Chú Giải Tin Mừng Matthêu

Dẫn Nhập & Tiền Ngôn

Lm Carôlô Hồ Bạc Xái

DẪN NHẬP

I: BẮT ĐẦU TỪ ĐOẠN KẾT (Mt 28,16-20)

Trong đoạn kết của tác phẩm, Mt đã gom lại hầu hết những chủ đề lớn của tác phẩm Ngài. Bởi thế, chúng ta có thể khởi sự loạt bài tìm hiểu tác phẩm Tin Mừng theo thánh Mát thêu bằng việc xem xét đoạn kết của tác phẩm này:

Mt 28,16-20

16 Mười một tông đồ sang xứ Galilê lên núi nơi Đức Giêsu đã chỉ.

17 Vừa thấy Ngài, các ông thờ lạy. Nhưng có mấyngười vẫn còn nghi nan.

18 Đức Giêsu lại gần nói với các ông: “Thầy đã được mọi quyền trên trời dưới đất.

19 Vậy các con hãy đi thâu nạp lấy môn đồ ở khắp muôn dân thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

20 Lo dạy bảo người ta vâng giữ hết mọi điều Thầy đã truyền dạy cho các con. Còn Thầy, Thầy ở với các con hết mọi ngày cho tới khi tận thế”

 

1. Giải thích bản văn

11 tông đồ: Ta biết Đức Giêsu có tất cả 12 tông đồ. Nhưng trong biến cố thụ nạn, Giuđa đã hư mất và sau đó đã tự vẫn; các tông đồ kia thì chạy trốn tán loạn. Bây giờ, trước lúc về trời, Đức Giêsu đã tập hợp số còn lại được 11 người. Họ là hình ảnh của Giáo Hội, là những người được Chúa tập hợp lại, đúng ý nghĩa của chữ Hy Lạp Ekklêsia.

Xứ Galilê: Địa điểm tập hợp sao không phải là Giêrusalem, nơi từ trước tới giờ vẫn được coi là trung tâm của niềm tin, mà lại là Galilê là vùng có nhiêu người lương? Hẳn là Đức Giêsu có chủ ý: GH theo quan điểm của Mt phải là GH truyền giáo, GH của thế giới.

Lên núi: Mt không quan tâm đến vị trí địa dư chính xác cho bằng quan tâm đến ý nghĩa thần học của vị trí ấy. Vì thế đừng mất công tìm hiểu xem “núi” này là núi gì. Ngày xưa Môsê đã gặp Thiên Chúa trên núi; rồi Êlia cũng đi tìm gặp Thiên Chúa trên núi; Đức Giêsu cũng biến hình trên núi; Hiến chương Nước Trời cũng được Đức Giêsu công bố trên núi. Các dữ kiện Thánh Kinh trên cho thấy “núi” là nơi Thiên Chúa công bố luật. Vậy cũng như ngày xưa Thiên Chúa gặp Môsê “trên núi” để ban luật cho dân Israel, thì nay Đức Giêsu cũng hẹn gặp 11 tông đồ trên núi để ban Luật mới cho GH, Israel mới.

Thờ lạy: Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng đáng thờ lạy (x. Mt 4,10 trích Đnl 6,13). Vậy khi các tông đồ thờ lạy Đức Giêsu phục sinh thì có nghĩa là các ông nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa.

Vẫn còn nghi nan: GH mà Đức Giêsu tập hợp tuy là GH đã tin Ngài là Thiên Chúa nên đã “thờ lạy” Ngài, nhưng đức tin vẫn còn yếu kém, họ vẫn là “những kẻ hèn tin” (x. 6,30; 8,26; 14,31; 16,18)

Đức Giêsu lại gần: Dịch sát là “Đức Giêsu đến với họ”. Nếu như Mt cố tình dùng động từ “đến” thì ngụ ý của Mt là Đức Giêsu thực hiện đúng tước hiệu mà Cựu Ước vẫn gán cho Đấng Messia “Đấng đang đến”. Trước tòa án xét xử Ngài, chính Đức Giêsu đã xưng mình bằng tước hiệu đó (Mt 26,54)

Được mọi quyền: Trong Đn 7,14 “Con Người” (Đấng Messia) sẽ được Thiên Chúa ban cho mọi quyền. Như vậy, ở đây Đức Giêsu tự giới thiệu mình chính là Con Người Messia.

Vậy các con hãy đi: Đức Giêsu sai các tông đồ (GH) đi truyền giáo. Nên chú ý rằng ở chương 10, Đức Giêsu cũng đã sai như thế, nhưng các ông chưa đi, khi đó chính Chúa Giêsu đi và các ông đi theo. Bây giờ lúc Đức Giêsu sắp về trời rồi thì chính thức tới lúc giáo hội phải ra đi truyền giáo.

Ở khắp muôn dân: Tính đại đồng của GH. So sánh với 10,5 (“Đừng vào nhà lương dân …”), ta thấy câu nói này khó mà tưởng tượng nổi ngay buổi bình minh của Phục sinh. Sách Cv cho thấy các tông đồ đã tốn hằng chục năm trời mới mở được chân trời hướng về phía lương dân, và mãi 20 năm sau, Hội nghị Giêrusalem mới chuẩn nhận hướng truyền giáo ấy. Cho nên câu nói này không phải là câu nói của Đức Giêsu lúc ấy, mà đúng hơn là câu nói của Đức Giêsu sống trong GH sau Hội nghị Giêrusalem (Cv 15,5-12)

Thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần: Giáo đoàn Mt đã có một nề nếp phụng vụ đàng hoàng với phép Rửa nhân danh Ba Ngôi. Lúc ban đầu người ta chỉ biết làm phép Rửa nhân danh Đức Giêsu. Các thư của Phaolô cũng cho thấy những bước dò tìm chậm chạp của niềm tin vào Ba Ngôi.

Dạy bảo người ta: Mt tỏ ra quan tâm đến “mục vụ trí năng”: phải hiểu những gì mình tin (Mt 18,15-18), cho nên Mt nhấn mạnh lời Đức Giêsu dặn GH phải “dạy bảo”.

Thầy ở với các con: Chỗ dựa và nơi an toàn duy nhất của GH là Đức Giêsu. Ở đây Ngài tự xưng mình là Emmanuel. Lưu ý: Khi hiện ra cho Giuse, Thiên sứ đã bảo tên đứa con của Maria sẽ là Emmanuel, vậy mà khi đứa trẻ ấy sinh ra thì Giuse lại đặt tên là … Giêsu! Bây giờ Đức Giêsu đã Phục sinh mới thực là Emmanuel. Ngài đã sống lại rồi và sẽ mãi mãi ở với GH “hết mọi ngày tới khi tận thế”. 


2. Những nét lớn của tác phẩm.

Bản văn mà chúng ta vừa tìmhiểu trên đã tóm tắt những nét lớn ý tưởng của tác giả, và cũng là những nét lớn của tác phẩm. Những nét đó cho biết tác giả nghĩ Đức Giêsu là ai, và Giáo đoàn của tác giả là giáo đoàn nào.

1/ Đức Giêsu theo Mt là ai?

a/ Ngài là Đấng hoàn thành những gì mà các ngôn sứ đã báo trước:

– Ngài là Môsê mới (chi tiết “núi”).

– Ngài là Đấng Mêssia (chi tiết “đến”).

– Ngài là Con Người (chi tiết “được mọi quyền”).

– Ngài là Emmanuel (chi tiết “Thầy ở cùng các con”).

b/ Nhưng còn hơn thế nữa, Ngài là Thiên Chúa:

– Đấng đáng thờ lạy (chi tiết “thờ lạy”).

– Ngang hàng với Chúa Cha và Thánh Linh (chi tiết “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”).

2/ Cộng đoàn của Mt như thế nào?

– Một cộng đoàn gồm những người đã tin và còn có sứ mạng truyền giáo cho lương dân (chi tiết “Galilê: và “ở khắp muôn dân”).

– Một cộng đoàn tuy đã tin nhưng vẫn còn yếu kém về đức tin (chi tiết “mấy người vẫn còn nghi nan”).

– Một cộng đoàn đã có nề nếp thần học và bí tích khá vững (chi tiết “phép Rửa nhân danh Ba Ngôi”).

– Một cộng đoàn vào thời điểm tương đương với Hội nghị Giêrusalem (chi tiết “khắp muôn dân” và “phép Rửa nhân danh Ba Ngôi”.

Đoạn văn Mt 28,16-20 này chứa đựng những tư tưởng mà cộng đoàn Kitô của Mt đã nghiền ngẫm từ lâu về khuôn mặt Đức Giêsu và về bản chất của GH. Mt đã gom góp những tư tưởng ấy của cộng đoàn và tổng hợp lại trong quyển Tin Mừng này.

 


II: CỘNG ĐOÀN CỦA MÁTTHÊU

Muốn tìm hiểu rõ một tác phẩm, nhất là một tác phẩm Thánh Kinh,chúng ta cần phải biết môi trường phát sinh tác phẩm đó. Đó là nguyên tắc mà các nhà chuyên môn gọi bằng tiến Đức là Sitz im leben. Tin Mừng Mt không phải đơn giản do Mt một mình viết ra, mà thực ra Mt đã lấy rất nhiều ý tưởng và tư liệu từ cộng đoàn mà ông đang sống. Do đó trong bài này chúng ta tìm hiểu môi trường sống của Mt.


1- Một cộng đoàn phát xuất từ nguồn gốc Do Thái giáo.

1/ TRÍCH DẪN CỰU ƯỚC

– Do Thái giáo rất coi trọng Cựu Ước. Tín đồ Do Thái giáo thường trích dẫn Cựu Ước. Khi nói chuyện với họ hoặc viết cho họ đoc mà trích dẫn Cựu Ước thì rất thoải mái: họ sẽ hiểu ngay, ta không cần giải thích dài dòng. Nhiều khi không cần trích nguyên văn, chỉ cần ám chỉ thôi thì họ cũng đủ hiểu.

– Tác phẩm Mt đã trích dẫn Cựu Ước rất nhiều, khi thì minh nhiên, khi thì mặc nhên. Có tất cả 130 chỗ trích dẫn như thế, trong đó gồm 43 lần trích dẫn rõ ràng minh nhiên, và 11 lần trích dẫn có kèm theo công thức độc đáo của Mt là “để hoàn tất điều Chúa đã nói qua lời ngôn sứ rằng …”.

– Đôi khi Mt vừa trích dẫn vừa phối hợp cách khéo léo nhiều câu Cựu Ước.

Thí dụ trong đoạn nói về Đức Giêsu vào thành Giêrusalem (Mt 21,1-19), Mt đã phối hợp Dcr 9,9 và Is 62,11; để giải nghĩa cái chết của Giuđa (27,9), Mt đã trích Dcr 11,12 và Gr 18,2.

– Những lối trích dẫn như thế, khi thì minh nhiên, khi thì mặc nhiên, khi thì phối hợp nhiều câu Cựu Ước … chứng tỏ Mt nhắm tới hạng độc giả đã quá quen với Cựu Ước, tức là những người trong Do Thái giáo.

2/ ĐỀ CẬP NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA NGƯỜI DO THÁI

Tác phẩm Mt đề cập đến những vấn đề độc đáo riêng của dân tộc Do Thái, chẳng hạn vấn đế bố thí, cầu nguyện, ăn chay (Mt 6), dâng lễ vật (5,23-24), và ly hôn (19,1-10)

3/ HÌNH TƯỢNG MÔSÊ

Trong những tường thuật về thời thơ ấu của Đức Giêsu (1-2) và rải rác trong suốt tác phẩm, Mt trình bày Đức Giêsu như một Môsê mới ban Luật mới cho Dân mới.


2- Một cộng đoàn xung đột với Do Thái giáo

1/ Các quyển Tin Mừng đều kể lại những cuộc đấu khẩu giữa Đức Giêsu với những người Pharisêu. Nhưng trong Mt thì lời lẽ của Đức Giêsu cứng rắn nhất (chẳng hạn hãy xem MT 23). Quyết liệt nhất là tranh luận về quan niệm cứu rỗi. Quan điểm của Pharisêu có nguy hiểm đi tới chỗ cho rằng ơn cứu rỗi là một công lao mà Thiên Chúa phải thưởng cho ta nhờ việc ta giữ luật cách tỉ mỉ. Trong dụ ngôn về những người thợ làm vườn nho (20,1-16), những người thợ lẩm bẩm trách chủ đại diện cho bọn Pharisêu này. Theo Mt, ơn cứu rỗi là một ơn miễn phí, ta phải biết ơn lòng nhân từ của Thiên Chúa là Đấng mời gọi ta cùng hãy theo gương nhân từ đó (18,23-35).

Dụ ngôn 20,1-16 có lẽ mô phỏng một dụ ngôn của các Rabbi do thái nhưng thay đổi ý nghĩa. Sau đây là dụ ngôn do thái ấy:

“Có một ông vua kia mướn nhiều người thợ làm việc cho mình. Trong số đó có một người siêng năng hơn những người khác. Thấy thế nhà vua làm gì? Ông dẫn người thợ này đi, cùng đi dạo với anh. Đến chiều các người thợ đến lãnh tiền công, và nhả vua trả trọn tiền công một ngày cho anh thợ đã cùng đi dạo với vua. Thấy vậy những người thợ kia than phiền rằng: “Chúng tôi mệt nhọc làm việc suốt ngày, còn anh kia chỉ làm có hai giờ mà lãnh tiền công bằng chúng tôi”. Nhưng vua đáp: “Anh kia trong hai giờ đã làm được nhiều việc hơn các ngươi làm suốt ngày”.

Ta thấy câu chuyện này và câu chuyện dụ ngôn trong Mt 20,1-16 tương tự nhau: người làm ít cũng nhận được tiền công của cả ngày. Nhưng chỗ khác biệt là lý do phát tiền như thế: Theo dụ ngôn do thái thì đó là sự siêng năng cần mẫn, còn theo Mt thì hoàn toàn do lòng tốt của ông chủ.

2/ Trong tác phẩm Mt, những người do thái được kể như những người ở ngoài, Mt viết “những hội đường của họ” (4,23; 9,35; 10,17; 12,9; 13,54; 23,34). Nghĩa là các Kitô hữu trong tác phẩm Mt không còn xem mình là tín đồ của các hội đường nữa.

3/ Sự kiện này phần lớn có thể giải thích bởi cuộc hồi sinh của do thái giáo tại Jamnia sau năm 70. Để định nghĩa lại Đức tin của mình, những người Pharisêu quyết định xa cách với Kitô giáo mà họ đã trục xuất khỏi các hội đường. Vì vậy ta nên cẩn thận khi đọc Mt: những lời cứng cỏi ghi trong Mt không hẳn là những lời của Đức Giêsu chống người Pharisêu vào những năm 30, cho bằng là những lời của Đức Giêsu phục sinh đang sống trong cộng đoàn vào những năm 80 đang bị bọn pharisêu bách hại.


3- Một cộng đoàn mở rộng cửa cho lương dân

1/ Tính đại đồng của cộng đoàn Mt không hoàn toàn giống tính đại đồng của cộng đoàn Lc. Lc viết cho các Kitô hữu gốc lương dân, cho nên có thể nói tính đại đồng của Lc là “bẩm sinh”. Còn cộng đoàn của Mt có mở rộng cửa đón lương dân chỉ nhờ suy nghĩ chín chắn về sau. Nhờ họ hiểu được cách Đức Giêsu giải thích Luật do thái giáo: Ngài là Đấng Hoàn Thành Lề luật, vượt qua Lề Luật (x. 5,20-48), Ngài ban cho Luật có ý nghĩa thực sự. Nếu trong cuộc sống trần thế, Đức Giêsu trong Mt không ra khỏi biên cương do thái (“Ta chỉ được sai đến với những chiên lạc nhà Israel”), thì mặt khác, Ngài thường tuyên báo rằng Nước Trời sẽ được chuyển từ dân do thái sang cho GH, chẳng hạn như trong dụ ngôn về những tên làm vườn nho sát nhân (21,41-43); trước thái độ đầy tin tưởng của viên bách quân xin Ngài chữa bệnh cho người đầy tớ của ông, Ngài công bố lời mời gọi lương dân vào Nước Trời (8,11-12), và Galile trong Mt cũng là biểu tượng của thế giới lương dân (4,15). Chính vì thế Đức Kitô phục sinh đã không tỏ mình ra ở Giêrusalem, mà là ở “Galilê của dân ngoại” và phái các môn đệ đi truyền giáo khắp thế gian (28,16-20. Xem lại bài1). Ngay trong phần đầu tác phẩm (1-2) Mt đã tỏ ra khuynh hướng đại đồng này khi cho thấy Trẻ Giêsu được các đạo sĩ lương dân đến thờ lạy.

2/ Những dấu chỉ trên cho phép ta nghĩ rằng tác phẩm Mt có thể phát sinh trong những cộng đoàn miền Syria-Palestina (có lẽ ở Antiokia?), vào khoảng những năm 80, 90.


4- Nếp sống của cộng đoàn

1/ MỘT CỘNG ĐOÀN THỜ PHƯỢNG CHÚA

Đằng sau hình ảnh Đức Giêsu lịch sử được trình bày trong Tin Mừng, luôn hiện ra hình ảnh Đức Chúa phục sinh đang sống trong cộng đoàn. Lời Thiên sứ báo tin về Đấng Emmanuel (1,23), chỉ được thực hiện trọn vẹn sau biến cố phục sinh, lúc Dức Giêsu nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (28,20). Như vậy, từ kinh nghiệm sống hằng ngày với Đức chúa phục sinh đang ở giữa cộng đoàn, Mt đã nhìn lại cuộc đời của Đức Giêsu lịch sử. Rất thường khi chúng ta đọc Mt mà không thể phân biệt được là chúng ta đang ở trên những nẻo đường Palestina vào những năm 30 hay đang ở trong cộng đoàn của Mt vào những năm 80 đang cử hành phụng vụ kính Chúa. Đằng sau hình ảnh bà nhạc mẫu của Phêrô đang phục vụ Đức Giêsu lịch sử, chúng ta thấy hình ảnh của một GH phục sinh đang phục vụ Chúa mình (8,14-15). Bài tường thuật Bão tố yên lặng (nói đúng hơn bằng danh từ chuyên môn là Cơn kinh hoàng bị khớp miệng-Séisme muselé. (Xem phần giải thích từ Séisme ở cuối bài), cũng nhằm mô tả hình ảnh GH đứng lên tuyên xưng niềm tin của Đức Chúa phục sinh (8,23-27)

2/ MỘT CỘNG ĐOÀN CÓ NHỮNG CĂNG THẲNG

Cái cộng đoàn đang quy tụ quanh Chúa của mình này thực ra cũng có những căng thẳng, Mt không che giấu điều đó. Phêrô khi tha 7 lần đã tưởng mình khoan dung lắm, những thực ra ông phải tha đến 70×7 lần, nghĩa là phải tha luôn mãi (18,21-22); Trong giới luật mà Đức Giêsu trối lại cho cộng đoàn, Ngài tóm tắt giáo huấn của mình trong hai dụ ngôn dạy hai điều: là thương xót và thứ tha (Mt 18)

3/ MỘT CỘNG ĐOÀN CHƯA PHẢI LÀ NƯỚC TRỜI

Trong mầu nhiệm vượt qua, Đức Giêsu khai mạc Nước Trời. Cộng đoàn biết rằng Nước Trời đã được chuyển giao cho mình nhưng cộng đoàn không phải là sở hữu chủ độc quyền của Nước Trời và cộng đoàn không tự đồng hóa với Nước Trời: đúng ra cộng đoàn phải là nơi từ đó Nước Trời tỏ mình ra cho thế giới, cộng đoàn phải làm “vết dầu loang”.


5- Tóm lai, đó là cộng đoàn nào?

Qua những nét vừa mô tả ở các phần trên, chúng ta có thể xác định được cộng đoàn của Mt là một cộng đoàn Kitô ở Syria và Bắc Palestina, quê hương của tác giả. Đúng ra, Mt không hẳn là tác giả mà chỉ là người có công thu thập, sắp xếp và ghi lại những điều mà cộng đoàn này đã lưu giữ, gẫm suy và truyền thông cho nhau về Đức Giêsu với những sắc thái riêng biệt của cộng đoàn, nghĩa là một cộng đoàn vẫn còn nằm trong khung cảnh do thái giáo thế kỷ thứ nhất.

Tác phẩm này ban đầu được viết bằng chữ Aram, là thứ ngôn ngữ mà Đức Giêsu và các môn đệ cũng như quần chúng bấy giờ vẫn nói. Về sau, khoảng năm 80, 90 được các đồ đệ của Mt viết lại bằng chữ Hy Lạp. Rất tiếc là hiện nay bản gốc Aram không còn, GH chỉ còn giữ lại bản văn Hy Lạp mà thôi

 

Tư liệu: DANH TỪ SÉISME

1/ Danh từ Séismos chữ Hy Lạp thật khó mà dịch cho đủ nghĩa. Các bản dịch Thánh Kinh thường tạm dịch là “Động đất”. Thực ra đó là một trong các dấu chỉ cho biết đã đến thời cuối cùng (x. Mc 13,8; Lc 21,11; Mt 24,7). Đặc biệt dùng danh từ này nhiều nhất:

– Khi Đức Giêsu tắt thở, đã có một Séisme (27,51).

– Khi thấy Séisme này, viên bách quân và đám lình gác nhận biết Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa (27,54).

– Vào buổi sáng phục sinh, đã có một Séisme (28,2) và đám lính gác bị trận Séisme ấy chộp lấy nên hóa ra như chết (28,4).

2/ Vậy biến cố Đức Giêsu chết và sống lại có dấu chỉ Séisme đi kèm, báo hiệu đã đến thời cuối cùng. Như thế, qua ngôn ngữ biểu tượng. thời cuối cùng đấy đã được chính Đức Giêsu khai mạc. Như thế, chúng ta đang đọc một quan điểm thần học được diễn tả bằng hình ảnh biểu tượng, chứ không phải một bài tường thuật đúng y những chuyện xảy ra trong lịch sử.

3/ Cũng theo quan điểm thần học ấy, việc Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem, mở màn mầu nhiệm Vượt Qua, cũng có ý nghĩa ám chỉ Ngài chính thức và vinh quang tiến vào Thế giới mới. Chính vì thế mà trong sự việc tiến vào Giêrusalem này, “cả thành đều bị xâm chiếm bởi một cơn Séisme” (21,10).

4/ Nhưng thời cuối cùng này, được khai mạc vào dịp Phục sinh, vẫn còn phải kéo dài trong suốt thời gian của GH. Do đó, GH được trình bày như một chiếc thuyền mỏng manh bị lắc lư do một cơn Séisme (8,24). Trong câu này, phải hiểu ý Mt không nói đến một “cơn bão bị dẹp yên”, mà đúng ra phải là “một Séisme bị khớp mõm” (như người ta khớp mõm các tà thần đang trú ẩn trong biển cả). Giữa cơn Séisme đó, con thuyền GH sẽ đứng vững bao lâu GH còn tuyên xưng Đức Chúa của mình (“Chúa ơi, xin cứu vớt”), và cơn Séisme bị khớp mõm ấy khiến dân ngoại phải tự hỏi “Con Người này là ai vậy?”

 


III: PHƯƠNG DIỆN VĂN CHƯƠNG CỦA MT

1. Trích dẫn Cựu Ước

1/ Mt trích dẫn Cựu Ước rất nhiều. Về điểm này, xem lại BÀI II, phần 1)

2/ Khi trích dẫn Cựu Ước như vậy, Mt không nhằm mục đích chứng mình rằng những việc mình viết ra là đúng. Chủ yếu là nhằm định vị trí những biến cố lịch sử trong đời Đức Giêsu vào kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, cho thấy được tính liên tục nhất thống của chương trình Thiên Chúa mà chóp đỉnh thực hiện là nơi con người của Đức Giêsu.


2. Khoa địa lý của Mt

1/ Đối với Mt, những địa danh không chỉ có ý nghĩa xác định một vị trí mà còn chứa đựng một ngụ ý thần học.

2/ Một địa danh đặc biệt có nhiều ý nghĩa trong Mt là Galilê.

– Galilê là quê hương của Đức Giêsu. Vùng đất này là địa giới qua lại nên đương nhiên nhuốm ảnh hưởng của nhiều luồng tư tưởng. Vì thế, dưới mắt những người biệt phái, Galilê có nghĩa là một môi trường đức tin không thuần khiết. Từ đó người ta quen nói: “Galilê của lương dân” (x. Mt 4,12-16).

– Nhưng đây là vùng đất biểu tượng cho niềm Hy Vọng. Ngôn sứ Isaia đã loan báo rằng vào thời cùng tận, đó sẽ là nơi Thiên Chúa sẽ hiển linh cho dân ngoại (Is 8,20).

– Trong chiều hướng chủ nghĩa đại đồng (xem lại BÀI II). Mt trình bày Đức Giêsu sinh sống nhiều nhất ở vùng Galilê: * Quê hương Ngài là Galilê.

– Sau chuyến trốn sang Ai Cập, Ngài trở về Galilê (như thực hiện một cuộc xuất hành mới ra khỏi Ai Cập).

– Ngài giảng dạy tại vùng Galilê. Chính tại Galilê, Ngài đã đưa ra những giáo huấn giới chủ yếu của Ngài.

– Có hai lần Đức Giêsu rời khỏi Galilê: Lần thứ nhất để đi lãnh phép thanh tẩy của Gioan, lần thứ hai để lên Giêrusalem bước vào cuộc thụ nạn. Nhưng khi sống lại thì Ngài lại trở về Galilê.

Tin Mừng Mt là Tin Mừng duy nhất nói rõ lần hiện ra của Đức Giêsu phục sinh tại Galilê. Lần trở lại này vừa đối xứng vừa trổi vượt lần trở lại trước (từ Ai Cập trở lại). Đối xứng vì cũng đều có ý nghĩa của cuộc Xuất Hành. Nhưng trổi vượt vì Mosê xuất hành khỏi Ai Cập nhưng phải bị chết trong sa mạc chứ không được vào Đất Hứa; Còn Đức Giêsu đã vượt qua sa mạc của tử thần và đi vào được Đất Hứa Galilê. Như thế nghĩa là Đức Giêsu là Môsê mới trổi vượt Môsê cũ, và cũng có nghĩa Galilê là vùng đất của Đấng phục sinh.

Đây cũng là vùng đất mở ra viễn tưởng đại đồng, chính vì thế Đức Giêsu đã chọn địa điểm hẹn gặp các tông đồ là Galilê, để từ vùng này Ngài sai họ tung chân đi truyền giáo khắp nơi.


3. Kỹ thuật hành văn

1/ Mt vẫn giữ thói quen của các rabbi do thái thích dùng thuật sóng đôi (parallétisme} dưới dạng nghịch nghĩa hoặc dưới dạng bổ nghĩa (về kỹ thuật sóng đôi, xem giải thích cặn kẽ trong Tập tài liệu về Thánh vịnh). Ta hãy đọc một vài đoạn, như 5,13-15; 6,2-4, 5,8, 16,18; 7,24-27; 11,7-11; 11,21-24; 12,22-32 … Sau đây xin trích vài câu làm thí dụ 6,2-4,5-8:

a 1. Khi chia sẻ cho người nghèo khó, đừng rêu rao trước mặt như quân giả hình … Họ được thưởng công rồi.

a 2. Riêng con khi chia sẻ cho người nghèo khó, phải liệu sao cho người thân nhất như bàn tay con cũng không hay biết việc các con đã làm … Chính Ngài sẽ trả công cho các con.

b 1. Khi các con cầu nguyện, đừng ăn ở như quân giả hình … cho người ta xem thấy … Họ được thưởng công rồi.

b 2. Riêng con khi nào cầu nguyện, cứ vào phòng đóng cửa lại đi … chính Ngài sẽ trả công cho con

2/ Một kỹ thuật khác tinh vi hơn, mà Mt cũng xử dụng, đó là kỹ thuật ”Đan chéo”, tiếng chuyên môn gọi là Chiasme. Thí dụ 16,25:

1. Ai muốn cứu mạng sống mình

2. Thì sẽ mất

3. còn ai thí mạng sống mình vì Thầy

4. Thì sẽ tìm lại được

Nhiều chỗ kỹ thuật này phát triển tới chỗ tinh vi. Thí dụ 13,53-58:

c’. Bởi đâu mà được bấy nhiêu điều ấy …

b’ Ngôn sứ bị khinh thường tại nơi quê quán và trong nhà mình

a’ Tại đó Ngài không làm nhiều phép lạ

3/ Kỹ thuật “gọng kềm” (inclusion), nghĩa là ở cuối đoạn văn, lấy lại một câu hay một từ đã xử dụng ở đầu đoạn văn. Nếu ta chú ý đến kỹ thuật này thì rât dễ nhận ra tác giả muốn kết thúc một đoạn văn ở đâu. Thí dụ: 5, 3. 10.

5.3 Phúc thay ai tâm hồn nghèo khó

Vì được cho chiếm hữu Nước Trời

5.10 Phúc thay ai vì điều công chính bị bắt bớ

Vì được cho chiếm hữu Nước Trời.

Vài thí dụ khác: 16,25.34; 5,1-2 và 7,28-29; 18,6.14

4/ Kỹ thuật dung “từ-móc-nối” (mot-crochet). Thí dụ 13,1-3

Ngày hôm ấy Đức Giêsu từ nhà ra đi

Ngài nói: Kìa người gieo giống ra đi

Vài thí dụ khác:

13,58 và 14,2 (“nhiều phép lạ”)

14,12 và 13 (“Giêsu”)

14,22 và 24 (“thuyền”)

5/ Kỹ thuật lặp lại: Mt hay lặp lại một kiểu nói tiêu biểu ở nhiều chỗ rải rác xa nhau. Nhưng kiểu Mt thường lặp lại nhất là:

* “Nước Trời đã gần”: 3,2 4,17 10,7

* “ở chỗ tối tăm bên ngoài”: 8,12  22,13  25,30

* “Lúc tận thế”: 13,49  24,3  28,20

* “Các con nghĩ thế nào?”: 17,25  18,12  21,28  22,17.42  26,66

* “Quần chúng ngạc nhiên về giáo huấn của Ngài”: 7,12  13,54  22,33


4. Ý nghĩa những con số

Mt cũng xử dụng những con số theo ý nghĩa thần học của các Rabbi: 

– Số 1: Chỉ Thiên Chúa, Đấng độc nhất (18,5; 19,6.17)

– Số 2: Thụ tạo, nhị nguyên (8,28; 9,27; 20,3; 8,18-22; 26,60)

– Số 3: Vừa chỉ cơ cấu con người (gồm tính thần, hồn xác), vừa chỉ sự liên tục của bản tính người (1,17 1-11; 6,1-18.31; 19,12; 23,20-22.23; 26,36-45.69-75)

– Số 4: Vũ trụ tạo thành (28,18-20 có 4 từ mang ý toàn thể: Hãy đi thâu nạp lấy môn đồ ở khắp muôn dân… dạy cho họ vâng giữ hết mọi điều Thầy đã truyền dạy cho các con. Còn Thầy, Thầy ở với các con hết mọi ngày tới khi tận thế (fin des siècles) (xem thêm 24,3.27.37.39)

– Số 5: Chỉ hoạt động của Thiên Chúa (toàn tác phẩm Mt gồm 5 diễn từ. Mt 4,24 liệt kê 5 loại bệnh được chữa; Mt 4,25 liệt kê 5 miền; Mt 5,21-47 kể ra 5 tương quan)

– Số 10: Chỉ hoạt động của loài người (Mt 8-9 đưa ra 10 sấu chỉ quyền năng; 25,1 nói 10 trinh nữ)

– Số 7: Ám chỉ lịch sử loài người, từ 7 ngày tạo dựng trải rộng ra thế giới lương dân (Kinh Lạy Cha gồm 7 lời xin 6,9-13; 7 dụ ngôn ở chương 13; 7 chiếc bánh và 7 thúng ở 15,34-37; 7 tà thần ở 12,45)

– Số 6: Là số 7 trừ đi 1, có nghĩa là thiếu thốn.

– Số 8: là số 7 cộng 1 có nghĩa dư đầy, hoàn thành (8 mối phúc 5,3-10; Mt 5-7 có 8 lần nói “Cha chúng con”)

– Số 12: Là biểu tượng của cộng đoàn (12 chi tộc Israel, tác phẩm nêu tên Israel 12 lần; 14,20 nói 12 thúng; tác phẩm gồm 12 giai đoạn)

Đôi khi đọc những lời giải thích ý nghĩa những con số trong Mt, có thể ta có cảm tưởng rằng những nhà chú giải ngày nay đã giải thích quá xa, có chắc gì Mt gắn cho những con số ấy những ý nghĩa như vậy. Nếu nghĩ như vậy là chúng ta đã quên rằng Mt đã từng là một ký lục do thái và đang viết cho người do thái đọc. Mà đối với người do thái, nhất là giới ký lục và Rabbi, họ rất coi trọng ý nghĩa các con số.


5. Khuynh hướng tổng quát hóa

Mt có khuynh hướng tổng quát hóa, thường dung những kiểu nói “nhiều”, “mọi người”. Từ một trường hợp cá biệt, Mt dễ dàng chuyển qua nguyên tắc hoặc quy luật tổng quát. Chẳng hạn như trong diễn từ trên núi câu 7,12 tóm lại tất cả mọi điều đã được Mt kể ra trước đó.

 


IV: ĐỨC GIÊSU NHÌN QUA LĂNG KÍNH CỘNG ĐOÀN MT

Mỗi tác phẩm Tin Mừng là sản phẩm của một loại cộng đồng Kitô, mà mỗi cộng đoàn nhìn thấy một khuôn mặt Đức Giêsu với những nét riêng. Sau đây là những nét của Đức Kitô mà cộng đoàn Mt đã nhìn thấy.


1. Môsê mới

1/ Trong khi cộng đoàn của Luca coi Đức Giêsu là một Êlia mới, thì cộng đoàn của Mt lại coi Đức Giêsu là một Môsê mới.

2/ Điều này cũng dễ hiểu thôi. Vì đay là một cộng đoàn mà đa số là người do thái trở lại. Họ rất quen và rât trọng hình ảnh Môsê. Hơn nữa cộng đoàn này có truyền thống phong phú, có cơ cấu vững vàng, có quy luật, có học thuyết, có kinh nghiệm chung… Do đó họ nhận ra nơi Đức Giêsu một Môsê mới, ban cho họ Luật mới, tổ chức họ thành dân mới, dạy cho họ học thuyết mới.v.v…


2. Con Thiên Chúa

1/ Ít khi Mt dùng tước hiệu này để nói về Đức Giêsu. Không phải vì Mt không thích tước hiệu này, những vì Mt rất coi trọng tước hiệu này, nên chỉ dung đến trong một ít hoàn cảnh rất là đặc biệt.

2/ Mt không muốn tước hiệu này bị hiểu một cách hời hợt ngang với các tước hiệu khác như “con vua Đavít” chắng hạn. Ông muốn người ta hiểu “Con Thiên Chúa” theo nghĩa mạnh.

3/ Do đó những lần xuất hiện tước hiệu “Con Thiên Chúa” đều có ý nghĩa rất đặc biệt. Như:

– Khi các tông đồ kinh hãi trước cơn bão táp, không còn ai có thể cứu giúp được nữa (14,33).

– Phêrô đã tuyên xưng đức tin với tước hiệu này (16,16).

– Người ta nhận ra Ngài là “Con Thiên Chúa” lúc Ngài ở trên thập giá (27,40.43.54).


3. Con Người

1/ Theo nghĩa thông thường, thuật ngữ “Con Người” (Fils de l’Homme) chỉ có nghĩa đơn giản là Người. Trong sách Êdêkien, Thiên Chúa hay gọi ngôn sứ là “Con người ơi”, nghĩa giản dị là “người ơi”.

2/ Nhưng trong sách Danien, thuật ngữ này mang một nghĩa mạnh. Trong thị kiến chương 7, tác giả sách Danien thấy 4 con vật từ vực thẳm đi lên, tương đương cho 4 nước đã bách hại dân Chúa, rồi sau đó tác giả lại thấy ”Ai đó giống như Con Người” tiến đến ngai Thiên Chúa để nhạn lãnh quyền lực và vinh quang. Hình ảnh “Con Người” trong Danien tương đương cho dân trung thành qua những cơn bách hại.

3/ Mt dùng tước hiệu “Con Người” theo nghĩa mạnh của Danien. Đức Giêsu được gọi là Con Người, nghĩa là:

* Ngài đại diện cho tất cả những ai bị bách hại, những kẻ khiêm nhường, những người nghèo.

* Sauk hi sống lại, Ngài thực sự là Con Người được Thiên Chúa trao cho vinh quang và uy quyền.


4. Người tôi tớ đau khổ

1/ Mt là tác giả duy nhất đã minh nhiên ứng dụng tước hiệu Người Tôi Tớ Đau Khổ của Is 53 vào Đức Giêsu (Mt 12,188,17).

2/ Theo Mt, Đức Giêsu chính là Đấng cứu thế mang lấy bệnh tật, đau khổ, tội lỗi của chúng ta và còn đổ máu mình ra nhằm chuộc ơn tha thứ cho chúng ta.


Đặc biệt: Đức Giêsu được nhìn qua lăng kính Mt

1/ NGÀI LÀ ĐỨC CHÚA SỐNG TRONG CỘNG ĐOÀN

– Người ta thường phân biệt Đức Giêsu lịch sử (của những năm 30) với Đức Giêsu phục sinh được các công đoàn Kitô nhìn lại sau nhiều suy tư (của những năm 70, 80). Thực ra tất cả các sách Tin Mừng đều cho thấy hình ảnh hai của Đức Giêsu. Điều này càng đặc biệt đúng hơn nữa trong trường hợp Tin Mừng Mt.

– Trong Mt, Đức Giêsu mang một khuôn mặt thần thánh, Ngài là Chúa. Mt loại bỏ những chi tiết về xúc cảm, về sự không biết của Đức Giêsu (so sánh Mt 13,58 với Mc 6,5), và nhấn mạnh đến quyền năng và tính siêu việt của Ngài (Mt 4,23  8,24  15,30) (chỉ một lần duy nhất Mt cho thấy tính người của Đức Giêsu, đó là trong cơn hấp hối, Mt ngụ ý: Đức Giêsu xin GH hãy ở với Ngài trong cuộc thụ nạn).

– Đức Chúa Thần Thânhs ấy không bỏ rơi GH một mình giữa thế gian: GH được đặt dưới quyền che chở của Ngài “Từ nay các ngươi sẽ thấy Con Người…” (26,64); “Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (28,20). Ta nên lưu ý rằng “Từ nay cho đến tận thế” là thời gian của GH.

– Tóm lại, trong Mt, Đức Giêsu là Đức Chúa luôn sống trong GH. “Chính vì thế mà trong tác phẩm của ông (Mt), khoa Kitô học trổ bông giáo hội học, và suy tư của ông về Đức Kitô không thể tách rời khỏi suy tư của ông về GH” (Trích Lecture de l’Évangile delon saint Matthieu, Cahier Evangile II 9).

2/ NGÀI LÀ ĐỨC CHÚA CHỦ TỂ CỦA CỘNG ĐOÀN

GH được giao sứ mạng công bố cho thế giới biết Đức Giêsu là ai. Mt đặt vào miệng Phêrô lời tuyên xưng Kitô hữu (so sánh Mt 16,13-20 với Mc 8,27-30). Nhưng GH vẫn còn mỏng dòn: Phêrô đã thử Đức Giêsu (cám dỗ). Dù thế, Đức Giêsu hứa cho GH tội lỗi này vẫn đứng vững (16,18t)

– Đức Giêsu là Đấng Messia của Israel: Mt xử dụng nhiều tước hiệu Messia chính thức: Mt gọi Ngài là Con vua Đavít (xem gia phả… cuộc giáng sinh tại Bêlem 21,9; 21,15; 27,11.29.39.42). Chính Ngài làm trọn niềm hy vọng trong những đoạn Cựu Ước mà Mt thường trích dẫn. Nhìn nhận hoặc phủ nhận tính Messia này thật là quan trọng bởi vì do đó mà ta được thuộc vào dân Isrel đích thực hay không. Các đạo sĩ đã thờ lạy Ngài còn Giêrusalem thì phủ nhận Ngài; các tư tế và kỳ lục đã kết án Ngài, còn viên sĩ quan Rôma và đám binh lính đã nhìn nhận Ngài: Những kẻ nhìn nhận Ngài đã vẽ nên “cái khung của cộng đoàn thực của Đức Giêsu”. Đâng Messia của Israel đã trở thành “Đấng Messia của dân ngoại” (Geist). Xem thêm 12,21 hoặc dụ ngôn những tên làm vườn nho sát nhân (21,23t).

– Đức Giêsu là Đấng cứu thế của cộng đoàn: Chắc hắn rằng các phép lạ là bằng chứng về sứ mạng củ Đức Giêsu (11,2t), những nhất là chúng cho thấy Ngài chính là Người Tôi Tớ của sách Isaia đến mang lấy những yếu duối của chúng ta (8,17). Lòng thương xót của Thiên Chúa biểu lộ rỏ nhất trong việc tha tội, Trong những bài tường thuật phép lạ trong Mt, những nét nhân loại bị xóa mờ để làm nổi rõ một Đức Chúa đang sống trong cộng đoàn mà người ta đến cầu xin. Chúng ta có thể nhận ra GH trong hình ảnh những người chạy đến cầu xin với Ngài.

– Đức Giêsu là Thầy của cộng đoàn: Chính Ngài tổ chức, ban hành luật và các lễ nghi bí tích (28,16-20), chính Ngài dạy dỗ qua các diễn từ dài (mà thính giả trực tiếp là các Kitô hữu sau ngyà phục sinh). Đức Giêsu công nhận giá trị của Luật Môsê nhưng Ngài muốn đem nó về đúng ý Thiên Chúa: Thiên Chúa trong lòng thương xót hơn lễ vật(9,13; 12,7) Do đó quy luật mà Ngài ban cho GH chính là thương xót và tha thứ (18,21-35). Như thế Ngài là Môsê mới ban hành Luật chung quyết mà nội dung chủ yếu là hoàn hảo như Cha trên trời. Ngài muốn các môn đệ Ngài phải thông minh sáng suốt hiểu Luật. Bởi đó Mt ha7y đùng đến từ “hiểu” (x. 13,23), vì nhờ hiểu mà ta sẽ chu toàn đức công chính hơn (5,20).

– Đức Giêsu là mẫu mực của cộng đoàn: Lời nói đầu tiên của Đức Giêsu là nói với Gioan Tẩy Giả rằng “chúng ta cần làm trọn mọi điều công chính” (3,15). Chữ chúng ta chỉ Ngài và Gioab, nhưng còn chỉ cộng đoàn. Mt đã tóm ý tưởng này trong một bản văn chỉ riêng Mt có ghi: trong 11,27 Đức Giêsu thông ban sự hiểu biết về Cha trong 11,28-30 Ngài đưa ra lối sống của Ngài như con đường duy nhất dẫn tới sự hiểu biết đó.

– Đức Giêsu là Con Người sẽ đến: Theo Mt, phục sinh là lúc Con Người được nâng lên, là thời cùng tận. Mt là Tin Mừng gia duy nhất nói đến sự tái lâm (Parousie) của Con Người trong tư cách một quan tòa. Nhưng theo Mt, Tái Lâm thực ra là lúc lịch sử hiện tại được thay thế bằng Vương Triều thường trực của Thiên Chúa. Như vậy Ngài Tái Lâm bất cứ lúc nào người ta gặp Con Người trong những kẻ bé mọn mà Ngài tự đồng hóa (25,31-46).

– Sau cùng Đức Giêsu là Con yêu dấu của Thiên Chúa: 1,16; 3,17; 11,25-27; 12,15-21.

3/ NGÀI LÀ ĐỨC CHÚA SAI PHÁI CỘNG ĐOÀN

 Đức Giêsu vẫn tiếp tục sứ mạng của mình qua các môn đệ là những người cùng lãnh một sứ mạng và cùng có những quyền năng như Ngài. Đó là một sứ mạng phổ quát (28,16-20). Là Con của Nước Trời, họ phải trở thành muối và ánh sáng ở giữa thế gian (5,13-14).


5. Mátthêu là ai?

Những dấu vết trong Tân Ước:

– Tất cả các bảng danh sách các tông đồ đèu có ghi tên Mátthêu: Mt 10,3; Lc 8,15; Mc 3,18; Cv 1,13.

– Mt 9,9 ghi rõ ông là người thu thuế.

– Phần thánh truyền thì vào khoảng năm 110-120 Papias có nói rằng Mátthêu là người có công sắp xếp các câu rời (logia) của Tin Mừng bằng thổ ngữ do thái cho có trật tự. Người ta suy rằng, các Logia ấy chính là bản Tin Mừng tiếng Aram. Về sau có người dịch bản Aram ra thành tiếng Hy Lạp như GH đang lưu giữ ngày nay.

* Đó là tất cả những gì chúng ta biết được một cách rõ ràng về Mátthêu.

 


V: CẤU TRÚC CỦA TÁC PHẨM

1. Một số phương pháp

1/ DỰA VÀO KHOA ĐỊA HÌNH

– Dựa vào những địa danh ghi trong tác phẩm để khám phá ra cấu trúc của tác phẩm. Thí dụ tác phẩm gồm 3 phần: Phần một kể những việc diễn ra ở đia danh A, phần hai ở địa danh B, phần ba ở địa danh C.

– Phương pháp này không thể xử dụng cho tác phẩm của Mt, bởi vì Mt gán cho những địa danh một ý nghĩa thần học. Mt quan tâm đến ý nghĩa thần học ấy hơn là định vị chính xác một sự kiện diễn ra ở địa danh nào. Xem lại thí dụ về đia danh Galilê.

2/ DỰA VÀO CÁCH XỬ DỤNG NGUỒN TƯ LIỆU

– Nghiên cứu từng đơn vị văn chương để tìm xem chúng xử dụng nguồn tư liệu nào, rồi sau đó đoán ra cấu trúc của tác phẩm. Thí dụ tác phẩm gồm hai phần: Phần một gồm những đơn vị xử dụng nguồn tư liệu A, phần hai gồm những đơn vị xử dụng nguồn tư liệu B.

– Chỗ yếu của phương pháp này là giảm nhẹ tính độc lập của tác giả (làm như tác giả chỉ biết có mỗi việc sắp xếp tư liệu chứ không có phần tác quyền riêng nào), và không giúp ta khám phá ra nguyến tắc sắp xếp các tư liệu của tác giả cho dù ông có xử dụng những tư liệu đó.

3/ DỰA TRÊN CÁCH DÀN DỰNG MỘT VỞ KỊCH

– Có thể so sánh tác phẩm như một vở kịch. Người nghiên cứu cố gắng tìm xem rác giả đã dàn dựng các đơn vị văn chương như thế nào: những đơn vị nào được xử dụng làm màn dẫn nhập, những đơn vị nào được xử dụng làm màn 1, màn 2, làm kết thúc.v.v…

– Phương pháp bày nói ra thì đơn giản, nhưng trên thực tế đối với tác phẩm của Mt thì các dữ kiện nằm rải rác, do đó khó mà tìm được một chì khóa nào giúp gom các dữ kiện ấy lại thành những màn kịch được.


2. Phương pháp phân tích cơ cấu

Trong những năm gần đây, các nhà chuyên môn thích xử dụng phương pháp phân tích cơ cấu (analyse structurale). Dựa trên phương pháp này, các chuyên viên khởi đầu đã nhận thấy tác phẩm Mt có những điểm đáng lưu ý sau đây:

1/ HAI ĐƯỜNG BIÊN GIỚI

Trong tác phẩm có hai lần, và chỉ có hai lần thôi, tác giả dùng câu “Từ khi ấy Đức Giêsu khởi sự…” (4,17 và 16,21). Câu này có giá trị báo hiệu kết thúc một phần để bắt đầu một phần khác. Tác phẩm này dùng câu đó hai lần nghĩa là tác phẩm có thể được chia làm hai phần.

Phân tích kỹ hơn:

– Ở phần I, Đức Giêsu khởi sự rao giảng cho mọi người rằng Nước Thiên Chúa đã đến (4,17).

– Ở phần II, Ngài khởi sự tỏ cho các môn đệ biết Ngài phải chịu đau khổ (16,21)

Nghĩa là hai phần mang hai nội dung chính khác nhau. Đối tượng của phần I là mọi người, còn đối tượng phần II là nhóm môn đệ

Nhưng hai phần đều có điểm chung: phần nào cũng chứa một lời tuyên xưng vào Đức Giêsu (phần I bởi Phêrô: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (16,16); phần II bởi Chúa Cha: “Đây chính là Con yêu dấu của Ta” (17,5)); và phần nào cũng có một cuộc thử thách Đức Giêsu (phần I Ngài bị quỷ cám dỗ, chương4; Phần II chính Phêrô cám dỗ Ngài 16,22)

2/ NĂM CỘT MỐC

Trong tác phẩm cũng có 5 câu “Khi Đức Giêsu dạy xong những lời ấy” (7,28; 14,1; 13,53; 19,1; 26,1). “Những lới ấy” tức là rất nhiều lời Đức Giêsu đã giảng được ghi lại phía trước đó. Như vậy 5 câu này (hay đúng ra cũng một câu được lập lại 5 lần) báo hiệu kết thúc một loạt diễn từ của Đức Giêsu. Tức là trong toàn tác phẩm có tất cả 5 diễn từ.

– Những lời Đức Giêsu nói: 5-7 (diễn từ).

– Những việc Ngài làm 8-9 (tường thuật)

Nghĩa là tác phẩm được cấu tạo bởi 5 tổng thể, mỗi tổng thể gồm diễn từ đi trước và tường thuật đi sau.

*** Những nhận xét trên rất có ý nghĩa giúp tìm ra được cấu trúc của tác phẩm. Tuy nhiên cho đến hiện nay, mặc dù các chuyên viên đã đồng ý với nhau về nhiều điểm nhận xét về cơ cấu tác phẩm, nhưng vẫn chưa đồng ý chung về một bố cục chung. Dưới đây xin đưa ra một trong những bố cục được đề nghị.


3. Đề nghị một bố cục cho tác phẩm (của Cahier Evangile N.9)

Bố cục này gồm

– một tiền ngôn

– hai phần chính

– Cả hai phần chứa chung 5 tổng thể.

– Mỗi tổng thể đều gồm có diễn từ và tường thuật.

Tiền ngôn (chương 1-2): Giới thiệu mầu nhiệm Đức Giêsu.

Phần I (3-16): Đức Giêsu công bố Nước Trời và chuẩn bị GH

* Chuyển tiếp: Chúa Cha tuyên xưng Chúa Con. Chúa Con bị Satan cám dỗ (3-4).

 – Tổng thể 1: Nước Trời đã đến 5-9

* Diễn từ: Bài giảng trên núi 5-7

* Tường thuật: 10 phép lạ 8-9

 – Tổng thể 2: Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Nước Trời 10-12.

* Diễn từ: Bài sai truyền giáo 10.

* Tường thuật: Đức Giêsu đi truyền giáo

 – Tổng thể 3: Phải chọn lựa dứt khoát gia nhập Nước Trời không? 13,1; 16,13

* Diễn từ: 7 dụ ngôn 13,1-52.

* Tường thuật: Hướng về lời tuyên xưng ở Xêdarê 13,53;16,12.

Phần II (17-28): GH ở trong Nước Trời

* Chuyển tiếp: GH tuyên xưng Đức Giêsu và thử thách Ngài 16,13-17.

 – Tổng thể 4: Nước Trời được chuyển từ dân do thái sang cho GH 18,23.

* Diễn từ: về nếp sống trong cộng đoàn GH 18.

* Tường thuật: Từ Galilê tiến về Giêrusalem 19,23.

 – Tổng thể 5: Phục sinh, Lễ khánh thành Nước Trời 14-28.

* Diễn từ: NướcTrời đến dứt khoát trong Đức Giêsu 24-25.

* Tường thuật: Cái chết và sống lại của Đức Giêsu 26-28.

TIỀN NGÔN

Chương 1-2: GIỚI THIỆU MẦU MHIỆM ĐỨC GIÊSU

TỔNG QUAN

1. Một bảng toát yếu của toàn thể tác phẩm

1/ Toàn thể tác phẩm Tin Mừng Mt nhằm chứng minh rằng Đức Giêsu đến làm trọn những lời hứa xưa trong Cựu Ước, do đó Ngài chính là Đấng Messia đã được hứa xưa. Nhưng Isrrael chẳng những đã không công nhận Ngài mà còn chông đối và từ chối Ngài.. Tuy nhiên theo kế hoạch của Thiên Chúa chính sự khước từ đó lại trở thành điều kiện cho ơn cứu rỗi được thực hiện và cho Nước Trời đến.

2/ Luận đề tổng quát đó được phác thảo trong hai chương tiểu ngôn này:

– Bảng gia phả (1,1-17) chứng minh sự châm rễ của Đức Giêsu trong lịch sử dân biệt tuyển, vì:

* Ngài là con của Abraham, vị tổ phụ đầu tiên đã nhận được những lời hứa.

* Ngài là con của Đavít, là người từ đó sẽ phát sinh ra Đấng Mục Tử chăn dắt Isrrael.

– Tường thuật truyền tin cho Giuse (1,18-25) cho thấy tính siêu nhiên của nguồn gốc, con người và sứ mạng của Dức Giêsu, vì Ngài là Đấng cứu tinh, là Emmanuel.

– Tường thuật về các đạo sĩ (2,1-12) cho thấy tính vương giả của Đức Giêsu, Ngài chính là vj vua được hứa từ lâu cho Israel. Tuy nhiên, Israel không công nhận Ngài, mà ngược lại lương dân đến tôn thờ Ngài. Ở đây Mt hé mở cho ta thấy cái nghịch lý thứ nhất trong tác phẩm.

– Tường thuật trốn sang Ai Cập và tán sát các hài nhi (2,13-18) hé mở cho ta thấy trước một bi kịch sau này sẽ diễn ra: Ngài sẽ bị chống đối, chối từ và giết chết. Ở đây Đức Giêsu không chỉ là Emmanuel mà còn là Người Tôi Tớ đau khổ.


2. Một cái nhìn thần học dưới ánh sáng phục sinh

1/ Tác phẩm này được soạn vào những năm của thập kỷ 80 trong môi trường những cộng đoán Kitô gốc do thái. Khi đó và ở đó nổi bật cái nghịch lý là lương dân thì tin thờ Đức Giêsu, còn dân của lời hứa thì lại từ chối. Tác phẩm nhằm soi sáng cái nghịch lý này.

2/ Với ưu tư đó, cộng đoàn đã đọc lại Cựu Ước và đã xác nhận rằng Đức Giêsu chính là đối tượng của Lời hứa với Abraham, là con Đavít mà bấy lâu nay dân hằng trông đợi. Thế còn tại sao dân của lời hứa lại chối từ Ngài trong khi lương dân tin thờ Ngài? Cộng đoàn cũng tìm được lời giải đáp trong Cựu Ước: chính đó là đúng theo kế hoạch của Thiên Chúa, một kế hoạch mà Dức Giêsu đến đảm nhận thực hiện đồng thời đảm nhận tất cả những hậu quả từ đó sinh ra.

3/ Cái nhìn thần học sáng suốt ấy, cộng đoàn đã có được nhờ đọc lại Cựu Ước dưới ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh.


3. Sự thật lịch sử và ý nghĩa thần học

1/ Từ đầu đến giờ, ta đã nói về hai chương này là “nhằm chứng minh cho một luận đề” và “đưa ra một quan điểm thần học dưới ánh sáng phục sinh”. Nghĩa là: Tác giả đâu có quan tâm đến sự thật lịch sử, do đó những mẫu chuyện về thời thơ ấu của Đức Giêsu không biết có thật hay không?

2/ Không phải tác giả không quan tâm đến lịch sử. Tác giả cũng quan tâm chứ, cho nên sự kiện Đức Giêsu sinh ra và thời thơ ấu của Ngài đều đúng với lịch sử. Có điều là tác giả quan tâm đến ý nghĩa thần học nhiều hơn. Tóm lại, ta có thể nói về hai chương này rằng: Tác giả tường thuật những sự thật kịch sử và soi sáng nó bằng những ý nghĩa thần học.

3/ Qua những sự thật lịch sử, tác giả đã đưa ra rất nhiều ý nghĩa thần học.

a/ Giêsu không phải chỉ là một đứa bé đã được sinh ra như bao đứa bé khác, nhưng còn là một người rất đặc biệt: con của Abraham, con của Đavít, sinh bởi một thiếu nữ đồng trinh, là chỗ thành toàn mọi lời hứa của Cựu Ước.

b/ Ngay từ thời thơ ấu, Giêsu đã tỏ ra mình là một Môsê mới, làm cho lịch sử của dân mình có được ý nghĩa đích thực.

c/ Tóm lại Giêsu chính là Messia, là vị vua, vị mục tử, Đavít mới.

4/ Đọc lại Sách Thánh để tìm ra ý nghĩa ứng dụng vào hoàn cảnh hiện tại. Đó là cách mà người do thái, nhất là các Rabbi rât quen làm, gọi là Midrash, hai chương đầu của Mt là một Midrash giải thích hai chương đầu của sách Xuất Hành.

BÀI 1: GIA PHẢ ĐỨC GIÊSU (1,1-17)

1Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:

2Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; 3Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; 4A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; 5Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; ông Gie-sê sinh Đa-vít. 

6Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn 7Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; 8A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; 9Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; 10Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; 11Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

12Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; 13Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; 14A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; 15Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; 16Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

17Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.

 

1. Văn thể gia phả

1/ Dân Sêmít rất chú trọng đến gia phả. Ngay cả những gia đình rất tầm thường cũng có bảng gia phả của họ (Flavius Josèphe). Do đó ta thấy Thánh kinh ghi ra rất nhiều bảng gia phả.

2/ Nhưng gia phả của họ không phải là một bảng liệt kê các thế hệ một cách chính xác và đúng y lịch sử. Trong gia phả, quan trọng nhất tên đầu và tên cuối, vì mục đích của gia phả là chứng minh người nào đó xuất phát từ một tổ phụ nào đó. Các tên giữa không quan trọng lắm. Người ta có thể bớt đi một số tên giữa, và cũng có thể cho thêm một số tên của những người tuy không cùng dòng máu trực hệ, nhưng là bà con hoặc là con nuôi của gia tộc.

3/ Có 3 loại gia phả chính:

– Gia phả dân tộc: Các tên được ghi ra không phải là tên người mà là tên dân tộc, nhằm chứng minh các dân tộc trong bảng gia phả này có cũng một gốc tổ. Thí dụ St 10,11.

– Gia phả danh nhân: Chỉ ghi tên những nhân vật lớn trong lịch sử thánh. Thí dụ St 11,10-32; Xh 6,14-25; Rt 4,18-22.

– Gia phả pháp lý: rất được coi trọng kể từ thời lưu đầy trở về. Loại gia phả này nhằm chứng minh một người nào đó đúng thực là dân Israel. Thí dụ Er 2,62-63; Nkm 7,61-65.


2. Nghiên cứu bảng gia phả

1/ c.1 “Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô”

– Bản Hy Lạp “Biblos geneseos”. Chữ Genesis này cũng là chữ đầu tiên, được làm tựa đề cho sách Sáng Thế. Mt dùng chữ này làm chữ đầu tiên của tác phẩm mình, có lẽ ngụ ý rằng: Cuộc tạo dựng mới dược thực hiện nơi Đức Giêsu.

– Chữ Genesis có nhiều nghĩa: Nghĩa một là “Nguồn gốc”, nghĩa hai là “lịch sử”. Mt hiểu theo nghĩa nào? Có lẽ theo cả hai nghĩa: Nghĩa 1: Đây là nói về nguồn gốc của Đức Giêsu. Nghĩa 2: Đây là lịch sử, tất cả các thế hệ được ghi trong bảng này làm thành một lịch sử, và lịch sử này được có ý nghĩa đầy đủ nơi Đức Giêsu.

2/ Hãy chú ý xem câu 1 có gì lạc lõng so với các câu sau không?

– Câu 1 này chưa thuộc về danh sách gia phả. Danh sách chỉ thực sự bắt đầu từ câu hai thôi. Cho nên cầu 1 này là một câu tóm ý chính của gia phả.

– Nếu là tóm ý chính thì hai cái tên được ghi ra ở câu này rất quan trọng. Tên Đavít và tên Abraham. Như đã nói, quan trọng nhất trong gia phả là tên đầu và tên cuối. Tên cuối (câu 16) là Giêsu rồi; còn tên đầu được đưa ra ở đây là Đavít và Abraham. Nghĩa là mục đích bảng gia phả này nhằm chứng minh rằng Đức Giêsu là Đấng Messia làm hoàn thành giao ước Thiên Chúa ký với Abraham và Đavít.

3/ So sánh với bảng gia phả của Lc (Lc 2,23-38) có gì khác?

– Cái khác biệt lớn nhất (ngoài những khác biệt về các tên và số tên) là thứ tự: Lc theo thứ tự đi lên (Giêsu, Giuse, Hêli… Ađam); còn Mt theo thứ tự đi xuống (Abraham. Isaac, Giacop… tới Giêsu). Nên lưu ý rằng đa số các bảng gia phả trong Thánh Kinh đều theo thứ tự đi lên (nhằm chứng minh nguồn gốc tổ tiên của một người nào đó). Riêng Mt lại chọn thứ tự đi xuống. Ngụ ý của Mt: lịch sử loài người quy chiếu về Đức Giêsu. Ngài là chóp đỉnh, là hoàn tất của lịch sử.

4/ Hãy chú ý đến các tên phụ nữ. Có mấy tên? Có ý nghĩa gì?

– Có 5 tên phụ nữ: Bà Tama, bà Rakhab, bà Rút, bà vợ của Uria và Maria.

* Tama: xem St 38,6-26. Bà này chồng chết, không con, phải liệu cách ăn ở với bố chồng là Giuda để được có con.

* Rakhab (xem Gs 2, Gs 6,22-25): cô gái điếm đã che chở cho các trinh sát của Giôsuê trong trận chiếm thành Giêricô.

* Rút (xem Rt 1,4 40,10): bà không phải là người do thái mà là một người Moab, chồng chết không con, sau được một người bà con của chồng tên là Booz cưới và có con.

* Vợ Uria: bà Betsêba (2Sm 11): đã ngoại tình với Đavit, sau đó có thai, được Đavit dàn xếp cưới, sinh Salomon.

Như thế, họ là những người “bất bình thường” (son sẻ, ngoại bang, tội lỗi). Nhưng Mt cho tên họ vào danh sách, có ý:

* Đức Giêsu cứu rỗi cả nam lẫn nữ, cả người do thái và người ngoại bang, cả người công chính lẫn kẻ tội lỗi (tính đại đồng).

* Mt đưa những người “bất bình thường” này vào danh sách để chuẩn bị cho một sự bất bình thường to lớn sẽ đến vào cuối danh sách, là Maria, trinh nữ mà thụ thai.

* Mt cũng cho thấy tính miễn phí của ơn cứu rỗi, không dựa vào công đức của mọi người.

5/ c 17 Bảng gia phả gồm 3 đoạn, mỗi đoạn đều có 14 đời.

– Có nhiều giải thích về con số 14 này. Nhưng xem ra giải thích sau đây là hợp lý nhất: Mỗi phụ âm Hy Bá lại tương đương với một con số: chữ D=số 4; chữ W=số 6. Số 14 là các phụ âm trong tên DaWiD (4+6+4 là 14). Ý của Mt: Đức Giêsu là Davit mới, Đấng Messia.

6/ Hãy đếm các đời từ câu 12 đến cuối, có bao nhiêu?

– Như c 17 Mt nói rõ là có 3 đoạn, mỗi đoạn đều 14 đời. Nhưng đoạn 3 này chỉ có 13 đời

– Có nhiều giải thích:

* Do lỗi của Mt: Mt định ghi 14 đời nhưng chỉ ghi có 13 đời thôi.

Không thể chấp nhận giải thích này, vì Mt tỏ ra là một tác giả rất cẩn thận đến độ tỉ mỉ, hơn nữa rất chú ý đến ý nghĩa biểu tượng của các con số (xem lại bài III)

* Do lỗi của các bản chép. Cũng không thể chấp nhận được, vì nếu thế thì cũng phải có những thủ bản khác ghi đủ 14 đời chứ.

– Giải thích hợp lý nhất:

* Phải kể tên Maria vào làm thành đời thứ 13 (Đức Giêsu đời thứ 14), vì Maria là một nhân vật rất quan trọng.

* Mt hiểu ngầm đời thứ 14 là đời của GH: GH kết thúc lịch sử cứu rỗi.


3. Đúc kết

Đức Giêsu chẳng những đã thực sự châm rễ trong lịch sử mà còn hoàn thành lịch sử, cho lịch sử có một ý nghĩa đích thực.

BÀI 3: CÁC ĐẠO SĨ (2,1-12)

1Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2và hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." 3Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. 5Họ trả lời: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 6"Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời."

7Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." 9Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 12Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

 

1. Thật mà không thật

Câu chuyện này gây ra hai cảm tưởng trái ngược nhau:

a/ Một đằng có những chi tiết khiến ta nghĩ rằng đây là một chuyện hoang đường, giả tạo. Chẳng hạn: cuộc hành trình dài của các đạo sĩ, ngôi sao lạ di chuyển dẫn đường rồi cuối cùng chỉ đúng vào chỗ thánh gia đang ở. Cả thành Giêrusalem khi hay tin có vua mới sinh ra lẽ ra phải vui mừng mà sao lại bối rối. Hêrôđê phải triệu tập tất cả các thầy thượng tế để hỏi một câu rất dễ, mọi người đều biết nơi hài nhi sinh ra trong khi Hêrôđê không biết, sao chẳng ai tò mò đi theo các đạo sĩ để xem hài nhi.v.v…

b/ Nhưng đằng khác có nhiều chi tiết rất hợp với lịch sử, như quan tâm của các chiêm tinh gia phương đông về một vì vua cứu thế, những hồi nổi cơn bất ngờ của Hêrôđê…

Những nét không thật và những nét thật ấy khiến chúng ta nghĩ rằng tác giả không chủ ý viết một bài tường thuật đúng nghĩa, mà chỉ muốn viết một bản văn để diễn tả quan điểm thần học của mình. Trong mục đích đó. Tác giả đã xử dụng văn thể Midrash: tường thuật một sự kiện có thật nhưng giải nghĩa thoáng rộng nhằm đưa ra một bài học cho độc giả.


2. Vấn đề đặt ra bài học của Mt

– Trong cộng đoàn của Mt mà đa số là kitô hữu gốc do thái, người ta rất thắc mắc về sự kiện tại sao trong khi lương dân thì đón nhận Đức Giêsu Kitô, còn dân Chúa chọn lại từ chối Ngài.

– Mt viết chuyện này (theo văn thể Midrash) nhằm đưa ra câu trả lời: Tại vì lương dân ngoan ngoãn với Thiên Chúa hơn, chẳng hạn các đạo sĩ. Họ chỉ có hiểu biết rất đơn sơ tự nhiên (chiêm tinh), nhưng nhờ ngoan ngoãn theo sự hướng dẫn của Chúa (biểu tượng là ngôi sao lạ) nên đã được dẫn tới đức tin vào hài nhi Giêsu. Ngược lại các thủ lãnh tôn giáo của người do thái cùng với Hêrôđê, mặc dù đã có Sách thánh trong tay (họ biết rõ là hài nhi sẽ sinh ra tại Bêlem) những vẫn không tin. Sự kiện Đức Giêsu được lương dân tin thờ gợi nhớ đến lời của ngôn sứ Isaia (49,23 và 60,3-6), cũng như Tv 72,10-15.

– Mt vừa giải đáp thắc mắc của cộng đoàn, vừa xoáy sâu hơn vào luận đề chung của mình trong cả hai chương nhập đề:

* Bảng gia phả chứng minh sự châm rễ của Đức Giêsu vào lịch sử dân biệt tuyển

* Câu chuyện báo tin cho Giuse cho thấy tính siêu việt của Đức Giêsu.

* Câu chuyện các đạo sĩ này cho thấy tình vương giả của Ngài, đồng thờ hé mở cái nghịch lý vẫn thấy xuất hiện tới lui nhiều lần trong tác phẩm: dân Chúa đã không chấp nhận Ngài.


3. Giải thích một số chi tiết

– Bêlem: ở 7 km phía Nam Giêrusalem, là quê quán của Booz. Giêsê và nhất là của Đavít (1Sm 16 20,6).

– Hêrôđê: Đây là Hêrôđê Cả trấn nhậm miền Giuđê (37-4 trước Công Nguyên). Sử sách làm chứng rằng vào những năm cuối đời, ông nghi ngờ mọi người có ý đồ lật đổ ông, vì thế mà ông không ngại ra tay tàn sát tất cả những ai mà ông nghi là sắp làm hại ông. Kể cả những người trong gia đình ông.

– Đạo sĩ: Có lẽ đây là những nhà chiêm tinh ngoại đạo nhưng có tiếp xúc với đạo do thái và cùng chia sẻ một số niềm tin của do thái, trong đó có niềm tin vào Đấng Messia sắp đến. Họ sống ở phía bờ bên kia song Gióc-đan. Từ thế kỷ V, người ta cho rằng họ là những vị vua số lượng là 3. Đến thế kỷ 8 người ta còn đặt cho các ông những tên là Gaspar, Balthasar và Melchior.

Vua do thái mới sinh ở đâu? Mt nhấn mạnh đến tính vương giả của Đức Giêsu. Đồng thời Mt cũng cho thấy một nét mỉa mai: chính lương dân nhận ra tính vương giả này và nói cho dân do thái hay.

– Ngôi sao: Do thái giáo dựa vào Ds 24,17 “Một ngôi sao sẽ xuất ra từ nhà Giacóp, một vương trượng sẽ chỗi dậy từ nhà Israel” để tin rằng sự xuất hiện một ngôi sao lạ là dấu chỉ Đấng Messia đến.

– Chúng tôi đến thờ lạy Ngài: Động từ “thờ lạy” được Cựu Ước thường dùng để chỉ việc lương dân đến tôn thờ Giavê trong Đền Thờ. Mt dùng động từ này có ngụ ý nói đến tính đại đồng của ơn cứu rỗi mà Đức Giêsu mang đến.

– Cả thành Giêrusalem bối rối: Chi tiết này rõ ràng là phóng đại. Mt phóng đại như vậy để diển tả ý tưởng cả một phần lớn dân do thái từ chối Đức Giêsu. Chi tiết này càng làm nổi bật cái nghịch lý mà ta đã nói ở trên.

– c 4-5 không nhằm chứng minh sự ngu ngốc của Hêrôđê, cũng không chứng minh sự thông thái của các ký lục và thượng tế, mà đơn giản Mt chỉ dùng mấy câu này để dẫn vào câu Sách thánh mà Mt sắp trích dẫn sau đó.

c 6: Mt trích dẫn phối hợp Mt 5,1-3 và 2S 5,2 để trình bày Đức Giêsu là một vua Đavít mới.

– c 10 Niềm vui của các đạo sĩ: “Các ông vui mừng hớn hở” (so sánh với Lc 2,10: Tin vui vĩ đại). Đó là niềm vui to lớn của lương dân khi thấy Đức Giêsu mang đến cho họ ơn cứu rỗi mà bấy lâu nay họ khao khát chờ mong.

c 11: cử chỉ của các đạo sĩ cho thấy vừa tính vương giả vừa tính thần linh của Đức Giêsu. Các lễ vật (vàng, hương và mộc dược) là những lễ vật được dâng cho bậc vương giả (xem Tv 72,15 vàng, Is 60,6 vàng và hương, Tv 45,8 mộc dược).


Kết luận

Nghịch lý đã khởi sự diễn ra; Hêrôđê và các thủ lãnh tôn giáo cùng với phần đông dân do thái đã khước từ Đức Giêsu, nhưng lương dân thì lại đến triều bái và tôn thờ Ngài, cũng giống như cộng đoàn Kitô đang tập hợp chung quanh Đức Giêsu phục sinh. Như thế thì lời của ngôn sứ Isaia đã được thực hiện (Is 60 và 62): đông đảo lương dân kéo đến Giêrusalem mới, một Giêrusalem sáng ngời vinh quang Thiên Chúa.

BÀI 4: TỪ BÊLEM ĐẾN NADARÉT (2,13-23)

13Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! " 14Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. 15Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

16Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. 17Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: 18"Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

19Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, 20báo mộng cho ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi." 21Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. 22Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, 23và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.


1. Giải thích từ ngữ

c.13 – Ai Cập: Ai Cập là nơi lánh nạn xưa nay của những người do thái bị bắt bớ (x. IV 11,40; 2V 25,26). Từ thế kỷ 6 trước công nguyên, ở Ai Cập đã có một diaspora do thái đông đảo. Có lẽ Giuse đã đến tạm trú tại Aris. Như thế là an toàn bởi vì từ năm 31 trước công nguyên, xứ Ai Cập nằm dưới quyền cai trị trực tiếp của đế quốc Rôma. Từ Bêlem sang Ai Cập chỉ tốn chừng 5-6 ngày đi bộ.

– Vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi:

* Động từ “tìm giết” cũng là động từ được dùng trong Xh 2,15 khi nói về Môsê (Pharaon tìm giết Môsê).

* Động từ “chạy trốn” cũng được dùng trong Xh 2,15 (Môsê chạy trốn)

* Chữ “vì” có nhiều ý nghĩa: Đức Giêsu phải bỏ nơi này sang nơi khác chính vì người ta từ chối không tin Ngài. Mt hay dùng động từ “chạy trốn” (anachôrein) mỗi khi muốn nói ý tưởng Israel từ chối không tin Đức Giêsu (x. 4,12; 12,15; 14,13; 15,21)

c.14 “Ngay giữa đêm khuya”: chi tiết này cho thấy sự vâng lời mau mắn của Giuse. Còn một chi tiết đầy ý nghĩa nữa là Thiên sứ không chỉ rõ phải đi đến đâu và ở đấy cho tới ngày nào mà chỉ nói “cho tới ngày tôi lại báo tin”: dù mù mờ vậy nhưng Giuse cũng vần vâng lời mau mắn.

c.15- “Ta đã gọi con Ta từ Ai Cập về”: Mt trích dẫn Hôsê 11,1 “Từ Ai Cập Ta đã gọi con Ta”. Hôsê viết câu này với ngụ ý nói về cuộc Xuất Hành. Mt trích dẫn lại với ngụ ý xem Đức Giêsu là Israel mới làm một cuộc xuất hành mới.

c.20“Những người tìm giết Hài Nhi đã chết rồi”: Những người là số nhiều, không tương ứng với vua Hêrôđê tìm giết hài Nhi (số ít). Ở đây Mt trích dẫn cách mặc nhiên Xh 4,19 lời Giavê nói với Môsê “Hãy trở về Ai Cập vì những kẻ tìm hại mạng ngươi đã chết rồi”. Sự không tương ứng này cho thấy Mt không muốn nói tới Hêrôđê mà muốn ám chỉ đến Môsê: xưa kia những người tìm giết Môsê là Pharaon và dân Ai Cập, còn nay những người tìm giết Đức Giêsu là Hêrôđê và dân Israel.

c.22Archélaus: Ông này cai trị miền Giuđê từ năm 4 trước công nguyên đến năm 6 sau công nguyên. Tuy ông không xảo quyệt bằng Hêrôđê Cả cha ông, nhưng cũng tàn bạo không kém. Do đó Giuse không về Giuđê mà định cư ở vùng Galilê thuộc phạm vi của Hêrôđê Antipas.

c.23“Thiên hạ sẽ gọi Ngài là người Nadarét”: Tất cả các nhà chuyên môn đều xem chi tiết này Mt ghi lại nhằm cho thấy Đức Giêsu làm ứng nghiệm lời các ngôn sứ. Nhưng lời ngôn sứ nào đây? Chữ Nadarét có gốc là nésèr nghĩa là “chồi non của một cây”. Cựu Ước có nhiều chỗ nói tới “chồi non” như Is 4,2; Gr 23,5  3,15 và nhất là Is 11,1 “Một chồi sẽ xuất từ gốc Ysai”.


2. Ý nghĩa thần học

1/ Những câu 2,13-23 gồm 3 chuyện đều mang hình thức văn chương giống nhau: khởi sự là tường thuật rất ngắn gọn sự kiện đã xảy ra và kết thúc bằng một trích dẫn Cựu Ước. Điều này cho thấy chủ ý của Mt không phải là tường thuật cho bằng chứng minh rằng Đức Giêsu làm trọn lời tiên báo của các ngôn sứ. Qua 3 câu chuyện này, Mt cũng đưa ra luận đề chính sẽ được lập lại nhiều lần trong toàn tác phẩm, đó là: Kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa được thực hiện, không chỉ là bất chấp lòng dạ ác độc của loài người, mà còn bằng chính sự ác độc đó.

2/ Với lối trích dẫn Cựu Ước khi thì minh nhiên khi thì mặc nhiên. Mt còn ngụ ý trình bày một cuộc xuất hành mới: cũng có một ông vua giết những hài nhi do thái. Cũng có một Môsê mới (Đức Giêsu) thoát khỏi tàn sát đó, và Môsê mới ấy cũng đã xuất hành khỏi xứ Ai Cập.

3/ Câu chuyện thứ nhất (trốn sang Ai Cập 13,15): trọng điểm không phải là thuật lại cuộc chạy trốn mà là cuộc trở về từ Ai Xập. Điều này hiện rõ khi Mt trích Hôsê 11,1 “Từ Ai Cập Ta gọi con Ta trở về”. Có như thế mới lộ rõ ý tưởng về cuộc xuất hành mới.

4/ Câu chuyện thứ hai (tàn sát hài nhi 16,18): trọng điểm là so sánh Hêrôđê với Pharaon ngày xưa đã giết trẻ em do thái. Nhưng có vài khó khăn về sử tính:

(a) Cần gì phải giết hết các hài nhi vì vua Hêrôđê thừa phương tiện để tìm ra đúng căn nhà mà các đạo sĩ đã đến thăm? Nhưng lịch sử cũng ghi nhận rằng Hêrôđê (Cả) hay có những cơn điên bất ngờ phi lý như vậy, nhất là vào những năm cuối đời của ông, mà câu chuyện này xảy ra đúng vào những năm ấy.

(b) Một sự kiện quan trọng như vậy mà sao các sử gia (chẳng hạn Flavius Joseph) không ghi lại? thực ra sự kiện này cũng chẳng quan trọng gì, vì một đàng số trẻ em bị giết cũng không nhiều: Theo ước tính của Busy dựa vào dân số của Bêlem thời đó thì số trẻ em từ hai tuổi trở xuống của làng này chỉ vào khoảng 20, và đàng khác Hêrôđê trong những cơn điên cũng đã từng giết chóc như vậy nhiều lần. Sử gia chỉ ghi tình khí hung hãn bất thường của ông chứ không cần ghi lại hết những nạn nhân của ông.

Chi tiết tiếng khóc  Raken là Mt trích dẫn Gr 31,15 trong bối cảnh vương quốc phía Bắc bị đế quốc Assyria tàn phá và dân bị bắt đi đày: Bà Raken, mẹ của Giuse (hai chi tộc Ephraim và Manassê) và Benjamin khi ấy đang ở trong mồ (đã chết) mà cũng chỗi dậy để khóc thương cho cảnh khổ của con cháu mình. Nhưng muốn hiểu hết ý của Mt thì phải đọc Gr cho tới các câu sau nữa (Gr 31,16-17): Giavê an ủi Raken “Thôi im đi tiếng khóc và mắt hãy ráo lệ vì… chúng sẽ từ xứ quân thù trở về”, và tiếp đó nữa (Gr 31,31tt) Giavê lại hứa sẽ ký với dân Ngài một giao ước mới. Như vậy ngụ ý của Mt qua câu trích dẫn này là Đức Giêsu từ Ai Cập về hoàn thành lời tiên tri này, Ngài sẽ thực hiện Giao Ước mới.

5/ Câu chuyện thứ ba (trở về Nadarét 19,23): trọng điểm là trình bày Đức Giêsu như một Môsê mới thực hiện một cuộc xuất hành mới. Vì nhắm ý tưởng so sánh này nên Mt mới trích dẫn cách mặc nhiên Xh 4,19 với thuật ngữ “những người tìm giết” ở số nhiều


KẾT LUẬN PHẦN TIỀN NGÔN

Hãy nhìn lại bố cục chung của tác phẩm (cuối các chương 1-2) là: Phần tiền ngôn nhằm giới thiệu mầu nhiệm về nhân vật Giêsu.

Phần tiền ngôn này gồm 4 tường thuật:

– Gia phả.

– Truyền tin cho Giuse.

– Các đạo sĩ.

– Từ Bêlem đến Nadarét

Qua 4 tường thuật Mt đã chứng minh Đức Giêsu chính là Đấng mà các ngôn sứ tiên báo. Ngài châm rể vào lịch sử Israel và đưa lịch sử ấy hoàn tất, mặc dù gặp bao chống đối của dân mình. Nhưng chính Thiên Chúa đã dùng những chống đối ấy để hoàn tất chương trình cứu rỗi của mình.

Cách riêng tường thuật cuối (từ Bêlem đến Nadarét) một lần nữa, làm lộ rõ so sánh Đức Giêsu với Môsê mới (các chi tiết về Xuất Hành) và Con Đavít (chi tiết thành Bêlem).