Giáo Lý Người Trẻ
PHẦN IV (YOUCAT PART IV)
Sách Giáo Lý hiện đại nhất của Hội Thánh Công Giáo.
Nguồn: http://conggiao.info
DẪN NHẬP
KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
1. Dẫn nhập cho 3 Phần I, II, III đã nêu lên những độc đáo của Youcat trong việc chọn lựa chủ đề phù hợp với người trẻ và thế giới hiện đại hơn, và những chứng từ trích dẫn giúp người trẻ dễ hiểu và tiếp cận cũng như thực hiện và truyền bá giáo huấn của Tin Mừng. Riêng Phần IV có sự khác biệt, là chính Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (SGLHTCG) đã soạn một cách đặc biệt để trình bày Kinh nguyện Kitô giáo đi từ các chứng từ của những nhân vật quan trọng trong lịch sử cứu độ, như Tổ phụ Abraham, ông Môsê, các tác giả Thánh vịnh, các tiên tri, Đức Maria và trên hết tất cả là Chúa Giêsu Kitô. Từ kinh nghiệm sống của các vị đó, cũng như từ truyền thống sống động về cầu nguyện của Dân Chúa, SGLHTCG rút ra ý nghĩa và nội dung rất sâu sắc và hiện sinh, làm cho Kinh nguyện Kitô giáo có tầm quan trọng như ba Phần trước. Thường nhiều sách giáo lý trình bày cầu nguyện trước Phần Phụng vụ và Bí tích, hoặc trong Điều răn thứ I, coi việc cầu nguyện thuộc Phần cử hành đức tin, hoặc như SGLHT Philippines coi cầu nguyện là Phần kết sau 3 Phần trước mà thôi.
- Ý nghĩa sâu sắc: cầu nguyện là ân huệ, là quà tặng của Thiên Chúa, phát xuất từ nỗi khát của Thiên Chúa khao khát con người chúng ta; cầu nguyện cũng xuất phát từ nỗi khao khát của con người chúng ta, nỗi khát này lại do chính Thiên Chúa đã đặt trong con người (tôn giáo). Hai nỗi khát này tìm nhau, trao đổi, làm thoả mãn cơn khát của nhau (xem chuyện Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria (Ga 4), đó là cầu nguyện.
- Ý nghĩa hiện sinh (gắn liền với cuộc sống) SGLHTCG không dạy chúng ta cầu nguyện bằng định nghĩa hay suy luận thần học, mà giúp ta học những mẫu gương sống cầu nguyện trong lịch sử cứu độ, để từ cách sống ta nhận ra rằng: trong cầu nguyện Thiên Chúa luôn là chủ chốt, đi bước trước, con người chúng ta đáp lại bằng vâng theo và sống theo. Cầu nguyện gắn liền hai cuộc sống.
Hiểu như vậy, SGLHTCG đã coi cầu nguyện là thành phần quan trọng và có quan hệ hữu cơ với ba Phần trên (hữu cơ là có quan hệ không thể tách rời nhau để tồn tại và hoạt động), đến nỗi có thể so sánh Phần IV về cầu nguyện như là mẫu số chung của 3 Phần kia. Chính cầu nguyện làm cho Kitô hữu khi tuyên xưng đức tin, khi cử hành mầu nhiệm đức tin, khi sống đức tin trong Chúa Kitô, Kitô hữu được bước vào mối tương quan sống động, thân tình, và có quan hệ tâm giao với Chúa Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa ở mọi nơi mọi lúc trong suốt cuộc đời. Sau đó, SGLHTCG giúp ta tìm đến nguồn mạch của cầu nguyện và những nẻo đường dẫn ta vào đời sống cầu nguyện.
2. Sách Youcat đã nhận ra cách trình bày tuyệt vời này và đã dùng để hướng dẫn người trẻ cầu nguyện.
Ngày nay ở Việt Nam, nhiều người vẫn công nhận Kitô hữu Việt Nam còn đến nhà thờ rất đông, dự lễ, rước lễ, xưng tội… nhiều nơi còn tham gia các việc đạo đức, truyền giáo, bác ái, từ thiện… truyền thống cầu nguyện ở gia đình, trong họ đạo đã giúp Hội Thánh tại Việt Nam đứng vững trước sóng gió. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh xã hội đang được toàn cầu hoá, rồi bị lây nhiễm phong trào tục hoá, việc đọc kinh chung trong gia đình, việc dự lễ… không còn được như trước, ta có lý do để lo ngại không biết lớp người trẻ đang lên có duy trì được nếp sống đạo đức tốt đẹp kể trên không. Vì thế, giới trẻ ở Việt Nam rất cần được tập luyện để sống đời cầu nguyện. Youcat sẽ giúp các bạn trẻ qua 4 việc sau đây.
(1) Nắm vững ý nghĩa của cầu nguyện, một lần cho tất cả về sau. Cầu nguyện luôn luôn phải có Chúa và có ta. Trong cầu nguyện Chúa luôn đi trước, khao khát mời gọi ta, còn ta phải khao khát tìm cách đáp lại. Cầu nguyện là ân huệ, là quà tặng của Chúa mà ta nhận được khi cầu nguyện (câu 469); về phần ta cầu nguyện là đáp lời mời gọi của Chúa để đi vào quan hệ thân tình, quan hệ tâm giao, bằng trái tim, với Chúa Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để đạt tới hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính trái tim cầu nguyện. Trái tim còn xa Chúa thì cầu nguyện vô ích (SGLTHCG, 2562). Do đó, ta phải hiểu để luôn cầu nguyện, và coi “cầu nguyện là “chuyện rất người”; cũng như con người hít thở, ăn uống, yêu thương để sống, thì Kitô hữu cầu nguyện để được thanh tẩy, được sức chống lại cám dỗ, được mạnh mẽ khi yếu đuối, được thoát mọi nỗi sợ, được tăng cường sức lực, và được hạnh phúc” (câu 470). Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Phải làm gì để yêu? Chẳng cần phải có mưu mẹo gì cả, đơn giản là yêu… Cũng như người ta học khiêu vũ bằng cách khiêu vũ” (câu 309). Châm ngôn có câu: người ta trở thành thợ rèn bằng cách rèn. Kitô hữu trở thành người cầu nguyện bằng cầu nguyện. Do đó, trước hết, ta phải nắm vững ý nghĩa sâu sắc và hiện sinh của cầu nguyện, để dẹp bỏ thành kiến lệch lạc cho rằng cầu nguyện là đọc kinh là xem lễ theo thói quen xin xỏ theo thủ tục bề ngoài. Các bạn trẻ nên nhớ rằng: “Ước muốn cầu nguyện đã là cầu nguyện rồi” (Georges Bernanos, văn sĩ Pháp). Cầu nguyện gắn liền với đời sống.
(2) Tìm đến nguồn mạch của cầu nguyện. Vì cầu nguyện gắn liền với đời sống nên ta phải tìm đến những nguồn mạch giúp ta cầu nguyện. Lịch sử cứu độ cung cấp cho ta nguồn mạch rất đa dạng để ta có thể múc lấy mà thực hành cầu nguyện trong đời sống. Trước hết, là gương mẫu ông Abraham, ông Môsê, các tiên tri, các tác giả Thánh vịnh, Đức Maria. Nhưng trên tất hết cả là Chúa Giêsu Kitô con Thiên Chúa làm người. Chúa Giêsu vừa là Người cầu nguyện, vừa là Thầy cầu nguyện, vừa là gương tuyệt vời của cầu nguyện, đồng thời Người cũng là Thiên Chúa đến với ta để ta phải cầu nguyện Người (câu 474). Như vậy “tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cầu nguyện… là nên một với Cha của Người trong Chúa Thánh Thần, đây chính là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt cuộc đời trần gian của Người (câu 475). Sợi chỉ đỏ đây không có nghĩa là nguyên tắc (cái cơ bản phải theo) mà là cái nối kết mọi thành phần khác nhau của một toàn thể, nhờ nó mà ta hiểu được toàn thể đó. Sau Chúa Giêsu là Hội Thánh được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để từ các nguồn mạch sống động kể trên, Hội Thánh chọn ra 5 hình thức cầu nguyện để khi cầu nguyện là ta cùng nhau chúc tụng, thờ lạy, xin ơn, tạ ơn ca ngợi Thiên Chúa (câu 483), và Chúa Thánh Thần là Đấng sẽ gợi lên những lời lẽ để ta đem vào Năm hình thức trên (câu 496) mà cầu nguyện. Ngoài ra, ta còn có những nguồn mạch khác trong Phụng vụ và Bí tích (câu 492), trong cuộc sống thường ngày (câu 494), trong đời sống các thánh (câu 497), trong các nơi thánh (nhà thờ, địa điểm hành hương) (câu 498), và trong truyền thống cầu nguyện của Hội thánh Việt Nam với các kinh bất hủ (không bao giờ mất giá trị) như kinh Lạy hồn Chúa Kitô, Lạy Nữ Vương, Chúng con trông cậy, đặc biệt là các kinh ở Việt Nam chú ý đến đời sống tâm linh hơn là lý trí, chú ý đến tính cách cộng đồng hơn là cá nhân, nghĩa là các kinh được soạn để đọc chung và hầu như mọi người đều thuộc lòng, kinh nào cũng gắn liền với đời sống, rất thích hợp với lòng đạo đức bình dân của Kitô hữu Việt Nam. Bạn trẻ Kitô hữu có một nguồn mạch rất phong phú và đa dạng để cầu nguyện.
(3) Sử dụng các nẻo đường để cầu nguyện. Kitô hữu đã có không những nguồn mạch phong phú đa dạng như kho chất liệu để cầu nguyện, lại còn có những hình thức biểu lộ tâm tình cầu nguyện là những nẻo đường mà lòng trí chúng ta có thể dùng để chuyển tải lời cầu nguyện của ta lên tới Chúa. Hội Thánh đưa ra ba nẻo đường chính là: khẩu nguyện (cầu nguyện bằng lời nói), trí nguyện (là cầu nguyện bằng suy nghĩ trong trí), tâm nguyện (là cầu nguyện bằng con tim). Những nẻo đường này giúp Kitô hữu sử dụng mọi khả năng để tiếp xúc, trao đổi, gắn bó, hiệp thông với Chúa ở mọi nơi mọi lúc. Tuy nhiên, Kitô hữu trẻ Việt Nam phải cố gắng đạt tới cầu nguyện bằng trái tim. Chính trái tim cầu nguyện (xem số 1 ở trên) bởi vì cầu nguyện bằng trái tim là đỉnh cao của đời cầu nguyện và là điểm đặc trưng của tâm hồn Á Đông. Tâm nguyện làm cho Kitô hữu biến đổi đời mình thành cầu nguyện thực sự, và làm cho lời cầu nguyện biến thành sự sống.
(4) Cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha. Nói đến cầu nguyện, Kitô hữu phải hiểu cho sâu sắc Kinh Lạy Cha, vì là Lời kinh của Chúa Giêsu, chính người đã đích thân sống và dạy cho ta, và cũng là Lời kinh của Hội Thánh vì Hội Thánh đã chọn sử dụng ngay từ thời sơ khởi trong Phụng vụ và các Bí tích. Ông Téctulianô (thế kỷ II) coi Kinh Lạy Cha là “kinh tóm tắt toàn bộ Tin Mừng”. Thánh Tôma Aquinô (thế kỷ XIII) gọi là Kinh hoàn hảo nhất trong mọi kinh, Youcat cho rằng Kinh Lạy Cha còn hơn là một kinh cầu nguyện, mà còn là “nẻo đường dẫn ta trực tiếp đi vào trái tim của Cha chúng ta” (câu 514). Chúa Giêsu dạy ta Kinh Lạy Cha để ta cầu nguyện đúng theo ý muốn của Chúa, nghĩa là cầu nguyện thế nào thì phải sống y như vậy, có thế đời sống ta mới là cầu nguyện được. Không thề cầu nguyện Chúa một đàng rồi sống đời mình một nẻo, không thể cầu xin Cha tha thứ cho mình mà mình không tha thứ cho ai cả. Đọc Lạy Cha chúng con thì ta phải biến đổi mình thành con cùng một Cha, thành anh chị em với nhau, cùng một con tim, một tấm lòng (câu 517). “Cha ở trên trời” nhắc nhớ ta rằng Cha không ở nơi mà ta gọi là trời, nhưng Cha có mặt ở đâu thì ở đó là trời (câu 518)…
3. Ngoài cách trình bày độc đáo về cầu nguyện, Youcat Phần IV cũng chọn lựa những chủ đề, những giải nghĩa, và minh họa độc đáo về cầu nguyện mà các sách giáo lý khác không đề cập đến. Phần IV có 58 câu thì tới 18 câu độc đáo. Để khỏi dài dòng, chỉ xin ghi số 18 câu để độc giả tùy tiện coi: câu 475, 477, 481, 486, 491, 492, 494, 496, 498, 504, 506, 507, 508, 509, 510, 516, 517, 518. Đồng thời chỉ xin nêu lên đây một vấn đề độc đáo mà Youcat muốn lưu ý các bạn trẻ, đó là vấn đề thiền hay thiền định. Thực ra Youcat không nói trực tiếp đến thiền hay thiền định, mà chỉ nói đến kỹ thuật suy niệm. Câu 504: “Trong suy niệm, Kitô hữu tìm sự thinh lặng để có kinh nghiệm về Chúa gần gũi mình và để tìm bình an nhờ sự có mặt của Chúa. Họ hy vọng cảm thấy rõ rệt sự có mặt đó; nhưng đối với Kitô hữu, sự có mặt đó không thể có được do một kỹ thuật suy niệm nào đó (thiền hay thiền định), mà là do Chúa ban nhưng không cho ta.” Như vậy, ta có thể hiểu đứng đắn hơn về thiền hay thiền định. Youcat giải nghĩa rằng: kỹ thuật suy niệm có thể là một trợ giúp quan trọng để tin, để tăng sức và làm cho con người chín chắn hơn. Tuy nhiên, những kỹ thuật suy niệm nào hứa hẹn đem lại một kinh nghiệm thần thiêng hoặc cả một hiệp thông thiêng liêng với Thiên Chúa thì đều là dối trá. Thật vậy, cầu nguyện là một quà tặng của Chúa ban nhưng không, nên ta không thể dùng kỹ thuật của ta để điều khiển lôi kéo Chúa theo ý ta. Trong cầu nguyện Chúa luôn luôn chủ động theo ý muốn và tình thương của Người. Kỹ thuật của thiền chỉ có thể tạo điều kiện bên ngoài cũng như bên trong nội tâm một bầu khí tĩnh lặng, trống không, sẵn sàng cho sự có mặt của Chúa. Không có sự có mặt của Chúa, ta có nhờ thiền cũng vẫn là ta rỗng không hoặc chứa đầy những gì khác, không thể là cầu nguyện. Vì thế, cầu nguyện là một cuộc chiến đấu (câu 505).
Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
***
ĐOẠN I: CẦU NGUYỆN TRONG ĐỜI KITÔ HỮU (469 - 510)
469. Cầu nguyện là gì?
- Cầu nguyện là hướng lòng lên cùng Thiên Chúa. Khi một người cầu nguyện, họ đi vào trong sự liên kết sống động với Thiên Chúa ngay tự đời này, để mai sau được liên kết mặt đối mặt với Người. [2558-2565]
– Cầu nguyện, là đi vào đức tin bằng cửa lớn. người cầu nguyện không sống bởi chính mình, cho chính mình, và chỉ cậy dựa vào chính mình. Họ biết rằng có Thiên Chúa, Thiên Chúa đang ở đó, và ta có thể nói với Người. Người cầu nguyện càng ngày càng tin cậy vào Chúa. Họ tìm ngay từ bây giờ để có được mối quan hệ và một ngày kia sẽ được mặt đối mặt với Thiên Chúa. Vì thế, đời sống Kitô hữu đòi hỏi họ phải cố gắng cầu nguyện mỗi ngày. Nói cho đúng, cầu nguyện không thể học được như ta học một kỹ thuật. Cầu nguyện thật là lạ lùng quá đỗi, cầu nguyện là quà tặng ta nhận được trong khi cầu nguyện.
“Có ước muốn cầu nguyện, đã là cầu nguyện rồi.” - Georges Bernanos.
“Đối với tôi, cầu nguyện là dịp vươn lên của trái tim, nó đơn giản là cái nhìn hướng về trời. Nó là tiếng kêu của lòng biết ơn và yêu mến, cả khi gặp thử thách lẫn niềm vui.” - Thánh Têrêsa Hài Đồng.
“Hãy làm điều bạn có thể làm, và cầu xin điều bạn không thể làm được, rồi Chúa sẽ ban cho bạn năng lực để làm.” - Thánh Augustinô
“Theo ý kiến tôi, cầu nguyện không khác gì một cuộc đối thoại với một người bạn mà ta thích gặp riêng tư với nhau, để nói với nhau vì bạn yêu ta.” - Thánh Têrêsa Avila
Chương 1: Thiên Chúa hiện diện bên ta cách nào?
470. Động lực nào thúc đẩy người ta cầu nguyện?
- Chúng ta cầu nguyện vì trong chúng ta có những ước mong vô tận; và vì Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta để mời gọi chúng ta đến với Người, như lời Thánh Augustinô viết: “Tim con không ngưng nghỉ bao lâu nó chưa an nghỉ trong Chúa”. Nhưng chúng ta cũng cầu nguyện vì chúng ta cần đến Chúa, như Mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Vì tôi không thể cậy dựa vào tôi. Tôi cậy dựa vào Chúa 24 giờ một ngày”. [2566-2567, 2591]
– Ta thường quên Chúa, trốn tránh Chúa, và ta đi ẩn núp. Dù ta có tránh nghĩ đến Chúa hay lẩn tránh Chúa, Chúa vẫn luôn ở với ta. Người tìm ta trước khi ta tìm Người, Người ước mong ta, Người gọi ta. Ta nói với lương tâm mình, và bất chợt ta nhận ra ta đang nói với Chúa. Ta cảm thấy cô đơn, không có ai để nói chuyện, và cảm thấy ta có thể luôn luôn nói với Chúa. Ta đang gặp nguy hiểm, ta nhận thấy Chúa đã đáp lại lời gọi cấp cứu của ta. Cầu nguyện cũng là hoạt động của con người như hít thở, ăn uống, yêu thương. Cầu nguyện thanh luyện ta, và giúp ta chống lại các cám dỗ. Cầu nguyện làm ta mạnh sức trong yếu đuối. Cầu nguyện cất đi mọi nỗi sợ, tăng lên mọi sức lực, ban cho nhiều khí thế hơn. Cầu nguyện làm cho hạnh phúc.
Chúa làm như vậy là để họ tìm kiếm Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. - Cv 17,27
“Có lẽ ta cầu nguyện nhiều hơn khi ta nói ít, và cầu nguyện ít hơn khi ta nói nhiều.” - Thánh Augustinô
“Cầu nguyện không phải là tự nghe mình nói, cầu nguyện là làm thinh và giữ thinh lặng chờ đợi cho đến khi nghe thấy Chúa.” - Soren Kierkegaard
“Bỗng nhiên tôi cảm nhận sự thinh lặng như một sự có mặt. Ở giữa thinh lặng đó Chúa có mặt, Chúa là sự thinh lặng, bình an và thanh thản.” - Georges Bernanos
“Cầu nguyện là rút lui khỏi sự sợ hãi thế giới và đi lên tới Cha.” - Friedrich Von Bodelschwingh.
471. Tại sao ông Abraham là gương mẫu cầu nguyện?
- Ông Abraham đã lắng nghe tiếng Chúa để sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Chúa bảo, và làm tất cả những gì Chúa muốn. Sự vâng phục và sẵn sàng mau mắn ra đi của ông làm cho ông trở thành gương mẫu cho ta về cầu nguyện.
– Ta không giữ được nhiều kinh nguyện của Abraham. Nhưng ta biết rằng bất cứ chỗ nào ông đến, ông xây bàn thờ cho Chúa, làm nơi cầu nguyện. Suốt cuộc đời đây đó, ông đã sống những kinh nghiệm khác nhau về Thiên Chúa, ông cũng gặp những lúc thử thách và nghi ngờ. Khi ông thấy Chúa muốn phá huỷ thành Sôđôm tội lỗi, ông đã lớn tiếng bênh vực thành này. Ông khăng khăng đối đầu với Chúa. Lời van xin để bảo vệ Sôđôma là lời nguyện chuyển cầu lớn nhất trong lịch sử Dân Chúa.
📕 Các người ấy ra khỏi đó mà đi về phía Sôđôm, Abraham còn đứng lại trước mặt Chúa. Rồi Abraham tiến gần và nói: Phải chăng Người sẽ tiêu diệt kẻ lành làm một với người dữ? Có lẽ trong thành có được năm mươi người lành. Phải chăng Người cũng tiêu diệt đi; và không dung thứ cho thành ấy vì năm mươi người lành ấy đang ở trong đó? Thật gở lạ đối với Người, xin đừng làm thế: bắt kẻ lành phải chết với kẻ dữ, khiến người lành kẻ dữ hòa đồng như nhau; thật là gở lạ đối với Người: Há Đấng phán xét tất cả trần gian lại không theo đường công lý sao? - St 18,22-25
472. Ông Môsê cầu nguyện thế nào?
- Từ ông Môsê, ta học được rằng cầu nguyện là “thưa chuyện với Chúa”. Trong bụi gai cháy, Chúa nói chuyện thực sự với Môsê và trao cho ông một “sứ vụ”. Môsê nêu lên những chất vấn và đặt ra các câu hỏi. Cuối cùng, Thiên Chúa tỏ cho ông biết Thánh Danh của Người. Vậy ông Môsê tin cậy Chúa và hết lòng phục vụ Chúa thế nào thì chúng ta cũng cần cầu nguyện, và gia nhập trường của Chúa như vậy. [2574-2577]
– Kinh Thánh nhắc đến tên Môsê 767 lần, chú tâm đến ông là người giải phóng và lập Luật của dân Israel. Đồng thời Môsê cũng là người chuyển cầu cho dân Israel. Nhờ cầu nguyện, ông nhận được sứ mạng, nhận được sức mạnh. Ông được liên kết tư riêng và thân mật với Thiên Chúa. Trước khi Môsê hành động và nhắn bảo dân chúng, ông đi lên núi cầu nguyện. Thiên Chúa thường nói chuyện đối mặt với ông như hai người bạn nói chuyện với nhau (Xh 33,11). Ông là gương mẫu đầu tiên cho người cầu nguyện chiêm ngắm.
✠ Chiêm ngắm là đặt mình trước mặt Chúa trong cầu nguyện. Chiêm ngắm (sống nội tâm, sống thiêng liêng) và hoạt động là hai thành phần của lễ vật dâng lên Chúa. Trong Kitô giáo cả hai không thể tách rời.
“Chiêm ngắm và chia sẻ điều đã chiêm ngắm cho người khác.” - Câu châm ngôn của Dòng Đaminh dựa theo Thánh Tôma Aquinô
473. Sự quan trọng của các Thánh vịnh trong cầu nguyện là gì?
- Các Thánh vịnh cùng với Kinh Lạy Cha là thành phần trong kho tàng rất quý báu các kinh nguyện của Hội Thánh. Các Thánh vịnh ca ngợi Thiên Chúa hằng ngày tới muôn đời.
– Cựu ước có 150 Thánh vịnh, làm thành một tuyển tập các bài ca và cầu nguyện phần đông thu tích từ nhiều ngàn năm, và hôm nay vẫn nuôi dưỡng kinh nguyện của cộng đồng Hội Thánh, đặc biệt là trong Phụng vụ Giờ kinh. Thánh vịnh được kể vào số các bản văn hay nhất trong văn chương thế giới, và Thánh vịnh vẫn làm cho ta là những con người thời hiện đại phải cảm xúc do sức mạnh thiêng liêng của chúng. →188
📕 Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành, và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, tôi sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Người bảo vệ, tôi vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho tôi bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu tôi, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu tôi đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người, những ngày tháng, những năm dài triền miên. - Tv 23,1-6
474. Chúa Giêsu đã học cầu nguyện thế nào?
- Chúa Giêsu đã học cầu nguyện trong gia đình Nazareth của Người và nơi hội đường. Nhưng Chúa Giêsu vượt qua ranh giới của cầu nguyện truyền thống. Cầu nguyện của Chúa chứng tỏ Người kết hợp chặt chẽ với Cha Người trên trời, mà chỉ có ai là “Con Thiên Chúa” mới có được. [2598-2599]
– Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người, lớn lên như trẻ con Do Thái thời đó với những nghi lễ và hình thức cầu nguyện của dân tộc Israel. Công việc đó đã xảy ra qua câu chuyện Chúa Giêsu năm 12 tuổi lên Đền thờ (Lc 2,41-50), lúc đó xảy ra nơi Chúa Giêsu một cái gì đó không thể thuộc về trật tự của “trẻ có học”: đó là một quan hệ tận gốc, sâu xa và độc đáo trong cách thế thân mật với Thiên Chúa, Cha Người ở trên trời. Chúa Giêsu cũng hy vọng như mọi người vào một thế giới khác, và Người cầu nguyện với Thiên Chúa. Nhưng đồng thời Người lại tham dự vào thế giới khác đó, để chứng tỏ rõ ràng rằng một ngày kia người ta sẽ phải cầu nguyện Giêsu, người ta sẽ phải tuyên xưng Người như là Thiên Chúa và người ta nài xin ơn sủng của Người.
📕 Cha mẹ không biết rằng con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? - Lc 2,49
“Cầu nguyện là tưởng nghĩ đến Chúa Giêsu trong tình yêu mến Người. Cầu nguyện là sự chú ý của linh hồn, tập trung vào Chúa Giêsu. Bạn càng yêu mến Chúa Giêsu bạn càng cầu nguyện tốt hơn.” - Cha Charles de Foucauld
475. Chúa Giêsu cầu nguyện thế nào?
- Tất cả đời sống Chúa Giêsu là một lời cầu nguyện. Vào những lúc quyết định (chịu cám dỗ trong sa mạc, trước khi chọn các tông đồ, trên thập giá), lời cầu nguyện của Người đặc biệt sốt sắng. Người thường lui vào nơi vắng vẻ để cầu nguyện, nhất là về đêm. Hợp nhất với Cha trong Thánh Thần, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời trần gian của Người. [2600-2605]
📕 Thầy và Cha Thầy là một. - Ga 10,30
“Chúa Giêsu cầu nguyện theo Thánh vịnh 22, bắt đầu bằng câu: Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi? Người mang lấy nơi Người tất cả dân Israel đau khổ, tất cả nhân loại đau khổ, sự khốn khổ do mầu nhiệm thần linh của Người, và như thế Người làm cho Thiên Chúa lộ mặt ngay lúc mà dường như Thiên Chúa đã hoàn toàn thất bại và vắng mặt.” - Đức Bênêđictô XVI, Thứ Sáu Tuần Thánh 2005
476. Chúa Giêsu cầu nguyện thế nào khi Người đối diện với cái chết?
- Khi đối diện với cái chết, Chúa Giêsu đã cảm nghiệm sâu xa về nỗi sợ hãi của kiếp làm người. Tuy vậy, vào lúc đó, Người đã tìm được sức mạnh trong tin cậy vào Cha trên trời của Người. Người nói: “Cha ơi, nếu được, xin Cha cất chén này đi khỏi Con, nhưng đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36). [2605-2606, 2620]
– “Người ta học cầu nguyện trong đau khổ”: hầu như mọi người đã kinh nghiệm như thế trong đời mình. Chúa Giêsu đã cầu nguyện thế nào trước cái chết đang đe doạ? Điều hướng dẫn Người lúc đó là ý chí tuyệt đối tin nơi tình yêu và sự ân cần của Thiên Chúa. Dầu vậy Người đã thốt ra một lời kinh khó hiểu thấu nhất trong các lời kinh (đây là lấy từ kinh của một người Do Thái sắp chết): Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi? (Mc 15,34 theo Tv 22,1). Tất cả sự tuyệt vọng, tất cả những than van, tất cả những kêu khóc đau khổ thốt ra do mọi người ở mọi thời, tất cả ước vọng tìm được bàn tay giúp đỡ của Thiên Chúa, tất cả những sự đó như gồm tóm lại trong lời của Đấng chịu đóng đinh. Sau khi nói: Lạy Cha, con phó linh hồn con cho Cha (Lc 23,46), Chúa Giêsu tắt thở. Đó là biểu lộ lòng tin cậy vô bờ của Người nơi Cha Người mà quyền năng của Cha mở đường dẫn tới chiến thắng sự chết. Như thế, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu lúc Người chết báo trước cuộc chiến thắng vượt qua, đó là cuộc sống lại của Người. → 100
📕 Vì thế, Thầy nói với anh em, tất cả những gì anh em cầu nguyện và xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. - Mc 11,24
“Đức cậy là tin tưởng hoàn toàn vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa.” - Charles de Foucauld
477. Khi nói “học trường cầu nguyện của Chúa Giêsu” nghĩa là gì?
- Học trường cầu nguyện của Chúa Giêsu nghĩa là đi vào sự tin cậy vô biên của Chúa, nối kết trong sự cầu nguyện với Người, để Người dẫn dắt, từng bước tới Chúa Cha. [2607-2614, 2621]
– Các môn đệ chia sẻ cuộc sống với Chúa Giêsu đã học cầu nguyện bằng nghe và bắt chước Người, còn Người thì tất cả cuộc đời là cầu nguyện. Như Chúa Giêsu, môn đệ phải luôn tỉnh thức, chiến đấu để giữ lòng trong trắng, hiến tất cả cho Nước Chúa trị đến, tha thứ cho kẻ thù mình, có một lòng tin tưởng táo bạo nơi Thiên Chúa và để cho tình yêu Chúa vượt trên hết mọi sự. Chúa Giêsu Đấng cho ta gương mẫu tận hiến cho Thiên Chúa, đã mời gọi các môn đệ Người nói với Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng: “Abba! Cha ơi!”. Khi ta cầu nguyện theo tinh thần Chúa Giêsu, đặc biệt khi đọc Kinh Lạy Cha, ta bước đi theo bước Chúa Giêsu, và ta có thể chắc chắn rằng ta sẽ tới tận trái tim của Chúa Cha chẳng hề sai. → 495- 496, 512
📕 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. - Mt 6,6
📕 Không phải bất cứ ai thưa với Thầy:“Lạy Chúa, Lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. - Mt 7,21
478. Tại sao chúng ta tin cậy rằng lời cầu nguyện của chúng ta được Thiên Chúa lắng nghe?
- Nhiều người đã kêu cầu cùng Chúa Giêsu, khi Người còn sống ở đời này để xin ơn chữa lành, và lời cầu nguyện của họ đã được nhận lời. Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại, và nay Người đang sống, Người lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta và mang lên tới Chúa Cha. [2615-2616-2621]
– Ngày nay ta còn nhớ tên ông trưởng Hội đường Do Thái là Giairô, ông xin Chúa Giêsu giúp ông và Chúa đã nhận lời. Con gái ông sắp chết. Không ai còn có thể làm gì nữa. Chúa Giêsu không chỉ chữa, Người đã ban lại linh hồn cho nó từ cõi chết (Mc 5,21-43). Chúa Giêsu đã nhiều lần chữa bệnh được mọi người xác nhận. Người làm nhiều việc lạ và phép lạ. Những người què, cùi, mù đã không phải xin Người uổng công. Người ta cũng chứng nhận rằng những lời cầu nguyện với các thánh của Hội thánh đã được nhận lời. Nhiều Kitô hữu đã kêu cầu Thiên Chúa giúp đỡ và đã được Người nhận lời. Tuy nhiên, phải nhớ rằng Thiên Chúa không phải một “nhà phân phối” tự động: ta phải tin cậy vào Chúa cả trong cách thế mà Chúa nhận lời ta nữa. → 40, 51
“Lời nguyên xin ơn cần 2 điều kiện: tin chắc được nhận lời, và từ chối dứt khoát khi được nhận lời tùy theo như dự định của mình.” - Karl Rahner.
“Nếu bạn thực lòng cầu nguyện với Chúa để xin ơn trở về cùng Chúa, chắc chắn Chúa sẽ ban cho bạn.” - Thánh Gioan Vianney
479. Chúng ta có thể học cách cầu nguyện nơi Mẹ Maria thế nào?
- Học cùng Mẹ Maria cầu nguyện nghĩa là dùng lấy lời cầu nguyện của Đức Mẹ: “Xin làm cho tôi như lời thiên thần đã nói” (Lc 1,38). Cầu nguyện là hiến trọn thân mình để đáp lại tình yêu Chúa. Nếu chúng ta thưa “Xin vâng” như Đức Mẹ đã thưa, Thiên Chúa có thể sống đời sống của Người trong đời sống của ta. [2617-2618, 2622, 2674] → 84-85, 117
“Cầu nguyện với Mẹ Maria với lòng sốt sắng, Mẹ sẽ không làm ngơ, vì Mẹ thương xót, quả thực Mẹ còn là Mẹ của Lòng Thương xót nữa.” - Thánh Bênađô.
“Mẹ nói với ta rằng: “Đừng sợ Thiên Chúa, hãy can đảm liều mình trong cuộc phiêu lưu đức tin! Hãy can đảm trao phó mình cho lòng nhân lành của Người. Hãy để cho Người xâm chiếm bạn, và bạn sẽ thấy đời bạn chiếu sáng, và không còn chán ngán, trái lại đời bạn đầy những bỡ ngỡ vô tận vì lòng nhân lành vô tận của Thiên Chúa không bao giờ cạn.” - Đức Bênêđictô XVI, 8-12-2006
480. Lời Kinh Kính Mừng là gì?
- Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
“Kinh Mân Côi là kinh tôi yêu thích. Kinh tuyệt diệu, tuyệt diệu vì vừa đơn giản vừa sâu xa. Thật sự là đằng sau các lời Kính mừng Maria, có tất cả các biến cố chính của cuộc đời Chúa Giêsu Kitô diễn ra trước con mắt linh hồn... Đồng thời, theo các Mầu nhiêm trong Kinh Mân Côi, lòng trí chúng ta có thể gồm tóm được tất cả những biến cố của đời sống mỗi người, của gia đình, quốc gia, của Hội Thánh và của nhân loại, cả những ước muốn của cá nhân chúng ta, của những người lân cận, đặc biệt của tất cả những gì liên hệ đến những người thân thiết mà chúng ta thương mến. Như vậy, những lời đơn sơ của Kinh Mân côi hòa nhịp với cuộc sống con người.” - Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, 29-10-1978
481. Lần hạt Mân Côi như thế nào?
- Có thể theo thứ tự sau:
1. Làm dấu Thánh giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
2. Kinh Tin Kính: Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh, chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng, ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này. Các Thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.
3. Kinh Lạy Cha: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
4. Kinh Kính Mừng: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
5. Kinh Sáng Danh: Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.
6. Năm chục kinh, mỗi chục đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính mừng, 1 Kinh Sáng Danh.
Kinh Mân Côi đầy đủ bao gồm việc suy gẫm các mầu nhiệm: Vui, Sáng, Thương, Mừng.
Năm Mầu nhiệm Vui:
1. Thiên thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ.
2. Đức Mẹ thăm viếng bà Elisabeth.
3. Chúa Giáng sinh ở Belem.
4. Chúa được cha mẹ dâng trong đền thờ.
5. Chúa được cha mẹ tìm gặp trong đền thờ.
Năm Mầu nhiệm Sáng
1. Chúa chịu phép rửa trong sông Giodan.
2. Chúa ăn cưới tại Cana.
3. Chúa rao giảng Nước Trời và mời gọi thống hối.
4. Chúa biến hình sáng láng.
5. Chúa lập phép Thánh Thể.
Năm Mầu nhiệm Thương
1. Chúa cầu nguyện trong vườn Giệtsimani.
2. Chúa bị đánh đòn.
3. Chúa chịu đội mũ gai.
4. Chúa vác Thánh giá.
5. Chúa chịu đóng đinh.
Năm Mầu nhiệm Mừng
1. Chúa sống lại.
2. Chúa lên trời.
3. Chúa Thánh Thần hiện xuống.
4. Đức Mẹ lên trời.
5. Đức Mẹ được làm Nữ vương trời đất.
– Xâu chuỗi là một dây xỏ qua nhiều hạt làm thành một xâu chuỗi dùng để cầu nguyện, gọi là lần chuỗi. Việc lần chuỗi có trong Hội Thánh từ thế kỷ XII, các tu sĩ khổ tu không tham dự được Phụng Vụ Các Giờ Kinh (thời đó là bằng tiếng Latinh), nên lần chuỗi thay thế. Đây là một hình thức cầu nguyện riêng của họ. Về sau dòng Đaminh đã khuyến khích, và nhiều dòng khác cũng cầu nguyện bằng lần chuỗi Mân côi.
482. Các Kitô hữu đầu tiên đã coi việc cầu nguyện có vai trò thế nào?
- Các Kitô hữu đầu tiên đã chuyên cần cầu nguyện. Họ được Chúa Thánh Thần thúc đẩy. Sách Công vụ Tông đồ viết: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (Cv 2,42)
483. Kể tên 5 hình thức cầu nguyện?
- 5 hình thức cầu nguyện là (1) Chúc tụng. (2) Thờ lạy. (3) Xin ơn cho mình và cho người khác. (4) Tạ ơn. (5) Ca ngợi. [2623-2643]
484. Chúc tụng là gì?
- Là lời cầu nguyện để xin Chúa chúc lành, vì mọi sự lành đều từ Chúa ban cho: “Xin Chúa chúc lành” là lời chúc tụng vắn nhất. Chúc lành là tỏ lòng tốt, tỏ tình thân quen, tỏ lòng thương xót. [2626-2627]
– Mọi Kitô hữu phải xin chúc lành của Thiên Chúa, cho mình và cho người khác. Cha mẹ có thể ghi dấu Thánh giá lên trán của các con. Những người yêu nhau có thể chúc lành cho nhau. Nhất là linh mục, căn cứ vào sứ vụ của mình phải chúc lành rõ ràng nhân danh Chúa Giêsu, và theo Hội Thánh truyền. Lời cầu nguyện chúc lành của ngài có một hiệu quả đặc biệt căn cứ vào chức linh mục của ngài, và vì được Hội Thánh chuyển đến.
📕 Các ngươi (Môsê, Abraham) sẽ nói với dân: Xin Chúa chúc lành cho ngươi, xin Người gìn giữ ngươi. Xin cho rạng sáng nhan Người trên ngươi, xin Người dủ thương ngươi. Xin Chúa tỏ nhan Người trên ngươi, xin Người xuống an bình trên ngươi. - Ds 6,24-26
485. Tại sao ta phải thờ lạy Chúa?
- Tất cả những ai hiểu rằng mình là thụ tạo của Thiên Chúa đều khiêm tốn nhìn nhận Người là Đấng cao cả, toàn năng và đều thờ lạy Người. Nhưng thờ lạy Chúa, đối với một Kitô hữu, không phải chỉ là thấy sự cao cả, sự toàn năng và thánh thiện của Chúa, nhưng còn nhìn nhận Chúa Giêsu, lòng đầy biết ơn, vì nhờ Chúa Giêsu mà Thiên Chúa yêu thương ta trước hết, Chúa Giêsu là Đấng cứu độ ta.
– Ai thờ lạy Chúa thật thì bái gối hoặc bái phục dưới đất trước mặt Người. Đó là cách bày tỏ mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa. Người thì cao cả còn ta thì bé nhỏ. Đồng thời con người chỉ cao cả khi con người quy phục trước Thiên Chúa để tự ý phó mình cho Người. Người chưa tin đi tìm Thiên Chúa và bắt đầu cầu nguyện thì có thể nhờ đó đang trên đường dẫn đến Chúa. → 353
“Nếu bạn muốn thực tình lớn lên trong tình yêu, bạn hãy trở về với Thánh Thể, trở về để tôn thờ.” - Mẹ Têrêsa Calcutta
486. Tại sao ta phải xin ơn Chúa?
- Chúa biết ta rất nhiều, Chúa biết ta cần những gì. Nhưng Chúa muốn ta khi đời sống thiếu thốn cứ nói với Chúa, cứ khóc lên, cứ nài xin, cứ than van, cứ cầu cứu Người, và ngay trong khi ta cầu nguyện ta cứ nói với Người về cuộc nổi giận của ta. Ta có thể bày tỏ việc cầu nguyện trong thái độ nữa. [2629-2633]
– Chắc chắn rằng Chúa cần các lời cầu xin của ta để giúp ta. Quyền lợi của ta là những “người xin xỏ” (xin với thái độ tự hạ mình). Người nào không xin và không muốn xin gì, họ đã khép mình lại. Con người phải cầu xin để mở lòng mình ra và quay về với tác giả mọi của cải. Người cầu xin là trở về với Chúa. Như thế việc cầu xin đặt con người vào đúng mối tương quan với Chúa Đấng tôn trọng tự do của ta.
* Các Kitô hữu bày tỏ thái độ nào khi họ cầu nguyện?
Bằng ngôn ngữ của thân xác, các Kitô hữu đặt mình trước mặt Chúa: họ phủ phục trước Thiên Chúa, chắp tay khi cầu nguyện hoặc giơ tay lên (thái độ cầu kinh). Họ bái gối hoặc quì gối trước Thánh Thể. Họ đứng nghe đọc Tin Mừng. Họ ngồi suy niệm.
– Đứng trước Chúa, đó là bày tỏ lòng tôn kính (người ta thường đứng lên trước một nhân vật quan trọng), cũng là tỏ cho biết mình đang chăm chú thức tỉnh hoặc sẵn sàng để tiến bước ngay lập tức. Giơ hai tay tỏ ý ca tụng (thái độ cầu kinh) đó là lấy lại cử chỉ đầu tiên người ta dùng để ca ngợi Chúa.
– Ngồi trước Chúa, Kitô hữu thu tâm tĩnh tâm lại, họ giữ lời Chúa trong lòng (Lc 2, 51) và chiêm ngắm.
– Quỳ gối, con người cảm thấy mình bé nhỏ trước sự cao cả của Chúa. Họ nhìn nhận mình hoàn toàn lệ thuộc vào ân huệ của Chúa.
– Phủ phục, con người thờ phượng Chúa.
– Chắp tay, con người thoát ra khỏi chia trí và đặt mình trước Chúa. Tay chắp lại là cử chỉ của tổ tiên ta khi cầu nguyện xin ơn.
📕 Người (đã đấu với Giacob) nói: “Buông Ta ra vì hừng đông đã rạng”. Nhưng Giacob trả lời: “Tôi sẽ không buông Người ra trừ phi là Người chúc lành tôi”. - St 32,27
📕 Ai sẽ kết án họ? chẳng lẽ Chúa Giêsu Kitô Đấng đã chết, hơn nữa đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa, Đấng chuyển cầu cho chúng ta? Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? - Rm 8,34-35
“Tất cả các giáo phụ của Hội thánh vốn coi cầu nguyện là rất quan trọng đều đồng ý rằng một thái độ đạo đức được bày tỏ nhiều cách, chẳng hạn như quì gối, chắp tay, khoanh tay trước ngực. Thái độ đó giúp ta tĩnh tâm lại trước mặt Thiên Chúa, và tập trung vào Thiên Chúa, ta đừng coi thường.” - Thánh Phanxicô Salêsiô
“Chúa đáng yêu của chúng ta thích được quấy rầy.” - Thánh Gioan Vianney
“Ôi con người, ngươi là thụ tạo nghèo khó, ngươi phải xin Chúa mọi sự.” - Thánh Gioan Vianney
487. Tại sao ta phải xin ơn Chúa cho người khác?
- Như ông Abraham cầu xin cho dân thành Sôđôm xưa; như Chúa Giêsu cầu cho các môn đệ; như Thánh Phaolô khuyên giáo dân Philiphê: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”, chúng ta cầu nguyện cho người thân, người xa, ngay cả kẻ thù nghịch ta. [ 2634-2636, 2647]
– Càng học cầu nguyện, ta càng cảm thấy trong chính thâm tâm ta rằng ta thuộc về một gia đình thiêng liêng đang làm cho sức mạnh của các lời cầu nguyện sinh hiệu quả. Với mọi lo âu mà tôi dành cho người tôi yêu, tôi ở trong trung tâm của gia đình nhân loại, tôi có thể nhận được những sức mạnh nhờ những lời cầu nguyện của những người khác và nài xin Chúa trợ giúp cho những người khác.
“Cũng cần phải có những người cầu nguyện cho những người không bao giờ cầu nguyện.” - Victor Hugo (1802-1885, văn hào Pháp)
“Chuyển cầu có nghĩa là gửi một Thiên Thần cho một người nào đó.” - Martin Luther
488. Tại sao ta phải tạ ơn Chúa?
- Vì mọi sự ta LÀ và ta CÓ đều do Chúa ban cho. Thánh Phaolô viết: "Có ơn nào anh em không nhận? (1 Cr 4,7). Hãy tạ ơn Chúa, Đấng ban mọi ơn lành, làm cho ta hạnh phúc. [2637-2638, 2648]
- Kinh nguyện tạ ơn quan trọng nhất là Bí tích Thánh Thể của Chúa Giêsu trong đó Người cầm lấy bánh và rượu, để sau khi các lễ vật đó biến đổi thành Mình và Máu Người, Người dâng lên Thiên Chúa toàn thể Tạo vật để tạ ơn. Mỗi lần các Kitô hữu tạ ơn, họ nối kết với kinh nguyện tạ ơn của Chúa Giêsu. Và vì ta sẽ được Chúa Giêsu biến đổi và cứu chuộc, ta đã có thể tự đáy lòng mình tràn ngập sự biết ơn, và còn bày tỏ sự biết ơn đối với Chúa bằng nhiều cách khác nữa.
📕 Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. - 1 Tx 5,18
“Những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ.” - Kinh Tiền Tụng chung IV
489. Ngợi khen Chúa là gì?
- Chúa không cần ta ca ngợi, nhưng ta cần bày tỏ niềm vui trong lòng cách tự phát lên Chúa. Chúng ta ngợi khen Chúa vì Người hiện diện, Người nhân lành. Làm như vậy là ngay bây giờ chúng ta liên kết với sự ngợi khen đời đời của các thiên thần, các thánh trên Thiên đàng. [2639-2642] →48
📕 Anh em hãy siêng năng cầu nguyện; hãy tỉnh thức mà cầu nguyện và tạ ơn. - Cl 4,2
📕 Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng, hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. - Ep 5,19
Chương 2: Nguồn mạch của cầu nguyện
490. Chỉ cầu nguyện khi mình thích có được không?
- Không. Người chỉ cầu nguyện khi nào họ thích là họ không coi Thiên Chúa ra gì, và họ có thể bỏ cầu nguyện dễ dàng. Cầu nguyện sống dựa trên sự trung thành. [2650-2651]
📕 Hãy chuyên cần cầu nguyện, cầu nguyện giữ cho bạn tỉnh thức trong tạ ơn. - Cl 4,2
491. Có thể cầu nguyện từ Kinh Thánh không?
- Kinh Thánh là nguồn mạch cầu nguyện. Cầu nguyện từ Lời Chúa nghĩa là dùng những lời và những biến cố trong Kinh Thánh cho việc cầu nguyện của mình. Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. [2652-2653]
- Kinh Thánh, đặc biệt là các Thánh vịnh và Tân ước là kho tàng quý giá: ta có thể tìm trong đó những kinh nguyện đẹp nhất, sâu sắc nhất của Do Thái và Kitô giáo. Khi suy gẫm các bản văn trên, ta kết hiệp với hàng triệu Kitô hữu thuộc mọi thời đại mọi văn hoá, nhất là ta hiệp thông với Chúa Kitô hiện diện trong các bản văn của kinh nguyện.
“Trên hết, sách Phúc Âm nâng đỡ tôi trong cả giờ cầu nguyện, trong đó, tôi tìm được mọi sự mà linh hồn nghèo khó của tôi cần đến. Tôi tiếp tục khám phá ra trong đó những soi sáng mới, những đề tài nguyện gẫm sâu kín, mầu nhiệm.” - Thánh Têrêsa Hài Đồng
492. Lời cầu nguyện riêng của tôi có “ăn nhập” gì với lời cầu nguyện của toàn Hội Thánh không?
- Trong phụng vụ của Hội Thánh, trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, trong Thánh lễ, ta đọc chung những lời cầu nguyện trích từ Kinh Thánh và rút ra từ Thánh truyền. Chúng kết hợp các lời cầu nguyện cá nhân mỗi người với lời cầu nguyện cộng đồng của toàn Hội Thánh. [2655-2658-2662]
- Kinh nguyện Kitô giáo không phải chuyện cá nhân mà lại là chuyện rất riêng. Cầu nguyện riêng được thanh tẩy, được mở rộng và được tăng cường khi nó luôn đều đều chảy vào trong kinh nguyện của toàn Hội Thánh. Thật là một dấu hiệu to lớn và mạnh mẽ khi trong thế giới các tín hữu đâu đâu cũng tập hợp vào cùng một lúc, chung quanh cùng những kinh nguyện giống nhau, và như thế họ chung một tiếng ca hát ngợi khen Chúa. → 188
📕 Bảy lần trong một ngày, tôi ca tụng Chúa. - Tv 119,164.
“Chúng tôi hài lòng với con số 7 thánh, nếu vào giờ kinh sáng, giờ kinh thứ nhất, giờ kinh thứ ba, giờ kinh thứ sáu, giờ kinh thứ chín, giờ kinh chiều, giờ kinh tối, chúng tôi chu toàn các bổn phận trong sứ vụ của chúng tôi.” - Thánh Bênêđictô Nursia, Luật
“Lạy Chúa, Chúa cao cả, Chúa rất đáng ca ngợi... Con người là thành phần của thụ tạo, lại quá nhỏ mọn, nó muốn ngợi khen Chúa... Chính Chúa khích lệ nó vui trong việc ngợi khen Chúa, vì Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và lòng chúng con chỉ yên nghỉ cho tới khi nó nghỉ yên trong Chúa.” - Thánh Augustinô
493. Kinh nguyện Kitô giáo có đặc tính nào?
- Kinh nguyện Kitô giáo có đặc tính là được thực hiện với tâm tình tin cậy mến, nó có tính cách bền bỉ kiên tâm và phó thác cho thánh ý Chúa. [2656-2658, 2662]
- Vào một lúc nhất định để cầu nguyện, Kitô hữu ra khỏi chính mình và hướng về Thiên Chúa là Chúa duy nhất, lòng đầy tràn tin tưởng bắt rễ nơi đức tin; đồng thời, họ đặt hết hy vọng vào Chúa, hy vọng Chúa nghe họ, hiểu họ, đón nhận họ và dẫn đưa họ đạt tới đích. Thánh Gioan Bosco nói: “Muốn biết thánh ý Chúa, phải làm ba việc: cầu nguyện, đợi chờ, và tìm hiểu hỏi han.” Sau hết, kinh nguyện Kitô giáo luôn luôn là biểu lộ của tình yêu, tình yêu đến từ tình yêu Chúa Kitô và tìm đến tình yêu Thiên Chúa.
📕 Vạn sự tôi đã trông cả ở Chúa, và Người đã đoái nhìn lại đã nghe tiếng tôi kêu cứu. - Tv 40,2
“Hãy giữ tâm hồn bạn bình an. Hãy để Thiên Chúa hành động trong bạn. Hãy đón nhận mọi tư tưởng nâng tâm hồn bạn lên tới Chúa. Hãy mở rộng cửa tâm hồn bạn.” - Thánh Inhaxiô Loyola
494. Làm sao đời thường của tôi có thể là trường để cầu nguyện được?
- Mọi chuyện thường xảy ra, mỗi cuộc gặp gỡ đều có thể trở nên cơ hội kích thích ta cầu nguyện. Ta càng sống trong sự kết hợp sâu xa với Chúa, ta càng hiểu rõ ý nghĩa thế giới chung quanh ta. [2659-2660]
- Nếu ngay ban sáng tôi tìm sống kết hiệp với Chúa Giêsu, tôi có thể chúc lành cho những người tôi đã gặp, ngay cả những người chống đối tôi và kẻ thù của tôi. Tôi trao cho Chúa mọi âu lo trong ngày. Tôi được bình an hơn trong tôi và tôi làm cho bình an tỏa ra. Tôi quyết định mọi sự bằng cách hỏi xem nếu Chúa hành động thay thế tôi Chúa sẽ làm thế nào. Được luôn gần gũi Chúa như vậy tôi vượt qua mọi âu lo, và tôi không thấy yếu đuối trong những hoàn cảnh thất vọng. Tôi mang trong mình bình an của trời và tôi mang nó đến cho thế giới. Tôi cám ơn Chúa và vui sướng vì mọi sự xảy đến tốt đẹp, nhưng tôi cũng chịu đựng mọi khó khăn. Việc chăm chú để lắng nghe Chúa này có thể thực hiện được, dù trong lúc làm việc.
“Bí quyết của tôi rất đơn giản: Tôi cầu nguyện và qua lời cầu nguyện tôi trở nên một với tình yêu Chúa Kitô, và thấy rằng, cầu nguyện là yêu mến Người, cầu nguyện là sống với Người, và do đó làm cho lời Người thành hiện thực... Đối với tôi, cầu nguyện là nên một với ý muốn của Chúa Giêsu suốt 24 giờ mỗi ngày, sống cho Người, nhờ Người, và với Người.” - Mẹ Têrêsa Calcutta
495. Ta có thể chắc lời cầu nguyện của ta được lắng nghe không?
- Lời cầu nguyện của ta, được dâng lên nhân danh Chúa Kitô, sẽ đi tới nơi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã đi, nghĩa là tới tận lòng của Cha trên trời. [2664-2669, 2680-2681]
- Ta có thể chắc chắn như vậy tùy như ta tin tưởng vào Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu đã mở cho ta con đường mới về trời, con đường đã bị đóng lại vì tội chúng ta. Chúa Giêsu là con đường dẫn ta đến Thiên Chúa, nên các Kitô hữu kết thúc kinh nguyện bằng câu: “Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con”. → 477
“Nếu bạn đi tìm Chúa và bạn không biết bắt đầu từ đâu, bạn cứ học cầu nguyện và cố gắng cầu nguyện mỗi ngày.” - Mẹ Têrêxa Calcutta
“Bạn càng quảng đại với Thiên Chúa, bạn sẽ cảm thấy Chúa quảng đại với bạn.” Thánh Inhaxiô Loyola
496. Tại sao ta cần Chúa Thánh Thần khi ta cầu nguyện?
- Kinh Thánh viết: vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thánh Thần cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả (Rm 8,26).
- Gửi một kinh nguyện cho Chúa - việc này chỉ có thể làm được với Chúa mà thôi. Trước hết, không phải là nhờ tài năng riêng của ta mà kinh nguyện của ta thật sự đạt tới Chúa. Kitô hữu chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần của Chúa Giêsu là Đấng ước ao nên một với Chúa Cha trong mọi sự: tất cả tình yêu, tất cả việc nghe nhau, tất cả việc hiểu nhau, muốn tất cả những gì người khác muốn. Thánh Thần Chúa Giêsu ở trong ta, và chính Người nhắc cho ta những lời lẽ khi ta cầu nguyện. Thực ra cầu nguyện là thế này: là chính Chúa nói với Chúa trong đáy lòng ta. Chúa Thánh Thần giúp lòng trí ta cầu nguyện. Vì thế ta phải luôn nói rằng: “Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến, xin đến trong lòng con và giúp con cầu nguyện.” → 120
📕 Hơn nữa, lại có Thần khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. - Rm 8,26
“Xin Chúa Thánh Thần đến trong lòng chúng con và từ trời cao chiếu ánh sáng của Người xuống.” - Ca tiếp liên Lễ Hiện Xuống
“Chúa Thánh Thần là Thần trí của Chúa Giêsu, Thần trí hiệp nhất Chúa Cha và Chúa Con trong tình yêu.” - Đức Bênêđictô XVI, Vọng Lễ Hiện Xuống 2006
497. Tại sao các thánh là những người hướng dẫn ta cầu nguyện?
- Các thánh là những người đầy lửa mến nhờ Chúa Thánh Thần. Các ngài giữ lửa mến đó cháy trong Hội Thánh. Ngay khi còn ở dưới thế, các thánh đã là người cầu nguyện sốt sắng, và có ảnh hưởng lây lan, vì thế, khi gần các ngài người ta cũng thích cầu nguyện. Chắc chắn, chúng ta không bao giờ thờ phượng các thánh, nhưng chúng ta được phép kêu cầu cùng các ngài, cốt để các thánh trình bày lời cầu xin của chúng ta nơi tòa Thiên Chúa. [2683-2684]
- Chung quanh một vài vị thánh lớn có phát triển một lối sống đạo đức, quen gọi là linh đạo. Mọi linh đạo đều nhấn mạnh đến một yếu tố căn bản của đức tin, cốt để dẫn dắt qua một cửa khác nhau để tiến vào trung tâm của đức tin và của đời tận hiến cho Chúa. Như linh đạo của Thánh Phanxicô nhấn mạnh đến tinh thần khó nghèo, linh đạo của Thánh Biển Đức là để ca ngợi Thiên Chúa, linh đạo của thánh Inhaxiô là sự phân định ơn gọi. Mỗi linh đạo đều có sức hấp dẫn tính tình cá nhân của một người, nên luôn luôn là một trường phái cầu nguyện.
✠ Linh đạo là những lối sống đạo đức trong Hội thánh, được phát triển bằng nhiều cách, xuất phát từ những thực hành trong đời sống các vị thánh được Chúa Thánh Thần linh hứng. Vì thế, ngày nay người ta nói đến linh đạo Biển Đức, linh đạo Phanxicô hay Đaminh.
“Tất cả các vị thánh đều không có một thứ thánh thiện giống nhau. Có các vị thánh không bao giờ sống với các vị thánh khác. Tất cả không theo một con đường nào, nhưng tất cả đều đến cùng Chúa.” - Thánh Vianney
498. Chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào không?
- Có. Chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, nhưng người Công giáo thường tìm những nơi riêng, có Chúa “ngự” cách đặc biệt, đó là những nhà thờ, nơi có Chúa Giêsu ngự trong Nhà Tạm dưới hình bánh đã được truyền phép trong thánh lễ. [2691-2696]
- Cầu nguyện ở khắp mọi nơi: trường học, đi xe tàu, các cuộc họp bạn, là điều quan trọng. Toàn thể thế giới cần đón nhận những chúc lành Nhưng quan trọng hơn là cầu nguyện ở các nơi thánh, nơi mà Thiên Chúa chờ đợi ta một cách đặc biệt hơn để ta tìm được sự nghỉ ngơi nơi Người, để ta được sức mạnh, được tái sinh, và được sai đi truyền giáo. Một Kitô hữu đích thực khi vào trong nhà thờ không bao giờ chỉ đưa mắt nhìn lướt qua rồi thôi, mà phải ở lại, thinh lặng một chút và cầu nguyện với Chúa để Chúa đổi mới tình bạn, tình yêu của Chúa với họ. → 218
“Qua lời cầu nguyện, chúng tôi có thể đi đến một cách thiêng liêng tới mọi thụ tạo của Chúa, từ những hành tinh xa nhất tới những vực thẳm đại dương, từ nhà nguyện đơn lẻ của tu viện cũng như nhà thờ bị bỏ quên, từ viện phá thai trong đô thị, cũng như phòng biệt giam trong nhà tù… Vâng, cả trời và các cửa hoả ngục nữa, chúng tôi nối kết với từng phần nhỏ trong vạn vật. Chúng tôi cầu nguyện với mỗi thụ tạo, và cho mỗi thụ tạo, để tất cả những ai Máu Thánh Con Chúa đã cứu chuộc họ, họ đều được cứu độ và thánh hoá.” - Mẹ Têrêsa Calcutta
Chương 3: Con đường cầu nguyện
499. Khi nào nên cầu nguyện?
- Từ thời đầu của Hội Thánh, người Công giáo đã cầu nguyện ít là ban sáng, lúc dùng bữa, ban chiều. Người không năng cầu nguyện, dần dần sẽ chẳng cầu nguyện gì nữa. [2697-2698, 2720]
- Nếu tôi yêu ai mà trong suốt ngày, tôi không bày tỏ một dấu gì là tôi yêu họ thì quả thực tôi không yêu họ. Đối với Thiên Chúa thì cũng vậy, nếu ta yêu mến Chúa thật, ta phải bày tỏ cho Chúa biết những dấu hiệu của lòng ta yêu mến, phải chứng tỏ cho Chúa biết ta ước ao gần gũi Chúa. Sáng thức dậy, ta dâng ngày cho Chúa để nhận sự chúc lành của Người và xin Người luôn ở bên ta trong mọi hoàn cảnh. Khi dùng bữa ta nhớ cám ơn Chúa. Đến cuối ngày ta trao phó mọi sự trong tay Chúa, xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm và ban bình an cho ta cũng như cho người khác. Đó là một ngày “siêu”, đầy ắp những dấu chỉ ta sống đời ta bên Chúa. →188
“Người ta cần nhớ tới Chúa thường xuyên hơn là hít thở.” - Thánh Gregory Nazianze
“Vì thế, tôi mời các bạn, hãy tìm đến với Chúa mọi ngày, Đấng không muốn gì hơn là cho các bạn được hạnh phúc. Hãy nuôi dưỡng sự liên kết chặt chẽ và bền bỉ với Chúa trong cầu nguyện, và khi có thể, tìm những lúc thuận tiện trong ngày để ở một mình với Người trong tình bạn. Nếu bạn không biết cầu nguyện, hãy xin Người dạy cho, và xin Mẹ Thiên đàng cầu nguyện với bạn và cho bạn.” - Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 21-11-2005
500. Có nhiều cách cầu nguyện không?
- Có. Cầu nguyện bằng lời, bằng suy gẫm, bằng chiêm niệm. Cả 3 cách này đều cần đến sự nhập định, nghĩa là tập trung trí tuệ và tâm hồn trong thinh lặng, bỏ hết mọi chuyện khác [2699-2721]
“Có nhiều con đường cầu nguyện. Có người chỉ theo một con đường, người khác theo mọi con đường. Có những lúc ta chắc chắn về sự có mặt sống động: Chúa Kitô ở đó, Người nói trong đáy lòng ta. Có những lúc khác, Người làm thinh, như một người xa lạ không ai biết… Đối với mọi lúc, kinh nguyện với nhiều mặt đa dạng của nó là đường dẫn tới một cuộc sống không do ta mà do từ nơi khác.” - Frère Roger Schutz
“Nếu bạn không biết cầu nguyện thế nào, hãy xin Chúa dạy bạn, và xin Mẹ trên trời của Người cầu nguyện với bạn và cho bạn.” - Đức Bênêđictô XVI, 21-11-2005
501. Cầu nguyện bằng lời là gì?
- Trước hết cầu nguyện là nâng lòng lên cùng Chúa, tuy nhiên Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng lời trong kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng...” Đó là kinh cầu nguyện bằng lời tuyệt hảo, như là một di ngôn của Chúa, dạy ta biết cách ta phải cầu nguyện. [2700-2704, 2722]
- Khi cầu nguyện, không phải ta chỉ sốt sắng trong trí mà cũng bày tỏ ra mọi cái đang ôm ấp trong lòng, chẳng hạn những điều phàn nàn, kêu xin, ca ngợi, biết ơn, và đem tất cả dâng cho Chúa. Thường những kinh nguyện lớn bằng lời như các Thánh vịnh, các Ca vịnh trong Kinh Thánh, Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, các kinh này giúp ta biết nội dung đích thực của cầu nguyện, và dạy ta biết cầu nguyện có chiều sâu và tự do hơn. → 511-527
502. Cầu nguyện bằng suy niệm là gì?
- Là dựa vào Lời Chúa, vào ảnh thánh, ta suy nghĩ cầu nguyện để tìm ra trong đó những dấu hiệu và sự hiện diện của Chúa [2705-2708]
- Ta không thể đọc Kinh Thánh như đọc tin tức trong báo chí, là những cái không liên hệ trực tiếp với ta. Còn suy niệm Lời Chúa thì Lời Chúa giúp lòng ta nâng lên tới Chúa, và giúp ta nghe được điều Chúa muốn nói riêng tư với ta. Ngoài Kinh Thánh ra còn rất nhiều bản văn thích hợp cho việc suy niệm và dẫn ta tới Chúa. → 16
“Hiểu biết nhiều, không thỏa mãn linh hồn và làm nó hài lòng, chỉ có suy niệm trong lòng mới giúp ta thưởng thức được mọi sự.” - Thánh Inhaxio Loyola
503. Cầu nguyện bằng chiêm niệm là gì?
- Là yêu mến, im lặng, lắng nghe, và ở với Chúa. [2709-2719, 2724]
- Muốn chiêm niệm, phải có thì giờ, phải có ý chí quả quyết, và nhất là một trái tim trong trắng, như một thụ tạo phó thác khiêm tốn, đơn sơ, tin tưởng vào tình yêu và hết lòng tìm đến Chúa. Hình thức cầu nguyện này thường được gọi là cầu nguyện với tấm lòng hay là tâm nguyện. → 463
“Cầu nguyện là nghe hơn là nói. Chiêm niệm là được nhìn ngắm hơn là ngắm nhìn.” - Carlo Carretto (1910-1988, văn sĩ Ý, nhà thần bí, Tiểu đệ Chúa Giêsu)
“Giữ linh hồn bình an. Để Chúa hành động trong bạn. Đón nhận những tư tưởng nâng lòng bạn lên cùng Chúa. Mở rộng cửa sổ linh hồn bạn ra.” - Thánh Inhaxio Loyola
“Con nhìn Chúa và Chúa nhìn con.” - Lời bác nhà quê trả lời Thánh Vianney.
504. Kitô hữu có thể đạt được điều gì trong suy niệm?
- Trong suy niệm, Kitô hữu tìm sự thinh lặng để có kinh nghiệm về Chúa gần gũi mình và tìm bình an nhờ sự có mặt của Người. Họ hy vọng cảm thấy rõ rệt sự có mặt đó; nhưng đối với Kitô hữu, sự có mặt đó không thể có được do một kỹ thuật suy niệm nào đó mà là do ân huệ Chúa ban không cho ta.
- Suy niệm có thể là một trợ giúp quan trọng để tin, để tăng sức và làm con người chín chắn hơn. Tuy nhiên, những kỹ thuật suy niệm nào hứa hẹn đem lại một kinh nghiệm thần thiêng hay cả một hiệp thông thiêng liêng với Chúa đều là dối trá. Nhiều người tưởng tượng, do những lời hứa lệch lạc kia, rằng Chúa đã từ bỏ họ vì họ không cảm nhận được gì. Nhưng Chúa không đến với ta do sức ép của một vài phương thế đâu. Người thông hiệp với ta khi nào Người muốn và như Người muốn.
✠ Suy niệm là một thao luyện linh thiêng hay trí tuệ được nhiều tôn giáo và văn hoá quen thực hành, nhờ đó con người phải tập trung vào chính mình hoặc Chúa. Kitô giáo hiểu biết và đánh giá một số thao luyện để suy niệm hoặc cầu nguyện, nhưng Kitô giáo loại bỏ những thực hành hứa hẹn dùng kỹ thuật giúp đi vào hiệp thông với Chúa hoặc thần linh.
505. Tại sao đôi khi ta gọi cầu nguyện là một cuộc chiến đấu?
- Các bậc thầy về đời sống đạo đức ở mọi thời đều coi việc tiến bước trong đức tin và tình yêu mến Chúa như một cuộc chiến đấu có liên hệ đến sống chết. Nơi phải chiến đấu là trái tim là nội tâm của con người. Khí giới của Kitô hữu là cầu nguyện. Trong cuộc chiến đó, ta có thể thua do thói kiêu ngạo coi mình là trung tâm, hay thất bại trong những chuyện vô nghĩa, hoặc ta có thể thắng tất cả để đạt được Thiên Chúa. [2725-2752]
- Ai muốn cầu nguyện phải thắng những kẻ nội thù. Ngày nay ta ở trong một thế giới “vô cảm”, một hình thức lãnh đạm lười biếng thiêng liêng mà các giáo phụ ở sa mạc xưa gọi tên là “acedia”. Lãnh đạm với Thiên Chúa là vấn đề lớn của đời sống thiêng liêng. Tâm tính con người ngày nay coi cầu nguyện không có nghĩa lý gì, và sổ nhật ký dày đặc không còn chỗ cho cầu nguyện. Cũng cần chiến đấu chống lại Tên Cám Dỗ, luôn tìm mọi cách để ngăn cản con người hiến thân cho Chúa. Nếu Chúa không muốn ta đến với Chúa trong cầu nguyện, ta sẽ không thắng trận được.
“Bao lâu còn sống ta chiến đấu, và bao lâu còn chiến đấu đó là dấu ta không thua kém và thần trí tốt còn ở trong ta. Nếu cái chết không gặp bạn trong tình trạng bạn thắng, nó phải gặp bạn trong tình trạng bạn đang chiến đấu.” - Thánh Augustinô
“Chúng ta phải chứng tỏ mình là người gan dạ thánh thiện, vì Chúa giúp người can đảm.” - Mẹ Têrêsa Avila
506. Có phải cầu nguyện là một thứ nói chuyện với chính mình không?
- Đặc điểm của cầu nguyện cốt tại chuyện ta đi từ “tôi” đến “anh”, từ tập trung vào chính mình (quy ngã) đến cởi mở với mọi người. Người cầu nguyện đích thực có linh nghiệm rằng Chúa nói - và Người nói thường khác với điều mà ta mong ước hoặc chờ đợi.
- Những người trung thành với việc cầu nguyện đều cảm nghiệm rằng sau khi cầu nguyện họ luôn luôn thấy mình đổi khác với lúc trước khi cầu nguyện. Có khi những điều mình đang mong chờ, được Chúa cho thoả mãn; đang buồn sầu được an ủi, đang thất vọng lại tìm được sức sống mới. Nhưng cũng có khi ta muốn quên đi mọi âu lo, mà âu lo lại càng tăng, muốn an thân mà lại nhận được sứ vụ. Một cuộc gặp gỡ thực sự với Thiên Chúa, như ta luôn có thể thấy khi cầu nguyện, có thể thay đổi hoàn toàn quan niệm của ta về Thiên Chúa, cũng như thay đổi cả quan niệm của ta về cầu nguyện nữa.
507. Phải làm sao khi ta cảm thấy rằng cầu nguyện chẳng giúp ích gì?
- Trước hết, cầu nguyện không phải là để được một cái gì, mà cầu nguyện là để tìm thánh ý Chúa và để được thân mật với Người. Chính khi Thiên Chúa có vẻ im lặng, là Người muốn mời gọi bạn tiến một bước xa hơn nữa, trong sự hoàn toàn phó thác, trong một niềm tin toàn vẹn mà không dành lại gì, trong sự đợi chờ vô giới hạn. Người cầu nguyện phải để cho Chúa được hoàn toàn tự do muốn nói lúc nào, muốn nhận lời khi nào, và muốn hiến mình cho ta thế nào tuỳ như ý muốn của Người. [2735-2737]
- Ta thường nói: Tôi cầu nguyện nhưng chả được ích gì. Có lẽ ta chưa cầu nguyện sốt sắng đủ. Một hôm có một giáo dân phàn nàn rằng mình cầu nguyện mà chẳng được gì, Cha Thánh xứ Ars hỏi họ: “Anh đã cầu nguyện, anh van nài... nhưng anh có ăn chay chưa? Anh có canh thức chưa?” Cũng có thể do ta không xin Chúa những điều tốt. Một lần, Thánh nữ Têrêsa Avila nói: “Đừng xin cho ách trên vai nhẹ hơn, nhưng hãy xin cho cái lưng khoẻ hơn.” → 40, 49
📕 Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin. Anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc. - Gc 4,2-3
“Mọi người thấy khó khăn khi cầu nguyện, đều do một nguyên nhân là: họ cầu nguyện như không có Thiên Chúa ở đó vậy.” - Mẹ Têrêsa Avila
508. Nếu bạn cầu nguyện mà không cảm thấy gì, hay nếu bạn uể oải không thích cầu nguyện, bạn sẽ làm sao?
- Khi cầu nguyện ta chia trí, ta cảm thấy mình trống rỗng, khô khan, và không thích cầu nguyện đó là những kinh nghiệm của mọi người. Nhưng ta cứ gắng kiên tâm trung thành, đó đã là cầu nguyện. [2729-2733]
- Ngay Thánh nữ Têrêsa nhỏ, trong một thời gian lâu dài, chẳng cảm thấy tình yêu Chúa đâu cả. Ít lâu trước khi chết, một đêm, chị Céline đến thăm em tại phòng liệt. Céline thấy Têrêsa chắp tay, Céline hỏi: Sao không ngủ đi, làm gì vậy? - Em không ngủ được, em đau đớn lắm nhưng em đang cầu nguyện. - Em nói với Chúa Giêsu điều gì? - Em không nói gì cả, em chỉ yêu mến Chúa thôi.
📕 Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. - 1 Tx 5,16-18
“Thuốc chữa khô khan thiêng liêng hay nhất, là bắt chước kẻ ăn mày bên đường xin bố thí, trước sự hiện diện của Chúa và các thánh, ta đi từ ông thánh nọ tới bà thánh kia, để xin của bố thí thiêng liêng.” - Thánh Philip Neri
509. Cầu nguyện có phải là trốn tránh thực tại không?
- Người cầu nguyện thì không trốn tránh thực tại, nhưng họ mở mắt nhìn vào toàn bộ thực tại. Và từ nơi Thiên Chúa toàn năng, họ đón nhận sức mạnh để đương đầu với thực tại.
- Cầu nguyện giống như một trạm dừng để đổ đầy nghị lực mà không tốn tiền cho con đường còn rất xa và để đối phó với vô số thách đố. Cầu nguyện không làm ta trốn tránh thực tại, mà giúp ta đi sâu vào trung tâm của thực tại. Cầu nguyện không làm mất giờ nhưng làm cho thì giờ tăng gấp đôi, vì cầu nguyện làm cho thì giờ chứa đầy ý nghĩa tự thẳm sâu của nó.
“Linh đạo của Kitô hữu không thể là trốn thế gian cũng không phải thích hoạt động chạy theo mọi thứ mốt. Được Chúa Thánh Thần thấm nhuần, linh đạo đó phải nhắm tới ý định làm thay đổi thế giới.” - Đức Gioan Phaolô II, 2-12-1998
510. Người ta có thể cầu nguyện luôn luôn không?
- Có thể cầu nguyện luôn luôn, vì là một nhu cầu có tính cách sống chết. Cầu nguyện và sống đời Kitô hữu không thể tách biệt nhau được. [2742-2745-2757]
- Ta không thể làm Thiên Chúa thoả mãn bằng một ít lời ban sáng và ban chiều. Đời sống ta phải biến đổi thành cầu nguyện, và cầu nguyện của ta phải trở thành đời sống. Tất cả lịch sử đời sống Kitô hữu cũng phải là một lịch sử của cầu nguyện, một mưu tính duy nhất và lâu dài để ta hiệp nhất thân mật với Chúa. Nhiều Kitô hữu có ước muốn sâu xa luôn luôn được gần Chúa nên họ cầu nguyện như Chúa Giêsu đã cầu nguyện, chính Chúa Giêsu khi đến giờ chết đã phó dâng cho Cha Người hoàn toàn. Để hiệp nhất với Chúa Giêsu, Hội thánh Đông phương có một thực hành thường xuyên là: Kitô hữu cố gắng thuộc một công thức đơn giản, công thức quen thuộc nhất là: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa chúng con, xin thương xót chúng con là những người tội lỗi.” Họ lặp đi lặp lại suốt ngày để nó trở thành một kinh nguyện thường xuyên.
“Hãy suy nghĩ rằng, Chúa ở đó, trong những cái nồi, cái chảo, và Người ở bên cạnh chị em, trong các bổn phận mà chị em đang chu toàn.” - Thánh Têrêsa Avila
ĐOẠN II: KINH NGUYỆN CỦA CHÚA: KINH LẠY CHA (511 - 527)
511. Kinh Lạy Cha
- Lạy Cha chúng con ở trên trời, Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
- Kinh Lạy Cha là kinh độc nhất mà Chúa Giêsu đã đích thân dạy cho các môn đệ (Mt 6,9-43; Lc 11,2-4). Vì thế, Kinh Lạy Cha còn được gọi là “Lời Kinh của Chúa”. Các Kitô hữu thuộc mọi niềm tin cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha hằng ngày chung cũng như riêng. Câu kết thúc: “Vì Chúa là vua uy quyền và vinh hiển muôn đời” được nhắc đến trong sách Đidakê của các tông đồ vào năm 150 sau công nguyên, và được thêm vào cuối Kinh Lạy Cha.
512. Nguồn gốc của Kinh Lạy Cha?
- Có kinh Lạy Cha là nhờ một môn đệ Chúa Giêsu khi thấy Chúa cầu nguyện cũng muốn được Chúa dạy cho cách cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy họ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (Lc 11,14). → 477
513. Kinh Lạy Cha có mấy phần?
- Kinh Lạy Cha có 7 lời cầu xin cùng Thiên Chúa là Cha thương xót ở trên trời: 3 lời cầu trước liên quan tới Chúa và liên quan đến cách ta phụng sự Người. 4 lời cầu sau trình bày cho Cha trên trời những nhu cầu căn bản của con người chúng ta. [2803-2805, 2857]
“Anh em rất thân mến, hãy cầu nguyện như Chúa chúng ta đã dạy chúng ta. Kinh nguyện của chúng ta trở nên thân quen và sâu sắc khi chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa bằng những lời của Người, chúng ta làm vang lên tai Thiên Chúa kinh nguyện của Chúa Giêsu. Ước mong Cha trên trời nhận ra những lời lẽ của Chúa Con khi chúng ta cầu nguyện. Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta đang được Chúa đoái nhìn.” - Thánh Cyprien de Carthage
514. Kinh Lạy Cha có địa vị nào trong các lời cầu nguyện?
- Kinh Lạy Cha là “Lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất” (Thánh Tôma Aquinô), là “bản tóm tắt toàn bộ Tin Mừng” (Tertulianô). [2761-2772, 2774, 2776]
- Thực ra, Kinh Lạy Cha còn hơn là lời cầu nguyện, đó là con đường dẫn ta đi trực tiếp vào trái tim của Cha chúng ta. Các Kitô hữu đầu tiên đọc kinh này 3 lần trong ngày. Khi lãnh Bí tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu cũng được trao cho kinh này. Phần chúng ta, chúng ta phải cố gắng để không sống qua ngày mà không đọc kinh của Chúa hoặc bằng miệng, hoặc thầm thĩ trong lòng và đem áp dụng kinh đó trong đời sống hằng ngày. Cầu nguyện sao thì sống như vậy. Và sống sao cho đúng như mình cầu nguyện.
515. Dựa vào đâu ta dám tin tưởng để gọi Chúa là “Cha”?
- Chúng ta được mạnh dạn gọi Thiên Chúa là Cha, vì Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta sống gần gũi liên kết với Người và làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Khi hiệp nhất với Người “Đấng ở trong lòng Chúa Cha” (Ga 1,18) chúng ta có thể kêu lên “Cha ơi”. [2777-2778, 2797-2800] → 37
📕 Quả vậy, phàm ai được Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa. Vì Thần khí mà anh em đã lãnh nhận được đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: “Abba! Cha ơi!” - Rm 8,15
“Thiên Chúa không bao giờ ngừng là Cha của con cái Người.” - Thánh Antôn Pađua (1195-1231, dòng Phanxicô)
516. Làm sao các trẻ em bị cha mẹ ruột của chúng “ giết chết vô tội vạ”, hoặc bỏ rơi chúng, lại có thể gọi Thiên Chúa là Cha?
- Các cha mẹ ở trần gian thường làm cho hình ảnh Thiên Chúa là Cha nhân lành và đầy tình cha, bị bóp méo lệch lạc. Nhưng Cha chúng ta ở trên trời, không giống như cha mẹ chúng ta ở dưới đất. Chúng ta phải làm cho hình ảnh Thiên Chúa được tẩy sạch khỏi mọi ý tưởng riêng tư của chúng ta, để có thể gặp gỡ Người với niềm tin cậy vô điều kiện. [2779]
“Mọi người đều là con một Cha, vì thế họ là anh em với nhau.” - Thánh Phanxicô Assisi
517. Việc đọc “Cha chúng con” làm cho Kitô hữu biến đổi thế nào?
- Việc đọc “Cha chúng con” cho phép chúng ta khám phá ra niềm vui: chúng ta được là con cái của một Cha duy nhất, chúng ta có cùng một ơn gọi chung là ca ngợi Cha chúng ta, và cùng nhau sống như những anh em có “một lòng, một linh hồn” (Cv 4,32). [2787-2791-2801]
“Người Công giáo không nói “Cha con”, nhưng nói “Cha chúng con”, ngay cả trong phòng kín, vì họ biết rằng ở mọi nơi mọi lúc, họ là phần tử của cùng một Thân thể.” - Đức Bênêđictô XVI
Trong kinh của Chúa, chúng ta cùng đọc: “Lạy Cha chúng con. Dù là vua, là người ăn mày, là người đầy tớ, là ông chủ, tất cả là anh chị em, con cùng một Cha.” - Thánh Augustinô
518. Nếu Cha chúng ta ở “trên trời”, trời đó ở đâu?
- Trời đó là nơi Thiên Chúa hiện diện. Trời không nhằm chỉ một nơi nào mà là cách thế Thiên Chúa hiện diện, không lệ thuộc vào thời gian hay không gian. [2794-2796, 2802]
- Trời không phải là ở bên trên các tầng mây. Mỗi khi ta hướng về Thiên Chúa trong vinh quang của Người và hướng về người thân cận trong đau khổ của họ, mỗi khi ta cảm nghiệm được niềm vui khi yêu đương, mỗi khi ta trở về và làm hòa với Thiên Chúa, mỗi lần đó là một lần trời mở ra. “Thiên Chúa không ở nơi trời cao, Thiên Chúa hiện diện ở đâu thì trời ở đó” (Gerhard Ebeling). → 52
“Trời ở bất cứ chỗ nào trên trái đất có những người đầy tình yêu mến Chúa, yêu mến người khác, và yêu mến chính họ nữa.” - Thánh nữ Hildegarde de Bingen
519. Khi nói Danh Cha cả sáng nghĩa là gì?
- Danh Cha cả sáng, nghĩa là tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự. [2807-2815, 2858]
- Trong Kinh Thánh, Danh có ý chỉ chính bản thân của nhân vật hay ngôi vị. Danh Cha cả sáng nghĩa là thuận theo đúng ý Cha nhận biết Cha, ca ngợi Cha, tôn trọng Cha, trả cho Cha xứng với danh dự Cha, và sống theo điều răn của Cha.
520. “Nước Cha trị đến” nghĩa là gì?
- Khi ta cầu nguyện “Nước Cha trị đến”, là ta xin cho Chúa Kitô lại đến như Người đã hứa, và cho Nước Chúa, đã bắt đầu nơi trần gian được hoàn thành một cách dứt khoát. [2816-2821, 2829]
- François Fénelon đã viết: muốn tất cả những gì Chúa muốn, luôn luôn muốn thế trong mọi hoàn cảnh, đó là Nước Thiên Chúa trong đáy lòng ta. → 89, 91
📕 Nước Thiên Chúa là công chính, ngay thẳng, bình an và niềm vui trong Chúa Thánh Thần. - Rm 14,17
“Trung tâm điểm của các lời Chúa Giêsu mặc khải chính là Nước Trời, nghĩa là Thiên Chúa là nguồn mạch và trung tâm cuộc sống ta, và Người cho ta biết: Chỉ mình Chúa cứu rỗi con người. Ta có thể thấy trong lịch sử của thế kỷ trước, trong các nước đã xoá bỏ Thiên Chúa, không những là kinh tế mà nhất là các linh hồn bị huỷ hoại.” - Đức Bênêđictô XVI
521. Khi cầu nguyện “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” nghĩa là gì?
- Khi ta cầu nguyện cho Thánh ý Chúa được mọi người khắp nơi tuân phục là ta xin ý Chúa được hoàn thành trên trần gian và trong lòng mọi người, cũng như ý Chúa đã hoàn thành nơi các thần thánh trên trời. [2822-2827, 2860]
- Bao lâu ta còn đặt tất cả mọi sự vào trong những ước vọng, những tư tưởng, những dự định riêng tư của ta thì trần gian này không thể là Trời được. Người thì muốn thế này, người muốn thế khác. Ta chỉ có thể tìm được hạnh phúc nếu ta cùng ước muốn điều Thiên Chúa muốn. Cầu nguyện tóm lại là sắp xếp làm sao để ý Chúa được có chỗ trên trần gian này. → 49-50, 52
“Phó thác hoàn toàn là chấp nhận với nụ cười điều mà Chúa ban cho cũng như Chúa cất lấy… Cho đi điều mà luôn luôn bị ta đòi hỏi… và dù phải cho cả danh tiếng hay sức khoẻ của bạn, đó chính là phó thác và khi đó bạn được tự do.” - Mẹ Têrêsa Calcutta
522. Khi cầu nguyện “xin cho chúng con lương thực hằng ngày” nghĩa là gì?
- Lời xin về bánh ăn hằng ngày nhắc ta rằng ta là loài người đang chờ đợi mọi sự từ lòng nhân lành của Cha trên trời, ngay cả những của vật chất và tinh thần, cần thiết cho cuộc sống. Không người tín hữu nào kêu cầu những lời này mà không nghĩ tới trách nhiệm thực sự đối với những người trên thế giới đang thiếu thốn những nhu cầu căn bản cho cuộc sống. [2828-2834, 2861]
- Lạy Cha trên trời, con cầu nguyện không để cho con khoẻ hay bệnh, cho con sống hay chết, nhưng để Cha dùng lấy sức khoẻ, bệnh tật, sự sống, sự chết cho vinh danh Cha, và cho phần rỗi con. Chỉ mình Cha biết điều nào lợi ích cho con. Amen. (Blaise Pascal)
“Có những cơn đói bánh ăn hàng ngày, nhưng cũng có những cơn đói tình yêu, sự tử tế, sự kính trọng nhau, và đó là sự nghèo khó to lớn làm người ngày nay đau khổ rất nhiều.” - Mẹ Têrêsa Calcutta
523. Tại sao “con người sống không nguyên bởi cơm bánh”?
- “Người ta sống không nguyên bởi cơm bánh, nhưng còn sống bằng Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4 hoặc Đnl 8,3). [2835]
- Câu Kinh Thánh này có ý nhắc rằng con người có những cơn đói thiêng liêng mà của ăn vật chất không làm no thỏa được. Ta có thể chết vì không có bánh, cũng có thể chết vì có bánh mà không có gì khác ngoài bánh. Hiểu theo nghĩa thâm sâu, chúng ta chỉ được no nê thỏa mãn bởi Đấng có “Lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68), là lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh (Ga 6,27): Thánh Thể.
524. Khi nói “tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” có nghĩa gì?
- Lòng thương xót tha thứ mà ta phải dành cho người khác, cũng như phải cầu xin cho chính mình, cả hai không thể tách rời được. Nếu ta không thương xót người khác, không tha thứ cho họ, lòng thương xót của Chúa không thể thấm nhập vào lòng ta được. [2838-2845,2862]
- Nhiều người đã phải chiến đấu suốt đời để chống lại thói quen không biết tha thứ. Người là nạn nhân của sự tắc nghẽn này rốt cuộc chỉ có thể giải toả bằng cách nhìn ngắm Thiên Chúa, Đấng đã thương yêu ta khi ta còn là kẻ tội lỗi (Rm 5,8). Vì ta có một Cha đầy lòng nhân từ thì việc tha thứ và hòa giải đều có thể được. → 227,314
📕 Nếu ai nói, “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. - 1 Ga 4,20
📕 Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. - Lc 6,36
525. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” nghĩa là gì?
- Vì từng ngày, từng giờ, chúng ta sống trong nguy cơ sa ngã phạm tội, và không theo Chúa, nên chúng ta xin Chúa đừng để chúng ta thiếu đề phòng trước sức mạnh của cám dỗ. [2846-2849]
- Chính Chúa Giêsu cũng đã bị cám dỗ, nên Người biết ta yếu đuối, tự sức mình chúng ta thực sự không có thể chống lại sự dữ. Người đã dạy chúng ta lời cầu xin này để khi gặp thử thách chúng ta tin cậy Chúa sẽ giúp.
📕 Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. - 1 Pr 5,8
“Ai không bị cám dỗ là không được thử thách, ai không được thử thách là không có tiến bộ.” - Thánh Augustinô
526. “Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ” có ý ám chỉ sự gì?
- Sự dữ đây không có nghĩa là “sức mạnh trừu tượng” mà ám chỉ đến Thần dữ được Kinh Thánh gọi là “Tên Cám Dỗ”, cha kẻ dối trá, Xatan, quỷ dữ. [2850-2854, 2864]
- Không ai chối cãi rằng sự dữ trong thế gian là một lực lượng phá hoại, rằng quanh ta có đầy ảnh hưởng của ma quỷ tác động, rằng lịch sử là sân khấu diễn những trò ma quỷ. Chỉ Kinh Thánh mới gọi đích danh sự dữ: “Vì chúng ta chiến đấu, không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thiêng liêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao.” (Ep 6,12) Trong Kinh Lạy Cha, lời cầu xin, cứu khỏi sự dữ dâng lên Chúa tất cả sự khốn khó của thế giới và nài xin Thiên Chúa toàn năng cứu ta thoát mọi sự dữ.
📕 Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần. - 1 Ga 5,19
“Cái lừa dối xảo trá nhất của quỉ là làm cho chúng ta nghĩ rằng không có quỷ.” - Charles Beaudelaire
✠ Lời cầu xen vào sau Kinh Lạy Cha trong Phần Thường Lễ: Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi biến loạn, trong khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con.
527. Tại sao cuối Kinh Lạy Cha, ta đọc “Amen”?
- Người Do Thái và Kitô hữu Dothái thường kết thúc lời cầu nguyện bằng “Amen”, nghĩa là “Ước mong được như vậy”. [2855-2856, 2865]
- Ở đâu có ai nói Amen cho những lời nói của họ, Amen cho đời sống và số phận của họ, Amen cho niềm vui đang chờ đợi họ, thì ở đó có sự hợp nhất đất với trời, và ở đó là đích đến kết thúc của ta, trong tình yêu đã sáng tạo ta từ khởi thuỷ. → 165
“Amen của đức tin chúng ta không phải là kết thúc, chấm dứt, nhưng là còn sống mãi.” - Micheal Faulhaber
Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng