Lời Kinh Cha Mẹ Dạy

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ 

LỜI NGỎ

PHẦN MỞ ĐẦU

PHẦN 1: KHI CẦU NGUYỆN, ANH EM ĐỪNG LẢI NHẢI NHƯ DÂN NGOẠI; HỌ NGHĨ RẰNG: CỨ NÓI NHIỀU LÀ ĐƯỢC NHẬN LỜI. ĐỪNG BẮT CHƯỚC HỌ, VÌ CHA ANH EM ĐÃ BIẾT RÕ ANH EM CẦN GÌ, TRƯỚC KHI ANH EM CẦU XIN.

PHẦN 2: VẬY, ANH EM HÃY CẦU NGUYỆN NHƯ THẾ NÀY: LẠY CHA CHÚNG CON LÀ ĐẤNG NGỰ TRÊN TRỜI, XIN LÀM CHO DANH THÁNH CHA VINH HIỂN.

PHẦN 3: TRIỀU ĐẠI CHA MAU ĐẾN, Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI.


PHẦN 4: XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

PHẦN 5: XIN THA TỘI (NỢ) CHO CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ LỖI (NỢ) VỚI CHÚNG CON

PHẦN 6: XIN ĐỪNG ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ

PHẦN 7: NHƯNG CỨU CHÚNG CON CHO KHỎI SỰ DỮ

LỜI KẾT

TÀI LIỆU THAM KHẢO

LỜI NGỎ

Chập chững bước vào cuộc đời. Trong tình yêu thương của Cha Mẹ, tôi được đưa tới thánh đường giáo xứ để nhận bí tích rửa tội, và được trở nên con cái của Thiên Chúa. Đó là một món quà quý báu của cuộc sống làm người.

Lớn lên trong mái ấm của gia đình, còn gì hơn khi được ẩn náu trong vòng tay êm ấm của Mẹ Cha.

Vòng tay ru con thơ ngủ.

Vòng tay mớm bát cháo thìa cơm.

Vòng tay chở che nâng đỡ.

Vòng tay dạy dỗ bảo ban.

Thật vậy, trong vòng tay của Mẹ Cha, tôi đã học được những bài học thật quý giá. Bài học làm người, bài học làm con cái của Thiên Chúa.

Một trong những bài học tuyệt vời nhất là lời kinh Lạy Cha, mà Mẹ Cha đã dạy.

Vẫn nhớ những buổi tối Cha Mẹ và tất cả con cái trong gia đình ngồi lại trước bàn thờ, và dâng Chúa lời kinh Lạy Cha được “gói” trong tràng chuỗi Mân Côi.

Nhìn lại sao mà đẹp quá vậy.

Cái đẹp của tình Mẹ tình Cha,

cái đẹp của một bầu khí gia đình ấm cúng,

cái đẹp của những giây phút thiêng liêng cầu nguyện trong gia đình.

Và cái đẹp của những lần ngủ gục trong giờ kinh nữa chứ.

Làm sao quên được một buổi tối khi Mẹ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Cả nhà cần đáp lại: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có nợ với chúng con. Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

Trớ trêu thay, trong khi mọi người trong gia đình sốt sắng đáp lại, thì thằng bé ngồi bên Mẹ lại ngủ gà ngủ gật. Điều gì xảy ra? Một cái cú Mẹ tặng ban, để cần thức tỉnh, để cần học biết lời kinh Cha Mẹ dạy.

Lời kinh Cha Mẹ dạy là lời kinh hướng về Thiên Chúa là Cha trên trời, để tôn vinh và cầu xin với Ngài, đừng để con cứ ngủ gục nhiều như thế, đừng để con cứ sa chước cám dỗ của thần dữ và của cuộc đời, xin cứu con ra khỏi sự dữ. Xin tha thứ cho con, vì con là kẻ tội lỗi, cũng xin dạy dỗ con và cho con có khả năng và thiện chí biết tha thứ cho anh chị em. Cũng xin cho gia đình con và mọi người trên thế gian, có đủ cơm ăn mỗi ngày. Tất cả xin cho Danh Cha cả sáng, nước tình yêu của Cha được trị đến, và thánh ý cao quý của Cha được thể hiện mọi nơi, cả trên trời cao cũng như dưới đất thấp.

Lời kinh Cha Mẹ dạy cùng với cái cú đầu bảo ban đã đi với tôi trong cuộc đời. Mỗi chặng đường, khi có Cha Mẹ hay không có Cha Mẹ ở bên, lời kinh đó vẫn vang lên.

Giờ đây, Cha Mẹ đã khuất, nhưng lời kinh Cha Mẹ dạy vẫn còn sống trong tôi, cùng “đồng hành với tôi” trên từng chặng đường của đời người, lúc quỳ trong nhà nguyện, khi ngồi trong ghế học viện của nhà Dòng, lúc rảo bước trên phố phường để thăm viếng và phục vụ những anh chị em bất hạnh, khi ngồi chia sẻ với anh chị em trong bầu khí thiêng liêng.

“Lời kinh Cha Mẹ dạy” giờ đây xin được là một tập sách suy niệm về kinh Lạy Cha. Một tập sách nhìn lại những tâm tình thiêng liêng qua những kinh nghiệm trên hành trình làm người, làm con cái và làm tôi tớ của Thiên Chúa. Tập sách suy niệm này cũng được gợi hứng bởi tác phẩm chú giải thiêng liêng về kinh Lạy Cha của Đức Hồng Y Carlo Maria Martini được chuyển dịch qua Pháp ngữ: « Ne méprisez pas la Parole – Đừng khinh miệt Lời ». Ngoài ra, tập sách suy niệm này cũng tham khảo nhiều tác phẩm thiêng liêng và các tác phẩm chú giải Thánh Kinh khác.

Như một nén hương chân thành, xin gởi đến hương hồn Cha Mẹ tập sách suy niệm lời kinh Lạy Cha, “Lời kinh Cha Mẹ dạy”, để cả cuộc đời, xin cố gắng là một người con như lòng Cha Mẹ ao ước; để cả cuộc đời trong ân sủng của Chúa, mỗi ngày xin cố gắng trở nên tôi tớ đẹp lòng Thiên Chúa là Cha trên trời nhiều hơn nữa.

Tất cả xin để vinh danh Chúa hơn.

Kinh Lạy Cha

7 "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời.

8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì,

trước khi anh em cầu xin.

9 "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:

"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,

xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

10 triều đại Cha mau đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

12 xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con;

13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

(Mt 6, 7-13)


PHẦN MỞ ĐẦU

Vài hàng sơ lược về kinh Lạy Cha.

Xuyên suốt qua các thời đại, kinh Lạy Cha được các Kitô hữu đọc, cầu nguyện, suy niệm và chú giải. Những chú giải cổ xưa nhất hiện vẫn còn được giữ gìn như của Tertulian (+ khoảng 220), chú giải khác của Origine (+ khoảng 254). Cyprian thành Carthage (+ khoảng 258) đã coi kinh Lạy Cha như là “Lời cầu nguyện của Chúa - oratio domenica”[1]. Ngoài ra, Adalbert G. Hamman, với tác phẩm “Le notre père dans l´église ancienne”, đã giới thiệu những bài giảng và những chú giải về kinh Lạy Cha của những giáo phụ khác, như của Grégoire de Nysse (+ khoảng 394), của Cyrille de Jérusalem (+ khoảng 368), của thánh Augustin (+ khoảng 430), của Théodore de Mopsueste (+ khoảng 428), của Maxime le Confesseur (+ khoảng 662). Trong thời trung cổ, kinh Lạy Cha tiếp tục được các tín hữu chú ý tới qua các bài giảng, và được giải thích trong các sách giáo lý. Sách giáo lý tin lành của Luther (xuất bản năm 1529), sách giáo lý công giáo của thánh Canisius (xuất bản năm 1555) cũng như bộ sách giáo lý Rôma - Catechismus Romanus (xuất bản năm 1566) đã nêu bật ba chức năng của kinh Lạy Cha: là lời cầu nguyện nền tảng, là bản tóm lược của đức tin và là những điều luật cho cuộc sống[2].

Ngoài ra, một số vị thánh khác cũng chú ý tới kinh Lạy Cha, như Thánh Phan-xi-cô thành A-si-si đã viết một lời cầu nguyện tán tụng Thiên Chúa với kinh Lạy Cha, thánh Tê-rê-sa thành A-vi-la thì để lại cho chị em những lời huấn dụ và giải thích kinh Lạy Cha thật sâu sắc trong tác phẩm “Le chemin de perfection”. Trong thế kỷ 20 của chúng ta, cũng có rất nhiều chú giải về kinh Lạy Cha, ở đây xin kể đến Bonhöffer, mục sư và là thần học gia người Đức đã bị phát-xít Đức giết trong thế chiến thứ hai, đã viết tác phẩm “Nachfolge”, một cuốn sách thiêng liêng giải thích và suy niệm về bài giảng trên núi rất sâu sắc. Trong đó có một phần giải thích về kinh Lạy Cha. Cũng là một nạn nhân của phát-xít Đức, linh mục dòng Tên Alfred Delp, đã để lại một bài suy niệm sống động về kinh Lạy Cha. Bài suy niệm này được cha Delp viết trong phòng giam ở Berlin, khi tay của cha bị trói bởi dây xích. Bài suy niệm này, và nhiều bài suy niệm khác, cùng với 120 lá thư được Cha Delp truyền ra ngoài một cách bí mật. Ngoài ra, còn có những nghiên cứu và chú giải về kinh Lạy Cha của các nhà Thánh Kinh học, như của Joachim Jeremia với “Abba” (1966), của P. Bonnard chung với J. Dupont và F.Refoulé với “Notre Père qui est aux cieux” (1968). Cũng nên chú ý đến các chú giải Tin Mừng Mát-thêu của Piere Bonnard (1963), của Joachim Gnilka (1986), của Ulrich Luz (phần 1, 1985).... Một số sách chú giải thiêng liêng khác về kinh Lạy Cha trong thời đại chúng ta cũng cần được nhắc tới, như tác phẩm“Gebet und Wahrheit“ của Romano Guardini (1960), „Glaubensbekenntnis und Vater unser“ của Eugen Biser (1993), „Our Father“ (2002) của Scott Hahn, „The Lord´s prayer” (2006) của nhà thánh kinh học Gerald O´ Collin SJ. Đặc biệt, đức hồng y Carlo Maria Martini SJ, một nhà thánh kinh học lỗi lạc có hai tập sách suy niệm rất hữu ích về kinh Lạy Cha: « Le notre Père » (2001), và « Ne méprisez pas la Parole » (2005). Một nhà thần học lớn của thời đại là Josef Ratzinger, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, cũng đã có phần giải thích kinh Lạy Cha rất hay trong tác phẩm « Jesus von Nazareth » (phần 1, 2006). Và sách giáo lý mới của Giáo Hội : « Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo » (bản tiếng Việt, 2009) có phần thứ tư về Kinh nguyện Kitô giáo. Trong phần này có đoạn giải thích kinh Lạy Cha.

Thật vậy, không thể kể hết tất cả các tác giả xuyên suốt qua nhiều thời đại đã giải thích và suy niệm về kinh Lạy Cha. Điều đó chứng tỏ rằng, kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện của Chúa, được trân quý và giữ gìn, cầu nguyện và sống động một cách đặc biệt trong hành trình đức tin và thiêng liêng của người Kitô hữu. Ngoài ra, kinh Lạy Cha thường được giải thích dựa trên ba cách thức căn bản: (1) giải thích trong ý nghĩa của tín lý. (2) giải thích trong ý nghĩa luân lý. Gregor von Nyssa là đại diện cho hình thức giải thích này: kinh Lạy Cha không chỉ được hiểu là lời kinh dẫn vào cầu nguyện, mà còn là sự dẫn vào đời sống theo tinh thần của Chúa dạy. Và cuối cùng, (3) kinh lạy Cha cũng được giải thích trong ý nghĩa cánh chung học[3].

Đó là những hình thức căn bản cho việc giải thích kinh Lạy Cha mà Chúa Giê-su dạy trong môi trường xã hội của người Do-thái. Như vậy, có thể có một sự liên hệ nhất định giữa kinh Lạy Cha với Do-thái giáo hay không?

Kinh Lạy Cha trong bối cảnh của Do-thái giáo.

Trong Do-thái giáo cũng có những lời cầu xin giống như kinh Lạy Cha, đặc biệt là kinh Qaddisch và kinh cầu 18 (Schemone Esre) của các hội đường Do-thái cổ xưa. Gọi là kinh cầu 18, vì trong kinh này có 18 lời cầu xin chúc lành[4]. Vì có những sự tương hợp này, nên một số học giả người Do-thái coi kinh Lạy Cha có nguồn gốc trong Do-thái giáo. Như Robert Aron, một nhà văn Pháp gốc Do-thái nói rằng: “Lời kinh nền tảng này của Kitô giáo, trong nhiều câu, bắt nguồn trực tiếp từ những lời cầu nguyện nền tảng của người Do-thái, nên có thể Chúa Giê-su đã cầu nguyện, hay đã lắng nghe lời cầu nguyện này ở những hội đường trong những năm sống ở Na-gia-rét”[5].

Thực tế, thì hình thức của kinh Lạy Cha có vẻ có sự liên hệ với một số lời cầu nguyện của người Do-thái. Tuy nhiên, theo nhà thánh kinh học Francois Refoulé thì, trong tính cách lịch sử, lời rao giảng của Chúa Giê-su được viết trong cái khung của những những tư tưởng và những quan niệm của xã hội Do-thái giáo... Còn trong ý nghĩa thần học, lời rao giảng của Chúa Giê-su có sự liên hệ với giao ước cũ. Nhưng không chỉ thế, lời rao giảng của Chúa Giê-su còn làm cho giao ước cũ được trở nên trọn vẹn: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17). Trong ý nghĩa này, cha Henri de Lubac đã viết như sau: “Giao ước mới khởi đi từ giao ước cũ, nhưng không phủ nhận giao ước cũ. Giao ước mới không phá hủy giao ước cũ: Trong khi làm cho giao ước cũ được kiện toàn, thì giao ước mới biến đổi và làm sống động lại giao ước cũ…Tóm lại, giao ước mới đã biến đổi những từ ngữ của giao ước cũ vào trong tinh thần”[6]. Như vậy, kinh Lạy Cha có liên hệ với những kinh nguyện Do-thái giáo, nhưng lại mang một sắc thái khác. Trong khi những lời cầu nguyện của Do-thái giáo có vẻ dài dòng văn tự, thì lời kinh Lạy Cha lại ngắn gọn xúc tích, và tập trung vào những điều nền tảng. Thật vậy, những lời cầu xin trong kinh Lạy Cha mà Chúa Giê-su dạy mang một tinh thần mới. Ngoài ra, theo Refoulé, kinh cầu 18 của Do-thái giáo có 12 lời cầu xin, và những lời cầu xin cuối cùng tập trung vào cuộc sống của người Do-thái, cầu xin cho đời sống hiện tại và cầu xin cho tương lai. Với lời cầu xin này, người Do-thái xin với Gia-vê gầy dựng lại vương quốc mang tính cách chính trị cho dân tộc họ, xin Gia-vê dẹp tan ách thống trị của ngoại bang, và tập họp lại những người Do-thái đang tản mác, cũng như cầu xin cho nhà lãnh đạo chính trị là đấng Mê-si-a đến với dân tộc Do-thái. Tất cả những lời cầu xin này không có trong lời kinh Lạy Cha của Chúa Giê-su. Lời kinh Lạy Cha của Chúa Giê-su không mang tính cách chủ nghĩa quốc gia và không mang tính cách chính trị. Hơn nữa, lời kinh Chúa Giê-su dạy có tính cách phổ cập cho mọi người[7].

Về mặt ngôn ngữ, cũng có sự khác biệt. Theo Luz, trong khi kinh Lạy Cha được viết bằng tiếng A-ram, thì đa số các kinh nguyện của người Do-thái được viết bằng tiếng Híp-ri. Tiếng A-ram thời đó không phải là ngôn ngữ chính thức được dùng trong các hội đường Do-thái. Chỉ có một số kinh nguyện mang tính cá nhân của nhóm người bình dân được dùng bằng tiếng A-ram. Như vậy có thể nói rằng, Chúa Giê-su đã dùng ngôn ngữ của dân chúng, chứ không dùng ngôn ngữ được sử dụng cho việc phụng vụ trong các hội đường thời đó. Và Chúa Giê-su đã không đồng tình với một số kinh sư đã bác bỏ ngôn ngữ A-ram[8].

Đó là vài sự khác biệt căn bản và quan trọng giữa những lời kinh của Do-thái giáo với lời kinh Lạy Cha, mà Chúa Giê-su dạy trong hai tin mừng của Mát-thêu và của Luca.

Kinh Lạy Cha trong phúc âm thánh Mát-thêu và phúc âm thánh Luca.

Trong bốn Tin Mừng, kinh Lạy Cha được Mát-thêu và Luca viết lại. Ngoài ra, trong “giáo huấn của các tông đồ - Didache[9], kinh Lạy Cha cũng được trích dẫn và bản văn này rất gần với bản văn của Mát-thêu. Ở đây, xin có cái nhìn sơ lược về kinh Lạy Cha trong hai tin mừng Mát-thêu và Luca.

Bản văn kinh Lạy Cha trong phúc âm của Luca được viết tóm tắt hơn, còn bản văn ở Mát-thêu thì đầy đủ và có nhịp điệu rõ ràng hơn, và được các cộng đoàn tiên khởi mau chóng đón nhận, cũng như được đưa vào trong phụng vụ. Nhưng tại sao bản văn kinh Lạy Cha ở Mát-thêu lại được ưa chuộng hơn? Theo Refoulé, thì có thể vì Mát-thêu không chỉ là đồ đệ (disciple), mà còn là tông đồ (Apôtre), và kết cấu của bản văn kinh Lạy Cha ở Mát-thêu thì rõ ràng và mạch lạc, có tính cách sư phạm nhiều và mang đậm lời của Chúa Giê-su. Ngoài ra, bản văn của phúc âm thứ nhất cũng đáp ứng đúng nhu cầu mục vụ của Giáo Hội tiên khởi. Đi vào hai bản văn chúng ta sẽ nhận ra thêm những điểm khác biệt và những điể m tương đồng[10].

Mt 6, 9-13

9 "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

10 triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

12 xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người mắc nợ với chúng con;

13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Lc 11, 2-4

2 Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: "Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến,

3 xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy;

4 xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ."

Hai bản văn rõ ràng có những điểm tương đồng, và có những từ ngữ giống nhau. Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm khác biệt. Những điểm khác biệt rõ ràng nhất là:

1) Bối cảnh lịch sử của hai bản văn kinh Lạy Cha không giống nhau. Mát-thêu đặt kinh Lạy Cha (Mt 6,9-13) trong bài giảng trên núi (Mt 4,23 - 7,29), và trong thời điểm Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ của Ngài. Cụ thể, sau những giáo huấn về các mối phúc, về ánh sáng và về các lời khuyên trong cách hành văn mang tính cách mâu thuẫn ở chương 5, Chúa Giêsu tiếp tục dạy dỗ về việc bố thí, về cầu nguyện và về việc ăn chay trong chương 6. Trong chương này, Ngài đã dạy kinh Lạy Cha cho các môn đệ. Lời đầu tiên dẫn vào kinh Lạy Cha là lời Chúa kết án cách thức cầu nguyện mang tính cách giả hình và phô trương. Sau đó, Chúa chỉ ra tâm tình cần có khi cầu nguyện với Chúa Cha (Mt 6,5-6). Tiếp đến chính là lời Kinh Lạy Cha như là lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất.

2) Còn Luca lại đưa kinh Lạy Cha (Lc 11,2-4) vào thời điểm trễ hơn, nghĩa là sau sứ vụ ở Ga-li-lê, Chúa Giê-su đi lên Giê-ru-sa-lem (Lc 9,51 - 19,27). Nghĩa là theo Luca, thì kinh Lạy Cha được Chúa Giêsu dạy trong thời gian cuối của cuộc đời Ngài. Như vậy, Luca giúp ta hiểu rằng: Các môn đệ say sưa nhìn Đức Giêsu cầu nguyện và khám phá thấy cầu nguyện đóng một vai trò hết sức căn bản trong đời sống của Chúa Giêsu, cầu nguyện chiếm rất nhiều thời gian trong đời sống của Người, có khi cả một đêm trọn. Thế là họ ao ước được biết cầu nguyện như Người[11].

3) Tình tiết bắt đầu kinh Lạy Cha trong hai bản văn cũng khác nhau. Trong Luca, các môn đệ xin Chúa Giê-su dạy cho các ông cầu nguyện và Ngài đã dạy cho các ông lời kinh Lạy Cha: “Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” (Lc 11,1). Còn ở Mát-thêu thì chính Chúa Giê-su là người khởi xướng và dạy dỗ kinh Lạy Cha: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này…” (Mt 6, 7-9).

4) Thính giả của hai bản văn cũng khác nhau. Theo Jeremias, lời cầu nguyện kinh Lạy Cha trong Mát-thêu được gởi tới những người đã được học cầu nguyện từ thời ấu thơ, nhưng đời sống cầu nguyện của họ đang gặp phải nhiều khó khăn. Đó là cộng đoàn Kitô hữu gốc Do-thái. Còn bản văn trong Luca được gởi đến những người Kitô hữu mới, họ không phải là người Do-thái, để dạy dỗ họ cách thức cầu nguyện. Lời kinh Lạy Cha được dạy trong cả hai cộng đoàn thời đó với hai hoàn cảnh khác nhau nói lên một điều là: người Kitô hữu dù mới hay cũ đều cần phải học biết cầu nguyện với kinh Lạy Cha[12].

5) Bản văn của Mát-thêu khai triển lời kinh Lạy Cha với bảy lời cầu xin, còn trong bản văn của Luca chỉ có năm lời cầu xin. Ngoài ra, khi so sánh hai bản văn thì nhận thấy rằng, trong lời đầu tiên của kinh Lạy Cha, Mát-thêu viết “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”, còn Luca chỉ viết: “Lạy Cha”. Cụm từ đàng sau mà Mát-thêu sử dụng trong câu này không có trong Luca. Tiếp đến, trong bản văn của Mát-thêu có lời cầu xin “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, còn Luca thì không nhắc đến lời cầu xin này. Về lời cầu xin tha thứ, đối chiếu với bản văn tiếng Hy-lạp, thì Mát-thêu sử dụng từ ngữ “opheilema - nợ”, cụ thể là: “xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người mắc nợ với chúng con”. Còn Luca thì không sử dụng từ ngữ “nợ”, mà ông dùng từ ngữ “harmatia - tội”, cụ thể là: “xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho những người mắc lỗi với chúng con”. Phần cuối của kinh Lạy Cha, Mát-thêu nhắc đến hai lời cầu xin: “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”, còn Luca thì chỉ nhắc đến lời cầu “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. Đó là một vài sự khác biệt sơ lược trong hai bản văn theo mặt ngôn từ.

Ngoài ra, nhìn một cách tổng quát sẽ nhận ra rằng, bản văn kinh Lạy Cha của Luca hầu như được nhắc đến trong bản văn của Mát-thêu. Và vì bản văn của Mát-thêu đầy đủ hơn Luca, nên bản văn này đã được truyền tụng trong Giáo Hội tiên khởi. Cả sách Didache (giáo huấn của các tồng đồ) được viết vào thế kỷ thứ 2 cũng có kinh Lạy Cha trong phần giáo huấn về phụng vụ[13] , cụ thể về việc cầu nguyện ở chương 8, 2-3.

Trong tập sách suy niệm này, xin tập trung vào bản văn kinh Lạy Cha trong phúc âm của thánh Mát-thêu.

Nguồn gốc, ngôn ngữ, thể văn và cấu trúc của kinh Lạy Cha trong tin mừng của Mát-thêu.

Kinh Lạy Cha bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu. Vì thế, kinh Lạy Cha được gọi là “Oratio Domini – Lời kinh Chúa dạy”. “Một đàng qua những lời kinh này, Con Một Thiên Chúa quả thật ban cho chúng ta những lời mà Chúa Cha đã ban cho Người: Người là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện. Đàng khác, là Ngôi Lời nhập thể, nên trong trái tim nhân loại của Người, Người biết rõ nhu cầu của những anh chị em loài người của Người, và Người bày tỏ những nhu cầu đó cho chúng ta: Người là mẫu mực của việc cầu nguyện của chúng ta”[14].

Về ngôn ngữ nguyên thủy, theo một số nhà chú giải Thánh Kinh, kinh Lạy Cha được Chúa Giê-su dạy bằng tiếng A-ram[15]. Về thể loại văn học, thì kinh Lạy Cha thực sự là một lời cầu nguyện, nhưng không mang tính cách ca tụng hoặc thánh thi (Hymne), mà mang tính cách cầu xin[16]. Như thế, kinh Lạy Cha, với những lời cầu xin dâng lên Cha trên trời, muốn giúp cho những người cầu nguyện khám phá ra sự gần gũi của Cha trên trời[17].

Theo Ulrich Luz[18], một cách dễ dàng người ta có thể chia Kinh Lạy Cha trong phúc âm thánh Mát-thêu làm hai phần. Phần 1 gồm ba lời cầu xin đầu tiên hướng trực tiếp về « Cha » (câu 9-10), và phần 2 với 4 lời cầu xin hướng về « chúng con » (câu 11-13). Theo anh em nhà Hurault, thì « trong Mát-thêu, có 12 vế làm thành 7 ý nguyện : hai con số hoàn hảo. Ba ý nguyện (con số ba ngôi) quy về Thiên Chúa, bốn ý nguyện (con số 4 phương mặt đất) liên quan đến chúng ta »[19]. Và theo Đức thánh Cha Biển Đức 16, thì kinh Lạy Cha gồm lời mở đầu và 7 lời cầu xin. Ba lời cầu xin đầu tiên quy về những điều của Thiên Chúa trong tương quan với thế giới này, và bốn lời cầu xin sau diễn tả những niềm hy vọng, những nhu cầu và những khó khăn của chúng ta. Tiếp đến, Đức Thánh Cha so sánh kinh Lạy Cha với bảng Mười điều răn. Trong nền tảng, Mười điều răn cũng được chia làm hai phần. Phần đầu tiên là những giới răn liên quan đến Thiên Chúa (giới răn 1-3), và phần thứ hai (giới răn 4-10) là những giới răn dạy yêu thương tha nhân. Đó như là một cách thức chỉ đường dẫn vào con đường của tình yêu. Và kinh Lạy Cha cũng vậy, phần đầu tiên hướng về Thiên Chúa. Điều này có ý nghĩa: Để có thể cầu nguyện cho tốt, thì trước hết con người phải đứng trong sự thật, trong chân lý. Mà chân lý đó chính là Thiên Chúa và vương quốc của Ngài (x. Mt 6,33). Như vậy, khi bước vào cầu nguyện, chúng ta cần phải ra khỏi chính mình, và mở lòng ra với Thiên Chúa. Tiếp đến chúng ta được dẫn bước đến con đường của nhân loại, của chính chúng ta. Trên con đường đó, chúng ta đi tới chỗ cuối cùng, xuống tới chỗ mà sự dữ đang đe dọa nhân loại. Nhưng chính ở chỗ sâu thẳm hiểm nguy đó, chính ở điểm cuối cùng đó, điểm bắt đầu vẫn hiện diện, Thiên Chúa là khởi nguyên của chúng ta vẫn hiện diện bên cạnh chúng ta, và bàn tay của Ngài vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng đang nắm lấy bàn tay yếu đuối của chúng ta và sẵn sàng che chở và cứu rỗi chúng ta[20].

Tầm mức quan trọng của kinh Lạy Cha.

Theo Tertulian, thì Kinh Lạy Cha như là bản tóm tắt toàn bộ giáo lý đức tin và luân lý, cũng như tóm tắt toàn bộ Tin Mừng của Đức Kitô. Còn với thánh Tôma Aquinô thì: “Lời kinh Chúa dạy là lời cầu nguyện tuyệt hảo...Nhưng trong lời kinh đó, không những chúng ta cầu xin những điều chúng ta có thể ước ao cách chính đáng, mà còn theo một trật tự những điều ao ước nữa: như vậy, lời kinh này không những dạy chúng ta cầu xin, mà còn huấn luyện toàn thể tâm tình của chúng ta”[21].

Ngoài ra, kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm bài giảng trên núi (Mt 5-7), và lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện[22]. Nằm trung tâm ở bài giảng trên núi, kinh Lạy Cha phải có một ý nghĩa nhất định. Theo Luz, thì sau khi các môn đệ được dạy dỗ về những huấn giáo mà họ cần tập sống để trở nên hoàn thiện (Mt 5, 20-48), thì họ được dẫn vào trong trung tâm của bài giảng trên núi để học biết cầu nguyện, và đặc biệt học biết về thánh ý của Cha trên trời. Thánh ý này không mang sắc thái hủy diệt, cũng không phải là sự đòi hỏi quá sức của con người, mà thánh ý của Cha có sức chữa lành và đem lại ơn cứu độ. Như thế, con đường tập sống nên hoàn thiện được nối kết với con đường cầu nguyện. Và từ con đường cầu nguyện, con đường tập sống theo tinh thần của Chúa lại tiếp tục được mở ra và được đào sâu hơn. Như thế, hoạt động và cầu nguyện luôn có sự nối kết chặt chẽ. Đó là điểm đặc biệt mà Mát-thêu muốn diễn tả trong bài giảng trên núi[23]. Cũng trong ý nghĩa này, chúng ta đọc được trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo: “Bài giảng trên núi là giáo huấn để sống, Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện, nhưng trong cả hai, Thần Khí của Chúa đem lại thể thức mới cho những ao ước của chúng ta, cho những biến chuyển nội tâm làm sinh động cuộc đời chúng ta. Chúa Giêsu dùng lời Người dạy chúng ta về cuộc đời mới và dạy chúng ta nài xin cuộc đời mới này bằng cầu nguyện. Sự trung thực của cuộc đời chúng ta trong Người sẽ tuỳ thuộc vào sự trung thực của lời cầu nguyện của chúng ta”[24].

Kinh Lạy Cha còn là lời kinh mới tương hợp với giao ước mới. Đó chính là bầu mới chứa đựng rượu mới. Vì thế, lời kinh Lạy Cha không chỉ là lời cầu nguyện nền tảng của Kitô giáo, mà còn là một trong các bản văn nền tảng của tín lý.[25].

Hơn nữa, trong giáo hội tiên khởi, kinh Lạy Cha được coi là một báu vật trong kho tàng thánh của giáo hội, nên kinh Lạy Cha được giành riêng cho những tín hữu thuộc về giáo hội cách trọn vẹn. Vì thế, kinh Lạy Cha không được phép đưa cho những người ngoài giáo hội cầu nguyện. Và trong một thời gian lâu, từ thế kỷ thứ ba trở đi, người Kitô hữu được khuyên phải trân trọng kinh Lạy Cha và không được cầu nguyện cách cẩu thả. Dựa vào tầm quan trọng nền tảng và vì được tín hữu cầu nguyện thường xuyên, nên kinh Lạy Cha là lời kinh được sử dụng nhiều nhất, không có lời kinh nào sánh bằng.

Trung thành với truyền thống của Giáo Hội, kinh Lạy Cha vẫn đóng vai trò quan trọng trong Hội Thánh Công Giáo. Thật vậy, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đã gọi kinh Lạy Cha là “Lời Kinh của Hội Thánh – Oratio Ecclesiae”[26]. Vì thế, kinh Lạy Cha được đưa vào trong phụng vụ và kinh nguyện của Hội Thánh, ngay từ thời giáo hội tiên khởi[27], cho đến hôm nay.

Kinh Lạy Cha trong phụng vụ.

Kinh Lạy Cha được đưa vào trong phụng vụ khi nào, chúng ta không thể xác định cách chính xác được nữa. Nhưng theo thánh Cyril thành Giêrusalem (+ 387), thì kinh Lạy Cha được đặt sau phần lời nguyện giáo dân, trước phần phụng vụ Thánh Thể của thánh lễ. Vào khoảng năm 400, trong giáo hội Châu Phi, kinh Lạy Cha được đặt ngay trước phần chúc bình an. Trong nghi thức phụng vụ hiện nay, ước đoán rằng chính Thánh Giáo Hoàng Gregors cả đưa kinh Lạy Cha vào và ấn định vị trí, nghĩa là trước phần chúc bình an và sau kinh nguyện Thánh Thể. Theo Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, “trong phụng vụ Thánh Thể, lời kinh Chúa dạy rõ ràng mang tính cách là lời kinh của toàn thể Hội Thánh, với đầy đủ ý nghĩa và hiệu năng. Được đặt giữa kinh nguyện Thánh Thể và phụng vụ hiệp lễ, kinh Lạy Cha một đàng gồm tóm mọi lời cầu xin và chuyển cầu đã được diễn tả sau kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần, và đàng khác, lời kinh này gõ cửa Bàn tiệc Nước Trời mà việc hiệp lễ là tiền dự”.[28]

Ngoài ra, trong giáo lý, kinh Lạy Cha đóng vai trò quan trọng như là bản tóm tắt và tổng hợp giáo lý Kitô giáo, và như lời kinh nền tảng cho tất cả mọi tín hữu. Đặc biệt, người tân tòng đón nhận kinh Lạy Cha như là bản tóm lược của chân lý mới mà họ « bước vào ». Như vậy kinh Lạy Cha như là lời cầu nguyện của những ai được tái sinh trong Chúa Thánh Thần. Thật vậy, “trong bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, nghi thức trao kinh Lạy Cha nói lên ý nghĩa việc sinh hạ mới vào sự sống thần linh.Vì việc cầu nguyện của Kitô giáo là ngỏ lời với Thiên Chúa bằng chính lời của Thiên Chúa, nên những người “đã được tái sinh..., nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống” (1Pr 1, 23) học kêu cầu Cha của mình, bằng Lời duy nhất mà Cha luôn đoái nhận. Và từ nay trở đi, họ có thể làm như thế, bởi vì ấn tín của việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần đã ghi dấu không thể xoá nhoà trong lòng họ, trên tai họ, trên môi họ, trên trọn vẹn thực tại làm con của họ”[29].

Và qua chính Thánh Thần Chúa, kinh Lạy Cha của Giáo Hội cũng trở nên lời kinh cầu nguyện tuyệt vời của mỗi cá nhân, của từng thành phần trong Giáo Hội[30].

Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện căn bản.

Trong phương diện thiêng liêng và đạo đức, giáo huấn của các tông đồ khuyên cầu nguyện kinh Lạy Cha mỗi ngày 3 lần (x.Did 8,3)[31]. Ngoài ra, Cyprian đề nghị thêm hai lần nữa trong ngày, vào lúc bình minh và khi hoàng hôn. Còn đối với thánh Âu-tinh, thì một ngày sống sẽ không qua đi, nếu trong ngày đó người Kitô hữu không cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Và thánh Âu-tinh cũng nhắc nhớ rằng: “Bạn hãy rảo qua mọi lời cầu nguyện có trong các Sách Thánh, như tôi thiết nghĩ, bạn sẽ thấy không có điều gì mà Lời Kinh Chúa dạy lại không chứa đựng và bao gồm”[32].

Trong thời Trung Cổ, kinh Lạy Cha đóng vai trò quan trọng trong giờ kinh phụng vụ của các tu sĩ, nhưng đối với giáo dân thì kinh Lạy Cha từ từ bị quên lãng. Vào cuối thời Trung Cổ và từ thời Tin Lành cải cách, thì kinh Lạy Cha tìm lại được chỗ đứng của mình trong đời sống đạo đức của giáo dân. Với Luther, thì kinh Lạy Cha không chỉ là bản văn nền tảng cho việc dạy Giáo Lý, mà còn là nguồn cho đời sống đạo đức[33].

Trong ý nghĩa thiêng liêng, một số vị thánh coi kinh Lạy Cha như là con đường dẫn họ đến với Cha trên trời, để khám phá sâu hơn tình yêu của Thiên Chúa là Cha. Thánh Phan-xi-cô khó nghèo, khi suy niệm kinh Lạy Cha, ngay tại hai chữ đầu tiên « Lạy Cha », thánh nhân đã « tuyên xưng » Cha trên trời là Đấng chí thánh và là Đấng tạo dựng chúng ta, cứu rỗi và an ủi chúng ta[34]. Thánh Tê-rê-sa A-vi-la, trong cuốn «Chemin de perfection», ở phần dẫn nhập vào những từ ngữ đầu tiên của kinh Lạy Cha, đã thốt lên những tâm tình sau : « Lạy Cha chúng con ở trên trời !...Ô ! thật là chính đáng khi linh hồn bước vào trong cõi thâm sâu của mình. Linh hồn có thể vươn lên trên chính mình, và lắng nghe lời của Chúa Con chỉ cho thấy nơi mà chính Cha của linh hồn đang cư ngụ, Cha đang ngự ở trên trời. »[35]. Và đối với thánh Tê-rê-sa Hài Đồng thì : « Đôi lúc, khi tâm hồn tôi khô khan tột cùng đến nỗi tôi không tìm đâu ra một tâm tình hay suy nghĩ nhỏ bé nào giúp tôi kết hiệp với Thiên Chúa nhân lành, thì tôi liền nhẩm đi nhắc lại lời kinh Lạy Cha và kinh Truyền Tin. Chính những lời kinh này đã đưa lại cho tôi niềm vui, và nuôi dưỡng linh hồn tôi với những « thức ăn » thiêng liêng bổ ích[36] ».

Kinh Lạy Cha với ba thời điểm thiêng liêng.

Theo Martini[37] , dựa vào cấu trúc của kinh Lạy Cha, chúng ta có thể nhận ra được ba thời điểm thiêng liêng được diễn tả sống động qua hình ảnh của những giếng nước ở một số công viên. Thời điểm đầu tiên tương hợp với hình ảnh của các tia nước phát xuất từ nguồn nước. Thời điểm thứ hai là hình ảnh các tia nước bắn lên trên cao và hình ảnh thứ ba là lúc các tia nước rơi xuống và bắn tung tóe.

Thời điểm thiêng liêng đầu tiên là tại nguồn nước, lời cầu nguyện “lạy Cha” được cất lên trong tinh thần trẻ thơ. Nghĩa là, khi thưa “lạy Cha” là người cầu nguyện như những trẻ thơ trước mặt Cha trên trời, đang sống động lại bí tích Thánh Tẩy. Thật vậy, tinh thần trẻ thơ là nền tảng cho những lời cầu nguyện. Thái độ của trẻ thơ đối với người Kitô hữu mang một ý nghĩa quan trọng, vì đời sống vĩnh cửu hệ tại ở tinh thần và đời sống trẻ thơ. Đối với Martini, cũng thật là ý nghĩa để nhấn mạnh rằng, chúng ta có thể kêu lên “lạy Cha” trước mỗi lời cầu xin trong lời kinh Lạy Cha: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển; lạy Cha, xin cho triều đại Cha mau đến; lạy Cha, xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời; lạy Cha, xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; lạy Cha, xin tha tội cho chúng con; lạy Cha, xin gìn giữ chúng con trước các cơn cám dỗ và lạy Cha, xin cứu chúng con ra khỏi sự dữ.

Thời điểm thứ hai là những lời cầu xin với Cha trên trời như là những tia nước được bắn lên trời cao: “Nước Cha trị đến, danh Cha cả sáng, ý Cha thể hiện”. Những tâm hồn đã được thanh tẩy, với sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa đang ngẩng đầu lên hướng về trời cao, hướng về Cha để cầu nguyện với Cha, Đấng tạo dựng, Đấng là trung tâm điểm của cuộc sống.

Thời điểm thứ ba là những tia nước được bắn lên giờ đây lại rơi xuống. Nghĩa là, chúng ta đang được Thánh Thần Chúa ngự xuống và tràn đầy vào cuộc sống chúng ta. Hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống diễn tả tâm tình chúng ta đang đói khát, chúng ta đang cần đến sự thứ tha, chúng ta yếu đuối và bất cứ lúc nào cũng có thể rơi vào những cám dỗ. Vì thế, khi chúng ta cầu nguyện với kinh Lạy Cha, là lúc chúng ta đang “trằn trọc” với chính cuộc sống và sự hiện diện của mình: Lạy Cha, xin đừng để con rơi vào những cám dỗ. Cha thấy đấy, con luôn phải đối diện với biết bao nhiêu cạm bẫy, và con cũng yếu đuối, mệt mỏi, dễ vỡ và mỏng dòn biết bao. Xin hãy cứu con ra khỏi tất cả những chướng ngại nguy hiểm ngăn cản con đến để gặp gỡ Cha, tin tưởng vào Cha và yêu thương Cha. Đó là ba thời điểm thiêng liêng mà Martini diễn giải. Giờ đây xin đi vào tâm tình suy niệm lời kinh tuyệt hảo này.

----------------------

[1] X. O´ COLLIN G., The Lord´s prayer, Darton, Longman and Todd Ltd., London 2006, trang (t).xii.

[2] GOTTFRIED B./ HUNZE G., trong “Lexicon für theologie und Kirche”, zehnte Band, Herder Verlag, Freiburg-Basel-Rom-Wien 2001, cột (c.) 549.

[3] X. LUZ U., EKK, „Das Evangelium nach Matthäus“, 1.Teilband (Mt 1-7), Benziger Verlag und Neukirchener Verlag, Zürich, Einsiedeln, Köln 1985, t.339.

[4] Để tìm hiểu thêm về kinh cầu 18 (Schemone Esre) và kinh Qaddisch của Do-thái giáo, và so sánh các kinh này với kinh Lạy Cha, có thể tham khảo các tác phẩm sau : (1) BILLERBECK I, t.406tt ; (2) BILLERBECK IV, t.208tt và (3) GNILKA Joachim, das Matthaeusevangelium, teil 1, t.212-213 và (4) BONNARD P., DUPONT J., REFOULE F., Notre père qui est aux cieux, t.22-28.

[5] Trích dẫn bởi Refoule, trong tác phẩm của BONNARD P., DUPONT J., REFOULE F., Notre père qui est aux cieux, Cerf, Paris 1968, t.23.

[6] Trích dẫn bởi Refoule, trong tác phẩm của BONNARD P., DUPONT J., REFOULE F., Notre père qui est aux cieux, t.26.

[7] X. BONNARD P., DUPONT J., REFOULE F., Notre père qui est aux cieux, t.27-28.

[8] X. LUZ U., EKK, „Das Evangelium nach Matthäus“, 1.Teilband (Mt 1-7), t. 350.

[9] Xem (X.) WENGST Klaus, Didache - Banabasbrief - zweiter Klemensbrief - Schrift an Diognet,

[10] X. BONNARD P., DUPONT J., REFOULE F., Notre père qui est aux cieux, t.17-19.

[11] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, Desclée, Paris 1987, t.47.

[12] X. JEREMIAS J., “Das Vater-Unser”, Calwer Verlag, Stuttgart 1962, t.11.

[13] X. WENGST Klaus, Didache - Banabasbrief - zweiter Klemensbrief - Schrift an Diognet, t.63.

[14] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Bản tiếng Việt của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2009, số 2765, t.766.

[15] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband (Mt 1-7), t.336. Và x. BORING E., trong NIB – The new interpreter´s Bible, Volume VIII, Abingdon Press, Nashville 1995, t.202.

[16] X. GNILKA J., Das Matthaeusevangelium, 1. Teil, Herder Verlag, Freiburg - Basel - Wien 1986, t.212.

[17] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband (Mt 1-7), t.351.

[18] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband (Mt 1-7), t.334.

[19] Chú thích Mt 6 ,9 của Hurault B., trong « Lời Chúa cho mọi người », Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, bản dịch của nhóm Phiên dịch các giờ kinh phụng vụ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2006, t. 1594.

[20] RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, Herder Verlag, 3. Auflage, Freiburg – Basel – Wien 2007, t.168.

[21] Trích trong “Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo”, số 2763, t.766.

[22] X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2763, t.765.

[23] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband (Mt 1-7), t.352.

[24] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2764, t.766.

[25] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband, t.336-337 và x. Martini, Ne méprisez pá la Parole, t. 9.

[26] https://drive.google.com/file/d/0B-_JDLZpIaA3VzAyLXZVWXpQZTQ/view?usp=sharing

[27] X. JEREMIAS J., “Das Vater-Unser”, t.7.

[28] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2770, t.767-768.

[29] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2769, t.767.

[30] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband , t.337-340.

[31] X. WENGST Klaus, Didache - Banabasbrief - zweiter Klemensbrief - Schrift an Diognet, t.79.

[32] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2762, t.765.

[33] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband, t.338.

[34] X. HAMMAN Adalbert G., Le notre Pére dans l’église ancienne, Les Editions Franciscaines, Paris 1995, t.222.

[35] THERESE d´ Avila, Le chemin de perfection, Les édition du Cerf, Paris 1981, p.124.

[36] X. MARTINI trích dẫn trong Ne méprisez pas la Parole, Bayard, Paris 2007, t.11.

[37] X. MARTINI, C.M., Mein spirituelles Wörterbuch, Pattloch, Ausburg 1998, t.167-168.


PHẦN 1: KHI CẦU NGUYỆN, ANH EM ĐỪNG LẢI NHẢI NHƯ DÂN NGOẠI; HỌ NGHĨ RẰNG: CỨ NÓI NHIỀU LÀ ĐƯỢC NHẬN LỜI. ĐỪNG BẮT CHƯỚC HỌ, VÌ CHA ANH EM ĐÃ BIẾT RÕ ANH EM CẦN GÌ, TRƯỚC KHI ANH EM CẦU XIN.

Đừng lải nhải như dân ngoại.

Chắc chắn dân ngoại cũng có những lời cầu nguyện vắn tắt và có nội dung rất sâu sắc, nhưng bình thường thì sự lải nhải là điều mà dân ngoại thường làm khi cầu nguyện với các thần thánh của họ. Phải chăng họ nghĩ rằng, họ cần phải nói nhiều, phải lải nhải không ngừng trong lúc cầu nguyện, mới có thể làm cho các vị thần thánh xuôi lòng và « đưa tai ra hứng » những điều họ cầu xin, hay vì những lời lải nhải của họ sẽ làm cho các thần thánh đến một lúc nào đó phải « xiêu lòng». Có những người ngoại, khi cầu nguyện với thần thánh, họ kêu tới kêu lui đến 50 lần tên của vị thần thánh đó, trước khi họ mở lời xin vị thần thánh đó điều gì[1]. Phải chăng qua đó họ đỡ bị bối rối ? Phải chăng vị thần thánh của họ ở quá xa, nên họ phải gào lên, và cứ lải nhải kêu cho đến khi vị thần thánh kia xuất hiện ? Chúa Giêsu đã liên hệ đến kiểu cầu nguyện lải nhải nhiều lời của dân ngoại, để làm bài học cho các môn đệ của mình, khi Ngài dạy các ông cầu nguyện với Cha trên trời bằng tấm lòng chân thành.

Cầu nguyện với Cha bằng tấm lòng chân thành.

Thiên Chúa là Cha trên trời mong chờ tấm lòng chân thành chứ không phải của lễ sang trọng, và Ngài cũng không thích thú gì với những lời bóng bảy hay những lời cầu nguyện lải nhải dài dòng và rỗng tuếch. Nói khác đi, lời cầu nguyện và những thái độ thờ lạy phát ra ngoài miệng phải tương hợp với tâm hồn bên trong. Hy tế và hò la có nhiều đến đâu cũng vô ích, cái quan trọng là tâm hồn của mỗi người[2]:

« Chúa chẳng ưa hy lễ và hiến tế…

Lạy Chúa, sách đã chép về con

Rằng con thích làm theo ý Chúa,

Tận đáy lòng, ấp ủ luật Ngài.” (TV 39).

Nội tâm hoá là một đòi hỏi trường kỳ của Tin mừng. Đức Giêsu bảo người phụ nữ Samari: “Này chị, hãy tin Tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem… những người đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong theo thần khí và sự thật”. (Ga 4, 21-23).

Vì thế, « đừng bắt chước họ », đừng bắt chước dân ngoại. Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời rất xa nhưng cũng rất gần. Ngài « đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin ». Nghĩa là Ngài biết tất cả và nhìn thấu tất cả, cả những gì tiềm ẩn nơi kín đáo nhất. Đôi mắt thấu hiểu của Ngài là đôi mắt của người cha, chứ không phải là đôi mắt lạnh lùng đầy phê bình và nghi vấn của một triết gia hay nhà nghiên cứu. Thiên Chúa nhìn bằng đôi mắt của tình yêu. Ngài biết điều gì chúng ta đang cần tới, vì thế chúng ta không cần phải gào thét lên và cũng chẳng phải lải nhải nhiều lời để làm cho Thiên Chúa phải chú ý tới. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không còn phải cầu nguyện nữa, không còn phải kêu xin Thiên Chúa nữa. Chúng ta vẫn tiếp tục cầu nguyện và hơn nữa cần phải cầu nguyện không ngừng như thánh Phao-lô khuyên nhủ (x. 1Tx 5,17). Và trong khi cầu nguyện chúng ta ý thức rằng, Thiên Chúa và tình yêu của Ngài đang hiện diện bên cạnh chúng ta, và như người cha nhân từ, Thiên Chúa lắng nghe chúng ta. Sự lắng nghe và hiện diện của Chúa động viên chúng ta tiếp tục chạy đến với Chúa và kêu cầu cùng Ngài. Đức Kitô khuyên chúng ta đừng lải nhải nhiều lời khi cầu nguyện, nhưng Ngài cũng động viên chúng ta ý thức kêu xin cùng Thiên Chúa: « Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. » (Mt 7, 7-8). Vâng, lời cầu nguyện kêu xin của Kitô hữu không bao giờ thừa thãi cả.

Hơn nữa, lời cầu nguyện của chúng ta cũng không phải là nguyên nhân cho các ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta nhận được, mà là dấu hiệu chỉ ra rằng, chính Thiên Chúa đã chuẩn bị và ban phát các ân sủng đó cho chúng ta. Nghĩa là lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dạy chúng ta dựa trên sự lắng nghe và sự hiện diện tình yêu của Thiên Chúa. Vâng, « Nếu Thiên Chúa càng ở sâu trong chúng ta, thì chúng ta càng ở gần Thiên Chúa trong những lời cầu nguyện »[3].

Như vậy, nếu Thiên Chúa hiện diện bên cạnh chúng ta với tình yêu của một người Cha, và lắng nghe chúng ta bằng đôi tai và con tim nhân từ, thì chúng ta cần ý thức chuẩn bị sao cho lời cầu nguyện của chúng ta cũng phát xuất từ chính con tim khiêm nhường của mình. Dù có nhiều yếu đuối và lầm lỡ nhưng thật chân thành chạy đến với Cha. Không cần nhiều lời, nhưng rất đơn sơ xin Cha tha thứ những lầm lỡ của chúng ta, xin Cha ban cho chúng ta của ăn mỗi ngày sống, xin Cha che chở thân phận mỏng dòn dễ vỡ trước sức mạnh của sóng to gió lớn trên biển đời, và xin Cha cứu chúng ta ra khỏi bóng đêm đe dọa nuốt chửng tia sáng nhỏ bé là chính chúng ta. Có như vậy, thì lời cầu nguyện chúng ta sẽ đẹp lòng Thiên Chúa, vì lời cầu nguyện luôn hiệp nhất với tinh thần và tâm hồn chân thành, vì lời cầu nguyện của con người có chung một nhịp điệu với Thần Khí của Thiên Chúa. (Ss. Tu luật thánh Biển Đức, số 19,7)[4]. Trong tâm tình của người con khiêm tốn và đơn sơ, chúng ta ngước mặt lên trời và cầu nguyện cùng Cha, Đấng ngự trên trời.

--------------------------

[1] X. TRILLING W., Das Evangelium nach Mathaeus, 1.Teil, patmos Verlag, Düsseldorf 1962, t.144-145.

[2] HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.22.

[3] RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t. 164.

[4] Tu luật thánh Biển Đức. Bản tiếng Việt của Đan Viện Thánh Mẫu Maria, Nữ Biển Đức, Thủ Đức (Lưu hành nội bộ).


PHẦN 2: VẬY, ANH EM HÃY CẦU NGUYỆN NHƯ THẾ NÀY: LẠY CHA CHÚNG CON LÀ ĐẤNG NGỰ TRÊN TRỜI, XIN LÀM CHO DANH THÁNH CHA VINH HIỂN.

Nguyên lý và nền tảng của kinh Lạy Cha.

Trong những trang đầu tiên của sách Linh Thao, thánh I-Nhã đưa ra chủ đề « nguyên lý và nền tảng », trong đó I-Nhã nhắc đến mục đích của cuộc sống của con người, nhắc đến tương quan giữa con người với Thiên Chúa, cũng như thái độ nền tảng cần có để con người có thể đi tìm thánh ý Chúa và tập sống theo điều Chúa muốn cho con người, hầu con người có thể đạt đến được cứu cánh của mình (ss. Linh Thao số 23). Theo Martini, chúng ta cũng có thể tự hỏi xem, trong kinh Lạy Cha có « nguyên lý và nền tảng » không ? Câu trả lời là chắc chắn có. Trong phần đầu của kinh Lạy Cha chứa đựng những nguyên lý rất nền tảng cho đời sống thường ngày của con người, đặc biệt trong ba lời cầu xin đầu tiên hướng về Cha trên trời chỉ ra nguyên lý nền tảng của đời sống con người, trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là Cha trên trời[1].

« Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời ». Kinh Lạy Cha bắt đầu như vậy. Lời cầu nguyện bắt đầu bằng hai từ « Lạy Cha » là một điều rất lạ. Không có Thánh Vịnh nào bắt đầu như thế. Vậy thì sự bắt đầu với việc kêu lên « Cha » có ý nghĩa gì ? Chúng ta cần phải tìm hiểu về ý nghĩa của điều này, bằng cách chúng ta cùng đi vào phần suy niệm và tìm hiểu từ ngữ « Cha ».

« Cha » trong ý nghĩa tự nhiên của cuộc sống.

Trước hết, từ ngữ « Cha » trong bản chất của nó chứa đựng nhiều yếu tố tình cảm. Một số người có những tương quan rất sống động và gần gũi với cha đẻ của mình từ thời ấu thơ, nhưng cũng có người lại không cảm thấy gần gũi với cha mình lắm. Đó là điều bình thường. Nhưng dù thế nào, thì cách gọi « Cha » đều đụng tới nhiều khía cạnh của tâm hồn chúng ta. Nói chung, cách gọi « Cha » chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu. Trước hết, cha cùng với mẹ, qua sự kết hiệp của cả hai, sinh ra một mầm sống mới, một người con. Sau khi sinh con ra, người Cha đóng vai trò giáo dục con cái qua chính cách thức riêng của mình, nghĩa là với sức mạnh và với quyền thế. Vì thế, trong khi giáo dục con cái, đôi khi cha cũng cần phải có những hình phạt, nhưng hình phạt của cha luôn luôn đi đôi với tình yêu thương. Ngoài ra, một cách nào đó, người cha cũng đóng vai trò chính yếu trong việc cung cấp lương thực và nuôi sống con cái và gia đình. Hơn nữa, cha cũng sẵn sàng bảo vệ và che chở con mình. Đôi bàn tay của cha chính là chỗ nương ẩn cho những đứa con thơ bé. Nếu chúng ta quan sát, sẽ thấy các em bé thường hay nhảy vào lòng cha, khi có gì đe dọa các em. Người Cha sẽ ôm con vào lòng, và sẽ che chở con mình. Như vậy, cha chính là biểu tượng cho sự ẩn núp và cho sự trợ lực. Hơn nữa, cha cũng diễn tả tinh thần của truyền thống, của giống nòi. Khi chúng ta kêu « cha », chúng ta cũng đụng tới chính nguồn gốc của chúng ta và cả căn tính của chúng ta. Theo Martini, từ ngữ “cha” trong kinh Lạy Cha mà Chúa Giê-su dạy chứa đựng tất cả những ý nghĩa vừa kể trên[2].

Nhưng không chỉ vậy, từ « Cha » trong kinh Lạy Cha phải còn có nhiều ý nghĩa khác nữa, vì một điều rõ ràng là « Cha » trong kinh Lạy Cha hướng về Thiên Chúa Cha trên trời. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu về hình ảnh Thiên Chúa là Cha trong kinh Lạy Cha, thiết nghĩ cũng nên tìm hiểu chút về hình ảnh Thiên Chúa là Cha trong Cựu Ước.

Cựu Ước có gọi Thiên Chúa là Cha không?

Trong Cựu Ước Thiên Chúa ít khi được gọi là Cha. Khi Thiên Chúa được nhắc đến như là người Cha trong Cựu Ước, thì tình phụ tử của Thiên Chúa không giành cho tất cả mọi người trên trái đất, mà chỉ giành cho những người được Thiên Chúa tuyển lựa. Dân Ít-ra-en được coi là những người được Thiên Chúa chọn và là những người con đầu tiên[3]. Khi dân Ít-ra-en phải làm nô lệ bên Ai-cập, Thiên Chúa đã gởi một sứ điệp cho vua Pha-ra-ô: "ĐỨC CHÚA phán thế này: Con đầu lòng của Ta là Ít-ra-en. Ta đã phán với ngươi: Hãy thả con Ta ra để nó đi thờ phượng Ta." (Xh 4, 22-23). Chính Mô-sê cũng đã nêu bật tình phụ tử của Thiên Chúa trong bài ca của ông, bài ca ông gởi cho dân Ít-ra-en trước khi ông qua đời. Trong bài ca đó có câu:

“Những đứa con mà Chúa đã sinh ra không tì ố

lại lỗi đạo với Người, ôi nòi giống lưu manh tà vạy!

Hỡi dân tộc ngu si khờ dại,

ngươi đáp đền ơn ĐỨC CHÚA vậy sao?

Há chính Người chẳng phải cha ngươi,

Đấng dựng nên ngươi, Đấng tạo thành, củng cố?” (Đnl 32, 5-6).

Tình phụ tử của Thiên Chúa cũng được các tiên tri nhắc đến. Như tiên tri Hô-sê-a đã miêu tả sự chăm sóc của Thiên Chúa là Cha giành cho dân Ít-ra-en: “Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về” (Hs 11,1). Giê-rê-mi-a cũng giới thiệu khuôn mặt củaThiên Chúa là người Cha nhân từ:

“Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi,

Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng,

dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng,

trên đó chúng không còn vấp ngã.

Vì đối với Ít-ra-en, Ta là một người Cha,

còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng” (Gr 31, 9).

Tình phụ tử của Thiên Chúa cũng được tiên tri I-sa-i-a diễn tả thật dễ thương:

“Thế nhưng, lạy ĐỨC CHÚA, Ngài là Cha chúng con;

chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài,

chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con” (Is 64, 7).

Ngoài ra, thánh vịnh gia cũng nêu bật khuôn mặt người Cha của Thiên Chúa:

“Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA,

Người phán bảo tôi rằng: "Con là con của Cha,

ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2, 7).

"Ngài chính là Thân Phụ,

là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ! " (Tv 89, 27).

Và trong sách Khôn ngoan, Thiên Chúa được nhắc đến cách đặc biệt với hình ảnh là người Cha luôn thương yêu và dẫn dắt con cái của mình. Như trong đoạn 14,3: « Thế nhưng lạy Cha, chính Cha mới quan phòng hướng dẫn vì Cha đã vạch đường giữa biển, rẽ lối an toàn trên sóng nước ».

Như vậy, trong Cựu Ước Thiên Chúa được coi là Cha và dân Ít-ra-en được gọi là con. Tuy nhiên, đối với Cựu Ước tình cha con này không mang tính cách tự nhiên, mà được giới hạn trong sự chọn lựa của Thiên Chúa. Nghĩa là chỉ có những ai được chọn lựa mới được gọi là con của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước là thế, còn trong Tân Ước thì sao?

Chúa Giêsu với Cha trên trời.

Trong Tân Ước, Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa trên trời chính là Đấng mà Ngài gọi là Abba – Cha, và Thiên Chúa trên trời cũng gọi Ngài là Con yêu dấu. Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng : « Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.’ » (Mt 3, 16-17). Ngoài ra, khi Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Abba - Cha, thì Ngài không dựa trên nền tảng của Do-thái giáo, mà dựa trên tương quan có một không hai của Ngài với Thiên Chúa. Trong khi người ta không tìm thấy trong các tài liệu về cầu nguyện và phụng vụ của Do-thái giáo một chỗ nào dùng từ ngữ Abba để chỉ cho Thiên Chúa, thì Chúa Giê-su lại luôn dùng từ ngữ Abba để chỉ về Thiên Chúa, ngoại trừ tiếng kêu của Ngài trên thập tự (x. Mk 15, 34). Vì thế, cách gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi, là cách gọi riêng của Chúa Giê-su,[4] một cách gọi rất thân thương và mang tính cách gia đình. Theo Tertullianô, thì “danh hiệu Thiên Chúa là Cha, chưa từng được bày tỏ cho một người nào cả. Cả khi ông Môisen hỏi Thiên Chúa là ai, ông chỉ được nghe một danh khác. Danh hiệu này được mạc khải cho chúng ta trong Chúa Con. Vì trước khi ‘Con’ đến, chưa có danh hiệu ‘Cha’”[5].

Nhưng tại sao, cách gọi Abba lại không được sử dụng trong những lời cầu nguyện và phụng vụ của Do-thái giáo? Theo Jeremias, thì người Do-thái tránh tối đa dùng những ngôn từ mang tính cách gia đình để gọi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng họ thờ lạy, nên không bao giờ họ nghĩ đến chuyện họ gọi Thiên Chúa là Abba[6].

Như vậy, cách thức cầu nguyện của Chúa Giê-su gọi Thiên Chúa là Abba thật là mới mẻ. Đó cũng là cách thức của một em bé dùng để kêu chính cha đẻ của mình, một cách thức xưng hô rất thân thương và chất chứa niềm tin tưởng mạnh mẽ[7], niềm tin luôn hướng về sự vâng lời Cha cách tuyệt đối mà chính Chúa Giê-su đã sống. Như vậy, khi Chúa Giê-su sử dụng cách thức xưng hô bình dị và thân tình này để cầu nguyện, thì Ngài muốn chỉ ra mối tương quan rất gần gũi và đầy tin tưởng của Ngài với Cha[8].

Từ ngữ Abba tương đương với ‘bố ơi, ba ơi hay tía ơi’ mà trẻ em Việt Nam thường dùng để gọi Cha mình, một từ ngữ chứa đầy lòng tin tưởng và sự thân tình, mà không có từ ngữ nào khác diễn tả được. Và cũng thật đặc biệt, khi trong tiếng Việt có thêm chữ « lạy » vào chữ « Cha », phải chăng khi người công giáo Việt Nam kêu lên “Lạy Cha” là một đàng họ muốn diễn tả lòng kính trọng tôn thờ Thượng Đế, tôn thờ Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng, và đàng khác họ cũng muốn diễn tả một tương quan rất thân tình với Đấng Tạo Dựng, với Thượng Đế, Ngài chính là Cha của chúng ta.

« Cha » là một từ ngữ xác định bản chất thật của Thiên Chúa, và nói lên quan hệ chặt chẽ nối kết Đức Giêsu với Thiên Chúa là Cha trên trời, một quan hệ diễn ra trong sự yêu thương nhau tuyệt vời khôn tả. Đó chính là tiếng gọi của Ngôi Con kết hợp với Cha, cũng như qua sứ mạng mà Cha đã giao cho Người là cứu thoát nhân loại. Chính vì thế, Đức Giêsu mới dám nói: « Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho Con ». Và vì yêu thương mọi người, nên Chúa Giêsu hướng dẫn mọi người bước vào trong tương quan thân tình với Cha.

Qua Đức Kitô, con người bước vào « căn nhà Cha-Con » với Thiên Chúa.

Thật vậy, “chúng ta có thể kêu cầu Thiên Chúa là ‘Cha’, bởi vì Con của Ngài nhập thể mạc khải cho chúng ta và vì Thần Khí của Ngài làm cho chúng ta nhận biết ngài. Điều con người không thể nhận biết và các cơ binh Thiên Thần không thể nhìn ra, về tương quan ngôi vị của Chúa Con với Chúa Cha, thì Thần Khí của Chúa Con đã làm cho chúng ta, những người tin Chúa Giêsu là Đức Kitô và là những người được sinh ra bởi Thiên Chúa, được tham dự vào trong tương quan đó”[9].

Từ khi sống lại, Đức Kitô càng cho các môn đệ chia sẻ sâu xa hơn thân phận làm Con Thiên Chúa của mình, là Con sống trong tương quan gần gũi với Cha. Người kết hợp mọi tín hữu lại với Người, thành một thân thể, thành một dân mới. Người sai Thánh Thần đến tập cho các tín hữu làm quen với mầu nhiệm kinh hoàng đó, mầu nhiệm đã làm cho họ trở thành con cái Chúa.

Như vậy, qua kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su mở cánh cửa cho phép tất cả các môn đệ cùng những tín hữu của Giáo Hội tiên khởi ngày xưa, và chúng ta ngày nay bước vào « căn nhà Cha-Con » với Thiên Chúa, cho phép chúng ta tham dự vào trong tình Cha-Con cao quý này. Tâm tình này được Henri Nouwen diễn tả rất sống động: “Gọi Thiên Chúa “Abba” là bước vào trong một tương quan thân mật và không sợ hãi, đầy tin tưởng và phó thác với Thiên Chúa như Chúa Giê-su vậy...Gọi Thiên Chúa “Abba, Cha ơi” (Rm 8,15; Gl 4,6) là một tiếng kêu từ con tim, một lời cầu nguyện tràn ra từ tận đáy lòng của con người”[10].

Và khi cầu nguyện « Lạy Cha chúng con », chúng ta, những Kitô hữu, nói lên một điều mà chỉ nhờ Tin Mừng chúng ta mới biết được: chỉ có một nhân vật có thể cho chúng ta biết rõ hết sự thật của cách gọi Lạy Cha, nhân vật đó là Người Con của Ngài, là Người Con độc nhất. Bởi đó cũng chỉ có Người mới xứng đáng gọi Cha ‘của Tôi’ và Cha ‘của anh em’ (Ga 20,17)[11]. Đối với Karl Rahner, khi nói về Cha của Chúa Giê-su Kitô, thì “Ngài cũng là Cha của chúng ta! Nhưng chỉ qua sứ điệp của niềm tin mà chúng ta biết được điều này, và điều này luôn là điều vĩ đại và bao la, nếu con người nhận biết Thiên Chúa là gì và chúng ta là gì”[12].

Thánh Phao-lô nói rằng : « Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Abba! Cha ơi! " Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. » (Rm 8, 15-16) và « Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha ơi! » (Gl 4,6). Chúa Giê-su đã ban tặng Thần Khí cho chúng ta, và trong Thần Khí của Ngài, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Cha của Giê-su cũng chính là Cha của chúng ta. Đó là một ân sủng vô cùng lớn lao của Đức Kitô và của Thần Khí ban tặng cho chúng ta.

Ân sủng càng cao quý, thì càng dễ làm cho lòng người bị rung động mạnh, và càng dễ đưa tâm hồn con người đến gần với tâm hồn của Cha trên trời. Cha Brémond có kể giai thoại về một thiếu nữ chăn bò cho một nữ tu viện chiêm niệm, mỗi lần đọc ‘Lạy Cha chúng con’ đều xuất thần: « Cô thiếu nữ kỳ diệu ấy, mặt ràn rụa nước mắt, đã xin Mẹ Marie de Valence dạy cho mình biết cách để đọc cho hết kinh Lạy Cha, vì theo ngôn ngữ của người miền núi, cô ta nói ‘Con không thể nào đọc hết kinh ấy. Từ gần 5 năm nay, mỗi khi thốt lên hai chữ ‘Lạy Cha’, và nghĩ rằng Đấng ở trên nơi cao kia, vừa nói cô vừa lấy ngón tay chỉ lên trời, chính là Cha con…Con liền khóc, và cả ngày, khi trông coi bò con cứ ở mãi trong trạng thái đó[13]. Chính kinh nghiệm đơn sơ và nhỏ bé của cô thiếu nữ nông thôn trên giúp cho chúng ta khám phá sâu hơn căn tính của người Kitô hữu chúng ta.

Căn tính người Kitô hữu: là con cái của Cha trên trời.

Ân sủng cao quý là con cái của Cha trên trời còn có giá trị hơn, khi chúng ta khám phá ra được chính mình và căn tính của mình qua kinh Lạy Cha.

Khám phá ra mình mang một thân phận thấp hèn, tội lỗi, nhưng được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và đón nhận, nghĩa là từ một đầy tớ xấu, nhờ ân sủng và tình yêu của Cha, chúng ta trở nên những người con ngoan. Thánh Ambrôsiô giúp chúng ta hiểu được điều này cách rõ ràng: “Hỡi con người, bạn không dám ngước mắt lên trời, bạn đưa mắt nhìn xuống đất, rồi bỗng nhiên, bạn nhận được ân sủng của Đức Kitô, mọi tội lỗi của bạn được tha thứ. Từ một người đầy tớ xấu, bạn được trở thành người con ngoan...Vậy, bạn hãy đưa mắt nhìn lên Chúa Cha, Đấng đã sinh ra bạn nhờ Phép Rửa, Đấng đã cứu chuộc bạn nhờ Con của Ngài, và hãy thưa: ‘Lạy Cha chúng con...’. Nhưng bạn đừng đòi hỏi điều gì riêng biệt. Thiên Chúa là Cha riêng biệt đối với Đức Kitô mà thôi, và là Cha chung của tất cả chúng ta, bởi vì Ngài đã sinh ra một mình Chúa Con, còn chúng ta thì được Ngài tạo dựng. Vì thế, nhờ ân sủng bạn hãy thưa: ‘Lạy Cha chúng con”, ngõ hầu bạn xứng đáng là con của Ngài”[14].

Khám phá ra căn tính cao quý của mình. Đó là giờ đây chúng ta là những người con trai, con gái của Cha trên trời. Để phần nào hiểu và ý thức được căn tính cao quý này, chúng ta cần phải giành thời gian để cầu nguyện và suy gẫm câu mở đầu của kinh Lạy Cha nhiều lần. Trước hết, căn tính là con cái của Cha trên trời được ban tặng cho chúng ta, khi chúng ta lãnh nhận bí tích thanh tẩy, và căn tính đó trải dài trong suốt hành trình cuộc sống của chúng ta. Hơn nữa trong nền tảng, căn tính là con cái của Cha trên trời đem lại cho chúng ta một niềm vui nội tâm sâu sa, và sự bình an tuyệt hảo, sự bình an của một trẻ thơ nép mình lòng Cha. Trong lòng Cha, tâm hồn của trẻ thơ an vui vô ngần. Và vui hơn nữa, khi trong bầu khí tĩnh lặng, trẻ thơ nghe được lời Cha dịu hiền vang lên: « Con là con yêu dấu của Cha », và thật đơn sơ trẻ thơ thưa lại rằng: « Thưa Cha »[15]. Đến đây, tôi nhớ lại một kinh nghiệm rất đặc biệt của cha Alfred Delp, một tu sĩ dòng Tên người Đức, trong chiến tranh thế giới thế hai, đã bị Phát-xít Đức bắt, bởi vì Ngài đã có những thái độ chống lại sự độc tài và bất công của chế độ. Cha Alfred kể lại rằng, khi bị tống giam vào ngục tù, một trong những điều đầu tiên các tù nhân nhận được, đó là họ được gắn vào trên ngực áo một con số như là căn tính mới của họ. Và tất cả đều phải nhớ nằm lòng con số của mình, vì từ đó trở đi các cai ngục sẽ không còn gọi tên của tù nhân nữa, mà chỉ gọi số tù của họ thôi. Như vậy, một cách nào đó, tên mà cha mẹ đẻ đã đặt cho giờ đây bị những kẻ ác độc tước mất. Và khi tước đi tên của người khác, thì chúng đang nhẫn tâm cắt đứt tất cả mối tương quan của họ. Ở đây là mối tương quan giữa tù nhân với gia đình, với bạn bè và với tất cả những người thân của họ. Hơn nữa, qua đó căn tính của con người bị đe dọa, và phẩm giá làm người bị xúc phạm cách trầm trọng. Suy nghĩ nhiều về điều này, Alfred Delp cảm thấy đau đớn vô cùng. Nhưng chính trong sự đau khổ đó, Alfred đã nhận được một sự ủi an sâu thẳm, khi cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Với Alfred, dù cuộc đời này tàn nhẫn và dã man cướp mất tên mà cha mẹ đẻ đã đặt cho, và thay vào đó là con số vô nghĩa kia, nhưng cuộc đời này không thể cướp mất tình phụ tử cao quý mà Cha trên trời giành cho Alfred.

Muôn muôn đời và trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong hoàn cảnh đau khổ nhất, mỗi người đều có thể hướng mắt lên trời và thân thưa : « Lạy Cha – thưa Cha – Cha ơi ». Thật vậy, không có bất cứ thế lực nào có thể lấy mất được tư cách, cùng căn tính làm con Cha trên trời của mỗi người chúng ta. Cũng vậy, không ai có thể « bẻ gãy » tương quan giữa chúng ta với Cha trên trời, vì chúng ta luôn là những người con được Cha trên trời yêu thương, Đấng mà chúng ta hằng tin tưởng và cậy trông .

Sống tâm tình cầu nguyện “Lạy Cha” là sống niềm tin vào Cha trên trời.

Khi chúng ta kêu « lạy Cha » hay « thưa Cha » hoặc “Cha ơi”, chúng ta cũng tuyên xưng niềm tin sâu sắc của mình vào Cha trên trời. Chính tình yêu của Đức Kitô, một tình yêu hiện diện nơi người mình yêu cho đến tận thế (x. Ga 13,1), chỉ ra chính bản chất nền tảng của Cha trên trời. Cha chúng ta ở trên trời chính là tình yêu, và Ngài cũng chính là nguồn mạch của mọi sự tốt lành và sự công chính, là thước đo và là mẫu gương của tất cả những ai đã hay đang ao ước trở nên thiện hảo. Vâng, « Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. » (Mt 5,45). Tiếp đến, Đức Kitô chỉ cho chúng ta nhận ra rõ hơn khuôn mặt của Cha trong phúc âm Mát-thêu : « Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao? » (Mt 7, 9-11). Còn Luca thì diễn tả như sau: « Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?» (Lc 11,13). Ở đây Luca muốn nói rằng, ân sủng và quà tặng của Thiên Chúa chính là Thiên Chúa. Sự tốt lành Ngài muốn ban tặng cho chúng ta là chính Ngài. Vâng, chỉ có món quà này là cần thiết. Khi có Chúa là có tất cả[16]. Thánh Tê-rê-sa Avila đã nói rằng : « Thiên Chúa đủ cho tôi ». Còn với Mary Ward thì : « Mọi sự không bao giờ đủ cho bạn, ngoại trừ Thiên Chúa ra ». Cầu nguyện là một con đường, trên đó chúng ta có thể sàng lọc và sửa đổi tất cả những ao ước và đam mê của mình, và từ từ chúng ta nhận ra điều duy nhất mà chúng ta cần tới. Đó chính là Thiên Chúa và Thần Khí của Ngài.

Trong niềm tin tuyên xưng Thiên Chúa là Cha trên trời của chúng ta, chúng ta vui mừng vì qua đó chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, và cùng với Đức Kitô được bước vào trong « ngôi nhà Cha-Con ». Sự thông hiệp của tình Cha Con với Thiên Chúa không dừng bước ở đó. Nói khác đi, tư cách làm con của Cha trên trời của chúng ta chưa kết thúc, mà chúng ta là con đó nhưng chúng ta vẫn ở trên đường tập sống để trở nên con của Cha trên trời, và hơn nữa mỗi ngày trở nên giống Cha hơn.

Sống tâm tình cầu nguyện “Lạy Cha” là quyết chí muốn nên giống Cha.

Ngay từ ngày đầu tiên khi được sinh vào cuộc đời, con người chúng ta đã được mang hình ảnh của Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Nhưng vì tội lỗi, con người đã đánh mất đi vẻ đẹp thanh cao của người con của thuở ban đầu. Tuy vậy, nhờ ân sủng, con người chúng ta được phục hồi việc nên giống Cha trên trời. Vì thế, trong ân sủng chúng ta cần phải cố gắng nỗ lực qua cách sống, cách suy nghĩ và hành xử của mình sao cho tương xứng với vai trò là con, những người con quyết chí muốn nên giống Cha, như lời Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).

Thánh Cyprianô cũng nhắn nhủ rằng: “Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta phải hành động như những người con của Thiên Chúa”. Còn thánh Gioan Kim Khẩu thì: “Anh em không thể gọi Thiên Chúa là Cha nhân lành nếu vẫn còn lòng độc ác và bất nhân; bởi vì anh em không còn giữ được trong mình chứng tích về sự nhân lành của Cha trên trời nữa”. Và thánh Grêgôriô Nyssênô mời gọi: “Hãy luôn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Cha trên trời, và phải tô điểm tâm hồn mình theo vẻ đẹp đó”[17].'

Thật vậy, nếu chúng ta càng gắn chặt với Cha, càng tin tưởng mạnh mẽ vào Cha, và càng sống gần gũi với Cha trong một ngôi nhà, thì chúng ta đang tô điểm mình theo vẻ đẹp của Cha, và càng dễ dàng trở nên người con giống Cha.

Như vậy, « là con » đồng nghĩa với tinh thần sống đức tin, và đồng nghĩa với tinh thần sống quyết tâm nên giống Cha. Và “là con”, chúng ta cũng luôn hướng nhìn lên Đức Kitô, là Anh Cả của chúng ta, Người Anh đã dẫn chúng ta đến với Cha. Người Anh đã sống theo tinh thần của Cha và sống kết hiệp mật thiết với Cha cách đặc biệt và sống trọn vẹn theo thánh ý của Cha.

Sống tâm tình cầu nguyện “Lạy Cha” là sống theo thánh ý của Cha.

« Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con. » (Ga 17,10). Đức Kitô đã thốt lên như vậy trong lời cầu nguyện của Ngài với Cha. Trong dụ ngôn người cha nhân hậu, người Cha cũng đã thốt lên một lời tương tự như vậy đối với người con cả: « Tất cả những gì của cha đều là của con. » (Lc 15,31). Trong sự kết hiệp sâu sắc với Cha, Đức Kitô luôn sống đúng tinh thần của Cha. Thánh Ý của Cha chính là lương thực nuôi sống Ngài, lương thực đó Đức Kitô khát khao đón nhận ngay cả những lúc bóng đêm đen tối bao phủ Ngài : « Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha. » (Mt 26,39). Chúng ta đừng quên rằng Đức Kitô đã lặp lại lời đó đến ba lần trong khi cầu nguyện trong vườn cây dầu (x. Mt 26, 42 và 44).

Như vậy, khi dạy chúng ta cầu nguyện « lạy Cha », Chúa Giê-su cũng mời gọi chúng ta, những anh chị em của Ngài, tham dự vào trong quyết định thật quả quyết, là sống thi hành trọn vẹn thánh ý Cha trên trời. Vâng, « ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi. » (Mt 12,50). “Sống thánh ý của Cha”, nói thì dễ nhưng trong thực tế thì thật khó. Không ít lần, vô ý hay hữu ý chúng ta sống ngược lại hoàn toàn với những gì Chúa dạy. Chúa Giê-su đã hiểu thấu sự cứng đầu và tội lỗi của con người chúng ta, là thường xuyên làm ngược lại thánh ý Chúa. Và cũng chính Đức Kitô đã đón nhận những hậu quả thật đau đớn của tội lỗi chúng ta gây nên. Đó là chính cái chết của Ngài trên thánh giá. Dù vậy, trước khi chết, Ngài vẫn nhân từ cầu cho chúng ta : « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. » (Lc 23, 34). Cái u muội đần độn của con người hy vọng sẽ là bài học quý báu cho mỗi người trong từng thế hệ. Mong sao chúng ta luôn ý thức tập sống luôn gần gũi với Cha trên trời, cả những lúc vui cũng như lúc buồn, cả những khi được an ủi cũng như khi buồn bã chán nản. Ước ao sao chúng ta luôn can đảm đi con đường mà Cha muốn chúng ta đi, con đường của tình yêu, của niềm tin tưởng, của vâng phục, của ăn năn và của trở về. Có như vậy thì ở chặng cuối của con đường đời, chúng ta có thể thốt lên như chính Đức Kitô : « Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. » (Lc 23,46).

Hy vọng lời kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc mỗi ngày « Lạy Cha chúng con ở trên trời », luôn sống động trong chúng ta. Nghĩa là, « khi chúng ta cầu nguyện như thế, thì chúng ta đang vâng phục thánh ý của Chúa » (Tertulian)[18]. Và lời kinh lạy Cha cũng nhắc nhớ chúng ta cẩn trọng đừng để ý riêng của chúng ta đi lệch với thánh ý của Chúa. Hơn nữa, một cách chân thực, người con giống cha không chỉ với khuôn mặt, mà cần giống cả cách cư xử nữa[19].

Tóm lại, có thể nói chữ ‘Cha’ diễn tả trọn vẹn mạc khải của Kitô giáo, diễn tả trọn vẹn đức tin của người tín hữu: quan hệ con thảo với Thiên Chúa của Đức Giêsu và, trong Người, quan hệ con thảo của mọi tín hữu. Thánh Augustin kết luận: « Con cái Thiên Chúa là thân thể của Con Một Thiên Chúa ». Chỉ nhờ đức tin ta mới được sinh ra từ nơi Thiên Chúa và mới sửng sốt khám phá ra rằng chúng ta có một « Cha ở trên trời »[20].

Như vậy, không phải nhờ trí tuệ, mà là nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta đã vượt qua được ngưỡng cửa của mầu nhiệm sâu thẳm ấy: trong mầu nhiệm đó, chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, là Đấng khai sinh ra sự sống mới, sự sống ấy đã vọt lên như một nguồn suối. Đức tin sẽ cắm chúng ta vào sâu nơi Thiên Chúa, cho chúng ta thông công với sức sống sâu xa của Người, mà theo lời của Clément (Alexandrie) sự sống đó là một « mùa xuân bất tận »[21]. Và ở trong mùa xuân vĩnh cửu này, chúng ta cùng hiệp thông với hai vị thánh cả chúc tụng cha trên trời. Trước hết cùng thánh Phê-rô: « Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. » (1P 1,3-4). Và cùng thánh Phao-lô : « Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. » (2Cr 1,3-4).

Hai lời chúc tụng trên thật đẹp biết bao. Ước sao, hai lời chúc tụng đó thực sự là những lời chúc tụng của chúng ta, những người con cầu nguyện cùng Cha: “Lạy Cha chúng con”.

Lời kinh số nhiều với từ ngữ « chúng con ».

Trong khi Luca (11,2) chỉ viết « Lạy Cha », thì Mát-thêu lại thêm vào hai từ « chúng con », để nhấn mạnh đến tinh thần hiệp thông của một cộng đoàn cầu nguyện. Như vậy, kinh Lạy Cha không chỉ là lời cầu nguyện của cá nhân, mà trên hết là lời cầu nguyện của cộng đoàn, của tập thể. Tinh thần cộng đoàn trong cầu nguyện cũng là điều quen thuộc đối với người Do-thái, vì đối với họ, khi cầu nguyện, tâm hồn của mỗi người cần phải hướng về và hiệp nhất với cộng đoàn của mình[22].

Còn đối với Giáo Hội Công Giáo thì : « Thật vậy, chúng ta gọi Ngài là Cha ‘chúng con’ vì Hội thánh của Ðức Kitô là sự hiệp thông gồm đông đảo anh em, tạo nên ‘một trái tim và một linh hồn’ (Cv 4,32) »[23]. Trong Thánh Lễ, mọi người trong cộng đoàn dân Chúa luôn hiệp thông cầu nguyện với kinh Lạy Cha qua chính lời mời gọi của chủ tế: « Chúng ta dám nguyện rằng. »

Khi chúng ta, cộng đoàn dân Chúa, đáp lời: “Lạy Cha chúng con”, là chúng ta thoát được chủ nghĩa cá nhân, bởi vì tình yêu, mà chúng ta đón nhận, giải thoát chúng ta khỏi điều đó. Thuật ngữ “chúng con”, ở đầu kinh Lạy Cha, cũng như thuật ngữ “chúng con” trong bốn lời xin cuối cùng, không loại trừ một ai. Để thật lòng đọc kinh Lạy Cha, chúng ta phải vượt qua mọi chia rẽ và đối nghịch[24].

Đối với Martini, « chúng con » ở đây còn được hiểu rộng hơn nữa, nghĩa là không chỉ giới hạn ở những tín hữu đã lãnh nhận bí tích rửa tội. « Chúng con » ở đây cũng chỉ đến những anh chị em « Kitô hữu vô danh ». Đó là thuật ngữ mà thần học gia Karl Rahner sử dụng đầu tiên để diễn tả những anh chị em dù không quen biết Đức Kitô, nhưng với tất cả sự ý thức, trong ân sủng của Đức Kitô, họ đang sống tinh thần của Đức Kitô. Họ cũng là những người con của Thiên Chúa là Cha trên trời[25]. Như vậy, khi chúng ta kêu lên « lạy Cha chúng con », tức là chúng ta đang hiệp thông với rất nhiều anh chị em rải rác trên mặt đất. Sự hiệp thông này vượt qua hàng rào của ngôn ngữ và văn hóa, của chủng tộc và quốc gia, của thành phần và giai cấp. Với thánh Âu-tinh, thì khi chúng ta cầu nguyện « lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời », là lúc chúng ta khởi đi từ một gia đình thật lớn. Trước mặt Cha ở trên trời này, kẻ giàu cũng như người nghèo, người chủ cũng như nô lệ, kẻ danh giá cũng như người tầm thường đều là anh chị em của nhau[26].

Còn đối với gia đình gần gũi thân thương, khi cầu nguyện « lạy Cha chúng con », là chúng ta đang cùng hiệp thông với cha mẹ và anh chị em của chúng ta, với bạn bè tri kỷ và và những người quen rất thân thương, với anh em trong cộng đoàn tu trì, với mọi người trong giáo xứ, và với những người chúng ta đã từng gặp gỡ. Sự hiệp thông thân tình này vượt trên ngưỡng cửa của sự sống và của sự chết, nghĩa là dù cha mẹ hay ông bà, người thân hay bạn bè của chúng ta đã qua đời, chúng ta vẫn hiệp thông và hiệp nhất với họ, khi chúng ta đọc lên « lạy Cha chúng con ».

Nhưng để có thể cầu nguyện trong tinh thần hiệp thông, thì mỗi người chúng ta cần phải ý thức bước ra khỏi cái tôi đóng kín của mình, và với tinh thần hy sinh can đảm bước vào trong cộng đoàn của Giáo Hội, trong tương quan với rất nhiều anh chị em khác. Trong tinh thần này, chúng ta nói lời xin vâng với Giáo Hội, lời xin vâng đón nhận anh chị em khác[27]. Và trong mối dây hiệp thông với cộng đoàn dân Chúa, trong tương quan rất gần với mọi người trong gia đình, và với rất nhiều anh chị em khác trên thế giới, chúng ta cầu cùng « Cha chúng ta là Đấng ngự trên trời ».

Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời, không xa lạ nhưng rất gần gũi.

Với từ ngữ « Đấng ngự trên trời » trong lời kinh của chúng ta, chúng ta không đưa Thiên Chúa, Cha của chúng ta, đến một hành tinh xa lạ nào, mà chúng ta tôn vinh và thờ lạy Ngài đang ngự ở trên trời và cũng ở rất gần bên chúng ta. Hơn nữa, « người đồng thời với Chúa Giê-su dùng chữ Trời để chỉ Thiên Chúa vì sợ phạm húy. Cũng trong nghĩa đó, Chúa Giê-su nói : « Cha chúng con (là) Đấng ngự trên trời, để chỉ Thiên Chúa Cha. Chúng ta cũng thế, chúng ta nói « Ông Trời » để chỉ một thế giới khác, một thực tại khác không thuộc vật chất, không phải ở bên trên cũng không phải ở bên dưới, nhưng là một cõi, nơi đó Thiên Chúa là tất cả… Khi hướng lòng về Đức Chúa Trời, chúng ta không nghĩ là Người ở nơi xa vời, quá cao xa đối với chúng ta. Chúng ta chỉ cố gắng nâng tâm hồn lên tới Người[28] ».

Ngoài ra, tất cả những ai được gọi là cha dưới thế đều bởi Cha trên trời mà ra, và Cha trên trời cũng chính là tiêu chuẩn và là nguồn cội của mọi tình phụ tử, như Thánh Phao-lô nói : « tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. » (Ep 3,14-15). Chúng ta cũng nghe lời Đức Kitô nhắc rằng : « Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. » (Mt 23,9). Thực vậy, tình phụ tử của Cha trên trời giành cho chúng ta cao quý hơn tình phụ tử mang tính cách con người, bởi vì trong sâu thẳm chúng ta có thể hiện diện trên mặt đất này, là do bởi Cha trên trời, vì chính Cha trên trời mới có thể ban cho chúng ta ngôi nhà của Cha thực sự, một ngôi nhà tồn tại mãi mãi. Và nếu tình phụ tử mang tính cách con người qua đi, thì tình phụ tử của Cha trên trời vẫn tồn tại, và lúc đó sẽ nhanh chóng đến với chúng ta. Trời là chốn cao vời của Thiên Chúa, từ đó chúng ta được sinh ra, và chúng ta cũng sẽ trở về nơi đó, về với Cha[29]. Ngài hiện diện trên trời trong ánh sáng vĩnh cửu, nơi Ngài không còn sợ hãi, không còn bất công, tội lỗi cũng không còn nữa.

Trời cũng là nơi mà thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện cách tuyệt hảo, thánh ý làm cho tình yêu được tròn đầy, thánh ý ban tặng bình an hoàn hảo. Về tâm tình này, Đức hồng y Martini đã suy niệm như sau : « Tâm tình cầu nguyện này luôn đem lại cho tôi sự bình an. Trên thực tế, chúng ta chưa bao giờ sống trong hoàn cảnh rõ ràng, không ít thì nhiều, chúng ta luôn luôn sống trong sự thỏa hiệp, và đôi khi chúng ta chìm sâu trong đó. Chúng ta sống trong hoàn cảnh tối tăm có nhiều sự đe dọa. Trong bối cảnh đó, đôi khi chúng ta không biết phải cư xử thế nào cho đúng với tinh thần của Tin Mừng. Hằng ngày, chúng ta thường chạy trên con đường nhập nhằng không định hướng. Nhưng khi chúng ta cầu nguyện rằng : « Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời », chúng ta tin rằng có một nơi mà ở đó ánh sáng đang chiếu soi và mọi sự đều rõ ràng, nơi đó sự công chính và chân lý đang ngự trị. Nếu chúng ta nhìn xung quanh mình, chúng ta như cảm thấy mệt mỏi và nặng nề, đôi khi bị đè nặng bởi những «đống» bất công, chúng đang bủa vây xung quanh chúng ta. Và dù muốn hay không, đôi khi chúng ta cũng tham dự vào trong những sự bất công đó. Khi tuyên xưng : « Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời », chúng ta xác tín rằng có một nơi chốn mà ở đó không còn bất công, không còn nước mắt và đắng cay, không còn mờ ám và không còn hiểu lầm. Nơi đó mọi sự đều tỏ tường và mang nét đẹp thanh cao, nơi đó mọi sự đều trong sạch. Thực, lời cầu nguyện đầu tiên của kinh lạy Cha có khả năng nuôi sống, nâng đỡ và an ủi tâm hồn[30]». Vì qua đó, chúng ta nhận được niềm hy vọng lớn lao là sẽ được gọi là những người con của Cha trên trời, là những công dân của trời cao, nơi mà tình yêu, sự công chính và nền hòa bình vĩnh cửu đang ngự trị. Và trên chốn cao vời đó, chúng ta được phép hiệp thông cùng triều thần thiên quốc tung hô danh thánh Cha vinh hiển.

« Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển ».

Đây là lời cầu xin đầu tiên trong kinh lạy Cha. Lời cầu xin này quy về đối tượng duy nhất là chính Cha trên trời. Như vậy, lời cầu xin này mang một nguyên lý và nền tảng sâu sa: chỉ có Cha là « tác giả duy nhất » làm cho chính Danh của Ngài được vinh hiển, và thông phần với Cha là chính Đức Kitô, Con yêu dấu của Cha. Qua Đức Kitô cũng như sự dạy dỗ của Ngài, chúng ta, một cách nào đó, cũng được thông phần làm cho danh Cha được vinh hiển[31]. Tuy nhiên, tên Đức Chúa Trời hay « Danh thánh Cha » là gì vậy ?

« Ta là Đấng Hiện Hữu ».

Muốn hiểu được phần nào danh Thánh Chúa, thì cần phải đi vào câu chuyện của ông Mô-sê gặp Chúa nơi bụi gai (Xuất hành 3). Đang khi Mô-sê chăn chiên trên núi Khô-rếp, thì nhìn thấy bụi gai cháy bừng, nhưng lại không bị thiêu rụi. Vì hiếu kỳ tò mò, Mô-sê tự nói với mình : « Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi? » Khi tới gần bụi gai thì có tiếng nói với ông rằng : « Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp. » (Xh 3,6). Và chính Thiên Chúa này đã sai ông trở về Ai-cập với sứ mạng, đưa dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập để trở về đất hứa. Như vậy, trong danh Thánh Thiên Chúa, Mô-sê đòi hỏi Pha-ra-ô cho dân Ít-ra-en tự do trở về.

Nhưng vào thời đó có rất nhiều thần thánh mà dân chúng tôn thờ, nên Mô-sê liền hỏi tên của Thiên Chúa. Câu trả lời của Thiên Chúa vừa là sự thinh lặng vừa là sự mạc khải. Sự mạc khải cả về danh Thánh, cả về sự vô danh của Ngài. Vì thế, mà ở Ít-ra-en danh thánh Thiên Chúa, danh mà người ta lắng nghe qua từ ngữ « JHWH - Giavê », không được phép kêu lên. Người ta không được phép làm cho danh Thánh của Chúa trở nên thấp hèn. Cho nên không thể chuyển ngữ danh Thánh Chúa, một danh Thánh thật huyền bí, và nếu có chuyển ngữ thì cần phải cẩn trọng vô cùng. Simon Weil, một nhà huyền bí người Pháp, gốc Do-thái, đã nói rằng : « Chỉ có Thiên Chúa có khả năng tự đặt tên cho chính mình. Môi miệng của con người không thể kêu tên của Ngài được »[32].

Trở về với câu chuyện của Mô-sê, đương nhiên Thiên Chúa không im lìm trước câu hỏi của Mô-sê, và Ngài đã trả lời rằng : « Ta là Đấng Hiện Hữu ».Theo ĐTC Biển Đức 16, thì câu trả lời này vừa mạc khải danh Thánh, vừa chỉ cho thấy tính cách vô danh của Thiên Chúa. Làm sao có thể hiểu được tính cách nước đôi trong câu trả lời trên? Đầu tiên, chúng ta cần phải làm sáng tỏ một điều : Tên thực sự là cái gì vậy ? Một cách nào đó chúng ta có thể nói rằng, tên giúp cho chúng ta có thể gọi hay kêu một ai đó, nghĩa là tên đóng vai trò quan trọng để tạo nên mối tương quan. Ông A-đam khi đặt tên cho thú vật, thì không có nghĩa là để chỉ về bản chất của chúng, mà ông muốn đưa chúng vào trong thế giới của con người, ông đặt cho mỗi con vật một tên để mọi người có thể gọi chúng. Qua đó, ông tạo nên mối tương quan giữa con người và các loài thú. Từ đó, chúng ta cũng có thể hiểu rằng, Thiên Chúa cũng muốn xây dựng mối tương quan với chúng ta, qua chính danh thánh của Ngài. Ngài cho phép chúng ta kêu lên Ngài với chính tên của Ngài. Thiên Chúa bước vào trong tương quan với chúng ta và giúp chúng ta cũng có thể có tương quan với Ngài. Điều này có ý nghĩa là Thiên Chúa sẵn sàng hiến thân mình cho thế giới của nhân loại. Ngài luôn ở đó, để bất cứ ai cũng có thể kêu cầu đến, và Ngài cũng có thể bị con người xúc phạm và tổn thương. Vâng, khi đồng ý bước vào tương quan với con người, là Thiên Chúa sẵn sàng đi vào một cuộc phiêu lưu. Qua biến cố Nhập Thể của Đức Kitô, Danh Thánh của Thiên Chúa được mạc khải cách trọn vẹn. « Con đã cho họ biết danh Cha. » (Ga 17,6). Chúa Giê-su đã nói như thế trong lời cầu nguyện của mình với Chúa Cha. Như vậy, có thể nói rằng, biến cố gặp gỡ Chúa của Mô-sê ở bụi gai đã được thực hiện cách trọn hảo qua chính Mô-sê mới là Chúa Giê-su, người Con của Cha trên trời. Bây giờ, trong người Con này, Thiên Chúa có thể được kêu lên với chính danh thánh của Ngài. Vâng, Thiên Chúa đã đi vào thế giới và đã phó mặc chính mình vào trong đôi tay của nhân loại[33].

Danh Thánh của Cha trên trời có thể bị xúc phạm.

Thiên Chúa càng phó mặc chính mình cho chúng ta, thì chúng ta càng có thể làm cho ánh sáng của Chúa bị lu mờ đi. Cũng thế, Thiên Chúa càng gần chúng ta chừng nào, thì những hành động xấu xa của chúng ta càng dễ làm cho khuôn mặt của Thiên Chúa mờ nhạt đi, và càng dễ xúc phạm đến danh thánh của Chúa.

Trong Cựu Ước, tiên tri Ê-dê-ki-en cũng đã nêu lên sự xúc phạm danh Thánh của Thiên Chúa, bằng cách ông đã trích dẫn lời của Thiên Chúa nói với nhà Ít-ra-en rằng : « Hỡi nhà Ít-ra-en, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, mà vì danh thánh của Ta đã bị các ngươi xúc phạm giữa các dân các ngươi đã đi đến. Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng » (Ed 36,22-23). Và « Ta sẽ làm cho danh thánh Ta được nhận biết giữa dân Ta và sẽ không để cho danh thánh của Ta bị xúc phạm nữa. Bấy giờ các dân tộc sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng Thánh của Ít-ra-en ». (Ed 39,7).

Như vậy, lời cầu nguyện « xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển » trong kinh Lạy Cha, cũng liên hệ đến những sự kiện trong quá khứ mà thánh danh Chúa đã bị con người xúc phạm[34]. Nói một cách khác đi, lời cầu xin trên mà Chúa Giê-su dạy chúng ta vang lên trong một thế giới đen tối, ác độc, xấu xa. Trong bóng đêm của cuộc đời, lời cầu xin như chỉ cho chúng ta thấy rằng, chỉ có Thiên Chúa là công chính, chỉ có Thiên Chúa, Cha trên trời, là thánh và là nguồn ánh sáng chiếu soi và sưởi ấm cuộc đời này. Chân lý này được mọi người tín hữu chân chính đón nhận và tuyên xưng. Mẫu gương đặc biệt trong các tín hữu là chính Đức Mẹ Maria.

« Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! »

Để đi sâu hơn nữa vào lời cầu xin này của kinh Lạy Cha, chúng ta chạy đến với Mẹ Maria để học cùng Mẹ, vì chính Mẹ đã cảm nghiệm sâu huyền nhiệm của danh thánh Thiên Chúa. Trong bài ca Magnificat, Mẹ đã cất lên lời ca: « Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! » (Lc 1,49). Tâm tình ca ngợi danh thánh Chúa của Mẹ Maria nhắc nhớ chúng ta một điều, đó là hành động của Thiên Chúa luôn tương hợp với bản chất của Ngài. Bản chất của yêu thương, của lòng nhân từ vô bờ bến. Về điều này, François Bovon đã nói rằng : « Trong sự trung thành với danh Thánh của mình, nghĩa là trung thành với chính mình, Thiên Chúa cứu rỗi dân của Ngài »[35]. Và tất cả những người được cứu đều biết đến Danh Thánh của Đấng Cứu Rỗi, bằng cách họ đã đón nhận và được sống trong ân sủng và tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi. Trong Cựu Ước, thánh vịnh gia cũng đã thốt lên : « Người đem lại cho dân ơn giải thoát, thiết lập giao ước đến muôn đời. Tôn danh Người thánh thiêng khả uý. » (Tv 111, 9).

Như vậy, Mẹ Maria đã cảm nghiệm sâu sa ân sủng cứu rỗi và yêu thương của Thiên Chúa, vì thế với tất cả tâm hồn Mẹ đã thốt lên lời ca ngợi tuyệt vời như vậy. Và không chỉ Mẹ, mà tất cả chúng ta, ai khám phá dấu ấn tình yêu Chúa trong đời mình, đều muốn thốt lên như thế.

Cùng cầu nguyện với Mẹ Maria: « xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển ».

Khi chúng ta cầu nguyện « xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển », là chúng ta đang ao ước tất cả mọi người trên thế giới này đều khám phá được Thiên Chúa, Đấng là Cha trên trời và cũng là Cha dưới đất, người Cha nhân từ, người Cha luôn đứng chờ con ở cửa nhà, và vui mừng hớn hở khi thấy con đi hoang trở về. Và lúc con mới xuất hiện ở đầu làng, Cha đã chạy đến ôm lấy con mình, hôn lấy hôn để khuôn mặt lấm bụi đời của con. Nụ hôn và vòng tay của Cha trả lại cho con tư cách làm con, đeo lại cho con chiếc nhẫn của tình cha con, mặc cho con chiếc áo mới nhất, tẩy sạch tất cả những gì ô uế trên thân mình con, và mở tiệc mừng con trở về và sống lại với con bê đã vỗ béo (ss. Lc 15, 11-32). Tất cả cần phải ăn mừng, mọi người đều hân hoan dâng lời ca tụng như Mẹ Maria: « Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! »Và tiếp tục kêu xin: « xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển ».

Lời cầu xin này chúng ta dâng lên trong sự hiệp thông không chỉ với Mẹ Maria, mà với cả Chúa Giê-su, Đấng làm vinh hiển danh Thánh Cha trên trời cách trọn hảo: « Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha.» (Ga 17,6) Và « con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa. » (Ga 17, 26). Đức Kitô xuống trần để loan báo Tin Mừng cứu độ, loan báo về Nước Thiên Chúa, và trong sứ mạng loan báo đó, Ngài đã mạc khải cho chúng ta biết về Cha. Nói khác đi, Ngài làm vinh hiển danh Cha trong lòng thế giới của chúng ta. Và danh Cha được hiển vinh trong cuộc đời của Đức Kitô cách trọn hảo, đặc biệt trong chính biến cố Phục Sinh của Đức Kitô.

Khi mạc khải danh Cha cho chúng ta, Đức Kitô cũng dạy dỗ và cho phép chúng ta thông phần làm vinh hiển danh Cha. Vâng, chúng ta đang thông phần làm vinh hiển danh Cha trên trời, khi chúng ta hằng ngày trung thành cầu nguyện và sống lời kinh Lạy Cha mà chính Đức Kitô đã dạy chúng ta. Hơn nữa, trong Cựu Ước, tiên tri I-sa-i-a có nói rằng: « vì khi Gia-cóp nhìn thấy nơi nó những công trình tay Ta đã làm, nó sẽ tuyên xưng danh Ta là thánh, sẽ tuyên xưng Đấng Thánh của Gia-cóp là thánh, và sẽ kính uý Thiên Chúa của Ít-ra-en. » (Is 29,23), và ở sách Lê-vi có ghi lại như sau : « Các ngươi phải giữ các mệnh lệnh của Ta và đem ra thực hành. Ta là ĐỨC CHÚA. Các ngươi không được xúc phạm đến thánh danh Ta, để Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta giữa con cái Ít-ra-en. Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng thánh hoá các ngươi. » (Lv 22,31-32). Như vậy, chúng ta có thể thông phần làm cho danh Cha trên trời được vinh hiển, khi chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng cứu độ của Ngài, sự cứu độ mà chính chúng ta đã được lãnh nhận. Và danh Thánh của Thiên Chúa đặc biệt được vinh hiển qua chính thái độ sống tuân theo những điều Chúa dạy của chúng ta, nghĩa là qua chính đời sống thường ngày của chúng ta[36].

Thánh Phêrô Kim Ngôn cũng đã chia sẻ điều này: “Chúng ta cầu xin Thiên Chúa thánh hoá Danh Ngài, nghĩa là Ngài cứu độ và thánh hoá toàn thể tạo vật bằng sự thánh thiện của Ngài. Danh đó là Danh ban ơn cứu độ cho trần gian đã hư mất. Nhưng chúng ta cầu xin để Danh Thiên Chúa được thánh hoá trong chúng ta bằng hành động của chúng ta. Bởi vì nếu chúng ta sống tốt lành, thì Danh Thiên Chúa được chúc tụng; nếu chúng ta sống tệ hại, thì Danh Ngài bị phỉ báng. Hãy nghe lời thánh Tông Đồ: ‘Chính vì các người mà Danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân’ (Rm 2, 24). Vì vậy, chúng ta cầu xin để Danh Thiên Chúa là thánh bao nhiêu, thì chúng ta sống xứng đáng với sự thánh thiện của Ngài bấy nhiêu”[37].

Nói khác đi, việc tung hô Danh Chúa luôn đi đôi với đời sống tương hợp với giáo huấn và thánh ý của Chúa. Trong Cựu Ước, các tư tế khinh thường danh Chúa đã được nhắc nhớ như sau : « Con phải kính trọng cha; tôi tớ kính trọng chủ. Vậy nếu Ta là cha, thì đâu là lòng kính trọng Ta? Và nếu Ta là chủ, thì đâu là niềm kính sợ Ta? ĐỨC CHÚA các đạo binh phán với các ngươi là những tư tế khinh thường danh Ta. - Nhưng các ngươi nói: "Chúng con khinh thường danh Ngài ở chỗ nào? " - Khi các ngươi tiến dâng thức ăn ô uế trên bàn thờ của Ta - các ngươi lại nói: "Chúng con đã làm cho Ngài ra ô uế ở chỗ nào? " - Khi các ngươi nói: "Chính bàn của ĐỨC CHÚA đáng tởm." Khi các ngươi tiến dâng một con vật mù để làm lễ tế, đó chẳng phải là xấu sao? Và khi các ngươi dâng một con vật què hay bệnh tật, đó chẳng phải là xấu sao? Hãy dâng con vật ấy cho tổng đốc của ngươi, liệu nó có bằng lòng với ngươi chăng? Hay nó có sẵn sàng đón nhận ngươi không? » (Mal 1, 6-8). Như vậy, khi các tư tế không hành động theo các giáo huấn của Chúa, thì họ không thể làm vinh hiển danh Chúa được.

Tóm lại, lời cầu nguyện « xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển » một cách nào đó vẫn còn chút huyền bí. Có lẽ lời cầu nguyện này tìm được « sự trọn vẹn hoàn toàn » của mình, khi chính Thiên Chúa là Cha làm cho danh của Ngài được vinh hiển. Vì thế, với tất cả tâm tình chúng ta tiếp tục dâng lên Cha lời cầu nguyện này, và cũng xin được hiệp thông với Đức Kitô để cố gắng sống một cuộc đời tương hợp với giáo huấn và thánh ý của Chúa. Cũng như xin Ngài giúp chúng ta luôn ý thức khám phá những hồng ân cứu độ trong cuộc đời chúng ta, và có được lòng biết ơn sâu thẳm trước Chúa là Cha. Lòng biết ơn thúc đẩy chúng ta cảm tạ Cha trên trời, và cao rao danh thánh của Ngài trên mọi nẻo đường chúng ta đi. Danh Thánh đem lại niềm hy vọng, củng cố niềm tin và chất chứa sức mạnh cứu rỗi, và cũng Danh Thánh đó đưa chúng ta về mảnh đất của yêu thương và của an bình. Mảnh đất đó chính là vương quốc của Cha.

-----------------------------

[1] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.37-38.

[2] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.39-40.

[3] X. The Theological-Historical Commission for the Great Jubilee of the year 2000, God, the Father of Mercy, Translate from Italian by Robert R. Barr, The Crossroad Publishing Company, New York 1998, t.35-36.

[4] X. JEREMIAS J., Abba,Vandenhoeck & Ruprecht, Göttingen 1966, t.59.

[5] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2779, t.770.

[6] X. JEREMIAS J., Abba, t.63.

[7] X. GNILKA J., Das Matthaeusevangelium, teil 1, t.217.

[8] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband (Mt 1-7), t.341.

[9] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2780, t.770.

[10] NOUWEN H., The only necessary thing, The Crossroad Publishing Company,New York 1999, t.59.

[11] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.50.

[12] RAHNER K., Betrachtungen zum Ignatianischen Exerzitienbuch, Kösel Verlag, München, 1965, t.20.

[13] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.49-50.

[14] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2783, t.771.

[15] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.41-42.

[16] X. RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.170.

[17] Các trích dẫn trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2784, t.772.

[18] Trích dẫn bởi HAMMAN Adalbert G. trong « Le notre Pére dans l’église ancienne », t.29.

[19] X. Hiến luật của bậc thầy (la règle du Maître), trong « Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne », t.182.

[20] Trích bởi HAMMAN A. G., Abrégé de la prière chrétienne, t.51.

[21] X. HAMMAN A.G., Abrégé de la prière chrétienne, t.51.

[22] X. BILLERBECK P., Das Evangelium nach Matthaüs, I Band, C.H. Becksche Verlag, München 1922, t.410.

[23] X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2790, t.773.

[24] X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2792, t.774.

[25] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.45.

[26] X. AUGUSTIN, bài giảng số 59, trong « Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne », t.134-135.

[27] X. RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.175.

[28] Chú thích Mt 6 ,9 của Hurault, trong « Lời Chúa cho mọi người », Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, t. 1595.

[29] X. RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.175-176.

[30] MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.47-48.

[31] MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.71.

[32] WEIL S., Attente de Dieu, La Colombe, Paris 1950, t.213.

[33] X. Ratzinger J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.176-178.

[34] X. GNILKA Joachim, Das Matthaeusevangelium, teil 1, t.218.

[35] BOVON F., Das Evangelium nach Lukas, EKK, III/1, Benzinger Verlag, Zürich 1989, t.89.

[36] X. GNILKA Joachim, Das Matthaeusevangelium, teil 1, t.219.

[37] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2814, t.779.


PHẦN 3: TRIỀU ĐẠI CHA MAU ĐẾN, Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI.

“Triều đại Cha mau đến”, triều đại được Đức Kitô rao giảng.

Đây là hai lời cầu xin được gói gọn trong một câu. Sau đây xin đi vào từng lời cầu xin. Trước hết, xin đi vào lời cầu xin cho triều đại Cha mau đến.

Theo một số nhà chú giải kinh thánh, lời cầu xin này là lời cầu xin rất căn bản. Để tìm hiểu và suy niệm lời cầu xin này, trước hết chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ « triều đại » hoặc « vương quyền » trong lời cầu xin.

Trong tiếng Hy-lạp, từ ngữ này được gọi là « basileia » vừa có nghĩa là vương quốc, vừa có nghĩa vương quyền và triều đại. Vương quốc hay triều đại nói tới trong lời cầu xin này thường được Đức Giê-su dùng, vì thế có thể nói rằng, đó là « từ ngữ của Chúa Giê-su »[1].

Chúng ta cũng nhận ra rằng, Vương quốc Thiên Chúa gắn liền với Chúa Giê-su và sứ mạng của Ngài. Rao giảng vương quốc của Thiên Chúa, đó chính là mục đích chính yếu mà Đức Giêsu muốn nhắm tới trong lời Người giảng và trong các việc Người làm.

Trong phúc âm Mát-thêu, chúng ta đọc lại câu hỏi của các nhà chiêm tinh bên Đông Phương : « Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." (Mt 2,2). Qua câu hỏi này, các nhà chiêm tinh muốn nói về Vương Quốc và Vua của Vương Quốc đó. Và hậu quả là vị vua Do-thái thời đó là Hê-rô-đê đã sợ hãi và tìm cách để khử trừ « Vị Vua của Vương Quốc » mới được sinh ra trên chính mảnh đất Do-thái. Để tránh mối họa đó, vị Vua trẻ thơ của Vương Quốc đã được cha mẹ đưa đi lánh nạn ở Ai-cập.

Sau khi trở về lại Do-thái, vị Vua của Vương Quốc là Chúa Giê-su đã sống ẩn dật ở Na-gia-rét, cho đến khi Ngài lớn lên và bắt đầu sứ vụ của mình : « Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: ´Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng´. » (Mc 1, 14-15)[2].

Đi sâu hơn, chúng ta hỏi rằng Chúa Giê-su cách nghĩa từ ngữ này như thế nào ? Trong tin mừng nhất lãm, Chúa Giê-su đã dùng nhiều cách thức khác nhau để diễn tả triều đại Thiên Chúa, đặc biệt trong các dụ ngôn. Chẳng hạn như trong dụ ngôn hạt giống tự mọc lên, Chúa Giê-su đã nói rằng : « Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất… » (Mc 4,26), và sau đó ở Mc 4,30, Ngài lại đưa hình ảnh Nước Trời vào dụ ngôn khác : « Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng. » (Mc 4, 30-32). Ngoài ra, cũng nên nhắc đến dụ ngôn quen thuộc nhất diễn tả Nước Thiên Chúa, đó là dụ ngôn người gieo giống (Mc 4, 1-20).

Tóm lại, Chúa Giê-su khi nói về Nước Thiên Chúa, Ngài thường dùng dụ ngôn để nói, để diễn đạt và so sánh. Nhưng Ngài không bao giờ nêu lên một định nghĩa nào về Nước Thiên Chúa[3].

“Triều đại Cha” với trí hiểu giới hạn của con người.

Trở về với chính mình, chúng ta tự hỏi xem, phần chúng ta hiểu thế nào về Nước Thiên Chúa, mỗi lần chúng ta đọc hay lắng nghe những từ ngữ đó ? Bản thân tôi, từ trước đến giờ vẫn luôn mường tượng Nước Thiên Chúa là nơi Thiên Chúa ngự trị, và nơi đó tình yêu của Ngài đang hiện diện, nơi đó không còn bất công và khổ đau, nơi đó tất cả mọi người và mọi vật đều được hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau, một sự hiệp nhất trong tình yêu.

Alfred Delp khi viết bài suy niệm kinh Lạy Cha trong nhà tù của phát-xít Đức, đã nói rằng : « Khi con người ở trong ân sủng của Thiên Chúa, khi thế giới ở trong trật tự của Thiên Chúa : Đó là Nước Trời »[4]. Thực vậy, nước Thiên Chúa không chỉ là nơi cao xa mà triều thần thánh đang hiện diện và Thiên Chúa đang ngự trị ở giữa, mà Nước Trời cũng đang hiện diện ở giữa lòng thế giời này, khi thế giới tuân theo trật tự của Thiên Chúa và sống theo thánh ý của Ngài, cũng như khi con người đồng ý đón nhận ân sủng Chúa ban và sống trong ân sủng của Người. Như thế, triều đại của Thiên Chúa luôn hiện diện trong tình yêu và với tình yêu. Triều đại đó, trên hết cần phải được xây dựng qua sự can thiệp của Thiên Chúa, qua sự can thiệp của Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su xây dựng Nước Thiên Chúa.

Chúa Giê-su xây dựng Nước Thiên Chúa bằng cách thức của Thiên Chúa, chứ không bằng cách thức của loài người chúng ta. Ngài không dùng đến bạo lực, không dùng đến sức mạnh và vũ lực để chiến thắng trong vinh quang, để xây dựng một « lâu đài » nguy nga là biểu tượng của vương quyền. Ngược lại, cách thức Ngài dùng rất nhẹ nhàng và rất đơn sơ. Đó là cách thức của kẻ tôi trung, của người phục vụ trong khiêm hạ. Qua chính cách thức rất khiêm nhường này, Ngài đã cứu thoát và chuộc lại tất cả mọi người khỏi vương quyền của Satan. Vâng, trước khi Nước Thiên Chúa xuất hiện thật rực rỡ trong vinh quang vào ngày cánh chung, lúc đó tất cả mọi người đều được hiện diện trước tôn nhan huy hoàng của Thiên Chúa, thì Nước Thiên Chúa xuất hiện rất nhỏ bé như hạt cải bé nhỏ nhất. Hạt cải nhỏ bé này đã được vùi sâu vào mảnh đất của nhân loại hôm nay, và qua Giáo Hội đang phát triển từ từ trên trái đất này. Một ngày nào đó, hạt cải mọc thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá của nó xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng. Đó chính là mầu nhiệm của nước Thiên Chúa, mầu nhiệm vượt qua khỏi trí hiểu của con người.

Chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm sâu sa của nước Trời, nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm được phần nào sự hiện diện của Nước Trời qua chính Đức Kitô, Đấng xây dựng Nước Trời trong tinh thần hiền lành và khiêm nhượng. Tinh thần đó được bắt đầu bằng chính các mối phúc hiền lành, nghèo khó, công chính, hòa bình…, mà chính Đức Kitô đã rao giảng, và chính Ngài là người sống và thực hành đầu tiên. Chúa Giêsu sống tinh thần của Nước Trời, nên Ngài chính là Con Thiên Chúa cao sang, nhưng đã sẵn sàng đón nhận sự nghèo khổ nhất cho chính mình. Ngài đã tự hạ mình và hy sinh cho nhân loại, đến nỗi Ngài để mình bị nộp vào tay người đời:

“Đức Giê-su Ki-tô

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự.” (Phi 2, 6-8).

Với sự vâng lời Cha, Đức Kitô sống dấn thân cho Nước Trời, và cuối cùng Ngài đã đón nhận kết cục thật dã man. Đó chính là vành móng ngựa của con người xét xử Ngài.

Như vậy, Vương Quốc của Đức Kitô hoàn toàn khác với tất cả những vương quốc trên trần gian, những vương quốc mà trong đó sức mạnh và quyền lực của con người được đề cao. Trong vương quốc của Đức Kitô sự thật và chân lý ngự trị. Chân lý của tình yêu, của công bằng và lòng nhân. Phi-la-tô dù đã được Chúa Giê-su trả lời rõ ràng như thế, nhưng cuối cùng vẫn kết án tử Chúa Giê-su như là một kẻ cầm đầu nổi loạn chống lại cường quyền chính trị thời đó. Vì thế, trên thánh giá của Đức Kitô, Phi-la-tô ra lệnh treo tấm bảng với dòng chữ: “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái” (Ga 19,19)[5].

Khi bị treo trên thập giá, thì Chúa Giêsu, sống theo tinh thần của Nước Trời, không thù hằn người đã hãm hại mình, ngược lại Ngài đã cầu xin cho họ: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23, 34). Và khi sống trong tinh thần của Nước Trời, Chúa Giê-su không bao giờ chọn ý mình để làm lương thực, mà ngược lại, "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34), và “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." (Mc 14,36).

Tóm lại, như Martini nói: “Vương Quốc Thiên Chúa chính là Chúa Giê-su, là chính cuộc sống của Ngài, một đời sống yêu thương và sẵn sàng chịu khổ đau”[6]. Còn đối với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thì: « Nơi đâu Chúa Giê-su đang hiện diện, thì Nước Trời cũng đang có mặt »[7]. Cũng thế, thánh Cyprianô cũng đã nói: “Có thể nói, Nước Thiên Chúa là chính Đức Kitô, Đấng chúng ta hằng ngày khát khao Người đến, và chúng ta mong mỏi việc Người ngự đến mau mau được tỏ hiện cho chúng ta”[8].

Như vậy, Nước Trời được chính Đức Kitô giới thiệu trong cách thức thật tuyệt vời. Nước Trời gắn liền với sự nghèo khó khiêm hạ của hang bò lừa ở Bê-lem; với những dấu chân rảo bước của người Mục Tử hiền lành, khiêm nhượng và nhân lành, luôn sẵn sàng bảo vệ chiên trước thú dữ đe dọa, và sẵn sàng hiến mình cho chiên; với chính sự tự nguyện chết cho tất cả những người con yêu dấu của Ngài; và với thập giá giương cao để cứu độ tất cả mọi người. Chúng ta, những con người được Chúa Giêsu yêu thương cứu rỗi cũng được Ngài cho phép thốt lên lời cầu xin cho triều đại Cha mau đến.

« Xin cho triều đại Cha mau đến », lời cầu xin của chúng ta.

« Xin cho triều đại Cha mau đến ». Lời cầu xin này cũng chính là lời cầu xin của chúng ta. Và phải chăng khi cầu xin như vậy, là chúng ta cũng đang cầu xin cho được trở nên giống như Đức Kitô, cầu xin cho được « tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. » (Gal 2,20). Để khi Đức Kitô sống trong tôi thực sự, thì tôi ở đâu, thì Nước Trời cũng hiện diện. Như vậy, lời cầu xin thứ hai của kinh Lạy Cha cũng là lời cầu xin cho được sống tinh thần theo bước Đức Kitô, cho được trở nên một với Ngài trong một thân thể duy nhất. Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã nói rằng : « Cầu Xin cho triều đại Cha mau đến có nghĩa là đang nói với Chúa Giê-su : Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên những người thuộc về Ngài. Xin hãy ngự đến trong chúng con, xin hãy sống trong chúng con ; xin hãy hiệp nhất tất cả nhân loại đang bị phân tán về thân thể của Ngài, để trong Ngài tất cả đều quy phục Thiên Chúa và Ngài có thể trao tất cả cho Cha, để Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả và trong tất cả »[9].

Như vậy, có thể nói rằng, Nước Thiên Chúa tiếp tục được sống động trong chính đời sống của chúng ta, các tín hữu, những tâm hồn thuộc về Đức Kitô, những cuộc đời dám quên chính mình đi, để giờ đây dù chính mình sống đấy, nhưng như không sống, vì Đức Kitô đang sống trong chúng ta. Khi có Đức Kitô là nguồn sống, thì chúng ta sẽ sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, nghĩa là chúng ta sẽ từ bỏ con người cũ, con người thuộc về tội lỗi, để mặc lấy con người mới với tâm hồn trong sạch. Thánh Cyrillô nói rằng: “Chỉ tâm hồn thanh sạch mới có thể tin tưởng nói lên: ‘Nguyện Nước Cha trị đến’. Quả thật, ai nghe lời thánh Phaolô dạy: ‘Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa’ (Rm 6, 12), và biết giữ hành động, tư tưởng và lời nói của mình trong sạch, người đó mới có thể thưa với Thiên Chúa: ‘Nguyện Nước Cha trị đến’”[10].

« Xin cho triều đại Cha mau đến ». Lời cầu xin này chính là lời cầu xin của chúng ta. Khi cầu nguyện như vậy là chúng ta đang sống trong sự ý thức : « Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho » (Mt 6, 33). Qua lời nhắn nhủ này của Đức Kitô, tiêu chuẩn ưu tiên hàng đầu cho tất cả mọi việc làm và mọi hành động của con người được xác định. Thực vậy, lời của Đức Kitô giúp chúng ta phân biệt được điều gì quan trọng nhất cho đời sống làm người của chúng ta trong một thế giới phức tạp, một thế giới có quá nhiều « khuôn mặt », có quá nhiều ý thức hệ luôn nài kéo con người, một thế giới mà trong đó con người hôm nay đang là con người của kỹ thuật, của tự động hóa, của computer…, con người hiện đại của ngày hôm nay đang muốn tự hoàn thiện mình, đang muốn đặt toàn bộ lịch sử đời mình vào trong bàn tay nhỏ bé nhưng đầy tham vọng của mình. Con người hiện đại đó đang muốn trở nên « đấng tạo hóa » của chính mình, và muốn làm chủ và điều khiển hoàn toàn tương lai của mình. Vì thế, con người hôm nay đang tự biến mình thành những siêu nhân. Một kiểu siêu nhân mà Sa-tan ngày xưa đã hứa với ông bà A-dong và Ê-và : "Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác." (St 2,4).

Những vị thần biết thiện và ác như là biểu tượng của những con người siêu nhân, có thể làm được mọi chuyện, có thể định đoạt và biến đổi mọi chuyện, có thể tạo nên một Vương Quốc thật quyền lực và thật hoàn hảo giành cho superman, cho các idole, cho các superstar. Chúng ta có thể nhận ra được trào lưu này qua các bộ phim, qua các trò chơi computer, qua chính sự quảng bá và quảng cáo của một số ý thức hệ. Trào lưu đó chỉ ra được một khát khao và cao vọng của con người. Và khi con người tưởng rằng mình càng ngày càng gần đạt được mục đích đó, càng cảm thấy rằng tháp Ba-bel đang ở giai đoạn hoàn thành cách mỹ mãn và hoàn hảo, thì chính lúc đó con người đang đánh mất chính mình. Vương quốc nhân trần với tháp Ba-bel cao chút vút kia tưởng như xuyên suốt qua tầng trời để rồi làm bá chủ cả đất với trời, bỗng chợt bị sụp đổ hoàn toàn thành đống tro bụi. Bụi tro phải trở về với tro bụi của đất thấp. Bụi tro chỉ có thể được biến đổi trở nên những thành phần yêu dấu của trời cao, khi bụi tro khiêm nhường đón nhận thân phận thấp bé của mình, và công nhận Đấng trên trời cao là Chủ của mình, và chỉ có Ngài mới hoàn hảo, chỉ có Vương Quốc của Ngài mới thực sự cao chút vút, một Vương Quốc của sự công chính và tình yêu.

Như vậy, lời cầu xin cho Nước Cha trị đến giúp loài người chúng ta biết luôn chỉnh đốn đời sống và hành động của mình theo trật tự của Thiên Chúa. Nói khác đi, lời cầu xin của chúng ta cũng chỉ ra trách nhiệm của con người chúng ta. Trách nhiệm dám quyết định từ chối những « tháp Ba-bel cao chút vút của cuộc đời », dám « xóa đi và giục bỏ » những tưởng tượng và những công trình làm ra một mẫu người siêu nhân. Trách nhiệm xả thân để cố gắng xây dựng một thế giới trong trật tự của Thiên Chúa, xây dựng một văn hóa yêu thương và một xã hội công bằng. Đối với Alfred Delp, lời cầu nguyện xin cho Nước Cha trị đến chỉ là lời cầu nguyện thực sự, khi con người thi hành những trách nhiệm trên cách trọn hảo, ngoài ra thì đó chỉ là lời cầu nguyện đạo đức suông mà thôi[11].

Tóm lại, khi thế giới chúng ta ở trong trật tự của Thiên Chúa, thì Vương Quốc của Thiên Chúa đang hiện diện, và chúng ta được phép sống trong đó. Nghĩa là, nơi đó Thiên Chúa và nhân loại chúng ta gặp gỡ nhau. Cuộc gặp gỡ này chính là cao điểm của hạnh phúc đời người. Hạnh phúc chúng ta được hưởng chính là được chung hưởng Nước của Chúa : « Như lương tâm làm chứng với họ, họ biết rõ rằng hễ khi nào Nước ấy xuất hiện họ sẽ được vào chung hưởng Nước ấy » (J. Cassien)[12].

Cuộc gặp gỡ của chúng ta với Thiên Chúa cũng được thực hiện qua chính biến cố giáng trần của Đức Kitô, Đấng đã đến để xây dựng Nước Trời. Đúng là chỉ có Đức Kitô mới có thể xây dựng Nước Trời theo cách thức của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta luôn ý thức mình phải cầu xin Thiên Chúa và Đức Kitô làm cho Nước Trời đến. Trong lời cầu xin này, chúng ta cũng ý thức rằng, con người chúng ta không có khả năng xây dựng nước Trời, mà chúng ta chỉ có thể cộng tác với Chúa trong công trình đặc biệt này của Chúa. Cụ thể, chúng ta ý thức thấm nhuần và sống theo tinh thần của Đức Kitô, tinh thần của người phục vụ chứ không phải của ông chủ, tinh thần của mối phúc chứ không phải của những « bó luật lệ » nghiêm khắc, tinh thần của thánh ý Chúa chứ không phải của những mệnh lệnh đầy bạo lực. Trong tâm này chúng ta đi tiếp đến lời cầu xin thứ ba.

Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Lời cầu xin này được Mát-thêu nhắc đến, còn trong Phúc Âm của Luca thì không có (x. Lc 11,2). Lời cầu xin này cũng liên hệ đến lời cầu xin cho Nước Chúa được ngự đến. Ở đây có thể nói rằng : Nước Trời ngự đến thật sự, khi thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn.

Giờ đây, từng bước một chúng ta cùng suy niệm lời cầu xin này. « Xin cho Ý Cha được thể hiện ! » Khi chúng ta thốt lên và kêu cầu như vậy, là chúng ta đang kêu cầu đến Thiên Chúa và cầu cho Ý của Ngài được thực hiện. Ở đây, một lần nữa chúng ta tự hỏi Thiên Chúa Cha là ai và thánh ý của Ngài là gì, để chúng ta kêu cầu như vậy ?

Một lần nữa chúng ta hỏi Thiên Chúa Cha là ai và thánh ý Ngài là gì?

Trong niềm tin, chúng ta tuyên xưng rằng, Thiên Chúa Cha chính là Đấng tạo dựng, Đấng toàn năng, Đấng có thể làm được mọi sự, làm được điều Ngài muốn. Sức mạnh của Ngài thì tuyệt đối. Ngài cũng là Đấng Thánh, là Đấng tốt lành, Đấng luôn có ý muốn thánh thiện, ý muốn chân thật và đúng đắn, ý muốn xây dựng và thăng tiến mọi sự. Và đối với chúng ta, thật ý nghĩa biết bao, vì Ngài còn là Cha chúng ta. Đọc lại câu đầu tiên của kinh tin kính: « Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất », và chúng ta cũng nhớ lại nghi thức của bí tích rửa tội mà linh mục cử hành : « Cha rửa con, nhân danh Cha, và Con và Chúa Thánh Thần » (x. Mt 28,18), và ở đây trong kinh Lạy Cha, Đức Kitô dạy chúng ta mở đầu bằng hai từ « Lạy Cha » hoặc « Thưa Cha ». Trong thế kỷ thứ 2-3, với biểu tượng « Cha », tương quan của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, với thế giới được diễn tả cách sống động. Theo Medard Kehl, đối với các Kitô hữu thế kỷ thứ 2, thì tình phụ tử của Thiên Chúa chiếm một ý nghĩa quan trọng. Chúng ta có thể đọc lại một đoạn của Irenäus von Lyon : « Nếu Đấng Tạo Dựng, tự chính mình, sáng tạo và hoàn thiện tất cả trong sự tự do và với sức mạnh của chính Ngài, và nếu bản chất của tất cả mọi loài thọ tạo đều hướng về lại với Thánh Ý của Ngài, thì Ngài tự mạc khải như là Thiên Chúa thật, Đấng đã làm nên tất cả, và như là Đấng toàn năng duy nhất, cũng như là người Cha duy nhất…Ngài là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, Thiên Chúa của mọi người sống. Những điều luật đã nhắc đến Ngài, các tiên tri đã loan báo về Ngài, Đức Kitô đã mạc khải về Ngài, các tông đồ cũng đã giảng về Ngài, và Giáo Hội đã tuyên xưng Ngài. Qua Ngôi Lời của Ngài, nghĩa là qua người Con của Ngài, Ngài là Cha của Chúa Giê-su, Chúa chúng ta »[13]. Như vậy, tình phụ tử của Thiên Chúa được nêu bật ngay từ những thời đầu tiên và tình phụ tử của Thiên Chúa cũng vẫn sống động trong thời đại hôm nay của chúng ta. Với tình phụ tử đó, chúng ta được dẫn vào trong tương quan gần gũi và cá nhân với Ngài. Vâng, như Medard Kehl nói : « Sự hiện diện của tôi và mạng sống của tôi chắc chắn được Thiên Chúa là Cha mang vác và nói lời xin vâng »[14]. Tâm tình này có thể nhắc nhớ chúng ta về dụ ngôn « Người Cha Nhân Hậu » trong Luca 15, 11-32. Thật vậy, sau khi Chúa Giêsu nói với chúng ta về người Cha nhân hiền, mọi sự không còn y như trước nữa. Giờ đây chúng ta biết Thiên Chúa: Người là Cha chúng ta, vì yêu thương đã tạo dựng chúng ta tự do và cho chúng ta có lương tâm, Người cũng đau khổ khi chúng ta lạc đường và ăn mừng khi chúng ta trở về. Thiên Chúa luôn luôn trung thành, dù cho chúng ta xa lìa Người, và lạc lối, Người tiếp tục theo dõi chúng ta với tình yêu của Người, tha thứ các lỗi lầm và nói trong nội tâm với lương tâm chúng ta để kêu gọi chúng ta trở về với Người. Trước tình yêu nhân hậu của người Cha, Chúng ta hãy tự nhìn thấy mình trong vai trò của hai người con, và trên hết chúng ta hãy chiêm niệm trái tim của người Cha. Chúng ta hãy lao vào cánh tay Người, để cho chúng ta được tái tạo bởi tình yêu xót thương của Người.

Trong cánh tay của Thiên Chúa là Cha, giờ đây chúng ta lắng nghe nhịp đập của trái tim tình yêu và thánh ý của Cha trên trời, cụ thể chúng ta tìm hiểu sâu hơn cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Theo Guardini[15], khi Thiên Chúa sáng tạo muộn vật, và đặc biệt tạo vật cao quý nhất là con người, Thiên Chúa lần đầu tiên đã bộc lộ thánh ý của Ngài. Thánh ý sáng tạo nên sự sống trong thế giới. Thật vậy, thế giới này và trong đó các tạo vật hiện diện cách sống động, là vì Thiên Chúa muốn như vậy. Trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, Ngài đã đưa vào những định luật tự nhiên, để thế giới và các tạo vật được phát triển hài hòa và dồi dào, vì thế các định luật đó cũng phản ảnh rõ ràng thánh ý của Thiên Chúa. Nên vật nào tuân phục thánh ý của Ngài, cũng như tuân theo những định luật tự nhiên đã được Chúa « cấy » vào, thì sẽ phát triển một cách tốt đẹp. Ngược lại, tạo vật nào cứng đầu « bước ra ngoài » quy luật tự nhiên, thì sẽ tự hủy hoại mình. Trong sách Khởi Nguyên (chương 1), chúng ta đọc được những lời : « Thiên Chúa phán », và « cái này rồi cái kia » được tạo thành. Khi ngắm nhìn các tạo vật đó, Thiên Chúa nói « thật tốt », thật đúng, thật xứng hợp. Điều đó diễn tả một Thiên Chúa có trách nhiệm, một trách nhiệm của tình yêu, của thánh ý hoàn hảo của Ngài.

Thánh Ý của Cha: tạo dựng con người mang hình ảnh của Ngài.

Sau khi đã tạo nên muôn vật, Thiên Chúa tạo nên thụ tạo cao quý nhất. Đó là con người mang chính hình ảnh của Chúa (Kn 1,27). Vì mang hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta có một phẩm giá cao quý. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng, phẩm giá của con người là một « kho tàng » cao quý và không ai được phép làm « tổn thương ». Hơn nữa, với phẩm giá cao quý này, nghĩa là với tâm tình « mang chính hình ảnh của Thiên Chúa », con người sống trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Đó là mối dây liên kết tình yêu giữa Thiên Chúa và con người ngay từ thuở ban đầu. Trong tình yêu đó, con người chúng ta còn nhận ra một điều căn bản quan trọng. Đó là mỗi người chúng ta là « người có một không hai » trên trái đất này. Nói khác đi, mỗi người chúng ta là mỗi viên ngọc quý, và là viên ngọc độc nhất vô nhị trong cuộc đời này. Thật vậy, Bạn là người độc nhất vô nhị, tôi là người độc nhất vô nhị. Trong lớp giáo lý xưng tội của giáo xứ tôi, các em thiếu nhi đã khám phá tính cách độc nhất vô nhị này qua chính dấu tay của con người. Trong số hơn 8 tỷ người trên thế giới này Bạn vẫn là người độc nhất vô nhị. Ngoài Bạn ra, không có ai có dấu tay của Bạn cả. Cuộc sống của Bạn là cuộc sống độc nhất vô nhị. Không có ai đã một lần sống đời sống của Bạn, và trong tương lai cũng chẳng có ai sẽ sống đời sống của Bạn. Cuộc đời của Bạn là một viên đá độc nhất vô nhị trong một bức tranh ghép mảnh (mosaic). Cuộc đời của Bạn vô giá và không thể thay thế được. Trong tâm tình này, Medard Kehl đã thốt lên rằng : « Tôi biết ơn Thiên Chúa trong phẩm giá của tôi, một phẩm giá làm người độc nhất vô nhị, phẩm giá làm người duy nhất. Tôi cũng cám ơn Thiên Chúa trong những giới hạn của tôi, và trong cả những khả thể của tự do tôi »[16].

Là tạo vật cao quý, con người mang trong mình tinh thần và lý trí. Con người không chỉ cảm nhận được thế giới xung quanh, mà con người còn thấu hiểu được mọi vật, hiểu được bản chất, trật tự của chúng, hiểu được nguyên nhân và ảnh hưởng, hiểu được nguồn gốc và đích điểm. Hơn nữa, con người còn có được sự tự do Thiên Chúa ban tặng, một sự tự do của tình yêu thương. Với tất cả những khả năng cao quý đó, con người phân biệt với các tạo vật khác, và con người được Thiên Chúa ban cho trách nhiệm xây dựng thế giới này. Nói cách khác, Thiên Chúa đã trao vào đôi tay của con người những tạo vật rất giá trị của Ngài. Điều này làm nổi bật một lần nữa phẩm giá cao quý của con người. Một phẩm giá không chỉ dựa trên tâm tình, con người được mang chính hình ảnh của Chúa, mà còn dựa vào sự tin tưởng của Thiên Chúa giành cho con người. Như vậy, phẩm giá con người mang trong mình như diễn tả tâm tình tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với con người. Ở đây, chúng ta có thể để lời Chúa dịu dàng nói với chúng ta qua tiên tri I-sa-i-a : « Trước mắt Cha, con thật là quý giá, vốn được Cha trân trọng và mến thương. » (Is 43, 4). Vâng, trong tình yêu, Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta: « Hãy xem, Ta đã ghi khắc tên ngươi trong lòng bàn tay Ta » (Is 49, 16). Khắc tên chúng ta nghĩa là Ngài ban cho chúng ta một sự sống cao quý, độc nhất vô nhị. Khắc tên trong lòng bàn tay của Ngài, nghĩa là chúng ta thuộc về Ngài, và khi thuộc về Ngài, thì Ngài luôn ở bên và nhủ thầm với chúng ta : « Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi, ngươi là của riêng Ta ». (Is 43, 1b). Trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta thuộc về Ngài. Hơn nữa, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu không chỉ khắc tên, mà tình yêu đó còn gọi chúng ta bằng chính tên chúng ta. Với cái tên mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, chúng ta thấy phẩm giá làm người của chúng ta cao quý biết dường nào.

Tất cả những tâm tình cao quý mà con người nhận được, chúng ta gọi là « ân sủng ». Với ân sủng đó, con người được sống trong vườn địa đàng, nơi đó có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa, nơi đó Thiên Chúa vui mừng, vì có mặt các tạo vật của Ngài ở gần bên, và đặc biệt có sự hiện diện của con người mang hình ảnh của Ngài. Niềm vui của Đấng Sáng Tạo thật đẹp biết bao nhiêu, và cũng thật tuyệt vời khi chiêm ngắm vẻ vinh quang, đẹp đẽ và lớn lao của các tạo vật. Nhưng những nét cao quý đó chỉ tồn tại khi các tạo vật và con người với sự tự do của mình, luôn ý thức sống trung tín, vâng phục và luôn gắn bó với Thiên Chúa.

Lời xin vâng của Thiên Chúa giành cho con người từ ngày đầu tiên vẫn không thay đổi.

Nhưng nếu con người bất tuân và bất trung, thì Thiên Chúa là người Cha Nhân Hậu vẫn tỏ lòng từ bi, và không triệt hạ con người và các tạo vật yêu quý của Ngài. Ngược lại, với đôi mắt yêu thương, Thiên Chúa vẫn ngắm nhìn con người và phẩm giá cao quý mà Ngài trao ban cho con người. Trong đôi mắt của Thiên Chúa là Cha, con người vẫn luôn quý giá, dù con người thế nào đi nữa. Lời xin vâng của tình yêu Thiên Chúa giành cho con người ngay từ ngày đầu tiên vẫn không thay đổi, dù cho con người có „quay mặt đi“ với thánh ý của Ngài. Giao ước mà Thiên Chúa là Cha ký kết với con người trong công trình tạo thành của Ngài vẫn không đổi thay, Thiên Chúa vẫn trung thành với lời hứa của Ngài, trung thành với tình yêu của Ngài giành cho con người cho tới muôn muôn đời.

Đây thực sự là một mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa, mà chúng ta không thể thấu hiểu được. Vâng, làm sao một Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và Đấng vô biên, lại vẫn yêu thương và trung tín với con người, một tạo vật đầy giới hạn và bất trung?

Không chỉ thế, Thiên Chúa còn đón nhận trách nhiệm mà tội lỗi con người đã gây ra. Trách nhiệm của Thiên Chúa được diễn tả qua tình yêu cao quý, tình yêu đã thúc đẩy Ngài tiếp tục thực hiện ý muốn thánh thiện: « Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất ». (Mt 18, 14).

Thánh Ý cứu rỗi của Thiên Chúa qua Đức Kitô.

Vì thế, mà Thiên Chúa cần phải ra tay. Cụ thể, Thiên Chúa đã sai phái người con duy nhất của Ngài xuống trần gian, trở nên người như muôn người. Theo ngôn từ của Thánh I-Nhã, thì : « Ở đây là Ba Ngôi Thiên Chúa đang nhìn xem khắp mặt địa cầu đầy người; vì thấy mọi người đang sa xuống hỏa ngục, Ba Ngôi quyết định trong sự vĩnh hằng của mình rằng Ngôi Hai sẽ làm Người để cứu chuộc nhân loại. » (Linh Thao, số 102). Ý tưởng này của Thánh I-nhã nằm trong bài cầu nguyện về « mầu nhiệm nhập thể », Thánh I-Nhã mời gọi người cầu nguyện, chiêm ngưỡng và chiêm niệm công trình nhập thể của Đức Kitô, Đấng cần phải đến theo thánh ý Thiên Chúa, để cứu độ muôn người.

Qua đó, chúng ta thấy rằng, ý định cứu độ nhân loại của Thiên Chúa có tính cách toàn cầu, nghĩa là ơn cứu độ đó giành cho tất cả mọi người trên trái đất. Phúc âm Gio-an chỉ cho chúng ta thấy được điều này cách tuyệt vời nhất : « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. » (Ga 3,16-17). Như vậy, thánh ý cứu rỗi của Thiên Chúa « ôm ấp » tất cả mọi người trong mọi thời đại, ngày hôm qua cũng như hôm nay, và mãi mãi về sau. Thánh ý cứu rỗi mang tính cách toàn cầu và vượt thời gian của Thiên Chúa, cũng được Thánh Phao-lô nêu bật trong bài thánh thi rất tuyệt vời trong thư gởi tín hữu thành Ê-phê-sô chương 1:

« Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu:

thiên ý này là kế hoạch yêu thương

Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô.

Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn

là quy tụ muôn loài trong trời đất

dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. » (câu 9-10).

Để giải thích thêm về thánh ý cứu độ được thực hiện qua Đức Kitô, Thánh Phao-lô đã nói trong thư gởi tín hữu thành Cô-lô-xê 1,15-20 :

« Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,

là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo…

Người có trước muôn loài muôn vật,

tất cả đều tồn tại trong Người…

Vì Thiên Chúa đã muốn

làm cho tất cả sự viên mãn

hiện diện ở nơi Người,

cũng như muốn nhờ Người

mà làm cho muôn vật

được hoà giải với mình.

Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,

Thiên Chúa đã đem lại bình an

cho mọi loài dưới đất

và muôn vật trên trời. »

Ở đây, trong sự liên hệ đến thập giá, thánh ý cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện và tiếp tục được thực hiện trong thế giới này. Có lẽ vì thế, mà Phao-lô mời gọi tiếp tục cầu nguyện cho tất cả mọi người, vì « đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý ». (1 Tm 2, 3-4).

Đó là kế hoạch cứu độ mang tính cách toàn cầu của Thiên Chúa. Và như chúng ta đã cảm thấy, kế hoạch này đã được tiến hành trong lịch sử nhân loại. Đầu tiên qua một dân tộc cụ thể là dân Do-thái, và sau đó loan đi khắp năm châu bốn bể. Và người thực hiện kế hoạch cứu độ cách mỹ mãn nhất chính là Con Thiên Chúa, là Đức Kitô, Chúa chúng ta. Như vậy, giờ đây chúng ta cùng chiêm ngắm xem Đức Kitô đã vâng lời Ý Cha thế nào trong sứ mạng cứu rỗi nhân loại của Ngài.

Đức Kitô sống thánh ý của Cha.

Đức Kitô, Người Con yêu dấu, Đấng được sai phái, đã đón nhận thánh ý của Cha. Với lòng vâng phục tuyệt đối, Người Con đã thực hiện ý của Cha cách hoàn hảo và đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Qua đó, sự bất tuân, bất trung và tội lỗi con người gây ra đã được Ngài mang trên thân mình, và chính Ngài đã hiến dâng chính mình để đền tội cho con người. Nhờ đó trong Ngài, trong Đức Kitô, một mầm sống mới, một sự khởi đầu mới, được nảy sinh trong lòng thế giới nhân loại. Từ sự sống mới này, thánh ý của Thiên Chúa cần được tỏ lộ và cần được thực hiện trong một cách thức mới, để góp phần tạo nên trật tự và tự do cho thế giới này.

Theo Martini, ngay trong những bối cảnh đầu tiên, các Tin Mừng đã chỉ ra rằng, Đức Kitô hoàn toàn « chìm » vào trong thánh ý của Cha trên trời. Khi Ngài kêu lên « xin cho Ý Cha được thể hiện », thì Ngài muốn diễn đạt mục đích sâu kín nhất trong sứ mạng của Ngài : làm cho Nước Cha được trị đến bằng cách sống trọn vẹn ý Cha trên trời[17].

Thật vậy, ngay từ những ngày đầu tiên trên hành trình sứ vụ, Đức Kitô đã thốt lên rằng : « Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. » (Ga 4,34). Điều này có ý nghĩa gì ? « Lương thực », nghĩa là cái làm cho Thầy sống và hoạt động được. Ý muốn của Cha chính là lý do khiến Đức Giêsu đến trần gian và thi hành sứ mạng. Nói cách khác, trở nên một với thánh ý của Cha chính là nguyên lý đời sống của Chúa Kitô. Và « nên một với ý Cha » chính là điều cốt lõi của sự hiện diện của Ngài trên trần gian. Cũng trong phúc âm thánh Gio-an chúng ta nghe Chúa Giê-su nói rằng: « vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. » (6, 38-40). Như vậy, Chúa Giê-su là người thi hành ý Cha, và vì thế Ngài không bao giờ để cho những người thuộc về Ngài, thuộc về cộng đoàn của Ngài bị mất đi, mà ngược lại như người mục tử nhân lành, Ngài luôn bảo vệ những con chiên của Ngài, và Ngài sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên của Ngài (x. Ga 10, 14-15). Hơn nữa, là mục tử nhân lành, Ngài luôn sống tâm tình: « Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. » (Ga 10, 28). Đó cũng chính là thánh ý Cha trên trời. Cha trên trời không ao ước điều gì hơn là tất cả những ai tin vào Đức Kitô, đều được gìn giữ và không bao giờ bị diệt vong. Hơn nữa, qua Người Con của Cha, họ sẽ tìm được sự sống muôn đời, sự sống vĩnh cửu. Đó là thánh ý cứu rỗi, thánh ý diễn tả một tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa giành cho con người từ ngày đầu tiên và có giá trị cho đến muôn muôn đời.

Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng, khi sống ý Cha thì Đức Kitô kết hiệp với Cha cách đặc biệt. Ngài và Cha là một (x. Ga 10, 30). Ở những đoạn khác của phúc âm thánh Gio-an, chúng ta đọc được : « Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người » (Ga 8,29). Một sự kết hiệp nên một của Cha với Con, sự nên một này diễn tả tình yêu tuyệt hảo trong « ngôi nhà Cha Con », và sau này trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, Ngài diễn tả tâm tình ao ước mỗi người chúng ta đều được thông hiệp và sống trong ngôi nhà đó, nghĩa là chúng ta cũng được nên một với Ngài và với Cha (x. Ga 17,23). Nhưng không chỉ là lời ao ước hay là lời cầu nguyện thông thường, mà Đức Kitô còn hiến dâng chính mình để hiện thực điều Ngài ao ước, nghĩa là Ngài tiếp tục sống đúng theo ý của Cha, đặc biệt ngay trong chính hoàn cảnh đau thương nhất.

Thật vậy, khi Người tùng phục ý Cha với tâm tình con thảo, thì chẳng những không làm cho cuộc sống của Người hết bi thảm, mà còn khiến nó bị người đời công kích và bị đưa ra đương đầu với tội lỗi thế gian; tội lỗi này rốt cuộc Người vừa phải gánh lấy vừa phải chiến thắng. Nhìn hoạt cảnh xảy ra ở vườn Ghếtsêmani, ta có thể đo lường được tấm bi kịch đè trên vai Đức Kitô nặng tới mức nào : « Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha… Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.» (Mt 26, 39 và 42).

Người bị chấn động không phải do ý muốn của Người và ý muốn của Cha đối chọi nhau, nhưng vì Người kinh hãi khi đứng trước nhiệm vụ mà kế hoạch cứu độ đòi Người phải thi hành. Trước công việc mà mình có bổn phận phải hoàn thành, Con Người ấy đã run sợ nhưng không khước từ thực hiện.

Lời cầu nguyện này của Đức Kitô đã được thánh Phao-lô giải thích trong thư gởi tín hữu Do-thái : « Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục. Và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người,». (Dt 5, 7-9). Và tiếp đến, Phao-lô còn nói cách sống động hơn: « Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. » (Dt 10, 5-7).

Như vậy, lời cầu xin „xin cho ý Cha được thể hiện“ mang tâm tình cầu xin Chúa tiếp tục yêu thương và cứu độ con người chúng ta. Công trình cứu độ không phải tự chúng ta là con người làm nên hay được tưởng thưởng, mà do chính tình yêu nhưng không của Thiên Chúa được biểu lộ qua chính Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, xuống thế trở nên giống phàm nhân, và hơn nữa, trở nên nô lệ và của lễ để đền tội và cứu chuộc con người. Tuy nhiên, trong công trình cứu chuộc đó, Thiên Chúa luôn mời gọi con người cộng tác vào, vì thế lời cầu xin „xin cho ý cha được thể hiện“ cũng mang tâm tình xin Chúa giúp con người chúng ta biết sống đúng theo thánh ý của Ngài.

Trở về với tác giả của kinh Lạy Cha là Đức Kitô, chúng ta thấy rằng, Đức Kitô thấu hiểu lòng của con người (Ga 2, 25), nên Ngài lo lắng về khả năng Nước Trời sẽ bị chối từ lần nữa, con người từ lòng mình có thể một lần nữa “lắc đầu” với Nước Trời, và chỉ đi tìm vương quốc của riêng mình. Và trong sự lo lắng đó, Đức Kitô đã dạy chúng ta cầu xin cho “ý Cha được thể hiện”. Như vậy, Đức Kitô dạy chúng ta ý thức tin tưởng vào Thiên Chúa, là Cha chúng ta và là Đấng quyền năng nhân từ, và xin Ngài đừng để cho Nước Trời bị hủy hoại bởi con người, bởi sự đui mù bất tuân và bất trung của con người, bởi ý muốn kiêu căng và ích kỷ của con người. Đức Kitô cũng dạy chúng ta xin Cha giúp chúng ta biết sống theo thánh ý của Cha.

Ai muốn vào Nước Trời, phải thi hành ý của Cha.

Thánh ý của Cha được Đức Kitô rao giảng như là một điều cần thiết cho những ai muốn bước vào nước Trời: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi“ (Mt 7, 21). Như vậy, Đức Kitô đã tỏ lộ cho chúng ta biết rằng, khi thánh ý của Cha được thực hiện, thì Nước Trời cũng được hiện diện, và con người có thể bước vào và sống trong Nước Trời. Điều này liên hệ đến toàn bộ cuộc sống của con người, „đụng“ tới suy nghĩ, hành động và cách sống của con người. Đây là yếu tố mang tính cách luân lý trong lời cầu xin.

„Xin cho ý Cha được thể hiện“. Với lời cầu xin này, chúng ta cầu xin Chúa kéo chúng ta thật mạnh ra khỏi bản thân chúng ta, vượt trên chính con người đầy giới hạn của chúng ta, để chúng ta có thể trở nên con người tự do cho Chúa và cho thánh ý của Ngài. Ngoài ra, với lời cầu xin này, chúng ta cũng xin Người soi sáng và củng cố ý chí của chúng ta, giúp chúng ta biết ngoan ngoãn trước mọi sự thúc đẩy của ân sủng. Khi chúng ta lấy ý Chúa làm ý mình, lấy hết khả năng ra đón lấy, là ý Chúa đã được thực hiện. Trong ý nghĩa này, giáo phụ Tertulian nói rằng, lời cầu xin này cũng mang ý nghĩa xin Chúa cho ý Chúa được thực hiện trong chúng ta và trên trái đất này. Và lời cầu nguyện cho ý Cha được thể hiện không gì khác hơn là tâm tình xin Chúa giúp chúng ta biết ý thức bước theo Chúa trên con đường giáo huấn của Ngài. Và chúng ta cũng cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết kín múc tinh thần và « nhựa sống » từ thánh ý của Ngài, để nhờ đó chúng ta có thể được cứu rỗi không chỉ trên trời mà ngay trên trái đất này[18]. Còn theo Grégoire de Nysse thì, khi ra khỏi thánh ý của Thiên Chúa, linh hồn sẽ bị chôn vùi trong tội lỗi, và chính tội lỗi này dẫn linh hồn đến sự chết[19]. Vì thế, lời cầu nguyện xin ý Cha được thể hiện, trong thực tế diễn tả lời cầu xin Chúa cứu chúng ta khỏi tội lỗi luôn muốn nhấn chìm chúng ta trong đêm đen của cuộc đời. Linh hồn nào đang đau khổ cần kêu lên « xin cho ý Cha được thể hiện », vì ý của Thiên Chúa chính là « sức khỏe » của con người. Và khi chúng ta cầu nguyện cùng Chúa với tất cả ý thức : « xin cho ý Cha được thể hiện trong con », thì chúng ta cần thay đổi cuộc sống của chúng ta, để cuộc sống chúng ta tương hợp hoàn toàn với thánh ý của Thiên Chúa. Qua đó chúng ta có thể ăn năn và kêu cầu Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta thoát khỏi cuộc sống trong quá khứ, mà chúng ta đã sống như là nô lệ của tội lỗi, và chúng ta cầu xin Chúa đoái thương tha thứ, và ban cho chúng ta ân sủng, để chúng ta có thể làm cho ý Cha được thể hiện trong cuộc sống của chúng ta[20].

Sống ý Cha bằng tấm lòng khiêm nhường.

Để bắt đầu kêu cầu và ý thức sống thánh ý của Cha, chúng ta cần có lòng khiêm nhường sâu thẳm. Theo Théodore de Mopsueste, trong sự ý thức về thân phận của mình, chúng ta không có thể thực hiện ý Cha nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa. Vì thế, thật là cần thiết khi tâm tình này được « gói » vào trong lời cầu nguyện mà Đức Kitô đã dạy chúng ta, để nhờ đó chúng ta có thể chọn lựa ý Cha với tất cả tình yêu tuyệt hảo và lại tiếp tục cầu xin Cha với tất cả sức lực và lòng khao khát. Vâng, ngay cả lúc chúng ta chọn ý Cha và muốn sống theo ý Cha cả triệu triệu lần, chúng ta vẫn hoàn toàn không có khả năng thực hiện ý Cha, nếu Thiên Chúa trong thực tế không nâng đỡ chúng ta[21]. Vì thế, lòng khiêm nhường trong lời cầu xin này thật là cần thiết biết bao. Thật vậy, nếu chúng ta nhìn lại vị Thầy khả kính là Đức Kitô, Ngài cũng đã phải chiến đấu như thế nào với chén đắng trước mắt, để rồi trong tương quan mật thiết với Cha và với tất cả tấm lòng khiêm nhường và hy sinh, Ngài đã xin vâng và đón nhận chén đắng. Đó là tinh thần của một vị Thầy khiêm nhường và hiền lành trong lòng (Mt 11, 29), và Ngài luôn yêu thương chúng ta.

Sống ý Cha bằng tình yêu thương thực sự.

Tình yêu thương, đó là tâm tình cao quý chúng ta cần có khi kêu cầu cùng Cha : « xin cho ý Cha được thể hiện ». Thánh Âu-tinh đã nói rằng : « ‘Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời’, lời cầu xin này là gì vậy ? Đó là lời cầu xin Chúa cho chúng ta biết thực hiện ý Cha dưới đất này như các thiên thần thực hiện ý Cha ở trên trời. Các thánh cũng tuân phục ý Cha, và không làm trái ngược ý Cha, các ngài đã thực hiện ý Cha với tất cả tình yêu thương. Cũng thế, chúng ta cầu xin cho được đón nhận « thực đơn » này với tất cả tình yêu thương »[22]. Với tình yêu chúng ta có thể sống theo ý Cha, và tình yêu đó chúng ta giành cho Cha, nghĩa là khi chúng ta ở lại và sống trong ngôi nhà yêu thương của Cha và con, thì chúng ta sẽ thực hiện được ý của Cha trong đời sống của chúng ta. Vì thế, lời cầu xin sẽ chưa trọn hảo, nếu chúng ta cầu « xin cho ý Cha » được thể hiện, nhưng chúng ta lại quên rằng lời cầu xin này chúng ta đang dâng lên cho Cha, nghĩa là chúng ta không ý thức và không có lòng ao ước ở lại trong tương quan thân thương với Cha, và trong bàn tay yêu dấu của Cha. Khi ở lại trong tương quan với Cha, chúng ta mang tinh thần thờ phượng Cha trên trời, cụ thể qua việc sống thánh ý Cha.

Sống thánh ý Cha trong tinh thần thờ phượng.

Trong tinh thần kết hiệp mật thiết với Cha trên trời và sống theo thánh ý của Cha, chúng ta luôn ý thức sống tinh thần thờ phượng Ngài. Maxime de Confesseur đã nói rằng : « Ai dâng lên Thiên Chúa tâm tình thờ phượng, thì người đó đã thi hành thánh ý Chúa trên trái đất này như các thiên thần đã làm ở trên trời »[23]. Thật vậy, thờ phượng Thiên Chúa là một cách thức cầu nguyện, và qua đó chúng ta có thể từ từ đi vào « ngôi nhà Cha Con ». Và khi sống trong « ngôi nhà Cha Con », nghĩa là lúc chúng ta sống trong tương quan mật thiết với Cha trên trời, như chính Đức Kitô đã làm và đã dạy chúng ta, thì chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận ý Cha, tuân phục ý Cha và thi hành ý Cha với tất cả sự tự do và niềm vui của người con.

Cha Alfred Delp đã sống tinh thần thờ phượng này một cách đặc biệt trong thời gian bị cầm tù bởi phát xít Đức. Trong một số bức thư và một số bài suy niệm, Alfred luôn nhắc đến hai từ « Adoro et suscipe – thờ phượng và hiến dâng ». Trong bài suy niệm về ngày lễ Chúa Hiển Linh, Alfred đã viết : « Thờ phượng (adoro) – trong thái độ đầy biết ơn này, con người trở nên tự do hoàn toàn… Thờ phượng và hiến dâng là hai từ ngữ nguyên thủy của tự do của con người. Đầu gối quỳ xuống và đôi bàn tay trỗng rỗng giang ra là hai cử chỉ nguyên thủy của con người tự do…Thờ phượng và hiến dâng : những từ ngữ nguyên thủy của cuộc sống, đó cũng là những con đường đi thẳng đến với Thiên Chúa, cũng như là cánh cổng cho tinh thần dâng hiến, và đó cũng là những con đường giúp con người tìm đến chính mình »[24]. Và trong lá thư gởi cho người con đỡ đầu Alfred Sebastian, cha Delp đã nhắn nhủ : « Chỉ có con người thờ phượng, con người yêu thương, con người sống theo điều luật của Thiên Chúa, mới là con người tự do và có khả năng sống »[25]. Và cuối cùng với cha Delp, thì con đường « thờ phượng và hiến dâng – adoro et suscipe » cũng là con đường trở nên của lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa, con đường vâng phục và hiến dâng của một chứng nhân cho niềm tin, một vị tử đạo sẵn sàng chết vì Danh Chúa và thánh ý của Ngài. Sau ngày cha bị kết án tử (sau ngày 11, tháng giêng 1945), cha viết trong một lá thư với những hàng chữ sau: « Với mọi cách thức, tôi hoàn toàn từ bỏ tất cả và hiến dâng chính tôi cách hoàn toàn. Đó là thời điểm của mùa gieo, chưa phải là mùa gặt. Thiên Chúa gieo, và một ngày nào đó sẽ đến và lúc đó Ngài sẽ gặt. Sự lo lắng duy nhất của tôi lúc này là cần phải được rơi vào lòng đất, như một hạt giống mạnh khỏe và có sức sinh sôi nẩy nở. Rơi vào lòng đất ! Vâng, và cũng rơi vào đôi tay của Thiên Chúa…Nếu Thiên Chúa muốn giành cho tôi con đường đau khổ này, thì Ngài cần phải giúp tôi sẵn sàng lên đường với con tim thật tốt mà không vương vấn chút đắng cay nào »[26].

Với tinh thần thờ phượng, kết hiệp với Thiên Chúa trong cầu nguyện, cha Delp đã sống mối tương quan thật mật thiết với Thiên Chúa, và nhờ vậy, cha đã can đảm đón nhận thánh ý Chúa và sẵn sàng trở nên hạt giống để hiến dâng cho Thiên Chúa và cho mọi người. Như vậy, để có thể đón nhận và thi hành thánh ý Cha trên trời, chúng ta cần xin Chúa kéo chúng ta đến với Ngài trong cầu nguyện, thờ phượng Ngài thường xuyên mỗi ngày, nghĩa là chia sẻ đời sống thường ngày với Ngài trong « ngôi nhà Cha Con », vì càng lúc chúng ta gần Thiên Chúa, thì chúng ta càng dễ dàng đón nhận và thi hành thánh ý của Ngài. Vì thế, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta được đến gần Ngài mỗi ngày nhiều hơn nữa, trên con đường sống theo thánh ý của Chúa, và sống theo Lời của Chúa.

Sống ý Cha là vâng phục sống theo Lời Chúa và giới luật của Chúa.

« Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,

là ánh sáng chỉ đường con đi » (Tv 119,105).

Lời thánh vịnh này diễn tả một tinh thần sống của những ai kiếm tìm thánh ý Chúa. Sống theo Lời Chúa, chọn Lời Chúa là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng dẫn lối cho chúng ta đi, đó là chúng ta đang tuân phục và thi hành ý của Cha trên trời.

Thật vậy, thánh ý của Cha được biểu lộ rõ ràng qua chính Lời của Ngài nói với chúng ta. Ở đây, chúng ta nhớ lại kinh nghiệm của Đức Hồng Y Thuận. Ngài viết trong bài suy niệm thứ bảy của cuộc tĩnh tâm giành cho giáo triều Rô-ma năm 2000 : « …trong suốt thời gian bị biệt giam. Trong những năm đó tôi đã tiến bước được vì "Lời Chúa là ngọn đèn cho bước chân tôi" "là ánh sáng trên đường đời tôi" (x. Tv 119, 105). Và tâm tình này của Đức Hồng Y được tỏ lộ mạnh mẽ hơn nữa: « Trong thời gian ở trong tù tôi đã viết: "Con hãy tuân giữ một quy luật thôi: Phúc Âm. Hiến Pháp này cao vượt trên tất cả mọi hiến pháp khác. Đó là luật mà Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ (x. Mt 4, 23). Nó không khó khăn, phiền phức hay gò bó như các luật lệ khác: trái lại, nó sinh động, nhân hậu và phấn chấn đối với tâm hồn con. Một vị thánh sống xa Phúc Âm là một vị thánh giả" (Đường Hy Vọng số 986).

Như vậy, sống thánh ý Chúa không gì khác hơn là sống theo tinh thần Tin Mừng của Chúa, sống theo tinh thần Chúa truyền ban. Thánh Phan-sinh khó nghèo đã nói: « Con người có giá trị thế nào là tùy theo hành vi của nó ». Tin Mừng chính là qui luật sống qui định mọi sự ứng xử và dấn thân của ta. Có thế, Lời Chúa, nơi biểu hiện ý Người, mới trở thành lương thực nuôi sống chúng ta. Đó cũng chính là ý nghĩa của đoạn sách Khải Huyền, theo đó tác giả bị yêu cầu phải « nuốt lấy cuốn sách ». Nó sẽ làm cho bụng dạ ông phải cay đắng nhưng trong miệng ông nó sẽ ngọt ngào như mật ong (ss. Kh 10,9).

Và sống thánh ý Chúa là sống tinh thần vâng phục. Nhưng sự vâng phục của người Kitô hữu không phải là chấp nhận bị tổn thương hay cưỡng bức, mà là tự nguyện đồng ý với kế hoạch của Thiên Chúa và những đòi hỏi của Tin Mừng như một người con hiếu thảo. Vâng phục là chấp nhận bước vào “cuộc chơi” của Thiên Chúa, chấp nhận tiến xa hơn trong mầu nhiệm cứu độ, để cho ý Chúa chiếm lấy cuộc đời mình và kéo mình theo: một sự vâng phục không còn miễn cưỡng như của người nô lệ nữa, nhưng đầy tươi vui của con cái Chúa.

Ngoài ra, tinh thần sống thánh ý Chúa cũng được diễn tả trong tinh thần sống theo luật Chúa truyền dạy, như theo mười điều răn Chúa truyền, và đặc biệt theo điều luật sống công chính, sống tình yêu thương. Chúng ta đọc lại cuộc đối thoại giữa người thanh niên giàu có và Đức Kitô: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời? " Đức Giê-su đáp: "Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn." Người ấy hỏi: "Điều răn nào? " Đức Giê-su đáp: "Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ", và "Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình. (Mt 19, 16-19).

Tinh thần sống theo tình yêu này còn được Đức Kitô làm nổi bật trong câu trả lời cho những người thông luật, những người Pha-ri-sêu: "Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất? " Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." (Mt 22, 35-40).

« Yêu Chúa và yêu người thân cận ». Đó là hai mặt của một lề luật mà Đức Kitô đã đặt ra cho chúng ta. Không có luật lệ nào lớn hơn luật lệ này cả. (ss. Mc 12, 28-34). Ở đây, theo như thánh Phao-lô, chúng ta đề cập đến tình yêu người thân cận như chính mình. Một cách tự nhiên, mỗi con người chúng ta khi được sinh vào cuộc đời, chúng ta đều được cấy vào một tình yêu chính bản thân mình, nghĩa là chúng ta yêu mình, nên chúng ta lo lắng cho cuộc sống của mình sao cho thật tốt, và nếu càng ngày càng tốt hơn, thì càng hay. Vì thế, làm sao để no, làm sao cho an toàn, làm sao cho tốt và làm sao đẹp đây ? Đó là câu hỏi chúng ta ý thức hay vô thức đều đặt ra cho chính mình, và rồi chúng ta « lên đường » để kiếm và tìm những điều cho chính mình được sống và sống dồi dào hơn. Cũng thế, chúng ta cần phải yêu thương người thân cận như mình yêu mình vậy. Đức Kitô đòi hỏi chúng ta : yêu thương người thân cận như chính mình (Mc 12, 31). Trong bài giảng trên núi, Đức Kitô đã đưa ra một luật vàng của tình yêu: « Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta » (Mt 7, 12). Nếu được phép, chúng ta có thể chuyển tâm tình này vào trong câu mang tính cách phủ định, mà vẫn giữ được ý nghĩa của nó : « Vậy tất cả những gì anh em không muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng đừng làm cho người ta ». Và khi sống theo tinh thần của tình yêu, thì chúng ta không chiều theo xác thịt, mà tất cả chúng ta đều sống theo sự chỉ dẫn của Thần Khí Chúa. Và khi sống như vậy, thì con người chúng ta không còn gây ra những thương tích đớn đau từ những « vụ cắn xé nhau », từ những chuyện âm mưu hãm hại nhau cho thỏa cái bụng xấu xa, cho « đã » cơn giận hờn.

Ngoài ra, chúng ta tìm thấy một cách diễn tả sống theo thánh ý Chúa trong thư của Phao-lô: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới lý trí, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo“ (Rm 12,1-2). Ở đây, đầu tiên thánh Phao-lô nhấn mạnh tinh thần cải biến, tinh thần thánh hóa, nghĩa là người Kitô hữu không còn rập theo những thói đời, mà xin được thánh hóa, được dìm mình vào trong cái chết của Đức Kitô, để được mai táng và để được chết với Người: „Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi“ (Rm 6, 6-7). Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Như vậy, qua phép rửa và nhờ ân sủng Chúa, chúng ta được sống trong đời sống mới, với lý trí và tinh thần mới. Và trong đời sống mới này, chúng ta được trao cho khả năng, trong mỗi hoàn cảnh của cuộc sống, chúng ta có thể nhận định để tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa, nghĩa là đi tìm những điều tốt, những điều hoàn hảo, những điều đẹp lòng Thiên Chúa. Những điều này được gói gọn trong tinh thần sống tình yêu thương.

Thật vậy, tình yêu được hiện thực hóa trong đời sống cụ thể hằng ngày. Và khi sống tinh thần tình yêu là chúng ta sống thánh ý của Chúa, và chúng ta cũng làm cho đời sống mỗi ngày thêm hoàn thiện, tương quan giữa nhau cũng trở nên tuyệt hảo: „Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo“ (Cl 3,14).

Và theo Wilcken, thì tình yêu được nhận ra rõ ràng nhất qua cái hợp lý của cây thập giá, một tình yêu vâng phục ý Cha, một tình yêu hiến thân vì tình yêu con người, để cứu rỗi con người, và tình yêu đó chỉ được hiện thực hóa dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần Chúa[27].

Sống thánh ý Cha dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Để có thể sống tình yêu vâng phục ý Cha như chính Đức Kitô, chúng ta cần có sự hướng dẫn và trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Vì trong sâu thẳm của con người, chúng ta luôn sống trong cuộc chiến chẳng dễ dàng gì. Chúng ta hãy nhớ lại lời của Thánh Phao-lô: “Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm”. (Rm 7, 14-15).

Ở đây, thánh Phao-lô diễn tả về tình trạng của con người có một phần thuận là “thần khí” và một phần khác nghịch lại với các đòi hỏi của bổn phận, là “xác thịt”. Xác thịt ở đây không có nghĩa là thân thể; nó chỉ những gì yếu đuối nơi chúng ta khi đứng trước bổn phận của mình và kháng cự lại những mời gọi của Thiên Chúa. Cụ thể, khi nói tới “xác thịt”, thánh Phao-lô bàn về những xung đột nội tâm nơi mỗi người chúng ta, và xác thịt chỉ về một thực tại mang ít nhiều thú tính, mà chúng ta cảm thấy nó đè nặng trên chúng ta. Vâng, đối mặt với tội - ở đây chỉ về những sức mạnh ngăn cản nhân loại đáp lời Thiên Chúa và đón nhận những ý định của Người -, thì sự tự do của chúng ta bất lực. Nơi mỗi người chúng ta, “xác thịt” đồng lõa với sự dữ: có thể chúng ta lên án ma túy, thái độ vô trách nhiệm, nạn tham nhũng… thật ra bản thân chúng ta hãy còn vướng ít nhiều những tục lụy đó. Như vậy, chúng ta cảm nghiệm được sự căng thẳng giữa xác thịt và thần khí chính là một phần nào đó của sự căng thẳng giữa nền văn hóa của chúng ta với tinh thần của Chúa Kitô; mà văn hóa hiện nay thì đề cao tự do và đi tìm những lạc thú, những cái luôn luôn mới, trong khi tinh thần Chúa Kitô thì tìm cách phụng sự Chúa Cha, và luôn vâng theo thánh ý của Cha.

Tương hợp với những điều Thánh Phao-lô diễn tả, các bậc thầy tu đức đã nhận ra bi kịch của một con người luôn bị giằng co. Văn hào Jean Racine cũng đã từng nói:

« Lạy Chúa tôi, ôi cuộc chiến thật là tàn bạo !

Nơi tôi có tới hai người ».

Ngoài ra, thánh Phao-lô còn diễn tả rõ ràng về hậu quả của lối sống theo tính xác thịt gây ra biết bao đau thương : « Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa » (Gl 5, 19-21). Qua lời của Thánh Phao-lô, chúng ta thấy rằng, cuộc chiến đấu giữa xác thịt và Thần Khí không chỉ là cuộc chiến đấu có tính cách mơ hồ, mà là cuộc chiến rất cụ thể, đòi hỏi chúng ta ý thức cần phải « biết người biết ta, thì trăm trận trăm thắng ».

Ở đây, « biết người », là như thánh Phao-lô, chúng ta cần phải gọi tên khi chạm mặt « phía người ». Nếu trong tôi đang có một giao động tức giận, thì tôi hãy gọi « phía đó » ra với tên của chính họ. Đó là « người tức giận ». Gọi ra không chỉ để ngắm, để nhìn, mà còn để thấu hiểu được dụng ý, mánh lới, đường hướng, mục đích và hậu quả của « người tức giận » sẽ gây ra và để lại. Qua đó, khi biết và ý thức được « người tức giận » với những « thứ rác rưởi » trong gói hành trang của người đó đang chuẩn bị đổ vào ngôi nhà cuộc đời của chúng ta, thì lập tức chúng ta thẳng thắn không nói lời « xin vâng », mà can đảm nói lời « chia tay » với « người tức giận ».

Khi sống như thế là chúng ta đang cố gắng bước đi trên con đường của Thần Khí Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào để biết rằng chúng ta đang sống theo Thần Khí? Thánh Phao-lô chỉ cho chúng ta biết: « Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. » (Gl 5, 22-23). Và để có thể dễ dàng giúp sống theo tinh thần của Thần Khí, xin được nhắc đến tinh thần của thánh I-Nhã. Rất đơn sơ và dễ hiểu : Trước mỗi điều chuẩn bị làm, cũng như trước mỗi quyết định cần có, đương nhiên bạn cần đắn đo, suy nghĩ và nhận định, để tìm ra cho mình một cách thức, một phương pháp, cũng như những phương tiện sử dụng... Nhưng để chuẩn bị theo tinh thần của Thần Khí, và để điều bạn muốn làm và điều bạn quyết định tương hợp với thánh ý của Thiên Chúa, bạn nên tự hỏi xem, « Nếu tôi dùng phương pháp đó, phương tiện kia để làm, hay quyết định như thế, thì sau đó tôi có được bình an không ? Sau đó tôi có cảm thấy tương quan giữa tôi với Chúa được thân mật hơn, tương quan giữa tôi với người khác có được gần gũi hơn ? Và cuối cùng tôi có khám phá mình và thăng tiến mình hơn hay không ? » Ngoài ra, cũng nên xét thêm về ba nhân đức đối thần, nghĩa là đức tin, đức cậy và đức mến có được ‘nở hoa và kết trái’ qua việc làm, với phương pháp và phương tiện tôi đã chọn không? Thật vậy, nếu chúng ta sống theo Thần Khí, thì cuộc sống của chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui, bình an, và chúng ta có thể nói rằng : « Life is beautiful, cuộc đời thật đẹp ».

Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời của Đức Kitô, vì Ngài đã sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, và chính Ngài đã sống tuân phục thánh ý của Cha trên trời một cách hoàn mỹ. Vì thế, chúng ta cầu xin cho chúng ta được thuộc về Đức Kitô một cách hoàn toàn, để nhờ đó, « Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. » (Gl 2, 20). Chúng ta cũng cầu xin cho mình được sống nhờ Thần Khí, và cũng nhờ Thần Khí mà tiến bước trên đường đời của chúng ta (ss Gl 5, 25). Trên con đường đó, mỗi ngày sống của chúng ta qua đi, thì thánh ý của Cha được tỏ lộ cách rõ ràng hơn.

Hơn nữa, Thánh Phao-lô còn mở ra cho chúng ta một chân trời mới : « Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! » (Rm 7, 24-25). Chính Đức Kitô đã cứu thoát chúng ta qua chính sự chết và sự phục sinh của Ngài. Vì thế, lời tạ ơn cần phải được dâng lên từ môi miệng con người chúng ta, những người mang thân xác yếu hèn bất lực trước tội lỗi, được Thiên Chúa qua Đức Kitô chuộc về, và trao ban lại ánh sáng, trao ban lại sự tự do làm con cái của Thiên Chúa : « Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết. Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta » (Rm 8, 1-3). Và sau hy lễ của Đức Kitô, thì Thần Khí của Người sẽ cho phép các tín hữu chiến thắng cái chết. Bằng tình yêu và tha thứ, Thiên Chúa tạo nên một thế giới mới trong đó không còn oán giận, căm thù, cũng không còn những ân hận cắn rứt lương tâm chúng ta nữa. Chúng ta sống hòa thuận với Người, chúng ta sống hòa thuận với nhau, và chúng ta sống hòa thuận với cả chính mình nữa.

Tóm lại, để sống thánh ý của Chúa, chúng ta cần ý thức sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa. Đây là một điều rất quan trọng đối với thánh Phao-lô, bởi vì đối với ngài, đời sống của Kitô hữu trước hết là đời sống trong Thần Khí : « Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an » (Rm 8, 5-6). Hơn nữa, khi sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, là chúng ta có được sự tự do đích thật.

Sự tự do cần có để sống theo thánh ý Cha.

Trong thư gởi tín hữu thành Ga-lát-ta, Thánh Phao-lô nhắc nhớ với tất cả lòng trìu mến và quan tâm của mình : « Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. » (Gl 5, 13). Tự do là một ân sủng cao quý được ban cho con người ngay trong những giây phút Thiên Chúa tạo dựng con người. Hơn nữa, Thiên Chúa trong yêu thương còn trao cho con người, cho chúng ta tất cả những tạo vật yêu quý của Ngài, để chúng ta chăm sóc, gìn giữ và phát triển theo thánh ý của Ngài. Chúng ta sẽ chu toàn trách nhiệm này thật tốt, khi chúng ta ý thức sống sự tự do của Thiên Chúa trao ban với tinh thần trách nhiệm cao, nghĩa là chúng ta ý thức vâng phục những quy luật tự nhiên và những điều luật và thánh ý Thiên Chúa truyền ban. Nhưng Thiên Chúa biết rằng, chúng ta là tạo vật có tự do, nên chúng ta có thể nói không hoặc nói vâng với những những gì Ngài muốn. Nói vâng thì sự sống sẽ tồn tại và phát triển, nói không thì mọi sự sẽ từ từ tự hủy hoại. Tiếc thay, con người đã nói không từ những ngày đầu tiên, để rồi con người hủy hoại những tạo vật yêu quý của Thiên Chúa, cũng như con người tự hủy hoại mình. Khi nói không với những điều luật và thánh ý của Chúa, thì con người đang lạm dụng sự tự do Thiên Chúa ban tặng, sự lạm dụng của người con hoang đàng ham chơi, sự lạm dụng của những con người ích kỷ chỉ biết tìm mình, tìm ý riêng của mình, đến nỗi gạt bỏ thánh ý của Chúa. Vì thế, cần phải coi chừng, phải cẩn thận trong tinh thần sống thánh ý Chúa, trong đời sống đức tin, và trên hành trình sống đạo. Tự do Chúa ban luôn đi đôi với lòng mến yêu và trách nhiệm. Vâng, lòng yêu mến là ân ban cao quý nhất và là kim chỉ nam hoàn hảo nhất, giúp chúng ta không chỉ biết « định nghĩa » cho đúng hai từ tự do, mà còn giúp chúng ta biết thăng tiến tự do. Đó là tình yêu Thiên Chúa và yêu người thân cận.

Tóm lại, để có được hạnh phúc cho cuộc đời, chúng ta cần chọn thánh ý Chúa là nền tảng cho đời sống chúng ta. Nghĩa là chúng ta chỉ ao ước một điều duy nhất là « thánh ý Chúa », như chị Elisabeth de la Trinité, khi được hỏi muốn mang tên gì khi về trời, chị trả lời: « Thánh ý Chúa ». Đối với Karl Rahner, thì Thiên Chúa cần ban cho chúng ta một ân sủng căn bản và cần thiết, giúp chúng ta dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào đều luôn luôn nói : Đừng để cho ý con, mà là ý Cha được thể hiện. Và chúng ta không cần phải làm gì hơn là bắt chước Đức Kitô nơi vườn Giệt-si-ma-ni và trong đêm trước khi Ngài chịu chết. Nếu chúng ta có thể làm điều đó, nghĩa là không sống theo ý riêng của chúng ta, mà hoàn toàn sống theo ý của Cha trên trời, thì chúng ta đã làm được tất cả mọi sự. Vì thế, chúng ta cần phải luôn luôn cầu xin ân sủng giúp chúng ta sống theo thánh ý của Cha[28].

Khi chúng ta có Chúa là Cha, và thánh ý của Ngài là nguồn sống, thì chúng ta đang sống trong căn nhà tràn đầy yêu thương và hạnh phúc với Thiên Chúa. Căn nhà « Cha-con » với chiếc áo đẹp nhất, với chiếc nhẫn đeo tay, với đôi dép dưới chân và ngồi vào bàn tiệc ăn mừng, bữa ăn với con bê đã được vỗ béo, và với rượu ngon của tình Cha. Đó là bữa ăn giành cho những ai sống tinh thần : “Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Dưới đất cũng như trên trời.

“Đất và trời” được thánh Mát-thêu nhắc tới một vài lần, như trong chương 16, 19: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”, và “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 18, 18).

Nhưng “đất và trời” được nhắc trong kinh Lạy Cha có ý nghĩa gì vậy? Trước hết, “như trên trời” chỉ về nơi Thiên Chúa mạc khải mình cách toàn diện cho các Thiên Thần và triều thần thiên quốc, nơi đó Thiên Chúa trị vì mà không gặp bất cứ chướng ngại và chống đối nào, nơi đó thánh ý của Thiên Chúa được kiện toàn cách trọn vẹn, mà không vương vấn bất cứ sự nhập nhằng hay “nước đôi” gì cả. Đó là thành thánh Giê-ru-sa-lem ở trên trời[29]. Nơi các thiên thần sống trọn vẹn tinh thần vâng theo thánh ý của Chúa.

„Chúc tụng CHÚA đi, hỡi muôn vì thiên sứ,

bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người,

luôn sẵn sàng phụng lệnh“. (Tv 103, 20).

Nếu thánh ý Cha được các thiên thần thi hành cách hoàn hảo như thế nào, thì chúng ta cũng cầu xin cho thánh ý của Cha được thể hiện cũng hoàn hảo như thế trên trái đất mà chúng ta đang sống, cụ thể trong từng người của chúng ta thánh ý của Cha được sống động và thể hiện.

Để có thể sống thánh ý Cha dưới đất này, trong đời sống thường ngày, chúng ta cần sống theo tinh thần của Đức Kitô, Đấng đã thi hành ý Cha cách trọn vẹn ở trên trời, cũng như dưới đất thấp. Thật vậy, khi ở trên trời Ngài đã vâng lời Cha, sẵn sàng xuống đất thấp và mặc lấy thân phận loài người, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại, để cứu độ nhân loại và đưa nhân loại về với Cha. Đó là thánh ý cứu rỗi và yêu thương của Cha được thực hiện trọn hảo trong Đức Kitô ở trên trời và dưới đất. Khi sống tinh thần của Đức Kitô, là chúng ta bước đi theo Ngài trong từng ngày sống, là học hỏi và sống tinh thần yêu thương tha thứ, tinh thần hy sinh dấn thân, tinh thần phục vụ chứ không để được phục vụ. Tất cả được ghi dấu trong tinh thần dâng hiến vì tình yêu giành cho chính người mình yêu. Có như thế, thì thánh ý của Cha mới được thể hiện thực sự trên trái đất này, có như thế thì thành thánh Giê-ru-sa-lem hiện diện trên trái đất này, và có như thế thì “trời và đất” tìm được một mẫu số chung.

Nhưng dù chúng ta có “sống” hay “thực hành” ý Chúa đến mấy, chúng ta cũng không bao giờ quên rằng, tất cả những hành động của chúng ta là sự cộng tác nhỏ bé, theo phần con người, nghĩa là tất cả còn tùy nơi Cha, Đấng quyền năng vô biên và nhân từ vô hạn. Hơn nữa, khi nhìn lại lịch sử của thế giới, chúng ta nhận ra biết bao nhiêu biến cố đi ngược với thánh ý của Chúa, và đã gây ra biết bao nhiêu đau thương cho con người. Gần đây nhất là thảm họa Khơ-me đỏ, thảm họa bởi chủ nghĩa Phát-xít... Tất cả những biến cố lịch sử đó đã để lại những “dấu ấn” dơ bẩn trên trái đất và thế giới chúng ta, chỉ vì con người đã tôn vinh chính mình lên, đi tìm quyền lực cho chính mình và chẳng ngại ngần chối bỏ tinh thần của Thiên Chúa, và chối bỏ chính Ngài.

Ý thức thân phận nhỏ bé đầy giới hạn của mình, ý thức về sự tiềm ẩn của sức mạnh sự dữ và sự ngu muội của con người, chúng ta khiêm nhường cầu xin với Cha : “ Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, và chúng ta cùng cộng tác với Chúa để tập sống thánh ý của Chúa trong đời sống thường ngày của chúng ta.

Ngoài ra, “dưới đất cũng như trên trời”, mấy chữ vắn tắt này không phải chỉ bổ nghĩa cho lời cầu xin thứ ba thôi, nghĩa là xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời, mà còn áp dụng cho cả ba lời cầu xin, như Origène lưu ý: “Chúng ta cầu xin cho dưới đất cũng như trên trời, danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện”[30].

Kinh thánh có nói:

“Muốn làm gì là Chúa làm nên,

Chốn trời cao cùng nơi đất thấp

Lòng biển cả và đáy vực sâu” (TV 135,6).

Nếu quả thật mấy chữ ‘dưới đất cũng như trên trời’ liên hệ tới cả ba lời cầu xin, thì nó mang một ý nghĩa vừa có tính cách vũ trụ vừa có tính cách cánh chung. Lời cầu nguyện này là một lời mời gọi động viên toàn thể tạo vật, dưới trách nhiệm của con người, cộng tác vào công cuộc cứu độ mà Thiên Chúa đã giao cho Con mình thực hiện. Công cuộc ấy được thực hiện mỗi ngày do mọi nỗ lực liên kết lại, cho tới khi lịch sử kết thúc.

“Lúc muôn loài đã qui phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ qui phục Đấng bắt muôn loài phải qui phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1Cr 15,28). Thiên Chúa tỏ mình ra không phải để thống trị các tên nô lệ, nhưng là để ngự trị trên các tâm hồn, Người vui tươi khi thấy các tâm hồn ấy ưng thuận với Người. Chúng ta được mời góp phần biến đổi thế giới và chuẩn bị ‘một trời mới, đất mới’.

Như vậy giữa ba lời cầu xin của kinh Lạy Cha có sự thống nhất. Cả ba đều bao hàm thái độ từ Thiên Chúa và sự đáp trả từ phía con người; hai bên cùng nhau tìm cách thực hiện mầu nhiệm cứu độ duy nhất, và mầu nhiệm ấy được thực hiện ngày này sang ngày khác cho tới khi hoàn tất qua một lần thực hiện dứt điểm và trọn vẹn[31].

Sự đáp trả của con người được diễn tả không chỉ qua thái độ sống tinh thần tin mừng, mà còn luôn được diễn tả qua lời cầu nguyện của chúng ta, những người con nhỏ bé đối với Cha ở trên trời, như thánh Phan-xi-cô thành A-si-si diễn tả:

“Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Lạy Cha, xin cho chúng con được yêu mến Cha với tất cả con tim của chúng con, bằng cách chúng con luôn nghĩ về Cha cách không ngừng nghỉ.

Xin cho chúng con được yêu mến Cha với tất cả linh hồn của chúng con, bằng cách chúng con luôn luôn ao ước về Cha.

Xin cho chúng con được yêu mến Cha với tất cả tinh thần của chúng con, bằng cách chúng con hướng mọi ý định và mục đích của chúng con về với Cha, và hằng tìm sự tốt lành của Cha trong mọi sự.

Xin cho chúng con được yêu mến Cha với tất cả sức lực của chúng con, để chúng con dùng tất cả sức lực của chúng con, và dùng tất cả mọi nguồn năng lượng của linh hồn chúng con, cũng như của thân xác chúng con duy nhất cho việc phụng sự Cha, chứ không cho bất cứ điều gì khác.

Xin giúp chúng con biết yêu mến người bên cạnh chúng con như chúng con yêu mến chính bản thân chúng con, bằng cách ban tặng cho họ mọi sự, theo khả năng của chúng con, và theo tinh thần tình yêu của Cha, và bằng cách chúng con vui mừng với niềm vui và hạnh phúc của họ như là niềm vui và hạnh phúc của chúng con, cũng như cảm thông và chia sẻ với những đau khổ họ phải chịu, và không bao giờ gây nên lỗi lầm đối với họ »[32].

Với lời cầu nguyện này, xin kết thúc phần thứ nhất của kinh Lạy Cha. Giờ đây, để bước qua phần thứ hai của Kinh Lạy Cha.

-------------------------------

[1] X. LUZ, U., Exegetisches Woeterbuch zum Neuen Testament, t.483.

[2] X. GUARDINI R., Gebet und Wahrheit, Meditation über das Vaterunser, 3. Auflage, Matthias-Grünewald Verlag, Mainz 1988, t.59.

[3] MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.159.

[4] DELF A., Gesammelte Schriften, Band IV, 2. Auflage, Knecht Verlag, Frankfurt am Main 1985, t.231.

[5] X. GUARDINI R., Gebet und Wahrheit, t.160.

[6] MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.165.

[7] RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.181

[8] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2816, t.780.

[9] RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.181

[10] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2819, t.781.

[11] X.DELF A., Gesammelte Schriften, Band IV, t.233.

[12] Trích bởi X. HAMMAN A. G., Abrégé de la prière chrétienne, t.55.

[13] Trích dẫn bởi KEHL M., Und Gott sah, dass es gut war, eine theologie der Schöpfung, Herder Verlag, Freiburg 2006, s.75.

[14] KEHL M., Und Gott sah, dass es gut war, eine theologie der Schöpfung, Herder Verlag, Freiburg 2006, p.76.

[15] X. GUARDINI R., Gebet und Wahrheit, t.97-102.

[16] KEHL M., Und Gott sah, dass es gut war, t.76.

[17] MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.180.

[18] X. TERTULIAN, trong « Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne », t.31.

[19] X. GREGOIRE de Nysse, Homélie 4, trong « Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne », t.94.

[20] X. HAMMAN A.G., Le notre Pére dans l’église ancienne », t.95.

[21] THEODORE de Mopsueste, trong « Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne », t.155.

[22] AUGUSTIN, Sermon 59, trong « Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne », t.135-136.

[23] MAXIME le Confesseur, trong « Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne », t.208.

[24] DELP A., Gesamte Schriften 4, t. 218-219.

[25] DELP A., Gesamte Schriften 4, t.141.

[26] DELP A., Gesamte Schriften 4, t.110.

[27] WILCKEN U., EKK, Der Brief an die Römer (Rm 12-16), Benzinger Verlag, Zürich 1982, t.7.

[28] RAHNER K., Betrachtungen zum Ignatianischen Exerzitienbuch, Kösel Verlag, München, 1965, t.226-227.

[29] MARTINI C., Le Notre Pere, Editions Saint-Augustin, Saint-Maurice 2001, t. 50.

[30] Trích bởi X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.58.

[31] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.58-59.

[32] X. HAMMAN Adalbert G., Le notre Pére dans l’église ancienne , t.223.


PHẦN 4:  XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

Mới nhìn qua, phần hai của kinh Lạy Cha có vẻ trái ngược với phần một. Nếu những lời cầu xin đầu tiên liên hệ đến kế hoạch cứu độ, thì các lời cầu xin còn lại của kinh Lạy Cha lại đề cập đến những nhu cầu hằng ngày, thậm chí những nhu cầu trần tục của con người như lương thực để ăn. Các lời cầu xin này không ăn khớp với nhau một cách rõ ràng lắm so với các lời cầu xin trước[1]. Giờ đây xin đi vào lời kinh « xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày », một lời kinh ở số nhiều.

Lời kinh ở số nhiều.

‘Xin Cha cho chúng con’, một lời cầu xin ở số nhiều. Điều này có ý nghĩa gì ? Theo Hamman, điều đó muốn dạy ta phải cầu nguyện chung với những người thiếu thốn lương thực hằng ngày, cũng như phải cầu nguyện cho những người ấy. Đừng quên rằng phân nửa thế giới ở trong tình trạng kém dinh dưỡng. Lời cầu xin này vừa là lời cầu cứu Thiên Chúa vừa là tiếng gọi những ai đang nắm giữ độc quyền của cải trần gian vì Thiên Chúa ban cho của cải ấy là ban cho hết mọi người. Đó là lời nhắc nhở những người có của, những nước giàu rằng họ chỉ là người quản lý của Thiên Chúa, họ phải chịu trách nhiệm phân phối của cải sao cho công bình… Khi cầu xin lương thực như thế, người Kitô hữu càng đi sâu vào tấn bi kịch của thế giới, càng đi sâu vào giữa lòng nhân loại hôm nay. Không phải để đổ lỗi cho người Kitô hữu, mà để động viên họ khi thấy họ đói, ai cần thì phải giúp họ thấy khuôn mặt của Đức Kitô, Người là Đấng có đủ mọi sự giàu sang mà lại chấp nhận trở nên nghèo nàn[2]. Chính tinh thần yêu thương, đoàn kết và chia sẻ với những người nghèo khổ là nền tảng để chúng ta có thể sống lời cầu nguyện này trong kinh Lạy Cha một cách cụ thể hơn. Bằng cách chia sẻ lương thực vật chất thiết yếu cho người thiếu thốn. Trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo có viết : « Nhưng sự tồn tại của những người đang đói cơm bánh cho thấy một chiều sâu khác của lời cầu xin này. Thảm kịch đói khát trên thế giới mời gọi các Kitô hữu đang cầu nguyện trong chân lý, phải có trách nhiệm hữu hiệu đối với các an hem, trong cách hành động cá nhân của họ cũng như trong sự liên đới của họ với gia đình nhân loại. Lời cầu xin này trong kinh Lạy Cha không được tách biệt với các dụ ngôn anh Lazarô nghèo khó (X. Lc 16, 19-31) và cuộc phán xét chung (Mt 25, 31-46) »[3].

Lương thực vật chất cần thiết cho cuộc sống.

« Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày ». Trong lời cầu xin này, từ ngữ « lương thực hằng ngày » được chú ý và được tranh luận nhiều. Trước hết, « lương thực » chỉ về tấm bánh mì được dùng như lương thực hằng ngày. Đó là ý nghĩa của vật chất.

Trong Kinh Thánh, khi nói ban bánh là có ý nói nuôi ăn, cấp đỡ cho các nhu cầu. Như trong sách Châm ngôn:

« Xin đừng cho tôi giàu sang hay nghèo nàn,

Chỉ xin cho có một phần bánh thôi » (Cn 30,8).

Đối với các Kitô hữu ngày xưa, lương thực hằng ngày là một thí dụ rất sống động để nói lên những ân huệ Thiên Chúa ban cho chúng ta. Như thánh Gioan đã lưu ý, nó làm cho ta nhớ tới Manna mà Chúa đã ban cho dân Người trên đường xuất hành khi băng qua sa mạc. Như tấm bánh mà Đức Giêsu bẻ ra, trong giờ ăn được nhân lên một cách lạ lùng, đã làm đám dân đang đói nhớ tới Manna ngày xưa ấy. Hơn nữa, theo Luz, lời kinh này cũng liên hệ đến mối phúc đầu tiên trong các mối phúc : « Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó» (Mt 5, 3a). Điều này diễn tả sự quan tâm đặc biệt của Chúa, sự gần gũi và tình yêu của Ngài đối với con cái của Ngài, những người con luôn thiếu những nhu cầu cần thiết nhất để sống và tồn tại[4]. Như vậy, lời kinh Lạy Cha ở đây dạy chúng ta chỉ xin lương thực đủ cho cuộc sống thường ngày, để khuyên chúng ta ngày ngày hãy sống trong vòng tay Chúa. Lời kinh này cũng thúc giục chúng ta đừng có tích trữ, bởi vì phần thặng dư là phần của người túng thiếu. Là khách lữ hành trong cuộc vượt qua mới, chúng ta phải có tâm hồn nghèo khó, tìm kiếm Nước Chúa trên hết, không quá lo tới ngày mai[5].

Như vậy, lời cầu xin cho được lương thực hằng ngày nói lên tinh thần ý thức sống đơn sơ với những nhu cầu cần thiết, chứ không cầu xin cho có được một cuộc sống tiện nghi dư thừa. Grégoire de Nysse đã nhấn mạnh điều này : khi chúng ta cầu xin như vậy, là chúng ta cầu xin cho những nhu cầu thiết yếu cho đời sống, chứ chúng ta không xin có một cuộc sống vương giả nhung lụa kiểu đại gia, không cầu xin cho có nhiều vòng vàng và những viên đá quý, không cầu xin có được những tà áo sang trọng, những chiếc bình bạch ngọc trưng bày trong nhà cao cửa rộng, cũng chẳng cầu cho có được đàn Ngựa và đàn Bò béo tốt. Tóm lại chúng ta cầu xin những đồ vật và lương thực không cám dỗ và lôi chúng ta ra khỏi tương quan thân mật với Thiên Chúa[6].

Tương hợp với tâm tình của Grégoire, Théodore de Mopsueste, trong bài viết về Kinh Lạy Cha mang tính cách luân lý, cũng đã nhấn mạnh lời cầu xin này liên hệ đến những nhu cầu thiết yếu cho đời sống thường ngày : « Tôi cho phép các bạn sử dụng những đồ đạc của thế gian này, với điều kiện các bạn hài lòng với những nhu cầu thiết yếu, và không bao giờ đòi hỏi hay tìm kiếm những thứ vượt trên nhu cầu thiết thực. Về điều này Thánh Phao-lô đã nhắc nhở, khi Ngài nói : « Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ“ (1Tm 6, 8), Chúa Giêsu đã gọi đó là „bánh“, để ám chỉ đến một nhu cầu thiết yếu. Chúng ta chân nhận rằng, bánh là lương thực quý báu nhất của mọi thứ để giúp nuôi sống và giúp tồn tại trong cuộc sống trên trần gian này“[7].

Để hiểu sâu hơn ý nghĩa của tử ngữ « tấm bánh hằng ngày », thì cần đi vào chính kinh nghiệm của người nghèo, của những ai sống trong hoàn cảnh thiếu thốn lương thực nuôi sống, như kinh nghiệm của Cha Alfred Delp ở trong tù của Phát-xít. Cha viết: « Lời cầu xin này đầu tiên chỉ về lời cầu xin tấm bánh vật chất… Để học được tinh thần tôn trọng tấm bánh là lương thực nuôi sống, và để ý thức sự vất vả lo toan kiếm được tấm bánh, người ta cần phải trải qua kinh nghiệm một lần bị bỏ đói, đói từ tuần này qua tuần khác, cái đói dày vò thân xác con người. Và người ta cũng cần một lần trải nghiệm sự đói khổ, để khi bất ngờ nhận được một mẩu bánh, là thực sự nhận được một ân sủng cao quý từ trên trời ban xuống »[8].

Dù đã chân nhận được giá trị của tấm bánh, của lương thực hằng ngày cần có để con người có thể sống còn, nhưng Alfred Delp vẫn xác tín rằng : « Tấm bánh mì thật quan trọng và giá trị, nhưng nếu chỉ có tấm bánh mì thôi, thì không thể nuôi sống và làm cho con người tồn tại được… Bánh mì thì quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tự do và quan trọng nhất là sự trung tín vững bền và tinh thần thờ lạy không ngơi nghỉ »[9]. Trong tâm tình này, lương thực cho thân xác và những « lương thực cho linh hồn » đều cần thiết cho con người, và cả hai đều quyện lẫn và liên kết với nhau chặt chẽ đến nỗi không thể gỡ ra được. Con người cầu nguyện, kêu gọi, đau khổ, hy vọng là con người toàn diện. Vì thế, con người toàn diện ấy phải được nuôi sống ít nhất là ở mức tối thiểu, thì mới sống Tin Mừng, sống theo tinh thần của Thiên Chúa được. Nói cách khác, với lời cầu xin này ta thấy rõ chiều dọc và chiều ngang phải cân xứng nhau, có chiều này mà không có chiều kia là què cụt. Vì thế, lời cầu xin không chỉ đề cập đến của ăn vật chất mà còn nói đến lương thực thiêng liêng.

Lương thực thiêng liêng cho đời sống.

Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh. Đó là điều Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan muốn nói, trong bài giáo lý tiếp theo sau trình thuật bánh hoá nhiều. Đức Giêsu đến không phải để làm một việc phụ trội, nhưng để đáp lại những tiếng gọi rất sâu xa. ‘Cái hơn ấy ở trong chính bản thân anh’. Bánh hoá nhiều, phép lạ ấy phải làm ta nhận ra nơi mình còn có một nguyện vọng cao hơn nữa, một sự đói khát mà chỉ mình Chúa mới có thể thoả mãn được khi ta được ở với Người trong Nước Trời[10].

"Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” (Ga 6, 26-27). Với lời này, Chúa Giêsu muốn kéo những con người nông cạn, chỉ tìm cơm bánh vật chất, đi vào nhu cầu nội tâm thiết yếu hơn của đời người. Thật vậy, con người không nên đui mù chỉ biết chạy theo cái “dạ dày” của mình, chỉ lo thứ lương thực chóng qua không đem lại sự sống vĩnh cửu. Ngược lại, con người cần phải vượt ra khỏi chính mình, vượt ra khỏi cái thế giới vật chất đầy giới hạn này, để đi vào một vũ trụ bao la hơn, đó là đi vào tương quan thân mật với Chúa qua chính niềm tin của mình, niềm tin vào Thiên Chúa, niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đến để con người được sống và được sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Đối với Tertulian, khi cầu xin tấm bánh hằng ngày là chúng ta cầu nguyện được liên lỉ sống với Chúa Kitô, và được trở nên một với thân thể của Ngài[11].

Theo Martini, tấm bánh thiêng liêng là tấm bánh của niềm tin và niềm hy vọng. Khi chúng ta cầu nguyện: “xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”, là chúng ta cầu xin ân sủng của Chúa Thánh Thần và của chính Đức Kitô, ân sủng đó như là món quà và bảo đảm cho ý nghĩa đích thực của cuộc sống chúng ta. Hơn nữa, khi cầu xin tấm bánh thiêng liêng, là chúng ta cũng cầu xin cho có được sự hiện diện gần gũi và thân tình của Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ để chúng ta cô đơn một mình. Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Lễ, trong bữa tiệc thánh thể, và Ngài cũng đang ngự trong nhà tạm[12]. Về điều này, thánh Phêrô Kim Ngôn diễn tả thật sống động : « Cha trên trời thúc dục chúng ta là, với tư cách là con cái bởi trời, chúng ta hãy cầu xin Bánh bởi trời. Đức Kitô ‘chính Người là tấm bánh được gieo trồng trong lòng Đức Trinh Nữ, dậy men trong xác phàm, làm thành bánh trong cuộc khổ nạn, nấu nướng trong lò huyệt mộ, lưu giữ trong các nhà thờ, được dâng lên trên các bàn thờ, hằng ngày cung cấp lương thực bởi trời cho các tín hữu »[13].

Còn thánh Têrêsa thành Avila, khi suy niệm lời kinh này, khuyên chúng ta cần chú ý cầu xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ thiếu Chúa, và cũng xin Chúa giúp chúng ta có được một lòng khát khao để đón nhận Ngài cách xứng đáng[14].

Thật vậy, chính Đức Kitô ban lương thực làm cho đời sống chúng ta dồi dào. Hơn nữa, chính Ngài là bánh hằng sống cho đời sống thiêng liêng của chúng ta.

« Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian." Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." Đức Giê-su bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! » (Ga 6, 32-35). Đức Kitô chính là tấm bánh trường sinh, nhưng ở đây mang cả hai hình ảnh, tất cả những ai đến với Ngài sẽ được làm cho no nê không phải đói nữa, và ai tin vào Ngài thì cơn khát mãi mãi „không còn khát nữa“. Như vậy, kết hiệp với Đức Kitô, thì đời sống chúng ta sẽ được no thỏa, và khi kết hiệp với Đức Kitô, chúng ta cũng ý thức sống theo thánh ý của Cha trên trời.

Trong phúc âm thánh Gioan, Đức Kitô đã nói: „Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người“ (Ga 4, 34). Như vậy, tấm bánh thiêng liêng nối kết với tinh thần sống theo thánh ý của Cha. Ở đây, chúng ta thấy sự liên hệ chặt chẽ của lời kinh này với lời kinh trước: „Xin cho ý Cha được thể hiện“. Vì thế, mỗi lần cầu xin lương thực cho cuộc sống, chúng ta cũng xin nhận ra được thánh ý của Cha, và biết sống trọn vẹn theo thánh ý của Cha, như Đức Kitô đã sống. Thật vậy, một trong những hình ảnh mà Đức Kitô vâng theo ý Cha, như là lương thực nuôi sống, là sống tinh thần nhân từ và tha thứ. Đó là tinh thần kế tiếp của Đức Kitô dạy chúng ta cầu nguyện với Cha.

-----------------------------

[1] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.59.

[2] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.60.

[3] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2831, t.784.

[4] X. LUZ U., Das Evangelium nach Mattheus, 1.Band, t.351.

[5] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.60.

[6] X. HAMMAN Adalbert G., Le notre Pére dans l’église ancienne, t.99.

[7] X. HAMMAN Adalbert G., Le notre Pére dans l’église ancienne, t.156.

[8] DELP A., Gesamte Schriften, Band IV, t.235.

[9] DELP A., Gesamte Schriften, Band IV, t.236.

[10] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.61.

[11] X. HAMMAN Adalbert G., Le notre Pére dans l’église ancienne, t.33.

[12] MARTINI C., Le Notre Pere, t.36.

[13] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2837, t.786.

[14] Thrérèse d´ Avila, Le chemin de perfection, Les édition du Cerf, Paris 1981, p. 156.


PHẦN 5: XIN THA TỘI (NỢ) CHO CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ LỖI (NỢ) VỚI CHÚNG CON

Trong lời cầu nguyện này, Đức Kitô dùng hình ảnh mắc nợ. Từ ngữ „nợ“ mà Chúa Giêsu nói trong bản văn của kinh Lạy Cha trong Mát-thêu rất quan trọng. Trước hết từ ngữ „nợ“ này trong Do-thái giáo thường dùng để chỉ về hoàn cảnh của con người trước Thiên Chúa[1]. Nên từ ngữ „nợ“ này diễn tả thái độ bất tuân của con người đối với lề luật của Chúa, và đối với Thiên Chúa. Ngoài ra, có thể dùng từ ngữ „tội“ thay cho từ ngữ „nợ“, nhưng vẫn ám chỉ đến tội lỗi của con người gây ra làm sức mẻ hay đổ vỡ tương quan của con người với Thiên Chúa. Dù sao, việc tha nợ là một món quà lớn lao đối với người mắc nợ. Cũng thế, chúng ta là những « con nợ » trước mặt Thiên Chúa, và chúng ta không có khả năng để trả nợ đó, bởi vì chúng ta đã « bẻ gãy » tương quan tình yêu với Ngài. Nói khác đi, chúng ta với sức mình thôi, thì không thể xây dựng lại mối tương quan này. Mối tương quan tình yêu này chỉ được xây dựng lại, khi mối tương quan đó được ban lại cho chúng ta một cách nhưng không. Vì thế, lời cầu xin « tha tội (nợ) cho chúng con » là một lời cầu nguyện nền tảng[2].

Lời cầu xin tha thứ mà Chúa Giêsu dạy cũng là một trong những chủ đề chính trong những lời cầu nguyện của người Do-thái. Trong lời cầu nguyện 18 của người Do-thái, có lời cầu xin ơn tha thứ : Lạy Cha, xin cha cho chúng con, vì chúng con đã phạm lỗi chống lại Cha, xin xóa bỏ những lầm lỗi của chúng con trước mặt Cha, vì lòng nhân từ của Cha thật bao la. Lạy Gia-vê Thiên Chúa, Đấng hay tha thứ, xin ngợi khen Cha[3].

Ngoài ra, theo Luz, trong Do-thái giáo ý tưởng về sự tha thứ của Thiên Chúa luôn gắn liền với sự tha thứ của con người : Thiên Chúa không tha thứ tội lỗi cho con người đã phạm, cho tới khi con người tha thứ cho người đồng loại của mình[4]. Nhưng làm sao để hiểu đúng sự liên hệ giữa sự tha thứ của Thiên Chúa gắn liền với sự tha thứ của con người trong kinh Lạy Cha ?

Sự tha thứ của Thiên Chúa luôn gắn liến với sự tha thứ của con người.

Nếu đọc kỹ từng lời cầu nguyện trong kinh Lạy Cha, sẽ nhận ra được nét đặc biệt trong lời cầu nguyện về tinh thần tha thứ. Đó là, chỉ trong lời cầu nguyện này, theo Joachim Jeremias[5], có thêm một yếu tố “thêm vào”, đó là hành động của con người: “Như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Còn trong các lời cầu nguyện khác chỉ nói về hành động của Thiên Chúa. Vì thế, có thể nói rằng, sự tha thứ của Thiên Chúa luôn gắn liền với sự tha thứ của con người.

Điều này được diễn tả sống động trong dụ ngôn « tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót » (Mt 18, 23tt). Ý tưởng quan trọng của dụ ngôn này được diễn tả qua câu nói của vị vua trong câu chuyện: « Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? » (Mt 18, 32-33). Câu nói của vị vua nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của tinh thần tha thứ trong đời sống đức tin, cụ thể trong tương quan của người Kitô hữu với Chúa và với người khác. Tuy nhiên, theo Gnilka, trong lời cầu xin tinh thần tha thứ của kinh Lạy Cha, chúng ta không được phép nói rằng : những ai đã sẵn sàng tha thứ cho người khác thì họ đã có một công nghiệp. Với công nghiệp này họ được phép đòi hỏi sự tha thứ của Chúa. Đúng hơn, người Kitô hữu cần ý thức rằng : con người chỉ được phép cầu xin ơn tha thứ của Chúa, khi con người về phần mình đã sống tinh thần tha thứ[6]. Cũng thế, đối với Michel Hubaut, thì « chữ ´như´ này diễn tả một sự lô-gích của tình yêu…Và không thể chấp nhận được tình trạng, một đàng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, Đấng tha thứ, nhưng đàng khác vẫn đóng kín mình lại và từ chối tha thứ cho tha nhân. Con người cộng tác vào sự tha thứ tội lỗi cho chính họ bằng cách họ đón nhận tình yêu giàu lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng giúp cho con người có khả năng để tha thứ cho anh chị em. Con người, khi sống tinh thần tha thứ cho người khác, là họ bước vào trong sự lô-gích của lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa »[7].

Ngoài ra, các Giáo phụ Hy lạp rất nhạy cảm với những chi tiết ngôn ngữ lẫn thần học, nên không những đã dịch như thế mà còn lấy việc ta phải tha trước (‘chúng con đã tha‘) làm mũi nhọn để lý luận. Như thánh Jean Chrysostome đã viết: ‘Nếu chúng ta có tha thì người ta mới tha cho chúng ta. Chính chúng ta định mức cho ơn tha thứ. Nếu bạn tha thứ cho một người như bạn, tôi xin hứa tôi sẽ tha thứ cho bạn’. Không phải vì ta tha mà Chúa mới tha, nhưng việc ta tha sẽ chi phối việc Chúa thứ tha, dù Người vẫn tự do trong việc này[8].

Thiên Chúa tha thứ không phải vì bị ép, sự tha thứ của Ngài không lệ thuộc vào công nghiệp của con người. Thiên Chúa tha thứ chỉ vì hào hiệp và từ tâm. Đó là thái độ của tình yêu, một tình yêu hoàn toàn tự do.

Thiên Chúa nhân hậu và từ bi.

Tha tội là một việc tối quan trọng trong Cựu ước cũng như Tân ước. Tội lỗi không phải chỉ là một sự lỗi phạm của cá nhân đối với Chúa, vì nó làm nhục tới chủ quyền của Thiên Chúa, hơn thế nữa, nó làm thương tổn tới tình yêu của một người Cha. Thiên Chúa đau khổ khi thấy con người từ khước tình yêu của Người và đi vào chỗ hư thân, nhưng dù thế nào Ngài vẫn yêu thương và sẵn sàng tha thứ.

Trở về với biến cố lụt đại hồng thủy, chúng ta thấy rằng, ngay sau biến cố này, nghĩa là sau khi ông Nô-ê ra khỏi tàu, Thiên Chúa đã nói : « Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa ». (St 8,21). Lời của Thiên Chúa đã diễn tả lòng nhân từ hay thương xót đối với các tạo vật của Ngài, và cũng nói lên được thánh ý cao cả của Ngài, thánh ý cứu rỗi con người, cụ thể qua hình ảnh Thiên Chúa thứ tha và cứu rỗi dân Do-thái. Và trong chiều dài lịch sử, khi dân Do-thái thờ cúng con bò vàng, Mô-sê đã cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho dân (x. Xh 32, 32). Thiên Chúa đã đáp lời bằng cách đã hiện ra với Mô-sê và mạc khải cho Mô-sê biết về chính bản chất của Ngài : « ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng: ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì ». (Xh 34, 6-7). Thiên Chúa có quyền năng tiêu diệt và có quyền năng cứu rỗi, có quyền năng hành phạt và có quyền năng tha thứ. Ngoài ra, Thiên Chúa có thể nổi giận và xử phạt, nhưng sự nổi giận và xử phạt không nói được hết bản chất của Thiên Chúa. Theo Zenger, trong đoạn sách Xuất Hành này, Gia-vê Thiên Chúa mạc khải Ngài chính là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi. Ngài liên kết với dân của Ngài, như người Mẹ gắn bó với con của mình. Nhưng không chỉ thế, sự nối kết thân mật của Thiên Chúa với con người chắc chắn lớn hơn tình Mẹ giành cho con: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Sự liên kết chặt chẽ và thân mật này vượt trên không gian và thời gian. Không có bất cứ ngăn cách nào có thể làm thay đổi sự liên kết này. Hơn nữa, lòng nhân hậu và từ bi thuộc về bản chất của Thiên Chúa. Ngài như vị vua tốt lành không bao giờ bóc lột con dân của mình, ngược lại luôn chăm sóc, thương yêu và làm cho con dân được hạnh phúc[9] .

Đối với các tiên tri, thì họ trình bày một Gia-vê Thiên Chúa nhân từ, tha hết mọi nợ nần, xoá hết mọi tội lỗi, thanh tẩy toàn vẹn con người và xoay chuyển tâm hồn con người. Tiên tri Hô-sê-a đã diễn tả về Thiên Chúa nhân từ cách đặc biệt qua cách hành xử của Ngài đối với dân Ít-ra-en (x. Hô-sê-a 1-3). Dù dân Ít-ra-en như « cô gái điếm » quay lưng lại với Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn tha thứ, Ngài vẫn trung tín và kiên tâm cứu dân Ngài về : « ĐỨC CHÚA yêu thương con cái Ít-ra-en, trong khi chúng lại quay lưng đi theo các thần khác và thích bánh nho”. (Hô-sê 3, 2).

Hơn thế nữa, Ngài sẵn sàng lập lại hôn ước với dân Ngài trong tình yêu thương :

“Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu,

Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực,

trong ân tình và xót thương;

Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành,

và ngươi sẽ được biết ĐỨC CHÚA”. (Hô-sê-a 2, 21-22).

Thật vậy, sự tha thứ và lòng nhân hậu của Thiên Chúa lớn hơn tất cả những tội lỗi của con người. Ngài có thể biến đổi tất cả những lầm lỗi vào trong tình yêu. Tất cả đều có thể đối với Thiên Chúa, tất cả những gì cũ kỹ đều có thể trở nên mới đối với Thiên Chúa.

Cũng thế, sự tha thứ đem lại một cuộc gặp gỡ mới, sự tha thứ « cưu mang » một sự sinh ra mới, đó chính là giao ước mới của Thiên Chúa với dân Ngài, mà tiên tri Giê-rê-mi-a diễn tả : « Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31, 31-34). Dù dân Ít-ra-en có thất trung và “đập vỡ” giao ước với Thiên Chúa trên núi Si-nai, nhưng Thiên Chúa vẫn trung tín và một mực yêu thương dân của Ngài. Ngay từ ngày đầu tiên, Thiên Chúa đã nói lời xin vâng của tình yêu đối với con cái của Ngài, thì lời xin vâng đó có giá trị cho đến ngàn đời. Sợi dây nối kết của lời xin vâng tình yêu này vững chắc đến nỗi, không có sức mạnh nào của sự dữ, của bóng đêm có thể cắt đứt được. Ngược lại, trong lời xin vâng của tình yêu, Thiên Chúa thiết lập một giao ước mới với con cái của Ngài. Nhưng cái “mới” này không phải là sự lập lại của hành động ngày xưa, mà cái “mới” này diễn tả sự tái lập cách tuyệt vời dân của Thiên Chúa, sự tái lập này dựa trên sức mạnh biến đổi và thánh hóa nội tâm mà con cái của Thiên Chúa nhận được. Vì thế, lề luật và tinh thần của Chúa không còn được ghi trên phiến đá như giao ước ngày xưa trên núi Si-nai, mà được ghi trong tâm khảm của con người. Nơi tâm khảm đó, nơi cái bên trong sâu thẳm nhất, những người con của đất thấp học biết Cha của trời cao. Cái biết này không chỉ là cái biết thông thường của trí hiểu, mà là cái biết diễn tả thái độ đón nhận và biểu lộ niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, cái biết của những tấm lòng đơn hèn vui mừng bước vào trong tương quan tình yêu với Ngài, vào trong một cộng đoàn với Thiên Chúa là Cha[10], Đấng yêu thương con người đến nỗi đã hy sinh người Con duy nhất của Ngài cho nhân loại. Đó là Đức Giêsu Kitô, Ngài đến để đem tin mừng đến cho con người, tin mừng của tha thứ, tin mừng của cứu rỗi.

Qua Đức Kitô, Thiên Chúa nhân hậu tha thứ cho con người.

Lòng thống hối ăn năn của chị gắn liền với thái độ khiêm tốn đứng đàng sau chứ không dám đứng đàng trước Chúa, lòng thống hối ấy phát xuất từ tấm lòng chân thật và đang trào ra qua những giọt nước mắt « tưới ướt » chân của Chúa. Nhưng lòng thống hối không dừng lại ở những giọt nước mắt đó, lòng thống hối thúc đẩy người ta phải tỏ lộ một thái độ khiêm cung hơn nữa, quỳ xuống và xõa tóc ra, chẳng còn mắc cở và cũng chẳng sợ lời đàm tiếu, rồi nâng đôi chân Chúa và lấy tóc lau đôi chân ướt đẫm nước mắt, nước mắt của lòng thống hối ăn năn sâu thẳm. Ai không xúc động trước thái độ ăn năn rất thật và rất khiêm cung của người phụ nữ ? Và ai lại không thấy lạ lùng về chính thái độ của Đức Kitô, im lặng và thật bình tâm để người phụ nữ nổi tiếng trong thành đến gần bên và làm những thái độ thật đặc biệt giành cho Ngài ? Phải chăng lòng nhân từ yêu thương của Ngài đã vượt trên tất cả mọi rào cản, rào cản của tội lỗi dù nặng nề đến mấy, rào cản của tập tục ngăn cách và cô lập người tội lỗi. Tất cả rào cản ngăn cách và không cho phép lòng nhân từ của Chúa đụng đến những phận người tội lỗi đều được phá đổ. Lòng nhân từ và thứ tha cần phải hiện diện trong đời sống của con người lỗi tội. Lòng nhân từ đã mở lời với người phụ nữ : « tội của chị đã được tha rồi », và chẳng màng tới những cái bụng gian ác lại hay đàm tiếu, lòng nhân từ dịu dàng nói tiếp: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an." Sự bình an không chỉ phảng phất “mùi thơm” từ lòng thống hối của người phụ nữ, mà chất chứa hương thơm hảo hạng từ lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện qua chính Đức Kitô.

Một cuộc gặp gỡ khác giữa người phụ nữ bị kết án vì tội lỗi và Đức Kitô. Bối cảnh và tình tiết của câu chuyện được Gioan diễn tả thật đặc biệt (Ga 8, 2-11). Một phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình, và theo luật thì bà ta phải bị ném đá. Xử theo luật sẽ là như thế, còn Đức Kitô, một Ráp-bi giảng về lòng nhân từ và tình yêu trong đôi mắt người Do-thái thời đó, sẽ xử như thế nào đây ? Thực sự đây là một cái bẫy ác độc của nhóm kinh sư và Pha-ri-sêu đặt ra để ám hại Chúa Giêsu. Nếu Ngài đồng ý với luật, thì Ngài sẽ mâu thuẫn với chính Ngài và với những gì Ngài giảng dạy. Nếu Ngài không theo luật, thì Ngài sẽ gặp hiểm nguy, vì một Ráp-bi mà lại không tuân theo luật của Mô-sê truyền lại, thì ai có thể tin tưởng đây, và hơn nữa có thể người ta sẽ tìm cách để kết án Ngài.

Trước hoàn cảnh thật tế nhị này, Đức Kitô hành xử như thế nào? Giữa vòng tròn đám đông vây quanh và dưới sức ép của bao « cái mồm to » đang đổ dồn và chờ đợi, Đức Kitô vẫn bình tâm, cúi xuống viết trên đất. Chẳng hiểu Ngài viết gì. Một thái độ lạ lùng làm đám đông nhốn nháo và vặn hỏi Ngài nhiều hơn. Vẫn bình tâm, Đức Kitô ngẩng đầu lên và nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Ô, một câu nói thật nhẹ nhàng, nhưng rất rõ ràng được ném vào bao “cái mồm to” với dụng ý rất xấu xa của đám người gian ác. Và điều gì xảy ra ? Tất cả im thin thít, và những bước chân lẳng lặng tách khỏi đám đông, từ đôi chân già nhất đến đôi chân trẻ nhất. Vòng tròn kết án của con người theo luật lệ hà khắc đã tan biến, trả lại một bầu khí nhẹ nhàng dễ thở hơn. Chỉ còn chị phụ nữ và Đức Kitô. Đặt mình là người phụ nữ lúc đó, chắc cũng thở phào ra một chút, nhưng vẫn còn hồi hộp lắm, vì không biết Đức Kitô sẽ xử với tội lỗi của mình như thế nào. Vẫn với thái độ bình tâm, Đức Kitô ngẩng đầu lên và bây giờ Ngài mới nói với người tội lỗi : « Này Chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ? ». « Thưa ông, không có ai cả ». Trước lời đáp trả của người phụ nữ, Đức Kitô dịu dàng nhưng rất cương quyết nói với chị : « Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! ». Lòng nhân từ lên tiếng tha thứ và đem lại sức sống mới. Một sức sống mới cần phải đoạn tuyệt với tội lỗi, một sức sống mới tràn đầy tự do, niềm vui và hạnh phúc. Thật tuyệt vời khi ngắm nhìn Đức Kitô đang tỏ lòng nhân từ tha thứ cho biết bao phận người tội lỗi. Không chỉ thế, Đức Kitô còn chia sẻ bàn ăn với họ nữa, nghĩa là Ngài sẵn sàng bước vào trong tương quan thân thiết với họ, để cứu chữa họ, để đưa họ ra khỏi hố sâu của tội lỗi và trở về với con đường của tự do và hạnh phúc. Thật vậy, Ngài biết họ, những con người tội lỗi, những người bệnh đang rất cần đến Ngài (x. Mt 9, 10-11), và sứ mạng của Ngài chính là cứu chữa họ, những con người bất hạnh đang phải ngồi trong bóng đêm, cũng như để tìm và cứu những gì đã mất (x. Lc 19, 10). Cao điểm của sứ mạng cứu rỗi, và sống tinh thần nhân từ hay tha thứ của Đức Kitô được thể hiện trên cây thập tự : « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23, 34). Đó là lời cuối cùng của Đức Giêsu trên thánh giá cũng là một lời cầu xin tha cho các người hành quyết. Thập giá ấy cho ta thấy một cách thật ngỡ ngàng tình thương của Thiên Chúa còn lớn hơn tội lỗi biết bao nhiêu.

Tất cả những hành động và đời sống của Đức Kitô tương hợp với những gì Ngài rao giảng, tương hợp với tinh thần của Ngài. Thật vậy, « đọc lại » đời sống nhân từ hay tha thứ của Đức Kitô, chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa của ba dụ ngôn diễn tả lòng nhân hậu hay thương xót của Chúa trong Luca, chương 15, cũng như chúng ta mới thấm thía biết bao lời Ngài truyền ban và khuyên nhủ chúng ta sống tinh thần nhân từ và tha thứ. Vâng, không chỉ tha bảy lần, mà cần phải tha đến bảy mươi lần bảy cho những người có lỗi với chúng ta. Đó là sự tha thứ liên lỷ, một sự tha thứ đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực mỗi ngày. Sự tha thứ mà Đức Kitô mời gọi chúng ta sống trong lời kinh Lạy Cha này.

Tha thứ, thái độ căn bản của con người.

Không có tương quan nào lại không phảng phất « mùi vị » của phiêu lưu, của căng thẳng, của đổ vỡ. Ra khỏi mình để bước vào tương quan với người khác, và mở rộng cánh cửa đời mình cho người khác bước vào căn nhà của mình, là sẵn sàng đi vào một cuộc phiêu lưu, là ý thức và chấp nhận mình có thể bị tổn thương, bị đau đớn. Nhưng nếu chỉ ý thức và chấp nhận những hậu quả tiêu cực xảy ra, thì chưa đủ. Thêm vào đó, cũng cần ý thức để tìm cách chữa lành những vết thương, xoa dịu những khổ đau, và xây dựng lại mối tương quan trong hòa bình và tình yêu. Cụ thể hơn, bước đầu tiên cần có là cần phải cảm thông và tha thứ.

Tha thứ là một thái độ diễn tả tương quan của con người với nhau. Trong tương quan đó, một bên sẵn lòng tha thứ và bên kia nhận được sự thứ tha. Hơn nữa, tha thứ còn là hành động xây dựng lại mối tương quan đang bị đe dọa. Nói khác đi, tha thứ là một thái độ đáp lời cho những « tai nạn » trong tương quan giữa con người với nhau, nghĩa là sự tha thứ đem đến hòa giải, hàn gắn và băng bó lại những tương quan đang « rướm máu », và tìm lại niềm vui và bầu khí yêu thương. Thái độ cùng tinh thần tha thứ này được diễn tả qua nhiều hình thức khác nhau. Một lời nói tha thứ luôn là một cách diễn tả sống động cho tinh thần tha thứ. Và lời nói tha thứ này cần được phát xuất từ chính tâm hồn dù bị tổn thương, dù phải cay đắng, nhưng sẵn sàng mở lòng nhân từ đối với những người gây ra những căng thẳng và đau đớn. Tuy nhiên, thái độ tha thứ đôi khi lại không được diễn tả qua lời, mà lại được diễn tả qua thái độ thinh lặng với một ý hướng tích cực sẵn sàng đón nhận, hòa giải và bắt đầu lại. Như thế, tinh thần tha thứ không bao giờ « giậm chân » tại chỗ, ngược lại tinh thần tha thứ luôn đem lại một năng lực mới với sức sáng tạo mới, để xây dựng và để cùng xây dựng lại mối tương quan. Chắc chắn, trong thực tế cũng không loại trừ những trường hợp tha thứ thật sự, nhưng vết thương và vết sẹo vẫn còn, vì thế cũng khó lòng xây dựng lại mối tương quan. Trong trường hợp này, dù không lý tưởng, nhưng phải chấp nhận giới hạn nhất định của việc tha thứ.

Như vậy, tinh thần tha thứ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống làm người. Đó là một trong những thái độ căn bản trong đời sống bình thường cho mọi người và đặc biệt cho đời sống của người Kitô hữu, những người tin vào Đức Kitô, Đấng đã sống tinh thần tha thứ cách triệt để, và đã dạy dỗ con cái theo gương Ngài sống tinh thần tha thứ cho nhau.

Tha thứ, thái độ căn bản của người Kitô hữu.

Kế bên lời cầu nguyện trong kinh Lạy Cha về tinh thần tha thứ mà Đức Kitô dạy dỗ, chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng những giáo huấn khác của Đức Kitô nhắc nhớ chúng ta sống tinh thần tha thứ. Như trong những câu kế tiếp của kinh Lạy Cha, Đức Kitô nhắc lại tinh thần tha thứ, nhưng với một cung cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn : « Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em ». (Mt 6, 14-15). Như vậy, tha thứ cho anh chị em đồng loại là một đòi hỏi giành cho những ai sống đời sống đức tin vào Chúa. Chính sự đòi hỏi này cũng là một lời cảnh báo, đừng bao giờ để cho những tự ái, những căng thẳng, những vết thương, sự thù hận và sự chai cứng con tim “giết chết” đi lòng nhân từ, nhận chìm thiện chí hòa giải. Đời sống người Kitô hữu hệ tại phần lớn ở chính lòng nhân từ thương xót, yêu mến sự hòa bình và sẵn sàng tha thứ, như chính Đức Kitô đã sống và mời gọi chúng ta sống như Ngài. Tuy nhiên, tha thứ là một điều không dễ để làm. Đó là một hành vi đòi hỏi chúng ta phải mở lòng ra, đôi khi phải lấy hết can đảm để nói lên hai tiếng “tha thứ”, để chạy đến với người có lỗi và giang rộng đôi tay ôm họ vào lòng. Alfred Delp, khi bị phát xít Đức giam giữ trong tù, đã viết về sự tha thứ trong kinh Lạy Cha, liên quan trực tiếp đến những người có quyền lực thời đó và kết án tử hình cha: “Tôi không tức giận với họ (phát xít Đức), và tôi cũng không tức giận với con người rất dối trá nắm lề luật của đất nước Đức trong tay (Roland Freisler, 1893-1945). Tôi thực sự chỉ đau lòng cho họ. Và hơn nữa đau lòng cho dân tộc…Xin Chúa che chở nước Đức”[11].

Tinh thần tha thứ của Alfred Delp thật đáng khâm phục. Thật vậy, tha thứ chẳng những không phải là một sự yếu đuối mà còn là một hành vi dũng cảm, một sự chiến thắng, thậm chí là một thái độ anh hùng, như khi người cha tha thứ cho kẻ đã giết con mình. Một lần nữa nhìn vào tấm gương của Đức Giêsu bị đóng đinh trên Núi Sọ và sự tha thứ của Người, ta sẽ bớt trách móc, dù là trách móc một cách hợp lý nhất.

Không có lời cầu xin nào được đức Giám mục thành Hippone (thánh Augustin) khai triển rộng rãi bằng lời cầu xin tha thứ này. Sở dĩ thế là vì ngài đã sống giữa một đám dân ưa tranh chấp và hận thù, đôi khi đi tới chỗ phạm tội ác. Với những đầu óc nóng nảy đó, tha thứ có vẻ như một việc vượt sức con người. Vì thế, ngài bảo họ nhìn vào tấm gương thánh Têphanô, một người dù bị ném đá như mưa nhưng vẫn cầu nguyện cho những kẻ đang giết mình.

‘Họ thì ném đá mà chẳng hề xin ngài thứ tha, còn ngài thì cầu nguyện cho họ. Đó chính là thái độ mà tôi muốn anh em nhìn xem. Hãy cố gắng vươn tới mức đó. Đừng để lòng mình cứ sà sà mặt đất hoài. Hãy nâng tâm hồn lên! Vâng, hãy leo cao tới mức đó. Hãy yêu thương thù địch. Vì nếu anh em không tha, thì tôi xin nói, chẳng những anh em đã xoá sạch khỏi lòng mình bài Kinh Chúa dạy, mà chính anh em cũng sẽ bị xoá tên khỏi sách sự sống.’[12]

Lời của thánh Âu-tinh là một lời cảnh báo để chúng ta ý thức sống tinh thần tha thứ. Khi sống tinh thần tha thứ, thì chúng ta, những người con cái dưới đất thấp này, có thể bước trên hành trình nên hoàn thiện, như lòng ao ước của Đức Kitô: « Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện ». (Mt 5, 48). Sống đời sống đức tin là sống tương quan gần gũi với Cha trên trời, cụ thể là sống theo tinh thần của Ngài mỗi ngày một sát hơn. Một trong những hành động của tinh thần đó là tha thứ cho nhau mỗi ngày.

Tha thứ thuộc về cuộc sống thường ngày của người Kitô hữu.

Đón nhận nhau, tha thứ cho nhau thật đẹp. Nhưng trong tha thứ có giới hạn về thời gian và không gian không ? Trong phúc âm của Mát-thêu, chúng ta đọc lại một cuộc đối thoại ngắn ngủi của Phê-rô với Chúa Giêsu : “Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? " Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." (Mt 18, 21-22). Thật thú vị câu trả lời của Đức Kitô! Martini đã làm một con tính, lấy 1440 phút của mỗi ngày để chia với 490 lần là kết quả của 70 lần 7, thì trong một ngày, cứ 3 phút cần phải tha thứ một lần. Như thế tha thứ cho nhau là thái độ thường xuyên và cần thiết cho cuộc sống thường ngày[13]. Còn đối với Bonhoeffer, một thần học gia và mục sư bị phát xít Đức giết vào thế chiến thứ hai, thì tha thứ không cần con số. Đừng đếm bao nhiêu lần cần phải tha thứ. Tha thứ không “quen” số lượng và không biết đến “chấm hết”. Tha thứ là thái độ sống hằng ngày và không ngừng nghỉ[14].

Thật vậy, trong cuộc sống thường ngày, con người cần phải tha thứ liên lỉ và tha thứ về rất nhiều chuyện. Tha thứ cho một ai đó làm ta thất vọng, tha thứ cho những người đã làm cho ta phải chờ đợi, tha thứ cho những người thân bỏ rơi ta khi ta lâm vào hoàn cảnh cảnh khó khăn, tha thứ cho những lời nói ác ý, những hành động bội phản và lừa dối làm cho ta bị tổn thương. Làm sao kể siết những điều chúng ta cần phải tha thứ. Như thế, cần phải tha thứ không ngừng, phải liên lỉ sống tinh thần hòa giải, nếu chúng ta muốn có một tâm hồn thanh bình, nếu chúng ta ý thức yêu thương chính mình và cuộc sống của mình.

Tha thứ là yêu thương chính mình và quý trọng cuộc sống của mình.

Văn hào Nga Leon Tonstoi có kể câu chuyện ngắn ngủi như sau : một người hành khất đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí. Nhưng mặc cho người khốn khổ van nài, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu được những lời van xin đó, thay vì bố thí, người giàu có đã lấy viên đá nằm ven đường ném vào người hành khất.

Con người khốn khổ ấy lặng lẽ nhặt hòn đá cho vào bị, rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang viên đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi.”

Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì lừa dối, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó người hành khất cũng chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu có vào ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải tay không rời hòn đá mà người giàu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông.

Nhưng cuối cùng nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người ăn xin nhẹ nhàng cất hòn đá vào trong túi của mình rồi tự nhủ: “Tại sao tôi lại mang hòn đá bên mình trong bao nhiêu năm qua. Con người này, giờ đây cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.

Thật vậy, hòn đá của hận thù cần được để xuống, nỗi đau cuộc sống cần được giải thoát khỏi cái vòng quỷ quyệt gây ra đau khổ. Hơn nữa, những người gây ra đau khổ cũng đáng thương lắm chứ, và một cách nào đó họ cần được cảm thông, được tha thứ, vì thế hòn đá họ ném vào người khác, giờ đây cần trở nên viên đá của lòng nhân từ và của sự thứ tha. Ngoài ra, nếu chúng ta cứ « cứng đầu » ôm ấp nỗi đau và nỗi hận trong lòng thì chúng ta sẽ làm cho cuộc sống của chính mình càng ra nặng nề hơn. Vì vậy, nếu còn yêu thương mình và quý trọng cuộc sống của mình, thì chúng ta cần phải thoát ra nỗi khổ đau của hận thù, và cách thức tốt nhất để thoát ra là tha thứ thật sự.

Hình ảnh của người anh cả trong dụ ngôn “người Cha nhân hậu” (Lc 15, 11-31) là một điển hình cho sự « cứng đầu » này. Thật vậy, cách cư xử hà khắc và cứng ngắc của người anh cả với người em hoàn toàn trái ngược với lòng nhân từ và tha thứ của người cha đối với người con hoang đàng. Có thể nói, người anh cả cứng đầu cứ loanh quanh luẩn quẩn trong cái vòng tròn quỷ quyệt, đầy ghen tức và còn mang cả mùi vị rất đạo đức. Vì thiếu một sự cảm thông và tấm lòng nhân từ, nên anh ta không thể vượt ra được cái vòng tròn quỷ quyệt kia, để giang tay đón nhận em, để ôm em vào lòng và trao cho em nụ hôn của gia đình, như người cha đã làm. Hơn nữa, anh ta còn cay đắng và ghen tức khi nhìn đứa em được tha thứ và được đón nhận bằng những lễ nghi rất vui tươi. Tiếng đàn ca nhảy múa của lòng nhân từ và tha thứ từ nhà cha vọng ra đã không thể lọt vào đôi tai đang bị ghen tức và giận hờn làm cho điếc. Cái điếc này sẽ được chữa khỏi nếu anh ta mở lòng cảm thông và tha thứ cho em.

Vì thế, tinh thần tha thứ giúp con người có thể phá đổ vòng tròn quỷ quyệt kia, tháo cởi một vài mắc xích của vòng tròn đó, để rồi một làn không khí trong lành của lòng nhân hậu sẽ tràn vào. Có như thế, thì sự nặng nề trong lòng sẽ nhường chỗ cho sự thảnh thơi và thanh bình, chán nản phải rút lui trước niềm vui đang đến, và chân trời mới được mở ra cho cuộc sống mới đem lại nhiều ý nghĩa cho đời người. Như vậy, tha thứ là một sức mạnh có sức thay đổi cuộc sống, đặc biệt là thay đổi chính cuộc sống của người bị tổn thương. Nói khác đi, cần phải tha thứ cho người khác để cứu thoát chính bản thân mình và tìm lại những “nét đẹp” cho cuộc sống của mình. Đó là một hành động yêu thương bản thân và cuộc sống cách thanh cao. Hơn nữa, qua chính sự tha thứ, con người cũng yêu thương người khác với một tấm lòng bao la, và tha thứ sẽ ban tặng cơ hội cho người mắc lỗi, để họ có thể sửa đổi lại những gì không hay trong quá khứ mà chính họ đã gây ra, để nhờ đó tương lai đời họ được đẹp hơn.

Yêu thương tha thứ cho người khác là cho họ một tương lai.

« Tha thứ cho người có lỗi với chúng ta, nghĩa là hoàn toàn bỏ qua những chuyện quá khứ. Chấp nhận rằng tương lai vẫn còn trong sáng và và chưa bị vẫn đục »[15]. Ý tưởng của Simon Weil thật mạnh mẽ và rõ ràng. Còn trong thực tế, thì những lỗi lầm thường để lại những ảnh hưởng xấu cho tương lai. Nói khác đi, tương lai thường bị những lỗi lầm “ám ảnh”, đến nỗi khó có thể xây dựng một tương lai cho đẹp. Vì vậy, con người sẽ trao tặng cho nhau “món quà tương lai”, khi con người yêu thương và tha thứ lẫn cho nhau. Qua tha thứ, người ta không để cho sức mạnh tiêu cực của quá khứ ảnh hưởng trên hiện tại và trên tương lai nữa, cả tương lai của người tha thứ lẫn tương lai của người được thứ tha. Ở đây, nếu nhắc đến người được tha, chúng ta lại trở về với dụ ngôn người cha nhân hậu trong Luca. Người con đi hoang được Cha yêu thương, tha thứ và đón nhận trở về cách rộng lương vô cùng. Cách hành xử của Cha vượt trên tất cả những thành kiến và khổ đau, để vẫn giữ được một cái nhìn thật thanh cao của tình yêu tràn đầy sự cảm thông và tha thứ. Cái nhìn thanh cao này không chỉ trao lại cho người con hoang chiếc nhẫn diễn tả vị thế làm con, mà cái nhìn này còn mở ra cho người con, đã mất nay tìm thấy, đã chết nay sống lại, một chân trời mới, một tương lai với những viễn tượng mới đầy tràn tình yêu thương. Một tình yêu giàu lòng tha thứ đã dệt nên chiếc áo đẹp nhất. Một tình yêu không bao giờ để con đánh mất đi phẩm giá làm con, vì thế trong nhà cha, người con dù đi hoang và đã mất tất cả, giờ đây cần được xỏ nhẫn mới, đôi chân lấm bụi trần cần được rửa sạch và được xỏ dép mới. Với dáng vẻ bề ngoài đàng hoàng như thế, người con hoang được trao lại vị trí “Cậu”, và được ngồi vào bàn tiệc, bàn tiệc được chuẩn bị với con bê đã vỗ béo chứ không phải là bất cứ con bê nào, để ăn mừng ngày trọng đại này, ngày “phục sinh” của một phận người tưởng như đã mất và đã chết. Chính tại bàn tiệc này, chính từ giây phút “phục sinh” này, tương lai mới của Cậu được bắt đầu, và tương lai đó giờ đây được đâm rễ “nhân từ và thứ tha”. Nhưng không chỉ tương lai của Cậu, mà cả tương lai của gia đình Cậu cũng được xây dựng lại.

Tha thứ đem lại sức sống mới cho gia đình và cho cộng đoàn.

Tại bàn tiệc của lòng nhân hậu và tha thứ, người con hoang tìm lại vị trí « Cậu » trong gia đình. Niềm vui của « Cậu » chắc là lớn lắm. Niềm vui đó được hòa chung với niềm vui của nhiều người trong nhà. Niềm vui đó cũng chính là sức sống mới mà gia đình và cộng đoàn « Cậu » nhận được qua sự tha thứ, để mọi người bắt đầu xây dựng lại bầu khí yêu thương trong gia đình và trong cộng đoàn.

Trở về với Đức Kitô chúng ta thấy, sau khi tỏ lòng nhân từ và tha thứ cho Gia-kêu, cho Lê-vi, Ngài đã đến gia đình của họ để chia sẻ bàn tiệc với họ, nghĩa là qua sự tha thứ cho một thành viên, Đức Kitô cũng muốn đem lại một làn gió mát cho gia đình và cộng đoàn của họ. Nói cách khác, sự tha thứ không chỉ quan trọng đối với đời sống cá nhân, mà cộng đoàn cũng nhận được những ảnh hưởng rất tích cực từ sự tha thứ cho mỗi thành viên trong gia đình và trong cộng đoàn. Nếu tội lỗi làm đổ vỡ cộng đoàn, thì sự tha thứ nối kết và xây dựng lại cộng đoàn. Nói cách khác, « nếu cộng đoàn là nơi tội lỗi hiện diện, thì chúng ta phải mạnh dạn xin mọi người tha thứ cho chúng ta, và chúng ta cũng cần tha thứ cho mọi người »[16].

Trong bài giảng trên núi, ở đoạn trước của kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su đã dạy rằng : «Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. » (Mt 5, 23-24). Sự chia cách và khuynh hướng tạo nên những căng thẳng không được phép « có mặt » trong đời sống cộng đoàn và giữa anh chị em với nhau. Nếu không, thì mọi người trong cộng đoàn sẽ không xứng đáng dâng lễ để thờ lạy Thiên Chúa. Nói khác đi, sự bất hòa của anh chị em với nhau làm « rách » mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa. Thật vậy, lễ tế dâng lên Thiên Chúa của cộng đoàn cần được phát xuất từ những con tim hiệp nhất, yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho nhau. Lễ tế dâng lên Thiên Chúa và tình huynh đệ nối kết chặt chẽ với nhau[17]. Ở đây, thánh Cyprianô nhắn nhủ rằng : « Thiên Chúa không nhận tế phẩm của những kẻ gây bất hoà, và Ngài truyền cho họ hãy rời bỏ bàn thờ, và đi làm hoà với anh em trước đã, ngõ hầu có thể giao hoà với Thiên Chúa bằng những lời nài xin an bình. Hy lễ đẹp lòng Chúa hơn cả là sự bình an của chúng ta, sự hoà thuận, tình đoàn kết của đoàn dân trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần »[18].