Giáo Lý Công Giáo

Phần IV

Nguồn: http://www.giaophanvinhlong.net 

CHƯƠNG I: KINH NGUYỆN TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ-GIÁO  (442 - 469) 

2558-2758

Bài 62: KINH NGUYỆN TRONG LỊCH SỬ  (442 - 450) 

2566-2649 

"Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông" (Lc 11,1).

442 - H. Cầu nguyện là gì?

T. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để gặp gỡ và hiệp thông với Người trong tình yêu thương.

443 - H. Tại sao ta phải cầu nguyện?

T. Vì cầu nguyện liên kết ta với Thiên Chúa là nguồn sự sống. Hơn nữa, Người vẫn hằng kêu mời và chờ đợi ta đến thưa chuyện với Người.

444 - H. Trong Cựu ước, các Tổ phụ, Ngôn sứ và Dân Chúa đã cầu nguyện như thế nào?

T. Các Ngài đã cầu nguyện trong tinh thần đức tin, với thái độ vâng phục, lòng kiên nhẫn với sự hy sinh quảng đại.

445 - H. Thánh vịnh là gì?

T. Thánh vịnh là lời cầu nguyện được Thiên Chúa linh hứng. Đây là lời kinh chính thức của Israel để ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa, để nhắc lại những lời hứa của Người và diễn tả niềm mong đợi Đấng Cứu Thế của toàn dân.

446 - H. Vì sao Thánh vịnh vẫn là lời kinh quan trọng của Hội Thánh?

T. Vì Thánh vịnh hằng nuôi dưỡng và diễn tả tâm tình của Dân Chúa, đã được Chúa Kitô dùng để loan báo sứ mệnh của Người.

447 - H. Trong Tân ước, ai là mẫu gương cầu nguyện?

T. Chính Chúa Giêsu là mẫu gương cầu nguyện hoàn hảo nhất.

448 - H. Chúa Giêsu đã cầu nguyện với tâm tình nào?

T. Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong tâm tình hiếu thảo, Người kết hiệp liên lỷ với Chúa Cha trong tình yêu mến, vâng phục, mà đỉnh cao là cái chết trên thập giá.

449 - H. Chúa Giêsu cầu nguyện lúc nào?

T. Chúa Giêsu đã thường xuyên cầu nguyện, đặc biệt trước những giờ phút quyết định và những hoạt động quan trọng, nhất là trong những giây phút cuối cùng của Hiến tế Thập giá.

450 - H. Ngoài Chúa Giêsu, có ai khác là mẫu gương đặc biệt cho ta trong việc cầu nguyện?

T. Có Mẹ Maria, Người đã cầu nguyện trong niềm tin, trong tâm tình quảng đại hiến thân và cộng tác đắc lực vào chương trình tình yêu của Thiên Chúa.


Bài 63: TRUYỀN THỐNG CẦU NGUYỆN  (451 - 459) 

2650-2696 "Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thánh Thần cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả" (Rm 8,26).

451 - H. Ai là Thầy dạy ta cầu nguyện?

T. Chính Chúa Thánh Thần, vì Người được sai đến để dạy dỗ và nhắc lại cho chúng ta tất cả những gì Chúa Giêsu đã dạy.

452 - H. Ta có thể cầu nguyện khi nào?

T. Ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào trong cuộc sống như tạ ơn Chúa khi lãnh nhận những ơn lành, ngợi khen Chúa khi ta hân hoan vui sướng và có thể xin Người ban cho ta, hay cho người khác những ơn cần thiết.

453 - H. Có những nguồn mạch nào giúp ta cầu nguyện?

T. Có Lời Chúa, Phụng vụ của Hội Thánh, các nhân đức tin, cậy, mến. Đó là những nguồn mạch dồi dào cao quí giúp ta cầu nguyện. Những biến cố vui buồn, sướng khổ trong đời sống hằng ngày cũng là những cơ hội tốt giúp ta cầu nguyện.

454 - H. Đâu là cao điểm của việc cầu nguyện?

T. Chính là lúc ta gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa là Cha. Nhưng để đến được với Cha, ta phải nhờ Chúa Giêsu là con đường duy nhất, như Người đã nói: “Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

455 - H. Ai sẽ đưa ta đến với Chúa Giêsu là con đường duy nhất dẫn tới Chúa Cha?

T. Chính Chúa Thánh Thần, vì “Không ai có thể nói rằng: “Đức Giêsu là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thánh Thần” (1Cr 12,3).

456 - H. Ta có được liên kết với Đức Maria khi cầu nguyện không?

T. Có, vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, và cũng là Mẹ chúng ta. Cho nên khi cầu nguyện, ta hãy liên kết với Mẹ mà ca tụng, tạ ơn Thiên Chúa, và xin Mẹ chuyển cầu cho ta.

457 - H. Các thánh có giúp ta trong việc cầu nguyện không?

T. Có. Vì các Thánh là những người đã được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa nên các ngài có thể chuyển cầu cho ta trước tòa Thiên Chúa.

458 - H. Những ai có trách nhiệm huấn luyện ta cầu nguyện?

T. Gia đình là nơi đầu tiên dạy ta cầu nguyện. Ngoài ra, các Thừa tác viên có chức thánh, các Tu sĩ, các Giáo lý viên cũng giúp ta rất đắc lực trong việc cầu nguyện.

459 - H. Ta có thể cầu nguyện ở đâu?

T. Ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Nhưng nhà thờ vẫn là nơi ưu tiên cho việc cầu nguyện. Ngoài ra, những nơi thanh vắng, cô tịch... cũng thích hợp cho việc cầu nguyện.


Bài 64: ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN  (460 - 469) 

2697-2751 "Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối" (Mt 26,41).

460 - H. Cầu nguyện có cần thiết không?

T. Rất cần thiết, vì cầu nguyện là hơi thở của người Kitô-hữu, nhờ đó mà cuộc sống thiêng liêng của ta sống động và phong phú.

461 - H. Để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, Hội Thánh khuyên ta làm gì?

T. Hội Thánh khuyên ta thực hiện nhịp độ cầu nguyện trong ngày như ban sáng, ban tối, trước bữa ăn; nhất là tham dự Thánh lễ.

462 - H. Có mấy cách cầu nguyện?

T. Có nhiều cách cầu nguyện nhưng người ta hay dùng những cách sau đây là khẩu nguyện, trí nguyện và tâm nguyện.

463 - H. Khẩu nguyện là gì?

T. Khẩu nguyện là bày tỏ ra bên ngoài bằng lời những tâm tình của chúng ta đối với Chúa. Đây là một nhu cầu của bản tính con người có hồn và xác.

464 - H. Trí nguyện là gì?

T. Trí nguyện là dùng trí khôn để suy nghĩ, tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, và đáp trả lại, hầu đạt tới tình yêu tuyệt hảo là hiệp thông với Thiên Chúa.

465 - H. Tâm nguyện là gì?

T. Tâm nguyện là cuộc gặp gỡ yêu thương giữa Thiên Chúa và con người. Trong đó, con người lắng nghe, chiêm ngắm và yêu mến Người trong thinh lặng. Đây là đỉnh cao của lời cầu nguyện.

466 - H. Ba hình thức cầu nguyện trên có tách rời nhau không?

T. Không, cả ba hòa hợp với nhau, và đưa con người gặp gỡ Thiên Chúa bằng cả thân xác và tâm hồn.

467 - H. Có phương thế nào giúp ta dễ cầu nguyện không?

T. Kinh Thánh, các bản văn Phụng vụ, các sách thiêng liêng là những phương thế rất tốt; ngoài ra chính cuộc sống hằng ngày cũng là một cuốn sách hữu ích cho ta đọc và suy niệm.

468 - H. Khi cầu nguyện, ta thường gặp những khó khăn nào?

T. Khi cầu nguyện, ta thường gặp sự khô khan, chia trí và nguội lạnh   Để chữa trị, ta cần phải có đức tin, lòng khiêm tốn, tỉnh thức và ước muốn trở về cùng Chúa.

469 - H. Ta phải làm gì khi cầu nguyện mãi mà không được Chúa nhận lời?

T. Ta phải đặt trọn niềm tín thác vào Chúa, và kiên trì cầu nguyện, như Chúa dạy: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1).


CHƯƠNG II: LỜI KINH CHÚA DẠY  (470 - 485) 

2759-2865

Bài 65: KINH LẠY CHA  (470 - 474) 

2760-2776 

"Anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời..." (Mt 6,9).

470 - H. Trong đời sống Kitô-giáo, Kinh Lạy Cha có quan trọng không?

T. Rất quan trọng, vì đó là bản kinh tóm lược toàn bộ Tin Mừng, là lời kinh của Chúa, và là lời kinh của Hội Thánh.

471 - H. Tại sao gọi “Kinh Lạy Cha” là lời “kinh của Chúa”?

T. Vì đó là lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu đã trực tiếp dạy các môn đệ.

472 - H. Tại sao gọi “Kinh Lạy Cha” là lời “kinh của Hội Thánh”?

T. Vì trong Phụng vụ của Hội Thánh, Kinh Lạy Cha là thành phần không thể thiếu, luôn chiếm ưu thế đặc biệt trong các Giờ kinh Phụng vụ, trong Thánh lễ và trong các Bí tích gia nhập Kitô-giáo.

473 - H. Kinh Lạy Cha gồm mấy phần chính?

T. Gồm ba phần chính này:

474 - H. Khi đọc Kinh Lạy Cha, ta nên có tâm tình nào?

T. Ta phải đọc kinh này trong niềm tin tưởng, phó thác như Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, và làm cho cuộc sống ta hòa nhập theo lời kinh Chúa dạy.


Bài 66: LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI  (475 - 477) 

2777-2865 

"Đức Giêsu đáp: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy" (Ga 14,6).

475 - H. Nhờ ai mà ta dám đến gần Thiên Chúa là Cha?

T. Nhờ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, mà ta dám đến với Thiên Chúa là Cha.

476 - H. Khi nói “Cha chúng con”, ta phải hiểu và sống thế nào?

T. Ta phải hiểu Thiên Chúa là Cha chung của tất cả mọi người và mọi người là anh em với nhau, do đó ta phải yêu thương phục vụ nhau.

477- H. Lời kinh “Lạy Cha chúng con ở trên trời” có ý nghĩa gì?

T. Lời kinh ấy không có nghĩa là Thiên Chúa ngự một nơi nào đó trên không trung nhưng có nghĩa là Người đầy uy nghi cao cả và nơi Người ngự chính là nhà ta, là quê hương đích thực ta đang tiến về.


Bài 67: BẢY LỜI NGUYỆN XIN  (478 - 485) 

"Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình" (Mt 5,23-24).

478 - H. Trong lời cầu xin “Danh Cha cả sáng”, chúng ta xin gì?

T. Chúng ta xin cho mỗi người Kitô-hữu sống tốt lành thánh thiện để Danh Cha được vinh hiển, nhờ đó muôn người nhận biết và tôn vinh Danh Cha.

479 - H. Khi nguyện “Nước Cha trị đến”, chúng ta xin gì?

T. Chúng ta xin ơn sớm thấy ngày Chúa Giêsu đến hoàn tất Nước Thiên Chúa và xin ơn sống đời công chính, để Nước Thiên Chúa được thực hiện ngay trong cuộc đời này.

480 - H. Khi nguyện “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, chúng ta xin gì?

T. Chúng ta xin Cha kết hợp ý muốn của chúng ta với thánh ý của Chúa Giêsu để hoàn thành chương trình cứu độ của Người ngay trong cuộc sống trần gian.

481- H. Khi nguyện “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, chúng ta xin gì?

T. Chúng ta phó thác vào Thiên Chúa quan phòng, và xin Cha ban lương thực vật chất cũng như tinh thần để ta sống đẹp lòng Chúa và phụng thờ Người.

482 - H. Khi xin “tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, chúng ta xin gì?

T. Chúng ta xin Cha thương xót và tha thứ mọi xúc phạm của chúng ta và chúng ta chỉ được tha thứ khi chúng ta sống yêu thương, tha thứ cho người khác.

483 - H. Khi xin “chớ để chúng con sa chước cám dỗ” chúng ta xin gì?

T. Chúng ta xin Cha ban thêm sức mạnh để chống lại những cám dỗ, cùng xin ơn tỉnh thức và ơn bền vững đến cùng.

484 - H. Lời kinh “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”, nghĩa là gì?

T. Nghĩa là chúng ta xin Chúa biểu lộ sự chiến thắng của Người trên Satan là kẻ đã chống đối Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Người.

485 - H. Lời kết “Amen”, có nghĩa là gì?

T. Có nghĩa là chúng ta tin những lời nguyện ước trên sẽ được Chúa nhận lời.


NHỮNG KINH QUEN ĐỌC HẰNG NGÀY

DẤU THÁNH GIÁ:

Nhân danh Cha Ë và Con và Thánh Thần. Amen.

KINH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN

Chúng tôi lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng tôi xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng tôi là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến trong lòng chúng tôi, chúng tôi xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống. Thưa

: Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng tôi. Chúng tôi cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các thánh Tông đồ, thì rày chúng tôi cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng tôi làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng tôi. Amen.

KINH SẤP MÌNH

Lạy Chúa tôi, tôi sấp mình xuống trước mặt Chúa tôi, tôi tin thật Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng xem thấy tôi, hằng nghe lời tôi cầu nguyện. Xin Chúa rất nhơn từ, hãy đoái xem sự nghèo ngặt tôi và nhậm lời tôi nguyện. Lạy Chúa, xin hãy mở miệng lưỡi tôi ra, thì tôi sẽ cao rao những lời ngợi khen Chúa.

KINH SÁNG DANH

Sáng dánh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.

KINH TIN

Lạy Chúa tôi, tôi tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng. Tôi lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi thứ Hai đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ. Bấy nhiêu điều ấy cùng các điều Hội Thánh dạy, thì tôi tin vững vàng, vì Chúa là Đấng thông minh và chơn thật vô cùng đã phán truyền cho Hội Thánh. Amen.

KINH CẬY

Lạy Chúa tôi, tôi trông cậy vững vàng vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, thì Chúa sẽ ban ơn cho tôi giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau đặng lên thiên đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phước đời đời, vì Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng đã phán hứa sự ấy, chẳng có lẽ nào sai đặng. Amen.

KINH KÍNH MẾN

Lạy Chúa tôi, tôi kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa thì tôi thương yêu người ta như mình tôi vậy. Amen.

KINH LẠY CHA 

Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng tôi hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng tôi như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi, xin chớ để chúng tôi sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng tôi cho khỏi sự dữ. Amen.

KINH KÍNH MỪNG

Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phước lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen.

KINH ĂN NĂN TỘI

Lạy Chúa tôi, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, Chúa đã dựng nên tôi, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì tôi; mà tôi đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì tôi lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội tôi trên hết mọi sự; tôi dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa, thì tôi sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

KINH TIN KÍNH

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. - Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi - Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh - Chịu nạn đời quan Phongxiô Philatồ - chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác - xuống ngục tổ tông - ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại - lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng - ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết - Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần - Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này - Các thánh thông công - Tôi tin phép tha tội - Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại - Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

KINH LẠY NỮ VƯƠNG

Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng tôi đặng sống, đặng vui, đặng cậy, thân lạy Mẹ. Chúng tôi con cháu Evà ở chốn khách đày kêu đến cùng Bà, chúng tôi ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chủ bàu chúng tôi, xin ghé mắt thương xem chúng tôi. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng tôi đặng thấy Đức Chúa Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ. Ôi! khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời Đồng trinh. Amen.

KINH CÁM ƠN

Tôi cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ tôi, chẳng để tôi không đời đời, mà lại sinh ra tôi cho tôi đặng làm người, cùng hằng gìn giữ tôi, hằng che chở tôi; lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người chuộc tội chịu chết trên cây thánh giá vì tôi, lại cho tôi đặng đạo thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội Thánh nữa, và đã cho phần xác tôi đêm nay đặng mọi sự lành. *(tối thì đọc: và đã cho phần xác tôi ngày hôm nay đặng mọi sự lành)

, lại cứu lấy tôi kẻo phải chết tươi, ăn năn tội chẳng kịp. Vậy các Thánh ở trên nước Thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thể nào, thì tôi cũng hiệp cùng các Thánh mà dâng cho Chúa tôi cùng cám ơn như vậy. Amen.


Văn kiện Hội Thánh:

Công đồng Vaticanô II: HT: Hiến chế về Hội Thánh (Ánh sáng muôn dân). PV: Hiến chế về Phụng vụ thánh. LM: Sắc lệnh về đời sống và chức vụ Linh mục. Ngoài Công đồng Vaticanô II: Dz: Biểu thức đức tin do Đenxingơ tổng hợp. GL: Tân Giáo Luật 1983. Ghi chú

: Phiên âm các tên riêng theo Ban soạn thảo cuốn Từ Điển Kitô-giáo. 

CHỮ TẮT CÁC SÁCH KINH THÁNH (Việt-Anh)

1-(Theo Nhóm Phụng vụ Các Giờ kinh)
2-(Bản dịch Lm. Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế (mầu vàng)