Hôn Nhân & Gia Đình
Dưới đây là những tác giả trong tập sách này
Lời giới thiệu
Đức cha Đaminh Mai Thanh Lương
12 tháng 1 năm 2015
Tôi rất phấn khởi khi được tin Cha Nguyễn Khắc Hy P.S.S, tu hội Xuân Bích, cùng với một số anh chị em đang sống và sinh hoạt trên đất Hoa Kỳ cộng tác soạn thảo và phát hành cuốn sách Hôn Nhân và Gia Đình. Tập tài liệu này rất khẩn thiết và thiết thực vì những lý do sau đây:
Rất nhiều nhà thần học và xã hội học đều có một quan điểm là các gia đình đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô mặc dù mới lên ngôi chưa được ba năm nhưng Ngài đã rất quan tâm đến vấn đề này, nên đã kêu gọi và triệu tập Đại Hội Mục Vụ Gia Đình về Roma để họp bàn về vấn đề mục vụ khẩn thiết này. Ngoài ra, Ngài còn đặc phái văn phòng Tông Đồ Giáo Dân của Tòa Thánh cộng tác với Tổng Giáo Phận Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania tổ chức một Đại Hội Thế Giới về Gia Đình tại thành phố lịch sử này vào ngày 22-27 tháng 9, năm 2015 tới đây, và đây cũng là năm mà Giáo Hội dành cho Gia Đình.
Để chuẩn bị cho Đại Hội Thế Giới Về Gia Đình, nhóm linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân này đã dầy công soạn cuốn sách Hôn Nhân và Gia Đình nhằm giúp mọi người hiểu thấu đáo hơn về vai trò của từng cá nhân trong gia đình qua Lời Chúa trong Kinh Thánh, qua tín lý thần học, và qua những phương tiện tâm lý xã hội.
Tôi chân thành cảm kích nỗ lực này của nhóm cộng tác đã soạn thảo cuốn sách giá trị này. Nguyện xin Chúa Thánh Thần và Thánh Gia Thất luôn phù trợ cho quý vị và tất cả các gia đình. Mong mọi người sẽ tìm đọc cuốn sách này để giúp nhau nên Thánh trong đời sống gia đình hằng ngày.
Trong Chúa Kitô,
Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương
Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, California
Lời Giới Thiệu của Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
Đức ông Giuse Trịnh Minh Trí, Ed. D.
Philadelphia ngày 5 tháng 1, 2015
“Dạy con từ thuở còn thơ...” Đây là một câu ca dao rất là quen thuộc và thân thương cho người Việt Nam khắp mọi nơi và mọi tôn giáo. Đối với người Công Giáo chúng ta, trong Nghi Thức Rửa Tội Trẻ Em, phần ban phép lành cho cha mẹ có lời như sau:
“Xin Thiên Chúa là Ðấng ban sự sống tự nhiên và siêu nhiên chúc lành cho người Cha của em nhỏ này, để họ cùng với bạn mình là những người đầu tiên dạy dỗ con cái trong Ðức Tin, biết dùng lời nói và gương lành làm chứng tá Ðức Tin cho con cái, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”
Trong tông huấn về gia đình, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không đoàn thể nào khác có thể vượt qua” (GĐ số 3). Là những “thầy và cô” có trách nhiệm quan trọng “Dạy Con” trong những ngôi “trường học đầu tiên” này, câu hỏi luôn được đặt ra cho cha mẹ mọi thời, nhất là thời nay, là liệu những người lãnh trách nhiệm quan trọng này có được đào tạo và chuẩn bị sẵn sàng chưa, hay vì nhiều lý do khác nhau khiến họ trở thành những nhà giáo dục “bất đắc dĩ” với tầm ảnh hưởng hết sức lớn lao cho nhiều thế hệ mai sau.
Chúng ta thường dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để đầu tư đào tạo một kỹ sư, nhà giáo, y sĩ, nha sĩ, luật sư, nhà tâm lý, bác sĩ hay giáo sĩ. Thời gian 4 đến 8 năm trên ghế đại học để có một văn bằng “hành nghề” trong thời gian có hạn, nhưng chúng ta lại không quan tâm nhiều để xây dựng một “ngôi trường” dành riêng trong việc huấn luyện và hướng dẫn cho những bậc làm cha mẹ mà ảnh hưởng “hành nghề” của họ vượt trên thời gian, qua bao thế hệ con cháu. Những “thầy cô” trong “ngôi trường đầu tiên” này cần phải có kiến thức phổ thông rộng lớn và sự hy sinh sẵn sàng để việc giáo dục được hiệu quả.
Nhận thức được những nhu cầu cần thiết này, Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ lại đứng ra tổ chức Ðại Hội Thế Giới về Gia Ðình lần thứ 8 tại Philadelphia từ ngày 22 tháng 9 đến ngày 27 tháng 9 năm 2015 với sự có mặt của Ðức Thánh Cha Phanxicô. Ðây là một cơ hội 3 năm 1 lần nhằm quy tụ những nhà thần học và giáo dục Công Giáo từ khắp các Châu để cùng nhau chia sẻ, học hỏi nhằm củng cố vai trò làm cha mẹ trong các gia đình Công Giáo, là những Thầy - Cô trong ngôi trường đầu tiên của con cái.
Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hiểu được tầm quan trọng của vai trò những người làm Cha, Mẹ trong gia đình, và những thách đố họ đang gặp khi giáo dục con cái trong môi trường tục hoá ngày nay. Với ý thức đó, Liên Ðoàn đã mời Cha Nguyễn Khắc Hy P.S.S., Giáo sư Ðại chủng viện, hướng dẫn trong việc cùng nhau học hỏi và chuẩn bị cho Năm Gia Ðình 2015.
Tuyển tập này được thực hiện là sự hy sinh của Cha Nguyễn Khắc Hy cùng với sự cộng tác của những thành viên trong Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ðây là một sáng kiến rất hay nhằm thu thập những chia sẻ của khối người Công Giáo Việt Nam trí thức đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Tuyển tập này được gởi đến như một món quà tinh thần, tổng hợp những tinh hoa của nhiều khía cạnh trong gia đình Công Giáo Việt Nam và trong môi trường sinh hoạt của người Việt Nam trên đất nước Hoa Kỳ trong 40 năm qua.
Trong tâm tình hiệp thông và cảm tạ, thay mặt cho Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ con xin chân thành cảm ơn Quý Cha, Quý Thầy, Quý Soeur, Quý Tu Sĩ Nam Nữ cùng Quý Anh Chị Em đã góp phần làm nên cuốn sách này, nhằm giúp các Gia Đình hiểu rõ hơn về sứ vụ và trách nhiệm của mình trong cuộc sống ngày nay theo tinh thần Phúc Âm và lời dạy bảo của Giáo Hội. Xin Thiên Chúa chúc lành và thưởng công bội hậu cho Quý vị.
Cùng với Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, chúng con ao ước được đón chào Quý Ðức Cha, Quý Ðức Ông, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Soeur, Quý Tu Sĩ Nam Nữ cùng Quý Ông Bà Anh Chị Em khắp năm Châu đến tham dự ngày Đại Hội Thế Giới Về Gia Đình lần thứ 8 tại Philadelphia.
Thân mến trong Chúa Kitô.
Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Ed. D.
Tiến sĩ Giáo Dục
Chủ Tịch Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
LỜI DẪN
Lm. Mat. Nguyễn Khắc Hy P.S.S. Chủ biên
Để chuẩn bị cho Năm Gia Đình, và nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxicô về dự Đại Hội Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia, Hoa Kỳ, tháng 9 năm 2015, đức ông Trịnh Minh Trí, chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, có gợi ý với tôi là làm thế nào chuẩn bị cho giáo dân Việt Nam tại Hoa Kỳ có được một tài liệu để học hỏi và sống Năm Gia Đình cách tích cực và hữu hiệu.
Sau khi tham khảo ý kiến với những người có trách nhiệm, tôi đã mời gọi một số anh chị em Việt Nam hiện đang sống và làm việc tại Hoa Kỳ cộng tác viết những bài trong chuyên môn của mình để giúp giáo dân hiểu hơn về Hôn Nhân và Gia Đình theo lời dạy của Giáo Hội Công Giáo, và để giáo dân ý thức hơn vai trò làm nhân chứng cho Tin Mừng trong xã hội đang muốn từ chối mọi giáo huấn của Thiên Chúa qua những giải thích của Giáo Hội.
Thành quả của ước vọng đó là tập sách nhỏ bé này với những bài viết gồm bảy mục cơ bản: văn hóa, kinh thánh, thần học tín lý, luân lý, giáo luật, linh đạo Công Giáo, và tâm lý xã hội.
Tập sách bắt đầu với những bài viết về giá trị đạo đức gia đình theo văn hoá Việt Nam nhằm giúp thế hệ cha mẹ tìm lại giá trị mà mình đã cam kết khi thề hứa sống đời đôi bạn, và giúp con em Việt Nam sinh trưởng ở hải ngoại hiểu thêm về căn tính và giá trị đạo đức mà cha mẹ họ trân quý.
Những bài viết trên cơ sở Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta yếu tố diễn dịch đức tin căn bản phải có gốc rễ trong Lời Chúa, Lời Hằng Sống.
Những bài viết về thần học tín lý cắt nghĩa và thuyết phục người đọc về nội dung tín lý của Giáo Hội được rút ra từ Kinh Thánh và đúc kết qua kinh nghiệm sống thực tế của con cái Chúa trong lịch sử.
Những bài về luân lý giúp các gia đình hiểu và an tâm hơn khi phải có những quyết định cần thiết trong hoàn cảnh nguy kịch và phức tạp.
Những bài giáo luật cho ta thấy luật Giáo Hội nhằm giúp cuộc sống Hôn Nhân và Gia Đình tìm được bình an, đem con người về với Thiên Chúa, chứ luật không nhằm trừng phạt.
Những bài về linh đạo Công Giáo giúp chúng ta sống thánh thiện hơn theo lời mời gọi “các con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).
Và sau cùng, những bài về tâm lý, xã hội và truyền thông là những bài thiết thực và gần gũi nhất với tất cả mọi gia đình, không phân biệt tôn giáo.
Những đóng góp của tập sách nhỏ này đến từ lòng nhiệt thành của những cộng tác viên trong thời gian ngắn (không quá hai tháng) nên còn nhiều thiếu sót. Tập sách mang tính đa dạng với những người viết gồm linh mục, tu sĩ nam nữ, phó tế vĩnh viễn, giáo dân nam, nữ, trẻ, già; và những người viết cũng đến từ những trường học Đông và Tây phương. Chính sự đa dạng này làm tập sách thêm phong phú về cả hình thức lẫn nội dung.
Xin đặc biệt cám ơn Đức Cha Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá giáo phận Orange, đã khuyến khích tôi và những anh chị em cộng tác viên trong cố gắng nhỏ mọn này.
Xin Thiên Chúa ban ơn lành xuống cho mọi gia đình.
Lm. Mat. Nguyễn Khắc Hy P.S.S.
Trưởng Ban Thần Học Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
LỜI KẾT
Lm. Mat. Nguyễn Khắc Hy P.S.S.
Có thể là lần đầu tiên trong lịch sử văn minh của nhân loại, con người đang phải đối diện với nhu cầu cho một định nghĩa mới về hai cụm từ ngữ “hôn nhân” và “gia đình.” Những khủng hoảng căn tính xuất phát từ sự thiếu hiểu biết tường tận cả về văn hoá và tôn giáo đã mượn danh nghĩa chính trị để đạt được những gì họ mong muốn trong một thế giới chuộng tự do và dân chủ. Nói cách khác, khi con người dùng lá phiếu để chính trị hoá mọi tiêu chuẩn sống, kể cả đạo đức và tình cảm con người, thì trong xã hội dân chủ, thiểu số phải phục tùng đa số. Sâu xa hơn, họ biến những ao ước hay đòi hỏi cá nhân thành Quyền, và như thế họ phải được thụ hưởng mà không còn sợ bị tước đoạt. Tất cả tiến trình này được hợp thức hoá bằng việc dùng sức mạnh của số đông để biến nó thành Luật trong xã hội.
Các thế hệ tương lai lớn lên và thừa kế một môi trường vắng tiếng nói của Chân Lý, của khách quan tuyệt đối, và thay vào đó bằng tiếng nói của số đông. Xã hội đề cao, hay đúng hơn thần thánh hoá tự do cá nhân nên chấp nhận việc làm của mọi người nếu việc làm đó không gây hại đến người khác. Quan niệm đạo đức “Đúng – Sai, Tốt - Xấu” trở nên tương đối, và được xã hội phân định tùy theo lợi ích của đám đông mà nó phục vụ.
Cụm từ “hôn nhân” hay “gia đình” không còn được hiểu theo nghĩa truyền thống của nhân loại. Nhân danh lòng khoan dung, một nhóm nhỏ những người chủ trương tôn trọng tự do lựa chọn của cá nhân, yêu cầu mọi người phải chấp nhận “hôn nhân đồng tính” và đón nhận định nghĩa “gia đình như tập hợp của những người yêu thương và quan tâm cho nhau khi sống chung một nhà.” Những ai không chấp nhận những quan điểm này, họ cho là thiếu thông cảm, không rộng lượng, không khoan dung, hay nặng nề hơn là thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết khoa học. Nói đơn giản, họ suy tư dựa trên duy vật biện chứng và đòi lấy cơ sở kiến thức khoa học là nguyên nhân chấp nhận và cắt nghĩa mọi họat dộng của con người.
Trong khi những người có đức tin vào tôn giáo hay vào thế giới đời sau cho rằng có những điều con người không thể làm được vì nghịch lại ý trời, hay trong giáo lý Công Giáo gọi là những cám dỗ nghịch lại lời dạy của Thiên Chúa, thì xã hội loại bỏ yếu tố thần linh trong quyết định của mình khi chấp nhận cho con người sống theo bản năng đòi hỏi.
Với lý luận như thế, họ muốn loại bỏ những từ ngữ “cha - mẹ” hay giới tính “nam - nữ” trong bản kê khai căn tính con người với lý do kỳ thị vì không phản ánh đúng vai trò của hai người đều là “cha” hay là “mẹ” khi nuôi dưỡng con cái, hay với người mà giới tính không hẳn là nam hay nữ. Và nếu con người sinh ra có khuynh hướng đồng tính tự bản chất, họ cổ võ cho những người này sống theo bản năng như mong ước.
Đây chính là thách thức rất lớn cho các cha mẹ muốn giáo dục con cái theo truyền thống họ đã hấp thụ và lớn lên. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tệ nạn này?
Nếu phân tích về mặt xã hội, chúng ta có thể kê khai hằng trăm nguyên nhân dẫn đến kết quả này. Nhưng đứng về mặt đức tin, chúng ta có thể dễ dàng kết luận rằng thiếu căn bản giáo lý là nguyên nhân dẫn đến từ chối đối thoại với Giáo Hội để tìm ra sự thật.
Sự thật không thể chủ quan. Sự thật đến từ Thiên Chúa. Là những Kitô hữu, chúng ta tin rằng Thiên Chúa tạo dựng “con người giống hình ảnh Thiên Chúa” (Gen 1:27), và sắp xếp cho họ thành đôi bạn tương xứng (Gen 2:18, 23). Ngài ban phát khả năng tính dục gắn liền với việc truyền sinh (Gen 1:28). Mọi thay đổi mà con người đòi hỏi hiện tại đều xuất phát từ “lòng chai dạ đá” của họ (Mk 10:5).
Trong bối cảnh đầy dẫy những lẫn lộn của thực - hư, của tốt - xấu, những cha mẹ Công Giáo cần tái khẳng định giá trị hôn nhân và gia đình cho con cháu hiểu và tin theo. Đóng góp nhỏ nhặt này của một số anh chị em đang sống tại Hoa Kỳ hy vọng sẽ giúp giáo dân hiểu hơn về những vấn nạn mà con cháu chúng ta đang bị hệ thống truyền thông xã hội hiện nay nhồi sọ và bóp méo.
Có hai ước vọng nhỏ cho tập sách này. Thứ nhất, gởi đến anh chị em Công Giáo những lời dạy căn bản của Giáo Hội và nhắc lại những thách đố hiện tại đang đe doạ đời sống gia đình chúng ta. Thứ hai là trình bày cho mọi người, kể cả những người không đồng ý với lời dạy của Giáo Hội, hiểu tại sao người Công Giáo tin và sống những điều họ đang tin.
Mọi người đều có bổn phận tìm kiếm sự thật, vì cuối cùng, “sự thật sẽ giải thoát chúng ta” (Jn 8:32). Không cùng một niềm tin không nhất thiết phải nhắm mắt, bịt tai trước những trình bày của người đối diện, nhưng là điều kiện để những người thiện tâm tìm hiểu thêm những gì họ chưa nghe, chưa biết và vì thế chưa hiểu.
Riêng với những người Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, tập sách nhỏ này nhắc nhở chúng ta hiểu rằng Giáo Hội đang quan tâm cách đặc biệt đến đời sống hôn nhân và gia đình trong xã hội ngày nay, nhất là cuộc họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới bắt đầu từ tháng 10 năm 2014 nhưng sẽ tái họp vào tháng 10 năm 2015 chỉ nhằm bàn luận và tìm ra một giải pháp mục vụ cho những thách đố mà các gia đình Công Giáo đang gặp phải.
Tôi mượn lời nguyện của thánh Phaolô gởi cho tín hữu Êphêsô để cầu xin cho mọi người trong xã hội ngày nay, không riêng người Công Giáo, hiểu thấu ý định của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình, và cố gắng sống đúng với mục đích Thiên Chúa đã định:
“Vì lý do đó, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha,15 là nguồn gốc mọi gia đình trên trời dưới đất.16 Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng.17 Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái,18 để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu,19 và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa. 20 Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới,21 xin tôn vinh Người trong Hội Thánh và nơi Đức Ki-tô Giê-su đến muôn thuở muôn đời. A-men. (Eph 3:14-21)
Mẹ Maria, Nữ Vương các gia đình: Xin cầu cho chúng con.
Các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam: Xin cầu cho chúng con.
Lm. Mat. Nguyễn Khắc Hy P.S.S. - Chủ biên
Baltimore 9 tháng 1 năm 2015