Chú Giải Tin Mừng Marcô

1: KÊU GỌI MÔN ĐỆ

Lm Carôlô Hồ Bạc Xái

GIAI ĐOẠN I: TỪ LÚC KÊU GỌI CÁC MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN ĐẾN LÚC THÀNH LẬP NHÓM 12

Giai đoạn này gồm 2 phần:

* Phần I: nói về hoạt động của Đức Giêsu ở Galilê. Ba dấu chỉ ơn cứu độ:

– Lời giảng dạy đầy uy quyền: 1,21-28.

– Chữa bệnh cho nhạc mẫu của Phêrô: 1,28-39.

– Chữa một người cùi: 1,40-45.

* Phần II: thuật 5 cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các vị lãnh đạo Do thái nêu những hoàn cảnh cụ thể:

  – Ban ơn tha thứ cho một người bất toại: 2,1-12.

  – Kêu gọi Lêvi và dùng bữa với kẻ tội lỗi: 2,13-17.

  – Thắc mắc về ăn chay, về tân lang: 2,18-22.

  – Bứt lúa trong ngày Sabbat: 2,23-28.

  – Chữa người khô tay: 3,1-6.

  Qua những cuộc tranh luận này, ta có thể đoán được Đức Giêsu là người như thế nào: Ngài không chỉ là một Rabbi mà còn là Messia.

  Sau cùng Mc cho thấy Đức Giêsu càng ngày càng lan rộng.

BÀI 5: TIN MỪNG CỦA THIÊN CHÚA (1,14-15)

14Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." 

------------------

  Hai câu ngắn này là một bản toát yếu về sứ vụ của Đức Giêsu: chúng cho thấy khung cảnh của hoạt động Đức Giêsu và sứ điệp của Ngài. Từng chữ được lựa chọn kỹ lưỡng nên rất súc tích.

c 14 – “Khi ông Gioan đã bị tù rồi”: Đức Giêsu chỉ bắt đầu hoạt động khi Gioan đã chấm dứt hoạt động của ông. Nghĩa là có một sự liên tục giữa hoạt động của hai vị.

  – “Đức Giêsu sang xứ Galilê”: Galilê được coi là “vùng đất của các dân” (Is 8,23), đây là ngã tư các dân tộc qua lại. Biên giới của nó rất mơ hồ, giúp người Israel giao lưu thuận tiện vơi các lãnh thổ chung quanh: phía bắc là Tyr và Sidon, vùng Syro-Phénicie (hiện là nước Liban), phía đông-nam là vùng Thập Tỉnh (Décapole – hiện là nước Jordanie). Đức Giêsu đã chọn Galilê làm môi trường ưu tiên để hoạt động. Như thế ta thấy rõ ý định cứu độ đại đồng của Ngài. Và lời tiên tri Isaia được thực hiện: “Dân đi trong tối tăm đã nhìn thấy một ánh sáng lớn” (Is 8,23-9,1).

  – “Ngài rao giảng Tin Mừng về Thiên Chúa”: Đó là loan một tin vui rằng Thiên Chúa đã khấng cho ơn cứu độ đến qua trung gian của Đức Giêsu, Đấng Messia của Ngài.

c 15 – “Nay thời kỳ đã mãn”: Kiểu nói quen thuộc này có nghĩa là việc Đức Giêsu đến đánh dấu “sự sung mãn của thời gian” (Ga 4,4), chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu, Ngài là Đấng Messia đưa lịch sử tới cùng đích của nó.

  – “Vương triều của Thiên Chúa đã rất gần”: Từ khi lưu đầy trở về, dân Israel luôn mong chờ Thiên Chúa đến thiết lập vương triều của Ngài. Các ngôn sứ cũng mong chờ như vậy (Mk 4,7; Xp 3,15b; Gcr 14,9.v.v…). Niềm mong chờ này đã được thực hiện nơi Đức Giêsu.

  – “Các ngươi hãy ăn năn trở lại”: ăn năn trở lại theo tiếng hy lạp là “thay đổi não trạng”. Cần phải thay đổi não trạng để quay về với Thiên Chúa. Đó cũng là nội dung rao giảng của các ngôn sứ (Am 4,6-12), của Gioan Tẩy Giả (1,4).

  – “và tin theo Tin Mừng”: những sự ăn năn trở lại phải nối kết với niềm tin vào Tin Mừng. Đây cũng là lời kêu gọi của các tông đồ ngay sau biến cố phục sinh, cũng là lời kêu gọi của Phaolô tại Êphêsô (Cv 20,21).

  Đấng loan báo Tin Mừng trở thành đối tượng của chính sự loan báo đó; Đức Giêsu chính là Tin Mừng.


BÀI 6: KÊU GỌI NHỮNG MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN (1,16-20)

16Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. 17Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." 18Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

19Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. 20Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

------------------

c 16 – “Đức Giêsu đi dọc theo biển hồ Galilê”: Hồ này còn một tên gọi khác thông dụng hơn là Tibêriađê, dài 21km, rộng 12km. Điểm đặc biệt là bờ hồ trải rộng tới vùng đất lương dân phía bên kia song Giođan. Mc coi hồ này là nơi Đức Giêsu kêu gọi (ở đây và 2,13-14) và loan báo Tin Mừng cho dân chúng (2,13 3,7-12 5,21).

c 17 – “Ngài thấy ông Simon và em là Anrê là tay thuyền chài đang thả lưới dưới hồ”: Phía bắc của hồ – nơi diễn ra câu chuyện này – là nơi có nhiều cá, bởi đó có nhiều người đánh cá.

  – “Đức Giêsu liền bảo họ: hãy đi theo Ta, Ta sẽ khiến anh em nên kẻ tung lưới bắt người”: Đức Giêsu chơi chữ. Họ là những kẻ tung lưới bắt cá, nay Ngài bảo họ tung lưới bắt người. Người Sêmít thường nghĩ rằng biển là sào huyệt của sự dữ và sự chết mà chỉ một mình Thiên Chúa mới chế ngự được (4,35-41). Đức Giêsu gọi họ trở thành những kẻ tung lưới bắt người nghĩa là gọi họ lên bờ để cứu loài người khỏi mọi sự dữ.

c 18 – “Lập tức hai ông bỏ lưới để đi theo Ngài”: một sự đáp trả rất nhanh nhẹn. Ta cũng hãy chú ý là không có đối thoại, chỉ có vâng lời. Một mình Đức Giêsu gọi và hai ông nhanh chóng thực hiện lệnh gọi.

c 19&20 Câu chuyện thứ hai rất giống với chuyện thứ nhất, nhưng có hai chi tiết khác:

  a/ Đức Giêsu không cho Giacôbê và Gioan biết sẽ đi đâu.

  b/ thế mà sự đi theo của các ông còn dứt khoát hơn nữa: chẳng những họ bỏ những phương tiện nghề nghiệp như hai ông đầu, mà còn bỏ những người thân là cha và nhân công.


1/ Hai bức tranh trên được vẽ theo cùng một bố cục:

  – Đức Giêsu đang đi. Ngài thấy hai anh em.

  – Ngài gọi.

  – Lập tức họ bỏ tất cả để theo Ngài.

Có lẽ sự thực đã không diễn ra quá đơn giản như vậy. Bốn môn đệ này sẽ là những cộng sự viên nòng cốt của Đức Giêsu (3,16-17), chẳng lẽ Ngài chọn họ một cách tình cờ và cũng chẳng cho họ có thời giờ suy nghĩ để quyết định? Không ai mà lại đi theo kẻ khác một cách dễ dàng và nhanh chóng như vậy, cho dù kẻ ấy có hấp dẫn bao nhiêu đi nữa. bài tường thuật Đức Giêsu kêu gọi những môn đệ đầu tiên trong Ga 1,35-51 sát thực tế hơn: Đức Giêsu mở cuộc đối thoại, cho các đương sự có thời gian suy nghĩ chín chắn sau khi được lưu lại ở với Người một thời gian.

Thực ra Mc chẳng quan tâm đến chuyển biến tâm lý của các môn đệ đầu tiên. Ông đã mô phỏng theo khung một ơn gọi mẫu trong Cựu Ước (1V 19,19-21: Êlia gọi Êlisê). Trong chuyện Cựu Ước ấy Êlisê đã đi theo tức khắc, thậm chí không được phép trở về nhà từ giã cha mẹ.

Khi viết theo khung ơn gọi mẫu ấy, Mc muốn nhấn mạnh hai điểm:

– Sáng kiến từ phái Đức Giêsu.

– Hiệu quả của lời Thiên Chúa: Ngài phán… và đã có như vậy (St 1,3t)

Sự dứt khoát với gia đình và nghề nghiệp là hệ luận tất nhiên, nhưng hãy lưu ý rằng Đức Giêsu không đòi mọi người phải dứt khoát như thế, chỉ đòi những cộng sự viên thân cận mà thôi (x. việc lập nhóm 12 ở 3,16-19).

2/ Khi thuật những chuyện kêu gọi này ở đầu tác phẩm, Mc có dụng ý:

– Sứ vụ của Đức Giêsu là cứ mãi phải đi (itinérant) cho nên đòi phái có một mức độ tối đa về sự tự do trong cuộc sống và trong hành động. Trong hoàn cảnh như vậy, những liên hệ với gia đình và nghề nghiệp trở thành những chướng ngại.

– Mc cũng muốn hợp pháp hóa những sứ mạng tông đồ của Nhóm 12; họ được chọn từng 2 người, họ sống cộng đoàn. Nếp sống cộng đoàn này là một dấu chỉ người ta quen dùng để nhận ra tính hợp pháp của một sứ mạng truyền giáo.

3/ Và có lẽ Mc cũng gởi một sứ điệp cho các tín hữu Rôma đang bị bắt bớ:

 Nếu họ muốn trung thành theo Đức Giêsu thì họ phải hy sinh từ bỏ những gì thân thiết nhất.

Phần I: nói về hoạt động của Đức Giêsu ở Galilê

BÀI 7: LỜI GIẢNG DẠY ĐẦY UY QUYỀN (1,21-28)

21Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. 22Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

23Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! " 25Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này! " 26Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! " 28Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

------------------

c 21: Câu đầu tiên giới thiệu khung cảnh của sự việc:

  * Nơi chốn là phát từ Thiên Chúa, Trong nguyên ngữ Hy lạp, chữ “uy quyền” dùng ở đây là cùng một chữ với Đn 7,13-14 có nghĩa rất mạnh: uy quyền tối thượng mà Thiên Chúa đã ban cho Đấng Messia. Capharnaum, một thị trấn bên bờ biển hồ Galilê, là trung tâm rao giảng của Đức Giêsu (2,1-2), và là nơi Ngài thường trở lại sau khi đi đây đi đó (9,33).

  * Thời gian là ngày Sabbat, ngày thứ bảy trong tuần, ngày người do thái phải thánh hiến cho Thiên Chúa (St 2,2-3). Nơi rõ ràng hơn nữa là Hội đường. Ngày Sabbat, người do thái nghỉ việc và họp nhau ở Hội đường để cầu nguyện và nghe lời Thiên Chúa. Trong một buổi họp ở Hội đường có những phần như sau: đọc một đoạn Luật hoặc Ngôn sứ, mời một người có uy tín lên giải thích đoạn đó. Trong khung cảnh đó, Đức Giêsu “giảng dạy”.

  Chú ý trong đoạn này Mc dùng tới 4 lần chữ “giảng dạy” (cc21,22 và 27) nhưng lại không cho biết nội dung lời giảng dạy đó. Thay vào đó Mc cho thấy điểm độc đáo của lời Đức Giêsu giảng dạy (c 22).

c 22 “Thiên hạ ngạc nhiên về điều Ngài giảng dạy”: thính giả ngạc nhiên vì “Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền”. Các luật sĩ và biệt phái cũng giảng dạy. Mặc dù họ đã được huấn luyện kỹ nơi các trường chuyên môn nhưng lời giảng của họ không được như Đức Giêsu, bởi vì họ giảng theo các truyền thống các Thầy của họ. Phần Đức Giêsu thì giảng dạy với “uy quyền” xuất từ Messia. Và cũng bằng uy quyền đặc biệt ấy. Đức Giêsu làm một hành động phi thường (cc 23-24).

C 23&24: Ngày xưa người ta cho rằng mọi sự dữ mà con người chịu là do tà thần gây nên. Trường hợp này cũng thế, cho nên việc Đức Giêsu làm ở đây chính là trừ quỷ. Khuôn khổ chung của một cuộc trừ quỷ như sau: Người trừ quỷ và người bị quỷ ám đấu với nhau bằng cách vạch tên nhau ra (biết được tên ai là có thể chế ngự được người đó). Người trừ quỷ tỏ ra cao tay hơn nên trục xuất được quỷ. Khi quỷ xuất ra thì nạn nhân có phản ứng: vật vã, sùi bọt mép… trong chuyện này, quỷ “xuất chiêu” trước bằng cách gọi đúng tên Đức Giêsu: “Giêsu người Nazarét”. Thế nhưng liền sau đó hắn phải thú nhận thế yếu của hắn là Đức Giêsu đến để tiêu diệt bọn hắn. Phần Đức Giêsu thì chỉ cần một lời ra lệnh cho quỷ xuất khỏi người đó. Sau đó người bị quỷ ám vật mình, thét lên rồi quỷ xuất ra. Đó là những phản ứng thông thường, không có gì lạ theo văn thể “trừ tà”nên không đáng để ý. Điều đáng để ý là cách trừ tà của Đức Giêsu rất dễ dàng. Một điểm khác đáng để ý nữa là Đức Giêsu bảo hắn “im đi”, khi hắn vừa mở miệng tiết lộ Ngài là Messia. Tai sao Đức Giêsu cấm quỷ tiết lộ điều đó? Nhiều lần khác nữa Đức Giêsu cũng cấm quỷ (1,34 3,12…) và người ta (1,43-44 7,36 8,30…) tiết lộ điều đó (“bí mật Messia”). Lý do là dân do thái nghĩ rằng Messia là một Đấng có tài phù phép, chỉ cần lắc chiếc đũa thần một cái là đủ thay đổi hoàn cảnh sống của con người. Phần Đức Giêsu thì muốn làm một Messia thay đổi số phận con người bằng cái chết và sự sống lại. Cho nên trước khi Ngài đi vào cuộc thụ nạn và phục sinh thì Ngài không muốn người ta biết Ngài là Messia.

c 27: “Mọi người sửng sốt”: vì giữa khung cảnh ngày Sabbat thánh thiện, ngay giữa Hội đường, Đức Giêsu đã biểu dương một uy quyền đặc biệt bằng lời giảng và bằng hành động trừ tà. “Hỏi nhau thế nghĩa là gì”: Họ hỏi nhau về nét mới mẻ trong lời giảng của Ngài và về uy quyền đặc biệt của Ngài trên cả tà thần. Câu hỏi này cũng tương đương với câu hỏi “Ông là ai?”, là câu hỏi sẽ được lập đi lại lại mãi trong tác phẩm.

c 28 “Danh tiếng Ngài đồn vang khắp mọi nơi và cả vùng Galilê”: việc trừ tà này khiến Đức Giêsu nổi danh.


  Câu chuyện này là một dấu chỉ cho thấy uy quyền của Đức Giêsu, Đấng sẽ giải thoát con người khỏi mọi hình thức của sự dữ.


BÀI 8: CHỮA BỆNH CHO NHẠC MẪU CỦA SIMON (1,29-30)

29Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. 31Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. 

------------------

c 29b – Chuyện này diễn ra trong khung cảnh một ngày ở Capharnaum (1,21-34), đó là một ngày Sabbat (c 21). – Trong ngày này, sau khi làm một cuộc trừ tà ở Hội đường, Đức Giêsu đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon. Chuyện này diễn ra trong không khí thân mật: trong nhà của Simon, giữa các môn đệ Ngài.

c 30 – Chú ý: Mc không mô tả rõ bệnh trạng của bà

  – “Người ta thưa chuyện về bà với Đức Giêsu”; Ai nói cho Đức Giêsu hay? Và tại sao? Có lẽ những người thân của bà đã nói, lý do là qua câu chuyện trước ở hội đường, họ đã thấy Đức Giêsu có ơn chữa bệnh.

  – Chú ý: Đức Giêsu không nói lời nào, chỉ làm một cử chỉ nhỏ là đến gần cầm tay bà nâng dậy. Cách viết rất ngắn gọn khác hẳn những bài tường thuật phép lạ thời đó thường rất nhiều lời và hay nhấn mạnh tới khía cạnh lạ lùng của sự việc.

  – Việc khỏi bệnh xảy ra tức thì. Bà hết bệnh và lo tiếp đãi các Ngài.


1/ Cách viết của Mc rất điều độ khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Mc không chú ý tới gì khác ngoài uy quyền đặc biệt của Đức Giêsu.

2/ Người Do thái quen coi bệnh tật là do ma quỷ gây nên. Đặc biệt bệnh sốt là dấu chỉ Thiên Chúa trừng phạt tội bất trung ( Lv 26,15-16; Đnl 28,22). Vì người ta coi bệnh này là do ma quỷ gây nên, do đó việc Đức Giêsu cứu chữa bệnh này cũng là mộ việc trừ tà (Lc 4,39) cho thấy Đức Giêsu là Đấng đến giải thoát con người khỏi xiềng xích của sự dữ và sự chết.

3/ Mc đã thuật lại chuyện này dưới ánh sáng phục sinh nên đã dùng những động từ nhuốm màu phục sinh và súc tích ý nghĩa.

  – Động từ “nâng dậy” ở câu 31 cũng là động từ ông dùng ở 16,6 khi nói Đức Giêsu sống lại. Ngụ ý: Đức Giêsu đã tự sống lại. Ngài cũng có quyền làm cho người khác sống lại, Ngài tiếp tục làm cho mọi người được sống lại khỏi ách của tội lỗi và sự chết.

  – Động từ “phục vụ” ở câu 31 cũng là động từ mô tả thái độ phải có của các môn đệ Đức Giêsu.

* Tóm lại qua việc này, Đức Giêsu cho thấy Ngài là Đấng cứu thoát con người khỏi ách của tội lỗi và sự chết, để con người “phục vụ” Ngài.

4/ Một số người có óc tò mò cũng dựa vào chuyện này để tìm hiểu vài chi tiết lịch sử: Đoạn này nói tới nhạc mẫu của Simon Phêrô, vậy ông có vợ. Vợ của ông thế nào? Đoạn này không nói tới sự hiện diện của bà, phải chăng bà đã chết? hay bà chỉ đi vắng thôi? Chưa thể kết luận gì được. Hơn nữa ở 1Cr 9,5 Phaolô nói tới vài tông đồ trong đó có Phêrô đã “đem theo tín nữ” trong lúc thi hành sứ mạng. Có người dựa vào đây để nghĩ Phêrô mang vợ theo. Nhưng chữ “tín nữ” ở đây rất mơ hồ. Tóm lại không thể nói rõ về vợ Phêrô được.

BÀI 9: CHỮA NHIỀU BỆNH NHÂN (1,32-34)

32Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33Cả thành xúm lại trước cửa. 34Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai. 

------------------

c 32 – Đây là một toát yếu nữa về một ngày hoạt động của Đức Giêsu, “một ngày ở Capharnaum” chủ yếu là chữa bệnh và trừ tà.

  – Người ta đem tới Đức Giêsu những người bị đủ thứ bệnh và những người bị quỷ ám, bởi vì người ta coi Ngài là người có ơn chữa bệnh và trừ tà.

c 33 – Mc nói “cả thành” là đã cường điệu, để nhấn mạnh tới ảnh hưởng lớn của Đức Giêsu. Thời nào cũng vậy, người ta tuôn đến với những kẻ mà người ta nghe đồn là có thể chữa bệnh bằng phép lạ, bởi vì một đàng họ vốn hiếu kỳ, đàng khác phép lạ thì không tốn tiền mà lại hữu hiệu hơn thuốc men.

  – Hơn nữa, sau khi chữa bệnh và trừ tà, Đức Giêsu đã cấm không cho ma quỷ tiết lộ “bí mật Messia” để tránh cho dân khỏi hiểu lầm Ngài là một Messia chuyên chữa bệnh.


 Sau chuyện này, Mc vẫn để cho độc giả tự hỏi Đức Giêsu là ai. Câu hỏi này sẽ còn được khơi lên nhiều lần và sẽ chỉ được bật mí trên thập giá.

BÀI 10: CẦU NGUYỆN VÀ SỨ MẠNG (1,35-39)

35Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. 37Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy! " 38Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." 39Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ. 

------------------

c 35 – Đây là một bức tranh ngược hẳn với cảnh trước đó: sau một giai đoạn hoạt động rầm rộ, Đức Giêsu rút lui vào thanh vắng để cầu nguyện. Cuộc sống của Ngài rất quân bình.

c 36 – Dĩ nhiên là dân chúng đi tìm Ngài vì họ còn háo hức với những phép lạ.

c 37 Và dĩ nhiên các môn đệ cũng đi tìm Ngài.

c 38 – Nhưng Đức Giêsu đã sớm giúp các môn đệ ý thức đâu là điều quan trọng nhất, đó là “Rao giảng Tin mừng”. Các phép lạ chỉ là dấu chỉ cho người ta nhận ra Tin Mừng. Mà Tin Mừng thì còn phải rao giảng ở nhiều nơi khác nữa: “Ta hãy sang các làng bên cạnh”. Ngài còn nhấn mạnh rằng “Thầy ra đi chính vì thế” nghĩa là chính vì để rao giảng Tin Mừng. Động từ “ra đi” (sortir) rất có ý nghĩa: Vừa là ra đi khỏi Capharnaum để đến những nơi khác, vừa là ra đi khỏi lòng Thiên Chúa để đến trần gian thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng (Ga 8,42 13,3 16,27-28).

c 39 – Câu kết mở ra một viễn tưởng đại đồng: Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng ở “khắp xứ Galilê” nghĩa là ở khắp miền lương dân. Ở những nơi Ngài đến, Đức Giêsu khởi sự rao giảng nơi các Hội đường và trừ tà.


 Đoạn này cho thấy Đức Giêsu là một người rất quân bình, biết kết hợp tất cả những đòi buộc cần thiết của sứ vụ Messia: cầu nguyện, rao giảng Tin Mừng và làm những dấu chỉ giúp người ta nhận ra Tin Mừng.


BÀI 11: CHỮA MỘT NGƯỜI CÙI (1,40-45)

40Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." 41Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi! " 42Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. 43Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, 44và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết." 45Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người. 

------------------

 Chuyện này có 2 chi tiết rất khó hiểu: 1/ Vừa mới chữa bệnh cho người cùi, Đức Giêsu lại nghiêm khắc “đuổi” anh; 2/ Phần người cùi, mặc dù Đức Giêsu đã cấm anh đừng nói với ai, nhưng vừa ra đi anh liền loan báo khắp nơi.

 Thực ra ta có thể hiểu 2 chi tiết trên nếu dùng ánh sáng phục sinh. 


2. Giải thích

c 40 – Một cách đột ngột không cần giới thiệu thời gian, nơi chôn và tên tuổi. Mc cho xuất hiện ngay nhân vật của câu chuyện: một người cùi đến van xin Đức Giêsu cứu chữa.

 – Muốn hiểu thái độ khẩn thiết này của anh, ta hãy nhớ lại quan niệm xã hội về bệnh cùi: Cựu Ước xem bệnh cùi là một bệnh gớm ghiếc phần xác, là bằng chứng của tội lỗi và dấu chỉ bị Thiên Chúa trừng phạt. Vài Rabbi đương thời của Đức Giêsu còn cho rằng bệnh này là hình phạt cho 7 thứ tội đầu là vu khống, sát nhân, trộm cắp và hà tiện. Về mặt thể lý, bệnh này tàn phá dung mạo nạn nhân khiến họ trở thành gớm ghiếc đến nỗi khi gặp họ, người ta không dám nhìn, phải che mặt lại. Ngoài ra nó còn lây lan nữa. Bởi thế người ta xa lánh bệnh nhân, ngay cả luật Môsê cũng khai trừ bệnh nhân ra khỏi xã hội (Lv 13,45-46). Như thế người cùi được xem là một “xác chết biết đi”, một ổ “ô uế” hay lây. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới chữa khỏi được bệnh này (xem chuyện Miriam em gái Môsê ở Ds 12,1-16).

 – Khi người cùi nói với Đức Giêsu rằng “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể cho con được sạch”, anh ta tỏ ra tin tưởng Đức Giêsu có uy quyền Thiên Chúa ấy.

c 41 – Thái độ của Đức Giêsu phải khiến ta ngạc nhiên: Ngài dám đưa tay chạm vào người cùi vốn bị dư luận và luật cũ coi là đồ không được chạm đến.

c 42 – Hiệu quả xảy ra tức thì. Lời của Đức Giêsu là lời của Thiên Chúa: Ngài phán thì liền có.

c 43 – Trước đó Đức Giêsu đã “động lòng thương” thế mà ngay sau khi chữa anh này hết bệnh. Ngài đổi thái độ liền: nghiêm khắc bảo anh đi ngay. Động từ Hy lạp ở đây không chỉ là “bảo đi” mà chính là “đuổi đi”, cùng một động từ được Mc dùng trong những tường thuật đuổi quỷ (1,34-39 3,15-22 6,13.v.v…)

c 44 – Đức Giêsu còn dặn anh chớ nói với ai. Thái độ nghiêm khắc này là bó buộc để bảo vệ bí mật Messia. Người ta chỉ hiểu được nó trên thập giá.

 – “Nhưng hãy đi trình diện với tư tế”: Lv 14,1-9 cho tư tế quyền xác nhận một người đã khỏi bệnh cùi và được phép trở lại tham gia sinh hoạt cộng đoàn. Đức Giêsu bảo anh này đi trình diện tư tế vì những lý do:

1/ Để anh được kẻ có thẩm quyền xác nhận nhờ đó anh được tham gia sinh hoạt cộng đoàn.

2/ Qua sự xác nhận chính thức ấy Đức Giêsu cũng được dân chúng hiểu Ngài là Đấng Messia đã từ lâu mong đợi.

c 45 – Nhưng anh này không tuân lệnh, lại đi “loan truyền” khắp nơi. Ở đây Mc đã vượt khỏi thời gian lúc đó để nhảy sang thời gian của GH, khi mà bí mật Messia được phép bật mí. Mc muốn đưa anh cùi này ra để làm gương cho mọi tín hữu cũng phải “loan truyền” Tin Mừng.

 – Nhưng liền sau đó, Mc quay trở lại thời gian của câu chuyện: do tiếng đồn đã lan rộng nên Đức Giêsu không thể công khai vào thành, mà phải ở ngoài nơi thanh vắng. Dù vậy thiên hạ từ khắp nơi vẫn đến với Ngài.


3. Kết luận

Đầu câu chuyện là một người cô độc bị loại khỏi cuộc sống cộng đoàn. Người ấy đã chạy đến xin Đức Giêsu cứu giúp. Cuối câu chuyện là cả một đám đông chạy theo Đức Giêsu. Nhưng đám đông ấy – cũng như độc giả – vẫn còn phải tự hỏi: Giêsu là ai?

Phần II: thuật 5 cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các vị lãnh đạo Do thái

BÀI 12: THA TỘI CHO MỘT NGƯỜI BẤT TOẠI (2,1-12)

1Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, 2dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ. 3Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. 5Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi." 6Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: 7"Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? " 8Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? 9Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi", điều nào dễ hơn? 10Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,- 11Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà! " 12Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ! " 

------------------

 Văn thể của đoạn này là “câu nói trong khung”, nghĩa là tác giả tuy kể một câu chuyện nhưng chuyện đó chỉ là một cái khung để làm nổi bật một câu nói của Đức Giêsu. Câu nói quan trọng đó là c 5 “Tội của con đã được tha”. Chính câu nói này và cuộc tranh luận về nó mới là trọng tâm. Chuyện chữa người bất toại chỉ là một cơ hội, một cái khung.


c 1 – Đức Giêsu trở lại Capharnaum và ở trong một nhà. Mà không nói rõ nhưng ta có thể đoán là nhà của Simon (1,29) vì xem ra Đức Giêsu coi đó như nhà mình.

c 2 – Người ta hay tin liền kéo đến rất đông đến nỗi không thể vào cửa được.

cc 3-4 – Khi ấy xuất hiện một người bất toại. Vì đông người quá nên thân nhân không thể khiêng anh vào được. Như thế là người bất toại này bị “khai trừ” về cả hai mặt: về thể xác, anh không thể đi đến với Đức Giêsu được; về xã hội, người ta ngăn cản anh khiến anh không đến được.

 – Lúc ấy thân nhân anh nghĩ ra một diệu kế là dỡ mái nhà. Nhà Do thái có nóc bằng, được làm bằng cây và đất sét nên rất dễ dỡ ra.

c 5 – Đức Giêsu thấy cố gắng của họ là biểu lộ một niềm tin. Ngài lên tiếng. Nhưng đáng ngạc nhiên là Ngài không bảo anh đứng dậy mà lại bảo “tội của con đã được tha”. Hai chi tiết văn phạm đáng chú ý:

 1/ động từ ở thể thụ động (được tha), hiểu ngầm kẻ tha tội là Thiên Chúa. Đức Giêsu chính là Thiên Chúa.

 2/ động từ còn ở thì quá khứ (đã) nghĩa là Thiên Chúa đã tha tội rồi, trước khi anh này phải dâng lễ theo luật buộc (Lv 6,17-23).

cc 6-7 – Quyền tha tội là độc quyền của Thiên Chúa. Bởi vậy các thông giáo phản ứng ngay “Ông này phạm thượng”. Chú ý họ dùng động từ “phạm thượng” y như lời cáo trạng trước Thượng Hội Đồng Do thái (14,63-64).

cc 8-11 – Đức Giêsu đoán được ý nghĩ của họ và trả lời ngay. Thực ra nói một lời tha tội mà kết quả không ai kiểm nghiệm được thì dễ hơn làm một việc cụ thể cho người bất toại đi được. Ngài sẽ làm cho anh này cũng đi được nữa để chứng tỏ Ngài cũng có quyền tha tội. Chú ý ở đây lần đầu tiên trong Mc Đức Giêsu tự xưng là Con Người. trong ngôn ngữ do thái “con người” chỉ có nghĩa là “người ta”. Nhưng từ khi kiểu nói “Con Người” xuất hiện trong sách Đanien thì danh hiệu này được hiểu về Đấng Messia, kẻ được Thiên Chúa trao cho toàn quyền (Đn 7,13-14).

 – Phép lạ diễn ra tức thì sau lời Đức Giêsu nói “Hãy đứng dậy”. Cũng hãy chú ý: động từ này cũng là động từ diến tả sự sống lại. Đây là bằng chứng Mc đã nhìn lại chuyện này dưới ánh sáng phục sinh. Việc làm cho người bất toại đứng dậy chứng tỏ nhiếu điều: chứng tỏ Đức Giêsu là kẻ có quyền phục sinh người chết, chứng tỏ Ngài có quyền tha tội. Mà những quyền đó đều là của Thiên Chúa, nên nó cũng chứng tỏ Đức Giêsu là Messia của Thiên chúa

c 12 – Phép lạ lại khiến khán giả đặt câu hỏi: Người này là ai?


Chuyện này có nhiều chi tiết lạ thường: Đức Giêsu thi hành quyền của Thiên Chúa. Ngài dùng động từ “đứng dậy”, Ngài tự xưng là “Con Người”. Đó là những dấu chỉ mới nữa giúp người ta trả lời câu hỏi Đức Giêsu là ai.

BÀI 13: KÊU GỌI LÊVI VÀ ĂN CHUNG VỚI KẺ TỘI LỖI (2,13-17)

13Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. 14Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người.

15Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. 16Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! " 17Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."

------------------

Chuyện Đức Giêsu kêu gọi Lêvi và sau đó ăn chung với những kẻ tội lỗi cũng chỉ là một dịp để nổ ra cuộc tranh luận thứ hai giữa Đức Giêsu với những thấy thông giáo và biệt phái.


2. Giải thích

c 13 – Mc mở đầu câu chuyện với khung cảnh thân thuộc: Đức Giêsu ở bờ hồ, dân chúng đến với Ngài, Ngài giảng dạy.

c 14 – Rồi đột ngột là một ơn gọi mới. Cách tường thuật ở đây khiến ta phải liên tưởng tới việc Đức Giêsu gọi những môn đệ đầu tiên. (1,16-20). Những ơn gọi này lại rất khác: gọi một người thu thuế làm môn đệ!

Lêvi là một người thu thuế, nghĩa là một nhân vật thu thuế cho đế quốc Rôma. Hạng người thu thuế bị dân chúng cho là tội lỗi và tội lỗi công khai, vì 2 lý do:

1/ gian lận để bỏ túi riêng.

2/ làm tay sai cho kẻ ngoại và kẻ xâm lược.

Vậy mà Đức Giêsu dám gọi Lêvi làm môn đệ, nghĩa là “cán bộ” của Ngài.

c 15 – Sau đó Ngài lại đến nhà Lêvi để dùng bữa, và lại dùng bữa chung với những người tội lỗi khác. Ở đây có đến 3 chi tiết táo bạo của Đức Giêsu:

1/ đến nhà một người tội lỗi.

2/ ăn chung với người ấy.

3/ ăn chung với nhiều người tội lỗi khác nữa.

Ăn chung: đối với người Do thái, ăn uống không chỉ là một việc dinh dưỡng nhưng còn là biểu lộ sự hiệp thông. Ăn chung với người tội lỗi nghĩa là hiệp thông với chúng!

Những người tội lỗi: Xã hội Do thái thời Đức Giêsu xếp vào hạng “tội lỗi” rất nhiều người:

a) Những kẻ có hạnh kiểm xấu như ngoại tình, đĩ điếm, gian dối.

b) Những người hành nghề đưa tới sự bất lương như buôn bán, chuyên chở hang hóa.

c) Những kẻ thường làm những việc dơ dáy như lượm rác, thuộc da, thợ đúc, v.v…

Vì chú trọng tới sự thanh sạch nên người Do thái tránh tiếp xúc với những người “tội lỗi” kể trên, huống chi là ăn chung với chúng. Ăn chung với người tội lỗi thì bị lây ô uế và bị khai trừ.

c 16 – Việc làm của Đức Giêsu bị chỉ trích bởi những người thông giáo và pharisêu. Thông giáo là kẻ thông thuộc luật đạo nên thường trở thành lãnh tụ pharisêu. Pharisêu là một hệ phái óc quan niệm rất cao về Thiên Chúa và có ý muốn sống rất thanh sạch. Họ có ảnh hưởng lớn trong dân, Đức Giêsu đồng ý với pharisêu về rất nhiều điểm. Nhưng trong một vài chi tiết quá đáng của họ thì Ngài không tán đồng. Họ hỏi các môn đệ Ngài: “Tại sao Ngài lại ăn chung với những người thu thuế và tội lỗi?”. Tuy là hỏi môn đệ nhưng là để chỉ trích Đức Giêsu.

c 17 – Đại ý lời của Đức Giêsu: Ngài là thầy thuốc đến chữa trị cho bệnh nhân. Có những chi tiết song song với cuộc tranh luận thứ nhất: a/ Con Người; b/ tha tội; c/ trị bệnh

Chú ý: Thầy thuốc cũng là một tước hiệu của Thiên Chúa (Hs 6,1-3; Gr 30,17).


3. Kết luận

Kỷ nguyên tha tội đã bắt đầu: người tội lỗi không còn bị khai trừ nữa, nhưng được hiệp thông (ăn chung), lại còn được kêu gọi làm môn đệ Đức Giêsu.

Khi Mc ghi chuyện này, trong cộng đoàn của ông, vấn đề kỳ thị kẻ tội lỗi vẫn còn tiếp tục (Cv 10-11,2-3; Gl 2,16). Và thời nay cũng thế. Bởi vậy đoạn Tin Mừng này là một tấm gương cho kitô hữu mọi thời.

BÀI 14: VẤN ĐỀ ĂN CHAY (2,18-22)

18Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? " 19Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. 21Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 22Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới! "

------------------

c 18a – Hoàn cảnh của cuộc tranh luận này là các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người biệt phái ăn chay. Tục lệ này đã thành truyền thống. Ăn chay là cách chuẩn bi để gặp Chúa (x. Môsê trong Xh 34,28). Vào thời Đức Giêsu, các môn đệ của Gioan Tẩy Giả là những người ăn chay nghiêm ngặt nhất bởi vì họ là những người nôn nóng chờ Thiên Chúa đến nhất. Theo họ ăn chay là phương cách triệt để tỏ lòng hoán cải. Họ không bao giờ ăn thịt và uống rượu.

c 18b – Câu hỏi họ đặt ra cho Đức Giêsu rất nghiêm trọng. Đức Giêsu làm sao giải thích việc các môn đệ mình đã phá lệ, vi phạm một trong việc đạo đức được đề cao nhất là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. (Mt 6,1-8).

c 19 – Ta tưởng Đức Giêsu phải nhìn nhận khuyết điểm của môn đệ mình, thế nhưng thật bất ngờ, Ngài chẳng những không làm thế mà còn đưa ra một quan niệm mới lạ:

Ngài tự xưng bằng một tước hiệu mới (tước hiệu thứ ba): Tân Lang. Đây là một tước hiệu của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, giao ước giữa Thiên Chúa với dân được so sánh với tiệc cưới trong đó Thiên Chúa là Tân Lang (Is 54,5-6 62,4-5). Các ngôn sứ còn tiên tri rằng mặc dù Tân Nương bất trung cùng (Hs 2,18-22). Một bữa thịnh soạn đầy rượu thịt sẽ đãi cho mọi dân tộc để ăn mừng chiến thắng chung cục của Thiên Chúa trên sự dữ và sự chết (Is 25,6-9). Vừa tự xưng mình là Tân Lang, Đức Giêsu vừa coi các môn đệ mình là những khách được mời dự tiệc cưới, cho nên các khách mời (các môn đệ) dĩ nhiên cũng phải ăn uống vui vẻ. Mà thực tế là như vậy: Ngược lại với nếp sống khắc khổ của Gioan Tẩy Giả, lối sống của Đức Giêsu từng bị lên án là tham ăn tham uống (Mt 11,18-19). Bây giờ cách ăn uống của môn đệ Ngài cũng ngược với cách ăn uông của môn đệ Gioan Tẩy Giả.

c 20 – Đức Giêsu đến khai mạc bầu khí vui mừng của tiệc cưới (tiệc cưới Cana, Ga 2,1-2). Thế nhưng Ngài báo trước tình hình sẽ thay đổi: Ngài sẽ chịu nạn chịu chết. Đến lúc đó các môn đệ mới trở lại với thói quen ăn chay để chuẩn bị đón Ngài Quang Lâm (Cv 18,1-3).

cc 21&22 – Đức Giêsu kết luận bằng 2 dụ ngôn nhỏ (vải và rượu) để nhắc lại một lần nữa kỷ nguyên mới đã bắt đầu, trật tự và những tục lệ cũ đã lỗi thời, do đó phải có một cách sống mới, đúng như lời câu ngạn ngữ: “rượu mới thì bình phải mới”.


Trong đoạn Tin Mừng này Mc đã phản ảnh ý thức cộng đoàn của ông rằng họ đang sống trong một kỷ nguyên mới. Không thể bám víu vào những tập tục cũ, cũng không thể vừa lòng với những vá víu tạm bợ của Do thái giáo mà thực chất chỉ làm cho “tấm vải mới” bị hư thêm. Tông đồ Gioan đã tóm lược rất đúng điểm mới mẻ mà Đấng Mesia đã khai mạc như sau: “Thật bởi nguồn viên mãn nơi Ngài mà tất cả chúng ta đã từng nhận lãnh hết ơn này lại thêm ơn khác. Vì luật pháp chỉ nhờ Môsê ban hành, còn Ân sủng và Chân lý thì do Đức Giêsu đưa đến” (Ga 1,16-17).

BÀI 15: MÔN ĐỆ BỨT LÚA NGÀY SABBAT (2,23-28)

23Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: "Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép! " 25Người đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? 26Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế."

27Người nói tiếp: "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. 28Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát."

------------------

*** Đây là cuộc tranh luận thứ tư: về vấn đề giữ ngày Sabbat.

c 23 – Hoàn cảnh của cuộc tranh luận này là việc các môn đệ Đức Giêsu bứt lúa trong ngày Sabbat. Theo luật Môsê (Xh 20,8-11), Sabbat là ngày dâng hiến cho Thiên Chúa nên phải nghỉ ngơi tuyệt đối. Từ thời lưu đầy trở đi (tk IV tcn.) việc giữ chay ngày Sabbat được coi thước đo lòng trung thành với ý của Thiên Chúa vốn được bày tỏ ngay từ khi mới tạo dựng vũ trụ (St 2,1-4a)

– Theo dòng thời gian, người ta ngày càng đặt thêm nhiều quy định về cách giữ ngày này. Đến thời Đức Giêsu, tính ra đã có tới 39 điều không được làm trong ngày này, trong đó mọi việc liên quan tới gặt hái đều bị cấm, kể cả mót lúa gay bứt vài bông lúa.

Hành động của các môn đệ đã được Mc đưa thêm lý do để giải thích: họ bứt lúa “để mở đường” nghĩa là không phải để ăn như trong Mt và Lc. Như thế hành động này dễ hiểu hơn, nhưng dù sao nó vẫn bị coi là vi phạm luật ngỉ ngơi ngày Sabbat.

c 24 – Bởi vậy biệt phái khó chịu liền và đem việc đó ra vặn hỏi Đức Giêsu.

cc 25&26 – Đức Giêsu trích một trường hợp phá lệ nổi tiếng tronh Cựu Ước do chính vua Đavít làm. Đavít là một trong những khuôn mặt lý tưởng, là hình ảnh của Đấng Messia sẽ đến. Khi viện dẫn trường hợp này, Đức Giêsu vừa biện mình cho các môn đệ, vừa cho biết về bản thân Ngài: Ngài chính là Đấng Messia mà Đavít chỉ là hình ảnh tiên báo, do đó kỷ nguyên mới đã bắt đầu.

c 27 – Liền sau đó, Đức Giêsu lại đưa ra một tuyên bố chắc chắn khiến mọi người phải sửng sốt: “Ngày Sabbat được lập ra vì người ta, chứ không phải người ta được dựng nên vì ngày Sabbat”. Đây là cách giải thích đúng ý nghĩa của ngày này: Thiên Chúa lập ra ngày Sabbat nhằm mục đích giải phóng con người để con người “phục vụ” Thiên Chúa và tha nhân. Ý nghĩa này đã bị quên lãng để nhường chỗ cho những luật lệ ngày càng nhiều khiến nô lệ hóa con người.

c 28 – Và câu kết của Đức Giêsu còn gây ngạc nhiên hơn nữa: “Con Người là Chúa của ngày Sabbat nữa kia”. Đức Giêsu tự cho mình cái quyền của chính Thiên Chúa (St 2,1-4a). Với tuyên bố này Đức Giêsu khiến thính giả càng tự hỏi nhiều hơn: Ông này là ai vậy?

BÀI 16: CHỮA NGƯỜI BẠI TAY (3,1-6)

1Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. 2Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người. 3Đức Giê-su bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra giữa đây! " 4Rồi Người nói với họ: "Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi? " Nhưng họ làm thinh. 5Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: "Anh giơ tay ra! " Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. 6Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su. 

------------------

*** Đây là cuộc tranh luận thứ 5 và cũng là cuối cùng giữa Đức Giêsu và phe biệt phái – thông giáo. Tình trạng đối đầu còn nghiêm trọng hơn (từ 2,1). Trước đây Đức Giêsu chỉ tự chế trong những lời đối đáp qua lại, bây giờ Ngài chuyển sang hành động.

c 1 Câu chuyện hết sức bình thường, nhìn bên ngoài thì chẳng thấy gì đặc biệt: Đức Giêsu lại vào Hội đường như thông lệ. Thế nhưng Hội đường chính là “đất riêng” của những người do thái sùng đạo, là nơi công bố luật Môsê, và là nơi người ta đánh giá xem ai có tôn trọng luật Môsê không.

c 2 – Hôm đó những người biệt phái có mặt ở đấy để rình cơ hội bắt gặp Đức Giêsu vi phạm luật, như những động từ được Mc dùng: “rình”, “tố cáo”. Và cơ hội là sự hiện diện của một người bại tay. Luật nghỉ làm việc ngày Sabbat có mục đích là để giải phóng con người (Đnl 5,12-15). Nhưng dần dần tinh thần vụ luật đã biến ngày này thành một gánh nặng khó vác. Thời Đức Giêsu tất cả mọi hoạt động đều bị cấm. kẻ cả những hoạt động rất nhỏ, chỉ được miễn trừ trong trường hợp có người bệnh nặng gần chết. Hoàn cảnh ở đây không thuộc luật trừ đó.

c 3 Nhưng Đức Giêsu muốn dùng trường hợp này để đưa ra một thí dụ sống động về ơn cứu thoát. Trước hết Ngài gọi bệnh nhân bước ra. Chắc người này khi bị gọi ra giữa đám đông cũng cảm thấy bối rối. Nhưng Đức Giêsu có chủ ý.

c 4 Thay vì những chi tiết nhỏ về những cách chăm sóc nào được phép làm cho bệnh nhân. Đức Giêsu hỏi ngay điểm chủ yếu nhất: Trong ngày Sabbat được phép làm lành hay dữ, được cứu sống hay cứ để mặc cho chết? Thực ra câu hỏi này rất dễ trả lời. Thế nhưng Mc đã hóm hỉnh vạch rõ sự thiếu trách nhiệm của những người biệt phái: họ im lặng. Lẽ ra họ phải trả lời đồng ý cứu người bệnh, nhưng họ không dám. Bởi vì họ đã bị giam cứng trong thói quen chẳng dám làm gì trong ngày Sabbat.

c 5 Sự im lặng thiếu trách nhiệm ấy khiến Đức Giêsu vừa “buồn” vừa “giận”. Sự buồn giận của Ngài lộ ra cặp mắt của Ngài, Ngài “nhìn họ một vòng”. Mc hay dùng chi tiết này để cho thấy sự không hài lòng của Đức Giêsu (3,34 5,32 10,23 11,11). Mc còn nói thêm rằng Ngài buồn giận “vì lòng họ chai đá”, nghĩa là lòng họ đã vĩnh viễn khép lại trước Tin Mừng cứu thoát.

Nhưng Đức Giêsu không vì sự chai đá ấy mà bỏ cuộc. Chỉ cần phán một lời Ngài làm cho người bệnh được khỏi. Với tư cách là “Chủ chăn của ngày Sabbat”, Đức Giêsu đã tỏ ra biết dung hòa giữa đòi buộc nghỉ ngơi ngày Sabbat với hoạt động cứu thoát mà Thiên Chúa giao cho Ngài (Ga 5,16-17).

c 6 Chuyện kết thúc như một vở bi kịch: các đối thủ đi tìm thêm đồng minh (bè Hêrôđê) để tìm cách giết Ngài!


1/ Đức Giêsu đã từng tuyên bố rằng ngày Sabbat được lập ra vì con người chứ không phảo ngược lại (2,27). Nếu Ngài chữa bệnh trong ngày này chính là để trả lại cho nó ý nghĩa tinh tuyền nguyên thủy của nó. Sabbat là ngày giải phóng. Khi cho người bệnh được khỏe mạnh lại là Đức Giêsu giải phóng anh, là Ngài làm đúng vai trò của Đấng Messia. Theo truyền thống Messia là Đấng được Thiên Chúa sai đến để phục hồi thế giới lại trong sự Thiện và sự Sống. Với Ngài, bắt đầu một trật tự mới trong đó con người được đặt lại trong phẩm giá nguyên thủy của mình. Các tác giả Tin Mừng sẽ nhấn mạnh tới sự “tái lập trật tự” này. Phần Mc thì kín đáo gợi ý điều đó khi nói rằng tay của người bệnh “trở lại bình thường” (c 5b)

2/ Bút pháp của Mc trong chuyện này cũng rất khéo với các chi tiết đối xứng nhau.

3/ Câu chuyện này cũng là một “Tin Mừng Mc thu gọn”:

Chương 2 đã đưa ra những chi tiết giúp người ta đoán được Đức Giêsu là ai: là “Con Người” có quyền tha tội (2,10), là “Thầy thuốc” chữa mọi sự dữ của con người (2,17), là “Tân Lang” khánh thành hôn lễ giữa Thiên Chúa với loài người (2,10), là “Chủ của ngày Sabbat” (2,28).

Chương 3 cho thấy sự thù địch đối với Đức Giêsu. Câu chuyện này cho thấy âm mưu giết Ngài của bọn biệt phái và bè Hêrôđê. Tuy âm mưu này hơi sớm, nhưng nó báo trước cuộc thụ nạn sau này của Đức Giêsu. Bởi thế, Mc dùng 2 động từ của cuộc thụ nạn: “Tố cáo” (c 2b) và “giết chết” (c 6b). Vụ án về việc xử tử Đức Giêsu đã bắt đầu ngay từ việc Ngài muốn tái lập trật tự nguyên thủy cho loài người.

BÀI 17: ĐỨC GIÊSU VÀ DÂN CHÚNG (3,7-12)

7Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, 8từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. 9Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. 10Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. 11Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: "Ông là Con Thiên Chúa! " 12Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai. 

------------------

*** Sau khi cho thấy sự thù nghịch của nhóm biệt phái đối với Đức Giêsu, bây giờ Mc chuyển đề tài: liên hệ giữa Đức Giêsu với dân chúng như thế nào?

c 7 Sau những cuộc tranh luận căng thẳng. Đức Giêsu muốn thư giãn đôi chút, Ngài cùng các môn đệ đi ra bờ hồ. Nhưng các ngài không nghỉ ngơi được, vì nhiều người từ Galilê đến với Ngài.

c 8 Không phải chỉ từ Galilê, mà còn từ mọi nơi: Giuđê, Giêrusalem và cả những miền dân ngoại như Iđumê (phía nam), bên kia sông Giođan (phía đông), Tyr và Siđon (phía bắc). Họ đến vì “nghe tin các việc Ngài làm” nghĩa là nghe Ngài chữa bệnh.

c 9 Để khỏi bị tràn ngập bởi đám người đông như vậy, Đức Giêsu nhờ môn đệ liệu cho Ngài một chiếc thuyền.

c 10 Mc nói rõ dân chúng đông như vậy là vì muốn được khỏi bệnh, người ta nghĩ rằng chỉ cần chạm tới Ngài cũng đủ hết bệnh tức khắc. Trước một sự cuồng nhiệt có phần lệch lạc như thế, Đức Giêsu muốn giữ một khoảng cách. Ngài không phải là một chuyên viên chữa bệnh. Những phép lạ Ngài làm chỉ là những dấu cho người ta đến với đức tin, sứ mạng của Ngài là loan Tin Mừng (1,37-38).

c 11 Đến đây các uế thần lại vào cuộc. Chúng luôn luôn muốn phá hủy chương trình của Đức Giêsu bằng cách hô to lên lý lịch của Ngài: Ngài là Messia, là Con Thiên Chúa để lôi cuốn chúng vào một thứ tin tưởng lệch lạc và vụ lợi về Đấng Messia. Bởi đó Ngài phải nghiêm cấm chúng, vì bây giờ chưa đến lúc tiết lộ “bí mật Messia”.