Gương Các Thánh
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
Tháng 1
1 Tháng Giêng: Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa
2 Tháng Giêng: Thánh Basil Cả (329 - 379)
3 Tháng Giêng: Thánh Grêgôry ở Nazianzus (329 - 390)
4 Tháng Giêng: Thánh Elizabeth Ann Seton (1774 - 1821)
5 Tháng Giêng: Thánh Gioan Neumann (1811 - 1860)
6 Tháng Giêng: Thánh Andre Bessette (1845 - 1937)
7 Tháng Giêng: Thánh Raymond ở Penafort (1175 - 1275)
8 Tháng Giêng: Chân Phước Angela ở Foligno (1248-1309)
9 Tháng Giêng: Thánh Thorfinn (c. 1285)
10 Tháng Giêng: Thánh Grêgôriô ở Nyssa (330 - 395)
11 Tháng Giêng: Chân Phước William Carter (c. 1584)
12 Tháng Giêng: Thánh Antôn Maria Pucci (1819 - 1892)
Thánh Marguerite Bourgeoys (1620-1700)
13 Tháng Giêng: Thánh Hilary ở Poitiers (315 - 368)
15 Tháng Giêng: Thánh Phaolô Ẩn Tu (233 - 345)
16 Tháng Giêng: Thánh Berard và Các Bạn(c. 1220)
17 Tháng Giêng: Thánh Antôn ở Ai Cập (251 - 356)
18 Tháng Giêng: Thánh Charles ở Sezze (1613 - 1670)
19 Tháng Giêng: Thánh Fabian(250)
20 Tháng Giêng: Thánh Sebastian (257? - 288?)
21 Tháng Giêng: Thánh Agnes (c. 258?)
22 Tháng Giêng: Thánh Vinh Sơn ở Saragossa (c. 304)
23 Tháng Giêng: Tôi Tớ Thiên Chúa Juan de Padilla (1492 - 1542)
24 Tháng Giêng: Thánh Phanxicô Sales (1567 - 1622)
25 Tháng Giêng: Sự Trở Lại của Thánh Phaolô
26 Tháng Giêng: Thánh Timôtê và Titô
27 Tháng Giêng: Thánh Angela Merici (1470 - 1540)
28 Tháng Giêng: Thánh Tôma Aquinas (1225 - 1274)
29 Tháng Giêng: Thánh Genevieve
30 Tháng Giêng: Thánh Hyacintha ở Mariscotti (1585 - 1640)
31 Tháng Giêng: Thánh Gioan Bosco (1815 - 1888)
========================
1 Tháng Giêng: Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Vai trò người mẹ siêu phàm của Ðức Maria đã triển khai tính cách đặc biệt của biến cố Giáng Sinh. Ðức Maria đóng một vai trò quan trọng trong sự Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài chấp nhận lời mời của Thiên Chúa mà đã được sứ thần đưa tin (Luca 1:26-38). Bà Êlizabét đã phải xưng tụng: "Em có phúc hơn mọi người nữ, và phúc thay người con trong lòng em. Bởi đâu tôi được người mẹ của Chúa tôi đến thăm?" (Luca 1:42- 43). Vai trò làm mẹ Thiên Chúa của Ðức Maria đã đặt ngài vào một vị trí độc đáo trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Tuy không nhắc đến tên Ðức Maria, Thánh Phaolô khẳng định rằng "Thiên Chúa đã sai Con Ngài, sinh bởi một phụ nữ, sinh ra dưới chế độ luật" (Galat 4:4). Thánh Phaolô còn nói thêm "Thiên Chúa đã sai thần khí Con Ngài đến trong tâm hồn chúng ta, để kêu lên 'Abba, Lạy Cha!'" giúp chúng ta nhận thức rằng Ðức Maria là mẹ của tất cả các người em Ðức Giêsu.
Một số thần học gia còn nhấn mạnh rằng vai trò làm mẹ Ðức Giêsu của Ðức Maria là một yếu tố quan trọng trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Ý tưởng "đầu tiên" của Thiên Chúa trong sự tạo dựng là Ðức Giêsu. Ðức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, là Ðấng có thể dâng lên Thiên Chúa tình yêu và sự thờ phượng tuyệt hảo nhất thay cho mọi tạo vật. Một khi Ðức Giêsu có trong tâm trí của Thiên Chúa "đầu tiên," thì "thứ đến" phải là Ðức Maria vì ngài đã được chọn từ thuở đời đời để làm mẹ Ðức Giêsu.
Danh hiệu "Mẹ Thiên Chúa" đã có từ thế kỷ thứ ba hay thứ tư. Từ tiếng Hy Lạp Theotokos (người mang Thiên Chúa), danh xưng ấy đã trở thành nền tảng cho giáo huấn của Giáo Hội về sự Nhập Thể. Công Ðồng Êphêsô năm 431 nhấn mạnh rằng các thánh Giáo Phụ đã có lý khi gọi đức trinh nữ rất thánh là Theotokos. Vào lúc cuối của công đồng đặc biệt này, đám đông dân chúng diễn hành trên đường phố, miệng hô lớn: "Ngợi khen đấng Theotokos!" Truyền thống ấy vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Trong chương về vai trò của Ðức Maria trong Giáo Hội, hiến chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Ðồng Vatican II đã gọi Ðức Maria là "Mẹ Thiên Chúa" đến 12 lần.
Lời Bàn
Ngày lễ hôm nay còn bao gồm nhiều chủ đề khác. Ðó là Tuần Bát Nhật Lễ Giáng Sinh: Việc tưởng nhớ đến vai trò người mẹ siêu phàm của Ðức Maria đem lại một nhận thức khác về niềm vui Giáng Sinh. Ðó là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới: Ðức Maria là mẹ của Hoàng Tử Hòa Bình. Ðó là ngày đầu của năm mới: Ðức Maria tiếp tục đem lại sự sống mới cho con cái của ngài - và cũng là con cái của Thiên Chúa.
Lời Trích
"Từ muôn đời, Ðức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa, cùng với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Theo chương trình của Chúa Quan Phòng, ngài trở nên người mẹ dấu yêu của Ðấng Cứu Chuộc, một cộng sự viên đặc biệt cao quý, và tôi tớ khiêm tốn của Chúa. Ngài đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Ðức Kitô" (Tín Lý về Giáo Hội, 61).
2 Tháng Giêng: Thánh Basil Cả (329 - 379)
Thánh Basil đang là một thầy giáo nổi tiếng thì ngài quyết định theo đuổi đời sống tu trì nghèo hèn của Phúc Âm. Sau khi tìm hiểu các phương thức tu trì, có thể nói ngài là người sáng lập đan viện đầu tiên ở Tiểu Á. Ngài nổi tiếng đối với các vị ẩn tu Ðông Phương cũng như Thánh Benedict nổi tiếng ở Tây Phương, và quy luật ngài viết đã ảnh hưởng đến đời sống đan viện Ðông Phương mãi cho đến ngày nay.
Sau khi thụ phong linh mục, ngài phụ tá cho Ðức Tổng Giám Mục của Caesarea (bây giờ là vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ) và sau cùng chính ngài trở thành tổng giám mục, bất kể sự chống đối của các giám mục phó, có lẽ vì ngài đã nhìn thấy những canh tân cần thiết. Trong nhiệm vụ của một tổng giám mục, ngài siêng năng học hỏi và làm việc liên lỉ. Ðiều này giúp ngài được gọi là "Vĩ đại" ngay trong thời của ngài và là Tiến Sĩ Hội Thánh sau khi ngài chết.
Vào thời ấy, một trong những nguy hại nặng nề cho Giáo Hội là bè rối Arian, mà họ khước từ thiên tính của Ðức Kitô. Hoàng đế Valens bách hại đạo chính thống, và ép buộc Ðức Basil phải giữ im lặng và chấp nhận cho những người bè rối được rước lễ. Ðức Basil giữ vững lập trường, và Valens phải nhượng bộ. Nhưng khó khăn vẫn còn. Khi vị đại thánh Anthanasius từ trần, trách nhiệm che chở bảo vệ đức tin chống với bè rối Arian đổ xuống trên Ðức Basil. Ngài cố gắng khủng khiếp để kết hợp và phục hồi những người Công Giáo theo ngài đang bị tan nát vì sự bạo ngược và vì chia rẽ nội bộ. Có thể nói sự chiến thắng tà thuyết Arian trong Công Ðồng Nicene và việc lên án tà thuyết này trong Công Ðồng Constantinople năm 381-382, phần lớn là do công lao của ngài.
Ngài làm việc không biết mệt trong công việc mục vu, chống với nạn buôn thần bán thánh, giúp đỡ nạn nhân của hạn hán và đói kém, cố gắng thay đổi hàng giáo sĩ, nhấn mạnh đến tinh thần kỷ luật, ngài không sợ lên án những điều xấu xa một khi được nhận thấy, và ra vạ tuyệt thông những ai dính líu đến nạn mãi dâm ở Cappadocia.
Ðức Basil nổi tiếng là một nhà diễn thuyết. Các văn bản của ngài, dù thời ấy không nổi tiếng, đã đưa ngài lên hàng các bậc thầy của Giáo Hội. Bảy mươi hai năm sau khi ngài từ trần, Công Ðồng Chalcedon đã đề cập đến ngài là "Ðức Basil vĩ đại, người thừa tác ơn sủng đã dẫn giải chân lý cho toàn thể trái đất."
Lời Bàn
Như người Pháp thường nói, "Càng thay đổi bao nhiêu, họ càng giữ nguyên như vậy." Thánh Basil phải đối diện với các khó khăn giống như Kitô Hữu ngày nay. Bổn phận của một vị thánh là duy trì tinh thần Ðức Kitô trong những vấn đề thật đau khổ và phức tạp, như cải cách, tổ chức, chiến đấu cho người nghèo, duy trì sự quân bình và bình an khi bị hiểu lầm.
Lời Trích
Thánh Basil nói: "Thực phẩm mà bạn không dùng là thực phẩm của người đói; quần áo bạn treo trong tủ là quần áo của người trần truồng; giầy dép bạn không dùng là giầy dép của người chân không; tiền bạc bạn cất giữ là tiền bạc của người nghèo; hành động bác ái mà bạn không thi hành là những bất công mà bạn đã phạm."
3 Tháng Giêng: Thánh Grêgôry ở Nazianzus (329 - 390)
Thánh Grêgôry ở Nazianzus -- Tiến Sĩ Hội Thánh và là một trong ba vị Giáo Phụ Cappadocian (hai vị khác là Thánh Basil Cả và Thánh Grêgôry ở Nyssa) -- là con của đức giám mục ở Nazianzus thuộc Cappadocia. Ngài được học hỏi nhiều về các văn bản Kitô Giáo, nhất là của Origen, và triết Hy Lạp. Trong khi theo học ở Cappadocian Caesarea, ngài gặp Ðức Basil, và từ đó nẩy nở một tình bạn thắm thiết có ảnh hưởng tốt cũng như xấu đến cuộc đời ngài.
Theo lời mời của Ðức Basil, Grêgôry gia nhập một đan viện mới thành lập của Ðức Basil. Tuy nhiên, đời sống ẩn dật phải bỏ dở khi cha của ngài cần người trông coi địa phận và bất động sản. Và dưới áp lực của người cha, ngài chịu chức linh mục. Vì sự giằng co giữa đời sống ẩn dật và công khai, hơn một lần ngài phải trở về đan viện khi cộng đoàn cần đến ngài.
Ngài khéo léo tránh cuộc ly giáo đang đe dọa thời ấy, vì cha của ngài có thoả hiệp với bè rối Arian. Lúc 41 tuổi, Grêgôry được chọn làm Ðức Giám Mục Phó của Caesarea và ngay lập tức đụng độ với Hoàng Ðế Valens, là người hỗ trợ bè rối Arian. Kết quả không may của cuộc chiến chống với tà thuyết là sự lạnh nhạt tình bạn giữa hai người. Ðức Basil, là tổng giám mục, đã sai ngài đến một thành phố nghèo nàn và bệnh hoạn tiếp giáp với phần đất lấn chiếm cách bất công vào địa phận của ngài.
Khi việc chống đối bè rối Arian chấm dứt với cái chết của Valens, Ðức Grêgôry được gọi về xây dựng lại đức tin trong giáo phận lớn Constantinople đã bị ảnh hưởng bởi tà thuyết Arian trong ba thập niên. Mệt mỏi và bối rối, ngài bị lôi vào cơn lốc của sự thối nát và bạo loạn. Trong hoàn cảnh ấy ngài bắt đầu viết các bài giảng nổi tiếng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Kịp thời, ngài tái xây dựng đức tin của thành phố, nhưng phải trả bằng một giá quá đắt của sự đau khổ, vu khống, sỉ nhục và ngay cả hành hung cá nhân ngài.
Những ngày cuối đời, ngài sống cô độc và khắc khổ. Ngài sáng tác thi ca tôn giáo, trong đó có một ít về tự truyện, thật sâu xa và mỹ miều. Ngài nghĩ rằng đức tin nơi Thiên Chúa không thể thấu hiểu được là nền tảng cho thần học chân chính. Tài hùng biện và việc bảo vệ lập trường đức tin của ngài trong Công Ðồng Nicea đã giúp ngài xứng đáng được gọi là "Thần học gia."
Lời Bàn
Sự xôn xao về những thay đổi trong Giáo Hội hiện nay, dù có chút lo lắng cũng chỉ là cơn bão nhỏ so với sự tàn phá do bè rối Arian gây nên, là một thảm kịch mà Giáo Hội không bao giờ quên. Ðức Kitô không hứa hẹn loại thanh bình mà chúng ta muốn được hưởng -- không có khó khăn, không có chống đối, không có đau khổ. Cách này hay cách khác, sự nên thánh luôn luôn là con đường thập giá.
Lời Trích
"Thiên Chúa chấp nhận những khao khát của chúng ta như thể chúng có giá trị lớn. Ngài nóng lòng mong ước chúng ta khao khát và yêu thương Ngài. Ngài chấp nhận những thỉnh cầu có lợi cho chúng ta như thể chúng ta đang làm ơn cho Ngài. Niềm vui của Ngài khi cho đi thì lớn hơn niềm vui của chúng ta khi được lãnh nhận. Do đó, chúng ta đừng thờ ơ khi cầu xin, cũng đừng giới hạn các thỉnh cầu; cũng đừng xin những điều phù phiếm bất xứng với sự cao trọng của Thiên Chúa" (Bài giảng Thánh Grêgôgy Nazianzus).
4 Tháng Giêng: Thánh Elizabeth Ann Seton (1774 - 1821)
Mẹ Seton là một trong những rường cột của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Ngài sáng lập tu hội đầu tiên dành cho phụ nữ Hoa Kỳ, Dòng Nữ Tu Bác Ái, mở trường học đầu tiên trong giáo xứ Hoa Kỳ và thiết lập cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ. Tất cả những điều trên ngài thực hiện trong vòng 46 năm đồng thời vừa nuôi dưỡng năm người con.
Elizabeth Ann Bayley Seton quả thực là người của thế hệ Cách Mạng Hoa Kỳ, ngài sinh ngày 28 tháng Tám 1774, chỉ hai năm trước khi có bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập. Bởi dòng dõi và hôn nhân, ngài có liên hệ đến các thế hệ đầu tiên sống ở Nữu Ước và vui hưởng kết quả của một xã hội tiến bộ. Ðược nuôi nấng trong một gia đình nề nếp Anh Giáo, ngài biết được giá trị của sự cầu nguyện, Kinh Thánh và sự kiểm điểm lương tâm hàng đêm trước khi đi ngủ. Cha của ngài, Bác Sĩ Richard Bayley, không đóng góp nhiều cho nhà thờ nhưng ông là người rất nhân đạo, đã dạy được cho cô con gái bài học yêu thương và phục vụ tha nhân.
Sự chết sớm của người mẹ năm 1777 và của bà vú nuôi năm 1778 đã đem lại cho Elizabeth một cảm nhận về sự tạm bợ của trần gian và thúc giục ngài hướng về vĩnh cửu. Thay vì ủ rũ và chán chường, ngài đối diện với các biến cố mà ngài coi là sự "hủy hoại khủng khiếp" với một hy vọng đầy phấn khởi.
Vào năm 19 tuổi, Elizabeth là hoa khôi của Nữu Ước và kết hôn với một thương gia đẹp trai, giầu có là ông William Magee Seton. Họ được năm người con trước khi doanh nghiệp lụn bại và ông chết vì bệnh lao. Vào năm 30 tuổi, bà Elizabeth đã là một goá phụ, không một đồng xu và phải nuôi nấng năm đứa con.
Trong khi sống ở Ý, bà được chứng kiến phong trào Tông Ðồ Giáo Dân qua gia đình của những người bạn. Ba điểm căn bản sau đã đưa bà trở về đạo Công Giáo: tin tưởng sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, sùng kính Ðức Mẹ và tin rằng Giáo Hội Công Giáo là một giáo hội tông truyền do Ðức Kitô thành lập. Nhiều người trong chính gia đình bà cũng như bạn hữu đã tẩy chay bà khi trở lại Công Giáo vào tháng Ba 1805.
Ðể nuôi con, bà mở trường học ở Baltimore. Ngay từ ban đầu, nhóm giáo chức của bà đã theo khuôn khổ của một tu hội, mà sau đó được chính thức thành lập vào năm 1809.
Hàng ngàn lá thư của Mẹ Seton để lại cho thấy sự phát triển đời sống tâm linh của ngài, từ những việc tốt lành bình thường cho đến sự thánh thiện cách anh hùng. Ngài chịu đau khổ vì những thử thách như đau ốm, hiểu lầm, cái chết của những người thân yêu (chồng và hai con gái), cũng như sự lo lắng đến đứa con trai hoang đàng. Ngài từ trần ngày 4 tháng Giêng 1821, và vào ngày 17-3-1963, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tuyên xưng ngài là vị chân phước đầu tiên người Hoa Kỳ. Ngài được phong thánh ngày 24-9-1975.
Lời Bàn
Thánh Elizabeth Seton không có những khả năng phi thường. Ngài không phải là một vị thần bí hay được in năm dấu thánh. Ngài không được ơn tiên tri hay nói tiếng lạ. Ngài chỉ có hai điều thành tâm: từ bỏ ý riêng để theo thánh ý Thiên Chúa, và yêu quý Bí Tích Thánh Thể. Ngài viết thư cho người bạn là bà Julia Scott, rằng ngài muốn đổi cả thế gian để sống ẩn dật ở "trong hang hay sa mạc. Nhưng Thiên Chúa đã ban cho tôi nhiều việc phải làm, và tôi hằng cầu xin và luôn luôn hy vọng được vâng theo ý Chúa hơn là ý riêng tôi." Kiểu cách nên thánh của ngài là mở lòng cho mọi sự nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành thánh ý Ngài.
Lời Trích
Thánh Elizabeth Seton nói với các nữ tu, "Tôi thiết nghĩ mục đích trước nhất trong công việc hàng ngày của chúng ta là thi hành thánh ý Thiên Chúa; thứ đến, thi hành điều ấy trong phương cách mà Ngài muốn; và thứ ba, thi hành điều ấy vì đó là ý Chúa."
5 Tháng Giêng: Thánh Gioan Neumann (1811 - 1860)
Thánh Gioan Neumann sinh trưởng ở Bohemia. Vào năm 1835, ngài trông đợi để được thụ phong linh mục nhưng đức giám mục sở tại quyết định không phong chức thêm. Thật khó để ngày nay chúng ta tưởng tượng rằng Bohemia dư thừa linh mục, nhưng thực sự là như vậy. Gioan viết thư cho các giám mục khắp Âu Châu, nhưng câu trả lời ở đâu đâu cũng giống nhau. Tin rằng mình có ơn thiên triệu nhưng mọi cơ hội dẫn đến sứ vụ ấy dường như đều đóng kín.
Không nản chí, và nhờ biết tiếng Anh khi làm việc trong xưởng thợ của người Anh, ngài viết thư cho các giám mục ở Mỹ Châu. Sau cùng, vị giám mục ở Nữu Ước đồng ý truyền chức linh mục cho ngài. Ðể theo tiếng Chúa gọi, ngài phải từ giã quê nhà vĩnh viễn và vượt đại dương ngàn trùng để đến một vùng đất thật mới mẻ và xa lạ.
Ở Nữu Ước, Cha Gioan là một trong 36 linh mục trông coi 200,000 người Công Giáo. Giáo xứ của ngài ở phía tây Nữu Ước, kéo dài từ Hồ Ontario đến Pennsylvania. Nhà thờ của ngài không có tháp chuông nhưng điều đó không quan trọng, vì hầu như lúc nào Cha Gioan cũng di chuyển, từ làng này sang làng khác, lúc thì lên núi để thăm bệnh nhân, lúc thì trong quán trọ hoặc gác xếp để giảng dạy, và cử hành Thánh Lễ ngay trên bàn ăn.
Vì sự nặng nhọc của công việc và vì sự đơn độc của giáo xứ, Cha Gioan khao khát có một cộng đoàn, và đã ngài gia nhập dòng Chúa Cứu Thế, là một tu hội chuyên giúp người nghèo và những người bị bỏ rơi.
Vào năm 1852, Cha Gioan được bổ nhiệm làm giám mục Philadelphia. Việc đầu tiên khi làm giám mục là ngài tổ chức trường Công Giáo trong giáo phận. Là một nhà tiên phong trong việc giáo dục, ngài nâng số trường Công Giáo từ con số đơn vị lên đến 100 trường.
Ðức Giám Mục Gioan không bao giờ lãng quên dân chúng -- đó là điều làm giới trưởng giả ở Philadelphia khó chịu. Trong một chuyến thăm viếng giáo xứ ở thôn quê, cha xứ thấy ngài ngồi trên chiếc xe bò chở phân hôi hám. Ngất ngưởng ngồi trên mảnh ván bắc ngang trên xe, Ðức Gioan khôi hài, "Có bao giờ cha thấy đoàn tùy tùng của một giám mục như vậy chưa!"
Khả năng biết tiếng ngoại quốc đã đưa ngài đến Hoa Kỳ thì nay lại giúp Ðức Gioan học tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Ý, và Ðức để nghe giải tội bằng sáu thứ tiếng. Khi phong trào di dân người Ái Nhĩ Lan bắt đầu, ngài lại học tiếng Gaelic và sành sõi đến nỗi một bà Ái Nhĩ Lan cũng phải lầm, "Thật tuyệt chừng nào khi chúng ta có được vị giám mục là người đồng hương!"
Trong chuyến công tác mục vụ sang nước Ðức, đến nơi ngài ướt đẫm dưới cơn mưa tầm tã. Khi gia chủ đề nghị ngài thay đôi giầy sũng nước, ngài trả lời, "Tôi chỉ có cách đổi giầy từ chân trái sang chân phải thôi. Chứ có một đôi giầy thì làm gì được."
Ðức Gioan từ trần ngày 5-1-1860 khi mới 48 tuổi. Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện và sở học cũng như các trước tác tôn giáo và bài giảng, do đó ngài được phong chân phước ngày 13-10-1963, và ngày 19-6-1977 ngài được phong thánh.
Lời Bàn
Thánh Neumann coi trọng lời Chúa là "Hãy đi rao giảng cho muôn dân." Từ Ðức Kitô, ngài nhận được các huấn lệnh và cũng nhờ Ðức Kitô mà ngài có thể thi hành sứ mệnh ấy. Vì Ðức Kitô không chỉ trao cho chúng ta sứ mệnh mà còn cung cấp phương tiện để hoàn thành. Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Thánh Gioan Neumann là biệt tài tổ chức của ngài để qua đó ngài loan truyền Tin Mừng.
Giáo Hội ngày nay rất cần đến sự hy sinh của mọi người trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Những trở ngại và những bất tiện thì có thật và tốn kém. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết chạy đến Ðức Kitô, Ngài sẽ cung cấp cho chúng ta những khả năng cần thiết để đáp ứng với các nhu cầu ngày nay. Thần Khí Ðức Kitô tiếp tục hoạt động qua các trung gian là sự quảng đại của Kitô Hữu.
Lời Trích
"Vì mọi người thuộc bất cứ chủng tộc nào, điều kiện nào và thế hệ nào đều có phẩm giá của một con người, nên họ có quyền được giáo dục tùy theo số phận của họ và thích hợp với khả năng bẩm sinh, với phái tính, với văn hóa và di sản của tổ tiên họ để lại. Ðồng thời, việc giáo dục này phải dẫn đến tình huynh đệ với các dân tộc khác, để sự bình an và sự hợp nhất đích thực có thể thực hiện được ở trần gian. Vì sự giáo dục đích thực nhắm đến việc đào tạo con người đối với lợi ích của xã hội mà trong đó họ là một phần tử, và họ phải chia sẻ trách nhiệm của phần tử ấy như một người trưởng thành" (Tuyên Ngôn Về Giáo Dục Kitô Giáo, 1).
6 Tháng Giêng: Thánh Andre Bessette (1845 - 1937)
Khi Alfred Bessette đến tu hội Các Thầy Thánh Giá vào năm 1870, anh mang theo tờ giấy giới thiệu của cha xứ viết rằng, "Tôi gửi đến các thầy một vị thánh." Thật khó để các thầy dòng ở đây tin nổi. Bệnh đau bao tử kinh niên đã khiến Alfred không thể đảm nhận được công việc nào lâu dài, ngay từ khi còn nhỏ Alfred đã lang thang từ nông trại này sang nông trại khác, tiệm này sang tiệm khác, ở ngay trên quê hương Gia Nã Ðại hoặc ở đất Hoa Kỳ, mà chỉ được có vài hôm là chủ nhân đã phải sa thải vì anh không thể làm được việc nặng nhọc. Công việc của các thầy dòng Thánh Giá là dạy học và dù đã 25 tuổi, Alfred vẫn chưa biết đọc biết viết. Dường như anh đến nhà dòng vì sự tuyệt vọng hơn là vì ơn gọi tu trì.
Alfred thật tuyệt vọng, nhưng anh cũng là người siêng năng cầu nguyện và rất thành tâm với Thiên Chúa cũng như sùng kính Thánh Giuse. Có lẽ anh chẳng còn nơi nào để nương tựa, nhưng anh tin rằng đây là nơi anh phải sống trong suốt cuộc đời.
Nhà dòng nhận anh vào đệ tử nhưng sau đó không lâu họ thấy đúng như những gì trong quá khứ -- dù Alfred, bây giờ là Thầy Andre, rất muốn làm việc, nhưng sức khỏe không cho phép. Họ yêu cầu thầy rời nhà dòng, nhưng trong sự tuyệt vọng, thầy đã xin đức giám mục sở tại can thiệp để được ở lại và được giao cho công việc khiêm tốn là gác cổng trường học Notre Dame ở Montreal, cùng với các nhiệm vụ phụ là dọn lễ, giặt giũ và đảm trách việc thư từ. Thầy Andre khôi hài rằng, "Khi tôi gia nhập cộng đoàn này, cha bề trên chỉ cho tôi cánh cửa ấy, và tôi ở đó suốt 40 năm."
Trong căn phòng nhỏ bé của ngài ở gần cổng trường, hầu như suốt đêm ngài quỳ gối cầu nguyện. Trên thành cửa sổ, trông ra đồi Royal, là bức tượng Thánh Giuse nhỏ, là người mà thầy hằng sùng kính ngay từ khi còn nhỏ. Khi được hỏi về điều ấy thầy trả lời, "Một ngày nào đó, Thánh Giuse sẽ được tôn kính một cách đặc biệt trên đồi Royal!"
Khi biết có ai bị đau yếu, ngài đến thăm để cổ võ tinh thần cũng như để cầu nguyện với họ. Ngài cũng thường thoa lên bệnh nhân chút dầu lấy từ chiếc đèn luôn cháy sáng trước tượng Thánh Giuse trong nguyện đường của trường học. Từ đó tiếng đồn về sức mạnh chữa lạnh bắt đầu lan tràn.
Khi bệnh dịch bùng nổ từ một trường kế cận, Thầy Andre đã xung phong đến đó chăm sóc bệnh nhân. Không một ai bị thiệt mạng. Số người bệnh đến với thầy ngày càng gia tăng. Cha bề trên cảm thấy bối rối; giới thẩm quyền địa phận nghi ngờ; các bác sĩ gọi ngài là lang băm. Thầy thường lập đi lập lại rằng "Ðâu có phải tôi chữa mà là Thánh Giuse đó." Sau cùng thầy phải cần đến bốn người thư ký để trả lời 80,000 lá thư ngài nhận được hàng năm.
Ðã nhiều năm Tu Hội Thánh Giá cố nài nỉ để mua lấy miếng đất trên ngọn đồi Royal nhưng không thành công. Thầy Andre và một vài người khác đã leo lên đó để đặt một tượng Thánh Giuse. Bỗng dưng, chủ đất đồng ý. Thầy Andre quyên góp được $200 để xây một nhà nguyện nhỏ và dùng làm nơi tiếp khách thập phương mà ở đó lúc nào thầy cũng tươi cười để thoa dầu Thánh Giuse trên bệnh nhân. Có người được khỏi bệnh, có người không. Số nạng, gậy chống cũng như xe lăn người ta bỏ lại để minh chứng cho sức mạnh chữa lành của Thánh Giuse ngày càng gia tăng.
Nguyện đường cũng cần được nới rộng thêm. Vào năm 1931, một thánh đường to lớn được khởi công xây cất, nhưng tài chánh bị thiếu hụt vì đó là thời kỳ kinh tế đại suy thoái. "Hãy đặt tượng Thánh Giuse vào trong ấy. Nếu ngài muốn có mái che trên đầu thì ngài sẽ giúp cho." Sau cùng, Vương Cung Thánh Ðường Thánh Giuse nguy nga trên đồi Royal đã hoàn thành sau 50 năm xây cất. Nhưng Thầy Andre đã không được chứng kiến ngày huy hoàng đó, và đã từ trần năm 1937 khi thầy 92 tuổi.
Lời Bàn
Thoa lên vết thương với dầu và ảnh tượng? Ðặt một ảnh tượng để mua được miếng đất? Ðó có phải dị đoan không? Ðó có phải là những gì chúng ta muốn quên đi không?
Người dị đoan chỉ trông nhờ vào "yêu thuật" của lời nói hay hành động. Dầu và ảnh tượng của Thầy Andre là những dấu tích đích thực của một đức tin đơn sơ, trọn vẹn nơi Thiên Chúa Cha là Ðấng đã giúp vị thánh của thầy chữa lành cho các con cái của Thiên Chúa.
Lời Trích
"Chính cây cọ nhỏ bé đã giúp nghệ nhân hoàn thành bức họa tuyệt mỹ."
7 Tháng Giêng: Thánh Raymond ở Penafort (1175 - 1275)
Ðược Thiên Chúa cho hưởng thọ đến 100 tuổi, Thánh Raymond có cơ hội để thực hiện được nhiều điều trong đời.
Là một phần tử của dòng dõi quý tộc Tây Ban Nha, ngài có đầy đủ tài nguyên và nền tảng giáo dục vững chắc để bước vào đời. Ngay từ khi còn nhỏ, ngài đã yêu quý và sùng kính Ðức Mẹ. Vào lúc 20 tuổi, ngài dạy triết. Trong khoảng 30, ngài đậu bằng tiến sĩ về giáo luật và dân luật. Tuy nhiên, ngài đã từ bỏ tất cả để gia nhập Dòng Thuyết Giáo (Ða Minh) và là một linh mục năm 47 tuổi. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IX gọi ngài về Rôma làm việc cho đức giáo hoàng và cũng là cha giải tội cho người. Môät trong những điều đức giáo hoàng yêu cầu ngài thi hành là thu thập tất cả các sắc lệnh của các giáo hoàng và công đồng trong 80 năm, kể từ lần sưu tập sau cùng của Gratianô. Cha Raymond biên soạn thành năm cuốn sách được gọi là "Bộ Giáo Lệnh" (Decretals). Những cuốn này được coi là bộ sưu tập giáo luật có giá trị nhất của Giáo Hội mãi cho đến năm 1917 khi giáo luật được hệ thống hóa.
Trước đó, Cha Raymond đã viết một cuốn sách dành cho các cha giải tội, được gọi là "Summa de Poenitentia et Matrimonio". Cuốn sách này không chỉ kể ra các tội và việc đền tội, mà còn thảo luận các luật lệ và học thuyết chính đáng của Giáo Hội liên hệ đến vấn đề hay trường hợp mà cha giải tội phải giải quyết.
Khi Cha Raymond được 60 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Tarragona, thủ phủ của Aragon nằm về phía đông bắc Tây Ban Nha. Ngài không thích vinh dự này chút nào nên kết quả là ngài bị đau yếu và đã từ nhiệm sau đó hai năm.
Tuy nhiên, ngài không được hưởng sự an bình đó bao lâu, vì khi 63 tuổi ngài được anh em tu sĩ dòng chọn làm bề trên của toàn thể nhà dòng, chỉ sau Thánh Ða Minh. Cha Raymond phải vất vả trong các công việc như đi thăm các tu sĩ dòng, cải tổ lại hiến pháp dòng và cố đưa vào hiến pháp dòng điều khoản cho phép vị bề trên có thể từ chức. Khi bản hiến pháp mới được chấp nhận, Cha Raymond, lúc ấy 65 tuổi, đã xin từ nhiệm.
Nhưng ngài vẫn còn phải làm việc trong 35 năm nữa để chống với bè rối và hoán cải người Moor ở Tây Ban Nha. Và theo lời yêu cầu của ngài, Thánh Tôma Aquina đã viết cuốn "Summa Contra Gentes".
Mãi cho đến khi ngài được 100 tuổi thì Thiên Chúa mới cho ngài về hưu dưỡng. Năm 1601, Cha Raymond được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII tuyên xưng là thánh.
Lời Bàn
Thánh Raymond là một luật gia và là nhà giáo luật. Thói vụ luật (legalism) là một trong những điều mà Giáo Hội cố tránh trong Công Ðồng Vatican II. Có sự khác biệt lớn lao giữa các điều khoản với tinh thần và mục đích của luật lệ. Luật lệ tự nó có thể trở thành cùng đích, do đó giá trị mà luật lệ muốn nhắm đến đã bị quên lãng. Nhưng chúng ta cũng phải thận trọng đừng ngả về thái cực bên kia, coi luật lệ như vô ích hoặc cho đó là một điều tầm thường. Một cách lý tưởng, luật lệ được đặt ra là vì lợi ích của mọi người và phải đảm bảo quyền lợi của mọi người được tôn trọng. Qua Thánh Raymond, chúng ta học được sự tôn trọng luật lệ như một phương tiện phục vụ công ích.
Lời Trích
"Ai ghét bỏ luật lệ thì không khôn ngoan, và sẽ bị nghiêng ngả như con tàu giữa cơn phong ba" (Sách Huấn Ca 33:2).
sinh năm 1825 tại Nam Ðiền, Nam Ðịnh, Giáo dân, xử trảm ngày 07-01-1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 07-01.
sinh năm 1780 tại Nam Hào, Hưng Yên, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 30-01-1860 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 30-01.
8 Tháng Giêng: Chân Phước Angela ở Foligno (1248-1309)
Một số vị thánh ngay từ nhỏ đã có dấu hiệu thánh thiện. Ðiều này không đúng với Chân Phước Angela. Ðược sinh trưởng trong một gia đình quyền thế ở Foligno, ngài chìm đắm trong việc kiếm tiền và tìm danh vọng xã hội. Ngay khi làm vợ và làm mẹ, ngài vẫn tiếp tục con đường sai lạc này.
Khoảng 40 tuổi, ngài được một thị kiến và sau đó ngài nhận ra sự trống rỗng của cuộc đời nên đã tìm đến sự trợ giúp của Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa Giải. Cha giải tội của ngài đã giúp ngài thay đổi đời sống, tận hiến cho sự cầu nguyện và thi hành đức bác ái.
Sau khi bà Angela hoán cải được ít lâu thì chồng và con đều từ trần. Bà bán hết của cải và gia nhập dòng Ba Phanxicô. Bà miệt mài chiêm niệm trước tượng Ðức Kitô trên thập giá và phục vụ người nghèo ở Foligno như một y tá và sẵn sàng đi xin xỏ khi họ có nhu cầu. Các phụ nữ khác theo gương bà đã đến tiếp tay với công việc của bà trong hội dòng ba này.
Theo lời khuyên của cha giải tội, bà Angela đã viết lại cuốn Sách Thị Kiến và Huấn Thị. Trong sách ấy, bà viết lại những lần bị cám dỗ sau khi hoán cải; cũng như những lần được kết hợp cách bí nhiệm với Ðức Kitô và ơn mặc khải. Cuốn sách này và đời sống của bà đã giúp bà được gọi là "Thầy Các Thần Học Gia."
Bà từ trần năm 1309 và được chôn cất trong nhà thờ Thánh Phanxicô ở Foligno. Nhiều phép lạ được ghi nhận ở đây. Bà được tôn vinh chân phước năm 1693.
Lời Bàn
Những ai sống ở Hoa Kỳ ngày nay có thể hiểu được sự cám dỗ của Chân Phước Angela khi cố gia tăng giá trị của mình bằng cách tích lũy tiền của, danh vọng và quyền lực. Càng kiếm thêm cho mình bao nhiêu, ngài càng trở nên ích kỷ bấy nhiêu. Khi nhận ra sự vô giá của chính con người mình, vì được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương, ngài thực sự ăn năn sám hối và sống rất bác ái với người nghèo. Những gì trước đây ngài cho là điên khùng thì bây giờ đã trở nên thật quan trọng. Con đường từ bỏ chính mình mà ngài đã theo là con đường của mọi người thánh thiện.
Lời Trích
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: "Ðức Kitô, Ðấng Cứu Chuộc Trần Gian, thấu suốt sự bí ẩn của con người và đã đi vào 'tâm hồn' chúng ta một cách độc đáo vô song. Chính vì vậy mà Công Ðồng Vatican II đã dạy: 'Sự thật thì người ta chỉ có thể hiểu được bí ẩn của loài người trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể… Ðức Kitô là một Adong mới, qua chính sự tiết lộ nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha và tình yêu của Người, Ðức Kitô đã bộc lộ trọn vẹn bản tính nhân loại và làm sáng tỏ ơn gọi cao trọng của loài người" (Redemtoris Hominis, 8).
9 Tháng Giêng: Thánh Thorfinn (c. 1285)
Sau khi Thánh Thorfinn từ trần khá lâu, người ta mới biết đến cuộc đời thánh thiện của ngài. Thánh Thorfinn từ trần năm 1285 trong một đan viện Xitô ở Bỉ. Năm mươi năm sau, ngôi mộ của ngài tình cờ bị khai quật trong một công trình xây cất, và mọi người đều kinh ngạc vì một mùi thơm nồng nàn phát ra từ quan tài của ngài. Do đó, vị đan viện trưởng bắt đầu cuộc điều tra.
Trong đan viện, chỉ còn người đan sĩ già tuổi nhất, Walter de Muda, là còn nhớ đến Ðức Giám Mục Thorfinn. Thật vậy, Cha Walter đã quá khâm phục đức tính nhân từ và kiên quyết của Ðức Thorfinn đến nỗi ông đã làm thơ về Ðức Thorfinn ngay khi ngài còn sống. Và khi Ðức Thorfinn từ trần, Cha Walter đã dán các bài thơ ấy trong mộ của Ðức Thorfinn. Khi các đan sĩ đến xem xét, họ ngạc nhiên khi thấy nét mực các bài thơ vẫn còn nguyên như mới. Chắc chắn đây là một dấu hiệu mà Thiên Chúa muốn Ðức Thorfinn được tưởng nhớ và được vinh danh. Dân chúng bắt đầu tuốn đến để xin Ðức Giám Mục Thorfinn cầu bầu cho họ, và các phép lạ bắt đầu xảy ra.
Theo bài viết của Cha Walter, Ðức GM Thorfinn đến từ Na Uy. Khi là linh mục ở Na Uy, có lẽ ngài phục vụ ở vương cung thánh đường Nidaros với chức vụ kinh sĩ. Dường như trong thời gian ở đây, ngài đã ký một văn kiện quan trọng. Ngài là một nhân chứng của Hiệp Ước Tonsberg năm 1277. Ðây là một hiệp ước giữa Vua Magnus VI và đức tổng giám mục nhằm giải thoát Giáo Hội khỏi sự khống chế của nhà cầm quyền. Nhưng vài năm sau, Vua Eric đã bãi bỏ hiệp ước này. Ông trở mặt và chống đối đức tổng giám mục cũng như hai giám mục phụ tá là Ðức Giám Mục Andrew của Oslow và Ðức Giám Mục Thorfinn của Hamar. Sau đó các giám mục phải ra nước ngoài lánh nạn.
Ðức Giám Mục Thorfinn khởi đầu một hành trình đầy cam go về đan viện TerDoest ở Flanders, mà người ta cho rằng trước đây ngài là một đan sĩ của đan viện này. Con tầu của ngài từng bị đắm. Sau cùng, ngài đã đến được đan viện và sống ở đây cho đến chết. Ngài từ trần ngày 8 tháng Giêng 1285.
10 Tháng Giêng: Thánh Grêgôriô ở Nyssa (330 - 395)
Thánh Grêgôgiô là con út của một gia đình đã góp phần rất lớn cho Giáo Hội và gia đình ấy có ít nhất năm vị thánh.
Sinh trưởng trong thành phố bây giờ là Thổ Nhĩ Kỳ, Grêgôriô là con của hai vị thánh Basil và Emmilia, và lớn lên trong sự dẫn dắt của người anh là Thánh Basil Cả, và người chị Macrina. Sự thành công trong việc học của Grêgôriô tiên đoán một tương lai rạng rỡ. Sau khi là giáo sư hùng biện, ngài được khuyến khích dâng hiến tài năng và hoạt động cho Giáo Hội, và ngài đã gia nhập đan viện của người anh là Basil Cả. Sau khi lập gia đình, Grêgôriô tiếp tục học làm linh mục và được phong chức (vấn đề độc thân thời bấy giờ không phải là điều kiện để làm linh mục).
Ngài được chọn làm Giám Mục của Nyssa năm 372, là giai đoạn nhiều căng thẳng về bè rối Arian, họ từ chối thiên tính của Ðức Kitô. Sau một thời gian giam cầm vì bị bè rối Arian vu oan là biển thủ ngân quỹ Giáo Hội, Ðức Grêgôgiô được phục hồi quyền bính năm 378.
Chính sau cái chết của người anh yêu quý là Thánh Basil mà Ðức Grêgôgiô mới thực sự chứng tỏ khả năng của ngài. Các học thuyết của ngài chống với Arian và các sai lầm khác lừng danh đến nỗi ngài được xưng tụng là người bảo vệ chính giáo. Ngài được sai đi trong các sứ vụ chống trả các bè rối, và giữ một vị thế quan trọng trong Công Ðồng Constantinople.
Danh tiếng của ngài kéo dài cho đến khi từ trần, nhưng qua nhiều thế kỷ, danh tiếng ấy lu mờ dần khi người ta không rõ ngài có phải là tác giả của các học thuyết ấy hay không. Tuy nhiên, chúng ta phải cám ơn công trình của các học giả trong thế kỷ 20, vì nhờ đó mà tầm vóc của Thánh Grêgôriô lại được phục hồi. Thật vậy, Thánh Grêgôriô ở Nyssa không chỉ được coi là một trụ cột của chính giáo, nhưng còn là người đóng góp quan trọng cho các truyền thống bí nhiệm trong linh đạo Kitô Giáo và cho hệ thống đan viện.
11 Tháng Giêng: Chân Phước William Carter (c. 1584)
Sinh ở Luân Ðôn, William Carter bước vào nghề in ngay từ khi còn nhỏ. Trong nhiều năm, ông phụ việc cho một người thợ in Công Giáo nổi tiếng, người này bị cầm tù vì kiên trì với đức tin Công Giáo. Chính ông William cũng bị tù vì "in những tài liệu bị cấm [Công Giáo]" cũng như cất giữ các sách vở có liên can đến đạo Công Giáo.
Hơn thế nữa, ông còn chống đối nhà cầm quyền bằng cách phát hành các truyền đơn nhằm duy trì đức tin của người Công Giáo. Nhà chức trách lục soát nhà ông còn tìm thấy các áo lễ và sách lễ, ngay cả họ còn tra tấn vợ ông để tra khảo. Trong 18 tháng tiếp đó ông bị cầm tù, bị tra tấn và thật đau khổ khi được biết vợ ông từ trần.
Hiển nhiên ông bị buộc tội in ấn và phát hành tập Luận Án về Ly Giáo mà chính quyền cho là do một người "phản quốc" viết để thúc giục người Công Giáo nổi loạn. Trong khi ông William bình thản phó thác vào Thiên Chúa, bồi thẩm đoàn chỉ họp có 15 phút trước khi kết luận là ông "có tội." Sau khi xưng tội với vị linh mục cùng bị bắt, ông William đã bị treo cổ và phân thây vào ngày 11-1-1584.
Ông được phong chân phước năm 1987.
Thánh Theodosius (c. 529)
Theodosius sinh ở Tiểu Á năm 423. Khi thanh niên, ngài thực hiện cuộc hành hương đến Ðất Thánh. Người ta nói rằng ngài được cảm hứng bởi hành trình đức tin của ông Abraham như được viết trong Sáng Thế Ký. Sau khi thăm viếng các linh địa, ngài quyết định theo đuổi một đời sống cầu nguyện. Ngài xin được hướng dẫn bởi một người thánh thiện tên Longinus. Không bao lâu, người ta nhận ra sự thánh thiện của chính Theodosius và nhiều người đã đến xin theo để trở thành đan sĩ.
Thánh Theodosius xây một đan viện lớn ở Cathismus, gần Bêlem. Chẳng bao lâu, đan viện này tràn ngập các đan sĩ từ Hy Lạp, Armenia, Arabia, Persia và các quốc gia vùng Slave. Dần dà, đan viện trở thành một "thành phố nhỏ." Ở đó có một trung tâm cho người bệnh, một trung tâm cho người già và một trung tâm cho người nghèo cũng như người vô gia cư.
Thánh Theodosius luôn luôn độ lượng. Ngài nuôi ăn không biết bao nhiêu người nghèo. Nhiều khi tưởng chừng không còn đủ thức ăn cho các đan sĩ. Nhưng thánh nhân luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa. Theodosius không bao giờ làm ngơ trước nhu cầu của người khác. Ðan viện là nơi thật bình an, các đan sĩ sống hoà thuận với nhau trong tình huynh đệ đích thực. Việc điều hành đan viện quá tốt đẹp đến nỗi vị thượng phụ của Giêrusalem đã bổ nhiệm Theodosius làm đan viện trưởng của các đan sĩ đông phương.
Thánh Theodosius từ trần năm 529, hưởng thọ 106 tuổi. Ngài được chôn cất ở nơi đầu tiên ngài sống như một đan sĩ. Nơi đó được gọi là Hang Ðạo Sĩ, vì theo truyền thuyết, các Ðạo Sĩ đã trú ngụ ở đây khi trên đường tìm kiếm Hài Nhi Giêsu.
12 Tháng Giêng: Thánh Antôn Maria Pucci (1819 - 1892)
Eustacchio là người con thứ trong bảy người con của một gia đình nông dân ở Tuscany, không xa với thành phố Florence là bao. Mặc dù ông bố thường dọn lễ cho nhà thờ trong làng, nhưng ông không thích thú cho lắm khi thấy con mình có ý định đi tu. Tuy nhiên, vào năm 18 tuổi, Eustacchio đã gia nhập dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ, và lấy tên là Antôn Maria.
Sau khi được học kinh điển và thần học, ngài được thụ phong linh mục năm 1843. Vào năm 28 tuổi, ngài được bài sai đi coi xứ đầu tiên -- và duy nhất -- ở thành phố Viareggio ven biển. Ngài ở đây trong suốt cuộc đời, tận tụy phục vụ trong 45 năm. Ngài được giáo dân mến mộ đặt cho ngài cái tên dễ mến là "il curatino" (cha sở bé nhỏ). Ngài đặc biệt lưu tâm đến người bệnh, người già và người nghèo, và tận tâm phục vụ họ, nhất là trong hai trận dịch tễ hoành hành ở đây.
Ngài là người biết nhìn xa trông rộng, đã thành lập nhà nuôi trẻ cạnh bờ biển và là người tiên phong của Tổ Chức Thời Thơ Ấu Thánh Thiện ở Ý. Từ 1883 đến 1890, ngài còn là bề trên tỉnh dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ ở Tuscan.
Khi ngài từ trần ngày 12-1-1892 ở Viareggio, toàn thể thành phố đã thương tiếc ngài. Ngài được phong thánh năm 1962 trong khoá họp đầu tiên của Công Ðồng Vatican II.
Thánh Marguerite Bourgeoys (1620-1700)
"Chúa đóng cánh cửa lớn và mở ra cánh cửa nhỏ," đó là câu người ta thường an ủi chính mình hay người khác khi gặp những thất vọng. Ðiều này rất đúng với trường hợp của Thánh Marguerite.
Marguerite sinh ở Troyes, nước Pháp, nhưng tám mươi năm cuộc đời ngài sống ở Montréal, Canada. Thánh nữ là con thứ sáu trong gia đình mười hai người con. Cha mẹ ngài thật đạo đức. Ngài mồ côi mẹ khi lên chín và Marguerite thay mẹ chăm sóc các em. Khi ngài hai mươi bảy tuổi thì người cha từ trần. Bây giờ, mọi người trong gia đình đều đã lớn và Marguerite nghĩ rằng mình có ơn gọi đi tu. Nhưng việc xin gia nhập dòng Camêlô cũng như dòng Thánh Clara Hèn Mọn đều thất bại. Lúc ấy, Thống Ðốc của Montréal đang thăm viếng nước Pháp nhằm tìm kiếm giáo chức cho Tân Thế Giới. Ông đã mời Marguerite đến Montreal để dạy học cũng như dạy giáo lý, và ngài đã nhận lời.
Marguerite chia tài sản cho các anh chị em trong gia đình. Họ không tin rằng ngài dám từ bỏ một quốc gia văn minh để đến một nơi hoang vu cách xa cả đại dương. Nhưng ngài đã thực hiện điều đó và đã cập bến Canada vào giữa tháng Mười Một. Marguerite bắt đầu xây cất một nguyện đường vào năm 1657 để vinh danh Ðức Bà Hằng Cứu Giúp. Năm 1658, ngài mở trường học đầu tiên. Khi nhận ra nhu cầu giáo chức, ngài trở về Pháp năm 1670 và đem theo sáu người bạn khác đến Canada. Tất cả các phụ nữ can đảm này đã trở nên các nữ tu đầu tiên của Tu Hội Ðức Bà.
Sơ Marguerite và các nữ tu đã giúp đỡ dân chúng ở thuộc địa sống sót khi nạn đói xảy đến. Họ mở trường dạy nghề để chỉ cho các người trẻ biết xây cất nhà cửa và làm nông trại. Tu hội của Sơ Marguerite cũng phát triển. Vào năm 1681 có mười tám nữ tu. Bảy người gốc Canada. Họ mở thêm các trung tâm truyền giáo và hai nữ tu dạy học cho người thổ dân da đỏ. Chính Sơ Marguerite cũng đã nhận hai phụ nữ da đỏ đầu tiên gia nhập tu hội.
Vào năm 1693, Mẹ Marguerite trao tu hội lại cho người kế vị. Sơ bề trên mới là Marie Barbier, người Canada đầu tiên gia nhập tu hội. Năm 1698, quy luật tu hội được Giáo Hội chấp thuận. Trong những năm cuối đời, Sơ Marguerite dành để cầu nguyện và viết tự truyện. Vào ngày cuối năm 1699, một nữ tu trẻ tuổi đang hấp hối trên giường bệnh. Sơ Marguerite xin Chúa để được chết thay cho nữ tu ấy. Ðến sáng ngày 1 tháng Giêng 1700, nữ tu ấy được lành mạnh, nhưng Sơ Marguerite lại lên cơn sốt. Ngài chịu đau khổ trong mười hai ngày và từ trần ngày 12 tháng Giêng 1700. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 2 tháng Tư 1982.
Lời Bàn
Thật dễ nản chí khi các kế hoạch mà chúng ta nghĩ rằng Chúa phải tán thành thì bị thất bại. Marguerite không được kêu gọi để trở nên một nữ tu dòng kín nhưng lại là một người sáng lập dòng và một nhà giáo dục. Nói cho cùng, Thiên Chúa không quên thánh nữ.
Lời Trích
Trong bài giảng lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "... một cách đặc biệt, Thánh Marguerite đã góp phần xây dựng quốc gia mới ấy [Canada], minh định vai trò của phụ nữ, và ngài cần cù tiến đến việc đào tạo một tâm linh Kitô Giáo sâu xa." Ðức thánh cha cũng nhận xét rằng thánh nữ đã trông coi các học sinh với lòng yêu mến và tin tưởng "để chuẩn bị cho các em trở nên các người vợ và người mẹ xứng đáng, là các người mẹ Kitô Hữu có văn hóa, chăm chỉ làm việc và có ảnh hưởng tốt đến người chung quanh."
13 Tháng Giêng: Thánh Hilary ở Poitiers (315 - 368)
Vị trung kiên bảo vệ thiên tính của Ðức Kitô này là một người hiền lành và can đảm, tận tụy sáng tác một số văn bản tuyệt vời về Ba Ngôi Thiên Chúa, và cũng giống như Thầy Kitô, ngài được coi là "người xáo trộn sự bình an." Trong giai đoạn cực kỳ khủng hoảng của Giáo Hội, sự thánh thiện của ngài nổi bật cả trong lãnh vực uyên bác và tranh luận.
Sinh trưởng trong một gia đình ngoại giáo, ngài trở lại Kitô Giáo khi tìm thấy Thiên Chúa qua Kinh Thánh. Sau khi lập gia đình và có được một người con gái là Apra, ngài được chọn làm Giám Mục của Poitiers nước Pháp trái với ý muốn của ngài. Không bao lâu ngài phải chiến đấu với một tai họa của thế kỷ thứ tư, là bè rối Arian, những người khước từ thiên tính của Ðức Kitô.
Tà thuyết này lan tràn nhanh chóng. Khi hoàng đế Constantius ra lệnh cho mọi giám mục Tây Phương phải ký vào bản kết án Ðức Athanasius, vị bảo vệ đức tin của Giáo Hội Ðông Phương, Ðức Hilary từ chối và bị trục xuất khỏi nước Pháp đến vùng Phrygia hẻo lánh (khi bị lưu đầy là khi ngài được mệnh danh là "Athanasius của Tây Phương"). Vị bảo vệ chính giáo một cách kiên cường này lại là người rất nhân từ khi hòa giải các giám mục của nước Pháp, là những người vì sợ mang tiếng là ngu dốt nên đã chấp nhận bản kinh tin kính của Arian. Và trong khi ngài viết bản cáo trạng sắc bén lên án hoàng đế về tội bao che tà thuyết, thì ngài lại ôn tồn giải thích rằng, đôi khi sự khác biêät giữa các học thuyết chính giáo và lạc giáo chỉ là nghĩa chữ hơn là tư tưởng. Do đó, ngài khuyên các giám mục Tây Phương đừng vội kết án. Chính vì vậy, ngài lại có thêm những kẻ thù mới.
Trong thời gian lưu đầy và viết lách, ngài được mời tham dự một công đồng do hoàng đế triệu tập để chống với Công Ðồng Nicea. Như chúng ta có thể tiên đoán, Ðức Hilary đã đứng lên bảo vệ Giáo Hội, và khi ngài thách thức tranh luận một cách công khai với vị giám mục đã đầy ải ngài, những người theo Arian, vì sợ buổi tranh luận ấy và những hậu quả của nó, đã xin hoàng đế tống cổ "người xáo trộn sự bình an" này về nhà. Nhưng thay vì về thẳng Poitiers, ngài đã sang Hy Lạp và Ý, rao giảng chống lại tà thuyết Arian.
Có lẽ một số người hiện nay nghĩ rằng tất cả những khó khăn ấy chỉ trên phương diện ngôn từ. Nhưng Thánh Hilary không chỉ tham dự cuộc chiến ngôn ngữ, mà còn chiến đấu cho sự sống vĩnh cửu của các linh hồn đã nghe theo tà thuyết Arian và không còn tin vào Con Thiên Chúa, là nguồn hy vọng cứu độ của họ.
Cái chết của hoàng đế Constantius năm 361 cũng chấm dứt việc bách hại Kitô Giáo chính thống. Ðức Hilary từ trần năm 367 hoặc 368, và được tuyên xưng là tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1851.
Lời Bàn
Ðức Kitô đã nói Ngài đến thế gian không để đem lại sự bình an nhưng đem lại gươm giáo (x. Mátthêu 10:34). Nếu chúng ta nghĩ rằng sự thánh thiện chói lòa không đem lại nhiều khó khăn thì điều ấy không được thấy trong Phúc Âm. Ngay cả giây phút cuối cùng, Ðức Kitô cũng không thoát, mặc dù từ đó trở đi Ngài đã sống hạnh phúc -- sau một cuộc đời đầy tranh đấu, khó khăn, đau khổ và thất vọng. Ðức Hilary, như mọi vị thánh khác, cũng không khác gì hơn.
49. Ðaminh Phạm Viết KHẢM (Trọng),
sinh tại Quần Cống, Nam Ðịnh, Quan Án, Dòng Ba Ða Minh, xử giảo ngày 13-01-1859 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 13-01.
sinh năm 1800 tại Quần Cống, Nam Ðịnh, Cai tổng, xử giảo ngày 13-01-1859 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 13-01.
sinh năm 1819 tại Quần Cống, Nam Ðịnh, Cai Tổng, xử giảo ngày 13-01-1859 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 13-01.
14 Tháng Giêng: Thánh Macrina
Thánh Macrina là bà nội của Thánh Basil Cả mà chúng ta mừng kính vào ngày 2-1. Dường như Thánh Macrina đã nuôi dưỡng Thánh Basil Cả và khi lớn lên thánh nhân đã không ngớt lời ca tụng công việc lành phúc đức của bà nội. Ðặc biệt, thánh nhân đã nhắc đến việc giáo dục đức tin của bà khi thánh nhân còn nhỏ.
Thánh Macrina và chồng đã phải trả một giá rất đắt khi theo Ðức Kitô. Trong thời kỳ bách hại của các hoàng đế La Mã Galerius và Maximinus, hai ông bà đã phải đi trốn. Họ tìm thấy một nơi ẩn náu trong rừng gần nhà. Bằng cách nào đó, họ đã thoát khỏi sự bách hại. Họ luôn luôn bị đói khát và lo sợ nhưng không mất đức tin. Họ đã kiên nhẫn chờ đợi và cầu nguyện để chấm dứt sự bách hại. Và cuộc bách hại này đã chấm dứt sau bảy năm dài. Thánh Gregory Nazianzen có ghi lại các chi tiết này.
Trong một cuộc bách hại khác, Thánh Macrina và chồng bị mất tất cả tài sản. Họ không còn gì ngoại trừ đức tin và lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Người ta không biết chính xác Thánh Macrina từ trần năm nào, họ phỏng đoán năm 340, và cháu nội của thánh nữ là Thánh Basil Cả từ trần năm 379.
15 Tháng Giêng: Thánh Phaolô Ẩn Tu (233 - 345)
Những gì chúng ta thực sự biết về cuộc đời Thánh Phaolô Ẩn Tu thì không rõ đó có phải là dữ kiện hay truyền thuyết.
Ðược biết ngài sinh ở Ai Cập, là nơi ngài mồ côi cha mẹ khi 15 tuổi. Ngài còn là một thanh niên có học thức và đạo đức. Trong thời kỳ bách hại của vua Decius ở Ai Cập năm 250, ngài buộc phải trốn tránh trong nhà của một người bạn. Sau đó sợ rằng người anh rể của mình sẽ đi tố cáo, ngài trốn vào sa mạc và ở trong một cái hang. Dự định của ngài là sẽ trở về nhà sau khi việc bách hại chấm dứt, nhưng cái êm đềm của sự cô quạnh và cái sung sướng của sự chiêm niệm đã khiến ngài thay đổi ý định ban đầu.
Ngài tiếp tục sống ở đó trong 90 năm. Nước uống thì ngài lấy từ con suối gần đó, thức ăn và vải che thân ngài lấy từ cây chà là. Sau 21 năm sống trong cô độc có một con chim hằng ngày đem cho ngài nửa ổ bánh. Trong cuộc sống tĩnh mịch đó ngài cầu xin cho thêá giới được tốt đẹp hơn.
Thánh Antôn làm chứng cho cuộc đời và cái chết thánh thiện của Thánh Phaolô Ẩn Tu. Bị cám dỗ cho rằng mình là người đầu tiên phụng sự Thiên Chúa nơi hoang dã, Thánh Antôn xin Thiên Chúa soi sáng để được biết điều ấy và ngài đã tìm thấy Thánh Phaolô, và thú nhận rằng Thánh Phaolô còn tuyệt hảo hơn ngài. Và chính Thánh Antôn là người đã chôn cất Thánh Phaolô Ẩn Tu, lúc ấy ngài được 112 tuổi và được coi là vị Ẩn Tu Ðầu Tiên.
Ngày lễ kính nhớ ngài được cử hành trong Giáo Hội Ðông Phương và ngài còn được nhắc đến trong nghi thức phụng vụ của Giáo Hội Coptic và Armenia.
Lời Bàn
Thánh ý và đường hướng của Thiên Chúa được thấy trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Ðược hướng dẫn bởi ơn sủng của Thiên Chúa, chúng ta có tự do để đáp lại lời mời gọi của Ngài qua những chọn lựa nhằm đưa chúng ta đến gần Chúa hơn, và giúp chúng ta lệ thuộc nhiều hơn vào Thiên Chúa, là Ðấng đã dựng nên chúng ta. Có khi những lựa chọn ấy dường như tách biệt chúng ta khỏi người thân quen. Nhưng thực sự, chúng lại đưa chúng ta gần với nhau trong lời cầu nguyện và trong tình bằng hữu.
16 Tháng Giêng: Thánh Berard và Các Bạn(c. 1220)
Rao giảng Tin Mừng thường là công việc nguy hiểm. Rời bỏ quê hương và thích ứng với các nền văn hóa mới, chính phủ mới và ngôn ngữ mới thì đã đủ khó khăn; nhưng đôi khi sự tử đạo còn vượt quá mọi hy sinh này.
Vào năm 1219 với chúc lành của Thánh Phanxicô, Cha Berard rời Ý với các tu sĩ Peter, Adjute, Accurs, Odo và Vitalis để đi rao giảng ở Morocco. Trên đường đến Tây Ban Nha thì Cha Vitalis bị đau nặng và ngài xin các linh mục khác cứ tiếp tục sứ mệnh truyền giáo mà đừng bận tâm đến ngài.
Các cha khác cố gắng đi rao giảng ở Seville nhưng không đạt được kết quả nào. Sau đó họ tiếp tục đến Morocco là nơi họ rao giảng ngay trên đường phố, trong khu thị tứ. Các ngài bị nhà cầm quyền Hồi Giáo khiển trách và ra lệnh cho họ phải rời bỏ nơi đó; nhưng họ từ chối. Khi các ngài lại tiếp tục rao giảng thì vua Thổ Nhĩ Kỳ tức giận đã ra lệnh xử tử họ. Sau khi bị đánh đập và khước từ những dụ dỗ để chối bỏ đức tin, các ngài đã bị chém đầu vào ngày 16 tháng Giêng, 1220.
Họ là các tu sĩ Phanxicô đầu tiên được tử đạo. Khi Thánh Phanxicô nghe tin về cái chết của họ, ngài đã thốt lên, "Bây giờ tôi có thể thực sự nói rằng tôi có được năm Tu Sĩ Dòng!" Di hài của họ được đưa về Bồ Ðào Nha, là nơi một giáo sĩ trẻ của dòng Augustine vì cảm kích trước cái chết anh hùng của họ, đã gia nhập dòng Phanxicô và sang truyền giáo ở Morocco vào năm kế tiếp. Giáo sĩ trẻ tuổi đó là Thánh Antôn ở Padua.
Năm vị tử đạo được phong thánh năm 1481.
Lời Bàn
Cái chết anh hùng của Thánh Berard và các bạn đã khơi dậy lòng khát khao truyền giáo của Thánh Antôn Padua và những người khác. Có rất nhiều tu sĩ Phanxicô đã đáp lại lời thách đố của Cha Thánh Phanxicô. Rao giảng Phúc Âm có thể nguy hại đến tính mạng, nhưng điều đó không thể ngăn cản các tu sĩ nam nữ của dòng Phanxicô ngày nay liều mạng sống đi rao giảng ở khắp nơi trên thế giới.
Lời Trích
Trước thời Thánh Phanxicô, Quy Luật của các dòng không nhắc đến việc rao giảng cho người Hồi Giáo. Trong Quy Luật năm 1223, Thánh Phanxicô viết: "Các tu sĩ, là những người được linh ứng để đi rao giảng cho người Saracen (Hồi Giáo và Ả Rập) và những người ngoại giáo khác, phải xin phép bề trên của họ. Nhưng các bề trên không được cho phép, trừ khi thấy người ấy thích hợp để được sai đi" (Chương 12).
17 Tháng Giêng: Thánh Antôn ở Ai Cập (251 - 356)
Cuộc đời Thánh Antôn nhắc nhở chúng ta nhiều điểm về cuộc đời Thánh Phanxicô Assisi. Khi 20 tuổi, ngài thật cảm kích trước câu Phúc Âm, "Hãy đi và bán những gì anh có, và phân phát cho người nghèo" (Máccô 10:21b), và Thánh Antôn đã thực sự thi hành đúng như vậy với gia tài kếch sù của ngài. Thánh Antôn khác với Thánh Phanxicô ở cuộc đời ẩn dật. Ngài nhìn thấy thế gian đầy những cạm bẫy và đã sống nhân chứng cho Giáo Hội cũng như thế gian qua cuộc đời khổ hạnh nơi ẩn dật, đầy hy sinh hãm mình và cầu nguyện. Nhưng không vị thánh nào thực sự xa lánh xã hội, và Thánh Antôn đã thu hút người ta đến với ngài để được hướng dẫn và chữa lành tâm linh.
Lúc 54 tuổi, theo lời thỉnh cầu của nhiều người, ngài đã sáng lập một loại đan viện với các phòng ở rải rác cách nhau. Lúc 60 tuổi, ngài hy vọng sẽ là vị tử đạo trong thời tái bách hại của Rôma năm 311, và ngài đã không sợ nguy hiểm khi hỗ trợ tinh thần và giảng dạy đạo lý cho những người trong tù. Năm 88 tuổi, ngài chống với bè rối Arian (từ chối thiên tính của Ðức Kitô), vết thương to lớn ấy đã khiến Giáo Hội phải mất nhiều thế kỷ mới phục hồi được.
Ảnh Thánh Antôn thường được vẽ với thập giá hình chữ T, một cuốn sách và một con heo. Thập giá và con heo tượng trưng cho cuộc chiến dũng cảm của ngài chống với ma quỷ -- thập giá luôn luôn là phương tiện quyền lực giúp ngài chế ngự ma quỷ, được tượng trưng là con heo. Cuốn sách nói lên sở thích của ngài là "học hỏi từ thiên nhiên" thay vì sách vở in ấn.
Thánh Antôn chết trong cô độc khi ngài 105 tuổi.
Lời Bàn
Trong thời đại mà người ta coi thường ma qủy và thiên thần, một người có sức mạnh chế ngự ma quỷ khiến chúng ta phải suy nghĩ. Và trong thời buổi người ta nói đến đời sống như cuộc chạy đua nước rút thì một người dành cả cuộc đời cho sự cô quạnh và cầu nguyện đã nói lên những căn bản quan trọng của đời sống Kitô Hữu. Ðời sống ẩn dật của Thánh Antôn nhắc nhở chúng ta về sự tuyệt đối cắt đứt tội lỗi và hoàn toàn tận hiến cho Ðức Kitô. Ngay cả trong thế giới tốt lành của Thiên Chúa cũng còn một thế giới khác mà giá trị giả dối của nó luôn cám dỗ chúng ta.
18 Tháng Giêng: Thánh Charles ở Sezze (1613 - 1670)
Thánh Charles nghĩ rằng Thiên Chúa gọi ngài đi truyền giáo ở Ấn Ðộ, nhưng ngài chưa bao giờ được đặt chân đến đó. Thiên Chúa đã có những hoạch định khác tốt đẹp hơn cho ngài.
John Charles Marchioni sinh ở làng Sezze, phía đông nam của Rôma trong một gia đình nghèo nàn. Khi niên thiếu, ngài đi chăn cừu và ao ước trở nên một linh mục. Nhưng ước mơ đó không thành tựu vì hoàn cảnh nghèo nàn nên thiếu học thức (ngài chỉ biết đọc và biết viết căn bản), do đó ngài trở nên một thầy dòng Phanxicô năm 1635. Trong cuốn nhật ký, Thầy Charles cho chúng ta biết, "Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn tôi ao ước muốn trở nên một thầy dòng, với khao khát sống nghèo hèn và đi xin ăn vì tình yêu Thiên Chúa."
Thầy Charles đã làm các công việc như nấu ăn, giữ cửa, dọn lễ, làm vườn và đi xin ăn cho nhiều tu viện ở nước Ý. Câu chuyện sau cho thấy tinh thần Phúc Âm của thầy. Khi là người giữ cửa, cha bề trên ra lệnh cho thầy chỉ được phân phát thực phẩm cho các tu sĩ di chuyển ngang qua vùng mà thôi. Thầy vâng lời theo cách đó, và đồng thời của bố thí cũng vơi dần. Thầy cố thuyết phục cha bề trên về sự liên hệ giữa hai yếu tố này. Khi nhà dòng trở lại truyền thống phân phát thực phẩm cho bất cứ ai đến với họ thì của bố thí lại gia tăng.
Theo chỉ thị của cha giải tội, Thầy Charles viết cuốn nhật ký, Sự Vĩ Ðại của Lòng Thương Xót Chúa. Ngài còn viết một vài cuốn sách khác về tâm linh. Trong nhiều năm trời, ngài biết tận dụng sự hướng dẫn tinh thần của các cha linh hướng khi họ giúp ngài phân biệt đâu là tư tưởng của thầy và đâu là tư tưởng của Thiên Chúa. Và chính thầy cũng được người ta tìm đến để xin hướng dẫn tinh thần. Khi Ðức Giáo Hoàng Clement IX hấp hối, ngài đã cho mời Thầy Charles đến để cầu nguyện và chúc lành cho đức giáo hoàng.
Thầy là người tin tưởng vững vàng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Cha Severino Gori đã nói, "Qua lời nói và hành động, thầy nhắc nhở cho chúng ta biết tất cả những gì chúng ta cần theo đuổi là sự vĩnh cửu" (Leonard Perotti, St. Charles of Sezze: An Autobiography, trang 215).
Ngài từ trần ở San Francesco a Ripa ở Rôma và được chôn cất ở đây. Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã phong thánh cho ngài vào năm 1959.
Lời Bàn
Ðời sống các thánh thì đầy những cuộc chiến nội tâm. Ðời sống Thánh Charles chỉ kỳ diệu khi ngài cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa. Ngài bị quyến rũ bởi vẻ huy hoàng của Thiên Chúa và lòng thương xót tất cả chúng ta.
Lời Trích
Cha Gori cho biết tự truyện của Thánh Charles "là một sự bác bẻ mạnh mẽ những ai cho rằng các thánh sinh ra đã là thánh, các ngài được những ưu tiên ngay khi xuất hiện trên mặt đất. Ðiều này không đúng như vậy. Các ngài trở nên thánh trong phương cách bình thường, nhờ bởi sự trung tín lớn lao khi đáp ứng với ơn sủng của Thiên Chúa. Các ngài cũng phải chiến đấu như chúng ta, và hơn thế nữa, chống với những đam mê, thế gian và ma quỷ" (St. Charles of Sezze: An Autobiography, trang viii).
19 Tháng Giêng: Thánh Fabian(250)
Fabian là một giáo dân bình thường ở Rôma từ quê lên tỉnh vào một ngày khi giáo sĩ và dân chúng chuẩn bị chọn vị tân giáo hoàng. Có lẽ ngài đến Rôma cũng giống như nhiều người ngày nay đến Rôma trong thời gian tuyển chọn giáo hoàng: lo lắng cho tương lai của đạo, tò mò muốn biết vị tân giáo hoàng, hoặc tỏ lòng luyến tiếc vị giáo hoàng vừa quá cố. Hơn nữa, được nhìn thấy tất cả các vị chức sắc trong Giáo Hội cùng quy tụ lại để có một quyết định quan trọng cũng là điều thích thú. Ai sẽ là tân giáo hoàng? Ðó là người nhiều quyền thế? Là người có tài hùng biện? Là người dũng cảm?
Theo sử gia Eusebius của Giáo Hội, bỗng dưng có một con chim bồ câu từ trần nhà bay xuống, nhưng không đậu trên "bất cứ ai nổi tiếng". Theo Eusebius, bồ câu "đậu trên đầu Fabian giống hệt như Chúa Thánh Thần ngự trên Ðấng Cứu Thế dưới hình chim bồ câu." Ðiều đó phải có một ý nghĩa gì liên quan đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, và mọi người đồng thanh tuyên bố Fabian "xứng đáng" là giáo hoàng.
Ðối với chúng ta, bồ câu tượng trưng cho sự hòa bình, và chim bồ câu ấy là điềm báo trước. Bắt đầu từ gần ngày Fabian được tuyển chọn, việc bách hại và đau khôå của Giáo Hội cũng chấm dứt. Hoàng đế Philip, thân thiện với Kitô Hữu và không những ông ngừng bách hại mà còn chấp nhận các nghi lễ của Kitô Giáo.
Trong thời gian hòa bình, Ðức Fabian đã có thể xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma, ngài chỉ định bảy phó tế và giúp thu thập các chứng thư tử đạo.
Nhưng như ở bất cứ thời gian nào, những người có quyền thường không vui khi thấy các kẻ lạ mặt gia tăng và phát đạt. Có nhiều lần người ngoại giáo đã tấn công Kitô Hữu, và khi hoàng đế Philip từ trần thì thời gian bình an cũng chấm dứt. Hoàng đế mới là Decius, ra lệnh cho mọi Kitô Hữu phải khước từ Ðức Kitô bằng cách thờ cúng tà thần, hoặc tham dự các nghi thức ngoại giáo khác.
Sau một vài năm bình an, Giáo Hội vẫn chưa đủ mạnh. Nhiều người đã không đủ can đảm để tử đạo. Nhưng Ðức Fabian, một biểu tượng hoà bình nổi bật, đã đứng lên để can đảm làm gương cho mọi người trong đàn chiên. Ngài chịu tử đạo năm 250 và được chôn cất trong Nghĩa Trang Calixtus, là nơi chính ngài giúp tân trang.
Trong Nghĩa Trang Calixtus, ngày nay vẫn còn có một bia đá dùng để đậy mồ Thánh Fabian, bị vỡ làm bốn mảnh, có mang dòng chữ Hy Lạp, "Fabian, giám mục, tử đạo."
Lời Bàn
Chúng ta chỉ có thể tin tưởng bước vào tương lai và chấp nhận những thay đổi cần thiết để phát triển nếu chúng ta bám rễ vào quá khứ của một truyền thống sống động. Một vài mảnh đá ở Rôma nhắc nhở rằng, chúng ta là những người của thế kỷ 20 tiếp tục truyền thống đức tin sống động và can đảm thay đổi cuộc đời giống như Ðức Kitô, và làm chứng cho Ngài trong thế gian. Chúng ta đã có các anh chị là những người "ra đi trước chúng ta được ghi dấu đức tin" để dẫn đường cho chúng ta.
Lời Trích
"Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội" (Tertullian).
20 Tháng Giêng: Thánh Sebastian (257? - 288?)
Về phương diện lịch sử, không có gì chắc chắn về Thánh Sebastian, ngoại trừ ngài là một vị tử đạo Rôma, được sùng kính ở Milan ngay trong thời của Thánh Ambrôsiô và được chôn cất ở Appian Way, có lẽ gần Ðền Thánh Sebastian ngày nay. Việc sùng kính ngài lan rộng nhanh chóng, và ngài được nhắc đến trong vài sổ tử đạo ngay từ năm 350.
Truyền thuyết về Thánh Sebastian góp phần quan trọng cho nghệ thuật, có rất nhiều tranh ảnh về thánh nhân. Chỉ có một truyền thuyết mà các học giả ngày nay đồng ý là việc thánh nhân gia nhập quân đội La Mã và được Hoàng Ðế Diocletian giao cho việc chỉ huy đội vệ binh, sau này khi Diocletian đi sang miền Ðông thì Hoàng Ðế Maximian kế vị cũng giao công việc này cho thánh nhân. Không một hoàng đế nào biết Thánh Sebastian là một Kitô Hữu và ngài đã bí mật giúp đỡ các vị tử đạo. Sau cùng, ngài bị bắt gặp, bị đánh đập trước mặt Hoàng Ðế Maximian và được giao cho các cung thủ của Mauritanian để hành hình. Thân thể ngài ghim đầy những mũi tên và bị bỏ mặc cho chết dần mòn. Nhưng khi bà quả phụ Castulus đến tìm xác ngài để đem chôn thì thấy ngài còn sống và bà đã săn sóc, giúp ngài bình phục. Sau khi khoẻ mạnh, thay vì hèn nhát trốn tránh, ngài đã đứng chờ ở chỗ hoàng đế hay đi qua và lớn tiếng lăng mạ ông vì sự tàn nhẫn đối với Kitô Hữu. Lần này thánh nhân bị kết án tử hình, và bị đánh đập bằng gậy cho đến chết.
21 Tháng Giêng: Thánh Agnes (c. 258?)
Hầu như chúng ta không biết gì nhiều về vị thánh nữ nổi tiếng này, ngoại trừ ngài rất trẻ -- khoảng 12 hay 13 tuổi khi ngài chịu tử đạo vào hậu bán thế kỷ thứ ba. Nhiều giả thuyết được đưa ra về cái chết của ngài như bị chém đầu, bị thiêu hoặc bị xiết cổ.
Truyền thuyết nói rằng Thánh Agnes là một thiếu nữ xinh đẹp mà nhiều thanh niên muốn kết hôn. Trong những người bị khước từ lời cầu hôn, có một người đã đi tố cáo ngài là Kitô Hữu với nhà chức trách. Ngài bị bắt và bị giam trong nhà gái điếm.
Truyền thuyết kể rằng có một người bị mù vì đã nhìn ngài với ước muốn dâm dục, và sau khi được ngài cầu nguyện cho, họ đã sáng mắt. Ngài bị kết án, bị xử tử và được chôn gần Rôma, trong một hang toại đạo mà sau này được mang tên của thánh nữ.
Vào thế kỷ thứ tư, Constantia, con gái của hoàng đế Constantine đã xây một đền thờ để tôn kính thánh nữ. Huy hiệu của ngài trong các tranh ảnh là hình con chiên, vì tên của ngài gần giống như chữ Latinh, agnus, có nghĩa là con chiên.
Lời Bàn
Cũng giống như Thánh Maria Goretti trong thế kỷ gần đây, sự tử đạo của các thiếu nữ đồng trinh là một ấn tượng mạnh mẽ đối với xã hội ngày nay đang nô lệ cho chủ nghĩa duy vật. Như Thánh Agatha, là người đã chết trong hoàn cảnh tương tự, Thánh Agnes tiêu biểu cho sự thánh thiện mà không lệ thuộc vào tuổi tác, tài năng hay sự cố gắng cá nhân. Ðó là món quà mà Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người.
Lời Trích
"Ðây là ngày sinh nhật của một trinh nữ; chúng ta hãy noi gương khiết tịnh của ngài. Ðây là ngày sinh nhật của một vị tử đạo; chúng ta hãy dâng lên những hy sinh; đây là ngày sinh nhật của Thánh Agnes: Các ông hãy cảm phục, các thiếu niên hãy hy vọng, các bà hãy kính sợ và các thiếu nữ hãy ganh đua. Ðối với tôi, người thiếu nữ này, dường như sự thánh thiện và sự can đảm vượt lên trên bản tính con người, được đặt tên là Agnes (Hy Lạp: tinh tuyền) không phải do trần thế quyết định, mà là một mặc khải từ Thiên Chúa về con người của thánh nữ" (Bài giảng của Thánh Ambrôsiô về vấn đề đồng trinh).
22 Tháng Giêng: Thánh Vinh Sơn ở Saragossa (c. 304)
Khi Ðức Giêsu có ý định bắt đầu "hành trình" của Người đến sự chết, Thánh Sử Luca viết Người "quyết tâm" đi về Giêrusalem. Ðây là sự can đảm không lay chuyển đặc biệt của các vị tử đạo.
Những gì chúng ta biết về Thánh Vinh Sơn là từ nhà thơ Prudentius. Các "hành vi" của thánh nhân đã được tự do tô điểm bởi trí tưởng tượng của người biên soạn. Nhưng Thánh Augustine, trong một bài giảng về Thánh Vinh Sơn, đã nói về sự tử đạo của ngài. Tối thiểu chúng ta được biết chắc chắn về tên của ngài, về chức vụ phó tế, về cái chết và nơi chôn cất ngài.
Theo truyền thuyết (và cũng như các vị tử đạo tiên khởi, điều ngài được tán tụng phải xuất phát từ đời sống anh hùng của ngài), Thánh Vinh Sơn được phong chức phó tế bởi một người bạn của ngài là Thánh Giám Mục Valerius ở Saragossa Tây Ban Nha. Vào năm 303, các hoàng đế Rôma ban chỉ dụ chống đối hàng giáo sĩ, và chống đối giáo dân vào năm kế tiếp. Phó Tế Vinh Sơn và Ðức Giám Mục Valerius bị giam ở Valencia. Sự đói khổ và tra tấn không làm gì được các ngài.
Ðức Valerius bị đi lưu đầy, và hoàng đế Dacian dồn mọi sự tức giận lên Phó Tế Vinh Sơn. Mọi hình thức tra tấn đều được sử dụng. Nhưng kết quả chỉ làm Dacian thêm rối trí. Chính ông ra lệnh đánh đập các lý hình vì sự thất bại của họ.
Sau cùng ông đề nghị nếu Phó Tế Vinh Sơn giao nộp sách thánh để đốt theo như chỉ dụ của hoàng đế thì ông sẽ tha cho. Nhưng thánh nhân cương quyết không nhượng bộ. Sự tra tấn tiếp tục, nhưng dù nằm trên vỉ sắt được nung nóng, người tù nhân vẫn can đảm chịu đựng, đến nỗi chính lý hình cũng phải nản chí. Sau cùng Phó Tế Vinh Sơn bị ném vào một xà lim dơ bẩn -- ở đây ngài đã hoán cải người cai tù. Dacian tức điên người, nhưng lạ lùng thay, ông lại ra lệnh cho tù nhân được tĩnh dưỡng đôi chút.
Các tín hữu đến thăm Phó Tế Vinh Sơn, nhưng ngài không còn thì giờ để nghỉ ngơi ở trần thế, khi họ đặt ngài lên chiếc giường êm ả thì ngài đã đi vào nơi an nghỉ đời đời.
Lời Bàn
Các vị tử đạo là gương mẫu anh hùng mà chỉ quyền năng Thiên Chúa mới có thể thực hiện được. Chúng ta biết sức người không thể chịu đựng nổi các tra tấn như Thánh Vinh Sơn mà vẫn trung tín với đức tin. Nếu chỉ cậy dựa vào sức con người thì quả thật không ai có thể trung tín với Thiên Chúa ngay cả khi không bị tra tấn hoặc bị đau khổ. Thiên Chúa không đến giải cứu chúng ta vào những giây phút cô đơn "đặc biệt". Ngài luôn luôn hỗ trợ người mạnh cũng như kẻ yếu.
2. Matthêu ALONSO LECINIANA Ðậu,
sinh năm 1702 tại Nava del Rey, Tây Ban Nha, Linh Mục Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 22-01-1745 tại Thăng Long dưới đời chúa Trịnh Doanh, phong Chân Phúc ngày 15-4-1906 do Ðức Piô X, kính ngày 22-01.
35. Phanxicô GIL DE FEDERICH Teá,
sinh năm 1702 tại Tortosa, Catalunha, Tây Ban Nha, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 22-01-1745 tại Thăng Long dưới đời chúa Trịnh Doanh, phong Chân Phúc ngày 15-4-1906 do Ðức Piô X, kính ngày 22-01.
23 Tháng Giêng: Tôi Tớ Thiên Chúa Juan de Padilla (1492 - 1542)
Khi rao giảng Tin Mừng của Ðức Kitô, Cha Juan không biết mình sẽ đến đâu, nhưng ngài tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho ngài sức mạnh để chu toàn ơn gọi của một nhà thừa sai. Ơn gọi của ngài đã dẫn đến cái chết vì đạo ở Kansas, là một phần của Tân Thế Giới được khám phá vào năm ngài chào đời.
Cha Juan xuất thân từ một thành phố thuộc phía nam Tây Ban Nha, là nơi ngài gia nhập dòng Phanxicô. Năm 1526, ngài đến Mễ Tây Cơ để hoạt động truyền giáo trong các tiểu bang Hidalgo và Jalisco. Năm 1540, ngài tháp tùng Coronado trong chuyến thám hiểm New Mexico. Năm kế đó, ngài đi với đoàn thám hiểm đến Kansas, ở đây ngài gặp gỡ người thổ dân Quivira. Sau khi đoàn thám hiểm trở về Mễ Tây Cơ, Cha Juan vẫn tiếp tục ở lại hoạt động. Ngài bị một vài người Quivira giết chết chỉ vì ngài muốn đến truyền giáo cho người Kaws, là kẻ thù truyền kiếp của người Quivira. Ngài là người đầu tiên trong số tối thiểu 79 tu sĩ Phanxicô tử vì đạo ở Hoa Kỳ.
Lời Bàn
Suy nghĩ về những người tử đạo vì đức tin đôi khi làm chúng ta bồn chồn. Làm sao họ có thể làm như vậy được? Họ có bình thường không? Ao ước loan truyền phúc âm của Cha Juan de Padilla thì lớn hơn nỗi lo sợ cái chết. Ngài nhắc nhở cho chúng ta biết không ai có thể lựa chọn cái chết, nhưng chúng ta có thể lựa chọn lối sống của chúng ta.
24 Tháng Giêng: Thánh Phanxicô Sales (1567 - 1622)
Cha của Phanxicô dự định cho chàng là một luật sư để có thể thế chỗ ông trong nghị viện tỉnh Savoy nước Pháp. Vì lý do đó Phanxicô được gửi đến Padua để học luật. Sau khi đậu bằng tiến sĩ, chàng trở về nhà, và đúng lúc ấy, chàng ngỏ ý muốn đi tu làm linh mục. Dĩ nhiên, cha mẹ chàng chống đối kịch liệt, và phải mất một thời gian khá lâu sau khi Phanxicô kiên trì thuyết phục thì ông bà mới đồng ý. Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Phanxicô được bầu làm giáo trưởng của Ðịa Phận Geneva, sau này nơi đó là trung tâm phát xuất tà thuyết Calvin. Ngài được sai đi để hoán cải những người theo tà thuyết này, nhất là ở quận lỵ Chablais. Qua lời giảng và qua việc phân phát những tài liệu nhỏ do ngài viết để giải thích giáo lý thật của Công Giáo, ngài rất thành công.
Khi 35 tuổi, ngài là Giám Mục của Geneva. Trong khi điều hành giáo phận, ngài tiếp tục rao giảng, nghe xưng tội và dạy giáo lý cho trẻ em. Sự nhân từ của ngài đã đưa được nhiều linh hồn về với Chúa. Ngài thực hành câu châm ngôn của chính ngài là, "Một muỗng mật ong thì thu hút nhiều ruồi hơn một thùng dấm."
Ngoài hai tác phẩm nổi tiếng của ngài là "Khởi Ðầu Ðời Sống Ðạo Ðức" và "Luận Án về Tình Yêu Thiên Chúa", ngài còn viết nhiều cuốn sách nhỏ và rất nhiều bài báo. Vì những văn bản này mà ngài được đặt làm quan thầy của báo giới Công Giáo. Văn bản của ngài, đầy dẫy những nét nhân hậu, nhắm đến người giáo dân. Ngài muốn họ hiểu là họ cũng được mời gọi để trở nên thánh. Như ngài viết trong cuốn "Khởi Ðầu Ðời Sống Ðạo Ðức": "Ðó là điều sai lầm, hoặc đúng hơn là một tà thuyết, khi nói rằng việc đạo đức không thích hợp với đời sống của một binh sĩ, một thương gia, một thái tử hay một phụ nữ có chồng... Ðã có nhiều người mất sự trọn lành trong cái khô khan của thế gian."
Mặc dù sự bận rộn và cuộc đời ngắn ngủi của ngài, Cha Phanxicô đã cộng tác với một vị thánh khác, Jane Frances de Chantal, trong việc thành lập tu hội Nữ Tu Dòng Thăm Viếng. Các nữ tu này thi hành nhân đức mà Ðức Maria đã làm gương khi đến thăm người chị họ là bà Êligiabét: khiêm tốn, đạo đức và giúp đỡ lẫn nhau. Lúc đầu các nữ tu tiếp tay một cách giới hạn trong công việc bác ái đối với người nghèo và bệnh nhân. Ngày nay, trong khi một số nữ tu điều hành các trường học, một số nữ tu khác dành trọn cuộc đời để chiêm niệm.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô de Sales đã coi trọng lời Ðức Kitô: "Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường thật." Như chính thánh nhân thú nhận, ngài phải mất 20 năm mới chiến thắng được tính tình nóng nẩy của ngài, nhưng không ai cho rằng ngài có tính xấu đó mà chỉ thấy trong lối đối xử của ngài tràn ngập sự ân cần và bản chất tốt lành của ngài. Vì bản tính hiền lành và vui vẻ ấy mà ngài được gọi là "Thánh Lịch Thiệp."
Lời Trích
Thánh Phanxicô dặn dò chúng ta: "Người có đức hiền lành Kitô Giáo thì thương yêu và dịu dàng với người khác: Họ có khuynh hướng tha thứ lỗi lầm của người khác; sự thiện hảo của tâm hồn họ được bộc lộ trong sự hoà nhã dịu dàng có ảnh hưởng đến lời nói cũng như hành động của họ, giúp họ nhìn bất cứ vấn đề gì trong đường hướng bác ái và đem lại sự thoải mái."
25 Tháng Giêng: Sự Trở Lại của Thánh Phaolô
Toàn thể cuộc đời của Thánh Phaolô có thể nói hệ tại ở một biến cố -- ngài được gặp Ðức Giêsu trên đường đi Damascus. Ngay khoảng khắc đó, mọi sự hăng say của một người nhiệt huyết như ngài đều trở nên vô ích, như quả đấm ngàn cân của một tay quyền anh bị hụt hẫng. Có lẽ ngài chưa bao giờ được gặp Ðức Giêsu, mặc dù chỉ lớn hơn Ðức Giêsu vài tuổi. Nhưng ngài ghét cay ghét đắng những gì Ðức Giêsu chủ trương khi ngài bắt đầu bắt bớ Giáo Hội: "... đi vào từng nhà và bắt bỏ tù những người đàn ông cũng như đàn bà" (CVTÐ 8:3b). Bây giờ, chính ngài được "đi vào", được chiếm ngự, mọi năng lực của ngài được khai thác cho một mục đích -- trở nên một nô lệ cho Ðức Kitô trong sứ vụ hòa giải, thành một khí cụ giúp người khác cảm nhận được Ðấng Cứu Thế.
Câu nói sau đã xác định lập trường đức tin của ngài: "Ta là Giêsu, người mà ngươi đang bách hại" (CVTÐ 9:5b). Một cách huyền nhiệm Ðức Giêsu đã đồng hóa với dân của Người -- là những người mà Thánh Phaolô trước đây đã từng săn đuổi như các tội nhân. Ngài nhìn thấy nơi Ðức Giêsu, sự hoàn tất một cách huyền nhiệm những gì ngài đang theo đuổi cách mù quáng.
Từ đó trở đi, công việc của ngài là "giúp mỗi người trở nên hoàn thiện trong Ðức Ki-tô. Vì đó mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi" (Colossê 1:28b-29). "Vì tin mừng được loan báo cho anh chị em không chỉ bằng lời nói, mà còn trong quyền năng và trong Thánh Thần và với niềm xác tín sâu xa" (1 Thess. 1-5a).
Cuộc đời Thánh Phaolô trở nên sự rao truyền không mệt mỏi và ngài sống sứ điệp thập giá: qua sự rửa tội, người Kitô chết cho tội lỗi và được mai táng với Ðức Kitô; họ là người chết đối với những gì sai trái và không giúp đưa đến sự cứu chuộc thế gian. Họ được tạo thành một tạo vật mới, được chia sẻ vinh quang của Ðức Kitô và một ngày nào đó họ sẽ được sống lại từ cõi chết như Người. Qua Ðức Kitô phục sinh, Thiên Chúa Cha tuôn đổ Thánh Thần trên họ, biến họ trở nên hoàn toàn mới.
Do đó thông điệp vĩ đại cho thế giới của Thánh Phaolô là: Bạn đã được Thiên Chúa cứu chuộc, không do bởi bất cứ gì bạn thi hành. Ðức tin cứu độ là quà tặng cho những ai tận hiến cho Ðức Kitô một cách tuyệt đối, tự nguyện và cá biệt, mà sự tận hiến ấy mang lại kết quả trong "việc làm" nhiều hơn là những gì Luật Lệ mơ tưởng.
Lời Bàn
Quả thật Thánh Phaolô là người khó hiểu. Lối văn của ngài phản ảnh kiểu cách tranh luận của một giáo sĩ Do Thái trong thời ấy, và tư tưởng của ngài đã vượt đến đỉnh núi trong khi chúng ta còn lẽo đẽo ở bên dưới. Nhưng có lẽ, sự khó khăn của chúng ta sẽ vơi bớt đi nếu chúng ta áp dụng lời khuyên của ngài vào đời sống hàng ngày.
Lời Trích
"Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả" (1 Côrintô 13:4-7).
26 Tháng Giêng: Thánh Timôtê và Titô
Thánh Timôtê (c. 97?): Qua Tân Ước, những gì chúng ta biết được về cuộc đời Thánh Timôtê thì giống như của một giám mục bận rộn ngày nay. Ngài được vinh dự tháp tùng Thánh Phaolô, và cả hai đều được ưu tiên rao giảng phúc âm và chịu đau khổ.
Thánh Timôtê có cha là người Hy Lạp và mẹ là người Do Thái tên là Eunice. Là kết quả của một hôn nhân "hỗn hợp", nên ngài bị người Do Thái coi là bất hợp pháp. Chính bà ngoại thánh nhân, bà Lois, là người đầu tiên trở lại Kitô Giáo. Sau đó, Timôtê được Thánh Phaolô rửa tội khoảng năm 47, và sau đó cùng tiếp tay với ngài trong công cuộc tông đồ. Chính ngài và Thánh Phalô cùng sáng lập Giáo Hội Côrintô. Trong 15 năm làm việc với Thánh Phaolô, Timôtê trở nên người bạn trung tín nhất của Phaolô. Ngài được Thánh Phaolô gửi đi truyền giáo -- thường phải đương đầu với những xáo trộn trong các giáo đoàn mà Thánh Phaolô thành lập.
Khi Timôtê đang ở với Phaolô thì bị bắt tại Rôma. Trong một thời gian, chính Timôtê cũng bị tù (Do Thái 13:23). Và Thánh Phaolô đã bổ nhiệm Timôtê làm đại diện cho ngài ở Êphêsô.
Timôtê quá trẻ so với trách nhiệm nặng nề phải đảm trách. ("Ðừng để ai coi thường anh vì sự trẻ trung," trong thư I Thánh Phaolô viết cho Timôtê 4:12a). Một vài đoạn khác cho chúng ta biết dường như Timôtê hay bẽn lẽn. Và một trong những câu của Thánh Phaolô thường được trích dẫn là câu viết cho Timôtê: "Ðừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu, vì anh đau dạ dày và ốm yếu luôn" (1 Tim 5:23).
Thánh Titô (c. 94?): Titô có nét đặc biệt là người bạn thân và là môn đệ của Thánh Phaolô cũng như tiếp tay trong công cuộc truyền giáo. Ngài là người Hy Lạp, hiển nhiên xuất thân từ Antiôkia. Mặc dù ngài là Dân Ngoại, Thánh Phaolô đã không để ngài phải chịu cắt bì ở Giêrusalem. Titô được coi như người hòa giải, người quản đốc, người bạn rất tốt. Trong lá thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy tình bạn sâu đậm giữa ngài với Titô, và tình đồng đội giữa hai người khi rao giảng Tin Mừng: "Khi tôi đến Troas... Tinh thần tôi không được khuây khỏa vì không gặp được Titô, người anh em của tôi. Do đó tôi từ giã họ và tiếp tục đến Macedonia... Ngay cả khi đến Macedonia, thể xác chúng tôi cũng chưa được yên, mà phải chịu đau khổ đủ mọi cách -- xung đột bên ngoài, lo sợ bên trong. Nhưng Thiên Chúa, Ðấng an ủi những kẻ yếu hèn, đã an ủi chúng tôi bằng cách sai Ti-tô đến..." (2 Côrintô 2:12a, 13; 7:5-6).
Trong Thư Gửi Titô, lúc ấy Titô được coi như quản đốc của cộng đồng Kitô Giáo trên đảo Crete, có trách nhiệm tổ chức, chấn chỉnh những lạm dụng và bổ nhiệm các giám mục phụ tá.
Lời Bàn
Qua đời sống của Thánh Titô, chúng ta có được chút hiểu biết về đời sống Giáo Hội thời tiên khởi: hăng say trong việc tông đồ, kết hợp mật thiết với Ðức Kitô, triển nở tình bạn. Tuy nhiên, luôn luôn có những vấn đề của bản tính con người và những chi tiết không hấp dẫn chút nào trong đời sống hàng ngày: cần phải sống bác ái và kiên nhẫn trong "sự cãi cọ với người khác, lo sợ trong tâm hồn". Qua tất cả những điều ấy, tình yêu của Ðức Kitô đã gìn giữ họ.
27 Tháng Giêng: Thánh Angela Merici (1470 - 1540)
Vào lúc 56 tuổi, Angela Merici từ chối lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng. Ngài biết Ðức Clêmentê VII muốn ban cho ngài một vinh dự lớn lao và một cơ hội vĩ đại để phục vụ khi đức giáo hoàng yêu cầu ngài nhận trách nhiệm lãnh đạo một dòng nữ tu chuyên về điều dưỡng. Nhưng Angela biết công việc điều dưỡng không phải là điều Thiên Chúa muốn mời gọi ngài thi hành.
Ngài mới từ Ðất Thánh trở về. Khi trên đường đến đó ngài bị bệnh nặng và bị mù. Tuy nhiên, ngài nhất quyết tiếp tục cuộc hành hương và thăm viếng các thánh địa với tất cả lòng sùng kính hơn là muốn chiêm ngưỡng bằng cặp mắt. Trên đường về ngài được chữa lành và được sáng mắt. Ðiều ấy chắc chắn đã nhắc nhở ngài rằng không thể nhắm mắt trước nhu cầu của những người chung quanh, và đừng đóng cửa lòng trước lời mời của Thiên Chúa.
Ở khắp nơi trong thành phố, đâu đâu ngài cũng thấy các em gái nghèo nàn, không có học vấn và cũng không có tương lai. Trong thế kỷ mười lăm và mười sáu của Thánh Angela, vấn đề giáo dục phụ nữ là dành cho người giầu và cho các nữ tu. Angela là người có học thức. Cha mẹ ngài chết sớm khi ngài mới mười tuổi và sau đó ngài phải sống với người chú. Ngài thực sự bối rối khi thấy chị của ngài từ trần mà không được lãnh nhận các bí tích. Trong một thị kiến ngài được đảm bảo là chị của ngài được an toàn trong bàn tay Thiên Chúa -- và cũng qua thị kiến ấy ngài tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa.
Khi chú ngài từ trần, trở về nhà ngài nhận thấy các em gái trong vùng không có một chút học vấn. Nhưng ai sẽ dạy các em? Thời ấy thật khác biệt. Phụ nữ không được phép làm nghề giáo và các cô chưa chồng thì không được tự ý đi ra ngoài -- dù để phục vụ người khác. Nữ tu là các phụ nữ có kiến thức nhưng họ không được phép bước chân ra khỏi tu viện. Thời đó không có dòng nữ tu chuyên về giáo dục như ngày nay.
Ðể giúp đỡ các em, Angela nghĩ ra một phương cách mới. Ngài quy tụ một nhóm các cô thuộc dòng Ba Phanxicô, đi ra đường phố và tụ tập các em gái lại để dạy học cho các em. Các cô không có tiền cũng như không có quyền thế, họ chỉ có tấm lòng tận tụy cho việc giáo dục và cho Ðức Kitô. Sống trong chính nhà của mình, họ gặp gỡ để cầu nguyện và dạy học. Họ thành công đến nỗi Angela được yêu cầu đưa sáng kiến ấy để thực hiện ở các thành phố khác, và đã làm nhiều người kinh ngạc, kể cả đức giáo hoàng.
Mặc dù ngài từ chối đức giáo hoàng, nhưng có lẽ thỉnh cầu của đức giáo hoàng đã gợi ý cho ngài thấy rằng cần phải chính thức hóa tổ chức của ngài. Mặc dù chưa bao giờ là một nữ tu, Hội Thánh Ursula của Angela là nhóm nữ tu đầu tiên hoạt động ngoài khuôn khổ nhà dòng và là dòng nữ đầu tiên chuyên lo giáo dục.
Thánh Angela Merici từ trần năm 1540, khi ngài khoảng bảy mươi tuổi.
Lời Bàn
Như với nhiều vị thánh khác, lịch sử hầu như chỉ lưu tâm đến hoạt động của các ngài. Nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng, đức tin và đức ái sâu xa của các ngài là động lực thúc đẩy và là nguồn can đảm giúp các ngài đáp ứng với nhu cầu không cùng của con người trong xã hội.
Lời Trích
Khi sự thay đổi trở nên khó khăn đối với nhiều người, có lẽ thật hữu ích khi nhớ lại lời của thánh nữ nói với các nữ tu: "Nếu theo thời gian và vì nhu cầu, các chị phải vâng theo các quy luật mới và thay đổi một vài điều, thì hãy thi hành với sự thận trọng và hãy để ý đến lời khuyên bảo."
28 Tháng Giêng: Thánh Tôma Aquinas (1225 - 1274)
Mọi người đều đồng ý rằng Thánh Tôma Aquinas là tiếng nói trổi vượt của truyền thống Công Giáo về lý lẽ và về sự mặc khải của Thiên Chúa. Ngài là một bậc thầy vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo thời trung cổ, và được vinh danh với tước vị Tiến Sĩ Hội Thánh và Tiến Sĩ Thiên Thần.
Lúc năm tuổi, ngài được cha mẹ cho vào tu viện Biển Ðức ở Monte Cassino với hy vọng ngài sẽ thích lối sống ấy và trở nên một tu viện trưởng. Trong tu viện, các thầy giáo đều ngạc nhiên về sự tiến bộ của ngài, và mọi bạn cùng lớp đều thua kém ngài về việc học cũng như việc trau dồi nhân đức.
Khi đến tuổi khôn được lựa chọn con đường cho chính mình, Thánh Tôma đã khước từ mọi sự của thế gian và quyết tâm chọn Dòng Ða Minh trái với ý định của cha mẹ. Năm 1239, lúc mười bảy tuổi, ngài gia nhập Dòng Ða Minh ở Naples. Theo lệnh của bà mẹ, ngài bị các anh em bắt cóc và giam ở nhà trên một năm trời. Gia đình còn đi xa hơn nữa bằng cách dùng một cô gái điếm đến dụ dỗ ngài. Nhưng tất cả mọi cố gắng ấy đều vô hiệu, Thánh Tôma vẫn kiên trì với ơn gọi. Như một phần thưởng cho sự trung tín này, Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn thanh sạch tuyệt đối, mà nhờ đó ngài xứng đáng với tước vị là "Tiến Sĩ Thiên Thần."
Sau khi tuyên khấn ở Naples, ngài theo học ở Cologne với vị thầy nổi tiếng là Thánh Albert Cả. Ở đây ngài có biệt danh là "bò câm", vì ngài to con và thường im lặng, nhưng thực sự ngài là một người rất giỏi. Vào năm hai mươi hai tuổi, ngài được bổ nhiệm để dạy học tại hai thành phố. Ðồng thời ngài cũng bắt đầu công bố các sáng tác của ngài. Bốn năm sau, ngài được gửi đến Balê. Vào năm ba mươi mốt tuổi, ngài đậu bằng tiến sĩ.
Ở Balê, ngài được vinh dự làm bạn với Vua Louis (sau này được phong thánh). Năm 1261, Ðức Urbanô IV gọi ngài về Rôma để dạy học, và ngài nhất quyết từ chối mọi vinh dự của một chức sắc trong giáo hội. Không những Thánh Tôma có tài viết, mà ngài còn có tài giảng thuyết với nhiều kết quả tốt đẹp.
Sự đóng góp lớn lao của ngài cho Giáo Hội Công Giáo là các trước tác. Sự đồng nhất, sự hài hòa và sự liên tục của đức tin và lý lẽ, của mặc khải và kiến thức loài người, được thấy đầy dẫy trong các văn bản của ngài.
Tập "Summa Theologica" là công trình sau cùng của ngài đề cập đến toàn thể thần học Công Giáo, nhưng không may chưa được hoàn tất. Ngài ngưng sáng tác sau khi cử hành Thánh Lễ vào ngày 6 tháng Mười Hai, 1273. Ðược hỏi lý do, ngài trả lời, "Tôi không thể tiếp tục... Tất cả những gì tôi viết, đối với tôi dường như chỉ là cọng rơm so với những gì tôi được thấy và những gì tôi được mặc khải." Ngài từ trần ngày 7 tháng Ba, 1274.
Thánh Tôma là một trong những thần học gia vĩ đại và ảnh hưởng đến mọi thời đại. Ngài được phong thánh năm 1323 và được Ðức Giáo Hoàng Piô V tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Lời Bàn
Chúng ta có thể coi Thánh Tôma Aquinas như một gương mẫu xuất chúng của Công Giáo trong ý nghĩa sâu rộng, toàn bộ và bao quát. Một lần nữa chúng ta phải quyết tâm sử dụng đến lý lẽ, là món quà của Thiên Chúa, để học hỏi và hiểu biết. Ðồng thời, chúng ta cũng phải cảm tạ Thiên Chúa vì ơn ích do sự mặc khải của Ngài, nhất là qua Ðức Giêsu Kitô.
Lời Trích
"Do đó chúng ta phải nói rằng sự nhận biết bất cứ chân lý nào đều cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, để sự hiểu biết đó được Ngài thúc đẩy đến hành động. Nhưng họ không cần một khai sáng mới ngoài sự khai sáng tự nhiên của họ, để hiểu biết chân lý trong mọi sự, ngoại trừ một vài chân lý vượt quá sự hiểu biết tự nhiên" (Summa Theologica, 1-2, 109, 1).
29 Tháng Giêng: Thánh Genevieve
Thánh Genevieve sinh khoảng năm 422 ở Nanterre, là ngôi làng nhỏ bé cách Balê chừng bốn dặm. Ngay khi còn nhỏ, thánh nữ đã tận hiến cuộc đời cho Ðức Giêsu. Sau khi cha mẹ từ trần, Genevieve sống với bà nội. Ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện hàng ngày, do đó, ngài rất gần gũi với Ðức Giêsu và muốn đem Tin Mừng đến cho mọi người. Genevieve là một con người tử tế, độ lượng. Ngài giúp đỡ tha nhân theo kiểu cách riêng của ngài.
Lúc bấy giờ, dân chúng ở Balê đang trốn chạy vì một đạo quân ghê gớm sửa soạn đến tấn công họ. Thánh nữ bước ra can thiệp. Ngài khuyên dân chúng hãy tin tưởng vào Thiên Chúa. Ngài nói nếu họ ăn năn sám hối, họ sẽ được bảo vệ. Dân chúng thi hành như lời ngài bảo, và đạo quân hung dữ người Huns bỗng dưng quay bước. Thành phố không sứt mẻ một chút gì.
Thánh Genevieve thi hành đức bác ái và vâng phục ý Chúa mọi ngày trong đời sống, chứ không chỉ lúc nào có nhu cầu. Ngài không bao giờ bỏ cuộc khi cố gắng thi hành công việc tốt lành. Sự trung thành với Chúa Giêsu và sự can đảm là những chứng tích đặc biệt mà ngài để lại cho chúng ta.
Noi gương ngài, chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo. Xin Thiên Chúa dẫn dắt họ để đem lại ích lợi cho mọi người dân.
30 Tháng Giêng: Thánh Hyacintha ở Mariscotti (1585 - 1640)
Có thể nói Thánh Hyacintha chỉ sống theo đường lối của Chúa khi ngài đã lớn tuổi. Ðược sinh trưởng trong một gia đình quý phái gần Viterbo, ngài gia nhập dòng nữ tu sống theo quy luật Thánh Phanxicô. Tuy nhiên, ngài tự ban cho mình đầy đủ thực phẩm, quần áo và nhiều phương tiện khác của một đời sống xa hoa trong khi các nữ tu khác phải giữ lời khấn hãm mình phạt xác.
Trong một cơn bạo bệnh, vì bệnh tình nặng nề nên cha giải tội phải đem Mình Thánh vào phòng cho ngài. Thấy chướng tai gai mắt trước lối sống dễ dãi của ngài, cha giải tội khuyên ngài nên sống khó nghèo. Hyacintha vứt bỏ tất cả quần áo đẹp đẽ và thức ăn đặc biệt. Sau đó ngài ăn năn đền tội và sẵn sàng làm bất cứ công việc nào hèn hạ nhất trong tu viện. Ngài tự đặt ra cho mình một phương cách sùng kính đặc biệt những thương tích của Ðức Kitô, và sự ăn năn sám hối của ngài đã trở thành khuôn mẫu cho các nữ tu khác. Ngài được phong thánh năm 1807.
31 Tháng Giêng: Thánh Gioan Bosco (1815 - 1888)
Chính nguyên tắc giáo dục của Thánh Gioan Bosco đã được sử dụng rộng rãi trong các trường học ngày nay. Ðó là một hệ thống ngăn ngừa, loại bỏ các hình phạt thể xác và đưa các học sinh vào một môi trường lành mạnh ít có cơ hội phạm tội. Ngài cổ võ việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Ngài pha trộn phương cách dạy giáo lý và sự hướng dẫn của một người cha, nhằm kết hợp đời sống tâm linh và công việc, việc học và việc chơi đùa.
Ðược khuyến khích đi tu để có thể giúp cho các trẻ em, Gioan thụ phong linh mục năm 1841. Công việc phục vụ giới trẻ của ngài khởi sự khi ngài gặp một em mồ côi và giúp em chuẩn bị Rước Lễ lần đầu. Sau đó ngài quy tụ các người trẻ lại và chỉ dạy họ về giáo lý.
Sau thời gian làm tuyên uý cho một trại tế bần của các thiếu nữ, Cha Gioan mở nhà trường Thánh Phanxicô "de Sales" cho các em trai. Một vài người bảo trợ giầu có và quyền thế đã giúp đỡ tài chánh, nên ngài có thể mở hai trường dạy nghề cho các em trai, trường dạy đóng giầy và dạy may quần áo.
Vào năm 1856, số các em theo học tại hai trường đã lên đến 150 em, và có thêm một máy in để xuất bản các tài liệu giáo lý. Sự quan tâm của ngài đến việc giáo dục và xuất bản khiến ngài xứng đáng là quan thầy của các người tập sự trẻ tuổi và các nhà xuất bản Công Giáo.
Tiếng tăm của Cha Gioan ngày càng lan rộng và, vào năm 1850, ngài phải tự huấn luyện các người trẻ muốn theo đuổi con đường của ngài vì lúc ấy thật khó để duy trì ơn thiên triệu. Năm 1854, một cách bán chính thức, Cha Gioan và những người theo ngài đồng ý đứng dưới tên tổ chức Thánh Phanxicô "de Sales".
Với sự hỗ trợ của Ðức Giáo Hoàng Piô IX, Cha Gioan quy tụ 17 người và thành lập dòng Salesian vào năm 1859. Hoạt động của dòng nhắm đến việc giáo dục và công cuộc truyền giáo. Sau này, ngài tổ chức dòng Salesian nữ để giúp đỡ các thiếu nữ.
Ngài từ trần năm 1888 lúc bảy mươi hai tuổi.
Lời Bàn
Thánh Gioan Bosco giáo dục toàn thể con người -- thể xác và linh hồn. Ngài tin rằng tình yêu Ðức Kitô và sự tin tưởng của chúng ta vào tình yêu ấy phải thấm nhập vào tất cả sinh hoạt của chúng ta -- học hành, chơi đùa, làm việc. Ðối với Thánh Gioan Bosco, là một Kitô Hữu có nghĩa phải luôn luôn nỗ lực, không chỉ một tuần một lần, xem lễ ngày Chúa Nhật là đủ. Chính khi tìm kiếm Thiên Chúa trong sinh hoạt hàng ngày, hãy để tình yêu ấy hướng dẫn chúng ta. Tuy nhiên, Thánh Gioan nhận ra được tầm quan trọng của sự huấn nghệ và giá trị con người cũng như sự tự trọng do bởi tài nghệ và khả năng làm việc, do đó ngài cũng huấn luyện các người trẻ trong các ngành nghề.
Lời Trích
"Mọi sự giáo dục đều dạy một triết lý sống; nếu không bởi lời nói thì bởi sự đề nghị, sự gợi ý, và bởi môi trường. Mỗi một phần của giáo dục đều có liên hệ với nhau. Nếu tất cả sự tổng hợp ấy không đem lại một cái nhìn tổng quát về đời sống, thì đó không phải là giáo dục" (G.K. Chesterton, The Common Man).
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
Tháng 2
1 Tháng Hai : Thánh Ansgar (801 - 865)
2 Tháng Hai : Dâng Hài Nhi Giêsu Vào Ðền Thánh
3 Tháng Hai : Thánh Blaise (c. 316)
4 Tháng Hai : Thánh Giuse ở Leonissa (1556 - 1612)
5 Tháng Hai : Thánh Agatha (c. 251?)
6 Tháng Hai : Thánh Phaolô Miki và Các Bạn (c. 1597)
7 Tháng Hai : Thánh Colette (1381 - 1447)
8 Tháng Hai : Thánh Giêrôme Emiliani (1481 - 1537)
9 Tháng Hai : Thánh Giles Mary của Thánh Giuse (1729 - 1812)
10 Tháng Hai : Thánh Scholastica (480 - 542?)
12 Tháng Hai : Thánh Phêrô Baptist và Các Bạn (c. 1597)
13 Tháng Hai : Thánh Ciryl và Thánh Methodius (c. 869, c. 884)
14 Tháng Hai : Thánh Valentine (c. 269)
15 Tháng Hai : Thánh Joan ở Valois (1464 - 1505)
16 Tháng Hai : Thánh Gilbert ở Sempringham (1083 - 1189)
17 Tháng Hai : Bảy Vị Sáng Lập Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ (thế kỷ 13)
18 Tháng Hai : Thánh Simêon (c. 107)
19 Tháng Hai : Thánh Conrad ở Piacenza (1290 - 1350)
20 Tháng Hai : Thánh Claude de la Combière (1641- 1682)
21 Tháng Hai : Thánh Phêrô Damian (1007 - 1072)
22 Tháng Hai : Ngai Tòa Thánh Phêrô Tông Ðồ
23 Tháng Hai : Thánh Polycarp (c. 156)
24 Tháng Hai : Chân Phước Luca Belludi (1200 - 1285)
25 Tháng Hai : Chân Phước Sebastian ở Aparicio (1502 - 1600)
26 Tháng Hai : Thánh Apollonia (c. 249)
27 Tháng Hai : Thánh Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi (c. 1862)
28 Tháng 2: Thánh Grêgôriô II (c. 731)
========================
1 Tháng Hai : Thánh Ansgar (801 - 865)
Thánh Ansgar sinh trưởng trong một gia đình quý phái gần Amiens, sau đó trở thành một tu sĩ dòng Biển Ðức ở Corbie. Ba năm sau, ngài tháp tùng Vua Harold của Ðan Mạch trở về nước sau thời gian lưu đầy và ngài đã phát động công cuộc truyền giáo ở đây. Tuy nhiên không đạt được những thành quả đáng kể. Vua Bjorn của Thụy Ðiển xin các nhà truyền giáo đến hoạt động, và Thánh Ansgar đã đến đây, phải chịu đau khổ vì nạn hải tặc và những gian truân trên đường. Ngài thành lập Giáo Hội Kitô Giáo đầu tiên ở Thụy Ðiển. Chưa đầy hai năm sau, ngài được gọi về để làm tu viện trưởng ở New Corbie và là Ðức Giám Mục đầu tiên của Hamburg. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IV đặt ngài làm Ðại Diện Tòa Thánh ở các quốc gia Scandinavia. Sau khi hoàng đế Louis từ trần, ngân quỹ giúp đỡ cho công cuộc tông đồ miền bắc chấm dứt. Và sau 13 năm gầy dựng Hamburg, Thánh Ansgar phải chứng kiến cảnh tàn lụi của giáo phận khi giặc Northmen xâm lăng vào năm 845; nước Thụy Ðiển và Ðan Mạch lại trở về ngoại giáo.
Khoảng năm 848, ngài được bổ nhiệm là Ðức Tổng Giám Mục của Bremen, và Ðức Giáo Hoàng Nicôla I đã sát nhập Hamburg vào làm một với Bremen. Bởi đó, Thánh Ansgar lại trở lại Thụy Ðiển và Ðan mạch để phát động công cuộc truyền giáo khác và đã thành công trong việc hoán cải Erik, Vua của Jutland.
Nhật ký của Thánh Ansgar để lại cho thấy ngài là một người thuyết giảng phi thường, là một linh mục khiêm tốn và khổ hạnh. Ngài tận tuỵ với người nghèo và người đau yếu, noi gương Ðức Kitô trong việc rửa chân và phục vụ tha nhân. Ngài từ trần cách êm ái ở Bremen, nước Ðức, mà không đạt được ước nguyện là được tử đạo.
Sau khi ngài từ trần, cả vùng Scandinavia lại rơi vào tay ngoại giáo mãi cho đến hai thế kỷ sau. Tên của ngài có khi còn được viết là Anskar.
2 Tháng Hai : Dâng Hài Nhi Giêsu Vào Ðền Thánh
Vào cuối thế kỷ thứ tư, một phụ nữ tên Etheria đã hành hương đến Giêrusalem. Cuốn hồi ký của bà, được khám phá vào năm 1887, thật bất ngờ đã đem lại một nét đại cương về sinh hoạt phụng vụ ở đây. Trong các dịp lễ mà bà viết lại là lễ Hiển Linh, kỷ niệm ngày Ðức Giêsu giáng sinh, và một cuộc rước để kính nhớ việc Dâng Chúa Trong Ðền Thờ vào 40 ngày sau -- ngày 15 tháng Hai. (Trong luật Môisen, về phương diện lễ nghi, người phụ nữ được coi là "ô uế" sau khi sinh con, và bà phải "thanh tẩy" bằng cách đến trình diện với tư tế và dâng của lễ trong đền thờ. Tiếp xúc với bất cứ ai đã chạm đến bí ẩn của sự sinh nở và sự chết, đều bị loại trừ khỏi viêïc thờ phượng).
Ngày lễ này được lan tràn khắp Giáo Hội Tây Phương trong thế kỷ thứ năm và thứ sáu. Nhưng Giáo Hội Tây Phương mừng sinh nhật Ðức Giêsu vào ngày 25 tháng Mười Hai, do đó lễ Dâng Chúa Trong Ðền Thờ được dời sang ngày 2 tháng Hai -- 40 ngày sau Giáng Sinh.
Vào đầu thế kỷ thứ tám, Ðức Giáo Hoàng Sergius mở đầu buổi lễ bằng một cuộc rước nến; cho đến cuối thế kỷ ấy việc làm phép và phân phát nến đã trở thành một phần của việc cử hành, bởi đó, cho đến ngày nay, ngày lễ này thường được gọi là: Candlemas (Lễ Nến).
Lời Bàn
Theo phúc âm Thánh Luca, Hài Nhi Giêsu được tiếp đón vào đền thờ bởi hai người lớn tuổi, là ông Simeon và bà Anna. Họ biểu hiện cho dân Israel đang kiên nhẫn trông chờ; họ xác nhận Hài Nhi Giêsu là đấng Messiah họ trông đợi từ lâu.
Lời Trích
"Chính Ðức Kitô đã nói, 'Ta là sự sáng thế gian.' Và chúng ta là ánh sáng, chính chúng ta, nếu chúng ta tiếp nhận ánh sáng từ Ngài... Nhưng làm thế nào để chúng ta tiếp nhận ánh sáng ấy, làm thế nào để ánh sáng ấy bùng lên? ... Hình ảnh cây nến nói với chúng ta: qua sự cháy, và sự tàn lụi. Một ánh lửa, một tia đức ái, một hy sinh không thể tránh như cây nến tinh tuyền, thẳng tắp đang tuôn trào nguồn ánh sáng của nó, và đã tự tan biến trong sự hy sinh âm thầm" (Ðức Phaolô VI).
sinh năm 1829 tại St. Loup-sur-Thouet, Poitiers, Pháp, Linh Mục, Hội Thừa Sai Paris, xử trảm ngày 02-02-1861 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 02-02.
3 Tháng Hai : Thánh Blaise (c. 316)
Chúng ta biết nhiều về sự sùng kính của Kitô Hữu đối với Thánh Blaise hơn là tiểu sử của ngài. Trong Giáo Hội Ðông Phương, ngày lễ kính ngài được coi là một ngày lễ lớn. Công Ðồng Oxford, vào năm 1222 đã cấm làm việc xác trong ngày lễ Thánh Blaise. Người Ðức và người Ðông Âu rất kính trọng thánh nhân, và trong nhiều thập niên, người Công Giáo Hoa Kỳ thường chạy đến với thánh nhân để xin chữa bệnh đau cổ họng.
Chúng ta được biết Ðức Giám Mục Blaise chịu tử đạo ngay trong giáo phận của ngài ở Sebastea, Armenia, năm 316. Mãi cho đến 400 năm sau mới có huyền thoại viết về ngài. Theo đó, Thánh Blaise là một giám mục tốt lành, làm việc vất vả để khuyến khích giáo dân sống lành mạnh về tinh thần cũng như thể xác.
Mặc dầu Chỉ Dụ Toleration, năm 311, đã cho phép tự do tôn giáo ở Ðế Quốc Rôma hơn năm năm, nhưng ở Armenia, việc bách hại vẫn còn dữ dội. Hiển nhiên là Thánh Blaise buộc phải rời bỏ giáo phận và sống trong rừng núi. Ở đó ngài sống trong cô độc và cầu nguyện, làm bạn với thú rừng.
Một ngày kia, có nhóm thợ săn đi tìm thú dữ để sử dụng trong đấu trường và tình cờ họ đã thấy hang động của Thánh Blaise. Từ kinh ngạc cho đến sợ hãi, họ thấy vị giám mục đi lại giữa đám thú dữ một cách điềm tĩnh để chữa bệnh cho chúng. Nhận ra ngài là giám mục, họ bắt ngài về để xét xử. Trên đường đi, ngài ra lệnh cho một con sói phải thả con heo nó đang cắn giữ vì đó là của người đàn bà nghèo. Khi Thánh Blaise bị giam trong tù và bị bỏ đói, người đàn bà này đã đền ơn ngài bằng cách lẻn vào tù cung cấp thức ăn cho thánh nhân.
Ngoài ra, truyền thuyết còn kể rằng, một bà mẹ có đứa con trai bị hóc xương đã chạy đến ngài xin cứu giúp. Và sau lời truyền của Thánh Blaise, đứa bé đã khạc được chiếc xương ra khỏi cổ.
Agricolaus, Thủ Hiến xứ Cappadocia, tìm mọi cách để dụ dỗ Thánh Blaise bỏ đạo mà thờ tà thần. Lần đầu tiên từ chối, ngài bị đánh đập. Lần kế tiếp, ngài bị treo trên cây và bị tra tấn bằng chiếc lược sắt cào vào thân thể. Sau cùng ngài bị chém đầu.
Lời Bàn
Bốn thế kỷ đủ để những điều tưởng tượng xen lẫn với những dữ kiện có thật. Ai dám đoan chắc tiểu sử Thánh Blaise là có thật? Nhưng chi tiết của một đời người thì không cần thiết. Thánh Blaise được coi là một thí dụ điển hình về quyền năng của những ai tận hiến cho Ðức Kitô. Như Ðức Kitô đã nói với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, "Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, hãy xin bất cứ gì anh em muốn thì sẽ được ban cho" (Gioan 15:7). Với đức tin, chúng ta có thể vâng theo sự dẫn dắt của Giáo Hội để được sự che chở của Thánh Blaise.
Lời Trích
"Qua lời cầu bầu của Thánh Blaise, là giám mục và là vị tử đạo, xin Thiên Chúa chữa con khỏi bệnh tật của cổ họng và khỏi mọi sự dữ. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần" (Kinh cầu Thánh Blaise).
4 Tháng Hai : Thánh Giuse ở Leonissa (1556 - 1612)
Thánh Giuse sinh ở Leonissa thuộc Vương Quốc Naples, ngài gia nhập dòng Capuchin ở nơi ngài sinh trưởng năm 1573. Ngài rèn luyện bản thân bằng cách kiêng ăn thịt và khước từ những tiện nghi, chuẩn bị cho thiên chức linh mục và cuộc đời rao giảng.
Năm 1587 ngài đến Constantinople để chăm sóc các người Kitô Giáo đang làm nô dịch cho các chủ nhân người Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài bị cầm tù vì công việc ấy, và được cảnh cáo là không được tái phạm sau khi được thả tự do. Nhưng ngài lại tiếp tục sứ vụ và lại bị cầm tù, lần này ngài bị kết án tử hình. Lạ lùng thay ngài được trả tự do và trở về Ý, là nơi ngài rao giảng cho người nghèo và hòa giải hận thù giữa các gia đình, cũng như sự tranh chấp giữa các thành phố đã kéo dài trong nhiều năm trời. Ngài được phong thánh năm 1746.
Lời Bàn
Các thánh thường làm chúng ta nhột nhạt vì đời sống các ngài như thách đố chúng ta hãy suy nghĩ về những gì chúng ta cho là cần thiết của "một đời sống thoải mái." Chúng ta nghĩ, "Tôi sẽ hạnh phúc khi...," và chúng ta tốn không biết bao nhiêu thời giờ để lo lắng cho cái bề ngoài của cuộc sống. Những người như Thánh Giuse ở Leonissa thách đố chúng ta hãy can đảm đối diện với cuộc đời và hãy nhìn vào tâm điểm của nó: đó là một đời sống với Thiên Chúa. Thánh Giuse quả thật là một người rao giảng đại tài vì ngài đã minh chứng lời ngài nói bằng chính cuộc đời của ngài.
Lời Trích
Trong một bài giảng, Thánh Giuse ở Leonissa nói:"Mỗi Kitô Hữu phải là một cuốn sách sống động mà người ta có thể đọc được sự giảng dạy của Phúc Âm. Ðây là điều mà Thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô, 'Hiển nhiên anh em là bức thư của Ðức Ki-tô mà tôi được giao phó, một bức thư không viết bằng mực, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng xương thịt trong tâm hồn con người.' (2 Côrintô 3:3). Tâm hồn chúng ta là những mảnh giấy da; qua sứ vụ của tôi Chúa Thánh Thần là người viết vì 'lưỡi tôi như cây bút của người viết' (TV 45:1)".
5 Tháng Hai : Thánh Agatha (c. 251?)
Cũng như trường hợp của Thánh Agnes, vị đồng trinh tử đạo thời Giáo Hội tiên khởi, chúng ta không có dữ kiện lịch sử chắc chắn về Thánh Agatha, ngoại trừ sự kiện ngài chịu tử đạo ở Sicily trong thời kỳ cấm đạo của hoàng đế Rôma là Decius năm 251.
Theo truyền thuyết, ngài sinh trưởng trong một gia đình giầu có. Khi còn trẻ, ngài đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, và từ chối bất cứ lời cầu hôn nào. Một trong những người say mê ngài là Quintian, một người có địa vị cao trong xã hội nên ông nghĩ rằng có thể ép buộc thánh nữ. Biết ngài là Kitô Hữu nên ông ra lệnh bắt giữ và đưa ra xét xử -- bởi chính ông. Hy vọng rằng vì sợ hãi sự tra tấn và cái chết, thánh nữ sẽ đành phải trao thân cho ông. Nhưng ngài nhất quyết tin tưởng vào Thiên Chúa, và cầu nguyện rằng: "Lạy Ðức Giêsu Kitô, là Chúa mọi sự! Ngài đã thấy lòng con, Ngài biết con muốn gì. Xin hãy làm chủ toàn thể con người của con -- chỉ mình Chúa mà thôi. Con là chiên của Ngài; xin giúp con vượt qua sự dữ một cách xứng đáng."
Sau đó, Quintian tống Agatha vào nhà gái điếm với hy vọng ngài sẽ thay đổi ý định. Sau một tháng bị đánh đập và xỉ nhục, Quintian lại đưa ngài ra xét xử, nhưng Thánh Agatha vẫn không lay chuyển, vẫn can đảm tuyên xưng rằng chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể ban cho ngài sự tự do. Quintian lại tống ngài vào ngục thay vì nhà gái điếm. Và khi ngài tiếp tục tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giêsu, Quintian ra lệnh tra tấn. Trước khi chết, ngài cầu nguyện: "Lạy Chúa, là Ðấng dựng nên con, Ngài đã gìn giữ con từ khi còn trong nôi. Bởi tình yêu thế gian Ngài đã dẫn dắt con và ban cho con sự kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ. Xin hãy nhận lấy linh hồn con."
Ngài được coi là quan thầy của xứ Palermo và Catania.
6 Tháng Hai : Thánh Phaolô Miki và Các Bạn (c. 1597)
Thành phố Nagasaki, Nhật Bản, rất quen thuộc với mọi người vì đó là nơi trái bom nguyên tử thứ hai đã được thả xuống và giết hại hàng trăm ngàn người. Trước đó ba thế kỷ rưỡi, 26 vị tử đạo Nhật Bản đã bị treo trên thập giá ở một ngọn đồi nhìn xuống Nagasaki, bây giờ thường được gọi là Núi Thánh.
Thánh Phaolô Miki là con của một sĩ quan chỉ huy thuộc quân đội Nhật. Ngài sinh ở Tounucumanda và theo học trường dòng Tên ở Anziquiama, gia nhập dòng năm 1580, và trở nên nổi tiếng vì tài rao giảng.
Trong thời kỳ bách hại đạo Công Giáo dưới thời Taiko, Toyotomi Hideyoshi, vào ngày 5 tháng Hai, ngài bị treo trên thập giá cùng với hai mươi lăm người Công Giáo khác, trong đó có nhiều giáo dân, như: Phanxicô, một thợ mộc bị bắt trong khi theo dõi cuộc hành quyết và sau đó bị treo trên thập giá; Gabrien, mười chín tuổi là con trai của người gác cổng dòng Phanxicô; Leo Kinuya, hai mươi tám tuổi làm thợ mộc ở Miyako; Diego Kisai, phụ tá của các cha Dòng Tên; Joachim Sakakibara, người làm bếp cho các cha Phanxicô ở Osaka; Peter Sukejiro, được một linh mục dòng Tên sai đến giúp đỡ các tù nhân thì bị bắt; Cosmas Takeya quê Owari nhưng đi truyền giáo ở Osaka; và Ventura ở Miyako, lúc đầu được các cha dòng Tên rửa tội, sau đó khi thân phụ từ trần, ông trở nên một nhà sư, và sau cùng được các cha Phanxicô đưa trở lại Công Giáo
Trong khi bị treo trên thập giá, Thầy Phaolô Miki đã nói với những người đến xem cuộc hành quyết: "Bản án nói rằng những người này đến Nhật Bản từ Phi Luật Tân, nhưng tôi đâu có đến từ quốc gia nào. Tôi đích thực là người Nhật. Lý do duy nhất tôi bị giết là vì tôi rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Quả thật tôi đã rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì lý do này mà tôi chết. Tôi tin rằng những lời trăn trối của tôi là sự thật. Tôi biết quý vị tin tôi và một lần nữa tôi muốn nói với quý vị: Hãy xin Ðức Kitô giúp cho quý vị có được hạnh phúc. Tôi vâng lời Ðức Kitô. Theo gương Ðức Kitô, tôi tha cho những người đã hành quyết tôi. Tôi không ghét họ. Tôi xin Thiên Chúa thương xót tất cả chúng ta, và tôi hy vọng máu của tôi sẽ đổ trên dân tôi như một cơn mưa nhiều kết quả."
Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật trong những năm 1860, lúc đầu họ không thấy một vết tích nào của Kitô Giáo. Nhưng sau một thời gian, họ tìm thấy hàng ngàn người Kitô đã sống chung quanh Nagasaki và họ sống đạo một cách lén lút.
Tất cả các vị tử đạo Nhật Bản được phong chân phước năm 1627, và phong thánh năm 1862.
Lời Bàn
Ngày nay, một thời đại mới đã đến với Giáo Hội Nhật. Mặc dù số người Công Giáo không nhiều, nhưng Giáo Hội được tôn trọng và được tự do tôn giáo. Việc phát triển Kitô Giáo ở Viễn Ðông thì chậm và khó khăn. Một đức tin như của 26 vị tử đạo thì rất cần thiết cho ngày nay cũng như trước đây, trong năm 1597.
Lời Trích
"Vì Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã thể hiện lòng bác ái của Người bằng cách hy sinh mạng sống cho chúng ta, không ai có tình yêu nào cao quý hơn người đã hy sinh mạng sống vì Ðức Kitô và anh chị em mình. Bởi đó, ngay từ thời sơ khai, một số Kitô Hữu đã được mời gọi -- và chắc chắn sẽ được mời gọi luôn -- để làm chứng cho tình yêu ấy cách hùng hồn trước muôn dân, nhất là những kẻ bách hại. Do đó, Giáo Hội coi sự tử đạo như một ơn huệ đặc biệt và là bằng chứng cao cả nhất của tình yêu.
"Mặc dù chỉ một ít người được ban cho cơ hội tử đạo, nhưng tất cả phải chuẩn bị để tuyên xưng Ðức Kitô trước mặt mọi người, và bước theo Người trên đường thập giá giữa những sự bách hại không bao giờ thiếu trong Giáo Hội" (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 42).
7 Tháng Hai : Thánh Colette (1381 - 1447)
Thánh Colette không muốn được mọi người biết đến, nhưng trong khi thi hành thánh ý Thiên Chúa, ngài đã gây được sự chú ý của rất nhiều người.
Thánh Colette là con của người thợ mộc tên DeBoilet ở Tu Viện Corby trong thành phố Picardi, nước Pháp. Ngài sinh ngày 13 tháng Giêng, khi rửa tội lấy tên là Nicolette, và thường được gọi là Colette. Năm mười bảy tuổi ngài mồ côi cha mẹ, và đã chia bớt di sản cho người nghèo. Ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, và sống cô độc ở Corby trong một căn phòng mà lối mở ra thế giới bên ngoài chỉ là cánh cửa sổ sát vách với nhà thờ.
Sau bốn năm, với sự chấp thuận và khuyến khích của đức giáo hoàng, ngài từ bỏ cuộc sống cô độc, gia nhập dòng Thánh Clara Nghèo Hèn và cải tổ dòng theo như quy tắc ban đầu của Thánh Clara. Bất kể sự chống đối dữ dội, ngài kiên trì theo đuổi ý định, thành lập mười bảy tu viện sống theo quy tắc này và cải tổ một vài tu viện cũ. Các nữ tu của ngài nổi tiếng là nghèo hèn -- họ từ chối bất cứ lợi tức nào -- và thường xuyên chay tịnh.
Thánh Colette nổi tiếng vì sự thánh thiện, sự xuất thần, và các lần thị kiến sự Thương Khó, và ngài đã tiên đoán đúng về cái chết của ngài trong tu viện ở Ghent, nước Bỉ.
Phong trào cải cách của thánh nữ đã lan tràn sang các quốc gia khác. Cho đến ngày nay, một nhánh của dòng Thánh Clara Nghèo Hèn thường được gọi là các nữ tu Colette. Thánh nữ được phong thánh năm 1807.
Lời Bàn
Thánh Colette bắt đầu cuộc cải cách trong thời kỳ Ðại Ly Giáo Tây Phương (1378-1417), là thời kỳ có đến ba giáo hoàng và bởi đó đã chia cắt Giáo Hội Tây Phương. Một cách tổng quát, Giáo Hội phải trả một giá rất đắt cho sự nhũng lạm của các giáo sĩ trong thế kỷ 15; lời cầu nguyện và sự hy sinh của Thánh Colette và các nữ tu của ngài có lẽ đã vơi bớt những khốn khó cho Giáo Hội trong thời gian ấy. Trong bất cứ trường hợp nào, sự cải tổ của Thánh Colette cho thấy Giáo Hội luôn luôn cần theo sát Ðức Kitô.
Lời Trích
Trong chúc thư tinh thần, Thánh Colette viết cho các nữ tu:"Chúng ta phải trung tín với những gì đã hứa. Nếu vì sự yếu đuối con người mà chúng ta sa ngã, một cách mau mắn chúng ta phải chỗi dậy luôn qua sự thành tâm sám hối, và chú ý đến một đời sống tốt lành, cũng như một cái chết thánh thiện. Xin Thiên Chúa là Cha của lòng thương xót, xin Ðức Chúa Con qua sự thống khổ thánh thiện, và xin Chúa Thánh Thần, nguồn mạch của bình an, nhân hậu và tình yêu, luôn tràn lấp chúng ta với ơn an ủi của các Ngài. Amen."
8 Tháng Hai : Thánh Giêrôme Emiliani (1481 - 1537)
Khi còn là một sĩ quan đầy tự tin và khô đạo, chỉ huy một pháo đài của thành phố Venice, Giêrôme Emiliani bị bắt sau vụ tấn công của địch thủ là Liên Minh Cambrai và bị nhốt trong một tháp canh. Chính trong thời gian tù đầy này, Giêrôme đã có thời giờ suy nghĩ, và ngài quyết định thoát khỏi xiềng xích ràng buộc chính mình. Ngài khước từ mọi quyến luyến của thế gian và trở về với Thiên Chúa.
Sau khi vượt thoát ngục tù, ngài treo xiềng xích ở nhà thờ Treviso gần đó -- như để nói lên lòng biết ơn đã được tự do không những về phần xác mà còn được giải thoát phần tinh thần.
Sau một thời gian ngắn làm thị trưởng Treviso, ngài trở về Venice là nơi ngài theo học làm linh mục. Nhiều năm sau khi thụ phong, chiến tranh đã chấm dứt nhưng nhiều biến cố xảy đến đã khiến Cha Giêrôme thay đổi đời sống. Một trận dịch và nạn đói đã càn quét khắp cả miền bắc nước Ý. Cha Giêrôme lại xung phong trong việc chăm sóc bệnh nhân và nuôi người đói. Ngài cảm thấy có ơn gọi đặc biệt trong việc chăm sóc các trẻ em mồ côi. Bằng chính tài sản của mình, ngài sáng lập ba cô nhi viện, một trung tâm hoàn lương cho các cô gái điếm và một bệnh viện. Từ đó dẫn đến việc thành lập một tu hội cho các linh mục và các thầy mà tên của tu hội là tên nơi sáng lập: Tu Hội Somascha. Mặc dù tu hội dành toàn thời giờ để giáo dục thanh thiếu niên, công việc chính của họ vẫn là đam mê đầu tiên của Cha Giêrôme -- đó là chăm sóc các em cô nhi.
Xiềng xích cuối cùng của Cha Giêrôme được tháo bỏ là khi ngài lâm bệnh vì chăm sóc bệnh nhân. Ngài từ trần năm 1537 hưởng thọ 56 tuổi.
Ngài được phong thánh năm 1767, và năm 1928, Ðức Piô XI đặt ngài làm quan thầy các trẻ mồ côi và các em bị bỏ rơi.
Lời Bàn
Trong cuộc đời chúng ta, nhiều khi phải tự "giam hãm" mình để thoát khỏi xiềng xích của cái tôi. Khi chúng ta bị "kẹt" trong những trường hợp mà mình không muốn, lúc đó chúng ta mới nhận ra sức mạnh giải thoát của một Ðấng khác. Và chỉ lúc ấy chúng ta mới có thể trở nên một người khác cho những "kẻ tù đầy" và các "em cô nhi" chung quanh chúng ta.
Lời Trích
"'Cha của các em cô nhi và người bảo vệ các bà goá là Thiên Chúa trong sự hiện diện thánh thiêng của Ngài. Thiên Chúa ban nơi trú ngụ cho những kẻ bị bỏ rơi; Ngài dẫn các tù nhân đến chỗ thành công; chỉ kẻ phản loạn mới phải ở trong phần đất khô khan' (TV 68)& Chúng ta không thể quên đi số người ngày càng gia tăng vì bị gia đình và cộng đồng bỏ rơi: đó là người già, trẻ cô nhi, người đau yếu và những người bị tẩy chay& Chúng ta phải chuẩn bị để lãnh nhận nhiệm vụ mới và chức năng mới trong mọi sinh hoạt của con người, và nhất là trong tổ chức xã hội, nếu thực sự muốn thể hiện sự công bằng. Trên tất cả, hành động của chúng ta phải nhắm đến những người và những quốc gia mà, vì những hình thức đàn áp và vì yếu tính của xã hội, họ không có tiếng nói và là nạn nhân của sự bất công" (Sự Công Bằng Trong Thế Giới, Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới 1971).
9 Tháng Hai : Thánh Giles Mary của Thánh Giuse (1729 - 1812)
Chính trong năm Napoleon Bonaparte dẫn quân vào Nga thì Giles Mary của Thánh Giuse chấm dứt cuộc đời khiêm hạ phục vụ cộng đồng Phanxicô và người dân thành Naples.
Tên thật của ngài là Francesco, sinh ở Taranto trong gia đình rất nghèo, và mồi côi cha khi 18 tuổi. Ðể đảm bảo tương lai, ngài gia nhập dòng Phanxicô Khất Thực (Anh Em Hèn Mọn) ở Galatone năm 1754. Trong 53 năm, ngài phục vụ ở Nhà Tế Bần Thánh Paschal ở Naples trong nhiều vai trò, như nấu nướng, gác cửa hoặc thường xuyên nhất là đi khất thực cho cộng đồng.
"Mến yêu Thiên Chúa" là đặc tính của ngài trong khi góp nhặt thực phẩm cho các tu sĩ dòng và chia sẻ lòng quảng đại với người nghèo -- đồng thời an ủi những người gặp khó khăn và khuyến khích mọi người sám hối. Ðức tính mà ngài thể hiện trên đường phố ở Naples được phát sinh từ sự cầu nguyện và được nuôi dưỡng trong đời sống cộng đồng của anh em hèn mọn. Những người gặp ngài đi xin ăn thường gọi ngài là "Người an ủi của Naples". Ngài được phong thánh năm 1996.
Lời Bàn
Người ta thường trở nên kiêu ngạo và thèm khát quyền lực khi họ không thành thật trong lối sống, tỉ như, khi họ quên đi tội lỗi của mình và làm như không biết đến các ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho người khác. Thánh Giles có một nhận thức lành mạnh về tội lỗi của chính mình -- không làm tê liệt cũng không quá hời hợt. Ngài mời gọi mọi người nhận ra ơn sủng của mình, và sống xứng đáng với phẩm giá của chúng ta là những người được tạo dựng trong hình ảnh của Thiên Chúa.
Lời Trích
Trong bài giảng nhân dịp lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng hành trình tâm linh của Thánh Giles phản ảnh"đức khiêm hạ của sự Nhập Thể và sự độ lượng của Thánh Thể" (L'Observatore Romano 1996, tập 23, số 1).
10 Tháng Hai : Thánh Scholastica (480 - 542?)
Anh em sinh đôi thường giống nhau về tính nết và tư tưởng cũng như nhiệt huyết. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi Thánh Scholastica và người anh sinh đôi là Thánh Biển Ðức (Benedict), đều sáng lập các tu hội chỉ cách nhau có vài dặm.
Sinh trong một gia đình giầu có, Scholastica và Benedict cùng lớn lên cho đến khi Benedict xa nhà đi học ở Rôma. Chúng ta không biết nhiều về thời niên thiếu của Thánh Scholastica. Sau này, ngài sáng lập dòng nữ tu ở Ý gần rặng Cassino, thuộc Plombariola, cách tu viện của anh ngài chỉ có năm dặm.
Mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau có một lần, trong một nông trại, vì Scholastica không được phép vào tu viện. Cả hai dành thời giờ để thảo luận về các vấn đề tinh thần.
Theo cuốn Ðối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và truyện trò, Thánh Scholastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Benedict ở với ngài cho đến ngày hôm sau.
Thánh Benedict từ chối lời yêu cầu ấy vì ngài không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra. Thánh Scholastica xin Thiên Chúa cho phép anh mình ở lại, và một trận mưa lớn đổ xuống như thác khiến Benedict và các tu sĩ đi theo ngài không thể trở về tu viện.
Thánh Benedict kêu lên, "Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?" Thánh Scholastica trả lời, "Em xin anh một ơn huệ và anh từ chối. Em xin Chúa, và Chúa nhận lời."
Ba ngày sau, khi Thánh Benedict cầu nguyện trong tu viện thì ngài nhìn thấy linh hồn của em mình bay lên trời trong dạng chim bồ câu trắng. Thánh Benedict sai các tu sĩ đem xác của em mình về dòng và chôn trong chính ngôi mộ mà thánh nhân đã chuẩn bị cho mình.
Thánh Scholastica từ trần vào khoảng năm 543, và sau đó không lâu Thánh Benedict cũng từ giã cõi đời.
Lời Bàn
Thánh Scholastica và Benedict đã hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, và coi trọng việc kết giao bằng hữu với Chúa qua sự cầu nguyện. Các ngài đã hy sinh một số cơ hội sẵn có để cùng nhau thực hiện ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, khi càng gần gũi với Ðức Kitô bao nhiêu, họ càng cảm thấy gần nhau hơn. Khi gia nhập cộng đồng tu sĩ, họ đã không quên và cũng không bỏ rơi gia đình mà trái lại họ có thêm các anh chị em mới.
Lời Trích
"Mọi tu sĩ đều có bổn phận, tùy theo ơn gọi thích hợp, để cộng tác cách nhiệt thành và siêng năng trong việc xây dựng và gia tăng Nhiệm Thể Ðức Kitô, và vì lợi ích tốt lành riêng của các cộng đồng… Họ có nhiệm vụ ấp ủ các mục tiêu này một cách chính yếu qua sự cầu nguyện, việc đền tội và sống gương mẫu" (Sắc Lệnh về các Giám Mục, 33).
11 Tháng Hai : Ðức Mẹ Lộ Ðức
Vào ngày 8 tháng Mười Hai 1854, Ðức Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Hiến Chế Ineffabilis Deus. Khoảng hơn ba năm sau, vào ngày 11 tháng Hai 1858, một trinh nữ đã hiện ra với Bernadette Soubirous, mở đầu cho một chuỗi thị khải. Trong lần hiện ra ngày 24 tháng Ba, trinh nữ này tự xưng là: "Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội."
Bernadette là một thiếu nữ yếu ớt, con của hai ông bà người nghèo và không có tham vọng. Việc sống đạo của họ cũng không có gì đáng nói. Bernadette chỉ biết đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và kinh Tin Kính. Cô còn biết đọc kinh cầu Linh Ảnh(*): "Ôi Ðức Maria được thụ thai mà không mắc tội."
Trong những lần phỏng vấn, Bernadette cho biết những gì cô được nhìn thấy. Cô cho biết "cái gì đó mầu trắng trong hình dạng một thiếu nữ." Cô dùng chữ "Aquero," tiếng địa phương có nghĩa "cái này." Ðó là "một thiếu nữ xinh đẹp với chuỗi tràng hạt trên tay." Áo choàng trắng của ngài có viền xanh. Ngài đội khăn trắng. Trên mỗi bàn chân đều có hoa hồng màu vàng. Bernadette cũng ngạc nhiên ở sự kiện là trinh nữ này không gọi cô với danh xưng bình dân "tu", nhưng với ngôn từ rất lịch thiệp "vous". Người trinh nữ khiêm tốn ấy hiện ra với một cô gái bình dân và đã đối xử với cô như một người có phẩm giá.
Qua một cô gái bình dân, Ðức Maria đã làm hồi sinh và tiếp tục làm sống dậy đức tin của hàng triệu người. Dân chúng bắt đầu đổ về Lộ Ðức từ khắp nơi trong nước Pháp cũng như toàn thế giới. Vào năm 1862, giới thẩm quyền Giáo Hội công nhận tính cách xác thực của những lần hiện ra và cho phép sùng kính Ðức Mẹ Lộ Ðức. Năm 1907, lễ Ðức Mẹ Lộ Ðức được cử mừng khắp hoàn vũ.
Lời Bàn
Lộ Ðức đã trở nên trung tâm hành hương và chữa lành, nhưng nhất là đức tin. Giới thẩm quyền của Giáo Hội công nhận 64 phép lạ chữa lành, mặc dù trên thực tế có lẽ nhiều hơn thế. Ðối với những người có đức tin thì không có gì ngạc nhiên. Ðó là sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu được tiếp tục thể hiện qua sự can thiệp của mẹ Người.
Nhiều người cho rằng các phép lạ lớn lao hơn thì rất bàng bạc. Nhiều người đến Lộ Ðức và trở về với một đức tin được đổi mới, sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa trong các nhu cầu của tha nhân. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người nghi ngờ việc hiện ra ở Lộ Ðức. Ðể nói với họ, có lẽ tốt hơn là dùng những lời mở đầu của cuốn phim "Song of Bernadette": "Với những ai tin vào Chúa thì không cần giải thích. Với những người không tin, thì chẳng sự giải thích nào đầy đủ."
12 Tháng Hai : Thánh Phêrô Baptist và Các Bạn (c. 1597)
Nagasaki nổi tiếng đối với chúng ta vì một trái bom nguyên tử đã thả xuống đây năm 1945. Thành phố ấy cũng nổi tiếng đối với dòng Phanxicô vì một số tu sĩ và anh chị em dòng ba đã được tử đạo ở đây năm 1597.
Cha Phêrô Baptist Blasquez sinh năm 1542 trong một gia đình quyền quý ở Tây Ban Nha; ngài gia nhập dòng Phanxicô ở quê nhà. Ngài làm việc vài năm ở quần đảo Phi Luật Tân, và năm 1592 ngài được cử làm đại diện cho Vua Philip II của Tây Ban Nha để thương thảo hòa bình với Hideyoshi, đang nắm quyền ở Nhật Bản.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Cha Phêrô Baptist và một vài tu sĩ ở lại Nhật để truyền bá tin mừng. Sự thành công của họ trong công cuộc truyền giáo, qua việc thành lập các tu viện, nhà thờ cũng như bệnh viện khiến Hideyoshi lo sợ. Vào tháng Mười Hai 1596, ông ra lệnh bắt giam Cha Phêrô Baptist, hai vị linh mục Phanxicô khác, hai thầy, một giáo sĩ, 17 người Nhật thuộc dòng Ba Phanxicô và ba vị linh mục dòng Tên.
Tất cả bị kết án tử hình vào đầu tháng Giêng ở Miyako, họ bị đưa về Nagasaki trong chuyến hành trình bằng đường thủy lâu đến bốn tuần lễ. Vào ngày 5 tháng Hai 1597, tất cả bị treo trên thập giá và bị đâm thâu qua bằng giáo. Tất cả được phong thánh năm 1862.
Lời Bàn
Sự "hy sinh" mà Thánh Phêrô Baptist đề cập đến đã sinh kết quả (xem Lời Trích bên dưới). Trong thập niên 1860, các nhà truyền giáo lại đến Nagasaki và họ tìm thấy một côäng đoàn Kitô Giáo tuy nhỏ nhưng thật vững mạnh, được khai sinh vào lúc các vị chịu tử đạo. Những người Công Giáo này, thường xuyên đến với nhau, đọc Sách Thánh và lần chuỗi mai khôi để giữ vững đức tin. Các nhà truyền giáo luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất công trình của họ. Một công việc tốt lành - trong sứ vụ truyền giáo hoặc bất cứ nơi đâu - thì không bao giờ uổng phí.
Lời Trích
Ba ngày trước khi bị tử hình, Thánh Phêrô Baptist viết cho các bạn ở ngoài nước Nhật:"Vì tình yêu Thiên Chúa, ước mong sao nhân đức của các bạn sẽ phó thác chúng tôi cho Thiên Chúa, để Ngài chấp nhận hy lễ cuộc đời chúng tôi. Qua những gì tôi nghe được ở đây, tôi nghĩ chúng tôi sẽ bị treo trên thập giá vào thứ Sáu này, vì chính vào ngày thứ Sáu mà họ cắt tai mỗi người ở Miyako, là một biến cố chúng tôi chấp nhận như món quà của Thiên Chúa. Do đó, vì tình yêu Thiên Chúa, chúng tôi xin các bạn hãy tha thiết cầu nguyện cho chúng tôi."
13 Tháng Hai : Thánh Ciryl và Thánh Methodius (c. 869, c. 884)
Vì thân phụ của hai thánh nhân là một sĩ quan trong phần đất của Hy Lạp nhưng có nhiều người Slav chiếm ngụ, do đó hai anh em thánh nhân đã trở nên nhà truyền giáo, thầy dạy và quan thầy của người Slav.
Sau thời gian học tập, Cyril (thường được gọi là Constantine cho đến khi ngài trở thành tu sĩ ít lâu trước khi từ trần) đã từ chối địa vị trong chính quyền mà anh ngài đã chấp nhận làm việc cho những người nói tiếng Slav. Ngài gia nhập một đan viện là nơi anh ngài, Methodius, đã là một đan sĩ sau thời gian giữ chức vụ trong chính quyền.
Một quyết định đã thay đổi cuộc đời của các ngài khi Công Tước của Moravia xin Hoàng Ðế Micae của Ðông Phương cho được độc lập về chính trị với nhà cầm quyền Ðức, và được tự trị về phương diện tổ chức giáo hội (có giáo sĩ và phụng vụ riêng). Cyril và Methodius đã lãnh nhận công việc truyền giáo này.
Công việc đầu tiên của Cyril là sáng chế ra bản mẫu tự, giống như mẫu tự vẫn được dùng trong phụng vụ ở các phần của Nam Tư cũ. Những người theo ngài có lẽ đã hình thành mẫu tự Cyrillic từ các chữ cái của Hy Lạp. Ngày nay, họ dịch Phúc Âm, Thánh Thi, Thánh Thư và các sách phụng vụ sang tiếng Slav, và sáng tác phần phụng vụ bằng tiếng Slav rất đặc biệt.
Vì lý do đó và vì việc xử dụng tiếng mẹ đẻ đã dẫn đến việc chống đối của hàng giáo sĩ Ðức. Các giám mục Ðức từ chối việc tấn phong các giám mục và linh mục Slav, và Cyril buộc phải thỉnh cầu lên Rôma. Trong chuyến viếng thăm Rôma, hai anh em thánh nhân đã vui sướng khi thấy bản văn phụng vụ mới của họ được Ðức Giáo Hoàng Adrian II chấp thuận. Nhưng Cyril không bao giờ trở lại Moravia nữa, ngài từ trần ở Rôma sau 50 ngày nhận áo dòng.
Methodius tiếp tục công cuộc truyền giáo trên 16 năm nữa. Ngài là đại diện giáo hoàng đối với toàn thể người dân Slav, được tấn phong giám mục và được giao cho trông coi một giáo phận cũ (thuộc Nam Tư). Khi lãnh thổ trước đây thuộc về họ nay bị tước khỏi quyền tài phán, vị giám mục Bavaria đã trả thù với hàng loạt điều cáo buộc Ðức Methodius. Kết quả là Hoàng Ðế Louis của Ðức đã lưu đầy Ðức Methodius trong ba năm. Sau đó Ðức Giáo Hoàng Gioan VIII đã đảm bảo sự tự do cho ngài.
Hàng giáo sĩ người Frank vẫn còn ấm ức nên họ tiếp tục chụp mũ, và Ðức Methodius phải sang Rôma để bảo vệ ngài khỏi điều cáo buộc về tội lạc giáo và xin duy trì việc dùng bản văn phụng vụ Slav. Một lần nữa ngài lại thành công.
Truyền thuyết nói rằng, trong một giai đoạn cực kỳ hăng say, Ðức Methodius đã chuyển dịch toàn bộ Phúc Âm sang tiếng Salv chỉ trong vòng tám tháng. Ngài từ trần vào ngày thứ Ba Tuần Thánh, với các môn đệ tụ tập chung quanh. Sau khi ngài chết sự chống đối vẫn chưa dứt, và công trình của hai anh em thánh nhân ở Moravia đã đi vào chỗ tận tuyệt, các môn đệ của hai ngài phải phân tán khắp nơi. Nhưng sự trục xuất ấy đã có ảnh hưởng tốt đẹp trong việc phổ biến các công trình về phụng vụ, về tâm linh và văn hóa của hai anh em thánh nhân đến các vùng Bulgaria, Bohemia và nam Ba Lan.
Là quan thầy của Moravia, và được đặc biệt sùng kính bởi người Công Giáo Czech, Slovak, Croatia, Chính Thống Giáo Serb và người Bulgaria, Thánh Cyril và Methodius thật xứng đáng là người bảo vệ sự hiệp nhất Ðông và Tây, là điều được mọi người khao khát từ lâu.
Lời Bàn
Thánh thiện có nghĩa dùng tình yêu Thiên Chúa để đối xử với thói đời: đời sống con người lúc nào cũng vậy, luôn chằng chịt những vấn đề chính trị và văn hóa, sự mỹ miều cũng như sự xấu xa, sự ích kỷ cũng như sự thánh thiện. Với Thánh Cyril và Methodius, hầu như thập giá hàng ngày của các ngài là phải đương đầu với những khó khăn giống như của chúng ta ngày nay: vấn đề ngôn ngữ trong phụng vụ. Các ngài là thánh không phải vì đã đưa phụng vụ vào tiếng Slav, nhưng vì các ngài đã thi hành điều ấy với sự can đảm và khiêm tốn của Ðức Kitô.
Lời Trích
"Ngay cả trong phụng vụ, Giáo Hội không muốn áp đặt một sự đồng nhất cứng rắn nào trong các vấn đề không liên hệ đến đức tin hay không có lợi cho toàn thể cộng đoàn. Ðúng hơn, Giáo Hội tôn trọng và khuyến khích những tinh hoa và những đặc tính riêng của các chủng tộc và dòng giống... Miễn sao sự hợp nhất cốt yếu của nghi lễ Rôma vẫn được duy trì, việc tu chỉnh các sách phụng vụ phải được phép thay đổi và thích nghi với các tổ chức khác nhau, sự sùng bái và các dân tộc khác nhau, nhất là trong xứ truyền giáo" (Hiến Chế về Phụng Vụ, 37, 38).
Thánh tử Đạo Việt Nam
Laurensô Nguyễn Văn HƯỞNG, sinh năm 1802 tại Kẻ Sài, Hà Nội, Linh Mục, xử trảm ngày 13-02-1856 tại Ninh Bình dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 13-02.
Phaolô Lê Văn LỘC, sinh năm 1830 tại An Nhơn, Gia Ðịnh, Linh Mục, xử trảm ngày 13-02-1859 tại Gia Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 13-02.
14 Tháng Hai : Thánh Valentine (c. 269)
Người ta nghĩ rằng Thánh Valentine đã từng là linh mục ở Rôma cũng như là một y sĩ. Vì không chịu từ bỏ đức tin, ngài được tử đạo vào ngày 14 tháng Hai. Chúng ta không biết gì nhiều về ngài, nhưng ngay vào khoảng năm 350, một nhà thờ đã được xây cất nơi ngài tử đạo.
Truyền thuyết nói rằng ngài là một linh mục thánh thiện đã cùng với Thánh Marius giúp đỡ các vị tử đạo trong thời Claudius II. Ngài bị bắt, và bị gửi cho tổng trấn Rôma xét xử. Sau khi dụ dỗ mọi cách nhưng đều vô hiệu, quan tổng trấn đã ra lệnh cho lính dùng gậy đánh đập ngài, sau đó đưa đi chém đầu vào ngày 14 tháng Hai, khoảng năm 269. Người ta nói rằng Ðức Giáo Hoàng Julius I đã cho xây một nhà thờ gần Ponte Mole để kính nhớ ngài.
Nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc việc cử hành ngày Valentine. Một số cho rằng người Rôma có một tập tục vào giữa tháng Hai, trong ngày ấy các con trai tô điểm tên các cô con gái để tỏ lòng tôn kính nữ thần dâm dục là Februata Juno. Các tu sĩ thời ấy muốn dẹp bỏ tập tục này nên đã thay thế bằng tên các thánh tỉ như Thánh Valentine. Một số khác cho rằng thói quen gửi thiệp Valentine vào ngày 14 tháng Hai là vì người tin tin rằng các con chim bắt đầu sống thành cặp vào ngày này, là ngày Thánh Valentine bị chém đầu. Dường như chắc chắn hơn cả là vào năm 1477, người Anh thường liên kết các đôi uyên ương với ngày lễ Thánh Valentine, vì vào ngày này, 14 tháng Hai, "mọi chim đực đi tìm chim mái." Tục lệ này trở thành thói quen cho các đôi trai gái viết thư tình cho nhau vào ngày Valentine. Và ngày nay, các cánh thiệp, quà cáp và thư từ trao cho nhau là một phần của việc cử hành Ngày Valentine.
15 Tháng Hai : Thánh Joan ở Valois (1464 - 1505)
Thánh Joan là cô con gái thứ hai của Vua Louis XI nước Pháp. Khi mới sinh được hai tháng thì ngài đã được hứa gả cho Công Tước Louis ở Orleans, và hôn nhân của họ xảy ra vào năm 1476 khi ngài mới 12 tuổi. Dĩ nhiên đó là một hôn nhân không có giá trị, và Công Tước Louis lấy ngài cũng chỉ vì lo sợ cho tương lai không biết sẽ ra sao nếu không tuân lệnh của nhà vua.
Joan là một thiếu nữ tật nguyền, ngài bị gù lưng, đi khập khiễng và bị rỗ. Mặc dù ngài phải đau khổ vì tàn tật, nhưng ngài đã kiên nhẫn chấp nhận sự bất lực ấy và dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và suy niệm.
Khi chồng của ngài lên ngôi vua, Louis XII, hành động đầu tiên của ông là xin đức giáo hoàng tuyên bố hôn nhân ấy vô hiệu và chưa thành. Do đó, Joan không được làm hoàng hậu của nước Pháp; ngài được ban cho tước hiệu Nữ Công Tước của Berry. Ðối với Joan đó là sự khuây khỏa khôn cùng và ngài đã đến Bouges. Ở đây ngài sống cuộc đời ẩn dật để cầu nguyện, và vào năm 1501, theo lời khuyên của vị linh hướng là Cha Gilbert Nicolas dòng Phanxicô, ngài sáng lập dòng nữ tu chiêm niệm - Nữ Tu Dòng Truyền Tin mà quy luật chính yếu là bắt chước các nhân đức của Ðức Maria như được kể trong Phúc Âm.
Thánh Joan từ trần ngày 4 tháng Hai năm 1505 khi 41 tuổi. Ngài được phong thánh vào năm 1950.
16 Tháng Hai : Thánh Gilbert ở Sempringham (1083 - 1189)
Thánh Gilbert sinh ở Sempringham, Anh Quốc, con của hiệp sĩ Jocelin người Norman nổi tiếng giầu có. Nhưng ngài lại theo đuổi một con đường khác hẳn với những gì mà gia đình ngài dành sẵn. Ðược gửi sang Pháp để tiếp tục học lên cao, nhưng ngài lại quyết định theo đuổi ơn gọi tu trì.
Ngài trở về Anh dù chưa là linh mục, và được thừa hưởng nhiều bất động sản của cha ngài để lại. Nhưng Gilbert không muốn một đời sống thoải mái như bất cứ lúc nào ngài cũng có thể. Thay vào đó, ngài sống một cuộc đời đơn giản tại một giáo xứ, và chia sẻ của cải với người nghèo bao nhiêu có thể. Sau khi được thụ phong linh mục, ngài phục vụ ở Sempringham.
Trong giáo xứ có bảy cô thanh nữ muốn sống đời tu trì và họ đã đến xin Cha Gilbert giúp đỡ. Ngài cho xây một căn nhà cạnh nhà thờ. Ở đó họ sống khắc khổ, nhưng lại thu hút nhiều người đến với họ; dần dà số nam nữ giáo dân đến giúp đỡ họ ngày càng đông. Sau khi một vài cơ sở được thành hình, Cha Gilbert đến Citaux để xin các tu sĩ ở đây tiếp tục trông coi Cộng Ðoàn. Khi các tu sĩ Xitô từ chối việc dẫn dắt nhóm phụ nữ này, với sự chấp thuận của Ðức Giáo Hoàng Eugene III, Cha Gilbert tiếp tục trông coi Cộng Ðoàn với quy luật riêng mà ngài là bề trên. Cộng đoàn được biết đến dưới tên Dòng Gilbertin, và là tu hội duy nhất được thành lập ở Anh trong thời Trung Cổ. Trước khi tu hội phải giải tán vì Vua Henri VIII ngăn cấm tất cả các tu viện Công Giáo ở Anh, Dòng Gilbertin có đến hai mươi sáu tu viện.
Quy luật của dòng rất nghiêm nhặt, nổi tiếng khắc khổ và lưu tâm đến người nghèo. Một thói quen đặc biệt dần dà xuất hiện trong các tu viện của Dòng Gilbertin được gọi là "đĩa của Chúa Giêsu." Trong đĩa đặc biệt ấy là các phần chia sẻ thức ăn của mỗi tu sĩ và sau đó họ chia sẻ thức ăn trong đĩa ấy cho người nghèo, nói lên sự lưu tâm đặc biệt của Cha Gilbert đối với những người kém may mắn.
Trong suốt cuộc đời, Cha Gilbert sống thật đơn giản, ăn rất ít và dành nhiều thời giờ ban đêm để cầu nguyện. Bất kể những khắc khổ của cuộc sống, ngài từ trần khi trên 100 tuổi. Ngài được phong thánh năm 1202.
17 Tháng Hai : Bảy Vị Sáng Lập Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ (thế kỷ 13)
Có thể nào bạn tưởng tượng được có bảy người nổi tiếng của thành phố Saigon hoặc Hoa Thịnh Ðốn cùng tụ nhau lại, từ giã gia đình sự nghiệp và sống cô độc trong một cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa không? Ðiều đó đã xảy ra trong thế kỷ XIII, ở thành phố Florence phồn thịnh và văn vật. Lúc ấy, thành phố này tan nát vì tranh chấp chính trị cũng như vì lạc giáo Cathari (trong những điều lầm lạc, họ cho rằng ma quỷ là chúa đối nghịch và Ðức Giêsu chỉ là một thiên thần). Ðời sống luân lý thời ấy thật thấp và tôn giáo dường như không có ý nghĩa gì.
Năm 1240, bảy người quý phái của Florence cùng quyết định ra khỏi thành phố đến một nơi cô quạnh để cầu nguyện và phục vụ Thiên Chúa. Sự khó khăn đầu tiên của họ là việc cấp dưỡng cho thân nhân, vì hai người vẫn còn lập gia đình và hai người nữa goá vợ.
Mục đích của họ là sống ăn năn đền tội và cầu nguyện, nhưng không bao lâu họ bị quấy rầy bởi những người hiếu kỳ đến từ Florence. Sau đó họ di chuyển đến một nơi vắng vẻ khác là sườn núi Senario.
Năm 1244, dưới sự linh hướng của Cha Phêrô ở Verona, O.P. (sau này được phong thánh), nhóm này theo thói quen đạo đức tương tự như của các cha Ða Minh, sống dưới quy luật của Thánh Augustine và lấy tên là Tôi Tớ Ðức Maria. Tu hội này có hình thức tổ chức giống như các tu sĩ khất thực hơn là các đan viện thời xưa.
Năm 1852, các thành viên của tu hội từ Áo đến Hoa Kỳ và định cư ở Nữu Ước, sau đó ở Philadelphia. Hai tỉnh dòng Hoa Kỳ được phát triển từ một tổ chức nhỏ bé của Cha Austin Morini được thành lập ở Wisconsin năm 1870.
Các thành viên của tu hội phối hợp giữa đời sống đan viện và sự hoạt động tích cực. Trong đan viện, họ sống đời cầu nguyện, làm việc và giữ thinh lặng nhưng trong công tác tông đồ họ tham dự các công việc của giáo xứ, dạy học, rao giảng và các sứ vụ khác.
Lời Bàn
Thời gian mà bảy vị sáng lập dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ sinh sống cũng rất giống như hoàn cảnh mà chúng ta đang sống hiện nay. Ðó là "thời gian tốt nhất và xấu nhất." Có lẽ nhiều người cảm thấy như bị lôi cuốn đến một cuộc sống phi văn hóa, ngay cả phi tôn giáo. Trong một phương cách mới hơn và khẩn thiết hơn, tất cả chúng ta đều phải đối diện với những thử thách của một cuộc đời mà tâm điểm là Ðức Kitô.
Lời Trích
"Mọi tu hội hãy loan truyền tin mừng của Ðức Kitô trên toàn thế giới bằng đức tin chính trực, bằng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, bằng sự thành tâm với Thánh Giá và qua niềm hy vọng vào sự vinh hiển tương lai... Do đó, với lời cầu bầu mạnh mẽ của Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, mà 'cuộc đời ngài là quy luật cho mọi đời sống,' các cộng đồng tôn giáo sẽ cảm nghiệm sự gia tăng về số lượng, và sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp mà từ đó dẫn đến sự cứu độ" (Sắc Lệnh về Ðời Sống Tu Trì, 25).
18 Tháng Hai : Thánh Simêon (c. 107)
Simêon, hoặc Simon, dường như là bà con với Ðức Giêsu. Người ta cho rằng cha của ngài là Clêopha, anh của Thánh Giuse và mẹ ngài là chị họ Ðức Maria. Có lẽ ngài là một trong những người "anh em của Ðức Giêsu" có mặt ở căn phòng bên trên vào ngày Ngũ Tuần. Ngài được chọn là Giám Mục thứ hai của Giêrusalem khi anh của ngài là Giacôbê Nhỏ tử vì đạo.
Vào năm 66, cuộc nội chiến bùng nổ ở Palestine như hậu quả việc người Do Thái chống đối đế quốc La Mã. Cộng đồng Kitô Hữu ở Giêrusalem được tiên báo là sẽ bị người Rôma tiêu diệt. Trong năm đó, trước khi Vespasian đưa quân vào Giuđêa, Thánh Simêon đã dẫn dắt cộng đoàn nhỏ bé đến nơi an toàn trong một thành phố nhỏ bé tên là Pella, ở bên kia sông Giođan.
Sau khi Giêrusalem bị đốt và chiếm đóng, người Kitô trở về và sống giữa những hoang tàn đổ nát cho đến khi Hoàng Ðế Hadrian sau đó đã san bằng Giêrusalem.
Thánh Epiphanius và Eusebius kể rằng giáo hội ở đây đã phát triển cách đáng kể, và nhiều người Do Thái đã tòng giáo sau những phép lạ của các thánh. Khi Vespasian và Domitian ra lệnh tiêu diệt tất cả những ai thuộc dòng dõi Ðavít, Thánh Simêon đã trốn thoát sự bắt bớ đó; nhưng đến thời Trajan cũng ra một lệnh tương tự, thì ngài đã bị bắt với tư cách không những là hậu duệ của Ðavít mà còn là một Kitô Hữu, và ngài đã bị đưa ra trước Atticus, quan tổng trấn Rôma. Ngài bị kết án tử hình và, sau khi bị tra tấn, ngài đã chết treo trên thập giá.
Mặc dù ngài thật cao tuổi - truyền thống nói rằng ngài sống đến 120 tuổi - nhưng sự can đảm chịu đựng tra tấn mà không chối bỏ đức tin của ngài đã khiến ngay cả Atticus cũng phải thán phục.
Blessed John of Fiesole
The patron of Christian artists was born around 1400 in a village overlooking Florence. He took up painting as a young boy and studied under the watchful eye of a local painting master. He joined the Dominicans at about age 20, taking the name Fra Giovanni. He eventually came to be known as Fra Angelico, perhaps a tribute to his own angelic qualities or maybe the devotional tone of his works.
He continued to study painting and perfect his own techniques, which included broad-brush strokes, vivid colors and generous, lifelike figures. Michelangelo once said of Fra Angelico: “One has to believe that this good monk has visited paradise and been allowed to choose his models there.” Whatever his subject matter, Fra Angelico sought to generate feelings of religious devotion in response to his paintings. Among his most famous works are the Annunciation and Descent from the Cross as well as frescoes in the monastery of San Marco in Florence.
He also served in leadership positions within the Dominican Order. At one point Pope Eugenius approached him about serving as archbishop of Florence. Fra Angelico declined, preferring a simpler life. He died in 1455.
19 Tháng Hai : Thánh Conrad ở Piacenza (1290 - 1350)
Sinh trong một gia đình giầu có thuộc miền bắc nước Ý, Conrad kết hôn với Euphrosyne, con gái của một người quý phái.
Một ngày kia, trong khi đi săn Conrad ra lệnh đốt một số bụi rậm để lùa thú ra ngoài. Lửa cháy lan ra cánh đồng kế cận và thiêu hủy cả một cánh rừng. Một nông dân vô tội bị cầm tù, bị đánh đập ép phải nhận tội và bị kết án tử hình. Tuy nhiên Conrad đã ra thú tội, cứu mạng người nông dân ấy và ông phải bồi thường thiệt hại.
Sau biến cố ấy không lâu, Conrad và vợ đồng ý ly thân: bà gia nhập tu viện Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn và ông đến với một nhóm người sống ẩn dật theo quy luật Dòng Ba Phanxicô. Tuy nhiên, không bao lâu, sự thánh thiện nổi tiếng của ông lan tràn. Vì sự cô quạnh bị khuấy động bởi các khách thăm viếng, Conrad di chuyển đến một nơi hoang vắng ở Sicily và ông sống ẩn dật ở đây trong 36 năm, cầu nguyện cho chính mình cũng như cho thế gian.
Sự cầu nguyện và ăn năn đền tội là cách ông đáp trả với những cám dỗ cản trở ông nên thánh. Ông từ trần khi còn quỳ gối trước tượng thánh giá. Ông được phong thánh năm 1625.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô Assisi vừa quý trọng sự chiêm niệm vừa yêu quý đời sống rao giảng; giai đoạn cầu nguyện mãnh liệt là để nuôi dưỡng sức mạnh rao giảng. Tuy nhiên, một số môn đệ đầu tiên của ngài cảm thấy được mời gọi đến đời sống chiêm niệm, và ngài chấp nhận điều đó. Mặc dù đời sống Thánh Conrad ở Piacenza không phải là một quy tắc trong Giáo Hội, nhưng ngài và các vị chiêm niệm khác nhắc nhở chúng ta về sự vĩ đại của Thiên Chúa và niềm vui của thiên đàng.
Lời Trích
Trong Huấn Thị về Ðời Sống Chiêm Niệm, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI có viết như sau:"Rút lui vào nơi vắng vẻ là để người Kitô kết hợp chính mình một cách mật thiết với sự thống khổ của Ðức Kitô, và trong một phương cách đặc biệt, giúp họ chia sẻ mầu nhiệm vượt qua và hành trình của Ðức Kitô từ trần thế đến quê trời" (#1).
20 Tháng Hai : Jacinta & Francisco Marto
Trong quãng thời gian từ 13 tháng Năm đến 13 tháng Mười 1917, ba trẻ chăn chiên người Bồ Ðào Nha ở Aljustrel đã được thấy Ðức Bà hiện ra ở Cova da Iria, gần Fatima, một thành phố cách thủ đô Lisbon 110 dặm về phía bắc. Vào lúc đó, Âu Châu đang can dự vào một cuộc chiến đẫm máu. Chính Bồ Ðào Nha, sau khi lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1910, cũng đang trong sự rối loạn chính trị; sau đó không lâu nhà cầm quyền giải tán các tổ chức tôn giáo.
Trong lần hiện ra đầu tiên, Ðức Maria yêu cầu các trẻ trở lại nơi này vào ngày mười ba mỗi tháng trong sáu tháng kế tiếp. Người cũng yêu cầu các trẻ học hành để biết đọc biết viết, và lần chuỗi mai khôi “để thế giới được hòa bình và chấm dứt chiến tranh.” Các trẻ cũng được khuyên hãy cầu nguyện cho những người tội lỗi và xin cho nước Nga được hoán cải, mà lúc bấy giờ Nga Hoàng Nicholas II vừa mới bị lật đổ và sau đó không lâu nước Nga rơi vào sự thống trị của chế độ cộng sản. Vào lần thị kiến sau cùng, 13-10-1917, có đến 90,000 người tụ tập tại Cova da Iria.
Chưa đầy hai năm sau, Francisco từ trần vì bệnh cúm ở ngay quê nhà. Em được chôn cất trong nghĩa trang giáo xứ và sau đó được cải táng về vương cung thánh đường Fatima vào năm 1952. Jacinta cũng chết vì bệnh cúm ở Lisbon sau khi dâng hiến sự đau khổ của mình để hoán cải người tội lỗi, để xin bình an cho thế giới và cho Ðức Thánh Cha. Cô được cải táng về vương cung thánh đường Fatima năm 1951. Người bà con với hai em là Lucia dos Santos, đã trở thành một nữ tu dòng Camêlô và hiện còn sống khi Jacinta và Francisco được phong chân phước vào năm 2000. Hàng năm, có đến 20 triệu người đến viếng đền Ðức Mẹ Fatima ở Bồ Ðào Nha.
Một phép lạ khác được cho rằng nhờ sự can thiệp của hai đấng và phép lạ này đã được công nhận vào ngày 8 tháng Hai 2013. Vào ngày 13 tháng Năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã long trọng tuyên thánh cho hai đấng trong ngày kỷ niệm 100 năm sau lần Đức Maria hiện ra đầu tiên. Hai đấng là các vị thánh trẻ nhất của Giáo Hội Công Giáo mà đã không chết vì tử đạo, T. Jacinta trẻ nhất.
Lời Bàn
Giáo Hội luôn luôn rất thận trọng khi phải chứng thực các việc hiện ra, nhưng Giáo Hội đã chứng kiến kết quả tốt đẹp của sứ điệp Ðức Bà Fatima khi người ta thay đổi đời sống. Cầu nguyện cho kẻ tội lỗi, tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Ðức Maria và lần chuỗi mai khôi - tất cả những điều này đã củng cố Tin Mừng mà Ðức Giêsu rao giảng.
Thánh Claude de la Combière (1641- 1682)
Thánh Claude sinh năm 1641 gần Lyons, nước Pháp, trong một gia đình đạo đức, giầu có. Ngài theo học trường của các cha dòng Tên về âm thanh và nghệ thuật.
Sau đó Claude vào trường đệ tử dòng Tên ở Avignon, là nơi ngài học xong triết học và bắt đầu dạy về nhân văn. Trong thời gian ngài dạy học ở Avignon là khi đạo quân của Louis XIV chiếm đóng, dù đó là nơi đức giáo hoàng cư ngụ. Khi hòa bình trở lại, thành phố Avignon cử mừng lễ Thánh Phanxicô Sales; mặc dù chưa được thụ phong linh mục, Claude là một trong những người được yêu cầu giảng thuyết. Ðể hoàn tất chương trình thần học ngài được gửi sang Balê là trung tâm văn hóa của nước Pháp, ở đó ngài được chọn làm thầy giáo tư cho các con của một bộ trưởng Pháp, là ông Colbert. Nhưng trong một bài viết, ông Colbert có những lời châm biếm tôn giáo mà Cha Claude không tán thành với ông bộ trưởng, do đó ngài bị gửi trả về Avignon và được bổ nhiệm việc thuyết giảng ở một nhà thờ thuộc trường đại học.
Trong các bài giảng, ngài thường tố cáo những sai lầm của lạc thuyết Jansen (1) mà ngài thấy đầy dẫy ở Balê. Cha Claude bài trừ tà thuyết bằng cách giảng dạy về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong một cuộc tĩnh tâm ngài thề tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Hai tháng sau khi thề hứa, ngài được bổ nhiệm làm bề trên cho một trụ sở nhỏ của dòng Tên ở Paray. Chính ở đây mà ngài gặp Sơ Margaret Mary Alacoque (2), và là cha giải tội cho sơ và nhấn mạnh đến việc sùng kính Thánh Tâm Chúa.
Sau đó Cha Claude được sai đến nước Anh với công việc giải tội cho Nữ Công Tước của York. Ngài rao giảng không những bằng lời nói mà còn bằng hành động, và đã đưa nhiều người Tin Lành trở lại đạo. Trong thời gian ở đây, những chống đối người Công Giáo ngày càng gia tăng. Có tiếng đồn cho rằng người Công Giáo âm mưu giết vua để tái lập đạo Công Giáo tại Anh. Cha Claude bị bắt và bị cầm tù về tội tham dự vào âm mưu này trước khi thành công trong việc hoán cải nhà vua. Chính nhờ vua Louis XIV can thiệp mà Cha Claude không bị xử tử.
Cha Claude bị trục xuất, nhưng thời gian tù đầy đã ảnh hưởng tệ hại đến sức khỏe của ngài. Theo lời khuyên của Sơ Margaret Mary, ngài trở về Paray và từ trần tại đây năm 1682. Một ngày sau khi ngài chết, Sơ Margaret Mary được thị kiến siêu nhiên, đảm bảo rằng Cha Claude La Colombiere không cần được cầu nguyện, vì ngài đã ở trên thiên đàng.
Cha Claude được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 31 tháng Năm 1992.
(1) Cornelius Jansen - Giám Mục của Yprés - chủ trương rằng bản tính loài người quá hư hỏng vì tội nguyên tổ nên không có khả năng chống lại sự cám dỗ, không xứng đáng được rước lễ thường xuyên và Jansen chống lại sự thờ kính nhân tính của Chúa Giêsu được thể hiện qua việc sùng kính Thánh Tâm.
(2) Thánh Margaret Mary Alacoque là người đã được Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần và sứ điệp đặc biệt là sùng kính Thánh Tâm Chúa. Thánh nữ được Chúa Giêsu gọi là "Người môn đệ yêu dấu của Thánh Tâm Ta."
21 Tháng Hai : Thánh Phêrô Damian (1007 - 1072)
Có lẽ vì là trẻ mồ côi và bị đối xử thật tệ hại khi còn nhỏ nên Thánh Phêrô Damian thật tốt với người nghèo. Trong bữa ăn, lúc nào cũng có một hay hai người nghèo ăn chung với ngài, và đích thân ngài lo lắng cho nhu cầu của họ.
Ngài sinh ở Ravenna, mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ và sống với người anh ruột nhưng bị đối xử như người đầy tớ. Khi mới lớn một chút, ngài đã bị sai đi chăn heo. Một người anh khác, là giáo trưởng ở Ravena, thấy thương hại chú em bơ vơ nên đem ngài về nuôi nấng cho ăn học tử tế. Có lẽ vì nhớ ơn dưỡng dục của người anh mà Phêrô đã lấy tên người anh, là Damian, thành tên của mình.
Phêrô là một học sinh có năng khiếu và sau đó trở thành một giáo sư nổi tiếng. Trong thời gian này, Phêrô cố làm quen với sự chay tịnh, sự cầu nguyện và ngài mặc áo nhặm bên trong áo thường để chống với các cám dỗ của lạc thú và mưu chước ma quỷ.
Sau một thời gian, ngài quyết tâm từ bỏ thế gian để sống đời ẩn tu với các đan sĩ Biển Ðức thuộc nhánh cải cách của Thánh Rômuanđô ở Fonte Avellana. Các đan sĩ thường sống hai người một trong một cái am cách xa nhau, để cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng, với cuộc sống rất khắc khổ. Vì quá hăng say trong sự cầu nguyện và ngủ quá ít nên không bao lâu Phêrô bị bệnh mất ngủ trầm trọng. Ngài phải thận trọng kềm chế và săn sóc chính mình. Vì lý do đó, ngài dành nhiều thời giờ để nghiên cứu Kinh Thánh, và trở nên một thi sĩ sáng tác thơ đạo cũng nổi tiếng như trong văn chương đời trước đây.
Do một quyết định của toàn thể các đan sĩ, ngài phải chịu trách nhiệm lãnh đạo Cộng Ðoàn khi vị bề trên qua đời. Do đó, sau khi vị đan viện trưởng từ trần khoảng năm 1043, Phêrô đã dẫn dắt gia đình thánh thiện này với sự khôn ngoan và đạo đức. Ngài cũng thành lập thêm năm đan viện khác. Ngài duy trì tinh thần cô độc, bác ái và khiêm nhường. Nhiều vị đan sĩ dưới sự dẫn dắt của ngài là các ngôi sao sáng của Giáo Hội, kể cả Thánh Ðaminh Loricatus, Thánh Gioan ở Lodi là người kế vị ngài trong chức vụ đan viện trưởng ở Holy Cross.
Trong nhiều năm, Thánh Phêrô Damian thường giúp các Giáo Hoàng trong công việc hòa giải giữa các tu hội kình chống nhau, hoặc giữa giáo sĩ, viên chức chính phủ và Tòa Thánh. Năm 1057, Ðức Giáo Hoàng Stephanô IX thuyết phục ngài từ bỏ đời ẩn dật và đặt ngài làm Giám Mục-Hồng Y của Ostia.
Ngài tích cực tẩy trừ nạn buôn bán chức vụ trong Giáo Hội, khuyến khích các linh mục sống độc thân, và thúc giục các linh mục triều sống thành cộng đoàn, giữ chương trình cầu nguyện. Ngài ao ước phục hồi tinh thần kỷ luật nguyên thủy của các tu sĩ và linh mục, cảnh cáo họ về việc di chuyển không cần thiết, vi phạm đức khó nghèo và sống quá thoải mái. Ngài viết thư khiển trách Ðức Giám Mục Florence về việc chơi cờ, và Ðức Giám Mục Besancon về việc để giáo sĩ ngồi khi đọc thánh vịnh trong Kinh Nhật Tụng.
Ngài viết rất nhiều thư. Khoảng 170 lá hiện vẫn còn. Chúng ta cũng còn 53 bài giảng của ngài và bảy tiểu sử ngài viết. Ngài thích viết về gương mẫu và chuyện thật hơn là lý thuyết. Các bản văn phụng vụ của ngài cho thấy ngài có phong cách của một nhà văn.
Ngài thường xin các giáo hoàng cho ngài từ chức Giám Mục-Hồng Y của Osia, và sau cùng Ðức Alexander II đồng ý với điều kiện là bất cứ khi nào cần ngài sẽ sẵn sàng làm việc trở lại. Khi trở lại công việc ở Ravenna, ngài bị sốt nặng. Ngài từ trần ngày 22 tháng Hai 1072 khi các đan sĩ đang vây quanh và đọc kinh Nhật Tụng.
Năm 1828 ngài được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Lời Bàn
Thánh Phêrô Damian là một người cải cách, và nếu ngài sống trong thời nay chắc chắn ngài sẽ thúc đẩy sự canh tân theo tinh thần Công Ðồng Vatican II. Ngài sẽ hoan nghênh việc nhấn mạnh đến cầu nguyện được tỏ lộ qua số buổi cầu nguyện ngày càng gia tăng của các linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng như việc thành lập các nhà cầu nguyện của nhiều cộng đoàn tu sĩ ngày nay.
Lời Trích
"... Chúng ta hãy trung tín trao truyền lại cho thế hệ mai sau các gương mẫu nhân đức mà chúng ta đã lãnh nhận từ cha ông" (Thánh Phêrô Damian)
22 Tháng Hai : Ngai Tòa Thánh Phêrô Tông Ðồ
Hôm nay chúng ta tưởng nhớ việc Ðức Kitô chọn Phêrô là người thay thế Ngài trong việc cai quản Giáo Hội.
Sau một "cuối tuần mất mát" đầy đau khổ, hồ nghi và dằn vặt sau khi Ðức Kitô bị đóng đinh và đem đi chôn, Phêrô đã được nghe Tin Mừng. Thiên thần ở ngôi mộ nói với bà Maria Mađalêna, "Chúa đã sống lại! Hãy đi nói với các môn đệ và Phêrô." Gioan kể lại khi ngài và Phêrô chạy đến mộ, vị tông đồ trẻ đi nhanh hơn tông đồ lớn tuổi kia, nhưng ngài đứng đợi ở ngoài. Khi Phêrô bước vào, thấy các khăn liệm ở dưới đất, khăn che mặt được gói lại để ở đúng vị trí của nó. Gioan trông thấy và tin. Nhưng ngài viết thêm: "... Họ không hiểu rằng theo kinh thánh, Ngài phải sống lại từ cõi chết" (Gioan 20:9). Họ về nhà. Ðầu óc họ như nổ tung với một khám phá mới, điều bất khả đã trở thành hiện thực. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn nhà khóa kín. Ngài nói, "Bình an cho anh em," và họ quá đỗi vui mừng (Gioan 20:21b).
Và biến cố trong ngày Ngũ Tuần đã giúp Phêrô cảm nhận được Ðức Kitô phục sinh một cách trọn vẹn. "... Tất cả đều tràn đầy Thánh Thần" (TVCÐ 2:4a) và họ bắt đầu rao giảng bằng các thứ tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho.
Chỉ khi ấy Phêrô mới chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho ngài: "... Một khi anh trở lại, hãy củng cố các anh em" (Luca 22:32) Từ lúc đó, ngài trở nên phát ngôn viên cho nhóm Mười Hai về những gì họ được cảm nghiệm qua Thánh Thần -- trước nhà cầm quyền muốn chặn đứng sự rao giảng, trước thượng hội đồng Giêrusalem, trước cộng đoàn về vấn đề của Ananias và Sapphira. Ngài là người đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Sức mạnh chữa lành của Ðức Kitô ở trong Phêrô được chứng tỏ: cho kẻ chết sống lại, chữa người ăn xin tàn tật. Dân chúng khiêng bệnh nhân ra đường phố để khi Phêrô đi ngang qua, bóng của ngài có thể chữa họ lành.
Ngay cả một vị thánh cũng gặp khó khăn của cuộc đời Kitô Hữu. Khi Phêrô không còn ăn uống với Dân Ngoại tòng giáo vì ngài tế nhị không muốn tổn thương đến người Kitô gốc Do Thái, Phaolô viết, "... Tôi chống đối ông ấy ra mặt vì rõ ràng là ông ấy sai... Các ông ấy không đi đúng với chân lý của phúc âm..." (Galat 2:11b, 14a).
Trong đoạn cuối Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với Phêrô, "Thật, Thầy bảo thật cho anh biết, khi anh còn trẻ, anh muốn mặc quần áo nào và muốn đi đâu tùy ý; nhưng khi anh lớn tuổi, anh sẽ phải giang tay ra, và người khác sẽ mặc áo cho anh và dẫn anh đến nơi anh không muốn" (Gioan 21:18). Chúa Giêsu tiên đoán về cái chết mà Phêrô phải chịu để vinh danh Thiên Chúa. Trong thời gian cai trị của Nero, trên Ðồi Vatican ở Rôma, Phêrô đã vinh danh Chúa Giêsu với sự tử đạo, có lẽ cùng với nhiều Kitô Hữu khác.
Lời Trích
Trong Thơ Thứ Nhất, Thánh Phêrô diễn tả ơn gọi của người tín hữu Kitô:"Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để lãnh nhận niềm hy vọng sống động nhờ Ðức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết..." (1 Phêrô 1:3a).
23 Tháng Hai : Thánh Polycarp (c. 156)
Là môn đê của Thánh Gioan Tông Ðồ và là bạn của Thánh Ignatiô ở Antioch, Thánh Polycarp, Giám Mục của Smyrna (bây giờ là Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ), là một vị lãnh đạo đáng kính của Kitô Giáo trong tiền bán thế kỷ thứ hai.
Tuy nhiên các vị lãnh đạo Giáo Hội thuộc thế hệ thứ hai đã gặp những thử thách mà thế hệ trước không đề cập đến. Họ phải làm gì khi thế hệ chứng nhân thứ nhất ấy không còn nữa? Lời dạy dỗ xác thực của Chúa Giêsu phải truyền lại như thế nào? Phải trả lời thế nào với các câu hỏi chưa từng có?
Khi các tông đồ không còn ở trần gian nữa, các lạc thuyết bắt đầu xuất hiện ngụy trang chính giáo, sự bách hại lại mạnh mẽ và bắt đầu xuất hiện các tranh chấp về vấn đề phụng vụ mà Ðức Giêsu không bao giờ nói đến.
Polycarp, một người thánh thiện và là giám mục của Smyrna, chỉ thấy có một câu trả lời - trung thành với đời sống Ðức Giêsu và bắt chước đời sống ấy. Thánh Ignatiô nói với Thánh Polycarp "linh đạo của anh đặt nền móng nơi Thiên Chúa như trên một tảng đá không thể nào lay chuyển nổi."
Khi đối diện với lạc giáo, Thánh Polycarp có "bộ mặt bộc trực" đến nỗi Thánh Ignatiô phải thán phục, vì ngài đã bắt chước cách Ðức Giêsu trả lời người Pharisêu. Marcion, người lãnh đạo lạc thuyết nhị nguyên (*), khi đối chất với Ðức Polycarp đã yêu cầu ngài thừa nhận họ, "Polycarp, hãy thừa nhận chúng tôi." Ðức Polycarp trả lời, "Tôi thừa nhận ngài, phải, tôi thừa nhận ngài là đứa con của Satan."
Trái lại khi đối diện với các bất đồng của Kitô Hữu, ngài lại rất khoan dung và tôn trọng. Một trong những tương tranh thời ấy là việc cử hành lễ Phục Sinh. Ðông Phương, là xuất xứ của Thánh Polycarp, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua như sự Thương Khó của Ðức Kitô tiếp theo sau bằng một Thánh Lễ vào ngày kế tiếp. Tây Phương cử hành lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật sau tuần lễ Vượt Qua. Khi Thánh Polycarp đến Rôma để thảo luận về vấn đề này với Ðức Giáo Hoàng Anicetus, họ bất đồng ý kiến. Nhưng các ngài cũng không thấy sự khác biệt trong đức tin Kitô Giáo. Và Ðức Anicetus đã yêu cầu Thánh Polycarp cử hành Thánh Lễ ngay trong nhà nguyện của đức giáo hoàng.
Thánh Polycarp đối diện với sự bách hại cũng như Ðức Kitô đã làm. Chính giáo đoàn của ngài phải thán phục ngài vì đã theo sát "gương phúc âm" - không tìm cách để tử đạo như một số người đã làm, nhưng trốn tránh sự bách hại cho đến khi thánh ý Chúa được thể hiện như Ðức Giêsu Kitô đã làm. Họ coi đó là "một dấu chỉ tình yêu nói lên sự khao khát không muốn chỉ cứu chuộc có một mình, nhưng còn cứu chuộc tất cả anh chị em Kitô Hữu."
Trong thời kỳ đẫm máu tử đạo Kitô Hữu trong đấu trường, dân chúng trở nên điên cuồng đòi hỏi phải tìm bắt Thánh Polycarp, vì ngài nổi tiếng thánh thiện. Thánh Polycarp thật điềm tĩnh nhưng giáo dân thúc giục ngài đi trốn trong một nông trại gần thành phố. Quân lính tìm ra ngài sau khi tra khảo hai đứa bé. Ngài thết đãi họ ăn và xin họ để ngài cầu nguyện trước khi điệu về đấu trường.
Thấy đức tin vững vàng không lay chuyển của Thánh Polycarp, quan thống đốc ra lệnh thiêu sống, và khi quân lính châm lửa, nhiều người chứng kể lại họ được nhìn thấy một phép lạ. Lửa cháy thành một vòng cung chung quanh thánh nhân, bao bọc ngài như các cánh buồm, và thay vì bị đốt cháy, ngài lại rực sáng như vàng đang chảy trong lò lửa. Khi quân lính thấy ngài không hề hấn gì, chúng đã lấy dao đâm ngài. Máu ngài chảy ra đã dập tắt ngọn lửa.
Quan thống đốc ra lệnh đốt xác thánh nhân mà không để giáo dân lấy xác, vì ông sợ họ sẽ thờ Thánh Polycarp mà không thờ tà thần của người Rôma. "Chứng từ" tử đạo của Thánh Polycarp là chứng từ được ghi nhận một cách xác thực về sự tử đạo của người tín hữu Kitô ngay từ thuở ban đầu. Ngài chết vào khoảng năm 156.
Trong nhiều lá thư của Thánh Polycarp, chỉ còn một lá ngài viết cho Giáo Hội Philippi, Macedonia là còn giữ được cho đến ngày nay.
Lời Bàn
Thánh Polycarp được công nhận là vị lãnh đạo Kitô Giáo bởi tất cả các Kitô Hữu thuộc Giáo Hội Tiểu Á - một thành trì đức tin vững mạnh và trung thành với Ðức Giêsu Kitô. Sức mạnh của ngài là bởi tín thác vào Thiên Chúa, ngay cả khi các biến động của đời sống mâu thuẫn với sự tin tưởng này. Sống giữa những người ngoại giáo và dưới chế độ đàn áp một tôn giáo mới, ngài đã chăn dẫn đàn chiên của ngài. Cũng như vị Mục Tử Tốt Lành, ngài đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên và gìn giữ họ khỏi bị bách hại thêm nữa. Sự tín thác vào Thiên Chúa của ngài được tóm lược trong câu nói trước khi chết:"Lạy Chúa Cha... Con ca tụng Ngài, vì đã giúp con xứng đáng cho đến ngày giờ này..." (Sổ Tử Ðạo, Chương 14).
Lời Trích
"Hãy vững vàng trong cách ăn ở và noi gương Chúa, 'trung kiên trong đức tin, yêu thương anh chị em, đoàn kết trong chân lý,' giúp đỡ lẫn nhau với sự dịu dàng của Chúa, đừng khinh miệt một ai" (Thánh Polycarp, Thư Gửi Tín Hữu Philippi).
(*) Marcion chủ trương có hai Chúa. Một Chúa trong Cựu Ước thì khác với Chúa của Tân Ước, và Ðức Giêsu là Con của Thiên Chúa trong Tân Ước.
24 Tháng Hai : Chân Phước Luca Belludi (1200 - 1285)
Năm 1220, khi Thánh Antôn rao giảng cho cư dân ở Padua thì một thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc, là Luca Belludi, đã đến với thánh nhân và xin được theo nếp sống của những môn đệ Thánh Phanxicô. Thánh Antôn rất mến mộ tài năng, kiến thức của Luca và đích thân giới thiệu anh với Thánh Phanxicô, sau đó chính thánh nhân đã nhận anh vào dòng.
Lúc ấy, Luca chỉ mới 20 tuổi, là bạn đồng hành của Thánh Antôn trong những công tác rao giảng, đã săn sóc thánh nhân vào những ngày cuối đời và sau khi Thánh Antôn từ trần, Luca đã thế chỗ của thánh nhân. Sau đó ngài được bổ nhiệm việc quản lý các tu sĩ Phanxicô ở Padua.
Vào năm 1239, thành phố rơi vào tay quân thù. Những người quý tộc bị tử hình, thị trưởng và hội đồng thành phố bị dẹp bỏ, trường đại học ở Padua từ từ bị đóng cửa và việc xây cất nhà thờ để kính nhớ Thánh Antôn phải bỏ dở. Chính Luca bị trục xuất ra khỏi thành phố nhưng ngài bí mật trở về. Hàng đêm, ngài và thầy quản lý xuống mộ Thánh Antôn trong nguyện đường đang xây cất dở dang để cầu xin sự trợ giúp. Một đêm kia, có tiếng nói vang lên từ ngôi mộ, đảm bảo với các ngài là thành phố sẽ thoát khỏi tay bạo chúa hung dữ.
Sau khi lời tiên đoán ấy thành sự thật, Luca được bầu làm bề trên tỉnh dòng và sau đó ngài hoàn tất vương cung thánh đường để kính nhớ Thánh Antôn, là thầy của ngài. Trong cuộc đời của Chân Phước Luca, ngài thành lập nhiều tu viện, và cũng như Thánh Antôn, ngài được ơn làm phép lạ. Sau khi từ trần, ngài được an nghỉ trong chính vương cung thánh đường mà ngài đã giúp hoàn tất và được tiếp tục sùng kính cho đến ngày nay.
25 Tháng Hai : Thánh Ethelbert
Vào năm 596, Đức Giáo hoàng Grêgôriô cử Augustine và 40 tu sĩ nước Anh truyền giáo. Lúc ấy, đế quốc La Mã không còn cai trị ở châu Âu, vì phần lớn ở Âu bắc tràn ngập những tên cướp man rợ.
Augustine hành trình đến thủ đô nước Pháp thì sợ hãi quay trở lại Rome, nhưng Đức Gregory không bỏ cuộc, ra lệnh buộc Augustine hoàn thành sứ mệnh truyền giáo về phía bắc.
Khi vua Ethelbert của Kent nghe tin Augustine và các tu sĩ của ông đổ bộ đến Kent, miền đông nam nước Anh vào năm 597, thì Vua Ethelbert cùng các đạo sĩ của ông quyết định không cho Augustine và các tu sĩ cập bến vì ông và các đạo sĩ sợ những người La Mã làm phép thuật bất lợi khi đến vùng nước Kent.
Nhưng rất bất ngờ, khi Augustine và các tu sĩ Rome cập bến, thì chính vua Ethelbert cưỡi ngựa ra đón họ và lắng nghe Augustine giải bài. Nhà vua có thiện cảm, liền cho phép họ vào thủ đô Canterbury truyền bá về Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Vua Ethelbert cũng cấp cho Augustine và các tu sĩ một nơi để sinh sống ở đó.
Bất ngờ thứ hai: Vợ của nhà vua, Nữ hoàng Bertha, đã là người đã tin vào Chúa Giêsu
và chịu phép rữa. Bà là người Pháp đã theo đạo Thiên Chúa Giáo trước khi kết hôn với vua Ethelbert và nhà vua đã cho phép Nữ hoàng Bertha xây cất nguyện đường ở Canterbury. Đây là cơ sở truyền giáo đầu tiên của Augustine tại Kent đến Angles.
Từ nguyện đường nhỏ đã trở thành Vương Cung Thánh Đường, nhà thờ Chánh Tòa Canterbury rất nổi tiếng ở Kent ngày nay. Và hàng năm có hàng triệu người đến hành hương tại Vương Cung Thánh Đường Canterbury.
Nhiều người tin vào Chúa Giêsu và đã chịu phép rửa, bao gồm cả chính Vua Ethelbert.
👆 Lawrence Nguyễn H Cường sưu tầm và chuyển dịch
Chân Phước Sebastian ở Aparicio (1502 - 1600)
Những con đường và nhịp cầu mà Chân Phước Sebastian xây dựng thì nối liền nhiều chỗ thật xa cách. Nhịp cầu sau cùng ngài hoàn tất là giúp người ta nhận biết phẩm giá và cùng đích mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.
Cha mẹ của Sebastian là nông dân Tây Ban Nha. Vào năm 31 tuổi, ngài xuống tàu đi Mễ Tây Cơ, ở đây ngài làm việc đồng áng. Sau đó ngài xây đắp những con đường để thuận tiện cho việc trao đổi nông nghiệp và thương mãi. Con đường ngài xây từ Mexico City cho đến Zacatecas dài 466 dặm và phải mất 10 năm mới hoàn tất, và vừa phải khéo léo thương thuyết với những người thổ dân.
Sau cùng, Sebastian là một điền chủ giàu có. Khi 60 tuổi ngài lập gia đình với một trinh nữ. Ðộng lực chính mà người trinh nữ kết hôn với ngài có lẽ là số gia tài kếch sù; phần ngài thì muốn giúp đỡ người con gái nghèo nàn không có của hồi môn ấy một cuộc đời xứng đáng. Khi người vợ thứ nhất qua đời, ngài lấy một trinh nữ thứ hai cũng vì lý do như trước; và người vợ thứ hai cũng chết sớm.
Vào năm 72 tuổi, Sebastian phân phát tài sản cho người nghèo rồi gia nhập dòng Phanxicô với tư cách của một thầy trợ sĩ. Ðược giao cho công việc ẩm thực của tu viện rộng lớn ở Puebla de los Angeles (100 thành viên) nằm về phía nam của Mexico City, Thầy Sebastian đã chu toàn bổn phận đi khất thực trong 25 năm. Lòng bác ái của thầy đối với tất cả mọi người thật xứng với cái tên mà người ta đã đặt cho ngài, "Thiên Thần của Mễ Tây Cơ."
Thầy Sebastian được phong chân phước năm 1787 và là quan thầy của những người lữ hành.
Lời Bàn
Theo Quy Luật Thánh Phanxicô, các tu sĩ phải làm việc để có miếng ăn. Nhưng đôi khi công việc của họ không đủ cung cấp cho nhu cầu; thí dụ, họ chăm sóc người cùi là những người không có gì để đáp trả. Trong trường hợp ấy, các tu sĩ được phép đi xin, và luôn nhớ đến điều nhắc nhở của Thánh Phanxicô là hãy làm gương tốt để khuyến dụ dân chúng. Cuộc đời của Chân Phước Sebastian, dù tuổi già nhưng vẫn hăng say, chắc chắn đã đưa nhiều người đến gần Thiên Chúa hơn.
Lời Trích
Có lần Thánh Phanxicô nói với các môn sinh:"Giữa thế gian và tu sĩ có một giao kèo. Tu sĩ phải đem lại cho thế gian gương mẫu tốt lành; và thế gian phải cung ứng cho các nhu cầu của họ. Khi các tu sĩ hư hỏng đức tin và không còn làm gương tốt, thế gian sẽ rút tay lại như một sự khiển trách chính đáng" (2 Celano, #70).
26 Tháng Hai : Thánh Apollonia (c. 249)
Cuộc bách hại Kitô Hữu đầu tiên ở Alexandria xảy ra trong triều đại Hoàng Ðế Philip. Nạn nhân đầu tiên bị người ngoại giáo tấn công là một cụ già tên Metrius, cụ bị tra tấn và sau đó bị ném đá cho đến chết. Người thứ hai từ chối không chịu thờ tà thần là một phụ nữ Kitô Hữu tên Quinta. Lời nói của bà đã làm đám đông tức giận và bà đã bị đánh đập bằng gậy gộc và ném đá.
Trong khi hầu hết Kitô Hữu rời bỏ thành phố, để lại mọi của cải thế gian thì một nữ phó tế tên là Apollonia bị bắt. Thánh Dionysius, Giám Mục Antiôkia, kể cho chúng ta biết, đám đông đã đánh đập Apollonia, và bẻ gãy mọi cái răng của ngài. Sau đó họ đốt một đám lửa thật lớn và đe dọa nếu ngài không chịu nguyền rủa Thiên Chúa thì họ sẽ ném ngài vào lửa. Ngài xin đợi một vài giây phút như để suy nghĩ về điều họ yêu cầu. Nhưng thay vào đó, ngài đã tự ý nhảy vào lửa và được phúc tử đạo.
Có nhiều nhà thờ được dâng kính cho thánh nữ. Là quan thầy của các nha sĩ, Thánh Apollonia thường được cầu khẩn để chữa răng đau và các bệnh liên hệ đến răng. Ngài thường được vẽ với đôi kìm đang kẹp một cái răng hoặc một chiếc răng vàng đeo trên cổ. Thánh Augustine giải thích về sự tử đạo của ngài là do sự thúc giục đặc biệt của Chúa Thánh Thần, vì không ai được phép tự ý gây ra cái chết cho mình.
27 Tháng Hai : Thánh Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi (c. 1862)
Phanxicô, sinh trưởng trong một gia đình có đến 12 người con, và ngài mồ côi mẹ khi mới bốn tuổi. Phanxicô được các cha dòng Tên dạy dỗ, và sau hai lần thoát khỏi bệnh nặng, anh tin rằng Thiên Chúa kêu gọi anh vào đời sống tu trì. Tuy nhiên, ước ao gia nhập dòng Tên của anh bị từ chối, có lẽ vì tuổi còn nhỏ, lúc ấy anh chưa đến 17 tuổi. Sau cái chết của người chị vì bệnh dịch tả, quyết tâm đi tu của anh lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và anh được các cha dòng Passionist chấp nhận. Khi bắt đầu cuộc sống đệ tử, Phanxicô lấy tên là Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi.
Là một con người luôn luôn bình dị và vui tươi, không bao lâu Gabrien đã tập được cho mình một đức tính: trung thành trong mọi chuyện dù nhỏ bé. Anh khiến mọi người ngạc nhiên về tinh thần cầu nguyện của anh cũng như việc yêu thương người nghèo, quan tâm đến người khác, tuân giữ quy luật cách nghiêm nhặt và hãm mình phạt xác -- luôn luôn tùy theo tôn ý của bề trên.
Cha bề trên rất kỳ vọng nơi Gabrien khi anh đang chuẩn bị cho đời sống linh mục, nhưng chỉ sau bốn năm tu tập, các triệu chứng của bệnh lao bắt đầu xuất hiện. Luôn luôn vâng lời, anh kiên nhẫn chịu đựng sự đau đớn và những hạn chế mà cơn bệnh đòi hỏi, không muốn được lưu ý cách đặc biệt. Anh từ trần cách êm ái vào ngày 27 tháng Hai 1862, khi mới 24 tuổi, sau khi sống gương mẫu cho mọi người.
Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi được phong thánh năm 1920.
28 Tháng 2: Thánh Grêgôriô II (c. 731)
Sinh ở Rôma, ngay từ khi còn trẻ Grêgôriô đã dính dáng đến công việc của Giáo Hội. Chính Thánh Giáo Hoàng Sergius I là người nhận thấy những đức tính cao quý nơi người trẻ tuổi này và đã tấn phong Grêgôriô làm trợ phó tế. Ngài phục vụ liên tiếp dưới bốn triều đại giáo hoàng với chức vụ thủ quỹ, và sau đó là quản thủ thư viện. Ngài được giao cho các nhiệm vụ quan trọng và tháp tùng Ðức Giáo Hoàng Constantine đến Constantinople để phản đối Hoàng Ðế Justinian II về các nghị định chống lại tây phương của Công Ðồng Trullan II (692). Sau khi Ðức Constantine từ trần, Grêgôriô được chọn làm giáo hoàng và được tấn phong năm 715.
Ðức Grêgôriô làm giáo hoàng trong 15 năm. Trong thời gian này, ngài tổ chức các thượng hội đồng để chấn chỉnh các nhũng lạm, ngăn chặn lạc giáo và cổ vũ tinh thần kỷ luật và luân lý. Ngài tái xây dựng một phần lớn các tường thành Rôma để bảo vệ thành phố này chống với các cuộc tấn công của quân Lombard. Ngài tái thiết nhiều nhà thờ, và đặc biệt rất quan tâm đến người đau yếu và người già. Ðan viện thật lớn gần nhà thờ Thánh Phaolô đã được tái thiết, cũng như tu viện của Monte Cassino mà quân Lombard đã phá hủy cách đó 150 năm. Ngài tấn phong Thánh Boniface và Thánh Corbinian làm giám mục để đi truyền giáo cho các sắc dân ở Ðức. Và cũng như Ðức Grêgôriô I, ngài biến dinh thự của gia đình ngài thành một đan viện.
Chính trong những cuộc thương thuyết với Hoàng Ðế Lêô III mà người ta mới thấy sức mạnh tinh thần cũng như sự kiên nhẫn của Ðức Grêgôriô. Hoàng Ðế Lêô đòi phải tiêu hủy tất cả các ảnh tượng thánh, và trừng phạt những ai không tuân lệnh. Khi các giám mục không thuyết phục được hoàng đế về sự sai lầm của ông, họ thỉnh cầu đến giáo hoàng. Một đàng, Ðức Grêgôriô cố gắng thay đổi ý nghĩ của hoàng đế. Ðàng khác, ngài khuyên dân chúng trung thành với hoàng tử, luôn luôn khuyến khích các giám mục chống với tà thuyết.
Ðức Grêgôriô II từ trần năm 731.
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
Tháng 3
1 Tháng Ba : Thánh Ðavít (c. 589)
2 Tháng Ba : Thánh Agnes ở Bohemia (1205 - 1282)
3 Tháng Ba : Thánh Katharine Drexel (1858 - 1955)
4 Tháng Ba : Thánh Casimir (1458 - 1483)
5 Tháng Ba : Thánh Gioan Giuse của Thánh Giá (1654 - 1734)
6 Tháng Ba : Tôi Tớ Thiên Chúa Sylvester ở Assisi (c. 1240)
7 Tháng Ba : Thánh Perpetua và Thánh Felicity (c. 203?)
8 Tháng Ba : Thánh Gioan của Thiên Chúa (1495 - 1550)
9 Tháng Ba : Thánh Frances ở Rôma (1384 - 1440)
10 Tháng Ba : Thánh Ðaminh Saviô (c. 1857)
11 Tháng Ba : Thánh Gioan Ogilvie (1579 - 1615)
12 Tháng Ba : Chân Phước Angela Salawa (1881 - 1922)
13 Tháng Ba : Thánh Nicôla Owen (c. 1606)
14 Tháng Ba : Thánh Maximilian (c. 295)
15 Tháng Ba : Thánh Louise de Marillac (c. 1660)
16 Tháng Ba : Thánh Clement Mary Hofbauer (1751 - 1820)
17 Tháng Ba : Thánh Patrick (389?-461?)
18 Tháng Ba : Thánh Cyril ở Giêrusalem (315? - 386)
20 Tháng Ba : Thánh Salvator ở Horta (1520 -1567)
21 Tháng Ba : Chân Phước Gioan ở Parma (1209 - 1289)
22 Tháng Ba : Thánh Benvenutus ở Osimo (c. 1282)
23 Tháng Ba : Thánh Turibius ở Mogrovejo (1538 - 1606)
24 Tháng Ba : Thánh Catarina ở Genoa (1447 - 1510)
26 Tháng Ba : Chân Phước Didacus ở Cadiz (c. 1801)
26 Tháng Ba : Thánh Magarét Clitherow
27 Tháng Ba : Chân Phước Phanxicô "di Bruno" (1825 - 1888)
28 Tháng Ba : Thánh Tutilo (c. 915)
29 Tháng Ba : Chân Phước Ludovico ở Casoria (1814-1885)
30 Tháng Ba : Thánh Benjamin (c. 424)
31 Tháng Ba : Thánh Benjamin (c. 424)
========================
1 Tháng Ba : Thánh Ðavít (c. 589)
Ðavít là thánh quan thầy của xứ Wales và có lẽ là vị thánh nổi tiếng nhất nước Anh. Nhưng không may, chúng ta không biết nhiều về ngài.
Ðược biết ngài là một linh mục, tham dự trong công cuộc truyền giáo và sáng lập nhiều đan viện, kể cả đan viện chính của ngài ở phía nam xứ Wales. Có nhiều truyền thuyết kể về ngài và các đan sĩ. Các ngài sống rất khắc khổ. Họ làm việc trong im lặng và cầy cấy bằng chân tay mà không dùng đến sức loài vật. Thực phẩm của các ngài chỉ giới hạn trong bánh mì, rau trái và nước lạnh.
Vào khoảng năm 550, thánh nhân tham dự một thượng hội đồng ở Brevi thuộc Cardiganshire. Sự đóng góp của ngài trong thượng hội đồng được coi là chủ yếu và các giáo sĩ đã chọn ngài làm giáo chủ của Giáo Hội Cambrian. Người ta nói ngài được tấn phong tổng giám mục bởi vị thượng phụ của Giêrusalem trong một chuyến hành hương Ðất Thánh. Ngài cũng được cho là đã triệu tập một công đồng để chấm dứt vết tích của lạc giáo Pelagiô (*). Thánh Ðavít từ trần ở tu viện của ngài ở Menevia khoảng 589. Việc sùng kính ngài được Ðức Giáo Hoàng Callistus II chấp thuận vào năm 1120. Ngài được tôn kính là vị quan thầy của xứ Wales.
Thánh Ðavít thường được vẽ đứng trên một gò đất với chim bồ câu ở trên vai. Truyền thuyết nói rằng có lần ngài đang rao giảng thì một con bồ câu đáp xuống đậu trên vai ngài, và mặt đất chỗ ngài đứng dâng lên cao để mọi người có thể nghe ngài giảng dạy. Trong thời kỳ tiền-Cải Cách, trên 50 nhà thờ ở South Wales được xây dựng để kính ngài.
(*) Pelagiô là một tu sĩ thuộc thế kỷ thứ năm, chủ trương rằng tự do ý muốn của con người là yếu tố quyết định về sự trọn lành của mỗi một người, và ông cho rằng con người không cần ơn của Thiên Chúa để được cứu rỗi.
2 Tháng Ba : Thánh Agnes ở Bohemia (1205 - 1282)
Tuy Thánh Agnes hiếm muộn nhưng ngài đã đem lại sức sống cho tất cả những ai biết đến ngài.
Agnes là con của Nữ Hoàng Constance và Vua Ottokar I của Bohemia. Lúc lên ba, ngài được hứa gả cho Công Tước xứ Silesia, nhưng ba năm sau đó ông này từ trần. Khi Agnes lớn lên, thánh nữ định tâm dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì.
Sau khi từ chối lời cầu hôn của Vua Henry VII của nước Ðức và Henry III của nước Anh, Agnes phải đương đầu với sự cầu hôn của Frederick II, là Thánh Ðế Rôma (Holy Roman Emperor). Thánh nữ cầu khẩn đến Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IX để xin giúp đỡ. Ðức giáo hoàng đã nghe theo; một cách cao thượng Frederick trả lời rằng ông cũng không khó chịu khi Agnes yêu quý Vua Thiên Ðàng hơn ông.
Sau khi Agnes xây một bệnh viện cho người nghèo và một nơi cư ngụ cho các tu sĩ, ngài cung cấp tài chánh để xây cất tu viện Clara Nghèo Hèn ở Prague. Năm 1236, cùng với bảy phụ nữ quý tộc khác, ngài đã gia nhập tu viện này. Thánh Clara đã gửi năm nữ tu từ San Damiano đến tiếp tay với họ, và đã viết cho Agnes bốn lá thư khuyên bảo về ơn gọi mỹ miều của ngài và đặt ngài làm tu viện trưởng.
Sơ Agnes ngày càng nổi tiếng về sự cầu nguyện, đức vâng lời và hãm mình phạt xác. Ðức giáo hoàng làm áp lực để ngài nhận chức vụ tu viện trưởng; tuy nhiên, ngài thích được gọi là "sơ già" hơn là tu viện trưởng. Dù là tu viện trưởng, ngài cũng không quản ngại nấu nướng cho các nữ tu khác cũng như may vá quần áo cho người cùi. Các nữ tu trong dòng nhận thấy ngài rất tử tế nhưng rất nghiêm nhặt về đức khó nghèo; ngay cả người anh ruột của ngài muốn tặng cho nhà dòng ít của cải cũng bị ngài từ chối.
Sau khi ngài từ trần ngày 6 tháng Ba 1282, việc sùng kính ngài ngày càng lan rộng. Năm 1989, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài.
Lời Bàn
Thánh Agnes đã sống 45 năm trong tu viện Clara Nghèo Hèn. Một cuộc sống như vậy đòi hỏi sự kiên nhẫn và bác ái lớn lao. Những cám dỗ về sự ích kỷ chắc chắn không tan biến khi thánh nữ bước chân vào tu viện. Có lẽ chúng ta dễ nghĩ rằng các nữ tu dòng kín "sẵn có" sự thánh thiện. Nhưng con đường của họ cũng giống như của chúng ta: hàng ngày cố gắng thay đổi bản tính ích kỷ để đạt đến tiêu chuẩn độ lượng của Thiên Chúa.
Lời Trích
"Ðừng dính dáng với bất cứ ai cản đường bạn và tìm cách thay đổi lời thề mà bạn đã hứa với Ðấng Tối Cao, cũng như tách bạn ra khỏi cuộc sống tuyệt hảo mà Thần Khí Thiên Chúa đã mời gọi bạn" (Trích trong Thư II Thánh Clara gửi cho Agnes).
3 Tháng Ba : Thánh Katharine Drexel (1858 - 1955)
Nếu cha bạn là một ông chủ ngân hàng quốc tế và bạn có xe lửa riêng, có lẽ khó để bạn bị lôi cuốn đến những công việc tình nguyện cho người nghèo. Nhưng nếu hàng tuần mẹ bạn dành ba ngày để tiếp đón người nghèo, và cha bạn dành nửa giờ mỗi ngày để cầu nguyện, có lẽ không khó để bạn hy sinh cuộc đời cho người nghèo và cho đi 12 triệu đô la. Ðó là điều mà Thánh Katharine Drexel đã thực hiện.
Ngài sinh ở Philadelphia, Hoa Kỳ, năm 1858 và là cô con gái thứ hai của ông bà Drexel. Sau khi chào đời được hai năm thì người mẹ ruột từ trần. Hai năm sau, cha ngài tái hôn và họ có thêm một cô con gái nữa. Tất cả ba cô đều có một nền tảng giáo dục vững chắc và thường đi du lịch nhiều nơi. Khi Katharine hai mươi mốt tuổi, là con gái nhà giầu, ngài sẵn sàng có địa vị trong xã hội, nhưng khi chăm sóc người mẹ ghẻ trong ba năm bị bệnh ung thư, ngài thấy rằng mọi tài sản của dòng họ Drexel cũng không thể cứu được con người khỏi sự đau khổ và cái chết, từ đó cuộc đời ngài thay đổi đáng kể.
Vào năm 1885, ông Drexel từ trần để lại gia tài kếch sù cho ba cô con gái. Lúc bấy giờ, Katharine và hai chị em đều gia nhập tổ chức Tông Ðồ Giáo Dân. Họ thường để ý đến hoàn cảnh khó khăn của người da đỏ, và thường bàng hoàng khi đọc những câu truyện về người da đỏ Mỹ Châu. Trong chuyến du lịch Âu Châu, ngài được gặp Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII và xin Ðức Thánh Cha gửi thêm các nhà truyền giáo đến Wyoming để giúp đỡ bạn của ngài, là Ðức Giám Mục James O'Connor. Ðức giáo hoàng trả lời, "Tại sao chính con không trở nên nhà tryền giáo?" Câu trả lời ấy đã khích động ngài đến độ phải nằm bệnh trong vài ngày.
Trở về Hoa Kỳ, ngài đến thăm người da đỏ Dakota, gặp tù trưởng Red Cloud và bắt đầu giúp đỡ họ.
Việc lập gia đình đối với Katharine thì quá dễ dàng. Nhưng sau các cuộc thảo luận với Ðức Giám Mục O'Connor, Katharine viết trong nhật ký năm 1889, "Ngày lễ Thánh Giuse năm ấy đã đem lại cho tôi một ơn sủng lớn lao để có thể hy sinh quãng đời còn lại cho người da đỏ và da mầu." Vào ngày 7 tháng Mười Một 1889, ngài mặc áo dòng và lấy tên Sơ Mary Katharine. Năm ấy, các nhật báo lớn ở Hoa Kỳ đều chạy hàng chữ ngay , "Dám Bỏ 7 Triệu Ðôla!"
Sau ba năm rưỡi huấn luyện, Katharine và mười ba nữ tu đầu tiên của ngài (Sisters of the Blessed Sacrament for Indians and Colored - Nữ Tu Thánh Thể cho Người Da Ðỏ và Da Mầu) mở trường học ở Santa Fe. Tiếp đó các trường học nối đuôi nhau thành lập. Vào năm 1915, ngài thành lập Ðại Học Xavier ở New Orleans, là đại học đầu tiên ở Hoa Kỳ dành cho người da đen.
Cho đến năm 1942, ngài đã thiết lập xong hệ thống trường Công Giáo cho người da đen trong 13 tiểu bang, cộng thêm 40 trung tâm truyền giáo và 23 trường làng. Những người kỳ thị chủng tộc đã quấy phá công việc của ngài, họ đốt cả một trường học của ngài ở Pennsylvania. Tổng cộng, ngài đã thành lập 50 trung tâm truyền giáo cho người da đỏ trong 16 tiểu bang.
Khi 77 tuổi, ngài bị kích xúc tim nhưng vẫn tiếp tục đến các trung tâm truyền giáo để hướng dẫn các sơ trong dòng. Vào năm 1941, ngài cử mừng lễ kim khánh thành lập dòng, và Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã đề cập đến thành quả của ngài như "một trang sử huy hoàng trong biên niên sử của Giáo Hội."
Trong những năm cuối đời, Mẹ Katharine Drexel bị liệt, ngài sống âm thầm cầu nguyện trong căn phòng nhỏ nhìn về phía cung thánh. Nhiều mẩu giấy ghi lại các lời cầu nguyện của ngài, cũng như những suy niệm và những nguyện vọng vô tận. Ngài từ trần khi 96 tuổi. Tổng cộng ngài đã dùng 12 triệu đô la tài sản của ngài cho công cuộc truyền giáo cho người da đỏ và da đen ở Hoa Kỳ.
Vào tháng Mười Một 1988, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước. Và đầu tháng Mười năm 2000, ngài đã được phong thánh.
Lời Bàn
Các thánh luôn luôn có những lời khuyên giống nhau: Hãy cầu nguyện, sống khiêm tốn, chấp nhận thập giá, hãy yêu thương và tha thứ cho tha nhân. Nhưng khi được nghe những lời ấy từ một người, có tất cả những giầu sang của trần thế, được báo chí phỏng vấn, được du lịch trên các toa xe lửa hạng sang, thì đó là một nhắc nhở mạnh mẽ cho chúng ta biết, sự thánh thiện có thể thực hiện được trong thế giới hôm nay cũng như ở Giêrusalem hoặc Rôma thuở xưa.
Lời Trích
"Sự kiên nhẫn và khiêm tốn chịu đựng thập giá - dù bất cứ thập giá nào - là công việc cao cả nhất mà chúng ta phải thi hành.
"Ôi, dù đã 84 tuổi mà tôi vẫn còn xa vời với hình ảnh của Ðức Giêsu trong cuộc đời thánh thiện của Ngài ở trần thế!" (Mẹ Katherine Drexel)
4 Tháng Ba : Thánh Casimir (1458 - 1483)
Casimir lớn lên trong một thế giới mà đó không phải là cuộc đời ngài mong muốn. Là hoàng tử Ba Lan, con trai thứ hai của Vua Casimir IV và Hoàng Hậu Elizabeth của Áo, cuộc đời ngài được đặt định để nối tiếp quyền bính của vua cha và gia tăng quyền thế của Ba Lan.
Ngay từ nhỏ, Casimir đã cảm thấy cuộc đời mình thuộc về một người nào đó, mà vị Vua ấy cao cả hơn cha ngài nhiều. Bất kể những áp lực, nhục nhã và bị tẩy chay, ngài vẫn giữ sự trung tín ấy trong suốt cuộc đời.
Ngay từ nhỏ Casimir đã dâng mình cho Chúa. Một trong những động lực tận hiến ấy là nhờ người giám hộ, John Dlugosz, mà sự thánh thiện của ông đã khuyến khích Casimir trên hành trình cuộc đời.
Thật khó để chúng ta tưởng tượng rằng đời sống vương giả lại là một áp lực. Nhưng đối với Casimir, sự sang trọng chung quanh ngài là những cám dỗ để phản bội sự trung tín đích thực. Ðể chống đối những quần áo sang trọng, đắt tiền mà người ta cho rằng ngài sẽ vui thích, ngài mặc những quần áo bình dân nhất.
Khước từ ngay cả sự tiện nghi bình thường, ngài ngủ ít và dành thời giờ ban đêm để cầu nguyện. Và thay vì nằm trên giường nệm, ngài ngủ trên sàn nhà. Mặc dù ngài là hoàng tử, nhiều người chung quanh đã nhạo cười ngài về những điều ấy. Tuy nhiên, trước bất cứ áp lực nào, Casimir vẫn thản nhiên và thân thiện.
Chắc chắn cha ngài phải kinh ngạc về thái độ của con mình, nhưng có lẽ ông cũng nhìn thấy và thán phục sức khỏe của Casimir. Lầm tưởng về điều ấy nên ông đã sai Casimir dẫn một đạo quân sang xâm chiếm Hungary, theo như lời yêu cầu của một số nhà quý tộc ở đây. Mặc dù cảm thấy cuộc viễn chinh thật sai lầm, Casimir cũng đã vâng lời vua cha. Nhưng mỗi một bước tiến ngài linh cảm rằng đó là sự bất tuân Cha trên trời. Do đó khi binh lính bắt đầu bỏ trốn vì không được trả lương, ngài rất hân hoan nghe theo lời khuyên của các sĩ quan mà đưa quân trở về nhà. Khi được biết Ðức Giáo Hoàng Sixtus IV chống đối cuộc xâm lăng ấy, Casimir biết rằng linh cảm của mình là đúng.
Tuy nhiên, vua cha quá tức giận vì hoạch định của ông bị thất bại, nên ông đã trục xuất Casimir, lúc ấy mới 15 tuổi, đến một lâu đài ở Dobzki, hy vọng rằng sự tù đầy sẽ thay đổi ý định của Casimir. Nhưng trong thời gian lưu đầy, ý định ban đầu của Casimir mà ngài tin là đúng lại càng gia tăng mạnh mẽ hơn, và ngài từ chối cộng tác trong mọi hoạch định của vua cha bất kể bất cứ áp lực nào. Ngài từ chối cả cuộc hôn nhân do cha ngài sắp đặt. Ngài chỉ cộng tác với chương trình của vị Vua đích thực qua sự cầu nguyện, học hỏi và giúp đỡ người bất hạnh.
Ngài từ trần vì bệnh phổi khi mới 23 tuổi trong thời gian đến thăm Lithuania, mà ngài cũng là Ðại Công Tước của quốc gia này. Ngài được mai táng ở Vilna, Lithuania.
Ngài được đặt làm thánh quan thầy của Ba Lan và Lithuania.
Lời Bàn
Trong nhiều năm trời, các quốc gia Ba Lan và Lithuania đã mờ nhạt trong nhà tù vĩ đại bên kia Bức Màn Sắt. Bất kể những đàn áp, người Ba Lan và Lithuania vẫn kiên trì giữ vững đức tin mà đức tin ấy đã trở nên đồng hoá với tên của họ. Vị thánh quan thầy trẻ tuổi đã đem cho họ một hy vọng: Hòa bình không thể chiếm được bằng chiến tranh; đôi khi ngay cả nhân đức cũng không chiếm được sự an bình thoải mái, nhưng sự bình an của Ðức Kitô có thể thấm nhập vào cả các bức màn sắt.
Lời Trích
Thánh Casimir vô cùng quý mến Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa; đặc biệt là ngài yêu thích bài thánh ca Latinh về Ðức Mẹ, "Omni die dic Mariae" (Ca Ngợi Mẹ Hàng Ngày). Ngài đã yêu cầu bản nhạc ấy được chôn theo với ngài.
5 Tháng Ba : Thánh Gioan Giuse của Thánh Giá (1654 - 1734)
Sự khắc kỷ tự nó không phải là cùng đích nhưng chỉ là một trợ giúp để sống bác ái hơn -- như cuộc đời Thánh Gioan Giuse đã minh chứng.
Gioan Giuse sống rất khắc khổ ngay từ khi còn trẻ. Năm 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô ở Naples; ngài là người Ý đầu tiên theo phong trào cải cách của Thánh Phêrô Alcantara. Sự thánh thiện nổi tiếng của Gioan Giuse là động lực khiến cha bề trên giao cho ngài trách nhiệm thành lập một tu viện mới, ngay cả trước khi được thụ phong linh mục.
Với đức vâng lời, ngài chấp nhận mọi bổ nhiệm, từ giám đốc đệ tử, quản gia và, sau cùng là bề trên giám tỉnh. Những năm dài hãm mình phạt xác đã giúp ngài thi hành các nhiệm vụ trên với lòng bác ái cao cả. Khi là quản gia ngài không ngần ngại làm việc trong nhà bếp, hoặc gánh củi, gánh nước cho các tu sĩ. Khi thời gian làm giám tỉnh đã mãn, Cha Gioan Giuse tận tụy trong công việc giải tội và hãm mình phạt xác, là hai điều trái ngược với tinh thần ban đầu của Thời Khai Minh (*). Ngài cũng được ban cho nhiều ơn siêu nhiên, tỉ như ơn tiên tri và làm phép lạ. Ngài từ trần vào năm 80 tuổi ở tu viện Naples.
Cha Gioan Giuse được phong thánh năm 1839.
Lời Bàn
Sự hãm mình phạt xác của Thánh Gioan Giuse đã giúp ngài trở nên một bề trên đầy khoan dung mà Thánh Phanxicô đã nhắm đến. Sự khắc kỷ phải đưa chúng ta đến đức ái -- chứ không phải sự cay đắng; nó phải giúp chúng ta nhận ra đâu là những ưu tiên trong cuộc sống, và giúp chúng ta sống yêu thương hơn. Thánh Gioan Giuse là bằng chứng sống động của điều mà Chesterton nhận xét: "Ðể thời đại lôi cuốn thì quá dễ; sự khó khăn là giữ được lập trường của mình" (G.K. Chesterton, Orthodoxy, trang 101).
(*) Thời Khai Minh (Age of Enlightenment), là trào lưu tư tưởng trong thế kỷ 17 và 18, chủ trương dùng lý trí con người để chế ngự toàn thể văn hóa hay tư duy nhân loại.
6 Tháng Ba : Thánh Mary Ann của Chúa Giêsu ở Paredes
(31 tháng Mười, 1618 – 26 tháng Năm, 1645)
Thánh Mary Ann lớn dần vào sự gần gũi với Thiên Chúa và dân của Người trong cuộc đời ngắn ngủi.
Là con út trong gia đình tám người, Mary Ann sinh ở Quito, Ecuador, lúc ấy đang dưới sự điều khiển của Tây Ban Nha năm 1534. Người tham gia dòng Ba Phanxicô và sống cuộc đời cầu nguyện và khổ hạnh tại nhà, chỉ rời nhà khi đến nhà thờ và thi hành một số việc bác ái. Người thiết lập ở Quito một chẩn y viện và một trường học cho người Phi Châu và thổ dân Hoa Kỳ. Khi một trận dịch bùng nổ, người chăm sóc kẻ bệnh tật và từ trần sau đó không lâu.
Người được Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên thánh năm 1950. Lễ kính Thánh Mary Ann của Chúa Giêsu ở Paredes được cử hành ngày 28 tháng Năm.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô ở Assisi đã chiến thắng bản thân và sự dạy dỗ của thời bấy giờ khi ôm hôn một người cùi. Nếu sự khước từ bản thân chúng ta không dẫn đến sự bác ái, sự khổ hạnh thì đang được thi hành vì lý do sai lầm. Những khổ hạnh của T. Mary Ann giúp thánh nữ ý thức hơn về nhu cầu của người khác và can đảm hơn khi cố gắng phục vụ những ai có nhu cầu.
Tôi Tớ Thiên Chúa Sylvester ở Assisi (c. 1240)
Sylvester là một trong 12 môn đệ đầu tiên của Thánh Phanxicô Assisi, và là tu sĩ đầu tiên của nhánh anh em hèn mọn.
Là con cháu của một dòng dõi quý tộc, có lần Sylvester bán gạch và đá cho Thánh Phanxicô để ngài xây dựng lại ngôi thánh đường. Và sau đó không lâu, khi Sylvester trông thấy Thánh Phanxicô và Bernard ở Quintavalle phân phát tài sản của Bernard cho người nghèo, Sylvester than phiền rằng ông không được trả xứng đáng với số gạch mà ông đã bán, và ông đòi hỏi xin thêm.
Mặc dù Thánh Phanxicô biết ơn và trao thêm cho Sylvester một số tiền, nhưng không bao lâu ông tràn ngập mặc cảm tội lỗi vì số tiền ấy. Ông bán hết tất cả tài sản, bắt đầu cuộc đời sám hối và đi theo Thánh Phanxicô. Sylvester trở nên một người thánh thiện và siêng năng cầu nguyện, và là một người được Thánh Phanxicô quý mến -- một bạn đồng hành, và là người mà có lần Thánh Phanxicô đã hỏi ý kiến. Chính Sylvester và Thánh Clara đã trả lời Thánh Phanxicô rằng ngài phải phục vụ Thiên Chúa bằng cách đi rao giảng hơn là tận hiến trong sự cầu nguyện.
Có lần trong thành phố kia là nơi cuộc nội chiến đang bùng nổ, Sylvester được Thánh Phanxicô ra lệnh đến xua đuổi ma quỷ. Ở cổng thành, Sylvester lớn tiếng kêu: "Nhân danh Thiên Chúa toàn năng và qua đức vâng lời tôi tớ Chúa là Phanxicô, tất cả ma quỷ phải ra khỏi đây." Ma quỷ đã ra khỏi thành và sự bình an trở lại với thành phố.
Sau cái chết của Thánh Phanxicô, Sylvester đã sống thêm 14 năm nữa và ngài được chôn cất gần thánh nhân trong Thánh Ðường Thánh Phanxicô ở Assisi.
7 Tháng Ba : Thánh Perpetua và Thánh Felicity (c. 203?)
Trong những truyền thuyết mù mờ về đời sống các vị tử đạo tiên khởi, may mắn chúng ta vẫn còn được tài liệu về sự can đảm của Thánh Perpetua và Felicity từ chính nhật ký của Thánh Perpetua, của giáo lý viên Saturus, và các chứng nhân. Văn bản này, thường được gọi là "Sự Tử Ðạo của Perpetua và Felicity," được nổi tiếng trong các thế kỷ đầu tiên đến nỗi văn bản ấy đã được đọc trong phụng vụ.
Vào năm 203, Vibia Perpetua quyết định trở nên một Kitô Hữu, mặc dù ngài biết điều đó có thể dẫn đến cái chết trong thời kỳ bách hại của Septimus. Một người em trai của ngài cũng noi gương và trở nên người dự tòng. Cha của ngài cuống cuồng lo âu và ông cố gắng thay đổi ý định của ngài. Sự lo âu của ông thì dễ hiểu, vì một phụ nữ 22 tuổi, hăng say và có học thức như Perpetua thì không có lý do gì lại muốn chết -- chưa kể ngài còn có một đứa con mới sinh.
Nhưng thái độ của Perpetua thì rất rõ ràng. Ngài chỉ tay vào một bình đựng nước, và hỏi cha ngài, "Cha có thấy cái bình đó không? Cha có thể gọi nó một cái tên nào khác với bản chất của nó không?" Người cha trả lời, "Dĩ nhiên là không." Và Perpetua thản nhiên tiếp lời, "Con cũng không thể gọi con bằng một cái tên nào khác hơn là bản chất của con -- một Kitô Hữu." Câu trả lời đã làm người cha bực mình và ông đã tấn công chính con mình. Nhật ký Perpetua kể cho chúng ta biết, sau biến cố ấy ngài phải sống tách biệt với cha ngài trong vài ngày, và sự tách biệt ấy đã đưa đến sự bắt bớ và tù đầy của chính ngài.
Perpetua bị bắt với bốn người dự tòng khác, kể cả hai người nô lệ là Felicity và Revocatus. Người dạy giáo lý cho các ngài là Saturus đã bị bắt trước đó.
Nhà tù đầy chật người đến nỗi họ ngộp thở vì nóng nực và không có một chút ánh sáng. Quân lính thì xô đẩy họ không một chút xót thương. Perpetua thật khiếp sợ, nhưng trong tất cả những sự ghê rợn ấy, điều đau khổ lớn lao nhất của ngài là phải xa cách đứa con thơ.
Người nô lệ trẻ tuổi là Felicity lại càng đáng thương hơn nữa, vì ngài đang mang thai tám tháng và phải sống trong cái nóng nực, chen chúc, và thô bạo ấy.
Hai phó tế phục vụ tù nhân đã đút lót lính canh để các ngài được ở chỗ tốt nhất trong nhà tù. Ở đó, mẹ và em của Perpetua đã đến thăm và đưa con đến cho ngài. Khi được phép giữ con trong tù, ngài cảm thấy "nhà tù trở nên như cung điện". Cha ngài lại nài nỉ ngài thay đổi ý định, ông hôn tay ngài và ngay cả quỳ dưới chân ngài. Perpetua nói với ông, "Chúng ta không thể dựa vào quyền thế của chúng ta, nhưng quyền thế của Thiên Chúa."
Trong khi ngài bị đưa ra xét xử, cha ngài cũng đi theo, nài nỉ quan tòa. Vì thương hại, quan tòa cũng cố thay đổi ý định của Perpetua, nhưng ngài vẫn cương quyết, và cùng với các người khác, ngài bị kết án tử hình bằng cách ném cho thú dữ ăn thịt trong đấu trường.
Trong khi đó Felicity cũng rất đau khổ. Theo luật lệ, giết người phụ nữ mang thai là điều trái phép. Giết hài nhi trong bụng mẹ là đổ máu người vô tội và linh thiêng. Trong khi đó, Felicity lại lo rằng ngài không kịp sinh con trước ngày tử đạo, và các bạn ngài sẽ bước vào vinh quang ấy mà không có ngài.
Hai ngày trước khi bị hành quyết, Felicity đau đớn chuyển bụng. Bọn lính canh chế diễu, nhục mạ ngài và nói, "Nếu đau đớn bây giờ mà còn chịu không nổi, thì làm sao đương đầu với thú dữ?" Felicity điềm tĩnh trả lời, "Bây giờ tôi là người phải chịu đau khổ, nhưng trong đấu trường, một Ðấng khác sẽ ở trong tôi, chịu đau khổ dùm tôi vì tôi đã chịu đau khổ vì Ngài." Felicity sinh hạ một bé gái kháu khỉnh và được một Kitô Hữu ở Carthage nhận làm con nuôi.
Vào ngày hành quyết, bốn bổn đạo mới và giáo lý viên bước vào đấu trường với niềm vui và sự bình thản. Khi dân chúng đòi hỏi Perpetua và các bạn ngài phải mặc y phục dành cho việc thờ cúng tà thần, Perpetua đã đối chất với các lý hình. "Chúng tôi tự ý chịu chết để được tự do thờ phượng Thiên Chúa của chúng tôi. Chúng tôi đã trao mạng sống cho các ông thì không có lý do gì chúng tôi phải thờ lạy thần thánh của các ông." Và các ngài đã được phép mặc quần áo của mình.
Những người đàn ông thì bị tấn công bởi gấu, beo và heo rừng. Các phụ nữ thì bị bò dại tấn công. Perpetua, dù bị tan nát và rối bời, ngài vẫn nghĩ đến các bạn và chạy đến giúp Felicity đứng dậy. Cả hai đã đứng cạnh nhau khi bọn lính cắt cổ tất cả năm vị tử đạo.
Lời Bàn
Không chỉ những Kitô Hữu thời xa xưa mới bị bách hại vì đức tin. Hãy nhìn đến trường hợp của cô Anne Frank, một thiếu nữ Do Thái, đã cùng với gia đình trốn tránh và sau cùng phải chết trong trại tử thần của Hitler thời Thế Chiến II. Cô Anne, cũng như Thánh Perpetua và Filicity, đã chịu thử thách và đau khổ, và sau cùng chịu chết vì tận hiến cho Thiên Chúa. Trong nhật ký, cô Anne viết, "Ðối với những người trẻ như chúng tôi, đó là sự khó khăn gấp bội khi phải giữ vững vị thế và lập trường của mình trong quãng thời gian mà mọi lý tưởng đều rạn vỡ và tiêu tan, khi con người lộ ra bộ mặt xấu xa nhất, và không biết có nên tin vào chân lý, sự chính trực và Thiên Chúa hay không."
Lời Trích
Lời sau cùng Perpetua nói với em mình là: "Hãy giữ vững đức tin và yêu thương tha nhân."
8 Tháng Ba : Thánh Gioan của Thiên Chúa (1495 - 1550)
Từ lúc tám tuổi cho đến khi chết, Thánh Gioan thường hành động hấp tấp. Sự thử thách là làm sao để biết đó là sự thúc giục của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là những cám dỗ trần tục. Nhưng không giống như những người bốc đồng khác, một khi đã quyết định, dù hấp tấp đi nữa, thánh nhân trung thành với quyết định ấy dù có gian khổ cách mấy.
Khi lên tám tuổi, Gioan nghe một linh mục nói về cuộc phiêu lưu đi tìm thế giới mới. Ðêm hôm ấy, Gioan bỏ nhà đi theo vị linh mục này và không bao giờ gặp mặt cha mẹ nữa. Cả hai đi ăn xin từ làng này sang làng khác cho đến khi Gioan ngã bệnh nặng. May mắn, nhờ một người tá điền trong vùng chăm sóc và nhận làm con nuôi nên Gioan mới sống sót. Anh làm nghề chăn cừu cho đến khi 27 tuổi thì gia nhập quân đội Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống với nước Pháp. Khi là quân nhân, Gioan bê bối không thể tưởng, anh đánh bài, uống rượu và cùng với đồng đội phá làng phá xóm. Một ngày kia, khi đang cưỡi con ngựa ăn cắp được, anh bị ngã ngựa gần ranh giới với nước Pháp. Hoảng sợ vì thoát chết, anh nhìn lại cuộc đời và vội vàng thề sẽ thay đổi.
Khi trở về đơn vị, anh giữ lời hứa và đi xưng tội, thay đổi lối sống. Các bạn đồng đội không bận tâm với việc sám hối của anh, nhưng họ chán ghét anh vì anh luôn thúc giục họ từ bỏ các thú vui trụy lạc. Bởi đó họ tìm cách đánh lừa để anh rời bỏ nhiệm sở, vi phạm kỷ luật và bị đuổi ra khỏi quân đội sau khi bị đánh đập và lột hết của cải. Anh phải đi xin ăn trên đường trở về nhà cha nuôi, trở lại nghề chăn cừu.
Khi chăn cừu, Gioan có nhiều thời giờ để suy niệm về ơn gọi của mình. Vào lúc 38 tuổi Gioan quyết định sang Phi Châu để chuộc những Kitô Hữu bị bắt. Nhưng trong khi chờ đợi ở bến tầu Gibraltar, vì cảm thương một gia đình quý tộc bị sa cơ thất thế sau biến động chính trị và phải lưu đầy, Gioan quên đi ý định ban đầu và tình nguyện làm gia nhân cho họ. Khi đến đất lưu đầy, gia đình này bệnh hoạn đến độ không những Gioan phải săn sóc họ mà còn phải đi làm để kiếm tiền nuôi sống họ. Công việc xây cất các thành lũy thật vất vả, thật bất nhân mà các nhân công thường bị đánh đập và đối xử tàn tệ bởi những người tự xưng là Công Giáo. Cảnh tượng ấy đã làm lung lay đức tin của Gioan. Một linh mục khuyên Gioan đừng đổ tội cho Giáo Hội vì những hành động của giáo dân, và nên về lại Tây Ban Nha.
Ở Tây Ban Nha, ban ngày Gioan làm phu khuân vác bến tầu, ban đêm ngài đến nhà thờ để cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng. Việc đọc sách đem lại cho ngài niềm vui đến độ ngài quyết định phải chia sẻ niềm vui ấy với người khác. Gioan bỏ nghề khuân vác và đi bán sách dạo, lang thang từ phố này sang phố khác để bán sách thiêng liêng và ảnh các thánh. Khi 41 tuổi, Gioan sang Granada mở một tiệm bán sách nhỏ.
Sau khi nghe giảng về sự ăn năn sám hối của vị giảng thuyết nổi tiếng thời bấy giờ là Chân Phước Gioan Avila, Gioan trở về nhà, xé tất cả các sách đời, phân phát tiền của và các sách đạo cho mọi người. Gioan lang thang với quần áo rách nát, than khóc về tội lỗi của mình như một người điên, và bị trẻ con cũng như mọi người chế nhạo.
Bạn bè đưa Gioan vào dưỡng trí viện để chữa trị, là nơi ngài bị trói và bị đánh đập. Cho đến khi Chân Phước Gioan Avila đến thăm và cho biết là sự sám hối của ngài đã đủ 40 ngày, như Ðức Kitô xưa ăn chay trong sa mạc, thì Gioan trở lại bình thường và được đưa sang một khu vực khác, lành mạnh hơn. Ở đây, Gioan nhanh nhẹn giúp đỡ các bệnh nhân khác, và bệnh viện cũng không phiền hà khi có một người trợ tá làm việc không công. Cho đến khi ngài tuyên bố là sẽ mở một nhà thương khác thì họ cho ngài xuất viện.
Có thể Gioan tin rằng Thiên Chúa muốn ngài xây cất một bệnh viện cho người nghèo bị xã hội hắt hủi, nhưng ai nấy cũng đều cho đó là một người điên, vì làm sao có thể xây cất một bệnh viện với nguồn tài chánh duy nhất là việc bán củi. Ban đêm, ngài lấy những đồng tiền kiếm được mua thực phẩm và quần áo cho những người nghèo sống dưới gầm cầu hoặc trong các căn nhà hoang phế. Bởi thế, bệnh viện đầu tiên của ngài là các đường phố ở Granada. Cho đến khi có một người hảo tâm cho Gioan thuê lại một căn nhà với giá rẻ, "bệnh viện" của ngài mới bắt đầu thành hình mà tất cả phương tiện cũng như sự tài trợ là nhờ đi xin. Với kinh nghiệm xin ăn sẵn có, ngài đi khắp đường phố, miệng rao lớn, "Hãy làm việc lành cho chính mình! Vì tình yêu Thiên Chúa, hỡi anh chị em, hãy làm việc lành!" Ban ngày, ngài cõng các bệnh nhân về nhà như khuân đá, khuân củi, để tắm rửa, lau chùi các vết thương và cho họ ăn mặc tử tế. Ban đêm thì ngài cầu nguyện.
Cuộc sống của ngài đã bị chỉ trích bởi những người không thích hành động bác ái vội vàng hấp tấp. Có lần, khi gặp một gia đình đi xin ăn đang đói, ngài chạy vội vào một căn nhà gần đó, lấy cắp nồi cơm và đem cho họ. Lần khác, khi thấy các em bụi đời quần áo rách nát, ngài vào tiệm quần áo và mua quần áo mới cho chúng. Dĩ nhiên, là mua chịu!
Tuy nhiên sự vội vàng ấy đã giúp nhiều người sống sót trong một vụ hoả hoạn ở nhà thương mà ngài đã liều mình xông vào lửa, bế các bệnh nhân ra ngoài. Vào lúc ấy, nhà cầm quyền quyết định dùng súng đại bác để phá hủy một phần nhà thương nhằm ngăn chặn ngọn lửa khỏi cháy lan sang thì ngài đã ngăn cản họ, và vội vàng leo lên mái nhà dùng chiếc búa rìu tách rời phần bị cháy. Ngài thành công, nhưng đồng thời cũng rơi theo mái nhà hực lửa đang sụp đổ. Trong khi mọi người hồi hộp cho số phận vị anh hùng cứu tinh thì lạ lùng thay, Gioan bước ra khỏi đám lửa một cách bình an vô sự.
Khi thánh nhân lâm bệnh nặng thì ngài nghe tin cơn lũ lụt đang trôi dạt những cây gỗ quý về gần thành phố. Không bỏ lỡ cơ hội, ra khỏi giường bệnh, ngài đi vớt gỗ trên dòng sông đang chảy xiết. Và khi một trong những bạn đồng hành của ngài bị rớt xuống sông, ngài đã không nghĩ đến bệnh tình cũng như sự an toàn cho chính mình mà đã nhảy theo cứu vớt. Ngài thất bại không cứu được người ấy, và chính ngài thì bị sưng phổi. Ngài từ trần ngày 8 tháng Ba, ngày sinh nhật thứ năm mươi lăm của ngài, chỉ vì sự yêu thương vội vàng mà đó là động lực của toàn thể cuộc đời ngài.
Thánh Gioan của Thiên Chúa được đặt làm quan thầy của người bán sách, thợ in, bệnh nhân, bệnh viện, y tá, lính cứu hỏa và được coi là người sáng lập tổ chức Sư Huynh Bệnh Viện.
Lời Bàn
Sự khiêm hạ tuyệt đối của Thánh Gioan của Thiên Chúa là điều cảm phục nhất, được thể hiện qua sự vị tha hoàn toàn vì người khác. Thiên Chúa đã ban cho ngài các ơn khôn ngoan, kiên nhẫn, dũng cảm, nhiệt tình và khả năng ảnh hưởng đến người khác. Ngài nhìn thấy sự sai lầm của thời trai tráng, sống xa cách Thiên Chúa, và sau đó đã nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa để bắt đầu một đời sống mới, thực sự yêu thương tha nhân.
9 Tháng Ba : Thánh Frances ở Rôma (1384 - 1440)
Đời sống Thánh Frances bao gồm các khía cạnh của đời thường và đời tu trì. Là một người nội trợ tận tụy và duyên dáng, ngài ước ao một đời sống cầu nguyện và phục vụ, do đó ngài tổ chức một nhóm phụ nữ để chăm sóc người nghèo ở Rôma.
Sinh trong một gia đình giàu có, ngay từ thời niên thiếu Frances đã cảm thấy mình yêu mến đời sống tu trì. Nhưng cha mẹ ngài chống đối và một thanh niên quý tộc đã được chọn để làm vị hôn phu.
Khi bắt đầu quen biết với họ hàng nhà chồng, Frances khám phá rằng cô em dâu của mình cũng ước ao một đời sống phục vụ và cầu nguyện. Do đó, cả hai người, Frances và Vannozza, với sự ưng thuận của các ông chồng, họ bắt đầu luyện tập đời sống tâm linh bằng cách siêng năng tham dự Thánh Lễ, thăm viếng kẻ tù đầy, phục vụ trong các bệnh viện, giúp đỡ người nghèo và thành lập một nhà nguyện bí mật trong ngôi tháp bỏ hoang để cùng nhau cầu nguyện.
Nhiều năm trôi qua, bà Frances sinh hạ hai trai và một gái. Với trách nhiệm của một đời sống gia đình, bà đã dành nhiều thời giờ để lo cho chồng con. Gia đình bà trở nên phát đạt dưới sự quán xuyến của bà, nhưng chỉ được vài năm, trận dịch hạch đã càn quét cả nước Ý và cướp đi đứa con trai thứ hai của bà. Ðể giúp vơi bớt đau khổ của các nạn nhân trận dịch, bà dùng tiền của và tài sản để cung ứng cho các nhu cầu của bệnh nhân. Khi mọi nguồn tài chánh đều cạn kiệt, bà Frances và Vannozza đã đi xin từng nhà. Về sau, khi cô con gái qua đời, bà Frances đã biến một phần căn nhà thành bệnh viện.
Càng ngày bà Frances càng tin tưởng rằng một đời sống cho tha nhân thì cần thiết cho thế gian. Với sự hậu thuẫn của đức lang quân, bà Frances bắt đầu thành lập một tổ chức xã hội dành cho các phụ nữ, được gọi là Hiến Sĩ của Ðức Maria (không có lời khấn). Họ chỉ dâng mình cho Chúa và cho sự phục vụ người nghèo.
Khi tổ chức đã được thành lập, bà Frances không sống trong cơ sở của cộng đoàn mà sống ở nhà với chồng trong bảy năm. Cho đến khi người chồng từ trần, bà sống quãng đời còn lại với cộng đoàn để phục vụ những người bần cùng trong xã hội.
Lời Bàn
Nhìn vào đời sống gương mẫu -- trung tín với Thiên Chúa và tận tụy với tha nhân -- của Thánh Frances nhắc chúng ta nhớ đến Mẹ Têrêsa Calcutta. Ngài nhìn thấy Ðức Giêsu Kitô trong lời cầu nguyện cũng như trong người nghèo. Cuộc đời của Thánh Frances mời gọi chúng ta đừng chỉ tìm kiếm Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, mà hãy tận tụy với Ðức Kitô đang sống động trong sự đau khổ của thế giới. Thánh Frances cho chúng ta thấy, một cuộc đời vì tha nhân không nhất thiết chỉ gò bó trong những giới hạn của lời khấn.
Lời Trích
Mẹ Têrêsa có lần nói về người nữ tu trong cộng đoàn của ngài: "Hãy để Ðức Kitô toả sáng và sống động trong và qua người nữ tu khi họ đến các khu tồi tàn. Hãy giúp người nghèo mỗi khi nhìn thấy các nữ tu thì họ được thu hút đến Ðức Kitô và mời Ngài vào trong nhà họ và cuộc đời họ." Thánh Frances ở Rôma nói: "Một phụ nữ đã lập gia đình mà còn đạo đức thì thật đáng khen ngợi, nhưng họ đừng bao giờ quên rằng mình là người nội trợ. Và đôi khi, họ phải để Thiên Chúa ở bàn thờ mà về với ông chồng trong công việc hàng ngày."
10 Tháng Ba : Thánh Ðaminh Saviô (c. 1857)
Nhiều người thánh thiện dường như lại chết yểu. Trong số đó có Thánh Ðaminh Saviô, quan thầy của các chú hội hát.
Sinh trong một gia đình nông dân ở Riva, Ý Ðại Lợi, ngay từ khi lên bốn, mẹ ngài đã thấy cậu con trai bé nhỏ quỳ cầu nguyện trong một góc nhà. Lúc năm tuổi, ngài là chú giúp lễ. Khi lên bẩy, ngài được Rước Lễ Lần Ðầu. Vào ngày trọng đại ấy, ngài đã chọn phương châm: "Thà chết chứ không phạm tội!" và ngài luôn luôn giữ điều ấy.
Quả thật, Ðaminh là một cậu bé bình thường nhưng lòng yêu mến Thiên Chúa của cậu thật phi thường.
Vào lúc 12 tuổi, Ðaminh theo học trường của Thánh Don Bosco. Qua cách cầu nguyện của Ðaminh, mọi người trong trường đều nhận thấy cậu thật khác biệt. Ðaminh yêu quý tất cả mọi người, và dù trẻ hơn họ, cậu cũng lo lắng để ý đến họ. Cậu sợ rằng họ sẽ mất ơn sủng của Thiên Chúa vì tội lỗi.
Có lần, chúng bạn đưa cho cậu xem hình ảnh đồi trụy. Vừa thoáng nhìn thấy, cậu đã cầm lấy tờ báo xé tan ra từng mảnh và hỏi, "Thiên Chúa ban cho chúng ta cặp mắt để nhìn những điều xấu xa như vậy hả? Các anh không thấy xấu hổ sao?"
Một lần khác, hai đứa con trai giận dữ lấy đá ném nhau. Thấy thế, Ðaminh đứng vào giữa, cầm tượng thánh giá nhỏ đưa lên cao, và nói, "Trước khi đánh nhau, mấy anh hãy nhìn vào thánh giá và nói, 'Ðức Giêsu Kitô vô tội khi Ngài chịu chết đã tha thứ cho kẻ giết mình. Tôi là kẻ tội lỗi, và tôi sẽ làm đau khổ Ngài khi không tha thứ cho kẻ thù.' Rồi sau đó mấy anh hãy bắt đầu -- và hãy ném đá tôi trước!"
Hai anh kia cảm thấy xấu hổ, xin lỗi nhau và hứa sẽ đi xưng tội.
Sức khoẻ của Ðaminh rất mỏng manh, thường hay đau yếu luôn và đưa đến biến chứng về phổi khiến cậu phải về nhà để tĩnh dưỡng. Tuy nhiên, khi ở nhà, bệnh tình lại càng gia tăng nên đã được chịu các Bí Tích sau cùng. Lúc ấy Ðaminh mới 15 tuổi, nhưng cậu không sợ chết. Thật vậy, cậu vô cùng sung sướng khi nghĩ đến lúc được lên thiên đàng. Ngay trước khi chết, cậu cố gượng ngồi dậy. Cậu nói thầm vào tai cha mình, "Giã biệt bố." Rồi bỗng dưng mặt cậu tươi sáng với nụ cười rạng rỡ. Cậu kêu lên, "Con đang nhìn thấy những điều kỳ diệu!" và trút hơi thở cuối cùng.
Chính Thánh Don Bosco là người viết lại tiểu sử của Ðaminh Saviô.
Ðaminh Saviô được phong thánh năm 1954. Trong buổi lễ phong thánh, Thánh Giáo Hoàng Piô X đã nói, "Một thiếu niên như Ðaminh, là người cố gắng giữ mình sạch tội từ khi rửa tội cho đến khi chết, quả thật là một vị thánh."
Lời Trích
Thánh Ðaminh Saviô thường nói, "Tôi không làm được những điều trọng đại. Nhưng tôi muốn tất cả những gì tôi làm, ngay cả những gì nhỏ nhặt nhất, là để vinh danh Thiên Chúa."
11 Tháng Ba : Thánh Gioan Ogilvie (1579 - 1615)
Thánh Gioan Ogilvie sinh trong một gia đình Tô Cách Lan mà nửa Công Giáo, nửa Tin Lành Presbyterian. Cha ngài theo phái Calvin (*) và cũng muốn Gioan trở thành người của giáo phái ấy nên đã gửi ngài vào đất liền để đi học. Ở đây Gioan thích thú theo dõi những cuộc tranh luận giữa các học giả Công Giáo và Calvin. Bị hoang mang về những tranh luận của các học giả Công Giáo, ngài tìm đến Kinh Thánh. Hai câu sau đây đã thức tỉnh ngài: "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu chuộc, và nhận biết chân lý," và "Hãy đến cùng Ta những ai mệt mỏi và ê chề, Ta sẽ thêm sức cho ngươi."
Dần dà, Gioan hiểu rằng Giáo Hội Công Giáo yêu quý tất cả mọi người. Trong những người ấy, ngài nhận thấy có nhiều vị tử đạo. Ngài quyết định trở thành người Công Giáo và được đón nhận vào Giáo Hội tại Louvain, nước Bỉ, năm 1596 khi 17 tuổi.
Gioan tiếp tục việc học, đầu tiên với các cha dòng Biển Ðức, sau đó là một sinh viên của học viện Dòng Tên ở Olmutz. Ngài gia nhập dòng Tên và trong 10 năm kế tiếp, ngài chăm chỉ rèn luyện tâm linh cũng như kiến thức. Ðược thụ phong linh mục ở Pháp năm 1610, ngài gặp hai linh mục dòng Tên vừa mới từ Tô Cách Lan trở về, sau khi bị bắt và bị cầm tù. Các ngài thấy ít có hy vọng thành công trong việc rao giảng Tin Mừng dưới sự khắt khe của chính quyền nước ấy. Nhưng một ngọn lửa đã nhen nhúm trong lòng Cha Gioan. Trong hơn hai năm kế đó, ngài đã khẩn khoản xin đi truyền giáo ở Tô Cách Lan.
Ðược bề trên cho phép, ngài bí mật vào Tô Cách Lan giả dạng người buôn ngựa hoặc một quân nhân trở về từ cuộc chiến Âu Châu. Thấy không thể thi hành được việc gì đáng kể cho thiểu số Công Giáo ở Tô Cách Lan, Cha Gioan trở về Balê để hội ý bề trên. Bị khiển trách vì đã tự ý bỏ nhiệm vụ ở Tô Cách Lan, ngài được sai trở lại đó. Lần này, ngài hăng say hơn và có một vài thành công trong việc hoán cải cũng như kín đáo phục vụ người Công Giáo Tô Cách Lan. Nhưng không bao lâu, ngài bị phản bội, bị bắt và bị đưa ra toà.
Phiên xử ngài kéo dài đến 26 giờ đồng hồ mà ngài không được ăn uống gì. Ngài bị cầm tù và không cho ngủ. Trong tám ngày và đêm, ngài bị lôi đi như một con vật, bị đâm bằng cây vót nhọn, và tóc bị giật ra từng mảng. Tuy nhiên, ngài vẫn không chịu tiết lộ tên các người Công Giáo hoặc chấp nhận luật lệ của vua về vấn đề tôn giáo. Ngài trải qua phiên tòa lần thứ hai và thứ ba nhưng vẫn cương quyết giữ vững lập trường. Trong phiên tòa cuối cùng, ngài quả quyết với các quan tòa: "Trong tất cả những gì liên hệ đến vua, tôi sẽ vâng lời một cách mù quáng; nếu quyền lực trần thế của vua bị tấn công, tôi sẽ đổ giọt máu cuối cùng vì vua. Nhưng trong những luật lệ tôn giáo mà vua đã áp đặt cách bất công, tôi không thể và cũng không phải vâng theo."
Bị kết án tử hình về tội phản quốc, ngài đã trung tín cho đến cùng, ngay cả khi đứng trên đoạn đầu đài và được hứa sẽ trao trả tự do nếu từ chối đức tin. Ngài bị treo cổ ở Glasgow năm 1615 lúc ba mươi sáu tuổi.
Cha Gioan Ogilvie được phong thánh năm 1976, là vị thánh Tô Cách Lan đầu tiên kể từ năm 1250.
* Phái Calvin là một phương thức giải thích Phúc Âm theo John Calvin. Calvin sống ở Pháp trong thập niên 1500 đồng thời với Martin Luther, người phát động phong trào Cải Cách Tin Lành.
Phương thức Calvin bám vào các điểm cực đoan của phúc âm và tìm cách đưa ra các công thức thần học chỉ dựa trên lời Chúa. Họ nhắm đến sự tối thượng của Thiên Chúa, khẳng định rằng Thiên Chúa thì có thể và sẵn sàng thể hiện bất cứ điều gì Ngài muốn đối với tạo vật, vì Ngài thông suốt mọi sự, ở khắp mọi nơi và toàn năng. Họ cũng cho rằng trong Phúc Âm có các dạy dỗ sau: Thiên Chúa, qua ơn sủng tối cao, Ngài tiền định cho con người được ơn cứu độ; Ðức Giêsu chỉ chết cho những ai đã được tiền định; Thiên Chúa tái sinh những ai mà Ngài thấy họ có thể và muốn chọn theo Thiên Chúa; và những người đã được cứu độ không thể nào mất ơn ấy.
sinh tại Cẩm Chương, Bắc Ninh, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 11-3-1859 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 11-3.
12 Tháng Ba : Chân Phước Angela Salawa (1881 - 1922)
Angela phục vụ Ðức Kitô và những người bé mọn của Ðức Kitô với tất cả sức mạnh của ngài.
Sinh ở Siepraw, gần Kraków, Ba Lan, ngài là người con thứ 11 của ông bà Bartlomiej và Ewa Salawa. Vào năm 1897, ngài đến Kraków để sống với người chị Têrêsa. Trong Thế Chiến I, ngài giúp đỡ các tù nhân chiến tranh bất kể quốc tịch hay tôn giáo. Ngài thích nghiền ngẫm các văn bản của Thánh Têrêsa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá.
Cũng trong thời chiến, ngài đã hết mình chăm sóc các thương binh của Thế Chiến I. Sau năm 1918, vì lý do sức khoẻ ngài phải chấm dứt công việc tông đồ này. Trong nhật ký, ngài tâm sự với Ðức Kitô, "Con muốn Chúa được kính mến nhiều cũng như khi Chúa bị khinh miệt." Ở chỗ khác, ngài viết, "Lạy Chúa, con sống bởi thánh ý Chúa. Chết hay sống là tùy thuộc ý Chúa muốn; xin gìn giữ con vì Chúa có thể làm điều ấy."
Trong lễ phong chân phước năm 1991 ở Kraków, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Chính trong thành phố này mà ngài đã hoạt động, đã chịu đau khổ và đã nên thánh. Trong khi sống theo tinh thần của Thánh Phanxicô, ngài vẫn đáp ứng một cách phi thường với tác động của Chúa Thánh Thần" (Báo L'Observatore Romano, tập 34, số 4, 1991)
Lời Bàn
Ðừng bao giờ lầm tưởng sự khiêm hạ với thiếu tự tin, thiếu ý chí và không có hướng đi. Chân Phước Angela đã đem Tin Mừng và sự giúp đỡ vật chất cho một số người "bé mọn" của Ðức Kitô. Sự hy sinh này phải khích động chúng ta hành động tương tự.
Lời Trích
Cha Henri de Lubac, dòng Tên, đã viết: "Các Kitô Hữu tốt lành nhất và đầy sức sống nhất thì không thể tìm thấy trong những người khôn ngoan hay tài giỏi, người trí thức hay có đầu óc chính tr