Chú Giải Tin Mừng Marcô

5: VÀO THÀNH & GIẢNG DẠY

Lm Carôlô Hồ Bạc Xái

GIAI ĐOẠN 5: ĐẤNG MESSIA VÀO THÀNH GIÊRUSALEM VÀ GIẢNG DẠY TRONG ĐỀN THỜ (11,1 – 13,37)

BÀI 62: ĐẤNG MESSIA VÀO THÀNH GIÊRUSALEM (11,1-11)

1Khi Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ 2và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây. 3Nếu có ai bảo: "Tại sao các anh làm như vậy? ", thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay." 4Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra. 5Mấy người đứng đó nói với các ông: "Các anh cởi con lừa ra làm gì vậy? " 6Hai ông trả lời như Đức Giê-su đã dặn. Và họ để mặc các ông. 7Hai ông đem con lừa về cho Đức Giê-su, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giê-su cỡi lên. 8Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. 9Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! 10Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời! " 11Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai. 

------------------

c 1 * Sau một cuộc hành trình dài, nay Đức Giêsu đã đến Giêrusalem mục tiêu của cuộc hành trình ấy. Do đó chuyện này có tầm quan trọng đặc biệt, ta chỉ có thể hiểu hết ý nghĩa của nó nếu liên kết với những chi tiết Cựu Ước mà Mc kín đáo lồng vào bài tường thuật.

 – Đức Giêsu đi từ thành Giêricô (10,46) và tiến gần Giêrusalem theo hướng Đông, do đó Ngài ngang qua Betphagê và Bêtani ngay bên núi Cây Dầu. Vào thời Đức Giêsu có một truyền thuyết rằng chính Thiên Chúa và Đấng Messia của Ngài sẽ theo lộ trình này để đến phán xét dân Ngài. “Trong ngày ấy, chân Ngài sẽ đặt lên núi Cây Dầu đối diện với Giêrusalem về phía Tây” (Gcr 14,4)

c 2 – Đức Giêsu muốn cho cuộc vào thành có tầm quan trọng nên đứng ra thu xếp mọi chi tiết, trước hết là sai 2 môn đệ vào thành để tìm một con lừa tơ. Chi tiết này cũng giống việc chuẩn bị Bữa Tiệc Ly (14,12-16). Trong cả 2 trường hợp, Đức Giêsu muốn thu xếp mọi chi tiết theo ý Ngài, vì đó là những việc quan trọng có tính cách thần thiêng.

  “con bò tơ chưa ai cỡi bao giờ”:

a) con vật phải tinh tuyền chưa bị ai cỡi lên phàm tục hóa nó.

b) Lừa là gia súc quen thuộc giúp người ta làm việc.

c) Trong Thánh Kinh nó còn là vật cỡi của các vua Israel (IV32-35).

d) Khi chọn vật cỡi là con lừa, Đức Giêsu thực hiện lời tiên tri Giacaria 9,9-10 “Hỡi thiếu nữ Giêrusalem hãy reo vui! Đây vua người đến với ngươi: Ngài công chính và vinh thắng, khiêm nhường cỡi trên lừa con. Ngài sẽ dẹp chiến xa khỏi Ephraim và xe trận khỏi Giêrusalem. Ngài sẽ bẻ gãy cung tên và sẽ công bố hòa bình cho các dân”.

c 3 – “Chúa”: Mc chỉ dùng tước hiệu này cho Đức Giêsu có vài lần (những lần kia là 7,28 vf 12,36-37) vì ông dành tước hiệu này cho Đức Giêsu phục sinh.

c 7t – Những chi tiết của cc 7-10 giống với lễ nghi đăng quang của một vị vua:

* Các môn đệ dùng áo trải lên lưng lừa.

* Đức Giêsu ngồi lên.

* Dân chúng trải áo lót đường (trường hợp của Giêhu trong 2V 9,12-13).

* Mọi người vừa rước Ngài vào thành vừa vẫy cành lá tung hô (Lv 23,39-40).

* Vẫy cành lá: giống như trong Lễ Lều.

* Hôsana: nguyên ngữ hy bá lai có nghĩa là “hãy cứu chúng tôi”, nhưng dần dà nó biến thành

“hoan hô”.

* Đức Giêsu còn được gọi là “Đấng đến” (celui qui vient) theo Tv 118,2 nói về Đấng Messia.

* Lại còn tước hiệu “Con vua Đavít” cũng mang ý nghĩa Messia (2Sm 7,12-16).

* Và lời tung hô sau cùng “Ngàn vạn tuế trên cõi thiên đình” ý nghĩa chẳng khác gì “Hoan hô Thiên Chúa”.

c 11 – “Ngài vào trong Đền Thờ”: cuối cùng Đức Giêsu đã đến được nơi Ngài muốn đến.

 – “Ngài đưa mắt nhìn chung quanh”: Mc thường ghi nhận những ánh mắt của Đức Giêsu. Lần này ánh mắt có tính cách của một chủ nhân quan sát nhà mình.

 – “Khi giờ đã muộn, Ngài rời thành và đến làng Bêtani”: chữ Bêtani có nghĩa là “nhà của người nghèo”. Đức Giêsu về đấy để nhắc cho người ta nhớ rằng tuy Ngài vừa tỏ ra là một vị vua, những là một vị vua nghèo hèn, khiêm tốn.

BÀI 63: RỦA CÂY VẢ (11,12-14)

12Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giê-su cảm thấy đói. 13Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. 14Người lên tiếng bảo cây vả: "Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa! " Các môn đệ đã nghe Người nói thế. 

------------------

Câu chuyện này thật kỳ lạ: Tại sao Đức Giêsu làm một chuyện phi lý là đi tìm trái vả vào lúc không phải là mùa trái (c.13b), rồi tìm không thấy trái thì rủa cho nó chết! Phải chăng Đức Giêsu là người hay nóng giận vô lý, một người có nết ăn xấu, một người có cơn…?


 – Chìa khóa quan trọng nhất giúp hiểu chuyện này là: Đức Giêsu đang làm một hành động tiên tri có ý nghĩa biểu tượng.

 – Muốn hiểu ý nghĩa biểu tượng này, phải lưu ý tới:

a/ Văn mạch:

 – Văn mạch trước: Đức Giêsu vào Đền Thờ và “đảo mắt nhìn chung quanh” (c 11) nhưng chẳng gặp thấy những điều Ngài muốn tìm.

 – Văn mạch sau: Đức Giêsu đánh đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ (cc 15-19). Chuyện rủa cây và báo trước cho việc này.

b/ Bối cảnh Cựu Ước:

 Cây xanh là hình ảnh quen thuộc trong Cựu Ước tượng trưng cho Israel (thí dụ Is 5,1-7).


– Trong cuộc hành trình “lên Giêrusalem”, cuối cùng Người đã đến Đền Thờ, nhà của Ngài. Ngài “rảo mắt nhìn” nhưng đã phải thất vọng.

– Ngài sẽ làm một hành động để làm sang tỏ trách nhiệm của những kẻ được trao nhiệm vụ coi sóc Đền Thờ, tức là đánh đuổi những kẻ buôn bán trong đó.

 – Trước khil àm hành động quyết liệt ấy, Ngài chọn cây vả để thực hiện một hành động tiên tri. Qua hình ảnh cây vả, Ngài nhìn thấy chính dân Israel. Ngày xưa Isaia (Is 5,1-7) cũng từng coi Israel như một vườn nho được Thiên Chúa chăm sóc kỹ lưỡng để mong nó có trái. Nhưng nó đã chẳng sinh trái nên cuối cùng Thiên Chúa đã cho nó bị tàn phá. Israel ngày nay cũng vậy.

 – “Đức Giêsu đói”: đây không phải là cái đói vật chất mà là cơn đói tinh thần, đói những việc lành của dân Israel.

 – Như vậy, Đức Giêsu rủa cây vả nhưng thực ra là rủa dân Israel. Và Ngài làm hành động tiên tri này cốt ý cho các môn đệ nghe thấy. Do đó Mc ghi nhận rằng “Các môn đệ nghe rõ như vậy” (c 14b). Lúc đó họ chỉ nghe vậy nhưng chưa hiểu. Sau này khi Đức Giêsu đánh đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ thì họ sẽ hiểu.

BÀI 64: ĐUỔI NHỮNG NGƯỜI BUÔN BÁN TRONG ĐỀN THỜ (11,15-19)

15Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. 16Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ. 17Người giảng dạy và nói với họ: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! " 18Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. 19Chiều đến, Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi thành. 

------------------

a/ cc 1516: Hành động của Đức Giêsu

 – “Đức Giêsu vào Đền Thờ”: chỉ vào tới tiền đình Đền Thờ thôi. Đền thờ Giêrusalem được kiến trúc với nhiều sự ngăn cách: gian cực thánh chỉ cho Thượng Tế vào mỗi năm một lần, gian thánh cho các tư tế, tiền đình dành cho nam tín hữu do thái, tiền đình dành cho nữ tín hữu do thái và tiền đình dành cho người ngoại. Đặc biệt người ngoại không bao giờ được phép vượt qua ranh giới dành cho họ. Cuộc khai quật năm 1935 đã tìm thấy một bảng ghi bằng chữ hy lạp và la tinh rằng: “Cấm không cho người ngoại quốc nào vào phần trong bao quanh đền thánh. Ai vi phạm sẽ bị chết”.

 – “Những người buôn bán bên trong”: tức là trong tiền đình dân ngoại. Việc buôn bán này cũng cần thiết vì phục vụ cho các lễ nghi: buôn bán các con vật làm lễ tế. Và khi muốn mua những lễ vật đó thì phải mua bằng tiền do Đền thờ phát hành chứ không bằng tiền khác vốn bị coi là ô uế. Mà khách lên Đền thờ thì khắp nơi, xài đủ loại tiền khác nhau.

 – Đức Giêsu đã đuổi chẳng những người bán mà cả người mua, lật đổ bàn ghế của họ.

 – Ngài còn “không để cho ai mang vật gì đi tắt ngang qua Đền thờ”. Tiền đình dân ngoại là lối đi tắt gần nhất tới núi Cây Dầu, cho nên nhiều người hay dùng lối tắt này.

b/ Giải nghĩa hành động ấy (c 17)

 – Chính Đức Giêsu đưa ra lời giải nghĩa bằng cách trích Is 56,1-8 nói rằng Thiên Chúa muốn cho nhà của Ngài thánh nơi cầu nguyện “cho hết mọi dân” (chú ý chỉ Mc ghi đủ những lời trong ngoặc này).

 – Như thế Đức Giêsu “dẹp loạn” trong Đền thờ không phải chỉ vì nó quá lộn xộn, nhưng vì người do thái đã biến nhà Thiên Chúa thành một nơi dành riêng cho họ và ngăn cản các dân vào đấy. Đức Giêsu chống lại việc kỳ thị ấy và muốn cho việc phụng thờ Thiên Chúa có tính phổ quát.

 – Tiếp đến Ngài cũng trích dẫn Gr 7,1-11 theo đó dân Israel sống một cuộc sống như trộm cướp với biết bao tội bất công bóc lột nhau, thế nhưng họ tưởng là việc họ siêng năng thực hiện các nghi lễ ở Đền thờ đủ bảo đảm cho ơn cứu độ của họ. Như thế, điểm thứ hai mà Đức Giêsu muốn phá bỏ là thứ đạo vụ hình thức và lễ nghi của dân do thái.

 – Trong chiều hướng đó, việc Đức Giêsu “không cho ai tự tiện mang vật gì đi tắt ngang qua Đền thờ” cũng không đơn giản là Ngài muốn giữ sự trang nghiêm cho Đền thờ, mà còn chống lại tất cả những việc chuyển các “đồ vật” thờ phượng, tức là Ngài chống lại chính việc thờ phượng theo cách của người do thái thời đó. Nói rõ hơn, Ngài muốn chấm dứt phượng tự do thái.

c/ Phản ứng (cc 18-19)

 – Phản ứng của đối thủ: lần đầu tiên Mc ghi nhận là các thượng tế và hàng thông giáo bắt tay nhau cùng chống Đức Giêsu.

 * “Các thượng tế”: thực ra chỉ có một thượng tế mà thôi. Kiểu nói số nhiều này có nghĩa là các tư tế thuộc các đại gia đình tư tế mà từ đó người ta chọn ra vị thượng tế.

 * “Họ tìm cách giết Ngài”: bởi vì họ hiểu được ý nghĩa của hành động của Ngài: không chỉ dẹp một cảnh hỗn độn mà còn muốn hủy bỏ phượng tự Đền thờ nữa. Họ coi đây là tội phạm thánh. đáng tội chết.

 – Phản ứng của Đức Giêsu: “chiều đến Đức Giêsu đi ra khỏi thành” để tránh một nơi nguy hiểm. Có lẽ Ngài về trọ ở Bêtania.


 Đức Giêsu đã can đảm tiến thêm một bước nữa. Từ nay cái chết luôn chực chờ Ngài.

BÀI 65: CÂY VẢ HÉO KHÔ (11,20-25)

20Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ. 21Ông Phê-rô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su: "Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi! " 22Đức Giê-su nói với các ông: "Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. 23Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: ÀDời chỗ đi, nhào xuống biển! , mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. 24Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. 25Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em.  

------------------

Đoạn này không được mạch lạc lằm về thứ tự luận lý của những ý tưởng, bởi vì thực ra nó gồm nhiều câu nói của Đức Giêsu trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, được Mc gom lại theo cách “nhớ bắt quàng” do các từ móc nối.

 – Khởi sự từ chuyện cây vả bị héo khô do lời nguyền rủa trước đó của Đức Giêsu.

 – Từ đó Mc thuật sang lời người nói về hiệu năng của Lời Chúa.

 – Rồi bắt quàng sang hiệu năng của Đức Tin có thể chuyển núi dời non.

 – Tiếp tục bắt quàng sang việc kêu xin và lời cầu nguyện.

 – Và khi nói tới việc cầu nguyện, Mc liên tưởng tới Kinh Lạy Cha (mà ông không ghi lại) nên chép trong lời khuyên chót của Đức Giêsu khi dạy Kinh Lạy Cha: lời khuyên tha thứ.

* (Trong tiếng pháp, những từ móc nối là Foi-Croire (cc 22-24) và prière-prier (cc 24-25).

 Dù đoạn Tin Mừng này không mạch lạc rõ rang, nhưng ta cũng có thể khám phá được một sự mạch lạc trong ý tưởng (do sự suy gãm của Mc).


c 20 – Cây vả là hình ảnh của Đền thờ xưa (xem 2 bài trước) và phụng tự do thái, trong đó Đức Giêsu đã nhận thấy chúng khô cằn nên Ngài muốn hủy bỏ để tạo một Đền thờ và một phụng tự mới.

c 23 – Người ta thường nói về sức mạnh của đức tin bằng một thành ngữ “chuyển núi dời non”. Trước hết là sức mạnh đức tin của Đức Giêsu: đối với Ngài, mọi sự đều có thể được cho dù là làm cho cây vả khô héo, phá hủy phụng tự khô cằn của Đền thờ hay chuyển dịch núi non.

c 24 – Về lời cầu nguyện: bởi vì phụng tự Đền thờ Giêrusalem đã khô cằn nên cần thay thế nó bằng sự cầu nguyện một cách tin tưởng.

c 25 – Về sự tha thứ: Tin Mừng không ghi lời Kinh Lạy Cha. Nhân dịp này Mc ghi lại một lời Đức Giêsu dạy trong đó về sự tha thứ.

BÀI 66: CHẤT VẤN VỀ QUYÊN CỦA ĐỨC GIÊSU (11,27-33)

27Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Người đang đi trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: 28"Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy? " 29Đức Giê-su đáp: "Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 30Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi! " 31Họ bàn với nhau: "Nếu mình nói: "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy? 32Nhưng chẳng lẽ mình nói: "Do người ta"? " Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. 33Họ mới trả lời Đức Giê-su: "Chúng tôi không biết." Đức Giê-su liền bảo họ: "Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy." 

------------------

c 27 – “Các Ngài lại vào thành Giêrusalem”: Đây là lần thứ 3 Đức Giêsu vào thành Giêrusalem và vào sân Đền thờ (11,11.15). Ngài đã dùng chỗ này làm nơi rao giảng (11,17). Và cũng tại đây Ngài gặp những người chống đối đến chất vấn Ngài. Những cuộc chất vấn này mang tính cách những cuộc thẩm vấn bị cáo trước khi đưa ra tòa xét xử. Những hành động của Đức Giêsu, cách riêng là việc thanh tẩy Đền thờ đã khiến vụ án của Ngài đến nhanh hơn.

 – Những người đến chất vấn là 3 nhóm họp lại: thượng tế, thông giáo, kỳ lão. “Kỳ lão” không nhất thiết là những người già mà là những người đứng đầu các gia tộc, họ rất được kính trọng.

 – Đề tài chất vấn sẽ lần lượt là: quyền của Đức Giêsu (11,27-33), vấn đề nộp thuế cho Xêsa (12,13-17), vấn đề kẻ chết sống lại (12,18-27), ở đay là cuộc chất vấn thứ nhất.

c 28 – “láy quyền ở đâu mà làm như thế?”:

Theo Mt 21,23 thì các đối thủ hỏi về quyền giảng dạy, bởi vì họ tự cho họ nắm độc quyền giảng dạy, họ nghĩ việc Đức Giêsu giảng dạy trong Đên thờ là bất hợp pháp.

Theo Lc 20,10 thì họ chất vấn về việc Đức Giêsu loan Tin Mừng, nghĩa là cũng tương tự như trong Mt.

Còn nếu dựa vào văn mạnh gần của Mc thì họ chất vấn về việc Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ.

Thực ra 3 quyển Tin Mừng bổ xung cho nhau: vì Đức Giêsu rao giảng và thanh tẩy Đền thờ nên các đổi thủ cho rằng Ngài đã lấn quyền họ nên tố chất vấn.

c 29t  Đức Giêsu thấy chẳng cần trả lời cho họ nên Ngài vặn lại bằng một câu hỏi lắt léo: việc Gioan thanh tẩy là do quyền ở trên hay bởi người ta?. “Bởi trên” là một cách nói quanh thay vì nói thẳng là “Bởi Thiên Chúa”.

 – Câu hỏi xủa Đức Giêsu khiến họ bối rối: nên đáp là bởi trên thì sẽ bị vặn thêm “Vậy tại sao các ông không tin Gioan?”. Đáp như thế cũng là thừa nhận Thiên Chúa cũng ban quyền giảng dạy cho một người ngoài khung khổ của họ (Gioan không phải là thượng tế, thông giáo và kỳ lão), thế thì Thiên Chúa cũng có thể ban quyền cho Đức Giêsu (huống hồ Ngài còn là Messia) và như thế sự dành độc quyền và sư ganh tị của họ không có cơ sở vững chắc.

 – Còn nếu đáp là bởi loài người ta thì dân sẽ phản đối họ.

 – Vì thế họ tránh né trả lời bằng câu “Chúng tôi không biết”. Và Đức Giêsu cũng không thèm trả lời cho câu hỏi của họ.

BÀI 67: DỤ NGÔN NHỮNG NGƯỜI HỢ LÀM VƯỜN NHO SÁT NHÂN (12,1-12)

1Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: "Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 2Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. 3Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. 4Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. 5Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. 6Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: "Chúng sẽ nể con ta." 7Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta." 8Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. 9Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. 10Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 11Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!

12Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi.

------------------

 Đức Giêsu đã mượn dụ ngôn vườn nho của Isaia, sau khi thất vọng về vườn nho, ông chủ đã tàn phá nó; còn trong dụ ngôn của Đức Giêsu, ông chủ không tàn phá nhưng trao nó cho người khác.

 Ý tưởng so sánh ông chủ trong cả hai dụ ngôn đều rõ: đó là hình ảnh của Thiên Chúa.

 – Nhưng vướn nho là so sánh với ai? Trong dụ ngôn của Isaia, đó rõ ràng là hình ảnh của dân Israel. Nhưng ta không thể hiểu như vậy được đối với dụ ngôn của Đức Giêsu, vì thật là phi lý nếu Thiên Chúa đem dân Israel mong họ sẽ làm sinh hoa lợi, nhưng vì họ đã không làm nên Thiên Chúa trao Nước rời cho “người khác” là GH.


c 1 – Việc kê khai những việc làm của ông chủ (trồng, rào giậu, đào bồn ép nho, xây tháp canh) nhằm cho thấy ông quý mến vườn nho của ông như thế nào. Kê khai tỉ mỉ như vậy để làm nổi bật sự tương phản nơi thái độ của những người thợ không chịu nộp hoa lợi từ một công trình được chủ quý mến như vậy.

cc 2-5 Việc làm của đám thợ ngày càng quá đáng và trầm trọng: đập đánh rồi đuổi về, đánh u đầu, làm cho nhục nhã, giết đi).

c 6 – Bọn tá điền giết con trai yêu dấu của chủ không chút ngần ngại và đầy đủ ý thức. Không phải chúng giết lầm người, vì vừa thấy cậu đến thì họ biết ngay đó là đứa con thừa tự của ông chủ. Như thế tội của chúng càng nặng hơn.

c 8 – “Quăng ra bên ngoài vườn nho”: ám chỉ việc Đức Giêsu bị giết ngoài thành Giêrusalem.

c 9 – “Trao cho người khác”: Nước Trời không còn trao độc quyền cho dân Israel nữa mà trao cho GH.

c 10 – “Đã trở thành viên đá góc tường”: Động từ trong nguyên bản có nghĩa là “đã được làm thành”, nghĩa là thể thụ động, hiểu ngầm túc từ tác động là Thiên Chúa: Chính Thiên Chúa làm cho Đức Giêsu trở thành Đá góc.

BÀI 68: THUẾ NỘP CHO XÊSA (12,13-17)

13Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. 14Những người này đến và nói: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp? " 15Nhưng Đức Giê-su biết họ giả hình, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem! " 16Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh hiệu này là của ai đây? " Họ đáp: "Của Xê-da." 17Đức Giê-su bảo họ: "Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Và họ hết sức ngạc nhiên về Người. 

------------------

c 13 – Những đối thủ lần này của Người là hai phái thường ngày đối nghịch nhau nhưng nay bắt tay nhau để hại kẻ thù chung là Đức Giêsu. Hai phái ấy là biệt phái và nhóm Hêrôđê.

 – Biệt phái vốn chống chính quyền Rôma và khinh ghét những người hợp tác với Rôma.

 – Nhóm Hêrôđê trái lại cầu thân với Rôma để củng cố đặc quyền đặc lợi của họ.

c 14 – Trước khi thò cái đuôi chứa đầy nọc độc ra, họ khởi sự bằng những lời tâng bốc Đức Giêsu: là Thầy hay nói thật, không chịu cho ai ảnh hưởng, không thích thiên vị người nào, chân thành giảng dạy lời Thiên Chúa. Nhưng đặc biệt nhất họ gọi Ngài là Thưa Thầy, nguyên bản là Rabbi, một tước vị mà chỉ có một số ít người làu thông Thánh Kinh mới được gọi mà thôi.

 – Tiếp đó họ mới thò cái đuôi đầy nọc độc ra “Có nên nộp thuế cho Xêsa không?”. Đây là một cái bẫy nguy hiểm vì nếu Đức Giêsu trả lời nên hay không đều bị kẹt hết; nếu Ngài nói nên nộp thuế cho Rôma thì sẽ bị nhóm biệt phái lên án phản quốc; nếu Ngài nói không nên thì nhóm Hêrôđê sẽ tố cáo Ngài phản động chống Rôma.

c 15 – Đức Giêsu không bị những lời tâng bốc làm mờ mắt khiến không nhận ra nọc độc trong cái bẫy họ giăng ra. Ngài vạch mặt họ liền: “Thử Ta làm chi?”. Rồi Ngài chưa vội trả lời nhưng bảo họ đưa cho Ngài xem đồng tiền. Dĩ nhiên đây là đồng tiền để nộp thuế. Ta nên biết rằng người do thái phải nộp thuế cho 2 phía: thuế nộp cho Đền thờ thì phải bằng đồng tiền do Đền thờ phát hành; còn thuế nộp cho Rôma thì phải bằng đồng tiền do Rôma phát hành, gồm một mặt in hình hoàng đế tại vị và một mặt in hằn chữ hiệu của hoàng đế. Khi Đức Giêsu hỏi thì đương nhiên họ phải đưa ra đồng tiền Rôma này.

c 16 – Và khi Ngài hỏi “Hình và chữ này của ai?” họ cũng nhìn nhận như thế.

c 17 – “Của Xêsa thì trả cho Xêsa”: Nguyên việc họ đang xử dụng đồng tiền Rôma cũng đủ cho thấy một cách nào đó họ tùng phục quyền bính Rôma. Câu nói của Đức Giêsu có nghĩa là họ đã đặt cho Ngài một thắc mắc vô ích và giả hình nữa. Ngài không thèm đi sâu vào vấn đề đó vì coi nó là không cần thiết.

 – “Của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa”: Nhưng Đức Giêsu nhắc họ phải lưu ý tới một điều quan trọng hơn mà họ đã bỏ quên: đó là phải lo những bổn phận đối với Thiên Chúa. Đừng vì bận tâm chính trị hay vì lòng thù ghét đối với Ngài mà bỏ quên điều quan trọng này.

 – Như thế Đức Giêsu vừa không mắc bẫy mà vừa dạy lại cho các đối thủ của Ngài một bài học đích đáng. Chính vì thế mà họ “ngạc nhiên sửng sốt”.

BÀI 69: VẤN ĐỀ KẺ CHẾT SỐNG LẠI (12,18-27)

18Có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người: 19"Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng: "Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình." 20Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng. 21Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. 22Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. 23Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ."

24Đức Giê-su nói: "Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? 25Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. 26Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. 27Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to! "

------------------

c 18 – Bè Sađốc nói rằng kẻ chết không sống lại:

Thời Đức Giêsu trong xã hội do thái có những hệ phái sau: biệt phái, sađốc, essêni và đảng gọi là “cuồng nhiệt”. Phái Sađốc gồm những tư tế thuộc dòng tộc tư tế Sađốc. Họ chỉ nhìn nhận 5 quyển của bộ Ngũ thư là Sách Thánh. Và bởi vì mặc khải của Thiên Chúa trong ngũ thư chưa nói về vấn đề kẻ chết sống lại (là điều sẽ chỉ được nói trong sách Đaniên12,2-3), cho nên phái này không nhìn nhận kẻ chết sống lại. Phần Đức Giêsu dạy kẻ chết sống lại (Cv 23,8).

cc 19-23 – Muốn tấn công Đức Giêsu, phái Sađốc đưa ra một ví dụ tầm thường để chế giễu niềm tin vào việc sống lại. Họ dựa vào luật Lêvirat (Lv 25,5) để giả sử trường hợp của 7 anh em sử dụng luật này để cùng cưới một phụ nữ làm vợ. Vậy nếu có việc kẻ chết sống lại thì hoàn cảnh sẽ rất lố bịch: nàng sẽ là vợ của ai đây.

cc 2427 Thực ra lập luận trên hoàn toàn sai vò lấy chuyện đời này để giải thích chuyện đời sau. Việc vợ chồng là việc đời này: vì đời này cần sinh con để cái để lưu truyền nòi giống nên mới cần có vợ có chồng. Còn đời sau không cần lưu truyền nòi giống nên không cần cuộc sống vợ chồng.

  “Sẽ như thiên sứ”: thiên sứ là kẻ không lo việc gì khác ngoài việc phụng thờ Thiên Chúa. Trong cõi đời sau người ta cũng thế.


BÀI 70: ĐIỂU RĂN QUAN TRỌNG NHẤT (12,28-34)

28Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? " 29Đức Giê-su trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." 32Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ." 34Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! " Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa. 

------------------

c 28 – Đối thủ lần này của Đức Giêsu là một người trong nhóm thông giáo. Theo nhóm này, mọi khoản luật đều quan trọng như nhau. Sách vở của họ ghi lại một số câu như sau:

 “Ai vi phạm tất cả các giới răn tức là quẳng bỏ cái ách, bẻ gãy Giao ước và lộ mặt chống luật của mình ra: cũng thế, ai vi phạm chỉ một giới răn thôi cũng là quẳng ách, bẻ Giao ước và lộ ra bộ mặt chống luật” (Tài liệu Mekhilta chú giải Xh 6).

 – “Ngươi hãy xem giới răn nhẹ cũng quí như giới răn trọng” (Tài liệu Sifré chú giải Đnl 12,28).

 Bởi thế câu hỏi của người thông luật này “trong các điều răn điều nào quan trọng nhất” thực là một câu hỏi lắt léo.

cc 29-31 – Câu trả lời của Đức Giêsu có những điểm độc đáo:

 a/ Ngài đã tách ra được 2 điều răn quan trọng hơn các điều kia, đó là mến Chúa và yêu người.

 b/ Ngài đã liên kết 2 điều đó lại: Thực ra 2 điều này có sẵn trong Cựu Ước, chúng nằm rất cách xa nhau: Điều răn mến Chúa nằm ở Lv 19,18; còn điều răn yêu người nằm ở Đnl 4,35.

cc 32-33 – Những lời của người thông giáo chỉ là lập lại những ý tưởng mà Đức Giêsu vừa nói với anh trước đó. Điều này chứng tỏ anh đã khâm phục Người (chứ không phải chỉ “không thể đáp lại lời chi” như trong Mt cho thấy một sự cứng họng nhưng chưa chắc đã phục). Chi tiết này còn cho thấy, trong Tin Mừng Mc, không phải tất cả những người biệt phái đều có thành kiến xấu với Đức Giêsu và khi họ nói chuyện với Ngài thì đều nhằm bắt bẻ. Mc cho thấy cũng có những người biệt phái chân thành. Người biệt phái thông giáo này chân thành tìm kiếm chân lý, và khi đã tìm thấy thì khâm phục.

c 34 – Bởi đó Đức Giêsu tặng anh một lời khuyến khích “Anh chẳng còn xa Nước Thiên Chúa nữa đâu”.

 “Rồi không ai dám hỏi Người chi nữa”: ghi nhận này trong Mc (và cả trong Mt) cho biết những đợt chất vấn đã chấm dứt.

BÀI 71: ĐỨC GIÊSU VÀ NHỮNG THẦY THÔNG GIÁO (12,35-40)

35Khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su lên tiếng hỏi: "Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít? 36Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.

37Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được? " Đám người đông đảo nghe Đức Giê-su cách thích thú.

38Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. 39Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. 40Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn."

------------------

 *** Đoạn này gồm 2 phần:

cc 35-37 là một lý luận của Đức Giêsu về liên hệ giữa Đấng Messia với Vua Đavít. Phần này không có trong giảng khóa chú giải Tin Mừng Mt nên ở đây sẽ giải thích.

cc 38-40 là lời Đức Giêsu cảnh giác người ta về những thói xấu của giới thông giáo. Phần này đã có trong giảng khóa Mt nên ở đây chỉ giải thích sơ qua, đồng thời giải thích rõ những chi tiết không có trong Mt.


c 35 – “Đức Giêsu lên tiếng hỏi”: c 34 của đoạn trước cho biết những cuộc chất vấn đã kết thúc. Nay chính Đức Giêsu lên tiếng hỏi.

 – Ngài hỏi ai? Đối tượng khác nhau tùy mỗi quyển Tin Mừng. trong Mt thì hỏi biệt phái; trong Lc thì hỏi giới thông giáo; còn trong Mc thì hỏi :đám đông dân chúng đang thích thú nghe Ngài giảng” (c 37).

 “Làm sao những người thông giáo nói rằng…?”: Đức Giêsu lấy lại một ý tưởng của giới thông giáo về tư cách của Đấng Messia (Thông giáo cũng được gọi là ký lục, là giới người am hiểu Thánh Kinh và Lề Luật. Họ thường thuộc nhóm biệt phái). Sở dĩ Ngài lấy lại ý tưởng này là để sau đó sẽ giải thích cho dân hiểu rõ hơn về vấn đề này. Cách lập luận của Người là “nhân địch luận” (ad hominem) nghĩa là dùng chính lý luận của đối phương để vạch ra sự vô lý của lý luận đó.

 – “Đức Kitô là con cháu của vua Đavít”: có một truyền thống được giới thông giáo rao giảng là Đấng Messia là con cháu của vua Đavít. Truyền thống này dựa trên 2Sm 7,14-17. Người bình dân thường gọi như vậy (người mù thành Giêricô 10,48-49; dân thành Giêrusalem 11,10). Những Đức Giêsu không tự xưng mình như vậy vì tước hiệu này dễ gây hiểu lầm về một Đấng Messia chính trị và quân sự. Cho nên Ngài sẽ giải thích rõ hơn cho dân hiểu.

c 36t Đại khái lập luận của Đức Giêsu là:

 – Người ta (cụ thể là thông giáo) nói Đấng Messia là Con Vua Đavít.

 – Nhưng Tv 110 (mà người ta vẫn tin Đavít là tác giả) lại viết rằng chính Vua Đavít gọi Đấng Messia là “Chúa”.

 – Vậy Đấng Messia là con cháu của Đavít thế nào?

 Câu hỏi bỏ lửng không trả lời của Đức Giêsu nhằm xóa đi một cách hiệu quả đơn sơ về liên hệ giữa Messia với Đavít. Đức Giêsu muốn người ta phân biệt rõ:

 * Xét về huyết thống thì Messia quả thực là con cháu của vua Đavít.

 * Nhưng xét về thiên chức thì Messia trổi vượt Đavít. Ngài là “Chúa” của vua Đavít.


 Trong phần này Đức Giêsu khuyến cáo dân chúng đừng theo một số thói xấu của biệt phái và thông giáo:

 – Thói phô trương:

* Đi dạo trong bộ áo chùng (xem giải thích trong chú giải Mt).

* Thích được chào ngoài đường phố (ibid)

* Ham ghế nhất nơi hội đường và chỗ danh dự trong phòng tiệc (ibid).

Riêng Mc còn thêm c 40 “Nuốt trửng của nhà các bà góa, làm bộ đọc kinh lâu dài”. Đây là thói xấu lợi dụng chức vụ để tự tư lợi.


Cuối bài trước (c 34) chúng ta đã nói là những cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và các phe nhóm trong xã hội do thái thời đó đã chấm dứt. Chúng ta cũng đã nói rằng không phải những người biệt phái đều có ác cảm với Đức Giêsu, nên Đức Giêsu không phê phán tất cả bọn họ. Thế nhưng tại sao phần II của đoạn Tin Mừng này lại có những phê phán gay gắt đối với biệt phái và thông giáo như thế? Có lẽ đây là những lời của Đức Giêsu phê phán một vài phần tử trong bọn họ thôi và dù vậy giọng điệu cũng không đến nỗi gay gắt lắm. Tuy nhiên khi Mc ghi lại thì giọng điệu đã được tô điểm thêm gay gắt do hoàn cảnh không thân thiện của những năm sau biến cố Jamnia.

BÀI 72: ĐỒNG TIỀN CỦA BÀ GÓA (12,41-44)

41Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. 42Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. 43Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. 44Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình." 

------------------

* Sau khi mô tả những thói xấu của bọn biệt phái và thông giáo trong đó có việc lợi dụng chức vụ để nuôt chửng tài sản của cac bà góa. Đức Giêsu lấy một bà góa ra nêu gương. Chữ “bà góa” là từ móc nối 2 đoạn Tin Mừng này với nhau.

c 41 – Hòm tiền: đây là những thùng tiền được đặt ở cửa vào Đền thờ để người ta dâng cúng tiền (2V 12,10).

c 42 – Bà góa: xã hội do thái không có những quy định bảo vệ quyền lợi các góa phụ cho nên họ rất bị thiệt thòi: tài sản của chồng thì họ không được hưởng (con cái họ hưởng), gia đình cha mẹ ruột của họ cũng không còn lo lắng cho họ bao nhiêu. Vì thế, trong Thánh Kinh, bà góa, trẻ mồ côi và ngoại kiều là những hạng người xấu số nhất và nghèo nhất (Đnl 24,17-22).

 – Mấy xu: nguyên ngữ là đồng tiền Kodrantes, tức là loại tiền nhỏ nhất trong các loại tiền thời đó.

 * Bài học: Cho đi không phải của dư thừa mà là chính cái mình đang cần thiết. Sự cho đi như thế rất quý cũng là sự cho đi chính bản thân mình.

 * Sau câu chuyện này, Đức Giêsu rời Đền thờ ra đi(13,10) và không bao giờ trở lại đấy nữa.

BÀI 73: TIÊN BÁO VIỆC PHÁ HỦY ĐỀN THỜ (13,1-4)

1Đang khi Đức Giê-su ra khỏi Đền Thờ, thì một trong các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy xem: đá lớn thật! Công trình kiến trúc vĩ đại thật! " 2Đức Giê-su đáp: "Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ."

3Lúc Đức Giê-su ngồi trên núi Ô-liu, đối diện với Đền Thờ, các ông Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an và An-rê hỏi riêng Người: 4"Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hồi chung cục, thì có điềm gì báo trước? "

------------------

* Mc dành rất ít số lượng câu cho những diễn từ của Đức Giêsu, nhưng nay ông dành trọn chương 13, gồm 37 câu cho diễn từ này. Đây là dấu cho thấy diễn từ này quan trọng. Tuy nhiên cũng là một diễn từ khó hiểu vì có nhiều chi tiết khải huyền.

c 1 – Một môn đệ nào đó má Mc không nêu tên đã đưa ra nhận xét về vẻ đẹp của Đền thờ Giêrusalem. Nhận xét này rất đúng. Đền thờ này được Hêrôđê Cả trùng tu từ năm 20 tr.cn. cho mãi đến năm 64 cn. mới xong. Như thế lúc diễn ra chuyện này thì Đền thờ còn đang xây cất. Dù vậy nó cũng rất đẹp vì vật liệu được dùng toàn là rất quý.

 – Nhận xét này là dịp để Đức Giêsu đưa ra diễn từ thường được gọi là diễn tờ chung luận (escatologique). Trong Mt 24, diễn từ chung luận này nói tới 3 việc liên kết nhau là: phá hủy Đền thờ, ngày tận thế và việc Tái lâm. Còn trong Mc diễn từ này chỉ đề cập tới việc phá hủy Đền thờ mà thôi. Các nhà Thánh Kinh cho rằng Mc đã xử dụng những tư liệu nguyên sơ hơn (dó đó cũng trung thực hơn).

c 2 – V tiên báo công trình xinh đẹp ấy sẽ bị phá hủy. Lời tiên tri này cũng đã ứng nghiệm năm 70 cn.

c 3 – Chúng ta biết Đền thờ Giêrusalem chính là trái tim người do thái. Nếu nó bị phá hủy thì cũng tương tự như trời sập đối với họ. Và do đó, ai nói nó bị phá hủy cũng là nói lộng ngôn phạm thượng, gây phẫn nộ vô cùng đối với dân. Thế nhưng trước kia ngôn sứ Êdêkien đã từng nói tiên tri điều đó (Êd 10,18-22 11,22-25) vì khi đó dân đã lạm dụng Đền thờ, coi nó như một thứ bùa hộ mạng che chở cho họ bất chấp họ đang sống trong đủ thứ tội lỗi, nhất là tội bất trung với Giao ước của Chúa và tội bất công với nhau. Nay Đền thờ đang được tu sửa lại chưa xong thì Đức Giêsu lại lên tiếng báo việc phá hủy nó. Việc này dĩ nhiên gây xúc phạm lớn.

 – Nên lưu ý những chi tiết đóng khung cho lời tiên tri của Đức Giêsu.

 – Khi ấy Ngài đang “ngồi”, tức là tư thế của một người đang giảng dạy.

 – “Trên núi Cây Dầu đối diện với Đền thờ”: chính là vị trí mà lời tiên tri Êdêkien nói về việc Thiên Chúa bỏ Đền thờ (vinh quang Yavê rời Đền thờ và đậu lại trên ngọn núi phía Đông thành Giêrusalem trước khi theo dân sang chốn lưu đày).

c 4 – “Bấy giờ các ông Phêrô, Gicôbê, Gioan và Andrê lên tiếng hỏi”: Đây là những môn đệ theo Đức Giêsu trước tiên (1,16-20). Họ là những người thân tín của Đức Giêsu và được Ngài chia sẻ những điều quan trọng.

 – Câu hỏi của họ nhắm tới việc phá hủy Đền thờ, và họ hỏi về 2 khía cạnh “khi nào” và “dấu nào”. Đức Giêsu sẽ trả lời câu hỏi này trong phần tiếp theo sau.

BÀI 74: NHỮNG HOÀN CẢNH CỦA CƠN KHỦNG HOẢNG (13,5-13)

5Đức Giê-su bắt đầu nói với các ông: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lừa gạt. 6Sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính Ta đây! ", và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. 7Khi anh em nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã, thì đừng khiếp sợ. Những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là chung cục. 8Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có động đất ở nhiều nơi, sẽ có những cơn đói kém. Những sự việc ấy là khởi đầu các cơn đau đớn.

9"Phần anh em, anh em hãy coi chừng! Người ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng và các hội đường; anh em sẽ bị đánh đòn; anh em sẽ phải ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ được biết. 10Nhưng trước tiên, Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc.

11"Khi người ta điệu anh em đi nộp, thì anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì, thì hãy nói điều ấy: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần nói. 12Anh em sẽ nộp nhau cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 13Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

------------------

Văn thể này được sử dụng trong những tình thế khó khăn, nhưng nhằm mục đích an ủi khuyến khích cho các tín hữu đừng bi quan.

Để đạt mục đích này, trước hết tác giả đưa ra một khung cảnh bi thảm (tai họa của lịch sử như chiến tranh; tai họa của thiên nhiên như động đất và đói kém; tai họa do con người đưa ra như bắt bớ…). Tác giả còn cố tình cường điệu hóa những tai họa đó. Nhưng nhằm mục đích làm nổi bật sự can thiệp quyền năng của Thiên Chúa: khi những tai họa ấy của quyền lực sự dữ đã nổi lên tới mức tột cùng thì Thiên Chúa sẽ ra tay và dẹp tan tất cả. Có như thế thì quyền năng của Thiên Chúa mới được thấy rõ. Do đó tác giả kêu mời độc giả đừng bi quan nhưng hãy kiên nhẫn chịu đựng và lạc quan chờ đợi Thiên Chúa giúp.

Ngày nay khi đọc văn thể khải huyền, người ta thường chỉ chú ý tới những thảm họa và khía cạnh bi quan của chúng. Đó là sai lầm. Chúng ta phải chú ý tìm cho ra những mặt lạc quan mà tác giả muốn nhắm tới.


a/ Chiến tranh (cc 5-8)

 – Nhiều người khi thấy có chiến tranh xảy ra ở nơi này nơi nọ thì giải thích rằng đó là điềm tiên báo sắp tận thế. Giải thích này không đúng và những người giải thích như thế là “tiên tri giả”.

 – Chiến tranh là chuyện thường có. Chúng chẳng phải là điềm báo sắp tận cùng thế giới cũ (để rồi sau đó mọi sự tiêu tan không còn gì cả), mà là những cơn chuyển bụng để khai sinh một thế giới mới tươi đẹp hơn. Đây là nét lạc quan thứ nhất.

b/ Bắt bớ (cc 9-11)

 – Đức Giêsu tiên báo rằng các tín hữu sẽ chịu nhiều bắt bớ: bắt bớ về phái do thái giáo (Công nghị và Hội đường), và về phía chính quyền dân sự (vua chúa, quan quyền).

 – Nhưng những cơn bắt bớ đó lại là dịp để các tín hữu làm chứng đức tin và loan báo Tin Mừng.

 – Đức Giêsu cũng thực tế: đành rằng những cơn bắt bớ ấy là dịp tốt như vừa nói trên, những cũng gây rất nhiều khó khăn cho các tín hữu, cho nên có thể một số tín hữu lo sợ không biết ăn nói ra sao trong những lúc đó. Đức Giêsu trấn an: đứng lo, vì Thánh Linh sẽ nói thay họ.

c/ Người thân hại nhau (cc 12-13)

 – Tai họa thứ ba chua xót hơn nhiều. Đó là chính những người thân của các tín hữu sẽ tố cáo họ khiến họ bị bách hại (cha mẹ, con cái hại nhau). Như thế, liên hệ ruột thịt thay vì là một sự che chở nhau trong lúc khó khăn lại trở thành một đe dọa thêm nữa cho các tín hữu.

 – Đức Giêsu khuyên hãy kiên nhẫn chịu đựng và hứa “ai kiên nhẫn tới cùng thì sẽ được cứu độ”

 – Đây là lạc quan thứ ba


1/ Đoạn Tin Mừng này đặc biệt đúng cho hoàn cảnh các cộng đoàn tín hữu của Mc. Họ cũng gặp 3 thứ tai họa kể trên: chiến tranh, bị bắt bớ với các đồng đạo do thái cũ và với chính quyền Rôma. Việc họ theo Kitô giáo cũng khiến họ bị gia đình và bà con nghi kỵ. Đoạn Tin Mừng này là một lời am ủi đặc biệt cho các tín hữu ấy.

2/ Ngoài ta ý nghĩa của đoạn Tin Mừng này cũng ứng dụng cho mọi tín hữu ở mọi nơi và mọi thời. Đi theo Đức Giêsu là một điều khó khăn gian khổ, nhưng chẳng có gì mà phải quá sợ, vì Chúa che chở họ và sẽ can thiệp đúng lúc.

BÀI 75: THỬ THÁCH LỚN LAO (13,14-23)

14"Khi anh em thấy Đồ-Ghê-Tởm-Khốc-Hại đứng ở nơi nó không được phép đứng -người đọc hãy lo mà hiểu! -, thì bấy giờ ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi; 15ai ở trên sân thượng thì đừng xuống và đừng vào lấy gì ra khỏi nhà; 16ai ở ngoài đồng, đừng trở lại lấy áo choàng của mình. 17Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó! 18Anh em hãy cầu xin cho điều ấy đừng xảy ra vào mùa đông. 19Vì những ngày đó sẽ là những ngày gian nan đến mức từ lúc khởi đầu, khi Thiên Chúa tạo thành vạn vật cho đến bây giờ, chưa khi nào xảy ra và sẽ không còn xảy ra như vậy nữa. 20Nếu Chúa không rút ngắn những ngày ấy lại, thì không ai được cứu thoát; nhưng vì những kẻ Người đã tuyển chọn, Người đã rút ngắn những ngày ấy lại. 21Bấy giờ, nếu có ai bảo anh em: "Này, Đấng Ki-tô ở đây! Kìa, Đấng Ki-tô ở đó! ", anh em đừng có tin. 22Thật vậy, sẽ có những ki-tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, làm những dấu lạ và những việc phi thường, để lừa gạt những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. 23Phần anh em, hãy coi chừng: Thầy đã báo trước tất cả cho anh em! 

------------------

 – Văn thể khải huyền mô tả những tai họa theo thứ tự càng ngày càng khủng khiếp. Nhưng chỉ để dẫn tới ơn cứu độ chung cục càng hiển hách.

 – Ở đây cũng thế, sau khi mô tả những tai họa bước đầu (chiến tranh, bắt bớ và người thân hại nhau). Đức Giêsu nói tới một thử thách cao độ nhất.


c 14a – Thử thách cao độ nhất là sẽ xuất hiện “tiêu diệt viên ghê tởm”. Đây là kiểu nói vay mượn ở 2Mcb 6,1-9 chỉ về Antiochos Épiphane, kẻ đã thẳng tay bách hại dân do thái vào năm 167 tr.cn. và đặt tượng thần Zeus vào chính nội cung Đền thờ Giêrusalem “nơi không được phép”..

 – Dĩ nhiên Antiochos Épiphane là một nhân vật của quá khứ. Đức Giêsu chỉ mượn ông để nói tới kẻ gây ra thử thách to lớn nhất trong tương lai mà thôi. Kẻ đó là ai? Đức Giêsu không chỉ rõ.Ngài cho biết là có thể xuất hiện hắn thôi. Các tín hữu “ai đọc thì phải hiểu cho tường” nghĩa là phải cố gắng nhận diện hắn.

C 14b – Tên đầu sỏ này thật nguy hiểm, cho nên Đức Giêsu ra lệnh phải trốn chạy hắn (“ai ở Giuđê hãy trốn lên núi, ai đang ở sân thượng (an toàn hơn) thì đừng mạo hiểm đi xuống, ai ở ngoài đồng (cũng an toàn hơn) thì đừng quay về nhà cho dù để lấy những đồ cần thiết).

cc 16-18 – Việc tránh né và trốn chạy hắn phải thật cấp bách, chậm trễ một chút thôi cũng gây tai họa. Thí dụ: đàn bà vì mang thai hoặc nuôi con thơ mà di chuyển chậm chạp; xảy ra trong mùa đông khiến việc trốn chạy bị khó khăn…

c 19 – Cơn khủng hoảng ấy sẽ lên tới tột đỉnh đến nỗi chưa từng có bao giờ, từ hồi tạo dựng trời đất đến nay và từ nay cho đến tận thế (vô tiền khoáng hậu).

c 20 – Sự khủng khiếp của nó cũng to lớn đến nỗi nếu không có sự trợ giúp nào từ trên (Thiên Chúa) thì chẳng ai chịu nổi. Thế nhưng Thiên Chúa sẽ vì các tuyển nhân của Ngài mà ra tay cứu giúp.

cc 2123 – Trong hoàn cảnh khốn khó tột cùng ấy, sẽ có nhiều người đưa ra nhiều giải thích và nhiều giải pháp. Nhưng các tín hữu chớ tin theo họ, chỉ nên tin duy nhất vào Đức Giêsu mà thôi, Đấng đã cho họ biết trước tất cả những diễn biến ấy.


1/ Ngay trong thử thách khủng khiếp nhất, các tín hữu cũng đừng hoang mang sợ hãi, vì Thiên Chúa sẽ ra tay đúng lúc.

2/ Đức Giêsu ám chỉ đến biến cố nào? Ta thấy Đức Giêsu cố ý không muốn nói rõ. Điều đó có nghĩa là Đức Giêsu không muốn giới hạn lời tiên báo của mình vào một biến cố nào cả, những Ngài muốn đưa ra lời khuyến cáo về bất cứ tai họa khủng khiếp nào có thể xảy đến.

3/ Người do thái có thể ứng dụng đoạn này vào biến cố những năm 66-70, tức là thời gian có cuộc “chiến tranh do thái” đưa đến thảm họa bị Rôma tàn sát năm 70; các tín hữu của cộng đoàn Mc có thể ứng dụng vào thời gian bách hại của đế quốc Rôma. Còn đối với chúng ta ngày nay thì có thể là bất cứ tai họa to lớn nào. Điều quan trọng là cách sống mà Đức Giêsu dạy trong hoàn cảnh khủng khiếp đó: kiên nhẫn chịu đựng và lạc quan trông chờ Chúa ra tay.

BÀI 76: CON NGƯỜI QUANG LÂM (13,24-27)

24"Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, 25các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. 26Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 27Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời. 

------------------

c 24a “Trong những ngày đó” (en ces temps-là: số nhiều)

 a/ Kiểu nói này đánh dấu một bước ngoặt: những điều được nói từ đầu chương 13 đến đây chỉ là những dấu hiệu đi trước. Điều được nói ở đây mới là quan trọng nhất.

 b/ Kiểu nói này cũng thường được dùng để chỉ lúc cánh chung.

 Biến cố quan trọng nhất của lúc cánh chung, như sẽ được nói rõ ra phía sau, là việc Con Người quang lâm.

cc 24b-25 – chi tiết thứ nhất của lúc cánh chung là sự sụp đổ của trật tự cũ vốn được các tà thần ngự trị. Thời đó người ta coi các tinh tú là các vị thần. Vì thế nói “mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú rơi rụng” nghĩa là các quyền lực ngự trị thế giới cũ đã sụp đổ.. Ngoài ra đó cũng là những chi tiết quy ước của văn thể khải huyền để báo rằng Thiên Chúa sắp xuất hiện.

c 26– Chi tiết thứ hai của lúc cánh chung là sự xuất hiện của Con Người.

 – Kiểu nói này mượn ở Đn 7,13-14. Con Người là nhân vật sau nhiều đau khổ đã được vào trong vinh quang của Thiên Chúa và được Thiên Chúa trao cho trọn quyền thống trị vũ trụ. Thời Tân Ước, kiểu nói này chỉ về Đấng Messia. Đức Giêsu thích tự xưng hô bằng tước hiệu này hơn mọi tước hiệu messia khác (2,10-28 8,31 9,31 10,33.45).

 – Con Người xuất hiện “trên mây”: Mây được coi là xa giá của Thiên Chúa. “Mây”+”quyền thế huy hoàng, vinh quang sáng chói”= lúc đó Đấng Messia sẽ đến trong tư thế oai phong để xét xử mọi người.

c 27 – Việc quan trọng Ngài sẽ làm khi quang lâm là thực hiện ơn cứu độ. Theo hình dung của Cựu Ước, ơn cứu độ được diễn tả bằng việc quy tụ những người Israel tản lạc khắp nơi về một chỗ (Đnl 30,3-5; Gcr 2,10-17).


 Đây là thắc mắc của nhiều người, và được Đức Giêsu đề cập trong phần II của đoạn Tin Mừng này: Ngài dùng hình ảnh cây vả.

 – Cây vả là loại cây có trái vào mùa hè. Vậy khi nào người ta thấy “cành nó hóa mềm và lá đâm ra” thì người ta có thể đoán rằng “sắp tới mùa hè”, nghĩa là sắp có trái. Những điều mô tả phía trước (chiến tranh, bắt bớ, người thân hại nhau, cơn đại họa) chính là “cành mềm và lá mọc ra” để ta có thể đoán sắp tới ngày quang lâm.

 – Câu 38 đã gây nhiều thắc mắc:

a)Trước hết là thắc mắc về chữ “mọi sự”. Có người giải thích là biến cố phá thành Giêrusalem, người khác nói lành những việc mô tả ở phía trên (chiến tranh… đại họa), kẻ khác nữa hiểu về ngày tận thế.

b) Thắc mắc thứ hai là về những chữ “Thế hệ này sẽ chưa qua đi trước khi mọi sự ấy xảy ra”. Thú thật người ta cũng chưa hiểu hết các chi tiết của câu này, chỉ hiểu được nội dung chính của nó là Đức Giêsu khẳng định ngày quang lâm sẽ có. Sự khẳng định này được lặp lại lần nữa ở câu 31: “Trời đất sẽ qua đi nhưng lời Thầy sẽ không qua đi được”

 – Tuy quang lâm là việc chắc chắn nhưng không thể cho biết ngày giờ, vì đó là bí mật chỉ một mình Chúa Cha nắm giữ.


 – Vì quang lâm vừa chắc chắn lại vừa không biết được ngày giờ cho nên thái độ hợp lý nhất là phải luôn tỉnh thức chờ đợi.

 – Đức Giêsu diễn tả sự tỉnh thức này bằng một dụ ngôn nhỏ: như tỉnh thức để chờ chủ đi xa trở về. Bất cứ lúc nào chủ về cũng sẽ thấy người đầy tớ trung tín đang ở trong tư thế sẵn sàng.

*** NHÌN LẠI CHƯƠNG 13

Khởi đầu là một câu hỏi của 4 môn đệ thân tín về việc Đền thờ Giêrusalem sụp đổ, xem lúc nào thì việc ấy xảy ra. Lời đáp của Đức Giêsu vượt khỏi giới hạn của câu hỏi: đừng chỉ nhìn vào Đền thờ Giêrusalem như là nơi quy tụ mọi người nữa, bởi vì nó sẽ sụp đổ hết cùng với thế gian này. Ta phải hướng cái nhìn về Đấng trổi vượt hơn Đền thờ, sẽ đứng ra quy tụ nhân loại đã được cứu thoát khỏi mọi thế lực gian tà. Đó chính là Đức Kitô phục sinh vinh quang.