MẸ MARIA SỨ GIẢ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

BÀI  1 - 11
(của Ngưỡng Nhân Lưu Ấu Nhi)

ĐÔI LỜI MỘC MẠC

Trong lịch sử Giáo Hội cũng như lịch sử nhân loại cận đại, rất nhiều lần Thiên Chúa gởi Mẹ Maria đến trần gian. Mẹ Maria là Sứ Giả Tình Thương được Thiên Chúa, Cha nhân từ, gởi đến với con cái trần gian. Mẹ đến nhắc nhân loại nhớ và quay về với Chúa là Tình Yêu, là nguồn gốc mọi sự. Mẹ đến báo cho nhân loại biết họ xúc phạm Thiên Chúa, xúc phạm tình yêu vô cùng của Chúa, đã quá sức nặng nề, họ phải cải hối, đền bù, hoặc hình phạt sẽ tới để đem nhân loại trở về với Đấng vì yêu thương mà tạo dựng họ. Mẹ đến để cảnh cáo nhân loại về tai ương, hậu quả đương nhiên của việc phản nghịch chống lại tình yêu vô cùng của Chúa, để nhân loại ăn năn trở về với tình yêu của Thiên Chúa, ngõ hầu tránh khỏi các ác họa. Nhưng tiếc thay, chúng ta hầu như đã chẳng nghe theo lời Mẹ, nên tai ương ác họa đã bao lần xảy đến với nhân loại.

Trong lịch sử nhân loại và lịch sử dân Chúa từ thời Cựu Ước, biết bao lần nhân loại phản nghịch Đấng Tạo Hóa, Đấng yêu thương tạo dựng họ. Mỗi lần tội lỗi nhân loại lên tới tột độ, đức công thẳng của Thiên Chúa phải thi hành, Chúa đều phái các tiên tri đến cảnh cáo dân chúng, hoặc cho những người trung thành tôn thờ Chúa làm những công việc như là dấu cảnh cáo nhân loại. Nếu nhân loại lắng nghe, nhận biết và ăn năn thống hối thì được tha thứ. Điển hình là lịch sử tiên tri Giona được Thiên Chúa phái đến cảnh cáo dân chúng tại Ninive. Từ nhà vua tới toàn thể dân chúng đã nghe lời tiên tri, ăn năn thống hối và được Chúa tha thứ hình phạt.

Trái lại, nếu nhân loại không nghe, cứ tiếp tục xúc phạm đến tình yêu của Chúa, hình phạt phải xảy đến như đã xảy ra trong thời Đại Hồng Thủy mà trước đó Chúa đã bảo ông Noe đóng tàu suốt một trăm năm làm dấu cảnh cáo dân chúng, như Sodom và Gomorrah từng bị thiêu hủy vì tội, như bao lần dân Do Thái được cảnh cáo mà không thống hối mà bị phạt lưu đày.

Từ ngày Chúa Ngôi Hai nhập thể đến nay, thay vì phái các tiên tri đến với nhân loại, Thiên Chúa đã gởi Mẹ của Chúa đến trần gian. Mẹ Maria là Mẹ Chúa và là Mẹ nhân loại. Theo Viện Nghiên Cứu Thánh Mẫu Học tại Đại Học Dayton từ thế kỷ thứ ba tới nay đã có gần 80 ngàn lần Đức Mẹ hiện ra. Mẹ đau lòng vì nhân loại xúc phạm đến Chúa; Mẹ đau lòng khi thấy con cái Mẹ lao đầu vào tai ương do họ tự tạo lấy. Mẹ van xin Chúa khoan dung tha thứ cho nhân loại. Mẹ thống thiết kêu gọi con cái Mẹ ăn năn cải hối để tránh tai ương ác họa. Mẹ dạy nhân loại cách sống đẹp lòng Chúa. Mẹ dạy con cái Mẹ cách sống hạnh phúc đời này và vĩnh cửu.

Trong lịch sử những lần Mẹ hiện ra, chúng ta đều thấy nhân loại, ít ra là một hoặc nhiều dân tộc, ở trong tình trạng tồi tệ. Điển hình là năm 1214. Mẹ hiện ra ban cho thánh Đaminh Kinh Mân Côi làm phương tiện cứu thế giới, cứu Giáo Hội, và con cái Mẹ đã nghe theo lời Mẹ nên thế giới và Giáo Hội được cứu thoát tai ương thời đó. Chúa và Mẹ Maria qua các thông tín viên đã cảnh cáo, nhắc nhớ các vị trọng trách trong Giáo Hội và đôi khi cả chính quyền đời như điển hình đã xảy ra trong thế kỷ XIV.

Mẹ Maria cũng đến để dạy cho con cái Mẹ biết về Mẹ, về những hồng ân vô cùng cao cả mà Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho Mẹ như đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội để Mẹ xứng đáng là Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể, như tại Guadalupé, Lộ Đức, Beauraing, v.v. Mẹ cho con cái Mẹ biết về tình yêu của Mẹ đối với con cái trần gian, những người mà Chúa Cứu Thế từ trên Thánh Giá đã di trối xin Mẹ nhận, như tại Paris và tại Banneux. 

Có những lần Mẹ Maria đến để an ủi, chúc lành, khuyến khích cổ võ đức tin, và hứa ban ơn lành hồn xác, như trường hợp Mẹ hiện ra tại La Vang, Trung Phần Việt Nam, năm 1798.

Một điển hình cận đại hơn là năm 1917, Mẹ hiện ra tại Fatima. Mẹ kêu gọi ăn năn thống hối, cải đổi đời sống, yêu mến Kinh Mân Côi, để cứu thế giới khỏi ác họa chiến tranh và Cộng Sản, và Mẹ hứa Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng. Thế giới đã coi nhẹ lời Mẹ. Thế chiến thứ II đã bùng nổ, tàn phá hầu khắp thế giới, và chủ nghĩa Cộng Sản bành trướng như thác lũ, chiến tranh cục bộ lan tràn khắp nơi, nhân loại điêu đứng và Giáo Hội bị bách hại. Nhưng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đã thắng như Mẹ hứa. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dâng hiến thế giới và nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, và chỉ thời gian tương đối ngắn, nước Nga đã được làm cho trở lại, và chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ từ gốc rễ (đọc tiếp phần về Fatima).

Chúng tôi mạo muội sơ lược những lần Chúa gởi Mẹ Maria đến trần gian từ năm 1214 đến nay, khi công khai nhiều người nghe biết, khi âm thầm nơi tu viện, mà chúng tôi góp nhặt được cách rất hạn chế, chỉ với ước nguyện tôn vinh tình yêu, quyền năng và đức công chính vô cùng của Thiên Chúa, ca tụng tình hiền mẫu yêu thương của Mẹ Maria đối với con cái trần gian.

Chúng tôi sẵn sàng tuân phục phán quyết của Giáo Hội về những lần Đức Mẹ hiện ra chưa được Giáo Hội công nhận.

Ngày 15 tháng 8, 1997
Lễ Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời
Ngưỡng Nhân Lưu Ấu Nhi
www.thanhlinh.net

01. Mẹ hiện ra với thánh Đaminh, năm 1214

Chúng tôi chỉ lược trích lời thánh Louis De Monfort trong tác phẩm Huyền Nhiệm Kinh Mân Côi của ngài về lịch sử Kinh Mân Côi để chúng ta nhớ nguồn gốc và nhớ tại sao Chúa ban cho chúng ta Kinh Mân Côi.

Từ khi Kinh Mân Côi được thành hình, chính yếu và căn bản, gồm Lời Cầu Nguyện của Chúa Kitô và Lời Thiên Sứ chào Mẹ Maria khi báo tin Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, tức là Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng Maria. Đây là lời cầu nguyện được các tín hữu mộ mến sử dụng từ thời các thánh tông đồ tới nay.

Tuy nhiên mãi tới năm 1214, Giáo Hội mới nhận được Kinh Mân Côi trong hình thức và cách chúng ta dùng hiện nay. Kinh Mân Côi được ban cho Giáo Hội qua thánh Đaminh, ngài đã được Đức Trinh Nữ dạy làm phương tiện cải hóa những người theo phái Albigense và các người tội lỗi khác.

Tôi (thánh Louis de Monfort) xin kể cho các bạn nghe thánh Đaminh nhận được Kinh Mân Côi như thế nào, lịch sử này trong tác phẩm rất nổi danh 'Tầm Quan Trọng và Sự Tuyệt Vời của Kinh Mân Côi' của thánh Alan de la Roche. Thánh Đaminh thấy sức nặng do tội lỗi của dân chúng cản trở việc trở lại của những người phái Albigense, ngài lui vào khu rừng gần Toulouse để cầu nguyện suốt ba ngày đêm. Trong thời gian này thánh Đaminh không làm gì cả mà chỉ khóc và triệt để hãm mình đền tội ngõ hầu làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa Toàn Năng. Ngài hành xác quá sức đến độ kiệt lực, và sau cùng mê man bất tỉnh.

Lúc này, Đức Mẹ, có ba thiên thần tháp tùng, hiện ra nói với thánh Đaminh:

'Đaminh yêu dấu, con có biết Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh muốn dùng thứ khí cụ gì để cải đổi thế giới không?'

Thánh Đaminh đáp:

'Lạy Đức Mẹ của con, Mẹ biết rõ hơn con nhiều vì kề bên Chúa Giêsu, Con Mẹ, Mẹ luôn là dụng cụ chính của ơn cứu độ chúng con.'

Đức Mẹ nói:

'Mẹ muốn con biết, trong thứ chiến đấu này, mũi nhọn tấn kích luôn là Tầm Quan Trọng và Tuyệt Vời của Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi là khối đá nền móng Tân Ước. Vì thế nếu con muốn đánh động được các linh hồn chai đá này và chiếm được chúng về với Thiên Chúa, con hãy rao giảng Kinh Mân Côi.'

Ngay khi thánh Đaminh bắt đầu giảng tại Đại Thánh Đường, một trận bão lớn nổi lên, đất động, mặt trời tối đi, rất nhiều sấm sét khiến mọi người sợ hãi. Dân chúng hết sức xúc động khi nhìn lên tượng Đức Mẹ đặt tại nơi tráng lệ, người ta thấy cử chỉ Đức Mẹ kêu xin Chúa ngưng hình phạt nếu họ ăn năn trở lại, sửa đổi cuộc sống và tìm sự bảo vệ nơi Mẹ.

Thiên Chúa muốn, qua những hiện tượng siêu nhiên này, truyền bá lòng mộ mến mới và phổ biến Kinh Mân Côi rộng rãi hơn.

Sau cùng, nhờ lời cầu nguyện của thánh Đaminh, trận bão ngưng, và ngài tiếp tục giảng. Hết sức nồng nàn và hùng hồn, ngài giải thích sự quan trọng và giá trị Kinh Mân Côi khiến hầu hết mọi người ở Toulouse tiếp nhận Kinh Mân Côi và từ bỏ những tin tưởng sai trái của họ. Chỉ trong thời gian ngắn, cuộc cải đổi lớn lao được nhìn thấy tại thành phố này: dân chúng khởi đầu sống đời sống Kitô hữu và từ bỏ các tật xấu."

02. Mẹ hiện ra với thánh Simon Stock, năm 1251

 Theo lịch sử dòng Carmel(ô), ngày 16 tháng 7 năm 1251, Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon Stock, tại Aylesford thuộc vùng Kent, Anh Quốc, ban cho ngài Áo Đức Mẹ và dạy các tu sĩ nam nữ trong dòng mang Áo Đức Mẹ, tận hiến và cầu khẩn nhờ Mẹ để được Mẹ bảo đảm phần rỗi đời đời. Đức Mẹ nói với thánh Simon Stock: "Này con hãy nhìn Dấu Hiệu Phần Rỗi. Bất cứ người nào mặc áo này khi chết sẽ không phải chịu lửa đời đời." 

   Áo Đức Mẹ núi Carmel(ô) gồm có hai mảnh vải nỉ mầu nâu, mầu áo dòng Carmel(ô), được nối với nhau bằng hai sợi dây để đeo qua hai vai, một mảnh trước ngực, một mảnh ở lưng. Thường thường, trên một mảnh có hình Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon Stock, mảnh kia có ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng Giêsu. 

   Áo Đức Mẹ ban cho thánh Simon Stock được Giáo Hội nhìn nhận và khuyến khích. Ngày nay các tín hữu Công Giáo vẫn nhiều người mang trong mình để tỏ lòng kính yêu, ký thác cuộc đời, nhất là phần rỗi đời đời cho Mẹ. 

   *** 

   Để gia nhập gia đình Carmel(ô) và mang Áo Đức Mẹ (Carmelô), người ta xin một linh mục ghi tên gia nhập chỉ một lần suốt đời. Áo Đức Mẹ cũ rách có thể thay thế. Áo Đức Mẹ bằng vải có thể được thay bằng Ảnh Áo Đức Mẹ (bằng kim loại) một mặt có hình Đức Mẹ Núi Carmel(ô) và hình Thánh Tâm Chúa Giêsu ở mặt kia. 

   Người gia nhập gia đình Carmel(ô) và mang Áo Đức Mẹ cần sống đời Kitô hữu nhiệt thành theo giáo huấn Phúc Âm, lãnh nhận các Nhiệm Tích, bầy tỏ lòng tận hiến đặc biệt cho Đức Mẹ bằng việc ăn năn thống hối, cầu nguyện và hãm mình hằng ngày.

03. Chúa Giêsu và Mẹ hiện ra với thánh Brigit, năm 1310

THỤY ĐIỂN, LA Mà NĂM 1310 - 1373  

Thánh Brigit, Thụy Điển, sinh năm 1303. Từ khi bảy tuổi, thánh Brigit đã được thị kiến Chúa Giêsu và Mẹ Maria, mà các thị kiến này tiếp diễn thường xuyên cho tới khi thánh nữ từ trần ngày 23 tháng 7, 1373.

Thánh Brigit sinh năm 1303. Khi 10 tuổi, một hôm cô bé Brigit nghe giảng về khổ hình Chúa Cứu Thế chịu, đêm đó Chúa hiện ra với cô trong hình ảnh Chúa chịu treo trên Thánh Giá, và nói:

"Cha chịu hành hạ như thế này đây."

Cô Brigit nghĩ rằng những thương tích đó còn mới, đã hỏi:

"Lạy Chúa, ai gây nông nỗi này cho Chúa?"

Chúa đáp:

"Nông nỗi này gây ra cho Cha bởi bất cứ người nào khinh miệt Cha và hất hủi tình yêu của Cha."  

Từ đó mỗi khi suy nghĩ về khổ hình Chúa Cứu Thế chịu, Brigit luôn nước mắt đầm đìa. Và từ đó Chúa nhiều lần hiện ra với thánh nữ

Thánh Brigit được Chúa và Mẹ Maria dạy lập dòng tu. Chính Đức Mẹ hiện ra đọc cho thánh nữ ghi Hiến Pháp dòng, và được Đức Urbanô V phê chuẩn năm 1370. Dòng này gồm nữ và nam tu sĩ, sống biệt lập trong đời sống nhiệm nhặt.

Năm 1372, vâng lệnh Chúa, thánh Brigit đi Jerusalem. Trong thời gian ở Palestine, thánh nữ được Chúa và Mẹ Maria hiện ra dạy cho biết thêm về cuộc đời Chúa Cứu Thế và Mẹ Maria. Thánh nữ trở lại Lamã trong năm đó, sức khỏe suy nhược, và từ trần ngày 23 tháng 7, 1373. Thánh Brigit được Đức Boniface IX phong hiển thánh ngày 8 tháng 10, 1391, Đức Martin V tái duyệt và phê chuẩn năm 1419.

04. Mẹ hiện ra tại Gadalupé, Mễ Tây Cơ, năm 1531

Trước khi sơ lược lịch sử Mẹ Maria hiện ra với Gioan Diego tại Guadalupé, Mễ tây Cơ, chúng ta lược qua bối cảnh xã hội tại đây trong thời gian 1519-1531.

Năm 1501, Columbus và đoàn thám hiểm phiêu lưu của ông đặt chân lên hải đảo Bahamas. Từ đó Bahamas và khu vực lân cận lần lần trở thành thuộc địa Tây Ban Nha. Năm 1511, Diego de Velázquez, vị Toàn Quyền đầu tiên của Tây Ban Nha ở Bahamas, khởi đầu kế hoạch bành trướng sang Mễ Tây Cơ. Việc này bắt đầu vào năm 1518 do Hernán Cortés, ông này được Toàn Quyền Diego de Valázquez chỉ định lãnh đạo cuộc bành trướng và đặt bản doanh tại Santo Domingo. Mễ Tây Cơ ngày đó dưới quyền hoàng đế Montezuma II, quốc vương địa phương Aztec. Thời đó, thổ dân có tục lệ tế người sống cho các thần của dân Aztec. Dân bản xứ tranh đấu đẫm máu chống lại người Tây Ban Nha kéo dài nhiều năm. Về phía tôn giáo, các nhà truyền giáo Tân Ban Nha cũng nhân cơ hội này đến truyền giáo tại đây, và việc truyền giáo tương đối khó khăn vì những hoàn cảnh này. Dẫu vậy, số người bản xứ tòng giáo ngày càng tăng thêm, nhưng tệ nạn xã hội về phía người Tây Ban Nha cũng như thổ dân cũng tăng thêm, về phía tôn giáo, các nhà lãnh đạo cũng gặp phải một số quyết định sai lầm.

Juan Diego, người được thị kiến, vốn tên là Cuautlatohuac (Con Phượng Hoàng hót), một thổ dân Aztec, đã đổi tên là Juan Diego khi tòng giáo.

Juan Diego sinh sống tại làng Cuautilan, gần Mexico City. Juan Diego lúc đó 57 tuổi, ngày ngày ông thường đi bộ 15 dặm (24 cây số) tới dự Thánh Lễ tại Tlaltelolco, phía bắc Mexico City.

Sáng ngày 9 tháng 12, 1531, một ngày đông lạnh, Juan Diego đang trên đường tới dự Thánh Lễ, khi ngang qua đồi Tepeyac, ông nghe tiếng như nhạc, như đàn chim hót, và tiếng gọi "Juanito, Juan Dieguito!" từ trên đồi vọng xuống. Juan Diego leo lên đồi, đi chừng 130 bước, ông thấy một Vị Phụ Nữ đẹp ở giữa những bụi xương rồng, và những bụi cây sa mạc khác. Vị Phụ Nữ nói với Juan Diego:

"Nghe này Juan, con trai yêu dấu và bé nhỏ nhất của Mẹ. Con đang đi đâu thế?"

Juan đáp:

"Thưa Đức Bà của con, Nữ Vương của con, con đi thiệt xa mãi tới ngôi nhà nhỏ của Người ở Tlatelolco để tham dự Thánh Lễ."

 Vị Phụ Nữ nói cho Juan Diego biết về Người:

 "Này con trai yêu dấu của Mẹ, con hãy tin chắc rằng Mẹ là ĐẤNG TRỌN ĐỜI TRINH KHIẾT VẸN TOÀN, THÁNH MẪU THIÊN CHÚA ĐÍCH THỰC, THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG BAN SỰ SỐNG CHO MUÔN LOÀI, ĐẤNG TẠO HÓA CỦA MỌI NGƯỜI MỌI SỰ GẦN XA, ĐẤNG LÀ CHÚA TỂ TRỜI ĐẤT.

Mẹ rất muốn người ta xây một thánh thất nhỏ dâng kính Mẹ tại đây. Tại đây Mẹ sẽ cho thấy, Mẹ sẽ ban cho mọi người lòng thương xót, sự giúp đỡ và bảo vệ của Mẹ. Mẹ là Mẹ hay thương xót các con. Mẹ thương xót tất cả mọi người sống hiệp nhất trên mảnh đất này, và toàn thể nhân loại, và tất cả những ai yêu mến Mẹ. Tại đây Mẹ sẽ nghe tiếng họ khóc than, những đau buồn của họ, Mẹ sẽ chữa lành và làm nhẹ bớt cho họ mọi đau khổ, thiếu thốn và bất hạnh chồng chất. Con hãy đến trụ sở đức giám mục, nói với ngài rằng Mẹ phái con đến cho ngài biết Mẹ rất muốn ngài xây dâng Mẹ một ngôi nhà tại đây ..."

Lập tức Juan Diego đến trụ sở đức giám mục Zumárraga, tại Mexico City, nhưng Juan Diego đã phải chờ đợi suốt nhiều giờ mới được đưa vào gặp đức giám mục. Người thông ngôn nói với đức giám mục:

"người này đem những tin tức về những việc sẽ xảy ra trong vòng bảy ngày sau, và sau cùng sẽ thấy hàng trăm ngàn người Aztec ào ạt trở lại đạo và chấm dứt việc đem người sống ra làm lễ vật tế thần."

Ngay sau đó Juan Diego được đưa ra cửa.

Juan Diego trở lại đồi Tepeyac và thấy Đức Mẹ đang chờ ông tại đó. Juan Diego vội vàng nói với Đức Mẹ về việc bị từ chối thẳng thừng:

"Thưa Đức Bà, con đã đi tới nơi Người bảo con đến để chuyển lời Người; mặc dầu con gặp khó khăn ... Đức giám mục tiếp con tử tế và chăm chú lắng nghe, nhưng theo cách ngài trả lời con, thì hình như ngài chẳng hiểu gì cả; ngài không tin là thực... Con xin Đức Mẹ chọn người khác có địa vị cao hơn, được kính nể, trọng vọng, chuyển lời Đức Mẹ để đức giám mục có thể tin..."

Nhưng Đức Mẹ nói sứ mệnh đó chỉ được chu toàn qua Juan Diego. Ông bằng lòng cố gắng tiếp tục vào ngày hôm sau.

Ngày hôm sau, 10 tháng 12 năm 1531, Juan Diego giữ lời hứa với Đức Mẹ, ông trở lại trụ sở đức giám mục Zumarraga, nhưng lại thất bại.

Juan Diego lại đến gặp đức giám mục Zumarraga lần thứ ba vào ngày 11 tháng 12 năm 1531. Lần này đức giám mục xin Đức Mẹ ban "bằng chứng từ trời" mà ngài để tùy ý Đức Mẹ. Trở lại Tepeyac, Juan Diego nói với Đức Mẹ lời đức giám mục yêu cầu. Đức Mẹ bảo Juan Diego ngày hôm sau trở lại và Đức Mẹ sẽ ban dấu lạ đó.

Nhưng ngày hôm sau, Juan Diego xuýt nữa đã không trở lại trụ sở đức giám mục như đã hứa, vì ngay tối ngày Juan Diego đến tòa giám mục lần thứ ba đã nói trên, ông chú/cậu của Juan Diego bị mắc bệnh dịch, đã nhiều người chết vì bệnh này.

Sớm ngày 12 tháng 12 năm 1531, ông Juan Bernadino, chú/cậu của Juan Diego, nghĩ mình sắp chết, ông nhờ Juan Diego đi Tlaltelolco mời một linh mục tới giải tội và xức dầu (bệnh nhân) cho ông. Juan Diego vội vàng ra đi lúc 4 giờ sáng. Trên đường, Juan Diego đi ngang đồi Tepeyac, nhưng Juan không muốn ghé lại vì sợ trễ nếu Đức Mẹ đang chờ ông, ông đi theo đường sườn đồi phía bên kia. Nhưng Juan sửng sốt thấy Đức Mẹ từ trên đồi đi xuống gặp ông trên đường. Đức Mẹ tươi cười hỏi Juan:

"Việc gì thế? Con đang đi đâu?"

Juan Diego lúng túng hỏi:

"Sao mà mới sáng sớm đã gặp Người? Con mong rằng Người khỏe mạnh."

Nhưng ý nghĩ về trách nhiệm cấp tốc của mình, Juan Diego xin lỗi Đức Mẹ để đi tìm linh mục cho chú/cậu của ông, và nói thêm:

"Sau khi con làm xong việc này, con sẽ trở lại đây để đi trao thông điệp của Người. Xin Đức Mẹ tha lỗi cho con. Xin chờ con một lát. Con không lừa dối Người đâu. Ngày mai con sẽ tới sớm."

Đức Mẹ nói với Juan Diego:

"Này con yêu dấu của Mẹ, con hãy nghe và để cho thấm vào tim con; đừng để thứ gì làm con nản lòng, đừng để thứ gì làm con buồn phiền. Con đừng để thứ gì làm thay đổi trái tim con, hoặc sắc diện của con. Mẹ là Mẹ của con không hiện diện tại đây sao? Con không ở dưới bóng và sự bảo trợ của Mẹ sao? Mẹ không phải là nguồn mạch sự sống các con sao? Các con không ở trong nếp áo choàng của Mẹ sao? Các con không ở trong vòng tay Mẹ sao? Các con còn cần thứ gì khác nữa? Các con đừng sợ bất cứ thứ bệnh tật gì hoặc điều phiền toái gì, đừng lo âu hoặc đau đớn. Đừng để cho bệnh của cậu/chú của con làm con đau đớn, ông ấy không chết vì bệnh tật lúc này đâu. Con hãy tin chắc là ông ấy sẽ lành bệnh. Bây giờ con cần leo lên đồi nơi con đã thấy Mẹ trước kia và ngắt đem xuống đây cho Mẹ tối đa những bông hồng mà con có thể lấy."

Trở lại nơi Juan Diego đã thấy Đức Mẹ những lần trước kia, ông ngỡ ngàng thấy rất nhiều hoa bồng thuộc đủ mọi loại, mọc giữa các khe đá, giữa những bụi xương rồng, và những bụi cây có gai khác. Juan thấy những bông hồng đó lóng lánh sương mai và hương thơm ngát. Ông muốn ngắt hết, nhưng có quá nhiều. Không có gì để đựng các bông hồng mới ngắt, Juan Diego cởi tấm áo choàng ra để bọc các bông hồng đó.

Cần sơ lược về tấm áo choàng tilma của Juan Diego. Áo tilma là thứ áo choàng theo truyền thống thổ dân Aztec, áo dài phủ khắp mình, có lớp ngoài ngắn hơn phủ trên vai, và cột lại ở cổ. Áo này làm bằng thứ vải lấy từ sợi xương rồng, trung bình thì chỉ hai mươi năm là mục rách. Nhưng tới nay đã hơn 460 năm, tấm áo này vẫn còn như mới.

Juan Diego bọc những bông hồng trong áo choàng và trở lại nơi Đức Mẹ đang chờ. Đức Mẹ sắp lại những bông hồng trong áo choàng của Juan Diego. Rồi Đức Mẹ túm gọn lại và bảo Juan Diego đừng xáo trộn những bông hoa đó, và chỉ mở gói đó cho chính đức giám mục Zumárraga coi.

Đến tòa giám mục, Juan Diego lại phải chờ đợi, có một vài người muốn lấy một vài hoa hồng Juan Diego đang cầm, nhưng khi họ đưa tay ra thì hoa đó tan thấm vào vải áo tilma của Diego chẳng khác gì được thêu vào áo đó.

Có người nào đó cấp tốc nói cho đức giám mục biết Juan cần được tiếp tức thời. Đức giám mục Zúmarraga đang thảo luận với một số nhân vật quan trọng, có thể là với Don Sebastián Ramírez y Fuenleal, vị toàn quyền mới của Mễ Tây Cơ.

Juan Diego được dẫn vào gặp đức giám mục. Có thể Juan đã nói đôi lời hoặc ông chỉ việc trao bọc hoa hồng đó cho đức giám mục hoặc để cho tấm áo choàng tự động mở ra. Những bông hồng tuyệt đẹp màu sắc rực rỡ và hương thơm ngào ngạt rơi xuống đất.

Những hoa hồng trái mùa lạ lùng này không thể nào có cách tự nhiên vào thời tiết lạnh ngắt như thế được ở Medxicô vào thời đó. Vấn đề này được điều tra nhiều lần, nhưng vẫn không thể xác định Juan Diego lấy những bông hồng đó từ đâu. Trong số các bông hồng đó, đức giám mục và tân toàn quyền ngạc nhiên nhất vì có loại hoa hồng Castilian, thời đó chưa được đưa vào Mexicô.

Mọi người hiện diện còn ngạc nhiên hơn nữa vì từ tấm áo tilma lúc này một hình ảnh từ từ hiện lên rõ ràng trước mắt họ. Juan thoạt tiên không nhìn thấy hình ảnh này, vì mắt ông mải nhìn đức giám mục lúc này đến quì trước tấm áo choàng của ông. Khi Juan nhìn xuống, thấy trên áo tilma có hình ảnh y hệt Đức Mẹ hiện ra với ông trên đồi Tepeyac.

Lập tức tin này truyền khắp trụ sở đức giám mục và khắp phố phường. Đức giám mục Zumárraga khóc và đứng lêm ôm Juan Diego và rõ ràng là ngài xin lỗi vì trước kia đã không tin lời Juan Diego. Đức giám mục ân cần mời Juan Diego lưu lại như một thượng khách của tòa giám mục.

Đức giám mục Zumárraga cho rước ảnh Đức Mẹ và đặt trong nhà nguyện riêng trước khi đưa tới trưng bày trong nguyện đường nhỏ đầu tiên xây trên đồi Tepeyac. Hàng ngàn thổ dân Aztec kính viếng ảnh Đức Mẹ và tất cả những xáo trộn và tệ đoan sát tế người sống chấm dứt.

Trở lại với Juan Diego. Sáng hôm sau, đức giám mục Zumárraga để Juan Diego trở về nhà. Khi tới nhà, ông thấy ông cậu/chú, Juan Bernadino, đã lành bệnh đang ngồi phơi nắng, ông Juan Bernadino cho Juan Diego biết Đức Mẹ đã hiện ra với ông và cho ông biết mọi việc xảy ra. Ông Berenadino cũng nói Đức Mẹ cho biết tước hiệu mà Người muốn người ta nói đến Người trong tương lai. Đức Mẹ muốn người ta gọi Người là: "Đức Thánh Maria, Toàn Vẹn Trinh Khiết, Đấng Sẽ Đạp Nát, Loại Trừ Con Rắn Bằng Đá."

"Con Rắn bằng Đá" ám chỉ con rắn thần có lông vũ Quetzalcoatl, quái vật kinh khủng nhất trong các thần của thổ dân Aztec, mà mỗi năm, hàng ngàn người phải tế sống cho nó. Thổ dân Aztec dường như được thần ứng về điều này, và việc tế sống người đã thình lình chấm dứt. Vào năm 1539, có tới hơn tám triệu người Aztec nhận lãnh đức tin Công Giáo.

Ảnh Đức Mẹ, được in trong tấm áo choàng tilma của Juan Diego (được gọi là Đức Mẹ Guadalupé), cho thấy Đức Mẹ mang vóc dáng một phụ nữ thổ dân. Đức Mẹ mặc áo dài mầu nâu phớt hồng. Áo choàng xanh lá cây có viền vàng và những ngôi sao lóng lánh phủ từ trên đầu Đức Mẹ xuống tới chân. Hai tay Đức Mẹ chắp trước ngực, cho thấy cổ tay áo trong gần cổ tay áo dài. Điểm đặc biệt là Đức Mẹ mang thắt lưng nhỏ mầu đen hoặc nâu đậm, một tiêu biểu toàn vẹn trinh khiết của trinh nữ và được cởi ra trao cho người chồng trong ngày cưới theo tục lệ Aztec. Và Đức Mẹ đang mang thai. Đức Mẹ đứng trên vành trăng lưỡi liềm, được một thiên thần, sắc diện thổ dân, mặc áo dài tay mầu hồng, nâng đỡ. Phía sau Đức Mẹ là vầng hào quang hình bầu dục, có những tia sáng vàng tỏa ra chung quanh.

Ảnh Đức Mẹ trên áo choàng của Juan Diego ngày nay được bảo quản và trưng bày tại thánh đường Đức Mẹ Guadalupé, xây trên đồi Tepeyac theo lời Đức Mẹ. Giáo Hội nhìn nhận việc Mẹ Maria hiện ra với Juan Diego tại Gadalupé với tước hiệu "MẸ THIÊN CHÚA THỰC." Tấm áo tilma và ảnh Đức Mẹ nhiều lần được để cho các khoa học gia khảo cứu. Các chất liệu trên áo vẫn còn nguyên phẩm chất tốt mặc dầu đã gần 500 tuổi, và mặc dầu loại vải bằng tơ xương rồng bình thường chỉ tồn tại được 20 năm.

Điều đặc biệt nhất là cặp mắt Đức Mẹ trong ảnh. Những ảnh chụp cặp mắt Đức Mẹ được các chuyên viên nhãn khoa nghiên cứu vào năm 1960, 1962, 1981. Cặp mắt có giác mạc y như mắt người sống. Các chuyên gia dùng quang tuyến, lazer, máy vi tính, phóng đại lên và nhìn nhận rằng đây là mắt người sống, họ không thể giải thích rằng đây là ảnh vẽ. Và trong đáy mắt ảnh Đức Mẹ, người ta thấy hình của ít nhất là ba người rõ ràng. Nhiều người tin rằng đây là hình ảnh đức giám mục Zumárraga và toàn quyền Ramírez y Fuenleal.

05. Mẹ hiện ra với nữ tu Maria d'Agreda, năm 1627

CHÚA VÀ MẸ MARIA HIỆN RA VỚI NỮ TU MARIA THÀNH AGREDA

NĂM 1627 VÀ VỀ SAU

Chúa Giêsu và Mẹ Maria hiện ra dạy nữ tu Maria thành Agreda về cuộc đời Chúa Cứu Thế và Mẹ Maria, các vấn đề thần học và tu đức, để truyền lại cho đời sau. Bộ sách "Mistical Ciudad De Dios = Thành Thánh Thiên Chúa" được nữ tu Maria thành Agreda viết lần thứ nhất vào năm 1637 và lần thứ hai vào năm 1665. Tác phẩm này gồm 8 cuốn, 205 chương, dày gần 2000 trang. Chúng tôi chỉ sơ lược Chương Mở Đầu, các Chương I và II cuốn Một, và một số lời bình luận của một số vị giám mục, và học giả về tác phẩm này.

TẠI SAO THIÊN CHÚA MẠC KHẢI CUỘC ĐỜI MẸ MARIA TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA.

(Lời tác giả, đấng đáng kính Maria thành Agreda)

Tác giả xin chia Lịch Sử Cuộc Đời Mẹ Maria làm ba phần.

Phần thứ nhất đề cập những sự việc trong mười năm đầu đời Mẹ, mọi việc Đấng Tối Cao thể hiện cho Mẹ trong các năm này: từ thời điểm Vô Nhiễm Thai cho tới khi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể nơi lòng dạ trinh khiết Mẹ.

Phần thứ nhì gồm mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, trọn cuộc đời Chúa Cứu Thế, Tử Nạn Khổ Giá, Chúa Phục Sinh, và Chúa về trời. Như thế mô tả cuộc đời Mẹ Maria hợp nhất với cuộc đời Thiên Chúa Con Mẹ và tất cả mọi việc Mẹ thi hành khi sống bên Chúa.

Phần thứ ba về cuộc đời Đức Hiền Mẫu Maria trong thời gian không có Chúa Cứu Thế ở bên, cho tới giờ phút Mẹ trút hơi thở cuối cùng, Mẹ được rước cả hồn xác về trời và được đội triều thiên tôn vinh là Nữ Vương Thiên Đàng,...

Để sơ lược về thời gian Lịch Sử Thiên Đàng này được viết ra, tác giả thấy cần ghi lại rằng thân phụ của tác giả là tu sĩ Phanxicô Coronel, thân mẫu là dì phước Catharine d'Arana. Song thân tác giả đã sáng lập tại nhà riêng các ngài tu viện "Vô Nhiễm Thai" theo lệnh và thánh ý Chúa truyền cho thân mẫu tác giả. Việc lập dòng này xảy ra trong tuần tám ngày Lễ Hiển Linh, ngày 13 tháng Giêng, 1619. Cũng trong ngày hôm đó, chúng tôi, thân mẫu tác giả và hai ái nữ, lãnh áo dòng. Thân mẫu và chính tác giả tuyên khấn vào ngày Lễ Thanh Tẩy Mẹ Maria, ngày 2 tháng 2, 1620. Vì người con gái kia tuổi quá nhỏ nên ngày cô tuyên khấn bị hoãn lại. Thân phụ tác giả sống đời tu sĩ ẩn dật tại tu viện thánh Phanxicô, nơi hai con trai của ngài đã từ lâu là tu sĩ.  

Năm 1627, năm thứ tám từ ngày lập tu viện, đức vâng lời đặt trên vai tác giả, lúc đó mới hai mươi lăm tuổi và mặc dầu bất xứng, chức vụ bề trên từ đó tới nay. Suốt mười năm đầu trong chức vụ bề trên, tác giả nhiều lần được Chúa và Mẹ Maria truyền phải ghi lại Lịch Sử Cuộc Đời Mẹ. Tác giả lo sợ và chống lại mệnh lệnh này suốt thời gian dài cho tới năm 1637 mới khởi sự viết về Cuộc Đời Mẹ Maria lần thứ nhất. Khi hoàn tất tác phẩm đó, vì quá lo âu, và vì được cha giải tội khuyên (ngài hướng dẫn tác giả trong thời gian cha linh hướng thường xuyên của tác giả đi vắng), tác giả đốt tất cả những gì đã viết, không phải chỉ riêng tác phẩm Lịch Sử Cuộc Đời Mẹ Maria, mà cả nhiều vấn đề quang trọng và huyền nhiệm khác nữa. Nhưng sau đó tác giả bị các bề trên và cha linh hướng quở trách hết sức nặng, và bắt tác giả viết lại Lịch Sử Cuộc Đời Mẹ Maria. Đấng Tối Cao và Mẹ Maria cũng lặp lại lệnh truyền và tác giả vâng theo. Nhờ ơn Chúa, tác giả khởi đầu ghi lại Lịch Sử này ngày 8 tháng 12, 1665, ngày Lễ Mẹ Maria Vô Nhiễm Thai.

***

Con thú nhận và tôn vinh Chúa, Đức Vua Tối Cao, rằng trong Sự Uy Nghi đáng chúc tụng của Chúa, Chúa giấu những mầu nhiệm cao cả này không cho những người khôn ngoan và các bậc thầy được biết (Mt 11:25), nhưng đoái thương mạc khải cho con, một nữ tì thấp hèn nhất trong Giáo Hội Chúa, ngõ hầu Chúa càng được chúc tụng hơn nữa là Tác Giả Toàn Năng của Lịch Sử này, còn phần con, con chỉ là công cụ thấp hèn của Chúa.

***

Tác giả đã thấy một dấu lạ vĩ đại và huyền nhiệm trên trời mà các thiên thần nói với tác giả:

"Đây là Vị Phụ Nữ được chúc phúc, Đấng mà thánh Gioan đã thấy trong Khải Huyền, nơi Người các mầu nhiệm kỳ diệu Ơn Cứu Chuộc được ký thác, tích chứa và giấu kín. Thiên Chúa Toàn Năng yêu thương Thụ Tạo này tột độ đến mức chúng tôi, các thiên thần của Chúa, đều hết sức ngỡ ngàng. Hãy chiêm ngưỡng và ca tụng các đặc ân của Người, ghi lại các đặc ân đó thành sách. Đây là mục đích mà các đặc ân đó sẽ được tiết lộ rõ ràng cho con tùy theo mức độ thích hợp và hoàn cảnh của con."

Lần khác, tác giả thấy một chiếc thang rất đẹp có nhiều bậc, nhiều thiên thần đứng chung quanh, và rất nhiều thiên thần lên xuống. Thiên Chúa phán bảo tác giả:

"Đây là chiếc thang Jacob huyền nhiệm, nhà Thiên Chúa và cửa thiên đàng (STK 28:!7), nếu con tha thiết phấn đấu sống đẹp lòng Cha, con sẽ lên thang đó đến với Cha."

Tác giả đã sống một vài ngày trong tâm trạng ngút lửa yêu mến, cố gắng cải đổi cuộc đời mình. Thị kiến chiếc thang vẫn tiếp tục, nhưng tác giả không được giải thích cho hiểu.

Cho tới một ngày tác giả được Thiên Chúa phán bảo rằng chiếc thang đó (có nghĩa) là Cuộc Đời Đức Trinh Mẫu Maria rất thánh, là các thánh đức và ân sủng của Mẹ. Chúa phán:

"Con yêu dấu của Cha, Cha muốn con lên thang Jacob, vào qua cửa thiên đàng này để lãnh hội kiến thức từ các đặc tính của Cha và tích lũy cho mình trong việc suy niệm về Thiên Tính của Cha. Con hãy chỗi dậy, bước đi và lên thang đó đến với Cha. Các thiên thần này đây, đứng chung quanh và lên xuống thang này, được Cha chỉ định hộ vệ Đức Hiền Mẫu Maria, các thiên thần này là đạo quân phòng vệ canh giữ thành thánh Sion. Con hãy chăm chú chiêmngưỡng Đức Hiền Mẫu Maria, chiêm niệm các thánh đức của Người, học hỏi bắt chước các thánh đức đó."

Khi đó dường như tác giả lên thang Jacob và nhận ra được những sự lạ lùng vĩ đại và những điều kỳ diệu khôn tả của Chúa nơi Thụ Tạo duy nhất và sự thánh thiện trọn lành thánh đức tột đỉnh từng được quyền năng Thiên Chúa tạo thành. Trên đầu thang tác giả thấy Chúa các thiên thần và Mẹ Maria. Chúa và Mẹ ra lệnh cho tác giả tôn vinh, chúc tụng và ngợi khen Chúa vì những mầu nhiệm cao cả này và bằng trọn khả năng của mình viết ra hết những điều đó. ...

Mẹ Maria đáp lại các lời tác giả cam kết và nói:

"Con của Mẹ, thế giới hết sức cần học thuyết này, vì thế giới không biết, cũng không thực hành lòng tôn kính đối với Thiên Chúa Toàn Năng, đức công thẳng của Thiên Chúa được kêu nài phạt và làm cho nhân loại khiêm nhượng vì sự ngu dốt của họ. Nhân loại chìm đắm trong sự hững hờ vong ân bội nghĩa và chìm ngụp trong tối tăm, không biết cách nào tìm kiếm ơn cứu trợ và ánh sáng. ..."

... Thiên Chúa và Mẹ Maria cho tác giả nhiều chỉ dạy khác, ngõ hầu làm cho tác giả hiểu thánh ý Chúa và Mẹ về tác phẩm này.

... Thiên Chúa nói với tác giả:

"Con của Cha, khi Cha gởi Con Một của Cha xuống trần gian, ngoại trừ một số ít người phụng thờ Cha, cả thế gian ở trong hoàn cảnh tồi tệ hơn hết kể từ khởi nguyên. Từ thuở tạo dựng và tội lỗi của con người đầu tiên cho tới khi Cha ban Luật cho Maisen, nhân loại, tự nó thống trị theo bản năng chúng, đã phạm nhiều sai lầm và tội lỗi (Rom 5:13). Sau khi nhận được Luật, nhân loại lại phạm tội vì không tuân giữ Luật (Gn 7:19) và chúng tiếp tục sống tự mình tách rời khỏi chân lý và ánh sáng, đi tới tình trạng hoàn toàn vong ân bội nghĩa.

"Trong tình thương Hiền Phụ, Cha đã gởi tới cho nhân loại Ơn Cứu Chuộc Đời Đời và thuốc chữa mọi bệnh tật nan y của bản tính loài người, như thế làm sáng tỏ phần Cha. Cũng như khi Cha chọn đúng thời điểm để tỏ rõ hơn lòng nhân từ của Cha, bây giờ Cha cũng chọn thời điểm thích hợp để cho nhân loại thấy một đặc ân hết sức lớn lao khác nữa. Đã tới đúng thời điểm để cho nhân loại biết đức công thẳng và cơn thịnh nộ của Cha; lúc này nhân loại bị kết tội cách chính đáng. Cha tỏ lộ cơn giận của Cha và thi hành phép công thẳng và đức công bằng, Cha sẽ cho thấy phép công thẳng của Cha nghiêm chính chừng nào. Bây giờ đến lúc lòng thương xót của Cha tỏ hiện rõ ràng hơn, và tình yêu của Cha không thể ở yên, Cha sẽ ban cho nhân loại thuốc điều trị kíp thời, nếu nhân loại biết sử dụng thần dược đó để trở lại với ân sủng của Cha.

"Lúc này, thế giới đã tới một hoàn cảnh hết sức bất hạnh, khi ngày tận thế vụt đến, khi bóng đêm tối tăm đời đời mỗi ngày mỗi tới gần hơn cho những kẻ dữ, và khởi đầu ngày không bao giờ có bóng đêm cho những người công chính, và mặc dầu Ngôi Lời đã nhập thể, nhân loại càng thờ ơ với hạnh phúc và càng ít tìm kiếm hạnh phúc. Khi đại đa số nhân loại ngày càng lún sâu vào tăm tối ngu đần và tội lỗi, đàn áp người lành, chế nhạo con cái Cha, thánh luật của Cha bị miệt thị vì các kẻ tội lỗi sắp đặt mưu mô chống lại Sự Khôn Ngoan của Cha, khi những kẻ ác không xứng đáng chút nào đối với lòng thương xót của Cha, và tới những giai đoạn đã được ấn định này, Cha muốn mở cửa thiên đàng cho người công chính để nhờ đó họ có thể tìm thấy đường vào tình thương xót của Cha. Cha muốn ban cho họ ánh sáng để nhờ đó họ có thể xua đuổi bóng tối che khuất con mắt lương tri họ. Cha muốn ban cho nhân loại phương thuốc thích hợp để phục hồi cho họ ân sủng Cha. Hạnh phúc cho những ai biết được điều này, và phúc thay cho những ai biết được giá trị ân sủng này. Những ai gặp được kho tàng này sẽ giàu có biết chừng nào. Hạnh phúc và khôn ngoan biết chừng nào những ai tìm kiếm và hiểu được những điều kỳ diệu và huyền nhiệm của Cha. Cha muốn cho nhân loại biết lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria rất thánh có giá trị chừng nào. Người là Đấng hồi phục sự sống bằng việc dâng bản tính hay chết của nhân loại lên Thiên Chúa. Để thưởng công, Cha muốn nhân loại ngắm nhìn những việc kỳ diệu do quyền năng Cha thực hiện nơi Thụ Tạo Tinh Tuyền này, như nhìn vào tấm gương mà qua đó nhân loại có thể ước lượng được sự vô ân bạc nghĩa của họ. Cha muốn tiết lộ cho nhân loại phần lớn những điều kỳ diệu đó, mà theo thánh ý tối cao của Cha, những điều liên quan đến Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa vẫn còn được giấu kín.

"Cha không tiết lộ những huyền nhiệm này trong Giáo Hội sơ khai, vì những huyền nhiệm này quá sức vĩ đại, đến độ các tín hữu chìm ngụp trong việc chiêm niệm và ca tụng các huyền nhiệm này trong thời gian khá lâu, trong khi đó việc thiết lập Luật Ân Sủng và Phúc Âm cho vững chắc thì cần thiết hơn. Mặc dầu mọi mầu nhiệm trong đạo đều phù hợp với nhau cách tuyệt hảo, nhưng sự ngu dốt của loài người có thể bị tác hại ngược lại và hoài nghi tính cách trọng đại của các mầu nhiệm này, khi đức tin vào Ngôi Lời Nhập Thể và Ơn Cứu Chuộc và các giáo huấn của Luật Phúc Âm mới vẫn còn trong thời kỳ phôi thai. Cũng vì lý do đó, Ngôi Lời Nhập Thể nói với các môn đệ trong bữa tối sau cùng: ‘Nhiều điều Thầy cần phải nói cho anh em biết, nhưng anh em chưa sẵn sàng đón nhận’ (Jn 16:12). Chúa Cứu Thế nói lời này với toàn thể nhân loại, vì nhân loại chưa có thể vâng nghe trọn vẹn luật ân sủng và hoàn toàn tin theo Thiên Chúa Con, nhân loại càng được chuẩn bị ít hơn để đón nhận các mầu nhiệm về Mẹ Thiên Chúa.

"Nhưng lúc này nhân loại cần đến mạc khải này rõ ràng hơn, và điều cần thiết này thúc đẩy Cha bỏ qua khuynh hướng tội lỗi của họ. Nếu bây giờ nhân loại tìm kiếm làm hài lòng Cha bằng việc tôn kính, tin tưởng, học hỏi những điều lạ lùng liên quan trực tiếp đến Vị Hiền Mẫu Hay Thương Xót này, và nếu mọi người thành tâm xin Người cầu bầu, nhân loại sẽ sớm được cứu giúp. Cha không thể giấu nhân loại Thành Thánh nơi nương náu huyền nhiệm này nữa. Cha mô tả và phác họa cho họ về Thành Thánh này, theo mức độ khả năng hạn hẹp của họ. Cha không muốn những điều con mô tả và tuyên xưng về Cuộc Đời Đức Trinh Mẫu Maria rất thánh chỉ thuần tư kiến hoặc tư tưởng chiêm niệm, mà phải là sự thực chính xác. Những ai có tai để nghe, hãy nghe. Những ai khát hãy tới mạch nước hằng sống và hãy rời bỏ những thùng chứa khô cạn. Những ai tìm kiếm ánh sáng hãy theo đuổi cho tới kết cuộc. Chúa, là Thiên Chúa Toàn Năng, dạy như thế!"

TRÍCH LƯỢC MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ MISTICAL CIUDAD DE DIOS (THẦN ĐỒ HUYỀN NHIỆM)

Chúng tôi lược trích kiến của Đại Học Louvain, một trong các đại học danh tiếng ở Âu Châu, về tác phẩm MISTICAL CIUDAD DE DIOS.

" ...Sau khi nhận định rằng quyền năng Thiên Chúa không bị giới hạn trong việc mạc khải tư cho người Chúa chọn, và sau khi nêu ra một số định luật căn bản đối với mạc khải tư. ... "

" ... Sau khi đọc toàn bộ tác phẩm Ciudad de Dios, chúng tôi tuyên ngôn và nhận định rằng các tín hữu có thể đọc sách này mà không nguy hiểm đến đức tin của họ và không tổn hại sự tinh tuyền luân lý. Không một điều gì trong Ciudad de Dios khả dĩ dẫn tới phóng túng xao lãng bổn phận hoặc dẫn tới sự khắt khe quá đáng, trái lại, tác phẩm này sẽ rất hữu ích cho việc chấn hưng và làm tăng thêm lòng nhiệt thành của các tín hữu, gia tăng lòng tôn kính Đức Trinh Nữ rất thánh, và kính trọng các mầu nhiệm thánh."

" ... Tác phẩm Lịch Sử này giải thích trên một ngàn điểm khúc mắc trong Sách Thánh cách tương đối tự nhiên và kỳ diệu. Ở mỗi giai đoạn, người ta đều gặp những giải thích sâu sắc, mà cho tới nay chưa ai biết, các điều đó từng bị giấu kín, nhưng lúc này được phơi bày rõ ràng, được công khai hóa trong bộ sách này. Tóm lại, toàn thể tác phẩm này là hệ thống tuyệt vời các đoạn Sách Thánh mà, mặc dầu xuất hiện trong nhiều tập khác nhau, đều được trực tiếp và đặc biệt dệt thành một khối."

"Thêm vào nội dung là những lời giáo huấn của Đức Trinh Nữ ở cuối mỗi chương. Những lời giáo huấn này chứa đựng lời huấn đức tuyệt vời, dạy bảo, nuôi dưỡng, và đồng thời dịu dàng ghi khắc lòng yêu mến thánh đức và ghê tởm tội lỗi, tô điểm tất cả mọi thứ đó bằng những mầu sắc linh động nhất. Những lời Đức Maria giáo huấn không những chỉ làm cho người thông thái phải tin, mà còn đầy ắp sức xúc tác ngọt ngào đặc biệt, làm cháy lên trong tâm hồn người ta lòng nhiệt thành thánh thiện. Khi suy gẫm các lời giáo huấn của Đức Trinh Nữ rất thánh, chắc chắn người ta sẽ hưởng niềm hoan lạc thích thú không gặp được nơi các tác phẩm thông thường. Càng đọc những lời Đức Maria dạy bải, niềm hoan lạc người ta được hưởng càng lớn lao. Kết luận, toàn thể tác phẩm chứa đựng điều gì hết sức hiếm quí và hấp dẫn đến độ, một khi đã bắt đầu, người ta không thể nào không đọc cho đến hết."

"Tính chất khác thường và muôn vẻ khác nhau nổi bật trong tác phẩm này làm cho người đọc được lòng yêu mến nhiệt thành mới. Mọi người đều dễ dàng tin rằng, nếu cuộc sống bề trong của Đức Kitô Chúa chúng ta và cuộc đời Đức Trinh Mẫu rất thánh không đúng hệt như được mô tả trong các tập sách này thì hẳn cũng tương tự như thế. ..."

"... Đây là nhận xét của chúng tôi; chúng tôi hoàn toàn vâng phục quyết định tối thượng của Đức Thánh Cha, chỉ một mình Đức Thánh Cha có quyền đưa ra phán định cuối cùng về các tác phẩm như thế."

Louvain, ngày 20 tháng Bảy, 1715

(Ký tên) HERMAN DAMEN,
Tiến sĩ, Giáo Sư Thường Trú và Nhiếp Chính Phân Khoa Thần Học,
Đông Tước thánh Phêrô, Viện Trưởng Đại Học Đường Arras, Duyệt Giả Các Tác Phẩm, v.v.

(Ký tên) ANTON PARMENTIER
Tiến Sĩ, Giáo Sư Thường Trú, Nhiếp Chính Phân Khoa Thần Học,
Viện Trưởng Đại Học Thần Học, v.v.


MỘT SỐ Ý KIẾN TIÊU BIỂU VỀ PHÍA GIÁO HỘI

Vị Giáo Hoàng đầu tiên chính thức chú ý tới Mistical Ciudad de Dios là Đức Innocent XI. Ngày 3 tháng 7, 1686, khi trả lời hàng loạt những công kích hiểm độc của một số thành viên Đại Học Sorbonne, mệnh danh là những người nhóm Jansen, Đức Innnocent XI đã ban sắc chỉ cho phép phát hành và đọc tác phẩm Mistical Ciudad de Dios. Sau này các Đức Thánh Cha Alexander VIII, Clement IX và Benedict XIII cũng đưa ra những sắc chỉ tương tự. Các sắc chỉ này được nối tiếp bởi hai sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng Vụ, được phê chuẩn bởi các Đức Thánh Cha Benedict XIV và Clement XIV, trong đó chính thức nhìn nhận tính chất xác thực của tác phẩm Mistical Ciudad de Dios như hiện hữu được viết ra bởi dì phước Maria đệ Giêsu, Tôi Tớ Đáng Kính của Thiên Chúa. Vị Đại Giáo Hoàng Benedict XIII, khi còn là Tổng Giám Mục Benevent, đã dùng các mạc khải này làm chất liệu cho hàng loạt những bài giảng thuyết về Đức Trinh Mẫu rất thánh.

...

Sau đây là lời đề cao của Đức Tổng Giám Mục Salzburg, Đại Diện Đức Thánh Cha, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Đức quốc, v.v.:

" Theo những Sắc Chỉ của các Đức Thánh Cha Innocent XI và Clement XI, các tín hữu có thể đọc tác phẩm Ciudad de Dios được viết ra bởi dì phước Maria đệ Giêsu, Người Tôi Tớ Đáng Kính của Chúa.

"Một số các lời chuẩn ấn, các khuyến cáo của bốn Đại Học danh tiếng là Đại Học Toulouse, Salamanca, Alcala và Louvain, và vô số các thành viên danh tiếng thuộc nhiều dòng tu khác nhau, đều đồng thanh tán tụng tác phẩm nói trên. Đức Hồng Y uyên bác và đạo đức D'Aguirre nói ngài coi tất cả mọi học hỏi trong năm mươi năm trước trong đời ngài có kết quả hết sức nhỏ nhoi so với các học thuyết ngài tìm thấy trong sách này, trong đó mọi sự đều thuận hợp với Thánh Kinh, với các Đức Thánh Cha và các Hội Đồng Giáo Hội. Vị Bề Trên Cả đáng kính St Sulpice, Tu Viện Trưởng

Emery, nói thêm: 'Chỉ từ khi tôi đọc các mạc khải mà Mẹ Bề Trên Maria thành Agreda viết ra tôi mới biết được Chúa Giêsu và Đức Hiền Mẫu rất thánh của Chúa cách rõ ràng.'

"Vì thế, chúng tôi không ngần ngại trong việc ban Chuẩn Ấn của chúng tôi cho Ciudad de Dios và ước mong giới thiệu sách này với các tín hữu và đặc biệt là với hàng giáo sĩ của chúng tôi."

(Ký Tên) FRANK ALBERT Tổng Giám Mục
Tòa Tổng Giám Mục Salzburg
Ngày 12 tháng Chín, 1885

06. Mẹ hiện ra tại La Vang, Việt Nam, năm 1798

Đức tin Công Giáo đến Việt Nam từ năm 1533. Tín hữu Công Giáo Việt Nam phải chịu đựng bao lần bách hại ác nghiệt kéo dài 300 năm, từ năm 1644 (thế kỷ 17) đến năm 1885 (thế kỷ 19), hàng trăm ngàn tín hữu, trong đó 200 linh mục (150 vị quốc tịch Việt Nam), 340 thầy giảng, 270 nữ tu dòng Mến Thánh Giá, đã kiên dũng hiên ngang hy sinh mạng sống tuyên xưng đức tin, và 3000 họ đạo bị tàn phá. Trong khi con cái Công Giáo Việt Nam của Mẹ Maria anh dũng chịu đau khổ triền miên, Mẹ Maria đã cùng với Chúa Hài Đồng hiện ra tại La Vang để an ủi, ban ơn vững đức tin, và hứa ban mọi ơn lành hồn xác cho con cái Mẹ, mà một vài điểm lịch sử sơ lược sau đây.

La Vang nguyên gốc là Phường Lá Vằng, như được ghi trong địa bạ làng Cổ Vưu thiết lập thời Lê Triều. Cổ Vưu là một họ đạo thuộc giáo xứ Đinh Cát. Giáo xứ Đinh Cát được thành lập vào thế kỷ 17, nay đổi tiên là Trí Bưu, gần thị xã Quảng Trị.

Theo sử liệu, đồng bào lương giáo tại Cổ Vưu mưu sinh bằng nghề đi rừng (lấy gỗ, bẫy dã thú) và nghề nông. Để tăng gia diện tích canh tác, đồng bào Cổ Vưu phá một khu rừng để trồng khoai sắn và cấy lúa. Diện tích canh tác và hoa mầu gia tăng, một số người dựng lều tại khu tân khai này để coi hoa mầu khỏi bị thú rừng phá hoại. Khi diện tích khẩn hoang canh tác và người tới ngụ tại đó tăng thêm nhiều, dân cư xin đăng bộ nhập hộ, lập phường, mà vì tại đây có nhiều cây lá vằng, nên lấy tên là Phường Lá Vằng, sau đổi là La Vang.

Theo nhiều tác phẩm về Đức Mẹ hiện ra tại La Vang thì năm 1798, cao điểm của biến cố hãi hùng đến với các tín hữu Công Giáo, nhiều người Công Giáo từ Cổ Vưu, Thạch Hãn, v.v. chạy vào ẩn ở La Vang, vì La Vang ở sâu trong rừng xanh núi hiểm. Trong khi lánh nạn, tối đến bà con tụ nhau cầu nguyện Kinh Mân Côi. Một lần đang khi cầu nguyện Kinh Mân Côi, những người hiện diện bất chợt thấy trong hào quang rực rỡ một Vị Phụ Nữ đẹp tuyệt vời, mặc áo choàng, hiện ra gần một đại thụ. Các Kitô hữu tại đây nhận ra Vị Phụ Nữ này là Đức Mẹ Maria vì Người bồng Chúa Hài Đồng và có hai thiên thần cầm đèn tháp tùng. Đức Mẹ an ủi những người hiện diện và dạy họ bẻ lá cây quanh đó nấu uống sẽ được lành bệnh. Đức Mẹ cũng hứa bất cứ ai tới cầu nguyện tại đây sẽ được Đức Mẹ ban ơn phù hộ. Đức Mẹ hiện ra với các tín hữu tại đây nhiều lần trong thời gian này. Đồng bào đến ở La Vang ngày càng đông, và vào những lúc vua quan nới rộng việc bắt đạo, bà con đã dựng một nhà thờ nhỏ dâng kính Đức Mẹ tại nơi Đức Mẹ đã hiện ra.

Tiếc rằng sử liệu về Đức Mẹ hiện ra tại La Vang không được ghi chép đầy đủ, mà hầu hết là truyền khẩu, mãi về sau mới có những vị biết sự tích kể lại dưới hình thức những bài vãn (ca bình dân). Duới đây là bài Vãn La Vang trong tác phẩm Linh Địa La Vang của linh mục Xintanilaô Nguyễn Văn Ngọc:

"Trời sinh cái chốn lạ lùng.
Tự nhiên giữa núi nên cung Chúa Bà.

Truyền rằng: có một cây đa,
Mọc trên núi nọ gọi là La Vang.

Ngày thì hạc phụng dạo chơi,
Đêm thì hổ báo chầu nơi linh hoàng.

Chốn này linh ứng nghiêm trang,
Hai bên khe ruộng giữa làng La Vang. ..."

Những người địa phương đi làm rừng thường hay tới van vái tại cây đa (nơi Đức Mẹ hiện ra) ở Phường La Vang. Về sau họ nghe nói có Bà Linh Thiêng hiện ra tại đây, nên ba làng chung nhau đắp một cái nền vọng dưới gốc cây đa và rào sơ bốn mặt, họ dựng mái chùa tranh tại đây, nhưng không ổn, và phải nhượng lại cho giáo dân La Vang. Vì thế trong Vãn La Vang có đoạn:

"Bên lương chức dịch rộn ràng.
Đắp nền thờ vọng rào hàng xơ ly.

Chốn này linh ứng oai nghi.
Ngoại mình khấn vái điều gì cũng linh.

Dân thôn chớ khá nại tình.
Công lao khó nhọc thần linh phù trì.  

Qua đây thì phải kiêng vì.
Chốn này linh ứng nhiều khi lạ lùng.

Những ai vào chốn sơn trung,
Hễ khi đến đó nguyện cùng được an.

Những người mót củi đốt than,
Cũng đều đến đó kêu van khẩn nài."

  ...  

"Dân ta chớ khá công nài.
Bứt tranh đốn củi để mai làm chùa.

Làm rồi khi ấy đi mua
Hương đèn lễ vật dọn chùa sửa sang.

Dọn ra Thần Phật hai hàng,
Lư hương bát nước nghiêm trang đề huề.

Làm rồi chức dịch mới về.
Nhơn dân lao khổ ê hề bấy lâu.

Về nhà nghỉ giấc canh thâu.
Tự nhiên mộng mị chiêm bao rập ràng.

Trên chùa Thần Phật rộn ràng.
Về bắt chức dịch mấy làng xôn xao.

Rằng Phật rằng Thần lao đao.
Có "Bà bên đạo" phép cao lạ lùng.

Bà vào Bà đánh tứ tung.
Bao nhiêu Thần Phật đều tung ra ngoài.

Tiếng Bà thật đã linh oai.
Lư hương bát nước đền đài đều hư.

Chức làng thức dậy lao lư.
Hỏi nhau coi thử cũng như một điềm.

Sáng mai chức việc đi liền.
Kêu nhau coi thử sự thiềng làm sao.

Xét coi trong việc chiêm bao.
Hoặc hư hoặc thiệt thể nào cho yên.

Kéo nhau mới tới ngoài viên.
Thấy ngôi Thần Phật ngả nghiêng ngoài đường.

Kêu nhau khi ấy rộn ràng.
Kẻ khiêng người vác về làng cho mau.

Tưởng rằng Thần thánh linh mầu.
Đem về cúng tế bấy lâu nay tròn

Không hay Phật giả yên ngôn.
Tiếc vàng quang thiếp, tiếc son, tiếc dầu.

Linh Bà người hóa phép mầu.
Thôi thôi ta phải chạy mau về làng.

Cùng nhau bàn bạc rộn ràng.
Chùa này để cúng về đàng đạo nhơn.

Rỡ đi thì sợ người hờn. 
Phá không dám phá thiệt hơn thế nào.

Tiếc công dân sự lao đao.
Ăn làm ba tháng lại hao của tiền.

Bây giờ Phật ở không yên.
Lo làm nơi khác tiêu miền xứ xa."

Sau biến cố lạ lùng trên, các chức dịch sắc hào cả ba làng đồng thuận nhượng cúng đám đất và ngôi chùa tranh mới làm cho bên Công Giáo.

***

Tài liệu theo đức giám mục Hồ Ngọc Cẩn (giáo phận Bùi Chu) nói về biến cố tử đạo tại La Vang:

"Ngày 7 tháng 9 năm 1885, đoàn người theo đảng Văn Thân tàn sát và thiêu hủy nhà cửa các tín hữu Công Giáo họ Cổ Vưu. Ngày hôm sau, tức 8 tháng 9, 1885, họ kéo vào La Vang, nhưng dân cư đã chạy trốn lên núi, họ vơ vét tài sản, rồi phóng hỏa đốt hết nhà cửa, nhưng không dám đốt nhà thờ Đức Mẹ, vì họ nghe tiếng Đức Mẹ linh thiêng. Trưa ngày 9 tháng 9, 1885, một người theo đảng Văn Thân, tên Thơ, con ông Mẹo, thuộc xóm Bốc, làng Phú Long, đến La Vang. Y thấy nhà cửa của các tín hữu đã bị thiêu rụi, nhưng nhà thờ Đức Mẹ còn nguyên vẹn, y liền phóng hỏa đốt rồi bỏ đi.Nhưng không hiểu lý do gì, chiều hôm đó, nhóm Văn Thân, đã tàn sát giáo dân tại Cổ Vưu và đốt nhà cửa các tín hữu tại La Vang, kéo đến bao vây nhà ông Mẹo và đốt hết cả gia trang. Ông Mẹo, tên Thơ và vợ con y đều bị chết thiêu."

"Ngày 12 tháng 9 năm 1885, một số giáo dân La Vang từ núi trở về, chẳng may ba mươi người bị quân Văn Thân chận bắt và thiêu sát. Trong số này, có ông tên Thoàn đứng ra xin đặc ân là được chết trên nền nhà thờ Đức Mẹ (nhà thờ đã bị đốt), quân Văn Thân thuận cho. Ông Thoàn và hai mươi chín bạn đồng đạo bị trói thiêu sống trên nền nhà thờ Đức Mẹ La Vang. Về sau, một số giáo dân La Vang kể lại rằng ít ngày sau khi nhà thờ Đức Mẹ LaVang bị đốt, các giáo dân ẩn trên núi gần đó thấy ban đêm tại nền nhà thờ đèn sáng trưng và nghe tiếng người cầu kinh. Nhà thờ bị đốt, nhưng bàn thờ và mấy chân đèn bằng gỗ chỉ cháy sém thôi."

"Cuộc bách đạo chấm dứt. Giáo dân La Vang dựng lại nhà thờ Đức Mẹ trên nền cũ, và nhiều lần trùng tu. Ngày 22 tháng 8 năm 1961, thánh đường Đức Mẹ La Vang được Tòa Thánh nâng lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Tại thánh đường Đức Mẹ La Vang, ngày 22 tháng 8 năm 1961, đức tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, tổng giáo phận Huế, sau khi tuyên đọc Sắc Lệnh của Tòa Thánh nâng thánh đường Đức Mẹ La Vang lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường, ngài tuyên bố: ‘Kể từ nay, Vương Cung Thánh Đường và khu vực La Vang là Nhà của Mẹ, đất của Mẹ, là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc.’"

Ngược dòng lịch sử, năm 1901, đức cha Lộc (Gaspar) đã ấn định: Bổn Mạng của thánh đường La Vang là Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu. Chúng ta nhớ năm 1571, Đức Piô V lập lễ kính Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu vào ngày 24 tháng 5 hằng năm, và thêm vào Kinh Cầu Đức Bà lời nguyện: "Đức Bà phù hộ các giáo hữu, (xin cầu cho chúng con)".

Nhiều mẫu tượng ảnh Đức Mẹ La Vang được nhiều điêu khắc gia và họa sĩ sáng tác, nhưng năm 1901, giáo quyền Việt Nam đã chính thức chọn hình tượng Đức Mẹ đứng trên mây, hai tay nâng Chúa Hài Đồng đứng trên trái cầu; Đức Mẹ mặc áo gấm thêu, phảng phất mầu sắc Á Đông. Về sau, nhiều điêu khắc gia và họa sĩ sáng tác tượng và ảnh Đức Mẹ La Vang hoàn toàn Việt Nam, Đức Mẹ mặc y phục Việt Nam, có khăn choàng đầu và trên đầu có vương miện, đang bồng Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ mang hài mũi cong và đứng trên trái cầu.

07. Mẹ hiện ra tại Paris, Pháp, năm 1830

Nước Pháp từng được mệnh danh là Trưởng Nữ Giáo Hội Công Giáo vì có lịch sử gốc rễ đức tin Công Giáo sâu đậm. Nhưng Nước Pháp trải qua nhiều biến cố vĩ đại, nhiều giai đoạn thăng trầm, biến cố lớn lao về chính trị, về đạo đức luân lý, suy thoái đức tin. Một trong những thời kỳ khủng hoảng lớn nhất của Pháp là thời kỳ 1789-1830 và về sau. Tại đây Mẹ Maria đã hiện ra để báo trước những biến cốsắp xảy ra và để đưa con cái Mẹ về với Chúa, về với đức tin.

Người được Mẹ Maria chọn làm thông tín viên cho Mẹ trong biến cố này là một đệ tử tại tu viện các Nữ Tu Bác Ái thánh Vincent de Paul ở phố BAC, Paris, tên chị là Cathérine Labouré. Chị Cathérine Labouré sinh ngày 2 tháng 5, 1806, tại làng nhỏ Fain-les-Moutiers, Pháp Quốc. Cha của chị là một nông gia, đã từng theo học lên chức linh mục nhưng ông hồi tục vì ghét các cơ cấu của Giáo Hội. Mẹ của Cathérine chết khi chị mới 9 hoặc 10 tuổi. Cathérine thất học và bướng bỉnh. Mãi tới tuổi 24, chị mới bất đắc dĩ được nhận vào tập tu tại dòng Nữ Bác Ái Vinh-sơn ở phố BAC, Paris. Thời gian tập luyện này, chị được trao cho nhiệm vụ lau nhà. Ngay trong thời gian đầu tại nhà dòng này, chị được ban những ơn lạ lùng, nhưng chị không thể giữ kín được mà nói cho các chị em khác biết, nên cha giải tội phải nói với chị rằng "chị ở đệ tử viện để học phục vụ người nghèo khó, chứ không phải để mộng mơ."

Đêm 18 tháng 7, 1830, áp lễ thánh Vincent de Paul, chị Cathérine đi ngủ, chị tin rằng thánh quan thầy sẽ giúp chị đạt được ước nguyện cao vời là được thấy Đức Mẹ. Khoảng 11g30 khuya, chị Cathérine bị đánh thức dậy, nghe có tiếng gọi tên chị ba lần. Trong phòng của chị, chị thấy một cậu bé trạc bốn hoặc năm tuổi, tóc vàng óng ánh, mặc áo trắng, có vầng hào quang bao quanh. Cậu bé nói, "Này sơ! Này sơ! dậy đi. Đi mau tới nhà nguyện. Đức Trinh Nữ chờ đợi sơ ở đó!"

Chị Cathérine sợ, nhưng cậu bé nói:

"Đừng sợ, mọi người đều ngủ say cả. Tôi sẽ đi với sơ."

Chị Cathérine đi theo cậu bé dọc hành lang. Hành lang rực sáng vì ánh sáng từ cậu bé tỏa ra. Cửa nhà nguyện tự động mở ra, và trong nhà nguyện đèn nến sáng trưng như thể chuẩn bị Thánh Lễ Nửa Đêm. Cậu bé dẫn chị Cathérine tới chờ tại phòng mặc áo. Chị Cathérine kể rằng khoảng nửa đêm, chị nghe tiếng xào xạc của những lớp áo lụa. Chị nói: "Tôi thấy một vị phụ nữ đang ngồi trên ghế dành cho cha giám đốc đặt trên bục bàn thờ."

Cậu bé nói với Cathérine:

"Đây là Đức Trinh Nữ!"

Nhưng Cathérine thoạt tiên không tin rằng vị phụ nữ đó là Đức Trinh Nữ, và cậu bé đọc được tư tưởng của chị, nên đổi giọng như giọng người lớn và xác nhận vị phụ nữ đó chính là Đức Trinh Nữ.

Trong khi Cathérine còn bối rối, Đức Mẹ bắt đầu nói:

"Con của Mẹ, Thiên Chúa nhân lành muốn trao cho con một sứ mệnh. Con sẽ phải đau khổ nhiều, nhưng con sẽ vượt trên những đau khổ đó bằng cách suy gẫm rằng những việc con làm là vì vinh danh Thiên Chúa. Con sẽ bị dày vò cho tới khi nào con nói hết với cha linh hướng con. Con sẽ bị chống đối; nhưng đừng sợ, con sẽ được ân sủng. Con hãy can đảm nói tất cả những gì xảy ra tại đây và trong (lòng) con. Con hãy nói cách đơn sơ. Đừng sợ."

Đức Mẹ nói tiếp:

"Thời kỳ này hết sức tồi tệ. Những đau khổ sẽ trút xuống nước Pháp, ngai vàng sẽ (lại) bị lật đổ, cả thế giới sẽ sớm rơi vào thống khổ. Nhưng bây giờ hãy đến chân bàn thờ. Tại đó muôn ơn sủng sẽ tràn đầy cho mọi người, lớn nhỏ, những người tha thiết cầu xin các ơn đó. Những xáo trộn nặng nề đang đến. Nguy cơ nặng nề sẽ xảy đến cho đệ tử viện này và các cộng đoàn tu khác. Tới một lúc khi sự nguy khốn đó cao độ, mọi người sẽ tin là mất tất cả; con sẽ nhớ lại lần viếng thăm này của Mẹ và đệ tử viện này sẽ được Thiên Chúa bảo vệ. Nhưng việc đó không xảy ra cho các cộng đoàn tu khác."

Tới đây Đức Mẹ khóc nước mắt chan hòa.

Đức Mẹ nói tiếp:

"Trong hàng giáo phẩm ở Paris sẽ có nhiều người là nạn nhân trong đó có Đức Tổng Giám Mục, con của Mẹ; thánh giá sẽ bị coi thường, người ta sẽ liệng thánh giá xuống đất và chà đạp lên. Máu sẽ đổ. Các phố phường sẽ ngập máu. Đức Tổng Giám Mục sẽ bị lột trần (tới đây Đức Mẹ quá đau thương không nói được trong một lát). Mắt Mẹ sẽ luôn dõi nhìn các con. Mẹ sẽ ban cho các con ân sủng. Những ân sủng đặc biệt sẽ được ban cho mọi người xin, nhưng người ta phải cầu nguyện."

Tới đây Đức Mẹ biến đi.

Những điều Đức Mẹ nói với chị Cathérine đã lần lượt xảy ra. Có những việc hầu như xảy ra ngay, hoặc trong thời gian rất ngắn sau đó, có những việc mãi 40 năm sau (1870) mới xảy ra.

Đức Mẹ nói trong đêm 18-19 tháng 7, 1830 rằng "ngai vàng sẽ lại bị lật đổ" xảy ra 8 ngày sau, khi Vua Charles X bị lật đổ vào ngày 26-28 tháng 7, 1830, trong "Ba Ngày Vinh Quang" được mệnh danh là Cuộc Cách Mạng tháng Bảy năm 1830.

Lời tiên báo "những xáo trộn lớn" xảy ra khi đường phố Paris bị cản, những cuộc náo loạn bùng nổ khắp Paris và nhiều nơi khác, nhiều người bị giết. Những quân cướp xông vào các thánh đường, Tượng Chịu Nạn bị gỡ ra, bẻ gẫy, bị chà đạp và tiểu tiện vào. Đức Tổng Giám Mục bị đánh đập, bị lột trần chỉ còn quần lót, và hai lần ngài phải chạy trốn để giữ mạng sống.

Đệ tử viện Nữ Tử Bác Ái trên đường BAC bị vây và phóng hỏa nhưng được bình an, trong khi các nhà dòng khác bị đốt cháy hoặc phá sập.

Lời Mẹ Maria cảnh cáo về "những xáo trộn trầm trọng" còn xảy ra trong thời cách mạng 1848, trong thời gian này đức tổng giám mục Affré bị bắn chết. Năm 1870, thánh giá lại bị chà đạp, và đức giám mục Darboy, tổng giám mục Paris thời đó, bị ám sát ngay lúc khởi đầu Cuộc Chiến Pháp-Phổ.

Bốn tháng sau ngày 18 tháng 7, 1830, Đức Mẹ hiện ra nhưng khác với lần trước. Sau đây là lời chị Cathérine kể lại:

"Ngày 27 tháng 11, 1830, Chúa Nhật trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, lúc 5g30 chiều, tôi nghe âm thanh tựa như áo lụa xào xạc, từ diễn đàn gần ảnh thánh Giuse.

"Nhìn sang hướng đó, tôi thấy Đức Trinh Nữ đang lửng lơ ngang tầm bức ảnh thánh Giuse. Đức Trinh Nữ đứng lại. Người cao vừa phải, và mặc áo toàn trắng.

"Áo dài của Đức Mẹ trắng như sương mai, có cổ cao và cánh tay áo dài trơn. Khăn choàng mầu trắng phủ trên đầu Người xuống tới chân. Dưới khăn choàng là tóc Đức Mẹ, cuốn lọn, được cột lại bằng dây trang sức ... Mặt Đức Mẹ lộ ra vừa đủ, dĩ nhiên rất đẹp, quá đẹp đến độ tôi không thể nào mô tả sắc đẹp tuyệt vời của Nguời.

"Hai chân Đức Mẹ đứng trên trái cầu mầu trắng, đúng ra phải nói nữa trái cầu, hoặc ít ra là tôi chỉ nhìn thấy một nửa. Cũng có con rắn mầu xanh đốm vàng.

"Một khuôn, hơi hơi bầu dục, bao quanh Đức Trinh Nữ. Trong khuôn đó có những chữ bằng vàng kim: 'Lạy Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con là những kẻ cầu khẩn với Người.' Dòng chữ này chạy nửa vòng khuôn bầu dục, bắt đầu từ ngang bàn tay phải, vòng trên đầu, và chấm dứt ở ngang bàn tay trái của Đức Trinh Nữ. Hai bàn tay Đức Mẹ lúc này đưa lên ngang trong tư thế tựa như đang hiến dâng lên Thiên Chúa trái cầu nhỏ bằng vàng, tiêu biểu cho thế giới, trên trái cầu có thánh giá bằng vàng. Cặp mắt Đức Trinh Nữ nhìn xuống. Khuôn mặt Đức Trinh Nữ xinh đẹp tuyệt vời tôi không thể diễn tả. ...

"Tôi thấy mỗi ngón tay Đức Mẹ có ba chiếc nhẫn lớn nhỏ khác nhau. Nhẫn lớn nhất ở đốt sát lòng bàn tay. Nhẫn cỡ trung ở đốt giữa. Nhẫn nhỏ nhất ở ngoài cùng. Trên mỗi chiếc nhẫn có những hạt kim cương lóng lánh lớn nhỏ khác nhau. Một vài hạt đẹp hơn các hạt khác. Những hạt kim cương lớn chiếu ra tia sáng lớn. Những hạtnhỏ chiếu ra tia sáng nhỏ hơn. Những tia sáng đó chói lòa bao phủ bệ dưới chân Đức Mẹ và tôi không còn nhìn thấy hai bàn chân Đức Mẹ nữa.

"Trong khi tôi đang say sưa ngắm nhìn Đức Trinh Nữ, Người nhìn xuống tôi. Tôi nghe Người nói: 'Trái cầu này tiêu biểu toàn thể thế giới, đặc biệt là Nước Pháp, và cách riêng từng người. Những tia sáng này tiêu biểu các ân sủng Mẹ ban cho những ai cầu xin các ơn đó. Những viên kim cương không chiếu tia sáng là những ân sủng mà các linh hồn quên không xin.'"

"Trái cầu bằng vàng biến đi trong bầu ánh sáng; hai bàn tay mở ra và hai cánh tay thả xuống vì sức nặng của các kho tàng ân sủng trong tay. Khi đó tiếng Đức Mẹ nói: 'Con hãy nói người ta làm ảnh theo mẫu này. Tất cả những ai mang ảnh này sẽ được những ân sủng lớn lao; người ta nên đeo ảnh này ở cổ. Các ân sủng sẽ dồi dào cho những ai mang ảnh này với lòng tin vững vàng.'"

"Khuôn mẫu ảnh đó xoay phía sau tới, tôi nhìn thấy mặt sau của tấm ảnh: một mẫu tự M lớn và thánh giá đặt trên một đà ngang; phía dưới mẫu tự M có Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Mẹ Maria, một trái tim có vòng gai bao quanh, một trái tim bị lưới giáo xuyên thấu."

Chỉ ít lâu sau, các Nữ Tử Bác Ái đã trao ảnh đó cho các bệnh nhân mà các dì săn sóc. Nhiều nguời trở lại và được lành bệnh nhờ phép lạ, và từ đó ảnh này được gọi là "Ảnh Hay Làm Phép Lạ" và được phổ biến khắp thế giới Công Giáo.

Nữ đệ tử Cathérine Labouré tuyên khấn ngày 30 tháng Giêng, 1831, và được cử làm đầu bếp tại nhà tế bần Enghien tại thành phố Reuilly. Chị khiêm tốn ẩn mình suốt bốn mươi sáu năm, cố gắng tránh không nói về việc Đức Mẹ hiện ra. Mãi tới trước ngày chị lìa trần vào ngày 31 tháng 12, 1876, chị mới vì vâng lời mà xác nhận rằng chị đã thị kiến "Đức Trinh Nữ."

Năm 1895, việc Đức Mẹ hiện ra với chị Cathérine Labouré được Giáo Hội nhìn nhận với tước hiệu "ĐỨC MẸ HAY LÀM PHÉP LẠ" và ấn định chi tiết phụng vụ Thánh Lễ và giờ kinh kèm theo.  

Năm 1933, khi cải mộ để lập hồ sơ xin phong thánh cho chị Cathérine Labouré, xác chị được giới y khoa xác nhận là nguyên vẹn tươi tốt với cặp mắt vẫn còn xanh (khi chết cặp mắt người ta luôn đổi mầu và rữa nát). Chị Cathérine Labouré được Đức Thánh Cha Pio XII phong hiển thánh năm 1947.

08. Mẹ hiện ra tại Paris, Pháp, năm 1836

Dưới đây là sơ lược lịch sử việc nguời ta được lôi cuốn đến với Trái Tim Mẹ Maria tại thánh đường danh tiếng dâng kính Đức Bà Thắng Trận tại Paris vào thập kỷ 1830 - 1940. Thánh đường này bị Cuộc Cách Mạng Pháp mạo phạm và sau đó biến thành cơ sở hối đoái. Về sau thánh đường được hồi phục và cha Des Genettes được chỉ định làm cha sở vào năm 1832.

Khi cha Des Genettes cử hành thánh lễ Chúa Nhật đầu tiên với tư cách là cha sở tại thánh đường Đức Bà Thắng Trận, chỉ có bốn giáo dân tới dự lễ. Suốt nhiều năm cha cố gắng hết sức để đem các tín hữu trở lại, nhưng kết quả rất ít ỏi. Suốt cả năm 1835, chỉ có 720 người rước lễ: chia đều thì mỗi tuần chỉ có 14 người.

Năm 1836, một hôm khi cha Des Genettes đang dâng Thánh Lễ, cha quá băn khoăn không biết Chúa xét xử cha thế nào đến độ làm cha chia trí. Khi cha cầu nguyện xin khỏi sự chia trí này để có thể thánh hiến Phép Thánh Thể cho xứng đáng, cha nghe rõ ràng những lời, "Hãy dâng hiến giáo xứ của con cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria Rất Thánh." Cùng lúc đó, cha được an bình và tiếp tục dâng Thánh Lễ cách sốt sắng.

Sau Thánh Lễ, đang lúc suy nghĩ về sự việc vừa qua, cha bắt đầu nghĩ rằng cha chỉ tưởng tượng ra điều đó thôi. Nhưng ngay khi sắp sửa rời khỏi thánh đường, cha lại nghe rõ ràng cũng những lời, "Con hãy dâng giáo xứ của con cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria Rất Thánh." Lúc này cha biết chắc không phải là tưởng tượng. Hết sức lúng túng, cha vạch ra những kế hoạch để cộng đoàn tôn kính Mẹ Maria. Chúa Nhật kế tiếp, bằng giọng hùng hồn vang vang, cha loan báo các việc tôn kính được cử hành chiều hôm đó để cầu nguyện nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria xin cho việc cải hóa người tội lỗi.

Chỉ có mười giáo dân tham dự Thánh Lễ sáng Chúa Nhật đó. Cha Des Genettes sửng sốt khi thấy hai trong số mười người đó vốn ít khi lãnh nhận các bí tích đã đi vào phòng áo xin xưng tội. Chiều hôm đó, cha còn ngạc nhiên hơn nữa, khi có tới bốn hoặc năm trăm người tham dự buổi cầu nguyện đặc biệt. Cha vẫn tiếp tục xin Chúa ban cho dấu chỉ, và dấu chỉ đó là cha xin cho một người tên Joly trở lại.

Suốt đời ông già tám mươi tuổi này lúc nào cũng chống đối giáo hội. Bây giờ gần chết mà ông vẫn một mực từ chối mọi nỗ lực của cha sở để cho ông chịu các bí tích. Cha Des Genettes đến nhà ông nhiều lần. Người giữ nhà không muốn để cha vào trong nhà, nhưng sau cùng cha đã đi qua bà ta vào trong phòng ông lão Joly. Sau lời chào vắn tắt, ông già Joly xin cha chúc lành, điều này khiến cha Des Genettes sửng sốt và xúc động. Ông già Joly nói: "Thưa cha, con không nhìn thấy cha, nhưng con cảm thấy cha hiện diện. Từ khi cha tới, con cảm thấy bình an, yên lòng, và sung sướng trong tâm hồn mà trước kia chưa bao giờ con cảm thấy."

Từ đó về sau, cha Des Genettes đã tận lực rao giảng việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Năm sau, 1837, đã có 8550 lần rước lễ, gấp quá mười lần năm trước. Năm sau nữa, 1838, số lần rước lễ lên quá 12 ngàn, trong khi đó gần 8 ngàn người ghi danh vào giáo xứ của cha.

09. Mẹ hiện ra với nữ tu Justine Bisqueyburu, năm 1840

Ngày 8 tháng 9 năm 1840, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đức Mẹ hiện ra với nữ tu Justine Bisqueyburu, dòng Nữ Tử Bác Ái thánh Vincent de Paul.

Đức Mẹ ban cho nữ tu Justine Áo Đức Mẹ với những lời hứa cứu giúp cho những ai mang Áo Đức Mẹ. Áo Đức Mẹ ban cho nữ tu Justine mầu xanh lá cây: mặt trước có hình Đức Mẹ đứng trên đám mây, Trái Tim Đức Mẹ lộ trước ngực và tỏa ra những tia sáng; mặt sau có Trái Tim Mẹ, trên Trái Tim có ngọn lửa, giữa ngọn lửa có hình thánh giá, và Trái Tim Mẹ bị một lưỡi gươm xuyên thấu từ trên xuống theo 45 độ, và được bao quanh bởi những chữ "(Lạy) Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Xin Mẹ cầu cho chúng con bây giờ và trong giờ chúng con chết."

Đức Mẹ hứa với nữ tu Justine rằng Áo Đức Mẹ mới này sẽ góp phần vào việc cải hóa các linh hồn, nhất là những người không có đức tin và ban cho họ ơn chết lành. Những người mang Áo Đức Mẹ này được nhiều ơn lành phù giúp họ tìm kiếm và duy trì đức tin.

Đức Mẹ hứa rằng ma quỉ sẽ không chạm được đến những người nào làm Áo Đức Mẹ, mang Áo Đức Mẹ, truyền bá việc mộ mến Áo Đức Mẹ. Tất cả những người mang "Áo Đức Mẹ Mầu Xanh" minh chứng cho ma quỉ thấy rằng họ là con cái của Mẹ Thiên Chúa, và ma quỉ biết chúng không làm hại được những người đó. Đức Mẹ nhấn mạnh: "Thiên Chúa muốn Áo Đức Mẹ mầu xanh trở nên dấu hiệu - một thứ khiên thuẫn, rào cản, không cho ma quỉ tấn công linh hồn đó."

Ngày nay, Áo Đức Mẹ Mầu Xanh thông dụng nhất khắp thế giới.

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đã hứa tới cứu giúp bất cứ ai yêu mến mang Áo Đức Mẹ, chữa lành bệnh tật thể xác và tâm thần. Mẹ cũng hứa:

"Mẹ sẽ chúc lành tất cả  trái tim những người truyền bá lòng mộ mến Áo Mầu Xanh của Mẹ. Đó là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ."

Không cần phải có nghi lễ cử hành đặc biệt. Chỉ cần xin một linh mục làm phép Áo Mầu Xanh Của Mẹ và đeo hoặc mang trong mình. Tuy nhiên, nếu người cần được ơn Đức Mẹ lại cứng lòng và không mang Áo của Mẹ, thì người bảo trợ có thể kín đáo đặt Áo Mầu Xanh của Mẹ phía trong y phục, hoặc ở trong nhà, trong xe, v.v. của người đó, và người bảo trợ nhớ dâng lời cầu nguyện thay cho người đó.  

Một phụ nữ đã ghi tên người bà muốn cầu nguyện cho trên Áo Mầu Xanh của Mẹ, treo hoặc để ảnh đó ở áo, ở tủ chén, ở cửa tủ lạnh ngay trong nhà bà, và hằng ngày dâng lời cầu nguyện Áo Đức Mẹ thay cho người đó.

Lời cầu nguyện Áo Đức Mẹ Mầu Xanh là:

"(Lạy) Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, xin Mẹ cầu cho chúng con bây giờ và trong giờ chúng con chết. Amen."

Mỗi ngày chỉ cần dâng lời nguyện này một lần, tuy nhiên, nếu càng nhiều lần càng quí.

10. Mẹ hiện ra tại La Salette, Pháp, năm 1846

Xóm nhỏ hẻo lánh La Salette và hai xóm lân bang là Ablandins và Corps ở trên triền núi Alps, phía nam Paris. Từ bao thế kỷ, đời sống tại thôn nhỏ xa xôi hầu như vô danh này luôn khó khăn, chật vật và nghèo nàn. Hầu như chẳng ai ở La Salette để ý tới những biến cố xáo trộn lớn lao xảy ra khắp nơi ngày càng nhiều và dồn dập. Tuy thế, Mẹ Maria đã chọn địa điểm này và hai mục đồng tại đây để kêu gọi dân Pháp và khắp thế giới ăn năn trở lại với Thiên Chúa hầu tránh khỏi những thảm họa lớn lao sẽ xảy ra tại Pháp và thế giới. Đức Mẹ đã dùng hai mục đồng nhỏ làm thông tín viên loan báo thông điệp của Mẹ.

Hai mục đồng này là Mélanine Máthieu, 14 hoặc 15 tuổi, và Maximin Giraud, 11 tuổi. Cả hai đều chào đời và sinh sống tại Corps, một làng nhỏ cách La Salette khoảng bốn cây số. Ablandins, Corps và La Salette là ba thôn nhỏ gần nhau ở triền núi Alps thuộc Pháp. Ba thôn nhỏ này trước kia hầu như vô danh, không mấy ai biết tới, dân chúng sinh sống tại đây rất nghèo nàn cơ cực, và thất học. Mélanine là con thứ hai trong gia đình có tám người con, và bị đẩy đi ăn xin từ lúc còn thơ dại. Maximin thì lang thang đầu đường xó chợ ăn xin, hoặc có khi lấy cắp thứ gì để ăn. Mélanine và Maximin ở cùng một thôn, nhưng mãi tới ngày 18 tháng 9, 1846, hai em mới gặp nhau nhờ được mướn chăn bò cho một nông gia tại Ablandins.

Chiều ngày 19 tháng 9, 1846, Mélanine và Maximin đang lùa đàn bò từ sườn đồi La Salette về xóm Ablandins gần đó. Khi dẫn đàn bò trở về, hai em trở lại một cái hang động nhỏ nơi hai em đã nghỉ ăn trưa, hai em thấy một vòng ánh sáng rộng lớn sáng hơn mặt trời, và vòng ánh sáng cứ lớn (mở rộng) dần và rực rỡ hơn. Khi hai em sắp chạy đi, vòng ánh sáng mở rộng ra và dần dần các em nhìn rõ Hình Dáng Một Phụ Nữ." Vị Phụ Nữ đó ngồi, hai bàn tay bưng mặt, và đang khóc.

Hình ảnh Đức Mẹ và thông điệp thì mãi tới năm 1853-1854 mới được Mélanine kể lại đầy đủ và Maximin xác nhận: Đức Mẹ mặc áo mầu trắng bạc đẹp không thể diễn tả. Đức Trinh Nữ đeo hai sợi dây chuyền, một sợi lớn một sợi nhỏ. Mọi thứ nơi Đức Trinh Nữ đều sáng chói rực rỡ hơn mặt trời nhưng không làm chói mắt.

Đức Trinh Nữ cao và cân đối. Khuôn mặt Người uy nghi tuyệt vời. Giọng nói của Đức Trinh Nữ dịu dàng, êm ái. Cặp mắt Đức Mẹ rực rỡ gấp ngàn lần những viên kim cương hiếm quí nhất, và sáng tựa hai mặt trời, nhưng dịu và trong tựa tấm gương. Trong cặp mắt Đức Mẹ, người ta có thể nhìn thấy thiên đàng. Cặp mắt đó lôi kéo người ta đến với Người; dường như Đức Mẹ muốn lôi kéo và ban chính Người.

Nơi cổ Đức Mẹ có Tượng (Chúa) Chịu Nạn tuyệt đẹp đeo trong sợi dây chuyền nhỏ. Thánh Giá này dường như bằng vàng. Chúa Kitô treo trên thánh giá; mầu da Chúa là mầu da người tự nhiên, nhưng sáng chói lọi; ánh sáng từ toàn thân Chúa tỏa ra tựa như những mũi tên sáng chói xuyên thấu trái tim tôi (Mélanine) với ước ao tan biến trong Chúa.

Đôi lần, Chúa Kitô có vẻ như chết. Đầu Chúa gục xuống phía trước và Thánh Thể Chúa dường như rớt xuống, nếu không có những chiếc đanh xuyên qua tay chân giữ vào Thánh Giá. Có lúc, Chúa Kitô như sống. Đầu Chúa thẳng lên, cặp mắt mở lớn, và dường như Chúa bằng lòng ở trên Thánh Giá.

Đức Trinh Nữ khóc ròng suốt thời gian Người nói với chúng tôi. Nước mắt của Người tuôn trào, từng giọt, từng giọt như những tia sáng, rơi xuống trên đầu gối, rồi những giọt lệ đó biến đi. Những giọt lệ đó lóng lánh và đầy yêu thương. Tôi muốn an ủi Người và làm ngưng những giọt lệ của Người.

Đức Trinh Nữ nói:

"Các con của Mẹ, vì các con không hiểu lời Mẹ nói, Mẹ sẽ nói với các con cách khác (kèm theo hình ảnh sự việc diễn ra). Nếu hoa mầu bị hư, việc đó có vẻ chưa ảnh hưởng tới các con. Mẹ cho các con thấy mùa khoai cuối năm này. Khoai sẽ tiếp tục bị hư và tới Lễ Giáng Sinh thì không còn củ nào."

"Nếu các con có bắp, các con đừng gieo. Vì súc vật sẽ ăn hết những gì các con gieo. Tất cả những thứ gì mọc lên sẽ tan thành bụi khi các con thu hoạch. Một trận đói lớn sẽ xảy ra. Trước khi trận đói đến, các trẻ nhỏ dưới bảy tuổi sẽ bắt đầu run cầm cập và chết trong vòng tay những người bồng ẵm chúng. Những người khác sẽ đền tội qua sự đói khát. Đậu cũng sẽ hư, nho cũng sẽ mất mùa."

"... Các linh mục, những thừa tác viên của Con Mẹ, vì cuộc sống ác độc của họ, do sự bất kính và khô khan của họ khi cử hành các nhiệm tích thánh, vì yêu tiền bạc, vì ham danh và lạc thú, các linh mục đã trở nên hố chứa phân dơ bẩn. Đúng vậy, các linh mục đang đòi báo thù, và sự báo thù đang treo lơ lửng trên đầu họ. ..."

"... Thiên Chúa sẽ phạt như chưa từng thấy. Khốn thay những người trên địa cầu! ... Các người lãnh đạo dân Chúa đã chểnh mảng cầu nguyện và đền tội, và ma quỉ làm mờ lương tri họ. ... Thiên Chúa sẽ cho phép con rắn già tạo ra chia rẽ giữa những người cầm quyền nơi mọi xã hội và nơi mọi gia đình. Người ta sẽ phải chịu những thống khổ thể chất và tinh thần. Thiên Chúa sẽ bỏ mặc nhân loại cho chính nó và sẽ gởi hình phạt nối tiếp nhau đến. ... Xã hội loài người sắp phải chịu những hình phạt kinh khủng nhất và những biến cố lớn lao nhất. Nhân loại sẽ phải ... uống chén thịnh nộ của Thiên Chúa. ..."

" ... Xin cho vị đại diện Con của Mẹ, Đức Giáo Hoàng Piô IX, không bao giời rời khỏi Lamã sau năm 1859 nữa; ... Mẹ sẽ ở bên ngài. Xin cho ngài cảnh giác chống lại Napoleon: con người đó hai mặt, và khi ý muốn tự mình vừa làm giáo hoàng vừa làm hoàng đế, Thiên Chúa sẽ sớm rời khỏi y. ..."

" ... Thế giới sẽ bị đủ mọi loại thiên tai, thêm vào với những bệnh dịch và đói khát khắp nơi. Sẽ có một loạt những cuộc chiến cho tới cuộc chiến sau cùng ... Trước khi cuộc chiến cuối cùng chấm dứt, thế giới sẽ có một thứ hòa bình giả tạo. Người ta chỉ nghĩ tới vui chơi. Những kẻ ác độc sẽ phạm đủ mọi thứ tội lỗi ... Nhưng phúc thay các linh hồn khiêm tốn được Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Mẹ sẽ giúp những linh hồn này chiến đấu cho tới khi kết thúc. ..."

"... Nếu dân của Mẹ không tự nguyện tuân theo, Mẹ sẽ phải để cho cánh tay Con của Mẹ giáng xuống trên họ. Mẹ đã đau buồn quá lâu vì các con! Mẹ đã phải cầu nguyện không ngừng để Con của Mẹ không bỏ rơi các con. Các con không bao giờ hiểu Mẹ đau lòng biết chừng nào. ..."

" ...Thiên nhiên sẽ đòi báo thù nhân loại, và thiên nhiên rùng mình kinh sợ vì những gì xảy ra cho trái đất đã bị ô uế vì tội lỗi. Hỡi trái đất, hãy rùng mình kinh sợ, ... và hãy run sợ, hỡi những người cho rằng mình phụng sự Chúa Giêsu Kitô mà trong thâm tâm họ, họ phụng sự chính họ. ..."

"Bốn mùa sẽ bị thay đổi. Trái đất sẽ chỉ sinh ra những hoa mầu hư xấu. Các tinh tú sẽ mất đi sự vận hành bình thường. Mặt trăng sẽ chỉ tỏa ra ánh sáng đỏ úa."

"Địa cầu sẽ bị bao phủ bởi nước và lửa, bị chấn động vì những trận động đất kinh hoàng nuốt đi những núi đồi, những thành thị ... Những quái vật không gian ... sẽ tạo ra những lạ lùng kinh hoàng trên mặt đất, nơi bầu khí quyển, và nhân loại sẽ ngày ngày càng hư hỏng đồi trụy."  

"Khốn thay những người sống trên mặt đất! Sẽ có những trận chiến đẫm máu và đói khát, bệnh dịch và truyền nhiễm ... Người ta sẽ đập đầu vào tường, đòi chết, và sự chết sẽ là nguồn thống khổ của họ."

"Sẽ có những trận bão tố làm rúng động các thành thị, những trận động đất làm sụp đổ nhiều quốc gia ... mặt trời sẽ tối đi ... vực thẳm mở rộng thêm ..."

"Ai sẽ đứng vững nếu Thiên Chúa không rút ngắn thời gian thử thách?

... Và khi đó nước và lửa sẽ tẩy sạch địa cầu và tiêu hủy mọi công trình kiêu ngạo của loài người (sau đó) mọi thứ sẽ được đổi mới. Thiên Chúa sẽ được phụng thờ và tôn vinh."

Tin Đức Mẹ hiện ra tại La Salette đã được mau chóng loan truyền khắp Nước Pháp, và trung tuần tháng 10, 1846, phần đầu của thông điệp đã được in để phổ biến.

Các lời Đức Mẹ loan báo trong phần đầu thông điệp đã xảy ra vào những ngày cuối tháng 12, 1846. Những xáo trộn chính trị, kinh tế, mất mùa đói khát, bệnh dịch, đã xảy ra ảnh hưởng hầu hết mọi người khắp Nước Pháp. Vào những ngày cuối năm 1846, khoai thối từ dưới đất, bắp bị hư, những thứ này chỉ có thể cho súc vật ăn, nhưng súc vật đã lăn ra chết vì ăn các thứ đó. Kế đến mùa đậu (óc chó) cũng mất. Nho là sản phẩm quan trọng của Pháp cũng mất mùa trầm trọng. Nạn đói hoành hành khắp nơi khiến hàng ngàn người chết; nhiều trường hợp chết hết cả gia đình.

Tất cả những biến cố này xảy ra đúng như Đức Mẹ đã cảnh cáo khiến người ta phải nhìn nhận lời Mẹ thông báo xảy ra chính xác đến độ kinh ngạc. Ngay từ đầu năm 1847, việc Đức Mẹ hiện ra tại La Salette bắt đầu được nhìn nhận, người ta đổ đến La Salette ngày càng đông, và giáo quyền khởi sự điều tra sự lạ lùng tại La Salette.

Một sự kiện yêu thương đặc biệt của Đức Mẹ là một dòng suối xuất hiện tại chính nơi Đức Mẹ hiện ra, và rất nhiều phép lạ được giáo quyền và hội đồng y khoa công nhận đã xảy ra nhờ nước suối này.

Lời tiên tri về Đức Piô IX và hoàng đế Napoleon III đã xảy ra đúng như lời tiên báo. Đức Piô IX đắc cử Giáo Hoàng vào đầu năm 1846. Vào thời gian này, không một ai tưởng tượng được là một hoàng đế Napoleon nữa xuất hiện trên đất Pháp. Một người cháu của đại đế Napoleon lên kế vị lấy tên là Napoleon III. Người cháu này của đại đế Napoleon vốn ít được người ta biết tới. Những người quen biết ông trước kia đều cho rằng ông ta tầm thường, ngờ nghệch, và không ai có thể tưởng tượng ông ta sẽ leo lên được chức tước gì. Mặc dầu vậy, tháng 12, 1848, giữa lúc mất mùa đói kém, chính trị bất ổn, ông ta được bầu làm Tổng Thống Nước Pháp, và tháng 11, 1850, ông trở thành hoàng đế Napoleon III độc tài đầy quyền lực.

Năm 1848, Đức Pio IX phải rời khỏi giáo đô Lamã vì những xáo trộn chính trị và loạn lạc. Năm 1850, Đức Piô IX trở về Lamã nhờ sự can thiệp của Napoleon III. Cuối năm 1846 những tin tức về La Salette đã tới giáo đô Lamã, nhưng mãi tới năm 1851, Đức Piô IX mới nhận được phúc trình đầy đủ về những sự việc và thông điệp Đức Mẹ ban tại La Salette. Cũng thời gian này (cuối năm 1851), Napoleon III cho thấy ý định muốn tiếm vị (chiếm ngôi vị) giáo hoàng, y hệt người bác của ông là Napoleon I trước kia.

Những lời cảnh cáo nghiêm trọng nhất về các biến cố, về cuộc sống và số phận nhân loại được các nhà nghiên cứu bình luận ghi nhận là nói về cuộc chiến Pháp-Phổ, Thế Chiến I và II, sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Tất cả đều là những "roi đòn khủng khiếp nhất" gây ra tổn thất sinh mạng và thống khổ cho hàng tỉ người.

Những điều Đức Mẹ cảnh cáo không phải chỉ xảy ra cho Nước Pháp và trong thế kỷ 19, mà cho khắp thế giới tới ngày nay. Ngày ngày các điều Đức Mẹ nói xuất hiện càng rõ ràng, nhìn vào lịch sử thế giới từ hậu bán thế kỷ 19 tới nay, chúng ta thấy biết bao lần những biến cố kinh hoàng đã xảy ra, và ngày nay các điều này càng rõ ràng hơn. Cuộc chiến Pháp-Phổ, Thế Chiến I và II đã chấm dứt, các cuộc chiến cục bộ ngày càng bớt, nhưng nguy cơ của cuộc chiến khốc liệt hơn vẫn còn treo lơ lửng trên đầu nhân loại. Mặc dầu y khoa và khoa học tiến vượt bực, nhưng từ 1960 tới nay, ô nhiễm không khí và nhiều bệnh nan y chết người lan tràn khắp thế giới, như Aids, Ebola, các tội ác gia tăng, luân lý suy đồi, thiên tai, hạn hán, lụt lội, động đất, cháyrừng, v.v. xảy ra tới mức độ khủng khiếp khắp nơi. Mà nhân loại cứ đổ thêm dầu vào lửa, người ta chỉ biết tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa khoái lạc, và cướp quyền Đấng Tạo Hóa, nhất là đại ác họa giết các hài nhi còn trong dạ mẹ. Chúng ta không thể tưởng tượng được những kinh hoàng gì sẽ xảy ra theo phần cuối thông điệp của Mẹ Maria tại La Salette. Chúng ta không thể biết khi nào những việc đó xảy ra, phải chăng đã và đang lần lần xảy ra. 

Vấn đề là chúng ta phải nghe theo lời Đức Mẹ mà nhờ Mẹ dẫn dắt trở về với Thiên Chúa là Cha Nhân Từ nếu chúng ta muốn những đại họa tiên báo không xảy ra hoặc được giảm thiểu.

Đức Mẹ hiện ra tại La Salette được Giáo Hội nhìn nhận với tước hiệu:

"ĐỨC MẸ SẦU BI và SỰ ĂN NĂN SÁM HỐI"

11. Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, Pháp, năm 1858

Chỉ 12 năm sau ngày Mẹ Maria hiện ra tại La Salette với những lời báo động nghiêm khắc và nhiều biến cố kinh hoàng đã xảy ra trong thời gian ngắn trong năm 1846, và những việc khác còn chưa xảy ra, thì ngày 11 tháng 12 năm 1858, Mẹ Maria lại hiện ra tại Lourdes (Lộ đức). Lourdes là một thôn dã hẻo lánh ít người biết, thuộc miền Bigorre, trên triền núi Pyrénés, dãy núi phân ranh Pháp và Tây ban nha.

Miền núi Pyrénés về phía Pháp có nhiều mưa, phong cảnh đẹp và nhiều suối khoáng chất, những suối này trở nên trung tâm thương mại và y khoa trị liệu, đem lại nhiều lợi tức cho giới doanh thương. Tuy vậy tình trạng nghèo nàn, cả đến quẫn bách cùng cực, vẫn hiện diện tại nhiều nơi.

Ngày 11 tháng 12 năm 1858, một ngày mùa đông lạnh cóng, ba cô gái xanh xao gầy guộc, áo quần tả tơi, đi kiếm củi. Ba cô là Bernadette Soubirous, cô thứ hai là Toinette, em của Bernadette, cô thứ ba là Jeanne Abadie. Bernadette Maria Soubirous sinh ngày 7 tháng 1 năm 1844, là con đầu lòng trong 8 người con của ông bà Francois và Louise Soubirous. Ông Francois làm việc tại xưởng cưa Boly và gia đình ngụ tại đây. Khi Bernadette tám tuổi, mắt trái của ông Francois bị hư, và hai năm sau ông bị mất việc, gia đình phải rời khỏi trại cưa. Gia đình ông Francois được một người bà con làm nghề đục đá cho tá túc ở tầng trệt của xưởng đục đá, nơi này ẩm thấp ướt át, và gia đình sống trong cảnh nghèo nàn cùng cực. Bernadette 14 tuổi vẫn chưa biết chữ.

Ba cô tới chỏm Massabielle, nơi có chỗ lõm vào như hang động, trước cửa hang Massabielle lúc đó có vài bụi cây và một cụm hồng dại khô gần chết. Bernadette Soubirous, lớn tuổi nhất trong ba cô, tới đó kiếm củi. Khi hai cô kia tới cửa hang Massabielle để tìm cô, hai cô thấy Bernadette đang quì trước cửa hang, mắt nhìn lên. Hai cô chạy tới bên Bernadette và thấy cô bất động, mắt mở lớn ngó trân trân. Hai cô lay Bernadette nhưng không thể nào làm cô nhúc nhích, cả đến lay chuyển cánh tay cô cũng không được. Hai cô la lên vì sợ. Khi tỉnh lại, Bernadette nói cho hai cô kia biết sự việc xảy ra.

Thoạt tiên Bernadette thấy một bóng sáng mà cô đã thấy hai lần trước kia. Lần này một Vị Phụ Nữ đẹp mặc y phục trắng hiện ra trong bóng sáng. Vị Phụ Nữ gật đầu chào Bernadette, đồng thời đưa hai cánh tay ra, trên cánh tay phải có chuỗi Mân Côi. Vị phụ Nữ mỉm cười dịu dàng, và như thể ra dấu gọi Bernadette tới gần hơn, nhưng cô bé sợ, không đáp lời và muốn bỏ chạy. Sau đó Bernadette bình tĩnh lại và lấy xâu chuỗi ra cầu nguyện kinh Mân Côi. Trong khi Bernadette cầu nguyện kinh Mân Côi, Vị Phụ Nữ cũng lần từng hạt theo, môi không mấp máy, nhưng cúi đầu khi Bernadette đọc kinh Sáng Danh.

Trong khi lần chuỗi, Bernadette nhìn rõ Đấng Hiện Ra hơn. Vị Phụ Nữ mặc áo dài trắng xuống tới chân, chỉ để lộ những ngón chân.  

Áo dài có cổ cao và cột bằng một dây băng mầu trắng. Tấm khăn choàng mầu trắng phủ trên đầu qua vai, qua hai cánh tay, xuống gần tới gấu áo dài. Trên mỗi bàn chân của Vị Phụ Nữ có một bông hồng mầu vàng. Khăn thắt lưng mầu xanh dương, thả xuống tới đầu gối. Xâu chuỗi, dây vàng, hạt trắng lớn và kết cách khoảng rộng hơn chuỗi thường. Vị Phụ Nữ rất trẻ và đứng trong vầng hào quang.

Khi Bernadette cầu nguyện xong năm chục kinh Mân Côi, Vị Phụ Nữ mỉm cười chào cô, rồi biến đi.

Trên đường về, Bernadette gặp một cô em khác và kể lại cho cô này nghe việc cô đã thấy Vị Phụ Nữ đẹp tuyệt vời đứng trong bầu ánh sáng. Cô em này nói cho bà mẹ biết. Cô Jeanne Abadie chạy khắp xóm kháo rằng Bernadette được thị kiến và phát khùng. Cha mẹ của Bernadette bực mình vì những chuyện đó và cấm Bernadette không được tới hang Massabielle nữa. Khi xưng tội chiều hôm sau, Bernadette nói chuyện này với cha giải tội và xin ngài tường trình với cha sở là cha Peyramale, nhưng ngài bỏ qua.

Chúa Nhật 14 tháng 2, 1858, Bernadette xin được cha của cô cho phép tới Massabielle với hai cô cùng đi hôm trước và một số người khác. Có tất cả hai mươi người, trong đó có bảy người lớn, đi theo. Lần này Bernadette đem theo nước thánh. Bernadette quì cầu nguyện tại nơi cô đã quì lần trước, có hai người quì hai bên. Khi Bernadette và mọi người cầu nguyện xong chục kinh Mân Côi thứ nhất, Vị Phụ Nữ tuyệt đẹp hiện ra. Bernadette rảy nước thánh lên Vị Phụ Nữ, và nói:

"Nếu Người từ Thiên Chúa mà đến, thì xin ở lại!"

Vị Phụ Nữ mỉm cười. Lúc này Jeanne Abadie leo lên phía trên hang đá, vô tình làm lăn một cục đá lớn xuống ngay sát bên Bernadette. Nhưng Bernadette không hay biết gì vì cô đã bất động trong tình trạng xuất thần. Hai cô kia không làm cách nào cho Bernadette tỉnh lại khiến người khác sợ. Một số người chạy tới xưởng cưa nhờ người đưa Bernadette tới đó. Họ khiêng Bernadette tới xưởng cưa, trong khi đi đường cô vẫn đăm đăm nhìn và mỉm cười với thứ gì mà không ai khác ngoài cô có thể thấy, và cô bé dần dần tỉnh lại.

Tại nhà máy cưa, người ta hỏi Bernadette thấy gì tại hang đá Massabielle. Cô bé đáp:

"Tôi thấy một Vị Phụ Nữ đẹp tuyệt vời, Người có chuỗi Mân Côi ở cánh tay phải, và hai bàn tay chắp trước ngực."

Jeanne Abadie lại loan truyền khắp xóm về thị kiến này khiến bà mẹ của Bernadette hết sức tức giận và lo âu về tình trạng điên khùng của cô và cấm cô trở lại Massabielle. Nhờ một bà nhà giầu can thiệp, ngày hôm sau (16-2-1858) cô được trở lại Massbielle.

Sớm ngày thứ Ba (16-2-1858), Bernadette trở lại hang Massabielle, có nhiều người đi theo, những người này cầm trong tay chuỗi Mân Côi để xua trừ ma quỉ. Trong số này có bà Millet, bà này đem theo cây nến phép, giấy, bút và lọ mực để Bernadette xin Vị Phụ Nữ viết cho biết tên của Người. Bernadette quì xuống và lại xuất thần. Một lúc sau cô tỉnh lại và người ta hỏi cô: "tên của Vị Phụ Nữ đó là gì?" như bà Miller đã nhặn cô hỏi. Bernadette đáp: "Cháu đã hỏi, nhưng Người nói điều đó không cần thiết" và

Người hỏi cháu:

"Con có vui lòng đến đây mười lăm (15) ngày không? Mẹ không hứa làm cho con hạnh phúc ở trần gian này, nhưng ở đời sau."

Bernadette đã trung thành thực hiện lời hứa với Vị Phụ Nữ:

"Được cha mẹ con cho phép, con sẽ tới."

Ngày càng đông người đi theo Bernadette mỗi lần cô tới hang đá Massabielle.

Vị Phụ Nữ hiện ra lần thứ bốn vào ngày thứ Sáu, 19 tháng 2, 1858. Bà Millet đi theo và quì bên Bernadette kể rằng khi Vị Phụ Nữ hiện ra thì nụ cười của cô trở nên tươi tắn và sắc diện thay đổi. Cô chào Đấng Hiện Ra bằng tay và cúi đầu. Cuộc thị kiến lâu chừng ba mươi phút, và khi thị kiến chấm dứt, Bernadette mệt nhoài ngã vào vòng tay của bà mẹ. Trên đường trở lại phố Petits-Fossés, Bernadette cho biết đôi chút tại sao đôi lúc buổi thị kiến có vẻ khác thường: "Bất chợt những tiếng la lớn phát ra từ GAVE, xé tan bầu không khí yên tĩnh của Massabielle. Chúng 'ẩu đả, chửi rủa nhau, tựa như tiếng la thét của đám đông đang cãi lộn nhau'. Một tiếng nói, lớn lấn át những tiếng nói khác, gầm lên: 'Ra khỏi đây! ... Ra khỏi đây đi!'." Bernadette nghĩ rằng lời nguyền rủa đó không ám chỉ vào cô, mà là xúc phạm trực tiếp Đấng Trong Ánh Sáng đang đứng trên cây tầm xuân. Đấng Hiện Ra liếc nhìn về phía ồn ào đó, và lập tức chúng nín tiếng. Về sau Bernadette cho biết Satan lồng lộn tức giận vì chúng nhìn nhận chúng bị đánh bại, vì tại Massabielle nhiều người tội lỗi ăn năn cải hối.

Ngày 20 tháng 3 năm 1858 là lần thị kiến thứ năm. Sau khi Bernadette bắt đầu cầu nguyện kinh Mân Côi, Vị Phụ Nữ hiện ra. Trong lần này, Người kiên nhẫn dạy Bernadette từng tiếng từng tiếng của lời cầu nguyện mà cô dùng trong mỗi thị kiến và hằng ngày suốt đời cô, nhưng không người nào khác biết nội dung.

Đấng Hiện Ra đến với Bernadette tại Massabielle lần thứ sáu vào Chúa Nhật I Mùa Chay, ngày 21 tháng 2, 1858. Hôm nay rất đông người đến Massabielle, có quân đội, cảnh sát, cả thị trưởng của Terbes cũng hiện diện để quan sát, nhưng không có hành động gì. Bác sĩ Dozous cũng hiện diện.

Ngay khi tới hang đá, Bernadette quì xuống, lấy xâu chuỗi ra cầu nguyện kinh Mân Côi. Không lâu sau đó, sắc diện cô thay đổi, cho biết cô đang diện kiến Đấng Hiện Ra. Bác sĩ Dozous ở sát bên Bernadette để theo dõi diễn tiến và trắc nghiệm nhịp tim vàhơi thở của cô, và thấy nhịp tim của cô đều hòa, hơi thở nhẹ nhàng. Khi bác sĩ Dozous buông cánh tay Bernadette ra, cô tiến lên một chút về phía nóc hang đá. Một chút sau đó, sắc diện của Bernadette thay đổi lúc thì hết sức hân hoan sung sướng, lúc thì buồn: hai hàng nước mắt chảy dài xuống hai bên má. Đấng Hiện Ra biến đi sau khi Bernadette lần xong chuỗi Mân Côi, và cô dần dần tỉnh lại. Bác sĩ Dozous hỏi tại nước mắt của cô tuôn rơi sau những nụ cười sung sướng.

Bernadette nói:

"Vị Phụ Nữ không nhìn con mà nhìn ra xa, qua đầu con, một lúc. Rồi, Người lại nhìn con, khi con hỏi Người điều gì làm Người đau buồn, Người nói với con: 'Con hãy cầu xin Thiên Chúa cho những người tội lỗi.' Con lại được thấy nét mặt nhân từ của Người, và Người biến đi."

Bernadette được thị kiến lần thứ bảy vào thứ Ba, 23 tháng 12, 1858. Lần này có rất đông người tới Massabielle. Những người đàn ông đã mở nón, quì gối, khi họ thấy nét mặt Bernadette thay đổi tức là Vị Phụ Nữ đã tới. Trong thị kiến này, Bernadette được Đấng Hiện Ra ký thác ba bí mật và dạy một lời cầu nguyện, mà Bernadette giữ kín không hề tiết lộ. Tuy nhiên Bernadette nói cô được Đấng Hiện Ra cho biết cô sẽ sớm lìa bỏ trần thế. Chắc là điều này không nằm trong ba bí mật nói trên.

Lần thị kiến thứ tám vào ngày 24 tháng 2 năm 1858. Khi Bernadette ngây ngất vừa đứng lên vừa khóc, nước mắt đầm đìa, nắm chặt chuỗi Mân Côi trong hai bàn tay, và hình như muốn nói với đám đông. Thực vậy, những người ở kề bên Bernadette nghe được tiếng cô nói trong ngất trí:

"Hãy ăn năn thống hối! ... Hãy ăn năn thống hối! .... Hãy ăn năn thống hối!"

Ngày hôm nay có tới 400 hoặc 500 người đến Massabielle với Bernadette và họ xúc động vì những gì họ nhìn và cảm thấy.

Lần thị kiến thứ chín xảy ra ngày 25 hoặc 26 tháng 2, 1858. Hôm nay Bernadette đến hang Massabielle rất sớm, trước rạng đông, vàĐấng Hiện Ra đến chỉ ngay sau khi Bernadette chưa hết một mầu nhiệm Mân Côi. Đấng Hiện Ra bảo cô:

"Con hãy đi uống nước suối và rửa mặt con trong đó."

Bernadette đang quì bỗng chỗi dậy, nhưng vẫn trong tình trạng xuất thần. Trước tiên cô quay lưng lại hang đá, nhìn về hướng GAVE DE PAU. Cô quay lại nhìn Đấng Hiện Ra, nhưng không ai khác nhìn thấy, như để xin chỉ dẫn. Cô lại bắt đầu bước đi, nhưng lần này đi vào trong hang đá một chút. Cô quì xuống một chỗ đất khô và bới đất bằng hai bàn tay. Lập tức một ít nước pha bùn phun lên trong chỗ đất trũng cô vừa mới bới. Bernadette vốc một chút nước đó thoa lên mặt, rồi bứt và ăn một vài cọng cỏ dọc theo rãnh nước bùn đó. Cô đứng lên bước đi ra ngoài hang, mặt còn dính bùn, miệng còn nhai cỏ. Một số người cho rằng cô điên và hô hào giữ cô.

Bernadette được đưa tới một ngôi nhà ở phố Petites-Fosses trong thị trấn. Trước khi tới ngôi nhà này, Bernadette nói:

"Vị Phụ Nữ bảo con đào bới chỗ đất khô đó, uống nước và rửa mặt ở dòng suối, ăn những cọng cỏ con thấy mọc ở đó."

Chiều hôm đó, người ta tới hang đá Massabielle và thấy một dòng suối chảy từ hang đá xuống Gave De Pau, dòng suối càng lúc càng rộng. Nhiều bệnh tật được chữa lành nhờ nước từ suối hang đá Massabielle ngay từ ngày đầu xuất hiện. Tại Lourdes có một người tên Louis Bouriette, được giới y khoa xác nhận, mắc bệnh nan y về mắt, ông sắp bị mù. Ông Louis xin người ta lấy cho ông một ít nước ở suối Massabielle. Ông rửa cặp mắt gần đui của ông bằng nước suối đó và mắt lại được sáng, sự kiện này được vị bác sĩ tại địa phương xác nhận. Nhiều phép lạ khác xảy ra tiếp theo. Người ta náo loạn vì tranh nhau lấy nước suối đến độ cảnh sát và quân đội phải giữ trật tự.

Sáng sớm hôm sau, bà Jeanne Crassus, bị bại một tay đã mười năm, ngâm bàn tay bị bại của bà trong suối một lúc, rồi rút bàn tay lên thì bàn tay bà trở lại bình thường.

Bernadette thị kiến Đấng Hiện Ra lần thứ mười, ngày 27 tháng 2, 1858, lúc quá 6g30 sáng. Ngay khi Bernadette tới và quì xuống, mọi người đều im lặng. Lúc sau người ta thấy Bernadette trong tình trạng xuất thần, nhiều lần sụp xuống hôn đất. Về sau chị cho biết Đấng Hiện Ra bảo chị:

"hôn đất để đền bù cho những kẻ tội lỗi."

Và Đấng Hiện Ra trao cho chị sứ mệnh khác nữa:

"Con hãy đi xin các linh mục xây dựng một thánh đường tại đây."

Bernadette thi hành sứ mệnh, báo cho cha Peyramale lời yêu cầu của Đấng Hiện Ra: "Con hãy đi xin các linh mục xây dựng một thánh đường tại đây." Sau khi cha Peyramale chất vấn Bernadette xong, chị đứng lên, cúi chào cáo biệt cha.

Bernadette tới hang đá Massabielle đón Đấng Hiện Ra, lần thứ mười một, khoảng trước 7 giờ sáng Chúa Nhật, 28-2-1858. Lúc đó đã có độ chừng hai ngàn người hiện diện với cả một đại đội lính giữ trật tự, đám đông đã tới đây từ 3 hoặc 4 giờ sáng, bất chấp mưa lớn và lạnh cóng. Bernadette xuất thần sau khi đọc hết ba mầu nhiệm Kinh Mân Côi. Bất chợt, cô cố gắng đi bằng đầu gối, đứng lên, lại quì xuống đi bằng đầu gối, một hình thức làm việc phạt xác đền tạ mà Đấng Hiện Ra bảo cô. Trong lần thị kiến này, Bernadette trình lên Đấng Hiện Ra yêu cầu của cha Peyramale: "Xin Đấng Hiện Ra cho biết phương danh của Người, và xin Người chứng minh sự hiện diện của Người bằng cách làm cho cây tầm xuân nở rộ hoa tức thì."

Trên đường về, Bernadette tới nhà cha sở báo cho ngài biết cô đã thi hành lệnh của cha, nhưng Vị Phụ Nữ chỉ mỉm cười.

Bernadette và gia đình là đối tượng của chất vấn, hăm dọa của chính quyền, nhất là từ sau lần thị kiến từ mười một trở đi. Dân chúng đã tin rằng Đấng Hiện Ra chính là Đức Trinh Nữ Maria.

Bernadette đọc kinh Mân Côi khi quì tại hang đá và nói:

"Đấng Hiện Ra yêu cầu cầu nguyện cho các người tội lỗi."

Vậy thì hỏi rằng Đấng Hiện Ra có thể là ai khác ngoài Đức Mẹ?

Nhiều người nói họ thấy Đức Trinh Nữ tại hang đá và nghe tiếng nói từ đâu đó. Nhiều trẻ nhỏ ngất trí.

Thứ Hai, 1 tháng 3, 1858, Bernadette tới Massabielle, có cha mẹ đi theo. Tại đó đã có khoảng 1300 người và có cả cảnh sát hiện diện.

Và chúng ta nghe lời ông Estrade, hiện diện trong buổi thị kiến thứ mười hai này kể lại: "Bernadette, vừa mới từ mỏm đá trở lại, quì xuống và lấy trong túi ra xâu chuỗi như mọi khi, ngay khi cô lại ngước mắt lên bụi cây, nét mặt cô buồn bã ... Cô hết sức đưa xâu chuỗi lên ... Ngưng một chút cô bỏ xâu chuỗi vào túi. Rồi lấy ra xâu chuỗi khác và đưa lên cao như lần trước. Vẻ đau buồn trên nét mặt cô biến mất. Cô cúi đầu, mỉm cười vàlại bắt đầu đọc kinh Mân Côi."

Về sau Bernadette kể lại rằng:

"Trên đường tới Massabielle, một bà đưa cho con xâu chuỗi của bà (xâu chuỗi đẹp mắc tiền) và yêu cầu con dùng khi lần hạt ở hang đá. Con hứa với bà ấy và đã dùng xâu chuỗi đó.

Nhưng Đức Mẹ hỏi con:

'Xâu chuỗi của con đâu?'

Con đáp:

'ở trong túi của con.'

Đức Mẹ nói:

'Đưa cho Mẹ coi.'

Con đưa tay vào túi lấy xâu chuỗi của con ra và đưa lên cao cho Đức Mẹ coi.

Đức Mẹ bảo con:

'Con hãy dùng xâu chuỗi đó';

và con dùng để cầu nguyện ngay."

Sau thị kiến, Bernadette trở lại chuyển tới cha Peyramale thông điệp của Đấng Hiện Ra. Cô nói: "Vị Phụ Nữ bảo con rằng Người muốn dân chúng rước kiệu tới hang đá ..." Cha Peyramale lại hỏi tên của Vị Phụ Nữ là gì. Bernadette đáp rằng cô không biết. Và cha Peyramale nặng lời chỉ trích cô.

Về sau Bernadette nhờ bà Dominiquette Cazenave dẫn trở lại gặp cha sở, và được cha bình tĩnh nghe. Lần này Bernadette nhắc lại lời Đấng Hiện Ra về yêu cầu mới và nhắc lại yêu cầu trước là các linh mục xây một thánh đường tại Massabielle. Cha sở hứa xây một thánh đường lớn tại đó nếu Bernadette xin được phương danh của Đấng Hiện Ra. Ngài nói:

"Con hãy nói với Người sai con đến đây, như con khẳng định, rằng nếu Người muốn cha tin con, Người phải làm cho bụi tầm xuân trổ bông; nếu Đức Trinh Nữ muốn có cuộc rước kiệu, Người phải nói với Đức Giám Mục chứ không nói với cha."

Trong thị kiến Đức Mẹ hiện ra lần thứ mười hai, chúng ta lưu ý tới một chi tiết là Đức Mẹ bảo Bernadette dùng xâu chuỗi giá 2 xu (cents) của cô và khuyến cáo cô giữ xâu chuỗi đó vì là kho tàng quí báu của cô. Đây cũng là bài học về lòng khiêm nhượng, yêu mến đức thanh bần, vì Thiên Chúa ghê tởm sự khoe khoang phô trương ngay cả trong việc đạo đức.

Đức Mẹ hiện ra tại Massabielle lần thứ mười ba vào ngày 2 tháng 3, 1858. Hôm nay khi Bernadette tới Massabielle thì đã có đông người hiện diện. Thị kiến lâu chừng nửa giờ. Sau thị kiến, Bernadette đi cùng với hai bà cô/dì là Basile và Bernarde tới nhà cha sở.

Cha Peyramale lớn tiếng hỏi Bernadette:

"Mi vẫn tới Massabielle hả! Mi trở lại đây làm gì?"

Bernadette nói với ngài:

"Vị Phụ Nữ nói với con 'Người muốn dân chúng đi rước đến hang đá'."

Cha sở lại hỏi:

"Thế phương danh của Vị Phụ Nữ là gì?"

Bernadette nói:

"Thưa cha, con không biết. Người không muốn cho biết."

Sau lời đối thoại này, cha Peyramale lớn tiếng nói nặng Bernadette. Nhưng cô và hai bà cô/dì bình tĩnh chào cáo lui.

Sau đó Bernadette gặp bà Dominiquette Cazenave và nài nỉ bà dẫn cô tới cha sở lần nữa. Lần này, cha sở bình tĩnh tiếp Bernadette và cô nhắc lại hai yêu cầu của Đấng Hiện Ra. Cha sở bảo cô:

"Con hãy hỏi Vị Phụ Nữ phương danh Người là gì, và khi chúng ta biết phương danh Người, chúng ta sẽ xây dâng Người một nhà nguyện. Không phải nhỏ, mà là nhà nguyện thiệt lớn."

Ngài nói tiếp:

"Con hãy nói với Vị Phụ Nữ, Người phái con, như con xác nhận,rằng nếu Người muốn cha tin con, Người phải làm cho bụi tầm xuân trổ hoa; nếu Đức Trinh Nữ muốn có đám rước, Người phải nói với đức giám mục chứ không phải nói với cha."

Đức Mẹ hiện ra lần thứ mười bốn, ngày 3 tháng 3, 1858. Khi Bernadette tới Massabielle lúc 7 giờ sáng, đã có khoảng ba ngàn người chờ sẵn, nhưng Đức Mẹ không hiện ra. Bernadette đi về. Đến 8g30, Bernadette được ông chú/cậu, ông André Sajous, dẫn đi đường tắt tới Massabielle. Khi tới nơi, như thường lệ, cô lấy xâu chuỗi ra và cầu nguyện kinh Mân Côi, Đức Mẹ hiện ra chỉ ít phút sau. Về sau, Bernadette nhắc lại lời Đức Mẹ nói với cô lúc 8g30 về lý do Đức Mẹ không hiện ra lúc 7 giờ:

"Con không thấy Mẹ lúc sáng nay, vì có một số người muốn xem con trông như thế nào khi Mẹ hiện diện tại đây, nhưng những người đó không xứng đáng vì họ đã ngủ đêm tại hang đá và làm ô uế hang đá."

Trong lần thị kiến lúc 8g30 ngày 3-3-1858, Đức Mẹ cũng bảo Bernadette nhắc lại với cha sở các yêu cầu của Người. Lần này cha sở tiếp Bernadette cách khoan từ. Ngài hỏi:

"Con đến nói cho cha biết điều gì đây? ... Vị Phụ Nữ nói gì với con?"

Bernadette nói:

"Người mỉm cười khi con nói với Người rằng cha xin Người làm phép lạ. Con xin Người làm cho bụi hồng, ở gần Người, nở hoa; Người mỉm cười. Nhưng Người muốn có nguyện đường."

Cha Peyramale hỏi:

"Con có tiền để xây nhà nguyện đó không?"

"Con không có."

"Cha cũng chẳng có! Con hãy xin Vị Phụ Nữ cho con một số tiền."

Đến đây Bernadette cáo từ ra về.

Ngày 4 tháng 3, 1858, là hẹn Đức Mẹ hiện ra lần thứ mười lăm.

Từ 11 giờ khuya đêm trước, chính quyền đã kiểm soát khu vực Massabielle. Lúc 5g sáng đã có những toán cảnh sát đến khu vực. Phái đoàn các bác sĩ y khoa tới nhà để thẩm vấn Bernadette. Khoảng 7 giờ, Bernadette tới hang đá thì đã có khoảng hai mươi ngàn người chờ sẵn.

Ngay khi tới nơi, Bernadette quì xuống cầu nguyện kinh Mân Côi như thường lệ, và cô chỉ mới đọc xong kinh Kính Mừng thứ ba trong mầu nhiệm thứ hai, thì mắt cô nhìn xoáy vào phía trên bụi tầm xuân. Đức Mẹ hiện ra và Bernadette tiếp tục cầu nguyện. Khi lần chuỗi xong, ba lần Bernadette đưa tay lên làm dấu Thánh Giá đều không thể đưa tay lên được, mãi lần thứ bốn mới được. Về sau cô nói lại lý do: "Vì tới lúc đó Đức Mẹ mới lần chuỗi xong và làm dấu Thánh Giá." Bernadette đứng lên và người chị/em họ đi theo vào trong hang đá, chị đứng đó, mắt vẫn gắn vào đối tượng vô hình trước mặt. Về sau chị nói: "Lúc đó Đức Mẹ tới gần chị, có thể đưa tay ra chạm vào Đức Mẹ."

Sau thị kiến, Bernadette đứng lên ra đi mà không nói với ai lời nào. Chị đi thẳng tới gặp cha sở để nhắc lại với cha về hai yêu cầu của Đức Mẹ. Cha đáp:

"Con hãy xin Vị Phụ Nữ diễm tuyệt cho biết phương danh Người ... Nếu cha biết rằng chính là Đức Trinh Nữ, cha sẽ tiến hành mọi điều Người muốn, nhưng một lần nữa, vì cha không biết, cha không làm gì được. ... Người có bảo con trở lại đó nữa không?"

"Thưa cha, không ạ."

"Người có nói với con rằng Người sẽ không bao giờ trở lại nữa không?"

"Thưa cha, Người không nói điều đó."

"Vậy, nếu Người trở lại, con xin Người cho con biết phương danh Người."

Các ngày từ 5 đến 24 tháng 3, 1858, Bernadette không cảm thấy muốn đến hang đá Massabielle. Trong hai mươi ngày này, biết bao là bàn thảo và nghi vấn đặt ra. Nhưng Bernadette vẫn vô tư như trước ngày và trong những ngày Đức Mẹ hiện ra. Chính quyền và giáo quyền theo dõi, nhận định và dự liệu.

Mặc dầu Bernadette vắng mặt, từ ngày 5-3-1858 trở đi, ngày nào cũng có những đoàn các thiếu niên và người lớn đi thành đoàn rước tới hang đá cầu nguyện. Người ta đặt những biểu hiệu tôn giáo và những hòm tiền dâng cúng trong hang đá mà số tiền thu được hằng ngày được ký thác nơi cha Peyramale.

Ngày Lễ Truyền Tin, 25-3-1858, Bernadette thức giấc và cảm thấy hết sức ước ao tới hang đá. Nhưng cha mẹ cô bắt cô chờ đợi tới 5 giờ sáng để cả gia đình cùng đi, và lần này Đức Mẹ hiện ra (Đức Mẹ hiện ra lần thứ mười sáu). Bernadette kể lại:

"Người đứng đó, lặng lẽ mỉm cười và nhìn đám đông y hệt một hiền mẫu âu yếm nhìn đàn con của Người. Khi tôi quì trước mặt Người, tôi xin Người tha lỗi cho sự chậm trễ của tôi. Người vẫn nhân từ ra dấu cho tôi biết không cần phải xin lỗi. Kế đó tôi nói với Người lòng tôi yêu mến và tưởng nhớ Người, và tôi sung sướng biết chừng nào được gặp lại Người. Sau khi đã nói hết nỗi lòng của tôi, tôi bắt đầu cầu nguyện kinh Mân Côi."

Khi bầu ánh sáng hình bầu dục di chuyển từ bụi tầm xuân xuống gần đến đất và ngừng lại phía dưới vòm cửa hang đá. Lập tức Bernadette đứng dậy đi về phía Đấng Hiện Ra. Cô đứng đó, tay cầm ngọn nến cháy. Lúc này Bernadette nhất định tìm biết phương danh của Vị Phụ Nữ. Bernadette hỏi tới ba lần.

Lời Bernadette:

"Thưa Bà, xin Bà vui lòng cho con biết Bà là ai?"

"Đấng Hiện Ra" bắt đầu mỉm cười.

Nhưng Bernadette nhắc lại câu hỏi lần thứ ba.

"Đấng Hiện Ra, tới lúc này vẫn chắp tay, mở hai tay ra và hạ thấp xuống như trong ảnh Đức Bà Hay Làm Phép Lạ, xâu chuỗi tuột xuống đến cổ tay: chính là lúc Người chúc lành cho địa cầu được cứu chuộc. Sau cùng, Người ngước mắt lên trời, theo dáng điệu chúc tụng Magnificat, Người nói ra điều bí mật của Người:

'MẸ LÀ ĐẤNG VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI.' Kế đó, Đức Mẹ mỉm cười và biến đi."

Lập tức Bernadette chỗi dậy, mặt hân hoan, cùng với đoàn người đông đảo, vội vàng đi vào thị trấn, vừa đi cô vừa lớn tiếng nhắc lại để nhớ. Khi vào thị trấn, đám người đông đảo kéo tới nhà cha Peyramale. Bernadette đứng dưới nhìn lên, cha sở ở trên cao nhìn xuống và Bernadette chỉ vỏn vẹn nói:

"MẸ LÀ ĐẤNG VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI."

Cha Peyramale xúc động, vì đây không phải chỉ là vấn đề thuần túy tôn giáo, mà còn là những vấn đề trọng đại khác nữa, và ngài cũng biết Bernadette mù chữ có thể cô chẳng hiểu gì điều đó.

Đây là vấn đề phức tạp gay go, vì từ thế kỷ 14, tín điều Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội đã từng là đề tài tranh luận.

Sau cùng Vị Phụ Nữ đã tự xưng mình là "Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội" thì hiển nhiên Người là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, và Mẹ Giáo Hội. Rõ ràng Bernadette chẳng hiểu gì về ý nghĩa "Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội" vì cô chỉ hiểu đầy đủ sau khi được các nữ tu ở Nerves giải thích nhiều lần.

Dân chúng tuốn đến hang đá và suối nước Massabielle ngày càng đông tạo nên nguy cơ về vệ sinh và trật tự. Đầu tháng 5, 1858, vì không thể đàn áp dân chúng, nhà cầm quyền tại Tarbes hăm dọa bắt bỏ tù bất cứ ai nói là được thị kiến. Cảnh sát tịch thu mọi vật dụng sùng kính. Đến tháng 6, 1858, khu hang đá Massabielle bị vây kín, mặc dầu dân chúng nhiều lần kéo sập những bức tường phong tỏa đó.

Tin tức về Đức Mẹ hiện ra và nước phép lạ phổ biến khắp nước Pháp, và sự cấm đoán của nhà cầm quyền chấm dứt vào khoảng trung tuần tháng 8, 1858. Hoàng tử của Napoleon III, lúc đó hai tuổi, đang ở nhà nghỉ mát của nhà vua tại Biarritz, cách Lourdes khoảng 150 cây số (90 miles). Hoàng tử này bị trúng nắng nặng và biến chứng đau màng óc. Nhà vua, đúng ra là hoàng hậu, phái bà vú của hoàng tử tới Lourdes. Bà này tới hang đá Massabielle và nhân danh hoàng đế ra lệnh cho lính gác phải lấy cho bà bình đầy nước suối, lấy ở giữa dòng càng tốt. Người lính gác tuân lệnh. Hoàng tử được tắm nước suối ba lần và khỏi bệnh. Tháng 10, 1858, hoàng đế Napoleon III đích thân ra lệnh cho nhà cầm quyền tại Tarbes và Lourdes gỡ bỏ hẳn những rào cản chung quanh hang đá và không được cản trở dân chúng tới hang đá.

Một ủy ban điều tra được đức giám mục giáo phận Tarbes thành lập vào tháng 11, 1858. Ủy ban này làm việc suốt bốn năm mới kết thúc. Đức giám mục Laurence, giáo phận Tarbes thông cáo:

" Chúng tôi nhìn nhận rằng Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Thiên Chúa, thực sự đã hiện ra với Bernadette Soubirous ngày 11 tháng 2 năm 1858 và những lần sau đó, tất cả mười sáu lần. Các tín hữu có thể tin đây là sự thực. Chúng tôi cho phép thành lập lòng sùng kính Đức Mẹ ở hang đá Lourdes trong giáo phận chúng tôi. ... Và thể theo những ước nguyện của Đức Trinh Nữ được đưa ra hơn một lần trong những lần Người hiện ra, chúng tôi đề nghị thiết lập một linh địa tại khu đất hang đá, lúc này đã thuộc sở hữu của tòa giám mục."

Năm 1906, hang đá và Vương Cung Thánh Đường được Nước Pháp tặng cho đức giám mục giáo phận Tarbes, đến năm 1910 thì quyền sở hữu được chuyển cho Lourdes. Đức Gioan Phaolô II viếng Lourdes năm 1982.

Hằng năm có trên mười lăm triệu khách hành hương viếng Lourdes (Lộ Đức) và mỗi năm nhiều phép lạ được giáo quyền và hội đồng y khoa xác nhận xảy ra tại đây.

Trở lại với chị Bernadette. Tháng 7 năm 1860, trong khi ủy ban điều tra tiến hành nghiên cứu sự kiện Lộ Đức, cha sở Peyramale và ông thị trưởng Lourdes yêu cầu mẹ bề trên bệnh viện và trường học các nữ tu tại Nerves nhận Bernadette vào nội trú. Lúc đó Bernadette mười sáu tuổi và vẫn còn ngây thơ như đứa trẻ thơ. Gia đình chị mặc dầu nghèo khó, nhất định không nhận một trợ giúp nào khác ngoài việc cha sở thu xếp cho gia đình một chỗ trú ngụ khả quan hơn.

Tại nhà nội trú, Bernadette phải tiếp xúc với nhiều người tới phỏng vấn, điều tra. Các nữ tu tại đây ngạc nhiên vì lòng khiêm tốn và sức chịu đựng những cuộc phỏng vấn gay cấn đến mệt nhoài. Bernadette bi suyễn nặng, và đến mùa xuân năm 1862, hai lá phổi của chị bị tàn phá nặng nề. Khi cha tuyên úy ban Nhiệm Tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho chị, chị mở mắt ra và xin uống nước suối, chị uống và lành bệnh.

Bernadette được chuyển sang nhà dòng ở phía bắc Lourdes, xa khoảng 500 cây số, tại đây chị tuyên khấn và trở thành nữ tu Marie Bernard. Chị sống khiêm tốn và ẩn dật cho tới khi chết, ngày 16 tháng 4 năm 1879, lúc ba mươi bốn tuổi.

Ngày 22 tháng 9 năm 1909, xác chị Marie Bernard (Bernadette) được khai quật. Xác chị còn nguyên vẹn tươi tốt, và án phong thánh cho chị được tiến hành. Ngày 3 tháng 4 năm 1919, 14 năm sau ngày khai quật lần thứ nhất, xác chị lại được khai quật và vẫn nguyên vẹn, chỉ một chút đổi mầu trên da mặt chị. Chị được phong hiển thánh, thánh Bernadette, năm 1933.