Bí Quyết Sống
của Mẹ Têrêsa thành Calcutta
(1910 - 1997)
Bí Quyết Sống
của Mẹ Têrêsa
Bí quyết sống của tôi hết sức đơn sơ. Tôi cầu nguyện. Và trong cầu nguyện, tôi say mê yêu mến Chúa Kitô, và tôi hiểu rằng cầu nguyện với Chúa là yêu mến Chúa, và điều nầy có nghĩa là chu toàn Lời Chúa dạy. Hãy nhớ những lời của Phúc Âm theo thánh Mathêu:
Ta đói và các con đã không cho ta ăn, Ta khát và các con đã không cho ta uống; ta là khách lạ và các con đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các con đã không cho mặc. Ta bệnh hoạn và bị cầm tù, các con đã không đến thăm Ta.
Những người nghèo của tôi ở mức độ tận cùng của xã hội là như Chúa Kitô chịu đau khổ. Nơi họ, Con Thiên Chúa sống và chết, và qua họ Thiên Chùa chỉ cho tôi nhìn thấy dung mạo thật của Ngài. Ðối với tôi, cầu nguyện có nghĩa là sống 24 giờ một ngày hoàn toàn tuân theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu, là sống nhờ Ngài, trong Ngài và với Ngài.
Nếu chúng ta cầu nguyện, thì chúng ta mới tin; nếu chúng ta tin, thì chúng ta mới yêu thương; nếu chúng ta yêu thương thì chúng ta mới phục vụ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể đặt tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa trong hành động cụ thể, là phục vụ Chúa Kitô trong dung mạo cùng khổ của nguời nghèo.
(Mẹ Terêsa Calcutta)
===============================
I. TRỞ VỀ VỚI CĂN BẢN
Từ Nguyên Thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời sống nơi Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Chính Ngài ngay từ đầu ở nơi Thiên Chúa. Tất cả mọi sự đã được dựng nên nhờ qua Ngài; và không có Ngài, thì không có gì được hiện hữu. Trong Ngài là sự sống và sự sống là ánh sáng của mọi người. Và ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, nhưng bóng tối không đè bẹp được ánh sáng. (Gioan 1,1-5). Và Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. (Gn 1,14).
Ðó là những lời mở đầu nơi Phúc âm theo thánh Gioan. Những lời mời gọi con người nâng tâm hồn mình lên cao, hướng đến gặp Chúa Giêsu Kitô nơi nguồn gốc nguyên thủy của Ngài, nơi cung lòng Thiên Chúa Cha. "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Và Ngôi Lời đã làm Nguời và sống giữa chúng ta. Suy niệm những Lời trên, Mẹ Têrêsa không thể nào không cảm thấy mình được gọi đón nhận Chúa, trở nên giống như Chúa, để mang ánh sáng của Chúa đến cho anh chị em. Tin Mừng mời gọi dấn thân. Mẹ Têrêsa đã chia sẻ những suy niệm của Mẹ về đoạn Tin Mừng trên như sau:
Chúng con thường nhìn thấy những sợi dây điện, nhỏ có lớn có, củ có mới có, những dây điện có phẩm chất mắc tiền và những dây rẻ tiền: tự mình chúng, thì đó là những sợi dây vô ích và, bao lâu không có dòng điện đi qua, thì những sợi dây điện đó không mang đến ánh sáng. Sợi dây diện đó là chúng con, là tôi. Dòng điện là Thiên Chúa. Chúng ta có khả năng cho phép dòng điện chạy qua và xử dụng chúng ta để mang đến ánh sáng cho thế gian, hoặc chúng ta có thể từ chối không cho dòng điện xử dụng chúng ta, và như thế chúng ta có thể đồng ý để cho bóng tối được lan rộng. Lời nguyện của tôi hiện diện với mỗi người chúng con và tôi cầu nguyện sao cho mỗi người chúng con có ước muốn trở nên thánh thiện và như thế có thể phổ biến tình yêu của Thiên Chúa bất cứ nơi nào mình đi qua. Ước chi ánh sáng sự thật của Chúa có mặt trong đời sống của mỗi người, sao cho Thiên Chúa có thể tiếp tục yêu thương thế gian qua chúng ta.
Hãy dấn thân hết tâm hồn để trở thành ánh sáng chiếu soi. Tình bác ái đối với những người nghèo, mà chúng ta yêu mến, vì chính nơi họ mà chúng ta ngày nay gặp được Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập thể, (tình bác ái đó) là như ngọn lửa sống động. Vật dùng để đốt càng khô, thì càng cháy mạnh: điều nầy có nghĩa là tâm hồn chúng ta phải được tách rời ra khỏi những lợi lộc trần gian và kết hiệp với thánh ý của Thiên Chúa. Tâm hồn chúng ta phải khô đi, không còn những bám víu vào các lợi lộc trần tục nữa, để có thể cháy mạnh lên ngọn lửa Tình Yêu Chúa.
Chúng ta càng kết hiệp với Thiên Chúa, thì tình yêu của chúng ta và sự sẳn sàng của chúng ta để phục vụ người nghèo một cách quảng đại, lại càng to lớn. Nhiều điều tùy thuộc vào sự hòa hợp các tâm hồn.
Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải cầu xin cho mình có được ánh sáng, để có thể thấu hiểu Lời Chúa, cần xin cho mình có được tình yêu để có thể chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa, và cần xin cho mình biết được con đường thực hiện thánh ý Ngài.
Chúa Giêsu đã đến như là ánh sáng của thế gian, và những ai theo Ngài, đều được mời gọi phổ biến ánh sáng nầy, ánh sáng ban sự sống cho con người. Hình ảnh về ánh sáng sự thật và sự sống chiếu tỏa trong một thế giới bị bóng tối bao vây, là hình ảnh quen thuộc trong các Phúc Âm, và trong ngôn ngữ của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Nhưng một cách trái ngược nhau, xem ra như có hai loại bóng tối, hay đúng hơn hai cách hiểu về sự tăm tối. Có sự tăm tối của tội lỗi và sự chết, và có sự tăm tối làm cho chúng ta trở thành như những trẻ nhỏ, những trẻ nhỏ mà chúng ta được lệnh phải trở nên giống như vậy, để bước vào Nước Chúa. Ðó là sự tăm tối của người mù, sẳn sàng đặt mình hoàn toàn trong tay Thiên Chúa, để được ngài hướng dẩn như một trẻ nhỏ. Có thể vì lý do nầy mà Thiên Chúa để cho chúng ta sống trong tăm tối, để nâng cao mức độ việc phục vụ của chúng ta. Bởi vì lúc đó, chúng ta có thể học biết cách chỉ quy chiếu về Chúa, và như thế trở thành những phương tiện đích thực và thích hợp mà qua đó được chiếu tỏa ánh sáng đến từ chính Thiên Chúa chớ không phải từ chúng ta.
(Mẹ Têrêsa Calcutta)
Sau những suy niệm trên, Mẹ Têrêsa thành Calcutta đề nghị chúng ta cầu nguyện bằng lời nguyện do ÐHY Newman soạn, nhưng đã được Mẹ Têrêsa thích nghi lại, và là lời nguyện mà Các Nử Tử Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa đọc hằng ngày. Lời cầu nguyện như sau:
Lạy Chúa, xin giúp con chiếu tỏa ánh sáng của Chúa, bất cứ nơi nào con đi qua. Xin hãy đổ tràn trong tâm hồn con Thánh Thần Chúa và Sự Sống của Chúa. Xin hãy thấm nhập sâu xa vào trong con và hãy làm chủ trọn cả con người con, sao cho trọn cả đời con có thể chỉ là một phản chiếu của đời sống Chúa mà thôi. Xin Chúa hãy chiếu sáng qua con và xin Chúa hãy hiện diện trong con, sao cho con có thể làm cho mọi người con gặp, được cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong con.
Lạy Chúa, xin hãy làm sao, để khi nhìn vào con, kẻ khác không còn nhìn thấy con, nhưng chỉ nhìn thấy Chúa mà thôi. Xin hãy ở lại với con và lúc đó con sẽ bắt đầu chiếu tỏa như Chúa chiếu tỏa, và con sẽ bắt đầu chiếu tỏa như thế nào để trở thành ánh sáng cho kẻ khác.
Lạy Chúa, ánh sáng hoàn toàn đến từ Chúa; không có gì trong ánh sáng là của con. Chính Chúa là Ðấng soi sáng kẻ khác qua con. Xin hãy làm cho con biết cầu nguyện với Chúa trong cách thức mà Chúa muốn, vừa chiếu tỏa trên những ai sống quanh con.
Xin hãy làm cho con rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói nhưng bằng gương sống, với sức thu hút mạnh mẽ và sự lôi cuốn của lòng cảm thông, một sự thu hút và lôi cuốn đến từ những gì con làm, bằng chứng rõ ràng cho Tình Yêu hoàn toàn đối với Chúa, Ðấng hiện diện tràn đầy trong tâm hồn con. Amen.
===============================
II. Biết nhìn thấy Chúa nơi kẻ khác
Ngài sống giữa thế gian và thế gian đã được tạo dựng nhờ qua Ngài, nhưng thế gian lại đã không nhìn nhận Ngài. Ngài đến giữa người nhà, nhưng những người nhà không đón nhận Ngài (Gn 1,10-11).
Ngày hôm nay, một lần nữa, khi Chúa Giêsu đến giữa những người nhà, thì những người nhà không nhìn nhận ngài. Chúa đến nơi những tấm thân bị dày vò của những người nghèo; ngài cũng đến nơi những người giàu bị đè bẹp bởi gánh nặng những sự giàu có của họ. Ngài đến trong sự cô đơn của các con tim, khi không còn ai để yêu thương họ. Chúa Giêsu đến nơi bạn ở, nơi tôi sinh sống, nhưng thường, và là rất thường, chúng ta đi qua bên cạnh mà không nhận ra Chúa.
Sau khi đã làm việc nhiều năm giữa những người nam nữ, trẻ già sắp chết, giữa những bệnh nhân, những người què quặt, tàn tật và không bình thường, tôi đạt đến được một kết luận duy nhất. Tôi càng cố gắng chia sẽ những đau khổ của dân chúng, thì tôi càng hiểu được Chúa Giêsu đã cảm nghiệm được điều gì, khi ngài đến với những người nhà và bị họ chối từ.
Ngày nay, Chúa Kitô hiện diện nơi những người bị chối từ, không việc làm, dốt nát, đói khát, không quần áo, không nhà cửa. Họ xem ra như là những con người vô ích đối với Nhà Nước và đối với xã hội, và không ai có thời giờ để chăm sóc cho họ. Chúng ta có bổn phận gặp họ và trợ giúp cho họ, xét vì mình là người Kitô, nếu tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô là chân thật. Những nguời nghèo có mặt sẳn đó, để chúng ta gặp được họ.
Khắp nơi đều có những con người cô đơn, và đôi khi chỉ được biết đến nhờ qua con số của phòng họ sinh sống. Và chúng ta, chúng ta đang ở đâu? Chúng ta có thật sự biết những người đó có mặt bên cạnh ta hay không? Có lẽ nơi nhà bên cạnh, có người mù; và có lẽ người mù nầy sẽ sung sướng biết bao, nếu chúng ta sẳn sàng đọc báo cho họ nghe; hay có người giàu có nào đó, nhưng không được ai đến viếng thăm. Nguời đó có nhiều sự, có thể nói như bị chìm ngập trong những của cải của mình, nhưng lại không có liên lạc tình người với ai cả, điều mà người đó cần.
Cách đây không lâu, có một người hết sức giàu có đến gặp tôi và nói: Tôi xin dâng cho Mẹ số tiền nầy, xin Mẹ cho ai đó đến thăm tôi. Tôi gần như bị mù, bà vợ tôi gần như quên lẩn, con cái chúng tôi thì đã ra nước ngoài cả rồi, còn chúng tôi thì đang chết dần mòn trong cô đơn.
Những con người cô đơn như vậy đang mong ước tha thiết có được giọng nói đầy tình thương của ai đó đến thăm họ. Và đó là những con người mà chúng ta cần biết đến. Họ là Chúa Kitô của hôm qua, hôm nay và mãi mãi tương lai, mà chúng ta cần phải nhìn ra. Sự hiểu biết nầy làm cho chúng ta yêu mến họ, và làm cho chúng ta yêu mến dịp trở nên hữu ích cho họ. Chúng ta không nên chỉ bằng lòng với việc cho tiền. Tiền bạc không đủ. Những con người cô đơn đó cần đến những bàn tay chúng ta để phục vụ họ, cần đến con tim chúng ta để yêu thương họ. Ðạo của Chúa Kitô là tình thương, là sự phổ biến tình yêu thương, và để có khả năng yêu thương, thì chúng ta cần cầu nguyện.
Chúng ta không đi tìm Chúa nơi vùng đất xa xôi. Ngài không có ở đó đâu. Ngài đang ở với bạn. Chỉ cần con giữ ngọn đèn cháy sáng thì con sẽ luôn nhìn thầy Ngài. Hãy nhìn xem và hãy cầu nguyện. Hãy gìn giữ ngọn đèn của con luôn sạch trong và con sẽ nhìn thấy tình yêu thương của Chúa , và con sẽ nhìn thấy Chúa mà con thương mến, là thật dịu dàng biết chừng nào.
(Mẹ Têrêsa Calcutta)
Lạy Chúa, xin hãy mở rộng đôi mắt con, ngỏ hầu chúng con có thể nhìn thấy Chúa nơi những anh chị em chúng con.
Lạy Chúa, xin hãy mở rộng đôi tai chúng con, ngỏ hầu con có thể lắng nghe được những lời kêu xin của những kẻ đang đói, bị lạnh và đang lo âu, của những người bị áp bức.
Lạy Chúa , xin hãy mở rộng con tim chúng con, ngỏ hầu chúng con có thể yêu thương nhau, như Chúa đã yêu thương chúng con. Xin hãy đổ tràn lại trong chúng con Thánh Thần của Chúa. Lạy Chúa, xin hãy giải thoát chúng con, và làm cho chúng con trở nên một. Amen.
===============================
III. Nhìn thấy sự nghèo cùng của anh chị em
Thật, Thầy nói với chúng con, tất cả những gì chúng con làm cho một trong những kẻ bé nhỏ nhất của thầy đây, là chúng con làm cho Thầy (Mt 25,40).
Thầy đói và chúng con đã không cho ăn; Thầy khát, chúng con đã không cho uống; Thầy là khách lạ, và chúng con đã không tiếp rước; Thầy trần truồng, và chúng con đã không cho áo mặc; Thầy đau yếu và bị cầm tù, và chúng con đã không đến viếng thăm (Mt 25,42-43).
Thiên Chúa đã đồng hóa mình với kẻ đói khát, đau yếu, trần truồng, không nhà cửa; không phải chỉ đói khát cơm bánh, nhưng còn đói tình thương, sự chăm sóc, đói được tôn trọng; trần truồng không những vì không có áo mặc, nhưng còn vì không có sự cảm thông, mà không mấy ai dành cho kẻ mình không quen biết; không nhà cửa, không những vì không có căn nhà che mưa che nắng, nhưng vì còn vì cảm thấy mình như không có nhà vì không có người nào đến tìm thăm.
Ngay lúc mà mỗi người chúng ta quyết định trở thành con cái đích thực của Thiên Chúa, thành kẻ mang tình yêu Thiên Chúa, thì chúng ta hãy yêu thương kẻ khác như Thiên Chúa đã yêu thương mỗi người chúng ta, vì Chúa Giêsu đã nói: Chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con.
Sự nghèo nàn thiêng liêng của thế giới Tây Phương còn to lớn hơn sự nghèo nàn vật chất của dân chúng nơi đây. Tại Tây phương, có hàng triệu người đau khổ khủng khiếp vì cô đơn và trống rổng tinh thần. Họ cảm thấy mình không được yêu thương, không được muốn cho sống.
Những con người đó không bị đói theo nghĩa vật chất, nhưng họ bị đói theo cách khác. Họ cảm thấy mình cần đến một cái gì khác hơn là tiền bạc, dù họ không biết cái đó là cái gì. Ðiều mà họ thiếu thật sự, là thiếu mối tương quan sống động với Thiên Chúa.
Ngày nay, những người nghèo bị đói, đói cơm bánh, và đói tình yêu thương và Lời hằng sống của Thiên Chúa.
Những người nghèo bị khát, khát nước và hòa bình, khát sự thật và công bằng.
Những người nghèo sống không nhà cửa, không nơi che mưa che nắng và không gặp được con tim vui mừng biết cảm thông với họ, bảo vệ họ và yêu thương họ.
Những người nghèo bị trần truồng, thiếu áo mặc, thiếu phẩm giá con người, thiếu sự thông cảm dành cho kẻ tội lỗi, vì bị vạch trần cho xấu hổ.
Những người nghèo bị đau yếu, vì thiếu thuốc chửa trị và thiếu bàn tay tế nhị nâng đỡ, thiếu nụ cuời nồng ấm thân tình.
Những kẻ cô đơn, không được muốn cho sống, không được yêu thương, những kẻ khốn cùng sắp chết, bị bỏ rơi và lẻ loi một mình, những kẻ cùng đinh và rốt hèn (không ai được chạm tới), những kẻ phong cùi và tất cả những ai là gánh nặng cho xã hội con người, những kẻ đã mất mọi hy vọng và niềm tin vào cuộc sống, những kẻ đã quên không biết nụ cười ra sao, đã không còn nhớ thế nào là sự nồng ấm của bàn tay thân tình: tất cả những hạng người nầy hướng về chúng ta để được khuyến khích nâng đỡ. Nếu chúng ta quay mặt đi, là chúng ta quay mặt tránh Chúa Kitô, và trong giờ chết phán xét sẽ được căn cứ trên việc chúng ta đã nhìn ra Chúa Kitô nơi họ hay không và trên những gì chúng ta đã làm cho họ và vì họ. Và lúc đó chỉ có hai phán quyết: Hãy đến với ta, hoặc Hãy đi cho khuất mật ta.
Vì thế tôi khẩn xin mỗi người, giàu cũng như nghèo, trẻ cũng như già, hãy dùng đôi tay để phục vụ Chúa Kitô trong người nghèo, và dùng con tim mà yêu mến Chúa nơi họ. Những người nghèo có thể là những kẻ xa hay gần bên cạnh ta; nghèo vật chất hay nghèo tinh thần; đói khát tình thương và tình bạn hữu; dốt nát không biết đến sự phong phú của tình thương Thiên Chúa đối với họ; không nhà cửa, bởi vì họ cần có tổ ấm được làm nên do bởi tình yêu thương trong tâm hồn; và bởi vì tình yêu thương bắt đầu trong gia đình, có lẽ Chúa Kitô bị đói, trần truồng, đau yếu hay không nhà nơi chính tâm hồn các bạn, nơi nhà các bạn, nơi những kẻ gần gủi các bạn, tại đất nước bạn sinh sống, trên khắp thế giới.
(Mẹ Têrêsa Calcutta).
Lạy Chúa, xin hãy xua đuổi xa khỏi con sự lảnh đạm và vô tâm trước hoàn cảnh của người nghèo. Khi chúng con gặp Chúa đói, khát, xa lạ, thì xin Chúa hãy dạy con biết cho Chúa của ăn, dâng Chúa nước uống để đừng bị khát nữa và tiếp đón Chúa nơi nhà tâm hồn con. Xin hãy dạy con phục vụ Chúa trong những kẻ bé mọn nhất trong anh chị em xung quanh. Amen.
===============================
IV. Sống Cầu Nguyện
"Ta và Cha Ta, chúng ta chỉ là Một" ( Gn 10,30).
Thật không thể nào dấn thân trong công việc tông đồ, nếu không có tâm hồn sống trong cầu nguyện. Chúng ta cần phải cảm nghiệm sự hiệp nhất với Chúa Kitô, như Chúa Kitô đã cảm nghiệm sự hiệp nhất với Thiên Chúa Cha. Hành động của chúng ta là thực sự hành động tông đồ, chỉ khi nào chúng ta cho phép và trong mức độ chúng ta cho phép Chúa Kitô hoạt động trong chúng ta và qua chúng ta. Với quyền năng của Nguời, ý muốn của Người và tình yêu của Nguời. Chúng ta cần phải sống thánh thiện, không phải để thỏa mãn chính mình vì được cảm thấy mình thánh thiện, nhưng để đồng ý cho phép Chúa Kitô sống trọn vẹn đời sống của Nguời trong chúng ta. Chúng ta cần phải là tình yêu thương hoàn toàn, đức tin trọn vẹn, trong sạch hoàn toàn để cứu rỗi những người nghèo mà chúng ta phục vụ, và khi nào chúng ta học được bài học đi tìm Thiên Chúa và Thánh Ý của Ngài, thì lúc đó cuộc gặp gỡ của chúng ta với người nghèo sẽ trở thành phương tiện để đạt tới một sự thánh thiện lớn cho chúng ta và cho kẻ khác.
Hãy yêu mến việc cầu nguyện. Hãy cảm thấy nhiều lúc trong ngày nhu cầu cầu nguyện và hãy cố gắng cầu nguyện. Nếu muốn cầu nguyện một cách tốt đẹp hơn, thì phải cầu nguyện nhiều hơn. Lời cầu nguyện mở rộng tâm hồn cho đến mức độ rộng lớn đủ để có thể tích chứa sự cho đi chính mình, một sự cho đi mà Thiên Chúa làm cho chúng ta có khả năng thực hiện. Hãy xin và hãy đi tìm, và tâm hồn các bạn sẽ trở nên rộng lớn đủ để lảnh nhận hồng ân của Thiên Chúa và biến hồng ân đó thành như của mình.
Hãy cầu nguyện: hãy cầu nguyện để có được ân sũng của Chúa; hãy cầu nguyện để có thể hiểu Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta như thế nào, và để có thể yêu thương những kẻ khác giống như vậy; và hãy cầu nguyện, ngỏ hầu chúng ta không ngăn cản công việc của Thiên Chúa.
Lời cầu nguyện, để có thể sinh hoa trái, cần phải đến từ con tim và phải chạm đến con tim của Thiên Chúa. Hãy nhìn xem Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ cầu nguyện như thế nào: Chúa dạy các đồ đệ gọi Thiên Chúa là Cha, Chúa dạy họ tôn vinh danh thánh Thiên Chúa. Chúa dạy các ngài thực hiện thánh ý Thiên Chúa, cầu xin đủ cơm bánh hằng ngày, bánh thiêng liêng cũng như bánh vật chất, cầu xin sự tha thứ những tội lỗi và khả năng tha thứ cho kẻ khác, cầu xin ân sũng được giải thoát khỏi sự dữ trong chúng ta và quanh chúng ta.
Lời cầu nguyện trọn hảo không hệ tại ở nhiều lời, nhưng hệ tại ở sự sốt sắng của ước muốn chạm tới con tim của Chúa Giêsu.
Lạy Cha chúng con ở trên tròi, chúng con nguyện danh cha cả sáng, nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Vì Chúa là Vua uy quyền và vinh hiển muôn đời. Amen.
(Mẹ Têrêsa Calcutta)
===============================
V. SỐNG TRONG THINH LẶNG
"Hãy dừng lại trong thinh lặng và chúng con sẽ nhận biết Ta là Thiên Chúa" ( TV 46,11).
Nếu chúng ta thật lòng muốn cầu nguyện, thì trước hết chúng ta cần học biết lắng nghe, bởi vì Thiên Chúa nói trong thinh lặng của tâm hồn. Và để có thể cảm nghiệm được sự thinh lặng nầy, để có thể lắng nghe Thiên Chúa nói, chúng ta cần có tâm hồn trong sạch, bởi vì con tim trong sạch có thể nhìn thấy Thiên Chúa, cảm nghiệm Thiên Chúa và lắng nghe Ngài.
Khi cầu nguyện trở nên khó khăn, thì chúng ta cần phải giúp mình cầu nguyện. Và phương thế đầu tiên mà chúng ta phải xử dụng là sự thinh lặng, bởi vì những tâm hồn cầu nguyện là những tâm hồn sống trong thinh lặng sâu xa. Chúng ta không thể nào đặt mình trong sự hiện diện trực tiếp của Thiên Chúa, nếu chúng ta không có thói quen giữ thinh lặng trong tâm hồn và bên ngoài quanh chúng ta.
Thiên Chúa là người bạn của sự thinh lặng.
Chúng ta hãy tôn thờ Chúa Giêsu trong tâm hồn chúng ta. Ngài đã sống thinh lặng trong thời gian 30 năm trong số 33 năm sống trên trần gian nầy. Ngài đã bắt đầu cuộc đời công khai bằng 40 ngày sống trong thinh lặng. Ngài thường tách mình ra để qua suốt đêm trong thinh lặng, trên núi vắng. Ngài đã rao giảng với uy quyền, nhưng sống suốt cuộc đời trong thinh lặng. Chúng ta hãy tôn thờ Chúa Giêsu trong thinh lặng của Bí Tích Thánh Thể.
Chúng ta cần phải gặp Thiên Chúa, và chúng ta không thể gặp ngài trong ồn ào và trong lộn xộn. Hãy nhìn xem thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá: chúng lớn lên trong thinh lặng hoàn toàn. Hãy nhìn ngắm các vì sao, mặt trăng, mặt trời, tất cả di chuyển trong thinh lặng. Thử hỏi sứ mạng của chúng ta không phải là trao ban Thiên Chúa cho những anh chị em nghèo cùng nhất trong xã hội hay sao? Không phải là một Thiên Chúa chết khô, nhưng là một vì Thiên Chúa sống động và yêu thương con người. Chúng ta càng lảnh nhận trong lời cầu nguyện trong thinh lặng, thì chúng ta càng có thể cho đi, trong đời sống hoạt động của chúng ta.
Sự thinh lặng cho chúng ta một cách thức mới để nhìn các sự vật. Chúng ta cần thinh lặng để thành công chạm đến các linh hồn. Ðiều thiết yếu không phải là điều chúng ta nói ra, nhưng là điều mà Thiên Chúa nói với chúng ra và qua chúng ta. Chúa Giêsu luôn luôn hiện diện ở đó và ngài chờ đợi chúng ta trong thinh lặng. Trong thinh lặng, Ngài sẽ lắng nghe chúng ta, và trong thinh lặng, Ngài sẽ nói với linh hồn chúng ta; trong thinh lặng chúng ta sẽ nghe được tiếng ngài. Thật là khó, để giữ thinh lặng trong chúng ta, nhưng chúng ta phải cố gắng cho được. Trong thinh lặng, chúng ta sẽ gặp được năng lực mới và sự kết hiệp thật sự với Chúa. Sức mạnh của Thiên Chúa sẽ là sức mạnh cho chúng ta, để làm tốt mọi sự; sự kết hiệp những tư tưởng của chúng ta với những tư tưởng của Chúa, sự kết hiệp những lời cầu nguyện của chúng ta với những lời cầu nguyện của Chúa, sự kết hiệp những hành động của chúng ta với những hành động của Chúa, sự kết hiệp đời sống chúng ta với đời sống của Chúa, những sự kết hiệp nầy chúng ta sẽ gặp được trong thinh lặng. Tất cả những lời nói của chúng ta sẽ trở nên vô ích, nếu chúng không đến từ bên trong: những lời nói nào không trao ban ánh sáng của Chúa Kitô, thì làm gia tăng bóng tối.
(Mẹ Têrêsa Calcutta)
Ðó là những chia sẻ của Mẹ Têrêsa. Và những cộng tác viên sống bên cạnh Mẹ đã thấy rõ Mẹ Têrêsa đã sống những gì Mẹ chia sẽ và làm chứng thêm như sau:
Việc cầu nguyện nội tâm và sự chiêm niệm là sự đáp trả tình yêu thương của Thiên Chúa. Cầu nguyện và chiêm niệm không phát sinh từ những cố gắng của chúng ta để hành động, hay từ những lo lắng của chúng ta, nhưng từ kinh nhgiệm sâu xa về tình yêu Chúa. Thánh Gioan đã nói rõ ràng về điểm nầy như sau: Tình yêu thương hệ tại ở điều nầy: "không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đãû yêu thương chúng ta". Trong thinh lặng của tâm hồn, tình yêu thương nầy là như một lời mời gọi luôn có sức sáng tạo. Nó khơi dậy một sự đáp trả, một thôi thúc nội tâm đưa linh hồn đến với Thiên Chúa,và khơi dậy một năng lực. Ðây là năng lực làm cho Mẹ Teresa và những nguời khác như Mẹ có thể hòa hợp đời sống cầu nguyện với đời hoạt động. Nếp sống nầy tùy thuộc hoàn toàn vào nếp sống kia. Những hoạt động ngoại thường của Mẹ múc lấy sự hiệu nghiệm của chúng từ sự thinh lặng mở rộng hướng về Thiên Chúa, hướng vể việc lắng nghe.
(Mẹ Têrêsa Calcutta)
Lạy Chúa, xin hãy làm cho chúng con hiểu rằng, giống như sự kỳ diệu của những vì sao trên trời được biểu lộ chỉ trong thinh lặng mà thôi, thì củng thế, sự kỳ diệu của Thiên Chúa chỉ được mạc khải trong sự thinh lặng của linh hồn; Xin Chúa giúp chúng con hiểu rằng trong thinh lặng của con tim, chúng con có thể nhìn thấy những trang sách của trọn cả vũ trụ được Tình Yêu Chúa giữ chung lại với nhau. Lạy Chúa, xin giúp con gặp được Chúa trong thinh lặng. Amen.
===============================
VI. SỐNG NHƯ MẸ MARIA
Xin hãy thực hiện nơi tôi theo như Lời Ngài truyền (Luca 1,38).
Chúng ta học được từ nơi Mẹ Maria rất nhiều điều! Mẹ đã hết sức khiêm tốn, bởi vì Mẹ hoàn toàn sống cho Thiên Chúa. Mẹ đầy ơn sũng và Mẹ có quyền năng của Thiên Chúa nơi Mẹ: đó là ân sũng của Thiên Chúa.
Ðiều đẹp nhất là khi vừa được Chúa Giêsu bước vào trong đời sống của Mẹ, thì Mẹ Maria vội vàng đi thăm bà Eâlisabeth, để trao ban Chúa Giêsu cho bà và cho người con mà bà đang cưu mang lúc đó. Chúng ta đọc thấy trong Phúc Âm là "con trẻ nhảy mừng" ngay giây phút đầu tiên gặp Chúa Kitô. Mẹ Maria là sợi dây điện đặc biệt nhất. Mẹ để cho Thiên Chúa chiếm hữu Mẹ hoàn toàn, và như thế, qua thái độ sẳn sàng, xin hãy thực hiện nơi tôi theo như Lời Ngài đã hứa, Mẹ Maria được tràn đầy ân sũng và ra đi thông truyền ân sũng đó lại cho Gioan. Giờ đây, chúng ta hãy xin Chúa dùng đến chúng ta, để đi khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là trong những cộng đồng chúng ta, và để tiếp tục nối kết "những sợi dây điện" các tâm hồn con người với dòng điện là Chúa Giêsu.
Mẹ Maria có thể dạy chúng ta sống thinh lặng: Mẹ dạy chúng ta biết làm sao để ghi giữ tất cả mọi sự trong tâm hồn, như Mẹ đã làm ngày xưa, và xin Mẹ dạy chúng ta biết cầu nguyện trong thinh lặng của con tim.
Mẹ Maria có thể dạy chúng ta sống tế nhị: Mẹ đã vội vàng ra đi để phụ giúp cho Bà Eâlisabeth. Tại tiệc cưới Cana, Mẹ đã nói cho Chúa Giêsu biết là họ đã hết rượu rồi. Như Mẹ Maria, chúng ta hãy ý thức về những nhu cầu của nguời nghèo, nghèo thiêng liêng hay nghèo vật chất, và chúng ta hãy quảng đại trao ban, như Mẹ đã làm gương, trao ban tình thương và ân sũng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trước.
Mẹ Maria dạy chúng ta sống khiêm tốn: đầy ơn phước, nhưng như là người tôi tớ của Thiên Chúa, Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá Chúa, như một người trong chúng ta, một kẻû tội lỗi cần đến ơn cứu chuộc. Như Mẹ Maria, chúng ta chạm đến người sắp chết, người nghèo, người bị bỏ rôi, người bị chối từ, tùy theo ân sũng mà chúng ta đã lảnh nhận, và chúng ta đừng mắc cở và cũng đừng do dự làm những công việc khiêm tốn thấp hèn.
(Mẹ Têrêsa Calcutta)
Lạy Chúa, trong sự khiêm tốn, Mẹ Maria đã nhìn nhận sự khôn ngoan đầy quyền năng của Chúa. Dù bối rối bởi sứ điệp của sứ thần và không biết rõ ý nghĩa trọn đầy của sứ điệp đó, nhưng Mẹ Maria đã chấp nhận sứ điệp đó, như là người tôi tớ của Chúa. Còn con đây thì sao, lạy Chúa? Con có thái độ lắng nghe điều Chúa muốn nói với con hay không? Hay là con quá bận rộn lo nói cho kẻ khác nghe? Con có cố gắng biết dự án của Chúa cho đời con, hay là con quá dấn thân lo xây cho mình một tương lai riêng? Và khi con nhận câu trả lời của Chúa cho những lời cầu nguyện của con, thì con có thái độ như thế nào, chạy trốn tránh xa, hay là phó thác trong tay Chúa và quảng đại phân phát những hồng ân mà Chúa đã trao ban cho con?
Lạy Chúa, trong tay Chúa, con xin phó thác hồn con. Amen.
===============================
VII. HÃY TRỌN LÀNH NHƯ THIÊN CHÚA CHA
Chúng con hãy trọn lành như Cha chúng con ngự trên trời là Ðấng trọn lành (Mt 5,48).
Sự thánh thiện không phải là điều xa xỉ chỉ dành cho một số ít, nhưng là một bổn phận cho tôi, cho các bạn, để có thể sống thánh thiện như Thiên Chúa Cha chúng ta ngự trên trời là Ðấng Thánh. Thánh Tômaso đã nói như sau: Sự thánh thiện không hệ tại nơi điều gì khác hơn là nơi một quyết định vững chắc. Ðó là hành động anh hùng của một linh hồn phó thác cho Thiên Chúa.
Việc chúng ta tiến bước trong sự thánh thiện là tùy thuộc vào Thiên Chúa và cũng tùy thuộc vào chúng ta nữa: tùy thuộc vào ân sũng của Thiên Chúa và tùy thuộc vào ý chí của chúng ta muốn nên thánh. Chúng ta cần nhất quyết sâu xa để đạt đến sự thánh thiện. "Tôi muốn nên thánh", điều nầy có nghĩa là tôi muốn giải thoát tôi khỏi tất cả những gì không phải là Thiên Chúa; tôi muốn cất bỏ khỏi con tim tất cả những tạo vật, tôi muốn sống trong sự khó nghèo và từ bỏ; tôi muốn từ bỏ chính ý chí của mình, từ bỏ những sở thích, những tánh ý và những tưởng tượng của mình, và biến tôi thành người tôi tớ tự nguyện của thánh ý Thiên Chúa.
Hãy dâng hiến hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ xử dụng chúng ta, để làm những điều cao cả, miển là chúng ta tin tưởng vào tình yêu thương của Ngài hơn là cậy dựa vào sự yếu đưối của mình.
Thánh Augustino khuyến khích chúng ta hãy làm cho mình được đầy tràn trước, rồi mới có thể trao ban cho kẻ khác. Nếu thật sự chúng ta muốn Thiên Chúa ngự trị trọn đầy trong chúng ta, thì chúng ta trước hết phải dọn chổ trống trong tâm hồn mình, nhờ qua sự khiêm tốn, vừa giải thoát chính mình khỏi tất cả những gì là ích kỷ.
Chúng ta không nên kiểm soát những hành động của Thiên Chúa. Trong cuộc hành trình mà Ngài muốn cho chúng ta thực hiện, chúng ta không nên tính toán những giai đoạn. Chúng ta không nên muốn biết rõ ràng mình đã tiến bước đến đâu, cũng không nên biết mình đang ở điểm nào trên con đường thánh thiện. Nếu tôi yêu cầu ngài hãy làm cho tôi trở thành một vị thánh, thì tôi phải để cho ngài chọn lựa loại sự thánh thiện cho tôi và hơn nữa chọn lựa những cách thức dẩn đưa đến sự thánh thiện.
Hãy cố gắng làm sao để cho ân sũng Chúa tác động trong linh hồn chúng ta, bằng cách chấp nhận tất cả những gì Ngài trao ban cho và dâng cho ngài tất cả những gì ngài muốn lấy đi. Sự thánh thiện đích thực hệ tại ở chổ thi hành Thánh Ý của Thiên Chúa với nụ cuời trên môi.
Lạy Chúa, xin hãy làm cho con được sống thánh thiện theo như lòng Chúa mong ước, hiền lành và khiêm nhượng. Amen.
(Mẹ Têrêsa Calcutta)
===============================
LỜI KẾT
Những người nghèo theo quan niệm của Mẹ Têrêsa thành Calcutta
Những người nghèo là những kẻ thiếu thốn trên bình diện vật chất và tinh thần,
Những người nghèo là những kẻ đói ăn và khát uống,
Những người nghèo là những kẻ cần đến áo mặc,
Những người nghèo là những kẻ không nhà cửa và không nơi nương tựa,
Những người nghèo là những kẻ đau yếu bệnh hoạn,
Những người nghèo là những kẻ mang lấy khuyết tật thể xác và tinh thần,
Những người nghèo là kẻ già cả,
Những người nghèo là những kẻ bị tù tội,
Những người nghèo là những kẻ cô đơn,
Những người nghèo là những kẻ dốt nát và sống nghi nan,
Những người nghèo là những kẻ đang đau khổ,
Những người nghèo là những kẻ thiếu sự trợ giúp,
Những người nghèo là những kẻ bị bách hại,
Những người nghèo là những nạn nhân của sự bất công,
Những người nghèo là những kẻ không được giáo dục,
Những người nghèo là những kẻ hay nóng giận,
Những người nghèo là những kẻ phạm tội và ăn nói chua cay,
Những ngưởi nghèo là những kẻ làm điều xấu gây thiệt hại cho chúng ta,
Những người nghèo là những kẻ không được ai yêu thương, những người cùng định thấp hèn nhất trong xã hội.
Những người nghèo , cách nầy hay cách khác, là chính chúng ta.
Chúa Kitô đến trong thế gian để mặc cho tình bác ái viển tượng đặc biệt của nó.
(Mẹ Têrêsa Calcutta).
Chúng ta nghĩ thế nào về những định nghĩa trên của Mẹ Teresa, nhất là câu cuối cùng: Những người nghèo cách nầy hay cách khác chính chúng ta?
Nguồn: https://vntaiwan.catholic.org.tw/thanhoc/mucluc.htm