PHỤ BẢN và ÐỂ KẾT

PHỤ BẢN

1- Sứ Ðiệp cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 1998

Chúa Thánh Thần sẽ dạy các con tất cả mọi sự" (x.Jn.14:26).

Qúi Bạn Trẻ thân mến,

1- "Không lần nào nhớ đến anh chị em mà tôi lại không liên lỉ tạ ơn Thiên Chúa trong mọi lời nguyện cầu của tôi, vì anh chị em đã làm tôi hân hoan cảm tạ cho anh chị em về việc anh chị em cộng tác với phúc âm ngay từ ngày đầu tiên tới nay. Tôi tin chắc rằng Ðấng đã khởi sự việc lành nơi anh chị em thì cũng thực hiện nó cho đến hoàn thành, tới ngày của Ðức Giêsu Kitô" (Phil.1:3-6).

Bằng những lời của thánh Tông Ðồ Phaolô: "bởi tôi ôm ấp anh chị em trong lòng tôi" (Phil.1:7), Tôi gửi lời chào qúi bạn. Phải, cũng như Tôi đã bảo đảm với qúi bạn trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới không thể nào quên được ở Balê, Giáo Hoàng tưởng nhớ đến qúi bạn và yêu thương qúi bạn; Ngài hướng về qúi bạn hằng ngày bằng những tâm tưởng cảm mến cũng như sát cánh với qúi bạn bằng lời nguyện cầu; Ngài tin tưởng qúi bạn và trông đợi nơi qúi bạn, nơi việc qúi bạn dấn thân như một Kitô hữu và nơi việc qúi bạn hợp tác cho phúc lợi của Phúc Âm.


Chúa Thánh Thần hiện thực Mạc Khải của Chúa Kitô

2- Như qúi bạn biết, năm thứ hai của giai đoạn trực tiếp dọn mừng Cuộc Ðại Hỷ đã được bắt đầu từ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng, và được dâng kính "đặc biệt cho Chúa Thánh Thần cũng như cho sự hiện diện thánh hóa của Ngài nơi cộng đồng môn đệ Chúa Kitô" (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 44). Hướng về việc cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây, Tôi mời qúi bạn, hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, hãy nhìn lên Thần Linh của Chúa là Ðấng canh tân bộ mặt trái đất (x.Ps.104/103:30).

Ðúng thế, "Giáo Hội không thể nào sửa soạn cho một ngàn năm mới bằng bất cứ một cách thức nào khác ngoài Chúa Thánh Thần. Ðiều đã được hoàn thành bởi quyền phép Chúa Thánh Thần trong 'thời điểm viên trọn' giờ đây cũng chỉ bởi quyền phép của Thần Linh mới có thể thể hiện được những gì Giáo Hội tưởng nhớ. Thật vậy, qua mọi thời và ở mọi nơi, Thần Linh làm hiện thực nơi Giáo Hội Mạc Khải đặc thù do Chúa Kitô mang đến cho loài người, làm cho Mạc Khải này sống động và chủ động nơi linh hồn của mỗi một người" (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 44).

Ðối với Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây, Tôi thấy cần đề nghị với qúi bạn những lời của Chúa Giêsu sau đây để qúi bạn suy tư và cầu nguyện: "Chúa Thánh Thần sẽ dạy các con mọi sự" (x.Jn.14:26). Thời đại của chúng ta đây tỏ ra như bị lạc hướng và lầm lạc; đôi khi nó dường như không còn biết phân biệt cái khác nhau giữa thiện và ác; Thiên Chúa bị loại trừ một cách công khai, vì Người không được biết đến hay không cần được lưu ý đến.

Trong tình trạng này, tâm trí của chúng ta cần phải trở về với Nhà Tiệc Ly để sống lại mầu nhiệm Hiện Xuống (x.Acts 2:1-11) và để "mình được dạy bảo" bởi Thần Linh của Thiên Chúa, bằng cách đơn thành khiêm hạ ghi danh học nơi trường của Ngài, hầu có thể đạt được "sự khôn ngoan của cõi lòng" (Ps.90/89:12) là sự khôn ngoan bảo trì và nuôi dưỡng đời sống của chúng ta.

Tin là thấy sự vật như Thiên Chúa thấy, là có cùng quan điểm với Thiên Chúa về thế giới và về loài người như lời thánh vịnh: "vì trong ánh sáng của Chúa chúng tôi thật sự được thấy ánh sáng" (Ps.36/35:9). "Ánh sáng đức tin" này nơi chúng ta là một tia sáng của ánh sáng Chúa Thánh Thần. Trong bài Ca Tiếp Liên của Lễ Hiện Xuống, chúng ta cầu nguyện như thế này: "Ôi ánh sáng chứa chan hồng phúc, xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài".

Chúa Giêsu nghĩ rằng cần phải nhấn mạnh đến tính chất huyền diệu của Chúa Thánh Thần: "Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe được tiếng của nó, song ông không biết nó từ đâu đến và sẽ đi đâu; đó là trường hợp của những ai sinh bời Thần Linh" (Jn.3:8). Thế thì chúng ta bỏ không cố gắng để tìm hiểu hay sao? Chúa Giêsu lại hoàn toàn nghĩ ngược lại, vì Người đoan chắc với chúng ta rằng chính Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta "vào tất cả sự thật" (Jn.16:13).

3- Một ánh sáng siêu việt về Ngôi Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ chiếu soi cho những ai muốn suy niệm trong Giáo Hội và với Giáo Hội về mầu nhiệm Phục Sinh và Hiện Xuống.

Chúa Giêsu "theo Thần Linh thánh thiện, được đặt làm Con Thiên Chúa trong quyền năng nhờ cuộc Phục Sinh từ kẻ chết của Người" (Rm.1:4).

Sau cuộc Phục Sinh, việc hiện diện của Thày đã làm ấm lòng các vị môn đệ. "Lòng chúng ta đã chẳng bừng nóng hay sao?" (Lk.24:32), mấy vị trên đường đi Emmau nói với nhau như thế. Những lời của Người soi sáng các vị: các vị đã chưa từng bao giờ có một thâm tín mãnh liệt như vậy: "Lạy Chúa Tôi, lạy Thiên Chúa tôi" (Jn.20:28). Người chữa cho các vị khỏi nghi ngờ, sầu đau, thất đảm, sợ hãi và lỗi lầm; một mối tình huynh đệ mới được ban cho các vị; một mối hiệp thông ngoài lòng mong ước với Chúa cũng như với nhau, thay cho nỗi cô lập và đơn côi của các vị: "hãy đến với anh em của Thày" (Jn.20:17).

Trong cuộc sống công khai của mình, những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu chỉ có thể phổ biến tới vài ngàn người vào một thời điểm và điạ điểm ấn định. Giờ đây, cũng cùng những lời và việc ấy đã trở thành vô biên giới hay phi văn hóa. "Này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con... Chén này là giao ước mới trong máu Thày sẽ đổ ra cho các con" (x.Lk.22:19-20): thế là đủ đối với các vị Tông Ðồ của Người trong việc làm điều này mà "nhớ đến Thày", hợp với lời yêu cầu hiển nhiên của Người, vì Người thật sự hiện diện nơi Thánh Thể, với mình và máu của Người, trên mọi phần đất thế giới. Thế là đủ cho việc các vị lập lại tác động thứ tha và chữa lành, để Người có thể tha thứ cho con người: "Con con tha thứ cho ai thì tội của họ sẽ được thứ tha" (x.Jn.20:23).

Khi còn ở với thành phần riêng của mình, Chúa Giêsu đã không khỏi vội gấp; Người bị chi phối bởi giới hạn của thời gian: "Thời giờ của Thày chưa đến" (Jn.7:6); "Ánh sáng còn ở với qúi vị ít lâu nữa thôi" (Jn.12:35). Sau cuộc Phục Sinh, mối liên hệ của Người với thời gian không còn như trước nữa, mà là việc Người liên tục hiện diện: "Thày ở cùng các con luôn mãi cho đến tận thế" (Mt.28:20).

Việc biến đổi nơi sự hiện diện sâu xa, bao rộng và kéo dài này của Chúa cũng là Ðấng Cứu Chuộc chúng ta là công cuộc của Thần Linh.


Chúa Thánh Thần hoàn tất Công Việc của Chúa Kitô

4- Hơn nữa, khi Chúa Kitô phục sinh làm cho Người hiện diện nơi cuộc sống của con người và ban cho họ Thần Linh của Người, họ hoàn toàn đổi thay, mặc dầu họ vẫn trọn vẹn là họ, thực ra là họ trở nên trọn vẹn chính họ. Gương của thánh Phaolô là một câu chuyện đáng chú ý đặc biệt: ánh sáng làm mù mắt trên con đường Ðamascô biến ngài thành một con người thanh thoát hơn bao giờ hết; thanh thoát với một niềm tự do thật sự, niềm tự do của Ðấng hằng sống mà thánh nhân đã ngã xuống đất trước nhan Ngài (x.Acts 9:1-30)! Cảm nghiệm của thánh nhân này đã khiến thánh nhân viết gửi cho Kitô hữu giáo đoàn Rôma: "Thế nhưng hiện nay anh em đã được giải cứu khỏi tội lỗi và đã trở nên nô lệ của Thiên Chúa, nên phần anh em sẽ nhận được là sự thánh hóa cùng với đích điểm của nó là sự sống đời đời" (Rm.6:22).

Tất cả những gì Chúa Giêsu bắt đầu làm với thành phần theo Người trong ba năm họ chung sống đã được hoàn thành nhờ tặng ân của Thần Linh. Ðức tin của các Tông Ðồ mới đầu bất toàn và do dự, nhưng sau đó đã trở nên mạnh mẽ và sinh hoa kết trái: ngài khiến cho người què bước đi (x.Acts 3:1-10) cũng như khu trừ các thần ô uế (x.Acts 5:16). Các vị là những người đã từng khiếp đảm sợ hãi dân chúng và quyền bính nay đối đầu với đám đông tập trung ở đền thờ và trở nên thách đố cho Hội Ðồng Do Thái (x.Acts 4:1-14). Thánh Phêrô, vì sợ người đàn bà tố cáo đã chối Thày mình 3 lần (x.Mk.14:66-72), bấy giờ tỏ ra cứng vững như "đá" theo ý muốn của Chúa Giêsu (x.Mt.16:18). Kể cả các vị khác, vẫn tranh cãi nhau theo xu hướng tham vọng của mình (x.Mk.9:33), đã có thể "đồng tâm nhất trí" và chia sẻ với nhau mọi sự (x.Acts 4:32). Các vị là những người đã học nơi Chúa Giêsu, một cách rất khiếm khuyết và khó khăn, trong việc nguyện cầu, yêu thương và truyền giáo, bấy giờ đã biết nguyện cầu thực sự, yêu thương thực sự, là những nhà truyền giáo đích thực và là những tông đồ địch thực.

Ðó là công việc mà Thần Linh của Chúa Giêsu đã hoàn thành nơi các Tông Ðồ của Người.

5- Ðiều đã xẩy ra xưa kia vẫn còn tiếp tục diễn lại nơi cộng đồng Kitô hữu cho đến nay. Nhờ công việc của Ðấng là "ký ức sống động" về Chúa Giêsu (x.Jn.14:26) trong lòng Giáo Hội, mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu vươn tới chúng ta và biến đổi chúng ta. Ngài là Chúa Thánh Thần, Ðấng mà qua những dấu hiệu của các bí tích hữu hình, hữu thanh và cụ thể, khiến cho chúng ta có thể thấy được, nghe được và chạm được nhân tính vinh hiển của Chúa Kitô phục sinh.

Mầu nhiệm Hiện Xuống, một tặng ân của Thần Linh ban cho mỗi người, được thể hiện cách đặc biệt nơi Bí Tích Thêm Sức, một bí tích phát triển Kitô hữu và trưởng thành tâm linh. Nơi bí tích này, mỗi phần tử tín hữu đều lãnh nhận ơn rửa tội ở một mức độ sâu xa và được thấu nhập một cách trọn vẹn vào cộng đồng thiên sai và tông đồ, khi họ được "tăng trưởng" trong mối thân thiết với Chúa Cha và Chúa Kitô, Ðấng muốn họ làm chứng nhân và nắm một vai trò chủ động trong công cuộc cứu chuộc.

Chúa Thánh Thần ban cho Kitô hữu - những người mà đời sống có thể ở trong nguy cơ bị đàn áp bởi quyền lực, luật lệ và ngay cả các hình thức định chế - tinh thần đơn sơ, tự do và trung thành: thật vậy, Ngài là "Thần Linh khôn ngoan và thâm hiểu, Thần Linh huấn dụ và dũng mãnh, Thần Linh minh luận và kính sợ Chúa" (Is.11:2). Không có Ngài, làm sao chúng ta có thể hiểu được ách của Chúa Kitô thì êm ái và gánh của Người thì nhẹ nhàng (x.Mt.11:30)?

Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta hiên ngang và thôi thúc chúng ta nhắm đến vinh quang của Thiên Chúa trong đời sống và công việc thường nhật của chúng ta. Chúng ta được phấn khích trong việc cảm nghiệm mầu nhiệm Chúa Kitô, trong việc làm cho Lời âm vang trong cả cuộc sống của chúng ta, tin chắc là Ngài luôn luôn có một cái gì mới muốn nói với chúng ta; Ngài giúp cho chúng ta không ngừng dấn thân bất chấp mối lo âu sợ mình thất bại, giúp cho chúng ta biết đương đầu với các nguy hiểm và biết thắng vượt những trở ngại tách lià văn hóa để loan truyền Phúc Âm, giúp cho chúng ta không ngại ngừng hoạt động cho công cuộc canh tân liên tục của Giáo Hội thay vì tự đặt mình làm quan án phán xét anh chị em mình.


Chúa Thánh Thần là Căn Nguyên của mọi Ơn Gọi

6- Viết cho Kitô hữu giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô nhấn mạnh đến việc hiệp nhất căn bản của Giáo Hội Thiên Chúa, một hiệp nhất tương tự như mối hiệp nhất theo cơ cấu nơi thân thể con người với tính cách khác biệt của các phần thể làm nên thân thể.

Qúi bạn trẻ thân mến, mỗi khi qúi bạn đặc biệt hợp nhau lại để cử hành Phụng Vụ Thánh Thể, là qúi bạn đang cảm nghiệm thấy một cách qúi giá mối hiệp nhất của Giáo Hội trong sự phong phú nơi tính cách khác biệt của Giáo Hội. Chính Thần Linh là Ðấng làm cho loài người hiểu biết và chấp nhận nhau, làm cho họ ý thức rằng họ đều là con cái của Thiên Chúa và là anh chị em trên đường tiến về cùng một đích điểm là sự sống đời đời, và làm cho họ nói cùng một ngôn ngữ bao gồm các thứ khác biệt về văn hóa cũng như chủng tộc.

Nhờ việc tham dự chủ động và nhiệt thành vào đời sống giáo xứ, phong trào và hội đoàn, qúi bạn cảm nghiệm được các đặc sủng của Thần Linh trong việc giúp qúi bạn gặp gỡ Chúa Kitô, trong việc tăng phát mối thân thiết của qúi bạn với Chúa Kitô, và trong việc chiếm đạt cùng hoan hưởng mối hiệp thông giáo hội.

Nói về hiệp nhất làm cho người ta đau buồn nhớ lại hiện trạng phân chia giữa Kitô hữu. Ðó là lý do tại sao phong trào đại kết là một trong những ưu tiên tối khẩn của cộng đồng Kitô hữu: "Trong những năm cuối cùng của thiên niên này, Giáo Hội càng phải tha thiết hơn khẩn cầu cùng Chúa Thánh Thần, xin Ngài ơn hiệp nhất Kitô giáo... Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng việc chiếm đạt mục tiêu này không phải chỉ là công qủa của một mình nỗ lực loài người mà thôi, cho dù nỗ lực này có thiết yếu đến đâu đi nữa. Hiệp nhất trước hết là một tặng ân của Chúa Thánh Thần... Thiên niên thứ hai đang tiến đến hồi kết thúc này đòi hỏi mọi người xét lại lương tâm mình và chú trọng tới những sáng kiến đại kết xứng hợp" (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 34). Qúi bạn trẻ thân mến, Tôi cũng ký thác mối quan tâm này và niềm hy vọng như một cuộc dấn thân và công tác này cho qúi bạn.

Cũng chính Thần Linh là Ðấng soi động Giáo Hội trong sứ vụ truyền giáo. Trước khi Thăng Thiên, Chúa Giêsu đã nói với các Tông Ðồ: "Các con sẽ nhận được quyền lực từ trên cao khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các con; rồi các con sẽ là những chứng nhân của Thày ở Gialiêm, khắp Giuđêa, cho đến tận cùng trái đất" (Acts 1:8). Kể từ đó, theo Thần Linh thúc đẩy, các môn đệ của Chúa Kitô vẫn tiếp tục hiện diện trên khắp nẻo đường thế giới để loan truyền lời cứu độ cho tất cả mọi người. Trôi nổi giữa thành công lẫn thất bại, giữa vĩ đại lẫn khốn cùng, nhờ quyền lực của Thần Linh là Ðấng làm việc nơi bản chất yếu hèn nhân loại, Giáo Hội nhận thức được hơi thở tràn đầy cùng với tránh nhiệm trong sứ vụ phổ quát của mình.

Ðể thực hiện sứ vụ phổ quát của mình này, Giáo Hội cũng kêu gọi qúi bạn, kêu gọi lòng quảng đại và đơn thành của qúi bạn đối với Thần Linh của Thiên Chúa.

7- Tặng ân của Thần Linh làm cho giới răn xưa kia của Thiên Chúa ban bố cho dân Ngài trở thành hiện đại và khả đạt: "Các ngươi phải là thánh; vì Ta, Chúa là Thiên Chúa các ngươi, là thánh" (Lv.19:2). Nên thánh dường như là một mục tiêu khó đạt, dành cho những ai thật trổi vượt, hay chỉ hợp với những người muốn không dính dáng gì với đời sống và văn hóa trong thời điểm của mình. Trái lại, nên thánh là một tặng ân và là một việc làm, bắt nguồn từ Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, được trao phó cho những ai thuộc về Giáo Hội qua mọi thế hệ. Nó là một tặng ân và là một nhiệm vụ của giáo dân cũng như tu sĩ và các thừa tác viên có chức thánh, trong lãnh vực riêng tư cũng như nơi công tác xã hội, trong đời sống cá nhân cũng như nơi đời sống gia đình và cộng đồng.

Tuy nhiên, trong ơn gọi chung này, một ơn kêu gọi mọi người không phải sống hợp với thế giới này cho bằng với ý muốn của Thiên Chúa (x.Rm.12:2), lại có những hoàn cảnh sống khác nhau cũng như có những ơn gọi và sứ vụ khác nhau.

Tặng ân của Thần Linh là nền tảng cho ơn gọi của mọi người. Nó là căn gốc cho những sứ vụ thánh của Giám Mục, linh mục và thày sáu là thành phần phục vụ đời sống Giáo Hội. Ngài cũng là Ðấng hình thành và khuôn đúc linh hồn của thành phần được kêu gọi sống đời tận hiến đặc biệt, làm cho họ nên giống Chúa Kitô, thanh sạch, nghèo hèn và tùng phục. Trong chính Thần Linh, Ðấng mà, nhờ Bí Tích Hôn Phối, bao bọc và thánh hóa cuộc hiệp nhất của các đôi vợ chồng cũng như sứ mệnh làm cha làm mẹ của họ, thành phần được kêu gọi để làm cho gia đình thể hiện Giáo Hội tìm được sức mạnh và nâng đỡ của mình. Sau hết, còn nhiều công tác khác nhắm đến việc xây đắp và chia sẻ đời sống với cộng đồng được nuôi dưỡng bằng tặng ân của Thần Linh - như việc giáo dục và giáo lý Kitô giáo, việc chăm sóc cho bệnh nhân và người nghèo, việc thăng tiến nhân bản và việc thực hành đức bác ái. Thật thế, "Việc Thần Linh tỏ hiện nơi mỗi người là để cho công ích" (1Cor.12:7).


Mối Thân Thiết với Chúa Giêsu làm cho chúng ta tác hành như Người

8- Bởi vậy, hằng ngày mỗi người cần phải tìm kiếm và nhận thức con đường trường mà Chúa đang dẫn họ tới cuộc gặp gỡ giữa họ với Người. Qúi bạn thân mến, hãy tự mình nghiêm vấn về ơn gọi của qúi bạn và sẵn sàng đáp ứng Chúa là Ðấng kêu gọi qúi bạn trong việc lãnh nhận vai trò Người đã dọn cho qúi bạn từ đời đời.

Kinh nghiệm cho thấy rằng trong công việc nhận thức này, rất cần đến vai trò của vị linh hướng: hãy chọn một người có khả năng được Giáo Hội đề cử, vị sẽ lắng nghe qúi bạn và dẫn dắt qúi bạn trên con đường sự sống, vị sẽ gần gũi với qúi bạn khi gặp khó khăn trong việc chọn lựa cũng như trong những lúc hân hoan vui sướng. Vị linh hướng của qúi bạn sẽ giúp cho qúi bạn nhận thức được những khơi động của Chúa Thánh Thần cũng như nhận ra bước tiến trên con đường tự do, một tự do muốn thắng đoạt bằng một trận chiến thiêng liêng (x.Eph.6:13-17) phải liên lỉ và kiên trì đối phó.

Việc giáo dục nơi đời sống Kitô giáo không chỉ giới hạn vào việc phấn khích tầm mức phát triển thiêng liêng nơi cá nhân, cho dù việc khai tâm đi vào một đời sống cầu nguyện bền bỉ thường xuyên vẫn là yếu tố và là nền tảng của tòa nhà giáo dục này. Mối thân thiết với Chúa, nếu chân thật, phải làm cho chúng ta suy nghĩ, chọn lựa và tác hành như Chúa Kitô đã suy nghĩ, đã chọn lựa và đã tác hành, khi chúng ta đặt mình vào trường hợp của Người để tiếp tục công việc cứu độ của Người.

Một "đời sống thiêng liêng", một đời sống làm chúng ta liên kết với tình yêu của Thiên Chúa và phát sinh nơi Kitô hữu hình ảnh Chúa Giêsu, có thể chữa trị một trong những căn bệnh của thế kỷ chúng ta, đó là căn bệnh mạnh phát triển về kiến thức kỹ thuật mà lại yếu phát triển về việc chú trọng đến con người, đến những khát mong của họ và đến mầu nhiệm của họ. Thật là khẩn thiết trong việc tái thiết một vũ trụ theo chiều sâu, một vũ trụ được Thần Linh khơi động và bảo trì, được nuôi dưỡng bằng nguyện cầu và nhắm đến hoạt động, để nó có đủ sức mạnh chống lại nhiều trường hợp khiến chúng ta phải kiên trung với hoạch định hơn là chạy theo hay hòa hợp với ý hệ đương thời.

9- Mẹ Maria, không giống như các môn đệ, đã không đợi chờ cho đến cuộc Phục Sinh mới sống động, nguyện cầu và hành động trong mức độ tràn đầy Thần Linh. Ca vịnh "Ngợi Khen" của Mẹ đã diễn đạt một nguyện cầu trọn vẹn, một nhiệt tình truyền giáo đầy đủ, một niềm vui hoàn toàn của Giáo Hội trước mầu nhiệm Phục Sinh và Hiện Xuống (x.Lk.1:46-55).

Khi Thiên Chúa, theo tiến trình yêu thương của Ngài cho tới cùng, đưa Mẹ Maria lên thiên đàng cả hồn lẫn xác, mầu nhiệm cao cả đã được hoàn tất: Mẹ là Ðấng Chúa Giêsu trên cây thập giá đã ban cho môn đệ Người yêu như một người mẹ (x.Jn.19:26-27) nên đã sống sự hiện diện từ mẫu của Mẹ trong lòng Giáo Hội, bên cạnh mỗi một người môn đệ của Con Mẹ, và tham phần một cách đặc thù vào việc chuyển cầu đời đời của Chúa Kitô cho phần rỗi của thế giới.

Tôi ký thác cho Mẹ, Bạn Tình của Thần Linh, việc sửa soạn và cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 13, ngày mà qúi bạn sẽ thực hiện tại điạ phương Giáo Hội của mình, tụ họp lại chung quanh các Vị Chủ Chăn của qúi bạn.

Cùng qúi bạn, Tôi dâng lên Mẹ, Mẹ của Giáo Hội, với những lời của Thánh Ildefonsus Toledo:

"Con cầu cùng Mẹ, con cầu cùng Mẹ,

Ôi Ðức Nữ Trinh,

để con nhận được Chúa Giêsu bởi Thần Linh,

Ðấng mà bởi Ngài chính Mẹ đã thụ thai Chúa Giêsu.

Chớ gì linh hồn con nhận được Chúa Giêsu

nhờ quyền phép của Thần Linh

Ðấng mà nhờ Ngài

xác thể Mẹ đã thụ thai chính Chúa Giêsu.

Chớ gì con yêu mến Chúa Giêsu

trong cùng một Thần Linh

Ðấng mà trong Ngài Mẹ tôn thờ Giêsu

như Chúa và chiêm ngắm Người như Con Mẹ".

Tôi thân ái chúc lành cho tất cả qúi bạn.

Tại Ðiện Vatican ngày 30-11-1997,

Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng.
Gioan Phaolô II

2- Sứ Ðiệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông 1998

ÐƯỠC THẦN LINH BẢO TRÌ HÃY TRUYỀN ÐẠT HY VỌNG

Anh Chị Em thân mến,

1- Trong năm thứ hai thuộc 3 năm dẫn đến Cuộc Kỷ Niệm Mừng Trọng Thể Năm 2000 này, chúng ta chú tâm đến Chúa Thánh Thần cũng như đến tác động của Ngài nơi Giáo Hội, nơi cuộc sống của chúng ta và nơi thế giới. Thần Linh là "Ðấng canh giữ hy vọng nơi cung lòng nhân loại" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 67). Ví lý do này mà đề tài cho Ngày Thế Giới Truyền Thông thứ 32 là: "Ðược Thần Linh bảo trì, hãy truyền đạt hy vọng".

Hy vọng mà Thần Linh bảo trì nơi tín hữu trước hết là hy vọng cánh chung. Ðó là hy vọng được ơn cứu độ - hy vọng nước trời, hy vọng được trọn vẹn hiệp thông với Thiên Chúa. Một niềm hy vọng như vậy, như Thư gửi giáo đoàn Do Thái diễn tả, là "một cái neo vững chắc của linh hồn, một niềm hy vọng sâu xa trong nội cung ở đằng sau bức màn, nơi Chúa Giêsu đã vì chúng ta tiên phong tiến vào" (Heb.6:19-20).

2- Thế nhưng, niềm hy vọng cánh chung nơi cung lòng Kitô hữu lại liên quan mật thiết với việc tìm kiếm hạnh phúc và mãn nguyện ở đời này. Niềm hy vọng nước trời làm khơi dậy mối quan tâm đích thực đối với vấn đề an sinh của con người nam nữ trên thế gian. "Nếu có ai nói: 'Tôi yêu mến Thiên Chúa' mà lại ghét anh em mình thì họ là một kẻ láo khoét; vì kẻ nào không yêu thương anh em mình là những người thấy được cũng không thể nào yêu mến Thiên Chúa là Ðấng họ không thấy" (1Jn.4:20). Ơn cứu độ, tức là việc Thiên Chúa chữa lành mối liên hệ giữa thần linh và nhân trần, đi song song với việc chữa lành những mối liên hệ giữa chúng ta với nhau; nên niềm hy vọng phát xuất từ ơn cứu độ ở đây phải nhắm đến việc chữa lành kép đôi này.

Ðó là lý do tại sao, trong việc sửa soạn cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng rạng đông của ngàn năm thứ ba, Kitô hữu cần phải làm mới lại niềm hy vọng của mình vào việc nước Thiên Chúa đến lần cuối, đồng thời cũng thấy được những dấu hy vọng nơi thế giới mình đang sống. Trong số những dấu hy vọng có thể kể đến: việc tiến triển của khoa học, kỹ thuật nhất là ngành y khoa để phục vụ sự sống con người, việc ý thức trách nhiệm của chúng ta đối với môi sinh hơn, những nỗ lực phục hồi hòa bình và công lý cho những nơi bị vi phạm, ước muốn hòa giải và đoàn kết giữa các dân nước, đặc biệt là mối liên hệ phức tạp giữa hai miền Nam Bắc trên thế giới. Cả trong Giáo Hội nữa cũng có những dấu hy vọng, trong đó có việc lắng nghe hơn tiếng Chúa Thánh Thần đánh động để chấp nhận những đặc sủng cũng như để phát động giáo dân, việc dấn thân sâu hơn vào công cuộc hiệp nhất Kitô giáo, và việc tăng thêm nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề đối thoại với các tôn giáo khác cũng như với nền văn hóa hiện đại (x.Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, đoạn 46).

3- Những nhà truyền thông Kitô giáo sẽ có uy tín trong việc truyền đạt hy vọng, nếu trước hết họ cảm nghiệm được niềm hy vọng nơi chính cuộc sống của mình, và họ cảm nghiệm được niềm hy vọng này chỉ khi nào họ là con người nam nữ biết cầu nguyện. Ðược Chúa Thánh Linh tăng sức, việc cầu nguyện làm cho chúng ta có thể "luôn luôn sẵn sàng trả lời cho mọi người muốn chất vấn ly do tại sao chúng ta hy vọng" (x.1Pt.3:15) như họ thấy nơi chúng ta. Ðó là cách thức những nhà truyền thông Kitô giáo cần phải học biết để, bằng thế lực của chân lý, trình bày sứ điệp hy vọng cho con người nam nữ ở thời đại chúng ta.

4- Chúng ta cũng không bao giờ được quên rằng việc dùng phương tiện truyền thông xã hội để truyền đạt không phải là một hoạt động thủ lợi chỉ nhắm vào việc khích động, tranh giành hay tuyên truyền. Nó lại càng không phải là một hoạt động cho ý hệ. Có những lúc phương tiện truyền thông làm giảm giá con người xuống thành những đơn vị tiêu thụ hay những nhóm cạnh tranh lợi lộc, hoặc khôn khéo lợi dụng khán thính giả như thành phần khờ khạo để phổ biến sản phẩm hay lôi kéo chính trị; những việc làm hủy hoại cộng đồng con người. Công việc truyền thông là đem con người lại với nhau và thăng tiến cuộc sống của họ, chứ không phải là cô lập hóa họ và khai thác họ. Nếu được sử dụng xứng hợp, các phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp vào việc tạo dựng cũng như bảo trì một cộng đồng con người trên nền tảng công bình và bác ái; có như thế chúng mới là những dấu hy vọng.

5- Những phương tiện truyền thông xã hội thật sự là những tân "Công Ðường" (Areopagus) trong thế giới hôm nay - một đại diễn đàn mà, với tất cả nỗ lực của mình, có thể thực hiện việc trao đổi kiến thức chân thực, những tư tưởng xây dựng và những giá trị tốt lành để kiến tạo cộng đồng nhân loại. Ðể được như thế, Giáo Hội cần phải nhúng tay vào việc truyền thông, không phải chỉ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá sứ điệp Phúc Âm, mà còn thực sự làm cho sứ điệp Phúc Âm hội nhập vào "nền văn hóa mới" là con đẻ của những việc truyền thông tân thời theo một thứ "ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới và tâm lý mới của chúng" (Thông Ðiệp Redemptoris Missio, đoạn 37).

Những nhà truyền thông Kitô giáo cần phải được huấn luyện để làm sao cho họ có thể làm việc cách hiệu nghiệm nơi môi trường truyền thông xã hội như thế. Việc huấn luyện này phải là một huấn luyện toàn bộ: huấn luyện về những khả năng kỹ thuật; huấn luyện về đạo đức và luân lý, đặc biệt chú trọng đến những giá trị và tiêu chuẩn liên quan đến việc làm chuyên môn của mình; huấn luyện về văn hóa con người, về triết lý, lịch sử, xã hội học và thẩm mỹ học. Thế nhưng, trước hết mọi sự, phải là việc huấn luyện về đời sống nội tâm, đời sống tinh thần.

Những nhà truyền thông Kitô giáo cần phải là những con người nam nữ cầu nguyện đầy Thần Linh, bằng cách càng ngày càng đi sâu vào việc hiệp thông với Thiên Chúa, để họ tăng triển khả năng trong việc bảo dưỡng mối hiệp thông giữa anh em đồng loại của mình. Họ phải được dạy cho biết hy vọng bởi Chúa Thánh Thần, "tác nhân chính yếu của việc tân phúc âm hóa" (Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, đoạn 45), để họ có thể truyền đạt hy vọng cho người khác.

Ðức Trinh Nữ Maria là khuôn mẫu trọn hảo của niềm hy vọng mà những nhà truyền thông Kitô giáo tìm kiếm để khơi dậy nơi chính mình cũng như để chia sẻ với người khác. "Ðức Maria đã thực hiện trọn vẹn niềm trông đợi nơi thành phần nghèo khó của Giavê, và là khuôn mẫu sáng ngời cho những ai hết lòng phó thác tin tưởng vào những lời Thiên Chúa hứa" (Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, đoạn 48). Trong khi Giáo Hội đang hành hương tiến đến Cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, Ðấng hết sức lắng nghe Thánh Thần, đã làm cho thế giới đi vào mầu nhiệm Nhập Thể cao cả, nguồn mạch mọi hy vọng của chúng ta.

Tại Ðiện Vatican ngày 24-1-1998,

Lễ kính Thánh Phanxicô Salêsiô.

Gioan Phaolô II


3-Thư gửi Các Linh Mục Thứ Năm Tuần Thánh 1998

Hãy Chiêm Ngắm Công Việc Của Thánh Linh Nơi Chúng Ta, Và Nài Xin Các Tặng Ân Của Ngài Ðể Làm Cho Mình Càng Hoàn Toàn Giống Chúa Kitô, Vị Tư Tế Tân Ước

Qúi huynh trong hàng tư tế thân mến của Tôi,

Hướng tâm trí về Cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng, tức cuộc cử hành trọng thể ngàn năm thứ hai của việc Chúa Kitô giáng sinh cũng như việc khai mở cho ngàn năm thứ ba của Kitô giáo, Tôi muốn cùng với qúi huynh cầu khẩn Thần Linh Chúa, Ðấng chúng ta đặc biệt dâng hiến giai đoạn thứ hai của cuộc hành trình thiêng liêng để trực tiếp dọn mừng Năm Thánh 2000 này.

Mở lòng ra trước những khơi động ưu ái của Thần Linh, chúng ta dọn mình để tham dự cách sâu xa vào thời điểm hồng phúc này, xin Ðấng Ban Phát các tặng ân những ơn cần thiết để nhận thức được những dấu hiệu của ơn cứu độ, cũng như để hết mình tận trung đáp ứng với lời kêu mời của Thiên Chúa.

Có một mối liên hệ thân tình đã nối kết thiên chức linh mục của chúng ta với Chúa Thánh Thần cũng như với sứ vụ của Ngài. Vào ngày chúng ta lãnh chức linh mục, bằng việc trào đổ đặc biệt Ðấng An Ủi xuống, Ðấng Phục Sinh đã hoàn thành một lần nữa nơi mỗi một người chúng ta điều mà Người đã hoàn thành nơi các môn đệ của Người vào buổi tối Phục Sinh, và sai chúng ta vào thế gian như thành phần tiếp nối sứ vụ cùa Người (x.Jn.20:21-23). Tặng ân của Thần Linh này, theo quyền năng thánh hóa mầu nhiệm của mình, là nguồn mạch và là căn nguyên của công việc truyền bá phúc âm và thánh hóa được ủy thác cho chúng ta.

Vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày chúng ta tưởng niệm Bữa Tối của Chúa, chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, Người Tôi Tớ "vâng lời cho đến chết" (Phil.2:8), Ðấng đã thiết lập Thánh Thể và Chức Thánh như những dấu hiệu cao cả của tình Người yêu thương. Người đã để lại cho chúng ta giao ước yêu thương phi thường này, để ở mọi lúc và mọi nơi mầu nhiệm Mình Máu Người được vĩnh tại, cũng như để con người có thể đến với nguồn ân sủng bất tận ấy. Còn lúc nào thích hợp và khẩn thiết hơn lúc này để linh mục chúng ta chiêm ngắm công việc của Thánh Linh nơi chúng ta, và nài xin các tặng ân của Ngài để làm cho mình càng hoàn toàn nên giống Chúa Kitô, Vị Tư Tế Tân Ước?


1- Thánh Linh: Ðấng Sáng Tạo và Thánh Hóa

Ôi Thần Linh Sáng Tạo, xin hãy đến viếng thăm tâm trí chúng con. Xin hãy làm cho các cõi lòng Chúa đã tạo nên được tràn đầy ơn Chúa.

Bài phụng ca cổ kính này nhắc nhở mỗi một vị linh mục về ngày thụ phong của mình, khi các vị nhớ lại việc dấn thân được thực hiện trong giây phút đặc thù đó, một động tác hoàn toàn mở lòng ra trước tác động của Thánh Linh. Bài phụng ca này cũng nhắc nhớ các vị về sự trợ giúp đặc biệt của Ðấng An Ủi và về nhiều giây phút ân phúc, hân hoan và thân tình mà Chúa đã ban cho các vị, để các vị hoan hưởng trong cuộc sống hành trình của mình.

Theo Kinh Tin Kính của các Công Ðồng Nicêa và Côngtantinôpôli, Giáo Hội công bố đức tin của mình vào Thánh Linh như là Chúa và là Ðấng Ban Sự Sống, Ðấng thể hiện rõ ràng vai trò của mình nơi những biến cố cuôc sống con người, nhất là trong việc đồng hành với các môn đệ của Chúa trên con đường dẫn đến ơn cứu độ.

Ngài là Thần Linh Sáng Tạo, Ðấng được Sách Thánh cho thấy, vào lúc rạng đông của lịch sử con người, như "đang chuyển vận trên mặt các giòng nước" (Gn.1:2), và, ở vào bình minh của công cuộc cứu chuộc, như một Ðấng nhờ Ngài mà Lời Thiên Chúa đã mặc lấy nhục thể (x.Mt.1:20; Lk.1:35).

Là một bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, "trong mầu nhiệm tuyệt đối về Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài là Ngôi-Tình-Yêu, là tặng ân tự hữu, Ðấng là nguồn mạch đời đời của mọi tặng ân bởi Chúa ban cho trong cấp trật tự nhiên, là nguyên lý trực tiếp và, theo một nghĩa nào đó, là chủ thể của việc tự thông mình của Thiên Chúa trong trật tự ân sủng" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 50).

Chúa Thánh Thần điều khiển cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha. Nhờ việc can thiệp mầu nhiệm của Ngài, Con Thiên Chúa đã được thụ thai trong lòng Trinh Nữ Maria (x.Lk.1:35) và đã làm người. Cũng chính Thần Linh, Ðấng mà khi xuống trên Chúa Giêsu, lúc Người lãnh nhận phép rửa ở sông Dược Ðăng dưới hình thể một con chim bồ câu (x.Lk.3:21-22), cho thấy Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha, và ngay sau đó, chính Thần Linh là Ðấng đã đưa Người vào sa mạc (x.Lk.4:1). Sau khi Người chiến thắng các chước cám dỗ, Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ vụ của mình "trong quyền lực của Thần Linh" (Lk.4:14); Chúa Giêsu đã hân hoan trong Thánh Linh và chúc tụng Cha về dự án quan phòng của Ngài (x.Lk.10:21); và bởi quyền lực của Thần Linh, Người đã khu trừ ma qủi (x.Mt.12:28; Lk.11:20). Trong thảm kịch Thập Giá, "nhờ Thần Linh vĩnh cửu" (Heb.9:14) Chúa Giêsu đã hiến mình, và cũng nhờ Ngài mà Người đã sống lại (x.Rm.8:11) và được "chỉ định làm Con Thiên Chúa trong quyền năng" (Rm.1:4).

Vào buổi tối Phục Sinh, Chúa Giêsu sống lại đã nói với các Tông Ðồ hội họp nhau ở Nhà Tiệc Ly: "Các con hãy nhận lãnh Thánh Linh" (Jn.20:22); và, sau khi hứa hẹn về một cuộc trào đổ khác nữa, Người đã sai các vị ra đi trên các nẻo đường thế giới, đã trao phó cho các vị ơn cứu độ của anh chị em mình: "Các con hãy đi... và tuyển mộ các môn đệ khắp các dân nước, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ giữ tất cả những gì Thày đã truyền cho các con; và đây, Thày ở cùng các con luôn mãi cho đến tận cùng thời gian" (Mt.28:19-20).

Sự hiện diện của Chúa Kitô nơi Giáo Hội mọi thời và mọi nơi trở nên sống động và mãnh lực nơi cõi lòng tín hữu nhờ việc làm của Ðấng An Ủi (x.Jn.16:24). Ðối với thời điểm của chúng ta cũng thế, Thần Linh là "tác nhân chính yếu trong việc tân phúc âm hóa... (Ngài) xây dựng vương quốc của Thiên Chúa trong giòng lịch sử và sửa soạn cho cuộc hoàn toàn tỏ hiện của vương quốc này nơi Chúa Giêsu Kitô, thôi thúc cõi lòng con người và làm nẩy mầm trong thế giới của chúng ta những hạt giống của ơn cứu rỗi trọn vẹn, ơn sẽ thể hiện vào lúc tận cùng thời gian" (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 45).


2- Thánh Thể và Chức Thánh: Hoa Trái của Thần Linh

Ôi Ngài là Vị được gọi là Ðấng An Ủi, là tặng ân của Ðấng Tối Cao, là suối nước, ngọn lứa và tình yêu sống động, là việc xức dầu linh hồn.

Bằng những lời này, Giáo Hội cầu khẩn Thánh Linh như là spiritalis unctio, việc xức dầu linh hồn. Nhờ việc xức dầu Thần Linh nơi cung dạ vô nhiễm của Mẹ Maria, Chúa Cha đã thánh hiến Ðức Kitô Vị Thượng Tế Tân Ước Ðời Ðời, Ðấng muốn chia sẻ thiên chức linh mục của mình với chúng ta, kêu gọi chúng ta trở thành việc Người hiện diện trong lịch sử vì phần rỗi của anh chị em chúng ta.

Vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Feria Quinta in Cena Domini, linh mục chúng ta được mời gọi để cùng với toàn thể cộng đồng tín hữu tạ ơn về tặng ân Thánh Thể, cũng như để tái cảm nhận ân sủng về ơn gọi đặc thù của mình. Chúng ta cũng được đánh động để, bằng một con tim tươi mới và bằng một việc trọn vẹn nhận lãnh, ký thác mình cho tác động của Thần Linh, để càng ngày mình càng nên giống Chúa Kitô tư tế hơn.

Bằng một ngôn từ dịu dàng và sâu nhiệm, Phúc Âm thánh Gioan đã thuật lại câu chuyện của ngày Thứ Năm Ðầu Tiên, khi Chúa ngồi với các môn đệ của mình ở Nhà Tiệc Ly, "yêu thương thành phần riêng của mình ở thế gian thì đã yêu thương họ đến cùng" (13:1). Cho đến cùng!: tức là, cho đến khi thiết lập Thánh Thể, một biến cố chẳng những vọng tượng đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và hiến tế Thập Giá, mà còn đến toàn thể mầu nhiệm vượt qua nữa. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh trong tay và đọc những lời thánh hiến đầu tiên: "Này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con". Ðoạn Người công bố những lời thánh hiến trên chén rượu đầy: "Này là chén máu Thày, máu của giao ước mới vĩnh cửu. Máu sẽ được đổ ra cho các con và cho tất cả mọi người để thứ tha tội lỗi", rồi Người thêm: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày". Như thế là Chúa Kitô đã hoàn thành Hiến Tế Tân Ước không đổ máu tại Nhà Tiệc Ly, một hiến tế sẽ được đạt thành bằng máu vào ngày hôm sau, khi Người phán trên Thập Giá: "Consummatum est" - "Ðã hoàn tất" (Jn.19:30).

Bởi quyền năng của Thánh Linh, Hiến Tế được hiến dâng một lần là vĩnh viễn trên núi Canvê này được ký thác cho các Tông Ðồ như một Bí Tích Rất Thánh của Giáo Hội. Trước khi đọc những lời thánh hiến, Giáo Hội tìm cầu sự can thiệp mầu nhiệm của Thần Linh khi nài xin: "Vì thế, lạy Cha, chúng con dâng lên Cha những lễ vật này. Chúng con xin Cha dùng quyền năng của Thánh Linh Cha mà thánh hóa các lễ vật ấy, để các lễ vật ấy trở nên Mình và Máu Con của Cha, Chúa Giêsu Kitô của chúng con, Ðấng đã truyền cho chúng con cử hành Thánh Thể đây" (Kinh Nguyện Thánh Thể 3). Nếu không có quyền năng của Thần Linh Thiên Chúa, thì miệng lưỡi con người làm sao có thể khiến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa cho đến tận thế được? Chính do bởi quyền năng của Thần Linh Thiên Chúa mà Giáo Hội mới có thể liên lỉ tuyên xưng mầu nhiệm đức tin cao cả: "Ðức Kitô đã chết! Ðức Kitô đã phục sinh! Ðức Kitô sẽ lại đến!".

Thánh Thể và Chức Thánh là hai hoa trái của cùng một Thần Linh: "Trong Thánh Lễ, Ðấng thực hiện việc biến thể bánh rượu thành Mình Máu Chúa Kitô thế nào thì trong Bí Tích Thánh Chức, Ngài cũng chính là Ðấng thực hiện việc thánh hiến Giám Mục hay linh mục" (cuốn Tặng Ân và Mầu Nhiệm, của ÐTC/GPII, trang 53).


3- Các Tặng Ân của Thánh Linh

Xin Ngón của bàn tay phải Thiên Chúa, lời hứa của Ðấng Cứu Thế, hãy ban 7 tặng ân của Ngài, làm dậy lên trong chúng con lời Chúa.

Chúng ta làm sao lại có thể không suy niệm cách đặc biệt về các tặng ân của Chúa Thánh Thần, các tặng ân mà truyền thống của Giáo Hội, căn cứ các nguồn thánh kinh và giáo phụ, đã diễn tả như là một tặng ân thất bội ("sacrum Septenarium")? Thần học kinh viện đã hết sức chú trọng đến giáo điều này, đã diễn giải ý nghĩa cùng các đặc tính của đặc ân thất bội ấy.

"Thiên Chúa đã sai Thần Linh Con của Ngài vào lòng chúng ta, để kêu lên 'Abba! Lạy Cha!'" (Gal.4:6). "Tất cả những ai được Thần Linh dẫn dắt đều là con cái của Thiên Chúa... Chính Thần Linh này làm cho tâm trí chúng ta thấy rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa" (Rm.8:14,16). Những lời của Thánh Tông Ðồ Phaolô nhắc nhớ chúng ta rằng tặng ân chính yếu của Thần Linh là ơn thánh hóa (gratia gratum faciens), ơn mà nhờ đó chúng ta lãnh nhận những thần đức - tin, cậy và mến - cùng tất cả những nhân đức phú bẩm (virtutes infusae), giúp chúng ta tác hành theo ảnh hưởng của Thánh Linh. Không như các đặc sủng là những đặc ân được ban cho để phục vụ nhau, những tặng ân này được ban cho tất cả chúng ta, vì các tặng ân ấy có mục đích dẫn con người đến sự thánh hóa và hoàn hảo.

Các tặng ân này mang tên gọi quen thuộc. Tiên tri Isaia đề cập đến những đặc ân ấy khi phác họa vai trò của Ðấng Thiên Sai sau này: "Thần trí Chúa sẽ ở trên Người, thần trí khôn ngoan và thâm hiểu, thần trí huấn dụ và dũng lực, thần trí minh luận và kính sợ Chúa. Niềm hân hoan của Người sẽ ở nơi lòng kính sợ Chúa" (11:2-3). Theo bản dịch Bảy Mươi và Vulgata là hai bản dịch đã thêm vào tặng ân hiếu thảo và loại khỏi đoạn văn tiên tri Isaia việc lập lại lòng kính sợ Chúa, thì tất cả có 7 tặng ân.

Thánh Irênêô cũng nhắc đến tặng ân thất bội này và thêm là: "Thiên Chúa đã ban cùng một Thần Linh này cho Giáo Hội (...) khi Ngài sai Ðấng An Ủi đến trái đất" (Adversus Haereses, III,17,3). Phần thánh Grêgôriô Cả trình bày guồng máy siêu nhiên được Thần Linh phú bẩm cho linh hồn, bằng việc liệt kê ngược chiều các tặng ân: "Nhờ lòng kính sợ Chúa chúng ta tiến tới lòng hiếu thảo, rồi từ lòng hiếu thảo đến minh luận, từ minh luận chúng ta lấy được dũng lực, từ dũng lực tới huấn dụ, với huấn dụ chúng ta tiến tới thâm hiểu và với thâm hiểu hướng tới khôn ngoan, và như thế, nhờ ân sủng thất bội của Thần Linh, cửa ngõ vào sự sống thiên đình sẽ mở ra cho chúng ta ở tận điểm của cuộc thăng tiến" (Hom. in Hezech., II,7,7).

Cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã coi những tặng ân của Thánh Linh như là một việc làm thức tỉnh linh hồn con người và những tài năng của nó trước tác động của Ðấng An Ủi, nhờ đó, "các tặng ân này hoàn tất và hoàn hảo các nhân đức của những ai lãnh nhận các tặng ân ấy. Các tặng ân ấy làm cho tín hữu dễ dậy trong việc sẵn sàng vâng phục những soi động thần linh" (số 1831). Nghĩa là đời sống luân lý của Kitô hữu được bảo trì bởi những "cơ cấu vĩnh tại này là những gì làm cho con người dễ dàng chiều theo những tác động của Thánh Linh" (số 1830). Những tác động này làm trưởng thành đời sống siêu nhiên, một đời sống theo hoạt động của ân sủng nơi mỗi con người. Thật thế, những tặng ân này được thích ứng khít khao cách lạ lùng với các cơ cấu tâm linh của chúng ta, hoàn hảo hóa chúng và đặc biệt làm cho chúng cởi mở trước tác động của Thiên Chúa.


4- Các Tặng Ân của Thánh Linh Tác Dụng nơi Con Người

Xin soi sáng trí khôn, nung nấu yêu thương trong cõi lòng. Xin lấy dầu tình yêu của Chúa mà chữa lành các thương tích của chúng con.

Nhờ Thần Linh, Thiên Chúa thân mật đến với con người và càng thấm nhập vào thế giới con người hơn: "Thiên Chúa Ba Ngôi là Ðấng 'hiện hữu' nơi chính mình như một thực tại siêu việt của tặng ân liên ngôi vị, khi ban mình như một tặng ân cho con người nơi Thánh Linh, đã biến đổi thế giới con người từ bên trong, từ bên trong cõi lòng và lý trí" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 59).

Chân lý này đã khiến truyền thống Kinh Viện dành chỗ ưu tiên cho tác động của Thần Linh nơi công cuộc của loài người và nhấn mạnh đến việc khởi động cứu độ của Thiên Chúa trong đời sống luân lý. Thiên Chúa đã cứu chúng ta bằng một đường lối vượt quá tất cả những dự định và mong ước của chúng ta, mà không loại trừ cá tính của chúng ta hay lấy đi niềm tự do nơi chúng ta. Luận cứ này cho chúng ta thấy các tặng ân của Thánh Linh như "những hoàn thiện của con người là những gì khiến cho họ sẵn sàng chiều theo những tác động của Thiên Chúa" (Thánh Tôma, Summa Theologiae I-II,q.68,a.2).

Nhờ 7 tặng ân, tín hữu có thể tiến vào mối liên hệ riêng tư và thân mật với Chúa Cha, bằng một niềm tự do xứng với con cái Thiên Chúa. Ðó là điều Thánh Tôma đã nhấn mạnh khi đề cập đến việc Thánh Linh dẫn dắt chúng ta tác hành không do bị bó buộc mà là yêu thương. Thánh nhân viết: "Thánh Linh dẫn dắt con cái Thiên Chúa trong niềm tự do bởi yêu thương, chứ không phải vì bị sợ hãi bó buộc" (Contra Gentiles, Book IV, 22). Thần Linh làm cho Kitô hữu tác hành giồng như Thiên Chúa, đó là, am hợp với kiểu cách suy tư, yêu thương và hành động của Thiên Chúa, để tín hữu trở nên một dấu hiệu hữu hình của Ba Ngôi Thiên Chúa trên thế giới. Ðược bảo trì bởi tình thân của Ðấng An Ủi, bởi ánh sáng của Lời và bởi tình yêu của Cha, tín hữu có thể kiên tâm khởi sự việc nên giống sự thiện hảo của Thiên Chúa (x.Mt.5:48).

Thánh Linh tiếp tục hoạt động ở hai giới tuyến, như vị Tiền Nhiệm đáng kính của Tôi, Ðầy Tớ Thiên Chúa Phaolô VI, đã nhắc nhớ: "Giới tuyến thứ nhất trong hai giới tuyến này là linh hồn mỗi người..., nơi mà tôi là 'tôi'. Ở trong thẳm cung của cuộc chúng ta hiện hữu, nhiệm mầu ngay cả đối với chính chúng ta, vẫn có hơi thở Thánh Linh; hơi thở Thánh Linh ấy lan tỏa trong linh hồn bằng đặc sủng đầu tiên và cao cả nhất này, đặc sủng mà chúng ta gọi là ân sủng và giống như là một sự sống mới, khi làm cho linh hồn lập tức có năng lực tác hành theo những cách thức vượt trên tài năng tự nhiên của nó". "Quyền năng của Ngày Lễ Hiện Xuống tác động" nơi giới tuyến thứ hai đó là "thân thể hữu hình của Giáo Hội... Vẫn biết 'spiritus ubi vult spirat' (Jn.3:8); thế nhưng, theo công cuộc được Chúa Kitô ấn định, thì chính nhờ việc mục vụ tông đồ mà Thần Linh tác động". Bằng sứ vụ này, các vị linh mục lãnh nhận quyền năng để phú ban Thần Linh cho tín hữu "như những vị uy tín có thẩm quyền công bố Lời Thiên Chúa, như những vị hướng dẫn Dân Kitô Hữu và ban cho họ các bí tích (x.1Cor.4:1) là những giòng suối ân sủng, những nguồn mạch bắt nguồn từ quyền năng thánh hóa của Ðấng An Ủi" (Bài giảng Lễ Hiện Xuống, 25/5/1969).


5- Các Tặng Ân của Thần Linh nơi Ðời Sống Linh Mục

Xin bảo vệ chúng con khỏi kẻ thù, xin mang lại tặng ân bình an. Xin dùng bàn tay vô hình của Chúa gìn giữ chúng khỏi mọi hãm hại.

Thánh Linh tái thiết lập trong cõi lòng con người tình trạng hoàn toàn hòa hợp với Thiên Chúa, và để bảo đảm việc con người chiến thắng Tên Gian Ác, Ngài làm cho họ vươn tới mức độ vô biên của tình yêu thần linh. Như thế Thần Linh lôi kéo con người từ tình yêu thương bản thân mình đến tình yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi, làm cho họ cảm nghiệm sâu xa niềm tự do và an bình nội tâm, cũng như làm cho họ biến sự sống mình thành một tặng ân. Cũng thế, nhờ tặng ân thất bội, Thần Linh hướng dẫn thành phần lãnh nhận phép rửa cho tới mức họ được trọn vẹn nên giống Chúa Kitô, và hoàn toàn hòa hợp với chân trời của vương quốc Thiên Chúa.

Ðó là đường lối mà Thần Linh vẫn sử dụng trong việc nhẹ nhàng thôi thúc mỗi một người lãnh nhận bí tích rửa tội; thế nhưng, để họ có thể thực thi sứ vụ thiết yếu của họ cho có lợi ích, Thần Linh lại dành ưu tiên đặc biệt cho những ai đã lãnh nhận Chức Thánh. Bởi thế, với tặng ân khôn ngoan, Thần Linh làm cho vị linh mục thẩm định tất cả mọi sự theo ánh sáng Phúc Âm, giúp cho vị linh mục, qua kinh nghiệm riêng mình cũng như kinh nghiệm của Giáo Hội, thấy được ý định sâu nhiệm và yêu thương của Chúa Cha. Với tặng ân thâm hiểu, Thân Linh gầy dựng nơi vị linh mục một cái nhìn sâu xa hơn chân lý mạc khải, thôi thúc vị linh mục công bố Tin Mừng cứu độ bằng một niềm xác tín và có thế lực. Với tặng ân huấn dụ, Thần Linh làm sáng tỏ sứ vụ của Chúa Kitô để vị linh mục có thể điều hành các hoạt động của mình theo những chiều hướng của việc Quan Phòng, chứ không bao giờ để mình bị siêu lệch bởi những phán đoán thế gian. Với tặng ân dũng lực, vị linh mục được bảo trì trong những khó khăn của sứ vụ mình và được ban cho một đức kiên trì (parresia) cần thiết cho việc loan báo Phúc Âm (x.Acts 4:29,31). Với tặng ân minh luận, vị linh mục có thể thấu hiểu và chấp nhận sự đan kết huyền nhiệm giữa những nguyên nhân đệ nhị với Nguyên Nhân Ðệ Nhất nơi việc xoay vần của các biến cố trong vũ trụ. Với tặng ân hiếu thảo, Thần Linh làm sống lại nơi vị linh mục mối liên hệ trong việc hiệp thông thân mật với Thiên Chúa cũng như trong việc tín thác cho Sự Quan Phòng của Ngài. Sau cùng, với tặng ân kính sợ Chúa, tặng ân cuối trong cấp trật các tặng ân, Thần Linh ban cho vị linh mục một cảm quan mãnh liệt hơn về nỗi yếu hèn nhân loại của mình cũng như về vai trò không thể thiếu của ân sủng thần linh, vì "cả người trồng lẫn kẻ tưới đều chẳng là gì, ngoài một mình Thiên Chúa là Ðấng làm cho lớn lên" (1Cor.3:7).


6- Thần Linh đem Chúng Ta đến Sự Sống Chúa Ba Ngôi

Xin ánh sáng của đức khôn ngoan đời đời vén mở cho chúng con mầu nhiệm cao cả về Thiên Chúa Ngôi Cha và Ngôi Con hiệp nhất trong duy một Tình Yêu.

Thật là mời gọi khi nghĩ đến những lời này được phát xuất từ môi miệng của vị linh mục, cùng với tín hữu được trao phó cho mình, đi con đường dẫn đến Chúa Kitô! Vị linh mục khát mong cùng với họ tiến đến một kiến thức chân thật về Chúa Cha và Chúa Con, và nhờ đó, từ cảm nghiệm về tác động của Thánh Linh trong lịch sử "per speculum in aenigmate" (1Cor.13:12) được chuyển sang việc chiêm ngưỡng thực tại sống động và cảm kích về Chúa Ba Ngôi "facie ad faciem" (đoạn vừa dẫn). Vị linh mục thừa biết rằng mình đang đối diện với "một cuộc vượt qua dài rộng trên một con thuyền nhỏ", và mình đang bay lên trời mây "bằng đôi cánh bé bỏng" (Thánh Gregory of Nazianzus, Theological Poems, 1). Thế nhưng, vị linh mục cũng có thể nương dựa vào Ðấng tự Ngài sẽ dạy các môn đệ mọi sự (x.Jn.14:26).

Một khi biết nhận ra những dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa nơi cuộc sống riêng tư của mình, vị linh mục, càng ngày càng tiến gần đến cuộc gặp gỡ sau hết của mình với Chúa hơn, sẽ càng khẩn khoản và thiết tha nguyện cầu hơn. Ðó là dấu hiệu của một đức tin chín mùi, một đức tin muốn tuân theo ý Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh.

Ðấng An Ủi, "cầu thang đưa chúng ta lên cùng Thiên Chúa" (Thánh Irênêô, Adversus Haereses, III,24,1), kéo vị linh mục đến cùng Chúa Cha, làm dậy lên trong lòng vị linh mục một ước vọng muốn chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa. Ðấng An Ủi tỏ cho vị linh mục biết mọi sự liên quan đến Chúa Con, lôi kéo vị linh mục đến cùng Ðức Kitô bằng một hoài niệm sâu xa; và Ðấng An Ủi cũng sáng soi cho vị linh mục biết về chính Ngôi Vị của Ngài, để vị linh mục có thể nhận ra Thần Linh ngay trong tâm can mình cũng như trong lịch sử.

Thế nên, giữa niềm vui và âu lo, khổ đau và hy vọng trong việc thi hành sứ vụ của mình, vị linh mục biết đặt tin tưởng vào cuộc chiến thắng kết thúc của tình yêu, nhờ tác động liên lỉ của Thần Linh, Ðấng bất chấp những giới hạn nơi con người cũng như nơi các cơ cấu, đang diù dắt Giáo Hội sống mầu nhiệm hiệp nhất và chân lý vẹn toàn. Tác động của Thần Linh như thế khiến cho vị linh mục tin tưởng vào quyền năng của lời Thiên Chúa, lời vượt trên mọi lời nói nhân loại, và là lời chế ngự tội lỗi cùng các thiếu sót con người bằng quyền lực của ân sủng. Trong lúc bị thử thách, tác động của Thần Linh này làm cho vị linh mục nên mạnh mẽ trước nỗi yếu hèn con người mình, và làm cho vị linh mục, bằng cả tâm hồn mình, sẵn sàng hướng về Nhà Tiệc Ly, nơi mà, nhờ kiên trì cầu nguyện với Mẹ Maria và các môn đệ, vị linh mục có thể tái nhóm lên lòng nhiệt thành cần thiết để đảm nhận cực nhọc của việc phục vụ tông đồ.


7- Sấp Mình trước Nhan Thần Linh

Sáng danh Thiên Chúa Ngôi Cha, sáng danh Ngôi Con Ðấng đã sống lại, và sáng danh Thần Linh là Ðấng An Ủi, cho đến muôn đời. Amen.

Khi suy nghĩ về ngày sinh nhật thiên chức linh mục của chúng ta trong Ngày Thứ Năm Tuần Thánh này, mỗi người chúng ta đều nhớ lại giây phút mời gọi nhất của mình, khi mà, vào ngày thụ phong linh mục, chúng ta đã phục xuống trên nền thánh cung. Cử chỉ hạ mình sâu thẳm và sẵn sàng tuân phục này được ấn định một cách linh thiêng giúp cho linh hồn chúng ta sửa soạn cho việc đặt tay theo bí tích, nhờ đó, Thánh Linh đến với chúng ta để hoàn thành công việc của Ngài. Chỗi dậy từ sàn cung thánh, chúng ta qùi trước vị Giám Mục để được lãnh chức linh mục, và bàn tay của chúng ta đã được ngài xức dầu để cử hành Hy Tế Thánh, trong khi đó, cộng đồng tham dự đã hát lên: "giòng suối, ngọn lửa, tình yêu sống động, việc xức dầu linh hồn".

Những cử chỉ biểu hiệu này, những cử chỉ nói lên sự hiện diện và tác động của Thánh Linh, mời gọi chúng ta ngày ngày làm mới lại cảm nghiệm ấy, để chúng ta nắm vững nơi mình các tặng ân của Thần Linh. Thật là hệ trọng đối với việc Thánh Linh phải tiếp tục hoạt động nơi chúng ta, cũng như việc Ngài phải chi phối đường lối của chúng ta, thế nhưng, quan trọng hơn nữa là việc Thần Linh tác động qua chúng ta. Khi chước cám dỗ gài bẫy và sức lực con người trở nên yếu nhược, thì đó chính là lúc cần phải kêu cầu Thần Linh tha thiết hơn, để Ngài đến cứu giúp nỗi yếu hèn của mình và ban cho mình sức mạnh lẫn khôn ngoan như Thiên Chúa muốn. Lòng của chúng ta phải luôn luôn mở lòng ra trước tác động của Thần Linh, một tác động nâng cao và làm tăng giá trị những nỗ lực của con người, dẫn họ đến một cuộc sống thiêng liêng sâu xa hơn, nơi mà chúng ta có được một kiến thức và tình yêu về mầu nhiệm Thiên Chúa không thể phai nhòa.

Qúi Huynh chí ái trong Thiên Chức Linh Mục! Vì việc long trọng khẩn cầu Thánh Linh cùng với cử chỉ tự hạ hùng hồn trong lễ thụ phong linh mục của chúng ta mà lời fiat của Ngày Truyền Tin đã vang dội suốt cả đời sống chúng ta. Trong cuộc sống thầm lặng ở Nazarét, Mẹ Maria bao giờ cũng sẵn sàng đón nhận ý muốn của Chúa, và bởi quyền phép Thánh Linh, Mẹ đã thụ thai Ðức Kitô, ơn cứu độ của thế giới. Việc tuân phục đầu tiên này đã thấm nhập vào cả cuộc đời của Mẹ trên trần gian, và đã đi cho đến tận cùng dưới chân Thập Giá.

Vị linh mục được kêu gọi để bắt chước lời fiat của Mẹ Maria trong mọi lúc, khi vị linh mục để Thần Linh dẫn dắt mình như Mẹ. Ðức Trinh Nữ sẽ nâng đỡ vị linh mục trong việc chọn sống đúc khó nghèo theo phúc âm, và sửa soạn cho vị linh mục biết khiêm tốn cùng chân thành lắng nghe anh chị em mình, để vị linh mục có thể nhận ra trong thảm cảnh cuộc đời họ cũng như trong các cảm hứng của họ "những lời than của Thần Linh" (x.Rm.8:26). Mẹ sẽ làm cho vị linh mục phục vụ anh chị em mình theo một niềm xác tín minh tường, để vị linh mục có thể giảng dạy cho họ những giá trị của Phúc Âm. Mẹ sẽ làm cho vị linh mục chuyên tâm tìm kiếm "những sự ở trên cao" (Col.3:1), để vị linh mục có thể hiên ngang làm cho thế gian thấy rằng Thiên Chúa là trên hết. Ðức Trinh Nữ sẽ giúp vị linh mục đón nhận tặng ân trong sạch, như là một diễn đạt của một tình yêu cao cả hơn được, Thần Linh làm bừng lên, để phát sinh tình yêu Thiên Chúa nơi vô số anh chị em. Mẹ sẽ dẫn dắt vị linh mục đi sâu vào các nẻo đường của đức tuân phục theo phúc âm, để Ðấng An Ủi có thể đưa vị linh mục đến việc hoàn toàn chấp nhận tâm ý của Thiên Chúa là những gì khác hẳn với tất cả mọi dự án riêng tư của vị linh mục.

Ðược Mẹ Maria hỗ trợ, vị linh mục sẽ có thể ngày ngày làm mới lại việc thánh hiến của mình; cho tới khi, tin tưởng vào sự dẫn dắt của Thần Linh, Ðấng vị linh mục kêu cầu trong cuộc hành trình của mình với thân phận vừa là một con người vừa là một linh mục, vị linh mục sẽ tiến đến đại dương ánh sáng là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nhờ lời chuyển cầu của Ðức Maria, Mẹ Các Linh Mục, Tôi nguyện xin cho tất cả qúi huynh được đặc biệt tràn đầy Thần Linh yêu thương.

Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh Thần! Xin hãy đến để việc chúng con phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình được dồi dào hoa trái!

Ðể bảo đảm một lần nữa với qúi huynh về lòng cảm mến của Tôi và ước nguyện cho qúi huynh được các ơn an ủi của Thiên Chúa trong sứ vụ của mình, Tôi hết lòng ban Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt cho qúi huynh.

Tại điện Vatican ngày 25-3, Lễ Trọng Truyền Tin năm 1998, năm thứ 20 của Giáo Triều Tôi.

Gioan Phaolô II


4-Kinh ÐTC dọn cho Năm Chúa Thánh Thần 1998

XIN THẦN LINH YÊU THƯƠNG VÀ BÌNH AN HÃY ÐẾN

Lạy Chúa Thánh Thần

là Vị Khách mà lòng chúng con hết sức nghênh đón,

xin cho chúng con hiểu được

ý nghĩa sâu xa của việc Mừng Ðại Năm Thánh

và dọn lòng chúng con

để cử hành việc Mừng Ðại Năm Thánh này trong đức tin,

bằng một niềm hy vọng không bị bẽ bàng,

và bằng một tình yêu không mong đắp đổi.

Lạy Thần Chân Lý,

Ngài là Ðấng thấu suốt thâm cung Thiên Chúa,

là ký ức và là sấm ngôn nơi Giáo Hội,

xin làm cho nhân loại nhận ra rằng

lịch sử được nên trọn tuyệt vời

nơi Ðức Giêsu Nazarét là Chúa hiển vinh,

Ðấng Cứu Chuộc thế giới.

Xin Thần Linh yêu thương và bình an hãy đến!

Lạy Thần Linh Sáng Tạo

là Ðấng âm thầm xây dựng Nước Trời

bằng quyền sức nơi các thánh của mình,

xin hướng dẫn Giáo Hội

can đảm vượt qua ngưỡng cửa của ngàn năm mới,

và mang lại cho các thế hệ tương lai

ánh sáng của Lời, Ðấng mang ơn cứu độ đến.

Lạy Thần Linh Thánh Thiện,

là hơi thở thần linh làm cho vũ hoàn chuyển vận,

xin hãy đến canh tân diện mạo trái đất.

Xin hãy khơi lên nơi Kitô hữu

niềm ước mong được hoàn toàn nên một,

để họ hiện lên trước mắt thế gian

như một dấu hiệu và khí cụ

của sự hiệp nhất thân tình với Thiên Chúa

cũng như với toàn thể loài người.

Xin Thần Linh yêu thương và bình an hãy đến!

Lạy Thần Linh Hiệp Thông

là hồn thiêng và là sinh lực của Giáo Hội,

xin làm cho muôn vàn các đặc sủng và thừa tác vụ

góp phần vào việc hiệp nhất Thân Thể Chúa Kitô,

xin làm cho giáo dân,

tu sĩ và các thừa tác viên chức thánh

cùng hợp nhau chung tay góp sức

đắp xây một Nước Thiên Chúa duy nhất.

Lạy Thần Ủi An

là mạch nguồn hoan lạc và bình an bất tận,

xin phấn chấn sự đoàn kết nơi kẻ nghèo,

ban sức lực cần thiết cho bệnh nhân,

tuôn tràn niềm tin tưởng và hy vọng

xuống những người đang chịu đựng thử thách,

khơi dậy trong mọi cõi lòng tinh thần dấn thân cho một tương lai tốt đẹp hơn.

Xin Thần Linh yêu thương và bình an hãy đến!

Lạy Thần Khôn Ngoan,

là hứng khởi của trí tuệ và cõi lòng,

xin hướng khoa học và kỹ thuật

về việc phục vụ sự sống, công lý và bình an.

Xin làm cho việc chúng con

đối thoại với tín đồ của các tôn giáo khác được thành qủa,

xin làm cho các nền văn hóa khác nhau nhận ra những giá trị của Phúc Âm.

Lạy Thần Sự Sống,

Nhờ Ngài mà Lời đã hóa thành nhục thể

trong cung lòng của Trinh Nữ Maria,

một người nữ chuyên tâm thầm lặng,

xin làm cho chúng con dễ dạy

theo tình yêu Chúa đánh động

và luôn chấp nhận những dấu hiệu thời gian

mà Chúa vẫn loan báo suốt cuộc hành trình lịch sử.

Xin Thần Linh yêu thương và bình an hãy đến!

Lạy Thần Linh Yêu Thương,

xin chúc tụng, kính tôn và vinh danh Chúa,

cùng với Chúa Cha Toàn Năng và Chúa Con Duy Nhất,

muôn thuở muôn đời. Amen.


5- Sứ Ðiệp ngày Quốc Tế Giới Trẻ 1999

Sứ Ðiệp của ÐTC Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 14 (Chúa Nhật Lễ Lá 28/03/1999)

Chủ đề: Thiên Chúa Cha yêu thương chúng con

Sứ Ðiệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 14: Chúa Nhật Lễ Lá 28/03/99. Chủ đề: Thiên Chúa Cha yêu thương chúng con.

Các bạn trẻ thân mến!

1- Trong viễn tượng Năm Thánh 2000 giờ đây đang gần đến, thì năm 1999 nhắm "mở rộng chân trời cho các tín hữu" để họ thấy được các sự việc theo quan điểm của Chúa Kitô: quan điểm của Thiên Chúa Cha là Ðấng ở trên trời, Ðấng sai Chúa Kitô đến và là Ðấng mà Chúa Kitô trở về lại" (Tông Thư Ngàn Năm Thư Ba, đoạn 49). Thật vậy, không thể nào cử hành Chúa Kitô và biến cố Năm Thánh mà không cùng với Người hướng về Thiên Chúa, là Cha của Người cũng là Cha của chúng ta (x.Jn.20:17). Cả Chúa Thánh Thần cũng đưa chúng ta về với Chúa Cha và Chúa Giêsu. Nếu Thánh Thần dạy cho chúng ta tuyên xưng "Ðức Giêsu là Chúa" (x.1Cor.12:3) thì cũng là để cho chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là "Abba! Lạy Cha" (x.Gal.4:6).

Vậy cha cũng kêu gọi các con, cùng với toàn thể Giáo Hội, hãy hướng về Thiên Chúa là Cha và, bằng một tấm lòng tri ân cảm mến, các con hãy lắng nghe lời mạc khải lạ lùng của Chúa Giêsu: "Thiên Chúa Cha yêu thương các con" (x.Jn.16:27). Ðây là những lời Cha trao gửi đến các con như là một đề tài cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 14. Các bạn trẻ thân mến, chúng con hãy nhận lấy tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng con trước (x.1Jn.4:19). Chúng con hãy nắm chắc lấy điều ấy, một điều duy nhất có thể làm cho đời sống có ý nghĩa, sức mạnh và niềm vui: tình yêu của Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng con, giao ước an bình của Ngài không bao giờ xa lìa chúng con (x.Is.54:10). Ngài đã khắc ghi tên chúng con trong lòng bàn tay của Ngài (x.Is.49:16).

2- Dù không luôn luôn rõ ràng và đầy đủ ý thức, nhưng trong tâm hồn con người vẫn có một khát vọng sâu xa hướng về Thiên Chúa. Thánh Ignaxiô thành Antiôkia đã diễn tả niềm khát vọng này một cách sống động như sau: "Trong tôi có một giòng nước sự sống đang rạo rực chảy và mời gọi: 'Hãy đến cùng Chúa Cha'" (Ad Rom., 7). Môisen khi ở trên núi đã nài xin với Thiên Chúa như sau: "Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi quang vinh của Ngài" (Ex.33:18).

"Chưa có ai đã từng được thấy Thiên Chúa; Chỉ Người Con duy nhất, Ðấng ở trong lòng Thiên Chúa Cha, là Ðấng mạc khải Cha cho chúng ta" (Jn.1:18). Thế nên, không phải là chỉ cần biết Con là biết được Cha hay sao? Tông Ðồ Philiphê không dễ gì chấp nhận như vậy. Thánh nhân đã xin với Thày mình: "xin tỏ cho chúng con biết Cha". Lời khẩn xin của thánh Philiphê Tông Ðồ đã mang đến cho chúng ta một câu trả lời vượt trên tất cả những gì chúng ta có thể ước vọng: "Thày đã chẳng ở với con bấy lâu hay sao, thế mà con lại không biết Thày ư Philiphê? Ai thấy Thày chính là thấy Cha" (Jn.14:9).

Việc Nhập Thể đã làm cho chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa nơi dung mạo con người: "Hãy tin vào Thày là Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày" (Jn.14:11). Chúa Giêsu nói lời này không những cho riêng tông đồ Philiphê mà còn cho tất cả những ai sẽ tin vào Người nữa. Và vì thế, ai chấp nhận Con Thiên Chúa là chấp nhận Ðấng đã sai Người (x.Jn.13:20). Ngược lại, "ai ghét Thày cũng ghét cả Cha Thày nữa" (Jn.15:23). Thế là một mối liên hệ mới giữa Ðấng Tạo Hóa và các thụ sinh của Ngài đã được hình thành, một mối liên hệ giữa con cái với Cha của mình. Khi các môn đệ muốn đi vào các bí nhiệm của Thiên Chúa và xin dạy cho các ngài biết cách cầu nguyện để hỗ trợ cuộc hành trình của mình, Chúa Giêsu đã đáp lại bằng việc dạy cho các ngài Kinh Lạy Cha là "một tổng hợp toàn bộ Phúc Âm" (Tertullianô, De Oratione, 1). Kinh Lạy Cha này là một lời xác nhận về tình trạng chúng ta được trở thành những người con nam nữ của Thiên Chúa (x.Lk.11:1-4). "Một mặt, qua những lời kinh này, Người Con duy nhất cống hiến cho chúng ta những lời Chúa Cha đã ban cho Người: Người là Tôn Sư dạy cầu nguyện. Mặt khác, là Lời nhập thể, Người biết trong cõi lòng nhân loại của mình các nhu cầu của anh chị em mình và tỏ cho chúng ta thấy những nhu cầu ấy: Người là mô phạm cho việc cầu nguyện của chúng ta" (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2765).

Khi trình thuật cho chúng ta thấy các dấu chứng trực tiếp về đời sống của Con Thiên Chúa, Phúc Âm Thánh Gioan cũng đã chỉ cho chúng ta thấy một con đường phải theo để biết được Chúa Cha. Việc kêu cầu cùng "Cha" là một bí mật, là hơi thở, là sự sống của Chúa Giêsu. Không phải hay sao, Người là Người Con duy nhất, là trưởng tử, là Ðấng được Cha yêu, đối tượng mà mọi sự phải qui về, Người hiện diện nơi Chúa Cha ngay trước khi có thế gian, cùng thông phần vinh quang của Cha? (x.Jn.17:5). Từ nơi Cha mình, Chúa Giêsu đã lãnh nhận quyền năng trên tất cả mọi sự (x.Jn.17:2), lãnh nhận sứ điệp cần phải được loan báo (x.Jn.12:49), lãnh nhận công việc cần phải được hoàn thành (x.Jn.14:31). Các môn đệ cũng không thuộc quyền Người: chính Thiên Chúa Cha là Ðấng đã trao họ cho Người (x.Jn.17:9), khi ủy thác cho Người việc gìn giữ họ khỏi gian ác, để không một ai trong họ phải bị hư đi (x.Jn.18:9).

Vào giờ Người qua khỏi thế gian mà về cùng Cha, "lời nguyện tư tế" của Người đã cho chúng ta thấy tâm trí của Người Con: "Lạy Cha, xin Cha hãy tôn vinh Con nơi Cha thứ vinh quang mà Con đã có nơi Cha trước khi thế gian được tạo thành" (Jn.17:5). Là Tư Tế Tối Cao và Vĩnh Hằng, Chúa Kitô đã dẫn đầu đoàn đông đảo thành phần được cứu chuộc. Là trưởng tử của nhiều anh em, Người đã dẫn về một đàn chiên duy nhất những con chiên bị phân tán, để chỉ có "một đàn chiên và một chủ chiên" (Jn.10:16).

Nhờ công việc của Người, chính mối liên hệ yêu thương hiện diện nơi Ba Ngôi đã được thể hiện nơi mối liên hệ giữa Chúa Cha và nhân loại được cứu chuộc: "Chúa Cha yêu thương các con!". Mầu nhiệm yêu thương này làm sao có thể hiểu được nếu không có tác động của Thánh Thần là Ðấng Thiên Chúa Cha tuôn đổ xuống trên các môn đệ nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu (x.Jn.14:16)? Việc Lời Hằng Hữu Nhập Thể trong thời gian và việc tất cả mọi người liên kết với Ngôi Lời trong Bí Tích Rửa Tội được sinh vào đời sống vĩnh cửu không thể nào hiểu nổi, nếu không có tác động ban sự sống của chính Chúa Thánh Thần này.

3- "Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến đổi trao ban Người Con duy nhất của mình, để ai tin vào Con thì không phải chết song được sự sống đời đời" (Jn.3:16). Thế gian được Thiên Chúa yêu thương! Và, bất chấp việc thế gian có thể chối từ tình yêu này, thế gian vẫn tiếp tục được Ngài yêu thương cho đến cùng. "Thiên Chúa Cha yêu thương các con" luôn mãi và cho đến muôn đời: đó là một điều mới mẻ chưa từng có, "một loan báo rất đơn thành nhưng sâu xa mà Giáo Hội có bổn phận loan báo cho con người (x. Tông Huấn Christifideles Laici, đoạn 34). Cho dù Chúa Con chỉ cần ban cho chúng ta lời này, thì đã đủ rồi. "Hãy xem Chúa Cha đã yêu thương chúng ta biết bao, cho chúng ta được gọi là con cái của Thiên Chúa; và chúng ta thực sự là như vậy" (1Jn.3:1). Chúng ta không phải là thành phần mồ côi; tình yêu là điều có thể được. Vì, như các con biết, chúng ta không thể nào yêu thương nếu chúng ta không được yêu thương.

Thế nhưng, chúng ta phải làm sao để có thể loan báo tin mừng này? Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta đường lối phải theo, đó là hãy lắng nghe Chúa Cha để được "Thiên Chúa dạy bảo" (Jn.6:45) và giữ các giới răn của Ngài (x.Jn.14:23). Nhờ đó sự hiểu biết về Thiên Chúa Cha nầy sẽ gia tăng thêm: "Con đã tỏ Danh Cha cho họ, Con sẽ còn tỏ ra nữa" (Jn.17:26); và sự hiểu biết nầy là nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Ðấng sẽ dẫn chúng ta vào "tất cả sự thật" (x.Jn.16:13).

Trong thời của chúng ta đây, hơn bao giờ hết, Giáo Hội và thế giới cần đến "các nhà truyền giáo" có khả năng loan báo, bằng lời nói cũng như bằng gương sống, niềm xác tín sâu xa và đấy an ủi ấy. Ý thức được điều nầy, hỡi các bạn trẻ của ngày hôm nay, và sẽ là người lớn, của ngàn năm mới; các con hãy để mình được huấn luyện nơi trường học của Chúa Giêsu. Trong Giáo Hội, cũng như qua các hoàn cảnh khác nhau của đời sống mình, các con hãy trở nên các chứng nhân có uy tín cho tình yêu của Chúa Cha! Các con hãy làm cho tình yêu này sáng tỏ nơi các quyết định và thái độ của các con, qua cách các con đối đãi với tha nhân và qua việc các con dấn thân phục vụ họ, trong việc các con trung thành tôn trọng ý muốn của Thiên Chúa cũng như các giới răn của Ngài.

"Chúa Cha yêu thương các con". Lời rao giảng tuyệt vời này được đặt vào trong tâm hồn của các tín hữu, là những kẻ mà, như người môn đệ được Chúa Giêsu thương, ngã đầu mình vào ngực Chúa Giêsu để lắng nghe những lời tâm sự: "Ai yêu mến Thày sẽ được Cha Thày yêu thương, và Thày sẽ thương yêu họ và tỏ mình ra cho họ" (Jn.14:31), vì "sự sống đời đời là ở chỗ họ nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Chúa Giêsu Kitô là Ðấng Cha sai" (Jn.17:3).

Tình yêu của Chúa Cha được phản ảnh nơi các hình thức khác nhau của tình cha mà các con gặp thấy trong đường đời của các con. Cha đặc biệt nghĩ đến cha mẹ của các con, những kẻ đã cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh ra các con cũng như trong việc chăm sóc cho các con: các con hãy tôn kính các ngài (x.Ex.20:12) và hãy biết ơn các ngài! Cha nghĩ đến các vị Linh Mục và các người tận hiến cho Chúa; các ngài là bạn hữu của các con, là các nhân chứng sống và là các bậc thày "dạy chúng con sống" để giúp các con tiến bộ và hân hoan trong đức tin" (Phil.1:25). Cha nghĩ đến các nhà giáo dục chân chính; các ngài đem nhân tính của mình, sự khôn ngoan và đức tin của mình, để góp phần quan trọng vào việc phát triển của các con, một việc phát triển Kitô vừa đồng thời cũng là phát triển nhân bản. Các con hãy luôn luôn cảm tạ Chúa về từng người trong số những kẻ đồng hành với các con trên con đường cuộc đời nầy."

4- "Chúa Cha yêu thương các con". Việc nhận thức được tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa không thể không thôi thúc các tín hữu đến việc thực hiện, trong sự gắn bó với Chúa Kitô, Ðấng Cứu Chuộc của con người, (thực hiện) con đường trở lại thật sự. Ðây là khung cảnh thích hợp để khám phá lại và cử hành nhiều hơn bí tích Thống Hối, theo đúng với ý nghĩa sâu xa nhất của bí tích này" (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 50).

"Tội lỗi là lạm dụng tự do mà Thiên Chúa đã ban cho con người thụ tạo, để họ có thể xử dụng tự do đó mà yêu mến Chúa và yêu thương nhau" (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 387); Tội lỗi là chối từ sống sự sống của Thiên Chúa mà họ lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội, khước từ việc để mình được Tình Yêu chân thực yêu thương: nhân loại thực sự có một quyền lực khủng khiếp trong việc ngăn cản Thiên Chúa, Ðấng muốn ban tặng tất cả mọi sự tốt lành thiện hảo. Tội lỗi, phát xuất từ ý muốn tự do của con người (x.Mk.7:20), là việc lỗi phạm đối với tình yêu chân chính; tội lỗi đả thương bản tính con người và gây thương tổn đến tình liên đới nhân loại, bằng các thái độ, lời nói và việc làm đầy ích kỷ (x. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, các số 1849-1850). Chính trong thâm tâm con người mà sự tự do được mở ra đón nhận hay khép mình lại trước tình yêu thương. Ðó là một thảm kịch liên lỉ của con người, là kẻ thường ưa thích chọn lấy cho mình cảnh làm nô lệ, vừa bắt mình phải chịu đựng các nổi niềm sợ hải, các ước muốn nghông cuồng, các thói quen lệch lạc, vừa tạo nên những thần tượng thống trị trên chính họ, và tạo ra những ý thức hệ làm hạ giá nhân tính. Chúng ta đọc thấy trong Phúc Âm Thánh Gioan như sau: "Ai phạm tội là làm nô lệ cho tội lỗi" (Jn.8:34).

Chúa Giêsu đã kêu gọi mọi người: "Hãy hối cải và tin vào Phúc Âm" (Mk.1:15). Mọi cuộc hối cải chân chính đều được khơi nguồn từ ánh mắt Thiên Chúa đoái nhìn tội nhân. Ðó là cái nhìn được thể hiện trong việc tìm kiếm do tình yêu thương thôi thúc, trong cuộc khổ nạn cho đến thập giá. Ðó là một ý muốn thứ tha khiến cho tội nhân thấy con người của họ vẫn còn được tôn trọng và yêu thương, ngược lại với tình trạng bại hoại nhận chìm họ xuống, để kêu mời họ quyết tâm sửa lại nếp sống của mình. Ðó là trường hợp của Lêvi (x.Mk.2:13-17), của Giakêu (x.Lk.19:1-10), của người đàn bà bị bắt phạm tội ngoại tình (x.Jn.8:1-11), của người trộm lành (x.Lk.23:39-43), của người phụ nữ Samaritanô (x.Jn.4:1-30): "Con người không thể sống mà lại không có tình yêu. Họ mãi là một hữu thể không thể hiểu được bản thân mình, cuộc sống của họ vô nghĩa, nếu tình yêu không tỏ mình ra cho họ, nếu họ không gặp được tình yêu, nếu họ không cảm thấy tình yêu và biến tình yêu thành của mình, nếu họ không mật thiết dự phần vào tình yêu" (Thông Ðiệp Redemptor Hominis, đoạn 10). Khi con người khám phá và cảm nghiệm được Thiên Chúa của tình thương và của ơn tha thứ, thì con người không thể nào sống khác hơn là phải trở về cùng Thiên Chúa (x. Thông Ðiệp Dies in Misericordia, đoạn 3).

"Chị hãy đi và đừng tái phạm tội nữa" (Jn.8:11): ơn tha thứ được ban tặng nhưng không, song con người được mời gọi đáp lại bằng dốc quyết canh tân đời sống mình. Thiên Chúa qúa biết tạo vật của Ngài! Ngài không phải là không biết rằng tình yêu của Ngài càng bộc lộ cao cả thì cuối cùng sẽ làm cho tội nhân ghê tởm tội lỗi nổi dậy trong tội nhân. Bởi thế mà tình yêu của Thiên Chúa được tỏ bày là để liên tục ban ơn tha thứ.

Hấp dẫn biết bao dụ ngôn về người con hoang đàng! Từ lúc người con bỏ nhà ra đi, người cha sống trong một tâm trạng lo âu: ông chờ đợi, mỏi mong, mắt cứ trông về chân trời. Ông tôn trọng tự do của đứa con mình, song ông phải khổ đau phiền muộn. Thế rồi, khi người con quyết tâm trở về, người cha thấy đứa con từ đàng xa liền đến đón gặp nó, ôm chặt lấy nó trong vòng tay của mình và hớn hở bảo: "Hãy xỏ nhẫn - biểu hiệu cho giao ước - vào ngón tay cậu; hãy mang y phục đẹp nhất - biểu hiệu cho sự sống mới - mặc vào cho cậu; hãy xỏ giầy - biểu hiệu cho phẩm vị được phục hồi - vào chân cậu, và chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan, vì đứa con này của ta đã chết nay sống lại; bị thất lạc nay trở về!" (x.Lk.15:11-32).

5- Trước khi lên cùng Cha, Chúa Giêsu đã ủy thác cho Giáo Hội thừa tác vụ hòa giải (x.Jn.20:23). Vì thế, việc thống hối trong lòng mà thôi thì chưa đủ để được ơn Thiên Chúa thứ tha. Việc hòa giải với Thiên Chúa có được là nhờ việc hòa giải với cộng đồng giáo hội. Do đó, việc thú nhận tội lỗi phải được tỏ ra bằng một cử chỉ bí tích cụ thể: đó là cử chỉ ăn năn thống hối và xưng thú tội lỗi, với ý định cải thiện đời sống, trước mặt thừa tác viên của Giáo Hội.

Buồn thay, con người ngày nay càng mất ý thức tội lỗi , thì càng ít chạy đến xin ơn Thiên Chúa thứ tha. Ðó là căn nguyên của nhiều vấn đề và khó khăn của thời đại chúng ta. Năm nay Cha mời gọi các con hãy tái khám phá ra vẽ đẹp và sự phong phú của ân sủng bí tích Thống Hối, bằng việc đọc lại một cách kỹ lưỡng hơn dụ ngôn người con hoang đàng, một dụ ngôn không nhấn mạnh nhiều đến tội lỗi của con người cho bằng đến tấm lòng dịu dàng của Thiên Chúa Cha và tình thương nhân từ của Ngài. Lắng nghe Lời Chúa trong tinh thần cầu nguyện, chiêm niệm, cảm phục và xác tín, các con hãy thưa với Thiên Chúa: "Con cần Chúa; con nương tựa vào Chúa để hiện hữu và sống động. Chúa còn mạnh mẽ hơn tội lỗi của con. Con tin vào quyền lực của Chúa hoạt động trong cuộc đời của con; con tin rằng Chúa có thể cứu con trong tình trạng hiện tại của con. Xin Chúa hãy thương nhớ đến con. Xin Chúa hãy tha thứ cho con!"

Các con hãy nhìn về chính mình từ "bên trong". Tội lỗi, trước khi phạm đến lề luật hay đến quy phạm luân lýù, thì đã phạm đến Thiên Chúa (x.Ps.50/51:6), phạm đến anh chị em và phạm đến chính mình rồi. Các con hãy đặt mình trước Chúa Kitô, Con duy nhất của Chúa Cha và là mô phạm cho tất cả mọi anh chị em. Chỉ có một mình Người mới tỏ cho chúng ta thấy mình phải là như thế nào trong mối liên hệ với Chúa Cha, với tha nhân, với xã hội, để chúng ta được sống an bình với chính bản thân mình. Người tỏ cho chúng ta thấy những điều này nhờ qua Tin Mừng, là chính Chúa Giêsu Kitô. Trung thành với Tin Mừng là mức đo lường lòng trung thành với Chúa Kitô, và ngược lại.

Các con hãy tin tưởng chạy đến với bí tích Thống Hối: bằng việc xưng thú tội lỗi mình, các con chứng tỏ các con nhìn nhận việc bất trung của mình và muốn chấm dứt việc bất trung này; bằng việc xưng thú tội lỗi, các con nhìn nhận rằng các con cần cải thiện và hòa giải để tìm lại an bình cùng sinh lực của việc làm con cái Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô; bằng việc xưng thú tội lỗi, các con còn nói lên sự liên đới với anh chị em mình là những người cũng đã bị tội lỗi thử thách (x. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1445).

Sau hết, các con hãy biết ơn lãnh nhận việc linh mục giải tội cho các con. Ðó là lúc Thiên Chúa Cha tuyên bố với tội nhân thống hối lời ban sự sống: "Con Ta đây nay đã hồi sinh!". Nguồn Mạch tình yêu tái sinh chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng vượt qua tính ích kỷ và trở về sống yêu thương với sức mạnh nhiều hơn.

6- "Các người phải kính mến Chúa là Thiên Chúa của các người hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn các người. Ðó là giới răn trọng nhất và là giới răn thứ nhất. Giới răn thứ hai cũng như giới răn thứ nhất: Các người phải yêu mến tha nhân như chính mình. Tất cả Lề Luật và các lời Tiên Tri đều hệ tại hai giới răn này" (Mt.22:37-40). Chúa Giêsu không nói rằng giới răn thứ hai là một với giới răn thứ nhất, mà là "như giới răn thứ nhất". Vậy hai giới răn này không thể hoán chuyển nhau, như thể chúng ta có thể tự động sống trọn giới răn kính mến Thiên Chúa chỉ bằng việc tuân giữ giới răn yêu mến tha nhân, hay ngược lại. Mỗi giới răn đều có nội dung riêng và cả hai đều phải được tuân giữ. Thế nhưng, Chúa Giêsu đặt hai giới răn này bên nhau để làm sáng tỏ cho mọi người thấy rằng, hai giới răn này có liên hệ chặt chẽ với nhau. Không thể nào thi hành giới răn này mà lại không giữ giới răn kia. "Việc hiệp nhất bất khả phân ly của chúng được Chúa Kitô chứng thực bằng lời Người nói và bằng chính đời sống của Người: sứ mệnh của Người đạt tới chóp đỉnh nơi Thập Giá để Cứu Chuộc chúng ta, một dấu hiệu của tình yêu bất phân chia đối với Chúa Cha và với nhân loại" (Thông Ðiệp Veritatis Splendor, đoạn 14).

Ðể biết chúng ta có thực sự yêu mến Thiên Chúa hay không, chúng ta phải xét xem chúng ta có nghiêm chỉnh yêu thương tha nhân hay không. Và nếu chúng ta muốn xem phẩm chất của tình chúng ta yêu thương tha nhân, chúng ta phải hỏi chính mình xem chúng ta có thực sự yêu mến Thiên Chúa không. Vì "ai không yêu mến anh em mà mình thấy được, thì không thể kính mến Thiên Chúa là Ðấng họ không trông thấy" (1Jn.4:20); và "căn cứ vào điều này mà chúng ta biết được rằng mình yêu mến những con cái của Thiên Chúa, đó là khi chúng ta kính mến Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn của Ngài" (1Jn.5:2).

Trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba, Cha đã khuyên khích người Kitô "hãy nhấn mạnh nhiều hơn đến việc Giáo Hội chọn ưu tiên phục vụ người nghèo và bị loại ra ngoài lề" (đoạn 51). Ðây là một chọn lựa dành ưu tiên, chứ không phải là một chọn lựa có tính cách loại trừ. Chúa Giêsu kêu mời chúng ta yêu mến người nghèo, vì họ cần được đặc biệt chú trọng, xét vì tính chất dễ bị tổn thương của họ. Như chúng ta rõ, họ càng ngày càng nhiều, cả tại những quốc gia giàu có, cho dù các sản vật của thế giới này là để cho mọi người đi nữa. Mọi trường hợp nghèo khổ đều là những thách đố cho đức bác ái của mỗi một người Kitô. Tuy nhiên, đức bác ái này cũng cần phải biến thành một việc dấn thân xã hội và chính trị, vì vấn đề nghèo khổ trên thế giới là những hoàn cảnh cụ thể cần được biến đổi bởi những kẻ xây dựng nền văn minh tình thương. Những hoàn cảnh cụ thể cần được cải tiến là "các cơ cấu của tội lỗi"; đây là những cơ cấu không thể nào khắc phục được, nếu không có sự cộng tác với nhau, trong việc sẳn sàng quên mình đi" để phục vụ tha nhân,thay vì khai thác họ, "phục vụ" tha nhân thay vì đàn áp họ (x.Thông Ðiệp Sollicitudo Rei Socialis, đoạn 38).

Các bạn trẻ thân mến, Cha đặc biệt mời gọi chúng con hãy có sáng kiến thực hiện những việc làm cụ thể của tình đoàn kết và chia sẻ, bên cạnh và cùng với những ai nghèo khổ nhất. Chúng con hãy quảng đại tham gia vào một vài dự án nào đó, những dự án mà trong các xứ sở khác nhau, đang có những người trẻ đồng thời các con dấn thân vào với tình huynh đệ và liên đới. Ðó sẽ là cách thức chúng con "trả lại cho Chúa" nơi những người nghèo khổ, ít ra một điều gì đó trong số những gì Chúa đã ban cho chúng con, những kẻ được may mắn hơn. Ðây có thể là một cách cụ thể liền ngay thực hiện sự lựa chọn căn bản hoàn toàn quy hướng đời mình về Thiên Chúa và tha nhân.

7- Mẹ Maria gồm tóm nơi con người Mẹ tất cả mầu nhiệm về Giáo Hội. Mẹ là "nữ tử đã được Thiên Chúa Cha chọn" (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 54); Mẹ đã tự do chấp nhận và sẵn sàng đáp lại Hồng Ân của Thiên Chúa. Là "nữ tử" của Thiên Chúa Cha, Mẹ đã xứng đáng trở nên Mẹ của Con Một Ngài: "Xin hãy thực hiện nơi tôi theo như lời ngài" (Lk.1:37). Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ là nữ tử hoàn hảo của Chúa Cha.

Trong tâm hồn Mẹ không có một ước muốn nào khác ngoài ước muốn nâng đỡ các người kitô dấn thân sống như những con cái Thiên Chúa. Là một người mẹ dịu dàng nhất, Mẹ liên lỉ dẫn họ đến với Chúa Giêsu, ngõ hầu, nhờ sống theo Chúa, họï biết làm phát triển mối liên hệ của họ với Chúa Cha trên trời. Như ở tại tiệc cưới Cana, Mẹ kêu gọi họ tuân theo những gì Chúa Giêsu bảo họ làm (x.Jn.2:5), vì Mẹ biết rằng đó mới là đường lối tiến về nhà của "Người Cha giầu lòng xót thương" (x.2Cor.1:3).

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 14, một ngày sẽ được cử hành trong năm nay tại các Giáo Hội địa phương, một Ngày quốc tế Giới Trẻ cuối cùng trước ngày hẹn trọng đại cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm. Vì thế, Ngày nầy có một tầm quan trọng đặc biệt trong việc sửa soạn cho Năm Thánh 2000. Cha cầu nguyện cho mỗi một người trong các con để Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 14 này được trở thành một cơ hội cho việc gặp gỡ mới mẻ giữa các con với Chúa sự sống cũng như với Giáo Hội của Người.

Cha phó thác cuộc hành trình của các con cho Mẹ Maria, và Cha xin Mẹ làm cho tâm hồn chúng con được biết sẵn sàng lãnh nhận ân sủng của Chúa Cha, để chúng con có thể trở nên những chứng nhân cho tình yêu của Ngài.

Với những tâm tình trên, cha nguyện chúc các con một năm dồi dào trong đức tin và trong việc dấn thân truyền bá phúc âm. Cha hết lòng ban phép lành cho tất cả các con.

Tại điện Vatican ngày 6 tháng 1 năm 1999, Lễ Chúa Hiển Linh.

Gioan Phaolô II.

(Sứ Ðiệp nầy được chuyển dịch ra tiếng Việt với sự hợp tác giữa:

Ðức Ông Nguyễn Văn Tài, dựa theo nguyên bản tiếng Ý

và Giáo Sư Cao Tấn Tĩnh, dựa theo bản tiếng Anh).



ĐỂ KẾT

Sinh Bởi Thần Linh: Gió Muốn Thổi Ðâu Thì Thổi

Nếu Thiên Chúa là Cha ở trên trời,

và Chúa Con là Thiên Chúa ở giữa nhân loại chúng ta,

thì Chúa Thánh Thần là

Thiên Chúa ở trong mỗi người chúng ta.

Nếu Thiên Chúa yêu thế gian đến ban Con Một Mình

thì tình yêu Ngài tuôn đổ vào lòng mỗi người chúng ta

nhờ Thánh Thần Ngài đã ban cho chúng ta

là để chúng ta có thể nhận biết và mến yêu Thiên Chúa

như Ngài đã tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu Kitô.

Nếu Thánh Thần là Thần Chân Lý,

Ðấng dẫn những ai tin Chúa Kitô vào tất cả sự thật,

thì được sinh bởi Thần Linh

là được nên một như Cha trong Con và Con trong Cha.


"THIÊN CHÚA LÀ CHA": TOÀN NĂNG VÀ TOÀN THIỆN

"Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn.4:24), Ðấng được Chúa Giêsu "hằng ở nơi Cha tỏ ra" (Jn.1:18) cho chung con người cũng như cho riêng thành phần thuộc về Người, hiện thân nơi các môn đệ đang có mặt bấy giờ, biết rằng Ngài là "Cha các con trên trời" (x.Mt.5:45,48; 23:9), và dạy phải cầu nguyện cùng Ngài là "Lạy Cha chúng con ở trên trời" (Mt.6:9).

Nói đến Thiên Chúa, đến Thượng Ðế, đến một Ðấng Tối Cao, con người tạo vật vốn hướng về vô biên, lại bị gò bó bất lực trong giới hạn không gian và thời gian, dù không được mạc khải, vẫn tin rằng Ngài phải là một Vị Thần Linh Toàn Năng, tức một Vị Thần Linh có thể giải cứu họ thoát khỏi mọi bất hạnh ở đời này. Thế nhưng, nếu Thiên Chúa chỉ là một Vị Thần Linh Toàn Năng không mà thôi, thì bất cứ quyền lực nào có thể giải cứu con người thoát khỏi mọi bất hạnh hay khỏi bất cứ một khốn khó nào ở đời này, thì đều được họ tôn sùng là Thiên Chúa của họ. Nếu thế thì Vị Thần Linh Toàn Năng ấy sẽ có thể là tất cả mọi sự, như thần mưa, thần gió, thần âm, thần dương v.v. ngày xưa, hay thần duy lý, thần khoa học, thần kỹ thuật, thần nhân bản v.v. ngày nay, các loại thần tượng do con người tạo ra, chẳng khác gì như con bò được dân Do Thái đúc bằng vàng dựng lên trong sa mạc để sùng bái: "Israel ơi, đây là Thiên Chúa của các người, Ðấng đã mang các người ra khỏi Ai Cập" (x.Ex.32:4).

Chính vì thế Thiên Chúa mới cần tỏ mình ra cho con người biết bản tính của Ngài. Qua các kỳ công vô cùng tuyệt diệu và vĩ đại trong vũ trụ vượt quá tầm hiểu biết và tưởng tượng cũng như khám phá của con người, theo lý luận tự nhiên và như mọi người có lương tâm lành mạnh, Kitô giáo đã dễ dàng tin nhận Thiên Chúa là một Vị Thần Linh vô cùng Toàn Năng và Thượng Trí. Tuy nhiên, dựa vào Mạc Khải Thần Linh được Thánh Kinh lưu truyền lại, Kitô giáo còn tin Vị Thần Linh vô cùng Toàn Năng và Thượng Trí này cũng là và phải là Vị Thần Linh Toàn Thiện nữa, như họ vẫn chân nhận và tuyên xưng ở ngay câu đầu tiên trong Kinh Tin Kính của họ: "Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng".

Ðúng thế, Kitô giáo đặt niềm tin của mình vào thực tại Thiên Chúa là Ðấng Toàn Thiện trước thực tại Thiên Chúa là Ðấng Toàn Năng. Sự thật này đã hết sức sáng tỏ ngay trong câu tuyên xưng mở đầu của họ. Ở chỗ, danh xưng "Cha" đã nói lên Thiên Chúa của niềm tin Kitô giáo là một Vị Thần Linh Toàn Thiện, và tĩnh từ "toàn năng" đi kèm với danh xưng "Cha" đây nói lên phẩm tính hay thần lực của Vị Thiên Chúa Toàn Thiện được gọi "là Cha" đó.

Như thế, theo niềm tin Kitô giáo, qua câu tuyên xưng mở đầu Kinh Tin Kính này của họ, thì Thiên Chúa chính thực, theo bản tính của mình, phải là một Vị Thần Linh Toàn Thiện trước khi Ngài tỏ mình ra là một Vị Thần Linh Toàn Năng. Tức là, bất cứ việc gì Thiên Chúa của niềm tin Kitô giáo thực hiện để tỏ mình ra, như Kinh Tin Kính của họ ngay sau đó liệt kê: "dựng nên trời đất", "nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người", hay "dùng các tiên tri mà phán dạy" v.v., tất cả và từng việc đều được phát xuất từ bản tính Toàn Thiện của Vị "Thiên Chúa là Cha" này. Nói tóm lại, vì "là Cha", là một Thiên Chúa Toàn Thiện, Thiên Chúa đã dựng nên con người, đã cứu chuộc con người và thánh hóa con người. Như thế, Thiên Chúa của Kitô giáo, trước hết và trên hết, là một Thiên Chúa Toàn Thiện, một "Thiên Chúa là Cha".


"THIÊN CHÚA LÀ CHA": HẠ SINH CON NGƯỜI BỞI NƯỚC

"Thiên Chúa là Cha" đây là gì, nếu không phải, về ý nghĩa, nói lên yêu thương và sự sống, và về tác động, nói lên việc sinh thành và dưỡng dục thần linh. Trước hết, danh xưng "Thiên Chúa là Cha" của niềm tin Kitô giáo tuyên xưng nói lên ý nghĩa yêu thương và sự sống, đúng như mạc khải thần linh được ghi nhận trong Thánh Kinh Tân Ước: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để ai tin Con sẽ không phải chết nhưng được sự sống đời đời" (Jn.3:16). Sau nữa, danh xưng "Thiên Chúa là Cha" của niềm tin Kitô giáo tuyên xưng nói lên việc sinh thành dưỡng dục thần linh. Thiên Chúa sinh thành con cái loài người, ở chỗ "Ngài ban cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa" (Jn.1:12), và Thiên Chúa dưỡng dục con cái loài người mà Ngài đã thừa nhận làm con (xem Rm.8:15; Gal.4:5), ở chỗ Ngài làm cho họ "đạt đến tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô là đầu" (Eph.4:15).

Thế nhưng, để có thể "trở nên con cái Thiên Chúa", tức được "Thiên Chúa là Cha" sinh ra hay được Ngài thừa nhận là con cái của Ngài cũng vậy, con người cần phải nhận biết "Lời đã hóa thành nhục thể" (Jn.1:14) là Ðức Giêsu Kitô: "Người (Lời) đã đến với dân riêng của mình, song dân riêng của Người không chấp nhận Người. Bất cứ ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa" (Jn.1:11-12). Mà càng "chấp nhận" Ðức Giêsu Kitô, tức càng đi sâu vào Ðức Giêsu Kitô, càng thấu nhập vào Người, con cái Thiên Chúa sẽ càng trưởng thành, càng lớn lên trong đời sống thần linh: "Chính Người (Ðức Kitô) là Ðấng đã cắt đặt các vị tông đồ, các vị tiên tri, các vị truyền bá phúc âm, các vị chủ chăn và các vị giảng dạy để phục vụ tín hữu trong việc xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho tới khi chúng ta nên một trong đức tin và trong nhận thức về Con Thiên Chúa mà thành nên mộït con người hoàn hảo là Ðức Kitô tầm vóc vẹn toàn" (Eph.4:13).

Tuy nhiên, để con người "thuộc hạ giới" (Jn.8:23) có thể nhận biết hay "chấp nhận" Ðức Giêsu Kitô, nhờ đó họ "được ban quyền trở nên con cái Thiên Chúa", và cũng nhờ "nhận thức về Con Thiên Chúa mà thành nên mộït con người hoàn hảo là Ðức Kitô tầm vóc vẹn toàn", "Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn.4:24) cần phải tỏ mình (mạc khải) cho họ biết Ngài là ai và như thế nào, bằng không, "cái gì sinh bởi xác thịt là xác thịt" (Jn.3:6), con người chỉ nhận biết và chấp nhận ngẫu tượng họ nghĩ ra mà thôi, tức tôn sùng con bò vàng cố hữu của họ thay vì Ngài.

Vậy nếu "Thiên Chúa là Thần Linh" cần phải tỏ mình ra cho con người "thuộc hạ giới" biết Ngài là ai và như thế nào, như Ngài đã tỏ mình cho dân Do Thái biết qua lịch sử thần linh của họ, để con người có thể nhận biết và chấp nhận Ngài đích thực như Ngài đã mạc khải cho Moisen "Ta là Ðấng hiện hữu" (Ex.3:14), "ngoài ra không có Chúa nào khác" (Deut 4:35), thì khi "Thiên Chúa là Thần Linh" tỏ mình cho con người là chính lúc Ngài sinh ra con người vào đời sống thần linh, tức là lúc Ngài cho con người được thông dự vào kiến thức thần linh của Ngài, hay là lúc Ngài cho con người biết Ngài như Ngài biết mình. Ðể rồi, cũng chính lúc con người nhận biết Thiên Chúa như thế, qua mạc khải của Ngài và như mạc khải của Ngài, là lúc con người "được hạ sinh từ trên cao" (Jn.3:3), tức được hạ sinh "vào nước Thiên Chúa" (Jn.3:5), được hạ sinh để sống "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Ðấng Cha sai là Ðức Giêsu Kitô" (Jn.17:3).

Ðúng thế, theo dự án cứu rỗi của mình, "Thiên Chúa là Thần Linh" đã tỏ mình ra từ từ, cho tới "thời kỳ sau hết này, Ngài đã nói với chúng ta qua Con của Ngài" (Heb.1:2). Tức "Thiên Chúa là Thần Linh" đã tỏ mình cho con người "thuộc hạ giới" biết Ngài là ai và như thế nào, một cách tỏ tường và toàn vẹn nhất, qua Con của Ngài, đến nỗi, như chính Con Ngài đã tuyên bố với dân Do Thái: "Tôi và Cha Tôi là một" (Jn.10:30), và khẳng định với các môn đệ: "Ai thấy Thày là thấy Cha" (Jn.14:9). Như thế, Thánh Kinh Tân Ước chẳng những đã xác tín rất đúng về Ðức Giêsu Kitô "là hình ảnh Thiên Chúa vô hình" (Col.1:15), "là phản ảnh vinh quang Cha, là hiện thân đích thực của hữu thể Cha" (Heb.1:3), Thánh Kinh Tân Ước còn xác quyết Ðức Giêsu Kitô là chính "sự sống đời đời hằng ở nơi Cha đã tỏ hiện cho chúng ta" (1Jn 1:2). Nếu "sự sống đời đời hằng ở nơi Cha" đây là Ðức Giêsu Kitô, mà Ðức Giêsu Kitô lại "là phản ảnh vinh quang Cha", thì "sự sống đời đời hằng ở nơi Cha" đây chính là "tất cả sự thật" (Jn.16:13) hằng ở nơi Thiên Chúa.

Thật vậy, Ðức Giêsu Kitô chính là "tất cả sự thật" hằng ở nơi Thiên Chúa, được Phúc Âm của thánh ký Gioan diễn tả là "Lời hằng ở nơi Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa" (Jn.1:1), và cũng được chính Lời nhập thể xác nhận với các môn đệ của Người: "Tất cả mọi sự Cha có đều thuộc về Thày" (Jn.16:15). Tóm lại, qủa thật "Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời và sự sống này ở nơi Con Ngài. Ai có Con là có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống" (1Jn.5:11-12).


"THIÊN CHÚA LÀ CHA": HẠ SINH CON NGƯỜI BỞI THẦN LINH

Thế nhưng, để con người "thuộc hạ giới" (Jn.8:23) có thể nhận biết hay "chấp nhận" Ðức Giêsu Kitô, nhờ đó họ "được ban quyền trở nên con cái Thiên Chúa", và cũng nhờ "nhận thức về Con Thiên Chúa mà thành nên mộït con người hoàn hảo là Ðức Kitô tầm vóc vẹn toàn", "Thiên Chúa là Thần Linh" chẳng những phải tỏ mình ra qua Con Ngài và nơi Con Ngài, Ngài còn phải ban Thánh Thần của Ngài cho con người nữa; bằng không, dù không sùng bái ngẫu tượng, con người vẫn dễ bị lôi cuốn chạy theo tên "phản Kitô" (2Jn.7), thành phần "không công nhận Ðức Giêsu Kitô đến trong xác thể" (2Jn.7), tức nếu không có "Thần Linh thấu suốt mọi sự" (1Cor.2:10), con người sẽ có thể chấp nhận một Ðức Giêsu Kitô giả tạo, không phải bởi Thiên Chúa, mà hậu qủa là "ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống".

Ðó là lý do Chúa Kitô đã báo cho các môn đệ biết rằng: "Cha sẽ nhân danh Thày sai Ðấng An Ủi là Thánh Thần đến dẫn dụ các con trong mọi sự" (Jn.14:26). Còn Chúa Thánh Thần, cũng theo lời Chúa Kitô, "là Thần Chân Lý, khi đến, Ngài sẽ dẫn các con vào tất cả sự thật" (Jn.16:13), tức Chúa Thánh Thần, như Chúa Kitô diễn tả, "sẽ truyền đạt cho các con điều Ngài lãnh nhận từ Thày" (Jn.16:14), để làm cho các môn đệ Chúa Kitô càng ngày càng thấu nhập Người hơn, càng đầy Người hơn, càng giống Người hơn, cho đến khi Chúa Kitô hoàn toàn đạt đến tầm vóc hoàn hảo của Người nơi họ. Tầm vóc hoàn hảo của Chúa Kitô đây chính là "tất cả sự thật" nơi Thiên Chúa, "tất cả sự thật" Thiên Chúa muốn mạc khải cho con người qua Ðức Giêsu Kitô nhờ Thánh Thần của Ngài. Thánh ký Gioan đã tóm gọn thực tại Ba Ngôi hiệp thông và truyền thông Sự Sống Thần Linh của mình này như sau: "Tất cả mọi sự Cha có đều thuộc về Thày. Ðó là lý do tại sao Thày nói Ngài sẽ truyền đạt cho các con điều Ngài lấy từ Thày" (Jn.16:15).

Như thế, "Thiên Chúa là Cha" chẳng những hạ sinh con người trong Ðức Giêsu Kitô mà còn nhờ Thánh Thần của Ngài nữa. Và Kitô hữu được hạ sinh vào Sự Sống Thần Linh, "hạ sinh bởi trên cao", chẳng những "bởi nước" (Lời) mà còn "bởi Thần Linh" nữa (x.Jn.3:5). Thế nhưng, nếu Thánh Thần đã là tác nhân trong việc Mẹ Maria hạ sinh Con Ðấng Tối Cao thế nào, Ngài cũng là nguyên lý tác sinh Kitô hữu vào Sự Sống Ðời Ðời là Con Thiên Chúa như vậy: "Gió muốn thổi đâu thì thổi", Ðấng mà Kitô hữu phải dễ dậy chiều theo tác động của Ngài mà không cần biết "gió từ đâu đến và sẽ đi đâu" (Jn.3:8): "Tất cả những ai được Thần Linh Thiên Chúa dẫn dắt đều là con cái Thiên Chúa", thành phần "nhận lãnh thần trí thừa nhận để nhờ đó chúng ta kêu lên 'Abba' (tức 'lạy Cha')... mà đã là con cái, chúng ta cũng là thành phần thừa tự của Thiên Chúa, thừa tự với Ðức Kitô" (Rm.8:14,15,17).

Nếu con người được "Thiên Chúa là Cha" sinh hạ vào Sự Sống Thần Linh của Ngài trong Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô, tức bằng cách tỏ cho họ biết Con, thì không còn ai hơn "những con trẻ bé mọn nhất" được ban cho đặc ân này (x.Mt.11:25-27): "Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng (trẻ nhỏ)" (Mt.19:14) là thế.

Và nếu con người cũng được "Thiên Chúa là Cha" chẳng những sinh hạ mà còn dưỡng dục làm họ lớn lên cho đến khi "được sống và sống viên mãn hơn" (Jn.10:10), bằng cách "tuôn đổ vào lòng (họ) nhờ Thánh Thần là Ðấng được ban cho (họ)" (Rm.5:5), thì còn ai hơn thành phần "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" là thành phần "cao trọng nhất trong Nước Thiên Chúa" (Mt.18:4), thành phần thấu hiểu Chúa Kitô, đầy Chúa Kitô nhất, như Ðệ Nhất Hồn Nhỏ "đầy ơn phúc" (Lk.1:28) Maria.

Phải, nếu không có Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria không thể nào thụ thai và hạ sinh Con Ðấng Tối Cao là Ðức Giêsu Kitô thế nào (xem Luca 1:35), thành phần Các Hồn Nhỏ này cũng không thể nào thấu hiểu Chúa Kitô và tràn đầy Chúa Kitô như vậy, để có thể trở thành "kẻ cao trọng nhất trong Nước Thiên Chúa". Các Hồn Nhỏ thật sự là thành phần "được sinh bởi Thần Linh", bởi vì, thành phần này là thành phần "nghe được tiếng gió" không cần "biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu" (Jn.3:8), nghĩa là hoàn toàn đơn thành dễ dạy, ngây thơ trong trắng, nghèo khó tinh thần, đói khát thần linh, tin yêu phó thác, do đó, họ mới được "Thần Chân Lý ... dẫn vào tất cả sự thật" (Jn.16:13), nghĩa là được Thần Linh làm cho họ "có thể cùng với các thánh hoàn toàn thấu hiểu chiều rộng, chiều dài, chiều cao và chiều sâu của tình yêu Chúa Kitô, cũng như cảm nghiệm được tình yêu này vượt trên tất cả mọi hiểu biết, để đạt đến tầm vóc viên trọn của chính Thiên Chúa" (Eph.3:18-19).


Nhờ Mẹ Maria Ðầy Ơn Phúc 'Ngợi Khen' Chúa Thánh Thần,

Ðấng đã khơi động con thực hiện cuốn sách này.

Tổng Giáo Phận Los Angeles, Chúa Nhật Phục Sinh, 12/04/1998

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.