Giáo Lý Tóm Lược
Nguồn: vntaiwan.catholic.org.tw
Năm 1997 là năm đầu tiên của giai đoạn hai trong việc chuẩn bị năm thánh 2000. Chủ đề của năm 1997 là Ðức Giêsu Kitô, Ngài là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất của trần gian, hôm qua, hôm nay và mãi mãi (Dt 13,8). Nội dung học hỏi của năm nay bao gồm:
1. Tìm hiểu về con người của Ðức Giêsu và mầu nhiệm cứu độ của Ngài.
2. Sống Bí tích Rửa Tội là bí tích nền tảng của cuộc sống Kitô Hữu.
3. Củng cố đức tin: cần khơi lên trong lòng mọi tín hữu lòng khao khát sống thánh thiện thục sự, lòng ước muốn hoán cải và canh tân bản thân mình, trong một bầu khí cầu nguyện sâu xa hơn, trong sự liên đới với tha nhân, nhất là những người bị bỏ rơi.
4. Noi gương Ðức Maria sống Ðức Tin: Ðức Trinh Nữ Maria, Ðấng sẽ hiện diện trong suốt thời gian chuẩn bị năm thánh, sẽ được chiêm ngắm và kêu cầu trong năm thứ nhất này, nhất là trong mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa. Ðức Maria nêu lên cho tín hữu một mẫu gương sống đức tin sống động. (Tài liệu Mục Vụ chuẩn bị mừng năm thánh 2000 của HÐGMVN, số 36-39).
Tập giáo lý tóm lược này được biên soạn nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu học hỏi nói trên.
"Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi công bố năm hồng ân của Chúa." (Lc 4,18-21)
1. H. Năm Thánh là gì?
T. Năm Thánh là năm toàn xá, tức là thời điểm được qui định để chúng ta hoán cải, hòa giải, hiệp thông hầu đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa một cách đặc biệt hơn.
2. H. Năm Thánh có từ khi nào?
T. Năm Thánh có từ thời Cựu Ước, được tiếp tục trong lịch sử Hội Thánh. Hội Thánh đã cử hành năm thánh đầu tiên vào năm 1300, và từ năm 1470, cứ 25 năm cử hành năm thánh một lần, gọi là thường kỳ. Ngoài ra, còn có những năm thánh đặc biệt kỷ niệm những biến cố trọng đại trong lịch sử cứu độ.
3. H. Năm Thánh 2000 có ý nghĩa gì?
T. Năm Thánh 2000 là năm thánh thường kỳ. Nhưng mang ý nghĩa quan trọng khác thường, vì kỷ niệm đúng 2000 năm Con Thiên Chúa Xuống Thế Làm Người, một biến cố trở thành trung tâm lịch sử loài người.
4. H. Chúng ta phải làm gì để mừng Năm Thánh 2000?
T. Chúng ta phải cố gắng tìm hiểu, học hỏi và sống theo các chủ đề mà Hội Thánh đã nêu ra như sau:
- Năm 1997: Về Chúa Giêsu Kitô.
- Năm 1998: Về Chúa Thánh Thần.
- Năm 1999: Về Chúa Cha.
- Năm 2000: Về Bí Tích Thánh Thể.
"Trong một thế kỷ sẽ có 4 năm thánh thường kỳ vào các năm 00, 25, 50, 75. Ngoài ra còn có những năm thánh đặc biệt. Chẳng hạn: Năm Thánh 1933: kỷ niệm 19 thế kỷ cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Năm Thánh 1958: kỷ niệm 100 Ðức Mẹ hiện ra ở Lộ Ðức v.v...
Tôi biết tôi tin vào ai. (2Tm 1,12-14)
1. H. Kitô Hữu là ai?
T. Kitô Hữu là người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, đã xuống thế làm người để cứu chuộc loài người khỏi tội lỗi và sự chết, và ban cho con người sự sống mới là được làm con cái Thiên Chúa.
2. H. Tin vào Chúa Giêsu là thế nào?
T. Tin vào Chúa Giêsu là gắn bó bản thân với Ngài, hoàn toàn để Ngài làm chủ và hướng dẫn đời sống mình, đồng thời luôn sống theo lời Ngài dạy dưới sự hướng dẫn của Hội Thánh. Lòng tin này vừa là ơn Thiên Chúa ban, vừa là do ta cố gắng mà có.
3. H. Ta phải cố gắng thế nào?
T. Ta cần làm ba việc này:
- Một là xin Chúa ban thêm đức tin cho ta,
- Hai là chăm học giáo lý và Kinh Thánh để hiểu biết Chúa Giêsu hơn,
- Ba là năng gặp gỡ Ngài qua việc cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích và sống đức ái.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để ai tin vào Người Con ấy thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời. (Ga 3,16)
1. H. Khi tới thời gian thực hiện lời hứa cứu độ, Thiên Chúa đã làm gì để cứu độ con người?
T. Thiên Chúa đã gửi Ðức Giêsu Kitô là Con Một yêu dấu của Ngài, xuống thế làm người, chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng ta.
2. H. Vì sao Con Thiên Chúa làm người được gọi tên là Giêsu?
T. Vì tên gọi ấy nói lên sứ mạng của Ngài là "Thiên Chúa Cứu Ðộ".
3. H. Vì sao Ðức Giêsu còn được gọi là Ðấng Kitô?
T. Vì Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần xức dầu tấn phong Ngài làm vua, tư tế và ngôn sứ, để cứu chuộc loài người và thiết lập Nước Thiên Chúa.
4. H. Vì sao ta tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa?
T. Ta tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, vì ta nhận uy quyền tối cao và thần tính của Ngài.
"Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa." (Lc 1,26-38)
1. H. Thiên Chúa đã cho Con Ngài nhập thể như thế nào?
T. Thiên Chúa đã dùng quyền năng Chúa Thánh Thần, cho Ðức Maria mang thai, sinh Ðấng Cứu Thế mà vẫn còn đồng trinh.
2. H. Việc Ðức Maria mang thai Ðấng Cứu Thế mà vẫn còn đồng trinh muốn nói lên điều gì?
T. Việc ấy muốn nói rằng Chúa Giêsu vừa là người thật, vì đã sinh bởi một người nữ, vừa là Thiên Chúa thật, vì Ngài chỉ có một mình Thiên Chúa là Cha.
3. H. Vì sao Hội Thánh tuyên xưng Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa?
T. Vì Ðấng Mẹ cưu mang và sinh ra thật sự là Thiên Chúa: Ðó là Con Một của Chúa Cha, và là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người.
4. H. Thiên Chúa đã ban cho Ðức Maria những ơn nào để bà xứng đáng là Mẹ của Con Thiên Chúa?
T. Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ khỏi mọi tội lỗi, kể cả tội tổ tông, và được sinh Chúa Giêsu mà vẫn trọn đời đồng trinh.
"Sau đó, trẻ Giêsu cùng với cha mẹ trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài. Ngài ngày càng khôn lớn và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến." (Lc 2,51-52)
1. H. Chúa Giêsu sinh trưởng ở đâu?
T. Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem và lớn lên tại Nazarét.
2. H. Tại Nazarét Chúa Giêsu đã sống thế nào?
T. Ngài đã sống bình thường như chúng ta: vâng phục cha mẹ, yêu thương người xung quanh, tuân giữ lề luật Thiên Chúa và chăm chỉ làm việc.
3. H. Vì sao Con Thiên Chúa lại muốn sống cảnh đời thường như chúng ta?
T. Vì Ngài muốn chúng ta kết hiệp với Ngài bằng chính cuộc sống thường ngày của chúng ta trong từng giây phút hiện tại.
4. H. Giây phút hiện tại ta đang sống quan trọng như thế nào?
T. Hết sức quan trọng, vì đó là giây phút thuộc quyền quyết định của ta, là dịp để chứng tỏ lòng ta yêu Chúa, và chính giây phút này đang dệt nên đời ta trước mặt Chúa.
"Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Con Ngài." (Dt 1,1-2)
1. H. Thiên Chúa đích thân tỏ bày cho ta điều gì?
T. Thiên Chúa đích thân tỏ bày cho ta chính bản thân Thiên Chúa và chương trình của Ngài muốn cứu vớt ta trong Chúa Giêsu Kitô, là lời của Thiên Chúa. Ðó là mặc khải của Thiên Chúa.
2. H. Mặc khải của Thiên Chúa được lưu truyền cho ta như thế nào?
T. Kinh Thánh và Thánh Truyền làm thành kho tàng Mặc Khải của Thiên Chúa, và được trao phó cho Hội Thánh gìn giữ và lưu truyền cho ta qua mọi thế hệ.
3. H. Kinh Thánh là gì?
T. Kinh Thánh là sách ghi chép mặc khải của Thiên Chúa dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Kinh Thánh chia làm hai phần: Cựu Ước có 46 cuốn và Tân Ước 27 cuốn. Tâm điểm của Kinh Thánh là 4 cuốn Tin Mừng, nói về cuộc đời và lời dạy của Chúa Giêsu.
4. H. Thánh Truyền là gì?
T. Thánh Truyền là gia sản cuộc sống đức tin chứa đựng mặc khải của Thiên Chúa, mà từ những thế kỷ đầu Hội Thánh đã truyền lại cho ta.
5. H. Kinh Thánh có cần cho đời sống chúng ta không?
T. Rất cần, vì "không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô". Bởi thế, ta phải siêng năng đọc, suy gẫm và đem ra thực hành (x. Mt 7,26).
"Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài." (Mt 3,13-17)
1. H. Khi bắt đầu cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã làm gì?
T. Chúa Giêsu đã đến sông Giođan chịu phép rửa của ông Gioan để nói lên 3 điều này:
- Một là: Ngài muốn liên đới với loài người tội lỗi để cứu chuộc họ.
- Hai là: Ngài chấp nhận con đường đau khổ của Người Tôi Trung.
- Ba là: Ngài thánh hóa giòng nước rửa tội và sẽ ban Thánh Thần để thực hiện cuộc sáng tạo mới cho ta.
2. H. Khi Ðức Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha đã làm gì?
T. Chúa Cha đã tỏ cho thấy Ðức Giêsu có đầy tràn Thánh Thần để thực hiện Tin Mừng cứu độ.
3. H. Tin Mừng Chúa Giêsu cho ta biết điều gì?
T. Tin Mừng Chúa Giêsu cho ta biết Thiên Chúa là Cha yêu thương ta, muốn cho ta làm con cái Ngài.
"Anh em là ánh sáng cho trần gian... Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời." (Mt 5,13-16)
1. H. Người môn đệ Chúa Kitô sống theo tinh thần nào?
T. Sống theo tinh thần Bài Giảng Trên Núi, được gồm tóm trong Tám Mối Phúc Thật là:
- Thứ nhất: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
- Thứ hai: Phúc thay ai hiền lành, vì Chúa dành đất hứa cho họ.
- Thứ ba: Phúc thay ai khóc than, vì sẽ được ủi an.
- Thứ bốn: Phúc thay ai khao khát sống đời chính trực, vì sẽ được dạ no lòng.
- Thứ năm: Phúc thay ai biết xót thương người, vì chính mình sẽ được xót thương.
- Thứ sáu: Phúc thay ai có lòng trong sạch, vì sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa.
- Thứ bảy: Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.
- Thứ tám: Phúc thay ai bị đời ngược đãi, mà vẫn sống chính trực ngay lành, vì Nước Trời đã dành cho họ.
2. H. Tám mối phúc thật nói lên điều gì?
T. Tám mối phúc thật mô tả cho ta khuôn mặt Chúa Kitô, và con đường Ngài đã đi, để ta noi gương mà nên giống Ngài.
3. H. Tám mối phúc thật còn nhắc ta điều gì nữa?
T. Tám mối phúc thật nhắc ta nhớ rằng, hạnh phúc đích thật và cuối cùng của con người là chính Thiên Chúa.
Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. (Lc 6,12)
1. H. Chúa Giêsu sống với Chúa Cha thế nào?
T. Chúa Giêsu sống rất gắn bó với Chúa Cha. Ngài luôn ưu tiên dành thời giờ để cầu nguyện thân mật với Chúa Cha.
2. H. Chúa Giêsu cầu nguyện lúc nào?
T. Chúa Giêsu cầu nguyện mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là sáng sớm, chiều tối và trước khi làm bất cứ công việc gì.
3. H. Chúa Giêsu cầu nguyện để làm gì?
T. Ðể luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, và để lắng nghe ý Chúa Cha mà đẹp lòng Ngài trong hết mọi sự.
Ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa, linh hồn con đã khát khao Ngài. (Tv 62)
1. H. Cầu nguyện là gì?
T. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa để gặp gỡ Ngài một cách sâu xa trong tình yêu thương.
2. H. Khi cầu nguyện, ta cần có những tâm tình nào?
T. Ta có thể nói lên năm tâm tình sau đây:
- Một là: Ngợi khen chúc tụng.
- Hai là: Cảm tạ biết ơn.
- Ba là: Ăn năn thống hối.
- Bốn là: Hiến dâng phó thác.
- Năm là: Tin tưởng cầu xin.
3. H. Ta nên cầu nguyện chung thế nào?
T. Ta nên cầu nguyện chung ở gia đình, trong nhà thờ hoặc những nơi thuận tiện khác. Khi cầu nguyện chung, ta có thể làm những việc sau đây:
- Một là: Nghe Lời Chúa.
- Hai là: Thinh lặng.
- Ba là: Cầu nguyện tự phát.
- Bốn là: Hát thánh ca.
- Năm là: Ðọc Thánh Vịnh hoặc các kinh khác.
Vậy chúng con hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con ở trên trời". (Mt 6,9-13)
1. H. Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện bằng kinh nào?
T. Chúa Giêsu đã dạy kinh "Lạy Cha" là mẫu mực cho mọi lời kinh của dân Chúa.
2. H. Khi nguyện lời "Lạy Cha chúng con", ta cần nhớ điều gì?
T. Ta nhớ mình thuộc về gia đình con cái Thiên Chúa, có sứ mạng hợp nhất hết mọi người, nên ta cần mở rộng tấm lòng yêu thương và loại trừ mọi tị hiềm, chia rẽ.
3. H. Ba ý nguyện đầu của kinh Lạy Cha nói lên tâm tình nào?
T. Nói lên tâm tình hiếu thảo biết ơn, muốn quy hướng tất cả về Chúa Cha, là Ðấng ta hằng yêu mến trên hết mọi sự, đồng thời chúng ta cầu xin cho mọi người được cứu độ, và chính chúng ta biết thực hiện ý Thiên Chúa mỗi ngày.
4. H. Bốn ý nguyện sau của kinh Lạy Cha nói lên tâm tình nào?
T. Nói lên niềm tin tưởng phó thác vào tình thương của Thiên Chúa, vì Ngài hằng chăm lo cho đời sống của mỗi người chúng ta.
"Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4,4)
1. H. Sau khi chịu phép rửa tại sông Giođan, Chúa Giêsu đã làm gì?
T. Chúa Giêsu vào hoang địa ăn chay cầu nguyện, rồi đi khắp nước Dothái rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa.
2. H. Việc Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ nói lên điều gì?
T. Chúa Giêsu chịu cám dỗ để cảm thông với thân phận yếu đuối của loài người, nhưng khác với Ađam xưa, Ngài luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha như người tôi trung.
3. H. Qua các ví dụ về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu dạy ta điều gì?
T. Chúa Giêsu mời gọi ta đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, và từ bỏ tội lỗi, tin vào Ngài và làm theo lời Ngài dạy để được vào Nước Trời.
4. H. Qua các phép lạ, Chúa Giêsu muốn nói gì với ta?
T. Chúa Giêsu muốn nói với ta 3 điều này:
- Một là: Ngài đến để khai mạc Nước Thiên Chúa;
- Hai là: Ngài có quyền năng cao cả, vì Ngài là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật như Chúa Cha;
- Ba là: Ngài cứu chữa phần xác ta thế nào, thì cũng cứu chữa linh hồn ta như vậy.
"Thà một người chết thay cho toàn dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt." (Ga 11,45-53)
1. H. Việc Chúa Giêsu biến hình vinh quang trên núi Tabo có ý nghĩa gì?
T. Có ba ý nghĩa này:
- Một là: Chúa Giêsu muốn báo trước biến cố Phục sinh, để củng cố niềm tin của các tông đồ trước cuộc khổ nạn,
- Hai là: để cho ta nếm trước hạnh phúc ngày Ngài lại đến trong vinh quang,
- Ba là: để dạy ta muốn bước vào vinh quang phải qua thập giá.
2. H. Qua những lần báo trước, Chúa Giêsu cho biết cái chết của Ngài có ý nghĩa gì?
T. Chúa Giêsu cho biết Ngài chết để dâng mình làm của lễ hy sinh đền tội thay cho cả loài người chúng ta.
3. H. Vì sao cái chết của Chúa Giêsu có sức cứu chuộc được loài người?
T. Vì Ngài là Con Thiên Chúa làm người, nên khi hạ mình vâng phục chết trên thập giá, Ngài đã tẩy xóa mọi lỗi lầm của loài người đồng thời giao hòa ta với Thiên Chúa.
4. H. Khi chịu đau khổ và chết vì ta, Chúa Giêsu mời gọi ta điều gì?
T. Chúa Giêsu mời gọi ta vác thập giá theo Ngài, tức là đón nhận mọi đau thương với lòng yêu mến, để được kết hiệp với Ngài mật thiết hơn.
"Con Người phải chịu đau khổ, bị các kỳ mục thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ." (Mc 8,31-33)
1. H. Vì sao Chúa Giêsu bị một số lãnh đạo Dothái chống đối và tìm cách giết chết?
T. Vì họ cho rằng Chúa Giêsu chống lại luật Môsê, coi thường đền thờ Giêrusalem, và nhất là đã phạm thượng, dám tự coi mình là Thiên Chúa.
2. H. Chúa Giêsu có thái độ nào với luật Môsê?
T. Ngài không hủy bỏ nhưng đã tuân giữ trọn vẹn và làm cho nó nên hoàn hảo hơn.
3. H. Chúa Giêsu có thái độ nào đối với đền thờ Giêrusalem?
T. Ngài luôn yêu mến đền thờ, vì đó là chỗ dành riêng để cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa. Ngài còn dùng hình ảnh đền thờ để báo trước cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.
4. H. Những ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?
T. Một số người lãnh đạo Dothái thời ấy đã chủ mưu giết Chúa Giêsu, nhưng thật ra tất cả những ai phạm tội, dù ở bất cứ thời đại nào, đều là những người đã gây nên cái chết của Chúa Giêsu.
"Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16,16)
1. H. Ðức Giêsu là ai?
T. Ðức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật như Chúa Cha, vừa là người thật như ta. Ngài có hai bản tính, vừa bản tính Thiên Chúa vừa bản tính loài người, trong cùng một ngôi vị duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa.
2. H. Ðể nhận biết đúng về Chúa Giêsu và tin vào Ngài, ta phải làm gì?
T. Ta phải:
- Một là: Mở lòng ra trước ơn Chúa soi sáng và mau mắn thực hiện.
- Hai là: Ðọc Kinh Thánh để suy gẫm Lời Chúa nói, chiêm ngưỡng việc Chúa làm như gương các tông đồ xưa (Mt 13,11; Lc 24, 27; Ga 16, 29-30).
"Chúa Giêsu đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài thì Ngài đã yêu thương họ cho đến cùng." (Ga 13,1.12-15.34-35)
1. H. Bữa tiệc ly là gì?
T. Là bữa ăn Vượt Qua cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi dâng mình chịu chết chuộc tội cho ta.
2. H. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã làm những gì?
T. Chúa Giêsu đã ban lệnh truyền yêu thương, đồng thời ban Mình và Máu thánh Ngài làm của ăn nuôi linh hồn ta.
3. H. Chúa Giêsu ban lệnh truyền yêu thương thế nào?
T. Ngài rửa chân cho các môn đệ và dạy rằng: "Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con".
4. H. Chúa Giêsu ban Mình và Máu thánh Ngài thế nào?
T. Ngài đã biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu thánh Ngài, trao cho các môn đệ ăn uống và dạy họ làm lại điều ấy để nhớ đến Ngài.
Làm Hy Lễ Của Giao Ước Mới
"Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha." (Lc 23,39-46)
1. H. Sau ba năm giảng đạo, Chúa Giêsu làm gì?
T. Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha mà chịu đóng đinh chết trên cây thánh giá, để đền tội thay cho loài người chúng ta.
2. H. Vì sao Chúa Giêsu nộp mình chịu chết vào dịp lễ Vuợt Qua?
T. Vì Chúa Giêsu muốn rằng: Ngài chính là Chiên Vượt Qua đích thật, đã đổ máu mình để cứu chuộc ta, lập nên giao ước mới giữa Thiên Chúa và con người.
3. H. Chúa Giêsu chết ở đâu, vào lúc nào?
T. Chúa Giêsu chết trên núi Sọ, ngoài thành Giêrusalem, dưới thời Phongxiô Philatô, vào ngày thứ sáu áp lễ Vượt Qua, khoảng năm 30. Xác Ngài được mai táng trong mồ, còn linh hồn Ngài về với tổ tiên, quen gọi là xuống ngục tổ tông.
4. H. Lời tuyên xưng Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông muốn nói gì?
T. Lời tuyên xưng ấy muốn nói rằng:
- Một là Chúa Giêsu đã chết thật,
- Hai là Chúa Giêsu đem ơn cứu độ cho những người công chính đã chết trước Ngài.
"Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Ngài đã được mai táng, và ngày thứ ba đã sống lại, đúng như lời Kinh Thánh." (1Cr 15,3-8)
1. H. Ngày thứ ba sau khi Chúa Giêsu chết, điều kỳ diệu nào đã xảy ra?
T. Chúa Giêsu đã sống lại, đúng như lời Ngài đã loan báo trước.
2. H. Nhờ đâu ta biết Chúa Giêsu đã sống lại thật?
T. Nhờ hai điều này:
- Một là: Ngôi mộ không còn xác Chúa, mà chỉ còn lại những vải liệm xếp ngay ngắn gọn gàng.
- Hai là: Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, cùng ăn uống và trò chuyện thân mật với họ.
3. H. Sau khi sống lại, thân xác Chúa Giêsu ra sao?
T. Sau khi sống lại, thân xác phục sinh của Ngài vẫn là thân xác trước đây, nhưng nay đã được biến đổi nên vinh hiển bất diệt, và không còn lệ thuộc vào qui luật vật chất hay hư nát nữa.
4. H. Ðược gặp gỡ Chúa Phục Sinh, các tông đồ tỏ ra thế nào?
T. Lúc đầu họ sợ hãi không dám tin, nhưng sau nhiều lần gặp gỡ Chúa Phục Sinh, và nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần, nên họ đã mạnh dạn rao giảng và còn sẵn sàng chết để làm chứng cho Ngài.
Ðức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. (1Cr 15,14.17-22)
1. H. Chúa Giêsu sống lại nhờ quyền năng nào?
T. Nhờ quyền năng của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.
2. H. Việc Chúa Giêsu sống lại chứng thực điều gì?
T. Việc Chúa Giêsu sống lại chứng thực ba điều này:
- Một là: Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa thật.
- Hai là: Những lời Thiên Chúa hứa trong Cựu Ước nay đã được thực hiện.
- Ba là: Mọi điều Chúa Giêsu đã nói và đã làm điều chân thật.
3. H. Nhờ sự chết và sống lại của Ngài, Chúa Giêsu làm gì cho ta?
T. Chúa Giêsu giải thoát ta khỏi tội lỗi và ban cho ta sự sống mới, đồng thời đem lại cho ta niềm hy vọng chắc chắn, mai ngày thân xác ta cũng sẽ được sống lại như Ngài.
4. H. Tin vào Chúa Giêsu phục sinh, ta phải sống thế nào?
T. Ta luôn sống lạc quan tin tưởng, dù có bị thiệt thòi mất mát ở đời này, vẫn can đảm theo đường lối Chúa, vì tin rằng ta sẽ được dự phần vinh quang với Ngài.
Từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. (Ga 1,14.16-18)
1. H. Bí Tích là gì?
T. Bí Tích là những dấu chỉ Chúa Giêsu thiết lập, và trao cho Hội Thánh để ban sự sống thần linh cho ta.
2. H. Trong các Bí Tích, Chúa Giêsu tiếp tục công việc cứu chuộc thế nào?
T. Khi Hội Thánh cử hành các bí tích, thì chính Chúa Giêsu hành động với quyền năng Chúa Thánh Thần mà ban ơn cứu chuộc cho ta.
3. H. Có mấy bí tích?
T. Có 7 bí tích:
- Một là bí tích Rửa Tội.
- Hai là bí tích Thêm Sức.
- Ba là bí tích Thánh Thể.
- Bốn là bí tích Giải Tội.
- Năm là bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.
- Sáu là bí tích Truyền Chức Thánh.
- Bảy là bí tích Hôn Phối.
Trong Ðức Kitô, từ cõi trời, Thiên Chúa đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. (Ep 1,3)
1. H. Những bí tích nào chỉ được lãnh nhận một lần mà thôi?
T. Có ba bí tích này:
- Một là Rửa Tội.
- Hai là Thêm Sức.
- Ba là Truyền Chức Thánh.
2. H. Trong 7 bí tích có bí tích nào trọng hơn không?
T. Có bí tích Thánh thể trọng hơn, vì bí tích này ban cho ta chính Chúa Giêsu là nguồn mọi ơn phúc.
3. H. Ðể lãnh nhận các bí tích cho nên thì ta phải làm gì?
T. Muốn lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Giải Tội, ta phải có lòng thống hối, còn các bí tích khác phải sạch tội trọng mới được lãnh nhận. Ðồng thời ta phải có lòng tin, có ý ngay lành, thành thật ước muốn và giữ sự nghiêm trang sốt sắng.
"Hãy đi... và làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần." (Mt 28, 16-20)
1. H. Bí tích Rửa Tội là gì?
T. Là dấu chỉ Chúa Giêsu dùng để ta được sinh lại vào đời sống mới trong Chúa Kitô, trở thành con Thiên Chúa và con Hội Thánh.
2. H. Bí tích Rửa Tội được thực hiện qua dấu chỉ nào?
T. Qua việc đổ nước trên đầu và đọc lời rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.
3. H. Bí tích Rửa Tội đem lại cho ta những ơn nào?
T. Ðem lại cho ta bốn ơn này:
- Một là: được khỏi tội nguyên tổ và mọi tội riêng ta đã phạm trước khi rửa tội.
- Hai là: được sinh lại vào đời sống mới trở thành con cái Chúa Cha, chi thể Chúa Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần.
- Ba là: được gia nhập vào dân Thiên Chúa tức là Hội Thánh.
- Bốn là: được ghi dấu ấn thiêng liêng không hề mất để dự phần vào chức tư tế của Chúa Kitô.
"Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Chúa Giêsu Kitô, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Ngài sao?" (Rm 6, 2-11)
1. H. Nhờ bí tích rửa tội, ta được dự phần vào chức vụ nào của Chúa Kitô?
T. Ta được dự phần vào các chức vụ tế lễ, rao giảng lời Chúa và sắp đặt mọi sự trần thế theo ánh sáng Tin Mừng.
2. H. Người đến tuổi khôn muốn lãnh nhận bí tích rửa tội thì phải làm gì?
T. Phải tin vào Chúa Kitô, phải học biết giáo lý, đổi mới đời sống theo Tin Mừng, và tham dự những nghi thức chuẩn bị gia nhập đạo.
3. H. Người lãnh nhận bí tích Rửa Tội thề hứa những gì?
T. Thề hứa từ bỏ ma quỉ, xa lánh tội lỗi, tin kính Thiên Chúa Ba Ngôi và sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa trong Hội Thánh.
4. H. Người đã đầu rửa tội có trách nhiệm gì?
T. Có trách nhiệm nêu gương sáng và dẫn dắt người tín hữu mới sống xứng đáng là người công giáo.
"Chúa Giêsu sẽ đến cùng một cách như các ông đã thấy Ngài đi về trời." (Cv 1, 3-12)
1. H. Sau khi sống lại Chúa Giêsu làm gì?
T. Chúa Giêsu đã hiện ra dạy dỗ, an ủi các môn đệ trong 40 ngày, rồi Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha.
2. H. Chúa Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha nghĩa là gì?
T. Nghĩa là Ngài chấm dứt sự hiện diện hữu hình ở trần gian để bước vào vinh quang và danh dự dành cho Thiên Chúa.
3. H. Chúa Giêsu lên trời cho ta hy vọng nào?
T. Chúa Giêsu cho ta hy vọng sẽ được đoàn tụ với Ngài trong sự sống và vinh quang Thiên Chúa.
4. H. Sau khi lên trời, Chúa Giêsu còn liên kết với ta thế nào?
T. Ngài là thủ lãnh của ta, là trung gian hằng chuyển cầu với Chúa Cha cho ta, và hằng ban Thánh Thần hướng dẫn ta trong Hội Thánh.
"Ta sẽ xin Cha và Cha sẽ ban cho các con một Ðấng Bảo Trợ Khác, đó là Thần Khí của Sự Thật." (Ga 14, 15.17-26)
1. H. Chúa Thánh Thần đã được ban xuống cho các môn đệ lúc nào?
T. Chúa Giêsu đã nhiều lần hứa ban Chúa Thánh Thần, rồi chiều ngày Phục Sinh và nhất là trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã được đổ xuống tràn đầy trên các môn đệ để xây dựng và thánh hóa Hội Thánh.
2. H. Chúa Thánh Thần là Ðấng nào?
T. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba. Ngài là Thiên Chúa thật bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra.
3. H. Chúa Thánh Thần làm gì cho ta?
T. Chúa Thánh Thần kết hợp ta nên một với Chúa Giêsu, làm cho ta nên con cái Chúa Cha. Ngài dạy ta cầu nguyện, thúc đẩy ta sống mến Chúa yêu người, và làm chứng cho Chúa Kitô.
4. H. Ta phải sống với Chúa Thánh Thần thế nào?
T. Ta phải tin kính, thờ phượng, cầu xin Chúa Thánh Thần và vâng theo ơn Ngài soi sáng, cùng tôn trọng hồn xác ta là đền thờ của Ngài.
"Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Và Chúng Ta sẽ đến đặt chỗ ở nơi người ấy." (Ga 14, 23-26)
1. H. Chúa Giêsu đã tỏ cho ta biết thế nào về Thiên Chúa?
T. Chúa Giêsu tỏ cho ta biết Thiên Chúa là Ðấng duy nhất, nhưng lại là Ba Ngôi: Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. Ba Ngôi cùng một lòng, một ý, một quyền năng và một hành động như nhau.
2. H. Ba Ngôi hoạt động thế nào?
T. Ba Ngôi cùng hoạt động trong mọi công trình, nhưng mỗi Ngôi biểu lộ một nét riêng biệt: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa.
3. H. Thiên Chúa tỏ cho ta biết mầu nhiệm Ba Ngôi để làm gì?
T. Ðể mời gọi ta thông phần vào sự sống của chính Thiên Chúa Ba Ngôi và góp phần làm cho gia đình cũng như dân tộc và Hội Thánh, thành cộng đoàn yêu thương và hợp nhất theo khuôn mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi.
"Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, ấy là thịt mình Ta." (Ga 6,48-59)
1. H. Trong ba năm giảng đạo, Chúa Giêsu đã hứa điều gì?
T. Chúa Giêsu hứa sẽ ban bánh hằng sống là chính Mình và Máu thánh Ngài làm của nuôi linh hồn ta.
2. H. Chúa Giêsu đã nói thế nào về điều ấy?
T. Ngài nói: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, ấy là thịt mình Ta" (Ga 6,48-59).
3. H. Ðể ban Mình và Máu Ngài cho ta, Chúa Giêsu đã làm thế nào?
T. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã biến đổi bánh miến rượu nho thành Mình và Máu Ngài, đồng thời Ngài cũng ban quyền cho các môn đệ để họ tiếp tục điều Ngài đã làm.
4. H. Ngày nay trong thánh lễ, khi nào bánh và rượu biến thành Mình và Máu thánh Chúa Giêsu?
T. Khi linh mục đọc lời truyền phép: "Này là Mình Thầy... Này là chén Máu Thầy..." thì nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, bánh và rượu liền biến thành Mình và Máu thánh Chúa Giêsu.
Rồi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: "Ðây là Mình Thầy, hiến tế vì các con. Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22,19-20)
1. H. Bí tích Thánh Thể là gì?
T. Là dấu chỉ Chúa Giêsu dùng để tiếp tục lễ hy sinh trên thánh giá và ban Mình Máu Ngài dưới hình bánh rượu làm của nuôi linh hồn ta.
2. H. Bí tích Thánh thể quan trọng thế nào?
T. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của mọi sinh hoạt Hội Thánh, vì Thánh Thể chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh, là chính bản thân Chúa Kitô.
3. H. Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể khi nào?
T. Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, trước khi Ngài đi chịu chết.
4. H. Chúa Giêsu đã lập bí tích này thế nào?
T. Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: "Tất cả các con cầm lấy mà ăn: Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con". Rồi Ngài cầm lấy chén rượu, cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: "Tất cả các con cầm lấy mà uống: Này là chén Máu Thầy, máu giao ước mới, giáo ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con, và mọi người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy".
"Ai ăn thịt và uống máu Ta, thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết." (Ga 6, 53-58)
1. H. Hội Thánh dâng lễ vì những ý nào?
T. Vì bốn ý này:
- Một là: để kính nhớ Chúa Kitô đã chết và sống lại.
- Hai là: để kết hiệp mọi hy sinh của Hội Thánh với lễ hy sinh của Chúa Kitô mà dâng lên cảm tạ và ngợi khen Chúa Cha.
- Ba là: để đền bù tội lỗi của kẻ sống và kẻ chết, đồng thời cầu xin mọi ơn lành hồn xác cho mọi người.
- Bốn là: để Chúa Kitô thật sự hiện diện trong Hội Thánh cho đến khi Ngài trở lại trong vinh quang.
2. H. Ta phải tôn thờ Chúa Kitô ngự trong bí tích Thánh Thể thế nào?
T. Ta phải bày tỏ lòng tin bằng thái độ cung kính, thờ lạy Chúa đang ngự thật trong bí tích Thánh Thể, khao khát rước Chúa, năng tham dự thánh lễ và viếng Thánh Thể.
3. H. Ta nối kết thánh lễ với cuộc sống ta thế nào?
T. Ðến nhà thờ, ta dâng cuộc sống làm của lễ; khi ra về, ta thực hành Lời Chúa đã nghe.
Họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện. (Cv 2, 42)
1. H. Thánh lễ có mấy phần?
T. Thánh lễ có hai phần:
- Một là Phụng Vụ Lời Chúa gồm từ đầu cho đến hết lời nguyện giáo dân.
- Hai là Phụng Vụ Thánh Thể từ khi dâng lễ cho đến hết.
2. H. Trong phần phụng vụ Lời Chúa, chúng ta làm gì?
T. Chúng ta lắng nghe Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh và cùng suy niệm với Hội Thánh để đem ra thực hành.
3. H. Trong phần phụng vụ Thánh Thể chúng ta làm gì?
T. Chúng ta dâng lên Chúa Cha lễ tế, là Mình và Máu thánh Chúa Giêsu, để chúc tụng, tạ ơn Ngài, và để được hiệp thông vào Mình và Máu thánh ấy mà được sống đời đời.
4. H. Ta phải tham dự thánh lễ thế nào?
T. Ta phải hợp lòng hợp ý với cộng đoàn, với chủ tế và nhất là với Chúa Giêsu, mà dâng lên Chúa Cha lời ngợi khen, cảm tạ, mọi vui buồn của cuộc sống và bản thân ta.
"Này Ta đứng bên cửa và Ta gõ, ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào với người ấy và ăn bữa tối với người ấy." (Kh 3, 19-20)
1. H. Rước lễ là gì?
T. Rước lễ là đón nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật đang ngự trong hình bánh rượu.
2. H. Khi rước lễ ta được những ơn ích nào?
T. Khi rước lễ ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và với Hội Thánh, nhờ đó ta có sức mạnh để chống lại tội lỗi, để sống yêu thương phục vụ và làm việc tông đồ, hầu chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại trong vinh quang.
3. H. Muốn rước lễ ta phải chuẩn bị thế nào?
T. Ta phải sạch tội trọng, có ý ngay lành và kiêng ăn uống một giờ trước khi rước lễ.
4. H. Ta có nên rước lễ thường xuyên không?
T. Ta rất nên rước lễ thường xuyên như lời Hội Thánh dạy, để được kết hiệp mật thiết hơn với Chúa Giêsu, và với mọi anh chị em trong Hội Thánh.
Với lòng biết ơn cảm mến, anh em hãy dùng thánh vịnh, lời ca, lời vãn của Thánh Thần mà ngợi khen Thiên Chúa hết lòng anh em. (Cl 3,16-17)
1. H. Hội Thánh thờ phượng Thiên Chúa lúc nào?
T. Hội Thánh thờ phượng Thiên Chúa trong mọi giây phút, nhưng cách riêng, Hội Thánh dành ngày Chúa nhật để kính nhớ Chúa Kitô phục sinh.
2. H. Các ngày lễ trong năm được sắp xếp thế nào?
T. Ðược sắp xếp theo lịch sử cứu độ, tạo thành một vòng gọi là năm phụng vụ, mà cao điểm là ba ngày kính nhớ mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu.
3. H. Năm phụng vụ gồm những lễ nào quan trọng nhất?
T. Gồm lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh: Lễ Giáng Sinh là trung tâm của mùa Vọng và mùa Giáng Sinh; lễ Phục Sinh là trung tâm của mùa Chay và mùa Phục Sinh. Ngoài bốn mùa ấy, thời gian còn lại được gọi là mùa thường niên.
4. H. Còn những ngày lễ về Ðức Mẹ và các thánh có ý nghĩa thế nào?
T. Có ý ca mừng thành quả cứu chuộc của Chúa Kitô Phục Sinh nơi Mẹ Maria và các thánh, đồng thời để ta noi gương các ngài mà sống đẹp lòng Thiên Chúa.
Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa. (Tv 94, 1-7)
1. H. Phụng Vụ là gì?
T. Phụng vụ là việc tôn thờ chính thức của toàn thể Hội Thánh để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hóa con người.
2. H. Phụng vụ gồm những việc nào?
T. Phụng vụ gồm thánh lễ, các bí tích và các giờ kinh phụng vụ.
3. H. Ta phải tham dự phụng vụ thế nào?
T. Ta phải tham dự cách tích cực, thành kính, và yêu mến. Muốn vậy, ta cần tìm hiểu ý nghĩa những lời nói, cử chỉ và các dấu hiệu tượng trưng trong nghi thức phụng vụ.
4. H. Ðể nhắc ta chu toàn bổn phận thờ phượng, Hội Thánh răn dạy ta điều gì?
T. Hội Thánh dạy ta qua sáu điều răn:
- Thứ nhất: Dự lễ ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc.
- Thứ hai: Chớ làm việc xác ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc.
- Thứ ba: Xưng tội trong một năm ít là một lần.
- Thứ bốn: Rước lễ trong mùa Phục Sinh.
- Thứ năm: Giữ chay những ngày Hội Thánh buộc.
- Thứ sáu: Kiêng thịt ngày thứ sáu cùng các ngày khác Hội Thánh dạy.
Bấy giờ Ðức Maria nói: "Vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời thiên sứ nói". (Lc 1,26-38)
1. H. Ðức Maria đã góp phần với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu thế cách nào?
T. Ngài đã đáp lời Thiên Chúa trong sự vâng phục đức tin, đã sinh ra Chúa Giêsu, nuôi dạy Ngài, và cùng chịu đau khổ với Ngài trong cuộc thương khó.
2. H. Như vậy Ðức Maria được những đặc ân nào?
T. Vì là Mẹ Ðấng Cứu Thế nên Ngài đã được giữ gìn khỏi mọi tội lỗi, kể cả tội tổ tông truyền, được ơn đồng trinh trọn đời, và khi chết được lên trời cả hồn lẫn xác.
3. H. Mẹ Maria có phải là Mẹ Hội Thánh và Mẹ của ta không?
T. Phải, vì Mẹ đã sinh ra Chúa Kitô là Ðầu Hội Thánh, và hằng góp phần sinh ra các chi thể của Hội Thánh là chúng ta.
4. H. Ngày nay ở trên trời Mẹ làm gì cho ta?
T. Mẹ luôn cầu bầu và chăm sóc ta như mẹ hiền, vì Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp, luôn phù hộ các giáo hữu.
5. H. Ðể tỏ lòng tôn kính và yêu mến Mẹ, ta nên làm gì?
T. Ta năng lần chuỗi Mân Côi, cầu nguyện với Mẹ, và nhất là noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ.
Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy. (Lc 10,38-42)
1. H. Ta có thể cầu nguyện riêng theo những cách nào?
T. Ta có thể cầu nguyện riêng theo những hình thức như sau:
- Một là cầu nguyện thành lời,
- Hai là thinh lặng kiểm điểm đời sống,
- Ba là nguyện ngắm.
2. H. Ta nên cầu nguyện thành lời như thế nào?
T. Ta có thể thốt lên những lời đơn sơ, chân thành từ đáy lòng, hoặc dùng những lời Kinh Thánh, những bản thánh ca và lời kinh dọn sẵn, vừa đọc vừa suy mà tâm sự với Chúa.
3. H. Kiểm điểm đời sống là gì?
T. Là nhớ lại những điều ta đã nghĩ, đã nói, đã làm trong ngày, rồi suy xét dưới ánh sáng Lời Chúa, xem phải sửa đổi thế nào cho đẹp lòng Chúa hơn.
4. H. Nguyện ngắm là gì?
T. Nguyện ngắm là suy nghĩ về những điều Chúa dạy, hoặc nhìn ngắm một cảnh trong Tin mừng, để kết hợp thân mật với Chúa và thấm nhuần lời dạy của Ngài hơn.
Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: "Ðây là người tôi trung Ta tuyển chọn, đây là người ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người". (Mt 12,17-18)
1. H. Tác giả sách Tin Mừng thứ nhất là?
T. Tác giả sách Tin Mừng thứ nhất là thánh Mátthêu, còn có tên là Lêvi, làm nghề thu thuế. Ngài là một trong mười hai tông đồ của Chúa Giêsu.
2. H. Tin Mừng Mátthêu được biên soạn vào năm nào?
T. Tin Mừng Mátthêu được biên soạn khoảng năm 80 đến 90.
3. H. Tin Mừng Mátthêu cho ta biết gì về Chúa Giêsu?
T. Tin Mừng Mátthêu cho ta biết Chúa Giêsu là chính Ðấng Cứu Thế mà các ngôn sứ đã loan báo.
...........
✠ DẪN NHẬP
(Nguồn: http://www.xuanha.net/KINHTHANH/12phucamtheo-mattheu.htm)
* Thánh Matthêu đã viết Phúc âm (Tin mừng) về CGS trước hết, nên bất kể Ông viết cho người Do thái hay người không Do thái, ông cũng có lợi điểm nhiều điều.
(Ngay từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo, truyền thống vẫn coi thánh Mátthêu là tác giả của Tin Mừng thứ nhất. Chứng từ trực tiếp và cũng lâu đời nhất là lời Giám Mục Papiát (quãng năm 110-120), do sử gia Êusêbiô ghi lại. Theo sử gia này, thì Giám Mục Papiát viết: "Ông Mátthêu đã xếp đặt theo thứ tự bằng tiếng Híppri, những lời Chúa nói, và mỗi người tùy khả năng của mình mà giải thích". Giám Mục Papiát nói thánh Mátthêu viết bằng tiếng Híppri, thì phải hiểu là tiếng Aram người Dothái dùng thời ấy, (chứ không phải Híppri cổ điển của Cựu Ước.)
* Chủ đề chung Chúa Kitô rao giảng trong 3 năm là "Nước Trời", Chúa xuống thế để cứu muôn dân, chỉ đường cho người ta về Nước Trời đời đời.
* Nội dung Tin Mừng 1:
Nhập đề: Giới thiệu Gia phả CGS tính từ tổ phục Abraham xuống tới thánh Giuse là chồng của Đức Maria, là Mẹ CGS.
Đời ẩn dật CGS: Giáng sinh, đi tị nạn bên Egypt, về định cư tại Nazaret.
Đời công khai: Gioan tiền hô giảng thống hối, làm phép Rửa, CGS chịu rửa, ăn chay, chịu cám dỗ.
👉 31. Chúa truyền đạo tại Galilê miền Bắc. Dạy 8 mối phúc thật.
👉 32. Chúa truyền đạo tại Giudea miền Nam.
👉 33. Những ngày cuối cùng đời Chúa ở trần gian tại Giêrusalem: Chịu khổ nạn, chịu chết, sống lại, lên trời.
* Ðộc giả
-- Thánh Mátthêu viết bằng tiếng Aram, cũng là bằng chứng rõ ràng là ngài viết cho các độc giả Dothái sống ở vùng Syria -Paléttin. Nhắm vào các cộng đoàn Kitô giáo từ Dothái giáo trở lại; đồng thời cũng nghĩ đến đồng bào Dothái của ngài khắp nơi, để giúp họ nhận ra Chúa Giêsu là Ðấng Mêsia mà dân tộc trông mong. Do đó, có tới 130 chỗ trực tiếp đưa về Sách Thánh, trong đó có 43 chỗ trích sát. Tác giả trích theo kiểu Dothái. Có những điều liên quan tới thói quen, phong tục, nghi thức v.v... chỉ độc giả Dothái mới hiểu dễ dàng.
-- Tiếc rằng tác phẩm bằng tiếng Aram đó đã thất lạc rất sớm, một phần vì tình trạng rối ren ở vùng Syria Paléttin vào những năm trước và sau biến cố năm 70 (lính Roma đánh thành Giêrusalem); nhưng vì Hylạp là tiếng phổ thông trong đế quốc Rôma thời ấy, nên bản Tin mừng theo Mátthêu bằng tiếng Hylạp chẳng mấy chốc được phổ biến khắp nơi.
-- Giáo Hội Công giáo chỉ nhìn nhận tác phẩm Hylạp này như là bản chính thức.
* Đặc tính của Matthêu:
Không kể những điểm rành về địa dư, phong tục Do thái cũng như Hi lạp, chỉ nói về văn chương, Matthêu là cuốn sách có tổ chức, có tính cách tổng hợp, các chi tiết và giáo huấn liên kết với nhau theo đề tài chính (Nước Trời).
"Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?" (Mc 4,41)
1. H. Tác giả sách Tin Mừng thứ hai là ai?
T. Tác giả sách Tin Mừng thứ hai là thánh Máccô, môn đệ của thánh Phêrô.
2. H. Tin Mừng Máccô được biên soạn vào năm nào?
T. Tin Mừng Máccô được biên soạn khoảng năm 65 đến 70, sau khi thánh Phêrô tử đạo.
3. H. Tin Mừng Máccô cho ta biết gì về Chúa Giêsu?
T. Tin Mừng Máccô trình bày về Chúa Giêsu quyền năng, để khơi dậy nơi ta niềm tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.
...........
✠ DẪN NHẬP
(Nguồn: www.xuanha.net/KINHTHANH/13phucamtheo-marco.htm)
1. Tác giả Phúc âm 2:
-- Marcô không thuộc số 12 Tông đồ Chúa Giêsu.
-- Theo truyền thống, Marcô, còn có tên là Gioan hay Gioan-Marcô. Là người Do-thái, sinh ở Giêrusalem. Người ta không nói về cha ông, nhưng nói về mẹ ông là người nhiệt tâm với việc truyền giáo của Chúa Giêsu.
-- Ông thuộc gia đình khá giầu. Nhiều người tin rằng, Chúa Giêsu đã chọn nhà ông để ăn bữa tiệc ly, lập Phép Thánh Thể. Đức Mẹ, các tông đồ, các bà đạo đức cũng ở đó, và các Tông đồ chờ Chúa sống lại ở nhà này, chờ Chúa Thánh Thần cũng tại đây.
-- Marcô là môn đệ của Thánh Phêrô, là người cộng tác với thánh Banabê và thánh Phaolô trên đường truyền giáo.
-- Truyền thống nhất loạt coi thánh Máccô là tác giả của sách Tin Mừng 2 vẫn mang tên ông.
(Theo thị kiến từ 700 trước, tiên tri Ezekien đã thấy Con vật thứ hai có mặt sư tử, chỉ Phúc âm Marco. Vì Marcô bắt đầu kể truyện Gioan Tiền hô sinh trưởng nơi rừng xanh, giữa những sư tử và muôn loài cầm thú).
-- Lời chứng xưa nhất về điều này là của giám mục Papiát (100-110), người đồng thời với thánh Pôlicáp, tức là thế hệ tiếp sau thế hệ thời Ðức Giêsu. Papiát viết rõ ràng: "Máccô là người giúp thánh Phêrô trong việc giảng dạy và đã ghi chép thành một cuốn sách".
-- Những lời chứng khác đáng giá là của thánh Giúttinô (khoảng năm 150), thánh Irênê (+202), ông Téctulianô (+220), thánh Cơlêmentê thành Alêxanria (+215), ông Origiênê (+254). Các sách khác trong tân Ước cho chúng ta biết vài chi tiết về Máccô:
..+.. 1 Pr 5,13: "Máccô con tôi"
..+.. Cv 12,12: "Gioan, biệt danh Máccô"
-- Có nhiều nét trong sách Tin Mừng này có tính cách lời chứng bản thân thánh Phêrô và những kỷ niệm cá nhân như: trình thuật Ðức Giêsu gọi các môn đệ, chữa mẹ vợ ông Simon Phêrô, Ðức Giêsu rời Caphácnaum, Ðức Giêsu gọi Lêvi; Nadarét từ chối Ðức Giêsu; lời tuyên xưng của thánh Phêrô, người thanh niên giàu có, lời xin của hai anh em nhà Dêbêđê, Ðức Giêsu vào vào Giêrusalem, thanh tẩy Ðền Thờ, xức dầu ở Bêtania, Ghếtsêmani, Ðức Giêsu bị bắt, ông Phêrô chối Ðức Giêsu. Có thể thêm những nét của một chứng nhân trực tiếp như: những cái nhìn của Ðức Giêsu, tuổi của cô bé được sống lại...
-- Máccô không kể những chuyện đề cao, mà kể những chuyện coi như bất lợi cho thánh Phêrô (thí dụ 8,33; 9,5; 14,29-31.66s), trong khi các sách Tin Mừng khác đề cao thánh Phêrô nhiều hơn.
-- Tất cả những nhận xét trên củng cố lời chứng của giám mục Papiát nói về ông Máccô và liên hệ giữa ông với thánh Phêrô.
-- Sau khi hai thánh Phêrô và Phaolô qua đời, Marcô qua truyền giáo bên Ai cập, ngài lập Giáo hội tại thành Alexandria, làm giám mục và cũng chết tại đây, bằng cái chết đau đớn, bị kéo lê ở đường phố thành Alexandria cho đến khi tắt thở.
2. DÀN BÀI
-- Máccô mở đầu Phúc âm của mình bằng hàng chữ "KHỞI ĐẦU TIN MỪNG ÐỨC GIÊSU KITÔ, CON THIÊN CHÚA". Đó là mục đích của Tin mừng theo Marcô.
-- Marco đã thành công khi trình bày một Chúa Kitô CON THIÊN CHÚA.
-- Phúc âm theo Marco có thể chia 5 Giai đoạn rõ rệt, dài vắn tùy Giai đoạn:
👉 GIAI ĐOẠN 1: Trước khi Chúa Kitô giảng Nước Trời. (Gioan tiền hô rao giảng dọn đường cho Chúa , Chúa chịu phép Rửa, chịu cám dỗ)
👉 GIAI ĐOẠN 2: Chúa Kitô giảng Nước Trời. (I. Sứ vụ của Chúa tại Galilê miền Bắc: Chúa Giêsu công khai giảng đạo tại Caphanaum, làm phép lạ chữa bệnh, chọn môn đệ, 5 cuộc xung đột với phái Pharisieu góp phần thù hằn đưa đến cái chết của Chúa sau này. II. Sứ vụ của Chúa tại Giêrusalem miền Nam: Vào thành Giêrusalem, Tranh luận tại Giêrusalem, Diễn từ tại Giêrusalem).
👉 GIAI ĐOẠN 3: Chúa Kitô chết vì giảng Nước Trời. (Trước lúc bị bắt, báo tin 3 lần (8,31;9,30;10,32), Vào Giêrusalem, Ăn Tiệc ly, Cầu nguyện trong vườn, chịu Thương khó, chết)
👉 GIAI ĐOẠN 4: Chúa Kitô sống lại.
👉 GIAI ĐOẠN 5: Chúa Kitô về Trời chờ con cái.
3. ÐỘC GIẢ
-- Ðọc Máccô thấy rõ là sách này được viết cho các Kitô hữu không phải gốc Do-thái và sống ở ngoài xứ Paléttin.
-- Dấu hiệu tích cực là Máccô luôn quan tâm giải thích những từ Aram, những phong tục Do-thái, những chi tiết về địa dư và nhấn mạnh ý nghĩa của Tin Mừng đối với dân ngoại (7,27; 10,12; 11,17; 13,10). Dấu hiệu tiêu cực là Máccô ít nói những gì thuộc về Luật (Môsê) và tương quan của Luật với Giao Ước Mới cũng như những điều thuộc về sự ứng nghiệm lời các ngôn sứ.
4. VÀI ĐẶC ĐIỂM TRONG CÁCH VIẾT CỦA MARCO:
-- Tin mừng Thánh Marcô là Tin mừng ngắn nhất trong 4 sách Tin mừng, là sách đơn giản,
-- Lối trình bày của Máccô là kể chuyện về Ðức Giêsu để giúp người nghe khám phá mầu nhiệm Ðức Giêsu.
-- Máccô có vẻ một người tường thuật trung thành, có sao nói vậy, theo cách của mình.
-- Lời văn sống động và tượng hình, giúp độc giả thấy như chuyện xẩy ra trước mắt. Máccô tránh mọi chuyển động dư thừa, dùng đối thoại vắn gọn và sắc bén.
-- Vì viết cho người người Do-thái ngoài nước, hoặc viết cho người không phải là Do-thái, nên người giải thích các từ ngữ tiếng Aram (thời CGS nói), do đó Tin mừng của người thật bình dị dễ hiểu. Ví dụ: Boanerges (3,17), Talitha kum (5,41), Korban (7,11), epphatha (7,34), Bartimaios (10,46)... Những từ chuyên môn bằng tiếng Hylạp được giải thích bằng những từ Latinh (12,42; 15,16). Có nhiều kiểu nói vừa giải thích thêm, thí dụ: 1,32: "Chiều đến, khi mặt trời đã lặn"; 1,42: "Chứng phong cùi biến khỏi anh và anh được sạch".
"Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất." (Lc 19,9-10)
1. H. Tác giả sách Tin Mừng thứ ba là ai?
T. Tác giả sách Tin Mừng thứ ba là thánh Luca, môn đệ của thánh Phaolô.
2. H. Tin Mừng Luca được biên soạn vào năm nào?
T. Tin Mừng Luca được biên soạn vào khoảng năm 80, nhắm tới những tín hữu không phải gốc Dothái.
3. H. Tin Mừng Luca cho ta biết gì về Chúa Giêsu?
T. Tin Mừng Luca cho ta biết: Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế đầy lòng thương xót đối với mọi người, nhất là đối với những người yếu đuối, tội lỗi, bị xã hội khinh chê.
...........
✠ DẪN NHẬP
(Nguồn: www.xuanha.net/KINHTHANH/14phucamtheo-luca.htm)
1. TÁC GIẢ:
-- Thánh Luca cũng không thuộc nhóm 12 Tông đồ Chúa.
-- Ngài được nhập đạo Chúa tại Antiokia, theo thánh Phaolo đi giảng đạo, tìm hiểu kĩ càng đời Chúa, soạn Phúc âm thứ 3 năm 50, bằng tiếng Hi lạp, là tiếng rất thịnh hành trong đế quốc Roma thời ấy.
-- Tiên tri Ezekien nói về Phúc âm3 từ 600 năm trước kỷ nguyên. Tiên tri này được Thiên Chúa mạc khải cho xem thấy 4 con vật kỳ dị, tượng trưng bốn Phúc âm.
😊 Con vật thứ ba mặt bò, chỉ Phúc âm Luca : Luca nhập đề kể truyện Zacaria, vị tư tế dâng chiên bò lễ tế Thượng Đế.
Theo một truyền thống đã có từ cuối thế kỷ thứ II (thánh Irênê), tác giả Tin Mừng thứ ba chính là người thầy thuốc Luca mà thánh Phaolô đã nói tới ở Cl 4,14; Plm 24; 2Tm 4,11.
2. NHỮNG ĐIỂM ĐẶC BIỆT TRONG PHÚC ÂM THEO LUCA:
🙏 Phúc âm của Ngài được gọi là Phúc âm CẦU NGUYỆN, vì có rất nhiều chỗ ngài ghi lại Chúa Giêsu cầu nguyện sáng tối, và Chúa khuyên dạy môn đệ, tín đồ cầu nguyện. (11,1-13); 12,35-48; 21,34-36;
❤️ Phúc âm Tình thương, đã diễn tả: Kêu gọi, ăn uống với tội nhân (5,27-32, phụ nữ được tha (7,36-50), người Samari tốt lành (10,29-37), ba dụ ngôn: chiên bị mất, bạc bị rơi, cha nhân từ với con hoang (cả đoạn 15), người giầu và Lazaro(16,19-31), ông Zakêu (19,1-10),
👰🏾 Phúc âm Đức Mẹ, vì nhờ ngài hỏi han, ghi lại, mà ta biết được nhiều điều về Đức Mẹ Nhận tin, thụ thai (1,26-38), đi viếng , Mẹ Thiên Chúa, bài ca Ngợi khen, (1, 39-56), Chúa Giáng sinh, Dâng Con (2,1-38).
👱🏽♀️ Phúc âm phụ nữ, Chữa mẹ vợ ông Phêrô (4,38-), phụ nữ theo Chúa (8,1-3), chữa phụ nữ băng huyết, con gái Zairo (8,40-56), chị em Marta và Maria (10,38-42), phụ nữ còng lưng (13,10-17), khen bà góa đóng góp (21,1-4),
😢 Phúc âm người nghèo (12,13-34)...
Tác giả "cẩn thận điều tra" (1,3) xếp đặt kỹ lưỡng những tài liệu, cho thấy rõ được thời và nơi diễn ra lịch sử cứu độ.
Luca tả thời Thơ Ấu của Gioan Tiền hô và Chúa Giêsu sinh ra, sống ẩn dật (chương 1,5-2,52)
Luca ghi Gia phả Chúa Giêsu đi ngược lên tới Ađam, cho thấy rõ nguồn từ người đầu tiên (3,22-28).
Luca nói về bài giảng của Chúa Giêsu trong hội đường Nadarét (4,16-30). Bài giảng này khai mào cho tất cả Tin Mừng tiếp theo.
Là thầy thuốc, nên tác giả viết về bệnh tật một cách chính xác, và cũng rung cảm trước những khổ đau nơi thân xác con người. Phải chăng vì vậy, trong tác phẩm của mình, tác giả đã dành cho những người nghèo khổ, ốm đau, tội lỗi và phụ nữ một chỗ đặc biệt, với những lời lẽ đầy ngọt ngào an ủi?
Tác giả lại còn có tài văn chương, thông thạo văn hóa Hylạp. Tác phẩm có nhiều ưu điểm: lời văn sáng sủa, mạch lạc. Cách trình bày có trật tự và nghệ thuật, phác họa nét độc đáo của cốt truyện. Ngôn ngữ Luca phong phú nhất trong tất cả các sách Tân Ước.
-- Luca kết thúc đời truyền giáo bằng cái chết bị treo trên cây Olive tại Hi lạp.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3,16)
1. H. Tác giả sách Tin Mừng thứ tư là ai?
T. Tác giả sách Tin Mừng thứ tư là thánh Gioan, "người môn đệ yêu dấu của Chúa Giêsu".
2. H. Tin Mừng Gioan được biên soạn vào năm nào?
T. Tin Mừng Gioan được biên soạn vào khoảng năm 90.
3. H. Tin Mừng Gioan cho ta biết gì về Chúa Giêsu?
T. Tin Mừng Gioan cho ta biết:
Chúa Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa. Ngài đến thế gian để tỏ cho ta biết tình yêu của Chúa Cha và để dẫn đưa ta về cùng Chúa Cha.
Chúa Giêsu là Ðấng duy nhất đem lại ơn cứu độ cho ta, vì Ngài là ánh sáng trần gian, là đường, là sự thật, là sự sống và là sự sống lại của chúng ta.
...........
✠ DẪN NHẬP
(Nguồn: www.xuanha.net/KINHTHANH/15phucamtheo-gioan.htm)
TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN
(bổ túc cho 3 Tin mừng Matthêu, Marco, Luca)
1 - MỤC ĐÍCH CỦA SÁCH TIN MỪNG THỨ 4:
"Những điều đã được chép ở trong sách này là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được Sống (đời đời) nhờ danh Người". (Ga 20,31)
Biểu tượng: Tiên tri Ezekien nói về Phúc âm Gioan từ 600 năm trước kỷ nguyên. Tiên tri này được Thiên Chúa mạc khải cho xem thấy 4 con vật kỳ dị, tượng trưng bốn Phúc âm. Con vật thứ bốn, có bộ mặt chim phượng hoàng, tượng trưng Phúc âm Gioan, nói về thần tính Chúa Kitô.
Tổng hợp các nguồn tin, người ta biết: Sách Tin Mừng thứ 4 đã được thánh Gioan viết bằng tiếng Hi lạp, tại Ephesô, năm 58.
2- DÀN BÀI BỔ TÚC RIÊNG CỦA GIOAN:
👉 1. Lời đầu về Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa
👉 2. Gioan tiền hô chứng minh cho Chúa Giêsu Chiên Thiên Chúa.
👉 3. Chọn 4 môn đệ đầu tiên. Tiệc cưới Cana. Nói với Nicôdemo. Nước hằng sống với Phụ nữ Samaria bên bờ giếng.
👉 4. Bánh hóa nhiều, Bánh hằng sống... chuẩn bị cho việc lập Thánh thể sau này.( ch 6).
👉 5. Tha thứ và yêu thương:
Phụ nữ ngoại tình bị bắt, được tha.
Người mù từ mới sinh (ch 9).
Chúa chiên lành (ch 10)
Lazaro sống lại (ch 11).
Xức dầu tại Betany (ch 12).
Rửa chân, Giới Răn mới (ch 13).
Cây nho (ch 15).
Cầu dài cho môn đệ (ch 17).
Vì bổ túc cho 3 Phúc âm kia, nên thánh Gioan không tả việc Chúa lập phép Thánh Thể nữa.
👉 6. Cuộc Thương khó, tử nạn (ch 18-19)
👉 7. Chúa Sống lại (ch 20)
👉 8. Chúa hiện ra với môn đệ trên bờ biển, trao quyền cho Phêrô (ch 21).
3-NHỮNG ĐẶC ĐIỂM TIN MỪNG 4:
👉 1/ Gioan thường dùng tiếng "dấu lạ" thay cho "phép lạ", để chỉ những việc lạ lùng, những kỳ công do Ðức Giêsu làm.
"dấu lạ" đầu tiên tại Cana nước biến nên rượu. Ngoài ra, ở ba nơi (4,54; 6,2; 12,18), Ðức Giêsu làm các "dấu lạ" có liên quan đến sức khỏe, đến sự sống của con người: Người cho người con trai sắp chết của một sĩ quan được lành bệnh (4,54); Người chữa lành những kẻ đau ốm (6,2); Người cho ông Ladarô được sống lại (11,1-44; 12,18). Ngoài chuyện làm các "dấu lạ" để phục hồi sức khỏe hay sự sống, Ðức Giêsu còn tỏ bày chủ quyền của Người trên thiên nhiên (2,11; 6,10-13.26), bệnh tật (4,46-54; 5,1tt; 6,2; 9,1tt) trên cái chết (11,17.23.5.43-44; 12,9.17), trên ma quỷ (1,5; 12,31; 14,30; 16,11) và tội lỗi (8,36)...
👉 2/ Gioan trình bày Chúa Giêsu như "Mục Tử nhân lành" (10,11.14.16) biết chiên của mình (10,14.27), chăm sóc, hướng dẫn (10,4), bảo vệ đoàn chiên (10,29), ban sự sống dồi dào cho đoàn chiên (10,10), dẫn đưa những chiên khác về một đàn chiên duy nhất (10,16).
👉 3/ Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha. Nhờ Lời, Cha dựng nên muôn loài.
👉 4/ Lời Giêsu là sự Sáng, là Tình yêu, là Đường đi, là Sự Thật, là sự sống: Thiên Chúa nắm chủ quyền tuyệt đối trên sự sống. Người đã trao cho Ðức Giêsu quyền làm chủ sự sống (5,21; 10,18; 17,2). Ðức Giêsu mang sự sống nơi mình, Người là sự sống . Vì thế, Người ban sự sống cho các tín hữu (5,21; 6,35.48.51.57.58.63; 10,18). Và phương tiện Người sử dụng để ban sự sống, ấy là ban lời của Người (6,68) và trở nên "bánh trường sinh" (6,35.48), bánh đem lại sự sống cho các tín hữu (6,57-58).
Vì tin, nên tín hữu "có sự sống" hoặc "có sự sống đời đời" (3,15-16.36; 5,24.40; 6,40.47; 11,26; 20,31).
Vì được ăn uống Mình và Máu Ðức Giêsu (6,53), vì thuộc đoàn chiên của Người (10,10).
Cần gắn bó với Chúa mình như cánh nho liền với thân nho (ch 15).
"Bấy giờ, các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần". (Cv 8,14-17)
1. H. Bí Tích Thêm Sức là gì?
T. Là dấu chỉ Chúa Giêsu dùng để ban Chúa Thánh Thần cho ta, giúp ta sống bí tích rửa tội hoàn hảo hơn, gắn bó hơn với Hội Thánh và được thêm sức mạnh mà làm chứng cho Chúa Kitô.
2. H. Bí tích thêm sức cần thiết như thế nào?
T. Bí tích Thêm Sức rất cần để hoàn tất ân sủng của bí tích Rửa Tội và việc gia nhập Hội Thánh.
3. H. Khi lãnh nhận bí tích thêm sức, ta có những bổn phẩn nào?
T. Ta có 3 bổn phận này:
- Một là can đảm sống theo Lời Chúa dạy để làm chứng cho Chúa bằng lời nói và việc làm,
- Hai là góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Tin Mừng,
- Ba là tích cực bênh vực và truyền bá đức tin cho mọi người.
"Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mt 9,13)
1. H. Qua lời giảng dạy, Chúa Giêsu tỏ cho biết Ngài là ai?
T. Chúa Giêsu tỏ cho biết Ngài là vị mục tử nhân lành. Ngài đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào.
2. H. Chúa Giêsu tỏ lòng yêu thương đối với những người tội lỗi như thế nào?
T. Ngài thường đến gặp gỡ và trò chuyện với họ như những người bạn, để giúp họ nhận ra tình thương của Thiên Chúa, mà hoán cải đời sống, hầu đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
3. H. Khi ta từ bỏ nếp sống tội lỗi trở về cùng Thiên Chúa, Chúa Giêsu làm gì cho ta?
T. Chúa Giêsu ban ơn tha thứ, để ta được bình an và niềm vui của con cái Thiên Chúa.
"Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha, các con cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ." (Ga 20,22-23)
1. H. Bí tích Giải Tội là gì?
T. Là dấu chỉ Chúa Giêsu dùng để tha các tội ta phạm từ khi lãnh bí tích rửa tội về sau, hầu đưa ta trở lại hiệp thông với Thiên Chúa và Hội Thánh.
2. H. Ai có quyền tha tội?
T. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên Ngài cũng có quyền tha tội, và Ngài đã ban quyền ấy cho Hội Thánh.
3. H. Những ai trong Hội Thánh được quyền tha tội?
T. Các giám mục và linh mục. Các ngài đại diện Chúa Kitô và Hội Thánh, cho nên khi ta xưng tội với các ngài, chính là xưng tội với Chúa qua Hội Thánh.
4. H. Bí tích giải tội đem lại cho ta những ơn ích nào?
T. Ðem lại cho ta những ơn này:
- một là được tha thứ tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh,
- hai là được tha khỏi án phạt đời đời do các tội trọng gây nên,
- ba là được bình an trong lòng, và được thêm sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.
"Thưa cha, con đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa." (Lc 15,17-21)
1. H. Khi đi xưng tội ta cần làm những việc gì?
T. Ta cần làm 5 việc này:
- một là xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng,
- hai là xét mình,
- ba là ăn năn dốc lòng chừa tội,
- bốn là xưng tội,
- năm là làm việc đền tội.
2. H. Khi đi xưng tội, ta xét mình thế nào?
T. Ta nhớ lại từ khi xưng tội lần trước tới nay đã phạm những tội gì, mỗi tội mấy lần và những trường hợp làm cho tội thêm nặng hơn.
3. H. Ta căn cứ vào đâu để xét mình?
T. Ta có thể nhờ vào lương tâm mà xét mình theo lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và với người khác, hoặc xét theo kinh cải tội bảy mối có bảy đức, kinh 10 điều răn Ðức Chúa Trời và sáu điều răn.
4. H. Ăn năn dốc lòng chừa tội là gì?
T. Ăn năn dốc lòng chừa tội là thật lòng thống hối, vì đã phạm tội mất lòng Chúa và quyết tâm chừa cải.
"Con cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!" (Ga 8,1-11)
1. H. Xưng tội là gì?
T. Xưng tội là thành tâm thú nhận các tội mình đã phạm với linh mục đại diện Chúa Kitô.
2. H. Phải xưng tội thế nào?
T. Phải xưng cách thành thật, rõ ràng, không được giấu một tội trọng nào, vì giấu tội trọng là chưa thật lòng ăn năn, và do đó, không đáng được tha tội nào cả.
3. H. Còn tội nhẹ thì sao?
T. Tội nhẹ không buộc xưng, nhưng khuyên nền xưng để lãnh nhận ơn tha thứ và giúp xa lánh các dịp tội.
4. H. Có khi nào ta được tha tội mà không phải kể các tội ra không?
T. Khi linh mục giải tội tập thể, ta không xưng các tội ra, nhưng để quyết tâm chừa cải tội lỗi, thì trong lần xưng tội riêng tiếp đó, ta cần nhắc lại các tội trọng đã được tha trong lần giải tội tập thể ấy.
5. H. Khi quá lâu ngày không sao tìm được linh mục để xưng tội thì phải làm gì?
T. Phải ăn năn thống hối và quyết tâm chừa tội, rồi ra sức sống đạo tốt hơn.
"Này đây phân nữa tài sản của tôi, tôi xin cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." (Lc 19,1-10)
1. H. Việc đền tội có ý nghĩa gì?
T. Việc đền tội nhằm bù đắp phần nào những thiệt hại do tội lỗi gây ra. Việc đền tội cũng cho ta được dịp chung phần đau khổ với Chúa Kitô, và trở nên giống Ngài là Ðấng đã đền tội thay cho ta.
2. H. Ngoài việc xưng tội còn có những hình thức sám hối nào?
T. Ngoài việc xưng tội, Hội Thánh còn nhấn mạnh đến ba hình thức sám hối này là: ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí.
3. H. Ân xá là gì?
T. Là sự tha thứ ta nhận được từ kho tàng các công ơn của Chúa Giêsu và các thánh, do Hội Thánh ban phát, để xóa bỏ những hình phạt ta còn phải chịu sau khi tội đã được tha.
4. H. Có mấy thứ ân xá?
T. Có hai thứ ân xá:
- một là ơn đại xá, tha toàn phần các hình phạt,
- hai là ơn tiểu xá, tha một phần hình phạt mà thôi.
5. H. Muốn hưởng ơn đại xá ta phải làm gì?
T. Phải làm những việc Hội Thánh dạy và quyết tâm hoán cải bằng cách dứt khoát với tội lỗi, rước lễ và cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng.
"Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa." (Gc 5,13-16)
1. H. Bí tích Xức Dầu là gì?
T. Là dấu chỉ Chúa Giêsu dùng để ban ơn nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu, về phần hồn và phần xác.
2. H. Bí tích xức dầu giúp đỡ phần hồn bệnh nhân thế nào?
T. Bí tích này giúp đỡ bệnh nhân:
- một là được kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, để sinh ơn ích cho chính mình và cho Hội Thánh,
- hai là được ơn an ủi và can đảm, để đón nhận đau khổ vì lòng yêu mến Chúa,
- ba là được tha thứ các tội lỗi, nếu bệnh nhân không kịp lãnh bí tích giao hòa,
- bốn là được bình an để sẵn sàng bước vào cuộc sống đời đời.
3. H. Bí tích xức dầu giúp đỡ phần xác bệnh nhân thế nào?
T. Nếu Chúa muốn thì bí tích này cũng làm cho bệnh nhân khỏe mạnh lại.
4. H. Khi nào thì nên xin lãnh nhận bí tích xức dầu?
T. Khi người tín hữu lâm bệnh nặng, hoặc gặp cảnh nguy tử cũng như khi bị yếu liệt vì tuổi già, thì nên mời linh mục tới ban bí tích xức dầu cho họ. Mỗi khi bệnh nặng thì được lãnh bí tích xức dầu một lần, và nếu bệnh trở nên nguy kịch thì có thể xin lãnh nhận thêm.
5. H. Ðược lãnh bí tích xức dầu mấy lần?
T. Mỗi khi bệnh nặng thì được lãnh bí tích xức dầu một lần.
"Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian. Con xin thánh hiến chính mình Con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến." (Ga 17,18-19)
1. H. Có bí tích nào giúp các tín hữu tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô không?
T. Có hai bí tích này:
- Một là bí tích Rửa Tội làm cho các tín hữu tham dự chức tư tế chung,
- Hai là bí tích Truyền Chức Thánh làm cho những người được tuyển chọn tham dự vào chức tư tế thừa tác để phục vụ dân Chúa.
2. H. Bí tích truyền chức thánh là gì?
T. Là dấu chỉ Chúa Giêsu dùng để thánh hiến những người được Ngài tuyển chọn, và giao cho thi hành các tác vụ thánh, đồng thời ban ơn cho họ sống xứng đáng mà chu toàn chức vụ mình. Chức thánh gồm ba bậc là: giám mục, linh mục và phó tế.
3. H. Trong bí tích truyền chức thánh, Chúa Giêsu trao cho người lãnh nhận những quyền nào?
T. Chúa Giêsu trao cho họ ba quyền này:
- Một là rao giảng Lời Chúa,
- Hai là tế lễ và ban các bí tích,
- Ba là hướng dẫn và phục vụ Dân Chúa.
4. H. Bí tích truyền chức thánh gồm những bậc nào và những ai được lãnh nhận?
T. Bí tích Truyền Chức Thánh gồm ba bậc này là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, và chỉ những người nam đã được rửa tội, được Thiên Chúa kêu gọi, có đủ điều kiện theo luật Hội Thánh, thì mới được lãnh nhận bí tích này.
"Ðiều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly." (Mt 19,1-6)
1. H. Bí Tích Hôn Phối là gì?
T. Là dấu chỉ Chúa Giêsu dùng để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, đồng thời ban cho họ ơn chu toàn các trách nhiệm ấy.
2. H. Hôn nhân công giáo có mục đích nào?
T. Hôn nhân công giáo có hai mục đích này:
- Một là vợ chồng yêu thương bổ túc cho nhau,
- Hai là cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản, và giáo dục con cái theo luật Chúa và Hội Thánh.
3. H. Bí tích hôn phối được thực hiện qua dấu chỉ nào?
T. Qua sự ưng thuận và lời cam kết của hai người kết hôn trước mặt vị đại diện của Hội Thánh, để nhận nhau làm vợ chồng suốt đời.
4. H. Chúa Giêsu dạy gì về bí tích hôn phối?
T. Chúa Giêsu dạy những người đã kết hôn phải giữ một vợ một chồng và chung thủy yêu thương nhau suốt đời.
5. H. Chúa Giêsu ban những ơn gì qua bí tích hôn phối?
T. Ngài ban Thánh Thần liên kết hai người nên một, ban nhiều ơn riêng để củng cố tình yêu của họ, giúp họ nên thánh trong đời sống vợ chồng, trong sự sinh sản và nuôi dạy con cái.
Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: Ðó là dây liên kết tuyệt hảo. (Cl 3,12-21)
1. H. Vì sao gia đình Kitô Hữu được gọi là "Hội Thánh tại gia"?
T. Vì cũng như Hội Thánh, gia đình là cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện, là trường dạy các đức tính nhân bản và siêu nhiên, và là cộng đoàn truyền giáo.
2. H. Là một Hội Thánh nhỏ, gia đình Kitô Hữu có sứ mạng gì?
T. Có sứ mạng sống đúng bản chất của mình, là cộng đoàn yêu thương, hợp nhất và thánh thiện để làm dấu chỉ loan báo Nước Thiên Chúa giữa trần gian.
3. H. Ðể sống đúng bản chất của mình, gia đình Kitô Hữu cần làm gì?
T. Gia đình Kitô Hữu phải noi gương gia đình Nazarét, học sống quảng đại, hiền lành, khiêm nhường, phục vụ và cầu nguyện.
4. H. Gia đình Kitô Hữu tham gia việc truyền giáo thế nào?
T. Mỗi gia đình phải sống công bình bác ái với mọi người, tích cực tham gia các sinh hoạt giáo xứ, và có phương hướng truyền giáo cho gia đình mình.
"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho tất cả loài người." (Mc 16,15)
1. H. Rao giảng Tin Mừng của Chíua Giêsu để làm gì?
T. Ðể làm cho mọi người nên môn đệ của Chúa Giêsu, nghĩa là yêu mến Ngài, sống theo lời Ngài dạy, cộng tác với Ngài và giới thiệu Ngài cho người khác.
2. H. Vì sao ta phải rao giảng Tin Mừng?
T. Ta phải rao giảng Tin Mừng vì ba lẽ này:
- Một là vì khi ta chịu phép rửa tội, Chúa Giêsu đã trao trách nhiệm ấy cho ta,
- Hai là vì lòng biết ơn Thiên Chúa hối thúc ta chia sẻ cho người khác, hồng ân đức tin Ngài đã ban cho ta,
- Ba là vì yêu thương anh em, ta muốn họ cùng được chia sẻ hạnh phúc làm con Thiên Chúa với ta.
3. H. Phải trình bày Tin Mừng cách nào?
T. Phải trình bày Tin Mừng theo cách của Chúa Giêsu, nghĩa là phải quan tâm đến những lo âu, những công việc và những khó khăn của mỗi người, để đưa họ đến với Ngài là nguồn an ủi và sức mạnh.
4. H. Phải rao giảng Tin mừng ở đâu?
T. Ở mọi nơi, cách riêng là chính nơi ta đang sống và làm việc.
"Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì anh em sắp được cứu chuộc." (Lc 21,28)
1. H. Tại sao giai đoạn chúng ta sống được gọi là thời cuối cùng?
T. Bỏi vì việc Chúa Giêsu sống lại và lên trời đã là biến cố lớn nhất nên ta không còn phải mong chờ điều gì khác ngoài việc Ngài đến hoàn tất lịch sử trong ngày cuối cùng.
2. H. Trước ngày Chúa Kitô đến trong vinh quang, các tín hữu sẽ gặp phải điều gì?
T. Các tín hữu sẽ bị thử thách nặng nề về đức tin và lòng mến, vì có những lý thuyết sai lầm lừa gạt cách tinh vi và vì tội lỗi tràn lan trên khắp thế giới.
3. H. Ta cần phải làm gì để đứng vững trước các thử thách?
T. Ta cần tỉnh thức trong hoán cải, hy sinh và cầu nguyện.
4. H. Ðể chờ ngày Chúa trở lại, ta phải làm gì?
T. Ta phải theo ơn Chúa Thánh Thần mà ra sức làm ba việc này:
- Một là sống xứng đáng con cái Cha trên trời,
- Hai là làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa, và yêu thương nhau hơn,
- Ba là xây dựng thế giới này tốt đẹp hơn, để đón mừng Chúa Giêsu ngự đến.
"Này các bạn xứ Galilê, sao còn đứng đó nhìn trời? Chúa Giêsu, Ðấng vừa lìa các bạn mà lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các bạn đã thấy Ngài lên trời." (Cv 1,6-11)
1. H. Chúa Giêsu lên trời, Ngài có bỏ chúng ta không?
T. Không, Ngài vẫn ở với ta trong Hội Thánh như lời Ngài đã nói: "Này Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế".
2. H. Ngày tận thế là ngày nào?
T. Là ngày tận cùng của thế gian, lúc Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang để phán xét chung hết mọi người, và cho mọi sự được hoàn thành trong trời mới đất mới.
3. H. Phán xét chung và phán xét riêng khác nhau thế nào?
T. Phán xét riêng là việc phán xét từng người liền sau khi chết, riêng linh hồn ta với Chúa. Còn phán xét chung là vào ngày tận thế, cả linh hồn và xác, được Chúa Giêsu thưởng phạt công khai trước mặt mọi người.
4. H. Trời mới đất mới là gì?
T. Là sự hoàn tất ơn cứu độ trên chính vũ trụ vật chất trong ngày tận thế, là sự hoàn thành Nước Thiên Chúa, trong đó mọi loài mọi vật đạt tới cùng đích của mình, là được đời đời hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.