Những Triết Gia Thiên Chúa Giáo
Thế Kỷ Hai Mươi
Vần T, U, V, W, Z
L.m. Giuse NGUYỄN HỮU TRIẾT
Trưởng Ban Văn Hoá
Tổng Giáo Phận TP. Hồ Chí Minh
Vần T
Taylor, Alfred Edward
Anh. s: 22-12-1869, Oundle, Northamptonshire. m: 31-10-1945, Edinburg. Ph.t: Nhà duy tâm hữu thần. Q.t: Siêu hình học, đạo đức học, tôn giáo, lịch sử triết học. G.d: New College, Oxford. A.h: Bradley. N.c: Giảng sư, Merton College, Oxford,1891-8; Giảng sư, Manchester, 1898-1903; Giáo sư Lô-gích học và Siêu hình học, McGill, Montreal, 1903-8; Giáo sư Triết học Đạo đức, St Andrews, 1908-24; Giáo sư Triết học Đạo đức, Edinburg, 1923-41.
Ấn phẩm chính bản:
(1901) The Problem of Conduct ( Vấn đề hạnh kiểm), London.
(1903) Elements of Metaphysics ( Những yếu tố của siêu hình học), London: Methuen.
(1926) Plato: the Man and his Work ( Platon: Con người và tác phẩm), London: Methuen.
(1930) The Faith of a Moralist ( Niềm tin của nhà đạo đức), London: Macmillan.
(1934) Philosophical Studies ( Những khảo luận triết học), London: Macmillan.
(1945) Does God Exist? ( Thượng đế hiện hữu hay không?), London: Macmillan.
Văn bản nhị đẳng:
Ross, W.D. (1945) Điếu văn đăng trong Proceedings of the British Academy.
Sell,A.P.F. (1995) Philosophical Idealism and Christian Belief ( Chủ nghĩa duy tâm triết học và niềm tin Cơ đốc giáo), Cardiff: University of Wales Press and New York: St Martin’s Press.
Taylor có được đặc ân là gần gũi thân thiết với triết gia Bradley vốn là một bậc ẩn giả khó gần trong những năm ông ở độ tuổi đôi mươi khi ông theo học Bradley ở Oxford. Hai quyển sách đầu tay của Taylor bộc lộ ảnh hưởng đó theo những cách bề ngoài trông có vẻ như đối nghịch nhau. Quyển The Problem of Conduct ( Vấn đề hạnh kiểm) chỉ theo Bradley nơi chủ nghĩa hoài nghi, chủ trương rằng đạo đức học độc lập với siêu hình học và chỉ có thể được thực hiện theo cách thường nghiệm và mô tả. Đối nghịch lại chủ nghĩa Hegel, ông đưa ra một tường thuật về tâm lí học của cảm nhận đạo đức vốn kế tục các học thuyết về ý thức đạo đức của Anh từ thế kỉ mười tám. Ông cho rằng có một xung đột không thể hóa giải giữa tự ngã và xã hội như là những cứu cánh đạo đức.được mô tả bằng những từ ngữ khá phấn khích như là một xung đột giữa văn hóa riêng tư và dịch vụ xã hội. Điều tốt nhất có thể được thành tựu đó là một cuộc thỏa hiệp; không có sự tiến bộ đạo đức hiển nhiên nào. Hai năm sau, quyển Elements of Metaphysics ( Những yếu tố của siêu hình học), là một kiểu trình bày chủ nghĩa duy tâm của Bradley bằng văn phong trật tự lớp lang của một quyển giáo khoa thư. Sau một thời gian dài làm việc về lịch sử triết học-đáng kể nhất là về Platon, mà xét kỹ ra lại càng gần với Cơ đốc giáo hơn là có thể từng được giả định – ông quay về lại với đạo đức học trong một tinh thần rất khác với tinh thần nơi quyển sách đầu tay của ông. Trong The Faith of a Moralist ( Niềm tin của nhà đạo đức) và một vài quyển tiếp theo sau đó, ông biện luận rằng đạo đức tiền giả định tôn giáo. Điều thiện thực sự, chúng ta không thể quan niệm cách nào khác hơn là vĩnh cửu và vô hạn. Chúng ta không thể thành tựu cứu cánh đạo đức về hoàn thiện tự thân mà không có thiên ân phù trợ, điều mà Taylor gọi là sáng kiến của Thượng đế. Không có cái gì hữu hạn có thể thực sự thỏa mãn khát vọng vô biên của con người ( một vọng âm từ sự phê phán của Bradley đối với khái niệm cho rằng lạc thú có thể là một cứu cánh tối hậu của hạnh kiểm). Tính bất tử được đòi hỏi như là một điều kiện của việc hoàn thiện tự thân mà chúng ta được kêu gọi hãy nhắm đến. Ở chốn thiên đàng, nơi không còn tội lỗi hay khuynh hướng về tội lỗi nữa, chúng ta vẫn có thể còn thiện hảo một cách tích cực. Thượng đế được tiền giả định bởi đạo đức như là người bảo đảm cho tự do, tác nhân đích thực và sự bất tử là một khái niệm hình thức, bất toàn không thể hiện được mặc khải về nhân cách thiêng liêng. Nhưng Taylor có ảnh hưởng nhất là thông qua những công trình về lịch sử tư tưởng của ông vốn được bàn luận nhiều và được học giới nể trọng.
Nguồn: Metz; Copleston; Passmore 1957.
ANTHONY QUINTON
Taylor, Richard
Mỹ. s: 05-11-1919, Charlotte, Michigan. Ph.t: Triết gia phân tích. Q.t: Siêu hình học, triết lí tôn giáo. G.d: Đại học Illinois, Oberlin College và Đại học Brown. A.h: Fichte, Schopenhauer,
C.J.Ducasse và Roderick Chisholm. N.c: 1951-63, Đại học Brown; 1963-6, Đại học Columbia;
1966-86, Đại học Rochester; từ 1989, Triết gia thường trú tại Hartwick College.
Ấn phẩm chính bản:
(1963) Metaphysics ( Siêu hình học), Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall.
(1966) Action and Purpose ( Hành động và mục tiêu), Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall.
(1970) Good and Evil ( Thiện và Ác), New York: Macmillan.
(1973) Freedom, Anarchy and the Law ( Tự do, vô chính phủ và luật pháp), New York: St Martin’s Press.
(1973) With Heart and Mind ( Với cả tâm hồn), New York: St Martin’s Press.
(1982) Having Love Affairs ( Tơ tình vương mang), Buffalo: Prometheus.
(1985) Ethics, Faith and Reason ( Đạo đức học, niềm tin và lí trí), Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall.
Văn bản hị đẳng:
Van Inwagen, Peter [xuất bản, 1980] Time and Cause: Essays Presented to Richard Taylor ( Thời gian và nguyên nhân: Những luận văn trình cho Richard Taylor), Dordrecht: Reidel.
Mặc dầu Taylor thường được qui cho một vị trí trong số các triết gia phân tích do việc ông tiếp cận những chủ đề như thời gian, nhân quả , hành động và mục tiêu, ngay từ đầu ông đã nhìn với sự ưu ái vào ít nhất là một phiên bản của luận chứng từ thiết kế (the argument from design) cho rằng con người không giống lắm với những cỗ máy và, trong khi không chứng minh rằng họ có thể làm cách khác, ông tin rằng mình đã “phá hủy mọi luận chứng triết lí quen thuộc có ý muốn chứng tỏ rằng họ không thể”. Quan điểm sau đó của ông, ít vướng víu ngổn ngang hơn, mà ông gọi là “triết học nghiêm túc” ( serious philosophy) hay “triết học vĩnh cửu” (philosophia perennis ) đã cách ly ông khỏi cái ý nghĩa thường được gán cho nhóm từ “triết học phân tích”. Có lẽ triết học vĩnh cửu lấp đầy được những khoảng cách để lại bởi triết học phân tích. Ý nghĩa cuộc đời giờ đây được cho là cần được tìm thấy trong ý chí muốn sống và trong những hoạt động được sinh ra bởi ý chí đó. Về sau nữa, ý nghĩa cuộc đời không phải là làm / hành động mà đơn giản là tồn tại ( its meaning is not to do but simply to be ). Chúng ta được mời mọc, ít ra là một cách gián tiếp, hãy quay khỏi thực tại lạnh lùng của trí tuệ để hướng về một kiến thức hiển nhiên nhưng bất khả thuyết rằng Thượng đế- mà nhờ sự sáng tạo của Người chúng ta mới tồn tại và là Đấng mà chúng ta nên yêu kính với tình yêu tuyệt đối – hiện hữu. “ Thiên nhiên, Thượng đế và tự ngã không bao giờ bắt đầu, cũng không bao giờ tận cùng”.
Trong lần xuất bản thứ nhì quyển Freedom, Anarchy and the Law ( Tự do, vô chính phủ và luật pháp) ông tự đặt mình trong khuôn khổ tự do của triết học xã hội trong khi lưu ý rằng không hề có những quyền tự nhiên đối với đời sống và tài sản và rằng nền tảng của các quyền có tính công lợi ( the foundation of rights is utilitarian).
Nguồn: Thông tin riêng.
WILLIAM REESE
Teilhard de Chardin, Pierre
Pháp. s: 01-05-1881, Orcines, Puy de Dôme. m: 10-04-1955, New York. Ph.t: Nhà địa chất học, nhà cổ sinh vật học, nhà siêu hình học, nhà thần học tư biện (speculative theologian). Q.t: Tiến hóa sinh vật, những nguồn gốc của con người , hiểu biết tâm linh về tiến hóa. G.d: 1898-1905, các trường dòng Tên tại Aix-en-Provence và Jersey; 1908-12, Nhà dòng Tên Hastings; 1912-20, Đại học Sorbonne, Tiến sĩ ,1922. A.h: M. Boule, H. Bergson, E. Le Roy, V.I.
Vernadsky. N.c: Trường Cao đẳng dòng Tên Cairo; 1920-6, Học viện Công giáo Paris; 192638, nhiều nhiệm sở ở Trung quốc; 1950, Hàn lâm viện Khoa học; 1951-5, Viện Nghiên cứu Nhân loại học Wenner-Gren , New York.
Ấn phẩm chính bản:
(1953) Paléontologie humaine ( Cổ sinh vật học nhân văn), Paris: Gauthier-Villars.
Le Phénomène humain ( Hiện tượng người), Paris: Seuil.
L’Apparition de l’homme ( Sự xuất hiện của con người ), Paris: Seuil.
Le Groupe zoologique humain ( Nhóm động vật nhân văn), Paris: Albin Michel.
Le Milieu divin ( Nơi chốn thiêng liêng), Paris: Seuil.
(1957) La Vision du passé ( Tầm nhìn về quá khứ), Paris: Seuil.
(1959) L’Avenir de l’homme ( Tương lai của con người), Paris: Seuil.
Hymme de l’univers ( Tán ca vũ trụ), Paris: Seuil.
L’ Énergie humaine ( Năng lượng con người), Paris: Seuil.
L’Activation de l’énergie ( Sự kích hoạt năng lượng), Paris: Seuil.
(1963) La Place de l’homme dans la nature (Vị trí con người trong nhiên giới), Paris: Seuil.
Science et Christ ( Khoa học và Đấng Kitô), Paris: Seuil.
Je m’explique ( Tôi tự bạch), Paris: Seuil.
(1969) Comment je crois ( Tôi tin như thế nào), Paris: Seuil.
Văn bản nhị đẳng:
Baudry, G.H.( 1971) Ce que croyait Teilhard ( Điều mà Teilhard tin vào), Tours: Mame.
Carles J. Deuplei, A. (1991) Teilhard de Chardin, Paris: Seuil.
Corte, N. (1957) La Vie et l’âme du Père Teilhard de Chardin ( Đời sống và tâm hồn Linh mục Teilhard de Chardin ).
Crespy, G.(1961) La Pensée théologique de Teilhard de Chardin (Tư tưởng thần học của Teilhard de Chardin ), Paris: Éditions Universitaires.
Cuenot, C. (1958) Pierre Teilhard de Chardin- les grandes étapes de son évolution (Pierre Teilhard de Chardin – Những giai đoạn chính trong tiến trình của ông), Paris: Plon.
Cuenot, C. (1968) Nouveau Lexique, Teilhard de Chardin, Paris: Seuil.
Cuenot, C. (1972) Ce que Teilhard a vraiment dit ( Thực sự Teilhard đã nói gì), Paris: Stock.
De Lubac, H.(1962) La Pensée religieuse du Père Teilhard de Chardin ( Tư tưởng tôn giáo của Linh mục Teilhard de Chardin), Paris: Aubier.
Hanson, A.T. [xuất bản, 1970] Teilhard Reassessed ( Đánh giá lại Teilhard), London: Darton Longman Todd.
Lukas, M. E (1977) Teilhard, Garden City, NY: Doubleday.
Mooney,C.F.(1966) Teilhard de Chardin and the Mystery of Christ ( Teilhard de Chardin và huyền nhiệm Chúa Kitô), London: Collins.
Philippe de la Trinité (1968) Teilhard de Chardin, Étude critique (Teilhard de Chardin, Khảo luận phê bình), Paris: La Table Ronde.
Speaight, R. (1967) Teilhard de Chardin, London: Collins.
Là một nhà cổ sinh vật học, Teilhard de Chardin phát triển một siêu hình học hữu thần tiến hóa lạc quan (an optimistic evolutionary theistic metaphysics) cùng với Édouard Le Roy, trong đó vật chất, sự sống, tâm hồn và tinh thần được nhìn như là những giai đoạn mà trong mỗi giai đoạn đều có sự gia tăng song hành về phức tính và ý thức để cuối cùng hướng đến một trạng thái “hành tinh hóa” hay là cuộc hội tụ cực nhân văn của mọi dân tộc trên thế giới ( a final planetization or ultra-human convergence of all the peoples of the world). Trong khi vũ trụ tiến hóa về phương diện vật chất thì cũng có một vận động hướng đến những cấp độ cao hơn của ý thức, thông qua việc xuất hiện sự sống trên trái đất và sự nổi lên của tự thức thuần lí (rational self-consciousness) nơi con người. Giai đoạn cuối cùng có nghĩa là con người lúc đó có thể chia sẻ trong chiều hướng của tiến hóa. Ở mức độ nào thì điều này biểu thị một bình luận theo sau sự kiện hơn là một giải pháp Tân- Lamarck nghiêm túc cho cách giải thích tổng hợp hiện đại thì vẫn còn chưa rõ ràng. Với hương vị phiếm thần và duy thần của nó thì kiểu giải thích này, xét về phương diện thần học là đáng ngờ và quả thực là làm hại cho sự nghiệp giảng dạy của Teilhard – đó là lí do tại sao trong phần lớn đời mình ông bị từ chối giấy phép dạy học và phải hành nghề bên ngoài nước Pháp. Phần lớn trước tác của ông chỉ được xuất bản sau khi ông mất, trong khi đó lại rất thành công về mặt công chúng độc giả, ngay cả tại những xứ sở Công giáo thì tư tưởng của ông cũng đã thành công trong việc dọn đường cho người Công giáo chấp nhận những học thuyết tiến hóa.
R.N.D. MARTIN
Tempels, Placide Frans
Bỉ. s: 18-02-1906, Berlaar, Belgium. m: 1978, Bỉ. Ph.t: Lí thuyết gia dung nhập văn hóa ( Theorist of acculturation). Q.t: Việc cải đạo Cơ đốc, nhân chủng học, rao giảng Phúc âm.. G.d: Chủng sinh dòng Phan-xi-cô, 1924; học Triết học và Thần học, Thielt, 1924-30; thụ phong Linh mục Công giáo La mã ngày 15, tháng tám 1930. A.h: Thánh Thomas Aquinas, Bergson và Lucien Lévy-Bruhl. N.c: Linh mục truyền đạo của Giáo hội La mã tại Congo thuộc Bỉ, Katanga, 1933-62.
Ấn phẩm chính bản:
(1945) La Philosophie bantoue ( Triết học Bantu), Elisabethville: Lovania.
(1962) Notre rencontre ( Cuộc hội ngộ của chúng tôi), Léopoldville: Centre d’Études.
Văn bản nhị đẳng:
De Craemer, Willy (1977) The Jamaa and the Church ( Phong trào Jamaa và Nhà thờ), Oxford: Clarendon.
Là người theo học thuyết của thánh Thomas do giáo dục, Tempels là một môn đồ của LévyBruhl trong những năm 1930s. Lúc đầu ông bị thuyết phục về sự hữu ích của việc phân biệt tâm thức tiền-lôgích với tâm thức lôgích (distinguishing prelogical from logical mentalities) và quan niệm một sự chuyển đổi từ giai đoạn thứ nhất sang giai đoạn thứ nhì như là một mục tiêu của việc truyền giáo và khai hóa văn minh ở châu Phi. Vào giữa thập niên 1940s trong khi làm công tác nhân chủng học ở Kabondo-Dianda ông trải nghiệm một đổ vỡ tâm linh ( a spiritual rupture). Ông bác bỏ những ý tưởng của Lévy-Bruhl và lao vào nghiên cứu triết học Bantu của châu Phi. Quyển sách của ông, La Philosophie bantoue ( Triết học Bantu) trở thành một best-seller hầu như ngay sau khi được xuất bản.
Luận đề chính của tác phẩm là cho rằng mọi hành vi con người đều tùy thuộc vào một hệ thống tổng quát những nguyên lí và rằng do vậy ta có lí do nên tìm ra và nghiên cứu những nguyên lí nền tảng của những niềm tin và hành vi của người Bantu, cũng như hệ thống triết học cốt yếu của họ. Đối với Tempels, triết học này là một hữu thể luận vốn có nghĩa là một phương trình giữa hữu thể và sinh lực và sẽ đưa đến một hệ thống mọi hữu thể và mọi sự vật, từ những loài ít được kích hoạt bởi sinh lực cho đến những loài có một sinh lực hoàn hảo. Động vật, con người, tổ tiên và cõi thiêng liêng là những chiều kích trong sự trao đổi và tương tác giữa các lực, vốn có thể tăng lên hay giảm đi. Tempels tin rằng hữu thể học Bantu của ông có thể là một dẫn luận vào khoa nhân loại học của mọi dân tộc sơ khai nói chung và là con đường tốt nhất để Cơ đốc hóa những người ngoại đạo. Năm 1953 Tempels, trong tư cách là mục sư của một giáo phận ở Ruwe ( Congo thuộc Bỉ) và là một giáo sư tôn giáo, khởi xướng một phong trào gọi là Jamaa ca ngợi và đề cao các khái niệm sự sống, tình yêu và sự phồn thực. Ông bị trục xuất khỏi Congo bởi các chức sắc Công giáo và chết trong một nhà tù của giáo hội ở Bỉ vào năm 1978.
V.Y. MUDIMBE
Temple, William
Anh. s: 15-10-1881, Exeter. m: 26-10-1944, Westgate-on-Sea. Ph.t: Thần học gia, nhà duy tâm. Q.t: Triết lí tôn giáo. G.d: Balliol College, Oxford. A.h: Platon, Kant, Whitehead và Edward Caird. N.c: 1904-10, Thành viên và Giảng sư Triết học, Queen’s College, Oxford; 1920-9, Giám mục giáo phận Manchester; 1929-42, Tổng giám mục giáo khu York; 1942-4, Tổng giám mục giáo khu Canterbury.
Ấn phẩm chính bản:
(1910) The Faith and Modern Thought ( Niềm tin và tư tưởng hiện đại ), London: Macmillan.
(1917) Mens Creatrix ( Tinh thần sáng tạo), London: Macmillan.
(1924) Christus Veritas ( Chân lí của Đấng Kitô), London: Macmillan.
(1934) Nature, Man and God ( Thiên nhiên, Con người và Thượng đế), London: Macmillan.
Văn bản nhị đẳng:
Emmet, Dorothy (1948) William Temple, the Philosopher đăng trong William Temple, Archbishop of Canterbury: His Life and Letters ( William Temple, Tổng giám mục giáo khu Canterbury: Cuộc đời và thư từ), London: Oxford Univ. Press.
Padget, J.F. (1974) The Christian Philosophy of William Temple ( Triết học Cơ đốc giáo của William Temple), The Hague: Nijhoff.
Temple, C.O. (1961) William Temple’s Philosophy of Religion ( Triết lí tôn giáo của William Temple), London: Seabury Press.
Thomas, O.C. (1961) William Temple’s Philosophy of Religion ( Triết lí tôn giáo của William Temple), London: SPCK.
Temple, tiếp bước Caird, bắt đầu bằng cách nhìn triết học như là cuộc tìm kiếm một nguyên lí tâm linh nhất thống ( a unifying spiritual principle) có khả năng cung cấp một tổng hợp đề cho những phương cách tư duy khác nhau hay thậm chí đối nghịch nhau. Tuy nhiên, cho đến cuối đời mình dường như càng ngày ông càng xa rời chủ nghĩa duy tâm. Trong một bức thư cho Dorothy Emmet ông nhấn mạnh rằng “ chúng ta phải dứt khoát xa lìa ý niệm rằng thế giới như nó đang tồn tại, là một toàn thể thuần lí... thế giới như chúng ta nhìn thấy nó, thì - nói một cách chặt chẽ- bất khả niệm ( unintelligible).
Tác phẩm triết học cuối cùng của ông có khuynh hướng tiến về một tri thức luận hiện thực hơn . “Tôi khẳng định rằng trong nhận thức thì tương quan chủ thể-khách thể là tối hậu, và không một hạn từ nào, trong bất kỳ cấp độ nào, có thể giản qui vào hạn từ kia” (Nature, Man and God,p.126). Trong tác phẩm này ông nêu lên định đề về một hệ thống hữu thể- vật chất, sự sống, trí thông minh, tinh thần. Khởi đầu từ các hiện tượng tự nhiên chúng ta truy ngược lại quá trình tiến hóa cho đến sự xuất hiện của tinh thần và rồi quay lại và giải thích toàn bộ tiến trình theo viễn tượng tinh thần. Temple mệnh danh triết học này là “chủ nghĩa duy tâm biện chứng” (dialectical idealism).
Nguồn: DNB 1941-50.
STUART BROWN
Tennant, Frederick Robert
Anh. s: 01-09-1866, Burslem, Staffordshire. m: 09-09-1957, Cambridge. Ph.t: Nhà duy nghiệm. Q.t: Triết học tôn giáo, triết học tinh thần. G.d: Caius College, Cambridge. A.h: James Ward. N.c: Thành viên, Trinity College, Cambridge, 1913-57.
Ấn phẩm chính bản:
(1912) The Concept of Sin ( Khái niệm tội lỗi), Cambridge: Cambridge Univ. Press.
(1925) Miracle and its Presuppositions ( Phép lạ và những tiền giả định về nó), Cambridge: Cambridge Univ. Press.
(1928-30) Philosophical Theology (Thần học triết lí), 2q. Cambridge: Cambridge Univ. Press.
(1932) Philosophy of the Sciences ( Triết lí khoa học), Cambridge: Cambridge Univ. Press.
(1943) The Nature of Belief ( Bản chất của niềm tin), London: Centenary Press.
Văn bản nhị đẳng:
Broad, C.D. (1957) Điếu văn, đăng trong Proceedings of the British Academy ( Biên bản lưu của Hàn lâm viện Anh quốc).
Tennant trở thành một triết gia chuyên khảo về tôn giáo sau mấy năm dạy khoa học ở trường cũ của mình và, sau khi thụ phong linh mục vào năm 1894, hai thập kỉ làm linh mục giáo xứ. Thái dộ của ông đối với tôn giáo mang tính duy trí một cách kiên định. Đối với ông, thần học là sự tiếp nối của triết học. Niềm tin tôn giáo đòi hỏi biện minh thuần lí vốn phải cần đến kinh nghiệm tri giác và, ở một mức độ nào đó, kinh nghiệm đạo đức. Kinh nghiệm tôn giáo- và, hẳn là, kinh nghiệm huyền nhiệm (mystical experience) mà ông rất, rất hoài nghi- chỉ có thể chi viện sự hậu thuẫn phụ trợ mà thôi. Tính khí thuần lí của ông được bộc lộ trong trước tác ban đầu của ông về tội lỗi. Định nghĩa tội lỗi, một cách khá hợp lí, như là việc làm sai trái kèm theo ý thức rằng đó là chuyện sai trái, ông kết luận rằng tội nguyên thủy/ tội tổ tông là chuyện bất khả. Trẻ sơ sinh, với cái “xích tử chi tâm”( tâm hồn của đứa con đỏ), không thể phạm tội, cho dầu chúng có những khuynh hướng bẩm sinh vốn có thể, vào đúng dịp, dẫn dắt đến chỗ phạm tội. Và tội lỗi cũng không thể được kế thừa, nhất là không thể từ Adam và Eve, vốn là những nhân vật huyền thoại.
Quyển đầu trong bộ Philosophical Theology đưa ra những tiền đề triết lí cho thần học của ông, tham bác rộng rãi từ tâm lí học triết lí của thầy ông, James Ward. Một cuộc khảo sát những yếu tố cấu thành tâm hồn đưa đến kết luận rằng phải có một bản ngã thuần túy, có tính bản thể ( a pure, substantial ego) để liên kết chúng với nhau.Bản ngã đó không phải là đối tượng của một cuộc làm quen trực tiếp, nhưng sự phản tư cho thấy bản ngã đó tích cực, chủ động. Những phán đoán giá trị liên quan đến cảm nhận nhưng không vì thế mà chủ quan. Phương pháp qui nạp đòi hỏi niềm tin vào tính hữu lí của vũ trụ (Induction requires faith in the “reasonableness of the universe”). Kinh nghiệm tôn giáo có thể được giải thích mà không cần đến ý niệm Thượng đế. Chỉ có lí trí thôi thì không thể thiết lập sự sống sót của con người khỏi nỗi chết không rời. Trong quyển hai của bộ thần học triết lí này ông chuyển sang hiện hữu của Thượng đế và biện luận rằng luận chứng tốt duy nhất cho điều này là luận chứng từ thiết kế (the argument from design), mà ông nêu lên rất đầy đủ, thêm vào sự đa dạng thông thường trong thiên nhiên sự kiện vẻ đẹp của thiên nhiên và tính khách quan của đạo đức. Giống như Hobbes, nhưng có phần cung kính hơn, ông coi việc gán tính vô hạn và tính hoàn hảo cho Thượng đế chỉ có tính vinh danh mà thôi ( merely honorific). Điều ác, trên bình diện đạo đức, chỉ là hậu quả của việc con người có tự do chọn lựa, còn điều xấu về phương diện thể lí là do tính có qui luật của thiên nhiên.
Tennant gây được một ít ảnh hưởng nơi những người Cơ đốc nhiều suy tư nhưng không giống như người đương thời cũng phi chính thống như ông, Rashdall, dính líu vào những cuộc tranh luận hay đi vào sự chú ý của đám đông. Trong chủ nghĩa duy trí phi thế tục của ông (unworldly intellectualism) ông là một đại diện tinh tế của sự sáng suốt trừu tượng đáng trân trọng thường thấy ở Đại học Cambridge, chẳng hạn nơi Mc Taggart và Moore.
Nguồn: Edwards; DNB.
ANTHONY QUINTON
Tillich, Paul
Đức. s: 20-08-1886, Starzeddel, Prussia. m: 22-10-1965, Chicago, Illinois. Ph.t: Triết gia hiện sinh, nhà thần học. Qt: Triết lí tôn giáo. G.d: Các Đại học Berlin, Tübingen, Breslau và HalleWittenberg. A.h: Schelling và Martin Heidegger. N.c: Giảng sư, Đại học Berlin 1919-24; các
Đại học Marburg, Dresden và Leipzig,1925-9; Giáo sư Triết học Frankfurt,1929-33; Union Theological Seminary, 1933-55; Harvard, 1955-62; Đại học Chicago,1962-5; thụ phong Mục sư Giáo hội Tin lành Luther của giáo xứ Brandenburg,1912.
Ấn phẩm chính bản:
(1932) The Religious Situation, ( Tình hình tôn giáo), New York, Holt.
(1936) The Interpretation of History ( Kiến giải Lịch sử), New York: Scribners.
(1948) The Protestant Era ( Kỷ nguyên Thệ phản), Chicago:Chicago Univ. Press.
(1948) The Shaking of the Foundations ( Lay động những nền tảng), New York: Scribners.
(1951-63) Systematic Theology ( Thần học hệ thống), 3 quyển, Chicago: University of Chicago Press.
(1952) The Courage To Be ( Dũng cảm sinh tồn), New Haven: Yale Univ. Press.
(1954) Love, Power and Justice ( Tình yêu, Quyền lực và Công lí), New York: Oxford University Press.
(1957) Dynamics of Faith ( Động lực học về Niềm tin), New York: Harper.
(1959) Theology of Culture ( Thần học về Văn hóa), New York: Oxford Univ. Press.
Morality and Beyond (Đạo đức học và xa hơn thế nữa),New York: HarperRow.
Christianity and the Encounter of the World Religions ( Cơ đốc giáo và cuộc gặp gỡ của những tôn giáo thế giới), New York: Columbia Univ. Press.
( 1965) Ultimate Concern ( Ưu tư tối hậu), New York: HarperRow.
Văn bản nhị đẳng:
Alston, William P (1961) Tillich’s Conception of a Religious Symbol ( Quan niệm của Tillich về một biểu tượng tôn giáo) in trong Religious Experience and Truth, Sidney Hook xuất bản, New York: Suny Press.
Kegley, C.W. and Bretall,R.W.[xuất bản] The Theology of Paul Tillich ( Thần học Paul
Tillich), New York: Macmillan.
McKelway,A.J. (1964) The Systematic Theology of Paul Tillich ( Thần học hệ thống của Paul Tillich), Richmond,Va.: John Knox Press.
Scharlemann, Robert P. (1969) Reflection and Doubt in the Thought of Paul Tillich (Suy tư và hoài nghi trong tư duy Paul Tillich), New Haven: Yale Univ. Press.
Tillich bước vào sân khấu học thuật Hoa kỳ trong một thời đại đầy mâu thuẫn, trong tư cách một nhà tư tưởng biện chứng mong muốn đem lại công bằng cho những quan điểm cơ bản nhưng đối kháng nhau, có hiệu lực trong một khung cảnh nào đó nhưng lại không đồng hoá nhau được. Thiên tài của ông nằm ở chỗ mang những lập trường đối lập nhau cho chúng ở bên nhau khiến chúng có thể làm phong phú lẫn nhau mà vẫn là chính mình. Chứng từ của ông có sức thuyết phục đến nỗi những ấn phẩm của ông ở châu Âu trong hình thức những bài báo liền được nhanh chóng dịch ra và in thành sách, gây ảnh hưởng rộng rãi trên sân khấu thần học Hoa kỳ và còn hơn thế nữa…
Ông phân tích và mang tham vọng hoá giải bốn đối nghịch:
1) giữa Tân-Chính thống giáo và chủ nghĩa tự do Cơ đốc giáo , ở đó triết học hiện sinh tôn giáo của ông thêm vào chiều kích xã hội cho cái trước và sự uyên thâm cho cái sau;
2) giữa Tin lành và Công giáo, ở đó ông tán đồng nguyên lí Tin lành( cấm đồng hoá cái thiêng liêng với bất kỳ sáng tạo nào của con người) trong khi xây dựng một hệ thống có thể hiểu được với những học giả theo Thánh Thomas;
3) giữa triết học và thần học nơi triết học đặt ra những vấn đề mà những câu trả lời có kết quả nhất cần được tìm thấy trong “ phương pháp giao hỗ” của thần học, mang những viễn tượng hữu hạn và vô hạn lại gần nhau.
4) giữa chủ nghĩa tư bản và thách thức Mác xít, ở đó ông nói vâng với những yếu tố tiên tri, nhân bản và hiện thực nơi Marx và nói không với những yếu tố tiêu cực trong hệ thống Sôviết.
Thăm dò tính tượng trưng trong cách diễn tả tôn giáo Tillich biện luận rằng những biểu tượng chỉ về cái tối hậu và tham thông vào thực tại mà chúng biểu nghĩa. Chúng cũng có những câu chuyện đời riêng, qua tiến trình thành trụ hoại không và rồi bị thay thế bởi những biểu tượng khác. “Tự tồn” ( Being itself) ,theo ông tin, là một cách diễn tả sát nghĩa đen, bởi vì, trong quan điểm của ông, đó là một khái niệm tự hiệu lực ( a self- validating concept).
Tillich định nghĩa tôn giáo như là đối tượng của mối ưu tư tối hậu. Chuyển động từ âu lo xao xuyến đến dũng cảm sinh tồn là một trong những con đường tiến về viễn đích tối hậu. Về chủ đề này, ông bàn luận bốn giai đoạn của lòng dũng cảm , thể hiện lại những giai đoạn của văn hoá. Dũng cảm là một thành phần mở đường cho cá nhân tính, dũng cảm để là chính mình. Giai đoạn này của sự sống và của thế giới mở đường cho tính vô nghĩa ( meaninglessness) và lòng dũng cảm của tuyệt vọng. Tuyệt vọng mở đường cho “lòng dũng cảm chấp nhận sự chấp nhận” ( courage to accept acceptance) và chủ nghĩa hữu thần thông thường đưa đến “Thượng đế ở trên Thượng đế của chủ nghĩa hữu thần” ( the God above the God of theism)
WILLIAM REESE
Tolstoy, Leo ( Lev Nikolaevich Tolstoi)
Nga. s: 25-08-1828, điền trang Iasnaia Poliana, tỉnh Tula. m: 07-11-1910, ga xe lửa
Astapovo, tỉnh Lipetsk. Ph.t: Triết gia tôn giáo, tiểu thuyết gia. G,d: Học ở Đại học Kazan,
1844-7, nhưng không tốt nghiệp. A.h: Rousseau, Stendhal, de Maistre và Schopenhauer.
Ấn phẩm chính bản:
V chem moia vera? ( Tôi tin điều gì?) Geneva.
(1884) Ispoved ( Tự thú), Geneva.
(1891) O zhizni ( Cuộc đời), Geneva.
(1898) Chto takoe iskusstvo? ( Nghệ thuật là gì?), Moscow.
(1928-37) Tolstoy Centenary Edition ( Đợt xuất bản kỷ niệm một tăm năm ngày sinh Tolstoy), 21 quyển, Oxford London: Oxford Univ. Press.
Văn bản nhị đẳng:
Berlin, I. (1953) The Hedgehog and the Fox: An Essay on Tolstoy’s View of History: (Nhím và chồn: Khảo luận về sử quan của Tolstoy ), London: Weidenfeld Nicolson.
Diffey, T.J.( 1985) Tolstoy’s “What is Art?” ( Về quyển “ Nghệ thuật là gì?” của Tolstoy), London: Croom Helm.
Murphy,D. (1992) Tolstoy and Education ( Tolstoy và giáo dục), Dublin: Irish Academic Press.
Silbajoris, R.(1991) Tolstoy’s Aesthetics and his Art ( Mỹ học và Nghệ thuật của Tolstoy), Columbus, Ohio: Slavica.
Sau khi thi hành quân dịch và sau những cố gằng văn học buổi đầu trong thập niên 1850s, Tolstoy dành cả thời gian và tâm huyết, giữa 1859 và 1862, cho một trường học cho con cái nông dân trong điền trang của ông, Iasnaia Poliana mà ông đặt tên cho tờ báo sư phạm của mình. Một thời kỳ sáng tạo văn học lừng lẫy giữa 1863 và 1876, kể cả việc sáng tác Chiến tranh và hòa bình và Anna Karenina, kết thúc trong cuộc khủng hoảng cá nhân sâu sắc, thúc giục việc bác bỏ những thành tựu văn học và những đặc quyền quí tộc của ông, và việc khởi thảo, trong những năm 1880s, những rao giảng tôn giáo và xã hội của ông. Trong những năm 1890s ông tổ chức cứu tế cho những nông dân bị đói và hậu thuẫn cho những nhóm thiểu số tôn giáo bị ngược đãi; điền trang của ông trở thành điểm đến cho các cuộc hành hương. Việc ông bài bác quyền lực đã thiết lập của thế quyền và giáo quyền đã dẫn đến, vào năm 1901, việc rút phép thông công của ông bởi Giáo hội Chính thống Nga, và việc lưu đày các đồ đệ của ông.
Từng nghĩ đến việc tự tử trong thời kỳ khủng hoảng tâm linh, Tolstoy nhìn thấy nơi niềm tin tôn giáo bản năng của người nông dân một con đường thoát khỏi chủ nghĩa bi quan Schopenhauer về ý nghĩa đời sống. Ông tiếp tục bác bỏ phần lớn học thuyết Cơ đốc; chủ trương vô chính phủ của ông đặt cơ sở trên nội dung đạo đức của Cơ đốc giáo, mà ông tổng quát hóa như là “qui luật của tình yêu”. Phù hợp với qui luật này, ông không chỉ khước từ bạo lực và cưỡng chế có tổ chức của Nhà nước mà còn cả bạo lực của chiến tranh, của lòng ái quốc hẹp hòi mù quáng, cùa án tử hình, của lòng tham lam muốn chiếm hữu mọi thứ cho riêng mình và của những cuộc cách mạng đẫm máu. Nguyên lí đề kháng bất bạo đông mà ông đề ra đối với cái ác của bạo lực đã ảnh hưởng đến Gandhi, người vẫn thư từ liên lạc với ông, cũng như với các môn đệ Nga của ông.
Một đề tài xuyên suốt qua trước tác lí thuyết của Tolstoy là sự bác bỏ chủ nghĩa cá nhân. Trong Đời sống ông đề xướng một siêu hình học phi nhân vị (impersonalist metaphysics), gợi mở khái niệm về một “ý thức hợp lí” siêu việt tính cá thể, thời gian và không gian.Trong Lời bạt cho Chiến tranh và Hòa bình ông phủ nhận quyền năng của những cá nhân như Napoléon trong việc dịch chuyển các quốc gia, dầu cho là per se (do tự thân) hay như là những biểu hiện cùa mục tiêu lịch sử tổng quát nào đấy; nhiệm vụ của các sử gia là khai mở những qui luật chi phối các biến cố, những nguyên nhân khác nhau của chúng, kể cả những hành vi phát xuất từ ý chí tự do của con người. Trong Nghệ thuật là gì ? ông bác bỏ việc đồng hóa giá trị nghệ thuật với cái đẹp, nếu điều này chẳng đưa đến cái gì khác hơn là lạc thú cá nhân. Mục tiêu của nghệ thuật là truyền cảm, và nghệ thuật chân chính là nghệ thuật truyền tải được ý thức tôn giáo của thời đại mình. Xét theo tiêu chuẩn này thì mọi “nghệ thuật cao cấp” kể từ thời Phục hưng đều đáng bị lên án.
COLIN CHANT
Troeltsch, Ernst
Đức. s: 17-02-1865, Augburg. m: 01-02-1923. Ph.t: Nhà thần học theo Luther. Q.t: Triết học xã hội. G.d: Các Đại học Erlangen, Göttingen và Berlin. A.h: A.Ritschl, W.Windelband, H.Rickert và W. Dilthey. N.c: Phụ tá Mục sư ở Munich; Giảng sư Thần học Göttingen, 1891-2; Giáo sư Ngoại hạng, Đại học Bonn, 1892-4; Giáo sư Triết học, Đại học Berlin, 1915-32.
Ấn phẩm chính bản:
(1891) Vernunft und Offenbarung bei Johann Gerhard und Melanchthon ( Lí tính và thiên khải theo Johann Gerhard và Melanchthon ), Göttingen.
(1905) Psychologie und Erkenntnistheorie in der Religionswissenschaft ( Tâm lí học và tri thức luận trong tôn giáo học), Tübingen.
Die Bedeutung der Geschichtlichkeit Jesu für den Glauben ( Ý nghĩa/ tầm quan trọng của tính lịch sử của Jesus đối với lòng tin), Tübingen.
Protestantism and Progress ( Đạo Thệ phản / Tin lành và sự tiến bộ ), London; Williams Norgate.
(1915) Augustin, die christliche Antike und das Mittelalter ( Thánh Augustin, thời Thượng cổ và thời Trung cổ Cơ đốc giáo ), Munich.
Christian Thought: Its History and Application ( Tư tưởng Cơ đốc giáo: Lịch sử và ứng dụng), London: University of London Press.
Der Historismus und seine Überwindung ( Chủ nghĩa duy sử và sự thắng thế của nó), Berlin.
(1924) Spektator-Briefe, Aufsätze über die deutsche Revolution und die Weltpolitik 1918-
1922 ( Thư từ khán giả: Luận về Cách mạng Đức và chính trị thế giới 1918-1922), Tübingen.
(1925) Deutscher Geist und Westeuropa ( Tinh thần Đức và Tây Âu), Tübingen.
(1931) The Social Teaching of the Christian Churches ( Việc giảng dạy xã hội của các Nhà thờ Cơ đốc giáo ), London: Allen Unwin.
(1972) The Absoluteness of Christianity and the History of Religion ( Tính tuyệt đối của Cơ đốc giáo và lịch sử tôn giáo), London: SCM Press.
Văn bản nhị đẳng:
Alberca, I.E. Die Gewinnung theologischer Normen aus der Geschichte der Religion bei E. Troeltsch ( Lợi ích của qui phạm thần học từ lịch sử tôn giáo), Munich.
Bodenstein, W.(1959) Neige des Historismus, Ernst Troeltschs Entwicklungsgang (Khuynh hướng của chủ nghĩa duy sử.Bước phát triển của Ernst Troeltsch),Gütersolh.
Clayton, J.P. [xuất bản, 1976] Ernst Troeltsch and the Future of Theology ( Ernst Troeltsch và tương lai của thần học), Cambridge: Cambridge Univ. Press.
Graf, F.W. and Ruddies, H.(1982) Ernst Troeltschs Bibliographie ( Thư mục Ernst Troeltsch ), Tübingen: Mohr.
Köhler, W.E.(1941) Ernst Troeltschs, Tübingen.
Reist, B.A. (1966) Toward a Theology of Involvement: The Thought of Ernst Troeltsch ( Hướng về một thần học dấn thân: Tư tưởng của Ernst Troeltsch), London: SCM Press.
Rubanowice, R.J. (1982) Crisis in Consciousness: The Thought of Ernst Troeltsch (Khủng hoảng trong ý thức: Tư tưởng của Ernst Troeltsch), Tallahassee: University Presses of Florida.
Vermeil, E.(1922) La Pensée religieuse d’ Ernst Troeltsch ( Tư tưởng tôn giáo của Ernst Troeltschs) , Paris.
Là thành viên hàng đầu của Trường phái Lịch sử Các Tôn giáo, trước tác của Troeltsch liên quan đến các khoa thần học, sử học, triết học và xã hội học, tất cả đều phải đối mặt với sự kiện nghiêm trọng là cuộc va chạm bùng vỡ giữa các giá trị tôn giáo hay đao đức tuyệt đối và những điều tương đối lịch sử. Khiêm tốn thú nhận sự bất lực của mình trong việc giải quyết rốt ráo các vấn đề này, Troeltsch tuy vậy vẫn trình bày rõ ràng bản chất của vấn đề và gợi ý, chẳng hạn, rằng trong khi (với Kant) những qui luật đạo đức là thường trực, song chúng ta chỉ ý thức về đạo đức như nó đã diễn biến và được biểu hiện dưới áp lực của, và được biến cải bởi, những sức mạnh lịch sử, xã hội và chính trị. Do đó mà nảy sinh sự căng thẳng giữa các giá trị và các qui phạm được coi là siêu việt lịch sử, và nhu cầu của chúng ta muốn hiểu rõ cái gì tự trình hiện với chúng ta trong lịch sử. Liên quan đến cái sau ( nhu cầu tìm hiểu của chúng ta), chúng ta phải tìm cách làm sao cho một biến cố lịch sử cụ thể trở thành khả niệm như thể nó là thành phần trong chính kinh nghiệm của chúng ta.
Trong Cơ đốc giáo, vấn đề mang hình thức: làm thế nào chúng ta gắn kết với nhau những yêu cầu tuyệt đối của thiên khải và những phương cách khác nhau theo đó tôn giáo đã thực sự phát triển thành các giáo hội, các tông phái và các phiên bản huyền học khác nhau. Ngay cả giữa các giáo hội cũng có những khác biệt rõ ràng, như Troeltsch chỉ ra trong cách ông đối chiếu các truyền thống theo Luther và theo Calvin, cả hai đều là sản phẩm của cuộc cải cách tôn giáo thế nhưng lại khác nhau đáng kể trong học thuyết, trong đạo đức và trong thể chế. Lại nữa, bởi vì những sự kiện sơ đẳng của lịch sử vốn là không chắc chắn, thế nên những phát hiện của các sử gia phải được coi như chỉ là có tính tạm thời và có thể xét lại qua ánh sáng của bằng chứng mới. Hậu quả là không một tập hợp đặc biệt các sự kiện lịch sử nào - chẳng hạn những sự kiện liên quan đến Jesus – có thể được coi là tối hậu, theo nghĩa là không thể thay thế. Chuyện Cơ đốc giáo có thể đánh mất vị thế tôn giáo tối thượng của thế giới là điều có thể quan niệm được, chứ chẳng phải là điều tuyệt đối không thể xảy ra. Cơ đốc giáo có thể là tối hậu đối với người phương Tây bởi vì chúng ta chẳng có cái gì khác hơn, thế nhưng những nhóm sắc tộc khác có thể trải nghiệm sự tiếp xúc với cái thiêng liêng theo một con đường hoàn toàn khác. Hơn nữa, bởi vì mọi biến cố lịch sử đều thuộc về cùng một trật tự, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc thẩm định những xác suất lịch sử đặc thù bằng loại suy với kinh nghiệm bản thân và kiến thức của chúng ta về những biến cố ở nơi khác. Không thể có những can thiệp từ một đấng thiêng liêng siêu việt (a transcendent divine) và cái siêu nhiên (the supernatural) bị loại trừ.
Điều quan trọng cần quan sát đó là mặc dầu tất cả sự nhấn mạnh của ông vào sự điều kiện hóa lịch sử xã hội ( the historico-social conditioning) của các ý tưởng tôn giáo, song Troeltsch vẫn bác bỏ quan điểm Mác-xít cho tôn giáo chỉ là một sản phẩm suy đồi của sự điều kiện hóa kiểu đó. Mà đúng hơn, những xác tín tôn giáo phái sinh từ ý thức tôn giáo tự trị (the autonomous religious consciousness). Điều này nhất quán với quyết tâm của ông – cho dầu ông có mang nợ các lí thuyết nhóm về nhân cách và những nghiên cứu của ông về gia đình, Nhà nước và Nhà thờ - không nhấn chìm cá nhân vào trong đoàn thể. Điều này được nêu lên rõ ràng nhất trong tư tưởng chính trị của ông.
Tích cực trong chính trị, Troeltsch tin rằng nguyên nhân chủ yếu của Đệ nhất Thế chiến nằm trong thứ triết lí chính trị khuyết tật vốn nổi lên từ trào lưu Lãng mạn đã ca ngợi tôn vinh quốc gia dân tộc một cách quá...hào hứng! Liệu pháp của ông (rất khác với phương thuốc của các nhà thần học biện chứng) là nâng lên một tầm cao mới sự nhấn mạnh của Phong trào Khai minh về tầm quan trọng và các quyền của cá nhân và của các nhóm cá nhân điều hành đời sống cộng đồng của họ một cách dân chủ. Những lời lẽ đầy thận trọng của Troeltsch vào năm 1911 không thiếu tính tiên tri:
Chúng ta hãy kiên quyết bảo tồn nguyên lí tự do vốn rút ra sức mạnh từ một nền siêu hình học tôn giáo; nếu không thì chính nghĩa của tự do và nhân cách rất có thể bị mất đi ngay chính lúc chúng ta đang huênh hoang lớn tiếng nhất về sự trung thành của chúng ta đối với chính nghĩa đó, và về sự tiến bộ của chúng ta theo chiều hướng đó.
Việc Troeltsch loại trừ cái siêu nhiên, tính cởi mở của ông đối với kinh nghiệm tôn giáo theo nghĩa rộng nhất của từ này và việc ông ung dung quan niệm sự giáng cấp của Cơ đốc giáo đã làm bùng lên sự phê phán từ nhiều phía. Người ta từng chỉ ra rằng việc ông sử dụng loại suy có thể bị đối lại bởi sự xây dựng những loại suy khác. Khái niệm nhân cách nhóm đã bị phê bình từ thuở sinh thời của ông và phương pháp phạm trù hóa các thành ngữ Cơ đốc giáo như Nhà thờ, Nhà nước, Huyền nhiệm... đã bị tra vấn.
Mặc dầu các nhà tư tưởng như F. von Hügel và C.C.J.Webb đã lưu ý những ý tưởng của Troeltsch, song đối với nhiều triết gia và nhà thần học Anh quốc ông vẫn là một tia sáng ( đôi khi yếu ớt), hay một đám mây ( có lúc mang vẻ đe dọa), mà họ vẫn ít nhiều có ý thức về chuyện đó nhưng nó không bao giờ hoàn toàn tràn lên bờ của họ.
Nguồn: Những bài điếu văn.
ALAN SELL
Vần U
Unamuno y Jugo, Miguel de
Tây ban Nha. s: 1864, Bilbao, Tây ban Nha. m: 1935, Salamanca. Ph. t: Nhà phân tích thân phận con người Q.t: Tri thức luận, Đạo đức học. A.h: Pascal và Kierkegaard. N.c: Sống phần lớn cuộc đời trưởng thành, từ 1891 trở đi, tại Đại học Salamanca, lúc đầu như là Giáo sư tiếng Hy lạp, sau đó là Viện trưởng; cuộc sống đó bị chấm dứt bởi sáu năm lưu vong chính trị (1924-30) do chính quyền độc tài Primo de Rivera cưỡng bách, như là hậu quả của việc ông theo chủ nghĩa Cộng hoà.
Ấn phẩm chính bản:
Tất cả trong Obras completas ( Toàn tập), 16 quyển, Madrid: Aguado, 1950-9.
(1895) En torno al casticismo ( Nhân bàn về chủ nghĩa truyền thống)
(1905) Vida de Don Quijote y Sancho ( Cuộc đời Don Quijote và Sancho)
(1910) Mi religión y otros ensayos breves ( Tôn giáo của tôi và những đoản luận khác)
Contra esta y aquello ( Chống lại cái này và cái kia)
Del sentimiento trágico de la vida ( Cảm thức bi đát về cuộc đời)
(1931) La agonia del Christianismo ( Cơn hấp hối của Cơđốc giáo).
Văn bản nhị đẳng:
Ferrater Mora, José (1957) Unamuno,bosquejo de una filosofia ( Unamuno, phác thảo một triết học), Buenos Aires: Editorial Sudamericana.
Huertas-Jourda, José (1963) The Existentialism of Miguel de Unamuno ( Chủ nghĩa hiện sinh của Miguel de Unamuno) Gainsville: University of Florida Press.
Lacey, A.(1967) Miguel de Unamuno: The Rhetoric of Existence ( M.de Unamuno: Mỹ từ pháp của hiện sinh), The Hague: Mouton.
Marias, Julían (1943) Miguel de Unamuno, Madrid: Espasa-Calpe.
Meyer, François (1955) L’Ontologie de Miguel de Unamuno ( Hữu thể học của Miguel de Unamuno), Paris: PUF.
Oromi, Miguel (1943) El Pensamiento filosofico de Miguel de Unamuno ( Tư tưởng triết học của M. de Unamuno),Madrid: Espasa-Calpe.
Rudd, Margaret Thomas (1963) The Lone Heretic ( Kẻ dị giáo cô đơn), Austin: University of Texas Press.
Unamuno có lẽ không phải là triết gia theo cái nghĩa như Russell hay Wittgenstein là triết gia, và ông không quan tâm với việc xây dựng một hệ thống hay phân tích những vấn đề kỹ thuật. Thế nhưng tư tưởng của ông, mặc dầu phi hệ thống, vẫn có tầm bao quát và độ uyên thâm khiến ta không thể không xếp nó vào hàng tư tưởng triết học. Tư tưởng này đặt trong tâm quanh một số chủ đề sâu xa; sự bất tử, tôn giáo, vai trò của lí tính , bản tính con người và phạm trù con người, và làm thế nào để sống trong một thế giới trong đó lí trí không có vẻ nhất quán với hay thoả mãn được những nhu cầu sâu xa nhất của con người. Unamuno cũng quan tâm tới một vài chủ đề đặc biệt của Tây ban Nha: bản chất của tính cách Tây ban Nha, vị thế của Tây ban Nha ở Châu Âu và hình thức chính quyền thích hợp nhất cho quốc gia này. Những mối bận tâm này được diễn tả không chỉ trong trước tác tôn giáo và triết học của Unamuno, mà còn cả trong thi ca và tiểu thuyết của ông.
Cơ bản của tư tưởng Unamuno là quan điểm của ông về bản tính con người và phạm trù con người. Ông phản đối mạnh mẽ quan niệm nhân tính mà các triết gia hàn lâm vẫn hằng ôm ấp, một quan niệm nhấn mạnh quá đáng vào tính thuần lí nơi chúng ta và giá trị của lí tính trong khi đồng thời lại phớt lờ những khía cạnh quan trọng nhất trong tình huống của chúng ta. Đối với Unamuno, một con người không phải là một thực thể mà thuộc tính đầu tiên và có giá trị nhất là khả năng tư duy thuần lí, mà đúng hơn là một cá nhân bằng xương bằng thịt- de carne y hueso- đối mặt với sự kiện tử vong và bị giằng xé bởi những xung đột nội tâm – sự nhấn mạnh vào tính cá nhân, tính cụ thể và nỗi lo âu xao xuyến là một trong những yếu tố trong cách nhìn của Unamuno làm cho nó gần với chủ nghĩa hiện sinh hơn bất kỳ chủ nghĩa nào khác. Hoà giọng với tiền đề cơ bản này là cuộc tấn công liên tục của ông vào chủ nghĩa duy lí , đặc biệt là trong hình thức khoa học của nó. Vì những lí do sẽ trở nên rõ ràng, ông nhìn lí tính như là khả năng dẫn chúng ta đến tuyệt vọng và chủ nghĩa duy lí trình bày sai lệch thân phận con người vì không xử lí thích đáng với những nhu cầu sâu xa nhất của chúng ta. Cuộc tấn công vào cái ông gọi là “ thứ lôgích thảm hại” ( la cochina logica) bắt đầu với quyển Vida de Don Quijote y Sancho (1905) và là một chủ đề chính yếu trong tác phẩm triết học quan trọng nhất của ông, Del Sentimiento Trágico de la Vida ( Cảm thức bi đát về cuộc đời).
Lí tính dẫn dắt chúng ta đến tuyệt vọng, Unamuno biện luận, chính vì những kết luận của nó mâu thuẫn với mong ước sâu xa nhất trong mọi mong ước của con người: khao khát sự bất tử riêng tư ( el hambre de la immortalidad personal/ the hunger for personal immortality). Hơn tất cả mọi thứ khác trên đời, con người mong ước tiếp tục là chính mình đến vô tận mà không phải trải nghiệm đau đớn. Hơn thế nữa, không phải chúng ta mong ước một sự bất tử để chiêm nghiệm như thiên thần ( immortality of angelic contemplation) hay hoà nhập vào một tuyệt đối thể, mà là sự phục sinh cả tâm thể và cho một đời hoạt đông mãi mãi. Toàn bộ khuynh hướng thám cứu thuần lí chỉ ra rằng mong ước sâu xa nhất trong mọi mong ước này thực tế bị thất bại thảm hại và vì vậy, luôn có một căng thẳng giằng vặt nơi thâm cung của thân phận con người vốn mang hồn viễn mộng khôn khuây: “ sống là một chuyện, còn hiểu được đời sống hay không lại là chuyện khác … Giữa hai điều này vẫn luôn có sự đối nghịch khiến chúng ta có thể nói rằng mọi cái gì thuộc về đời sống thì chống thuần lí và mọi cái gì thuần lí thì chống đời sống ( Everything vital is anti-rational and everything rational anti-vital). Và điều này là cơ sở cho cảm thức bi đát về cuộc đời. Ước vọng sâu xa nhất của chúng ta là hằng sống, là sự sống đời đời trong khi lí tính bảo với chúng ta là chúng ta phải đương đầu với tử vong. Mâu thuẫn đớn đau này là cảm thức bi đát về cuộc đời , không bao giờ chịu rời xa chúng ta: Ý thức con người, do đó- Unamuno kết luận- được đặc trưng hoá thích đáng nhất như là một thứ tâm bệnh trầm kha suốt cả đời ( Human consciousness is best characterized as a lifelong illness).
Cho là chúng ta chẳng có niềm tin vào sự bất tử cá nhân, trong tình cảnh đó chúng ta liệu nên xử sự làm sao cho thích hợp? Unamuno biện luận rằng một cuộc sống đích thực là khả thi, một cuộc sống được chỉ ra bởi sự gia nhập vào một lí tưởng, như được gợi ý trong tiểu thuyết Obermann của Senancour: “ Nếu tử vong chờ đón chúng ta, chúng ta hãy giáng trả nó. Chúng ta phải phấn đấu để thực hiện toàn mãn tự thân, để làm cho chúng ta thành không thể thay thế. Chúng ta phải chiến đấu với số mệnh, ngay cả khi chúng ta biết rằng chúng ta chẳng có chút hy vọng chiến thắng nào, theo phong cách hào hiệp vô cầu của chàng Don Quijote. Phần định mức khuây khoả thực tiễn (Consuelo pratico/ Practical solace) duy nhất của chúng ta cho việc đã sinh ra đời là làm việc- Unamuno ghi nhận rằng Adam và Eve được tạo ra để làm việc trước khi sa ngã- và như thế, theo từ ngữ thực tiễn , chúng ta phải tìm kiếm sự thực hiện toàn mãn tự thân ( full personal realization) và tính không thể thay thế ( irreplaceability) thông qua sự nghiệp của chúng ta. Chúng ta cũng còn phải làm việc để lưu lại dấu ấn của chúng ta nơi người khác , để chế ngự họ: “ Đức lí tôn giáo thực sự, xét cho cùng, đều có tính gây hấn và xâm lấn”. Tuy nhiên, sự chế ngự này không nên được nghĩ đến như là một thứ ngạo mạn chính trị thô thiển hay nhằm đạt đến quyền lực thế gian nhưng đúng hơn là làm cho chúng ta trở thành không thể nào quên, và điều này thường có thể được thực hiện một cách tiêu cực cũng như tích cực.
Trong quá trình xây dựng quan điểm này Unamuno phát triển một số những ý tưởng triết lí khác. Như có thể được chờ đợi, xét theo quan điểm của ông về nhân tính và vị thế của lí trí nơi nhân tính, Unamuno có một triết lí về niềm tin thích hợp. Những thái độ cơ bản của chúng ta trước đời sống không phải là hậu quả của những niềm tin được tạo ra một cách hợp lí nhưng nảy sinh từ những yếu tố của nhân cách vốn không hề thuần lí: “Không phải những ý tưởng của chúng ta làm cho chúng ta trở thành người lạc quan hay người bi quan, nhưng chính thái độ lạc quan hay bi quan của chúng ta, phái sinh từ những nguyên nhân sinh lí hay tâm bệnh lí , làm nên những ý tưởng của chúng ta”. Cảm thức bi đát về đời sống cũng không là ngoại lệ, mặc dầu nó có thể được chứng thực bởi niềm tin hợp lí. Hơn nữa, quan điểm của Unamuno dẫn dắt ông đến một quan niệm đặc thù về hoạt động của chính việc làm triết lí. Triết học không phải là một trò tiêu khiển thuần lí, thoát li thực tại, cũng không phải chỉ là một môn học mang nặng tính hàn lâm học thuật, mà là một phương cách xử lí phạm trù con người: “ Chúng ta sống trước rồi mới triết lí sau” ( Primum vivere, deinde philosophari). Chúng ta triết lí hoặc là để thoát li đời sống, hoặc để tìm một mục đích nào trong đời hoặc để đùa vui hay để giải sầu.
ROBERT WILKINSON
Urban, Wilbur Marshall
Mỹ. s: 27-03-1873, Mount Joy, Pennsylvania. m:16-10-1952, New Haven, Connecticut. Ph.t: Nhà duy tâm. Q.t: Siêu hình học, triết học giá trị, triết học ngôn ngữ. G.d: Đại học Princeton; các Đại học Jena, Leipzig, Munich và Graz ( Tiến sĩ , Leipzig, 1897). A.h: J.M. Baldwin, O. Libmann, Wundt, Nietzsche, Meinong, Husserl và Rickert. N.c: 1897-8, Giảng sư Triết học,
Princeton; 1898-1902, Giáo sư Triết học và Tâm lí học, Ursinus College, Pensylvania; 190220, Giáo sư Triết học, Trinity College,Connecticut;
1920-30, Giáo sư Triết học , Dartmouth College, New Hampshire; 1931-52, Giáo sư Chủ nhiệm Khoa Triết ( Giáo sư Danh dự từ 1941), Đại học Yale.
Ấn phẩm chính bản:
(1897) A History of the Principle of Sufficient Reason ( Lịch sử nguyên lí túc lí ), Philadelphia.
(1909) Valuation: Its Name and Laws ( Sự đánh giá: Tên gọi và những định luật), London and New York: Swan Sonnenschein Co.Ltd.
The Intelligible World ( Thế giới khả niệm), New York: Macmillan Co.
Fundamentals of Ethics ( Những nguyên lí nền tảng của đạo đức học), New York: Henry Holt Co.
(1930) Metaphysics and Value (Siêu hình học và giá trị) đăng trong Contemporary American Philosophy, G.P. Adams xuất bản, New York: Macmillan Co.
(1939) Language and Reality ( Ngôn ngữ và thực tại), London and New York: Macmillan Co.
(1949) Beyond Realism and Idealism ( Bên kia chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa duy tâm), London: George Allen Unwin Ltd.
(1951) Humanity and Deity(Nhân tính và thấn tính),London:George AllenUnwin Ltd.
Văn bản nhị đẳng:
Reck, A.J. (1964) Recent American Philosophy ( Triết học Mỹ cận đại), New York: Pantheon.
Reck, A.J. (1995) W.M. Urban’s Philosophy of History ( Triết lí lịch sử của Urban) đăng trong Transactions of the Charles Pierce Society.
Shibles,W.A. (1971) An Analysis of Metaphor in the Light of W.M. Urban’s Theories (Phân tích ẩn dụ qua ánh sáng những lí thuyết của Urban), The hague: Mouton.
Smith, J.E. (1953) Beyon realism and idealism: an appreciation of W.M. Urban ( Bên kia chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa duy tâm: đánh giá W.M. Urban), Review of Metaphysics 6,3 (March):337-50.
Việc nghiên cứu quyển Phổ hệ đạo đức của Nietzsche đã thúc đẩy Urban, khi còn là một sinh viên trẻ tuổi du học ở Đức, thực hiện điều mà ông coi là sứ mệnh triết lí trong đại của mình, đó là nghiên cứu và bảo vệ các giá trị. Ông nhận định các giá trị là trọng tâm của triết học, và triết học tư biện là không thể thiếu cho văn minh. Hơn bất kỳ triết gia nào của thế hệ mình, Urban chuyển hướng luận chứng cho chủ nghĩa duy tâm từ tri thức luận sang lãnh vực các giá trị.
Urban sớm tìm cách định thức một lí thuyết tổng quát về giá trị và sự đánh giá. Rút ra từ tâm lí học của thời đại mình, quyển Valuation (Sự đánh giá) đề xướng một hiện tượng học giá trị. Đó là công trình đầu tiên bằng tiếng Anh trong lãnh vực này mà chính ông đã đặt tên là “axiology” (giá trị học). Sau đó ông tiếp tục thực hiện ý định của mình là khởi thảo mô-típ giá trị và tình huống nan giải mà giá trị là trung tâm (value-centric predicament) trong một số ngành của triết học.
The Intelligible World ( Thế giới khả niệm) là sự bảo vệ cho philosophia perennis (triết lí vĩnh cửu) bằng cách sử dụng luận chứng tự tham chiếu (self-referential argument) chống lại các chủ nghĩa duy nhiên xuất hiện nhan nhãn theo gót Đệ nhất Thế chiến. Tác phẩm cung cấp phát biểu rõ ràng nhất, thuyết phục nhất và hoàn bị nhất cho chủ nghĩa duy tâm siêu hình của Urban.
Trong khi các triết gia phân tích trong thập niên 1930s công kích triết học truyền thống và tính khách quan của các giá trị, Urban tập trung vào triết lí ngôn ngữ. Ông quan tâm tới việc đánh giá ngôn ngữ như là tín sứ của ý nghĩa, là trung gian cho giao tiếp và như là kí hiệu hay tượng trưng của thực tại. Nhấn mạnh sự đồng thuộc của ý nghĩa và giá trị ông định vị các ý nghĩa được truyền tải bởi ngôn ngữ bên trong một cộng đồng diễn từ hợp nhất bởi định hướng chung về các giá trị.
Khi những cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa hiện thực đe dọa làm cạn kiệt triết học, Urban tìm cách hòa giải hai học thuyết triết học đối nghịch bằng cách cầu viện đến các giá trị trong khi đáp ứng những đòi hỏi tối thiểu khác biệt của mỗi bên. Trong khi nhà hiện thực nhấn mạnh rằng tri thức, nếu muốn chân xác, phải qui chiếu đến thực tại vượt quá nó thì nhà duy tâm lại chủ trương rằng ý nghĩa và giá trị là bất khả phân li. Triết học duy tâm của Urban được xây dựng dọc theo các tuyến hiện thực chủ nghĩa ở chỗ ông chủ trương rằng hữu thể, ý nghĩa, giá trị tất yếu có liên quan lẫn nhau.
Humanity and Deity (Nhân tính và thần tính ) mang cách tiếp cận coi giá trị là trung tâm (the value-centric approach) vào lãnh vực của thần học thuần lí đối lại với các nhà duy nhiên vô thần (atheistic naturalists) và các nhà hiện sinh tôn giáo (religious existentialists). Urban tiếp cận khái niệm Thượng đế bằng các khái niệm truyền thống về giá trị con người. Ông tuyên bố:” Nhân tính và thần tính giống như mặt trong và mặt ngoài của một đường cong, giống như ngọn núi và thung lũng, nếu tách rời ra sẽ là bất khả tư nghị” (unthinkable).
Lúc mất Urban để lại một di cảo gồm nhiều khảo cứu lịch sử triết học chưa xuất bản.
Nguồn: Blau pp. 302-12; W.M. Urban, God and the historians and others studies in the philosophy of history, Yale Univ. Library, New Haven, CT; WW( Am).
ANDREW RECK
Vần V
Van Steenberghen, Fernand
Bỉ. s: 13-02-1904, Sin-Josse-ten Noorde. Ph.t: Nhà kinh viện học. Q.t: Thuyết Thomas mới, lịch sử triết học Trung cổ. G.d: Đại học Louvain. A.h: Thánh Thomas Aquinas, Aristote và De Wulf. N.c: 1939-74, Giáo sư Lịch sử Triết học Trung cổ, Đại học Louvain.
Ấn phẩm chính bản:
Épistémologie ( Tri thức luận), Louvain: Éditions de l’Institut Supérieur de Philosophie, 1966.
Aristote en Occident ( Aristote ở phương Tây ), Louvain: Éditions de l’Institut Supérieur de Philosophie.
(1946) Ontologie ( Hữu thể học), Louvain: Éditions de l’Institut Supérieur de Philosophie, 1966.
(1955) The Philosophical Movement in the Thirteenth Century ( Trào lưu triết học thế kỉ mười ba), Edinburgh: Nelson.
(1961) Dieu caché ( Thượng đế ẩn tàng), Louvain: Publications Universitaires.
(1966) La philosophie au XIIIe siècle ( Triết học thế kỉ mười ba), Louvain: Publications Universitaires; Paris: Béatrice-Nauwelaerts.
(1980) Thomas Aquinas and Radical Aristotelianism ( Thánh Thomas d’Aquin và chủ nghĩa Aristote cấp tiến), Washington, DC: Catholic University of America Press.
(1989) Philosophie fondamentale ( Triết học nền tảng), Longueil, Québec: Le Préambule.
Văn bản nhị đẳng:
Elders, Léon (1983) Le problème de l’existence de Dieu dans les Steenberghen ( Vấn đề hiện hữu của Thượng đế trong các tác phẩm của Steenberghen), Divus Thomas
(Piacenza) 86: 171-87.
Pirard, Regnier (1974) Hommage à Monsieur le Professeur F. Van Steenberghen ( Tôn vinh Giáo sư F. Van Steenberghen ), Revue Philosophique de Louvain.
Salmon, Elizabeth G. (1954) What is being? ( Hữu thể là gì?), Review of Metaphysics 7: 61331.
Tognolo, Antonio (1967) L’epistemologia di F. Van Steenberghen, đăng trong Posizione e criterio del discorso filosofico ( Vị trí và tiêu chuẩn của diễn từ triết học), Bologna: Patron, pp.79-97.
Épistémologie ( Tri thức luận) và Ontologie ( Hữu thể học) là những sách giáo khoa tiêu chuẩn cho sinh viên tại Đại học Louvain và nhiều nơi khác trong nhiều thập niên giữa của thế kỉ vừa qua và đại diện cho một chủ nghĩa Thomas mở rộng bởi cảm tình dành cho hiện tượng học Husserl. Tác phẩm gây hứng thú nhất của ông là Dieu caché (Thượng đế ẩn tàng) một khảo luận phê bình xuất sắc và chuyên sâu về “năm con đường” của Thánh Thomas và những luận chứng khác về hiện hữu của Thượng đế. Những công trình khảo cứu của ông về thời Trung cổ vẫn có giá trị trường tồn, nhất là bộ sách 2 quyển về Siger de Brabant.Ông dấn thân vào một cuộc tranh luận lâu dài với Gilson về tính khả thi của một “triết học Cơ đốc giáo”, một nhóm từ mà Van Steenberghen nhìn với ánh mắt đầy nghi ngờ.
Còn danh tiếng của Van Steenberghen như là sử gia triết học thế kỉ mười ba thì cho đến nay chưa có ai vượt qua.
Nguồn: DFN; EF.
HUGH BREDIN
Vần W
Ward, James
Anh. s: 27-01-1843, Liverpool, Anh. m: 04-03-1925, Cambridge. Ph.t: Nhà duy tâm hữu thần. Q.t: Triết học tinh thần, siêu hình học. G.d: Berlin, Göttingen và Cambridge. A.h: Lotze. N.c: Thành viên Trinity College, Cambridge, 1875-1925; Giáo sư Triết học Tinh thần và Lôgích học, Cambridge.
Ấn phẩm chính bản:
(1899) Naturalism and Agnosticism ( Chủ nghĩa duy nhiên và chủ nghĩa bất khả tri), Cambridge.
(1911) The Realm of Ends ( Cõi miền những cứu cánh), Cambridge.
(1918) Psychological Principles ( Những nguyên lí tâm lí học), Cambridge.
(1923) A Study of Kant ( Nghiên cứu Kant), Cambridge.
Văn bản nhị đẳng:
Murray, A.H.(1937) The Philosophy of James Ward.
Sorley, W.R. and Hicks, G.D.(1925) in Mind.
Ward đến với triết học tương đối là muộn. Sau một thời gian tiếp thu sự giáo dưỡng theo Giáo hội Tổ hợp ( Congregationalist upbringing) ông trở thành một mục sư phái Thần nhất thể ( Unitarian minister). Rồi thì, sau thời gian theo học ở Cambridge, ông sang Đức nghiên cứu về sinh học và tâm lí học và đáp ứng với ảnh hưởng, trên hết là, của Lotze, nhưng đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của Wundt và Brentano.
Trong một thời gian dài ông tập trung vào tâm lí học, một loại tâm lí học nội quan ít nhiều còn mang tính triết lí và chưa phiêu lưu vào cõi miền lồng lộng mênh mông của triết học, cho đến nửa đường sự nghiệp của ông. Những ý tưởng của ông trong bộ Psychological Principles ( Những nguyên lí tâm lí học) đã được đưa đến sự tiếp nhận rộng rãi trong bài viết của ông về tâm lí học đăng trong Encyclopaedia Britannica (Bách khoa thư Anh quốc) năm 1886. Cách phê phán của ông đối với thuyết liên tưởng truyến thống của Anh quốc đã nhắm trúng đích hơn và mang lại hiệu quả hơn là những luận chiến khái quát chung chung của Green và Bradley. Chúng ta chỉ cần chú tâm đến những gì đang diễn ra trong tâm trí chúng ta để nhận thấy rằng những nội dung trong ý thức chúng ta không phải là những nguyên tử tâm linh minh biệt và được phân giới tuyến rõ ràng. Cái hiện ra với ý thức là một liên tục thể, phô bày những biến thái về phẩm tính chứ không phải là một quần thể hỗn hợp những linh kiện lộn xộn. Hơn nữa, tâm trí ta chủ động trong kinh nghiệm chứ không chỉ thụ động tiếp nhận cái gì được trình hiện cho nó. Ý thức luôn luôn chú tâm và tuyển trạch ( Consciousness is always attentive and selective). Tâm trí trong mọi phương diện đều tích cực chủ động trong nhận thức. Kết luận này đưa Ward đến chỗ nhấn mạnh vào thực tại của bản ngã như là chủ thể năng động, chứ không phải chỉ là một dòng trải nghiệm có liên quan.
Những tư biện siêu hình trong phần sau sự nghiệp của Ward không gây được sự hứng thú và chú ý cho bằng những nghiên cứu tâm lí học của ông. Một đàng ông khai triển chủ đề phê phán quen thuộc của chủ nghĩa duy tâm thời ông về tính trừu tượng và do vậy, chỉ là sự thật một phần hay hạn chế, nơi những phát hiện của các khoa học tự nhiên. Là những qui tắc ngón cái (rules of thumb) hữu ích cho một số loại thực hành, song chúng không biểu thị tính chất thực của thế giới. Ward gợi ý rằng để học về cái cụ thể chúng ta nên hướng về lịch sử nhưng ông không có gì nhiều để nói về lịch sử. Đặc tính chính yếu của nó là tiếp xúc với tâm hồn của những con người cá thể. Thế giới, ông xác nhận, gồm bởi những tâm hồn , loại này hay loại khác, có loại ở trên chúng ta, có những loại khác, có lẽ là nhiều hơn, ở bên dưới. Chủ nghĩa đẳnguyên tâm linh (spiritual pluralism) của ông rất khác với của McTaggart. Đối với McTaggart, vật chất là ảo ảnh; còn với Ward, vật chất là tinh thần ở dạng thô. Lí do chính cho tư biện phiếm tâm linh (panpsychist speculation) của Ward là nguyên lí liên tục tính (principle of continuity).Ông nhìn thấy tính mục đích ở mọi nơi trên thế giới. Khắp nơi, các mục đích được theo đuổi và, do vậy, các giá trị vận hành. Những ý tưởng về tâm lí học của Ward rất có ảnh hưởng bao lâu mà chủ thể còn tiếp tục sử dụng nội quan (introspection) như là phương pháp chính. Người kế tục chính cho công trình của ông trong lãnh vực này là G.F.Stout. Một môn đồ khác là Tennant đã vận dụng lí thuyết bản ngã của thầy để khai triển tường thuật của mình về linh hồn trong một triết lí tôn giáo hoàn bị.Có điều cũng thú vị để nhắc nhở rằng Ward từng là thầy phụ đạo chính về triết học cho Bertrand Russell. Những biên phê (marginal comments) của ông nơi những luận văn trong học kỳ và luận văn tốt nghiệp của Russell đều rất tinh tường và chuẩn mực.
Nguồn: Metz; Copleston; Passmore 1957.
ANTHONY QUINTON
Watson, John
Canada gốc Anh. s: 25-02-1847, Glasgow. m: 17-01-1939, Kingston, Ontario. Ph.t: Nhà duy tâm. Q.t: Lịch sử triết học, triết lí tôn giáo. G.d: Đại học Glasgow, tốt nghiệp năm 1872. A.h: John Caird và Edward Caird. N.c: Giáo sư Lô-gích học, Siêu hình học và Đạo dức học tại Đại học Queen’s, Kingston, 1872; 1901, Phó Hiệu trưởng Đại học, hầu hết sự nghiệp giáo dục của ông là ở đó, mặc dầu ông là một Giáo sư Thỉnh giảng tại Đại học California, Berkeley năm 1895-6 và Giảng sư tại Đại học Glasgow năm 1910-12; là một ảnh hưởng mạnh mẽ lên Giáo phái Tin lành Canada, ông giữ một vai trò quan trọng trong việc thành lập Giáo hội Thống nhất Canada ( United Church of Canada) nhưng thật ra không bao giờ chính thức gia nhập.
Ấn phẩm chính bản:
(1872) The Relation of Philosophy to Science ( Tương quan triết học-khoa học), Bài giảng mở đầu, Đại học Queen’s, Kingston, Canada, 16 October 1872, in lại trong Religion and Science in Early Canada ( Tôn giáo và khoa học tại Canada thời mới lập quốc), Douglas Rabb xuất bản, Kingston, Ontario: Frye, 1988.
Kant and his English Critics ( Kant và những người phê bình ông ở Anh), Glasgow: J.. Maclehose.
Schelling’s Transcendental Idealism ( Chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm của Schelling), Chicago: S.C.Briggs.
Hedonistic Theories, from Aristippes to Spencer ( Các thuyết duy khoái lạc, từ Aristippes đến Spencer), London: Maclehose.
Comte, Mill and Spencer: An Outline of Philosophy ( Comte, Mill và Spencer: Phác thảo triết học), Glasgow: J.. Maclehose.
Christianity and Idealism ( Cơ đốc giáo và chủ nghĩa duy tâm), New York: Macmillan.
(1899) Philo and the New Testament ( Triết học và Tân ước), Kingston, Ontario: W Bailie.
(1907) The Philosophical Basis of Religion ( Cơ sở triết lí của tôn giáo), Glasgow: J.. Maclehose.
91908) The Philosophy of Kant Explained ( Giảng luận triết học Kant), Glasgow: J.. Maclehose.
(1910-12) The Interpretation of Religious Experience ( Kiến giải kinh nghiệm tôn giáo), 2q. Glasgow: J.. Maclehose.
(1919) The State in Peace and War ( Nhà nước trong hòa bình và trong chiến tranh), Glasgow: J.. Maclehose.
Văn bản nhị đẳng:
Armour, Leslie Trott, Elizabeth (1981) The Faces of Reason ( Những khuôn mặt của lí tính), Waterloo: Wilfrid Laurier Univ. Press.
Rabb, Douglas [xuất bản, 1988] Religion and Science in Early Canada ( Tôn giáo và khoa học tại Canada thời mới lập quốc), Kingston, Ontario: Frye, 1988.
Watson là một khuôn mặt lớn trong quá trình phát triển của chủ nghĩa duy tâm Canada. Ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi John và Edward Caird, mặc dầu ông không gắn bó mạnh mẽ cho bằng Edward Caird đối với một chủ nghĩa tiến hóa hiểu theo nghĩa đen, trong triết lí tôn giáo. Chủ nghĩa duy tâm của ông hướng về lịch sử nhiều hơn là chủ nghĩa duy tâm của những triết gia Anh đương thời với ông như Bradley và Bosanquet. Ông quan niệm Thượng đế chủ yếu như là một cộng đồng có thể tìm thấy sự biểu hiện trong một trật tự chính trị toàn thế giới. Chủ đề thường hằng nhất chạy xuyên suốt trước tác của ông là sự tái hợp nhất giữa Thượng đế và con người trong một cộng đồng đơn nhất, và toàn bộ triết học của ông có thể được nhìn như là một bài tụng ca về cuộc đào thoát của con người khỏi cái bóng đen của thuyết tiền định kiểu Calvin, một bóng đen mà anh em nhà Caird đã nỗ lực rất nhiều để tháo gỡ ở Scotland. Nhưng những hứng thú kỹ thuật chính yếu của ông luôn luôn vẫn là trong lãnh vực tri thức luận, và, chính xác hơn, trong cung đường rẽ từ chủ nghĩa hiện tượng theo Kant ( Kantian phenomenalism) đến một bức tranh về thực tại có thể đem lại công lí cho những yêu cầu của khoa học và cho niềm đam mê của chính ông đối với một phân tích sát sườn về kinh nghiệm. Bài giảng khai khóa của ông ở Queen’s College về khoa học và triết học do vậy đã báo trước sự nghiệp kéo dài hơn nửa thế kỉ của ông ở Đại học Kingston. Công cuộc nghiên cứu về Kant nơi ông bắt đầu sớm và kéo dài suốt cả đời ông.
Ông nhận định một cách rất nghiêm túc về nhiệm vụ của triết gia đối với công chúng và quyển The State in Peace and War ( Nhà nước trong hòa bình và trong chiến tranh) biện hộ cho một thứ trật tự thế giới chịu ảnh hưởng bởi cách hiểu của ông về chủ nghĩa liên bang chính trị ở Canada vốn nhằm cung cấp hậu thuẫn thuần lí cho một xã hội mà sự phân mảnh (fragmentation) từng thường được tiên báo. Ông phấn đấu để đạt tới sự hiểu biết với các triết gia ở Québec (bang nói tiếng Pháp) và các triết gia nơi đây ngưỡng mộ sự hiểu biết của ông về triết học của thánh Thomas Aquinas mặc dầu họ không thích chủ nghĩa Hegel của ông. Tầm nhìn của ông về một xã hội đẳnguyên có nhiều điểm tương đồng với tầm nhìn của Louis Lachance trong Religion et Nationalisme ( Tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc). Quyển
Christianity and Idealism ( Cơ đốc giáo và chủ nghĩa duy tâm) được viết để đáp lại lời mời đến giảng dạy tại Đại học California trong thời gian xảy ra cuộc tranh luận giữa Josiah Royce và người kế nhiệm ông ở đó, George Holmes Howison. Howison đã viết lời tựa cho quyển sách gợi ý rằng lập trường của Watson được tiếp nhận thuận lợi bởi các triết gia ở California. Hai chương trong quyển The Faces of Reason ( Những khuôn mặt của lí tính) của Armour, Leslie Trott, Elizabeth được dành cho Watson và có một cuộc tranh luận về trước tác của ông trong Religion and Science in Early Canada ( Tôn giáo và khoa học tại Canada thời mới lập quốc) của Rabb, Douglas.
Nguồn: CanBio.
LESLIE ARMOUR
Webb, Clement Charles Julian
Anh. s: 25-06-1865, London. m: 05-10-1954, Aylesbury. Ph.t: Nhà duy tâm nhân vị. Q.t: Lịch sử triết học, triết lí tôn giáo. G.d: Christ Church, Oxford. A.h: Platon, Kant, Green, Lotze và Prichard. N.c: 1880-1922, Thành viên Magdalen College, Oxford; 1920-30, Giáo sư Triết lí tôn giáo, Oxford.
Ấn phẩm chính bản:
(1911) Problems in the Relations of God and Man ( Những vấn đề trong tương quan giữa Thượng đế và con người), London: James Nisbet.
(1915) Studies in the History of Natural Theology ( Những nghiên cứu về lịch sử thần học tự nhiên), Oxford: Clarendon Press.
God and Personality ( Thượng đế và nhân cách), Aberdeen: University Studies.
Divine Personality and Human Life ( Nhân cách thiêng liêng và đời sống con người), Oxford: Clarendon Press.
Văn bản nhị đẳng:
Anon. (1945) Bibliography in trong Religious Experience , C.C.J. Webb, London: Oxford Univ. Press.
Ross, W.D.(1955) Clement Charles Julian Webb, 1865-1954, Proceedings of the British Academy 41: 339-47.
Sell, A.P.F. (1988) the Philosophy of Religion1875-1980 < London: Croom Helm.
Sell, A.P.F. (1995) Philosophical Idealism and Christian Belief ( Chủ nghĩa duy tâm triết học và niềm tin Cơ đốc giáo), Cardiff: University of Wales Press and New York: St Martin’s Press.
Mặc dầu đôi khi được mô tả như là một nhà duy tâm nhân vị, song Webb là một triết gia chiết trung đáp ứng với và rút ra từ nhiều tác giả cổ kim. Ông lấy từ thầy mình, Cook Wilson, một chủ nghĩa hiện thực, theo đó “tinh thần không hề kém hiện thực so với vật chất một tí nào”. Tuy vậy, ông gần với các nhà duy tâm tuyệt đối hơn là bạn ông, Hastings Rashdall. Ông lấy lên cuộc tranh luận về tính cá thể và nhân cách trong bài giảng đầu tiên ở Oxford. Ông cho rằng Thượng đế không thể là hữu hạn tuy vậy vẫn có tính nhân vị.
Webb là một nhà văn dồi dào với một học vấn rất uyên bác. Tài năng và tính cẩn trọng của ông trong việc thâm nhập tư tưởng của người khác được đánh giá cao bởi các học trò ông , kể cả W.D. Ross. Nhưng trước tác của ông thì không gây được ảnh hưởng nhiều.
Nguồn: DNB 1951-60; CBP II.
STUART BROWN
Weber, Max
Đức. s: 21-04-1864, Erfurt, Thuringia, Đức. m: 14-06-1920, Munich. Ph.t: Tân chủ Kant, triết gia khoa học xã hội. Q.t: Triết lí khoa học xã hội. G.d: Heidelberg, Berlin và Göttingen. A.h:
Kant, Hegel, Dilthey, Wilhelm Rickert. N.c: Giáo sư Kinh tế học, Freiburg, 1894-6,
Heidelberg, 1896-7; Giáo sư Danh dự tại Heidelberg, 1903; Phó tổng biên tập Archiv für Sozialwissenschaft und Sozialpolitik, từ 1903; Giáo sư Xã hội học, Đại học Vienna, 1918; Giáo sư Kinh tế học, Munich, 1919-20.
Ấn phẩm chính bản:
(1930) The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism ( Đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản), Talcott Parsons dịch, London: George Allen Unwin.
(1947) From Max Weber ( Từ Max Weber), H.H.Gerth và C. Wright Mills dịch, New York: Oxford Univ. Press.
(1949) On the Methodology of the Social Sciences ( Về phương pháp luận của các khoa học xã hội), E.A.Shils và H.A.Finch, Glencoe, III: The Free Press.
(1978) Weber, Selections ( Tuyển tập Weber), Eric Matthews dịch, W.G. Runciman xuất bản, Cambridge: Cambridge Univ. Press.
Văn bản nhị đẳng:
Hughes, H. Stuart (1958) Consciousness and Society ( Ý thức và xã hội), London: McGibbon Kee.
Reinhard, Bendix (1966) Max Weber: An Intellectual Portrait ( Max Weber, một chân dung trí thức), London: Methuen.
Weber lúc đầu vốn không phải là triết gia. Trong trước tác của Weber, phần hứng thú nhất về phương diện triết lí được tìm thấy nơi những suy tư của ông vế các phương pháp của khoa học xã hội. Ông muốn các khoa học xã hội phải quan tâm đến các vấn đề chính trị xã hội, nhưng ông vẫn nghĩ rằng nhiệm vụ đạo đức của một nhà khoa học xã hội (trong tư cách là nhà khoa học) là phải “đứng ngoài các giá trị” (value-free). Khoa học có thể cho chúng ta biết những phương tiện hữu hiệu nhất để đạt đến một cứu cánh nào đó nhưng không thể chỉ định chúng ta nên chọn những cứu cánh nào. Chọn lựa cứu cánh là một vấn đề cho một kết ước riêng tư ( a personal commitment) mà một người nghiêm túc tất yếu phải thực hiện, nhưng vẫn có cả một dãi rông những hệ thống giá trị nhất quán một cách nội tại để ta chọn lựa.
Đặc điểm phân biệt của các khoa học xã hội đó là chúng xem xét hành vi con người trong mức độ hành vi đó được nhìn bởi tác nhân như là có một ý nghĩa bao hàm các tương quan với những người khác.Nhiệm vụ của khoa học xã hội là tìm hiểu ý nghĩa này với quan điểm là định thức những định luật tổng quát của hành vi xã hội. Weber gọi đó là verstehende Soziologie ( Xã hội học thấu hiểu và kiến giải). Những giải thích trong khoa học xã hội phải thích hợp cả ở cấp độ ý nghĩa lẫn ở cấp độ nhân quả. Nắm bắt ý nghĩa của một hành động không tất yếu là phải chia sẻ những giá trị của tác nhân; cũng không phải là khả tính của một sự thấu hiểu như thế mặc hàm rằng hành động kia là hợp lí. Tuy nhiên , có thể xây dựng những “típ lí tưởng” của hành vi hoàn toàn thuần lí vốn có thể được thấu hiểu trọn vẹn và sau đó những hành vi kém thuần lí hơn có thể được hiểu như là những biểu hiện hướng về gần với lí tưởng.
Weber cũng có một tầm nhìn về quá trình phát triển của xã hội tư bản phương Tây – một tầm nhìn có thể được mô tả như là một triết lí lịch sử. Ông nhìn quá trình đó như là càng ngày càng trở nên “vỡ mộng” (disenchanted) và chỉ liên quan đến tính thuần lí theo một ý nghĩa “phương tiện – cứu cánh” thuần túy. Những nguyên nhân của quá trình phát triển này, không nằm trong kinh tế và công nghệ học- như chủ nghĩa Mác từng nghĩ- mà nằm trong những ý tưởng và những niềm tin, xét cho cùng, phái sinh từ thần học và đạo dức học Calvin.
ERIC MATTHEWS
Weil, Simone
Pháp. s: 1909, Paris. m: 1943, gần Ashford, Kent, Anh quốc. Ph.t: Triết gia đạo đức và xã hội, triết gia tôn giáo . G.d: Collège Henri IV rồi École Normale Supérieure. A.h: Platon, Pythagore, các triết gia Khắc kỉ và triết học Đông phương; chịu ảnh hưởng trực tiếp từ người thầy là Alain và một Linh mục dòng Dominicain, Cha J.M.Perrin. N.c: Sau khi nhận bằng Thạc sĩ Triết học, dạy ở nhiều trường Trung học; 1934-5, làm việc như một công nhân trong hãng sản xuất xe hơi Renault; năm 1936 tham gia binh đoàn những người vô chính phủ, dự Cuộc Nội chiến Tây ban Nha; đến London gia nhập lực lượng Kháng chiến Nước Pháp Tự do năm 1942; mắc bệnh lao và từ chối không ăn nhiều hơn khẩu phần của đồng bào mình dưới thời chiếm đóng của Đức Quốc xã; chết trong một nhà thương thí.
Ấn phẩm chính bản:
(1947) La Pesanteur et la Grâce ( Trọng lực và Thiên ân), Paris: Plon.
(1950) L’Attente de Dieu ( Trông chờ Thượng đế), Paris: Gallimard.
L’Enracinement ( Cắm rễ), Paris: Gallimard.
La Condition ouvrière ( Thân phận thợ thuyền), Paris: Gallimard.
(1951) Lettre à un religieux ( Thư gửi một tín hữu), Paris: Gallimard.
(1955) Oppression et Liberté ( Áp bức và Tự do), Paris: Gallimard.
(1988) Oeuvres Complètes ( Toàn tập), 4 quyển, Paris: Gallimard.
Văn bản nhị đẳng:
Kempfner, G. (1960) La Philosophie mystique de Simone Weil ( Triết học huyền nhiệm của Simone Weil), Paris: La Colombe.
McClellan, D. (1989) Simone Weil: Utopian Pessimist ( Simone Weil, người yếm thế không tưởng), London: Macmillan.
Winch, P. (1989) Simone Weil: The Just Balance ( Simone Weil, bàn cân chính trung), Cambridge: Cambridge Univ. Press.
Trước tác của Simone Weil trải rộng nhiều mặt, nhưng tập trung vào hai lãnh vực trọng tâm: những vấn đề đạo đức và xã hội, và đời sống tôn giáo. Trong lãnh vực trước, bà dấn thân vào cuộc tìm kiếm một chương trình cho công bằng xã hội và thám cứu bản chất và khả tính của tự do con người. Trong lãnh vực sau bà quan tâm tới những yếu tố tôn giáo, tâm linh và huyền nhiệm mà bà tin rằng vẫn đan xen với đời sống trần gian.
Hai phương diện đó trong triết học Simone Weil nối kết nhau bởi quan niệm của bà về nhân loại.Bà nhận định rằng tình cảnh của chúng ta trong vũ trụ là hai mặt: chúng ta có một cảm thức nội tại về tự do và niềm tin rằng nhân loại cơ bản là tốt, nhưng những điều này thường xuyên bị đe doạ bởi sự xâm phạm và hủy diệt từ bên ngoài bởi những lực tất yếu tìm thấy trong các định luật tự nhiên chi phối vũ trụ.
Tự do và tính thiện của nhân loại cũng còn chịu sự đe doạ từ việc chìm đắm vào trong một xã hội tôn sùng tập thể, đè bẹp cá nhân. Những kẻ kém bản lĩnh có thể tin rằng họ sẽ có được cảm giác an toàn khi là thành phần của một xã hội như thế , nhưng thực tế là cá tính của họ sẽ bị bóp méo hay hủy hoại. Weil phát hiện một khuynh hướng tập thể và phổ quát mạnh mẽ trong xã hội đương thời, nhưng đó chẳng phải là một hiện tượng mới mẻ gì: chủ nghĩa tập thể có thể tìm thấy trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, kể cả thời Đế quốc La mã mà Weil gọi theo lối ẩn dụ là” con quái thú vĩ đại”.
Trong La Condition ouvrière (1951) bà nêu lên rằng những tổ chức công nghiệp hiện đại có một cơ cấu tư bản bóc lột đặt lợi nhuận và sản xuất trước con người và do vậy, đã phi nhân hoá con người. Mặc dầu bà nhìn nhận rằng không thể xoá bỏ những tổ chức công nghiệp, bà khuyên rằng nên tổ chức lại công việc , không phải như một “hệ thống chức năng” có tính quan liêu, bàn giấy với sự phân công lao động không thể tránh được nhưng như một chế độ dân chủ công nghiệp với những người công nhân được hỏi ý kiến đầy đủ về những điều kiện làm việc và đời sống của họ. Điều quan trọng, Weil nghĩ rằng một sự tái cơ cấu như vậy, để cho hoàn bị, hẳn là phải được thông qua với những giá trị tâm linh và ý thức của người lao động về chính phẩm giá của họ và ý thức trách nhiệm đối với nhau.
Chủ đề trách nhiệm và nghĩa vụ đối với tha nhân cũng được bàn đến trong L’Enracinement (1950). Weil nhận định rằng con người không thể yêu sách nhân quyền mà có những quyền được trao tặng cho họ. Thuần túy chỉ vì là con người thì đã là đối tượng của những nghĩa vụ vĩnh hằng và vô điều kiện ràng buộc mọi tác nhân con người. Trong tác phẩm này bà phát triển chủ đề theo đó con người cần cảm thấy cắm rễ trong một cộng đồng mà Nhà nước không phải là cái có thể thay thế. Nếu không có nhóm xã hội gắn kết nhau để con người thuộc về, như trong trường hợp với nhiều công nhân công nghiệp thì sẽ có một cảm thức chia lìa mất mát. Tuy nhiên, có một cảm thức cộng đồng chưa phải đã thoả mãn trọn vẹn những nhu cầu của con người: con người còn phải được cắm rễ vào quê hương tinh thần.
Tăng trưởng tâm linh đạt đến mức hoàn bị trong tình trạng mà Weil nhìn như sự xả kỷ đích thực duy nhất ( the only true loss of self), tình trạng nhất điểm hướng của trải nghiệm huyền nhiệm ( the one-pointedness of mystical experience) trong đó tự ngã trở thành không hư và trong suốt đối với Thượng đế. Tình trạng này có thể đạt tới thông qua kỷ luật tinh thần tự giác nghiêm nhặt, như thứ kỷ luật mà Thánh John Thập giá đã nêu lên và đã được tiên báo hay phản ánh trong một số nền triết học phi-Cơđốc ( non-Christian philosophies) như triết học Platon và nhiều tông phái tư tưởng Đông phương.
KATHRYN PLANT
Vần Z
Zamboni, Giuseppe
Ý. s: 02-08-1875, Verona. m: 08-08-1950, Verona. Ph.t: Triết gia nhận thức, triết gia tôn giáo. G.d: Đại học Padua. N.c: Giáo sư Tiêu chuẩn luận (Criteriology) và Nhận thức luận (Gnoseology), Universita Cattolica del Sacro Cuure ( Đại học Công giáo Thánh Tâm), Milan, 1921-31; Giáo sư Thỉnh giảng tại Padua, 1935-6, 1941-2.
Ấn phẩm chính bản:
La gnoseologia dell’atto come fondamento della filosofia dell’essere ( Tri thức luận về hành động như là nền tảng của triết học về hữu thể).
Introduzione al corso di gnoseologia pura ( Nhập môn giáo trình tri thức luận thuần túy).
(1935) Verso la filosofia ( Hướng về triết học), 3q.
(1940) La persona umana ( Nhân vị con người), Milan: Vita e pensiero, 1983.
(1951) La dottrina della coscienza immediata ( Học thuyết về ý thức trực tiếp), Verona: Tipografia veronese.
Văn bản nhị đẳng:
Giulietti, G. (1965) La filosofia del profundo in Husserl e in Zamboni ( Triết học về cõi thâm uyên nơi Husserl và nơi Zamboni), Treviso: Libreria Editrice Canova.
Guidi, S.del (1982) Autobiografia etica di G. Zamboni ( Tự truyện đạo đức của G. Zamboni), Bologna:EDB.
Marcolungo, F.(1975) Scienza e filosofia in G. Zamboni ( Khoa học và triết học nơi Zamboni), Padua: Antenove.
Triết học Zamboni nằm trong, mặc dầu có những khác biệt quan trọng với, cơ chế rộng lớn của trường phái Tân kinh viện ( Neoscholasticism). Mục tiêu mọi suy tưởng của ông là giải quyết vấn đề những nền tảng trực tiếp của mọi kiến thức của chúng ta. Ông phân biệt một lãnh vực của kinh nghiệm thuộc về cảm giác và cắm rễ trong cảm nhận và một lãnh vực của kinh nghiệm siêu cảm giác và thuộc về trí tuệ.Cái trước gồm các dữ liệu cảm giác, cảm nhận và hình tượng của cả hai, tất cả hiện ra như là những đối tượng của người tri giác.Cái sau gồm kinh nghiệm về tự ngã, kinh nghiệm về đồng tình và bất đồng và các hành vi trừu tượng hóa và phân tích. Kinh nghiệm về tự ngã là trọng tâm, vì là kinh nghiệm duy nhất về bản thể. Kinh nghiệm về tự ngã là cơ sở cho sự phân biệt giữa Ngã và phi-Ngã và là điều kiện cần cho việc trừu tượng hóa các khái niệm và việc phổ quát hóa. Zamboni thuần hóa và phân tích khái niệm của thánh Thomas về bản thể như là actus essendi hay là năng lượng hiện sinh (existential energy) trên cơ sở đó ông có thể bảo vệ học thuyết về sáng tạo. Zambony cũng áp dụng phương pháp của ông vào việc phân tích mỹ học và đạo đức học.
COLIN LYAS
Zaragueta y Bengoechea, Juan
Tây ban Nha (gốc Basque). s: 1883, Orio (gần San Sebastian), Tây ban Nha. m: 1974. Ph.t: Triết gia Thomas mới, nhà tư tưởng hệ thống. Q.t: Lí thuyết giá trị. G.d: Chủng viện Thần học Saragossa, và sau đó học triết học tại Đại học Louvain (1905-8). A.h: Tân thuyết Thomas ở Louvain và Ortega.. N.c: Quay về Tây ban Nha, ông đảm nhận Giảng đàn Triết học ở Chủng viện Conciliar, Madrid (1908-17), và sau đó các giảng đàn Triết học Đạo đức và Tôn giáo, Luật pháp và Kinh tế học, Sư phạm và Tâm lí học thuần lí tại một số trong những định chế học thuật danh tiếng nhất của Tây ban Nha; nghỉ dạy từ 1953 nhưng vẫn là thành viên của nhiều học hội tại Tây ban Nha và nước ngoài.
Ấn phẩm chính bản:
(1920) Contribución del lenguaje a la filosofia de las valores ( Sự đóng góp của ngôn ngữ vào triết học giá trị), Diễn văn khi được nhận vào Hàn lâm viện Hoàng gia các Khoa học Luân lí và Chính trị.
(1941) La intuición en la filosofia de Henri Bergson ( Trực quan trong triết học Bergson), Madrid: Espasa-Calpe.
(1947) [với Garcia Morente] Fundamentos de filosofia e historia de los sistemas filo- sóficos ( Những nền tảng triết lí và lịch sử của các hệ thống triết học), Madrid: EspasaCalpe.
(1950) Filosofia y vida: I: La vida mental (descripción) ( Triết học và đời sống, I: Đời sống tinh thần, mô tả), Madrid: CSIC.
(1952) Filosofia y vida: II: Problemas y métodos ( Triết học và đời sống, II: Các vấn đề và phương pháp), Madrid: CSIC.
(1954) Filosofia y vida:III: Soluciones ( Triết học và đời sống, III: Các giải pháp), Madrid: CSIC.
(1963) Estudios filosoficos ( Nghiên cứu triết học), Madrid: Instituto de Filosofia “Luis Vives”.
(1968) Curso de filosofia ( Giáo trình triết học), 3q. Madrid: Gredos.
Văn bản nhị đẳng:
Alvarez de Linea, A. (1953) En la jubilación de D. Juan Zaragueta. Su vida, sus obras, su concepción filosófica ( Nhân dịp nghỉ hưu của Tiến sĩ Juan Zaragueta. Cuộc đời, tác phẩm và quan niệm triết học của ông), Revista de Filosofia 12: 177-89.
Escobar, L. (1951) Filosofos de España. Doctor Juan Zaragueta y Bengoechea ( Triết gia Tây ban Nha: Tiến sĩ Juan Zaragueta y Bengoechea), Logos I (Mexico)3:109-21.
López de Munáin, R. (1956) Una nueva exposición de la filosofia como ciencia de la totalidad ( Một trình bày mới về triết học như là khoa học về toàn thể), Verdad y Vida 14: 203-50.
Một trong những học giả Tây ban Nha lỗi lạc nhất và được kính trọng nhất trong thời ông, tư tưởng Zaragueta là sự phối hợp giữa Tân thuyết Thomas của Đại học Louvain với một phiên bản kín đáo của hoạt lực luận duy lí (ratio-vitalism) của Garcia Morente và Ortega y Gasset. Zaragueta cũng là một môn đệ đầy ngưỡng mộ, tuy không phải là thiếu phê bình, đối với Bergson.và rất hứng thú đối với các khoa học tâm lí của thời đại mình. Hơn nữa, ông là một trong những người đầu tiên trong số những đồng hương của mình nêu bật tầm quan trọng của việc nghiên cứu ngữ học thận trọng đối với triết học.Trong khi chấp nhận Tân thuyết Thomas như là philosophia perennis ( triết học vĩnh cửu) Zaragueta không nhìn nó như là bất di bất dịch trong ánh sáng của những khám phá mới. Ông trích dẫn, với sự tán đồng, nguyên lí của Hồng y Mercier: vetera novis augere e perficere (Ôn cố tri tân).
Tất cả những nét này được biểu lộ trong công trình lớn của ông, bộ ba Filosofia y vida một công trình tầm cỡ rộng lớn khiến người ta nhớ đến những bộ Summa ( Tổng luận) trong truyền thống Kinh viện. Quyển đầu là một mô tả hiện tượng học về đời sống tinh thần, cá nhân và xã hội, hướng tiêu điểm vào những đối tượng của ý thức, hoạt động ý thức và chủ thể của ý thức, bản ngã tự đồng nhất. Tác phẩm kết thúc với một phân tích về tiến trình tổng hợp của đời người theo ba phạm trù cơ bản: lượng tính, phẩm tính và hoạt tính. Quyển II đưa ra cái mà Zaragueta đặc trưng hóa như là “những vấn đề sống còn” (vital problems) khởi phát từ các tiến trình khái niệm hóa và việc tạo ra các phán đoán, vừa lí thuyết vừa thực hành, và gợi ý những phương pháp luận thích hợp cho giải pháp của chúng. Quyển cuối cùng chứa đựng những giải pháp của Zaragueta cho các vấn đề mà ông đã bàn luận trong những quyển trước, và ông phác họa những ý tưởng của chính mình về sinh học, sử học, vũ trụ học và tương quan giữa người và Thượng đế. Triết học nổi lên như là cao điểm của khoa học với một siêu hình học ở trung tâm đang cầu vọng một kiến thức về siêu việt.
Một chủ đề mà Zaragueta thường quay về là lí thuyết giá trị. Ông công nhận rằng giá trị là phân biệt với hữu thể, và khi nó xảy ra, nó thêm vào một chút gì đó cho cái sau. Tương quan của giá trị đối với hữu thể là “ la condición del adjetivo respecto al sustantivo” ( thân phận của hình dung từ so với danh từ). Ông biện luận rằng việc đánh giá là một hành vi đặc biệt của ý thức, mà ông gọi là “chức năng lượng giá” ( la function estimativa) phân biệt với nhận thức, và rằng các phương thức lượng giá của tư tưởng có lô-gích riêng của chúng: chẳng hạn cường độ xảy ra của một phẩm chất đạo đức có thể tác động đến bản chất của nó, nhưng cùng điều đó lại không đúng (theo ông biện luận) đối với các phẩm tính phi-lượng giá (nonevaluative qualities). Các phán đoán được tạo ra như kết quả của các quá trình lượng giá có tính chức năng-chân lí (truth-functional). Ông cũng thận trọng nhấn mạnh rằng nhận định các giá trị như là riêng biệt với hữu thể chỉ khả thi bằng phương tiện trừu xuất ( by means of abstraction). Kinh nghiệm sống của chúng ta là một thực tại được lượng giá.
ROBERT WILKINSON
Zeller, Eduard Gottlob
Đức. s: 22-01-1814, Kleinbottwar, Würtemberg. m: 19-03-1908, Stuttgart. Ph.t: Sử gia triết học, nhà thần học. Q.t: Lịch sử triết học cổ đại và lịch sử Cơ đốc giáo buổi đầu. G.d: Đại học Tübingen, Đại học Berlin, Tiến sĩ, 1836. A.h: Kant, Schleiermacher và Hegel. N.c: Giáo sư
Thần học, Bern, 1847; Giáo sư Triết học, Marburg, 1849; Heidelberg 1862; Berlin, 1872-95.
Ấn phẩm chính bản:
(1839) Platonische Studien ( Nghiên cứu Platon), Tübingen: C.F. Osiander.
(1839-) [đồng biên tập với A.F. von Pauly] Real-Encyclopädie der Altertumswissenschaft ( Bách khoa thư chuyên nghiệp khoa học cổ đại), Stuttgart: J.B. Metzler.
(1845-52, 1920-3) Die Philosophie der Griechen in ihrer geschichtliche Entwicklung (Triết học Hy lạp trong quá trình phát triển lịch sử), 5q.Tübingen: L.F. Fues.
(1853) Das theologische System Zwinglis ( Hệ thống thần học Zwingli),Tübingen: Fues.
(1865-84) Vorträge und Abhandlungen ( Hội thảo và nghị luận), 3q. Leipzig: Fues.
(1873) Geschichte der deutschen Philosophie seit Leibniz ( Lịch sử triết học Đức từ Leibniz), Munich: Oldenbourg.
(1873) D.F. Strauss in seinem Leben und seinen Schriften geschildert ( D.f. Strauss trong cuộc đời và trong văn nghiệp), Bonn: E. Strauss.
(1883) Grundriss der griecheschen Philosophie ( Nền tảng triết học Hy lạp), Leipzig: Fues Verlag R. Reisland.
(1910-11) Kleine Schriften ( Các tiểu phẩm), 3q., Berlin: Georg Reimer.
(1942-57) Theologische Jahrbücher ( Niên giám thần học).
Văn bản nhị đẳng:
Merz, J.T. (1896-1914) A History of European Thought in the Nineteenth Century
( Lịch sử tư tưởng châu Âu thế kỉ mười chín), 4q. Edingburgh: Blackwood.
Zeller biện luận cho ảnh hưởng quyết định của triết học cổ đại lên những nguồn gốc của Cơ đốc giáo cũng như lên sự phát triển về sau của đạo này.và ủng hộ một cương lĩnh thần học trong đó chỉ có lí trí đã được tháo bỏ mọi xiềng xích, là đáng kể. Ông tách biệt triết lí tôn giáo khỏi lịch sử tôn giáo. Ông bác bỏ chủ nghĩa giản qui triệt để, vốn đặc trưng cho những môn đệ Hegel trẻ, qui tôn giáo thành cảm nhận hay ý chí hay sự đong đầy ước muốn, đề tìm một cách tiếp cận quân bình hơn. Khi sau đó bị loại khỏi những Giảng đàn thần học bởi không khí luận chiến vây quanh “chủ nghĩa phê phán cao hơn”, Zeller chuyển qua lịch sử triết học cổ đại trong đó trước tác của ông được đặc trưng hóa bởi mối quan tâm nổi bật đối với việc thấu hiểu hệ thống nội tại của đề tài mình nghiên cứu và tính chặt chẽ ngữ học
(philological rigour). Về sau ông rút lại ý đồ ban đầu là tranh luận về quyền tác giả của Platon đối với bộ Luật lệ. Ông phản bác điều mà ông nhìn như sự lẫn lộn của Hegel giữa lịch sử và lô-gích, và từ 1862 trở đi ông từ bỏ chủ nghĩa Hegel thời trẻ của mình và trở thành nhân tố chính trong sự hưng phát của chủ nghĩa Kant mới mặc dầu chống lại chủ nghĩa duy tâm của nhiều người theo Kant mới, và ông biện luận cho sự phục hồi triết học hệ thống với những lời gợi ý thực chứng chủ nghĩa. Trong sự nghiệp về sau của mình Zeller mở rộng những quan tâm của mình từ triết học cổ đại sang hiện đại.
Nguồn: H. Diels, trong Kleine Schriften, q.3. của Zeller; William Dilthey, Neue Freie Presse, in lại trong Gesammelte Schriften, Göttingen: Vandenhoeck Ruprecht, q.15.
R.N.D. MARTIN
Zenkovsky, Vasilii Vasil’evich
Nga. s: 04-07-1881, Proskurov, Nga. m: 05-08-1962, Paris. Ph.t: Nhà duy tâm tôn giáo. Q.t:
Triết lí tôn giáo, triết lí tâm lí học, lịch sử triết học Nga. G.d: Đại học Kiev. A.h: Vladimir
Solov’ev, Lopatin và Sergei Bulgakov. N.c: 1915-19, Giáo sư Tâm lí học, Đại học Kiev; 1920-
3, Giáo sư Thần học và Triết học, Đại học Belgrade; 1923-6, Giám đốc Học viện Sư phạm , Prague; 1926-62, Giáo sư Triết học, Học viện Chính thống giáo Nga, Paris; 1942, thụ phong mục sư Chính thống giáo Nga.
Ấn phẩm chính bản:
(1914) Problema psikhicheskoi prichinnosti ( Vấn đề nhân quả tâm lí), Kiev.
(1926) Russkie mysliteli i Evropa ( Những nhà tư tưởng Nga và châu Âu), Paris.
(1934) Problema vospitaniia v svete khristianskoi antropologii ( Vấn đề giáo dục qua ánh sáng nhân loại học Cơ đốc giáo), Paris.
(1948-50) Istoriia russkoi filosofii ( Lịch sử triết học Nga) , 2q.
(1957) Apologetika ( Lời biện hộ), Paris.
(1961-4) Osnovy khristianskoi filosofii ( Những nguyên lí của triết học Cơ đốc giáo), 2q. Frankfurt.
Văn bản nhị đẳng:
Alekseev, P.V.[xuất bản, 1993] Filosofy Rossii xix-xx stoletii ( Triết học Nga thế kỉ XIX-XX), Moscow.
Lossky, N.O. (1952) History of Russian Philosophy , London: George Allen Unwin.
Zernov, Nicolas (1963) The Russian Religious Renaissance of the Twentieth Century (Cuộc Phục hưng tôn giáo ở Nga trong thế kỉ hai mươi), New York: Harper Row.
Trong các tác phẩm triết học chính của mình Zenkovsky khai triển một thứ siêu hình học Cơ đốc giáo vốn nhập thể một số phương diện từ học thuyết của Sergei Bulgakov về Sophia*. Ông dành sự quan tâm đặc biệt cho bản chất của tâm hồn con người, tính cách và sự biện minh cho kinh nghiệm tôn giáo và tương quan giữa Thượng đế với thế giới thụ tạo.
Theo Zenkovsky, ở đỉnh điểm của cấu trúc hệ thống tâm hồn là khả năng tiếp xúc với một thực tại vốn siêu việt khỏi chủ thể. Ở một cấp độ nào đó thực tại này có thể tự giới thiệu trong kinh nghiệm huyền nhiệm như một nhất thể toàn dung bất khả thuyết (ineffable allembracing unity); kẻ nào không chịu tìm kiếm sâu xa hơn sẽ kết ước với chủ nghĩa phiếm thần. Tuy nhiên,vượt qua hình thức hạn chế đó của sự tiếp xúc với cái thiêng liêng –vốn thực ra là sự tiếp xúc với “ Sophia thụ động”, hay là phương diện thụ tạo của thế giới-là khả tính tri kiến một Hữu thể Thiêng liêng có ngôi vị (a personal Divine Being) thông qua mặc khải; đây là hình thai cao hơn, hữu thần, của kinh nghiệm tôn giáo, hay là sự tiếp xúc với Sophia thiêng liêng- chính là Thượng đế. Học thuyết của Zenkovsky về sáng tạo bao gồm luận đề gây tranh cãi cho rằng thời gian tồn tại trong Thượng đế, hơn là bắt đầu trong thế giới thụ tạo- một luận đề mà ông tin là cần thiết nhằm trả lời câu hỏi cái gì tồn tại trước thời gian thụ tạo. Triết lí tôn giáo của Zenkovsky gây ảnh hưởng chủ yếu trong các cộng đồng Nga lưu vong và các cộng đồng Cơ đốc giáo Chính thống phương Đông.nhưng ông thành danh rộng rãi hơn nhờ bộ lịch sử triết học Nga rất có thẩm quyền. Tác phẩm này giúp giữ cho các truyền thống triết học phi-Mác xít của Nga vẫn sống động ngay cả ở Liên sô, nơi một số in hạn chế để lưu hành nôi bộ giữa các học giả được “chuẩn y”, được phát hành vào năm 1956.
JAMES SCANLAN
*Sophia: Hiện thân của Minh Trí.
Zubiri Apalátegui, Xavier.
Tây ban Nha (gốc Basque). s: 1898, San Sebastian, Tây ban Nha. m: 1983. Ph.t: Nhà tư tưởng Thomas mới. Q.t: Siêu hình học, triết lí tôn giáo. G.d: Học với Ortega và Zaragueta tại
Madrid (1918-20) rồi tiếp tục theo đuổi thần học và triết học tại Louvain, Bỉ và Đại học Gregorian, La mã.(1919-21). A.h: Thuyết Thomas mới ở Đại học Louvain, Ortega và chủ nghĩa hiện sinh. N.c: Ông tiếp tục học tập, nghiên cứu sau khi đảm nhận Giảng đàn Lịch sử Triết học tại Madrid (1926), tiếp tục nghiên cứu Toán học, Sinh học, Vật lí ( với de Broglie và Schrödinger, Văn học Cổ điển với Jaeger, hiện tượng học với Husserl và Heidegger; quay về từ Pháp ( nơi ông đã theo học các ngôn ngữ phương Đông) sau Nội chiến Tây ban Nha Zubiri đảm nhận Giảng đàn Lịch sử Triết học tại Đại học Barcelona (1940-2) và sau đó dành thời gian cho những giáo trình riêng và cho việc dịch các tác phẩm khoa học, triết học.
Ấn phẩm chính bản:
(1942) Naturaleza, Historia, Dios ( Thiên nhiên, Lịch sử, Thượng đế), Madrid: Editora Nacional.
(1962) Sobre la esencia ( Về thề tính), Madrid: Sociedad de Estudios y Publicaciones. (1963) Cinco lecciones de Filosofia ( Năm bài giảng triết học),Madrid: Sociedad de Estudios y Publicaciones.
Văn bản nhị đẳng:
Babolin, A. (1972) Il pensiero religioso de Xavier Zubiri nella critica d’oggi ( Tư tưởng tôn giáo của Xavier Zubiri), Aquinas 15: 7-24.
Lazcano,R. (1993) Panorama bibliographico de Xavier Zubiri ( Toàn cảnh thư mục Xavier Zubiri), Madrid: Ed. Revista Augustin.
Lopez-Quintas, A. (1986) El llegado intelectual de Xavier Zubiri ( Di sản trí thức của Xavier Zubiri), Pensamiento 42: 103-8.
Rovaletti, M.L. (1985) Hombre y realidad: homenaje a Xavier Zubiri ( Con người và thực tại: tôn vinh Xavier Zubiri), Buenos Aires: University of Buenos Aires Press.
Là một người cực kỳ thông thái và là vị trưởng lão về triết học đối với người đương thời của mình, Zubiri, giống như thầy ông, Zaragueta,là một nhà tư tưởng Thomas mới, mong muốn làm quen với những phát triển hiện hành trong triết học, khoa học và các lãnh vực khác. Triết học của ông chủ yếu là một cuộc bảo vệ có lí luận cho thuyết Thomas mới chống lại một số hình thái hiện đại của triết học. Zubiri không hề vội vàng trong việc in ấn tác phẩm của mình và những công trình lớn của ông, Naturaleza, Historia, Dios ( Thiên nhiên, Lịch sử, Thượng đế) và Sobre la esencia ( Về thề tính) mỗi công trình đều đưa ra những ý tưởng đã được nghiền ngẫm lâu dài, được khai triển qua những giáo trình giảng dạy trong nhiều năm. Triết học, theo ông, không chỉ là một công việc, cho dầu là công việc cao quí nhất, mà là một phương thức nền tảng của hiện hữu trí thức, và cần được đối xử với sự trọng thị đúng mức.
Ý tưởng trung tâm nằm bên dưới quyển Naturaleza, Historia, Dios đó là nhân loại hiện đại, bị dẫn dắt sai đường bởi ba lệch hướng lớn khỏi chân lí, đó là chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa dụng hành và chủ nghĩa duy sử, đang trôi dạt về phương diện tâm linh, không ý thức được chân tướng của thực tại và vị trí của chính mình trong đó, một thân phận mà ông gọi là desligación, bị đứt rời khỏi mọi gốc rễ thiêng liêng, bị tuột neo khỏi bến bờ quê cũ, trôi bồng bềnh vô định chẳng biết về đâu. Thực ra thân phận chúng ta là hiện hữu trong lòng Thượng đế. Chúng ta bị che mờ điều này bởi khoa học vốn chỉ thắt chặt vào những phương diện nào của sự vật cho phép chúng ta thực thi quyền năng lên chúng. Trái với những tuyên bố ồn ào của chủ nghĩa hiện sinh, thật ra chúng ta có một bản tính. Chúng ta không phải tự dưng thấy mình ở trong thế giới mà chúng ta được đưa đến để sống trong thế giới với một sứ mệnh. Chúng ta có thể thoát khỏi những cái bẫy của khoa học và tiến đến chỗ lãnh hội chân tính của vạn pháp (to grasp the true nature of things). Đàng sau muôn vàn hiện tượng được khoa học tìm hiểu là một hậu thuẫn bao trùm lên tất cả mà Zubiri gọi là thần tính (deidad). Lãnh hội được điều này là ý thức được mọi sự từ bên trong.
Trong quá trình khởi thảo các quan điểm trong Naturaleza, Historia, Dios , Zubbiri cảm thấy cần khởi thảo một “đệ nhất triết học” và ông làm điều này trong công trình lớn tiếp theo, Sobre la esencia ( Về thề tính), trong đó ông đưa ra siêu hình học của mình. Thể tính và thực tại ở đây định nghĩa lẫn nhau. Thể tính của một vật là cái gì ở bên trong một vật nào đó và vì nó mà vật đó là vật đó ( The essence of a thing is that which is within a given thing and in virtue of which it is what it is). Thực tại là cái gì tác động lên chính nó hay những cái khác theo những đặc tính riêng của nó. Thực tại như vậy không phải nằm ở nguồn gốc mà trong thế năng hành động của yếu tính. Những vật thực cần được đối lập với những vật được trải nghiệm: những vật này có khái niệm nhưng không có yếu tính : chẳng hạn, một cái bàn mà định nghĩa chính thức là tùy theo những mục đích sử dụng của con người thì, theo nghĩa này, là không thực. Hơn nữa, thực tại cần được phân biệt với hữu thể. Thực tại trước tiên là cái gì hiện hữu nơi chính nó; hữu thể là một thời đoạn của thực tại.
Con người có một cách thức hiện hữu theo bản thể ( a substantive mode of being). Thân phận của chúng ta được đặc trưng hóa bởi mối ưu tư xao xuyến sâu xa khi nhận thức thân phận của chúng ta bởi những hành động của chúng ta trong thời gian. Trong từng mỗi hành động chúng ta bị ràng buộc vào cái tối hậu và cái tối hậu là thực tại của Thượng đế. Ý thức được điều này là tồn tại trong thân phận của religación , một trạng thái của toàn thể tính tâm linh (spiritual wholeness) trong đó chúng ta biết chân tính của vạn pháp và vị trí của chúng ta cũng như vị trí của vạn pháp trong Thượng đế.
ROBERT WILKINSON