6: Linh Đạo Công Giáo
1. CUNG THÁNH TẠI GIA CỦA GIÁO HỘI
(LM. PHAOLÔ NGUYỄN LUẬT KHOA OFM – CROMWELL, CT , thuộc dòng Phanxicô, tỉnh dòng Holy Name, New York. Tốt nghiệp thần học tại Washington Theological Union và Catholic University of Amercia, Washington, D. C. Giảng dạy các bộ môn như Thần học Nhập môn, Kitô học, Tu đức học, Thần học Mục vụ và Hermeneutics. Biên dịch hơn 15 đầu sách thần học của các thần học gia như Karl Rahner, Joseph Ratzinger và Rudolf Schnackenburg. Hiện tại đang làm công tác linh hướng tại chủng viện Holy Apostoles. )
1. Dẫn nhập
Hầu như những bài đọc hoặc các bài giảng trong thánh lễ Hôn phối Công giáo đều chọn thư của thánh Phaolô gởi cho cộng đoàn Êphêsô. Trong thư ấy có một đoạn văn nổi cộm do thánh Phaolô dạy về ý nghĩa bí tích hôn phối, Êphêsô 5:31-32. Đoạn văn này trích lại trình thuật sáng tạo, vốn nói về Ađam và Evà trong Sáng thế 2:24 tiếp nối ý tưởng về tính bất khả phân ly trong hôn nhân Kitô giáo: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” Kèm theo với trích dẫn Cựu Ước, thánh Phaolô còn thêm vào một nhận định thần học khá quan trọng trong hôn nhân Kitô giáo: “Mysterion, Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh.”[2]
Khi thánh Phaolô dùng lại hạn từ mysterion, mầu nhiệm như ngài đã dùng trong các đoạn 1:9, 3:3, 9 và 6:19, chính hôn nhân Kitô giáo mặc lấy một ý nghĩa mạc khải hoàn toàn khác biệt với mọi hôn nhân thuộc các tôn giáo và dân tộc khác trên thế giới. Giờ đây, hôn nhân Kitô giáo không chỉ là một sự hiệp nhất giữa một người nam và một người nữ, nhưng còn sâu xa hơn, cơ bản và nội tại hơn một hiệp nhất trần thế xác thể, hôn nhân Kitô giáo là một ơn gọi phản ánh lại mầu nhiệm Đức Kitô hiệp nhất với Hội thánh. Thần học gia Edward Schilebeeckx nhận định theo logion Nhất lãm đã viết như sau: “Hôn nhân có nghĩa là thánh hiến cuộc đời cho một con người khác.”[3] Đức Bênêđíctô XVI còn lý luận sâu sắc hơn bộc lộ ý nghĩa sâu xa của hạn từ mầu nhiệm trong hôn nhân Kitô giáo như sau khi cho thấy tính nối kết nội tại trong hôn nhân Kitô giữa mầu nhiệm với thực tại gia đình Kitô như sau:
Đức Giêsu là mysterion….. : Câu này nói về Đức Kitô và Hội thánh, trong đó, giờ đây không chỉ nói về Israel nhưng còn về toàn thể nhân loại được đem vào trong hiệp nhất tình yêu vốn dẫn đến một hòa trộn bất khả phân ly vào trong một cuộc đời duy nhất… Nhưng đúng ra, vào trong một thực tại của sáng tạo: Hôn nhân – sự hiệp nhất giữa người nam và người nữ trong một cộng thể hôn nhân. Biến cố sáng tạo này được Kinh thánh bao gồm và như Kinh thánh cho thấy, biến cố ấy có tính mysterium riêng của nó và mang trong chính nó dấu ấn tính trong sáng mang tính Kitô học.[4]
Như thế, ngay trong chính hôn nhân Kitô giáo dù thông thường ta chỉ nhận ra một thực tại giữa hai cá nhân nam nữ cùng với con cái của họ, cùng với chuyện “cơm áo gạo tiền” hằng ngày, cùng với những thăng trầm vui buồn lẫn lộn rất dễ nhận ra, hôn nhân Kitô còn ẩn chứa một thực tại khác sâu xa hơn mọi thực tại trần gian, và thực tại này còn là nền tảng cho mọi thực tại. Người Kitô gọi thực tại uyên nguyên và chính yếu này là mysterion, mầu nhiệm. Một khi thực tại mầu nhiệm giữa “Đức Kitô và Hội thánh” lu mờ dần trong gia đình và hôn nhân Kitô, khi ấy gia đình Kitô đánh mất đi căn tính đức tin của nó.
Các thống kê về gia đình hiện nay cho thấy rõ thực tại mầu nhiệm hiệp nhất giữa Đức Kitô với Hội thánh trong hôn nhân Kitô giáo hiện nay đang “nhường chỗ” cho các trào lưu như tương đối hóa, tiêu thụ, duy tính dục, tự do cá nhân, duy mỹ, duy vật, v.v…[5] Chính các trào lưu này đang dần “thuần hóa” gia đình Kitô giáo trở nên “đồng thuận” với mọi gia đình khác trên thế giới thành một thực tại hôn nhân phi bí tích và vô mầu nhiệm. Gia đình nào theo tôn giáo nào cũng giống như nhau cả. Đau buồn thay, ngày nay còn gì khác biệt giữa các gia đình ngoại trừ chủng tộc, tài chánh, văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục và chính trị!
Một khi tính sacramentum và mysterion trong hôn nhân Kitô giáo biến mất dần theo chân trời cá nhân chủ nghĩa, ly dị, ly hôn, tái hôn, hoặc sống chung với nhau nhưng không hôn thú trở thành một thảm trạng xã hội mang tính toàn cầu, khi ấy đức tin Kitô đi “thụt lùi” ra cửa sau để nhường chỗ cho các loại hình khoa học kỹ thuật hiên ngang đi vào cửa trước trong hôn nhân và gia đình Kitô giáo như hiện nay ta vẫn thường nhận ra tại không gian chính diện trong các gia đình. Hồng y Scola nhấn mạnh về ý nghĩa của mầu nhiệm: “Hạn từ ‘mầu nhiệm’ cho thấy trong việc tập họp các dữ kiện, một cách nào đó, vô hạn tự hiện diện trong kinh nghiệm thân tình nhất của cái “tôi.” Vì thế, bản chất của mầu nhiệm hiện diện cả trong kinh nghiệm hôn nhân....”[6]
Từ thảm trạng nhân học ấy, tham cứu mang tính thần học và tu đức này muốn tái xây dựng lại một mô hình hôn nhân và gia đình Kitô nhất là cho gia đình Việt Nam đang sinh sống tại Hoa kỳ. Một loại hình gia đình Công giáo với bản sắc văn hóa Việt Nam đã tri ân xã hội Mỹ quốc với hơn 1.000 linh mục và hàng ngàn tu sĩ nam nữ chỉ sau hơn ba thập niên năm định cư tại quốc gia này. Có lẽ chưa có một bản sắc văn hóa nào tri ân một nền văn hóa khác bằng mầu nhiệm ơn gọi linh mục tu sĩ hơn bản sắc văn hóa Việt Nam trong một thời gian chỉ hơn 39 năm.Mô hình hôn nhân và gia đình Công giáo Việt nam tiếp tục phản ánh tính mầu nhiệm Kitô, dù tiềm ẩn, nhưng vẫn có thể nhận ra qua các thống kê của CARA.[7]
Mô hình thần học và Kinh thánh này đề nghị gia đình Kitô “vun trồng” lại, ý thức lại, và sống tính sacramentum và mysterion ngay trong gia đình của mình. Mô hình này được xây dựng trên nền tảng Thánh Gia như một mẫu gương và hải đăng để sống “hạt cải đức tin” chống lại các trào lưu đương đại vốn muốn biến gia đình thành một xã hội tiêu thụ thu nhỏ vốn chỉ nhận ra những gì trước mắt, quá thực tế và thực dụng đến nổi đã hy sinh luôn tính mysterion và sacramentum trong hôn nhân Kitô.
Tham cứu thần học này được chia thành bốn phần:
1) Ý nghĩa cơ yếu của cung thánh
2) Mô hình Thánh Gia
3) “Cung thánh tại gia”
4) Ngày Chúa Nhật và Cung thánh tại gia.
2. Cung Thánh
Thông thường tất cả mọi tôn giáo trên thế giới như đình, chùa, đền thờ, hoặc nhà thờ đều có một nơi dành riêng cho việc tế tự và thờ phượng. Bên trong nơi dành riêng cho việc thờ phượng, con người luôn luôn dành riêng một không gian chính diện để dành cho công việc tế tự. Ngoài công việc tế tự và thờ phượng tại không gian thánh này, không một hoạt động nào được xảy tại nơi đây vì theo mọi tôn giáo trên thế giới, không gian chính diện này “được dành riêng” cho Đấng Thánh, cho nên không gian này cực kỳ thánh thiêng.
Đối với người Công giáo, không gian dành riêng này được gọi là cung thánh. Cho dù ngôi thánh đường Công giáo có thể là một nhà thờ chính tòa nguy nga lộng lẫy, một vương cung thánh đường thật hoành tráng hoặc một ngôi nhà nguyện “mái dột tường hở” ở nơi vùng xa vùng xôi, cho dù ngôi thánh đường ấy là nhà thờ xứ hoặc một tu viện kín, tất cả đều dành riêng không gian chính diện làm cung thánh. Dù khác biệt rất nhiều về địa hình địa thế, nhưng không một thánh đường Công giáo lại nào không dành riêng chính diện làm cung thánh. Chính vì thế, cung thánh là “nơi” thờ phượng Thiên Chúa duy nhất và không cho phép bất cứ một loại hình hoạt động nào khác ngoại trừ Thánh Thể được xảy ra tại đây dưới bất cứ một lý do nào.
Trong không gian thánh hoặc cung thánh này, hầu như mọi vật thể hiện diện trong không gian này đều được người Công giáo Việt Nam thêm vào một hạn từ khác là hạn từ “thánh” như khăn thánh, chén thánh, bàn thánh, bánh thánh, …kinh thánh, thánh truyền, thánh tích, thánh giá… Không những vật thể được thêm vào hạn từ ‘thánh” nhưng đa phần, những cá nhân nào tham dự vào những hoạt động trên cung thánh cũng được người Công giáo Việt Nam ghép cho một thực tại khác như “chức thánh” cho dù hạn từ “chức” có phần giới hạn vì hạn từ này chỉ mang tính hiện tượng luận hơn là bản thể học, cho nên hạn từ ấy chỉ lột tả lên tính “chức năng” hơn là tính bản thể của những cá nhân đang thực hiện các công việc tế tự trên cung thánh.
Thần học gia Kinh thánh Joseph Atkison phân tích về tính thánh thiêng trong Cựu Ước làm sáng tỏ các hạn từ ghép của người Công giáo Việt Nam. Ông viết:
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chọn các tạo vật vì những lý do đặc thù và đặt để chúng ra bên ngoài, làm cho chúng thành các dấu chấm phá về Hiện Diện của Người bên trong công trình sáng tạo. Người làm cho chúng nên thánh bằng cách định hướng chúng về chính Người. Điều này bao gồm nhiều yếu tố khác nhau trong lãnh vực kinh nghiệm người như a) thời gian (ngày sabát và các lễ hội); b) các lãnh vực địa lý (đồi núi, nơi thánh, đất); các đơn vị xã hội (quốc gia, dân tộc, và gia đình); d) thân thế (con đầu lòng); e) các vật thể (các đồ dùng trong Đền thờ).[8]
John Gammie đồng ý với Joseph Atkinson trong phân tích cách chi tiết về hiện tượng thánh trong Cựu Ước khi thần học gia này luận bàn về Nhà Tạm, ngày Sabát, cá nhân và dân tộc thánh, và hành vi thánh.[9]
Người Công giáo Việt nam cũng dành riêng các vật thể được sử dụng trong Cung thánh với ý thức thánh thiêng. Yếu tố trần thế của các vật thể này được “lồng vào” tính thánh thiêng vì các vật thể này chỉ được “dành riêng” cho công việc tế tự mà thôi.[10] Các vật thể trên cung thánh và cả không gian chính diện, cung thánh, chỉ được dùng cho việc thờ phượng Thiên Chúa mà thôi. Khía cạnh thường ngày trần thế của các vật thể này nhường bước cho tính thánh thiêng vì các vật thể này được “để qua một bên” để “chia sẻ” tính thánh thiêng của Thiên Chúa.[11] Không gian chính diện được dành riêng cho Thiên Chúa chứ không để cho một hoạt động “thư giãn mua vui” nào cả cho con người.
Để có thể nắm bắt được ý nghĩa sâu xa về gia đình và hôn nhân Kitô mang tính sacramentum và mysterion mà Giáo Hội Công giáo muốn so sánh trong cụm từ “Cung thánh tại gia của Giáo Hội,” ta cần đào sâu ý nghĩa hạn từ “thánh” là gì? Đâu là sự khác biệt giữa các vật thể mang tính “thánh” với các vật thể khác không thể nào là thánh? Phải chăng những hành vi đang xảy ra trên cung thánh đều là thánh? Và những cá nhân nào đang cử hành các hành vi này tại cung thánh cũng là con người thánh? Làm thế nào để phân biệt giữa một hành vi thánh, hiện diện thánh, và trở nên thánh ngay tại cung thánh? Dựa vào chuẩn mực nào để ta có thể gán cho một vật thể là thánh, một cá nhân thánh, và một hành vi thánh? Tóm lại, một gia đình Kitô nào có thể là một gia đình thánh đang chuyển tải Ơn Chúa, và gia đình nào không thể là thánh?
Từ nhận thức về ý nghĩa của hạn từ thánh, ta bước dần đến gia đình và hôn nhân Kitô để so sánh và lượng định xem phải chăng đề nghị của Giáo hội về gia đình và hôn nhân Kitô vẫn còn là một “cung thánh tại gia của Giáo Hội”?
a. Bản thể về tính Thánh[12]
Trước khi luận cứu về “cung thánh tại gia,” ta tìm hiểu về bản thể của tính thánh là gì vì có sự khác biệt tận căn giữa hiện hữu thánh, trở nên thánh, và làm những công việc mang tính thánh thiêng.
Từ điển Oxford đưa ra định nghĩa thánh như là “phẩm chất của hiện hữu thánh.”[13] Định nghĩa này cung cấp hai khái niệm, phẩm chất và hiện hữu thánh. Nhưng chính định nghĩa này lại gây ra thêm nhiều câu hỏi hơn là đưa ra một câu trả lời cách minh bạch. Phẩm chất nào? Phẩm chất của ai hoặc sự vật nào? Và hiện hữu thánh là hiện hữu nào?
Thần học gia Alister McGrath đưa ra một giải thích khá quan trọng về bản thể của thánh là gì.[14] Thần học gia này nhận định rằng hạn từ “thánh” liên quan đến “đạo đức,” đến “thánh thiêng” hoặc “sự thanh khiết.” Trong Do thái, thuật ngữ kadad lột tả ý nghĩa sâu xa của bản thể thánh. Thuật ngữ này có nghĩa là “sự chia cắt” hoặc “đặt để qua một bên.” Ý nghĩa này được Tân Ước nhấn mạnh khá rõ trong khái niệm “thánh” vốn làm thành cơ sở nền tảng cho hướng đi hiến dâng. McGrath cho rằng “thánh có nghĩa là được để qua một bên và hiến dâng phục vụ Thiên Chúa.”[15] Như thế, việc dành để ra một bên như không gian chính diện và như các vật thể trên cung thánh cấu thành một thực tại thánh thiêng.
Trong Cựu Ước, ta nhận ra khá nhiều nhân vật tiên trưng, typos, đã được Thiên Chúa dành để qua một bên như Abraham, Môsê, Isaac… Họ là những cá nhân được “để qua một bên” để hiến dâng chính cuộc đời của họ cho việc phục vụ Thiên Chúa. Chính vì thế, “phẩm chất của hiện hữu thánh” luôn hàm chứa việc được chọn “để ra một bên” cho việc thờ phượng Thiên Chúa. Phải chăng “cung thánh tại gia” cũng được “chọn lựa để qua một bên” cho việc thờ phượng Thiên Chúa ngay tại trong gia đình Do thái-Kitô như thánh Gioan Chrysostom dạy về “giáo hội tại gia thu nhỏ’ ngay từ bình minh lịch sử Giáo hội?
Karl Valdimir Truhlar cống hiến ý nghĩa của bản thể thánh khi thần học gia này nối kết với Thiên Chúa qua nhận định cho rằng “nguồn gốc tối hậu của mọi thánh thiêng là sự thánh thiện của Thiên Chúa, nơi đó, Người là “Toàn Bộ Đấng Khác”…. . Chính Thiên Chúa truyền đạt cho con người. Qua ân sủng, Người lôi kéo con người vào trong cuộc đời cá thể của riêng Người, và ban chính Người Như Đấng Thánh.”[16] Khi Thiên Chúa lôi kéo những cá nhân như Abraham và Môsê trong Cựu Ước ra khỏi đời sống thường ngày và muốn họ thực hiện một sứ mệnh cao cả của Người, chính Thiên Chúa, Đấng Thánh, cũng ban cho họ ân sủng được tham dự vào trong Cuộc Đời của Người, vào “nguồn tối hậu của mọi thánh thiêng.” Họ được trở nên thánh vì thực hiện sứ vụ của Đấng Thánh giao cho họ.
J. Lachowski tán đồng với Truhlar khi làm sáng tỏ thuật ngữ này qua nhận định cho rằng “ý nghĩa sâu xa của thánh thiêng thuộc về riêng của Thiên Chúa, sự tuyệt đối thánh thiêng bao gồm trong “tính Đấng Khác” của Người hoặc sự siêu việt phi sáng tạo của Người và tính cao quý của Người, một ý nghĩa liên quan đến vinh quang của Người.” Ông tiếp tục ý tưởng này khi cho rằng “tính toàn năng vô hạn của Người tự chiếu tỏa ra bên ngoài trong vinh quang.”[17] Vinh quang ấy phản ánh qua cuộc đời của các trung gian được Thiên Chúa kêu mời sống sứ vụ Người trao ban. Lachowski tiếp tục
Thánh thiện là việc tham dự vào trong việc Thiên Chúa tự tỏ lộ Người ra. Trong con người, thánh thiện là ân sủng ban cho để cho con người lắng nghe Thiên Chúa và dấn thân cho Người, bất cứ nơi nào con người nghe được lời kêu mời của Người.[18]
Như thế khi nào Thiên Chúa “đặt để” một cá nhân ra bên cạnh và khi nào họ tự hiến chính họ để phục vụ cho Thiên Chúa, chính hai hành động này, một phát xuất từ Thiên Chúa như lời mời gọi trước tiên, và một lời đáp trả từ con người cách tự do để tự hiến dâng, làm cho con người có khả năng tham dự vào trong sự tự thông ban của Thiên Chúa. Chính đây là thời điểm mà Lachowski gọi là “ân sủng ban cho để lắng nghe Thiên Chúa.” Không có ân sủng thông ban này, khả năng lắng nghe của con người chỉ dừng lại ở hiện tượng “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” chứ không có khả năng kinh nghiệm thực tại sacramentum và mysterion.
Nhưng tự sức con người họ lại không thể nào đạt tới sự thánh thiêng của Thiên Chúa vì sự thánh thiêng vượt ra khỏi mọi tạo vật và vì “phẩm chất của hiện hữu thánh” hoàn toàn hệ tại vào Thiên Chúa, cho nên, con người phải trở lại cùng Đức Giêsu thành Nadarét vì Ngài là Nguồn mọi thánh thiêng.
Trong Đức Giêsu Kitô, thực tại ngôi hiệp cực kỳ nổi cộm lột tả lên sự tham dự cách tuyệt đối vào Đấng Thánh. Thực tại ngôi hiệp giữa thần tính và nhân tính trong cuộc đời trần thế của Đức Giêsu thành Nadarét trở nên điểm khởi động và cùng đích cho sự thánh thiêng của con người. Thomas Merton đóng góp tư tường chủ đạo trong việc nên thánh qua ngôi hiệp như sau:
Thánh thiện mang tính Kitô không đơn thuần chỉ là vấn đề sự hoàn thiện mang tính đạo đức. Thánh thiện Kitô bao gồm mọi nhân đức, nhưng còn hiển nhiên hơn mọi nhân đức gộp chung lại với nhau. Thánh thiện không chỉ bao gồm trong các công việc tốt lành hoặc cả những hành động mang tính đạo đức anh hùng, nhưng trước tiên, thánh thiêng bao gồm trong hiệp nhất bản thể luận với Thiên Chúa trong “Đức Kitô.”[19]
Như thế, chính việc tham dự vào trong hiệp nhất bản thể luận với Thiên Chúa trong Đức Kitô làm cho con người có khả năng chia sẻ tính thánh thiêng. Vì như con người đang trong tiến trình trở nên để nhận lãnh “phẩm chất của hiện hữu thánh” bằng cách tham dự vào trong cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, vốn là Ngôi Hiệp, vì con người có khả năng capax Dei (khả năng đón nhận Thiên Chúa) và có khả năng chia sẻ sự Thánh thiêng của Ngôi Hiệp. Nghĩa là, chia sẻ chính Hiện Hữu Thánh của Ngôi Hiệp. Hồng Y Scola xác nhận sự chia sẻ tính thánh này trong đời sống gia đình khi nhắc lại cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng triết gia Jean Guitton khi đưa ra câu hỏi tại sao vợ chồng lại tiếp tục yêu thương và sống chung với nhau sau hôn nhân. Người vợ là Marie-Louise nhận định về tình yêu gia đình như sau. “Tình yêu trong hôn nhân liên quan đến thời gian và vĩnh cửu. Một mặt, tình yêu trong hôn nhân tỏ lộ tâm hồn có “khả năng” vĩnh cửu. Và mặt khác, vĩnh cửu tự liên hệ với con người. Theo nghĩa này, tình yêu [trong hôn nhân] là cuộc hội ngộ giữa vĩnh cửu với thời gian.”[20]
Trong Ba Ngôi, thánh Augúttinô thẩm định như sau. “Con người không chỉ là một cá nhân nào đó được cứu rỗi; nhưng con người được kêu mời để được cứu rỗi –trong Đức Kitô, Đấng Cứu thế vì Ngài là capax Dei và capax infiniti.” Thánh Augúttinô tiếp “tâm trí là hình ảnh của Thiên Chúa, trong tâm trí này có khả năng cho Người và là con người chia sẻ Người.”[21]
Là con người, ta cũng có khả năng capax infiniti như Đức Giêsu Kitô.[22] Sự vô hạn này hiện diện trong cuộc đời ta cùng với khả năng từ chối khả năng vô hạn này, simul justus et peccator. Ta vừa đang trong tiến trình trở nên thánh nhân và hiện tại, ta cũng vừa là tội nhân. Cả hai thực tại này trở thành một “cuộc chiến” không có hồi kết cho đến khi ta được “nghỉ ngơi” trong Đấng Thánh như thánh Augúttinô đã cảm nhận.
Ta có khả năng nhận lãnh “phẩm chất của hiện hữu thánh” bằng cách tham dự vào trong cuộc đời của Đức Giêsu thành Nadarét và cụ thể hơn nữa, Thánh gia mà ta sẽ trở lại trong phần sau để thẩm định lý do tại sao một gia đình nhân loại tại Nadarét lại có khả năng capax Dei và capax Infiniti như thế để chia sẻ Ơn Chúa cho nhân loại. Qua cách sống như thế nào, một gia đình nhân loại lại trở nên “cung thánh” chuyển tải Ơn Chúa không chỉ cho một dân tội địa phương vùng Địa Trung Hải, nhưng còn cho cả thế gian, thời ấy và cho đến muôn đời?
b. Kinh Nguyện Thánh Thể
Trong toàn bộ Thánh lễ, ta nghe điệp khúc “thánh” nhắc đi nhắc lại đến 24 lần. Sancti (6), sanctos, sanctus (5), sancto (3), sanctum (3), sanctam, sancta (3), sanctorum, sanctas và sanctis. Tất cả những hạn từ La tinh này đều được chuyển dịch qua tiếng Việt là thánh.
Thứ nhất, trong kinh Vinh Danh, ta nghe tiếng vang vọng âm thanh hòa lẫn giữa trời với đất như sau: “Tu solus Sanctus. Tu solus Dominus. Tu solus Altíssimus.” Cả ba danh xưng “Đấng Thánh, Đức Chúa, và Đấng Tối Cao” đều hướng về Thiên Chúa duy nhất. Chính Người là Nguồn, là Nội Dung, và là Trung Gian cho mọi thánh thiện trần gian.
Trong Kinh nguyện Thánh Thể thứ ba, vị chủ tế đại diên cho cộng đoàn Công giáo lại cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng Thánh,....” Hạn từ “thánh” trong Kinh Nguyện Thánh Thể thứ ba được viết hoa cùng với hạn từ “Đấng.” Chính “Đấng Thánh” là phẩm chất cho sự hiện hữu thánh (viết thường).
Trong tham cứu thần học chuyên sâu gần đây nhất về Mầu nhiệm Giáo Hội, linh mục Benoit-Dominique de La Soujeolo, OP đã phân biệt các thực tại thánh trong Thánh lễ như sau. “Các ân huệ thánh của Thiên Chúa cho dân thánh của Thiên Chúa, sancta santis.”[23] Ngài nghiên cứu hạn từ communio sanctorum theo ngôn ngữ học, vì trong đó sanctorum là số nhiều sở hữu cách của cả hai, sancti (những con người thánh), hoặc sancta (các vật thể thánh). Phân tích mang tính ngôn ngữ này giúp làm sáng tỏ các thực tại thánh, sancta, như các bí tích, giảng dạy về chân lý của Giáo hội, sana doctrine. Và sancti có nghĩa là những ai nhận lãnh sancta, và vì sancta là “các thực tại thánh,” cho nên, chính sancta thánh hóa những cá nhân nào lãnh nhận sancta. Hành vi tự nguyện lãnh nhân sancta biến cá nhân họ trở nên sancti. Linh mục La Soujeole xác nhận rằng “việc thông hiệp vào trong sancta… là một loại hình diễn đạt về Giáo hội.”[24] Ngài định nghĩa Giáo hội là “một cộng thể được hình thành do những ai cùng đồng quy về sancta để được trở nên sancti.” Cuối cùng, trên cùng một tư duy, ngài cho rằng cộng đoàn các thánh là cộng đoàn của những ai đã nhận lãnh sancta, và biến đổi cuộc đời của họ cho phù hợp với Đức Kitô trong đức tin, đức cậy và lòng mến.
Khi được thông phần với sancta, con người được trở nên sancti, và càng tiến bộ trong tính thánh này, con người càng tham dự vào trong sancta. Có một tương quan hỗ tương giữa hai thuật ngữ này: Sancta sinh ra sancti, và sự lớn mạnh của sancti đòi hỏi việc nhận lãnh sancta.[25]
Cũng thế, khi đề cập đến Cộng đoàn các Thánh, Giáo lý Công giáo số 948 phân biệt hai thuật ngữ trên cách rõ ràng như sau “cả hai có ý nghĩa nối kết chặt chẽ với nhau: Hiệp thông trong các vật thể thánh, sancta,” và “giữa những con người thánh, sancti.”
Joseph Ratzinger bạch hóa tư tưởng thánh thiêng như sau. “Thánh thiện trong từng cá nhân Kitô duy nhất và luôn luôn là sự chia sẽ sự Thánh Duy nhất Của Đức Giêsu Kitô, vì qua công trình cứu độ của Ngài, từng thành viên trong Dân Chúa được mời gọi … và công chính trong Chúa Giêsu.”[26]
Phụng vụ của Giáo hội Đông phương còn vạch rõ hơn nữa về hai thuật ngữ này. Trong khi các Hồng Ân Thánh được nâng cao lên trước khi rước lễ, vị chủ tế công bố “Sancta sanctis! Hồng Ân Thánh của Thiên Chúa cho dân thánh của Thiên Chúa. Người tín hữu, sancti, được Mình Máu Thánh của Chúa Kitô, sancta, nuôi dưỡng để lớn lên trong hiệp thông với Chúa Thánh Thần, koinonia, và hiệp thông sự thánh thiêng này cho trần gian.”
Như thế, để cá nhân con người có khả năng nhận lãnh “phẩm chất thánh” và để có thể “hiện diện thánh,” họ phải nhận lãnh sancta, vì đối với người Kitô, sancta là Mình Máu Cực Thánh. Cho nên “bản thể của thánh là sự hiệp thông linh thiêng với sancta. Chính Chúa mạc khải Người ra trong các Thực Tại thánh, mà theo người Kitô, họ gọi là các Bí tích, Sancta.”
Khi nào sư hiện diện bí tích này thiếu vắng trong gia đình và hôn nhân Kitô, khi ấy những thảm trạng như “cân đo đong đếm,” “quy ra thóc,” tiện dụng và tiện nghi, “cái tôi” chắc chắn sẽ tha hóa và tiêu hóa cung thánh tại gia của Giáo hội. Chính khi ấy tính mầu nhiệm và thực tại hiệp nhất giữa Đức Kitô với Hội thánh được thay thế bằng thực tại có càng nhiều con số zero trong nhà băng càng cảm thấy an toàn và tự tin.
Maximilian Heinrich Heim còn cụ thể hóa định nghĩa về thánh như sau. “Thánh thiêng trong từng cá nhân người Kitô luôn luôn là việc chia sẻ sự thánh của Đức Giêsu Kitô. Chính qua công trình cứu rỗi của Ngài, từng cá nhân trong Dân Chúa… được mời gọi và nên công chính trong Chúa Giêsu, không dựa trên những việc làm của riêng cá nhân họ, nhưng cậy dựa vào ân sủng.”[27]
Giờ đây ta trở về nguồn Kinh thánh để tìm hiểu xem mô thức Thánh gia mà Giáo Hội đề nghị cho gia đình Kitô để hiểu thêm về cung thánh tại gia.
3. Mô hình Thánh Gia: Cung thánh tại gia vì sống theo Ý Chúa.
Nếu phải bắt đầu với Nhất lãm, ta nhận ra chính Đức Maria và Đức Giuse đã trở nên thánh từ khi họ còn sống trên trần thế này vì cả hai công dân Do thái thành Nadarét này không bao giờ sống theo ý cá nhân, chương trình và kế hoạch cá nhân, theo trí tuệ cá nhân, nhưng cả cuộc đời họ đều “thuận” theo ý Chúa cho dù trí tuệ họ chưa có khả năng thấu hiểu sacramentum và mysterion mà Thiên Chúa mời gọi họ tham dự vào.
Đức Maria với lời Fiat tuyệt vời trong Luca 1:38 “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” cho thấy việc Đức Maria đã tham dự vào Đấng Thánh không phải ngay tại thời điểm sứ thần thăm viếng Đức Maria nhưng đã xảy ra trước đó rồi vì chính sứ thần Gabriel đã chào “Đấng đầy ân sủng.” “Cứ làm cho tôi” nên thánh như Chúa muốn tôi được tham dự vào cuộc đời của Chúa. Thông thường ta dừng lại việc chú giải Fiat theo diachronic, nhưng chính lời chào của Sứ thần Gabriel và toàn thể cuộc đời của Đức Maria lại mời gọi cách chú giải mang tính synchronic.[28]
Lời chào “Đấng đầy ân sủng” của sứ thần Gabriel, Trung gian của Thiên Chúa, cho thấy tính mysterion luôn thể hiện trong cuộc đời của Đức Maria. Sự hiệp nhất với Ý Chúa còn được minh họa ngay trong khi Đức Maria tuân theo luật Môisen. “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Guise đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2:22-23). Và còn hơn thế nữa “khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê” (Lc 2:39).
Nói chung, lời Xin Vâng của Đức Maria được chú giải cách minh bạch trong việc để cho cuộc đời của cá nhân mình quy chiếu về và xoay quanh tâm điểm của luật Môisê, Luật Chúa, và Ý Chúa. Như thế còn chỗ nào cho cá nhân chủ nghĩa và tục hóa nữa?
Cũng như Đức Maria, Đức Giuse cũng hoàn toàn sống theo Ý Chúa và Luật Chúa. Đức Giuse “…tỉnh giấc, ông Guise làm như sứ thần Chúa dạy…” (Mt 1:24). Cũng thế, “Ông Guise liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2:14). Trình thuật khá rõ khi chỉ nêu đích danh tên Đức Guise nhưng lại không nêu danh tánh Hài Nhi và nhất là Mẹ Người. Theo lẽ thường tình là “đem con của mình và vợ mình trốn sang Ai Cập” như cá nhân chủ nghĩa vẫn thường dùng. Thế nhưng, cụm đại danh từ “Hài Nhi và Mẹ người” diễn tả về căn tính Thánh Gia này luôn hiệp nhất với nhau để sống Luật Chúa và Ý Chúa.
Cuối cùng, Thánh gia này bao gồm cả người Con Giêsu, Đấng vâng phục Chúa Cha từ bình minh lịch sử nhân loại đến cả cuối cuộc đời trần thế của mình. Ngay từ khi sống cuộc đời trần thế, Đức Giêsu đã ý thức việc sống theo ý Cha. “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49). Nhà Cha con là đền thờ Giêrusalem, là Shekina, là Cung Thánh, là nơi Chúa cư ngụ. Đó là Nhà Cha theo Cựu Ước.
Đến cuối đời, Ngài cũng cầu nguyện “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39). “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26:42). “Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó” (Mt 26:44). Tất cả các trích dẫn này chỉ muốn vạch rõ lên sự hiệp nhất mysterion trong cuộc đời của Đức Giêsu với Cha Ngài trên trời. “Ápba. Cha ơi. Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14:36). “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22:41).
Cả ba cá nhân trong Thánh gia này có làm gì khác hơn ngoài việc sống theo Ý Chúa. Chính sự hiệp nhất với Ý Chúa làm cho gia đình Nadarét trở thành Thánh Gia, thành Cung Thánh muôn đời chuyển tải Ơn Chúa không chỉ cho riêng cá nhân họ, nhưng còn cho dân “được tuyển chọn,” và cho toàn thể nhân loại thời ấy và đời đời. Theo ngôn từ của Edward Oakes là “vĩnh cửu thu nhỏ lại thành bé thơ.” Như thế, Thánh Gia là “vĩnh cửu” hiện diện trong thời gian, Ơn Chúa hoạt động trong xã hội trần thế, mysterion nhân cách hóa trong khuôn mặt người. Tóm lại, Thánh gia là Cung Thánh vì Thánh Gia đem Ơn Chúa đến cho tha nhân. Chính trong Thánh Gia này, ta nhận ra tính sacramentum và mysterion. Họ là typos cho mầu nhiệm Đức Kitô hiệp nhất với Hội thánh.
Ngày 17 thàng 12 năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở đầu giảng dạy về gia đình Kitô như sau. “Gia đình là ân ban cao cả Thiên Chúa đã ban cho thế gian ngay từ khởi nguyên… Ân ban này đã được Đức Giêsu xác nhận và đóng ấn trong Tin Mừng của Ngài.”[29]
Chính trong Tin Mừng này một chương mới đã mở ra cho lịch sử phổ quát giữa người nam và người nữ. Chương mới này không xảy ra ngoài vũ trụ trong chân không, nhưng “xảy ra ngay trong gia đình Nadarét.” Mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa đã đến như một người con trong một gia đình. Ngài không đến như một vị hoàng đế tầm cỡ hoặc như một chiến sĩ. Con Thiên Chúa đã sinh ra trong một gia đình nhân loại. Chính trong gia đình Nadarét này, một gia đình lao động bình dân như bao gia đình Do thái khác, Ngài đã được Mẹ Ngài là Đức Maria và Cha Ngài là Đức Giuse, dưỡng nuôi, dạy dỗ, và giáo dục. Dù cho Tin Mừng không nói gì nhiều về những khó khăn bên trong mà Cha Mẹ Ngài đã trải qua khi dạy dỗ bảo ban Người Con của mình và Con Thiên Chúa, nhưng ta cũng cảm nhận những xung đột ngay từ bên trong tâm hồn của gia đình Nadarét này khi vừa phải dạy con của mình học đánh vần, học cầu nguyện các Thánh vịnh, học ca tụng Chúa qua các Thánh Thi, và cung cách thờ phượng Thiên Chúa khi lên Đền thờ Giêrusalem hằng năm. Chính qua những khó khăn bên trong này, gia đình Nadarét trở thành Thánh Gia vì luôn chu toàn theo Ý Chúa, Luật Môisen, và Luật Chúa.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục:
Cũng như Đức Maria và Đức Giuse đã sống, trước tiên từng gia đình Kitô phải đón chào Đức Giêsu, lắng nghe Ngài, trò chuyện cùng Ngài, cho Ngài cư ngụ trong gia đình, lớn lên với Ngài; và theo cách thức này, gia đình Kitô làm cho thế giới trở nên tốt lành hơn. Ta hãy tạo ra một không gian trong tâm hồn, và trong tháng ngày của ta cho Thiên Chúa. Đó là những gì Đức Maria và Đức Giuse đã sống… Gia đình Nadarét mời gọi ta tái khám phá lại ơn gọi và sứ vụ của gia đình, của từng gia đình… Không phải tình cờ mà Đức Maria “ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Từ đó, gia đình này lưu giữ mầu nhiệm này, một mầu nhiệm nằm bên ngoài tầm của thế gian, mầu nhiệm Con Thiên Chúa đang hành động…
Thánh gia trở thành Cung Thánh chuyển tải Ơn Chúa cho toàn thể nhân loại vì từng thành viên trong Thánh Gia đều “cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa” (Gaudium et Spes số 48). Tóm lại nếu như một gia đình và hôn nhân Kitô nào sống theo Ý Chúa, gia đình Kitô ấy được Ý Chúa thánh hóa họ, và họ nhân cách hóa và hiện tại hóa lời mời gọi của Giáo hội và trở thành Cung thánh tại gia của Giáo hội.
4. “Cung Thánh tại gia”
Sách Giáo lý Công giáo số 532 sử dụng thuật ngữ “giáo hội tại gia” để nói về gia đình Kitô vì ý nghĩa nền tảng của gia đình Kitô luôn mang bản tính giáo hội vì cách cụ thể, chính Đức Kitô biến đổi gia đình và hôn nhân Kitô vì cá thành viên trong gia đình Kitô được “rửa” vào trong Cái chết và sự Sống lại của Đức Kitô. Chính trong bối cảnh Sinh Ra-Chết Đi-Sống lại của Đức Kitô, mọi hoạt động mang tính Kitô giáo trong gia đình Kitô như đọc kinh sáng tối, tham dự Thánh lễ, đi đàng Thánh giá, lần chuỗi Mân côi, “xin lễ” cầu nguyện cho người quá cố, tham gia các hội đoàn Công giáo, giúp đỡ người già nua, nghèo đói bệnh tật, cô nhi quả phụ .v.v… được “khoác vào” đặc ân Kitô thuộc đại gia đình Giáo hội mang tính lịch sử, phổ quát và hoàn vũ cách chính yếu.[30]
Khi so sánh gia đình Kitô với gia đình Do thái theo chiều kích giao ước, Joseph Atkinson lột tả lên tính thánh thiêng trong gia đình khi viết “gia đình phải là một phạm vi thường ngày nhưng thánh thiêng,….”[31] Gaudium et Spes số 48 còn nhấn mạnh đến tính thánh thiêng trong gia đình Kitô khi dạy về “phần rỗi đời đời của mỗi thành phần trong gia đình” vì “sợi dây liên kết thánh thiện không lệ thuộc vào sở thích của con người.” Có lẽ hiện tượng mầu nhiệm thánh thiêng “phần rỗi đời đời” đang mất dần chỗ đứng trong gia đình và hôn nhân Kitô khi từng cá nhân trong gia đình Kitô chỉ biết xoay quanh “của ăn của để” mà quên đi căn tính Kitô luôn kèm theo “phần rỗi đời đời.” Khi ấy thay vì sợi dây thánh thiêng nối kết từng thành viên trong gia đình Kitô như Giáo hội dạy, nhưng lúc ấy sở thích cá nhân “choán lấy” chỗ của mầu nhiệm Đức Kitô kết hiệp cùng Hội thánh. Chính vì hôn nhân Kitô trở nên thánh thiện không hệ tại vào công việc làm của các thành viên trong gia đình nhưng được trói buộc vào trong hiện diện của Đức Kitô, số 48 tiếp tục “Người còn ở lại với họ để cho hai vợ chồng cũng mãi mãi trung thành yêu thương nhau.” Như thế tình yêu của vợ chồng đối với nhau phải có nền tảng trên sự hiện diện của Đức Kitô. Khi nào tình yêu eros và agape không có cơ sở trên Hiện Diện của Đức Kitô, khi ấy gia đình Kitô và các gia đình trong các tôn giáo khác trên thế giới có gì khác nhau? Chính sự Hiện Diện của Đức Kitô làm cho gia đình Kitô trở nên khác biệt và làm cho các gia đình ấy trở thành cung thánh chuyển tải Ơn Chúa cho nhau và cho con cháu của họ. Khi gia đình Kitô trở nên trọn lành và thánh hóa lẫn nhau, chính khi ấy tình yêu của họ dành cho nhau được “kết hiệp vào trong tình yêu Thiên Chúa.” Họ được “củng cố và thánh hiến” qua chính kết hiệp này.
Nhưng Joseph còn cho thấy tính thánh thiêng này đang mất dần ý thức trong bối cảnh hiện đại vì Cựu Ước hiểu tính thánh thiêng này như được “để ra một bên.” Sau khi dựng nên mọi tạo vật, Thiên Chúa phân chia ngày thứ bảy với sáu ngày khác. “Người chúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa nó” (St 2:3). “Chính khi Thiên Chúa tách ngày thứ bảy ra khỏi các ngày khác, sự tách biệt của Người làm cho ngày thứ bảy mang tính thánh thiêng.”[32] Thần học gia này còn ghi nhận thêm: “Tối hậu chỉ một mình Thiên Chúa là Thánh và những gì Người làm cho nên thánh đều do việc Người muốn những điều ấy tham dự vào tính thánh thiêng này.”[33] Robert Hodgson còn sâu xa hơn khi viết “Sự thánh thiện không cố hữu trong tạo vật nhưng xuất xứ từ việc Thiên Chúa ra lệnh.”[34] Phân tích tuyệt vời nối kết của Đức Bênêđíctô XVI về ý nghĩa ngày Sabát và ngày Chúa Nhật sẽ giúp làm sáng tỏ việc Thiên Chúa dành để ngày thứ tám, ngày Chúa Nhật, cho cung thánh tại gia.[35]
5. Ngày Chủ Nhật và Cung thánh tại gia
Trong phân tích thần học và lịch sử, Đức Bênêđíctô nhắc lại tầm quan trọng của “Ngày của Chúa,” ngày Chúa Nhật, khi ngài trích dẫn lại khẳng định cương quyết của Emeritus. “Chúng tôi không thể nào hiện hữu nếu như không có Ngày của Chúa.”[36] Gia đình Kitô không thể hiện hữu nếu như không có ngày Chúa Nhật. Mọi hoạt động Công giáo trong toàn thể Ngày Chúa Nhật làm cho gia đình Kitô có khả năng capax Dei và capax Infiniti. Tức là gia đình Kitô trở thành “Cung Thánh” chuyển tải Ơn Chúa.
Chính “ngày của Chúa,” ngày Chúa Nhật, làm cho mọi hoạt động, chức năng, và tương quan sống trong gia đình và hôn nhân Kiô trở nên hoàn toàn khác biệt với mọi gia đình trên thế giới. Gia đình và hôn nhân Kitô không thể nào hiện hữu nếu như không có “Ngày của Chúa.”
Thế nhưng thảm trạng cô lập “Ngày của Chúa” với các hoạt động khác trong gia đình và giới hạn “Ngày của Chúa” trong thời gian từ ½ tiếng đến 1 tiếng trong Ngày Chúa Nhật không chỉ mới xảy ra gần đây nhưng Sự cố ấy đã hiển nhiên bắt đầu khi không còn cảm thấy nhu cầu nội tại nữa cho Ngày Chúa Nhật nữa: Thay vì “Chúng tôi không thể hiện hữu nếu như không có Ngày Chúa Nhật,” luật buộc tham dự Ngày Chúa Nhật xuất hiện như thể một luật do Giáo Hội đòi buộc, một nhu cầu ngoại tại.[37]
Kết quả hiển nhiên hiện nay là việc gia đình Kitô tham dự Ngày Chúa Nhật bị thoái hóa thành những hoạt động bên ngoài như “đi lễ” vì luật buộc, hình thái của vụ luật, thay vì việc tham dự của gia đình Kitô vào Ngày Chúa Nhật trở thành một định luật ắt có cho “sự hiện hữu sinh tồn” mang tính căn tính nội tại của gia đình Kitô. Chính căn tính kín múc từ việc tham dự vào sancta của Ngày Chúa Nhật làm cho gia đình Kitô có khả năng trung chuyển Ơn Chúa cho mọi người.
Khả năng trung chuyển Ơn Chúa này khởi đi từ tương quan ngay trong gia đình giữa vợ chồng với nhau và giữa cha mẹ với con cái. “Vợ chồng Kitô hữu được củng cố và thánh hóa bằng bí tích riêng,” Bí tích Hôn phối (Gaudium et Spes số 48). Trong số này, Giáo hội nhấn mạnh đến tính tương giao này khi dạy “Con cái là những phần tử sống động trong gia đình nên cũng góp phần riêng vào việc thánh hóa cha mẹ.” “Con cái thánh hóa cha mẹ” và ngược lại, trở thành cơ sở thần học và Kinh thánh để cho gia đình Kitô sống căn tính Kitô. Hơn thế nữa tính trung gian này còn được số 11 của Apostolicam Actuositatem làm rõ vai trò của cha mẹ như “những cộng tác viên của ân sủng và chứng nhân đức tin.”[38]
Chính các giảng dạy này làm nổi cộm vai trò “trung gian hai chiều” cùng chuyển tại Ơn Chúa cho nhau đang xảy ra ngay trong gia đình Kitô. Cả hai bên, cha mẹ và con cái, đều là những trung gian Ơn Chúa cho nhau. Nhưng cả hai trung gian này đều là những “trung gian hai chiều bất toàn.” Cha mẹ cộng tác với Ơn Chúa qua gương sáng đạo đức, kinh nguyện gia đình hằng ngày, khuyến khích ơn gọi linh mục tu sĩ, tham gia các hoạt động mục vụ trong giáo xứ, thông phần vào việc “cứu rỗi” các linh hồn không còn khả năng cầu nguyện cho chính họ nữa bằng việc “xin lễ,” và nhất là vui sống trong “Ngày của Chúa.” Ngược lại, con cái đáp trả lại cách sống quảng đại của cha mẹ qua “lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, và theo đạo
làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh” (số 48). Chính qua trung gian hai chiều này “các gia đình Kitô quảng đại san sẻ cho nhau những của cải thiêng liêng” không những cho con người đời này, nhưng còn cho cả đời sau.
Tóm lại, cha mẹ không những là “những cộng tác viên” của Thiên Chúa, nhưng còn là “những chứng nhân đức tin” cho con cái và cho toàn thể nhân loại khi cha mẹ nhận ra căn tính “cộng tác” của mình với Ơn Chúa, chứ không phải “sở hữu chủ” con cái. Căn tính cộng tác và chứng nhân làm cho gia đình Kitô buộc phải gắn bó “sống chết” với “Ngày của Chúa” vì họ không thể cộng tác và sống chứng nhân khi không có gì, hoặc có AI để cộng tác và càng không làm chứng gì cả khi cuộc sống của họ chỉ có quy nhân, và quy vật chất.
Để kết tham cứu thần học và Kinh thánh này, tôi muốn trở lại giảng dạy nền tảng của Giáo hội qua hiển thánh Gioan Phaolô II để tóm kết vì ngài đã ra đi nhưng còn để lại cho gia đình Kitô một gia sản đức tin trong Familiaris Consortio, Vai Trò Của Gia Đình Kitô trong Thế Giới Ngày Nay.[39] Ngài nói: “Gia đình Kitô được mời gọi nên thánh và thánh hóa cộng đoàn Giáo hội và thế giới.” Chính lời mời gọi bắt đầu từ cuộc đời trần thế này nhưng còn tràn sang đời sau, làm thành lực đẩy và sức bật để cho Gia đình Kitô thành Cung thánh tại gia chuyển tải Ơn Chúa cho toàn thể nhân loại qua trường hợp của gia đình Công giáo Việt Nam tại USA đã và còn đang tri ân Giáo Hội Công giáo Hoa Kỳ với mọi hoạt động tôn giáo và ơn gọi.
Lễ thánh Gioan Tông đồ
Holy Apostles Collge and Seminary, 2014
Phaolô Nguyễn Luật Khoa, OFM
Sách Tham Khảo:
Angelo Cardinal Scola. The Nuptial Mystery (Grand Rapids, MI: William Eerdmans Publishing Company, 2005).
Andreas J. Kostenberger. God, Marriage, and Family (Wheaton, Ill: Crossway Books, 2004).
Benot-Dominique de La Soujeole, O.P. Introduction to the Mystery of the Church. (Washington D.C.: CUA Press, 2014). Trans. by Michael Miller.
Blessed John Paul II. Familiaris Consortio. (Boston, MA: Pauline Books and Media, 1998).
_________________. Letter to Families. (Boston, MA: Pauline Books and Media, 1994).
_________________. Theology of the Body (Boston, MA: Pauline Books an Media, 1997). Trans. By Michael Waldstein.
Carlos Granados. The Hope of the Family: Dialogue with Gerhard Cardinal Müller. (San Francisco: Ignatius Press, 2014). Trans. by Michael Miller.
Edward Schillebeeckx. Marriage: Human Reality and Saving Mystery (NY: Sheed and Ward, 1965). Trans. by N. D. Smith.
John Gammie. Holiness in Israel (MN: Fortress Press, 1989).
Joseph Atkinson. Biblical & Theological Foundations of the Family: The Domestic Church. (Washington, D. C.: CUA Press, 2014).
Joseph Ratzinger. Collected Works: Theology of the Liturgy. (San Francisco: Ignatius Press, 2014). Vol. 11.
M. A. Fahey. “The Christian Family as Domestic Church at Vatican II.” Concilium (Fall 1994/1995): 85-92.
M. Eminyan. Theology of the Family (Malta: Jesuit Publications, 1994).
Marc Cadinal Ouellet. Divine Likeness: Toward a Trinitarian Anthropology of the Family (Grand Rapids, MI: 2206).
Michael Kaufman. Love, Marriage, and Family in Jewish Law and Tradition (Northvale, NJ: Jason Aronson Inc., 1996).
Paul Evdokimov. Marriage and Christian Tradition. (Techny, Il: Divine Word Publications, 1966). Trans. by Sr. Agnes Cunningham.
Pope John Paul II and the Family. (Chicago: Franciscan Herald Press, 1983). Ed. by Michael Wrenn.
Robert Hodgson Jr. “Holiness.” The Anchor Bible Dictionary. (NY: Double Day, 1992).Vol. 3, ed. by D.N. Freedman.
Romanus Cesario, O.P. Theology and Sanctity. (Ave Maria, Florida: Sapientia Press, 2014). Ed. by Cajetan Cuddy, O. P.
Vatican II: The Conciliar and Post Conciliar Documents. (Northport, NY: Costello Publishing Company, 1996). Ed. by Austin Flannery, O.P.
-----------------------------
[1] Cụm từ này được chuyển dịch từ “Domestic Sanctuary of the Church” trong số 11 của Apostolicam Actuositatem. Trong số này, Giáo hội nhấn mạnh đến tầm quan trọng cơ yếu của gia đình khi so sánh gia đình với xã hội và dạy về gia đình như “khởi đầu và nền tảng của xã hội loài người” và còn là “tế bào sinh tồn chính yếu của xã hội.” Chính giảng dạy này lột tả lên tầm cơ yếu của gia đình đối với gia đình nhân loại nói chung và từng xã hội địa phương nói riêng. Austin Flannery, O.P. biên soạn, Vatican II, (NY: Costello Publishing Company, 1996), vol. 1, 779. George Crespy, Paul Evdokimov và Christian Duquoc, Mariage and Christian Tradition, (Techny, Illinois: Divine Word Publication, 1968), Sister Agnes Cunningham dịch thuật, 85-87. Paul Evdokimov nghiên cứu hạn từ này cho thấy chính Titus Flavius Clemens (150-215) được người Kitô biết đến như Clement thành Alexandria đã gọi gia đình Kitô là “Nhà của Chúa” vì theo các Giáo phụ “nơi nào có sự hiện diện của Đức Kitô, nơi đó có Giáo Hội.” Chính thánh Phaolô đã nói đến “giáo hội tại gia” và thánh John Chrysostom cũng dùng cụm từ “giáo hội thu nhỏ” để làm sáng tỏ nối kết giữa Giáo hội hoàn vũ với gia đình Kitô vì trong các gia đình Kitô thời ấy, họ đã “thức dậy thật từ sớm, quỳ gối và cầu nguyện.” Gia đình của họ trở thành một nhà nguyện, một thánh đường. “Giáo hội tại gia nhỏ bé” tiếp tục giá trị theo hướng ấy khi sáng tối họ đứng trước mặt Thiên Chúa.
[2] Joseph Ratzinger, Theology of the Liturgy: The Sacramental Foundation of Christian Existence (San Francisco: Ignatius Press, 2014), 176.
[3] Edward Schillebeeckx, Marriage: Human Reality and Saving Mystery, (London: Sheed and Ward, 1978), do N. D. Smith biên dịch, 207.
[4] Theology of the Liturgy, ibid., 176.
[5] Carlos Granados biên soạn, The Hope of the Family: Dialogue with Gerhard Cardinal Müller, (San Francisco: Ignatius Press, 2014), Michael Miller chuyển dịch, 15-20. Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay số 47. Pope John Paul II, Familiaris Consortio, The Role of the Christian Family in the Modern World, (Boston, MA: St. Paul Editions, 1981), số 6. Angelo Cardinal Scola. The Nuptial Mystery. (Grand Rapids, Michigan: William Eerdmans Publishing Company, 2005). Trans. by Michelle Borras. Trong hai chương 7 và 8, Hồng y Scola lên án hai chủ nghĩa, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa khoa học kỹ thuật hiện đang phân hóa gia đình và con người. Ngài nói “khi nào đời sống con người không còn quyền thánh thiêng và bất khả xâm phạm nữa, nhưng chỉ còn là một món hàng tiêu thụ vốn được định giá dựa theo tính hữu dụng hoặc thư giãn, ‘nền văn hóa chết’ triển khai và de dọa cả con người lẫn nền văn minh. Mẫu số đơn độc của ‘phẩm chất cuộc đời’ trở thành chuẩn vật chất. Đau khổ trở nên vô dụng, hy sinh cho tha nhân không còn chính đáng nữa, và thai nhi trong bào thai của người mẹ trở thành gánh nặng phải vất đi không thương tiếc.” 169 và đặc biệt từ 141-170. Qua tham cứu quan trọng về thần học gia đình, Hồng Y Scola cung cấp cho ta một tầm nhìn bao quát về những gì Giáo hội muốn chia sẻ với ta về gia đình.
[6] The Nuptial Mystery, ibid., 85.
[7] Qua các thống kê hằng năm, trang web của Đại học Georgetown, cara.georgetown.edu, nghiên cứu phản ánh nhiều đóng góp cực kỳ quan trọng của bản sắc văn hóa Việt Nam cho quốc gia USA về con số ơn gọi linh mục tu sĩ.
[8] Joseph Atkinson, Biblical & Theological Foundations of the Family: The Domestic Church, (Washington, D.C.: CUA Press, 2014), 136. Thần học gia Kinh thánh Joseph Atkinson hiện đang dạy môn Kinh thánh tại Viện Gioan Phaolô II, CUA. Tôi tri ân sâu xa Joseph Atkinson vì chính cuốn sách nghiên cứu sâu xa về gia đình Do thái và Kitô này đã trở thành cơ sở cho tham cứu của tôi. Sự liên kết giữa Cựu Ước với Tân Ước, giữa Do thái Giáo với Kitô giáo biến thành viên đá tảng cho giáo hội tại gia chuyển tải Ơn Chúa vì chính gia đình Do thái cũng đã sống căn tính Giao Ước như chính gia đình Kitô sống mầu nhiệm.
[9] John Gammie, Holiness in Israel (Minneapolis: Fortress Press, 1989), 9-41.
[10] Holiness in Israel, ibid., 9-12.
[11] Biblical & Theological Foundations of the Family: The Domestic Church, ibid., 136.
[12] Colin Brown biên soạn, “Hagios,” The New International Dictionary of New Testament Theology, (Michigan: Zondervan Publishing House, 1971), vol. 2, 223-238.
[13] The Oxford English Dictionary, (Oxford: Claredon Press, 1991), vol. VII, second edition, 307.
[14] Alister McGrath, Christian Theology: An Introduction, (Malden, MA: Blackwell Publishers Inc., 2001).
[15] Christian Theology: An Introduction, ibid., 499.
[16] Karl Vladimir Truhlar, Encyclopedia of Theology: The Concise Sacramentum Mundi, Karl Rahner biên soạn (New York: The Seabury Press, 1975), 635-639.
[17] J. Lachwski, The New Catholic Encyclopedia (Gale Publisher, 2000), Berard Marthaler biên soạn, bộ 7, 2-4.
[18] The New Catholic Encyclopedia, ibid., 637.
[19] Thomas Merton, Life & Holiness, (Mansfield Centre, CT: Martino Publishing, 2013), 70-74.
[20] The Nuptial Mystery, ibid., 86.
[21] Augustine, De Trinitate XVI, 8.11.
[22] Edward Oakes, S.J., Infinity Dwindled to Infancy: A Catholic and Evangelical Christology, (Grand Rapids, Michigan: William Eerdmans Publishing Company, 2011).
[23] Biblical & Theological Foundations of the Family, ibid., 555-558.
[24] Biblical & Theological Foundations of the Family, ibid., 556.
[25] Biblical & Theological Foundations of the Family, ibid., 557.
[26] Maximilian Heinrich Heim. Joseph Ratzinger: Life in the Church and Living Theology, Fundamentals of Ecclesiology with Reference to Lumen Gentium. (San Francisco: Ignatius Press, 2005). Trans. by Michael Miller, 101-102.
[27] Joseph Ratzinger: Life in the Church and Living Theology, Fundamentals of Ecclesiology with Reference to Lumen Gentium, ibid., 101-102.
[28] Infinity Dwindled to Infancy: A Catholic and Evangelical Christology, ibid., 26-28.
[29] Phần này được tóm biên soạn lại giảng dạy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày thứ tư 17 tháng 12 năm 2014 khi giảng dạy về gia đình Kitô.
[30] Biblical & Theological Foundations of the Family: The Domestic Church, ibid., 1.
[31] Biblical & Theological Foundations of the Family: The Domestic Church, ibid., 134.
[32] Bibical & Theological Foundations of the Family, ibid., 135.
[33] Bibical & Theological Foundations of the Family, ibid., 136.
[34] Robert Hodgson. “Holiness” trong The Anchor Bible Dictionary, do D. N. Freeman biên soạn, 1992
[35] Theology of Liturgy, ibid., 187-206.
[36] Theology of Liturgy, ibid., 188.
[37] Theology of Liturgy, ibid., 188-189.
[38] Vatican Council II, 778.
[39] Michael Wrenn biên soạn, Pope John Paul II and the Family, (Chicago: The Franciscan Herald Press, 1983), 179.
2. GIA ĐÌNH VÀ CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH
(Sr. Marie Claire Phạm Thanh Thư, LHC (trái) Thuộc Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Tỉnh Dòng Thừa Sai Hoa Kỳ; lãnh nhận Hồng Ân Vĩnh Khấn vào năm 2010. Tốt nghiệp trường Thần Học Phanxicô tại Berkeley, California với bằng Master of Arts in a Multicultural Church và Master of Theological Studies, năm 2013. Hiện nay đang phục trong lãnh vực Giáo lý dành cho trẻ em tại Giáo Xứ St. Monica, Moraga, California. Sr. Mary Margaret Phan Miên Miên, LHC (phải) Thuộc Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Tỉnh Dòng Thừa Sai Hoa Kỳ, lãnh nhận Hồng Ân Vĩnh Khấn vào năm 2007. Tốt nghiệp Trường Thần Học Phanxicô tại Berkeley, California với bằng Master of Art in Ministry in Multicultural Church, năm 2005. Hiện nay đang phục vụ trong lãnh vực Giáo lý dành cho trẻ em và người lớn tại Giáo xứ Chúa Ba Ngôi, San Jose, California.)
Lời Mở Đầu
Tất cả chúng ta đều đươc kêu gọi để trở nên thánh. Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu và là giáo huấn của Giáo Hội. Một trong những món quà của Công đồng chung Vatican 2 là phục hồi quan niệm về Giáo Hội dựa trên tình hiệp thông và đặt lại nguyên tắc quyền bính và phẩm trật trong viễn tượng ấy. Công đồng dạy rằng tất cả Kitô hữu trong tư cách là những người đã chịu phép rửa đều có cùng phẩm giá trước mặt Thiên Chúa và được mời gọi để trở nên thánh. Như vậy, ơn gọi nên thánh không chỉ dành riêng cho một số người, nhưng cho tất cả mọi người trong bất cứ bậc sống nào. Tu sĩ và hàng Giáo phẩm được kêu gọi để trở nên thánh trong tư cách là những người được thánh hiến cho Thiên Chúa; những người sống trong bậc gia đình được mời gọi để nên thánh trong gia đình của mình; và những người độc thân được mời gọi nên thánh trong ơn gọi của mình.
Nhưng có rất nhiều người sống trong bậc gia đình cho rằng mình không thể trở nên thánh vì việc nên thánh chỉ dành cho những ai xa rời đời sống và công việc thường nhật để chăm chú vào việc cầu nguyện. Nên họ đã bỏ cuộc ngay lúc ban đầu. Nhưng chính trong đời sống thường nhật, trong những chứng tá Kitô, trong những công việc tầm thường hằng ngày làm với tình yêu thương mà họ được mời gọi để nên thánh. Vậy con đường đó như thế nào? Bài viết này sẽ khai triển về con đường nên thánh trong viễn tượng đời sống gia đình. Con đường nên thánh này nhằm hướng dẫn gia đình Kitô giáo trở lại với tình yêu thuở ban đầu, tình yêu trong vườn Địa Đàng. Trước hết, chúng ta sẽ mô tả một gia đình Kitô giáo lý tưởng sẽ như thế nào. Kế đến, chúng ta sẽ nhìn đến thực tại của đời sống gia đình và vài khó khăn làm ngăn trở việc đạt tới mục tiêu là trở thành gia đình lý tưởng. Sau cùng chúng ta sẽ khai triển về con đường nên thánh – trở lại với tình yêu trong vườn Địa Đàng – qua việc sống ơn gọi riêng của từng người, qua việc sống yêu thương và tự hiến, và qua việc cầu nguyện. Trung tâm và tận cùng của con đường nên thánh này phải là Chúa Giêsu. Vì vậy, dù sống ơn gọi riêng của mình, sống yêu thương và tự hiến, hay cầu nguyện, Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta nhìn lên và noi theo vì chính Ngài là Đấng Thánh.
Ơn Gọi Nên Thánh Trong Bậc Gia Đình: Trở Về với Mối Tình Đầu của Thiên Chúa
Trong Tông Huấn Familiaris Consortio, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khuyến khích các gia đình trở về lúc khởi đầu khi Thiên Chúa sáng tạo để khám phá ra căn tính của mình, cái mình “là,” và khám phá ra “sứ mạng” của mình, cái mình có thể và phải “làm.”[1] Để nên thánh trong bậc hôn nhân là cơ hội cho đôi vợ chồng trở về nguồn với mối tình đầu của Thiên Chúa. Từ nguyên thủy Thiên Chúa đã vì yêu mà dựng nên con người có nam và nữ giống hình ảnh của Ngài và liên kết họ thành một xương một thịt. Thiên Chúa đặt trọn tình yêu của Ngài nơi người nam và người nữ đầu tiên với mục đích là phát sinh tình yêu đó cho nhau và với nhau. Thiên Chúa chúc phúc cho đôi hôn nhân đầu tiên: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất… Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1: 28- 31). Thật là một niềm hạnh phúc cho Thiên Chúa khi thấy con người biết chia sẻ tình yêu đó với nhau đầy tâm huyết của mình. Lời yêu thương đầu tiên phát ra từ môi miệng con người là: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2:23). Tình yêu Thiên Chúa đã liên kết đôi tân hôn đầu tiên nên một trong tình yêu của Ngài.
Mối tình đầu giữa Thiên Chúa với con người đã bị phá vỡ bởi nguyên do con người sa chước cám dỗ. Thật tiếc thay đôi hôn nhân đầu tiên đã không đáp lại tình yêu Thiên Chúa với lòng tin tưởng vào Lời của Ngài. Từ đó ân sủng của Thiên Chúa không còn lưu lại nơi con người và sự thánh thiện của con người cũng bị đánh mất.
Vì yêu, Thiên Chúa vẫn trung thành với con người. Cũng vì quá yêu thương con người Thiên Chúa đã ban con Một của Ngài xuống thế làm người bởi Chúa Thánh Thần trong cung lòng Mẹ Maria. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa biểu lộ tình yêu viên mãn của Ngài dành cho nhân loại. Trong thư của Thánh Gioan viết: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Gn 4: 9). Vì yêu Chúa Giêsu chấp nhận thánh ý Chúa Cha mà chịu chết trên thập giá để giao hoà giữa Thiên Chúa với loài người. Ước vọng của Chúa Giêsu nơi con người là không những được giao hoà với Thiên Chúa nhưng còn đưa họ trở về và nên một với Thiên Chúa như thuở ban đầu. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha cho các môn đệ và cũng như cho hết mọi người: “Lạy Cha, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (Gn 17: 23). Chúa Giêsu hy sinh mạng sống của mình để liên kết chúng ta nên một với Thiên Chúa. Vậy thì Ngài muốn chúng ta làm gì để đạt được sự kết hiệp mật thiết đó với Thiên Chúa?
Chúa Giêsu kêu mời các môn đệ và mọi người: “Các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời” (Mt 5: 48). Trở nên trọn lành có nghĩa là trở nên thánh thiện. Sự thánh thiện này đòi hỏi từng cá nhân phải nỗ lực sống đức ái một cách trọn lành hơn. Trong Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, “Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái.”[2] Trong đời sống gia đình, mục đích của đôi vợ chồng là giúp nhau nên thánh qua việc thực thi đức ái một cách tích cực hơn để họ cũng biết yêu nhau như Chúa Giêsu yêu thương Hội Thánh. Tình yêu Chúa Giêsu thánh hóa Hội Thánh qua các Bí Tích và Hội Thánh được nuôi dưỡng bởi Thần Khí. Khi đôi vợ chồng có cùng một lòng ao ước sống trọn lành và giúp nhau trở nên thánh qua việc sống đức ái là lúc họ đang sống trong tình yêu viên mãn của Thiên chúa. “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này mà tình yêu đã nên hoàn hảo với chúng ta” (1Ga 4: 16-17). Qua việc sống đức ái trọn lành noi gương Chúa Giêsu, đôi vợ chồng được trở nên một trong tình yêu Thiên Chúa như từ lúc nguyên thủy.
Gia Đình Kitô Hữu: Cộng Đoàn Hiệp Thông
Giáo lý Hội thánh Công Giáo mô tả gia đình Kitô hữu như sau:
Số 2204: Gia đình Ki-tô giáo bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh vì lẽ đó... phải được coi là một “Hội Thánh tại gia” (x. FC 21, x. LG 11), là một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến (x. Ep 5:21-6,4, Col 3:18-21; 1 Pr 3:1-7). Tân Ước cho thấy gia đình có một tầm quan trọng đặc biệt trong Hội Thánh.
Số 2205: Gia đình Ki-tô giáo là một hiệp thông nhân vị là dấu chỉ và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Việc sinh sản và giáo dục con cái phản ánh công trình sáng tạo của Chúa Cha. Gia đình được mời gọi tham dự vào sự cầu nguyện và hy tế của Ðức Ki-tô. Kinh nguyện hằng ngày và chăm đọc Lời Chúa củng cố đức mến trong gia đình. Gia đình Ki-tô giáo mang sứ mạng loan báo Tin Mừng truyền giáo.
Số 2206: Những mối tương quan trong gia đình đưa tới những cảm nghĩ, những tình nghĩa, những sở thích, những quyền lợi giống nhau, nhất là do việc biết tôn trọng lẫn nhau. Gia đình là một cộng đoàn ưu việt được mời gọi để thực hiện “sự đồng tâm nhất trí giữa vợ chồng và sự ân cần cộng tác của cha mẹ trong việc giáo dục con cái” (x. GS 52,1).
Những thành viên trong cộng đoàn hiệp thông này gồm có chồng và vợ, cha mẹ và con cái, họ hàng thân thích, được xuất phát từ hôn nhân, “một hôn nhân như là hình ảnh và nói lên sự tham dự giao ước yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.”[3] Khi gia đình sống đúng căn tính của mình là một cộng đoàn hiệp thông, gia đình “sẽ biểu hiện trước mặt mọi người sự hiện diện sống động của Đấng Cứu Thế trong thế giới và bản chất đích thực của Giáo Hội qua tình yêu, qua niềm quảng đại chấp nhận sinh sản con cái, qua sự hiệp nhất và trung tín của hai vợ chồng cũng như qua sự hợp tác thân ái của mọi thành phần trong gia đình.”[4] Điều này có thể được khi “mọi thành phần trong gia đình, mỗi người theo ơn riêng của mình, đều có ân sủng và trách nhiệm để ngày này sang ngày khác tiếp tục xây dựng sự hiệp thông giữa các ngôi vị, bằng cách biến gia đình thành một ‘truờng học đào tạo cho nhân tính được hoàn hảo và phong phú hơn.”[5]
Ở đây vẽ ra hình ảnh của gia đình Kitô hữu, cái mà gia đình phải “là” (what it ought to be). Nhưng thực tế vẽ ra một hình ảnh rất khác. Trong thực tế, nhiều gia đình đã bị đổ vỡ bởi những đau khổ, những vật lộn. Dưới đây sẽ trình bày vài thách đố trong đời sống gia đình làm ảnh hưởng đến và đe dọa tính hợp nhất và tình yêu mà gia đình đang cố thực hiện.
Những Thách Đố Trong Đời Sống Gia Đình
Một trong những nguyên nhân của sự đổ vỡ trong gia đình là do việc ly dị của các cặp hôn nhân. Thống kê ly dị ở Hoa kỳ cho biết, khoảng 50% các hôn nhân sẽ kết thúc trong ly dị.[6]
Ảnh hưởng của việc ly dị này rất lớn – gia đình không còn nguyên vẹn, cha mẹ mỗi người một nẻo, và con cái bị giằng co bởi đôi bên. Chúng lớn lên thiếu sự hướng dẫn và đồng hành của cha mẹ.
Đời sống gia đình không chỉ bị ảnh hưởng bởi ly dị mà còn bởi việc thiếu thời gian dành cho nhau. Trong nhiều gia đình, thời gian dành cho nhau cũng như những sinh hoạt chung bị giảm sút rất nhiều vì chương trình của mỗi thành viên làm cho họ đi mỗi người một đường hướng khác nhau: người thì đi làm, người thì đi học, người thì trong môn thể thao này, người thì trong môn thể thao kia hoặc chương trình này, chương trình kia, và nhiều những sinh hoạt khác. Cuối cùng, chẳng ai gặp mặt ai. Những nghiên cứu cho thấy các đôi vợ chồng đi làm chỉ nói với nhau trung bình 12 phút mỗi ngày, và trong khoảng 20 năm qua, những bữa cơm gia đình đã giảm 33% và gia đình đi nghỉ chung giảm 28%.[7] Gia đình không còn thời giờ để họp mặt, để kể cho nhau những truyền thống của gia đình, để chia sẻ kinh nghiệm, để nâng đỡ và nuôi dưỡng nhau về tình cảm cũng như về tinh thần.
Nhiều người con, thiếu sự hướng dẫn của cha mẹ, càng ngày càng nghiêng về ảnh hưởng của đồng bạn và nhiều phương tiện truyền thông xã hội khác nhau. Theo một bản tin đưa ra vào năm 2010, trẻ em tuổi từ 8 đến 18 đã dành khoảng 7 tiếng 38 phút mỗi ngày (hoặc 53 tiếng mỗi tuần) cho những truyền thông giải trí.[8] Với quá nhiều thời gian dành cho truyền thông xã hội, những nguy hiểm chúng nhận được thật đa dạng, kể cả nạn khủng bố trên mạng, sách báo khiêu dâm, tấn công tình dục của những con hạm dâm ô, v.v. Khi con cái phí nhiều giờ ngồi trước màn hình máy vi tính, có nghĩa là còn rất ít giờ để kết nối với cha mẹ. Mối dây tình cảm và hỗ tương dựa trên sự đầm ấm và tin yêu nhau triển nở lúc ban đầu không còn nữa và việc đối thoại giữa cha mẹ và con cái cũng bị giảm bớt đi. Khi cha mẹ không mấy lưu ý tới đời sống của con mình vì bận bịu làm việc, và khi chúng cảm thấy rằng cha mẹ không còn hiểu chúng nữa, chúng sẽ sống khép kín. Cha mẹ càng giảm quan tâm tới đời sống con cái, thì con cái càng dễ sa vào nghiện ngập, trầm cảm, ăn uống thất thường, trốn học, và nhiều vấn đề khác.
Sự giảm bớt thời gian cho nhau trong gia đình cũng ảnh hưởng đến việc giáo dục đức tin của con cái. Công đồng Vatican II đã dạy rằng: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ khuyết được.”[9] Tuy được trao phó trách nhiệm quan trọng này, nhiều cha mẹ cảm thấy họ không đủ khả năng để giáo dục con cái trong đường đạo lý. Vì thế họ dựa vào sự giúp đỡ của cộng đoàn giáo xứ. Họ ghi danh cho con học những chương trình giáo lý, với niềm hy vọng rằng con mình sẽ học và lớn lên trong đức tin. Nhưng ở nhà lại không có giờ để gia đình cùng cầu nguyện chung. Như thế, những gì học được trong lớp cũng mất đi khi chúng không được củng cố và thực hành ở nhà. Trẻ em có thể lớn lên nhận mình là Kitô hữu và cũng biết chút chút về đức tin, nhưng rất nghèo về lòng đạo bởi vì chúng không có cảm nghiệm gì về đức tin.
Con Đường Nên Thánh
Giữa những khó khăn này và những thách thức khác mà gia đình Kitô phải đối diện, Đức Giêsu tiếp tục mời gọi từng người hãy nên thánh. Ngài đã dạy cho các môn đệ cách sống thánh, và đã làm gương bằng cuộc sống và cái chết của Người. Mỗi người, trong bất cứ điều kiện sống nào, đều được mời gọi để nên thánh. Công đồng Vatican II dạy rằng, mọi Kitô hữu trong tư cách là những người đã nhận phép rửa, đều có cùng phẩm giá trước mặt Thiên Chúa và được liên kết với nhau bởi một ơn gọi, là ơn gọi nên thánh.[10] Vì thế ơn gọi nên thánh không chỉ dành cho các giám mục, linh mục, và tu sĩ như nhiều người thường nghĩ. Mọi người đều được mời nên thánh theo lối sống riêng của mình. ĐTC Phanxicô trong bài huấn dụ cho buổi tiếp kiến chung ngày 19 tháng 11, 2014, đã nhấn mạnh rằng: “sự thánh thiện không phải chỉ là đặc quyền của vài người: sự thánh hiện là một hồng ân được trao tặng cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai, và qua đó tạo nên đặc tính nổi bật của mỗi Kitô hữu.”[11] Nhưng việc nên thánh này gồm những gì? Làm sao có thể sống thánh trong môi trường gia đình?
ĐTC Phanxicô dạy rằng: “sự thánh thiện không phải là cái gì chúng ta tự tìm cho mình, hoặc là điều chúng ta đạt được nhờ những đức tính và khả năng của chúng ta. Sự thánh thiện là một hồng ân, là món quà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, khi Chúa nhận lấy chúng ta, làm cho chúng ta được mặc lấy Người, cho chúng ta được trở nên như Người.”[12] Trong thư gởi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô viết: “Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5: 25-27). Món quà nên thánh được dành cho tất cả mọi người, không trừ ai, để cho dù họ là giáo sĩ hay giáo dân, ai cũng được mời nên thánh. Nói như thế có nghĩa là, những ai đang sống trong bậc gia đình cũng được mời nên thánh trong chính đời sống gia đình của họ. “Theo ý định của Thiên Chúa, tất cả mọi đôi bạn đều được mời gọi sống thánh thiện trong hôn nhân, và ơn gọi này được thực hiện trong mức độ mà con người xét như ngôi vị có khả năng đáp trả lại luật buộc của Thiên Chúa, nhờ được sinh động bởi lòng tín thác bình an vào ân sủng Thiên Chúa và vào ý muốn của Ngài.”[13]
Việc nên thánh trong bối cảnh gia đình có thể bắt đầu từ cá nhân. Như đã nhắc ở trên, gia đình bao gồm những cá nhân - chồng và vợ, cha mẹ và con cái, họ hàng thân thích. Nếu lời mời nên thánh dành cho mỗi người, và mỗi thành viên của gia đình cùng nhau nên thánh, thì rốt cuộc, chúng ta có một cộng đoàn gồm những người thánh - một gia đình thánh.
Sau đây xin được trình bành những gợi ý cho gia đình cùng nhau đáp lại lời mời nên thánh. Chúng không phải là những giải đáp của những thách đố gia đình đang gặp phải trong cuộc sống hôm nay, và cũng không phải là những bảo đảm để gia đình tránh được những khó khăn. Đúng hơn, chúng chỉ đưa ra một lộ trình mà mỗi cá nhân có thể theo để thực thi lời mời nên thánh của họ trong bối cảnh gia đình.
Một Cách Nên Thánh: Sống Ơn Gọi Dành Cho Mỗi Người
Mỗi phần tử của gia đình đều có một vai trò riêng trong gia đình. Mỗi vai trò lại có những bổn phận và trách nhiệm cụ thể. Con đường nên thánh là sống và chu toàn những bổn phận của mỗi người trong vai trò của mình. Nếu là người chồng, người cha trong gia đình, người ấy nên thánh khi thể hiện chức vụ làm chồng, làm cha của mình; nếu là người vợ, người mẹ, bà sẽ nên thánh khi sống tình mẫu tử; nếu làm con cái, chúng nên thánh khi chu toàn những bổn phận là những người con trong gia đình.
Người Chồng/Cha Nên Thánh – Hy Sinh Trong Tình Yêu
Ơn gọi của bậc làm chồng/cha trong gia đình là sống khả năng và vai trò làm chồng và làm cha. Họ được gọi nên thánh qua việc yêu thương và hy sinh cho vợ con mình. Thánh Phaolô ví ơn gọi nên thánh của họ như thể chính Chúa Giêsu yêu thương Hội Thánh. “Hỡi người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5: 25). Ý thức được lời mời gọi này, họ sẽ yêu vợ mình như yêu chính thân thể họ và sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. Với sức mạnh của tình yêu, họ sẽ không màng hy sinh vất vả làm việc để nuôi nấng và chăm sóc vợ con mình như Chúa Giêsu hy sinh hiến thân mình trên thập giá. Qua cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu, Ngài thánh hoá Hội Thánh và làm cho “Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5: 27). Khi người chồng/cha noi gương tình yêu Chúa Giêsu dành cho Hội Thánh và biết kết hiệp với Ngài trên Thập giá, họ sẽ là nguồn cung cấp sự sống và tình yêu cho gia đình và làm cho gia đình họ trở nên thánh thiện hơn trước mặt Thiên Chúa.
Những cử chỉ nhỏ giúp cho người chồng nên thánh là biết tôn trọng vợ mình, coi nàng như người cùng địa vị với mình, sống tình bạn đặc biệt với nàng. Thánh Ambrôsiô viết, “Con không phải là chủ của nàng nhưng là chồng nàng; nàng được trao cho con để làm vợ chứ không phải làm nô lệ … Hãy đáp lại những chú ý nàng đã dành cho con, và hãy biết ơn tình yêu của nàng.”[14] Những cử chỉ biết ơn và yêu thương có thể là những lời khen hoặc lời “cám ơn,” “làm ơn,” “xin lỗi,” v.v….
Những hình thức giúp người cha nên thánh là sống chức năng và vai trò làm cha trong gia đình. Người cha nên thánh khi quảng đại thi hành trách nhiệm nuôi nấng con cái mình, những đứa con ông đã hoài thai và sinh ra qua mối tình của ông đối với vợ mình. Ông dành thời giờ cho con mình và đồng trách nhiệm với vợ để giáo dục con cái. ĐTC Phanxicô cho một ví dụ cụ thể: “Khi về nhà, đứa con xin bạn nói chuyện một chút về những chuyện tưởng tượng. Bạn nói: “Ba mệt lắm, hôm nay ba đã làm việc nhiều lắm.” Nhưng nếu bạn kiên nhẫn lắng nghe con, thì đó là một bước tiến đến sự thánh thiện.”[15] Như vậy, việc nên thánh cho người chồng/cha trong gia đình là noi theo gương hy sinh hiến thân của Chúa Giêsu khi thi hành bổn phận đối với vợ và con của mình.
Người Vợ/Mẹ Nên Thánh – Phục Vụ Trong Khiêm Nhường
Như bậc làm chồng/cha người phụ nữ cũng được mời sống ơn gọi làm vợ và làm mẹ trong gia đình. Họ được gọi nên thánh qua việc yêu thương chồng và con trong tinh thần phục vụ như Chúa Giêsu đến thế gian để yêu thương và phục vụ con người. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:35-45). Khi xưa Chúa Giêsu khiêm nhường cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ trong bữa tiệc ly như thế nào thì người vợ/mẹ trong gia đình cũng được mời gọi phục vụ cho chồng và con như thể phục vụ chính Chúa Giêsu vậy.
Đức khiêm nhường phải là nền tảng của những công việc và hy sinh người vợ/mẹ làm để phục vụ cho gia đình mình. Với đức khiêm nhường, người vợ sẽ cảm thấy dễ dàng tùng phục chồng như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô. Thánh Phaolô khuyên rằng: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy” (Ep 5:22-24). Khi phục tùng hoặc phục vụ chồng, con, người vợ hãy làm trong niềm vui vì tin rằng họ đang làm vì yêu mến Chúa. Vậy, người vợ/mẹ nên thánh khi yêu thương và kính trọng chồng mình, khi quan tâm quan tâm đến đời sống con cái, trở nên nguồn nâng đỡ cho chúng, khi nhiệt tâm nhận trách nhiệm giáo dục chúng, nhất là giáo dục về đức tin, khi dạy chúng cầu nguyện và giúp chúng nhận ra ơn gọi làm con Thiên Chúa, và tìm cách gìn giữ sự hiệp nhất trong gia đình. Bà làm tất cả trong khiêm nhường, noi theo Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ.
Người Con Nên Thánh – Vâng Lời Trong Tâm Tình Biết Ơn
Ơn gọi cũa những người con trong trong gia đình là hoàn thành những bổn phận và nhiệm vụ của mình. Họ được gọi trở nên thánh qua việc vâng lời cha mẹ như Chúa Giêsu vâng lời Thiên Chúa Cha cho đến phút cuối cùng trên Thập giá. “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa… Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Pl 2: 6, 8) Việc vâng lời của Chúa Giêsu hoàn toàn dựa trên việc cầu nguyện và lòng tin và tín thác vào tình yêu Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu phải trải qua nhiều giai đoạn cầu nguyện để biết được Thánh ý Chúa Cha. Trong vườn Gethsemani, Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu có thể xin Cha cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Ep 22:42). Chúa Giêsu ý thức rằng sự vâng lời sẽ đem đến nhiều đau khổ và thậm chí ngược với ý muốn của mình. Nhưng vì yêu Chúa Cha và mưu ích cho nhân loại, Ngài chấp nhận chịu chết để đền bù tội lỗi cho nhân loại. Noi gương Chúa Giêsu, những người con cần phải tập cầu nguyện để nhận ra thánh ý của Chúa và dễ dàng vâng phục cha mẹ mình như Chúa Giêsu đã vâng phục Thánh Giuse và Mẹ Maria (cf. Lc 2:51).Thánh Phaolô cũng nhắc nhở bổn phận người con trong gia đình: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo” (Ep 6:1). Sống vâng lời cha mẹ như thể vâng lời Thiên Chúa trong tinh thần cầu nguyện sẽ là con đường dẫn đưa những người con gần với Chúa và giúp cho họ trở nên đạo đức và thánh thiện hơn.
Những người con cũng nên thánh khi nhận trách nhiệm đối với cha mẹ để báo hiếu. Khi còn bé, con cái nhận được tình yêu thương và sự săn sóc từ cha mẹ. Sẽ đến lúc cha mẹ trong tuổi già không còn tự săn sóc cho mình được. Lúc này con cái cần phải nâng đỡ cha mẹ về mặt vật chất cũng như tinh thần và săn sóc cho cha mẹ, nhất là những khi các ngài đau yếu, cô đơn, hoặc lo buồn. Khi người con trả hiếu cho cha mẹ, họ cần phải ý thức mình làm với lòng tôn kính, vì đó là điều răn quan trọng đối với Thiên Chúa. Trong sách Huấn ca có khuyên bảo rằng: “Ai tôn kính cha, sẽ được đền bù tội lỗi, và ai tôn vinh danh mẹ thì giống như người tích lũy kho tàng. Ai tôn kính cha sẽ được con cái mình làm vui lòng, và khi nó cầu xin sẽ được ban cho. Ai làm vinh danh cha sẽ được sống lâu, và ai vâng theo Chúa sẽ làm mẹ an lòng” (Hc 3: 3-6).
Gia Đình Cùng Nên Thánh – Yêu
Khi sống ơn gọi dành cho mỗi người, tất cả phải dựa trên nền tảng là tình yêu. Vì vậy đối tượng duy nhất của đôi vợ chồng phải là Thiên Chúa vì chính Ngài là Tình Yêu. Tình yêu duy nhất của lòng họ phải xuất phát từ Thiên Chúa để họ được thánh hoá và trở nên thánh thiện. Thánh Gioan xác tín rằng: “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu, thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4: 16). Mỗi thành viên trong gia đình – người chồng, người vợ, người con – cần phải có một tương qua riêng biệt với Thiên Chúa. Họ cần phải tìm đến và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa dành riêng cho cá nhân họ. Khi họ tận tình tìm kiếm Thiên Chúa họ sẽ khám phá ra tình yêu tuyệt đẹp nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ mạc khải cho họ thấy Thiên Chúa như là một người tình của họ. Thiên Chúa tỏ tình với con người như một người tình đặt trọn tình yêu của mình vào người mình yêu. Sách Diễm Ca diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho dân riêng của Ngài như thế này:
“Em là đoá thủy tiên của Sa-rôn đồng bằng,
là bông huệ thắm hồng trong thung lũng.
Bạn tình tôi giữa đoàn thiếu nữ
có khác gì cánh huệ giữa bụi gai.
Người tôi yêu giữa đoàn trai tráng
như cây táo giữa muôn cây rừng.
Được ngồi dưới bóng chàng, tôi thoả lòng mơ ước,
và hoa trái của chàng ngọt lịm trong miệng tôi.
Chàng đã đưa tôi vào phòng tiệc, cho tôi uống rượu nồng,
đã thắng tôi nhờ sức mạnh tình yêu. (Dc 2: 1-4)
Tình yêu chưa được đáp lại thì chưa phải là một cuộc tình tuyệt đẹp. Thiên Chúa xem con người như một người tình của Ngài và chỉ ao ước con người đáp lại tình yêu đó. Thiên Chúa mong chờ người tình của Ngài đáp lại như những lời diễn tả trong Sách Diễm Ca:
“Hãy kéo em theo anh, đôi ta cùng mau bước!
Quân vương đã vời thiếp vào cung nội,
ngài sẽ là nguồn hoan lạc vui sướng của chúng em.
Ân ái của ngài, chúng em quý hơn rượu.
Thương yêu ngài phải lẽ biết bao nhiêu” (Dc 1: 4)
Uớc muốn của Thiên Chúa được con người đáp lại tình yêu đã trở nên một thực tại nơi con người Chúa Giêsu, Con Một của Ngài. Chúa Giêsu là hình ảnh trung thực của Thiên Chúa mà Ngài đã có trước khi tạo dựng nên con người: “Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1: 2-3). Chúa Giêsu là hình ảnh sống động của tình yêu Thiên Chúa. Suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, Ngài luôn liên kết mật thiết với Chúa Cha để biết và thực thi Thánh ý của Cha Ngài trên trời. Vì yêu Thiên Chúa và nhân loại, Ngài chịu chết trên Thánh giá để chuộc tội và đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Ai tuyên xưng đức tin vào Con Thiên Chúa thì được hiệp thông với Thiên Chúa. “Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa” (1Ga 4: 15). Nhờ và qua Chúa Giêsu Kitô con người được biết về tình yêu Thiên Chúa và được tình yêu đó thánh hoá họ để trở nên một với Thiên Chúa.
Tình yêu Chúa Giêsu đáp lại với Chúa Cha là một tình yêu trao ban. Chúa Giêsu mong ước nơi con người cũng biết đáp lại và trao ban tình yêu đó cho nhau. Lời trăn trối và cũng là điều răn của Chúa Giêsu cho con người trước khi lìa thế là: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15:11-13). Tình yêu hiến trao của Chúa Giêsu đã được đáp lại qua biết bao đôi hôn nhân đã kết hôn trong nhà thờ. Cuộc tình giữa đôi hôn nhân thật đẹp khi họ đến ngôi Thánh Đường để tự nguyện tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô và thề hứa sống chung thủy với nhau nhờ ơn thánh và tình yêu của Thiên Chúa. Sự kết hôn của họ gồm có ba: Thiên Chúa và đôi tân hôn. Tình yêu Thiên Chúa thánh hóa họ và làm cho họ trở nên thánh thiện trong đời sống hôn nhân. “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1Ga 4: 12).
Tình yêu thánh hóa và kết hiệp gia đình với Thiên Chúa một cách tuyệt hảo là Bí Tích Thánh Thể. Khi gia đình tham dự buổi tiệc Thánh Thể là lúc bậc chồng/cha kết hiệp sự hy sinh của mình cho gia đình với Chúa Giêsu qua việc hiến tế của Ngài trên bàn thờ; bậc vợ/mẹ kết hiệp sự khiêm nhường phục vụ cho gia đình với Chúa Giêsu qua việc Ngài trở nên tấm bánh nuôi dưỡng các tín hữu; bậc người con kết hiệp đức vâng lời và lòng thảo kính cha mẹ mình với Chúa Giêsu qua việc tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính và tạ ơn Thiên Chúa khi Thánh lễ kết thúc. Qua Bí Tích Thánh Thể, gia đình họ được cùng trở nên một với Thân Thể Chúa Giêsu và với nhau. Khi từng phần tử trong gia đình đều có Chúa trong lòng là khi họ đang sống Nước Thiên Đàng nơi trần thế.
Gia Đình Nên Thánh: Cầu Nguyện
Cha Patrick Peyton, C.S.C. có câu: “Family that prays together, stays together - Gia đình cầu nguyện chung với nhau thì ở lại với nhau.” Cầu nguyện là một phần quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Không có gì sánh được với cầu nguyện: nhờ cầu nguyện, chúng ta làm những điều tưởng chừng không thể làm nổi, làm dễ dàng những điều tưởng chừng khó khăn. Người cầu nguyện thì không thể phạm tội.”[16]
Đức Giêsu dạy phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. (xem Lc 18: 1) Ngài đã làm gương qua việc cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh. Ngài cầu nguyện khi vui cũng như khi buồn; Ngài cầu nguyện khi có người khác ở chung quanh; và Ngài cầu nguyện một mình trong tịch mạc của đêm khuya. Ngài cầu nguyện ở trên núi và ở nơi thánh, và ở trên đất bằng, nơi cuộc sống hằng ngày được diễn ra. Thánh Phaolô đã tiếp tục giáo huấn này trong thư thứ nhất gởi tín hữu Thêxalônica: “Hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1Tx 5: 17-18).
Nhưng cầu nguyện là gì? Và làm sao cầu nguyện có thể dẫn tới việc nên thánh?
Thánh Têrêxa thành Lisieux, một cách đơn sơ nhưng có chiều sâu, đã định nghĩa cầu nguyện như sau: “Ðối với tôi, cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là lời kinh tri ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan.”[17] Còn Thánh Gioan Đamat định nghĩa: “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên Chúa hay cầu xin Người ban cho những ơn cần thiết.”[18] Như vậy, khi cầu nguyện, con người tiếp xúc với Thiên Chúa để thờ lạy, để ca ngợi, để cảm tạ những gì mình đã lãnh nhận, để đền những tội mình đã phạm, và để cầu xin cho những nhu cầu khác nhau.
Gia đình Kitô giáo tiến trên đường thánh thiện bằng cách làm cho việc cầu nguyện trở nên một thói quen đều đặn mỗi ngày. Những việc cụ thể như đọc kinh dâng ngày khi thức dậy, cầu nguyện truớc bữa ăn, lần chuỗi, đọc kinh dâng mình trước khi đi ngủ sẽ giúp họ ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng giây phút sống và giúp họ kết hiệp với Thiên Chúa.
Cầu nguyện qua Kinh Thánh
Một gia đình nên thánh là gia đình có Chúa Giêsu làm trung tâm điểm trong đời sống của họ. Để hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu thì cần phải biết và yêu Kinh Thánh. Thánh Giêrônimô đã khẳng định: “Không biết Kinh Thánh là không biết Ðức Kitô.” Gia đình cần có những giây phút cầu nguyện với Kinh Thánh riêng hoặc chung với nhau. Những đoạn Kinh Thánh có thể là những bài đọc của ngày Chúa Nhật. Có rất nhiều cách để cầu nguyện với Kinh Thánh và mỗi gia đình có thể tìm ra một phương cách thích hợp cho gia đình mình. Một phương cách cầu nguyện với Kinh Thánh đơn giản nhất là:
Xin ơn Chúa Thánh Thần
Đọc đoạn Phúc Âm ngày Chúa Nhật
Thinh lặng vài phút
Chia sẻ những thắc mắt trong đoạn Phúc Âm
Cầu nguyện xem Chúa đang nói gì với chính tâm hồn mình
Chia sẻ với nhau những điều mình được đánh động
Thinh lặng để nói với Chúa những quyết tâm của mình
Dâng lời nguyện tạ ơn Thiên Chúa
Nếu có nhiều giờ, gia đình có thể cầu nguyện với Kinh Thánh qua phương cách Lectio Divina được tóm tắt bằng bốn giai đoạn như sau:
Ðọc bản văn (Lectio)
Suy niệm (Meditatio)
Cầu Nguyện (Oratio)
Chiêm niệm (Contemplatio)
Lương thực hàng ngày của Chúa Giêsu là cầu nguyện để kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa Cha. Để giúp nhau nên thánh, mỗi phần tử trong gia đình cần phải cố gắng tìm thời giờ để cầu nguyện với nhau qua Lời Chúa để Lời Chúa trở nên lương thực hằng ngày cho họ và đưa họ đến đời sống vĩnh cữu. Thánh Phêrô giúp cho ta xác tín được điều này khi ngài tuyên xưng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6: 68).
Cầu Nguyện Trong Mọi Hoàn Cảnh
Như Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh thế nào, gia đình cũng noi gương Ngài bằng cách cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh của đời sống gia đình như vậy. Những lúc vui cũng như buồn, khi hy vọng hay thất vọng, lúc sinh con hay lúc kỷ niệm sinh nhật, kỷ niệm thành hôn, khi có ai đi xa, khi chia tay, khi có ai trở về, khi phải đưa ra những quyết định quan trọng và khó xử, khi một người qua đời, v.v. Đây là những dịp thuận lợi cho các gia đình Kitô hữu dâng lên Thiên Chúa những lời nài van, chuyển cầu, tạ ơn, và ca ngợi. Khi cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, gia đình sẽ nhận ra sự hiện diện và sự an bài của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình. Khi dâng lời tạ ơn, khi ca tụng Thiên Chúa, khi xin Chúa tha thứ, khi van nài, khi kêu cầu danh Chúa, là khi gia đình cùng kết hiệp với Thiên Chúa. Thánh Phaolô xác tín điều này trong thư gởi Tín Hữu Êphêsô: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Eph 5: 20). Đây là một bước nên thánh cho gia đình. Như thế, đời sống gia đình trở nên một chuỗi lời kinh. Mọi giây phút trong đời sống gia đình giống như một của lễ dâng lên trước nhan Thiên Chúa.
Gương Thánh Cho Gia Đình: Gia Đình Thánh Gia
Gia đình đầu tiên mà Thiên Chúa dựng nên đã làm mất đi ân sủng của Thiên Chúa dành cho loài người bởi tính kiêu ngạo và sự bất tuân của A-dong và E-va. Để phục hồi ân sủng đó, Thiên Chúa chọn một gia đình nơi Nazareth làm nơi Ngài trú ngự. Gia đình Nazareth gồm có Thánh Giuse, Mẹ Maria, và Chúa Giêsu. Mỗi nhân vị trong gia đình đều trở nên thánh nhờ sự vâng phục và tin yêu vào Thiên Chúa Cha. Vì vâng phục Thánh ý Chúa Cha, Mẹ Maria đã khiêm nhường đáp tiếng “xin vâng” để Con Một Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng Mẹ. Vì vâng phục Thánh ý Chúa Cha, Thánh Giuse đã khiêm nhường chấp nhận Mẹ Maria làm vợ và Chúa Giêsu làm con nuôi của mình. Vì vâng phục Thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu khiêm nhường chấp nhận chịu chết trên Thánh giá để cứu chuộc nhân loại. Qua sự vâng phục Thiên Chúa Cha, cả ba Đấng trở nên Thánh và nên một với Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu quả quyết rằng: “phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12: 48). Đây là gia đình đầu tiên nên Thánh làm đẹp ý Thiên Chúa Cha là Đấng ngự trên trời.
Nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha đã mở lối cho nhân loại trở về với Ngài để hưởng Nước Thiên Đàng. Thánh Gioan xác tín điều này nơi Chúa Giêsu: “ Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14: 6). Chúa Giêsu đã chỉ lối cho mọi người trở nên thánh và về cùng với Chúa Cha trên Nước Thiên Đàng. Nhưng biết bao gia đình trong thế giới hôm nay còn chưa tin vào Chúa Giêsu? Biết bao nhiêu gia đình đang chạy theo tình yêu hưởng thụ, trốn tránh đau khổ, và ham muốn vật chất để những thứ đó làm chủ tâm trí họ và Thiên Chúa không còn cần thiết trong cuộc đời họ? Thử hỏi, có bao nhiêu gia đình công giáo thật sự đặt Chúa Giêsu làm trung tâm điểm của gia đình họ và đang nổ lực trở nên thánh. Đây là một thách đố lớn cho những gia đình công giáo ngày nay để sống thánh thiện và giúp nhau trở nên thánh giữa một thế giới còn nghi ngờ sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa.
Trong mọi thử thách, băn khoăn và đau khổ của cuộc đời, Thánh Giuse và Mẹ Maria vẫn đặt trọn niềm tin vào Thánh ý của Thiên Chúa và trung thành với tình yêu dành cho Chúa Giêsu và cho nhau. Gương thánh của các Ngài sẽ là động lực thúc đẩy các đôi vợ chồng biết chấp nhận thánh ý Thiên Chúa trong mọi cảnh huấn của cuộc đời. Khi gặp những khó khăn và đau khổ thì họ biết tin tưởng vào Thiên Chúa và trung thành với tình yêu dành cho Chúa Giêsu và cho nhau.
Kết Luận
Mỗi gia đình Kitô hữu đều được mời gọi để nên thánh. Con đường này bắt nguồn từ lời mời gọi của Chúa Giêsu cho từng người, xoay quanh Chúa Giêsu là trọng tâm và mẫu mực của sự thánh thiện, và nhắm tới cùng đích là Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người trở nên thánh, Ngài mời gọi chúng ta trong hoàn cảnh và bậc sống của mình. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải theo đuổi một ơn gọi đặc biệt nào hoặc làm những việc phi thường, nhưng ngay trong ơn gọi và môi trường sống của mình. Ơn gọi nên thánh là món quà cho tất cả mọi người.
Vì vậy khi người chồng/cha thi hành chức vụ và trách nhiệm của mình đối với vợ và con trong sự hy sinh và với tình yêu tự hiến như Chúa Giêsu đã làm cho Giáo hội, ông đang tiến bước trên con đường nên thánh. Khi người vợ/mẹ phục vụ gia đình trong khiêm nhường như Chúa Giêsu đã đến để phục vụ, bà đang tiến bước đến sự thánh thiện. Khi người con sống tinh thần vâng phục như Chúa Giêsu đã vâng phục thánh ý Chúa Cha và sống tâm tình biết ơn trong mối tương quan với cha mẹ mình, họ đang tiến bước trên con đường nên thánh. Và khi cả gia đình cố gắng sống trong yêu thương để tạo nên một cộng đoàn hiệp thông và sống đời sống cầu nguyện để kết hiệp với Thiên Chúa, họ đang tiến bước trên con đường nên thánh. Mỗi bước nhỏ là một bước dẫn đưa chúng ta đến sự thánh thiện. Trên con đường nên thánh, mỗi phần tử trong gia đình không đi một mình nhưng có Thiên Chúa luôn ở cùng để ban ơn và giúp sức cho họ và có những người bên cạnh cùng đồng hành với họ. Vậy bậc cha mẹ và những người con có thể nâng đỡ nhau để cùng nhau tiến bước đạt tới sự thánh thiện Thiên Chúa kêu gọi từng người.
------------------------------
[1] Gioan Phaolô II. Tông Huấn. Familiaris Consortio. 22 tháng 11, 1981. Web. http://xuanbichvietnam.net/trangchu/tong-huan-familiaris-consortio/, số 17.
[2] Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II. Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội. Lumen Gentium. 21 tháng 11, 1964. Web. http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vatican2/lumen00.htm, số 40.
[3] Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II. Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay. Gaudium et Spes. 7 tháng 12, 1965. Web. http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vatican2/spes00.htm, số 48.
[4] GS, số 48.
[5] FC, số 21.
[6] “Divorce Statistics.” Web. 27 Nov. 2014. http://www.divorcestatistics.org/.
[7] Gurian, Anita. “Family Meals Matter - Staying Connected.” The Child Study Center. NYU Child Study Center. Web. http://www.aboutourkids.org/articles/family_meals_matter—staying_connected.
[8] “Daily Media Use Among Children and Teens Up Dramatically From Five Years Ago.” The Henry J. Kaiser Family Foundation, 20 Jan. 2010. Web. http://kff.org/disparities-policy/press-release/daily-media-use-among-children-and-teens-up-dramatically-from-five-years-ago/.
[9] FC, số 36.
[10] cf. LG, số 39-42.
[11] G. Trần Đức Anh, OP chuyển ngữ. “Đức Thánh Cha Tiếp Kiến Chung: ơn Gọi Mọi Người Nên Thánh.” Đài Vatican. 19 Nov. 2014. Web: http://vi.radiovaticana.va/news/2014/11/19/đức_thánh_cha_tiếp_kiến_chung_ơn_gọi_mọi_người_nên_thánh/vie-837020
[12] Ibid.
[13] FC, số 34.
[14] FC, số 25.
[15] “Đức Thánh Cha Tiếp Kiến Chung: ơn Gọi Mọi Người Nên Thánh.” Đài Vatican.
[16] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Bản dịch của Tổng Giáo Phận Sài Gòn năm 1993. Web. http://www.giaoly.org/vn/tai-lieu/giao-ly-hoi-thanh-cong-giao/, số 2744.
[17] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, phần 4, đoạn 1.
[18] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2559.
3. MỤC VỤ CHO NGƯỜI SỐNG CHUNG: HỢP NHAU - HỢP LUẬT - HỢP ĐẠO
(Linh mục Anthony Đào quang Chính, Ed. D., tiến sĩ giáo dục và cao học thần học, chánh xứ giáo xứ Saint Catherine of Alexandria, Temecula, California. Cộng tác với các báo Trái Tim Đức mẹ, Đức mẹ Hằng cứu giúp, The Priests và chương trình công giáo Mái Ấm Gia đình.)
Nếu cách đây vài thập niên, sống chung trước hôn nhân[1] là hiện tượng bất thường, thì ngày nay, sự kiện bất thường đó trở thành khá bình thường. Để tìm hiểu thêm về hiện tượng này, cùng nhau chúng ta sẽ thảo luận:
Trong bài này chúng ta sẽ gọi ngắn gọn là sống chung
Định nghĩa sống chung.
Các loại sống chung
Thống kê
Lý do đưa đến sống chung
Mục vụ giúp người sống chung.
Khi đã biết những lý do, điều kiện, hoàn cảnh của người sống chung, chúng ta sẽ dễ tìm ra phương cách mục vụ giúp đỡ họ cách hiệu quả hơn.
I. Định nghĩa.
Sống chung là sự thu xếp khiến cho hai người, tuy chưa có hôn nhân, sống chung với nhau cùng một nơi, cùng chia sẻ liên hệ tính dục hoặc cảm quan trong thời gian dài. Sống chung thường hiểu giữa một người nam và một người nữ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cụm từ sống chung được áp dụng cả cho những người đồng phái.
II. Các loại sống chung
Xét theo thời gian, sống chung lâu hay ngắn tùy theo liên hệ giữa hai người. Điều này có nghĩa, sống chung có thể vài tháng hay một năm, hoặc nhiều năm, cho đến khi họ quyết định chính thức lấy nhau theo luật pháp dân sự cũng như theo giáo hội. Các nhà xã hội cũng đồng ý, nếu hai người sống chung trong thời gian quá ngắn, thí dụ vài ngày, thì không được xếp vào loại sống chung. Nên biết, theo thống kê mà hội đồng giám mục Hoa Kỳ xử dụng, thì tại xứ sở này, trung bình, thời gian sống chung là 1 năm 3 tháng[2] !!!
Còn theo phái tính, thì có khi là sống chung giữa 2 người: một nam và một nữ; nhưng có thể nhiều nam, một nữ; một nữ, nhiều nam; hoặc nam với nam, và nữ với nữ.[3]
Ngoài ra, theo luật pháp thì có hình thức sống chung của những người chưa bao giờ lập gia đình. Đây là nhóm mà tài liệu tổng kết của thượng hội đồng giám mục 2014 gọi là những người muốn kéo dài thời thanh niên, và thấy hôn nhân quá thách đố, nên không đám dấn bước vào đời sống gia đình. Một loại khác nữa là sống chung của những người đã ly dị. Họ sống chung, đôi khi có giấy hôn thú dân sự, có khi chẳng có giấy tờ gì.
Tại Hoa Kỳ, trước thập niên 1960, luật pháp cấm một đôi nam nữ không có giấy hôn phối được quyền mướn khách sạn ở chung. Những cặp này gần như không thể mượn nổi tiền mua nhà hoặc bất động sản chung. Tuy nhiên từ năm 1998, luật này bị coi như bãi bỏ.[4]
Theo khía cạnh tôn giáo, nhiều người sau thời gian sống chung, quyết định nhận lãnh bí tích hôn nhân lần đầu, có người phải chờ giấy tiêu hôn. Chính vì sự nhiêu khê này, các linh mục, thầy sáu hoặc thừa tác viên giáo lý, khi giúp dậy đạo hoặc hướng dẫn các đôi hôn phối, nên biết họ thuộc vào trường hợp nào, hầu hướng dẫn cho thích đáng.
Nhìn trên toàn thế giới, thì những quốc gia không cho phép sống chung hợp pháp, là các nước chịu ảnh hưởng mạnh của Hồi giáo. Tại Trung đông, có thể bị tử hình bằng cách ném đá nếu bị bắt gặp sống chung, hoặc ngay cả chưa sống chung, nhưng đã có những liên hệ vợ chồng.
III. Thống kê
Hội đồng giám mục Hoa Kỳ dựa trên tài liệu “The State of Our Unions: The Social Health of Marriage in America,”[5] cho biết vào năm 1970, có khoảng 500.000 người sống chung. Đến năm 2004, con số này lên đến hơn 5 triệu. Còn theo nghiên cứu của Hsien-Hen Lu, thì vào năm 2000, có đến 60% các cuộc hôn nhân khởi sự bằng sống chung.[6]
Các nước tỷ lệ sống chung cao nhất:
Sweden 24.06 trên 100 người.
Finland 18.84
Norway 18.82
Brazil 16.18
Denmark 15.77
Germany 15.55
Netherlands 13.21
France 12.91
Chile 9.55
New Zealand 9.38
Austria 9.11
Great Britain 8.68
Switzerland 8.57
Hungary 8.48
Czech Rep 8.02
Belgium 7.61
USA 6.83[7]
Bối cảnh tôn giáo và xã hội.
Dựa theo các cuộc nghiên cứu mà ủy ban mục vụ gia đình của hội đồng giám mục Hoa Kỳ thu thập, những người sống chung có những bối cảnh tôn giáo và xã hội như sau:
Đa số người sống chung ơ hờ với tôn giáo.
Học vấn thấp sống chung nhiều hơn học vấn cao.
Tiền lương thấp sống chung nhiều hơn tiền lương và lợi tức thu nhập cao
Nếu đã sống chung một lần sẽ dễ sống chung lần nữa.
Người chưa bao giờ sống chung ngần ngại khi phải sống chung.
Người đã lập gia đình dễ sống chung hơn người chưa lập gia đình.
Học vấn: Có bằng trung học sống chung nhiều hơn có bằng đại học. 41% nữ sinh sau trung học sống chung, trong khi đó sau đại học là 26%.
Nữ giới sống chung mong lập gia đình với người đang sống.
Nam giới sống chung có khuynh hướng thử và đi tìm người kế tiếp.
Người sống chung chịu ảnh hưởng từ gia đình. Họ có cha/mẹ không yên hàn với đời sống gia đình.
Người sống chung là người chấp nhận tệ hại xảy ra hơn là người không đồng ý sống chung.
Các gia đình sống chung tỷ lệ bạo hành cao hơn các gia đình bình thường[8].
Người đã sống chung, kết hôn, rồi kết thúc bằng ly dị, tỷ lệ cao hơn người không sống chung là 50% .
Một số người sống chung tưởng lầm, sau thời gian tìm hiểu và thử thách thêm, họ sẽ đi đến kết hôn!!! Thống kê cho biết 30% không bao giờ có ý định kết hôn với người đang sống chung.[9]
IV. Lý do đưa đến sống chung.
Theo các nghiên cứu chung thì có nhiều lý do đưa đến sống chung, mà chính yếu là:
Kinh tế. Tiền thu nhập không đủ để trang trải đời sống gia đình.
Không chắc về tương lai hai người sẽ hợp nhau đến mức nào. Họ biết để đồng một lòng, một ý, cần có những tương giao tốt đẹp về nhiều phương diện, nhưng họ chỉ hợp với nhau vài phương diện, do đó, lời hứa trung thành với nhau cho đến chết trở thành thách đố lớn
Khác biệt văn hóa nên không muốn lấy nhau ngay
Không dám làm phép hôn phối trong nhà thờ vì sợ bị mất tiền bảo hiểm, an sinh xã hội hoặc các lợi nhuận khác.
Mất niềm tin vào tôn giáo và vào các định chế sẵn có trong xã hội.
Liên hệ tình dục quá sớm
Sợ có con
Lớn lên từ gia đình mà cha mẹ hoặc anh chị em kết thúc hôn nhân bằng ly dị khiến họ sợ rằng mình sẽ giống như vậy
Rời nhà quá sớm, không thấy nhu cầu cần một mái ấm gia đình.
V. Những hậu quả của sống chung
Dĩ nhiên không phải cặp sống chung nào cũng đưa đến ly thân hoặc ly dị. Có khi cứ sống chung như vậy... cả đời. Theo tài liệu “National Estimates of Cohabitation”[10] cho biết, thì những người sống chung lần đầu có khuynh hướng khá mạnh tiến đến hôn nhân. Theo thống kê, khoảng 60% các cặp sống chung lần đầu hôn nhân. Đây cũng là dấu hiệu tốt. Còn những cặp đã có kinh nghiệm sống chung trong quá khứ, thì tỷ lệ hôn nhân rất thấp; ngược lại, tỷ lệ tách rời thêm một lần nữa cao lên. Như vậy, kết quả rõ ràng, kinh nghiệm sống chung không giúp họ nhiều trong việc tìm ra người bạn đời như lòng mong ước nhưng càng khiến họ dễ đi tìm người khác. Họ quyết định sống chung và lại sống chung, vì không muốn bị mang tiếng là đã ly dị, hoặc bị quấy rầy vì những vấn đề tài chánh gây ra do việc chính thức ly dị. Trên thực tế, khi hai người sống chung và phải tách rời, họ trải qua các giai đoạn pháp lý khi phân chia của cái, sở hữu, con cái.. không khác gì người lập gia đình!
Ly dị. Theo Bumpass & Sweet thì ngay sau khi đã thành hôn,[11] tỷ lệ ly dị và bạo hành của người sống chung cao hơn người thành hôn bình thường lên đến 50%. Tại nhiều quốc gia Tây Âu, lên đến 80% cao hơn hôn nhân bình thường.
Bạo hành. Tuy nhiên với những cặp sống chung không đi đến hôn nhân, vấn đề đáng lưu tâm vẫn là bạo hành trong gia đình xảy ra thường xuyên hơn những cặp lấy nhau bình thường.[12]
Tỷ lệ sinh con. Quan trọng nhất là các cặp sống chung không muốn có con. Tỷ lệ sinh con rất thấp. Hình như việc thiếu lời đoan quyết sống với nhau cả đời khiến họ ngần ngại cùng nhau đoan quyết có con.
Song song với vấn đề này là thời gian dành cho nhau cũng ít hơn.[13] Họ cũng không thích đối diện với vấn đề, hầu tìm ra cách giải quyết. Khi có chuyện không vừa ý, thay vì tìm hiểu tại sao và cố gắng tìm ra câu trả lời, họ thường trốn tránh, cuối cùng quyết định theo ý riêng[14]. Họ không muốn cho người sống chung biết những dự định riêng.
Liên hệ tình dục. Điểm quan trọng khác nữa là một trong hai người dễ dùng tình dục như sức mạnh buộc người kia phải chiều theo mình. Trong khi các cặp hôn nhân bình thường chú trọng đến tình yêu, và tình dục là quà tặng đi theo cùng, thì các cặp sống chung không cần lưu ý nhiều đến tình yêu cho bằng tình dục.[15] Ngay cả về vấn đề nầy, theo nghiên cứu của Linda Waite[16] thì các cặp sống chung, liên hệ tình dục mỗi tháng khoảng 7 lần, trong khi đó các cặp hôn nhân bình thường là 6 lần. Tuy nhiên, đa số các cặp sống chung cho biết, họ không chỉ liên hệ tình dục với một người, mà với nhiều người trong cùng một thời gian!
Liên hệ tài chánh. Bên cạnh liên hệ tình dục là khó khăn tài chánh. Các cặp sống chung vì không muốn có nhiều ràng buộc về tài chánh, nên đa số sống theo tiêu chuẩn “góp gạo thổi cơm chung” hoặc “tiền ai, người nấy giữ.” Do đó, các sinh hoạt chung trở nên dễ tính toán, và thiếu tương trợ. Xem ra “tiền ai, người nấy giữ” công bằng trên lý thuyết, nhưng thực tế, khi phải cùng sống chung một mái nhà, rất nhiều sự va chạm xẩy ra, và những va chạm này khiến tình yêu thương khó phát triển. Các người sống chung vẫn ao ước người bạn của mình rộng rãi thêm chút nữa khi chi tiêu! Những người sống chung có khuynh hướng thiên về cá nhân chủ nghĩa, và lo lắng về kinh tế nhiều hơn các cặp hôn nhân bình thường. Chính vì vậy họ thường xuyên tranh luận, cãi nhau về chuyện tiền bạc.[17] Họ sợ những khó khăn tài chánh có thể xảy ra cho họ, nên rất nhạy cảm khi phải chia sẻ tài chánh. Điều này ảnh hưởng họ ngay cả sau khi đã quyết định đi đến hôn nhân, dù với người sống chung hay với người khác.
VI. Mục vụ cho người sống chung. Giáo hội Công giáo có thể làm gì?
Sống chung trở thành vấn đề lớn và quan trọng đến nỗi Giáo hội Công giáo trong năm 2014 đã nhóm họp thượng hội đồng bàn về chương trình phúc âm hóa gia đình. Cùng nhau chúng ta tìm hiểu thượng hội đồng viết gì về sống chung?
Thượng hội đồng dành các số từ 80-85 chuyên biệt về vấn đề nầy.
Số 80: “Đứng trước những khó khăn của thế giới ngày nay, khi trong lãnh vực hôn nhân, đang có chiều hướng sống chung, Giáo hội, được gọi là nhà Cha, phải mở rộng cánh cửa, sao cho đây chính là nơi chốn, mà mọi người, với mọi khó khăn của họ có thể sống (GE, 47).[18] Mục vụ đích thực cần lo lắng chăm sóc cho những người này, và mang ơn chữa lành đến cho họ, nhờ đó họ có thể tiếp tục đồng hành với toàn thể dân Chúa. Tình yêu thương của Chúa không thể chỉ coi như viên thuốc tạm thời che bọc các lầm lỗi của cá nhân, nhưng cần mang đời sống con người đến với tận gốc sự giao hòa, một sự giao hòa mang lại niềm tin mới, sự trong lành mới, nhờ canh tân nội tại. Mục vụ gia đình, cần đi xa hơn những giới hạn của luật lệ, mang một sứ vụ kêu gọi mọi người nhìn lại ơn gọi vĩ đại của yêu thương, mà mỗi người được mời gọi đến, và giúp cho họ sống đúng với nhân phẩm của lời kêu gọi ấy.”
Cần ghi nhận nơi đây, thượng hội đồng không lên án người sống chung như kẻ tội lỗi, dù vẫn nói rằng, việc làm của họ cần được chữa lành, nhưng chú tâm đến tình yêu của Chúa và sự giao hòa của con người với Chúa.
VII. Mục vụ của Giáo hội Công giáo Hoa kỳ
Giáo hội Công giáo Hoa kỳ nhắc nhở hai vấn nạn quá khích cần phải tránh, khi giúp mục vụ cho người sống chung:
Không nên ngay lập tức lên án những cặp sống chung và cho rằng họ là người tội lỗi. Mục vụ cho họ sẽ dựa trên cơ sở này. Các linh mục, thầy sáu và người chuẩn bị bí tích hôn phối cũng nên đặt mình vào hoàn cảnh của đôi hôn phối. Thay vì nghĩ rằng những người này thiếu thiện chí, không muốn tuân thủ luật Giáo hội, thì nên nhìn họ với cặp mắt yêu thương và thông cảm. Đa số, không ai muốn đặt mình vào hoàn cảnh trớ trêu. Họ nhiều khi lựa chọn sống chung vì thấy cách này tốt đẹp và hữu hiệu nhất cho mình.
Đằng khác, cũng không thể bỏ qua khía cạnh sống chung trong liên hệ tương giao. Một cách tích cực, giúp cho họ nhìn thấy giá trị đáng quý trọng của bí tích hôn nhân Công giáo, và tin vào ơn Chúa trợ giúp vượt qua những khó khăn. Đưa ra những tấm gương tốt, thực tế và cụ thể; cho họ biết rằng lời hứa trung thành không phải là điều cản trở đời sống hôn nhân. Ngược lại, đây chính là động lực nối kết, yêu thương và nâng đỡ nhau nhiều hơn.[19]
Vì hoàn cảnh của các cặp sống chung không giống nhau, do đó, mục vụ dành cho họ cũng không hoàn toàn đồng nhất.
A. Tổng quát.
Nơi đây, lại một lần nữa, nên nhớ đến mạch văn và ngôn ngữ của thượng hội đồng giám mục 2014. Văn bản đã dùng lời lẽ rất nhẹ nhàng khi nói về các vấn đề gia đình và đời sống hôn nhân. Thượng hội đồng dùng cụm từ “những cặp sống trong hoàn cảnh bất thường,[20] thay vì người tội lỗi.
Một cách cụ thể, khi hai người sống chung đến gặp linh mục, thầy sáu[21] xin giúp đỡ tư vấn gia đình, xưng tội, chứng nhận giấy tờ, nên dùng cơ hội này nhắc nhở họ về định nghĩa hôn nhân theo Giáo hội. Một số chuyên viên xã hội và linh hướng gia đình đề nghị, sau khi lắng nghe hoàn cảnh và nhìn nhận thiện chí tìm về Giáo hội, dù vì cần bí tích cho con cái, hay nhu cầu nào đó, nên đặt ra những gợi ý chung như:
Hôn nhân là vấn đề của toàn gia đình, trong đó có vợ-chồng, cha-mẹ, con cái hay chỉ là sự lựa chọn của hai người?
Hôn nhân phải chăng là sự kết hiệp của hai người cùng chia sẻ một tâm tình, một đời sống, hay chỉ là sự chung sức trong một thời gian?
Xã hội, Giáo hội và gia đình đóng vai trò nào trong liên hệ của hai người?
Gia đình, Giáo hội có thể làm gì giúp họ hơn nữa?
Từ quan niệm nền tảng trên, những câu hỏi sau sẽ rất giúp ích cho hai người nhìn đến mối liên hệ của họ như:
Đâu là lý đó khiến các bạn quyết định sống chung? Sự dấn thân dành cho nhau bây giờ có khác với sự dấn thân lúc mới quyết định sống chung không?
Gia đình, cộng đoàn và xã hội nghĩ thế nào về việc sống chung nầy? Bạn cảm thấy thế nào khi gặp gỡ gia đình?
Các bạn có nghĩ rằng mối liên hệ hiện nay sẽ thay đổi? Sẽ tốt hơn, sẽ tệ hại hơn?
Bạn có nghĩ rằng ngày nay là thời điểm tốt để chính thức cử hành bí tích hôn phối trong nhà thờ?
B. Trường hợp hai người đến xin làm lễ cưới
thì vấn đề dễ hơn. Sau khi chúc mừng quyết định can đảm của họ, thừa tác viên mục vụ giúp họ hiểu biết ý nghĩa và giá trị của bí tích hôn nhân, của lời hứa trung thành, và sự bền vững của hôn phối.[22]
Các vị có trách nhiệm nên giải thích cho đôi hôn phối hiểu Tin mừng theo quan niệm của người trẻ. Ða số những người này sống chung là vì sợ trách nhiệm, sợ hy sinh, không muốn chịu khó, và ngần ngại khi nhìn đến tương lai. Do đó, nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh hy sinh theo nghĩa chịu đau khổ -dù là hy sinh vì Chúa hay vì gia đình- chúng ta lại đào sâu thêm những khó khăn mà họ đang muốn tránh!!! Cần cho họ nhận ra có nhiều loại hy sinh, và không phải hy sinh nào cũng buồn phiền. Có những hy sinh hạnh phúc. Giúp họ nhớ, trong tiến trình tình yêu, đã có bao giờ họ cảm nghiệm được hạnh phúc trong hy sinh chưa? Ðã có bao giờ họ chờ đợi nhau với lòng mong đợi; khi gặp nhau thì mọi nỗi mệt nhọc đều tan biến? Ðã có bao giờ họ tự hào vì làm việc tốt giúp đỡ người khác? Giúp người khác là hy sinh, và hy sinh này mang lại hạnh phúc. Rõ ràng các bạn trẻ ngày nay sẵn lòng hy sinh dấn thân giúp người, nhưng chưa nhìn ra hy sinh cho nhau trong gia đình!
Song song với hy sinh là ơn Chúa. Hỏi họ ý hiểu thế nào ý nghĩa của kinh Lậy cha, của lời kinh “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con?”
Bên cạnh việc đưa ra những lời khuyên nhủ, vị thừa tác viên mục vụ nên lắng nghe, và giúp chính đôi hôn phối nói ra tâm sự của họ, giúp họ tìm ra phương hướng cho đời sống dựa trên Tin mừng và Tình yêu đích thực của Thiên Chúa.
C. Với những người sống chung lâu năm,
đã có con cái, vấn đề chính mà họ quan tâm là bí tích của con cái, là việc hợp thức hóa đời sống hôn nhân, là việc xin tiêu hôn, hoặc một trong hai người quyết định theo đạo Công giáo. Bên cạnh các vấn đề liên quan đến giáo luật phải làm, vị thừa tác viên mục vụ cần mang tâm tình của người chăn chiên tìm được con chiên lạc -mà hơn thế nữa, không phải mình đi tìm nhưng chính họ đến với Chúa qua mình,- hay tâm tình của người phụ nữ đốt đèn tìm thấy đồng tiền bị mất.
Đừng ngần ngại hỏi họ mong mỏi Giáo hội làm gì, và những gì mình có thể làm cho họ. Nhiều cặp vợ chồng cho biết, họ xa lìa Giáo hội không chỉ vì các luật lệ, mà còn vì các thừa tác viên mục vụ quá cứng rắn khi giải thích luật!!!
Thực ra, ngay trong các buổi tranh luận của thượng hội đồng, các nghị phụ cũng không hoàn toàn đồng ý với nhau. Một khuynh hướng chủ trương không nên nhân nhượng quá mức vì như vậy sẽ làm sai ý Chúa. Khuynh hướng khác cho rằng mọi người vẫn phải sống theo lời dậy phúc âm, nhưng đồng thời hãy để ơn Chúa tác động trong người nhận, dù bây giờ kết quả tốt đẹp đó chưa rõ ràng.
Cũng nên biết, nơi nhiều giáo xứ Hoa kỳ, có các mục vụ khác nhau, như chương trình giáo lý cho người tân tòng, giáo lý cho người Công giáo nhưng từ lâu không sống đạo, chương trình dự bị hôn nhân, chương trình giáo lý trẻ em… Các vị giảng viên giáo lý này, đa số vì đang sống đời hôn nhân, nên sự thông cảm xem ra dễ dàng hơn với người trong cùng hoàn cảnh.
Mục vụ cho người sống chung quả thực quan trọng và cần thiết cho người thời nay. Như thượng hội đồng nhận xét, tuy bây giờ hiện tượng sống chung phổ thông nơi các nước Âu Mỹ hơn là Á châu và Phi châu, nhưng cứ theo triều sóng toàn cầu, vấn đề sẽ nhanh chóng lan ra mọi nơi. Trong khi không thể chấp nhận sống chung như một sự kiện đương nhiên, Giáo hội đã và đang đi tìm những mô thức mục vụ tốt đẹp giúp cho mọi người.
D. Với người Việt Nam thì sao?
Tuy chưa có số thống kê chính thức dành riêng cho người Việt Nam -dù tại hải ngoại hay tại quê nhà- nhưng hoàn cảnh xã hội chung quanh chắc chắn tác động nhiều trên đời sống của người Việt. Chịu ảnh hưởng văn hóa và truyền thống, chúng ta vẫn chưa nhìn đến sống chung như lựa chọn công khai. Dưới áp lực của hệ thống đại gia đình, cộng đoàn, bên cạnh những thói quen xấu như nói hành, nói tỏi, được hỗ trợ thêm nhờ các phương tiện truyền thông và điện thoại miễn phí, rất khó cho người Việt Nam dám sống chung cách công khai, trừ khi cá nhân đó tách rời ra khỏi hệ thống đại gia đình. Nhiều bậc cha mẹ lấy làm lo lắng, buồn phiền và tủi hổ, khi thấy con mình sống chung, dù với người bản xứ.
Bên Việt Nam, cụm từ phổ biến nhất nói về sống chung là “Sống Thử.” Người Việt sống thử gặp nhiều khó khăn, trở ngại hơn người Hoa kỳ hoặc Âu châu. Hiển nhiên, sống thử không được luật pháp bảo vệ. Trước mặt pháp luật và trước mặt xã hội, họ luôn bị thiệt thòi. Luật hôn nhân và gia đình in ấn vào các năm 1959, 1986 và 2000 quy định hôn nhân chính thức khi:
Hội đủ các điều kiện kết hôn
Không vi phạm điều luật của luật hôn nhân và gia đình
Thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại còn quan nhà nước có thẩm quyền.
Còn với người Việt Nam tại cả hải ngoại -cũng như nước nhà-, các cặp sống chung - trước khi quyết định về ở chung với nhau- dù trong thời gian ngắn hoặc dài, nên nhớ đến các thách đố đã được nên trên như:
Hôn nhân là vấn đề của toàn gia đình, trong đó có vợ-chồng, cha-mẹ, con cái hay chỉ là sự lựa chọn giữa hai người? Đại gia đình của bạn đóng vai trò nào trong đời sống của bạn? Phải chăng sau khi quyết định sống chung, bạn chấp nhận mất cả đại gia đình, trong đó có cha mẹ, ông bà và họ hàng? Bạn nghĩ thế nào khi vào các dịp lễ lớn của gia đình, bạn vắng mặt, và không thấy an bình khi phải mang người sống chung về cùng vui? Bạn có can đảm giới thiệu người bạn đó cho bà con thân thuộc? Dù bạn có thể “phớt lờ” những lời đàm tiếu, nhưng bạn cảm nhận thế nào phản ứng của người chung quanh? Cuối cùng, người bạn cùng sống chung cảm thấy thế nào trong đại gia đình của bạn?
Hôn nhân phải chăng là sự kết hiệp của hai người cùng chia sẻ một tâm tình, một đời sống, hay chỉ là sự chung sức trong một thời gian? Phải chăng sống chung vì tài chánh? Tài chánh của bạn có cần thiết đến mức phải lệ thuộc vào người khác, hơn là vào gia đình, vào nhà băng, vào bạn bè? Phải chăng sống chung vì một lý do nào nữa? Tính dục, tiền bạc, văn hoá đóng vai trò nào trong liên hệ của bạn với người sống chung? Quan trọng hơn, chắc chắn bạn đã biết, hôn nhân không phải chỉ là sự tính toán của những con số. Thông cảm, lo lắng, thương yêu, chăm sóc rất quan trọng trong các liên hệ của hai người. Bạn dự định sống chung bao lâu?
Xã hội và gia đình đóng vai trò nào tương giao giữa hai người? Đây vẫn là vấn đề đầy thách đố. Nhiều cặp quyết định sống chung vì cha mẹ không đồng ý. Trong trường hợp này, các buổi nói chuyện, thuyết trình dành cho cha mẹ đóng vai trò quan trọng. Xã hội đã thay đổi, hoàn cảnh đại gia đình cũng thay đổi, và đương nhiên các liên hệ, tương quan của mọi người trong gia đình cũng thay đổi. Cha mẹ cần tôn trọng tự do, quyền quyết định và sự trưởng thành của con cái. Các vị nên đóng vai trò hướng dẫn, cố vấn, chia sẻ kinh nghiệm hơn là vai trò cảnh sát. Trên thực tế, có nhiều bậc cha mẹ khi còn trẻ, đã trải qua kinh nghiệm tương tự như con cái của họ bây giờ, vì vậy, không muốn cho con cái phải trải qua khó khăn như mình. Tuy nhiên, không nên thiếu tin tưởng vào sự trưởng thành của con cái.
Gia đình, giáo hội có thể làm gì giúp họ hơn? Đây là điểm son tích cực của gia đình Công giáo Việt Nam. Chúng ta không thiên về khuynh hướng cá nhân như người Âu Mỹ, do đó gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ và bao bọc nhau. Tuy giáo hội và thượng hội đồng, trong tình yêu thương, chỉ dùng từ ngữ “bất thường” khi nói về các cặp sống chung, nhưng với người Việt Nam, văn hóa và phong tục không chấp nhận trạng thái này. Dầu vậy, khi giải thích lý do, những ý tưởng như “niềm tự hào của dòng họ, làm gia đình xấu hổ, mất mặt, danh giá”… không ảnh hưởng nhiều trên các người trẻ muốn sống chung. Ngược lại, càng khiến họ -vì nghĩ mình làm xấu gia đình, nên càng xa người thân hơn. Chính sự nâng đỡ, tình yêu thương, kỷ niệm giúp họ mau quay trở lại cuộc sống và hôn nhân bình thường. Chuyện người con hoang đàng là biểu tượng: “Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!” Những kỷ niệm đẹp của gia đình khiến anh quyết định trở lại. Nếu sợ bị trừng phạt, có lẽ anh đã không dám quay về.
Người Việt chúng ta có khuynh hướng lý tưởng hóa các mong ước, và thích nói về các lý tưởng này. Ngày nay, tuổi trẻ sống với thực tế. Vì vậy, những tiêu chuẩn quá tuyệt vời mà ngay các bậc cha mẹ cũng không đạt được, khiến con cái đi tìm lối sống riêng cho mình. Giáo dục không gì tốt đẹp và cụ thể cho bằng đời sống gia đình của chính mình. Làm sao có thể dậy dỗ con cái phải hy sinh, nhường nhịn khi chính các bậc phụ mẫu cờ bạc, rượu chè, ăn nhậu be bét? Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II đã nói: Ngày nay, người ta lắng nghe các chứng nhân hơn là thầy giảng dậy. Đúng vậy. Chứng nhân và chứng từ là những bài giảng hay nhất.
Nhìn tổng quát, chưa chắc vì hợp nhau và hợp luật mà đôi hôn phối sống chung. Rất nhiều đôi cần nhu cầu hơn là cần người. Do đó, khi nhu cầu chỗ này không còn nữa, thì họ đi tìm chỗ khác. Giáo hội và xã hội nên giúp những nhu cầu tâm linh và vật chất tương xứng cho họ.
Giáo hội, đang khi mở rộng cánh cửa chào đón, phải thực sự tìm ra những phương cách cụ thể và thực tế giúp họ trở về trong an bình. Mở rộng cửa mang những nét yêu thương chân thành của người cha nhân hậu, của người mục tử tốt lành đi tìm chiên lạc, của người phụ nữ vui mừng thấy đồng bạc bị mất[23]. Không ai có thể sửa Thánh Kinh, cũng không thể giải thích sai Thánh Kinh, nhưng không thể áp dụng cách cứng nhắc phương cách giải thích Thánh Kinh, đến nỗi chính con cái của mình cũng khó nhận ra tình yêu thương và tha thứ. Do đó, trong khi nhắc nhở các cặp hôn nhân: “Bác ái mục vụ thúc đẩy Giáo Hội giúp đỡ những người đang phải chịu đựng hôn nhân tan vỡ của họ, và đang sống trong hoàn cảnh bất thường đó, hãy trông cậy vào ân sủng của Chúa Kitô.”[24] thì Giáo hội cũng dậy dỗ các người có trách nhiệm mục vụ trong Giáo hội: “Rõ ràng, trong những trường hợp bất thường này, Giáo hội không nên có thái độ của một quan toà, lên án,[25] nhưng mang tâm tình của người mẹ luôn luôn đón nhận con cái của mình và băng bó những vật thương đó cho mau lành (Xc. GE, 139-141). Với lòng thương xót sâu thẳm, Giáo hội được mời gọi tìm ra những phương cách cùng đồng hành nhằm nâng đỡ con cái của mình trên con đường hòa giải. Với lòng kiên nhẫn và hiểu biết, mẹ Giáo hội cần giải thích cho những người nầy hiểu rằng khi họ không được nhận lãnh các bí tích, không có nghĩa là họ bị khai trừ khỏi đời sống Kitô giáo và khỏi các liên hệ với Thiên Chúa.”[26]
Nếu Chúa sống vào thời đại này rao giảng Tin mừng cứu độ, Chúa sẽ giúp chúng ta sống ra sao? Chắc chắn, dụ ngôn người cha nhân hậu luôn mở rộng cửa, chào đón con mình trở về sẽ là phương cách quan trọng Chúa dùng. Nên lưu ý thêm nơi đây, vào phần cuối câu truyện dụ ngôn, Chúa kể lại chuyện người con lớn cảm thấy bất mãn vì cha của cậu đón tiếp người em đầy tình yêu thương: “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu làm thịt con bê béo, vì cậu ấy mạnh khoẻ.” Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: “Cha ơi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn đàng điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”
“Nhưng người cha nói với anh: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy”[27].
Đây chính là tâm tình mục vụ Giáo hội và chúng ta nên có khi chào đón những anh chị em sống chung trở về nhà cha: “Vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy.” Nói cách khác đi, tâm tình “Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà vì thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn đàng điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng” không giúp nhiều cho cậu em đi lạc lối, nhưng chính tình yêu thương của người cha đã giúp cậu trở lại và ở lại trong nhà cha của mình là Giáo hội.
“Hãy mang tâm tình của người mẹ luôn luôn đón nhận con cái của mình, và băng bó những vết thương đó cho mau lành”
-------------------------------------
[1] Trong bài này chúng ta sẽ gọi ngắn gọn là sống chung
[2] United States Conference of Catholic Bishops (USCCB), Marriage Preparation And Cohabiting Couples. 1999
[3] Trong bài này, chúng ta chú trọng đến sống chung giữa hai người khác phái. Đã một thời, bộ phim truyền hình “The Three Company” (1977-1984) rất nổi tiếng và được nhiều người xem. Có thể đây là giai đoạn khởi đầu của truyền thông Hoa kỳ nhìn đến sống chung như hình thức hợp lý và hợp pháp.
[4] Cho đến năm 2013, bốn tiểu bang Idaho, Utah, South Carolina va Minnesota vẫn chưa nhìn nhận giá trị pháp lý của các cặp sống chung.
[5] Popenoe, David and Barbara Whitehead, The State of Our Unions: The Social Health of Marriage in America, National Marriage Project, Rutgers University. 2005.
[6] Lu, Hsien-Hen, Trends in Cohabitation and Implications for Children’s Family Contexts in the U.S. 2000.
[7] Gubernskaya, Zoya, Attitudes toward Cohabitation in 28 Countries: Does Marital Status Matter? University of California
[8] United States Conference of Catholic Bishops, ibid, Irvine. 2008.
[9] Bumpass, Larry L., James A. Sweet, Cohabitation, Marriage and Union Stability, University of Wisconsin-Madison. 1995.
[10] Demography 26. National Estimates of Cohabitation, các trang từ 615-630. 1989
[11] Bumpass & Sweet, ibid.
[12] Bumpass & Sweet, ibid; Davis Hall and John Zhao, Cohabitation and Divorce in Canada: Testing the Selectivity Hypothesis, Journal of Marriage and the Family, v. 57. 1995
[13] Bumpass & Sweet, ibid.
[14] Booth, Alan; David Johnson, Premarital Cohabitation and Marital Success, Journal of Family, Issues 9. 1988
[15] Booth, Alan; David Johnson, ibid.
[16] Waite, Linda, The Negative Effects of Cohabitation, vol. 10; issue, dựa trên thống kê của “National Health and Social Life Survey.” 2000
[17] Singh, Supriya and Jo Lindsay, Money in heterosexual relationships, Australian and New Zealand Journal of Sociology. 1996; Ressler, Rand W and Melissa Waters, Risk, cohabitation and marriage, 1995.
[18] Gravissimum Educationis, viết tắt là GE, số 47
[19] USCCB, ibid
[20] Thượng hội đồng 2014, số 92
[21] Chúng ta sẽ gọi chung là các thừa tác viên mục vụ
[22] Tuy nhiên, bước đầu tiên là làm sao để biết cặp nam nữ đó đang sống chung? Thông thường, địa chỉ trên bằng lái xe cho họ biết có đang sống chung hay không.
[23] Luca 15
[24] Thượng hội đồng 2014, số 103
[25] Xin coi bài giảng của Đức giáo hoàng Phanxico, 28 tháng 2 năm 2014
[26] Thượng hội đồng 2014, ibid
[27] Luca 15: 11-32