Máccô:  01, 02, 03, 04, 05, 06, 07, 08, 09, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 

DẪN NHẬP TIN MỪNG MÁCCÔ

Mác-cô lâu ngày bị lu mờ ...

Trong một thời gian khá lâu, Mc đã không được đánh giá đúng mức, gần như bị coi thường, ít được trích dẫn, ít được chú giải và sử dụng trong Phụng Vụ, có lẽ vì những lý do sau đây. Trước hết, đó là Tin Mừng ngắn nhất (673 câu) so với các sách Tin Mừng khác : Ga (878 câu), Mt (1068 câu), Lc (1149 câu). Mc chỉ có vào khoảng 50 câu riêng, ba diễn từ tương đối ngắn (4,1-34 ; 9,33-50 ; 13,1-37) ; chẳng có một bài giảng tương tự bài giảng trên núi của Mt ; chỉ một ít lời Đức Giê-su được ghi lại. Vì thế, các chi tiết không được dồi dào như trong hai sách Tin Mừng Nhất Lãm khác trong Mc. Ngoài ra, ở một số nơi, độc giả nhận thấy các trình thuật, các câu truyện hoặc các đoạn như được đặt kề nhau, và không thấy rõ giây liên lạc hợp lý liên kết tất cả lại với nhau. Ngữ vựng thì nghèo nàn : có những từ hay lặp đi lặp lại như “lập tức” (42 lần), “bắt đầu” (26 lần) ... Câu văn đôi khi lủng củng, thô sơ ; cách hành văn nhiều lúc vụng về. Có vài trình thuật chỉ gồm những mệnh đề độc lập được nối kết với nhau nhờ liên từ “và” (Hy-lạp : “kaí”) ; đáng lẽ phải dùng một mệnh đề chính với các mệnh đề phụ để chỉ những hoàn cảnh khác nhau như thời gian (“khi”, “lúc”), mục tiêu (“để”), nguyên nhân (“vì”) ..., tác giả lại sử dụng các động tính từ (participes) trong một câu như trong 1,41 ; 5,25.27 ; 14,3 ; 15,43 ... Trong vài trình thuật, không thấy tác giả có ưu tư trình bày vấn đề, giới thiệu các nhân vật, đưa ra những điểm và phần chính yếu, sắp xếp các yếu tố theo một thứ tự nào đó, làm nổi bật sự tiến triển của các sự kiện ... Hình như tác giả ít chú tâm đến việc thay đổi cách kể lại những mẩu truyện (so sánh : 6,35-44 với 8,1-9 ; 7,32-36 với 8,22-26 ...), thích dùng những thành ngữ đã có sẵn như : “đến với”, “đến gặp”, “đến cùng” (1,40.45 ; 2,3.13 ; 3,20.31 ; 5,15.35 ; 6,48 ; 11,27 12,18.42) ; “bắt đầu” (1,45 ; 2,23 ; 4,1 ; 5,17.20 ; 6,1.7.34 ; 8,11.31.32 ; 10,28 ; 11,15 ; 12,1 ; 13,5 ; 14,65 ; 15,18) ; “tụ họp”, “tụ tập lại” (2,2 ; 4,1 ; 6,30 ; 7,1) ; “gọi đến với”, “gọi đến”, “gọi lại”, “gọi tới” (3,13.23 ; 6,7 ; 7,14 ; 8,1.34 ; 10,42 ; 12,43) ; “nhiều” (2,15 ; 3,7 ; 5,26 ; 6,31.33 ; 7,4.13 ; 8,1 ; 9,14).

Mác-cô lấy lại chỗ đứng ...

Vào khoảng năm 1900, các học giả bắt đầu đưa Mc ra khỏi bóng tối, làm nổi bật dần dần giá trị khách quan của sách Tin Mừng II. Cuốn sách này cổ xưa hơn các sách Tin Mừng khác, vì đã ra đời sớm nhất, theo ý kiến của phần đông các học giả. Một số trình thuật, câu truyện hoặc một số đoạn văn được đặt kề nhau ; sự kiện này cho thấy : tác giả đã không sắp xếp lại, không sửa chữa chế biến, không soạn thảo, nhưng đã tôn trọng các truyền thống lấy từ các nguồn văn bằng cách thu gom, giữ lại và đặt kề bên nhau. Như thế, ở một số nơi, Mc rất gần gũi với các nguồn văn, do đó với lịch sử Đức Giê-su. Hơn trong các Tin Mừng khác (Trong các sách Tin Mừng khác, có một số điểm tương tự cũng như vài yếu tố riêng biệt : 1. Theo Mt, Đức Giê-su cũng “chạnh lòng thương”, trách ông Phê-rô và các môn đệ kém tin, “cảm thấy buồn rầu xao xuyến” và tự nhiên muốn thoát khỏi cái chết, ... (9,36 ; 14,31 – 15,32 ; 16,8.22-23 – 26,37-39.42). Khác với Mc, Mt có vài đặc điểm : Đức Giê-su khiển trách các kinh sư và người Pha-ri-sêu (23,1-36) ; Người thương tiếc Giê-ru-sa-lem (23,37-39) ; “khốn cho người nào nộp Con Người” (26,23-24) ; Đức Giê-su than phiền vì mình như bị bỏ rơi, “kêu một tiếng lớn và trút linh hồn” (27,46.50). 2. Trong Lc, độc giả thấy lại vài yếu tố : Đức Giê-su “chạnh lòng thương” (7,13), quở mắng hai môn đệ (9,55), “xao xuyến bồi hồi” trong vườn Ghết-sê-ma-ni (22,42-44). Lc cũng đưa ra vài nét riêng : Đức Giê-su “ước mong”, “khắc khoải” ... (12,49-50), khiển trách những người Pha-ri-sêu và các kinh sư (11,39-44.46-52 ; 16,14-15 ; 20,45-47), trách hai môn đệ Em-mau (24,25), than trách, khóc thương Giê-ru-sa-lem (13,34-35 ; 19,41). 3. Ga cũng có mấy nét độc đáo : 4,6 ; 11,33.35.36 ; 12,27 ; 18,22-23 ; 19,28), Đức Giê-su trong Mc được trình bày như Đấng có những phản ứng, những tâm tình và cách diễn tả tâm tình rất “người”. Quả thật, Đức Giê-su : “chạnh lòng thương” (1,41 ; 6,34 ; 8,2), “đem lòng yêu mến” người giàu có đã tuân giữ các điều răn từ thuở nhỏ (10,21) ; “ôm lấy” em nhỏ (9,36), các em nhỏ (10,16) ; “lấy làm lạ” vì dân làng Na-da-rét không tin (6,6), phản ứng trước thế hệ cứng lòng tin (9,19) ; “thở dài não nuột” vì những người Pha-ri-sêu đòi một dấu lạ để thử Người (8,12) ; “bực mình” vì các môn đệ đã xãng giọng với các trẻ em (10,14) ; “nghiêm giọng” bảo anh bị bệnh phong phải đi ngay để giữ bí mật Mê-si-a (1,43) ; “giận dữ rảo mắt nhìn” những kẻ rình xem Người có chữa người bị bại tay ngày sa-bát không, và “buồn khổ vì lòng họ chai đá” (3,5) ; “trách ông Phê-rô” (8,33) ; “quát mắng” thần ô uế (1,25), “quát mắng” quỷ câm điếc (9,25) ; “dẫn đầu” các môn đệ trên đường lên Giê-ru-sa-lem (thành ngữ này chỉ thái độ cương quyết của Người) ; “buồn đến chết được” tại Ghết-sê-ma-ni, tự nhiên cảm thấy sợ trước viễn tượng cái chết (14,34.35-36).

Về mặt văn chương, độc giả của Mc thích đọc những câu văn phóng phú, xuôi chảy và có thứ tự hơn. Nhưng đó chỉ là những yếu tố phụ tùng theo một phương diện nào đó. Trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, Mc là sách Tin Mừng sống động, gần thực tế và hồn nhiên hơn cả. Tại sao thế ? Những nguyên nhân sau đây góp phần tạo nên những ưu điểm kể trên.

Tác giả hay dùng thì quá khứ chưa hoàn thành (imparfait) để làm nên một bức tranh được ghép vào một trình thuật về quá khứ : 1,31 : “Đức Giê-su lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” ; 5,42 : “Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi” ; 5,13 : “Chúng (= đám thần ô uế) xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo – chừng hai ngàn con – từ trên sườn lao xuống biển và chết ngộp dưới đó”. Nhờ sử dụng thì hiện tại trong một trình thuật quá khứ, tác giả như chuyển quá khứ vào trong hiện tại và tường thuật như thể sự kiện ấy diễn ra khi tác giả đang viết. Một thí dụ trong Mc 4,35-38 : “Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ : ‘Chúng ta sang bờ bên kia đi !’” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền ; có những thuyền khác cùng theo Người. Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao ?”

Nhờ tông đồ Phê-rô là một trong những nguồn chính của sách Tin mừng II, tác giả Mác-cô có dịp dùng khả năng quan sát, nhận thức và diễn tả của mình trong Mc, để miêu tả cách sống động các nhân vật, lời nói, cử chỉ, thái độ của họ ... Tất cả những nét đó góp phần tạo nên những cảnh rất linh động. Chẳng hạn : 3,31-34 (mẹ và anh em của Đức Giê-su) ; 5,5 (người bị thần ô uế ám tại Ghê-ra-sa) ; 10,48-50 (người mù ở Giê-ri-khô) ...

Tác giả Mác-cô tỏ ra là một con người đơn sơ, chân thật, không giấu giếm, không ngại đưa ra những nét rất “thật” về Đức Giê-su : 3,21 (“Nghe tin, dân chúng kéo đến và Đức Giê-su không sao ăn uống được, các thân nhân của Người liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí”) ; 11,12-13 (“Đức Giê-su cảm thấy đói. Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không ...” ; 13,32 : “về ngày hay giờ đó (= ngày giờ Con Người sẽ ngự đến, đầy quyền năng và vinh quang), không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không” ; 15,34 (Đức Giê-su sống những giây phút bi đát, khi sắp lìa cõi thế này, thốt ra những lời bên ngoài có vẻ tuyệt vọng, cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ rơi) ...

Khi nói về các Tông Đồ, Mc cũng tôn trọng tính cách khách quan. Các đức tính hoà lẫn với những nỗi yếu hèn : các ông được trình bày theo đúng con người thật của các ông. Lòng gắn bó của các ông đối với Thầy là chuyện không thể chối cãi, nhưng các ông đã chạy trốn hết khi Thầy bị bắt (14,50). Các ông còn ham địa vị chức quyền (9,33-34 ; 10,37-41), nhát đảm (10,32), tâm trí vẫn đầy những ý tưởng trần thế về vai trò của Đấng Mê-si-a (8,32-33). Các ông chưa hiểu lời nói việc làm của Thầy (8,14-21) ; lòng trí còn ngu muội tối tăm (6,52). Tác giả Mc không chủ trương “đánh bóng” ngay cả nhân vật Phê-rô, tuy huấn giáo của ông là một trong những nguồn chính của Mc. Đức Giê-su đã dùng những lời khá nặng để trách mắng ông (8,32-33). Như các Tông Đồ khác, ông Phê-rô vẫn mong đợi một phần thưởng lớn lao sau khi đã bỏ mọi sự mà theo Thầy (10,28). Tại Ghết-sê-ma-ni, Đức Giê-su còn trách ông Phê-rô đã không thức nổi một giờ (14,37). Điều nặng nhất là ông đã chối Thầy ba lần (14,66-72), mặc dù đã thề sống thề chết là sẽ chẳng bao giờ chối Thầy (13,29-31).

Tác giả Mc không phải là một văn sĩ, một nghệ sĩ cũng chẳng là một tư tưởng gia. Ông thực sự là chứng nhân chỉ đơn sơ viết lại những gì mình đã nghe, đã đọc từ huấn giáo của thánh Phê-rô, từ những văn kiện ghi lại truyền khẩu, từ các bản dịch Mt A-ram ra tiếng Hy-lạp ; ông không có ý làm văn, diễn tả những suy tư cá nhân hoặc thêu dệt thêm ... Đó là điều may mắn cho những ai muốn nắm được những nét lịch sử về con người cũng như lời nói việc làm của Đức Giê-su. Vì thế, hiện nay các nhà chú giải thường bắt đầu với Mc để tìm hiểu các sách Tin Mừng.

Bố cục

Không có sự nhất trí tương đối khả quan của các học giả và dịch giả (trong các phần dẫn nhập) về cách phân chia sách Tin mừng thứ II. Tại sao thế ? Có lẽ vì họ chưa tìm ra những tiêu chuẩn khả dĩ cắt nghĩa được cách hợp lý thứ tự các trình thuật và lời nói của Đức Giê-su, cấu trúc của tác phẩm.

Phải chăng hoạt động của Đức Giê-su (lời rao giảng, mặc khải ...) và những phản ứng thuận lợi hoặc bất lợi (sự hiểu lầm, thái độ chống đối ...) của một tập thể, của dân chúng có khả năng là một tiêu chuẩn ? Chưa thấy hoạt động và phản ứng nào khá nổi bật có thể làm tiêu chuẩn cho bố cục của Mc.

Chúng ta khó dựa vào một vài điểm đạo lý hoặc một hai đề tài để phân chia sách Tin Mừng này, trừ phi đó là những điểm, những đề tài chủ đạo. Có vài học giả nghĩ đến hai chủ đề : mầu nhiệm Đức Mê-si-a (1,14 – 8,30) và mầu nhiệm Con Người (8,31 – 16,8). Chủ đề I được triển khai nhờ “bí mật Mê-si-a” (1,34.44 ; 3,12 ; 5,43 ; 7,36 ; 8,26), nhờ những hoạt động của Đức Giê-su liên quan đến sứ mạng quân vương (4,35-41 : quyền trên thiên nhiên – 5,1-20 : quyền trên thần ô uế – 5,25-34 ; 7,31-37 ; 8,22-26 : quyền trên bệnh tật – 5,22-24.35.43 : quyền trên cái chết), sứ mạng ngôn sứ (6,4.34). Không thấy nói về sứ mạng tư tế của Đức Giê-su trong phần I (1,14 – 8,30) ; “máu Giao Ước” (lễ vật) chỉ được ghi ở phần II (8,31 – 16,8) trong 14,24. Ngoài ra, tước hiệu “Ki-tô”, tương đương với tước hiệu “Mê-si-a”, xuất hiện trong lời tuyên xưng đức tin của ông Phê-rô (8,29) và trong 9,41. Trong phần II, chủ đề II về mầu nhiệm Con Người được đề cập 12 lần : 8,31.38 ; 9,9.12.31 ; 10,33.45 ; 13,26 ; 14,21 (2 lần). 41.62.

Như thế, bởi vì chủ đề I được nói đến 14 lần trong phần I và chủ đề II 12 lần trong phần II, số lượng đó có đủ không để cả hai chủ đề được coi như những nhân tố chủ đạo trong việc chia Mc thành hai phần ? Số lượng là nhân tố cho thấy ý của tác giả muốn nhấn mạnh. Nhưng điều sau đây quan trọng hơn : đó là mối tương quan giữa chủ đề đó với các ý hoặc đề tài khác trong cùng một phần : khi ấy, chủ đề đó mới trở thành nhân tố chủ đạo. Tuy có liên hệ tới một số câu cũng như vài đoạn trong mỗi phần, chủ đề “Mê-si-a” và chủ đề “Con Người” không chi phối ít nhất phần lớn các ý và đề tài khác trong mỗi phần. Vì thế, hai chủ đề này không phải là những nhân tố chủ đạo ; khó có thể dùng làm căn bản để phân chia Mc. Riêng về chủ đề “Con Người”, độc giả không chỉ thấy tước hiệu này 12 lần ở phần II, nhưng đã thấy xuất hiện 2 lần trong phần I rồi (2,10.28).

Tước hiệu “Con Thiên Chúa”, được ghi lại 6 lần ở hai phần (1,1.11 ; 3,11 ; 5,7 ; 14,61 : “Con của Đấng đáng chúc tụng” ; 15,39), chỉ là một trong những đề tài của Mc, không phải là đề tài chủ đạo giúp phân chia toàn tác phẩm Mc.

Do đó, có lẽ dựa vào những chỉ dẫn địa dư để tìm ra cấu trúc của Mc là chuyện đơn giản và hợp lý hơn. Cách phân chia này khá hợp với hai cuốn Tin Mừng Nhất Lãm khác (Mt, Lc) và với ý kiến của một số học giả và dịch giả (W. HARRINGTON, Nouvelle introduction à la Bible, Seuil, Paris 1970, pp. 685-686 ; E.OSTY, La Bible, Seuil, Paris, 1973, pp. 2145-2146 ; Jean RADER-MAKERS, Dictionnaire Encyclopédique de la Bible, art. Marc, Brépols, 1987, p.788 ; The Catholic Study Bible, Oxford University Press, 1990, RG pp. 407-408 ; La Bible, traduction, oecuménique, TOB, Cerf, Paris 1994, p. 2383 ; Bible de Jérusalem, Cerf, Paris, 1994, p. 1411 ; UBS trong Good News Study Bible, Hong Kong, 1994, pp. 15-16). Mc chia làm 5 phần : I. Giai đoạn dọn đường cho sứ vụ của Đức Giê-su (1,1-13) ; II. Sứ vụ của Đức Giê-su tại Ga-li-lê (1,14 – 7,23) ; III. Những cuộc hành trình của Đức Giê-su ở ngoài Ga-li-lê (7,24 – 10,52) ; IV. Sứ vụ của Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem (11,1 – 13,37) ; V. Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giê-su (14,1 – 16,20).

Trong phần III (7,24 – 10,52), tác giả cho biết : Đức Giê-su thường lui tới những địa điểm lân cận miền Ga-li-lê : Người đến Tia (7,24) ; đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh (7,31) ; qua bờ bên kia (của biển hồ, tức là bờ phía đông) (8,13) ; đến Bết-xai-đa (8,22) ; tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê (8,27) ; lên một ngọn núi cao (có lẽ là núi Khéc-mon (9,2) ; đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan (10,1). Trong phần II, có bốn câu cho thấy : bốn lần Đức Giê-su trở về Ga-li-lê (7,31 : bỏ Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh ; 8,10 : đến Đan-ma-nu-tha có lẽ nằm ở bờ tây biển hồ ; 9,30 : đi băng qua miền Ga-li-lê ; 9,33 : đến thành Ca-phác-na-um). Lẽ dĩ nhiên, càng đến gần Mc 11, tác giả cho độc giả thấy Đức Giê-su từ từ tiến lên Giê-ru-sa-lem : “Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem” (10,32) ; “Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô” (10,46). Như thế, nói chung, những chỉ dẫn về lộ trình của Đức Giê-su trong phần III có liên quan đến những nơi ở ngoài Ga-li-lê, trừ bốn lần ; trong bốn lần, đã có ba lần Người chỉ trở về đó thoáng qua thôi (7,31 ; 8,10 ; 9,30). Luật trừ trong 9,33 không thể loại bỏ đề mục của phần III (những cuộc hành trình của Đức Giê-su ở ngoài Ga-li-lê).

Năm phần trong Mác-cô

I. Giai đoạn dọn đường cho sứ vụ của Đức Giê-su (1,1-13)

Ba trình thuật :

Ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng (1,2-8)

Đức Giê-su chịu phép rửa (1,9-11)

Đức Giê-su chịu cám dỗ (1,12-13)

II. Sứ vụ của Đức Giê-su tại Ga-li-lê (1,14 – 7,23)

Đức Giê-su khai mạc công việc rao giảng (1,14-15)

Đức Giê-su kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên (1,16-20)

“Một ngày mẫu” ở Ca-phác-na-um (1,21-34)

Đức Giê-su đi rao giảng khắp miền Ga-li-lê (1,35-39)

Đức Giê-su chữa người bị bệnh phong (1,40-45)

Năm cuộc tranh luận (2,1 – 3,6) : 2,1-12 ; 2,13-17 ; 2,18-22 ; 2,23-28 ; 3,1-6

Dân chúng đi theo Đức Giê-su (3,7-12)

Đức Giê-su thành lập Nhóm Mười Hai (3,13-19)

Nỗi lo ngại của các thân nhân về Đức Giê-su (3,20-21)

Đức Giê-su trừ quỷ và Bê-en-dê-bun (3,22-30)

Thân nhân thực thụ của Đức Giê-su (3,31-35)

Các dụ ngôn (4,1-34)

Bốn phép lạ (4,35 – 5,43)

Đức Giê-su về thăm Na-da-rét (6,1-6a)

Đức Giê-su sai Nhóm Mười Hai đi giảng (6,6b-13)

Vua Hê-rô-đê và Đức Giê-su (6,14-16)

Ông Gio-an Tẩy Giả bị trảm quyết (6,17-29)

Phép lạ bánh hoá nhiều lần I (6,30-44)

Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ (6,45-52)

Đức Giê-su chữa nhiều người ở Ghen-nê-xa-rét (6,53-56)

Tranh luận về những truyền thống người Pha-ri-sêu (7,1-23)

III. Những cuộc hành trình của Đức Giê-su ở ngoài Ga-li-lê (7,24 – 10,52)

Đức Giê-su chữa con gái một bà gốc Phê-ni-xi xứ Xy-ri (7,24-30)

Đức Giê-su chữa người vừa điếc vừa ngọng (7,31-37)

Phép lạ bánh hoá nhiều lần II (8,1-10)

Người Pha-ri-sêu xin một dấu trên trời (8,11-13)

Men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê (8,14-21)

Đức Giê-su chữa người mù ở Bết-xai-đa (8,22-26)

Ông Phê-rô tuyên xưng đức tin (8,27-30)

Đức Giê-su loan báo lần thứ I cuộc Thương Khó và Phục Sinh (8,31-33)

Những điều kiện để theo Đức Giê-su (8,34-38)

Đức Giê-su biến đổi hình dạng (9,2-8)

Câu hỏi về ông Ê-li-a (9,9-13)

Đức Giê-su chữa người bị quỷ ám mắc bệnh động kinh (9,14-29)

Đức Giê-su loan báo lần thứ II cuộc Thương Khó và Phục Sinh (9,30-32)

Ai là người lớn hơn hết ? (9,33-37)

Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta (9,38-40)

Bác ái đối với các môn đệ (9,41)

Đừng làm cớ cho người khác và cho mình sa ngã (9,42-50)

Vấn đề ly dị (10,1-12)

Đức Giê-su và các trẻ em (10,13-16)

Một người giàu có muốn theo Đức Giê-su ; người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa (10,17-31)

Đức Giê-su loan báo lần thứ III cuộc Thương Khó và Phục Sinh (10,32-34)

Giáo huấn nhân lời xin của hai con ông Dê-bê-đê (10,35-40) : người làm lớn phải phục vụ (10,41-45)

Người mù ở Giê-ri-khô (10,46-52)

IV. Sứ vụ của Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem

Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem với tư cách Mê-si-a (11,1-11)

Cây vả bị rủa (11,12-14.20-26)

Đức Giê-su đuổi con buôn ra khỏi Đền Thờ (11,15-19)

Tranh luận về thẩm quyền của Đức Giê-su (11,27-33)

Dụ ngôn những người làm vườn nho sát nhân (12,1-12)

Ba cuộc tranh luận (12,13-37)

Đức Giê-su lên án các kinh sư (12,38-40)

Tiền dâng cúng của bà goá nghèo (12,41-44)

Diễn từ cánh chung (13,1-37)

V. Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giê-su (14,1 – 16,20)

Cuộc âm mưu (14,1-2)

Xức dầu tại Bê-ta-ni-a (14,3-9)

Giu-đa phản bội (14,10-11)

Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua (14,12-16)

Loan báo Giu-đa sẽ phản bội (14,17-21)

Lập phép Thánh Thể (14,22-25)

Tiên báo ông Phê-rô sẽ chối Thầy (14,26-31)

Đức Giê-su tại Ghết-sê-ma-ni (14,32-42)

Đức Giê-su bị bắt (14,43-52)

Đức Giê-su ra trước Thượng Hội Đồng (14,53-65)

Ông Phê-rô chối Thầy (14,66-72)

Đức Giê-su ra trước tổng trấn Phi-la-tô (15,1-15)

Đức Giê-su bị làm nhục (15,16-20a)

Đường lên Gôn-gô-tha (15,20b-22)

Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá (15,23-28)

Đức Giê-su bị sỉ vả và nhạo cười (15,29-32)

Đức Giê-su chết trên thập giá (15,33-39)

Các phụ nữ đạo đức trên Gôn-gô-tha (15,40-41)

Đức Giê-su được mai táng (15,42-47)

Ngôi mộ trống. Thiên sứ báo tin (16,1-8)

Đức Giê-su phục sinh hiện ra (16,9-20)

Tác giả của sách Tin Mừng II

Trong Mc, không thấy ghi tên tác giả. Theo truyền thống cổ xưa, tác giả của Mc mang tên “Mác-cô”, đã không đi theo Chúa Giê-su làm môn đệ ; về sau, ông trở thành đồ đệ của Tông Đồ Phê-rô.

1. Tân Ước đã cung cấp cho chúng ta những dữ kiện nào về ông Mác-cô ? Sách Công vụ Tông Đồ nói đến một người mang tên : “Gio-an cũng gọi là Mác-cô” (12,12.25 ; 15,37), “Gio-an” (13,5.13, “Mác-cô” (15,39). Ông “Gio-an Mác-cô” tháp tùng hai ông Phao-lô và Ba-na-ba trong lộ trình từ Giê-ru-sa-lem về An-ti-ô-khi-a (12,25). Sau này, ông “Gio-an” cũng đi theo hai ông Phao-lô và Ba-na-ba trong chuyến truyền giáo I (n. 47-48) (13,5). Từ Pa-phô ông Phao-lô và các bạn đồng hành vượt biển đến Péc-ghê miền Pam-phy-li-a ; tới đó, ông “Gio-an” bỏ các ông mà về Giê-ru-sa-lem (13,13 : “Gio-an” ; 15,38 : “Gio-an cũng gọi là Mác-cô”). Sau một thời gian, vào đầu chuyến truyền giáo II (n. 49-52), ông Phao-lô ngỏ ý với ông Ba-na-ba là ông muốn đi thăm các giáo đoàn đã lập. Lúc đó, ông Ba-na-ba có ý định đem theo cả ông Gio-an Mác-cô ; nhưng ông Phao-lô không chịu, vì ông Gio-an Mác-cô trước đây đã bỏ họ ở Pam-phy-li-a (15,37-38). Vì thế, hai ông đã nổi nóng với nhau, rồi chia tay (15,36-39a). Sau đó ông Ba-na-ba đem ông Mác-cô theo ; hai người vượt biển đi tới đảo Sýp (15,39b). Ngoài ra, Cv 12,12-17 còn cho thấy : mẹ của ông “Gio-an Mác-cô” là bà Ma-ri-a, và gia đình này có một tương quan thân thiết với ông Phê-rô (vì sau khi được cứu cách lạ lùng, lập tức ông Phê-rô đi đến nhà bà mẹ của ông Gio-an Mác-cô).

Nhờ một vài đoạn trong các thư của thánh Phao-lô và những thư khác theo truyền thống Phao-lô, chúng ta được biết : 1. ông Mác-cô là anh em họ của ông Ba-na-ba (Cl 4,10) ; 2. ông Mác-cô cũng là cộng sự viên của ông Phao-lô (Plm 24) ; 3. theo ý của ông Phao-lô, ông Ti-mô-thê phải đem ông Mác-cô đi với mình, vì ông Mác-cô “rất hữu ích cho công cuộc phục vụ” của ông Phao-lô (2 Tm 4,11).

1 Pr 5,13 có ghi : “Hội Thánh ở Ba-by-lon (= Rô-ma) ... và Mác-cô, con tôi, gửi lời chào anh em.”

2. Chỉ có truyền thống của Hội Thánh thời xưa mới nói về mối tương quan giữa ông Mác-cô và một sách Tin Mừng (X. Wilfrid HARRINGTON, Nouvelle introduction à la Bible, Seuil, Paris 1971, pp. 682-683 ; Joseph AUNEAU, L'auteur de l'Evangile (de Marc), trong : Evangiles Synoptiques et Actes des Apôtres, Desclée, Paris, 1981, 113-115). Vào khoảng thập niên đầu của thế kỷ thứ II, Đức cha Pa-pi-át, giám mục Hi-ê-ra-pô-li thuộc Tiểu Á, đã viết một tác phẩm gồm năm cuốn, với nhan đề “Cắt nghĩa những lời của Chúa”. Tác phẩm này đã bị thất lạc ; chỉ còn vài đoạn được sử gia Êu-xê-bi-ô lưu giữ trong cuốn “Lịch sử Hội Thánh”. Trước hết, Đức cha Pa-pi-át nói về lời chứng của “Kỳ Mục” là một Ki-tô hữu thuộc thế hệ đầu : “Đây là những gì Kỳ Mục đã nói : ‘Ông Mác-cô, nhân vật trở nên người giải thích lời ông Phê-rô, đã cẩn thận ghi chép cho dầu theo một cách không có thứ tự mấy, nhiều điều Chúa đã nói và đã làm, như ông đã nhớ’”. Ngay sau đó, Đức cha Pa-pi-át chú thích thêm : “Ông (Mác-cô) đã không nghe Chúa nói, đã không đi theo Người ; nhưng sau này, như tôi có nói, ông đi theo ông Phê-rô. Ông này thích nghi giáo huấn của mình với những nhu cầu (của thính giả), song không tổng hợp những lời của Chúa. Như thế, ông Mác-cô đã không sai lầm khi ghi lại những điều mình nhớ. Quả thật, ông chỉ nhắm một mục tiêu duy nhất là không bỏ qua bất cứ điều gì đã nghe cũng chẳng hề dùng những điều đã kể lại để lừa dối ai.” Theo “Lời tựa chống Mác-ki-ôn” (vào những năm 160-180), “Ông Mác-cô là người giải thích lời của ông Phê-rô. Sau khi ông Phê-rô qua đời, ông (Mác-cô) đã ghi lại sách Tin Mừng này ở bên Ý.” Thánh I-rê-nê (+202) đã nói : “Sau khi các ông Phê-rô và Phao-lô qua đời, ông Mác-cô là đồ đệ và người giải thích lời ông Phê-rô, đã dùng chữ viết mà chuyển đến chúng ta những gì ông Phê-rô đã giảng dạy.” Nói cách tổng quát, ông Cơ-lê-men-tê A-lê-xan-ri-a (+ trước 215) cũng theo hướng đó. Ông O-ri-giê-nê (+ 254) cũng đã viết : “Thứ đến là sách của ông Mác-cô, người đã soạn thảo theo những chỉ thị đã nhận được từ ông Phê-rô. Ông này công nhận ông Mác-cô như con mình trong thư chung ở đó ông đã ghi : ‘Bà ở Ba-by-lon, người được tuyển chọn, cũng gửi lời chào anh em, cũng như Mác-cô, con tôi’” (x. 1 Pr 5,13).

3. Theo nhiều học giả chuyên ngành bình luận lịch sử hiện đại, khó có thể hoài nghi về vai trò tác giả của ông Mác-cô, đồ đệ thánh Phê-rô, đối với sách Tin Mừng thứ II. Bắt đầu với Giám mục Pa-pi-át, truyền thống Ki-tô giáo cổ xưa vẫn luôn khẳng định điều đó. Ngoài ra, chúng ta biết thời ấy, người ta hay có hướng chiều gán cho các Tông Đồ các sách Tin Mừng ; vì thế, phải có những lý do chính đáng, thì một người không phải là Tông Đồ như ông Mác-cô mới có thể được kể vào số các tác giả sách Tin Mừng (X. V.TAYLOR, The Gospel according to St.Mark, New York, 1953, tr. 26).

Độc giả

Đọc xong Mc, có thể đưa ra vài nhận xét chung như sau. Trước hết, Mc không nói nhiều về Cựu Ước, không trích Cựu Ước nhiều như Mt (vào khoảng trên 20 lần). Một số từ A-ram được giải thích : “Boanêrges” (3,17), “Talitha koum” (5,41), “Korban” (7,11), “Ephphatha” (7,34), “Bartimaios” (10,46), “Abba” (14,36), “Golgotha” (15,22), “Elôi, Elôi lema sabakhthani” (15,34) ... Tác giả Mc cũng cắt nghĩa một vài tập tục Do-thái (x. 7,2-4 ; 14,12 ; 15,42 ...). Một trong những tước hiệu mang tính cách Do-thái riêng biệt, “Con vua Đa-vít”, chỉ được sử dụng ba lần (10,47.48 ; 12,35) ; còn Mt lại dùng đến 8 lần. Có ba đoạn cho thấy tác giả Mc chú tâm đến dân ngoại : 7,27-29 (cách riêng c.29) ; 11,17 ; 13,10.

Những yếu tố này cho phép chúng ta nghĩ rằng khi viết Mc, tác giả có vẻ nghiêng về các độc giả không phải gốc Do-thái sống ở ngoài Pa-lét-tin, tuy không loại trừ hẳn các độc giả Do-thái kiều.

Nơi và thời gian soạn thảo

1. Nơi biên soạn

Có những từ La-tinh được ghi lại bằng tiếng Hy-lạp (được Hy-lạp hoá) : “legio” (“legiôn” : 5,9.15) ; “speculator” (spekoulatôr” : 6,27) ; “denarius” (“dênarion” : 6,37 ; 12,15 ; 14,5) ; “quadrans” (“kodrantês” : 12,42) ; “census” (“kênsos” : 12,14) ; “centurio” (“kenturiôn” : 15,39.44.45) ; “praetorium” (“praitôrion” : 15,16) ...

Sự kiện vừa kể chứng tỏ rằng chắc tác phẩm Mc đã được soạn thảo ở Rô-ma. Ý kiến này phù hợp với truyền thống cổ xưa do các nhân vật có tên tuổi như Cơ-lê-men-tê A-lê-xan-ri-a, Giê-rô-ni-mô, Êu-xê-bi-ô, Ép-rem ... chuyển đi, và cũng ăn khớp với 1 Pr 5,13 (“Ba-by-lon” ở đây được nhiều nhà chú giải coi là Rô-ma).

2. Thời gian soạn thảo

Nói chung, mọi người đều công nhận : Mc được soạn thảo sau Mt A-ram (chung quanh năm 50) và trước Lc (vào năm 80 vào thập niên 80-90).

Theo lời chứng của thánh I-rê-nê, tác giả Mác-cô đã viết Mc sau lúc hai ông Phê-rô và Phao-lô qua đời (“sau cuộc ra đi”). Tuy năm hai ông qua đời còn ở trong vòng tranh luận, hình như biến cố này không xảy ra trước năm 64.

Nhiều học giả hiện đại đặt thời gian soạn thảo Mc vào sau năm 64 và trước năm 70 vì hai lý do : 1. Có thể các đoạn Mc 8,34 ; 10,38-39 ; 13,9-13 ... ám chỉ cuộc bách hại xảy ra dưới thời hoàng đế Nê-rô (54-68) ; 2. Hình như tác giả Mc không biết biến cố năm 70 (Giê-ru-sa-lem bị tàn phá), nên không nói rõ về biến cố đó như Lc (21,20.24).

Đạo lý

1. Tin Mừng

Từ “Tin Mừng” không có trong Lc. Chỉ thấy từ này bốn lần trong Mt (4,23 ; 9,35 ; 24,14 ; 26,13) ; tác giả của Mc lại dùng đến tám lần, ngay từ câu đầu tiên. Như thế, chắc “Tin Mừng” cũng là một trong những chủ đề có tầm quan trọng trong Mc. Trước hết, từ “Tin Mừng” làm chúng ta nghĩ đến những hoạt động của Thiên Chúa trong nhân loại nhằm cứu độ con người. Những hoạt động ấy được bày tỏ trong lời rao giảng và các phép lạ cũng như trong cái chết và sự sống lại của Đức Giê-su. Những hoạt động ấy còn tiếp diễn, khi các Tông Đồ và môn đệ rao giảng lời Chúa đã được giao phó cho các ông. Vì những điều vừa kể nhắm mục tiêu cứu độ con người, nên đó là tin đem lại cho những người nghe niềm vui thực thụ, tin này cũng cho họ thấy hạnh phúc mà họ sẽ được hưởng : đó thực sự là “Tin Mừng”. Mc 1,1 nói đến “Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô” : Tin Mừng này do Người rao giảng, và nội dung của Tin Mừng chính là lời nói, việc làm của Đức Giê-su cũng như những sự kiện xảy ra trong cuộc đời của Người. Trong 1,14, Mc cũng ghi : “Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” : đó là Tin Mừng về Thiên Chúa (Người can thiệp để cứu nhân loại ; triều đại của Người đã đến gần ...). Vì triều đại Thiên Chúa đã đến gần, nên cần phải ăn năn hối cải, quay trở về với Thiên Chúa và tin vào nội dung của lời rao giảng (1,15). Thành ngữ “vì Tin Mừng” đi đôi với “vì tôi”, “vì Thầy” (= vì Đức Giê-su) cho thấy lý do khiến các môn đệ có thể liều mất mạng sống mình (8,35) và “bỏ” các mối tương quan gia đình cũng như của cải vật chất (10,29) : lý do đó chính là sự gắn bó với Đức Giê-su và Tin Mừng của Người. Tin Mừng này phải được rao giảng “cho mọi dân tộc” (13,10), “cho mọi loài thụ tạo” (16,15). Tin Mừng này cứ từ từ lan rộng nhờ lời rao giảng của các Tông Đồ và môn đệ (x. 14,9).

2. “Nước Thiên Chúa”, “Triều Đại Thiên Chúa”

Từ Hy-lạp “basileia” (= “nước” hoặc “triều đại”) được sử dụng trong Mc 15 lần (trong tất cả 14 lần, đều có từ “Thiên Chúa” kèm theo, ngoại trừ 11,10), trong khi Mt dùng công thức “Nước Trời” đến 32 lần và độc giả Lc cũng nhận thấy 32 lần từ “Nước Thiên Chúa”. Tuy thế, chủ đề “Nước Thiên Chúa” hoặc “Triều Đại Thiên Chúa” có một tầm quan trọng tương đối trong Mc.

Nội dung lời rao giảng của Đức Giê-su vào thời đầu được tóm kết trong câu 1,15 : đó là một lời loan báo (Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần lúc thời kỳ đạt tới hồi viên mãn) và một lời kêu gọi (“Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng”).

Nước Thiên Chúa được ví như hạt giống (4,26-27) ; như hạt cải (4,30-31) trong tiến trình phát triển tiệm tiến từ một khởi điểm khiêm tốn qua nhiều hình thức khác nhau cho đến khi trở thành “bông lúa nặng trĩu hạt” (4,28) hoặc cây lớn “cành lá xum xuê”, nơi “chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (4,32). Trong cả tiến trình này, có một sức mạnh thầm kín âm thầm hoạt động. Nước Thiên Chúa đó là một mầu nhiệm, chỉ được ban cho các môn đệ (4,11).

Triều Đại Thiên Chúa đang đến (9,1). Sáu câu trong Mc 9 và 10 đều nói đến con đường dẫn vào Nước Thiên Chúa : thà mất một mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn có cả hai mắt mà bị trầm luân (9,47) ; cần đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em (10,14-15) ; của cải vật chất có thể là trở ngại khiến con người khó vào Nước Thiên Chúa (10,23-25).

Mc 12-25 nói về mối tương quan giữa con người và Nước Thiên Chúa : ông kinh sư trong 12,28-34 không còn xa Nước Thiên Chúa (12,34) ; ông Giô-xếp thành A-ri-ma-thê, một con người tốt bụng và đầy thiện chí, vẫn mong đợi Triều Đại Thiên Chúa (15,43) ; Đức Giê-su không còn uống rượu nho nữa cho đến ngày được uống rượu mới tại bữa tiệc cánh chung trong Nước Thiên Chúa.

3. Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, Con Người

* Đức Giê-su Ki-tô

Mc đưa ra ba tước hiệu của Đức Giê-su : “Ki-tô”, “Con Thiên Chúa” và Con Người”. Tước hiệu “Ki-tô” nằm ngay ở câu đầu (1,1). “Ki-tô”, từ Hy-lạp tương đương với từ Do-thái “Mê-si-a”, có nghĩa là Đấng-được-xức-dầu. Trong bảy câu thuộc Mc mang từ “Ki-tô” (1,1 ; 8,29 ; 9,41 ; 12,35 ; 13,21 ; 14,61 ; 15,32), ba câu có một tầm quan trọng hơn (8,29 ; 12,35 ; 14,61). Câu 8,29 là lời tuyên xưng đức tin của ông Phê-rô : “Thầy là Đấng Ki-tô”. Tước hiệu này có thể tạo nên một dư luận làm dân chúng hiểu sai vai trò thực thụ của Đức Giê-su : Người cấm ngặt các Tông Đồ không được nói với ai về tước hiệu này (8,30), vì sứ mạng trần thế giải phóng dân tộc khỏi cảnh làm nô lệ cho đế quốc Rô-ma không phải là nhiệm vụ của Người. Đức Giê-su khước từ thẳng quan niệm trần thế về Đấng Mê-si-a.

Đức Giê-su còn khẳng định : Đấng Ki-tô không chỉ là con vua Đa-vít, nhưng còn cao trọng hơn vua Đa-vít, bởi vì vua gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng (12,35-37). Lời khẳng định này gợi ý về sứ mạng quân vương nằm trong tước hiệu “Ki-tô”. Trong câu hỏi (x. 14,61a), vị thượng tế dùng tước hiệu “Ki-tô” và hiểu là “con của Đấng đáng chúc tụng” (= “Con Thiên Chúa”) : “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng đáng chúc tụng không ?”. Đức Giê-su xác nhận, rồi nói rõ hơn ý của Người : Đức Giê-su là “Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (14,62). câu trả lời ám chỉ Tv 110,1 và Đn 7,13 : cả hai câu này đều nói đến vương quyền, sứ mạng quân vương.

Ngoài ra, ở những chỗ khác trong Mc, tuy tước hiệu “Ki-tô” không được sử dụng, tác giả vẫn trình bày Đức Giê-su như Đấng thực hiện ba sứ mạng thiết yếu của Đấng Mê-si-a : ngôn sứ, quân vương và tư tế. Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ công khai bằng công việc rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa : Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần ; phải hối cải và tin vào Tin Mừng (1,14-15). Người không chỉ rao giảng ở Ca-phác-na-um ; hoạt động rao giảng còn lan ra khắp miền Ga-li-lê (1,39) : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó (1,38). Người đến mặc khải những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (4,1-34). Người tự giới thiệu mình như ngôn sứ, khi dân làng Na-da-rét không công nhận tư cách đó của Người : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mà thôi” (6,4). Có những thính giả coi Người như một ngôn sứ nào đó (8,28). Đó là một số dữ kiện liên quan đến sứ mạng ngôn sứ của Người. Đức Giê-su còn cho thấy qua các phép lạ Người có quyền trên ma quỷ (1,25-26.39 ; 3,11.15.22b ; 5,1-13 ; 6,13 ; 9,17-27), trên thiên nhiên (4,37-41 ...), bệnh tật (5,25-34 ...) và cái chết (5,22-23.35-43). Người chăm lo cho dân chúng như Mục Tử cho đoàn chiên (6,34-44). Những sự kiện đó là cách biểu hiện sứ mạng quân vương của Người. Về sứ mạng tư tế, Đức Giê-su đã tuyên bố : Người đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (10,45). Người vừa là tư tế (người hiến dâng), vừa là lễ vật (mạng sống). Hai tư cách này đều hiện diện trong biến cố lập phép Thánh Thể (14,22-24).

* Đức Giê-su, Con Thiên Chúa

Trong Cựu Ước, tước “Con Thiên Chúa” chỉ một tương quan đôi chút đặc biệt của một tập thể hay một cá nhân với Thiên Chúa. Tập thể đó thường là dân Ít-ra-en (Xh 4,22-23 ; Is 1,2 ; Hs 11,1) ; có lần, thành ngữ “con cái Thiên Chúa” chỉ các thiên thần và các thánh (G 38,7). Sách Khôn ngoan cũng gọi các phần tử của dân Ít-ra-en là con cái Thiên Chúa trong 9,7 ; 12,19.21 ; 16,26 ; 18,4. cá nhân có thể mang tước hiệu “con Thiên Chúa” : 2 Sm 7,14 (vua Đa-vít) ; Tv 2,7 (tân vương trong ngày đăng quang) ; Hc 4,10 (tín hữu là “người con của Đấng Tối Cao”).

Trong Mc, các thần ô uế thưa với Đức Giê-su : “Ông là Con Thiên Chúa” (3,11) ; thần ô uế nói với Người qua miệng người bị nó ám : “Lạy ông Giê-su, Con Đấng Tối Cao ...” (,57) ; viên đại đội trưởng nói khi Đức Giê-su tắt thở : “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa !” (15,39). Chắc tước hiệu “Con Thiên Chúa”, “Con Thiên Chúa Tối Cao” nơi miệng thần ô uế và viên đại đội trưởng có nghĩa là một nhân vật khác thường, là người của Thiên Chúa ...

Vậy, trong những câu còn lại (1,1.11 ; 9,7), tước “Con Thiên Chúa” mang ý nghĩa nào ? Mc 1,1 là câu đề tựa chỉ đưa ra hai tước hiệu “Ki-tô” và “Con Thiên Chúa” mà không cắt nghĩa : hai tước hiệu này sẽ được nói rõ trong Mc. Như thế, tác giả sẽ làm sáng tỏ tước hiệu “Con Thiên Chúa” trong 1,11 và 9,7. Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa dưới sông Gio-đan, có tiếng từ trời vọng xuống : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (1,11). “Con là Con ... của Cha” : những lời này chịu ảnh hưởng của Tv 2,7 là Tv về nhà vua và Đấng Mê-si-a ; như thế, sứ mạng quân vương của Đức Giê-su được những lời này ám chỉ. Câu “Con là Con yêu dấu của Cha” gợi nhớ St 22,2 (“Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho”) : đó là lệnh Thiên Chúa truyền cho ông Áp-ra-ham phải đem con là I-xa-ác lên núi Mô-ri-gia mà sát tế làm lễ vật. Ý tưởng “lễ vật” nằm ở sau câu này : theo lời của Thiên Chúa Cha vọng từ trời, Đức Giê-su sẽ trở thành lễ vật. Đó là yếu tố thuộc lãnh vực tư tế của Người. Tiếng từ trời vọng xuống còn tiếp : “Cha hài lòng về Con”. Lời này quy chiếu về Is 42,1 là lời Thiên Chúa ngỏ với người tôi tớ ngôn sứ trong bài ca I : “Thiên Chúa phán : Đây là người tôi tớ Ta nâng đỡ ; đây là người Ta tuyển chọn, Ta hết lòng quý mến. Ta cho thần khí Ta ngự trên Người”. Câu Is 42,1b giúp độc giả hiểu ý của Thiên Chúa về Đức Giê-su, Con của Người : Đức Giê-su sắp bắt đầu sứ vụ ngôn sứ. Do đó, tất cả Mc 1,11 nhắm làm nổi bật dung mạo của Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, ở đây hiểu theo nghĩa Đấng Mê-si-a với ba sứ mạng : quân vương, tư tế (lễ vật) và ngôn sứ. Trong trình thuật về biến cố Đức Giê-su biến hình đổi dạng trên núi, tác giả cũng nói : “Có tiếng phán từ đám mây” (,97). Nội dung của lời này được 9,7b xác định : “Hãy vâng nghe lời Người”. Chắc 9,7b ở đây ám chỉ Đnl 18,15.18-19 (x. Cv 3,22) : tiếng từ đám mây vọng xuống nói về Đức Giê-su trong sứ mạng ngôn sứ (x. TOB, Cerf, Paris, 1994, p.2624, chú thích e về Cv 3,22 ; La Bibbia, Edizioni Paoline, Torino, 1991, III. Nuovo Testamento, p.759, chú thích 22 về Cv 3,22). Ở đây tước hiệu “Con Thiên Chúa” có mang ý nghĩa thâm sâu : tương quan Con-Cha về bản tính đối với Thiên Chúa không ? Tước hiệu này có chỉ Đức Giê-su là Con đích thực của Thiên Chúa Cha, tức là được Thiên Chúa Cha sinh ra từ thuở đời đời, với nghĩa mạnh nhất theo đức tin của Hội Thánh thời nay không ? Chắc hẳn, tác giả Mc soạn thảo tác phẩm này sau biến cố Phục Sinh và Chúa Thánh Thần hiện xuống vẫn tin vào Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa, theo đức tin của Hội Thánh tiên khởi. Mối tương quan riêng biệt nối kết Chúa Con với Chúa Cha đã được các nhà thần học sau này xác định nhờ những nét khá rõ. Trong thời soạn thảo tác phẩm này, chưa có những xác định thần học đó, tuy tác giả vẫn tin Đức Giê-su “Con Thiên Chúa” là Thiên Chúa. Tước hiệu “Con Thiên Chúa” đã được các thần ô uế, viên đại đội trưởng hiểu làm sao và được Thiên Chúa Cha (qua lời của Người trong hai biến cố kể trên) diễn tả thế nào trong 1,11 và 9,7 : đó là những gì Mc muốn trình bày cho độc giả về Đức Giê-su theo tước hiệu đó.

* Đức Giê-su, Con Người

Cùng với vài đọc giả như Edouard Lipinùski (x. Edouard LIPINSKI, Dictionnaire encyclopédique de la Bible, bài “Fils de l’homme”, Brépols, 1987, pp. 481-482), có thể chia các bản văn về “Con Người” trong Mc thành ba loại : 1. Những bản văn về cuộc Quang Lâm của Đức Giê-su Ki-tô : 8,38 ; 13,26 ; 14,62 ; 2. Những bản văn về hoạt động của Người trong sứ vụ công khai dưới thế : 2,10.28 ; 3. Những bản văn về cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh của Người : ba lần tiên báo (8,31 ; 9,31 ; 10,33) ; 9,9.12 ; 10,45 ; 14,21.41.

Chắc chắn, những câu 13,26 và 14,62 thuộc loại I chịu ảnh hưởng của Đn 7,13. Có lẽ tác giả Mc cũng đã dựa vào Đn 7,13 để soạn thảo 8,38 nói về Đức Giê-su sẽ ngự đến cùng với các thiên thần trong vinh quang của Chúa Cha. Hai câu thuộc loại II (2,10 và 2,28) nói về hoạt động của Đức Giê-su ở dưới trần có liên hệ mật thiết với Đn 7,13-14. Vì với tư cách là “Con Người” sẽ cùng với mây trời đi lên Thiên Chúa lãnh nhận quyền thống trị, vinh quang và cương vị (x. Đn 7,13-14), nên Đức Giê-su có quyền ban ơn tha tội cho nhân loại (2,10) và giải thoát lương tâm khỏi cái nhìn thiển cận của loài người (2,27-28 : “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người ; bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát”). Những câu thuộc loại III đều có liên quan đến cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su. Ảnh hưởng của bài ca IV người tôi tớ đau khổ (Is 52,13 – 53,11), cách riêng của đoạn 53,2b-12, là chuyện dễ hiểu. Con đường dẫn tới vinh quang phục sinh phải đi qua đau khổ, thử thách và cái chết. Nhưng đó là điều người Do-thái khó có thể chấp nhận, vì họ vẫn quen với quan niệm về Đấng Mê-si-a sẽ phải chiến thắng mọi kẻ thù của Ít-ra-en. Vì thế, theo ý kiến của một hai tác giả, để tránh điều đó, Đức Giê-su và tác giả Mc sử dụng tước hiệu “Con Người” thay cho tước hiệu “Đấng Mê-si-a”, khi nói đến những đau khổ và cái chết trong sứ mệnh của Người : xem ba lần tiên báo cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh của Người (8,31 ; 9,31 ; 10,33). Ngoài ra, có hai đoạn nói về sự kiện Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi (14,21.41). Đó là sự kiện đầu trong cuộc Thương Khó đưa tới cái chết là lúc Người “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (10,45). Ở giữa hai sự kiện đó (bị nộp và hiến mạng sống trong cái chết), Con Người “phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê” (9,12), trước khi “từ cõi chết sống lại” (9,9).

Do đó, trong Mc, tước hiệu “Con Người” được gắn liền với hoạt động thiên sai tại thế của Đức Giê-su : đó là công cuộc giải thoát khỏi óc chật hẹp của loài người [luật giữ ngày sa-bát trong cuộc sống cụ thể (2,28)] và khỏi tội lỗi (2,10). Tác giả Mc cũng liên kết tước hiệu này với biến cố Quang Lâm vào thời cánh chung (8,38 ; 13,26 ; 14,62). Sau hết, tước hiệu “Con Người” chỉ nguồn gốc và con đường Đức Giê-su sẽ phải đi qua : với tư cách là “Con Người”, Đức Giê-su xuất thân từ thế giới nhân loại, sẽ phải nhận lấy hậu quả của thân phận làm người theo ý định cứu độ của Thiên Chúa (bị nộp cho các thượng tế và kinh sư, bị nộp vào tay người đời ; chịu đau khổ : bị nhạo báng, bị đánh đòn ... ; bị loại bỏ ; bị lên án xử tử ; bị giết chết và sau cùng sẽ sống lại).

4. Các môn đệ

Tin Mừng theo thánh Mác-cô phản ánh cái nhìn đức tin và thái độ của cộng đoàn dân Chúa thời hậu Phục Sinh đối với Đức Giê-su Ki-tô qua cách diễn tả của tác giả. Trong Tin Mừng đó, cũng được phác hoạ lịch sử về mối tương quan giữa Đức Giê-su Tôn Sư và các môn đệ.

Các môn đệ được Đức Giê-su kêu gọi (1,16-20 ; 2,14 ; 3,13-19), cho “ở với Người” (3,14). Sau khi “các ông đến với Người” (3,13b), Đức Giê-su chú tâm giáo dục, huấn luyện, dạy dỗ các ông (4,10-12.13-34 ; 8,14-21.31-38 ; 9,10-13.28-29.31-32.33-35.36-37.38-50 ; 10,14-16.23-27.28-31.32b-34.35-45 ; 11,20-26 ; 12,43-44 ; 13,1-37). Các ông được Người bảo vệ, giải thoát khỏi cơn bảo táp dông tố (4,35-41). Người cho các ông chứng kiến quyền năng của Người đối với thiên nhiên (4,39-41), đối với ma quỷ (5,1-16), đối với bệnh tật (5,25-34) cũng như cái chết (5,22-24.35-42). Đức Giê-su cũng cho các môn đệ được chia sẻ sứ mạng thiên sai của Người, lúc sai các ông đi rao giảng (3,14b ; 6,7.12), chữa bệnh (6,13), trừ quỷ (3,15 ; 6,7b.13).

Tuy được ân cần chăm sóc và kỹ lưỡng huấn luyện, các môn đệ vẫn nhát đảm, kinh hãi, chưa có lòng tin (4,40 ; x. 10,32). Có lúc lòng các ông ra ngu muội, các ông chưa hiểu (7,18 ; 8,16-21), chưa thoát được khỏi quan niệm cũ về Đấng Mê-si-a (8,32-33 : ông Phê-rô trách Thầy). Lòng ham danh vọng và địa vị còn khá mãnh liệt nơi các ông (9,33-34 ; 10,35-45). Trong giờ phút đen tối tại Ghết-sê-ma-ni, ba môn đệ thân tín nhất ngủ mê mệt, để Thầy trong cảnh cô đơn (14,37.40.41). Khi Đức Giê-su lâm tình trạng bi đát trong cuộc Thương Khó, Giu-đa phản Thầy, bán Thầy (14,10), các môn đệ bỏ Thầy mà chạy trốn hết (14,50), dĩ chí ông Phê-rô đã chối Thầy đến ba lần (14,66-72).

Theo Mc, các môn đệ trở nên điểm quy chiếu cho mỗi Ki-tô hữu, cho cộng đoàn Hội Thánh thời của Mc và cho Hội Thánh thời nay. Như các Tông Đồ (1,18 ; 2,14 : 2 lần ; 6,1 ; 8,34 ; 10,21.28), Ki-tô hữu là người đi “theo” Đức Giê-su. Trong 8,34 ; 10,32, định mệnh của Ki-tô hữu chặt chẽ liên kết với số phận của Đức Giê-su là theo Người tiến lên Giê-ru-sa-lem, nơi Người đã chịu chết (10,32), là vác thập giá mình mà theo Người (8,34). Không chấp nhận mầu nhiệm thập giá (8,32-33), ông Phê-rô đã gặp thất bại, đã đi tới chỗ chối Thầy (14,66-72). Nếu muốn cứu mạng sống mình, tín hữu là môn đệ Đức Ki-tô, sẽ mất mạng sống đó (8,35). Đối với tín hữu, đi theo Đức Ki-tô cũng là hạ mình xuống để phục vụ và, khi cần, hiến mạng sống mình (10,43-45).

Thất bại của các môn đệ khích lệ những ai thuộc cộng đoàn của Mc đã gục ngã trước cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Nê-rô (65-68). Cộng đoàn Ki-tô hữu còn rất được khích lệ khi thấy : mặc dù các Tông Đồ đã chậm hiểu, chậm tin, đã bỏ trốn hết, cho dù trong số đó Giu-đa đã phản bội, chối Thầy, bán Thầy và ngay cả ông Phê-rô. Tông đồ trưởng, đã chối Thầy, Đức Giê-su phục sinh không bỏ rơi Nhóm Mười Hai, muốn quy tụ các ông lại để bắt đầu một khởi điểm mới : Đấng trỗi dậy từ cõi chết sẽ đến Ga-li-lê trước các ông, hẹn gặp lại các ông ở nơi ấy (16,6-7). Đó là niềm hy vọng của cộng đoàn Hội Thánh, vì Đức Ki-tô vẫn luôn là Đấng chiến thắng tình trạng yếu hèn, sự thất trung và tội lỗi của con người để tiếp tục gầy dựng một nhân loại mới.

I. GIAI ĐOẠN DỌN ĐƯỜNG CHO SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU  ( CHƯƠNG 1 )

Chương 1

Ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng (Mt 3:1-12; Lc 3:1-18; Ga 1:19 -28)

1 Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa:

2 Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con.3 Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.

4 Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.5Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.

6 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng.7 Ông rao giảng rằng: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.8 Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần."

Đức Giê-su chịu phép rửa (Mt 3:13 -17; Lc 3:21 -22)

9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan.10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình.11Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con."

Đức Giê-su chịu cám dỗ trong sa mạc (Mt 4:1-11; Lc 4:1-13)

12 Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa.13 Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

II. SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU TẠI GA-LI-LÊ  ( CHƯƠNG 1 - 7 )

Đức Giê-su khai mạc công việc rao giảng (Mt 4:12 -17; Lc 4:14 -15)

14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15 Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."

Đức Giê-su kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên (Mt 4:18 -22; Lc 5:1-11)

16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.17Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá."18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.20Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

Đức Giê-su giảng dạy tại Ca-phác-na-um và chữa lành một người bị quỷ ám (Lc 4:31 -37)

21 Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy.22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên24 rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! "25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này! "26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! "28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

Đức Giê-su chữa nhạc mẫu ông Si-môn (Mt 8:14 -15; Lc 4:38 -39)

29 Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà.31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Đức Giê-su chữa cho nhiều người (Mt 8:16 -17; Lc 4:40 -41)

32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người.33 Cả thành xúm lại trước cửa.34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

Đức Giê-su âm thầm rời Ca-phác-na-um và đi khắp miền Ga-li-lê (Lc 4:42 -44)

35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm.37 Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy! "38 Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó."39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

Đức Giê-su chữa người bị phong hủi (Mt 8:1-4; Lc 5:12 -16)

40 Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi! "42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,44 và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết."45Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

Chương 2

Đức Giê-su chữa người bại liệt (Mt 9:1-8; Lc 5:17 -26)

1 Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà,2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng.4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi."6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng:7 "Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? "8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?9Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi", điều nào dễ hơn?10 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,-11 Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà! "12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ! "

Đức Giê-su kêu gọi ông Lê-vi (Mt 9:9; Lc 5:27 -28)

13 Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ.14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người.

Đức Giê-su dùng bữa với những người tội lỗi (Mt 9:10 -13; Lc 5:29 -32)

15 Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người.16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! "17 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."

Tranh luận về việc ăn chay (Mt 9:14 -17; Lc 5:33 -39)

18 Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? "19Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.21 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới! "

Các môn đệ bứt lúa (Mt 12: 1-8; Lc 6:1-5)

23 Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa.24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: "Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép! "25 Người đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng?26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế."

27 Người nói tiếp: "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát.28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát."

Chương 3

Đức Giê-su chữa người bị bại tay (Mt 12: 9-14; Lc 6:6-11)

1 Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay.2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người.3Đức Giê-su bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra giữa đây! "4 Rồi Người nói với họ: "Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi? " Nhưng họ làm thinh.5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: "Anh giơ tay ra! " Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

Dân chúng đi theo Đức Giê-su

7 Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê,8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: "Ông là Con Thiên Chúa! "12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

Đức Giê-su thành lập Nhóm Mười Hai (Mt 10: 1-4; Lc 6:12 -16)

13 Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng,15 với quyền trừ quỷ.16 Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô,17 rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-,18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích,19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

Trình thuật:

a) Các thân nhân coi Đức Giê-su là mất trí

20 Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

b) Các kinh sư coi Đức Giê-su là người bị quỷ ám

22 Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.

c) Đức Giê-su trả lời

24 Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: "Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền;25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững.26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.27 Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

28 "Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha.29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời".30 Đó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám."

Ai mới thật là thân nhân của Đức Giê-su? (Mt 12: 46 -50; Lc 8:19 -21)

31 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra.32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! "33 Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? "34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi."

Chương 4

Dụ ngôn người gieo giống (Mt 13: 1-9; Lc 8:4-8)

1 Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ.2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:

3 "Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống.4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm."9 Rồi Người nói: "Ai có tai nghe thì nghe! "

Tại sao Đức Giê-su dùng dụ ngôn? (Mt 13: 10 -15; Lc 8:9-10)

10 Khi còn một mình Đức Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn.11 Người nói với các ông: "Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn,12để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ."

Cắt nghĩa dụ ngôn người gieo giống (Mt 13: 18 -23; Lc 8:11 -15)

13 Người còn nói với các ông: "Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn?14 Người gieo giống đây là người gieo lời.15 Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xa-tan liền đến cất lời đã gieo nơi họ.16 Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận,17 nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay.18 Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời,19 nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì.20 Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm."

Dụ ngôn cái đèn, đấu đong (Lc 8:16 -18)

21 Người nói với các ông: "Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?22 Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng.23 Ai có tai nghe thì nghe! "

24 Người nói với các ông: "Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.25 Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất."

Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên

26 Người nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."

Dụ ngôn hạt cải (Mt 13: 31 -32; Lc 13: 18 -19)

30 Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."

Kết luận về các dụ ngôn (Mt 13: 34)

33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe.34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

Đức Giê-su dẹp sóng gió (Mt 8:23 -27; Lc 8:22 -25)

35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Chúng ta sang bờ bên kia đi! "36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? "39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: "Im đi! Câm đi! " Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.40 Rồi Người bảo các ông: "Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? "41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? "

Chương 5

Người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa (Mt 8:28 -34; Lc 8:26 -39)

1 Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa.2 Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người.3 Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích.4 Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được.5 Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình.6 Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người7 và kêu lớn tiếng rằng: "Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi! "8 Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: "Thần ô uế kia, xuất khỏi người này! "9 Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì? " Nó thưa: "Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm."10 Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy.11 Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi.12 Đám thần ô uế nài xin Người rằng: "Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia."13 Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó.14 Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra.15 Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo -chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ.16 Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo.17 Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

18 Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người.19 Nhưng Người không cho phép, Người bảo: "Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào."20 Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.

Đức Giê-su chữa một người bị băng huyết và cho con gái ông Gia-ia sống lại (Mt 9:18 -26; Lc 8:40 -56)

21 Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ.22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người,23 và khẩn khoản nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống."24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm,26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác.27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người.28 Vì bà tự nhủ: "Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu."29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.30Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: "Ai đã sờ vào áo tôi? "31 Các môn đệ thưa: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: " Ai đã sờ vào tôi? "32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó.33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người.34 Người nói với bà ta: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh."

35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa? "36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi."37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an.38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ.39Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy! "40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm.41 Người cầm lấy tay nó và nói: "Ta-li-tha kum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi! "42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ.43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

Chương 6

Đức Giê-su về thăm Na-da-rét (Mt 13: 53 -58; Lc 4:16 -30)

1 Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo.2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? " Và họ vấp ngã vì Người.4 Đức Giê-su bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi."5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.6 Người lấy làm lạ vì họ không tin.

Đức Giê-su sai Nhóm Mười Hai đi giảng (Mt 10: 5-15; Lc 9:1-6)

7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng;9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.10Người bảo các ông: "Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi.11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

Vua Hê-rô-đê và Đức Giê-su (Mt 14: 1-2; Lc 9:7-9)

14 Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: "Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ."15 Kẻ khác nói: "Đó là ông Ê-li-a." Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ."16 Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: "Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy! "

Ông Gio-an Tẩy Giả bị trảm quyết (Mt 14: 3-12)

17 Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê,18 mà ông Gio-an lại bảo: "Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài! "19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được.20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

21 Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê.22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: "Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con."23 Vua lại còn thề: "Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được."24 Cô gái đi ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì đây? " Mẹ cô nói: "Đầu Gio-an Tẩy Giả."25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: "Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm."26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô.27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục,28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

Đức Giê-su làm cho bánh hoá nhiều lần thứ nhất (Mt 14: 13 -21; Lc 9:10 -17; Ga 6:1-13)

30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.31 Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.35 Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: "Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn.36 Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn."37 Người đáp: "Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi! " Các ông nói với Người: "Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao? "38 Người bảo các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem! " Khi biết rồi, các ông thưa: "Có năm chiếc bánh và hai con cá."39 Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh.40 Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi.41 Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người.42 Ai nấy đều ăn và được no nê.43 Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư.44 Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.

Đức Giê-su đi trên mặt biển hồ (Mt 14: 22 -33; Ga 6:16 -21)

45 Lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông.46 Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện.47 Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất.48 Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông.49Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên.50 Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! "51Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt,52 vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!

Đức Giê-su chữa nhiều người ở Ghen-nê-xa-rét (Mt 14: 34 -36)

53 Khi qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ.54 Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su.55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó.56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.

Chương 7

Tranh luận về những truyền thống người Pha-ri-sêu (Mt 15: 1-9)

1 Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến.2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận;4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: "Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa? "6 Người trả lời họ: "Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,

còn lòng chúng thì lại xa Ta.

7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích,

vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.

8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm."9 Người còn nói: "Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông.10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!11 Còn các ông, các ông lại bảo: "Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là "co-ban" nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa" rồi,12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa.13 Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa! "

Cái gì làm cho con người ra ô uế? (Mt 15: 10 -20)

14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: "Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ:15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.16 Ai có tai nghe thì nghe! "

17 Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy.18 Người nói với các ông: "Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế,19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài? " Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch.20 Người nói: "Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người,22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế."

III. NHỮNG CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC GIÊ-SU Ở NGOÀI MIỀN GA-LI-LÊ  ( CHƯƠNG 7 - 10 )

Đức Giê-su chữa con gái một bà gốc Phê-ni-xi xứ Xy-ri (Mt 15: 21 -28)

24 Đức Giê-su đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được.25 Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người.26 Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.27 Người nói với bà: "Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con."28 Bà ấy đáp: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con."29 Người nói với bà: "Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi."30 Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.

Đức Giê-su chữa người vừa điếc vừa ngọng

31 Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra!35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."

Chương 8

Đức Giê-su làm cho bánh hoá nhiều lần thứ hai (Mt 15: 32 -39)

1 Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói:2 "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!3 Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến."4 Các môn đệ thưa Người: "Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no? "5 Người hỏi các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh? " Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc."6 Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông.7 Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra.8 Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ!9Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ.10 Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.

Người Pha-ri-sêu xin một dấu trên trời (Mt 16: 1-4)

11 Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.12 Người thở dài não nuột và nói: "Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả."13 Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.

Men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê (Mt 16: 5-12)

14 Các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh.15 Người răn bảo các ông: "Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê! "16 Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh.17 Biết thế, Người nói với các ông: "Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế!18 Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao:19 khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh? " Các ông đáp: "Thưa được mười hai."20 "Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh? " Các ông nói: "Thưa được bảy."21Người bảo các ông: "Anh em chưa hiểu ư? "

Đức Giê-su chữa người mù ở Bết-xai-đa

22 Đức Giê-su và các môn đệ đến Bết-xai-đa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta.23 Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: "Anh có thấy gì không? "24 Anh ngước mắt lên và thưa: "Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại."25 Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự.26 Người cho anh về nhà và dặn: "Anh đừng có vào làng."

Ông Phê-rô tuyên xưng đức tin (Mt 16: 13 -20; Lc 9:18 -21)

27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai? "28 Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó."29 Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô."30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

Đức Giê-su loan báo lần thứ nhất cuộc Thương Khó và Phục Sinh (Mt 16: 21 -23; Lc 9:22)

31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

Những điều kiện để theo Đức Giê-su (Mt 16: 24 -28; Lc 9:23 -27)

34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.36 Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?37 Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình?38 Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người."

Chương 9

1 Đức Giê-su còn nói với họ: "Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực."

Đức Giê-su biến đổi hình dạng (Mt 17: 1-8; Lc 9:28 -36)

2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."6Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

Câu hỏi về ông Ê-li-a (Mt 17: 9-12)

9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.10Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì.11 Các ông hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước? "12 Người đáp: "Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê?13 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông."

Đức Giê-su chữa người bị quỷ ám mắc bệnh động kinh (Mt 17: 14 -21; Lc 9:37 -43 a)

14 Khi Đức Giê-su và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông.15 Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người.16 Người hỏi các môn đệ: "Anh em tranh luận gì với họ thế? "17 Một người trong đám đông trả lời: "Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám.18 Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi."19 Người đáp: "Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi."20 Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép.21 Người hỏi cha nó: "Cháu bị như thế từ bao lâu rồi? " Ông ấy đáp: "Thưa từ thuở bé.22 Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi."23 Đức Giê-su nói với ông ta: "Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin."24 Lập tức, cha đứa bé kêu lên: "Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi! "25 Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: "Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa! "26 Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: "Nó chết rồi! "27 Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên.28 Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: "Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? "29 Người đáp: "Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi."

Đức Giê-su loan báo lần thứ hai cuộc Thương Khó và Phục Sinh (Mt 17: 22 -23; Lc 9:43 b-45)

30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết,31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại."32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

Ai là người lớn hơn hết? (Mt 18: 1-5; Lc 9:46 -48)

33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? "34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:37 "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."

Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta (Lc 9:49 -50)

38 Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta."39 Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

Bác ái đối với môn đệ

41 "Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

Đừng làm cớ cho người khác và cho mình sa ngã (Mt 18: 6-9; Lc 17: 1-2)

42 "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.44 [ ]45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.46 [ ]47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.49 Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối.50 Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau."

Chương 10

Vấn đề ly dị (Mt 19: 1-9; Lc 16: 18)

1 Đức Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ.2 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? " Họ hỏi thế là để thử Người.3 Người đáp: " Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì? "4 Họ trả lời: "Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ."5 Đức Giê-su nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông.6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ;7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.11 Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình;12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."

Đức Giê-su và các trẻ em (Mt 19: 13 -15; Lc 18: 15 -17)

13 Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng.14 Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.15 Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào."16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

Người giàu có muốn theo Đức Giê-su (Mt 19: 16 -22; Lc 18: 18 -23)

17 Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? "18 Đức Giê-su đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ."20 Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ."21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi."22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa (Mt 19: 23 -26; Lc 18: 24 -27)

23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! "24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: "Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa."26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: "Thế thì ai có thể được cứu? "27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được."

Đức Giê-su hứa ban phần thưởng cho người biết từ bỏ (Mt 19: 27 -30; Lc 18: 28 -30)

28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! "29 Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."

Đức Giê-su loan báo lần thứ ba cuộc Thương Khó và Phục Sinh (Mt 20: 17 -19; Lc 18: 31 -34)

32 Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình:33 "Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại.34 Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại."

Lời xin của hai người con ông Dê-bê-đê (Mt 20: 20 -23)

35 Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây."36 Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? "37 Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang."38 Đức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? "39 Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giê-su bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được."

Người làm đầu phải hầu hạ (Mt 20: 24 -28)

41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an.42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."

Người mù ở Giê-ri-khô (Mt 20: 29 -34; Lc 18: 35 -43)

46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! "48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! "49 Đức Giê-su đứng lại và nói: "Gọi anh ta lại đây! " Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy! "50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.51 Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh? " Anh mù đáp: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được."52Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! " Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

IV. SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU TẠI GIÊ-RU-SA-LEM  ( CHƯƠNG 11 - 13 )

Chương 11

Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a (Mt 21: 1-11; Lc 19: 28 -40; Ga 12, 12 -19)

1 Khi Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ2 và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây.3 Nếu có ai bảo: "Tại sao các anh làm như vậy? ", thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay."4 Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra.5 Mấy người đứng đó nói với các ông: "Các anh cởi con lừa ra làm gì vậy? "6 Hai ông trả lời như Đức Giê-su đã dặn. Và họ để mặc các ông.7 Hai ông đem con lừa về cho Đức Giê-su, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giê-su cỡi lên.8 Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải.9 Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!10 Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời! "11 Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai.

Cây vả không sinh trái (Mt 21: 18 -19)

12 Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giê-su cảm thấy đói.13 Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả.14 Người lên tiếng bảo cây vả: "Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa! " Các môn đệ đã nghe Người nói thế.

Đức Giê-su xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ (Mt 21: 12 -17; Lc 19: 45 -48; Ga 2:13 -22)

15 Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu.16 Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ.17 Người giảng dạy và nói với họ: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! "18 Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người.19 Chiều đến, Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi thành.

Cây vả bị khô héo. Đức tin và cầu nguyện (Mt 21: 20 -22)

20 Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ.21Ông Phê-rô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su: "Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi! "22 Đức Giê-su nói với các ông: "Anh em hãy tin vào Thiên Chúa.23 Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: ÀDời chỗ đi, nhào xuống biển! , mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý.24 Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.25 Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. (26 Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em)."

Người Do-thái chất vấn Đức Giê-su về thẩm quyền của Người (Mt 21: 23 -27; Lc 20: 1-8)

27 Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Người đang đi trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi:28"Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy? "29 Đức Giê-su đáp: "Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.30 Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi! "31 Họ bàn với nhau: "Nếu mình nói: "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy?32 Nhưng chẳng lẽ mình nói: "Do người ta"? " Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ.33 Họ mới trả lời Đức Giê-su: "Chúng tôi không biết." Đức Giê-su liền bảo họ: "Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy."

Chương 12

Dụ ngôn những người làm vườn nho sát nhân (Mt 21: 33 -46; Lc 20: 9-19)

1 Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: "Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.2 Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp.3 Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không.4 Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục.5 Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết.6 Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: "Chúng sẽ nể con ta."7 Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta."8Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho.9 Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác.10 Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.11 Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!

12 Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi.

Vấn đề nộp thuế cho hoàng đế Xê-da (Mt 22: 15 -22; Lc 20: 20 -26)

13 Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy.14 Những người này đến và nói: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp? "15 Nhưng Đức Giê-su biết họ giả hình, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem! "16 Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh hiệu này là của ai đây? " Họ đáp: "Của Xê-da."17 Đức Giê-su bảo họ: "Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.

Vấn đề người chết sống lại (Mt 22: 23 -33; Lc 20: 27 -40)

18 Có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người:19 "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng: "Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình."20 Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng.21 Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy.22 Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết.23 Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ."

24 Đức Giê-su nói: "Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?25 Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.26 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp.27 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to! "

Điều răn đứng hàng đầu (Mt 23: 34 -40; Lc 10: 25 -28)

28 Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? "29 Đức Giê-su trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó."32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ."34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! " Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

Đấng Ki-tô là Con và là Chúa của vua Đa-vít (Mt 22: 41-46; Lc 20: 41 -44)

35 Khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su lên tiếng hỏi: "Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?36 Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.

37 Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được? " Đám người đông đảo nghe Đức Giê-su cách thích thú.

Đức Giê-su lên án các kinh sư (Mt 23: 1-36; Lc 20: 45 -47)

38 Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng.39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.40 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn."

Tiền dâng cúng của bà goá nghèo (Lc 21: 1-4)

41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền.42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma.43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."

Chương 13

Bài giảng cánh chung: Nhập đề (Mt 24: 1-3; Lc 21: 5-6)

1 Đang khi Đức Giê-su ra khỏi Đền Thờ, thì một trong các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy xem: đá lớn thật! Công trình kiến trúc vĩ đại thật! "2 Đức Giê-su đáp: "Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ."

3 Lúc Đức Giê-su ngồi trên núi Ô-liu, đối diện với Đền Thờ, các ông Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an và An-rê hỏi riêng Người:4 "Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hồi chung cục, thì có điềm gì báo trước? "

Khởi đầu các cơn đau đớn (Mt 24: 4-13; Lc 21: 8-19)

5 Đức Giê-su bắt đầu nói với các ông: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lừa gạt.6 Sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính Ta đây! ", và họ sẽ lừa gạt được nhiều người.7 Khi anh em nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã, thì đừng khiếp sợ. Những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là chung cục.8 Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có động đất ở nhiều nơi, sẽ có những cơn đói kém. Những sự việc ấy là khởi đầu các cơn đau đớn.

9 "Phần anh em, anh em hãy coi chừng! Người ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng và các hội đường; anh em sẽ bị đánh đòn; anh em sẽ phải ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ được biết.10 Nhưng trước tiên, Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc.

11 "Khi người ta điệu anh em đi nộp, thì anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì, thì hãy nói điều ấy: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần nói.12 Anh em sẽ nộp nhau cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.13 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

Những ngày gian nan tại Giê-ru-sa-lem (Mt 24: 15 -28; Lc 21: 20 -24)

14 "Khi anh em thấy Đồ-Ghê-Tởm-Khốc-Hại đứng ở nơi nó không được phép đứng -người đọc hãy lo mà hiểu! -, thì bấy giờ ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi;15 ai ở trên sân thượng thì đừng xuống và đừng vào lấy gì ra khỏi nhà;16 ai ở ngoài đồng, đừng trở lại lấy áo choàng của mình.17 Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó!18 Anh em hãy cầu xin cho điều ấy đừng xảy ra vào mùa đông.19 Vì những ngày đó sẽ là những ngày gian nan đến mức từ lúc khởi đầu, khi Thiên Chúa tạo thành vạn vật cho đến bây giờ, chưa khi nào xảy ra và sẽ không còn xảy ra như vậy nữa.20 Nếu Chúa không rút ngắn những ngày ấy lại, thì không ai được cứu thoát; nhưng vì những kẻ Người đã tuyển chọn, Người đã rút ngắn những ngày ấy lại.21 Bấy giờ, nếu có ai bảo anh em: "Này, Đấng Ki-tô ở đây! Kìa, Đấng Ki-tô ở đó! ", anh em đừng có tin.22 Thật vậy, sẽ có những ki-tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, làm những dấu lạ và những việc phi thường, để lừa gạt những người đã được tuyển chọn, nếu có thể.23 Phần anh em, hãy coi chừng: Thầy đã báo trước tất cả cho anh em!

Con Người quang lâm (Mt 24: 29 -31; Lc 21: 25 -28)

24 "Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng,25 các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển.26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.

Dụ ngôn cây vả (Mt 24: 32 -36; Lc 21: 29 -33)

28 "Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần.29 Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi.30 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.31 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.32 "Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.

Phải tỉnh thức và sẵn sàng (Mt 24: 36 -44)

33 "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức! "

V. CUỘC THƯƠNG KHÓ VÀ PHỤC SINH CỦA ĐỨC GIÊ-SU  ( CHƯƠNG 14 - 16 )

Chương 14

Người Do-thái âm mưu hại Đức Giê-su (Mt 26: 1-5; Lc 22: 1-2; Ga 11: 45 -53)

1 Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, các thượng tế và kinh sư tìm cách dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi;2 vì họ nói: "Đừng làm vào chính ngày lễ, kẻo dân chúng náo động."

Xức dầu tại Bê-ta-ni-a (Mt 26: 6-13; Ga 12: 1-8)

3 Lúc đó, Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-mon Cùi. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người.4 Có vài người lấy làm bực tức, nói với nhau: "Phí dầu thơm như thế để làm gì?5 Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo." Rồi họ gắt gỏng với cô.6Nhưng Đức Giê-su bảo họ: "Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa.7 Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu!8 Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng.9 Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô."

Giu-đa phản bội (Mt 26: 14 -16; Lc 22: 3-6)

10 Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai, đi gặp các thượng tế để nộp Người cho họ.11 Nghe hắn nói, họ rất mừng và hứa cho tiền. Giu-đa liền tìm cách nộp Người sao cho tiện.

Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua (Mt 26: 17 -19; Lc 22: 7-13)

12 Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? "13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: "Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó.14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: "Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta."16Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.

Đức Giê-su báo Giu-đa sẽ phản bội (Mt 26: 20 -25; Lc 22: 21 -23; Ga 13: 21 -30)

17 Chiều đến, Đức Giê-su và Nhóm Mười Hai cùng tới.18 Đang khi dùng bữa, Người nói: "Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy."19 Các môn đệ đâm ra buồn rầu, và lần lượt hỏi Người: "Chẳng lẽ con sao? "20 Người đáp: "Chính là một trong Nhóm Mười Hai đây, mà là người chấm chung một đĩa với Thầy.21 Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn! "

Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể (Mt 26: 26 -29; Lc 22: 14 -20; ICo 11: 23 -25)

22 Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy."23Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này.24 Người bảo các ông: "Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.25 Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa."

Đức Giê-su tiên báo ông Phê-rô sẽ chối Người (Mt 26: 30 -35; Lc 22: 31 -34; Ga 13: 36 -38)

26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.27 Đức Giê-su nói với các ông: "Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác.28 Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em."29 Ông Phê-rô liền thưa: "Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không."30 Đức Giê-su nói với ông: "Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần."31 Nhưng ông Phê-rô lại nói quả quyết hơn: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.

Tại vườn Ghết-sê-ma-ni (Mt 26: 36 -46; Lc 22: 39 -46)

32 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các ông: "Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện."33 Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến.34 Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức."35Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được.36 Người nói: "Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn."37 Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: "Si-mon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?38 Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối."39 Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước.40 Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người.41 Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông: "Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi.42 Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới! "

Đức Giê-su bị bắt (Mt 26: 47 -56; Lc 22: 47 -53; Ga 18: 3-11)

43 Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến.44Kẻ nộp Đức Giê-su đã cho họ một ám hiệu, hắn dặn rằng: "Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận."45 Vừa tới, Giu-đa tiến lại gần Người và nói: "Thưa Thầy! ", rồi hôn Người.46 Họ liền tra tay bắt Người.47 Nhưng một trong những kẻ đang có mặt tại đó tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai.

48 Đức Giê-su nói với họ: "Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt?49 Ngày ngày, tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy ở Đền Thờ, mà các ông không bắt. Nhưng thế này là để lời Sách Thánh được ứng nghiệm."50 Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết.51 Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh.52 Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng.

Đức Giê-su ra trước Thượng Hội Đồng (Mt 26: 57 -68; Lc 22: 54 -55, 63 -71; Ga 18: 13 -14, 19 -24)

53 Họ điệu Đức Giê-su đến vị thượng tế. Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư tề tựu đông đủ.54 Ông Phê-rô theo Người xa xa, vào tận bên trong dinh thượng tế, và ngồi sưởi bên đống lửa với đám thuộc hạ.

55 Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra,56 vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau.57 Có vài kẻ đứng lên cáo gian Người rằng:58 "Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm! "59 Nhưng ngay về điểm này, chứng của họ cũng không ăn khớp với nhau.

60 Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Đức Giê-su: "Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó? "61Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh, không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người: "Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không? "62 Đức Giê-su trả lời: "Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến."63 Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: "Chúng ta cần gì nhân chứng nữa?64Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao? " Tất cả đều kết án Người đáng chết.

65 Thế là một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói: "Hãy nói tiên tri đi! " Và đám thuộc hạ tát Người túi bụi.

26 Ông Phê-rô chối Thầy (Mt 26,69 -75; Lc 22: 56 -62; Ga 18: 15-18, 25-27)66 Ông Phê-rô đang ở dưới sân, có một người tớ gái của thượng tế đi tới;67 thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói: "Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giê-su đó chứ gì! "68Ông liền chối: "Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì! " Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. Bấy giờ có tiếng gà gáy.69 Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với những người đứng đó: "Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy."70 Nhưng ông Phê-rô lại chối. Một lát sau, những người đứng đó lại nói với ông: "Đúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Ga-li-lê! "71 Nhưng ông Phê-rô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: "Tôi thề là không có biết người các ông nói đó! "72 Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phê-rô sực nhớ điều Đức Giê-su đã nói với mình: "Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần." Thế là ông oà lên khóc.

Chương 15

Đức Giê-su ra trước tổng trấn Phi-la-tô (Mt 27: 1-2.11 -26; Lc 23: 1-5,13 -25; Ga 18: 28 - 19: 16)

1 Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô.

2 Ông Phi-la-tô hỏi Người: "Ông là vua dân Do-thái sao? " Người trả lời: "Đúng như ngài nói đó."3 Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội,4 nên ông Phi-la-tô lại hỏi Người: "Ông không trả lời gì sao? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội! "5 Nhưng Đức Giê-su không trả lời gì nữa, khiến ông Phi-la-tô phải ngạc nhiên.

6 Vào mỗi dịp lễ lớn, ông thường phóng thích cho dân một người tù, tuỳ ý họ xin.7 Khi ấy có một người tên là Ba-ra-ba, đang bị giam với những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi dậy.8 Đám đông kéo nhau lên yêu cầu tổng trấn ban ân xá như thường lệ.9 Đáp lời họ yêu cầu, ông Phi-la-tô hỏi: "Các ông có muốn ta phóng thích cho các ông vua dân Do-thái không? "10 Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Người.11 Nhưng các thượng tế sách động đám đông đòi ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba thì hơn.12 Ông Phi-la-tô lại hỏi: "Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do-thái? "13 Họ la lên: "Đóng đinh nó vào thập giá! "14 Ông Phi-la-tô lại hỏi: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?" Họ càng la to: "Đóng đinh nó vào thập giá! "15 Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba, truyền đánh đòn Đức Giê-su, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.

Đức Giê-su đội vòng gai (Mt 27: 27 -31; Ga 19: 2-3)

16 Lính điệu Đức Giê-su vào bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại.17 Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người.18 Rồi chúng bái chào Người: "Vạn tuế đức vua dân Do-thái! "19 Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy.20 Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.

Đường lên Gôn-gô-tha (Mt 27: 32 -33; Lc 23: 26. 33; Ga 19: 16 b-17)

21 Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giê-su.22 Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ.

Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá (Mt 27: 34 -38; Lc 23: 33 -34. 38; Ga 19: 18 -24)

23 Chúng trao rượu pha mộc dược cho Người, nhưng Người không uống.24 Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì.25 Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba.26 Bản án xử tội Người viết rằng: "Vua người Do-thái".27 Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái. (28 Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp.)

Đức Giê-su ở trên thập giá bị sỉ vả nhạo cười (Mt 27: 39 -44; Lc 23: 35 -37)

29 Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: "Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được,30 có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi! "31 Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình.32 Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin." Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.

Đức Giê-su chết trên thập giá (Mt 27: 45 -54; Lc 23: 44 -48; Ga 19: 28 -30)

33 Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín.34 Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: "Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni! " Nghĩa là: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? "35 Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: "Kìa hắn kêu cứu ông Ê-li-a."36 Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: "Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không."37 Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở.38 Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới.39 Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa."

Các phụ nữ đạo đức trên Gôn-gô-tha (Mt 27: 55 -56; Lc 23: 49)

40 Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê Thứ và Giô-xết, cùng bà Sa-lô-mê.41 Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giê-su khi Người còn ở Ga-li-lê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giê-ru-sa-lem, cũng có mặt tại đó.

Đức Giê-su được mai táng (Mt 27: 57 -61; Lc 23: 50 -56; Ga 19: 38 -42)

42 Chiều đến, vì hôm ấy là ngày áp lễ, tức là hôm trước ngày sa-bát,43nên ông Giô-xếp tới. Ông là người thành A-ri-ma-thê, thành viên có thế giá của hội đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa. Ông đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su.44 Nghe nói Người đã chết, ông Phi-la-tô lấy làm ngạc nhiên, và cho đòi viên đại đội trưởng đến, hỏi xem Người đã chết lâu chưa.45 Sau khi nghe viên sĩ quan cho biết sự việc, tổng trấn đã cho ông Giô-xếp lãnh lấy thi hài.46 Ông này mua một tấm vải gai, hạ xác Đức Giê-su xuống, lấy tấm vải ấy liệm Người lại, đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mộ.47 Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và bà Ma-ri-a mẹ ông Giô-xết, thì để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người.

Chương 16

Ngôi mộ trống. Thiên thần báo tin (Mt 28: 1-8; Lc 24: 1-12; Ga 20: 1-10)

1 Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su.2 Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.

3 Các bà bảo nhau: "Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây? "4Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm.5 Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ.6 Nhưng người thanh niên liền nói: "Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!7 Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông."8 Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.

Đức Giê-su phục sinh hiện ra (Mt 28: 9-20; Lc 24: 13 -53; Ga 20: 11 -23; Cv 1:6-11)

9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ.10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc.11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.

12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê.13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.

14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.