PHẦN MỘT: MẠCH NƯỚC

1-"Tôi Tin Kính Chúa Thánh Thần"

Trong loạt bài suy niệm của chúng ta về Kinh Tin Kính của Các Thánh Tông Ðồ, đến đây, từ những tín điều về Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người vì phần rỗi chúng ta, chúng ta tiến sang phần tín điều về Chúa Thánh Thần mà đức tin của chúng ta tuyên xưng. Chu kỳ Kitô học được tiếp nối bởi chu kỳ được gọi là thánh linh học. Kinh Tin Kính của Các Thánh Tông Ðồ đã diễn tả tín điều này một cách gọn đủ bằng những lời này: "Tôi tin kính Chúa Thánh Thần".

Kinh Tin Kính của Công Ðồng Chung Nicea và Contantinopoli khai triển tín điều này dài hơn: "Tôi tin kính Chúa Thánh Thần là Chúa và là Ðấng ban sự sống, Ðấng nhiệm xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con. Ngài cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con. Ngài đã phán dạy qua các vị tiên tri". Kinh tin kính, một bản tuyên xưng đức tin được giáo hội hình thành, đưa chúng ta trở về với các nguồn thánh kinh, nơi mà Chúa Thánh Thần được trình bày liên quan với mạc khải của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh linh học của Giáo Hội được dựa trên Sách Thánh, nhất là Tân Ước, mặc dầu Cựu Ước có bao gồm Tân Ước cách nào đó.

Nguồn thứ nhất chúng ta cần trở về là bài từ giã của Chúa Kitô nói với các môn đệ của Người vào ngày trước cuộc khổ nạn và tử giá của Người trong Phúc Âm thánh Gioan. Chúa Giêsu nói về việc Chúa Thánh Thần đến liên quan tới việc "ra đi" của Người, bằng việc loan báo Thần Linh đến (hay xuống) trên các thánh tông đồ: "Thày bảo thật các con biết, Thày đi thì có lợi cho các con, vì nếu Thày không đi, Ðấng Dẫn Dụ sẽ không đến với các con; song nếu Thày đi, Thày sẽ sai Ngài đến với các con" (Jn.16:7).

Nội dung của đoạn văn này có vẻ mâu thuẫn. Chúa Giêsu, Ðấng nhấn mạnh là "Thày bảo thật cho các con biết", cho rằng việc "ra đi" của Người (tức là cuộc tử nạn và tử giá của Người) là một mối lợi: "có lợi cho các con...". Tuy nhiên, ngay sau đó Người đã giải nghĩa giá trị cái chết của Người ở chỗ nào. Ở chỗ, chính nhờ cái chết cứu độ là điều kiện hoàn tất dự án cứu độ của Thiên Chúa, một cái chết sẽ được tôn vinh bằng việc Chúa Thánh Thần đến. Bởi thế, cái chết của Người chính là điều kiện cho tất cả những gì, do việc Chúa Thánh Thần đến, gặt hái được cho các tông đồ cũng như cho Giáo Hội sau này, nhờ đó, con người sẽ lãnh nhận một sự sống mới bởi tiếp nhận Thần Linh. Việc Thần Linh đến và tất cả những gì từ việc Ngài đến mà có trên thế giới này đều là hoa trái cứu độ của Chúa Kitô.

Nếu việc ra đi của Chúa Giêsu xẩy ra qua cái chết của Người trên thập giá thì người ta có thể hiểu được tại sao thánh ký Gioan đã thấy được nơi cái chết này quyền năng và vinh hiển của đấng bị đóng đanh. Tuy nhiên, những lời của Chúa Giêsu cũng ám chỉ cả việc lên cùng Cha là một cuộc vĩnh viễn ra đi của Người nữa (x.Jn.16:10), như chúng ta đọc thấy trong sách Tông Ðồ Công Vụ: "Ðược tôn vinh bên hữu Thiên Chúa, trước hết Người lãnh nhận từ nơi Cha lời hứa ban Chúa Thánh Thần" (2:33).

Việc Chúa Thánh Thần hiện xuống đã xẩy ra sau khi Chúa Giêsu thăng thiên. Chính vào lúc bấy giờ cuộc tử nạn và cái chết cứu độ của Người mới sinh hoa kết trái trọn vẹn. Chúa Giêsu Kitô là Con Người, vào lúc tột đỉnh sứ vụ thiên sai của mình, đã nhận lãnh đầy Thánh Thần từ Chúa Cha, ở một mức độ Thần Linh này được tràn ban cho các tông đồ cũng như cho Giáo Hội qua mọi thế hệ. Chúa Giêsu đã nói trước: "Khi được treo lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên cùng Tôi" (Jn.12:32). Ðiều này minh xác tính cách phổ quát của ơn cứu độ, cả về ý nghĩa vươn dài của ơn cứu độ dành cho tất cả nhân loại, lẫn ý nghĩa bao hàm tất cả ân sủng được hiến ban cho thành phần được cứu rỗi. Tuy nhiên, ơn cứu độ phổ quát này phải được hoàn thành bởi Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần là Ðấng đến như kết qủa của việc Chúa Kitô ra đi và bởi việc Chúa Kitô ra đi. Những lời của thánh Gioan đoạn 16 câu 7 đã nói lên mối liên hệ có căn cơ này. Thần Linh được sai đến bởi việc Chúa Kitô hiệu thành ơn cứu chuộc: "Nếu Thày đi, Thày sẽ sai Ngài đến với các con" (x. Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem về Chúa Thánh Thần cũng của Ðức Thánh Cha, đoạn 8). Thật thế, "theo dự án thần linh, 'việc ra đi' của Chúa Kitô phải là một điều kiện không thể châm chước cho 'việc sai đến' và hiện đến của Chúa Thánh Thần, song những lời này cũng có ý nói rằng cái mà giờ đây bắt đầu là việc tự hiến ban một ơn cứu độ mới của Thiên Chúa trong Thánh Thần" (cùng nguồn trích dẫn trên, đoạn 11).

Qua việc mình bị "treo lên" trên thập giá, Chúa Giêsu Kitô sẽ "kéo mọi người lên cùng Người" (x.Jn.12:32). Theo ý nghĩa của những lời Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly này, chúng ta hiểu rằng việc "lôi kéo" này được đạt thành nhờ Chúa Kitô vinh hiển bằng việc Người sai Chúa Thánh Linh đến. Chính vì lý do này mà Người phải ra đi. Mầu nhiệm Nhập Thể đạt được hiệu qủa cứu độ của mình nhờ Chúa Thánh Thần. Bằng việc ra đi khỏi thế gian này, Chúa Kitô chẳng những bỏ lại sứ điệp cứu độ của mình, mà còn ban tặng Chúa Thánh Thần nữa, và như thế là công hiệu của sứ điệp và của ơn cứu độ được gắn liền với nhau trong tất cả tầm vóc viên trọn của mình.

Như được Chúa Giêsu đặc biệt nói đến trong bài Người từ biệt các tông đồ ở nhà tiệc ly, Chúa Thánh Thần hiển nhiên là một Ngôi Vị khác hẳn với chính Người: "Thày sẽ xin Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Ðấng Dẫn Dụ khác" (Jn.14:6). "Thế nhưng, Ðấng Dẫn Dụ là Thánh Thần, Ðấng mà Cha nhân danh Thày sai đến sẽ dạy các con mọi sự và sẽ làm cho các con nhớ lại tất cả những gì Thày đã nói với các con" (Jn.14:26). Khi nói về Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu thường dùng đại danh từ riêng "Ngài". "Ngài sẽ làm chứng cho Thày" (Jn.15:26). "Ngài sẽ làm cho thế gian nhận ra tội lỗi" (Jn.16:8). "Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ hướng dẫn các con vào tất cả sự thật" (Jn.16:13). "Ngài sẽ tôn vinh Thày" (Jn.16:14). Từ những đoạn văn này, Chúa Thánh Thần rõ ràng là một Ngôi Vị, chứ không phải chỉ là một quyền lực tự nhiên phát xuất từ Chúa Kitô (như nơi Phúc Âm thánh Luca đoạn 6 câu 19: "Quyền năng phát ra từ Người..."). Là một Ngôi Vị, Chúa Thánh Thần có hoạt động riêng theo tính cách cá biệt của mình. Khi nói về Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu nói với các tông đồ rằng: "Các con biết Ngài, vì Ngài ở với các con và sẽ ở trong các con" (Jn.14:17). "Ngài sẽ dạy các con mọi sự, và sẽ làm cho các con nhớ lại tất cả những gì Thày đã nói với các con" (Jn.14:26). "Ngài sẽ làm chứng cho Thày" (Jn.15:26). "Ngài sẽ dẫn các con vào tất cả sự thật. Ngài sẽ nói những gì Ngài nghe" (Jn.16:13). Ngài "sẽ tôn vinh" Chúa Kitô (x.Jn.16:14) và "Ngài sẽ làm cho thế giới nhận thức tội lỗi" Jn.16:8). Phần mình, thánh Tông Ðồ Phaolô cho biết là Thần Linh "kêu lên trong tâm can của chúng ta" (Gal.4:6), "Ngài phân phối" các tặng ân của Ngài "cho mỗi một người như Ngài muốn" (1Cor.12:11), "Ngài chuyển cầu cho tất cả các thánh" (Rm.8:27).

Như thế, Thánh Thần, theo mạc khải của Chúa Giêsu, là một cá thể (Ngôi Ba trong Ba Ngôi) với sinh hoạt riêng của Ngài. Tuy nhiên, cũng trong cùng bài từ biệt này, Chúa Giêsu đã tỏ cho thấy những liên hệ nối kết ngôi vị của Chúa Thánh Thần với Chúa Cha và Chúa Con. Người loan báo việc Chúa Thánh Thần hiện xuống như một mạc khải cuối cùng về Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi Tam Vị.

Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: "Thày sẽ cầu xin Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Ðấng Dẫn Dụ khác" (Jn.14:6), "Thần Chân Lý nhiệm xuất từ Cha" (Jn.15:26), "Ðấng Cha sẽ sai đến nhân danh Thày" (Jn.14:26). Thế nên, Chúa Thánh Thần là một Ngôi Vị khác hẳn với Chúa Cha và Chúa Con, đồng thời lại hiệp nhất thân mật với Chúa Cha và Chúa Con. "Ngài nhiệm xuất" từ Chúa Cha, Chúa Cha "sai" Ngài đến nhân danh Chúa Con, một việc, xét về ơn cứu chuộc, được hiệu thành bởi Chúa Con tự hiến mình trên thập giá. Bởi thế, Chúa Giêsu phán: "Nếu Thày đi, Thày sẽ sai Ngài đến với các con" (Jn.16:7). "Thần Chân Lý nhiệm xuất từ Cha" được Chúa Kitô loan báo như một Ðấng Dẫn Dụ, Ðấng "Thày sẽ từ Cha sai đến cùng các con" (Jn.15:26).

Bản văn của thánh Gioan kể lại bài diễn từ của Chúa Giêsu nơi nhà tiệc ly chứa đựng mạc khải tỏ ra tác động cứu độ của Thiên Chúa như là một Thiên Chúa Ba Ngôi. Tôi đã viết trong thông điệp Dominum et Vivificantem: "Chúa Thánh Thần, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con theo thần tính, là tình yêu và là tặng ân tự tại (uncreated gift) mà từ đó, như từ một nguồn mạch, mới có tất cả mọi ban phát tặng ân liên quan đến các thụ tạo (created gifts): như tặng ân ban cho tất cả mọi sự được hiện hữu nhờ việc tạo dựng; tặng ân ban cho con ngưòi được sủng ái nhờ toàn bộ công cuộc cứu chuộc" (đoạn 10).

Chúa Thánh Thần mạc khải cho thấy thâm cung của thần tính: đó là mầu nhiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi với các Ngôi Vị thần linh sinh tồn song lại là các Ngôi Vị tỏ mình ra cho nhân loại để họ được sự sống và ơn cứu độ. Thánh Phaolô nói về điều này trong Bức Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Côrintô thế này: "Thần Linh dò thấu mọi sự, ngay cả thâm cung của Thiên Chúa" (2:10).

(Bài Giáo Lý thứ 1 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 26-4-1989, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)


2-Chúa Thánh Thần Theo Kinh Tin Kính

“Tôi tin kính Chúa Thánh Thần là Chúa và là Đấng Ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con; Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”. Bằng những lời này, Kinh Tin Kính Công Đồng Chung Nicêa-Contantinôpôli xác định niềm tin của Giáo Hội về Chúa Thánh Thần, Đấng được công nhận là Thiên Chúa thật cùng với Chúa Cha và Chúa Con, trong sự hiệp nhất ba ngôi nơi Thiên Chúa. Đây là một tín điều đức tin được Công Đồng Chung Contantinôpôli Thứ Nhất (381) phác họa, căn cứ trên bản tuyên xưng trước đó, để hoàn tất Kinh Tin Kính Nicêa (325).  

      

Đức tin của Giáo Hội này được liên tục lập lại trong phụng vụ, một việc lập lại không phải chỉ để tuyên xưng mà còn để chứng tỏ đức tin. Việc này, chẳng hạn, đã thể hiện nơi mẫu tuyên ngôn ba ngôi vẫn được dùng để kết thúc các kinh nguyện phụng vụ: “Sáng danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Cũng thế, việc này còn ở nơi các câu nguyện chuyển cầu cùng Chúa Cha: “nhờ Đức Kitô Chúa chúng con, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời”.


Bài ca “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” cũng có một kết cấu ba ngôi. Bài ca này giúp chúng ta cử hành vinh quang của Thiên Chúa và của Chúa Con cùng với Chúa Thánh Thần: “Chỉ có Chúa là Đấng Tối Cao, cùng với Chúa Thánh Thần trong vinh quang của Thiên Chúa Cha”.


Đức tin của Giáo Hội này được bắt nguồn và căn cứ vào mạc khải. Thiên Chúa cuối cùng đã tỏ chính mình ra là Cha nơi Chúa Giêsu Kitô, Người Con đồng bản thể, Đấng nhờ công việc của Chúa Thánh Thần đã làm người và được hạ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Nhờ Chúa Con Chúa Thánh Thần cũng đã được mạc khải. Thiên Chúa duy nhất đã mạc khải mình là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Lời cuối cùng của Chúa Con được Cha sai đến trần gian là một huấn dụ truyền các tông đồ đi “để giảng dạy các dân tộc, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt.28:19). Chúng ta đã nghe nơi các bài giáo lý trước đây những dẫn chứng mạc khải liên quan đến Chúa Thánh Thần cũng như đến Ba Ngôi theo giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô.


Chúng ta cũng thấy rằng Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải Chúa Thánh Thần khi Người đang thi hành sứ vụ thiên sai của Người. Người đã tuyên bố rằng Người làm việc “với quyền phép của Chúa Thánh Thần” (chẳng hạn trong trường hợp Người khử trừ ma qủi, xem Mathêu 12:28). Nhưng người ta cũng có thể nói rằng mạc khải này được tập trung và tóm gọn vào lúc kết thúc sứ vụ của Người, bằng việc Người loan báo Người trở về cùng Cha. Sau khi Chúa Giêsu ra đi, Chúa Thánh Thần sẽ đến như “một Đấng An ủi khác”. Đó chính là Ngài, là “Thần chân lý”, Đấng sẽ hướng dẫn các tông đồ và Giáo Hội qua giòng lịch sử: “Thày sẽ xin Cha và Cha sẽ ban cho các con một Đấng An ủi khác để mãi ở với các con, Ngài là Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể nào chấp nhận, vì họ không thấy cũng chẳng biết Ngài” (Jn.14:16-17). Ngài là Đấng sẽ từ Cha mà đến nhân danh Đức Kitô, “sẽ dạy các con mọi sự và sẽ nhắc cho các con tất cả những gì Thày đã truyền dạy các con” (Jn.14:26). Cũng thế, “khi Ngài đến, Ngài sẽ làm cho thế gian nhận thức được những gì liên quan đến tội lỗi, đến sự sông chính và đến việc luận phạt” (Jn.16:8). Đây là một lời hứa. Người ta cũng có thể nói, đây là một ước hẹn, cùng với đức ái và Thánh Thể, Chúa Giêsu để lại cho thành phần thuộc về Người trong Bữa Tiệc Ly.


Sau cuộc tử nạn, phục sinh và thăng thiên của Chúa Kitô, biến cố Hiện Xuống là việc hoàn thành lời loan báo của Người cho các tông đồ và cũng là khởi đầu cho hoạt động của Người nơi các thế hệ lai thời, vì Chúa Thánh Thần “vĩnh viễn” (Jn.14:16) ở lại với Giáo Hội. Chúng ta đã nói nhiều về điều này ở những bài giáo lý trước đây.


Câu truyện khởi sự về nguồn gốc của Giáo Hội được sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại cho chúng ta thấy rằng các tông đồ “được đầy Thánh Thần” và “hiên ngang công bố lời của Thiên Chúa” (Acts 2:4;4:31). Nó cũng cho chúng ta biết rằng từ thời các tông đồ “thế gian” đã chống lại hoạt động không những của các tông đồ mà còn cả của Đấng tác hành vô hình đang hoạt động qua các vị nữa, như lời các vị tố giác những kẻ bắt bớ mình: “Các người luôn luôn chống lại Thánh Thần” (Acts 7:51). Hiện tượng này cũng xẩy ra cả ở những thời kỳ sau đó. Việc chống lại Thánh Thần này có thể tiến đến chỗ phạm một tội đặc biệt được gọi là tội “lộng ngôn phạm đến Thánh Thần”. Chính Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng đây là tội sẽ không được thứ tha (x.Mt.12:31; Lk.12:10).


Như Chúa Giêsu tiên báo và đoan hứa, Chúa Thánh Thần đã là một Đấng ban phát tất cả những tặng ân thần linh trong Giáo Hội ngay từ ban đầu và cứ tiếp tục như thế trong Giáo Hội qua mọi thời (Dator munerum, như chúng ta vẫn gọi Ngài trong Ca Tiếp Liên Lễ Hiện Xuống). Ngài là Đấng hướng dẫn cho cả những tặng ân nhắm đến việc trực tiếp thánh hóa cá nhân lẫn những tặng ân được ban cho một số người vì lợi ích của nhau (như trường hợp của một ít đặc sủng). “Thế nhưng, cùng một Thần Linh làm phát sinh tất cả những tặng ân này, phân phối chúng riêng cho từng người như Ngài muốn” (1Cor.12:11). Ngay cả “những tặng ân về phẩm trật”, như chúng ta có thể cùng với Công Đồng Chung Vaticanô II (Hiến Chế LumenGentium, đoạn 4) gọi như vậy, những tặng ân không thể thiếu trong việc hướng dẫn Giáo Hội, cũng từ Ngài mà có (x.Acts 20:28).


Căn cứ vào mạc khải của Chúa Giêsu được truyền đạt cho các tông đồ, tin tin kính tuyên xưng đức tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng được nhận là “Chúa”, như Lời mặc lấy xác thể là Chúa: “Chỉ có Chúa là Chúa... cùng với Chúa Thánh Thần”.  Kinh tin kính còn thêm Chúa Thánh Thần ban sự sống. Chỉ Thiên Chúa mới có thể ban sự sống cho nhân loại. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Và, vì là Thiên Chúa, Thần Linh là tác giả của sự sống con người. Ngài là tác giả của một sự sống mới đời đời do Chúa Giêsu mang đến, đồng thời Ngài cũng là tác giả của sự sống trong tất cả dạng thể của nó: sự sống con người và sự sống của tất cả mọi vật (Creator Spiritus).


Chân lý này của đức tin được phác họa trong Kinh Tin Kính Nicêa-Contantinôpôli. Nó được hiểu và chấp nhận như mạc khải bởi Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, và thuộc về “kho tàng mạc khải” được truyền đạt từ các tông đồ cho những cộng đoàn đầu tiên bằng giáo huấn đồng nhất của các Giáo Phụ. Theo lịch sử, người ta có thể nói rằng tín điều này được thêm thắt vào Kinh Tin Kính Nicêa bởi Công Đồng Chung Contantinôpôli Thứ Nhất. Nó đã phải đối đầu với một số người chối bỏ thần tính của Chúa Thánh Thần, cũng như đã phải đối đầu với những người, nhất là phái Ariô, chống lại thần tính của Đức Kitô Lời Ngôi Con. Trong cả hai trường hợp, họ hầu như lạc mất lý trí của mình theo lý luận giả tưởng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi!


Thành phần đối phương không công nhận thần tính của Chúa Thánh Thần được gọi là “pneumatomachians” (nghĩa là đối phương của Thần Linh), hay “Macedonians” (danh xưng lấy từ Macedonius, tên người xướng phát). Với quyền bính của mình, các vị Đại Giáo Phụ đã phản kháng lại những ý niệm sai lầm này; trong số các vị giáo phụ này có thánh Anathasiô (+373), vị đã xác định, đặc biệt trong Bức Thư gửi cho Serapion, sự bình đẳng giữa Chúa Thánh Thần với hai ngôi vị thần linh kia trong sự hiệp nhất của Ba Ngôi. Thánh nhân chủ trương như thế khi căn cứ vào “truyền thống cổ kính, tín điều và đức tin của Giáo Hội Công Giáo, những gì chúng ta biết là được Chúa ban cho chúng ta, và được các tông đồ rao giảng cùng được các Giáo Phụ bảo trì...” (x. PG 26, 594-595).


Những vị Giáo Phụ này là những vị đã làm cho giá trị mạc khải chứa đựng trong Sách Thánh được nên trọn với đầy đủ ý nghĩa của nó, chứ không phải chỉ bảo toàn ý niệm chính thực và hoàn toàn về Chúa Ba Ngôi mà thôi. Các vị cũng nhận thấy rằng nếu chối bỏ thần tính của Chúa Thánh Thần, thì việc nâng nhân loại lên để thông phần vào sự sống của Thiên Chúa - tức là việc “thần linh hóa” con người bằng ân sủng - cũng sẽ bị loại bỏ. Theo Phúc Âm cả việc thần linh hóa nhân loại này cũng là việc của Chúa Thánh Thần. Chỉ có một mình Đấng là Thiên Chúa mới có thể thực hiện việc thông phần sự sống thần linh này thôi. Theo lời của Chúa Giêsu nói (x.Jn.6:63), Chúa Thánh Thần chính là Đấng “ban sự sống”.


Chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng đức tin nơi Chúa Thánh Thần như một Ngôi Vị thần linh, được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính Nicêa-Contantinôpôli, đã được xác nhận nhiều lần bởi huấn quyền long trọng của Giáo Hội. Chẳng hạn, những khoản của Công Đồng Rôma năm 382 là một bằng chứng. Những khoản này được Đức Giáo Hoàng Đamascô I ban hành, mà chúng ta đọc thấy rằng Chúa Thánh Thần “là bản thể thần linh và là Thiên Chúa thật”, cũng như đọc thấy “như Chúa Con và Chúa Cha, Chúa Thánh Thần cũng có thể làm được hết mọi sự, biết hết mọi sự và toàn hữu” (DS 168-169).


Mẫu thức ngắn gọn của Kinh Tin Kính năm 381, khi công nhận thần tính của Chúa Thánh Thần thì tuyên xưng “Ngài là Chúa” như Chúa Cha và Chúa Con là Chúa, đã hợp lý thêm câu “Ngài cũng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con”. Chúa Thánh Thần là Đấng ban “sự sống”. Nghĩa là, cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Ngài cũng có quyền năng sáng tạo, nhất là quyền năng thánh hóa và ban sự sống trong cấp trật siêu nhiên của ân sủng. Quyền năng này được ban cho Ngôi Vị của Ngài. Chính vì thế mà Ngài được phụng thờ và tôn vinh như hai Ngôi Nhất và Hai trong Ba Ngôi, thực tại mà từ đó Ngài nhiệm xuất như tận điểm của tình yêu vĩnh hằng nơi các Vị, hoàn toàn bình đẳng và hiệp nhất bản thể.


Kinh tin kính còn đặc biệt qui về Ngôi thứ ba trong Ba Ngôi này vai trò là tác giả thần linh của việc nói tiên tri. Ngài là Đấng “vẫn dùng các tiên tri mà phán dạy”. Như thế là công nhận nguồn thần hứng Cựu Ước của các vị tiên tri, kể từ Moisen (x.Dt.34:10) tới hết Malachi. Các vị đã để lại cho chúng ta những huấn dẫn của Thiên Chúa bằng hình thức văn bản. Các vị đã được Chúa Thánh Thần linh ứng. Đavít, vị cũng là một “tiên tri” (Acts 2:30), đã công nhận về mình như thế (2Sam.22:2); Ezekien cũng nói như thế (Ez.11:5). Trong diễn từ đầu tiên của mình, thánh Phêrô đã nói lên cùng một niềm tin này, khi xác quyết rằng “Chúa Thánh Thần đã nói qua miệng của Đavít” (Acts 1:16). Tác giả của Bức Thư gửi giáo đoàn Do Thái diễn tả về mình tương tự như thế (x.Heb.3:7;10:15). Với lòng biết ơn sâu xa, Giáo Hội lãnh nhận các Sách Thánh Kinh tiên tri như một tặng ân qúi giá bởi Chúa Thánh Thần, Đấng vẫn tỏ mình ra rất gần gũi và linh hoạt ngay từ ban đầu của lịch sử cứu độ.


(Bài Giáo Lý thứ 56 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 31-10-1990, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)


3- Ý Nghĩa "Thần Linh" trong Cựu Ước

Trong những bài giáo lý của chúng ta về ngôi vị và sứ vụ của Chúa Thánh Thần, trước hết chúng ta tìm nghe lời loan báo và hứa của Chúa Giêsu về Ngài, nhất là ở trong Bữa Tiệc Ly. Chúng ta cũng đã ôn lại đoạn Ngài đến được sách Tông Ðồ Công Vụ trình thuật lại. Chúng ta còn trở về với những đoạn Tân Ước kể lại cho chúng ta biết việc rao giảng của Giáo Hội ban đầu về Ngài và đức tin của Giáo Hội nơi Ngài. Tuy nhiên, trong việc tìm hiểu của mình, chúng ta cũng thường trở về với Cựu Ước. Chính các vị tông đồ, trong việc giảng dạy ban đầu ngay sau biến cố Hiện Xuống, đã minh nhiên trình bày việc Chúa Thánh Thần đến như một việc hoàn tất những lời hứa và tiên báo xưa kia. Các vị coi cựu ước và lịch sử dân Yến Duyên như là một thời đoạn sửa soạn để lãnh nhận tràn đầy chân lý và ân sủng được ban phát nơi Ðấng Thiên Sai.

Thánh Thần Hiện Xuống qủa thật là một biến cố nhắm đến tương lai. Bởi vì biến cố này đánh dấu thời điểm Thánh Linh mở màn, Ðấng biện minh cho công cuộc cứu chuộc cùng với Chúa Cha và Chúa Con, như chính Chúa Giêsu đã xác nhận, một công cuộc khơi nguồn từ thập giá cần phải được thấm nhập vào cả thế giới. Tuy nhiên, muốn thấu hiểu tất cả mạc khải về Chúa Thánh Thần một cách trọn vẹn hơn, cần phải đi ngược lại thời gian, tức là đi trở về với Cựu Ước, để tìm thấy ở đó những dấu hiệu của một cuộc sửa soạn trường kỳ cho mầu nhiệm Phục Sinh và Hiện Xuống.

Bởi thế, chúng ta, một lần nữa, cần phải chú ý tới những dữ kiện thánh kinh liên quan đến Chúa Thánh Thần cũng như đến tiến trình mạc khải được dần dần hiện tỏ từ những hình bóng của Cựu Ước đến những xác thực tỏ tường nơi Tân Ước. Ðiều này được thể hiện trước hết trong cuộc sáng tạo, rồi sau đó trong công cuộc cứu chuộc, cũng như nơi lịch sử và tiên tri của dân Yến Duyên mới đến cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu Ðấng Thiên Sai, từ lúc Nhập Thể cho tới khi phục sinh.

Trong số những dữ kiện cần phải được tìm hiểu, dữ kiện thứ nhất là tên gọi ghép cho Chúa Thánh Thần trong Cựu Ước cùng với những ý nghĩa khác nhau được hàm ý nơi tên gọi này.

Chúng ta biết rằng, theo tâm thức của người Do Thái, tên gọi có một tầm quan trọng nổi bật trong việc làm tiêu biểu cho con người. Ở đây chúng ta nhớ lại tầm quan trọng nơi cách thức xưng hô với Thiên Chúa trong sách Xuất Hành cũng như trong cả truyền thống dân Yến Duyên. Moisen đã hỏi Chúa là Thiên Chúa tên của Ngài là gì. Việc tỏ tên mình ra được coi như là một việc tỏ hiện chính bản thân mình vậy: thánh danh Thiên Chúa đã thiết lập mối liên hệ giữa dân Do Thái với hữu thể siêu việt mà lại hiện hữu của chính Thiên Chúa (x.Ex.3:13-14).

Nhờ mạc khải nơi Tân Ước, chúng ta mới có thể biết được thực tại của Ngài là một ngôi vị thần linh, cùng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, tuy nhiên, danh xưng được dùng để gọi Chúa Thánh Thần trong Cựu Ước cũng sẽ giúp chúng ta hiểu được những đặc tính của Ngài. Thật là có lý khi nghĩ rằng từ ngữ được các tác giả sách thánh chọn thì chính xác, đúng hơn là chính Chúa Thánh Thần là Ðấng đã linh ứng cho các vị, hướng dẫn tiến trình suy diễn và hành văn của các vị, ngay trong thời Cứu Ước, để các vị tinh tường tìm một diễn đạt xứng hợp biểu hiệu cho bản thân của Ngài.

Trong Thánh Kinh, từ ngữ Do Thái về Thần Linh là ruah. Ý nghĩa thứ nhất của từ ngữ này, cũng như ý nghĩa chữ spiritus của bản dịch La Tinh, là "hơi thở". (Trong Anh ngữ, mối liên hệ giữa thần linh và việc hô hấp vẫn rõ ràng từ trước đến nay). Hơi thở là một thực tại vô thể như chúng ta nhận thấy. Nó không thấy được; nó không cụ thể; không thể nắm được trong tay; dường như không là gì mà lại không thể thiếu được. Con người không hô hấp không thể nào sống được. Sự khác nhau giữa một người sống và một người chết là ở chỗ người sống còn hơi thở và người chết hết thở. Sự sống từ Thiên Chúa mà có. Bởi thế, hơi thở cũng từ Ngài mà có, và Ngài có thể rút nó lại (x.Ps.104:29-30). Nhận định về hơi thở như thế mới thấy rằng sự sống cần phải lệ thuộc vào một nguyên lý linh thiêng, nguyên lý mà tiếng Do Thái gọi cùng một tên là ruah. Hơi thở của con người liên hệ với gió là một hơi thở thiên nhiên mạnh hơn hơi thở của con người rất nhiều.

Tiếng Do Thái ruah, giống như tiếng Latinh spiritus, còn biểu hiệu cho tác động thổi của gió nữa. Không ai thấy được gió ngoại trừ những dấu hiệu tỏ tường của nó. Nó lùa may bay, rung cây động lá. Khi lên cơn phong vũ, nó có thể làm biển cả nổi sóng khiến chìm đắm tầu bè (x.Ps.107:25-27). Ðối với người xưa, gió được coi như là một quyền lực huyền nhiệm Thượng Ðế tỏ ra (x.Ps.104:3-4). Nó có thể được gọi là "hơi Thượng Ðế thở".

Trong sách Xuất Hành, một đoạn văn xuôi thuật lại rằng: "Giavê đã dùng một cơn gió đông thổi mạnh cả đêm để dồn biển lại, làm biển thành đất khô. Các giòng nước dựng đứng lên và con cái Yến Duyên đi trên đất khô ngay giữa lòng biển..." (Ex.14:21-22). Ở đoạn sau đó, cũng trong biến cố này, được diễn tả bằng văn vần, cơn gió đông thổi này được gọi là "một luồng thổi mạnh từ mũi" Thiên Chúa. Thân thưa cùng Thiên Chúa, nhà thơ viết: "Một luồng thổi mạnh từ mũi Ngài làm cho các giòng nước dựng đứng lên cao... Ngài thổi một hơi thở của Ngài thì biển cả đổ xuống trên họ (quân Ai Cập)" (Ex.15:8-10). Ðiều ấy nói lên niềm xác tín rất đáng lưu ý ở chỗ gió là dụng cụ Chúa dùng trong trường hợp này.

Từ những nhận xét về gió vô hình và mãnh lực như thế, người ta có một ý niệm về sự hiện hữu của "thần trí Thiên Chúa". Trong những bản văn của Cựu Ước, người ta dễ dàng đi từ nghĩa này đến nghĩa khác, và ngay trong Tân Ước, chúng ta cũng thấy có hai ý nghĩa. Ðể giúp cho Nicôđêmô hiểu được cách thức tác động của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã so sánh với gió, và Người đã sử dụng cùng một từ ngữ cho cả hai trường hợp: "Gió thổi đâu thì thổi... Tất cả những ai sinh bởi Gió (như bởi Thánh Thần) đều giống như thế" (Jn.3:8).

Bởi thế, ý niệm sâu xa được diễn tả nơi danh xưng mà thánh kinh đặt cho Thần Linh không phải là danh xưng về một quyền năng thuộc lãnh vực tâm lý, cho bằng là danh xưng của một thúc đẩy sinh động, tương tự như quyền lực của gió. Theo Thánh Kinh, phận sự chính của thần trí không phải là soi hiểu hơn là tác động; không phải chiếu soi hơn là thúc động.

Tuy nhiên, phương diện về Thần Linh này vẫn chưa phải là tất cả. Những phương diện khác cũng đã được diễn tả để dọn đường cho mạc khải sau này. Trước hết và trên hết là phương diện nội tâm. Thật vậy, hơi thở nhập vào con người. Theo từ ngữ thánh kinh, điều này có thể được diễn tả khi nói rằng Thiên Chúa đặt thần trí trong tâm can con người (x.Ez.36:26; Rm.5:5). Vì không khí rất nhẹ, nó thẩm thấu chẳng những thân xác chúng ta, mà còn tất cả mọi nơi, mọi kẽ hở. Sự kiện này cho chúng ta hiểu được rằng, như Sách Khôn Ngoan viết, "thần trí của Chúa tràn lan khắp hoàn vũ" (Wis.1:7) và thần trí của Ngài đặc biệt thấu nhập vào "tất cả mọi tâm linh tinh anh, tinh tuyền và tinh tế nhất" (7:23).

Liên quan đến phương diện nội tâm là phương diện kiến thức. Thánh Phaolô đặt vấn nạn: "Ai có thể thấu hiểu được thâm cung con người, nếu không phải là tâm linh của họ?" (1Cor.2:11). Chỉ có tâm linh của chúng ta mới biết được những phản ứng và tư tưởng sâu xa chưa được truyền đạt ra cho người khác của chúng ta thôi. Tương tự như thế, và còn hơn thế, Thần Linh Chúa hiện diện trong tất cả mọi hữu thể nơi vũ trụ biết hết mọi sự ngay từ bên trong (Wis.1:7). Thật vậy, "Thần Linh dò thấu thẳm cung mọi sự, ngay cả thâm cung Thiên Chúa... Thâm cung Thiên Chúa chỉ có thể biết được bởi Thần Linh Thiên Chúa mà thôi" (1Cor.2:10-11).

Về vấn đề hiểu biết và truyền thông với nhau, hơi thở có một liên hệ tự nhiên với ngôn từ. Ðể phát biểu, chúng ta phải sử dụng hơi thở của mình. Những âm thanh làm cho hơi thở rung động, nhờ đó, hơi thở rung động này mới có thể chuyền sang cho những thanh âm của ngôn từ. Cảm hứng bởi sự kiện này, Thánh Kinh đã rút ra được một so sánh giữa ngôn từ và hơi thở (x.Is.11:4), hay giữa ngôn từ và tâm linh. Nhờ hơi thở của chúng ta mà ngôn từ được truyền đạt; bởi hơi thở của chúng ta, ngôn từ mới có sức phát động. Thánh Vịnh 33 đã sử dụng lối so sánh này vào biến cố tạo dựng thuở nguyên khai mà rằng: "Nhờ lời của Giavê mà các tầng trời được tạo thành, toàn thể cơ cấu của chúng cũng bởi hơi thở miệng Ngài..." (câu 6).

Nơi những bản văn cùng một loại này, chúng ta nhận thấy có một cuộc sửa soạn xa xa cho mạc khải Kitô giáo về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ngôi Cha là nguồn gốc của tạo thành. Ngài đã hình thành nó bằng Lời Ngài, đó là Ngôi Con, và bởi Hơi Thở của Ngài là Ngôi Thánh Thần.

Từ ngữ ruah theo tiếng Do Thái được Thánh Kinh sử dụng để biểu hiệu cho Thần Linh có nhiều ý nghĩa khác nhau như thế có thể khơi lên một số lầm lẫn. Ðúng thế, trong nguyên một bản văn thôi, thường không thể nào xác định được ý nghĩa đích thực của từ ngữ này. Người ta có thể lưỡng lự giữa gió và hơi thở, giữa hơi thở và thần trí, hay giữa tâm linh thụ tạo và Thần Linh Thiên Chúa.

Tuy nhiên, tính cách đa diện này lại có một sự phong phú riêng, vì nó làm cho việc truyền thông được hiệu nghiệm hơn khi gặp phải biết bao nhiêu là những trường hợp khác nhau như vậy. Thế nên, thà bỏ qua việc đi vào phần tìm hiểu những lý luận thuận hợp cho vấn đề này để đi ngay vào những quan niệm quảng bá thì hơn. Khi chúng ta nghĩ về Chúa Thánh Thần, chúng ta nên nhớ rằng danh xưng theo thánh kinh của Ngài là "hơi thở", và hơi thở thì lại liên hệ với việc thổi mạnh của gió cũng như với việc hô hấp thầm lắng riêng của chúng ta. Thay vì dính chặt với một quan niệm qúa trừu tượng và khô khan, chi bằng chúng ta hãy lợi dụng tính cách phong phú về hình ảnh và dữ kiện này. Tiếc thay, các bản dịch không thể nào chuyên chở cho chúng ta tất cả những hình ảnh và dữ kiện này một lúc, vì những bản dịch đó bị bó buộc phải lựa chọn từ ngữ nào thích hợp nhất. Ðể dịch chữ Ruah trong tiếng Do Thái, bản dịch Bảy Mươi bằng tiếng Hy Lạp đã phải dùng đến 24 từ khác nhau, và như thế, đã không làm cho người ta thấy được tất cả những liên đới giữa các bản văn Thánh Kinh Do Thái.

Ðể chấm dứt việc phân tích từ vựng của các bản văn Cựu Ước liên quan đến chữ ruah này, chúng ta có thể nói rằng hơi thở của Thiên Chúa, nơi các bản văn này, được coi như là một quyền lực ban sự sống cho các tạo vật. Nó tỏ hiện như một thực tại sâu xa của Thiên Chúa tác hành trong con người. Nó còn tỏ hiện như một cuộc biểu dương sinh động của Thiên Chúa được thông sang cho các tạo vật.

Mặc dầu chưa hiểu được như là một Ngôi Vị chuyên biệt trong liên hệ hữu thể thần linh, "hơi thở" hay "Thần Linh" của Thiên Chúa, nơi các bản văn Cựu Ước này, cũng được phân biệt một cách nào đó với Thiên Chúa là Ðấng gửi "hơi thở" hay "Thần Linh" của Ngài đến để điều hành nơi các tạo vật. Như thế, ngay cả theo quan điểm văn tự, lý trí con người cũng đã được dần dần sửa soạn để lãnh nhận mạc khải về Ngôi Vị của Chúa Thánh Thần, Ðấng sẽ xuất hiện như một diễn đạt sự sống nội tại và quyền toàn năng của Thiên Chúa.

(Bài Giáo Lý thứ 27 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 3-1-1990, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)


4-Gió, Chim Bồ Câu và Lửa là Những Biểu Hiệu của Thần Linh

Tân Ước chứa đựng mạc khải về Chúa Thánh Thần như là một Ngôi Vị, hiện hữu với Chúa Cha và Chúa Con trong sự hiệp nhất của thần tính. Tuy nhiên, đây không phải là một mạc khải có những đặc tính rành mạch hẳn hoi, như mạc khải liên quan đến hai Ngôi kia. Câu của tiên tri Isaia, căn cứ vào đó chúng ta cho là một "Thiên Chúa ẩn thân" (Is.45:15), có thể được coi như một ám chỉ đặc biệt về Chúa Thánh Thần. Qua việc trở thành con người, Ngôi Con đã đi vào lãnh giới hữu hình thực nghiệm cho những ai đã thấy được Lời Sự Sống (x.1Jn.1:1) bằng con mắt của họ và chạm đến Người bằng bàn tay của họ. Việc làm chứng của họ đã hiến cho các thế hệ Kitô hữu sau này một qui điểm cụ thể nữa. Phần Ngôi Cha, trong khi là một siêu việt thể vô hình và khôn tả vẫn có thể tỏ hiện nơi Ngôi Con. Chúa Giêsu phán: "Ai thấy Thày là thấy Cha" (Jn.14:9). Hơn nữa, "thân phận làm cha", cho dù ở tầm mức thần linh, cũng có thể hiểu được bằng việc so sánh với thân phận làm cha nơi con người là thân phận phản ảnh, mặc dù bất toàn, thân phận làm cha đời đời và tự hữu, như Thánh Phaolô đã viết (Eph.3:15).

Trong khi đó, Ngôi Vị của Chúa Thánh Thần lại càng vượt ra ngoài tất cả mọi phương pháp chúng ta dùng để nhận thức. Ðối với chúng ta, Ngôi ba là một Thiên Chúa ẩn thân và vô hình. Ngay cả đến điều này đi nữa, những so sánh dựa vào lãnh vực hiểu biết có tính cách nhân loại về Thần Linh lại càng mong manh. Nguồn gốc và việc trào tràn của tình yêu, một tình yêu phản ảnh Tình Yêu tự hữu trong linh hồn con người không phải là một việc dễ hiểu, một việc tự con người có thể biết được một cách nào đó. Bởi thế mới có mầu nhiệm yêu thương ở mức độ tâm lý và thần học, như Thánh Tôma ghi nhận (x.Tổng Luận Thần Học, I,q.27,a.4;q.36,a.1; q.37, a.1). Vậy nên, chúng ta có thể cắt nghĩa là, Thánh Linh, như chính tình yêu nhân loại, cần phải được diễn đạt bằng các biểu hiệu. Những biểu hiệu này chẳng những chứng tỏ cho thấy các sinh hoạt chủ động của Ngài, mà còn tỏ cho thấy Ngôi Vị của Ngài hiện diện nơi hoạt động của Ngài.

Ðiều này thể hiện nơi biểu hiệu gió, một biểu hiệu chính đối với cảm nghiệm nơi biến cố Hiện Xuống là biến cố thiết yếu trong mạc khải về Chúa Thánh Thần: "Bỗng chốc, từ trời phát ra một tiếng động như gió thổi mạnh, và tràn ngập cả nhà nơi các vị đang tụ họp (cùng với Mẹ Maria)" (Acts 2:2).

Theo các bản văn thánh kinh và các bản văn khác, gió thường được trình bày như một ngôi vị đến rồi đi. Chúa Giêsu nói về gió như vậy trong cuộc đàm đạo với Nicôđêmô, khi Người dùng thí dụ về gió để nói về Ngôi Vị của Chúa Thánh Thần: "Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông có thể nghe được tiếng của nó, song ông không biết nó từ đâu đến và sẽ đi đâu; ai sinh bởi Thần Linh cũng như thế" (Jn.3:8). Tác động của Chúa Thánh Thần, nhờ đó con người được "sinh bởi Thần Linh" (như nơi thân phận làm con được thừa nhận bởi ân sủng), được ví như gió. Cách so sánh được Chúa Giêsu dùng làm sáng tỏ tất cả lòng quảng đại và tự phát của tác động này, tác động làm cho con người được tham phần vào sự sống của Thiên Chúa. Biểu hiệu gió ở đây như thể nói lên một cách đặc biệt là sinh hoạt siêu nhiên Thiên Chúa dùng trong việc tự động đến với con người để biến đổi họ từ bên trong, để thánh hóa họ và, theo một ý nghĩa nào đó, như các Giáo Phụ nói, để thần linh hóa họ.

Chúng ta cần phải thêm vào như sau, theo quan điểm ngữ học và mỹ từ học, biểu hiệu gió là một biểu hiệu gần cận với Thần Linh nhất. Chúng ta đã đề cập đến điều này ở những buổi giáo lý trước. Ở đây, chúng ta chỉ cần nhớ lại ý nghĩa của chữ ruah (trong sách Khởi Nguyên, đoạn 1 câu 2), nghĩa là "hơi thở". Chúng ta biết rằng sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với các Tông Ðồ, "Người thở hơi trên" các vị mà phán "Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần" (Jn.20:22-23).

Chúng ta cũng phải lưu ý là biểu hiệu gió, một ám chỉ hiển nhiên về Chúa Thánh Thần và tác động của Thần Linh, thuộc về ngôn từ và giáo huấn của Tân Ước. Còn trong Cựu Ước, gió, như trường hợp một "cơn giống tố" là biểu hiệu cho cơn giận của Thiên Chúa (x.Ez.13:13), và trường hợp "tiếng gió hiu hiu" lại có ý nói đến bản chất thân tình trong việc Ngài nói chuyện với các vị tiên tri (x.1Kgs.19:12).

Cũng từ ngữ này được dùng để nói đến hơi thở của sự sống, một biểu hiệu cho quyền lực của Thiên Chúa trong việc phục hồi sự sống của những bộ xương nhân loại nơi sách tiên tri Ezekien: "Xin hãy đến, Ôi Thần Linh, từ bốn hướng gió mà thổi vào những xương thịt bị sát hại này để chúng được hồi sinh" (Ez.37:9). Trong Tân Ước, gió đã hiển nhiên trở nên biểu hiệu của tác động và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Một biểu hiệu khác là chim bồ câu, mà theo Phúc Âm Nhất Lãm và Phúc Âm thánh Gioan được biểu hiện trong việc Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa ở sông Dược Ðăng. Biểu hiệu này thích hợp hơn biểu hiệu gió để nói về Ngôi Vị của Chúa Thánh Thần, vì chim bồ câu là một sinh vật, trong khi đó gió chỉ là một hiện tượng thiên nhiên thôi. Các thánh ký nói về chim bồ câu hầu như bằng cùng một từ ngữ. Thánh Mathêu viết (3:16): "Các tầng trời mở ra và Người thấy thần linh Thiên Chúa như chim bồ câu xuống và đến trên Người (tức đậu trên Chúa Giêsu)". Thánh Marcô (1:10), thánh Luca (3:21-22) và thánh Gioan (1:32) đều viết cùng một kiểu. Vì sự quan trọng của biến cố này nơi đời sống của Chúa Giêsu, Ðấng đã được "tấn phong làm đấng thiên sai" một cách tỏ tường, mà biểu hiệu chim bồ câu mới cần phải được nhấn mạnh bằng hình ảnh nghệ thuật và bằng những bức tranh phác tả mầu nhiệm Chúa Thánh Thần, hoạt động và Ngôi Vị của Ngài.

Trong Cựu Ước, chim bồ câu đã làm sứ giả cho việc giao hòa giữa Thiên Chúa với nhân loại vào thời Noe. Chim bồ câu đã mang lại cho vị tổ phụ này tin tức về trận lụt tràn ngập mặt đất (x.Gn.8:9-11).

Trong Tân Ước, việc giao hòa này có được là do Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích mà thánh Phêrô nói tới trong Thư thứ nhất của mình, so sánh Bí Tích này với "những người ... được cứu bởi nước" (1Pt.3:20-21). Do đó, chúng ta có thể thấy sự kiện này như một hương vị phảng phất cho biểu hiệu về thánh linh. Chúa Thánh Thần, Ðấng là Tình Yêu, "tràn đổ tình yêu này vào lòng nhân loại", như Thánh Phaolô viết (Rm.5:5), cũng là Ðấng ban hòa bình, một tặng ân của Thiên Chúa.

Chưa hết, tác động và Ngôi Vị của Chúa Thánh Thần còn được xác định bằng biểu hiệu lửa. Chúng ta biết rằng, thánh Gioan Tẩy Giả đã công bố tại sông Dược Ðăng là: "Người (Chúa Kitô) sẽ rửa qúi vị trong Thần Linh và trong lửa" (Mt.3:11). Lửa là nguồn ấm áp và sáng soi, song nó cũng là một mãnh lực hủy hoại. Bởi thế, các Phúc Âm nói về việc "quăng vào lửa" cây không sinh hoa kết trái (Mt.3:10; x.Jn.15:6); các Phúc Âm cũng nói về việc "thiêu đốt trấu trong lửa không bao giờ tắt" (Mt.3:12). Phép rửa "trong Thần Linh và trong lửa" nói lên quyền lực thanh tẩy của lửa. Ðây là một ngọn lửa nhiệm mầu thể hiện việc đòi hỏi của sự thánh thiện và của sự tinh tuyền mà Thần Linh Thiên Chúa là nguồn mạch.

Chính Chúa Giêsu đã phán: "Tôi đã đến để đốt lửa trên thế gian; và Tôi còn mong gì hơn là nó được bùng sáng lên!" (Lk.12:49). Trong trường hợp này, chúng ta đang đối diện với ngọn lửa yêu thương của Thiên Chúa, lửa tình yêu "đã được tràn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần" (Rm.5:5). Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, khi "các lưỡi lửa" xuất hiện trên đầu của các Tông Ðồ, chúng ám chỉ là Thần Linh đã mang đến cho nhân loại tặng ân đuợc thông dự vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Tôma nói rằng, tình yêu, tức lửa mà Chúa Giêsu đã mang xuống thế gian, là "một thứ thông dự với Chúa Thánh Thần" (participatio quaedam Spiritus Santi; Summa Theol.,II-II,q.23,a.3,ad 3). Theo ý nghĩa này, lửa là biểu hiệu cho Chúa Thánh Thần, Ðấng mà Ngôi Vị của Ngài trong Ba Ngôi Thiên Chúa là Tình Yêu.

(Bài Giáo Lý thứ 54 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 17-10-1990, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)


5- Xức Dầu và Nước là các Biểu Hiệu của Thần Linh trong Thánh Kinh

Trong bài diễn từ của Chúa Giêsu tại hội đường Nazarét vào lúc khởi đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã áp dụng cho mình lời tiên tri Isaia này: "Thần Linh Chúa ở trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi" (Is.61:1; x.Lk.4:18). Ðây là một biểu hiệu khác được truyền từ Cựu Ước sang Tân Ước với một ý nghĩa chính xác và mới mẻ hơn. Ðiều này cũng đã xẩy ra với những biểu hiệu gió, chim bồ câu và lửa; trong những bài giáo lý mới đây, chúng ta đã thấy rằng những biểu hiệu này ám chỉ hoạt động và Ngôi Vị của Chúa Thánh Thần. Cả việc xức bằng dầu nữa, cũng thuộc về truyền thống của Cựu Ước. Các vua, hơn ai hết, đã được xức dầu, cả các tư tế cũng vậy, đôi khi các vị tiên tri nữa. Biểu hiệu xức bằng dầu là để nói lên sức mạnh cần thiết để thực thi quyền bính. Ðoạn văn được trích từ tiên tri Isaia về "việc thánh hiến bằng dầu" ám chỉ đến sức mạnh tinh thần cần thiết để thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao cho một người mà Ngài chọn và sai đi. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng vị được Thiên Chúa chọn này chính là Người, Ðấng Thiên Sai. Mức độ tràn đầy sức mạnh ban xuống cho Người - mức độ tràn đầy Thánh Linh - thuộc về Người là Ðấng Thiên Sai (tức là Ðấng được Chúa xức dầu, hay là Ðức Kitô).

Trong sách Tông Ðồ Công Vụ, thánh Phêrô cũng ám chỉ việc Chúa Giêsu được xức dầu khi ngài gợi lại "Thiên Chúa đã xức dầu cho Chúa Giêsu Nazarét với Chúa Thánh Thần và bằng quyền năng thế nào; Người đã đi làm việc lành và chữa trị mọi người bị ma qủi cầm buộc" (Acts 10:38). Như dầu thấm nhập vào gỗ hay các vật thể khác thế nào, Chúa Thánh Thần cũng thấm nhập toàn hữu thể của Chúa Giêsu Thiên Sai như vậy, ban cho Người quyền năng cứu độ để thể hiện trên cả xác thể lẫn hồn thiêng con người. Qua việc xức dầu với Chúa Thánh Thần này, Chúa Cha đã thực hiện việc thánh hiến Chúa Con.

Cuộc tham dự vào việc xức dầu trong Chúa Thánh Thần của nhân tính Chúa Kitô được truyền sang cho tất cả những ai chấp nhận Người trong đức tin và đức mến. Ðiều này được thực hiện ở tầm mức bí tích nơi việc xức bằng dầu, một nghi thức thuộc về chi tiết của phụng vụ Giáo Hội, nhất là nơi Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thêm Sức. Như Thánh Gioan viết trong Thư Thứ Nhất của mình, họ được "xức dầu từ Ðấng Thánh mà có", và việc xức dầu này "vẫn còn" nơi họ (1Jn.2:20,27). Việc xức dầu này kiến tạo nên một nguồn mạch hiểu biết: "Anh em được xức dầu từ Ðấng Thánh và anh em có được mọi hiểu biết" (1Jn.2:20), để "anh em không cần ai dạy bảo anh em ... mà việc xức dầu của Người dạy cho anh em mọi sự" (1Jn.2:27). Như thế, lời Chúa Giêsu hứa với các Tông Ðồ đã được nên trọn: "Các con sẽ nhận được quyền lực khi Thánh Thần đến với các con và các con sẽ là những chứng nhân của Thày" (Acts 1:8).

Nguồn mạch của kiến thức và hiểu biết được tìm thấy nơi Thần Linh, cũng như sức mạnh cần thiết để làm chứng cho chân lý thần linh. Thần Linh còn là nguồn mạch cho "cảm nhận đức tin" siêu nhiên, một cảm nhận theo Công Ðồng Chung Vaticanô II (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 12), là gia sản của Dân Thiên Chúa, như Thánh Gioan viết: "Tất cả anh em đều có kiến thức" (1Jn.2:20).

Biểu hiệu nước cũng thường được thấy trong Cựu Ước. Mang một ý nghĩa rất bao quát, nước biểu hiệu cho sự sống mà Thiên Chúa nhưng không tràn ban xuống trên thiên nhiên cũng như trên con người. Chúng ta đọc thấy điều này nơi sách tiên tri Isaia: "Ta sẽ khai nguồn những con sông trên các đỉnh cao hoang trống, cùng những suối nguồn nơi các đồng bằng bát ngát; Ta sẽ biến sa mạc trở thành ao hồ và đất khô thành các giòng suối nước" (Is.41:18). Ðiều này ám chỉ về đặc tính ban sự sống của nước. Vị tiên tri gán biểu hiệu này cho Thần Linh Thiên Chúa, đặt nước và Thần Linh Thiên Chúa trong một mối liên hệ song phương khi tiên tri công bố thế này: "Ta sẽ đổ nước xuống trên miền khao khát và những mạch nước trên đất khô khan; Ta sẽ đổ Thần Linh của Ta xuống trên giòng dõi các ngươi... chúng sẽ vọt lên giữa đồng xanh mơn mởn, bên cạnh những giòng nước tuôn trôi..." (Is.44:3-4). Ðặc tính ban sự sống của nước biểu hiệu cho đặc tính ban sự sống của Thần Linh.

Chưa hết, nước còn làm cho đất đai khỏi bị hạn hán (x.1Kgs.18:41-45). Nước cũng làm giãn cơn khát của con người lẫn con vật (x.Is.43:20). Khát nước giống như khát khao Thiên Chúa, như chúng ta đọc trong Thánh Vịnh: "Như nai mong tới suối nguồn, hồn tôi cũng mong Chúa, ôi Thiên Chúa. Hồn con khát Thiên Chúa, Thiên Chúa hằng sống; Bao giờ con mới được nhìn thấy Chúa nhãn tiền?" (Ps.42:2-3; đoạn khác không kém phần rõ ràng là Thánh Vịnh 63:2).

Sau hết, nước là biểu hiệu cho việc thanh tẩy, như chúng ta đọc thấy trong sách tiên tri Ezekien: "Ta sẽ vẩy nước sạch trên các ngươi để rửa các ngươi khỏi mọi nhơ bẩn của mình, và để các ngươi khỏi mọi ngẫu tượng của mình Ta sẽ tẩy rửa các ngươi" (Ez.36:25). Vị tiên tri này, trong một thị kiến rung cảm, cũng loan báo một quyền năng ban sự sống của nước: "Rồi tôi được mang trở lại cổng đền thờ và tôi đã thấy nước chảy ra về hướng đông từ bên dưới thềm cửa đền thờ... Ngài nói cùng tôi: 'Nước này chảy vào địa hạt đông phương, đổ xuống trên Arabah, và biến mất trong biển cả, những giòng nước mặn, những giòng nước mà nó làm cho trong lành. Nước chảy đến bất cứ nơi nào thì mọi sinh vật có khả năng sinh sôi nẩy nở sẽ sống'..." (Ez.47:1,8-9).

Trong Tân Ước, quyền năng thanh tẩy và ban sự sống của nước được dùng cho lễ nghi làm phép rửa như đã được thực hiện bởi Gioan, vị đã làm phép rửa thống hối ở sông Dược Ðăng (x.Jn.1:33). Thế nhưng, chính Chúa Giêsu là Ðấng đã cho biết nước là một biểu hiệu của Chúa Thánh Thần, khi Người hô hào đám đông dân chúng vào một ngày lễ: "Ai khát hãy đến với Tôi mà uống. Ai tin Tôi thì như Thánh Kinh viết: 'Những giòng sông chảy nước hằng sống sẽ từ bên trong họ chảy ra'". Thánh ký còn chú giải rằng: "Người nói điều này chỉ về Thần Linh mà những ai tin Người phải lãnh nhận; dĩ nhiên là chưa có Thần Linh vì Chúa Giêsu chưa được tôn vinh" (Jn.7:37-39).

Những lời này còn giải thích tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói cùng người phụ nữ Samaritanô về nước hằng sống, nước mà chính Người sẽ ban. Trong con người, nước này trở nên "một mạch nước vọt lên sự sống đời đời" (Jn.4:10,14).i

Ðó là tất cả những diễn đạt cho chân lý Chúa Giêsu mạc khải về Chúa Thánh Thần mà "nước hằng sống" là biểu hiệu cho Ngài. Trong bí tích Rửa Tội, biểu hiệu này được chuyển thành thực tại được tái sinh trong Thánh Thần. Về điểm này có nhiều đoạn Cựu Ước khác nhau cũng hợp với nhau, như đoạn về nước mà theo lệnh truyền của Thiên Chúa, Moisen làm chảy ra từ tảng đá (x.Ex.17:5-7; Ps.78:16), và một đoạn khác về mạch suối dành cho nhà Ðavít để tẩy rửa tội lỗi và các nhơ nhớp (x.Zech.13:1;14:8). Ðoạn nổi nhất trong các đoạn phải kể đến những lời của Sách Khải Huyền về những con sông chảy nước sự sống trong như pha lê tuôn ra từ ngai Thiên Chúa và tòa Con Chiên. Giữa lòng công trường của thành đô và hai bên bờ của giòng sông có cây sự sống; lá của cây này giúp để chữa lành các dân nước (x.Rev.22:1-2). Theo các nhà chú giải thánh kinh, những giòng nước hằng sống và ban sự sống này biểu hiệu cho Thần Linh, như chính thánh Gioan nói đến một số lần trong Phúc Âm của ngài (x.Jn.4:10-14,7:37-38). Trong thị kiến này nơi Sách Khải Huyền, người ta bắt gặp thấy chính Chúa Ba Ngôi. Việc nói đến vấn đề chữa lành cho các dân nước cũng đáng chú ý. Việc chữa lành này là do lá của cây, một cây được nuôi dưỡng bằng nước hằng sống và lành mạnh của Thần Linh.

Nếu dân Thiên Chúa "uống thứ nước linh thiêng này", như Thánh Phaolô viết, thì cũng giống như dân Yến Duyên trong sa mạc, một thứ nước được lấy "từ tảng đá là Chúa Kitô" (1Cor.10:1-4). Từ cạnh sườn của Người bị đâm thâu trên thập giá "nước và máu chảy ra" (Jn.19:34), như là một dấu hiệu cho mục đích cứu độ nhờ cái chết của Người, một cái chết mà Người chịu đựng cho phần rỗi của thế gian. Kết qủa của cái chết cứu độ này là tặng ân Thánh Linh, một tặng ân Người đã ban một cách tràn lan cho Giáo Hội của Người.

Ðúng thế, "những mạch nước hằng sống chảy ra từ bên trong" mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, trở nên nơi linh hồn con người "một mạch nước vọt lên sự sống đời đời" (Jn.4:14) như là một tặng ân bởi Chúa Thánh Thần. Tặng ân này do Ðấng Ban Phát mà có, Ðấng rất dễ nhận ra, theo những lời của Chúa Kitô cũng như của các vị Tông Ðồ của Người, đó là Ngôi Ba trong Ba Ngôi.

(Bài Giáo Lý thứ 55 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 24-10-1990, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)


6-Tác Ðộng Sáng Tạo của Thần Linh Thiên Chúa

Theo ngôn ngữ thánh kinh, chữ ruah được nhấn mạnh theo nghĩa là "hơi thở của Thiên Chúa" như muốn nói lên nét tương tự giữa tác động thần linh vô hình, linh thiêng, thấu nhập và toàn năng với gió, được bắt nguồn từ tâm lý và truyền thống mà các tác giả sách thánh đã rút lấy. Nét tương tự này hiến cho chúng ta món ăn tinh thần mới mẻ. Mặc dầu có nhiều ý nghĩa khác nhau được dịch ra, từ ngữ ruah cũng luôn luôn nói lên một mãnh lực sinh động từ bên ngoài hay bên trong con người và thế giới. Kể cả khi nó không trực tiếp ám chỉ ngôi vị thần linh đi nữa, từ ngữ có dính dáng đến Thiên Chúa này - "Thần Linh (hay hơi thở) của Thiên Chúa" - cũng đã ăn sâu vào tâm trí dân Yến Duyên ý niệm về một Thiên Chúa linh thiêng, Ðấng can thiệp vào lịch sử và đời sống nhân loại. Nó dọn đường cho mạc khải sau này về Chúa Thánh Thần.

Như thế, chúng ta có thể nói rằng, ngay trong trình thuật về việc sáng tạo ở Sách Khởi Nguyên, sự hiện diện của "thần linh (hay gió) của Thiên Chúa" bấy giờ đang chuyển vận trên mặt các giòng nước, lúc đất còn vô thể mung lung và tối tăm còn đang bao trùm mặt vực thẳm (x.Gn.1:2), là một ám chỉ hết sức hùng hồn cho mãnh lực sinh động ấy. Nó cho thấy rằng hơi thở hay thần linh của Thiên Chúa đã đóng vai trò của mình trong việc tạo dựng: đó là vai trò của một quyền lực ban sự sống, cùng với "lời" là yếu tố ban cho các sự vật hữu thể và cấp trật.

Mối liên quan giữa thần linh của Thiên Chúa và các giòng nước, những gì chúng ta thấy ngay từ ban đầu trong câu truyện tạo dựng, còn được thấy ở một thể thức khác nơi những đoạn Thánh Kinh khác nhau có phần sáng tỏ hơn nữa, vì Thần Linh tự tỏ mình ra như là một giòng nước phong phú, một nguồn mạch của sự sống mới. Trong phần hai của sách tiên tri Isaia Thiên Chúa đã hứa điều này như sau: "Vì Ta sẽ đổ nước xuống trên miền đất khát mong và những mạch nước trên mảnh đất khô cằn; Ta sẽ đổ Thần Linh của Ta xuống trên giòng dõi các ngươi, cũng như phép lành của Ta trên con cháu các ngươi. Chúng sẽ trổ sinh như cỏ xanh giữa những giòng nước, như những đám rừng bên những giòng nước chảy" (Is.44:3-4). Giòng nước mà Thiên Chúa hứa tuôn đổ xuống đây chính là Thần Linh của Ngài, Thần Linh Ngài sẽ "tuôn tràn" trên dân của Ngài. Cũng thế, tiên tri Ezekien đã loan báo là Thiên Chúa "sẽ tuôn tràn" Thần Linh của Ngài xuống trên nhà Yến Duyên" (Ez.39:29), và tiên tri Joel cũng dùng cùng một cách diễn đạt để so sánh thần linh với nước được tràn tuôn: "Ta sẽ tuôn tràn thần linh của Ta trên mọi xác thể" (Joel 3:1 theo bản văn Do Thái).

Việc dùng biểu hiệu nước ám chỉ Thần Linh này còn được lập lại trong Tân Ước với những ý nghĩa phong phú mới. Sau này chúng ta sẽ có dịp nói về chúng.

Trong câu truyện tạo dựng, sau khi mở đầu đề cập đến thần linh hay hơi thở của Thiên Chúa chờn vờn trên các giòng nước (Gn.1:2), chúng ta không còn thấy chữ ruah, một tiếng Do Thái chỉ thần linh. Tuy nhiên, cách thức diễn thuật việc con người được tạo dựng nên đã cho thấy việc tạo dựng con người có liên hệ với thần linh hay hơi thở của Thiên Chúa. Chúng ta đọc thấy là, sau khi lấy bùn đất mà tạo dựng nên con người, Chúa là Thiên Chúa "đã thở hơi sự sống vào mũi con người; và con người trở thành một hữu thể sống động" (Gn.2:7). Từ ngữ "hơi thở" (Do Thái ngữ là neshama) là một đồng ngữ với "gió" hay "thần linh" (ruah), như cũng thấy rõ ràng tính cách tương đương này nơi những bản văn khác. Ngoài ra, tác động "thở hơi" được gán cho Thiên Chúa trong câu truyện tạo dựng cũng được gán cho Thần Linh trong thị kiến của tiên tri Ezekien về việc hồi sinh (Ez.37:9).

Bởi thế, Sách Thánh cho chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa, bằng hởi thở của mình hay thần linh của mình, đã can thiệp vào việc tạo dựng nên con người thành một sinh linh. Nơi con người cũng có "hơi thở của sự sống", một hơi thở phát xuất từ "việc thở hơi" của chính Thiên Chúa. Nơi con người, cũng có một hơi thở hay một thần linh giống như hơi thở và thần linh của Thiên Chúa.

Khi kể lại việc các thú vật được tạo thành (câu 19) trong đoạn 2, Sách Khởi Nguyên đã không hề đề cập tí nào đến mối liên hệ chặt chẽ với hơi thở của Thiên Chúa cả. Trong đoạn trước đó, chúng ta thấy rằng con người được dựng nên "theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa" (Gn.1:26-27).

Tuy nhiên, những bản văn khác cho là cả thú vật cũng có hơi thở sống động hay gió mà chúng nhận được từ Thiên Chúa. Về phương diện này, con người phát xuất từ bàn tay Thiên Chúa xem như thuộc về cùng một khối với tất cả mọi sinh vật. Do đó, Thánh Vịnh 104 không phân biệt người và thú khi thân thưa cùng Thiên Chúa Hóa Công: "Tất cả những vật này ngước trông Chúa để Chúa ban cho chúng lương thực theo thời. Khi Chúa ban cho chúng, chúng thu góp lấy" (các câu 27-28). Thế rồi Thánh Vịnh thêm: "Khi Chúa rút hơi thở chúng lại, chúng chết đi và trở về đất bụi của mình. Khi Chúa gửi Thần Linh của Chúa tới, chúng được tạo thành; và Chúa canh tân diện mạo trái đất" (các câu 29-30). Thế nên, việc hiện hữu của các tạo vật lệ thuộc vào tác động thần-linh-thở-hơi của Thiên Chúa, Ðấng chẳng những tạo dựng mà còn bảo tồn và tiếp tục canh tân dung nhan trái đất.

Cuộc tạo dựng thứ nhất đã bị tội lỗi tàn phá. Thế nhưng, Thiên Chúa đã không mặc kệ nó bị hủy hoại, trái lại, Ngài đã sửa soạn cứu độ nó để thiết lập một "cuộc tân tạo" (x.Is.65:17; Gal.6:15; Rev.21:5). Tác động của Thần Linh Thiên Chúa đối với cuộc tân tạo này được tiên tri Ezekien nhắc đến trong lời tiên báo nổi tiếng về việc hồi sinh. Trong một thị kiến sâu đậm, tiên tri thấy trước mắt một cánh đồng bao la "đầy những xương", và tiên tri được lệnh nói tiên tri cho những xương này mà rằng: "Ôi những xương khô, hãy nghe lời Chúa, Vậy Chúa là Thiên Chúa phán cùng các xương này là: 'Này đây, Ta sẽ khiến cho hơi thở nhập vào các ngươi cho các ngươi được sống...'" (Ez.37:1-5). Vị tiên tri thi hành mệnh lệnh thần linh, thế rồi "có tiếng động, một tiếng răng rắc, và những khúc xương gắn liền với nhau, xương với xương" (Ez.37:7). Sau đó là gân cốt nối chúng lại, thịt đắp vào chúng và da bao bọc chúng; cuối cùng, theo lệnh của vị tiên tri, hơi thở nhập vào chúng, và chúng đã sống động, đứng trên đôi chân của mình (x.Ez.37:8-10).

Ý nghĩa chính trong thị kiến này là cố ý loan báo về việc dân Yến Duyên phục hồi sau cuộc tàn phá và lưu đầy: "Những xương này là toàn thể nhà Yến Duyên", Chúa phán. Dân Yến Duyên được coi như bị mất đi, không còn hy vọng gì. Thiên Chúa đã hứa với họ: "Ta sẽ đặt Thần Linh của Ta trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống" (37:14). Tuy nhiên, theo ý nghĩa mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, những lời tiên tri mang một ý nghĩa sâu xa hơn, đó là loan báo một cuộc phục sinh thật sự của thân xác chết chóc chúng ta nhờ tác động của Thần Linh Thiên Chúa.

Thánh Tông Ðồ Phaolô diễn tả điều chân thật của đức tin ấy bằng những lời này: "Nếu thần linh của Ðấng phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết ở trong anh em, thì Ðấng phục sinh Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết cũng sẽ làm cho thân xác tử vong của anh em được sống nhờ Thần Linh mình là Ðấng ở trong anh em" (Rm.8:11).

Cuộc tân tạo đã được bắt đầu nhờ tác động của Chúa Thánh Thần nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Trong cuộc khổ nạn của mình, Chúa Giêsu đã trọn vẹn được Chúa Thánh Thần tác động nơi nhân tính của Người (x.Heb.9:14). Nhờ đó, Người đã vượt từ sự chết đến sự sống mới (x.Rm.6:10), một sự sống mà giờ đây Người có thể thông ban cho tất cả mọi tín hữu, bằng cách truyền sang cho họ cùng một Thần Linh, trước tiên nơi bí tích rửa tội rồi tròn đầy nơi cuộc phục sinh sau hết.

Vào tối Ngày Phục Sinh, hiện ra với các môn đệ ở nhà tiệc ly, Chúa Kitô phục sinh đã lập lại nơi các vị tác động của Thiên Chúa Hóa Công trên Adong. Thiên Chúa đã "thở hơi" trên thân xác của con người để ban cho con người sự sống. Chúa Giêsu cũng "đã thở hơi" trên các môn đệ của Người mà phán: "Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần" (Jn.20:22).

Như thế, hơi thở nhân loại của Chúa Giêsu thể hiện một tác động thần linh mới còn diệu vợi hơn cả tác động thần linh ban đầu nữa. Nó không phải chỉ là việc tạo dựng nên một con người sống động, như trong cuộc tạo dựng ban đầu, mà là một khai mở cho con người vào sự sống thần linh.

Bởi thế, Thánh Phaolô đã có lý thiết lập mối tương đồng và tương phản giữa Adong và Chúa Kitô, giữa cuộc tạo dựng lần đầu và cuộc tạo dựng lần cuối, khi thánh nhân viết: "Nếu có thân thể vật lý cũng có thân xác linh thiêng. Do đó mới có lời chép: 'Adong con người đầu tiên đã trở nên một sinh linh' (Gn.2:7), Adong cuối này đã trở nên một thần linh ban sự sống" (1Cor.15:44-45). Chúa Kitô phục sinh, Tân Adong, nhờ Chúa Thánh Thần đã được hòa nhập vào nhân tính của mình đến nỗi chính Người có thể được gọi là "thần linh". Nhân tính của Người chẳng những chiếm hữu cho mình tầm mức viên trọn Thánh Linh, mà còn có khả năng thông truyền sự sống Thần Linh cho tất cả nhân loại. "Ai ở trong Chúa Kitô", Thánh Phaolô viết, "người đó là một tạo vật mới" (2Cor.5:17).

Như thế, tác động sáng tạo và canh tân của Thần Linh Thiên Chúa được hoàn toàn tỏ hiện nơi mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Giáo Hội kêu lên Thần Linh khi Giáo Hội nguyện cầu: "Veni Creator Spiritus", "Xin Thần Linh Sáng Tạo hãy đến".

(Bài Giáo Lý thứ 28 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 10-1-1990, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)


7-Tác Ðộng Hướng Dẫn của Thần Linh Thiên Chúa

Cựu Ước đã cho chúng ta thấy những trường hợp qúi hóa về vai trò không thể chối cãi của Thần Linh Thiên Chúa - như "gió nhẹ", "hơi thở", "sinh lực", được biểu hiệu nơi gió. Những trường hợp này được gặp thấy chẳng những nơi các cuốn sách tổng hợp diễn đạt cả về tôn giáo lẫn văn chương của tác giả sách thánh, thành phần tiêu biểu cho tâm lý lẫn ngôn từ của dân Yến Duyên, mà còn ở ngay nơi chính đời sống của cá nhân những người dẫn dắt dân trong cuộc hành trình lịch sử tiến về tương lai của lời hứa ban đấng thiên sai.

Theo các tác giả sách thánh thì Thần Linh của Thiên Chúa là Ðấng tác hành nơi các vị lãnh đạo. Thần Linh muốn thấy rằng các vị lãnh đạo này chẳng những nhân danh Thiên Chúa mà làm, lại còn thực sự làm theo đúng như ý định của Thiên Chúa nữa. Họ không được chú ý quá nhiều đến việc kiến tạo và tăng cường quyền lực riêng tư hay vương hệ của mình theo quan điểm quân chủ hay phong kiến, trái lại, họ phải nhắm đến việc thực hiện những phục vụ cao qúi cho kẻ khác, nhất là cho dân tộc của mình. Có thể nói được rằng, qua việc trung gian của những vị lãnh đạo này, Thần Linh của Thiên Chúa đã đi vào lịch sử Yến Duyên và hướng dẫn lịch sử Yến Duyên.

Nơi câu chuyện về các tổ phụ người ta đã có thể nhận thấy rằng các vị lãnh đạo được hướng dẫn trong cuộc hành trình của họ, trong những bước tiến cũng như trong những kinh nghiệm của họ, bởi một bàn tay thần linh đang hình thành dự án của mình liên quan đến giòng dõi của họ. Một trong các vị tổ phụ này là Giuse, vị mà Thần Linh Thiên Chúa đã sống động bên trong như một thần linh khôn ngoan. Vị tổ phụ này đã được vua Pharao nhận ra, qua lời ông nói với quần thần của mình: "Chúng ta còn có thể tìm một người nào khác như hắn, một con người đầy thần linh Thiên Chúa?" (Gn.41:38). Thần linh của Thiên Chúa làm cho Giuse có khả năng cai quản xứ sở và hoàn thành những công việc phi thường, chẳng những cho gia đình của mình cũng như cho các tộc hệ gia đình mình, mà còn cho dự án của cả tương lai lịch sử Yến Duyên nữa.

Thần linh của Thiên Chúa cũng tác động nơi Moisen nữa, vị trung gian giữa Giavê và dân. Thần linh nâng đỡ ông và dẫn dắt ông trong cuộc xuất hành mang dân Yến Duyên về quê cha đất tổ, thành một dân tộc hoàn toàn biệt lập, có khả năng hoàn thành vai trò thiên sai của mình. Khi các gia đình cắm trại trong sa mạc trải qua cơn khốn khó thì Moisen đã than van trước nhan Thiên Chúa rằng ông cảm thấy không mang nổi "gánh nặng cả đám dân này" (Num.11:14). Thiên Chúa đã truyền cho ông chọn lấy 70 người nam. Cùng với nhóm người này, ông đã thiết lập cơ cấu quản trị đầu tiên trong việc dẫn dắt những chi tộc này trong cuộc hành trình của họ, và Thiên Chúa đã báo cho ông biết rằng: "Ta cũng sẽ lấy một phần Thần Linh trên ngươi mà ban cho họ, để họ có thể chia sẻ gánh nặng dân này với ngươi, như thế ngươi sẽ không còn một thân một mình mang nó nữa" (Num.11:17). Thế là, 70 vị lão thành tụ họp lại chung quanh lều hội kiến và "Chúa đã lấy một phần thần linh nơi Moisen mà ban cho 70 vị lão thành" (Num.11:25).

Vào cuối đời mình, Moisen đã nghĩ đến việc lưu lại cho cộng đồng này một vị lãnh đạo để "nó khỏi trở thành một đàn người thiếu vắng chủ chăn", Chúa đã chỉ định Gioduệ thay ông; Gioduệ là "một người có thần linh" (Num.27:17-18). Moisen đã đặt "tay trên Gioduệ", và kết qủa là cả Gioduệ nữa, cũng "đầy thần linh khôn ngoan" (Dt.34:9). Ðây là những trường hợp điển hình của việc Thần Linh hiện diện và tác hành nơi đời sống của những vị chủ chăn dân Yến Duyên.

Có những lúc tặng ân của Thần Linh cũng được ban cho một người là thành phần, tuy không thuộc thành phần lãnh đạo, được Thiên Chúa kêu gọi để làm một việc thiết yếu trong một giai đoạn và hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Chẳng hạn, khi cần phải kiến trúc lều hội kiến và hòm giao ước, Thiên Chúa đã phán với Moisen rằng: "Này, ta đã gọi đích danh Bezalel... Ta đã làm cho hắn đầy thần linh tài khéo, thâm hiểu và kiến thức về mọi việc thủ công" (Ex.31:3; x.35:31). Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn ban cho cả những người cộng tác làm việc với vị thủ công viên này: "Ta cũng ban cho tất cả những chuyên viên tài khéo cần thiết để làm mọi thứ như Ta đã truyền ngươi làm: đó là lều hội kiến và hòm bia" (Ex.31:6-7).

Sách Các Quan Án đã trình thuật đời sống của những người trước hết được gọi là "những người hùng bất khuất", sau đó trở thành những quan quyền cai trị những thành hay những khu vực trong thời kỳ định cư giữa giai đoạn bộ lạc và quân chủ. Theo cách sử dụng động từ shâfat, tức "xử trí", trong những ngôn ngữ Semitic liên hệ với tiếng Do Thái, thì những người này chẳng những được coi là những quản viên công lý mà còn là những nhà lãnh đạo dân mình nữa. Họ được Thiên Chúa là Ðấng thông ban cho họ thần linh của Ngài (hơi thở - ruah) cất nhắc lên để đáp lại tiếng kêu cầu của dân dâng lên Ngài trong những cơn hoạn nạn của họ. Trong Sách Các Quan Án có một số lần việc xuất thân của họ và cuộc chiến thắng của họ cũng được coi là một tặng ân của thần linh. Như trong trường hợp của Othniel, vị quan án cao cả đầu tiên, mà cuộc đời của ông được tóm lại như sau: "khi dân Yến Duyên kêu cầu lên Chúa, Ngài đã tiến cử cho họ một vị cứu tinh là Othniel... và ông đã giải cứu họ. Thần linh của Chúa đến trên ông và ông đã điều hành dân Yến Duyên" (Jgs.3:9-10).

Nơi trường hợp của Gideon thì quyền lực của tác động thần linh lại được nhấn mạnh: "Thần linh Chúa bao trùm lấy Gideon" (Jgs.6:34). Với Jephthah cũng thế: "thần linh Chúa đến với Jephthah" (Jgs.11:29). Với Samson: "Thần linh Chúa bắt đầu khơi động ông" (Jgs.13:25). Trong những trường hợp này, thần linh của Thiên Chúa là Ðấng ban sức mạnh phi thường, ban can đảm trong việc quyết định, và đôi khi ban cả khả năng chiến thuật, nhờ đó con người có đủ bản lãnh thi hành sứ vụ được ký thác cho họ trong việc giải thoát và lãnh đạo dân chúng.

Ðến thời lịch sử nhẩy vọt từ chế độ quan án sang vua chúa, lúc mà dân Yến Duyên xin cho được "một vị vua để cai trị chúng tôi như nơi các nước khác" (1Sam.8:5), thì Samuen, vị quan án già nua cũng là nhà giải phóng, đã làm theo để không tác hại đến cảm nhận thuộc về Thiên Chúa như một dân được tuyển chọn của dân Yến Duyên, cũng như để bảo đảm cho yếu tố trọng yếu về thần quyền, tức là yếu tố công nhận quyền hạn của Thiên Chúa trên dân. Việc xức dầu cho các vua như là một lễ nghi khai triều là dấu hiệu của một cuộc phong vương linh thiêng, một cuộc phong vương đặt quyền lực chính trị nhằm vào việc phục vụ mục tiêu tôn giáo và mục tiêu hướng về đấng thiên sai. Theo chiều hướng này, Samuen đã nói với Saulê, sau khi xức dầu cho Saulê và báo trước cho Saulê biết về việc gặp gỡ của vua ở Gibeath với một nhóm tiên tri ca hát thánh vịnh, rằng: "Thần linh của Chúa sẽ chiếm lấy ngươi và ngươi sẽ nhập bọn với họ trong trạng thái sấm ngôn của họ, rồi ngươi sẽ được đổi thành một con người khác" (1Sam.10:6). Cũng thế, khi vừa xuất hiện những dấu hiệu gây chiến, thì "thần linh Thiên Chúa đã chiếm cứ Saolê" (1Sam.11:16). Lời hứa bảo vệ và lời Thiên Chúa giao ước mà Samuen đã tuyên bố với Saolê đã được hiện thực nơi vua: "Thiên Chúa ở với ngươi" (1Sam.10:7). Khi thần linh Thiên Chúa rời bỏ Saolê, ông bị hoảng hốt bởi một thần dữ (x.1Sam.16:14). Bấy giờ Ðavít đã nhập cuộc, được Samuen già nua thánh hiến bằng dầu, nhờ đó, "thần linh Chúa từ ngày đó chiếm cứ Ðavít" (1Sam.16:13).

Nơi Ðavít, hơn cả nơi Saolê, lý tưởng về một vị vua được Chúa xức dầu được thực hiện, một khuôn mẫu cho Ðức Vua Kitô Ðấng Thiên Sai sau này, Ðấng sẽ thực sự là vị giải phóng và cứu chuộc dân của Người. Mặc dầu các vua kế vị Ðavít không đạt tới tầm vóc của vua trong việc làm hiện thực vai trò vương giả của đấng thiên sai, và không thiếu gì người trong họ lại còn lạm dụng giao ước của Giavê hứa với dân Yến Duyên nữa, thế nhưng lý tưởng về một Ðức Vua Ðấng Thiên Sai vẫn không mất đi. Lý tưởng này đã được dự phóng trong tương lai với một lòng mong đợi được tiếp tục khơi lên bởi những lời tiên tri loan báo.

Tiên tri Isaia đặc biệt nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa thần linh Thiên Chúa và Ðấng Thiên Sai: "Thần linh Chúa sẽ ở trên người" (Is.11:2). Ðó là một thần linh sức mạnh, nhưng, trên hết, là một thần linh khôn ngoan: "một thần linh khôn ngoan và thâm hiểu, một thần linh dẫn dụ và sức mạnh, một thần linh minh luận và kính sợ Chúa", thần linh này là Ðấng sẽ điều khiển Ðấng Thiên Sai tác hành theo công lý nhân danh thành phần sầu đau, nghèo khó và bị áp bức (Is.11:2-4).

Như thế, Thánh Linh của Chúa (x.Is.42:1,61:1f,63:10-13; Ps.50,51:13; Wis.1:5,9:17), "hơi thở sự sống" (ruah) của Ngài hoạt động dọc suốt lịch sử Thánh Kinh sẽ được ban trọn vẹn cho Ðấng Thiên Sai. Chính thần linh này đã thở hơi trên những giao động trước cuộc tạo dựng (x.Gn.1:2), thần linh ban sự sống cho tất cả những sinh vật (x.Ps.104:29-30,33:6; Gn.2:7; Ez.37:5-6,9-10), thần linh tiến cử những vị quan án (x.Jgs.3:10,6:34,11:29) và các vua (x.Sam.11:6), thần linh làm cho các thủ công viên làm được công tác của mình nơi cung thánh (x.Ex.31:3,35:31), thần linh ban cho tổ phụ Giuse sự khôn ngoan (x.Gn.41:38), và cho Moisen cũng như các tiên tri linh hứng (x.Num.11:17,25-26,24:2; 1Sam.23:2), cũng sẽ tràn tuôn xuống trên Ðấng Thiên Sai vô vàn tặng ân (x.Is.11:2). Ðấng Thiên Sai nhờ đó sẽ có thể hoàn thành sứ vụ công lý và hòa bình của mình. Người là Ðấng Thiên Chúa "đặt Thần Linh Ngài" "sẽ mang lại công lý cho các dân nước" (Is.42:1). "Người sẽ không thoái lui hay nản chí cho đến khi Người thiết lập công lý trên trái đất" (42:4).

Người sẽ "thiết lập công lý" và giải thoát thành phần bị áp bức bằng cách nào? Phải chăng sẽ bằng sức mạnh của vũ khí như các vị quan án, theo thần linh thúc động, và như nhà Maccabê làm sau đó nhiều thế kỷ? Cựu Ước đã không trả lời dứt khoát cho vấn nạn này. Có một số đoạn đã nói đến những lần can thiệp bằng bạo lực, chẳng hạn, như bản văn của tiên tri Isaia: "Ta đã chà đạp dân mình trong cơn hận của Ta, Ta đã nghiền nát chúng trong cơn giận của Ta, và Ta để cho máu chúng loang chảy trên đất" (Is.63:6). Tuy nhiên, cũng có những đoạn lại nhấn mạnh đến việc loại trừ mọi đối chọi: "Dân nước này sẽ không vung gươm lên chống lại với dân nước kia, không còn việc thao chiến nữa" (Is.2:4).

Câu trả lời đã được sáng tỏ khi Chúa Thánh Thần hướng dẫn Chúa Giêsu thực hiện sứ vụ của Người: theo Phúc Âm, chúng ta biết rằng Thần Linh đã nhắc nhở Chúa Giêsu trong việc loại trừ sử dụng vũ khí và bất cứ tham vọng trần gian nào, trái lại, thực hiện cuộc chiến thắng thần linh bằng một lòng quảng đại vô hạn, khi đổ máu mình ra để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Tác động hướng dẫn của Chúa Thánh Thần được biểu lộ ra nơi đường lối dứt khoát là như thế.

(Bài Giáo Lý thứ 29 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 17-1-1990, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)


8-"Thần Linh Nâng Tôi Lên..."

Trong bài giáo lý lần trước, chúng ta đã trích dẫn từ dữ kiện Thánh Kinh về phương diện sấm ngôn của hoạt động Thần Linh Thiên Chúa trên những vị lãnh đạo của dân Yến Duyên, trên các vua cũng như trên Ðấng Thiên Sai. Phương diện này cần phải được thấu triệt hơn nữa, vì vấn đề sấm ngôn là một giai đoạn trải suốt lịch sử dân Yến Duyên, nổi nang nhất là vai trò của Moisen, vị tiên tri thượng đẳng, "vị được Chúa giáp mặt nói chuyện" (Dt.34:10). Qua các thế hệ, dân Yến Duyên càng ngày càng trở nên quen thuộc với song niệm "lề luật và các tiên tri", như là một tổng luận rõ ràng của một gia sản tinh thần mà Thiên Chúa đã ký thác cho dân của Ngài. Chính nhờ thần linh của mình, Thiên Chúa đã phán dạy và hoạt động nơi những vị cha ông, và từ đời nọ đến đời kia Ngài đã sửa soạn cho một ngày mới.

Hiện tượng sấm ngôn được lịch sử ghi nhận chắc chắn có dính dáng đến lời Chúa. Tiên tri là người nhân danh Thiên Chúa mà nói để truyền đạt cho ai nghe hay đọc mình điều Thiên Chúa muốn tỏ ra liên quan đến hiện tại và tương lai. Thần linh Thiên Chúa làm cho lời Chúa linh hoạt và ban cho nó sự sống. Lời Chúa làm cho vị tiên tri và lời của vị này có một tính chất xúc cảm thần linh, nhờ đó, vị tiên tri trở nên hoạt bát, có những lúc hùng hồn, đôi khi mang nặng sầu đau, và luôn luôn sinh động.

Hay có những đoạn Thánh Kinh đáng chú ý cho thấy rằng thần linh Thiên Chúa ở trên một người và người này lập tức loan báo một lời tiên tri nào đó. Ðiều này đã xẩy ra với Balaam: "Thần linh Thiên Chúa đến với hắn" (Num.24:2). Thế rồi "hắn lên tiếng nói: 'Lời của người đã nghe thấy điều Thiên Chúa phán và biết điều Ðấng Tối Cao biết, của một người đã ngất ngây dương mắt thấy điều Ðấng Toàn Năng thấy..." (Num.24:3-4). Ðây là một lời tiên tri nổi tiếng, một lời tiên tri dù trực tiếp ám chỉ Saolê (x.1Sam.15:8) và Ðavít (x.1Sam.30:1ff) trong trận chiến đấu với quân Amalek, song cũng là lời tiên tri gợi lên cho thấy cả Ðấng Thiên Sai nữa: "Tôi thấy Người, mặc dầu không phải hiện tại; tôi nắm được Người, mặc dầu không gần cận; một vì tinh tú tiến lên từ Giacóp, một vương trượng nổi dậy từ Yến Duyên" (Num.24:17).

Một phương diện khác của thần linh sấm ngôn trong việc phục vụ lời Chúa là thần linh sấm ngôn này có thể được truyền đạt và hầu như được phân chia theo nhu cầu của người nhận lãnh. Ðiều này đã xẩy ra nơi trường hợp của Moisen, vị đã lo lắng phải dẫn dắt và cai quản tổng số dân Yến Duyên bấy giớ là "600 ngàn nam nhân trưởng thành" (Num.11:12). Chúa đã truyền cho ông chọn lựa và tập họp lại "70 nam nhân trong số các vị bô lão Yến Duyên ông biết được để làm trưởng lão của dân và là những vị có thẩm quyền đối với dân" (Num.11:16). Xong, Chúa "lấy một ít thần linh nơi Moisen mà ban xuống trên 70 vị trưởng lão; và khi thần linh đến với họ, họ đã tuyên phán sấm ngôn..." (Num.11:25).

Trong việc Elisha thay thế Elia, Elisha muốn được ban cho mình không ít hơn "hai phần ba thần linh" của vị đại tiên tri, một thứ 2/3 gia nghiệp dành cho đứa con cả (x.Dt.21:17). Số phần thần linh này sở dĩ cần phải có bằng đó là mới làm cho Elisa có thể được công nhận là vị thừa kế thần linh chính trong đa số tiên tri cũng như "con cái của các tiên tri" hợp thành những nhóm tiên tri (x.2Kgs.2:3). Thế nhưng, thần linh không được truyền từ tiên tri này sang tiên tri khác như một gia sản trần gian: chính Thiên Chúa là Ðấng ban phát thần linh. Và đã xẩy ra như thế, nên "các con cái những vị tiên tri" công nhận rằng: "Thần linh của Elia ở trên Elisha" (2Kgs.2:15;x.6:17).

Trong việc dân Yến Duyên giao tiếp với các dân lân bang cũng không thiếu gì ngụy sấm đưa đến việc thành hình những nhóm ngất ngây, thành phần lấy âm nhạc và vận động thay thế thần linh phát xuất từ Thiên Chúa. Họ thuộc về nhóm sùng bái Baal. Tiên tri Elia đã thách các vị tiên tri này một trận đấu quyết liệt (1Kgs.18:25-29), và nguyên trận đấu này thôi đã làm cho vị tiên tri nổi tiếng. Còn tiên tri Elisha thì đã giao tiếp rộng rãi hơn một số tiên tri trong những nhóm sùng bái Baal này, thành phần đã cảm nhận được vấn đề (x.2Kgs.2:3).

Theo truyền thống Thánh Kinh nguyên tuyền, ý niệm đích thực về một vị tiên tri vốn được hiểu và chú trọng ở chỗ họ là người của lời Thiên Chúa, được Thiên Chúa chỉ định, cùng một nguồn với Moisen và theo hàng ngũ của Moisen (x.Dt.18:15f). Thiên Chúa đã hứa với Moisen: "Ta sẽ tiến cử cho chúng một vị tiên tri giống như ngươi ở giữa anh em chúng, và Ta sẽ đặt lời Ta trong miệng vị này. Vị này sẽ nói điều Ta truyền khiến" (Dt.18:18). Lời hứa này được hình thành kèm theo lời cảnh báo về những lạm dụng trong việc nói tiên tri: "Nếu tiên tri nào cho rằng mình nhân danh Ta mà nói điều Ta không truyền cho hắn nói, hay nói nhân danh các thần khác thì hắn sẽ chết. Nếu các ngươi tự hỏi: 'vậy thì chúng tôi phải làm sao để nhận ra lời Chúa phán?', thì hãy biết rằng, dù vị tiên tri nào đó nhân danh Chúa mà nói, song lời của hắn không nên trọn hay được kiểm chứng, thì đó không phải là lời Chúa phán" (Dt.18:20-21).

Một phương diện khác trong tiêu chuẩn phán đoán lời tiên tri là lời tiên tri phải nói lên giáo huấn của Thiên Chúa ban bố cho dân Yến Duyên nơi việc phản chống lại chiều hướng ngẫu tượng (x.Dt.13:2f). Việc phản chống này cho thấy nỗi uất hận đối với thành phần các vị tiên tri giả (x.1Kgs.22:6ff; 2Kgs.3:13; Jer.2:26,5:13,23:9-40; Mi.3:11; Zech.13:2). Phận sự của vị tiên tri, như người của lời Thiên Chúa, là chống lại "thần trí dối trá" phát hiện từ miệng lưỡi của các ngụy tiên tri (x.1Kgs.22:23), để bảo toàn dân cho khỏi ảnh hưởng của những vị tiên tri giả này. Ðó là một sứ vụ lãnh nhận từ Thiên Chúa, như tiên tri Ezekien công bố: "Vậy lời của Chúa đến với tôi: 'hỡi con người, hãy nói tiên tri chống lại những tiên tri của Yến Duyên, hãy nói tiên tri! Hãy nói với những kẻ rao truyền tâm tưởng riêng của họ rằng: Hãy nghe lời Chúa: Khốn cho những tiên tri ngu xuẩn, những tiên tri theo thần trí của mình mà chẳng có được thị kiến gì cả" (Ez.13:2-3).

Một con người của sấm ngôn, tức một vị tiên tri còn phải là "một con người của thần linh", như tiên tri Hosea đã từng xưng hô (9:7). Vị tiên tri này phải có thần linh Thiên Chúa, chứ không phải chỉ có thần trí riêng của mình, khi phải nhân danh Thiên Chúa mà nói.

Ý niệm này đã được khai triển hơn ai hết bởi tiên tri Ezekien, vị tiên tri cho thấy được nhận thức về ý nghĩa sâu xa của việc nói tiên tri. Ðể nhân danh Thiên Chúa mà nói cần phải có sự hiện diện của thần linh Thiên Chúa nơi vị tiên tri. Sự hiện diện này được biểu lộ qua một giao tiếp mà tiên tri Ezekien gọi là "thị kiến". Nơi những ai được thấy thị kiến, hoạt động của thần linh Thiên Chúa bảo đảm sự thật cho những lời được công bố. Ở đây chúng ta thấy một xác nhận mới về mối liên hệ giữa lời Chúa và thần linh, là những gì dọn đường, theo ngữ học cũng như theo ý niệm, cho mối liên hệ giữa Lời và Chúa Thánh Thần trong Tân Ước.

Tiên tri Ezekien tự cảm nhận được mình được thần linh hướng dẫn: "Thần linh nhập vào tôi" (tiên tri viết) "làm tôi đứng lên và tôi nghe thấy đấng nói cùng tôi" (Ez.2:2). Thần linh nhập vào con người của vị tiên tri. Thần linh làm cho vị tiên tri đứng lên: do đó mà thần linh làm cho vị tiên tri thành nhân chứng cho lời Thiên Chúa. Thần linh nâng vị tiên tri lên và đẩy vị tiên tri vào tình trạng động: "Thần linh nâng tôi lên... và mang tôi đi" (Ez.3:12-14). Hoạt động của thần linh tự biểu lộ ra là như thế (x.Ez.8:3,11:1,5,24,43:5). Tiên tri Ezekien còn nhấn mạnh rằng mình đang nói về "Thần Linh Chúa" (11:5).

Phương diện linh hoạt nơi tác động sấm ngôn của Thần Linh Thiên Chúa còn được tỏ ra một cách mãnh liệt qua những lời của tiên tri Haggai và Zecharia là những vị, sau cuộc lưu đầy trở về, đã đẩy mạnh những người dân Do Thái hồi hương bắt tay vào việc tái thiết Ðền Thờ Gialiêm. Lời đầu tiên của tiên tri Haggai mang lại kết qủa là "Chúa đã khơi động thần trí của vị tổng trấn xứ Giuđêa là Zerubbabel... và thần trí của thượng tế Gioduệ... cũng như thần trí của tất cả đám lưu dân, để họ đến khởi công làm nhà của Chúa các đạo binh" (Hg.1:14). Lời thứ hai của tiên tri Haggai, một lần nữa, đã can thiệp và hứa có sự trợ giúp của thần linh Chúa: "Can đảm lên Zerubbabel... Can trường lên Gioduệ... Dũng cảm lên tất cả lưu dân đất hứa, Chúa phán... thần linh của Ta sẽ ở với các ngươi, đừng sợ hãi" (Hg.2:4-5). Cũng thế, tiên tri Zacharia đã tuyên bố rằng: "Ðây là lời Chúa cho Zerebbabel: không phải bằng quân quốc hay mãnh lực, mà là bởi thần linh của Ta, Chúa các đạo binh phán" (Zech.4:6).

Vào những ngày ngay trước thời Chúa Giêsu giáng sinh, đã không còn tiên tri nơi dân Yến Duyên và không ai biết được tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu (x.Ps.74:9; 1Mac.9:27). Tuy nhiên, một trong những vị tiên tri cuối cùng là Joel đã loan báo việc tràn tuôn thần linh của Thiên Chúa phải xẩy ra: "trước ngày Chúa đến, một ngày cao cả và kinh hoàng" (Joel 3:4). Nó được tỏ hiện bằng việc lan truyền tặng ân ngôn sứ. Chúa đã công bố qua đại diện của Ngài rằng: "Ta sẽ tuôn đổ thần trí Ta trên cả loài người; con trai và con gái của các ngươi sẽ nói tiên tri; các người già cả của các ngươi sẽ mơ thấy những giấc mộng và những người trẻ trung sẽ thấy những thị kiến" (3:1). Thế là cuối cùng lòng mong ước của Moisen được bộc lộ từ nhiều thế kỷ trước đã được thực hiện: "Chớ gì tất cả sẽ là tiên tri giữa dân Chúa và chớ gì Chúa sẽ ban thần linh của Ngài cho họ" (Num.11:29). Thế nên, ơn hứng khởi sấm ngôn còn được ban cho cả "những người nô lệ, cả nam lẫn nữ" (Joel 3:2), vượt trên mọi phân biệt về trình độ văn hóa hay thân phận xã hội. Thế là ơn cứu độ được hiến ban cho tất cả mọi người: "Ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu độ" (Joel 3:5).

Như chúng ta thấy trong bài giáo lý lần trước, lời của tiên tri Joel này đã được nên trọn trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Hướng về đám đông ngỡ ngàng, thánh Tông Ðồ Phêrô đã có thể tuyên bố rằng: "Ðiều tiên tri Joel loan báo đã được thực hiện"; và thánh nhân đã lập lại lời tiên báo này (x.Acts 2:16-21), khi giải thích cho họ thấy Chúa Giêsu "được tôn vinh bên hữu Thiên Chúa, đã nhận từ Chúa Thánh Thần hứa ban và đã trào đổ Ngài" ra cách tràn lan (x.Acts 2:33). Từ ngày ấy trở đi, hoạt động loan báo về Chúa Thánh Thần được tiếp tục tỏ hiện nơi Giáo Hội để sáng soi và an ủi Giáo Hội.

(Bài Giáo Lý thứ 30 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 24-1-1990, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)


9-Thần Linh và Khôn Ngoan

Cảm nghiệm những lời tiên tri trong Cựu Ước đã cho thấy mối liên lạc đặc biệt giữa lời Chúa và thần linh. Vị tiên tri nói nhân danh Chúa và bởi thần linh. Sách Thánh tự mình cũng là lời Chúa bởi Thần Linh mà có, một ghi nhận của thần linh qua các thế hệ. Cuốn sách này là thánh do bởi thần linh, Ðấng làm cho nó mang lại hiệu năng nhờ lời phát biểu cũng như lời ghi chép.

Ngay cả nơi thành phần không phải là tiên tri, thần linh cũng nhúng tay vào việc họ tuyên phán lời Chúa. Cuốn Sách Ký Sử Thứ Nhất kể lại rằng, những "kẻ anh dũng" ý thức được lòng trung thành của mình đã tham gia với Ðavít. Sách viết rằng "thần linh bao phủ Amasai, vị lãnh đạo của 30 (người anh dũng)" và đã khiến ông nói cùng Ðavít những lời này: "Chúng tôi thuộc về ngài... Bình an, an bình cho ngài, và bình an cho ai trợ giúp ngài; Thiên Chúa của ngài chính là Ðấng cứu giúp ngài". Và "Ðavít đã tiếp nhận họ rồi cho họ làm thành phần chỉ huy đạo quân của mình" (1Chr.12:19). Một trường hợp khác còn hùng hồn hơn nữa được Cuốn Ký Sử Thứ Hai kể lại, trường hợp mà Chúa Giêsu đã nhắc đến (x.Mt.23:35; Lk.11:51). Trường hợp này xẩy ra vào lúc việc thờ phượng nơi đền thờ đang xuống dốc và dân Yến Duyên đang chiều theo chước cám dỗ tôn thờ ngẫu tượng. Bấy giờ các vị tiên tri được Thiên Chúa sai đến với dân Yến Duyên để dân này có thể trở về với Ngài không chịu nghe theo các vị, thì "lúc ấy Thần Linh Thiên Chúa chiếm cứ Zacharia, con của tư tế Jehoiada, Vị này đứng trên dân mà nói cùng họ rằng: 'Thiên Chúa phán: Tại sao các ngươi đã lỗi đến các mệnh lệnh của Chúa, một việc lỗi lầm đã làm cho các ngươi không sao phát triển được? Tại vì các ngươi đã lìa bỏ Chúa nên Ngài đã bỏ mặc các ngươi". Thế nhưng, họ đã âm mưu chống lại vị tiên tri, và theo lệnh vua, họ đã ném đá giết chết vị này trong nội cung đền thờ Chúa" (2Chr.24:20-21). Ðấy là những trường hợp nói lên ý nghĩa về mối liên hệ giữa thần linh và lời Chúa, hiện diện nơi tâm tư và từ vựng của dân Yến Duyên.

Còn một mối liên hệ khác tương tự như thế, đó là mối liên hệ giữa thần linh và đức khôn ngoan. Ðiều này được thấy trong Sách Tiên Tri Daniel, trên cửa miệng của vua Nebuchadnezzar. Trong việc kể lại giấc mơ của mình và được Daniel giải thích cho biết, vua đã nhận biết vị tiên tri như "một người có thần linh của Thiên Chúa thánh hảo" (Dan.4:5,x.4:6,15,5:11,14), tức là có thần hứng, điều mà vua pharao vào thời của mình cũng đã nhận thấy nơi Giuse qua đức khôn ngoan huấn dụ của vị tổ phụ này (x.Gn.41:38-39). Theo từ vựng dân ngoại, vua Babylon lập đi lập lại "thần linh của các thần thánh hảo", tuy nhiên, trong phần kết thúc, vua lại nói về "vua trời" ở số ít (theo ngữ vựng và văn phạm). Dầu sao đi nữa, vua đã công nhận rằng thần linh Thiên Chúa tỏ hiện nơi Daniel, như chính vua Belshazzar cũng công nhận: "Ta đã nghe thấy rằng thần linh của các thần thánh hảo ở nơi ngươi, do đó, ngươi có được một kiến thức tinh thông và một sự khôn ngoan phi thường" (Dan.5:14). Rồi tác giả của cuốn sách nhấn mạnh rằng "Daniel đã qua mặt tất cả những vị giám sát mình cũng như những vị thuộc quan, vì nơi Daniel có một thần linh siêu việt, và nhà vua đã nghĩ đến việc ban cho Daniel quyền bính trên toàn cõi vương quốc của vua" (Dan.6:3).

"Sự khôn ngoan phi thường" và "thần linh siêu việt" được gán cho Daniel rất đúng. Nó chứng thực cho mối liên hệ giữa hai tính chất này nơi Do Thái giáo ở thế kỷ thứ hai trước công nguyên (lúc mà cuốn sách này được viết ra), để nâng đỡ đức tin và lòng cậy trông của những người Do Thái bị Antiochus Epiphanes bắt bớ.

Theo Sách Khôn Ngoan, một bản văn được tìm hiểu gần như trọn vẹn trước ngưỡng cửa của Tân Ước - tức là, theo một số tác giả hiện đại, vào hạ bán thế kỷ thứ nhất trước công nguyên và vào giai đoạn Hellenistic - thì mối liên hệ giữa khôn ngoan và thần linh được nhấn mạnh đến nỗi cả hai hầu như trở thành đồng nhất. Ngay đầu sách chúng ta đã đọc thấy câu "khôn ngoan là một thần linh từ ái" (Wis.1:6). Thần linh từ ái này được hiện tỏ và thông truyền nhờ sức mạnh của tình yêu sâu xa đối với nhân loại. Thế nhưng, thần linh từ ái này không mù quáng cũng không chấp nhận sự dữ nơi con người, cho dù là sự dữ ẩn kín đi nữa. "Khôn ngoan không nhập vào một linh hồn mưu đồ gian ác, cũng không ngự trong một thân xác nặng nợ tội lỗi. Vì thánh thần của kỷ cương tránh lánh giả tưởng và rút khỏi những dẫn dụ mơ hồ... Khôn ngoan không dung thứ kẻ dùng môi miệng nói lộng ngôn, vì Thiên Chúa chứng giám thâm cung của họ, thấu suốt tâm can của họ và nghe thấu lời lẽ của họ" (Wis.1:4,6).

Thế nên, thần linh Chúa là một thánh thần, đấng muốn thông truyền sự thánh hảo của mình ra và thực hiện phận sự giáo dục của mình: "Thánh thần là đấng dạy dỗ" (Wis.1:5). Thần linh chống lại bất công. Ðiều này không làm hạn hẹp tình yêu của thần linh, mà là một đòi hỏi của tình yêu này. Trong việc chống lại sự dữ, thần linh chống lại tất cả mọi khiếm khuyết, song không bao giờ để mình bị lèo lái, vì không một sự gì có thể thoát nổi thần linh, "ngay cả những lời nói kín mật đi nữa" (Wis.1:11). Thần linh "tràn lan hoàn vũ"; một thần linh toàn hiện (omnipresent). "Và vì gồm tóm mọi sự, thần linh biết điều con người nói" (Wis.1:7). Việc thần linh toàn hiện phát sinh một sự hiểu biết về tất cả mọi sự vật, kể cả những gì kín nhiệm nhất.

Là một "thần linh từ ái", thần linh không chỉ có ý trông coi con người mà còn làm cho họ tràn đầy tiếng nói và sự thánh thiện của Ngài. "Thiên Chúa không tạo nên sự chết, và Ngài cũng không vui mừng nơi sự hủy diệt của sinh vật. Vì Ngài hình thành mọi sự vật là để cho chúng được sống..." (Wis.1:13-14). Ðiều xác nhận tính chất tạo dựng tích cực này đã phản ảnh ý niệm thánh kinh về Thiên Chúa như là "Ðấng hiện hữu" và là Ðấng Tạo Thành toàn thể vũ trụ (x.Gn.1:1ff). Ðiều xác nhận này còn hiến một căn bản đạo lý cho quan niệm về triết lý và cho cả luân lý về mối liên hệ với các sự vật; hơn hết, nó gợi ý cho một luận bàn về cùng đích của con người, một luận bàn không triết lý nào có thể khai triển mà không được mạc khải thần linh hỗ trợ. Bởi thế, sau này Thánh Phaolô mới nói rằng nếu sự chết có là do tội lỗi của một người thì Ðức Kitô, như một Adong mới, đã đến để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và giải thoát nhân loại khỏi sự chết (x.Rm.5:12-21). Thánh Tông Ðồ còn thêm là Ðức Kitô mang lại một sự sống mới trong Chúa Thánh Thần (x.Rm.8:1ff), khi thánh nhân gọi tên, đúng hơn, cho biết sứ mệnh của Ngôi Vị thần linh được hàm chất mầu nhiệm nơi những trang Sách Khôn Ngoan.

Vua Solomon, người được coi như tác giả của cuốn sách này qua cách kết cấu từ chương khéo léo, vào một lúc kia, đã nói với đồng liêu của mình rằng: "Ôi các vua, hãy lắng nghe..." (Wis.6:1), bằng cách kêu mời họ nhận lấy sự khôn ngoan là cái bí mật và là tiêu chuẩn của lòng trung thành, và bằng việc cắt nghĩa "khôn ngoan là gì..." (Wis.6:22). Vua đã chúc tụng sự khôn ngoan qua một chuỗi dài về các đặc điểm của thần linh mà vua gán cho sự khôn ngoan, hầu như nhân cách hóa sự khôn ngoan này: "Thần linh ở nơi nàng, tinh thông, thánh hảo, chuyên nhất, đa diện ..." (Wis.7:22-23). Có 21 (3 lần 7) phẩm chất được kể đến, bao gồm những lời được trích một phần từ triết lý Hy Lạp và một phần từ Thánh Kinh. Sau đây là những phẩm chất quan trọng nhất:

Thần linh "tinh thông", tức không phải là một thôi thúc mù quáng mà là một động lực do nhận thức chân lý điều khiển. Thần linh là một thần linh "thánh hảo", vì nó chẳng những muốn sáng soi con người mà còn làm cho họ nên thánh hảo nữa. Thần linh "chuyên nhất và đa diện", để có thể thấu nhập vào trong mọi sự. Thần linh "tinh tế" và thấm nhập vào các thần trí. Bởi thế, hoạt động của thần linh chính yếu là nội tâm, như chính sự hiện diện của thần linh. Thần linh "toàn năng và toàn kiến", nhưng không tạo nên một quyền lực bạo tàn và hủy diệt, vì thần linh thì "từ ái và là bạn của nhân loại", mong sự lành cho họ và có thói quen làm họ "nên bạn hữu của Thiên Chúa". Tình yêu nâng đỡ và hướng dẫn việc thực thi quyền năng của thần linh.

Bởi thế, khôn ngoan có những phẩm chất của thần linh và thực thi những vai trò vốn được gán cho thần linh: "thần linh khôn ngoan và thông biết... v.v." (Is.11:2f), vì khôn ngoan với thần linh như là một trong thẳm cung huyền nhiệm của thực tại thần linh.

Trong số những chức năng của Thần-Linh-Khôn-Ngoan có một chức năng là làm cho ý muốn thần linh được nhận biết: "Ai đã từng biết được ý muốn của Chúa, trừ phi Chúa ban Khôn Ngoan cho và gửi thánh linh của Chúa từ trời đến cho" (Wis.9:17). Không được trợ giúp, con người không thể nào biết được ý muốn của Thiên Chúa: "Người nào biết được huấn dụ của Thiên Chúa?" (Wis.9:13). Bằng thánh linh của mình, Thiên Chúa đã tỏ ý muốn của Ngài ra, tỏ dự án của Ngài ra cho cuộc sống con người, còn sâu xa và vững chắc hơn là việc ban bố luật lệ thành văn theo ngôn ngữ loài người. Tác động từ bên trong qua tặng ân của Chúa Thánh Linh, Thiên Chúa khiến cho "những lề lối của những ai sống trên trái đất được ngay thẳng; và con người biết được điều làm hài lòng Chúa để nhờ khôn ngoan mà được cứu" (Wis.9:18). Ðến đây, tác giả Sách Khôn Ngoan đã dùng 10 chương để trình thuật công việc của Thần-Linh-Khôn-Ngoan đã thực hiện nơi lịch sử, từ Adong cho tới Moisen, tới việc thiết lập giao ước với dân Yến Duyên, tới việc giải phóng, được biểu lộ qua việc liên tục chăm sóc cho dân của Thiên Chúa. Rồi tác giả kết luận: "Ôi Chúa, bằng mọi cách, Chúa đã làm cho dân Chúa lớn mạnh và vinh quang; Chúa không thôi đứng kề bên họ mọi lúc và mọi nơi..." (Wis.19:22).

Trong phần tường thuật văn chương khôn ngoan theo lịch sử này có một đoạn văn nói về Chúa mà tác giả đã nhắc tới thần linh toàn hiện của Thiên Chúa, một thần linh yêu thương và bảo bọc cuộc sống con người. Ðiều này cũng bao gồm cả các địch thù của dân Thiên Chúa, nói chung, bao gồm cả thành phần vô đạo, thành phần tội nhân. Nơi cả những người này nữa, cũng có thánh linh yêu thương và sự sống: "Chúa dung tha cho tất cả mọi sự, vì chúng là của Chúa, Ôi Chúa, tình quân của các linh hồn, vì thần linh bất diệt của Chúa ở trong tất cả mọi vật" (Wis.11:26,12:1).

"Chúa dung tha..." những địch thù của dân Yến Duyên, thành phần có thể đã bị trừng phạt còn khủng khiếp hơn là nó đã thực sự xẩy ra. Họ có thể đã bị "văng đi bởi thần linh mãnh lực của Chúa, nhưng Chúa đã xếp đặt mọi sự theo tầm vóc, vật số và trọng lượng" (Wis.11:20). Sách Khôn Ngoan chúc tụng "nét hài hòa" của Thiên Chúa dựa vào lý do sau đây: thần linh của Thiên Chúa không chỉ tác hành như một luồng gió mạnh, có thể hủy diệt tội lỗi, mà là như một thần linh khôn ngoan mong muốn sự sống để tỏ bày tình yêu của mình ra. "Thế nhưng Chúa đã xót thương tất cả, vì Chúa có thể làm được mọi sự; Chúa bỏ qua tội lỗi con người để họ ăn năn thống hối. Vì Chúa yêu thương tất cả mọi sự hiện hữu và không ghê tởm sự gì Chúa đã tạo nên; nếu Chúa ghét bỏ Chúa đã không tạo thành. Mà một vật tồn tại thế nào được nếu Chúa không ưng muốn; hay được bảo trì nếu nó không được Chúa truyền khiến" (Wis.11:23-25).

Chúng ta tiến đến tột đỉnh của triết lý đạo đức không những của dân Yến Duyên mà của tất cả các người xưa nữa. Ở đây, truyền thống thánh kinh, như được trình bày nơi sách Khởi Nguyên, đã giải đáp được những vấn nạn lớn vốn nan giải, kể cả văn hóa Hy Lạp (từ thế kỷ thứ 4 tới 1 BC) cũng chịu. Ở đây, tình thương của Thiên Chúa đã liên kết với sự thật về việc Ngài tạo dựng nên tất cả mọi sự. Tính cách phổ quát của việc tạo dựng hàm chứa tính cách phổ quát của tình thương. Và tất cả đều bị chi phối bởi quyền lực của tình yêu vĩnh hằng Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi tạo vật của Ngài: một tình yêu mà giờ đây chúng ta nhận thấy được nơi ngôi vị của Chúa Thánh Thần.

Sách Khôn Ngoan đã giúp chúng ta nhận thấy Thần-Linh-Tình-Yêu mà, như Khôn Ngoan, mặc lấy các phẩm chất của một ngôi vị, với những đặc tính sau đây: một thần linh biết hết mọi sự và tỏ cho con người biết những dự định của Thiên Chúa; một thần linh không thể chấp nhận sự dữ; một thần linh mà, qua môi giới của khôn ngoan, muốn đưa tất cả tới ơn cứu rỗi; một thần linh yêu thương mong muốn sự sống; một thần linh làm vũ trụ tràn đầy sự hiện diện hồng phúc của mình.

(Bài Giáo Lý thứ 33 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 14-3-1990, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)


10-Thần Linh trong Mầu Nhiệm Tử Giá

Trong Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, Tôi đã viết: "Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô, như một con người, bằng lời nguyện cầu mong tới cuộc tử nạn của mình, đã làm cho Chúa Thánh Thần, Ðấng đã thấm nhập sâu đậm vào nhân tính của Người, biến đổi nhân tính ấy thành một hy tế qua hành động chết đi của Người như tế vật yêu thương trên thập giá. Người đã tự mình hiến dâng hy tế này. Như là một tư tế, 'Người đã hiến dâng chính mình vô tì tích lên Thiên Chúa" (Heb.9:14)" (đoạn 40). Hy tế thập giá là tột đỉnh của một sự sống, làm cho chúng ta, theo các bản văn Phúc Âm, thấy được sự thật về Chúa Thánh Thần, kể từ giây phút Nhập Thể. Mầu nhiệm Nhập Thể này đã là đề tài của các buổi giáo lý trước đây, các buổi giáo lý chú trọng đến những thời điểm thuộc về đời sống và sứ vụ của Chúa Kitô là những thời điểm làm cho mạc khải về Chúa Thánh Thần sáng tỏ một cách đặc biệt. Ðề tài của buổi giáo lý hôm nay là biến cố thập giá.

Chúng ta hãy chú ý đến những lời cuối cùng của Chúa Giêsu thốt ra trong cuộc khổ nạn của Người trên đồi Canvê. Theo bản văn của thánh Luca thì những lời này là: "Lạy Cha, Con xin ký thác thần trí của Con trong tay Cha" (Lk.23:46). Mặc dù mỗi một lời trong câu than này, trừ lời "Cha", là những lời của Thánh Vịnh 31, song, theo kết cấu Phúc Âm, chúng lại mang một ý nghĩa khác. Tác giả Thánh Vịnh đã nguyện cầu cùng Thiên Chúa cứu mình khỏi chết. Trái lại, sử dụng cùng những lời của tác giả Thánh Vịnh này, Chúa Giêsu trên thập giá lại chấp nhận cái chết, hoàn trả thần trí mình (tức là "sự sống của mình") cho Chúa Cha. Tác giả Thánh Vịnh hướng về Thiên Chúa như là một đấng giải thoát của mình; Chúa Giêsu lại dâng hiến (tức là trao phó) thần trí mình cho Chúa Cha, hướng về cuộc phục sinh. Chúa Giêsu đã trao phó toàn thể nhân tính của mình cho Chúa Cha. Tuy nhiên, cái "Tôi" thần linh của Con liên kết với Cha và Thánh Thần lại cùng hiện hữu nơi nhân tính của Người. Do đó, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần vẫn không biểu lộ một cách rõ ràng nơi bản văn của thánh Luca như nơi Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái.

Trước khi sang bản văn khác này, chúng ta cần phải lưu ý đến cấu trúc hơi khác nhau nơi những lời của Chúa Giêsu hấp hối theo Phúc Âm thánh Gioan. Chúng ta đọc thấy nơi Phúc Âm này là: "Sau khi Chúa Giêsu nếm rượu rồi thì Người phán: 'Ðã hoàn tất!' Rồi gục đầu xuống, Người trao phó thần trí mình" (Jn.19:30). Thánh ký đã không đề cao "việc trao phó" (hay "ký thác") thần trí cho Chúa Cha. Toàn bộ kết cấu của Phúc Âm thánh Gioan, nhất là đoạn về cuộc tử nạn của Người trên thập giá như muốn nói lên là cái chết của Người khai mào cho việc sai Chúa Thánh Thần đến như một tặng ân được trao trối từ việc ra đi của Chúa Kitô.

Cả ở đoạn Phúc Âm của thánh Gioan này cũng không rõ ràng nói đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Thế nhưng, chúng ta không thể nào bỏ qua sự liên kết bất ngờ xẩy ra giữa bản văn của Phúc Âm thánh Gioan và lời dẫn giải về cái chết của Chúa Kitô nơi Bức Thư gửi giáo đoàn Do Thái. Tác giả của bức thư này nói về phận vụ theo nghi lễ của những huyết tế nơi cựu ước được dùng để thanh tẩy dân khỏi những lỗi lầm phạm đến lề luật. Tác giả đã so sánh những huyết tế này với hy tế thập giá rồi kết thúc bằng lời than: "Thế thì còn hơn thế nữa đối với máu của Chúa Kitô, Ðấng nhờ Thần Linh vĩnh cửu đã hiến dâng mình vô tì tích lên Thiên Chúa, trong việc tẩy rửa lương tâm của chúng ta khỏi những công việc chết chóc để tôn thờ Thiên Chúa hằng sống" (Heb.9:14).

Như Tôi đã viết trong Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem: "Nơi nhân tính của Người (Ðức Kitô) hy tế này đã trở nên xứng đáng, vì chỉ có một mình Người mới 'vô tì vết'. Thế nhưng, Người đã hiến dâng hy tế này 'nhờ Thần Linh vĩnh cữu', tức là Chúa Thánh Thần đã thực hiện một cách đặc biệt nơi việc tự hiến tuyệt đối này của Con Người, để biến đổi việc khổ nạn ấy thành tình yêu cứu độ" (đoạn 40). Việc liên kết mầu nhiệm giữa Ðức Kitô và Chúa Thánh Thần nơi hoạt động thiên sai được hàm chứa trong đoạn Phúc Âm của thánh Luca thuật lại biến cố truyền tin đã từ đó chuyển sang đoạn Thư gửi giáo đoàn Do Thái này. Mầu nhiệm của việc liên kết đây nói lên mức độ sâu xa của hoạt động thiên sai đi sâu vào lương tâm con người để thanh tẩy và canh tân lương tâm họ bằng ân sủng thần linh - một đòi hỏi cần phải có nơi hình thức của những biểu hiệu lễ nghi bề ngoài.

Cựu Ước có một số lần nói đến "lửa từ trời" thiêu hủy những lễ vật do con người hiến dâng (x.Lev.9:24; 1Kgs.18:38; 2Chr.7:1). "Lửa trên bàn thờ phải được cháy sáng; không được tắt đi. Mỗi sáng vị tư tế phải chất củi đốt trên bàn thờ. Trên bàn thờ này, vị tư tế phải bày tế vật rồi đốt cháy mỡ của các lễ tế cầu an" (Lev.6:5). Nay chúng ta hiểu được rằng những tế vật ngày xưa ám chỉ hy tế thập giá, một tế vật hoàn hảo. "So sánh với nhau người ta có thể nói rằng Chúa Thánh Thần là 'lữa từ trời' tác dụng âm thầm nơi mầu nhiệm thập giá. Nhiệm xuất từ Cha, Ngài hướng hy tế của Con về Cha, đem hy tế này vào thực tại thần linh của mối hiệp thông ba ngôi" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 41).

Thế nên, suy niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta có thế nói rằng con người thấy được lời loan báo của thánh Gioan Tẩy Giả ở sông Dược Ðăng đã trọn vẹn hoàn tất: "Người (Ðức Kitô) sẽ rửa trong Thánh Thần và trong lửa" (Mt.3:11). Trong khi theo Cựu Ước thì lửa mà vị Tẩy Giả nói đến là biểu hiệu cho sự can thiệp tối cao của Thiên Chúa qua tác động nhờ Thánh Thần thanh tẩy lương tâm con người (x.Is.1:25; Zech.13:9; Mal.3:2-3; Sir.2:5), thì thực tại vượt trên tầm mức mẫu nghi tới chính hy tế thập giá đây là "phép rửa (hoàn hảo) chính Chúa Kitô phải lãnh nhận" (x.Mk.10:38). Trong cuộc sống và sứ vụ trần gian của mình, Chúa Kitô đã hết sức mong ngóng phép rửa này, như chính Người phán: "Thày đã đến để thắp lửa trên thế gian. Thày còn muốn gì hơn là làm cho nó bùng lên! Thày phải chịu một phép rửa. Thày cảm thấy sầu buồn biết mấy cho đến khi hoàn tất!" (Lk.12:49-50). Chúa Thánh Thần là ngọn "lửa" cứu độ, một ngọn lửa hoàn tất hy tế này.

Trong Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái, chúng ta còn đọc thấy rằng, Chúa Kitô, "mặc dầu là Con, Người cũng đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu" (5:8). Khi vào trần gian Người đã thưa cùng Cha: "Này Con xin đến để thực thi ý Chúa" (Heb.10:9). Nơi hy tế thập giá việc Người tuân phục hoàn toàn được thể hiện: "Nếu tội lỗi gây nên đau khổ, thì nỗi khổ đau của Thiên Chúa nơi Ðức Kitô bị đóng đanh nhờ Thánh Thần đã được diễn tả trọn vẹn nơi nhân loại... Thế nhưng, cũng từ thâm cung của nỗi khổ đau này... Thần Linh đã làm phát sinh một tầm mức mới của tặng ân đã được ban cho nhân loại cũng như cho tạo vật ngay từ ban đầu. Tình yêu làm việc nơi thâm cung của mầu nhiệm thập giá, một tình yêu mang con người về lại với việc thông phần vào sự sống của chính Thiên Chúa" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 41).

Như thế, trong mối liên hệ với Thiên Chúa, "chúng ta có một vị thượng tế cao cả là Ðấng có thể cảm thông với nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách mọi bề song không hề phạm tội" (Heb.4:15). Trong mầu nhiệm Chúa Kitô tư tế làm môi giới trước nhan Chúa Cha mới này, có một can dự thiết yếu của Thần Linh vĩnh cửu là ngọn lửa yêu thương vô cùng.

"Chúa Thánh Thần xuống như tình yêu và tặng ân, bằng một cách nào đó, ngay lòng hy tế được hiến dâng trên thập giá. Căn cứ vào truyền thống Thánh Kinh, chúng ta có thể nói rằng: Ngài thiêu đốt hy tế này bằng ngọn lửa yêu thương hiệp nhất Con với Cha trong mối hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa. Mà bởi hy tế thập giá là một tác động xứng hợp với Chúa Kitô, do đó, cũng nơi hy tế này, Người đã 'nhận lấy' Chúa Thánh Thần. Người đã nhận lấy Thần Linh ở chỗ, Người - và chỉ một mình Người với Chúa Cha - có thể trao ban Thần Linh cho các tông đồ, cho Giáo Hội, cho nhân loại" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 41).

Thế nên, cũng có lý khi cho rằng mạc khải về Chúa Thánh Thần trong cuộc sống Chúa Kitô được hoàn trọn nơi thời điểm của hy tế thập giá. Biến cố Hiện Xuống và toàn bộ hiệu năng phát sinh bởi biến cố này cho thế gian đều được bắt nguồn từ thời điểm trọng yếu ấy. Vị "Thần Linh vĩnh cửu" làm việc nơi mầu nhiệm thập giá cũng là vị sẽ hiện xuống dưới hình thể "lưỡi lửa" đậu trên đầu các tông đồ ở nhà tiệc ly. Biểu hiệu "lưỡi lửa" này biểu hiệu cho việc Ngài dần dần sẽ thấm nhập vào giòng lịch sử nhân loại qua hoạt động tông đồ của Giáo Hội. Cả chúng ta nữa cũng được kêu gọi tham gia vào lãnh vực hoạt động của quyền lực cứu độ nhiệm mầu này, một quyền lực đã được bắt đầu từ thập giá và nhà tiệc ly để, trong quyền lực này và nhờ quyền lực này, chúng ta được thu hút vào mối hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.

(Bài Giáo Lý thứ 46 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 1-8-1990, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)


11-Thần Linh trong Mầu Nhiệm Phục Sinh

Bức Thư thứ nhất của thánh Phêrô viết: "Chúa Kitô cũng đã từng chịu khổ vì tội lỗi, người công chính chịu vì kẻ bất chính, để Người có thể dẫn đưa họ về với Thiên Chúa. Người đã chết theo xác thịt song được hồi sinh trong thần linh" (1Pet.3:18). Thánh Phaolô cũng nói đến sự thật này nơi phần mở đầu cho Bức Thư gửi giáo đoàn Roma của mình, nơi thánh nhân tự xưng mình là người loan báo Phúc Âm của Thiên Chúa. Thánh nhân viết: "Phúc Âm về Con Thiên Chúa, theo xác thịt thuộc giòng dõi Ðavít, nhưng theo thần linh thánh hảo lại được đặt làm Con Thiên Chúa trong quyền năng qua việc phục sinh từ trong kẻ chết, đó là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Rm.1:3-4). Bởi thế nên Tôi đã viết trong Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem: "Có thể nói được rằng 'việc tiến triển' vai trò thiên sai của Ðức Kitô trong Chúa Thánh Thần đạt đến tuyệt đỉnh của nó nơi cuộc phục sinh là mầu nhiệm Người đã tỏ mình ra là Con Thiên Chúa 'đầy quyền năng'" (đoạn 24).

Các học giả đã cho là đoạn Thư gửi giáo đoàn Rôma này - cũng như đoạn Thư của thánh Phêrô (1Pt.3:18-4:6) - hàm chứa một bản tuyên xưng đức tin ban đầu được hai vị tông đồ lấy từ một nguồn mạch sống là cộng đồng Kitô hữu sơ khai. Trong số những yếu tố được bản tuyên xưng đức tin này nhắc đến có đề cập tới Chúa Thánh Thần hoạt động nơi cuộc phục sinh là "Thần Linh thánh hảo". Do đó, chúng ta có thể nói rằng Chúa Kitô, Ðấng là Con Thiên Chúa từ lúc đầu thai trong lòng Mẹ Maria bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, trong cuộc phục sinh được "làm nên" như nguồn mạch sự sống và thánh thiện, "đầy quyền năng thánh hóa", nhờ tác động của cùng một Thánh Thần.

Như thế, ý nghĩa trọn vẹn của tác động mà Chúa Giêsu đã thực hiện vào tối ngày phục sinh, "ngày thứ nhất sau ngày hưu lễ", đã được sáng tỏ. Hiện ra với các tông đồ, Người cho các vị xem hai bàn tay và cạnh sườn của Người, thở hơi trên các vị mà phán: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần" (Jn.20:22).

Bức Thư Thứ Nhất của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô về phương diện này rất đáng chú ý. Chúng ta đã thấy trước đây, qua những bài giáo lý về Kitô học, bức thư này chứa đựng những ghi nhận lịch sử đầu tiên các chứng cớ về việc Chúa Kitô phục sinh, mà theo quan điểm của thánh tông đồ, đã thuộc về truyền thống của Giáo Hội: "Vì tôi truyền lại cho anh em như là một điều quan trọng nhất tôi đã lãnh nhận: đó là Ðức Kitô, theo Sách Thánh, đã chết vì tội lỗi của chúng ta; Người đã được an táng; Người đã sống lại vào ngày thứ ba như lời Sách Thánh; Người đã hiện ra với Cephas rồi với 12 vị" (15:3-5). Tiếp theo, thánh Tông Ðồ liệt kê những lần hiện ra khác của Chúa Kitô sau khi Người sống lại, cuối cùng đề cập đến lần hiện ra sau hết với thánh nhân (x.15:4-11).

Ðây là bản văn rất quan trọng ghi chép lại chẳng những niềm xác tín của những Kitô hữu tiên khởi về việc Chúa Giêsu phục sinh, mà còn cả giáo huấn của các tông đồ, cả việc tiến triển của thánh truyền, cũng như nội dung của một đức tin liên quan đến thánh linh học và cánh chung nơi Giáo Hội sơ khai.

Trong bức thư này, thánh Tông Ðồ nối kết biến cố phục sinh của Chúa Kitô với đức tin vào cuộc phục sinh chung của thân xác và thiết lập mối liên hệ giữa Chúa Kitô với Adong bằng những lời này: "Adong, con người tiên khởi, đã trở nên một hữu thể sống động, Adong mới cũng trở nên một thần linh ban sự sống" (Rm.15:45). Viết về Adong, Ðấng đã trở nên một "thần linh sống động", thánh Phaolô trích lại bản văn Khởi Nguyên, bản văn nói đến việc Adong đã trở nên một "hữu thể sống động" nhờ "hơi thở sự sống" Thiên Chúa "đã thổi vào mũi" (Gn.2:7). Ðoạn thánh Phaolô tuyên nhận là Chúa Giêsu Kitô, một con người phục sinh, đã vượt xa Adong. Người có tràn đầy Thánh Thần, Ðấng phải ban cho con người sự sống, bằng một cách thức mới, để làm cho họ trở nên một hữu thể thiêng liêng. Nếu vị tân Adong đã trở nên "một thần linh ban sự sống", không có nghĩa là Người đồng nhất với Chúa Thánh Thần, Ðấng "ban sự sống (thần linh)". Mà chỉ có nghĩa là, như một con người có tràn đầy Thần Linh này, Người ban Thần Linh cho các tông đồ, cho Giáo Hội và cho nhân loại. "Thần Linh ban sự sống" nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, hay nhờ hy tế được hiến dâng trên thập giá.

Bản văn của thánh Tông Ðồ Phaolô này là một phần giáo huấn của thánh nhân về định mệnh của thân xác con người, một thân xác sống động bởi nguyên lý của nó là linh hồn (psyche theo Hy ngữ, nefesh theo Do ngữ: x.Gn.2:7). Linh hồn là một nguyên lý tự nhiên. Thân xác như bị nó rời bỏ vào lúc lâm chung, một biến cố trở thành đối tượng của triết học trong việc tìm hiểu vấn nạn về tình trạng bất tử cũng như vấn nạn hiện hữu trước khi có hữu thể.

Theo thánh Tông Ðồ thì biến cố phục sinh của Chúa Kitô đã giải đáp cho vấn nạn này bằng một đức tin vững chắc. Thân thể của Chúa Kitô, đầy Thánh Thần trong cuộc phục sinh, là nguồn mạch của một sự sống mới đối với các xác thể phục sinh: "Có thân thể tự nhiên được gieo xuống; cũng có thân xác linh thiêng được vươn lên" (1Cor.15:44). Thân xác "tự nhiên" (tức được sinh động bởi spyche) đã được ấn định là phải biến mất để nhường chỗ cho "thân xác linh thiêng", một thân xác được sinh động bởi pneuma, Thần Linh. Ngài là nguyên lý của sự sống mới, một nguyên lý hiện diện sẵn trong cuộc sống hạn hữu này (x.Rm.1:9,5:5) và sẽ đạt được trọn vẹn hiệu năng của mình sau cái chết. Bấy giờ Ngài sẽ là tác giả của việc thân xác tự nhiên phục sinh trong thực tại hoàn bị của một thân xác linh thiêng, nhờ nên một với Chúa Kitô phục sinh (x.Rm.1:4,8:11), một con người thiên quốc và là "thần linh ban sự sống" (1Cor.15:45-49).

Thế nên, việc phục sinh sau này của thân xác chúng ta được dính liền với việc linh thiêng hóa nó cho nên giống thân xác của Chúa Kitô là thân xác đã sống dậy nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ðây là câu trả lời của thánh Tông Ðồ về vấn nạn chính thánh nhân đặt ra: "Kẻ chết sống lại ra sao? Họ sẽ cải tử hoàn sinh bằng một loại thân xác như thế nào?" (1Cor.15:35). Thánh Phaolô kêu lên: "Anh em sao khờ khạo như thế! Cái anh em gieo sẽ không mang lại sự sống nếu nó không chết đi. Cái anh em gieo không phải là thân xác hiện thực sau này, mà chỉ có thể là mầm mống của một hạt lúa hay của một hạt giống nào đó; nhưng Thiên Chúa sẽ ban cho nó một thân xác như Ngài chọn lựa... Việc phục sinh của kẻ chết cũng như thế... có thân xác tự nhiên được gieo xuống; cũng có thân xác linh thiêng được vươn lên" (1Cor.15:36-44).

Theo thánh Tông Ðồ, sự sống trong Chúa Kitô cũng là sự sống trong Thánh Thần: "Nhưng anh em không ở trong xác thịt; trái lại, anh em ở trong thần linh, nếu một mình Thần Linh của Thiên Chúa ở trong anh em. Ai không có Thần Linh của Chúa Kitô thì không thuộc về (Chúa Kitô)" (Rm.8:9). Tự do thật chỉ có trong Chúa Kitô và trong Thần Linh của Người, "vì luật của thần linh sự sống trong Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát anh em khỏi luật tội lỗi và sự chết" (Rm.8:2). Việc thánh hóa trong Chúa Kitô cũng là việc thánh hóa trong Chúa Thánh Thần (chẳng hạn như ở 1Cor.1:2; Rm.15:16). Nếu Chúa Kitô "chuyển cầu cho chúng ta" (Rm.8:34), thì Chúa Thánh Thần cũng "chuyển cầu cho chúng ta bằng những lời than khôn tả... Ngài chuyển cầu cho các thánh theo ý muốn của Thiên Chúa" (Rm.8:26-27).

Như đã sáng tỏ trong các bản văn trên đây của thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần, Ðấng đã làm việc nơi cuộc phục sinh của Chúa Kitô, cũng truyền đạt sự sống mới cho Kitô hữu trong tương quan cánh chung của cuộc phục sinh sau này. Có một sự liên tục giữa cuộc phục sinh của Chúa Kitô, một sự sống mới của Kitô hữu được giải thoát khỏi tội lỗi và trở thành người tham phần vào mầu nhiệm vượt qua, với cuộc tái tạo sau này của việc nên một hồn-xác trong cuộc phục sinh của kẻ chết. Chúa Thánh Thần chính là tác giả làm nên tất cả mọi tăng trưởng của sự sống mới trong Chúa Kitô.

Chúng ta có thể nói rằng sứ vụ của Chúa Kitô thực sự đạt tới tột đỉnh của mình nơi mầu nhiệm vượt qua. Nơi mầu nhiệm vượt qua này, mối liên hệ chặt chẽ giữa Kitô học và thánh linh học đã mở ra một chân trời cánh chung trước mắt tín hữu cũng như đã gợi ý cho các thần học gia tìm tòi học hỏi. Thế nhưng, quan điểm này cũng bao gồm cả tầm mức cánh chung nữa; bởi "Giáo Hội... công bố Ðấng ban... sự sống; Thần Linh ban sự sống; Giáo Hội công bố Thần Linh và cộng tác với Thần Linh trong việc ban sự sống. Vì, 'mặc dù thân xác của anh em đã chết bởi tội lỗi, song thần trí của anh em đang sống bởi sự công chính' (Rm.8:10), một sự công chính đạt được nhờ Chúa Kitô tử giá và phục sinh. Và nhân danh cuộc phục sinh của Chúa Kitô, Giáo Hội phục vụ sự sống từ Thiên Chúa mà có, trong mối hiệp nhất chặt chẽ với Thần Linh và khiêm tốn phục vụ Thần Linh" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 58).

Ở trọng tâm của việc phục vụ này là Thánh Thể. Nơi bí tích Thánh Thể, tặng ân cứu độ của Chúa Kitô tiếp tục và được tái diễn không ngừng. Bí tích Thánh Thể cũng chất chứa một quyền lực ban sự sống của Chúa Thánh Thần. Bởi thế, Thánh Thể là bí tích mà nhờ đó Thần Linh tiếp tục hoạt động và "tỏ mình" ra như là một nguyên lý nhân loại sống động trong thời gian cũng như trong vĩnh cửu. Thần Linh là nguồn ánh sáng cho tâm trí và là sức mạnh cho hành động, như lời Chúa Giêsu phán ở Caphanaum: "Chính Thần Linh mới là Ðấng ban sự sống... Những lời Thày nói với các con" (về "bánh bởi trời xuống") "là thần linh và là sự sống" (Jn.6:63).

(Bài Giáo Lý thứ 47 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 8-8-1990, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)


12-Thần Linh là Tình Yêu Xuất Thân

Hôm nay chúng ta bắt đầu buổi giáo lý bằng việc lập lại câu phát biểu trước đây chúng ta đã tuyên xưng khi nói đến đề tài Một Thiên Chúa duy nhất là Ðấng đức tin Kitô giáo dạy chúng ta phải nhận biết và tôn thờ như Thiên Chúa Ba Ngôi. "Tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con đã làm xuất thân nơi các Ngài và từ các Ngài một Ngôi Vị: Chúa Cha và Chúa Con 'nhiệm xuất' (spirate) Thần Linh Yêu Thương cùng bản thể với các Ngài". Từ ban đầu Giáo Hội đã xác tín rằng Chúa Thánh Thần như Tình Yêu xuất thân từ Chúa Cha và Chúa Con.

Nền tảng được lưu truyền từ các Giáo Phụ và Tiến Sĩ Hội Thánh được căn cứ vào Tân Ước, nhất là vào những lời của Thánh Gioan trong bức thư thứ nhất của thánh nhân: "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Jn.4:8).

Những lời này có ý nói đến chính yếu tính của Thiên Chúa, với yếu tính này Ba Ngôi chỉ có một bản thể duy nhất và tất cả ba đều là Tình Yêu, tức là đều muốn tốt cho nhau, một tác lực nội tại hướng về đối tượng được yêu, ở bên trong cũng như bên ngoài sự sống của Ba Ngôi.

Thế nhưng, cùng với Thánh Tôma chúng ta phải nhận định rằng ngôn ngữ của chúng ta nghèo nàn chữ nghĩa để có thể nói lên tác động của lòng muốn là tác động kéo chủ thể yêu đến với đối tượng yêu. Tác động này là do bản chất nội tại của tình yêu. Bởi nó xuất phát từ lòng muốn hay con tim, do đó, nó không rõ ràng và tự thức như một tư tưởng xuất phát từ lý trí. Trong lãnh vực tâm thức, chúng ta có những chữ khác nhau để diễn đạt, cả về mối liên hệ giữa chủ thể biết với đối tượng biết (biết, hiểu), lẫn về việc phát hiện tư tưởng từ trí khôn theo tác động biết (phát ngôn hay verbum, lời nói tiến hành từ trí khôn). Trường hợp thuộc lãnh vực lòng muốn và con tim thì lại khác. Ðúng thế, "giả sử người ta yêu một vật gì đó thì sẽ có một ấn tượng lưu lại nơi người đó, nơi cảm tình của anh ta hay chị ta, một ấn tượng về vật được yêu, vì vật được yêu ở trong con người yêu cũng như đối tượng biết ở trong con người biết nó.

"Vậy nếu một người biết mình và yêu mình thì người ấy ở trong chính mình, không phải chỉ vì người đó đồng nhất với chính mình, mà vì người ấy còn là đối tượng nhận biết cũng như yêu thương của chính họ". Tuy thế, theo ngôn ngữ loài người, "có những từ ngữ khác chưa được tạo ra để diễn đạt mối liên hệ hiện hữu giữa tình cảm, hay ấn tượng của đối tượng yêu cũng thế, với nguyên lý (nội tại) làm cho cảm tình này phát hiện, hoặc ngược lại. Bởi thế, vì từ vựng nghèo nàn (propter vocabulorum inopiam), mà những mối liên hệ kia cũng được diễn tả bằng những từ ngữ yêu thương và hoan lạc. Như người ta đã gọi Ngôi Lời là nhận thức được cưu mang hay khôn ngoan được hạ sinh".

Thế rồi từ đó thánh Tiến Sĩ Thiên Thần kết luận: "Nếu trong những chữ tình yêu và yêu thương (diligere) người ta chỉ muốn nói đến mối liên hệ giữa người yêu và vật được yêu, thì những chữ này (nơi Ba Ngôi), như chữ biết và chữ hiểu, cũng ám chỉ yếu tính của Thiên Chúa. Ngoài ra, nếu chúng ta cũng sử dụng những chữ này để nói đến mối liên hệ vốn có giữa cái phát xuất bởi hay tiến hành từ tác động cùng đối tượng yêu thương, với nguyên lý tương hệ, nhờ đó Tình Yêu được coi như là Tình Yêu xuất thân, và Yêu Thương được coi như là nhiệm xuất tình yêu xuất thân, thì Tình Yêu là danh xưng của một ngôi vị..." và là tên gọi của chính Chúa Thánh Thần (Summa Theol., I,q.37,a.1).

Việc Thánh Tôma phân tách ngữ học rất hữu dụng để có một ý niệm tương đối rõ ràng về Chúa Thánh Thần như Ngôi-Vị-Tình-Yêu trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, tất cả Ba đều "là Tình Yêu". Thế nhưng, phải nói rằng, việc gán ghép tình yêu cho Chúa Thánh Thần, như danh xưng xứng hợp của Thần Linh, được thánh Tiến Sĩ Thiên Thần rút từ giáo huấn của các Giáo Phụ Giáo Hội. Phần các Giáo Phụ, các vị là những vị loan truyền mạc khải của Chúa Giêsu và giáo huấn của các tông đồ, những gì chúng ta cũng đã biết qua những bản văn Tân Ước. Thế nên, trong lời cầu linh mục dâng lên Chúa Cha tại Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nguyện rằng: "Con đã tỏ danh Cha cho họ, và Con còn tỏ ra nữa, để tình yêu Cha yêu Con cũng ở trong họ và Con cũng ở trong họ" (Jn.17:26). Ở đây chúng ta đối diện với tình yêu Cha yêu Con "trước khi thế gian được tạo dựng" (Jn.17:24). Theo một số nhà chú giải thánh kinh, những lời Chúa Giêsu ấy, một cách gián tiếp, chỉ về Chúa Thánh Thần, Tình Yêu Chúa Cha đời đời yêu Chúa Con, Ðấng đời đời được Chúa Cha yêu. Trước đó, Thánh Tôma đã cẩn thận nghiên cứu một bản văn của Thánh Augustinô về tình yêu hỗ tương này của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần (x.De Trinitate, VI,5; XIV,7, PL 43,928,1065). Bản văn này cũng được các học giả khác bàn luận đến vì nó đã đi vào nền thần học thời trung cổ: "Utrum Pater et Filius diligant se Spiritu Sancto"; thánh nhân đã kết luận việc phân tách văn tự và giáo thuyết bằng một giải thích tuyệt vời như sau: "Cũng thế, chúng ta nói cây cối nở hoa thế nào thì chúng ta cũng nói được rằng Chúa Cha nói với chính mình và nói với tạo vật trong Lời là Con Ngài, và Chúa Cha với Chúa Con yêu nhau và yêu chúng ta trong Chúa Thánh Thần, đó là trong Tình Yêu nhiệm xuất" (Summa Theol., I, q.37,a.2).

Trong cùng bài từ biệt, Chúa Giêsu cũng loan báo rằng Chúa Cha sẽ sai đến với các tông đồ và Giáo Hội "Ðấng An Ủi... Thần chân lý" (Jn.14:16-17), và Người là Con cũng sẽ sai Ngài đến (x.Jn.16:7) "để ở cùng các con luôn mãi" (Jn.14:16-17). Bởi thế, các tông đồ sẽ lãnh nhận Chúa Thánh Thần như Tình Yêu hiệp nhất Chúa Cha với Chúa Con. Nhờ quyền năng của Tình Yêu này, Chúa Cha và Chúa Con "sẽ đến lập cư nơi họ" (Jn.14:23).

Ý nghĩa này còn được Chúa Giêsu nhắc đến trong một đoạn khác của lời cầu linh mục về việc hiệp nhất của các môn đệ Người: "Ðể tất cả được nên một trong chúng ta, cho thế gian biết rằng Cha đã sai Con" (Jn.17:21). Nếu các môn đệ phải là "một trong chúng ta", tức là, trong Chúa Cha và Chúa Con, thì sự hiệp nhất này chỉ được thực hiện bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, Ðấng cũng được Chúa Kitô đồng thời loan báo là sẽ đến và ở với các vị: Ngài "ở với các con và ở trong các con" (Jn.14:17).

Lời loan báo này đã được Giáo Hội sơ khai chấp nhận và thấu hiểu. Ngoại trừ Phúc Âm thánh Gioan, sự hiệp nhất này còn được trình bày nơi bút tích của Thánh Phaolô về tình yêu Thiên Chúa "đã được tuôn tràn vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta" (Rm.5:5). Những lời Thánh Gioan trong thư thứ nhất của thánh nhân cũng nói lên như thế: "Nếu chúng ta yêu nhau thì Thiên Chúa sẽ ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài được trọn hảo nơi chúng ta. Ðây là cách chúng ta biết rằng chúng ta ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta; đó là Ngài đã ban cho chúng ta Thần Linh của Ngài" (1Jn.4:12-13).

Truyền thống về Chúa Thánh Thần là Ngôi-Vị-Tình-Yêu đã được khai triển từ những căn gốc này. Công cuộc của ba ngôi trong việc thánh hóa cứu độ đã khiến cho các Giáo Phụ và Tiến Sĩ Hội Thánh "phóng tầm mắt thấu suốt" vào mầu nhiệm mật thiết của Ba-Ngôi-Thiên-Chúa.

Thánh Augustinô đã "phóng tầm mắt thấu suốt" này đặc biệt nơi tác phẩm "De Trinitate" của mình, bằng cách đóng góp quan trọng vào việc thành hình và phổ biến giáo thuyết về Chúa Thánh Thần ở Tây Phương. Tư tưởng của thánh nhân đã khai triển ý niệm về Chúa Thánh Thần là Tình Yêu hỗ tương và là mối hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con trong niềm thông hiệp của Ba Ngôi. Thánh nhân viết: "Như chúng ta gọi cách xứng hợp một mình Lời Thiên Chúa là 'Khôn Ngoan', mặc dù nói chung Thánh Thần và chính Chúa Cha cũng là Khôn Ngoan, thì Thần Linh được gọi bằng một danh xưng xứng hợp là Tình Yêu, mặc dù Chúa Cha và Chúa Con theo nghĩa chung cũng là Tình Yêu" (De Trinitate, XV,17,31; CC 50,505).

Chúa Thánh Thần có một cái gì đó chung với Chúa Cha và Chúa Con... một hiệp thông cùng bản thể và đồng vĩnh cửu... Các Ngài không quá ba vị; một vị yêu vị từ mình mà ra; một vị yêu vị mà mình từ đó phát sinh; và vị chính là Tình Yêu" (De Trinitate, VI,5,7; CC 50,295,236).

Ðông Phương cũng chủ trương như vậy, nơi mà các vị Giáo Phụ nói về Chúa Thánh Thần như Ðấng là hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, và là mối giây liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa. Các thánh Cyril of Alexandria (+444) và Epiphanius of Salamis (+403) đã viết như thế (x.Ancoratus,7; PG 43,28 B).

Các nhà thần học Ðông Phương sau này cũng theo truyền thống ấy. Trong số này có đan sĩ Gregory Palamas, Tổng Giám Mục ở Thessalonika (thế kỷ 14), đã viết: "Thần Linh của Lời cao cả giống như một thứ tình yêu mà Chúa Cha dành cho Lời được nhiệm sinh; và chính tình yêu này mà Lời cũng là Con chí ái của Chúa Cha đã yêu Ðấng đã nhiệm sinh ra Người" (Capita Physica, 36; PG 150,1144 D-1145 A).

Chính giáo thuyết của cả Ðông và Tây này đã được Ðức Lêô XIII từ lưu truyền tập trung lại và tổng kết lại trong thông điệp của mình về Chúa Thánh Thần, trong đó, chúng ta đọc thấy Chúa Thánh Thần "là Sự Thiện thần linh và là Tình Yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con" (x.DS 3326). Tuy nhiên, để kết luận, chúng ta lại trở về với Thánh Augustinô: "Tình Yêu có do Thiên Chúa và là Thiên Chúa: thế nên, Thánh Thần đúng là Ðấng mà nhờ Ngài tình yêu Thiên Chúa tràn vào lòng chúng ta để làm cho Ba Ngôi ngự trong chúng ta... Chúa Thánh Thần đáng được gọi là Tặng Ân do Tình Yêu trao ban" (De Trinitate, XV,18,32; PL 42,1082-1083). Vì là Tình yêu, Chúa Thánh Thần là Tặng Ân. Ðó là đề tài cho buổi giáo lý lần tới.

(Bài Giáo Lý thứ 58 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 14-11-1990, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần) 

13-Thần Linh là Một Tặng Ân

Tất cả chúng ta đều quen thuộc với những lời cảm kích và mời gọi của Chúa Giêsu nói cùng chị phụ nữ Samaritanô đến kín nước ở giếng Giacóp: "Chỉ cần chị nhận biết tặng ân của Thiên Chúa" (Jn.4:10). Những lời này dẫn chúng ta đến một lãnh vực sâu xa khác về chân lý liên quan đến Chúa Thánh Thần. Trong cuộc gặp gỡ này, khi nói về tặng ân "nước hằng sống", Chúa Giêsu phán ai uống nước này "sẽ không bao giờ còn khát nữa" (Jn.4:14). Vào một dịp khác, Chúa Giêsu đã nói ở Gialiêm về "những giòng sông nước hằng sống" (Jn.7:38). Thuật lại những lời này, thánh ký đã thêm là Chúa Giêsu nói như thế có ý "ám chỉ về Thần Linh mà những ai tin vào Người phải được nhận lãnh" (Jn.7:39). Sau đó, thánh ký cắt nghĩa là Thần Linh sẽ được ban cho chỉ sau khi Chúa Giêsu được "hiển vinh" (Jn.7:39).

Những suy niệm về các lời Phúc Âm giống nhau này đã mang lại cho chúng ta một niềm xác tín là ý niệm về Thánh Thần như một Tặng Ân do Chúa Cha ban cho là một ý niệm thuộc về những gì được Chúa Giêsu mạc khải cho biết. Ngoài ra, theo Phúc Âm thánh Luca, trong giáo huấn của Người (hầu như là một bài giáo lý) về việc cầu nguyện, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng, nếu người ta còn biết cho con cái mình những cái tốt lành, thì "Cha trên trời còn ban Thánh Thần cho những ai xin Ngài hơn thế nữa" (Lk.11:13). Chúa Thánh Thần là một "sự thiện" giá trị hơn bất cứ một sự gì khác (x.Mt.7:11), một "tặng ân tốt lành" thượng hảo!

Trong bài từ giã các tông đồ, Chúa Giêsu đã trấn an các vị rằng chính Người sẽ xin Cha ban cho các môn đệ tặng ân hơn hết mọi tặng ân này: "Thày sẽ xin Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Ðấng An Ủi khác để ở cùng các con luôn mãi" (Jn.14:16). Người đã nói như thế vào ngày áp cuộc tử nạn của Người. Sau khi phục sinh, Người đã loan báo rằng việc hoàn tất lời nguyện cầu của Người sắp xẩy ra: "Thày sẽ gửi xuống trên các con lời hứa của Cha Thày... cho đến khi các con được mặc lấy quyền lực từ trên cao" (Lk.24:49). "Các con sẽ nhận lãnh quyền lực khi Thánh Thần đến với các con; rồi các con là những chứng nhân của Thày... cho đến tận cùng trái đất" (Acts 1:8).

Chúa Giêsu xin Cha ban Thánh Thần như tặng ân cho các tông đồ và cho Giáo Hội đến tận cùng thời gian. Nhưng chính Người cũng là Ðấng mang tặng ân này nơi bản thân Người, và chiếm được ngay nơi nhân tính của mình trọn vẹn Thánh Thần, vì "Cha yêu Con đã ban hết mọi sự cho Con" (Jn.3:35). Người là Ðấng "Thiên Chúa đã sai đến, Ðấng tuyên phán lời Thiên Chúa và không hạn chế tặng ân Thần Linh của Người" (Jn.3:34).

Ngay cả ở nơi nhân tính của mình, Con Thiên Chúa cũng là Ðấng sai Thánh Thần đến. Vẫn biết Thánh Thần hoàn toàn là Tặng Ân của Chúa Cha, tuy thế, là một con người, bằng việc hoàn thành sứ mệnh cứu chuộc của mình khi thiết tha chịu khổ nạn để vâng phục Chúa Cha, cho dù vâng lời "cho đến chết trên thập giá" (Phil.2:8), Chúa Kitô cũng đã tỏ Thánh Thần ra, như là một Tặng Ân nhờ hy tế cứu chuộc của Người với tư cách là một người Con, và đã ban Thần Linh cho các môn đệ. Chúa Giêsu, lúc còn ở nhà tiệc ly, đã nói đến "việc ra đi" của Người, một việc ra đi, theo công cuộc cứu chuộc, đã trở nên một giây phút tiên quyết cho việc Thần Linh "đến" (x.Jn.16:7).

Nơi giây phút tuyệt đỉnh Ba Ngôi Thiên Chúa tự tỏ mình ra này, chúng ta được phép tiến vào sâu hơn sự sống nội tại của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần được mạc khải cho chúng ta không những như là một Tặng Ân cho nhân loại, mà còn như một Tặng Ân đồng hiện hữu trong chính sự sống nội tại của Thiên Chúa. "Thiên Chúa là tình yêu", như Thánh Gioan nói cho chúng ta biết (1Jn.4:8), một tình yêu thuộc về yếu tính chung cho cả ba ngôi Thần Linh, như các nhà thần học giải thích. Thế nhưng, nói như thế cũng không phải là không công nhận riêng một mình Thánh Thần, Thần Linh của Cha và của Con, là Tình Yêu, như chúng tôi đã dẫn giải ở các bài giáo lý trước đây. Bởi thế, bằng một quyền năng thẩm thấu của Tình Yêu, Ngài "thấu suốt ngay cả những điều sâu nhiệm nơi Thiên Chúa" (1Cor.2:10). Do đó, Ngài cũng là một Tặng Ân tự hữu vĩnh hằng được ba Ngôi thần linh chia sẻ trong sự sống nội tại của Thiên Chúa, duy nhất nhưng lại ba ngôi. Việc Ngài hiện hữu như Tình Yêu và hiện hữu như Tặng Ân cũng là một. Người ta còn có thể nói rằng: "Nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa 'hiện hữu' như một tặng ân. Chính Thánh Thần là Ðấng tỏ mình nơi việc tự hiến này, nơi hữu-thể-tình-yêu này. Ngài là Ngôi-Vị-Tình-Yêu. Ngài là Ngôi-Vị-Tặng-Ân" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 10).

Thánh Augustinô viết thế này: "như đối với Con, để là hữu thể được hạ sinh, tức là Người từ Cha mà có, cũng thế đối với Thánh Thần, để là một hữu thể là Tặng Ân, tức là Ngài được nhiệm xuất từ Cha và Con" (De Trinitate, IV,20: PL 42,908). Nơi Chúa Thánh Thần có một sự bình đẳng giữa việc là Tình yêu và là Tặng Ân. Thánh Tôma đã cắt nghĩa rõ: "Tình Yêu là lý do ban phát tặng ân nhưng không, một tặng ân được ban cho con người sống vì yêu. Thế nên, tặng ân thứ nhất là tình yêu (amor habet rationem primi doni)... Như thế, nếu Chúa Thánh Thần nhiệm xuất như Tình Yêu thì Ngài cũng nhiệm xuất như Tặng Ân Tiên Khởi" (Summa Theol., I,q.38,a.2). Vị Tiến Sĩ Thiên Thần đã kết luận là tất cả những tặng ân khác được phân phối nơi Thân Thể Chúa Kitô nhờ Tặng Ân là Chúa Thánh Thần, đúng như giáo thuyết của Thánh Augustinô (De Trinitate, XV,19; PL 42,1084).

Chúa Thánh Thần, một Ngôi-Vị-Tình-Yêu và Thiên Chúa tự hữu, là cội nguồn của tất cả mọi tặng ân khác được tràn tuôn xuống trên tạo vật, và là nguồn gốc (fons vivus) phát xuất mọi vật tạo thành. Ngài như một ngọn lửa tình yêu (ignis catitas) bắn ra những tia thực tại và thiện hảo trên tất cả mọi sự (dona creata). Nghĩa là việc ban hiện hữu cho mọi sự bằng hành động tạo dựng, và ban ân sủng cho thiên thần và loài người trong công cuộc cứu chuộc. Ðó là lý do tại sao thánh Tông Ðồ Phaolô đã viết: "Tình yêu Thiên Chúa đã được tuôn tràn vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta" (Rm.5:5).

Ðoạn văn này của thánh Phaolô cũng là một tổng luận về những gì các tông đồ giảng dạy ngay sau biến cố Hiện Xuống. Thánh Phêrô thúc giục: "Anh em phải canh tân và lãnh nhận phép rửa, từng người trong anh em, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để anh em được thứ tha tội lỗi; rồi anh em sẽ lãnh nhận tặng ân Thánh Thần" (Acts 2:38). Sau đó ít lâu, thánh Phêrô đã được sai đến để rửa tội cho viên đại đội trưởng Cornêliô. Thánh Phêrô, nhờ cảm nghiệm được mạc khải thần linh, đã thâm tín rằng "tặng ân Thánh Thần phải được tuôn xuống cho cả dân ngoại nữa" (x.Acts 10:45). Sách Tông Ðồ Công Vụ còn tường thuật đoạn nói về Simon Magus, người đã muốn dùng tiền bạc để mua tặng ân Thánh Thần. Thánh Simon Phêrô đã nghiêm trách ông ta về việc này và nhắc lại rằng Thánh Thần là một tặng ân chỉ được lãnh nhận nhưng không như tặng ân của riêng Thiên Chúa (x.Acts 8:19-23).

Ðó là điều các Giáo Phụ Hội Thánh lập lại. Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy nơi thánh Cyrilô thành Alexandria: "việc chúng ta trở về cùng Thiên Chúa được thực hiện qua Chúa Kitô Ðấng Cứu Thế, và chỉ xẩy ra nhờ việc can thiệp và thánh hóa của Thánh Thần. Thần Linh là Ðấng nối kết chúng ta với, tức là, hiệp nhất chúng ta với Thiên Chúa; nhờ lãnh nhận Thần Linh, chúng ta là những người thừa hưởng và là những tình thân của bản tính thần linh; chúng ta nhận được Thần Linh nhờ Con, và trong Con chúng ta nhận được Cha" (Commentary on John's Gospel, 9,10; PG 74,544D). Ðó là việc "trở về cùng Thiên Chúa", là việc được thực hiện liên tục nơi cá nhân cũng như qua các thế hệ nhân loại, trong thời khoảng giữa "việc ra đi" cứu chuộc của Chúa Kitô - tức của Con Cha - với việc luôn luôn lại "đến" trong thánh thiện của Thánh Thần, một việc "đến" sẽ được hoàn trọn trong cuộc trở lại vinh quang của Chúa Giêsu vào lúc tận cùng lịch sử. Tất cả mọi sự thuộc lãnh vực bí tích, đặc sủng và phẩm trật giáo hội giúp vào việc nhân loại "trở về" với Cha trong Con là một thể thức đa diện và là một việc tràn tuôn khác nhau của cùng một Tặng Ân vĩnh hằng. Tặng ân này là Thánh Thần, theo chiều kích của một tặng ân ban phát, hay như là một thông phần của nhân tính vào Tình Yêu vô tận. Thánh Tôma nói chính "Thánh Thần là Ðấng tự ban mình" (Summa Theol., I,q.38,a.1,ad1). Có một sự liên tục giữa Tặng Ân tự hữu và các tặng ân ban phát. Ðiều này đã khiến cho Thánh Augustinô viết: "Chúa Thánh Thần là Tặng Ân vĩnh hằng, thế nhưng, trong thời gian, Ngài là (những gì được) ban phát" (De Trinitate, V,16,17; CC 50,224).

Căn cứ vào truyền thống cổ kính của các vị Giáo Phụ và Tiến Sĩ Hội Thánh, những vị gắn liền với Chúa Giêsu Kitô và các tông đồ, Tôi đã viết trong Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem: "Tình yêu của Thiên Chúa Cha, như một tặng ân, một ân sủng vô tận, một mạch nguồn sự sống, đã trở nên hữu hình nơi Chúa Kitô, và nơi nhân tính của Chúa Kitô tình yêu đã trở nên 'phần thể' của vũ trụ, của gia đình nhân loại và của lịch sử. Việc ân sủng hiện tỏ này nơi lịch sử con người nhờ Chúa Giêsu Kitô đã được hoàn thành bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ðấng là nguồn mạch cho tất cả mọi hoạt động cứu rỗi của Thiên Chúa nơi thế giới. Ngài là một 'Thiên Chúa ẩn thân', Ðấng là tình yêu và tặng ân, 'tràn đầy vũ trụ'" (đoạn 54). Trong cốt lõi của cấp trật phổ quát được các tặng ân của Thánh Thần làm nên này là con người, "một tạo vật có lý trí, thành phần, không giống như các thụ tạo khác trên thế gian, có thể chiếm đạt được niềm hoan hưởng nơi Ngôi Vị thần linh và lợi dụng những tặng ân của Ngài. Loài thụ tạo có lý trí này có thể đạt đến tình trạng ấy khi nam nhân hay nữ giới trở nên một người thừa hưởng Lời thần linh và Tình Yêu nhiệm xuất từ Cha và Con, để, nhờ thái độ cởi mở nội tâm tự nguyện này, con người có thể thật sự nhận biết Thiên Chúa và xứng đáng yêu mến Thiên Chúa... tuy nhiên, tình trạng này có được xẩy ra thì chắc chắn không phải là do công nghiệp cá nhân, mà như một tặng ân từ trời ban cho... Bởi thế, phải tùy theo Thần Linh là Tặng Ân được ban phát" (Summa Theol., I,q.38,a.1).

Chúng ta sẽ có một dịp khác để nói về tầm quan trọng của giáo huấn này đối với đời sống tu đức. Tạm thời chúng ta kết thúc buổi giáo lý của chúng ta về Ngôi Vị của Chúa Thánh Thần - là Tình Yêu và là Tặng Ân đức ái vô tận - bằng đoạn văn tuyệt vời trên đây của vị Tiến Sĩ Thiên Thần.

(Bài Giáo Lý thứ 59 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 21-11-1990, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)


14-Chúa Thánh Thần là Ðấng Thánh Hóa

Theo Thánh Kinh, thần linh không những là ánh sáng chiếu soi bằng việc làm cho hiểu biết và gợi nói tiên tri, mà còn là một quyền năng thánh hóa nữa. Thần linh của Thiên Chúa thông truyền sự thánh thiện, vì chính Ngài là "một thần linh thánh thiện", là "thánh linh". Tước hiệu này được gán cho thần linh ở chương 63 Sách Tiên Tri Isaia, ở đoạn mà sau một bài thơ hay bài thánh vịnh dài viết lên chúc tụng những phúc lợi Giavê ban phát và phiền trách những hoang đàng trong giòng lịch sử của dân Yến Duyên, tác giả sách thánh viết rằng: "họ đã nổi loạn và làm phiền muộn thánh linh của Ngài" (Is.63:10). Thế nhưng, tác giả còn thêm, sau khi bị Thiên Chúa trừng phạt, "họ đã nhớ lại những ngày xưa kia và nhớ lại Moisen tôi tớ của Ngài", và họ tự nghĩ: "Ðấng đặt thánh thần của Ngài giữa họ nay ở đâu?" (Is.63:11).

Danh xưng này cũng làm âm dội Thánh Vịnh 53, nơi mà tác giả, trong khi cầu xin Chúa thứ tha và xót thương (Miserere mei Deus, secundum, miserecordiam tuam), đã van nài: "Xin đừng hất hủi tôi khỏi thiên nhan Ngài cũng đừng lấy mất thánh thần của Ngài nơi tôi" (Ps.51:13). Câu Thánh Vịnh này nói lên nguyên lý thiện hảo sâu xa tác hành bên trong dẫn con người đến sự thánh thiện ("thần linh thánh thiện").

Sách Khôn Ngoan xác nhận Thánh Thần không tương xứng với tất cả những gì là thiếu chân thành và công chính: "Thánh linh của kỷ cương tránh lánh xảo quyệt và rút lui khỏi dẫn dụ vô nghĩa; và hổ thẹn khi xẩy ra bất chính" (Wis.1:5). Ðiều này nói lên mối liên hệ rất chặt chẽ giữa khôn ngoan và thần linh. Theo khôn ngoan, tác giả hứng khởi viết: "có một thần linh tinh thông và thánh hảo" (7:22), một thần linh do đó phải là một thần linh "không tì vết" và "yêu chuộng sự thiện". Thần linh này là chính thần linh của Thiên Chúa, vì Ngài "toàn năng và toàn kiến" (7:23). Không có "thánh linh của Thiên Chúa" (x.9:17) này, thánh linh được Thiên Chúa "từ trời sai đến", nhân loại không thể nào nhận ra thánh ý Thiên Chúa (9:13-17) và càng không thể trung thành thực thi thánh ý Chúa.

Sự khẩn thiết của thánh thiện trong Cựu Ước được gắn liền với chiều kích văn hóa và tư tế của cuộc sống dân Yến Duyên. Việc thờ phượng phải được cử hành ở một nơi "thánh", nơi Thiên Chúa ba lần thánh ngự (x.Is.6:1-4). Mây là dấu hiệu Chúa hiện diện (x.Ex.40:34-35; 1Kgs.8:10-11). Mọi sự ở trong lều tạm, trong Ðền Thờ, trên bàn thờ và trên mình các vị tư tế, bắt đầu từ Aaron, vị tư tế tiên khởi được hiến thánh (x.Ex.29:1ff), đều phải xứng đáng với những điều kiện "thánh hảo". Sự thánh hảo giống như một hào quang tôn kính và sùng mộ bao trùm những con người, những lễ nghi, những địa điểm được ân huệ có liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa.

Một vài bản văn Thánh Kinh xác nhận việc Thiên Chúa hiện diện trong lều tạm, trong sa mạc và trong Ðền Thờ Gialiêm (Ex.25:8,40:34-35; 1Kgs.8:10-13; Ez.43:4-5). Chưa hết, trong đoạn cung hiến Ðền Thờ Solomon, vua Solomon đã nói lên vấn nạn Thiên Chúa hiện diện qua lời nguyện như sau: "Có thể nào Thiên Chúa lại thực sự ở giữa loài người trên mặt đất này? Nếu các tầng trời và những tầng cao thẳm còn không thể chứa nổi Ngài thì Ðền Thờ mà tôi xây cất đây lại càng không thể" (1Kgs.8:27). Trong sách Tông Ðồ Công Vụ, Thánh Stêphanô đã phát biểu cùng một xác tín về Ðền Thờ như thế: "Thế nhưng Ðấng Tối Cao không ở nơi những ngôi nhà do bàn tay nhân loại làm nên" (Acts 7:48). Lý do là vì, như chính Chúa Giêsu cắt nghĩa trong cuộc chuyện vãn với người phụ nữ Samaritanô: "Thiên Chúa là thần linh, ai tôn thờ Ngài phải tôn thờ trong tinh thần và chân lý" (Jn.4:24). Một ngôi nhà làm bằng vật chất không thể nào nhận được trọn vẹn tác động thánh hóa của Chúa Thánh Thần, và vì thế cũng không thể nào thực sự là "nơi Thiên Chúa cư ngụ". Ngôi nhà đích thực của Thiên Chúa phải là một "ngôi nhà thiêng liêng", như Thánh Phêrô viết, được hình thành bởi "những viên đá sống động", tức là, bởi những người nam, người nữ được Thần Linh Thiên Chúa thánh hóa trong tâm hồn.

Vì lý do đó, Thiên Chúa đã hứa ban tặng ân Thần Linh trong lòng, như lời tiên tri nổi tiếng của Ezekien như sau: "Ta sẽ chứng tỏ sự thánh thiện vì đại danh của Ta, một danh hiệu đã bị tục hóa giữa các dân nước, nơi các ngươi đã làm cho danh Ta bị tục hóa... Ta sẽ tẩy rửa các ngươi khỏi mọi nhơ nhớp và khỏi mọi ngẫu tượng; Ta sẽ ban cho các ngươi một thần trí mới trong mình các ngươi... Ta sẽ đặt thần linh của Ta trong các ngươi..." (Ez.36:23-27). Hoa trái của tặng ân lạ lùng này là sự thánh thiện thực tiễn được sống bằng một tấm lòng gắn bó chân tình với thánh ý của Thiên Chúa. Nhờ sự hiện diện thân tình của Chúa Thánh Thần, cuối cùng lòng con người sẽ trở nên dễ dạy đối với Thiên Chúa và cuộc đời của tín hữu sẽ hòa hợp với luật Chúa.

Thiên Chúa phán: "Ta sẽ đặt thần linh của Ta trong các ngươi và Ta sẽ làm cho các ngươi sống theo các chỉ dụ của Ta, sẽ làm cho các ngươi tuân giữ các lề luật của Ta và thi hành lề luật của Ta" (Ez.36:27). Như thế là Thần Linh thánh hóa toàn thể cuộc sống của con người.

"Thần dối trá" chống lại với thần linh Thiên Chúa (x.1Kgs.22:21-23); "thần ô uế" chiếm cứ con người và người ta, làm cho họ cúi đầu tôn thờ ngẫu tượng. Trong Sách tiên tri Zacharia, khi nói về việc giải thoát của Gialiêm, hướng về đấng thiên sai, chính Chúa đã hứa làm cho dân biết cải hối, khi khai trừ thần ô uế: "Vào ngày đó... Ta sẽ hủy hoại tên tuổi của các ngẫu tượng khỏi đất nước... Ta cũng sẽ loại trừ khỏi đất nước những tiên tri và thần ô uế..." (Zech.13:1-2; x.Jer.23:9f; Ex.13:2ff).

Chúa Giêsu đã loại trừ "thần ô uế" (x.Lk.9:42,11:24). Làm việc này, Chúa Giêsu đã đề cập đến sự can thiệp của thần linh Thiên Chúa, khi phán: "Nếu Tôi lấy Thần Linh Thiên Chúa mà khử trừ ma qủi thì vương quốc của Thiên Chúa đã đến với qúi vị rồi đó" (Mt.12:28). Với các môn đệ của mình, Chúa Giêsu đã hứa ban cho họ sự phù trợ của "Ðấng Dẫn Dụ", Ðấng "sẽ làm cho thế gian nhận thức... về việc luận phạt, vì đầu lãnh thế gian này đã bị luận phạt rồi" (Jn.16:8,11). Còn thánh Phaolô, khi nói đến vị thần linh là Ðấng thánh hóa bởi đức tin và đức ái (x.Gal.5:5-6), và là Ðấng sẽ thay thế "những công việc của xác thịt" bằng "những hoa trái của thần linh" (x.Gal.5:19ff), thánh nhân đã rao giảng một cuộc sống mới "theo Thần Linh": một Thần Linh mới đã được các vị tiên tri nói tới.

Tất cả những cá nhân hay con người chạy theo thần trí phản lại với Thiên Chúa thì "làm phiền" thần linh Thiên Chúa. Ðó là điều tiên tri Isaia diễn tả mà chúng ta đã có dịp trưng dẫn, ở đây lập lại thiết tưởng rất thích hợp. Ðiều này được đọc thấy trong phần suy niệm gọi là Trito-Isaia về lịch sử dân Yến Duyên: "Chẳng phải là một sứ giả hay là một thiên thần, mà là chính (Thiên Chúa) đã cứu họ. Vì tình yêu và lòng thương xót của Ngài, Ngài đã tự cứu họ, nâng họ lên và mang lấy họ suốt cả một thời xưa. Thế nhưng họ đã phản loạn và làm phiền lòng thánh linh của Ngài" (Is.63:9-10). Vị tiên tri đã đối chiếu giữa lòng quảng đại của tình yêu cứu rỗi Thiên Chúa dành cho dân Ngài với lòng vô ơn bội nghĩa của họ. Trong cách vị tiên tri diễn tả theo đường lối nhân loại, thì việc gán cho thần linh Thiên Chúa nỗi phiền muộn vì bị dân ruồng bỏ am hợp với tâm lý nhân loại. Thế nhưng, theo ngôn ngữ của vị tiên tri, người ta có thể nói rằng tội lỗi của dân làm buồn phiền thần linh Thiên Chúa nhất là vì thần linh này thánh hảo: tội lỗi phạm đến sự thánh thiện thần linh. Sự xúc phạm trầm trọng hơn vì thánh thần Thiên Chúa chẳng những đã được Thiên Chúa đặt để nơi Moisen là tôi tớ của Ngài (x.Is.63:11), mà còn được Ngài ban cho dân Ngài như một vị hướng đạo trong cuộc Xuất Ai Cập của họ, như một dấu hiệu và lời đoan nguyền cho việc cứu độ sau này: "và họ đã nổi loạn..." (Is.63:10).

Thánh Phaolô cũng thế, như một người thừa hưởng ý niệm và từ vựng này, đã khuyên răn Kitô hữu giáo đoàn Eâphêsô: "Ðừng làm phiền lòng Thánh Thần Thiên Chúa mà anh em đã được ghi ấn tín cho ngày cứu độ" (Eâph.4:30,1:13-14).

Cách diễn tả "làm buồn phiền Thánh Thần" chứng tỏ rõ ràng dân Cựu Ước đã dần dần tiến từ ý niệm thánh thiện linh thiêng, một sự thánh thiện ngoại tại, đến ước muốn thánh thiện sâu xa bên trong dưới ảnh hưởng của Thần Linh Thiên Chúa.

Việc thường dùng danh hiệu "Thánh Thần" nói lên sự tiến hóa này. Không có mặt trong hầu hết các sách cổ thời của Thánh Kinh, danh hiệu này từ từ xuất hiện chính là vì nó muốn nói lên vai trò của Thần Linh trong việc thánh hóa tín hữu. Những bản thánh ca Qumran, (chẳng hạn như những bản thánh ca trong The First Cave of Qumran, 16:12,17:26), ở một số đoạn tạ ơn Thiên Chúa về việc thanh tẩy nội tâm mà Ngài đã thực hiện nhờ Thánh Thần của Ngài.

Ước muốn thiết tha của người tín hữu không còn mong chỉ được giải thoát khỏi những kẻ bức hiếp mình, như trong thời các quan án, mà trên hết mọi sự, họ mong sao cho mình có thể phụng sự Chúa "trong thánh thiện và công chính trước nhan Ngài mọi ngày trong đời sống chúng ta" (Lk.1:75). Vì thế mới cần đến ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần.

Sứ điệp Phúc Âm đã đáp ứng lòng mong đợi này. Có một điều đáng chú ý là, trong cả 4 Phúc Âm, chữ "thánh" lần đầu tiên xuất hiện liên quan đến Thần Linh, trong cả đoạn nói về việc hạ sinh của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu (Mt.1:18-20; Lk.1:15,35), cũng như trong đoạn loan báo phép rửa trong Thánh Thần (Mk.1:8; Jn.1:33). Trong đoạn truyền tin, Trinh Nữ Maria nghe thấy những lời của thiên thần Gabiên: "Thánh Thần sẽ đến trên trinh nữ... vì Ðấng hạ sinh sẽ là thánh và được gọi là Con Thiên Chúa" (Lk.1:35). Thế là hoạt động thánh hóa hệ trọng của Thánh Thần nhắm đến tất cả mọi dân nước đã được bắt đầu.

(Bài Giáo Lý thứ 31 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 21-2-1990, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)