CHƯƠNG I: TÔI TIN - CHÚNG TÔI TIN (1 - 28)
Bài 01: CON NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG ĐÓN NHẬN THIÊN CHÚA (1 - 4)
027-049
"Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ" (Rm 1,19).
1 - H. Ta sống ở đời này để làm gì?
T. Ta sống ở đời này để tìm hạnh phúc, và hạnh phúc thật là được hiệp thông với Thiên Chúa.
2 - H. Tại sao hạnh phúc ấy chỉ có nơi Thiên Chúa?
T. Vì ta được Thiên Chúa tạo dựng, nên khao khát hiệp thông với Người, như lời Thánh Augustinô nói: "Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, và lòng con những khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa".
3 - H. Ta có thể nhận biết Thiên Chúa bằng cách nào?
T. Ta có thể nhận biết Thiên Chúa bằng hai cách này:
Một là nhờ xem vẻ đẹp kỳ diệu và trật tự lạ lùng của vũ trụ.
Hai là khi nhìn vào lòng mình, thấy có tiếng lương tâm bảo làm lành lánh dữ, có tự do và khát vọng hạnh phúc vô biên.
4 - H. Nhận biết như vậy đã đầy đủ chưa?
T. Chưa, vì khả năng con người có giới hạn, nên có những mầu nhiệm phải nhờ Thiên Chúa mặc khải mới biết được.
Bài 02: THIÊN CHÚA MẶC KHẢI CHO CON NGƯỜI (5 - 13)
050-073
"Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài" (Dt 1,1-2)
5 - H. Mặc khải là gì?
T. Mặc khải là việc Thiên Chúa tỏ bày cho con người biết Thiên Chúa là ai và Người muốn gì. Nhờ đó con người có thể đến với Thiên Chúa và hiệp thông với Người.
6 - H. Thiên Chúa mặc khải cho ta bằng cách nào?
T. Thiên Chúa dùng lời nói và hành động mà tỏ mình cho ta qua từng giai đoạn trong lịch sử cứu độ.
7 - H. Thiên Chúa mặc khải qua những giai đoạn nào?
T. Thiên Chúa đã mặc khải cho tổ tông loài người, cho các Tổ phụ, các Ngôn sứ và sau cùng Người đã mặc khải trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô.
8 - H. Vì sao Chúa Giêsu Kitô là mặc khải trọn vẹn?
T. Vì Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người, là Lời duy nhất và hoàn hảo của Chúa Cha.
Bài 03: CÁCH THỨC LƯU TRUYỀN MẶC KHẢI (9 - 13)
074-100
"Lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa"(2Pr 1,21)
9 - H. Mặc khải được lưu truyền thế nào?
T. Mặc khải được lưu truyền qua Thánh Kinh và Thánh Truyền.
10 - H. Thánh Kinh là gì?
T. Thánh Kinh là sách ghi chép mặc khải của Thiên Chúa dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.
11 - H. Thánh Truyền là gì?
T. Thánh Truyền là mặc khải của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã trao phó cho các Tông đồ và các Đấng kế vị để các Ngài gìn giữ, trình bày và rao giảng cách trung thành.
12 - H. Huấn Quyền là gì?
T. Huấn quyền là quyền của Hội Thánh được Chúa Kitô trao phó để giải thích và áp dụng Lời Chúa.
13 - H. Các tín hữu có dự phần vào việc lưu truyền mặc khải không?
T. Tất cả các tín hữu đều dự phần vào việc lưu truyền mặc khải vì họ đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần dạy dỗ và hướng dẫn.
Bài 04: KINH THÁNH : SÁCH GHI LỜI CHÚA (14 - 19)
101-141
"Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính" (2Tm 3,16).
14 - H. Ai là tác giả Kinh Thánh?
T. Thiên Chúa là tác giả Kinh Thánh và Người đã linh hứng cho một số người để họ viết những gì Người muốn mặc khải.
15 - H. Để hiểu đúng Kinh Thánh, ta phải làm gì?
T. Ta cần khiêm nhường xin Chúa Thánh Thần soi sáng và theo chỉ dẫn của Hội Thánh.
16 - H. Kinh Thánh gồm mấy phần và bao nhiêu cuốn?
T. Kinh Thánh gồm hai phần: Cựu ước có 46 cuốn và Tân ước có 27 cuốn, trong đó bốn sách Tin Mừng là quan trọng nhất.
17 - H. Đâu là trọng tâm của toàn bộ Kinh Thánh?
T. Là Chúa Giêsu Kitô, vì toàn bộ Kinh Thánh qui hướng về Chúa Kitô và được hoàn tất nơi Người.
18 - H. Hội Thánh tôn kính Kinh Thánh thế nào?
T. Hội Thánh luôn tôn kính Kinh thánh như tôn kính chính Thân Thể Chúa. Cả hai nuôi dưỡng và chi phối toàn thể đời sống Kitô-giáo.
19 - H. Kinh Thánh có cần cho đời sống chúng ta không?
T. Rất cần, vì "không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô" (Thánh Giêrônimô). Bởi thế, ta phải siêng năng đọc, suy gẫm và đem ra thực hành (x.Mt 7,26).
Bài 05: CON NGƯỜI ĐÁP LẠI LỜI THIÊN CHÚA (20 - 28)
142-184
"Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều chúng ta không thấy" (Dt 11,1).
20 - H. Con người đáp lại mặc khải của Thiên Chúa như thế nào?
T. Con người đáp lại mặc khải của Thiên Chúa bằng thái độ vâng phục của đức tin.
21 - H. Vâng phục của đức tin là gì?
T. Vâng phục của đức tin là gắn bó bản thân với Thiên Chúa, tự nguyện đón nhận tất cả những chân lý mặc khải, đồng thời để Thiên Chúa làm chủ và hướng dẫn đời ta.
22 - H. Có những mẫu gương sáng chói nào về sự vâng phục của đức tin?
T. Có hai mẫu gương sáng chói cho ta noi theo là Tổ phụ Abraham và Đức Trinh Nữ Maria.
23 - H. Đức tin có những đặc điểm nào?
T. Đức tin vừa là hồng ân siêu nhiên Thiên Chúa ban, vừa là hành vi con người có hiểu biết và tự do.
24 - H. Đức tin có tính cách cá nhân hay cộng đoàn?
T. Đức tin vừa có tính cách cá nhân vừa có tính cách cộng đoàn.
25 - H. Vì sao đức tin có tính cách cá nhân?
T. Vì đức tin là lời đáp trả tự do của mỗi người đối với Thiên Chúa là Đấng mặc khải.
26 - H. Vì sao đức tin có tính cách cộng đoàn?
T. Vì ta đón nhận và sống đức tin nhờ cộng đoàn dân Chúa. Hơn nữa, ta còn có nhiệm vụ thông truyền đức tin cho mọi người.
27 - H. Đức tin có cần thiết không?
T. Đức tin rất cần thiết để được cứu độ, vì chính Chúa Giêsu đã dạy: "Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ" (Mc 16,16)
28 - H. Những điều phải tin được tóm lược trong kinh nào?
T. Những điều phải tin được tóm lược trong kinh Tin Kính.
CHƯƠNG II: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ-GIÁO (29 - 183)
Bài 06: THIÊN CHÚA DUY NHẤT (29 - 33)
200-231
"Nghe đây, hỡi Israel: Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em" (Đnl 6,4-5).
29 - H. Khi tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất, ta phải hiểu thế nào?
T. Ta phải hiểu: chỉ có một Thiên Chúa và ngoài Người ra, không có Thiên Chúa nào khác, và ta phải thờ phượng một mình Người mà thôi. (x.Mt 4,10).
30 - H. Thiên Chúa có tỏ cho ta biết tên của Người không?
T. Thiên Chúa đã tỏ cho ta biết tên của Người là Đấng Hiện Hữu.
31 - H. Đấng Hiện Hữu có nghĩa là gì?
T. Nghĩa là Thiên Chúa tự mình mà có, không do ai tạo thành và không có kết thúc. Người luôn có mặt bên ta, để chăm sóc và cứu giúp ta.
32 - H. Thiên Chúa có tỏ mình cho ta biết thêm về Người nữa không?
T. Thiên Chúa còn tỏ cho ta biết Người "giàu ơn nghĩa và trung tín" (Xh 34,6). Người chính là Sự Thật và Tình Yêu.
33 - H. Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất ảnh hưởng đến đời sống ta thế nào?
T. Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất giúp ta:
Một là nhận biết sự cao cả và uy quyền của Thiên Chúa để phụng thờ Người.
Hai là sống trong tâm tình cảm tạ.
Ba là nhận biết phẩm giá đích thực của tất cả mọi người.
Bốn là sử dụng tốt các thụ tạo.
Năm là tin tưởng vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Bài 07: THIÊN CHÚA LÀ CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN (34 - 38)
232-267
"Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen" (2Cr 13,13).
34 - H. Mầu nhiệm trung tâm của Đức tin Kitô-giáo là mầu nhiệm nào?
T. Là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
35 - H. Nhờ đâu ta biết mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi?
T. Nhờ Chúa Giêsu mặc khải mà ta biết mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi (x.Mt 28,19).
36- H. Ta phải hiểu thế nào về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi?
T. Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau, nên chỉ là một Thiên Chúa duy nhất mà thôi (Kinh tiền tụng lễ Chúa Ba Ngôi).
37 - H. Ba Ngôi hoạt động thế nào?
T. Ba Ngôi cùng hoạt động trong mọi công trình, nhưng mỗi Ngôi biểu lộ nét riêng biệt: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa.
38 - H. Thiên Chúa tỏ cho ta biết mầu nhiệm Ba Ngôi để làm gì?
T. Để mời gọi ta thông phần vào chính sự sống của chính Ba Ngôi, và góp phần làm cho gia đình ta cũng như dân tộc và Hội Thánh, thành cộng đoàn hiệp thông theo khuôn mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bài 08: THIÊN CHÚA: ĐẤNG SÁNG TẠO VÀ QUAN PHÒNG (39 - 47)
268-354
"Từ ban đầu Thiên Chúa sáng tạo trời và đất" (St 1,1)
"Mọi âu lo, trút cả cho Người vì Người chăm sóc anh em" (1Pr 5, 7)
39 - H. Trong Kinh Tin Kính, ta tuyên xưng điều gì về Thiên Chúa sáng tạo?
T. Ta tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời và đất, muôn vật hữu hình và vô hình.
40 - H. Thiên Chúa đã sáng tạo muôn vật cách nào?
T. Thiên Chúa đã dùng Lời quyền năng của Người mà sáng tạo mọi sự từ hư không. Chỉ một mình Thiên Chúa mới làm được như vậy.
41 - H. Thế giới hữu hình là gì?
T. Là mọi loài thụ tạo mà ta thấy được, trong đó con người là chóp đỉnH. Tất cả những gì Thiên Chúa đã sáng tạo đều tốt đẹp và có liên hệ mật thiết với nhau. (St 1,31).
42 - H. Thụ tạo vô hình là loài nào?
T. Là các thụ tạo thiêng liêng không có thể xác, gọi là thiên thần. Các ngài được tạo dựng để phụng sự Thiên Chúa và giúp đỡ loài người.
43 - H. Vì sao Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật?
T. Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật để biểu lộ và thông ban vinh quang của Người.
44 - H. Thiên Chúa có chăm sóc những loài Chúa đã sáng tạo không?
T. Thiên Chúa vẫn tiếp tục chăm sóc và hướng dẫn mọi loài thụ tạo, để vũ trụ tiến dần đến mức hoàn hảo như Chúa muốn. Đó là sự quan phòng.
45 - H. Ta phải hiểu thế nào về sự dữ ở trần gian này?
T. Niềm tin Kitô-giáo giúp ta hiểu rằng:
Một là Thiên Chúa không tạo nên sự dữ. Người sáng tạo vạn vật tốt lành nhưng chưa hoàn hảo.
Hai là con người đã lạm dụng tự do Thiên Chúa ban, nên đã gây đau khổ.
Ba là Thiên Chúa có thể rút ra sự tốt lành từ chính điều dữ, theo những đường lối mà ta chỉ biết được cách đầy đủ trong cuộc sống đời sau.
46 - H. Thiên Chúa dùng cách đặc biệt nào để làm sáng tỏ mầu nhiệm sự dữ và đau khổ?
T. Thiên Chúa làm sáng tỏ mầu nhiệm sự dữ và đau khổ cách đặc biệt nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.
47 - H. Ta phải có thái độ nào đối với Đấng Sáng Tạo?
T. Ta phải luôn sống tâm tình con thảo, yêu mến, tôn thờ, phó thác vào Người và cùng với mọi người bảo vệ, phát triển thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
Bài 09: THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI (48 - 52)
355-384
"Thiên Chúa phán: Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh của Ta và để cho họ làm chủ trên mặt đất" (St 1,26)
48 - H. Thiên Chúa tạo dựng con người làm sao?
T. Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Chúa, có khả năng nhận biết và yêu mến Người.
49 - H. Vì sao con người cao cả hơn mọi loài trên trái đất?
T. Vì con người vừa là vật chất, vừa là tinh thần, nghĩa là có xác và hồn kết hợp thành một con người duy nhất.
50 - H. Vì ý nào Thiên Chúa tạo dựng loài người có nam có nữ?
T. Thiên Chúa tạo dựng loài người có nam có nữ cùng một phẩm giá để họ bổ túc cho nhau, và trong hôn nhân họ được cộng tác với Người để lưu truyền sự sống.
51 - H. Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho con người những đặc ân nào?
T. Thiên Chúa đã ban cho tổ tông loài người được sống trong ơn nghĩa với Thiên Chúa, không phải đau khổ và không phải chết. Nhưng hạnh phúc ấy đã mất khi Tổ tông phạm tội.
52 - H. Được Thiên Chúa ban cho sự sống và phẩm giá cao quí như vậy, ta phải làm gì?
T. Ta phải biết cám ơn và yêu mến Thiên Chúa, đồng thời cố gắng làm cho cuộc sống của ta và mọi người ngày càng thêm tươi đẹp, và đầy yêu thương.
Bài 10: SA NGÃ (53 - 57)
385-421
"Thiên Chúa hỏi người phụ nữ: Tại sao ngươi làm thế? Người phụ nữ thưa: Con rắn đã lừa dối tôi, nên tôi đã ăn" (St 1,26).
53 - H. Các thiên thần và loài người có sống mãi trong tình nghĩa với Thiên Chúa không?
T. Không. Vì một số thiên thần đã từ chối tình thương của Thiên Chúa và đã quyến rũ tổ tông loài người phạm tội chống lại Thiên Chúa.
54 - H. Tổ tông loài người đã phạm tội gì?
T. Tổ tông loài người đã lạm dụng tự do mà không vâng phục Thiên Chúa, từ chối tình yêu và sống đối nghịch với Người. Đó là tội tổ tông.
55 - H. Tội tổ tông đã gây nên những hậu quả nào?
T. Tội tổ tông làm cho loài người mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, mất sự hòa hợp với bản thân, với đồng loại và với mọi thụ tạo khác, nhất là vì tội mà con người phải đau khổ và phải chết.
56 - H. Tội tổ tông có truyền lại cho con cháu không?
T. Có. Tội tổ tông đã truyền lại cho loài người một bản tính đã mất đi sự thánh thiện nguyên thủy. Ta gọi là tội tổ tông truyền.
57 - H. Sau khi tổ tông phạm tội, Thiên Chúa có bỏ loài người không?
T. Không. Thiên Chúa chẳng bỏ mà lại hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu chuộc loài người.
Bài 11: CHÚA GIÊSU KITÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA (58 - 62)
422-455
"Đức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 15-16)
58 - H. Trong Kinh Tin Kính, ta tuyên xưng điều gì về Chúa Giêsu Kitô?
T. Ta tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại.
59 - H. Vì sao Con Thiên Chúa xuống thế làm người được gọi tên là Giêsu?
T. Vì tên gọi ấy nói lên sứ mệnh của Người là "Thiên Chúa Cứu Độ" (x.Mt 1, 21).
60 - H. Vì sao Chúa Giêsu còn được gọi là Đấng Kitô?
T. Chúa Giêsu được gọi là Đấng Kitô vì Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người, để Người chu toàn sứ mệnh Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế (x.Cv 10,38).
61 - H. Vì sao ta tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa?
T. Vì Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Con được Chúa Cha sinh ra từ đời đời. Người là Con Một của Chúa Cha và chính Người cũng là Thiên Chúa.
62 - H. Vì sao ta tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Chúa?
T. Ta tuyên xưng Chúa Kitô là Chúa vì ta nhận uy quyền tối cao và thần linh của Người.
Bài 12: CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI (63 - 65)
456-571
"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14).
63 - H. Vì sao Con Thiên Chúa xuống thế làm người?
T. Con Thiên Chúa xuống thế làm người vì bốn lẽ này:
Một là để cứu chuộc ta khỏi tội lỗi,
Hai là để tỏ cho ta biết tình yêu của Thiên Chúa,
Ba là để làm mẫu mực cho ta sống thánh thiện,
Bốn là để ta được kết hợp với Người mà trở nên con cái Thiên Chúa.
64 - H. Vậy Chúa Giêsu Kitô là người hay là Thiên Chúa?
T. Chúa Giêsu vừa là người thật như ta, vừa là Thiên Chúa thật như Chúa Cha. Người vừa có bản tính loài người, vừa có bản tính Thiên Chúa, trong cùng một Ngôi vị duy nhất, là Ngôi Hai Thiên Chúa.
65 - H. Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người như thế nào?
T. Chúa Cha đã dùng quyền năng Chúa Thánh Thần cho Ngôi Hai "nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người" (Kinh Tin Kính).
Bài 13: CUỘC SỐNG TRẦN THẾ CỦA CHÚA GIÊSU (66 - 77)
512-570
"Đức Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ trở về Nagiarét và hằng vâng phục các ngài" (Lc 2,61).
"Đức Giêsu đi khắp miền Galilê giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn, tật nguyền của dân" (Mt 4,23).
66 - H. Cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu đã diễn ra thế nào?
T. Chúa Giêsu đã sinh ra tại làng Bêlem, sống ẩn dật tại Nagiarét, nước Do thái. Khoảng ba mươi tuổi, Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cuối cùng Người chịu chết trên thập giá thời Phongxiô Philatô, rồi sống lại và lên trời.
67 - H. Cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu có mục đích gì?
T. Trong cuộc sống trần thế, tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói, đã làm và đã chịu đều có mục đích: mặc khải về Chúa Cha, cứu chuộc loài người và qui tụ muôn loài để tất cả được hiệp thông với Thiên Chúa (x.Ep 1,10).
68 - H. Đời sống ẩn dật của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì?
T. Đời sống ẩn dật của Chúa Giêsu có những ý nghĩa nầy:
Một là nêu gương hiếu thảo, vâng phục cha mẹ,
Hai là nêu gương nên thánh trong cuộc sống gia đình và lao động thường ngày.
69 - H. Khi bắt đầu cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã làm gì?
T. Người đã đến sống Giođan chịu phép rửa của ông Gioan để nói lên rằng: Người chấp nhận và khai mạc công trình cứu chuộc của Người. Công trình này sẽ được hoàn thành trong cuộc khổ nạn.
70 - H. Việc Chúa Giêsu chịu ma quỉ cám dỗ và chiến thắng nói lên điều gì?
T. Chúa chịu cám dỗ để cảm thông thân phận yếu đuối của loài người. Người chiến thắng để chứng tỏ lòng trung thành tuyệt đối với Chúa Cha, khác với Ađam đã sa ngã.
71 - H. Khi rao giảng, Chúa Giêsu chủ ý loan báo điều gì?
T. Khi rao giảng, Chúa Giêsu loan báo: "Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15).
72 - H. Tại sao lời loan báo Nước Thiên Chúa là một Tin Mừng?
T. Vì mọi người đều được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa và Nước ấy thuộc về những người nghèo hèn, bé mọn, nghĩa là những ai đón nhận với lòng khiêm hạ.
73 - H. Có những dấu chỉ nào cho ta thấy Nước Thiên Chúa đang đến?
T. Để chứng tỏ rằng Nước Thiên Chúa đang đến, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ và những việc phi thường như: biến nước thành rượu, hóa bánh ra nhiều, xua trừ ma quỉ, chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại và nhất là chính Người sau khi chết đã sống lại.
74 - H. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu có chọn ai cộng tác với Người không?
T. Chúa Giêsu đã chọn mười hai người gọi là Tông đồ để chia sẻ sứ mệnh của Người và trao cho Phêrô quyền cai quản Hội Thánh.
75 - H. Các Tông đồ đó là những vị nào?
T. Đó là Simon mà Người gọi là Phêrô, rồi đến Anrê, anh của ông, sau đó là Giacôbê, Gioan, Philipphê, Batôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simon nhiệt thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Ít-ca-ri-ốt, kẻ phản bội (x.Lc 6,14-16).
76 - H. Biến cố hiển dung của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì?
T. Biến cố hiển dung có những ý nghĩa này:
Một là bày tỏ vinh quang thần linh của Chúa Giêsu để củng cố niềm tin các Tông đồ trước cuộc khổ nạn.
Hai là cho ta nếm trước hạnh phúc ngày Chúa Kitô lại đến trong vinh quang.
Ba là xác định ai muốn bước vào vinh quang phải qua thập giá.
77 - H. Việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem có ý nghĩa gì?
T. Việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem có ý nghĩa này:
Một là để tự nguyện chịu chết.
Hai là để tỏ mình là Vua Kitô.
Ba là cho thấy Nước Thiên Chúa sắp hoàn thành khi Người chịu chết và sống lại.
Bài 14: CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (78 - 87)
571-637
"Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại" (Mt 16,21).
78 - H. Vì sao Chúa Giêsu bị chống đối?
T. Vì nhiều người trong giới lãnh đạo Do thái giáo cho rằng Chúa Giêsu chống lại luật Môsê, coi thường Đền thờ Giêrusalem và nhất là phạm thượng, dám coi mình bằng Thiên Chúa.
79 - H. Chúa Giêsu có thái độ nào đối với lề luật Môsê?
T. Người không hủy bỏ, nhưng đã tuân giữ trọn vẹn và làm cho nên hoàn hảo.
80 - H. Chúa Giêsu có thái độ nào đối với Đền thờ?
T. Chúa Giêsu rất tôn trọng Đền thờ vì đó là nhà Cha Người là nơi dành riêng để cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa. Tuy nhiên người Do thái đã hiểu lầm khi Người nói "Các ông cứ phá Đền thờ này đi, nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại" (Ga 2,19). Vì "Đền thờ Người muốn nói ở đây là chính Thân thể Người" (Ga 2,19-21).
81 - H. Chúa Giêsu có thái độ nào đối với niềm tin của dân Israel vào Thiên Chúa duy nhất?
T. Chúa Giêsu vẫn tôn trọng niềm tin của dân Israel vào Thiên Chúa duy nhất: nhưng vì Người cũng là Thiên Chúa, nên Người tự xưng mình làm chủ ngày sa-bát, có quyền tha tội. Vì thế, một số người Do thái đã lên án Người là kẻ phạm thượng.
82 - H. Những ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?
T. Một số người lãnh đạo Do thái đã chủ mưu giết Chúa Giêsu. Nhưng chính chúng ta cũng gây nên cái chết của Người mỗi khi chúng ta phạm tội, như lời Thánh Phaolô nói: "Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta" (1Cr 15,3).
83 - H. Vì sao Thiên Chúa lại muốn cho Chúa Giêsu phải chết?
T. Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã "sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta" (2Cr 5,19).
84 - H. Chúa Giêsu có thái độ nào đối với chương trình cứu chuộc của Chúa Cha?
T. Chúa Giêsu đã suốt đời tự nguyện vâng phục Chúa Cha "cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá" (Pl 2,8)
85 - H. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đem lại cho ta điều gì?
T. Nhờ cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã chu toàn sứ mệnh đền tội và làm cho ta nên công chính.
86 - H. Chúa Giêsu đã chịu chết như thế nào?
T. Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và chết trên thập giá. Xác Người được mai táng trong mồ, còn linh hồn Người thì xuống ngục tổ tông.
87 - H. Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông để làm gì?
T. Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông để loan báo Tin Mừng cứu độ cho những người công chính đã chết trước khi Người đến.
Bài 15: CHÚA GIÊSU SỐNG LẠI VÀ LÊN TRỜI (88 - 96)
638-667
"Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người chỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu độ, hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội" (Cv 5,30-31).
88 - H. Sau khi Chúa Giêsu chết và được mai táng trong mồ, điều kỳ diệu gì đã xảy ra?
T. Sau khi chết chưa đủ ba ngày, Chúa Giêsu đã sống lại như Người đã báo trước.
89 - H. Dựa vào đâu mà biết Chúa Giêsu đã sống lại thật?
T. Dựa vào hai điều này:
Một là ngôi mộ không còn xác Chúa mà chỉ còn lại những vải liệm xếp ngay ngắn gọn gàng.
Hai là Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ, cùng ăn uống và trò chuyện thân mật với họ.
90 - H. Việc Chúa Giêsu sống lại có phải là sự kiện lịch sử không?
T. Việc Chúa Giêsu sống lại không những là sự kiện lịch sử, mà còn là một biến cố siêu việt vượt trên lịch sử, nên giác quan không thể kiểm nhận được, vì khi sống lại, thân xác của Người đã được biến đổi thành thân xác vinh hiển, thần thiêng.
91 - H. Việc Chúa Giêsu sống lại là công trình của ai?
T. Việc Chúa Giêsu sống lại không chỉ là công việc của Người, mà còn là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa.
92 - H. Việc Chúa Giêsu sống lại chứng thực điều gì?
T. Việc Chúa Giêsu sống lại chứng thực điều này:
Một là Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật.
Hai là những lời hứa trong Kinh Thánh nay đã được thực hiện.
Ba là mọi điều Chúa Giêsu đã nói và đã làm đều chân thật.
93 - H. Sự sống lại của Chúa Giêsu có ý nghĩa nào đối với chúng ta?
T. Sự sống lại của Chúa Giêsu có những ý nghĩa này:
Một là mở lối cho chúng ta bước vào sự sống mới.
Hai là khơi nguồn và bảo đảm sự sống lại sau này của chúng ta.
94 - H. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu làm gì?
T. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu còn hiện ra dạy dỗ, an ủi các môn đệ trong 40 ngày rồi Người lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha.
95 - H. Chúa Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha nghĩa là gì?
T. Có hai nghĩa này:
Một là Người không còn hiện diện hữu hình ở trần gian.
Hai là Người được Chúa Cha tôn vinh.
Ba là Người dẫn đường chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha và không ngừng chuyển cầu cho ta.
96 - H. Tin vào Chúa Giêsu Phục sinh, ta phải sống thế nào?
T. Ta luôn sống lạc quan tin tưởng, can đảm theo đường lối Chúa, dầu phải chấp nhận những thiệt thòi, mất mát, vì tin rằng ta sẽ được dự phần vinh quang với Người.
Bài 16: CHÚA GIÊSU SẼ ĐẾN PHÁN XÉT KẺ SỐNG VÀ KẺ CHẾT (97 - 100)
668-682
"Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm" (Mt 16,27).
97 - H. Chúa Giêsu còn đến thế gian nữa không?
T. Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
98 - H. Phán xét kẻ sống và kẻ chết nghĩa là gì?
T. Nghĩa là Chúa Giêsu vinh hiển sẽ phơi bày mọi tâm tư thầm kín của mỗi người, và thưởng phạt theo việc họ đã làm.
99 - H. Nước Thiên Chúa sẽ hoàn tất thế nào trong ngày Chúa Giêsu trở lại?
T. Vào ngày trở lại, Chúa Giêsu sẽ thực hiện cuộc chiến thắng cuối cùng của sự thiện trên sự ác và qui tụ vạn vật để dâng lên Thiên Chúa Cha (x.1Cr 15,24).
100 - H. Khi nào Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang?
T. Chắc chắn Người sẽ trở lại trong vinh quang, nhưng ta không biết được lúc nào (x.2Tx 2,3-12). Vì vậy, ta được mời gọi luôn sống tỉnh thức đợi chờ.
Bài 17: CHÚA THÁNH THẦN (101 - 109)
683-747
"Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con" (Lc 3,22).
101 - H. Chúa Thánh Thần là Đấng nào?
T. Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Người là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy.
102 - H. Chúa Thánh Thần còn được gọi bằng những danh xưng nào?
T. Người còn được gọi là "Đấng ban Sự Sống", "Đấng Bào Chữa", "Đấng An Ủi", và "Thần Chân Lý".
103 - H. Kinh Thánh thường dùng những hình ảnh nào để chỉ Chúa Thánh Thần?
T. Kinh Thánh thường dùng các hình ảnh này: nước, lửa, việc xức dầu, áng mây, ánh sáng, ấn tín, bàn tay, ngón tay và chim bồ câu.
104 - H. Chúa Thánh Thần có hiện diện trong lịch sử Cựu ước không?
T. Người hiện diện trong mọi thời điểm quan trọng của lịch sử Cựu ước: Khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, khi Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu độ, trong các cuộc thần hiện và trong niềm mong đợi Đấng Cứu thế.
105 - H. Chúa Thánh Thần làm gì trong đời sống và hoạt động của Chúa Kitô?
T. Chúa Thánh Thần hằng hướng dẫn đời sống và hoạt động của Chúa Kitô từ khi nhập thể cho đến phục sinh.
106 - H. Chúa Thánh Thần đã được ban cho các môn đệ lúc nào?
T. Chúa Giêsu đã nhiều lần hứa ban Chúa Thánh Thần, rồi chiều ngày Phục sinh và ngày lễ Ngũ tuần, Người đã ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.
107 - H. Chúa Thánh Thần xây dựng Hội Thánh thế nào?
T. Chúa Thánh Thần ban sức sống cho Hội Thánh, hợp nhất các tín hữu nên một trong Chúa Kitô và, thúc đẩy Hội Thánh chu toàn sứ mệnh Chúa Kitô giao phó.
108 - H. Chúa Thánh Thần thánh hóa Hội Thánh thế nào?
T. Chúa Thánh Thần làm cho các tín hữu nên con cái Chúa Cha, và dự phần vào chính sự sống Chúa Kitô. Người còn cho họ nhận biết sự thật, dạy họ cầu nguyện, thúc đẩy họ sống mến Chúa yêu người, và làm chứng cho Chúa Kitô.
109 - H. Ta phải sống với Chúa Thánh Thần thế nào?
T. Ta phải tin kính, thờ phượng, cầu xin Người soi sáng, cùng tôn trọng hồn xác ta là đền thờ của Người.
Bài 18: HỘI THÁNH TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA (110 - 118)
748-810
"Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ" (Mc 3,14-15).
110 - H. Hội Thánh là cộng đoàn nào?
T. Hội Thánh là một cộng đoàn những người được Lời Thiên Chúa qui tụ thành Dân Chúa và thành Thân Thể Chúa Kitô.
111 - H. Hội Thánh khởi đầu và kết thúc như thế nào?
T. Hội Thánh được Chúa Cha cưu mang từ đời đời và chuẩn bị trong thời Cựu Ước, được Chúa Giêsu Kitô khai sinh nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, rồi được Chúa Thánh Thần tỏ bày trong ngày lễ Ngũ Tuần và sẽ hoàn tất trong vinh quang trên trời.
112 - H. Hội Thánh gồm những yếu tố nào?
T. Hội Thánh gồm 2 yếu tố này:
Một là yếu tố nhân loại: là một tổ chức hữu hình với cơ cấu phẩm trật,
Hai là yếu tố thần linh: là một cộng đoàn thiêng liêng và là Nhiệm Thể Chúa Kitô.
113 - H. Hội Thánh có vai trò nào trong chương trình cứu độ?
T. Hội Thánh vừa là dấu chỉ, vừa là khí cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa, và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại (HT số 1).
114 - H. Vì sao gọi Hội Thánh là Dân Thiên Chúa?
T. Hội Thánh được gọi là Dân Thiên Chúa, vì nhờ giao ước mới trong Máu Chúa Kitô, Hội Thánh tiếp tục và hoàn tất những gì Người đã khởi sự nơi dân Do Thái ngày xưa.
115 - H. Ơn gọi của Dân Thiên Chúa là gì?
T. Ơn gọi của Dân Thiên Chúa là tham dự vào chức năng Tư Tế - Ngôn Sứ và Vương Đế của Chúa Kitô, tức là thờ phượng Thiên Chúa, loan báo Tin Mừng và phục vụ mọi người.
116 - H. Vì sao gọi Hội Thánh là Nhiệm thể Chúa Kitô?
T. Vì mọi người trong Hội Thánh đều nhờ Chúa Thánh Thần mà được liên kết với Chúa Kitô và hiệp nhất với nhau như các chi thể hợp thành thân thể và liên kết với đầu.
117 - H. Vì sao gọi Hội Thánh là Hiền thê của Chúa Kitô?
T. Vì Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh đến nỗi đổ máu ra thanh tẩy và làm cho Hội Thánh thành người mẹ sinh ra tất cả các con cái Thiên Chúa.
118 - H. Vì sao gọi Hội Thánh là Đền thờ của Chúa Thánh Thần?
T. Vì Chúa Thánh Thần luôn ở trong Hội Thánh như linh hồn của Nhiệm thể. Người không ngừng xây dựng, thánh hóa và canh tân Hội Thánh bằng các ân sủng của Người.
Bài 19: CÁC ĐẶC TÍNH CỦA HỘI THÁNH (119 - 128)
811-870
"Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).
119 - H. Hội Thánh Công giáo có những đặc tính nào?
T. Hội Thánh Công giáo có bốn đặc tính này là Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền.
120 - H. Vì sao ta tuyên xưng Hội Thánh là duy nhất?
T. Vì Chúa Kitô chỉ thiết lập một Hội Thánh và Hội Thánh chỉ có một Chúa, chỉ tuyên xưng một Đức tin, sinh ra từ một Phép Rửa, làm thành một thân thể, được sống nhờ một Thần Khí và hướng về một niềm hy vọng.
121 - H. Hội Thánh duy nhất có đa dạng không?
T. Hội Thánh vừa duy nhất vừa đa dạng vì Hội Thánh bao gồm nhiều dân tộc thuộc nhiều nền văn hóa. Trong các thành phần của Hội Thánh cũng có những đặc sủng và những chức vụ khác nhau. Sự đa dạng này làm cho Hội Thánh năng động và phong phú.
122 - H. Vì sao ta tuyên xưng Hội Thánh là thánh thiện?
T. Hội Thánh là thánh thiện vì:
Một là bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh,
Hai là được Chúa Kitô thánh hóa bằng Lời Chúa và các bí tích,
Ba là được Chúa Thánh Thần làm cho sống động và phát sinh nhiều hoa trái thánh thiện.
123 - H. Tại sao trong Hội Thánh lại có tội nhân?
T. Vì các thành phần của Hội Thánh chưa đạt tới sự thánh thiện trọn vẹn. Họ được mời gọi tự thanh tẩy và phải luôn nỗ lực sám hối, canh tân.
124 - H. Vì sao ta tuyên xưng Hội Thánh là Công Giáo?
T. Hội Thánh là Công giáo vì:
Một là toàn bộ chân lý đức tin đã được uỷ thác cho Hội Thánh gìn giữ và loan truyền.
Hai là nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô, Hội Thánh mang trong mình đầy đủ các phương tiện cứu độ.
Ba là Hội Thánh được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi thời đại.
125 - H. Những ai thuộc về Hội Thánh Công giáo?
T. Thưa là những người nầy:
Trước hết là các tín hữu công giáo.
Thứ đến là những người tin vào Chúa Kitô.
Sau cùng là tất cả mọi người được Thiên Chúa an bài để thuộc về dân của Người.
126 - H. Vì sao Hội Thánh có sứ mạng truyền giáo?
T. Vì:
Một là Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ,
Hai là Hội Thánh có bổn phận đem chân lý được Chúa trao phó đến cho mọi người.
Ba là chính Chúa Kitô, trước khi về trời đã sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.
127 - H. Vì sao ta tuyên xưng Hội Thánh là Tông truyền?
T. Hội Thánh là Tông truyền vì:
Một là Hội Thánh được xây trên nền tảng các Tông đồ.
Hai là Hội Thánh gìn giữ và lưu truyền giáo huấn của các Tông đồ.
Ba là Hội Thánh vẫn tiếp tục được giáo huấn, thánh hóa và hướng dẫn bởi các Giám mục, cho đến ngày Chúa Kitô lại đến.
128 - H. Chúng ta tiếp nối truyền thống các Tông đồ cách nào?
T. Chúng ta tiếp nối truyền thống các Tông đồ bằng hai cách:
Một là hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng, với các Giám Mục là những Đấng kế vị các Tông đồ.
Hai là tích cực góp phần vào việc loan báo Tin Mừng.
Bài 20: TỔ CHỨC HỘI THÁNH (129 - 139)
871-945
“Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng; thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, ai nấy liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể”. (Rm 12,4-5).
129 - H. Tín hữu Công giáo là những ai?
T. Đó là những người tin vào Chúa Kitô, đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Mọi tín hữu đều bình đẳng thật sự về phẩm giá và về hoạt động. Do đó, mọi người phải hợp tác xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô tùy theo cuộc sống và chức năng của mình.
130 - H. Hội Thánh Công giáo có những thành phần nào?
T. Hội Thánh Công giáo gồm có Giáo sĩ, Tu sĩ và Giáo dân.
131 - H. Hàng Giáo sĩ gồm những ai?
T. Hàng Giáo sĩ gồm có Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục và Phó tế.
132 - H. Đức Giáo Hoàng là ai?
T. Đức Giáo Hoàng là Đấng kế vị Thánh Phêrô, làm Giám mục Rôma, là Thủ lãnh Giám mục đoàn, đại diện Chúa Kitô và Chủ chăn của Hội Thánh toàn cầu.
133 - H. Các Giám mục là ai?
T. Các Giám mục là những Đấng kế vị các Tông đồ, để qui tụ, cai quản Hội Thánh địa phương và cùng với Đức Giáo Hoàng phục vụ Hội Thánh toàn cầu.
134 - H. Các Linh mục là ai?
T. Các Linh mục là những người tham dự vào chức Tư Tế thừa tác của Giám Mục và chia sẻ sứ mệnh với Người.
135 - H. Các Phó tế là ai?
T. Các Phó tế là những Thừa tác viên được truyền chức thánh để lo các công tác phục vụ trong Hội Thánh.
136 - H. Các Tu sĩ là ai?
T. Là những Kitô-hữu muốn bước theo Chúa Giêsu cách triệt để, nên tự nguyện khấn khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, theo những hình thức đã được Hội Thánh phê chuẩn.
137 - H. Đời sống tu trì nhắc ta điều gì?
T. Đời sống tu trì nhắc ta nhớ rằng: đó là dấu chỉ tình yêu trọn vẹn của Hội Thánh dành cho Chúa Kitô và cũng là dấu chỉ đời sống mai sau trên thiên quốc.
138 - H. Giáo dân là ai?
T. Giáo dân là các tín hữu không có chức thánh và không ở trong bậc tu trì. Nhờ phép Rửa Tội họ được dự phần theo cách của họ vào chức Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Chúa Kitô.
139 - H. Sứ mệnh riêng của người giáo dân là gì?
T. Sứ mệnh riêng của người giáo dân là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và làm việc tông đồ giữa trần gian trong những công việc thế tục.
Bài 21: LỊCH SỬ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM (140 - 159)
"Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu... Người là cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái" (Ep 4,15.16).
140 - H. Tin Mừng đã đến Việt Nam từ khi nào?
T. Vào thế kỷ 16 (1533), có một thừa sai tên là I-ni-khu đã đến Việt Nam, giảng đạo tại làng Ninh Cường và làng Trà Lũ thuộc tỉnh Nam Định ngày nay.
141 - H. Người tín hữu Việt Nam đầu tiên là ai?
T. Là cụ Đỗ Hưng Viễn, người làng Bồng Trung tỉnh Thanh Hóa, cụ được rửa tội tại Ma-cao thời vua Lê Anh Tôn.
142 - H. Nhóm tín hữu đầu tiên đã giúp gì trong việc rao giảng Tin Mừng?
T. Nhóm tín hữu đầu tiên đã giúp các thừa sai học ngôn ngữ, phong tục Việt Nam và giảng đạo bằng tiếng Việt Nam.
143 - H. Các thầy giảng đã đóng vai trò nào trong việc truyền giáo?
T. Các thầy giảng đã hỗ trợ các thừa sai rất đắc lực trong việc giảng dạy giáo lý, điều hành và duy trì các cộng đoàn dân Chúa.
144 - H. Những chứng nhân đức tin đầu tiên người Việt Nam là ai?
T. Tại miền Bắc (Đàng Ngoài) có anh Phanxicô, chết năm 1630 vì làm công việc bác ái nên bị tra tấn và bị giết.
Tại miền Nam (Đàng Trong) có thầy Anrê Phú Yên bị bắt tại nhà Linh mục Đắc Lộ và bị chém đầu năm 1644.
145 - H. Các nhà truyền giáo tại Việt Nam đã sống như thế nào?
T. Các ngài đã hy sinh, chấp nhận một nếp sống cực khổ, thiếu thốn tiện nghi, chịu đựng sự bắt bớ, bị ngược đãi và hiểu lầm.
146 - H. Các tập thể nào đã đóng góp công sức nhiều nhất cho Hội Thánh Việt Nam?
T. Các tập thể đóng góp công sức nhiều nhất cho Việt Nam phải kể đến Hội Thừa Sai Pa-ri, Dòng Tên, Dòng Đa-minh, Dòng Phanxicô.
147 - H. Ngoài vai trò của các thừa sai, việc phát triển của Hội Thánh Việt Nam còn nhờ vào ai nữa?
T. Còn nhờ vào chính những người Việt Nam thiện chí đã dâng hiến trọn cuộc sống cho Nước Trời, đem Tin Mừng đến khắp nơi và nuôi dưỡng đời sống đức tin cho các anh em mình, đó là những linh mục và tu sĩ Việt Nam.
148 - H. Những linh mục đầu tiên người Việt Nam là ai?
T. Là các linh mục: Giuse Trang và Lu-ca Bền (Đàng Trong) và linh mục Bênêdictô Hiền, Gioan Huệ (Đàng Ngoài) đã được Đức Giám mục Lambe đờ la Mốt đặt tay truyền chức tại Thái Lan.
149 - H. Hội Thánh Việt Nam bắt đầu có giáo phận từ khi nào?
T. Vào ngày 9/9/1659, Tòa Thánh đã thiết lập hai Giáo Phận đầu tiên trên đất Việt Nam và đặt hai Giám quản Tông Tòa: miền Nam (Đàng Trong) với Đức Giám mục Lam-be đờ La Mốt và miền Bắc (Đàng Ngoài) với Đức Giám mục Phanxicô Pa-lu.
150 - H. Công đồng đầu tiên của Hội Thánh Việt Nam được tổ chức tại đâu?
T. Công đồng đầu tiên của Hội Thánh Việt Nam được tổ chức tại Phố Hiến vào tháng 2/1670 dưới quyền chủ tọa của Đức Giám mục Lam-be đờ La Mốt.
151 - H. Nội dung của Công đồng gồm những gì?
T. Công đồng đã đưa ra một chương trình hoạt động: chia giáo xứ, chọn Thánh Giuse làm Bổn mạng và ấn định việc đào tạo Chủng sinh qua tổ chức nhà Đức Chúa Trời.
152 - H. Đức tin Kitô-giáo có được dễ dàng đón nhận và phát triển tốt đẹp tại Việt Nam không?
T. Đức tin Kitô-giáo được tín hữu Việt Nam mau mắn đón nhận: nhưng để sống và giữ đức tin ấy, họ đã phải trải qua rất nhiều thử thách và gian nan vì những sắc chỉ cấm đạo của các vua quan.
153 - H. Các Kitô-hữu Việt Nam đã sống đức tin thế nào?
T. Các Kitô-hữu Việt Nam đã rất mực kiên cường giữ vững đức tin. Vì thế, nhiều người đã phải đổ máu đào để minh chứng cho đức tin này.
154 - H. Cho đến nay Hội Thánh Việt Nam đã có bao nhiêu Thánh Tử Đạo?
T. Trong số hàng trăm ngàn người đổ máu đào minh chứng cho đức tin, đã có 117 vị được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II suy tôn lên bậc Hiển thánh ngày 19/6/1988.
155 - H. Đức Giám mục tiên khởi người Việt Nam là ai?
T. Vào năm 1933, Hội Thánh Việt Nam có Giám mục tiên khởi là Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng.
156 - H. Hàng Giám mục Việt Nam được thiết lập năm nào?
T. Ngày 24/11/1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của Hội Thánh Việt Nam sau bốn thế kỷ đón nhận Tin Mừng.
157 - H. Hiện nay Hội Thánh Việt Nam có bao nhiêu Giáo phận?
T. Hiện nay Hội Thánh Việt Nam có 25 Giáo phận, được chia trong ba Giáo Tỉnh là: Hà Nội, Huế và Sài Gòn.
158 - H. Năm 1980 Hội Thánh Việt Nam có sự kiện nào đáng ghi nhớ?
T. Trong bối cảnh đất nước thống nhất, Hội Thánh nam bắc được sum họp một nhà, đại hội các Giám mục toàn quốc đã nhóm họp và khẳng định một đường hướng chung là “Sống Phúc Âm trong lòng dân tộc Việt Nam để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
159 - H. Người tín hữu Việt Nam ngày nay sống đức tin giữa lòng dân tộc như thế nào?
T. Người tín hữu Việt Nam phải hết lòng cảm tạ Thiên Chúa, cố gắng sống tinh thần Phúc Âm: yêu thương mọi người, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn và làm chứng cho Chúa ngay trên chính quê hương mình.
Bài 22: HIỆP THÔNG GIỮA CÁC THÁNH (160 - 164)
946-962
"Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng" (Cv 2,42).
160 - H. Trong Hội Thánh, các tín hữu có hiệp thông với nhau không?
T. Có, vì tất cả các tín hữu hợp thành một thân thể duy nhất mà Chúa Kitô là Đầu. Sự thánh thiện của Đầu được thông ban cho các chi thể và sự tốt lành của người này ảnh hưởng đến người kia.
161 - H. Các tín hữu hiệp thông với nhau thế nào?
T. Các tín hữu còn sống trên trần gian, các linh hồn trong luyện ngục và các thánh trên trời chia sẻ cho nhau những ơn ích thiêng liêng.
162 - H. Các tín hữu còn ở trần gian hiệp thông với nhau thế nào?
T. Họ cùng hiệp thông trong đức tin, đức ái, kinh nguyện, các Bí tích và các đoàn sủng; đồng thời cũng chia sẻ cả của cải vật chất với nhau trong tinh thần liên đới và tương trợ.
163 - H. Chúng ta hiệp thông với các Thánh trên trời thế nào?
T. Chúng ta noi gương đời sống thánh thiện của các Thánh và xin các ngài phù giúp; còn các Thánh thì chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta.
164 - H. Chúng ta hiệp thông với các linh hồn trong luyện ngục thế nào?
T. Chúng ta dâng việc lành phúc đức cầu nguyện cho các linh hồn ấy sớm được giải thoát và chính chúng ta cũng được hưởng nhờ lời chuyển cầu của các ngài.
Bài 23: ĐỨC MARIA: MẸ CHÚA GIÊSU VÀ MẸ HỘI THÁNH (165 - 169)
487-507; 963-975
"Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu" (Cv 1,14).
165 - H. Thiên Chúa đã ban cho Đức Maria những đặc ân nào?
T. Thiên Chúa đã ban cho Đức Maria những đặc ân này:
Một là ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Hai là ơn làm Mẹ Thiên Chúa.
Ba là ơn Đồng Trinh trọn đời.
Bốn là ơn Hồn Xác lên Trời.
166 - H. Đức Maria đã cộng tác thế nào trong công trình cứu độ?
T. “Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu thế nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn” (HT.61).
167 - H. Đức Maria có vị trí nào trong Hội Thánh?
T. Đức Maria là chi thể trổi vượt và là gương mẫu sáng ngời của Hội Thánh, vì Người đã là Mẹ của Đầu là Chúa Kitô thì cũng là Mẹ của toàn thân là Hội Thánh.
168 - H. Chúng ta phải tôn kính Đức Trinh Nữ Maria thế nào?
T. Chúng ta phải đặc biệt tôn kính, mến yêu, cầu xin và trông cậy Đức Mẹ, nhất là chúng ta bắt chước các nhân đức của Mẹ, đi theo con đường Mẹ đã đi để được đến nơi Mẹ đã đến.
169 - H. Khi nhìn lên Mẹ Maria, chúng ta thấy được hình ảnh nào về Hội Thánh?
T. Khi nhìn lên Mẹ, chúng ta thấy hình ảnh mầu nhiệm của Hội Thánh trong cuộc lữ hành trần gian và trong vinh quang Nước Trời.
Bài 24: ƠN THA TỘI (170 - 172)
976-987
"Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20,22-23).
170 - H. Chúa Giêsu ban cho Hội Thánh quyền tha tội khi nào?
T. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra thổi hơi trên các Tông đồ và ban cho các ngài quyền tha tội; “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20, 22-23).
171 - H. Chúng ta lãnh nhận ơn tha tội bằng cách nào?
T. Mọi người có thể lãnh nhận ơn tha tội trước hết nhờ Bí tích Rửa tội là Bí tích kết hợp họ với Chúa Kitô khổ nạn và Phục sinH. Sau đó, người tín hữu còn được tha các tội riêng nhờ Bí tích Hòa giải.
172 - H. Quyền tha tội của Hội Thánh nhắc ta nhớ điều gì?
T. Nhắc ta nhớ Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã ban cho những phương thế thích hợp để ta được ơn tha tội. Vì thế, ta luôn vững tin đến với lòng thương xót ấy.
Bài 25: ƠN PHỤC SINH VÀ ĐỜI SỐNG VĨNH CỬU (173 - 183)
988-1065
"Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết" (Ga 6,40).
173 - H. Khi tuyên xưng: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”, ta phải hiểu thế nào?
T. Ta phải hiểu là thân xác con người sau khi chết sẽ hư nát, nhưng Thiên Chúa sẽ cho thân xác ấy được sống lại trong ngày tận thế.
174 - H. Tại sao chúng ta tin xác loài người sống lại?
T. Vì chúng ta tin vào Thiên Chúa là Chúa kẻ sống, tin vào Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết và tin vào lời Người hứa ban sự sống lại cho những ai thuộc về Người.
175 - H. Theo Kitô-giáo, sự chết có ý nghĩa gì?
T. Theo Kitô-giáo, chết là kết thúc cuộc sống trần gian, là hậu quả của tội lỗi và là một biến đổi đi vào cuộc sống mới.
176 - H. Khi chết, con người sẽ ra sao?
T. Khi ấy linh hồn đến trước Tòa Chúa Kitô để chịu phán xét riêng về quảng đời đã sống trên trần gian. Sau đó linh hồn lên thiên đàng hoặc vào hỏa ngục hay chịu thanh tẩy trong luyện ngục.
177 - H. Thiên đàng là gì?
T. Là tình trạng hạnh phúc tràn đầy và vĩnh viễn, vì được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi và cộng đoàn các thánh.
178 - H. Hỏa ngục là gì?
T. Là tình trạng đau khổ cùng cực vì phải vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa là nguồn sự sống và hạnh phục. Đó là hình phạt muôn đời dành cho ma quỉ và cho những ai dứt khoát từ chối Thiên Chúa và từ chối anh em.
179 - H. Luyện ngục là gì?
T. Là tình trạng thanh tẩy dành cho những người chết trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa đạt tới sự thánh thiện cần thiết để được hạnh phúc thiên đàng.
180 - H. Có phán xét chung nữa không?
T. Sẽ có phán xét chung vào ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Lúc ấy, tất cả mọi người sẽ trình diện trước tòa Chúa Kitô để trả lẽ về các hành vi của mình.
181 - H. Vũ trụ này sẽ ra sao?
T. Vào ngày sau hết, vũ trụ hữu hình này sẽ được biến đổi và thông phần vào vinh quang của Chúa Kitô làm nên “Trời mới Đất mới”.
182 - H. Niềm tin “Trời mới Đất mới” có ảnh hưởng gì trong cuộc sống của chúng ta?
T. Niềm tin đó giúp ta nhận ra rằng bộ mặt thế giới này sẽ qua đi. Nhưng sự chờ mong một “Trời mới đất mới” không làm giảm sút, trái lại càng thôi thúc chúng ta quan tâm vun trồng trái đất, và góp phần xây dựng xã hội loài người ngày một tốt hơn.
183 - H. Kinh Tin Kính kết thúc bằng “A-MEN” nghĩa là gì?
T. Nghĩa là tôi tin những lời Thiên Chúa dạy, những điều Thiên Chúa hứa và tôi hoàn toàn phó thác nơi Người.