Giáo Lý Người Trẻ
PHẦN III (YOUCAT PART III)
Sách Giáo Lý hiện đại nhất của Hội Thánh Công Giáo.
Nguồn: http://conggiao.info
DẪN NHẬP
Nội dung của Youcat là trình bày đức tin lãnh nhận từ các tông đồ một cách tổng hợp và hữu cơ thành bốn cột trụ cổ điển: Hội Thánh tin gì, Hội Thánh cử hành các mầu nhiệm Kitô giáo thế nào, Hội Thánh sống trong Chúa Kitô thế nào, Hội Thánh cầu nguyện thế nào. Trong Phần I, Youcat đã giúp ta hiểu Thiên Chúa tạo dựng con người hướng mở về Người, rồi Thiên Chúa đến gặp con người qua Chúa Giêsu Kitô, và con người đáp lại lời Thiên Chúa để tuyên xưng niềm tin của mình vào chương trình cứu độ của Người. Sang Phần II, Youcat giúp ta hiểu Chúa Giêsu Kitô đến gặp gỡ con người trên trần gian bằng những dấu hiệu thánh là phụng vụ và các bí tích, để thánh hóa mọi giai đoạn và hoàn cảnh sống của con người, nhờ đó con người có thể đáp lại cách cụ thể lời mời gọi của Thiên Chúa. Nay đến Phần III, Youcat giúp ta hiểu ta sống trên trần gian là để sống trong Chúa Kitô, Đấng đã xuống thế làm người cứu chuộc ta, sống như gương mẫu cho ta, ban Thánh Thần của Người hướng dẫn ta. Nhờ Chúa Kitô ta có phẩm giá con người, ta được sống trong cộng đồng nhân loại, được trở thành Kitô hữu trong Hội Thánh, sống với lý tưởng Kitô hữu là mến Chúa yêu người, được tóm lại trong 10 điều răn.
Youcat cũng theo hai Phần I và II luôn nhắm mục đích giúp Kitô hữu trẻ thời nay không những chỉ biết giáo lý trong trí, còn cảm nghiệm trong lòng, rồi tự ý dấn thân hành động trong đời sống và luôn sẵn sàng rao giảng, trả lời cho ai muốn tìm hiểu niềm tin và hy vọng của mình. Vì thế, Youcat trong Phần III này cũng chọn lựa các chủ đề vừa cập nhật và phù hợp với thời hiện đại, mà các sách giáo lý trước kia chưa nghĩ đến, vừa đưa ra những giải nghĩa, những lời khuyên áp dụng cụ thể phù hợp với hoàn cảnh xã hội ngày nay. Đặc biệt trong Phẩn III, có những vấn đề rất thiết thực, liên quan đến sự sống con người: vấn đề tính dục, tình dục, tình yêu, hôn nhân, ngừa thai, phá thai, hôn nhân đồng tính, ly dị rồi tái kết hôn… trước đây thường coi là cấm kỵ, không nói tới hoặc ít khi được đề cập. Rồi các vấn đề liên quan đến học thuyết xã hội của Hội Thánh, về nhân quyền, về gia đình là Hội Thánh tại gia, về lao động kinh tế, toàn cầu hóa, cộng đồng chính trị quốc tế, hoà bình, môi trường môi sinh… Youcat mạnh dạn khai triển, ngắn gọn, giải thích, giải quyết rõ ràng tất cả các vấn đề đó, dựa theo Công đồng Vatican II và các văn kiện của các Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI.
Phần III này gồm 189 câu thì có tới 44 câu, trình bày, giải nghĩa, giải quyết các vấn đề độc đáo và cụ thể, như:
347. Tại sao Kitô hữu “sống đạo đức nước đôi (hai mặt)” lại là điều thiếu sót nặng?
356. Chủ nghĩa bí truyền có phù hợp với đức tin Kitô giáo không?
357. Có phải vô thần luôn là tội chống lại Điều răn thứ 1 không?
366. Tại sao Nhà Nước cần coi trọng việc giữ ngày Chúa nhật như ngày nghỉ lễ?
382. Có được phép chủ động giúp người ta chết êm không?
384. Có được phá bào thai tàn tật không?
385. Có thể làm thí nghiệm trên phôi sống và các tế bào gốc của phôi không?
389. Tại sao hút xì ke ma tuý lại là tội?
391. Tại sao việc hiến tặng các cơ quan của cơ thể là quan trọng?
392. Hành vi xâm phạm đến sự toàn vẹn thân xác của con người là hành vi nào?
401. Người nam có trổi vượt hơn người nữ không?
402. Tình yêu là gì?
403. Tình yêu có chỗ đứng nào trong đời sống tình dục?
404. Tình yêu khiết tịnh là gì? Tại sao Kitô hữu sống tình yêu khiết tịnh?
405. Người ta có thể sống tình yêu khiết tịnh thế nào?
407. Tại sao Hội Thánh chống lại những quan hệ tình dục trước khi thành hôn?
408. Làm sao bạn sống được như là Kitô hữu, nếu bạn đang có quan hệ tình dục, hoặc đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân rồi?
409. Thủ dâm có lỗi phạm đến tình yêu không?
412. Tại sao việc sản xuất và tiêu thụ hình ảnh khiêu dâm là tội chống lại tình yêu?
414. Hội Thánh có lập trường thế nào về sử dụng bao cao su phòng chống bệnh SIDA?
415. Hội Thánh phán đoán thế nào về đồng tính luyến ái?
421. Tại sao các phương pháp ngừa thai không tốt như nhau?
423. Hội Thánh nói gì về mang thai mướn và thụ thai nhân tạo?
424. Thế nào là ngoại tình? Ly dị có hợp luân lý không?
425. Hội Thánh chống lại những đôi hôn phối không có bí tích Hôn phối thế nào?
428. Ăn trộm là gì? Điều răn thứ 7 dạy gì?
429. Có luật nào liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ không?
431. Có được phép gian lận thuế không?
432. Kitô hữu có thể đầu cơ trong giao dịch chứng khoán, hoặc trong Internet không?
434. Kitô hữu có được chơi cá cược và chơi cờ bạc không?
435. Có được phép mua bán con người không?
437. Phải đối xử với các con vật thế nào?
441. Hội Thánh nói gì về dân chủ?
442. Hội Thánh có lập trường thế nào về chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường ?
443. Bổn phận các nhà quản lý và lãnh đạo xí nghiệp thế nào?
446. Hội Thánh nói gì về toàn cầu hoá?
447. Toàn cầu hoá có nghĩa là độc quyền về vấn đề chính trị và kinh tế không?
449. Kitô hữu phải bày tỏ tình yêu đối với người nghèo như thế nào?
450. Những việc làm để thương xác là gì?
457. Tại sao nói sự thật đòi ta phải cẩn trọng?
460. Truyền thông xã hội có thể có hiệu quả nguy hại nào?
464. Sự e thẹn tốt như thế nào?
466. Ghen tị là gì? Làm sao thắng được nó?
468. Điều gì người ta nên mong ước nhất?
Đó là những chủ đề hiện đại, thiết thực, độc đáo trong Phần III, còn những giải nghĩa, áp dụng và chứng từ cụ thể cho đời sống cũng rất nhiều, chỉ xin chọn 3 thí dụ thôi:
347. Tại sao Kitô hữu “sống đạo đức nước đôi (hai mặt)” lại là điều thiếu sót nặng?
- Điều kiện trước hết để loan báo Tin Mừng là sống đúng với Tin Mừng. Không thực hành điều mình tuyên xưng là giả mạo, phản lại bổn phận của Kitô hữu là “muối ướp đời” và là “ánh sáng thế gian”. [2044-2046]
Giải nghĩa: Thánh Phaolô nhắc nhớ cho giáo đoàn Côrintô rằng: “Anh em là bức thư của Chúa Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt tức là lòng người” (2 Cr 3,3). Các Kitô hữu là bức thư khuyên bảo của Chúa Kitô cho thế giới bằng chính cuộc sống của mình hơn là bằng lời nói. Như thế những tác hại của những phản chứng càng thêm phá hoại hơn, khi đó lại do các linh mục và nữ tu gây ra cho trẻ em. Họ không chỉ phạm tội vô số kể trên các nạn nhân của họ. Họ còn làm cho nhiều người nghi ngờ về lòng trông cậy nơi Chúa và làm tắt đi ánh sáng đức tin nơi nhiều người.
Định nghĩa: Luân lý nước đôi có ý chỉ một thứ luân lý ở nơi công cộng hay ở nơi riêng tư được người ta thực hành cách khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh. Bên ngoài người đó bảo vệ những mục tiêu và những thái độ phù hợp với các giá trị. Chỗ riêng tư thì họ không tôn trọng nữa. “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thành và bằng việc làm.” - 1 Ga 3,18
Trích dẫn: “Thế giới đầy những người giảng thì giảng về nước, mà uống thì uống rượu.” - Giovanni Guareschi (1908-1968, tác giả Ý của sách Dom Camillo và Peppone)
421. Tại sao các phương pháp ngừa thai không tốt như nhau?
- Hội Thánh khuyến khích dùng phương pháp chính xác dựa vào quan sát chu kỳ kinh nguyệt nơi người nữ hàng tháng. Phương pháp này tôn trọng phẩm giá người nam và người nữ trong tình yêu. Nó giúp đôi bạn tôn trọng và cư xử âu yếm nhau, nó là trường dạy đôi bạn yêu nhau. [2370-2372, 2399]
Giải nghĩa: Hội Thánh chăm chú để tôn trọng trật tự trong tự nhiên, và Hội Thánh thấy trong đó có một ý nghĩa sâu xa. Đối với Hội Thánh, việc đôi bạn can thiệp một cách nhân tạo vào việc thụ thai của người vợ rất khác với việc sử dụng những thời kỳ có thể thụ thai và thời kỳ không thể thụ thai trong chu kỳ kinh nguyệt của người vợ. Việc “kế hoạch hóa gia đình theo trật tự tự nhiên” vừa tôn trọng con người, vừa ủng hộ cho việc vợ chồng âu yếm nhau và không làm tổn hại sức khoẻ. Vả lại nếu việc kế hoạch theo đúng trật tự tự nhiên thì tỉ lệ thất bại của nó thấp hơn là ngừa thai nhân tạo bằng cách uống thuốc ngừa thai (Viên Pearl-Index). Ngược lại, Hội Thánh không chấp nhận mọi phương thế ngừa thai nhân tạo, hiểu là những phương thế hoá học (viên thuốc ngừa thai), những phương thế cơ học (bao cao xu, vòng tránh thai…) và những phương thế giải phẫu (làm tuyệt sản bằng cắt ống), những phương pháp này can thiệp bằng thủ công vào sự liên kết không thể chia lìa giữa khía cạnh kết hợp tình dục và khía cạnh sinh sản trong hành vi vợ chồng. Những phương thế chống thụ thai nhân tạo này cũng có thể có hại cho sức khoẻ người vợ, gây nên sớm xảy thai và về lâu dài làm hư hại cho đời sống âu yếm của đôi bạn.
Trích dẫn: Về vấn đề ngừa thai, đi nguợc với vấn đề điều hòa sinh sản, Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng: “Điều hòa sinh sản là ngôn ngữ diễn tả cách tự nhiên việc đôi bạn trao hiến cho nhau trọn vẹn; còn ngừa thai là ngôn ngữ đi nguợc lại cách khách quan với ngôn ngữ điều hòa sinh sản, theo đó đôi bạn không còn trao hiến cho nhau trọn vẹn nữa. Như thế, không những đôi bạn chủ ý từ chối việc mở ngỏ cho sự sống, mà còn làm sai lệch sự thật nội tại của tình yêu vợ chồng, tình yêu này mời gọi trao hiến cho nhau trọn vẹn cả con người của mình.” - Đức Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, 32
464. Sự e thẹn tốt như thế nào?
- Sự e thẹn bảo vệ đời sống riêng tư của con người : mầu nhiệm con người rất riêng và ẩn kín sâu thẳm trong họ, bảo vệ phẩm giá và trên hết bảo vệ khả năng yêu thương và tự hiến của họ. E thẹn cũng quan hệ đến những gì mà chỉ tình yêu mới có quyền được thấy [2521-2525, 2533]
Giải nghĩa: Nhiều người trẻ sống trong một thế giới mà mọi cái được phơi bày cho mọi người thấy rõ ràng, không có gì phải thẹn thùng cả. Tuy nhiên, e thẹn là một đức tính của con người mà loài vật không biết gì đến, đó là một đặc điểm riêng biệt chỉ con người mới có. Nó che đậy và bảo vệ cái gì là quý giá, nghĩa là phẩm giá của con người xét về khả năng yêu thương. Cảm thức về e thẹn đều có trong mọi nền văn hóa có thể nổi bật nhiều hay ít. Nó không liên quan gì đến thói ra vẻ đoan trang giả dối hoặc một cách giáo dục bị kìm kẹp. Con người dũng cảm thấy e thẹn cách nào đó khi lỗi lầm của mình bị tiết lộ hoặc những gì khác hạ giá họ. Ta làm mất phẩm giá người khác khi ta xúc phạm đến tính e thẹn tự nhiên của họ bằng lời nói, bằng cách nhìn, bằng cử chỉ, hoặc bằng hành động. → 412-413
(Chú thích của người dịch: E là có phần không yên lòng, nghĩ là có thể xảy ra điều không hay. Thẹn là tự cảm thấy bối rối mất tự nhiên khi tiếp xúc đám đông hay người khác giới cùng tuổi, hoặc tự cảm thấy mình có gì không xứng không phải. E thẹn là thẹn thùng, thẹn thò. Xấu hổ, mắc cở là cảm thấy hổ thẹn khi có lỗi hoặc kém cỏi).
Hy vọng Youcat làm vừa lòng độc giả.
Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
***
ĐOẠN I: ƠN GỌI CỦA TA TRÊN TRẦN GIAN, TA MUỐN LÀM GÌ,CHÚA THÁNH THẦN GIÚP TA LÀM VIỆC ĐÓ NHƯ THẾ NÀO? (279 - 347)
279. Tại sao ta cần đức tin và các bí tích để sống đời sống tốt lành và ngay thẳng?
- Nếu ta chỉ cậy dựa vào chính mình, vào sức riêng mình, ta không thể đi xa hơn, dù cố gắng trở nên tốt lành. Nhờ đức tin, ta thấy mình là con Thiên Chúa, Chúa sẽ giúp ta mạnh sức. Sức mạnh Chúa ban, ta gọi là "ơn Chúa". Đặc biệt trong các dấu tích thánh mà ta gọi là các bí tích. Chúa ban cho ta năng lực để thực hiện các việc lành mà ta phải làm. [1691-1695]
– Vì Thiên Chúa đã nhìn thấy nỗi khổ của ta, Người đã nhờ Con của Người lôi kéo ta ra khỏi quyền lực của tối tăm (Cl 1,13). Người đã ban cho ta khả năng làm một cuộc khởi hành mới để hiệp nhất với Người và tiến đi trong con đường tình yêu. → 172-178
📕 Không có Thầy, các con không thể làm được việc gì. - Ga 15,5
📕 Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Mình. - St 1,27
“Đừng để điều gì làm bạn xao xuyến, đừng để điều gì làm bạn sợ hãi. Mọi sự qua đi, Chúa không bao giờ thay đổi. Kiên nhẫn đạt được tất cả. Ai có Chúa thì không còn thíếu gì nữa. Mình Chúa là đầy đủ rồi.” - Thánh Têrêsa Avila
“Khi Thiên Chúa biến mất, con người không lớn được. Trái lại, họ mất đi phẩm giá linh thiêng, mất đi sự huy hoàng của Thiên Chúa. Cuối cùng họ chỉ còn là sản phẩm của sự tiến hóa mà người ta có thể sử dụng và lạm dụng. Điều đang xảy ra trong thời nay xác nhận như vậy.” - Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 15-8-2005
Chương 1: Phẩm giá của con người (280 - 320)
280. Đối với Kitô hữu, nền tảng của phẩm giá con người là gì?
- Mọi người, từ giây phút đầu tiên trong bụng mẹ, đã có một phẩm giá không ai được xâm phạm, vì từ đời đời, Thiên Chúa đã muốn, đã yêu, đã dựng nên, đã cứu chuộc, và đã định cho họ được hạnh phúc muôn đời. Kitô hữu tin rằng phẩm giá con người có nguồn gốc từ Chúa. [1699-1715]
– Nếu ta chỉ đánh giá một người tùy theo thành tích và khả năng của họ, thì những người kém cỏi, bệnh tật, không may mắn sẽ chẳng được quý trọng gì. Kitô hữu tin rằng phẩm giá con người bắt nguồn từ Thiên Chúa: Người coi trọng mỗi con người và yêu thương họ dường như họ là thụ tạo độc nhất của Người trên trần gian. Một em bé có phẩm giá vô hạn, vì Thiên Chúa nhìn đến em, và không ai có quyền phá hủy phẩm giá đó. → 56 - 65
281. Tại sao ta khao khát được hạnh phúc?
- Thiên Chúa đã đặt vào trong lòng ta một ước ao vô tận được hạnh phúc, đến nỗi không có gì thỏa lòng ta nếu không phải là chính Chúa. Tất cả những thỏa mãn đời này chỉ có thể cho ta được nếm trước những hạnh phúc đời sau. Ta phải vượt qua chúng để tiến tới Chúa. [1718-1719, 1725] → 1-3
“Thiên Chúa muốn ta được hạnh phúc. Nhưng đâu là nguồn hy vọng đó? Nguồn của nó ở trong sự hiệp nhất với Chúa là Đấng sống trong thâm tâm mỗi người.” - Thầy Roger Schutz
“Hạnh phúc không ở trong ta, và cũng chẳng phải là ở ngoài ta. Hạnh phúc chỉ có trong Chúa. Và khi ta đã tìm thấy hạnh phúc thì nó ở khắp mọi nơi.” - Blaise Pascal
“Chỉ một mình Chúa là con đường đáng được ta đi theo, là ánh sáng đáng ta đốt lên, là sự sống đáng ta sống theo, và là tình yêu đáng ta yêu thương.” - Mẹ Têrêsa
282. Kinh Thánh có cho ta biết đường dẫn đến hạnh phúc không?
- Ta sẽ được hạnh phúc nếu tin vào Lời Chúa Giêsu trong các mối phúc. [1716-1717]
– Tin Mừng là lời hứa ban hạnh phúc cho tất cả những ai muốn theo đường của Chúa. Chính trong các Mối Phúc (Mt 5,3-12) mà Chúa Giêsu chỉ cho biết cách cụ thể rằng: sự chúc lành vĩnh cửu sẽ được ban cho ai theo lối sống của Chúa và ai tìm kiếm hoà bình bằng tâm hồn trong trắng.
- Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp. Phúc cho ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được thoả lòng. Phúc cho ai xót thương, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho ai có tâm hồn trong trắng, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc cho ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế (Mt 5,3-12).
“Muốn tất cả những gì Chúa muốn, và muốn như thế luôn luôn trong mọi hoàn cảnh và không ngập ngừng, đó là Nước Trời đang ở trong ta vậy.” - François Fenelon
284. Tại sao các mối phúc lại quan trọng?
- Những người mong mỏi Nước Trời phải tìm đến bảng liệt kê những ưu tiên trên của Chúa Giêsu thì sẽ biết. [1716-1717, 1726]
– Từ Abraham, Thiên Chúa đã hứa với dân Người. Chúa Giêsu đã lặp lại, cho lời hứa một giá trị vĩnh cửu và coi đó là chương trình của Người: Con Thiên Chúa làm người nghèo để chia sẻ sự nghèo khó của ta, Người vui với những kẻ vui, khóc với những kẻ khóc (Rm 12,16); Người không cần đến bạo lực, trái lại, Người giơ má bên kia (Mt 5,39); Người thương xót, tạo nên hòa bình, và chỉ cho thấy con đường chắc chắn dẫn đưa về trời.
285. Hạnh phúc đời đời là gì?
- Hạnh phúc đời đời là được thấy Chúa và được tham dự hạnh phúc với Chúa. [1720-1724,1729]
– Nơi Thiên Chúa, Cha, Con, Thánh Thần là sự sống, niềm vui và hiệp thông vĩnh cửu. Ta được tham dự sự sống đó, đối với ta là con người thì thật là hạnh phúc không thể tưởng tượng được và có tính vĩnh hằng. Hạnh phúc ấy là quà tặng thuần túy do ân sủng Chúa ban, bởi vì ta không thể nào tự mình kiếm cho mình được, cũng không thể nào nắm bắt được sự bao la của nó. Thiên Chúa muốn rằng, ngay trong đời sống ta ở trần gian, ta chọn theo hạnh phúc. Thiên Chúa cho ta tự do chọn, và yêu thích nó hơn hết mọi sự, chọn làm lành và tránh làm dữ với hết sức ta. → 52, 156 – 158
📕 Chúng ta sẽ thấy Người như Người hiện hữu. - 1 Ga 3,2
“Con người cao cả đến nỗi trên trái đất không gì thỏa mãn nó được. Con người chỉ thỏa mãn nếu quay về với Chúa. Bắt cá ra khỏi nước, nó không sống được. Con người không có Chúa cũng vậy.” - Thánh Gioan Vianney
“Chỉ có Đấng dựng nên con người mới làm con người được hạnh phúc.” - Thánh Augustinô
286. Tự do là gì và tại sao ta có tự do?
- Tự do là sức mạnh Chúa ban để người ta có thể tự quyết định về điều mình muốn làm. Tự do trái ngược với định mệnh. [1730-1733,1763-1744]
– Thiên Chúa đã dựng nên ta là những người tự do và Người muốn ta tự do đem tất cả tấm lòng để chọn sự tốt, chọn sự “tốt tối cao”, đó là chọn Chúa. Ta càng làm điều tốt, ta càng là người tự do. → 51
“Người nào phó mình hoàn toàn trong tay Chúa, họ không trở nên con búp bê của Chúa, không trở nên người khắc khổ hay chỉ theo thời, họ cũng không mất tự do. Chỉ có người phó thác mình trọn vẹn cho Thiên Chúa mới có tự do đích thực, tự do sáng tạo vô hạn để làm điều thiện. Người hướng về Thiên Chúa không ra nhỏ bé hơn, nhưng cao cả hơn, vì nhờ Chúa và với Chúa mà họ nên cao cả, nên linh thiêng, nên thực sự là chính mình.” - Đức Bênêđictô XVI, 2005
“Tự do là làm chủ được chính mình.” - Henri-Dominique Lacordaire (1802-1861)
“Các vị tử đạo thời Hội Thánh sơ khởi đã chết vì tin vào Thiên Chúa được tỏ mình ra trong Chúa Giêsu Kitô, và thực ra các ngài cũng chết vì sự tự do lương tâm và vì sự tự do tuyên xưng đức tin riêng của họ - một sự tự do được tuyên xưng đức tin mà không Nhà Nước nào có thể cướp lấy. Vị tử đạo cũng chỉ có thể tuyên xưng đức tin nhờ ơn Chúa soi sáng cho tự do của lương tâm mình. Một Hội Thánh truyền giáo ý thức rằng mình được trao cho bổn phận rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc, phải tuyệt đối dấn thân để bảo vệ quyền tự do tôn giáo.” - Đức Bênêđictô XVI, 22-12-2005
287. Ta có thể chọn sự xấu, có phải đó là ta có tự do không?
- Sự xấu chỉ làm người ta thèm thuồng ở bề ngoài mà thôi. Chọn sự xấu cũng chỉ làm cho người ta tự do ở bề ngoài mà thôi. Sự xấu không làm cho ta hạnh phúc, nhưng thực ra nó tước đoạt điều tốt lành thật của ta. Nó xiềng xích ta lại với cái vô bổ và cuối cùng tiêu huỷ hoàn toàn tự do của ta. [1730-1733,1743-1744]
– Điều này có thể được nghiệm thấy qua các “lối sống gây nguy hại cho sức khoẻ” như: bán tự do để mua một cái gì có vẻ tốt cho mình, nhưng thực ra chỉ là nô lệ nó. Chỉ khi nào ta có thể nói đồng ý với sự tốt lành; và khi ta không bị lệ thuộc, không bị cưỡng ép, không bị thói quen ngăn cản chọn lựa; và khi làm những gì là chính đáng và tốt lành, thì ta mới tự do hơn. Quyết định làm theo điều tốt luôn luôn là quyết định vâng theo ý Chúa. → 51
“Người tốt thì tự do, dầu họ là nô lệ. Người xấu là nô lệ, dầu họ là vua.” - Thánh Augustinô
288. Người ta có trách nhiệm về mọi việc mình làm không?
- Người ta có trách nhiệm về mọi việc mình làm khi người ta có ý thức, có tự do và có ý muốn. [1734-1737, 1745-1746]
– Người ta không thể (hoàn toàn) quy trách nhiệm về hành vi của một người nếu họ bị bó buộc làm, vì sợ, vì không biết, vì ma túy, hoặc do thói quen xấu. Càng biết việc tốt, càng tập luyện để hoàn thành việc tốt, người ta càng tránh xa không làm nô lệ của tội lỗi (Rm 6,17; 1 Cr 7,22). Thiên Chúa mơ ước những người tự do cảm thấy mình có trách nhiệm về mình, về người thân cận mình và về cả trái đất. Nhưng tất cả lòng thương xót Chúa cũng quan tâm tới những người bị lệ thuộc, hàng ngày người đề nghị với họ tự giải thoát mình và bước đi tới tự do.
“Con đường dẫn tới mục đích, bắt đầu khi bạn đảm nhận trách nhiệm hoàn toàn về các hành vi của bạn.” - Dante Alighieri (1265-1321, triết gia, thi sĩ Ý)
289. Ta có được cứ để cho một người dùng tự do theo ý họ, dù họ chọn làm điều xấu không?
- Sử dụng quyền tự do là quyền căn bản của con người, dựa trên phẩm giá con người của họ. Tự do cá nhân chỉ có thể bị ngăn cản hoặc giảm bớt, khi họ dùng tự do của mình gây bất lợi cho tự do của người khác. [1738-1740]
– Tự do sẽ không còn là tự do nếu nó không cho phép ta tự ý chọn lựa dù là chọn điều sai lầm. Không tôn trọng tự do của một người là làm tổn thương phẩm giá con người của họ. Một trong các bổn phận của Nhà Nước là đảm bảo các quyền tự do của tất cả mọi công dân (tự do tôn giáo, tự do tụ tập và hội họp, tự do phát biểu, lao động…). Tự do của một người dừng lại khi có tự do của người khác bắt đầu. Tuy nhiên, việc tôn trọng người khác cũng đòi phải hành động với tình yêu, khôn ngoan, kiên nhẫn, đối với những người bị lầm lạc, và đòi phải diễn tả sự thật của Chúa Kitô trong chừng mực có thể.
290. Thiên Chúa giúp ta thành người “tự do” thế nào?
- Chúa Kitô muốn ta “được tự do đích thực" (Gl 5,1) và có thể thực hiện tình bác ái huynh đệ. Vì thế, Người đã sai Chúa Thánh Thần đến làm cho ta tự do, được giải thoát khỏi quyền lực đời này, và thêm sức cho ta sống trong tình yêu và trách nhiệm. [1739-1742, 1748]
– Ta càng phạm tội, ta càng chỉ nghĩ đến mình, ta càng khó mà phát triển nên người tự do. Khi ta trao phó mình cho tội lỗi, ta không còn làm điều tốt được nữa và không sống yêu thương được, Chúa Thánh Thần đến trong lòng ta để ban cho ta một trái tim đầy tình mến Chúa yêu người. Ta nhận thấy Chúa Thánh Thần như sức mạnh dẫn đến tự do nội tâm, để cởi mở ra với tình yêu và biến đổi ta thành dụng cụ luôn luôn thích hợp để chu toàn việc tốt và yêu thương. → 120, 310 – 311
📕 Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên, “Abba! Cha ơi!”. Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. - Rm 8,15-16
“Trong thế giới này đầy những tự do giả tạo phá hủy môi trường và con người; ta muốn cùng nhau nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần học biết về tự do thật sự, tạo lập những trường dạy tự do, chứng tỏ cho những người khác bằng chính đời sống mình là chúng ta tự do, và nếu ta thực sự có tự do đích thật của con cái Thiên Chúa thì tốt đẹp chừng nào.” - Đức Bênêđictô XVI, Lễ Hiện Xuống 2006
291. Làm sao một người có thể phân biệt được hành động của mình tốt hay xấu?
- Người ta có thể phân biệt hành động của mình tốt hay xấu nhờ họ có lý trí và lương tâm, hai cái đó giúp họ phán đoán rõ ràng. [1749-1754,1757-1758]
– Ba yếu tố có thể hướng dẫn ta phân biệt hành động tốt và xấu: (1) Điều tôi làm phải là tốt; có ý muốn tốt không đủ. Ăn trộm ở ngân hàng luôn luôn là nặng, mặc dầu tôi ăn trộm có ý để giúp người nghèo. (2) Dầu điều tôi làm là tốt, nhưng toàn bộ hành động là xấu nếu tôi hoàn thành nó vì ý xấu. Thí dụ: nếu tôi tiễn đưa một bà già về tận nhà, đó là việc tốt. Nhưng nếu tôi chỉ làm có ý để lần sau ăn cắp, tất cả công việc của tôi là xấu. (3) Hoàn cảnh khi tôi làm có thể giảm bớt trách nhiệm, nhưng không thay đổi gì tính cách tốt xấu của hành động. Đánh mẹ mình luôn luôn là xấu, dù người mẹ không có tỏ tình yêu thương bao giờ. → 295 – 297
“Có cái tốt mà không chứa gì xấu; nhưng không cái gì xấu mà không có cái tốt.” - Thánh Tôma Aquinô
292. Người ta có thể làm việc xấu để sinh ra kết quả tốt không?
- Không. Không bao giờ ta được tự ý làm việc xấu hoặc dung thứ cho việc xấu, để có kết quả tốt. Nhưng nếu xảy ra là không thể có giải pháp nào khác, thì hãy tránh cái xấu lớn, và chọn cái xấu nhỏ nhất. [1755-1756, 1759-1761]
– Mục đích không biện bạch cho phương tiện. Thật là sai lầm khi dùng phôi thai để nghiên cứu về các tế bào gốc, dù có thể nhờ đó làm cho y học tiến bộ. Cũng thật là sai lầm khi muốn “giúp đỡ” nạn nhân bị hiếp dâm bằng cách giúp họ phá thai.
“Ai muốn làm việc tốt thực sự phải muốn làm tất cả với mục đích tốt lành, hoặc muốn chịu đựng tất cả vì mục đích tốt lành.” - Soren Kierkegaard
293. Tại sao Thiên Chúa cho ta có “đam mê” hoặc “cảm xúc”?
- Các đam mê thúc đẩy ta bằng những xúc động mạnh mẽ và những cảm xúc riêng biệt để ta có thể làm điều phải, điều thiện, và chống lại điều dữ, điều xấu. [1762-1766, 1771-1772]
– Con người được Thiên Chúa tạo dựng: có thể yêu thương hay chê ghét, họ bị lôi cuốn bởi một số việc và họ sợ những việc khác, họ có thể đầy vui sướng, buồn phiền, giận dữ. Trong đáy lòng, họ luôn yêu cái tốt và ghét cái xấu - hoặc cái mà họ cho là như thế.
“Hãy kiên nhẫn trong mọi sự nhất là kiên nhẫn với chính bản thân bạn.” - Thánh Phanxicô Salêsiô
294. Ta thấy mình có những đam mê mạnh mẽ thì ta có tội không?
- Không, đam mê có thể là những gì rất quí giá. Nó được coi như dẫn tới và làm cho những việc tốt hiệu quả hơn. Chỉ khi nào đam mê trở nên vô trật tự, nó mới đưa tới sự dữ. [1767-1770, 1773-1775]
– Các đam mê được hướng tới cái tốt thì trở thành nhân đức. Lúc đó chúng là trung gian dẫn tới đời sống tranh đấu để tìm kiếm yêu thương và công chính. Người ta gọi nết xấu là cái đam mê nào thống trị để cướp lấy tự do của con người và lôi kéo họ vào đàng xấu.
“Nhân đức chính là cái người ta làm vì đam mê; nết xấu là cái mà vì đam mê mà người ta không ngăn cản được mình làm.” - Thánh Augustinô
295. Lương tâm là gì?
- Lương tâm là tiếng nói bên trong con người, ra lệnh cho ta làm điều thiện trong bất cứ hoàn cảnh nào và tránh điều dữ bằng mọi cách. Đồng thời, lương tâm là khả năng phân biệt điều thiện với điều dữ. Thiên Chúa nói với ta qua tiếng lương tâm. [1776-1779]
– Lương tâm được so sánh như một tiếng ở nội tâm mà Thiên Chúa bày tỏ cho con người. Chính Thiên Chúa được ta nhận ra trong lương tâm ta. Nói rằng: “Điều đó không thỏa thuận với lương tâm tôi”, đối với một Kitô hữu có nghĩa là “Tôi không thể làm được trước mặt Đấng tạo dựng tôi”. Vì trung thành với lương tâm, nhiều người đã phải chịu tù đầy và còn phải chịu chết nữa. → 120, 290 – 292, 312, 333
✠ Lương tâm là trung tâm sâu kín nhất của con người. Là cung thánh mà con người ở một mình với Thiên Chúa, và nghe được tiếng Thiên Chúa. Công đồng Vatican II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 16.
“Bất cứ việc gì ta làm trái với lương tâm đều là tội.” - Thánh Tôma Aquinô
“Đây là thời ta phải làm một việc gì. Nhưng ai dám làm điều gì thì phải ý thức rằng họ chắc chắn sẽ đi vào lịch sử như một người phản bội. Tuy nhiên, nếu họ không làm gì cả, họ sẽ là người phản bội chính lương tâm họ.” - Claus Von Stauffenberg (1907–1944)
296. Ta có thể ép buộc ai làm gì trái với lương tâm mình không?
- Không ai bị bắt buộc hành động trái với lương tâm mình, vì họ hành động cho ích chung. [1780-1782, 1798]
– Người nào coi khinh lương tâm người khác, không biết tới hoặc bó buộc lương tâm của họ, là người xúc phạm phẩm giá của họ: không có gì mang bản chất con người hơn là khả năng phân biệt tốt xấu, và có thể chọn lựa. Điều này là đúng, dù khách quan quyết định là sai. Nếu lương tâm được huấn luyện tốt, thì tiếng bên trong sẽ nói phù hợp với những gì được mọi người cho là hợp lý, chính đáng và tốt lành trước Thiên Chúa.
297. Ta có thể huấn luyện lương tâm mình không?
- Có. Cần phải tự huấn luyện lương tâm mình. Lương tâm được Chúa phú bẩm trong thâm sâu của mọi người có lý trí, nó có thể bị lừa hay bị chết, vì vậy cần được điều chỉnh sao cho nó biết hành động tốt, biết phán đoán, biết đánh giá cách tế nhị, chính xác công việc phải làm [1783-1788,1799-1800].
– Trường dạy giáo dục lương tâm đầu tiên là tự phê bình. Con người chúng ta có khuynh hướng phán đoán luôn có lợi cho mình. Trường dạy thứ hai là tự mình quy hướng tới hành động tốt của người khác. Lương tâm được huấn luyện tốt dẫn đưa con người đến tự do làm việc tốt mà họ nhận ra là đúng. Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và Kinh Thánh, Hội Thánh suốt dòng lịch sử đã thu thập nhiều dữ kiện về hành vi luân lý tốt; Hội Thánh có sứ vụ giảng dạy cho mọi người và cũng ban cho họ những hướng dẫn. → 344
“Nếu ta tự cảm thấy có trách nhiệm khi ta hổ thẹn hoặc run sợ vì đã không theo tiếng lương tâm, thì điều đó chứng minh rằng có ai ở đó mà ta có trách nhiệm đối với người đó; trước mặt người ấy ta hổ thẹn và sợ bị quở trách.” - Hồng y John Henry Newman
“Theo lý luận, tất cả những gì có liên quan đến luân lý, cuối cùng cũng sẽ chuyển sang thần học, và không chuyển sang những tuỳ tiện của thế gian.” - Max Horkheimer (1895-1973, triết gia và nhà xã hội học Đức)
298. Người làm điều xấu nhưng theo lương tâm ngay thẳng thì có tội trước mặt Chúa không?
- Không. Nếu ai đã xét mình và phán đoán đúng, họ phải theo tiếng lương tâm mình, dù không may họ làm sai. [1790-1794,1801-1802]
– Thiên Chúa không thể quy các hậu quả xấu cho ta vì một sai lầm vô tình do lương tâm phán đoán. Dù thực sự là phải luôn theo lương tâm, ta không nên quên rằng ta thường hay bóp méo các sự việc, giết chết, xuyên tạc, lừa gạt bằng cách viện dẫn các quyền của lương tâm để lạm dụng.
299. Nhân đức nghĩa là gì?
- Nhân đức là khuynh hướng bên trong, một thói quen tích cực, một đam mê để làm việc lành. [1803,1833]
– “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em là đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48) Điều đó có nghĩa là ta phải luôn biến đổi để tiến bước trên đường về với Chúa. Với sức loài người ta chỉ có thể tiến chút đỉnh thôi. Thiên Chúa tăng cường các nhân đức nhân bản bằng ân sủng Người, và ngoài ra Người còn ban cho ta những nhân đức đối thần, giúp ta gần gũi với Chúa và sống an bình trong ánh sáng của Người. → 293-294
📕 Phúc cho ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được thoả lòng. - Mt 5,6
“Sống tốt chẳng qua chỉ là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và bằng tất cả hành động. Đó là dành cho Người một tình yêu toàn vẹn (nhờ đức tiết độ) mà không một tai họa nào có thể lay chuyển (liên quan đến đức can đảm) chỉ vâng lời Chúa mà thôi (là đức công bằng) và quan tâm phân định mọi sự để khỏi bị bất ngờ do mưu mô dối trá (đây là liên quan đến đức khôn ngoan).” - Thánh Augustinô
300. Tại sao ta phải tập luyện tư cách?
- Ta phải cố gắng tập luyện để làm việc lành một cách dễ dàng, tự do và vui vẻ. Trước tiên, phải có một đức tin vững chắc nơi Chúa, Đấng sẽ giúp ta, nhưng cũng phải thực hành các nhân đức, nghĩa là, phải xin ơn Chúa, phát triển nơi ta, khả năng vận dụng lý trí và lòng muốn ngày càng liên tục kiên quyết hướng tới các việc lành, không để ta buông mình theo các đam mê hỗn loạn. [1804-1805, 1810-1811, 1834-1839]
– Các nhân đức chính là : khôn ngoan, công bằng, can đảm, tiết độ. Người ta cũng gọi là các nhân đức căn bản.
“Đừng sợ rằng đời bạn chấm dứt nay mai. Đúng hơn phải sợ mình quên bắt đầu lại cho đúng đắn hơn.” - Hồng y Newman
301. Làm sao để được khôn ngoan?
- Người ta nên khôn ngoan nhờ học biết phân biệt cái gì chính yếu cái gì không chính yếu, đặt cái đích tốt cho đúng và chọn phương tiện tốt nhất để đạt đích. [1806-1835]
– Nhân đức khôn ngoan hướng dẫn tất cả các nhân đức khác. Vì khôn ngoan là khả năng phân định cái gì là đúng. Nếu muốn sống một đời có đạo đức tốt, cần phải biết đâu là “cái tốt đích thật” và nó có giá trị gì. Như anh lái buôn trong Tin Mừng: khi gặp được viên ngọc quý, anh bán hết mọi cái anh có để mua cho được (Mt 13,46). Phải khôn ngoan trước hết để sau đó biết vận dụng đức công bằng, đức can đảm và đức tiết độ để hoàn thành “cái tốt”.
“Khôn ngoan có 2 mắt: một thấy trước điều phải làm, một xem lại điều đã làm.” - Thánh Ignaxiô Loyôla
302. Người công bằng là người thế nào?
- Người hành động công bình là người luôn luôn chắc chắn trả cho Thiên Chúa cái gì của Thiên Chúa, trả cho tha nhân cái gì của tha nhân. [1807-1836]
– Để diễn tả công bằng có câu: “Hãy trả cho người ta cái gì là của họ”. Tương lai của một em bé khuyết tật và của một em bé có khả năng dư dật cần phải được xem xét khác nhau, để tôn trọng những quyền lợi của mỗi em. Đức công bằng cố gắng tìm sự quân bình và quan tâm để mọi người đều nhận được cái họ cần được. Đức công bình cũng cốt tại dâng cho Thiên Chúa cái gì là của Thiên Chúa, nghĩa là tình yêu và lòng tôn thờ của ta.
“Công bằng mà không thương xót là không yêu thương, thương xót mà không công bằng là giảm giá cả hai.” - Friedrich Von Bodelschwingh (1831–1910, mục sư Tin Lành Đức và thần học gia)
303. Người can đảm là người thế nào?
- Là người khi nhận ra điều tốt, thì luôn mạnh dạn bảo vệ, dù tới cuối cùng họ có phải hy sinh tính mạng mình. [1809-1837] → 295
📕 Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăn đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. - 2 Tm 4,2
“Người can đảm, dù may hay rủi cũng coi như tay phải và tay trái, họ dùng cả hai.” - Thánh nữ Catarina Siena
304. Tại sao tiết độ là nhân đức?
- Sống chừng mực hay giữ tiết độ là nhân đức vì sự vô độ trong mọi lãnh vực đều là sức mạnh hủy diệt. [1809-1838]
– Người sống không tiết độ thì buông mình theo các bản năng, gây tổn thương cho người khác do những ước muốn vô độ và làm hại cho cả chính mình.Trong Tân Ước, đức tiết độ được gọi là “điều độ” hay “điều hoà”.
📕 Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. - Tt 2,11-12
305. Ba nhân đức đối với Thiên Chúa là những nhân đức nào?
- Là đức tin, đức cậy, đức mến. Chúng được gọi là “đối thần”, vì chúng có nền tảng trong Thiên Chúa, và trực tiếp hướng về Thiên Chúa. Ta có thể nhờ 3 đức này như con đường trực tiếp đạt tới Thiên Chúa. [1812-1813, 1840]
📕 Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. - 1 Cr. 13,13
306. Tại sao tin, cậy, mến là nhân đức?
- Vì là những sức mạnh thực sự được Chúa ban, và nhờ ơn Chúa giúp, ta có thể gia tăng và củng cố để đạt được sự sống sung mãn (Ga 10,10). [1812-1813, 1840-1841]
📕 Thiên Chúa là tình yêu: ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong họ. - 1 Ga 4,16
307. Đức tin là gì?
- Là nhân đức giúp ta đi lên tới Thiên Chúa, trông cậy ở Thiên Chúa, nhận biết sự thật của Người, và hiến thân mình cho Người.
– Đức tin là con đường Thiên Chúa làm để dẫn ta đến sự thật, là chính Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6), đức tin không thể chỉ là một thái độ đơn thuần, một “tin tưởng” vào sự gì đó. Một đàng đức tin bao gồm những dữ kiện chính xác: Hội Thánh tuyên xưng trong kinh Tin Kính, và có trách nhiệm gìn giữ. Ai đón nhận ơn đức tin, nghĩa là muốn tin, thì tự mình tuyên bố theo đức tin đã được trung thành gìn giữ qua mọi thời và mọi nền văn hóa. Đàng khác, tin cũng là dấn thân vào một quan hệ cậy trông với Chúa, hết lòng hết trí khôn, hết sức lực hữu hình của mình. Vì điều quan trọng là “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6). Không phải qua những lời nói hay mà ta biết người nào tin Chúa thật, nhưng là xem các hành động tình yêu của họ.
📕 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. - Ga 14,12
📕 Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. - 1 Ga 2,4
📕 Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. - Mt 10,32.33
308. Đức cậy là gì?
- Là nhân đức giúp ta chắc chắn và bền lòng mong ước điều ta phải làm ở đời này là ca tụng Chúa, phụng sự Chúa, và tìm hạnh phúc thật trong Chúa. Bởi vì chỗ ở cuối cùng của ta là ở nơi Thiên Chúa. [1817-1821,1843]
– Dù ta chưa thấy, đức cậy là trông mong những gì Thiên Chúa đã hứa do Tạo dựng, do các tiên tri, nhất là do Chúa Kitô. Thánh Thần của Thiên Chúa được ban cho ta để ta trông cậy vững vàng vào điều tốt chân thật. → 1 – 3
“Trông cậy là tin vào cuộc phiêu lưu của tình yêu, tin vào mọi người, nhảy vào chỗ mình chưa biết và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa.” - Thánh Augustinô
“Bạn sẽ có ấn tượng rằng chỗ ở trên trời được dành cho bạn, cho mình bạn thôi, bởi vì bạn đã được tạo dựng cho chỗ đó.” - C.S. Lewis
309. Đức mến là gì?
- Là nhân đức giúp ta, có thể hiến mình cho Chúa để kết hợp với Người, và yêu mến tha nhân không điều kiện và chân thành, vì yêu Chúa là Đấng đã yêu ta trước. [1822-1824, 1844]
– Chúa Giêsu đặt đức ái lên trên tất cả các lề luật một cách rất mạnh mẽ. Nói đúng ra Thánh Augustinô dạy: “Cứ yêu và làm điều bạn muốn”. Nhưng không phải chỉ đơn giản thế đâu. Đức ái là nghị lực lớn nhất trong các nghị lực, vì thế đức ái làm cho mọi nhân đức khác có hồn, và đổ đầy sự sống thần linh vào các nhân đức ấy.
📕 Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. - 1 Cr 13,2
“Đức ái là một nhân đức tuyệt vời. Đức ái vừa là phương tiện vừa là mục đích, vừa là chuyển động vừa là đích tới, là con đường dẫn tới chính mình. Phải làm gì để yêu mến? Không cần phải những mưu mẹo nào khác, chỉ cần yêu mến cách đơn giản thế thôi: như người ta học đàn bằng cách đánh đàn, học khiêu vũ bằng cách khiêu vũ.” - Thánh Phanxicô Salêsiô
“Đối với những ai yêu mến, Thiên Chúa biến đổi tất cả thành tốt; ngay cả những sai lầm và tội lỗi của họ Thiên Chúa cũng biến đổi chúng thành tốt.” - Thánh Augustinô
310. Bảy ơn Chúa Thánh Thần là những ơn nào?
- Bảy ơn Chúa Thánh Thần là: 1. ơn khôn ngoan; 2. ơn thông minh; 3. ơn cố vấn; 4. ơn sức mạnh; 5. ơn hiểu biết; 6. ơn đạo đức; 7. ơn kính sợ Chúa. Đức Chúa Thánh Thần ban cho các tín hữu những ơn này để họ được trở nên những dụng cụ đặc biệt của Chúa ở đời này. [1830-1831,1845]
– Thánh Phaolô viết: “Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ” (1 Cr 12,8-10) → 113 – 120
311. Hoa trái của Chúa Thánh Thần là gì?
- 12 hoa trái của Chúa Thánh Thần là bác ái, vui vẻ, bình an, nhẫn nhục, tử tế, tốt lành, quảng đại, nhã nhặn, trung tín, tiết độ, tự chế, thanh sạch (Gl 5,22-23). [1832]
– Việc liệt kê các hoa quả của Chúa Thánh Thần chứng tỏ rằng những ai để cho Chúa bắt lấy, dẫn đi, huấn luyện thì sẽ đi tới đâu. Các hoa quả của Chúa Thánh Thần chứng minh rằng Thiên Chúa có vai trò quan trọng trong đời sống Kitô hữu. → 120
“Hãy rút ra sức mạnh từ niềm vui được ở với Chúa Giêsu. Hãy vui sướng và bình an. Hãy đón nhận bất cứ cái gì Chúa ban, và cho đi bất cứ cái gì Chúa lấy, với một nụ cười lớn.” - Mẹ Têrêsa Calcutta
312. Làm sao ta biết được mình là kẻ tội lỗi?
- Ta biết mình tội lỗi nhờ tiếng lương tâm kết án ta và thúc giục ta xưng thú những lỗi ta phạm đến Chúa. [1797,1848] → 229, 295-298
📕 Nếu chúng ta nói rằng chúng ta không có tội là chúng ta dối gạt mình, và sự thật không có trong chúng ta. - 1 Ga 1,8
313. Tại sao tội nhân phải hướng về Chúa để xin ơn tha thứ?
- Vì mọi tội đều phá hủy, che khuất và từ chối những gì tốt lành. Còn Thiên Chúa gồm mọi sự lành và là tác giả mọi sự lành. Vì thế mọi thứ tội đều là phản nghịch Chúa, nên phải về cùng Chúa để làm lại cuộc đời. [1847] → 224-239
📕 Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. - 1 Ga 1,9
314. Làm sao ta biết Thiên Chúa là Đấng Thương xót?
- Trong Kinh Thánh có nhiều đoạn nói về lòng thương xót Chúa, đặc biệt đoạn về “người cha thương xót” (Lc 15). Ông đã đi đón đứa con phung phá, đón nhận nó vô điều kiện, đã làm tiệc mừng khi nó về, và cho hòa giải với ông. [1846, 1870]
– Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói qua miệng tiên tri Êdêkien: Ta không vui thích gì cái chết của kẻ xấu, nhưng vui thích kẻ xấu hối cải thay đổi lối sống để được sống (Ed 33,11). Chúa Giêsu được sai đến với các chiên lạc nhà Israel (Mt 5,24), và Người biết rằng không phải những người khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, nhưng là các bệnh nhân (Mt 9,12). Vì thế, Người ăn uống với người thu thuế và tội lỗi, trước khi Người chỉ rõ về chính cái chết của Người: Đây là Máu Thầy, Máu giao ước, sẽ đổ ra cho nhiều người để tha tội (Mt 26,28). → 227, 524
📕 Nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. - 1 Ga 3,20
“Bên cạnh lòng thương xót Chúa, không còn nguồn nào khác để loài người trông cậy.” - Chân phước Gioan Phaolô II
“Đừng bao giờ nghi ngờ lòng thương xót Chúa.” - Thánh nữ Benedict Nursia
“Nhiều người nói: "Tôi đã làm nhiều điều xấu xa độc ác, Chúa chẳng còn tha cho tôi". Đó là sự phạm thượng rõ ràng, nó đặt giới hạn cho lòng thương xót Chúa, nhưng không đúng, Chúa thương xót vô cùng. Không có gì xúc phạm đến Chúa bằng nghi ngờ lòng thương xót Người.” - Thánh Gioan Vianney
315. Tội là gì?
- Tội là tư tưởng, lời nói, việc làm, người ta tự ý và cố tình phạm đến trật tự Chúa quan phòng yêu thương đã sắp đặt. [1849-1851,1871-1872]
– Phạm tội còn tệ hơn là vi phạm một luật do con người đặt ra. Tội là tự ý và cố tình chống lại tình yêu Chúa và không biết gì đến Chúa. Như thế “tội là yêu mình đến khinh Chúa” (Thánh Augustinô), và trong những trường hợp cực độ, thụ tạo tội lỗi dám nói: “Tôi muốn là như Thiên Chúa” (x. St 3,5). Tội thì đầy tính xúc phạm, làm tổn thương, phá hoại ta do hậu quả của nó, làm đầu độc và tác hại đến cả những gì quanh ta. Chỉ sống gần gũi với Chúa ta mới có thể nhận ra bộ mặt thật của tội và tính cách nặng nề của nó. → 67, 224 – 239
“Chỉ có ai suy gẫm cách nghiêm minh thánh giá nặng nề như thế nào, mới hiểu được tội nặng ghê gớm ra sao.” - Thánh Ansel Cantebury
316. Làm sao phân biệt tội nặng với tội nhẹ?
- Tội nặng cắt đứt mối quan hệ tình yêu Chúa trong lòng ta, không còn tình yêu Chúa, không thể có hạnh phúc đời đời. Tội nhẹ chỉ làm tổn thương mối quan hệ với Chúa, tình yêu Chúa vẫn còn. [1852-1861,1874]
– Một tội nặng cắt đứt con người với Thiên Chúa. Một tội như thế có thật, nếu nó phạm đến một giá trị quan trọng, nếu nó nổi lên chống lại sự sống hoặc chống lại chính Thiên Chúa (chẳng hạn giết người, phạm thượng chống lại Thiên Chúa, ngoại tình…) và nếu được phạm khi biết đầy đủ và ưng thuận hoàn toàn. Tội nhẹ liên quan đến những giá trị đứng sau các giá trị đã kể ở trước đây (danh dự, sự thật, tài sản…) hoặc là đã phạm mà không hiểu biết đầy đủ về giá trị của nó, và không hoàn toàn ưng thuận. Những tội này làm xáo trộn quan hệ với Thiên Chúa nhưng không cắt đứt.
“Tôi vừa làm ra một thứ tro đắt giá vì tôi đã đốt giấy bạc 500 tiền franc. Ồ, việc đó không tệ bằng, nếu tôi phạm một tội nhẹ.” - Thánh Gioan Vianney
317. Làm thế nào người phạm tội nặng có thể nối kết lại với Chúa được?
- Họ có thể làm hoà với Chúa nhờ bí tích sám hối và hòa giải [1856] → 224-239
“Nếu trong Hội Thánh không có việc tha tội, sẽ không có hi vọng được sống đời đời, và được giải thoát đời đời. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã ban cho Hội Thánh ơn lớn lao dường ấy.” - Thánh Augustinô
318. Thói xấu là gì?
- Là những thói quen không lành mạnh làm cho lương tâm ra lu mờ và đần độn khiến con người hướng chiều về sự dữ, và quen dần với tội lỗi. [1865-1867]
– Thói xấu của con người có thể gán vào các tội làm đầu: kiêu ngạo, hà tiện, hờn giận, ghen ghét, xa hoa, mê ăn uống, lười biếng trễ nải.
“Nhân đức cũng như thói xấu đều nằm trong quyền hạn của ta. Bởi vì hành động thuộc quyền hạn của ta, nên hành động xấu cũng thuộc quyền hạn ta, ở đâu có “không” thì ở đó cũng có “có”.” - Aristote (382–322 trước công nguyên, triết gia)
319. Ta có trách nhiệm về tội của người khác không?
- Không. Ta không mang trách nhiệm về tội của người khác, trừ khi ta hướng dẫn sai hoặc dụ dỗ người khác phạm tội, khuyến khích ai phạm tội, cẩu thả không nhắc nhớ, không giúp ai tránh phạm tội (hiểu là khi có bổn phận). [1868]
320. Có cơ cấu tội lỗi không?
- Tội luôn luôn là hành vi của một cá nhân đã làm điều xấu với ý thức và tự ý. Thực sự cơ cấu tội lỗi chỉ có theo nghĩa bóng mà thôi. [1869]
– Tuy nhiên, có những cơ cấu xã hội và những thể chế nghịch với điều răn của Thiên Chúa đến nỗi phải kể là “những cơ cấu tội lỗi”, chúng thật ra là hậu quả của tội các cá nhân (độc tài, phát xí…).
Chương 2: Cộng đồng nhân loại (321 - 342)
321. Một Kitô hữu có phải là một cá nhân thuần tuý không?
- Không, một Kitô hữu không bao giờ được là một cá nhân thuần túy vì con người tự bản tính được dựng nên để sống trong xã hội. [1877-1880,1890-1891]
– Mọi người đều có một cha một mẹ; họ nhận sự giúp đỡ của người khác, và họ có bổn phận giúp đỡ người khác và dùng tài năng của mình phục vụ mọi người. Vì con người là “hình ảnh” của Thiên Chúa, nên một cách nào đó họ là phản ảnh của Thiên Chúa, Đấng không đơn độc nhưng Đấng là Ba Ngôi vị (do đó có sự sống, tình yêu, đối thoại, và trao đổi). Thực ra, chính yêu thương là điều răn trung tâm của tất cả các Kitô hữu, nhờ yêu thương mà tận thâm tâm ta, ta hiệp nhất người này với người khác, và tự căn bản ta được tạo dựng cốt để sống người này cho người khác: “Ngươi phải yêu thương người thân cận ngươi như chính mình ngươi.” (Mt 22,39)
“Dù bạn không sợ ngã một mình, bạn có nghĩ rằng bạn sẽ chỗi dậy một mình không? Hãy biết rằng: Hai người với nhau có thể làm nhiều hơn một.” - Thánh Gioan Thánh Giá
322. Xã hội hay cá nhân bên nào quan trọng hơn?
- Trước mặt Chúa, con người với tư cách là cá nhân được xếp trước, sau đó mới là con người với tư cách là thành phần của xã hội. [1881,1882]
– Xã hội không bao giờ được kể là hơn cá nhân. Không bao giờ được coi con người như phương tiện để đạt mục đích của xã hội. Tuy nhiên một số xã hội như là gia đình hoặc Nhà Nước đều cần cho con người; chúng cũng phù hợp với bản tính con người.
“Mỗi người chúng ta là kết quả tư tưởng của Thiên Chúa. Mỗi người được Chúa muốn, được Chúa yêu. Mỗi người chúng ta đều có địa vị của mình.” - Đức Bênêđictô XVI
323. Trong xã hội, cá nhân có thể được tự do phát triển như thế nào?
- Cá nhân chỉ được phát triển tự do trong xã hội, nếu biết tôn trọng “nguyên tắc bổ trợ”. [1883-1885,1894]
– Học thuyết Xã hội của Hội Thánh đã thảo ra một nguyên tắc bổ trợ: điều mà một người có thể tự mình làm thì cấp cao hơn không được làm. Theo nguyên tắc này cấp trên không được cướp lấy khả năng của con người. Một xã hội cấp trên không được đảm nhận những nhiệm vụ của một xã hội cấp dưới, làm cho nó mất khả năng thực hiện. Nhiệm vụ xã hội cấp trên đúng hơn là can thiệp “để bổ trợ”, để giúp thêm khi cần thiết.
“Ân huệ lớn mà con người có thể có được dưới vòm trời là được sống tốt với những người mà họ cũng là người như mọi người.” - Chân phước Egide Assisi (? – 1262, bạn của Thánh Phanxicô Assisi)
324. Xã hội nên dựa trên nguyên tắc nào?
- Mọi xã hội nên dựa trên “hệ thống các giá trị”, nghĩa là đặt nền tảng trên công bằng, bác ái. [1886-1889,1895-1896]
– Không xã hội nào đứng vững lâu nếu không dựa vào hệ thống các giá trị bảo đảm cho một trật tự chính đáng trong các quan hệ giữa loài người và làm thăng tiến công bằng. Vì thế con người không bao giờ được coi như là phương tiện nhằm đạt được các hoạt động của xã hội. Tất cả mọi xã hội phải kiên trì từ chối những cơ cấu bất công. Xét cho cùng chỉ có đức ái mới có thể đạt được, đức ái là điều răn lớn nhất về xã hội. Đức ái tôn trọng người khác, đòi hỏi phải công bằng. Chỉ đức ái mới cản trở được những quan hệ xã hội xấu xa. → 449
✠ Học thuyết Xã hội của Hội Thánh là giáo huấn của Hội Thánh tổ chức đời sống xã hội và về việc tôn trọng công bằng cá nhân cũng như xã hội. Nó gồm bốn nguyên tắc chính: phẩm giá con người, công ích, tính liên đới, và sự bổ trợ.
“Công bằng hôm nay là bác ái hôm qua; bác ái hôm nay là công bằng ngày mai.” - Chân phước Etienne Michel Gillet (1758–1792, linh mục tử đạo)
“Hội Thánh đánh giá hệ thống dân chủ là hệ thống bảo đảm cho các công dân tham gia việc chọn lựa chính trị, và bảo đảm cho người chịu cai trị khả năng chọn lựa và kiểm soát những nhà cai trị, hoặc khả năng thay thế các nhà cai trị một cách hòa bình, khi công việc đó thuận tiện.” - Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp bách Chu Niên
325. Quyền bính trong xã hội nên dựa trên căn bản nào?
- Mọi xã hội đều cần để trật tự, sự nối kết và phát triển của mình được đòi hỏi và bảo đảm bởi một quyền bính hợp pháp. Sự cần có một quyền bính này dựa trên bản tính con người được Thiên Chúa tạo dựng [1897-1902, 1918-1919, 1922]
– Chắc chắn không người nào có thể đòi cho mình quyền được thi hành quyền bính trong xã hội nếu không được trao ban cho. Người quản trị và lo tôn trọng hiến pháp phải tùy thuộc vào quyết định của công dân. Hội Thánh không áp đặt một hình thức Nhà Nước nào, nhưng chỉ tuyên bố rằng hình thức đó phải không nghịch với công ích.
📕 Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta. - Cv 5,29
“Không có xã hội nào mà không có cấp xét xử cao nhất.” - Aristote
326. Khi nào gọi là quyền bính hợp pháp?
- Quyền bính gọi là hợp pháp khi nó hành động cho công ích và áp dụng những phương pháp công bằng để đạt đích. [1903-1904,1921]
– Công dân phải có quyền hãnh diện vì được sống trong một “Nhà Nước có pháp quyền” mà các luật đều được chấp nhận cho mọi người về mặt đạo đức. Không ai bị bó buộc vâng theo những luật lệ độc tài hay bất công, hoặc trái với trật tự luân lý tự nhiên. Nếu không, người ta có quyền, có khi có bổn phận phải chống đối.
✠ Công ích. Công ích là điều tốt lành cho hết mọi người. Công ích gồm “toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép một nhóm cũng như mỗi cá nhân của nhóm đạt tới sự hoàn thiện của mình một cách toàn bộ và dễ dàng.” - Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 26
327. Công ích được thực hiện thế nào?
- Công ích được thực hiện khi những quyền lợi nền tảng của con người được tôn trọng, và khi con người được tự do phát triển về trí thức và tôn giáo của mình. Công ích đòi hỏi rằng con người có thể sống trong tự do, hòa bình, yên ổn. Trong thời kỳ toàn cầu hóa ngày nay, công ích phải bao trùm ra cả thế giới để bảo vệ các quyền lợi và bổn phận của cả nhân loại. [1907-1912, 1925, 1927]
– Công ích được tôn trọng khi người ta đặt trọng tâm vào việc lo điều tốt cho mỗi cá nhân và cho những đơn vị nhỏ nhất trong xã hội (chẳng hạn gia đình). Cá nhân hay gia đình đều cần được nâng đỡ và bảo vệ bởi những thể chế chính trị.
“Phải lo công bằng và nhân đạo cho tất cả mọi người.” - Công đồng Vatican II, Phẩm giá Con người
328. Cá nhân có thể góp phần cho công ích thế nào?
- Góp phần cho công ích có nghĩa là đảm nhiệm trách nhiệm đối với người khác. [1913-1912,1925,1927]
– Công ích phải lo công việc của mọi người. Vì thế, trước hết phải lo dấn thân và đảm nhận những trách nhiệm đối với người thân cận mình – gia đình, lối xóm, nghề nghiệp. Cũng cần phải đảm nhận những trách nhiệm xã hội và chính trị. Vì thế mỗi người có trách nhiệm đều có một quyền và luôn có nguy cơ lạm dụng quyền. Do đó con người luôn được mời gọi không ngừng hoán cải và đổi mới, để thi hành việc quan tâm đến người khác trong tinh thần luôn công bằng và bác ái.
📕 Khi ngươi làm việc gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là ngươi làm cho Ta đó. - Mt 25,40
“Không ai có thể nói như Cain «tôi vô trách nhiệm với số phận người em.” - Chân phước Gioan Phaolô II
“Hãy kính trọng tiếng tốt của kẻ thù anh em.” - Thánh Gioan Vianney
“Mọi người phải quan tâm đến sự sống và những phương tiện cần thiết giúp đồng loại sống một đời sống xứng đáng.” - Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 27,1
329. Trong xã hội, làm thế nào để có công bằng xã hội?
- Công bằng xã hội chỉ có được khi phẩm giá mỗi người được tôn trọng, nghĩa là quyền lợi của họ được công nhận và tôn trọng và mỗi người có thể tham gia tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa trong xã hội. [1928-1933, 1943-1944]
– Nền tảng của mọi công bằng là tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, mà Đấng Tạo hóa đã trao cho để bảo vệ, và tất cả mọi người nam nữ ở mọi thời đại trong lịch sử đều là người mắc nợ buộc phải trả theo đúng nghĩa (Đức Gioan Phaolô II, Quan tâm đến xã hội 1987). Từ phẩm giá con người phát sinh trực tiếp ra các quyền của con người mà không một Nhà Nước nào có thể hủy bỏ hoặc thay đổi. Những Nhà Nước hoặc nhà chỉ huy nào dẫm lên các quyền đó đều là các chế độ bất hợp pháp và họ mất quyền bính của họ. Còn về sự hoàn thiện mà xã hội loài người nào cũng khao khát, nó không thể đạt được bằng các luật lệ, nhưng chỉ đạt được bằng tình yêu người thân cận, khi mà hết mọi người không trừ ai “đều coi người khác như “cái tôi thứ hai” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 27,1). → 280
“Tất cả khoa học và nghệ thuật đều tìm kiếm một điều tốt rất lớn, nhưng điều quan trọng hơn tất cả là khoa học chính trị: mục đích tối cao của nó là công bằng; mà công bằng cốt tại thực hiện công ích.” - Aristote
330. Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa thế nào?
- Mọi người bình đẳng trước Thiên Chúa, vì mọi người đều do một Thiên Chúa tạo thành, mọi người là “hình ảnh Chúa”, có linh hồn, biết suy luận, có cùng một Đấng Cứu chuộc. [1934-1935, 1945]
– Vì mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa, nên mỗi người xét như ngôi vị, đều hưởng một phẩm giá như nhau, và mỗi người phải được sử dụng những quyền lợi như nhau. Vì thế mọi hình thức kỳ thị trong xã hội, kỳ thị chủng tộc, giới tính, văn hoá hoặc tôn giáo đều là một bất công không chấp nhận được.
“Con người không thể vừa thờ Chúa và đồng thời khinh dể người thân cận mình, cả hai cách không thể dung hoà được.” - Mahatma Gandhi
“Chúa nói: Ta muốn người này cần người kia, và mọi người là người thừa hành của Ta để phân phát các ơn, các quà tặng, chúng đã nhận được nơi Ta.” - Thánh Catarina Siena
331. Tại sao trong loài người lại có những sự bất bình đẳng?
- Mọi người đều có phẩm giá như nhau, nhưng lại không có những điều kiện sinh sống như nhau. Những bất bình đẳng là do xã hội loài người gây ra và đều nghịch Phúc Âm. Thiên Chúa ban cho con người những ơn phúc và tài năng khác nhau, Chúa mời gọi họ chia sẻ cho nhau. Trong tình bác ái, người này phải chia cho người kia những gì họ còn thiếu thốn. [1936-1938,1946-1947]
– Có một thứ bất bình đẳng giữa con người, không phải do Thiên Chúa mà do những điều kiện kinh tế và xã hội, nhất là do sự phân phối trên thế giới không đều nhau về các nguyên liệu, các của cải và vốn. Thiên Chúa chờ đợi ta để ta làm biến mất khỏi thế giới tất cả những gì trái nghịch công khai với Tin Mừng, và coi thường phẩm giá con người. Nhưng cũng có sự bất bình đẳng giữa con người tương ứng với kế hoạch của Thiên Chúa như bất bình đẳng về tài năng, về điều kiện lúc ban đầu, về khả năng. Thiên Chúa muốn như vậy để ta biết rằng làm người có nghĩa là để “cho và vì” người khác, để yêu mến họ, để chia sẻ, để phục vụ sự sống. → 61
“Bạn là Kitô hữu, bạn đang có sẵn một tư liệu gồm khá nhiều thuốc nổ để làm cho cả cái văn minh này nổ tung ra, để làm cho thế giới không còn trên dưới, để mang lại hòa bình cho thế giới bị xé nát vì chiến tranh. Nhưng các bạn lại đối xử với tư liệu đó chỉ như một tác phẩm văn chương mà thôi, và thế là hết.” - Mahatma Gandhi (1869–1948, hướng dẫn tinh thần cho phong trào độc lập của Ấn Độ, sáng lập phong trào bất bạo động)
“Hãy thương người nghèo, và đừng quay lưng lại với họ, nếu bạn quay lưng với người nghèo là bạn quay lưng với Chúa Kitô. Người làm cho mình thành người đói, người ở trần, người không nhà, để các bạn và tôi có dịp yêu Người.” - Mẹ Têrêsa Calcutta
332. Kitô hữu nên tỏ tình liên đới với những người khác như thế nào?
- Kitô hữu dấn thân cho những cơ cấu xã hội công bằng để giúp cho mọi người được hưởng những lợi ích vật chất và tinh thần của thế giới. Kitô hữu cũng quan tâm để trong lao động phẩm giá con người phải được tôn trọng, nghĩa là họ được trả lương công bằng. Việc truyền đạt đức tin cho họ cũng là hành vi liên đới với mọi người.
– Người ta nhận ra Kitô hữu dựa theo việc họ thực thi tình liên đới. Quả thật, liên đới không phải chỉ là một hành vi mà lý trí đòi hỏi. Chúa Giêsu Kitô đã hoàn toàn đồng hóa chính mình với người nghèo và bé nhỏ (Mt 25,40). Từ chối liên đới với họ là loại bỏ Chúa Kitô.
📕 Ai có hai áo hãy chia cho người không có, và ai có đồ ăn cũng chia như vậy. - Lc 3,11
“Nguyên tắc của liên đới là nguyên tắc của học thuyết xã hội của Hội Thánh, nó dựa theo đòi hỏi của tình huynh đệ giữa mọi người, và nó nhắm tới thiết lập một nền “văn mình tình yêu”.” - Đức Gioan Phaolô II
“Không gì thuộc về ta cho đến khi ta chia nó đi.” - C.S. Lewis
333. Có luật tự nhiên nào mà mọi người đều có thể biết không?
- Người ta phải làm lành lánh dữ, là vì những điều đó đã được ghi khắc rõ ràng và chắc chắn trong tâm rồi. Mọi người đều có thể dùng lý trí mà nhận ra cái luật luân lý được coi là tự nhiên đó. [1949-1960,1975,1978-1979]
✠ Luật luân lý tự nhiên. Tất cả các văn minh và văn hóa đều có nhiều nguyên tắc khác nhau giúp sống chung với nhau, đó là những biểu lộ của cùng một bản tính nhân loại do ý muốn Đấng Tạo Hoá, và do sự khôn ngoan về luân lý của nhân loại, nó được gọi là luật tự nhiên. Đức Bênêđictô XVI, Bác ái trong Sự thật.
✠ Luật luân lý tự nhiên có giá trị cho mọi người. Nó chỉ dẫn cho con người về những bổn phận và quyền lợi căn bản họ có, nhờ đó nó trở thành nền tảng thực sự cho cuộc sống chung trong gia đình, xã hội và quốc gia. Con người cần Chúa giúp đỡ và mặc khải để đứng vững trên đường ngay lành, bởi vì do tội lỗi và sự yếu đuối của con người, nên con người thường chỉ nhận ra luật tự nhiên một cách không rõ ràng.
“Đấng Tạo Hoá đã ghi vào sâu trong mỗi người “luật tự nhiên”, là phản ánh chương trình của Người trong lòng ta, như là chỉ dẫn và chừng mực trong đời sống ta.” - Đức Bênêđictô XVI, 27-5-2006
334. Luật tự nhiên và luật Cựu ước liên kết với nhau thế nào?
- Luật Cựu ước diễn tả những sự thật mà lý trí có thể biết một cách tự nhiên, và những sự thật đó được mặc khải và chính thức công nhận như Luật của Chúa. [1961-1963,1981]
📕 Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi thì một chấm, một phết trong lề luật cũng không thể qua đi được cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời. - Mt 5,19
“Thiên Chúa đã viết Luật trên bảng đá thế mà con người lại không đọc thấy trong lòng họ.” - Thánh Augustinô
335. Luật Cựu Ước quan trọng thế nào?
- Trong Luật Cựu Ước và nhất là 10 điều răn, Thiên Chúa tỏ ý Người cho dân Israel là nếu tuân giữ, họ sẽ được cứu rỗi. Kitô hữu biết rằng họ phải giữ Luật, nhưng cũng biết rằng không phải Luật cứu độ họ. [1965-1972, 1977, 1983-1985]
– Theo kinh nghiệm, mỗi người cảm thấy như mình được “khuyên bảo” làm điều tốt. Nhưng ta thường thiếu sức mạnh để hoàn thành, vì khó quá, vì ta thấy mình yếu đuối (x. Rm 8,3 và Rm 7,14-25). Ta thấy cái phải làm, nghĩa là Luật Cựu Ước, nhưng lại cảm thấy muốn phạm tội. Chính nhờ sự hiểu biết này về Luật cũ chứng tỏ cho ta, ta cần có một sức mạnh bên trong để hoàn thành. Vì thế, Luật Cựu Ước dù tốt và quan trọng cũng chỉ có để sửa soạn cho ta sống bằng đức tin với Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ ta, như Người được mặc khải trong Tin Mừng. → 349
“Luật cũ là tiên báo và thầy dạy về các thực tại tương lai.” - Thánh Irênê ở Lyon
336. Chúa Giêsu coi Luật Cựu Ước có giá trị thế nào?
- Chúa nói trong bài giảng trên núi: “Ta không đến hủy bỏ Luật, và các tiên tri, nhưng để làm hoàn tất” (Mt 5,7) [1965-1972, 1977, 1983-1985]
– Chúa Giêusu đã sống như một người Do Thái có lòng tin hoàn toàn theo quan niệm và các quy định của thời Người. Nhưng qua một chuỗi suy nghĩ, Người rời xa lối giải thích Luật theo nghĩa đen và chỉ vụ hình thức.
337. Chúng ta được cứu rỗi thế nào?
- Không ai có thể tự cứu rỗi mình. Đối với chúng ta, cứu rỗi nghĩa là được giải thoát khỏi quyền lực tội lỗi, đem con người từ lãnh vực sự chết tới sự sống vô tận, sự sống trước nhan Thiên Chúa. Kitô hữu tin rằng họ được Chúa cứu rỗi vì Chúa đã sai Con của Người xuống trần và đổ tràn Thánh Thần của Người trên chúng ta. [1987-1995, 2017-2020]
– Thánh Phaolô thấy: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3,23). Trước Thiên Chúa là Đấng công chính và tốt lành tuyệt đối thì tội không thể có mặt được. Nhưng nếu tội chỉ có cho hư vô thì tội nhân là gì? Thiên Chúa tình yêu đã tìm ra con đường nhờ đó Người phá hủy tội, nhưng cứu tội nhân. Người làm cho tội nhân lại trở nên “đàng hoàng”, nghĩa là trở nên công chính. Vì thế, xưa nay ta gọi cứu độ là công chính hoá. Ta không trở nên công chính do sức lực riêng của ta. Không ai có thể tự mình tha tội cho mình, cũng như tự mình thoát khỏi chết. Vì thế, Thiên Chúa cần hành động để ủng hộ ta, Người làm như vậy chỉ vì lòng thương xót thuần túy mà thôi, không phải vì ta có thể xứng đáng được hưởng. Nhờ Bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa tặng cho ta sự công chính của Thiên Chúa nhờ lòng tin của ta vào Chúa Giêsu Kitô (Rm 3,22). Nhờ sức mạnh của Thánh Thần được phú ban trong lòng ta, ta tham dự vào sự chết và sống lại của Chúa Kitô: ta chết cho tội và sinh ra cho đời sống mới trong Thiên Chúa. Ta đến từ Thiên Chúa, đức tin, cậy, mến chiếm lấy ta và làm cho ta có thể sống trong ánh sáng cũng như sống phù hợp với ý Chúa.
📕 Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ, đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. - Ep 2,8-9
✠ Sự công chính hoá. Đây là ơn ban trung tâm của “học thuyết về ân sủng”. Ơn ban này tái lập một quan hệ chính đáng giữa Thiên Chúa và con người. Vì chỉ Chúa Giêsu Kitô mới có thể ban cho mối quan hệ chính đáng này (sự công chính), nên ta chỉ trở lại được với Thiên Chúa nhờ được “công chính hoá” bởi Chúa Kitô, nghĩa là được vào trong quan hệ hoàn hảo với Thiên Chúa. Như vậy, tin là đón nhận sự công chính của Chúa Kitô nơi bản thân và nơi cuộc đời mình.
338. Ơn thánh là gì?
- Ơn thánh là sự ân cần tự ý và đầy yêu thương của Chúa, là sự giúp đỡ tốt lành của Người, là sức sống từ Người mà đến. Qua thập giá và sự sống lại, Chúa tận tình hiến trọn cho ta, và thông truyền cho ta. Ơn thánh là tất cả những gì Chúa ban cho ta, không do chút công lao nào của ta cả. [1996-1998, 2005, 2021]
– Đức Bênêđictô XVI nói rằng ân sủng là được Thiên Chúa nhìn đến, là được tình Chúa yêu ta chạm đến. Ân sủng không phải là một sự vật, mà là chính Thiên Chúa tự thông ban cho con người. Cái Chúa ban không phải là kém hơn chính mình Người. Trong ân sủng ta được ở trong Thiên Chúa.
“Chúa không bao giờ ban ít hơn chính Người.” - Thánh Augustinô
339. Ơn thánh Chúa làm gì cho ta?
- Ơn thánh đưa ta vào đời sống thân mật của Thiên Chúa Ba Ngôi, vào trong sự trao đổi Tình yêu giữa Cha, Con và Thánh Thần. Ơn thánh giúp ta sống trong Tình yêu Chúa và hành động nhờ Tình yêu này. [1990-2000, 2003-2004, 2023-2024]
– Ân sủng từ trên đến với Ta, ân sủng được phú ban cho linh hồn, và không do các nguyên nhân “tự nhiên” (ta gọi là ân sủng siêu nhiên). Có ơn làm ta trở thành con cái Thiên Chúa “nhất là do ơn của Bí tích Rửa Tội”, và được thừa kế Nước Trời “đây là ơn thánh hóa hoặc thần hoá”. Có ơn giúp ta kiên trì làm điều tốt “ơn thường sủng”. Có ơn giúp ta phân định, muốn và làm tất cả những gì dẫn đến sự tốt, dẫn đến Thiên Chúa và dẫn về trời (ơn hiện sủng). Ơn này được ban đặc biệt trong các bí tích, đó là nơi tốt nhất mà ý Chúa cho ta gặp gỡ Chúa (ơn bí tích). Ân sủng cũng được bày tỏ ra đặc biệt cho một số người (gọi là đặc sủng), hoặc có thể là những sức chuyên biệt kèm theo các phận vụ như lập gia đình, chịu chức thánh, và tu dòng (ơn tuỳ phận vụ).
📕 Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh? - 1 Cr 4,7
“Tất cả là hồng ân.” - Thánh Têrêsa Hài Đồng
“Quá khứ của tôi không liên can đến tôi nữa, nó thuộc về lòng thương xót Chúa. Tương lai của tôi chưa liên can đến tôi, nó thuộc về Chúa quan phòng. Điều liên can đến tôi, điều thử thách tôi là hôm nay, nó thuộc về ơn Chúa và về sự dâng hiến của lòng tôi và thiện chí của tôi.” - Thánh Phanxicô Salêsiô
340. Ơn thánh Chúa và tự do của ta liên quan thế nào?
- Ơn thánh Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, nó khơi gợi và mời gọi con người đáp lại hoàn toàn tự do. Ơn thánh không ép buộc, tình yêu Chúa muốn con người tự ý chấp nhận. [2001-2002,2022]
– Ta luôn có thể từ chối ân sủng. Ân sủng không phải cái gì ở bên ngoài, xa lạ với con người, thật sự ân sủng là điều mà tự do của con người khao khát rất sâu xa. Ân sủng chạm đến trong ta là để Thiên Chúa đi trước và ta tự ý đáp lại.
📕 Đức Maria nói: Đây tôi là tôi tá Chúa, tôi “xin vâng” như lời thiên thần dạy. - Lc 1,38
📕 Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. - Rm 3,23-24
“Thánh thiện không phải là chuyện xa xỉ cho một số người, nhưng đơn giản là bổn phận của bạn và của tôi.” - Mẹ Têrêsa Calcutta
341. Người ta có thể nhờ làm việc lành mà lên Thiên đàng không?
- Không. Không ai có thể lên Thiên đàng chỉ nhờ cố gắng của mình. Chúng ta được cứu độ chỉ nhờ ơn Chúa mà thôi, tuy nhiên, ơn Chúa đòi sự cộng tác tự do của mỗi cá nhân. [2006-2011, 2025-2027]
– Dầu chỉ nhờ ân sủng và đức tin mà ta được cứu rỗi, thì vẫn còn cần đến tình yêu ta, được thúc đẩy bởi tác động của Chúa, bày tỏ qua các việc lành.
“Chúa không đòi ta những công việc lớn, mà đơn giản là ta hiến mình cho Chúa và tạ ơn Người. Người không cần việc làm của ta nhưng chỉ cần duy nhất là tình yêu của ta.” - Thánh Têrêxa ở Lisieux
342. Mọi người chúng ta có thể nên “thánh” được không?
- Có chứ. Mục đích cuộc sống là kết hợp với Thiên Chúa trong tình yêu và hoàn toàn sống như ý Chúa muốn. Chúng ta cần để “Chúa sống trong ta” (Mẹ Têrêsa Calcutta). Ông thánh, bà thánh là thế đó. [2012-2016, 2018-2024]
– Mọi người đều đặt câu hỏi: Tôi là ai? Tại sao tôi lại ở đây? Và tương lai của tôi là gì? Đức tin trả lời: Chính trong việc nên thánh mà con người trở nên điều mà Chúa đã tạo dựng họ. Chính trong thánh thiện mà con người đạt tới hòa hợp với chính mình và với Đấng Tạo Hoá. Nhưng sự thánh thiện không phải là sự hoàn hảo được tự tạo mà có, nó phải là sự hiệp nhất với tình yêu đã làm người, đó là Chúa Kitô. Ai kiếm tìm cuộc sống mới đó là tìm được chính nó và trở nên thánh.
“Không ai chọn cho mình một ơn gọi, ta phải đón nhận ơn gọi và cố gắng để nhận ra ơn gọi. Ta phải lắng nghe tiếng Chúa gọi để nhận ra một dấu hiệu của ý Chúa. Và một khi đã nhận ra ý Chúa, cần phải làm theo luôn luôn mặc dầu có thế nào và phải trả giá đắt bao nhiêu.” - Chân phước Charles de Foucauld
Chương 3: Hội Thánh (343 - 347)
343. Hội Thánh giúp ta nên người tốt, và người có trách nhiệm thế nào?
- Trong Hội Thánh, ta được Rửa tội. Trong Hội Thánh, ta nhận được đức Tin mà Hội Thánh đã gìn giữ nguyên vẹn qua bao thế kỷ. Trong Hội Thánh, ta nghe Lời Chúa và học biết sống sao cho đẹp lòng Chúa. Qua các Bí tích, mà Chúa Giêsu trao phó cho các môn đệ, Hội Thánh làm cho lớn lên, củng cố và an ủi ta. Trong Hội Thánh, ánh sáng của các thánh, soi sáng ta. Trong Hội Thánh, Thánh lễ được cử hành, lễ hy sinh của Chúa Giêsu được thực hiện, để ban sức mạnh và đổi mới ta, để ta kết hợp với Người, trở nên Thân thể Người và sống bởi Sức của Người. Dù Hội Thánh còn nhiều người yếu đuối, không ai có thể là Kitô hữu nếu ở ngoài Hội Thánh. [2030-2031, 2047]
“Yêu mến Chúa Kitô và yêu mến Hội Thánh cũng chỉ là một.” - Thầy Roger Schutz
344. Tại sao Hội Thánh lại can thiệp vào những vấn đề luân lý và về phẩm hạnh của cá nhân?
- Tin là con đường. Chỉ sống theo lời dạy của Tin Mừng người ta mới có thể ở lại trên con đường này, nói cách khác, là hành động theo công bằng, và sống ngay lành. Quyền giáo huấn của Hội Thánh phải nhắc cho người ta về những đòi hỏi của luật luân lý tự nhiên. [2032-2040, 2049-2051]
– Sự thật không thể nào có hai nghĩa. Điều gì là đúng đối với nhân loại không thể lại sai đối với Kitô hữu. Điều gì là đúng đối Kitô hữu không thể lại sai đối với nhân loại. Chính vì thế phận sự của Hội Thánh là can thiệp cách tổng quát vào tất cả những gì liên quan đến luân lý.
“Ngày nay Hội Thánh ban Chúa Giêsu cho ta nghĩa là ban tất cả. Ta biết gì về Chúa, về liên hệ hiệp nhất ta với Chúa nếu không có Hội Thánh?” - Hồng y Henri de Lubac (1896-1991, thần học gia Pháp)
345. Năm Điều răn của Hội Thánh là điều nào?
- Một là dự lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc, kiêng các việc xác và hoạt động phản lại đặc tính thánh thiêng của ngày lễ đó. Hai là xưng tội trong một năm ít là một lần. Ba là chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục sinh. Bốn là giữ chay, kiêng thịt những ngày Hội Thánh dạy (Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Sáu Tuần Thánh). Năm là đóng góp cho nhu cầu vật chất của Hội Thánh. [2042-2043]
“Bạn muốn đến với đức tin nhưng bạn không biết đường? hãy học ở những ai trước bạn đã nghi ngờ như bạn. Bắt chước lại hành động của họ, làm mọi việc đức tin đòi hỏi, như bạn đã là tín hữu vậy. Đi dự thánh lễ, dùng nước thánh… điều đó chắc sẽ làm cho bạn có tấm lòng đơn sơ và dẫn bạn đến với đức tin.” - Blaise Pascal.
346. Điều răn của Hội Thánh có mục đích gì? Buộc những ai giữ?
- Năm điều răn Hội Thánh cốt ý dùng những đòi hỏi tối thiểu để nhắc cho ta rằng: ta không thể là Kitô hữu nếu không tự mình cố gắng, sống theo luân lý, không tham gia cụ thể trong đời sống bí tích của Hội Thánh, không sống liên đới với Hội Thánh. Điều răn Hội Thánh buộc mọi người Công giáo. [2041-2048]
📕 Các con thân mến, đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi nhưng hãy yêu thương bằng việc làm và trong sự chân thật. - 1 Ga 3,18
347. Tại sao Kitô hữu “sống đạo đức nước đôi (hai mặt)” lại là điều thiếu sót nặng?
- Điều kiện trước hết để loan báo Tin Mừng là sống đúng với Tin Mừng. Không thực hành điều mình tuyên xưng là giả mạo, phản lại bổn phận của Kitô hữu là "muối ướp đời" và là “ánh sáng thế gian”. [2044-2046]
– Thánh Phaolô nhắc nhớ cho giáo đoàn Côrintô rằng: “Anh em là bức thư của Chúa Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt tức là lòng người.” (2 Cr 3,3) Các Kitô hữu là bức thư khuyên bảo của Chúa Kitô cho thế giới bằng chính cuộc sống của mình hơn là bằng lời nói. Như thế những tác hại của những phản chứng càng thêm phá hoại hơn, khi lại do các linh mục và nữ tu gây ra cho trẻ em. Họ không chỉ phạm tội vô số kể trên các nạn nhân của họ. Họ còn làm cho nhiều người nghi ngờ về lòng trông cậy nơi Chúa và làm tắt đi ánh sáng đức tin nơi nhiều người.
✠ Luân lý nước đôi có ý chỉ một thứ luân lý ở nơi công cộng hay ở nơi riêng tư được người ta thực hành cách khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh. Bên ngoài người đó bảo vệ những mục tiêu và những thái độ phù hợp với các giá trị. Chỗ riêng tư thì họ không tôn trọng nữa. “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thành và bằng việc làm.” - 1 Ga 3,18
“Thế giới đầy những người giảng thì giảng về nước, mà uống thì uống rượu.” - Giovanni Guareschi (1908- 1968, tác giả Ý của sách Dom Camillo và Peppone)
Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà Hưu dưỡng Linh mục Cần Thơ
ĐOẠN II: MƯỜI ĐIỀU RĂN (348 - 468)
348. "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời”?
- Chúa Giêsu nói: “Nếu anh muốn vào sự sống, hãy giữ các điều răn” (Mt 19,17). Rồi Người nói thêm: “Hãy đi theo tôi” (Mt 19, 21). [2052-2054, 2075-2076]
– Là Kitô hữu phải sống hơn là chỉ giữ đúng các điều răn. Là Kitô hữu là duy trì mối quan hệ sống động với Chúa Giêsu. Một Kitô hữu nối kết sâu xa bằng cả bản thân mình với Chúa của mình, và cùng với Người đi theo con đường dẫn tới sự sống thật.
📕 Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép. Hãy sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh. - 1 Pr 1,15-16
“Chúa Kitô không muốn có những người hâm mộ, nhưng muốn có những người “sống theo”.” - Soren Kierkegaard
349. Mười Điều Răn là những điều nào?
- Mười Điều Răn là những điều được đọc trong kinh Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn: “Thứ nhất, thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự. Thứ hai, chớ kêu Tên Đức Chúa Trời vô cớ. Thứ ba, giữ ngày Chúa nhật. Thứ bốn, thảo kính cha mẹ. Thứ năm, chớ giết người. Thứ sáu, chớ làm sự dâm dục. Thứ bảy, chớ lấy của người. Thứ tám, chớ làm chứng dối. Thứ chín, chớ muốn vợ chồng người. Thứ mười, chớ tham của người. Mười điều răn ấy tóm về hai việc: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau là yêu người như mình ta vậy. Amen”.
✠ Mười Điều Răn - là bản tóm tắt đầu tiên những luật căn bản cho lối sống của con người trong Cựu Ước. Người Do Thái cũng như Kitô hữu hướng dẫn đời sống mình theo bản văn căn bản này.
350. Mười Điều Răn có phải là bản danh sách do ngẫu nhiên tập hợp lại không?
- Không. 10 Điều răn làm nên một bản thống nhất, điều nọ liên quan tới điều kia, bạn không thể tách ra từng điều. Ai phạm một điều là phạm toàn bộ Lề Luật. [2069, 2079]
– Tính đặc biệt của Mười Điều Răn là nó liên quan đến toàn bộ đời sống con người. Ta là người, ta có các bổn phận đối với Thiên Chúa (điều răn 1 đến 3), và với những người chung sống (điều 4 đến 10). Ta là những người có tôn giáo và có tính xã hội.
✠ Việc công thức hoá Mười Điều Răn không thấy có bản văn trong Kinh Thánh: nó dựa vào hai nguồn Kinh Thánh: Xuất hành 20,2-7 và Đệ nhị luật 5,6-21. Từ xưa Hội Thánh đã tổng hợp hai nguồn lại và đề nghị để tín hữu học trong giáo lý.
351. Mười Điều Răn có phải lỗi thời rồi không?
- Không. Mười Điều Răn không phải là sản phẩm của thời nào đặc biệt. Nó là những bổn phận căn bản và không thể thay đổi đối với Thiên Chúa và tha nhân, có giá trị mọi nơi, mọi thời. [2070-2072]
– Mười Điều Răn là những điều răn của lý trí, và cũng là thành phần của những điều Thiên Chúa đã mặc khải như có tính bắt buộc. Bản chất nó có tính bắt buộc, không ai có thể tự miễn trừ không phải tuân giữ.
📕 Chúng ta yêu mến Chúa, vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước. - 1 Ga 4,19
“Mười Điều Răn hoàn toàn không phải là những bổn phận do một “bạo chúa” áp đặt cách độc tài… Ngày nay và mãi mãi chỉ có các điều răn là bảo đảm cho tương lai gia đình và nhân loại. Các điều răn bảo vệ con người khỏi quyền lực phá hại của ích kỷ, của hận thù và dối trá. Chúng chỉ bảo cho con người biết tất cả những thần tượng lầm lạc bắt con người phải nô lệ: tự ái loại bỏ Thiên Chúa, ý chí ham quyền lực, mưu cầu lạc thú, làm đảo lộn trật tự chính đáng và hạ thấp phẩm giá con người và phẩm giá của người thân cận.”
Chương 1: Mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn (352 - 366)
Điều răn thứ nhất: Ta là Thiên Chúa, Chúa của ngươi. Ngươi không được có thần lạ trước mắt Ta
352. "Ta là Thiên Chúa, Chúa của ngươi" (Xh 20,2) nghĩa là gì?
- Vì Đấng Toàn năng đã mặc khải mình cho ta như là Thiên Chúa và là Chúa, nên ta không được đặt bất cứ cái gì trên Người, coi cái gì quan trọng hơn Người, dành cho người và vật nào ưu tiên hơn Người. Nhận biết, phụng sự và thờ phượng Người, phải là ưu tiên tuyệt đối trong đời sống của ta. [2083-2094, 2133-2134]
– Thiên Chúa chờ đợi ta hết lòng tin Người, đặt tất cả hy vọng vào Người, hướng tất cả tình yêu vào Người. Điều răn mến Chúa là điều quan trọng hơn hết mọi điều răn khác, và là chìa khoá của các điều răn. Vì thế, Chúa là trên hết mọi người.
📕 Còn phần ta, hãy yêu mến Chúa vì Chúa yêu ta trước. - 1 Ga 4,19
“Khi Thiên Chúa lớn lên, con người không bị hạ thấp đâu, con người cũng được lớn lên và thế giới sáng sủa ra.” - Đức Bênêđictô XVI, 11-9-2006
“Ngợi khen Thiên Chúa đã cứu độ tôi.” - Thánh Têrêsa Avila
353. Tại sao ta thờ phượng Thiên Chúa?
- Ta thờ phượng Thiên Chúa vì Người hiện hữu, và khi tôn kính thờ phượng ta đáp lại việc Thiên Chúa hiện hữu và mặc khải cách xứng hợp. “Ngươi phải thờ lạy Thiên Chúa Chúa ngươi và chỉ phụng thờ mình Người thôi” (Mt 4,10). [2083-2094,2133-2134]
– Thờ phượng Thiên Chúa cũng giúp ích cho con người, vì giải thoát con người khỏi nô lệ các lực lượng của thế gian. Ở đâu không thờ phượng Thiên Chúa nữa, không coi Thiên Chúa như Chủ của sự sống và sự chết, thì những thứ khác tràn vào thay chỗ và gây nguy hiểm cho quyền của con người. → 485
“Con người không thể sống còn, nếu không thờ phượng gì.” - Fedor Dostoievski
354. Ta có thể cưỡng ép người khác tin Thiên Chúa không?
- Không. Không ai được cưỡng ép người khác tin, ngay cả cưỡng ép con cái riêng mình, cũng như không ai được cản trở người khác tin. Mọi người đều có thể quyết định tin một cách hoàn toàn tự do. Nhưng Kitô hữu cần giúp người khác bằng lời nói, bằng gương lành để họ tìm thấy con đường đức tin. [2104-2109, 2137]
– Đức Gioan Phaolô II nói rằng: “Loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Kitô không đi ngược với tự do, khi được thực hiện trong tôn trọng lương tâm… Đức tin đòi hỏi phải do sự tự ý chấp thuận của con người, nhưng đức tin cũng cần được đề nghị cho họ.” (Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, 1990,8)
✠ Chủ thuyết dụ đạo là chủ trương khai thác sự yếu đuối về thể xác hay tinh thần của người khác để lôi kéo người khác tin mình.
“Ta không áp đặt cho người nào phải tin như ta. Cái lối dụ đạo đó trái nghịch với Kitô giáo. Đức tin chỉ có thể đạt được trong tự do. Nhưng ta phải mời gọi con người dùng tự do mà mở lòng cho Chúa, để tìm Chúa, để nghe lời Chúa.”
355. “Ngươi sẽ không có thần lạ trước mắt Ta” nghĩa là gì?
- Điều răn này cấm chúng ta:
* thờ lạy những thần khác, thần ngoại, thần tượng, ngẫu tượng (như thần đất, thần tài, ảnh hưởng, thành công, thần đẹp, thần trẻ...).
* mê tín dị đoan, tin bí truyền, tin ma thuật, huyền bí, hành nghề xem bói, thông linh, gọi hồn, tiên tri...
* bất chấp Thiên Chúa trong lời nói, việc làm.
* phạm thánh.
* buôn thần bán thánh. [2110-2128, 2138-2140]
✠ Phiếm thần quan niệm cho rằng trong thế giới mọi cái hiện hữu đều là Thiên Chúa, và Thiên Chúa là tổng số tất cả những gì hiện hữu. Cái học thuyết siêu hình này không thể dung hòa với Kitô giáo.
✠ Mê tín là nghĩ tưởng một cách không hợp lý rằng một số lời nói ra, một số cử chỉ, biến cố hoặc đồ vật có thể có hoặc phát ra những năng lực ma thuật.
✠ Thuyết huyền bí. (thường dùng theo nghĩa thuyết bí truyền) là những chủ thuyết hoặc những thực hành gán cho con người có quyền trên số phận, trên vật chất hoặc trên các sự vật quanh họ. Các thực hành huyền bí là: dùng quả lắc đồng hồ, quả cầu tinh thể, chiêm tinh, nhìn thấu suốt dĩ vãng tương lai…
✠ Phạm thánh là ăn cắp, làm mất phẩm giá hoặc tục hoá vật gì là thánh thiêng.
✠ Học thuyết bí truyền: vào thế kỷ XIX người ta gọi học thuyết bí truyền là các thứ học thuyết và các thứ thực hành thần thiêng cho rằng con người có thể tìm thấy một sự “hiểu biết đích thật” được mạo xưng là được ẩn giấu trong họ từ muôn thuở. Trái lại, mặc khải mà Thiên Chúa ban cho con người từ bên ngoài, nó không liên quan gì đến tư tưởng bí truyền.
356. Chủ nghĩa bí truyền có phù hợp với đức tin Kitô giáo không?
- Không. Chủ nghĩa này đi ngược với sự thật về Thiên Chúa, Thiên Chúa là Ngôi vị, là Tình yêu và nguồn gốc Sự Sống, Người không phải là một năng lực lạnh lùng trong vũ trụ. Con người được Thiên Chúa muốn tạo dựng, nhưng con người không phải là thần thánh, đúng hơn, con người là thụ tạo bị tổn thương vì tội lỗi, bị sự chết đe dọa, và cần được cứu độ. Kitô hữu tin rằng chỉ có Chúa Giêsu Kitô và ơn thánh Chúa cứu rỗi họ. Thiên nhiên hay vũ trụ (phiếm thần) không thể cứu chúng ta được. Chỉ mình Đấng Tạo Hóa, Đấng cao cả vượt trên tất cả mọi sự mới có thể cứu chúng ta. Những người theo chủ nghĩa bí truyền cho là con người có thể cứu độ chính mình, không cần Thiên Chúa. [2110-2128]
– Nhiều người thời nay, để giúp sức khỏe nên rèn luyện Yoga, hoặc tham gia những lớp học suy niệm siêu đẳng để cảm nghiệm về sự thinh lặng yên tĩnh hoặc tự tập trung nơi bản thân, hoặc để tự cảm thấy mình đổi khác trong thân xác mình. Các thứ kỹ thuật này không phải luôn luôn là vô tội. Đôi khi nó chứa đựng những học thuyết xa lạ với Kitô giáo như học thuyết bí truyền. Một người có lý trí không được để cho mình bị cám dỗ chạy theo lối nhìn phi lý về thế giới, trong đó lúc nhúc những ma quái, thần thánh và thần tiên (do bí truyền), tin vào ma thuật, hoặc có những người cho rằng mình nắm được khoa học bí nhiệm mà quần chúng dốt nát không biết được. Thời Cựu Ước ở Israel người ta để ý đến những tin tưởng vào thần tượng và thần linh được phổ biến nơi các dân tộc chung quanh. Chỉ mình Thiên Chúa là Chúa, không có Chúa nào khác ngoài Thiên Chúa. Cũng không có những ma thuật mà người ta có thể dùng để chiếm giữ được thần linh, để áp đặt những lối nhìn về vũ trụ, và để tự cứu mình. Nhiều thực hành theo học thuyết bí truyền đều thuộc loại mê tín hoặc loại huyền bí, xét theo quan điểm của Kitô giáo.
357. Có phải vô thần luôn là tội chống lại Điều răn thứ nhất không?
- Vô thần không phải là tội, nếu người ta không được học biết gì về Thiên Chúa, hoặc tâm hồn và lương tâm họ kiểm tra xem xét vấn đề về Thiên Chúa mà họ vẫn không thể tin. [2127-2128]
– Khó phân biệt được câu nói: “tôi không thể tin” với câu “tôi không muốn tin”. Thái độ loại bỏ đức tin, không chịu tìm hiểu sâu hơn vì nghĩ đơn giản rằng tin chẳng quan trọng gì thường là trầm trọng hơn một người vô thần có suy nghĩ. → 5
"Vô thần là học thuyết từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đây cũng là một quan niệm tổng quát có ý chỉ nhiều hình thức vô thần trong lý thuyết và trong thực hành, chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa."
358. Tại sao Cựu Ước cấm biểu thị hình ảnh Thiên Chúa, và tại sao người Công giáo không giữ điều cấm này nữa?
- Để bảo vệ mầu nhiệm Thiên Chúa và để tránh cho dân Israel khỏi thờ cúng những thần ngoại giáo, Điều răn thứ nhất dạy: “Các ngươi không được tạo ra cho mình những hình tượng về Thiên Chúa” (Xh 20,4). Tuy nhiên, từ khi Thiên Chúa mang bộ mặt con người qua Chúa Kitô, Kitô giáo không cấm tạo ra hình ảnh Chúa nữa. Trong Hội Thánh Đông phương, những hình ảnh về Chúa cũng được coi như hình thánh. [2129-2132, 2141]
– Do thái giáo và Hồi giáo ngày nay, giống như các tổ phụ Israel xưa, đều nghĩ rằng Thiên Chúa trổi vượt, “siêu việt” hơn tất cả, và Người vô cùng cao cả hơn mọi sự ở dưới trần, vì thế họ cấm biểu thị Thiên Chúa bằng hình. Trong Kitô giáo, việc cấm các hình ảnh về Thiên Chúa, nhờ có Chúa Kitô làm người, đã giảm đi vào thế kỷ IV, rồi được hủy bỏ ở Công đồng Nixê thứ hai (787). Do Thiên Chúa đã làm người nên Thiên Chúa không còn, “không thể biểu thị bằng hình”: từ khi Chúa Giêsu xuất hiện, ta có thể làm ra hình ảnh về Người: Ai thấy Thầy là thấy Cha (Ga 14,9) → 9
✠ Hình thánh là một hình để thờ của Hội thánh Đông phương mà người ta đã “diễn tả” một cách rất tôn kính trong kinh nguyện và trong việc giữ chay. Hình Thánh gợi lên mối quan hệ huyền nhiệm giữa người chiêm ngắm và hình được trưng bày (Chúa Kitô, các thiên thần, các thánh).
✠ Siêu việt là cái gì trổi vượt trên cấp các thực tại có thể thấy được bởi giác quan; cái vượt thời gian không gian.
“Ta chỉ cần nhìn ngắm nét mặt của Chúa Giêsu: nhìn ngắm nét mặt, người ta thấy được thật sự Thiên Chúa là ai và Thiên Chúa thế nào.” - Đức Bênêđictô XVI, 6-9-2006
Điều răn thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ
359. Tại sao cần tôn kính Danh Chúa?
- Gọi ai bằng tên của họ là dấu tin tưởng người đó. Vì Chúa đã mặc khải tên mình, Người làm cho Người được nhận biết, và cho ta qua Tên Người mà đến với Người. Người tuyệt đối chân thật. Ai kêu Tên Chúa là Đấng chân thật mà lại dùng Tên Chúa để làm điều dối trá là phạm tội nặng. [2142-2149, 2150-2155, 2160-2162, 2163-2164]
– Không được kêu tên Thiên Chúa cách bất kính. Vì ta chỉ biết tên Chúa nhờ Chúa cho ta biết. Tên là chìa khóa mở lòng Đấng Tối cao. Vì thế ta phạm tội nặng khi nói phạm đến Tên Chúa, khi thề và lấy tên Chúa mà thề quấy. Điều răn thứ hai cũng là điều răn bảo vệ sự “thánh thiêng” một cách tổng quát. Những nơi, những sự vật, những tên và nhân vật được Thiên Chúa động chạm đến đều là “thánh thiêng”. Có cảm tình với sự “thánh thiêng” được gọi là tôn kính hay tôn thờ. → 31
📕 Chúc tụng Danh Chúa từ bây giờ đến muôn đời. - Tv 113,2
“Sụ tôn kính là vấn đề trung tâm của thế giới.” - Goethe (1749–1832, thi sĩ Đức)
✠ Cách trả lời khác: Vì Thiên Chúa cao cả vô cùng, nên Tên của Người cũng cao cả, không thể xúc phạm. Không được nói Tên Chúa cách bất kính, không phạm thượng, không dùng Tên Chúa mà chửi thề, hoặc dùng Tên Chúa mà hứa hẹn giả dối. Phải bảo vệ những thực tại thánh thiêng như nơi, vật, tên, người được Chúa là Đấng Thánh có liên quan đến.
360. Dấu Thánh giá có ý nghĩa gì?
- Nhờ làm dấu Thánh giá, chúng ta đặt mình trong sự che chở của Thiên Chúa Ba Ngôi. [2157, 2166]
– Khi thức dậy, trước khi cầu nguyện, khi ăn cơm, trước việc quan trọng, khi gặp khó khăn, khi bị cám dỗ, người Công giáo làm dấu Thánh giá trên mình để xin ơn phù giúp. Kêu cầu Thiên Chúa Ba Ngôi bằng tên của Người sẽ thánh hóa công việc ta sắp làm, ban chúc lành cho ta và giúp ta mạnh sức khi gặp khó khăn và cám dỗ.
“Chúng ta đừng e thẹn tuyên xưng Đấng chịu đóng đinh. Hãy ghi dấu Thánh giá trên trán, hãy làm dấu Thánh giá trên mọi nơi, trên bánh khi ăn, trên nước khi uống. Hãy làm dấu Thánh giá khi đi khi về, trước khi ngủ, khi nằm xuống, khi thức dậy, khi ra đi, khi nghỉ ở nhà.” - Thánh Cyrillô Giêrusalem
361. Kitô hữu khi được Rửa tội có thêm tên Thánh nữa, điều này quan trọng thế nào?
- Trước khi được Rửa tội nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần, người ta nhận một tên của một vị Thánh, để xin các ngài phù hộ cho trước mặt Chúa và để noi gương thánh thiện của các ngài. "Đừng sợ vì Ta đã gọi tên ngươi: ngươi thuộc về Ta" (Is.43.1). [2158]
– Kitô hữu tôn trọng tên của một người vì tên gắn liền với căn tính và phẩm giá của người đó. Từ xưa Kitô hữu đã tìm cho con cái mình một tên thánh. Họ làm như vậy để hy vọng thánh quan thầy trở nên gương mẫu của đứa trẻ và trở nên đấng chuyển cầu cho nó trước Thiên Chúa. → 201
📕 Như thế, ai thắng sẽ được mặc áo trắng; Ta sẽ không xoá tên người ấy khỏi Sổ Trường Sinh; Ta sẽ nhận người ấy trước mặt Cha Ta và trước mặt các thiên thần của Người. - Kh 3,5
Điều răn thứ ba: Giữ ngày của Chúa
362. Tại sao người Do Thái giữ ngày Hưu lễ (Sabat)?
- Ngày Sabat đối với người Do Thái là một dấu hiệu lớn lao ghi nhớ đến Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành và giải thoát họ. [2168-2172, 2158]
– Ngày Sabbat là ngày tưởng nhớ đến ngày thứ bảy trong cuộc Sáng tạo. Kinh Thánh nói: Thiên Chúa đã nghỉ xả hơi (Xh 31,17), đó là một cách Chúa cho phép tất cả mọi người ngừng việc lao động và xả hơi. Ngay cả các nô lệ cũng có quyền để giữ ngày Sabat. Việc nghỉ ngày Sabbat cũng nhắc nhớ đến dấu hiệu lớn lao hơn phải nhớ là cuộc giải thoát Dân Israel khỏi nô lệ Ai Cập: Ngươi sẽ nhớ rằng ngươi đã phải làm nô lệ ở xứ Ai Cập (Đnl 5,15). Ngày Sabbat là một lễ hội về tự do của con người: ngày Sabat, người ta có thể “thở”. Vào ngày đó trên thế giới không còn nô lệ và chủ nô lệ nữa. Trong Do Thái giáo truyền thống, ngày của tự do và nghỉ ngơi này được sống như hưởng trước thế giới mai sau. → 47
📕 Ngươi hãy nhớ ngày Sabat, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sabbat kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong nhà của ngươi. - Xh 20,8-10
✠ Sabat, Hưu lễ là ngày nghỉ của người Do Thái để nhớ đến thứ bảy trong cuộc Sáng tạo và ngày xuất hành khỏi Ai Cập. Ngày ấy bắt đầu vào chiều thứ sáu và kết thúc chiều thứ bảy. Do Thái giáo chính thống thi hành ngày này bằng cách giữ một số lớn các lề luật để tuân theo việc nghỉ của ngày này.
363. Chúa Giêsu đối với ngày Sabat thế nào?
- Chúa Giêsu giữ ngày Sabat, công nhận ngày Sabat là ngày thánh, nhưng đồng thời, Người cũng cư xử rất thoải mái, như một người đến để làm hoàn tất ngày đó, Người nói: "Ngày Sabat có vì người ta chứ không phải người ta có vì ngày Sabat" (Mc 2,27). [2173]
– Vì Chúa Giêsu đòi cho mình quyền chữa lành vào ngày Sabbat và đặt tình thông cảm như trọng tâm của việc giữ luật ngày Sabbat, nên người Do Thái đồng hương thắc mắc: hoặc Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến thì người là chủ ngày Sabat (Mc 2,28), hoặc Người chỉ là một con người bình thường thì cách Người cư xử trong ngày Sabat là một tội chống lại Lề luật.
364. Tại sao Kitô hữu thay thế ngày Sabat bằng ngày Chúa Nhật?
- Vì Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại vào ngày Chúa nhật, tuy nhiên, “ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa”, vẫn giữ những yếu tố của ngày Sabat Do Thái. [2174-2176, 2100-2191]
– Chúa Nhật của Kitô hữu gồm ba yếu tố chính: (1) Nhắc nhớ cuộc sáng tạo thế giới và ghi vào thời sự vẻ chói sáng của lễ hội về lòng tốt Thiên Chúa. (2) Nhắc nhớ “ngày thứ tám trong cuộc sáng tạo” và cuộc sáng tạo mới được khai mở trong Chúa Giêsu Kitô. (Như lời cầu nguyện đêm vọng Phục sinh: “Chúa đã tạo dựng con người một cách lạ lùng, và còn cứu chuộc họ một cách lạ lùng hơn nữa”). (3) Nhắc lại lý do của việc nghỉ ngơi, không phải chỉ để thánh hoá việc nghỉ ngơi lao động, nhưng còn loan báo ngay từ hôm nay cuộc nghỉ ngơi vĩnh viễn của con người trong Thiên Chúa.
“Nếu người ngoại giáo gọi Chúa Nhật là ngày của mặt trời, ta là Kitô hữu cũng thích gọi như thế, vì ngày đó là ngày ánh sáng thế giới ló dạng, ngày ánh sáng công chính hiện ra có những tia sáng mang đến ơn cứu độ.”
365. Kitô hữu giữ ngày Chúa Nhật như ngày của Chúa thế nào?
- Ngày Chúa Nhật, Kitô hữu dự thánh lễ, vào chiều hôm trước hay chính ngày lễ. Họ cũng kiêng làm những việc xác nào ngăn cản việc dự lễ thờ phượng Chúa và khuấy động ngày lễ, niềm vui, sự nghỉ ngơi, và đặc tính riêng của ngày của Chúa. [2177-2186,2192-2193]
– Vì Chúa nhật là lễ Phục sinh được cử hành mỗi tuần tự xưa đến nay, Kitô hữu tập họp trong ngày đó để chúc mừng Chúa, cảm tạ Chúa, hiệp nhất với Chúa và hiệp thông với tất cả mọi người đã được cứu độ. Tất cả mọi Kitô hữu có bổn phận phải “thánh hoá” Chúa Nhật và các ngày lễ khác do Hội Thánh quy định. Chỉ được miễn trừ khi có những bổn phận khẩn cấp trong gia đình buộc phải chu toàn hoặc có những trách nhiệm quan trọng trong xã hội. Cũng như việc tham dự Thánh lễ vào Chúa Nhật là nền móng cho tất cả đời sống Kitô hữu, Hội Thánh coi việc không dự thánh lễ Chúa nhật là một tội nặng, khi không có lý do chính đáng. → 219, 345
“Không có Chúa Nhật, ta không thể sống nổi.” Các vị tử đạo là Kitô hữu ở Abitène bị tử hình năm 304 do hoàng đế Dioclétien vì các ngài chống lệnh cấm cử hành Thánh lễ Chúa Nhật.
“Ngày xưa người ta nói: “Xin ban Chúa nhật cho linh hồn anh em”. Ngày nay nói: “Xin ban cho Chúa nhật được có linh hồn”.” - Beter Rosegger (1843-1918, văn sĩ Áo)
“Cái khác biệt giữa loài vật và loài người: là loài người có quần áo để đi lễ Chúa Nhật.” - Martin Luther
366. Tại sao Nhà Nước cần coi trọng việc giữ ngày Chúa Nhật như ngày nghỉ lễ?
- Chúa nhật thực là ngày nghỉ tốt cho xã hội, vì nhờ nghỉ Chúa nhật, con người không bị hoàn toàn chế ngự bởi thế giới lao động. [2188, 2192-2193]
– Trong những xứ thuộc Kitô giáo, các Kitô hữu không chỉ đòi hỏi Nhà Nước bảo vệ Chúa nhật, họ còn lo để không áp đặt người khác phải làm việc mà chính họ không muốn làm vào Chúa Nhật nữa. Mỗi người phải có thể tham dự vào việc “lấy lại hơi” của vạn vật.
“Chúa Nhật đáng giá gì với ta? Đặt câu hỏi này là đã bắn phát súng định mệnh khai tử cho Chúa Nhật rồi. Quả thực, Chúa Nhật chẳng đáng giá gì, vì không đem lại cái gì về kinh tế. Vấn đề liên quan đến thắc mắc rằng bảo vệ Chúa nhật như ngày nghỉ lễ có đáng giá không, chứng tỏ cho thấy trong tư tưởng người ta đã muốn thay đổi Chúa nhật thành ngày làm việc.” - Robert Spaemann (1927, triết gia Đức)
Chương 2: Yêu người thân cận như yêu mình (367 - 468)
Điều răn thứ tư: Thảo kính cha mẹ
367. Điều răn thứ tư liên quan tới ai? Người ta phải làm gì về Điều răn này?
- Điều răn thứ tư liên quan tới cha mẹ phần xác, nhưng cũng liên quan tới những ai mà chúng ta mắc nợ về sự sống, sự thịnh vượng, sự an toàn, và về đức tin nữa. [2196-2200, 2247-2248]
– Tình yêu, lòng biết ơn và tôn kính cha mẹ phải điều chỉnh các quan hệ của ta với những người có trách nhiệm đối với ta. Ta buộc phải tôn trọng những người mà Thiên Chúa đã trao cho họ quyền để làm ích cho ta: cha mẹ, ông bà, những người già trong gia đình, ông bà già, các nhà giáo dục, các thầy cô, những người làm việc, những người được bầu ra. Ta có bổn phận với tất cả, theo như điều răn thứ bốn. Theo nghĩa rộng hơn điều răn này cũng dẫn tới các bổn phận của các công dân đối với Nhà Nước. → 325
📕 Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. - Xh 20,12
“Đời sống cha mẹ là cuốn sách cho con cái đọc.” - Thánh Augustinô
“Gia đình cầu nguyện chung với nhau, là gia đình sum họp.” - Mẹ Têrêsa
368. Gia đình có vị trí nào trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa?
- Người nam, người nữ thành hôn với nhau, và cùng với con cái, làm thành một gia đình. Thiên Chúa muốn rằng, từ tình yêu của đôi bạn, có thể sẽ sinh con cái. Những con cái này được trao phó cho cha mẹ bảo vệ, chăm sóc cũng có nhân phẩm như cha mẹ họ. [2201-2206, 2249]
– Thiên Chúa tự thâm sâu trong bản thể là hiệp thông. Gia đình nhân loại là hình ảnh nguyên thủy của hiệp thông giữa mọi người. Gia đình là trường học tuyệt hảo dạy sống tương quan với nhau. Con cái lớn lên không ở chỗ nào tốt hơn là trong một gia đình hiệp nhất, bao bọc bởi sự âu yếm và tình yêu, bởi sự tôn trọng và có trách nhiệm đối với nhau. Và chính đức tin cũng được lớn lên trong gia đình; theo giáo huấn của Hội Thánh, gia đình là một Hội Thánh nhỏ, “một Hội Thánh tại gia”, một cộng đồng đức tin, đức cậy và đức mến; gia đình phải loan báo Tin Mừng bằng sự tỏa sáng của mình. → 271
“Bệnh lao và ung thư không phải là bệnh kinh khủng nhất. Theo tôi, bệnh còn kinh khủng hơn là không được ước muốn và không được yêu.” - Mẹ Têrêsa Calcutta
“Chỉ có tảng đá của tình yêu trọn vẹn và không thể hủy được mới có thể là nền móng cho việc xây dựng một xã hội mà mọi người đều cảm thấy như là nhà mình.” - Đức Bênêđictô XVI, 11-5-2006
369. Tại sao gia đình không thể được thay thế?
- Mọi con trẻ là của cha mẹ sinh ra, và chúng mong lớn lên trong sự ấm cúng và bảo vệ của gia đình để chúng được hạnh phúc và an toàn. [2207-2208]
– Gia đình là tế bào làm nền cho xã hội loài người. Những giá trị và nguyên tắc nằm trong gia đình được triển khai rộng rãi trong đời sống xã hội là nơi có những mối tình liên đới đích thực. → 516
“Gia đình là một điều tốt lành cần thiết cho các dân trên trái đất, một nền móng cần thiết cho xã hội loài người, một kho tàng lớn cho những đôi bạn trong suốt đời họ. Gia đình là điều tốt lành không thể thay thế được cho con cái vì chúng phải là kết quả của tình yêu và lòng quảng đại của cha mẹ chúng.” - Đức Bênêđictô XVI, 8-7-2006
“Những người trẻ phải tôn trọng những người lớn tuổi hơn, và những người lớn tuổi hơn phải yêu thương những người trẻ.” - Thánh Benoît de Nursie
370. Tại sao Nhà nước cần bảo vệ và thăng tiến gia đình?
- Vì hạnh phúc và tương lai quốc gia tùy thuộc vào đơn vị nhỏ nhất là gia đình, để sống còn và phát triển. [2209-2213, 2250]
– Gia đình là tế bào nguyên thủy của xã hội, không Nhà Nước nào có quyền điều khiển, cũng như dẹp bỏ quyền sống của gia đình. Không Nhà Nước nào có quyền định nghĩa gia đình khác với sứ mệnh của gia đình trong chương trình sáng tạo. Không Nhà Nước nào được cướp lấy những phận vụ cơ bản, đặc biệt là về việc giáo dục con cái. Trái lại, các Nhà Nước có bổn phận ủng hộ và giúp đỡ các gia đình, và bảo đảm cho gia đình được thỏa mãn các nhu cầu vật chất.
“Gia đình có trật tự, thì Nhà Nước mới được trật tự, Nhà Nước có trật tự, thì xã hội loài người mới sống được bình an.” - Lữ Bất Vi (khoảng 300–236 TCN, triết gia Tàu).
371. Con cái cần kính trọng cha mẹ thế nào?
- Con cái cần kính trọng và làm vẻ vang cha mẹ bằng lòng kính mến và biết ơn cha mẹ. [2214-2270, 2251]
– Con cái phải biết ơn cha mẹ vì sự sống của con cái được phát sinh từ tình yêu của cha mẹ. Lòng biết ơn được bày tỏ ra trong suốt đời bằng mối quan hệ yêu thương, kính trọng, có trách nhiệm và vâng lời nữa. Nếu cha mẹ gặp hoàn cảnh túng thiếu, đau yếu hay già nua, con cái phải tận tình chăm sóc.
📕 Hãy hết lòng tôn kính cha và không quên những gì mẹ đã phải đau khổ. Hãy nhớ rằng nhờ cha mẹ con cái đã được sinh ra, làm sao con báo đền được điều họ đã lo cho con. - Hc 7,24-28
📕 Người ta dẫn trẻ em đến với Chúa Giêsu, để Người chạm tay vào chúng, nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng.” - Mc 10,13
372. Cha mẹ cần tôn trọng con cái thế nào?
Thiên Chúa trao gửi con cái cho cha mẹ, để cha mẹ trở thành gương mẫu vững chắc và đúng đắn, để biết lo, yêu thương, tôn trọng và làm tất cả những gì có thể giúp con cái phát triển về thể xác cũng như tinh thần. [2221-2231]
– Con cái là một ân huệ Chúa ban, chứ không phải là tài sản của cha mẹ. Trước khi là con cái của cha mẹ, chúng đã là con cái của Chúa. Bổn phận tốt đẹp nhất của cha mẹ là giúp con cái hiểu biết Tin Mừng và thông truyền đức tin Kitô giáo cho chúng. → 374
📕 Bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức kẻo chúng ngã lòng. - Cl 3,21
“Có hai sự mà con cái phải đón nhận nơi cha mẹ: là các rễ và đôi cánh.” - Goethe, văn sĩ Đức
“Hạnh phúc lớn của ta với con cái đó là ta bắt đầu lại cách mới mẻ với mỗi đứa, và mỗi lần như thế ta làm lại thế giới.” - G.K. Chesterton, văn sĩ Anh
373. Làm sao để gia đình cùng sống đức tin với nhau?
- Gia đình Kitô hữu phải là một Hội Thánh thu nhỏ, mọi người trong gia đình được mời thi đua giúp nhau lớn lên trong đức tin, và nhiệt thành với Thiên Chúa. Họ nên cầu nguyện cho nhau và với nhau, cũng như cộng tác với nhau trong việc yêu người. [2226-2227]
– Cha mẹ có trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái và lo cho chúng được rửa tội. Cha mẹ phải phục vụ con cái bằng cách trở thành những chứng nhân về đức tin cho chúng; điều đó muốn nói rằng việc quan trọng là phải giúp cho con cái cảm nghiệm rằng thật là quý giá và vui sướng khi được sống trong sự có mặt và gần gủi của Thiên Chúa tốt lành. Nhưng rồi có ngày cha mẹ phải chú ý đến đức tin của con cái mình, phải nghe Chúa nói qua con cái, bởi vì đức tin của giới trẻ thường được in dấu bởi một lòng sốt sắng muốn dâng mình cho Chúa, và “bởi vì Chúa thường muốn mặc khải cho một người trẻ điều còn tốt đẹp hơn nữa” (Thánh Benoît de Nursie, Regula 3,3).
📕 Thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. - Rm 12,10
374. Tại sao Thiên Chúa quan trọng hơn gia đình?
- Không ai có thể sống mà không liên kết với người khác. Và mối liên kết quan trọng nhất là liên kết với Thiên Chúa. Mối liên kết này vượt trên mọi liên kết với con người, hơn cả liên kết với gia đình. [2232-2233]
– Con cái không thuộc về cha mẹ, cũng như cha mẹ không thuộc về con cái. Mọi người trực tiếp thuộc về Thiên Chúa, họ chỉ tuyệt đối liên kết mãi mãi với Thiên Chúa. Vì thế cần phải hiểu Lời Chúa nói với những người Chúa gọi: Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái hơn Thầy cũng không xứng với Thầy (Mt 10,37). Vì thế, cha mẹ sẽ trao phó con cái với lòng tin cậy trong tay Thiên Chúa, nếu Chúa gọi chúng dâng mình cho Người để làm linh mục hoặc làm tu sĩ nam nữ. → 145
📕 Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy. Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Chúa Giêsu Chúa chúng ta quang lâm cùng với các thần thánh của Người. - 1 Tx 3,12-13
“Tôi sinh ra là người Anbani và có quốc tịch Ấn Độ. Tôi là một nữ tu công giáo. Do sứ vụ của tôi, tôi thuộc về toàn thế giới, nhưng trái tim tôi chỉ thuộc về Chúa Giêsu.” - Mẹ Têrêsa
375. Phải hành xử quyền bính thế nào cho đúng?
- Hành xử quyền bính cho đúng là hành xử luôn luôn để phục vụ như Chúa Giêsu. Không bao giờ được tuỳ tiện theo ý mình. [2234-2237, 2254]
– Chúa Giêsu đã chỉ dẫn cho ta một lần thay cho tất cả biết cách thi hành quyền bính. Chúa nắm quyền bính tối cao đã tự làm đầy tớ và chọn chỗ thấp nhất: Người đã rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-20). Bậc cha mẹ, thầy cô, nhà giáo dục và người được bầu cử được có quyền bính từ Thiên Chúa, nên vai trò của họ không phải là thống trị những người được trao phó cho họ, mà là thi hành và hiểu biết trách nhiệm của họ về việc giáo dục hoặc về chính trị như là để phục vụ. → 325
📕 Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. - Mt 20,27,28
376. Người dân có bổn phận nào đối với Tổ quốc?
- Mọi công dân có bổn phận trung thành hợp tác với nhà cầm quyền dân sự, và góp phần cho công ích trong sự thật, công bằng, tự do và liên đới. [2238-2246]
– Một Kitô hữu cũng phải yêu mến Tổ quốc mình, bảo vệ nếu cần bằng mọi cách và tự nguyện phục vụ các quyền bính dân sự. Họ có bổn phận đi bầu cử, không trốn tránh nộp thuế cách chính đáng. Tuy nhiên, mọi công dân trong một Nhà Nước dân chủ là một người tự do, có những quyền lợi cơ bản: quyền phê bình một cách xây dựng đối với nhà cầm quyền và các quyền bính dân sự. Nhà nước có đó là vì và cho con người chứ không phải con người vì và cho Nhà nước.
📕 Chúa Giêsu bảo họ: Thế thì của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa. - Mt 22,21
377. Khi nào chúng ta phải từ chối, không tuân lệnh Nhà Nước?
- Không ai được theo lệnh Nhà nước, khi lệnh Nhà nước trái nghịch với Luật Chúa. [2242-2246, 2256-2257]
– Tông đồ Phêrô đã kêu gọi phải vâng lời tương đối với quyền bính dân sự khi nói rằng: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta (Cv 5,25). Một Kitô hữu buộc lương tâm phải từ chối vâng lời và chống lại những luật kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính hoặc chống lại quyền song.
Điều răn thứ năm: Chớ giết người
378. Tại sao không được giết mình (tự tử) hoặc giết người?
- Chỉ một mình Thiên Chúa có quyền trên sự sống và sự chết. Ngoại trừ trường hợp tự vệ chính đáng, không một ai có quyền giết người khác. [2258-2262, 2318-2320]
– Xâm phạm đến sự sống con người là xỉ nhục Thiên Chúa. Sự sống con người là thánh thiêng, nghĩa là thuộc về Thiên Chúa, là sở hữu của Thiên Chúa. Dù sự sống riêng tư của Ta chỉ được Chúa trao cho Ta, Chúa ban cho Ta nên chỉ mình Người có thể lấy lại. Sách Xuất hành nói rõ rằng: Ngươi không được giết người. (Xh 20,13)
📕 Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng, Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc (Hi lạp viết là “raca” nghĩa là đầu rỗng), thì phải bị đưa ra trước Thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là khùng thì phải bị lửa hoả ngục thiêu đốt. - Mt 5,21
“Không ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, được tự cho mình quyền trực tiếp giết người vô tội.” - Donum vitae 1987
379. Điều răn thứ năm cấm xâm phạm mạng sống thế nào?
- Giết người hoặc đồng loã giết người đều bị cấm. Trong chiến trận, giết người không có khí giới, cũng bị cấm. Phá thai trực tiếp ngay khi thành thai cũng bị cấm. Tự tử, cắt chặt thân thể, phá hủy thân thể đều bị cấm. Làm cho chết êm, nghĩa là giết người tàn tật, người bệnh, người đang chết, đều bị cấm. [2268-2283, 2322-2325]
– Ngày nay người ta thường thử làm méo mó luật cấm giết người bằng đề xuất những lý lẽ có vẻ nhân đạo. Nhưng cả việc làm chết êm dịu cả việc phá thai không phải là những giải pháp nhân đạo. Vì thế, Hội Thánh rất rõ ràng về vấn đề này. Ai tham gia vào việc phá thai, thúc giục ai phá thai, khuyến khích ai phá thai đều bị vạ tuyệt thông - điều này có giá trị trong tất cả các trường hợp gây tổn hại đến sự sống con người. Nếu một người bị bệnh tâm thần tự tử, trách nhiệm của họ giảm đi, và thường được coi là không có. → 288
“Lúc đầu có một vài ngả nghiêng tế nhị trong triết lý chung. Người ta bắt đầu tuyên truyền ý tưởng làm nền tảng cho phong trào ủng hộ việc làm chết êm dịu, là có những hoàn cảnh trong đời sống không còn đáng sống nữa. Những người đầu tiên được nhắm tới là những bệnh nhân nặng, rồi người ta liệt vào hạng này những người không còn sản xuất được về mặt xã hội, nhũng người không còn được chấp nhận về mặt ý thức hệ, những người không còn được chấp nhận về mặt chủng tộc. Nhưng phải công nhận rằng thái độ đối với những bệnh nhân không thể chữa được chỉ là một cớ rất nhỏ che giấu một mục tiêu thực sự muốn hoàn toàn thay đổi cách nghĩ và làm.” - Leo Alexander (1905-1985, thầy thuốc Do Thái Mỹ, nói về tội ác làm chết êm dịu của Quốc xã Đức).
380. Tại sao được phép giết người để tự vệ?
- Người nào đang thực sự tấn công mạng sống của người khác, ta cần phải ngăn cản họ ngay lập tức, mặc dầu khi ngăn cản có thể gây chết. [2263-2265, 2321]
– Việc tự vệ chính đáng không phải chỉ là một quyền , nó có thể là một bổn phận nặng đối với người có trách nhiệm về sự sống người khác. Tuy nhiên, nó không được dùng những phương thế không tương xứng hoặc dùng bạo lực quá mức.
381. Tại sao Hội Thánh chống lại án tử hình?
- Vì án tử hình “vừa tàn bạo vừa không cần thiết” (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II). [2266-2267]
– Một Nhà nước có quyền cơ bản ra hình phạt tương xứng với tinh chất nặng của tội. Trong Evangelium Vitae (1995), Đức Giáo hoàng không nói rằng việc dùng đến án tử hình là không thể chấp nhận và không chính đáng về mọi phương diện. Nhưng ngài cho rằng loại bỏ sự sống của một tội nhân là một hình phạt quá đáng mà Nhà Nước chỉ có thể bắt chịu trong trường hợp “tuyệt đối cần thiết”: nghĩa là chỉ khi cho rằng không còn phương thế nào khác để bảo vệ xã hội loài người thì mới phải giết tội nhân. Đức Gioan Phaolô II nói rằng những trường hợp “tuyệt đối cần thiết” (biện bạch cho hình phạt tử hình), ngày nay chỉ còn rất hiếm, nếu không phải là không còn nữa”.
“Mọi hình phạt Nhà nước bắt phải chịu phải có bốn điều kiện để có thể được coi là chính đáng và thích hợp: (1) Hình phạt phải sửa chữa sự mất trật tự do tội nhân gây ra. (2) Phải nhằm bảo vệ trật tự công cộng và an ninh cho mọi người. (3) Phải giúp cải tạo phạm nhân. (4) Phải tương xứng với tính cách nghiêm trọng của tội phạm.”
382. Có được phép chủ động giúp người ta chết êm không?
- Chủ động gây chết cho một người luôn luôn phạm Điều răn “Ngươi không được giết người” (Xh 20,13). Ngược lại, ở bên và giúp đỡ người đang sắp chết là bổn phận nhân đạo và bắt buộc nữa. [2278-2279]
– Những khái niệm làm chất êm dịu chủ động và thụ động thường làm rối lên các cuộc tranh luận. Thực ra, vấn đề là phải biết rằng mình muốn giết người đang chết hoặc mình đang đảm nhiệm để họ chết cách xứng đáng. “Chủ động giúp đỡ” một người bằng cách gây chết cho họ là phạm điều răn thứ năm, nhưng theo dõi một người lúc cuối đời là vâng theo điều răn yêu người thân cận. Vấn đề ở đây là khi cái chết của bệnh nhân được coi như gần kề, việc ngưng các thủ tục y khoa ngoại thường, tốn kém, không tương xứng với kết quả mong đợi, thì quyết định cho việc này phải do người có quyền hợp pháp quyết định theo ý muốn của người bệnh. Ngược lại, những chăm sóc bình thường phải có đối với người sắp chết thì không được để đứt đoạn, vì đó là lệnh truyền phải yêu mến và thương xót người thân cận. Tuy nhiên, có thể vừa hợp pháp vừa hợp với phẩm giá con người khi cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau, mặc dầu có thể rút ngắn ngày sống, bởi vì không muốn làm cho chết cũng như không coi chết như mục đích hay phương tiện → 393
“Con người không chết do tay một người khác, nhưng chết trong tay một người khác.” - Horst Köhler, cựu Thủ tướng Liên bang Đức
“Những chăm sóc tạm thời, chứ không làm chết êm dịu mới là giải pháp tôn trọng phẩm giá con người. Chúng cốt tại việc động viên mọi sức lực của trí tưởng và của tình liên đới để đối phó với vấn đề lớn lao đặt ra cho ta khi không còn có lối thoát nào khác. Khi cái chết không còn được coi như thành phần của sự sống, thì đó là bắt đầu thứ văn minh của sự chết bị khích động.” - Robert Spaemam
383. Tại sao không thể chấp nhận phá thai ở bất cứ giai đoạn nào?
- Mạng sống con người do Thiên Chúa ban thuộc quyền sở hữu của một mình Chúa: nó là thánh thiêng ngay từ lúc nó hiện hữu đầu tiên, và nó không chịu bất cứ con người nào kiểm soát. Trước khi ngươi được thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi được sinh ra, Ta đã thánh hiến ngươi (Jr 1,5). [2270-2274, 2322]
– Chỉ mình Thiên Chúa là chủ sự sống và sự chết. “Sự sống của tôi” không thuộc về tôi. Mọi trẻ em, ngay khi được thụ thai là có quyền sống. Ngay từ giây phút đầu tiên nhất, con người chưa được sinh ra đã là một người tự nó rồi, nó có những quyền mà không một người nào ở ngoài nó có thể cướp lấy quyền đó, dù Nhà nước, thầy thuốc, ngay cả chính mẹ nó. Nếu Hội Thánh có trình bày rất rõ ràng về vấn đề này thì không phải Hội Thánh thiếu cảm thông với cha mẹ nó và với toàn xã hội mà đúng hơn Hội Thánh muốn nêu bật cái sai lầm không thể sửa chữa được mà họ làm cho đứa trẻ vô tội. Bảo vệ sự sống của người vô tội là bổn phận cao cả thuộc bổn phận của Nhà Nước. Nếu Nhà Nước từ bỏ bổn phận này thì Nhà Nước phá hủy những nền móng của một Nhà Nước pháp quyền. → 237, 379
“Các Kitô hữu kết hôn và có con cái như mọi người khác, nhưng họ không làm cho chết các trẻ sơ sinh.” - Thư gửi Diognete, thế kỷ III
“Phá thai và giết trẻ em là những tội ác ghê tởm.” - Công đồng Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, 51
“Tất cả những gì phải biết về phá thai đã được trình bày trong Điều răn thứ năm.” - Đức Hồng y Christoph Schönborn
“Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng can đảm bảo vệ mọi sự sống vô tội. Vì trẻ em là quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa trao cho gia đình, cho dân tộc, cho thế giới.” - Mẹ Têrêsa, khi nhận Giải Nobel Hoà bình năm 1979
384. Có được phá bào thai tàn tật không?
- Không. Phá bào thai dù nó tàn tật luôn là tội ác nặng, cả khi phá nó với chủ ý để nó khỏi đau khổ về sau. → 280
“Khi con người không còn được an toàn trong bụng mẹ nữa, nó sẽ được an toàn ở đâu trong thế giới này?” - Phil Bosmans, (1922-, linh mục và văn sĩ Bỉ)
“Người không được giết bào thai bằng phá thai, và không được làm chết trẻ sơ sinh.” - Sách Diaché 2,2
“Chẩn đoán thấy trẻ em khuyết tật thì không được lấy lý do đó để phá thai… Vì sự sống của một người khuyết tật cũng quý giá và được Thiên Chúa yêu mến, và cũng vì trên trái đất không bao giờ người ta có thể bảo đảm rằng sự sống của một người nào đó không bị sút giảm về thể xác, luân lý và tinh thần.” - Đức Bênêđictô XVI, 28-9-2006
385. Có thể làm thí nghiệm trên phôi sống và các tế bào gốc của phôi không?
- Không. Phôi thai phải được coi là con người, vì sự sống con người bắt đầu từ khi một tế bào tinh trùng và trứng thụ tinh. [2275, 2323]
– Khai thác các phôi như một chất liệu sinh học, sản xuất và sử dụng các tế bào của phôi cho mục tiêu khoa học là tuyệt đối vô luân lý. Ngược lại, những nghiên cứu trên những tế bào gốc trưởng thành thì phải xét đoán khác, vì các tế bào không phải là con người trong tương lai. Những can thiệp y khoa vào phôi chỉ có thể hợp pháp khi nhằm để chữa bệnh, để bảo đảm tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của đứa trẻ và không bao gồm những nguy cơ không tương xứng. → 292
386. Tại sao Điều răn thứ năm bảo vệ sự toàn vẹn thể lý và tinh thần của con người?
- Vì quyền sống và phẩm giá con người kết thành một, cả 2 không thể chia cách. Giết chết linh hồn người ta khi dụ họ vào đường tội lỗi, cũng là giết người.
– Điều răn chớ giết người bao gồm sự bảo vệ toàn vẹn không những về mặt tinh thần mà cả về mặt thân xác của con người. Thúc đảy và lôi kéo người khác làm điều xấu, thường bằng bạo lực, là tội trọng, đặc biệt khi làm việc đó dựa vào quyền bính. Việc này còn nghiêm trọng đặc biệt hơn khi người lớn bắt buộc trẻ con làm. Đây không phải chỉ là chuyện lạm dụng tình dục, mà cả việc thúc đẩy tinh thần do cha mẹ, do các linh mục, các thầy cô hoặc các nhà giáo dục gây ra để làm đổi hướng các giá trị luân lý.
📕 Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà đeo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. - Mt 18,6
“Thiên Chúa yêu thương ta hơn là chính ta yêu mình.” - Thánh Têrêsa Avila
387. Ta nên đối xử với thân xác ta thế nào?
- Điều răn thứ năm cũng cấm dùng bạo lực với thân xác mình. Chúa Giêsu mời gọi ta rõ ràng phải yêu bản thân mình “Ngươi phải yêu tha nhân như chính mình ngươi” (Mt 22,39).
– Những người cắt cụt hoặc huỷ hoại thân xác mình thường làm để phản ứng lại tình cảm thiếu được yêu thương hoặc bị bỏ rơi. Nên trước hết cần phải yêu thương họ. Nhưng, ngoài trường hợp đặc biệt là hiến cơ quan, cần phải nắm rõ là con người không có quyền phá huỷ thân xác do Thiên Chúa đã ban cho. → 379
📕 Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa. - 1 Cr 6,19
“Nếu bạn yêu chính mình thì cũng yêu mọi người như chính mình. Bao lâu còn một người duy nhất mà bạn yêu họ không bằng yêu mình, đó chính là bạn đã không yêu mình thực sự.” - Thầy Eckhart
388. Sức khoẻ quan trọng thế nào?
- Sức khoẻ là của cải quí giá, nhưng không phải là tuyệt đối. Ta nên cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho ta thân xác, và lo chăm sóc thân xác nhưng không tôn thờ thân xác. [2288-2290]
– Quyền bính công cộng có bổn phận quan tâm đến sức khỏe của công dân, tạo điều kiện để bảo đảm lương thực, nhà ở lành mạnh và một bảo đảm xã hội y tế nữa.
389. Tại sao hút xì ke ma tuý lại là tội?
- Hút xì ke ma tuý là một tội, vì làm hại sức khỏe và đó là tự hủy mình, phạm đến sự sống mà Thiên Chúa đã ban cho ta vì yêu ta. [2290-2291]
– Sử dụng những chất kích thích gây nghiện dù luật không cấm như rượu, thuốc men, thuốc lá, huống chi là các thứ luật cấm như ma túy xì ke… đều có hại đến sức khỏe cho người nô lệ (nghiện) chúng. Những người nghiện tưởng mình tự do, nhưng họ còn gây nguy hiểm cho sức khỏe người khác. Sự sa đoạ do dùng chất kích thích gây nghiện, cũng như lối sống lạm dụng ăn uống, vô độ, lạm dụng tình dục hoặc ham mê phóng xe tốc độ, tất cả đều làm cho mất phẩm giá con người mình, có hại đến tự do của người khác và xúc phạm đến Thiên Chúa.
📕 Chung cục là họ sẽ phải hư vong, vì Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. - 1 Cr 6,19
390. Có được phép thí nghiệm khoa học trên người đang sống không?
- Những thí nghiệm y học, tâm lý học, và khoa học trên con người đang sống, chỉ được phép khi kết quả mong đợi làm ích cho sức khỏe con người, và khi không còn cách nào khác nữa. Tuy nhiên, đòi có sự tự do và sự ưng thuận của người bị thí nghiệm. [2292-2295]
– Cần hạn chế nguy cơ do thí nghiệm gây ra. Sử dụng con người trái ý muốn của họ để nghiên cứu là một tội ác. Nạn nhân của cuộc kháng chiến của Ba Lan, Tiến sĩ Wanda Poltawska, người thân cận của Đức Gioan Phaolô II, nhắc lại những được mất trong cuộc thí nghiệm hôm qua và hôm nay. Dưới thời Đức Quốc xã, Wanda Poltawska là nạn nhân của những thí nghiệm phạm đầy tội ác trong trại tập trung Ravensbrück. Về sau thầy thuốc tâm thần này chiến đấu cho việc thay đổi đạo đức về y học và trở nên thành viên sáng lập Hàn lâm viện về sự sống của Giáo hoàng.
391. Tại sao việc hiến tặng các cơ quan của cơ thể là quan trọng?
- Hiến tặng cơ quan của cơ thể có thể giúp kéo dài hoặc cải thiện phẩm chất sự sống, đó là việc phục vụ chính đáng cho tha nhân, nhưng không được ép ai hiến tặng. [2296]
– Cần có bảo đảm rằng, khi còn sống người hiến tặng đã sẵn sàng ưng thuận cách tự do và sáng suốt, và người ta không được gây cho họ chết để lấy cơ quan của họ. Một số trường hợp cắt lấy cơ quan của những người còn sống, như khi hiến tặng tủy xương hoặc hiến tặng thận. Một số khác đòi hỏi phải hoàn toàn chắc chắn rằng bộ não của người hiến tặng đã chết.
392. Hành vi xâm phạm đến sự toàn vẹn thân xác của con người là hành vi nào?
- Đó là dùng bạo lực, bắt cóc, bắt làm con tin, khủng bố, hành hạ tra tấn, cưỡng hiếp, ép triệt sản, cắt bỏ bộ phận. [2297-2298]
– Không có gì biện minh cho những tội căn bản chống lại công bằng, yêu thương người thân cận, và phẩm giá con người, cả khi do quyền bính Nhà Nước đòi hỏi cũng không biện minh được. Ý thức về những tội do các Kitô hữu phạm dọc theo lịch sử, Hội Thánh ngày nay chống lại tất cả mọi thứ bạo lực đối với “thân xác và tâm lý, đặc biệt là chống tra tấn”.
“Người ta cho chúng tôi đi ra, người này sau người kia, mệt mỏi, bất lực. Trước cửa phòng giải phẫu, người ta tiêm vào mạch để gây mê ở hành lang của Bác sĩ Schidlausky. Một tư tưởng hiện ra trong trí tôi ngay trước khi tôi thiếp đi, nhưng tôi đã không thể diễn tả được. “Dù sao chúng tôi cũng không phải là những con chuột bạch”. Không, chúng tôi không phải là những con chuột bạch, chúng tôi là những con người mà.” - Wanda Poltawska
“Các Kitô hữu thường chối bỏ Tin Mừng bằng nhượng bộ cho logic bạo lực. Họ đã phạm đến quyền lợi của các bộ tộc và dân tộc bằng coi khinh các nền văn hoá và truyền thống tôn giáo của họ: “Xin Chúa ban cho chúng con lòng kiên nhẫn và lòng thương xót của Chúa.” Xin tha thứ cho chúng con.” - Đức Gioan Phaolô II, Sám hối của Hội Thánh năm 2000
393. Kitô hữu giúp đỡ người đang sắp chết thế nào?
- Kitô hữu không để người đang sắp chết cô đơn một mình, phải giúp họ sống những giờ phút sau chót trong niềm tin cậy, trong phẩm giá và bình an. Cầu nguyện với họ và giúp họ lãnh bí tích cuối cùng vào đúng lúc.
“Yêu một người, là nói với họ: ‘bạn sẽ không chết’.” -Gabriel Marcel, 1889-1973, triết gia Pháp
394. Kitô hữu đối xử với xác người chết ra sao?
- Kitô hữu tỏ ra kính trọng và yêu mến, nhận ra rằng Thiên Chúa đã gọi họ để sống lại với thân xác họ. [2300-2301]
– Truyền thống văn hóa của Kitô giáo là an táng người chết xứng đáng, trang hoàng bông hoa và chăm sóc mồ mả. Ngày nay, Hội Thánh chấp nhận nhiều hình thức (như thiêu), miễn là không tỏ ra dấu chống lại đức tin vào sự sống lại của thân xác.
395. Hoà bình là gì?
- Là kết quả của công bình, và là dấu hiệu của tình bác ái sống động. Nơi có hoà bình, “mọi thụ tạo có thể đạt tới yên tĩnh trong trật tự tốt” (Thánh Tôma Aquinô). Hòa bình dưới thế là hình ảnh của hoà bình do Chúa Kitô, Đấng giao hoà đất với trời. [2304-2305]
– Hoà bình còn hơn là vắng bóng chiến tranh và hơn là sự quân bình khéo léo giữa các lực lượng thù nghịch (quân bình về khủng bố). Khi hoà bình, mỗi nguời có thể sống trong an ninh, lợi dụng của cải mình đã ngay chính kiếm được và trao đổi cách tự do. Khi hoà bình, phẩm giá và sự tự do phát biểu của các cá nhân và dân tộc được tôn trọng và sống chung trong tình liên đới anh em với nhau. → 66, 283-248, 327
📕 Hoa quả của công chính là hoà bình, và kết quả của công chính là nghỉ ngơi và an ninh mãi mãi. - Is 32,17
📕 Người (Đức Kitô) là bình an của chúng ta. - Ep 2,14
📕 Phúc thay ai xây dựng hoà bình. - Mt 5,9
“Phát triển là một tên mới của hòa bình.” - Đức Phaolô VI, Populorum Progressio
“Ngày sinh của Chúa là ngày kỷ niệm hoà bình.” - Thánh Lêô Cả
“Tôi nhận thấy rằng mỗi lần con người cố gắng sống theo Tin Mừng như Chúa Giêsu dạy thì sự gây gổ, xâm lược, sợ hãi và buồn khổ phải nhường chỗ cho hòa bình và niềm vui.” - Baudouin (1930-1993, vua nước Bỉ)
396. Kitô hữu phải làm chủ sự nóng giận của mình thế nào?
- Thánh Phaolô dạy: “Nóng giận, nhưng đừng phạm tội. Chớ để mặt trời lặn mà vẫn còn giận” (Ep 4,26). [2302-2304]
– Nóng giận trước hết là một phản ứng tự nhiên mà ta cảm thấy trước một bất công. Nhưng khi nóng giận đổi sang thành hận thù muốn làm hại người thân cận, thì cảm xúc bình thường đó đổi thành một thiếu sót nặng nề về bác ái. Tất cả mọi nóng giận không kiểm soát được, đặc biệt với ý định trả thù, sẽ đi ngược lại với sự bình an và phá huỷ “sự yên tĩnh của trật tự”.
📕 Anh em đã nghe Luật dạy rằng, Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. - Hc 12,3-7
📕 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (Yêu kẻ thù đây không phải bằng cảm tình như yêu người thân, nhưng cứ làm ơn cho họ như Cha trên trời làm ơn trong câu 45 đó là cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt). - Mt 5,44-45
397. Chúa Giêsu nghĩ gì về bất bạo động?
- Chúa Giêsu đánh giá cao việc bất bạo động. Người dạy các môn đệ: “Đừng chống cự người ác. Trái lại vả các con bên má phải, hãy giơ má bên kia ra nữa” (Mt 5,39). [2311]
– Chúa Giê-su nói với Phêrô là nguời muốn dùng guơm để bảo vệ Người: Hãy xỏ gương vào bao (Ga 18,11). Chúa Giêsu không kêu gọi cầm khí giới. Người im lặng truớc Philatô, con đường Người đi được xếp vào loại của các nạn nhân, là đi tới thập giá, là cứu độ thế giới bằng tình yêu và ban thưởng cho những ai xây dựng hòa bình. Vì thế, Hội Thánh cũng tôn trọng những người vì thấy trái lương tâm nên từ chối làm việc cho quân đội nhưng chấp nhận làm việc dân sự thôi. → 283- 284
📕 Người sẽ đứng làm trọng tài giữa muôn nước và phân xử cho các dân hùng mạnh mãi tận xa. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. - Mica 4,3
“Chiến tranh thì không luôn luôn tránh được, nhưng nó luôn luôn là thất bại cho nhân loại.” - Chân phước Gioan Phaolô II
398. Các Kitô hữu có phải là người xây dựng hoà bình không?
- Hội Thánh tranh đấu cho hòa bình, nhưng không ngả theo chủ nghĩa hòa bình quá khích. Quả thực, không ai có thể từ chối cá nhân hoặc nhà cầm quyền về quyền lợi căn bản là được dùng võ khí để tự vệ. Nhưng chiến tranh, chỉ có thể hợp với luân lý khi được coi là phương cách cuối cùng. [2308]
– Hội Thánh nói không với chiến tranh theo đúng nghĩa. Các Kitô hữu phải làm tất cả để tránh cho chiến tranh bùng nỗ bằng cách chống lại chạy đua vũ trang, chống lại mọi hình thứ kỳ thị chủng tộc, bộ tộc và tôn giáo, và bằng cách góp phần chấm dứt mọi bất công về thương mại và xã hội. Nhờ thế, Kitô hữu củng cố được hoà bình.
“Không phải quyền lực, nhưng là tình yêu đã cứu chúng ta. Đó là dấu hiệu của Thiên Chúa. Chính Người là Tình Yêu.” - Đức Bênêđictô XVI, 24-4-2005
399. Khi nào được sử dụng lực lượng quân sự?
- Chỉ được sử dụng lực lượng quân sự khi buộc phải tự vệ một cách chính đáng. Có vài tiêu chuẩn cho chiến tranh hợp lý: (1) Phải do nhà cầm quyền hợp pháp. (2) Phải có lý do chiến tranh chính đáng. (3) Phải nhằm chủ đích tốt. (4) Chiến tranh phải là giải pháp cuối cùng. (5) Phương pháp sử dụng phải tương ứng với việc gây hấn. (6) Phải có triển vọng thành công. [2307-2309]
“Tôi tin rằng việc cải thiện các điều kiện sống của các xứ nghèo là sách lược tốt hơn là tài trợ vũ khí. Người ta sẽ không thắng được cuộc chiến chống khủng bố bằng các hoạt động quân sự.” - Muhammad Yunus, khi nhận giải Nobel Hoà bình năm 2006
“Đánh giá về con số các nạn nhân chiến tranh. Các con số luôn luôn chỉ là ước chừng. Theo một số sử gia, các chiến tranh ở thế kỷ XVII khoảng 6 triệu, ở thế kỷ XVIII khoảng 6,5 triệu, ở thế kỷ XIX khoảng 40 triệu chết vì chiến tranh, ở thế kỷ XX 180 triệu chết trong chiến tranh và các thiệt hại bên lề.”
Điều răn thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục
400. Tại sao Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ?
- Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ để họ giúp nhau và yêu thương nhau. Chúa đặt trong họ những ước muốn tình dục và khả năng hưởng thú vui thể xác. Chúa dựng nên họ để họ truyền thông sự sống. [2331-2333-2335, 2392]
– Tình dục của nam và nữ tác động đến toàn bộ bản tính con người; mỗi người có tình cảm khác nhau, mỗi người yêu khác nhau, mỗi người có một khuynh hướng khác nhau liên quan đến chuyện con cái, mỗi người sống đức tin khác nhau. Chúa dựng nên nam nữ khác nhau như vậy để họ sống cho nhau, bổ túc cho nhau trong tình yêu. Vì thế mà nam và nữ thu hút hấp dẫn nhau cả về tình dục lẫn về tinh thần. Khi nam nữ yêu nhau và kết hợp làm một với nhau, họ biểu lộ tình yêu của họ trong hoạt động tình dục một cách mãnh liệt nhất. Tình yêu Thiên Chúa có thể sáng tạo và phong phú thế nào thì tình yêu con người cũng có thể sinh sôi nảy nở trong việc sinh sản con cái như vậy. → 64, 260, 416-417
401. Người nam có trổi vượt hơn người nữ không?
- Không. Thiên Chúa ban cho người nam người nữ cùng một phẩm giá bình đẳng như nhau. [2331-2335]
📕 Đức Chúa là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ giúp tương xứng với nó.” Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “Này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút ra từ đàn ông. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành nên một xương thịt. - St 2,18-24
📕 Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. - Gl 3,28
“Kitô giáo đã kéo phụ nữ ra khỏi tình trạng giống như nô lệ.” - Madame de Stael (1766-1817, văn sĩ pháp)
402. Tình yêu là gì?
- Yêu là hiến thân một cách tự do với tất cả tấm lòng cho người khác. [2346]
– Say mê hoặc si tình có nghĩa là cảm thấy thích thú đến nỗi có thể ra khỏi mình để hiến thân hoàn toàn. Một nhạc sĩ có thể hoàn toàn chuyên chú cho tác phẩm của mình. Một người coi nhà trẻ có thể hiến trọn trái tim cho các em bé mà họ phải chăm sóc. Trong tất cả tình bạn đều có tình yêu. Hình thức tình yêu đẹp nhất ở trần gian là chính tình yêu giữa chồng và vợ, họ hiến thân yêu nhau mãi mãi. Mọi tình yêu loài người đều là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa, là tình yêu trọn vẹn nhất. Tình yêu là trung tâm trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa là trao đổi và hiến thân vĩnh viễn. Trong tình âu yếm tràn đầy của Thiên Chúa, loài người chúng ta được dự phần vào tình yêu vĩnh cửu đó. Con người càng yêu càng trở nên giống Thiên Chúa. Tình yêu phải là đặc điểm cho tất cả cuộc sống con người, nhưng tình yêu được thể hiện cách đặc biệt có ý nghĩa hơn cả khi người nam và nữ yêu nhau như vợ chồng và “trở thành một” Ga 2,24. → 309
📕 Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. - 1 Ga 4,7
“Việc phục tùng của vợ đối với chồng trong hôn phối, phải được hiểu theo ý nghĩa là “phục tùng lẫn nhau” của cả hai trong niềm tôn kính Chúa Kitô.” - Chân phước Gioan Phaolô II, Tông thư Phẩm giá Phụ nữ 1988
“Người ta không thể sống thử hoặc chết thử. Người ta không thể yêu thử, hoặc lấy một người khác để thử trong một thời gian thôi.” - Chân phước Gioan Phaolô II
403. Tình yêu có chỗ đứng nào trong đời sống tình dục?
- Không được tách rời tình dục với tình yêu. Tình dục đòi một tình yêu chân thành và đáng tin cậy. [2337]
– Tách biệt tình yêu khỏi tình dục để chỉ tìm thỏa mãn thú vui là phá hủy ý nghĩa của việc kết hợp giữa nam và nữ. Sự kết hợp thân xác này là biểu lộ tốt đẹp nhất của tình yêu trao hiến cho nhau. Chỉ tìm thỏa mãn tình dục là lừa dối, vì như thế sự kết hợp thân xác không đi đôi với kết hợp tâm hồn. Không coi trọng ngôn ngữ của thân xác là gây thiệt hại cho cả xác lẫn hồn; tình dục mất đi giá trị của con người, và thoái hóa thành phương tiện chơi bời khiến người kia chỉ còn là đồ vật. Chỉ khi dấn thân vào một tình yêu trọn đời thì tình dục mới mang lại hạnh phúc lâu dài.
“Nhờ tình dục, người nam người nữ trao hiến cho nhau qua những hành vi riêng biệt, độc quyền trong hôn nhân, không thể coi đó chỉ thuần túy là sinh lí, nhưng liên quan đến cái gì sâu xa nhất của con người. Điều đó phải được hiểu như là thành phần toàn vẹn của tình yêu mà hai người trao cho nhau cho đến chết. Những hành vi thể lý được coi như là lừa dối nhau, nếu nó không phải là kết quả của sự hoàn toàn tự hiến cho nhau.” - Chân phước Gioan Phaolô II
404. Tình yêu khiết tịnh là gì? Tại sao Kitô hữu sống tình yêu khiết tịnh?
- Tình yêu khiết tịnh là tình yêu tự bảo vệ mình chống lại mọi cám dỗ bên trong và bên ngoài muốn huỷ diệt nó. Người giữ khiết tịnh là biết hội nhập tình dục cách tốt đẹp vào nhân cách của mình. Sự khiết tịnh và tiết dục không phải là một chuyện như nhau. Nên cả những người sống đời sống tình dục trong hôn nhân cũng phải giữ khiết tịnh. Người hành động khiết tịnh khi biết làm chủ thân xác để diễn tả một tình yêu chung thuỷ và đáng tin cậy. [2238]
– Sống khiết tịnh không có liên quan gì với việc ra vẻ đoan trang bề ngoài. Người sống khiết tịnh không lệ thuộc vào bản năng, trái lại họ sống đời tính dục theo trách nhiệm bằng cách hướng nó tới tình yêu và để diễn tả tình yêu ấy. Dâm ô (trái nghịch với khiết tịnh) là sự rối loạn của tình yêu, vì tình yêu đã chệch hướng. Thái độ của Hội Thánh Công giáo về tính dục là quan tâm đến sự toàn vẹn của con người trong mọi chiều kích của một người có sự sống bao gồm 3 khía cạnh: trước hết thú vui tình dục là cái vừa tốt vừa đẹp, thứ hai là tình yêu giữa hai người, và thứ ba là việc truyền sinh, nghĩa là mở đường để sinh sản con cái. Cũng như muốn chế tạo rượu bia phải có hoa bia (houblon), mạch nha và nước, cũng vậy Hội Thánh coi 3 khía cạnh trên phải hợp thành một toàn thể. Nếu người nam có một người nữ này để vui thú xác thịt, một người nữ khác để yêu thương lãng mạn, người nữ thứ ba để sinh sản con cái, thì người nam đó đã biến ba người nữ thành những dụng cụ chứ họ chẳng thật tình yêu thương người nào cả.
✠ Khiết tịnh. Là nhân đức mà một người đang yêu muốn dành ước muốn tình dục của mình một cách có ý thức và dứt khoát cho tình yêu, và từ chối dùng phương tiện truyền thông khiêu dâm, cũng như những phương thế mà mục đích chỉ là để thỏa mãn ích kỷ mà thôi.
“Tất cả mọi quan hệ nhẹ dạ phóng túng đều là trao hiến cho chuyện tầm phào phù phiếm.” - Paul Ricoeur 1913-2005, triết gia Pháp
405. Người ta có thể sống tình yêu khiết tịnh thế nào?
- Khiết tịnh giúp người ta sống tình yêu như một người tự do, và họ không nô lệ các bản năng hay dục vọng. Bất cứ cái gì giúp người ta trưởng thành hơn, tự do hơn, yêu thương hơn, liên kết hơn, tất cả đều giúp người đó cũng biết yêu trong sạch hơn.
“Làm chủ một khoảnh khắc là làm chủ cả một đời.” - Marie Von Ebnereschenbach
“Tình yêu đang nảy nở làm chủ được các bản năng và thăng tiến bản năng thành tình yêu.” - Thánh Bernard de Clairvaux
“Tôi không biết mai sẽ cưới ai. Nhưng tôi không muốn ngay từ bây giờ lừa gạt người sẽ là vợ tôi.” - Một sinh viên giải thích tại sao anh không quan hệ với một cô gái.
✠ Sống tình yêu khiết tịnh cốt tại việc tự do chọn lựa những gì liên quan đến tình yêu, nó đòi phải tập luyện để làm chủ mình, mà mọi người phải cố gắng đạt được ở mọi lứa tuổi. Muốn thế chỉ cần dùng phương pháp: trong mọi hoàn cảnh luôn trung thành với lề luật Chúa, loại bỏ mọi cám dỗ làm cho ta lạc đường, như các hình thức sống hai mặt, hoặc theo luân lý nước đôi, xin Chúa giữ gìn khỏi các cám dỗ và giúp ta mạnh mẽ trong tình yêu. Sống tình yêu khiết tịnh và chung thủy là một ân huệ tuyệt vời Chúa ban cho.
406. Mọi người có phải sống khiết tịnh không? Ngay cả người ở trong bậc đôi bạn?
- Có. Mọi Kitô hữu đều được mời gọi sống trong tình yêu khiết tịnh, dù là người trẻ hay già, sống độc thân hay có đôi bạn. [2348-2349,2394]
– Không phải tất cả mọi người đều phải kết hôn, nhưng mỗi người đều được mời gọi để yêu thương. Chúng ta được tạo dựng để sống tự hiến dâng mình dù ở trong bậc sống nào: người thì sống đời hôn nhân, người khác sống đời độc thân do họ tự ý chọn “vì Nước Trời”, người khác cũng ở độc thân nhưng sống riêng một mình và hướng tới phục vụ người khác. Mọi bậc sống đều tìm thấy ý nghĩa của mình ở trong tình yêu đối với người khác. Sống khiết tịnh chính là yêu bằng tình yêu không chia cắt. Người sống không khiết tịnh bị giằng co lôi kéo và làm nô lệ cho dục vọng. Ai yêu thương đích thực là được tự do, mạnh mẽ và tốt lành, họ có thể trao hiến trong tình yêu. Như Chúa Giêsu đã trao hiến hoàn toàn cho chúng ta và đồng thời hoàn toàn cho Cha trên trời, Người trở thành gương mẫu của người sống khiết tịnh, bởi vì Người là hình ảnh “nguyên gốc” của sức mạnh tình yêu.
📕 Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết sử dụng thân xác của mình một cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa. - 1 Tx 4,3-5
407. Tại sao Hội Thánh chống lại những quan hệ tình dục trước khi thành hôn?
- Vì Hội Thánh muốn bảo vệ tình yêu. Người ta không thể cho ai món quà nào quí hơn là chính bản thân mình. “Tôi yêu anh, tôi yêu em” có nghĩa là: Tôi chỉ muốn anh, tôi chỉ muốn em. Tôi muốn tất cả anh, tôi muốn tất cả em. Tôi muốn anh, tôi muốn em mãi mãi. Vì thế, ta không thể nói: tôi chỉ yêu tạm thời, tôi chỉ yêu thử, tôi chỉ yêu thân xác thôi. [2350-2391]
– Chắc là có thể nhiều người coi các quan hệ trước hôn nhân là chuyện đúng đắn. Dầu vậy, những quan hệ này phải loại trừ hai điều làm cho các quan hệ đó không thể dung hợp với tình yêu: “chọn xuất tinh ra ngoài”, và sợ phải chờ một đứa con. Vì tình yêu thật cao cả, thánh thiêng, độc nhất, nên Hội Thánh khẩn khoản nài xin các bạn trẻ chờ đợi đến khi cưới rồi mới trao hiến cho nhau trọn vẹn. → 425
“Trao ban thân xác cho một người có ý nghĩa là tự hiến mình hoàn toàn cho người đó.” - Đức Gioan Phaolô II, nói với giới trẻ ở Kampala, Ouganda, ngày 6-2-1993
“Kinh nghiệm chứng thực rằng những quan hệ tình dục trước hôn nhân làm cho việc chọn được người bạn đời tốt thêm phức tạp chứ không dễ dàng. Để chuẩn bị cho một đôi bạn tốt, bạn phải tự đào tạo và luyện tính tình cho vững chắc. Bạn phải bày tỏ những cử chỉ yêu đương và trìu mến phù hợp với giai đoạn tập sự trong tương quan tình bạn. Nếu bạn biết chờ đợi và từ chối, thì trong tương lai bạn sẽ dễ dàng có đầy quan tâm và âu yếm đối với bạn đời của bạn.” - Đức Gioan Phaolô II nói với giới trẻ ngày 8-9-1985
408. Làm sao bạn sống được như là Kitô hữu, nếu bạn đang có quan hệ tình dục, hoặc đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân rồi?
- Thiên Chúa yêu chúng ta mọi lúc và trong mọi “hoàn cảnh phức tạp”, dù cả trong tình trạng tội lỗi. Thiên Chúa giúp chúng ta tìm ra toàn thể sự thật về tình yêu và tìm con đường để sống tình yêu ngày càng dứt khoát và không còn nhập nhằng.
– Nói chuyện trao đổi với một linh mục hoặc với một Kitô hữu đáng tin cậy, các bạn trẻ có thể tìm ra đường để sống tình yêu của mình sáng suốt hơn. Họ sẽ học được rằng cuộc đời nào cũng cần được xây dựng từng chặng: dù quá khứ có thế nào, bạn luôn có thể với ơn Chúa giúp đỡ để bắt đầu một khởi hành mới.
“Kinh nghiệm cho thấy rằng, quan hệ tình dục trước thành hôn, làm cho sự lựa chọn được một bạn đời tốt càng thêm phức tạp và không dễ dàng. Muốn chuẩn bị để có cuộc hôn phối tốt, phải huấn luyện và củng cố tư cách của bạn. Cũng nên chứng tỏ những cử chỉ yêu thương và âu yếm dịu dàng phù hợp với thời gian tập sự để nối kết tình bạn. Nếu bạn biết chờ đợi và đừng vội quan hệ tình dục lúc này, thì về sau sẽ dễ hơn cho bạn để có những quan tâm đối xử và âu yếm tốt đẹp đối với người bạn đời của mình.” - Chân phước Gioan Phaolô II
“Tuổi trẻ muốn cao thượng… Chúa Kitô đã không hứa cho ta một cuộc sống dễ dãi, nếu ta tìm sự dễ dãi, ta sai địa chỉ rồi. Nhưng Chúa muốn chỉ cho ta con đường cao thượng con đường tốt đẹp, con đường đúng với cuộc sống con người.” - Đức Bênêđictô XVI, ngày 25-4-2005
409. Thủ dâm có lỗi phạm đến tình yêu không?
- Thủ dâm là lỗi phạm đến tình yêu, vì nó kích thích khoái lạc nhục dục để thỏa mãn với mục đích ích kỷ chứ không phải để phát triển tình yêu đôi bạn. Đó là lý do thủ dâm phạm đến tình yêu. [2352]
– Hội Thánh không quỷ quái hoá việc thủ dâm nhưng lưu ý người ta không giảm nhẹ nó. Sự thực là nhiều người trẻ và người lớn bị đe doạ trở thành những người tiêu thụ một mình các hình ảnh khiêu dâm trên điện ảnh hoặc vi tính, thay vì tìm tình yêu trong một mối quan hệ với một người. Sống cô đơn có thể đưa đến một ngõ cụt mà thủ dâm trở thành như “lối sống đã ghiền”. Trái với khẩu hiệu cho rằng: “Đối với chuyện tình dục, tôi chẳng cần ai, tôi làm lấy một mình khi tôi muốn”, không ai được hạnh phúc khi làm như vậy.
✠ Thủ dâm là cố ý kích thích các cơ quan sinh dục để tìm một thú vui sắc dục. “Trong đường lối của một truyền thống lâu bền, Huấn quyền của Hội Thánh cũng như cảm thức luân lý của các tín hữu vẫn không do dự khẳng định rằng thủ dâm là một hành vi hỗn loạn nặng nề tự bản chất nó”. “Dù với lý do nào, cố ý sử dụng khả năng sinh dục bên ngoài những quan hệ phu phụ thông thường, đều nghịch với cùng đích của khả năng sinh dục”. Như thế, người ta đã tìm khoái lạc sắc dục bên ngoài “quan hệ tình dục theo luật luân lý, là quan hệ thực hiện một sự hiến thân trọn vẹn cho nhau và thực hiện việc sinh sản con cái trong một khuôn khổ của tình yêu đích thực”. Để đưa ra một phán quyết quân bình về trách nhiệm luân lý của các đương sự, và để định hướng cho hành vi mục vụ, người ta phải lưu tâm đến sự thiếu trưởng thành về đời sống tình cảm, về sức mạnh của các tập quán họ đã mắc phải, về tình trạng xao xuyến và các nhân tố tâm thần hoặc nhân tố xã hội khác, vì tất cả các nhân tố này có thể giảm bớt, thậm chí xoá luôn sự quy tội luân lý.” - Sách GLHTCG, 2352
410. Thông dâm là gì?
- Thông dâm là mọi hình thức dâm dục ngoài hôn phối, nó diễn ra giữa 2 người nam nữ không kết hôn. Ngày nay nó được dùng để chỉ tội phạm làm hư hỏng người trẻ, lạm dụng tình dục trẻ em. [2353]
– Thường thông dâm bao gồm việc khuyến dâm, dối trá, bạo lực, mua chuộc, lạm dụng. Thông dâm là tội nặng chống lại tình yêu. Nó làm tổn thương phẩm giá con người và làm lệch lạc cảm thức về tình dục của con người. Nhà Nước có bổn phận bảo vệ đặc biệt các người nhỏ vị thành niên chống lại tội thông dâm.
411. Tại sao mãi dâm là hình thức của thông dâm?
- Mãi dâm là sa đoạ; con người thoái hóa thành món hàng để vui chơi, thành đối tượng cho mưu lợi và nhục dục. Vì thế mãi dâm xúc phạm nặng đến phẩm giá con người, và là tội nặng chống lại tình yêu. [2355]
– Mãi dâm (bán dâm). Tất cả những ai mãi dâm để mưu lợi, coi nó như chuyện buôn bán, những tên buôn bán người, những tên ma cô (dẫn gái điếm), tất cả đều phạm một tội rất nặng, vì họ bắt làm nô lệ và buộc các phụ nữ, trẻ em, các vị thành niên phải bán thân xác
“Vì tình yêu không mua được nên tình yêu thế nào cũng bị tiền bạc giết chết.” - Jean Jacques Rousseau
“Người ta sai lầm khi tưởng rằng dâm ô là tội lớn hơn cả đối với Kitô hữu. Tội về xác thịt là tội nặng nhưng không phải là nặng nhất. Vì có hai sức mạnh trong con người, cám dỗ họ quay mặt với ơn gọi của họ: loạn dâm với súc vật, và thờ ma quỷ. Thờ ma quỷ là tội nặng hơn trong hai tội. Vì thế, một người đạo đức giả lạnh lùng đầy tự mãn và đi dự lễ hằng ngày thì người này gần gũi hỏa ngục hơn là gái điếm. Điều tốt nhất là chắc chắn mình không phải người này cũng không phải người kia.” - C.S. Lewis
412. Tại sao việc sản xuất và tiêu thụ hình ảnh khiêu dâm là tội chống lại tình yêu?
- Tất cả những lạm dụng trái nghịch với tình yêu, đã tách rời tình dục con người ra khỏi tình yêu mật thiết của đôi bạn, làm cho tình yêu biến thành món hàng để buôn bán, tất cả đều là tội nặng. Bất cứ ai sản xuất, mua bán tiêu xài những sản phẩm khiêu dâm, đều xâm phạm phẩm giá con người, và quyến rũ người khác phạm tội. [2523]
- Trưng bày khiêu dâm là một hình thức dâm ô, bởi vì nó ngụp lặn vào ảo tưởng có tiền là có tình. Các nhà sản xuất, các diễn viên, các nhà buôn bán khiêu dâm tất cả đều tham gia vào việc xúc phạm nặng đến tình yêu và phẩm giá con người. Người tiêu thụ các sản phẩm khiêu dâm được chuyển tải trong các chương trình truyền thông, họ bơi lội trong thế giới khiêu dâm ảo, họ tham dự các cuộc gặp gỡ khiêu dâm, họ đi vào vòng ảnh hưởng của khiêu dâm và ủng hộ cho việc kinh doanh buôn bán tình dục bẩn thỉu.
“Trách nhiệm thuộc những người biết mà không nói ra.” - Thánh Edith Stein
413. Tại sao cưỡng dâm là tội nặng?
- Những người cưỡng hiếp người khác là hạ nhục nạn nhân một cách trầm trọng. Họ đã dùng bạo lực xâm nhập vào chỗ thân mật sâu xa nhất của nạn nhân, và làm tổn thương đến chính khả năng yêu đương của họ. [2356]
– Người cưỡng dâm mắc tội phạm thánh chống lại bản tính của tình yêu. Bản tính của việc kết hợp tình dục muốn người ta phải thực hiện độc quyền trong khung cảnh của một tình yêu trao hiến tự do cho nhau. Do đó, có thể có cưỡng dâm ngay trong nội bộ của đôi lứa. Cưỡng dâm đáng chê trách đến cực điểm khi người ở cấp bậc giáo sĩ hay nghề nghiệp lạm dụng tình dục đối với cấp dưới quyền, hoặc khi với người bà con, hoặc ngay cả khi bậc cha mẹ đối với con cái, và còn có thể khi chính các thầy cô, các nhà giáo dục với các học sinh được trao phó cho họ. → 386
“Phúc thay ai hiền lành (không dùng bạo lực).” - Mt 5,4
414. Hội Thánh có lập trường thế nào về sử dụng bao cao su phòng chống bệnh SIDA?
- Dù bao cao su không tuyệt đối an toàn bảo vệ khỏi lây bệnh SIDA, Hội Thánh vẫn từ chối việc dùng bao cao su như phương pháp cơ học duy nhất để phòng chống HIV. Hội Thánh khuyên nên theo một lối văn hóa mới, trong các quan hệ giữa con người với con người và một thay đổi về lương tâm tập thể.
– Chỉ có sống chung thuỷ và từ chối việc quan hệ tình dục vô trật tự mới tránh khỏi bệnh SIDA và mới giúp người ta học được một lối sống trật tự trong tình yêu. Muốn thế cần phải tôn trọng sự bình đẳng trong phẩm giá của người nam và nữ, sự quan tâm đến sức khoẻ của gia đình, sự làm chủ có trách nhiệm đối với các kích thích của bản năng, và sự từ chối kết hợp tình dục trong một lúc nào đó. Trong một số nước ở Châu Phi, người ta đã tổ chức những đợt vận động xã hội lớn (chiến dịch) để ủng hộ lối sống này, và người ta đã quan sát thấy việc lây lan bệnh SIDA đã giảm nhiều. Bên trên tất cả, Hội Thánh dồn hết mọi hoạt động để trợ giúp các bệnh nhân SIDA.
“Vợ chồng sống chung thuỷ với nhau, kiêng cữ mọi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, đó là hai cách tốt nhất để tránh bị lây nhiễm và để chặn đứng việc lây lan của virus. Những giá trị đích thực xuất phát từ sự hiểu biết đúng đắn về đời sống hôn nhân và đời sống gia đình, làm thành một nền móng duy nhất đáng tin cậy giúp xã hội ổn định.” - Đức Bênêđictô XVI, ngày 14-2-2006
“Có thể có những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn một người mãi dâm sử dụng một phương tiện đề phòng, có thể đây là một bước đầu hướng tới việc muốn giữ luân lý, một yếu tố đầu tiên tỏ ra biết trách nhiệm; có thể giúp họ phát triển lại ý thức rằng không phải mọi cái đều được phép, và không phải mình có thể làm bất cứ cái gì mình muốn. Nhưng đây không phải là phương thế đích thực để giải quyết tai hoạ lây nhiễm virus HIV. Cách giải quyết tốt nhất là ở chỗ làm cho tình dục được hợp với nhân đạo, hợp với nhân phẩm và văn hoá.” - Đức Bênêđictô XVI, Ánh sáng Trần gian
415. Hội Thánh phán đoán thế nào về đồng tính luyến ái?
- Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ và thân xác họ là để trao hiến cho nhau. Hội Thánh chấp nhận những người thấy mình có khuynh hướng đồng tính luyến ái. Ta không nên kỳ thị chống đối họ. Nhưng, Hội Thánh xác định rằng: những quan hệ tình dục giữa những người đồng tính luyến ái trong bất cứ hình thức nào đều nghịch lại trật tự của tạo dựng. [2358-2359] → 65
416. Yếu tố nòng cốt của hôn nhân Công giáo là gì?
1/ Một vợ một chồng (duy nhất). Hôn nhân là giao ước do tự bản chất đòi sự liên kết hợp nhất về thể xác, về tinh thần, về tâm linh của 2 người nam-nữ.
2/ Mãi mãi có nhau (bất khả phân ly) hôn nhân đòi kéo dài tới chết.
3/ Sẵn sàng đón nhận con cái và giáo dục chúng theo đức tin Kitô giáo.
4/ Cam kết luôn tìm phúc lợi cho người phối ngẫu.
[2360-2361, 2397-2398]→ 64, 400
– Nếu một trong hai từ chối một trong bốn điều trên khi kết hôn thì hôn nhân không thành.
“Đặc biệt, ngày nay, cần tránh lầm lẫn hôn nhân với các loại kết hợp khác chỉ dựa trên tình yêu yếu kém mong manh. Chỉ có sự vững như đá của một tình yêu toàn vẹn và không rút lại, giữa nam và nữ mới có thể làm nền tảng trên đó xây một xã hội đem lại hạnh phúc cho mọi người.” - Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 11-5-2006
417. Sự kết hợp tình dục trong hôn nhân có ý nghĩa gì?
- Việc vợ chồng kết hợp thể xác với nhau để nói lên sự kết hợp sâu xa trong tình yêu nhau và đón nhận con cái sinh ra từ tình yêu của họ là việc đúng với ý Chúa.
– Kitô giáo đánh giá cao về thân xác, về ước muốn và vui sướng trong tình yêu: Kitô giáo tin rằng vật chất là tốt, chính Thiên Chúa đã làm người, và ở trên trời chúng ta sẽ có một thứ thân xác, và thân xác ấy là thành phần quan trọng của hạnh phúc của ta, của vẻ đẹp và của sức mạnh của ta. Kitô giáo tôn vinh hôn nhân hơn các tôn giáo khác. Hầu hết các bài thơ lớn về tình yêu trong văn chương thế giới đã được các Kitô hữu sáng tác, và Kitô giáo phản bác những ai coi tình dục là xấu tự bản chất.
📕 Và Người đã phán, “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. - Mt 19,5-6
📕 Thật vậy, tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ. - 1 Tm 4,4
“Xin lỗi tôi là Kitô hữu. Thực ra, niềm vui sướng trong tình yêu không phải tự nó là một cùng đích. Khi sự vui sướng của lứa đôi khép kín nơi mình mà không mở ra cho một sự sống mới phải phát xuất tự nó thì vui sướng đó không phù hợp với bản chất của tình yêu.” C.S. Lewis
418. Con cái trong hôn phối có ý nghĩa gì?
- Con cái là thụ tạo và quà tặng (ơn phúc) của Thiên Chúa, chúng ra đời qua tình yêu của cha mẹ chúng. [2378-2398]
– Tình yêu chân thật không phải là đôi bạn khép kín vào chính mình. Đứa con được cưu mang trong bụng mẹ, được sinh ra không phải được “chế tạo ra”, và cũng không phải là tổng hợp các gen của cha mẹ nó. Đứa con là một thụ tạo mới hoàn toàn của Thiên Chúa, một thụ tạo độc nhất, có một linh hồn riêng. Đứa con không vì thế mà thuộc về hoặc là tài sản của cha mẹ. → 368, 372
“Con cái là một chúc phúc của Chúa.” - William Shakespear 1564-1616, nhà soạn kịch Anh
“Mỗi đứa con đều quý giá. Mỗi đứa con đều là thụ tạo của Thiên Chúa.” - Mẹ Têrêsa
“Con cái có quyền được tôn trọng như là con người ngay từ lúc thụ thai.” - Đức Gioan Phaolô II, Donum Vitae 2,8
419. Cha mẹ nên có bao nhiêu con?
- Cha mẹ Công giáo đón nhận bao nhiêu con cái tuỳ Chúa ban và tùy họ có thể chu toàn trách nhiệm đối với con cái. [2373]
– Tất cả những đứa con mà Chúa ban cho ta đều là một ân huệ, một chúc phúc lớn lao. Nói thế không phải là đôi bạn Kitô hữu không đếm xỉa gì đến sức khỏe, đến hoàn cảnh kinh tế và xã hội để quyết định số con mà họ có thể đảm nhận trách nhiệm. Khi có đứa con “bắt đắc dĩ” chào đời, cha mẹ phải đón nhận với niềm vui và chấp nhận với tình yêu cao thượng. Trong trông cậy vào Thiên Chúa, nhiều đôi bạn công giáo đã can đảm có một gia đình đông con hơn bình thường.
✠ Làm cha mẹ có trách nhiệm. Hội Thánh quả quyết và bảo vệ quyền của chính đôi bạn có thể quyết định số con cũng như thời gian cách nhau để sinh con tùy theo khuôn khổ của việc điều hòa sinh sản theo tự nhiên.
420. Đôi vợ chồng Công giáo có nên điều hoà số con cái của họ không?
- Có. Cha mẹ Công giáo được và nên có trách nhiệm trong việc dùng món quà là đặc ân lưu truyền sự sống. [2368-2369, 2399]
– Đôi khi có những hoàn cảnh xã hội hoặc những lý do tâm lý hay sức khoẻ làm cho việc có thêm con trở nên gánh quá nặng có khi quá sức loài người đối với đôi bạn. Đối với trường hợp này có những tiêu chuẩn rất rõ ràng để xem xét. Kế hoạch điều hoà sinh sản không phải là (1) Loại bỏ việc thụ thai sinh con. (2) Từ chối sinh con vì ích kỷ. (3) Chịu sự ép buộc bên ngoài, cụ thể là do Nhà nước ấn định số con. (4) Có thể dùng bất cứ phương pháp nào.
✠ Điều hoà sinh sản là kế hoạch hoá gia đình theo luật tự nhiên, đây là một trong số các phương pháp điều hòa sinh sản bằng cách dùng quan sát các thời kỳ có thể thụ thai của người vợ để có con hoặc tránh phải thụ thai (như phương pháp Billings).
“Kế hoạch hoá gia đình theo trật tự tự nhiên không là gì khác hơn là tự làm chủ trong tình yêu đôi bạn.” - Mẹ Têrêsa
421. Tại sao các phương pháp ngừa thai không tốt như nhau?
- Hội Thánh khuyến khích dùng phương pháp chính xác dựa vào quan sát chu kỳ kinh nguyệt nơi người nữ hàng tháng. Phương pháp này tôn trọng phẩm giá người nam và người nữ trong tình yêu. Nó giúp đôi bạn tôn trọng và cư xử âu yếm nhau, nó là trường dạy đôi bạn yêu nhau. [2370-2372, 2399]
– Hội Thánh chăm chú để tôn trọng trật tự trong tự nhiên, và Hội Thánh thấy trong đó có một ý nghĩa sâu xa. Đối với Hội Thánh, việc đôi bạn can thiệp một cách nhân tạo vào việc thụ thai của người vợ rất khác với việc sử dụng những thời kỳ có thể thụ thai và thời kỳ không thể thụ thai trong chu kỳ kinh nguyệt của người vợ. Việc “kế hoạch hoá gia đình theo trật tự tự nhiên” vừa tôn trọng con người, vừa ủng hộ cho việc vợ chồng âu yếm nhau và không làm tổn hại sức khoẻ. Vả lại, nếu việc kế hoạch theo đúng trật tự tự nhiên thì tỉ lệ thất bại của nó thấp hơn là ngừa thai nhân tạo bằng cách uống thuốc ngừa thai (Viên Pearl-Index). Ngược lại, Hội Thánh không chấp nhận mọi phương thế ngừa thai nhân tạo, hiểu là những phương thế hóa học (viên thuốc ngừa thai), những phương thế cơ học (bao cao su, vòng tránh thai…) và những phương thế giải phẩu (làm tuyệt sản bằng cắt ống), những phương pháp này can thiệp bằng thủ công vào sự liên kết không thể chia lìa giữa khía cạnh kết hợp tình dục và khía cạnh sinh sản trong hành vi vợ chồng. Những phương thế chống thụ thai nhân tạo này cũng có thể có hại cho sức khoẻ người vợ, gây nên sớm xảy thai và về lâu dài làm hư hại cho đời sống âu yếm của đôi bạn.
“Về vấn đề ngừa thai, đi nguợc với vấn đề điều hoà sinh sản, Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Điều hòa sinh sản là ngôn ngữ diễn tả cách tự nhiên việc đôi bạn trao hiến cho nhau trọn vẹn; còn ngừa thai là ngôn ngữ đi nguợc lại cách khách quan với ngôn ngữ điều hoà sinh sản, theo đó đôi bạn không còn trao hiến cho nhau trọn vẹn nữa. Như thế, không những đôi bạn chủ ý từ chối việc mở ngỏ cho sự sống, mà còn làm sai lệch sự thật nội tại của tình yêu vợ chồng, tình yêu này mời gọi trao hiến cho nhau trọn vẹn cả con người của mình.” - Đức Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, 32.
422. Đôi vợ chồng không có con có thể làm gì?
- Đôi bạn đau khổ vì không có con có thể nhờ sự giúp đỡ của y học, miễn là không nghịch với phẩm giá con người, nghịch với các quyền của trẻ em trong tương lai và nghịch với sự thánh thiện của bí tích hôn phối. [2375, 2379]
– Đứa con không có quyền tuyệt đối. Mọi đứa con đều là quà tặng của Thiên Chúa. Các đôi bạn không có được quà tặng đó sau khi đã dùng mọi cách cứu vãn hợp pháp của y học, họ có thể xin con nuôi, dấn thân phục vụ người khác và săn sóc trẻ bị bỏ rơi.
“Bạn đừng quên rằng trên thế giới có nhiều trẻ em, nhiều người vợ nhiều người chồng không có được cái bạn có, và bạn cũng hãy nghĩ tới việc phải yêu thương chính họ nữa đến nổi phải đau khổ vì họ.” - Mẹ Têrêsa
423. Hội Thánh nói gì về mang thai mướn và thụ thai nhân tạo?
- Hội Thánh cho biết: việc tìm thuốc men để có thể có con là hợp pháp, nhưng mọi sự giúp đỡ thụ thai qua sự nghiên cứu tìm kiếm và thuốc men phải chấm dứt, nếu cuối cùng họ dùng những phương thế không thể chấp nhận được về mặt luân lý, hoặc khi có người thứ ba can thiệp vào làm cho quan hệ cha mẹ bị phân ly, hoặc khi đứa con được sinh ra cách nhân tạo không do đôi bạn kết hợp tình dục với nhau. [ 2374- 2377]
– Vì tôn trọng phẩm giá con người, Hội Thánh từ chối việc sinh con nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo khác nguồn hay cùng nguồn. Mọi đứa con đều có quyền có một cha và một mẹ, có quyền biết mặt cha mẹ nó, và được lớn lên trong tình yêu bao bọc của cha mẹ. Việc thụ tinh nhân tạo khác nguồn nghĩa là dùng tinh trùng của một người khác cho (khác nguồn) hoặc dùng noãn sào của một người khác cho, việc thụ tinh này phá hủy tinh thần của hôn nhân trong đó đôi bạn có độc quyền là chỉ nhờ nhau mà trở thành cha mẹ. Và cũng phạm đến quyền của đứa con là quyền có cha mẹ chính thức kết hôn. Còn việc thụ tinh nhân tạo cùng nguồn nghĩa là dùng tinh trùng và noãn sào của chính cha mẹ, việc thụ tinh này tách rời hành vi tình dục khỏi hành vi sinh sản làm cho việc có con không còn là hành vi hiến thân cho nhau của đôi bạn; nó cũng làm cho đứa con chỉ là sản phẩm của kỹ thuật chứ không còn là kết quả tình yêu của đôi bạn. Nếu đứa con là sản phẩm của kỹ thuật thì có nguy cơ người ta “thiết lập một sự thống trị nào đó của kỹ thuật trên nguồn gốc và số phận của con người. Sự thống trị như vậy tự bản chất đi ngược với phẩm giá và sự bình đẳng chung cho cả cha mẹ lẫn con cái.” (Donum Vitae 2,5). Hội Thánh cũng từ chối việc chẩn đoán trước khi sinh chỉ nhằm mục đích phá hủy phôi thai khuyết tật. Việc thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm hoặc “mang thai mướn” cũng là những việc trái nghịch với phẩm giá người phụ nữ. → 280
“Cái xấu xa hơn trong tất cả các bi kịch không phải là sự tàn bạo của những con người xấu, mà là sự im lặng của những người tốt.” - Martin Luther King (1929-1968, mục sư người Mỹ da đen)
424. Thế nào là ngoại tình? Ly dị có hợp luân lý không?
- Ngoại tình là tội phạm của hai người có quan hệ tình dục, mà ít nhất, một người đã có vợ hay chồng. Ngoại tình phản bội lại tình yêu từ nền tảng, xâm phạm giao ước được ký kết trước Thiên Chúa, hành xử bất công với người thân cận mình. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh sự bất khả phân ly của hôn nhân khi nói: “Điều gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9). Dựa vào ý muốn đầu tiên của Đấng Tạo Hoá, Chúa Giêsu đã hủy bỏ sự khoan dung cho phép ly dị của Cựu ước.
– Chúa Giêsu có hứa trong sứ điệp: “Các bạn là con cái của Cha trên trời, các bạn đã nhận được khả năng yêu thương suốt đời”, lời này ban ơn can đảm. Dẫu thế, không dễ trung thành với bạn đời của mình suốt đời. Vì thế không nên kết án những người thất bại trong hôn nhân. Tuy nhiên các Kitô hữu, sống bay bướm đến chỗ phải ly dị thì phạm một tội nặng. Họ phạm tội chống lại tình yêu của Chúa, được biểu lộ trong hôn nhân. Họ phạm tội chống lại người bạn đời mà họ bỏ đi và chống lại những đứa con mà họ để lại. Người bạn đời trung thành của hôn nhân trở nên không chịu nổi, đôi khi có thể bỏ không ở nhà chung với nhau nữa. Để tránh khổ cực, có thể cần được ly dị theo luật dân sự. Có những trường hợp được xác định và có căn cứ, sau khi khảo sát xem hôn nhân có thành sự không, Hội Thánh có thể tuyên bố hôn nhân vô hiệu 269.
“Hoặc là trung tín cách tuyệt đối hoặc là chẳng trung tín gì.” - Karl Jaspers (1883-1969, triết gia Đức)
“Cái gốc của khủng hoảng hôn nhân và gia đình ở tại những quan niệm sai về tự do.” - Chân phước Gioan Phaolô II
“Hôn phối đã thành sự và hoàn hợp thì không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại hay một nguyên do nào khác, ngoài sự chết.” - Giáo luật, Điều 1141
425. Hội Thánh chống lại những đôi hôn phối không có Bí tích Hôn Phối thế nào?
- Người Công giáo không có hôn nhân, nếu chưa cử hành nghi lễ Hôn phối. Trong nghi lễ đó, Chúa Giêsu đến với đôi vợ chồng, Người ban dồi dào phúc lành trên họ. [2390-2391]
– Đôi khi có những người lớn tuổi nghĩ rằng mình phải khuyên đám trẻ ngày nay từ bỏ nghĩ đến một hôn nhân “suốt đời và trong bộ áo trắng”. Đối với họ hôn nhân chỉ cốt tại việc tập hợp công cộng, có những lời hứa không thể giữ được về của cải, về dự tính, về ý định tốt. Không thể được. Hôn nhân Kitô giáo không phải chuyện bịp bợm, mà là quà tặng đẹp nhất Thiên Chúa đã tưởng tượng ra cho đôi tình nhân. Thiên Chúa đến thắt dây nối kết họ rất bền chặt, mà không người đời nào có thể làm được. Chúa Giêsu đã nói: “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5), lời này luôn có mặt thường xuyên trong Bí tích Hôn Nhân. Chính sức mạnh tình yêu của Chúa luôn luôn ở đó, ngay cả khi theo bên ngoài, sức mạnh của đôi tình nhân đã cạn kiệt. Vì thế, Bí tích Hôn Nhân khác hẳn với việc chỉ là một thủ tục giấy tờ. Bí tích Hôn Nhân như một cái xe của Chúa luôn sẵn ở đó mà đôi tình nhân luôn có thể bước lên - một cái xe có đủ xăng nhớt để đưa vợ chồng, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, đi cho tới đích của tất cả những gì họ khao khát. Bởi vậy, Hội Thánh mời các bạn trẻ cách đặc biệt chống lại dứt khoát và mạnh mẽ cái áp lực xã hội của tất cả những người hôm nay đang coi việc quan hệ tình dục là không quan trọng, không cần đựơc liên kết bằng những cam kết trước hoặc ngoài hôn nhân.
📕 Có thì nói có, không thì nói không, thêm bớt là do sự Dữ mà ra. - Mt 5,37
“Anh nhận em làm vợ của anh, và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh.” - Nghi thức Hôn phối
Điều răn thứ bảy: Chớ lấy của người
426. Điều răn thứ bảy đòi buộc những gì?
- Điều răn thứ bảy không những cấm lấy gì của người khác, nó cũng đòi quản trị cách ngay thẳng và phân phát của cải dưới trần gian cách công bằng nữa. Nó điều chỉnh vấn đề tư hữu và phân chia những lợi tức phát sinh do lao động của con người. Sự phân chia bất công những nguyên liệu cũng bị điều răn thứ bảy tố giác. [2401]
– Thực ra điều răn thứ bảy chỉ cấm cầm giữ bất công của gì của người khác. Đồng thời cũng thúc đẩy mọi người cố gắng làm cho thế giới công bằng hơn, có tính xã hội hơn, và quan tâm đến việc phát triển thế giới lành mạnh. Điều răn thứ bảy tuyên bố rằng vì có đức tin ta có bổn phận dấn thân vào việc bảo vệ công cuộc tạo dựng và vào việc gìn giữ các tài nguyên thiên nhiên.
📕 Dù Chúa Giêsu giàu, nhưng đã ra nghèo vì ta, để ta trở nên giàu nhờ sự nghèo của Người. - 2 Cr 8,9
“Nếu không có của tư hữu thì cũng chẳng có niềm vui khi cho. Như thế, không ai còn có thể có niềm vui khi được giúp cho bạn bè khỏi nghèo túng, cho người qua đường, cho người đau khổ.” - Aristote
“Trong Thông điệp về xã hội Populorum Progressio, Đức Phaolô VI long trọng nhắc lại: “Kinh tế là để phục vụ con người”, và ngài không thừa nhận một chế độ coi “lợi nhuận như lý do cốt yếu của tiến bộ về kinh tế, coi cạnh tranh như luật tối thượng để tiến bộ về kinh tế, coi tư hữu các của cải để sản xuất như là luật tuyệt đối, không có gì giới hạn cũng như xã hội không có nghĩa vụ nào tương ứng để giới hạn.” - Populorum Progressio, 26
427. Tại sao quyền tư hữu không được là quyền tuyệt đối?
- Quyền tư hữu không là quyền tuyệt đối, và vô điều kiện, vì Thiên Chúa dựng nên trái đất và mọi sản vật trong đó cho tất cả mọi người trong nhân loại. [2402-2406, 2452]
– Những ai được “sở hữu” những phần của cuộc sáng tạo bởi vì họ đã có được cách hợp pháp do lao động của họ, hoặc được do thừa kế hay ban tặng, cần phải biết rằng quyền tư hữu một tài sản đòi buộc người nắm giữ phải mưu ích cho xã hội. Đồng thời, Hội Thánh chống lại những người suy ra từ bổn phận xã hội của những người có tư hữu rằng: quyền tư hữu không thể tồn tại được, và tất cả đều thuộc về hoặc là mọi người, hoặc là Nhà Nước. Mọi người chủ sở hữu một của cải theo như Đấng Tạo Hoá muốn, họ chăm sóc cẩn thận, họ phân phối các lợi ích để mỗi người đều được hưởng phần xứng đáng, chính người chủ đó đang hành động theo trật tự của Đấng Sáng Tạo.
“Có của mà không chia sẻ thì trong nhiều trường hợp còn nặng tội hơn ăn cắp.” - Marie Von Elner Eschenbach
“Quyền tư hữu không ban cho ta một quyền tuyệt đối và vô điều kiện.” - Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Populorum Progressio
428. Ăn trộm là gì? Điều răn thứ bảy dạy gì?
- Ăn trộm là chiếm đoạt bất hợp pháp của cải thuộc về người khác. [2408-2410].
– Ai chiếm giữ cách bất công của gì của người khác là phạm điều răn thứ bảy, dù việc đó không bị luật dân sự kết án. Bất công, là điều không công bằng trước mặt Chúa. Không những ăn cắp là trái với điều răn thứ bảy, nhưng từ chối cách bất công để trả lương xứng đáng, cầm giữ những đồ vật tìm được hoặc đã mượn mà có thể trả lại, hoặc gian lận một cách chung cũng lỗi như vậy. Điều răn thứ bảy cũng tố cáo những việc sau đây: sử dụng nhân công trong những điều kiện bất xứng, không tôn trọng hợp đồng mình đã cam kết, phung phí những lợi tức thu được mà coi thường nghĩa vụ phải chia sẻ, tăng hay giảm giá cách giả tạo, gây thiệt hại cho việc làm của các bạn cùng lao động, chấp thuận cho hối lộ và mua chuộc, lôi kéo các bạn cùng cộng tác trong những hành vi bất hợp pháp, không thi hành các công việc hoặc đòi hỏi làm việc quá giờ bất tương xứng, phí phạm của công hoặc quản trị không tốt, làm giả chi phiếu hoặc làm sai hóa đơn, phạm những gian lận về thuế vụ hoặc thương mại.
429. Có luật nào liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ không?
- Sự chiếm đoạt những sản phẩm trí tuệ cũng là ăn cắp. [2408-2409]
– Không phải chỉ có chuyện “đạo văn” (đạo là ăn cắp) mới là ăn cắp. Ăn cắp sản phẩm của trí tuệ con người đã bắt đầu ngay từ ở nhà trường khi người ta chép bài (cóp bài) của người bên cạnh, nó còn tiếp tục bằng việc nạp dữ liệu từ xa cách bất hợp pháp trong Internet, chiếm giữ như của mình những văn bản không được phép, cướp lấy những dữ liệu tin học hoặc cung cấp do các phương tiện truyền thông… và đi tới chỗ buôn bán từ những dữ liệu là ý tưởng hay quan niệm đã đánh cắp. Tất cả việc chiếm giữ các tài liệu (tài sản) trí tuệ (phi vật chất) thuộc về sở hữu của người khác đó, đòi hỏi phải được sự ưng thuận và được đền bù cho thích hợp, nếu xảy ra là tác giả chiếm giữ có tham gia vào việc thực hiện tác phẩm mới.
✠ Đạo văn - là coi tác phẩm của người khác như của mình một cách trái phép, bằng cách chép lại, hoặc bắt chước mô phỏng mà không xin phép.
430. Công bằng giao hoán là gì?
- Công bằng giao hoán là sự trao đổi giữa các con người với nhau trong tôn trọng đúng quyền lợi của họ. Nó giám sát để quyền sở hữu được bảo đảm, nợ được trả lại, bổn phận đã tự ý giao kèo phải làm xong, và nó theo dõi để bất công đã phạm phải đền bù, và của cải bị ăn cắp được trả lại. [2411-2412]
📕 Chúa Giêsu khen ông Giakêu người thu thuế đã hứa: Thưa Ngài nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì. Tôi xin đền gấp bốn. - Lc 19,8
“Tôi yêu tiền bạc vì nó cho tôi khả năng giúp đỡ người khác.” - Blaise Pascal
431. Có được phép gian lận thuế không?
- Sáng kiến các hệ thống thuế phức tạp thì không bị chỉ trích về mặt luân lý. Điều trái luân lý là tìm các thủ đoạn để không trả thuế, gian lận thuế, làm sai hoặc che giấu của cải bị cầm giữ. [2409]
– Khi phải trả thuế theo lợi tức, các người nộp thuế chi trả cho những tổn phí công cộng của Nhà Nnước. Vì thế, gian lận thuế không phải tội nhẹ. Thuế phải công bằng và tương xứng, và phải được thu theo luật định.
📕 Còn ông Dakêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. - Lc 19,8
432. Kitô hữu có thể đầu cơ trong giao dịch chứng khoán, hoặc trên Internet không?
- Kitô hữu có quyền làm các giao dịch chứng khoán hay trên Internet, khi mà việc đầu tư trên của mình hoặc được người khác gửi, được thực hiện trong khuôn khổ giao dịch thương mại bình thường vừa khôn ngoan vừa hợp luân lý.
– Việc đầu cơ trong giao dịch chứng khoán trở nên trái luân lý khi nó dùng đến những thực hành bất lương (ví dụ: Le délit d’initié) khi nó gây nguy cơ làm cho người ta mất nguồn lợi tài chính riêng của họ hoặc của người khác mà đáng lẽ nó phải bảo đảm; khi nó mặc lấy tính cách của người ghiền như mê chơi cờ bạc, cá cược. → 434
📕 Ai yêu tiền sẽ không thỏa mãn với tiền. - Hc 5,10
“Tiền của hắn chi phối hắn hơn là hắn chi phối tiền.” - Thánh Cyprien ở Carthage
433. Phải đối xử với tài sản thuộc về mọi người thế nào?
- Chủ trương phá hoại và cố ý làm hư hỏng các công trình và tài sản chung là các thứ hành vi trộm cắp, và đòi phải bồi thường. [2409]
“Khi bạn cung cấp hoặc sử dụng một đồ vật, bạn hãy nghĩ rằng đó là sản phẩm do lao động của mọi người, và nếu bạn dùng nó một cách lạm dụng, chẳng hạn làm hư hỏng hoặc phá hủy nó, đó chính là bạn đã phá hủy sự lao động, và cả sự sống con người mà bạn đã lạm dụng.” - Léon Tolstoi (1818-1910, văn sĩ Nga)
434. Kitô hữu có được chơi cá cược và chơi cờ bạc không?
- Cá cược (cá độ) và cờ bạc (bài bạc) là hành vi vô luân và nguy hiểm khi người chơi làm mất đi những phương thế để sinh sống. Nó trở nên nguy hiểm hơn khi liên quan đến cuộc sống của người khác, nhất là những người trông cậy vào sự săn sóc của mình. (con cái trông cậy cha mẹ...)
– Thật là điều cực kỳ đáng trách về mặt đạo đức khi đem số tiền kếch sù để chơi cờ bạc cá cược đang khi có người thiếu cả những cái cần thiết để sống. Vả lại, những trò chơi cờ bạc có nguy cơ làm cho con người đâm ghiền và nô lệ nó nặng nề.
“Một nguời giàu nhiều khi chỉ là “một người nghèo” có nhiều tiền bạc.” - Aristote
435. Có được phép mua bán con người không?
- Không được buôn bán con người hoặc bộ phận con người, và cũng không được bán mình như một món hàng. Con người thuộc về Thiên Chúa, đã ban cho có tự do và nhân phẩm. Ngày nay, thường có chuyện mua bán con người, không phải chỉ trong việc mãi dâm mà thôi. Thực là chuyện rất đáng khiển trách.[2414]
– Việc buôn bán các bộ phận hoặc bào thai để làm kỹ nghệ sinh học, buôn bán trẻ em để làm con nuôi, tuyển mộ trẻ em làm lính, mãi dâm, tất cả đều được buôn bán, từ xa xưa như trái đất, buôn bán con người và buôn bán nô lệ lại tái xuất hiện với nhiều hình thức ngày nay. Những việc buôn bán này cướp lấy của con người sự tự do, phẩm giá, tự do ý chí, và sự sống của họ cách nào đó. Đó là làm cho họ đi vào tình trạng của đồ vật, để thành nguồn lợi nhuận cho những người buôn bán. Ở đây cũng phải nói đến việc mua hay bán cầu thủ bóng đá hoặc các môn thể thao khác, mặc dầu sự thực việc chuyển nhượng được thực hiện với sự đồng ý hoàn toàn của các đương sự.
“Trước những hành vi độc ác của tư bản chủ nghĩa hạ giá con người xuống loại hàng hóa, mắt chúng ta mở ra để thấy những nguy hiểm do của cải giàu sang và chúng ta hiểu đựơc cách mới mẻ hơn điều Chúa Giêsu muốn nói khi phải canh chừng đối với tiền bạc, đối với thần Mammon đã tiêu diệt con người và đã dùng nanh vuốt tham lam kinh khủng bóp chết cả phần lớn thế giới.” - Đức Bênêđictô XVI, Đức Giêsu thành Nazareth
“Khoảng 12,3 triệu người phải làm nô lệ cho việc cưỡng bách lao động. Khoảng 2,4 triệu người làm nạn nhân cho việc buôn bán con người. Lợi nhuận tổng cộng khoảng 10 tỉ đô la.” -Thống kê của Tổ chức Quốc tế về Lao động cho năm 2005
436. Phải đối xử với vạn vật được sáng tạo thế nào?
- Ta làm tròn sự uỷ nhiệm của Chúa trong sáng tạo của Người khi ta tôn trọng và tuân giữ lâu bền trái đất như không gian sinh sống, với các luật lệ chi phối sự sống, sự khác biệt của các loài, vẻ đẹp thiên nhiên, những của cải trái đất sản xuất, để cho các thế hệ tương lai cũng có thể sinh sống tốt đẹp trên hành tinh của ta. [2415]
– Sách Sáng thế nói rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở và hãy đầy dẫy trên đất, và hãy bá chủ nó. Hãy trị trên cá biển và chim trời và mọi loài sinh vật nhung nhúc trên đất.”(St 1, 28). Hãy “trị trên đất” không thể hiểu là con người có quyền tuyệt đối sử dụng tùy tiện cái thế giới hữu sinh và vô sinh này, các động vật và thực vật. Còn về chuyện “được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa” thì đòi hỏi con người phải lo tôn trọng sự sáng tạo của Thiên Chúa, là Đấng chăn dắt và quản lý sự sáng tạo đó. Bởi vì Chúa cũng nói: Thiên Chúa đem người đặt vào vườn Eden để nó canh tác và gìn giữ (St 2,15). → 42-50,57
“Bạn dấn thân cách chính đáng để tôn trọng sự lành mạnh của môi trường, của cây cối và súc vật. Bạn cũng hãy đồng ý thẳng thắn hơn để tôn trọng sự sống con người, vì trong trật tự của sáng tạo, con người trổi vượt xa các thực tại được tạo dựng trong thế giới hữu hình.” - Đức Gioan Phaolô II, 8-9-1985
“Kinh nghiệm cho ta thấy, sự vô tâm đối với môi trường chung quanh luôn có hại cho sự sống chung của con người, không thể nào tránh khỏi. Điều đó luôn chứng tỏ rằng, sự bình an đối với thiên nhiên, và bình an giữa con người luôn luôn có một quan hệ không thể phân ly được.” - Đức Bênêđictô XVI, 1-1-2007
437. Phải đối xử với các loài vật thế nào?
- Các loài vật cũng như ta, là tạo vật Thiên Chúa dựng nên. Ta cần để ý chăm sóc chúng, vui có chúng như Thiên Chúa vui trong các thụ tạo của Người. [2416-2418, 2456-2457]
– Các loài vật cũng là loại thụ tạo có cảm giác. Hành hạ chúng và đánh đập chúng đau, giết chúng vô cớ đều là tội. Tuy nhiên không ai được yêu loài vật hơn là yêu người thân cận.
438. Tại sao Hội Thánh có những học thuyết riêng về xã hội?
- Vì mọi người đều là con cái Thiên Chúa, đều có một phẩm giá ngang nhau, nên Hội Thánh có những học thuyết riêng cho con người, để phẩm giá họ được tôn trọng. Hội Thánh công nhận quyền tự trị của chính trị và kinh tế, tuy nhiên, khi chính trị và kinh tế xâm phạm đến phẩm giá của con người thì Hội Thánh phải can thiệp. [2419-2420, 2422-2423]
– Những vui mừng và hy vọng, những buồn sầu và lo lắng của con người thời nay, nhất là của người nghèo, cũng là những vui mừng và hy vọng, những buồn sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô (Công đồng Vatican II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, mở đầu). Học thuyết Xã hội của Hội Thánh lấy câu này để áp dụng cụ thể. Hội Thánh đặt câu hỏi: làm thế nào chúng ta gắn kết trách nhiệm của chúng ta để làm cho mọi người sống sung túc và được đối xử công bằng, kể cả những người không phải Kitô hữu? Quan niệm sống về đời sống cộng đồng giữa mọi người, về các thể chế chính trị, kinh tế và xã hội cốt tại gì? Đường lối hướng dẫn Hội Thánh dấn thân cho hòa bình là tình yêu người, đặt nền móng trên tình yêu Chúa Kitô đối với nhân loại.
439. Học thuyết Xã hội của Hội Thánh phát triển thế nào?
- Học thuyết Xã hội của Hội Thánh phát triển vào thế kỷ XIX, để đáp ứng vấn đề giữa chủ nhân và công nhân. Kỹ nghệ hóa dẫn đến gia tăng thịnh vượng, nhưng giới chủ nhân lợi dụng để gia tăng lợi tức, còn giới công nhân trở nên nghèo khổ, mất hết quyền lợi. Từ tình huống này, lý thuyết Cộng sản ra đời, họ cho rằng không thể dung hòa giữa 2 tầng lớp công nhân lao động và chủ nhân tư bản, nên phải có đấu tranh giai cấp để giải quyết. Ngược lại, Hội Thánh cổ vũ một sự cân bằng xã hội chính đáng giữa lợi tức của giới công nhân và chủ nhân. [2421]
– Hội Thánh đã can thiệp để tất cả giới công nhân chứ không phải chỉ một số chủ nhân, có thể cùng được hưởng một hình thức sung túc mới nhờ việc kỹ nghệ hóa và cạnh tranh kinh tế. Hội Thánh chấp thuận việc thành lập các nghiệp đoàn và đòi hỏi Nhà Nước phải bảo vệ giới thợ thuyền khỏi bị khai thác bằng các luật và phải có một hệ thống an ninh xã hội, để bảo đảm cho thợ và gia đình họ trong trường hợp bệnh tật và nghèo khổ.
“Tư bản không thể thiếu nhân công, nhân công không thể thiếu tư bản. Chủ không thể thiếu thợ, thợ không thể thiếu chủ.” - Đức Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum, 1891
440. Kitô hữu có buộc can thiệp vào các việc chính trị và xã hội không?
- Đây là một nhiệm vụ đặc biệt của người giáo dân Công giáo. Giáo dân can dự vào việc chính trị, kinh tế, xã hội, phù hợp với tinh thần của Phúc Âm: bác ái, sự thật, công bằng. Học thuyết Xã hội của đạo Công giáo đã cung cấp những chỉ thị rõ ràng về vấn đề này. [2442]
– Dấn thân vào một đảng chính trị không phù hợp với nhiệm vụ của giám mục, linh mục và tu sĩ. Các ngài phải lo phục vụ tất cả cộng đồng.
“Thật là thích hợp để nhấn mạnh đến vai trò nổi bật thuộc về giáo dân, cả nam lẫn nữ... Chính nhiệm vụ của họ đã làm sôi động lên các thực tại trần thế bằng việc dấn thân Kitô hữu, qua đó, họ tỏ ra rằng, họ là những chứng nhân và tác nhân của công lý và hòa bình.” - Chân phước Gioan Phaolô II, Sollicitudo rei socialis
441. Hội Thánh nói gì về dân chủ?
- Hội Thánh hỗ trợ dân chủ, vì đó là hệ thống chính trị có điều kiện tốt nhất để người dân được bình đẳng trước pháp luật và quyền con người được bảo đảm. Nhưng dân chủ thực sự không phải chỉ do đa số nắm quyền tối cao, dân chủ chỉ có thể có, khi Nhà nước công nhận những quyền căn bản Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người, và Nhà nước phải bảo vệ những quyền ấy, nếu cần Nhà nước phải chống lại quyết định của đa số. [1922]
– Lịch sử dạy rằng ngay dân chủ cũng không đem lại sự bảo vệ tuyệt đối chống lại những xâm phạm đến quyền con người và phẩm giá con người. Dân chủ luôn có nguy cơ biến đổi thành độc tài của đa số trên thiểu số. Dân chủ tự nó không thể bảo đảm những nguyên tắc chi phối sự có mặt của nó. Vì thế Kitô hữu phải đặc biệt quan tâm để người ta không làm xói mòn các giá trị mà không có nó dân chủ không thể bền vững đựơc.
“Nền dân chủ không đúng cách, sẽ dễ trở nên chủ nghĩa độc tài méo mó, có khi công khai có khi ngấm ngầm.” - Chân phước Gioan Phaolô II, Centesimus Annus
442. Hội Thánh có lập trường thế nào về chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường?
- Chủ nghĩa tư bản không cắm rễ sâu trong hệ thống chính đáng của các giá trị thì có nguy cơ không nhắm đến công ích mà chỉ nhắm tới lợi tức cá nhân. Hội Thánh dứt khoát từ bỏ thuyết này. Hội Thánh ủng hộ thuyết kinh tế thị trường, nó nhắm tới phục vụ mọi người, điều chỉnh mọi thứ độc quyền và cung cấp cho mọi người có việc làm và có những hàng hóa cần thiết. [2426]
– Học thuyết Xã hội của Hội Thánh đánh giá cao mọi việc kinh doanh của con người để phục vụ “công ích”, nghĩa là “tất cả những gì giúp cho các cá nhân, các gia đình, và tất cả các nhóm xã hội đạt tới hoàn thành cách sung mãn” (Công đồng Vatican II Hiến chế Vui mừng và Hy vọng). Đối với kinh tế cũng vậy, nó cần phát triển trước hết nhằm phục vụ con người.
“Một chủ nghĩa tư bản không có nhân đạo, không có tình liên đới cũng không có công bằng thì vừa chẳng có đạo đức, vừa chẳng có tương lai.” - Hồng y Reinhard Max (1953- , Tổng Giám mục Munich và Freising)
“Việc khám phá các tài nguyên, các tài trợ vốn, việc sản xuất, tiêu thụ và tất cả những giai đoạn của chu kỳ kinh tế đều không thể thoát ra khỏi những đòi hỏi của luân lý. Do đó mà mọi quyết định về kinh tế đều có hệ quả đến luân lý.” - Đức Bênêđictô XVI, Bác ái trong Chân lý, 37
443. Bổn phận của nhà quản lý và lãnh đạo xí nghiệp là gì?
- Bổn phận các nhà lãnh đạo xí nghiệp là, ngoài những lợi tức hợp pháp cho mình và cho xí nghiệp, họ còn có trách nhiệm để ý đến lương chính đáng cho người thợ, người thầu lại, khách hàng, cũng không bỏ quên những đòi hỏi của xã hội và của môi trường xung quanh. [2432]
“Không con người nào sẽ tuyên bố rằng mình sẵn sàng hành động như vua Sisyphe (trong thần thoại Hy Lạp có chuyện vua Sisyphe phạm nhiều tội ác bị phạt phải đẩy một khối đá lên đỉnh núi, nhưng khối đá đã không bao giờ lên nổi).” - Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955, Dòng Tên)
444. Hội Thánh nói gì về lao động và thất nghiệp?
- Lao động là bổn phận Thiên Chúa giao cho con người để tiếp tục bổn phận của con người. Thiên Chúa đặt con người vào trong vườn địa đàng để con người trông coi và làm việc (St 2,15). Đối với hầu hết mọi người, làm việc là phương thức để kiếm sống. Thất nghiệp là một bất hạnh nặng nề cần phải được giải quyết.
– Hiện nay nhiều người muốn lao động nhưng không kiếm được việc làm, nhiều người khác phải lao động đến nỗi không còn thì giờ dành cho Thiên Chúa cũng như cho người thân cận. Trong khi nhiều người chỉ có đồng lương không đủ nuôi sống gia đình, nhiều người khác lại kiếm được quá nhiều tiền đến nỗi sống xa hoa không tưởng tượng được. Lao động tự nó không phải là cùng đích, lao động phải góp phần thực hiện một xã hội xứng đáng với con người. Học thuyết Xã hội của Hội Thánh ca tụng một trật tự kinh tế mà tất cả mọi người có thể tham dự cách tích cực và có được phần sung túc cho họ. Hội Thánh đòi hỏi cho mọi người có lương chính đáng để mỗi người có cuộc sống xứng đáng và Hội Thánh thúc giục người giàu thực hành nhân đức tiết độ và chia sẻ với tình liên đới. 47, 332
“Lao động thì tốt cho con người, tốt cho loài người, vì nhờ lao động, con người biến đổi thiên nhiên, đáp ứng những nhu cầu của con người, họ cũng thể hiện đầy đủ ý nghĩa con người và trở nên người hơn.” - Chân phước Gioan Phaolô II, Laborum Exercens
445. Nguyên tắc “lao động ưu tiên trên tư bản” nghĩa là gì?
- Đây là một nguyên tắc mà Hội Thánh luôn giảng dạy. Con người có tiền bạc hay tư bản, đó chỉ là các sự vật. Còn lao động không thể tách rời con người là chủ thể lao động. Vì thế những nhu cầu cơ bản của thợ thuyền chiếm ưu tiên trên lợi nhuận do tư bản (nghĩa là toàn bộ các phương tiện sản xuất, Laborem Exercens, 12)
– Những người nắm tư bản và các nhà đầu tư đều có những lợi tức hợp pháp cần được bảo vệ. Nhưng nếu họ nhắm đến việc gia tăng lợi tức riêng của họ mà coi thường các quyền cơ bản của thợ thuyền và công nhân, họ phạm tội bất công nặng nề.
“Tất cả những gì chứa đựng trong quan niệm “tư bản” theo nghĩa hẹp của nó, chỉ là toàn bộ các sự việc. Còn con người là chủ thể của lao động, bất kể thứ lao động nào mà họ hoàn thành, và chỉ con người mà thôi là một con người.” - Đức Gioan Phaolô II, Laborem Exercens, 12
446. Hội Thánh nói gì về toàn cầu hoá?
- Toàn cầu hoá thực ra không xấu cũng không tốt. Nó tuỳ thuộc vào mọi người. Nó bắt nguồn từ những nước đang phát triển về kinh tế, nó bắt buộc các nước kém mở mang phải hành động chung. Toàn cầu hóa là động lực chính để toàn thể các miền ra khỏi tình trạng kém mở mang và nó tỏ ra là một thuận lợi lớn. Tuy nhiên, nếu không có sự hướng dẫn của đức ái trong sự thành thật, sức ép của toàn cầu hoá này, hoặc có thể gây thiệt hại không lường trước được, hoặc nó đưa đến những chia rẽ mới trong gia đình nhân loại. (Đức Bênêđictô XVI, Bác ái trong Chân lý)
– Khi ta mua một bộ “jean” rẻ tiền, ta không thể không biết gì đến việc nó được sản xuất trong những điều kiện nào, và các thợ may được trả lương công bằng hay không. Số phận của mọi người là điều quan trọng. Thế giới cần “một sự cầm quyền chính trị toàn cầu đích thực”, để bảo đảm sự quân bình chính đáng giữa những người thuộc các nước giàu và những người thuộc các nước đang mở mang. Các nước đang mở mang thường bị loại trừ không được hưởng những lợi ích của việc toàn cầu hoá kinh tế mà lại phải chịu mang gánh nặng.
“Thật đáng ngao ngán trước việc toàn cầu hoá làm cho các điều kiện sống của người nghèo ngày càng khó khăn, nó không giảm bớt nạn đói, nạn nghèo, và bất bình đẳng xã hội, và nó còn chà đạp sinh thái. Những phương diện đó của toàn cầu hóa có thể gây nên những phản ứng cực đoan, sinh ra chủ nghĩa duy quốc gia, nạn cuồng tín về tôn giáo, và cả nạn khủng bố nữa.” - Đức Gioan Phaolô II, 2003
“Xã hội càng ngày càng liên đới, toàn cầu hóa giúp ta lại gần nhau hơn, nhưng nó chưa làm cho ta trở nên anh em hơn. Lý do là tự nó giúp có thể hiểu thế nào là bình đẳng giữa mọi người và thiết lập một cuộc sống dân sự ổn định, nhưng nó lại không tạo nên được tình huynh đệ.” - Đức Bênêđictô XVI, Bác ái trong Chân lý, 19
447. Toàn cầu hoá có nghĩa là độc quyền về vấn đề chính trị và kinh tế không?
- Người ta thường nói đến sự phân chia các nhiệm vụ: kinh tế cần lo tăng sản xuất làm giầu, chính trị cần lo phân chia cho công bằng. Đến thời đại toàn cầu hóa, lợi tức được kiếm chung cho cả hành tinh, trong khi chính trị lại còn giới hạn trong biên giới quốc gia. Vì thế, điều cần ngày nay, không phải chỉ là củng cố thể chế chính trị liên quốc gia, nhưng cũng cần đến các nhóm xã hội hoặc cá nhân trong các nước nghèo hơn trên thế giới, có những sáng kiến về kinh tế không ưu tiên kiếm lợi nhuận, nhưng ưu tiên cho tinh thần liên đới và yêu thương.
– Trên thị trường người ta trao đổi các của cải có giá trị tương đương, và các của cải không có. Trong nhiều miền trên thế giới, người ta quá nghèo đến nỗi chẳng có gì đưa ra để trao đổi, và họ càng ngày càng bị lệ thuộc. Nên cần phải khuyến khích những sáng kiến kinh tế không dành ưu tiên cho “lôgic trao đổi” mà ưu tiên cho “logic tặng quà không điều kiện” (Đức Bênêđictô XVI, Bác ái trong Chân lý, 37). Đây không phải chỉ là bố thí cho người nghèo mà là mở đường cho một kinh tế tự do bằng cách giúp chính họ tự mình thoát khỏi nghèo khó. Rất nhiều dự án Kitô giáo đi theo hướng này. Cũng có những “nhà thầu xã hội”, không Kitô giáo hướng về lợi nhuận, nhưng họ hoạt động trong tinh thần của một “văn hoá tặng quà” nhằm mục đích đẩy lùi khó nghèo và loại bỏ nó.
“Kinh tế mang tính toàn cầu xem ra đề cao “logic thứ nhất” là logic trao đổi theo hợp đồng, nhưng trực tiếp hay gián tiếp nó cho thấy nó cũng cần đến hai lôgic khác là “logic chính trị” và “logic tặng quà không điều kiện”.” - Đức Bênêđictô XVI, Bác ái trong Chân lý, 37
448. Sự nghèo khó và kém phát triển có phải là số phận không thể tránh được chăng?
- Thiên Chúa đã trao phó cho con người một trái đất giầu có, nó có thể cho mọi người đủ thức ăn và nơi sinh sống. Tuy nhiên, có những miền, nước, châu lục trong đó nhiều người hầu như thiếu điều kiện để sinh sống. Có những nguyên nhân lịch sử phức tạp về sự gẫy đổ trong thế giới này, nhưng không phải là không sửa chữa được. Các nước giầu có bổn phận đạo đức là giúp những nước kém phát triển thoát khỏi cảnh nghèo, nhờ giúp họ phát triển và tạo ra những điều kiện kinh tế và thương mại công bằng.
– 1,4 tỉ người sống trên hành tinh này với số tiền chưa tới 1 Euro cho một ngày. Họ khổ vì thiếu lương thực, và thường thiếu cả nước uống nữa. Họ hầu hết không có giờ đi học văn hóa cũng không được bảo vệ về y tế. Người ta ước chừng hơn 25.000 người chết vì thiếu dinh dưỡng. Đa số trong đó là những trẻ em.
“Dự án “kinh tế cộng đồng” đã ra đời để một ngày kia ta có thể cho ra được một thí dụ: một dân tộc mà không còn người nào phải đau khổ vì nghèo đói, không còn ai là người nghèo nữa.” - Chiara Lubich (1920-2008, sáng lập Phong trào Focolari)
“Những nước nghèo trên thế giới kêu than với những nước giàu có phồn vinh. Hội Thánh rùng mình xúc động vì những tiếng than van này và mời gọi từng người lắng nghe tiếng kêu của anh chị em mình mà trả lời họ cách yêu thương.” - Đức Phaolô VI, Phát triển các Dân tộc, 3
449. Kitô hữu phải bày tỏ tình yêu đối với người nghèo như thế nào?
- Kitô hữu trong bất cứ thời nào đều phải yêu thương người nghèo. Người nghèo không phải chỉ đáng được một ít của bố thí, nhưng đòi sự công bằng. Kitô hữu bị buộc cách riêng, là chia sẻ của cải cho người nghèo khó. Gương mẫu yêu thương người nghèo của ta là chính Chúa Kitô. [2443-2446]
– “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3), đó là mối phúc thứ nhất. Có loại nghèo khó về vật chất, về tinh thần, về thiêng liêng. Kitô hữu có phận sự lo lắng đến những người nghèo túng trên trái đất, quan tâm đến họ, yêu thương và giúp đỡ họ. Mọi người sẽ chịu Chúa Kitô phán xét về tình yêu của họ đối với người nghèo của họ, hơn là về tất cả các điểm khác: “Ta bảo thật các ngươi mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40). → 427
“Không chia sẻ của cải của ta, là bóc lột là lấy cắp đi mạng sống họ. Những của cải ta có không phải của ta, nhưng là của họ.” - Thánh Gioan Chrysostom
“Cho người nghèo, bạn sẽ nên giàu.” - Ngạn ngữ Ảrập
450. Những việc làm để thương xác là gì?
- Thương xác có 7 việc làm này: Thứ nhất, cho kẻ đói ăn. Thứ hai, cho kẻ khát uống. Thứ ba, cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm, cho khách đỗ nhà. Thứ sáu, thăm bệnh nhân và tù nhân. Thứ bảy, chôn xác kẻ chết. [2447]
“Ở xởi lởi, Trời cởi ra cho. Ở so đo, Trời co ro lại.” - Tục ngữ Việt Nam
“Vì ai cho đi là lãnh nhận, ai quên mình là tìm thấy mình, ai thứ tha là được tha thứ, ai chết đi là được sống muôn đời.” - Kinh Hoà bình của Thánh Phanxicô
“Mẹ Têrêsa thường nói chuyện riêng tư với các chị em xin vào tu dòng của mẹ. Mẹ bảo chị em xòe bàn tay phải ra rồi nắm từng ngón tay lại theo lần lượt, mỗi ngón đọc một lời sau đây: chính là/cho ta/mà/con/đã làm. Đó là Lời Chúa Giêsu trong Mt 25,40. Những lời nói và việc làm nhỏ đó luôn là liều thuốc tốt cho chị em trong cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại cám dỗ chán ngán và ghê tởm, trong khi chăm sóc các bệnh nhân và những người đang chết.”
451. Những việc làm để thương linh hồn là gì?
- Thương linh hồn có 7 việc làm này: Thứ nhất, lấy lời lành mà khuyên người. Thứ hai, mở dạy kẻ mê muội. Thứ ba, yên ủi kẻ âu lo. Thứ bốn, răn bảo kẻ có tội. Thứ năm, tha kẻ dể ta. Thứ sáu, nhịn kẻ mất lòng ta. Thứ bảy, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
📕 Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy. - Mt 25,40
Điều răn thứ tám: Chớ làm chứng dối hại người thân cận (Xh 20,16)
452. Điều răn thứ 8 đòi ta điều gì?
- Điều răn thứ 8 dạy ta không được nói dối. Nói dối là biết và cố ý nói hay làm ngược sự thật. Người nói dối sỉ nhục chính mình và lừa dối người khác là người có quyền biết đầy đủ sự thật của vấn đề. [2464, 2467-2468, 2483, 2485-2486]
– Mọi thứ dối trá đều phạm đến đức công bằng và bác ái. Dối trá là một thứ bạo lực; nó gieo mầm chia rẽ trong cộng đoàn và nhạo báng sự tin cậy mà toàn thể cộng đoàn nhân loại dựa vào.
📕 Đừng làm chứng gian chống người lân cận. - Xh 20,16
“Sự thật thường hay bị bóp nghẹt trong thời nay, và dối trá cũng rất thường xuyên, người ta không thể nhận biết được sự thật nếu không yêu mến sự thật.” - Blaise Pascal
453. Thiên Chúa làm gì khi ta tôn trọng sự thật?
- Tôn trọng sư thật không phải chỉ là trung thành với chính mình, mà đúng hơn còn là trung thành trước mặt Chúa nữa, vì Người là nguồn mạch sự thật (chân lý). Và ta tìm được ngay sự thật về Thiên Chúa và về mọi thực tại nơi Chúa Giêsu Kitô, Người là “Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống” (Ga 14,6). [2465-2470, 2505]
- Người thực sự bước đi theo Chúa Giêsu luôn luôn đề cao tính trung thực trong đời sống mình. Họ xua đuổi mọi thứ dối trá, mọi thứ sai lạc, mọi thứ giả vờ và mọi thứ giả hình trong hành động cũng như trong lời nói, và họ trở nên trong sáng với sự thật. Tin là trở nên chứng nhân cho sự thật.
📕 Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật. - 1 Ga 1,6
📕 Và người ta tìm được ngay sự thật về Thiên Chúa và về Chúa Giêsu Kitô, Người “là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”. - Ga 14,6
454. Ta có bổn phận phải làm chứng cho sự thật của đức tin như thế nào?
- Mọi Kitô hữu phải làm chứng cho sự thật, đó là theo gương Chúa Giêsu, trước tòa Philatô, Người nói “Ta sinh ra và đến trong thế gian là để làm chứng cho Sự Thật” (Ga 18,37). [2472-2474]
– Đối với Kitô hữu, làm chứng như vậy cũng có thể đi tới chỗ hy sinh mạng sống vì sự thật và vì lòng mến Chúa yêu người. Cái hình thức làm chứng tới cực độ đó vì chân lý đức tin được gọi là tử vì đạo.
✠ Tử vì đạo (tiếng Hy Lạp có nghĩa là làm chứng) một Kitô hữu tử vì đạo là một người vì Chúa Kitô là sự thật, hoặc vì theo quyết định của lương tâm mà đức tin họ chỉ dạy, họ sẵn sàng chịu đựng bách hại và cả chịu chết nữa. Họ làm ngược lại những người nhân danh niềm xác tín tôn giáo được hiểu cách sai lầm, những người này gây bạo lực cho chính mình và cho cả những người khác nữa.
“Sống thế nào để ngày mai bạn có thể chết như vị tử đạo.” - Charles de Foucauld
455. Trung thực có nghĩa là gì?
- Trung thực có nghĩa là thành thật trong việc làm và tử tế trong lời nói, tránh thói hai lòng, giả hình, man trá, gian giảo. Hình thức tồi tệ nhất của sự thiếu thành thật là tội thề dối. [2468-2476]
– Một tai hoạ lớn gây hại cho tất cả cộng đồng là vu khống và tin đồn: A nói với B “với hết sức tin tưởng” cái mà C đã nói xấu về B.
✠ Thề dối. Phạm tội thề dối là phát ra một bằng chứng dối trá và lấy Thiên Chúa làm chứng cho sự dối trá của mình. Đây là tội nặng.
“Đừng bao giờ loan truyền tin đồn trước khi xem xét nó có thật hay không. Và nếu nó có thật hãy bắt đầu gìn giữ miệng lưỡi cẩn thận.” - Selma Lagerlöf (1858-1940, văn sĩ Thuỵ Điển)
456. Bạn nên làm gì khi bạn nói dối, lừa dối, phản bội một người nào?
- Mọi tội lỗi chống lại sự thật và sự công bằng, dù nó được tha thứ, vẫn đòi phải sửa chữa, đền bù. [2487]
– Khi không thể đền bù sửa chữa công khai tội nói dối hoặc làm chứng dối, phải ít là đền bù cách kín đáo. Nếu không thể trực tiếp đền bù thiệt hại cho người mình đã gây thiệt hại, thì buộc lương tâm phải chuộc lỗi một cách tinh thần, nghĩa là hết sức có thể để làm ít là một việc đền bù tượng trưng.
457. Tại sao nói sự thật đòi ta phải cẩn trọng?
- Thông truyền một sự thật, đòi ta phải làm cách khôn ngoan và phù hợp với tình yêu huynh đệ. Thường sự thật được dùng như một võ khí, nó có thể sinh hiệu quả phá hủy hơn là xây dựng. [2488-2489,2491]
– Khi thông báo tin tức, phải nghĩ đến “ba vấn đề” của ông Socrate: Có thật không? Có tốt không? Có ích không? Việc cẩn trọng cũng là quy luật cho các bí mật nghề nghiệp. Ta phải luôn luôn bảo vệ, trừ trường hợp ngoại lệ cần phải xác định cách nghiêm chỉnh. Ai phổ biến công khai những chuyện tâm sự riêng tư được coi là chuyện phải giữ kín, họ đã phạm tội. Mọi cái ta nói ra phải đúng sự thật, nhưng tất cả những gì là sự thật ta không buộc phải nói ra.
✠ Cẩn trọng là khả năng xét đoán phân định xem lúc nào ta có thể nói điều gì cho một người nào.
458. Bí mật trong toà giải tội là gì?
- Bí mật trong toà giải tội là thánh thiêng, không thể được xâm phạm bất cứ cách nào. Đây là điều buộc nặng. [2490]
– Một linh mục không có bổn phận tố cáo dù là tội ác xấu nhất. Ngài chỉ có thể từ chối giải tội nếu tội nhân không đi tự thú cho cảnh sát. Ngay cả những chi tiết trong việc giải tội trẻ em cũng không được phổ biến gì dù dưới sự tra tấn. → 238
459. Phải sử dụng các phương tiện truyền thông với trách nhiệm đạo đức nào?
- Nhà chuyên nghiệp về truyền thông có trách nhiệm với khách hàng. Trước hết, họ phải cung cấp những thông tin dựa trên sự thật. Họ phải tôn trọng quyền lợi và nhân phẩm của khách hàng. Khi tìm kiếm và phổ biến các sự kiện đúng sự thật [2493-2499]
– Các phương tiện truyền thông xã hội phải góp phần xây dựng một thế giới công bằng và liên đới với nhau. Quả thực, không hiếm những phương tiện truyền thông được sử dụng như những khí giới trong các cuộc tranh cãi về ý thức hệ, hoặc dựa theo tỷ lệ của cử toạ, số người nghe xem nhiều ít, người ta từ chối mọi điều quan trọng về đạo đức trong nội dung của thông tin để chỉ dùng thông tin như những phương tiện nhằm quyến rũ các người sử dụng và khiến cho họ phải lệ thuộc.
✠ Các phương tiện truyền thông xã hội. Đó là những phương tiện không những chỉ nhắm tới các cá nhân mà thôi, nhưng chúng còn nhắm tới toàn thể xã hội loài người, và gây ảnh hưởng trên xã hội, Internet,…