1: Văn Hóa Việt Nam

1. GIA ĐÌNH TRONG TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ VIỆT NAM

(Linh mục Phanxicô Xavie Hồ Văn Mậu thuộc tu đoàn giáo sĩ Nhà Chúa (Domus Dei), tiến sĩ mục vụ, Graduate Theological Foundation, South Bend, Indiana, đã xuất bản các sách Xin Hãy Cho Tôi Một Gia Đình Thánh, Gia Đình Công Giáo và Truyền Thống Văn Hoá, Gia Đình: Thách Đố và Vinh Dự, Cùng Với Mẹ Maria: Gia Đình Đứng Dưới Chân Thập Giá, và hiện là chánh xứ Our Lady Queen of Martyrs, Pensacola, Florida.) 


DẪN NHẬP

Mọi người biết điều gì đó về gia đình. Các hiểu biết có thể đến từ những sưu tập album để tìm những kỷ niệm; có thể đến từ những kinh nghiệm quý báu của một cuộc sống trưởng thành và ổn định. Các hiểu biết cũng có thể đến từ những tình cảm thân thương, trìu mến, chua chát hay cay đắng của những tháng ngày sống chung. Truyền thống xã hội và văn hóa lại cho chúng ta những điều hiểu biết khác về gia đình. Các chương trình truyền hình lại giới thiệu cho chúng ta các bức tranh gia đình truyền thống hay không theo truyền thống, kể cả các thứ hình thức gia đình pha tạp khác. Các nhà vận động chính trị lại dẫn đưa chúng ta vào những khẩu hiệu mạnh mẽ: “giữ vững các giá trị gia đình,” “củng cố giá trị gia đình” như là những chiêu bài chính trị. Gia đình qủa thực có ý nghĩa rất quan trọng, đó là điều không ai chối bỏ. Gia đình tồn tại trước khi các đoàn thể và các chính phủ được hình thành. Chắc chắn gia đình vẫn trường tồn ngay cả khi các đoàn thể ấy bị suy tàn. Ngay cả khi người ta chưa đồng ý với nhau chức năng và tính chất cơ bản của gia đình thì gia đình vẫn mang trong chính nó một ý nghĩa quan trọng. Điều nầy dẫn chúng ta về với một truyền thống gia đình mà một thời đã làm cho xã hội Việt nam ổn định. Nghiên cưú ngắn gọn nầy tập chú vào Gia đình trong truyền thống Việt nam với niềm vui và trăn trở.

 

I - GIA ĐÌNH

Các hình thức tổ chức các gia đình đã biến dạng theo lịch sử, và vì thế người ta không dễ gì đồng ý với nhau về định nghĩa của gia đình, ngay cả định nghĩa của George Murdock, một chuyên gia Hoa Kỳ về lịch sử xã hội. Murdock định nghĩa gia đình là một nhóm xã hội được xác định bởi một nơi cư trú chung có sự cộng tác và tái sản xuất về kinh tế, bao gồm những người trưởng thành của hai giới, trong đó có ít nhất là hai người duy trì mối quan hệ tình dục được xã hội công nhận và một hoặc nhiều đứa trẻ, là con đẻ hay con nuôi của những người trưởng thành có mối quan hệ như vợ chồng với nhau.[1] Theo định nghĩa nầy, gia đình được tạo thành từ những người sống chung với nhau trong một thời gian kéo dài. Họ được gắn kết bởi những thỏa thuận pháp lý hay những cam kết tình cảm, hoặc cả hai. Và cuối cùng, họ có thể chăm sóc cho một hoặc nhiều hơn các thân quyến phụ thuộc là trẻ con, người tàn tật hay già cả. Định nghĩa trên đã bỏ qua nhiều vai trò và chức năng căn bản của gia đình, cũng như không cho thấy sự phân công trách nhiệm vốn là thực tế trong các gia đình, vì do đó, mà nảy sinh ra trong lịch sử các chế độ mẫu hệ, phụ hệ và gia trưởng. Quan trọng hơn, định nghĩa trên không chứng tỏ đươc tính chất nòng cốt của gia đình vốn mang trong chính nó mối tương quan hòa thuận và gia giáo, thông qua giáo dục. Dầu sao ý tưởng chính vẫn là sự gắn kết trong cuộc sống vật chất và tinh thần, nhờ sự gắn kết này mà các quyền lợi của cá nhân và gia đình được bảo đảm.[2] Tình yêu và trách nhiệm trong hôn nhân là phẩm chất chính yếu và tốt đẹp nhất của đời sống gia đình.

Nhưng với Trost, tác giả của tác phẩm Married and Unmarried Cohabitation đã cho ta một nhận định khác về hai quan hệ chủ yếu nhất “quan hệ vợ chồng” và “quan hệ bố mẹ - con cái.”[3] Theo Trost, khi nói về gia đình người ta thường nghĩ tới một nhóm người sống chung một mái nhà, có mối quan hệ huyết thống qua hôn nhân hay cam kết. Ta cũng nghĩ tới gia đình như một tập thể có mục đích chung là nuôi nấng dậy dỗ, kế thừa truyền thống, giá trị và trách nhiệm đối với hạnh phúc của các thành viên gia đình. Sự gắn bó với nhau và chung lưng đấu cật là để phong phú hóa cuộc sống của gia đình và của mỗi thành viên. Tiến sĩ Mortimer J. Adler, trong tác phẩm Great ideas from the great books đã thừa nhận rằng từ thế chiến thứ II, cuộc sống gia đình có một tầm quan trọng rất lớn, ngay cả những người trí thức và bọn trẻ con cũng muốn có một cuộc sống gia đình lành mạnh. Trong các thời đại và những nơi chốn khác nhau thì gia đình có khác nhau về tổ chức, điều hành và vai trò xã hội, nhưng luôn luôn có chức năng căn bản là sinh sản và nuôi dưỡng. Đây là mục đích tự nhiên của gia đình.[4]

Chúng ta có lẽ dễ đồng thuận hơn khi hiểu gia đình là một nhóm căn bản xã hội, hình thành qua một nghi lễ được xã hội hay truyền thống thừa nhận. Như thế gia đình có mục đích thực hiện một số chức năng mà xã hội ấn định như [5] [6]: Chức năng truyền sinh: lưu truyền sự sống thông qua mối liên hệ trong hôn nhân; Chức năng giáo dục (Xã hội hóa), giáo dục và truyền ban những giá trị được gia đình, gia tộc hay cộng đồng xã hội thừa nhận; Chức năng lao động: nuôi sống mọi người trong gia đình bằng đóng góp công và sức lao động. Chức năng tôn giáo, tín ngưỡng: gia đình là nơi tôn kính, thờ tự, (đặc biệt trong các gia đình theo đạo thờ kính ông bà), bảo tồn và lưu truyền niềm tin tín ngưỡng cho các thế hệ kế tục. Những giá trị của gia đình trên, dĩ nhiên chưa phải là tất cả nếu nhìn dưới góc độ giá trị của cộng đoàn nhân vị, sự sống và dâng hiến phục vụ, dầu sao, cũng đã kết thành ý nghĩa phổ quát của cơ cấu gia đình; chính những giá trị nầy làm nên nét đặc trưng của hôn nhân và gia đình.[7]

 

II - GIA ĐÌNH THEO TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM

Phạm Côn Sơn để cả đời nghiên cứu và giảng dạy về Văn Hóa Việt Nam cho rằng gia đình Việt Nam là một tổ hợp lớn, luôn phát triển không chỉ bao gồm vợ chồng con cái như kiểu Tây phương, nhưng gia đình còn có ông bà, cháu, chắt, chút chít nữa.[8] Phạm Côn Sơn đã trích dẫn nhận định của giáo sư Vũ Ngọc Khánh trong tác phẩm của mình: “Gia đình, theo nghĩa Việt Nam phải được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Về nghĩa rộng, gia đình có liên quan đến cả gia tộc, đến những người thân cùng huyết thống. Cả dân tộc là một đại gia đình vì từ nguồn gốc đều cùng một mẹ mà ra. Mẹ và cha khác giống nhau, ở xa nhau, nhưng đã thống nhất lại để thành gia đình… Gia đình, gia tộc đều có chung một tinh thần, một ý nghĩa, không hiểu điều đó để tách bạch gia đình hạt nhân và gia đình mở rộng, là không tìm tới gốc… Còn nghĩa hẹp, tức là xét đến gia đình hạt nhân trong truyền thống Việt Nam. Tôi thấy hình như có khá nhiều chi tiết mà gia đình truyền thống của ta khác với cách quan niệm của những gia đình hạt nhân ngày nay… Cách xây dựng gia đình hạt nhân trong truyền thống Việt Nam xưa, nhấn mạnh tới vai trò bố mẹ.” [9]

Từ lâu truyền thống Việt Nam đã dành cho gia đình một chỗ đứng quan trọng không chỉ trong công việc xây dựng xã hội quốc gia, mà cả trong việc đào tạo con người nữa. Truyền thống văn hóa Việt Nam coi gia đình là con đường phải qua nếu các cá nhân muốn thành đạt và được kính trọng ngoài xã hội. Tư tưởng này đã ăn sâu trong quan niệm thăng tiến xã hôi của con người Việt Nam: muốn ổn định thiên hạ thì phải có khả năng trị quốc; muốn trị được quốc điều trước tiên là phải tề gia.[10] Phần quan trọng nhất trong văn hóa làm người Việt Nam là phải tuân thủ gia đạo. Đạo là con đường dẫn từ khởi điểm tới đích điểm. Gia đạo chính là những nguyên tắc cơ bản và ổn định, những bổn phận phải làm và những điều phải tránh trong sinh hoạt gia đình. Đây chính là cái khung tiêu chuẩn của đạo lý con người. Những điều nầy được chỉ dạy cho mọi thành viên trong gia đình. Khi mọi người một mực trung thành tuân giữ, người ta gọi là người có gia giáo. Một cách đơn giản, gia giáo là sự chỉ dạy cách ăn nết ở trong gia đình, ngoài xã hội, nơi làng nước. Thường những lời chỉ dạy nầy xuất phát từ kinh nghiệm sống của người trước về cách cư xử, phép tắc, thói tục; các kinh nghiệm này đã được xã hội hóa. Người lớn trong gia đình đóng vai trò làm gương sáng, chỉ dạy cho trẻ nhỏ. Một gia đình có gia giáo là gia đình có nề nếp, tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới.[11]

Xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng Nho giáo của Trung Hoa, nên gia đình Việt Nam truyền thống cũng ảnh hưởng “lễ” của Nho giáo. Lễ (một trong năm đức tính giữ gia đình, quốc gia an khang bình trị) có ảnh hưởng tới đối nhân xử thế, tới những mối quan hệ, giao dịch. Mỗi người sống trong xã hội ít nhiều gì cũng phải tuân theo những quy ước, những tục lệ của xã hội ấy trong việc giao tiếp liên hệ với mọi người chung quanh, từ thân đến sơ, từ ông bà cha mẹ đến bạn bè con cháu. Dân tộc ta từ xưa đến nay vẫn tôn trọng lễ giáo. Xin đừng hiểu “lễ” là những tập tục ràng buộc của gia tộc, cũng đừng hiểu rằng “lễ” là những lễ nghi xưa cũ, càng không phải là lễ nghi của Tàu. Phạm Côn Sơn cắt nghĩa: “Lễ là tình trạng kiến văn của một hành vi quan trọng trong mọi xã hội, mọi tư tưởng tiến bộ đã có từ khi con người được khai hóa.” Học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần nhận định: “Lễ, theo Á đông, chẳng những có ý nghĩa là tự trị, tự chủ, mà cũng có nghĩa là nhân nữa. Nói tắt một lời, thì:“tất cả thuật xử thế của người Á đông, đều ở trong một chữ lễ.” [12]

 

III - BẢN SẮC GIA ĐÌNH VIỆT NAM

Để có một cái nhìn tương đối chính xác và tổng quát, chúng ta nhìn vào các yếu tố ảnh hưởng của Nho giáo trên gia đình Việt Nam.[13] Sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, với ý đồ đồng hóa người Việt Nam như là một bộ phận, Trung Hoa luôn tìm mọi cách để tẩy não di sản Bách Việt từ trong cơ cấu xã hội đến nếp sống, nếp nghĩ của người dân Việt Nam. Hệ thống giáo dục con người và xã hội của Nho giáo là một phương tiện để thực hiện cho ý đồ nầy.[14] Thậm chí có nơi và có thời hệ thống giáo dục Nho giáo đã trở thành mực thước, tiêu chuẩn và lối sống của người Việt, từ thượng từng cơ sở tới sinh hoạt cơ bản của người dân, từ ngoài xã hội đến trong tình cảm gia đình. Quan niệm xã hội trọng nam, khinh nữ (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô), quan niệm nhất vua, nhì thầy, thứ ba mới tới cha mẹ (quân, sư, phụ), tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức, đã hun đúc nên nề nếp và gia phong, gia đạo của người Việt Nam.[15] Một cách khái quát, dưới ba góc độ: đời sống nông nghiệp, hệ thống luân lý và quan điểm nhân văn, chúng ta có thể nhận ra các yếu tố nho giáo ảnh hưởng đến bản sắc gia đình Việt nam như thế nào.

 

IV - CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH VIỆT NAM

Sự hình thành gia đình là căn bản trong tiến trình tiến hóa xã hội. Chế độ mẫu hệ được nhận thức từ trong chế độ công xã thị tộc và là bước phát triển khi con người bước ra khỏi cuộc sống quần hôn, mối liên hệ trai gái chưa quan niệm được là vợ chồng, và con cái chỉ biết có mẹ.[19]  Ý niệm gia đình được sáng rõ hơn khi con người ý thức được mối tương quan vợ chồng, con cái. Trong xã hội mà gia đình chưa đòi hỏi phải tích lũy nhiều tài sản, cuộc mưu sinh chủ yếu cấy cầy và gặt hái. Đây là công việc thường xuyên người phụ nữ đóng vai trò chủ động bên cạnh sinh sản và chăm sóc nuôi dưỡng con cái. Gia đình Trung Hoa theo chế độ phụ hệ từ thời nhà Hán (hai ngàn năm trước Tây lịch) và truyền sang Việt Nam từ thời Bắc thuộc lần thứ hai, khoảng 1000 năm trước Tây lịch.[20] Dĩ nhiên đây không phải là tiến trình tự nhiên mà là do bởi áp lực chính trị và xã hội của Trung Hoa áp đặt. Ngay trong áp lực nầy, xã hội Việt Nam cũng không hoàn toàn nhắm mắt đưa chân. Các gia đình Việt Nam vẫn dành cho người mẹ, người vợ một lòng trân trọng đáng kể. Nói chung, gia đình trên phương diện xã hội bao gồm một số các chức năng căn bản. Theo giáo sư Phạm Hồng Lam, đó là:

Theo Lê Ý Thu trong tác phẩm Cuộc Sống Gia Đình được biên soạn theo tác phẩm Familyhood của nhà xuất bản Simons Shuster, 1992, thì ẩn chứa sau những ngôn từ khô khan biểu hiện các chức năng gia đình, người ta nhận ra được ý nghĩa gắn kết, chăm lo và dậy dỗ. Những ý nghĩa sau đây luôn đi liền với tình cảm và giá trị của gia đình ở mọi thời đại và mọi nơi.

 

V - HỘI NHẬP

Xã hội Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang chuyển mình một cách mạnh mẽ với những thay đổi tích cực nhưng cũng với những mất mát to lớn, trong đó đáng kể nhất là những gía trị cơ bản liên quan đến sự bền vững của hôn nhân – gia đình và tình liên đới giữ các thành viên.”[23]

Làn sóng di dân, tình trạng dô thị hóa, xu hướng toàn cầu hóa, đã thúc đẩy hàng triệu người Việt nam chuyển mình và ra đi để mưu sinh và tồn tại. Thực trạng nầy không thể đảo ngược; do đó, các gia đình Việt Nam phải đối diện với những thách đố hội nhập vào một văn hóa mới, một lối sống mới với những ứng xử khác biệt, nhiều khi thật xa lạ với những gì mà họ đã được hấp thụ từ trong truyền thống. Thực trạng xuất hiện những biến dạng về gia đình và Tình yêu - hôn nhân, như ly dị, sống chung, sống thử, tự do luyến ái… đã là những buồn thảm luôn ám ảnh. Người ta luôn tự nhắc nhở với nhau cần phải hôi nhập để tồn tại. Nhưng hiểu và sống thế nào cho đúng với hội nhập?

Hội nhập (integration) khác xa với đồng hóa (assimilation). Đồng hóa là hòa tan, biến mất căn tính của mình trong khi hội nhập là một tiến trình thâu hóa, chọn lọc. Phạm Hồng Lam đã định nghĩa đồng hóa là sự tan biến của một thiểu số vào trong đa số. Hội nhập cũng không hẳn là thích ứng, vì thích ứng là sự điều tiết một chiều của một yếu tố vào một toàn thể. Hội nhập là một tiến trình thâu hóa hai chiều có ý thức, trong đó đa số chấp nhận thiểu số với cái cá biệt của họ và ngược lại, thiểu số chấp nhận quy luật của đa số nhưng đồng thời vẫn không để mình bị biến mất trong cái đa số ấy. Một hội nhập văn hóa thành công là khi văn hóa thiểu số sẵn sàng hòa mình vào văn hóa đa số, chấp nhận thâu hóa những cái đáng theo của người mà vẫn giữ được cái độc đáo của mình.[24]

Giữ gìn bản sắc dân tộc là một đòi hỏi thiết yếu để gia đình Việt nam không bị tan biến.Văn hóa là đặc trưng của xã hội loài người, luôn mang dấu vết của con người. Văn hóa truyền thống Việt Nam xây dựng trên cơ sở nông nghiệp, thì cũng đã định hình nên con người Việt Nam. Người Việt gắn bó mật thiết với thiên nhiên và vũ trụ, sống hiền hòa, tình cảm, mềm dẻo, kín đáo, tinh tế, linh hoạt. Quy tắc xử sự của Việt Nam ngày xưa là luật và lệ (luật vua thua lệ làng), nhờ khuynh hướng hiền hòa, nhu mì, mà tính cứng ngắc của luật pháp được làm mềm đi. Tinh thần tương thân tương trợ đã hình thành và chi phối mối tương quan mật thiết trong gia đình, làng xã, và xã hội. Sự liên kết chặt chẽ cũng phát xuất từ môi trường thiên nhiên vốn dĩ hay gây lụt lội, bão táp. Yếu tố gia tộc có một sức mạnh đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau. Có lẽ trong ngôn ngữ loài người không có quốc gia nào có đủ ngôn ngữ để chỉ gia tộc lên tới chín đời (thế hệ): kị, cụ, ông, cha, tôi, con, cháu, chắt, chít. Hệ thống gia tộc như vậy cho phép người ta đùm bọc, yêu thương, dù có sa cơ thất thế, bất hạnh thế nào, người ta cũng không bơ vơ côi cút.[25]  Sự nâng đỡ thương yêu đùm bọc không chỉ ở mặt vật chất mà cà mặt tinh thần nữa. Vì thế chữ Hiếu được coi như chất keo sơn gắn bó các thành viên gia tộc, gia đình; bất hiếu luôn được coi là trọng tội. Hệ thống tổ chức gia tộc, gia đình, tâm tình yêu thương đùm bọc, kính trên nhường dưới; gia đình ổn định hài hòa là những nét nổi bật và căn bản của văn hóa Việt Nam.[26]

Gìn giữ bản sắc văn hóa gia đình là nhiệm vụ hàng đầu và cần thiết đối với các gia đình Việt Nam.[27]  Mô hình nầy đã được phát huy và thành công ở nhiều cộng đồng người Việt. Nhờ đó, họ đã đùm bọc nhau không chỉ vượt qua được giai đoạn đầu nhập cư ở xứ lạ, mà còn giúp nhau thăng tiến trong cuộc sống ở những môi trường xã hội mới lạ. Thật là may mắn, các giá trị đạo đức, các tập tục truyền thống tốt đẹp của gia đìnhViệt, người Việt vẫn còn tiếp tục và trân trọng trong các thế hệ con cháu ta ngày nay.[28]  Nhưng cũng thật tiếc, một số không ít gia đình trong xu thế thời đại mới, đã không cho thấy được những nét đáng yêu và những giá trị đáng bảo tồn trong văn hóa Việt Nam. Xã hội càng ngày càng có cái nhìn rộng rãi và bao dung hơn về mặt văn hóa. Nhiều truyền thống văn hóa sống chung trong hài hòa muôn vẻ thì vẫn tuyệt vời hơn là mỗi người một cách sống đóng kín. Vì vậy, trong những biến chuyển gay gắt của xã hội ngày nay, nhiệm vụ giáo dục của cha mẹ đối với con cái là làm sao để sau này đứa trẻ lớn lên, chúng có dịp so sánh phân tích các nền văn hóa, chúng không than trách, oán hận là cha mẹ chúng đã không dạy gì cho chúng về truyền thống văn hóa Việt Nam.

 

VI - PHÁT HUY NHỮNG YẾU TỐ TÍCH CỰC TRONG TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH VIỆT NAM

Trong tác phẩm Gia Đình Trên Hết, tiến sĩ Phil McGraw, tác giả của những cuốn sách về gia đình bán chạy nhất của New York Times, đã ngỏ lời với các bậc cha mẹ: “Tôi muốn nói với bạn về chuyện gia đình. Tôi biết và cảm nhận rằng là cha mẹ, các bạn và tôi cùng chia sẻ những vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu. Cũng như bạn, tôi yêu gia đình tôi hơn bất cứ thứ gì trên thế giới này, và tôi muốn tất cả chúng ta được an toàn… Những người theo thuyết khổ hạnh sẽ bảo rằng trong xã hội có nhịp sống gấp gáp như thế nầy, gia đình đã trở nên lỗi thời, rằng gia đình đã trở nên một khái niệm lạc lõng, và bị chôn vùi trong một thế giới bận rộn. Tôi ở đây để nói với các bạn biết rằng điều đó không đúng, thậm chí không còn quan trọng hơn trước kia, và sự xói mòn của gia đình không thể chấp nhận được. Đây là một cuộc tranh đấu mà chúng ta sẽ thắng nếu chúng ta thực hiện bổn phận của mình và hòa hợp” [29] Theo Phạm Côn Sơn, trong quá trình hội nhập vào xã hội mới, trong thời đại mới, các gia đình Việt Nam đang khi du nhập một số các yếu tố tích cực nhằm thăng tiến gia đình và cá nhân, họ còn giữ được nhiều yếu tố tích cực của truyền thống Việt Nam. Chỉ có những rác rến và loại cây rong rêu bị cuốn trôi đi trong dòng chảy cuộc đời.[30]

 

1. - Gia Đình Là Nền Tảng: Gia tộc, Xóm làng, Quốc gia

Gia tộc: Trong nếp sống văn hóa dân tộc, sự tương thân tương trợ giữa mọi người theo tiến trình gia đình, gia tộc, quốc gia, nhân loại. Ý thức gia tộc trong đời sống dân tộc Việt nam thật đậm nét vì nông nghiệp là chính. Một gia đình lẻ tẻ sẽ khó có khả năng đảm đương vụ mùa và đối phó kịp thời với môi trường thiên nhiên. Gia tộc và cộng đồng làng xã là một quần thể gồm các gia đình ruột thịt, họ hàng xa gần nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống và việc làm ăn. Giáo sư Trần Ngọc Thêm nhận xét: “Sức mạnh gia tộc thể hiện ở tinh thần đùm bọc, thương nhau. Sống trong họ tộc có trách nhiệm cưu mang nhau về mặt vật chất: “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”; hỗ trợ nhau về trí tuệ tinh thần: “nó lú chú nó khôn”; và dắt dìu nhau, làm chỗ dựa cho nhau về chính trị: “một người làm quan, cả họ được nhờ.” [31] Trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Đào Duy Anh đã viết: “Gia tộc Việt Nam xưa nay có hai bực, một là nhà hay tiểu gia đình gồm vợ chồng, con cái; hai là đại gia đình gồm chung đàn ông, đàn bà cùng một ông tổ sinh ra; gia tộc phụ hệ ấy thường gọi là họ nội, gồm một chi trưởng và một chi thứ: lấy một người làm gốc, thì ở trên người đó có cha mẹ, trên cha mẹ có ông bà nội gọi là tổ phụ mẫu, trên ông bà có cụ gọi là tông tổ phụ mẫu, trên cụ có kỵ gọi là cao tổ phụ mẫu, rồi đến cao cao tổ… Ở dưới người ấy, thì có con, dưới con thì có cháu hoặc tôn, dưới cháu có chắt hoặc tằng tôn… Từ cao tổ tới niễn tôn là cửu tộc. Đồng hạng với người ấy là anh chị em ruột.” [32]

Nhiều ca dao tục ngữ đã diễn tả đậm nét vai trò và tinh thần dân tộc: chết cả đống, còn hơn sống một mình; Thà ăn bắp hột chà vôi, chẳng thà giàu có mồ côi một mình; Con người có tổ có tông; Như cây có cội như sông có nguồn; Một người làm quan cả họ được nhờ. Mỗi gia đình có bàn thờ ông bà, cha mẹ; trong mỗi giòng tộc có từ đường để thờ kính tổ tiên năm đời. Từ năm đời trở lên thì thờ ở đình làng. Theo sách Thọ Mai Gia Lễ [33]  bàn về vấn đề tang chế của những người trong họ hàng, thì ta càng thấy tình họ hàng gia tộc thiêng liêng và thắm thiết. Mỗi dịp ma chay, cưới hỏi, khao vọng, dịp vui, dịp buồn là ta nhận ra tinh thần đoàn kết gắn bó của gia tộc, gia đình.Theo truyền thống, với tôn tri trật tự trong tổ chức gia tộc, vai trò tộc trưởng, gia trưởng giữ một vị thế đặc biệt. Các truyền thống và kiến thức cũng được truyền đạt theo tổ chức nầy. Trong tất cả mọi mối quan hệ gia tộc, đạo hiếu được xem là đức tính cao cả và cơ bản nhất, là keo sơn nối kết mọi người dù sống hay chết.

Xóm làng: Theo Nhất Thanh trong Đất Lề Quê Thói, lịch sử nguồn gốc làng xóm của ta khá rõ rệt. Vua Hùng Vương thứ III có 22 người con, trừ Lang Liên được kế nghiệp vua, cai trị nước, còn lại các em khác được vua cho giữ những phiên trấn, tử thủ núi sông, dựng hàng rào để che chở. Sau nầy các vua kế tiếp phát triển các cơ cấu nầy, và tổ chức quy củ thành làng thành xã. Làng xã (thôn xóm) là đơn vị hành chính cơ sở của quốc gia. Thông thường, làng là nơi tập trung người cùng huyết tộc, họ hàng xa gần, hoặc cùng một ngành nghề tương đồng và nương tựa lẫn nhau. Vì hơn 80% người Việt sống với đồng lúa, nông thôn, nên đại đa số đều xuất thân từ làng xã. Cây đa, bến nước, giếng nước, bờ giậu, lũy tre, tất cả đã đậm nét trong lòng người Việt. Càng sâu đậm hơn, nơi làng xã có mồ mả tổ tiên ông bà, là nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi có họ hàng thân thích bạn bè. Đi làm ăn xa, cũng mong trở về cố hương.Thành đạt trên quan trường cũng phải trở về làng thôn để vinh quy bái tổ. Khi về già hưu dưỡng cũng muốn quay về làng ở ẩn, an dưỡng tuổi già để rồi chết có làng nước chôn cất bên cạnh mồ mả tổ tiên.Tinh thần làng xã của người Việt vẫn còn tồn tại, không chỉ tại quê nhà mà ngay cả nơi người Việt hải ngoại. Nhiều hội đồng hương đã được thành lập, và nhiều lễ hội được cử hành nhằm bảo vệ và phát huy truyền thống, giúp người Việt gắn bó với dân tộc và quê hương. Nhưng người Việt cũng biết hội nhập vào xã hội mới, để đừng biến thành những ốc đảo xa rời xã hội thực tế. Điều quan trọng hơn là giáo dục văn hóa cho giới trẻ hiểu ý nghĩa tốt đẹp của truyền thống dân tộc.

Công việc đồng áng cầy cấy, gặt hái nặng nhọc và nhiêu khê, không ai một mình, một gia đình có thể cáng đáng mọi việc. Việc đổi công qua lại giữa gia tộc, chòm xóm để phụ giúp nhau làm mùa dần dần dẫn đến thắm thiết tình nghĩa, tình đồng hương, đồng bào từ đó đâm rễ sâu vào tâm hồn Việt. Tinh thần tương trợ, hợp quần gây sức mạnh không chỉ xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của xã hội vốn lấy nông nghiệp làm căn bản, nhưng còn biết bao nhiêu mối đe dọa khác, nhất là mối đe dọa từ phương Bắc. Nhờ tình đồng bào ruột thịt, nhờ cùng một dòng máu Lạc Hồng tổ tiên, dân tộc Việt đã đoàn kết, hợp quần chống trả để giữ gìn bờ cõi giang sơn.

Quốc gia: Luân lý và văn hóa Việt Nam không đề cao cá nhân, nhưng lấy gia đình làm đơn vị căn bản xã hội, dân tộc. Tiến sĩ Hồng Kim Linh, xét mối tương quan ngôn ngữ giữa tiếng gia (nhà), và quốc (nước) như sau: “Tổ quốc, quốc gia, quốc tổ, đất tổ, quê cha đất tổ gồm có ba chữ chính là quốc, gia và tổ là ba chữ gốc Hán; chữ tổ nhắc đến nguồn gốc tổ tiên xuống đến cha mẹ. Ở đây chữ Mẹ hội tụ nhiều nghĩa hơn cả chữ CHA và TỔ phối hợp lại, nên một mình QUÊ cộng với MẸ đủ để diễn tả ý niệm “quê cha đất tổ.” Còn từ GIA có nghĩa là NHÀ thì cũng đứng đằng sau chữ QUỐC. Rõ ràng, GIA nằm ở vị thế PHỤ cho QUỐC, cũng như NHÀ cho nước nhà. Tuy nhiên, NHÀ và GIA có nội dung nghĩa giống nhau, nhưng có thể trở thành chính đứng trước để tạo nên một nghĩa mới trong danh từ NHÀ NƯỚC, còn GIA thì cứ phải đứng sau trong QUỐC GIA, BANG GIA, nó mãi là từ phụ. GIA là NHÀ có mặt ở đây để chỉ sự quy tụ dưới một mái nhà dân tộc Việt, như một đại gia đình có cùng một mẫu tổ. Hai chữ NHÀ và GIA bổ túc cho nhau trong đó có cha có mẹ, anh em, con cháu. NHÀ nhắm vào một vị trí cộng đồng cùng hưởng và cần phải bảo vệ xây đắp. GIA nhắm vào tình trạng máu mủ ruột thịt. NƯỚC NHÀ nhắm vào biên giới địa phận. Còn QUỐC GIA nhắm vào một thực tế tinh thần, một ý thức khái quát về quyền làm chủ của một dân tộc.”[34]  Những giá trị của gia đình truyền thống như phép tắc, gia giáo, lễ nghĩa, nhân ái, bao dung và tâm lý trung dung hài hòa, đã làm cho xã hội ổn định, trật tự và dễ thương hơn. Gia đình là trường dạy cho người ta biết kiềm chế mình, biết khắc phục khó khăn và xung khắc, biết cởi mở và đón nhận trong tình tương thân tương ái và phục vụ lẫn nhau. Xã hội thiếu vắng những giá trị nầy sẽ bị đảo lộn. Gia đình Việt Nam đã và đang duy trì và phát huy những nét đặc thù nầy, bất cứ ở môi trường văn hóa nào.[35]

 

2 - Gia Đình Thừa Hưởng Phúc Đức Của Trời Đất, Ông Bà, Tổ Tiên:

Người Việt Nam quen với đời sống nông nghiệp, gần gũi với trời đất, thiên nhiên và vạn vật. Ngôi nhà của gia đình Việt Nam nép mình bên dòng suối, bờ sông, dưới gốc đa, tàn lá, được bảo bọc che chở bởi lũy tre xanh, bởi đồng lúa vàng, luôn tìm sự nương tựa vào thiên nhiên, đất trời. Người Việt luôn ý thức trên đầu mình, trong nhà ngoài ngõ, nơi sông núi và ngoài đại dương luôn có những lực lượng thần thiêng chi phối cuộc sống và an sinh của mình. Tình cảm tín ngưỡng nầy đã ăn sâu trong văn hóa gia đình Việt Nam. Các lễ nghi cúng vái thờ thần luôn được thể hiện trong cuộc sống gia đình và làng nước. Tin vào lẽ phải thiêng liêng và đó là lẽ trời luôn thúc giục người ta biết ăn ở ngay lành, làm điều thiện được phúc đức, làm điều ác sẽ bị quả báo trừng phạt.[36]  “Ai ơi, chớ ở đầy vơi. Trời cao không phụ lòng người hiếu trung.” Người thành công trong công ăn việc làm, cha mẹ đông con, gia đạo bằng yên hạnh thông đều nhờ lộc trời, ân đất. Quan điểm về phúc đức nầy đã ăn sâu vào tâm hồn Việt Nam: “trời cho thanh cao mới được phần thanh cao.” Nhưng phúc đức cũng có thể do bởi ông bà cha mẹ nữa, “Cây xanh thì lá cũng xanh. Cha mẹ hiền lành để đức cho con.”

Phúc đức của ông bà cha mẹ lưu lại cho con cái được gọi là phúc ấm truyền đời, là phúc tổ. Đào Duy Anh trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương nhìn nhận nhân sinh quan nầy là nét văn hóa trong đời sống gia đình: “Người thì hoặc cho nhân loại tiến bộ vô cùng nên loài người cần phải ra sức phấn đấu, tiến thủ (như người Châu Âu), hoặc cho nhân gian là mộng ảo, huyền ảo, loài người không cần phải hành động làm gì (người Ấn Độ), hoặc cho nhân sinh là chốc lát như bóng sổ, như gang tay, ta nên hành lạc kẻo già (khoái lạc chủ nghĩa). Người Việt Nam có cái kiến giải tầm thường và chắc chắn hơn, chỉ trông cậy vào con cháu để lưu truyền nòi giống và tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên. Người ta đã có quan niệm ấy thì sở dĩ làm điều thiện ở đời, sở dĩ có lúc hy sinh, không phải cốt cầu vinh nhục, cũng không mong giải thoát khỏi vòng luân hồi, mà chỉ cốt lưu chút phúc ấm cho con cháu đời sau. Người có lòng ác cũng không sợ ngày thẩm phán cuối cùng hoặc ở hình phạt địa ngục mà chỉ sợ con cháu bị ác báo mà thôi.” [37]  Tóm lại, phúc và đức từ trời, từ ông bà cha mẹ là chất keo sơn đã gắn liền con người Việt vào cuộc sống xã hội, và gắn bó cha mẹ với con cái trong gia đình Việt Nam.[38]

 

3 – Đạo Hiếu, Mẫu Số Chung Của Gia Đình Truyền Thống Việt Nam:

Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo trọng chữ tình chữ nghĩa, khác xa văn hóa Âu châu đề cao duy lý, cá nhân chủ nghĩa. Đề cao tính tập thể gia đình làng nước là nét đặc trưng nổi bật nơi gia đình Việt, và chữ Hiếu là nét sinh lực của tinh thần tập thể đó. Có thể nói Hiếu là đạo sống của người Việt. Có người gọi đó là tính đạo Việt, là nguyên lý chi phối và nối kết mọi thế hệ trong xã hội Việt Nam, là yếu tố quyết định mọi tương quan gia đình và xã hội. Chữ Hiếu cũng lý giải mọi phong tục tập quán, tín ngưỡng trong xã hội truyền thống Việt Nam. Theo Văn Hóa Phong Tục Việt Nam của Phạm Côn Sơn, thì: “Người xưa giữ đạo hiếu rất nghiêm. Chẳng những các nhà Nho nghiêm túc, giới sĩ phu triệt để mà dân dã cũng phải giữ nền nếp, không làm việc gì để tiếng xấu tới ông cha, dù còn sống hay đã mãn phần. Để ông cha phải mang tiếng xấu là tội đại bất hiếu.”[39]

Lịch sử còn chứng minh nhiều nhân sĩ trí thức, quan lại đã từ chức để thọ tang cha mẹ. Sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn có chép nhiều chuyện về đạo hiếu. Và các vua chúa đã răn dạy nhiều về đạo hiếu cho con dân, cũng như ra nhiều sắc chỉ, sắc phong cho những người nổi bật giữ trọn đạo hiếu. Bộ luật Hồng Đức cũng ban hành những án phạt cho những ai bất hiếu. Hiếu không chỉ ràng buộc con cái ruột thịt mà ngay cả con dâu cũng phải chu toàn đạo hiếu bằng việc tôn thờ cha mẹ chồng. Tôn thờ ở đây có nghĩa là phụng dưỡng, hầu hạ, chăm sóc, tôn kính.[40]  Phát xuất từ quan niệm cụ thể và chân thực, con cái phải biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ. Hiếu với cha mẹ thì cũng phải hiếu với ông bà tổ tiên, cội nguồn của mình. Hiếu biểu lộ nơi việc thờ phụng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Lúc sống phải phụng dưỡng, nghe theo lời dạy dỗ, khi chết phải lo ma chay chôn cất, sau đó lập bàn thờ và cúng bái. Phong tục Việt Nam cũng còn tin rằng vong hồn người đã khuất thường ngự trên bàn thờ để gần gũi con cháu và giúp đỡ con cháu trong cuộc sống.[41]

Trong xã hội Việt Nam truyền thống hay trong xã hội đã đô thị hóa, các thách đố gia đình không thiếu; may rủi, chao đảo, khó khăn không hiếm, nhưng tỷ lệ gia đình tan vỡ không cao so với những sắc dân khác.[42] Nguyên nhân dẫn tới sự bền vững và ổn định hơn trong gia đình Việt Nam chính là nhờ mối dây liên kết tình cảm mọi thành viên trong gia đình, ngay cả nhờ những tình cảm của những người thân tộc đã khuất. Điều rất tốt đẹp là gia đình và con người Việt Nam đã đặt nặng tình tương thân tương ái, biết kính trên nhường dưới, biết đặt quyền lợi và danh dự gia đình, tập thể lên trên hết, nhất là lòng hy sinh quả cảm để lo cho nhau. Đối với người Việt, gia đình là giá trị quan trọng nhất. Gia đình ổn định là mong ước lớn lao hơn cả danh dự, lợi nhuận cá nhân.[43]

 

4 - Gia Đình Việt Nam Trân Trọng Phụ Nữ :

Đừng dừng lại ở một vài vùng hoặc một giai đoạn lịch sử nào đó để kết luận phụ nữ Việt Nam có một chỗ đứng thấp kém trong gia đình. Xã hội Việt Nam từ xưa đã lấy nông nghiệp làm căn bản. Nền văn minh nông nghiệp, cái nhà, cái bếp là nguồn gốc của sự ổn định, và người phụ nữ giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt nền tảng nầy.

Dưới ảnh hưởng văn hóa của Trung hoa suốt một ngàn năm, chế độ phụ hệ đã du nhập vào Việt Nam dẫn tới các định chế phụ hệ được thiết lập. Nhưng khi vào xã hội Việt Nam, chế độ và các định chế nầy cũng không chiếm ưu việt. Ngoài xã hội người phụ nữ giữ một số vị trí, quan chức, thầy dạy, như nhà Nho giáo Ngô Chi Lan Đoàn Thị Điểm. Trong lãnh vực sinh hoạt nông nghiệp, phụ nữ tiếp tục nổi bật nơi gia đình khi họ tham gia trực tiếp sản xuất, cấy gặt, trồng hoa màu, quay tơ, dệt vải, buôn bán. Yu InSum, trong “Luật pháp và gia đình Việt Nam” đã viết: “Nếu gia đình Tàu mang nặng nét đặc trưng bởi quyền lực của người cha trùm lên tất cả các thành viên gia đình, thì gia đình Việt Nam lại khác. Người vợ hẩu như bình đẳng với chồng, và các thành viên khác cũng khẳng định tư cách của mình.”[44]

Ngày nay người phụ nữ trong xã hội Việt Nam làm việc ở công sở, xí nghiệp và chia sẽ trách nhiệm xã hội với chông. Ở nông thôn người phụ nữ ngoài việc trực tiếp tham dự việc đồng áng, còn đảm nhiệm việc nội trợ, nuôi dạy con cái, cân bằng ngân sách gia đình. Đức tính hiền thục của người phụ nữ Việt Nam giúp họ giải quyết các xung đột trong kiên nhẫn, hy sinh và vị tha. Nhờ những đức hạnh cao cả nầy mà người phụ nữ Việt Nam không chỉ điều hòa ấm êm trong gia đình, nuôi dạy con cái thành đạt mà còn giúp chồng thăng tiến.[45]

 

5 - Gia Đình Là Yếu Tố Quan Trọng trong Sự Thành Đạt Của Con Cái:

Không ai phủ nhận môi trường gia đình đã có ảnh hưởng trong việc hình thành nhân cách cũng như sự thành đạt của con cái.[46]  Đối với xã hội truyền thống Việt Nam điều nầy lại càng đúng hơn. Quả vậy, văn hóa gia đình Việt Nam chứng thực sự gắn bó mật thiết giữa các thành viên gia đình. Nhất là giữa cha mẹ và con cái đã là động cơ để con cái nỗ lực vươn lên. Môi trường gia đình ổn định, nề nếp, tôn trọng lẫn nhau sẽ tạo nên một tâm lý ổn định làm cơ sở cho sự thăng tiến cuộc sống. Trong mọi sự việc học hành và thành đạt của con cái là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ. Cha mẹ lam lũ cực nhọc để con được hơn người. Con cái cố gắng thành đạt để cha mẹ vui, và cũng để đền ơn trả hiếu phần nào cho cha mẹ. Nhiều câu chuyện Hiếu đạo trong lịch sử và xã hội Việt Nam đã chứng minh đậm nét quan điểm nầy. Nhiều người sau khi thành đạt trong nghề nghiệp, học vấn đã quay về nhà trước tiên để bầy tỏ lòng biết ơn cha mẹ.[47]  Trong ngày ra trường, nhiều sinh viên tốt nghiệp đã mạnh mẽ tuyên dương công lao cha mẹ đã hy sinh dưỡng dục và là động cơ chính thúc đẩy họ đi tới thành công.

Nhiều gia đình Việt Nam nghèo túng, bản thân cha mẹ không được đi học hoặc không học đến nơi đến chốn, họ đã đặt hoài vọng của họ trên con cái. Họ ra sức làm việc cực nhọc, quyết tâm đôn đốc, chăm lo và dành mọi nỗ lực tài chánh cho con học hành thành người. Nhiều gia đình Việt Nam không ngại bôn ba đất khách quê người; vì tương lai của con cái, nhiều khi chính bản thân họ đã trả bằng máu, bằng tù tội, và cả bằng cái chết.[48] Sống trong bầu khí ấm êm của gia đình, trong sự chăm lo yêu thương của cha mẹ, anh chị em, con cái làm sao mà không vươn lên được. Giáo dục gia đình là ở chỗ đó và ảnh hưởng gia đình là vậy.

 

6 - Gia Đình Việt Nam Thể Hiện Lối Sống Tình Nghĩa :

Cho đến nay, nhìn chung các gia đình Việt Nam, với truyền thống, tổ chức và quy định tôn ti trật tự, biết kính trên nhường dưới, lối sống tình nghĩa yêu thương đã giúp giữ được sự bền vững được gia đình.[49] Truyền thống nầy cũng quy định, không phải bằng văn bản, luật lệ, nhưng bằng tâm khảm, vai trò và nghĩa vụ người chồng người vợ, con cái, đối với gia đình và đối với nhau. Nói chung khi bước vào đời sống gia đình mọi người hiểu là mình không còn chăm chút cho mình nữa, mà là cho “người ấy.” Mọi sự là của nhau và không bao giờ nghĩ ngợi ký cóp để đề phòng khi bất trắc, chia lìa, ly dị. Mọi người trong gia đình nỗ lực vun đắp theo cách thế và vị trí của mình. Cha mẹ không sinh con để hòng nương tựa tuổi già, mặc dầu đạo hiếu ràng buộc nghiêm minh. Cha mẹ suốt đời lam lũ vì con và cho con. Cha mẹ nào cũng thao thức làm sao để khi không còn làm việc được nữa thì cũng có của ăn của để trao lại cho con cháu. Ngược lại con cháu không vì đó mà tỏ ra ỉ lại, lêu lổng, nhưng nỗ lực giữ gìn vun đắp di sản cha ông. Con cái ý thức được rằng di sản, tài sản của ông bà cha mẹ là hương hỏa cần bảo tồn và phát triển.

Anh chị em sống tình nghĩa ruột thịt vì cùng chung một núm ruột. Họ sống bao bọc che chở nhau, chín bỏ làm mười, giữ được hòa khí yêu thương. Khi có chuyện xích mích, họ cũng lấy chữ nhẫn làm đầu; vì sợ hàng xóm chê cười, xấu hổ gia đình. Nghĩ về lối sống tình nghĩa gia đình, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, O.P đã có nhận xét cụ thể và tinh tế: “Ngay tại Hoa Kỳ, tổ chức gia đình Việt Nam cũng phá được hàng rào hệ thống tín dụng nghiêm ngặt khắt khe của ngân hàng. Bằng cách cha mẹ, con cái, anh chị em chung tiền hay cho mượn tên, người Việt đã có thể mua xe, tậu nhà một cách dễ dàng, trong một thời gian kỷ lục. Giả sử chỉ dựa vào khả năng kinh tế của mỗi cá nhân mà thôi thì không biết có bao nhiêu gia đình di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ có nhà riêng”?[50]

 

VII. MỘT SỐ TIÊU CỰC CẦN KHẮC PHỤC

1 - Tinh Thần Gia Tộc Đóng Kín:

Tinh thần dân tộc là nét văn hóa của xã hội nông nghiệp. Nhưng trong xã hội với xu thế toàn cầu hóa, khuynh hướng cá thể, thôn làng không còn phù hợp cho sự phát triển con người và cuộc sống. Người ta phải bước ra khỏi sự đóng kín, nếu không muốn đẩy lại đàng sau. Lối sống tình cảm, mềm dẻo, kín đáo, xuề xòa của đời sống gia đình truyền thống không bảo đảm được sự bền vững của gia đình trong một xã hội hướng tới phát huy nền dân chủ, quyền tự quyết, và trách nhiệm liên đới. Mọi sinh hoạt của xã hội mới phải được quy định và chi phối bằng luật pháp. Pháp trị là xu hướng hiện đại làm cho xã hội ổn định và phát triển. Tổ chức gia tộc, làng xã, phường hội đã không còn đủ khả năng để giúp xã hội và con người bắt kịp với cuộc sống với khuynh hướng toàn cầu hóa.[51]

 

2 - Óc Gia Trưởng:

Nguyễn Ngọc Thêm trong tác phẩm Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam đã có nhận định: “Tính tôn ti trật tự dẫn đến một mặt trái là óc gia trưởng. Tổ chức nông thôn theo huyết thống có thể dẫn đến sự đối lập giữa các dòng họ, dẫn đến cực trái của tính cộng đồng là óc địa phương tự trị.” [52]

 Nếu sự ràng buộc giữa cha mẹ và con cái bằng lối sống tình nghĩa là tốt thì lối sống nầy cũng có thể làm phát sinh quyền lực trong gia đình. Nếu óc gia

trưởng, thói gia đình chủ nghĩa, bệnh ỉ lại, dựa dẫm, tùy tiện vốn là nhược điểm cố hữu trong xã hội lấy nông nghiệp làm căn bản, thì tình gia tộc có thể biến thành một thứ ích kỷ, khép kín và óc địa phương hẹp hòi.[53]  Tất cả những phát sinh tiêu cực nầy rõ ràng đi ngược lại với các giá trị đương đại: nhân vị và liên đới, sự tương tác giữa trách nhiệm cá nhân và mưu cầu an sinh xã hội.

 

3 - Giá Trị và Hạnh Phúc Cá Nhân cần được trân trọng:

Một số quan niệm lễ giáo, tục lệ cổ truyền mà một số ít gia đình Việt Nam luôn cứng nhắc nắm giữ đã trói buộc và kềm hãm tự do và sáng kiến của các cá nhân. Giá trị con người và hạnh phúc cá nhân cần được quan tâm vì đó là động cơ cho mọi nỗ lực làm việc và đấu tranh trong xã hội tân tiến. Lương tri con người ngày nay khó có thể chấp nhận những quy định mà một thời rất được trân trọng tại Việt nam, như “phu xướng, phụ tùy,” “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó,” “Vua là cha mẹ,” “cả vú lấp miệng em.” [54]

 

4 - Luật Lệ Khắt Khe và Trói Buộc Phụ Nữ:

Lòng trân trọng và yêu thương của mọi thành viên gia đình Việt nam dành cho người vợ, người mẹ là một khẳng định. Vì quan niệm cái nhà và cái bếp là nguồn gốc của mọi sự ổn định và ấm êm của gia đình một thời; nơi đây cũng khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ. Tuy nhiên, cũng đã qua rồi thời mà người phụ nữ bị bắt cam phận với những trói buộc khắt khe tam tòng, tứ đức… Người phụ nữ Việt nam, cùng với nhịp tiến bộ xã hội, đã dần dà ý thức hơn quyền bình đẳng trong mọi phạm vi từ gia đình tới xã hội, từ kinh tế tới chính trị. Dĩ nhiên vai trò của họ trong gia đình vẫn mãi là một ơn gọi đáng trân trọng và không ai có thể làm tốt hơn chính họ. Đã qua rồi quan niệm con gái tại gia thì phải lệ thuộc cha, lấy chồng thì phải tùy thuộc vào chồng và nhà chồng, khi chồng chết thì hoàn toàn tùy thuộc vào con cái. Hệ thống giáo dục con người và xã hội dưới ảnh hưởng Nho giáo đã bám rễ sâu hàng ngàn năm với những tiêu chí cực đoan và một chiều, đã kềm hãm người phụ nữ và xã hội trong lạc hậu và chậm tiến, bên cạnh một hệ thống y tế chủ yếu dựa vào bùa chú, ma thuật, các loại cây cỏ và phương thức bình dân gia truyền. Tỷ lệ chết của trẻ sơ sinh cao, và tuổi thọ giảm thấp là hậu quả tất nhiên.[55] Ngày nay người ta ý thức rằng chính sự thăng tiến phụ nữ cũng là một phúc lợi cho xã hội.

Hôn nhân theo văn hóa truyền thốngViệt không chỉ là câu chuyện của đôi trai gái yêu nhau, mà còn là công việc và danh dự của dòng tộc của tập thể. Nhờ hôn nhân mà quan hệ thân tộc được nới rộng, từ làng nầy tới làng kia, vùng nầy tới vùng nọ, cả một dân tộc thành một đại gia đình. Qua việc sinh con, vợ chồng không chỉ chu toàn chức năng sinh sản mà còn làm nhiệm vụ lưu truyền sự sống cho dòng tộc, dân tộc tới ngàn sau. Vì thế việc sinh con là quan trọng; nếu lỡ cặp vợ chồng nào không có con, chẳng những có lỗi với ông bà cha mẹ, mà còn đeo đẳng một nỗi buồn tủi, vì không được phúc đức của ông bà để lại. Nếu quan niệm phúc đức một thời đã rất quan trọng nơi người Việt,[56]cha mẹ ăn ở hiền lành để đức cho con”; “đời cha ăn mặn đời con khát nước,” thì ngày nay với tiến bộ vượt bực của các ngành khoa học, nhất là y khoa và tâm lý, người ta trưởng thành hơn trong quyết định và đảm nhận trách nhiệm cho mọi chọn lựa cuộc sống của mình.

Một khi đã thành vợ thành chồng thì cố gắng để giữ lấy mối dây liên hệ gia tộc. Đó là tình cảm gia thất. Những quy định ràng buộc mối liên hệ vợ chồng được nâng lên hàng đạo: đạo vợ chồng. Duyên Hạc Lê Thái Ất đã tổng hợp đạo vợ chồng trong một số phạm trù liên hệ:Duyên: (duyên số) nhờ mối dây ràng buộc vô hình nầy mà hai người gặp nhau, gặp gỡ và nảy sinh tình cảm. Nợ: thường là sự ràng buộc giúp nhau vượt qua khó khăn thử thách, nhất là khi tình cạn, duyên nhạt (không duyên thì nợ mới nên vợ chồng). Phận: là phần nhận lãnh được, không do bởi mình, còn gọi là nghiệp, số phận. Cam phận có nghĩa là cố gắng để trả hết nợ. Ân: là điều tốt lành do phúc đức của tổ tiên ông bà. Nghĩa: là điều hay, điều phải, là đạo lý mà vợ chồng phải giữ.” [57]  Vì ý thức và đặt tình yêu hôn nhân trong tương quan tập thể gia tộc, cộng đồng, cũng như nhờ mặc một ý nghĩa thiêng liêng mà vợ chồng đã cả đời gắn bó. Vợ chồng ít khi nghĩ tới ly dị, ly thân hoặc phá thai. Đạo vợ chồng là đạo xướng tùy, “thuyền theo lái gái theo chồng”; “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.” Ngày nay, tình yêu, lòng chung thủy và tinh thần trách nhiệm là những giá trị được chú trọng trong hôn nhân. Sự chọn lựa ý thức, thay vì nhắm mắt đưa chân, là yếu tố chi phối sự bền lâu và giá trị của hôn nhân. Người ta chọn một người và sống chung với người đó, chọn một gia đình và xây dựng gia đình đó, chọn một lời thề và quyết tâm sống trọn lời thề đó. Đó là hướng đi của hôn nhân hạnh phúc và gia đình hiện đại.[58]

 

5. - Tôn Trọng Nhân Vị của Con Cái :

“Người ta không nghe ý kiến con cái. Chúng ta phải tôn trọng những quan điểm của chúng… có thể không phải lúc nào cũng đúng nhưng hãy để cho chúng có cơ hội, không phải vì chúng ta nhiều tuổi hơn mà bao giờ chúng ta cũng đúng.” Nhận xét trên đây có phần đúng với các cha mẹ Việt Nam trong truyền thống gia đình, với quan niệm: “áo mặc không qua khỏi đầu”; “chí không khôn hơn rận.” [59]  Nếu trong quá khứ, gia đình giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân tốt, thì ngày nay, gia đình vẫn còn vai trò quyết định đó. Nhưng cách thế để đạt tới mục đích thì đã khác hẳn. Tâm lý trẻ đầy năng động ngày nay đã chịu ảnh hưởng trào lưu mới nhờ thụ hưởng tài sản dân chủ tự do, cả những phát minh khoa học kỹ thuật và tác động của xu thế xã hội hóa giáo dục. Chúng có cách suy nghĩ riêng, cách hành động và cuộc sống riêng, đòi buộc cha mẹ có cách tiếp cận giáo dục phù hợp, nếu muốn chu toàn tốt sứ mạng giáo dục.[60]

 

KẾT LUẬN

Mấy chục năm gần đây, những thay đổi mang tầm vóc quốc tế trong cuộc sống gia đình gắn liền với sự biến đổi trên nhiều lãnh vực xã hội, kinh tế, chính trị. Hiện nay, không chỉ trong các xã hội mới mà người Việt Nam và gia đình Việt Nam đang hội nhập tại Âu - Mỹ, mà ngay trong nếp sống và sinh hoạt của các thành thị tại Việt nam, không ít người thành công và đi dần vào giòng chính. Ngoài xã hội họ thành công; trong nội thất họ cũng bảo toàn được các giá trị văn hóa gia đình. Con cái họ được dẫn dắt hòa nhập vào nền giáo dục của xã hội mới, của thời mới; đồng thời, cũng còn giữ lại được nề nếp gia phong, gia lễ cần thiết. Bên cạnh những gia đình thành công nầy, còn có vô số những gia đình đang bị chao đảo và khó khăn. Đối với họ, thật không dễ dàng gì để hành xử và dắt dìu gia đình đi bằng an giữa hai nền văn hóa cổ truyền và tân thời, lắm khi đối kháng nhau gay gắt.[61]  Nhiều gia đình co rút lại để tìm sự an toàn trong tập quán, phong tục, nếp sống và sở thích, trong khi giòng chảy xã hội vẫn mạnh mẽ trôi đi.[62]

Đặc biệt các chức năng gia đình truyền thống khó tồn tại nếu không được điều chỉnh để phù hợp và phát triển theo xu thế của thời đại và môi trường. Sự chuyển dịch các chức năng từ gia đình truyền thống sang gia đình hội nhập nhiều ít gì cũng tạo ra những cọ xát đau lòng xót dạ. Động cơ của các chuyển đổi chức năng gia đình chính là sự bành trướng giáo dục trong một xã hội phồn thịnh kinh tế và đô thị hóa.[63] Hệ quả quan trọng của sự biến chuyển này là giá trị con người, nhất là phụ nữ, được nâng cao và mở ra cho họ nhiều cánh cửa với thế giới bên ngoài gia đình. Điều này dẫn tới sự trưởng thành ý thức và độc lập trách nhiệm. Các động cơ nầy cũng có thể đã dẫn tới một số khái niệm hôn nhân, mà theo nhiều người cho rằng, làm cho gia đình mong manh và đầy bất trắc. Hôn nhân là sự kết ước tự do tuyệt đối, là mối liên hệ hoàn toàn riêng tư, và như một khế ước dân sự lập thành do sự thỏa thuận giữa một người nam và người nữ; nhưng có một điều chắc chắn, sự mong manh và đỗ vỡ của nhiều gia đình ngày nay đã là một bức tranh buồn, và là gánh nặng cho xã hội. Dr. Phil McGraw, chuyên viên gia đình, và là tác giả cuốn sách bán chạy nhất  “The Ultimate Weight Solution,” khẳng định: “Hạnh phúc gia đình là mục đích của cuộc sống con người.” [64]

Gia đình là nơi tình thương yêu giữa cha mẹ và con cái được bày tỏ. Gia đình cũng là nơi chồng vợ và mọi thành viên đón nhận và trao ban lòng trân trọng yêu thương. Chúng ta hãnh diện đã có một di sản tốt dẹp về gia đình truyền thống Việt nam; nhưng chúng ta cũng quyết tâm làm thăng hoa các vẻ đẹp gia đình, bằng những thích nghi hội nhập với những thay đồi thời đại, không chỉ để tốn tại, mà là tồn tại một cách mạnh mẽ.

-----------------------------

[1] George Murdock, Social Structure, NY, Macmillan, 1949, 45.

[2] Ibid, 79.

[3] Charles L. Jones, Lorne Tepperman, The Future of the Family, V.Q.Hà dịch, nxb Đại Học QG Hà Nội, 2000, 44.

[4] Mortimer J. Adler, Great Ideas from the Great Books, NXB Văn Hóa Thông Tin, 237.

[5] Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, nxb TPHCM, 1996, 291.

[6] Luật Hôn Nhân và Gia Đình của CHXHCNVN, 29/12/1986, điều 19.

[7] Tông Huấn Familiaris Consortio số 18 xác định gia đình không chỉ là thực tại văn hóa, xã hội, lịch sự, mà còn là một thực tại thiêng liêng. Vì thế gia đình có 4 nhiệm vụ chính: 1. thành lập nên cộng đoàn nhân vị; 2. Phục vụ cho sự sống, sinh sản; 3. Tham gia vào việc phát triển xã hội; 4. Chung phần sứ vụ của GiáoHội.

[8] Phạm Côn Sơn, Văn Hóa Phong Tục Việt Nam ABC, NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2002, 364.

[9] Phạm Côn Sơn, Văn Hóa Phong Tục Việt Nam ABC, NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2002, 367. 10 Ibid.

[10] Ibid. 376.

[11] Ibid. 368.

[12] Phạm Côn Sơn, Văn Hóa Phong Tục Việt Nam ABC, NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2002, 373.

[13] Lê Ý Thu, Cuộc Sống Gia Đình, nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 2000, trang 8-18

[14] Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, nxb TPHCM, 1996, 98.

[15] Ibid., 527.

[16] Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ, Tình Yêu Gia Đình và Hội Nhập, Đinh

Hướng Tùng Thư 2000, 69.

[17] Ibid., 72.

[18] Ibid. 73.

[19] Ibid.

[20] Lm Nguyễn Thái Hợp, Một Nửa Hành Trình, nxb Chân Lý, 1997, 55.

[21] Tình Yêu, Gia Đình và Hội Nhập, Định Hướng Tùng Thư xuất bản, 2002, 57.

[22] Cuộc Sống Gia Đình, NXB Phụ Nữ, 1999, 40.

[23] HĐGMVN. Thư mục vụ về Môi Trường Giáo dục Gia đình Công giáo, 5-12-2008.

[24] Phạm Hồng Lam, Tình Yêu – Gia Đình và Vấn Đề Hội Nhập, 63

[25] Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, 210.

[26] Văn Hóa Phong Tục Việt Nam ABC, 364.

[27] Hội Nhập Văn Hóa Trong Hôn Nhân và Gia Đình Việt Nam, 17.

[28] Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, 626.

[29] Dr. Phil McGraw, Family First, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2005, trang bìa.

[30] Phạm Côn Sơn, Văn Hóa Phong Tục Việt Nam ABC, nxb Văn Hóa Dân Tộc, 2002, 365.

[31] Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, nxb TPHCM, 1966, 203.

[32] Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, 385.

[33] “Khởi đầu, vào thời Bắc thuộc, người nước ta hay dùng những nghi thức của Chu Văn Công, bên Tàu  soạn  ra. Những tục lệ nầy là của một nhà nặng phong tục Hán Tộc. Vào đời nhà Trần, ông Hồ Sĩ  Dương, người làng Hải Thượng, tỉnh Hải Dương, hiện là Thọ Mai,  có soạn ra bộ sách gọi là “Thọ mai gia lễ.” So với sách “Chu Công gia lễ,” “Thọ Mai gia lễ” có những đặc điểm theo phong tục của  nước ta. Từ đó, người dân áp dụng những nghi lễ theo bộ sách  nầy” (Văn Hóa Phong Tục Việt Nam ABC, Phạm Côn Sơn, NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2002, 375).

[34] Hồng Kim Linh, Người Việt, Hồng Lĩnh xuất bản, 1985, 87.

[35] Văn Hóa Việt Nam, Truyền Thống và Hiện Đại, 284.

[36] Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, 272.

[37] Lê Văn Siêu, Truyền Thống Dân Tộc, NXB Sống Mới, 82.

[38] Duyên Hạc Lê Thái Ất, Văn Hóa Việt Nam, 2nd edition, 2003, 183.

[39] Phạm Côn Sơn, Văn Hóa Phong Tục Việt Nam ABC, NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2002, 638.

[40] Ibid.

[41] Văn Hóa Phong Tục Việt Nam ABC, 429.

[42] Tình Yêu Gia Đình và Hội Nhập, 209.

[43] Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, 201.

[44] Yu InSum, Luật Pháp và Gia Đình Việt Nam Thế Kỷ XVII-XVIII, Hoa Kỳ, 1987.

[45] Tình Yêu Gia Đình và Hội Nhập, 209.

[46] Trọng Minh, Vẻ Vang Dân Việt, Mekong Printing, 9.

[47] Văn Hóa Phong Tục Việt Nam ABC, 308.

[48] Vẻ Vang Dân Việt, 12.

[49] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, niêm giám 2005, phụ lục.

[50] Nguyễn Thái Hợp O.P, Một Nửa Hành Trình, NXB Chân Lý, 1997, 97.

[51] Một Nửa Hành Trình, 99.

[52] Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, 204.

[53] Một Nửa Hành Trình, 99.

[54] Ibid. 101.

[55] Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ, Tình Yêu Gia Đình và Hội Nhập, Định Hướng Tùng Thư 2002, 9-40. 

[56] Nhóm chuyên gia về văn hóa, Văn HóaViệt Nam, Truyền Thống và Hiện Đại, nxb Văn Hóa, 1999, 157.

[57] Văn Học Việt Nam, Kim Ấn quán, 2003, 241.

[58] Văn Hóa Việt Nam, 254 & 271.

[59] Lê Ý Thu, Cuộc Sống Gia Đình, nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 2000, 51.

[60] Ibid. 48.

[61] Ibid. 75.

[62] Đọc thêm các tác giả: Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, TPHCM, 1996. Đoàn Thêm, Nhà Quê Ra Tỉnh, NXB Phạm Quang Khải, Hoa Kỳ, 1995. Cao Xuân Huy, Tư Tưởng Phương Đông Gợi Những Điểm Nhìn Tham Chiến, NXB Văn Học, 1995. Hồ Sỹ Vịnh, Văn Hóa và Con Người, Hà Nội, 1993.

[63] Familiaris Consortio, 18.

[64] Dr. Phil McGraw, Familiy First, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2005, chương 15.

2. ĐẠO HIẾU TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM

(Linh mục Giuse Cao Phương Kỷ P.S.S. cũng là soạn giả của những tác phẩm ghi trong chú thích, bút hiệu là ĐƯỜNG THI, đã dạy môn Luận Lý học và Triết Lý Á Đông tại St Joseph's College Seminary, Mountain View, CA, và hiện đang nghỉ hưu.) 


Trong Văn Hóa Việt Nam, Đạo HIẾU, (hay Đạo Ông Bà, Đạo Thờ cúng Tổ Tiên), Tang Lễ, Hôn Nhân và Gia Đình là bốn thể chế căn bản luôn tương quan, liên hệ ràng buộc lấy nhau. Người con Hiếu Thảo có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống, lập gia đình, sinh con cháu, và khi cha mẹ chết, thì làm ma, cúng giỗ.

Dưới góc cạnh Xã hội học, đây là một hiện tượng Tôn giáo-Xã hội (socio-religious) nơi các nền Văn minh kì cựu của Nhân Loại tại miền Đông Á như Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn... Có thể nói: vì dân chúng rất quí trọng giá trị linh thiêng cao cả của Hôn Nhân, là nguồn gốc của Gia Đình, nên mới Thần Thánh hóa và nâng hai thể chế xã hội căn bản của nhân loại lên thành Tôn Giáo, thành ĐẠO.

Tại Việt Nam, nói đến Gia đình, tức phải bàn đến Hôn Nhân, vì không kết nghĩa vợ chồng làm sao có Gia đình gồm ông bà cha mẹ và con cháu? Nhưng theo tín ngưỡng dân gian của dân Việt, “Chết không phải là hết.” Vì thế, con cháu làm Tang Lễ để tiễn đưa người quá cố về cõi Vĩnh Cửu:

“Chết là Thể Phách, còn là Tinh Anh” (Nguyễn Du)

“Sinh ký Tử Qui: Sống gửi, Thác về” (ngạn ngữ)

Cuộc đời con người thật ngắn ngủi như sống tạm gửi thân xác ở trần gian này một thời gian, ước mong khi chết rồi được VỀ đoàn tụ cùng Ông Bà Tổ Tiên nơi Vĩnh Hằng. Ước vọng Trường Sinh Bất Tử, tin tưởng Ông Bà Tổ Tiên, dầu các Ngài đã ra Người thiên cổ, nhưng Hồn Thiêng vẫn còn sống vẫn còn “hiện diện” cách nào đó, để phù hộ cho con cháu. Đây cũng là niềm TIN Chung của mọi người Việt Nam, kể cả người theo Đạo Thiên Chúa hay Tam Giáo (Khổng-Phật-Lão).

Trong bài thảo luận dưới đây, chỉ xin bàn về Hôn Nhân và Gia Đình,

còn về Tang Lễ và Thờ cúng Tổ Tiên, vì tính chất phức tạp của các nghi lễ tôn giáo, nên xin để một dịp khác sẽ diễn giảng đầy đủ hơn. Ngoài ra, bài viết cũng chỉ trình bày, miêu tả khách quan những sự kiện văn hóa, những nghi thức thực hành trong xã hội từ xưa đến nay, mà không phê bình, so sánh với các nghi lễ thuộc các nền văn minh, tôn giáo khác.

 

I. HÔN NHÂN TRONG VĂN HÓA VIỆT

Khi bàn đến Hôn Nhân hay Gia đình là những hiện tượng xã hội, thì cũng liên quan đến Tôn giáo, tức Đạo Thờ Ông Bà, Tổ Tiên như cứu cánh cùng đích của cuộc đời của Hôn Nhân và Gia Đình. Lễ nghi tôn giáo, bàn thờ tôn kính Tổ Tiên không thể thiếu sót trong những biến cố trọng đại trong ngày Thành Hôn, trong Gia đình Việt nam.

Không có Hôn Nhân để sinh sản con cái, thì cũng không có Gia Đình. Do đó trước khi bàn về Gia Đình, cần phải bàn về Hôn Nhân là cái gốc của Gia đình.[1]

 

HÔN NHÂN là gì?

Một số bạn trẻ không hiểu ý nghĩa nguyên tự của từ “Hôn” và “Nhân.” Có thể quí bạn hiểu chữ “Hôn”theo nghĩa phổ thông, bình dân như: “Hôn ai, Ai hôn, “hôn như thế nào? Nhưng ở đây, danh từ Hán  -Việt, “HÔN” nghĩa là hoàng hôn, chiều tối, vì Lễ Cưới được cử hành về buổi tối, đốt đuốc đi rước Dâu. Do đó tạo nên một cảnh tượng âm u, huyền bí, linh thiêng.[2]

“NHÂN” là NHÂN DUYÊN. Nhân là Nguyên Nhân, là cái gốc, cái căn cớ để sinh ra cái khác, sinh ra quả. Duyên là Duyên cớ, vì đâu. Trong Hôn Nhân, người Việt tin là hai người Nam -Nữ có Duyên kiếp, Duyên nợ từ kiếp trước, nên mới có Duyên Phận gặp gỡ nhau, và làm khế ước Hôn Phối với nhau.

Căn cứ trên cách dùng và cấu tạo từ ngữ Hôn Nhân, người ta cũng nhận thấy tính chất tôn giáo, tín ngưỡng của việc phối hợp đôi trai-gái, nên vợ-chồng. Nghĩa là do Tiền Định, vượt ra ngoài ước muốn của con người. Nhiều trường hợp hai bên không biết nhau, xa lạ, địa vị xã hội cũng khác nhau, nhưng nhờ mai mối hay cùng làm một sở, hoặc tình cờ gặp gỡ, rồi nên Duyên Vợ-Chồng. Người ta tin rằng đó là Số Phận do Ông Trời Xe Duyên. Khi lỡ thương nhau, “phải lòng nhau” mà không lấy được nhau thì bị coi là “Duyên Phận lỡ làng.”[3]

Minh Triết ÂM-DƯƠNG điều hòa cũng là một nguyên lý bình dân để giải thích những hiên tượng tự nhiên vẫn thương xẩy ra trong trời đất. Theo lẽ tương đối, có nóng thì có lạnh, có sáng vì có tối, có ngày vì có đêm, có đàn ông vì có đàn bà (hay ngược lại), có Nam vì có Nữ...Hai thứ giằng co, bổ túc cho nhau, không có cái này hơn cái kia.[4]

Do sự kết hợp điều hòa giữa Âm và Dương, giữa giống Đực và giống Cái thì mới sinh sản ra được. Hãy nhìn loài động vật và loài hoa cũng không thoát vòng Âm Dương chi phối.

Cũng vì theo Minh triết bình dân Âm Dương Điều Hòa, nên người Việt tôn trọng sự Bình đẳng giữa Vợ với Chồng, Nam và Nữ. Hai Người đều cần thiết, bù đắp cho nhau, mỗi người một phận vụ: nếu người đàn ông lo việc làm ăn ngoài xã hội, thì người đàn bà lo việc nội trợ, nuôi nấng con cái. “Thuận vợ, thuận chồng, Tát Bể Đông cũng cạn”

Cũng vì lý do Âm Dương Điều Hòa, nên Người Việt không chấp nhận hiện tượng bất thường “đồng tính luyến ái,” vì không thể sinh con cái được:

“Đàn ông nằm với đàn ông
Như gốc như gác như chông như chà.

Đàn ông nằm với đàn bà,
Như lụa như lĩnh như hoa trên cành. (ca dao)

Mục đích của Hôn Nhân là sự Hòa hợp của Nam-Nữ theo luật Âm-Dương để sinh con cháu, nối dõi tông đường, giữ tròn Đạo Hiếu, để cúng giỗ Ông Bà Tổ Tiên. Do đó, theo người xưa, tội “bất Hiếu” lớn nhất đối với Ông Bà là tội không có con cháu.

Ngày Tết, người ta thường chúc nhau: Ngũ Phúc (Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh) và Tam đa (ba cái nhiều) tức đa tử, đa tôn, đa phú quí. Hủ tục đa thê, cưới nhiều vợ để sinh ra nhiều con, nhất là trong triều đại các vua quan, để có người nối ngôi; và trong dân gian việc cưới nhiều vợ hay hủ tục tảo hôn (giạm vợ, gả chồng khi còn quá ít tuổi) cũng vì mục đích có thêm người lo việc đồng áng, cầy cấy.

 

Hôn Nhân vì TÌNH hay vì NGHĨA?

Ngày xưa nhiều cuộc Hôn Nhân đều do Cha Mẹ xếp đặt, qua mai mối. Như câu nói: “Cha Mẹ đặt đâu, con ngồi đấy.” Nhiều khi, đôi trai gái không quen biết nhau, không giao tiếp với nhau trước khi cưới, không thương nhau, đôi khi còn bị “ép duyên,” “gả bán,” “môn đăng hộ đối”… Do đó, các hủ tục, như đa thê, đa thiếp, tảo hôn… đã gây đau khổ cho đôi bạn trẻ và gia đình, vợ chồng, con cái.[5]

Như vậy, có phải các cuộc hôn nhân ngày xưa, các đôi trai-gái thiếu chữ “tình” hay sao? Không phải thế, trong thực tế có yêu nhau, có “phải lòng nhau” thì mới lấy nhau, nhưng theo đạo lý luân thường ngày xưa, Vợ - Chồng không phải là đôi nhân tình qua đêm rồi bỏ nhau, nhưng phải “ăn đời ở kiếp” với nhau, nên cần đắn đo, suy nghĩ cẩn thận, nghĩa là cần Lý Trí, NGHĨA VỤ hơn tình cảm bồng bột, nhất thời. Tuy Hôn Nhân, tức sự kết hợp giữa người Nam và người Nữ theo luật Âm-Dương, nhưng Hôn Nhân cũng là một khế ước, một HÔN ƯỚC, do hai bên đồng thỏa thuận và Luật pháp bảo đảm.

Do đó, để bảo đảm Hôn Ước (contract) Hôn Nhân được vuông tròn (hoàn hảo), được sống đời ở kiếp với nhau đến “da mồi tóc bạc,” “bách niên giai lão” (cùng già tới một trăm tuổi) thì đôi bạn trẻ cần phải được các bậc cha mẹ dạy cho biết trước hết về nghĩa vụ, bổn phận của Vợ Chồng, đối với nhau, với con cái, với Họ hàng, bên nội, bên ngoại. Trong thực tế, Vợ- Chồng không thương nhau thì không thể sống hạnh phúc suốt đời với nhau được. Nhưng ở đây là: NGHĨA VỤ phải đi trước TÌNH CẢM. Khi nào người chồng chu toàn bổn phận là chồng lo làm ăn nuôi vợ nuôi con và người vợ đảm đang lo việc giáo dục con cái, trong gia đình, cả hai đều TÔN TRỌNG Quyền Lợi của nhau, càng lâu ngày lâu năm thì Tình Cảm Vợ Chồng mới thêm thắm thiết, bền lâu.

Do đó, nếu vợ chồng khinh bỉ nhau, bất công, đàn áp thì không thể sống chung được. Nạn Ly Dị, Ly Thân ít xẩy ra, vì Vợ - Chồng sống Trung thành với nhau, nhất là NHẪN NẠI chịu đựng nhau, tha thứ lỗi lầm, khuyết điểm của nhau, NHỚ ƠN nhau khi vui khi buồn, lúc bệnh tật, đau yếu, đói khát, nên đã chất chứa, xây đắp nhiều Kỉ Niệm về ÂN TÌNH, ÂN NGHĨA cho nhau.

Chồng giận thì Vợ làm lành
Miệng cười tủm tỉm rằng:” anh giận gì”?

Chồng giận thì Vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa, một đời không khê.

Chồng giận thì Vợ bớt lời
Chồng giận Vợ giận, thì dùi nó quăng.

 

NGHI LỄ HÔN PHỐI trước Bàn Thờ Tổ Tiên:

Trong xã hội truyền thống Việt nam, vì Hôn Nhân liên hệ đến Gia Đình và thăng hóa lên thành Đạo Hiếu, tức Đạo Thờ Ông Bà, nên các Nghi Lễ trong dịp Thành Hôn cũng rất trang trọng, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, cốt để cho cả dòng họ Nội Ngoại và dân làng chứng giám, cùng chúc mừng chung vui với Gia đình mới.[6]

Ngày nay, các nghi lễ vẫn được tiếp tục tại các Cộng đồng người Việt tại Hải ngoại, nhưng đơn giản hơn nhiều, gồm có Lễ Hỏi (Đính Hôn) và Lễ Rước Dâu (Lễ Vu Quy), Lễ Cưới vàTiệc Cưới, tất cả đều cùng làm trong một ngày.

- Lễ Hỏi (Đính Hôn). Sau một thời gian tìm hiểu, do mai mối, nếu đôi trai-gái và hai gia đình thỏa thuận, thì hai Anh/ Chị được công khai đi lại, giao thiệp một thời gian để chuẩn bị cho ngày chính thức thành hôn. Đôi bạn trẻ có thể chấm dứt liên lạc (trả lại trầu cau) nếu nhận thấy không còn hòa hợp với nhau để thành vợ thành chồng.

Trong thực tế, để giản tiện, Lễ Đính Hôn cũng đồng thời cử hành một lúc trước Lễ Rước Dâu (Vu Qui), khi quan khách hai Họ tập họp tại nhà Cô Dâu.

-Lễ Rước Dâu (VU QUI), tức là Lễ đón rước người con gáí VỀ (qui) Nhà Chồng.

Đoàn người bưng (hay khiêng) sính lễ gồm một mâm có đầu heo, và xôi, mâm trầu cau, mâm ngũ quả, trái cây: xoài, đu đủ, chuối, cam quít, mận...Mâm đặt những chiếc ly, và chai rượu và bó hương nhang, tràng pháo. Một hộp đựng nữ trang như vòng vàng, ngọc thạch, kim cương...

Trên Bàn Thờ Tổ Tiên, có trưng Ảnh Ông Bà Nội Ngoại đã qua đời, đặt dưới những Ảnh tượng Chúa và Mẹ Maria, Các Thánh (nếu là Gia Đình Công Giáo). Ngoài ra, còn treo các câu đối mừng đôi Tân Hôn: như “bách niên giai lão” “trăm năm hạnh phúc..”.

Khi Quan khách hai Họ, chú Rể và các cậu phù rể đã sẵn sàng, thì cô Dâu trang điễm lộng lẫy cùng các cô phù dâu mới được phép xuất hiện, từ từ bước xuống cầu thang, được mọi người vỗ tay chào mừng.

Sau khi người quản lễ M.C giới thiệu quan khách hai Họ, hai bên Phụ Mẫu, thì bắt đầu Lễ trao và nhận Sính Lễ, đặc biệt khi Bà Mẹ Chồng đeo đôi hoa tai kim cương, hay quàng vòng cẩm thạch xanh vào cổ con Dâu mới. Trước hết cô Dâu chú Rể làm Lễ dâng Hương lên Bàn Thờ Tổ Tiên, Nội Ngoại. Sau đó, hai người rót rượu mời nhau cùng uống chung ly rượu, gọi là “Hợp Cẩn,” nên Duyên Vợ-Chồng.

Tiếp theo, Cô Dâu, chú Rể đi đến bái lậy Cha Mẹ đôi bên. Khi lễ nghi đã tạm hoàn tất, các quí vị quan khách được mới dùng bữa có thịt heo quay, xôi gấc trước khi phái đoàn tiến ra Thánh Đường để chính thức làm Lễ Cưới.

Lễ thành hôn của đôi vợ chồng mới cưới chỉ thật sự kết thúc, sau khi tất cả các quan khách và Họ hàng, Thân quyến tham dự Tiệc Cưới long trọng vào cuối ngày.[7]

 

II. GIA ĐÌNH là nền tảng Xã Hội

Gia Đình là đơn vị nhỏ nhất của xã hội như Làng, Xã, Huyện, Tỉnh và Quốc Gia Dân tộc. Mỗi Gia đình gồm có Vợ - Chồng hay Cha Mẹ và các con trai và gái.

Gia đình Việt Nam theo chế độ Phụ Hệ, nghĩa là người Chồng, người Cha làm chủ Gia đình và các con đều mang TÊN HỌ của Cha. Theo một truyền thuyết, xã hội Việt Nam đã có thời kì theo Mẫu hệ, như vào thời Hai Bà TRƯNG khởi nghĩa chống quân xâm lăng từ phía Bắc.

Phong tục và xã hội Việt Nam luôn tôn trọng địa vị của phụ nữ, đặc biệt của Bà Mẹ, được xưng tụng là Bà Hiền Mẫu. Khác với văn hóa của người Trung Hoa, trọng nam khinh nữ như câu: “Thập nữ viết vô” (mười người đàn bà cũng kể là số không).

Trái  lại,  theo  tập  quán  và  Luật  HỒNG  ĐỨC,  do  vua  Lê  Thánh Tôn(1460-1497) ban hành, người phụ nữ Việt Nam được tôn trọng, được chia quyền hành và nghĩa vụ trong gia đình. Nếu người đàn ông lo đối đáp, làm ăn với làng nước để kiếm tiền nuôi sống gia đình, thì bà mẹ lo việc nội trợ, nuôi dạy con cái, nữ công gia chánh, ngân sách gia đình.[8]

Văn chương bình dân, tức ca dao, tục ngữ, câu ví, câu hò luôn ca tụng tấm lòng cao cả, yêu thương chồng con, gia đình của các Bà Mẹ.

Hình ảnh các Bà Mẹ tần tảo lo cho chồng con, được sánh ví như “thân con cò lặn lội bờ ao”:

“Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao

Ông ơi! Ông vớt tôi vào,
Nếu có lòng nào, ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con.”(Đồng dao)

“Lặn lội thân cò nơi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

(trích bài thơ Thương Vợ của Tú Xương)

 

Người con gái đi lấy chồng, theo phong tục vẫn giữ lấy Họ của mình, không đổi lấy Họ của chồng như phong tục Âu-Mỹ. Tại sao người đàn bà vẫn giữ lấy Họ của Cha ruột?

Như: TRƯƠNG THỊ HUỆ, có nghĩa là: Cô gái tên gọi là HUỆ, người thuộc về HỌ (THỊ) TRƯƠNG, vì nghĩa chữ THỊ là HỌ; LÊ THỊ HUỆ, hiểu là cô gái tên Huệ, thuộc HỌ (THỊ) LÊ Do đó, khi lấy vợ lấy chồng, người ta dễ nhận ra là đôi tân hôn là khác HỌ, tránh khỏi tội “loạn luận” (lấy người cùng Họ gần với nhau), đặc biệt trong những cộng đồng di dân, mới đến lập nghiệp, tại vùng đất mới khai thác , mở mang như thời kì Nam Tiến của Dân Việt mở mang bờ cõi vô miền Nam, và thời kì di tản ra các nước trên thế giới.[9]

 

Giáo Dục Gia Đình:

Việc giáo dục, rất chú trọng về Đức dục: gọi dạ bảo vâng, khoanh tay, cúi đầu chào hỏi

Tiên học Lễ, Hậu học Văn”

Con cháu phải luôn biết vâng lời cha mẹ:

“Cá không ăn muối cá ươn,
Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”

Luân Lý của Đạo HIẾU được truyền tụng qua những câu ca dao tục ngữ, những tiếng ngâm nga ru em ngủ, để giúp đứa trẻ học nhập tâm và đem ra thực hành suốt đời sống:

Nhớ Ơn Sinh Thành của Cha Mẹ:

“Công Cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ HIẾU mới là đạo con”

Thương yêu Anh Chị em ruột thịt hay họ hàng:

“Anh Em như thể chân tay”
“Chị ngã Em nâng”
“Một giọt máu đào hơn ao nước lã”

 Đạo Làm Người, cần tuân theo “Ngũ Thường,” tức năm Đức tính thường phải giữ mọi nơi, mọi lúc là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Ngoài ra, Gia đình rất chú trọng đến việc học hành: “Ấu bất học, Lão hà vi? Còn nhỏ mà không học, lớn lên, làm gì mà sinh sống? Nếu không học chữ để đậu đạt ra làm việc nước, thì con trai cũng phải học nghề: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”

Ngày xưa, nền kỹ nghệ chưa có, nên hầu hết người đàn bà lo việc “nội trợ” trong gia dình. Vì thế, người con gái cần được trau giồi, học tập về Công, Dung, Ngôn, Hạnh (Công tức là Nữ công, gia chánh).

Lý tưởng cuộc đời của người nam nhi là: Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ.

Chương trình huấn luyện phải theo một trật tự tiệm tiến, theo thứ tự, từ nhỏ tới lớn, từ trong ra ngoài. Trước hết phải tập luyện các đức tính tốt cho bản thân; nếu đã trưởng thành mới có hy vọng giúp cho đời sống gia đình an vui, sung túc; chỉ khi gia đình êm thắm mọi bề, nếu có tài năng mới tham gia việc dân việc nước và đem an bình đến cho trăm họ, các nước láng giềng.

 

Đại Gia Đình là gì?

Xã hội cổ Việt Nam gồm có Tiểu Gia Đình: Cha, Mẹ và con cái; Đại Gia Đình bao gồm thêm Ông Bà Nội Ông Bà Ngoại và Cô, Bác, Chú, Dì, Cậu và các con cháu, chắt, chút. Trên Bàn Thờ Tổ Tiên, thường trưng Hình Ảnh của các Ngài đến ba đời.

Đại Gia Đình có thể ví như một hệ thống về “An Sinh Xã Hội.” Ông Bà Nội Ngoại, Chú Bác Cô Dì cậu Mợ… giúp đỡ con cháu về giáo dục thay cho cha mẹ chúng; khi gặp đói khát, túng thiếu, cũng được Bà con Họ hàng bao bọc bữa đói bữa no.

Câu nói”tam đại đồng đường” (ba đời, ông bà, cha mẹ, con dâu con rể, cùng ở chung một nhà), trong gia đình thời xưa cũng là chuyện bình thường, hoặc là vì nghèo không có đất làm nhà cho con trai con dâu ở riêng, nhưng cũng vì tình nghĩa gia tộc, ông bà muốn đùm bọc con cháu và con cháu muốn giúp đỡ khi cha mẹ già yếu, bênh hoạn.

Những Hủ Tục:Những hủ tục thời xưa do luật lệ bất công , kì thị nam-nữ của các hủ nho áp đặt trên xã hội, đã gây đau khổ và nhiều thảm cảnh cho các bà Mẹ như thói tục: “Tam Tòng,” Quyền Huynh thế Phụ,” nhất là tục “đa Thê.” Những hủ tục này phát xuất do ý tưởng “trọng Nam khinh Nữ” mà sinh ra.

Tam Tòng”: Tại gia, tòng phụ, Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (Ở nhà thì theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con). Chử “tòng” ở đây có nghĩa là dưới quyền định đoạt, kém địa vị, phụ thuộc.

Quyền Huynh thế Phụ.” Khi người cha chết, người con trai Trưởng thay cha làm chủ gia đình, trên cả quyền của Bà Mẹ và có quyền điều khiển các em.

“Đa Thê.” Đây là một hủ tục hạ phẩm giá người NỮ, vì theo Luật Tự Nhiên (Luật Âm-Dương Điều Hòa), người NỮ hoàn toàn Bình đẳng với người NAM. Hai Người bổ túc cho nhau, cần thiết có với nhau, không hơn không kém. Nhưng vì dục vọng, tính ích kỉ, tham lam vô độ của con người, từ thời thượng cổ, các chế độ phản Nhân Quyền như các bạo chúa, trọc phú, lạm dụng mê tín dị đoan, đã duy trì chế độ đa thê, vừa hạ giá người phụ nữ xuống thấp hơn nam nhi, vừa dùng phụ nữ làm nô lệ tính dục.

 

TẠM KẾT LUẬN

Như đã trình bày ở phần Nhập đề: Đạo HIẾU của Văn Hóa Việt Nam bao gồm: Hôn Nhân, Gia đình, Tang Lễ và Thờ Kính Tổ Tiên, vì những thể chế này tương quan liên hệ với nhau, trong một đời sống con người nối tiếp nhau từ thế hệ này tới thế hệ khác.

Bài viết này chỉ trình bày những nét đại cương về Hôn Nhân và Gia đình, Còn vấn đề Tang Lễ và Thờ Cúng Tổ Tiên, xin để một dịp khác, vì cần bàn luận rộng rãi hơn về ý nghĩa Tôn Giáo của niềm Tin vào Thế giới Vô Hình, và về các nghi thức tế tự, dâng cúng cho Tổ Tiên đã ra người thiên cổ. Trong lịch sử Đông -Tây đã xẩy ra một cuộc tranh luận rất gắt gao và hào hứng về: “Ý nghĩa Tôn Giáo của các Nghi Lễ về Thờ Cúng Tổ Tiên” (La Querelle des Rites - Controversy of Rites).[10]

Khi so sánh các Lễ Nghi Tôn giáo về Tang Lễ, Thờ Kính Tổ Tiên , trong Đạo Hiếu cổ truyền của người Việt, người Hoa, và trong Đạo Thiên Chúa, thì có những điểm Tương Đồng và Dị Biệt như thế nào? Cuộc tranh luận đã kéo dài gần 300 năm từ năm 1699 đến ngày 8 tháng 12 năm 1939, (theo Huấn thị “Plane Compertum est”) mới được giải quyết cho Người Trung Hoa.

Ngày 20 /10/1964, Thánh Bộ Truyền giáo đã chấp thuận đề nghị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xin cho áp dụng Huấn thị trên.

Những thắc mắc vấn nạn được đặt ra như: Những nghi lễ nào người theo Thiên Chúa Giáo được tham dự và những nghi Lễ nào không được thi hành và tham dự một cách chủ động? Những nghi thức nào trong việc Thờ cúng Tổ Tiên và các Vị Anh Hùng Dân Tộc chỉ cốt để tỏ lòng tri ân, ái quốc các vị tiền bối đã có công sinh thành, dựng nước,cứu nước, mà không có ý nghĩa Tôn Giáo? Ước mong sẽ có dịp bàn luận trong một bài khác đầy đủ hơn.

 

Sau đây xin trích lại Thông Cáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, về việc Tôn Kính Tổ Tiên và các bậc Anh Hùng Liệt Sĩ,” làm kim chỉ nam, để hướng dẫn các tín hữu Công giáo thực hành trong sinh hoạt công dân.[11]

Ngày 13, 14 tháng 6 năm 1965 các Giám Mục Việt Nam họp tại Đà lạt và TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã cho phép in và phổ biến, thi hành và làm tài liệu học tập.

Sau đây là toát lược mấy điểm quan trọng:

Phần I. Hội Thánh Công Giáo đối với nền Văn Hóa Dân tộc:

1.      Hội Thánh tuyên giảng Tin Mừng cho mọi người, giúp mọi người đạt tới cứu cánh sau hết là: Hạnh Phước Vĩnh Cửu

2.      Hội Thánh không bao giờ miệt thị, khinh chê tư tưởng cũng như nghệ thuật hoặc Văn hóa của người không Công Giáo. Trái lại, Hội Thánh đã góp phần thanh luyện hoặc bổ túc để đi đến chỗ hoàn hảo.

3.      Vì thế, Hội Thánh khuyên giục con cái mình, tuy vẫn phải giữ Đức Tin Công Giáo tuyền vẹn, nhưng phải làm thế nào để nắm giữ và phát triển những của cải thiêng liêng, luân lý và những giá trị xã hội, văn hóa, gặp được trong các tôn giáo khác, nhờ những buổi hội thảo, sự học hỏi với sự cộng tác của các tín đồ thuộc các tôn giáo này.

 

Phần II. Hội Thánh Công Giáo đối với việc Tôn Kính Tổ Tiên và các bậc Anh Hùng Liệt Nữ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính - áp dụng Huấn thị Plane Compertum est, ngày 8/12/1939)

1/ Những cử chỉ thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng, là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm Tổ Tiên và các bậc anh Hùng Liệt Nữ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày Giỗ, kỵ...) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.

2/ Trái lại, vì có nghĩa vụ bảo vệ Đức Tin Công Giáo được tinh tuyền, Hội Thánh không thể chấp nhận cho người tín hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn cảnh, có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.[12]

3/ Đối với những việc mà không rõ là thế tục hay tôn giáo: theo dư luận không coi như sự tuyên xưng tín ngưỡng của một tôn giáo ngoài Kytô giáo, mà chỉ biểu lộ một tâm tình tự nhiên, nên được thi hành và tham dự. Nếu chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo tiếng lương tâm lúc ấy; nếu cần, thì phải giải thích chủ ý của mình. Sự tham dự cũng chỉ có tính cách thụ động.[13]

Trên đây là bản văn, vẫn còn hợp thời để áp dụng.

-------------------------------

[1] Những tài liệu trong bài này được tham khảo trong những tác phẩm “La Tradition Religieuse, Spirituelle Sociale au Việt Nam” của Joseph Nguyễn Huy Lai, Beauchesne, Paris,1981, từ trang 59-94; “Đạo Thiên Chúa và Dân Nước Việt”  của Đường Thi Trương Kỷ, Tủ Sách Đàm Đạo Tôn Giáo, 2005, từ trang 353-373.

[2] Coi: “Từ Vựng”Học Chữ Hán-Việt, Học Chữ Hán,” 2009. Soạn giả Đường Thi, Coi: từ HÔN, trang 208, và từ NHÂN, trang 136 trong ý nghĩa chỉ về Hôn Nhân, lấy vợ lấy chồng, thì cả hai từ đều thêm Bộ “Nữ.” Từ HIẾU Coi: “Từ Vựng,” trang 50, vẽ hình Bộ LÃO (già cả) và Bộ TỬ (con), theo nghĩa: bổn phận con cháu đối với người già cả, đặc biệt cha mẹ (Filial Piety).

[3] Coi: “Việt Nam Tự Điển” Hội Khai Trí Tiến Đức, Hànội, năm 1931. Coi từ NHÂN, trang 407, và HÔN trang 247. Hai từ này đều thêm Bộ “NỮ” để chỉ Hôn Nhân, Vợ chồng; Coi từ DUYÊN (Nhân Duyên) trang 159.

[4] Coi: “Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo” soạn giả Đường Thi, trang 265, 275, 300, 462.

[5] Coi: “Tự Lực Văn Đoàn.” Những tác phẩm “Nửa Chừng Xuân” của Khái Hưng; “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh.

[6] Coi: Sách “Thọ Mai Gia Lễ” và “Gia Lễ” soạn Giả Chu Hương Mậu,  Giản dị Hóa Hôn Lễ- Tang Lễ, Xuân Thu xuất bản.

[7] Mỗi nền Văn Hóa đều có những Sính Lễ, Lễ vật, với những ý nghĩa Tượng trưng (Symbolic Meanings) khác nhau: Với nền Văn Hóa cổ Việt Nam, trong Hôn Lễ mâm “Trầu Cau” (do truyện Cổ tích Trầu Cau) là của lễ cần thiết không thể thiếu được khi đính hôn và ngày Thành Hôn. Ngày xưa, ai cũng ăn trầu, (đàn ông cũng như đàn bà): “Miếng trầu là đầu câu chuyện.” Khi “Đính Hôn “ cũng có cơi “trầu cau,” lúc từ hôn thì trả lại trầu cau.- Trong các bữa tiệc thường hay tiệc cuới, món thịt heo với xôi ăn  rất “khoái khẩu.” Ở đây, trong Lễ Cưới, con heo là biểu tượng cho việc sinh nở rất “mắn” con (sinh nhiều con, fecundity). Tại sao không chỉ dâng bông hoa (như tục lệ Âu -Mỹ) nhưng từ ngàn xưa, vẫn có thói quen dâng mâm xôi, đầu heo, trái cây(ngũ quả, chuối, cam quýt, bưởi, xoài, nhãn, đu dủ..) đặt trên bàn thờ Ông Bà Tổ Tiên? Dĩ nhiên không có ý là để Ông Bà nếm thử nhưng là biểu tượng để NHỚ ƠN Ông Bà đã trồng cây, mà nay con cháu được ăn quả: “ăn quả nhớ kẻ trồng cây.” Việc bái lậy cũng theo Luật Âm- Dương: Dương để chỉ người còn đang sống (dương thế) là những con số lẻ:1,3,5. Còn Âm là cõi Âm Phủ, người đã chết, là những con số chẵn: 2, 4, 6... Do đó, niệm hương nhang, cúi đầu, bái lậy Hình Ảnh Ông Bà đã chết 2 (hoặc 4) lần; còn đối với Cha Mẹ bên Nội-Ngoại còn sống thì bái lậy 1 (hoặc 3) lần.

[8] Coi: “Viêt Nam Sử Lược”   của Trần Trọng Kim, quyển I. Trang 253-260.

[9] Thời nay, người ta không hiểu ý nghĩa của chữ đệm “THỊ,” nghĩa là HỌ, cho rằng kì thị đàn bà, con gái nên bỏ đi. Ở Hải ngoại, đa số đàn bà Việt, sau khi lấy chồng vẫn giữ Họ của mình.

[10] Coi: Nguyễn Huy Lai, Sách đã dẫn: trang 67-83.

[11] Coi: Sách “Đạo Thiên Chúa và Dân Nước Việt,” soạn giả Đường Thi.  “Thông Cáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam”: Trang 644-645.

[12] Phần này có thể được hiểu là người Công Giáo không được tin và tham dự việc đốt vàng mã xuống âm phủ cho người chết…

[13] Phần này có thể được hiểu như người Công Giáo có thể ăn của cúng, vì với cả người Lương và Giáo, không ai tin là người chết có thể ăn hay ngửi của ăn, nhưng chỉ để tỏ lòng biết ơn mà thôi.

3. PHONG TỤC TẬP QUÁN VIỆT NAM VỀ TÌNH YÊU VÀ GIA ĐÌNH QUA CA DAO

(Bùi Hữu Thư Ph.D. Cựu Đại Tá Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, du học Hoa Kỳ đầu năm 1973. Tốt nghiệp bằng Cao Học Giáo Dục năm 1974, và Tiến Sĩ Quản Trị Giáo Dục Đại Học American University năm 1979. Hiệu Phó và Hiệu Trưởng các trường Trung Học: JEB Stuart, George C. Marshall và Oakton, Fairfax County, Virginia, từ 1980 đến 2000. Giáo sư Bán Phần các khóa Cao Học tại hai Đại Học George Mason và University of Virginia, từ 1980 đến 1994. Phục vụ tại Cộng Đồng Công Giáo Arlington và Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, Virginia từ năm 1976 đến nay. Viện Trưởng Viện Triết Đạo, từ 1998 đến năm 2008. Hiệu Trưởng Trường Việt Ngữ Giáo Xứ từ 2003 đến nay. Hiện đang đóng góp bài vở cho: www.vietcatholic.net,  www.liendoanconggiao.net , www.cttdva.org, và Tập San Chân Lý. Đã xuất bản nhiều sách về đạo giáo: Gặp Gỡ Chúa, Một Người Chỉ Sống Cho Kẻ Khác, Thánh Giá và Dao Găm, Hướng Dẫn Học Sinh Đi Vào Thánh Kinh, Thách Đố, Nguyện Cầu.) 


Ca dao tục ngữ thuộc nền văn học bình dân, khác với nền văn học bác học, phát xuất từ tư tưởng của giai cấp thống trị, phong lưu đài các. Nền văn học bình dân phản ảnh tâm tư của đại đa số quần chúng nghèo khổ dốt nát, tiếng nói của họ là tiếng nói chung của những người cùng hoàn cảnh cùng số phận và là tiếng nói chân thành nhất của mỗi dân tộc trong sinh hoạt xã hội.[1]

“Trong kho tàng văn học truyền khẩu, bao gồm tục ngữ, ca dao và truyện cổ, thì ca dao là bộ phận diễn xuất những tình cảm chân thật, tự nhiên, nhưng ý vị dồi dào, từ điệu phong phú, nên có giá trị rất cao.”[2]

Ca là hát ngân giọng dài ra hay là khúc hát đặt hợp với nhạc. Dao là hát trơn, không hiệp theo với điệu nhạc. Ca dao theo Khang Hy tự điển[3] là những bài hát theo những giọng điệu tự nhiên, không biết ai là tác giả, do khẩu truyền mà lưu hành phổ thông trong dân gian. Nhiều bài mô tả tâm hồn nam nữ, tính tình phong tục, tư tưởng dân gian, và thấm nhuần mầu sắc xứ sở quê hương. Do đó ca dao còn có tên là phong dao, cũng là bài ca, câu hát tỏ bày phong tục.[4]

Trong mọi ngôn ngữ, ca dao tục ngữ về đề tài tình yêu nam nữ luôn luôn có nhiều hơn cả. Có thể nói, tình yêu nam nữ là đề tài chính yếu và vĩnh cửu trong loại hình sáng tác dân gian này.

Những câu và bài ca dao sau đây đề cập tới mọi mặt, mọi mối quan hệ trong tình yêu:

 

TÌNH TỰ TẠI ĐÌNH LÀNG:

Cổ tục làng Viêm Xá, Bắc Ninh cho phép trai gái gặp gỡ để cùng nhau thi đua qua câu hát. Đây là một thú vui của trai gái tỉn Bắc Ninh. Ca dao

vùng này có câu:

Hát cho lở đất long trời,
Cho đời biết mặt, cho người biết tên.

Hát từ chợ phủ hát lên,
Hát xuốt tỉnh Bắc qua miền tỉnh Đông.

Hát sao cho cạn giòng sông,
Cho non phải lở, cho lòng phải say.[5]

 

TỤC LỆ NÉM CẦU BÓI CHUYỆN HÔN NHÂN:

Làng Phú Sơn tỉnh Thanh Hóa hàng năm mở hội vào ngày 15 tháng giêng, để trai gái ném cầu bói chuyên hôn nhân. Họ hát trước khi ném cầu, cặp nào ném cầu trúng lồng thì được thưởng và còn phải hẹn cưới nhau:

Cầu này là quả thiên duyên,
Đôi ta mà trúng kết nguyền cùng nhau.[6]

 

TỤC LỆ TỎ TÌNH:

Trai gái gặp nhau lúc đi làm đồng, lúc đi chợ, hay cùng sang ngang một chuyến đò:

Đêm qua trời sáng trăng rầm,
Anh đi qua cửa, em nằm không yên.

Mê anh chẳng phải mê tiền,
Thấy anh lịch sự, có duyên, dịu dàng.

Thấy anh em những mơ màng,
Tưởng rằng đây đấy, phượng hoàng kết đôi.

Chờ chiều hẹn chuyến đò ngang,
Trai làng cùng với gái làng qua sông,

Ngập ngừng câu chuyện bông lông,
Hôm sau thành vợ thành chồng với nhau.[7]

 

Và NHỮNG LỜI THỀ THỐT:

Trăm năm ý quyết một lòng,
Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai.

Dẫu cho đá nát vàng phai,
Trăm năm duyên nợ chẳng sai chút nào.[8]

Thủy chung em giữ trọn lời,
Chết thì chịu chết, lìa đôi không lìa.[9]

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Thất bát sông cũng lội, tam thập lục đèo cũng qua. 

Sông sâu cá lội mất tăm,
Chín tháng cũng đợi, mười năm cũng chờ.[10]

 

TỎ TÌNH BẰNG LỜI KHEN:

Cổ tay em trắng như ngà,
Con mắt em liếc, như là dao cau.

Miệng cười như thể hoa ngâu,
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.

 

Hay BẰNG LỜI BẦY TỎ MỘNG ƯỚC:

Ước gì anh hóa ra chăn,
Để cho em đắp, em lăn, em nằm.[11]

 

TỤC LỆ ĂN TRẦU:

Trai gái gặp nhau, đã quen thuộc, họ mời nhau miếng trầu, điếu thuốc. Miếng trầu là đầu câu chuyện:

Mẹ em hằng vẫn khuyên răn,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

Trầu này trầu ái, trầu ân,
Trầu nhân, trầu nghĩa, trầu mình, trầu ta.

Trầu này nhuộm thắm duyên ta,
Đầu xanh cho tới tuổi già không phai.[12]

 

TỤC LỆ LẤY NGƯỜI CÙNG LÀNG:

Các cô thường nói “lấy chó trong làng còn hơn lấy người sang thiên hạ.” Cha mẹ cũng không muốn gả con xa:

Có con mà gả chồng gần.
Có bát canh cần nó cũng mang cho.

Hoài con mà gả chồng xa,
Ăn một bữa cỗ, lội ba quãng đồng.[13]

 

TỤC LỆ GẢ BÁN:

Có rất nhiều cảnh lấy chồng nghèo, lấy chồng già, lấy chồng quá trẻ, hay chồng không ra gì. Hôn nhân xưa “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy,” là hôn nhân gả bán, nên có biết bao cảnh ngang trái, mà nạn nhân thường là phụ nữ.

Dù phải lấy chồng nghèo hay chồng già cũng phải nhẫn nhục chịu đựng:

Chồng người xe ngựa người thương,
Chồng em khố rách em chiều em thương.[14]

Vô duyên vô phúc,
Múc phải anh chồng già.

Ra đường người hỏi: rằng cha hay chồng?

Nói ra đau đớn trong lòng,
Ấy cái nợ truyền kiếp, có phải chồng em đâu.[15]

Hay phải lấy chồng nhỏ tuối hơn: Làm dâu mà như làm vú em nuôi chồng:

Mẹ em tham thúng xôi dền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.

Em đã bảo mẹ rằng đừng,
Mẹ hấm mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.

Bây giờ chồng thấp vợ cao,
Như đôi đũa lệch, so sao cho vừa.

Chồng em thì thấp một gang
Vắt mũi chưa sạch, ra đàng đánh nhau.

Nghĩ mình càng tủi càng đau,
Trách cha trách mẹ tham giàu khổ em.[16]

 

TỤC LỆ GỞI RỂ:

Anh chàng nghèo lăn lưng vào chỗ no cơm ấm cật. Làm ruộng cho ông bà nhạc vất vả nhưng ăn uống chẳng có gì, đã xót ruột vì cà. Sau mười hai vại cà mà vẫn không được cưới:

Công anh làm rể Chương Đài,
Ăn hết mười một, mười hai vại cà,

Giếng đâu thì dắt anh ra,
Kẻo anh chết khát vì cà nhà em.[17]

 

TỤC LỆ THÁCH CƯỚI:

Trước khi cưới thì nhà trai phải thăm dò xem ý nhà gái thách cưới thế nào. Nếu không lo cho đủ thì phải hoãn ngày cưới lại:

Em là con gái nhà giầu,
Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao.

Cưới em trăm tấm lụa đào
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời.[18]

 

TỤC LỆ TẾ TƠ HỒNG:

Khi xưa tế Tơ Hồng ngay sau khi đón dâu về nhà, và trước khi lễ gia tiên và chào mừng ông bà họ hàng. Tế Tơ Hồng là để tạ ơn ông Tơ chắp mối xe duyên. Nhưng nếu cơm không lành canh không ngọt, thì lại oán trách ông Tơ:

Tay em nắm lấy tay anh,
Dù ai nói quẩn nói quanh mặc lòng.

Tay ấy đáng vợ, đáng chồng,
Duyên trời đã định tơ hồng đã xe

Ông Tơ sao khéo đa đoan,
Xe tơ sao khéo vơ quàng vơ xiên.

Bắc thang lên hỏi ông trời,
Bắt ông Nguyệt Lão đánh mười cẳng tay.

Đánh thôi lại trói vào đây,
Hỏi ông Nguyệt Lão: Nào giây tơ hồng.[19]

 

TỤC LỆ TAM TÒNG:

Chế độ “tòng phu” của Khổng Mạnh đã làm cho đàn ông có đặc quyền. Bổn phận người vợ là chiều chồng nuôi con, và phục tùng ý muốn người chồng trong gia đình:

Vai mang khăn gói theo chồng,
Mẹ kêu mặc mẹ, theo chồng phải theo.

Có con phải khổ vì con,
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.[20]

Con quốc kêu khắc khoải mùa hè,
Làm thân con gái phải nghe lời chồng.

Sách có chữ rằng: “Phu xướng phụ tòng.”
Làm thân con gái lấy chồng xuất gia,[21]

 

TỤC LỆ MẸ CHỒNG NÀNG DÂU:

Cảnh mẹ chồng nàng dâu:

Thật thà cũng thể lái trâu,
Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.

Kể từ hai tám tuổi đầu,
Cha mẹ sở định làm dâu nhà người.

Nói ra sợ chị em cười,