Chú Giải Tin Mừng Luca 

II. TIN MỪNG THỜI THƠ ẤU

Lm Carôlô Hồ Bạc Xái

BÀI 2: Truyền tin cho Dacaria (1,5-25)

5Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. 6Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. 7Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.

8Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông: 9Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. 10Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài.

11Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. 12Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. 13Nhưng sứ thần bảo ông: "Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. 14Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. 15Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. 16Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa."

18Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: "Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi." 19Sứ thần đáp: "Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. 20Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi." 21Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. 22Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm.

23Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. 24Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. 25Bà tự nhủ: "Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời."

------------------

Có thể chia tường thuật này thành 3 phần:

A- Giới thiệu khung cảnh và nhân vật: cc 5-10.

B- Cuộc gặp gỡ giữa Thiên sứ và Dacaria: 11,22.

C- Kết quả cuộc gặp gỡ: 23-25.

A- Giới thiệu khung cảnh và nhân vật: cc 5-10

c 5 – Thời vua Hêrôđê cai trị miền Giuđê: Đây là Hêrôđê Cả chết năm 4 tr.cn.

 – Dacaria là tư tế “thuộc nhóm Avia” là nhóm đứng hang thứ tám trong 24 hạng tư tế (18b 24,10); vợ ông tên là Êlisabét cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon.

c 6 – Dacaria là “người công chính… sống đúng theo mọi điều răn… không ai chê trách được điều gì”, thế mà chút nữa đây sẽ không tin (cc 18-20).

c 7 – Lc ngầm so sánh Dacaria với tổ phụ Abraham: cũng không có con, và cũng có người vợ già.

c 8-9 – Dacaria rút thăm theo phiên nhóm để vào Đền thờ dâng hương: vì số lượng các tư tế rất đông, nên ai trúng thăm vào phục vụ trong Đền thờ là một vinh dự to lớn. Việc phục vụ kéo dài một tuần lễ và chủ yếu là mỗi ngày dâng hương (thay than và hương trên bàn thờ trước nơi Cực Thánh) 2 lần sáng chiều vào giờ tế lễ (Xh 30,6-8)

 – Lc có chủ ý khi bắt đầu quyển Tin Mừng với chuyện Dacaria dâng hương ở Đền thờ Giêrusalem. Sau này Lc cũng kết thúc Tin Mừng vơi cảnh các môn đệ ở trong Đền thờ Giêrusalem (24,53). Tin Mừng Lc luôn quy chiếu về Giêrusalem.

c 10 – “Toàn dân”: Lc tổng quát hóa một cách cường điệu. Nhưng khi Lc dùng kiểu mói này nhiều lần (11,21.68.77 2,10.32 3,15.18.21…), ta phải thấy chủ ý của ông: “toàn dân” là biệt hiệu gọi dân Chúa.

 – “cầu nguyện”: chủ đề thường gặp trong Lc. Dân đứng phía ngoài và càu nguyện để chờ tư tế sau khi tế lễ trở ra ban phước lành cho họ. Khi lưu ý chi tiết “cầu nguyện”. có lẽ Lc cũng ngụ ý sắp xảy ra một việc quan trọng.

* Tóm: Trong một khung cảnh lịch sử (thời Hêrôđê Cả), tại một nơi đầy ý nghĩa (Đền thờ Giêrusalem), trong niềm mong đợi của dân Chúa (“toàn dân”), Thiên Chúa sắp gặp gỡ với một người mang dáng dấp của Tổ phụ dân Israel (Dacaria cao niên, son sẻ) để chuẩn bị kế hoạch cứu độ của Ngài.


B- Cuộc gặp gỡ: cc11-22

c 11b – Thiên sứ Chúa đứng “bên phải” hương án: chi tiết “bên phải” có lẽ ám chỉ rằng Thiên sứ là một vị có thế giá (Ed 10,3; Tv 110,1).

c 12 – Dacaria bối rối… sợ hãi: phản ứng tự nhiên của con người trước sự hiện diện hoặc hoạt động của Thiên Chúa.

c 13 – “Đừng sợ”: kiểu nói thường được dùng trong những lần hiện ra của Thiên Chúa (St 15,1 26,24 46,3; Tl 6,23) hay của Thiên sứ Thiên Chúa (St 21,17; Tb 12,17; Đn 10,12-19). Riêng trong Tin Mừng Lc, ta cũng thường gặp kiểu nói này, chẳng hạn 1,30 2,10 5,10…

 – “Vì Thiên Chúa đã nhậm lời ông cầu xin”: Không phải là Dacaria cầu xin có con, vì sau đó ông đã hoài nghi không tin chuyện này (cc 18-20), mà là lời ông với tư cách là tư tế cầu xin Đấng Messia mau đến mang ơn cứu độ cho dân Ngài.

 – “Tên Gioan, tiếng hipri là Yohanan, nghĩa là “Chúa ban ơn”, cậu bé này là dấu chỉ Chúa sẽ ban Đấng Messia như lòng dân đang mong.

c 14-17 Thiên sứ mô tả đứa bé:

 – một người được Chúa chọn đặc biệt “ngay khi còn trong lòng mẹ” như Samson Tl 19,5; Giêrêmia Gr 1,5; Người Tôi Tớ Chúa Is 49,1.5)

 – một người được biệt hiến cho Thiên Chúa: “rượu lạt rượu nồng em đều không uống” (như những người Nazir: Tl 13,4.7.14)

 – lãnh sứ mạng của một ngôn sứ: “đầy thần khí và uy quyền của ngôn sứ Êlia, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lị hướng về nẻo chính đường ngay”.

 – nhưng đặc biệt nhất là làm tiền hô cho Đấng Messia “chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”.

c 18-20 – “dựa vào đâu mà tôi được biết điều ấy…?”: câu hỏi này của Dacaria được thiên sứ coi là “không tin” (c 20). Tại sao?. Vì nếu ông nhớ Thánh Kinh thì cũng phải biết rằng tuổi già và sự son sẻ không thể cản trở Thiên Chúa ban con cái cho các tổ phụ (St 15,8).

 – “Ta là Gaprien”: Tuy không phải là thiên sứ lớn nhất như Micae, những đặc điểm của Gaprien là thiên sứ loan báo sự giải thoát (Đn 8,16-17 9,2.21-27), cũng là thiên sứ loan báo sự “hoàn tất” những lời Thiên Chúa hứa (Gr 25,11-14: sau khi hoàn tất “70 tuần năm”). Chẳng phải tình cờ mà Lc dùng chữ “hoàn tất” rất nhiều lần: 1,23.57 2,6.21-22> như thế sự xuất hiện của thiên sứ Gaprien cùng với ý tưởng “hoàn tất” cho thấy thời giải thoát đã đến.

 – “Ông sẽ bị câm”:đây vừa là hình phạt cho Dacaria vì ông không tin, đồng thời cũng là dấu lạ mà chinh ông đã xin (c 18), để mời gọi ông tin.


C- Kết quả: cc 23-25

c 23 – Khi thời gian phục vụ… ‘đã mãn’: đây cũng là chữ ”hoàn tất” mà chúng ta vừa lưu ý phía trên.

 – Êlisabét vợ ông có thai: Thiên Chúa đã giải thoát vợ chồng Dacaria khỏi cảnh son sẻ.

 – “Bà ẩn mình”: nghĩa là không gặp gỡ ai cả. Nếu thế sau này Maria được biết Êlisabét mang thai thì là do mặc khải của Thiên Chúa.

c 25 – Câu nói của Êlisabét tương tự với câu của bà Raken khi sinh Giuse. Son sẻ là sự tủi nhục cho phụ nữ Israel (St 30,23; 1Sm 1,10; Is 4,1).

BÀI 3: TRUYỀN TIN (1,26-38)

26Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." 29Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

34Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "

35Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

38Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

------------------

c 26“Sáu tháng sau”: Sau ngày bà Êlisabé thụ thai.

 – Nazarét: Một thành phố rất tầm thường (Cựu Ước không lần nào nói tới)

c 27 – Maria: Một tên khá phổ biến trong dân Do thái (trong Tân Ước có tới 4 người mang tên này: mẹ của Đức Giêsu, mẹ của Giacôbê và Giuse, Maria Mađalêna, Maria chị em của Matta và Lazarô).

 – Thánh Kinh thường kể thêm một số điểm lý lịch khi giới thiệu một nhân vật (như ngay ở đây Lc giới thiệu nhân vật Giuse), nhưng Lc chỉ nói Maria là một thiếu nữ thôi. Nghĩa là một con người tầm thường.

 – Thế nhưng, tại một nơi tầm thường và với một người tầm thường như thế, lại sắp xảy ra một việc phi thường.

c 28 – Câu chào của thiên sứ rất khác thường:

 – Không chào Shalom (chúc bình an) như thông thường mà lại chào Kaire “Hãy vui mừng lên”.

 – Không gọi tên Maria,mà gọi Kècharitomène nghĩa là “Hỡi người được Thiên Chúa ban đầy ơn phúc”. Trong Thánh Kinh, đổi tên là đổi vận mệnh để trao nhiệm vụ mới (thí dụ: Abraham, Phêrô). Chữ Kaire mang âm vang của Cựu Ước.

 – Xp 3,14-15 “Vui ca lên nào con gái Sion, vì Đấng cứu chuộc rất uy hùng rầy ngự trong nhà ngươi”.

 – Ơn phúc: Chữ Hy lạp là Charis. Trong Thánh Kinh chữ này chỉ ơn miễn phí mà Thiên Chúa ban do lòng tốt của Ngài chứ không do công lao của người nhận. * Tóm ý câu chào của thiên sứ: Hãy vui mừng lên đi hỡi người được Thiên Chúa ban ơn phúc, vì tuy không do công lao của cô, nhưng Thiên Chúa muốn ban cho cô một ơn phúc rất to lớn là đến ở nơi cô.

c 29 “Nghe lời đó, Maria bối rối”: Do đâu mà bối rối? Do thấy một thanh niên lạ? Do được khen tặng? Do sợ hãi và thần linh hiện ra?

 Thánh Lc nói rõ: do không hiểu hết ngụ ý lời nói của thiên sứ. Một lời nói chứa âm vang của Cựu Ước mở ra viễn tượng Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban Đấng Messia. Maria như bàng hoàng, chới với trước viễn tượng bao la đó nên bối rối và tự hỏi.

c 30-31 – Thiên sứ giải thích bằng cách trích một câu của Is 7,14 “Này một người nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Emmanuel”. Thiên sứ đổi vài chi tiết: “Người nữ” đổi thành “cô”; “Emmanuel” đổi thành “Giêsu”.

 – Ý Thiên sứ là nơi Maria sẽ thực hiện được lời tiên tri đó. Thời Maria lời tiên tri này được người ta hiểu về Đấng Messia. Nay Thiên sứ nói vậy có nghĩa là Maria sẽ là Mẹ sinh ra Đấng Messia.

c 32-33 Tiếp đó Thiên sứ đưa thêm một số tước hiệu mô tả người con mà Maria sẽ sinh ra: cao trọng, Con Đấng Tối Cao, kế vị Đavít… Toàn những tước hiệu nói về Đấng Messia. Tới lúc đó, dĩ nhiên là Đức Maria đã hiểu.

c 34 Thắc mắc của Maria:

 – “Không biết người nam”: chữ “biết” chỉ sự giao hợp vợ chống.

 – Lưu ý: Lc trong đoạn này đưa rất nhiều chi tiết chứng minh Maria đồng trinh.

Chữ “không biết” ở đây.

Chữ “trinh nữ” ở câu 27.

Chữ “đính hôn” (chứ không phải “kết hôn”) ở câu 27.

c 35 Thiên sứ giải tỏa thắc mắc:

 – “Thánh Thần ngự xuống… Cô được nấp bóng Ngài”: hình ảnh chim câu và động từ “rợp bóng” được Cựu Ước dùng trong lúc sáng tạo, lúc Thiên Chúa đến ngự trong lều Môsê. Như con chim xòe cánh trên tổ để “ấp” làm cho trứng nở. Như vậy Maria sẽ thụ thai không cần việc giao hợp nam nữ, nhưng do Thánh Thần trực tiếp làm.

c 36-37 – Thiên sứ đưa thêm một dấu chỉ: Êlisabét già như thế mà còn sinh con được, huống chi là cô. Cô nên tin rằng “chẳng có sự gì mà Thiên Chúa không làm được”.

c 38 Maria đáp lại:

 – “Này đây nữ tì của Chúa”: không phải là thái độ khiêm tốn, vì thực ra tước hiệu “tôi tớ, nữ tì” rất vinh dự (được làm tôi tớ cho Vua, cho Thiên Chúa là vinh dự lớn. Các quan lớn trong triều xưng mình là “tôi tớ” của vua). Đây là thái độ tin tưởng và phó thác (Chúa muốn làm gì cũng được). Câu 45 giải thích thái độ đó là do Đức tin.

 – Fiat không chỉ là “xin vâng” mà còn là “xin cho những điều ấy được thực hiện nơi tôi”. Trong chữ Latin, động từ Fiat (Fiere ở thể thụ động).

BÀI 4: MARIA ĐẾN THĂM ÊLISABÉT (1,39-56)

39Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. 41Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. 45Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em." 

46Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

47thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

48Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.

49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!

50Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

51Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

52Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

55như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời."

56Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

------------------

c 39 – “Lên đường”: Lc là người viết về những cuộc lên đường> Toàn quyển Tin Mừng là một cuộc lên đường của ơn cứu độ từ Nagiarét đến Giêrusalem. Quyển kế tiếp của Lc, Công vụ Tông đồ, lại là một cuộc lên đường khác của ơn cứu độ từ Giêrusalem đến trung tâm của thế giới thời đó là Rôma, để từ đó lên đường tỏa đến toàn thể thế giới.

 – Đầu tiên hết là cuộc lên đường của Đức Maria. Người vừa được một niềm vui to lớn (x.bài Truyền tin Lc 1,26-38). Mà niềm vui thì không giữ riêng cho mình, phải chia sẻ với người khác. Do đó Maria lên đường.

 – Maria lên đường đi tới đâu?i “Tới một thành thuộc miền núi Giuđêa”. Có lẽ đây là thành Ain Karim, cách Giêrusalem khoảng 6 km về phía Tây. Nếu đi từ Nagiarét thì phải mất chừng 3 hoặc 4 ngày.

 – Chú ý trạng từ “vội vã”. Maria nôn nóng đem niềm vui tới người khác.

c 40 –Kẻ mà Maria muốn đem niềm vui tới chia sẻ là Êlisabét, vợ của tư tế Dacaria. Êlisabét và chồng tuy đã rất già nhưng vừa mới được Thiên Chúa cho thụ thai đứa con đầu lòng.

c 41 – Khi Maria vừa chào Êlisabét thì thai nhi “nhảy mừng” trong lòng bà. Sự thật có lẽ không đến như thế. Ở đây Lc diễn tả theo niềm tin bình dân: những cử động của bào thai là điềm báo trước tương lai của nó, St 22,25 viết rằng, bà Rêbecca mang thai hai đứa con (Esau và Giacóp). Hai đứa “va chạm nhau” trong bụng mẹ, báo trước sau này chúng kình địch nhau. Còn trong chuyện này, thai nhi “nhảy mừng” trong bụng Êlisabét, nghĩa là sau này nó sẽ là người mang tin mừng cho kẻ khác.

 Trong chi tiết này, Lc cũng liên tưởng tới trường hợp của Giêrêmia (Gr 1,5) kẻ đã được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ ngay từ trong bụng mẹ.

 Tóm lại, chi tiết này có nghĩa là Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa chọn làm Tiền hô cho Đức Giêsu.

c 42 – Khi ấy Êlisabét “kêu lên lớn tiếng”: một phản ứng bất thường. Không phải chỉ lên tiếng đáp lại lời chào của Đức Maria, mà “kêu lớn”. Trong nguyên ngữ, động từ này có nghĩa là “bắt giọng”, giống như người xướng kinh bắt giọng cho cả nhà thờ đọc kinh.

 – “Em được chúc phúc giữa các người phụ nữ”: cách nói của người Do thái để diến tả sự so sánh tối thượng cấp, nghĩa là: Em là người có phúc nhất trong tất cả các người nữ.

c 43“Mẹ của Chúa tôi”: trong xã hội đa thê thời xưa, một ông vua có nhiều vợ, nhưng trong số đó, người vợ nào là mẹ của thái tử (sẽ lên ngôi) là có uy thế nhất. Bà được gọi là “mẹ của Chúa tôi”. Như thế, danh hiệu này chỉ người đàn bà uy thế nhất trong nước.

 – Thánh Lc cố ý viết câu nói của Êlisabét giống câu nói của ông Ôzia nói với bà Giuđitha (Gđt 13,18-19) “Bà có phúc trong mọi người nữ, và phúc thay Thiên Chúa là Chúa” (so với Lc 1,42: “Em có phúc trong tất cả các người nữ, và phúc thay hoa trái của lòng em”). Ý của Lc là so sánh Maria với bà Giuđitha, và so sánh Đức Giêsu với Thiên Chúa.

c 45 “Phúc cho em vì em đã tin”: lịch sử cứu độ của dân Israel bắt đầu bằng một hành vi đức tin (Abraham tin lời Thiên Chúa) (St 12,1-5); lịch sử cứu độ của cả loài người cũng bắt đầu bằng một hành vi đức tin (của Maria). Và lịch sử cứu độ của mỗi người chúng ta cũng thế.


 Chúng ta đã thấy Lc khéo viết lời của Êlisabét cho giống với lời của ông Ôzia khen bà Giuđitha. Ngoài ra Lc còn cố ý viết toàn câu chuyện này giống với chuyện Đavít mang Hòm Bia về Giêrusalem (2Sm 6). Sau đây là các chi tiết:

1/ Hòm Bia tiến về hướng Giêrusalem, ghé nhà của ông Ôbed-Êđom.

 Maria đi từ Nadarét theo hướng Giêrusalem, ghé nhà Êlisabét.

2/ Đavít đã “kêu lên” rằng: làm sao Hòm Bia của Chúa đến nhà tôi dược

 Êlisabét cũng “kêu lên”: làm sao mà mẹ của Chúa tôi đến nhà tôi.

3/ Nhờ Hòm Bia ghé ở nhà Ôbed-Êđom mà ông này được Thiên Chúa ban phúc.

 Đức Maria ghé nhà Êlisabét khiến gia đình họ (kẻ cả thai nhi) được phúc.

4/ Hòm Bia ở nhà Ôbed-Êđom hơn 3 tháng.

 Đức Maria cũng ở nhà Êlisabét 3 tháng (c 56)


A- NGUỒN GỐC

 Về nội dung, bài thơ này góp nhặt nhiều ý tưởng của Cựu Ước (xem câu ghi chú bên lề bản dịch: ít là 14 ý tưởng); về hình thức thì tương tự với bài ca của bà Anna (1Sm 2,1-10).

 – Tác giả là ai? Có thể là GH sơ khai soạn để hát trong phụng vụ, Lc đã mượn và thích nghi để đặt vào môi miệng của Maria.

 – Ý chính: Ngợi khen Thiên Chúa vì đã a/ bênh vực kẻ nghèo hèn và b/ yêu thương Israel.

 Khi áp dụng bài ca này cho Đức Maria, Lc muốn nói rằng Đức Maria chính là “người nghèo” chân chính nhất và là “Israel” thôi.

B- GIẢI THÍCH

c 46-47 – Phải biết đến bối cảnh là 1Sm 1-2; Bà Anna là vợ chính của ông Elqanah, nhưng bà không có con, trong khi vợ nhỏ của ông lại có con. Người vợ nhỏ này chế nhạo và chọc tức Anna khiến bà vô cùng đau xót. Bà lên Đền thờ cầu nguyện. Cuối cùng Thiên Chúa đã nhậm lời cho bà sinh con, tức là Samuel. Anna hớn ở vui mừng cất lời tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa.

 – “Hớn hở vui mừng”: cũng là tâm tình của Đức Maria, vì thế Người ngợi khen Thiên Chúa.

c 46 “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”.

 – “Linh hồn”: các tác giả Thánh Kinh thường nói tới một phần để chỉ toàn thể. Nói “linh hồn ngợi khen” là nói toàn thể con người ngợi khen (Mc 14,34 “Linh hồn Thầy buồn đến chết”)

 – “Ngợi khen”: cũng đồng nghĩa với tạ ơn. Ngợi khen là một cách tạ ơn, tạ ơn bằng cách ngợi khen. Trong tiếng Việt, có một kiểu nói chứa đựng cả 2 ý ngợi khen và tạ ơn đó là “tán tạ”.

c 48-53 – Lý do 1 để ngợi khen: Vì Thiên Chúa đã bênh vực kẻ nghèo hèn, hiện thân cụ thể là Đức Maria.

 – “Kẻ nghèo”: (anaw) là một hạng người đặc biệt trong Thánh Kinh. Cái nghèo của họ không phải chỉ có nghĩa kinh tế (không tiền của), mà nhất là theo nghĩa tôn giáo: họ không nương tựa (vì không có hay đúng ra là không muốn có) nất cứ chỗ dựa nào khác (như tiền bạc, quyền lực, tài sản… kể cả uy tín đạo đức của bản thân) ngoài một mình Thiên Chúa. Vì thế chính Thiên Chúa đứng ra làm chỗ nương tựa cho họ, làm Đấng bảo vệ họ.”Kẻ nghèo của Yavê” (anaw Yahwen) là hạng người được Thiên Chúa ưu ái nhất.

 – Dức Maria chính là một “kẻ nghèo” được Thiên Chúa ưu ái:

 a/ Qua biến cố Truyền tin, Chúa đã đoái thương nhìn đến Maria, một thiếu nữ tầm hướng ở Nagiarét, khiến Người trở nên biểu tượng của hạnh phúc đến nỗi từ này về sau mọi thế hệ đều khen Người là diễm phúc.

 b/ Thiên Chúa còn làm cho Maria biết bao điều cao cả: thụ thai đồng trinh, làm mẹ Đấng Messia mà muôn dân hằng trông đợi.

 – Sở dĩ Maria được như vậy vì Người có những đức tính của một “kẻ nghèo” đích thực: “kính sợ Ngài”, “khiêm nhường”, tin tưởng phó thác của một “nữ tì” của Chúa.

c 54-55 – Lý do 2 để ngợi khen: Thiên Chúa đã yêu thương Israel mà Maria cũng là hiện thân:

 – Xưa kia Ngài đã nhiều lần hứa với Abraham và các tổ phụ rằng Ngài sẽ cho các ngài có một dòng dõi đông đúc và từ dòng dõi ấy sẽ sinh ra Đấng Messia.

 – Những lời hứa đó hôm nay được thực hiện nơi Đức Maria.

BÀI 5: GIOAN TẨY GIẢ SINH RA (1,57-80)

57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

59Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an." 61Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả." 62Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? " Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

67Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:

68"Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en
đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.

69Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,
Người đã cho xuất hiện
Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,

70như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ
mà phán hứa tự ngàn xưa:

71sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,
thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;

72sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
và nhớ lại lời xưa giao ước;

73Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,

74và cho ta chẳng còn sợ hãi,

75để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,
mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.

76Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,

77bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.

78Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,

79soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".

80Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.

------------------

Đoạn này gồm 4 phân đoạn nhỏ:

A- VIỆC SINH RA: cc 57-58

 Có 2 chi tiết đáng lưu ý:

 – “Tới ngày mãn nguyệt khai hoa”: dịch sát nguyên bản phải là “Khi đến lúc Êlisabét phải sinh con”. Cách dùng từ như thế cho thấy việc bà thụ thai và sinh con đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Nay lời Chúa hứa được thực hiện.

 – “Láng giềng và thân thích đến chia vui”: Hoàn cảnh lúc Đức Giêsu sinh ra khác hẳn:

 a/ Đức Maria phải tự lo một mình.

 b/ Không có ai thân thích đến chia vui (sau đó mới có các kẻ chăn chiên).


B- ĐẶT TÊN: cc 59-65

 Trọng tâm của chuyện này không phải là việc cắt bì mà là việc đặt tên.

c 59 “Khi con trẻ được 8 ngày”: đó là thời gian luật định để cắt bì (St 17,12; Lv 12,3). Còn tên thì thường được đặt ngay khi đứa trẻ sinh ra (St 4,1 21,3). Trong trường hợp ở đây cắt bì chỉ là dịp để đặt tên.

 – “Tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em”: Thực ra người ta thường lấy tên của ông nội để đặt cho đứa trẻ. Trong trường hợp này người ta muốn lấy tên Dacaria để đặt, có lẽ vì ông đã cao tuổi.

c 60 – Bà Êlisabét đòi đặt tên là Gioan

 – Vì Dacaria không nói được nên vợ ông đặt tên thay. Đặc biệt là bà đã chọn một cái tên rất lạ (c 61: “Trong họ hàng của bà chẳng ai có tên đó”). Hơn nữa, dù không hỏi ý kiến chồng (c 62 cho biết Dacaria ngoài câm còn bị điếc nữa nên “họ làm hiệu để hỏi ông”), nhưng bà đã đặt một cai tên đúng theo ý chồng(c 63: Dacaria viết lên bảng tên Gioan).

 – Mà đó cũng chính là tên thiên sứ nói trước (1,13).

 – Tên Gioan: nguyên ngữ là Giohanan nghĩa là “Chúa thương”. Việc ông sinh ra là dấu Thiên Chúa thương dân Ngài.

* Tất cả những chi tiết lạ lùng quanh việc đặt tên chứng tỏ có ơn soi sáng đặc biệt của Thiên Chúa.

c 65 – Bởi thế “ai nấy đều kính sợ”: “kính sợ” là tâm tình của người ta khi biết Thiên Chúa đang hoạt động.


C- BÀI CA CỦA DACARIA (Benedictus): cc 67-79

 Nguồn gốc: cũng như bài Magnificat, bài ca này có lẽ là của cộng đoàn GH ở Palestina. Lc đặt vào đây và trong môi miệng Dacaria để cho có sự song song với lời tiên tri của ông Simêon và bà Anna về Đức Giêsu (trong phần dầu quyển Tin Mừng của mình, Lc trình bày song song hai nhân vật Giêsu và Gioan).

 Nội dung: Những lời tiên tri của 2 cụ già kia nói về tương lai của Đức Giêsu, thì bài ca này cũng nói về tương lai của Gioan.

c 68 – Thiên Chúa “viếng thăm”: trong Cựu Ước, Thiên Chúa viếng thăm là để ban ơn (St 21,1 50,24-25; Xh 3,16; Gr 29,10; Tv 65,10 80,15 106,4) hay sửa phạt (Xh 32,34; Is 10,12; Êd 23,21 34,11-12; Tv 59,6 89,33). Trong trường hợp này, Thiên Chúa viếng thăm để ban ơn thực hiện lời hứa cứu chuộc

c 69-75 – Lời hứa ấy Thiên Chúa đã nhiều lần nói với Abraham và các tổ phụ, Ngài cũng nhiều lần lập lại qua miệng các ngôn sứ.

c 76-79 Những câu này cho biết sứ mạng tương lai của Gioan: làm kẻ dọn đường cho Đấng Messia (“Con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Ngài”)

D- CUỘC SỐNG ẨN DẬT CỦA GIOAN: c 80

 Đoạn này rất ngắn, viết theo khuôn khổ những bài tường thuật thời thư ấu của những nhân vật Cựu Ước như Isaac, Ismael (St 21,8-20), Samson (Tl 13,24-25) và Samuel (1Sm 2,21.26 3,19).

 Ya chính của đoạn này là “sự lớn lên”. Tin Mừng Lc và sách Công vụ có nhiều bảng toát yếu về “sự lớn lên” của Lời Chúa. Đây là bảng đầu tiên.

 Điểm đặc biệt là Gioan không sống trong gia đình như bao người khác, trái lại sống trong hoang địa. Đây là nơi sau này Lời Chúa đến với ông (3,2) để đặt ông làm ngôn sứ của Đấng Messia. 

BÀI 6: ĐỨC GIÊSU GIÁNG SINH (2,1-21)

1Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. 2Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. 3Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. 4Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. 5Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. 6Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. 7Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

8Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. 9Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. 10Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: 11Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. 12Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ." 13Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:

14"Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."

15Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: "Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết." 16Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. 18Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. 19Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

21Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

------------------

Đoạn Tin Mừng này là một bức tranh tuyệt vời với 2 hình ảnh đối chọi nhau: Nghèo hèn và vinh quang.

I- NGHÈO HÈN

1/ Tuân phục sắc lệnh của hoàng đế

c 1a Hoàng đế La Mã thời đó tên thực là Octave, và còn một tên thần linh nữa là Auguste (các hoàng đế La Mã tự coi là thần linh và bắt dân phải thờ). Lc gọi ông bằng tên thần linh, ngụ ý nói đến uy quyền tối thượng của ông.

c 1b Kiểm tra dân số. Xem 2Sm 24: Liểm tra dân số là độc quyền của Thiên Chúa, vì chỉ mình Ngài có thể làm cho dân số tang lên. Đavít lỡ kiểm tra dân số nên bị coi là đã phạm tội lớn. Ở đây hoàng đế La Mã dám kiểm tra dân số: thêm chi tiết nữa cho thấy uy quyền của ông.

c 4-5 Trước sắc lệnh này, toàn thể gia đình Đức Giêsu đều tuân phục (Cv 5,37: phái Zélotes không tuân theo).

 Lẽ ra chỉ một mình Giuse phải tuân theo (Giuse thuộc dòng Đavít nên phải về kiểm tra tại quê hương của Đavít là Bêlem). Maria không thuộc dòng Đavít nên không cần tuân theo.

 Hơn nữa Maria đang mang thai. Thai nhi này chính là Messia, nhưng Maria không vì thế mà không tuân lệnh hoàng đế. Tóm lại thánh gia thực hiện điều mà sau này Đức Giêsu rao giảng: “Của Xêsa hãy trả cho Xêsa” (Lc 20,25).

c 7 “Con trai đầu lòng”: theo luật (Xh 13,2 34,19), mọi con trai đầu lòng phải thánh hiến cho Thiên Chúa. Đức Giêsu là con trai đầu lòng, nghĩa là người được thánh hiến cho Thiên Chúa, thế mà Ngài cũng tuân lệnh hoàng đế. Hành trình 150 km (4-5 ngày đi đường).

2/ Sinh ra trong cảnh túng thiếu

c 7 Cuộc sinh ra được Lc mô tả vỏn vẹn trong một câu. So sánh với cuộc sinh ra của Gioan Tẩy Giả (Lc 1,57-66) có nhiều điểm tương phản.

 – Gioan sinh ra trong mái ấm tiện nghi của gia đình, Giêsu sinh ngoài gia đình.

 – Bà con lối xóm tới chúc mừng, Giêsu không ai tới chúc mừng (chỉ những mục tử mà thôi, ta sẽ nói dưới đây).

 – Bà Êlisabét còn có Maria giúp đỡ, Maria ở đây một mình lấy khăn bọc con (Thật lạ lùng Lc không nói tới sự giúp đỡ của Giuse, có lẽ vì ngụ ý làm nổi bật sự trơ trụi của Đức Giêsu).

 – Ngoài ra, nơi sinh là một nơi cho súc vật ở, Maria đặt Con trong “máng cỏ”: để cho ấm, mà cũng để tránh đặt ở dưới đất sợ síc vật giẫm lên. Chẳng có chỗ nào khác an toàn hơn.

3/ Những mục tử

c 8 Đây không phải là những chủ nhân đán vật, mà có lẽ là những kẻ làm thuê.

 – Các Rabbi không thích bọn họ, vì do cuộc sống rày đây mai đó bận rộn, họ ít tới tham dự những cuộc họp hằng tuần ở Hội đường, và cũng không giữ luật chín chắn lắm.

 – Luật cũng kỳ thị họ: vì họ không được ngay thẳng lắm trong đức công bình (vì “bần cùng sinh đạo tặc”), nên Luật không cho phép họ đứng ra xử kiện hoặc làm chứng (họ bị xếp ngang hàng với người thu thuế).

 * Tóm lại: những khách mời dự lễ Giáng sinh đầu tiên là những người hèn hạ như vậy.

4/ Một dấu chỉ:

c 12 Văn thể truyền tin luôn cho một dấu chỉ. Thông thường những dấu chỉ đều là những sự việc phi thường (1,18-20.36: cho Giacaria và cho Maria). Ở đây dấu chỉ rất tầm thường: một đứa bé quấn trong khăn nằm trong máng cỏ. Có lẽ giá trị của nó chỉ là chứng minh cho mục tử biết rằng đó là điều có thật chứ không phải là mơ. Thực ra Lc sâu sắc hơn nhiều: sự nghèo nàn chính là đặc tính của Đức Giêsu.


II- VINH QUANG

1/ Thiên sứ:

c 9a Thánh Kinh nhiều lần kể lại việc Thiên sứ đến mang sứ điệp của Thiên Chúa cho một người nào đó (cho Agar St 16; cho mẹ Samson Tl 13; cho Giacaria và Maria… Đặc biệt chuyện Thiên sứ Raphael cùng đi với Tôbia trong suốt một cuộc hành trình dài mà Tôbia không biết đó là Thiên sứ) nhưng chưa lần nào Thiên sứ hiện ra trong cảnh vinh quang như lần này “Vinh quang Chúa bao quanh sáng ngời”.

c 9b “rụng rời kinh hãi”: cách nói của Thánh Kinh diễn tả tâm trạng con người khi biết đang ở trước mặt Thiên Chúa.

2/ Vị cứu tinh:

c 13 Cả một “đạo binh Thiên Chúa”

 “Cất tiếng hát”: như một lễ nghi phụng vụ trọng thể.

c 14 Tiếng hát của ca đoàn Thiên sứ: Thời đó người ta tự hào về cái gọi là Pax Rôma (hòa bình của Rôma). Nhưng thứ hòa bình đó chỉ dành cho một số người có địa vị cao đang chà đạp ¾ dân số là nô lệ khốn cùng. Tiếng hát Thiên sứ công bố thứ Hòa bình đích thực, là kết quả của tình thương Thiên Chúa, là sự hài hòa giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau.


III KẾT LUẬN

1/ Đoạn Tin Mừng này mô tả sự nghịch lý trong bản thân Đức Giêsu: vừa nghèo hèn vừa vinh quang, vừa là người vừa là Thiên Chúa. Nói cách khác, Đức Giêsu là một Đấng “humainement Dieu et divinement home” (André Sève).

2/ Đoạn Tin Mừng này cũng mô tả một cuộc gặp gỡ giữa sự khốn cùng của con người với sự vinh quang của Thiên Chúa: Thiên Chúa xuống làm người để loài người lên làm Chúa.

BÀI 7: DÂNG ĐỨC GIÊSU TRONG ĐỀN THỜ (2,21-40)

21Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

22Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", 24và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

29"Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.

30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:

32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."

33Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. 34Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; 35và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."

36Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

39Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

------------------

I- GIẢI NGHĨA

c 21-24 Luật đạo Do thái

 – Lv 12,2-8: sau khi sinh con, người mẹ bị coi là nhơ uế trong 7 ngày. Đến ngày thứ tám thì cắt bì cho con nếu đó là con trai. Kế tiếp người mẹ phải ở cữ thêm 33 ngày nữa. trong thời gian này bà không được vào Đền thờ và không được đụng đến vật thánh (nếu sinh con gái thì mắc nhơ uế đến hai tuần và phải ở cữ đến 66 ngày), sau đó đến Đền thờ để làm lễ tẩy uế và dâng một con chiên và một con bồ câu (hoặc một chim cu). Nếu nghèo thì dâng hai bồ câu hoặc hai chim cu.

 – Xh 13,2 quy định rằng mọi con trai đầu lòng (và các con đực đầu lòng) được kể là thuộc về Yavê. Do đó Xh 13,13 dạy các cha mẹ nếu muốn giữ con trai đầu lòng lại cho mình thì phải chuộc lại bằng một con chiên.

 So với những khoản luật đó, sự việc được mô tả trong bài Tin Mừng này hơi khác thường.

 – Luật chỉ buộc người mẹ lên Đền thờ, ở đây cả gia đình gồm Giuse, Maria và Giêsu đều lên Đền thờ.

 – Về việc dâng đôi chim: đó là để thanh tẩy cho người mẹ chứ không phải cho đứa con. Ở đây Lc coi như là của lễ của cả hai mẹ con.

 – Về việc dâng con trong Đền thờ: luật chỉ buộc thánh hiến con trai đầu lòng, việc này không nhất thiết phải làm ở Đền thờ (có thể làm tại nhà). Thánh gia đã đem Chúa Giêsu lên Đền thờ luôn.

 Như thế trong đoạn Tin Mừng này, Lc đã gom 3 việc lại thành một (thanh tẩy mẹ, thánh hiến con và chuộc con) và hướng trọng tâm về phía Đức Giêsu. Ngụ ý của Lc:

 – Thánh gia giữ Luật rất chặt chẽ, còn hơn đòi buộc của Luật.

 – Luật không buộc Đức Giêsu lên Đền thờ, nhưng tại sao Đức Giêsu lên đó? Tin Mừng Lc đặt trọng tâm ở Đền thờ: Tin Mừng mở đầu với cảnh Giacaria tế lễ ở Đền thờ (1,5-20) và kết thúc với cảnh các môn đệ tán tụng Thiên Chúa trong Đền thờ (24,53). Hôm nay Đức Giêsu lên Đền thờ với tư cách là người chủ thực sự của Đến thờ đến tiếp thu lấy Đến thờ của mình vốn từ trước tới nay như vắng chủ.

 – Đn 9,21-24 tiên báo rằng “sau 70 tuần thì Đền thờ sẽ được tái thiết:. Nếu đếm số ngày từ khi Thiên sứ báo tin cho đến hôm nay thì đúng 70 tuần: Từ khi Thiên sứ báo tin cho Giacaria đến lúc báo tin cho Maria là 6 tháng, từ đó tới ngày sinh Đức Giêsu là 9 tháng; từ đó tới hôm nay là 40 ngày. 180 ngày + 270 ngày + 40 ngày = 490 ngày tức là đúng 70 tuần.

c 25-35 Lời của ông Simêon:

 – “Niềm an ủi của Israel”: cách nói về ơn cứu độ thời Messia.

 – “Thánh Thần hằng ở với ông”: cách nói rằng ông là ngôn sứ.

 – Chú ý: Ông gọi Đức Giêsu là “Đấng cứu tinh”, nghĩa là Messia.

 – “Cớ vấp ngã và dấu hiệu chống đối”: Đức Giêsu buộc người ta phải dứt khoát chọn lựa. Ai tin theo Ngài thì được cứu rỗi, ai không theo Ngài thì hư mất.

 – “Lưỡi gươm xuyên thủng tâm hồn bà”:

 * Trong Cựu Ước lưỡi gươm là biểu tượng của sự chia rẽ.

 * Trong bài ‘Truyền tin’, Lc đã trình bày Maria như ‘con gái Sion’ nghĩa là đại diện cho dân Israel.

Ý nghĩa: Theo lời tiên tri của Simêon, Đức Giêsu sẽ làm cho Israel chia thành 2 nhóm: tin và không tin. Ở đây Đức Maria với tư cách đại diện cho Israel sẽ chứng kiến cảnh chia rẽ đó.

 –“Để tâm tư nhiều người phải tỏ bày ra”: Khi người ta tin hoặc chống đối Đức Giêsu thì tâm tư họ sẽ tỏ rõ ra bên ngoài.

 * Tóm lại: Là một ngôn sứ, Simêon khi thấy Đức Giêsu vào Đền thờ thì hiểu ngay rằng đó là Đấng Messia đến tiếp thu nơi cư ngụ của Ngài, nghĩa là đã đến thời cứu độ. Do đó ông thỏa mãn và có thể xin Thiên Chúa cho mình ra đi bình an.

c 36-38 – Bà Khanna: bài tường thuật có thể kết thúc với chuyện ông Simêon, bởi vì chuyện bà Khanna cũng không đem lại ý nghĩa gì hơn. Nhưng Lc vẫn ghi thêm chuyện này. Lý do: Tin Mừng Lc quan tâm tới phụ nữ (nếu đã có ông Simêon nhận ra Đấng Messia, thì cũng có một bà Khanna nhận ra Ngài như vậy); Hơn nữa, qua hình tượng bà Khanna, Lc muốn khắc họa một người góa phụ lý tưởng: được danh dự gọi là ngôn sứ )Xh 15,20; Tl 4,4; 2V 22,14); “Không rời Đền thờ, luôn ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa”.

c 39-40 Đây là một bảng toát yếu về tuổi thơ của Đức Giêsu. Lc cũng viết một bảng toát yếu về Gioan Tẩy Giả (1,80). So sánh 2 bảng này ta thấy Đức Giêsu và Gioan tuy giống nhau nhưng cũng khác nhau. Những chữ in đậm cho thấy những nét đặc trưng của từng nhân vật.

 Gioan Tẩy Giả: “Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Câu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel”.

Đức Giêsu: “Còn hài nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.

 Những khác biệt:

 – Gioan sống trong hoang địa, Đức Giêsu sống với gia đình.

 – Đức Giêsu hơn Gioan về điểm “đầy khôn ngoan” và “hằng được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa”.


II- KẾT LUẬN

 Lc coi biến cố này là khánh thành thời đại cứu độ, như lời ông Simêon: “Chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân”.


BÀI 8: TÌM GẶP ĐỨC GIÊSU TRONG ĐỀN THỜ (2,41-52)

41Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! " 49Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? " 50Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

51Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. 52Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.

------------------

GIẢI THÍCH

1/ Luật về hành hương:

– Theo Xh 23,17 và Đnl 16,16 thì “mỗi năm 3 lần” “mọi nam nhân” phải hành hương về Đền thờ Giêrusalem. Đó là các dịp lễ: Vượt Qua (còn gọi là Lễ Bánh không men), Lễ Các Tuần và Lễ Lều.

– Trên thực tế có nhiều du di:

 a/ Người ta chỉ chú trọng tới cuộc hành hương Lễ Vượt Qua và chỉ buộc những nam nhân từ 13 tuổi trở lên.

 b/ Lễ này kéo dài 7 ngày, nhưng nhiều người chỉ lưu lại Giêrusalem 3 ngày đầu thôi.

 c/ Những người ở quá xa Giêrusalem cũng không buộc phải hành hương hằng năm, miến là tối thiểu trong đời họ có một lần hành hương cũng đủ.

– Trong đoạn Tin Mừng này, có vài chi tiết đáng ta lưu ý:

 * c 41 Hằng năm cha mẹ Đức Giêsu lên Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua.

 * c 42: Khi Đức Giêsu lên 12 tuổi.

 * c 43: Khi lễ xong (nghĩa là xong hết 7 ngày)

 Những chi tiết đó cho thấy gia đình Đức Giêsu giữ luật rất chín chắn, còn hơn mức bó buộc.

2/ Những chi tiết đầy ngụ ý của Lc

c 42 – “Khi Đức Giêsu lên 12 tuổi”: Tại sao Lc không kể những cuộc hành hương khác của Đức Giêsu “theo lệ đã quen” mà chọn kể cuộc hành hương năm Ngài 12 tuổi? Vì 12 là con số mang ý nghĩa trọn vẹn, hoàn thành.

c 43 – “Lễ xong”: chữ “xong” cũng có nghĩa là hoàn thành, Lc nhiều lần dùng chữ này (18,31 22,37 9,51 9,31 22,16 21,24 24,44) và đều có liên hệ tới ý tưởng Đức Giêsu hoàn thành cuộc thụ nạn và phục sinh.

c 46 “Khỏi ba ngày” là khoảng thời gian từ lúc Đức Giêsu chết tới khi Ngài sống lại.

 – “Gặp lại”: động từ này còn có nghĩa là “sống lại”.

 – “Trong Đền thờ”: Tin Mừng Lc chú trọng tới Đền thờ, cảnh đầu tiên diễn ra trong Đền thờ (1,5tt: Giacaria tế lễ trong Đền thờ, cảnh cuối cùng cũng diễn ra trong Đền thờ. 24,53: các môn đệ ở trong Đền thờ ca tụng Thiên Chúa). Cảnh này cũng diễn ra trong Đền thờ, nghĩa là có liên hệ chặt chẽ với sứ mạng của Đức Giêsu mà Tin Mừng Lc muốn trình bày.

c 49 “Con phải ở trong nhà của Cha Con”: Lc cũng dùng chữ “phải” này nhiều lần (13,33 24,26 24,44…) với ý nghĩa Đức Giêsu phải bước vào cuộc thụ nạn và Phục sinh.

 – “Nhà của Cha Con”: Đây là lời nói đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin Mừng Lc. Ngài nói về Cha; lời nói cuổi cùng của Ngài trên thập giá cũng là nói về Cha (23,46 ‘Con phó linh hồn con trong tay Cha’); và lời cuối cùng của Đức Giêsu sau khi sống lại cũng là nói về Cha (24,49 ‘Thầy sẽ sai xuống với các con Đấng mà Cha Thầy đã hứa’).

c 50 – “Cả hai không hiểu”: nhiều lần Lc cũng nói vè sự không hiểu (9,45 18,34 24,25), và lần nào cũng liên quan tới những lời Đức Giêsu nói về cuộc thụ nạn và Phục sinh của Ngài.

3/ Lc muốn nói gì qua câu chuyện này?

a/ Lc muốn nêu cao một tấm gương vâng phục: Thánh gia đã vâng phục lề luật còn hơn mức đòi buộc. Đức Giêsu vâng phục thánh Giuse và Mẹ Maria, mặc dù hai đấng là người phàm, còn Ngài là Thiên Chúa.

b/ Lc muốn liên kết chuyện này với mầu nhiệm Đức Giêsu chịu nạn, chịu chết và sống lại. Ngay từ đầu cuộc đời công khai, Đức Giêsu đã có những dấu chỉ cho thấy mối liên hệ đó.

c/ Lc muốn ngay từ đầu Tin Mừng hé mở cho ta biết mầu nhiệm về bản thân của Đức Giêsu: Tuy là con của thánh Giuse và Đức Maria, nhưng Ngài còn là Con của Chúa Cha; tuy Ngài có bổn phận với thánh Giuse và Đức Maria, nhưng Ngài còn có bổn phận quan trọng hơn đối với Chúa Cha, đó là bổn phận phải đi qua cái chết đến sự phục sinh để làm tròn sứ mạng Chúa Cha đã trao.

 Bởi thế câu trả lời với Đức Maria (c 49) không phải là một lời hỗn láo, mà chỉ nhằm chuẩn bị trước cho hai đấng sẵn sàng chấp nhận việc Ngài sẽ ra đi thi hành sứ mạng của Chúa Cha. Vả lại, sau đó Ngài cũng trở về nhà vâng phục hai đấng (c 51).

d/ Lc cũng muốn trình bày về sự khôn ngoan: cuối câu chuyện trước (2,40) ông đã nói rằng Đức Giêsu lớn lên trong sự khôn ngoan. Trong chuyện này ông muốn cho thấy ự khôn ngoan thật là luôn làm theo ý Chúa Cha. Do đó cuối câu chuyện này Lc kết luận rằng: Đức Giêsu “càng thêm khôn ngoan”.

e/ Ngoài ra Lc còn muốn bài bác một lạc thuyết: thời đó một số người nghĩ rằng khi sinh ra, Đức Giêsu chỉ là một người bình thường như mọi người khác, đến khi chịu phép Thanh tẩy thì Ngài mới được Thánh Thần ngự xuống tràn đầy và trở thành Đấng Messia. Rủi thay, Tin Mừng Mc lại khiến người ta càng thêm hiểu lầm như thế, vì Tin Mừng Mc bắt đầu với việc Đức Giêsu chịu thanh tẩy. Qua câu chuyện này, Lc bài bác lạc thuyết đó, ông chứng minh rằng, ngay từ lúc còn thơ ấu Đức Giêsu đã lãnh nhận sứ mạng của Chúa Cha.