Sống Thánh Giữa Đời

Phần Thứ Tư

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 

Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

Nguồn: http://www.khoi-nguon.com/

CHƯƠNG 01 - KHÔNG NÊN ĐỂ TAI NGHE LỜI BÌNH PHẨM CỦA NGƯỜI ĐỜI

Thoạt thấy con muốn sống đạo đức, người thế gian sẽ nói nọ nói kia gièm pha ngay. Hạng tinh quái nhất sẽ chỉ trích sự thay đổi nếp sống của con là giả hình, đạo đức rởm, làm bộ làm tịch. Họ sẽ nói thế là thế gian đã ngán con, vì thế con mới đi tìm Thiên Chúa. Bạn bè sẽ sẵn sàng đến khuyên con đủ điều khôn ngoan và thương xót theo ý họ. Họ sẽ nói : con mang tâm trạng kẻ chán đời ; danh giá thế lực con sẽ tiêu ma ; con làm cho người ta khó chịu ; con già trước tuổi ; công việc gia đình con sẽ bị thiệt lây ; phải sống trên đời như ai : người ta vẫn có thể rỗi linh hồn mà đâu có cần bấy nhiêu điều bí hiểm như thế, v.v…

Phi-lô-tê, tất cả những lời ấy thật ngớ ngẩn nếu không phải là bần tiện. Đâu có phải là họ lo cho sức khỏe hay công việc của con ! Chúa Cứu Thế dạy : “Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu kẻ thuộc về nó. Nhưng vì các con không thuộc về thế gian, nên nó ghét” (Gioan 15, 19). Ta chẳng thấy nhiều ông nhiều bà thanh lịch, sang trọng thức trắng đêm, có khi mấy đêm liền để đánh cờ, đánh bạc đấy ư ? Trên đời có cái ham thích nào buồn bã, u ám và kiệt sức như thế không ? ấy thế mà người đời chẳng ai nói gì ! Bè bạn cũng chẳng cho là phiền. Còn để nguyện ngắm một giờ, hay khi thấy ta dậy sớm hơn thường lệ để dọn mình rước lễ, thì người ta vội vã đi mời bác sĩ để chữa ta khỏi bệnh kỳ khôi và bủng beo ấy. Người ta thức cả tháng để khiêu vũ, chẳng ai kêu ca. Còn phải thức đêm Mừng Chúa Giáng Sinh, người ta phát ho hen và ngày hôm sau kêu đau bụng. Rõ ràng thế gian là một quan toà bất công : tử tế dễ dãi với con cái mình, nhưng cứng cỏi nghiêm khắc với con cái Thiên Chúa.

Muốn ăn ở đẹp lòng thế gian thì chỉ có việc hư mất với nó. Không thể làm nó thỏa mãn được, tính khí nó kỳ quặc lắm. Chúa Cứu Thế nói : “Gioan tiền hô sống kiêng khem không ăn uống, thì các ngươi bảo ông bị quỷ ám. Con người đến ăn uống như mọi người, các ngươi lại bảo là kẻ đồng bang với người ngoại và tội lỗi” (Mát-thêu 11, 18). Đúng vậy, Phi-lô-tê, nếu ta buông theo ý nó mà cười nói, chơi bời, nhảy nhót, thế gian sẽ lấy làm gương xấu. Ngược lại, nếu ta không làm, thế gian sẽ cáo ta giả hình hay chán đời. Ta ăn mặc sang ư ? nó sẽ cho là ta mưu tính gì đó ; ta ăn mặc xuềnh xoàng ư ? nó sẽ cho là ta bần tiện. Ta vui vẻ, nó bảo là buông tuồng ; ta hãm mình, nó cho là buồn bã. Luôn nhìn ta xiên xẹo như thế, đời nào ta có thể làm nó vừa lòng. Nó phóng đại các khuyết điểm ta, rêu rao là những tội lỗi. Tôi nhẹ, nó phóng thành tội lớn ; tội vì lỡ lầm yếu đuối, nó đổi thành tội cố tình hiểm độc. “Đức bác ái luôn phải hiền hậu”, theo lời thánh Phaolô dạy, thì trái lại ; thế gian đầy tinh quái. Đức bác ái không được nghĩ trái, thì trái lại, thế gian luôn nghĩ bậy. Khi nó không cáo tội các hành động ta được, nó sẽ cáo chủ ý ta. Dù chiên có sừng hay không, trắng hay đen, chó sói cũng chẳng tha ăn thịt, nếu có thể được.

Dù ta làm gì, thế gian sẽ gây gỗ với ta mãi. Nếu ta bàn hỏi cha giải tội lâu, nó sẽ bảo ta nói gì dai thế. Nếu ta vắn tắt, nó sẽ bảo ta chưa xưng xong đã ra. Nó dò xét mọi cử chỉ. Chỉ một lời nói nóng nảy, nó kêu là tính ta không ai chịu nổi. Ta lo làm ăn, nó cho là có tính hà tiện. Ta hiền từ, nó cho là ngây ngô. Còn đối với con cái thế gian, giận dữ của chúng là đại độ ; hà tiện là cần kiệm ; suồng sã là trò chuyện đứng đắn. Thật là trò con nhện phá con ong !

Hỡi Phi-lô-tê, thế gian mù quáng, kệ thây nó ! Nó muốn gào bao nhiêu như cú mèo gào thét làm khiếp đảm giống chim ban ngày : kệ xác nó ! Ta hãy kiên trì giữ các dự định ta, bền chí trong các dốc lòng. Sự trung kiên bền bỉ sẽ cho thấy rõ lòng ta chân thành tận hiến cho Thiên Chúa và vào sống trong hàng ngũ người đạo đức. Sao chổi và hành tinh, bên ngoài sáng gần bằng nhau. Sao chổi mau lặn, vì ánh sáng mau tàn, còn hành tinh luôn mãi vẫn tỏ. Đây cũng vậy, giả hình và nhân đức chân thật bên ngoài có nhiều điểm giống nhau. Nhưng lầm sao được, vì giả hình sẽ mau tàn như mây khói, còn nhân đức luôn bền vững trường tồn. Đâu có phải một mối lợi nhỏ khi ta nhận chịu sỉ nhục và gièm pha để củng cố bước đầu trong đời sống đạo đức của ta ? Nhờ đó ta thoát nạn khoe khoang, kiêu ngạo, như các bà đỡ Ai-cập được lệnh vua Pha-ra-ông tàn bạo phải giết mọi trẻ nam sơ sinh của dân Israel. Chúng ta bị đóng đinh chết đối với thế gian rồi, thế gian cũng như là đã chết đối với ta. Nó coi ta là điên, ta hãy coi nó là dại.



CHƯƠNG 02 - PHẢI CÓ CAN ĐẢM

Ánh sáng dù tốt đẹp, và vui thú cho ta cũng có thể làm lóa mắt nếu ta đã ở từ lâu trong chỗ tối. Cũng như trước khi quen với dân bản xứ, dù họ có lịch thiệp, đáng yêu mấy, ta vẫn thấy bỡ ngỡ. Phi-lô-tê thân mến, đây cũng thế, khi thay đổi nếp sống như vậy, con sẽ thấy có nhiều phản ứng trong lòng, sẽ thấy việc đoạn tuyệt với mọi nhố nhăng phù phiếm của thế gian mang lại cho con đôi cảm giác buồn bã và chán nản. Nếu có như thế, xin con hãy kiên tâm một chút, cái đó không hề gì : đó chỉ là chút ngỡ ngàng trước cảnh mới lạ. Cái đó qua đi, con sẽ được muôn ngàn yên ủi. Có khi con bực bội vì mất cái vẻ vang mà các kẻ điên khùng và nhẹ dạ tặng cho con vì những chơi bời phù phiếm của con ư ? Ôi, nếu thế con đành bỏ mất vinh quang đời đời mà Thiên Chúa ban thật sự cho con sao ? Những chơi bời vô ích, những thú tiêu khiển con đã mất bao năm tháng để cung phụng, bây giờ có khi chúng sẽ còn sống dậy trong lòng con để nhử mồi và lôi kéo trái tim con. Nhưng chẳng lẽ con cả gan khước từ hạnh phúc muôn đời để đổi lấy những sự phù vân giả dối ấy ? Con hãy nghe tôi, nếu con bền chí, chẳng bao lâu con sẽ nhận thấy những ngọt ngào thú vị và khoan khoái trong lòng đến nỗi con phải thú nhận là trần gian chỉ chứa toàn mật đắng so với mật ngọt ấy, và một ngày sống đạo đức còn hơn ngàn năm sống thế tục.

Mặt khác, con thấy đỉnh núi trọn lành của đạo Chúa rất cao. Rồi con ngần ngại nói : “lạy Chúa, làm sao trèo tới được ?” Can đảm lên, Phi-lô-tê, khi con ong mới nở, nó có hình thù con sâu, lúc ấy, đâu chúng đã biết lượn trên hoa, băng qua núi đồi, để hút mật ? Nhưng dần dần, nhờ ong mẹ lấy mật nuôi, chúng mọc cánh và cứng cáp hơn, sau đó, chúng bay được và đi kiếm mật trong cả vùng. Chúng ta thật hãy còn là bọ non trong đời thánh đức, chưa thể nào trèo cao như ý nguyện, tức là lên tới đỉnh núi của sự thánh thiện. Song, nếu ta khởi sự thành hình bởi các ao ước và dốc lòng, cánh ta sẽ dần dần mọc ra. Như vậy ta hy vọng một ngày kia sẽ thành những con ong thiêng liêng và sẽ bay được. Đang khi chờ đợi, hãy sống nhờ mật ong của bao lời giáo huấn mà các đấng đạo đức ngày xưa để lại, và ta cầu nguyện Chúa ban cho ta cánh như chim câu, ngõ hầu ta có thể bay ở đời nầy, mà còn nghỉ ngơi muôn đời ở đời sau.



CHƯƠNG 03 - VỀ CHƯỚC CÁM DỖ : CẢM THẤY VÀ ƯNG THEO LÀ HAI ĐIỀU KHÁC NHAU

Phi-lô-tê con hãy tưởng tượng một nàng công chúa trẻ đep, được chồng yêu cực điểm, rồi có đứa khốn nạn rắp tâm làm nàng trụy lạc, làm hoen ố đời ân ái của vợ chồng nàng. Nó mới gửi tới nàng một người bắn tin yêu đương để ướm hỏi nàng về dự tính khốn nạn kia. Đầu hết, người đưa tin sẽ đề nghị với nàng công chúa ý định của chủ hắn, thứ đến ; nàng công chúa ưa thích hay không ưa thích lời đề nghị và việc đưa tin kia ; thứ ba, nàng ưng thuận hay từ chối. Đây cũng cậy, Satan, thế gian và xác thịt thấy một linh hồn được làm bạn yêu dấu của con Thiên Chúa, chúng sẽ gởi đến linh hồn những cám dỗ và xúi dục, nhờ đó :

1) Tội được trưng bày ra.

2) Hồn sẽ ưa thích hay không ưa thích

3) Cuối cùng, hồn ưng thuận hay từ chối : đó là ba bậc đi đến phạm tội : cám dỗ, ưa thích, ưng thuận.

Dù ba việc đó không hiển nhiên rõ rệt như thế trong bất cứ loại tội nào, ít nữa, chúng rất rõ và dễ nhận thấy trong những tội lớn lao.

Một cơn cám dỗ về bất luận tội gì, dù kéo dài suốt cả đời ta, nó cũng không thể làm ta nên đáng ghét trước mặt Chúa cao cả, bao lâu ta không ưa thích và không ưng thuận nó. Lý do là : trong cơn cám dỗ, ta không làm chủ động, song ta chịu đựng việc ấy xảy ra đến với ta, và vì ta không ưa thích chút nào, nên không có tội lỗi gì. Thánh Phaolô chịu đựng lâu dài các cám dỗ trong thân xác, không những người chẳng mất lòng Chúa, trái lại, Chúa được thêm vinh hiển vì đó. Thánh nữ An-gê-la Fô-li-nhô cảm thấy những cám dỗ nặng nề đến nỗi ai cũng phải chạnh lòng khi nghe người kể lại. Các ơn cám dỗ của thánh Phan-xi-cô và thánh Bê-nê-đi-tô cũng ghê gớm lắm, đến nỗi đấng thì nhảy vào bụi gai, đấng thì lăn xuống tuyết để giảm sức cám dỗ. Dầu vậy, các ngài không vì thế mà mất ơn nghĩa Chúa, trái lại, càng được tăng lên gấp bội.

Vậy Phi-lô-tê, con phải can đảm nhiều giữa các cơn cám dỗ. Đừng cho là mình đã bại trận khi nào ta chưa ưa thích chúng, nhờ biết phân bệt cái “cảm thấy” với cái “ưng thuận”. Khác nhau là ở chỗ nầy : người ta có thể cảm thấy mặc dầu không ưa thích ; nhưng ta chỉ ưng thuận khi ta ưa thích rồi, vì thường sự ưa thích làm bậc thang đưa ta đến ưng thuận[1]. Cho đi các địch thù linh hồn ta có trưng bày ra bao nhiêu mồi bả để nhử thì mặc kệ, chúng cứ ở ngoài cửa của lòng ta ; mạc chúng muốn dụ dỗ bao nhiêu tùy ý, bao lâu ta còn nhất quyết không ưa thích các sự ấy, không thể nào ta lại xúc phạm tới Thiên Chúa được. Hoàng tử chồng công chúa nói trên kia, không thể giận ghét nàng vì lá thư gửi đến mà nàng không hề ưa thích. Chỉ có cái khác nầy giữa hồn và nàng công chúa, là phần nàng khi nghe trình bày điều bất chính ấy, nếu nàng muốn, nàng có thể đánh đuổi kẻ đưa tin và không thèm nghe hắn nữa. Còn linh hồn, không phải hễ muốn đánh đuổi cám dỗ đi là được ngay luôn đâu, mặc dầu luôn luôn hồn có khả năng không ưng theo nó. Vì thế, dù cám dỗ kéo dài, nó không thể làm hại ta bao lâu ta còn chán ghét nó.

Còn cái khoái cảm thường thấy đi liền với cám dỗ là vì ta có hai phần trong linh hồn : thượng và hạ. Phần hạ không luôn vâng theo phần thượng, hơn thế, nó đi theo xu hướng riêng của nó, cho nên có nhiều lần phần hạ thích thú trong cám dỗ, nhưng không được sự ưng thuận của phần thượng có khi còn nghịch lại sự đồng ý của phần thượng nữa là đàng khác. Đó là trạng thái đấu tranh xung đột mà thánh Phaolô miêu tả trong câu : “xác thịt ước vọng nghịch tinh thần” và “có một luật trong xác thịt chống báng luật của tinh thần” v.v… (Thư Rôma 7, 14-25).

Phi-lô-tê, chắc đã có lần con thấy đám than hồng ủ dưới lớp tro rồi. Nếu sau đó nửa ngày, muốn đi kiếm chút lửa ở đó thì người ta chỉ tìm thấy mãi trong giữa một chút than hồng còn đỏ, ấy là chưa kể có khi khó mà kiếm được cho ra chút than hồng đỏ. Nhưng khi đã kiếm được, với chút tàn đỏ ấy, có thể làm cháy hồng lại các cục than đã tắt khác. Đức mến của ta tức là sự sống linh hồn ta cũng thế giữa cơn cám dỗ dữ dội mù mịt. Cơn cám dỗ đem khoái cảm đến phần hạ tầng trong ta, ví như vùi dập hồn ta dưới tro, làm cho đức mến Chúa trong ta chỉ còn như tàn đóm, chôn sâu tận đáy lòng trong phần sâu kín nhất của tinh thần, ngoài ra không còn thấy ở đâu nữa. Đôi khi hầu như ở đây cũng không còn có nó nữa, vì khó mà kiếm cho ra nó. Nhưng thực ra, tình mến vẫn còn đó, cho dù hỗn loạn bao nhiêu trong hồn trong xác đi nữa, ta vẫn nhất quyết không ưng theo tội lỗi và cám dỗ cơ mà. Còn cái khoái cảm kia mà con người bên ngoài tự nhiên của ta ưa thích, con người bên trong lại chê ghét, cho dầu nó có lởn vởn hay dồn dập quanh ý chí ta, nó vẫn chưa vào được trong, do đó ta biết là khoái cảm kia không là cố ý, và như vậy không có tội gì cả.

------------------

[1] Có khi những điều tác giả nêu ra đây vẫn còn có thể làm cho nhiều linh hồn bối rối khó phân biệt rõ, tưởng có thể đề nghị thêm một kiểu nữa : Muốn thành tội phải có hai điều này : 1) Biết rõ là tội thực sự. 2) Cố tinh ưng theo.



CHƯƠNG 04 - HAI GƯƠNG MẪU ĐẸP VỀ ĐIỂM TRÊN

Con cần hiễu rõ về vấn đề trên lắm, nên tôi chẳng ngại dài lời để giải thích rộng hơn. Người thanh niên mà thánh Hiê-rô-ni-mô kể chuyện, bị đặt nằm trên một chiếc giường êm ái, cả mình bị trói chặt bằng dây lụa rất mềm nhẹ, đang khi đó, một cô gái lăng loàn nằm bên vuốt ve kích thích bằng những cử chỉ mơn trớn, lẳng lơ, cố tình làm chàng xiêu lòng, chàng lại chẳng cảm thấy những cảm giác kỳ lạ sao ? Ngũ quan chàng lại chẳng rung cảm và trí tưởng tượng lại chẳng bị ám ảnh bởi những cái đang khêu gợi kia sao ? Cố nhiên ! Dầu vậy, giữa bao hỗn loạn, giữa dông bão kinh hoàng của cám dỗ và giữa bao khoái lạc như thế, chàng đã tỏ ra lòng mình không bị sa lầy và ý chí mình vẫn vượt thắng không ưng thuận chút nào, bởi vì, khi tâm trí chàng thấy mọi sự nguy nghịch với mình, và không còn phần thân thể nào vâng phục mệnh lệnh mình, trừ cái lưỡi, nên chàng liền dùng răng cắn đứt rồi nhổ vào mặt con mẹ đàn bà đang hành hạ linh hồn chàng bởi lạc thú hơn cả trăm lý hình ghê gớm nhất bởi cực hình. Tên bạo chúa khi biết không thể thắng chàng bằng hình khổ, đã nghĩ đến cách hành hạ chàng bằng khoái lạc.

Câu chuyện chiến đấu của Thánh nữ Ca-ta-ri-na thành Xiên-na trong vấn đề tương tự, cũng vô cùng đáng phục. Đại khái như sau : Ác thần được Chúa ban phép đem tất cả lực lượng tấn công đức thanh khiết của Thánh trinh nữ ấy, miễn đừng chạm đến bản thân người. Nó liền khêu gợi ra các ý tưởng bẩn thỉu trong trí người, và muốn lôi kéo người hữu hiệu hơn, nó cùng với các bạn đến dưới hình đàn ông đàn bà, làm nhiều sự xác thịt, dâm bôn trước mắt người, nói những chuyện cực kỳ khêu gợi. Những cảnh tượng khiêu dâm kia qua cửa ngũ quan vào tác động vũ bão trong linh hồn của Thánh trinh nữ. Sau nầy người kể lại : toàn thân người ngập tràn những sự bỉ ổi ấy, chỉ còn ý chí trên thượng đỉnh linh hồn là không bị cơn bão táp đê hèn và khoái lạc ấy làm nao núng. Cám dỗ ấy kéo dài, cho đến một hôm kia Chúa Giêsu hiện ra cùng người.

Người thưa : “Lạy Chúa rất hiền từ, từ trước đến nay khi trái tim con tràn ngập bao tối tăm và dơ bẩn Chúa ở đâu ?”

– Chúa đáp : “Ta ở trong tái tim con”.

– Người hỏi lại : “Sao Chúa ở trong trái tim con được, vì trong đó đầy những ô uế bẩn thỉu ? Chúa ngự ở những nơi khốn nạn như thế sao ?”

– Chúa trả lời : “Con hãy trả lời đi, những cảm nghĩ bẩn thỉu kia làm con vui thích hay buồn bã, đắng cay hay khoái lạc ?”

– Thánh nữ thưa : “Cay đắng và buồn rầu khôn tả”.

Chúa nói tiếp lại : “Ai đem niềm cay đắng và buồn bã mênh mang ấy vào trái tim, nếu chẳng phải là Ta, Đấng ẩn mình trong hồn con ? Con ơi, hãy tin rằng : Nếu không có Ta ở đó. Các ý tưởng bao vây ý chí con song không thể xuyên thủng mà vào lọt, chắc chắn chúng đã khuất phục nó rồi, và ý chí tự do của con đã ưng thuận theo khoái lạc ấy và như thế đã giết chết sự sống linh hồn con. Nhưng chính vì Ta ở trong đó, Ta đã để sự chán ghét và chống cự trong trái tim con, nhờ đó nó mới chối từ loại bỏ cơn cám dỗ. Và vì nó không thể đẩy lui chước cám dỗ như nó mong muốn, nó lại cảm thấy một chán ghét, một căm hờn lớn mạnh hơn đối với cám dỗ và với chính mình. Như thế, các cực phiền kia thành công nghiệp và mối lợi lớn cho con, và làm con tăng tiến nhiều trong nhân đức và trong sức mạnh”.

Hỡi Phi-lô-tê, con thấy không, ngọn lửa hồng vùi dập dưới làn tro, nghĩa là cám dỗ cùng khoái lạc đã đột nhập tận trong tim rồi, đã siết chặt vòng vây quanh ý chí, thế mà ý chí nương tựa vào ơn Thiên Chúa, đã anh dũng chống cự bởi có lòng đắng cay, chán ghét và phỉ nhổ sự dữ đang nhử mồi xúi giục, và đã liên lỷ khước từ không phạm cái tội đang bao vây nó. Ôi Lạy Chúa ! thật muôn ngàn cay cực cho hồn yêu mến Chúa, khi không biết Chúa còn ngự trong lòng nữa hay đã đi mất, và tình yêu Thiên Chúa, mà vì đó họ chiến đấu, đã tắt hay chưa trong họ ? Nhưng đây là điểm tinh hoa của đức mến Chúa trọn hảo là làm cho người yêu, khắc khoải chiến đấu vì yêu, mà không rõ là mình vẫn đang yêu và vì yêu và nhờ yêu mình mới chiến đấu!



CHƯƠNG 05 - ĐỂ KHÍCH LỆ HỒN TRONG CƠN CÁM DỖ

Phi-lô-tê con ơi, các đợt xung kích và cám dỗ mạnh mẽ kia, Chúa chỉ cho phép xẩy ra nơi những linh hồn Ngài muốn nâng lên đến tình yêu tinh tuyền và tuyệt diêu của Ngài. Đã hẳn, chẳng phải sau cám dỗ là họ đã chắc chắn đạt tới đó rồi đâu ! Vì đã có thấy những người bền gan chiến đấu trong các trận mãnh liệt ấy, sau đó lại không trung tín tuân theo ơn thánh, đã bại trận trong những cám dỗ nho nhỏ. Nói như trên, là để có khi nào con bị khuấy khuất bởi các cám dỗ nặng nề, con biết là Thiên Chúa sủng ái con cách đặc biệt đó : Qua việc đó, Chúa tuyên bố Ngài muốn nâng con thành trọng vọng trước mặt Ngài. Nhưng đằng khác, con vẫn cứ khiêm cung và lo sợ, vì không biết mình còn có thể thắng cả những chước cám dỗ nhỏ mọn nữa không sau khi đã đập tan những cái lớn, nếu mình không cố gắng cứ trung tín luôn mãi với Chúa ?

Dù cám dỗ thế nào xảy đến, hay có cảm thấy khoái vui gì bởi đó đi nữa, bao lâu ý chí con khước từ không ưng thuận, không chỉ nguyên cơn cám dỗ, mà cả khoái cảm kia, thì con đừng bối rối lo âu, vì con chưa xúc phạm đến Chúa. Người bị ngất xỉu, bên ngoài không có dấu hiệu gì còn sống, song nếu ta đặt tay lên quả tim, và chỉ cần thấy thoi thóp đập chút ít, người ta chắc là còn sống. Rồi nhờ đôi phương pháp hay thuốc riêng, người ta có thể làm cho người kia hồi tỉnh.

Trong các cơn cám dỗ nặng nề cũng tương tự, hồn ta hình như hoàn toàn kiệt lực, cũng như xây xẩm vậy, không còn sự sự sống thiêng, không còn tâm tình gì nữa. Nhưng nếu ta muốn biết rõ thực trạng, hãy đặt tay lên trái tim, hãy xét trái tim và ý chí xem còn thoi thóp đôi tâm tình thiêng liêng gì không, nghĩa là cố gắng từ chối không ưng thuận hoặc chiều theo cám dỗ, chiều theo khoái cảm không ? Vì bao lâu trong trái tim ta còn từ chối ta chắc rằng, đức mến ; là sự sống linh hồn ta, còn ở trong ta, và Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế còn ngự trong hồn ta, dù ẩn mình lánh mặt. Rồi nhờ nguyện ngắm thường xuyên, nhờ thụ lãnh các bí tích và vững vàng trông cậy vào Thiên Chúa, sinh lực ta sẽ phục hồi, và ta sẽ sống toàn vẹn và vui tươi như xưa.



CHƯƠNG 06 - KHI NÀO CÁM DỖ VÀ KHOÁI CẢM TRỞ THÀNH TỘI ?

Nàng công chúa chúng ta nói lúc nãy không thể bị khiển trách vì lời cầu hôn bất chính của tên đưa tin, vì như ta đã nói nàng không hề ưa thích. Nhưng trái lại, nếu nàng đã làm cớ, gây dịp cho sự cầu hôn ấy bởi đôi việc quyến rũ thế nào đó, như muốn san sẽ ái tình với kẻ tán tình nàng, đã hẳn là nàng có lỗi về việc cầu hôn xảy ra kia, dù nàng làm bộ chối đây đẩy, nàng vẫn đáng bị khiển trách và đáng phạt. Đôi khi cơn cám dỗ cũng thành tội nơi ta như thế, bởi vì ta là duyên cớ gây cơn cám dỗ ấy. Chẳng hạn, tôi biết rằng đánh bạc, thế nào tôi cũng nổi giận rồi nói lộng ngôn, canh bạc trở nên cơn cám dỗ đưa tôi tới nói lộng ngôn. Nên bao nhiêu lần tôi đánh bạc, là bấy nhiêu lần tôi phạm tội, và tôi còn có lỗi cả về những cơn cám dỗ xảy đến đang khi chơi. Ví dụ khác ; nếu tôi biết cuộc trò chuyện nào đó sẽ đem tôi đến cám dỗ và sa ngã, mà tôi cứ bắt chuyện, đã hẳn là tôi có lỗi về tất cả các cám dỗ tôi sẽ gặp trong các câu chuyện ấy.

Khi nào khoái cảm do cám dỗ phát sinh, mà ta có thể tránh được, ta lại không tránh cứ đón nhận, đó là phạm tội, to nhỏ tuỳ theo khoái lạc mà ta nhận và tùy theo ưng thuận của ta trong lúc đó lớn hay nhỏ, lâu hay chóng. Công chúa kia đáng trách, không những khi nàng nghe lời tán tỉnh bỉ ỗi, bất lương, mà còn thích thú, khi để trái tim thiện cảm với điều đó sau khi nàng nghe tán tỉnh. Dù cho đi nàng không ưng thuận thi hành cụ thể điều xúi giục nàng song nàng đã ưng thuận để tâm thiện cảm vui thích, thì nàng vẫn đáng trách, vì để tâm thiện cảm với một điều xấu, hay để thân xác thực hành điều xấu đó, cả hai đều bất chính. Hơn thế, tội là chính ở tại để tâm thiện cảm vui thích điều xấu, đến nỗi không có nó, thân xác có thực hành điều xấu đi nữa, vẫn chưa gọi là tội (tỉ như : Khi vô tình, không có y mà làm một điều gì).

Vậy khi nào con bị cám dỗ về một tội nào, hãy xem xét : Đã cố tình làm cớ để bị cám dỗ không ? Nếu có, cám dỗ này đã là tội cho con rồi, vì con đã liều đặt mình vào dịp đưa đến tội. Nhưng đó là nói khi con có thể tránh dịp ấy cách dễ dàng không hại gì, và con đã nhìn thấy trước, hay có bổn phận phải thấy trước cái cám dỗ sẽ đến. Nhưng nếu con không làm cớ để bị cám dỗ, con không mắc lỗi gì về cám dỗ ấy cả .

Khi khoái cảm kèm theo cám dỗ mà có thể tránh được, mình lại không tránh, thì luôn có tội, và tội thế nào là tùy theo mình đã dừng lại ở đó ít hay nhiều. Và tùy nguyên nhân của khoái lạc mà ta đã hưởng. Phụ nữ kia, tuy không tự mình làm cớ cho người ta ve vãn mình, nhưng lại thích thú về những lời tán tỉnh là bị mắc lỗi rồi, nếu thích thú nàng nếm kia đã do ve vãn gây ra. Nhưng tỉ dụ, anh chàng trai lơ muốn đoạt trái tim nàng lại là nhạc sĩ có hạng làm nàng vui thú say mê trong tiếng nhạc diệu huyền song không vui thú vì sự quyến rũ, lúc đó không có tội. Tuy vậy, nàng không được trầm mình trong cái say nhạc quá lâu, sợ dễ từ vui thú này chuyển sang vui thú sự ve vãn kia. Một tỉ dụ khác, một người trình bày cho tôi một mưu mô kỳ diệu để tôi báo thù kẻ địch tôi, song tôi không thích cũng không ưng báo thù nữa, nhưng thích về cái tinh vi tài tình của mưu mô ấy, đã hẳn là tôi không phạm tội, tuy rằng tôi đừng dại mà khoái trí mãi kẻo dần dần tôi đâm ra thích báo thù thật sự chăng.

Đôi lần bất ưng, ta cảm thấy những cảm giác vui thú đi liền với cám dỗ, trước khi ta kịp để ý đến mà chống cự lại cho đàng hoàng, thì cùng lắm cái đó cũng chỉ là một tội nhè nhẹ thôi. Tội ấy sẽ ra lớn hơn nếu khi đã nhận định rõ về sự xấu đang xảy ra, ta còn chểnh mảng trì hoãn đôi tí mà giằng co với khoái cảm kia xem nên bỏ hay nên hưởng. Và tội sẽ càng lớn hơn, nếu nhận thấy như thế mà rồi còn cứ nán lại trong khoái cảm một lúc bởi chểnh mảng thật tình, không chút quyết định đẩy lui khoái cảm ấy. Còn khi cố ý và kịp suy xét ta nhất định ưa thích cái khoái cảm ấy, cái nhất định cố ý ấy là một tội trọng, nếu điều ta vui thích đó là một điều xấu lớn lao. Như thế cũng giống người đàn bà muốn nuôi dưỡng những tình duyên ngang trái, nàng phạm lỗi lớn, mặc dầu nàng không bao giờ muốn hiến thân thực sự cho người yêu cả.



CHƯƠNG 07 - PHƯƠNG THẾ CHỐNG TRẢ CƠN CÁM DỖ NẶNG NỀ

Ngay khi chợt cảm thấy cám dỗ, hãy bắt chước trẻ con khi thấy sói hay gấu rừng về đồng ruộng, chúng chạy lại víu lấy cha mẹ. Hay ít nữa kêu cha mẹ đến cứu. Con cũng hãy chạy đến Chúa, kêu xin Ngài thương xót và cứu giúp. Đó là phương thế Chúa Giêsu dạy : “Hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mathêô 26, 41).

Nếu chước cám dỗ tiếp diễn và có phần tăng lên, hãy đem tâm trí hôn kính thập giá, như thể thấy Chúa Giêsu Kitô đang bị đóng đanh ở đó. Con hãy tuyên ngôn không bao giờ ưng thuận cám dỗ, con xin Ngài trợ giúp và hãy tiếp tục tuyên ngôn ý chí chống đối cương quyết như thế, bao lâu cám dỗ còn kéo dài.

Song đang khi tuyên ngôn như thế, con đừng nhìn vào chước cám dỗ, nhưng nhìn Chúa Giêsu. Nếu con nhìn cám dỗ, nhất là khi nó mạnh, can đảm con có thể bị nao núng.

Hãy để trí làm đôi công việc tốt và đáng khen nào đó để xao lãng. Vì các công việc này vào chiếm chỗ trong trái tim con, sẽ xua đuổi các cám dỗ, các xúi giục xấu xa đi.

Môn thuốc linh nghiệm chống mọi chước cám dỗ lớn nhỏ, là cởi mở lòng và trình bày với vị linh hướng các xúi giục, xúc động, cảm giác ta thấy dấy lên trong ta. Vì con nên nhớ điều này : việc đầu tiên quỷ làm trong linh hồn nó muốn dụ dỗ là làm hồn câm nín. Cũng như những tên sở khanh muốn quyến rũ đàn bà con gái, thoạt tiên chúng cấm không cho tiết lộ những điều chúng xúi giục cho cha mẹ hay chồng con biết. Trái lại chính đây, Thiên Chúa lại soi sáng thúc giục ta phải bày tỏ mọi sự ra cho các đấng bề trên hay các vị linh hướng biết.

Nếu đã làm tất cả như thế, cám dỗ còn dai dẳng tấn công, ta hết phép rồi, chỉ còn cách cũng cứ bướng bỉnh tuyên ngôn mãi ta sẽ không bao giờ ưng thuận. Cũng như cha mẹ không thể ép gả con gái bao lâu nó cứ nhất định không ưng thuận[1], thì hồn cũng không phạm tội bao lâu còn nói rằng không ưng, dù có bị xao xuyến hỗn loại mấy.

Con đừng lý sự với kẻ thù, đừng thèm nói với nó lời nào ngoài lời Chúa Giêsu đã phỉ nhổ nó : “Xéo đi Sa-tăng ! Mày hãy thờ lạy Chúa là Thiên Chúa mày và phụng sự mình Ngài !” (Mát 4, 10). Người thiếu phụ tiết trinh không được đối đáp, không nên nhìn thẳng mặt kẻ xấu nết đang dụ dỗ mình chuyện tầm bậy song phải rũ áo quay đi và hướng lòng về người chồng, và thầm nhắc lại lời nguyện thề sắt son không chút chần chừ nghĩ ngợi, thì hồn đạo đức cũng vậy, khi thấy cám dỗ đến tấn công, không nên cố tranh luận hay đối đáp với nó nhưng quay ngay về Thiên Chúa bạn tình, và tuyên thệ lại nỗi niềm chung thủy của mình, và ý chí sắt son thuộc trọn suốt đời về mình Ngài mà thôi.

-----------------

[1] Bí Tích Hôn Phối không bao giờ thành sự được, vì thiếu điều kiện quan hệ, là sự ưng thuận của nàng.



CHƯƠNG 08 - PHẢI CHỐNG TRẢ CÁC CÁM DỖ LẶT VẶT

Dầu phải đương đầu với các cám dỗ lớn lao với một chí can trường bất khuất, và đã hẳn phần chiến thắng ấy vô cùng ích lợi cho ta, tuy vậy, nhiều khi việc chống trả các cám dỗ lặt vặt lại có lợi nhiều cho ta hơn. Nếu các cám dỗ lớn lấn vượt vì tầm trọng hệ, các cám dỗ nhỏ lặt vặt lại lấn vượt vì số lượng nhiều vô kể của chúng. Cho nên toàn thắng các cái nhỏ cũng có thể sánh ngang với toàn thắng các cái lớn. Chó sói và gấu là thú dữ nguy hiểm hơn ruồi muỗi, nhưng chúng chẳng quấy rầy bực bội, chẳng thử thánh chí kiên nhẫn ta bằng.

Không giết người là chuyện dễ, nhưng tránh nóng giận lặt vặt ta thường mỗi lúc mỗi gặp mới khó. Tránh tội ngoại tình kể là còn dễ, khó nhất là phải tránh những cái liếc đong đưa tình tứ, những trao đổi ân tình, tặng kỷ niệm hay quà biếu, hay những ưu đãi nho nhỏ, nói hay nghe những lời tán tỉnh ca tụng. Không để chồng hay vợ đến nỗi có tình địch có xương thịt còn dễ, chứ giữ trái tim không san sẻ thì khó không vừa ; không vi phạm luật vợ chồng ăn ở với nhau còn dễ, không phạm tới tình yêu trong hôn nhân không dễ đâu. Không trộm cắp của người cũng không đến nỗi khó, không thèm muốn ước ao của ấy mới khó. Không làm chứng gian trong vụ án là điều dễ, khó nhất là không nói dối khi chuyện trò. Dễ giữ mình khỏi say rượu, nhưng khó giữ mình điều độ. Không ước muốn kẻ khác chết đi còn dễ, chứ không ước ao cho họ phải sự khốn khó là điều không phải dễ tí nào. Không vu cáo làm hại thanh danh của người còn dễ, không khỉnh bỉ họ mới khó.

Nói tóm, tất cả những cái cám dỗ vặt vãnh ấy : về nóng giận, nghi ngờ, ghen tương, ganh tị, luyến ái tự do lãng mạn, kheo khoang, hai lòng, kiểu cách, bộ tịch, ý nghĩ xấu,v.v… đó là những điều ngay cả những người đạo đức nhất, cương quyết nhất cũng phải  luôn luôn để ý tập tành.

Vì thế, hỡi Phi-lô-tê thân mến, ta phải chuẩn bị cuộc chiến đấu ấy kỹ càng và thận trọng lắm : Con hãy đinh ninh : bao nhiêu thắng trận các kẻ thù tí hon ấy là bấy nhiêu hạt ngọc châu báu đính vào triều thiên vinh hiển Thiên Chúa sắm dọn cho ta trên thiên đàng. Vì đó, tôi nói, đang khi đợi dịp để anh dũng chiến đấu chống cám dỗ lớn lao, ta phải hết sức cẩn thận chống trả các cuộc du kích vặt này.



CHƯƠNG 09 - LÀM THẾ NÀO CHỐNG CÁC CÁM DỖ LẶT VẶT

Đối với các cám dỗ lặt vặt về khoe khoang, nghi ngờ, buồn rầu, ghen tương, đố kỵ, luyến ái lãng mạn và những chuyện xấu xa như vậy chúng như ruồi muỗi vo ve luôn bên tai mắt ta, lúc đốt má, lúc lại chích tai, vì không làm thế nào thoát hẳn nạn chúng quấy rầy được, thì cách chống chọi hay nhất là đừng có bồn chồn lo lắng về đó. Chúng có thể gây bực bội khó chịu song không thể hại ta, miễn ta luôn kiên trì cương quyết làm tôi Thiên Chúa.

Con hãy coi khinh những vụ đột kích lặt vặt ấy, không thèm nghĩ đến những điều chúng muốn xúi giục, mặc cho chúng vo ve bên tai, cho chúng lao xao bên nọ bên kia quanh ta, như ruồi như muỗi. Khi chúng đến chính con và thấy chúng không lọt vào tim con được, thì chẳng cần làm gì khác ngoài việc hất chúng đi, cần chi chiến đấu với chúng cho thêm mệt, cũng chằng cần đối đáp, song làm đôi việc chi đó ngược hẳn lại, nhất là việc mến Chúa.

Con nghe tôi, đừng cố quyết đem một nhân đức tương phản chống đối với cám dỗ con đang cảm thấy, làm như thế hóa ra như đôi co với nó rồi. Nhưng sau khi làm đôi việc trực tiếp ngược lại với cám dỗ như nói trên, nếu con nhận định được tính cách của chước cám dỗ ấy, con sẽ nhẹ nhàng hướng trái tim con về Chúa Kitô đóng đinh, và con hãy trìu mến hôn chân thánh Người. Đó là phương thế hay hơn cả để thắng địch cách dễ dàng trong các cám dỗ nhỏ cũng như to. Mến Chúa bao hàm hết mọi hoàn hảo của các nhân đức khác và bản chất nó tuyệt hảo hơn các nhân đức nữa, nó cũng là một môn thuốc thần chữa các nết xấu. Còn tâm trí con, vì đã quen chạy náu ẩn vào chốn ấy trong mọi cơn cám dỗ, nó khỏi cần phải nhìn hay khảo sát xem mình mắc chước cám dỗ thế nào ; song nó sẽ được yên tâm lại ngay nhờ môn thuốc tuyệt diệu kia. Phương thuốc này còn làm ma quỷ đâm ngán, vì thấy cám dỗ lại làm dịp ta thêm yêu mến Chúa, nó sẽ thôi không quấy ta nữa.

Đó là về các cám dỗ lặt vặt thường ngày, dại gì mà đếm xỉa tới chúng cho mệt xác mà vẫn chẳng làm nên trò trống gì.



CHƯƠNG 10 - LÀM SAO LÒNG KIÊN CỐ TRƯỚC CÁM DỖ ?

Thỉnh thoảng con hãy xét xem thị dục nào, đam mê nào ảnh hưởng nhất trong hồn con. Khi đã khám phá ra, con hãy dùng một lối sống hoàn toàn ngược hẳn trong phạm vi tư tưởng, lời nói cũng như việc làm. Tỷ dụ : con thấy có khuynh hướng thích khoe khoang, hãy nghĩ luôn về sự khốn cực của đời người ; những khoe khoang giả trá kia sẽ quấy phá lương tâm trong giờ chết là chừng nào ; chúng bất xứng với một tâm quảng đại thế nào ; hoặc đó chỉ là những chuyện dớ dẩn, chuyện trẻ con v.v…

Con hãy thường nói nghịch lại tính khoe khoang. Dù con thấy có vẻ là miễn cưỡng, gượng gạo nhưng cũng cứ ra sức khinh chê tính đó đi. Nhờ cách ấy con sẽ đứng quyết liệt hẳn vào hàng ngũ chống đối nó. Cứ gắng phản đối một cái gì mãi, ta tự khắc đâm ra ghét nó mất, dù lúc đầu ta có quí chuộng nó. Đi đôi với những việc trên kia, con cũng hãy làm những việc khiêm nhường, hèn hạ được chừng nào càng hay, mặc dầu con có cảm tưởng là miễn cưỡng. Nhờ phương thế này, con sẽ quen khiêm nhường và làm mai một tính khoe khoang thành ra lúc cơn cám dỗ đến, xu hướng con không còn hùa theo nó như trước nữa, và con sẽ có sức hơn mà chống trả. Nếu con có xu hướng hà tiện : hãy nghĩ nhiều về cái ngô nghê của tính xấu ấy, nó bắt con làm nô lệ cái đã được tạo nên để phục vụ con. Ngày chết, con cũng phải bỏ hết cả, nhường vào tay người nào đó và họ sẽ phung phí đi, hay sẽ là dịp làm họ suy sụp hay mất linh hồn v.v… và các tư tưởng giống vậy. Hãy nói nghịch lại tính hà tiện, ca ngợi lòng khinh chê thế gian, hãy ép mình bố thí và làm nhiều việc bác ái, và bỏ qua đôi dịp có thể kiếm lợi.

Nếu con đam mê tình luyến ái lãng mạn, con hãy năng nghĩ cái trò chơi ấy nguy hiểm chừng nào cho con cũng như cho kẻ khác ; thật là bất xứng biết bao khi chà đạp và biến thành trò chơi một tình cảm cao quí nhất của hồn ta. Ta thực muôn ngàn đáng trách vì nhẹ lòng nhẹ dạ kinh khủng đến thế ! Con hãy thường nói về đức trong sạch và đơn sơ tâm hồn. Và làm những hành động hợp theo nhân đức đó được bao nhiêu hay bấy nhiêu, tuy vẫn tránh mọi kiểu cách, bộ tịch.

Nói tóm, trong thời bình, nghĩ là thời gian các cám dỗ của mối tội đầu ấy không dồn dập tấn công, con hãy lợi dụng để làm rất nhiều hành động nhân đức nghịch lại. Khi không có dịp làm, con hãy đi tìm mà làm. Nhờ thế, con tăng cường trái tim con trước cám dỗ sẽ đến.



CHƯƠNG 11 - SỰ LO ÂU

Lo âu không là một cám dỗ, song là nơi bắt nguồn của nhiều cám dỗ, vậy tội sẽ nói đôi lời về điều này. Buồn rầu tức là đau đớn trong tâm trí về một sự dữ có trong ta mà trái ý ta : Có thể là một sự dữ bên ngoài như nghèo khó, bệnh hoạn, khinh chê... hoặc bên trong như ngu muội, khô khan, nhờm chán, cám dỗ... khi hồn cảm thấy có một sự dữ gì trong mình, thấy khó chịu vì đó, chính là buồn rầu. Tức khắc nó muốn thoát ly và tìm cách để tống khứ đi. Đến đây, hồn vẫn đủ lý mà hành động như thế, vì dĩ nhiên ai cũng muốn sự lành và tránh cái họ thấy là dữ.

Nếu linh hồn tìm phương cách gỡ mọi sự dữ khỏi mình vì lòng mến Chúa, họ sẽ tìm cách kiên nhẫn, hiền từ, khiêm tốn và bĩnh tĩnh, trông đợi sự giải quyết do lòng nhân lành và quan phòng của Thiên Chúa hơn là do khổ công, tài khéo hay chuyên cần của mình. Nếu hồn tìm giải thoát vì tự ái , họ sẽ hối hả, sẽ nóng ruột tìm phương tiện y như coi sự giải thoát kia do mình hơn là nhờ bởi Chúa. Tôi không nói là họ nghĩ như thế, song tôi nói họ hối hả thành ra có vẽ nghĩ như thế.

Nếu không được ngay các điều họ tìm, họ đâm ra lo âu, mất hết kiên nhẫn, thay vì cứu họ thoát khỏi sự dữ thái dộ đó lại làm thêm trầm trọng, linh hồn lâm cơn khắc khoải khốn cực, bị dồn vào thế mất hết can đảm và nghị lực đến nỗi tưởng chừng cái khó của mình vô phương điều trị. Qua trình bày trên ta thấy sự buồn rầu ban đầu đúng, sau sinh ra lo âu, lo âu sinh ra buồn bã não nề : mà đó là tình trạng nguy hại vô cùng.

Trừ tội, lo âu là sự dữ lớn nhất một tâm hồn có thể gặp. Cũng như nội loạn và nội bộ lủng củng đưa quốc gia vào con đường diệt vong, ngăn cản sức chiến đấu với ngoại thù, linh hồn bối rối và lo âu bên trong cũng tiêu tan hết nhuệ khí để giữ vững nhân đức đã có, và mất hết phương thế ngăn chặn xâm lăng của kẻ thù đang dốc hết lực lượng để lơi dụng tình thế "đục nước béo cò". Lo âu phát sinh từ một mong ước lộn xộn hỗn loạn muốn thoát khỏi một cái khổ mà mình dự đoán hoặc chiếm một sự lành mà mình hy vọng. Song kỳ thực không gì lại làm sự khổ thêm trầm trọng và làm sự lành nên khó chiếm cho bằng cái lo âu hối hả kia. Chim càng rãy rụa, càng bị mắc chặt vào lưới.

Vậy khi nào con thấy mình muốn cấp bách thoát khỏi sự dữ nào hay hối hả chiếm đoạt sự lành nào, việc đầu tiên là hãy để tinh thần nghỉ ngơi bình tĩnh, để phán đoán và ý chí trấn tĩnh lại, rồi thong thả êm đềm hành động để đi tới đích bằng cách tuần tự sử dụng các phương tiện ám hạp. Khi tôi nói thông thả, không có ý bảo cẩu thả song là đừng hối hả, bồn chồn, lo âu. Nếu không thế, thay vì đạt nguyện vọng, con làm hỏng bét hết ráo và lại đèo thêm bực bội vào mình. Đavít cầu : "Lạy Chúa, hồn con luôn gọn ghẽ trong tay con, con không quên lề luật Chúa" (Ca vịnh 118, 109). Phần con hãy xét hỏi mỗi ngày đôi lần, ít nữa buổi sáng và buổi chiều, xem hồn con có gọn ghẽ trong tay con không, hay một dục vọng nào, một lo âu nào đã đánh cắp nó đi rồi ? Con hãy xem trái tim có còn phục tòng mệnh lệnh con, hay đã thoát khỏi tay con đi theo tiếng gọi cuồng loạn của yêu, của ghét, của ghen tị, tham vọng, sợ hãi, chán nản hay vui vẻ ? Nếu nó lạc bước, trước hết mọi sự, con hãy tìm nó và nhẹ nhàng đưa nó về trước mặt Chúa, trao gửi tâm tình và ước muốn của con để Chúa dẵn dắt theo thánh ý Ngài. Như người sợ mất báu vật thì xiết chặt trong tay, ta cũng vậy, bắt chước vua thánh ấy, ta hãy nói luôn luôn rằng : "Lạy Chúa, linh hồn con dễ hư mất, nên con luôn giữ chặt trong tay, như vậy con không bỏ lơi luật Chúa".

Con đừng để các ước muốn, dù nhỏ hay ít quan hệ, gây xao xuyến nơi con. Vì sau cái nhỏ ấy, đến phiên các cái lớn và quan trọng sẽ tìm được nơi trái tim con điều kiện thuận tiện dễ dàng để quấy phá và gây lộn xộn. Khi nhận thấy lo âu xuất hiện, con hãy ký thác mình trong tay Chúa và quyết tâm không làm theo những gì nó xúi giục, bao lâu lo âu còn đó, trừ phi điều đó phải thi hành ngay không trì hoãn được. Lúc ấy phải cố gắng êm ái từ từ cầm chừng cho triều sóng ồ ạt của ước muốn giảm dần, rồi con làm việc kia theo lý trí chỉ dẫn, không còn theo ước muốn đòi hỏi nữa. Nếu con có thể giãy bày mối lo âu với cha linh hướng, hoặc ít nữa với người bạn thân đạo đức, con sẽ thấy hồn con được yên tĩnh ngay. Vì đối với hồn, thổ lộ mối u sầu của con tim, cũng làm thư thái như lể chích đối với thân thể đang bị cảm sốt. Một món thuốc tiên đó con ạ ! Cho nên vua thánh Lu-y dạy con ngài : "Nếu con mắc khốn khó trong lòng, hãy bộc lộ với cha giải tội hay người tử tế nào đó. Nhờ họ nâng đỡ, con sẽ dễ dàng chịu đựng nó."



CHƯƠNG 12 - SỰ BUỒN BÃ

Thánh Phaolô nói : “Buồn bã đúng lối Thiên Chúa sẽ tác tạo nên lòng thống hối cứu rỗi, còn buồn bã theo lối người phàm gây nên sự chết.” (2Cor 7, 10). Cho nên, buồn rầu có thể tốt hay xấu tùy theo những hậu quả phát sinh nơi ta. Phải nhận nó thường sinh nhiều hậu quả xấu hơn là tốt. Nó chỉ có hai hậu quả tốt là lòng thương xót và thống hối ; còn có sáu ác quả : khắc khoải, lười biếng, giận dữ, ghen tương, tị hiềm, và nóng ruột, cho nên Đấng Khôn Ngoan đã phải nói : “Sự buồn rầu giết hại mà chẳng sinh lợi gì.” (Huấn ca 30, 23), vì xét ra chỉ có hai lạch nước trong mà lại có những sáu lạch nước đục bắt nguồn từ buồn bã.

Địch thù ta lợi dụng buồn rầu để cám dỗ người lành, cũng như nó nỗ lực làm người xấu vui thú trong đường tội thì nó cũng gắng làm người tốt buồn bã trong đường lành. Nhưng nó chỉ xúi người ta theo đường tội bằng cách làm người ta lấy tội làm thú, thì nó cũng chỉ làm người ta bỏ đường lành bởi xúi người ta chán ghét sự lành ấy. Ma quỷ vui thích trong buồn bã u sầu vì bản chất nó buồn bã u sầu và mãi mãi đời đời nó cứ như vậy, nên nó muốn ai cũng bị như nó cả.

Buồn rầu làm xáo động linh hồn, gây lo lắng, sợ hãi hỗn loạn, làm chán nguyện ngắm, ru ngủ và làm tê liệt trí óc, làm hồn đâm mù quáng không biết quyết định, phán đoán sai lạc, mất can đảm, nghị lực tiêu tan. Nói tóm, nó như giá buốt mùa đông làm tàn úa mọi cảnh đẹp trên trái đất, làm tê cóng súc vật, vì nó rút hết chất êm dịu của tâm hồn, làm hồn liệt bại và bất lực không hoạt động được nữa.

Philôtê, nếu chẳng may con cảm thấy trong con cái buồn bã khốn nạn đó, con hãy dùng những phương thế sau đây : Thánh Giacôbê nói : “Ai buồn rầu hãy cầu nguyện” (Giacôbê 5, 13). Cầu nguyện là phương thuốc thần diệu, vì nó nâng tâm trí lên Thiên Chúa là hoan lạc và an ủi độc nhất của ta. Trong khi cầu nguyện, những tâm tình, những lời nói trong lòng hay ngoài miệng phải là những câu thấm nhuần trông cậy và yêu mến, như : “Ôi Chúa từ bi, Thiên Chúa rất nhân lành của con. Lạy Chúa Cứu Thế nhân từ ! Thiên Chúa của lòng con, nguồn vui, nguồn trông cậy ! bạn tình con, đấng chí ái của lòng con” ; và những câu giống vậy…

Con hãy mạnh dạn chống đối những xu hướng buồn bã. Và dù trong thời gian ấy con làm gì cũng chỉ thấy chán ngán, buồn bã và uể oải, con cũng đừng thôi làm. Địch thù ta chỉ mong làm ta vì buồn bã mà chán ngán việc lành. Nếu thấy ta cứ kiên trì làm và thấy ta làm trong tâm trạng gắng gổ nên càng có giá trị, nó sẽ đâm ngán không quấy rầy ta nữa.

Con hãy hát những bài ca Thánh, vì thường thấy ma quỷ rút lui hoạt động nó vì phương thế này, đây chứng cớ : khi thần khí xâm nhập Sao-lô, sức mãnh liệt của thần khí bị lời ca vịnh cầm hãm lại.

Làm các việc phúc đức bên ngoài cũng rất tốt. Hãy thay đổi các công việc ấy tùy tiện để giải khuây linh hồn khỏi buồn, thanh tẩy và hâm nóng tinh thần lên, vì buồn rầu là một tính xấu thường gặp nơi những người bẩm chất  khô khan, lạnh lẽo.

Con hãy làm nhiều cử chỉ đạo đức bề ngoài, dù không thấy thích, ví dụ : hôn Thánh Giá, ấp trên ngực, hôn chân và tay Chúa, giơ tay và ngước mắt lên trời nói với Chúa những câu yêu đương và trông cậy, chẳng hạn : “Đấng Chí ái thuộc về tôi và tôi thuộc về Ngài. Đấng Chí ái tôi như chùm hoa Mộc-dược ủ ấp trên ngực tôi (Nhã Ca 1, 13). Mắt con mòn mỏi trông nhìn Chúa, lạy Chúa, bao giờ sẽ an ủi con ? Lạy Chúa Giêsu, xin hãy là Giêsu đối với con. Hoan hô Chúa Giêsu ! Linh hồn tôi sẽ sống mãi với Ngài. Ai sẽ phân lìa tôi khỏi tình yêu Chúa được ?” và các câu giống vậy…

Đánh tội cách điều độ cũng là điều tốt chống tính buồn rầu, vì việc đau đớn cố tình bên ngoài này đem đến sự an ủi bề trong. Hồn cảm đau đớn bên ngoài sẽ quên đau đớn bên trong. Siêng rước lễ là điều tối hảo, vì bánh trời cao ấy rèn đúc trái tim cứng cáp và làm tinh thần tươi vui. Với tất cả khiêm nhường và trung thực con hãy giải bày cho vị linh hướng biết mọi cảm nghĩ, mọi tâm tình và những xúi giục do buồn rầu gây ra.

Trong kỳ này, tìm gặp và nói chuyện với các bạn đạo đức được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Cuối cùng, con hãy nhẫn nhục phó mình trong tay Thiên Chúa, dọn mình chịu đựng sự buồn bã khó chịu này cách kiên nhẫn, như một hình phạt con đáng chịu vì đã nhiều lần chạy theo vui thú phù vân. Song con hãy vững tin : Sau giờ thử thách, sẽ điểm giờ Chúa giải thoát con khỏi cơn khổ cực này.



CHƯƠNG 13 - CÁCH CƯ XỬ KHI ĐƯỢC YÊN ỦI THIÊNG LIÊNG VÀ CẢM GIÁC

Thiên Chúa tiếp tục duy trì sự sinh tồn của vũ trụ theo một nhịp thăng trầm biến đổi, lúc ngày lúc đêm, xuân qua hạ, hạ sang thu, thu tới đông rồi đông trở về xuân. Ngày nay không giống ngày mai hay ngày nào khác. Có ngày mây phủ, ngày mưa, ngày ráo, ngày gió. Thay đổi ấy là một vẻ đẹp của vũ trụ. Con người cũng vậy, theo lời cổ nhân thì họ là vũ trụ thu nhỏ, họ cũng không ở luôn mãi trong một trạng thái. Cuộc sống trôi trên trần thế như làn nước uốn lượn trong muôn ngàn xao động, lúc thì nâng lên tận mây xanh hy vọng, lúc lại ghìm xuống vực thẳm sợ hãi, lúc lượn bên phải đầy ủi an, khi liệng bên trái tràn u buồn. Chẳng có ngày nào, giờ nào giống giờ nào.

Đây là một lời căn dặn quan trọng : trong cảnh đổi thay không ngừng đó, cần nhất phải tự tạo cho mình một sự bình tĩnh tâm hồn thường xuyên và không thể lay chuyển. Dẫu cho muôn sự quay cuồng và sao dời vật đổi quanh ta, phần ta vẫn bất di dịch, luôn nhìn lên Chúa, hướng về Ngài và ao ước được Ngài. Dù con tàu hướng mũi phía nào, tiến về đông hay sang tây, xuôi nam hay ngược bắc, nương theo ngọn gió nào đẩy cánh buồm đi, có một cái không hề thay đổi đó là chiếc kim địa bàn luôn chỉ sao Bắc Hải và hướng Bắc. Mọi sự đảo lộn nháo nhào không riêng quanh ta, mà ngay trong ta nữa, nghĩa là dù hồn ta có buồn hay vui, êm ái hay cay đắng, bình an hay rối bời, tươi sáng hay tối tăm, bị cám dỗ hay được an nhàn, toại chí hay khó chịu, bị khô khan hay được an ủi, nóng chảy hay sương mát… luôn luôn và mãi mãi trái tim, tâm trí, ý chí ta, là địa bàn của ta, phải luôn hướng thẳng về tình yêu Thiên Chúa, là Tạo Hóa, là Đấng Cứu Chuộc, là của độc nhất và cao quý nhất của nó : Thánh Tông Đồ viết : “Sống hay chết, ta thuộc về Thiên Chúa. Ai sẽ phân lìa ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa được?” (Rôma 14, 8.). Không, không bao giờ có gì có thể tách ta ra khỏi tình mến ấy, dù gian truân, khắc khoải, sự chết, sự sống, đau đớn hiện thời, lo sợ rủi ro tương lai, các trò xảo trá quyến rũ của ma quỷ, an ủi cao rộng hay vực thẳm u sầu, lúc sốt sắng hăng say, lúc khô khan chán ngán… không gì có thể phân rẽ chúng ta ra khỏi tình yêu thánh mà nền tảng là Chúa Giêsu Kitô.

Cái quyết định tuyệt đối không bao giờ rời Thiên Chúa, bỏ yêu mến Ngài sẽ hóa thành cán cân thăng bằng để giữ hồn ta trong tình trạng bình tĩnh giữa mọi xao động không thể tránh của cái kiếp phù sinh này. Loài ong chợt thấy gió lộng nơi đồng nội liền bám chắc vào hòn đá để khỏi bị cuồng phong cuốn đi ; hồn ta cũng vậy, nhất quyết bám chắc vào tình yêu Chúa, nên luôn yên hàn vững chãi giữa mọi thăng trầm của yên ủi hay u buồn, thiêng liêng cũng như thế tạm, bên ngoài cũng như bên trong.

Ngoài nguyên tắc tổng quát đó, ta cần thêm vài điểm riêng biệt nữa.

1. Lòng đạo đức không ở tại nỗi vui sướng, ngọt ngào yên ủi, cảm thấy trong trái tim, làm ta trào lệ hay thở than và gây cho ta cái cảm giác khoan khoái thú vị khi làm các việc đạo đức. Không, Philôtê, cái đó không phải là lòng đạo đức. Vì có nhiều linh hồn được những ngọt ngào yên ủi ấy, song vẫn là những tâm hồn xấu nết lắm, và vì thế, chẳng có tình mến Thiên Chúa thật, huống hồ là lòng đạo đức chân chính. Sao-lô tìm giết Đavít, Đavít trốn lánh sang sa mạc xứ En-ga-đi. Sao-lô đuổi theo, một lần kia đi vào một động đá trong đó Đavít và các tùy tùng đang náu thân. Đavít có thể nhờ dịp Sao-lô một thân một mình mà báo thù dễ dàng ; nhưng đã để Sao-lô toàn tính mạng, hơn nữa không muốn làm cho ông ấy sợ. Đến sau, khi để cho Saolô ra khỏi hang rồi, Đavít mới lên tiếng gọi và trình bày cho thấy sự trong sạch vô tội của mình bằng cách cho Saolô biết lúc nãy ông đang ở trong tay mình mà mình chẳng giết. Thấy vậy, Saolô làm gì để tỏ lòng cảm mến Đavít ? Ông gọi Đavít là con, ông khóc lóc và tuyên xưng lòng khoan hậu của Đavít, rồi cầu xin Thiên Chúa cho Đavít, đồng thời cũng báo trước sự nghiệp vinh quang sau này của Đavít và xin Đavít thương đến con cháu mình sau này (Sách Samuel 1, đoạn 24). Saolô chẳng tỏ ra hiền từ và dịu dàng lắm sao ? Ấy thế mà ông đâu có đổi lòng, ông vẫn chẳng thôi bắt bớ Đa-vít dữ dằn như trước. Nhiều người, lúc suy ngắm lòng nhân lành và cuộc tử nạn Chúa Cứu Thế, thì thấy xúc cảm mủi lòng, thở than não nùng, trào lệ thương cảm, cầu xin và cảm ơn cảm động lắm, đến nỗi người ta cho họ có lòng đạo đức cao sâu. Nhưng khi gặp thử thách, lúc ấy người ta mới thấy lòng đạo đức kia như mưa rào mùa hạ ào ào đổ xuống rồi chảy đi mà không thấm vào lòng đất và chỉ làm nảy các loại nấm. Những giọt nước mắt và những nỗi yên ủi kia rơi trên quả tim hư nết mà không thấm vào trong thì chẳng có ích lợi gì. Ngọt ngào yên ủi mà làm chi, khi hạng người đó chẳng đền trả một xu nhỏ về của cải họ đã lấy bất công, chẳng từ bỏ một đam mê tội lỗi nào của họ, cũng chẳng muốn chịu phiền toán nhỏ nào để phục vụ Chúa mà họ đã cảm động khóc thương. Như thế, các tâm tình tốt kia chỉ giống như loại nấm thiêng liêng, chúng chẳng những không là lòng đạo đức thực sự, mà thường lại còn là mưu mô của địch thù xúi dại người ta ham thích các yên ủi mềm yếu đó, làm họ toại chí thoả lòng rồi, không cần tìm lòng đạo đức đức chân chính và vững vàng. Lòng đạo đức chân chính là việc của ý chí vững bền, cương quyết, mau mắn và tích cực hoạt động để thi hành điều ta biết là đẹp lòng Chúa.

Một đứa bé khóc oà khi thấy người ta cầm dao lể máu của mẹ nó, nhưng lúc ấy, nếu mẹ nó xin quả táo hay chiếc kẹo nó cầm nơi tay, nó cũng chẳng cho. Các kiểu đạo đức tình cảm của ta cũng tương tự như vậy ! Thấy cạnh sườn Chúa bị đâm thủng tới tim, chúng ta khóc lóc thương xót. Ôi Philôtê, khóc sự thương khó đau đớn và cái chết của Cha Ta và Đấng Cứu Chuộc ta là điều phải lắm. Nhưng tại sao không dâng hiến thật cho Ngài quả táo nghĩa là quả tim ta, tức là tình yêu độc nhất mà Chúa Cứu Thế thân mến hằng tha thiết xin ta ? Chớ chi ta trao phú cho Ngài những tâm tình, những cái cảm xúc, những thỏa thích nho nhỏ mà Ngài muốn diệt trừ khỏi lòng ta mà không được, vì đó là kẹo của ta đó, kẹo mà ta thèm hơn là khao khát ơn huệ thiêng liêng của Ngài. Ôi, tình mến của ta là những thứ tình mến của con nít tuy êm ái, song yếu đuối, nham nhở chẳng đi đến đâu. Lòng đạo đức không do ở những xúc động, những ngọt ngào ấy, nhiều khi chỉ do bẩm tính yếu mềm dễ cảm xúc trước những ấn tượng người ta gây nên, đôi khi còn do chính kẻ thù ta gây nên trong trí tưởng tượng ta.

2) Các tâm tình ngọt ngào ấy nhiều khi rất tốt và hữu ích. Chúng kích thích tâm hồn thêm khao khát, củng cố tâm trí, và dặm thêm nét vui vẻ và hoan lạc thánh thiện vào lòng đạo đức vốn đã cần mẫn ; làm tăng vẻ đẹp và đáng mến cho các hành động ngay cả bên ngoài. Đó là cái thi vị thiêng liêng, như Đavít nói : “Ôi Chúa, lời Chúa thật êm ngọt trong miệng con ! Thơm ngon hơn mật ong trong miệng !” (Ca vịnh 118, 103). Đã hẳn, một chút yên ủi nhỏ của lòng đạo đức còn quý hơn tất cả các vui thú trần tục. Sữa, nghĩa là các ơn huệ của Bạn Tình Thánh, thì ngon ngọt cho hồn hơn rượu khoái lạc say sưa nhất của thế gian. Ai đã nếm thử, sẽ coi các yêu ủi khác chỉ là mật đắng, gừng cay. Như kẻ ngậm cam thảo, vị ngọt ngào làm họ không còn thiết ăn uống gì nữa, thì người Thiên Chúa đã cho nếm mana trên trời là các ngọt ngào và yên ủi bên trong, sẽ không còn mong ước hay thèm khát các yên ủi của trần gian, để bắt mùi, để đem tâm trí vào đây. Đó là những món khai vị cho ta được nếm trước những sự dịu ngọt bất diệt mà đời sau mà Thiên Chúa ban cho hồn tìm kiếm Ngài. Đó là những viên kẹo ngon Ngài ban cho trẻ nhỏ để thí dỗ chúng ; là thứ nước bổ huyết Ngài đưa uống để tăng sức mạnh. Đôi khi còn là những bảo đảm trước về phần thưởng đời đời của ta.

Người ta truyền tụng lại rằng A-lịch-sơn Đại-đế đang ngự thuyền trên biển cả, đã theo làn hương thơm ngào ngạt mà gió lùa tới làm tinh thần ông phấn chấn và ban thêm cam đảm cho các thủy thủ, nhờ đó ông là người đầu tiên khám phá xứ Ả-rập phì nhiêu. Trên biển đời tạm này nhiều khi ta cũng được hưởng ngọt ngào, yên ủi báo trước những khoái lạc của quê hương thiên đàng mà ta ước vọng trông chờ.

3) Có khi con sẽ nói, vì có những sự an ủi cảm giác tốt lành và do Thiên Chúa gửi đến, mặt khác cũng có những an ủi vô ích, có hại và nguy hiểm do tính tự nhiên hoặc do kẻ thù mang đến, như thế làm sao phân biệt cái xấu hay cái vô ích với cái tốt ? Đây, Philôtê rất thân mếm, một nguyên tắc chung cho các tâm tình và thị dục của hồn ta là : xem quả thì biết cây. Tim ta là cây, các tâm tình và thị dục là cành, và các công việc hay hành động là hoa quả. Trái tim tốt sẽ sinh tâm tình tốt, tâm tình và thị dục tốt trổ sinh nơi ta hiệu quả và hành động tốt. Nếu các sự ngọt ngào, êm ái và yên ủi làm ta thêm khiêm nhường, kiên nhẫn, dễ bảo, bác ái và thương xót hơn với đồng loại, sốt sắng hơn trong việc hãm dẹp các tà dục và xu hướng xấu, bền vững hơn trong việc đạo đức, mềm dẻo dễ dạy hơn đối với người ta phải tuân phục đơn sơ hơn trong đời sống : thì chắc mười mươi là chúng do Thiên Chúa mà đến. Nhưng nếu những ngọt ngào ấy chỉ đánh động tình cảm ta còn làm ta hay ganh tị, chua cay, chi ly xét nét, nóng nảy, bướng bỉnh, kiêu hãnh, tự phụ, cứng cỏi với đồng loại, và tưởng mình đã là ông thánh bà thánh rồi, nên ta không muốn nhận hướng dẫn, sửa dạy, thì không còn hồ nghi gì những cái yên ủi ấy là giả trá và nguy hiểm. Cây lành chỉ có thể sinh quả tốt. 

4) Khi ta được những ngọt ngào, yên ủi ấy, ta phải hạ mình khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa : 

a) Đừng bao giờ nói : “Ồ, tôi khá rồi !”. Không, Philôtê, những cái đó tự chúng không làm ta nên khá đâu, như tôi nói trên, lòng đạo đức không ở tại sự đó. Nhưng ta hãy nói : “Ôi Chúa tốt lành dường nào đối với kẻ trông cậy Ngài, với hồn tìm kiếm Ngài” !Ai đã ngậm đường trong miệng, không bảo là miệng mình ngọt, song đường ngọt. Dẫu các yên ủi thiêng liêng rất tốt lành và Thiên Chúa Đấng ban cho ta rất tốt lành, thì chưa chắc kẻ nhận hưởng đã là người tốt.

b) Hãy tự nhận mình còn là những trẻ nhỏ còn đang ăn sữa và những miếng đường ban cho ta kia là vì tinh thần ta còn non yếu, mỏng manh, cần nhử mồi để ham thích mến Chúa. 

c) Nhưng sau đó, ta cứ khiêm nhường nhận các ơn sủng, các ơn huẹ ấy coi là của quý trọng hết sức, không phải vì tại bản chất các ơn ấy, nhưng vì tay Chúa ban xuống lòng ta như mẹ hiền dỗ con đưa tận miệng con từng viên kẹo. Đứa trẻ nếu tinh ý, sẽ thích cái êm ái của cử chỉ chiều chuộng mơn trớn kia của người mẹ, hơn sự ngọt ngào của viên kẹo. Vậy Philôtê, được các ngọt ngào thiêng liêng là điều quý hóa, song còn quý hóa hơn ngàn lần khi tự tay yêu đương và từ mẫu Ngài, Thiên Chúa ban ơn ấy vào hồn ta.

đ) Khi đã khiêm nhường nhận lãnh các ơn hụê ấy rồi, hãy đem dùng cận thận, theo ý người ban. Vì sao Thiên Chúa ban các sự ngọt ngào ấy cho ta ? Thưa : Cốt để làm ta nên hiền từ với mọi người và đầy yêu mến đối với Chúa. Mẹ cho con kẹo là để con hôn mẹ. Vậy ta hãy tôn kính Đấng Cứu Thế đã ban cho ta bao sự ngọt ngào. Hôn Ngài, nghĩa là vâng phục Ngài, giữ giới răn, tuân theo thánh ý ngài, chiều theo ước muốn Ngài, tắt một lời, âu yếm hôn kính Ngài trong niềm vâng phục và trung tín. Hôm nào được yên ủi thiêng liêng, hôm ấy ta phải cần mẫn làm việc lành hơn và khiêm nhường hơn.

e) Ngoài ra, thỉnh thoảng nên khước từ vài sự ngọt ngào và yên ủi, để lòng ta đừng luyến tiếc chúng, đồng thời ta xác nhận rằng dẫu đã lãnh nhận trong khiêm nhường, và yêu quý những sự ấy vì Thiên Chúa đã gởi đến và vì chúng thúc giục ta yêu mến Ngài, song đó không là những cái ta tìm kiếm, nhưng chỉ tìm kiếm Thiên Chúa và tình mến Ngài không tìm các yên ủi, song tìm Đấng yên ủi ; không tìm sự êm ái, song Đấng Cứu Thế êm ái, không tìm sự ngọt ngào, song chính Đấng là sự ngọt ngào của thiên đàng và trần thế. Trong tâm tình ấy, ta hãy quyết chí sống vững vàng trong tình mến Chúa, dẫu suốt đời không được chút yên ủi nào, và dù trên núi Sọ hay núi Tabô (nơi Chúa tỏ mình sáng láng) ta vẫn có thể nói : “Lạy Chúa, ở với Chúa thích lắm, dù nơi Chúa bị treo trên thập giá, hay nơi Chúa tỏ mình trong vinh quang”.

f) Sau cùng, xin dặn trước nếu thấy tràn đầy yên ủi, êm ái, nước mắt và ngọt ngào hoặc có chuyện phi thường trong đó, con hãy cặn kẽ trình lại cho vị linh hướng hầu ngài chỉ bảo cho biết phải điều hòa làm sao, phải cư xử thế nào, như lời Kinh Thánh nói : “Nếu ngươi tìm được mật ong, hãy dùng vừa đủ cho mình thôi” (Cách Ngôn 25, 16).



CHƯƠNG 14 - TÌNH TRẠNG KHÔ KHAN, LẠT LẼO THIÊNG LIÊNG

Philôtê thân mến, con hãy cư xử như trên kia khi được yên ủi. Nhưng buổi đẹp trời thú vị ấy không kéo dài vô tận đâu, trái lại có lúc con bị mất tất cả tâm tình đạo đức đến nỗi con tưởng hồn con là một mảnh đất hoang vu, không sinh hoa quả, đã đâm cằn cỏi, không có đường đi lối lại để tìm Chúa, không lạch nước ơn sủng nào tưới gội cho tình yêu, vì khô khan hình như đã gây nên tình trạng hoang dại ấy rồi. Linh hồn trong tình trạng ấy đáng thương thật, nhất là khi nỗi cơ cực ấy lại mạnh mẽ. Lúc đó, giống như vua Đavít xưa ngày đêm hồn sẽ như đầm đìa trong nước mắt, đang khi kẻ thù vận dụng muôn ngàn xúi giục để làm linh hồn ngả lòng, tỷ dụ nó nhạo : "À, con bé khốn nạn, Chúa mày đâu rồi? Mày sẽ tìm Chúa cách nào : Ai sẽ ban lại cho mày niềm vui trong ơn thánh ?"

Con sẽ phải làm gì trong thời gian đó, hả Philôtê? Con hãy coi chừng xem nỗi cơ cực ấy bởi đâu đến, nhiều khi chính ta là căn nguyên của các khô khan lạt lẽo của ta đó.

1) Như người mẹ không cho con ăn của ngọt vì nó có giun sán, Thiên Chúa cũng cất các yên ủi khỏi ta khi ta tìm hưởng những thỏa thích riêng tư, tức là mắc bệnh giun, sán ngạo mạn. "Lạy Chúa, con đáng Chúa hạ con xuống, vâng, trước khi bị hạ nhục thì con đã xúc phạm đến Chúa" (Ca vịnh 118, 71).

2) Khi ta chểnh mảng thu nhặt những ngọt ngào và khoái lạc của tình mến Chúa đang lúc Chúa ban, thì Ngài sẽ cất đi để phạt tính biếng trễ ấy. Thánh kinh kể : "Người Do Thái nào sáng tinh sương không lo lượm mana, khi mặt trời đã mọc không còn lượm được nữa vì mana tan rồi.

3) Nhiều khi ta lặn lội ham sống theo vui thú giác quan và yên ủi phù vân thế tục, như người Hôn Thê nói trong sách Nhã Ca. Bạn tình của linh hồn đến gõ cửa, Người soi sáng để ta chăm lo việc đạo đức lại, nhưng ta cò kè mặc cả với Người, nhất là ta bực bội vì phải bỏ các thú vui vô ích kia, phải vĩnh biệt các thỏa thích giả dối ấy. Vì đó người đã đi qua và để mặc ta trong cảnh tù hãm khốn đốn. Đến khi muốn tìm Người, khó mà kiếm được nữa. Ta đã đáng chịu cảnh cơ cực ấy, vì đã khinh rể tình Chúa mà chuộng phù vân thế gian, vì đã thất tín thất trung với tình Người, đã từ chối thi hành việc yêu mến để chạy theo yêu thích sự vật thế tạm. Như thế dĩ nhiên là ta chỉ có bột bánh thường của Ai-cập như dân xưa mà không được mana của trời ban. Con ong ghét các mùi thơm nhân tạo, các sự ngọt ngào của Chúa Thánh Thần ban cũng không đi đôi với các khoái lạc giả trá của thế gian.

4) Tính hai lòng, úp mở và khôn khéo trong lúc xưng tội và trình bày việc thiêng liêng, những trò đó cũng gây khô khan lạt lẽo. Vì con đã nói dối Chúa Thánh Thần, chẳng trách Ngài khước từ không ban yên ủi cho ! Con đã không muốn đơn sơ và thật thà như trẻ nhỏ, con sẽ không được kẹo ngon ngọt ban cho trẻ nhỏ.

5) Con đã no đầy các thỏa thích phàm tục, chẳng lạ gì các khoái lạc thiêng liêng trở nên lạt lẽo đối với con. Người xưa có câu cách ngôn rằng : "bồ câu khi đã no nê, dâu chín đào ngon cũng chê là đắng". Đức Mẹ cũng nói : "Thiên Chúa ban no đầy cho kẻ đói khát, còn kẻ giàu, Ngài đuổi về tay không" (Luca 1, 53. Kinh Magnificat). Kẻ giàu vui thú trần gian, không thể nếm khoái lạc thiêng liêng.

6) Nếu con đã khéo gìn giữ các hoa quả yên ủi đã được, con sẽ nhận lãnh thêm, vì kẻ đã có lại cho thêm, kẻ không có, song vì lỗi mình đánh mất cái người ta cho, thì người ta sẽ lấy cả cái nó không có đi, nghĩa là sẽ cất các ơn sủng đã dọn sẵn cho nó. Hiển nhiên là cây nào còn xanh tươi, mưa mới làm cho tươi tốt, cây nào chết khô, mưa chỉ làm cho thêm mục đi, tức là lấy mất cái sức sống mà nó không có. Vì những lý lẽ giống như trên mà ta mất các yên ủi trong đời đạo đức, rơi vào khô khan lạt lẽo tâm thần. Vậy, ta hãy kiểm điểm lương tâm xem có thấy những lỗi lầm giống vậy không. Nhưng Philôtê, hãy nhớ rằng đừng khảo xét cách quá lo lắng và tọc mạch. Song, khi đã cẩn thận suy xét về thái độ cư xử ta về đàng ấy, nếu thấy nguyên do sự cơ cực kia là tại ta, phải cảm ơn Chúa, - vì tìm được căn bệnh là đã khỏi một nửa rồi. Nếu ngược lại, con không thấy gì đặc biệt có vẻ đã là căn nguyên của sự khô khan kia, đừng tiếp tục tìm tòi muốn biết thêm làm gì nữa, song con hãy hết lòng đơn sơ làm như sau đây :

a) Con hãy hạ mình thẳm sâu trước mặt Thiên Chúa, và nhận biết sự hư không và hèn hạ của mình. "Hỡi ôi, tự mình tôi, tôi là gì ? Lạy Chúa, nếu chẳng phải con là nắm đất khô, nứt nẻ tứ bề, khát khao mưa trời. Ấy thế mà gió lộng làm nó tan đi mất".

b) Con khẩn cầu Thiên Chúa và xin Ngài ban hoan lạc cho con : "Lạy Chúa, hãy ban lại cho con hoan lạc ơn cứu rỗi" (Ca vịnh 50, 14). "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén này xa khỏi con" (Mat 26, 39) "Xéo đi, hỡi gió Nồm vô dụng chỉ làm khô cháy hồn ta. Hỡi gió mát niềm an ủi hãy đến ! và thổi vào vườn tôi, và tỏa muôn hương dịu dàng."

c) Con đến cùng cha giải tội, mở lòng cho ngài thấy mọi ngõ ngách của hồn. Nhận chỉ giáo ngài ban, với lòng đơn sơ và khiêm nhường hết sức. Vì Thiên Chúa yêu thích sự vâng phục các lời khuyên bảo mình lãnh nơi kẻ khác, nhất là nơi vị linh hướng, Ngài sẽ làm chúng sinh ích lợi, mặc dầu xem bên ngoài không có vẻ gì lớn lao, to tát cả. Cũng như xưa, Ngài đã làm cho nước sông Gio-đa-nô có sức chữa bẹnh cho Naa-man, khi ông vâng lệnh tiên tri Ê-li-dêu truyền tắm ở đó, dù theo lẽ thường, nước đó chẳng có đặc tính trị bệnh.

d) Khi đã làm các việc trên, chẳng có gì hữu ích và sinh lợi trong các cơn khô khan, cay đắng ấy cho bằng đừng ương ngạnh cố quyết muốn thoát ra khỏi cảnh đó. Tôi không bảo : ta không được mong ước như thế, chỉ nói đừng đặt hết tâm trí vào đó, song phú thác hoàn toàn cho Chúa Quan Phòng định đoạt, ngõ hầu bao lâu Ngài muốn, Ngài cứ việc để ta giữa các gai góc, giữa các ước muốn đó. Lúc đó, ta hãy thưa với Ngài : "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa khỏi con", nhưng ta hãy can đảm nói tiếp : "Song đừng theo ý con, mà theo ý Cha" (Mat 26, 39). Rồi ta hãy ngừng lại đó, tâm hồn giữ cho hết sức bình an chừng nào hay chừng nấy. Khi Thiên Chúa thấy ta có tâm tư bình thản an nhiên như vậy, Ngài sẽ đem nhiều ơn sủng đến an ủi biệt đãi ta. Như khi Ngài thấy A-bra-ham bằng lòng hy sinh con một mình là Isaac, Ngài hài lòng vì thấy ông bình tâm vâng theo ý Ngài như thế, Ngài đã yên ủi ông bằng cách cho ông thấy trước tương lai dòng dõi sau này và tuôn xuống tràn trề muôn phúc lành (Sáng Thế thư 22, 1-18).

Vậy trong mọi nỗi u buồn xác hồn, những chia trí hay mất những cảm giác êm ái về sự đạo đức, ta hãy đem hết lòng và hết tâm tình vâng phục sâu xa mà nói : "Chúa đã ban cho tôi các yên ủi, Ngài lại cất đi, ngợi khen danh thánh Ngài" (xem sách Gióp 1, 21). Nếu ta bền đỗ sống tâm tình khiêm nhường ấy. Ngài sẽ ban lại chocác ơn huệ xưa, như đã ban lại cho ông Gióp, vì ông thường dùng những lời như vậy trong các cơn đau đớn u sầu.

e) Sau hết, Philôtê, ta đừng mất can đảm giữa mọi khô khan lạt lẽo. Hãy kiên tâm đợi các yên ủi trở lại. Đang lúc ấy cứ lo tròn bổn phận mình. Đừng vì thế bỏ qua một việc đạo đức nào. Hơn thế, hãy tăng số các việc phúc đức lên. Nếu không thể dâng Đấng Bạn Thánh quý mến những món đồ nước ngọt, ta hãy tiến dâng món bánh khô, tựu chung, hai thứ ấy như nhau, cái chính yếu là lòng người dâng hoàn toàn chỉ vì yêu mến Ngài. Mùa xuân đẹp, con ong tiết mật nhiều mà đẻ ít. Vì trời đẹp chúng thích bay lượn trên hoa để hút mật thành ra bớt sinh đẻ. Nhưng mùa đông xấu và u ám, chúng sinh đẻ nhiều, tiết mật ít, vì không thể ra ngoài hút nhụy hoa, nên để giờ mà sinh sản đầy đàn đầy đống. Đó Philôtê, đã bao lần linh hồn nhởn nhơ giữa mùa xuân phơi phới yên ủi thiêng liêng, chỉ thích thu tích và hưởng thụ các yên ủi, nên giữa các vui thú tràn trề đã sinh rất ít việc lành. Còn trái lại, quằn quại giữa những khô khan, cay cực thiêng liêng, chừng nào thấy mình thiếu thốn những tâm tình vui sướng đạo đức, linh hồn lại càng tăng số những việc dày công nghiệp chừng ấy, lại càng trổ sinh trong lòng những nhân đức chân chính như kiên nhẫn khiêm nhường, khinh chê mình, nhẫn nhục và dứt quyến luyến v.v...

Vậy, thật là một sự lầm lẫn lớn nhiều người mắc phải - đặc biệt là phụ nữ - tưởng rằng làm việc phụng sự Thiên Chúa mà trong lòng không cảm thấy thích thú, không vui sướng ngọt ngào hay yên ủi ít thì đẹp lòng Chúa. Trái lại, các công việc ta ví như hoa hồng, khi tươi thì sinh thắm, nhưng lúc khô lại thơm đậm đà. Đã đành khi làm công việc đạo đức mà tâm hồn thấy cảm động thì dễ chịu cho ta hơn, tôi nói "cho ta", vì thế dễ chỉ chú ý đến cái gì vui sướng cho mình, nhưng khi làm trong tâm trạng khô khan lạt lẽo, chúng lại thơm tho và giá trị hơn trước mặt Thiên Chúa. Phải thế đấy Philôtê, trong thời khô khan, ý chí ta bắt ta, hầu như cưỡng bách ta phụng sự Thiên Chúa, vì thế nên nó phải cương nghị và nỗ lực hơn thời êm ái ủi an. Phục vụ nhà vua trong thời bình và giữa các xa hoa lạc thú của triều đình, chẳng công trạng gì bao lăm. Nhưng vẫn một chữ trung quân ái quốc trong gian truân cơ cực của thời giặc giã, giữa biến loại và khói lửa, đó mới là dấu bền chí, là kẻ trung thần. Thánh nữ An-gê-la Phô-li-nhô nói : "Việc nguyện ngắm đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả là nguyện ngắm khi ép mình và gắng gỗ", nghĩa là việc mà ta làm không vì thoả thích tư riêng, xu hướng tự nhiên, song hoàn toàn chỉ vì muốn đẹp lòng Thiên Chúa ! Ý chí ta bắt phải làm việc đó ngược sở thích, cưỡng ép ta và như dùng bạo lực mà thắng các khô khan, ngại ngùng đang muốn gàn ta lại. Về các việc phúc đức khac, ta cũng phải nói như vậy. Vì càng bị phản đối, bên ngoài hay bên trong, mà cứ làm, các việc ấy nên tôn quý trọng vọng trước Thiên Chúa. Càng ít có tư lợi của ta bao nhiêu trong việc thực hành nhân đức, tình mến Chúa càng sáng rực tinh tuyền bấy nhiêu. Con hôn mẹ vừa cho kẹo, đó là chuyện thường ; nhưng nếu nó hôn mẹ sau khi mẹ cho uống bạc hà, thuốc đắng, đó mới là dấu nó yêu mẹ nhiều.



CHƯƠNG 15 - ĐÔI GƯƠNG SÁNG VÀ ĐÔI ĐIỀU THÊM CHO VẤN ĐỀ TRÊN

Để sáng tỏ các điều đã bàn trên, tôi muốn thuận lại đây một mẫu chuyện do thánh Bê-na-đô kể. Thường thường, hầu hết các người khởi sự đi đàng nhân đức, mà chưa từng trải về các sự thăng trầm trong đời thiêng liêng, khi họ thấy thiếu cái cảm giác vui sướng trong việc đạo đức, thấy thiếu ánh sáng an ủi thúc giục họ tiến mau trên đường Chúa, họ đột nhiên thấy mất hứng chí và đâm hèn nhát, buồn chán trong lòng. Những đấng thông thạo giải lý rằng : bản tính có lý trí của con người không thể sống mà không có một vui khoái nào hoặc cao thượng hay thấp hèn. Chỉ có tâm hồn đã vượt lên trên chính mình, vì đã được tiếp xúc với các khoái lạc cao siêu, mới từ bỏ dễ dàng các sự hữu hình thấp kém.

Đối với các linh hồn còn chập chững, khi Chúa cất các niềm vui đi, họ thấy mình hết các yên ủi, đang lúc đó lại chưa biết kiên nhẫn chờ đợi mặt trời chiếu sáng lại, họ tưởng họ lửng lơ giữa trời, giữa đất, hình như đang quờ quạng trong một đêm tối đen vĩnh viễn vô hạn. Họ đã trở nên giống các trẻ sơ sinh mà mạ cai sữa, đâm ra lả lướt yếu nhược, rên rĩ và quấy rầy, tức bực mình.

Câu chuyện này sẽ minh chứng rõ. Ông Gióp-fơ-ra Pê-ron (Geoffroy de Péronne) là người mới vào tập đàng trọn lành. Bỗng dưng bị khô khan lạt lẽo, mất hết yên ủi, đầy những tối tăm trong lòng trong trí. Nhớ đến các bạn hữu ngoài đời, đến cha mẹ bà con, đến của cải mà ông vừa bỏ, ông đâm bị cám dỗ nặng nề đến nỗi một người bạn đã nhận thấy. Người bạn đã lân la đến dùng lời khéo léo hỏi han ông : “Gióp-fơ-ra, cái gì đó ? Tại sao anh tỏ ra trầm ngâm và rầu rĩ khác hẳn thói thường ?” Gióp-fơ-ra thở dài : “A, anh bạn ơi, suốt đời tôi sẽ không còn vui vẻ nữa”. Người bạn nghe thế, động lòng trắc ẩn, và đã lấy tình anh em đem bày tỏ cây chuyện này cho vị cha chung là thánh Bê-na-đô. Trước cơn quẫn bách ấy, thánh nhân đã vào nhà nguyện gần đó cầu nguyện cho Gióp-fơ-ra. Đang lúc ấy, ông này chán ngán buồn bã gối đầu trên một hòn đá rồi ngủ quên mất. Một lúc sau, cả hai đều chỗi dậy, vị thánh chỗi dậy khỏi chỗ nguyện ngắm vì đã chắc được ơn mình xin, và Gióp-fơ-ra khỏi giấc ngủ, nét mặt tươi cười, hân hoan, đến nỗi người bạn thân ngạc nhiên vì sự thay đổi bất chợt ấy, nên đã trách đùa bạn mình sao lúc nãy nói khác. Lúc ấy, ông đáp lại : “lúc nãy tôi có nói : không bao giờ sẽ vui nữa, bây giờ tôi xin anh tin rằng không bao giờ tôi còn buồn nữa”.

Đến đó kết liễu cơn cám dỗ của ông. Philôtê, xin con hãy chú ý điều này trong câu chuyện đó :

1) Thường Thiên Chúa ban cho nếm trước đôi sự ngọt ngào thiên đàng cho những kẻ mới vào sống đàng thánh đức ngõ hầu lôi kéo họ ra khỏi các lạc thú phàm trần và khích lệ họ hăng hái bước theo tình mến Chúa, cũng như người mẹ muốn cho con thèm bú, thì bôi mật trên núm vú.

2) Song cũng chính Thiên Chúa tốt lành ấy, đôi khi đã khôn ngoan an bài cách khác : cất hết sữa các yên ủi, cũng ví như cai sữa cho ta, như thế là có ý dạy ta ăn bánh cứng chắc của lòng đạo đức mạnh mẽ, biết làm quen với những thử thách do các chán nản và cám dỗ gây nên.

3) Đôi lần, có những dông tố kéo đến trong cơn khô khan lạt lẽo ấy, lúc đó phải chiến đấu bền gan với các bão bùng cám dỗ, vì chúng không bởi Chúa đến. Nhưng còn các khô khan, ta phải nhẫn nại chịu đựng, vì do Thiên Chúa đã xếp đặt như vậy để luyện tập ta.

4) Giữa các cực phiền bên trong ấy, đừng bao giờ ngã lòng, đừng nói như ông Gióp-fơ-ra : “Không bao giờ tôi sẽ vui vẻ nữa”, dù ở giữa bóng tối vây phủ, ta cứ chờ ánh sáng. Ngược lại, trong thời tươi đẹp nhất của đời thiêng liêng, cũng không nên nói : “Tôi sẽ không bao giờ buồn rầu”. Vì Đấng khôn ngoan đã nói : “Trong những ngày hạnh phúc, phải nhớ đến những bất hạnh. Phải hy vọng lúc ở giữa lao lung và phải sợ hãi khi được thịnh vượng”. Bất cứ ở dịp nào, cũng luôn phải ở khiêm nhường.

5) Một linh dược : ta hãy bày tỏ cái cơ cực của ta cho người bạn tâm hồn nào có thể an ủi ta.

Sau hết , để kết luận những điều căn dặn cần thiết này, tôi nhận xét thấy trong việc này cũng như trong mọi việc khác, Thiên Chúa nhân lành của ta và kẻ thù của ta hai bên đều có dự định cả, song trái nghịch nhau. Thiên Chúa thì muốn nhờ các cái cay cực đó mà làm tâm hồn ta trong sạch hơn, biết từ bỏ các ích kỷ của ta hơn trong viêc phục vụ Ngài, và làm ta hoàn toàn cởi bỏ chính mình. Còn ma quỷ nỗ lực điều động mọi mưu mô làm ta mất can đảm, làm ta chạy theo các lạc thú giác quan, và cuối cùng đưa ta đến chỗ chán ngán mình và các kẻ khác, ngõ hầu hạ giá và làm ta nhàm chán đời thánh đức. Nếu con giữ các điều chỉ bảo trên, con sẽ thêm hoàn thiện khi sống giữa các cơn não nề tâm hồn ấy.

Tôi còn muốn nói thêm câu này : đôi khi những chán ngán, khô khan, lạt lẽo là do thể xác bất an như vì thức khuya, công việc nhiều hay chay lòng, ta thấy bạc nhược, uể oải, nặng nề, khó chịu,.v.v… Tuy là những khó chịu thể xác, nó cũng ảnh hưởng đến tinh thần, vì hồn xác liên kết chặt chẽ. Vậy trong những trường hợp ấy, phải lấy hết tinh thần và ý chí làm nhiều việc nhân đức.

Mặc dầu hồn như mê ngủ và uể oải mệt mỏi, các việc tâm trí ta gắng làm lúc ấy vẫn làm đẹp lòng Chúa lắm. Lúc ấy, ta có thể nói nhu Hiền thê : “Tôi ngủ mà lòng tôi thức” (Nhã Ca 5, 2). Như tôi nói trên kia, dù làm các việc ấy không mấy hứng thú, công nghiệp và nhân đức lại càng nhiều hơn. Song phải lo sao cho thân thể khỏe mạnh lại, nhờ giải trí và giảm bớt các việc quá hao sức. Vì thế thánh Fan-xi-cô truyền các tu sĩ dòng người phải điều độ trong lao công để sự hăng hái của tinh thần khỏi bị giảm sút. Có một lần ngài bị một cơn sầu não tâm trí ám ảnh nặng nề đến nỗi ngài không thể giữ kín đáo được. Ngài muốn nói chuyện với anh em, cũng không yên, xa lánh đi lại càng thấy khốn đốn hơn. Trai giới và hành hạ thân xác càng làm cho thân thể thêm bạc nhược. Nguyện ngắm cũng chẳng làm cho khuây khỏa. Ngài sống hai năm trong tình trạng ấy, tưởng chừng Thiên Chúa hoàn toàn từ bỏ. Song sau cùng, khi đã khiêm nhường chịu đựng cảnh não nề ấy, Chúa Cứu Thế đã cho ngài đột nhiên được lại bình an hạnh phúc. Gương đó cho thấy các vị tôi tá lớn nhất của Chúa còn phải chịu các lao tâm khổ trí ấy, nên các kẻ đầy tớ nhỏ hèn đừng nên ngạc nhiên nếu gặp đôi chút thử thách như vậy !