4: Thần Học Luân Lý
1. ĐẦU ĐỜI VÀ CUỐI ĐỜI: MỤC VỤ LUÂN LÝ GIÚP TRỢ SINH SẢN - MỤC VỤ LUÂN LÝ GIÚP HỒI SINH VÀ GIÚP KÉO DÀI SỰ SỐNG
(Linh mục Joseph Nguyễn Thanh Sơn, M.Div., M.A., B.C.C., S.T.D., tiến sĩ Thần Học Luân Lý, là Tuyên Uý và Giảng Sư tại University of California Irvine, School of Medicine, cũng là Quản Hạt 4 và chuyên viên Thần Học - Y Đức của Giáo Phận Orange, California, hiện đang cư trú ở Giáo Xứ Thánh Linh tại Fountain Valley, California.)
PHẦN I : NGUYÊN TẮC MỤC VỤ LUÂN LÝ CỦA NHỮNG PHƯƠNG PHÁP HỒI SINH VÀ TRỢ SINH ĐỂ KÉO DÀI SỰ SỐNG
Bối Cảnh Của Kỹ Thuật Bảo Trì Sự Sống Thể Chất
Giới răn trong Kinh Thánh dạy chúng ta không được giết người hay tự sát. Cùng một lúc Kinh Thánh dạy chúng ta phải chấp nhận sự chết, nhất là phải chấp nhận nó như là một hành động của những người làm nhân chứng của Chúa Giêsu. Phúc Âm Marco 8:34-35 (và Luca 9:23-24) Khẳng định:
“Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình.”
Hơn nữa, tìm sự chết lành trong Chúa vẫn là niềm hy vọng của mọi tín hữu, như lời mãn nguyện của Ông Simeon khi được ẵm Chúa Hài Đồng trong Phúc Âm theo Luca 2: 29-32:
“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ. Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.”
Trong thời đại này, đặc biệt tại Hoa Kỳ, số người được sống và chết tự nhiên trong hoàn cảnh an bình càng ngày càng hiếm. Phần nhiều người ta ra đi dần mòn lở loét ở viện dưỡng lão với các thứ bệnh mãn tính, trong khu đặc biệt Intensive Care Unit (ICU) của nhà thương, đang khi hồi sinh nhân tạo, hay trên bàn mổ, v.v... Cùng một lúc, những kỹ thuật y học để bảo trì người chết bất đắc kỳ tử, trong khi lượng định các cơ phận nhằm mục đích cống hiến cho kẻ khác (organ donation), thì càng ngày càng tinh vi. Những kỹ thuật này cũng được dùng “lây” để kéo dài sự sống vất vưởng của những người dở sống dở chết, và nhiều người có khái niệm cho rằng những kỹ thuật và phương pháp đó có thể áp dụng không ngưng cho đến bất cứ lúc nào tuỳ ý.
Khi tính mạng treo mành, dù căn bệnh không còn chữa trị được nữa, thân nhân phần nhiều vẫn muốn bệnh nhân được nhồi tim, ép tĩnh-động mạch, gắn máy trợ thở, đút ống khí quản, đặt ống dinh dưỡng. Một số làm như vậy vì những lý do tình cảm như sợ sự chết, hay vì quá gắn bó với người thân. Nhưng một số lại nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo và luật Chúa đòi hỏi phải áp dụng mọi phương pháp kéo dài sự sống. Có một số cho rằng khi ngương những hoạt động này là gây tội giết người.
Tuy không thể giải nghĩa và liệt kê tất cả, đại khái chúng ta có thể gọi chung những phương pháp này bằng anh ngữ phổ thông là “Life Sustaining Treatment,” và gồm có Cardio Pulmonary Resuscitation (CPR), Vasopressors, Percutaneous Endoscopic Gastronomy tube (PEG) [khác với Nasogastric (NG) tube], Tracheotomy và Respirator, Bi-Level Positive Airway Pressure (BPAP), Transfusion, Dialysis, và vài phương pháp đặc biệt hiếm có khác. Những phương pháp này đều có công hiệu hoặc gây chấn thương ít nhiều, và chúng nghiêng về khoa học kỹ thuật nhận tạo hơn là thể lý tự nhiên. Chúng được áp dụng để cấp cứu và mua thời gian trong khi bác sĩ và gia đình định liệu, chứ không phải để chữa bệnh. Trên đường dài thì hầu như tất cả những phương pháp này đều dẫn đến cái chết không tự nhiên và không an lành nếu căn bệnh tiếp tục hoành hành. Trường hợp điển hình là các nạn nhân bị đứng tim. Sau khi đứng tim, máu không mang oxygen lên óc, và nếu cấp cứu không kịp, thì phần nhiều não bộ chết vì thiếu oxygen. Phần óc còn lại sống trong tình trạng thực vật. Nếu tiếp tục dùng những phương pháp trên nhiều lần hay lâu dài thì bệnh nhân sẽ vỡ ngực, vỡ mạch, dập phổi, nhiễm trùng toàn bộ, tụ độc tố, lở loét, v.v... Theo thống kê thì gần như tất cả sẽ chết chậm trong những tình trang rất đáng thương. Có một số trường hợp rất hiếm hoi, là một hai phương pháp này có thể dùng lâu dài với những bện nhân đang tỉnh táo và đang có thể sinh hoạt đủ mức để tránh những hậu quả trên.
Phân Biệt Sự Giết Người
Bối cảnh trên là một trong những nguyên nhân đang gây nên một cuộc cách mạng “đòi chết.” của một số người trong xã hội. Ngoài một số nhỏ các nước trên thế giới, vài tiểu bang tại Hoa Kỳ cũng đã áp dụng đạo luật cho phép bác sĩ giúp bệnh nhân tự kết liễu cuộc đời bằng cách cho toa và bộ tiêm thuốc độc (chưa có tiểu bang nào cho phép chính bác sĩ tiêm thuốc bệnh nhân như có thể làm với tử tội).
Luận điệu của nhóm tự kết là họ không muốn phải chết lần mòn trong những trường hợp đau khổ khi họ mang những căn bệnh không chữa được. Họ không muốn bị ép phải kéo dài sự sống bằng những phương pháp cay nghiệt.
Dư luận quần chúng, kể cả những người Công Giáo, dễ nghiêng về phía những người đòi quyền tự kết vì họ hiểu lầm cả giáo huấn của Giáo Hội lẫn thâm ý của nhóm đòi quyền tự kết. Một số những người giữ lập trường chống lại nhóm này cũng không kém sai lầm khi họ có cái nhìn tuyệt đối về sự sống và có những đòi hỏi áp dụng những phượng pháp trợ sinh mâu thuẫn với giáo huấn về đời sống tự nhiên.
Trước kia, hành động khử trừ những người mang bệnh tật trong xã hội hoặc hành động giúp bệnh nhân kết liễu cuộc đời được gọi chung là “euthanasia.” Danh từ này lấy từ tiếng hy lạp có nghĩa là “chết vui.” Tuy nhóm tự kết ngày nay không dùng danh từ này nhưng cốt lõi là họ tin vào tư tưởng đằng sau phong trào euthanasia. Xin mạn phép dùng danh từ “an tử” và “tự kết” để thay cho “euthanasia.” An-Tử luôn bị lên án bởi quốc tế và Giáo Hội Công Giáo vì chúng ta coi đó là hành động giết người, cố sát. An tử được coi là cố sát vì theo định nghĩa nó là một hành động có chủ ý làm ra cái chết của mình hay người khác, trong khi bình thường họ không phải chết. An tử là cố sát vì chủ ý là gây ra cái chết. Tuy nhiên một số khá đông người thời nay lầm lẫn việc giết người với việc ngưng các phương pháp kép dài sự sống và họ cho rằng chính Thiên Chúa và Giáo Hội dạy là phải “còn nước còn tát.” Lầm lẫn này mang đến nhiều tai hại đến danh tánh của Giáo Hội lẫn công cuộc loan truyền giáo huấn chân chính.
Để đi thẳng vào vấn đề, trong tông thư Evangelium Vitae, năm 1995, Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định như sau:
“Quyết định an-tử-tự-kết phải được phân biệt với quyết định từ chối những phương pháp được gọi là “trị liệu quá công kích.” Nói cách khác, đó là những y pháp không còn tương xứng với tình trạng của bệnh nhân, có thể vì lúc đó những y pháp ấy không còn kết quả thoả đáng hay vì lúc đó chúng đặt quá nhiều gánh nặng trên bệnh nhân và gia đình họ
Trong những trường hợp khi sự chết đã gần hay không thể tránh khỏi, người ta có thể theo đúng lương tâm mà từ chối những phương pháp mà chỉ làm cho họ sống dài hơn một cách vất vưởng và nặng nề, miễn là không ngưng chận những sự lo liệu bình thường cho những người trong hoàn cảnh tương tự.
Khước từ những phương pháp vượt quá lẽ thường hay những phương pháp vượt quá cân xứng không phải là giết người hay tự tử; nó chỉ nói lên sự chấp nhận thân phận con người khi đối diện cái chết.”
“Euthanasia must be distinguished from the decision to forego so called ‘aggressive medical treatment,’ in other words, medical procedures which no longer correspond to the real situation of the patient, either because they are by now disproportionate to any expected results or because they impose an excessive burden on the patient and his family.”
“In such situations when death is clearly imminent and inevitable, one can certainly in conscience refuse forms of treatment that would only secure a precarious and burdensome prolongation of life, so long as the normal care due to the sick person in similar cases is not interrupted.”
To forego extraordinary or disproportionate means is not the equivalent of suicide or ethanasia; it rather expresses acceptance of the human condition in the face of death. (# 65)
Trong di chúc, chính Đức Gioan Phaolô II cũng đã từ chối những phương pháp hô hấp và trợ sinh nhân tạo, và ngài đã qua đời an bình tại gia, không gắn bất cứ ống khí quản hay mổ đường dưỡng sinh nhân tạo nào.
Căn bản Luân Lý Khi Áp Dụng, Từ Chối, Hay Ngưng Y Pháp
Trước đó, Đức Piô XII là một trong những vị giáo hoàng phải đối phó với những kỹ thuật hồi sinh và trợ sinh nhân tạo tân tiến. Trong diễn văn “Việc Kéo Dài Sự Sống” tại Đại Hội Y Sĩ Gây Mê Quốc Tế (International Congress of Anesthesiologists), ngày 24 tháng 11, năm 1957, người nhấn mạnh những gì là thông thường và những gì là ngoại lệ. Người cũng khuyên giới hạn áp dụng các phương pháp hồi sinh vượt quá lẽ thường.
“Lẽ thường cũng như Luân Lý Kitô Giáo nói rằng mỗi người khi lâm bệnh ngặt nghèo (và bất cứ ai có trách nhiệm chăm sóc người đồng loại) có quyền và có trách nhiệm nhận được sự chữa trị để bảo tồn mạng sống và sức khoẻ. Trách nhiệm mà họ có đối với chính họ, đối với Chúa, đối với cộng đồng nhân loại, và nói chung đối với một số những người chỉ định, bắt nguồn từ bác ái chân chính, từ việc tuân phục Đấng Tạo Hoá, từ công lý xã hội, kể cả sự công bằng đơn thuần, cũng như từ sự tận tâm với gia đình. Tuy nhiên, họ chỉ buộc phải chấp nhận những phương pháp bình thường - tuỳ hoàn cảnh của từng người, từng nơi, từng thời đại, và từng văn hoá - nghĩa là những phương pháp mà không mang theo gánh nặng quá đáng trên chính họ hay người khác.... Vì thế, nếu những cố gắng để hô hấp hồi sinh biểu lộ một thực trạng nặng nề quá đáng đối với gia đình, đến nỗi theo lương tâm không thể tiếp tục áp đặt chúng trên họ nữa, thì họ có thể xin ngưng những nỗ lực ấy, và y sĩ có thể chiều theo ý họ.”
“Natural reason and Christian morals say that man (and whoever is entrusted with the task of taking care of his fellowman) has the right and the duty in case of serious illness to take the necessary treatment for the preservation of life and health. This duty that one has toward himself, toward God, toward the human community, and in most cases toward certain determined persons derives from well ordered charity, from submission to the Creator, from social justice and even from strict justice, as well as from devotion toward one’s family. But normally one is held to use only ordinary means--according to circumstances of persons, places, times, and culture--that is to say means that do not involve any grave burden for oneself or another.... Consequently, if it appears that the attempts at resuscitation constitutes in reality such a burden for the family that one cannot in all conscience impose it upon them, they can lawfully insist that the doctor should discontinue these attempts, and the doctor can lawfully comply.”
Trong diễn văn này, Đức Piô XII cũng xác định thêm rằng y sĩ vẫn có thể theo đúng lương tâm mà gián đoạn những phương pháp hô hấp nhân tạo, dù hoạt động tim mạch của bệnh nhân chưa ngưng, nếu những phương pháp này quá công kích và nặng nề nhưng không mạng lại kết quản mong muốn. Trên thực tế, có nghĩa là luân lý Công Giáo cho phép ngưng ống bơm hơi vào khí quản trong những trường hợp vô phương, dù tim mạch của bệnh nhân chưa ngưng và dù bệnh nhân chưa “chết” theo định nghĩa y học.
Đối với các y sĩ, Giáo Hội cũng khuyến khích họ làm tròn bổn phận giúp người ta bớt đau đớn chứ không phải chỉ cố gắng kéo dài cuộc sống mà thôi. Trong thư gửi Liên Hội Y Sĩ Công Giáo Quốc Tế (International Federation of Catholic Medical Associations) ngày 3 Tháng 10, năm 1970, Đức Phaolô VI đã ghi nhận:
“Trách nhiệm của y sĩ cũng bao gồm nỗ lực xoa dịu đau khổ thay vì kéo dài sự sống, mà đang đến lúc mãn kết tự nhiên, bằng bất cứ cách nào hay trong bất cứ hoàn cảnh nào.”
“The physician’s duty consists rather of endeavoring to soothe the suffering instead of prolonging as long as possible by any means and under any conditions a life that is naturally approaching its conclusion.”
Đức Phaolô VI cũng nói thêm rằng trách nhiệm của y sĩ vừa là tránh giúp người ta kết liễu cuộc đời một cách không tự nhiên, vừa là giúp người ta được chết tự nhiên một cách êm thắm. Trong diễn văn gửi Thế Hội Trường Y Khoa Tâm-Thể-Lý Quốc Tế (Congrès Mondial du Collège International de Médicine Psychomomatique), năm 1975 người nói:
“Chúng ta cần nhớ rằng trách nhiệm của y sĩ là luôn luôn phò sự sống và nâng đỡ nó cho đến đoạn kết, nhưng không bao giờ chấp nhận tự kết, mà cũng không bao giờ bỏ bê trách nhiệm cao cả của con người là giúp cuộc sống trần gian đi đến kết thúc một cách đáng phẩm giá.”
“We wish to recall that it is the physican’s duty always to be at the service of life and to assist it until the end without ever accepting euthanasia or renouncing the exquisitely human duty to help it complete it’s earthly course with dignity.”
“Nous voudrions vous rappeler qu’il appartient au médecin d’être toujours au service de la vie et de l’assister jusqu’à son achèvement, sans jamais accepter l’euthanasie, ni renoncer à ce devoir si humain de l’aider à terminer avec dignité son cours terrestre.”
Ngày 5 tháng 5, 1980, trong Bản Tuyên Ngôn về Tự Kết (Declaration on Euthanasia ) Bộ Giáo lý Đức tin (Congregation for the Doctrine of the Faith) công bố khuyến khích người ta phân biệt giữa những y pháp vượt quá lẽ thường và những phương pháp bình thường, tuỳ theo hoàn cảnh, tuỳ theo ý muốn hợp lẽ của bệnh nhân và gia đình, cũng như tuỳ theo ý kiến của các y sĩ có hiểu biết vấn đề. Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng phân biệt giữa những y pháp trị bệnh mà trên nguyên tắc có thể từ chối, và những công việc chăm sóc bình thường trên nguyên tắc ai cũng cần phải có. Thánh Bô xác định rằng “được phép ngưng những y pháp vượt quá tương xứng, khi kết quả không được như ý muốn.”
“It is also permitted to interrupt these [disproportionate] means, where the results fall short of expectations. But for such a decision to be made, account will have to be taken of the reasonable wishes of the patient and the patient’s family, as also of the advice of doctors who are specifically competent in the matter.” (IV)
Một điều quan trọng là bản tuyên ngôn không những coi việc khước từ những phương pháp kéo dài sự sống vất vưởng là đúng lương tâm trong những hoàn cảnh hợp lẽ, mà cũng khuyến cáo là việc lệ thuộc một số phương pháp chữa trị theo khoa học cũng là vô luân.
“Ngày nay, ngay trong giờ lâm tử, việc bảo vệ nhân phẩm và khái niệm Kitô-hữu về sự sống, là một điều rất quan trọng, để chống lại xu hướng thiên vị kỹ thuật khoa học đang đe doạ trở nên lạm dụng. Vì thế, có người phải lên tiếng để nói lên “quyền để chết.” Lối phát biểu này không có nghĩa là tìm cái chết vì chính tay mình hay vì bất cứ cách nào bởi tay người mình lựa chọn; mà nó có nghĩa là người ta có quyền được ra đi trong an bình, theo phẩm giá của một con người và một Kitô hữu.”
“Today, it is very important to protect, at the moment of death, both the dignity of the human person and the Christian concept of life, against a technological attitude that threatens to become an abuse. Thus some people speak of a “right to die” which is n expression that does not mean the right to procure death, either by one’s own hand or by means of someone else’s one pleases, but rather the right to die peacefully with human and Christian dignity.” (IV)
Tháng 8 Năm 2007, Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng phân tích thêm về việc tiếp tế dinh dưỡng và coi đó là một việc chăm sóc bình thường chứ không phải là một y pháp. Vì thế, nói chung không được ngưng dinh dưỡng với mục tiêu làm bệnh nhân qua đời mau chóng hơn. Toà Thánh nhắc đến một ví dụ điển hình là những người đang sống trong trạng thái “thực vật” (vegetative state) mà không cần có những trợ liệu đặc biệt nào khác để sống ngoại trừ dinh dưỡng bằng ống (tình trạng này khác với những người cần thêm các y pháp nhân tạo khác như hô hấp, tiếp/lọc máu, máy thở nhân tạo, được gọi là “ventilator dependant”). Tuy nhiên, đó không có nghĩa là phải bắt buộc tiêm dinh dưỡng bằng mọi cách trong bất cứ trường hợp nào. Đôi khi chính việc đút thức ăn, đặt ống dinh dưỡng, hay phẫu thuật gây mê trong khi mổ đường dinh dưỡng lại có thể gây ra cái chết hoặc gây những thương tích mà không mang lại lợi lộc gì. Thánh Bộ đặt ra vài nguyên tắc và luật trừ:
“Không thể phủ nhận những trường hợp rắc rối cấp tính, khi bệnh nhân không thể tiêu hoá thức ăn và thức uống, việc cấp dưỡng này trở nên hoàn toàn vô dụng. Cuối cùng, cũng không thể phủ nhận cơ may trong những trường hợp hiếm hoi, phương pháp nhân tạo để cung cấp dinh dưỡng có thể quá nặng nề đối với bệnh nhân hay có thể gây nên những đau đớn thân xác; ví dụ như những phụ chứng mà việc dùng phương pháp gây ra.”
“Nor is the possibility excluded that, due to emerging complications, a patient may be unable to assimilate food and liquids, so that their provision becomes altogether useless. Finally, the possibility is not absolutely excluded that, in some rare cases, artificial nourishment and hydration may be excessively burdensome for the patient or may cause significant physical discomfort, for example resulting from complications in the use of the means employed.”
Điều cần ghi nhận ở trên là: Tuy việc cung cấp dinh dưỡng là một cung ứng tự nhiên và bình thường nên làm, những phẫu thuật, tiến trình, và máy móc liên hệ vẫn có thể được coi là quá nghiêng về nhân tạo và quá ngoại lệ hay không tương xứng. Ngoài ra, việc cung cấp dinh dưỡng chỉ là một trong nhiều y pháp kéo dài cuộc sống. Một mình nó có thể là bình thường, nhưng khi phải tiếp tế dinh dưỡng trong bối cảnh cấp cứu với các kỹ thuật khác như hô hấp, ép tim, tiếp máu, đặt ống khí quản, thì tiến trình ấy sẽ có thể trở nên quá rắc rối, nặng nề và ngoại lệ.
Đối Phó Với Sự Chết Khi Từ Chối Kéo Dài Sự Sống
Nếu không chấp nhận tự kết, mà cũng không chấp nhận kéo dài sự sống vất vưởng bằng những y pháp nhân tạo, mà cũng từ chối những y pháp vượt quá nhân phẩm và lẽ thường, thì loài người phải đối phó cách nào với những trường hợp ngặt ngèo?
Trong Evangelium Vitae #65, Đức Gioan Phaolô II đã ghi nhận một y pháp hợp lẽ theo tinh thần Kitô Giáo để đối phó với thực trạng bệnh tử và đau khổ của thân xác con người. Y pháp này bắt nguồn từ những nỗ lực Công Giáo chống lại phong trào Tự Kết và ngày nay đã lan tràn đi nhiều nơi, từ nhà thương đến hospice. Đức Giáo Hoàng Người nhắc tới “Palliative Care” tạm dịch là khoa “An-Trị” với những lời như sau:
“Trong y khoa thời nay, đã có thêm sự chú ý về việc gọi là “những phương pháp An-Trị,” tức là những phương pháp có mục tiêu giúp bệnh nhân chịu được đau khổ trong những thời kỳ cuối của cơn bệnh và bảo đảm rằng họ được nâng đỡ và đồng hành trong cơn thử thách. Một trong những vấn nạn được nêu lên trong hoàn cảnh này là luân lý của việc dùng các loại thuốc giảm đau cũng như thuốc an thần để giải toả đau nhức của bệnh nhân, dù ứng dụng đó có thể làm ngắn đi cuộc sống. Thật đáng khen khi một người tự nguyện chấp nhận đau khổ bằng cách từ chối những thuốc gây mê để trí óc được sáng sủa, và nếu là người có đức tin, để ý thức việc thông phần với Sự thương khó của Chúa. Dù vậy, tư cách đạo đức “anh dũng” đó không phải là trách nhiệm của mọi người. Đức Pio XII đã xác nhận rằng giải toả đau nhức bằng thuốc gây mê, dù có thể làm giảm ý thức và rút ngắn mạng sống, là theo đúng luân lý.... Trong trường hợp như vậy, cái chết không phải do cố tình hay chủ ý, dù theo lý lẽ bình thường người ta biết nguy cơ đó, mà là do ước muốn giảm bớt đau đớn bằng những loại thuốc trị đau mà y học cống hiến.”
“In modern medicine, increased attention is being given to what are called “methods of palliative care,” which seek to make suffering more bearable in the final stages of illness and to ensure that the patient is supported and accompanied in his or her ordeal. Among the questions which arise in this context is that of the licitness of using various types of painkillers and sedatives for relieving the patient’s pain when this involves the risk of shortening life. While praise may be due to the person who voluntarily accepts suffering by forgoing treatment with pain-killers in order to remain fully lucid and, if a believer, to share consciously in the Lord’s Passion, such “heroic” behaviour cannot be considered the duty of everyone. Pius XII affirmed that it is licit to relieve pain by narcotics, even when the result is decreased consciousness and a shortening of life, “if no other means exist, and if, in the given circumstances, this does not prevent the carrying out of other religious and moral duties.” In such a case, death is not willed or sought, even though for reasonable motives one runs the risk of it: there is simply a desire to ease pain effectively by using the analgesics which medicine provides. All the same, “it is not right to deprive the dying person of consciousness without a serious reason”: as they approach death people ought to be able to satisfy their moral and family duties, and above all they ought to be able to prepare in a fully conscious way for their definitive meeting with God.”
Đức Gioan Phaolô II, dựa theo lời Đức Piô XII cũng nói thêm rằng không nên cẩu thả làm cho người bệnh bị hôn mê mà không có lý do chính đáng. Khi cái chết gần kề, nếu có thể, bệnh nhân cũng nên được tỉnh táo để lo trách nhiệm đối với gia đình và bổn phận đối với Chúa; và để họ có cơ hội chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Thiên Chúa.
Dựa trên Giáo Huấn của Đức Gioan Phaolô II, khoa An-Trị có những mục tiêu như sau:
1. Chính An-Trị không phải là một y pháp để chữa bệnh mà là một y pháp trợ giúp bệnh nhân bớt những phụ chứng đau đớn trong tiến trình chữa bệnh. Trách nhiệm của y khoa cũng như của mọi người, đặc biệt người Công Giáo, là xoa dịu nỗ đau của người khác. Thăm viếng bệnh nhân và cầu nguyện với họ là một nghĩa cử đúng theo luân lý y học và là một cách để xoa dịu khổ đau.
2. Khi không còn chữa bệnh được nữa, An-Trị trở nên một tiến trình giúp bệnh nhân ra đi một cách an bình và tự nhiên mà không cần đến việc đòi Tự-Kết. Đặc biệt là An-Trị gồm cả những phương pháp hướng về tâm linh và tâm-sinh-lý chứ không phải chỉ là vệc cho toa thuốc an thần hay giảm nhức.
3. Trong y khoa có ba khiếu năng tổng quát, đó là chẩn bệnh, trị bệnh, và lượng bệnh; tức là tìm ra căn bệnh, tìm cách chữa bệnh, và tiên đoán bệnh tình sẽ đi về đâu. Khi gia đình và bệnh nhân lưỡng lự về đường hướng chữa bệnh thì khoa An-Trị giúp họ tiến tới mục tiêu và quyết định theo tiến trình của bệnh, kể cả việc phân tích những gì là đúng theo luân lý của họ.
Mục vụ tâm linh đối với bệnh nhân là trách nhiệm không những của linh mục mà của tất cả mọi Kitô Hữu. Đó cũng là một phần quan trọng của An-trị. Chính bệnh nhân cần được chuẩn bị sớm sủa để nhận các bí tích chứ không phải đợi đến lúc nguy tử, và nhất là khi đã hôn mê. Nhiều người, kể cả các vị mục tử, lầm tưởng cho rằng mục vụ cho bệnh nhân chỉ gói gém trong bí tích xức dầu hay trao Mình Thánh như của ăn đàng, và họ cũng lầm lẫn cho rằng bí tích xức dầu bệnh nhân chỉ dành cho người hấp hối. Lầm tưởng này đưa đến nhiều mê tín dị doan. Hơn nữa khi quá chủ tâm kéo dài sư sống, bệnh nhân và gia đình sẽ đặt hy vọng viễn vông vào một cứu tinh nào đó. Họ sẽ không được sự hướng dẫn để chuẩn bị cho sự chết một cách đúng mức và đúng thời điểm. Thường khi mục tử có liên hệ thì đã quá trễ, và việc cử hành các bí tích trở nên như thông lệ hay thần chú.
Kết Luận
Qua những huấn dụ của Giáo Hội, điều cần biết là lượng định rồi phân biệt giữa những y pháp bình thường, tương xứng lợi hại (ordinary and proportional), với những gì ngoại lệ, không tương xứng lợi hại (extraordinary and disproportionate). Ngoài ra, cũng phải nhận rõ rằng khi ngưng những y pháp nhân tạo để cho phép bệnh nhân qua đời không phải là giết người hay tự kết. Những phân biệt này sẽ nổi bật tuỳ theo hoàn cảnh, lượng định của y sĩ, và nhất là chủ ý và sức chịu đựng của mỗi cá nhân cũng như người thân. Nguyên tắc hành động là hướng về bác ái cũng như tự nhiên thay vì kiết liễu hay kéo dài cuộc sống không tự nhiên. Và không nên hành động theo trực tính và cảm tình. Mỗi người trong khi còn minh mẫn nên làm di chúc hay dặn dò tường tận để người thân có thể hành động theo ý mình khi mình không còn khả năng quyết định nữa.
Sống cũng phải tự nhiên mả chết cũng phải tự nhiên. Sống chỉ nhờ máy móc và kỹ thuật y pháp thì đã không tự nhiên; chết vì tiêm thuốc tự kết cũng không tự nhiên; mà chết trong khi nhồi tim hay đặt ống trợ thở và tiêm thuốc ép mạch cũng là điển hình của một cái chết không tự nhiên và rất đáng buồn. Ai cũng sợ chết, nhưng chết trong khi thân xác mình bị hành hạ và tâm hồn không được bình an thì lại càng đáng sợ hơn.
Giáo Hội đưa mục vụ và luân lý vào y khoa để giúp cho con người được sống và chết an bình trong ơn nghĩa Chúa. Âu đó cũng là ước muốn của mọi người.
**************
Tài Liệu Tham Khảo:
Ashley, Benedict, O.P. & Kevin O’Rourke, O.P., Health Care Ethics: A Theological Analysis, 4th ed, Georgetown University Press, Washington DC, 1997.
John Paul II , “Evangelium Vitae: To the Bishops, Priests and Deacons, Men and Women religious, lay Faithful, and all People of Good Will, on the Value and Inviolability of Human Life,” March 25, 1995.
O’Rourke, Kevin, O.P. & Philip Boyle, Medical Ethics: Sources of Catholic Teaching, 3rd ed, Georgetown University Press, Washington DC, 1999.
Paul VI, “Letter of the Holy Father Paul VI, Signed by the Secretary of State, to the International Federation of Catholic Medical Associations,” November 3, 1970.
Paul VI, “Discours du Pape Paul VI aux Participants au IIIème Congrès Mondial du Collège International de Médicine Psychomomatique,” September 18, 1975.
Pius XII, “ The Prolongation of Life: Address to the International Congress of Anesthesiologists,” November 24, 1957.
United States Conference ofCatholic Bishops, “Ethical and Religious Directives for Catholic Health Care Services,” 5th ed, 2009.
Vatican II, Congregation for the Doctrine of the Faith, “Declaration on Euthanasia,” May 5, 1980.
Vatican II, Congregation for the Doctrine of the Faith, “Responses to Certain Questions of the United States Conference of Catholic Bishops Concerning Artificial Nutrition and Hydration,” August 1, 2007.
PHẦN II : NGUYÊN TẮC MỤC VỤ LUÂN LÝ CỦA NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TRỢ SINH-SẢN
Về những y pháp giúp thụ thai và sinh con, Giáo Hội Công Giáo hướng dẫn con người một cách khá đơn thuần. Giáo Hội nhấn mạnh hai tính chất của việc thụ thai và sinh con: Tiến trình đó là sản phẩm của tình yêu và là quà của Thiên Chúa theo định luật tự nhiên. Người Công Giáo có thể xem câu 2366-2379 trong sách Giáo Lý Công Giáo để biết một cách vắn tắt về vấn đề (Part III, Life in Christ, Section 2, the Ten Commandments; Chapter 2, “You Shall Love Your Neighbor as Yourself”; Article 6, the Sixth Commandment). Ngoài ra, để hiểu vấn đề một cách sâu xa hơn, có thể tham khảo bản tuyên ngôn của Bộ Giáo Lý Đức Tin “Respect for Human Life (Donum Vitae).”
Giáo Huấn bắt nguồn từ Kinh Thánh Cựu Ước. Điển hình, Sáng Thế Ký 1,27-31 nói:
“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” Thiên Chúa phán: “Ðây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy.” Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!”
Theo như Thánh Kinh, những gì Thiên Chúa “đã làm ra quả là rất tốt đẹp,” nhất là việc tạo dựng con người và việc khiến họ sinh sôi nảy nở. Vậy, trên nguyên tắc, Việc tạo dựng con người hoàn toàn trong tay Chúa; con cái là quà của Chúa ban; chúng ta không có quyền đòi hỏi, lựa chọn, mua bán, mướn mượn, những gì không thể có ngoài định luật tự nhiên và ơn sủng siêu nhiên.
Theo nguyên tắc trên, những phương pháp dựa trên bản năng tự nhiên được coi là đúng luân lý; và những phương pháp không theo tự nhiên là không đúng luân lý. Những phương pháp dựa trên bản năng tự nhiên có thể được định nghĩa như sau: Đứa con thụ thai và sinh ra phải là do hành động giao hợp tâm-sinh-lý giữa một người cha và một người mẹ trong hôn nhân; và được thụ thai trong bào thai của chính người mẹ ấy bằng chính dòng giống của cả hai. Những phương pháp theo tự nhiên là những phương pháp trợ giúp cho vợ chồng khi giao hợp dễ thụ thai và sau đó dễ giữ thai.
Một vài những y pháp có hiện có thể được coi là đáng khuyến khích gồm có giải phẫu để thông ống trứng, ống tinh trùng; những loại thuốc điều hoà kinh nguyệt, giúp tăng khả năng giao hợp, xuất tinh, đậu trứng; và những phương pháp dựa trên chu kỳ đậu trứng của sản phụ. Một vài trường thuốc đã dùng những phương pháp vừa hoàn toàn tự nhiên vừa hợp với khoa học để giúp nhiều người hiếm muộn thụ thai và sinh con.
Ngược lại, tất cả những hành động hay y pháp trái tự nhiên (tức là thay thế thay vì trợ giúp sự giao hợp vợ chồng) có thể được coi là vô luân. Những y pháp đó gồm có tạo dòng vô tính (cloning), cống hiến trứng ngoại dòng (egg donation), cống hiến tinh trùng ngoại dòng (sperm donation), cấy thai, mượn thai, thay thai, cấu thai trên đĩa. Ngoài tính chất vô luân vì lý do trái luật tự nhiên, hầu hết những phương pháp thụ thai nhân tạo cũng vô luân vì nhiều lý do khác, chẳng hạn như:
* Phải loại bỏ thai dư (một cách phá thai) hay giữ trong trạng thái vô định.
* Lỗi phép công bằng và công lý vì những tốn kém và đòi hỏi tài nguyên y tế.
* Mang lại những rắc rối tình cảnh xã hội mà chưa có giải đáp thoả đáng. Luật pháp cũng chưa theo kịp.
* Tỷ lệ hư thai, sẩy thai, và bệnh hoạn cho trẻ thơ quá mức bình thường.
* Tỷ lệ hậu quả tâm sinh lý tiêu cực sau này của những đứa con quá mức bình thường.
* Nhiều hậu quả chưa thể lượng định, kể cả hậu quả tâm lý của những đứa con sinh ra trong các trường hợp nhân tạo.
Một vài những y pháp khác chưa được sự lên tiếng của Giáo Hội, tuy một số các y sĩ và thần học gia vẫn coi nhữn phương pháp này không phản lại luân lý. Do đó, các cặp vợ chồng có thể dùng những phương pháp này với sự dè dặt của lương tâm cho đến khi nào Giáo Hội lên tiếng khẳng định. Một trong những phương pháp ấy là trong trường hợp ống dẫn trứng Fa-lope bị nghẽn, y sĩ có thể giúp di chuyển trứng từ buồng trứng qua khỏi lối ngẹt để khi giao hợp trứng có thể thụ tinh. Giải pháp này được gọi là Lower Tubal Ovum Transfer (LTOT). Một y pháp khác gây nhiều tranh luận hơn được gọi là Gamete Intra-Fallopian Transfer (GIFT). Y pháp đó bao hàm việc thu hồi tinh trùng từ âm hộ phụ nữ sau khi giao hợp, đặt vào chung một ống nhỏ với trứng lấy từ buồng trứng, và cùng chuyển tiếp trứng lẫn tinh trùng vào trong ống Fa-lope của phụ nữ với hy vọng sẽ thụ thai. Phương pháp này đại khái là một “đường tắt” đến cửa ngõ thụ thai sau khi giao hợp.
Vì tính chất đơn thuần của giáo huấn về những phương pháp trợ sinh sản phụ, chúng ta không có nhiều phân tích cần thiết như trường hợp của những phương pháp hồi sinh và trợ sinh để kéo dài sự sống. Tuy nhiên chính vì tính chất đơn thuần, ít di dịch ấy, mà nhiều người cũng không đồng ý hoàn toàn, kể cả những nhà thần học gia Công Giáo. Vấn đề sẽ còn được tranh cãi khi những phương pháp càng ngày càng tân kỳ.
Một điều nên nhớ là: dù coi việc thụ thai nhân tạo là vô luân, Giáo Hội không bao giờ dạy người ta ruồng bỏ những đứa con sinh ra trong những hoàn cảnh không tự nhiên. Đó vẫn là mạng sống con người đáng quí.
**************
Tài Liệu Tham Khảo:
Benedict XVI, “Address of His Holiness Benedict XVI to Members of the Potifical Academy for Life,” February 13, 2010.
Vatican II, Congregation for the Doctrine of the Faith, “Gift of Life (Donum Vitae): Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the Dignity of Procreation” February 22, 1987.
Vatican II, Catechism of the Catholic Church, 1992.
2. THÁNH GIOAN PHAOLÔ II VÀ THẦN HỌC THÂN XÁC
(Lm. Gioan Thành M. Trần Quốc Toản CMC, là tu sĩ thuộc Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ, với 24 năm khấn dòng và 9 năm linh mục, tốt nghiệp S.T.L. môn Luân Lý tại đại học Gregoriana, Rome, hiện là Cố Vấn I của Tỉnh Dòng.)
“Sau khi chết, tôi muốn được nhớ đến là vị Giáo Hoàng của gia đình.”
(Thánh Gioan Phaolô II)
Cho đến nay đã có rất nhiều bài viết nói về Karol Jozef Wojtyla, vị Giáo Hoàng được cả thế giới biết đến với tước hiệu Gioan Phaolô II. Suốt cuộc đời trần thế, nhất là từ khi lên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã gây ảnh hưởng trên rất nhiều người và được cả thế giới ngưỡng mộ. Ngài cai trị giáo triều được 27 năm, đứng thứ hai sau Đức Piô IX. Ngài cũng là người đầu tiên không phải gốc Ý lên giữ chức Giáo Hoàng và được xem là một trong những lãnh tụ tôn giáo quyền thế nhất thế kỷ XX. Ngài không giới hạn mình trong khuôn khổ an toàn của Vatican, nhưng đã phá đổ những biên giới tôn giáo, văn hóa, và tín ngưỡng để đi khắp nơi loan báo Tin Mừng yêu thương của Chúa.
Khi nhắc đến Gioan Phaolô II, mọi người đều liên tưởng đến một vị Giáo Hoàng với khuôn mặt phúc hậu, hiền hòa, khiêm tốn, dễ mến, và hăng say với sứ mạng Chúa gửi đến cho mọi người qua những chuyến tông du khắp thế giới. Nếu chỉ dõi theo những chuyến tông du của ngài, người ta có thể kết luận ngài là một con người của mục vụ. Nhưng thật ra, ngài là một học giả rất uyên thâm về triết học cũng như thần học.
Mặc dù ngài là một học giả uyên bác và là một mục tử nhân từ, ước vọng của Đức Gioan Phaolô II sau khi chết không phải là được mọi người nhớ đến với những hình ảnh đó mà ngài muốn được nhớ đến như một vị Giáo Hoàng của gia đình. Có lần ngài tâm sự với người bạn là Đức Hồng Y Caffarra rằng, “Sau khi chết, tôi muốn được nhớ đến là vị Giáo Hoàng của gia đình.” Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhắc đến ý tưởng này trong bài giảng Lễ Phong Thánh cho Đức Gioan Phaolô II. Nhớ đến ngài, Đức Hồng Y Comastri chia sẻ trong bài giảng Thánh Lễ Tạ Ơn sau ngày phong thánh của ngài như sau, “Gioan Phaolô II đã can đảm bảo vệ gia đình, một công trình của Thiên Chúa đã được ghi chép rõ ràng trong sách sự sống. Ngài đã bảo vệ gia đình trước những sai lầm và tấn công công khai chống lại gia đình đang lan tràn với ý định đi ngược lại với ý tưởng sách Sáng Thế, một công trình ngược hẳn với công trình của Thiên Chúa.”[1]
Quả thật, Thánh Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng của gia đình, Giáo Hoàng của Tin Mừng Sự Sống. Với ngài, hôn nhân và gia đình rất quan trọng. Trong khuôn khổ ngắn gọn của bài viết này, xin được trình bày sơ lược tiểu sử, tài liệu về gia đình và hôn nhân, và nhất là Thần Học Thân Xác của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Tiểu Sử[2]
Karol Josef Wojtyla sinh ngày 18 tháng 05 năm 1920 tại Wadowice, Balan. Ngài là con út của ông bà Karol Wojtyla và Emilia Kaczorowska. Karol có một người anh cả tên Edmund và một người Chị tên Olga. Chị gái Karol qua đời trước khi Karol chào đời. Mẹ mất năm 1929 trước khi Karol lên chín. Ba năm sau, năm 932, anh cả Edmund cũng qua đời. Từ đó, Karol mất đi sự vui tươi của tuổi thơ. Karol sống với bố cho đến khi ông qua đời vào năm 1941.
Các tài liệu về Karol Josef Wojtyla cho thấy: Karol Bố đã hết lòng hy sinh, nuôi nấng, và dạy dỗ Karol Con. Như người mẹ, ông chăm sóc, may vá, và giúp Karol Con học hành chăm chỉ. Là người cha, ông nêu gương và nhắc nhở con trong đời sống thiêng liêng. Kinh nguyện và lễ lạy là khía cạnh sống động trong cuộc sống gia đình của bố con Karol. Có thể nói, Karol Con có được đời sống thánh thiện và nhiệt thành với đức tin Công Giáo là nhờ công lao và gương lành của Karol Bố. Năm lên chín tuổi, Karol chịu Lễ Lần Đầu. Năm 18 tuổi, cậu lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Năm 1939, chàng thanh niên Karol theo học ngành kịch nghệ tại trường đại học Jagiellonian University ở Kracow.
Năm 1942, nghe tiếng Chúa gọi, Karol nhập chủng viện tại Kracow. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Karol tiếp tục học thần học tại đại học Jagiellonian, và vào ngày 01 tháng 11 năm 1946, Thầy chịu chức Linh Mục tại Kracow. Sau đó không lâu Cha được Đức Hồng Y Sapieha gửi sang Rôma làm việc và học tập. Năm 1948 ngài lấy bằng Tiến Sĩ Thần Học với luận án về “Đức Tin trong Việc Làm của Thánh Gioan Thánh Giá” tại Giáo Hoàng Học Viện Angelicum. Năm 1954, ngài lấy thêm bằng Tiến Sĩ Triết Học.
Bốn năm sau, năm 1958, ngài được tấn phong làm Giám Mục Phụ Tá của Krakow và trở thành Giám Mục trẻ nhất Balan. Danh tiếng ngài bắt đầu lan rộng và được các giới chức trong Giáo Hội biết đến. Tháng 12 năm 1963, ngài được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chọn làm Tổng Giám Mục của Krakow. Ngày 26 tháng 06 năm 1967 ngài được chọn vào Hồng Y Đoàn.
Sau khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI qua đời vào năm 1978, Albino Luciano lên kế vị với tước hiệu Gioan Phaolô I. Tuy nhiên, chỉ sau 33 ngày trên ngôi, Đức Gioan Phaolô I đã được Chúa gọi về. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, sau tám vòng phiếu, Karol Josef Wojtyla được bầu làm Giáo Hoàng với số phiếu 99/111. Chọn tước hiệu Gioan Phaolô II, Karol Josef Wojtyla đăng quang ngôi Giáo Hoàng vào ngày 22 tháng 10 năm 1978 và là vị Giáo Hoàng trẻ nhất trong lịch sử Rôma.
Đức Giáo Hoàng Phaolô II chèo lái con thuyền Hội Thánh được 27 năm và được Chúa gọi về vào ngày 02 tháng 04 năm 2005. Lễ an táng của ngài được cử hành vào ngày 08 tháng 04 năm 2005 với vô số người đến Rôma tham dự cũng như theo dõi qua kênh truyền hình và mạng internet. Trong số người tham dự có bốn vua, năm nữ hoàng, hơn 70 tổng thống và thủ tướng, và trên 14 vị lãnh đạo tôn giáo. Ngày 29 tháng 04 năm 2011 mộ ngài được khai quật trước sự chứng kiến của hàng ngàn người và xác ngài được đặt trước bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường. Ngày 03 tháng 05 năm 2011 xác ngài được đặt vào bàn thờ bằng đá cẩm thạch trong Nguyện Đường Pier Paolo Cristofari của Thánh Sebastian, nơi Đức Giáo Hoàng Innôcentê XI được chôn cất.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI phong Chân Phước vào ngày 01 tháng 05 năm 2011 tại Quảng Trường Thánh Phêrô và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong lên bậc Hiển Thánh vào ngày 27 tháng 04 năm 2014. Ngày 11 tháng 09 năm 2014, theo yêu cầu của nhiều người trên thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ định thêm vào lịch Công Giáo lễ kính ngài. Từ đây, cả Giáo Hội mừng kính Thánh Gioan Phaolô vào ngày 22 tháng 10, tức là ngày kỷ niệm đăng quang Giáo Hoàng của Ngài. Kết thúc cuộc đời trần thế, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để lại cho hậu thế những di sản vô cùng quý giá là gương lành đời sống và những tài liệu viết lách của ngài.
Những Công Trình Lớn của Thánh Gioan Phaolô II:
Thánh Gioan Phaolô II sinh ra và lớn lên với nhiều khó khăn dưới chế độ cộng sản. Mẹ, anh, và chị gái qua đời khi ngài còn rất trẻ. Cha ngài đã nuôi nấng và dạy dỗ ngài một mình. Nhờ lòng đạo đức và niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa được thừa hưởng từ gia đình, ngài đã lớn lên và trở thành dụng cụ đắc lực của Thiên Chúa. Có lẽ cũng vì vậy mà trong đời sống mục vụ cũng như khi lên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã quan tâm đến những vấn nạn liên quan đến hôn nhân và gia đình. Trong khi còn là linh mục, ngài đã viết nhiều về thần học cũng như triết học. Năm 1960 ngài xuất bản quyển “Tình Yêu và Trách Nhiệm - Love and Responsibility.” Đây là cuốn sách thần học bảo vệ những giáo huấn về hôn nhân của Giáo Hội dưới cái nhìn của triết học. Cuốn sách chứa đựng những hiểu biết phong phú của ngài về bản tính con người, đó là con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi sống yêu thương.
Năm 1962 ngài tham dự Công Đồng Vaticanô II và góp phần quan trọng với “Sắc Lệnh Tự Do Tôn Giáo” và “Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay.” Khi soạn thảo thông điệp “Sự Sống Con Người - Humanae Vitae,” Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chọn ngài vào Ủy Ban Giáo Hoàng về Ngừa Thai để giúp cho việc soạn thảo, nhưng chính quyền Cộng Sản Balan không cho phép ngài sang Rôma tham dự. Tuy vậy, những tư tưởng trong Tình Yêu và Trách Nhiệm - Love and Responsibility của ngài đã giúp ích rất nhiều cho bản thông điệp Sự Sống Con Người. Thật vậy, tư tưởng của ngài đã được triển khai trong phần cuối của thông điệp, nhưng những lý luận và từ ngữ ngài dùng đã không được thông điệp sử dụng chính xác, và có lẽ vì vậy mà nó đã không được đón nhận cách tích cực.[3]
Thánh Gioan Phaolô II có một niềm xác tín rất sâu sắc về tầm quan trọng của thông điệp Sự Sống Con Người - Humanae Vitae. Sau này, dựa vào những điểm chính yếu của thông điệp này, ngài đã khai triển thêm các tư tưởng về hôn nhân và gia đình. Chỉ trong năm năm đầu trong nhiệm vụ là Chủ Chăn, Thánh Gioan Phaolô II đã đưa ra sáu điểm quan trọng liên quan trực tiếp đến hôn nhân và gia đình: Thượng Hội Đồng Giám Mục về vai trò của gia đình (1980), Tông Huấn về Gia Đình - Familiaris Consortio (1981), Thành lập Viện Gioan Phaolô II cho việc Nghiên Cứu về Hôn Nhân và Gia Đình (1981), Trình bày về Thần Học Thân Xác gồm các bài giáo lý trong những buổi triều yết Thứ Tư hằng tuần (1979-1984), soạn lại Bộ Giáo Luật cho hôn nhân (1983), và bản Tuyên Ngôn của Hiến Chương về Những Quyền Lợi của Gia Đình (1983).[4] Ngoài ra, ngài còn có vài tài liệu khác như Sự Hiêp Nhất Nguyên Thủy của Người Nam và Người Nữ - Original Unity of Man and Woman và Thư Gửi Các Gia Đình - Letter to Families.
Thần Học Thân Xác
Hôn nhân là cuộc khủng hoảng thời đại. Chúng ta thường nghe rằng một nửa trong số các đôi vợ chồng ly dị. Đây là một con số đáng buồn. Con số này phản ảnh qua thảm trạng hằng ngày trong thế giới hôm nay, đó là rất nhiều cha mẹ và con cái đã cảm nhận nỗi đau nhức nhối của ly dị. Song, thử hỏi có bao giờ chúng ta nghĩ đến 50% những đôi vợ chồng đang còn sống với nhau không? Cuộc sống của họ như thế nào? Họ có hạnh phúc và cuộc sống của họ có thực sự phản ảnh tình yêu chung thủy và hy hiến của Chúa Giêsu không?
Nếu đi sâu vào cuộc sống của những đôi vợ chồng còn sống với nhau, chúng ta sẽ thấy đời sống hôn nhân của họ có nhiều khó khăn. Theo Edward Sri, đa số những đôi vợ chồng này không cảm nhận được sự mật thiết trong hôn nhân. Trong thực tế, chỉ 12% trong số 50% cặp còn sống với nhau cho rằng họ nhận được sự thân mật tình cảm từ bạn đời.[5] Điều này cho thấy một cuộc hôn nhân tốt không chỉ dựa vào việc sống chung với nhau mà còn phải phản chiếu tình yêu vị tha và hy hiến trọn vẹn của Chúa Giêsu.
Chứng kiến và nhận thức được tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình, Thánh Gioan Phaolô II đã dành phần lớn đời mình đưa ra một cái nhìn trong sáng về một hôn nhân chính nghĩa. Ngài tin rằng gia đình đóng vai trò đặc biệt trong dòng chảy truyền giáo của Giáo Hội. Trong khi gia đình đang đối diện với những khó khăn trong một thế giới khủng hoảng về văn hóa, và con người đang tìm mọi cách để tái định nghĩa hôn nhân ngược với luân lý và Tin Mừng, Thánh Gioan Phaolô II tái định hướng cái nhìn về sự thật của hôn nhân Kitô Giáo như là hoa quả ơn Cứu Chuộc của Đức Kitô. Theo ngài, nếu con người sống đời sống hôn nhân đúng với ý hướng ban đầu của Thiên Chúa, thì con người có thể làm thay đổi nền văn hóa và thế giới, vì gia đình là chủ thể sống động trong việc thiết lập nền văn minh tình thương và canh tân văn hóa Kitô Giáo.[6]
Trong những công trình quan trọng về hôn nhân và gia đình của Thánh Gioan Phaolô II, Thần Học Thân Xác- Theology of the Body là tài liệu chứa đựng những giáo huấn sâu sắc nhất. Đây là ấn phẩm gồm 129 bài giáo lý về tình yêu hôn nhân và gia đình đã được ngài chia sẻ tại Roma vào những buổi triều yết Thứ Tư hằng tuần từ tháng 09 năm 1979 đến tháng 11 năm 1984.[7] Những bài chia sẻ này đã giúp nhiều nhà thần học và giáo lý viên canh tân cách dạy về tình yêu, tình dục, và hôn nhân. Những chia sẻ trong Thần Học Thân Xác rất khó hiểu vì chúng bao gồm những suy tư rất sâu xa về triết học, thần học, cũng như huyền nhiệm. Vì thế, xin dựa vào những ý tưởng trong tập sách nhỏ God’s Plan for Love & Marriage của Edward Sri để tóm lược một số điểm then chốt của Thánh Gioan Phaolô II về ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân với mong ước nhỏ nhoi giúp người đọc hiểu hơn về đời sống hôn nhân và gia đình.
Tình Yêu Tự Hiến:
Khía cạnh quan trọng nhất về tình yêu hôn nhân chính là “tự hiến.” Thánh Gioan Phaolô II đề cập đến khía cạnh này trong bài chia sẻ đầu tiên của mình trong quyển Thần Học Thân Xác. Ngài nhắc lại câu Kinh Thánh, “Chúng ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1:26) và cho thấy Thiên Chúa tạo dựng con người để phản ảnh cuộc sống nội tâm hay tình yêu tự hiến trọn vẹn của Người. Thiên Chúa Ba Ngôi hiện hữu như một cộng đoàn gồm Ba Ngôi Vị (Cha, Con, và Thánh Thần), chia sẻ trọn vẹn cho nhau trong tình yêu, và khao khát con người phản ảnh sự hiệp thông yêu thương mật thiết này trong cuộc sống của họ. Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng được mời gọi sống như Chúa Ba Ngôi. Nói cách khác, con người được dựng nên để sống yêu thương. Vì thế, khi trao ban chính mình cho người khác trong yêu thương, con người mới tìm thấy hạnh phúc thật sự.[8]
Sở dĩ nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ hay nhiều đôi vợ chồng không cảm nghiệm được sự hiệp nhất sâu xa và niềm tin dành cho nhau là vì họ còn sống trong ích kỷ. Sự ích kỷ này đi ngược lại tình yêu hy hiến mà con người được mời gọi sống ngay từ khi họ được tạo dựng như Thánh Gioan Phaolô II đã chia sẻ. Thật thế, xã hội ngày nay đề cao chủ nghĩa cá nhân và khuyến khích mọi người sống cho riêng mình. Con người làm gì cũng chú trọng đến cái “tôi” trước, nên trong mọi tương quan, nhất là tương quan vợ chồng, mỗi cá nhân đều tìm sự vui thỏa, an nhàn, và có lợi cho mình. Vợ muốn chồng và con cái phải theo ý mình, ngược lại chồng cũng thế. Không ai dám hoặc muốn hy sinh cho người khác. Vì thế, Thánh Gioan Phaolô II nhắc nhở rằng tìm kiếm chính mình là ngõ cụt không bao giờ đưa hôn nhân đến tình yêu và hạnh phúc đích thực. Bởi lẽ con người được dựng nên vì tình yêu tự hiến và cho tình yêu hy hiến, nên tình yêu này cũng đòi hỏi mỗi người phải mưu cầu hạnh phúc cho người khác, cho hôn nhân, và cho gia đình. Bao lâu tình yêu hôn nhân không phản ảnh tình yêu tự hiến và hy hiến của Thiên Chúa, con người sẽ không bao giờ có được sự chung thủy và hạnh phúc trong hôn nhân và gia đình.[9]
Tình Trạng Cô Đơn Nguyên Thủy:
Sau khi tạo dựng Ađam, Thiên Chúa phán, “Con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2:18). Thực ra, Ađam không ở một mình vì Thiên Chúa đã đặt để ông trong vườn cùng muông thú và cỏ cây. Thế nhưng, ông vẫn cảm thấy “cô đơn” vì mình có gì đó khác với các loài thú khác. Sự khác biệt này cho thấy Ađam không chỉ có xác nhưng còn có hồn. Nói cách khác, con người khác với con thú vì con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, có hồn và xác. Theo Christopher West, con người có tự do nhờ phúc được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Ađam có tự do vì ông được mời gọi sống để yêu và được yêu. Không có tự do thì không thể có tình yêu.[10]
Trong cô đơn ban đầu, Ađam nhận thức mình được mời gọi sống ơn gọi mến Chúa yêu người. Thế nhưng, ơn gọi này khiến Ađam khó xử vì nếu được dựng nên để sống tình yêu tự hiến với người khác thì ông lại cảm thấy trống vắng vì vườn địa đàng không có ai giống ông để ông có thể trao thân. Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng con người chỉ được thỏa mãn khi sống trong tình yêu tự hiến hỗ tương, tức là không sống cho chính mình nhưng cho người khác. Khi nói, “Con người ở một mình không tốt” (St 2:18), Thiên Chúa có ý xác nhận rằng con người không thể hoàn toàn ý thức được bản chất sự tự hiến hỗ tương này, nếu bao lâu con người còn sống trong cô đơn. Chỉ khi nào hiện hữu cùng “với một người và cho một người” nào đó, con người mới ý thức được bản chất này.[11]
Hiệp Nhất Nguyên Thủy:
Để lấp đầy sự cô đơn trống vắng của Ađam, Thiên Chúa dựng nên Eva. Khi thấy Eva, Ađam mừng rỡ reo lên, “A, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (St 2:23). Có lẽ, đây là lần đầu tiên Ađam vui mừng vì từ trước đến nay ông thiếu vắng một con người giống ông.[12] Ađam vui mừng vì từ nay ông có thể sống tình yêu tự hiến mà mình được mời gọi lúc được tạo dựng. Khi hợp nhất với Eva, Ađam đã làm cho ý nghĩa này được trọn vẹn. “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2:24). Kinh nghiệm hiệp nhất này giúp Ađam vượt qua nỗi cô đơn khi thiếu vắng người khác. Sự hiệp nhất này không chỉ mang ý nghĩa thể lý mà còn nhấn mạnh đến sự hiệp nhất thiêng liêng sâu xa hơn, đó là hiệp nhất giữa hai con người với nhau.[13]
Thánh Gioan Phaolô II cho rằng sự hiệp nhất của xác và hồn trong một con người giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về tính dục con người. Ngôn ngữ thể xác có khả năng truyền đạt điều gì đó sâu xa hơn tư tưởng và thông tin. Những gì thể hiện nơi thân xác sẽ biểu lộ con người thực hay “linh hồn sống động” của họ. Thật vậy, thân xác biểu lộ con người và làm hiện hữu điều vô hình, khía cạnh thiêng liêng của con người. Điều này giúp con người thấu hiểu hơn về hành động tính dục trong hôn nhân. Hành động tính dục trong hôn nhân không chỉ giới hạn trong sự hiệp nhất thể lý, nhưng còn bày tỏ sự hiệp nhất cá nhân sâu xa hơn. Tắt một lời, thể xác bày tỏ tâm hồn. Vì vậy, khi người nam và người nữ trao thân cho nhau trong cử chỉ âu yếm là họ trao ban chính mình cho nhau. Sự hiệp nhất thân xác bày tỏ sự hiệp nhất tinh thần sâu xa là vậy.[14]
Bàn về vấn đề này, Thánh Gioan Phaolô II cho rằng ngôn ngữ cá biệt của thân xác bộc lộ “ý nghĩa phu thê của thân xác.” Nói cách khác, thân xác có ý nghĩa hôn nhân với “sức mạnh để thể hiện tình yêu: chính qua tình yêu mà con người trở thành quà tặng cho nhau. Qua món quà này, con người được thỏa mãn về ý nghĩa con người và sự hiện hữu của nó.”[15]
Như thế, thân xác là một kịch trường quan trọng mà vở kịch các mối quan hệ nam nữ sẽ được diễn ra. Người nam có thể xem tình dục như một phương thế để tiến sâu trong mối liên hợp cá biệt của mình với vợ, trao ban chính mình cách trọn vẹn cho nàng, thể hiện sự cam kết trọn vẹn với nàng như một con người, và đem đến cho nàng điều tốt đẹp nhất. Người nam cũng có thể quan niệm tình dục như một hành động thể lý với người nữ chỉ để thỏa mãn thú vui, chứ không có bất kỳ cam kết nào với hạnh phúc của nàng. Nói cách khác, thay vì tôn trọng người nữ như một con người và chú trọng đến hạnh phúc của người nữ thì người nam chỉ xem họ như một món đồ nhằm thoả mãn dục vọng trong chốc lát. Sự phỉ báng tình dục này, rất phổ biến trong văn hóa ngày nay, rất xa vời với “ý nghĩa vợ chồng” mà Thiên Chúa đã gắn kết cho thể xác ngay từ ban đầu.
“Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (St 2:25). “Trần truồng và không xấu hổ” ở đây có nghĩa là gì? Theo Sri, thuật ngữ “xấu hổ” có ý đề cập đến việc người này sợ người kia khi không chắc chắn mình có thể tin tưởng người đó hay không. Ngắn gọn, con người lo sợ bị lợi dụng hoặc tổn thương, vì vậy họ e ngại để người khác biết bộ mặt thật của mình.
Lịch sử loài người cho thấy: thuở ban sơ, Ađam và Eva không xấu hổ. Cả hai đều tự tin và tin tưởng lẫn nhau. Sự trần truồng thể xác của họ thể hiện “sự trần truồng” cá biệt cách sâu sắc hơn khi họ cảm thấy được tự do bày tỏ tâm hồn cho nhau cách trọn vẹn mà không sợ bị lợi dụng, hiểu lầm, hoặc nhục mạ. Có thể nói, Ađam và Eva hiểu thấu “ý nghĩa hôn nhân của thể xác.” Khi chưa phạm tội, cả hai sống trong mối tình lý tưởng. Họ hoàn toàn sống cho nhau, không vương chút ích kỷ. Người này biết rõ người kia luôn tìm kiếm và làm điều tốt cho mình chứ không cho bản thân họ. Cả hai đón nhận nhau như món quà cá biệt trao tặng người kia cùng với trách nhiệm sâu xa của nó. Cả hai biết tự chủ trước những đam mê và ham muốn của mình. Do đó, với trái tim trong sáng, họ không vướng vào những ham muốn ích kỷ và luôn kính trọng nhau. Họ luôn tìm điều tốt cho nhau và không bao giờ coi nhau như một thứ đồ vật để lợi dụng.
Thánh Gioan Phaolô II mô tả vẻ đẹp trong sáng này của đôi vợ chồng đầu tiên trên địa cầu như sau: trong Vườn Địa Đàng, Ađam và Eva nhìn nhau với “cái nhìn của Thiên Chúa,”[16] nghĩa là họ nhìn nhau như chính Thiên Chúa nhìn họ. Sri thì cho rằng Ađam không chỉ nhìn thấy vẻ đẹp của thân xác Eva, nhưng còn nhìn thấy toàn diện sự thật về con người của bạn mình.[17] Có thể nói, cả hai cảm nhận được tình yêu đôi bên dành cho nhau và trân trọng món quà Chúa đã ban tặng cho họ. Từ đó, cả hai cảm nhận mình có trách nhiệm để lo cho nhau và tìm mọi cách để làm đẹp lòng nhau. Tiếp nối ý tưởng này, Thánh Gioan Phaolô II viết, “Nhìn nhau cách hỗ tương qua mầu nhiệm sáng tạo, người nam và người nữ nhìn thấy nhau rõ ràng và trọn vẹn hơn là qua thị giác... Thật vậy, họ nhìn và hiểu nhau với tất cả sự bình an của cái nhìn nội tâm, điều tạo nên sự thân mật viên mãn của con người.”[18]
Khi con người sống trong môi trường trọn vẹn này thì tình yêu, trách nhiệm, và sự thân mật của họ sẽ triển nở. Một khi con người cảm nhận đựơc sự an toàn và tin tưởng của nhau, họ sẽ không còn lo sợ mình sẽ bị lợi dụng hoặc tổn thương. Từ đó, họ sẽ tự do hiến dâng toàn thân mình cho người khác và biết rằng mình cũng sẽ được đón nhận như một món quà quí báu. Thánh Gioan Phaolô II quả quyết rằng, “Sự ‘xác nhận về con người’ không gì khác hơn là đón nhận quà tặng, điều...tạo nên sự hiệp nhất giữa con người với nhau.”[19]
Tóm lại, ngay từ nguyên thủy, người nam và người nữ không cảm thấy xấu hổ trong mối quan hệ của mình. Họ không sợ sẽ bị người khác lợi dụng, gây tổn thương, hoặc không đón nhận. Họ không bị nhiễm lây tội nên được tự do yêu đương. Như thế, khi yêu nhau với tình yêu hỗ tương hoàn toàn, sẽ không có những bức tường xấu hổ. Giải thích cho điều này, Thánh Gioan Phaolô II nói rằng, “Được miễn nhiễm khỏi xấu hổ” là “kết quả của tình yêu.”[20]
Từ ban đầu, con người đã biết kiềm chế những ước muốn ích kỷ của mình để tình yêu được tròn vẹn và thăng hoa. Sau khi phạm tội, họ đánh mất sự tự chủ và cảm thấy khó kiềm hãm những đam mê và ham muốn của mình. Từ đó, người chồng không còn nhìn vợ với “cái nhìn của Đấng Tạo Hóa.”[21] Chàng không còn dễ dàng nhìn nàng như một con người Thiên Chúa ban cho mình, và không còn đón nhận nàng như một quà tặng mà chàng muốn phục vụ với tình yêu vị tha và trách nhiệm.
Thật vậy, sau khi phạm tội, trái tim người nam bị nhiễm độc bởi sự ích kỷ, nên chàng chỉ tìm cách để thỏa mãn những ước muốn của mình hơn là tìm cách làm đẹp lòng nàng. Thay vì tôn trọng người nữ như một con người thì người nam bắt đầu nhìn họ dưới khía cạnh của những giá trị tình dục, hoặc như một món đồ nhằm thỏa mãn dục vọng của mình. Sự ích kỷ này không thể thắng vượt được nếu không có ơn Chúa.
Theo Thánh Gioan Phaolô II thì sau khi phạm tội, dường như Ađam cảm nhận khả năng hoạt động vượt trên loài vật của mình ngưng lại và Ađam chẳng khác gì con thú sống theo bản năng và những ham muốn thấp hèn.[22] Nói khác đi, Ađam bắt đầu sống gần như các con thú, bị lòng muốn điều khiển làm những việc chỉ để thỏa mãn những ham muốn tình dục thay vì làm đẹp lòng người mình yêu. Đây chính là hậu qủa của tội nguyên tổ.
Như thế, sau khi phạm tội, con người không còn khả năng kiềm chế những đam mê của mình và bắt đầu đến với nhau bằng dục vọng và ích kỷ. Họ không còn tin rằng người kia sẽ thật sự làm những gì tốt nhất cho mình, và tự bản năng họ biết rằng người tình của mình có thể lợi dụng mình. Bởi đó, Kinh Thánh cho thấy ngay sau khi Ađam và Eva phạm tội, họ trở nên “trần truồng và xấu hổ” (St 3:7).
Tắt một lời, tội nguyên tổ đã đánh mất sự hiệp nhất nguyên thủy của người nam và người nữ, và cản trở sự thân mật trong quan hệ của họ, để cho xấu hổ lên ngôi. Từ đây, xấu hổ “thay thế lòng tin tuyệt đối kết nối với sự ngây thơ ban sơ trong mối liên hệ hỗ tương giữa người nam và nữ.”[23] Một khi tình yêu vị tha và lòng tin tuyệt đối không còn, họ không còn cảm thấy tự do để hiến thân cho nhau nữa.[24]
Kết
Xã hội ngày nay đang đầu độc con người với những ý tưởng méo mó về tình yêu, hôn nhân, và gia đình. Nhiều đôi bạn không biết làm thế nào để có thể trở thành người chồng người vợ tốt. Họ cần và muốn có gì đó nhóm lên trong họ ngọn lửa ước muốn xây dựng đời sống hôn nhân mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Chắc chắn một điều, họ cần phải trở về nguồn và tìm hiểu sâu xa hơn cái nhìn của Giáo Hội về đời sống hôn nhân và gia đình.
Một trong những tài liệu tốt nhất của Giáo Hội về điều này là những suy tư của Thánh Gioan Phaolô II về hôn nhân và gia đình, chứa đựng trong tác phẩm Thần Học Thân Xác. Ngài có một cái nhìn khác biệt với những gì thế giới đang lan truyền. Qua những suy tư sâu sắc, Ngài đưa con người trở về với ý nghĩa ban đầu của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình. Một khi con người hiểu đúng ý nghĩa của hôn nhân, họ sẽ sống đúng trách nhiệm và địa vị mình đã được đặt để. Có như thế, dù gặp bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống, họ vẫn tôn trọng, hy sinh, và nhẫn nại giúp nhau vượt qua hầu mang lại hạnh phúc cho gia đình.
Cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô chúng ta xin Thánh Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng của gia đình, cầu nguyện và đồng hành với Giáo Hội trong những ngày dẫn đến Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng Mười năm 2015 với chủ đề, “Chúa Giêsu Kitô Mặc Khải Tin Mừng Gia Đình - Jesus Christ Reveals the Gospel of the Family.” Xin cho Giáo Hội mở lòng cùng Chúa Thánh Thần trong khi thi hành mục vụ cho các gia đình.
“Pope John Paul II.” Famous People. 20 Nov. 2014 http://www.thefamouspeople.com/profiles/pope-john-paul-ii-81.php
Comastri, Angelo. Homily in Thanksgiving Mass for St. John Paul II Celebrated in St. Peter’s Square (April 28, 2014).
Fitzgibbons, Richard P. “Marital Love, Intimacy and Faith.” Marital Healing.com. 10 Dec. 2014 < http://www.maritalhealing.com/conflicts/selfgiving.php>.
Fournier, Keith. “The Early Years of Saint Pope John Paul II.” Catholic Online. 15 Nov. 2014 <http://www.catholic.org/pope/jp2/early-year.php>.
Francis, Pope. “Homily of Pope Francis.” The Holy See. 20 Nov. 2014 <http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2014/documents/papa-francesco_20140427_omelia-canonizzazioni.html>.
John Paul II. Man and Woman He Created Them: A Theology of the Body. Boston: Daughters of St. Paul, 2006.
__________. The Theology of The Body. Human Love in the Divine Plan. Boston: Daughters of St. Paul, 1997.
Maguire, Bill. “St. John Paul II: The Pope of Marriage and the Family.” National Catholic Register. 15 Oct. 2014 < http://www.ncregister.com/daily-news/st.-john-paul-ii-the-pope-of-marriage-and-the-family>.
Moreno, Rolando . “John Paul II’s Vision of Family and Marriage for the New Evangelization” (April 25, 2014). Catholic World Report. 10 Nov. 2014 <http://www.catholicworldreport.com/Item/3098/john_paul_iis_vision_of_family_and_marriage_for_the_new_evangelization.aspx>.
Newton, William. “The Legacy of the Vision of Pope John Paul II on Marriage and Family.” Homiletic & Pastoral Review. 20 Dec. 2014 <hppt://www.hprweb.com/2014/11/the-legacy-of-the-vision-of-pope-john-paul-ii-for-marriage-and-family/>.
Sri, Edward. God’s Plan for Love & Marriage. John Paul II’s Theology of the Body. General ed. Father Juan-Diego Brunetta, O.P. Knights of Columbus Supreme Council, 2008.
_________ . Men, Women and the Mystery of Love: Practical Insights from John Paul II’s “Love and Responsibility.” Cincinnati: Servant Books, 2007.
Weigel, George. Witness to Hope. HarperCollins, 2001.
West, Christopher. Theology of the Body Explained: A Commentary on John Paul II’s Man and Woman He Created Them. Boston: Daughters of St. Paul, 2007.
______________. Theology of the Body for Beginners: A Basic Introduction to Pope
John Paul II’s Sexual Revelation. West Chester, Pennsylvania: Ascension Press, 2009.
Wojtyla, Karol. Love and Responsibility. San Francisco: Ignatius Press, 1993.
---------------------------------------
[1] Angelo Comastri, Homily in Thanksgiving Mass for St. John Paul II Celebrated in St. Peter’s Square, April 28, 2014.
[2] Keith Fournier, “The Early Years of Saint Pope John Paul II.” Catholic Online. 15 Nov. 2014 <http://www.catholic.org/pope/jp2/early-year.php>. và “Pope John Paul II.” Famous People. 20 Nov. 2014 <http://www.thefamouspeople.com/profiles/pope-john-paul-ii-81.php>.
[3] George Weigel, Witness to Hope (HarperCollins, 2001). The encyclical was not drafted precisely as Wojtyla proposed.
[4] The Legacy of the Vision of Pope John Paul II on Marriage and Family. hppt://www.hprweb.com/2014/11/the-legacy-of-the-vision-of-pope-john-paul-ii-for-marriage-and-family/. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2014.
[5] Edward Sri, God’s Plan for Love & Marriage. John Paul II’s Theology of the Body. General ed. Father Juan-Diego Brunetta, O.P. (Knights of Columbus Supreme Council. 2008), 5-6. Đây là một chương từ sách Men, Women and the Mystery of Love: Practical Insights from John Paul II’s “Love and Responsibility” của Edward Sri (Cincinnati: Servant Books, 2007).
[6] Rolando Moreno, John Paul II’s Vision of Family and Marriage for the New Evangelization (April 25, 2014). http://www.catholicworldreport.com/Item/3098/john_paul_iis_vision_of_family_and_marriage_for_the_new_evangelization.aspx. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2014.
[7] Theo Christopher West chú thích trong Theology of the Body for Beginner: An Introduction to Pope John Paul II’s Sexual Revolution (Westchester, Pennsylvania: Ascension Press, 2009), 1., thì nội dung của những bài chia sẽ này là từ bàn viết tay có đầu đề Man and Woman He Created Them mà Thánh Gioan Phaolô II đã hoàn tất trước khi được chọn làm giáo hoàng vào tháng 10 năm 1978.
[8] Sri, 7.
[9] Ibid., 8.
[10] Christopher West, Theology of the Body for Beginners: A Basic Introduction to Pope John Paul II’s Sexual Revelation. (West Chester, Pennsylvania: Ascension Press, 2009), 22.
[11] John Paul II, Man and Woman He Created Them: A Theology of the Body (Boston: Daughters of St. Paul, 2006), 182.
[12] Ibid., 161.
[13] West, 24.
[14] John Paul II, 183, 176, 203. Được Sri nhắc đến trong trang 10.
[15] Ibid., 185-186. Đươc Sri trích trong trang 10-11.
[16] Ibid., 157.
[17] Sri, 12.
[18] John Paul II, 177-178.
[19] Ibid., 188.
[20] Ibid., 191.
[21] Sri, 14.
[22] Ibid., 245. Nguyên văn: “it is as if the “man of concupiscence” (man and woman “in the act of the knowledge of good and evil”) experienced that he had simply ceased, also through his body and his sex, to remain above the world of living beings or “animalia.”
[23] Ibid., 250.
[24] Ibid., 247.