61-70 Tích Mân Côi

61 : Chuỗi hạt Mân Côi với Hiệp Hội kinh Mân Côi

Nói đến chuỗi hạt Mân Côi, mà không nói đến Hội Mân Côi, là 1 sự thiếu sót. Là vì: như chúng ta đã biết qua Hội Thánh, cũng như các thánh Giáo Phụ, thi khi ta lần 1 chuỗi hạt Mân Côi, thì chỉ được ơn ích bằng 1 chuỗi Mân Côi. Nhưng nếu chúng ta có gia nhập Hội Mân Côi, mà thí dụ Hội Mân Côi có 100 người, thì khi ta lần 1 chuỗi hạt Mân Côi , chúng ta được hưởng 100 chuỗi hạt Mân Côi của 100 người khác hợp lại. Như vậy, nếu chúng ta là Hội Viên Hội Mân Côi, mà mình chỉ lần 1 chuỗi Mân Côi, thì bằng lần 100 chuỗi Mân Côi. Xem ra như vậy ơn ích khác nhau biết bao! Bởi vậy 1 người không vào Hội Mân Côi, và 1 người vào Hội Mân Côi thì khác nhau biết chừng nào ! Ở bài này, chúng tôi đề cập đến Hội Mân Côi, và nguồn gốc sự tích Hội Mân Côi, để qúy độc giả thấy sự quan trọng của Hội Mân Côi. Đấng sáng lập Hội Mân Côi, chính là thánh Dominico và chân Phước Alan de la Roche. Các Ngài đi đến đâu truyền bá chuỗi hạt Mân Côi, thì cũng lập ngay Hội Mân Côi ở nơi đó, để cho giáo dân gia nhập Hội Mân Côi, được hưởng nhiều ơn ích bởi việc đọc kinh lần chuỗi Mân Côi.

Vào năm 1470, Chân Phước Alan de la Roche đã thành lập Hội Mân Côi đầu tiên tại Tỉnh Douai, miền bắc nước Pháp. Lúc mới đầu, Hội được gọi là Hội Thánh Vịnh Chúa Jesu và Mẹ Maria. Đến sau, Hội được Giáo Hội công nhận, thì được gọi là Hiệp Hội kinh Mân Côi. Thánh Alan de la Roche người đã có công vận động để Hội Thánh công nhận Hội Mân Côi, thì Ngài qua đời vào đúng thời gian Hội Thánh chính thức công nhận Hội Mân Côi. Ngày 8 tháng 9 năm 1475 cũng là ngày Chân Phước Alan de la Roche nhắm mắt từ gĩa cõi đời, thì thể theo ý nguyện của Hoàng Đế Frederich lll, vua nước Đức , Giáo Hội đã chính thức thừa nhận Hiệp Hội Mân Côi. Chỉ trong 4 tháng đầu, đã có 5000 người ghi tên xin gia nhập Hội Mân Côi. Cuối năm đó, số hội viên đã lên đến 50.000 người. Năm 1749 đã có 500.000 ngưòi xin gia nhập Hội Mân Côi. Sau đó Hội Mân Côi đã phát triển rất mau chóng trên toàn thế giới công giáo, nhất là từ đời Đức Giáo Hoàng Sixto lV cho đến các vị Giáo Hoàng kế tiếp, đã ban rất nhiếu đặc ân, đặc xá , đại xá , toàn xá, cho những ai gia nhập Hội Mân Côi. Các ngài cũng khuyến khích tán thưởng giáo dân gia nhập Hội Mân Côi. Ngày 2/10/1898 Đức Giáo Hoàng Leo Xlll ban hành Tông sắc “Ubi Primum” đề cập đến bản tính, luật lệ, nghĩa vụ, quyền lợi, đặc ân của Hội Mân Côi. Như vậy Hội Mân Côi là Hội do Hội thánh sáng lập, và trực tiếp chĩ huy. Không phải là 1 hội do Giáo Hội địa phương thành lập. Cho nên bất cứ ai, bất cứ ở đâu đều có thể xin gia nhập Hội Mân Côi 1 cách dễ dàng. Tuy nhiên để cho tiện việc sinh hoạt thì sau này, nếu ở địa phương mình ở, có thành lập Hội Mân Côi, thì chỉ xin trở về với cộng đoàn mình là đưọc.

Theo nguyên tắc thì muốn trỡ thành Hội Viên Mân Côi, điều kiện rất đơn giản: - Được ghi danh vào sổ Hội Mân Côi - Lần hạt mỗi ngày 5 chục (1 chuỗi Mân Côi ) – Luôn mang theo chuỗi hạt MC trong mình. Do đó, bất cứ ai được ghi danh và giữ các điều kể trên, thì đương nhiên là Hội Viên Hội Mân Côi. Cái lợi ích ngay trước mắt cho những ai gia nhập hội Hội Mân Côi là được Đức Mẹ gin giữ hồn xác mọi nơi mọi lúc, ban cho rất nhiều ơn phần hồn phần xác. Nếu có chết bắt đắc kỳ tử, thì cũng được Đức Mẹ che chở, cho được ơn cứu rỗi, ơn ăn năn hối cải trong giờ lâm chung.

Lời bàn : Trong lịch sử đạo công giáo, cũng như trong truyện tích Đức Mẹ Mân Côi. Đức Mẹ đã cứu biết bao nhiêu người tội lỗi, hoặc có thói quen hằng ngày đọc 1 kính kính mừng, hoặc mang trong mình chuỗi hạt Mân Côi. Như vậy mà còn được Đức Mẹ thương đoái xem cứu giúp. Huống chi là những người gia nhâp Hội Mân Côi, hằng ngày chỉ lần 1 chuỗi hạt Mân Côi, thì còn được Đức Mẹ thương cứu giúp biết bao nữa. Vậy chúng ta hãy tích cực tham gia vào Hội Mân Côi, và khuyến khích cho nhiều người khác gia nhập Hội Mân Côi, thì sẽ được Đức Mẹ tưởng thưởng Chiến Sĩ Mũ Xanh của Đức Mẹ vậy. Có rất nhiều quan niệm sai lầm rằng: chỉ cần lần chuỗi Mân Côi cũng đủ, cần gì phải vào Hội Mân Côi, mất thì giờ bó buộc. Chúng tôi đồng ý như vậy. Nhưng nếu chúng ta có vào Hội Mân Côi thì vẫn tốt hơn nhiều. Là vì: có khi ngại không muốn lần hạt, nhưng vào Hội thì bắt buộc phải lần hạt . 2 cái khác nhau. Vả chăng Đức Mẹ cũng đã nói: Đức Mẹ ở đâu thì có chuỗi Mân Côi ở đó. Ở đâu có chuỗi Mân Côi, thì Đức Mẹ cũng hiện diện nơi đó.

 

62 : Chuỗi hạt Mân Côi với thánh Dominico, Đấng sáng lập dòng Đa Minh

Nói đến chuỗi hạt Mân Côi mà không nói đến thánh Dominico là 1 sự thiếu sót. Thánh Dominico sinh ngày 24-6-1170 tại Caleruega, nước Tây ban Nha, qua đời ngày 6-8-1221 tạ Bolonia , nước Ý, hưởng tho 51 tuổi. Đức Giáo Hoàng Gregorio lX phong Ngài lên bậc hiển thánh ngày 11-7-1234. Bài này chúng tôi không chủ trương viết tiểu sử thánh nhân, mà chỉ chú trọng đến 1 khía cạnh duy nhất, là thánh nhân đã được Đức Mẹ hiện ra với Người, trao cho Ngài nhiệm vụ truyền bá kinh Mân Côi. Vì những tai họa do bè rối Albigense phá họai, nhất là tại miền Nam nước Pháp. 1 hôm thánh nhân đang cầu nguyện cho bè rối Albigense ăn năn trở lại, thì Đức Mẹ hiện ra với Người, có 3 vị Nữ Hoàng và 50 trinh nữ theo hầu. Đức Mẹ phán bảo thánh nhân: Hỡi con, Mẹ xin Thiên Chúa ơn cải tử hoàn sinh cho nhân loại. Con hãy chịu khó đi rao giảng cho dân chúng cách cầu nguyện bằng kinh Mân Côi. Nói đến đây Đức Mẹ chỉ vào 3 đoàn trinh nữ, mặc 3 thứ màu áo khác nhau: trắng, đỏ, vàng. Người tiếp tục dạy cho thánh nhân ý nghĩa các màu nhiệm: 5 sự Vui, 5 sự Thương và 5 sự Mừng.

Nhờ thị kiến đó mà thánh nhân biết rằng: kinh Mân Côi sẽ là khí giới thần lực, đánh bại các phe phái lạc giáo, cứu vãn Giáo Hội và nhân loại. Người đi dến đâu cũng giảng về chuỗi hạt Mân Côi. 1 hôm từ Fanjeaux đến thành Prouille gỉảng kinh Mân Côi. Người đến nhà thờ Prouille đọc kinh Mân Côi. Bỗng nhiên Đức Mẹ hiện ra phán bảo: Hỡi con Mẹ đã nhận tấm lòng thành kính của con dâng lên Mẹ, như những đoá hoa hồng hái trong mưa ướt. Dominico ngửa mặt lên mà chẳng thấy gì. Ngài lại tiếp tục đọc kinh Mân Côi, và cầu xin cho dân thành Prouille ăn năn trở lại. Bỗng nhiên lại có tiếng nói: Hỡi con, con hãy hái cho Mẹ những hoa hồng bất diệt, để Mẹ cứu các linh hồn. Thánh nhân hỏi lại Đức Mẹ: Mẹ chỉ cho con những hoa hồng nào hoàn hảo nhất. Đức Mẹ trả lời: Hoa hoàn hảo nhất là những kinh Kính Mừng mà con đang đọc. Dominico sung sướng vì đã tìm được bí quyết với niềm hy vọng trào dâng lên. Bấy gió Đức Mẹ mới hiện ra rõ ràng, nghiêng mình và nâng cửa nhà thờ Prouille cho Dominico bước vào. Mặt Đức Mẹ sáng láng, áo trắng như tuyết. Ở tay và chân Đức Mẹ, có hoa hồng tươi nở, toả hương thơm ngào ngạt. Dominico quay nhìn Đức Mẹ và chào kính: Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Lập tức 9 phẩm thiên thần hoà nhịp ca tụng Đức Mẹ. Người cũng đươc Đức Mẹ dẫn dắt lên trời thờ lạy Chúa Ba Ngôi, và thấy những chục kinh Kính Mừng mà Ngài đã đọc, đưọc dính lác rác trên Ngai tòa Chúa. Tảng sáng, Người trở về Fanjeux rao giảng chuỗi Mân Côi. Nhờ đó bè rối Albigense bị tan rã. Giáo Hội lại được thanh bình. Đó là tất cả nguồn gốc kinh Mân Côi mà thánh Dominico đã truyền cho nhân loại.

Lời bàn : Việc thánh Dominico vâng lời Đức Mẹ truyền giảng kinh Mân Côi đã được rất nhiều sách vở nói rất rõ ràng đã từ lâu. Chúng tôi chỉ lặp lại 1 chút sự tích để nói lên sự quan trọng của chuổi hạt Mân Côi. Như vậy là chính Đức Mẹ truyền ban kinh Mân Côi cho nhân loại. Thánh nhân chỉ là người trung gian mang đến cho nhân loại phương thức đọc kinh Mân Côi. Chứ thánh nhân không phải là đấng sáng lập kinh Mân Côi. Do đó, ta có thể nói kinh Mân Côi và chuỗi hạt Mân Côi là do từ trời ban xuống cho nhân loại.Hiểu được như vậy, ta mới thấy qúy trọng kinh Mân Côi, và chuỗi hạt Mân Côi biết chừng nào!

 

63 : Chuỗi hạt Mân Côi với Chân Phưóc Alan de la Roche

Phải nói trong số các thánh chuyên để về chuỗi hạt Man Côi, thì Chân Phước Alan de la Roche lá 1 vị Tông đồ đặc biệt của chuỗi hạt Mân Côi. Đối với thánh Dominico, Ngàì là vi chân phước hậu sinh. Vì thánh Dominico sinh năm 1170, mà Ngài thì sinh năm 1428, tức là sau 258 năm. Tuy nhiên Ngài cũng là 1 tu sĩ dòng Đominico. Chân phước Alan de la Roche, có 1 đời sống rất tốt lành, thánh thiện, gương mẫu, được mọi người qúy mến. Sau khi qua đời, Ngài đã được phong chân phước, và người ta thường gọi là Chân Phước Alan de la Roche. Chân Phước Alan de la Roche và Hội Mân Côi do Ngài sáng lập năm 1470, có 1 ảnh hưởng lớn trong việc thành hình nên chuỗi Mân Côi như ngày nay. Dựa trên bằng chứng lịch sử, có người cho rằng chân phước Alain xứng đáng được gọi là cha của kinh Mân Côi hơn là thánh phụ Đominico. đấng sáng lập dòng thuyết giáo, tức dòng thánh Đominico hiện nay.

Chân phước cũng chính là người đầu tiên thuật lại truyện Đức Mẹ trao ban tràng chuỗi Mân Côi cho thánh Dominico, và dạy thánh nhân cách cầu nguyện bằng kinh Mân Côi. Với 1 lòng yêu mến Đức Mẹ Mân Côi một cách thiết tha. Với ước nguyện lớn lao muốn cho mọi người được nhận biết và yêu mến kinh Mân Côi. Do dó vào năm 1470, Chân phước đã cho thành lập Hội Mân Côi đầu tiên tại tỉnh Douai, miền bắc nước Pháp. Và sau này, Ngài đã lập ra rất nhiều hội Mân Côi ở khắp nơi Ngài đi giảng.. Những Hội Mân Côi là 1 tổ chức được Giáo Hội công nhận, là vì chính Ngài đã vận động với Hội Thánh thừa nhận Hội Mân Côi là 1 hội chính thức của Giáo Hội. Do đó ngày 8-9-1475, là ngày sinh nhật Đức Mẹ, trước khi chân phước qua đời, theo lời thỉnh nguyện của Hoàng Đế Fredecih lll của nước Đức, Giáo hội đã chính thúc thừa nhận Hội Mân Côi, và truyền cho các nơi trong Giáo Hội, chỗ nào có đông giáo dân, thì nên thành lập Hội Mân Côi cho giáo dân được hưởng nhờ những ơn ích bởi hội Mân Côi.

Sau thời gian vàng son đó , Hội Mân Côi đã liên tục nhận được nhiều ơn xá, đại xá, do các Đấng thẩm quyền của Hội Thánh, từ Đức Giáo Hòang Sixto lV, cho đến các Đức Giáo Hoàng kế tiếp, thay nhau rộng ban ơn xá cho những ai gia nhập Hội Mân Côi. Theo Chân phước Alan de la Roche, thì bất cứ ai, bất cứ ở đâu, mà muốn gia nhập Hội Mân Côi thì chỉ cần thực hiện các điều đã quy định như đã kể trên, thì đương nhiên là hội viên Hội Mân Côi rồi. Đấy là tất cả công trình vĩ đại của Chân Phước trong sự truyền bá kinh Mân Côi và hội Mân Côi ở khắp nơi trong Giáo Hội.

Lời bàn : Ngày nay ngưòi ta thấy giáo dân đâu đâu cũng mộ mến chuỗi Mân Côi và gia nhập Hội Mân Côi. Chính là công lao của Chân Phước Alan de la Roche. Hôi Mân Côi là 1 hội chính thức của Hội Thánh công giáo, có tính cách quốc tế. Chứ không phải là 1 hội đoàn của điạ phương do các Giáo phận tổ chức theo nhu cầu từng giai đoạn. Do dó chúng tôi cũng khuyến khích mọi người công giáo chúng ta nên gia nhập Hội Mân Côi để được hưởng nhiếu ơn ích của Đức Mẹ Mân Côi. Xin nhớ rằng đọc 10 kinh kính mừng, hoặc 20 kinh kính mừng, là để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ, chứ không phải là kinh Mân Côi. Muốn đọc kinh Mân Côi do Hội thánh chỉ dạy đúng cách, là phải lần hạt 5 chục, và ngắm 5 sự Vui, 5 sự Thương, 5 sự Mừng và 5 sự Sáng, thì mới đủ điều kiện để được hưởng ơn ích bởi kinh Mân Côi. Chính chúng tôi cũng đã thấy có nhiều người, nhiều nơi, đã không hiểu rõ tôn chỉ mục đích của Hôi Mân Côi, nên đã có nhận định sai lầm rằng: chỉ cần đọc 1 chục kinh, hoặc 20 kính mừng, cũng đủ để được gọi là kinh Mân Côi. Xin nhớ rằng đọc 10 hay 20 kinh kính mừng để tôn vinh Đức Mẹ, cũng là tốt rồi. Nhưng không phải là kinh Mân Côi. Đã là kinh Mân Côi thì phải đọc 50 (1 chuỗi) hoặc 100 (2 chuỗi) hoặc 150 (3 chuỗi) hoặc 200 (4 chuỗi) kèm theo các ngắm mùa Vui, mùa Sáng, Mùa Thương, và mùa Mừng. 2 việc hoàn toàn khác nhau.

 

64 : Chuỗi hạt Mân Côi với Thánh Louis Marie Grignion de Montfort

Trong các vị thánh được Giáo Hội chú trọng nhất, kể như là tông đồ kinh Mân Côi rất đắc lực ở thế kỷ 17, là thánh Louis Marie Grignion de Montfort. Thánh nhân sinh ngày 31-1-1673 tại Branny Thượng, Montfort sur Mer . Louis là con út trong gia đình có 18 người con. Khi còn nhỏ thánh nhân được giáo dục theo các cha dòng Tên, sau được đổi sang dòng Xuân Bích, để trở thành vị đại thánh của thời đại. Được chịu chức linh mục năm 1700. Thánh nhân hoạt động truyền giáo khoảng 10 giáo phận miền Bắc nước Pháp. Đi đến đâu, Ngài cũng giảng về chuỗi hạt Mân Côi, và khuyến khích giáo dân mộ mến chuỗi Mân Côi, và gia nhập Hội Mân Côi.

Tác phẩm chính yếu của thánh nhân để lại, là 2 cuốn : “Bí Mật kinh Mân Côi”, và cuốn “Thành thực sùng kính Đức Mẹ”. Cả 2 cuốn sách này đều là những tác phẩm nổi tiếng nhất bây giờ, nói về Đức Mẹ và việc tôn sùng kinh Mân Côi. Xét về phương diện lịch sử thì cuốn Bí Mật Kinh Mân Côi có 1 giá trị đặc biệt, giải thích và nói Kinh Mân Côi là kinh nguyện phổ thông nhất của Giáo Hội. Bí Mật Kinh Mân Côi còn là 1 tài liệu lịch sử minh chứng 3 điều sau đây: a- Kinh Mân Côi do thánh nhân dạy là kinh Mân Côi chúng ta đang có ngày nay. b- Việc đạo đức này (kinh Mân Côi) đã trở nên rất phổ thông, đến độ kinh Mân Côi đã trở thành 1 dấu hiệu của người công giáo. c- Kinh Mân Côi đã và đang được các nhà lãnh đạo tinh thần trong nhiều quốc gia tán dương và khuyến khích dùng để cầu nguyện. Nói về tài liệu của thánh nhân để lại cho việc sùng kính Đức Mẹ qua chuỗi hạt Mân Côi thì rất dài. Các bạn đọc có thể tìm đọc cuốn Bí Mật Kinh mân Côi cuả thánh nhân, thì mới hiểu rõ được giá trị kinh Mân Côi như thế nào. Ở đây chúng tôi chỉ nêu lên những khía cạnh mà thánh nhân đã truyền bá về chuỗi hạt Mân Côi. Thánh nhân đã nói và viết:

Những kẻ hư thân mất nết, thường là kẻ khinh miệt đọc kinh Mân Côi

Trong các kinh nguyện và việc phúc đức ta làm, có 2 việc rất qun trọng. Đó là thánh lễ Misa, và chuỗi hạt Mân Côi.

Biết bao nhiêu phép là Đức Mẹ đã làm, ban cho những ai mộ mến chuỗi Mân Côi, và ban rất nhiều ơn ích cho những ai đeo chuỗi hạt Mân Côi ở dây thắt lưng, hoặc ở cổ, để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ bề ngoài nữa. Thánh nhân thường xuyên đeo chuỗi hạt Mân Côi vào cổ cho những ai bị qủy ám, những bệnh nhân, và kẻ tội lỗi mất đức tin.

Nếu gia nhập Hội Mân Côi, và đọc kinh chung với nhau, thì được nhiều ơn ích hơn đọc 1 mình. Thí dụ : đọc 1 mình 1 chuỗi Mân Côi, thì được ơn ích 1 phần. Nếu 10 người họp lại đọc chung với nhau, thì mỗi người được hưởng ơn ích 10 phần.

Khuyên bảo mọi người đọc kinh Mân Côi hằng ngày, và truyền bá chuỗi Mân Côi cho người khác, thì được kể là chiến sĩ tông đồ Mân Côi.

Mỗi ngày mỗi giáo dân nên đọc 1 tràng kinh Mân Côi, hoặc ít nhất là 1 chuỗi nhỏ 50 kinh, kính Đức Mẹ, thì sẽ được rất nhiều ơn ích khi còn sống cũng như khi chết.

Đấy là tóm tắt tất cả những tài liệu mà thánh nhân đã phổ biến, và dạy người ta về chuỗi Mân Côi . Thánh nhân đã qua đời tại Saint Laurent-sur-Serve hưởng thọ 43 tuổi. Đưọc phong hiển thánh ngày 20 –7- 1947

Lời bàn : Thánh Louis Marie Grignion de Montfort là 1 vị đại Tông Đồ của kinh Mân Côi. Ngài không những là nối tiếp công việc của thánh Dominico, Chân Phước Alan de la Roche, mà còn là 1 vị thánh điều chỉnh laị những hình thức đọc kinh Mân Côi chưa được trọn vẹn. Kinh Mân Côi mà chúng ta đọc như ngày nay, là kinh Mân Côi mà chính thánh nhân đã sửa chữa lại cho hoàn hảo. Như vậy xét về giá trị kinh Mân Côi và những vị thánh đã có công cổ võ đọc kinh Mân Côi, là thánh Dominico, Chân Phước Alan de la Roche, và thánh Louis Marie Grignion de Montfort.

 

65 : Chuỗi hạt Mân Côi với Đức Giáo Hoàng Pio V.

Khi nói đến chiến thắng Lepanto với quân Hồi Giáo Thổ nhĩ Kỳ năm 1571, tức là nói đến sự hoạt động rất đắc lực, và lòng sùng kính Đức Mẹ Mân Côi tuyệt vời của Đức Giáo Hoàng Pio V. Đức thánh Giáo Hoàng Pio V sinh hạ trong 1 gia đình nghèo ở Lombardie, nước Ý. Vào dòng Đaminh năm lên 15 tuổi. Sau khi lãnh chức linh mục, Ngài làm việc cho toà án Hội thánh. Được cử làm Giám Mục và thăng Hồng Y năm 1556. Ngài chỉ cai trị Hội Thánh chỉ có 6 năm. Nhưng trong 6 năm ấy, Ngài đã làm biết bao công việc cho Hội Thánh. Thánh Pio V Giáo Hoàng sống rất đơn sơ khó nghèo, không giống như 1 số giáo phẩm thời bấy giờ. Ngài rất nghiêm ngặt trong việc cai trị Giáo Hội, nghiêm trang sửa phạt 1 số giáo sĩ đã không tuân thủ nhiệm vụ của mình. Ngài là gốc dòng Đaminh, nên rất có lòng kính mến Đức Mẹ Mân Côi. Ngài khuyến khích giáo dân năng lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, và gia nhập Hội Mân Côi. Khi chiến thắng Lepanto năm 1571, chính Đức Giáo Hoàng Pio V đã điều khiển Hội Thánh bằng truyền bá khắp nơi phải lần chuỗi Mân Côi kinh Đức Mẹ, xin cho quân sĩ công giáo được chiến thắng quân Hồi giáo. Sau khi chiến thắng rồi, để tạ ơn Đức Mẹ, Ngài đã cho thành lập lễ Đức Bà chiến thắng, và mừng lể vào ngày 7/10 hằng năm. Sau được đổi lại là lễ Rất Thánh Đức Mẹ Mân Côi.

Ngài qua đời ngày 1 tháng 5 năm 1572, tức là ngày đầu tháng 5 kính Đức Mẹ. Điều này chứng tỏ Đức Mẹ đã ưu ái cho Ngài được qua đời trong tháng hoa kính Đức Mẹ. Sau chiến thắng Lepanto, để tạ ơn Đức Mẹ, Ngài đã truyền cho thêm vào kinh cầu Đức Bà 1 tước hiệu mới: “Nữ Vương rất thánh Mân Côi” , để nhắc nhở cho giáo dân nhớ chiến thắng Lepanto là nhờ sự cầu nguyện bằng chuỗi hạt Mân Côi. Ngài được tôn phong hiển thánh do Đức Giáo Hoàng Clemente Xl, năm 1712.

Lời bàn : Trong số các Đức Giáo Hoàng có lòng kính mến Đức Mẹ. Phải kể Đức Giáo Hoàng Pio V là 1 vị Giáo Hoàng tuyệt vời trong việc truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ Mân Côi, bằng chuỗi hạt Mân Côi. Ngoài ra, cũng còn rất nhiều Đức Giáo Hoàng khác có lòng kính mến Đức Mẹ Mân Côi, không kém ĐGH Pio V, như các ĐGH Leo Xlll. ĐGH Joan XXlll và ĐGH Joan Phaolo 2. Các ĐGH cầm đầu Hội Thánh mà còn kính mến Đức Mẹ Mân Côi như thế, huống hồ chúng ta, là những giáo dân bình thường, phải noi gương các Ngài để năng lần chuỗi Mân Côi và gia nhập Hội Mân Côi kính Đức Mẹ.

 

66 : Chuỗi hạt Mân Côi với Đức Giáo Hoàng Leo Xlll

Có thể nói trong số các Đức Giáo Hoàng cai trị Hội Thánh từ đời Đức Thánh Giáo Hoàng Pio V cho đến nay, thì không còn vị Giáo Hoàng nào có lòng kính mến Đức Mẹ , và viết rất nhiều Tông Thư, Tống sắc, Thông điệp, có liên quan đến chuỗi hạt Mân côi, và khuyến khích cổ võ giáo dân năng lần chuỗi Mân Côi, cho bằng ĐGH Leo Xlll. Ngài sinh ngày 2-3-1810 tại Gioacchino Vicenzo Pecci, nước Ý. Lên ngôi Giáo Hoàng ngày 20-2-1878. Qua đời ngày 20-7-1903, hưởng thọ 93 tuổi. Suốt 25 năm cai trị Hội Thánh, Ngài đã đem vào Giáo Hôi không khí cởi mở, và tân tiến, làm cho các dân các nước phải nể vì, và trọng kính Ngôi vị Giáo Hoàng ở Vatican. ĐGH Leo Xlll đã dâng hiến cả đời Giáo Hoàng của mình, phục vụ cho Rất thánh Đức Mẹ Mân Côi. Ngài đã viết tất cả là 12 Tông thư, Tông sắc, Thông Đìệp, đề cao chuỗi hạt Mân Côi, và hằng khuyến khích giáo dân gia nhập Hội Mân Côi, và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày kính Đức Mẹ.

Trong các Tông Thư, Tông sắc ấy, có Tông Thư Supremi Apostolatus ngày 1/9/1883 đề cập đến chuỗi Mân Côi như sau: Mẹ được ca tụng với các tước phẩm cao trọng như: Mẹ Hằng cứu giúp, Mẹ yên ủi kẻ âu lo, nguồn an ủi của người đau khổ, Nữ Vương các đạo binh, Nữ Vương chiến thắng và Hoà Bình. Nhưng tước hiệu cao trọng hơn cả, vẫn là tước hiệu Nữ Vương Mân Côi. Cũng nên biết rằng sau 34 năm khi Thông Điệp được tuyên bố, thì Đức Mẹ hiện ra ngày 13/10/1917 tại Fatima, tuyên bố: Ta là Nữ Vương Mân Côi, để xác định Thông Điệp kể trên của ĐGH Leo Xlll. Ngoài ra, tổng kết các Thông Điệp, Tông Thư của DGH Leo Xlll. thì ta thấy có những ý nghĩa sâu sắc như sau:

- Kinh Mân Côi và Hội Mân Côi chính là do Hội Thánh, và là của Hội Thánh công nhận, và hằng khuyến khích giáo dân xử dụng kinh đó, như là kinh Thần Vụ của Hội Thánh.

- Trong các việc ta làm để dâng kính Đức Mẹ, thì không có việc làm nào mà Đức Mẹ ưa thích cho bằng Kinh Mân Côi.

- Ngài cũng đồng ý với thánh Louis Marie Grignion de Montfort rằng: chỉ có 2 việc quan trọng nhất đối với người công giáo là Thánh Thể và Chuỗi hạt Mân Côi. Do đó, nếu ta giữ được 2 điều này, thì chắc chắn chúng ta sẽ nên thánh

- Đã gọi là kinh Mân Côi, thì phải khẩu nguyện và tâm nguyện. Khẩu nguyện là đọc ra thành tiếng bên ngoài. Tâm nguyện là vừa đọc vừa suy ngắm các màu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng.

- Đã gọi là kinh Mân Côi thì phài lần hạt tối thiểu là 1 chuỗi nhỏ 50. Nếu lần hạt được 1 tràng kinh Mân Côi tức là 3 chuỗi 50 thì càng đẹp lòng Đức Mẹ.

- Mẹ luôn luôn ở sát với con cái Mẹ, khi sống cũng như khi chết, khi họ biết Mẹ yêu thích chuỗi hạt Mân Côi như thế nào.

- Mẹ sẽ ban cho họ tất cả những điều gì họ xin, miễn là những điều đó đẹp lòng Chúa và đẹp lòng Mẹ.

- Chúa đã trao tất cả quyền hành trên trời dưới đất cho Mẹ, thì Mẹ có thể xử dụng quyền hành đó, mà ban phát cho các con. Miễn là các con biết tôn kính Mẹ bằng chuỗi hạt Mân Côi.

Đấy là tất cả các ý nghĩa mà ĐGH Leo Xlll đã viết, và đã giảng giải về kinh Mân Côi. Do đó chúng ta hãy nghe Người, và hằng mộ mến chuỗi hạt Mân để làm đẹp lòng Đức Mẹ.

Lời bàn : Từ trước tới nay, có rất nhiều người công giáo, kể cả 1 số ít giáo sĩ, cũng coi thường kinh Mân Côi và Hội Mân Côi, là vì họ chưa hiểu được hết ý nghĩa và sự quan trọng của chuỗi hạt Mân Côi. Chúng ta đã thấy rất nhiều giáo xứ ở Mỹ này, cũng như các cộng đoàn VN ở các xứ đạo, đã không mấy khi giảng giải về kinh Mân Côi cho giáo dân. Không những thế, họ còn tỏ vẻ thờ ơ với kinh Mân Côi, và chuỗi hạt Mân Côi nữa. Nhất là đám thanh thiếu niên hiện nay, có khi họ còn không hiểu Mân Côi là gì, và chuỗi hạt Mân Côi ra sao. Do đó mà khi đề cập đến chuỗi hạt Mân Côi, thì họ tỏ ra khinh thường. Thật đáng tiếc ! Cũng chính là vì cha mẹ không biết dạy dỗ con cái, tập cho con cái có thói quen lần chuỗi Mân Côi, và mộ mến chuỗi Mân Côi, ngay từ khi còn thơ ấu. Có lần chúng tôi rất ngạc nhiên khi hỏi 1 ông cụ già: Bác có biết kinh Mân Côi là gì, và có bao giờ Bác lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, thì Bác trả lời: Tôi chưa bao giờ nghe nói đến Hội Mân Côi, mà chỉ nghe thấy nói Hội đền tạ Trái Tim Đức Mẹ, hoặc hội Legio Maria mà thôi. Chúng ta nên hiểu rằng: tất cả các hội đoàn mang danh là Hội của Đức Mẹ, mà không có điều lệ đọc kinh Mân Côi, thì không phải là hội đoàn của Đức Mẹ. Cái điều mà Đức Mẹ yêu thích nhất là kinh Mân Côi và chuỗi hạt Mân Côi mà không có, thì đâu có phải là hội đoàn của Đức Mẹ. Đấy cái tai hại của Ông Cụ già cho đến ngày nay mà chưa bao giờ nghe nói đến tràng hạt Mân Côi. Thật là đáng tiếc! Cũng vì tại các nhà thờ, người ta ít nói, hoặc ít tuyên truyền về chuỗi hạt Mân Côi.

 

67 : Chuỗi hạt Mân Côi với Đức Giáo Hoàng Joan Phaolo 2

“ Totus tuus ego sum et omnia mea tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi Cor tuum, Maria”. Khi tận hiến cho Đức Mẹ Maria, thánh Louis Marie Grignion de Montfort đã đọc câu này, có nghĩa là : “ Con trọn vẹn thuộc về Mẹ, và tất cả những gì của con là của Mẹ. Con đón nhận Mẹ vào tất cả những gì thuộc về con. Xin Mẹ trao Trái Tim Mẹ cho con, lạy Đức Maria”. Dựa vào câu kinh khi tận hiến của thánh Louis Marie Grignion de Montfort mà Đức Giáo Hoàng Joan Phaolo 2 đã lấy 2 chữ đầu của câu này để làm khấu hiệu cho đời Giáo Hoàng của mình : totus tuus. ( tất cả đời con thuộc về Mẹ). Phải nói trong Giáo Hội công giáo, ngoài 2 vị Giáo Hoàng nổi tiếng nhất về lòng sùng kính Đức Mẹ, là ĐGH Pio V, và ĐGH Leo Xlll, thì ĐGH Joan Phaolo 2, là 1 vị Giáo Hoàng cũng rất nổi tiếng về lòng sùng kính Đức Mẹ. Cho nên ta cũng có thể gọi Ngài là “Giáo Hoàng Mân Côi” của thời đại hiện nay. Ngài tên thật là Karol Wojtyla sinh ngày 18-5-1920 (tháng kính Đức Mẹ) .Mới lên 8 tuổi đã mồ côi mẹ. Cho nên Ngài đã nhận Đức Mẹ làm mẹ của mình.

Ngay từ khi còn nhỏ, lúc thiếu thời, Ngài đã có lòng kính mến Đức Mẹ đặc biệt, hằng ngày lần chuỗi Mân Côi. Cho đến nỗi Ngài đã sợ rằng kính mến Đức Mẹ quá như vậy, có phạm gì đến Chúa không. Nhưng khi Ngài đọc cuốn sách “Bí mật kinh Mân Côi”, và cuốn “Thành thực sùng kính Mẹ Maria” của thánh Louis Marie Grignion de Montfort, thì Ngài mới thấy rõ là : Ta chưa bao giờ kính mến Đức Mẹ cho đủ với điều Mẹ mong ước. Và ta càng kính mến Đức Mẹ bao nhiếu, thì ta càng kính mến Chúa bấy nhiêu. Do đó, Ngài đã dâng trót cả đời mình cho việc phục vụ Đức Mẹ, kể cả sau này khi lên ngôi Giáo Hoàng. Chính vì vậy mà ĐGH Joan Phaolo 2 đã lấy khẩu hiệu “Totus tuus”. Tài liệu lịch sử về ĐGH Joan Phaolo 2 thì rất nhiếu, không sao kể cho hết được trong 1 bài truyện tích ngắn ngủi này. Chúng tôi chỉ nêu bật sự mộ mến chuỗi Mân Côi của Ngài. Vì lòng kính mến Đức Mẹ, mà Ngài nhận thấy rằng : chỉ có chuỗi hạt Mân Côi làm đẹp lòng Đức Mẹ hơn cả. Khi hiện ra với nhiều vị thánh, Đức Mẹ đã nói: trong các kinh chúng con đọc kính Đức Mẹ, thì kinh Mân Côi là kinh làm đẹp lòng Mẹ nhất. Thánh Louis Marie Grignion de Montfort cũng nói như vậy: đối với người công giáo chúng ta, chỉ có 2 vấn đế quan trọng nhất, đó là thánh lễ Misa, và chuỗi hạt Mân Côi. Cho nên ĐGH luôn luôn sốt sắng lần chuỗi Mân Côi. Bất cứ đi đâu, làm việc gì, thì Ngài cũng thường lần chuỗi Mân Côi. Người ta luôn thấy Ngài tay cầm chuỗi Mân Côi khi đi bách bộ, ngồi trên xe, trên máy bay. Chuỗi hạt Mân Côi đã có 7,8 thể kỷ nay, không 1 vì Giáo Hoàng nào có ý thay đổi. Nhưng được Đức Mẹ soi sáng, Ngài dám làm 1 việc hết sức vĩ đại. Đó là Tông thư Rosarium Virginis Marioe nói về ý nghĩa kinh Mân Côi. Thêm vào tràng chuỗi Mân Côi 5 sự sáng. Nhất là Ngài đã lập ra 1 năm Mân Côi để khuyến khích giáo dân năng lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ. Đây là 1 việc làm hết sức khôn ngoan và có tình có lý. Nếu trước kia chỉ có 3 mùa Vui, Thương, Mừng, thì thiếu hẳn 1 thời kỳ Đức Chúa Jesu ra giảng đạo, và lập Bí Tích Thánh Thể. Như chúng ta đã biết Bí Tích Thánh Thể là 1 bí tích quan trọng nhất trong Hội Thánh công giáo. Cho nên ngày nay tràng chuỗi Mân Côi không còn là 150 kinh như trước đây, mà là 200 kinh kính mừng. Như vậy mới diễn tả được hết cuốn Tân Ước. Chính vì lòng kính mến Đức Mẹ qua chuỗi hạt Mân Côi, mà khi sống, Đức Mẹ đã phù hộ cho Ngài được sức mạnh cai trị Hội thánh suốt 24 năm trường. Và đến giờ lâm tử Ngài cũng được Đức Mẹ ưu ái rước Ngài về thiên đàng vào đúng ngày thứ 7 đầu tháng 2/4/2005.

Cũng xin nhớ rằng: ĐGH Joan Phaolo 2 đã bị ám sát hụt vào đúng ngày 13/5/78 cũng là ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất tại Fatima. Lễ an táng của ĐGH Joan Phaolo 2, được diễn ra trong khung cảnh hết sức cảm động và tiếc thương của gần 2 triệu người công giáo có mặt tại Công Trường thánh Phêro. Đó là tất cả vì lòng kính mến Đức Mẹ Mân Côi của Ngài, mà có được như vậy.

Tóm lại ĐGH Joan Phaolô 2 là vị Giáo Hoàng của Đức Mẹ. Chính Đức Mẹ đã chọn Ngài cách riêng. Cả thế giới đều biết Ngài, không bao giờ Ngài phát biểu lời nào, mà không nhắc tới Đức Trinh Nữ Maria. Không 1 tài liệu nào của thời đại Giáo Hoàng của Ngài, mà không kết thúc bằng lời nguyện cùng Đức Mẹ Maria, là Mẹ Thiên Chúa. Để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ, và để truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ cho mọi người, Ngài đã cho thành lập năm Mân Côi (có thể nói từ xưa đến nay chưa có bao giờ Hội thánh đã cho thành lập 1 năm Mân Côi như vậy). Năm Mân côi phát động từ ngày 16 tháng 10 năm 2002, cho đến tháng 10 năm 2003. Ngài tuyên bố: Tôi muốn rằng: kinh nguyện Mân Côi trong năm nay, phải được làm nổi bật trong cộng đồng Kito khắp thế giới. Sau khi Tông Thư được ban bố, cùng với ngày giờ ấn định cho năm Mân Côi, thì toàn dân công giáo nhiệt liệt hưởng ứng. Tại các nước Ý, Tây ban Nha, Pháp, Đức, 1 chiến dịch rầm rộ được tổ chức cho mọi người tham gia việc đọc kinh Mân Côi. Tại các giáo phận ở Ý, người ta vận động cho các trẻ em từ 5 tuổi trở lên đọc kinh Mân Côi cùng với cha mẹ và gia đình.

Lời bàn : Đã đành rằng Các Đức Giáo Hoàng lên cầm quyền Giáo Hội, thì vị nào cũng có lòng sùng kính Đức Mẹ. Nhưng cũng có vị nổi bật hơn, như ĐGH Pio V, ĐGH Leo Xlll, và ĐGH Joan Phaolo 2. Ngoài ra còn có tới 16 vị Giáo Hoàng khác cũng đặc biệt chú trọng đến kinh Mân Côi, và khuyến khích người ta gia nhập Hội Mân Côi và năng đọc kinh Mân Côi. Nói lên như vậy để chứng minh rằng Hội thánh đời nào cũng vậy, luôn luôn thúc giục con cái mình hãy mộ mến chuỗi Mân Côi và năng lần chuỗi Mân Côi. Chả bù lại với 1 số người cho kinh Mân Côi ngày nay là kinh tầm thường, chỉ dành cho mấy ông bà già đọc để dọn mình chết mà thôi.

 

68 : Chuỗi hạt Mân Côi với Đức Giáo Hoàng Pio Xll

Đức Giáo Hoàng Pio Xll là vi Giáo Hoàng rất thông minh, khôn ngoan trong thế kỷ 20 này. Ngài lên ngôi Giáo Hoàng thay thế cho Đức Giáo Hoàng Pio Xl ngay trong thời chiến tranh thứ 2 rất là tàn khốc, giữa quân Trục (Đức, Ý, Nhật) và quân Đồng minh (Pháp, Anh, Nga ). ĐGH Pio Xll sinh ngày 2-3-1876 tại Roma, nước Ý. Lên ngôi Giáo Hoàng từ năm 1939 cho đến năm 1958. Có thể nói cuộc đời Đức Giáo Hoàng Pio Xll gắn liền với biến cố Fatima . Ngài đã chịu rất nhiều đau khổ khi thấy con cái đang phải chịu bao nhiêu cảnh tang thương do chiến tranh thứ 2 gây ra. Nhất là khi thấy rất nhiều người Do Thái đang bị Đức quốc xã tàn sát tại rất nhiều nơi. Đức Giáo Hoàng đã đứng ra can thiệp cho những người Do Thái vô tội. Nhưng chẳng được kết qủa bao nhiêu. Không những thế, toà thánh Vatican lúc bấy giờ cũng còn bị đe doạ bởi tay độc tài Adolph Hitler, nếu không có thủ tướng Mussolini đồng minh với ông ta, đứng ra gián tiếp can thiệp. Hitler hỏi Mussolini: Ông giáo Hoàng có mấy sư đoàn ? Đó là 1 câu hỏi rất ngược ngạo. Thế mà sau này khi có án phong chân phước cho Đức Pio Xll, thì người Do thái lại làm đơn tố cáo là ĐGH Pio Xll không hề bệnh vực gì dân Do Thái cả. Ngài được phong chức Giám Mục đúng vào ngày 13/5/1917, ngày mà Đức Mẹ đã hiện ra lần đầu với 3 thánh trẻ tại Fatima.

Theo sự tiết lộ của chị Lucia. thì muốn cho nước Nga trở lại, thì ĐGH hợp cùng các Đức Giám Mục hoàn cầu, để dâng cả loài người và cách riêng nước Nga cho Đức Mẹ, thì Đức Mẹ sẽ cứu nước Nga. Do đó, mà ĐGH Pio Xll đã dâng cả loài người, và cách riêng nước Nga cho Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ, vào ngày 8-12-1942, cùng với 1 bản kinh do chính Ngài soạn thảo, mà ngày nay người công giáo vẫn hay đọc trong các nhà thờ, dịp lễ kính Trái Tim Đức Mẹ. Trong thời ĐGH Pio Xll, có những sự kiện hết sức quan trọng sau đây:

- ĐGH Pio Xll rất có lòng sùng kính Đức Mẹ, và năng lần chuỗi Mân Côi. Cho nên vào những dịp lễ trọng kính Đức Mẹ, thì Ngài thường mời gọi các thanh thiếu niên ớ Roma đến toà thánh Vatican, cùng ĐGH lần chuỗi Mân Côi, và cùng ĐGH cầu nguyện với Đức Mẹ Mân Côi, xin ban ơn hoà bình cho thế giới. Và chỉ vài năm sau đó, thì chiến tranh thứ 2 chấm dứt. Quân Trục thua, phải ký hoà ước với quân Đồng Minh. Hoà bình trở lại. Kiểm điểm lại, có cả 2 triệu quân dân đã chết dưới bom đạn của cả 2 bên.

- ĐGH Pio Xll đã tổ chức Đại Hội quốc tế về thông điệp Fatima ngày 13/10/1951, để truyền bá chương trình thực hiên 3 Mênh Lệnh Fatima, và tuyển chọn những Hiệp Sĩ can đảm dâng mình cho Trái Tim Đức Mẹ Fatima, để truyền bá 3 Mệnh Lệnh Fatima.

- ĐGH Pio Xll đã ban Thông Điệp “Benedicite Deum Coeli” ngày 31/10/1942, kêu gọi thế giới công giáo hãy thực hiện chương trình thực hiện 3 Mệnh lệnh Fatima ( trong đó có ML3 là đọc kinh Mân Côi)

- ĐGH Pio Xll đã tuyên bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời vào ngày 1-11-1950 theo Thông Điệp Munificentissimus Deus.

- Do đó để tưởng thưởng ĐGH về việc Ngài tuyên bố Tín Điều “Đức Mẹ hồn xác lên Trời”, và chương trình thực hiện 3 ML/Fatima, Đức Mẹ đã cho Ngài được xem thấy phép lạ mặt trời nhảy múa ngày 13/10/1917 tại Fatima, ngay tại Vườn hoa Vatican vào các ngày 30,31/10 và 1/11/1950.

Ngài đã qua đời vào đúng ngày 13/10/1958. Ngày mà Đức Mẹ hiện ra lần cuối cùng tại Fatima. Âu cũng là 1 sự trùng hợp rất có ý nghĩa !

Lời bàn : Thời thế chiến thứ 2, người ta đã nói rất nhiều đến ĐGH Pio Xll. Ngài rất có tài ngọai giao, đã từng là Sứ Thần Toà Thánh tại Đức Quốc, và nhièu nước khác ở Âu Châu. ĐGH Pio Xll rất thông minh và cũng rất nghiêm khắc. Nhưng Ngài lại có lòng kính mến Đức Mẹ. Bất cứ công viêc gì khó khăn của Giáo Hôi, Ngài đều chạy đến cùngĐức Mẹ và xin Mẹ phù trợ, thì đều được như ý cả. Chiến tranh thế giới thứ 2 sớm chấm dứt, là do lời cầu nguyện bằng chuỗi hạt Mân Côi của toàn thể những người công giáo Âu Châu lúc bấy giờ.

 

69 : Chuỗi hạt Mân Côi với Đức Giáo Hoàng Gioan XXlll

Đức Joan XXlll sinh ngày 25/11/1881, lên ngôi Giáo Hoàng từ 28/10/1958 cho đến ngày 3/6/1963. Triều đại của Ngài rất ngắn ngủi, nhưng Ngài đã làm những việc hết sức quan trọng. Đó là chuẩn bị cho công đồng Vatican ll . Trước ngày khai mạc công đồng Vatican ll. Ngài đả đến đền thờ Loretto để kính viếng Đức Mẹ và dâng công đồng cho Đức Me phù trì hộ giúp để được thành công mỹ mãn. Khai mạc công đồng vào đúng ngày 11/10/1962 dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (xin lưu ý: lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trước kia nhằm vào ngày 11/10 hằng năm, kỷ niệm công đồng Epheso năm 431 tuyên bố tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Sau mới đổi lại ngày 1/1 hằng năm để dâng ngày đầu năm cho Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa). Từ xưa tới nay chưa có 1 công đồng nào đưa ra 1 hiến chương chính thức về Đức Mẹ.. Chỉ có công đồng Vatican 2 thảo ra chương 8 đặc biệt đưa vào Hiến Chế Tín lý Giáo Hội, nói về Đức Maria.

Đức Giáo Hoàng Joan XXlll rất có lòng kính mến Đức Mẹ, và cũng năng lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Ngài có thói quen mỗi ngày lần đủ 150 kinh kính mừng (tức là 3 chuỗi 50). Ngay sau khi lên ngôi Giáo Hoàng ngày 28/10//1958, Ngài đã ra thông Điệp “Gracia Recordatio” ngày 26/9/1959 khuyến khích giáo dân năng lần chuỗi Mân Côi và gia nhập hội Mân Côi. Ngài còn nói: Kinh Mân Côi là hơi thở của mỗi tâm hồn. Cả đời ĐGH Joan XXlll gắn liền với Đức Mẹ 1 cách mật thiết, nhất là trong khi chầu Thánh Thể, bao giờ Ngài cũng lần chuỗi Mân Côi trước Thánh Thể. Trong cuốn Nhật Ký Ngài có viết 1 đoạn sau đây: “Tôi đã dốc lòng giữ mãi hằng ngày lần chuỗi Mân Côi 150. Phương pháp này giúp tôi trong mọi công việc chăn dắt và giảng dạy của 1 vị Giáo Hoàng, và là cha linh hồn của mọi người.”

Lời bàn : Đức Giáo Hoàng Joan XXlll là 1 vị cha già khả kính được mọi người tôn kính yêu mến. Cuộc sống của Ngài rất đơn sơ giản dị. Đặc biệt là Ngài có lòng kính mến Đức Mẹ và năng lần chuỗi Mân Côi. Chúng ta hãy noi gương Ngài. Làm Giáo Hoàng với trăm công nghìn việc mà vẫn dành thì giờ để đọc được 3 chuỗi Mân Côi mỗi ngày. Còn chúng ta thì có người tìm hết lý do này, lý do khác, để tránh né việc lần chuỗi Mân Côi.

 

70 : Chuỗi hạt Mân Côi với nhiều vị Giáo Hoàng khác

Sở dĩ chúng tôi lấy gương nhiều vị Giáo Hoàng để làm chứng cho việc cần thiết và sự quan trọng của chuỗi hạt Mân Côi. Là vì bản chất của chuỗi hạt Mân Côi đã là rất quan trọng rồi. Nhưng gần đây cũng có 1 thiểu số coi thường chuỗi hạt Mân Côi, coi đó là 1 kinh tầm thường, chỉ dành cho mấy ông bà già đọc mà thôi. Còn thanh niên thì phải làm những việc khác quan trọng hơn. Cho nên chúng ta cần phải biết giá trị của kinh Mân Côi do các Đức Giáo Hoàng, các thánh, các nhà khoa học, tôn kính yêu mến biết chừng nào. Ngoài các ĐGH như đã kể trên, thì còn rất nhiều vị Giáo Hoàng khác đã nói, đã viết, và hằng khuyến khích giáo dân năng lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ:

- ĐGH Alexandre Vll (1655-1667), nhà đại hùng biện đã quả quyết công nghiệp Thánh Dominico rao giảng chuỗi Mân Côi, có thể giữ vững được Hội Thánh.

- ĐGH Nicolao V (1447-1455), gọi chuỗi Mân Côi là cây trường sinh chữa kẻ chết sống lại, kẻ liệt khỏi bệnh.

- ĐGH Pio V (1556-1572) nói: nhờ Hội Mân Côi được phát triển khắp nơi, mà giáo dân trở nên thánh thiện, đánh tan các bè rối.

- ĐGH Leo X (1513-1521) khuyến khích thành lập các hội Mân Côi tại các địa phận và giáo xứ . Ngài gọi các Hội Mân Côi là chiến lũy ngăn cản sự dữ, là tường lũy ngăn cách xua đuổi ma vương ác quỷ

- ĐGH Julio lll ( 1550-1555) gọi kinh Mân Côi là cửa thiên đàng, là vinh quang của Giáo Hội.

- ĐGH Gregorio Xlll (1572-1585) nói: Kinh Mân Côi từ trời ban xuống cho nhân loại để ngăn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

- ĐGH Sixto lV (1471-1484) tuyên bố kinh Mân Côi tăng sức mạnh để mọi người tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, và tôn vinh Đức Mẹ Maria.

- ĐGH Pio lX ( 1846-1878) nói: Võ khí mạnh nhất ta cầm trong tay là chuỗi hạt Mân Côi.

- ĐGH Leo Xlll (1878- 1903) được mệnh danh là Giáo Hoàng Mân Côi đã nói: Không lời cầu nguyện nào giúp ta thêm lòng sùng kính Đức Mẹ cho bằng kinh Mân Côi. Ngài cũng khuyên giục giáo hữu hãy sốt sắng tích cực tham gia các Hội Mân Côi, để được nhiều ơn ích như Đức Mẹ đã hứa với thánh Dominico, thánh nữ Genevieve và thánh nữ Metilda.

- ĐGH Pio X (1903-1914) suốt đời lần chuỗi Mân Côi liên tiếp, và coi chuỗi Mân Côi là phương pháp tối hảo để chấn chỉnh mọi việc trong Giáo Hội.

- ĐGH Pio Xll (1939-1958) nói: Trong các kinh để tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ, thì chuỗi Mân Côi là cao quý nhất.

- ĐGH Phaolo Vl (1963-1978) đã ra Tông Thư “ Recurens Mensis” ngày 7/10/1969 kêu gọi mọi người hãy quay về với Đức Mẹ, cầu xin hoà bình bằng chuỗi hạt Mân Côi.

- ĐGH Joan XXlll (1958-1963) ban hành Thông Điệp “Gracia Recordatio” ngày 26/9/1959 khuyến khích giáo dân năng lần chuỗi Mân Côi, và gia nhập Hội Mân Côi. Ngài còn nói kinh Mân Côi là hơi thở của tâm hồn.

- ĐGH Joan Phaolo 2 (1978- 2005) là người con đặc sủng của Đức Mẹ Mân Côi. Ngài thường lần chuỗi Mân Côi trước mặt mọi người. Ngài đã ban hành Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, thêm 5 sự sáng vào chuỗi hạt Mân Côi. Ngài cũng là 1 vị Giáo Hoàng Mân Côi nổi bật trong các vị Giáo Hoàng có lòng sùng kính Đức Mẹ nhất.

Trên đây là những thí dụ điển hình của các Đức Giáo Hoàng có lòng sùng kính chuỗi hạt Mân Côi 1 cách đặc biệt. Các Ngài là những người cầm đầu Hội Thánh, có chức cao quyền trọng, mà còn kính mến chuỗi hạt Mân Côi như thế , thì tại sao nhiều người trong chúng ta lại ơ hờ lãnh đạm với kinh Mân Côi. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu vị thánh nổi tiếng ca ngợi chuỗi hạt Mân Côi như: thánh: Benado, Joan Kim Khẩu, Louis Marie Grignion de Montfort, Thomas Tiến sĩ....

Lời bàn : Có thể nói được rằng: hầu hết các thánh, ai cũng đếu có lòng kính mến Đức Mẹ bằng chuỗi hạt Mân Côi, kể cả các thánh tử đạo. Khi bị điệu ra pháp trường các ngài còn lần chuỗi Mân Côi cho đến khi đao phủ chém đứt đầu. Ôi, chuỗi hạt Mân Côi của Đức Mẹ cao quý thay! Tất cả , tất cả đều được ơn ích khi còn sống cũng như khi đã chết bằng chuỗi hạt Mân Côi. Phải thú thật: khi viết những bài này chúng tôi phải nghiên cứu, tìm tòi, trích dịch. Cho nên cảm thấy hiểu biết về chuỗi hạt Mân Côi hơn trước, và cũng tự cảm thấy mình mộ mến chuỗi Mân Côi hơn trước nữa. Cảm tạ Chúa và Đức Mẹ Mân Côi. Ước gì tất cả những ai đọc cuốn sách này, đều được hiểu biết sâu sắc về kinh Mân Côi và chuỗi hạt Mân Côi.