16 Bài Bảo Vệ Hôn Nhân GĐ

1. AI PHỤC VỤ AI?

Lm Giuse Hoàng Tiến Ðoàn, S.J.

Một anh bạn tâm sự với tôi rằng, hồi anh và chị đưa nhau vào Nhà Thờ để thề nguyền sống chết bên nhau lúc vui cũng như khi buồn, lúc ốm đau cũng như khi mạnh khoẻ anh đã có một lòng tâm nguyện với lời hẹn ước với Ðức Mẹ, Ðấng đã làm rất nhiều phép lạ trong cuộc đời anh, và đặc biệt phép lạ lớn nhất: đó là dẹp tan mọi sóng gió bão táp cả hai bên gia đình để cho: anh lấy được nàng!

Chiều ngày lễ cưới, anh nghẹn ngào xúc động quỳ dưới bàn thờ Ðức Mẹ Từ Bi, lòng anh cảm thấy vui mừng và sung sướng, anh nguyện hứa với Ðức Mẹ suốt một đời anh sẽ sống khiêm nhượng và quyết tâm luôn luôn làm "người phục vụ tốt của Bà Xã", người thiếu nữ đoan trang khả ái, nết na và đạo hạnh mà Ðức Mẹ đã thương ban cho anh như người bạn đời chung bước với anh suốt cuộc sống. Anh vẫn tâm niệm những lời Chúa nói trong Phúc Âm như ánh sáng soi đường dẫn bước anh đi: "Ai muốn làm lớn thì phải trở nên như kẻ phục vụ"; "Không tình yêu nào quý hơn là tình yêu của kẻ biết hy sinh mạng sống cho người mình yêu!"; "Các con gọi Ta là Thầy là Chúa song Ta ở giữa các ngươi như người hầu hạ. Và này, Ta rửa chân cho các con thì các con cũng hãy rửa chân cho nhau như vậy".

Những Lời Chúa ấy, anh khắc ghi trong tim với tất cả tâm tình sốt mến và tạ ơn. Anh lập lại lời hứa ấy với Thánh Gia Thất, xin Gia Ðình Thánh là mẫu mực cuộc sống mới của anh, nhắc nhủ và thêm sức cho anh làm tròn nguyện ước.

Thế rồi, anh kể lại hơn một năm sau ngày cưới, vì phải đi làm ở xa, đến khi trở về đến nhà, anh gặp thấy một Con Vật Dị Dạng y như một Alien từ hành tinh nào đó: cả thân hình nó đỏ hỏn, và cứ ngó ngoáy lắc lư không lúc nào yên; chân nó co giật và vung ra liên hồi, còn tay nó thì luôn nắm chặt như khư khư giữ lấy cái gì quý lắm, thỉnh thoảng lại quơ lên như muốn đấm vào mặt ai; và đôi môi nó cứ trườn lên, trẹo xuống, thỉnh thoảng lại mím chặt; hai mắt nó nhắm tịt, lâu lâu hé ra ti hí để lộ ra hai con ngươi đen lánh sắc bén như biểu hiện một trí óc thông minh tuyệt đỉnh trong một cái đầu tròn ủng như quả dừa non lưa thưa dăm ba sợi lông. Anh rón rén lại gần để xem cho rõ hơn, thì một tràng âm thanh hỗn độn, rổn rảng không giống bất kỳ một thứ âm thanh nào ré lên từ đôi môi trẹo trọ uốn éo của nó. Anh hoảng hồn muốn bỏ chạy, thì có một bàn tay nhỏ đặt lên vai anh, thì ra bà xã đã đứng cạnh bên anh từ lúc nào. Nàng âu yếm nói với anh:

- Anh xem kìa, nó giống anh như đúc!

Anh điếng người, chết trân đứng nhìn! Cố gắng lắm, anh mới dằn được xúc động mà nói với vợ:

- Em muốn đặt tên cho nó là gì?

- Mình gọi tên nó là Tâm đi anh, tiếng Mỹ thì gọi là Tommy cho tiện!

Phải, chính cái thằng Tâm này, mà ông nội nó vẫn thường gọi là Tô-Mì, thật là đúng với cái tên của nó. Người đã tròn như cái cối xay rồi mà lúc nào cũng chỉ ăn với ngủ. Và anh bắt đầu khám phá ra rằng: từ nay anh không chỉ phục vụ riêng có một người, bây giờ lại thêm một nhân vật thứ ba nữa. Ðó là Tô-Mì mà anh gọi là Tí, mà vì nó, lắm khi anh đã phải chạy vắt giò lên cổ.

Chẳng hạn như mới hôm nào, đang xem Super Bowl trong TV đến phiên gay cấn khán giả đang hò reo ầm ĩ: "gô gô gô", anh cũng nắm tay trợn mắt: "gô gô gô" thì bà xã từ trong phòng tắm gọi ra:

- Anh ơi, kiếm cho cu Tí cái áo được không anh?

Anh ta nghĩ bụng: "được chớ, nhưng từ từ đợi một tí cho qua pha gay cấn này đã." Ðang chần chừ thì đã có tiếng cằn nhằn: "Người gì mà lúc nào cũng cứ dí mắt nhìn vào cái TV, không còn đụng chân tay vào bất cứ việc gì. Lớn lên đừng giống như thằng cha mày nghe con!" Nghe vợ càm ràm, nhìn lên ảnh Ðức Mẹ anh nhớ lại lời hứa, nên vội vàng chạy vào phòng ngủ chụp đại cái áo mỏng của thằng Tí trên giường đưa vào phòng tắm cho vợ:

- Áo thằng Tí đây em.

- Không phải áo này, mỏng dính như vậy con mặc vào lạnh chết. Lấy áo dầy màu xanh hình con thỏ trong ngăn tủ áo ấy.

Anh vừa chạy vào lại phòng ngủ vừa nhớn nhác cuống quýt kêu lên,

- Biết bao nhiêu là ngăn tủ mà, ngăn nào vậy em?

- Thì ngăn để quần áo con nít ấy.

Kiếm mãi mới tìm ra được, mừng quá lấy ra cho vợ thì chị lại nói luôn :

- Lấy thêm cho con cái tã nữa, anh!

Chẳng biết cái tã là gì, anh chạy vội vào phòng ngủ quơ đại cái khăn bông đưa đến cho vợ, liền bị cự ngay:

- Ðây là khăn bông, em đã bảo lấy cho cái tã cơ mà!

Anh thở dài thườn thượt,

- Tã là cái gì vậy, anh chưa thấy bao giờ?

- Ối giời ơi, cái mà tiếng Mỹ gọi là Diaper đó.

- À, giống như của mấy võ sĩ Sumô chứ gì, anh gọi nó là cái khố.

- Thì biết rồi, đi lấy đi còn đứng đó càm ràm nữa!

Anh lại phải chạy vào trong phòng ngủ lục lọi tìm mãi trong mấy thùng giấy mới kiếm được cái tã. Ðưa ra cho vợ xong, anh hớn hở mừng rỡ thầm nghĩ thế là xong bổn phận, nên vội nhẩy ra phòng Living Room đang định ngồi xuống thưởng thức tiếp màn Super Bowl gay cấn, thì có tiếng vợ cằn nhằn vang lên,

- Cái anh này, mới đứng đây mà đã biến đâu mất rồi. Anh ơi, lấy cho cái lọ dầu cho con được không, anh à? Cần bôi dầu cho con nó ấm, sợ bịnh.

Anh thở dài ngao ngán nghĩ bụng: "Ðược thì được chớ, nhưng mà trời đánh tránh lúc coi Football" Dù vậy, anh cũng thở dài thấp thểnh bước vào:

- Dầu để đâu vậy em?

- Ðể trên bàn phấn của em ấy, anh chả để ý cái gì cả! Cái gì cũng phải hỏi.

Bực bội, anh muốn gân cổ lên, nhưng anh đã quyết định những lúc như thế này phải hạ giọng xuống, đấy là nguyên tắc anh đã học được để bảo vệ mái ấm gia đình. "Khi bực muốn gân cổ lên thì phải lập tức hạ giọng xuống," nên anh cố gắng nói một câu hài hước:

- Dạ thưa cô, vâng!

Làm công tác phục vụ xong, anh cảm thấy mệt lử, không còn thấy hứng thú coi Football nữa. Chị vợ tắm và mặc quần áo cho con xong, bồng con ra nhà ngoài thấy mặt mũi anh chồng bơ phờ, thương hại, chị nói:

- Ðã bảo rồi mà anh không chịu nghe, lấy em thì chỉ có khổ thôi!

Nghe chị nói thế, anh cảm thấy mát ruột, bèn trả lời:

- Khổ vì yêu mà em! Không khổ làm sao biết yêu!

Cu Tí mới tắm xong nên vui vẻ toe toét nói cười, anh cảm thấy dạt dào thương con, xong cũng cảm thấy tấm tức vì nhiều lúc anh có cảm tưởng mình bị bỏ rơi. Trước khi có con, chị làm tất cả và dành mọi thì giờ cho anh. Bây giờ có con rồi, nhiều khi chị quên tuốt là có anh bên cạnh. Dường như chị hết sức chú tâm và dành hầu hết mọi thì giờ cho con. Nhiều đêm, chị nựng con, cho con bú, ôm hôn vuốt ve chiều chuộng, rồi ru con ngủ và ngủ luôn với nó, để anh chồng nằm khò khoeo chơ vơ một mình. Liếc nhìn thấy đứa con ngủ say sưa ngon lành trong vòng âu yếm tay của vợ, anh đưa mắt lừ đừ ấm ức nhìn con, "cái thằng mất nết, hư, quấy, khóc nhè! Không có mẹ ôm thì không chịu ngủ."

Một hôm, anh cười mủm mỉm thủ thỉ với vợ:

- Em ơi, từ khi nhà mình có thằng Tí, anh chỉ có mỗi một ước mơ!

- Ước mơ gì vậy anh?

- Ước chi anh cứ nhỏ mãi, nhỏ mãi, nhỏ đi mãi y như thằng cu Tí thì . . . sung sướng biết chường nào.

Chị ngớ ra một lúc, rồi cười ngỏn ngẻn thụi nhẹ anh một cái.

- Cái anh này kỳ cục! Ai lại đi ghen với con. Thôi từ nay lo cho con ngủ xong rồi, em sẽ lo cho anh nha!

- Nói chơi cho vui vậy thôi, lo cho con là hơn cả em à. Anh tự lo cho mình được rồi.

Nói thì nói thế thôi, chứ cái tâm nguyện làm "Người phục vụ tốt của bà xã" đã lắm khi challenged anh rất nhiều. Nhiều lúc anh cảm thấy chán ngán muốn bỏ cuộc vì mệt quá, lắm lúc anh muốn tránh né khi bà xã có ý nhờ cậy. Ðặc biệt, cái làm cho anh bực nhất là không biết ý của vợ như thế nào để làm cho đúng. Vì nhiều khi không làm thì không được, mà làm thì không biết có đúng ý vợ hay không, thật là rắc rối! Gần đây trong đám bạn nhậu, có anh sắp lấy vợ hỏi ý kiến về cuộc sống hôn nhân gia đình là gì, anh thở dài thườn thượt chép miệng:

- Hôn nhân ấy à! Thì à . . . nó giống y như là . . . cái Rest Room ấy."

- Cái gì kỳ cục dzậy cha? Bộ hối hận vì đã lấy vợ rồi hả?

- Này nhé: Hôn nhân nó y như là chỗ mà . . . kẻ bên ngoài thì thập thò muốn vào, kẻ bên trong lại nhấp nhỏm muốn ra. Vậy thì nó không giống như cái Rest Room thì còn giống cái gì?

Mấy anh nhậu nhìn anh cười hề hề:

- Thế, . . . bộ đằng ấy đang nhấp nhỏm muốn ra rồi hả?

- Muốn cũng chẳng được, bị kẹt cứng trỏng rồi mấy ông ơi! Ðành chịu vậy thôi!

Cách đây ít lâu, anh khẳng định với tôi: "làm người phục vụ tốt của bà xã" mệt lắm chứ không phải chơi! Nói thì dễ lắm, nhưng làm thì khó vô cùng.

Và mới hôm nọ, trong một buổi đi du ngoạn đẹp trời với anh chị và đứa con nhỏ. Tôi gặp chị riêng một chỗ, và dùng lời nói khéo để tỏ bày tâm ý của anh cho chị nghe, thì chị giẫy nẩy lên:

- Thôi đi, hổng dám đâu! Ai phục vụ ai? Có em phục vụ ảnh thì có, ở đấy mà ảnh phục vụ em!

Rồi chị kể ra một thôi một hồi cả hàng trăm thứ việc mà ngày nào chị cũng phải làm để lo cho chồng, và lo cho ...

- "thằng con cưng của ảnh", thỉnh thoảng ảnh mới động chân động tay giúp cho dăm ba việc lặt vặt thì bầy đặt kể lể... phục vụ phục viếc.

Nghe những lời chị kể, tôi liên tưởng đến một ông bạn khác có vợ và ba đứa con. Vì các con còn nhỏ cả nên chị ở nhà coi con chỉ có một mình anh đi làm thôi. Anh vẫn tưởng rằng chị ở nhà coi con như vậy thì chắc là thảnh thơi hơn anh. Cho đến một hôm, anh phải ở nhà trông coi các con cho chị sang thăm bà mẹ già bệnh nặng bên tiểu bang Lousianna, anh mới hiểu được thế nào là tề gia nội trợ. Trước khi đi, chị trao cho anh một list danh sách những việc cần phải làm trong ngày:

- 6:30 sáng sớm thức dậy, sau khi rửa mặt đánh răng xong,

- 6:45 nấu ấm nước sôi (đổ đầy lên đến vòi) để chuẩn bị pha sữa cho con,

- 6:50 mở cửa, ra ngoài lấy báo vào, nếu không nước tưới cỏ sẽ xịt lên vào lúc 7 giờ sẽ làm cho báo ướt hết. Nếu là ngày Thứ Ba thì khi lấy báo, đem mấy thùng rác ra, cho xe đến đổ rác vào khoảng lúc 7 giờ.

- Ngay sau đó, lên phòng ngủ đánh thức thằng Tí, và con Ti dậy, nhưng phải giữ yên lặng để cho thằng cu Ri còn ngủ tiếp, vì nó hay ngủ trễ; nhất là vì còn bé phải được cho ngủ nhiều hơn. Giúp 2 đứa Tí, Ti gấp mền gối cho gọn gàng và xếp lại ngay ngắn trên đầu giường. Ðể ý nghe ấm nước rít lên thì phải xuống bếp tắt ngay, nếu không sẽ cháy ấm gây hỏa hoạn. Ðể nước đấy, khoảng 3 phút sau mới pha sữa, vì pha ngay nước nóng quá sữa không tốt. Pha luôn ba bình để tủ lạnh cho con ăn trong một ngày.

- 7 giờ giục hai đứa Tí, Ti rửa mặt cho lẹ, vì nhiều khi vào đến Bath Room rồi mà chúng nó vẫn còn ngồi ngủ tiếp trong đó. Pha nước ấm vừa phải cho con tắm. Chúng nó tự tắm lấy được vì em đã training chúng nó rồi, anh không phải lo. Nhưng phải lấy quần áo sạch của hai đứa nó trong phòng ngủ bỏ sẵn vào ngăn tủ cuối cùng trong phòng tắm, để tắm xong chúng nó tự thay quần áo lấy.

- 7:15 phút ra ngoài vườn mở cửa chuồng cho chó ra. Gọi chó vào trong Garage và lấy Food trên kệ gỗ bên hông Garage cho nó ăn. Lấy một chén nhỏ đã để sẵn ở đó thôi, đừng lấy nhiều quá, ăn không hết nó sẽ bới vung vãi lên làm dơ garage.

- 7:20 phút gọi thằng Tí, con Ti từ phòng tắm trên lầu xuống, lấy Seriô và đổ sữa tươi vào cho nó ăn. Ðể chúng nó tự chọn thích cái gì cho ăn cái đó. Nhưng chỉ cho mỗi đứa đầy một chép soup nhỏ thôi, nhiều quá ăn không hết, chúng nó bời lợp ra. Sau khi lấy Seriô, để xuống bàn nhỏ trong Living Room và mở TV chương trình "Baney" lên cho nó vừa ăn vừa xem để khỏi phá phách.

- 7:30 phút, lên phòng ngủ bế thằng Ri dậy.

Chỉ đọc đến đây thôi, anh ta đã cảm thấy toát mồ hôi. Ấy mới có một tiếng đồng hồ thôi đấy, biết bao nhiêu là việc. Nhìn nhật trình hằng ngày từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối chữ đặc kịt hơn 5 trang giấy, anh ta thấy choáng váng mặt mày: nào là tắm rửa cho thằng Cu Ri, đút cháo cho con, cho ăn thêm sữa, đưa hai đứa con đi học, đi chợ, nấu ăn những thức mấy đứa nhỏ thích, giặt giũ và xếp lại quần áo, bỏ vào ngăn tủ cho đúng chỗ, đến giờ đưa hai đứa con về, đẩy xe cho thằng cu Ri đi dạo neighborhood, đồng thời cũng giắt chó đi chơi luôn. Cả một ngày bận rộn liên tục không lúc nào ngừng nghỉ. Ðặc biệt, anh thấy bà xã của anh đã organize và tính toán các giờ giấc với các việc phải làm rất khít khao vào hợp lý không sai chệch chỗ nào được. Chẳng hạn sau khi bỏ nồi cơm lên, thì làm các món ăn, và trong khi đồ ăn đang được nấu chín thì dọn bàn ăn cho mấy đứa nhỏ, và gọi chúng nó ngồi sẵn vào đấy. Khi đồ ăn vừa chín thì cơm cũng chín tới và mấy đứa nhỏ cũng có đó luôn để cho chúng ăn. Phụ nữ biết tính toán và xếp đặt những cái chi ly vụn vặt rất khít khao, đâu ra đó. Thật là kỳ diệu. Lúc ấy anh ta mới cảm thấy phục bà xã của anh sát đất.

Vậy thì, "Ai Phục Vụ Ai?", trở lại với anh chàng muốn làm "người phục vụ tốt của bà xã" với cậu con trai tên Tô-Mì kia, anh ta phàn nàn rằng nhiều khi không biết ý vợ làm sao để biết có nên làm không và phải làm sao cho đúng vì cổ im ỉm không nói. Nếu có nói thì lại có vẻ như ra lệnh, hoặc trách móc, hoặc bực tức, hoặc giận dỗi làm cho anh quay cuồng, không biết làm sao cho phải. Nhiều khi, cách nói của chị làm cho cơn lười của anh nổi lên, anh muốn ỳ ra để mặc, chẳng muốn làm gì cả!

Tại sao lại có sự khó khăn rắc rối như vậy? Thực ra điều này nằm nơi sự bí ẩn trong bản tính người nữ, cũng như nơi sự ngây ngô trong tâm tính người nam. May thay, chính những cái bí ẩn và ngây ngô này khiến nhiều anh bị các chị vợ hay người yêu cắm cho cả hàng chục cái sừng trên đầu mà không biết; cũng như các chị, các cô biết rằng mình bị phỉnh, bị nịnh, bị cho đi máy bay giấy mà vẫn thích như thường.

Bản tính người phụ nữ khi yêu, họ tự nguyện dâng hiến, muốn cho đi, muốn trao dâng một cái gì đó. Trong nỗi thương yêu nồng nhiệt, họ tìm ra vô số những cách thức để tỏ lòng thương yêu cùng với sự âu yếm, sự lo lắng, sự săn sóc cách này cách khác. Với tình thương yêu nồng nàn lâng lâng trong trái tim, người phụ nữ rất tinh ý họ tự nguyện giúp đỡ ngay khi người yêu muốn mà không cần người này phải hỏi han hay kêu cầu gì cả. Chính vì thế, người phụ nữ nghĩ rằng: chồng hay người yêu của mình cũng đối sử lại với mình y như thế. Trong thế giới phụ nữ: "yêu là tự nguyện, tự giác không cần phải hỏi". Người phụ nữ luôn nghĩ rằng: "đã yêu là tự khắc phải biết, cần gì phải hỏi," có nghĩa là nếu người ấy yêu mình thật thì sẽ tự nguyện làm cho mình vui lòng, không cần phải hỏi. Vì đã phải hỏi, phải kêu cầu mới làm cho thì còn gì là yêu nữa. Ðối với người phụ nữ, không hỏi, không nhờ cậy mà làm theo điều mình mong muốn, như thế mới cho thấy là người ấy yêu mình thật. Nói khác đi, "không nói mà làm theo ý mình muốn" trở thành cái test để người phụ nữ thử xem, người kia có yêu mình thật hay không!

Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn không thể nào có (it doesn't work) trong thế giới của người nam. Thông thường, người nam chẳng bao giờ tự nguyện làm cái này hay giúp cái kia nếu không được nhờ cậy. Ðối với người nam được người nữ "nhờ cậy" đem lại cho mình sự thích thú và niềm hãnh diện, vì có cảm tưởng mình là kẻ được tin tưởng, được trông cậy. Người nam cảm thấy rất "nervous" khi mình phải làm cái gì đó mà không được người nữ trực tiếp hay gián tiếp nhờ cậy. Vì nghĩ rằng không biết mình có nên làm không, và có làm đúng ý theo cách người ấy muốn không?

Thông thường thì vợ chăm lo việc này việc kia cho chồng, và mong chồng cũng biết đáp ứng lại điều mình muốn. Nhưng thấy chồng cứ tà tà chả quan tâm gì, làm chị phát bực, và đến lúc phải nói lên sự mong muốn của mình, thì thường lời chị phát biểu có vẻ găy gắt, bực bội, hay hờn dỗi, hoặc ra lệnh khiến cho anh, thay vì hăng hái làm hết sức mình, thì lại làm chiếu lệ, qua loa cho xong để khỏi bị mè nheo phiền phức. Thường thì, chồng thấy vợ không nói gì tưởng chị không cần giúp, hơn nữa, anh không biết phải giúp gì và giúp thế nào cho chị vui lòng nên cứ tỉnh bơ bình thản.

Ngày nay, ngoài công việc làm bên ngoài để phụ giúp tài chánh trong gia đình, các chị còn phải làm thêm cả công việc nội trợ, mà hầu như phụ nữ nào cũng tự coi là việc của mình: Ði chợ, nấu nướng, giặt giũ, lo cho các con. Xin các anh lưu ý khi các chị không nói gì không có nghĩa là các chị không cần giúp mà trái lại các chị đang trông mong và chờ đợi các anh giúp. Xin cứ hỏi cho biết cần giúp gì và giúp thế nào.

Mặt khác, xin các chị đừng assume (giả định) rằng các anh cũng giống như các chị, đoán biết điều cần làm và tự ý làm mà không cần được bảo cho biết. Các anh chỉ làm khi được nhờ cậy; và thực ra, các anh thích được các chị nhờ cậy lắm. Các anh cũng muốn "make sure" ý các chị ra sao để các anh biết cách làm cho các chị. Vậy, xin các chị cứ nói ra vui vẻ, tự nhiên và đơn sơ chân tình, đừng nói ra vì ấm ức chờ hoài nên đành phải nói, và cũng đừng nói lời yêu cầu một cách sự rụt rè, nghi ngại. Xin các chị nhớ lại khi mới quen nhau, các chị nhờ gì các anh cũng làm hết mình, làm cho đến khi các chị mãn nguyện mới thôi. Các anh đã làm các việc ấy một cách rất tự hào, vui vẻ và hãnh diện. Tôi thiết nghĩ, các anh vẫn muốn tiếp tục làm như vậy, tuỳ vào cách các chị có biết nhờ cậy và khích lệ để giúp các anh trở nên người phục vụ tốt hay không.

Giúp bằng cách nào? Bằng cách nói, cử chỉ và đừng quên, bằng cả phần thưởng nữa giống như trước ngày cưới các chị đã đối xử với các anh. Tôi xin đề nghị với các chị vài cách nói sau đây, hy vọng giúp các chị đánh trúng tim đen (nghĩa là đáp ứng đúng điều các anh mong mỏi) và làm cho các anh không từ chối được.

- Xin hãy nói vắn gọn, dịu dàng, thẳng thắn với tất cả lòng tin cậy, chứ đừng nói vòng vo, hay giải thích với đủ mọi thứ lý do linh tinh, cũng đừng nói một cách rụt rè, hay nghi ngại. Xin hãy nói với sự tin cậy chân thành, và sẵn sàng chấp nhận nghe các anh say: "NO" ngay lúc ấy, nhưng có lẽ sẽ làm theo vào lúc khác. Ðừng nhờ cái việc biết rõ anh sắp làm. Vì như thế anh sẽ cụt hứng, khựng lại không muốn làm nữa. Ðặc biệt, tuyệt đối đừng ra lệnh, vì cơn tự ái các anh sẽ nổi lên, có cảm tưởng là bị vợ sai bảo, nên họ sẽ không làm hoặc làm khác ý các chị. Ðặc biệt quan trọng, xin đừng quên cho các anh TIP sau khi họ làm được việc. TIP đây là phần thưởng của các chị, đó là lời nói cám ơn ngọt ngào, hay một ly đá chanh thơm mát, hay một cái hôn, một chai bia với cái nhìn âu yếm. Tất cả sẽ khích lệ, giúp các anh dễ dàng trở nên người phục vụ tốt.

Sau đây là một vài ví dụ đơn sơ để các chị hiểu hơn thế nào là những lời yêu cầu vắn gọn, dịu dàng, thẳng thắn với tất cả lòng tin cậy:

Tôi lấy một ví dụ như câu chuyện đã kể trên kia, chị vợ nói: "Lấy cho thằng Tí cái áo được không anh" thì lập tức, anh chàng chần chừ không muốn lấy ngay, và trong trí anh hiện lên biện luận này: "lấy thì được chứ, tại sao không? Nhưng không phải ngay lúc này vì football đang gay cấn". Tại vì cách nói của chị có vẻ rụt rè, không tin chắc là anh sẽ làm cho mình. Nhưng nếu chị kêu lên như thế này: "Anh, lấy cho thằng cu Tí cái áo." thì lập tức có lẽ anh ta sẽ phản ứng lại như thế này: "em không lấy được à, cần gì phải gọi đến anh!" Tuy nhiên, nếu chị nói: "lấy dùm em cái áo cho thằng Tí đi anh." Thì chắc hẳn anh sẽ vui vẻ làm ngay, không chần chừ biện bác hay kháng cự gì cả.

Câu sau chị nói: "lấy dùm cái lọ dầu cho con được không anh à!" thì lập tức cơn lười và tật mê football trong anh nổi lên ngay với ý nghĩ thế này:"Lấy thì được chứ, nhưng sao em không đưa con vào trong phòng mà sức dầu cho nó." Dĩ nhiên, suy nghĩ như thế, anh chần chừ không muốn đứng lên đi lấy dầu cho con. Nhưng nếu chị ta bảo anh: "Anh, dầu trên bàn cầm lại đây cho em." thì anh phản pháo lại liền, "chuyện đó, em cũng làm được mà!"Tuy nhiên, nếu chị nói: "Anh ơi, lấy dùm em lọ dầu trên bàn cho con đi." thì anh khó có thể từ chối và vui vẻ làm ngay. Xin đan cử vài ví dụ khác:

Chị nói: Mấy đứa nhỏ cần được đi đón mà em không có giờ rảnh rỗi. 

Anh sẽ hiểu và kết cục không làm gì cả: thì cậu với dì nó sao không nhờ, vì đây cũng bận lắm, chứ có rỗi hơi đâu! 

Vậy, chị nên nói: Ðón mấy đứa nhỏ về cho em nha. 


Chị nói: Ðồ vật đi chợ về, hãy còn đầy ngoài xe kìa! 

Anh sẽ hiểu và kết cục không làm gì cả: thì cứ từ từ để đấy, tí nữa mang vào có sao, làm gì mà cuống lên thế. (Rút cục anh ta không mang vào)! 

Vậy, chị nên nói: Vườn tược gì mà dơ dáy, lôi thôi bẩn thỉu quá. 


Chị nói: Mấy đứa nhỏ cần được đi đón mà em không có giờ rảnh rỗi. 

Anh sẽ hiểu và kết cục không làm gì cả: sao anh lười thế, chả chịu dọn dẹp gì cả. Có chịu giúp cho người ta được một tí không hả? 

Vậy, chị nên nói: Giúp em dọn sạch vườn sau nhà đi 


Chị nói: Thư đâu, hôm nay chưa thấy thư từ gì cả? 

Anh sẽ hiểu và kết cục không làm gì cả: Anh quên mang thư vào à? Chỉ có việc đem thư vào mà cũng quên! 

Vậy, chị nên nói: Anh mang thư vào dùm em. 


Chị nói: Chẳng còn tay nào mà làm nữa (vì chị đang rửa ráy nồi niêu xong chảo). 

Anh sẽ hiểu và kết cục không làm gì cả: Cứ từ từ, ăn xong phải nghỉ ngơi đã chứ, làm gì mà phải hấp tấp thế. 

Vậy, chị nên nói: Dọn bàn giúp cho em đi anh. 


Vậy các chị đừng nghĩ các anh giống như các chị, chỉ cần nói ý xa xa là các anh hiểu và làm cho. Xin cũng đừng bao giờ nói: "Anh có thể," hay "anh có làm được không". Những lời ấy làm cho óc hay lý sự và biện bác của đàn ông nổi lên, làm cho các anh chần chờ không muốn làm ngay, và có thể bỏ qua luôn. Các chị cứ đi thẳng vào vấn đề, nói rõ ràng, vắn gọn, không cần giải thích dài giòng lôi thôi, và lời nói cần gói ghém sự nhờ cậy và tin tưởng. Ðàn ông phản ứng bằng lý trí và suy luận chứ không phải bằng trực giác và tình cảm, nên các anh không có trực giác nhậy bén và linh cảm sâu sắc như các chị để biết cách làm hài lòng người khác mà không cần phải nói đâu.

Sự tin cẩn nhờ cậy của các chị thường làm cho các anh hãnh diện; có khi các anh không làm ngay điều các chị nhờ, không phải vì "lazy" muốn thoái thác việc nhà, nhưng vì đầu óc đàn ông hay lý sự và cái gì cũng muốn phải được minh bạch rõ ràng.

Xin các anh chị cùng hợp ý cầu nguyện, để chúng ta, nhất là các anh chị: là vợ, là chồng hiểu được những khác biệt của nhau để dễ dàng cảm thông, yêu thương và biết phục vụ lẫn nhau hơn trong cuộc sống hằng ngày.

"Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra những khác biệt của nhau để tôn trọng, đón nhận và thương yêu nhau hơn. Xin giúp chúng con biết phục vụ lẫn nhau và cùng nhau xây dựng một gia đình ấm cúng, hạnh phúc, tràn đầy tình yêu Chúa. Amen".

Lm Giuse Hoàng Tiến Ðoàn, S.J.


2. BÀ VỢ CÓ ÔNG CHỒNG NGHIỆN RƯỢU

Phạm Văn Lượng (Huynh Ðoàn Ki-Tô Bệnh Nhân Và Người Khuyết Tật)

Hai vợ chồng có 4 người con, từ 2 đến 8 tuổi, các cháu xinh xắn khỏe mạnh, anh làm công chức vợ nội trợ ở nhà, và rảnh lúc nào, chị leo lên chiếc máy may để may gia công hàng chợ. Hai vợ chồng này rất hiền lành, bà con chòm xóm ai cũng quý mến. Ðột nhiên, một năm nay anh ta bị bè bạn quyến rũ mắc phải tật nghiện rượu. Mới đầu, ngày một hai ly, chẳng sao, dần dần cơn nghiện tăng lên, làm cho anh không còn sáng suốt nhận thức được những hành động của mình, tiền lương hàng tháng đem về cho vợ nuôi con càng ngày càng ít. Ðã vậy, anh lại u mê hành hạ vợ, đòi tiền uống rượu, nộ nạt con cái làm cho đứa nào cũng sợ anh như sợ cọp.

Nhưng làm sao để cho anh trở về bổn phận chính đáng của anh, là làm chồng làm cha? Ðã nhiều lần vợ anh đã thỏ thẻ bên tai anh, đã van xin anh, thậm chí chị đã hù sẽ bỏ anh nếu anh cứ đam mê rượu chè! Thế nhưng đều vô ích, mặc cho chị khuyên bảo, van xin, anh càng ngày càng thêm hành hạ chị nếu chị không bỏ tiền ra cho anh mua rượu. Cuối cùng chị nghĩ, chỉ còn cách phải cầu nguyện thật nhiều, phải ráng chịu cảnh hành hạ của chồng để dâng lên Chúa làm của lễ hy sinh cầu nguyện. Chị nói với các con: "Ba mình bây giờ bị ma quỷ lôi kéo, bị bè bạn quyến rũ rượu chè hóa thế này, thì các con và mẹ đều buồn chứ, mà chẳng biết làm sao. Thôi từ tối nay, các con với mẹ cố gắng tối nào cũng chịu khó lần hạt kính Ðức Mẹ, xin Mẹ thương dẫn đưa ba mình trở về với Chúa từ bỏ bạn bè xấu với con ma rượu."

Từ đó, tối nào chị và 4 cháu cũng chăm chỉ sốt sắng lần hạt năm chục Kinh Mai Khôi và tha thiết dâng lên Chúa, dâng lên Mẹ những lời nguyện xin, cầu cho người cha trong gia đình biết ăn năn hối cải. Sau giờ kinh tối là chị lại đun nồi nước nóng để chờ chồng về, cho anh tắm rửa. Còn anh thì vẫn tiếp tục đi sớm về khuya, vẫn tiếp tục rượu chè, nói năng lè nhè...

Cho đến một hôm, anh đang ở quán nhậu với bạn bè, anh cảm thấy như có ai thúc hối anh phải về nhà sớm, mặc dù nhìn đồng hồ chưa đến 9 giờ tối. Bạn bè cùng bàn níu kéo anh thế nào cũng không được. Ðến nhà, anh xô cổng bước vào thì thấy cửa nhà đóng kín, bên trong nhà 5 mẹ con đang đọc kinh lần hạt. Anh dựng chiếc xe lên và ngồi lên đó nghe ngóng, đúng lúc đó tiếng đọc kinh chấm dứt và tiếng vợ anh cất lên: "Lạy Chúa, lạy Mẹ, con đau khổ lắm, cả năm nay chồng con làm khổ con rất nhiều. Tiền bạc anh ấy làm ra đem về cho con thì ít, và anh ấy đòi con bỏ ra cho anh ấy ăn nhậu thì nhiều. Con lấy đâu ra tiền vừa lo cho 4 đứa con ăn học, lại còn lo cho chồng ăn nhậu. Ôi, xin Chúa, xin Mẹ thương cho chồng con biết trở lại làm con người hiền lành như xưa..."

Những lời tâm sự với Chúa với Mẹ của vợ anh, anh nghe rõ mồn một, anh còn nghe cả tiếng sụt sùi của vợ anh, làm anh thấy chạnh lòng. Anh đang suy nghĩ miên man, thì anh nghe tiếng đứa con lớn vang lên: "Lạy Chúa, chúng con cũng buồn lắm, ba con cứ đi cả ngày nhậu nhẹt với bạn bè, chẳng biết chúng con cần gì, thiếu gì. Chúa ơi, Chúa hãy đưa ba con về cho chúng con nhé, để mẹ con và chúng con khỏi khổ."

Sau lời nguyện của người con này là bài hát "Xin Vâng" do chị vợ anh xướng lên và các con cùng hát. Sau đó là làm dấu Thánh Giá kết thúc... Ðứa con lớn mở cửa ra, thấy ba em đang ngồi trên nệm yên xe vội reo lên: "A, ba đã về!" Nghe thế chị vợ anh nói lớn: "Ô, anh chờ em nấu nước cho anh tắm rửa nghen." Người chồng dắt xe vào nhà và nói vừa đủ cho vợ anh nghe: "Thôi để anh tắm nước lạnh được rồi, và từ mai anh sẽ không còn uống rượu nữa!"

Ðây quả là một phép lạ, Chúa và Ðức Mẹ đã đưa người chồng từ bỏ con đường nghiện rượu, trở về với mái ấm gia đình, chỉ do việc thành tâm lần chuỗi Mai Khôi của vợ con anh.


3. BAO DUNG LÀ TÔN TRỌNG VÀ CHẤP NHẬN SỰ KHÁC BIỆT

Giáo sư Nguyễn Chính Kết 

Thiên Chúa tạo dựng vạn vật muôn màu muôn vẻ với tất cả sự phong phú và đa dạng, không cái nào giống cái nào. Trên đời không bao giờ có hai vật hoàn toàn giống nhau, thế nào chúng cũng phải có ít nhiều khác biệt: có thể rất ít mà cũng có thể rất nhiều. Sự khác biệt đó thật là tự nhiên, và chắc chắn nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Nhờ sự khác biệt đó, vũ trụ vạn vật mới tươi đẹp, phong phú, rực rỡ. Nếu vạn vật chỉ có một loại duy nhất, cái nào cũng giống cái nào thì vũ trụ và thế giới này sẽ buồn thảm đơn điệu như thế nào!

Nơi con người cũng thế, không ai giống ai, từ khuôn mặt cho tới tính tình, từ thể xác tới tâm hồn, mỗi người một vẻ, mỗi vẻ mỗi khác. Tuy khác nhau, nhưng mỗi người đều có cái hay và cái dở riêng, không ai hoàn hảo cả. Người được cái này thì mất cái kia, người được cái kia thì lại mất cái này. Vì thế, để được cả cái này lẫn cái kia, người được cái này phải hợp với người được cái kia thì sự trọn vẹn cả để con người cần lẫn nhau, bổ túc lẫn nhau, có thế con người mới yêu thương nhau. Nếu ai cũng được đủ mọi mặt thì còn ai cần tới ai nữa, còn ai cần hợp tác với ai nữa, và tình yêu cũng khó phát sinh. Tình yêu phát sinh do sự khác biệt, có khác biệt mới thu hút lẫn nhau. Âm thu hút dương, dương hấp dẫn âm, còn âm với âm, dương với dương thì đẩy lẫn nhau.

Trong chương trình của Thiên Chúa, sự khác biệt và không hoàn hảo khiến người ta phải hợp lại với nhau thành gia đình, xã hội để bổ túc lẫn nhau mà tồn tại và phát triển. Không ai sống một mình mà đầy đủ được. Muốn tồn tại và phát triển ta phải nhờ tới biết bao người khác: Ðể hiện hữu ta phải nhờ cha mẹ, để có gạo ăn ta phải nhờ bác nông dân, để có áo mặc ta nhờ người dệt vải, để có sức khỏe phải nhờ bác sĩ... Sự khác biệt cần thiết và ích lợi như vậy. Nhưng cái lợi nào cũng có mặt trái của nó. Sự khác biệt cũng thế: hễ khác thì thường là khắc. Khắc là không hợp nhau, mâu thuẫn nhau, xung đột lẫn nhau. Mà hễ đã không hợp nhau, hễ có sự xung đột là phải có khó chịu, đau khổ. Ðó là cái giá phải trả của sự khác biệt, của sự hợp tác, bổ túc lẫn nhau. Hễ giống nhau thì đâu bổ túc cho nhau được, có hợp tác với nhau cũng chẳng đi đến đâu. Không chấp nhận khó chịu, đau khổ do sự khác biệt gây ra thì chẳng xây dựng được gì cả.

Thật vậy, con diều bay lượn lơ lửng trên bầu trời được là nhờ hợp tác với sợi dây. Nhưng sự hợp tác đó không phải là không có đau khổ. Con diều cảm thấy thực là bực bội vì sợi dây: nó muốn bay cao hơn, xa hơn, mở rộng phạm vi hoạt động ra, nhưng sợi dây cứ cầm giữ nó lại một cách thật là nghiệt ngã. Còn sợi dây cũng bực bội không kém: nó muốn được tự do bay lơ lửng trên bầu trời một cách thoải mái để ngắm sông núi bên dưới, nhưng con diều lúc nào cũng lôi kéo nó đi hết chỗ này tới chỗ kia, nhiều lúc kéo căng quá làm nó như muốn đứt. Thật là khó! không chịu đựng nổi nhau nữa, hai đứa quyết định chia tay, hy vọng đứa nào cũng sẽ được tự do theo ý mình trên bầu trời rộng thêng thang. Nhưng khi chia tay, sự việc đã không xảy ra như chúng mong ước mà tệ hại hơn trước rất nhiều. Tất cả đều rơi xuống đất! Ðó là kết quả của việc không chịu đựng nhau!

Cái lý hợp tác sống chung là như thế! Không hợp tác, không sống chung thì không thể làm được việc gì. Hay chỉ hợp tác với những người giống mình thì cũng thế. Mà sống chung, hợp tác với nhau giữa những người khác nhau thì thật là khó chịu. Nhưng thà khó chịu, xung đột mà tồn tại còn hơn! Vấn đề còn lại là làm sao để chấp nhận nhau, chấp nhận những đau khổ khó chịu do những khác biệt của nhau. Tinh thần chấp nhận đó chính là một khía cạnh của Lòng Bao Dung.

Gia đình chính là một nơi sống chung, nơi hợp tác của những đơn vị yêu thương nhau nhất trong xã hội. Nhưng dù có yêu thương nhau đến mấy, gia đình vẫn gồm những phần tử rất khác biệt nhau nên không thể không có những xung đột, khó chịu, thậm chí đau khổ. Càng vui lòng chấp nhận những khác biệt đau khổ đó thì gia đình càng dễ có hạnh phúc. Trái lại, gia đình sẽ trở thành hoả ngục trần gian ngay nếu các phần tử không muốn chấp nhận những phiền toái bực bội gây ra do sự khác biệt lẫn nhau.

Sự khác biệt nhau trong gia đình tuy gây ra nhiều xung khắc nhưng rất cần thiết. Vì thế, Thiên Chúa sinh ra vợ chồng có tâm lý khác biệt để bổ túc nhau. Chẳng hạn người chồng có cái nhìn tổng hợp bao quát, còn người vợ có cái nhìn phân tích chi li nhỏ nhặt. Gia đình tồn tại được, hạnh phúc được đều cần cả hai kiểu nhìn đó, mà một người thì không thể có được cả hai. Ý thức được như vậy, cả hai vợ chồng sẽ lắng nghe lập trường của nhau để có thể nhìn vấn đề một cách đầy đủ hơn, để hành động sáng suốt hơn. Sự sáng suốt thường không nằm ở một bên mà nằm ở giữa, tức là sự dung hoà giữa hai lập trường đối lập.

Vì thế, sự bao dung trong gia đình cũng như ngoài xã hội là điều hết sức cần thiết để gia đình, xã hội tồn tại và hạnh phúc. Người có lòng bao dung là người không những sẵn sàng đón nhận mà còn mong muốn dành chổ đứng và đất sống cho những tư tưởng hay lập trường khác với mình, để gia đình, xa hội, cũng như thế giới phù hợp với luật tự nhiên và chương trình của Thiên Chúa là muốn cho thế giới muôn hình muôn vẻ để cộng tác và yêu thương lẫn nhau.


4. DẠY CON TỪ THỦA CÒN THƠ

Tôn Nữ Bồ Câu. Lấy từ báo PVLC (Nhật-bản) số tháng 7.2001 

Nhà tâm lý danh tiếng của Mỹ JB Watson từng tuyên bố: "Hãy mang đến cho tôi chục đứa trẻ khỏe mạnh..., tôi cam đoan với bất cứ đứa nào tôi cũng thành công trong việc giáo dục biến nó thành một chuyên viên theo ý muốn: y sĩ, luật gia, nghệ sĩ, thương gia hoặc thành một kẻ ăn mày hay một tên trộm cướp, cho dù tài năng, năng khiếu thiên hướng hay chủng tộc của đứa bé đó như thế nào".

Quan niệm đó sai lầm vì đã bỏ qua vai trò trọng yếu của di thể, của những năng hướng tự nhiên; nhưng có ưu điểm làm nổi bật tầm quan trọng của giáo dục, điều mà người xưa đã nói: "Dạy con từ thở còn thơ..." vấn đề còn lại là: phải giáo dục con theo mục đích nào?

Ðó là vấn đề căn bản, vì tùy theo từng mục đích, chúng ta lựa chọn những điều nên dạy cũng như phải lựa chọn phương pháp giáo dục thích hợp. Bài viết này không bàn đến những vấn đề to lớn nêu trên. Dựa vào sự nghiên cứu của các nhà giáo dục và các nhà tâm lý hiện đại, chúng tôi chỉ xin trình bày một số qui tắc hướng dẫn thái độ của bậc làm cha mẹ trong việc dạy con.

1. Qui tắc: Hãy tỏ ra hợp nhất với chính mình

Qui tắc này bắt buộc ta phải sống và hành động theo đúng nguyên lý mình đã đề xướng ra. Nói cách khác, người hành động hợp nhất là người không hành động tùy hứng hoặc tùy theo tình cảm của mình đối với riêng từng đứa con. Có khi ta tỏ ra rất nghiêm khắc với đứa này nhưng lại dễ dãi đối với đứa khác. Có người dạy con làm một đường nhưng chính mình, trong hoàn cảnh tương tự, làm theo một nẻo. Dạy con không được nói láo nhưng chính mình lại nói dối trước mặt con cái. Sách Cổ Học Tinh Hoa kể lại truyện thầy Tăng Tử là người thực hiện sự hợp nhất giữa lời nói và hành động.

Sách kể: Vợ thầy Tăng Tử hứa với con là sẽ làm thịt lợn khi đi chợ về. Lúc vợ về, thầy Tăng Tử đi bắt lợn làm thịt. Người vợ nói: "Tôi nói đùa nó đấy mà!" Thầy liền bảo: "Nói đùa là thế nào? Ðừng khinh trẻ thơ không biết gì. Cha mẹ làm gì nó thường hay bắt chước. Nay mình nói dối nó, chẳng là mình dạy nó nói dối ư ?" Nói xong Tăng Tử đi làm thịt lợn cho con ăn thật. Các nhà tâm lý cho biết: sự mâu thuẫn nơi người cha người mẹ có những tác dụng không tốt cho con trẻ. Trước hết, chúng không vâng lời cha mẹ khi chúng nhận thấy cha mẹ chúng bất nhất. Chúng sẽ tự hỏi: ta nên làm điều cha mẹ nói hay điều cha mẹ làm? Ngoài ra, sự bất nhất nhiều khi gây ra những hỗn loạn tâm lý nghiêm trọng. Thái độ tốt đẹp là tôn trọng nguyên tắc nhưng biết tỏ ra linh động trong việc áp dụng nguyên tắc.

2. Qui tắc: Không tránh né trả lời câu hỏi của con cái

Óc tò mò là một năng hướng tự nhiên, tự nó không xấu, nếu được hướng dẫn, nó sẽ phát triển và trở thành một yếu tố thuận lợi cho sự hiếu học về sau. Vì vậy, khi con cái đặt một câu hỏi, chúng ta không nên xua đuổi chúng bằng cách nói: Ðừng làm mất thì giờ của bố mẹ! Sao con lại hỏi ngớ ngẩn thế? Tại sao con hỏi những chuyện kỳ cục vậy?... Thái độ xua đuổi có tác dụng làm đứa bé nản chí và óc tò mò có thể bị mai một.

3. Qui tắc: Không ngại nhìn nhận cái mình không biết

Có những người làm cha mẹ muốn tạo hình ảnh tốt đẹp về mình trước mắt con cái bằng cách cố ý làm cho chúng nghĩ rằng cái gì mình cũng biết và cái gì mình cũng làm được. Thái độ này đưa tới những hậu quả tai hại:

a/ Khi lớn lên, chúng sẽ gặp khó khăn khi muốn loại bỏ những điều chúng đã học ở nhà lúc chúng đón nhận từ người khác những kiến thức, những nguyên lý xác đáng hơn.

b/ Con cái không nhỏ mãi để luôn luôn tin tưởng điều cha mẹ nói; chúng phát triển và kiến thức chúng thâu lượm ở Học đường hay ở sách báo sẽ dần dần làm chúng mất đi phần nào sự kính trọng khi thấy rõ cha mẹ nói sai, làm sai. Ðã là người, chúng ta không đủ khả năng và thì giờ biết mọi chuyện. Do đó, khi đứng trước những câu hỏi vượt khỏi tầm hiểu biết của mình, thái độ hợp lý nhất là nên trả lời: bố (hay mẹ) không biết. Không phải ai cũng có khả năng trả lời thỏa đáng những câu hỏi: "Tại sao tuyết trắng trong khi lá cây xanh còn hòn than lại đen?" "Tại sao ban đêm trời tối?" "Cá sống dưới nước làm sao thở được?" v.v... Trong những trường hợp tương tợ, ta nên hướng dẫn con cái tìm câu trả lời thích đáng nơi sách vở hay nhờ người có kiến thức hơn mình.

4. Qui tắc: Hãy để con cái nhiều thì giờ rảnh rỗi

Giáo dục con cái không có nghĩa luôn luôn kè kè bên con để đóng vai trò ông thầy, cô giáo, người giám thị. Không ai chối cãi sự kiện: tâm lý và đặc biệt trí tuệ của trẻ con phát triển tốt đẹp khi chúng sống trong những môi trường phong phú và có tính cách kích thích. Ngoài quan hệ thầy trò giữa cha mẹ và con cái, còn có nhiều quan hệ, nhiều hoàn cảnh trong đó trẻ con tự chúng thâu lượm được nhiều sự hiểu biết. Chúng có thể học hỏi khi có đồ chơi trong tay, cũng như khi ngắm nghía một cành hoa, một bầy cá lia thia trong bể nuôi, và ngay cả khi chúng gây gỗ với trẻ lối xóm vv... Theo ý kiến một nhà giáo dục, trong một ngày, chúng ta Không Nên Dành Quá Một Tiếng Rưỡi để dạy con; và nên để chúng có "tự do suy nghĩ , đùa giỡn, tự do sống tuổi trẻ con của chúng".

5. Qui tắc: Giúp con cái có một quan niệm tích cực và trung thực về bản thân

Vì nếu mang một quan niệm tiêu cực - nghĩa là mang ý nghĩ mình kém cỏi về nhiều phương diện - trẻ con sẽ trở nên nhút nhát, không mạnh dạn có sáng kiến và cũng không mạnh dạn bày tỏ ý nghĩ của chúng. Ðó là những khuyết điểm dễ đưa tới sự thất bại trong sự học cũng như trong sự giao tiếp. Vì vậy, cha mẹ nên làm cho con cái có một quan niệm đúng đắn và tích cực về bản thân chúng và về cuộc sống. Nói cụ thể hơn, cha mẹ cần tạo cho con cái ý nghĩ là chúng thông minh, chúng có khả năng hơn hoặc bằng người. Ðừng bao giờ sơ ý phê bình chúng đần độn cũng như đừng bao giờ đem so sánh chúng với những đứa trẻ khác.

6. Qui tắc: Giúp con cái ý thức về người khác

Khuynh hướng tự nhiên của hầu hết trẻ con là: chỉ nghĩ đến mình khi bị một ý muốn thôi thúc. Lúc thèm ăn, chúng đòi ăn và không cần biết thứ thức ăn đó dành cho ai; khi muốn nói chúng bật miệng nói. Khuynh hướng đó nếu không được kềm chế sớm, chúng thành những đứa bé, những thiếu niên ích kỷ, thiếu tính kiên nhẫn và thiếu lễ độ. Có người cho rằng: nên để trẻ con phát triển tự nhiên; không nên bắt chúng vào khuôn phép (phải giữ lễ độ đối với mọi người, chẳng hạn); theo họ, làm như vậy là vô tình tạo ra những con người giả dối. Chúng ta đồng ý là lễ phép cũng như tính kiên nhẫn không phải là những đức hạnh, và tính bộc phát có nhiều mặt tốt.

Tuy nhiên, Lễ Phép, Kiên Nhẫn Là Bước Ðầu Của Ðời Sống Ðạo Ðức. Vì lễ phép đòi hỏi trẻ con phải có sự tự chủ và ý thức về người khác: chúng không thể coi sự hiện diện của người khác như không có, hoặc người khác chỉ là phương tiện hiện diện để phục vụ chúng. Chúng ta nên tập cho con cái biết đi thưa về trình và, khi nhờ ai điều gì thì biết lựa lời, biết nói "cảm ơn" khi nhận vật gì từ bất cứ người nào. Tốt đẹp hơn nữa, nên tạo cho chúng ý nghĩ tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau (vì đều là con của Chúa), và biết nghĩ tới những kẻ thiếu may mắn trong đời. Ý thức về người khác là điều kiện thiết yếu của đời sống xã hội và cũng là yếu tố của thành công cũng như của đạo đức.

7. Qui tắc: Giúp con cái phát triển về cả hai phương diện thể xác và tinh thần.

Tuổi thơ ấu và tuổi thiếu niên là khoảng thời gian quí báu để con cái thâu lượm kiến thức đồng thời tạo cho chúng những thói quen hữu ích. Ngoài việc cho con học bơi, chơi thể thao, biết chịu khó đi bộ, đi xe đạp... cha mẹ cũng nên cho con cái học ngoại ngữ, nuôi dưỡng óc tò mò, tinh thần hiếu học của chúng, và làm sao tạo cho chúng biết quí trọng sự học hơn mọi giá trị vật chất.

Vì giáo dục là một việc trọng đại và vô cùng phức tạp cho nên những qui tắc chúng tôi trình bày trên đây không thể bao quát hết mọi khía cạnh. Tuy vậy, chúng tôi thiển nghĩ đó là những qui tắc quan trọng và khẩn thiết nhất đối với những vị có ý thức trách nhiệm trong vai trò làm cha làm mẹ.


5. ÐỂ TRÁNH CÃI VÃ GIỮA VỢ CHỒNG

Trích Nối Lửa Cho Ðời số 8 

Ngày nọ, một tu sĩ Dòng Thánh Phan-xi-cô đến thăm một gia đình ở gần tu viện. Thấy bà chủ nhà đang khóc, ngài hỏi: "Có chuyện gì mà buồn phiền vậy?" Bà ta trả lời: "Thưa thầy, chồng con thường hành hạ con, đôi khi còn đánh đập nữa..." Vị tu sĩ nói: "Tôi biết bà là một người tốt, vì thế, tôi xin tặng cho bà một liều thuốc kỳ diệu."

Người đàn bà thắc mắc hỏi lại: "Thưa thầy, thuốc gì vậy?" Tu sĩ trả lời: "Ðây, bà cầm lấy chai nhỏ nầy. Mỗi khi chồng bà nổi cơn lôi đinh, bà cứ ngậm một hớp nước kỳ diệu chứa trong chiếc chai này, cơn giông tố sẽ tan biến một cách huyền nhiệm."

Bà chủ nhà đã thi hành đúng như lời vị thầy tu đáng kính đã dặn. Cứ mỗi khi ông chồng nổi cơn la lối om sòm, bà liền kín đáo ngậm vào miệng một hớp nước trong chiếc chai, và đương nhiên bà không thể mở miệng để trả lời. Thấy vợ hiền lành và lặng thinh. ông chồng bình tĩnh trở lại và cơn giận cũng theo mây khói ngay lập tức.

Ít lâu sau, vị đạo sĩ trở lại thăm và hỏi: "Liều thuốc của tôi có hiệu nghiệm chút nào không?" Bà chủ nhà trả lời: "Thưa thầy, ngậm lâu trong miệng ngụm thuốc của thầy cũng có làm con thấy hơi mệt, nhưng hiệu quả thì thần diệu quá sức, thầy ạ!" Vị tu sĩ chậm rãi bảo: "Chắc chắn rồi, nhưng chẳng phải nước lạ chi đâu, chỉ là nước lã bình thường thôi đấy, nước của sự nhẫn nại và chịu đựng, nước của sự hiền hòa bao dung... Tôi có sẵn một chai nước như thế nữa cho chồng bà đây!"


6. GHEN MỘT CÁCH KHOAN DUNG

Giáo sư Nguyễn Chính Kết 

(Tâm sự của một người vợ)

Ðã mười mấy năm nay, kể từ khi hai vợ chồng tôi lập gia đình, ai cũng phải công nhận rằng mái ấm của chúng tôi thật là hạnh phúc. Anh ấy quả là một người chồng và người cha gương mẫu: vừa bảo đảm được đời sống kinh tế gia đình, vừa chiều vợ dạy con không chê vào đâu được. Anh ấy nuôi gia đình bằng nghề may. Anh là một thợ may rất giỏi, nên tiệm may của chúng tôi không bao giờ thiếu khách. Chúng tôi phải thuê ba thợ để lắp ráp những quần áo anh cắt. Chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc với ba đứa con - hai trai một gái - vừa kháu khỉnh thông minh vừa ngoan ngùy dễ dạy. Nhưng hạnh phúc như thế bỗng nhiên bị đe dọa trầm trọng.

Ðã hơn một năm nay, anh được một người bạn thân cũ mời cộng tác trong một Công ty may mặc xuất khẩu tương đối cũng khá lớn ở quận. Anh bạn là giám đốc, còn anh ấy làm Phó Giám đốc đặc trách kỹ thuật. Từ ngày thành lập đến nay, tuy có nhiều thất bại lúc ban đầu, nhưng về sau, Công ty càng ngày càng làm ăn thành công. Việc giao thiệp của anh ngày càng rộng, rất nhiều ngày anh phải đi suốt ngày, đến khuya mới về. Ðiều đó thật dễ hiểu vì công việc và sự giao thiệp của anh đòi buộc phải như vậy. Anh ấy là một người chồng gương mẫu và rất biết điều, lại luôn luôn thành thật với vợ con. Vì thế tôi cũng phải tỏ ra là người vợ gương mẫu, biết tin tưởng vào người chồng đáng tin tưởng của mình. Những đêm anh về thật khuya, tôi vẫn nghĩ rằng anh phải giao tiếp với bạn bè. Vả lại, anh vẫn luôn luôn tỏ ra ân cần săn sóc tôi thậm chí còn hơn trước. Tôi nghĩ rằng anh làm như vậy để bù lại cho việc vắng mặt cả ngày của anh. Vào thời kinh tế mở cửa như hiện nay, việc bận bịu như thế đâu có gì là lạ. Tôi đã nghe nhiều về đời sống vợ chồng ở những nước tiên tiến, vợ chồng ít có thời giờ gặp nhau lắm. Và tôi vẫn cảm thấy đầy tràn hạnh phúc như thuở nào.

Nhưng một hôm, tôi được một người bạn gái làm kế toán trong Công ty của anh nói rằng tôi phải coi chừng anh ấy, vì anh đang có liên hệ rất thân thiện với một cô thợ may trẻ đẹp và rất nhí nhảnh. Mới nghe, tôi cho rằng chắc không đến nỗi nào. Một con người đẹp trai lại bặt thiệp dễ thương như anh thì được nhiều người đẹp thương là chuyện bình thường. Tôi đã từng thấy như thế và thấy thái độ bình thường của anh là đối xử lại một cách thật nhã nhặn dễ thương, nhưng rất khôn ngoan trong việc từ chối để không đi quá giới hạn cho phép. Tôi vẫn tin rằng một người có phẩm chất như anh sẽ không bao giờ đi quá giới hạn, không bao giờ phản lại lời giao ước mà hai vợ chồng tôi đã trung thành bao nhiêu năm nay. Nhưng người bạn gái cho rằng tôi quá chủ quan và quá tin tưởng. Tôi bèn bình thản nhờ người theo dõi...

Và kết quả quả thật không tốt đẹp như tôi nghĩ. Sự liên hệ của anh với cô ấy đã đi đến chỗ hết sức thân mật. Khi biết được sự thật, máu tôi như muốn sôi trào lên, hơi thở tôi như muốn nghẹn ở cổ. Thì ra tôi đã bị phản bội. Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi cảm thấy đau đớn và tức giận đến như vậy. Lúc đó tôi mới hiểu được thế nào là ghen, và tại sao khi ghen người ta lại có thể làm được những việc hết sức tàn nhẫn mà bình thường họ không thể làm được thậm chí còn kết án nữa. Cứ nghĩ đến sự thân mật mà có thể giờ đây hai người đang hưởng là tim tôi đau nhói, ruột tôi quặn lại. Phải mất nhiều giờ sau tôi mới bình tĩnh lại được.

Trong một tình huống như thế, tôi nhận ra mình cần phải hết sức bình tĩnh mới có thể xử sự khôn ngoan được. Nếu cứ hành động theo sự tức giận, theo bản năng của mình thì có thể gây ra nhiều tai hại không thể sửa chữa được. Thế là tôi nhất quyết phải bình tĩnh để xử sự một cách khôn ngoan nhất. Bình tĩnh trong hoàn cảnh này thật là khó, vì nhiều lúc tôi như muốn điên lên. Tôi cầu xin Chúa giúp tôi bình tĩnh và khôn ngoan đúng theo ý Ngài. Tôi quyết định: nếu vào một thời điểm nào đó tôi không biết phải xử sự thế nào mới là khôn ngoan, thì tôi sẽ xử sự như bình thường không có chuyện gì xảy ra. Chỉ khi nào biết một hành động nào đó là khôn ngoan thì tôi mới làm.

Khi anh ấy về, tôi hoàn toàn tỏ ra như không biết gì, và tôi làm tất cả những gì mọi khi tôi vẫn làm cho anh, có điều là làm một cách tốt đẹp và cẩn trọng hơn rất nhiều. Tôi cố tình chứng tỏ cho anh ấy thấy tôi vẫn luôn luôn là người vợ yêu thương và săn sóc anh hết mình, một người vợ dịu hiền, ngọt ngào, dễ thương, và có một tâm hồn đẹp. Ðó là những điều mà nhiều lần anh bảo rằng đã khiến anh yêu thương tôi. Và bây giờ tôi đang tham dự vào một cuộc chiến đấu giành lại tình yêu của chồng tôi khỏi tay cô gái trẻ đẹp kia. Một cuộc chiến đấu mà vũ khí là sự khôn ngoan và là tất cả những gì tốt dẹp có khả năng chinh phục được tình yêu.

Chắc chắn tôi không thể hơn cô ấy về sự trẻ đẹp với những nét hấp dẫn của tuổi trẻ. Nhưng chắc chắn tôi như thế nào hơn cô ấy ở chỗ tôi biết ý chồng tôi và biết chiều chồng tôi như thế nào để anh ấy ưng ý. Nhất là tôi biết anh ấy bị hấp dẫn bởi những gì nơi người phụ nữ, kinh nghiệm làm vợ anh bao nhiêu năm đã cho tôi biết điều ấy. Và bây giờ tôi phải đem tất cả những thứ đó ra làm vũ khí chiến đấu. Nắm được những yếu tố đó, tôi cảm thấy nắm chắc phần thắng trong tay.

Tôi biết rằng người đàn ông nào cũng đều bị lôi cuốn bởi sắc đẹp, nét duyên dáng và dịu hiền của người phụ nữ, và nhất là họ luôn ham thích một cái gì mới, cảm giác mới. Nhưng cái gì mới thì cũng sẽ trở thành cũ và bớt phần hấp dẫn đi. Những nét đẹp tinh thần tuy không hấp dẫn nhưng vẫn hấp dẫn mãi. Thế là tôi bắt đầu tăng cường tất cả những gì tôi vẫn có đã từng chinh phục được chồng tôi: nụ cười, giọng nói, cách săn sóc, cách tỏ tình, cách âu yếm, và nhất là những gì biểu lộ một tâm hồn cao thượng, khoan dung, tươi mát. Trong những giây phút sống gần anh ấy, tôi đã cố gắng làm sống lại những ngày thơ mộng xa xưa đẹp nhất của chúng tôi. Tôi cũng khôn khéo nhắc lại những lời thề nguyền mà chúng tôi đã từng trao cho nhau. Tôi tuyệt nhiên không để cho anh ấy nghi ngờ rằng tôi đã biết chuyện của anh ấy...

Và cuối cùng thì tôi đã thắng. Tôi không hề nói một lời nào yêu cầu anh bỏ cô ấy, tôi chỉ kiên nhẫn chờ đợi anh ấy hoàn toàn trở về với tôi. Và tôi đã đạt được ý nguyện sau một thời gian chịu đựng. Nhiều ngày sau khi đã chắc chắn chinh phục lại được tình yêu của anh, tôi mới cho anh biết rằng tôi có nghe nói ít nhiều về tương quan giữa anh và cô ấy. Khi biết chắc chắn rằng tôi không ghen (lúc này thì đâu thèm ghen làm gì) anh mới kể lại tất cả và thành thật xin tôi tha thứ. Ðiều làm tôi mát ruột nhất là câu nói: "Anh không tìm đâu được một tình yêu chân thành hơn tình yêu của em, và một người vợ dịu dàng và cao thượng như em!"

Tôi chỉ thương cho cô gái kia, tuy là tình địch của tôi, nhưng tôi chỉ thấy nơi cô ta một người phụ nữ cũng có nhu cầu được yêu thương y như tôi, và cũng yêu một người đàn ông với tôi. Tôi rất thông cảm với nỗi buồn và đau khổ của cô ấy khi bị thất bại trong cuộc tình này. Cô ấy đã phải nhường người cô yêu lại cho tôi, cho dù một cách bất đắc dĩ. Tôi không cảm thấy một nỗi thù hận nào mà chỉ thấy một nỗi niềm cảm thông sâu xa... Tôi muốn chồng tôi đối xử tốt với cô ấy miễn là đừng đi quá giới hạn cho phép...


7. GIA ÐÌNH CON ÐƯỜNG CỦA GIÁO HỘI

Trần Duy Nhiên 

Ngày 14 và 15 tháng 10 năm 2000, hơn 200.000 người đã qui tụ về Rô-ma để dự ngày Thế Giới Các Gia Ðình lần thứ ba. Ngày Thế Giới Các Gia Ðình được tổ chức lần thứ nhất tại Rôma năm 1994, nhân năm thế giới dành cho Gia Ðình, lần thứ hai tại Rio de Janeiro, Brasil, năm 1997. Và lần thứ tư  sẽ được tổ chức tại Phi-luật-tân vào tháng Giêng năm 2003. Tuy nhiên lần họp mặt năm vừa qua mang một tính chất đặc biệt vì được cử hành trong bối cảnh Năm Thánh, một thời điểm lịch sử mở cửa cho Ngàn Năm thứ ba của kỷ nguyên Kitô Giáo.

Trên đường dẫn đến ngày hôm ấy, trong vòng sáu năm trước đó, Tòa Thánh đã công bố nhiều văn kiện để giúp dân Chúa suy nghĩ về gia đình.

Từ tông thư "Gởi Các Gia Ðình" cho đến chủ đề của ngày Năm Thánh Các Gia Ðình "Con cái, mùa xuân của gia đình và của xã hội", Giáo Hội đã từng bước đi vào mọi khía cạnh của đơn vị được xem là "tế bào sự sống của đại gia đình nhân loại khắp hoàn cầu".

Thư Gởi Các Gia Ðình

Ngày 2.2.1994, nhân "Năm Quốc Tế Gia Ðình", Ðức Thánh Cha gởi cho các gia đình một Tông Thư gióng lên tiếng nói của Giáo Hội, để nhấn mạnh rằng "mong muốn sâu xa của Giáo hội là đồng hành với con người trong hành trình trên mọi nẻo đường cuộc sống của trần gian". Và để thực hiện công cuộc đồng hành đó, Giáo Hội đặt hy vọng vào các Gia Ðình, vì "Gia đình là con đường của Giáo Hội".

Trong tông thư này, Giáo Hội "muốn nói lên xác tín ấy, và đồng thời loan báo con đường này, một con đường dẫn vào Nước Trời thông qua đời sống vợ chồng và gia đình (x Mt 7, 14). Cần làm cho "sự hiệp thông những con người" trong gia đình trở nên việc chuẩn bị "hiệp thông các thánh". Vì thế, Giáo Hội tuyên xưng và loan báo "tình yêu chịu đựng tất cả" (I Cr 13, 7), cùng với thánh Phao-lô coi nó như nhân đức "trọng đại nhất" (ICr 13, 13). Thánh Tông Ðồ không vẽ giới hạn cho ai cả. Yêu là ơn gọi của mọi người, ơn gọi của các đôi bạn, của các gia đình. Trong Giáo Hội mọi người được gọi đến mức hoàn hảo của thánh thiện (x Mt 5, 48)" (Thư gởi các Gia Ðình số 14).

Ngoài lời tuyên xưng căn bản ấy, tông thư nhận định rằng "thời đại chúng ta là thời đại khủng hoảng nghiêm trọng được biểu hiện trước tiên dưới dạng "khủng hoảng chân lý" thật sâu xa. Khủng hoảng chân lý, có nghĩa là khủng hoảng về các khái niệm. Các từ "yêu thương", "tự do", "trao ban vô vị lợi" và cả những từ "nhân vị", "quyền con người" có còn diễn tả đúng điều mà tự nhiên chúng chỉ nghĩa chăng?" (nt. số 13)

Và để đối diện với khủng hoảng đó, tông thư đề xuất một nền "văn minh tình thương": "Theo ánh sáng các bản văn Tân Ước và nhiều bản văn khác, có thể hiểu điều mà ta hiểu là "Văn minh tình thương" và hiểu tại sao gia đình được gắn một cách hữu cơ vào văn minh này.

Nếu "con đường của Giáo Hội", trước tiên là gia đình, thì phải nói thêm rằng "văn minh tình thương" cũng là "con đường của Giáo Hội" đang tiến bước trên thế giới và kêu gọi các gia đình và mọi định chế xã hội, quốc gia và quốc tế, đi vào con đường này, chính xác cho các gia đình và qua các gia đình. Quả vậy gia đình tùy thuộc, vì nhiều lý do, vào văn minh tình thương, trong đó gia đình gặp được lẽ sống của hiện hữu như là gia đình. Ðồng thời gia đình là trung tâm, là trái tim của văn minh tình thương." (nt. số 13)

Ðức Thánh Cha muốn dân Chúa, và mọi người thiện chí trên thế giới, đem văn minh tình thương để đối lại với cái mà ngài gọi là "nền văn hóa sự chết" của ngày hôm nay, do đó ngài nói nhiều đến sự sống con người, đặc biệt là sự sống của trẻ em kể từ ngày một em bé được tượng hình trong lòng mẹ.

Tin Mừng Sự Sống

Hiện nay, sự sống đang bị đe dọa trầm trọng, đặc biệt là đối với thai nhi. Trong lương tâm tập thể, việc giết chết thai nhi không còn là một "tội ác" mà trở thành một "quyền" đến độ Luật Pháp Nhà Nước đã công nhận quyền đó, và để thực thi "quyền" ấy, cả một đội ngũ y bác sĩ đóng góp công sức mình vào. Trước thực trạng đó, tông thư Gởi Các Gia Ðình được nối dài và nâng cao bằng thông điệp "Tin Mừng Sự Sống" (Evangelium Vitae), được công bố ngày 25.3.1995.

Ðây là một tài liệu gây nhiều phản ứng ở các nước phương Tây, vì người ta cho rằng Giáo Hội đã xen vào công việc của chính quyền trần thế. Tuy nhiên, trong thông điệp, Giáo Hội không phê bình người nào hoặc chính phủ nào cả mà chỉ lên án cái não trạng muôn thuở của con người là "giết hại kẻ yếu hơn mình", và trong trường hợp hiện nay, kẻ yếu nhất là thai nhi, vì thai nhi là một trẻ thơ đang ở vào giai đoạn bất lực nhất để bảo vệ "quyền được sống" và "quyền trẻ em" của mình.

Lập trường Giáo Hội được nêu ra ngay trang đầu của thông điệp:

"Trong một trang mang tính thời sự đến bi đát, Công Ðồng Vatican II mạnh mẽ phản đối bao nhiêu hình thức tội ác và xâm phạm đối với sự sống con người. Ba mươi năm sau, tôi (Ðức Gio-an Phao-lô II) mang tâm tình của các nghị phụ để, một lần nữa, phản đối những tội ác ấy cũng mạnh mẽ như thế, nhân danh toàn thể Giáo Hội, và tôi tin rằng mình nói lên đúng tiếng nói đích thực của mọi lương tâm ngay thẳng: "Tất cả những gì đi ngược lại với sự sống, và mọi hình thức giết người, diệt chủng, phá thai, cái chết không đau (euthanasie) và thậm chí tự tử có chủ ý, cũng như những sự hành hạ, tra tấn thể xác hoặc tinh thần, những biện pháp làm áp lực tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người, như các điều kiện sống thiếu nhân bản, những cuộc cầm tù tùy tiện, án lưu đày, tình trạng nô lệ, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, hoặc những điều kiện lao động hạ cấp biến người lao động thành những công cụ đơn thuần, mà không hề quan tâm đến nhân vị tự do và có trách nhiệm trong họ: mọi hành vi đó và những hành vi tương tự quả thật là ô nhục. Chúng làm cho các nền văn minh băng hoại, và đồng thời làm ô danh những người thực hiện còn hơn là người chịu đựng, và những hành vi đó xúc phạm trầm trọng đến danh dự của Ðấng Tạo Dựng" (Tin Mừng Sự Sống, số 1)

"Con Cái, Mùa Xuân Của Gia Ðình Và Xã Hội"

Giáo Hội tha thiết với nền văn minh tình thương và với quyền sống con người, mà muốn bảo vệ sự sống thì phải bảo vệ ngay nguồn sống. Chân lý này càng ngày càng được nêu rõ hơn trong quá trình hướng đến Năm Thánh 2000, vì thế, ngày 27.12.1998, trong sứ điệp giờ kinh Truyền Tin nhân ngày lễ Thánh Gia, Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã đưa ra đề tài suy tư cho ngày Năm Thánh các Gia Ðình: "Con cái, mùa xuân của gia đình và xã hội". Ðề tài này được Hội Ðồng Tòa Thánh triển khai thành 12 chủ đề suy niệm trong suốt năm vừa qua. Chỉ cần nhìn lại 12 chủ đề ấy, cũng thấy được ít nhiều các vấn đề chủ yếu của hiện trạng các gia đình trên khắp thế giới, ở phương tây cũng như ở phương đông, dù cho cách tiếp cận có khác nhau.

1. Sự sống là một ân huệ

"Nhưng có thật là một trẻ sơ sinh là một ân huệ đối với cha mẹ? Một ân huệ đối với xã hội?"

2. Con cái: dấu chỉ và kết quả của tình yêu vợ chồng

"Con cái không phải là của nợ, mà là ân huệ. Ân huệ cao cả nhất trong hôn nhân là một con người. Con cái không được xem là một của sở hữu" và do đó con cái có "quyền làm kết quả của hành động đặc trưng để trao đổi tình yêu giữa cha mẹ, và có quyền được tôn trọng như là một con người ngay khi tượng thai"

3. Phẩm giá cao cả của con cái

"Thiên Chúa muốn tạo dựng con người theo hình ảnh Người, là một con người. Con người ấy, mọi người, được Thiên Chúa tạo dựng vì chính họ... Kể cả những người sinh ra với bệnh hoạn hay khuyết tật"

4. Thiên chức làm cha làm mẹ, tham dự vào công trình tạo dựng

"Hôn nhân và tình yêu vợ chồng đều phải hướng về việc truyền sinh và giáo dục... Vợ chồng biết rằng họ là cộng tác viên trong tình yêu của Thiên Chúa Tạo Dựng"

5. Trách nhiệm trong việc truyền sinh và bảo vệ con cái

Khi hai vợ chồng trở nên "một xương một thịt", "họ sống giây phút trách nhiệm đặc biệt... vì vào lúc đó, họ có thể trở thành cha hoặc mẹ, vì đã bước vào tiến trình tạo sinh một con người mới sẽ phát triển trong cung lòng người nữ."

6. Quyền con cái

"Sự hiện hữu của một con người, từ nguyên thủy, đã ở trong chương trình của Thiên Chúa. Làm thế nào có thể tưởng tượng được rằng tiến trình xuất hiện sự sống lại bị bỏ mặc cho quyết định tùy tiện của con người?"

7. Con cái đối diện với "nền văn hóa sự chết"

"Chúng ta đang đối diện với một cơ cấu của tội lỗi, và trong nhiều trường hợp, cơ cấu ấy trở thành một "nền văn hóa của cái chết". Một cách nào đó, ta có thể nói đến một cuộc chiến giữa người mạnh (xã hội) đối với người yếu (trẻ em).

8. Tính chất nghiêm trọng của tội ác phá thai

"Việc chấp nhận phá thai trong quan niệm, trong phong tục và trong luật pháp là một khủng hoảng rất nguy hiểm đối với ý thức luân thường đạo lý."

9. Con cái mồ côi cha mẹ khi họ vẫn còn sống

"Việc ly dị tạo ra một sự mất trật tự trong gia đình cũng như trong xã hội... Con cái phải xa cha hoặc mẹ và buộc phải trở thành những đứa trẻ mồ côi, khi cha mẹ chúng vẫn còn sống."

10. Quyền con cái được yêu thương, đón nhận và giáo dục

"Quyền và bổn phận giáo dục của cha mẹ là một điều chủ yếu... tất cả những người khác tham gia vào tiến trình giáo dục chỉ có thể hành động nhân danh cha mẹ, và cùng với sự đồng ý của họ."

11. Giáo dục giới tính cho con cái: sự thật và ý nghĩa

"Giáo dục yêu thương qua việc trao ban bản thân phải là nền tảng để cho cha mẹ đem đến cho con cái một kiến thức về giới tính rõ ràng và tế nhị."

12. Quyền con cái được giáo dục đức tin

"Cha mẹ, do thiên chức giáo dục của mình, qua chứng từ đời sống của họ, phải là những sứ giả đầu tiên để loan báo Tin Mừng cho con cái mình".

Trong số mười hai chủ đề trên, trong bối cảnh thực tế Việt Nam hiện nay, có những điểm thật là hiển nhiên, nhưng cũng có những điểm gây bàn cãi. Dù sao đi nữa, đó cũng là những khẳng định bất di bất dịch trong truyền thống Giáo Hội công giáo, mà Ðức Thánh Cha nhắc nhở lại cho các gia đình.

Thư Gởi Những Người Cao Niên

Trong khi hướng về gia đình, Ðức Thánh Cha cũng không quên một thành phần khác mà xã hội phương Tây (và các xã hội phương đông đang có khuynh hướng) xem là thừa: đó là giới cao niên. Ngày 1.10.1999, Ðức Gio-an Phao-lô II công bố bức "Tông Thư gởi người Cao Niên". Ngài nhắc lại:

"Trong quá khứ, người ta rất mực kính trọng những người cao niên... Còn ngày nay thì sao? Nếu ta dừng lại giây lát để phân tích trình trạng hiện nay, ta thấy rằng một số dân tộc xem tuổi già là đáng kính và có giá trị, nhưng một số khác thì ít tôn trọng do cái não trạng xem trọng lợi ích trước mắt và năng suất lao động của con người. Thái độ ấy đã khiến xem thường người có tuổi, và chính những người cao niên cũng tự hỏi rằng cuộc sống của họ còn có ích chăng." (Thư gởi người Cao Niên. số 9).

"Phải cấp bách đặt mình lại trong một viễn cảnh đúng đắn, ấy là xem cuộc sống trong tổng thể... Những người cao niên giúp chấp nhận mọi biến cố trên trần thế một cách hiền triết hơn, vì những thăng trầm trong cuộc đời đã cho họ nhiều kinh nghiệm và sự chín chắn. Họ là những người canh giữ ký ức tập thể, và vì lý do đó, họ là những người có khả năng nói lên các giá trị và lý tưởng chung giúp cho cuộc sống hài hòa trong xã hội. Loại trừ họ, nhân danh sự đổi mới không cần đến ký ức, có nghĩa là từ chối cái quá khứ mà hiện tại đang cắm rễ. Những người cao niên, nhờ có kinh nghiệm và chín chắn, có thể đề ra cho người trẻ những lời khuyên dạy quí giá" (nt . số 10)

Nhưng có lẽ những ưu tư của Ðức Thánh Cha rõ nét nhất trong bài giảng của ngài, Chúa Nhật 17.9.2000, nhân Ngày Năm Thánh của Người Cao Niên.

"Anh chị em bạn hữu cao niên thân mến! Trong một thế giới như hiện nay, ở đấy sức mạnh và quyền lực thường được đưa lên hàng huyền thoại, anh chị em có nhiệm vụ làm chứng cho những giá trị vượt ngoài cái vỏ bên ngoài, và những giá trị ấy vẫn tồn tại mãi, vì chúng được ghi trong tâm khảm của mỗi một con người và được bảo đảm bằng Lời Chúa.

Với tư cách là người cao niên, anh chị em có một sự đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của một "nền văn hóa sự sống" đích thực, bằng cách làm chứng rằng mọi giây phút cuộc sống đều là ân sủng của Thiên Chúa và mọi giai đoạn cuộc đời đều có những sự phong phú mà mình có thể đóng góp cho mọi người." (Bài giảng trong Thánh Lễ ngày 17.9.2000. số 5)

Con Ðường Vẫn Còn Trước Mặt

Ngày Thế Giới Gia Ðình đã được chuẩn bị trong vòng sáu năm. Trong sáu năm, bao nhiêu giấy mực đã tốn hao, bao nhiêu tổ chức được dựng lên, bao nhiêu công việc được tiến hành, và khi bước vào thiên niên kỷ mới, thực trạng các gia đình cũng không có vẻ gì đi lên và con đường vẫn còn trước mặt. Tại sao vậy? Có lẽ vì công cuộc "toàn cầu hóa" đã khắc sâu khái niệm kinh tế và lợi nhuận vào tâm khảm của con người ở khắp mọi nơi. Người ta đều qui về bản thân mình mọi sự để biến nền văn mình hiện đại thành một "nền văn minh sự chết" thay vì xây dựng điều mà mỗi con người đều tha thiết mong chờ, đó là "nền văn mình tình thương".

Cũng vì thế mà Giáo Hội, trong thời gian vừa qua, dù không coi nhẹ người chồng hay người vợ trong gia đình, vẫn muốn xem họ là người cha hay người mẹ để "đồng công tác tạo" một nền "văn hóa của sự sống". Các giáo huấn Toà Thánh hướng nhiều về trẻ em và người già, Alpha và Ômêga của sự sống con người, bởi vì khi con người nhìn về cội nguồn và cùng đích của cuộc sống, họ sẽ nhận ra ý nghĩa của tình yêu, hôn nhân, gia đình đối với sự sống của từng người và đối với sự sống của cả nhân loại.

Ðiều mà Giáo Hội ít nhắc đến, không như nhiều người mong đợi, ấy là hạnh phúc trong gia đình. Thực ra điều đó không cần thiết. Trong hai ngàn năm qua, người ta tìm kiếm hạnh phúc bằng đủ mọi cách, và một trong những cách chủ yếu là làm cho mỗi người thoả mãn tối đa cái ích kỷ của mình. Ðể rồi ngày hôm nay, trước phồn vinh vật chất, con người khám phá rằng hạnh phúc đã bị phá sản. Dù không nói đến hạnh phúc, Giáo Hội đã chỉ ra con đường đi đến hạnh phúc đích thực: sống vì người khác ngay từ trong gia đình mình.

Với đường hướng này, người Việt Nam cảm thấy rằng lời nhắc nhở của Giáo Hội rất gần với truyền thống tốt đẹp của chúng ta. Gia đình Việt Nam hiện nay vẫn là nơi hạnh phúc vì cha mẹ thường sống vì con cái trong niềm kính trọng những người cao niên.

Tôi vừa nói một câu vì quán tính. Trên thực tế, gia đình Việt Nam vẫn còn mang trọn vẹn những giá trị truyền thống dân tộc chăng?

Trong một buổi nói chuyện với sáu sinh viên Luật (từ năm 3 đến năm 5), các em đề cập đến vấn đề sống chung ngoài hôn nhân (concubinage) hiện rất phổ biến ở các nước phương tây. Các em có vẻ xem đấy là một giải pháp an toàn cho hạnh phúc của mình. Muốn chứng minh giá trị của gia đình, tôi hỏi: "Các em hãy nhìn về cha mẹ mình mà nói xem, các em có hạnh phúc trong môi trường gia đình không?" Câu trả lời rơi xuống như một gáo nước lạnh. Chỉ một trong sáu em nói là có, còn năm em im lặng. Tôi ngỡ ngàng. Sáu em này là những sinh viên rất nghiêm túc, học hành có kết quả khả quan. Tôi không thể ngờ rằng gia đình của các em có vấn đề. Một ý nghĩ thoáng qua, tôi đặt câu hỏi cho từng em: "Thế em muốn cha mẹ mình không sống với nhau nữa à?". Bốn em trả lời vâng. Tôi hụt hẫng. Phải chăng tôi cũng hài lòng về gia đình Việt Nam nói chung và gia đình mình nói riêng, trong khi đó, ở ngoài đường, con cái mình cảm thấy gia đình không còn là cái nôi của tình thương và hạnh phúc?

Và vì thế tôi muốn kết thúc bài này bằng cách dâng lên Ðức Mẹ lời cầu nguyện mà Ðức Thánh Cha đã đề nghị trong Thông Ðiệp "Tin Mừng Sự Sống" của Ngài:

Lạy Mẹ Ma-ri-a, là hừng đông của thế giới mới, là Mẹ những người sống,

Chúng con dâng lên Mẹ cuộc sống này.

Lạy Mẹ, xin hãy nhìn xem

hằng hà sa số những trẻ em mà người ta không cho phép ra đời,

những người nghèo sống cuộc sống khó khăn,

những người nam người nữ nạn nhân của bạo lực phi nhân,

những người già nua và bệnh hoạn, bị giết chết bởi sự dửng dưng hay lòng thương xót giả tạo.

Xin cho những người tin vào Con Mẹ biết loan báo cho nhân loại ngày nay,

một cách xác tín và yêu thương, Tin Mừng của Sự Sống.

Xin ban cho họ ơn biết đón nhận Tin Mừng này như một ân ban luôn luôn mới mẻ.

Xin ban cho họ niềm vui tôn vinh Tin Mừng này, với lòng biết ơn, suốt đời họ.

Và xin ban cho họ lòng can đảm làm chứng cho Tin Mừng này,

một cách kiên trì tích cực, hầu xây dựng, cùng với mọi người thiện chí,

nền văn minh của sự thật và tình thương,
để ca ngợi vinh quang Chúa, là Ðấng Tạo Dựng yêu mến sự sống.


8. GIÁO HỘI TÁI KHẲNG ĐỊNH CẤM NGƯỜI LY DỊ TÁI HÔN RƯỚC LỄ

(Trích dẫn từ Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ số 272, tháng 8 năm 2000) 

Vatican (SD 6/07/2000; APIC 7/07/2000) - Ngày 6/07/2000, Hội Ðồng Tòa Thánh giải thích các Văn Bản Luật đã ra tuyên ngôn giải thích chính thức khoản giáo luật số 915 và tái khẳng định việc cấm các tín hữu ly dị tái hôn và các tín hữu Công giáo chỉ kết hôn theo nghi thức dân sự, không được rước lễ.

Khoản giáo luât số 915 qui định: "Không được nhận cho rước lễ những người bị vạ tuyệt thông và cấm chế sau khi hình phạt đã tuyên kết hay tuyên bố, và những người cố chấp trong một tội nặng công khai."

Trong những năm gần đây, một số tác giả đưa ra nhiều lý lẽ để quả quyết rằng khoản giáo luật này không được áp dụng cho các tín hữu ly dị tái hôn. Chẳng hạn họ nói rằng khoản giáo luật này nói về "tội trọng", và để có tội trọng thì phải có tất cả những điều kiện, kể cả những điều kiện chủ quan. Thế mà thừa tác viên cho rước lễ không thể đưa ra phán quyết từ bên ngoài để quả quyết có sự hiện diện của tội trọng nơi một tín hữu. Ngoài ra, để có thể nói là thái độ "cố chấp" ở lỳ trong tội trọng, thì cần phải nhận thấy nơi tín hữu ấy một thái độ thách thức, sau khi được vị Mục Tử cảnh giác hợp pháp.

Hội đồng Tòa Thánh giải thích các Văn Bản Luật bác bỏ các lý lẽ trên đây, và nhắc đến giáo huấn thống nhất từ trước đến nay về vấn đề những người ly dị tái hôn không được rước lễ. Giáo huấn đó dựa trên chính lời Thánh Phaolô: "Vì vậy, ai ăn bánh và uống chén của Chúa một cách bất xứng, thì trở thành tù nhân của Mình và Máu Chúa. Do đó, mỗi người hãy xét mình khi ăn bánh và uống chén này; vì ai ăn và uống mà không nhìn nhận Mình Chúa, tức là ăn và uống án phạt chính mình", 1 Corinto, đoạn 11, câu 27 đến 29. Câu Kinh Thánh này liên hệ trước tiên tới tín hữu và lương tâm của họ, và đó là điều được trình bày trong khoản giáo luật số 916 tiếp đó: "Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước thì không được làm lễ và không được rước lễ..." Rước Mình Chúa Kitô mặc dù mọi người biết đương sự là bất xứng, thì gây thiệt hại khách quan cho tình hiệp thông của Giáo hội; đó là thái độ gây thiệt hại cho quyền của Giáo hội và tất cả các tín hữu được sống phù hợp với những đòi hỏi của tình hiệp thông ấy. Trong trường hợp cho tín hữu ly dị tái hôn được rước lễ, hành động gương mù ấy có liên hệ đồng thời tới phép Thánh Thể và sự bất khả phân ly của hôn phối.

Hội Ðồng Tòa Thánh giải thích các Văn Bản Luật cũng khẳng định rằng: "Xét về bản chất của qui luật nói trên phát xuất từ luật Chúa, nên không một quyền bính Giáo hội nào, trong bất kỳ trường hợp nào, có thể chuẩn chước cho thừa tác viên trao ban Mình Thánh Chúa khỏi nghĩa vụ không được trao Mình Thánh Chúa cho người bất xứng, và không được ban hành những chỉ thị trái ngược lại".

Trong cuộc phỏng vấn dành cho phái viên hãng tin Công giáo Apic của Thụy Sĩ, ngày 7/07/2000, Ðức Tổng Giám Mục Julian Herranz, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh giải thích các Văn Bản Luật, nói rằng:

"Sở dĩ chúng tôi đã tái khẳng định về mặt pháp lý rằng những người ly dị tái hôn không thể rước lễ là vì có rất nhiều hỗn độn về vấn đề này. Vai trò Hội đồng chúng tôi là giải thích nội dung bộ giáo luật, biểu lộ luật chung của Giáo hội. Khoản số 915 của bộ giáo luật đã bị một số người giải thích sai. "Vì thế, công việc của chúng tôi là tái xác định ý nghĩa của điều khoản đó, và chúng tôi làm điều đó về phương diện pháp lý, theo thẩm quyền của chúng tôi".

Theo Ðức Tổng Giám Mục Julian Herranz, một trong những sai lầm về việc giải thích thường thấy nhất về khoản giáo luật số 915 là nghĩ rằng những người ly dị tái hôn không bị vạ tuyệt thông. "Trong vấn đề này có một sự hỗn độn rất lớn. Cần phải phân biệt những người ở ngoài Giáo hội, vì với tư cách là người bị vạ tuyệt thông, và những người như các cặp ly dị tái hôn, vẫn là những người con trọn vẹn của Giáo hội, và họ được mời gọi tham dự thánh lễ, cho dù không rước lễ, và tích cực tham gia vào các hoạt động của giáo xứ".

Theo Ðức Tổng Giám Mục Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh giải thích các Văn Bản Luật, có hai lý do khiến cho những người ly dị tái hôn không thể rước lễ. "Lý do thứ nhất là mối quan tâm bảo tồn bí tích Thánh Thể. Rước lễ tức là rước chính Chúa Kitô. Vì thế, ta không thể rước lễ nếu ta ở trong tình trạng có tội trọng: tội trọng vì ly dị và tái hôn hay thứ tội trọng nào khác".

Lý do thứ hai là mong ước của Giáo hội bảo tồn "đặc tính bất khả phân ly của hôn nhân Kitô giáo... Có một sự khác biệt lớn lao giữa tình yêu như được quan niệm trong hôn nhân Kitô giáo, và tình yêu được quan niệm ở bên ngoài. Hôn nhân Kitô giáo là một bí tích và là điều rất trọng đại. Hôn nhân dựa trên đặc tính một vợ một chồng và chung thủy với nhau mãi mãi. Dĩ nhiên, điều này đòi phải chiến đấu, vì cần phải tha thứ cho người bạn đường của mình. Giáo hội phải nhắc lại rằng có cuộc chiến đấu đó, nếu không hôn nhân sẽ chỉ là một điều không tưởng. Thực vậy, quan niệm rằng mình phải rời bỏ người vợ hoặc chồng của mình vừa khi khám phá những khuyết điểm mới nơi họ, tức là có một não trạng hướng về ly dị".

Ðức Tổng Giám Mục Herranz nhấn mạnh rằng "không phải Giáo hội không ưa chuộng lòng từ bi. Giáo hội theo gương của Chúa Kitô tha thứ cho người đàn bà ngoại tình trong Phúc Âm, vì Chúa nói: "Hãy đi và đừng phạm tội nữa". Chúa Kitô không biện minh cho tội ngoại tình, mặc dù Ngài tha thứ cho người phụ nữ ấy. Ngày nay Giáo hội tái khẳng định cùng một điều như vậy. Ðiều này có vẻ khó hiểu vì ý tưởng ngày nay là một số đông người nghĩ rằng chân lý ấy không còn giá trị nữa, và cũng không còn hiện hữu. Nhưng một luật do Thiên Chúa truyền không thể thay đổi được.


9. GIÁO HỘI TIẾP TỤC CHỐNG LẠI DỰ LUẬT LY DỊ

Tin MANILA (UCAN 21/09/99) -- Các tổ chức của Giáo Hội vẫn tiếp tục chống lại một dự luật hợp pháp hóa ly dị, trong khi dự luật chờ được thảo luận tại Quốc Hội. Nữ tu dòng Chúa Chiên Lành Pilar Verzosa, chủ tịch hội "Philippin ủng hộ sự sống", đã mở một chiến dịch lấy chữ ký chống lại Dự luật 6993 của Hạ Viện, nói với UCA News hồi đầu tháng 9 rằng đã có thêm 60,000 chữ ký, ngoài số 100,000 chữ ký mà hội đã đệ trình cho một ban tư vấn của quốc hội hồi tháng 5/1999. Philippin, quốc gia Á Châu duy nhất với đa số dân là Công Giáo, không cho phép vợ chồng ly dị được tái hôn, mặc dù cho phép họ phân chia tài sản của vợ chồng và dàn xếp việc nuôi dạy con cái. Luật Gia Ðình của Philippin cũng cho phép tiêu hôn trong trường hợp một người phối ngẫu bị bất bất lực về mặt tâm lý.

Dự luật 6993 do dân biểu Manuel Ortega đề nghị vào tháng 3/1999, sẽ tu chính luật gia đình nhằm cho phép vợ chồng ly dị cũng như cho phép các cặp ly thân được tái hôn. Khi giới thiệu dự luật, Ortega nói ông hy vọng việc ly dị sẽ cho phép người phối ngẫu bị người kia đánh đập được "được tự do tái hôn và có thể đạt được một cuộc sống gia đình ổn định và trọn vẹn." Ông nói hàng trăm ngàn trẻ em sinh ra từ các quan hệ nam nữ bất hợp pháp đã không được luật pháp bảo vệ. Ông nói thêm, nhiều con cái hợp pháp của các cuộc hôn nhân bị thất bại đang bị bỏ rơi do thiếu các quy định pháp lý như tiền cấp dưỡng và hỗ trợ con cái, tức là những biện pháp buộc cha mẹ phải chịu trách nhiệm về phúc lợi của con cái. Vị dân biểu này cũng nhận định rằng những người có điều kiện ra nước ngoài có thể tái hôn, còn người phối ngẫu ở nhà lại bị ràng buộc bởi cuộc hôn nhân thất bại.

Ðức Tổng Giám Mục Oscar Cruz, tổng giáo phận Lingayen - Dagupan nói với các phóng viên ngày 5-09-99 rằng các nhà lập pháp nên chú ý hơn tớùi các đề nghị nhằm củng cố hôn nhân và ngăn ngừa hôn nhân bị thất bại hơn là tìm cách chữa trị "những cuộc hôn nhân đã bị đổ vỡ." Vị chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Philippin (CBCP) nêu câu hỏi tại sao các nhà lập pháp không đưa ra những đề nghị giúp đỡ các cặp vợ chồng duy trì một đời sống gia đình ổn định. Những đề nghị này có thể bao gồm những quy định pháp lý về tham vấn và kinh tế để giúp các gia đình có được lương bổng và nhà ở xứng hợp. Ðức Tổng Giám Mục Cruz cũng là phó chánh án tòa án kháng cáo hôn phối thuộc Hội Ðồng Giám Mục Philippin, nói rằng các đôi lứa cần xem xét các yếu tố như khả năng sinh sống và sức khỏe thể lý và tâm lý trước khi tiến tới hôn nhân.

Hội "Philippin ủng hộ sự sống", một hiệp hội toàn quốc của Giáo Hội, đã đệ trình cho dân biểu Carlos Cojuangco, chủ tịch Ủy Ban Sửa Ðổi Luật Pháp (CRL) 100,000 chữ ký đầu tiên mà hội đã thu thập được để chống lại dự luật ly dị. Mười đại biểu của các đoàn thể khác của Giáo Hội cũng tham dự cuộc hội nghị tư vấn ngày 9-05-99 về dự luật do Ủy Ban Sửa Ðổi Luật Pháp tổ chức, vì đây là cơ quan của quốc hội sẽ quyết định liệu một dự luật sẽ được trình cho quốc hội thảo luận hay không. Một tài liệu bày tỏ lập trường của Văn Phòng Pháp Lý Phụ Nữ, một tổ chức phi chính phủ và là một trong hai nhóm ủng hộ dự luật ly dị tại hội nghị tư vấn, khẳng định rằng "không có luật ly dị thì cũng không hàn gắn được các đôi lứa trong trường hợp hôn nhân của họ bị thất bại."

Thư ký của Ủy Ban Sửa Ðổi Luật Pháp là David Cosalan nói rằng sẽ phải có một buổi điều trần nữa của Ủy Ban về dự luật, bởi vì ủy ban còn đang phải xem xét "nhiều dự luật khẩn cấp khác." Ông ghi nhận rằng nếu dự luật không được ủy ban thông qua vào cuối nhiệm kỳ Quốc Hội hiện nay, tức vào tháng 7-2000, dự luật sẽ hết hiệu lực mặc dù có thể được giới thiệu lại.

Dự luật ly dị là một trong bốn dự luật mà Hội Ðồng Giám Mục Philippin cho là trái với giáo lý Công Giáo. Hội Ðồng Giám Mục cũng chống lại các dự luật nhằm hợp thức hóa việc phá thai trong một số trường hợp đặc biệt, tăng cường Ủy Ban Dân Số nhằm đạt những mục tiêu về dân số do chính phủ đề ra và dành quyền bình đẳng cho những người đồng tính luyến ái, kể cả quyền "được sống chung với nhau." Theo nữ tu Verzosa, hội của bà đã thu thập được 100,000 chữ ký nhằm chống lại từng dự luật trong số ba dự luật nói trên thông qua các diễn đàn mà hội đã tổ chức tại nhiều trường học, giáo xứ và các nơi khác.


10. HÃY LÀ MỘT NGƯỜI MẸ XỨNG ÐÁNG TRƯỚC ÐÃ

Giáo sư Nguyễn Chính Kết 

Khi Mẹ và các anh em Chúa Giê-su đến tìm Ngài, một phụ nữ lên tiếng: "Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Ngài và vú đã cho Ngài bú" (Mt 12, 46 - 50). Ý của người phụ nữ đó là muốn ca ngợi Mẹ Ngài: Ðược làm Mẹ Ngài là một hạnh phúc tuyệt vời, một vinh dự lớn lao, vì được làm mẹ của một vị tiên tri, một Ðấng Cứu Thế: một con người vĩ đại và lý tưởng.

Ðọc đoạn Tin Mừng này chắc hẳn có nhiều người mẹ đã nghĩ: Phải chi mình sinh được một người con làm vĩ nhân: phải chi những đứa con của mình biết sống đạo hạnh, cao thượng theo gương Ðức Giê-su. Chắc chắn người mẹ nào cũng mong ước con mình nên người xứng đáng, hữu ích cho gia đình, xã hội và quê hương. Ðó là những mong ước rất chính đáng.

Trong số những phụ nữ có con, Ðức Ma-ri-a là người diễm phúc nhất. Nhưng không phải Ngài được diễm phúc đó một cách ngẫu nhiên, không có công lênh gì. Cuộc sống và chí hướng của Ngài cho thấy Ngài xứng đáng được vinh dự đó. Nói chung, người mẹ nào cũng muốn có con tài giỏi, đức hạnh hơn người. Nhưng vấn đề là chính người mẹ có xứng đáng có những người con như lòng mình mong ước không? Mình có xứng đáng với chính đứa con mình sinh ra không? Mình có sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, sống một cuộc đời đẹp lòng Thiên Chúa để xứng đáng với một người con thánh thiện tốt đẹp mà Thiên Chúa có thể ban cho mình không?

Cái gì cũng có cái giá của nó. Ðược làm Mẹ Ðức Ki Tô, Ðức Ma-ri-a cũng phải là một người như thế nào đó tương xứng với diễm phúc đó. Cái giá Ngài trả cho vinh dự đó chắc hẳn rất nhiều người mẹ không dám chấp nhận. Ðôi khi đành chấp nhận có những đứa con tầm thường hơn là phải chấp nhận những hy sinh cao cả để có được những người con cao cả!

Ðức Giê-su nói: "Những kẻ làm theo Thánh Ý Cha Ta trên trời mới là Mẹ và là anh chị em Ta" (Mt 12, 50). Như thế, xem ra Ngài đã coi nhẹ cái vinh dự làm nhân vật này hay nhân vật kia, cho dẫu là làm Mẹ Ðấng Cứu Thế đi nữa. Ðiều Ngài đặt nặng là "làm theo Thánh Ý Cha trên trời". Chỉ có Thánh Ý Thiên Chúa mới là chuyện quan trọng, còn tất cả mọi sự khác - dù là hạnh phúc, vinh dự hay chính mạng sống của mình đi nữa - đều không đáng phải quan tâm cho bằng Thánh Ý Thiên Chúa. Nhưng chính vì Ngài coi mình không là gì cả mà Ngài trở thành vĩ đại.

Chính vì Ngài sẵn sàng tự hạ nên Ngài được tôn vinh (Pl. 2, 6 - 11). Với tinh thần như thế, chắc chắn Ngài không đặt nặng cái vinh quang của một Ðấng Cứu Thế mà muôn đời phải tôn thờ, một vị Tôn Sư mà muôn thế hệ phải vâng nghe. Ðiều duy nhất mà Ngài quyết tâm thực hiện và quan tâm suốt cả cuộc đời là làm sao sống cho đúng Thánh Ý Thiên Chúa Cha, làm tất cả những gì Thiên Chúa Cha muốn Ngài làm. Không phải là Ngài vô cảm trước những vinh quang trần thế, không phải là của cải vật chất không quyến rũ Ngài, không phải là Ngài không hề bị lôi cuốn vào con đường hưởng thụ của thế gian. Ngài cũng bị cám dỗ (Mt 4, 1-11), cũng phải chiến đấu với chúng ta ở chỗ không bao giờ thất bại trong những cuộc chiến đấu. Lý do là Ngài yêu mến Thiên Chúa tha thiết hơn chúng ta, sự lựa chọn căn bản của Ngài - là lấy Thánh Ý Thiên Chúa làm lẽ sống - dứt khoát và mạnh mẽ hơn sự chọn lựa của chúng ta.

Sự chọn lựa căn bản của Ngài là dứt khoát đứng về phía Thiên Chúa chứ không về phía bản ngã của Ngài, về phía Thánh Ý Thiên Chúa chứa không về phía ý riêng của Ngài. Ngài đã dứt khoát một lần thay cho tất cả "sát tế" cái "tôi đáng yêu" của Ngài cùng với ý riêng của Ngài như một của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa Cha. Và Ngài cũng lập lại sự "sát tế" đó trong từng giây phút cuộc đời Ngài. Sự lựa chọn căn bản đó khiến Ngài nói: "Ta đến không phải để làm theo ý Ta mà theo ý Ðấng đã sai Ta" (Ga 6, 38), "Ta không tìm ý riêng Ta mà tìm ý Ðấng đã sai Ta. Ta không tự ý mình làm một điều gì" (Ga 5, 30). Không phải Ngài nói không có ý riêng, và không phải ý riêng của Ngài lúc nào cũng phù hợp với ý của Thiên Chúa. Nhưng lập trường của Ngài lúc nào cũng là: "Xin đừng theo ý con, mà hãy theo ý Cha" (Lc 22, 42).

Ðức Giê-su thế nào thì Mẹ Ngài cũng như vậy. Suốt đời, lúc nào Ðức Ma-ri-a cũng đặt ý Chúa lên hàng đầu, Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả cho Thánh Ý Thiên Chúa. Vì thế, Ngài đã thành tựu được mọi sự tốt đẹp, đã trải qua mọi thử thách ghê gớm một cách chiến thắng. Nếu không đặt ý Chúa lên hàng đầu làm sao Ngài có thể im lặng đứng nhìn con quằn quại trên Thánh Giá đầy đau thương nhục nhã, mà không vật vã khóc lóc thảm thiết như những bà mẹ khác? (Ga 19, 25). Ðâu phải Ngài không thương con bằng những bà mẹ khác! Ngài có thái độ can đảm như thế chỉ vì Ngài biết thuận theo thánh Ý Thiên Chúa. Chắc chắn lúc đó Ngài lập lại tiếng "xin vâng" như hồi được Thiên Sứ truyền tin (Lc 1, 38), và như thói quen của Ngài trong suốt cuộc đời. Có thể nói toàn bộ cuộc đời Ngài được dệt bằng những tiếng "xin vâng" như thế!

Xét về bản tính con người, chắc chắn Ðức Giê-su cũng chịu ảnh hưởng Ðức Ma-ri-a rất nhiều. Ðức Giê-su đã sống thật thánh thiện sống hoàn toàn phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa một phần nào đó là nhờ gương sáng và sự dạy dỗ của Ðức Ma-ri-a và Thánh Giu-se. Nếu Ðức Giê-su đã nói: "Cứ xem trái thì biết cây..." (Mt 7, 16 - 18), ta có thể hiểu được con người của Ðức Ma-ri-a khi ta biết được con người của Ðức Giê-su. Nếu câu tục ngữ Việt Nam "Con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ" mà đúng, thì nó càng đúng trong tương quan của Ðức Giê-su và Mẹ Ngài.

Ðức Ma-ri-a lúc nào cũng mong con mình biết luôn luôn tuân theo ý Thiên Chúa, sẵn sàng hy sinh ý riêng để làm theo ý Thiên Chúa. Ngài chỉ mong con mình làm điều đó, mà chính Ngài đã làm gương về điều đó một cách trọn hảo. Ðức Giê-su đã noi gương Mẹ mình và trở nên một người hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa (Mt 3, 17; 17, 5). Và Ðức Giê-su đã nhận ra rằng cái diễm phúc to lớn của Mẹ mình không hệ tại được làm Mẹ Ðấng Cứu Thế hay Mẹ của vị Thiên Chúa Nhập Thể, mà hệ tại việc Ngài hoàn toàn làm theo Thánh Ý Thiên Chúa. Ngài đã nhìn vào nguyên nhân sâu kín chứ không nhìn vào hậu quả trước mắt. Nếu Mẹ Ngài không biết tuân hành ý Thiên Chúa thì làm sao xứng đáng với diễm phúc ấy?

Ðó là một bài học thật qúy giá cho mọi người mẹ. Nếu ta mong muốn con cái mình trở nên người tốt, thánh thiện, biết tuân hành Thánh Ý Thiên Chúa, thì chính ta phải thực hiện điều đó trước đã. Chính ta phải làm gương trước rồi dạy con làm theo gương đó. Muốn con mình sống thế nào thì ta hãy sống như thế trước đã, và rồi ta sẽ thấy "mẹ nào con nấy". Lúc đó diễm phúc của ta là ở chỗ làm theo Thánh Ý Chúa chứ không phải ở chỗ con ta trở thành thế này hay thế kia. Nếu ta đã làm đúng theo ý Thiên Chúa, ta đừng sợ con mình sẽ hư hỏng, hay không được như ta ước nguyện. Gương Thánh Monica và Augustino khuyến khích những người mẹ hiện đang có những đứa con hư hỏng hãy kiên trì tin vào Chúa, vào hiệu lực của lời cầu nguyện.

Tóm lại, hãy lo thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa trước đã, hãy trở nên một người mẹ xứng đáng trước đã, còn mọi sự khác hãy phó thác cho Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho sau (x. Mt 6, 33).


11. HÔN NHÂN NGƯỜI VIỆT XƯA

Lm. Hoàng Kim Toan 

Ðời sống của người nông nghiệp gắn liền với lúa nước. Sở dĩ gọi là nền văn minh lúa nước, bởi vì, con người trồng trọt đều cậy dựa vào thiên nhiên, họ sinh sống thường bên những bờ sông suối, cậy nhờ vào mưa nắng thuận hoà. Dựa vào mùa nên có vụ. Mỗi vụ thu hoạch hơn hay kém là nhờ vào số nhân lực nhiều hay ít. Do tính chất đó của nghề nghiệp, nên người Việt cũng tổ chức xã hội theo tính chất cộng đồng Làng - Xã, để hỗ trợ nhau khi vào mùa vụ.

I. Hôn Nhân, Quyền Lợi Làng Xã

Việc hôn nhân, trước tiên là nhằm lợi ích cho cộng đồng làng xã, nên mới có những tục lệ:

1. Hôn nhân xác lập quan hệ giữa hai gia tộc: hôn nhân người Việt khác với hôn nhân Tây Phương, xưa cũng thế và nay cũng vậy, người Việt lấy vợ lấy chồng không dừng ở sự riêng tư của hai người, họ ý thức hoặc đã quen quan niệm, đó là việc chung của hai dòng họ hay hai gia tộc. Chính vì thế, trước khi hai người thành hôn với nhau, đã có thời gian dài trước đó, hai họ đã qua lại và sống thâm giao với nhau. Rất ít trường hợp mà hai họ không biết trước việc hôn nhân của con cháu họ. Việc qua lại thâm giao này, cho người gia đình bên đàng trai hay đàng gái an tâm hơn khi họ gả con cái. Hơn thế nữa họ còn ý thức rằng sau khi hôn nhân, là họ kết nối thành bà con sui gia với nhau. Cả hai bên họ hàng bàn bạc với nhau về ngày cưới, thêm bớt nghi thức hoặc gia giảm phần quà tặng cho nhà gái như thế nào. Ngày xưa, còn nặng về "môn đăng hộ đối", gia thế của hai họ có tương xứng với nhau không. Những điều ấy xem ra rườm ra nhưng lại rất hiệu quả cho việc chọn lựa "con đàn cháu giống".

2. Con đàn cháu giống: Nhắm tới một hậu duệ khôn ngoan và mạnh khoẻ, người Việt xưa đi từ kinh nghiệm hạt lúa giống gieo xạ cho vụ mùa đến cái thực tế của việc gây dựng hâu duệ. Kinh nghiệm nhà nông cho thấy hạt giống tốt cho nhiều hạt, ít sâu bệnh, từ đó dẫn đến việc "môn đăng hộ đối" cho các cặp trai gái đến hôn nhân. Như vậy, ngày xưa các cụ đã biết đến hiện tượng di truyền, cha mẹ hung ác không thể tạo nên đứa con hiền lành, dễ thương, ít nhiều cũng lây nhiễm sự độc ác của cha mẹ chúng. Người xưa thường nói: "cây nào sinh trái ấy", cho nên việc hôn nhân là hệ trọng cho cả đời người và cho cả giòng họ nữa. Việc kén dâu cũng là việc hệ trọng cho thế hệ tương lai, về hình thể người ta khuyên nên chọn: "Ðàn bà thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con", về gia tộc người ta chọn: "Ăn mày nơi cả thể, làm rể nơi nhiều con", ngoài ra còn một tiêu chuẩn nữa về đức hạnh: "cái nết đánh chết cái đẹp".

Làm thân con gái ngày xưa, chịu nhiều hy sinh hơn cả. Lúc thời trẻ trung đôi khi chẳng lấy được người mình yêu. Người con gái Việt trong hôn nhân thường nhắm mắt đưa liều, tuỳ ý cha mẹ xếp đặt. Có khi cay đắng: "Mẹ em tham thúng xôi dền. Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng. Mẹ em tham thúng bánh chưng. Tham con lợn để em lưng chịu đòn". Bù lại tất cả những gì người phụ nữ gánh chịu là lòng mến mẹ của những người con thường sâu đậm hơn tình cha.

2. Quyền lợi của làng xã: Thông thường, tính cộng đồng làng xã thích sự ổn cư, người ta thường nói: "an cư lạc nghiệp" là thế. Chính tâm lý an cư đó mà hôn nhân xưa cũng chú trọng đến việc người trong làng nên lấy nhau: "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn". Về phương diện kinh tế, lấy người trong cùng làng để bảo đảm đất ruộng của làng xã không bị người ngoài chia cắt. Việc lấy vợ, nhà trai nộp "cheo" cho làng bên đàng gái, hôn nhân mới trở thành hợp pháp. "Nuôi lợn thì phải vớt bèo, lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng". Người cùng làng thường "cheo" nhẹ hơn, có tính cách tượng trưng, gọi là "cheo" nội; lấy vợ ngoài làng thì "cheo" rất nặng, gọi là cheo ngoại. Việc nộp cheo không chỉ ảnh hưởng trong dân gian, nhưng còn được sự quan tâm nhắc nhở của nhà vua. Năm Cảnh Trị thứ nhất (1663), vua Lê Huyền Tông ban chỉ dụ nhắc nhở: "Quan viên và binh lính ở xã thôn nhà gái không được viện cớ người ta lấy chồng làng khác mà đòi tiền cheo quá lạm". Năm Gia Long thứ ba (1804) thì định lệ cheo: "về tiền cheo thì nhà giàu phải nạp một quan năm tiền, nhà trung thì nộp sáu tiền, nhà nghèo nạp ba tiền. Nếu lấy người làng khác thì nạp gấp đôi"

II. Quyền Lợi Riêng Tư

Sau quyền lợi của cộng đồng, hôn nhân mới đặt vấn đề riêng tư.

3. Chữ trinh, lòng thanh sạch đáng giá ngàn vàng: Luật hôn nhân ngày xưa nghiêm khắc trừng trị việc ăn ở ngoài giá thú hoặc ăn ở với nhau trước hôn nhân. Hình phạt tuỳ theo làng phân xử. Chẳng hạn hình phạt "cạo đầu bôi vôi" dẫn đi cùng làng người phụ nữ mang thai không có giá thú.

Chữ trinh ngày xưa hiểu một cách thanh tao và cao thượng hơn bây giờ. Ngày xưa, gọi là đất văn hiến thì mẫu người ngự trong tâm hồn dân Việt là mẫu người thanh cao, vượt xa được dục vọng. Người ta vẫn còn quý mến những người sống trinh khiết độc thân, đó là dấu chứng của nền văn hoá ấy còn lại. Chính vì coi trọng sự thanh sạch mà những đôi hôn nhân xưa kia đã sống cuộc đời biết tôn trọng, yêu thương và đi cho tới đầu bạc răng long. Như vợ chồng cụ Phan Bội Châu, gần năm mươi năm sống đời hôn nhân, mà đã tới gần bốn mươi năm cô phòng lẻ bóng. Sau hơn hai mươi năm có lần gặp lại nhau ở xứ Nghệ, người vợ tha thiết ước mong: "Vợ chồng ly biệt nhau hơn hai mươi năm, nay được một lần gặp mặt thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi. Từ đây trở về sau, chỉ mong cho thầy giữ được lòng xưa, thầy làm những gì mặc thầy, thầy chớ nghĩ tới việc vợ con."

Lòng người phụ nữ Việt Nam đẹp là thế, hy sinh cả một đời cho chồng cho con; lòng người chồng cũng không kém vì dân vì nước hy sinh chính cuộc đời trai trẻ của mình và vẫn giữ khí tiết thanh cao. Người xưa họ không chỉ giữ cho mình nhưng còn giữ cho cả gia phong, cho cả quốc thể, sĩ diện của bộ mặt dân tộc.

4. Tình nghĩa phu thê: Ðó là hệ thống tình cảm đặc biệt của người Việt Nam, khi đã yêu nhau người ta yêu cả đường đi lối về. Người ta đã yêu nhau, hy sinh cho nhau một cách đến vô lý mà chẳng ai có thể ngờ được. Cũng chẳng phải là do luân lý quân quyền, phụ quyền hay phong kiến gì hết mà chỉ là do trái tim mà thôi. Khi yêu thương người ta có cả ngàn cách để tỏ bày tình yêu thương đó, tình yêu được lọc qua những vị kỷ để chỉ còn vị tha, vị tha cho đến nỗi quên mất cả chính mình. Có những người đã nguỵên ở vậy cho đến suốt đời để "thờ chồng nuôi con" hay chấp nhận cảnh ngộ "gà trống nuôi con", lòng vị tha như thế chẳng là quên mất chính mình sao?

5. Chịu cực để hy sinh cho con: Người ta sánh ví ví von "cá chuối chết đuối vì con" không phải chỉ là sánh ví nhưng đó là sự thực của những người làm cha làm mẹ dành cho con cái. Có dân tộc nào mà được như vậy chăng?. Theo luật phong thuỷ, người ta vẫn kể lại là gặp ngôi đất tốt, người con phải khắc với cha mẹ mới mở mắt lên được, có đức hy sinh nào cho đến chết mà vẫn một lòng hy sinh cho con cái, để con cái ăn nên làm ra không?

6. Ðức hy sinh cho dòng họ: Vợ chồng có giận nhau, cũng đóng cửa mà dậy nhau, không ai mang chuyện nhà ra cho mọi người biết, ấy cũng là cái đức hy sinh cho giòng họ, cái đức ấy còn giữ thanh danh cho nhau, tôn trọng phẩm giá của nhau nữa.

III. Hôn Nhân Với Ðạo Hiếu

7. Quyền trưởng nam: Quyền trưởng nam dựa trên ba yếu tố: Giới tính, thứ bậc và vị trí của người mẹ. Theo dã sử, quyền trưởng nam có lẽ hình thành vào thời kỳ Bắc thuộc với sự kiện Phùng Hưng mất, em là Phùng Hải lên thay nhưng đã bị quân dân phế bỏ để giành lại ngôi cho Phùng An là con trai trưởng của Phùng Hưng lên kế vị. Theo lịch sử, quyền trưởng nam xuất hiện chính thức vào thời Lý. Lý Thái Tổ đã phong vương cho con trưởng là Phật Mã làm thái tử. Xác định quyền trưởng nam trước hết là nhắm vào mục đích "chung tộc danh về phía bố", theo giáo sư Từ Chi, nhằm giải quyết hai vấn đề: bảo đảm chế độ ngoại hôn trong từng "chung tộc danh về phía bố" và việc thờ cúng tổ tiên được rộng rãi nhất.

Quyền trưởng nam gắn liền với trách nhiệm thờ phụng tổ tiên, trường hợp quyền trưởng nam có thể chuyển cho người con trai thứ nếu con trai trưởng ốm yếu hoặc bất hiếu, quyền trưởng nam được thừa hưởng phần đất hương hoả, (trong miền nam có thể quyền thừa kế đất hương hoả chuyển cho người con trai út, "giàu khó con út"). Sự kế tục thờ cúng tổ tiên theo quyền trưởng nam được quy định lần đầu tiên trong bộ luật do vua Lê Thánh Tông ban hành năm 1461. Người đàn ông có quyền lấy năm thê bảy thiếp nhằm có con nối dõi (bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại).

Tục đa thê dưới góc nhìn của người nước ngoài, theo L. Cadière không thật là đáng chê trách. "Trong thực tế, việc đa thê không nhiều ở Việt nam. Thường thì tầng lớp quan lại, hay người giàu có mới có đa thê. Người nghèo mà người nghèo là đa số chỉ một vợ, vì phải có của mới duy trì được hậu cung và một đàn con đông đúc. Nếu vô tự, họ có thể khắc phục bằng cách rẫy vợ hay là nhận con nuôi. Những người lấy nhiều vợ, có khi do đam mê xác thịt thúc đẩy, nhưng thường là, thể hiện mong ước có con trai và nhiều con càng tốt. Vì đối với người việt, có nhiều con trai thì đời này và đời sau đều được danh dự và hạnh phúc. Ở đây không có sự hạn chế sinh sản hoặc loại bỏ con gái, hay đứa con tật nguyền. Tôi đã từng chứng kiến nhiều đứa con dị tướng vẫn được tình thương của bố mẹ chăm sóc khi còn sống và cũng thương tiếc khi chúng qua đời."

Thiết nghĩ mặc dù xã hội Việt Nam có trọng nam, nhưng ảnh hưởng khinh nữ của Hán học cũng không thể thấm vào người Việt được.

8. Quyền thừa tự của người nữ: Người phụ nữ Việt Nam không bị hạ thấp hay bị khinh miệt như những người Phương Bắc, các nhà dân tộc học tìm ra được lý do kinh tế là: Người phụ nữ đóng góp vào việc kinh tế đóng vai trò chủ yếu, nước Việt vốn chủ yếu kinh tế nông nghiệp, buôn bán nhỏ, thủ công và đặc biệt là người phụ nữ trong thời chiến, gánh vác việc gia đình thay chồng bận đi phu hoặc đi lính. Ở làng xã, gia đình nào không có con trai, con gái có quyền thừa tự đất hương hoả để lo việc cúng giỗ tổ tiên.

Bằng chứng cho thấy, nước Việt có nhiều người con gái thừa tự đến nỗi có nhà nho ca thán: "Nước ta có cái lệ người nào không có con trai thì cho con gái thừa tự. Không biết cái lệ ấy có từ thời nào. Ôi, nội ngoại đã chia hai họ, không lẽ hợp cả thân sơ mà cúng tế, hợp tế nội ngoại, như thế thì loạn mất luân thường..."

Than vãn như thế chỉ mình ông đau khổ, chứ tâm lý chung ai cũng chấp nhận, con gái được quyền thừa kế. Ðiều này được chính thức công nhận lần đầu tiên vào thời Thiệu-Bình (1434 -1440) của Lê Thái Tông và được khẳng định lại bởi vua Thánh Tông (1460 - 1497) và Chiêu Tông (1516 - 1527). Trên những cánh đồng nếu ta cứ nhìn xem mà ngẫm nghĩ phải chăng bàn tay người phụ nữ là bàn tay chính yếu lao động trên nương đồng. Phải chăng người phụ nữ không phải là người đầu tiên đứng lên khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm đó sao? Như trường hợp Bà Trưng, bà Triệu. Người phụ nữ Việt Nam vừa đảm đương việc nhà, việc nước, thuỷ chung hơn bất cứ người phụ nữ nào trên thế giới đấy chứ.

9. Vai trò của người nữ - Sinh dưỡng con cái: Toan Ánh nhận định: "Mối tình thiêng liên nhất của con người là tình mẹ con. Tình mẹ như biển cả, cao ngất như trời xanh và thắm thiết không gì có thể so sánh được. Lòng mẹ thật không cùng, trời cao bể rộng hồ dễ đã bằng".

Người xưa thường nhắc: "chín chữ cù lao": "cù: siêng năng, nhọc nhằn; lao: Khó nhọc. Cha mẹ siêng năng khó nhọc để nuôi dưỡng con cái. Người ta thường nói "đức cù lao", "chín chữ cù lao" là do câu "cửu tự cù lao", tức cha mẹ nuôi ta có chín điều khổ cực là: (1) sinh: đẻ, (2) cúc: nâng đỡ, (3) phủ: vuốt ve, (4) xúc: cho bú, (5) trưởng: nuôi cho lớn, (6) dục: dạy dỗ, (7) cố: trông nom, (8) phục: săn sóc dạy bảo, (9) bảo: bảo vệ. Trong Kinh Thi có câu: "Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao", nghĩa là: thương xót thay cha mẹ sinh ra ta khó nhọc. Trong Kiều có câu: "Duyên hội ngộ, đức cù lao; bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?"

Ai trên đời không có mẹ, nếu thiếu mẹ là thiếu một bầu trời. Ðứa trẻ không còn mẹ là đứa trẻ bất hạnh, thiếu hơi ấm, tay bồng, sự chăm sóc của mẹ. Ngày xưa, các bà mẹ có kiêng khem, tin dị đoan nhiều điều, cũng là lý do để tránh những điều xấu cho con mà thôi. Không chỉ những lúc đứa con ra đời và lớn lên mà ngay cả lúc đứa con hình thành trong bụng bà. Tình mẫu tử lớn lao là thế.

L. Cadière nhận xét: "Hầu như, những nơi thu hút quần chúng, những nơi thu hút khách hành hương, như Kiếp Bạc, Hương Tích, Phủ Giày ở miền Bắc, Phố Cát ở Thanh Hoá, Hòn Chén ở Huế, rồi vô số những điện miếu ở những địa phương ít nổi tiếng hơn, đều là những nơi khách hành hương đến cầu tự. Thánh Mẫu, bà Chúa Cửu Trùng, Bà chúa Liễu hạnh, Bắc Thần và nhiều vị khác đều có phép khiến cho các cụ bà sanh được con. Tại các nơi ấy, người ta bán rất nhiều y phục hay yếm có những bí tự, các bà mua và mang vào mình một cách thành kính; người ta còn xin bùa để mang vào cổ, khâu vào áo, những bùa yêu để nuốt vào miệng; họ dâng cúng của lễ, đốt hương, đoán hậu vận bằng nhiều cách, lên đồng, xuất thần trong trạng thái kỳ lạ.

Tóm lại, người ta tin tưởng lời cầu nguyện được nhận lời và nếu họ phải chờ đợi đạt được kết quả, họ sẽ quay trở về thần linh. Không chỉ thần Lão Giáo ban cho họ con cái, nhưng cả đức Phật, đấng đại Từ Bi dưới hình thức Phật Bà Quán Thế Âm, cũng giúp các bà có con. Những người Công Giáo và cả lương dân cũng chạy đền với Ðức Trinh Nữ hay làm phép lạ với cùng ý hướng, bởi lẽ người phụ nữ Việt và trong mọi gia đình, ước muốn có con cái thật vô cùng lớn lao".

Ngày nay, việc mê tín ấy không còn nhiều nữa, tình thương mẫu tử không vì thế mà kém hẳn đi, những khi con đau bệnh, bà mẹ cũng mất ăn mất ngủ đưa con đi hết thầy thuốc này đến thầy thuốc kia, những khi con đi học thì đưa đón, có khi ngồi chờ cả tiếng đồng hồ trươc cổng trường hay Nhà Thờ để đón con về. Có ai cắt nghĩa được đâu cái tình người mẹ dành cho con? Nếu chẳng phải lòng người mẹ là thế, trời sinh ra thế.

Hôn nhân theo định chế xưa là nhằm bảo vệ truyền thống gia đình. Gia đình là rường cột của xã hội và xã hội ngày xưa cũng xây dựng trên nền tảng của gia đình, gia tộc, làng xã. Một gia đình hạnh phúc theo người Việt là một gia đình có: ông bà, cha mẹ và con cái, tam đại đồng đường. Ba mẹ bận đi làm thì đã có ông bà nội ngoại trông cháu. Ở cái gia đình Việt Nam ta, con trẻ học được biết bao điều tốt đẹp từ giữa các tương quan ruột thịt thân thích.


12. MỘT NGƯỜI VỢ KI-TÔ GIÁO

Giáo sư Nguyễn Hùng Cường 

Trước tiên, người vợ Ki-tô giáo phải là một người con, người con gái của Chúa: Sức mạnh của nàng, của một phụ nữ Ki-tô giáo, chủ yếu là để giúp đỡ cho chồng nàng. Kinh Thánh có mô tả nhiều đức tính phải có của một phụ nữ Ki-tô giáo, nhưng ở đây tôi chỉ nói đến bốn đức tính mà tôi cho là quan trọng nhất đối với phụ nữ.

1. Ðức tính đầu tiên là Ðức Tin. Những phụ nữ được Kinh Thánh đề cập đến đều có một niềm tin đặc biệt vững chắc, sâu xa vào Chúa, vào lời Ngài hứa với chính họ và với gia đình họ. Mỗi khi gặp âu lo, họ tin tuởng và phó thác cho Chúa, tin rằng lời Chúa sẽ chiến thắng. Bà Sa-ra, Han-na, Giu-đích, Ette và Ma-ri-a là những "phụ nữ thánh thiện biết hy vọng nơi Chúa" (1 Pr 3, 5). Lời bà Ysave nói với Ðức Ma-ri-a cũng có thể áp dụng cho các phụ nữ trên: "Chị thật có phúc vì chị đã tin rằng những lời Chúa phán cùng chị sẽ được thực hiện" (Lc 1, 45). Trong thư Do-thái, Thánh Phao-lô cũng nói về bà Sa-ra tương tự như thế: "...Bà tin rằng Chúa đã hứa thì Ngài sẽ trung thành với lời Ngài hứa" (Dt 11, 11).

Trong nền văn hoá chúng ta thì ngược lại, người phụ nữ thường hay lo sợ và bất an, buồn sầu về con cái, về chồng, về tương lai. Họ có đủ mọi chuyện để âu lo, đủ mọi lý do để sầu khổ: nào là vật giá leo thang, nào là bạo lực hoành hành khắp nơi, nào là hôn nhân bị coi thường... tương lai thì đầy bất trắc và đe doạ. Nhưng ý của Chúa là muốn người phụ nữ không phải lo sợ gì cho tương lai cả, giống như người phụ nữa trong sách Châm Ngôn "tươi cười khi nghĩ đến tương lai" (Cn 31, 25).

Thời nay, cách duy nhất giúp người ta có thể đọc báo mà không lo sợ là tin tưởng vào Chúa. Người phụ nữ Ki-tô giáo ngày nay cũng phải có đức tin nơi Thiên Chúa giống như những phụ nữ trong Kinh Thánh. Họ cũng phải ghi nhớ những lời Chúa hứa trong lòng và tin tưởng những lời hứa đó chắc chắn Chúa sẽ thực hiện.

2. Ðức tính thứ hai là Ðức ái. Ðức ái không chỉ khiến nàng yêu thương thắm thiết gia đình mình, mà còn thúc đẩy nàng quan tâm tích cực đến các nhu cầu của Dân Chúa nữa. Ở trên tôi có nói Kinh Thánh đã ca tụng các phụ nữ của họ. Ðặc tính của người phụ nữ Ki-tô giáo là thích "chuyên chăm làm việc thiện" (1 Tim 5, 10), được biểu lộ trong cách nàng lo lắng cho gia đình và cho Dân Chúa. Chúng ta có thể thấy điều đó trong cách nàng xây dựng tổ ấm, trong những bữa ăn nàng dọn ra, trong việc nàng lưu tâm săn sóc con cái. Tình yêu đã khiến sự phục vụ của họ nổi bật lên trong cộng đoàn Ki-tô giáo, là nơi họ tự nguyện giúp đõ những người đau khổ và rữa chân cho các tín hữu (x. 1 Tim 5, 10).

3. Ðức tính thứ ba được Kinh Thánh gọi là tinh thần thanh thản. Thánh Phê-rô gọi tinh thần này là "sự kiều diễm không phai tàn... có giá trị trước Thiên Chúa" (1 Pr 3, 4). Cách hay nhất để hiểu tinh thần thanh thản là gì là nghĩ về một phụ nữ có một đời sống trật tự ngăn nắp, có bình an và niềm tin tưởng rằng mình có tương quan thân thiện với Chúa và với chồng mình. Nhờ vậy, nàng có thể tập trung mọi năng lực để chu toàn mọi trách nhiệm của nàng, chứ không hành động theo tính hiếu kỳ sự lo âu hay những áp lực tình cảm. Nàng không ăn nói bừa bãi mà ăn nói có chừng mực, tự chủ được lời ăn tiếng nói của mình, và rất tin tưởng vào sự điều kiển của chồng mình. Ðể nói về họ, Kinh Thánh đã dùng những từ ngữ như "chừng mực", "nghiêm trang", "tinh tế", "giản dị", "tùng phục".

Người phụ nữ có tinh thần thanh thản luôn luôn sống trong bình an, một sự bình an sâu xa. Nàng sống an hoà với chính mình, với Chúa, với chồng con. Nàng có sức mạnh, và nàng làm chủ được với sức mạnh đó, kiểm soát được nó, một sức mạnh khiến nàng dễ thương vì nàng biết rằng quyền năng của Thiên Chúa đang hoạt động trong nàng để giúp nàng thực hiện tất cả những gì cần phải thực hiện. Nàng tùng phục chồng không phải vì nàng có tính thục động hay sợ hãi, mà vì nàng ý thức được vai trò của trách nhiệm và quyền hành Chúa ban cho nàng trong nhiệm thể Chúa.

Trong nền văn hoá của chúng ta hiện nay, người phụ nữ cảm thấy cần phải tỏ ra cứng rắn và làm mạnh để có thể có được điều mình muốn. Nhưng Chúa lại thích những phụ nữ nào biết đợi đến giờ Ngài đã ấn định để xem mọi việc xảy ra. Ðó là một thái độ quan trọng mà người phụ nữ nên áp dụng trong gia đình mình: nhất định không lấn áp quyền của chồng và cứ để mặc Chúa hoạt động qua quyền lực của chồng mình.

4. Ðức tính thứ tư là thánh thiện. Người phụ nữ Ki-tô giáo cần phải sống thánh thiện. Kinh Thánh nói về những phụ nữ biết kính sợ Chúa (Gđ 8: 8) và luôn sống trong tâm tình cầu nguyện "cả ngày lẫn đêm" như từ ngữ Thánh Phao-lô dùng (1 Tim 5: 5). Kinh Thánh cũng có nói đến những đức hạnh rất đáng nể phục của nhiều phụ nữ Ki-tô giáo (Tt 2, 3; 1 Pl 3, 2). Tương giao thân thiện giữa người phụ nữa Ki-tô giáo với Chúa tạo nên một phần rất quan trọng trong tính tình của nàng, và trong cuộc đời nàng.

Tự đào luyện tính tình để trở nên một người vợ Ki-tô giáo đúng nghĩa xem ra là việc khó nhất của một người vợ. Không có mấy phụ nữ tin rằng họ có thể trở nên thánh thiện, tin tưởng vững vàng và sống cho dũng cảm. Họ dễ chấp nhận hình ảnh người phụ nữ yếu đuối và hay thay đổi do nền văn hóa đưa ra. Nhưng tôi muốn nói lại với các bà vợ điều tôi đã nói với các ông chồng: "Ðây là cá tính mà Chúa đã tạo nên trong con người của chị, Chúa đã ban cho chị nhiều sức mạnh và ân sủng để làm một người phụ nữ. Khi chị đón nhận ơn gọi và những ân sủng Chúa ban, khi chị đóng đúng vai trò mà Chúa muốn chị sống, thì "con người ấn kín trong trái tim" (1 Pr 3, 4) của chị sẽ càng ngày càng biểu lộ ra ngoài.

"Thiên Chúa cũng sẽ giúp đỡ chị giúp chị triển nở và trưởng thành thành người phụ nữ Ki-tô giáo và người vợ Ki-tô giáo đúng nghĩa. Ngài sẽ tạo lập một tương quan giữa chị với Ngài để dùng Lời của Ngài dạy dỗ chị và nhờ Thần Khí của Ngài ban sức mạnh cho chị. Ngài cũng nâng đỡ chị qua chính chồng của chị, nhất là qua sự hướng dẫn của anh ấy đối với chị. Hãy nói cho anh ấy biết về cái mẫu phụ nữ mà chị muốn trở nên, và hãy đón nhận sự quan tâm dìu dắt của anh ấy. Chúa cũng nâng đỡ chị qua những anh em phụ nữ Ki-tô giáo khác, họ sẽ chia sẽ với chị sự dũng cảm, khôn ngoan và kinh nghiệm của họ để làm cho chị nên mạnh mẽ hơn. Chị nên lợi dụng mọi cơ hội để phát triển tình chị em với những phụ nữ khác, là những người đang sống chính cuộc sống mà Chúa đã mời gọi chị sống".

Hiểu cho đúng vai trò làm chồng làm vợ của chúng ta là gì, sự hiểu biết đó chính là nền tảng cho cuộc sống gia đình của chúng ta, tương quan thân thiện giữa vợ chồng lúc nào cũng vẫn là trọng tâm của gia đình cho dẫu sau khi đã có con cái. Nhưng khi hai vợ chồng bắt đầu có con cái, Thiên Chúa mới tỏ cho họ thấy một phần mới mẻ trong chương trình của Ngài.


13. NGHỆ THUẬT LÀM CHA MẸ

Giáo sư Nguyễn Chính Kết 

Chúng ta thường được giáo dục để trở nên những đứa con tốt trong gia đình nhưng rất ít khi chúng ta được giáo dục để trở nên những cha mẹ tốt. Ở trường học, chúng ta học rất nhiều môn, nhưng không môn nào dạy ta nghệ thuật làm cha mẹ, là nghệ thuật mà ta phải áp dụng suốt cả cuộc đời kể từ khi có con, đồng thời cũng là một nghệ thuật hết sức quan trọng cho hạnh phúc của ta cũng như cho tương lai con cái ta. Vì thế, đa số nhân loại khi lên làm cha mẹ đã không biết phải đóng vai trò đó thế nào cho sáng suốt. Thường thì chỉ khi đã làm cha mẹ chúng ta mới bắt đầu học nghệ thuật ấy, học theo kiểu "nghề dạy nghề", tự học, học cách mò mẫm, phải tự suy nghĩ để tìm ra phương pháp. Cũng có những sách nói về nghệ thuật này, nhưng không nhiều.

Trong ý hướng giúp các bậc cha mẹ nắm vững hơn nghệ thuật này, chúng tôi xin đưa ra một số suy tư hay ý kiến góp phần xây dựng. Sau đây là 10 đề nghị, hay nói khác đi là 10 điều tâm niệm của các bậc cha mẹ.

1. Ðã là người thì đương nhiên bất toàn

Ngoài Thiên Chúa ra, không có ai hoàn hảo cả. Vì thế, ta đừng đòi hỏi con cái ta phải hoàn hảo, phải làm ta hài lòng. Chính ta, trong quá khứ cũng như hiện tại, ta có hoàn toàn làm hài lòng cha mẹ ta đâu! Chính ta cũng bất toàn. Tuy nhiên, vì tính cách sư phạm, ta có thể tỏ ra đòi hỏi con cái chút ít để chúng cố gắng hơn. Cùng là thân phận con người yếu đuối như nhau, ta nên thông cảm với những tật xấu, những khuyết điểm của con cái. Ta phải tập biết hài lòng về những cố gắng của con cái mình, về mức độ tốt đẹp mà chúng đã từng nỗ lực để đạt được.

2. Ðừng kỳ vọng về chúng quá mức

Ai cũng có giới hạn của mình, dù có cố gắng lắm cũng khó vượt qua giới hạn ấy. Ðiều quan trọng là biết được đâu là giới hạn của con cái mình để tôn trọng giới hạn đó, để đặt ra mục tiêu thích hợp bắt chúng đạt tới. Thông thường, khi có con, ai cũng kỳ vọng con mình phải thành người thế này thế kia. Ta mong con ta hơn ta, và sẵn sàng hy sinh tất cả để con ta đạt được những gì ta kỳ vọng nơi chúng. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, những kỳ vọng đó vượt quá khả năng thực hiện của chúng. Có thể chúng không có nhiều tài năng và nghị lực bẩm sinh như ta, có thể chúng có khuynh hướng khác với ta. Ta không nên lấy mình làm khuôn mẫu để ép con cái phải như mình. Ðặt lý tưởng quá cao cho con cái dễ làm cho chúng có mặc cảm tự ty và buồn phiền nếu chúng không thể đạt tới được, đồng thời dễ làm ta thất vọng và chán nản về chúng.

3. Chấp nhận, cầu nguyện cho con cái mình

Chấp nhận con cái không có nghĩa là không bắt chúng nỗ lực để nên tốt đẹp hơn, mà là chấp nhận mức độ chúng đạt được sau khi ta đã nỗ lực tạo đủ mọi điều kiện để chúng tốt đẹp hơn và chính chúng cũng đã cố gắng. Ðừng ép con cái mình phải giống hay bắt chước một trẻ em khác: trên đời này không thể có hai đứa trẻ giống nhau. Ðể chấp nhận trẻ, ta phải biết đặt mình vào địa vị của trẻ và nhìn theo quan điểm của chúng. Ðừng bắt chúng nhìn theo quan điểm của ta. Tích cực hơn, ta nên cầu nguyện cho chúng, xin Thiên Chúa ban thêm sức mạnh để chúng có khả năng cố gắng nhiều hơn nữa. Chỉ có Thiên Chúa mới có khả năng biến đổi tâm hồn chúng.

4. Dành thì giờ để đối thoại với con cái

Nên bỏ ra mỗi ngày ít nhất 15 hay 30 phút để tiếp xúc với con cái, để nói chuyện, tìm hiểu chúng, trao đổi tư tưởng, cảm nghĩ và tâm tình với chúng. Giờ rất thuận tiện là các bữa ăn. Phải lắng nghe chúng nói, khuyến khích chúng bày tỏ những điều chúng nghĩ trong đầu, chứ không phải chỉ biết bắt chúng nghe mình thôi. Ðồng thời phải biết phản ứng kịp thời và thích hợp với những gì chúng biểu lộ: vui, buồn, ngạc nhiên, sửa sai, bất đồng, tán thành, khuyến khích... Phải luôn luôn nắm được tư tưởng và ý muốn của chúng. Phải tập trò chuyện với chúng như với bạn bè, nhất là khi chúng đã lớn, khoảng 10 tuổi trở lên. Ðừng để chúng hư lúc nào ta không biết.

5. Cố gắng tạo quan hệ tình cảm với con cái

Con cái ta rất cần được yêu thương, khuyến khích, hỗ trợ để chúng có thể phát triển. Do đó, ta phải làm sao để chúng cảm nhận được tình thương của ta. Cần phải biểu lộ tình thương của ta ra bên ngoài, qua ánh mắt, qua những cử chỉ âu yếm, những lời nói ngọt ngào, những hy sinh cụ thể và thường xuyên của ta. Càng nhỏ, chúng càng nhạy cảm với tình thương của ta. Chúng cần tình thương để lớn lên và phát triển cũng như cần cơm bánh. Ðừng dấu tình thương trong lòng mà phải biểu lộ ra ngoài. Ðừng chỉ yêu thương bằng khối óc dù rất cần thiết, mà còn phải yêu thương bằng con tim nữa.

6. Phải làm sao cho con cái tin tưởng nơi ta

Trẻ cảm thấy cần được bảo đảm tốt đẹp về mọi phương diện: vật chất cũng như tinh thần. Chúng mong tìm được những bảo đảm đó nơi cha mẹ chúng. Vì thế, ta phải trở nên chỗ dựa vững chắc cho chúng về mọi mặt. Phải sống làm sao để chúng có thể cảm thấy an tâm: mọi lời ta nói phải đúng để chúng tin tưởng, mọi việc ta làm phải tốt để chúng bắt chước. Phải làm sao để chúng tin vào tình yêu, sự thành thật, khả năng hy sinh và sự cao thượng của ta. Ta muốn con cái ta tốt tới mức nào thì ít ra ta phải sống tốt tới mức đó. Hành động của ta - tốt hay xấu - ảnh hưởng tới con cái ta tới mức độ ta không ngờ.

7. Ðồng hành với con cái trên đường tiến tới hoàn mỹ

Tuy nhiên ta không nên tự thần tượng hóa mình trước mặt con cái. Tới một lúc nào đó ta phải cho chúng thấy rằng chính ta cũng là người bất toàn đang nỗ lực tiến tới trưởng thành, hoàn thiện và nên thánh. Ta chỉ là người đi trước có nhiệm vụ dẫn dắt chúng trong những bước đầu cuộc đời chúng, đưa chúng đi vào đời sống thần linh (với Thiên Chúa) và nhân bản (với bản thân và người khác). Và sau này chính ta cũng nên sẵn sàng nhận lại sự nâng đỡ của chúng. Cần phải khiêm tốn nhận những khuyết điểm của chính mình. Trên đường tiến tới hoàn thiện, ta hãy biến chúng thành những người bạn đồng hành và cho phép chúng được coi lại ta như thế, đồng thời chấp nhận sự xây dựng của chúng. Như thế chúng sẽ tự tin và dễ trưởng thành hơn.

8. Phải tôn trọng phẩm giá của con cái

Con cái ta là người, chúng có quyền và rất cần được đối xử như những con người, như con cái của Thiên Chúa. Ðừng xử với chúng như nô lệ hay đầy tớ trong nhà. Hãy tôn trọng tự do của chúng, đừng cấm đoán chúng những gì ta xét thấy vô hại. Cũng nên tôn trọng giờ làm việc, giờ ngủ và thì giờ của chúng một cách vừa phải. Nếu cần phải sửa phạt thì nên sửa phạt đúng mức, hợp lý, đừng đánh đập chúng quá đáng hoặc chửi rủa chúng những câu thậm tệ, như "Ðồ quỉ!", "Ðồ chó má!", "Con đ.!", xúc phạm tới phẩm giá hoặc làm tổn thương tự ái chúng quá mức cần thiết. Ðừng bêu xấu con trước mặt người khác hoặc những trẻ em khác. Có tôn trọng chúng thì chúng mới biết tự trọng và tự tin.

9. Khai phóng cho con cái

Khi còn nhỏ, con cái ta lệ thuộc ta mọi mặt. Lúc đó, ta phải bắt chúng vâng lời, làm theo ý ta để chúng đi đúng đường. Nhưng ta phải huấn luyện và giáo dục chúng làm sao để dần dần chúng trưởng thành, có khả năng tự do và tự lập về mọi mặt. Ðừng bắt chúng cứ phải lệ thuộc ta mãi, cứ phải theo ý muốn của ta hoài. Ðó cũng là cách để ta tự giải phóng chính mình. Nên ý thức rằng con cái ta không phải là của ta mãi, mà là của cuộc đời. Muốn chúng lệ thuộc ta mãi đó là ý muốn của những cha mẹ còn non nớt. Cần phải biết biến chúng thành những người bạn mà xét về nhiều mặt là ngang hàng với mình. Có như thế chúng mới dễ phát triển và trưởng thành.

10. Trao cho chúng trách nhiệm

Phải tập cho con cái tinh thần trách nhiệm ngay từ hồi chúng còn nhỏ bằng cách trao cho chúng những trách nhiệm từ dễ đến khó, từ nhỏ đến to trong gia đình. Phải tập cho con cái dần dần quán xuyến được mọi việc. Và khi chúng đã lớn, khoảng 20 - 25 tuổi, phải tập cho chúng làm những công việc có tầm vóc xã hội: làm ăn, giao thiệp, nhận trách nhiệm nghề nghiệp, điều hành công việc... Phải tập cho chúng làm được hầu hết những công việc của mình, thậm chí có thể thay thế mình trong địa vị của mình.

Hãy bắt chước các nhà vua của ta ngày xưa biết nhường ngôi cho con ngay khi chúng tạm đủ tư cách thay thế mình giải quyết mọi việc, còn mình thì đứng đằng sau hướng dẫn, cố vấn, làm "thái thượng hoàng". Tại nhiều nước đang phát triển mạnh, các giám đốc công ty, xí nghiệp, thậm chí các bộ trưởng... đa số thuộc giới trẻ (25 - 40 tuổi) rất năng nổ hoạt động. Người ta không sợ họ đi quá lố vì đằng sau những người trẻ ấy còn có cha mẹ của họ cố vấn, chỉ đạo và hỗ trợ họ. Nhờ vậy, đất nước của họ tiến bộ rất mau.

Trong gia đình, chúng ta cũng nên sớm giao trọng trách cho con cái đang khi chúng ta còn có thể đứng sau để hướng dẫn giúp đỡ. Ðừng để tới lúc ta không còn làm được gì nữa mới nhường trách nhiệm cho chúng. Tới lúc đó chúng mới tập sự làm việc thì đã hơi muộn, nên sẽ ít hữu hiệu và mắc nhiều sai lầm.

Kết Luận

Thế hệ con cái của chúng ta có đức hạnh và tài năng hay không tùy thuộc vào sự giáo dục chúng nhận được từ cha mẹ chúng rất nhiều. Vì thế, ta cần phải giáo dục chúng một cách khôn ngoan sáng suốt. Ðừng phó mặc công việc quan trọng này cho may rủi, cũng đừng làm một cách tùy tiện, thiếu suy nghĩ.

Hãy lắng nghe thế hệ của chúng ta đang lên tiếng: "Hãy giáo dục chúng tôi cho tử tế, chúng tôi sẽ biến xã hội và thế giới này thành thiên đường". Và một điều rất quan trọng là hãy cầu nguyện cho chúng, xin Thiên Chúa chúc lành, bảo vệ và thánh hóa chúng.


14. TÌM LẠI CÁI HAY BAN ĐẦU

Lm Giuse Hoàng Tiến Ðoàn, S.J. 

Tôi có quen một cô vẫn thường coi tôi như anh thiêng liêng để "tâm sự" mỗi khi "đụng chuyện gì", trước cũng như sau khi lập gia đình. Trước ngày cưới, cô ta tâm sự với tôi:

- Em biết ngay, . . . chắc là anh ngạc nhiên lắm, phải không? Khi thấy em OK anh chàng này. Như anh biết, em có nhiều bạn trai trong đó có vài chàng dễ thương, nhưng em chỉ thương có anh này thôi. Em cũng không hiểu tại sao em thương anh ta, mặc dù ảnh hơn em tới cả 15 tuổi và cũng chẳng đẹp trai gì.

- Anh nghe nói ông này, ý sorry, anh này chứ, chiều em lắm có phải không? Dù sao đây cũng là đức tính tốt của những người đã có tuổi!!!

- Chiều em? Ðúng, nhưng không phải vì chiều, mà em ưng đâu! Có mấy anh chàng khác cũng chiều em lắm chứ. Em nghĩ chắc là tại vì anh ta có những đức tính quí mà em không tìm thấy nơi những người khác. Anh biết không, anh này tính tình cẩn thận lắm. Lái xe không bao giờ vượt quá tốc độ. Làm cái gì cũng thận trọng lắm cơ! Em chưa thấy anh ta hấp tấp bộp chộp bao giờ. Thật là rất hợp với em!

- Chậc chậc, . . ái cha . . . dữ hôn? Trúng tủ cô nương rồi . . . !

- Ðừng ồn ào, để em kể cho nghe: Anh biết không, nhà anh ta lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng. Lần đầu đến, em tưởng nhà trống trơn không có sự gì. Nhưng hỏi ra thì cái gì cũng có, và thứ nào để ra thứ đó trong ngăn tủ gọn gàng sạch sẽ. Chén bát em mới ăn xong chưa kịp rửa, còn đang nói chuyện và quay qua quay lại đã thấy anh ta rửa xong và đang cất đi rồi. Lấy anh này, em nghĩ đỡ phải mệt dọn dẹp nhà cửa. Chứ ở với bố mẹ, nhiều khi em phát bực cả lên, nhất là đối với thằng út, chưa dọn xong cái này nó đã bày cái khác ra rồi. Và chưa bao giờ em dám bước chân vào trong phòng nó. Thật là một ổ rác, dơ dáy quá sức. Giầy dớ, áo lót, quần xì vứt lung tung bừa bãi ở lối đi, gầm giường lẫn lộn với sách báo, băng nhạc. Ðược như anh này, chắc cả trăm người mới có vài ba người.

- Nói làm gì, cả ngàn người anh nghĩ chưa biết có kiếm được một, hai người không?

Cô ta vênh mặt lên rất tự hào:

- Ðấy nhá, có phải thế không anh? Em nghĩ rằng em đã chọn đúng người. Anh biết không, đi shopping với em, cái gì anh ấy cũng đòi trả tiền. Khi trả thì anh ta cẩn thận xem cho kỹ có phải là tờ 1 đồng, 10 đồng hay 100, và đếm lại, rồi còn lật qua xem mặt bên kia nữa. Thấy em phì cười, thì anh ta bảo là sợ 2 tờ nó dính nhau. Nhưng dù sao, tính tình cẩn thận như thế rất hợp với em. Em nghĩ rằng chính điều này làm cho em thương anh ấy.

- Hợp tính hay không chỉ là một chuyện. Cái quan trọng là quả tim của em đã nhúc nhích rồi. Cái đấy mới thành vấn đề. Anh thành thật chúc chúc mừng em đã tìm được người lý tưởng. Cảm tạ Chúa cho em và cho cả ba mẹ em nữa. Anh thấy cậu mợ lo quá sức vì thấy em có nhiều boy friends! Mợ thường than thở với anh mỗi khi nhắc đến em: "ngày lắm mối, tối nằm không!"

Thế rồi, . . . tháng ngày qua đi, bây giờ anh chị đã ở với nhau được hơn 10 năm và đã có với nhau ba tí nhau. Bây giờ gặp lại cô em, tôi thấy cô ta thở dài thườn thượt:

- Chán quá sức, anh ơi! Em không thể tưởng tượng được?

Tôi liền hỏi: "Có chuyện gì vậy em?" Thế là, cô ta tuôn ngay ra một tràng dài:

- Anh biết không, làm cái gì ảnh cũng chậm rì, sốt ruột, bực cả mình. Nhiều khi em đến lễ trễ là bởi vì cái ông nội kia kìa, cứ lái xe cứ rù rà rù rì. Bao nhiêu người lái xe lách qua lane, vượt qua mặt, và nhất là đã giờ lễ rồi mà vẫn cứ lái xe chạy rề rà. Tức quá, em đã bảo ảnh từ giờ nếu không cho tôi lái, tôi sẽ không bao giờ đi lễ chung với ông nữa. Cho nên mới chịu để cho em lái đấy. Rồi chiều nào, mỗi khi đi làm về đến nhà, là ảnh lấy máy hút bụt ra hút khua náo ầm ĩ, và xông ra cái mùi hôi hám. Anh thấy không, nhà em đâu có dơ dáy gì đâu, không hút bụi cả tuần lễ cũng còn được cơ mà. Mấy đứa nhỏ vất đồ chơi bừa bãi, dọn cho được một tí thì nhăn nhó càu nhàu. Em nhớ, anh thường dặn tụi em phải luôn cố gắng "get better communication" với nhau. Nhưng với ông này thì có bao giờ chịu mở miệng ra đâu mà có "better communication". Này nhá, ăn cơm xong, hai đứa vừa ngồi xuống coi ti vi một tí thì ảnh đã gãi đầu gãi tai: "em ngồi đây nhé, anh phải đi coi vườn một tí!" Vườn thì có gì đâu mà phải coi, nó cũng giống như hôm qua, và như hôm kia và cũng như tuần trước. Thế rồi đủng đỉnh ra đứng góc vườn ngó bụi cây này một tí, rồi lại khệnh khạng đi ra ngó góc vườn kia một tí, nhổ vài cọng cỏ ở chỗ này, vặt vài lá rau ở chỗ kia. Nhìn thấy mà bực cả mình. Chưa bao giờ ảnh ngồi nói chuyện với em lâu đến 10 phút, lúc nào cũng táy máy tìm việc gì đó để làm. Anh biết không có lần bị "lay off" ở nhà gần hai tháng. Cả ngày sáng chiều cứ lấy xe ra lau đi lau lại, lau đến nỗi chiếc xe mất nước bóng cũ mèm. Chẳng bù với chiếc xe kia của ông hàng xóm, mua cùng một đời, một lượt mà xe ông ấy vẫn láng bóng. Tại vì cái xe này bị lau nhiều quá đấy mà!

- Nhưng mà em à, anh nhớ, . . . trước ngày cưới, em đã nói chọn được anh này rất hợp tính em, vì cẩn thận ngăn nắp, nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng sạch sẽ.

- Nhưng cẩn thận quá lại hoá ra lẩn thẩn, ấm ớ, phát bực cả lên!

Thưa quí anh chị, làm cách nào giải quyết được tình trạng này? Chính cái đặc nét cuả anh chàng ngày trước làm cho cô ta mê, thì bây giờ lại làm cho cô ta chán. Thành ra khi nói chuyện với nhau, anh chị lúc nào cũng có vẻ cau có, gắt gỏng. Tôi chợt nhớ lại một câu danh ngôn, mà hôm nào có ai đó gửi cho tôi qua email, câu ấy như thế này: "A woman marries a man expecting he will change, but he doesn't. A man marries a woman expecting that she won't change but she does." Thoáng nhìn qua và nghe câu chuyện trên đây, chúng ta thấy câu trên có vẻ chí lý. Nhưng xét kỹ hơn, chúng ta thấy có đúng, nhưng cũng có sai. Ðúng theo cái nhìn của anh: anh chàng nghĩ rằng mình trước sau vẫn thế, có thay đổi gì đâu! Nếu có thì chỉ là cần phải kỹ lưỡng hơn, thận trọng hơn vì mình có trách nhiệm lo cho gia đình; cái người đã thay đổi chính là cô nương này, và cô ta muốn tôi cũng phải thay đổi theo ý thích của cổ. Tuy nhiên câu trên này lại sai bét dưới cái nhìn của chị. Chị nói: "he is getting worse, he đã trở thành một con người ấm ớ, lẩn thẩn, dở hơi không còn dễ thương như ngày xưa nữa!" Mình mà biết trước như vậy thì đâu có dại gì mà vác cái cục nợ này vào thân cho mệt!

Rốt cuộc, cái hay ban đầu lại trở thành cái dở! Lý do, vì cái đó không còn đáp ứng được nguyện vọng cuả người kia nữa. Như vậy cái hay hoặc cái dở tự nó không phải là hay, là dở; nhưng chính là vì nó có đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người kia hay không! Mà nhu cầu và nguyện vọng của con người thì thay đổi tuỳ nơi, tuỳ lúc và nhất là tuỳ hoàn cảnh và tâm tính mỗi người. Vậy làm sao giữ được cái hay để vẫn cứ hay mãi. Chắc chắn, đây không phải là điều đơn giản, vì là nam nữ chúng ta khác biệt từ tâm lý, suy nghĩ cho đến cách thức biểu lộ cảm xúc về nhu cầu và nguyện vọng của mình.

Thực ra, sự khác biệt nam nữ dựa trên chính bản chất con người: Người phụ nữ thường phản ứng theo cảm tính, trực giác và thường dùng ngôn ngữ hay cử chỉ của mình để tô đậm lên, để biểu lộ cảm xúc hay ước muốn của mình. Và tuỳ theo mức độ tình thân của mình với người kia, mà cách thức biểu lộ có mức độ nhanh chóng, vắn tắt, gọn gàng và nói lên cực điểm ước muốn của mình nhiều hay ít. Chẳng hạn khi anh chị mới lấy nhau, thì chị thủ thỉ với anh như thế này: "Em thích tụi mình ra ngoài đi đâu đó với nhau. Em thương những giây phút đó thật tuyệt vời, khi mà . . . tụi mình có nhau, cùng đi chơi với nhau. Hay là tụi mình đi ăn tối, hoặc đi coi xi-nê đi anh? What do you think?" Sống với nhau được vài năm rồi, đã có tình thân với nhau rồi, chị chọn một cách nói nhanh chóng, vắn tắt và gọn gàng, để thông truyền cùng một ý muốn với lòng ao ước như thế. Nhưng chị không muốn mất nhiều thì giờ với những ngôn ngữ dài dòng, lòng thòng vô ích như trên. Chị nói vắn tắt thế này: "Tụi mình chẳng bao giờ ra ngoài cả!" Phải chăng chị đã thay đổi, không còn ý nhị, duyên dáng như trước nữa! Không phải thế, chị vẫn ý nhị và duyên dáng như thế có khi còn hơn thế nữa đối với những người chị mới quen, mới gặp. Nhưng với người đã có tình thân sâu đậm rồi thì chị dùng cách thức vắn tắt, gọn gàng để truyền đạt ý muốn mình mà thôi. Vì không hiểu được như thế, khi nghe chị nàng nói: "Tụi mình chẳng bao giờ ra ngoài cả." anh chàng nổi quặu lên và phản ứng lại thế này:"Ơ, cái tính em hay quên nhỉ, tụi mình mới đi ra ngoài ăn tối với nhau tháng trước!" Hoặc nếu cố gắng cầm mình không nói gì "cho yên cửa yên nhà!", thì anh chàng cũng lầm bầm nghĩ trong bụng rằng chắc hẳn bà xã muốn nói thế này: "Lúc nào anh cũng chỉ biết lúi húi, cặm cụi trong nhà, chẳng biết đưa vợ con ra ngoài enjoy cái gì cả. You are not doing your job to take care of your wife and your family. You are lazy and just boring!"

Trong một quyển sách nhan đề, "MEN ARE FROM MARS, WOMEN ARE FROM VENUS" (Ðàn ông từ Sao Hoả, Ðàn Bà từ Sao Kim: lấy ý nghĩa từ một thần thoại Hy Lạp: Sao Hoả là thế giới các dũng sĩ, nơi có các tráng sĩ dũng cảm uy hùng; Sao Kim là thế giới những người đẹp, nơi có các tiên nữ sắc đẹp mê hồn) tiến sĩ tâm lý gia đình, John Gray nói như thế này: "Once upon a time Martians and Venusians met, fell in love, and had happy relationships together because they respected and accepted their differences. Then they came to earth and amnesia set in: They forgot they were from different planets." Tôi xin được phép phỏng dịch như sau: "Ðã một thời, Dũng Sĩ (người Hoả Tinh) và Tiên Nữ (người Kim Tinh) gặp nhau, họ thương nhau và có với nhau tình thân thật tuyệt vời vì họ tôn trọng và chấp nhận những khác biệt của nhau. Thế rồi, họ đưa nhau xuống Quả Ðịa Cầu xây dựng tổ ấm, và họ bắt đầu quên: Họ quên đi rằng họ đã đến từ hai hành tinh khác biệt."

Ðấy, chính cái "quên đi" đã thỉnh thoảng lại gây nên tấn bi kịch sảy ra trong đời sống gia đình của quí anh chị. Vì anh, vì chị là nam, là nữ giống như những Martians và Venusians đến từ hai hành tinh khác biệt. Cho nên, mặc dù anh chị nói cùng một ngôn ngữ, nhưng vì suy nghĩ và tâm tư khác nhau, nên những nhu cầu và nguyện vọng của mỗi người thường đã không được biểu lộ trọn vẹn, cũng như không được hiểu chính xác và đúng mức nên thường gây ra hiểu lầm và xung đột. Tôi xin đưa ra một vài thí dụ để giải thích điều này:

Khi nghe chị nàng nói: "Mệt quá rồi chẳng muốn làm gì cả" Anh hiểu ngay ra rằng bà xã mình phàn nàn: "Tôi làm đủ mọi việc, còn anh cứ ì ra, lười, chẳng làm sự gì cả! Coi kìa anh không chịu cất nhắc chân tay giúp cho người ta một tí à. Lấy anh thật là điều bất hạnh lớn lao: Picking you was a big mistake!" Thực ra thì chị chỉ muốn nói lên sự mệt nhọc của mình để chia sẻ với anh: "Hôm nay em mệt quá, không muốn làm gì cả. Em muốn nghỉ xả hơi một cái đã. Giá mà anh giúp em một tí, hay nói một vài lời dịu dàng an ủi, hoặc giữ yên lặng cho em nghỉ ngơi một tí thì quí lắm."

Khi nghe chị nàng nói: "Nhà cửa bề bộn dơ dáy quá". Anh liền hiểu ngay ra là chị muốn nói rằng: "Nhà cửa này dơ là tại anh. Anh chỉ biết bừa ra chứ chẳng biết dọn dẹp gì cả. Sống với anh thật là chán quá. Một là anh phải biết dọn dẹp đi, hai thì anh cút đi đâu thì đi cho khuất mắt." Trong khi đó chị chỉ muốn than thở: "Hôm nay em muốn sả hơi, muốn relax! Nhưng sao nhà mình lôi thôi bề bộn quá. Nhìn thấy làm cho em bực mình khó chịu. Giá anh giúp dọn cho được một phần thì vui biết mấy."

Khi nghe chị nàng nói: "Chẳng được việc gì cả". Anh chàng liền hiểu ngay ra rằng: "Anh thật là đồ lười, vô tích sự, chẳng làm nên cơm cháo chuyện gì cả. Giá mà người khác thì đã giúp tôi được việc, chứ còn anh thì đụng chuyện gì, hư chuyện đó." Trong khi đó chị chỉ muốn nói: "Hôm nay em cảm thấy chán nản, khó chịu, chẳng muốn làm sự gì cả. Vì có làm gì cũng không được. Ước gì anh cho em lời an ủi, hay cử chỉ ân cần giúp cho em thêm hăng hái, phấn khởi."

Quan hệ cảm thông giữa Martians và Venusians, giữa nam và nữ thật là phức tạp và khó hiểu quá! Người nói với ý này, người kia lại hiểu ra ý khác. Như tôi đã nói: Người phụ nữ thường hay phản ứng theo cảm tính và trực giác nên cách biểu lộ hay dùng ngôn ngữ, hoặc cử chỉ để tô đậm lên hầu dễ dàng biểu lộ cảm xúc của mình. Trái lại, người đàn ông thường dùng lý trí và ý chí nên thường cho đó là quá đáng. Sự khác biệt nằm ngay trong bản tính là nam, là nữ. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng có trường hợp ngoại lệ: Ðàn ông mà tính đàn bà, hay đàn bà mà tính đàn ông. Nhưng ở đây, tôi chỉ nói trong trường hợp thông thường, chung chung cho mọi người. Vậy làm sao chúng ta có thể sống chung hoà bình, vui vẻ hạnh phúc với nhau? Hãy chấp nhận lẫn nhau như người đó là. Ðừng bắt người kia phải thay đổi theo ý mình muốn hay làm theo cách mình thích. Hãy cứ để cho người đó thật sự là một Martian hay là Venusian. Ðừng bắt người đó phải đổi tính đổi giống.

Tuy nhiên, xin nhớ cũng có những khác biệt chẳng liên hệ gì tới bản tính nam nữ của con người, nhưng chỉ là background giữa hai người khác nhau. Background mà tôi muốn nói ở đây là cách lối giáo dục của mỗi gia đình, hay là quá trình cuộc sống, và tất cả những gì đó tạo nên một nề nếp, một lối sống với những suy tư khác biệt giữa người này với người kia. Khác nhau trong cách lối suy tư hay lựa chọn, hay sở thích với những giá trị quan khác nhau. Khi mới lấy nhau, anh chị thấy cái gì cũng tuyệt vời, tình tứ, dễ thương, và đón nhận những khác biệt này một cách rất dễ dàng. Nhưng sống với nhau lâu rồi, họ mới dần dần khám phá ra những: "tính hư tật xấu của anh"; "tính hư tật xấu của em". Nhưng, cái gọi là tính hư tật xấu nhìn theo góc cạnh của người này, thì nhiều khi thật ra lại là điều hay, điều tốt và tiện lợi theo cách nhìn của người kia. Lấy thí dụ, khi ở với nhau một thời gian rồi, chị khám phá ra anh có một tật xấu xa kinh khủng, ghê tởm, không thể nào tưởng tượng được và làm cho chị vô cùng khổ tâm và bực bội. Ðó là khi đánh răng xong anh để bàn chải, và kem đáng răng ở ngay đó, bên cạnh vòi nước, nhất là hộp kem đánh răng thì thay vì bóp từ dưới lên trên, và cứ hết đến đâu cuộn lên đến đó theo cách chị vẫn làm, thì anh bóp ngay kề trên miệng hộp kem đánh răng. Mới lấy nhau thì chị "don't care" không quan tâm, và không lấy làm phiền hà gì mấy. Nhưng cứ hết ngày này qua tháng khác, mỗi lần anh đánh răng xong chị lại phải dọn dẹp: phải cất ngay ngắn tươm tất vào trong hộc tủ và clean up lại cho sạch sẽ thì chị thấy đây quả là một thói xấu kinh tởm không thể nào chịu đựng được. Tuy nhiên, anh cũng phát bực nghĩ rằng đồ người ta để đâu thì hãy cứ để đó, sao lại cứ đem cất đi để mỗi lần muốn sử dụng thì lại phải mở tủ, moi móc ra từ những góc kẹt nào đó trong hộc tủ. Sao mà mất công mất thì giờ thế! Thật là phiền toái, bực cả mình!

Nhìn theo khía cạnh của chị, sử dụng xong mà không dọn dẹp, cất đâu vào đó cho ngăn nắp là một tật xấu, nhưng nhìn theo khía cạnh của anh thì cứ làm sao nhanh chóng và thuận tiện thì tốt: Dùng xong để đó, khi muốn dùng lại có ngay đó, không phải mất thì giờ lục lọi tìm kiếm. Lý do sự khác biệt này, vì từ còn bé anh chị đã hấp thụ giáo dục của hai gia đình khác nhau, hai lối sống khác nhau. Một gia đình thì luôn luôn phải ngăn nắp, gọn gàng, còn một gia đình thì cần nhanh chóng và thuận tiện không quá mất thì giờ với những chuyện lặt vặt. Ðó là hai chủ trương và lối sống khác biệt, và đều có giá trị đáng tôn trọng.

Vậy làm sao để giải quyết được và cả hai cùng tôn trọng lẫn nhau?

1. Mở lòng, lắng nghe và tìm hiểu những khác biệt đó để dễ dàng cảm thông.

2. Tôn trọng sự khác biệt của nhau, đừng bắt người khác phải thay đổi theo cách mình muốn và làm theo điều mình chọn.

3. Cần cầu nguyện, cần tìm đến Chúa như một Thông Dịch Viên giúp hiểu và giải hoà khác biệt giữa 2 người. Chúa là Ðấng dựng nên ta, Người biết ta hơn ta biết chính mình.

4. Cần bình tâm, lắng đọng tâm hồn để học tập theo gương Chúa Kitô, để hiểu tình yêu là gì và thực tập yêu thương như Chúa.

Xin hãy nhớ rằng không phải chỉ có sự khác biệt giữa nam và nữ, nhưng còn là chính chúng ta cũng khác biệt trong quan hệ giữa mình đối với Chúa. Chính Ngài đã nói: "Ta từ trên mà xuống và nói ngôn ngữ của bên trên, các ngươi từ đất mà ra và nói ngôn ngữ ở dưới đất." (Phúc Âm Gioan 3:11-13). Tuy nhiên, mặc dù không có good communication với con người và Ngài thường bị misunderstood, Chúa Giêsu vẫn khẳng định, "không tình yêu nào quí hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì bạn mình," (Gio. 15:13). Và Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, cầm lấy bánh bẻ ra: "Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta;" rồi cầm lấy chén đưa cho họ: "hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Ta." (Mt. 26:26-17). Chúa Kitô trao ban bản thân và cuộc đời Ngài cho các môn đệ và qua họ, cho mỗi người chúng ta, cho vợ, cho chồng để anh chị cũng biết làm như Ngài dậy, "Như Thày đã làm cho các con thế nào, các con cũng hãy làm cho nhau như vậy." (Gio.13:15). Anh chị hãy biết cho nhau chính mình, rửa chân cho nhau, phục vụ lẫn nhau như Chúa đã trao ban chính mình và hiến thân phục vụ anh chị trong tình yêu Ngài trao ban và liên kết anh chị, cũng như trong Mình và Máu của Ngài qua mỗi Thánh Lễ để liên kết anh chị nên một trong Ngài và đồng thời liên kết anh chị nên một với nhau trong Ngài. Anh chị là vợ là chồng, là người đã được liên kết với mình nên một trong bí tích Hôn Nhân và trong một Tấm Bánh, là Thân Thể Ðức Kitô. Anh chị cũng cần bẻ tấm bánh chính bản thân mình, bẻ tấm bánh cuộc sống của mình với những vui buồn sướng khổ mà trao cho nhau. Ðây chính là điều Ðức Giêsu, Chúa chúng ta hằng nhắc nhở anh chị mỗi khi Ngài cử hành nghi lễ tạ ơn qua tay vị linh mục trên bàn thờ.

Và xin nhớ một điểm hết sức quan trọng là: mỗi người khi cầu nguyện, hãy xin Chúa biến đổi chính mình, để mình biết lắng nghe, tìm hiểu và đón nhận người khác như người ấy là, chứ không xin Chúa biến đổi người ấy theo ý muốn của mình. Nhiều người, mỗi khi đi tĩnh tâm hay cầu nguyện là luôn luôn xin cho nhà con được thay đổi, để "ổng" hay "bả" bớt tính hư tật xấu, chứ còn mình thì: "I am fine!" (con đâu cần phải thay đổi gì, cứ vậy là tốt rồi." Nhiều người cứ cầu xin để thấy sự thay đổi của người kia, để rồi kết quả không thấy có sự thay đổi như mình muốn thì chán Chúa quá! Người ấy nghĩ rằng Chúa chẳng thương con gì cả, Chúa không chịu nghe lời con xin! Nên thôi bỏ Chúa luôn, không thèm đi lễ đi thờ, đọc kinh cầu nguyện nữa, nghĩ rằng những việc ấy vô ích, mất thì giờ. Chúng ta không hiểu rằng: hạnh phúc không phải là thay đổi được người khác, nhưng là thay đổi chính mình. Thay đổi cái nhận thức thế nào là hạnh phúc của mình. Hạnh phúc chính là sống với Chúa. Nhờ Ngài và trong Ngài, chúng ta nên khí cụ Chúa dùng để ban bình an và tình thương cho người khác. Chúa lại hay thường dùng sự chịu khó nhẫn nại, và hy sinh của mình để làm việc này. Vậy chúng ta hãy, "xin Chúa hãy biến đổi con và dùng con làm khí cụ bình an và tình thương của Chúa!" Ðó là lời kinh nguyện chúng ta cần phải luôn khắc ghi trong tim trong cuộc sống hằng ngày.

Vậy để cùng nhau tìm lại được cái hay ban đầu hầu canh tân gia đình, xin quý anh chị nắm lấy tay nhau và cùng nhìn lên Chúa. Kêu xin Ngài giúp cho mình biết tiếp tục chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau, và xin Chúa hãy làm cho mình trở nên khí cụ của Chúa, để đem bình an và tình thương đến cho người Chúa đã kết hợp nên một với mình, trong cuộc sống gia đình:

"Lạy Chúa, với những hy sinh và cố gắng của con, xin Chúa hãy dùng con như khí cụ bình an và tình thương của Chúa, và ban cho chúng con con ơn tha thứ, sự hoà giải và tình thương của Chúa: một tình thương tha thiết chân thật để chúng con biết tự hiến chính mình như Chúa đã và đang ban cho chúng con vậy, Amen."


15. VAI TRÒ LÀM CHỒNG VÀ LÀM CHA

Giáo sư Nguyễn Hùng Cường 

Vai trò Làm Chồng

Báo phụ nữ có tổ chức một diễn đàn mang tên "chấp nhận hay không những người làm chồng vô tư ?". Ðối với những cô vợ trẻ, thật lòng mà nói, quả khó mà trả lời câu hỏi "chấp nhận hay không". Nhiều gia đình xem ra hạnh phúc, không có những chuyện xào xáo giữa vợ chồng, cuộc sống hôn nhân dường như bình thản trôi theo ngày tháng. Nhưng không phải là gia đình đó không có vấn đề. Sự bất mãn âm ỉ cháy và lớn lên ngày này qua ngày khác.

Một người vợ tâm sự: "Khác với chồng chị Dung, chồng tôi là một cán bộ, anh sống vô cùng liêm khiết và tỏ ra rất có trách nhiệm đối với công việc. Nhưng cuộc đời anh ấy hầu như chỉ để dành cho công việc, còn gia đình đối với anh dường như chỉ là một quán trọ để anh ngủ qua đêm và trú mưa tránh nắng".

Một chị khác than thân: "Còn ông chồng tôi, luôn luôn tích cực với công tác nhà xứ, quan tâm đến mọi vấn đề xã hội, lo toan đủ mọi chuyện bức xúc của anh em hàng xóm, nhưng đối với việc nhà, việc học hành của con cái, việc giúp cho gia đình giải trí vui chơi, anh luôn luôn coi đó là chuyện nhỏ, có gì đâu mà phải đặt thành vấn đề, hay mọi khó khăn bất ổn theo dòng thời gian đều sẽ ổn thôi !".

Làm sao để gia đình được ấm êm, hạnh phúc? Những yếu tố nào làm rường cột cho hạnh phúc gia đình? Gia đình nào cũng được cấu tạo bởi ba thành phần: chồng hay cha, vợ hay mẹ, và con cái. Người chồng hay người cha là chiếc mái che mưa chống nắng. Người vợ hay người mẹ là rường cột nâng đỡ cho nóc nhà. Còn con cái là tất cả những chi tiết khác làm cho mái ấm được khang trang vững bền. Tuy nhiên, hạnh phúc gia đình tùy thuộc vào người chồng, người cha rất nhiều, một cách cụ thể tùy thuộc vào khả năng bao bọc, chở che, cần cù, can đảm, tâm lượng bao dung tha thứ, hay bản lãnh... của người chồng, người cha.

Như thế, đối với người đàn ông trong gia đình, yêu nhau, lấy nhau, chung sống với nhau chỉ là giai đoạn khởi đầu để bắt đầu bài học làm chồng, làm cha cho suốt cả đời người và trong chính cuộc sống bình dị của mình. Có như thế người chồng hay người cha mới tạo được hạnh phúc vững bền, mưu ích cho chính mình và xã hội.

1. Biết mình biết người

Biết mình biết người, từ ngữ này mới nghe tưởng chừng thật đơn giản, dễ dàng: "tôi không biết mình thì còn ai biết?", hay "vợ tôi mà tôi không biết sao?". Trong thực tế, khi đụng chuyện mới vỡ lẽ ra: "sao thế giới các bà bí ẩn quá!", "tôi không hiểu bà ấy muốn nói gì!".

Muốn hiểu thì phải thắc mắc, phải đi tìm lời giải đáp và chắc chắn phải quan tâm hơn về "cái xương sườn cụt" của mình. Mấy thằng bé trong xóm tôi cứ lải nhải ca cẩm: "Con gái nói không là có...". Hẳn nhạc sĩ Ngọc Lễ, người sáng tác bài ca ấy, đã hiểu đâu là nguyên ủy để xây dựng tình yêu đích thực với bạn tình Phương Thảo của mình.

2. Nói ngôn ngữ mà nàng hiểu

Nghe một đứa trẻ mới bập bẹ tập nói, tôi thấy nó phát ra những âm thanh mà tôi không sao hiểu được. Thế mà mẹ nó phiên dịch cho tôi từng lời. Trong đời sống vợ chồng, không dễ gì làm cho nhau đổi thay, nhưng điều dễ làm hơn là chấp nhận nhau và hiểu nhau để cùng hòa hợp và làm cho đôi tim đập chung một nhịp.

Trong đời sống vợ chồng còn có cả một sức sống mãnh liệt mà Thượng Ðế ban tặng. Ðó là đời sống tình dục mà ngôn ngữ biểu tượng của nó thật xúc tích và phong phú, gắn bó sâu chặt vào sứ mạng yêu thương và làm cho mặt đất phong nhiêu hơn.

Nhưng trong thực tế, nhiều đôi vợ chồng ly tán vì không hòa hợp trong cái lãnh vực khó nói nhưng không thể thiếu trong đời sống vợ chồng ấy. Người chồng phải luôn luôn chứng tỏ lòng ưu ái đối với vợ, chăm sóc quan tâm đến vợ, lời nói dễ đón nhận nhất là lời nói phát xuất tự con tim đầy trắc ẩn, chan chứa tình cảm thân thương, nó sẽ làm cho người vợ nhớ mãi.

3. Ðồng hành với vợ

"Ðang ngủ ngon bỗng nghe tiếng khóc thét của trẻ trong đêm làm tôi thức giấc, và sau đó tôi nghe thấy một tràng than phiền của chồng: "Kỳ quá! sao em cứ để nó khóc hoài! nó khóc hoài làm sao anh ngủ được?... Bực quá! ngày mai anh còn phải đi làm nữa đấy!"".

Ðối với con cái, giữa hai vợ chồng, ai có trách nhiệm hơn ai? Ngày nay, trong cuộc vượt cạn của các sản phụ thường có sự góp mặt của các ông chồng bên cạnh. Ðó quả là một nguồn trợ lực tích cực nhất cho các bà lúc mang nặng đẻ đau.

Ở Nhật-bản, các ông chồng thỉnh thoảng lại chuyển đổi vai trò với vợ, các ông trở về nhà mình đóng vai trò nội trợ trong gia đình để hiểu những khó khăn, trăn trở của các bà trong nghề nội tướng.

Tại Tây-ban-nha, chính phủ đang chi phí một ngân sách 876.000 đô-la cho các chương trình vận động giới đàn ông trong nước làm việc nội trợ nhiều hơn. Một chương trình vận động, quảng cáo trên truyền hình chiếu cảnh một doanh nhân đang đi dạo chơi với người vợ vốn rất ít được chồng giúp đỡ việc nhà. Chương trình kết thúc với khẩu hiệu: "Ðừng chỉ nói mà thôi!" Mỗi gia đình là một trách nhiệm cần được chia sẻ. Một công trình nghiên cứu do viện phụ nữ ở Madrid thực hiện cho biết trung bình mỗi tuần các ông chồng Tây Ban Nha chỉ bỏ ra 2 giờ 30 phút để chăm sóc nhà cửa con cái, trong khi các bà vợ mất hết 9 giờ.

Nói tóm lại, khi người chồng cùng đồng hành với vợ thì mới cảm thông được những chuyện nhỏ, nhưng nhờ vậy mà làm nên cả một hạnh phúc cho mái ấm gia đình.

Vai Trò Làm Cha

1. Người cha phải khoan dung, đại lượng:

Con cái cần được ai đó chứng tỏ tình yêu mà họ dành cho chúng. Cha nào mà không yêu con, thương con, mến con... Nhưng điều cần thiết là phải làm sao chứng tỏ được tình yêu của mình cho chúng thấy. Người cha sống trong gia đình cần phải luôn luôn thể hiện sự rộng lượng của mình đối với con cái, rộng lượng về tình cảm, về lòng tha thứ, không nhỏ mọn. Người cha cần phải thể hiện tinh thần quân tử, đừng bao giờ tỏ ra hẹp hòi, đừng coi trọng cá nhân mình mà không nghĩ đến người khác. Người cha cũng cần có óc phục thiện, luôn thành thật và không bao giờ giả dối.

"Ngày tôi còn bé, mẹ tôi hay nói với tôi: "Bố con là số một". Tôi không để ý cho lắm câu nói trên khi mình vẫn còn trong tuổi bồng bột. Nay đến tuổi trưởng thành, tôi mới khám phá thêm về hình ảnh cha tôi. Trước năm 1975, cha tôi là một nhà giáo. Nay cha tôi già yếu nhưng vẫn luôn luôn là điểm tựa cho mọi người trong gia đình: điểm tựa về kiến thức, về cách sống. Chưa lần nào cha tôi lớn tiếng la mắng, mà chỉ rất nhỏ nhẹ trước những lầm lỗi của anh chị em tôi. Còn gì hạnh phúc bằng có một người cha như thế !".

"Ðối với tôi, người cha luôn luôn là một biểu tượng sống động nhất trong gia đình, một biểu tượng không thể thay thế được: nghiêm khắc nhưng khoan dung, cương quyết nhưng độ lượng, thịnh nộ nhưng tha thứ, xa cách nhưng rất gần gũi, yêu thương nhưng công bằng. Người cha vừa là biểu tượng cho một thế hệ đi trước đầy kinh nghiệm sống, vừa là chiếc cầu nối giữa hai thế hệ trong gia đình".

2. Phải dành thì giờ cho con cái:

Các nhà tâm lý xã hội học, các nhà giáo dục Mỹ vừa lên tiếng báo động về quĩ thời gian dành cho việc chăm sóc con cái trong các gia đình Mỹ là quá ít. So với những công việc khác, thời gian mà các bậc cha mẹ dành để làm những việc thiết yếu cho con cái như lo cho chúng tắm rửa, ăn uống, đọc sách, chơi đùa... là quá hiếm hoi. Trung bình, một người mẹ có đi làm thường chỉ dành cho con khoảng 6, 6 giờ mỗi tuần, so với trước là 35, 1 giờ. Còn người cha có đi làm thì khoảng 2, 5 giờ, so với trước là 17, 4 giờ. Các chuyên gia về gia đình cho rằng: một trong những chức năng của cha mẹ là hướng dẫn con cái vào những lúc rảnh rỗi trong những công việc của chúng đối với gia đình, trong cách xử sự đối với bạn bè, trong những việc chúng cần phải làm. Thời gian dành cho việc chăm sóc con cái phải là "thời gian chất lượng", không thể là thời gian thừa thãi, nghĩa là những lúc mình mệt mỏi không thể làm gì khác được.

3. Phải hiểu thế giới tâm hồn của con cái:

Muốn thế, người cha phải coi mình là đứa trẻ để hiểu chúng và trò chuyện với chúng bằng ngôn ngữ của chúng. Những giây phút chuyện trò đó đem lại niềm vui cho cả cha lẫn con. Vui chơi, giải trí đối với các em không chỉ là phương tiện để lấp đi số giờ dư, mà còn là để các em tập sống đúng hướng cho các em bước vào đời. Và qua vui chơi giải trí, người cha khám phá ra cá tính của con mình và những cái nó không thể giãi bày cho ta được.

4. Cần thiết lập những giới hạn

Ðối với con cái, cần thiết lập cho chúng những giới hạn, một cách chính xác và công bằng: "Trong các gia đình nền nếp Việt Nam, tôi thấy có cách xử phạt đáng suy nghĩ: người lớn bắt trẻ em nằm sấp trên giường, kể tội cho trẻ nghe. Có người hỏi: con đã biết tội con chưa? Có đáng đánh đòn không? Sau đó họ dùng roi quất vào mông trẻ kèm theo lời căn dặn phải chừa bỏ, và nếu tái phạm thì phải chịu đòn nhiều hơn. Mặc dù không ủng hộ roi vọt, nhưng tôi cũng thấy cách này có nhiều ưu điểm. Trước hết, nó thể hiện rõ tính nghiêm túc của công việc uốn nắn, giáo dục trẻ; thứ đến nó bảo đảm thái độ đúng đắn của bậc cha mẹ, và sau cùng nó không thô bạo, chà đạp nhân phẩm, nhân cách của trẻ".

Ðể giáo dục con cái, người cha phải là mẫu mực để giúp chúng nhận ra đâu là phải, đâu là trái, giúp chúng có thái độ chuẩn mực khi bước vào cộng đồng xã hội với một trách nhiệm xây dựng cộng đồng đó. Chính quan niệm sống hôm nay của người cha ảnh hưởng mạnh mẽ trên con cái trong tương lai. Vì thế, người cha cần phải:

5. Những giây phút thư giãn:

Cần phải tạo ra những giây phút thư giãn và không gian thoải mái cho con cái và gia đình: Nếu bản thân người cha luôn luôn lạc quan, đầy nhựa sống, thì điều đó sẽ tạo cho con cái những giây phút nhẹ nhàng và thoải mái. Nhờ thế, gia đình không còn là không gian trống vắng nhưng thật sự là điểm hội tụ của mỗi người. Tiếng cười sảng khoái thật dễ lây lan. Quả thật khi người ta vui, tất cả những gì người ta gặp đều trở nên thích thú, kể cả những gì hết sức bình thường. Khi người ta vui vẻ, người ta trở nên dễ cảm thông, dễ gần gũi và trao đổi hơn.

Lời Kết

Món quà đẹp nhất không đến từ những chiếc hộp mà đến từ trái tim của bố mẹ và nó sẽ tồn tại mãi trong suốt cuộc đời của trẻ. Trẻ em nào cũng nằm lòng câu ca dao: "Công cha như núi Thái Sơn". Nhưng cái gì có thể ghi khắc được tình yêu đó vào lòng con trẻ nếu không phải là thái độ của cha đối với con qua cách thể hiện ở hành động thiết thực dành cho chúng. Sau đây là một lời minh họa cụ thể:

"Cả đời tôi luôn luôn văng vẳng lời trăn trối của cha: "Con hãy luôn luôn sống cho xứng đáng với giá trị của một con người, con nhé!" Cha tôi đã vĩnh biệt trần gian với khuôn mặt thật bình yên thanh thản. Hiện nay, tôi và em gái tôi đều làm nghề dạy học, nghề mà cha tôi hằng quí trọng. Em gái tôi đã có chồng và đã có mái ấm gia đình riêng. Mẹ tôi vẫn ở chung với tôi. Tôi đã có vợ và hai con như một qui luật tự nhiên. Giờ đây tôi lại đặt niềm hy vọng và mơ ước nơi các con tôi. Tôi lại thấy mình phải có bổn phận và trách nhiệm đối với các con".

Con cái chúng ta chính là bản thân tương lai của chúng ta, là "cái tôi" khác của chúng ta. Và chúng ta sẽ sống mãi với thời gian trong con cái, trong những thế hệ mai sau của chúng ta. Vì thế, những gì chúng ta làm cho con cái, là chúng ta làm cho chính chúng ta, cho bản thân tương lai của chúng ta.


16. VIẾT CHO EM: BẢO VỆ HẠNH PHÚC GIA ÐÌNH

Lm. Pi-ô Ngô Phúc Hậu 

Em, Em bồng con đến nhà thờ. Tôi xối nước trên đầu bé: "Ma-ri-a, cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Tôi nhìn bé hai giây. Buồn! Em sung sướng bồng con về. Bà nội bà ngoại tíu tít đi theo, che dù che nón như đón bà hoàng. Tôi mời chồng Em ghé nhà xứ, thăm hỏi chuyện gia đình.

- Hồi mới sanh, con của con nặng mấy ký?

- Ba ký rưỡi.

- Con so mà nặng ba ký rưỡi là ngon rồi. Nhưng... cha thấy nước da của nó không được mịn màng, hơi vàng vàng, hơi mai mái. Dường như nó thiếu dinh dưỡng.

- Tại vợ con mất sữa.

- Vợ con tròn như củ khoai tây, tại sao lại mất sữa?

Chồng Em sụ mặt.

Thì ra...

Những năm còn khó khăn ấy, Em mới sanh được một tuần, thì nguồn sữa cạn khô. Chồng Em bán đồng hồ, lấy tiền đi mua sữa. Sữa Guigoz biến khỏi thị trường. Chỉ còn sữa ông Thọ bán cho quán café. Hộp sữa nào cũng qúa thời hạn. Khui ra thì sữa đặc sệt như cháo, mầu nâu nâu như mật ong loãng. Chồng Em thất vọng, chửi thề... Hoà bình mới tìm thấy, nhưng hậu qủa chiến tranh vẫn còn đầy rẫy. Biết bao giờ mới mua được sữa Guigoz cho con, con đầu lòng? Và nếu tìm được sữa Guigoz, thì còn đồng hồ đâu nữa mà bán. Chồng Em quay qủa, bứt rứt. Thương con quá là thương! Bứt rứt, thắc mắc mãi chồng Em mới tìm ra sự thật. Hận!

2. Mẹ Em là cán sự y tế, chích cho Em một phát thuốc cai sữa. Em hỏi:

- Chi vậy mẹ?

- Ðể bảo đảm hạnh phúc gia đình.

- Mẹ nói gì con không hiểu.

- Mặt mày sáng mà sao trí mày tối thế? Gái tham tài, trai ham sắc. Thằng đàn ông nào cũng muốn có vợ đẹp. Mày cho con bú, vú mày nhẽo ra, thì chồng mày lại ngó sang đứa khác... Ðàn bà bên Tây bây giờ đều cai sữa sớm, để bảo vệ sắc đẹp. Giữ được nhan sắc là giữ được chồng.

Em, mẹ Em nói đúng, nhưng chỉ đúng được một thời gian ngắn ngủi. Cũng thời điểm Em cai sữa, tôi nghe đài BBC. BBC cho biết: 86% phụ nữ Âu Châu cai sữa ngay từ đầu; nhưng bây giờ 76% lại nuôi con bằng sữa mẹ rồi.

Chuyện chồng con là chuyện của Em , tôi chẳng nên dính dấp làm chi. Nhưng vì qúa thương trẻ thơ tôi không thể làm ngơ khi thấy quyền lợi tối thượng của Em bị người ta cướp mất. Tôi phải đọc, tôi phải nghe, tôi phải suy nghĩ...

Bây giờ cả thế giới đã đứng lên để bênh vực sữa mẹ. UNICEF đã đấu tranh cho sữa mẹ. Thậm chí những nhà sản xuất sữa bột cho bé thơ cũng phải ghi trên hộp sữa một câu "phí khuyến mãi" rằng: "sữa mẹ là tốt nhất". Dù vậy trong chỗ riêng tư tôi vẫn muốn nói nhỏ với Em rằng: "Sữa mẹ có nhiệt độ đúng nhất: 37%C." Từ lúc bé bú cho đến khi bé nghỉ, sữa luôn luôn giữ độ nóng ấy. Sữa mẹ có độ ngọt đúng nhất. Lượng đường trong sữa mẹ được chính Tạo hóa pha.

Tuyệt! Sữa mẹ và chỉ trong sữa mẹ mới có tình yêu. Bé bú sữa mẹ, thì được mẹ bồng ẵm. Vừa bú vừa rờ rẫm, bé cảm nghiệm được tình yêu của mẹ trên đầu ngón tay của mình. Sữa và tình yêu là lương thực của bé thơ. Khi mẹ cho con bú, mẹ cảm thấy đê mê. Một cảm giác yêu thương chạy lăn tăn trên da thịt. Tình mẫu tử cứ thế mà lớn lên, xoắn vào cả không gian lẫn thời gian mãi mãi và vô tận. Ôi tình mẹ!

3. Nhan sắc là vũ khí hiện đại nhất để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Mẹ Em nghĩ thế. Tôi không đồng ý. Tôi phỏng vấn một người đàn ông. Ông cho biết người đàn ông sẵn sàng sống êm ả bên cạnh người vợ có những đức tính sau đây: Dịu dàng - Duyên dáng - Ðảm đang.

Dịu Dàng là cử chỉ lúc nào cũng khoan thai, giọng nói lúc nào cũng ngọt ngào bất chấp mọi tình huống. Bận rộn hay nhàn nhã, gặp chuyện vui hay chuyện buồn... nhất nhất đều khoan thai và ngọt ngào. Nói chuyện với cụ già, hay khuyên nhủ một người bạn đồng trang lứa, hoặc khiển trách một em bé liếng khỉ... thì cũng vẫn một giọng ấy: ngọt như đường phèn. Người xưa nói rằng: "Một giọt mật bắt được nhiều ruồi hơn một thùng giấm."

Tôi vẫn còn nhớ y nguyên câu chuyện của một thời sinh viên, cách nay gần bốn thập niên. Tôi và một ông bạn tu sĩ ghé một tiệm đồng hồ ở đường Nguyễn Huệ - Sài Gòn. Ông bạn tôi say mê ngắm nghía một chiếc đồng hồ báo thức, rồi hỏi cô bán hàng:

- Nhiêu, cô?

- Dạ thưa năm "chăm" ạ!

Ông bạn tôi bỏ đi một mách. Tôi kéo áo hỏi:

- Cậu hỏi người ta nói giá, tại sao lại bỏ đi?

- Nói ngọt quá chịu không nổi!

Với giọng nói ngọt ngào ấy, nếu ông bạn tôi không bỏ chạy thì có lẽ ông đã mua cả đồng hồ lẫn cô bán hàng rồi.

Duyên Dáng không phải là nhan sắc. Nhan sắc thì trời cho, còn duyên dáng thì ai cũng tự tạo được. Duyên dáng là một cái gì đó rất dễ thương gắn liền vào mọi cử chỉ: ngồi dễ thương, đứng dễ thương, cười dễ thương, nhăn mặt dễ thương, vuốt tóc dễ thương, thậm chí ngáp cũng dễ thương... Ðó là duyên dáng. Nhan sắc thì sớm nở chiều tàn, nhưng duyên dáng thì còn mãi, lớn mãi cho tới khi lìa đời. Duyên dáng là một phản xạ phát xuất từ một tâm hồn an vui, bao dung, qúi phái. Rất tự nhiên, không gỉa tạo.

Ðảm Ðang là vừa cần vừa cù, vừa thông minh, người đàn bà cần cù mà không thông minh thì chỉ là người vợ vô ích và là gánh nặng cho người đàn ông. "Thứ nhất: mắc nợ, thứ nhì: vợ ngu". Người đàn bà thông minh mà biếng nhác thì sẽ thành thủ đoạn, ích kỷ một cách hợm hĩnh và đáng ghét.

Em, câu chuyện Em cai sữa để bảo vệ hạnh phúc gia đình đã làm nhiều người đàn ông nổi giận. Họ cho rằng làm như thế là khinh dể đàn ông. Chồng Em là một trong những người đàn ông ấy. Nhưng chồng Em chỉ coi Em là một nạn nhân của một trào lưu nông cạn và thô thiển. Tôi mong rằng Em sẽ có cách để đền bù cho con Em, một đứa cháu đã bị bà ngoại dại dột cắt mất một nguồn sống cao quý nhất.