7: Tâm Lý - Xã Hội - Truyền Thông
1. GIA ĐÌNH VÀ ẢNH HƯỞNG TRUYỀN THÔNG NGÀY NAY QUA INTERNET
(Linh mục John Trần Công Nghị S.T.D. sinh quán Đồng Nhân, giáo phận Phát Diệm. Học Tiểu chủng viện Phát Diệm ở Saigòn (1957-1963), học Triết học tại Đại Chủng viện Saigòn (1963-1966) học Thần học tại Đại học Giáo hoàng Urbano VIII, Roma (1967-1971 và 1977-1979). Thụ phong Linh mục tại Roma năm 1971. Tiến sĩ Thần học Đại học Urbano năm 1980. Học Xã hội học tại Fordham University (1971-1975). Từ 1975-1976 và 1980-1986 phục vụ trong các chương trình định cư người Việt tị nạn tại Fort Chaffee, New Orleans, Washington DC, Portland. Từ năm 1986 cho đến nay làm mục vụ tại TGP Los Angeles và kiêm giám đốc VietCatholic Network. Hiện tại là Chánh xứ giáo xứ St. Catherine of Alexandria, Catalina, Los Angeles.)
Theo dõi diễn tiến Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường về Gia Đình họp trong tháng 10 năm 2014 vừa qua tại Vatican hầu sửa soạn cho Thượng Hội Đồng Giám Mục chính thức về gia đình dự tính được tổ chức cũng tại Vatican vào năm tới từ ngày 4-25/10/2015 với chủ đề: “Ơn gọi và Sứ mệnh của Gia đình trong Giáo hội và trong Thế giới hiện đại,” chúng ta có thể thấy tầm ảnh hưởng của truyền thông đã ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào tới diễn biến và ngay cả kết quả của nghị hội này.
Một kinh nghiệm về Truyền thông qua Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường về Gia Đình
Bản phúc trình được công bố ngày 13 tháng Mười vừa qua, thường được gọi là bản phúc trình sau thảo luận, nhưng thực ra gọi là bản phúc trình giữa khóa mới đúng, vì cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng có tính chuẩn bị này vẫn chưa hoàn tất. Các nhóm thảo luận nhỏ theo ngôn ngữ đang làm việc ráo riết để hoàn tất mục tiêu của Thượng Hội Đồng lần này. Bản phúc trình vì thế là dụng cụ để các nhóm này đào sâu. Phòng Báo Chí của Tòa Thánh cũng chính thức cảnh cáo rằng: đã có những giá trị được gán cho bản tường trình này nhưng không tương hợp với bản chất của nó. Nó chỉ là bản tóm lược cuộc thảo luận trong tuần trước của Thượng Hội Đồng, là “một tài liệu để làm việc,” nó không phải là một văn kiện có tính thẩm quyền, mà chỉ được dùng làm căn bản để Thượng Hội Đồng thảo luận tiếp trong tuần lễ thứ hai
Đức Hồng Y Raymond Burke chẳng hạn cho rằng bản phúc trình này không phản ảnh chính xác các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng, mà thực tế, đã “đẩy mạnh các chủ trương mà nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng không chấp nhận, và, tôi dám nói, trong tư cách các mục tử trung thành của đoàn chiên không thể chấp nhận.” Ngài mạnh mẽ cho hay “một số đông các nghị phụ Thượng Hội Đồng thấy bản tường trình này đáng phản đối.” [1]
Phiên họp chung thứ mười hai ngày 17/10/2014, của Thượng Hội Đồng đặc biệt về Gia Đình đã nghe phần trình bày các Phúc Trình của 10 nhóm nhỏ,[2] phân chia theo ngôn ngữ: hai nhóm tiếng Pháp, ba nhóm tiếng Anh, ba nhóm tiếng Ý và hai nhóm tiếng Tây Ban Nha. Nói chung, các nhóm nhỏ trình bày cả việc đánh giá “Bản Tường Trình Sau Thảo Luận” (RPD), tức tài liệu tạm thời công bố vào giữa khóa họp của Thượng Hội Đồng, lẫn các đề nghị để tổng hợp vào trong “Bản Tường Trình của Thượng Hội Đồng” (RS), tức văn kiện dứt khoát và có tính kết luận của Thượng Hội Đồng.
Trước nhất, có việc lên tiếng tỏ ra bối rối trước việc công bố, dù hợp lệ, Bản RPD, vì cho rằng đây chỉ là tài liệu để làm việc, chưa nói lên ý kiến nhất thống của mọi nghị phụ Thượng Hội Đồng. Do đó, sau khi phát biểu sự đánh giá của mình đối với công việc soạn thảo bản văn và cấu trúc của nó, các nhóm nhỏ đã trình bày các gợi ý của họ.
Vì có những phát biểu gây tranh cãi về bản tóm luợc được công bố, nhiều nghị phụ đã công khai tỏ ý không tán thành phương pháp phối trí của Đức HY Balfisseri, tổng thư ký của Thượng Hội Đồng. Lý do chính là vì ngài quyết định không công bố phúc trình của các nhóm nhỏ cho công chúng. Quyết định này đã bị Đức HY Erdo, tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng, phản đối, với lý do: “đã công bố bản phúc trình sau khi thảo luận thì cũng nên công bố bản phúc trình của các nhóm nhỏ.”[3] Do đó nội dung các cuộc thảo luận của các nhóm nhỏ đã được công bố. Sự kiện này tạo nên sự cảm thông và hiểu biết sâu xa hơn diễn tiến và những gì được bàn luận chi tiết trong Thượng Hội Đồng.
Nhờ thế, phúc trình của các nhóm nhỏ đã lần lượt được công bố. Trước nhất là các phúc trình của ba nhóm nói tiếng Anh, sau đó là các phúc trình của các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha.[4]
http://vietcatholic.net/News/Html/131522.htm & “Thượng hội đồng về gia đình: phúc trình của các nhóm nhỏ (3)” 6/11/2014 http://vietcatholic.net/News/Html/131534.htm
Một số nghị phụ tại Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình, như Đức Hồng Y Robert Sarah, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum, cảm thấy thất vọng vì vấn đề rước lễ của người ly dị và tái hôn được chú ý nhiều quá trong khi những vấn đề nghiêm trọng hơn của gia đình như ảnh hưởng của truyền thông đối với gia đình không được thảo luận đến nơi đến chốn.
Truyền thông trong thế giới hôm nay
Truyền thông thời hiện đại cung ứng cho con người ngày nay một khối lượng thông tin rất lớn và đa dạng. Về tâm lý mà nói, những lứa tuổi khác nhau, giới tính khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau có những sở thích khác nhau. Cho nên, một số nghị phụ mô tả gia đình ngày nay như một party - 24/24 7 ngày trong tuần - trong đó mỗi người trong gia đình có những vị khách riêng và họ bận rộn tiếp những vị khách ấy đến mức gia đình mất đi ý nghĩa của một tổ ấm và đi xa đến mức nó trở nên một hotel của những người khách chỉ còn giờ để nói “Hi, chào” với nhau trong những dịp gặp mặt, nếu có. Ngay cả trong những cộng đoàn tu sĩ cũng có tình trạng trên. Người ta busy trả lời email, chat… không còn giờ cho những sinh hoạt chung.
Trong những năm 1990s và đầu thập niên 2000, phương tiện chủ yếu để tiếp cận với Internet là desktop. Ngày nay, mỗi thành viên trong gia đình đều có những phương tiện đa dạng và rẻ tiền để access vào Internet: Smart phones, Ipads, Tablets …và họ chìm sâu vào thế giới riêng của mình.
Có nghị phụ còn mô tả gia đình ngày nay như một con thuyền trong đó các thành viên đang say sóng vì con thuyền đó không có người cầm lái. Nó bị giằng co để đi về những hướng khác nhau. Người cha, người mẹ trong gia đình truyền thống là những người định hướng, và thông truyền đức tin cho con cái. Ngày nay, họ không còn làm được những công việc ấy vì con em họ và cả chính bản thân họ lúng túng khi tiếp cận với một khối lượng thông tin rất lớn và đa dạng, nhiều thứ trong đó không tương hợp (compatible) với đức tin, nếu chưa muốn nói là thù hận (hostile) với những gì họ tin tưởng. Hình ảnh tiêu biểu nhất trong các gia đình ngày nay là người cha, người mẹ không có khả năng, và đôi khi là sự kiên nhẫn, để trả lời những vấn nạn đức tin do con cái đặt ra cho họ.
Vấn đề có tính cấp bách nhất là làm sao người Công Giáo có thể dùng ngay chính các điều kiện kỹ thuật mới này để đối thoại với thế giới và tân Phúc Âm hóa ở mức độ dễ hiểu nhất nhưng không compromise tín lý của mình. Cách riêng đối với Giáo Hội Việt Nam, cái nguy hiểm hiện nay là ít ai tha thiết muốn làm chuyện đó. Người ta hứng thú viết những bài với những triết lý sâu xa nhưng ít ai quan tâm đến chuyện trang bị cho những tín hữu đơn sơ những hiểu biết nhất định về tín lý, học thuyết xã hội của Giáo Hội và lập trường của Giáo Hội trước những vấn nạn của thế giới hôm nay, tăng cường đời sống thiêng liêng cho họ và cảnh báo với họ về những nguy cơ đang đặt ra cho các gia đình.
Chúng ta cần những giám mục, linh mục, những chuyên gia trong hàng giáo dân dám làm những công việc người Mỹ dám làm trên đài truyền hình EWTN: trình bày những vấn đề phức tạp nhất bằng những lối giải thích dễ hiểu nhất.
Một thực tại bi đát nhất là tình trạng say mê những thành công, đam mê sự nổi tiếng trong lãnh vực truyền thông. Có những nhóm hay thậm chí có những cá nhân “xông pha” vào lãnh vực truyền thông bằng cách đơn giản là sao chép, hay duplicate những efforts của người khác, thay vì hoạt động chung với nhau. Nếu muốn công việc tông đồ của mình thành công hơn người khác thì định luật dễ bị cám dỗ là cần việc tông đồ của người khác kém thành công hơn mình dưới những hình thức như:
- Nhẹ nhàng thì bất hợp tác và ao ước họ đừng thành công như mình. Không đóng góp chia sẻ để họ không ngang bằng mình.
- Và xấu xa nhất là nói xấu, phá hoại công việc của người khác cho họ thua kém mình đi.
Ảnh hưởng của Truyền thông qua Internet trên các Gia đình và con em
1. Vài hàng dẫn nhập về Truyền thông qua internet
Bài trình bầy này của tôi muốn hạn hẹp phạm vi Truyền thông qua phương tiện internet nhắm các gia đình Công giáo mà hầu hết ngày nay họ đều quan tâm và lo ngại khi con em họ sử dụng internet, làm thế nào để phòng ngừa? làm thế nào kiểm soát đây? Mặt trái tối tăm của internet và những tác hại khôn lường cho mỗi người, nhất là các con em trong gia đình, cho Giáo Hội và xã hội.
Từ những năm cuối cùng của thế kỷ 20 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một sự bùng nổ các kỹ thuật thông tin dẫn đến sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới đang định hình xã hội, đang thay đổi Giáo Hội và gia đình chúng ta. Một thí dụ cụ thể và mang tính thời sự là biến cố Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI thăm Ba Tây vừa qua. Khi Đức Giáo Hoàng còn đang trên máy bay, những gì ngài nói với các ký giả đã được truyền đi trên toàn thế giới bằng đủ các thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Và ngay khi ngài đáp xuống phi trường quốc tế São Paulo, nếu chúng ta có máy điện toán và truy cập vào VietCatholic thì dù chúng ta đang ở đâu trên thế giới này, chúng ta cũng có thể thấy được những hình ảnh của ngài và đọc được những lời tuyên bố của ngài gần như tức thời. Chỉ hơn một thập niên trước đây, những điều này nằm mơ cũng không thấy nổi!
Ngay từ những ngày đầu của kỹ thuật Internet, Giáo Hội đã thấy ở đây những cơ hội thật bất ngờ và lớn lao. Nó cho phép người ta trực tiếp và tức khắc tiếp cận những tài nguyên tôn giáo và tâm linh quan trọng - những thư viện khổng lồ, những nhà bảo tàng và những nơi thờ phượng, những văn kiện giáo huấn của Huấn Quyền, những bài viết của các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Hội Thánh và kho tàng khôn ngoan tôn giáo của nhiều thời đại. Internet có một khả năng đáng kể để vượt qua khoảng cách và sự cô lập, giúp con người có thể tiếp xúc với những người thiện chí có cùng tư tưởng, những người gia nhập vào những cộng đoàn đức tin ảo (virtual communities of faith) để khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau. Giáo Hội có thể thực thi một sự phục vụ quan trọng cho người Công Giáo cũng như không Công Giáo bằng sự lựa chọn và truyền đi những dữ liệu hữu ích qua phương tiện truyền thông này.[5]
Sau gần 20 năm hoạt động, hiện nay đã có trên 50 triệu lượt người vào đọc các các tài liệu trên mạng lưới VietCatholic, đó là chưa kể cho đến năm 2010 (khi đó người ở Việt Nam không vào internet được) mỗi ngày VietCatholic gởi hàng mấy ngàn email về Việt Nam cho các linh mục tu sĩ mà vì điều kiện cấm cách không thể vào VietCatholic được. Cũng trong 20 năm hoạt động đó, các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân cộng tác với VietCatholic đã biên soạn, phiên dịch hơn 1,000,000 trang tài liệu.
Chúng ta có thể nói như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Chúa đang đặt vào tay chúng ta một phương tiện truyền bá sứ điệp của Đức Kitô vượt quá trí tưởng tượng phong phú nhất của những người truyền giảng Tin Mừng đi trước chúng ta.”[6]
Tuy nhiên, chúng ta có thể nói đồng tiền có hai mặt. Phương tiện truyền thông mới này trong khi có thể được dùng cho lợi ích của cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội và Giáo Hội thì chính nó cũng có thể được dùng để khai thác, gây ảnh hưởng, thống trị và làm băng hoại các gia đình.
2. Những ảnh hưởng đối với người lớn
2.1 Vấn đề những hình ảnh dâm dục trên Internet
Ngay những ngày đầu của Internet, người ta đã thấy trước hiểm họa này. Tuy nhiên, tất cả những cố gắng ngăn chặn đều tỏ ra vô hiệu, phần lớn vì thái độ không quyết tâm của chính quyền các nước. Quyền tự do phát biểu đã được các chính quyền nại ra để tránh né phải đối đầu với những thế lực tư bản khổng lồ trong kỹ nghệ hình khiêu dâm trên Net. Hiện tượng hình ảnh, sách báo dâm dục là một thực trạng kinh hoàng. Các hình ảnh khiêu dâm đã tràn lan hơn bao giờ trong lịch sử loài người.
Trong thư Mục Vụ nhan đề “Giá phải trả: Những hình ảnh khiêu dâm và cuộc tấn công vào Đền Thờ Sống Động của Thiên Chúa,” Đức Cha Paul Loverde, Giám Mục giáo phận Virginia, Hoa Kỳ đã lên tiếng báo động về thực trạng kinh hoàng đang hoành hành như một trận dịch khổng lồ cướp đi linh hồn người ta và tàn phá hôn nhân gia đình.[7]
Đức Cha Loverde nhận định: “Ngày nay có lẽ hơn bao giờ, người ta thấy hồng ân thị giác của mình và qua đó là viễn ảnh về Thiên Chúa bị bóp méo bởi những hình ảnh dâm dục tội lỗi. Chúng cản trở và hủy hoại khả năng con người nhìn thấy tha nhân như những biểu hiện độc đáo và đẹp đẽ của kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa. Thay vào đó chúng làm tối tăm tầm nhìn của họ, khiến họ nhìn người khác như những thứ để lợi dụng và lèo lái.”
Lo ngại của Đức Cha Loverde hoàn toàn có căn cứ. Thật vậy, trong số ra ngày 28/5/2006, tờ Independent tại Anh công bố một kết quả nghiên cứu về việc truy nhập vào các trang chuyên cung cấp các hình ảnh khiêu dâm trên Net. Cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Nielsen NetRatings cho thấy hơn 40% người nam tại Anh đã truy nhập vào các trang dâm dục trong năm 2005.
Cuộc nghiên cứu cũng ghi nhận hơn 50% trẻ em tại Anh đã vào các trang dâm dục trong khi “đang tìm kiếm những thứ khác.”
Một khi computer đã nối vào Internet thì việc truy cập vào các trang dâm dục là vô cùng dễ dàng, nếu người sử dụng chủ ý muốn truy cập vào các trang đó. Điều đáng quan ngại là trong nhiều trường hợp, người dùng không chủ ý vào các trang này nhưng các chương trình tìm kiếm trên Internet cũng vẫn trình bày ra những hình ảnh khiêu dâm hay những nối kết (links) dẫn vào các trang dâm dục.
Trong số ra ngày 10/11/2006 tờ Colorado Catholic Herald ghi nhận rằng những người thường truy cập vào các trang dâm dục trên Net thường nhanh chóng trở thành nghiện ngập. Ông Dan Spadaro của Trung Tâm Tư Vấn Imago Dei Counseling ở Colorado Springs cho biết thêm: “Khi tình trạng nghiện ngập này đạt đến một mức độ nào đó, tính dục thay vì hướng đến một quan hệ yêu thương, nó chỉ còn đơn thuần như một cảm giác,” và khi đó người ta có khuynh hướng “tìm những cảm giác lạ hơn.”
Thật vậy, tại Úc Châu, tờ The Age ở Melbourne, trong số ra ngày 4/6/2006 cảnh cáo rằng những người thường truy cập vào các trang dâm dục cũng thường là những kẻ “săn tình trên Net,” và những “mối tình trên Internet này” đang làm gẫy đổ hạnh phúc của nhiều gia đình. Bà Simone Buzwell, giáo sư môn Tâm Lý tại Đại Học Swinburne cho biết “nhiều mối quan hệ hôn nhân bị tan nát bởi những mối tình bí mật trên mạng, trong khi các luật sư cho biết ngày càng có sự gia tăng những vụ li dị có liên quan đến Internet.”
Trong báo cáo nhan đề “Finding Love Online” (Tìm Tình Trên Mạng), bà Simone Buzwell đã phỏng vấn hơn 1000 người có dính líu đến những mối tình trên Net và ghi nhận rằng hơn một nửa số người được phỏng vấn nhìn nhận đã đi xa đến mức có quan hệ tính dục với người “bạn tình” trên Net.
Trong số ra ngày 16/8/2006 tờ Christian Science Monitor tại Hoa Kỳ ghi nhận rằng những hình ảnh khiêu dâm trên Net đang làm thay đổi nhân cách nhiều người theo chiều hướng xấu đi và bạo lực. Corydon Hammond, đồng giám đốc của Trung Tâm Tính Dục và Hôn Nhân tại Đại Học Utah cho biết: “Tôi chưa từng thấy một kẻ tấn công tính dục nào lại không có dính líu đến những hình ảnh dâm ô.”
Tờ Colorado Catholic Herald cho biết đối với những kẻ nghiện hình dâm ô, tất cả các mối quan hệ quan trọng đều bị dẹp qua một bên. Những kẻ nghiện thường có khuynh hướng phủ nhận các vấn nạn hay đổ lỗi cho người khác. Ông Dan Spadaro ghi nhận những kẻ nghiện này thường phải chống đỡ với những u uất.
Dan Spadaro cũng lưu ý rằng việc những người chồng truy nhập vào những trang dâm ô gây ra một ảnh hưởng tiêu cực nơi người vợ. Với những người chồng công khai xem những hình ảnh này, người vợ cảm thấy lo ngại mình không đủ hấp lực để giữ nổi hạnh phúc gia đình. Trong khi với những người chồng lén lút truy nhập vào các trang dâm ô, người vợ cảm thấy bị phản bội hay là nạn nhân của những lời dối trá.
Một chuyên gia tâm lý khác, ông Rob Jackson, nói với tờ Colorado Catholic Herald rằng những bà vợ của những ông chồng nghiện hình ảnh dâm ô thường có “những biểu hiện phức tạp về cảm xúc bao gồm giận dữ, buồn phiền và u uất.”
Văn hóa của thế giới ngày nay thường coi vấn đề hình ảnh dâm ô chỉ là một sự yếu đuối cá nhân, người ta thường tình; hay ngay cả một thú vui hợp pháp. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc nhìn ngắm những hình ảnh dâm ô này là một tội trọng, một lỗi hết sức nghiêm trọng, như đã được nêu trong sách Giáo Lý Công Giáo số 2354.
Tính chất vô luân của hành vi này là ở chỗ nó xuyên tạc sự thật về tính dục của con người. Và do đó, điều đáng lẽ là biểu hiệu sự kết hiệp thân mật của đôi lứa trong cuộc sống và trong tình yêu thì giờ đây bị giản lược thành một thứ giải trí tầm thường hay ngay cả một thứ lợi ích cho những kẻ khác.
Đức Cha Loverde cảnh cáo rằng các hình ảnh dâm ô phương hại đức khiết tịnh vì nó dẫn đến những ý nghĩ dơ bẩn trong trí người nhìn nó và thường dẫn đến các hành vi đồi bại như thủ dâm hay ngoại tình.
Các hình ảnh dâm ô cũng vi phạm công lý. Vì chúng gây ra các thương tổn nghiêm trọng cho phẩm giá những người dự phần, mỗi người trong đó trở thành vật mua vui hay thứ dùng để đem lại lợi nhuận cho kẻ khác.
Các hình ảnh dâm ô dìm tất cả những kẻ dự phần vào trong một thế giới đầy ảo tưởng, trong đó con người hướng chú ý và tình cảm của mình khỏi người phối ngẫu của mình. Chúng làm cho những người nam nữ ngày nay khó lòng sống trung tín với nhau hơn bao giờ.
2.2 Vấn đề những trang thù địch với Công Giáo
Một trong những vấn nạn đặc thù do Internet đưa ra là sự có mặt của những trạm thông tin thù địch dành riêng cho việc hạ nhục và tấn công vào Giáo Hội Công Giáo. Như chúng ta đã biết, một thực tế đáng buồn là thường khi thế giới truyền thông tỏ ra thờ ơ hay ngay cả thù địch với đức tin và luân lý Kitô Giáo.
Trong bài nói chuyện với các Đức Giám Mục Ba Tây hôm 11/5, Đức Thánh Cha nói: “Thời đại ngày nay chắc chắn là một giai đoạn khó khăn đối với Giáo Hội, và nhiều tín hữu đang chao đảo. Cuộc sống xã hội đang trải qua những giai đoạn mất định hướng. Tính chất thánh thiêng của hôn nhân và gia đình bị tự do tấn kích, và người ta nhượng bộ trước các áp lực có hậu quả tiêu cực cho các tiến trình luật pháp; người ta biện minh cho một vài tội ác chống lại sự sống nhân danh tự do và quyền cá nhân; người ta mưu sát phẩm giá con người; nạn dịch ly dị và tình trạng chung sống ngoài hôn nhân lan tràn.”[8]
Trong bối cảnh quốc hội các nước liên tục thông qua những dự luật cho phép phá thai, cho phép kết hôn đồng tính, trợ tử, an tử.. Giáo Hội mạnh mẽ đi ngược lại trào lưu sự chết này. Trong khi văn hóa truyền thông tiêm nhiễm quá đậm một ý tưởng tiêu biểu của thời hậu hiện đại theo đó sự thật duy nhất tuyệt đối là không có sự thật tuyệt đối, Giáo Hội không ngừng đưa ra những xác quyết khách quan, dứt khoát và chung cuộc về luân lý. Thành ra, một số nhóm trong xã hội có những mâu thuẫn gay gắt với Giáo Hội.
Hơn thế nữa, lại có một số nhóm tôn giáo quá khích chủ trương truyền bá tôn giáo mình bằng cách hạ nhục các tôn giáo khác. Điều này cũng góp phần làm xấu thêm tình hình.
Anh chị em cũng biết là điều hành một Web site không tốn bao nhiêu tiền đâu. Thế nên, những địa chỉ thông tin thù địch với Giáo Hội Công Giáo ngày nay nhiều vô kể, tiếng Việt thôi cũng phải có hàng trăm!
Điều chúng tôi muốn nói ở đây là không ít người Công Giáo chao đảo trước những luận điệu của những thành phần thù địch với Giáo Hội. Lượng thông tin choáng ngợp trên Internet, nhiều thứ chưa được đánh giá về phương diện chính xác và tầm quan trọng, là một vấn đề cho nhiều người. Nhiều thủ pháp thông tin giật gân, kích động, lặp đi lặp lại cũng góp phần làm cho nhiều người giáo dân chao đảo. Nhiều người không có khả năng phán đoán đến mức Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội đã phải chua chát nhận định rằng:”Thực tại, đối với nhiều người, là những gì truyền thông cho là thật” (Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Aetatis Novae, 4).
Trong bài giảng Thánh Lễ Khai Mạc Cơ Mật Viện tháng 4/2005, Đức Thánh Cha lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã nói: “Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng … Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này - trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc(x Eph 4:14).”[9]
2.3 Vấn đề những trang giả danh Công Giáo
Sự lan tràn của những trạm thông tin tự xưng là Công Giáo cũng tạo ra một vấn đề thuộc dạng khác. Nhiều giáo dân tỏ ra lúng túng khi cần phân biệt giữa những diễn giải của những giáo lý chuyên biệt, những thực hành đạo đức cá nhân, những tranh luận về ý thức hệ mang nhãn hiệu Công Giáo với những lập trường chân thật của Giáo Hội.
Không phải chỉ giáo dân mới lúng túng. Trên Catholic Standard & Times số ra ngày 21/12/2006, cha Ronald M. Vierling, M.F.C., M.A., M.Div. giáo sư Thần Học tại Lansdale Catholic College thuộc tổng giáo phận Philadelphia, Hoa Kỳ lên tiếng báo động rằng: Ngày nay ngày càng có nhiều bài làm của các sinh viên phân khoa Thần Học trích dẫn những giáo huấn sai lạc của Giáo Hội hay cho rằng Công Đồng Vatican II đã đề cập đến điều này, điều nọ nhưng trong thực tế không đúng như thế.
Phân tích những bài làm này, cha Ronald ghi nhận rằng nhiều sinh viên đã truy cập các nguồn tài liệu này từ các Web sites giả danh Công Giáo nhưng thực ra là chống Công Giáo hay những thứ “We are the Church” (Chúng ta là Giáo Hội) trong đó chủ trương đại đồng, hổ lốn.
Điều đáng báo động là những Web sites “truyền bá Tin Buồn và Tin Đồn” này ngày càng nhiều và một số giáo dân cũng bị chao đảo.
Thánh Phaolô cảnh cáo chúng ta: “Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường” (2 Tim 4:3-4).
Tôi muốn nói điều này để giúp chúng ta phân biệt đâu là truyền thông Công Giáo chân chính. Truyền thông Công Giáo về bản chất phải là những truyền thông về Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Đó là việc công bố Tin Mừng như một lời có tính tiên tri và giải thoát cho những người nam, người nữ trong thời đại chúng ta. Đó là lời chứng cho sự thật thánh thiện và cho phẩm giá cao trọng của con người trước sự tục hóa tận gốc. Đó là chứng tá được đưa ra trong tình liên đới với tất cả những tín hữu, chống lại sự tranh chấp và chia rẽ để minh chứng cho công lý và sự hiệp thông giữa các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hóa. Truyền thông Công Giáo chân thực phải hướng đến sự hiệp thông, hiệp thông trong các cộng đoàn, trong Giáo Hội, và hiệp thông cao nhất là hiệp thông giữa từng cá nhân với Chúa Kitô – chứ không phải cổ vũ điên cuồng cho chia rẽ, và thù hận. Cứ dấu đó mà chúng ta nhận biết thực hư.
3. Những ảnh hưởng đối với con em chúng ta
Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cho Ngày Thế Giới Truyền Thông Lần Thứ 41 được tổ chức vào ngày 20/5/2007 có chủ đề: “Trẻ em và Truyền Thông: Một Thách Đố cho Giáo Dục.” Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha đã trích dẫn câu Thánh Kinh nguyền rủa những kẻ gây gương mù cho trẻ em “Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã” (Lc 17:2). Tôi đề nghị chúng ta đọc kỹ sứ điệp này. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ muốn nói rằng chủ đề của sứ điệp này và việc trích dẫn câu Thánh Kinh trên đã đủ cho thấy tính chất nghiêm trọng và cấp bách phải đề ra một phương thế an toàn cho con em chúng ta trong việc sử dụng máy điện toán và Internet.
3.1 Đánh giá tình hình:
Internet là cánh cửa mở ra một thế giới ồn ào náo nhiệt với ảnh hưởng định hình mạnh mẽ. Internet định hình căn bản những yếu tố mà qua đó con người cảm nhận thế giới chung quanh họ, xác nhận và biểu tỏ ra điều mà họ cảm nhận. Tình trạng sẵn sàng thường xuyên của hình ảnh và ý tưởng cùng với sự truyền đạt nhanh chóng ngay cả từ lục địa này sang lục địa khác, đang có những hệ quả sâu sắc, cả tích cực lẫn tiêu cực, đối với sự phát triển về phương diện tâm lý, đạo đức, và xã hội của giới trẻ.
Không phải mọi thứ ở đàng sau cánh cửa Internet là an toàn, lành mạnh và trung thực đâu. Việc đào tạo liên quan đến các phương tiện truyền thông xã hội cần được mở ra cho trẻ em và thanh niên nhằm chống lại con đường dễ dàng của sự tuân theo mà không biết phê phán, chống lại áp lực bạn bè và khai thác thương mại. Người trẻ có bổn phận với chính họ - và với cha mẹ, gia đình và bạn bè, các vị mục tử và thầy cô giáo, và trên hết là với Thiên Chúa - phải dùng Internet một cách lành mạnh.
Internet đặt trong tầm với của thanh niên ở vào tuổi rất sớm một khả năng bao la để làm điều tốt cũng như để gây hại, cho chính họ và cho người khác. Nó có thể làm phong phú đời sống họ vượt xa những mơ ước của các thế hệ đi trước và đến lượt lại cho họ khả năng để làm phong phú đời sống của những người khác. Internet cũng có thể nhận chìm họ trong chủ nghĩa tiêu thụ, hoang tưởng dâm đãng và bạo lực, và cô lập về tâm lý.
Thanh niên, như thường được đề cập đến, là tương lai của xã hội và Giáo Hội. Việc sử dụng lành mạnh Internet có thể giúp chuẩn bị cho họ gánh vác trách nhiệm với xã hội và Giáo Hội. Nhưng điều này không tự động xảy đến. Internet không chỉ đơn giản là một phương tiện truyền thông dành cho vui chơi giải trí và mua sắm. Nó là dụng cụ để hoàn thành công việc hữu ích, và thanh niên phải học để xem và dùng nó như thế. Trong không gian điện toán, tối thiểu giống như ở những hoàn cảnh khác, họ có thể được kêu gọi để đi ngược lại với trào lưu, chống lại xu hướng văn hóa, ngay cả chịu bắt bớ vì lẽ công chính.
3.2 Những đề nghị cụ thể
3.2.1 Phụ huynh phải kiểm soát việc truy cập vào Internet
Điều đầu tiên tôi muốn nói là những cha mẹ nào đưa máy điện toán dù có nối vào Internet hay không vào trong phòng riêng của con em mình thì xin lỗi cha mẹ đó, anh chị em khờ dại quá. Chính anh chị em đang gây ra dịp tội cho con cái mình.
Tờ Sunday Telegraph tường thuật rằng trong năm tài khóa 2005-2006, gần 2000 công chức các cấp tại Úc bị sa thải vì bị bắt gặp quả tang nhiều lần đang coi những hình khiêu dâm trên máy điện toán. Tôi muốn nhấn mạnh chữ “nhiều lần.” Họ là những người lớn, những người ý thức đầy đủ những hậu quả của hành vi mình và họ bị bắt quả tang “nhiều lần.” Con cái chúng ta chống nổi những cám dỗ tinh vi của thế giới sa ngã này hay không trong bối cảnh của một căn phòng riêng, đóng kín cửa lại? Kho tàng tu đức khôn ngoan dạy rằng “tránh xa dịp tội.” Anh chị em có lỗi nghiêm trọng trước mặt Chúa khi chính mình mang dịp tội đến cho con cái mình.
Tôi xin trích dẫn ở đây một lời lên án mạnh mẽ của Đức Hồng Y Justin Rigali của Philadelphia đã đăng trên VietCatholic, tuy hơi nặng nề nhưng có lẽ phải nói mạnh như vậy để chúng ta thấy được tác hại về mặt thiêng liêng với con trẻ. Ngài nói: “Những bậc cha mẹ nào đưa computer vào phòng riêng của con cái thì hoặc là quá ngu, hoặc là chủ tâm muốn giết linh hồn của chúng”[10]
Xin các bậc phụ huynh dọn computer ra giữa nhà, nhiều người qua lại và cách nào đó kiểm soát việc truy nhập vào Internet của các em. Năm ngoái, Trung Tâm Nghiên Cứu Tông Đồ Mục Vụ (CARA) của trường đại học Georgetown Hoa Kỳ cho biết những gia đình có khả năng kiểm soát việc truy cập vào Internet của con cái nhiều nhất là những gia đình duy trì nề nếp cầu nguyện chung vào buổi tối. Gia đình cầu nguyện chung vào một thời điểm nhất định sau khi chấm dứt mọi hoạt động khác.
3.2.2 Nhận thức đầy đủ về lợi hại của computer và Internet
3.2.2.1 Computer Game:
Nhiều gia đình để con em chơi game và chat thoải mái với bạn bè hết giờ này sang giờ khác. Hầu hết những gia đình đều có rất nhiều game, đó là chưa kể một loại game rất đang thịnh hành là game Internet hay còn gọi là game online, game trực tuyến. Anh chị em ở đây, xin nói thử cho tôi biết trẻ em chơi game thì được những lợi ích gì nào?
Tôi xin giới thiệu một nghiên cứu của trường đại học Edith Cowan ở Tây Úc trong năm 2006. Người ta khảo sát hai nhóm, mỗi nhóm 50 học sinh lớp 6. Một nhóm gồm những học sinh chơi game nhiều giờ trong tuần và một nhóm gồm những học sinh không chơi game bao giờ. Các em được trao cho một đề toán như sau: “Chu vi của một hình vuông là 24cm, hỏi diện tích hình vuông bằng bao nhiêu?.”
Để trả lời đúng, học sinh phải làm thành hai bước. Bước thứ nhất là chia chu vi cho 4 để ra cạnh là 6cm. Bước thứ hai là lấy cạnh nhân với cạnh để ra diện tích là 36cm vuông.
Đa số những học sinh không chơi game làm hai bước như trên. Trong khi đó, đa số các học sinh chơi game làm bài rất nhanh nhưng chúng chỉ đưa ra những đáp số vớ vẩn, chẳng hạn như lấy 24cm nhân với 4 hay nhân với chính 24. Có đứa còn trừ cho 4!
Những nhà nghiên cứu nhận xét rằng những học sinh chơi game nhiều thường có xu hướng phản ứng rất nhanh, hậu quả của những phản xạ chớp nhoáng khi đương đầu với những game trong computer. Điều này gây khó khăn nghiêm trọng khi học sinh phải suy nghĩ thành nhiều bước như trong đề toán nêu trên. Nói cách khác, khả năng suy luận và phán đoán thận trọng, là những yếu tố then chốt trong việc học tập của những học sinh chơi game bị giảm sút đáng kể. Nói nôm na cho dễ hiểu, trẻ em càng chơi game nhiều càng KHÓ có triển vọng học hành đến nơi đến chốn.
Không những thế, người ta cũng nhận thấy những học sinh này có vấn đề trong quan hệ với cha mẹ và thầy cô giáo. Theo phản xạ hấp tấp, chúng thường có khuynh hướng “độp lại” tức khắc, không chịu suy nghĩ trước những lời răn dạy của cha mẹ và thầy cô giáo.
Trong sứ điệp Ngày Truyền Thông Xã Hội năm nay, Đức Thánh Cha viết: “Khi được tiếp cận với những gì thật đẹp đẽ và đạo đức, trẻ em được trợ giúp để phát triển khả năng đánh giá, sự thận trọng và những năng khiếu về nhận thức… Thẩm mỹ, một hình thức phản ánh Thiên Chúa, linh hứng và làm sống động con tim và tâm trí những người trẻ, trong khi sự xấu xí và thô tục có một tác động gây chán nản trên thái độ và hành vi.”[11]
Trung tâm CARA của trường đại học Georgetown đã làm một cuộc khảo sát và họ thấy rằng hơn 90% các loại game hiện nay có mầu sắc bạo lực, trong đó hơn 78% có liên quan đến những hành động giết người hàng loạt (massacre).
Bạo lực và tính dục: hai yếu tố tai hại của Computer Games
Câu hỏi được đặt ra ở đây là làm sao chúng ta có thể xây dựng một nhân sinh quan đề cao những giá trị Kitô giáo trong đó có việc bảo vệ và kính trọng sự sống trong khi hàng ngày, hàng giờ cha mẹ để con em mình sống trong một môi trường thô tục, đề cao một nhân sinh quan bạo lực: càng giết nhiều càng được thưởng nhiều? Đó là một thứ nhân sinh quan đối nghịch và thù hận sâu xa với những giá trị Kitô Giáo.
Bậc cha mẹ cần phải suy nghĩ thận trọng và đừng dùng computer như người giữ trẻ cho chúng ta. Bản tin sau đây có thể giúp chúng ta nhận thức rõ hơn một chút:[12]
My Friend, một tạp chí Công Giáo dành cho trẻ em, do các nữ tu dòng Thánh Phaolô điều hành trong 28 năm qua, đã quyết định dành hẳn tháng 5/2004 cho một loạt bài phân tích tệ lạm dụng Internet, computer game cũng như các phương tiện truyền thông khác như TV và video.
Theo tờ My Friend, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã có kế hoạch đưa lên Internet rất nhiều những tài nguyên hữu ích cho ngành giáo dục. Và trong thực tế nhiều trẻ em khôn ngoan đã biết tận dụng Internet nói riêng và computer nói chung cho việc học hành. Tuy nhiên, theo một thống kê được đưa ra trong Hội Nghị Giáo Chức Công Giáo Hoa Kỳ, quy tụ hơn 15,000 nhà giáo dục Công Giáo, được tổ chức từ 13 đến 16/4/2004 tại Hynes Convention Center, Boston, hơn 80% trẻ em học càng ngày càng sa sút từ khi có computer và Internet trong gia đình.
Các nhà giáo dục than phiền rằng tuy đã có những hướng dẫn rất cụ thể, nhiều bậc cha mẹ vẫn để mặc cho con chơi game hay dại dột đặt computer trong phòng riêng của con cái và không thể nào phân biệt nổi các em đang học hay đang tán dóc (chat) với bạn bè trên Net.
3.2.2.2 Chat:
Tôi đặc biệt muốn gióng lên một tiếng chuông về một vấn nạn trầm trọng khác ở đây; đó là vấn đề chat hay tán dóc trên Internet. Bây giờ gần như gia đình nào trong chúng ta cũng có computer và đi đến đâu cũng thấy một thực trạng đáng buồn là các bậc phụ huynh để mặc cho con cái chat thoải mái, hết giờ này sang giờ khác, có khi chat thâu đêm suốt sáng.
Tôi nghĩ chữ “tán dóc” dùng để dịch chữ “chat” trong tiếng Anh là rất hay vì nó nói lên một khía cạnh rất phổ biến khi người ta chat; đó là nói dóc, nói ba hoa, nói gian, nói dối. Anh chị em nên biết một đặc trưng của Internet là tính chất anonymity, tức là nặc danh. Những người tán dóc với nhau trong các chat room, hay qua các chương trình như ICQ, Yahoo Messenger,.. thường là chưa hề quen biết nhau. Tình trạng nặc danh trên Internet khiến người ta ăn nói bạo dạn hơn, xuồng xã hơn, “nổ” bạo hơn so với trường hợp mặt đối mặt. Người ta có một cảm tưởng rằng họ không phải chịu bất cứ một trách nhiệm nào về hành động của mình.
Một khía cạnh đáng quan tâm là nhiều người tin rằng những luật luân lý và xã hội không có hiệu lực trên Internet. Cụ thể, rất nhiều người tin rằng nói dối, kể cả gian dâm cũng không phải là một tội trên Internet mặc dù họ nhìn nhận rằng những điều này ghi rõ trong Mười Điều Răn.
Như thường xảy ra với trẻ con, những gì chúng làm ở ngoài đường hay khi chúng tán dóc trên Net sẽ nhanh chóng len lỏi và hình thành nhân cách của chúng. Từ việc nói dối trên Net tới dối cha, dối mẹ gần lắm.
Một khía cạnh nữa là khi chúng ta để cho con trẻ tán dóc với những người xa lạ thì điều đó cũng không khác gì chúng ta để cho bất cứ một người không quen biết nào vào nhà mình tán tỉnh, tán dóc, tán hươu, tán vượn với con em mình về đủ mọi đề tài mà chúng ta không hề hay biết. Nếu cứ để mặc cho bá tánh tứ phương tán tỉnh, dạy dỗ chúng như thế, chúng ta mất dần ảnh hưởng trên con cái mình và không còn khả năng dạy bảo chúng được nữa.
Các nhà tâm lý ghi nhận rằng những trẻ thường tham gia vào các chat rooms thường là những trẻ không hài lòng với thực tại nhưng không cố gắng xoay chuyển tình hình bằng những nỗ lực và ý chí phấn đấu. Chúng muốn tìm đến một thế giới khác nơi những lời tâng bốc của đối phương và những lời dối trá chúng đưa ra, mà oái ăm thay, lừa được cả chính chúng, đang cho chúng có cảm tưởng về chính mình như một con người mới đẹp hơn, tài ba hơn, giàu sang hơn, và thành công hơn. Trong hoàn cảnh mơ màng như vậy, con cái chúng ta dễ bị quyến rũ, đặc biệt bởi những kẻ tinh quái vẫn hằng rình rập để dụ dỗ trẻ con trên Net.
3.2.3 Kiểm soát việc dùng Internet làm bài của con cái
Trước đây để ‘sao y bản chánh’ cũng cần một chút cố gắng nào đó. Những học sinh nào muốn gian lận trong các bài làm, ít ra cũng cần phải vào thư viện tìm ra một vài cuốn sách đúng đề tài đang làm, rồi chép ra nguyên văn hay sửa lại đôi chút. Hoặc giả cũng phải nhờ vả hay thuê mướn một người nào đó làm cho mình. Nhưng ngày nay, chỉ cần không quá 5 phút để vào Internet ‘download’ xuống với đầy đủ trích dẫn và thư mục tham khảo, từ văn chương Hoa Kỳ cho đến Shakespeare và lịch sử thế giới. Càng ngày càng có nhiều Web sites cung ứng dịch vụ này miễn phí hoặc với một phí tổn không đáng một cây cà rem.” Sơ Mary Heather, giảng dạy tại một trường Công Giáo thuộc tổng giáo phận Baltimore đã cho biết như trên trong khóa họp đặc biệt về “Plagiarism” (tình trạng học sinh cọp dê, đạo văn, ăn cắp tài liệu hay sao y bản chính bài vở của người khác và cho rằng chính mình đã làm).[13]
Hội nghị đã nhận định rằng cùng với đà phát triển vũ bão của Internet, Plagiarism đang làm tê liệt guồng máy giáo dục ở nhiều nước, đặc biệt ở các nước nói tiếng Anh. Bất chấp các cố gắng của các nhà giáo dục, thành quả đào tạo không cao nổi. Trong khi điểm số cho các bài về nhà làm (project, assignment) khá cao, điểm số trong các kỳ thi thấp đến mức đáng kinh ngạc.
Điều đáng băn khoăn là các tài liệu trên Net quá nhiều nên trong trường hợp học sinh đạo văn của người khác, các thầy cô giáo rất khó biết. Điều đáng nói nữa là trong nhiều trường hợp chính phụ huynh lại là người tiếp tay cho con em họ trong việc lục lọi trên Net. Trong nhiều trường hợp, học sinh và ngay cả phụ huynh lầm lẫn giữa việc đạo văn và việc tham khảo tài liệu (là một việc tốt, đáng khuyến khích).
Tổng giáo phận Baltimore đã thông qua một kế hoạch phức hợp để đối phó với tệ nạn này. Kế hoạch này bao gồm việc giải thích về plagiarism và tác hại của nó cho học sinh và phụ huynh, đề ra những chính sách khắt khe hơn với những học sinh vi phạm, tăng cường tu nghiệp cho thầy cô giáo và tất cả các bài làm của học sinh sẽ được dò tìm dấu vết đạo văn thông qua một dịch vụ trên Net tại địa chỉ http://www.turnitin.com. Mạng lưới này chịu trách nhiệm thiết kế một cơ sở dữ liệu (database) các tài nguyên trên Net về tất cả các môn học. Tổng giáo phận Baltimore cũng đưa ra lời kêu gọi bộ Giáo Dục Hoa Kỳ tiếp tay trong vấn đề này.
3.2.4 Phụ huynh phải biết dùng computer và Internet
Một trong những lời khuyên của Hội Đồng Giám Mục Anh và chúng tôi thấy rất hợp lý là chúng ta không thể nào kiểm soát đúng đắn việc sử dụng computer và Internet của con em mình nếu chính bản thân chúng ta không biết dùng và không nêu gương cho chúng trong việc dùng computer và Internet.
Văn kiện Giáo Hội và Internet của Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông [14]cũng khuyến cáo:
Vì lợi ích của con cái họ, cũng như của chính họ, các bậc cha mẹ cần phải “học và thực hành những năng khiếu của những người xem, nghe và đọc một cách nhạy bén, hành xử như những mẫu gương về sự sử dụng thận trọng các phương tiện truyền thông xã hội tại gia.” Về phương diện Internet, trẻ em và thanh niên thường tỏ ra quen thuộc hơn là cha mẹ chúng, nhưng cha mẹ vẫn phải hướng dẫn và giám sát con cái họ trong việc sử dụng Internet. Nếu điều này có nghĩa là họ phải học hỏi thêm về Internet, thì đó cũng là điều đáng làm.
Việc giám sát của cha mẹ phải bao gồm cả việc phải bảo đảm rằng kỹ thuật lọc (filtering technology) được dùng trong những máy điện toán dành cho con cái khi điều kiện tài chính và kỹ thuật cho phép, ngõ hầu bảo vệ con trẻ tối đa có thể được khỏi những tài liệu khiêu dâm, những kẻ săn tìm tính dục, và những đe dọa khác. Tiếp cận với Internet mà không có giám sát là điều không thể cho phép. Cha mẹ và con cái cần đối thoại với nhau về những điều đã thấy và đã kinh qua trong không gian điện toán; chia sẻ với những gia đình khác có cùng những giá trị và cùng những mối ưu tư sẽ rất là hữu ích. Bổn phận căn bản của cha mẹ ở đây là giúp con cái trở nên những người sử dụng biết phân định và có trách nhiệm, và không là những kẻ nghiện Internet đến nỗi lơ là những tiếp xúc với chúng bạn và cả với thiên nhiên.
Đề nghị cuối cùng của tôi là quý cha, và các Hội Đồng Mục Vụ nên tổ chức những buổi sinh hoạt hướng dẫn các bậc phụ huynh về vấn đề này. Tôi biết nhiều người trong chúng ta rất quan tâm dạy dỗ con cái trong ánh sáng đức tin Công Giáo nhưng chúng ta gặp những khó khăn rất lớn về ngôn ngữ, và kỹ thuật để có thể am hiểu vấn đề. Tôi thiết nghĩ chúng ta cần có ngay một chương trình Mục Vụ Gia Đình trong lãnh vực giáo dục để cung ứng cho các bậc phụ huynh không những kiến thức về Internet nói riêng mà cả những vấn đề rộng lớn hơn trong việc giáo dục thế hệ trẻ là tương lai của Giáo Hội và đất nước chúng ta.
4. Kết Luận
Để kết luận, tôi xin đưa ra hai nhận định sau:
Thứ nhất, chúng ta cám tạ Chúa vì sự hiện diện của những phương tiện truyền thông mạnh mẽ như Internet. Qua Internet, Chúa đang đặt vào tay chúng ta một phương tiện truyền bá sứ điệp của Đức Kitô vượt quá trí tưởng tượng phong phú nhất của những người truyền giảng Tin Mừng đi trước chúng ta. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng kỹ thuật truyền thông mới này trong sự khôn ngoan để mưu ích cho bản thân, gia đình, xã hội và Giáo Hội.
Thứ hai, Internet đang làm cho hàng tỷ hình ảnh hiện ra trên màn hình của hàng triệu máy điện toán trên hành tinh này. Từ dãi ngân hà của hình ảnh và âm thanh này, có ló dạng thiên nhan của Ðức Kitô và tiếng của Ngài có được lắng nghe không hay chỉ là những lạm dụng, thù hận, bạo lực, vu cáo, khủng bố, và lèo lái. Tất cả lệ thuộc vào suy tư và sự khôn ngoan của chúng ta trong sự tuân phục ánh sáng của Thánh Thần.
-----------------------------------
[1] X. “Thượng Hội Đồng về Gia Đình: các nhận định không thuận lợi cho phúc trình sau thảo luận” (10/14/2014) http://vietcatholic.net/News/Html/131190.htm
[2] X. “Thượng Hội Đồng về Gia Đình: phiên họp chung mười hai” (17/10/2014) http://vietcatholic.net/News/Html/131216.htm
[3] X. “Thượng hội đồng về gia đình: phúc trình của các nhóm nhỏ (1)” 5/11/2014 http://vietcatholic.net/News/Html/131229.htm
[4] X. “Thượng hội đồng về gia đình: phúc trình của các nhóm nhỏ (2)” 5/11/2014
[5] X. Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, “Giáo Hội và Internet” (22/2/2002), 6: Thành Vatican, 2002, tr. 13-15. http://vietcatholic.net/News/Html/24159.htm.
[6] X. Tông Thư “Sự Phát Triển Nhanh Chóng” (24/1/2005), Đức Gioan Phaolô II, 2005, tr. 2.http://vietcatholic.net/News/Html/24110.htm.
[7] X. VietCatholic News. Cơn dịch hình ảnh khiêu dâm http://vietcatholic.net/News/Html/39795.htm 14/12/2006
[8] X. VietCatholic News. Diễn từ của Đức Thánh Cha với các Giám Mục Ba Tây ngày 11/05/2007 http://vietcatholic.net/News/Html/43852.htm 13/5/2007.
[9] X. VietCatholic News. Bài giảng của ĐHY Josheph Ratzinger trong thánh lễ khai mạc Cơ Mật Viện http://vietcatholic.net/News/Html/25797.htm
[10] X. VietCatholic News. Sứ Điệp Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 41 http://vietcatholic.net/News/Html/44053.htm
[11] X. [3] ibid.
[12] X. [6] ibid.
[13] X. VietCatholic News Tạp chí Công Giáo My Friend tấn công tệ lạm dụng Internet http://vietcatholic.net/News/Html/17801.htm 21/04/2004
[14] X. VietCatholic News Các trường Công Giáo ở Baltimore: Phụ huynh phải chú ý hơn đến việc trẻ con dùng Internet http://vietcatholic.net/News/Html/1080.htm 16/08/2002.
2. ĐỜI SỐNG TÍNH DỤC VÀ HẠNH PHÚC HÔN NHÂN
(Trần Mỹ Duyệt, Ph.D. Cử Nhân Tâm Lý Ứng Dụng, Cao Học Tâm Lý Trị Liệu và Cộng Đồng, Tiến Sỹ Tâm Lý. Sinh hoạt trong lãnh vực tâm lý. Tác giả, dịch giả, và diễn giả về các chủ đề liên quan đến tâm lý, hôn nhân, gia đình, xã hội và giáo dục. Cùng với Lm. Trịnh Ngọc Danh và một số giáo dân thiện chí, khởi xướng và phát triển Gia Đình Nazareth một sinh hoạt mục vụ với mục đích duy trì, phát triển vẻ đẹp và giá trị của ơn gọi hôn nhân. Hiện đang sinh sống tại Westminster, CA.)
Hôn nhân là tiếng đáp trả của tình yêu, là lời thề hứa chung thủy trong cuộc sống lứa đôi của hai người yêu nhau. Hôn nhân được bao bọc và ràng buộc bởi luật pháp, và sự thừa nhận của xã hội. Dưới nhãn quan Kitô Giáo, hôn nhân là một ơn gọi, một giao ước yêu thương giữa một người nam và một người nữ. Hôn ước này được chúc phúc bởi Thiên Chúa, Đấng là “tình yêu” (1 Ga 4:8). Từ tình yêu hai người dành cho nhau ấy phát sinh tình yêu cha mẹ, tình yêu con cái, tình yêu anh chị em, họ hàng, người thân, tình yêu xã hội, và tình yêu nhân loại. Hạnh phúc hôn nhân còn được tiếp nối do được thông phần với Thiên Chúa trong việc sản sinh con cái: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất…” (St 1:28).
Một hồng ân bao la. Một hạnh phúc vô biên. Một bầu trời chan hòa và đầy ắp những ước mơ cho mọi cuộc tình. Nhưng mặt sau của hôn nhân là một thảm kịch. Thống kê mới nhất cho thấy có đến 50% những cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị.[1]
Những con số thống kê tượng trưng:
Câu hỏi được nêu lên là tại sao và đâu là lý do của những đổ vỡ trên. Trong những câu trả lời, phần lớn có liên quan đến ngoại tình. [2]
- 41% người chồng, người vợ hoặc cả hai thừa nhận có ngoại tình trong tư tưởng và hành động.
- 57% nam giới và 54% nữ giới đã thừa nhận hành động ngoại tình. Trong đó:
- 36% ngoại tình với những người cùng sở, hoặc nơi làm việc.
- 36% ngoại tình trong khi công tác xa nhà.
Kết quả những hành động ngoại tình này đưa đến 31% đổ vỡ gia đình và kết thúc bằng ly dị.
Từ những dữ kiện trên, đưa đến một kết luận thực hành liên quan đến hạnh phúc hôn nhân là đời sống tính dục và sự hài hòa về sinh lý.
Tính dục là gì?
Tính dục là gì mà nó làm điên đảo lòng người, và gây ra thảm họa cho đời sống hôn nhân gia đình như vậy?
- Tính dục là một bản năng và nhu cầu:
Theo tiến sỹ Juli Slattery, khác biệt giữa người chồng và người vợ là người chồng kinh nghiệm về tình dục như một nhu cầu vật lý chính của họ. Cũng như thân thể chúng ta bảo cho biết khi nào mình đói, mình khát hoặc mệt mã, thân thể của người đàn ông sẽ bảo cho họ biết khi nào cần nhu cầu thỏa mãn sinh lý. Nhu cầu này lại bị ảnh hưởng do những yếu tố ngoại cảnh, được thúc đẩy bởi kích thích tố nam testosterone. Và như một sự thỏa mãn chính đáng sau khi nhu cầu sinh lý được giải tỏa, người đàn ông cảm thấy mình thoải mái, hạnh phúc.
Ngược lại, ham muốn tình dục của người phụ nữ không do những thôi thúc của thể lý, nhưng liên quan đến tình cảm. Người đàn ông có thể bị kích thích một cách dễ dàng chỉ do nhìn ngắm một người phụ nữ khỏa thân. Thanh sắc là hai yếu tố thường gây nên những thèm muốn dục vọng nơi người đàn ông: “…Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5: 28).
Tuy vậy, đàn ông thường dùng yếu tố bản năng để biện minh cho hành động ngoại tình và cho sự chung thủy của họ. Khác biệt căn bản giữa tính dục người đàn ông và đàn bà là đàn ông có thể phân biệt rõ ràng hành động sinh lý và sự ràng buộc tình cảm với một người phụ nữ, trong khi đó đối với người phụ nữ cả hai chỉ là một. Tóm lại, “tính dục đối với người đàn ông có một ảnh hưởng rất lớn trên tình cảm, hạnh phúc hôn nhân và tinh thần của họ.[3]
Tính dục với cái nhìn bản năng là điều tốt và cần thiết. Nó cũng là một ân huệ Thiên Chúa ban cho con người, đặc biệt cho những ai sống trong đời sống hôn nhân. Thế nên con người hưởng dùng ân huệ này là điều chính đáng.
- Thèm muốn của thân xác:
Đàn ông “luôn luôn” nghĩ về tình dục. Theo những khảo cứu của the Kinsey Institute for Research in Sex, Gender and Reproduction thuộc Đại học Indiana, công bố trên the journal Proceeding of the National Academy of Scientists, 54 % đàn ông và 19% đàn bà nghĩ về tình dục năm, ba lần mỗi ngày.[4]
Gần đây, theo một cuộc khảo cứu tại Anh Quốc, người ta trung bình nghĩ đến sinh lý 13 lần một ngày. Kết quả này phù hợp những gì mà chính người Việt Nam chúng ta cũng vẫn thường nói:
“Đêm bẩy, ngày ba
Vào ra không kể.”[5]
Tháng Giêng năm 2012, Tạp Chí Khảo Cứu Về Sinh Lý (Journal of Sex Research) đã phổ biến nghiên cứu do Giáo sư Terri Fisher thực hiện tại Đại học Ohio dựa vào việc thăm dò 120 sinh viên nam và 163 sinh viên nữ từ 18 đến 25 tuổi. Kết quả cho thấy trung bình một sinh viên nam nghĩ đến sinh lý 19 lần mỗi ngày, trong khi đó một sinh viên nữ là 10 lần một ngày.
Một khảo cứu khác, theo bác sĩ Louann Brizendine, thì đàn ông nghĩ về sinh lý cứ 52 giây, trong khi người phụ nữ là 1 lần mỗi ngày.[6]
Qua những dữ liệu trên, đưa đến kết luận chung là: Tính dục là bản năng, và đàn ông nghĩ về sinh lý nhiều hơn đàn bà. Tùy theo mức độ hormone Testosterone trong cơ thể mỗi người đàn ông mà mức độ nghĩ đến, cũng như ham muốn dục vọng nhiều hay ít.
- Bao nhiêu cho vừa?
Nhu cầu sinh lý và thỏa mãn sinh lý là một trong những yếu tố đem đến sự điều hòa của đời sống tâm sinh lý, dẫn đến hạnh phúc hôn nhân. Nhưng ngược lại, nó cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến bất hạnh trong hôn nhân nếu nhu cầu này không được giải quyết một cách tốt đẹp với sự hiểu biết và ý thức trưởng thành. Sau đây là tổng hợp những cuộc khảo cứu của Kinsey và Morton Hunt cho thấy con số trung bình ân ái vợ chồng (làm tình) trong một tuần dựa theo tuổi tác.[7]
Theo kết quả khảo cứu của Kinsey năm 1948, 1953:
Từ 16-25 2.45 lần
Từ 26-35 1.95 lần
Từ 36-45 1.40 lần
Từ 46-55 .85 lần
Từ 55-60 .50 lần
Con số trung bình mỗi tuần có chỉ số cao hơn theo khảo cứu của Morton Hunt năm 1974:
Từ 18-24 3.25 lần
Từ 25-34 2.55 lần
Từ 35-44 2.00 lần
Từ 45-54 1.00 lần
55 tuổi trở lên 1 lần
Sự khác biệt có thể được diễn giải tùy theo quan niệm về tính dục, ảnh hưởng của văn hóa, xã hội, phim ảnh, và ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý, giáo dục và tôn giáo. Nói chung phần đông những người có gia đình tại Hoa Kỳ, trung bình làm tình 2 hoặc 3 lần một tuần. Tuổi từ 50 đến 59, trung bình 4 hoặc 5 lần một tháng (Laumann et al., 1994).[8] Và theo khảo cứu của (Michael et al., 1994, p.136), con số trung bình là 7 lần một tháng.[9]
Tóm lại, nhu cầu và sự đòi hỏi tình dục là một nhu cầu đi liền với con người. Đối với những người có hay không có gia đình, nó vẫn là một cái gì rất thu hút và rất hấp dẫn. Qua bài thơ nói về những thói hư của mình, thi sỹ Trần Tế Xương đã viết:
“Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được cái gì hay cái nấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà!”[10]
Những ai đã dính vào những thứ “lăng nhăng” như Trần Tế Xương đều thấy rõ rằng chừa bất cứ thứ nào trong những thứ đó cũng đều khó, và như nhà thơ Non Côi Sông Vị thì chừa đàn bà vẫn là thứ khó chừa nhất. Thực tế đã chứng minh ông nói đúng. Nhiều vỹ nhân, quân tử, nhiều vua, quan, chính trị gia và những nhân vật lẫy lừng trong lịch sử đã thân bại danh liệt vì đàn bà. Ngay cả những vị tu hành đức cao danh trọng cũng không thoát khỏi những ràng buộc và quyến rũ của nó. Do đó, đối với những ai đang sắp sửa bước vào đời sống hôn nhân, hoặc đang sống trong đời sống này cần phải ý thức và hiểu một cách trưởng thành về hồng ân tính dục, và học hỏi biết xử dụng nó cách khéo léo để mang lại hạnh phúc cho gia đình, và chính mình.
Hồng ân tính dục
Nhiều lần hay ít, đàn ông hay đàn bà, nhìn vấn đề bằng cặp mắt tự do hay bảo thủ, tính dục vẫn là trái táo của vườn Địa Đàng năm xưa đã từng làm mê mẩn lòng người. Không một ai đã dám can đảm tuyên bố mình không cần và không bị thu hút bởi nó.
Không chỉ đến từ bản năng và sự thôi thúc của con người tự nhiên, chính Thiên Chúa cũng chúc lành và khuyến khích vợ chồng về việc hưởng dùng ân huệ tính dục.
“Cùng với người vợ yêu thương,
bạn hãy hưởng trọn cuộc đời,
hết mọi ngày trong kiếp sống phù du
đã được ban cho bạn dưới ánh sáng mặt trời.”(Gv 9:9)
Lời tình ca của Salômôn cũng chính là lời thì thầm, lãng mạn của hai người tha thiết yêu nhau, và đắm đuối bên nhau:
“Ước gì chàng hôn ta những nụ hôn chính môi miệng chàng!
Ân ái của anh còn ngọt ngào hơn rượu.”(Diễm Tình Ca 1:2)
Và trong ân ái ngọt ngào đó,
“Chàng đưa tôi vào phòng tiệc,
cho tôi uống rượu nồng,
đã thắng tôi nhờ sức mạnh tình yêu.”(Diễm Tình Ca 2:4)
Rượu nồng tượng trưng sức mạnh của tình yêu. Tình yêu chới với và lâng lâng đưa hai thân xác gặp lại nửa phần kia của chính mình. Chỉ qua hành động tính dục, người vợ và người chồng mới có thể nói với nhau rằng: “Và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mc 10:8). Theo Đức Biển Đức XVI: “Con người một cách nào đó không trọn vẹn, nên phải đi tìm kiếm nơi người khác phần nào đó cho sự toàn vẹn của mình, nghĩa là con người chỉ trong sự hiệp thông với phái tính khác mới có thể trở nên “trọn vẹn,” đó chính là điều tìm thấy trong Kinh Thánh.”[11]
Cái lãng mạn, chất ngất của tình yêu đã được cặp mắt thi nhân thần thánh hóa:
“Trời cao xanh ngắt. - Ô kìa!
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.”[12]
Chốn bồng lai của “đôi vợ chồng” phải bay về chính là tổ ấm yêu thương. Và trung tâm tổ ấm ấy là cái giường nơi mà cả một vùng trời tình yêu xanh ngắt ngự trị. Ở đó, Ô kìa “cả hai trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (St 2:25).
Vì sợ con người lợi dụng và lạm dụng tình dục, Thiên Chúa đã có lệnh cấm không cho phép những người ngoài hôn nhân được bén bảng đến chốn bồng lai tiên cảnh này: “Ngươi không được ngoại tình.” (Xh 20:14) Đối với những người đã có gia đình và đã biết thế nào là cái hạnh phúc ngất ngây của tình dục thì Ngài bảo họ: “Ngươi không được ham muốn vợ người ta” (Xh 20:17).
Và để tình yêu vợ chồng được trọn vẹn qua hồng ân tính dục, sau đây là một số những chỉ dẫn của Giáo Hội Công Giáo được ghi trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo:[13]
Số 2360: “Theo ý định của Thiên Chúa, phái tính hướng về tình yêu vợ chồng. Trong hôn nhân, ái ân trở thành dấu chỉ và bảo đảm của sự hiệp thông tinh thần. Giữa hai tín hữu, dây liên kết hôn nhân được thánh hóa bằng bí tích.”
Số 2361: “Nhờ khả năng tính dục, người nam và người nữ hiến thân cho nhau qua những hành vi dành riêng cho vợ chồng. Tính dục không chỉ là hành vi sinh lý, nhưng liên can đến những điều thâm sâu nhất của nhân vị. Tính dục chỉ thực sự xứng đáng với con người, khi nó là thành phần không thể thiếu của tình yêu giữa người nam và người nữ đã cam kết hiến thân cho nhau trọn vẹn suốt đời.”
Số 2362: “Những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quý và chính đáng. Ðược thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự hiến thân cho nhau nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn.”
Chính Ðấng Sáng Tạo ... đã muốn rằng trong nhiệm vụ truyền sinh đôi vợ chồng cảm thấy một sự vui thú và thỏa mãn nơi thân xác và tinh thần. Vì vậy, vợ chồng chẳng làm điều gì xấu khi tìm kiếm và tận hưởng sự khoái lạc đó. Họ đón nhận những gì Ðấng Sáng Tạo đã ban cho. Tuy nhiên, họ phải biết giữ tiết độ (Pi-ô XII, bài giảng 29 - 10 - 1951).
Trách nhiệm tính dục
Không chỉ là một hồng ân, tính dục còn là một trách nhiệm: “Theo nhãn quan Kitô Giáo, đức khiết tịnh tuyệt nhiên không có nghĩa là phủ nhận hay miệt thị tính dục con người, nhưng đúng hơn nó là một năng lực tinh thần biết bảo vệ tình yêu khỏi những nguy hiểm của sự ích kỷ và của tính bạo động, và đưa tình yêu đến mức thể hiện trọn vẹn” (Thánh Gioan Phaolô II - FC 33).[14]
Tính dục trong hôn nhân không phải là những đòi hỏi cần thỏa mãn theo nhu cầu thể lý và tâm lý. Dưới ánh sáng lời Chúa, nó còn là một bổn phận bắt buộc giữa người chồng và người vợ. Thánh Phaolô đã giải thích vấn nạn này một cách rất rõ ràng với người Corinthô hai ngàn năm trước:
“Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy.Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Xa-tan lợi dụng để cám dỗ” (1 Cr 7:3-5).
Để xóa tan tư tưởng sai lạc về tính dục, và làm cho tính dục nhuốm mầu sắc quá thiên về vật chất, sau khi tạo dựng mọi loài, Thiên Chúa đều hài lòng với sản phẩm của mình và thấy nó tốt đẹp. Vậy nếu Thiên Chúa không cho hành động tính dục là dơ bẩn, con người cũng không được phép nghĩ nó là dơ bẩn. Hơn nữa, phải cho đây là một hành động nghiêm túc và thực hành nó một cách có trách nhiệm, bởi vì hành động tính dục trong hôn nhân là một bổn phận như Thánh Phaolô đã cắt nghĩa cho người Corinthô, và chắc chắn là ngài cũng muốn nói điều ấy với con người qua mọi thời đại.
Đặc biệt ở thời đại hôm nay khi tính dục được đưa vào sinh hoạt xã hội mang mầu sắc văn hóa và chính trị. Một dịch vụ buôn bán, trao đổi và kiếm lời. Nguyên số tiền mà người ta chi ra cho các dịch vụ mãi dâm mỗi năm cũng lên đến hàng trăm triệu mỹ kim. Và đây là một lời cảnh báo cho những thất bại về tính dục trong hôn nhân. Để giúp cho vợ chồng hiểu về trách nhiệm cao cả của mình trong đời sống tính dục, tài liệu giáo lý chuẩn bị cho Đại Hội Gia Đình Thế Giới 2015 viết:
Trong niềm hân hoan qua ngôn ngữ của Adam lần đầu gặp Evà: “Cuối cùng, đây là xương của xương tôi, và thịt của thịt tôi” (Gen 2:23, NRSV). Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ghi rằng, từ nguyên thủy, “người nam nhìn ra người nữ như cái “tôi” khác chia sẻ cùng nhân tính” (CCC, 371). Người nam và người nữ chia sẻ phẩm tính bình đẳng đến từ Thiên Chúa là Tạo Hóa của họ. Trong chương trình của Thiên Chúa, cả hai giống nhau, và cái khác của người nam và người nữ xẩy ra cùng lúc trong tình trạng bổ khuyết sinh lý của họ như giống đực và giống cái. Được tạo dựng với nhau (Gen 1:26-27), người nam và người nữ sẵn sàng cho nhau. (CCC, 371) Sự khác biệt tính dục là một lời nhắc nhở căn bản rằng việc chúng ta được dựng nên để trao hiến cho nhau đã được hướng dẫn bằng đức hạnh và tình yêu Thiên Chúa.[15]
Trách nhiệm về tính dục do đó bắt nguồn từ mầu nhiệm con người, và đến từ Thiên Chúa. Trong Sáng Thế Ký, Thiên Chúa đã truyền cho con người phải làm việc này không chỉ vì nhu cầu tâm sinh lý, mà còn để duy trì, bảo vệ nòi giống. Ngài đã trao quyền được cộng tác với Ngài trong việc tạo dựng con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1:28). Tính dục trong hôn nhân vì thế còn có một mục đích tối hậu là sinh sản con cái.[16]
Sách Giáo Lý Công Giáo số 2363 dạy: “Nhờ sự kết hợp của vợ chồng, hai mục đích của hôn nhân được thực hiện: lợi ích của chính đôi vợ chồng và lưu truyền sự sống. Không thể tách rời hai ý nghĩa hoặc hai giá trị này của hôn nhân mà không làm biến chất đời sống tinh thần của vợ chồng cũng như phương hại đến lợi ích của hôn nhân và tương lai của gia đình. Như thế tình yêu vợ chồng đòi hỏi người nam và người nữ vừa phải chung thủy vừa phải sẵn sàng đón nhận con cái.”
Những hội chứng bất thường của tình dục
Rất nhiều người có những vấn nạn, những khó khăn về sinh lý và hành động sinh lý. Họ thường hay che dấu và không muốn trao đổi với người khác ngay cả với vợ hoặc chồng. Nhưng vì không thỏa mãn được nhu cầu và ước muốn tình dục nên vợ chồng luôn có những xung khắc trong đời sống sinh lý, biến nó trở nên nhàm chán, dơ bẩn, hoặc ghê tởm. Những căn bệnh chính sau đây được liệt kê trong cẩm nang Diagnostic and statistical Manual of Mental Disorders (DSM) năm 2000 của Hiệp Hội Các Nhà Tâm Thần Học Hoa Kỳ:
- Mất ham muốn (Sexual desire disorders): Liên quan đến thái độ lạnh nhạt, coi thường, hoặc không vui thích hành động giao hợp. Người mất ham muốn tình dục được gọi là người mang hội chứng hypoactive sexual disorder. Đây là căn bệnh thông thường đối với những nhà chuyên môn trị liệu tình dục (Letourneau & O’Donohue, 1993)[17]. Triệu chứng thông thường dẫn đến tình trạng mất ham muốn bao gồm những lý do thể lý và tâm lý như bực bội, nóng giận, sợ hãi mất khả năng, sợ có thai, hoặc có những tai nạn trong quá khứ liên quan đến hành động sinh lý.
- Mất hưng phấn (Sexual arousal disorders): Mất kích thích tình dục đối với đàn ông là không có khả năng cương cứng dương vật hoặc khả năng giao hợp. Đối với đàn bà là không tạo được kích thích để tiết ra chất nhờn trong âm đạo. Họ mất hứng thú hoặc không có khả năng tạo hưng phấn trong tình dục (American Psychiatric Association, 2000). Căn bản của bệnh này dẫn đến liệt dương (impotence) của phái nam và lãnh cảm (frigidity) của phái nữ. Có ít nhất 30 triệu đàn ông ở Hoa Kỳ bị liệt dương (Goldstein, 1998). [18]Tâm lý mệt mỏi, chán chường, nghiện rượu, là lý do của căn bệnh. Sự lập đi lập lại những thất bại của mình cũng là điều khiến cho tình trạng bệnh lý trở thành trầm trọng hơn đối với nam giới. Với nữ giới, tình trạng mất kích thích tình dục cũng đến từ những lý do thể lý và tâm lý. Những trường hợp quá khứ như bị hiếp dâm, bị xâm phạm tình dục, hoặc ái ân thô lỗ và bạo tợn của người yêu, của chồng cũng đã khiến cho nhiều phụ nữ trở nên mất hứng thú.
- Không đạt kích ngất (Orgasmic disorders): Trong khi phụ nữ khó lòng đạt kích ngất, hoặc bị kích ngất một cách đột ngột và khác thường (rapid orgasm). Phái nam thường xuất tinh sớm (premature ejaculation), hoặc có những người không xuất tinh được. Tình trạng không đạt kích ngất không chỉ đối với đàn ông mà còn đối với cả đàn bà. Đối với đàn ông xuất tinh trong vòng 30 giây được cho là xuất tinh sớm. Cũng như các chứng bệnh khác của tình dục, không đạt kích ngất khi giao hợp cũng có những lý do thể lý và tâm lý.
- Đau rát khi giao hợp (Sexual pain disorders): Đàn ông cũng như đàn bà đều có thể gặp phải chứng đau rát khi giao hợp (dyspareunia). Triệu chứng này ở phụ nữ còn dẫn tới có cảm giác không muốn để cho dương vật lọt vào âm đạo (vaginismus). Đau rát khi giao hợp thuộc cả hai phái, nhưng phần đông xẩy ra cho giới phụ nữ. Nó xẩy ra có thể là do nguyên nhân thể lý và cũng có thể là lý do tâm lý. [19]Tuy nhiên phần lớn sự đau rát của phụ nữ xẩy ra là thiếu chất nhờn tiết ra từ âm đạo. Cũng có thể là phản ứng do những hóa chất từ những bao cao xu (condoms), những dụng cụ ngừa thai hoặc do những hành động giao hợp mạnh bạo, cuồng loạn của đàn ông.
- Liệt dương và xuất tinh sớm của phái nam, lãnh cảm và không đạt kích ngất của phái nữ, đau rát khi giao hợp của cả hai phái là những căn bệnh thông thường của đời sống tình dục. Những căn bệnh này là lý do dẫn đến những tư tưởng tiêu cực, những ý nghĩ xấu về tính dục và hành động ân ái vợ chồng. Ảnh hưởng của nó sẽ làm cho đời sống hôn nhân trở nên căng thẳng, tẻ nhạt, nhàm chán, và đưa đến đổ vỡ. Để chữa trị những căn bệnh sinh lý bất thường, đòi hỏi người chồng, người vợ hoặc cả hai phải đối diện với thực tế, có nghĩa là phải chấp nhận mình có bệnh để có sự thông cảm của nhau, và tìm phương pháp chữa trị.
Về phương diện y khoa, họ cần bác sỹ gia đình và các bác sỹ chuyên môn để khám nghiệm, chữa trị các chứng cao mỡ, cao máu, tiểu đường, yếu tim, yếu thận, hoặc liên quan đến nang thượng thận (adrenal glands), tuyến giáp trạng (thyroid) hay nghiện ngập. Về phương diện tâm sinh lý, họ phải đến gặp các nhà tâm lý, các nhà chuyên môn về sinh lý để phân tích và trị liệu những hội chứng đang ảnh hưởng đến đời sống và khả năng tình dục. Tóm lại, để chữa trị những căn bệnh về sinh lý không nên dựa vào kinh nghiệm của người này, người khác, hoặc những toa thuốc bí truyền, những cách thức chữa trị gia truyền. Nhưng phải được chẩn đoán và chữa trị một cách khoa học đôi khi phức tạp và tốn kém.
Một trong những quan niệm rất thiếu khoa học về sinh lý và di truyền học liên quan đến số phận phụ nữ và các bé gái là quan niệm trọng nam khinh nữ, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.” Do quan niệm này nhiều bà mẹ và nhiều bé gái đã phải đau khổ, tủi hận, mặc cảm và chết oan. Nhưng việc sinh con trai hay con gái hoàn toàn không do phụ nữ. Theo khảo cứu của khoa học, tinh trùng được chia ra làm hai loại, một nửa tính nam (male sperm) mang nhiễm sắc thể giới tính (sex chromosomes) Y. Một nửa tính nữ (female sperm) mang nhiễm sắc thể giới tính X. Trong khi giao hợp, nếu tinh trùng mang nhiễm sắc thể giới tính Y gặp trứng, thai nhi sẽ là con trai. Ngược lại, nếu tinh trùng mang nhiễm sắc thể giới tính X gặp trứng, thai nhi sẽ là con gái. (Phạm, 2006)[20]
Tôi thuộc về người yêu của tôi
Lời người yêu trong Diễm Tình Ca (7:11) diễn tả cách tuyệt vời sự thao thức, cuốn hút của giây phút ân ái vợ chồng. Nhưng vì hành động ái ân không phải là một việc làm theo bản năng, và bị thúc đẩy bởi những thèm muốn xác thịt. Để có những giây phút hạnh phúc bên nhau, người chồng cũng như người vợ cần phải hiểu biết những trạng thái tâm sinh lý của nhau, và đi vào những giây phút ấy bằng sự chuẩn bị tâm lý cũng như thể lý.
Trong Human Sexuality, 5th Edition, (Spencer A. Rathus et al., 2002)[21] đã tóm lược những trạng thái sinh lý của Masters and Johson,[22] tùy thuộc vào sự thay đổi của cơ thể và những kích thích bên ngoài. Những rạo rực, thôi thúc của sinh lý theo đó mang 4 đặc tính: excitement (kích thích), plateau (đạt đỉnh), orgasm (kích ngất) và resolution (trạng thái bình thường).
- Excitement (kích thích): Do được kích thích khoảng từ 3 tới 8 giây, cơ quan sinh dục của đàn ông từ từ cương cứng, dịch hoàn và bao bọc dịch hoàn trở nên săn chắc. Về phía nữ giới khoảng từ 10 tới 30 giây âm đạo bắt đầu ẩm ướt do chất nhờn tiết ra, âm vật, vành trong và vành ngoài của cơ quan sinh dục nở và mở rộng, đổi mầu.
- Plateau (đạt đỉnh): Sự cương cứng của dương vật và toàn bộ cơ quan sinh dục của phụ nữ kể cả phần sâu nhất của âm đạo được biến đổi. Cặp nhũ hoa của phụ nữ trở thành căng phồng và hai đầu nhũ hoa cũng cứng lên. Do bị kích thích và hưng phấn một vài giọt tinh dịch có thể tiết ra từ đầu dương vật của đàn ông. Lúc này, máu trong cơ thể tiếp tục bơm nhanh, hơi thở dồn dập, tim đập từ 100 đến 160 nhịp một phút. Thời gian sẵn sàng cho hành động giao hợp.
- Orgasm (kích ngất): Sự hòa nhập giữa hai thân xác, tạo nên một cảm giác sung sướng và đê mê chất ngất. Các bắp thịt ở vùng chậu và thành âm đạo co thắt. Máu trong người tăng lên tột đỉnh. Tim đập lên đến 180 nhịp một phút. Hơi thở dồn dập 40 cái một phút. Một cảm giác thôi thúc, ấm áp, vỡ òa, và thoải mái. Đối với người đàn ông kích ngất được đánh dấu bằng việc xuất tinh. Một lượng tinh dịch và tinh trùng được bắn ra từ 2 tới 3 giây.
- Resolution (trạng thái bình thường): Sau khi xuất tinh, dương vật của đàn ông bắt đầu thu lại và trở về trạng thái bình thường. Âm đạo và thành âm đạo của người phụ nữ cũng từ từ trở lại trạng thái cũ. Thời gian trong vòng 5 phút sau khi kích ngất đối với cả nam và nữ. Mặc dù thời gian cần cho cơ thể trở lại bình thường của hai phái tương tự như nhau, nhưng riêng với nữ giới thời gian trở lại trạng thái bình thường không nhanh như nam giới. Do đó, nếu được kích thích và nếu họ muốn, họ có thể tiếp tục giao hợp.
Do những khác biệt về thể lý và tâm sinh lý, phản ứng sinh lý của phái nam được ví như chiếc máy vi ba sóng (microwave) dùng hâm nóng đồ ăn, và phái nữ như chiếc lò nướng (oven). Microwave mở lên nóng liền, và tắt đi nguội liền. Nhưng oven mở lên từ từ mới nóng, và khi tắt cũng nguội từ từ. Vì những khác nhau về tâm sinh lý, nên để có một cuộc ái ân đem lại hạnh phúc cho cả hai vợ chồng, đòi hỏi cả hai, đặc biệt người đàn ông phải hiểu được khác biệt này. Và việc chuẩn bị cho một cuộc ái ân cũng có những bước căn bản của nó.
- Thời giờ cho nhau: Hành động ân ái, một cuộc hội ngộ đem lại hạnh phúc cho hai thân xác và hai tâm hồn nên phải có thời giờ cho nhau. Nó không thể được thực hiện một cách chộp giật, chớp nhoáng hay máy móc, vì điều này không phù hợp với những đòi hỏi thể lý cũng như tâm lý phụ nữ.
Bởi đó thời gian đầu là lúc vợ chồng cần để quấn quít, hôn hít, vuốt ve và ôm ấp. Những hấp dẫn thể lý cộng với những lời tình lãng mạn sẽ đem lại hưng phấn cho những phản ứng tâm sinh lý. Giây phút vợ chồng bên nhau phải là những giây phút đắm đuối, thơ mộng, tình tứ, và của nhịp đập hai trái tim.
Để có những giây phút này, cả hai cần có những đối đãi thân mật, yêu thương, và dành thời giờ cho nhau trước đó qua những giao tiếp thường ngày giữa hai vợ chồng. Những lời nói yêu thương, cử chỉ tế nhị, săn đón, và quan tâm đến nhau chính là những yếu tố cần để chuẩn bị cho giây phút ân ái.
- Cho nhau biết là mình được yêu: Tác động ân ái, giao hợp vợ chồng là những tác động của yêu thương. Người chồng cũng như người vợ cần phải cho nhau biết rằng tình yêu và những thu hút của tình yêu đã dẫn hai người và đem họ lại với nhau. Nói cho nhau nghe và bày tỏ cho nhau tình yêu của mình, để cả hai thấy rằng mình đang yêu và được yêu. Ân ái vợ chồng không phải là một thỏa mãn hoàn toàn dục vọng, và hành động theo bản năng. Nó phải được diễn ra bằng những lời nói, cử chỉ và hành động của tình yêu. Tình yêu sẽ níu kéo, ghì chặt hai thân xác, và hòa hợp hai tâm hồn: “Chàng đưa tay trái cho tôi gối đầu, đưa tay phải ghì chặt lấy tôi” (Diễm Tình Ca 2:6).
- Môi trường an toàn: Giây phút vợ chồng bên nhau là thời gian của riêng tư giữa hai người. Nó phải được thực hiện trong không gian an toàn. Những tiếng động đạc, những chi phối bên ngoài thường làm cho người phụ nữ cảm thấy mất hứng thú, và dĩ nhiên sự đáp trả sẽ không nồng nàn, tha thiết:
“Đương khi bếp tắt cơm sôi,
Con ngồi khóc đói, chồng đòi tòm tem.
Bây giờ bếp đã cháy lên,
Cơm đà sắp chín, tòm tem thì tòm.”[23]
Cơm chưa chín, bếp lửa tắt ngấm, và con ngồi bên khóc lóc đòi ăn chắc chắn không phải là thời gian, hoàn cảnh và môi trường thuận tiện cho một cuộc ân ái.
- Cảm ơn anh, cảm ơn em: Kinh nghiệm thường ngày cũng như những kết quả khảo cứu cho thấy sau khi đã xuất tinh, tức là đạt kích ngất, thỏa mãn được nhu cầu, người chồng thường lăn ra ngủ. Họ không quan tâm đến những thao thức, những hạnh phúc còn rơi rớt lại nơi người vợ. Nhưng nếu bỏ qua, hoặc không quan tâm đến nó vô tình sẽ tạo cho người vợ, người yêu cái cảm giác họ bị lợi dụng, hoặc chỉ là dụng cụ để cho chồng đạt được thỏa mãn. Hành động này sẽ ghi vào tâm tư người vợ sự tủi hổ, giận hờn, và coi thường. Kết quả nó sẽ để lại hình ảnh xấu, một cái nhìn tiêu cực về sinh lý, về tình yêu vợ chồng, và khiến cho những lần ân ái sau trở nên khó khăn, hoặc dễ dàng bị từ chối.
Kết luận
Hành động ân ái chính là biểu tượng của tình yêu, là trách nhiệm và bổn phận cần thiết của đời sống hôn nhân. Không ai được coi thường hành động sinh lý vợ chồng, và cũng không ai có thể nói đó là những hành động, những việc làm dơ bẩn, tội lỗi, xấu xa.
Người vợ khôn ngoan và yêu chồng không để chồng bị đói, thèm khát và bị bỏ rơi. Hành động như vậy chỉ tạo ra những cơ hội cho việc vụng trộm và thèm muốn ngoài hôn nhân mà không phải là chính mình, và mở đường cho chồng đi hoang. Người chồng khôn ngoan, yêu vợ cũng không thể thiếu sót bổn phận chăn gối. Không tìm thỏa mãn dục vọng hay nhu cầu sinh lý một cách hoàn toàn theo bản năng. Làm như vậy sẽ tạo cho người vợ cảm giác bị xúc phạm và bị lợi dụng thân xác.
Hạnh phúc của đời sống ân ái vợ chồng là những lúc:
“Chàng đưa tôi vào phòng tiệc,
cho tôi uống rượu nồng,
đã thắng tôi nhờ sức mạnh tình yêu.”(Diễm Tình Ca 2:4)
-----------------------------------
[1] U.S. Divorce Rates and Statistics. Divorcesource.com.
[2] Infidelity Statistics. Infidelity facts. Infidelityfacts.com.
[3] Slattery, J. (2009). Sex Is a Physical Need. No More Headaches. Tyndale House Publishers, Inc.
[4] How Often Do Men Think About Sex?- Netscape Men’s
[5] Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Tục Ngữ Phong Dao. AR: Sống Mới, 1978, Tập 1, tr.123.
[6] Brizendine, L. (2006). Female Brain. New York: Random House, Inc.
[7] M. Hunt (1974). Sexual Behavior in the 1970’s. New York: Playboy press, p.191.
[8] Laumann, E.O., Gagnon, J.H., Michael, R.T., & Michael, S. (1994). The social organization of sexuality: Sexual practives in the United States: Chicago: University of Chicago Press.
[9] Michael, R.T., Gagnon, J.H., Laumann, E.O., & Kolata, G. (1994). Sex in America: A definitive survey. Boston: Little, Brown.
[10] Trần Tế Xương. Ba cái lăng nhăng. Nxb Văn hóa - Thông tin, 1998.
[11] Lm. Augustinô Nguyễn Văn Dụ. (2010). Để Có Được Một Cái Nhìn Kitô Giáo Về Tính Dục. Ban Mục Vụ Gia Đình Tổng Giáo Phận Saigon, tr. 47.
[12] Hoài Thanh và Hoài Chân. Tiếng sáo Thiên-thai. Thế Lữ trong Thi Nhân Việt Nam. Hoa Tiên xuất bản, Saigon 1967. tr. 66.
[13] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Ủy Ban Giáo Lý. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
[14] Lm. Augustinô Nguyễn Văn Dụ. (2010). Để Có Được Một Cái Nhìn Kitô Giáo Về Tính Dục. Ban Mục Vụ Gia Đình Tổng Giáo Phận Saigon, tr. 61.
[15] World Meeting of Families 2015 Philadelphia. Love Is Our Mission. The Family Fully Alive (2014), 44. Our Sunday Visitor, Inc.,
[16] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Ủy Ban Giáo Lý. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
[17] Letourneau, E., & O’Donohue, W. (1993). Sexual desire disorders. In W. O’Donohue &J.H. Geer (eds.) Handbook of sexual dysfunctions: Assessment and treatment. (pp. 53-81). Boston: Allyn & Bacon.
[18] Goldstein, D. (1998, October 18). Chemistry of sexual desire yields its elusive secrets. The New York Times, pp. C1, C15.
[19] Meana, M., & Binik, Y.M. (1994). Painful coitus: A view of female dyspareunia. Journal of Nervous and Mental Desease, 182(5), 264-272.
[20] Bác sỹ Tiến Sỹ Phạm Viết Tú (2006). Y Học Thường Thức Hỏi & Đáp. (Tr. 611). B N Magazine xuất bản.
[21] Rathus, S.A., Nevid, J. S., & Rathus, L. F. (2002). Human Sexuality in a World of Diversity. 5th Edition. (pp. 157-163). Boston: Allyn & Bacon.
[22] Masters, W.H., & Johnson, V.E. (1966). Human sexual response. Boston: Little, Brown.
[23] Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Tục Ngữ Phong Dao. AR: Sống Mới, 1978, Tập 2, tr.96.
3. BẠO HÀNH TRONG GIA ĐÌNH
(John Lê Mừng, MA, tốt nghiệp Cử Nhân Quản Trị Kinh Doanh năm 1979, University of Iowa, Iowa City; Cao Học Tâm Lý Khải Dẫn năm 1996, Trinity College of Graduate Studies, CA. Về hưu sau 32 năm làm việc cho Cơ Quan Xã Hội Quận Orange trong chương trình Adult Employment Services và Chidren & Family Services. Hiện thời là Gia Trưởng Gia Đình Nazareth, Mục Vụ Gia Đình của Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam - Giáo Phận Orange. Marie Lê Lan, MA, MFT (Marriage & Family Therapist), tốt nghiệp Cao Học Tâm Lý Khải Dẫn năm 1994, National University, San Diego, CA. Về hưu sau 30 năm làm việc cho Cơ Quan Xã Hội Quận Orange trong chương trình Bảo Vệ Trẻ Em và Hỗ Trợ Gia Đình (Child Protective Services và Children & Family Services). Hiện thời là Mediator cho văn phòng Consortium for Children, CA.)
Hằng năm, Giáo Hội Cộng Giáo Hoa Kỳ dành trọn Tháng 10 cho việc Tôn Trọng Sự Sống để kêu gọi sự chú ý đến tệ nạn xúc phạm nhân phẩm là Bạo Hành Gia Đình. Bạo hành gia đình là một vết thương che kín của nhiều gia đình và trong cộng đồng chúng ta. Các nạn nhân thường yên lặng chịu đựng vì nhiều lý do khác nhau: vì sợ hãi, xấu hổ hoặc mượn lớp vỏ “quan hệ gia đình” để giữ danh giá cho gia đình. Còn những nguời bạo hành, nếu có nhận ra khiếm khuyết của mình, cũng thường không tìm cách giải quyết, không nhận trách nhiệm về hành vị bạo hành của mình. Trái với lối suy nghĩ thông thường, bạo hành gia đình không phải chỉ xảy ra ở giới hạ lưu kém lợi tức mà là vấn đề của mọi lứa tuổi, mọi giai cấp xã hội, chủng tộc, trình độ học vấn, bất kể tôn giáo, những cặp hôn nhân đồng tính cũng như dị tính.
Hầu như mỗi ngày báo chí, truyền thanh, truyền hình đều đăng những tin tức đáng tiếc về bạo hành trong gia đình. Đa số người bị hành hung là người được coi là yếu đuối, phụ thuộc, người vợ. Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ ước lượng hằng năm có tới 4 triệu người vợ bị hành hung: 1 trong 4 bà vợ cho biết đã bị hành hung ít nhất là 1 lần trong đời; 3 trong 4 người ở Hoa Kỳ có biết về một nạn nhân bạo hành, mặc dầu hầu hết các trường hợp xảy ra không được khai báo với nhà chức trách.
Có người cho rằng bạo hành trong gia đình là một bản năng tự nhiên trong bất cứ xã hội nào nên không thể ngăn ngừa và sửa đổi được. Hầu hết các quốc gia đã quan tâm khá đặc biệt bằng cách quy đinh các biện pháp phòng ngừa, ngăn chận bạo hành trong gia đình theo luật pháp quốc gia mình. Tuy nhiên, bạo hành vẫn xảy ra và khi xảy ra, thì cả gia đình cần được giúp đỡ. Có thể chính bạn phải chịu đựng sống trong tình trạng bạo hành cho dù chỉ xảy ra có một lần; có thể người bạn đồng nghiệp hoặc người thân nào đó hiện đang bị ngược đãi. Cho dù bạn là ai đi nữa, hãy kêu gọi giúp đỡ.
Dựa trên những kiến thức và kinh nghiệm sau nhiều năm làm việc trong chương trình Bảo Vệ Trẻ Em và Hỗ Trợ Gia Đình (Children and Family Services) chúng tôi chú tâm trình bày những nguyên nhân và ảnh hưởng của bạo hành gia đình, và đề nghị những phương thức cụ thể có thể áp dụng được để giúp các gia đình chuẩn bị cũng như phòng ngừa các trường hợp bạo hành gia đình. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những ảnh hưỏng lâu dài về cả thể chất lẫn tâm thần cho con cái, đôi khi chính bản thân chúng cũng là nạn nhân của bạo hành. Nhận định của nhiều nghiên cứu cho thấy sự bạo hành bắt nguồn từ các em thưở còn thơ ấu vì đã chứng kiến cảnh bạo hành giữa cha mẹ trong gia đình.
Thế nào là bạo hành gia đình?
Bạo hành gia đình có thể được định nghĩa là những hành vi bạo lực xảy ra giữa các thành viên trong gia đình, thường xảy ra giữa vợ chồng và trong bất cứ mối tương quan tình cảm nào nhằm nắm được quyền hành hay kiềm chế việc xử thế của một người gần gủi với mình. Bạo hành trong gia đình là một mô hình do lâu ngày thành thói quen dùng để khống chế người khác qua việc gây sợ hãi, đe dọa tâm thần hoặc dùng bạo lực. Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của bạo hành gia đình. Nạn nhân có thể là đã lập gia đình hoặc độc thân, ly thân hoặc sống chung với nhau trong thời gian hẹn hò. Không có một loại nạn nhân bạo hành tiêu biểu ngoại trừ một điều, nạn nhân thường là phụ nữ. Thống kê của Văn Phòng Biện Lý cho biết 92% trong tất cả các vụ bạo động trong gia đình, phần lớn người bạo hành là đàn ông, người chồng cũ, nhưng cũng có một số ít là đàn bà. Thống kê còn cho thấy bạo hành tinh thần là một trong những nguyên nhân chính gây nên bịnh trầm cảm nơi người phụ nữ.
Bạo hành thể xác:
- Các hành vi có tác động trực tiếp đến sức khỏe của nạn nhân “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”có thể gây thương tích bầm dập cho đến chết người như đánh đấm, đạp, xô đẩy, tát, nắm tóc kéo lê, vặn cổ tay v.v. Bạo hành thường bắt đầu bằng các va chạm bình thường rồi dần dần leo thang thành các công kích xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.
- Không cho đi bác sĩ để giữ gìn sức khỏe, dấu dược phẩm, thực phẩm, nước uống, phá rối không cho ngủ hoặc ép dùng rượu, cần sa ma túy, bỏ rơi nơi đường vắng vẻ nguy hiểm. Theo thống kê của Tòa Án Nhân Dân tại Việt nam, trung bình mỗi năm trên cả nước có tới 8000 vụ ly hôn mà nguyên nhân là do bạo hành gia đình. Cũng theo thống kê của các bệnh viện và phòng y tế cấp cứu, có hơn 27% phụ nữ nhập viện vì bị hành hung.
Bạo hành tình dục:
Các hành vi bạo hành về thể lý thường đi liền hoặc tiến đến bạo hành về tình dục trong đó nạn nhân bị cưỡng bức giao hợp, ép buộc làm tình hội đồng. Người bạo hành cưỡng ép giao hợp khi nạn nhân đang ngủ, xúc phạm vào bộ phận sinh dục trên cơ thể, coi người phối ngẫu như thứ đồ chơi, hoặc không quan tâm đến nhu cầu sinh lý của người phối ngẫu.
Bạo hành tâm lý:
- Người bạo hành thường xuyên dùng lời nói hăm dọa khủng bố đến nỗi nạn nhân bị hoảng loạn tâm thần, hăm dọa tự tử hoặc sẽ sát hại người phối ngẫu và con cái, đập phá để thị uy.
- Cô lập người phối ngẫu khỏi bạn bè và không cho liên lạc với gia đình của họ, kiểm sóat việc giao du di chuyển, nhục mạ trước công chúng, nói nặng lời để hạ nhân phẩm và làm mất niềm tự trọng, kể lại một cách diểu cợt những vụ tình ái riêng tư, coi người phối ngẫu như tôi tớ, độc đoán mọi việc lớn nhỏ.
Bạo hành kinh tế:
Người bạo hành kiểm soát các nguồn tài chánh, không cho xử dụng tiền, cấm đoán đi làm, tước đoạt các nguồn tài trợ, hủy hoại tài sản cá nhân.
Chu Trình Của Bạo Hành:
Có nhiều giả thuyết đã được đặt ra để giải thích tại sao người đàn ông lại dùng bạo lực đối với người phối ngẫu của mình như các vụ cải cọ thường xuyên trong gia đình, thiếu khả năng truyền đạt cảm thông, lạm dụng rượu chè ma túy, tinh thần căng thẳng, gặp tình trạng khó khăn về tài chánh. Các hành vi bạo hành thường tiếp diễn vì bạo lực là một phương pháp hữu hiệu mà người bạo hành dùng để kiểm soát và khống chế một người khác, và vì họ không phải chịu các hậu quả bất lợi do các hành vi của họ. Trong thâm tâm, người bạo hành không bao giờ nhận trách nhiệm về các hành vi bạo hành gây ra, nhưng đưa ra những lý do ngụy biện để bào chữa cho hành động của mình.
- Giai đoạn dồn nén:
Tâm lý của người đàn ông bạo hành thường từ chối chia sẻ những ưu tư về việc làm, bất đồng trong gia đình, những lo lắng và áp lực trong đời sống hằng ngày. Họ thường khép kín và cố giữ trong lòng những vết thương, đau khổ, bực tức, thất vọng cho chính mình. Giai đoạn nầy có thể kéo dài đến cả năm hoặc chỉ có một vài ngày. Trong thời gian nầy, chính đương sự nhiều khi không để ý nhưng những người xung quanh đều nhìn thấy và quan tâm
- Giai đoạn bộc phát:
Đến giai đoạn nầy, người bạo hành không kiểm chế chính mình được nữa, chỉ cần một câu nói nghịch ý, một hành vi không đáng kể cũng đủ làm đương sự “nổi khùng” và hành động bất cứ gì để lấy lại uy thế. Một khi đã bùng nổ, các hành vi bạo hành sẽ tiếp tục tái diễn và càng ngày càng leo thang cho đến khi người bạo hành bị bắt giữ hoặc can thiệp.
- Giai đoạn “tuần trăng mật”
Sau khi được can thiệp, người bạo hành bắt đầu hối lỗi vì đã làm tổn thương những người thân. Họ sẽ xin lỗi và hứa từ nầy về sau sẽ không có hành vi bạo hành quá đáng nữa. Họ đồng ý đi gặp các vị cố vấn gia đình và bắt đầu tâm sự, chia sẻ những khắc khoải, dồn nén mà đang chất chứa trong lòng. Họ đi nhà thờ, mua hoa cho người phối ngẫu và làm tất cả những gì người phối ngẫu hằng ước muốn. Nhưng sau vài lần thất hứa trở lại “chứng nào tật đó,” người bạo hành bắt đầu trách móc và đổ lỗi, “nếu cô ốm bớt thì tôi đâu có chưởi cô” hoặc “nếu mầy là người vợ đảm đang thì tao đâu có đánh mầy làm gì.” Thực tế là người vợ chặng hề có lỗi gì, nhưng chỉ vì người chồng cảm thấy mất uy quyền và thiếu tự chủ.
Một khi giai đoạn “tuần trăng mật” chấm dứt, chu trình bạo động sẽ ngắn hơn và người bạo hành sẽ có hành vi bạo động mãnh liệt và thường xuyên hơn. Bạo hành gia đình sẽ càng ngày càng gia tăng, trừ khi người chồng thức tỉnh và chấp nhận chịu trách nhiệm về hành vi bạo động sai trái của mình. Giận dữ là một cảm giác bình thường, nhưng có thể đi quá trớn đến mức độ không thể kiềm hãm được. Chế ngự được sự giận dữ là một quyết tâm khó giữ nhưng lại là một điều kiện then chốt để tránh bạo hành.
Những nguyên nhân và ảnh hưởng của bạo hành trong gia đình
Có nhiều lý do dẫn đến các hành vi bạo hành, từ việc gia đình không có một chức năng bình thường cho đến sự thiếu thông đạt cảm thông; từ sự dồn nén tâm lý của người chồng đến sự khêu khích của người phối ngẫu, hoặc vì các chất kích thích như rượu, ma túy, hoặc vì thiếu một cuộc sống tâm linh cho đến tình trạng kinh tế khó khăn. Kết quả của những nghiên cứu về bạo hành đã chứng minh rằng những người có hành vi bạo hành thường muốn chế ngự người khác, chẳng những bằng bạo lực mà còn dùng những khả năng trổi vượt về tâm lý, kiến thức , thông đạt, và ngay cả về dáng dấp, màu da hay giọng nói.
Bạo hành gia đình thường có tỷ lệ cao ở các gia đình có những hoàn cảnh đặc thù như trình độ văn hóa thấp, bịnh tật, thất nghiệp hoặc nghiện ngập. Tuy nhiên, điều nầy không có nghĩa là những gia đình giàu có hay trí thức sẽ không có bạo hành. Theo ủy ban về các vấn đề xã hội, nguyên nhân sâu xa của bạo hành gia đình bắt nguồn từ tư tưởng bất bình đẳng giới từng tồn tại trong văn hóa Việt Nam. Từ lâu nay, chế độ phụ hệ, tư tưởng “nam trọng nữ khinh” kéo theo sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới.
Bạo hành gây ảnh hưỏng từ thể chất đến tâm lý của nạn nhân. Nhiều hành vi bạo hành gây thương tật suốt đời, thậm chí tử vong. Nhiều người vợ không chịu nỗi hoàn cảnh bị bạo hành đã bức tử con cái và gây thương vong cho chính bản thân họ.
Tại sao nạn nhân bạo hành không bỏ đi
Một câu hỏi thường được đặt ra là tại sao nạn nhân bạo hành không chịu dứt khoát xa lánh người hành hung mình. Nhiều lý do đã được nêu ra dựa theo thống kê và các nghiên cứu xã hội, văn hóa:
Quyết định ra đi là một việc cần chuẩn bị trước, chứ không thể quyết định ngay.
Tình yêu đã mất nhưng vẫn nặng nghĩa vợ chồng.
Lệ thuộc tài chánh, chưa bao giờ đi làm, cần tiền cấp dưỡng.
Muốn có một gia đình đầy đủ vì con cái còn nhỏ.
Sợ người chồng bắt con, đe dọa tánh mệnh, phá hại tài sản.
Tự trách mình đã làm phật ý chồng vì vụng về, thiếu duyên dáng v.v.
Tôn giáo là một yếu tố có ảnh hượng lớn: gia đình không cho phép dứt bỏ vì sợ đưa đến ly dị.
Đa số các nạn nhân không biết các chương trình tư vấn địa phương để giúp đở họ khi bị hành hung, và cũng không biết có những nhà tạm trú dành riêng cho nạn nhân của bạo hành. Các phụ nữ còn cần được giải thích để hiểu rõ bạo hành gia đình là một hành động cần lên án. Nhẫn nhục chịu đựng tình trạng bạo hành không phải là phương cách an toàn và để gia đình có được hạnh phúc.
Trong văn hóa Việt Nam, nhiều người thường quan niệm rằng chuyện chồng đánh vợ chỉ là chuyện bình thường trong lúc nóng giận. Đó là quan niệm sai lầm và là một vấn nạn chung cho xã hội. Trách nhiệm của mọi người là phải tích cực góp tay giúp những nạn nhân bị bạo hành gia đình thông hiểu về những luật lệ chống bạo hành.
Nhận diện các dấu hiệu về bạo hành gia đình
Các dấu hiệu sau đây có thể cho thấy hoặc dẫn đến sự bạo hành trong gia đình:
Người phối ngẫu hay người tình của bạn có đánh, đấm, bạt tai, hoặc đá bạn hay không? Người nầy có cưỡng ép bạn làm tình khi bạn không muốn không ?
Người phối ngẫu hay người tình của bạn có ngăn cản bạn giao du với bạn bè hay đi lại với gia đình như bạn muốn hay không?
Người phối ngẫu hay người tình của bạn có nghiện rượu hoặc dùng các loại ma túy hay không?
Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy có đến 50% các trường hợp bạo hành là do người nghiện rượu hoặc ma túy gây ra, nhưng đó không phải là một biện minh chính đáng cho các hành vi bạo hành. Người bạo hành đôi khi giả say để tránh lưới pháp luật.
Bạn có sợ hãi khi người phối ngẫu hay người tình nổi nóng hay không, và vì thế lúc nào bạn cũng tìm cách làm hài lòng ? Người nầy có nghĩ là bạn phải hoàn toàn tuân theo các quyết định của anh ta hay không? Một số đàn ông còn ôm lấy quan niệm hủ lậu rằng vợ con là sở hữu của họ nên khi bực mình là mang vợ ra hành hạ.
Người chồng hay bạn tình có đe dọa sẽ hại bạn hoặc con của bạn hay không?
Hàng triệu phụ nữ phải đương đầu với bạo hành trong gia đình mỗi ngày. Không có lý do gì chính đáng để bào chữa cho các hành vi bạo hành của người phối ngẫu đối với bạn, cho dù bạn nói hay làm bất cứ gì. Bạo hành trong gia đình không ngưng, nhưng thường trở thành tệ hại hơn. Bạo động trong gia đình không bao giờ là lỗi của bạn. Nếu bạn là nạn nhân của một vụ bạo hành trong gia đình, hãy tự bảo vệ lấy mình và gia đình, đồng thời đi tìm sự giúp đỡ. Nhiều người tin rằng hành hung vợ là chuyện bình thường trong hôn nhân vì khi còn bé đã thường xuyên chứng kiến cảnh bạo hành xảy ra giữa bố mẹ.
Bạn có thể làm gì để tự bảo vệ lấy mình:
Đa số các trường hợp bạo hành đều không được đưa ra ánh sáng vì người hành hung đương nhiên phủ nhận mà nạn nhân lại dấu diếm. Họ sợ bị chồng hành hạ trả thù nên cắn răng chịu đựng. Họ cũng không muốn ai biết chuyện chẳng lành vì nếu hôn nhân tan vỡ thì miệng người đàm tiếu.
Bạn cần phải dùng những cách thức sau đây để bảo vệ tánh mạng của mình:
Gọi cảnh sát ngay hay số điện thoại cấp cứu nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần sự giúp đỡ.
Thổ lộ với bạn bè hoặc bà con mà bạn tin cậy để được hỗ trợ về tinh thần.
Nếu bạn bè hoặc bà con biết về tình trạng của bạn, hãy đặt ra các lời ám hiệu qua điện thoại hoặc các phương cách khác để báo cho họ biết là bạn đang bị hành hung.
Nếu bạn có con cái, hãy báo cho trường học biết về các đe dọa có thể xảy ra và tình trạng giữ con hiện tại. Nhớ cho nhà trường biết là ai có thể hoặc không thể đón con.
Liên lạc với các chương trình trợ giúp về bạo hành gia đình tại địa phương của bạn để được giúp đở tìm nơi tạm trú, xin tòa án ban hành lệnh cấm tới gần, cố vấn tâm lý và hướng dẫn xin trợ cấp xã hội. Hầu hết các cơ quan địa phương đều có nhà tạm trú ngắn hạn cho các nạn nhân bị bạo hành.
Nếu dự tính rời khỏi nhà, bạn nhớ đặt ra một kế hoạch rõ ràng. Đưa cho người nào mà bạn tin cậy một túi đựng quần áo thay đổi cho chính bạn và con cái phòng khi gặp trường hợp khẩn cấp.
Để dư ra một bộ chìa khóa, tiền mặt dùng trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, đem theo hồ sơ về chứng tích các bạo hành trước đây như báo cáo của cảnh sát, giấy chứng thương của bác sĩ v.v
Khi bạn quyết định cắt đứt mối liên hệ
Xin tòa án ban hành lệnh tạm thời cấm người bạo hành đến gần.
Đổi số điện thoại.
Thanh lọc các cú điện thoại gọi đến.
Đổi ổ khóa, nếu người bạo hành có chìa khóa
Đặt ra một kế hoạch thoát thân trong trường hợp người bạo hành chạm trán với bạn.
Thay đổi đường đi lối về, đi khác giờ, luôn quan sát chung quanh xem có ai theo dõi.
Thông báo cho sở làm về tình trạng của bạn và xin giúp đổi giờ làm, cảnh giác về an toàn.
Nếu bạn và người bạo hành có con chung, bạn có thể nộp hồ sơ xin cấp dưỡng cho con.
Những điều chúng ta có thể làm để giúp nạn nhân của bạo hành:
Đôi khi thật khó hiểu tại sao những nạn nhân của bạo hành lại có thể chịu đựng như vậy, nhưng chính bạn có thể giúp họ thay đổi cuộc sống.
Điều quan trọng nhất là tìm cách hỗ trợ và khích lệ để chứng tỏ cho họ biết là bạn quan tâm và cảm thông tình trạng khó khăn họ đang trải qua:
Đến với nạn nhân bạo hành một cách tế nhị, cho họ biết bạn rất quan tâm, lo lắng cho họ và giải thích tại sao.
Lắng nghe nạn nhân bạo hành mà không phê phán gì hết.
Coi sự bạo hành là vấn đề nghiêm trọng vì có thể gây tổn thương cả về tâm lý lẫn thể lý. Đừng coi thường mối nguy hiểm mà nạn nhân nầy có thể gặp phải.
Giúp họ đặt ra một kế hoạch để tự vệ, khuyến khích người nầy liên lạc với một chương trình giúp các nạn nhân bạo hành gia đình tại địa phương cư ngụ.
Giúp họ tìm những phương cách đề phòng để sống an toàn nếu họ quyết định ở lại, thí dụ như tránh các căn phòng không có lối thoát (garage), hoặc phòng có vũ khí (nhà bếp) khi cải nhau.
Giúp cho người nầy nghĩ ra một ám hiệu để họ có thể dùng trên điện thoại khi họ đang trong tình trạng nguy hiểm.
Tôn trọng các quyết định của họ cho dù bạn không hoàn toàn đồng ý.
Tiếp tục hỗ trợ họ sau khi họ đã cắt đứt mối liên lạc với người bạo hành.
Những hậu quả có thể xảy ra cho trẻ em:
Bạo động trong gia đình giữa vợ chồng không những gây thương tích đến người phối ngẫu mà còn để lại những ảnh hưỡng lâu dài đến trẻ em trong nhà. Các cuộc nghiên cứu cho thấy là từ 80 đến 90 phần trăm số trẻ em sống trong nhà có bạo hành động đều biết về bạo động. Các chuyên gia tâm lý tin rằng chứng kiến cha me đánh nhau khiến trẻ em lo lắng, sợ hãi liên tục và nếu xảy ra thường xuyên, trẻ em sẽ bị tổn thương cả về thể lý lẫn cảm xúc, ngay cả khi các em đã trưởng thành.
Gia tăng nguy cơ ngược đãi trẻ em:
Trong những gia đình có vợ hoặc chồng bạo hành, khuynh hướng ngược đãi con cái tăng lên tới 15 lần hơn các gia đình bình thường.
75% số đàn ông bạo hành với người phối ngẫu đều có khuynh hướng ngược đãi con cái.
Những người mẹ là nạn nhân của bạo hành có khuynh hướng ngược đãi con cái tới 8 lần hơn là những người mẹ sống an toàn.
Gia tăng nguy cơ phát triển hành vi bạo hành và ngược đãi:
Các em trai từng chứng kiến bạo hành trong gia đình có khuynh hướng ngược đãi người vợ tương lai của họ gấp mười lần hơn là các em được nuôi nấng trong một gia đình lành mạnh.
Các cô gái chứng kiến bạo hành trong gia đình có khuynh hướng liên hệ tình cảm với những người có hành vi bạo hành khi lớn lên.
75% các trẻ em bạo động xuất phát từ các gia đình có bạo hành.
Việc cố chịu đựng và nhịn nhục lâu ngày là nguyên nhân khởi phát bệnh trầm cảm nơi một số phụ nữ.
Nếu phải sống trong môi trường bạo hành, các em gái khi trưởng thành sẽ khó đặt niềm tin vào đàn ông và do đó thường gặp trắc trở trong hôn nhân. Các em luôn nghi ngờ người phối ngẫu vì những lý do bắt nguồn từ chứng kiến các hành vi bạo hành giữa cha mẹ hoặc đã xảy ra cho chính mình.
Tác hại về tinh thần
Trẻ em có thể :
Tự trách mình và mang mặc cảm có lỗi vì không thể ngăn chận và bảo vệ nạn nhân bạo hành.
Không thích giao tiếp hoặc không dám kết thân với người khác.
Hoang mang về cảm xúc đối chọi đối với cha mẹ: nên thương, ghét, hay xa lánh.
Sợ bị bỏ rơi, tức giận về sự bạo hành làm xáo trộn đời sống các em.
Buồn nản, nếu trình trạng bạo hành kéo dài các em sẽ dần rơi vào trạng thái lãnh cảm.
Cảm thấy vô dụng, thiếu tự tin, hay thất vọng và dễ giận dữ hơn các trẻ khác.
Có nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao hơn.
Các em trai có thể trở nên bướng bỉnh, học hành kém và nhiều em trở nên hư hỏng.
Các em dễ có những hành vi chống đối,ngổ nghịch, bất kính.
Tác hại về thể lý:
Hay đau lặt vặt, than phiền nhức đầu, đau bụng.
Nói cà lăm
Bồn chồn, lo lắng và không thể chú tâm lâu
Lơ là việc giữ vệ sinh cá nhân.
Đái dầm, mút tay.
Không nhạy cảm, dửng dưng trước đau đớn.
Chơi đùa rất táo bạo, không sợ bị rủi ro.
Tự lạm dụng mình: rạch tay, tự xâm mình.
Các khó khăn về giao tiếp do bạo hành gây ra:
Cô lập khỏi bạn bè và người thân
Các mối quan hệ thường dồn dập, bắt đầu mau và chấm dứt đột ngột.
Khó tin bất cứ ai, nhất là người lớn.
Kém cõi về kỹ năng giải quyết xung đột và kiềm chế tức giận
Có thể quá thụ động hoặc hung hãn với các bạn đồng lứa
Chơi đùa với các bạn đồng lứa một cách lỗ mãng quá đáng.
Bạo hành trong gia đình là một vấn nạn xã hội mà các quốc gia và các tổ chức xã hội đã quan tâm từ nhiều năm qua. Đa số các trường hợp bạo hành không đ