Chú Giải Tin Mừng Marcô

6: THỤ NẠN & PHỤC SINH

Lm Carôlô Hồ Bạc Xái

GIAI ĐOẠN 6: CUỘC THỤ NẠN VÀ PHỤC SINH CỦA ĐỨC GIÊSU (14,1 – 16,8)

1. Tường thuật cuộc thụ nạn (14,1-15,47)

* Nhập đề ngắn (14,1-11), gồm có 3 cảnh:

 – Âm mưu hại Đức Giêsu (14,1-2): chiến thuật của các nhà lãnh đạo do thái để loại bỏ một nhân vật nổi tiếng nhưng làm họ khó chịu.

 – Cuộc xức dầu ở Bêtania (14,3-9): cử chỉ có tính cách tiên tri cho cuộc xức dầu xác Đức Giêsu sau này.

 – Giuđa tình nguyện phản Thầy (14,10-11): mở màn thảm kịch.

* Chuỗi thứ I (14,12-52) tập chú vào Lễ Vượt Qua của Đức Giêsu với các môn đệ:

 – Chuẩn bị bữa tiệc ly (14,12-16) Đức Giêsu chuẩn bị chu đáo cho Giao ước mới Ngài sẽ lập bằng cái chết và sự sống lại của Ngài.

 – Lập phép Thánh Thể (14,22-26): Việc quan trọng này được đóng khung bởi 2 tường thuật nhỏ:

+ báo trước Giuđa sẽ phản Thầy (14,17-21).

+ báo trước Phêrô sẽ chối Thấy (14,27-31).

 Chuỗi này kết thúc bằng 2 việc rất cảm động:

 = Đức Giêsu cầu nguyện trong vườn Cây Dầu (14,32-42): cho thấy sự yếu đức tin của các môn đệ.

 = Đức Giêsu bị bắt (14,43-52) khiến các môn đệ chạy trốn tán loạn.

* Chuỗi thứ II (14,53-15,47)

 – Việc xét xử: tiến hành qua hai giai đoạn:

+ Trước Thượng Hội Đồng (14,53-65) là giai đoạn do thái.

+ Trước tòa Philatô (15,1-15) là giai đoạn Rôma.

 Trong những cuộc xét xử này, người ta ép Đức Giêsu phải xác định căn tính của mình và do đó tạo cơ hội cho Ngài mặc khải căn tính ấy: một mặt Ngài là Messia”vua người do thái”, mặt khác Ngài là Thẩm Phán và Đấng Cứu Tinh phổ quát. Dù vậy hiện thời Ngài phải chịu nhiều đau khổ:

+ Bị Phêrô chối (14,66-72).

+ Bị quân lính nhục mạ (15,16-20).

 Thi hành án (15,21-47)

= Việc đóng đinh (15,21-32).

= Đức Giêsu chết (15,33-41): Đây là cao điểm của bài tường thuật thụ nạn. Mc đặt vào miệng một người ngoại lời tuyên xưng đức tin mẫu mức của kitô giáo “Quả thật người này là Con của Thiên Chúa”. Đó chính là trả lời cho câu hỏi mà Mc thường xuyên đặt ra trong toàn tác phẩm “Người này là ai?”.

= Táng xác (15,42-47).

2. Tường thuật phục sinh (16,1-8)

 Tường thuật này rất ngắn (chỉ có 8 câu) vừa là “đóng cửa” cho tác phẩm vừa là “mở cửa” cho một thời kỳ mới, thời kỳ sống Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô phục sinh.

 * Hậu kết (16,9-20): Đức Giêsu Kitô phục sinh sai môn đệ loan Tin Mừng cho khắp thế giới.


BÀI 77: ÂM MƯU HẠI ĐỨC GIÊSU (14,1-2)

1Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, các thượng tế và kinh sư tìm cách dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi; 2vì họ nói: "Đừng làm vào chính ngày lễ, kẻo dân chúng náo động." 

------------------

c 1 – Lễ Vượt Qua: nguyên thủy là một lễ của dân du mục. Đến mùa xuân, mùa chiên sinh sản, dân du mục lấy những con chiên đầu lòng tế hiến cho các thần linh để xin cho đàn chiên của mình sinh sản thêm đông. Dân do thái đã mượn lễ này và gán cho nó một ý nghĩa tôn giáo để tưởng niệm việc họ được Thiên Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập.

 – Lễ bánh không men: nguyên thủy là lễ của nông dân đã định cư. Khi tới mùa thu hoạch nông sản, người ta dẹp khỏi nhà mọi thứ có men để chờ cho có men mới từ lúa mới làm ra.

 – Ban đầu hai lễ trên khác nhau và tách biệt nhau, nhưng về sau chúng đã hòa lẫn và được mừng chung nhau, tạo thành một lễ lớn nhất trong năm. Trong thời gian này có rất đông người do thái từ khắp nơi hành hương về Giêrusalem.

 – “Chỉ còn có 2 ngày nữa”: những kẻ thù ghét Đức Giêsu tính toán kỹ để cho thấy là Đức Giêsu bị người ta mưu giết (3,6) nhưng khi đó là “biệt phái và đảng Hêrôđê”. Còn bây giờ sau vụ”dẹp loạn” ở Đền thờ thì những người mưu hại Ngài là “Thượng tế và thông giáo”.

c 2 – Nhưng, như đã nói ở trên, họ tính toán thật kỹ về thời gian tiến hành âm mưu: Phải rat ay gấp trước khi tới lễ Vượt Qua, vì lúc đó dân chúng từ khắp nơi về Giêrusalem rất đông. Mà Đức Giêsu đã nổi tiếng và được nhiều người mến mộ. Rất có thể dân sẽ biểu tình hoặc nổi loạn để bênh vực Ngài.

BÀI 78: XỨC DẦU Ở BÊTANIA (14,3-9)

3Lúc đó, Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-mon Cùi. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người. 4Có vài người lấy làm bực tức, nói với nhau: "Phí dầu thơm như thế để làm gì? 5Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo." Rồi họ gắt gỏng với cô. 6Nhưng Đức Giê-su bảo họ: "Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa. 7Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu! 8Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng. 9Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô." 

------------------

c 3 “Bêtani”: một làng nhỏ gần Giêrusalem, nơi Đức Giêsu thường lui về tạm trú khi rời thành Giêrusalem (11,11).

 “Simon phong hủi”: ông có biệt danh này vì trước đây bị cùi nhưng nay đã khỏi (bằng chứng đã khỏi cùi là ông dám mời Đức Giêsu vào nhà ông)

 “Dùng bữa”: nguyên ngữ là “nằm vào bàn”. Theo tục lệ do thái, trong bữa ăn thường thì người ta ngồi, còn trong tiệc lớn thì nằm. Động từ này cho ta biết đây là bữa tiệc lớn.

 – “Một thiếu phụ bước vào”: Mc không cho biết tên tuổi và gốc gác của bà vì những điều đó ông không quan tâm. Ông chỉ chú ý tới việc làm và tấm lòng của bà.

 – Về bình dầu thơm của thiếu phụ: có nhiều chi tiết cho ta thấy sự hoang phí của bà.

 a/ chiếc bình bằng “bạch ngọc”

 b/ loại “cam tùng” tức là thứ dầu làm bằng loại rễ cây hiếm ở dãy núi Hy mã lạp sơn Ấn Độ.

 c/ “thuần chất” nghĩa là không hề pha.

 d/ “rất là quý giá”. Vậy mà bà không tiếc bẻ cổ nó đi (để đổ cho nhiều và nhanh), như thế là tất cả số dầu đó sẽ hết. Sử dĩ bà hào phóng như thế là vì bà rất quý mến Đức Giêsu.

 – “Đổ lên đầu Đức Giêsu”:

a) Tiện hơn, vì khi đó Đức Giêsu đang nằm, chân quay vào trong, đầu hướng ra ngoài.

b) Cựu Ước cho thấy các vua và Đấng Messia được xức dầu. Vậy khi đó, dầu đổ lên đầu Đức Giêsu là Bà xem Ngài là Vua Messia.

c 4 – “Mấy người nổi giận”: là ai? Không phải là Simon vì đại từ ở số nhiều. Đó là một số môn đệ của Đức Giêsu, trong đó đương nhiên là có Giuđa, kẻ được giao làm thủ quỹ và sẵn tính tham lam (Ga 12,4-6), chính Giuđa bực bội trước và lôi kéo một số môn đệ theo.

c 5 – “hơn 300 đồng”: đây là đồng Denarion, giá trị tương đương một ngày công của thợ trung bình. Thêm một chi tiết về sự quý giá của bình dầu.

 – “cho kẻ nghèo”: lý do mà Giuđa và một số môn đệ viện dẫn xem ra rất đạo đức, thì cũng có một việc đạo đức khác được Thánh Kinh coi là từ thiện và khuyến khích, đó là liệm xác kẻ chết (chuyện Tôbia). Giải thích này của Đức Giêsu được nói rõ hơn ở câu 8.

 – Sở dĩ Đức Giêsu đề cao việc này và ý nghĩa của nó vì sau này Đức Giêsu bị giết chết và tẩm liệm cách vội vã (không kịp ướp xác). Ngài coi việc bà này làm là làm trước việc ướp xác đó.

 – “Kẻ nghèo các con bao giờ cũng có… còn Thầy thì các con không có mãi đâu”: những động từ “có” tuy mang ý nghĩa tương lại nhưng Mc lạị đặt ở thì hiện tại. Ngụ ý lời này của Đức Giêsu luôn có giá trị hiện thực.

c 9 – Mc chú ý tới việc loan báo Tin Mừng khắp thế giới. Mà khi loan Tin Mừng thì đương nhiên phải nói tới việc Đức Giêsu chịu nạn chịu chết và sống lại. Việc bà này làm có liên hệ đến việc chịu nạn chịu chết và sống lại đó (do đó Mc chép nó liền trước tường thuật thụ nạn) nên khi rao giảng Tin Mừng thì đương nhiên việc này được nhắc tới.

BÀI 79: GIUĐA TỰ NGUYỆN PHẢN THẦY (14,10-11)

10Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai, đi gặp các thượng tế để nộp Người cho họ. 11Nghe hắn nói, họ rất mừng và hứa cho tiền. Giu-đa liền tìm cách nộp Người sao cho tiện. 

------------------

c 10 – “Giuđa Iscariốt”: Trong nhóm 12 có 2 người tên Giuđa. Kẻ phản Đức Giêsu được gọi là Iscariốt để phân biệt với Giuđa kia. Chữ Iscariốt là tên của cha ông.

 Tin Mừng Gioan (Ga 12,4-6) cho chúng ta biết thêm hắn được giao giữ túi tiền và hay ăn cắp.

 – “Đi gặp ban Thượng tế để nộp Đức Giêsu cho họ”: việc phản Thầy là do Giuđa tự nguyện. Hắn đã biết các Thượng tế muốn bắt Đức Giêsu nên tìm đến với họ và đề nghị hợp tác.

c 11 – Lý do phản Thầy không được Tin Mừng nói rõ ra nhưng ta có thể đoán là vì tính tham tiền, bởi vì liền sau đó các thượng tế “hứa trả tiền cho hắn”.

 – Mọi việc của âm mưu đều đã sẵn sàng, chỉ còn chờ “cơ hội” để thực hiện mà thôi.

Chuỗi thứ I (14,12-52)

BÀI 80: CHUẨN BỊ TIỆC LY (14,12-16)

12Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? " 13Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: "Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. 14Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: "Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu? 15Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta." 16Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua. 

------------------

c 12 – Câu này xác định thời điểm của sự việc, đó là “ngày thứ nhất của tuần bánh không men” (tức là tuần lễ mừng Lễ Vượt Qua và Lễ bánh không men chung với nhau). Trong ngày thứ nhất này “người ta sát tế chiên vượt qua” (và lấy mọi thứ có men ra khỏi nhà). Mc xác định việc này để cho thấy ý nghĩa của nó có liên quan tới ý nghĩa lễ vượt qua. Sau này Phaolô sẽ nói rõ ra rằng “Đức Kitô, Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã được sát tế. Chúng ta hãy mừng lễ không phải với men cũ… nhưng hãy với men mới của sự tinh tuyền và chân lý” (1Cr 5,7-8).

 * Tuy nhiên có một điểm quan trọng mà các sách Tin Mừng chưa xác định rõ là bữa Tiệc ly này diễn ra vào ngày thứ mấy của tuần. Chúng ta nên biết rằng ngày chính lễ Vượt Qua là ngày 14 tháng Nisan. Năm đó ngày này là thứ Bảy (Ga 19,31). Người do thái có thói quen ăn tiệc vượt qua (trong đó phần chủ yếu là ăn thịt chiên) vào ngày áp (năm đó là thứ Sáu). Tường thuật của 3 Tin Mừng nhất lãm khiến chúng ta có cảm tưởng là Đức Giêsu ăn tiệc vượt qua vào đêm thứ Sáu ấy (như mọi người do thái khác). Tuy nhiên điều này không thể được, vì thứ Sáu là ngày Ngài bị giết chết rồi. Vậy thì năm đó Đức Giêsu đã ăn tiệc vượt qua sớm hơm một ngày, tức là ngày thứ Năm.

c 13-16 – Các chi tiết trong những câu này hơi lạ lùng:

a/ tự nhiên gặp một người đang đội vò nước.

b/ và người đó lại là đàn ông (thông thường đi lấy nước là việc của phụ nữ).

c/ người đó chỉ cho một căn phòng đã dọn sẵn sàng (về việc tìm phòng: những người do thái từ chỗ khác về hành hương Giêrusalem phải lo tìm một phòng để ăn tiệc vượt qua).

 – Ta sẽ hiểu những chi tiết lạ lùng trên nếu chủ ý tới 2 điều sau:

* Chuyện này được viết theo mẫu của chuyện trong 1Sm 10,1-10 (ngôn sứ Samuel chỉ trước cho Saolê những chi tiết lạ lùng mà ông sẽ gặp để ông tin rằng Thiên Chúa đã chọn ông lên làm vua Israel).

* Chuyện này và chuyện Đức Giêsu chuẩn bị vào thành Giêrusalem giống nhau.

 Như thế ngụ ý của cách viết này: Đức Giêsu là một tiên tri thấy trước từng chi tiết sự việc tương lai. Ngoài ra Đức Giêsu coi trọng sự việc sắp tới, cho nên tự mình thu xếp từng chi tiết của sự việc đó (cũng có thể có một giải thích rất tự nhiên là: Đức Giêsu đã có hẹn trước với người sẽ cho Ngài mượn phòng nên đã thỏa thuận với người đó về những ám hiệu cho các môn đệ dễ nhận ra).

*** Trong đoạn ngắn này, Mc 4 lần dùng chữ “vượt qua” 17a và b; 14; 16). Đó là chữ làm nổi bật ý nghĩa của sự việc này: Đức Giêsu chính là Con chiên Vượt qua mới sẽ dùng cái chết của Ngài để thực hiện một cuộc giải phóng mới cho mọi người.

BÀI 81: BÁO TRƯỚC GIUĐA PHẢN THẦY (14,17-21)

17Chiều đến, Đức Giê-su và Nhóm Mười Hai cùng tới. 18Đang khi dùng bữa, Người nói: "Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy." 19Các môn đệ đâm ra buồn rầu, và lần lượt hỏi Người: "Chẳng lẽ con sao? " 20Người đáp: "Chính là một trong Nhóm Mười Hai đây, mà là người chấm chung một đĩa với Thầy. 21Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn! " 

------------------

c 17 – “Chiều đến”:

 a/ Bữa tiệc vượt qua do thái bắt đầu vào buổi chiều.

 b/ Lẽ ra Mc cũng không cần xác định thời điểm này, nhưng ở đây ông cố ý ghi “buổi chiều” để cho thấy bầu khí ảm đạm của câu chuyện (cũng như Gioan ghi nhận khi Giuđa rời phòng tiệc ra đi thì “trời tối” Ga 13,30).

 – “Nhóm 12”: Trước đây Mc chỉ nói “các môn đệ”. Bây giờ ông dùng kiểu nói long trọng. “Nhóm 12” tức là nhóm người nòng cốt của GH Ngài. Nhóm này lẽ ra phải tạo thành một tập thể hợp nhất với nhau, những đáng buồn là đã có mầm mống chia rẽ ngay trong nội bộ.

c 18 – Vì thế, Đức Giêsu phải nói ra “Một người trong nhóm các con sắp nộp Thầy”. Khi nói ra như vậy Đức Giêsu cũng tự cho thấy mình là người công chính bị bách hại mà Cựu Ước đã nói tới (Tv 41,10 ”Ngay cả bạn bè thân tín và ăn cùng bàn cũng đứng dậy chống tôi”).

c 20 a/Tục lệ do thái: thức ăn được để trong đĩa chung. Ai muốn dùng thì đưa tay vào đĩa chung ấy lấy thức ăn ra. b/ Đức Giêsu vẫn dung những lời mang âm hưởng Tv 41 vừa trích ở trên.

c 21a Ngày nay nhiều người thắc mắc về “sự tiền định cho Giuđa phạm tội phản Thày”. Thực ra điều này các Kitô hữu của cộng đoàn Mc không hề bận tâm (cho nên ta cũng không thể tìm được lời giải đáp trong Tin Mừng Mc). Điều họ quan tâm chính là tại sao Đấng Messia lại bị phản bội và chịu chết. Mc đã trả lời rằng đó chính là kế hoạch của Thiên Chúa đối với người Tôi Tớ của Ngài.

c 21b – Nhiều người cũng dựa vào câu này mà cho rằng Đức Giêsu kết án Giuđa, vì thế chắc chắn hắn phải xuống hỏa ngục. Ta nên lưu ý 2 điểm:

a/ Đức Giêsu không hề nêu rõ tên Giuđa.

b/ Những lời này Ngài thốt ra theo mẫu của những khúc ai ca mà các ngôn sứ thường dung để than về số phận của mình (Is 1,4). Như thế Đức Giêsu chỉ than cho mình chứ không phải Ngài lên án Giuđa.

BÀI 82: LẬP PHÉP THÁNH THỂ (14,22-26)

22Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy." 23Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. 24Người bảo các ông: "Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. 25Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa."

26Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.

------------------

*** Độc giả chúng ta rất muốn biết đầy đủ chi tiết về bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ. Nhưng khi đọc bài tường thuật này của Mc (cũng như bài tường thuật của Mt 26,26-29 và Lc 22,19-20) thì thấy quá ngắn gọn. Lý do: đây là những bản văn phụng vụ (được dùng trong những lễ nghi bẻ bánh của các Kitô hữu), các từ ngữ được sắp xếp cho thật ngắn gọn, nhưng cũng rất xúc tích.

c 22 – Đức Giêsu làm như một người chủ nhà đang chủ tọa bữa ăn vượt qua. Đang bữa ăn Ngài đứng dậy, cầm lấy bánh và dâng lên Thiên Chúa một lời nguyện chúc tụng tạ ơn vì những ơn lành đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Sách Hagađa (sách lễ nghi về lễ vượt qua có ghi như sau: “Chúng ta mang một món nợ, đó là phải tạ ơn, tán dương… chúc tụng Đấng đã làm những dấu lạ cho cha ông chúng ta và cho hết thảy chúng ta. Ngài đã kéo chúng ta từ nô lệ đến tự do, từ tang tóc đến lễ hội, từ thẳm sâu đến mừng vui, từ tối tăm đến ánh sang và từ áp bức đến guiải phóng. Và chúng ta hãy hát trước nhan Ngài một bài ca mới. Allêluia”. Sau khi đọc xong những lời nguyện này, Đức Giêsu bẻ bánh và phân phát cho những người cùng bàn mỗi người một miếng, đồng thời nói “Hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”.

 – “Mình” tiếng pháp là corps. Trong tiếng Aram chữ “mình này không có nghĩa là xác thịt (chair) mà chỉ toàn vẹn con người. Như thế Đức Giêsu không bảo môn đệ ăn thịt của Ngài, mà là loan báo rằng con người của Ngài sặp bị nộp cho sự chết, mà mời gọi họ tham dự vào việc đó.

c 23 –Tiếp theo Ngài cầm chẻn rượu nho và tạ ơn.

 – “Tạ ơn”: tiếng hy lạp là Eucharistêô. Chính là chữ được dùng để chỉ toàn thể lễ nghi này (Lễ tạ ơn, mà chúng ta quen gọi là phép Thánh Thể).

 – “Rồi trao cho các môn đệ. Và hết thảy các ông đều uống”: Hãy chú ý là các ông uống trước khi Đức Giêsu giải thích ý nghĩa chén rượu đó.

 – Đang khi trao chén rượu như thế Đức Giêsu nói: “Đây là máu của Thầy”; cũng trong tiếng Aram chữ “máu” có nghĩa là “mạng sống” (Lv 17,14). Như thế Đức Giêsu không bảo các môn đệ uống máu tươi mà là thông phần vào việc Đức Giêsu hiến dâng mạng sống trên Thập giá (1Cr 11,17-34).

 – “Máu giao ước”: Ngày xưa trên núi Sinai, Môsê sau khi kết giao ước với Thiên Chúa, đã lấy máu bò để đóng ấn Giao ước đó (Xh 24,3-8). Nay Đức Giêsu cũng lập một Giao ước và đóng ấn nó bằng máu Ngài đổ ra trên Thập giá,Thánh Luca (22,20) và thánh Phaolô (1Cr 11,25) gọi đó là Giao ước mới.

 – “Đổ ra cho nhiều người”: “nhiều người” (la multitude: một số đông) là một kiểu nói Sêmít có nghĩa là “mọi người”. Như thế Đức Giêsu cho biết ý nghĩa cái chết của Ngài là có tính cách cứu độ phổ quát. Tức là Ngài chính là người Tôi Tớ mà Is 53,12 đã loan báo.

 Tóm lại, bằng những hành động làm trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu báo trước cái chết sắp tới của Ngài, đồng thời giải thích ý nghĩa cái chết ấy và kêu mời các môn đệ thông phần vào đó.

c 25 – Sau đó Đức Giêsu mở cho họ thấy một viễn cảnh lạc quan. Câu 25 có nghĩa là sau khi chết Ngài sẽ chiến thắng: sẽ có một bữa tiệc messia trong đó có thứ rượu mới (Is 25,6-9). Từ nay cho tới lúc đó Ngài sẽ không còn phải uống thứ rượu nho tầm thường này nữa.

c 26 – Cuối bữa tiệc, Thầy trò hát Thánh vịnh: Đây là hết phần thứ hai của nhóm Thánh vịnh 115-118 và kết thúc bằng tiếng tung hô “Allêluia” theo quy định do thái về bữa tiệc vượt qua.

 – Tiệc xong, Thầy trò ra khỏi phòng và đi lên núi Cây Dầu: mục đích là để thoát những hiểm nguy rình rập trong thành, vì chưa đến giờ chịu nạn.


VẤN ĐỀ

 – Những giải thích phía trên về chữ “mình” và “máu” (không phải thịt và máu vật chất mà là ám chỉ việc Đức Giêsu trao hiến mạng sống) biện minh cho lập trường Tin Lành, theo đó những cử hành hàng tuần của họ không phải là tái lập lại bữa tiệc ly xưa, những chỉ là tưởng niệm (như đám giỗ), và việc ngày nay tín hữu ăn bánh uống rượu trong cử hành đó cũng không phải là ăn mình và máu Chúa.

 – Phía Công giáo thì tin rằng Thánh lễ chính là tái lập lại, hay là hiện thời hóa (với đầy đủ hiệu năng) bữa Tiệc ly và cái chết trên Thập giá. Lập trường Công giáo dựa vào 1Cr 11,26-29: Thánh Phaolô vì coi bánh và rượu trong Thánh lễ không phải là bánh thường rượu thường nữa, những chính là Mình và Máu Chúa nên mới nói rằng: “Ai là người bất lương bất xứng mà dám ăn Bánh Chúa hay là uống chén của Ngài thì mắc tội với Mình Máu Chúa… Vì ăn uống mà không phân biệt đó là Thánh Thể thì chính là ăn uống án phạt cho mình”.

BÀI 83: BÁO TRƯỚC PHÊRÔ SẼ CHỐI THẦY (14,27-31)

27Đức Giê-su nói với các ông: "Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác. 28Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em." 29Ông Phê-rô liền thưa: "Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không." 30Đức Giê-su nói với ông: "Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần." 31Nhưng ông Phê-rô lại nói quả quyết hơn: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.

------------------

c 27 –“Vấp phạm”: Tiếng hy lạp là Skandalon chỉ một hòn đá nằm cản đường khiến người ta vấp té (Is8,14-15; Rm 9,22; 1P 2,8).

 – Đức Giêsu báo trước rằng lúc Ngài bị bắt thì “tất cả” các môn đệ sẽ tán loạn. Thật là buồn, vì Đức Giêsu như một mục tử đến để tập hợp họ lại thành một đàn chiên (6,34). Ngài cũng giao cho Nhóm 12 tập hợp dân chúng lại thành một đàn chiên như thế (6,37: “Chúng con hãy cho họ ăn”). Thế mà chính họ sẽ tan rã.

 – Việc “tất cả” các môn đệ thân tín của Đức Giêsu đều vấp phạm (kẻ thì chối Thầy, kẻ thì chạy trốn) là một sự khó hiểu đối với các Kitô hữu. Do đó Mc đã tìm ra được một lý do giải thích, đó là đã được báo trước trong Cựu Ước (Gcr 13,7b: “ta sẽ đánh chủ chăn thì đoàn chiên sẽ tan tác”).

c 28 – Tuy nhiên sau lời tiên báo buồn thảm đó, Đức Giêsu mở ra một tương lai lạc quan: Ngài sẽ sống lại và “dẫn các con sang xứ Galilê” nghĩa là quy tụ các ông lại.

c 30“Khi gà chưa gáy 2 lần con đã 3 lần chối Thầy”: Lời này không giống nhau nơi các Tin Mừng. Trong Mt 26,34 là “Khi gà chưa gáy con đã 3 lần chối Thầy”. Trong Lc 22,34 là: “Khi gà chưa gáy con đã 3 lần chối là không biết Thầy”.

 Nhưng chú ý tất cả đều nói Phêrô sẽ chối Thầy “Khi gà chưa gáy”

 Gà gáy là kiểu nói trời sáng. Ý Đức Giêsu là Phêrô sẽ chối Thầy trước khi trời sáng.

BÀI 84: CẦU NGUYỆN TRONG VƯỜN CÂY DẦU (14,32-42)

32Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các ông: "Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện." 33Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. 34Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức." 35Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. 36Người nói: "Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." 37Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: "Si-mon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao? 38Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối." 39Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước. 40Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người. 41Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông: "Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi. 42Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới! " 

------------------

c 32 – “Gethsemani”: đây là một khu vườn dưới chân núi Cây Dầu và ở phía bên kia thung lũng Cédron. Chữ Gethsemani nghĩa là “máy ép dầu” vì trong vườn này có nhiều cây Ôliu và cũng có một máy ép dầu.

 – “Các con ở lại đây, Thầy đi cầu nguyện”: Đức Giêsu có thói quen tách riêng ra để cầu nguyện nơi vắng vẻ (1,35 6,46).

c 33 – Nhưng lần này không hoàn toàn đi một mình mà có kèm theo 3 môn đệ thân tín mà Ngài đã một số lần đem riêng theo (5,37 9,2 13,13).

 – “Ngài kinh hoàng sầu khổ”: Từ trước tơi đây Mc chỉ ghi nhận các môn đệ buồn rầu (14,19) nay Mc cho biết chính Đức Giêsu phải “kinh hoàng sầu khổ”, một nét thể hiện nhân tính của Ngài. Ngài cảm thấy cô đơn nên phải dẫn các môn đệ đi theo, lại dẫn riêng 3 ông gần gũi Ngài. Hơn nữa, lúc trước Ngài đã chọn các ông thành Nhóm 12 là để các ông “ở với Ngài” (3,14). Bây giờ là lúc Ngài cần các ông ở với Ngài nhất.

C 34 –“Linh hồn Thầy”: kiểu nói Sêmít nghĩa là “bản thân Thầy”, “toàn thể con người của Thầy”

 – “Buồn đến chết được”: lý do của nỗi buồn tột đỉnh này là:

a/ thấy trước cái chết sắp tới.

b/ cảm thấy sứ mạng mình bị thất bại hoàn toàn.

c/ cô đơn trong thử thách.

c 35 – “Ngài sấp mình”: tư thế cầu nguyện thông thường là đứng thẳng. Đức Giêsu sấp mình có lẽ là vì chịu không nổi nên gục xuống.

 – “Xin cho giờ ấy đi xa”: Giờ ở đây không phải là đơn vị tính thời gian. Do đó xin cho giờ đi xa không giống như ngày xưa Giôsuê xin cho thời giờ chậm qua để ông kịp thanh toán quân thù. “Giờ” ở đây chỉ nội dung của thời gian ấy, tức là chịu nạn chịu chết. chữ giờ ở đây đồng nghĩa với chữ “chén” ở dưới (c 36).

c 36 –“Abba”: tiếng thân mật của trẻ con gọi cha mình (ba ba). Nên lưu ý rằng người do thái không bao giờ dám gọi Thiên Chúa là Abba trong những lời kinh nguyện, Đức Giêsu dám gọi chứng tỏ một sự thân mật tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha.

 – Lúc đó nhân tính yếu đuối của Ngài nổi lên mạnh mẽ khiến Ngài sợ cuộc thương khó sắp tới. Những đàng khác lòng hiếu thảo thúc đẩy Ngài thi hành trọn ý Chúa Cha. Nghĩa là Ngài đang bị giằng co. Nhưng cuối cùng Ngài bỏ ý riêng mà chọn ý Chúa Cha.

c 37 – “Simon, con ngủ đấy ư?”: Đức Giêsu không gọi bằng tên Phêrô, mà tên trước khi ông này được chọn làm môn đệ. Ngụ ý: nếu không tỉnh thức với Thầy thì chẳng đáng làm môn đệ Thầy (nhiều lần Đức Giêsu dạy môn đệ phải tỉnh thức. Thí dụ 13,34).

c 38 – “Cám dỗ”: nguyên ngữ nghĩa là thử thách. Cựu Ước có nói tới Thiên Chúa thử thách người ta (Abraham St 22,1; dân Chúa Ch 15,22; Đnl 8,2…). Nhưng Tân Ước không bao giờ gán việc thủ thách cho Thiên Chúa mà gán cho Satan (1Cr 7,5; 1Tx 3,5; 1Pr 5,5-9…) bởi vì Thiên Chúa không cám dỗ ai bao giờ, Ngài chỉ cho phép Satan cám dỗ loài người.

c 40 –“Các ông đang ngủ, vì mắt nặng nề”: Mc tìm lý do chữa lỗi cho các môn đệ.

c 41– Mc ghi nhận Đức Giêsu trở lại 3 lần

 – “Bây giờ cứ ngủ đi, nghỉ ngơi tha hồ đi”: câu nói mỉa mai

 – Sau khi cầu nguyện, Đức Giêsu lấy lại được can đảm, chính Ngài kêu các môn đệ thức dậy để sẵn sàng bước vào thử thách, vì “đã đến giờ rồi… kẻ nộp Thầy đã đến”.


1/ Mc cố ý vạch ra sự tương phản giữa thái độ của người (tỉnh thức và cầu nguyện) và của các môn đệ (ngủ mê).

2/ Ba lần Người trở lại với các môn đệ, tương xứng với 3 lần Đức Giêsu loan báo thụ hấn.

 * Mc muốn đưa bài học cho các tín hữu của cộng đoàn ông đang gặp khó khăn; hãy noi gương tỉnh thức cầu nguyện và theo ý Chúa Cha như Đức Giêsu.

BÀI 85: ĐỨC GIÊSU BỊ BẮT (14,43-52)

43Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến. 44Kẻ nộp Đức Giê-su đã cho họ một ám hiệu, hắn dặn rằng: "Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận." 45Vừa tới, Giu-đa tiến lại gần Người và nói: "Thưa Thầy! ", rồi hôn Người. 46Họ liền tra tay bắt Người. 47Nhưng một trong những kẻ đang có mặt tại đó tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai.

48Đức Giê-su nói với họ: "Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt? 49Ngày ngày, tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy ở Đền Thờ, mà các ông không bắt. Nhưng thế này là để lời Sách Thánh được ứng nghiệm." 50Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết. 51Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. 52Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng.

------------------

c 43 – “Đức Giêsu còn đang nói”: sự việc diễn tiến nhanh đột ngột và phũ phàng: còn đang nói về việc kẻ phản bội sắp đến thì hắn đến ngay.

“Một trong Nhóm 12”: Mc vẫn còn coi Giuđa là tông đồ. Nhưng phần Giuđa, trong tư cách tông đồ mà làm như vậy thì càng khả ố.

“Do ban thượng tế, thông giáo và kỳ lão”: Ba thành phần của Đại Công Nghị (8,21).

c 44 – “Tôi hôn ai”: 

a/ Hôn là cách chào thông thường của môn đệ đối với Thầy

b/ là cử chỉ thân ái giữa những người thân nhau.

Vì toan tính chưa biết mặt Đức Giêsu nên Giuđa ra ám hiệu quy ước ấy.

C 47 – “Một trong số các người hiện diện”: Mc không nói tên những Gioan cho biết đó là Phêrô (Ga 18,10).

 – Phêrô rút gươm chiến đấu. Mc không ghi lại lời Đức Giêsu trách Phêrô, nhưng cho thấy rằng phản ứng đó chẳng ăn thua gì: chỉ”chém đứt tai” một tên không phải là binh lính những chỉ là “đầy tớ” đi theo (cho nên có lẽ cũng chẳng có vũ khí). Mc cũng không nói tên của đầy tớ đó, những a 18,10 cho biết tên người ấy là Malchus.

c 48 – “Tên trộm cướp”: có lẽ là một người “đoàn trưởng cách mạng” như Baraba (Ga 18,40). Vì thế mà Đức Giêsu rơi vào tình trạng “phạm pháp”. Hằng ngày Ngài vẫn “giảng dạy trong Đền thờ” cách công khai nhưng họ đã không bắt, nay lại vào vườn Cây Dầu lùng bắt như bắt một tên tội phạm.

c 49 – “Nhưng thế là ứng nghiệm lời Thánh Kinh”: Việc Đức Giêsu bị bắt như một tên tội phạm là một sự vấp phạm đối với các tín hữu. Câu này nhằm xóa bỏ cớ vấp phạm đó : Đức Giêsu bị bắt là đúng chương trình Thiên Chúa đã được Thánh Kinh nói trước.

c 50 – “Bấy giờ hết thảy bỏ Ngài chạy trốn”: đúng như Ngài đã báo trước (14,27) cho dù hết thẩy đã thề thốt trung thành (14,21). Trong đoạn trước, ta thấy Đức Giêsu đã cô đơn, bây giờ sự cô đơn ấy càng trọn vẹn hơn.

Cc 51-52 Một mình Mc ghi thêm một chuyện nhỏ về một chàng thanh niên đã đi theo Ngài nhưng bị quân lính tóm bắt, tuy nhiên chàng đã thoát được và quân lính chỉ nắm được tấm áo choàng, phần chàng thì thoát khỏi mình trần. Chàng thanh niên ấy là ai?

 – Có người nói chính là tác giả Mc. Kỷ niệm này khó quên đối với ông nên chỉ mình ông ghi nhớ lại.

 – Có người giải thích theo nghĩa tượng trưng: đó là hình ảnh người môn đệ Đức Giêsu, cũng giống như Ngài là bị bắt bớ đến trần trụi.

 – Có người cũng theo giải thích biểu tượng nhưng coi đó là hình ảnh Đức Giêsu phục sinh:

a/ Trong tường thuật phục sinh cũng có một người thanh niên loan báo Đức Giêsu sống lại (16,5).

b/ Thi thể Đức Giêsu cũng chỉ quấn một tấm khăn đơn (15,46). Các kẻ thù của Ngài tưởng tóm được Ngài, nhưng thực ra Ngài đã thoát (đã sống lại) và họ chỉ thấy được tấm khăn của Ngài mà thôi. Như thế giai thoại này nhằm làm cho phần cuối của câu chuyện buồn thảm này lóe lên một tia sáng vui tươi.

Chuỗi thứ II (14,53-15,47)

BÀI 86: ĐỨC GIÊSU TRƯỚC CÔNG NGHỊ (14,53-65)

53Họ điệu Đức Giê-su đến vị thượng tế. Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư tề tựu đông đủ. 54Ông Phê-rô theo Người xa xa, vào tận bên trong dinh thượng tế, và ngồi sưởi bên đống lửa với đám thuộc hạ.

55Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra, 56vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau. 57Có vài kẻ đứng lên cáo gian Người rằng: 58"Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm! " 59Nhưng ngay về điểm này, chứng của họ cũng không ăn khớp với nhau.

60Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Đức Giê-su: "Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó? " 61Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh, không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người: "Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không? " 62Đức Giê-su trả lời: "Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến." 63Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: "Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? 64Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao? " Tất cả đều kết án Người đáng chết.

65Thế là một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói: "Hãy nói tiên tri đi! " Và đám thuộc hạ tát Người túi bụi.

------------------

c 53 – “Chúng giải Đức Giêsu đến dinh Thượng tế”: Thượng tế năm đó tên là Caipha (Mt 28,57).

c 55 – “Công nghị”: Đây là tòa án tối cao của do thái gồm 71 thành viên thuộc 3 giới Tư tế (dòng tộc Sađốc 1V 2,35), Ký lục (từ mọi giai cấp trong dân miễn là thông luật), và Kỳ lão

 * Vấn đề: Quy định pháp luật thời đó cấm công nghị họp chính thức ban đêm và tại dinh Thượng tế, nhưng phải họp ban ngày và tại một gian phòng ở trong Đền thờ. Như thế vụ xử Đức Giêsu ban đêm tại dinh Thượng tế đặt ra một thắc mắc hoặc công nghị đã làm sai? Mc tường thuật không đúng?

 Theo Tin Mừng Gioan (Ga 18,12-14) thì đêm đó Đức Giêsu không bị đưa ra Công nghị nhưng bị đưa đến dinh Thượng tế và bị hỏi cung trước mặt một số người thân cận của vị Thượng tế, rồi sáng hôm sau bị đưa sang dinh Tổng trấn Philatô. Như thế, ta có thể kết luận 2 điều:

a) Thượng Tế Caipha và một số người thân cận của ông đã vội vàng làm công việc của Công nghị để dễ lèo lái ra án tử cho Đức Giêsu.

b) Nhưng Mc (và Mt) đã coi phiên xử “lén lút” và vội vã đó như là trách nhiệm của toàn thể Công nghị chính thức nên mới nói là “Thượng tế và toàn thể Công nghị” (c 55a). Như thế xét theo lịch sử thì Mc (và Mt) không chính xác, nhưng xét theo sự kiện thì hai ông đúng.

 – “Tìm chứng gì cáo Đức Giêsu để giết Ngàì”: Họ có ý đã sẵn, bản án đã định sẵn trước khi xử.

c 56 – Để thực hiện ý đồ đó họ, vì không có bằng chứng nên phải tìm những người làm chứng gian. Theo định luật 19,15 muốn kết án ai thì ít ra phải có 2 người làm chứng và lời chứng phải hợp nhau (chuyện Đanien xử vụ Suzanna: tuy có 2 người làm chứng nhưng lời chứng của họ không hợp nhau, vì thế bà Suzanna đã được trắng án, còn 2 người kia bị xử). hung lời những người làm chứng gian trong vị xử Đức Giêsu cũng không hợp nhau.

C 57t – Mc đưa ví dụ về một điểm làm chứng gian đó là lời chứng về điểm này cũng không hợp nhau. Nhưng Mc không nói rõ là không hợp nhau ở chỗ nào. Có lẽ có hiểu đó là Đền thờ Giêrusalem bằng vật chất và “do tay người thế làm ra” (c 58), người khác lại hiểu đó là “thân xác Đức Giêsu” (Ga 2,19-22).

c 60 – Khi đó chính vị Thượng tế phải can thiệp bằng câu hỏi “Ông không đáp gì sao?”.

c 61 – Nhưng Đức Giêsu vẫn làm thinh như từ đầu tới giờ. Sự yên lặng của Ngài là sự yên lặng của người Tôi Tớ công chính trước âm mưu của những kẻ gian ác (Is 53,7). Im lặng vì tự tin vào sự vô tội của mình.

 – Bây giờ Thượng tế đành hỏi thẳng “Ông có phải là Messia con Đấng Vạn Phúc chăng?” (kiểu nói “Đấng Vạn Phúc”là nói quanh để tránh nói thẳng tới Thiên Chúa.

c 62 – Đức Giêsu đáp “Ta là”: Đây là một công thức mặc khải (chuyện Thiên Chúa mặc khải cho Môsê) nghĩa là Ngài mặc khải rằng chính Ngài là Messia.

 – Chẳng những thế, Đức Giêsu còn mượn lời Kinh Thánh để cho biết Ngài là Messia cao hơn suy nghĩ của người do thái vốn có về Đấng Messia: theo người do thái, Messia tuy là sứ giả đặc biệt của Thiên Chúa nhưng cũng chỉ là người phàm thôi. Đức Giêsu thêm hai chi tiết:

 a/ “Con Người ngự bên phải Đấng Toàn Năng”: chi tiết này mượn trong sách Đanien (Đn 7,13), “Đấng Toàn Năng” cũng là một cách nói quanh chỉ Thiên Chúa.

 Ý nghĩa: Ngài không phải “ngồi cạnh Thiên Chúa” như một vinh dự mà thôi (Tv 110,1), nhưng còn ngang hàng với Thiên Chúa.

 b/ “Quang lâm với áng mây trời”: cũng mượn nơi Đn 7,13 và ý nghĩa cũng như trên.

c 63 – “Thượng tế liền xé áo mình ra”: xé cho rách chừng vài centimet, một cử chỉ quy ước để tỏ lòng buồn sầu hay ghê tởm, ở đây có nghĩa thứ hai.

c 64 – “Các Ngài đã nghe nói lộng ngôn”: thực ra tự xưng là Messia không có gì là lộng ngôn. Hung Đức Giêsu tự xưng là Messia ngng hang với Thiên Chúa nên bị kết tội lộng ngôn, và theo luật thì tội này đáng phạt chết (Lv 24,16). Và thực tế họ đã lên án xử tử Ngài.

 – Lưu ý: Trong Tin Mừng Mc, Đức Giêsu luôn giữ “bí mật Messia” nghĩa là không bao giờ Ngài tự xưng là Messia. Thỉnh thoảng, nếu có ai đó biết Ngài là Messia thì Ngài cũng cấm không cho nói ra.

Lý do: Ngài sợ dân hiểu lầm và có những hy vọng trần tục và chính trị về Ngài, và điều này sẽ cản trở Ngài bước vào con đường thập giá như ý định của Chúa Cha. Nay lần đầu tiên Ngài nói rõ mình là Messia và còn giải thích đó là một Messia có thiên tính. Cho dù tự xưng như thế thì Ngài sẽ bị lên án tử. Lý do: không còn sợ bị hiểu lầm và cản trở con đường thập giá nữa.

c 65 – Sau khi Đức Giêsu bị lên án tử hình thì “có kẻ” khạc nhổ, đánh đập và hành hạ Ngài. “Có kẻ” đây không phải là các thành viên của công nghị mà là bọn tôi tớ.


Luật cấm vị thượng tế làm hành vi xé áo (Lv 21,10). Việc xé áo của ông ở đây có ý nghĩa rất sâu: Ông đã xé áo liền sau khi Đức Giêsu tự xưng là Messia. Điều này tượng trưng cho một sự xẻ rách của một chế độ luật do thái (cũng như màn trong Đền thờ sẽ xé ra lúc Đức Giêsu tắt thở 15,38), nhường chỗ cho chế độ luật pháp mới của Đức Giêsu; chức Thượng tế của Do thái giáo cũng qua đi, từ nay chính Đức Giêsu là Thượng tế đích thực của thời đại (Dt 9,11-12).

BÀI 87: PHÊRÔ CHỐI THẦY (14,66-72)

66Ông Phê-rô đang ở dưới sân, có một người tớ gái của thượng tế đi tới; 67thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói: "Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giê-su đó chứ gì! " 68Ông liền chối: "Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì! " Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. Bấy giờ có tiếng gà gáy. 69Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với những người đứng đó: "Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy." 70Nhưng ông Phê-rô lại chối. Một lát sau, những người đứng đó lại nói với ông: "Đúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Ga-li-lê! " 71Nhưng ông Phê-rô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: "Tôi thề là không có biết người các ông nói đó! " 72Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phê-rô sực nhớ điều Đức Giê-su đã nói với mình: "Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần." Thế là ông oà lên khóc. 

------------------

1 * Mc viết chuyện này để cho thấy sự cô độc của Đức Giêsu trong cuộc thụ nạn. Ông đã chuẩn bị chuyện này bằng nhiều chi tiết trước đó: Đức Giêsu đã báo trước có người trong Nhóm 12 sẽ phản Ngài, các môn đệ sẽ bỏ Ngài và chính Phêrô sẽ chối Ngài. Sự việc đã tuần tự diễn ra đúng y như vậy. Đặc biệt khi Đức Giêsu bị bắt thì tất cả các môn đệ đều tháo chạy. Tuy nhiên Phêrô cũng còn ý thức trách nhiệm (trưởng nhóm) của mình nên vẫn còn đi theo Đức Giêsu xa xa và ông đã lẻn vào dinh Thượng tế. Và đến đây xảy ra việc ông chối Thầy.

2 * Về 3 lần chối Thầy của Phêrô:

– Lần 1: “Ông chối ngay rằng: Tôi không biết, tôi không hiểu cô vừa nói chi”.

– Lần 2: “Nhưng ông lại chối lần thứ 2”.

Lần 3: “Bấy giờ ông liền quả quyết và thề rằng: Trời phạt tôi nếu tôi nói dối. Tôi xin thề là tôi không biết người mà các ông nói đó”.

 Ta thấy mức độ càng ngày càng nghiêm trọng hơn Từ “chối” tới “quả quyết và thề”; từ việc tránh né (“Tôi không hiểu cô vừa nói chi”) đến việc chối thực sự “người mà các ông nói đó”.

3 * Và tiếng gà gáy: so sánh 4 sách Tin Mừng (Mt 26,69-75; c22,26-62; Ga 18,17 25,27) thì ta thấy 3 quyển kia chỉ ghi một lần duy nhất (sau lần chối thứ 3), riêng Mc ghi 2 lần (sau khi chối lần 1 và 3), có lẽ gà chỉ gáy một lần thôi vì một chi tiết mà Đức Giêsu đã báo trước nay xảy ra đúng như thế mà Phêrô chưa hối hận thì thực khó hiểu.

 Tại sao Mc ghi 3 lần? Có lẽ Mc có trong tay nhiều mẫu chuyện thuộc nhiều truyền thống khác nhau và ông đã phối hợp chúng lại. Cũng nên ghi chú rằng lời Đức Giêsu báo trước việc Phêrô chối Thầy trong Mc là “gà gáy 2 lần” (Mc 14,30). Còn trong các Tin Mừng kia chỉ nói “gà gáy” mà thôi (Mt 26,34; Lc 22,34; Ga 38).


Kết

Mc cho thấy một sự tương phản: một bên là thái độ can đảm của Đức Giêsu trước bao nhiêu kẻ thù, bên kia là thái độ hèn nhát của Phêrô, người can đảm nhất và trung tín nhất của Nhóm 12.

Mt cũng muốn nêu một tấm gương cho các tín hữu Rôma đang bị bắt bớ: hãy khiêm tốn và cảnh giác về sự yếu hèn của con người. Lời cảnh giác này cũng là nhắm tới chúng ta ngày nay.

BÀI 88: ĐỨC GIÊSU TRƯỚC MẶT PHILATÔ (15,1-15)

1Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô.

2Ông Phi-la-tô hỏi Người: "Ông là vua dân Do-thái sao? " Người trả lời: "Đúng như ngài nói đó." 3Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội, 4nên ông Phi-la-tô lại hỏi Người: "Ông không trả lời gì sao? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội! " 5Nhưng Đức Giê-su không trả lời gì nữa, khiến ông Phi-la-tô phải ngạc nhiên.

6Vào mỗi dịp lễ lớn, ông thường phóng thích cho dân một người tù, tuỳ ý họ xin. 7Khi ấy có một người tên là Ba-ra-ba, đang bị giam với những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi dậy. 8Đám đông kéo nhau lên yêu cầu tổng trấn ban ân xá như thường lệ. 9Đáp lời họ yêu cầu, ông Phi-la-tô hỏi: "Các ông có muốn ta phóng thích cho các ông vua dân Do-thái không? " 10Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Người. 11Nhưng các thượng tế sách động đám đông đòi ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba thì hơn. 12Ông Phi-la-tô lại hỏi: "Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do-thái? " 13Họ la lên: "Đóng đinh nó vào thập giá! " 14Ông Phi-la-tô lại hỏi: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?" Họ càng la to: "Đóng đinh nó vào thập giá! " 15Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba, truyền đánh đòn Đức Giê-su, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.

------------------

c 1 – Bản dịch của Jacques Hervieux”Ngay từ sáng sớm, các Thương tế triệu tập các kỳ lão và thông giáo” dịch như vậy làm nổi bật phần tích cực của giới Thượng tế trong vụ án này (x, thêm c 3 “Các Thượng tế tố cáo ông nhiều tội”; và c 11 “các Thượng tế xúi dân chúng “

 – Đây là phiên họp thứ hai, với đầy đủ thành viên hơn phiên họp thứ nhất tiến hành vội vã ban đêm trong nội bộ nhóm thân tín của Thượng tế Caipha (12,53).

 – “Sai trói Đức Giêsu”: cách đối xử đối với một tội nhân.

 – “Nộp cho Philatô”: vì do thái không có quyền kết án tử vốn đã bị dành lại cho chính quyền Rôma.

 Theo một bia đá tìm được ở Cêsarée năm 1961, Philatô là “Tổng trấn Giuđê” tức là viên chức Rôma cao cấp nhất ở vùng này. Ông thường ngự ở vùng duyên hải Địa Trung Hải nhưng mỗi lần Lễ Vượt Qua thì ông đến Giêrusalem để giám sát vì sợ có nổi loạn.

c 2 – “Ông là vua Do thái phải không?”:

a/ Philatô hỏi vậy là do lời kết án của các Thượng tế.

b/ chú ý mưu mô của các Thượng tế trước Công nghị do thái thì họ kết Đức Giêsu tội tôn giáo (lộng ngôn), còn trước mặt Philatô thì họ kết Ngài tội chính trị (vua).

c/ Phần Mc thì cũng muốn nhấn mạnh tới tội danh này: 3 lần chữ “vua” được lặp đi lặp lại (cc 2-9 9-12); và để làm nổi bật tội danh này, Mc không nói nhiều tới những lời tố cáo khác mà chỉ nói tổng quát (c 3 “Các Thượng tế tố cáo ông nhiều tội”)

 Khi tố cáo Đức Giêsu tự xưng là vua, các Thương tế muốn Philatô hiểu Ngài là một tội phạm chính trị đáng sợ vì chống lại uy quyền Rôma. Dân chúng khi nghe nói tới vua Mesia thì cũng nghĩ tới việc giải phóng đất nước khỏi tay Rôma. Do đó, dù Đức Giêsu thực sự là vua Messia nhưng Ngài trả lời dè dặt rằng: “Chính quan nói lên điều đó” có nghĩa vừa không phủ nhận vừa lưu ý rằng Ngài không tự xưng như vậy.

c 3 – “Nhiều tội”: vì muốn làm nổi bật tội danh ”vua” nên Mc không kẻ rõ những tội khác mà Đức Giêsu bị tố cáo. Nhưng Lc 23,2 có kể vài lời tố cáo khác như xúi dân nổi loạn, ngăn cản người ta nộp thuế, tự xưng là vua Messia. Philatô có vẻ có cảm tình với Đức Giêsu nên kể cho Ngài nghe những lời tố cáo đó, tạo dịp cho Ngài tự biện hộ.

c 5 – Nhưng Đức Giêsu làm thinh, giống như người Tôi Tớ trong Is 53,7.

c 6 – Thói quen tìm một tên tù vào dịp lễ lớn: dù không có bằng chứng nào khác ngoài Thánh Kinh, những thói quen này hợp lý và có lẽ có thật.

c 7 – “Baraba bị bắt cùng với quân phiến loạn can án giết người”: Baraba không phải là một tên cướp thường mà là lãnh tụ một nhóm cách mạng quá khích.

c 8 – “Dân chúng kéo lên”: vì chỗ Philatô xử ở trên cao, còn dân ở dưới thấp.

 – “Xin quan ân xá như thường lệ”: Ban đầu dân chỉ xin Philatô thực hiện việc ân xá như thói quen. Họ chưa thù ghét Đức Giêsu, chỉ sau đó vì bị các Thượng tế xúi giục nên họ mới đòi lên án Ngài.

c 13 – Hình phạt đóng đinh: Đây là cách xử tử xuất phát từ nước Ba Tư, nhưng người Rôma bắt chước. tuy nhiên, không bao giờ áp dụng cho công dân Rôma. Hình phạt này dành cho những tội rất nặng như giết người, cướp của, phản loạn, khủng bố.

c 15 – Đánh đòn: Trước khi bị đóng đinh thì phải chịu đánh đòn, để tội nhân yếu đi và sẽ không quá chống cự khi bị đóng đinh.


1/ Trong đoạn này, Mc vạch ra 2 sự hèn nhát: một là của dân chúng vốn ban đầu không có ý hại Đức Giêsu, nhưng sau đó đã bị các Thượng tế xúi giục mà đòi đóng đinh Ngài; hai là của Philatô ban đầu có cảm tình với Ngài và còn biết rõ Ngài vô tội nhưng sau bị áp lực của dân chúng mà giao Đức Giêsu cho họ.

2/ Mc cũng cố ý nêu rõ trách nhiệm của các Thượng tế trong vụ án này. Chính họ có âm mưu ngay từ đầu và lèo lái vụ án đến tử hình như họ mong muốn.

3/ Đáng chú ý nhất là hình xử Đức Giêsu: Ngài có thể bị xử tử bằng ném đá theo tội danh đã rõ ràng là lộng ngôn (chính miệng Ngài đã “thú nhận”). Vả lại xử ném đá cũng nặng và đau đớn không kém xử đóng đinh. Thế nhưng các Thượng tế đã xúi dân đòi đóng đinh Đức Giêsu. Tai sao?

a) Đóng đinh là dành cho tội nhân chính trị.

b) Nếu Đức Giêsu bị ném đá thì cái chết của Ngài có thể mang ý nghĩa tôn giáo là Ngài đã tử đạo vì bênh vực một quan điểm tôn giáo ngược với quan điểm của giới Thượng tế.

 Như thế là ác tâm của các Thượng tế xảo quyệt đến nỗi còn cướp đi cả ý nghĩa của cái chết Đức Giêsu nữa.

BÀI 89: ĐỨC GIÊSU BỊ XỈ NHỤC (15,16-20)

16Lính điệu Đức Giê-su vào bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại. 17Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. 18Rồi chúng bái chào Người: "Vạn tuế đức vua dân Do-thái! " 19Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. 20Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá. 

------------------

*** Đang lúc người ta lo thành lập đội lính hành hình Đức Giêsu thì các binh lính giải trí bằng cách chế nhạo Đức Giêsu. Đây là cuộc chế nhạo thứ hai. Cuộc thứ nhất là do các tôi tớ trong dinh Thược tế (14,65).

c 16 – “Tất cả cơ binh”: Mỗi cơ binh theo đủ số là 600 người. Nhưng ở đây Mc chỉ nói chung vậy tôi, nghĩa là tất cả các binh lính trong trấn đường, không nhất thiết đủ số 600 người.

cc 17-18 áo choàng đỏ, vương miện và bái chào là những điều thích hợp cho một vị vua. Nhưng binh lính làm những điều đó với ý chế nhạo để hạ gục Đức Giêsu: chiếc áo choàng đỏ thì cũ kỹ lượm được đâu đó, vương miện thì bằng gai và báo chào thì ngạo nghễ. Dù sao Mc cũng vẫn tiếp tục khai thác chủ đề vương quyền của Đức Giêsu: dù người ta chế nhạo nhưng Ngài thực sự là vua Messia.

c 19 – Những cú đánh trên đầu và những sự khạc nhổ làm ứng nghiệm những điều tiên báo về người Tôi Tớ trong Is 50,5-6.

c 20 – Mc làm nổi bật sự tương phản giữa những việc chế nhạo hung dữ ấy với tư cách đường hoàng của vua Messia.

BÀI 90: CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH (15,21-32)

21Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giê-su. 22Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ.

23Chúng trao rượu pha mộc dược cho Người, nhưng Người không uống. 24Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. 25Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba. 26Bản án xử tội Người viết rằng: "Vua người Do-thái". 27Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái. ( 28Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp.)

29Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: "Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, 30có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi! " 31Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. 32Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin." Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.

------------------

c 21 – Vác thập giá: theo quy định thì chính tội nhân tự vác thập giá của mình, ít ra là thanh ngang. Những Đức Giêsu thì quá yếu do những cuộc hỏi cung, đánh đòn và nhục mạ trước đó nên không vác nổi. Binh lính phải tìm một người vác thay Ngài, đó là ông Simon, người xứ Syrênê. Các Kitô hữu giáo đoàn Rôma còn biết tên hai người con của ông là Alexandre và Rufus.

c 22 – Golgotha: Tiếng Aram nghĩa là “cái sọ”. Về ý nghĩa của tên này có người cho là vì nó tượng trưng cho cái sọ của ông Ađam, có người nói nó tượng trưng cho sọ của những người bị hành hình. Nhưng đơn giản nhất là do nó có hình dáng giống cái sọ. Nơi này được chọn làm chỗ hành hình vì nó cao. Người Rôma muốn cho mọi người thấy cảnh xử tử các tội nhân để cảnh cáo họ. Ở nơi hành hình này đã cắm sẵn cột dọc của thập giá. Khi tội nhân vác thanh ngang tới thì chỉ cần cột phạm nhân vào thanh ngang đó rồi kéo lên cột dọc. Hai tay phạm nhân bị gắn chặt vào thanh ngang ấy bằng dây thừng và đinh. Chỉ vài giờ sau là nạn nhân chết do bị nghẹt thở.

c 23 – Rượu nho pha một dược: một loại thức uống có sức giảm đau vì làm tê liệt phần nào hệ thần kinh.

 – “Nhưng Người không uống”: Đức Giêsu không muốn tránh bớt những đau khổ.

c 24 – Chia áo: áo của phạm nhân thuộc quyền của toán lính hành hình. Hung Mc chủ ý tới ý nghĩa tôn giáo của việc này hơn: chúng làm ứng nghiệm Tv 22,19 nói về người công chính bị bách hại.

c 25 – Giờ thứ ba: Nghĩa là 9 giờ ngày nay. Chỉ mình Mc chú ý ghi các giờ của cuộc hành hình.

 – Giờ thứ ba: đóng đinh.

 – Giờ thứ sáu: bóng tối phủ mặt đất (c 33).

 – Giờ thứ chín: Đức Giêsu tắt thở (c 34).

 Nên lưu ý đây cũng là những giờ cầu nguyện trong ngày của người do thái tại Đền thờ, và sau này các Kitô hữu cũng noi theo (Cv 2,46 3,1). Như thế cuộc hành hình Đức Giêsu được Mc coi như một nghi lễ phụng vụ, một lời cầu nguyện tuyệt hảo.

c 26 – Tấm bảng ghi “Vua do thái” là do Philatô bắt viết, với ý mỉa mai, nhưng Mc lại coi có ý nghĩa tượng trưng.

c 27 – Hai tên trộm cướp: đây là những quân đầu trộm đuôi cướp. Người ta đóng đinh Đức Giêsu giữa 2 người như thế để sỉ nhục Ngài, coi Ngài cũng là thuộc hạng đó.

c 29 – “Lắc đầu”: tỏ dấu khinh bỉ, gợi lên Tv 22,8-9.

 – “nhạo báng”: Mc đã dùng chữ hy lạp vừa có nghĩa này, vừa có nghĩa “lộng ngôn”.

c 32 – “Cả 2 tên cùng bị đóng đinh… cùng nhạo cười Ngài”: Đức Giêsu trên thập giá hoàn toàn cô đơn không một người bênh vực.

BÀI 91: ĐỨC GIÊSU TẮT THỞ (15,33-41)

33Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. 34Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: "Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni! " Nghĩa là: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? " 35Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: "Kìa hắn kêu cứu ông Ê-li-a." 36Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: "Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không." 37Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. 38Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. 39Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa."

40Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê Thứ và Giô-xết, cùng bà Sa-lô-mê. 41Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giê-su khi Người còn ở Ga-li-lê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giê-ru-sa-lem, cũng có mặt tại đó.

------------------

c 33 “Cả mặt đất tối tăm”: chi tiết này không mang ý nghĩa lịch sử mà có ý nghĩa tượng trưng. Các ngôn sứ nghĩ rằng vào thời cuối cùng. Thiên Chúa sẽ ra tay can thiệp một cuộc xáo trộn vũ trụ. Bóng tối bao trùm mặt đất ngay giữa ban ngày là điền tiên báo không phải cho sự chết mà là cho ơn cứu độ (Am 8,9-10).

c 34 – Từ đầu vụ hành hình tới nay, Đức Giêsu im lặng nay Ngài thốt lên lời cuối cùng. Những lời này bằng tiếng mẹ đẻ của Đức Giêsu, tức tiếng Aram, được Mc dịch ra hy lạp cho độc giả hiểu. Đó cũng là những lời đầu tiên của Tv 22. Mặc dù Mc chỉ ghi câu đầu, nhưng chắc Đức Giêsu đọc hết cả Thánh vịnh. Thánh vịnh này mở đầu bằng những tiếng than thống thiết của một kẻ vô tội bị bỏ rơi, nhưng kết thúc bằng niềm trông cậy vào Thiên Chúa. Như thế đây không phải là lời thất vọng. Tuy nhiên khi chỉ ghi ra câu đầu tiên, Mc cũng tiếp tục trình bày cảnh cô đơn cùng cực của Đức Giêsu vì bị bỏ rơi: dân chúng bỏ rơi, các môn đệ bỏ rơi và hình như Thiên Chúa cũng bỏ rơi.

c 35 – Phần những người qua đường thì hiểu đây là những lời cầu cứu Êlia đến giải thoát. Truyền thống tin rằng Êlia là một ngôn sứ huyền nhiệm đã được đưa về trời, nhưng sẵn sàng xuống cứu những người đang hấp hối. Nhưng họ mỉa mai lời kêu xin của Đức Giêsu, vì họ nghĩ rằng Êlia sẽ chẳng đến cứu Ngài đâu.

c 36 – “Một người trong bọn lấy bông biển chấm đầy giấmbêu vào cây sậy đưa lên cho Người uống”: Giấm là thứ giải khát. Người này làm bộ muốn kéo dài sự sống của Đức Giêsu để chờ xem Êlia có đến cứu không. Phần Mc thì thấy chi tiết này ứng nghiệm lời Tv 22.

c 37 – Mc mô tả cái chết của Đức Giêsu rất ngắn gọn ”Chúng đóng đinh Ngài vào thập giá” (c 25), “Ngài kêu lên” (c 34) và “thở hơi cuối cùng” (c 37).

c 38 – Nhưng tác động của cái chết này thật to lớn phi thường “màn trong Đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới”. Bức màn này ngăn cách gian cực thánh với bên ngoài. Mỗi năm một lần chỉ có Thượng tế mới được vào trong đó. Nay bức màn đó đã bị xé ra, nghĩa là từ nay không còn sự ngăn cách giữa do thái với dân ngoại nữa, việc thờ phượng không còn dành riêng cho dân do thái nữa.

c 39 – Điều mà bức màn bị xé tượng trưng thì được thể hiện ngay nơi thái độ của viên Đại đội trưởng. Ông là một người ngoại nhưng đã nhận ra và tuyên xưng rằng “Đích thực ông này là con Thiên Chúa”

 Ta nên nhớ Mc ngay từ đầu tác phẩm đã giới thiệu 3 tước hiệu của Đức Giêsu là: Giêsu, Kitô (Messia), Con Thiên Chúa (1,1). Và tác phẩm Mc luôn đặt câu hỏi về Đức Giêsu “Ông này là ai?”. Ban đầu người ta chỉ nhận ra đó là một người thường thôi (tước hiệu Giêsu). Phải chờ tới Phêrô được mặc khải mới khám phá ra Ngài là Đấng Messia (8,29). Đến phút cuối cùng thì một người ngoại mới nhận ra Ngài bằng tước hiệu cao cả nhất, tước hiệu mà chính Chúa Cha đã gọi Ngài trong biến cố thanh tẩy (1,11).

c 40 – Mc đợi đến bây giờ mớí tiết lộ có những phụ nữ bấy lâu nay đi theo giúp việc cho Đức Giêsu là một điều không bao giờ thấy nơi các Rabbi do thái. Lúc Đức Giêsu ở trên thập giá, họ cũng đi theo nhưng phải “đứng nhìn từ xa xa”, có lẽ vì là đàn bà không được đến gần. ọ đã trung thành đi theo Ngài trong khi các môn đệ Ngài thì chạy trốn. Họ đã chứng kiến tất cả những giây phút quan trọng như lúc Ngài chết (ở đây), lúc táng xác (15,17t) và lúc Ngài sống lại (16,1t), như thế họ là những chứng nhân đáng tin nhất.

BÀI 92: TÁNG XÁC (15,42-47)

42Chiều đến, vì hôm ấy là ngày áp lễ, tức là hôm trước ngày sa-bát, 43nên ông Giô-xếp tới. Ông là người thành A-ri-ma-thê, thành viên có thế giá của hội đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa. Ông đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. 44Nghe nói Người đã chết, ông Phi-la-tô lấy làm ngạc nhiên, và cho đòi viên đại đội trưởng đến, hỏi xem Người đã chết lâu chưa. 45Sau khi nghe viên sĩ quan cho biết sự việc, tổng trấn đã cho ông Giô-xếp lãnh lấy thi hài. 46Ông này mua một tấm vải gai, hạ xác Đức Giê-su xuống, lấy tấm vải ấy liệm Người lại, đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mộ. 47Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và bà Ma-ri-a mẹ ông Giô-xết, thì để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người. 

------------------

*** Trong đoạn này, Mc trình bày 2 điểm: Đức Giêsu đã chết thực sự và việc an táng vội vã.

c 42 – Lúc đó trời đã về chiều và lại áp ngày Sabbát, ngày không được phép làm việc nặng, nhất là không được động đến xác chết: một chi tiết vôi vã.

c 43 – Giuse thành Arimathia: ông là thành viên của Công nghị. Ngoài ra, Mc còn trình bày ông là một người có cảm tình với Đức Giêsu (trong khi Mt 27,57 và Ga 19,38 còn cho biết thêm ông là một môn đệ của Ngài. Việc ông bất chấp nguy hiểm mà “đánh bạo vào dinh Philatô để xin xác Đức Giêsu” là chi tiết chứng tỏ Đức Giêsu đã chết thật. Người Rôma không quan tâm đến việc chôn xác các tử tội. Còn luêtj do thái thì dạy phải chôn xác tội nhân trước khi mặt trời lặn (Đnl 21,22-23).

c 44 – Philatô hỏi lại xem Người đã chết lâu chưa: chi tiết thứ hai chứng tỏ Đức Giêsu chết thật.

c 46 – Việc an táng cũng vội vã: chỉ có một tấm khăn quấn xác, không kịp xức thuốc thơm.

c 47 – Mc chú ý ghi nhận sự hiện diện và thái độ của 2 phụ nữ. Họ “nhìn kỹ” nơi đã táng xác Ngài. Họ có chứng cớ rõ rang để sau này làm chứng.

BÀI 93: NGÔI MỘ TRỐNG (16,1-8)

1Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. 2Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.

3Các bà bảo nhau: "Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây? " 4Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. 5Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. 6Nhưng người thanh niên liền nói: "Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! 7Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông." 8Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.

------------------

c 1 – “Hết ngày sabbát”: nhịp sống trở lại bình thường. Nhưng có lẽ Mc còn ngụ ý là đã kết thúc thời kỳ của luật do thái.

 – Thời điểm đánh dấu hết ngày hưu lễ là chiều thứ Bảy, lúc ngôi sao đầu tiên xuất hiện trên bầu trời. Khi đó các cửa tiệm mở cửa trở lại và người ta đi mua sắm. Còn nhớ là việc táng xác Đức Giêsu phải thực hiện vội vã nên chưa kịp xức thuốc thơm. Vậy vừa kết thúc thời gian hưu lễ là các phụ nữ liền đi mua thuốc thơm để bổ sung việc thiếu sót đó.

 – “Xức xác”: đây không phải là ướp xác theo kiểu Ai cập, mà chỉ là xức thuốc thơm cho xác mà thôi.

c 2 * Mc dùng những chữ có ý nghĩa rất xúc tích để cho thấy một kỷ nguyên mới đã bắt đầu.

 – “Sáng sớm”: của Phục sinh đối chọi với “Tối tăm” lúc Đức Giêsu tắt thở (15,33-34).

 – “Sáng sớm” này cũng gợi nhớ tới buổi sáng sớm của việc Tạo dựng. (St 1,3-5).

 – “Ngày thứ nhất trong tuần”: khởi đầu một kỷ nguyên mới.

 – “Mặt trời mọc lên”

c 4 “Tảng đá đã được lăn ra”: động từ ở thể thụ động, ngụ ý tác nhân là Thiên Chúa.

c 5 – Câu này cũng thật nhiều ý nghĩa:

 – “Người thanh niên”: ta hãy nhớ lại người thanh niên, trong lúc quân lính đến bắt Đức Giêsu, đã thoát chạy để lại tấm khăn (hình ảnh Đức Giêsu) thoát khỏi tay những kẻ thù muốn giết Ngài. (14,51-52).

 – “Ngồi bên phải”: chỗ danh dự mà các Kitô hữu dành cho Đức Giêsu Kitô Phục sinh bên cạnh Chúa Cha (16,19b).

 – “Mặc áo dài trắng toát”: giống lúc Đức Giêsu biến hình (9,3).

 Những chi tiết đó khiến ta có thể hiểu đây chính là Đức Giêsu Phục sinh đang hiện ra cho các bà. Nhưng Mc không nói rõ ra như thế, ông dùng một hình ảnh (trong Mt 28,2-3 Lc 24,4 và Ga 20,12 thì có tới 2 người thanh niên. Nhưng ý nghĩa cũng là một hình ảnh của Đức Giêsu Phục sinh).

 Chính vì thế các bà mới “hoảng sợ”. Hoảng sợ là tiếng Thánh Kinh dùng để mô tả tâm trạng con người đứng trước Thiên Chúa

c 6 – “Giêsu Nadarét”: người thanh niên dùng danh hiệu này để cho thấy Đấng phục sinh cũng là một với Đấng đã sống với các bà và môn đệ trước đây.

c 7 – “Nhất là Phêrô”: Các cộng đoàn Kitô luôn dành một quan tâm đặc biệt cho việc Đức Giêsu hiện ra với Phêrô (1Cr 15,5; Lc 24,34).

 – “Ngài đi trước các ông đến xứ Galilê”: Galilê là miền đất có nhiều người ngoại, là nơi Đức Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Nay Đức Giêsu Phục sinh đi trước dẫn đường các môn đệ đến Galilê nghĩa là Ngài kêu mời họ khởi sự hoạt động truyền giáo mới.

c 8 – Các bà “rụng rời kinh khiếp”: phản ứng của con người trước sự hiện diện của Thiên Chúa (dân chúng 2,12; các môn đệ trước các phép lạ 5,42 6,50). Sự việc Đức Giêsu đã chết mà nay sống lại còn cho thấy quyền phép Thiên Chúa mạnh mẽ hơn nhiều, do đó rụng rời kinh khiếp là phải.

 – “Không nói gì với ai”: các bà vừa được giao sứ mạng loan tin mừng phục sinh cho các môn đệ, nhất là cho Phêrô, nhưng bây giờ lại “không nói gì với ai”. Tại sao?. Nên lưu ý rằng Mc thường ghi nhận sự im lặng của nhiều người trước những mặc khải đặc biệt của Đức Giêsu (9,32). Ở đây các bà im lặng vì quá đột ngột sững sờ trước sự kiện quá bất ngờ. Nhưng sau đó bình tĩnh lại, các bà lại chu toàn sứ mạng được giao (Mt 28,8; Lc 24,9; Ga 20,2-18).

* Đến đây tác phẩm của Mc kết thúc đột ngột. Những câu sau (9-20) là do người khác thêm vào sau này.

c 19 – Sau đó Đức Giêsu lên trời. Đây là một kiểu diễn tả ngụ ý rằng Đức Giêsu đã trở lại tình trạng vinh quang trước khi Ngài nhập thể và Ngài hoàn toàn thực sự là Đấng Messia “ngự bên phải ngai tòa Thiên Chúa”.

c 20 – Câu cuối cùng cho thấy các môn đệ đã làm theo lệnh Đức Giêsu: họ hăng hái đem Tin Mừng rao giảng khắp nơi, với sự trợ giúp của Đức Giêsu.