tân Ước 9* nói mọi thứ tiếng, thấu hiểu và bao gồm mọi ngôn ngữ trong tình bác ái, và như thế đã thắng vượt sự phân tán do tháp Babel 21. 10*Thực vậy "công vụ Tông đồ" bắt đầu từ ngày Hiện Xuống, như khi Chúa Thánh Thần đến ngự trên Trinh Nữ Maria thì Chúa Kitô được thụ thai, và như khi Chúa Thánh Thần ngự trên Chúa Kitô lúc Người cầu nguyện thì Người được thúc đẩy bắt đầu thi hành chức vụ 22. Chính Chúa Giêsu trước khi hiến mạng sống mình cho thế gian một cách tự do, đã xếp đặt chức vụ Tông Ðồ và hứa sai Chúa Thánh Thần đến hầu chức vụ và việc sai ban Chúa Thánh Thần liên kết với nhau, để công trình cứu chuộc luôn luôn đem lại kết quả khắp nơi 23. Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần "hợp nhất toàn thể Giáo Hội trong mối hiệp thông và thừa hành, ban phát các ơn phẩm trật và đặc sủng 11* khác nhau" 24, như là linh hồn làm sống động những Tổ Chức trong Giáo Hội 25 và đổ dần vào lòng các tín hữu cũng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính Chúa Kitô. Ðôi khi Chúa Thánh Thần lại chuẩn bị một cách hữu hình cho hành động truyền giáo 26, cũng như không ngừng dùng những phương thế khác nhau để theo sát và hướng dẫn vậy 27.
5. Sứ mệnh của Giáo Hội.
Ngay từ đầu, Chúa Giêsu "đã gọi đến với Người những kẻ chính Người muốn và đặt ra mười hai người để họ ở cùng Người rồi sai họ đi rao giảng" (Mc 3,13) 28. Như thế, các Tông Ðồ là mầm mống của Israel mới, đồng thời cũng là nguồn gốc của hàng Giáo Phẩm. Sau đó, khi Chúa Giêsu, bằng cái chết và sự sống lại, đã một lần hoàn tất nơi Người những mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta và canh tân vũ trụ, Người đã chiếm hữu toàn quyền trên trời dưới đất 29 và trước khi về trời 30, đã thiết lập Giáo Hội Người làm bí tích cứu độ, và sai các Tông Ðồ đi khắp thế gian như chính Người đã được Chúa Cha sai 31, khi Người truyền: "Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân: rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con" (Mt 28,19-20). "Hãy đi khắp trần gian rao giảng Phúc Âm cho hết mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu rỗi: còn ai không tin sẽ bị luận phạt" (Mc 16,15). Do đó, Giáo Hội có bổn phận truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi của Chúa Kitô, phần thì do mệnh lệnh rõ ràng mà các Tông Ðồ đã truyền lại cho hàng Giám Mục 12* với sự tham dự của các linh mục, hợp nhất với Ðấng kế vị Phêrô cũng là Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội, phần thì do đời sống mà Chúa Kitô thông ban cho các chi thể, "nhờ Người, toàn thân được khăng khít và liên kết với nhau bằng mọi mối khớp cung dưỡng, tùy theo mức độ hoạt động của mỗi chi thể, làm cho thân thể triển nở mà tự kiến tạo trong đức ái" (Eph 4,16). Vì thế, sứ mệnh của Giáo Hội được hoàn tất do việc Giáo Hội vâng lệnh Chúa Kitô, được ân sủng và tình thương Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã trở nên hoàn toàn thực sự có mặt nơi mọi người hay mọi dân tộc, để nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, các Bí Tích và những phương tiện ân sủng khác, Giáo Hội sẽ dẫn họ đến đức tin, tự do và hòa bình của Chúa Kitô: nhờ đó họ thấy con đường tự do và vững chắc giúp họ tham dự trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô.
Vì sứ mệnh này tiếp diễn, và qua dòng lịch sử làm sáng tỏ sứ mệnh của chính Chúa Kitô, Ðấng đã được sai đến rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, nên Giáo Hội được Thánh Thần Chúa Kitô thúc đẩy, cũng phải tiến bước trên chính con đường mà Chúa Kitô đã đi, là nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân cho đến chết, để rồi toàn thắng nhơ sự sống lại 13* của Người. Chính các Tông Ðồ trong niềm hy vọng cũng đã bước đi trên đường lối đó, đã chịu nhiều nghịch cảnh và đau khổ để hoàn tất những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn Chúa Kitô đã chịu vì thân thể Người là Giáo Hội 32. Nhiều khi máu các Kitô hữu còn là hạt giống nữa 33.
6. Hoạt động truyền giáo.
Hàng Giám Mục, mà đứng đầu là Ðấng Kế Vị Phêrô, phải chu toàn chức vụ đó, nhờ vào lời cầu nguyện và cộng tác của toàn thể Giáo Hội bất cứ ở đâu và bất cứ trong hoàn cảnh nào, chức vụ đó vẫn chỉ là một chức vụ duy nhất, dầu hoàn cảnh không cho phép thi hành một cách như nhau. Vì thế, sự khác biệt phải nhận là có trong hoạt động của Giáo Hội nhưng không phát sinh từ bản tính sâu xa của chính sứ mệnh, mà từ những hoàn cảnh mà sứ mệnh này được thực thi.
Những hoàn cảnh đó hoặc tùy thuộc vào Giáo Hội, hoặc cũng tùy thuộc vào các dân tộc, các nhóm người, hay những ai mà sứ mệnh nhắm tới. Thực vậy, dù do bản tính Giáo Hội nắm giữ toàn thể, nghĩa là đầy đủ mọi phương tiện cứu rỗi, nhưng Giáo Hội không hành động, cũng không thể hành động luôn luôn và tức khắc theo mọi phương tiện đó, mà phải dò dẫm những bước đầu, rồi tùy theo các giai đoạn mà hành động, để cố gắng thực hiện hữu hiệu ý định của Thiên Chúa. Hơn nữa, đôi lúc sau khi có những tiến bộ may mắn ban đầu, Giáo Hội lại phải đau đớn lùi bước, hay ít ra dừng lại trong một trạng thái lưng chừng và thiếu sót. Ðối với con người, đoàn thể hay dân tộc, Giáo Hội chỉ tiếp xúc và thấm nhập dần dần, và như vậy nhận họ vào hưởng sự sung mãn công giáo. Những hành động riêng tư hay những khí cụ thích nghi phải tương xứng với từng hoàn cảnh hay từng trạng thái.
Ðược gọi chung là "việc truyền giáo" tất cả những công cuộc đặc biệt giúp đỡ các nhà rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội 14* đang đi khắp thế gian để thực hiện chức vụ rao giảng Phúc Âm, và "trồng" Giáo Hội vào các dân tộc, cũng như những nhóm người chưa tin Chúa Kitô; những công cuộc này được hoàn thành nhờ hoạt động truyền giáo, và phần nhiều được thực hiện trong những địa hạt nhất định mà Tòa Thánh đã công nhận. Mục đích riêng của hoạt động truyền giáo này là rao giảng Phúc Âm và trồng Giáo Hội vào các dân tộc hay những nhóm người mà Giáo Hội còn chưa bén rễ 34. Như thế, do hạt giống lời Chúa, các Giáo Ðoàn địa phương một khi đã được thiết lập đầy đủ khắp nơi trên thế giới, phải lớn lên, và, một khi thực sự tự mình có đủ sức sống và trưởng thành, nghĩa là đã được thiết lập Hàng Giáo Phẩm riêng, phải hiệp nhất với dân trung thành; đồng thời có những phương tiện hầu như tương ứng để sống đầy đủ đời sống Kitô giáo, các Giáo Ðoàn đó phải góp phần vào lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Phương tiện chính để gieo trồng các Giáo Ðoàn này là việc rao giảng Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô; chính vì vậy mà Chúa đã sai các môn đệ đi khắp thế gian rao giảng Phúc Âm, để sau khi con người đã được tái sinh do lời Thiên Chúa 35 sẽ nhờ phép Rửa mà gia nhập Giáo Hội, một Giáo Hội, với tư cách là thân xác của Ngôi Lời nhập thể, được nuôi dưỡng và sống động bằng lời Chúa và bánh thánh thể 36.
Trong hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, có nhiều thời cảnh đôi khi lẫn lộn với nhau: trước hết là thời khởi công hay gieo trồng, sau đó là thời mới mẻ trẻ trung. Tuy nhiên, khi trải qua các thời cảnh đó rồi, hoạt động truyền giáo của Giáo Hội vẫn không ngừng trệ: các Giáo Ðoàn địa phương đã được thiết lập có nhiệm vụ tiếp tục hoạt động truyền giáo và rao giảng Phúc Âm cho từng người còn ở ngoài 15* Giáo Hội.
Ngoài ra, những nhóm người mà Giáo Hội đang chung sống, thường bị thay đổi tận gốc vì nhiều lý do khác nhau, đến nỗi có thể xuất hiện những hoàn cảnh hoàn toàn mới mẻ. Khi ấy Giáo Hội phải cân nhắc xem những hoàn cảnh đó có còn đòi phải hoạt động truyền giáo nữa không? Ngoài ra đôi khi có những hoàn cảnh làm cho trong một thời gian không thể trực tiếp thi hành ngay sứ mệnh rao giảng Phúc Âm: lúc đó, các nhà truyền giáo có thể và phải làm chứng về Chúa Kitô trong nhẫn nhục, khôn ngoan, đồng thời trong tin tưởng vững vàng, ít nữa là làm chứng bằng bác ái và lòng từ thiện; như thế là dọn đường cho Chúa và làm cho Ngài hiện diện một cách nào đó.
Như thế, rõ ràng là hoạt động truyền giáo bắt nguồn sâu xa từ chính bản tính của Giáo Hội. Nó truyền bá đức tin cứu rỗi của Giáo Hội, hoàn tất sự hiệp nhất công giáo của Giáo Hội bằng cách làm bành trướng sự hiệp nhất này, nó dựa vào tính cách tông truyền của Giáo Hội, nó thể hiện ý nghĩa cộng đoàn của hàng Giáo Phẩm, nó làm chứng, truyền bá và thúc đẩy sự thánh thiện của Giáo Hội. Như thế, hoạt động truyền giáo giữa muôn dân khác với việc thi hành hoạt động mục vụ giúp các tín hữu và với những công cuộc nhằm tái lập sự hiệp nhất Kitô hữu. Tuy nhiên, cả hai việc này đều liên kết rất chặt chẽ với nhiệt tâm truyền giáo của Giáo Hội 37: thực vậy, sự chia rẽ giữa các Kitô hữu gây tai hại cho công việc rất thánh thiện là rao giảng Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo 38, và còn khép kín con đường đưa tới đức tin đối với nhiều người. Do đó, vì sứ mệnh truyền giáo đòi hỏi, tất cả những ai đã chịu phép Rửa Tội đều được kêu gọi quy tụ vào một đoàn duy nhất, và như thế họ có thể đồng lòng làm chứng về Chúa Kitô, Chúa của họ, trước mặt muôn dân. Nếu họ chưa có thể làm chứng đầy đủ về một đức tin duy nhất, thì ít ra họ phải sống trong niềm quí trọng và yêu mến nhau.
7. Lý do và sự cần thiết của hoạt động truyền giáo.
Lý do hoạt động truyền giáo này bắt nguồn từ ý muốn của Thiên Chúa, Ðấng "muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. Thực vậy chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, là con người Giêsu Kitô, Ðấng đã tự hiến để cứu chuộc mọi người" (1Tm 2,4-6), "và sự cứu rỗi không ở trong một người nào khác" (CvTđ 4,12). Vậy mọi người, nhờ lời giảng dạy của Giáo Hội mà nhận biết Người, phải trở lại với Người và chịu phép Rửa để sáp nhập vào chính Người và vào Giáo Hội, Thân Thể Người. Thực vậy, chính Chúa Kitô "đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và của phép Thánh Tẩy 39, đồng thời, Người đã xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước vào qua cửa phép Thánh Tẩy. Vì thế, những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo, được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội thì không thể được cứu rỗi" 40. Cho nên, dù Thiên Chúa có thể dùng những đường lối Ngài biết để đưa những kẻ không vì lỗi mình mà chưa biết Phúc Âm đến với đức tin, vì không có đức tin thì không thể làm vui lòng Ngài 41, nhưng Giáo Hội có bổn phận và đồng thời có thánh quyền rao giảng Phúc Âm 42; do đó, ngày nay và luôn mãi, hoạt động truyền giáo 16* vẫn còn giữ vẹn hiệu lực và cần thiết.
Nhờ hoạt động truyền giáo, Nhiệm Thể Chúa Kitô không ngừng qui tụ và phối hợp các năng lực vào việc phát triển chính mình 43. Ðể theo đuổi hoạt động truyền giáo, các chi thể của Giáo Hội phải được bác ái thúc đẩy vì nhờ đó họ yêu mến Thiên Chúa và ước ao san sẻ cho mọi người các ân huệ thiêng liêng đời này và đời sau.
Sau cùng, nhờ hoạt động truyền giáo này, Thiên Chúa được hoàn toàn tôn vinh, một khi con người ý thức chấp nhận hoàn toàn công trình cứu chuộc mà Ngài đã hoàn thành trong Chúa Kitô. Do đó, nhờ hoạt động truyền giáo, ý định của Thiên Chúa được hoàn tất: Chúa Kitô đã vâng lời và yêu mến Chúa Cha để làm tôn vinh danh Chúa Cha, Ðấng đã sai Người 44, hầu toàn thể nhân loại hợp thành một Dân Chúa duy nhất, kết thành một thân thể duy nhất của Chúa Kitô, xây dựng thành một đền thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần: điều đó nói lên sự đồng tâm huynh đệ, nên chắc chắn sẽ đáp ứng nguyện vọng sâu xa của hết mọi người. Chính vì thế mà sau cùng sẽ thực sự hoàn tất ý định của Ðấng Tạo Hóa, Ðấng đã dựng nên con người theo hình ảnh mình và giống như mình, khi mà tất cả những ai tham dự bản tính nhân loại, một khi đã được tái sinh trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần và cùng nhau chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa, sẽ có thể nói: "lạy Cha chúng tôi" 45.
8. Hoạt động truyền giáo trong đời sống và trong lịch sử của nhân loại.
Hoạt động truyền giáo cũng liên kết chặt chẽ với chính bản tính nhân loại và những ước vọng của nhân loại. Thực vậy, khi biểu dương Chúa Kitô, chính là Giáo Hội mạc khải cho con người biết chân lý đích thực về hoàn cảnh và ơn gọi toàn diện của họ, vì Chúa Kitô là nguyên lý và mẫu mực của nhân loại đổi mới, một nhân loại thấm nhuần tình thương huynh đệ, sự thành thật và tinh thần hòa bình mà mọi người đều ước nguyện. Chúa Kitô và Giáo Hội, một Giáo Hội làm chứng về chính Chúa Kitô qua lời rao giảng Phúc Âm, vượt trên mọi dị biệt về nòi giống và dân tộc; như thế, Chúa Kitô và Giáo Hội không có thể bị coi là xa lạ với bất cứ ai hay bất cứ nơi nào 46. Chính Chúa Kitô là sự thật và là đường lối mà việc rao giảng Phúc Âm đã bày tỏ cho mọi người khi vọng đến tai họ những lời của chính Chúa Kitô: "Hãy hối cải và tin vào Phúc Âm" (Lc 1,15). Vì kẻ nào không tin thì đã bị luận phạt rồi 47, nên lời Chúa Kitô vừa là lời luận phạt vừa là lời ân sủng, vừa đem lại sự chết vừa thông ban sự sống. Thực vậy, chỉ có cách hủy diệt cái cũ, chúng ta mới có thể tiến đến một đời sống mới: điều đó tuy trước tiên áp dụng cho con người, nhưng cũng có giá trị cho những của cải khác ở thế gian này; những của cải đó đã bị tội lỗi loài người ghi dấu và đồng thời cũng được Thiên Chúa chúc lành: "vì chưng mọi người đã phạm tội và đã làm mất vinh quang Thiên Chúa" (Rm 3,23). Tự mình và do sức riêng mình, không ai được giải thoát khỏi tội lỗi và thắng vượt chính mình, cũng không ai hoàn toàn thoát ly được yếu đuối, cô đơn hay nô lệ 48, nhưng mọi người đều cần Chúa Kitô làm gương mẫu, làm Thầy dạy, là Ðấng giải thoát, Ðấng cứu độ và Ðấng ban sự sống. Thực ra, trong lịch sử loài người dù là về phương diện trần thế, Phúc Âm đã là men tự do và tiến bộ, lại luôn chứng tỏ là men huynh đệ, hiệp nhất và hòa bình. Vậy không phải là vô lý khi các tín hữu sùng kính Chúa Kitô như là "Ðấng muôn dân trông đợi và là Ðấng cứu chuộc muôn dân" 49.
9. Tính cách cánh chung của hoạt động truyền giáo.
Vì thế, thời gian hoạt động truyền giáo là thời gian ở giữa hai lần Chúa đến; và khi Chúa đến lần thứ hai 17*, Giáo Hội ví như mùa gặt được thu góp vào Nước Chúa từ bốn phương trời 50. Thực vậy, trước khi Chúa đến, Phúc Âm phải được rao giảng cho mọi dân tộc 51.
Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là biểu lộ hoặc bày tỏ ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần thế và trong lịch sử thế trần, chính trong lịch sử này mà Thiên Chúa hoàn thành lịch sử cứu rỗi một cách rõ rệt nhờ việc truyền giáo. Nhờ lời rao giảng và việc cử hành các bí tích, mà trung tâm và tuyệt đỉnh là phép Thánh Thể, hoạt động truyền giáo làm cho Chúa Kitô, Ðấng tác thành công trình cứu rỗi được hiện diện. Tất cả những gì là chân lý và ân sủng đã được tìm thấy nơi các dân tộc như một sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa sẽ được hoạt động truyền giáo giải thoát cho khỏi bị nhiễm độc, và hoàn lại cho Chúa Kitô là Ðấng tác thành chúng, Ðấng đã lật đổ nước ma quỷ và chận đứng sự dữ muôn hình của tội lỗi. Bởi vậy, bất cứ điều gì tốt đẹp được nhận biết là đã được gieo vãi trong tâm trí con người, hay trong những lễ chế và văn minh riêng của các dân tộc, sẽ không bị hủy diệt, mà còn được thanh tẩy, thăng tiến và hoàn tất, để Chúa được tôn vinh, ma quỷ bị xấu hổ và con người được hạnh phúc 52. Vì thế, hoạt động truyền giáo hướng về sự viên mãn cánh chung 53: nhờ hoạt động truyền giáo này, Dân Chúa được phát triển tới mức độ và thời gian mà Chúa Cha đã ấn định do quyền riêng của Ngài 54 như lời tiên tri nói với Dân này rằng: "Hãy mở rộng nơi con cắm trại, hãy căng rộng lều vải của con, đừng ngần ngại" (Is 54,2) 55. Cũng nhờ hoạt động truyền giáo, Nhiệm Thể được triển nở đến thời hạn viên mãn của Chúa Kitô 56, và đền thờ thiêng liêng, nơi Thiên Chúa được thờ lạy trong tinh thần và chân lý 57, sẽ lớn lên và được xây dựng "trên nền móng là các Tông đồ và các Tiên tri mà chính Chúa Giêsu Kitô là viên đá góc" (Eph 2,20).
Chương II: Chính Công Việc Truyền Giáo
10. Nhập đề.
Giáo Hội được Chúa Kitô sai đi trình bày và thông ban tình yêu Thiên Chúa cho hết mọi người và mọi dân tộc, nhận thức rằng mình còn phải thực hiện công việc truyền giáo bao la 18*. Thực vậy, hai tỷ người, mà con số càng ngày càng tăng, tụ họp thành những nhóm lớn lao và nhất định, do những mối liên lạc bền vững của đời sống văn hóa, những truyền thống cổ xưa của tôn giáo, những mối liên quan chặt chẽ của tình giao tế xã hội; số người này còn chưa nghe biết, hoặc chỉ mới nghe sơ qua về sứ điệp Phúc Âm; trong số đó có người đang theo một trong các tôn giáo lơn, có người còn xa lạ với ý niệm về chính Thiên Chúa, lại có người ra mặt phủ nhận và đôi khi còn ra mặt đả kích sự hiện hữu của Thiên Chúa nữa. Ðể có thể trình bày cho mọi người mầu nhiệm cứu rỗi và sự sống mà Chúa đã thông ban, Giáo Hội phải thấm nhập vào tất cả những nhóm người đó theo cùng một chiều hướng như chính Chúa Kitô, Ðấng đã nhờ việc nhập thể mà liên kết mình với những hoàn cảnh nhất định về xã hội và văn hóa của những người mà Chúa cùng chung sống.
I. Chứng Tá Của Kitô Hữu
11. Chứng tá bằng đời sống và việc đối thoại.
Giáo Hội phải hiện diện trong các nhóm người đó nhờ con cái mình là những người cùng sống chung với họ hay là được sai đến với họ 19*. Thật vậy mọi Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và chứng tá lời nói để biểu dương con người mới mà họ đã mặc lấy nhờ phép Rửa, và biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà họ đã được củng cố nhờ phép Thêm Sức, để những người khác nhìn thấy những việc lành của họ mà ngợi khen Chúa Cha 1, cùng nhận thức đầy đủ hơn ý nghĩa đích thực của đời sống con người và mối dây liên kết toàn thể cộng đồng nhân loại.
Ðể có thể làm chứng về Chúa Kitô một cách hữu hiệu, chính các Kitô hữu phải lấy lòng kính trọng và tình bác ái mà liên kết với những người ấy, phải biết mình là thành phần của nhóm người mình chung sống, và tham gia đời sống văn hóa, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động khác nhau trong đời sống nhân loại, lại phải làm quen với những truyền thống dân tộc và tôn giáo của những người ấy; phải lấy làm sung sướng và kính cẩn mà khám phá ra những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong họ. Ðồng thời, các Kitô hữu phải chú ý đến sự biến đổi sâu xa nơi các dân tộc, và phải nỗ lực làm cho những người thời nay còn quá chú tâm đến khoa học và kỹ thuật của thế giới hiện đại đừng bỏ quên những việc linh thiêng, mà trái lại còn nhờ đó mà khao khát mãnh liệt hơn chân lý và tình thương Chúa đã mạc khải. Như chính Chúa Kitô đã dò xét tâm hồn con người và đối thoại với họ đúng theo kiểu loài người để dẫn đưa họ đến ánh sáng thần linh, thì các môn đệ của Người đã thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết người họ chung sống, và phải đàm thoại với họ, để nhờ chính việc đối thoại chân thành và nhẫn nại đó, các môn đệ học biết những ân huệ phong phú mà Thiên Chúa đã rộng ban cho các dân tộc; đồng thời các môn đệ phải cố gắng đem ánh sáng Phúc Âm chiếu soi những ân huệ đó, giải thoát chúng và đem chúng về quy phục Chúa Cứu Thế.
12. Sự hiện diện của đức ái.
Sự hiện diện của các Kitô hữu giữa các nhóm người phải được sống động bằng chính tình bác ái mà Thiên Chúa đã yêu chúng ta và muốn chúng ta cũng thương yêu nhau bằng tình bác ái đó 2. Bác ái Kitô giáo thực sự lan tràn tới mọi người không phân biệt chủng tộc, hoàn cảnh xã hội hay tôn giáo; bác ái không cầu mong một lợi ích hay một tri ân nào. Như Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu vô vị lợi, thì các tín hữu cũng phải lấy tình bác ái mà lo lắng cho con người, bằng cách yêu mến họ với cùng một ý hướng như khi Chúa tìm kiếm con người. Do đó, như Chúa Kitô đã trải qua khắp các thị thành và làng mạc, chữa lành mọi kẻ tật nguyền, bệnh hoạn, làm dấu chỉ Nước Chúa đã đến 3, thì Giáo Hội cũng nhờ con cái mình mà liên kết với mọi người thuộc mọi hoàn cảnh, nhất là với những người nghèo hèn đau khổ, và tình nguyện hy sinh cho họ 4. Thực vậy, Giáo Hội chia vui xẻ buồn với họ, nhận biết những ước vọng và những vấn đề nhân sinh của họ, cùng chịu khổ với họ trong những lo âu về sự chết. Còn đối với những ai tìm kiếm hòa bình, Giáo Hội ao ước đáp ứng trong đối thoại huynh đệ, bằng cách mang lại cho họ hòa bình và ánh sáng phát xuất tự Phúc Âm.
Các Kitô hữu phải hoạt động và cộng tác với mọi người khác để tổ chức đứng đắn những công việc kinh tế xã hội. Họ phải quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục các thiếu nhi và thanh thiếu niên bằng các loại trường học khác nhau: các trường này không những phải được coi như phương tiện tuyệt hảo để huấn luyện và nâng cao giới trẻ Kitô hữu, mà đồng thời còn là một công cuộc phục vụ nhân loại hết sức giá trị - nhất là đối với các quốc gia đang phát triển - để nâng cao nhân phẩm và chuẩn bị những hoàn cảnh hợp nhân bản hơn. Ngoài ra, họ còn phải tham gia vào nỗ lực của các dân tộc đang cố gắng tạo ra những hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn, và củng cố hòa bình thế giới, bằng cách khuất phục đói khát, dốt nát và bệnh tật. Trong việc này giáo hữu phải khao khát cộng tác một cách khôn ngoan với những công cuộc đã được tổ chức tư cũng như công phát động, hoặc đã được các chính phủ, các cơ quan quốc tế, các cộng đoàn Kitô giáo khác nhau, hay các tôn giáo ngoài Kitô giáo khởi xướng.
Tuy nhiên, Giáo Hội không hề muốn pha mình vào việc cai trị xã hội trần gian. Giáo Hội không đòi cho mình một quyền hành nào khác ngoài quyền phục vụ nhân loại - với ơn Chúa giúp - trong tình bác ái và trung thành phụng sự 5.
Trong đời sống và hoạt động của mình, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ liên kết chặt chẽ với nhân loại, hy vọng sẽ mang lại cho nhân loại một chứng tá đích thực về Chúa Kitô, và sẽ hoạt động cho phần rỗi của nhân loại, dù ở nơi mà họ không thể rao giảng về Chúa Kitô một cách đầy đủ. Thật vậy các môn đệ ấy không tìm tiến bộ và thịnh vượng thuần vật chất cho con người nhưng là nâng cao nhân phẩm và sự hiệp nhất huynh đệ, bằng cách dạy những chân lý tôn giáo và luân lý mà Chúa Kitô đã soi sáng bằng ánh sáng của Người, và như thế, dần dần họ mở rộng con đường hoàn hảo hơn dẫn về Thiên Chúa. Như vậy con người được trợ giúp để đạt tới phần rỗi, nhờ yêu mến Thiên Chúa và cận nhân; và như vậy, bắt đầu tỏa sáng mầu nhiệm Chúa Kitô, trong Người xuất hiện con người mới đã tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa 6, và trong Người tình thương của Thiên Chúa 20* được biểu lộ.
II. Rao Giảng Phúc Âm Và Quy Tụ Dân Chúa
13. Rao giảng Phúc Âm và việc trở lại đạo.
Bất cứ nơi nào Thiên Chúa mở rộng cửa cho việc rao giảng mầu nhiệm Chúa Kitô 7 thì người ta phải tin tưởng và bền chí 8 loan báo 9 cho hết mọi người 10 biết Thiên Chúa hằng sống và biết Ðấng Thiên Chúa sai đến cứu chuộc mọi người là Chúa Kitô 11 để những người ngoài Kitô giáo được Chúa Thánh Thần mở lòng 12 tin vào Chúa mà tự do trở lại cùng Người, và trung thành gắn bó với Người; vì Người là "đường, là sự thật và là sự sống" (Gio 14,6), nên Người cho họ thỏa mãn mọi nguyện vọng thiêng liêng và còn ban cho dư đầy vô tận.
Dĩ nhiên phải hiểu việc trở lại đó mới chỉ là bước đầu, nhưng để con người nhận thức rằng, một khi đã từ bỏ tội lỗi, con người sẽ được dẫn vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, Ðấng gọi họ giao kết chính bản thân họ với Ngài trong Chúa Kitô. Thật vậy, nhờ ơn Chúa tác động, các tân tòng quyết khởi sự cuộc hành trình thiêng liêng: nhờ đó, khi đã lấy đức tin mà thông công mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại, họ từ người cũ đổi thành người mới, con người được nên hoàn hảo trong Chúa Kitô 13. Sự biến đổi này đồng thời cũng làm cho tâm trạng và phẩm hạnh con người dần dần thay đổi, nên đây phải là một cuộc biến đổi rõ ràng, với những hậu quả của nó trong phạm vi xã hội và phải tiến triển dần dần trong thời gian dự tòng. Con người tân tòng thường gặp phải những nứt rạn và phân cách, vì Chúa họ tin là dấu chỉ của sự chống đối 14, nhưng họ cũng nếm được những vui mừng vô tận của Chúa ban cho 15.
Giáo Hội cấm ngặt không ai được ép buộc hay dùng những mánh lới bất xứng để dụ dỗ hay lôi cuốn người ta theo đạo, cũng như Giáo Hội cương quyết đòi cho con người quyền không bị hăm dọa để bỏ đạo vì những bách hại bất công 16.
Theo thói quen rất lâu đời của Giáo Hội, phải cứu xét những động lực tòng giáo,và nếu cần, phải thanh luyện những động lực đó nữa.
14. Lớp dự tòng và việc huấn luyện đời sống Kitô hữu.
Những người nhờ Giáo Hội được Thiên Chúa ban ơn tin Chúa Kitô 17 phải được nhận vào lớp dự tòng bằng những lễ nghi phụng vụ; lớp dự tòng này không phải chỉ là trình bày tín lý và các giới răn, nhưng là huấn luyện một đời sống Kitô hữu đầy đủ và là thời gian tập sự được kéo dài thích đáng, để nhờ đó môn đệ liên kết với Chúa Kitô là Thầy mình. Vậy các dự tòng phải được khai tâm một cách thích hợp về mầu nhiệm cứu rỗi, tập sống theo Phúc Âm, và qua các nghi lễ thánh được cử hành theo từng giai đoạn liên tục 18 họ được đưa vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của Dân Chúa.
Rồi khi đã chịu các bí tích gia nhập 21* Kitô giáo, họ được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm 19, cùng chết, cùng được an táng và sống lại với Chúa Kitô 20, họ lãnh nhận Chúa Thánh Thần 21 Ðấng làm cho họ thành nghĩa tử, và cùng với toàn thể Dân Chúa họ cử hành lễ kính nhớ việc Chúa chịu chết và sống lại.
Thánh Công Ðồng ước mong phụng vụ mùa chay và mùa phục sinh được cải tổ thế nào để chuẩn bị tâm hồn các tân tòng cho việc cử hành mầu nhiệm phục sinh, và trong khi cử hành những nghi lễ long trọng này, họ được tái sinh trong Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy.
Lớp khai tâm Kitô giáo trong thời gian dự tòng đó không phải chỉ là việc riêng của các giảng viên giáo lý hay của các linh mục, mà còn là của cộng đoàn tín hữu, nhất là của những người đỡ đầu, để nhờ đó ngay từ đầu, các dự tòng cảm thấy mình thuộc về Dân Chúa. Và vì đời sống của Giáo Hội là đời sống tông đồ, nên các dự tòng cũng phải học biết cộng tác tích cực vào việc rao giảng Phúc Âm và xây dựng Giáo Hội bằng chứng tá đời sống và việc tuyên xưng đức tin.
Sau hết, tình trạng pháp lý của dự tòng phải được ấn định rõ ràng trong bản Giáo Luật mới 22*. Thực vậy, họ đã được kết hợp với Giáo Hội 22, đã thuộc về gia đình Chúa Kitô 23 và có khi đã sống đời sống tin, cậy, mến rồi.
III. Việc Thành Lập Cộng Ðoàn Kitô Giáo
15. Việc thành lập cộng đoàn Kitô giáo.
Chúa Thánh Thần là Ðấng kêu gọi mọi người đến với Chúa Kitô, thúc đẩy tâm hồn họ vâng phục đức tin nhờ hạt giống Lời Chúa và việc rao giảng Phúc Âm. Chính khi Ngài sinh những kẻ tin Chúa Kitô trong lòng Giếng Rửa Tội để sống đời sống mới, Ngài tập họp họ thành một Dân Chúa duy nhất. Dân này là "dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, là dân được Thiên Chúa thu phục" (1P 2,9) 24.
Vậy các nhà truyền giáo như những cộng sự viên của Thiên Chúa 25, phải gây dựng những cộng đoàn tín hữu sao cho họ biết sống xứng đáng ơn gọi của mình 26, để họ có thể thi hành những chức vụ đã được Chúa trao phó cho họ: đó là chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả. Nhờ cách đó, cộng đoàn Kitô hữu trở thành dấu chỉ nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian: thật vậy, nhờ Hiến Tế Thánh Thể, họ luôn được cùng Chúa Kitô vươn lên Chúa Cha 27, 23*và khi đã được nuôi dưỡng cẩn thận bằng Lời Chúa 28, họ làm chứng về Chúa Kitô 29, và sau cùng dấn bước trong tình bác ái và được hun đúc trong tinh thần tông đồ 30.
Do đó, ngay từ đầu, cộng đoàn Kitô hữu phải được thiết lập làm sao để tự mình có thể cung cấp cho mình những gì cần thiết, được phần nào hay phần nấy.
Cộng đoàn tín hữu này đã có sẵn nguồn phong phú về văn hóa của dân tộc, phải bén rễ sâu trong dân chúng: các gia đình đã thấm nhuần tinh thần Phúc Âm phải phát triển 31 và phải được các trường học có giá trị nâng đỡ; phải tổ chức các hội đoàn và các nhóm người lo việc tông đồ giáo dân, để có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập toàn thể xã hội. Sau hết, bác ái phải được chiếu giải huy hoàng giữa những người công giáo thuộc các Lễ Chế khác nhau 32.
Tinh thần hiệp nhất cũng phải được nuôi dưỡng nơi các tân tòng, để họ nhận thức rõ ràng rằng những anh em tin vào Chúa Kitô cũng là môn đệ Chúa Kitô, cũng được tái sinh nhờ phép Rửa, cũng được chia xẻ rất nhiều ơn lành của Dân Chúa. Chừng nào hoàn cảnh tôn giáo cho phép, phải tìm cách phát động công việc hiệp nhất, để khi đã gạt bỏ mọi hình thức dửng dưng và lẫn lộn, cũng như mọi ganh đua bất chính, người công giáo sẽ hợp tác huynh đệ với những anh em ly khai theo tiêu chuẩn của Sắc lệnh về Hiệp nhất, ngõ hầu cùng nhau tuyên xưng một đức tin vào Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô trước mặt Muôn Dân 24* tùy theo mức độ có thể, và cùng nhau cộng tác trong lãnh vực xã hội và kỹ thuật cũng như vấn đề văn hóa và tôn giáo. Nhất là họ phải cộng tác với nhau vì Chúa Kitô, Chúa chung của mình: nguyện Danh Người liên kết họ lại! Việc cộng tác chẳng những phải được thể hiện giữa các cá nhân với nhau, nhưng còn phải tùy theo sự phán đoán của Ðấng Bản Quyền địa phương mà thiết lập sự cộng tác giữa các Giáo Hội hoặc những cộng đoàn giáo hội 25* cũng như trong những công cuộc của các giáo đoàn đó.
Các Kitô hữu từ mọi Dân Tộc tụ họp vào Giáo Hội, "không vì chế độ, không vì ngôn ngữ, cũng không vì tổ chức xã hội trần gian mà phân cách với những người khác", 33 nên họ phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô trong nếp sống lành mạnh của dân tộc mình; là công dân tốt, họ phải thực sự và tích cực vun trồng lòng Ái Quốc, tuy nhiên phải hết sức tránh sự kỳ thị chủng tộc và chủ nghĩa quốc gia quá khích, phải cổ võ tình yêu thương đại đồng của nhân loại.
Ðể đạt tới những mục tiêu trên, giáo dân, nghĩa là các Kitô hữu đã nhờ phép Rửa Tội mà sáp nhập vào Chúa Kitô và đang sống giữa thế gian, giữ một vai trò rất quan trọng và đáng được đặc biệt lưu tâm. Thực vậy bổn phận riêng của họ là: sau khi thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, họ phải làm sống động từ bên trong như men trong bột và sắp đặt công việc trần thế để chúng luôn luôn được thực hiện theo ý Chúa Kitô 34.
Tuy nhiên, không thể kể là đủ khi dân Kitô giáo hiện diện và được thiết lập trong một dân tộc nào đó, cũng không phải là đủ khi chỉ làm việc tông đồ bằng gương lành, nhưng dân Kitô giáo được thiết lập và hiện diện chính là để dùng lời nói và việc làm mà loan báo Chúa Kitô cho những người đồng hương ngoài Kitô giáo, và giúp họ đón nhận Chúa Kitô một cách đầy đủ.
Ngoài ra, để gieo trồng Giáo Hội và phát triển cộng đoàn Kitô giáo, cần phải có nhiều thừa tác vụ khác nhau; những thừa tác vụ này một khi được ơn Chúa gọi mà nảy sinh từ chính cộng đoàn tín hữu, phải được mọi người đặc biệt chăm lo cổ võ và vun trồng; trong những thừa tác vụ đó, có chức linh mục, phó tế và giảng viên giáo lý cũng như công giáo tiến hành. Cũng thế, bằng lời cầu nguyện hay bằng những công tác hoạt động, các nam nữ tu sĩ cũng phải thực thi nhiệm vụ thiết yếu để Nước Chúa Kitô bén rễ và vững mạnh trong các tâm hồn và được phát triển thêm mãi.
16. Thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ.
Giáo Hội rất vui mừng cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã rộng ban một ơn vô giá là ơn gọi làm linh mục cho biết bao thanh niên trong các Dân Tộc mới quay về với Chúa Kitô. Thực vậy, Giáo Hội càng bén rễ vững chắc hơn trong mỗi một nhóm người, khi chính các cộng đoàn tín hữu có những phần tử riêng của mình làm thừa tác viên cứu rỗi đang phục vụ anh em mình trong hàng Giáo Mục, Linh Mục và Phó Tế để dần dần các Giáo Hội trẻ trung tạo được cơ cấu giáo phận với hàng giáo sĩ riêng.
Những điều mà Công Ðồng này đã ấn định về ơn kêu gọi và việc đào tạo linh mục, phải được kính cẩn tuân giữ ở những nơi Giáo Hội mới được gieo trồng cũng như ở những Giáo Hội trẻ trung. Phải hết sức chú trọng đến những gì đã được đề cập về việc phải liên kết chặt chẽ công việc huấn luyện thiêng liêng với việc huấn luyện giáo thuyết và mục vụ; việc sống theo tiêu chuẩn Phúc Âm mà không nhằm lợi ích cá nhân hay gia đình; việc đào sâu ý nghĩa thâm thúy của mầu nhiệm Giáo Hội. Như thế, họ sẽ học biết một cách kỳ diệu việc tận hiến toàn thân để phục vụ Thân Thể Chúa Kitô và công việc rao giảng Phúc Âm, biết liên kết với Giám Mục của họ như những cộng sự viên trung thành, đồng thời cộng tác với các anh em linh mục khác 35.
Ðể đạt tới mục đích tổng quát này, toàn thể việc giáo dục chủng sinh phải được tổ chức dưới ánh sáng của mầu nhiệm cứu rỗi như đã được trình bày trong Thánh Kinh. Họ phải khám phá và sống mầu nhiệm Chúa Kitô, cũng như mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại 36 được thể hiện trong Phụng Vụ.
Những đòi hỏi chung đối với việc huấn luyện linh mục về phương diện mục vụ và thực hành, theo như tiêu chuẩn của Công Ðồng 37, phải được phối hợp với lòng hăng say tìm kiếm lối suy tư và hành động riêng biệt của dân tộc mình. Vì thế, tâm trí chủng sinh phải được mở rộng và mài giũa để hiểu biết đúng và có thể phán đoán về nền văn hóa của dân tộc mình; trong các môn triết học và thần học, chủng sinh phải thấu triệt những liên lạc giữa truyền thống và tôn giáo dân tộc với Kitô giáo 38. Cũng thế, việc huấn luyện linh mục phải nhằm vào những nhu cầu mục vụ của từng miền: chủng sinh phải học biết lịch sử, mục đích và phương pháp hoạt động của Giáo Hội, những hoàn cảnh đặc biệt về xã hội, kinh tế và văn hóa của dân tộc mình. Họ phải được giáo dục trong tinh thần hiệp nhất và phải được chuẩn bị đứng đắn để đối thoại trong tình huynh đệ với những người ngoài Kitô giáo 39. Tất cả điều đó đòi hỏi những môn học để làm linh mục phải được thực hiện trong nếp sống và trong sự giao tiếp với dân tộc mình bao nhiêu có thể 40. Sau hết, phải chú ý huấn luyện cho biết điều hành đứng đắn những việc liên quan đến Giáo Hội cũng như huấn luyện về phương diện kinh tế nữa.
Hơn nữa phải chọn một số linh mục có khả năng, sau khi đã có một số kinh nghiệm mục vụ, đi học thêm các môn học cao hơn ở các Ðại Học, kể cả ở các Ðại Học ngoại quốc, nhất là ở Kinh Thành Roma, và ở các Học Viện khoa học khác, để các Giáo Hội trẻ trung có sẵn trong hàng giáo sĩ địa phương những linh mục có kiến thức và kinh nghiệm thích đáng hầu hoàn thành những công việc khó khăn hơn của Giáo Hội.
Nơi nào Hội Ðồng Giám Mục xét là thích hợp, thì phải thiết lập lại chức phó tế như một bậc sống thường xuyên theo tiêu chuẩn của Hiến Chế "về Giáo Hội" 41. Thực vậy thật là hữu ích nếu những người đang đảm nhận thực sự chức vụ phó tế, hoặc đang giảng lời Chúa như các giảng viên giáo lý, hoặc nhân danh cha sở và Giám Mục điều khiển những cộng đoàn Kitô giáo xa xôi, hoặc thực thi bác ái trong những công cuộc xã hội hay từ thiện, được thêm mạnh mẽ nhờ việc đặt tay 26* lưu truyền từ các Tông Ðồ và được kết hợp chặt chẽ với bàn thánh hơn, để họ chu toàn thừa tác vụ của mình một cách hữu hiệu hơn nhờ ơn bí tích của chức phó tế.
17. Huấn luyện giảng viên giáo lý.
Cũng thế, có một đạo binh thực sự đáng khen và rất đáng thưởng công nhờ việc truyền giáo nơi Muôn Dân, đó là đạo binh các giảng viên giáo lý nam cũng như nữ; là những người đã thấm nhuần tinh thần tông đồ, họ vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc bành trướng đức tin và Giáo Hội.
Trong thời đại chúng ta, chức vụ của các giảng viên giáo lý rất quan trọng vì số giáo sĩ ít oi không đủ để rao giảng Phúc Âm cho quần chúng quá đông đúc cũng như để thi hành mục vụ. Vì thế, việc huấn luyện những giảng viên này phải được kiện toàn và thích nghi với tiến bộ văn hóa, để như những cộng tác viên đắc lực của chức linh mục, họ có thể hoàn thành đến mức tối đa nhiệm vụ của họ, nhiệm vụ đang đặt nặng trên vai họ những trọng trách mới mẻ và rộng lớn hơn.
Bởi vậy phải tăng thêm nhiều trường học thuộc giáo phận và miền, để các giảng viên giáo lý tương lai vừa được học hỏi về giáo lý công giáo, nhất là về môn Thánh Kinh và Phụng Vụ, vừa được học hỏi về phương pháp dạy Giáo lý và thực hành mục vụ, lại được tự luyện theo luân lý Kitô giáo 42 trong khi không ngừng cố gắng trau dồi đời sống đạo đức và thánh thiện. Ngoài ra còn phải có những buổi hội thảo hay những khóa học tập định kỳ, để các giảng viên giáo lý được cải tiến trong những môn học hay nghệ thuật hữu ích cho thừa tác vụ cũng như để nuôi dưỡng và củng cố đời sống thiêng liêng của mình nữa. Thêm vào đó, đối với những ai hoàn toàn tận hiến cho công cuộc này, phải cung cấp cho họ một khoản thù lao cân xứng để họ có một mức sống xứng đáng và được bảo đảm về mặt xã hội 43.
Ước mong rằng Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin đặc biệt trợ cấp cách thích đáng cho công cuộc đào tạo và nâng đỡ các giảng viên giáo lý. Nếu thấy cần và thích hợp, phải thành lập một Tổ Chức giúp các giảng viên này.
Ngoài ra các Giáo Hội cũng nên biết ơn nhìn nhận công việc quảng đại của các giảng viên giáo lý trợ tá mà Giáo Hội đang cần họ giúp đỡ. Chính các giảng viên giáo lý chủ sự các buổi đọc kinh chung trong cộng đoàn và giảng dạy giáo lý. Cũng phải đặc biệt lo cho họ được huấn luyện về giáo lý và đường thiêng liên. Hơn nữa, ước mong rằng nơi nào thấy thuận lợi, nên công khai cử hành một nghi lễ phụng vụ để ủy thác sứ mệnh pháp lý 27* cho các giảng viên giáo lý đã được huấn luyện đầy đủ, ngõ hầu họ được thêm uy tín với dân chúng mà phục vụ đức tin.
18. Cổ võ đời sống tu trì.
Ngay từ thời kỳ gieo trồng Giáo Hội, phải tận tâm cổ võ đời sống tu trì, một đời sống không những đem lại sự trợ lực quí báu và hoàn toàn cần thiết cho hoạt động truyền giáo, mà nhờ tận hiến mật thiết hơn cho Thiên Chúa trong Giáo Hội, đời sống đó còn bày tỏ và biểu thị rõ ràng bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô giáo 44.
Trong khi tận tụy hoạt động để gieo trồng Giáo Hội và hoàn toàn thấm nhuần những ơn phước huyền nhiệm đã từng làm vẻ vang truyền thống tu trì của Giáo Hội, các Hội Dòng phải cố gắng diễn tả và thông ban những ơn phước đó tùy theo tinh thần và đặc tính của mỗi dân tộc. Các Hội Dòng đó phải cẩn thận suy xét xem đời sống tu trì Kitô giáo có thể đón nhận những truyền thống khổ hạnh và chiêm niệm mà đôi khi Thiên Chúa đã gieo mầm trong các nền văn hóa cổ xưa trước khi Phúc Âm được rao giảng không?
Những hình thức đời sống tu trì khác nhau phải được vun trồng trong những Giáo Hội trẻ trung để biểu dương những khía cạnh khác nhau của sứ mệnh Chúa Kitô và đời sống Giáo Hội, để tận hiến cho những công cuộc mục vụ khác nhau, và để chuẩn bị đứng đắn những phần tử sẽ thực thi các công việc đó. Tuy nhiên, các Giám Mục trong Hội Ðồng phải xem xét để các Tu Hội theo đuổi cùng một mục đích tông đồ đừng tăng thêm nhiều, kẻo gây thiệt hại cho đời sống tu trì và công việc tông đồ.
Cũng đáng đặc biệt nhắc tới những tổ chức nhằm đặt định đời sống chiêm niệm: có người chủ trương duy trì những yếu tố căn bản của tổ chức Ðan Viện, nhưng vẫn cố gắng xen vào đó những truyền thống rất phong phú của Dòng mình; có người lại trở về với những hình thức đơn sơ hơn của bậc đan tu đời trước. Tuy nhiên, mọi người phải cố gắng tìm cách để thực sự thích nghi với những hoàn cảnh địa phương. Thực vậy, vì đời sống chiêm niệm thuộc về sự hiện diện trọn vẹn của Giáo Hội, nên phải được thiết lập khắp nơi trong các Giáo Hội trẻ trung.
Chương III: Các Giáo Hội Ðịa Phương 28*
19. Sự tiến triển của các Giáo Hội trẻ.
Việc gieo trồng Giáo Hội trong một nhóm người nhất định kể như là đã đạt tới mục đích, khi cộng đoàn tín hữu - đã bén rễ trong đời sống xã hội và đã phù hợp một phần nào với văn hóa địa phương - hưởng được một sự mạnh mẽ và vững chắc nào rồi: nghĩa là cộng đoàn tín hữu đó đã có dồi dào, tuy chưa đủ, các linh mục, tu sĩ và giáo dân địa phương, đã có những thừa tác vụ và những tổ chức cần thiết cho việc dẫn dắt và phát triển đời sống Dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của Giám Mục 29* riêng mình.
Trong những Giáo Hội 30* trẻ trung đó, đời sống Dân Chúa phải trưởng thành về mọi phương diện của đời sống Kitô giáo được canh tân theo những tiêu chuẩn của Công Ðồng này: các cộng đoàn tín hữu mỗi ngày một ý thức hơn rằng mình trở nên những cộng đoàn sống đức tin, phụng vụ và bác ái; nhờ chuyên lo hoạt động dân sự và tông đồ, giáo dân phải cố gắng thiết lập trật tự bác ái và công bằng trong xã hội; phải xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội một cách thích hợp và khôn ngoan; nhờ sống đời sống thực sự Kitô giáo, các gia đình phải trở nên những vườn ương việc tông đồ giáo dân, ơn gọi linh mục và tu sĩ. Sau hết, đức tin phải được giảng dạy nhờ khoa dạy giáo lý thích hợp, được cử hành trong Phụng Vụ hợp với đặc tính dân tộc, và được đưa vào các tổ chức lành mạnh cũng như các phong tục địa phương nhờ bản giáo luật thích ứng.
Còn các Giám Mục - mỗi vị hợp nhất với linh mục đoàn của mình và ngày càng thấm nhuần cảm thức của Chúa Kitô và Giáo Hội - phải cảm thông và sống với toàn thể Giáo Hội. Các Giáo Hội trẻ trung phải duy trì mối thông hiệp mật thiết với toàn thể Giáo Hội và phải liên kết những yếu tố của truyền thống Giáo Hội với nền văn hóa riêng, để nhờ được trao đổi sinh lực cho nhau mà phát triển đời sống Nhiệm Thể 1. Do đó, phải trau dồi những yếu tố thần học, tâm lý và nhân bản có thể góp phần vào việc cổ võ cảm thức thông hiệp cùng toàn thể Giáo Hội.
Nhưng các Giáo Hội này vì thường ở những miền khá nghèo túng trên địa cầu nên vẫn còn thiếu linh mục, đôi khi thiếu một cách hết sức trầm trọng, và nhiều khi thiếu cả viện trợ vật chất nữa. Vì thế, hoạt động truyền giáo liên tục của toàn thể Giáo Hội cần phải trợ cấp cho những Giáo Hội đó, để trước hết giúp cho Giáo Hội địa phương phát triển và giúp cho đời sống Kitô giáo được trưởng thành. Hoạt động truyền giáo này cũng phải giúp đỡ các Giáo Hội tuy đã thành lập từ lâu, nhưng đang bị rơi vào tình trạng thoái hóa và suy yếu.
Tuy nhiên, các Giáo Hội đó phải khôi phục lòng nhiệt thành mục vụ chung và những công cuộc thích ứng, để nhờ đó số ơn kêu gọi vào hàng giáo sĩ giáo phận và vào các Hội Dòng được gia tăng, được phân biệt một cách chắc chắn hơn và được huấn luyện hữu hiệu hơn 2; như vậy dần dần các Giáo Hội đó có thể tự túc và giúp đỡ các Giáo Hội khác.
20. Hoạt động truyền giáo của các Giáo Hội địa phương.
Vì Giáo Hội địa phương 31* có nhiệm vụ phản ảnh Giáo Hội hoàn cầu một cách hết sức hoàn hảo, nên phải thành thực nhận định rằng mình cũng được sai tới những kẻ chưa tin Chúa Kitô đang sống trong cùng một địa hạt với mình, để nhờ chứng tá đời sống của mỗi tín hữu và của toàn thể cộng đoàn, Giáo Hội này trở thành dấu chỉ cho họ thấy Chúa Kitô.
Ngoài ra cần phải có thừa tác vụ Lời Chúa để Phúc Âm đến với mọi người. Do đó, trước hết Giám Mục phải là người rao giảng đức tin để dẫn đưa các môn đệ mới đến với Chúa Kitô 3. Ðể chu toàn đứng đắn chức vụ cao trọng đó, ngài phải thấu triệt sâu xa về những hoàn cảnh của đoàn chiên mình, cũng như về những ý niệm thâm sâu của đồng bào về Thiên Chúa; ngài cũng phải cẩn thận để ý đến những biến đổi gây nên bởi những cuộc thành thị hóa, như người ta thường nói, những cuộc di dân và chủ nghĩa lãnh đạm đối với tôn giáo.
Các linh mục bản xứ ở những Giáo Hội trẻ trung phải hăng say bắt tay vào việc rao giảng Phúc Âm bằng cách tổ chức hoạt động chung với những nhà truyền giáo ngoại quốc, những người hợp cùng các ngài làm thành một linh mục đoàn duy nhất, liên kết dưới quyền Giám Mục, không những để chăn dắt các tín hữu và để cử hành việc phụng thờ Thiên Chúa, nhưng còn để rao giảng Phúc Âm cho những người ngoài Giáo Hội. Các ngài phải tỏ ra sẵn sàng, và khi có dịp, các ngài phải hăng say tình nguyện để Ðức Giám Mục sai đi khởi công truyền giáo tại những miền xa xôi và bị bỏ rơi trong giáo phận mình hoặc trong các giáo phận khác.
Các tu sĩ nam nữ và cả giáo dân cũng phải nung đúc lòng nhiệt tâm truyền giáo đó đối với đồng bào mình, nhất là với những người nghèo khổ hơn.
Các Hội Ðồng Giám Mục phải lo lắng tổ chức những khóa tu nghiệp định kỳ về Thánh Kinh, thần học, tu đức và mục vụ, với mục đích là giữa những đổi thay và xáo trộn của thế sự, giáo sĩ được hiểu biết đầy đủ hơn về thần học và phương pháp mục vụ.
Ðàng khác, cũng phải kính cẩn tuân giữ những điều Công Ðồng này đã quyết định, nhất là trong Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục.
Ðể có thể hoàn thành công việc truyền giáo của Giáo Hội địa phương, cần có những thừa tác viên đủ khả năng, được chuẩn bị đúng lúc và thích hợp với hoàn cảnh của mỗi Giáo Hội địa phương. Thực vậy, con người càng ngày càng tập trung thành từng nhóm, vì thế các Hội Ðồng Giám Mục rất nên thiết lập những kế hoạch chung để tổ chức đối thoại với những nhóm người đó. Nếu trong một vài miền có những nhóm người không muốn đón nhận đức tin công giáo vì không thể thích ứng với hình thức đặc biệt mà Giáo Hội tại đó đã mặc lấy thì ước mong phải lo liệu một phương thức đặc biệt với hoàn cảnh đó 4, cho đến khi tất cả các Kitô hữu có thể đoàn tụ thành một cộng đoàn duy nhất. Còn nếu Tòa Thánh có sẵn những nhà truyền giáo để thực thi mục đích này, thì mỗi Giám Mục phải mời gọi hoặc sẵn sàng đón nhận họ vào giáo phận mình, và ủng hộ công cuộc của họ một cách hữu hiệu.
Ðể nhiệt tâm truyền giáo đó được nẩy nở nơi đồng bào mình, Giáo Hội trẻ trung rất nên tham gia vào công cuộc truyền giáo phổ quát của Giáo Hội càng sớm càng hay, bằng cách sai chính những nhà truyền giáo của mình đi rao giảng Phúc Âm khắp nơi trên hoàn cầu, dù mình còn thiếu giáo sĩ. Thực vậy mối thông hiệp cùng toàn thể Giáo Hội kể như là hoàn tất khi chính các Giáo Hội trẻ trung cũng tích cực tham gia và hoạt động truyền giáo nơi các dân tộc khác.
21. Cổ võ việc tông đồ giáo dân.
Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm 32*. Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Kitô giáo trưởng thành.
Thật vậy, các tín hữu giáo dân cùng một trật hoàn toàn thuộc về Dân Chúa và về xã hội trần gian: họ thuộc về một dân tộc, nơi chôn nhau cắt rốn của họ; họ đã bắt đầu thông dự những kho tàng văn hóa của dân tộc nhờ việc giáo huấn, liên kết với đời sống dân tộc bằng nhiều mối dây xã hội khác nhau, cộng tác vào tiến bộ riêng của dân tộc qua nghề nghiệp của họ, cảm thấy những vấn đề của dân tộc như là những vấn đề của chính họ và cố gắng giải quyết. Lại nữa, họ còn thuộc về Chúa Kitô, vì họ được tái sinh trong Giáo Hội bằng đức tin và phép Rửa, để nhờ đời sống mới và việc làm mới, họ là của riêng Chúa Kitô 5, để mọi sự qui phục Thiên Chúa trong Chúa Kitô và sau cùng để Thiên Chúa là mọi sự trong mọi người 6.
Nhiệm vụ chính của giáo dân, nam cũng như nữ, là làm chứng về Chúa Kitô, làm chứng bằng đời sống và lời nói trong gia đình, trong các đoàn thể xã hội, cũng như trong môi trường nghề nghiệp. Thật vậy, họ phải biểu lộ con người mới đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, trong sự công chính và thánh thiện của chân lý 7. Nhưng họ phải diễn tả nếp sống mới đó trong môi trường xã hội và văn hóa của quê hương, theo truyền thống của dân tộc mình. Chính họ phải hiểu biết nền văn hóa đó, sửa chữa, bảo tồn, và cải tiến theo những hoàn cảnh mới, và sau cùng phải hoàn tất nó trong Chúa Kitô, để niềm tin vào Chúa Kitô và đời sống Giáo Hội không còn xa lạ với xã hội họ sống, nhưng bắt đầu thấm nhiễm và cải hóa xã hội đó. Họ phải liên kết với đồng bào mình bằng tình bác ái chân thành, để trong cách sống của họ xuất hiện một mối dây mới về hiệp nhất và về liên kết đại đồng đã được bắt nguồn từ mầu nhiệm Chúa Kitô. Họ cũng phải gieo rắc đức tin vào Chúa Kitô giữa những người có liên lạc với họ trong đời sống nghề nghiệp; điều bó buộc này càng khẩn thiết hơn vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Kitô nhờ các giáo dân sống gần họ. Hơn nữa, nơi nào có thể, giáo dân phải được chuẩn bị để cộng tác trực tiếp hơn với hàng Giáo Phẩm trong việc hoàn tất sứ mệnh đặc biệt là loan báo Phúc Âm và truyền thông giáo lý Kitô giáo ngõ hầu Giáo Hội mới khai sinh thêm vững mạnh.
Vậy các thừa tác viên của Giáo Hội phải quí trọng việc tông đồ khó khăn này của giáo dân. Các ngài phải huấn luyện sao cho giáo dân, với tư cách là chi thể của Chúa Kitô, ý thức về trách nhiệm của mình đối với tất cả mọi người. Các ngài phải dạy dỗ họ thật sâu xa về mầu nhiệm Chúa Kitô, chỉ dẫn họ những phương pháp thực hành, và sát cánh với họ trong những lúc khó khăn, theo tinh thần của Hiến Chế về Giáo Hội và Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân.
Vì thế, trong khi vẫn giữ đúng chức vụ và trách nhiệm riêng của Chủ Chăn và của giáo dân, toàn thể Giáo Hội trẻ trung phải trở thành chứng tá duy nhất, sống động và vững chắc về Chúa Kitô, để trở nên dấu chỉ rõ ràng của ơn cứu rỗi đã đến với chúng ta trong Chúa Kitô.
22. Khác biệt trong hiệp nhất.
Lời Chúa là hạt giống, vừa nẩy mầm trong đất màu mỡ thấm nhuần sương thiêng, vừa thu hút biến đổi và tiêu hóa mầu mỡ đó, để sau cùng mang lại nhiều hoa trái 33*. Thật vậy, tương tự như chương trình Nhập Thể, các Giáo Hội trẻ trung, khi đang được bén rễ trong Chúa Kitô và xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, qua một cuộc trao đổi kỳ diệu, thu nhận tất cả những sự phong phú của các Dân Tộc đã được trao cho Chúa Kitô làm gia nghiệp 8. Các Giáo Hội đó phải rút ra từ những tập quán và truyền thống, từ lẽ khôn ngoan và nền đạo lý, từ những nghệ thuật và khoa học của dân tộc mình, tất cả những gì có thể góp phần vào việc tuyên xưng vinh quang của Tạo Hóa, làm rạng ngời ân sủng của Ðấng Cứu Chuộc và vào việc tổ chức tốt đẹp đời sống Kitô hữu 9.
Ðể đạt tới ý định đó, thì trong mỗi vùng rộng lớn cùng chung một nền văn hóa, như người ta thường nói, cần phải thúc đẩy việc suy tư về thần học, để nhờ ánh sáng Thánh Truyền của toàn thể Giáo Hội mà khám phá thêm những gì Thiên Chúa đã mạc khải qua hành động và ngôn từ của Ngài, đã được ghi chép trong Sách Thánh và đã được các Giáo Phụ và Quyền Giáo Huấn giải thích. Như thế sẽ nhận thấy rõ ràng hơn những đường lối nào là đức tin có thể tìm gặp lý trí, một khi đã dựa vào triết học hay lẽ khôn ngoan của các dân tộc, và những phương thức nào có thể hòa hợp các phong tục, quan niệm đời sống và trật tự xã hội với lối sống đã được Chúa mạc khải. Nhờ đó sẽ mở ra những con đường để thích nghi sâu xa hơn trong mọi lãnh vực của đời sống Kitô giáo. Nhờ đường lối hành động đó, mọi hình thức chủ nghĩa hòa đồng và chủ nghĩa cá thể sai lạc sẽ bị loại trừ, đời sống Kitô giáo sẽ được thích nghi với tinh thần và đặc tính của từng nền văn hóa 10, những truyền thống đặc thù và những đặc tính riêng của mỗi gia đình dân tộc nhờ được ánh sáng Phúc Âm chiếu soi, sẽ được đón nhận vào sự hiệp nhất công giáo. Sau cùng, các Giáo Hội địa phương mới mẻ với những truyền thống tốt đẹp của mình sẽ có một địa vị riêng trong khi hiệp thông cùng Giáo Hội mà vẫn duy trì nguyên vẹn Quyền Tối Cao của Tòa Phêrô, tòa lãnh đạo toàn thể tập đoàn bác ái 11.
Vậy ước mong, và hơn nữa điều này hoàn toàn thích hợp là các Hội Ðồng Giám Mục ở những vùng rộng lớn cùng chung một nền văn hóa xã hội hiệp nhất với nhau thế nào để có thể đồng tâm hợp ý theo đuổi ý định thích nghi đó.
Chương IV: Các Nhà Truyền Giáo 34*
23. Ơn gọi truyền giáo.
Dù mọi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần vào công cuộc gieo vãi đức tin 1, nhưng Chúa Kitô luôn gọi, trong số các môn đệ Người, những kẻ chính Người muốn, để họ ở với Người và để Người sai đi giảng dạy muôn dân 2. Vì thế nhờ Chúa Thánh Thần, Ðấng tùy ý ban phát các đặc sủng để mưu lợi ích chung 3, Chúa Kitô linh ứng ơn kêu gọi truyền giáo trong tâm hồn từng cá nhân, đồng thời thúc đẩy trong Giáo Hội có những tổ chức 4 đảm nhận như một bổn phận riêng nhiệm vụ truyền bá Phúc Âm 35* của toàn thể Giáo Hội.
Do đó, những người có năng khiếu bẩm sinh thích ứng, đủ khả năng tinh thần và trí tuệ, sẵn sàng lãnh nhận công cuộc truyền giáo, đều được kể là có ơn gọi đặc biệt 5, 36*dù họ là người địa phương hay ngoại quốc, là linh mục, tu sĩ hay giáo dân.
Ðược quyền bính hợp pháp sai đi, do đức tin và đức vâng phục, họ ra đi đến với những người xa Chúa Kitô; họ được tách riêng ra để chu toàn công việc mà họ được chọn để thi hành 6 như là những thừa tác viên của Phúc Âm, "để việc phụng hiến dân ngoại làm lễ vật được chấp nhận và được thánh hóa trong Chúa Thánh Thần" (Rm 15,16).
24. Ðường tu đức của nhà truyền giáo.
Tuy nhiên, con người phải đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa mà hoàn toàn dấn thân Phục vụ Phúc Âm 37*, chứ không nghe theo xác thịt và máu mủ 7. Nhưng sự đáp lại này không thể thực hiện nếu không được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và củng cố. Thật vậy, kẻ được sai đi phải thấm nhuần đời sống và sứ mệnh của Ðấng đã "tự hủy mình mà nhận lấy thân phận tôi tớ" (Ph 2,7). Do đó, họ phải sẵn sàng để suốt đời đứng vững trong ơn gọi của mình, phải từ bỏ mình và những gì mình có từ trước đến nay và "trở nên mọi sự cho mọi người" 8.
Trong khi rao giảng Phúc Âm giữa muôn dân, nhà truyền giáo phải mạnh dạn và tin tưởng làm cho người ta nhận biết mầu nhiệm Chúa Kitô mà họ là sứ giả, đến nỗi trong Người, họ dám nói như phải nói 9, và không xấu hổ về ô nhục của thập giá. Theo gương Thầy mình, Ðấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, họ phải tỏ ra ách Người êm ái và gánh Người nhẹ nhàng 10. Họ phải làm chứng về Chúa của họ bằng đời sống Phúc Âm đích thực 11, đầy kiên nhẫn, đại lượng, nhân hậu, yêu mến chân thành 12, và nếu cần, họ sẽ đổ máu ra. Họ sẽ nài xin Thiên Chúa lòng can đảm và sức mạnh để nhận ra nguồn vui sung mãn trong nhiều thử thách khổ tâm và thiếu thốn cực độ 13. Họ phải xác tín rằng đức vâng phục là sức mạnh đặc biệt của những thừa tác viên của Chúa Kitô, Ðấng đã dùng sự vâng phục để cứu nhân loại.
Những nhà rao giảng Phúc Âm đừng hờ hững với ân sủng đã lãnh nhận mà phải tự canh tân tâm trí mỗi ngày 14. Vì thế, các Ðấng Bản Quyền và Bề Trên phải hội họp các nhà truyền giáo vào những thời gian nhất định, để họ được củng cố bằng niềm cậy trông của ơn gọi, và được canh tân trong thừa tác vụ tông đồ; lại cũng nên lập các cơ sở thích nghi với mục đích này.
25. Huấn luyện đời sống thiêng liêng và luân lý.
Ðể đảm nhận công tác cao trọng đó, nhà truyền giáo tương lai phải được huấn luyện đặc biệt về đời sống thiêng liêng và luân lý 15. Thực vậy, họ phải mau mắn khởi xướng, kiên trì hoàn tất công việc, bền chí trong khó khăn, nhẫn nại và can đảm chịu đựng nỗi cô quạnh, sự mệt nhọc và những cố gắng vô hiệu. Họ sẽ đến cùng mọi người với tâm hồn rộng mở, với con tim bao dung, tình nguyện lãnh nhận nhiệm vụ được giao phó, quảng đại thích nghi cả với những phong tục khác thường của các dân tộc và những điều kiện sinh hoạt đổi thay, đồng tâm, tương ái cộng tác với anh em và mọi người đang hiến thân cho cùng một công việc, để theo gương cộng đoàn thời các Tông Ðồ, họ cùng với các tín hữu họp thành một con tim và một tâm hồn duy nhất 16.
Ngay trong thời kỳ huấn luyện, những tâm hướng đó phải được chuyên tâm thực hành, trau dồi và phát triển, nuôi dưỡng bằng đời sống thiêng liêng. Thấm nhuần đức tin sống động và đức cậy vững vàng, nhà truyền giáo phải là con người cầu nguyện; phải được nung đúc bằng tinh thần can đảm, yêu thương và độ lượng 17; phải học quen tự túc trong mọi hoàn cảnh 18; phải lấy tinh thần hy sinh mà mang trên mình cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để sự sống Chúa Giêsu tác động trong những người họ được sai đến 19; vì lòng nhiệt thành với các linh hồn, họ phải tự nguyện hy sinh mọi sự và tận hiến chính bản thân cho các linh hồn 20, để như vậy họ "gia tăng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành nhiệm vụ hằng ngày" 21. Như thế, vâng theo ý Ðức Chúa Cha, họ sẽ cùng với Chúa Kitô tiếp tục sứ mệnh của Người dưới quyền phẩm trật trong Giáo Hội, và sẽ cộng tác vào mầu nhiệm cứu rỗi.
26. Huấn luyện giáo lý và làm tông đồ.
Như những thừa tác viên xứng đáng của Chúa Kitô, những ai được sai đến với các dân tộc phải được nuôi dưỡng "bằng lời lẽ đức tin và giáo lý lành thánh" (1Tm 4,6) mà họ sẽ múc lấy, trước hết từ Thánh Kinh, trong khi đào sâu Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Ðấng họ phải rao giảng và làm chứng.
Bởi vậy, mọi nhà truyền giáo - linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân - đều phải được chuẩn bị và đào tạo theo hoàn cảnh riêng của mỗi người để khỏi thiếu những khả năng đáp ứng với những đòi hỏi của công việc mai sau 22. Ngay từ đầu, việc huấn luyện giáo thuyết cho họ phải được tổ chức thế nào để vừa bao hàm tính cách phổ quát của Giáo Hội vừa gồm sự dị biệt của các dân tộc. Ðiều đó cũng có giá trị đối với các môn học mà họ phải trau dồi để hoàn thành thừa tác vụ, cũng như đối với những khoa học hữu ích khác, giúp họ có kiến thức chung thuộc về quá khứ cũng như trong hiện tại về các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo. Như thế nghĩa là bất cứ ai sẽ đến với dân tộc khác, phải hết sức mến chuộng di sản, tiếng nói và phong tục của dân tộc đó. Nhà truyền giáo tương lai trước hết cần phải miệt mài học hỏi khoa truyền giáo, tức là thấu hiểu giáo thuyết và những quy tắc của Giáo Hội về hoạt động truyền giáo, biết đường lối mà các nhà rao giảng Phúc Âm đã từng trải qua bao thế kỷ, và cả tình trạng truyền giáo hiện thời, cùng những phương pháp hiện nay được coi là hiệu nghiệm hơn cả 23.
Mặc dầu việc giáo dục toàn hảo này chú tâm đặc biệt đến phương diện mục vụ, nhưng cũng phải chú ý tới việc đào tạo tinh thần tông đồ một cách đặc biệt và có hệ thống cả về giáo thuyết lẫn thực hành 24.
Phải có một số rất đông nam nữ tu sĩ được học hỏi và chuẩn bị kỹ lưỡng về nghệ thuật dạy giáo lý để họ có thể cộng tác vào việc tông đồ một cách đắc lực hơn nữa.
Cả những người chỉ đảm nhận một phần công tác truyền giáo trong một thời gian cũng cần phải được huấn luyện tương xứng với hoàn cảnh của họ.
Những loại huấn luyện này phải được bổ túc ở chính những nơi mà họ được sai tới, để các nhà truyền giáo hiểu biết rộng rãi hơn về lịch sử, cơ cấu xã hội và tập quán của các dân tộc, thấu triệt trật tự luân lý, luật lệ tôn giáo và cả những ý tưởng thâm sâu mà theo truyền thống thiêng liêng, các dân tộc có quan niệm về Thiên Chúa, về vũ trụ và về con người 25. Do đó, họ phải học biết tiếng nói đến mức độ có thể xử dụng thông thạo và trôi chảy, như thế họ tìm thấy đường lối đến với tâm trí và con tim con người một cách dễ dàng hơn 26. Ngoài ra, họ phải được khai tâm đúng đắn về những nhu cầu mục vụ riêng biệt.
Cũng phải có một số nhà truyền giáo được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn tại những Học Viện Truyền Giáo, hoặc những Phân Khoa hay Ðại Học khác để họ có thể thi hành những trách vụ đặc biệt một cách hữu hiệu hơn 27, và nhờ sự uyên bác của mình mà có thể giúp đỡ những nhà truyền giáo khác trong việc truyền giáo, nhất là trong thời đại chúng ta với nhiều khó khăn đồng thời cũng nhiều thuận tiện. Lại nữa, cũng rất mong ước các Hội Ðồng Giám Mục Miền có sẵn trong tay nhiều nhà chuyên môn như thế và xử dụng kiến thức, kinh nghiệm của họ một cách hữu hiệu trong những nhu cầu của chức vụ mình. Cũng nên có những người biết xử dụng thông thạo các dụng cụ kỹ thuật và truyền thông xã hội mà mọi người phải quý chuộng tầm quan trọng đặc biệt của chúng.
27. Các hội thừa sai.
Tuy tất cả những điều đó đều hoàn toàn cần thiết cho bất cứ ai được sai đến với các dân tộc, nhưng từng cá nhân khó có thể thực sự đạt tới được. Hơn nữa, vì kinh nghiệm đã chứng minh rằng chính công việc truyền giáo không thể do từng người riêng rẽ chu toàn được, nên những người có cùng một ơn kêu gọi sẽ hợp thành những Tổ Chức, 38*để nhờ chung sức với nhau, họ được huấn luyện một cách thích hợp và theo đuổi công việc đó nhân danh Giáo Hội và theo ý muốn của hàng Giáo Phẩm. Từ nhiều thế kỷ nay, những Tổ Chức này đã mang gánh nặng của tháng ngày và của nóng nực, đã tự hiến trọn vẹn hoặc một phần cho công việc truyền giáo vất vả. Thường thường, Tòa Thánh ủy thác cho họ việc rao giảng Phúc Âm cho những vùng đất rộng lớn, ở đó họ tụ họp cho Thiên Chúa một dân tộc mới, một Giáo Hội địa phương liên kết chặt chẽ với các chủ chăn mình. Ðối với các Giáo Ðoàn mà họ đã xây dựng bằng mồ hôi và cả bằng máu mình, họ đem hết lòng nhiệt thành và kinh nghiệm để phục vụ trong tinh thần cộng tác huynh đệ, hoặc bằng việc săn sóc các linh hồn, hoặc bằng cách chu toàn những công tác đặc biệt nhằm lợi ích chung.
Ðôi khi họ sẽ đảm nhận một số công tác khẩn cấp hơn cho cả một miền, chẳng hạn việc rao giảng Phúc Âm cho những nhóm người hay những dân tộc, mà vì những lý do riêng, có lẽ chưa nhận được, hoặc vẫn còn chống lại sứ điệp Phúc Âm 28.
Nếu cần, họ phải sẵn sàng dùng kinh nghiệm mình mà huấn luyện và giúp đỡ những người hiến thân trong một thời gian cho hoạt động truyền giáo.
Vì những lý do trên và vì vẫn còn nhiều dân tộc phải được dẫn về với Chúa Kitô, nên những tổ chức đó còn hết sức cần thiết.
Chương V: Tổ Chức Hoạt Ðộng Truyền Giáo 39*
28. Nhập đề.
Các Kitô hữu vì có những ân huệ khác nhau 1, nên mỗi người phải cộng tác vào Phúc Âm tùy theo hoàn cảnh thuận tiện, tài năng đặc sủng và chức vụ 2 của mình. Do đó tất cả mọi người, kẻ gieo và người gặt 3, kẻ trồng và người tưới, phải hiệp nhất với nhau 4, để "khi cùng nhau hướng về một mục đích cách tự do và trật tự" 5, họ đồng tâm gắng sức xây dựng Giáo Hội.
Vì thế công việc của những người rao giảng Phúc Âm và sự trợ giúp của các Kitô hữu khác phải được hướng dẫn và tập trung thế nào, để trong mọi lãnh vực hoạt động và hợp tác truyền giáo "mọi sự đều được thực hiện theo trật tự" (1Cor 14,40).
29. Tổ chức tổng quát.
Vì nhiệm vụ loan báo Phúc Âm cho toàn thế giới trước hết là việc của Giám Mục Ðoàn 6, nên Thượng Hội Ðồng Giám Mục, tức "Hội Ðồng Giám Mục thường trực để lo cho toàn thể Giáo Hội" 7, giữa những công tác có tầm quan trọng tổng quát khác 8, phải đặc biệt lưu tâm đến hoạt động truyền giáo, một phận vụ rất quan trọng và rất thánh thiện của Giáo Hội 9.
Ðể lo cho các xứ truyền giáo và cho mọi hoạt động truyền giáo, phải có một Thánh Bộ duy nhất có thẩm quyền, tức là "Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin"; Thánh Bộ này điều khiển và phối hợp chính công cuộc truyền giáo cũng như sự hợp tác truyền giáo trên toàn thế giới; tuy nhiên quyền của các Giáo Hội Ðông Phương vẫn còn nguyên vẹn 10.
Vẫn biết Chúa Thánh Thần có nhiều cách thúc đẩy tinh thần truyền giáo trong Giáo Hội Chúa, và đôi khi đã đi trước hành động của những vị hướng dẫn đời sống Giáo Hội; tuy nhiên, riêng về phần mình, Thánh Bộ này cũng phải phát động ơn kêu gọi và tinh thần truyền giáo, nhiệt tâm và kinh nguyện cho các xứ truyền giáo, và phải thông báo những tin tức chính xác và đầy đủ về những xứ đó. Thánh Bộ cũng phải cổ võ và phân phối các nhà truyền giáo tùy nhu cầu khẩn cấp hơn của các miền. Thánh Bộ lại phải sắp đặt kế hoạch hoạt động cho có quy củ, ban bố những tiêu chuẩn hướng dẫn và những nguyên tắc thích nghi với việc rao giảng Phúc Âm, và thúc đẩy công việc đó nữa. Thánh Bộ phải phát động và phối hợp việc đóng góp hữu hiệu tiền trợ cấp và phân phát tùy theo nhu cầu hay lợi ích, theo diện tích, theo số tín hữu và lương dân, theo số công tác và tổ chức cũng như theo số thừa tác viên và nhà truyền giáo.
Hợp với Văn Phòng cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu, Thánh Bộ phải tìm đường lối và phương tiện để tạo ra cũng như tổ chức sự cộng tác huynh đệ và cả việc hòa hợp với những kế hoạch truyền giáo của các cộng đoàn Kitô giáo khác, hầu tẩy trừ các gương xấu chia rẽ càng nhiều càng hay.
Bởi vậy Thánh Bộ này cần phải vừa là phương tiện điều hành, vừa là cơ quan chỉ đạo sống động, biết xử dụng những phương pháp khoa học và những phương tiện thích nghi với các hoàn cảnh hiện đại, nghĩa là chú trọng đến các khảo cứu hiện thời về thần học, phương pháp học và mục vụ truyền giáo.
Trong việc điều hành Thánh Bộ này, phải có phần tích cực với phiếu quyết định của những đại biểu được chọn trong số tất cả những người cộng tác vào công cuộc truyền giáo: đó là các Giám Mục từ khắp hoàn cầu, sau khi đã lãnh ý các Hội Ðồng Giám Mục và những vị Giám Ðốc các tổ chức và các Hội Giáo Hoàng, theo cách thức và quy tắc do Ðức Giáo Hoàng ấn định. Tất cả những vị này được triệu tập theo định kỳ để thực thi công việc điều hành tối cao của toàn thể công cuộc truyền giáo dưới quyền Ðức Giáo Hoàng.
Thánh Bộ này cũng phải có một Ủy Ban Cố Vấn thường trực, gồm những người chuyên môn, đầy kiến thức và kinh nghiệm; trong các công việc của họ, những người này còn có nhiệm vụ thu thập những tài liệu cần biết về hoàn cảnh địa phương của các miền và về tâm tính của những nhóm người khác nhau, cũng như về những phương pháp cần phải áp dụng cho việc rao giảng Phúc Âm và đưa ra những kết luận có nền tảng khoa học cho công cuộc truyền giáo và việc cộng tác truyền giáo.
Những Hội Dòng Nữ, cũng như các công cuộc địa phương giúp các xứ truyền giáo và cả những tổ chức giáo dân, nhất là những tổ chức quốc tế, đều phải được đại diện một cách thích đáng.
30. Tổ chức địa phương ở các xứ truyền giáo.
Ðể thi hành công cuộc truyền giáo này đạt tới mục đích và kết quả, mọi người làm việc truyền giáo phải có một "con tim duy nhất và một tâm hồn duy nhất" (CvTđ 4,32).
Ðức Giám Mục 40* là vị chỉ huy và là trung tâm hiệp nhất việc tông đồ giáo phận, có nhiệm vụ phát động, điều khiển và phối hợp hoạt động truyền giáo thế nào để duy trì và cổ võ lòng nhiệt thành của những người tham gia vào công việc này. Hết mọi nhà truyền giáo, kể cả những tu sĩ miễn trừ, phải phục quyền Ngài trong những công tác nhằm thi hành việc tông đồ thánh 11. Ðể phối hợp công việc tốt đẹp hơn, Ðức Giám Mục nếu có thể nên thiết lập Hội Ðồng Mục Vụ, trong đó giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều được góp phần qua những đại biểu được tuyển chọn. Ngoài ra, Giám Mục phải lo liệu để hoạt động tông đồ không chỉ giới hạn cho những người đã tòng giáo, nhưng phải dành một phần nhân lực và vật lực tương đương vào việc rao giảng Phúc Âm cho những người ngoài Kitô giáo.
31. Phối hợp hoạt động trong miền.
Các Hội Ðồng Giám Mục phải đồng lòng cứu xét những chuyện quan trọng hơn và những vấn đề khẩn cấp hơn, nhưng không được xem nhẹ những dị biệt địa phương 12. Ðể khỏi phân tán nhân lực và vật lực còn thiếu thốn, và để khỏi gia tăng những công cuộc không cần thiết, nên hợp lực thiết lập những công tác phục vụ lợi ích chung, thí dụ chủng viện, các trường cao đẳng hay kỹ thuật, những trung tâm mục vụ, giáo lý, phụng vụ và cả những trung tâm cho các phương tiện truyền thông xã hội.
Cũng phải tùy tiện mà thiết lập sự cộng tác như vậy giữa các Hội Ðồng Giám Mục khác nhau.
32. Phối hợp hoạt động của các tổ chức.
Cũng nên phối hợp hoạt động của các Tổ Chức hay Hội Ðoàn trong Giáo Hội. Mọi tổ chức đó, bất cứ thuộc loại nào, trong bất cứ điều gì liên quan đến chính hoạt động truyền giáo, đều phải tùy phục Ðấng Bản Quyền địa phương. Vì thế, sẽ rất hữu ích nếu đi đến những hợp đồng riêng để qui định những liên lạc giữa Ðấng Bản Quyền và vị Giám Mục của Tổ Chức.
Khi một địa hạt được ủy thác cho một Tổ Chức nào, thì Bề Trên của Giáo Hội địa phương và của Tổ Chức đó phải để tâm qui hướng mọi sự đến mục đích này là để cộng đoàn Kitô giáo mới mẻ được phát triển thành một Giáo Hội địa phương; việc quản trị Giáo Hội này sẽ được trao cho Chủ Chăn cùng với hàng giáo sĩ riêng của mình vào lúc thuận tiện. Sau khi việc ủy thác một địa hạt chấm dứt, một hoàn cảnh mới sẽ phát sinh, khi đó các Hội Ðồng Giám Mục và các Tổ Chức phải đồng lòng ấn định những tiêu chuẩn hướng dẫn mối tương quan giữa các Ðấng Bản Quyền và các Tổ Chức 13. Còn Tòa Thánh có nhiệm vụ phác họa những nguyên tắc tổng quát để theo đó mà ký kết những hợp đồng miền, hoặc cả những hợp đồng riêng tư nữa.
Tuy các Tổ Chức sẵn sàng tiếp tục công việc đã khởi xướng, bằng cách cộng tác vào các thừa tác vụ thông thường là coi sóc các linh hồn, nhưng khi hàng giáo sĩ địa phương tăng triển, phải trù liệu để các Tổ Chức theo mức độ thích hợp với mục đích mình, vẫn còn trung thành với chính giáo phận bằng cách quảng đại lãnh nhận những công tác đặc biệt hay một vùng nào đó trong giáo phận.
33. Phối hợp giữa các tổ chức.
Những Tổ Chức 41* đang chăm lo công việc truyền giáo trong cùng một địa hạt phải tìm đường lối và phương pháp phối hợp công tác. Vì thế rất cần phải có những Hội Ðồng Nam Tu và Hiệp Hội Nữ Tu với sự tham gia của mọi tổ chức trong cùng một nước hay một miền. Các Hội Ðồng này phải tìm xem có thể cùng nhau cố gắng làm được những gì, và phải liên kết chặt chẽ với các Hội Ðồng Giám Mục.
Vì lý do tương tự, tất cả những điều trên cũng nên được mang ra áp dụng vào việc cộng tác giữa những Tổ Chức truyền giáo ngay tại quê hương, để có thể giải quyết các vấn đề và các công cuộc chung một cách dễ dàng và ít tốn kém hơn, chẳng hạn như việc huấn luyện về giáo thuyết cho các nhà truyền giáo tương lai, những khóa học cho những nhà truyền giáo, những liên lạc với chính quyền hay với những cơ quan quốc tế và siêu quốc gia.
34. Phối hợp giữa các viện khoa học.
Một hoạt động truyền giáo được thực thi đúng đắn và có tổ chức chặt chẽ đòi hỏi các thợ rao giảng Phúc Âm phải được chuẩn bị cho nhiệm vụ mình một cách khoa học, nhất là để đối thoại với các tôn giáo và văn hóa ngoài Kitô giáo. Họ phải được giúp đỡ một cách hữu hiệu ngay trong khi thi hành chức vụ; do đó ước mong rằng: để giúp đỡ các xứ truyền giáo, cần có sự cộng tác huynh đệ và quảng đại giữa những Tổ Chức khoa học đang nghiên cứu khoa truyền giáo và những môn học hay nghệ thuật khác giúp ích cho các xứ truyền giáo như nhân chủng học, ngôn ngữ học, lịch sử học, tôn giáo học, xã hội học, những nghệ thuật mục vụ và những môn tương tự.
Chương VI: Sự Cộng Tác
35. Nhập đề.
Vì toàn thể Giáo Hội là truyền giáo và vì công việc rao giảng Phúc Âm là nhiệm vụ căn bản của Dân Chúa, nên Thánh Công Ðồng mời gọi mọi người canh tân tự thâm tâm mình, để khi đã tích cực ý thức trách nhiệm riêng trong việc truyền bá Phúc Âm, mọi người góp phần vào công cuộc truyền giáo nơi Muôn Dân 42*.
36. Nhiệm vụ truyền giáo của toàn Dân Thiên Chúa.
Tất cả các Kitô hữu vì là chi thể của Chúa Kitô hằng sống, được sáp nhập và nên giống Người nhờ Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, nên họ 43* có bổn phận phải cộng tác vào việc phát triển và bành trướng Thân Thể Người, để Thân Thể này được sung mãn càng sớm càng hay 1.
Vì thế, tất cả con cái Giáo Hội phải tích cực ý thức trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải hun đúc cho mình có tinh thần thực sự công giáo, và phải hy sinh góp sức vào công việc rao giảng Phúc Âm. Tuy nhiên, mọi người phải biết rằng bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc truyền bá đức tin là sống sâu xa đời sống Kitô hữu. Vì chính khi nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và bác ái đối với tha nhân, họ mang lại cho toàn thể Giáo Hội một cảm hứng tinh thần mới và làm cho Giáo Hội xuất hiện như là một dấu chỉ nổi lên giữa các dân 2, là "ánh sáng thế gian" (Mt 5,14) và là "muối đất" (Mt 5,13). Chứng cứ đời sống này sẽ đem lại kết quả dễ dàng hơn, nếu cùng được thực hiện chung với các nhóm Kitô giáo khác, theo tiêu chuẩn của Sắc Lệnh về sự Hiệp Nhất 3.
Nhờ tinh thần đổi mới này, các kinh nguyện và việc khổ hạnh sẽ được tự phát dâng lên Thiên Chúa, để nhờ ơn thánh Ngài, công việc của các nhà truyền giáo mang lại kết quả, ơn kêu gọi truyền giáo được phát sinh và những tài nguyên mà các xứ truyền giáo đang cần đến sẽ được dồi dào.
Ðể tất cả và mỗi một Kitô hữu biết rõ hoàn cảnh hiện tại của Giáo Hội trong thế giới, và để họ nghe tiếng kêu gào của đám đông: "xin giúp chúng tôi" 4, phải dùng cả những phương tiện truyền thông xã hội hiện đại mà cung cấp những tin tức truyền giáo để khi cảm thấy hoạt động truyền giáo là việc của mình, họ mở rộng tâm hồn đáp ứng những nhu cầu rất bao la và thâm sâu của con người và có thể giúp đỡ những người ấy.
Cũng cần phải phối hợp các tin tức và cộng tác với các cơ quan quốc gia hay quốc tế.
37. Nhiệm vụ truyền giáo của cộng đoàn Kitô giáo.
Vì Dân Chúa sống trong các cộng đoàn, 44*nhất là các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ và tỏ ra hữu hình một cách nào đó trong các cộng đoàn trên, nên các cộng đoàn đó cũng phải minh chứng về Chúa Kitô trước mặt Muôn Dân.
Ơn canh tân không thể lớn lên trong các cộng đoàn nếu mỗi cộng đoàn không mở rộng phạm vi bác ái đến tận cùng trái đất và không lo lắng cho những kẻ ở xa giống như cho những người thuộc cộng đoàn mình.
Như thế toàn thể cộng đoàn cầu nguyện, cộng tác và hành động giữa muôn dân nhờ những người con đã được Thiên Chúa tuyển chọn vào chức vụ rất cao trọng này.
Cũng sẽ rất hữu ích, nhất là để đừng xao lãng công việc truyền giáo phổ quát, nếu giữ được mối liên lạc với những nhà truyền giáo xuất thân từ chính cộng đoàn, hoặc với một giáo xứ hay giáo phận nào đó trong các xứ truyền giáo, để mối thông hiệp giữa các cộng đoàn trở nên hữu hình và đi đến chỗ xây dựng cho nhau.
38. Nhiệm vụ truyền giáo của Giám Mục.
Tất cả các Giám Mục với tư cách là thành phần của Giám Mục Ðoàn kế vị Tông Ðồ Ðoàn, được cung hiến không phải chỉ cho một giáo phận nào đó, mà là cho phần rỗi của toàn thế giới. Mệnh lệnh của Chúa Kitô sai đi rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật 5 trước hết và trực tiếp nhắm tới các Ngài, cùng với Phêrô và dưới quyền Phêrô. Do đó, giữa các Giáo Hội xuất phát một mối hiệp thông và cộng tác mà ngày nay rất cần thiết để theo đuổi công cuộc rao giảng Phúc Âm. Nhờ sự thông hiệp này mỗi Giáo Hội đều lo lắng cho tất cả các Giáo Hội khác, cho nhau biết những nhu cầu riêng của mình, cùng nhau san sẻ của cải, vì việc bành trướng Thân Thể Chúa Kitô là phần vụ của toàn thể Giám Mục Ðoàn 6.
Khi Giám Mục cổ võ, phát động và điều khiển công cuộc truyền giáo trong giáo phận - mà Giám Mục với giáo phận chỉ là một - chính là Giám Mục làm thể hiện tinh thần và nhiệt tâm truyền giáo của Dân Chúa và có thể nói là thể hiện cách hữu hình, để toàn thể giáo phận trở thành truyền giáo.
Các Giám Mục có nhiệm vụ khuyến khích trong dân mình, nhất là giữa những kẻ đau yếu và khổ tâm, những tâm hồn quảng đại dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện và việc khổ hạnh để cầu cho công cuộc rao giảng Phúc Âm trên thế giới; sẵn lòng cổ võ ơn kêu gọi thanh niên và giáo sĩ gia nhập các Tổ Chức truyền giáo, và cảm tạ Thiên Chúa khi Chúa tuyển chọn một số người dấn thân vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội; khuyến khích và giúp đỡ các Hội Dòng giáo phận để họ góp phần riêng vào các xứ truyền giáo; phát động nơi tín hữu mình những công cuộc của các Tổ Chức truyền giáo, và nhất là các Hội Giáo Hoàng truyền giáo. Thực vậy, những hội này phải chiếm chỗ nhất vì chúng là những phương tiện vừa để người công giáo, ngay từ tuổi thơ, được thấm nhiễm cảm thức thực sự phổ quát và truyền giáo, vừa để khuyến khích một cuộc quyên góp hữu hiệu những tiền trợ cấp cho tất cả các xứ truyền giáo tùy theo nhu cầu từng nơi 7.
Vì ngày càng cần nhiều thợ vườn nho Chúa và vì các linh mục giáo phận cũng ước ao ngày càng được góp phần lớn hơn vào việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới, nên Thánh Công Ðồng rất ước mong các Giám Mục, trong khi cân nhắc về việc thiếu linh mục rất trầm trọng đang cản trở việc rao giảng Phúc Âm cho nhiều miền, hãy sai đến những giáo phận thiếu giáo sĩ vài linh mục xuất sắc đã tự hiến để làm việc truyền giáo và đã được chuẩn bị đầy đủ, để họ thi hành thừa tác vụ truyền giáo với tinh thần phục vụ ít là trong một thời gian 8.
Ðể hoạt động truyền giáo của các Giám Mục có thể thực thi một cách hữu hiệu hơn cho lợi ích của toàn thể Giáo Hội, các Hội Ðồng Giám Mục nên điều khiển các công việc liên quan đến việc tổ chức sự cộng tác trong miền.
Trong các Hội Ðồng, các Giám Mục phải bàn về các linh mục thuộc hàng giáo sĩ giáo phận đang hiến thân rao giảng Phúc Âm cho muôn dân, về số tiền đóng góp hạn định, tương xứng với những lợi tức riêng, mà mỗi giáo phận hằng năm buộc phải đóng góp cho công trình tại các xứ truyền giáo 9, về việc điều khiển và tổ chức những cách thức và phương tiện trực tiếp nâng đỡ các xứ truyền giáo, về việc giúp đỡ và nếu cần, thiết lập các Tổ Chức truyền giáo và các chủng viện giáo sĩ giáo phận cho các xứ truyền giáo, về việc cổ võ những liên lạc chặt chẽ hơn giữa những Tổ Chức loại này với các giáo phận.
Cũng thế, các Hội Ðồng Giám Mục có nhiệm vụ thiết lập và phát động những công cuộc nhằm tiếp đón trong tình huynh đệ và đem lòng chăm sóc mục vụ thích đáng mà giúp đỡ những người vì lý do công vụ hay học hành, từ các miền truyền giáo đến trú ngụ. Nhờ họ mà những dân tộc xa xôi trở nên gần gũi một cách nào đó, và là dịp rất tốt để các cộng đoàn Kitô giáo lâu đời được đối thoại với những dân tộc chưa nghe nói đến Phúc Âm, cùng tỏ bày cho họ gương mặt đích thực của Chúa Kitô trong nghĩa cử yêu thương và giúp đỡ 10.
39. Nhiệm vụ truyền giáo của Linh Mục.
Các linh mục đóng vai trò Chúa Kitô và là cộng sự viên của hàng Giám Mục trong ba phận vụ thánh 45*, mà tự bản tính thuộc về sứ mệnh của Giáo Hội 11. Vậy các ngài phải thấu hiểu sâu xa rằng đời sống các ngài cũng được cung hiến để phục vụ các xứ truyền giáo. Vì nhờ thừa tác vụ riêng của mình, thừa tác vụ này cốt yếu hệ tại Bí Tích Thánh Thể, bí tích kiện toàn Giáo Hội, các ngài thông hiệp với Chúa Kitô là Ðầu và dẫn đưa kẻ khác đến sự thông hiệp này; do đó các ngài không thể không cảm thấy rằng sự viên mãn của Thân Thể đến nay vẫn còn biết bao thiếu sót, và do đó còn biết bao điều phải làm để Thân Thể ngày một lớn hơn. Vậy các ngài phải sắp đặt công việc mục vụ thế nào để mưu ích cho việc bành trướng Phúc Âm nơi những người ngoài Kitô giáo.
Các linh mục, trong việc mục vụ, phải cổ võ và duy trì giữa tín hữu lòng nhiệt thành đối với việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới, bằng cách dạy giáo lý và giảng thuyết để giáo huấn họ về nhiệm vụ của Giáo Hội phải loan báo Chúa Kitô cho Muôn Dân, bằng cách dạy các gia đình Kitô hữu về sự cần thiết và vinh dự vun trồng ơn kêu gọi truyền giáo nơi con trai con gái mình; bằng cách cổ võ nhiệt tâm truyền giáo nơi thanh thiếu niên trong các trường và các hội đoàn công giáo để từ nơi họ, xuất phát những nhà rao giảng Phúc Âm tương lai. Các ngài phải dạy tín hữu cầu nguyện cho các xứ truyền giáo và đừng xấu hổ xin họ bố thí và trở nên như những hành khất vì Chúa Kitô và vì phần rỗi các linh hồn 12.
Các giáo sư Chủng Viện và Ðại Học phải dạy cho thanh thiếu niên biết hoàn cảnh đích thực của thế giới và của Giáo Hội, để họ nhìn thấy nhu cầu rất cấp bách của việc rao giảng Phúc Âm cho những người ngoài Kitô giáo và để nuôi dưỡng nhiệt tâm của họ. Trong khi dạy các môn tín lý, Thánh Kinh, luân lý và lịch sử, phải nêu rõ những khía cạnh truyền giáo hàm chứa trong các môn ấy, để nhờ đó đào tạo cho các linh mục tương lai một ý thức truyền giáo.
40. Nhiệm vụ truyền giáo của Hội Dòng.
Các Hội Dòng 46* sống đời chiêm niệm hay hoạt động, cho đến nay đã và đang góp phần rất lớn vào việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới. Thánh Công Ðồng vui mừng nhìn nhận công lao của họ và cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao nỗ lực được thực hiện để làm vinh danh Chúa và phục vụ các linh hồn. Thánh Công Ðồng khuyến khích họ hãy cứ hăng say theo đuổi công việc đã khởi sự, vì họ phải biết rằng sức mạnh của đức ái mà ơn kêu gọi buộc họ phải thực thi một cách hoàn hảo hơn, thúc đẩy và buộc họ phải có tinh thần và việc làm thực sự công giáo 13.
Các Hội Dòng sống đời chiêm niệm góp phần rất lớn vào việc trở lại của các linh hồn nhờ những kinh nguyện, việc khổ hạnh và thử thách, vì Thiên Chúa là Ðấng sai thợ đến gặt lúa của Ngài theo lời ta cầu xin 14, Ðấng mở rộng tâm hồn người ngoài Kitô giáo để họ lắng nghe Phúc Âm 15, và làm cho lời cứu rỗi sinh hoa kết quả trong lòng họ 16. Hơn nữa, xin các Hội Dòng đó lập các nhà dòng trong những xứ truyền giáo, như họ đã làm khá nhiều, để ở đó, nhờ sống thích nghi với các truyền thống tôn giáo đích thực của các dân tộc, họ tỏ cho những người ngoài Kitô giáo thấy một chứng tá cao đẹp về uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa cũng như về sự hiệp nhất trong Chúa Kitô.
Còn các Hội Dòng sống đời hoạt động, hoặc theo đuổi mục đích hoàn toàn truyền giáo hoặc không, đều phải thành thật tự vấn trước mặt Chúa xem mình có thể bành trướng hoạt động vào việc mở rộng Nước Chúa nơi Muôn Dân không; xem mình có thể trao một số thừa tác vụ cho những người khác để cống hiến sức lực mình cho các xứ truyền giáo không; xem mình có thể khởi công hoạt động trong các xứ truyền giáo bằng cách thích nghi Hiến Pháp của mình nếu cần, mà vẫn theo tinh thần của Vị Sáng Lập không; xem các tu sĩ của mình có thể tùy sức tham gia vào hoạt động truyền giáo không; xem cách sống thường xuyên của họ có phải là một chứng tá của Phúc Âm được thích nghi với đặc tính và hoàn cảnh của dân chúng không.
Vì nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Giáo Hội ngày càng có thêm nhiều Tu Hội triều, và hoạt động của các tu hội ấy dưới quyền Giám Mục, có thể mang lại nhiều kết quả trong các xứ truyền giáo về nhiều phương diện, như là dấu chỉ của sự tận hiến trọn vẹn cho việc rao giảng Phúc Âm trên thế giới.
41. Nhiệm vụ truyền giáo của giáo dân.
Giáo dân 47* cộng tác vào công cuộc rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội, đồng thời với tư cách chứng nhân và khí cụ sống động 17 họ tham gia vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội, nhất là khi họ được Thiên Chúa kêu gọi và được Giám Mục thu nhận để làm việc đó.
Trong những địa hạt đã theo Kitô giáo, giáo dân tham gia vào việc rao giảng Phúc Âm bằng cách tự khuyến khích và khích lệ người khác hiểu biết và yêu mến các xứ truyền giáo, cổ võ ơn kêu gọi trong gia đình mình, trong các hội đoàn công giáo và trong các trường học, dâng cúng mọi thứ của cải; như thế họ có thể trao tặng kẻ khác ơn đức tin mà họ đã lãnh nhận nhưng không.
Còn trong những địa hạt thuộc các xứ truyền giáo, giáo dân, hoặc ngoại kiều, hoặc địa phương, phải dạy học trong các trường, phụ trách các việc trần thế, hợp tác vào hoạt động giáo xứ hay giáo phận, thành lập và cổ võ các hình thức làm việc tông đồ giáo dân, để tín hữu của các Giáo Hội trẻ trung được góp phần riêng mình vào đời sống Giáo Hội càng sớm càng hay 18.
Sau cùng giáo dân phải tự ý cộng tác trong lãnh vực kinh tế xã hội với các dân tộc trên đường phát triển. Sự cộng tác này càng đáng khen ngợi nếu càng liên quan đến việc thành lập các tổ chức thuộc những cơ cấu căn bản của đời sống xã hội hay để đào tạo những người có trách nhiệm với quốc gia.
Cũng đáng đặc biệt tán thưởng những giáo dân, trong các Ðại Học hay các Viện Khoa Học, biết dùng những khảo cứu lịch sử hay khoa học tôn giáo mà cổ võ sự hiểu biết về các dân tộc và các tôn giáo: như thế là họ giúp các nhà rao giảng Phúc Âm và chuẩn bị cuộc đối thoại với những người ngoài Kitô giáo.
Họ cũng phải hợp tác trong tình huynh đệ với các Kitô hữu khác, với những người ngoài Kitô giáo và nhất là với các hội viên của những tổ chức quốc tế, nhưng phải luôn nhớ rằng "việc xây dựng xã hội trần thế đặt nền tảng trong Chúa và quy hướng về Người" 19.
Ðể chu toàn tất cả những phận vụ đó, giáo dân cần phải được chuẩn bị về kỹ thuật và đời sống thiêng liêng tại những Học Viện chuyên khoa, để đời sống họ trở thành chứng tá cho Chúa Kitô đối với những người ngoài Kitô giáo, như lời Thánh Tông Ðồ: "Anh em đừng nêu gương xấu cho người Do Thái, cho Muôn Dân và cho Giáo Hội Chúa, như chính tôi, tôi làm vừa lòng mọi người trong mọi sự mà không tìm tư lợi gì cho tôi, chỉ mong giúp ích cho nhiều người để họ được cứu rỗi" (1Cor 10,32-33).
Kết Luận
42. Lời chào mừng thân ái.
Các Nghị Phụ Công Ðồng, hiệp nhất cùng Ðức Giáo Hoàng, ý thức rất sâu xa về bổn phận phải mở rộng Nước Chúa khắp nơi, hết lòng thân ái chào mừng tất cả những người rao giảng Phúc Âm, nhất là những người chịu bách hại vì Danh Chúa Kitô và chia xẻ những đau khổ của họ 20.
Như Chúa Kitô đã cháy lửa yêu mến nhân loại thế nào thì các Ngài cũng nóng nảy yêu mến nhân loại như vậy. Nhưng ý thức rằng chính Thiên Chúa khiến Nước Ngài đến trong thế gian, các Ngài hiệp cùng tất cả các Kitô hữu cầu nguyện để nhờ sự cầu bầu của Trinh Nữ Maria Nữ Vương các Tông Ðồ, cho muôn dân mau được đưa về nhận biết chân lý 21 để vinh quang Thiên Chúa đang chói lọi trên dung nhan Chúa Giêsu Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần mà chiếu sáng cho hết mọi người 22.
Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.
Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 12 năm 1965.
Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.
======================
1 CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 48 : AAS 57 (1965), trg 53.
2 Xem Mt 16,15.
1* Sắc Lệnh đưa ra hai lý do minh chứng sự truyền giáo là cần thiết: a) Giáo Hội là Công Giáo mở rộng cho mọi người, để tất cả trở nên phần tử của Giáo Hội. b) Chúa Giêsu Kitô đã truyền lệnh rao giảng Phúc Âm cho mọi người. Nguyên hai lý do này đủ để ngăn chận mọi mưu toan nhằm giảm bớt giá trị của công việc truyền giáo, viện cớ rằng người ngoài Kitô giáo tìm được con đường cứu rỗi trong tôn giáo của họ, vì thế không nên đem Phúc Âm đến quấy phá họ. Sắc Lệnh này nhấn mạnh rằng tiếng "cải hóa" người Kitô giáo về với Chúa phải hiểu theo đúng nghĩa của nó.
3 T. Augustinô, Enar. in Ps. 44, 23 : PL 36, 508 ; CChr 38, 510.
2* Hoàn cảnh mới (tiếng la ngữ ở số ít) được tạo nên vì con người hiện đại có khuynh hướng tiến đến một cộng đoàn thế giới và thống nhất nhân loại. Khuynh hướng này làm cho nhiệm vụ truyền giáo của Giáo Hội trở nên cấp bách hơn, vì nhiệm vụ quy tụ mọi người làm thành một Dân duy nhất của Chúa.
4 Xem Mt 5,13-14.
3* Ðoạn này trình bày một cách vắn tắt mục đích của Sắc Lệnh.
5 Xem Hđ 36,19.
4* Theo yêu cầu của nhiều Nghị Phụ, chương này, trên phương diện giáo lý, phải liên kết công việc truyền giáo với ý định của Chúa về nhân loại. Ý định này là chính tình yêu được biểu lộ qua sứ mạng Thần Linh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Giáo Hội chính là hiệu quả của các sứ mạng đó, và hoạt động truyền giáo là nối dài các sứ mạng đó đến với người ngoài Kitô giáo. Những ý tưởng này đã được phác họa trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội, và được quảng diễn thêm ở đây.
6 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 2 : AAS 57 (1965), trg 5-6.
5* Câu này quả quyết cơ cấu về sứ mệnh của Ba Ngôi, sứ mệnh dính liền với ý định Ngôi Cha (số 2), với sứ mệnh Ngôi Con (số 3) và Chúa Thánh Thần (số 4). Các đoạn này thuộc phạm vi thần học thuần túy.
7 Xem Gio 11,52.
8 Xem T. Ireneô, Adv. Haer. III, 18,1 :"Ngôi Lời tồn hữu nơi Thiên Chúa, nhờ Người muôn vật được tạo dựng, và Người hằng hiện diện giữa nhân loại": PG 7, 937. - n.t., IV, 6, 7: "Từ nguyên thủy, Chúa Con hiện diện trong công trình tạo dựng, đã mạc khải Chúa Cha cho những ai Người muốn, khi nào Người muốn và như Người muốn": PG 7, 990. - Xem n.t., IV, 20, 6 và 7: PG 7, 1037. - T. Ireneô, Demonstratio số 34: PO XII, 773: Sources Chr. 62, Paris 1958, trg 87. - Clementê Alex., Protrep. 112, 1: GCS, n.t., 485. - Về chính giáo thuyết này: Xem Piô XII, diễn văn truyền thanh 31-12-1952. - CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 16: AAS 57 (1965), trg 20.
6* Cho đến đây, đoạn này còn đề cập đến những người ngoài Kitô giáo.
9 Xem Col 1,13; CvTđ 10,38.
10 Xem 2Cor 5,19.
11 Xem Dth 1,2 ; Gio 1,3 và 10 ; 1Cor 8,6 ; Col 1,16.
12 Xem Eph 1,10.
7* Adam mới là Chúa Kitô, nguồn ơn cứu độ của chúng ta, còn Adam thứ nhất (Stk 2-3) là nguồn gốc sự sa đọa và thiệt hại thiêng liêng.
13 Xem 2Cor 8,9.
14 Xem Mc 10,45.
8* Các Thánh Phụ, cũng gọi là Giáo Phụ, là những văn sĩ công giáo thời thượng cổ (từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 8).
15 Xem T. Athanasiô, Epist. ad Epictetum, 7: PG 26, 1060. - T. Cyrillô Hier., Catech. 4, 9: PG 33, 465. - Mariô Victorinô, Adv. Arium 3, 3 : PL 8, 1101. - T. Basiliô, Epist. 261, 2: PG 32, 969. - T. Gregoriô Naz., Epist. 101: PG 37, 181. - T. Gregoriô Nyss., Antirrheticus, Adv. Apollin., 17 : PG 45, 1116. - T. Ambrosiô, Epist. 48, 5: PL 16, 1153. - T. Augustinô, In Jo., Evang. tr. XXIII, 6: PL 35, 1585; CChr. 36, 236. - Hơn nữa, một điều chứng tỏ Chúa Thánh Thần đã không cứu chuộc chúng ta vì Người đã không nhập thể : De Agone Christ . 22, 24: PL 40, 302. - T. Cyrillô Alex., Adv. Nestor. I, I: PG 76, 20. - T. Fulgentiô, Epist. 17, 3, 5: PL 65, 454 ; Ad Trasimundum III, 21: PL 65, 284: de tristitia et timore.
16 Xem Dth 4,15 ; 9,28.
17 Xem CvTđ 1,8.
18 Xem Lc 24,47.
19 Chính Chúa Thánh Thần đã dùng các tiên tri mà phán dạy: Symb. Constantinopol: DS 150 - T. Leô Cả, Sermo 76: PL 54, trg 405-406: "Trong ngày Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã đổ tràn ơn xuống cho các môn đệ Chúa Kitô, nhưng đó không phải là khởi đầu ân huệ mà là bổ sung ân phúc: vì các tổ phụ, các tiên tri, các thượng tế, cũng như toàn thể các Thánh sống trong những thời đại xa xưa, cũng đã được chính Chúa Thánh Thần thánh hóa dưỡng nuôi, mặc dầu mức độ ân phúc có khác nhau". Và Sermô 77, 1: PL 54, 412. - Leô XIII, Tđ. Divinum illud, 9-5-1897: ASS 29 (1897) trg 650-651. - T. Gioan Kim Khẩu cũng nói như vậy mặc dù Ngài nhấn mạnh về tính cách mới mẻ của sứ mệnh Chúa Thánh Thần trong ngày Hiện Xuống: In Eph. 4, hom. 10, 1: PG 62, 75.
20 Xem Gio 14,16.
9* Giao ước cũ được ký kết giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Giao ước đó có tính cách quốc gia. Giao ước mới thì phổ quát được ký kết giữa Thiên Chúa và nhân loại, bằng Máu Chúa Giêsu Kitô, đổ ra trên Núi Sọ (x. Mt 26,28).
21 Các Giáo Phụ thường nói về tháp Babel và ngày Hiện Xuống: Origenê, In Genesim, ch. 1: PG 12, 112. - T. Gregoriô Naz. Oratio 41, 16: PG 36, 449. - T. Gioan Kim Khẩu, Hom. 2 in Pentec., 2: PG 50, 467. - n.t., In Act. Apost.: PG 60, 44. - T. Augustinô, En. in Ps. 54, 11: PL 36, 636 ; CChr. 39, 664 tt. - n.t., Sermo 271: PL 38, 1245. - T. Cyrillô Alex., Glaphyra in Genesim II: PG 69, 79. - T. Gregoriô Cả, Hom. in Evang., c. II, hom. 30, 4: PL 76, 1222. - T. Beda, In Hexaem., c. III: PL 91, 125. - Ngoài ra, xem bức họa nơi tiền đường của Vương Cung Thánh Ðường Marcô ở Venezia. - Giáo Hội nói mọi thứ tiếng, và như thế hợp nhất mọi người trong tính cách đại đồng của đức tin: T. Augustinô, Sermones 266, 267, 268, 269: PL 38, 1225-1237. -n.t., Sermo 175, 3: 38, 946. - T. Gioan Kim Khẩu, In Epist. 1 ad Cor., hom. 35 : PG 61, 296. - T. Cyrillô Alex., Fragm. in Act.: PG 74, 758. - T. Fulgentiô, Sermo 8, 2-3: PL 65, 743-744. - về lễ Hiện Xuống như là thánh hiến các Tông Ðồ cho sứ mệnh, xem J.A. Cramer, Catena in Acta SS. Apostolorum, Oxford 1838, trg 24 tt.
10* Cũng như tháp Babel (Stk 11, 8-9) tượng trưng sự chia rẽ và tản mác, thì lễ Hiện Xuống (CvTđ 2, 5-12) tượng trưng sự hiệp nhất và đoàn kết.
22 Xem Lc 3,22 ; 4,1 ; CvTđ 10,38.
23 Xem Gio các đoạn 14-17. - Phaolô VI, Huấn từ đọc tại Công Ðồng, 14-9-1964: AAS 56 (1964), trg 807.
11* Ðặc sủng là những ơn đặc biệt Chúa ban cho một ít người như ơn làm phép lạ, tiên đoán tương lai, biết bí mật tâm hồn. Ơn phẩm trật là quyền thiêng liêng cai trị và thánh hóa giáo dân (tha tội, hiến thánh bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô v.v...).
24 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 4: AAS 57 (1965), trg 7.
25 T. Augustinô, Sermo 267, 4 : PL 38, 1231: "Linh Hồn làm gì trong tất cả các chi thể của một thân thể, thì Chúa Thánh Thần cũng làm như thế trong toàn thể Giáo Hội". - Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 7, và ghi chú 8: AAS 57 (1965), trg 11.
26 Xem CvTđ 10,44-47; 11,15; 15,8.
27 Xem CvTđ 4,8; 5,32; 8,26.29.39; 9,31; 10; 11,24-28; 13,2.4.9; 16,6-7; 20,22-23; 21,11 v.v...
28 Xem thêm Mt 10,1-42.
29 Xem Mt 28,18.
30 Xem CvTđ 1,4-8.
31 Xem Gio 20,21.
12* "Hàng" Giám Mục là giai cấp, địa vị, quyền bính của những ai được tấn phong Giám Mục. Câu "Hàng Giám Mục" cũng có thể chỉ tất cả những ai có quyền hành đó. Ðó là ý nghĩa của số 6.
13* Ðoạn này nói lên nguyên tắc trọng yếu của tất cả mọi hoạt động truyền giáo: hoạt động này phải xử dụng những phương thế như Chúa Giêsu Kitô đã dùng để hoàn thành sứ mệnh của Người (khó nghèo, vâng lời, phục vụ, hy tế).
32 Xem Col 1,24.
33 Xem Tertullianô, Apologet., 50, 13: PL 1, 534; CChr. 1, 171.
14* Ở đây Sắc Lệnh kể ra hai ý niệm then chốt cho hoạt động truyền giáo. Rao giảng Phúc Âm ở đây hiểu theo nghĩa hẹp và chính xác: nghĩa là tuyên bố Phúc Âm và Chúa Kitô bằng lời giảng dạy. Ðây là bước đầu tiên. Còn phải thêm vào việc trồng Giáo Hội. Ðó là thiết lập cộng đoàn Kitô hữu trong đức tin, trong phụng tự, nhất là phụng vụ thánh thể trong tình bác ái, trong qui luật của Giáo Hội, trong tổ chức Hàng Giáo Phẩm. Vun trồng Giáo Hội chính yếu gồm việc thiết lập Hàng Giám Phẩm; tuy nhiên, phương diện pháp lý, và định chế này không phải là phương tiện duy nhất. Trước hết Giáo Hội là một thực thể thiêng liêng mà Hàng Giáo Phẩm phải phục vụ. Việc vun trồng Giáo Hội phải đi đến kết quả này là giáo thuyết Phúc Âm và quy luật Giáo Hội phải đâm rễ sâu trong tâm hồn những người đón nhận việc truyền giáo. Ðã có người muốn hủy bỏ tiếng "trồng" dùng trong Sắc Lệnh, vì theo họ có tính cách quá vật chất. Nhưng danh từ đó đã được giữ lại, vì lẽ nó rất cổ điển trong khoa truyền giáo. Hơn nữa, đó là một danh từ Thánh Kinh (1Cor 3,6-9) được ám chỉ trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội (GH số 6, đoạn 2). Nó diễn tả chính xác khía cạnh đời sống; việc đâm rễ và tăng triển thích hợp với hoạt động truyền giáo. Sắc Lệnh lập lại nhiều lần từ ngữ này. Truyền giáo được định nghĩa bằng việc rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội trong các dân tộc, hay trong những nhóm người chưa tin Chúa Kitô. Sáp nhập việc truyền giáo vào Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin tại Roma, thực ra không nằm trong định nghĩa của việc truyền giáo. Ðó chỉ là vấn đề thực tế và pháp lý, nhưng không chạm tới yếu tính của việc truyền giáo. Việc sáp nhập này còn có những lợi ích thực tế, như Sắc Lệnh sẽ cho ta thấy sau này.
34 T. Tôma đã nói về nhiệm vụ tông đồ phải vun trồng Giáo Hội: xem Sent., lib. I, dist. 16, q. 1, a. 2 ad 2 và ad 4; a.3 sol. - n.t., Summa theol. Ia, q. 43, a.7 ad 6; I-II, q. 106, a.4 ad 4. - Xem Benedictô XV, Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 445 và 453. - Piô XI, Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 74. - Piô XII, 30-4-1939, cùng các vị Giám Ðốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo. - n.t., 24-6-1944, cùng quí vị Giám Ðốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo: AAS 36 (1944), trg 210, đăng lại trong AAS 42 (1950), trg 727, và 43 (1954), trg 508. - n.t., 29-6-1948, cùng giáo sĩ bản xứ: AAS 40 (1948), trg 374. - n.t., Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 507. - n.t., Fidei donum, 15-1-1957 : AAS 49 (1957), trg 236. - Gioan XXIII, Princeps Pastorum, 28-11-1959 : AAS 51 (1959), trg 835. - Phaolô VI, bài giảng ngày 18-10-1964: AAS 55 (1964), trg 911. - Các Ðức Giáo Hoàng cũng như các Giáo Phụ và các nhà Kinh Viện thường nói đến việc mở rộng Giáo Hội: T. Tôma, Comm. in Mt 16,28. - Leô XIII, Tđ. Sancta Dei Civitas, 3-12-1880: AAS 13 (1880), trg 241. - Benedictô XV, Tđ Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 442. - Piô XI, Tđ. Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 65.
35 Xem 1P 1,23.
36 Xem CvTđ 2,42.
15* Phải chú ý sự nhấn mạnh của đoạn này: việc truyền giáo không kết thúc với việc thiết lập Giáo Hội địa phương, nhưng phải được tiếp tục cho đến khi mọi người trong địa phương đó đã trở nên Kitô hữu.
37 Về quan niệm hoạt động truyền giáo nói đây như đã rõ, là thực tế cũng gồm các phần Châu Mỹ Latinh, nơi chưa có hàng Giáo phẩm riêng, chưa trưởng thành về đời sống Kitô giáo, cũng như chưa được rao giảng Phúc Âm cho đủ. Còn vấn đề những địa hạt đó thực tế có được Tòa Thánh công nhận là địa hạt truyền giáo hay không, thì Công Ðồng không lưu tâm. Vì thế vấn đề liên hệ giữa quan niệm hoạt động truyền giáo với một vài địa hạt nhất định, thì nói cho đúng, hoạt động truyền giáo này "phần nhiều" được thực hiện trong những địa hạt nhất định mà Tòa Thánh đã công nhận.
38 CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Hiệp nhất, số 1: AAS 57 (1965), trg 90.
39 Xem Mc 16,16; Gio 3,5.
40 CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 14 : AAS 57 (1965), trg 18.
41 Xem Dth 11,6.
42 Xem 1Cor 9,16.
16* Trong số này Công Ðồng nhấn mạnh phải dùng lời rao giảng để đưa người ngoài Kitô giáo trở về với Chúa Kitô. Như thế, hoạt động truyền giáo vẫn giữ nguyên ý nghĩa lúc trước, nghĩa là một hoạt động nhằm đem người ngoài Kitô giáo về với Chúa. Cũng như bất cứ lúc nào, công việc này hiện hãy còn cấp bách.
43 Xem Eph 4,11-16.
44 Xem Gio 7,18; 8,30 và 44; 8,50; 17,1.
45 Về ý tưởng tổng hợp này, xem Thánh Ireneô về giáo thuyết "quy tụ về một Thủ Lãnh". - Cũng xem hyppolytô, De Anti-christo, số 3: "Thương yêu hết mọi người và ước ao cứu vớt mọi người, muốn làm cho mọi người thành con Thiên Chúa và kêu mời tất cả các thánh hợp thành một con người hoàn hảo duy nhất...: PG 10,732; GCS Hyppolyt I,2, trg 16: "Thực vậy chỉ có một hành vi duy nhất để nhận biết Thiên Chúa nơi những người sẽ đạt tới Thiên Chúa dưới sự lãnh đạo của chính Ngôi Lời, Ðấng ở cùng Thiên Chúa: như thế, để tất cả mọi người được giáo huấn cẩn thận hầu nhận biết Chúa Cha cho xứng là con cái Ngài, như hiện giờ chỉ có một mình Chúa Con nhận biết Chúa Cha mà thôi": PG 14,49; GCS Orig IV, 20 - T. Augustinô, De Sermone Domini in monte, I 41: "Chúng ta hãy yêu thương những gì có thể cùng chúng ta được dẫn vào vương quốc, nơi mà không một ai nói với Thiên Chúa duy nhất "Cha tôi" nhưng tất cả đều nói "Cha chúng tôi": PL 34, 1250. - T. Cyrillô Alex, In Joann, I: "Thực vậy, tất cả chúng ta đều ở trong Chúa Kitô và chính nơi Người mà bản tính nhân loại chung của chúng ta được tái sinh. Chính vì thế Người đã được gọi là Ađam mới. Người đã cư ngụ giữa chúng ta; Người là Ðấng tự bản tính là Con và cũng là Thiên Chúa; cho nên, trong Thánh Thần Người, chúng ta được kêu lên: Abba, Cha! Ngôi Lời cư ngụ nơi mọi người chúng ta như trong một đền thờ duy nhất, nghĩa là chính đền thờ mà Người đã nhận lấy vì chúng ta và từ chúng ta ngõ hầu một khi tất cả chúng ta đã ở trong Người, Người sẽ giao hòa tất cả chúng ta với Chúa Cha trong một thân thể duy nhất, như lời Thánh Phaolô": PG 73, 161-164.
46 Benedictô XV, Tđ. Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 445: "Vì cũng như Giáo Hội Chúa là công giáo, và không xa lạ gì đối với bất cứ một dân tộc hay một quốc gia nào...". - Xem Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magister: "Theo thần quyền, Giáo Hội lan rộng đến mọi quốc gia, vì một khi Giáo Hội đi vào một dân tộc nào như tiêm chích quyền lực của mình vào mạch máu của dân tộc đó, thì Giáo Hội không là, cũng không tự coi mình là một tổ chức đặt ngoài dân tộc này... Hơn nữa, tất cả những gì một dân tộc cho là tốt đẹp, thiện hảo, thì họ (tức là những người đã được tái sinh trong Chúa Kitô" cũng xác nhận như thế, và còn làm cho hoàn hảo hơn nữa". 25-5-1961: AAS 53 (1961), trg 444.
47 Xem Gio 3,18.
48 Xem T. Ireneô, Adv. Haer., III, 15, 3: PG 7, 919: "Họ đã là những nhà rao giảng chân lý và là những tông đồ mang lại tự do".
49 Tiền xướng "O" ngày 23-12 trong Breviarium Romanum.
17* Trong số này Sắc Lệnh đặt hoạt động truyền giáo trong viễn ảnh thế mạt: Giáo Hội phải hướng về sự toàn thiện và viên mãn theo ý định của Chúa cho đến ngày cuối cùng. Muốn cho mức độ viên mãn được thực hiện trong mọi tầng lớp nhân loại, vai trò hoạt động tông đồ không thể thiếu được. Một lần nữa, Sắc Lệnh quả quyết truyền giáo là cần thiết.
50 Xem Mt 24,31. - Didachè 10,5 : Funk I,32.
51 Xem Mc 13,10.
52 CÐ Vat. II, Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, số 17: AAS 57 (1965), trg 20-21. - T. Augustinô, De Civ, Dei, 19, 17: PL 41, 646. - Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin, Bài giáo huấn Collectanea I, số 135, trg 42.
53 Theo Origenê, Phúc Âm phải được rao giảng trước khi tận thế: Hom. in Luc., XXI: GCS, Orig. IX 136, 21tt.; - In Matth. comm. ser., 39: XI 75, 25tt.; - 76, 4tt.; - Hom. in Jerem. III, 2: VIII 308, 29t.; - T. Tôma, Summ. Theol., I-II, q. 106, a. 4, ad 4.
54 Xem CvTđ 1,7.
55 T. Hilariô Piet., In Ps. 14: PL 9, 301. - Eusebiô Caes., In Isaiam, 54, 2-3: PG 24, 426-463. - T. Cyrillô Alex., In Isaiam, ch. V, 54,1-3: PG 70, 1193.
56 Xem Eph 4,13.
57 Xem Gio 4,23.
18* Phần mở đầu chương hai này nhấn mạnh tính cách vĩ đại và cấp bách của hoạt động tông đồ. Toàn chương, qua ba tiểu mục, quảng diễn những giai đoạn tăng trưởng của Giáo Hội trong xứ truyền giáo. Có thể diễn tả các giai đoạn đó như sau: biểu dương đức tin Kitô giáo qua cuộc đối thoại và sự hiện diện của tình bác ái; rao giảng Phúc Âm để quy tụ Dân Chúa; thành lập một cộng đoàn Kitô hữu giữa một dân tộc hay một nước. Lược đồ này có thể áp dụng cho mọi nhóm người sống ngoài đức tin ở những nơi chưa bao giờ nghe rao giảng Phúc Âm hay những nước Kitô giáo nhưng còn bị ảnh hưởng ngoại giáo.
19* Vì Phúc Âm đã được loan báo trong hầu hết các quốc gia, nên Công Ðồng ít nhấn mạnh đến sự bành trướng địa lý của hoạt động truyền giáo cho bằng Giáo Hội phải bén rễ trong mọi văn hóa dị biệt của những dân tộc ngoài Kitô giáo. Không nên hủy bỏ văn hóa dân tộc, nhưng phải làm cho văn hóa thấm nhuần Kitô giáo.
1 Xem Mt 5,16.
2 Xem 1Gio 4,11.
3 Xem Mt 9,35 tt. ; CvTđ 10,38.
4 Xem 2Cor 12,15.
5 Xem Mt 20,26; 23,11. - Xem Phaolô VI, diễn từ đọc tại Công Ðồng 21-11-1964: AAS 56 (1964) trg 1013.
6 Xem Eph 4,24.
20* Ðây là một vài cách biểu dương đức tin người Kitô hữu qua sự hiện diện của họ: với tư cách Kitô hữu, họ có thể tỏ ra lòng hâm mộ, thích nghi với văn hóa, tiếp xúc, bác ái vô vị lợi, cộng tác trong lãnh vực kinh tế, phát triển xã hội, giáo dục; liêm chính trong phạm vi công dân và chính trị dù không can dự việc cai trị, phát huy tình đoàn kết huynh đệ.
7 Xem Col 4,13.
8 Xem CvTđ 4,13. 29. 31; 9,27-28; 13,46; 14,3; 19,8; 26,26; 28,31; 1Th 2,2; 2Cor 3,12; 7,4; Ph 1,20; Eph 3,12; 6,19-20.
9 Xem 1Cor 9,15; Rm 10,14.
10 Xem Mc 16,15.
11 Xem 1Th 1,9-10; 1Cor 1,18-21; Gal 1,31; CvTđ 14,15-17; 17,22-31.
12 Xem CvTđ 16,14.
13 Xem Col 3,5-10; Eph 4,20-24.
14 Xem Lc 2,34; Mt 10,34-39.
15 Xem 1Th 1,6.
16 Xem CÐ Vat II, Tuyên ngôn về Tự Do Tôn Giáo, số 2,4,10. - CÐ Vat. II, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 21.
17 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 17: AAS 57 (1965), trg 20-21.
18 Xem CÐ Vat II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, số 64-65: AAS 56 (1964), trg 117.
21* Bí tích gia nhập là những bí tích làm cho người lãnh nhận gia nhập vào cộng đoàn Kitô hữu: đó là phép Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể.
19 Xem Col 1,13. - Về việc giải thoát khỏi nô lệ ma quỉ và tối tăm: trong Phúc Âm xem Mt 12,28; Gio 8,44; 12,31 (Xem 1Gio 3,8; Eph 2,1-2.): trong Phụng vụ về phép Rửa tội, xem sách Nghi Lễ Rôma.
20 Xem Rm 6,4-11; Col 2,12-13; 1P 3,21-22; Mc 16,16.
21 Xem 1Th 3,5-7; CvTđ 8,14-17.
22* Ðây là bộ giáo luật, một sưu tầm chính thức các luật pháp của Giáo Hội. Một ủy ban chuyên biệt hiện đảm trách việc xuất bản bộ luật mới.
22 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 14: AAS 57 (1965), trg 19.
23 Xem T. Augustinô, Tract. in Joan., 11,4: PL 35, 1476.
24 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 9: AAS 57 (1965), trg 13.
25 Xem 1Cor 3,9.
26 Xem Eph 4,1.
27 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 10, 11, 34: AAS 57 (1965), trg 10-17; 39-40.
23* Câu này có nghĩa là cộng đoàn tín hữu luôn luôn ở với Chúa Kitô trên đường về cùng Chúa Cha cho tới ngày thế mạt.
28 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải Thiên Chúa, số 21 : AAS 57 (1965), trg 24.
29 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 12, 35: AAS 57 (1965) trg 16, 40-41.
30 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 23, 36 : A AS 57 (1965) trg 28, 41-42.
31 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 11, 35, 41 : AAS 57 (1965), trg 15-16, 40-41, 47.
32 Xem CÐ Vat II, Sắc lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, số 4 : AAS 57 (1965), trg 77-78.
24* Muôn dân theo nghĩa Thánh Kinh là người ngoại giáo.
25* Những cộng đoàn giáo hội là những nhóm Kitô hữu không công giáo, nhất là những nhóm Tin Lành (xem tiếng nầy trong HN, ch. III).
33 Xem Epist. ad Diognetum, 5 : PG 2, 1173. -Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 38: AAS 57 (1965), trg 43.
34 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 32: AAS 57 (1965), trg 38. - N.t., Sắc lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân, số 5-7.
35 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về việc đào tạo Linh Mục, số 4, 8, 9.
36 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, số 17: AAS 56 (1964), trg 105.
37 Xem CÐ Vat. II,, Sắc lệnh về việc đào tạo Linh Mục, số 1.
38 Xem Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 843-844.
39 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Hiệp Nhất, số 4: AAS 57 (1965), trg 94-96.
40 Xem Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 842.
41 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 29: AAS 57 (1965), trg 36.
26* Ðặt tay là một nghi lễ thánh thiện. Chính việc đặt tay này ban bí tích phó tế.
42 Xem Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959 : AAS 51 (1959), trg 855.
43 Ở đây nói những người vẫn được gọi là "catéchistes à plein temps", "full time catechists" (những thầy giảng, kẻ giảng).
27* Sứ mệnh pháp lý theo giáo luật là quyền hành do Giáo Quyền có thẩm quyền ban cho, như quyền dạy dỗ, quyền cử hành các nghi thức để phục vụ Giáo Hội.
44 Ở đây nói những người vẫn được gọi là "catéchistes à plein temps", "full time catechists" (những thầy giảng, kẻ giảng).
28* Hai số 19 và 20 trước kia thuộc chương 2, trong đó Giáo Hội địa phương (riêng biệt) được xem như một kết thúc của hoạt động truyền giáo không hơn không kém. Nhưng vì các Giám Mục xứ truyền giáo can thiệp, nên hai số đó được để riêng thành một chương đầy đủ ý nghĩa. Hành động này quy định rõ ràng quy chế của một Giáo Hội trẻ trung trên đà trưởng thành, dù còn cần các Giáo Hội khác trợ giúp. Các Giáo Hội trẻ không phải là những nhóm người công giáo chung quanh Giáo Hội phổ quát, nhưng tăng trưởng trong Giáo Hội phổ quát và như thế cũng góp phần vào đặc tính vừa duy nhất vừa khác biệt của Giáo Hội Công Giáo. Phương diện mới này dĩ nhiên có những hậu quả. Giáo Hội phổ quát không những lo lắng cách riêng nhưng còn phải biết nghe và quan tâm đến các yêu sách của các Giáo Hội trẻ.
29* Các Giáo Hội trẻ phải tiến đến sự trưởng thành và phải trưởng thành, vì sự viên mãn hay kết quả của việc vun trồng Giáo Hội là Giáo Hội trưởng thành. Vun trồng Giáo Hội địa phương là công trình của một đời sống tuần tự như sự tăng trưởng của cây cối hay của con người; khó mà quy định một cách chính xác lúc nào một Giáo Hội mới bắt đầu trưởng thành. Ðoạn thứ nhất phác họa những nét chính yếu của một Giáo Hội trưởng thành.
30* Ðoạn thứ hai và những đoạn tiếp nói rõ một Giáo Hội trẻ trung có thể trưởng thành bằng những phương thế nào.
1 Xem Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 838.
2 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục, số 11. - N.t., Sắc lệnh về việc Ðào Tạo Linh Mục, số 2.
31* Giáo Hội địa phương hay Giáo Hội riêng biệt, theo bản văn là toàn thể các Giáo Hội "địa phương" trong một miền hay trong một nước nhất định; danh gọi đó chỉ tất cả các giáo phận hay những giáo khu trong một nước. Cả số 20 nhấn mạnh một Giáo Hội mới trưởng thành có bổn phận phải biến thành một Giáo Hội truyền giáo chủ động và phải hoạt động, truyền giáo trong các vùng chung quanh hay ngay cả ở nước ngoài.
3 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 25: AAS 57 (1965), trg 29.
4 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục, số 10: để công việc mục vụ đặc biệt cho những đoàn thể xã hội khác nhau được dễ dàng, phải tiên liệu thiết lập các Giám chức biệt hạt trong mức độ sự tổ chức đứng đắn của việc tông đồ đòi hỏi.
32* Cả số 21 diễn tả vai trò giáo dân trong Giáo Hội trẻ: biểu dương đức tin, truyền giáo cách ý thức, quy mô, hữu hiệu. Việc tông đồ giáo dân này cũng là một bằng chứng Giáo Hội trẻ đã trưởng thành.
5 Xem 1Cor 15,23.
6 Xem 1Cor 15,28.
7 Xem Eph 4,24.
33* Bằng chứng cuối cùng của một Giáo Hội trẻ trung trưởng thành là đem các giá trị văn hóa riêng biệt của một dân tộc vào Giáo Hội. Phương pháp đồng hóa và sáp nhập được diễn tả trong số 22. Ở đây các vấn đề phần lớn được khảo cứu theo ánh sáng mạc khải. Nhờ các Giáo Hội địa phương thích nghi sâu xa với các quốc gia, nên Giáo Hội phổ quát mới được sáng ngời bằng sự khác nhau trong duy nhất. Tính cách duy nhất này còn được bảo đảm nhờ một đức tin, một tình bác ái, một đời sống bí tích, một quyền cai trị tối cao.
8 Xem Tv 2,8.
9 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 13: AAS 57 (1965), trg 17-18.
10 Xem Phaolô VI, Diễn từ đọc trong lễ phong thánh cho các Vị Tử Ðạo Uganda: AAS 56 (1964), trg 908.
11 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 13: AAS 57 (1965), trg 18.
34* Hoạt động truyền giáo có bản tính và mục đích riêng biệt. Vì thế nó phải có những người thợ được chỉ định và được đặc biệt chuẩn bị. Ðó là các vị truyền giáo. Có những cái nhìn mơ hồ được phổ biến đó đây quan niệm rằng các nhà truyền giáo chỉ có tính cách phụ thuộc, và làm lu mờ hình ảnh cũng như vai trò của họ. Nhưng các Giám Mục xứ truyền giáo và với các ngài cả Công Ðồng mong ước rằng các nhà truyền giáo phải được xác định một cách trọn vẹn, được diễn tả và khuyến khích qua một sắc lệnh. Thật vậy, dù cả Giáo Hội phải truyền giáo, nhưng Thánh Kinh cũng cho thấy có một số người được cắt đặt rao giảng Phúc Âm (CvTđ 13,2; Rm 1,1). Chủ đề chương IV là ơn kêu gọi, ý niệm, vai trò và việc huấn luyện một nhà truyền giáo.
1 CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 17: AAS 57 (1965), trg 21.
2 Xem Mc 3,13t.
3 Xem 1Cor 12,11.
4 "Tổ chức" ở đây hiểu là các Dòng Tu, Hội Dòng, Tu Hội và các Hiệp Hội làm việc truyền giáo.
35* Ở đây (ngay chương này cũng như chương VI) danh từ truyền bá Phúc Âm hiểu theo nghĩa rộng và bao hàm: việc truyền giáo, rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội, gọi tắt là công việc truyền giáo.
5 Xem Piô XI, Tđ. Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 69-71. - Piô XII, Tđ. Saeculo exeunte, 13-6-1940: AAS 32 (1940), trg 256; Tđ. Evangelii praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 506.
36* Ðoạn này cho ta một khái niệm đúng về nhà truyền giáo và hình như cải chính một ý tưởng thông thường về nhà truyền giáo. Theo dân chúng, nhà truyền giáo là một người da trắng, một người Âu Châu, một người lìa bỏ quê hương và văn minh của mình. Những phương diện đó có thể đúng, nhưng không thiết yếu. Khi giải thích đoạn này cho các Nghị Phụ, Ủy Ban đặc trách vấn đề truyền giáo đã nêu lên 5 yếu tố trong khái niệm về nhà truyền giáo: nhà truyền giáo phải là: 1) người được tách rời, nghĩa là được đại diện để thi hành một hoạt động chuyên biệt; 2) được Bản Quyền Giáo Hội sai đi; 3) phải ra đi, nghĩa là mang Giáo Hội đến những nơi chưa có Giáo Hội; 4) đến nơi xa, không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa địa lý, nhưng theo nghĩa thiêng liêng: đi từ một nơi Giáo Hội được vun trồng đến một nơi ngoại giáo, nơi mà Giáo Hội còn vắng mặt và phải được vun trồng; 5) để rao giảng Phúc Âm như một sứ giả chân chính và thi hành mọi công việc của một vị truyền giáo. Thật vậy, Sắc Lệnh nêu lên các đặc tính thiết yếu đó. Nếu vậy, những ai hội đủ các yếu tố trên, đều là những nhà truyền giáo chân chính, dù họ là người địa phương, ngoại quốc, linh mục, tu sĩ hay giáo dân.
6 Xem CvTđ 13,2.
37* Bức chân dung vị truyền giáo được phác họa ra đây là theo mẫu Chúa Kitô. Vị truyền giáo biểu lộ các đặc tính chính yếu của Người. Ðang khi cố gắng diễn tả hết sức hình ảnh Chúa Kitô nơi mình thì vị truyền giáo đồng thời phải trở nên chính Người. Ngay từ đoạn đầu, một chương trình vĩ đại cho vị truyền giáo đã được phác họa: hoàn toàn ràng buộc vào việc rao giảng Phúc Âm sẵn sàng sống trong ơn gọi đó suốt đời, khước từ chính bản thân và tất cả những gì mình có. Các yêu sách đó nặng nề đến nỗi không ai có thể đáp ứng được nếu không có sự hỗ trợ và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
7 Xem Gal 1,16.
8 Xem 1Cor 9,22.
9 Xem Eph 6,19tt.; CvTđ 4,31.
10 Xem Mt 10,29tt.
11 Xem Benedictô XV, Tđ. Maximum illud 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 449-450.
12 Xem 2Cor 6,4tt.
13 Xem 2Cor 8,2.
14 Xem 1Tm 4,14; Eph 4,23; 2Cor 4,16.
15 Xem Benedictô XV, Tđ. Maximum illud 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 448-449. - Piô XII, Tđ. Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951) trg 507.
Việc đào tạo các linh mục truyền giáo cũng được CÐ Vat. II đề cập trong Sắc lệnh về việc Ðào Tạo Linh Mục.
16 Xem CvTđ 2,42; 4,32.
17 Xem 2Tm 1,7.
18 Xem Ph 4,11
19 Xem 2Cor 4,10tt.
20 Xem 2Cor 12,15tt.
21 CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 41: AAS 57 (1965), trg 46.
22 Xem Benedictô XV, Tđ. Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 440. - Piô XII, Tđ. Evangelii praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 507.
23 Benedictô XV, Tđ. Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 448. - Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin, Sắc lệnh 20-5-1923: AAS 15 (1923), trg 369-370. - Piô XII, Tđ. Saeculo exeunte, 2-6-1940: AAS 32 (1940), trg 256. - n.t., Tđ. Evangelii praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 507. - Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 843-844.
24 CÐ Vat. II, Sắc lệnh về việc Ðào Tạo Linh Mục, số 19-21. - X. thêm Tông hiến Sedes Sapientiae với những qui luật chung, 21-5-1956: AAS 48 (1956), trg 354-365.
25 Piô XII, Tđ. Evangelii praecones: AAS 43 (1951), trg 523-524.
26 Benedictô XV, Tđ. Maximum illud: AAS 11 (1919), trg 448. - Piô XII, Tđ. Evangelii praecones: AAS 43 (1951), trg 507.
27 Xem Piô XII, Tđ. Fidei donum, 15-6-1957: AAS 49 (1957), trg 234.
38* Những Tổ Chức truyền giáo dưới những hình thức khác nhau trong số này mang đầy đủ ý nghĩa, vì chỉ có những tổ chức này mới có thể bảo đảm công trình chuẩn bị và thích nghi kỹ thuật cho những nỗ lực truyền giáo. Tuy nhiên, những quả quyết đáng ca tụng đó không giải quyết các vấn đề rất nghiêm trọng được đặt ra, nhất là trong thời đại chúng ta, về cơ cấu của những tổ chức truyền giáo thuần túy, về những tương quan với Giám Mục, với những thể thức hoạt động truyền giáo.
28 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục, số 10, chỗ nói về các giáo phận, các giám mục biệt hạt, và các miền tương tự.
39* Công việc truyền giáo thật vĩ đại, về phương diện địa lý cũng như về mục đích nhằm thực hiện. Một công trình như thế muốn thành công, cần phải có tổ chức. Chương V đề cập đến tổ chức này. Vì hoạt động truyền giáo là một bổn phận chính yếu của Giáo Hội, nên có thể khảo sát việc tổ chức này trên ba phương diện: phổ quát, theo miền và địa phương. Trên phương diện phổ quát, có vấn đề kế hoạch hóa và điều khiển hoạt động truyền giáo tổng quát. Theo nguyên tắc cộng đoàn, trách nhiệm rao giảng cho muôn dân là trách nhiệm của Giám Mục Ðoàn với Ðức Giáo Hoàng (số 28; GH số 23). Nhưng trong thực tế các ngài hoạt động dưới hình thức cụ thể nào? Theo Sắc Lệnh thì có hai cách: việc chỉ huy và điều khiển công việc truyền giáo tổng quát là bổn phận của Ðức Thánh Cha với "Hội Ðồng Giám Mục thường trực để lo cho toàn thể Giáo Hội". Trên phương diện quản trị và thi hành, thì Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin chịu trách nhiệm với sự phê chuẩn của Ðức Giáo Hoàng. Sắc Lệnh không quảng diễn điểm thứ hai này (số 29). Nhưng với Thánh Bộ Ðức Tin thì có hai điểm được xác định: các Giám Mục hội viên phải được tuyển chọn sau khi tham khảo ý kiến của các Hội Ðồng Giám Mục. Hơn nữa, các đại diện của những người cộng tác vào việc truyền giáo phải góp phần tích cực với quyền biểu quyết ngay cả trong Thánh Bộ. Tất cả những yếu tố đó đòi hỏi phải có một cuộc cải tổ dựa trên nguyên tắc cộng đoàn.
1 Xem Rm 12,6.
2 Xem 1Cor 3,10.
3 Xem Gio 4,37.
4 Xem 1Cor 3,8.
5 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 18: AAS 57 (1965), trg 22.
6 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 23: AAS 57 (1965), trg 28.
7 Xem Tự sắc Apostolica Sollicitudo, 15-9-1965: AAS 57 (1965), trg 776.
8 Xem Phaolô VI, Diễn từ ngày 21-11-1964 tại Công Ðồng: AAS 56 (1964), trg 1011.
9 Xem Benedictô XV, Tđ. Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 39-40.
10 Nếu vì lý do nào đó mà đến nay một số xứ truyền giáo vẫn còn tạm thời tùy thuộc vào nhiều Thánh Bộ khác, thì phải làm thế nào để các Thánh Bộ đó có liên lạc với Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin, hầu có thể có một phương pháp cũng như một nguyên tắc hoàn toàn cố định và đồng nhất trong việc tổ chức và điều khiển mọi xứ truyền giáo.
40* Trên bình diện địa phương, chính Giám Mục là người phải điều khiển hoạt động truyền giáo (số 30). Trên phương diện miền, chính Hội Ðồng Giám Mục miền có trách nhiệm (số 31).
11 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục, số 35, 4.
12 Xem n.t., số 36-38.
13 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục, số 35, 5-6.
41* Vì trong các xứ truyền giáo các tổ chức tôn giáo hay các tổ chức khác hoặc truyền giáo hoặc có tính cách khoa học, thường đóng vai trò quan trọng, nên Sắc Lệnh cũng đề cập đến việc sắp đặt cũng như phối hợp hoạt động truyền giáo của những tổ chức đó (số 32-34). Những thỏa hiệp giữa những tổ chức truyền giáo và các Giám Mục địa phương sẽ xúc tiến việc phối hợp hoạt động truyền giáo. Giữa các tổ chức truyền giáo, phải có Ủy Ban để thỏa thuận đưa ra một vài phương thế chung, hầu phục vụ việc truyền giáo. Sắc lệnh cũng nhấn mạnh cần phải biểu dương công giáo tính thật sự của việc truyền giáo bằng cách vượt qua mọi tính cách riêng tư cũng như mọi hình thức lấn áp quyền hành.
42* Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo, chính vì thế trong chương này, Sắc Lệnh phân tích những khả năng mà mọi năng lực trong Giáo Hội có thể mang lại cho công việc truyền giáo.
43* Trước tiên ở đây Sắc Lệnh quả quyết mỗi tín hữu có nhiệm vụ truyền giáo, vì họ đã được ghép vào Nhiệm Thể Chúa Kitô qua ba bí tích gia nhập (Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể). Các phương thế được chỉ định là: ý thức trách nhiệm cá nhân, đời sống Kitô giáo gương mẫu, cầu nguyện, tinh thần sám hối. Tiếp theo Sắc Lệnh đề cập tỉ mỉ đến nhiệm vụ truyền giáo của các cộng đoàn Kitô hữu (số 37), các Giám Mục và Hội Ðồng Giám Mục (số 38), các linh mục (số 39), các tu hội (số 40), và sau cùng giáo dân (số 41). Tất cả các đoạn đó đều đầy đủ chi tiết cụ thể và thực tiễn.
1 Xem Eph 4,13.
2 Xem Is 11,12.
3 Xem CÐ Vat II, Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, số 12: AAS 57 (1965), trg 99.
4 Xem CvTđ 16,9.
44* Số 37 khuyến khích cộng đoàn cộng tác vào việc truyền giáo trên lãnh vực giáo phận và giáo xứ. Ở đây Sắc Lệnh khuyến dụ rằng cộng đoàn trong các nước công giáo hãy đảm đương việc truyền giáo hay một phần việc truyền giáo bằng cách đặc biệt giúp đỡ về mọi phương diện.
5 Xem Mc 16,15.
6 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 23-24: AAS 57 (1965), trg 27-29.
7 Xem Benedictô XV, Tđ. Maxium illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 453-454. - Piô XI, Tđ. Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 71-73. - Piô XII, Tđ. Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 525-526. - n.t., Tđ. Fidei donum, 15-1-1957: AAS 49 (1957), trg 241.
8 Xem Piô XII, Tđ. Fidei donum, 15-1-1957: AAS 49 (1957), trg 245-246.
9 Xem CÐ Vat II, Sắc Lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục, số 6.
10 Xem Piô XII, Tđ. Fidei donum, 15-1-1957: AAS 49 (1957), trg 245.
45* Ba phận vụ là cai trị, thánh hóa và giáo huấn. Sắc Lệnh minh định sự cộng tác vào việc truyền giáo có thể thực hiện được trong những hoàn cảnh khác biệt của đời sống linh mục: linh mục trong giáo xứ, linh mục giáo sư trong một trường học và nhất là trong một chủng viện. Trong phạm vi hoạt động của mình, mỗi linh mục phải là một nhà giáo dục cho các tín hữu có một ý thức truyền giáo.
11 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 28: AAS 57 (1965), trg 34.
12 Xem Piô XI, Tđ. Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 72.
46* Công Ðồng ủy thác cho các cơ sở tôn giáo nhiệm vụ nới rộng hoạt động truyền giáo, và nếu chưa hoạt động gì, thì phải đảm nhận một công tác. Có kẻ nghĩ rằng các tu sĩ có lẽ ít thích hợp trong việc xây dựng những giáo phận và nhất là đào tạo một hàng giáo sĩ giáo phận, nhưng không có lý do nào biện minh cho một linh mục dòng không thể vun trồng một Giáo Hội địa phương. Nhiều Giáo Hội địa phương trong những nơi ngoại giáo là kết quả hoạt động do một nhóm tu sĩ đảm nhiệm.
13 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 44: AAS 57 (1965), trg 50.
14 Xem Mt 9,38.
15 Xem CvTđ 16,14.
16 Xem 1Cor 3,7.
47* Giáo dân là một đoàn viên đúng nghĩa trong cộng đoàn dân Chúa, và vì thế người giáo dân cũng được mời gọi giúp đỡ việc truyền giáo. Họ có thể giúp đỡ cách gián tiếp, nhất là bằng lời cầu nguyện và phương tiện vật chất. Người giáo dân cũng có thể là một nhà truyền giáo hy sinh cả thời giờ và đời sống, không lương bổng, phục vụ một công tác chuyên biệt. Số 41 này quảng diễn những cách thức mà giáo dân có thể cộng tác vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội.
17 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 33, 35: AAS 57 (1965), trg 39, 40-41.
18 Xem Piô XII, Tđ. Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 510-514. - Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 851-852.
19 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 46: AAS 57 (1965), trg 52.
20 Xem Piô XII, Tđ. Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 527. - Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 864.
21 Xem 1Tm 2,4.
22 Xem 2Cor 4,6.