Sống Thánh Giữa Đời

Phần Thứ Nhì

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 

Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

Nguồn: http://www.khoi-nguon.com/

CHƯƠNG 01 - NGUYỆN NGẮM CẦN THIẾT

1) Vì nguyện ngắm đem ánh sáng Thiên Chúa soi cho trí ta, đem ý muốn ta hâm nóng trong lửa tình mến trên trời, nên không gì tẩy trừ trí khôn ta hỏi các ngu muội và ý muốn ta khỏi các tình luyến ái hư hỏng cho bằng. Đó là nước phúc lành đem tưới nhuần nhã cho các cây nguyện ước tốt được xanh tươi lại và nẩy hoa, rửa hồn ta sạch các khiếm khuyết giải khát hồn ta khỏi thèm khát dục vọng.

2) Nhưng hơn cả, tôi khuyên con dùng sự suy ngắm (trong trí) nhất là suy ngắm về đời sống và cuộc tử nạn của Chúa chúng ta. Nhờ suy ngắm thường xuyên mà nhìn lên Chúa, linh hồn sẽ tràn ngập bởi Người và con sẽ học cách sống của Người, luyện các hành động con theo gương Người. Người là ánh sáng thế gian : vậy ta phải được soi sáng trong Người, bởi Người và vì Người. Suy ngắm là cây ước nguyện mà ta phải núp bóng để được mát mẻ, là suối nước Gia-cóp để rửa sạch các nhơ bẩn ta. Trẻ con nhờ nghe mẹ nói và nhờ bập bẹ với mẹ mà dần dần nói được tiếng mẹ. Còn ta, nhờ nguyện ngắm mà ở gần Chúa Cứu Thế, nhờ chú ý suy các lời nói hành động và tâm tình Người, ta sẽ nhờ ơn Người, Người giúp mà biết nói, biết làm và biết muốn như Người. Phải, hỡi Philôtê, hãy tin tôi, ta chỉ có thể tới Chúa Cha qua cửa đó. Như chiếc gương sẽ không thể cho ta nhìn thấy mình ta nếu sau lưng nó không trát lớp thiếc hay chì, đây cũng vậy ta không thể nhìn ngắm được thần tính Chúa ở trần gian này, nếu thần tính ấy không được ghép liền với nhân tính cực thánh của Đấng Cứu Thế. Đời sống Người, cái chết của Người là đối tượng cân xứng, êm ái, ngọt ngào và hữu ích nhất mà ta có thể chọn để suy ngắm thường nhật. Không phải vô lý mà Chúa Cứu Thế đã tự gọi mình là bánh bởi trời xuống. Như bánh thường ăn kèm với các món thịt, thì Chúa Cứu Chuộc là Đấng ta chiêm ngắm, xét suy và tìm tòi trong các lần nguyện ngắm và hành động. Đời sống và sự chết của Người đã được các tác giả đạo đức xếp đặt phân phối thành nhiều điểm để giúp suy ngắm. Tôi giới thiệu cho con vài tác giả : Thánh Bo-na-ven-tu-ra, Bel-li-ta-ni, Bru-nô, Ca-pi-lla, Grơ-nát-đê, Đuy-pông.

3) Mỗi ngày, trước khi điểm tâm, con hãy lấy một giờ làm việc ấy, vào lúc sáng sớm nếu có thể được, vì tâm trí chưa bận rộn, còn thảnh thơi sau một đêm nghỉ ngơi. Con đừng làm quá một giờ, nếu cha linh hướng con không bảo rõ ràng [1].

4) Nếu có thể, con nên suy ngắm trong nhà thờ, và nếu con tìm thấy ở đó đủ yên tĩnh, thì thật là một điều rất tiện và thích hợp, vì chắc không ai, dù cha mẹ, vợ chồng hay ai khác lại có thể ngăn cấm con ở lại một giờ trong nhà thờ. Trong nhà con là chỗ nhiều bận bịu, con không thể chắc có một giờ hoàn toàn yên ổn như thế.

5) Hãy khởi sự nguyện ngắm bằng trí hoặc đọc ngoài miệng bởi nhớ Chúa trước mặt. Con hãy giữ trọn vẹn luật đó đừng bỏ lần nào, chẳng bao lâu con sẽ thấy nó hữu ích.

6) Nếu con nghe tôi, thì hãy đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Tin Kính bằng la ngư [2] . Nhưng con phải học cho hiểu rõ ý nghĩa của các lời đó, hầu khi đọc theo tiếng chung của Hội Thánh con vẫn có thể thưởng thức ý nghĩa lạ lùng và tuyệt diệu của các lời cầu xin thánh thiện ấy. Phải đọc cách chú ý hết sức và đưa tâm tình mình theo sát nghĩa của kinh đó. Đừng đọc hấp tấp, để được nhiều, song ra sức chuyên cần đọc tử tế cái con đọc trong lòng. Vì một kinh Lạy Cha đọc hết tâm hồn còn hơn đọc nhiều mà vô ý tứ, lấy lệ.

7) Tràng hạt là một cách cầu nguyện rất hữu ích miễn là con biết lần cho đúng. Muốn thế, con hãy dùng quyển sách nhỏ nào dạy cách lần hạt. Đọc kinh cầu Chúa Giêsu, Đức Mẹ hay các thánh cũng tốt, hoặc những kinh đọc miệng khác chép trong sách kinh đã được giáo quyền phê chuẩn, miễn là nếu con được ơn suy ngắm bằng trí, con phải dành cho sự suy ngắm này địa vị chính. Như vậy, giả sử sau khi nguyện ngắm như thế, công việc hay lý do nào khác làm con bận không thể đọc kinh miệng nữa, con đừng lấy làm lo ngại, chỉ cần đọc trước hay sau việc ngắm một kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Tin Kính [3].

8) Nếu, đang đọc kinh, con cảm thấy lòng mình được lôi kéo vào sự nguyện ngắm bên trong (hay bằng trí), con đừng bỏ qua. Nhưng hãy để trí vào trong con nhẹ nhàng chuyển sang sự nguyện ngắm ấy. Đừng lo lắng vì chưa đọc hết các kinh con dư định. Vì nguyện ngắm bằng trí mà con đã làm thay, đẹp lòng Chúa hơn và ích lợi cho linh hồn con hơn. Tôi không nói về kinh Hội Thánh, nếu con có bó buộc phải đọc trong trường hợp này con phải đọc cho đủ bổn phận.

9) Nếu có khi nào qua một buổi sáng mà không nguyện ngắm bằng trí được vì bận nhiều việc hay vì lý do nào khác (đã hẳn con phải phòng ngừa trước được chừng nào hay chừng ấy) thì con hãy bổ khuyết cái thiếu xót đó sau bữa trưa, ở một giờ nào cách xa bữa cơm ấy. Vì nguyện ngắm sau bữa cơm, mà cơm chưa tiêu chắc sẽ dễ buồn ngủ lắm và sức khoẻ sẽ bị tổn hại.

Nếu cả ngày không nguyện ngắm được, phải bù sự thiếu sót ấy bằng cách dâng nhiều lời nguyện tắt, và bởi đọc sách đạo đức nào đó, với vài việc đền tội để ngăn cản những hậu quả của sự mất mát kia. Rồi thêm vào đó, con hãy mạnh mẽ dốc quyết ngày mai sẽ làm điều đặn hơn.

------------

[1] Thời nay, cuôc sống dồn dập, một giờ suy ngắm hẳn quá dài, nhất là cho ai phải đi làm. Cũng có thể chia đôi : nửa sáng, nửa chiều.

[2] Thực ra không nên. Ngài khuyên vậy vì thói quen thời đó, và có lẽ vì muốn tránh cái lờn quen khi ta đọc các kinh đó bằng tiếng mẹ đẻ.

[3] Xem phụ trương 1  Cách lần hạt.



CHƯƠNG 02 - PHƯƠNG PHÁP VẮN GIÚP NGUYỆN NGẮM

VIỆC CHUẨN BỊ : 

TRƯỚC HẾT : NHỚ MÌNH TRƯỚC MẶT CHÚA

Có khi con chưa biết làm thế nào để suy ngắm, phải không Philôtê ? Buồn thay, đó là điều mà ở thời đại ta ít người biết. Vì vậy, tôi sẽ trình bày một phương pháp đơn sơ và vắn tắt giúp suy ngắm, cho đến khi nhờ đọc các sách hay về điều đó và nhờ thực hành nhiều con sẽ am hiểu rộng rãi hơn. Tôi nói trước hết về việc “chuẩn bị”, gồm hai điểm : điểm nhất là đặt mình trước mặt Thiên Chúa, điểm hai là cầu khẩn Ngài hộ giúp.

Để biết mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đề nghị bốn phương thế chính, con có thể dùng lúc buổi đầu.

Phương thế thứ nhất là suy tưởng mạnh mẽ và chăm chú đến sự hiện diện phổ biến của Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và trong mọi sự. Không có chỗ nào, vật nào ở trần gian này mà Ngài không có mặt ở đó thật thành ra, như chim bay đâu cũng gặp không khí, thì ta đi đâu, ở đâu, ta vẫn thấy Ngài có mặt ở đó. Ai cũng biết chân lý ấy, song không chú ý mà sống. Người mù dù không nhìn thấy vua, song khi được biết có ngài ở trước mặt, họ sẽ thủ lễ. Nhưng chừng nào họ không nhìn thấy ngài, họ cũng dễ dàng quên ngài có mặt. Mà khi dễ quên càng dễ quên tôn kính và giữ lễ hơn nữa. Buồn thay ! Phi-lô-tê, chúng ta không thấy Thiên Chúa hiện diện với ta, và dù đức tin dạy ta là Ngài có mặt, thì vì ta không thấy bằng mắt, ta thường quên và ăn ở như thể Thiên Chúa ở rất xa ta. Và tuy biết Ngài có mặt trong mọi vật mà chỉ vì không nghĩ tới, thì ta ra như không biết vậy. Vì thế, thoạt đầu suy ngắm, phải giục linh hồn chú ý suy nghĩ đến sự có mặt của Thiên Chúa. Đó là cảm nghĩ của Đa-vít trong câu ca vịnh này : “Lạy Chúa, nếu con lên trời, Chúa ở đó, nếu con xuống âm ngục, Chúa cũng ở đó” (Ca vịnh 138, 8). Và ta cũng dùng lời của Gia-cóp, khi ông thấy thang lạ : “Ôi, nơi này đáng kính sợ ! Thiên Chúa, ngự ở đây, mà tôi không biết” (Sách Sáng Thế 28, 17). Ông muốn nói là ông không nghĩ đến, vì hẳn ông không thể không biết rằng Thiên Chúa ở trong mọi sự và mọi nơi. Vậy khi suy ngắm con phải hết lòng và nói với lòng rằng : “Hỡi lòng tôi, hỡi lòng tôi, Thiên Chúa thật ở nơi đây”.

Phương thế thứ hai giúp đặt mình trước mặt Thiên Chúa, là không chỉ nghĩ Chúa đang ở nơi ta đang ở song cách đặc biệt Ngài ngự trong lòng con, ở thẳm sâu trong trí con. Bởi vì có mặt đó, Ngài ban cho nó sức sống và sức sinh hoạt. Cho nên Ngài ở đó như tim của tim con , trí của trí con. Như hồn ở khắp cả thân thể, có mặt ở tất cả mọi phần thân thể song ở trong tim một cách đặc biệt, Thiên Chúa cũng vậy, Ngài có mặt trong mọi sự, song ngự cách đặc biệt trong lòng ta. Vì vậy Đa-vít gọi Chúa : “Thiên Chúa của lòng Ngài”, và thánh Phaolô nói : “ta sống, ta cử động, ta ở trong Thiên Chúa” (Công vụ 17, 28). Khi suy niệm chân lý ấy con hãy giục lòng tôn kính mạnh mẽ vì Thiên Chúa đang hiện diện trong lòng con cách mật thiết như thế.

Phương thế thứ ba là chiêm ngắm Chúa Cứu Thế, Đấng từ trời nhìn xuống mọi người thế gian, cách riêng các Kitô hữu là con cái Người, và cách đặc biệt những kẻ đang cầu nguyện. Người lưu ý đến những hành động và cử chỉ của họ. Đây không là tưởng tượng, song là chân lý. Vì dù ta không thấy Người, song từ trên đó Người nhìn ta. Thánh Tê-pha-nô thấy Người như thế lúc ông chịu tử đạo. Do đó, ta có thể nói, cùng với vị hôn thê của Chúa : “Kìa Người đang nấp sau tường, nhìn qua cửa sổ, ngó qua sông đào” (Nhã ca 2, 9).

Phương thế thứ tư là dùng trí tưởng tượng hình dung Chúa Cứu Thế mặc xác phàm như đang ở bên ta, theo cách ta thường hình dung các bạn hữu ta khi nói : “Tôi hình dung thấy người này… người kia đang làm cái này cái nọ, tôi hình như thấy họ…” hoặc điều gì giống vậy. Song nếu có Thánh Thể trên bàn thờ, thì sự hiện diện lại là thực sự, chứ không phải chỉ nhờ tưởng tượng. Vì hình bánh có thể ví như tấm màn sau đó Chúa thật có mặt, nhìn ngó ta, dù ta không thấy hình Người trong dáng thật của Người.

Vậy con hãy dùng một trong bốn phương thế ấy để đặt hồn con trước mặt Chúa trước khi suy ngắm. Đừng dùng tất cả một lượt, nhưng mỗi lần một cái thôi. Dùng cách vắt tắt và đơn sơ.

------------

(*) Những điểm bàn rộng ở đây đã được tác giả cho thực hành ở trên kia, xem phần 1, chương 9 – 18.



CHƯƠNG 03 - ĐIỂM THỨ HAI CỦA VIỆC CHUẨN BỊ LÀ CẦU KHẨN

Con sẽ làm việc cầu khẩn như sau : Khi đã thấy mình ở trước mặt Chúa, hồn con phủ phục trong niềm tôn kính sâu xa, nhận mình rất bất xứng trước mặt Đấng Chí Tôn. Tuy vậy, biết rằng chính Đấng nhân lành đã muốn vậy, hồn xin Ngài ơn phụng sự và thờ lạy Ngài cho nên trong buổi suy ngắm này.

Nếu con muốn, con có thể dùng vài lời vắn tắt song sốt sắng nóng nảy, như những lời này của Đa-vít : “Lạy Chúa, xin đừng loại con khỏi mặt Chúa ! Đừng cất Thánh Thần Chúa khỏi con (Ca vịnh 50, 13). Hãy giải ánh sáng nhan thánh Chúa trên tôi tá Chúa và con sẽ chiêm ngắm các kỳ công Chúa ! Hãy ban cho con trí hiểu biết và con sẽ suy ngắm luật Chúa và tuân giữ hết lòng (Ca vịnh 118, 135). Con là nữ tá Chúa, xin ban cho con Thánh Thần”, và những lời giống như vậy.

Điều này sẽ còn giúp ích cho con nếu con kêu cầu cả Thiên Thần con và các người thánh mà con thấy có mặt trong mầu nhiệm mà con suy ngắm. Như trong mầu nhiệm tử nạn của Chúa Giêsu, con có thể kêu cầu đến Đức Mẹ, thánh Gio-an, bà Ma-đa-lê-na, người trọn lành ngõ hầu những cảm nghĩ và những tâm tình bên trong mà các vị đã nhận được trong mầu nhiệm đó, sẽ thông sang con. Lúc suy ngắm đến cái chết của con, con có thể kêu cầu Thiên Thần bản mệnh đang có mặt, hầu người soi cho con những điều thích hợp mà suy ngắm. Các mầu nhiệm khác, con cũng hãy làm như vậy.



CHƯƠNG 04 - ĐIỂM THỨ BA CỦA VIỆC CHUẨN BỊ LÀ TRÌNH BÀY MẦU NHIỆM

Sau hai điểm thường có trong việc nguyện ngắm, đến điểm thứ ba, điểm này không luôn thường có trong tất cả mọi việc suy ngắm. Có người gọi là : dựng lại một hoàn cảnh, người khác gọi : bài học trong lòng. Đó chẳng qua là đem trình bày trước trí tưởng tượng cái cảnh tượng của mầu nhiệm mà ta muốn suy ngắm, như thể mầu nhiệm đó xảy ra thực sự, ngay trước mắt. Ví dụ, con muốn suy ngắm Chúa bị treo trên thập giá, con tưởng tượng đang đứng ở núi Sọ, con thấy tất cả mọi việc xảy ra, mọi lời người ta nói. Hoặc ngược lại, song cũng như nhau, cho hình dung thấy việc đóng đinh Chúa xảy ra ngay tại chỗ con đang ở, theo như các sử gia Phúc Âm đã tả. Con hãy làm như vậy khi con suy ngắm về sự chết (xem bài suy ngắm đó mà tôi đã dọn) về hỏa ngục và các mầu nhiệm giống vậy, là những mầu nhiệm nói đến những điều hữu hình và cảm giác.

Còn những mầu nhiệm khác liên quan đến các điều vô hình như : sự cao cả của Thiên Chúa, tốt đẹp của các nhân đức, về cứu cánh của đời sống ta, không thể dùng trí tưởng tượng như trên được. Đã hẳn, có thể dùng vài so sánh, tỉ dụ, để giúp suy niệm, song không phải luôn để tìm ra. Tôi muốn đề nghị với con phương thế đơn sơ, làm sao cho trí con khỏi quá bận bịu tìm tòi sáng chế. Nhờ cách tưởng tượng đó, ta đưa trí khôn vào khung khổ của mầu nhiệm ta muốn suy ngắm để nó khỏi lang bạt đi nơi khác, chẳng khác gì nhốt chim vào lồng, cột chim ưng vào dây để nó đậu trên nắm tay mình.

Có người sẽ nói với con rằng : Trong việc trình bày mầu nhiệm tốt hơn nên dùng một ý tưởng đơn thuần của đức tin, hoặc một ý nghĩ gì hoàn toàn trong trí và thiêng liêng, hoặc nghĩ rằng những sự kia xảy ra ngay trong trí khôn. Nhưng việc này quá tinh vi đối với người mới khởi sự. Philôtê, tôi khuyên con cứ ở dưới thung lũng thấp tôi đang chỉ cho, đợi đến khi Thiên Chúa nâng lên cao hơn hẳng hay.



CHƯƠNG 05 - PHẦN THỨ HAI CỦA VIỆC NGUYỆN NGẮM : CÁC ĐIỀU SUY NIỆM

Sau việc của trí tưởng tượng, đến việc của trí hiểu, gọi là suy ngắm. Suy một hay nhiều điều nhằm kích thích tâm tình ta yêu mến Chúa, yêu quý các sự trên trời. Như thế suy ngắm khác học hành khác các cảm nghĩ hay suy tư thông thường : vì các sự suy nghĩ thông thường không nhắm luyện nhân đức hay mến Chúa, nhưng nhắm mục đích khác như để nên thông thái, để viết sách hay tranh luận.

Vậy khi đã đưa trí khôn vào khung khổ vấn đề con muốn suy ngắm (như đã bàn trên : hoặc bởi tượng tưởng nếu vấn đề ấy hữu hình hoặc bởi trình bày ra nếu vấn đề ấy vô hình), con bắt đầu suy nghĩ trên đó (Con hãy xem cách thức ở các bài suy ngắm tôi đã soạn cho con). Khi trí con thấy cảm hứng, ánh sáng và ích lợi đủ về một ý tưởng nào trong số các ý tưởng đó, con hãy dừng lại, đừng nghĩ tiếp, như con ong không bay đi khi nào hoa còn có mật để hút. Nếu con không gặp cảm hứng về điểm gì cả thì sau gắng sức thử vô hiệu, con hãy chuyển sang ý khác. Trong công việc này, con cứ đơn sơ thảnh thơi mà làm, không hấp tấp.



CHƯƠNG 06 - PHẦN THỨ BA CỦA VIỆC NGUYỆN NGẮM : CÁC TÂM TÌNH CẢM MẾN VÀ ĐIỀU DỐC LÒNG

Việc suy niệm phát sinh những tâm tình tốt trong ý chí tức là phạm vi tình cảm của linh hồn. Đó là những tâm tình mến Chúa yêu người, mong ước Thiên Đàng, mong được vinh quang, lòng nhiệt thành cứu các linh hồn, bắt chước gương mẫu Chúa Giêsu, lòng thông cảm các đau khổ Chúa, sự khâm phục, lòng hoan hỷ, sợ mất ơn nghĩa của Chúa, sợ phán xét và hỏa ngục, ghét tội, trông cậy vào lòng từ bi thương xót Thiên Chúa, tủi hổ về đời sống xấu xa quá khứ v.v… Trong những tâm tình đó, tâm hồn ta phải cởi mở, thổ lộ sâu rộng chừng nào hay chừng nấy. Nếu con thấy cần giúp con trong việc đó, hãy mở cuốn sách suy ngắm của cha An-nê Ca-pi-lia, tập nhất : con đọc lời tựa ở đó Ngài trình bày cách diễn tả các tâm tình.

Trong cuốn sách bàn về nguyện ngắm của cha A-ria còn trình bày sâu rộng hơn nữa về điểm ấy. Nhưng Philôtê, không nên quá dừng lại trên các tâm tình chung ấy mà không biến chúng thành những dốc lòng riêng biệt để cải hóa, sửa đổi đời sống. Tỷ dụ : lời thứ nhất của Chúa Giêsu phán trên thập giá : sẽ gây trong tâm hồn con tâm tình mạnh mẽ muốn bắt chước Chúa tha thứ cho kẻ nghịch của con và yêu họ. Song, tâm tình ấy chưa ăn thua nếu con không thêm một dốc lòng riêng biệt như : từ này tôi sẽ không bao giờ tức bực vì những lời nói khó chịu của người nầy người nọ… láng giềng hay đầy tớ đối với tôi ; hoặc vì sự khinh bỉ mà người này người nọ làm cho tôi ! Trái lại tôi sẽ nói hoặc sẽ làm việc này việc nọ… để gây thiện cảm… Hỡi Philôtê, với phương thế này, con sẽ sửa mình mau chóng, còn nếu chỉ nhờ các tâm tình, việc sửa mình sẽ khó khăn và lâu dài[1].

------------

[1] Thánh Têrêsa Avila nói : “Điều đó có ich cho linh hồn nhất trong buổi nguyện ngắm không phải là suy nghĩ nhiều, song là yêu mến nhiều, vì yêu nhiều là do quyết đinh hành động nhiều vì Chúa.



CHƯƠNG 07 - PHẦN KẾT LUẬN ; VÀ BÓ HOA THIÊNG LIÊNG

Cuối cùng, phải kết thúc nguyện ngắm bằng ba việc, mà ta phải làm với tất cả lòng khiêm nhường. Việc nhất : tạ ơn. Tạ ơn Thiên Chúa về các tâm tình và dốc lòng Ngài ban cho ta, tạ ơn lòng từ bi nhân hậu Ngài mà ta nhận thấy biểu lộ trong mầu nhiệm vừa suy. Việc hai : dâng hiến. Dâng lên Ngài chính đức từ bi nhân hậu của Ngài, cái chết, máu và nhân đức của Con Ngài, đồng thời cũng dâng cả các tâm tình và dốc lòng của ta. Việc thứ ba : khẩn cầu. Khẩn khoản nài xin Thiên Chúa thông ban cho ta các ơn sủng và nhân đức của Con Ngài, và chúc lành cho các tâm tình và quyết định ta ngõ hầu ta trung thành đem ra thực hành. Rồi ta hãy cầu nguyện cho Hội Thánh, cho các đấng Chăn chiên, cha mẹ, bà con, bạn hữu và những người khác nữa… nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, các thiên thần và các thánh. Sau hết, xin nhắc lại : phải đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng là kinh cần thiết và chung của các tín hữu.


MỘT ĐIỂM CUỐI CÙNG

Thêm vào tất cả các điều ấy : phải hái một bó hoa thiêng liêng. Đi thăm vườn hoa đẹp, không bao giờ ra tay không, mà không cầm vài bông để thơm hương suốt cả ngày. Tâm trí ta cũng vậy, trong suy ngắm đã rảo trên mầu nhiệm thì cũng phải chọn lấy một hay hai điểm ta thích hơn cả hay có thể giúp ta tiến bộ hơn để trong ngày ta nhớ đến và thưởng thức hương thơm thiêng liêng. Ta làm việc này ngay lúc cuối buổi suy ngắm, lúc ở đó hay dảo bước một mình thời gian sau đó.



CHƯƠNG 08 - ĐÔI LỜI DẶN HỮU ÍCH VỀ VIỆC SUY NGẮM

1) Phi-lô-tê, điều cần nhất là sau lúc suy ngắm con giữ những dốc lòng, quyết định đã chọn, để thực hành kỹ lưỡng trong ngày. Đó là hoa quả lớn nhất của suy ngắm, nếu không, suy ngắm sẽ ra vô ích, nếu không phải là hại nữa. Vì các nhân đức ta suy ngắm mà không thực hành sẽ thổi phồng trí khôn và can đảm cho ta ảo tưởng ta đã sống như ta dốc lòng và quyết nghị. Đó là điều rất có thể thực hiện nếu dốc lòng ta mạnh và chắc. Nhưng trái lại chúng sẽ thành vô ích và nguy hiểm nếu không được đem ra thực hành. Vậy bằng bất cứ phương tiện nào ta cũng phải gắng công đem ra thực hành. Ví dụ : nếu tôi đã dốc lòng gây thiện cảm với những kẻ đã xúc phạm đến tôi, ngày hôm đó tôi sẽ tìm gặp họ để chào hỏi họ tử tế. Nếu tôi không thể gặp, ít nhất tôi cũng sẽ nói tốt về họ và cầu cho họ.

2) Sau buổi suy ngắm ấy, con hãy ý tứ đừng quá khuấy động tâm hồn con : con sẽ đánh tung tóe hết dầu thơm con đã hứng lấy lúc suy ngắm. Tôi muốn nói : con phải giữ chút ít yên lặng nếu có thể được và để lòng con nhẹ nhàng chuyển từ nguyện ngắm sang công ăn việc làm, để vẫn luôn ấp ủ các tâm tình và các tâm trạng con được lâu chừng nào càng hay. Người đựng thứ dầu quý đắt tiền trong một chiếc bình sứ đẹp thì hẳn khi bưng về nhà họ sẽ đi từng bước nhẹ không quay ngang quay ngửa, song lúc nhìn phía trước sợ vấp đá hay hụt bước, lúc thì nhìn cái bình xem nó có nghiêng không. Con cũng phải làm như thế sau lúc suy ngắm. Đừng vui đùa ngay, song nhìn thẳng trước mặt cách bình thản. Nếu phải gặp ai và phải tiếp chuyện, cũng không cần tìm cách tránh. Con cứ tự nhiên vào truyện nhưng thế nào để con còn có thể nhìn vào lòng con nữa hầu dầu thơm của việc nguyện ngắm thánh thiện sóng sánh ra ít chừng nào hay chừng nấy.

3) Con còn phải tập quen chuyển từ nguyện ngắm sang công ăn việc làm mà bậc sống và nghề nghiệp con đòi phải làm, dù các việc đó có vẻ khác xa với các tâm tình con có trong nguyện ngắm. Tôi có ý nói : một trạng sư phải biết chuyển từ nguyện ngắm sang việc biện hộ người buôn bán sang việc thương mại, người vợ sang bổn phận phu thê và bận rộn của gia đình, chuyển một cách êm ái và bình tĩnh thế nào để tinh thần không bị xáo trộn. Vì cả hai việc đều là theo ý Chúa cả, nên việc chuyển tiếp từ việc này sang việc kia phải thấm tinh thần khiêm tốn và đạo đức.

4) Đôi khi, thoạt sau ngay phần chuẩn bị suy ngắm, con đã thấy tâm tình con xúc cảm trong Chúa rồi. Hỡi Phi-lô-tê, lúc đó con cứ để lòng con theo đà tự nhiên ấy không cần đi sát phương pháp tôi đã chỉ. Vì bình thường, suy niệm phải đi trước các tâm tình và dốc lòng, song nếu Chúa Thánh Thần kích động tâm tình con trước khi suy niệm con không nên cố tìm cách suy niệm nữa, vì vai trò suy niệm là cốt để kích thích tâm tình. Tóm lại, khi nào tâm tình đến, phải đón lấy và nhường chỗ cho chúng, dù chúng đến trước hay sau những suy niệm. Khi tôi xếp đặt các tâm tình sau việc suy niệm là vì muốn phân biệt rõ ràng các thành phần của việc nguyện ngắm. Nói tóm theo luật chung, không bao giờ kềm hãm các tâm tình ; ngay cả về ba việc kết thúc buổi nguyện ngắm là : tạ ơn, dâng hiến và cầu nguyện đều là các tâm tình có thể làm ngay đang lúc suy niệm không nên kềm hãm, dù đến sau, lúc kết thúc buổi suy niệm, ta phải lập lại. Về điều dốc lòng, chỉ làm sau các tâm tình cuối buổi nguyện ngắm, trước khi kết thúc. Vì phải đem trí chọn lựa trong số những vật cụ thể và quen thuộc, nên có nguy hiểm chúng làm ta chia trí nếu ta làm đang lúc tâm sự với Chúa.

5) Trong việc bộc lộ tâm tình và dốc lòng, nên dùng kiểu đối thoại : nói với Chúa, hoặc với thiên thần hoặc với các nhân vật có mặt trong các mầu nhiệm ta suy, với các thánh và với chính mình, với lòng mình, với kẻ tội lỗi, và ngay các thọ tạo vô tri giác như ta thấy Đa-vít nói trong các ca vịnh, và các thánh nói trong lúc các ngài suy ngắm và cầu nguyện[1].

------------

[1] Xin giới thiệu một phương pháp nguyện ngắm bổ túc thêm. Xen cuối sách, phụ trương 2 : Cách nguyện ngắm dễ dàng theo phương pháp thánh Anphongsô.



CHƯƠNG 09 - SỰ KHÔ KHAN LÚC NGUYỆN NGẮM

Phi-lô-tê, nếu con thấy khô khan lạt lẽo lúc suy ngắm, xin con đừng nao núng. Đôi lần con hãy mở miệng đọc kinh ra tiếng, hãy than vãn với Chúa, hãy thú nhận sự bất xứng của con, xin Ngài giúp. Con hãy hôn ảnh Ngài nếu có. Hãy nói với Ngài các lời của ông Gia-cóp : “Con sẽ không buông Chúa ra nếu Chúa chưa chúc lành cho” (Sách Sáng thế 32, 26). Hoặc lời của bà goá thành Ca-na-an : “Phải, lạy Chúa con là con chó, song chó trong nhà đuợc ăn các mẩu bánh vụn vứt ở bàn chủ xuống” (Mt 15, 27).

Lần khác, con cầm lấy sách và đọc kỹ cho đến khi tâm trí đuợc thức tỉnh và hồi phục trong con[1]. Đôi khi, hãy kích thích tâm hồn bằng vài cử chỉ tôn kính bề ngoài : quỳ sấp xuống đất hai tay chéo trước ngực hôn thánh giá v.v … Đã hẳn chỉ nên làm nơi không ai thấy con. Sau những việc đó nếu con vẫn không thấy sự yên ủi, cũng đừng nao lòng, dù khô khan đến mấy đi nữa. Song hãy tiếp tục giữ điệu bộ đạo đức trước mặt Chúa. Biết bao cận thần suốt năm chầu trực cung vua, trăm ngàn lần mà không hy vọng đuợc hầu chuyện vua, song đuợc vua thấy và chu toàn phận sự đối với vua thế là đủ ! Vậy hỡi Phi-lô-tê thân mến, ta cũng đi nguyện ngắm hoàn toàn chỉ để trọn bổn phận và chứng tỏ lòng trung tín của ta.

Nếu đẹp ý Ngài, Đấng Chí Tôn khấng chuyện vãn với ta bằng các ơn soi sáng, ơn yêu ủi bên trong, đã hẳn đó là vạn phúc và vui sướng vô cùng cho ta. Song nếu Ngài không ưng ban ơn huệ ấy để mặc ta đó không thèm nói chuyện, ngay cả như không nhìn thấy ta và như ta không có mặt trước dung nhan Ngài ta cũng không được đi ra[2]. Trái lại, ta phải ở đó trước Đấng Từ Bi Đại Hậu ấy với bộ điệu bình an và tôn kính. Như thế chắc chắn Ngài sẽ thấu lòng trung kiên ta và để ý đến sự chuyên cần và bền đỗ của ta. Một lần nào đó ta lại đến trước mặt Ngài, Ngài sẽ ban ơn huệ, sẽ nói chuyện với ta qua các ơn yên ủi, cho ta nếm sự ngọt ngào của nguyện ngắm. Nhưng nếu Ngài không ban ơn thế, hỡi Philôtê, ta cũng hãy đinh ninh rằng : được gần Ngài và túc trực trước mặt Ngài, quả là một hạnh phúc lớn lao rồi !

------------

[1] Đây cũng là một cách nguyện ngắm cho những người mà trí óc ít thích suy luận hay ít biết suy luận : Dùng một cuốn sách tốt, và từng đoạn, thấy hay thì dừng lại suy đôi chút và than thở cầu nguyện, song lai sang đoạn khác – Xem Hồi Ký của thánh Têrêsa Avila, chương 4.

[2] Dù chia trí nhiều, hoặc khô khan, cũng đừng bỏ nguyện ngắm. Thánh Anphongsô khuyên ta đề phòng sự chán nản ấy. Thánh Têrêsa Avila nói : “Một linh hồn trung thành nguyện ngắm, thì dù họ bị cám dỗ phạm tội nhiều, tôi cũng tin rằng cuối cùng Chúa sẽ cứu rỗi họ”.



CHƯƠNG 10 - CÁC VIỆC ĐẠO ĐỨC BUỔI SÁNG[1]

Ngoài việc suy ngắm trong tâm trí và có quy củ ấy, và các kinh con phải đọc mỗi ngày một lần, còn có năm thứ nguyện ngắm khác ngắn hơn. Chúng giống như đồ tô điểm hoặc những chồi non nảy ra từ việc suy ngắm kia. Trong số đó, việc thứ nhất làm vào buổi sáng được coi như việc chuẩn bị chung cho mọi công việc trong ngày. Con hãy làm như sau :

1) Con tạ ơn Chúa, thẳm sâu thờ lạy Chúa vì đã gìn giữ con đêm qua. Nếu ban đêm đã phạm tội gì, hãy xin Ngài tha thứ.

2) Con hãy suy : con được sống ngày hôm nay là để nỗ lực chiếm lấy ngày sau đời đời. Con hãy quyết định sẽ sống ngày hôm nay cho nên, theo ý đó.

3) Con hãy dự đoán những công việc, những cuộc giao tiếp, những dịp con có thể gặp trong ngày hôm nay để phụng sự Chúa ; và những cám dỗ có thể xảy đến làm con xúc phạm tới Ngài, bởi giận dữ, bởi khoe khoang hay bất cứ sự sai lỗi nào khác. Rồi con hãy cương quyết sẵn sàng dùng các phương thế con sẽ tìm được để phụng sự Chúa và tiến bộ trong đàng thánh đức. Ngược lại, con hãy sửa soạn để tránh, để đánh và để thắng những gì xảy đến nghịch với phần rỗi con và vinh quang Thiên Chúa. Quyết định chưa đủ. Phải dự liệu các phương thế giúp thi hành các quyết định ấy cho kỳ được. Ví dụ : nếu tôi biết trước sẽ phải giao dịch với một người nóng tính, mau tức giận, không những tôi quyết định không làm gì xúc phạm đến họ, còn dọn những câu êm ái tử tế để rào đón trước hoặc tôi nhờ vài người ở đó để giúp họ bớt nóng nẩy. Nếu tôi dự định đi thăm một bệnh nhân, tôi sẽ xếp đặt giờ và dọn đôi lời yên ủi, đôi điều trợ giúp. Các công việc khác cũng vậy …

4) Sau đó, con hạ mình trước mặt Chúa, nhận biết tự sức chẳng thể làm được việc gì hoặc làm lành hay lánh dữ như đã suy tính. Con hãy có cảm tưởng như đang cầm trái tim trong tay con dâng lên Đấng Chí Tôn cùng với các quyết định tốt của con, xin Ngài che chở và ban sức mạnh để làm tôi Ngài cho nên. Con hãy thầm thĩ những lời sau khi dâng : “Lạy Chúa, đây tấm lòng nghèo nàn hèn hạ, đã có được nhiều ý tưởng tốt nhờ lượng nhân từ Chúa. Song than ôi ! vì quá yếu đuối, hèn hạ, làm sao nó có thể thực hành điều thiện nó mong muốn, nếu Chúa không chúc lành trên trời cho nó. Lạy Cha rất nhân ái, xin Cha chúc lành theo ý ấy, vì công nghiệp cuộc tử nạn Con Cha, mà để làm vinh danh Ngài, con dâng hiến ngày hôm nay và trót cả cuộc đời”. Con hãy kêu cầu Đức Mẹ, thiên thần của con, các thánh, hầu các đấng cũng trợ giúp con theo ý nguyện.

Các việc đạo đức nói trên đây phải làm cách vắn tắt, gọn gàng trước khi con ra khỏi phòng nếu có thể được. Nhờ các việc trên đây, mọi sự con làm trong ngày sẽ đượm nhuần chúc lành của Thiên Chúa. Phi-lô-tê, xin con đừng bỏ việc này bao giờ.

------------

[1] “Việc đạo đức” chỉ là những phương thế giúp sự cầu nguyện giúp ta mến Chúa. Ta đừng nên tưởng, hễ làm nhiều là đã nên thánh thiện rồi, trọn lành rồi, nói cách khác đừng lẫn lộn việc đạo đức với sự thánh thiện.



CHƯƠNG 11 - VIỆC ĐẠO ĐỨC BUỔI CHIỀU. VIỆC XÉT MÌNH

1) Như buổi sáng trước khi ăn cơm, con dùng bữa thiêng liêng bằng nguyện ngắm, thì trước cơm chiều, con cũng phải có một bữa nhỏ, ít nhất là lót lòng thiêng liêng. Vậy, trước giờ cơm chiều, con dành vài phút rảnh rỗi, đến quỳ trước mặt Chúa, thu hết tâm trí bên Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh (mà con hình dung ra trong tâm trí nhờ thoáng nghĩ về đó). Hãy nhen lại trong lòng lửa hồng của buổi suy ngắm ban sáng nhờ mười lăm tâm tình khát vọng, hạ mình và tưởng nhớ đầy yêu mến dâng lên Đấng Cứu Chuộc của hồn con ; hoặc nhờ bởi lặp lại đôi điểm con thấy thấm thía hơn cả trong buổi suy ngắm ban sáng ; hoặc dùng đề tài gì mới mẻ mà kích thích tâm hồn tùy ý.

2) Còn việc xét mình phải làm trước khi ngủ, ai cũng biết phải làm thế nào rồi. Xin nhắc sơ qua :

a/ Cám ơn Chúa vì đã gìn giữ ta ban ngày.

b/ Xét xem ta đã ăn ở thế nào suốt cả ngày. Muốn cho dễ hơn, hãy nhớ lại mình đã ở đâu, với ai và làm việc gì.

c/ Nếu thấy đã làm đôi việc lành, hãy tạ ơn Chúa. Trái lại, nếu đã làm điều xấu trong tư tưởng, lời nói, việc làm, ta hãy xin Chúa Chí Tôn thứ tha đồng thời dốc lòng sẽ xưng tội ngay khi có dịp và sẽ sửa mình cẩn thận.

d/ Sau đó ta ký thác cho Chúa Quan Phòng thân xác, linh hồn, Hội Thánh, cha mẹ, bà con, bạn hữu. Xin Đức Mẹ, thiên thần và các thánh trông nom và gìn giữ ta. Rồi với phép lành của Chúa, ta đi ngủ theo ý Chúa muốn. Không bao giờ bỏ việc đạo đức nầy, cũng như việc ban sáng, vì nhờ việc ban sáng ta mở cửa linh hồn đón mặt trời công chính, thì nhờ việc ban tối ta đóng cửa ngăn bóng tối của hỏa ngục.



CHƯƠNG 12 - VIỆC TĨNH TÂM, CẦM TRÍ

Phi-lô-tê thân mến, chính ở điểm này, tôi mong con hết tình nghe theo lời tôi khuyên. Vì điểm này là một trong những phương thế chắc chắn nhất giúp con tiến bộ trong đàng thiêng liêng[1]. Ban ngày con hãy đưa tâm trí con nhớ đến Chúa ở trước mặt nhiều chừng nào hay chừng nấy theo một trong bốn cách tôi đã chỉ. Con so sánh việc Chúa làm với việc con làm : Con sẽ thấy đôi mắt Ngài nhìn về phía con, luôn đăm đăm nhìn con với lòng thương khôn tả ! Con sẽ nói : “Lạy Chúa, tại sao con không luôn nhìn Chúa như Chúa luôn nhìn con ? Lạy Chúa, tại sao Chúa nghĩ đến con luôn thế, và sao, con ít nghĩ đến Chúa như vậy ? Hỡi hồn tôi, ta ở đâu ? Chỗ thật của ta là nơi Thiên Chúa ! Mà kỳ thực ta đang ở đâu ?

Như chim có tổ ẩn mình, hươu nai có bụi bờ làm chốn nương náu che thân, và tìm bóng mát khi nóng nực, thì hỡi Phi-lô-tê, mỗi ngày lòng ta cũng phải tìm chọn một chỗ nào đó, hoặc trên núi Sọ, hoặc trong các thương tích của Chúa, hay nơi nào khác gần Ngài, để nương náu, trong bất cứ trường hợp nào. Ở đó ta trút gánh nặng để nghỉ ngơi xa các công việc bên ngoài như ở trong một đồn ải để chống lại các cám dỗ. Phúc cho hồn có thể thành thật nói với Chúa : “Chúa là nơi con ẩn náu, là thành lũy vững vàng, là mái nhà che con khỏi gió mưa, là bóng mát giữ con khỏi nóng bức”.

Phi-lô-tê con gắng đến ẩn dật nhiều lần như thế trong chốn cô tịch của lòng con, đang khi phần xác con phải lo ăn nói và lo chuyện đời. Chốn cô tịch tinh thần ấy không thể nào bị quấy phá dù người quanh con có đông đảo mấy vì họ không ở quanh lòng con, mà ở quanh thân xác con thôi, nhưng với điều kiện là lòng con ở một mình trước mặt Chúa. Đây là việc thánh vương Đa-vít vẫn làm giữa công việc bề bộn bên ngoài như người đã chứng tỏ qua nhiều đoạn Ca vịnh của Người, chẳng hạn : “Lạy Chúa, con luôn ở với Chúa. Con luôn thấy Chúa trước mặt con. Con đưa mắt lên nhìn Chúa Đấng ngự trên trời ! Mắt con luôn nhìn vào Chúa” (Ca vịnh 62, 23-122, 1-24, 15).

Ngay khi tiếp chuyện, thường nó không nghiêm trọng đến nỗi ta không thể thỉnh thoảng đưa tâm trí ra khỏi đó để vào nơi tĩnh mịch thánh thiện kia.

Cha mẹ thánh Ca-ta-ri-na thành Xiê-na không cho người có nơi, có giờ tiện để cầu nguyện và suy ngắm, Chúa thương soi sáng cho người làm một nhà nguyện nhỏ trong lòng để người có thể dùng trí mà vào trong đó dù đang bận việc bên ngoài, để hưởng sự tĩnh mịch thánh thiện ấy. Và từ đó, khi trần gian bách hại người, người vẫn không thấy khó chịu phiền cực vì thánh nữ cho biết người lui vào phòng trong lòng, ở đó người được yên ủi bởi Bạn Tình chí thánh. Cho nên thánh nữ hằng khuyên con cái thiêng liêng của người làm một chiếc phòng trong lòng và ở trong đó.

Con hãy đưa trí con thỉnh thoảng lui vào trong lòng con, ở đó cách xa người đời, con có thể tính chuyện hồn con thân mật với Thiên Chúa, ngõ hầu nói được như vua Đa-vít rằng : “Con tỉnh thức, giống như bồ nông nơi hoang vắng. Con giống chim cú nơi căn lều tàn hoang, và như chim sẻ cô đơn trên nóc nhà” (Ca vịnh 101. 8).

Theo nghĩa đen, những lời đó cho thấy vị Đại Đế đó dùng đôi thì giờ để sống tĩnh mịch, chiêm ngắm các sự thiêng liêng. Ngoài ra, theo nghĩa bí nhiệm, ta còn thấy ám chỉ ba nơi tĩnh mịch tuyệt hảo, như ba chòi tu rừng trong đó ta có thể sống cô tịch, bắt chước Chúa Cứu Chuộc ở trên núi Sọ, giống như bồn nông nơi hoang địa, lấy máu mình nuôi đàn con nhỏ cho hồi sức lại ; và trong lúc giáng sinh ở chuồng bò lừa vắng vẻ, Ngài như chim cú trong căn lều tàn hoang, khóc than tội lỗi ta ; và ngày thăng thiên Ngài như chim sẻ bay lên trời, như lên nóc nhà thế gian. Vậy ta hãy dùng ba nơi đó mà ẩn mình giữa các xôn xao của công ăn việc làm. Chân phúc En-dê-a (Elzéar) bá tước thành A-ri-măng, miền Prô-văng-xơ đã lâu ngày xa vắng Đen-phim, người vợ đạo hạnh và hiền đức. Nàng sai người đến thăm nom sức khỏe của chồng. Bá tước trả lời : “Em thân mến, anh vẫn luôn mạnh. Nếu em muốn gặp anh, hãy tìm trong cạnh nương long của Chúa Yêsu hiền dịu, vì anh ở trong đó và em sẽ tìm thấy anh. Tìm anh nơi khác là tìm luống công”. Thật xứng một hiệp sĩ Công Giáo !

------------

[1] Chương này và chương sau đề cập đến một vấn đề có thể nói là căn bản cho nếp sống đạo đức trong Dòng cũng như ngoài Đời : đó là cầm trí nhớ Chúa hiện diện trước mặt hoặc trong linh hồn để chuyện vãn liên lỉ với Ngài – Bạn có thể xem thêm về vấn đề quan hệ này trong bất cứ sách Tu Đức nào. Tỉ dụ : Cuốn nữ tu thánh thiện – Cách đặc biệt cuốn Sống trước uy nhan Thiên Chúa.



CHƯƠNG 13 - CÁC KHÁT VỌNG, LỜI NGUYỆN TẮT VÀ Ý TƯỞNG LÀNH THÁNH

Ta ẩn mình nơi Chúa vì ta khát khao Ngài, và khao khát Ngài là để đến ẩn mình trong Ngài. Nên lòng khát vọng về Chúa và sự tĩnh tâm thiêng liêng nâng đỡ nhau cả hai đều do những ý tưởng lành thánh phát sinh ra.

Vậy, Phi-lô-tê, con hãy luôn khát vọng về Chúa nhờ đem lòng tưởng nhớ vắn tắt nhưng nóng nảy : Con hãy chiêm ngưỡng vẻ mỹ lệ của Ngài ; kêu cầu Ngài trợ giúp ; con hãy dùng trí khôn đến sấp mình dưới chân thập giá, thờ lạy lòng nhân hậu Chúa ; hãy hỏi Ngài về vấn đề phần rỗi con ; dâng cho Ngài hồn con mỗi ngày trăm ngàn lần ; chiêm ngắm vẻ hiền từ của Chúa. Đưa tay cho Chúa nắm lấy để dẫn dắt con như con trẻ đưa cho cha nó. Hãy đặt Ngài trên ngực con như bó hoa thơm, hãy trông Ngài trong hồn con như ngọn cờ… Con hãy để lòng làm muôn ngàn tâm tình giống vậy, hầu tăng thêm lửa mến Chúa nơi con và thúc giục con yêu mến say mê trong êm ái Người Bạn Tình chí thánh ấy. Đó là ta dâng lên những lời nguyện tắt mà thánh cả Au-gu-ti-nô đã khuyên bà Pro-ba đạo đức rất kỹ lưỡng. Phi-lô-tê, nếu tâm trí ta tập quen tiếp xúc tư riêng và thân mật với Chúa, nó sẽ được thấm nhuần các đức hoàn thiện của Ngài. Việc đạo đức này không có gì khó. Nó có thể đi đôi với mọi công việc và hoạt động của ta mà không phá rối. Vì khi ta tĩnh tâm lại hoặc khi lòng trào dâng các khát vọng nói trên kia, thì đó chỉ là những việc làm vắn tắt, ngắn ngủi, không cản trở ta thi hành phận sự chút nào cả ; trái lại nó còn giúp thêm là đàng khác. Người lữ hành, uống vài hớp rượu cho tinh thần phấn chấn và cho cổ dịu mát, dù có phải dừng chân đôi phút vì đó, thì không phải là chấm dứt hành trình ; trái lại lấy sức thêm mà đi nốt đoạn đường cách nhanh chóng và dễ dàng hơn : ông dừng lại là để đi mau hơn.

Có nhiều người thu thập rất nhiều lời than thở ngoài miệng. Những lời ấy rất hữu ích. Song theo ý tôi con không nên gò ép mình theo một công thức nào cả, tốt hơn con thầm thĩ trong lòng hay nói ra ngoài miệng những lời do tình mến thúc đẩy con ngay lúc ấy, tình mến sẽ gợi lên dồi dào theo lòng con sở nguyện. Đã hẳn có những lời có hiệu lực đặc biệt làm cho lòng ta vui thỏa, tỷ dụ : những lời than thở rải rác rất nhiều trong các Ca vịnh của Đa-vít, những lời kêu cầu danh Chúa Giêsu, và những câu thắm thiết trong sách Nhã ca. Những thánh ca cũng thế, miễn là phải để tâm mà hát.

Sau nữa, như trong ái tình nhân loại, tâm tư người đang yêu thương tự nhiên luôn hướng về người yêu, lòng dạt dào thương mến miệng ca tụng người yêu không ngớt. Nếu xa cách, họ không quên bộc lộ yêu thương qua thư từ, gặp thân cây nào cũng khắc tên người yêu vào ; thì những người yêu mến Chúa cũng không ngừng nhớ tưởng đến Ngài, hồi hộp khát khao Ngài và nói về Ngài. Nếu có thể được, họ muốn khắc tên cực trọng Chúa Giêsu trên ngực mọi người. Mọi vật đều gợi họ nhớ đến Ngài. Không tạo vật nào không tán dương Đấng Chí ái trước mặt họ. Thánh Au-gu-ti-nô lặp lại lời Thánh An-tôn : Muôn vật trên đời nói cho họ tiếng nói lặng lẽ nhưng dễ hiểu, về tình yêu họ. Mọi sự đều thúc giục họ có những ý nghĩ tốt lành từ đó phát sinh bao luyến nhớ và khát khao Chúa”. Đây vài ví dụ : Thánh Grê-go-ri-ô, Giám mục thành Na-di-ăng có kể lại cho các bổn đạo Ngài : Một hôm đang dạo chơi trên bờ biển, ngắm các làn sóng sô nhau đổ lên bãi cát, rồi để lại những vỏ sò, vỏ hến, cọng cỏ, ốc con và những vật linh tinh như thế mà biển thải ra hay nói thô hơn, mửa lên bờ. Rồi những đợt sóng biển khác lại hớp đi một phần những vật đó đang khi các tảng đá quanh đó vẫn trơ trơ trước sức sóng đập dữ dội. Xem cảnh đó, Ngài có ý tưởng đẹp này, những kẻ hèn yếu như vỏ sò, hến, cọng cỏ, để mình bị lôi cuốn lúc này vào cơn buồn, lúc khác vào niềm yên ủi, theo các may rủi của đợt sóng ; còn người can đảm luôn vững vàng không lay chuyển ngay cả trước bão tố. Nghĩ thế ngài nói lên những lời than thở của Đa-vít rằng : “Lạy Chúa, xin cứu con, sóng nước tràn ngập tâm hồn con. Lạy Chúa, cứu con khỏi vực sâu đáy nước ! Con bị ngập trong sóng nước, dông bão đã nhận chìm con” (Ca vịnh 68, 2-3, 5, 3). Chính lúc đó, ngài đang buồn vì Ma-xi-mô uy hiếp tòa Giám mục của Ngài. Tỷ dụ khác : Thánh Fun-giăng-xiô, Giám mục thành Ru-pê (Ruspê) đến dự buổi diễn giảng do vua Théo-đô-ric, vua dân Gôth, nói trong Đại hội hàng quý tộc La-mã. Nhìn thấy vẻ sang trọng uy nghiêm của các lãnh chúa đang an tọa theo cấp bậc, ngài đã thốt lên : “Ôi lạy Chúa, thành đô Giê-ru-sa-lem trên trời hẳn phải huy hoàng biết bao ! Ở trần gian những kẻ ham chuộng hư hèn còn uy nghi sáng chói như thế thì đời sau, những người chiêm vọng sự Chân Thật sẽ vinh hiển đến thế nào !”.

Người ta còn kể : Thánh An-xen-mô, tổng Giám mục thành Căn-tóc-bê-ry mà xứ sở chúng ta có cái vinh dự làm nơi sinh trưởng của ngài[1] là vị rất nổi tiếng về khoa thực hành các ý tưởng tốt lành này. Một hôm, thánh Giám mục cưỡi ngựa đi đường, bỗng có chú thỏ con bị chó săn đuổi, chạy lại nấp vào dưới bụng ngựa, để náu thân tránh nguy đang đe dọa. Bầy chó vây quanh sủa ầm ỹ, mà không dám xấn vào nơi trú ẩn bất khả xâm phạm của con mồi, thật là một cảnh hy hữu làm phì cười tất cả đoàn tùng hành. Đang khi đó, thánh An-xen-mô sa nước mắt và nói : “Các người cười hả ! Con vật khốn nạn nó không cười. Tôi nghĩ đến các thù địch của các linh hồn đang đuổi bắt và lôi kéo nó qua mọi đường lối của tội lỗi, đang rình nó tại khe đá sự chết để chộp lấy và cấu xé. Còn linh hồn ấy run sợ tìm khắp nơi một bàn tay cứu giúp và nơi trú ẩn. Nếu nó không tìm thấy, kẻ thù sẽ cười khoái trá lắm”. Thánh nhân nói đoạn, ngài tiếp tục vừa đi vừa thở dài. Vua Con-tan-ti-nô Cả viết thư cho Thánh An-tôn với lời lẽ rất cung kính, đến nỗi các tu sĩ quanh người đều bỡ ngỡ hết sức. Thánh nhân nói với họ : “Anh em ngưỡng mộ một vị vua viết thơ cho người dân ư ? Thế thì ta càng phải ngưỡng mộ Thiên Chúa hằng hữu đã viết luật Ngài cho người phàm hay chết, đặc biệt hơn nữa lại đã đến nói tận miệng cho họ bởi con của Ngài”. Thánh Phan-xi-cô khó khăn khi thấy cừu non giữa đàn dê thì người nói với bạn : “Hãy xem con cừu non này hiền lành biết bao giữa bầy dê ! Chúa chúng ta cũng sống hiền lành và khiêm nhường như thế giữa các người Biệt phái !”. Lần khác, thấy một chiên con đang bị con heo dữ ăn thịt, người vừa khóc vừa nói : “Hỡi chiên nhỏ bé, người diễn lại thảm cảnh Chúa Cứu Chuộc ta chịu chết”.

Và nhân vật lừng danh thời đại ta, Phan-xi-cô Bóc-gya, lúc còn là công tước xứ Gan-đi, đi săn bắn mà có nhiều ý tưởng đạo đức. Người có kể lại : “Tôi lấy làm lạ tại sao chim ưng lại về đậu trên nắm tay, chịu để bị bắt và cột vào chiếc sào, còn con người lại cứng cổ không nghe lời Thiên Chúa ? Thánh cả Ba-di-liô nói : “Hoa hồng giữa bụi gai trách mắng nhân loại như sau ! Hỡi các người hay chết ! Các vui thú nhất ở trần gian cũng pha màu buồn bã. Không có gì tinh túy cả : hối tiếc luôn gắn liền với hoan lạc, góa bụa đi theo hôn nhân, lo lắng pha trộn với phong phú, nhàm chán theo sau khoái lạc, và bệnh tật đi kèm sức khỏe”. Thánh nhân tiếp : “Hồng là loại hoa đẹp, song nó làm tôi buồn khi nhớ đến vì tội tôi mà trái đất đã phải trổ sinh gai góc”. Một tâm hồn thánh thiện đã thốt nên lời này khi ngắm dòng suối phản chiếu khung trời lấp lánh sao đêm trong sáng : “Lạy Chúa, các vì sao kia sẽ ở dưới chân con ngày Chúa cho con vào sống nơi thiên cung của Chúa. Như sao trời in hình dưới đất, thì các người dưới đất được in hình trên trời trong nguồn suối Tình Yêu Thiên Chúa”. Một linh hồn khác nhìn thấy dòng sông chảy suy rằng : “Linh hồn tôi sẽ không yên nghỉ bao lâu chưa tìm về trùng dương Thiên Chúa là ngọn nguồn”. Còn thánh Phan-xi-cô quỳ bên dòng suối để cầu nguyện, nhìn thấy vẻ đẹp của dòng suối chảy, người ngất trí nói lên nhiều lần : “Ơn Chúa tôi cũng chảy nhẹ nhàng, dịu dàng như dòng suối nhỏ này” – Một người khác khi nhìn cây trổ hoa, than thở : “Tại sao chỉ mình tôi không đâm bông trong vườn Hội Thánh ?”. Người khác thấy gà con chạy núp cánh mẹ thì cầu rằng : “Ôi lạy Chúa, xin cho con ẩn náu dưới bóng cánh Chúa” – Còn có người khi thấy hoa hướng dương thì kêu xin : “Lạy Chúa bao giờ hồn con mới hướng theo sức hấp dẫn của lòng nhân lành Chúa ?” – và lúc nhìn hoa tử-la-lan đẹp tươi trong vườn, song không hương thơm lại nói : “Các ý nghĩ của tôi cũng giống vậy – nó rất đẹp song không gây hiệu quả gì !”.

Đó, hỡi Phi-lô-tê, con đã thấy cách rút những ý tưởng tốt và các khát vọng thánh thiện ra từ những cái ta gặp trong đời sống tạm này. Khốn cho ai xoay các tạo vật khỏi Thiên Chúa để hướng về tội. Phúc cho kẻ hướng tạo vật đến chúc vinh Đấng Tạo thành, và lợi dụng nét phù du của chúng để làm vinh dự cho chân lý. Thánh Grê-gô-riô Na-diăng nói : “Tôi tập thói quen dùng sự vật để làm ích thiêng liêng cho tôi”. Con hãy đọc hàng chữ thánh Hiê-rô-ni-mô ghi tặng trên mộ của thánh Pao-la : con sẽ phải thán phục, vì ghi lại nhiều ý tưởng và lời than thở thánh thiện mà thánh nữ đã thốt ra trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

Chính việc sống thánh đức là ở tại việc tĩnh tâm thiêng liêng và dâng lời nguyện tắt. Mình nó có thể thay thế hết nếu các loại nguyện ngắm khác thiếu đi. Không có nó, hầu như không có phương thế nào bù lại. Không nó, không thể sống đời chiêm vọng, và ngay cả đời hoạt động cũng hỏng đứt. Không nó, nghĩ ngợi sẽ là ngồi không, làm việc sẽ là vướng mắc, vì thế, tôi xin con hết lòng làm việc đạo đức ấy không bao giờ bỏ[2].

------------

[1] ở Aosta, thành Piemont, năm 1033.

[2] Gaston Dutil : “Đạo trong đời bạn” (Nhị Bằng dịch) 1963 : Cuốn nhỏ này có thể giúp bạn biết đem đời sống vào cầu nguyện, cũng như đem cầu nguyện vào đời sống nhất là chương III-V- Xem thánh Anphongsô : “Cách tâm sự với Chúa” (Manière pour converser avec Dieu)



CHƯƠNG 14 - THÁNH LỄ VÀ CÁCH DỰ

Tôi chưa nói cho con về mặt trời của các việc đạo đức[1] đó là phép Tế lễ cực thánh, cực cao cả trên bàn thờ. Đó là trung tâm của Kitô giáo, quả tim của đời thánh đức, linh hồn của lòng đạo đức, mầu nhiệm siêu phàm bao trùm bể mênh mông của tình thương Thiên Chúa. Bởi Thánh lễ, Thiên Chúa đoái đến ta mà thương ban cách rộng rãi đại lượng muôn ngàn ơn phúc. Kết hợp với Tế Lễ thánh ấy, mà nguyện ngắm thì sinh hậu quả lạ lùng : Linh hồn nhờ thánh lễ ấy được chứa chan các ơn phúc trên trời, như được tựa vào Đấng Chí Ái. Đấng làm cho hồn nên thơm tho và dịu ngọt thiêng liêng, đến nỗi hồn giống như làn khói thơm của mộc dược, như làn trầm hương và mọi thứ hương hoa đã tả trong sách Nhã ca.

Vậy con hãy cố gắng hết sức để đến dự Thánh lễ hằng ngày, hiệp cùng thầy cả dâng hiến tế của Đấng Cứu Chuộc lên Chúa Cha, cho con và cả Hội thánh được nhờ, như lời thánh Gio-an Kim Khẩu nói : Có muôn vàn thiên thần luôn chầu chực tại đó để tôn kính Mầu nhiệm ấy. Ta cũng hãy đến dự với cùng một ý nguyện, chắc chắn ta sẽ lãnh được nhiều ảnh hưởng hữu ích nhờ chung hiệp với các ngài. Các cơ đội của Hội Thánh khải hoàn và của Hội Thánh giao chinh kết hiệp với Chúa Kitô trong công việc thánh đó, hầu cùng với Người, trong Người và nhờ Người chiếm lấy lòng Chúa Cha và mang đến cho ta lòng thương xót của Ngài. Hạnh phúc biết bao cho linh hồn được đem cho các tâm tình của mình góp phần vào của quý báu và đáng ước ao chừng ấy !

Nếu vì bó buộc hoặc ngăn trở, con không thể đến dự cuộc hành lễ rất cao cả đó, ít nhất cũng phải đem lòng đến đó để tham dự cách thiêng liêng. Lúc nào đó trong buổi sáng, con hãy đem trí đến nhà thờ vì không thể đến thật, hãy hợp ý với các tín hữu mà dâng lễ cách thiêng liêng ngay tại nhà con, y như con làm thật nếu con đang có mặt tại chỗ hành lễ trong nhà thờ.

Muốn tham dự thánh lễ hoặc thực sự hoặc cách thiêng liêng cho đúng cách thì phải làm :

1/ Từ đầu cho tới lúc chủ tế lên bàn thờ : Con hãy dọn mình cùng với Ngài, tức là : đặt mình trước mặt Thiên Chúa, nhận biết sự bất xứng của con và xin Chúa tha các lỗi mình.

2/ Từ khi chủ tế lên bàn thờ cho đến Phúc âm : con hãy suy Chúa Giêsu đến sống trong thế gian này. Con hãy suy cách đơn giản và đại khái vậy.

3/ Từ Phúc âm cho đến hết kinh Tin kính : con hãy suy về các lời giảng dạy của Chúa Cứu Thế ; hãy tuyên ngôn muốn sống và chết trong đức tin và vâng phục Hội Thánh Công Giáo.

4/ Từ kinh Tin Kính cho tới Kinh Lạy Cha : hãy chú tâm đến các mầu nhiệm Chúa đã truyền dạy, và kết hiệp với cuộc thương khó và chịu chết của Chúa Cứu Chuộc. Các việc ấy hiện nay và thực sự đang được tái hiện trong hiến tế này. Cùng với chủ tế và với toàn thể giáo dân, con dâng hiến tế ấy lên Chúa Cha, để chúc vinh Ngài và để con được cứu rỗi.

5/ Từ kinh Lạy Cha cho tới rước lễ : con hãy gắng giục lòng mong mỏi được kết hợp khắn khít với Chúa Cứu Thế trong tình mến muôn đời.

6/ Từ rước lễ đến cuối lễ : hãy tạ ơn Đấng Chí tôn vì Ngài đã giáng thế, đã sống, đã chịu thương khó và đã chết. Tạ ơn Ngài đã tỏ lòng yêu thương ta trong tế lễ này. Hãy xin Ngài, vì thánh lễ này, tỏ lòng khoan nhân luôn mãi với ta, với bà con, bạn hữu và cả Hội Thánh. Và với lời khiêm nhường, con hãy sốt sắng lãnh phép lành Chúa ban cho qua tay vị đại diện Ngài.

Nhưng nếu trong buổi lễ, con muốn suy ngắm về các mầu nhiệm mà con có ý đặt theo thứ tự mỗi ngày, thì con không cần phải làm theo cách phân chia như trên. Chỉ cần lúc đầu con có ý muốn thờ lạy, và dâng thánh lễ bởi việc suy ngắm và cầu nguyện của con. Vì trong việc suy ngắm có chấp chứa cách rõ rệt hay tiềm tàng tất cả những việc đã phân ra trên kia[2].

------------

[1] Đã có thời – và hiện nay còn ở đôi nơi – các việc phụng vụ đều chỉ được coi như những việc đạo đức giúp vào việc thánh hoá, giúp ta rỗi linh hồn.

[2] Với hiểu biết về thánh lễ của ta ngày nay, có thể chia những phần thánh lễ cách hơi khác hơn và với những ý nghĩa chính xác hơn – Để giúp bạn hiểu và dự thánh lễ : Xem cuốn “Đạo trong đời bạn” chương 6, Gaston Dutil, Nhị Bằng dịch, tái bản 1963.



CHƯƠNG 15 - VIỆC ĐẠO ĐỨC CHUNG VÀ CÔNG KHAI[1]

Ngoài những việc nói trên, ngày lễ trọng và Chúa Nhật, phải dự buổi kinh Hội Thánh và nhất là kinh chiều, tùy tiện. Đó là những ngày cung hiến cho Thiên Chúa nên phải dâng lên Ngài nhiều việc làm vinh dự và vẻ vang cho Ngài hơn ngày thường. Làm như thế con sẽ cảm thấy tràn trề sốt sắng an ủi như thánh Au-gu-ti-nô kể lại trong cuốn “Tự Thuật” (Confessions) : lúc người mới trở lại, được nghe hát kinh Hội Thánh, lòng người chứa chan ngọt ngào, mắt người ứa lệ vì sốt sắng. Điều sau đây tôi xin nói chung một lần là : trong những công việc tư tế công khai của Hội Thánh, luôn có ơn ích và yên ủi hơn những việc đạo đức tư. Thiên Chúa đã muốn xếp đặt như thế : thông hiệp với nhau thì vẫn hơn tư riêng.

Con cũng nên gia nhập các hội đoàn trong xứ con ở, cách riêng hội đoàn có các hoạt động hữu ích và xây dựng hơn cả. Như thế con sẽ dâng cho Chúa lòng tuân phục rất đẹp ý Ngài, nhất là các hội đoàn không phải là chuyện bắt buộc, tuy được Hội Thánh khuyên vào. Để chứng tỏ mong ước thấy nhiều người gia nhập, Hội Thánh đã ban cho các hội đoàn ấy nhiều thứ ơn và đặc ân. Đàng khác, góp công góp sức với nhau để mưu ích lẫn nhau và cho người khác, đó chẳng là điều bác ái lắm sao ? Dù tự mình cũng có thể làm được các việc đạo đức tốt lành như khi làm chung trong hội đoàn, có khi làm riêng còn thích thú hơn ; nhưng Thiên Chúa được hiển vinh hơn khi ta hợp nhất và chung sức với anh chị em khác để làm việc thiện.

Về các kinh nguyện và việc đạo đức công cộng khác cũng vậy, khi làm, ta hãy góp phần gương sáng để mưu phần ích cho đồng loại, và đem hết tình để mưu vinh hiển cho Thiên Chúa và ý chỉ chung.

------------

[1] Về đời sống Phụng vụ, tác giả chỉ bàn đến các việc làm thực tế, cụ thể : Đó là một thiếu sót chung của thời đại ấy. – Xem “lời nhắn gửi quan hệ” ở cuối sách.



CHƯƠNG 16 - LÒNG TÔN SÙNG VÀ CẦU KHẨN CÁC THÁNH

Nhiều khi Chúa ban ơn soi sáng cho ta qua trung gian các thiên thần, ta cũng phải qua trung gian đó mà dâng lên Ngài những tâm tình của ta. Các linh hồn thánh thiện đã qua đời, nay ở trên thiên đàng với các thiên thần như lời Chúa Giêsu dạy, cũng ngang hàng và giống như Thiên thần, các vị ấy cầu nguyện để bầu cử cho ta trước tòa Thiên Chúa.

Phi-lô-tê thân mến, ta hãy hợp lòng với các thiên thần và các linh hồn có phúc ấy. Như chim họa mi nhỏ tập hót với các họa mi lớn, đây cũng vậy, nhờ hiệp lòng với các thánh, ta học biết cầu nguyện và ngợi khen Thiên Chúa hơn. Đa-vít nói “Tôi ca hát trước mặt các thiên thần” (Ca vịnh 137, 1).

Con hãy tôn sùng, kính trọng Đức Trinh Nữ hiển vinh Maria với tình mến đặc biệt. Người là Mẹ của Cha cả chúng ta, cho nên Người là Bà của ta. Hãy chạy đến Người, và như các cháu nhỏ, ta hãy xán lăn vào lòng Người với lòng đầy trông cậy. Mọi nơi, mọi dịp ta hãy kêu đến Người Mẹ hiền ấy, kêu cầu tình từ mẫu Người… Hãy bắt chước các nhân đức của Người. Hãy ăn ở như một người con hiếu nghĩa…

Con hãy sống thân mật với các thiên thần. Hãy luôn nhớ tưởng đến các đấng đang hiện diện cách vô hình trong đời con. Nhất là hãy yêu mến, tôn kính thiên thần coi sóc địa phận con ở, các thiên thần của các người sống bên con và cách riêng thiên thần của con. Hãy cầu khấn các đấng luôn; hãy ngợi khen các đấng. Hãy xin các đấng giúp đỡ hộ sức con trong các việc thiêng liêng hay thế tạm, ngõ hầu các đấng sẽ hợp ý cầu nguyện cho con.

Cha Pi-e Fáp-rơ (Favre) là linh mục, và giảng viên cũng như giáo sư thần học đầu tiên của Dòng Tên, và bạn trước nhất của thánh I-nha-xi-ô lập dòng, một hôm đã từ nước Đức trở về. Bên Đức, ngài đã làm những việc lớn lao, làm vinh danh Chúa Giêsu. Khi đi qua địa phận này, nơi ngài sinh trưởng ; ngài đã kể lại rằng : ngài đi qua nhiều miền lạc đạo, ngài đều được nhiều yên ủi vì mỗi khi đặt chân lên xứ đạo nào, ngài chào kính các thiên thần bảo hộ của xứ ấy. Ngài nhận thấy rõ ràng các đấng đã phù hộ ngài tránh cạm bẫy của các người lạc đạo ; các đấng còn làm cho nhiều linh hồn trở nên hiền lành và dễ nghe theo đạo lý cứu rỗi ngài rao giảng. Ngài kể câu chuyện này với cung giọng tha thiết khiến một thiếu nữ, nghe từ hồi còn trẻ, mới đem kể lại cách đây bốn năm, tức là sáu mươi năm trời, mà vẫn còn xúc cảm. Năm ngoái tôi được hân hạnh hiến thánh một bàn thờ tại nơi sinh trưởng của con người phúc lộc ấy, tại làng nhỏ Vi-la-rê giữa đồi núi chập chùng hóc hiểm.

Con hãy chọn vài đấng thánh riêng dễ yêu mến và bắt chước hơn cả và đem lòng cậy trông đặc biệt vào sự chuyển cầu của các Ngài. Còn ai hơn thánh bổn mạng của con, là đấng đã được chỉ riêng cho con ngay từ lúc rửa tội.



CHƯƠNG 17 - CÁCH NGHE VÀ ĐỌC LỜI CHÚA[1]

Con hãy mến chuộng Lời Thiên Chúa, hoặc nghe trong câu chuyện thân mật với các bạn thiêng liêng, hoặc nghe khi giảng. Con hãy nghe cách chú ý và tôn kính. Con hãy lợi dụng hết sức, đừng để rơi vương vãi đi. Con hãy hứng vào lòng như thuốc thơm quý giá, bắt chước Đức Trinh nữ, đã giữ cẩn thận trong lòng mọi lời người ta khen lao về Con của Người. Con hãy nhớ rằng : Chúa nhận lời ta cầu nguyện chừng nào là tùy theo ta nhận lãnh lời Ngài phán trong các bài giảng chừng nấy. Con cũng hãy có bên tay một hai cuốn sách đạo đức thật hay, như sách của thánh Bo-na-ven-tu-ra, của Giéc-xông (Gerson) của Đơ-ni Sác-trơ (Dennis le Chartreux) Lu-y Blô-xiô (Louis Blodius), Grơ-nát (Grenade) Xi-tê-la (Stella) A-ria, Pi-nê-lli, Đuy-Pông (DuPont), A-vi-la ; cuốn đánh giặc thiêng, cuốn “Tự Thuật” của thánh Au-gu-ti-nô, các thư của thánh Hiê-rô-ni-mô và các cuốn giống vậy[2]. Con hãy đọc mỗi ngày một đoạn, đọc hết sức thành kính như thể đọc thư các thánh ấy từ trời gởi xuống cho con để chỉ lối về trời và giúp con can đảm tiến bước. Con cũng hãy đọc hạnh thích các thánh, trong đó con sẽ thấy phản ảnh trung thực chân dung của đời sống Kitô giáo như trong bức gương. Và tùy theo bậc sống của con, con hãy noi theo cách hành động của các đấng ấy. Đã hẳn, nhiều hành vi của các đấng không thể bắt chước được, cách riêng với những người sống giữa đời, nhưng hầu hết các hành động ấy ta đều có thể noi theo không trực tiếp thì gián tiếp.

Lối ẩn tu của thánh Phao-lô, vị tu hành tiên khởi : ta bắt chước bằng việc tĩnh tâm thiêng liêng hay thật sự sẽ bàn sau cũng như đã nói ở trước. Đức nghèo khó tuyệt mức của thánh Phan-xi-cô : ta noi theo bằng những việc thực hành đức khó nghèo như sẽ nói đến sau. Các nhân đức khác cũng vậy. Chắc có đôi chuyện vạch cho ta lối sống rõ ràng hơn các chuyện khác, tỉ dụ chuyện thánh Têrêsa Cả, một đời sống rất đáng khâm phục, đời các cha dòng Tên tiên khởi, đời thánh Ca-rô-lô Bô-rô-mêô, Tổng Giám mục thành Mi-la-nô, đời thánh Lu-y, thánh Bê-na-đô, những ký sự cuộc đời thánh Phan-xi-cô, và các chuyện khác tương tự. Có những chuyện làm ta khâm phục hơn là bắt chước, như chuyện bà thánh Maria Ai Cập, thánh Xi-mong Cột, hai thánh Ca-ta-ri-na thành Xiên-na và Giê-nơ (Gênes), thánh An-gê-la và các thánh khác như vậy. Tuy nhiên các chuyện ấy cũng cho thấy cái thú yêu mến Chúa thế nào.

------------

[1] Tác giả cũng như bao thầy dạy nhân đức thời đó, không đề cập đến việc đọc Lời Chúa trực tiếp trong Kinh Thánh, ít ra trong Tân Ước. Đối với một tín hữu ý thức thời nay, việc đọc và suy gẫm Thánh Kinh là điều không thể bỏ qua, nếu muốn sống dồi dào và hợp với tinh thần Hội Thánh hiện tại. Xem “Lời nhắn gửi quan hệ…” ở cuối sách.

[2] Xem thêm cuốn : “Gương Chúa Giê-su” của Tôma Kem-pi. Cuốn nữ tu thánh thiện : Dẫn đàng mến Chúa, của thánh Alnphongsô – Tim ở tình yêu Thiên Chúa, của chị Gioan B, dòng Chúa Quan Phòng. Đời tận hiến của Jos, Schrijvers CssR – v.v



CHƯƠNG 18 - BIẾT LÃNH CÁC ƠN SOI SÁNG THÚC GIỤC

Ta gọi ơn soi sáng, tất cả những sự lôi kéo, thúc đẩy, những trách thầm, cắn rứt trong lòng, những ánh sáng và kiến thức Chúa gây nên trong ta. Tấm lòng thương yêu và lo lắng như người cha của Ngài đã ân cần gửi đến cho hồn ta những chúc lành trước tiên hầu nhờ đó lay tỉnh, kích thích, lôi kéo ta đi đàng nhân đức, kéo đến tình yêu mến trên trời, có các quyết định tốt đẹp, nói tóm, tất cả những gì đưa ta đến hạnh phúc đời đời. Đó là điều mà Bạn tình gọi là : “gõ cửa và nói trong lòng hôn thê của mình”, thức nàng nếu nàng ngủ, gọi nàng nếu vắng mặt, mời đến hưởng mật ong, hái hoa thơm quả ngọt trong vườn Ngài, và cất tiếng hát du dương cho Ngài nghe…

Cần phải làm ba việc này đối với bên nhà gái mới có thể hoàn thành cuộc hôn nhân : trước hết, dạm hỏi ; sau đó, nàng ưa thích việc dạm hỏi ấy, sau cùng, nàng ưng thuận. Đây cũng vậy, Thiên Chúa muốn làm trong ta, bởi ta và với ta một hai việc mến yêu lớn lao, thì trước tiên Ngài soi cho ta biết sự ấy, sau đó ta ưa thích và sau cùng ta ưng theo. Cũng như phạm tội phải có ba điều : cám dỗ, vui thích và ưng theo, thì cũng cần ba điều để thực hành nhân đức : Sự soi sáng thúc giục (đối lại với cám dỗ), vui thích vì sự soi sáng ấy (đối lại với vui thích điều cám dỗ), và ưng theo sự soi sáng (đối lại với ưng theo cám dỗ).

Dù sự soi sáng có kéo dài suốt đời, ta cũng chẳng làm vui lòng Chúa nếu ta không ưa thích sự đó. Trái lại, Thiên Chúa Chí Tôn sẽ bực tức, như đã bực tức dân Do Thái, khi Ngài ở cùng họ bốn mươi năm – theo lời Kinh thánh kể lại – hằng luôn kêu mời họ ăn năn, nhưng chẳng bao giờ họ nghe theo. Nên Ngài đã thề nguyền trong cơn thịnh nộ : Không bao giờ, họ được vào nơi nghỉ ngơi của Ngài. Chàng công tử kia đã lâu ngày cung phụng nàng tiểu thơ cũng sẽ rất uất ức, nếu sau đó nàng lại không nhận lời cầu hôn của chàng mong ước.

Cái vui thích ta cảm thấy khi được soi sáng là con đường đưa tới vinh quang Thiên Chúa, và bởi đó, người ta đã khởi sự làm vui lòng Đấng Chí Tôn rồi. Vì tuy cái vui thích ấy chưa là ưng thuận hoàn toàn, song đã là một tâm trạng dự bị ưng thuận. Và nếu, do một soi sáng bên ngoài ta ưa thích nghe lời Chúa : đó là điềm tốt và là điều hữu ích, thì ưa thích về điều được soi sáng bên trong cũng là điều tốt và đẹp lòng Chúa. Hơn thế trong sách thánh đã ám chỉ cái vui thích ấy lúc nói câu này : “Hồn tôi tràn trề khoái lạc khi người yêu tôi nói” (Nhã Ca 5, 6)

Công tử kia cũng vậy, chắc rất hài lòng về nàng tiểu thơ chàng đang cung phụng và rất lấy làm hân hạnh, khi thấy nàng ưa thích sự cung phụng ấy.

Cuối cùng, chính sự ưng thuận sẽ hoàn thành việc nhân đức. Vì nếu, được soi sáng và ưa thích rồi, ta lại từ chối ưng thuận, ta sẽ vô cùng bội bạc và xúc phạm cả thể tới Chúa Chí Tôn, vì ở đây sự khinh thị xem ra lớn hơn. Điều đó đã xảy đến với Hôn Thê thánh, dù tiếng êm ái của Bạn Tình đã đánh động lòng nàng làm tràn ngập khoái lạc siêu phàm, nhưng nàng không ra mở cửa lại từ khước với một lý không đâu. Như vậy chẳng trách được Bạn Tình tức giận đã bỏ nàng mà đi. Cậu công tử kia cũng vậy, tìm kiếm khó nhọc mãi mới được một người yêu vừa ý, đã đem hết sức cung phụng nàng, cuối cùng lại bị hất hủi và khinh chê, chắc sẽ càng uất hận hơn là nếu nàng cứ từ chối lời dạm hỏi trước kia đi. Hỡi Phi-lô-tê, con hãy dốc lòng vui nhận tất cả những soi sáng Chúa muốn ban cho con. Hãy tiếp đón các soi sáng ấy như sứ giả của Thiên đế đến cầu hôn với con. Hãy bình tĩnh nghe lời đề nghị, hãy suy đến tình yêu, đã xui khiến Ngài soi sáng cho con, và hãy quý chuộng ơn soi sáng thánh thiện ấy. Con hãy ưng theo sự soi sáng ấy, ưng thuận cách đầy đủ, đầy yêu và bền bỉ. Như thế, Thiên Chúa, Đấng con không có thể làm ơn được sẽ mắc ơn con rất nhiều vì lòng quý mến của con. Nhưng trước khi ưng theo các điều soi sáng quan hệ và phi thường, để khỏi bị sai lầm, con hãy bàn hỏi vị linh hướng của con, để ngài xét soi sáng ấy thật hay giả. Thấy linh hồn nào mau mắn ưng theo các soi sáng của Chúa, địch thù ta thường bày ra những soi sáng giả để lừa. Nó sẽ thất bại, nếu linh hồn khiêm tốn vâng lời vị linh hướng.

Sau ưng thuận, còn phải lo lắng đem thi hành ơn soi sáng. Đây mới thật là hoàn thành việc nhân đức. Có ưng thuận trong lòng mà không thực hiện cho thành, thì cũng như trồng nho mà không muốn có quả.

Thực hành cẩn thận việc đạo đức buổi sáng và tĩnh tâm thiêng liêng đã bàn trước kia sẽ giúp cho việc vừa nói đây cách rất hiệu nghiệm. Bởi phương thế ấy ta chuẩn bị để làm việc lành, không chỉ cách chung, song cách đặc biệt.



CHƯƠNG 19 - XƯNG TỘI

Chúa Cứu Thế đã để lại cho Hội Thánh Bí Tích thống hối và giải tội, để ta rửa mình sạch mọi tội lụy, khi ta bị hoen ố. Phi-lô-tê, con đừng bao giờ để lòng con sống lâu trong tội, đang khi con có một môn thuốc thần dễ dàng ngay bên con[1]. Linh hồn đã chiều theo tội, phải nhờm tởm về mình và đi tẩy rửa ngay, vì tôn kính Đấng Chí Tôn hằng nhìn thấy mình. Tại sao hồn ta phải chết đang khi ta có môn thuốc thần như thế ? Con hãy xưng tội cách khiêm nhường và sốt sắng mỗi tuần, và nếu có thể được mỗi khi con muốn rước lễ[2], dù con thấy lương tâm không có tội gì nặng đáng trách. Vì xưng tội lúc ấy không chỉ để được tha tội nhẹ nhưng còn để phép giải tội ban sức mạnh cho con từ sau tránh chúng đi, ban ánh sáng để nhìn rõ chúng và ban một ơn dồi dào để đền bù những tổn hại chúng đã gây nên nơi con. Con cũng tập đức khiêm nhường, vâng lời, đơn sơ và đức mến : cho nên trong một việc xưng tội như thế con tập nhiều nhân đức hơn trong các việc khác.

Con phải luôn luôn chê ghét tội mà con xưng, dù chúng nhỏ mọn và phải dốc lòng sửa mình từ đó. Nhiều người chỉ xưng tội nhẹ chiếu lệ vì thói quen, không nghĩ đến sửa mình, suốt đời họ sẽ cứ mang cái tật xấu ấy, do đó mất nhiều ích lợi thiêng liêng. Nếu con xưng tội nói dối, dù nói dối không làm hại ai, hoặc đã nói điều hư từ, hay quá vui chơi, con hãy thống hối, và dốc lòng nhất quyết sửa lỗi. Xưng tội nặng hay nhẹ mà không muốn sửa mình, thật là một lạm dụng đáng trách, vì phép giải tội được lập nên để giúp sửa mình.

Con đừng cáo mình về những điều dư thừa, như nhiều người có thói quen làm. Ví dụ : Con không yêu mến Chúa đủ – con không cầu nguyện sốt sắng đủ – không yêu đồng loại đủ – không lãnh Bí Tích cách tôn kính như đáng phải làm – và các điều giống vậy. Đừng nói như thế, vì cha giải tội sẽ chẳng hiều gì hơn về tình trạng lương tâm con. Các thánh trên thiên đàng cũng như các người dưới thế nếu có xưng tội thì ai cũng sẽ nói như vậy cả ! Vậy con hãy xem điểm riêng biệt nào con phải cáo trong các điều ấy, và khi đã tìm ra, hãy cáo mình về sự sai lỗi mà con đã phạm, thế thôi ! Ví dụ, con cáo mình vì đã không yêu thương đồng loại cho đủ thì hoặc là gặp người nghèo khó con rất có thể giúp đỡ và an ủi mà lại không làm. Nên con hãy cáo mình về điểm riêng ấy, hãy nói : “Con gặp người nghèo khó mà không giúp đỡ khi con có thể giúp, vì con chểnh mảng hay vì con không thương, hay vì khinh thị”, tùy theo con đã cư xử sao trong dịp ấy. Cũng thế, con đừng cáo mình là không cầu nguyện sốt sắng đủ, nhưng : nếu con đã cố tình chia trí, hay chểnh mảng không tìm nơi chốn, thời giờ, thái độ cần thiết để có đủ cầm trí mà cầu nguyện, thì con hãy cáo mình thế, theo như con biết mình sai lỗi. Không nên nói cách chung chung lơ lửng chẳng ăn thua gì với phép giải tội.

Xưng tội nhẹ rồi vẫn chưa đủ, con còn cái lý do đã xui con phạm tội ấy. Ví dụ : đừng chỉ xưng : “Con đã nói dối không làm hại ai”, song nên thêm : “vì hư danh, để khen mình, hay chữa mình, hoặc bởi khoe khoang hay bởi bướng bỉnh”. Nếu con đã phạm tội đánh bạc, hãy cắt nghĩa vì muốn ăn tiền hay muốn vui chơi giải trí. Các tội khác cũng vậy. Cũng phải xưng việc con đã trì trễ lâu trong sự tội. Thường thường trì trễ lâu làm tăng tội lên nhiều, vì giữa một sự xấu thoảng qua ít phút trong đầu với cũng sự xấu ấy mà ta đắm mình trong đó suốt hai, ba ngày hẳn phải có sự khác nhau chớ. Tóm lại, con phải xưng : việc tội, lý do và thời gian phạm tội. Dù về tội nhẹ, thường không bó buộc xưng tỉ mỉ đến thế, – ngay cả không có bó buộc phải xưng tội nhẹ nữa – song những ai muốn tẩy rửa hồn mình để đạt tới thánh thiện dễ dàng hơn, đều phải cẩn thận khai cho vị y sĩ thiêng liêng biết căn bệnh dù nhỏ mấy mà mình muốn được khỏi. Đừng quên nói cho vị giải tội biết cái làm cho lỗi phạm con ra nặng, tỷ như cái gì làm con nổi giận hay ngược lại cái gì làm con chịu đựng nổi tính xấu của ai đó. Ví dụ người mình không ưa, thì nói đùa, mình cũng sẽ nghĩ ra xấu và tức giận. Còn người mình ưa, dù có nói lời cay đắng hơn, ta cũng chịu được. Tôi sẽ xưng : “Con đã oán giận một người, nghĩ trái về lời họ nói với con, không phải vì lời nói của họ song vì con không ưa họ”.

Và nếu cần phải nói rõ hơn, tôi tưởng tốt hơn con cứ nói, vì cáo mình cách thành thật như thế, ta không chỉ phơi bày những tội đã phạm, song còn moi móc ra những xu hướng xấu, tập quán, thói quen và các mầm mống tội lỗi khác nữa. Nhờ đó cha linh hồn sẽ hiểu rõ hơn tâm hồn của người ngài phải săn sóc, ngõ hầu dùng những liều thuốc thích hợp. Tuy nhiên luôn phải giữ bí mật tên người đã làm đầu mối gây nên tội của con, được chừng nào hay chừng nấy.

Con hãy lưu tâm đến một số những tội thường sống và ngự trị trong lương tâm mà ta không để ý, con hãy xưng ra để tẩy đi cho sạch. Để giúp con trong việc ấy con hãy đọc kỹ các chương 6, 27, 28, 29, 35 và 36 của phần thứ Ba, và chương 7 của phần thứ Tư.

Con đừng dễ dàng thay đổi cha giải tội. Khi đã chọn được một vị, con hãy tiếp tục bày giải lương tâm con trong ngày đã chỉ định. Con hãy nói ra cách đơn thật và ngay thẳng các tội đã phạm. Thỉnh thoảng, cứ mỗi tháng chẳng hạn, hay từng hai tháng, con nói cho ngài về tình trạng các xu hướng của con, dù chúng không là căn cớ làm con phạm tội. Ví dụ : con dễ âu sầu, chán nản ; hoặc quá dễ dàng vui cười, ham thu tích của cải, hay các xu hướng giống vậy.

------------

[1] Bỏ một dòng không hợp với độc giả.

[2] Thời ấy, việc rước lễ hàng ngày không được phép như ngày nay.



CHƯƠNG 20 - SIÊNG NĂNG RƯỚC LỄ

Tương truyền rằng : Mi-tri-đát (Mithridate), vua miền Pông-tô (Pont) sau khi chế ra chất thuốc độc mang tên ông, ông đã dùng nó mà luyện thân thể đến nỗi sau này muốn uống thuốc độc tự tử để thoát nhục làm nô lệ dân La-mã, ông không sao chết được. Chúa Cứu Thế đã lập Bí Tích cao siêu Thánh Thể, trong đó có thật thịt và máu Ngài, hầu ai ăn sẽ được sống đời đời. Bởi thế, ai luôn dùng cách thành kính sẽ làm cho sức khỏe, và sự sống linh hồn vững mạnh đến nỗi không còn dục vọng nào có thể nhiễm độc họ được. Người ta không thể vừa nuôi mình bằng thịt ban sự sống ấy đồng thời lại sống với các dục vọng ban sự chết. Giả sử người ta được ở lại trong vườn địa đàng và không còn chết phần xác nhờ sức của quả cây sự sống mà Thiên Chúa đã trồng, thì đây họ cũng có thể khỏi chết thiêng liêng bởi mãnh lực của Bí tích ban sự sống này. Nếu những quả non mềm và dễ hư như mận, mơ, dâu, khi làm thành mứt đường hay mật còn có thể giữ lâu dễ dàng suốt năm, thì nào có chi lạ nếu hồn ta, dù mỏng dòn, yếu đuối cũng được giữ khỏi tội lỗi hư nát, nhờ tẩm đường và mật là thịt máu không thể hư nát của con Thiên Chúa !

Hỡi Phi-lô-tê, kitô hữu nào sau này bị trầm luân còn cãi vào đâu, khi Đấng Thẩm Phán công minh cho họ biết : họ phải chết phần hồn như thế là tại họ : đang khi họ có mọi dễ dàng để giữ mình sống và khỏe mạnh, bởi ăn thịt mình Ngài mà Ngài đã trối lại cho họ được sống ! Ngài sẽ phán : “Quân khốn nạn, tại sao các ngươi chết, khi các ngươi có phép sử dụng hoa quả và thịt máu ban sự sống ?”.

“Về việc rước lễ hằng ngày, tôi không khen, cũng không chê. Còn tôi, khuyên mọi người rước lễ mỗi ngày Chúa Nhật, miễn là linh hồn không có luyến ái gì với tội” : những lời trên đây là của thánh Au-gu-ti-nô[1]. Cũng như Ngài, tôi không trách cũng không khen người rước lễ hằng ngày. Ai muốn biết phải xử sự thế nào, tôi để tùy quyền cha linh hướng của họ xét đoán. Vì cần phải có một tâm trạng rất thanh cao để có thể rước lễ luôn như thế, do đó không nên khuyên chung hết mọi người. Song nhiều linh hồn lành thánh vẫn có thể có tâm trạng thanh cao kia, vậy cũng không nên dặn chung mọi người đừng làm. Cho nên phải tùy theo tâm trạng mỗi người mà xét. Khuyên bất cứ ai rước lễ luôn cũng là thiếu khôn ngoan, nhất là khi người đó lại theo lời chỉ dạy của một vị linh hướng nào khả kính. Thánh nữ Ca-ta-ri-a thành Xiên-na trả lời rất hóm khi người ta viện câu nói trên của thánh Ao-gu-ti-nô mà trách người rước lễ hằng ngày : “Ô ! thánh Au-gu-ti-nô mà còn không trách, thì tôi cũng xin các người đừng trách, cho tôi được nhờ”.

Nhưng Phi-lô-tê, con thấy thánh Ao-gu-ti-nô hết sức khuyên giục người ta rước lễ mọi ngày Chúa Nhật. Con hãy làm theo đó tùy sức, vì như tôi phỏng đoán con không có chút quyến luyến tội trọng nào, ngay cả tội nhẹ nữa. Con đã có tâm trạng mà thánh Ao-gu-ti-nô đòi có, mà còn có tuyệt hảo hơn, vì không những con không có lòng yêu thích phạm tội, còn không có lòng quyến luyến với tội nữa. Nếu cha linh hướng của con xét là được, con có thể rước lễ nhiều lần hơn là mỗi ngày Chúa Nhật để con hưởng nhiều ích lợi.

Nhiều ngăn trở chính đáng có thể xảy đến cho con, không tại con song tại các người sống bên con, do đó cha linh hướng khôn ngoan có cớ bảo con rước lễ thưa hơn. Chẳng hạn con sống dưới quyền của người nào đó, mà người này lại ít hiểu biết hay có tính kỳ quặc, thành ra họ đâm ra lo lắng sợ sệt vì thấy con rước lễ luôn. Trong trường hợp ấy, chi bằng ta nhún nhường theo tính yếu đuối của họ và chỉ rước lễ hai tuần một lần. Nhưng đây phải là trường hợp con không có cách nào vượt nổi cái tính khó kia. Về vấn đề này, ta không được quyết định cách chung, nhưng làm theo cha linh hướng dạy. Dầu vậy, tôi có thể quả quyết rằng ngay đối với kẻ muốn sốt sắng thờ phượng Chúa, vẫn có thể cách quãng việc rước lễ ra đến mỗi tháng một lần.

Nếu con khéo xử, thì không có mẹ nào, vợ nào, chồng nào hay cha nào ngăn cản con rước lễ luôn. Vì ngày con rước lễ, con không chểnh mảng việc bổn phận của địa vị con, lại còn dịu dàng và đằm thắm với họ hơn. Con không bỏ qua một bổn phận nào đối với họ, thì chẳng có lẽ nào họ lại ngăn con làm việc đạo đức không phiền lụy gì cho họ cả, trừ phi họ có tính quá quắt và phi lý lắm. Trong trường hợp này, như đã nói, vị linh hướng có khi sẽ bảo con nên nhún nhường.

Tôi thấy cần phải nói cho người kết bạn đôi lời sau đây. Trong đạo cũ, Thiên Chúa cấm các chủ nợ đòi nợ ngày đại lễ. Nhưng Ngài không bao giờ cho là xấu việc các con trả nợ. Nên đòi bạn phải trả nợ chăn gối trong ngày mình rước lễ tuy không phải tội song cũng là điều không nên. Nhưng mình trả nợ chăn gối thì không phải là điều bất xứng mà còn có công nghiệp. Bởi thế, ai phải trả cái nợ đó, không việc gì mà phải mất rước lễ, nếu họ có lòng sốt sắng ao ước rước. Trong Hội Thánh sơ khai, các tín hữu vẫn rước lễ hằng ngày, dù họ là người có đôi bạn và được Chúa ban cho nhiều con cái. Vì vậy tôi nói : năng rước lễ không làm rầy rà cho cha mẹ, vợ chồng, miễn là linh hồn muốn rước lễ phải sống khôn ngoan và kín đáo. Còn về bệnh tật phần xác, không có bệnh nào ngăn trở việc hiệp lễ ấy cả, trừ phi đó là bệnh hay nôn mửa.

Để rước lễ mỗi tuần, cần phải không vướng mắc tội trọng, hay luyến ái tội nhẹ nào và có lòng khao khát rước Chúa. Nhưng để rước lễ mỗi ngày, ngoài những điều trên, còn phải đã lướt thắng hầu hết các xu hướng xấu, và phải do ý kiến của cha linh hướng bảo[2].

------------

[1] Câu trích trên đây không phải của thánh Ao-gu-ti-nô, song theo ý kiến thánh Anphongsô Ligôriô, là của Grenade, trong cuốn De Ecclesiasticis dogmatibus, và chữ “Luyến ái gì với tội” là nói luyến ái với tội trọng như thánh Tômasô cắt nghĩa.

Vấn đề rước lễ hàng ngày, nay rất được khuyến khích, vì coi là đúng với ý muốn của Chúa Ki-tô và ích lới cho người chịu hơn. Bất kỳ ai, không mắc tội trọng, có lòng ao ước đến bàn thánh để lãnh nguồn sống và sức mạnh cho đời mình, đều có thể rước hàng ngày. Tội nhẹ không ngăn trở việc rước lễ, hơn thế, càng phải rước lễ, để có sức chừa, miễn là ta ăn năn thống hối trước khi lên bàn thánh rước Chúa với tâm tính đạo đức tốt lành.

[2] Xin xem biệt chu của trang 60 – Không có luật nào cấm rước lễ khi ta có luyến ai, xu hướng về tội nhẹ, còn phải nói : luyến ái về tội nhẹ ấy không ngăn trở Bí Tích Thánh Thể phát sinh hiệu quả trong hồn, tuy ít hơn, đó là ý kiến của thánh Tômasô và thánh Anphongsô. Đối với người sống đôi bạn, ta cũng có thể thể chiếu theo hai biệt chú trên đây mà luận. Không có gì ngăn trở họ rước lễ hàng ngày cả. – Trong cả chương này, ta thấy thánh Phan-xi-cô hơi ngặt quá, nhưng là vì ngài theo quan niệm của thời ngài.



CHƯƠNG 21 - CÁCH DỌN MÌNH RƯỚC LỄ

Từ chiều hôm trước, con hãy khởi sự dọn mình rước lễ bằng nhiều lời khao khát, ước vọng đầy tình mến. Con cũng đi nghỉ khá sớm hơn, để có thể dậy sớm. Nếu ban đêm có tỉnh giấc, con hãy để lòng và miệng con trào lên đôi lời tâm tình thơm hương như xức dầu thơm cho hồn con để đón Bạn Tình. Đang khi con yên nghỉ, Ngài vẫn thức và sửa soạn để mang đến cho con muôn ngàn ơn phúc, nếu phần con cũng dọn dẹp sẵn để nhận lãnh. Sáng ngày con vui vẻ tỉnh giấc vì hạnh phúc con đang trông mong. Rồi vì đã xưng tội, con hãy đầy lòng trông cậy mạnh mẽ song cũng rất khiêm tốn mà đi ăn thịt trời ban để nuôi con sống đời đời. Sau khi con nói : “Lạy Chúa, con không đáng v.v…” đừng lúc lắc đầu hay nhấp nháy môi để cầu nguyện hay than thở, nhưng nhẹ nhàng mở miệng ra cho vừa phải, hơi ngẩng đầu lên để tiện cho Thầy cả thấy rõ mà trao Mình Thánh Chúa.

Với lòng tin, cậy và mến tràn trề, con hãy rước lấy Đấng lòng con tin, trông cậy và kính mến. Ôi Phi-lô-tê, con hãy tưởng mình như con ong đã hút được trên cánh hoa sương trời và nước ngọt của đất, và đem về tổ khi đã biến hóa thành mật. Đây cũng thế, vị linh mục đã đem Chúa Cứu Thế, Con Thiên Chúa xuống trên bàn thờ, như sương từ trời xuống, đồng thời cũng là Con thật của Đức Trinh Nữ, như hoa nẩy nở từ mảnh đất nhân loại chúng ta, và ngài đặt vào miệng con, vào trong con như thịt thơm ngon. Rước Chúa đoạn, con hãy giục lòng dâng trọn niềm trọng kính lên Vua ơn cứu rỗi ấy[1]. Con tâm sự với Ngài về các việc linh hồn con. Hãy suy đến Ngài đang ở trong con là để gây hạnh phúc cho con. Tóm tắt, con đón tiếp Ngài hết sức hết lòng và ăn ở sao để ai nhìn vào các hành động con đều biết Chúa ở với con.

Khi nào không được phúc rước lễ thật trong thánh lễ, con cũng hãy rước lễ thiêng liêng, đem hết tình ước ao khao khát mà kết hiệp mình với thịt máu ban sự sống của Đấng Cứu Thế.

Ý nguyện lớn nhất của con lúc rước lễ phải là làm con tiến bước, làm con mạnh mẽ trong đức mến Chúa : đã hẳn con phải vì mến mà rước lấy của mà vì yêu Chúa đã ban cho con. Không thể thấy Chúa Cứu Thế làm việc gì thương yêu và âu yếm hơn việc này : có thể nói : Ngài đã hủy mình ra không, trở nên thịt để vào linh hồn ta và kết hiệp chặt chẽ với hồn và xác tín hữu Ngài.

Nếu người đời hỏi con tại sao siêng rước lễ, con trả lời là “để học yêu mến Thiên Chúa, để khử trừ các khiếm khuyết, giải thoát mình khỏi các khốn cực, yên ủi trong lúc sầu khổ, và nâng đỡ lúc yếu đuối”. Con nói với họ : “hai hạng người cần siêng rước lễ : 1) Các người hoàn thiện : vì có đủ tâm trạng cần thiết, nếu không đến cùng nguồn suối sự thánh thiện, đó là một lỗi to. 2) người còn kiếm khuyết là cốt để tiến tới hoàn thiện. Kẻ mạnh để đừng ra yếu, và kẻ yếu để trở nên mạnh. Kẻ ốm để được khỏi, kẻ lành để đừng ốm”. Con nói thêm : “về phần con, nhận thấy yếu đuối và ốm đâu, nên cần luôn thông hiệp với Đấng hoàn thiện là sức mạnh và thấy thuốc của con”. Con còn nói : “kẻ nào ít bận việc đời, phải siêng rước lễ, vì có đủ thuận tiện ; còn ai bận nhiều công việc, thì lại vì cần ; kẻ phải làm lụng nhiều, phải lo lắng khó nhọc nhiều, cần phải ăn đồ thịt chắc và ăn nhiều lần”. Sau hết con nói : “con rước Thánh Thể để học cách biết lãnh nhận Bí Tích ấy, vì người ta thường không làm cho tử tế một việc mà ít khi tập làm”.

Phi-lô-tê, con hãy siêng rước lễ khi có thể được, với phép của cha linh hướng con. Con có tin không : nơi núi rừng của xứ tôi, mùa đông loài thỏ trở nên trắng, tại chúng chỉ nhìn và ăn tuyết thôi[2]. Nhờ luôn luôn thờ lạy và ăn cái đẹp, cái tốt, và trong sạch trong Bí Tích thánh ấy, con sẽ trở nên hoàn toàn xinh đẹp, tốt lành và trong trắng.

------------

[1] Cám ơn sau khi rước lễ là một việc cao quý, ích lợi, vì chính lúc ấy linh hồn  được kết hiệp đặc biệt với Chúa Giê-su hơn lúc nào khác. Song nhiều tín hữu không biết lợi dụng những phút quý báu này, thường bỏ qua.

[2] Thời đó, nhiều nhà vạn vật học tin thế.