Những Triết Gia Thiên Chúa Giáo
Thế Kỷ Hai Mươi

Vần M, N, O, P

L.m. Giuse NGUYỄN HỮU TRIẾT

Trưởng Ban Văn Hoá

Tổng Giáo Phận TP. Hồ Chí Minh

Vần M

Macquarrie, John

Anh. s: 27-06-1919, Renfrew, Scotland. Ph.t: Triết gia-thần học gia từ phái Trưởng lão chuyển sang Anh quốc giáo phái (Presbyterian turned Anglican philosopher-theologian). Q.t: Chủ nghĩa hiện sinh. G.d: Đại học Glasgow. A.h: F.H.Bradley, Ian Henderson, R.Bultmann, M.Heidegger, P.Tillich, K.Rahner và John Knox ( học giả về Tân ước). N.c: Tuyên úy quân đội,1945-8; Mục sư Nhà thờ St Ninian, Brechin, 1948-53; Giảng sư, Đại học Glasgow, 195362; Giáo sư Thần học Hệ thống, Chủng viện Union, New York, 1962-70; Giáo sư Thần học & Giáo luật Nhà thờ Cơđốc, 1970-86.

Ấn phẩm chính bản:

(1955) An Existentialist Theology ( Thần học hiện sinh), London: SCM Press.

(1960) The Scope of Demythologising ( Phạm vi của công cuộc giải huyền thoại), London: SCM Press.

(1963) Twentieth Century Religious Thought ( Tư tưởng tôn giáo thế kỉ hai mươi), London: SCM Press.

Studies in Christian Existentialism ( Những nghiên cứu về chủ nghĩa hiện sinh Cơđốc giáo), London: SCM Press.

Principles of Christian Theology ( Những nguyên lí của thần học Cơđốc giáo), London: SCM Press.

God- Talk ( Lời Chúa), London: SCM Press.

(1967) God and Secularity ( Chúa và tính thế tục), London: Lutterworth Press.

(1970) Three Issues in Ethics ( Ba vấn đề trong đạo đức học), London: SCM Press.

(1972) Existentialism ( Chủ nghĩa hiện sinh), London: Hutchinson.

(1975) Thinking About God ( Nghĩ về Chúa), London: SCM Press. London: SCM Press.

(1982) In Search of Humanity ( Đi tìm nhân tính), London: SCM Press.

(1984) In Search of Deity: An Essay in Dialectical Theism ( Đi tìm thần tính: Khảo luận về chủ nghĩa hữu thần biện chứng), London: SCM Press.

(1986) Jesus Christ in Modern Thought ( Jesus Christ trong tư tưởng hiện đại), London: SCM Press.

Văn bản nhị đẳng:

Kee, A. and Long, E.T. (xuất bản, 1986) Being and Truth: Essays in Honour of John Macquarrie ( Hữu thể và chân lí: Các tiểu luận để tôn vinh John Macquarrie), London: SCM Press.

Trong khi một vài nhà thần học sớm đạt đến một lập trường dễ nhận ra là của họ mà họ tiến hành khởi thảo và bảo vệ trong suốt phần đời còn lại, thì sự tiến bộ trí thức của Macquarrie lại đi theo kinh nghiệm tôn giáo không ngừng phát triển của ông và kinh nghiệm này lại ở một mức độ khác thường. Những lần suy nghĩ lại không dẫn ông đến chỗ bác bỏ những quan điểm trước đó cho bằng cân đối chúng với những nhận định về sau. Trong hồi kí tự bạch, được đặt đầu đề một cách có ý nghĩa Pilgrimage in Theology (Hành hương trong thần học), ông tính sổ lại hành trình trí thức của mình, từ việc kết ước với tuyệt đối thể siêu lí ( suprarational absolute) của Bradley qua ý nghĩa các hành vi toàn năng của Chúa nơi Bultmann và tầm quan trọng của hữu thể học nơi Heidegger, để đến một lập trường Cơđốc giáo chính thống hơn, trong đó những ảnh hưởng chủ đạo là Knox và Rahner, và choáng váng với các khuynh hướng giản qui của cái gọi là thần học thế tục ( secular theology) trong thập niên 1960s, mà quyển God and Secularity (1967) của ông quyết liệt bác bỏ. Mối quan tâm ngày càng tăng của ông đối với những chủ đề trọng tâm của niềm tin Cơđốc theo sau việc ông rời bỏ giáo phái Trưởng lão mà ông nhận định là quá chấp vào ngôn từ để chuyển sang Anh quốc giáo phái có tính phóng khoáng, cộng đồng hơn với quan niệm “ thần tồn vật nội luận” (panentheism) được diễn đạt qua ngôn từ nhập thể (incarnational terms). Những nghiên cứu của ông nhằm truy tìm nhân tính và thần tính càng thúc đẩy ông đánh giá tích cực hơn thần học tự nhiên và dẫn ông đến môn Cơđốc học ( Christology) với tác phẩm Jesus Christ in Modern Thought (1990).

Macquarrie đã tích cực giới thiệu Bultmann và Heidegger với độc giả người Anh và năng lực làm chủ những lượng kiến thức khổng lồ rồi trình bày những điều tâm đắc của mình một cách sáng sủa và hay đẹp đã tỏ ra mang lại hiệu ứng tốt trong bộ Twentieth Century Religious Thought (1963) cũng như trong nhiều đóng góp của ông vào các bộ từ điển. Với đôi chân đứng vững nơi hai miền đất triết học và thần học ông đã được trang bị một cách lí tưởng cho vai trò “ người ở biên cương” (frontiersman), như được minh hoạ bởi quyển God-Talk (1967) trong đó ông đáp ứng thách thức ngôn ngữ học. Quan tâm thực tiễn của ông nổi lên trong Three Issues in Ethics (1970). Ông cũng viết về những đề tài có tính học thuyết chặt chẽ hơn và những đề tài có khuynh hướng đại đồng, hoà hợp các giáo phái khác nhau của đạo Cơđốc.

Macquarrie đã không xét lại nhiều lắm quan niệm của mình từ hồi còn là sinh viên khi cho rằng Calvin và Barth là “đặc biệt khó tha thứ”. Những ai nhận ra điều này như một khuyết điểm đáng phàn nàn đã bị ngăn ngừa để không dành cho ông lời khen thuần chất, không pha trộn. Sự ngần ngại của họ không phải là không liên quan đến lời than phiền tổng quát hơn cho rằng định nghĩa của Macquarrie về thần học như là “phản tư về một niềm tin tôn giáo” là không thích hợp, vì định nghĩa đó đã lầm lẫn đem kinh nghiệm tôn giáo làm chủ đề chính của thần học. Tuy nhiên, quả là bất khả cũng như sẽ là quá liều lĩnh để tiên đoán điểm đến trí thức cuối cùng của một nhà thần học mà cuộc đời và tác phẩm đã là chứng nhân một cách rõ ràng cho niềm kiên tín của ông rằng bản ngã nhân loại luôn phát triển.

Nguồn : WW; Kee & Long (1986); Sell.

ALAN SELL

Marcel, Gabriel

Pháp. s: 1889, Paris. m:1973, Paris. Ph.t: Tân chủ Socrate ( Neo-Socratic) và hiện sinh hữu thần (theistic existentialist), kịch tác gia và nhạc sĩ. Q.t: Hiện tượng học về tồn sinh con người, thực tại siêu hình, đạo đức học. G.d: Đại học Sorbonne, Tiến sĩ Triết học. A.h: Karl Jaspers và Công giáo La mã. N.c: 1912-40, dạy tại nhiều trường Trung học ở Vendôme, Paris và Sens; làm việc cho Hội Chữ Thập Đỏ trong Đệ nhị Thế chiến; 1929, cải đạo sang Công giáo La mã; thực hiện nhiều cuộc du giảng ( lecture tours) tại Hoa kỳ.

Ấn phẩm chính bản:

(1927) Journal métaphysique ( Nhật kí siêu hình-1913-23), Paris: Gallimard.

(1935) Être et Avoir ( Hiện hữu và Chiếm hữu), Paris: Aubier.

(1945) Homo Viator: Prolégomènes à une métaphysique de l’espérance ( Người lữ hành : Dẫn luận vào một siêu hình học của hy vọng), Paris: Aubier.

(1945) La Métaphysique de Royce ( Siêu hình học của Royce), Paris: Aubier.

(1949-50), Le Mystère de L’être ( Huyền nhiệm của hữu thể)

(1955) The Decline of Wisdom ( Sự suy tàn của Minh trí), New York: Philosophical Library.

(1963) The Existential Background of Human Dignity ( Bối cảnh hiện sinh của phẩm giá con người), Cambridge: Mass: Harvard Univ. Press.

(1991) Les Hommes contre l’humain ( Những người chống lại nhân tính), Éditions universitaires.

Văn bản nhị đẳng:

Gilson, Étienne ( 1947) Existentialisme chrétien: Gabriel Marcel ( Chủ nghĩa hiện sinh Cơ đốc giáo: Gabriel Marcel), Paris: Plon.

Hammond, Julien (1992) Marcel’s Philosophy of Human Nature ( Triết học nhân tính của Marcel), Dialogues 35,1: 1-5.

Schilpp, Paul A. (1994) The Philosophy of Gabriel Marcel, La Salle: Open Court.

Troisfontaines, Roger (1953) De l’Existence à l’Être ( Từ Hiện hữu đến Hữu thể), Paris. 

Triết học Marcel có tính suy lí và phi hệ thống: sự biểu thị của một thăm dò phản tư hơn là ghi chép lại những kết luận đã đạt được. Ý hướng của ông là khải lộ một thực tại siêu hình và khởi điểm của ông là tình cảnh con người, kinh nghiệm sống-tại-thế ( être-dans-lemonde / being-in-the-world). Dòng suối chính của tư tưởng ông là lập trường cho rằng con người, xét cho cùng, là một kẻ tham thông vào, hơn là một khán giả của thực tại và sự sống của thế giới; một tại thể không thể bị thâu tóm để trở thành một đối tượng của tư tưởng.

Marcel tự mô tả như là một người theo Socrate ( a Socratic) và người đặt vấn đề hơn là một nhà hiện sinh. Ông bác bỏ chủ nghĩa duy tâm bởi vì cái cách theo đó nó đánh giá quá cao phần của xây dựng trong tri giác và ông cũng kị những thứ triết học ưa phô diễn những thuật ngữ đặc biệt hay giả định rằng lí trí có thể hoàn toàn lãnh hội thực tại. Thực tại, ông viết, là không thể tổng kết. Kinh nghiệm trực tiếp, riêng tư là hòn đá thử vàng cho mọi nghiên cứu của ông, và về điểm này ông giống với các nhà tư tưởng công khai tự nhận là hiện sinh mặc dầu ông nhấn mạnh siêu viêt tính riêng tư ( personal transcendence) và những mối quan hệ giữa con người hơn là tự do và tự trị vốn được gắn liền, theo truyền thống , với chủ nghĩa hiện sinh. Ông phát triển một hiện tượng học riêng của mình , không dính dáng gì với Husserl cả.

Marcel phân biệt hai loại ý thức, “phản tư nhất đẳng “ và “phản tư nhị đẳng “. Trong phản tư nhất đẳng một người có thể, về phương diện tinh thần, đứng đàng sau một mối quan hệ bạn bè trực tiếp , để mô tả và khách thể hoá nó. Điều này, theo Marcel, là nhằm tự cách ly mình khỏi mối quan hệ và để xử lí nó như một vấn đề cần được giải thích. Trong phản tư thứ nhì tính trực tiếp của mối quan hệ được phục hồi nhưng còn thêm vào một ý thức tham thông vào Hữu thể ( an awareness of participation in Being): việc nhận ra rằng chúng ta ở trong lòng một huyền nhiệm; rằng nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta không phải là tự cách ly và khách thể hoá tình cảnh này và sự Chiếm hữu đó, rằng cảm thức sở hữu thân xác chúng ta, tài năng chúng ta…phải được biến đổi thành Hiện hữu.

Trên cơ sở của sự phân tích này Marcel thực hiện cuộc thám cứu vào một loạt những khái niệm, kể cả các khái niệm nhập thể, lòng trung thành, hy vọng, niềm tin, tình yêu và sự “sẵn lòng” ( la disponibilité/availability). Khi sẵn lòng, người ta dễ cảm ứng với người khác, người ta “có con mắt trông thấy sáu cõi, tấm lòng thấu suốt nghìn đời” và, thông qua tính liên chủ thể đó ( intersubjectivity) khẳng định một tham thông hỗ tương vào Hiện hữu ( a mutual participation in Being).

Một tóm tắt quá sơ lược như thế này về những ý tưởng của Marcel chẳng cho ta thấy được gì mấy sự uyên thâm triết lí trong tư tưởng của ông, một tư tưởng được biểu thị qua những công trình nghiên cứu hiện tượng học chi tiết và sinh động hơn là bằng sự trình bày theo thứ tự các chứng lí. Phần kịch bản và các bài viết khác của ông bổ túc dồi dào cho những chủ đề chính của triết học.

DIANÉ COLLINSON

Maréchal, Joseph

Bỉ. s: 01-07-1878, Charleroi, Pháp. m: 11-12-1944, Louvain. Ph.t: Triết gia kinh viện. Q.t:

Siêu hình học, nhận thức luận. G.d: Đại học Louvain. A.h: Pierre Rousselot, Thánh Thomas Aquinas và Kant. N.c: 1919-35, Giáo sư Lịch sử Triết học, Học viện Jesuit, Đại học Louvain.

Ấn phẩm chính bản:

(1922-6) Le Point de départ de la métaphysique ( Khởi điểm của Siêu hình học):

Cahier I, De l’antiquité à la fin du Moyen Age ( Tập I: Từ Thượng cổ đến Trung cổ), Brussels: L’Édition Universelle; Paris: Desclée, 1944.

Cahier II, Le Conflit du rationalisme et de l’empiricisme dans la philosophie moderne avant Kant ( Tập II: Cuộc xung đột giữa chủ nghĩa duy lí và chủ nghĩa duy nghiệm trong triết học hiện đại trước Kant), Brussels: L’Édition Universelle; Paris: Desclée, 1944.

(1923) Cahier III, La Critique de Kant ( Tập III: Phê phán Kant), Brussels: L’Édition Universelle; Paris: Alcan, 1944.

(1926) Cahier V, Le Thomisme devant la philosophie critique (Tập V; Chủ nghĩa Thomas đứng trước triết học phê phán), Louvain: Museum Lessianum; Paris: Alcan.

(1947) Cahier IV, Par delà le Kantisme ( Tập IV: Bên kia chủ nghĩa Kant), Brussels: L’Édition Universelle; Paris: Desclée.

(1950) Mélanges Joseph Maréchal ( Tạp bút Joseph Maréchal), Brussels: L’Édition Universelle. 

Văn bản nhị đẳng:

Javier, Benjamin P. (1965) Joseph Maréchal’s Metaphysics of Intellectual Dynamism (Siêu hình học năng động trí thức của Joseph Maréchal), The Modern Schoolman 42: 375-98.

John, Helen James (1966) The Thomist Spectrum ( Quang phổ chủ nghĩa Thomas), New York: Fordham Univ. Press.

Milet, Albert (1940-5) Les Cahiers du Père Maréchal. Sources doctrinales et influences subies ( Những tập bút kí của Cha Maréchal. Cỗi nguồn học thuyết và ảnh hưởng), Revue Néoscholastique de Philosophie 43: 225-51.

Van Riet, Georges (1963) Thomistic Epistemology ( Tri thức luận theo truyền thống Thomas), St Louis & London: Herder.

Maréchal là người trình bày buổi đầu của cái về sau được gọi là “ chủ nghĩa Thomas siêu nghiệm” (transcendental Thomism) : một hình thức của triết học tân kinh viện sinh ra từ sự dấn thân, chạm trán và tổng hợp một phần với triết học phê phán của Kant. Tại trung tâm của tri thức luận Maréchal là quan niệm của ông về trí tuệ như là chủ động và năng động, theo nghĩa rằng trí tuệ luôn có khuynh hướng hiếu động nhắm đến hữu thể. Tính năng động này, ông biện luận, là một trong những điều kiện tiên thiên cho khả tính của các nội dung khách quan của ý thức. Khách quan tính của đối vật hiện tượng, nội tại trong ý thức, chỉ khả hữu với giả định là ý thức có ý hướng và rằng hữu thể thực sự hiện diện như một cứu cánh mà trí tuệ hướng đến. Do vậy chúng ta thực sự có một kiến thức trực tiếp về các vật tự thân. Như thế, ngay cả nếu như chúng ta bắt đầu tại chính khởi điểm của Kant, chúng ta vẫn có thể, về phương diện phương pháp luận và về phương diện triết học, đi xa hơn ông để tiến đến một siêu hình học được trình bày hoàn bị nhất nơi thánh Thomas, bởi vì , đối với ngài, cái thực hữu một cách khách quan là dữ liệu nguyên thuỷ và các nội dung tinh thần được giải thích tuỳ theo đó ( The objectively real is the primitive datum and mental contents are explained in terms of it). Năm tập trong công trình lớn của Maréchal tạo thành một bộ sử đồ sộ về vấn đề tri thức, và tập năm cho ta thấy sự phê phán của ông, từ viễn tượng Thomas, đối với học thuyết phê phán của Kant. Tập sáu, nhằm mục đích trình bày tri thức luận của chính ông, tiếc thay lại phải dở dang. Maréchal không nhận được sự hoan nghênh rộng rãi từ những học giả Thomist đương thời, nhưng tiếng tăm của ông vẫn tăng dần cho đến hiện nay ông được coi như một trong những nhà tư tưởng Thomist hàng đầu của thế kỉ.

Nguồn: DFN; EF. HUGH BREDIN


Marias Aguilera, Julian

Tây ban Nha. s: 1914, Valladolid, Tây ban Nha. Ph.t: Nhà hoạt lực luận duy lí Công giáo. Q.t:

Siêu hình học, lịch sử khoa học. G.d: Học Triết ở Đại học Madrid với Gaos, Zubiri và Ortega.

A.h: Gaos, Zubiri và Ortega. N.c: Cùng với Ortega, là Đồng Sáng lập Instituto de

Humanidades (1948); nhiều nhiệm chức hàn lâm ở Tây ban Nha và Hoa kỳ, nhất là ở Wellesley College (1951-2), Harvard (1952), UCLA (1955) và Yale (1956); thành viên nhiều tổ chức triết học ở Tây ban Nha, Hoa kỳ và châu Mỹ Latinh.

Ấn phẩm chính bản:

Hầu như tất cả các tác phẩm sau đây đều ở trong bộ Obras ( Toàn tập) gồm 8 quyển, Madrid: Revista de Occidente, 1958.

(1941) Historia de la filosofia ( Lịch sử triết học).

Miguel de Unamuno.

S.Anselmo y el insensate ( Thánh Anselme và kẻ loạn trí).

(1947) Introducción a la filosofia ( Nhập môn triết học).

(1949) El método historico de las generaciones ( Phương pháp sử học của các thế hệ).

(1954) Idea de la metafisica ( Ý tưởng siêu hình học).

(1954) Biografia de la filosofia ( Thư mục triết học).

Ensayos de teoria ( Các tiểu luận lí thuyết).

La estructura social: teoria y método ( Cơ cấu xã hội: lí thuyết và phương pháp).  (1960) Ortega I: Circunstancia y vocación ( Ortega I: Cảnh ngộ và thiên tư).

(1967) Nuevos ensayos de filosofia ( Các tiểu luận mới về triết học).

(1970) Antropologia metafisica ( Nhân loại học siêu hình).

Văn bản nhị đẳng:

Carpintero, Helio (1968) Cinco aventuras españolas ( Năm cuộc phiêu lưu Tây ban Nha), Madrid: Revista de Occidente.

Donoso, A. (1982) Julian Marias, Bonton: Twayne.

López-Morillas, J.(1961) Intelectuales y espirituales ( Trí thức và tâm linh), Madrid: Revista de Occidente.

Mặc dầu phát triển và mở rộng những ý tưởng của sư phụ mình song hướng chính trong tư tưởng Marias đã được vạch ra bởi hoạt lực luận duy lí (ratio-vitalism) của Ortega. Marias toan tính hoà trộn học thuyết của thầy mình với tư tưởng Công giáo và gia vị vào đó một nhân loại học triết lí khá tỉ mỉ. Theo hoạt lực luận duy lí thì thực tại nền tảng không phải là vật chất cũng chẳng phải tinh thần mà là sự sống, và sự chấp nhận của Marias đối với luận điểm này đã điểm sắc hầu hết tư tưởng ông, nhất là những cách nhìn của ông liên quan đến bản chất của triết học nói chung ( và cả lịch sử của nó) và siêu hình học nói riêng.

Đời sống là một nhiệm vụ không phải là một dữ kiện: tôi phải làm điều gì đó với những cảnh ngộ và năng lực của tôi để mưu sinh thoát hiểm. Tôi phải tự định hướng trong tương quan với thực tại và chức năng của triết học là cung cấp sự định hướng đó với sự xem xét thấu đáo cái gì là nền tảng. Và như thế, mọi triết học xứng với tên gọi này thì đều đích thực vì là một đáp ứng trực tiếp đối với thân phận chúng ta. Cốt lõi của triết học là siêu hình học, cuộc thám cứu thực tại tối hậu. Marias nhấn mạnh rằng hiện hữu là một cách kiến giải thực tại chứ không phải sự kiện tối hậu. Niềm tin vào hiện hữu là một niềm tin tiền lí thuyết nhưng không vì thế mà không là một niềm tin. Hữu thể học, môn học nghiên cứu về hiện hữu, vì vậy , là cái gì cần được xét đến bởi siêu hình học. Xa hơn nữa, hoạt lực luận thông báo thái độ của Marias đối với lôgích học Aristote, cũng thường được cho là một yếu tố không thể thiếu của triết học. Đối với nhà hoạt lực luận thì kiểu lôgích đó, với tiêu điểm hướng vào những yếu tính bất biến, đã dịch chuyển đời sống cá nhân khỏi vị trí đúng là của nó để đưa vào tiêu điểm của quan tâm triết học. Đối với Marias, thực tại chẳng dính dáng đến những đồng nhất tính chặt chẽ, cũng chẳng dính dáng với những bất liên tục triệt để, và bất kỳ lôgích nào nhìn những chân lí phân tích như là tiêu chuẩn của tri thức sẽ không đem lại công bằng cho tính uyển chuyển và dòng chảy của nó. Quan điểm này làm nổi bật trước tác của Marias về lịch sử triết học Tây phương.

Một trong những lãnh vực độc sáng của tư tưởng Marias liên quan đến điều ông gọi là “cơ cấu thường nghiệm của đời sống con người” ( la estructura empirica de la vida humana). Bằng cụm từ này ông có ý chỉ một tập hợp các yếu tố của đời sống ở khoảng giữa những đặc tính theo định nghĩa của nó và những yếu tố đặc thù cho những cuộc đời cá nhân. Ông đưa hình thái của cơ thể con người vào tập hợp này cùng với dục tính và ngôn ngữ của nó, khả năng cười, tiết điệu của những lần sinh nở, khoảng thời gian để ngủ, các hình thức định cư của chúng ta. Những yếu tố này của thân phận chúng ta ông nhìn như là những yếu tố thủ đắc và khả biến (acquired and mutable) mặc dầu tồn tại lâu dài và do đó, tương đối cố định. Những điều này Marias nhìn như là lãnh vực quan tâm hoàn toàn dành riêng cho triết gia, và một lần nữa, điều này phát xuất từ những tiền giả định hoạt lực luận của ông: để sống xứng đáng, tôi phải hiểu các cảnh ngộ của tôi và nơi nào mà những yếu tố trong các cảnh ngộ của tôi có tầm quan trọng như những yếu tố này thì không một triết gia nào có quyền bỏ lơ.

ROBERT WILKINSON

Marion, Jean-Luc

Pháp. s: 1946. Ph.t: Nhà hiện tượng học, nhà thần học hậu hiện đại. Q.t: Descartes, siêu hình học, hiện tượng luận, đặc biệt là hiện tượng luận về thần khải ( phenomenology of divine revelation), lịch sử triết học. G.d: École Normale Supérieure, Paris, 1967-70. A.h: Descartes, Nietzsche, Husserl, Heidegger, Levinas và Derrida. N.c: Giáo sư Triết học, Đại học Poitiers và Đại học Paris X.

Ấn phẩm chính bản:

(1975) Sur l’ontologie grise de Descartes ( Về hữu thể học màu xám của Descartes), Paris: Vrin.

(1977) L’Idole et la distance ( Thần tượng và khoảng cách), Paris: Grasset. 

Sur la théologie blanche de Descartes: Analogie, création des vérités et fondement ( Về thần học màu trắng của Descartes: Loại suy, sáng tạo những chân lí và nền tảng), Paris: PUF.

Dieu sans l’être: Hors texte ( Thượng đế không hữu thể: Tháp đồ), Paris: Arthème Fayard.

(1986) The essential incoherence of Descartes’ definition of divinity ( Sự thiếu nhất quán cốt yếu trong định nghĩa của Descartes về thần tính), đăng trong Essays on Descartes’ Meditations ( Các tiểu luận về bộ Những suy niệm của Descartes),Rorthy, A. xuất bản, Berkeley: University of California Press.

(1986) Sur la prisme* métaphysique de Descartes ( Về lăng kính siêu hình của Descartes), Paris: PUF.

Reduction et donation. Recherches sur Husserl, Heidegger et la phénoménologie

(Giản qui và ban tặng: Nghiên cứu về Husserl, Heidegger và hiện tưong học),Paris: PUF.

La Croisée du visible ( Giao lộ của hữu hình), Paris: La Différence.

(1991) Questions cartésiennes ( Những vấn đề về Descartes), Paris: PUF.

* Trong tiếng Pháp, từ prisme thuộc giống đực (le prisme), chứ không hề có la prisme.Không hiểu tác giả có ẩn ý gì khi “chuyển đổi giới tính” cho từ này ( Chú thích của Người dịch).

Văn bản nhị đẳng:

Ashworth, E.J. (1981) Review of Sur la prisme métaphysique de Descartes ( Đọc lại Về lăng kính siêu hình của Descartes) đăng trong Studia Cartesiana 2:: 219-24, Amsterdam.

Cottingham, J. (1985) Review of Sur la prisme métaphysique de Descartes ( Đọc lại Về lăng kính siêu hình của Descartes) đăng trong Times Highher Education Supplement, 19 November 1985.

Derrida, J. (1987) Comment ne pas parler ( Làm thế nào mà không nói) đăng trong Psyché, Paris: Gallimard.

Greisch, J.( 1001) L’Herméneutique dans la phénoménologie comme telle ( Tường chú học trong hiện tượng học như là thế), Revue de Métaphysique et de Morale, 96,1, À propos de Réduction et donation de Jean-Luc Marion, Paris: Armand Colin.

Henry, M.( 1991) Quatre principes de la phénoménologie ( Bốn nguyên lí của hiện tượng học), Revue de Métaphysique et de Morale, 96,1, À propos de Réduction et donation de Jean-Luc Marion, Paris: Armand Colin.

Larmore, C. Review of Sur la prisme métaphysique de Descartes ( Đọc lại Về lăng kính siêu hình của Descartes), Journal of Philosophy 81,3: 156-62.

Laruelle, F. (1991) L’Appel et le phénomène ( Lời kêu gọi và hiện tượng), Revue de Métaphysique et de Morale, 96,1, À propos de Réduction et donation de Jean-Luc Marion, Paris: Armand Colin.

Tracy, D. (1991) Preface and introduction to God without Being:Hors Texte ( Lời nói đầu và dẫn luận cho quyển Thượng đế không hữu thể: Tháp đồ).

Jean Luc Marion đi vào hai lãnh vực nghiên cứu chuyên sâu, đó là việc kiến giải Descartes qua ánh sáng của triết học hậu cấu trúc và triết học hiện tượng luận và việc khởi thảo một thần học hậu hiện đại. Hai lãnh vực nghiên cứu này được thực hiện cùng nhau thông qua sự phê phán những định nghĩa siêu hình của Descartes về Thượng đế từ quan điểm một thần học căn cứ vào mặc khải thiêng liêng (hay thần khải, divine revelation). Đối với Marion, thần khải là cơ sở duy nhất khả hữu cho một thần học trong thế giới hậu hiện đại. Lí tính chỉ có thể cung cấp cho chúng ta một Thựong đế như “thần tượng” (idol) chứ không phải một Thượng đế như “biểu tượng” (icon). Triết học và thần học do vậy, nên xa rời siêu hình học và hướng đến những kinh nghiệm hiện tượng học như lòng bác ái. Jean-Luc Marion có tầm quan trọng trong trước tác hậu cấu trúc và hiện tượng học đương thời về thần học và về cái thiêng liêng, đặc biệt là nơi nào mà trước tác của ông giao thoa với trước tác của Derrida và Levinas. 

Nguồn: Thư mục của Bibliothèque Nationale, Paris và National Library of Scotland.

JAMES WILLIAMS

Maritain, Jacques

Pháp. s: 18-11-1882, Paris. m: 28-04-1973, Toulouse. Ph.t: Triết gia phái Thánh Thomas. Q.t: Mọi lãnh vực của triết học. G.d: Đại học Sorbonne, Collège de France và Đại học Heidelberg. A.h: Bergson, Thánh Thomas d’Aquin, Charles Péguy và Léon Bloy. N.c:1914-40, Chủng viện Công giáo, Paris; 1948-60, Đại học Princeton, Hoa kỳ.

Ấn phẩm chính bản:

(1920) Art et Scolastique ( Nghệ thuật và Kinh viện), Paris: Librairie de L’Art Catholique.

(1932) Distinguer pour unir ou les degrés du savoir ( Phân biệt để hợp nhất hay là những cấp độ của tri thức), Paris: Desclée de Brouwer.

(1934) Sept leçons sur l’être et les premiers principes de la raison speculative ( Bảy bài học về hữu thể và những nguyên lí đầu tiên của lí tính tư biện), Paris: Pierre Téqui.

(1942) Les Droits de l’homme et la loi naturelle ( Nhân quyền và qui luật tự nhiên), New York: Éditions de la Maison Française; Paris: Paul Hartman,1947.

(1947) La Personne et le bien commun ( Nhân vị và điều thiện chung), Paris: Desclée de Brouwer.

(1953) Creative Intuition in Art and Poetry ( Trực quan sáng tạo trong Nghệ thuật và Thi ca), New York: Pantheon Books; London: Harvill Press, 1954.

Văn bản nhị đẳng: 

(1972) The New Scolastism 46: 118-28 ( Kinh viện mới).

Allard, Jean Louis (1985) Jacques Maritain, Ottawa: University of Ottawa Press.

Hudson, Deal W. and Mancini, Matthew J. (1987) Understanding Maritain ( Hiểu Maritain)Macon: Ga.: Mercier Univ. Press.

Knasas, John F.X.(1988) Jacques Maritain: The Man and his Metaphysics ( J. Maritain: Con người và Siêu hình học )

Redpath, Peter A.(1992) From Twilight to Dawn : The Cultural Vision of Jacques Maritain ( Từ Hoàng hôn đến Bình minh: Tầm nhìn văn hoá của Jacques Maritain), University of Notre Dame Press.

Rover, Thomas Dominic (1965) The Poetics of Maritain(Thi pháp của Jacques Maritain)   Washington,DC: The Thomist Press.

Jacques Maritain là một trong những triết gia phái Thomas có ý nghĩa nhất và có ảnh hưởng lớn nhất trong tiền bán thế kỉ hai mươi. Có thể coi ông là triết gia Thomist bảo thủ và chính thống, giống với Garrigou-Lagrange hơn là với những triết gia Thomist siêu nghiệm triệt để hơn như Maréchal và Lonergan.Tuy nhiên, tính tinh tế và trực quan triết học của ông đưa ông lên cao hơn rất xa so với những người đương thời khá là tẻ nhạt kia, và thiên tài của ông được hậu thuẫn hơn là bị đè nén hay biến dạng bởi cái khung tư tưởng Thomist.

Tri thức luận của Maritain và siêu hình học của ông có thể được đề cập chung một cách thuận lợi. Hành vi tri thức, ông nêu lên, bắt đầu nơi sự gặp gỡ giữa trí tuệ với các thực tại khả giác.Tuy nhiên, những thực tại này được khảo sát bởi trí tuệ theo một trong hai cách.

Theo một cách, trí tuệ tập trung vào những hiện tượng quan sát được và đo lường được; và hữu thể như là hữu thể, mặc dầu là nền tảng siêu hình của mọi hiện tượng, bị phớt lờ đi. Đây là hiện tượng được chọn lựa bởi các khoa học thực nghiệm. Theo một cách khác, mà Maritain gọi là con đường của lương thức thông thường( the way of common sense), những thực tại khả giác hoặc là được lãnh hội theo cách không phản tư( unreflectively), hoặc là , nếu theo cách phản tư, bởi một tiến trình tinh thần của sự trừu xuất và phân loại diễn tíến, đạt đỉnh điểm trong khái niệm “hữu thể” có ngoại trương phổ quát nhưng lại rất ít hoặc hầu như không có nội hàm: “hữu thể” như vậy trở thành một khái niệm rỗng. Viễn tượng này, nếu tước bỏ mọi liên kết với thực tại, là khởi điểm của lôgích học và toán học. 

Tri thức của lương thức thông thường, tuy vậy, cũng có thể sản sinh một trực quan về hữu thể như là hữu thể ( l’être en tant qu’être / being qua being) và trực quan này là khởi nguyên của siêu hình học. Đối tượng của trực quan đó –mà ông gọi là trực quan trừu xuất ( abstractive intuition) hay trực quan yếu tính (eidetic intuition), là hữu thể trong tất cả sự viên mãn và phong phú của nó mà việc thăm dò nó là công trình của cả đời người. Trực quan này mang tính trí tuệ từ bản chất, và như vậy, không giống trực quan của Bergson. Và không phải ai ai cũng có được thứ trực quan ấy. Quả thật, đó là “ một thứ thiên phú tinh thần siêu quần trác tuyệt và cực kì hiếm có” , một “ơn phước được ban tặng cho trí tuệ” mà rất ít người được trải nghiệm.

Maritain tin rằng, bằng cách phản tư vừa trên hữu thể- đối tượng của trực quan-và cũng vừa trên khái niệm về hữu thể mà trực quan mang đến trong tâm trí chúng ta, nhà siêu hình học có thể dần dần làm sáng tỏ và định thức những đặc tính khác nhau và những nguyên lí của hữu thể. Như vậy ông sẽ quan sát sự khác biệt giữa yếu tính và hiện hữu.Một lần nũa, ông sẽ thấy rằng mình có khả năng lãnh hội hữu thể dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Về một phương diện, ông thấy rằng hữu thể có một phẩm chất là nhất tính. Về phương diện khác, hữu thể như một đối tượng của tư tưởng, ông nhìn thấy chân tính của nó. Hữu thể như đối tượng của luyến ái và sẽ có thiện tính. Bằng cách này, nhà siêu hình học tiến đến chỗ định thức những thuộc tính siêu nghiệm của hữu thể: nhất tính, chân tính và thiện tính của nó.

Phản tư về hữu thể và khái niệm trực quan của chúng ta về nó cũng tạo ra những nguyên lí đầu tiên của lí trí. Do vậy, hữu thể như là cái gì được ban tặng cho tinh thần, và hữu thể như là cái gì được khẳng định bởi tinh thần cùng đi với nhau như chủ ngữ và vị ngữ trong phán đoán “ hữu thể là hữu thể”, nguyên lí đồng nhất ( mà đối trọng lôgích của nó là nguyên lí phi mâu thuẫn). Nguyên lí này không phải là một thứ trùng phức pháp (tautology), nhưng là sự biểu lộ năng lượng của hiện hữu và sự sung túc của hữu thể. Nguyên lí túc lí, cho rằng “ mọi vật nào tồn tại, trong mức độ mà nó tồn tại, đều có một lí do đầy đủ cho sự tồn tại của nó”, theo sau phản tư về sự kiện rằng hiện hữu và tồn tại là đồng bản chất ( connatural) hay được tạo ra cho nhau. Nó cũng đưa đến phản tư về sự phân biệt giữa hiện hữu tùy thuộc ( dependent existence) và hiện hữu tự lập (existence a se) và như vậy dẫn dắt chúng ta đến ý tưởng về một Hữu thể Thiêng liêng.

Triết học xã hội và chính trị của Maritain là một đáp ứng lại những biến cố thảm hoạ trong các thập niên 1930s và 1940s và trong yếu tính là sự bảo vệ nền dân chủ tự do chống lại hai thái cực của chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism) và chủ nghĩa duy lợi cá nhân (individualist utilitarianism). Trọng tâm tư tưởng của ông là sự phân biệt giữa cá nhân và nhân vị. Khái niệm cá nhân đối lập với khái niệm phổ quát. Một cá nhân là sự phân chia ra từ nhân loại trong một cơ thể sống đặc thù. Bởi vì mọi vật chất đều có lòng tham muốn sinh tồn, mỗi cá nhân đều tìm kiếm sự đồng hoá ích kỷ mọi vật khác vào bản thân mình. Nó cũng phải chịu qui luật thay đổi và phân rã. Nhân vị, trái lại, qui chiếu về tính đồng nhất tâm linh của mọi con người. Nó có hai đặc tính: trước nhất, nhân vị có tính toàn thể và độc lập, sở hữu tồn tại của chính mình, khiến mọi hành động của họ nhắm đến kiện toàn và thực hiện bản thân, và thứ nhì là bản chất tâm linh của các nhân vị khiến họ mở ra với tha nhân và tha tính, dấn thân vào giao tiếp, yêu đương và hữu nghị.

Cả hai, cá nhân tính và nhân vị tính sản sinh nhu cầu sống trong xã hội, và có một ảnh hưởng lên tổ chức xã hội và công lí xã hội. Là những cá nhân, chúng ta nhìn về xã hội chỉ nhằm tìm kiếm sự thoả mãn những nhu cầu vật chất của chúng ta. Thế nhưng, là những nhân vị, chúng ta tìm đến người khác trong tình yêu thương và hữu nghị. Chính trên cấp độ sau mà Maritain giải thích quan niệm của ông về điều thiện chung, đó là một trong những nguyên lí xã hội chính trị nền tảng của ông và cũng là nền tảng , theo quan điểm của ông, cho dân chủ thực sự. Điều thiện chung không giống như một tập hợp những điều thiện cá nhân, theo kiểu duy lợi. Nó cũng không giống như điều thiện công cộng, nếu điều thiện công cộng có nghĩa là điều thiện của một tập thể xã hội được nhìn như cái gì phân biệt với điều thiện của từng mỗi thành viên của nó. Điều thiện chung đúng hơn là điều thiện của “ vô số những nhân vị”, và điều ấy có nghĩa là điều thiện của mỗi nhân vị, xét theo từng cá nhân, cũng đồng thời là, điều thiện của xã hội gồm những nhân vị, xét như một toàn thể.

Điều thiện đang được nói tới là điều thiện của những nhân vị, và như thế đi đôi với sự phát triển tâm linh và văn hoá. Một tiền điều kiện tất yếu cho chuyện này là tự do cho từng mỗi con người và điều này bao hàm tiến trình giải phóng nhân loại khỏi tình trạng quẫn bách về kinh tế và ách áp bức của các chế độ toàn trị. Nó cũng biện minh cho những giá trị truyền thống trong lí thuyết xã hội và chính trị: tiến bộ, nhân phẩm, bình đẳng, dân chủ và tính đạo đức trong đời sống công cộng.

Mỹ học của Maritain, hay nói đúng hơn là triết lí nghệ thuật của ông, khai thác khái niệm “trực quan sáng tạo”. Đây là loại trực quan có nguồn gốc nơi tâm hồn tiền ý thức hay vô thức : không phải vô thức kiểu Freud gồm những bản năng và dục vọng bị ức chế mà là một thứ tiền thức( preconscious) nó làm nổi bật lên và cung cấp năng lượng cho trí tuệ. Nơi một số người được đặc ân, những năng lượng tiền thức biến thành sức mạnh sáng tạo.

Trực quan sáng tạo có tính nhận thức, mặc dầu nó là một hình thức phi khái niệm hay tiền khai niệm của tri thức. Những gì mà nó khải lộ vừa là chủ thể tính của người nghệ sĩ và đồng thời thực thể của các sự vật và cả hai là đồng bản chất( connatural).Các thực thể được lãnh hội trong tính đặc thù của chúng hơn là trong yếu tính của chúng, nhưng chính tính đặc thù của chúng mang tính biểu trưng cho vũ trụ của những sự vật mà chúng thuộc về. Một tác phẩm nghệ thuật do vậy là một dấu hiệu vừa của vũ trụ nói chung, và của vũ trụ chủ quan của người nghệ sĩ nói riêng. Trước tác của Maritain không còn nhận được sự quan tâm như chúng từng lôi cuốn thuở sinh thời của ông và kiểu chủ nghĩa Thomas của ông hiện nay không còn hợp thời trang trí thức nữa. Vẫn còn hãy chờ xem liệu ảnh hưởng của ông có tương xứng với tầm vóc của ông không.

Nguồn: DFN; EF; WWW; RPL 71,1973.

HUGH BREDIN


Mascall, Eric Lionel

Anh. s: 12-12-1905, London. m: 14-02-1993, Seaford, Anh. Ph.t: Nhà thần học Anh quốc giáo phái. Q.t: Triết lí tôn giáo. G.d: Pembroke College, Cambridge; Ely Theological College. A.h: Austin Farrer, Gregory Dix, Gabriel Hebert và Lionel Thornton. N.c: Giáo sư Toán,

Bablake School, Coventry, 1928-31. St Andrew’s, Stockwell Green; 1935-1962, Giảng sư Triết học Tôn giáo, Christ church, Oxford, Giáo sư Thần học Lịch sử, King’s College,

London…

Ấn phẩm chính bản:

( 1943) He Who Is ( Đấng Hằng hữu).

(1949) Existence and Analogy ( Hiện hữu và Tương tự).

(1957) Words and Images ( Ngôn từ và hình tượng).

(1971) The Openness of Being ( Khai tính của hữu thể)

Là nhà toán học do đào tạo, là một mục sư do ơn thiên triệu, là nhà thần học chuyên nghiệp và là một u mặc gia (humorist) từ bản chất, sự bảo vệ của Mascall cho thần học tự nhiên theo những tuyến tư tưởng Thánh Thomas và sự phê phán của ông đối với những ai phủ nhận ý nghĩa của diễn từ thần học đã đem lại cho ông sự ngưỡng mộ đáng kể trong giới Cơđốc truyền thống. Đàng khác, ông biện luận cho tính có thể hoà giải giữa khoa học và tôn giáo, trình bày những học thuyết về thiên ân , sáng tạo, huyền nhiệm Nhập thể và huyền nhiệm Tam vị Nhất thể .

Trong những trước tác có tính đại đồng của mính( ecumenical writings) ông tỏ ra thiên vị quan điểm của các Giáo hội Chính thống hay Công giáo La mã hơn là nghiêng về phía Tin lành. Trước tác hài hước của ông có A hymn for the logical empiricists ( Bài ca cho những nhà duy nghiệm lôgích) và Saraband: The Memoirs of E.L.Mascall .

Nguồn: WW; Saraband, Leominster: Gracewing,1992; các điếu văn.

ALAN SELL

Maurras, Charles

Pháp. s: 1868, Martigues, Pháp. m: 1952, Saint-Symphorien. Ph.t: Lí thuyết gia chính trị, nhà thơ. Q.t: Chính trị. A.h: De Maistre, Comte và Le Play. N.c: Là một nhà thơ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ nghĩa cổ điển Maurras trở thành một nhà hoạt động chính trị sau vụ án Dreyfus, đồng sáng lập đảng cực hữu Action française với Léon Daudet và chủ biên tờ báo mang tên này ( 1908-44); bị tù chung thân vào năm 1944 vì đưa tin cho phe Quốc xã, Maurras được thả vì lí do sức khoẻ chỉ ít lâu trước khi mất vào năm 1952.

Ấn phẩm chính bản:

(1901) Anthinéa.

(1905) L’Avenir de l’intelligence ( Tương lai của trí thông minh).

La Politique religieuse ( Chính trị giáo quyền).

L’Action française et la religion catholique ( Hành động Pháp và Công giáo).

( 1928) Romantisme et Révolution ( Chủ nghĩa lãng mạn và Cách mạng).

(1931) Méditation sur la politique de Jeanne d’ Arc ( Suy niệm về chính sách của Jeanne d’Arc).

( 1931-4) Dictionnaire politique et critique ( Từ điển chính trị và phê bình).

(1937) Devant l’Allemagne éternel ( Trước nước Đức vĩnh cửu).

( 1937) Mes idées politiques ( Những ỳ tưởng chính trị của tôi).

( 1941) La seule France ( Nước Pháp duy nhất).

( 1949) Au grand juge de France ( Gửi đại phán quan nước Pháp).

(1949) Inscription sur nos ruines ( Ghi khắc trên những phế tích của chúng ta).

Văn bản nhị đẳng:

Capitan-Peter, C. ( 1972) Charles Maurras et l’idéologie d’Action française ( Charles Maurras và ý thức hệ của Đảng Hành động Pháp), Paris: Le Seuil.

McClelland, J.S. (1970) The French Right ( Phái hữu ở Pháp), London: Cape.

Massis, H. (1961) Maurras et notre temps ( Maurras và thời đại chúng ta), Paris: Plon.

Vandromme, P. ( 1966) Maurras, l’Église de l’ordre ( Maurras, Giáo hội trật tự), Paris: Centurion.

Trước tác chính trị của Maurras phô bày một tập hợp toàn diện những niềm tin không mấy xa lạ với phái cực hữu. Những khẳng định cơ bản liên quan đến bản tính con người. Đối với Maurras, con người trước tiên là những sinh vật xã hội chứ không phải chỉ là những cá nhân.Chúng ta sinh ra trong những gia đình đặc thù, nơi những quốc gia đặc thù và như thế, lòng ái quốc, Maurras biện luận, theo một nghĩa sâu xa, là cảm thức chính trị tự nhiên nhất của con người. Yêu sách, như Rousseau ( mà Maurras vốn ghét cay ghét đắng), rằng chúng ta là những cá nhân trước khi là những thành viên của xã hội, là lên đường đi đến… tai hoạ. Nếu tin vào điều này chúng ta sẽ trở thành những kẻ vong bản ( les déracinés- như cách nói của bạn ông, nhà văn Maurice Barrès). Hơn nữa, thiên nhiên vốn bất bình đẳng một cách sâu xa: chúng ta sinh ra là đã bất bình đẳng từ trong huyết thống, bất bình đẳng về ngoại hình, về sức mạnh, về trí tuệ… và chuyện này là hoàn toàn bình thường và lành mạnh. Bất kỳ toan tính nào nhằm phủ nhận điều này đều thật là điên rồ và phá hoại cái mà Maurras gọi là những cánh đồng trù phú, không bao giờ cạn kiệt của sự khác biệt giữa những con người. Điều thiện là điều tự nhiên và cái gì tự nhiên đó là uy quyền , tôn ti trật tự, đặc tính, tính cộng đồng, những mối dây ràng buộc con người với đất đai và những liên hệ huyết thống di truyền.

Từ tập hợp ý tưởng này Maurras diễn dịch những lời khuyên chính trị chủ yếu của ông. Những quan điểm tiêu cực của ông chính là sự thù ghét những lí tưởng của Cách mạng Pháp và các hình thức chính quyền dân chủ, kèm theo một chủ nghĩa bài- Do thái. Con người không hề bình đẳng mà cũng chẳng phải là huynh đệ của nhau và ban cho đám đông tự do chính trị là khuyến khích họ nhìn luật lệ như là những trò đồng bóng nay thay mai đổi tùy theo ai là kẻ cầm quyền. Những nhà nước dân chủ có khuynh hướng trở thành càng ngày càng tập trung hơn: nếu một đảng đương quyền mong muốn được tái cử nó phải thường xuyên ve vãn và theo dõi cử tri và để làm được điều này đòi hỏi một mạng lưới viên chức ngày càng lớn hơn. Đi xa hơn nữa, những khía cạnh bình đẳng của nền dân chủ hiện đai tạo ra một sự hạ thấp tổng quát trong mọi lãnh vực của thành tựu con người : chẳng hạn càng nhiều kẻ tầm thường được trao cho quyền lực thì bọn họ không tránh khỏi làm nhiều chuyện ngốc nghếch và lại được xuê xoa lượng thứ bởi những kẻ đồng đẳng cũng lơ mơ ngớ ngẩn chẳng kém gì họ!

Những Nhà nước mạnh là những Nhà nước nào mà hệ thống chính trị của chúng phản ánh trật tự của thiên nhiên. Trong trường hợp nước Pháp, Maurras khuyên nên quay về chế độ quân chủ và ông kiên định hậu thuẫn cho những giềng mối gia đình và Nhà thờ Công giáo ( mặc dầu Giáo hội này không tỏ ra hào hứng chào đón sự hậu thuẫn của L’Action française !). Chức năng của những người lãnh đạo là điều khiển, và nếu quyền lực điều khiển chỉ đạt được qua hình thức thụ ủy bầu cử thì nó sẽ không được kính trọng đúng mức và được tuân theo một cách không hiệu quả. Không tận dụng tối đa sự bất bình đẳng sẽ là điên rồ: những người tài năng xuất chúng với bản lĩnh mạnh mẽ là tối cần thiết cho nhân loại. Họ chính là nguồn năng lượng dồi dào, là sự trang trí diễm lệ và là hy vọng cứu chuộc cho thế giới này.

ROBERT WILKINSON

Mazzantini, Carlo

Ý. s: 1895, Reconquista, Argentina. m: 1971, Turin. Ph.t: Nhà tư tưởng Tân kinh viện, nhân vị chủ nghĩa. Q.t: Tri thức luận. G.d: Đại học Turin. A.h: Tư tưởng kinh viện cũ và mới; Heidegger. Nh.c: Các Đại học Cagliari (1942-9), Genoa (1949-59) và Turin (từ 1959 trở đi).

Ấn phẩm chính bản:

(1923) La speranza nell’immortalità ( Hy vọng bất tử).

( 1929) La lotta per l’evidenza ( Đấu tranh cho sự hiển nhiên).

Realtà e intelligenza ( Thực tại và trí thông minh).

(1930-2) Le basi della teologia naturale nella filosofia tomista ( Những nền tảng của thần học tự nhiên trong triết học Thánh Thomas).

(1935) Il problema della verità necessarie e la sintesi a priori di Kant ( Vấn đề chân lí tất yếu và tổng hợp tiên thiên nơi Kant).

( 1942) Il tempo ( Thời gian).

( 1945) Capisaldi filosofici, Turin.

( 1949) La filosofia nel filosofare umano: Storia del pensiero antico ( Triết học trong sự thực hành triết lí của nhân loại: Lịch sử tư tưởng Thượng cổ).

( 1944) Linee di metafisica spiritualistica come filosofia della virtualità ontological (Những nét chính của siêu hình học duy linh như là triết học về tiềm thể hữu thể học) in trong Filosofi Italiani contemporanei ( Triết học Ý hiện đại), Como: Carlo Marzorati.

Văn bản nhị đẳng:

Barone, F. (1985) La Filosofia di Carlo Mazzantini, Roma: Studium.

Chính Mazzantini đã điển hình hoá món nợ và định hướng chủ yếu cho triết học của ông trong tiêu ngữ này:” Nessuna salvezza per la filosofia , fuori della tradizione ellenica e scolastica” ( Không cứu chuộc nào cho triết học ngoại trừ truyền thống Hy lạp và kinh viện). Có một philosophia perennis ( triết học vĩnh cửu) và triết học đó hiện thân trong Trường phái Tân Kinh viện, người kế thừa đích thực duy nhất của tư tưởng Hy lạp và truyền thống Kinh viện Thiên chúa giáo. Do vậy mà chẳng có gì ngạc nhiên khi phần lớn triết học của

Mazzantini là một phiên bản của chủ nghĩa duy linh Công giáo được phân vai trong những phạm trù Tân kinh viện. Chẳng hạn, chứng lí của ông về sự bất tử của linh hồn dựa trên sự phân biệt hiển thể-tiềm thể: linh hồn là mô thể của thân xác. Bởi vì có khả năng hành động, linh hồn có thể hiện hữu mà không cần đến thân xác vật chất (vốn chỉ là tiềm thể), và do đó, từ bản chất, là bất tử. Giá trị Hy lạp đặt vào hoà điệu thông báo những phê phán của Mazzantini đối với các trường phái khác, đáng lưu ý là chủ nghĩa duy tâm của Hegel vốn loại trừ sự hoà hợp những đối thể ( Ông có cảm tình nhiều hơn với phiên bản duy tâm của Croce, ít có tính phá hoại hơn).

Mazzantini khởi đi từ Tân Kinh viện chính thống theo một số phương diện, nhưng đáng lưu ý nhất là trong sự đồng cảm của ông với tư tưởng Heidegger ( như được định thức trong Sein und Zeit), và mối bận tâm của ông với thời gian và tính trung tâm của nó đối với trải nghiệm của con người. Ông phân tích hiện tại như một tổng hợp đề của thời gian và vĩnh cửu, hiện tại này không chỉ là một thời điểm mà còn là một hiện tại đích thực. Hiện tại này là thực theo vĩnh cửu phái sinh từ vĩnh cửu vô hạn mà nếu không có vĩnh cửu vô hạn kia thì sẽ không có thời gian cũng chẳng có những thời gian.

ROBERT WILKINSON

Mercier, Désiré Joseph

Bỉ. s: 21-11-1851, Brabant, Bỉ. m: 23-01-1926, Brussels. Ph.t: Nhà kinh viện .Q.t: Triết học

Thánh Thomas. G.d: Chủng viện Malines và Đại học Louvain. A.h: Thánh Thomas Aquinas và Kant. N.c: 1882-1906, Giáo sư Triết học thánh Thomas, Đại học Louvain; 1889-1906, Viện trưởng Viện Cao đẳng Triết học, Đại học Louvain.

Ấn phẩm chính bản:

( 1892-7) Cours de Philosophie ( Giáo trình Triết học) :

(1894) vol.I, Logique, Louvain: Uystpruyst- Dieudonné; Paris: Alcan, 1922.

(1894) vol.II, Métaphysique générale ou ontologie ( Siêu hình học tổng quát hay hữu thể học), Louvain: Uystpruyst- Dieudonné; Paris: Alcan, 1923.

(1896) vol.III, Psychologie ( Tâm lí học), Louvain: Uystpruyst- Dieudonné; Paris: Alcan, 1923.

( 1897) vol.IV, Critériologie générale ou théorie générale de la certitude ( Tiêu chí học tổng quát hay lí thuyết tổng quát về xác thực tính), Louvain: Uystpruyst- Dieudonné; Paris: Alcan, 1923.

(1905) [với Désiré Nys và Maurice de Wulf] Traité élémentaire de philosophie ( Khảo luận sơ đẳng triết học), Louvain: Institut Supérieur de Philosophie; Paris: Alcan, 1920.

Văn bản nhị đẳng:

(1926) Revue Néoscolastique de Philosophie 28 ( số đặc biệt về Mercier, với thư mục đầy đủ).

De Raeymaeker, Louis (1952) Le Cardinal Mercier et L’Institut Supérieur de Philosophie de Louvain (Đức Hồng y Mercier và Viện Cao đẳng Triết học Louvain), Louvain: Publications Universitaires.

Gade, John A.(1934) The Life of Cardinal Mercier, New York: Scribners.

Van Riet, Georges (1963) Thomistic Epistemology, St Louis & London: Herder.

Mercier là một khuôn mặt chủ chốt trong quá trình phát triển của triết học kinh viện hiện đại. Ông là người đầu tiên thụ nhiệm Giảng đàn Triết học Thomas được tạo ra ở Đại học Louvain vào năm 1882. Ông khánh thành Viện Cao đẳng Triết học ( Institut Supérieur de

Philosophie) cũng ở Louvain, vào năm 1889, và thành lập Revue Néoscolastique de Philosophie năm 1894 ( được đổi tên lại là Revue Philosophique de Louvain vào năm 1946). Mercier tạo ra một phân biệt rạch ròi giữa triết học Kinh viện và thần học và phấn đấu tạo ra một triết học Thomas có khả năng mở ra đối thoại với các trường phái triết học khác và với khoa học và ứng phó với các vấn đề của đời sống hiện đại bằng một ngôn ngữ hiện đại. Ông cũng khích lệ việc nghiên cứu có bài bản các triết gia lớn thời Trung cổ. Viện Cao đẳng Triết học ở Louvain nhanh chóng lôi cuốn nhiều học giả và triết gia lỗi lạc, trở thành một trung tâm năng lượng của chủ nghĩa Kinh viện hiện đại từ đó cho mãi đến ngày nay.

Phần lớn trước tác đã xuất bản của Mercier, và nhất là bộ Giáo trình Triết học của ông được thiết kế để sử dụng như là sách giáo khoa cho sinh viên, song ngày nay thì ít còn ai đọc bộ sách này. Tầm quan trọng lịch sử của bộ sách nằm trong tấm gương nó lấy Thomas Aquinas làm nguồn cảm hứng cho suy tư độc lập, hoàn toàn sống động ngang tầm giá trị của các khoa học thường nghiệm ( Mercier rất có công trong việc thành lập ở Louvain một trong những phòng thí nghiệm sớm nhất cho tâm lí học thực nghiệm) và ông cũng hiểu rõ tầm quan trọng của Kant. Ông độc đáo và cách tân nhất là trong lãnh vực tri thức luận, và quyển Critériologie générale của ông, xử lí các vấn đề về xác thực tính, là một tác phẩm có ý nghĩa, cho đến hiện nay vẫn còn đáng đọc. Tuy nhiên danh tiếng của ông trong triết học phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào vai trò của ông như là người hộ sản của chủ nghĩa Kinh viện thế kỉ hai mươi.

Nguồn: DFN; EF; WWW; RNP28, 1926.

HUGH BREDIN

Mitchell, Basil George

Anh. s: 09-04-1917, Bath, Somerset. Ph.t: Triết gia tôn giáo và đạo đức. Q.t: Đạo đức học.

G.d: Queen’s College, Oxford. A.h: Austin Farrer và H. H. Price. N.c: Phục vụ trong hải quân , 1940-6; Giảng sư Christ Church, Oxford, 1946-7; Thành viên và Giảng sư Triết học, Keble

College, 1947-67; Giáo sư Triết lí Cơđốc giáo và Thành viên Oriel College, 1968-84; FBA, 1983.

Ấn phẩm chính bản:

(1957) Faith and Logic ( Tín ngưỡng và lôgích), London: Allen & Unwin.

(1967) Law, Morality and Religion in a Secular Society ( Pháp luật, Đạo đức và Tôn giáo trong một Xã hội Thế tục), London: Oxford Univ. Press.

(1973) The Justification of Religious Belief ( Biện minh cho niềm tin tôn giáo), London: Macmillan.

(1980) Morality: Religious and Secular ( Đạo đức : Tôn giáo và thế tục), London: Oxford Univ. Press.

(1990) How to Play Theological Ping-pong ( Bí quyết chơi môn bóng bàn thần học), London: Hodder & Stoughton.

(1993) War and Friendship ( Chiến tranh và tình hữu nghị), đăng trong Philosophers Who Believe ( Những triết gia có tín ngưỡng), Downer’s Grove, IL: Inter Varsity Press.

(1995) Faith and Criticism ( Tín ngưỡng và chủ nghĩa phê phán), London: Oxford Univ. Press.

Văn bản nhị đẳng:

Abraham, W.J. and Holtzer,S.W. (1987) The Rationality of Religious Belief: Essays in Honour of Basil Mitchell ( Tính thuần lí của niềm tin tôn giáo: Các tiểu luận tôn vinh Basil Mitchell), Oxford: Clarendon Press.

Ferré, F. (1962) Language, Logic and God ( Ngôn ngữ, Lôgích và Thượng đế), London: Eyre & Spottiswoode.

Ngay giữa thời hoàng kim của phân tích ngữ học Mitchell vẫn kiên cường chủ trương hai luận điểm: một là, sự phân tích đó không tất yếu làm tổn hại đến niềm tin Cơđốc giáo và hai là, việc phác hoạ những thế giới quan không hề là chuyện của các triết gia. Ông tham gia vào cuộc tranh luận “ Thần học và sự nguỵ tạo” ( Theology and Falsification) của những năm 1950s, đồng ý với yêu sách của Flew rằng vấn đề cái \c đem đến cho người tín mộ những khó khăn thực sự, nhưng biện luận rằng tín ngưỡng sẽ không cho phép họ coi những khẳng định thần học như chỉ là” những giả thuyết tạm thời cần được gạt bỏ nếu kinh nghiệm nói chống lại chúng”. Trong Faith and Logic (1957) ông biện luận rằng trong khi niềm tin vào Thiên ân ( God’s grace) không thể được lập định bằng chứng cứ thường nghiệm song niềm tin đó lại có được sự ứng dụng thường nghiệm. Trong The Justification of Religious Belief (1973) lập luận của ông là bởi vì chúng ta không thể biết, một cách hoàn toàn chắc chắn, có Thượng đế hay không, thì chủ nghĩa hữu thần Cơđốc giáo, như là một thế giới quan, phải được xét đoán theo khả năng nó làm nên ý nghĩa cho mọi bằng chứng có được. Sức nặng mà Mitchell đặt vào phán đoán cá nhân trong luận chứng hữu thần của ông đã gây ra ưu tư cho một số người mà những luận chứng của họ, đến lượt chúng, lại tỏ ra còn ít thuyết phục hơn.

Trong Law, Morality and Religion (1967), Mitchell chứng tỏ bằng cách nào sự bất đồng về những vấn đề đạo đức phái sinh từ những cách hiểu ít nhiều khác nhau từ căn bản về tính đạo đức như là thế. Những bài giảng của ông trong Morality: Religious and Secular (1980) bao gồm sự phê phán chủ nghĩa nhân văn khoa học, lãng mạn và tự do, cùng với sự phủ nhận quan điểm cho rằng những trực giác truyền thống của Tây phương về ý thức có thể được bảo vệ bằng những lập luận hoàn toàn thế tục và không cần qui chiếu đến những quan điểm Cơđốc giáo về bản tính và những nhu cầu của con người.

Là một triết gia chuyên nghiệp, đồng thời là một Cơđốc nhân ( để phân biệt với người đề xuất một “triết học Cơđốc giáo”), cuộc truy cầu đầy kiên nhẫn và sắc bén của Mitchell về tính hợp lí trong tôn giáo và đạo đức đã đem lại cho ông sự mến phục của nhiều sinh viên , đồng nghiệp và độc giả của ông.

Nguồn: WW; Sell; quen biết riêng.

ALAN SELL

Mounier, Emmanuel

Pháp. s: 1905- Grenoble, Pháp. m: 1950, Châtenay-Malabry. Ph.t: Triết gia nhân vị; triết gia tôn giáo, đạo đức và xã hội. G.d: 1924-7, học Triết tại Grenoble và Paris. A.h: Charles Péguy, Henri Bergson, Jacques Chevalier và Jacques Maritain. N.c: 1931-9, dạy Triết tại một số trường Trung học; 1932, thành lập, như một cỗ xe chuyên chở triết học nhân vị của ông, tờ báo Esprit, về sau (1941-4) bị chính quyền Vichy cấm xuất bản; 1939-40, thi hành quân dịch; bị bỏ tù năm 1942 vì bị nghi ngờ tham gia những hoạt động lật đổ; quay lại Paris năm 1944 để hồi sinh việc xuất bản Esprit và tiếp tục sự nghiệp trước thư lập ngôn.

Ấn phẩm chính bản:

Révolution personaliste et communautaire ( Cách mạng nhân vị và cộng đồng), Paris: Aubier.

De la propriété capitaliste à la propriété humaine ( Từ quyền sở hữu tư bản chủ nghĩa đến quyền sở hữu nhân văn), Paris: Desclée de Brouwer.

(1936) Manifeste au service du personalisme ( Tuyên ngôn phục vụ chủ nghĩa nhân vị), Paris: Aubier.

L’Affrontement chrétien ( Cuộc chạm trán Cơđốc giáo), Neuchâtel: Baconnière.

Liberté sous conditions ( Tự do với điều kiện), Paris: Seuil.

Traité du caractère ( Khảo sát tính tình), Paris: Seuil.

Qu’est ce que le personalisme? ( Chủ nghĩa nhân vị là gì?), Paris: Seuil.

(1950) Le Personalisme ( Chủ nghĩa nhân vị), Paris: PUF.

(1962) Introduction aux existentialisms ( Nhập môn các chủ nghĩa hiện sinh), Gallimard: Idées, nrf.

(1961-3) Oeuvres de Mounier ( Toàn tập Mounier), 4 quyển, Paris: Seuil.

Văn bản nhị đẳng:

Amato, J. (1975) Mounier and Maritain, Alabama: University of Alabama Press.

Esprit 174, December 1950 và ấn bản đặc biệt Tháng Tư 1970 ( những số tưởng niệm Mounier) .

Moix, C.(1960) La Pensée d’Emmanuel Mounier ( Tư tưởng Emmanuel Mounier), Paris:

Seuil.

Zaza, N. ( 1955) Étude critique de la notion d’engagement chez Emmanuel Mounier (Nghiên cứu phê bình khái niệm dấn thân nơi Emmanuel Mounier), Geneva: Droz.

Emmanuel Mounier là suối nguồn chính và là người trình bày hàng đầu của một trào lưu triết học Pháp được biết đến như là chủ nghĩa nhân vị. Ông khẳng định rằng vào nửa đầu thế kỉ hai mươi nhân loại phải chạm trán nhiều cuộc khủng hoảng trong mọi phương diện của đời sống kể cả tình trạng căng thẳng trí thức vô bổ giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật và những ý thức hệ đối nghịch của chủ nghĩa cá nhân chống lại chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tư bản chống lại chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism). Điều đã khiến cho khoảng cách ngày càng mở rộng giữa những ý thức hệ xung đột nhau này và làm cho việc giải quyết chúng trở thành bất khả thi mà không có một sự tái cơ cấu triệt để đời sống cá nhân và xã hội, là hình ảnh bị bóp méo của nhân loại về chính mình mà từ thời Phục hưng trở đi đã thoái hoá thông qua chủ nghĩa “dĩ ngã vi trung” (egocentrism) đến chủ nghĩa vị kỷ (egoism).

Theo Mounier, con đường duy nhất trong đó tình trạng khủng hoảng và tai hoạ sắp xảy ra này có thể kháng cự và đương đầu, là nhân loại phải lấy lại một ý thức thích hợp về chính mình như là những nhân vị (persons) với sự thẩm định đúng đắn về giá trị và nhân phẩm gắn liền với mình, về tính tâm linh, tính sáng tạo và tự do nơi mình. Con người cũng còn là những sinh vật xã hội và lí tưởng của đời sống xã hội chính là lí tưởng của một cộng đồng gồm một mạng lưới những tương giao nhân vị trong và thông qua đó mọi người có thể tìm thấy một cảm thức về giá trị của chính mình và giá trị của tha nhân. Mounier thừa nhận rằng những quan điểm của ông trong lãnh vực này có sự tương đồng chặt chẽ với những quan điểm của Martin Buber.

Chủ nghĩa nhân vị của Mounier có một chiều kích tôn giáo. Một trong những phê phán của ông về xã hội phương Tây đương thời đó là tầm quan trọng dành cho chủ nghĩa cá nhân đã soán ngôi vị trí của một niềm tin chân chính vào Thượng đế và đã mặc hàm một sự phủ nhận lòng kính trọng đáng lẽ phải dành cho sự sáng tạo tự nhiên và xã hội. Lí tưởng của ông về một xã hội được tái cơ cấu là một học thuyết Công giáo cấp tiến nhấn mạnh lên những quyền cá nhân , xã hội và chính trị và tự do cho tất cả, thay vì những tín ngưỡng giáo điều mà ông cho là một yếu tố thống trị trong Công giáo đương thời. Những lí tưởng nhân vị chủ nghĩa của ông được một nhà bình luận cho rằng không gì khác hơn là “ sự tìm kiếm một nền văn minh Cơđốc mới” ( a search for a new Christian civilization) và một “ khuynh hướng tái thiêng liêng hoá thế giới” ( a drive to resacralize the world), [ Amato, J. Mounier and Maritain, 1975, p.124].

Mounier đưa ra một phê phán chủ nghĩa cá nhân tư sản, một phê phán mang nợ nhiều từ

Marx. Trong khi từ chối công bố sự đồng tình với bất kì một đảng phái chính trị nào của Pháp trong những năm giữa hai cuộc chiến, ông vẫn nghiêng cảm tình về phía chủ nghĩa xã hội và chống tư bản. Ông đưa ra một cáo trạng đạo đức đối với xã hội tư sản bởi vì ông cho rằng một xã hội như thế đã đưa đến một thế giới quan nghèo nàn và vô hồn, sự phủ nhận những quyền của dân chúng và sự từ chối công nhận nhu cầu của họ về một cảm thức phẩm giá nội tại. Chủ nghĩa cá nhân cũng đã tạo ra những phản đề của chính mình, đó là chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa toàn trị. Ông gán cho Marx sự công nhận tình trạng vong thân/ tha hoá của con người khỏi chính bản tính của họ và những sản phẩm lao động của họ và sự phô bày hệ thống giá trị cho đến nay hãy còn che dấu của ý thức hệ tư sản.

Một phê phán đối với Mounier đó là trong khi ông có thể đáng tin với một ý thức về những căn bệnh trầm kha của xã hội đương thời và một lời khuyên nên chữa trị những căn bệnh đó như thế nào , nhưng ông không chỉ ra bằng những biện pháp nào mà trật tự xã hội và con người mới cần được đặt vào vị trí. Mệnh lệnh của ông là “ tái tạo thời Phục hưng”, với một hệ thống giá trị của chủ nghĩa nhân đạo nghiêng về cộng đồng (communistic humanitarianism) nhưng lại không cho chúng ta biết cách làm điều đó như thế nào.

KATHRYN PLANT 

Vần N

Nabert, Jean

Pháp.s: 21-07-1881, Izeaux, Dauphiné, Pháp. m: 13-10-1960, Loctudy, Brittany. Ph.t: Nhà siêu hình học, triết gia đạo đức, triết gia tôn giáo. Q.t: Tự ý thức, đạo đức, vấn đề cái ác.G.d: Thạc sĩ Triết học 1909. A.h: Descartes, Kant, Maine de Biran và J.G. Fichte. N.c: Giáo sư Triết các trường Trung học Saint-Lô, Brest, Metz, Germany; sau đó dạy tại Paris; được bổ nhiệm Tổng thanh tra về Triết học các trường Trung học ở Paris, 1945.

Ấn phẩm chính bản:

(1924) L’Expérience intérieure de la liberté ( Kinh nghiệm nội tâm về tự do),Paris: PUF.

(1943) Éléments pour une éthique ( Những yếu tố cho một đạo đức học), Paris: PUF.

(1955) Essai sur le mal ( Khảo về cái Ác), Paris: PUF.

(1959) Le divin et Dieu ( Cái thiêng liêng và Thượng đế), Les Études Philosophiques 32132.

(1966) Le Désir de Dieu ( Khát vọng Thượng đế), Paris: Aubier.

Văn bản nhị đẳng:

Baufay, Jacques (1974) La Philosophie Religieuse de Jean Nabert ( Triết lí tôn giáo của Jean Nabert), Presses Universitaires de Namur.

Leverth, Paule (1971) Jean Nabert ou l’exigence absolue ( Jean Nabert hay đòi hỏi tuyệt đối), Paris: Seghers.

Nabert tìm cách phát triển truyền thống triết học phản tư ( la tradition de la philosophie réflexive), như được đại diện bởi Descartes, Kant, Maine de Biran và J.G.Fichte. Do vậy khởi điểm của triết học ông là sự phân tích ý nghĩa và những điều kiện của cái Tôi suy tư (Cogito / Le “ Je pense”) nghĩa là của tự ý thức hay ý thức phản tư ( self-consciousness / reflective awareness).

Trong quyển L’Expérience intérieure de la liberté (1924) ông biện luận rằng ý thức không nên được coi như một sự vật giữa những sự vật khác cũng không như là một biểu hiện của hữu thể nhưng như là hoạt động, chính xác hơn là như được thành lập trong hoạt động của một chủ thể. Như vậy ông phủ nhận rằng hành động có thể giản qui vào ý thức và khẳng định tính đồng nhất giữa hữu thể và hoạt động.

Theo Nabert, mỗi chủ thể cốt yếu là bị phân chia, bị cách ly khỏi chính mình và do

vậy không sao thoả nguyện. Cảm thức bất mãn này là một biểu hiện của khát vọng hữu thể ( un désir d’être) khôn nguôi, ngay cả trong hành động đạo đức. Trong quyển Éléments pour une éthique (1943) ông vẽ lại cội nguồn của khát vọng này đến cái mà ông gọi là “ sự khẳng định nguyên thủy của tự ý thức “ ( l’affirmation originaire de la conscience de soi), chủ trương rằng có một yếu tố phủ định nội tại nằm trong khuôn khổ sự khẳng định này luôn ngăn ngừa chủ thể thành tựu cuộc hoà giải với chính mình.

Lập trường này hậu thuẫn cho phân tích của Nabert về cái Ác trong quyển Essai sur le mal ( 1955). Theo quan điểm của ông, cái Ác trong mọi hình thức, đều không thể biện minh; vậy mà đạo đức hay tôn giáo hay bất kỳ cái gì khác đều không thể bảo đảm cho chúng ta rằng chúng ta sẽ vượt lên cái Ác. Cảm thức bi đát đó về đời sống cũng thông báo cho chúng ta triết lí tôn giáo của ông vốn nằm trên sự phân biệt độc đáo giữa ý tưởng về Thượng đế và ý tưởng về cái thiêng liêng. Triết học Nabert có ảnh hưởng trên một số nhà tư tưởng Pháp, đặc biệt là Paul Ricoeur.

Nguồn: Huisman; EF.

STEPHEN MOLLER

Nédoncelle, Maurice

Pháp. s: 30-10-1905, Roubaix, Nord, Pháp. m: 1976, Strasbourg. Ph.t: Triết gia nhân vị. Q.t:

Triết lí tôn giáo, mỹ học. G.d: Chủng viện Saint-Sulpice và Đại học Sorbonne. A.h: John Henry

Cardinal Newman, Nam tước von Hügel và Maine de Biran. N.c: Dạy Triết học và Thần học, Nogent-sur-Marne, 1930-45; Giáo sư Thần học và Khoa trưởng Đại học Khoa học Nhân văn Strasbourg, 1945-76.

Ấn phẩm chính bản:

(1935) La Pensée religieuse de Friedrich von Hügel ( Tư tưởng tôn giáo của Friedrich von Hügel ), Paris: Vrin.

(1942) La Réciprocité des consciences ( Tính tương giao giữa các ý thức), Paris: Aubier.  (1943) La Personne humaine et la nature ( Nhân vị và thiên nhiên), Paris: PUF.

(1946) La Philosophie religieuse de Newman ( Triết lí tôn giáo của Newman)

(1957) Vers une philosophie de l’amour et de la personne ( Hướng về một triết học tình yêu và nhân vị), Paris: Aubier.

(1961) Conscience et Logos. Horizons et methode d’une philosophie personnaliste ( Ý thức và Logos. Những chân trời và phương pháp của một triết học nhân vị), Paris: L’Épi.

(1970) Le Chrétien appartient à deux mondes ( Người Cơ đốc thuộc về hai thế giới), Paris: Centurion.

(1974) Intersubjectivité et ontologie. Le défi personnaliste ( Liên chủ thể tính và hữu thể học. Thách thức nhân vị), Paris: Nauwelaerts.

Văn bản nhị đẳng:

Liddle, V.T. (1966) The Personalism of Maurice Nédoncelle ( Chủ nghĩa nhân vị của M. Nédoncelle), Philosophical Studies: 112-30 .

Nédoncelle là một người trình bày hàng đầu của Công giáo về một mô hình triết học được gọi là “ chủ nghĩa nhân vị” ( personalism), một triết học không chỉ đề cao giá trị của nhân cách mà còn công nhận rằng cuộc sống cá nhân là nền tảng năng động của thế giới, rằng chìa khoá cho những vấn đề triết học được tìm thấy trong nhân cách và, hơn nữa, rằng thực tại gồm bởi một hệ thống các nhân vị tương quan thông qua Thượng đế như là Nhân vị Tối cao. Triết học của ông cũng còn được gợi cảm hứng từ các tác phẩm của Hồng y Newman và Nam tước von Hügel. Giống như von Hügel, ông gắn tầm quan trọng vào sự hội thông huyền nhiệm trực tiếp về Thượng đế nhưng, cũng giống như von Hügel, ông nhấn mạnh vào tính siêu việt thiêng liêng ( divine transcendence).

Nédoncelle khẳng định rằng nhân vị con người là “ kẻ sáng tạo chính mình” nhưng mỗi nhân vị cá thể chỉ có thể thực sự phát triển bằng cách hợp nhất tương quan của chính mình với từng mỗi nhân vị khác và với Thượng đế và chính Christ, Đấng Thần-Nhân ( the GodMan) hợp nhất tương quan của chúng ta với Thượng đế và với những người khác. Chủ nghĩa nhân vị của Nédoncelle là vật hiếm đó, một triết học nghiêm xác được gợi cảm hứng bới một tâm hồn tín mộ, đại diện cho một tuyến quan trọng của triết học Công giáo thế kỉ hai mươi, có ảnh hưởng không chỉ ở Pháp mà còn cả ở Ý và Đức.

Nguồn: Huisman; EF.

STEPHEN MOLLER

Niebuhr, Helmuth Richard

Mỹ. s: 03-09-1984, Wright City, Missouri. m: 05-07-1962, Greenfield, Massachusetts. Ph.t: Nhà thần học. G.d: Elmhurst College, Chủng viện Thần học Eden, Đại học Washington, St Louis; Đại học Chicago; Trường Thần học Yale. A.h: George Herbert Mead, Karl Barth và

Paul Tillich. N.c: Chủng viện Thần học Eden, 1919-21 và 1927-31; Yale Divinity School, 1938-62.

Ấn phẩm chính bản:

(1929) Moral Relativism and the Christian Ethic ( Chủ nghĩa tương đối đạo đức và đạo đức Cơđốc), New York: Holt.

(1929) The Social Sources of Denominationalism ( Những nguồn gốc xã hội của chủ nghĩa phái biệt), New York: Holt.

(1937) The Kingdom of God in America ( Vương quốc của Chúa tại Mỹ), New York: W. Hett, Clark & Co.

(1941) The Meaning of Revelation ( Ý nghĩa của mặc khải), New York: Macmillan.

( 1951) Christ and Culture ( Chúa Christ và văn hoá), New York: Harper.

(1960) Radical Monotheism and Western Culture ( Chủ nghĩa độc thần triệt để và văn hoá phương Tây), Lincoln: University of Nebraska. 

(1963) The Responsible Self: An Essay in Christian Moral Philosophy ( Tự ngã có trách nhiệm: Khảo luận triết học đạo đức Cơđốc giáo), New York: Harper & Row.

Văn bản nhị đẳng:

Fadner, Donald E. (1975) The Responsible God: A Study of the Christian Philosophy of Helmut Richard Niebuhr ( Thượng đế có trách nhiệm : Nghiên cứu triết học Cơđốc giáo của H. R. Niebuhr), Missoula: Scholar’s Press.

Là một mục sư thụ phong của Giáo hội Cơ đốc Thống nhất, Niebuhr phối hợp mối quan tâm ban đầu đối với xã hội học, chủ nghĩa dụng hành và phúc âm xã hội (social gospel) với tính tuyệt đối hiện sinh của Tân-Chính thống ( the existential absoluteness of neo-Orthodoxy).

Do vậy ông chủ trương rằng con người, mặc dầu đứng trong những điều tương đối của lịch sử, vẫn có cơ may hội ngộ Tuyệt đối thể. Chủ nghĩa tương đối đạo đức bị phản công bởi quan điểm cho rằng trách nhiệm của chúng ta không phải là đối với điều chân hay điều thiện mà với một cái gì thích ứng hơn về phương diện hiện sinh mà ông gọi là “câu trả lời phải phép” ( the fitting response) cho Thượng đế. Trong đáp ứng đó thế giới chuyển dịch càng lúc càng gần hơn đến vương quốc của Thượng đế.

Nguồn: DAB.

WILLIAM REESE

Niebuhr, Reinhold

Mỹ. s: 21-06-1892, Wright City, Missouri. m: 01-06-1971, Stockbridge, Massachusetts. Ph.t: Lí thuyết gia xã hội Tân Chính thống và nhà thần học . Q.t: Đạo đức học, triết lí chính trị. G.d: Elmhurst College, Illinois; Chủng viện Thần học Eden, St Louis, Đại học Yale. A.h: Karl Barth. N.c: Đại chủng viện Thần học New York, 1928-60, lúc đầu là Phó Giáo sư Triết học Tôn giáo, rồi Giáo sư Cơđốc học ứng dụng, đạo đức và Thần học.

Ấn phẩm chính bản:

(1932) Moral Man and Immoral Society ( Con người đạo đức và xã hội vô đạo đức), New York: Scribner’s.

(1935) An Interpretation of Christian Ethics ( Giải thích đạo đức Cơđốc), New York: Harper & Row.

(1937) Beyond Tragedy: Essays on the Christian Interpretation of History ( Bên kia bi kịch:

Các tiểu luận về việc giải thích lịch sử theo Cơđốc giáo), New York: Scribner’s; London: Nisber & Co. Ltd.

(1940) Christianity and Power Politics ( Cơđốc giáo và chính trị quyền lực), New York: Schribner’s.

(1941, 1943) The Nature and Destiny of Man ( Bản chất và định mệnh của con người), 2 quyển, New York: Schribner’s.

(1949) Faith and History ( Tín ngưỡng và lịch sử), New York: Schribner’s.

(1953) Christian Realism and Political Problems ( Chủ nghĩa hiện thực Cơđốc giáo và những vấn đề chính trị), New York: Schribner’s.

(1958) Pious and Secular America ( Nước Mỹ mộ đạo và nước Mỹ thế tục), New York: Schribner’s.

Văn bản nhị đẳng:

Harland, Gordon(1960)The Thought of Reinhold Niebuhr,New York: Oxford Univ.Press.

Kegeley, Charles W. and Bretall, Robert [xuất bản, 1956] Reinhold Niebuhr: His Religious, Social and Political Thought ( Reinhold Niebuhr: Tư tưởng tôn giáo, xã hội và chính trị của ông), New York: Macmillan.

Scott, Jr. Nathan A.[xuất bản, 1975] The Legacy of Reinhold Niebuhr ( Di sản của R.Niebuhr), Chicago and London: University of Chicago Press. 

Hai điểm nhấn chính đầu tiên trong tư tưởng Niebuhr phái sinh từ ý thức xã hội còn điểm nhấn kia từ cảm tính tôn giáo của ông. Điểm nhấn xã hội được hiển thể hoá trong thời gian ông làm mục sư ở Detroit. Trong tư cách là người linh hướng cho các công nhân ngành xe hơi ông rao giảng Phúc âm Xã hội (the Social Gospel), phê phán những thói vô cảm của giới quản trị công nghiệp đối với những nhu cầu của công nhân, ôm ấp chủ nghĩa hoà bình và gia nhập Đảng Xã hội. Ông tin rằng tiến bộ đạo đức là khả thi và điều đó mặc hàm rằng Vương quốc của Chúa có thể được mang đến mặt đất.

Đàng khác, cảm tính tôn giáo của ông dựa trên Phúc âm và giả thuyết tội tổ tông và sự gắn bó của linh hồn với Thượng đế siêu việt. Khi điểm nhấn này bước vào sân khấu, ông bác bỏ luận điểm cho rằng tiến bộ của nhân loại là đương nhiên mà chọn nhận lập trường của chủ nghĩa hiện thực Cơđốc giáo và mặc dầu ông không tự coi mình là một nhà thần học nhưng trước tác của ông giúp phát triển thần học Tin lành của phái Tân Chính thống trong đó Thượng đế được nhìn như “ hoàn toàn khác” ( God is regarded as “wholly other”), tính tự phụ và vị kỉ của con người là những dấu hiệu cho thấy sự sa đoạ của con người, một yếu tố quỉ quái lan toả trên mọi hành động của con người và có “ những chống chỉ định đạo đức vĩnh cửu trên từng mỗi cấp độ tiến bộ của nhân loại”. Đồng thời ông cảm thấy rằng phiên bản của Karl Barth về tha tính của Thượng đế ( God’s otherness) không đem lại vai trò nào cho trách nhiệm đạo đức của con người. Quan điểm của Niebuhr thời trưởng thành muốn đạt đến một trạng thái cân bằng giữa hai điểm nhấn này vốn có thể được nhìn như là hai chiều kích: một chiều kích ngang và nằm trong thời gian; còn đàng kia là chiều kích dọc nối kết con người với cõi thiêng liêng. Trên chiều ngang, tự ngã hay linh hồn là một thành viên của xã hội; nhưng theo chiều dọc, linh hồn thuộc về Thượng đế. Đạo đức hoc theo chiều ngang mang tính xã hội, kết ước với việc thành tựu công lí. Đạo đức học theo chiều dọc mang tính riêng tư, kết ước với tình yêu hy sinh ( sacrificial love). Tội lỗi, giống như thế, cũng có hai chiều kích. Chiều kích ngang của nó là bất công. Chiều kích dọc của nó là sự từ chối của tự ngã siêu việt không chịu chấp nhận thân phận thụ tạo (creatureliness) của mình, nghĩa là tội kiêu căng tự phụ. Tính kiêu căng tạo ra một kỳ vọng về tuyệt đối, tương ứng trên chiều ngang, với thói vị kỉ ngang ngạnh, dẫn tới tình trạng bất công xã hội. Tội lỗi cuối cùng được giải quyết, trên cấp độ dọc, bởi lòng khoan dung và từ tâm vô lượng của đấng tối cao. Song việc giải quyết tội lỗi ở cấp độ chiều ngang thì hãy còn tồn nghi (problematic).

Chúng ta được yêu cầu dấn thân vào hoạt động chính trị bởi vì có những thay đổi thể chế sẽ làm được nhiều hơn trong việc thúc đẩy đến một xã hội tốt hơn bất kỳ những thay đổi nào của con tim. Chẳng hạn, sự điều chỉnh xã hội là cần thiết trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản. Nhưng chúng ta phải đi vào những hoạt động như thế với lòng khiêm cung và cảm thức tin cậy vào lòng khoan dung và từ tâm vô lượng của Thượng đế. Ngay dầu thế, thành công của chúng ta trên cấp độ chiều ngang cũng tất yếu là thiên vị và hàm hồ lưỡng nghĩa. Những bất tương thích giữa hai chiều kích sẽ chỉ được giải quyết ở tận cùng lịch sử.

Nguồn: Edwards; J. Bingham (1961) Courage to Change: An Introduction to the Life and Thought of Reinhold Niebuhr, New York: Scribner’s.

WILLIAM REESE

Nygren, Anders

Thụy điển.s: 1890. m: 1972, Lund, Thuỵ điển. Ph.t: Nhà thần học, triết gia tôn giáo. G.d: Đại học Lund. A.h: Gustav Aulén. N.c: Giáo sư, Đại học Lund, 1924-39; Giám mục Giáo phận Lund từ 1949 cho đến khi mất.

Ấn phẩm chính bản:

(1923) Filosofisk och Kristen Etik ( Triết học và đạo đức Cơ đốc), Lund: Gleerup.

(1930) Eros und Agape, Gütersloh: Bertelsmann.

(1970) Tro och Vetande: religionsfilosofiska och teologiska essayer ( Ý nghĩa và phương pháp: Triết lí tôn giáo và khảo luận thần học), Stockholm: Helsingfors.

Văn bản nhị đẳng:

Macquarrie, J. (1963) Twentieth Century Religious Thought ( Tư tưởng tôn giáo thế kỉ hai mươi), London: SCM Press.

Trong sự nghiệp ban đầu của mình Nygren chủ trương rằng các tôn giáo có thể được đặc trưng hoá và biệt hoá bằng những mô-típ nổi trội của chúng: nghĩa là, bằng cách mỗi tôn giáo đều cho rằng sự hội thông với Tuyệt đối thể cần được thực hiện. Môtíp của Cơ đốc giáo là Agape ( tiếng Hy lạp nghĩa là Linh ái): một tình yêu vô vị lợi, xả kỷ và hướng về Thượng đế. Con người không thể đạt đến Agape bằng chính những nỗ lực của mình và thay vì thế, linh ái chỉ được biết đến thông qua mặc khải (revelation). Agape trái ngược với Eros vốn là mô-típ của triết học Hy l,ạp. Ở cấp độ cao nhất, chẳng hạn nơi Platon, Eros là tình yêu trí tuệ đối với thế giới thực tại hay với những Mô thể.Theo Nygren, không có con đường nào mà qua đó Eros có thể dẫn tới Agape. 

Lập trường của Nigren được nêu ra trên đây mặc hàm rằng có rất ít, nếu có, tương quan giữa triết học và thần học , nhưng trong một ấn phẩm về sau, Tro och Vetande (1970) ông đã biến cung quan điểm này. Ông nhất trí với quan điểm truyền thống rằng thần học là một khoa học và rằng nó phải phù hợp với những yêu cầu về sự mạch lạc, tính nhất quán và sáng sủa. Cơ đốc giáo không thể đứng tách rời khỏi những phát triển văn hoá và trí thức : nếu nó được nghĩ là phải làm như thế, nó sẽ trở thành vô nghĩa theo nghĩa là nó mất đi mọi liên quan với đời sống con người. Sự hiểu biết của chúng ta về Cơđốc giáo không thể là tĩnh tại mà, giống như mọi ngành tri thức khác, cần phải thay đổi và đi vào chiều sâu.

KATHRYN PLANT 

Vần O

Oman, John Wood

Anh. s: 23-07-1860, Stenness, Orkney, Scotland. m: 17-05-1939, Cambridge, England. Ph.t:

Mục sư Giáo phái Trưởng lão, nhà thần học. Q.t: Triết lí tôn giáo. G.d: Các Đại học Edinburgh, Erlangen, Heidelberg và Neuchâtel và Chủng viện Thần học Trưởng lão Hợp nhất, Edinburg. A.h: F.D.E. Schleiermacher và Albrecht Ritschl. N.c: Phụ tá, St James, Paisley; Clayport Street

Presbyterian Church, Alnwick, 1888-1907; Giáo sư (1907-35) và Hiệu trưởng (1922-35), Wesminter College, Cambridge; FBA 1938.

Ấn phẩm chính bản:

(1906) The Problem of Faith and Freedom in the Last Two Centuries ( Vấn đề tín ngưỡng và tự do trong hai thế kỉ vừa qua), London: Hodder Stoughton.

(1917) Grace and Personality ( Thiên ân và nhân cách), Cambridge: Cambridge Univ. Press.

(1931) The Natural and the Supernatural ( Tự nhiên và Siêu nhiên), Cambridge: Cambridge Univ. Press.

Văn bản nhị đẳng:

Bevans, S. (1992) John Oman and His Doctrine of God ( John Oman và học thuyết của ông về Thiên chúa), Cambridge: Cambridge Univ. Press.

Healey, F.G. (1965) Religion and Reality: The Theology of John Oman ( Tôn giáo và thực tại: Thần học của John Oman), Edinburg: Oliver Boyd.

Những đầu đề tác phẩm gợi ý về mục tiêu của Oman muốn giữ lại cùng nhau những thực tại có vẻ như bất tương thích. Ông định vị cỗi rễ của tôn giáo trong cảm thức trực tiếp của chúng ta về cái siêu nhiên. Trong Cơ đốc giáo điều này được quan niệm như Thượng đế ngôi vị, bằng Thiên ân, tự biểu lộ cho con người trong khung cảnh của nhiên giới. Siêu nhiên kêu gọi chúng ta, nhưng theo một phương cách khiến chúng ta nhận thức tính nhân vị trong tương quan với Thượng đế, với tha nhân và giới thụ tạo, tự do chúng ta được tăng cường, chứ không bị xâm phạm. Do vậy mà có sự đối kháng của Oman đối với chủ nghĩa uy quyền, cho dầu là của thánh kinh, của thần học hay của tăng lữ. Chủ nghĩa nhân vị của Oman bị đưa vào bóng mờ bởi thần học về Ngôi Lời.Ngay cả những người bênh vực ông cũng lấy làm tiếc cho sự yếu kém tương đối của ông về Ki tô học và việc ông không theo đuổi xuyên suốt đến một học thuyết được khai triển đầy đủ về Tam vị Nhất thể. Nhưng việc ông thắt chặt trên những đề tài có tầm quan trọng vĩnh hằng đối với thần học thì chỉ những ai quá nặng thành kiến mới phủ nhận.

Nguồn: DNB; Sell.

ALAN SELL

Otto, Rudolf

Đức. s: 25-09-1869, Peine. m: 06-03-1937, Marburg, Đức. Ph.t: Phái Kant mới, nhà thần học, triết gia tôn giáo. G.d: Các Đại học Erlangen và Göttingen. N.c: Giáo sư tại Göttingen.(190414), Breslau (1914-17) và Marburg (1917-29).

Ấn phẩm chính bản:

(1907) Naturalismus und Religion ( Chủ nghĩa tự nhiên và tôn giáo), Tübingen: J.C.B.Mohr.

(1909) Kantisch-Fries’sche Religionsphilosophie ( Triết lí tôn giáo của Kant-Fries) Tübingen: J.C.B.Mohr.

(1917) Das Heilige, über das Irrationale in der Idee des Göttlichen und sein Verhältnis zum Rationalen (Cái Thiêng liêng, khảo luận yếu tố phi lí trong ý tưởng về thần thánh và tương quan của nó với cái thuần lí), Breslau, Munich: Beck, 1936.

(1926) West- östliche Mystik ( Huyền học Đông-Tây), Gotha; Klotz.

(1932) Sünde und Urschuld ( Tội lỗi và tội tổ tông), Munich: Beck.

Văn bản nhị đẳng:

Almond, Philip (1986)Rudolf Otto: An Introduction to His Religious Philosophy ( Nhập môn triết học tôn giáo của Rudolf Otto), Chapel Hill, NC: University of North Carolina Press.

Davidson, Robert F. (1947) Rudolf Otto’s Interpretation of Religion ( Cách kiến giải tôn giáo của Rudolf Otto), Princeton: Princeton Univ. Press.

Otto được biết đến nhiều nhất qua sự phân tích của ông về tôn giáo. Ông tin rằng kinh nghiệm về cái thiêng liêng ( experience of the holy) là trọng tâm nơi mọi tôn giáo. Chịu ảnh hưởng bởi cả hai người, Friedrich Schleiermacher và Immanuel Kant, Otto biện luận rằng chúng ta phải phân biệt trong cái thiêng liêng một cảm thức về cái bí ẩn đáng kinh sợ và những khái niệm hệ thống hóa. Cái thiêng liêng bí ẩn được đặc trưng hóa bởi sự huyền nhiệm, lòng kính sợ và sức mê hoặc ( mysterium tremendum fascinans). Không thể giản qui nó vào những cảm thức khác, phi tôn giáo, nhưng nó tạo thành một cảm thức sui generis ( biệt loại). Nó là một cái gì hoàn toàn khác với con người. Những cảm thức có tính thiêng liêng bí ẩn khải lộ đối tượng hữu danh . Tuy nhiên chúng ta phải nghĩ về đối tượng hữu danh bằng phương tiện của những phép hội ý (ideograms) nào đấy hay tốt hơn, bằng những khái niệm hệ thống hóa nào đấy. Các quan điểm của Otto về nguồn gốc của tôn giáo trong cái thiêng liêng bí ẩn ( the origin of the religious in the numinous) rất có ảnh hưởng, đặc biệt là trong giới thần học.

MANFRED KUEHN  

Vần P

Phillips, Dewi Zephaniah

Anh. s: 1934, Swansea, Wales. Ph.t: Triết gia phân tích. Q.t: Đạo đức học, triết lí tôn giáo, triết học và văn học. G.d: Các Đại học Oxford và Swansea. A.h: SØren Kierkegaard, Simone Weil, Ludwig Wittgenstein và Rush Rhees. N.c: 1961, Phụ giảng; 1962, Giảng sư, Đại học St

Andrews; 1963, Giảng sư Đại học North Wales, Bangor; 1965-1971, Giảng sư rồi Giáo sư Triết học, 1989, Phó Hiệu trưởng, Đại học Swansea; 1982, Giáo sư Triết lí Tôn giáo, Claremont Graduate School; nhiều nhiệm chức thỉnh giảng ở Hoa kỳ.

Ấn phẩm chính bản:

(1965) The Concept of Prayer ( Khái niệm Cầu nguyện), London: Routledge Kegan Paul.

(1970) Death and Immortality ( Cái chết và sự bất tử), London: Macmillan.

(1970) Faith and Philosophical Enquiry ( Tín ngưỡng và nghiên cứu triết học),London: Routledge Kegan Paul.

[ với M.O. Mounce] Moral Practices ( Những thực hành đạo đức), London: Routledge Kegan Paul.

[ với Ilham Dilman] Sense and Delusion ( Giác quan và ảo giác), London: Routledge Kegan Paul.

(1976) Religion Without Explanation ( Tôn giáo không có giải thích), Oxford: Basil Blackwell.

(1982) Philosophical Investigations ( Thám cứu triết học), Oxford: Basil Blackwell.

(1982) Through a Darkening Glass: Philosophy, Literature and Cultural Change (Xuyên qua tấm kiếng làm mờ: Triết học, Văn học và Biến đổi Văn hóa), Oxford: Basil Blackwell. 

Belief, Change and Forms of Life ( Tín ngưỡng, Biến đổi và những hình thức của đời sống), London; Macmillan.

R.S. Thomas: Poet of the Hidden God ( R.S. Thomas: Nhà thơ của Thượng đế ẩn tàng), Basingstoke; Macmillan.

(1988) Faith after Foundationalism ( Tín ngưỡng theo chủ nghĩa nền tảng), London: Routledge.

(1990) From Fantasy to Faith: The Philosophy of Religion and Twentieth Century Literature ( Từ phóng tưởng đến tín ngưỡng: Triết lí tôn giáo và văn học thế kỉ hai mươi), Basingstoke; Macmillan.

(1992) Interventions in Ethics ( Những can thiệp trong đạo đức), London; Macmillan.

(1992) Wittgenstein and Religion ( Wittgenstein và Tôn giáo), London: Macmillan.

Văn bản nhị đẳng:

Nielsen, Kai (1967) Wittgensteinian Fideism ( Chủ nghĩa sùng mộ của Wittgenstein), Philosophy 42.

Sherry, P. (1972) Is religion a form of life? ( Tôn giáo có phải là một hình thức của đời sống?), American Philosophical Quarterly 9.

Đóng góp chính của Phillip là trong lãnh vực triết lí tôn giáo nơi ông đã đem đối lập ý tưởng rằng niềm tin tôn giáo dính dáng đến những kết ước siêu hình. Thực tại của Thượng đế, theo Phillips, phải được tìm trong những hình thức đòi sống của người tín đồ và những trò chơi ngôn ngữ của chúng. Ông nêu ra điều này trong The Concept of Prayer (1965) trong đó ông biện luận rằng những lời cầu nguyện trung thực không phải là một toan tính nhằm liên thông với một hữu thể siêu nhiên mà đúng hơn là những phương cách nhằm đi đến chỗ thấu hiểu và hòa giải với chính mình. Chiều kích tôn giáo đặc biệt của những lời cầu nguyện được ban tặng bởi ngôn ngữ mà tín đồ thấy là cốt yếu cho hoạt động. Phần lớn trước tác của Phillips được dành để thăm dò và bảo vệ quan niệm tổng quát này về tôn giáo, một quan niệm mà theo đó ý đồ truyền thống muốn tìm một biện minh thuần lí cho niềm tin vào Thượng đế đã bị nhận thức sai một cách triệt để.

Trong một đường hướng tương tự, Phillips đã phản đối ước muốn tìm kiếm một biện minh lí thuyết-và ngoại tại- cho những niềm tin đạo đức. Tính hợp lí cho niềm tin đạo đức cần được tìm thấy trong hình thức đời sống mà nó đem lại sự thể hiện một phần và những hình thức đời sống như thế thì đa dạng một cách bất khả giản qui. Trước tác của Phillips đã được tranh luận rộng rãi. Ảnh hưởng chính yếu của nó nằm trong số những người có cảm tình với một cách giải thích nào đó về Wittgenstein; song nhiều người khác lại cảm thấy việc phủ nhận, trong trước tác của Phillips, một kết ước lí thuyết trong những niềm tin tôn giáo và đạo đức, là không thể chấp nhận.

Nguồn: WW 1992; thông tin riêng.

ANTHONY ELLIS

Plantiga, Alvin

Mỹ. s: 1932, Ann Arbor, Michigan. Ph.t: Triết gia phân tích. Q.t: Hữu thể học, tri thức luận, triết lí tôn giáo, triết lí lô-gích học. G.d: Calvin College, Đại học Michigan và Đại học Yale. A.h: W.S.Jellema, Henry Stob và Roderick Chisholm. N.c: 1957-8, Giảng viên, Đại học Yale; 1958-

63, Phụ tá Giáo sư rồi Phó Giáo sư, Đại học Quốc gia Wayne; 1963-82, Phó Giáo sư rồi Giáo sư Calvin College; từ 1982, Giáo sư, Đại học Notre Dame, nhiều nhiệm sở thỉnh giảng ở các đại học khác.

Ấn phẩm chính bản:

(1967) God and Other Minds ( Thượng đế và các tâm hồn khác), Ithaca; Cornell Univ. Press.

(1974) God, Freedom and Evil ( Thượng đế, Tự do và Cái Ác), Harper.

(1974) The Nature of Necessity ( Bản chất của tất yếu), Oxford; Oxford Univ. Press.

(1980) Does God Have a Nature? ( Thượng đế có một bản tính không?), Milwaukee: Marquette Univ. Press. 

(1983) Reason and Belief in God ( Lí tính và niềm tin vào Thượng đế) trong Faith and Rationality, do A.Plantiga và N.Wolterstorff xuất bản, Eerdmans.

(1992) Warrant: The Current Debate ( Lệnh/ Trát: Cuộc tranh luận hiện nay), New York; Oxford Univ. Press.

(1992) Warrant and Proper Function ( New York: Oxford Univ. Press.

Văn bản nhị đẳng:

Hoitenga, D. (1991) Faith and Reason from Plato to Plantinga ( Tín ngưỡng và Lí tính từ Platon đến Plantinga), Albany: SUNY.

McLeod, Mark S. Rationality and Theistic Belief: An Essay in Reformed Epistemology (Tính thuần lí và niềm tin vào Thượng đế: Khảo luận về tri thức luận cải cách), Ithaca; Cornell Univ. Press.

Nous 2 (1993) ; Ernest Sosa,”Proper functionalism and virtue epistemology”; Richard Feldman, “ Proper functionalism”; Alvin Plantingat, “ Why we need proper function”.

Phillips, D.Z.(1988) Faith After Foundationalism ( Tín ngưỡng theo chủ nghĩa nền tảng), Part 1, London: Routledge.

Tomberlin, James and van Inwagen, Peter (1985) Alvin Plantinga, Dordrecht Reidel.

Trước tác của Plantinga được đặc trưng bởi sự ứng dụng thận trọng các kỹ thuật của lô-gích hiện đại vào những vấn đề truyền thống trong tri thức luận, siêu hình học và đặc biệt là triết lí tôn giáo. Là một thành viên của Giáo hội Cơ đốc Cải cách ông đã cố gắng bênh vực niềm tin tôn giáo chống lại quan điểm coi tôn giáo là ngoại lí. Trong God and Other Minds ông biện luận rằng niềm tin vào Thượng đế, xét một cách quyết liệt, thì cũng giống như niềm tin vào những tâm hồn khác. Không có bất kì một biện minh thuần lí tối hậu nào có thể được đưa ra, nhưng cũng chẳng cần điều ấy đâu: chúng có thể được xem như những niềm tin có tính cơ bản về phương diện tri thức luận mà cũng là hợp lí thôi khi được chấp nhận mà không cần biện minh. Lí thuyết này về nhận thức, được biết đến như là “tri thức luận cải cách”đã được khai triển tỉ mỉ trong những công trình về sau của Plantinga. Tổng quát hơn, ông đã biện luận rằng một niềm tin được biện minh nếu nó là kết quả của những khả năng nhận thức đang vận hành một cách thích đáng trong một môi trường phù hợp, một quan niệm mà ông cho rằng có trú xứ tự nhiên nhất trong cảnh giới hữu thần ( a conception which, he holds, has its most natural home in a theistic setting).

Trong The Nature of Necessity ( Bản chất của tất yếu) ông phát triển một “chủ nghĩa hiện thực tình thái định lượng” ( a quantified modal realism), một lí thuyết có phần phái sinh từ Leibniz, giải thích bản chất của tất yếu theo những thế giới khả hữu. Phần lớn trước tác của Plantinga (như tranh luận của ông về vấn đề cái ác, và việc ông bảo vệ một phiên bản của luận chứng hữu thể học, một luận chứng hầu như đã bị bác bỏ một cách phổ quát kể từ Kant) đã được thông báo bởi quan niệm này. Trước tác của Plantinga từng là một trong những kích thích chính cho việc sử dụng các kỹ thuật triết học và lô-gích học hiện đại vào thần học triết lí, đặc biệt là ở Hoa kỳ. Nói chung, ông thường được nhìn như một trong những triết gia tôn giáo có uy lực nhất thời hiện đại.

Nguồn: Thông tin riêng.

ANTHONY ELLIS

Pratt, James Bissett

Mỹ. s: 22-06-1875, Elmira, New York. m: 15-01-1944, Williamstown, Massachusetts. Ph.t:

Nhà hiện thực phê phán. Q.t: Triết lí tôn giáo. G.d: Williams College, Columbia, Đại học Berlin và Đại học Harvard. A.h: Otto Pfleiderer, William James, Josiah Royce và G.H.Palmer. N.c: Williams College, 1905-43.

Ấn phẩm chính bản:

(1907) Psychology of Religious Belief ( Tâm lí học về niềm tin tôn giáo), New York: Macmillan.

(1909) What is Pragmatism? ( Chủ nghĩa dụng hành là gì?), New York; Macmillan.

(1920) Critical realism and the possibility of knowledge ( Chủ nghĩa hiện thực phê phán và khả tính của tri thức) đăng trong Essays in Critical Realism, New York; Macmillan. 

(1920) The Religious Consciousness: A Psychological Study ( Ý thức tôn giáo: Một nghiên cứu tâm lí), New York; Macmillan.

(1922) Matter and Spirit ( Vật chất và tinh thần), New York; Macmillan.

(1928) The Pilgrimage of Buddhism ( Sự hành hương Phật giáo), New York; Macmillan.

(1931) Adventures in Philosophy and Religion ( Những cuộc phiêu lưu trong triết học và trong tôn giáo), New York; Macmillan.

(1937) Personal Realism ( Chủ nghĩa hiện thực riêng tư), New York; Macmillan.

(1937) Naturalism ( Chủ nghĩa duy nhiên), New Haven: Yale Univ. Press.

(1941) Can we keep the Faith? ( Chúng ta có thể giữ được niềm tin hay không?), New Haven: Yale Univ. Press.

Reason in the Art of Living ( Lí tính trong nghệ thuật sống), New York; Macmillan.

Eternal Values in Religion ( Những giá trị vĩnh cửu trong tôn giáo), New York; Macmillan.

Văn bản nhị đẳng:

Myers, Gerald E.[xuất bản, 1961] Self, Religion and Metaphysics: Essays in Memory of James Bissett Pratt ( Tự ngã, tôn giáo và siêu hình học: Những tiểu luận tưởng niệm J.B. Pratt), New York; Macmillan.

Nhận thấy chủ nghĩa dụng hành là không thích nghi, những phê phán sắc bén của ông hướng đến định hướng tương lai của nó và cái qui chế công cụ mà lí trí ban cho nó, và nhận thấy chủ nghĩa duy tâm kém phần xác suất hơn so với chủ nghĩa hiện thực , Pratt đứng dưới ngọn cờ chính nghĩa chung với các nhà hiện thực phê phán. Tuy nhiên, ở phần kết thúc của tiểu luận Critical realism and the possibility of knowledge (Chủ nghĩa hiện thực phê phán và khả tính của tri thức), Pratt chỉ ra rằng hậu kết đòi hỏi một sự thừa nhận hành vi siêu việt(inference requires a recognition of the act of transcendence) mà người ta thủ đắc bằng niềm tin, và chính điều này đưa người ta vượt qua thái độ “ngã tự tri” (solipsisme) để đến với thế giới thực.Sự thừa nhận siêu việt đã dẫn dắt ông, trong một tiến trình tư duy trải rộng ra từ những ấn phẩm đầu tiên của ông về tâm lí học tôn giáo cho đến quyển Vật chất và tinh thần ( gợi ra tính nhị nguyên đối đãi của tiến trình) và Chủ nghĩa hiện thực riêng tư ( hướng đến một hình thức nào đấy của chủ nghĩa nhân vị) cho đến những phân tích mở rông của ông về các tôn giáo ở Ấn độ. Lúc đầu được gợi cảm hứng từ những trước tác tôn giáo của William James và được đào sâu nhờ hai năm thâm cứu ngay tại miền đất tâm linh kỳ bí này, những quyển sách nổi lên từ sự phấn đấu tinh thần này, như lời ông nói, là “dòng ngầm từ \o nghĩa thư (Upanishads) từ lâu lắm rồi chưa được lắng nghe... “

Nguồn: CAP II.

WILLIAM REESE

Price, Henry Habberley

Anh. s: 1899. m: tháng mười một 1984. Ph.t: Nhà tri thức luận. Q.t: Triết học về tinh thần, tín ngưỡng và tri giác. G.d: Winchester và New College, Oxford. A.h: Cook Wilson và Russell. N.c: Phục vụ tại RFC trong Đệ nhất Thế chiến, Giảng sư , Đại học Liverpool,1922-3; Thành viên Trinity College, 1924-35; Giáo sư Lô-gích học và Thành viên New College, 1935-59; Giảng sư ,1960-71; Giáo sư thỉnh giảng UCLA 1962.

Ấn phẩm chính bản:

(1932) Perception ( Tri giác).

(1940) Hume’s Theory of External World ( Lí thuyết của Hume về thế giới bên ngoài).

(1953) Thinking and Experience ( Tư duy và kinh nghiệm).

(1953) Some Aspects of the Conflict Between Science and Religion ( Vài khía cạnh của cuộc xung đột giữa khoa học và tôn giáo), Cambridge: Cambridge Univ. Press. 

(1969) Belief ( Tín ngưỡng), London: Allen Unwin.

(1972) Essays in the Philosophy of Religion ( Những tiểu luận về triết lí tôn giáo), Oxford: Oxford Univ. Press.

Văn bản nhị đẳng:

Burgener, R.J.(1957) Price’s theory of the concept ( Lí thuyết khái niệm của Price), Review of Metaphysics 11: 143-59.

Fleming, B.N.(1965) Price on infallibility( Price bàn về tính bất khả ngộ), Mind 75: 193-210.

Mundle, C.W.K. (1954) Review of Thinking and Experience ( Đọc lại Tư duy và kinh nghiệm) đăng trong Philosophical Quarterly 4: 156-65.

Yates, J.C. (1987) Disembodied existence in an objective world ( Tồn tại phi thể xác trong thế giới khách quan), Religious Studies 23: 531-8.

Yost, R.M. (1964) Price on appearing and appearances ( Price bàn về sự biểu kiến và những biểu kiến), Journal of Philosophy 61: 328-33.

Tiêu điểm quan tâm của Price trong hai quyển sách đầu tiên của ông, Perception và Hume’s Theory of External World, là triết lí về tri giác. Mục tiêu tổng quát của ông trong Perception là sử dụng khái niệm dữ liệu giác quan để xây dựng một lí thuyết phi duy hiện tượng về tri giác( a non-phenomenalist theory of perception). Phương pháp được sử dụng, như trong các công trình về sau của Price, là hiện tượng học, với sự loại trừ cố ý những nhận định khoa học. Price biện luận rằng mối tương quan tùy thuộc có thể được thiết lập giữa các dữ liệu giác quan và các đối tượng vật lí. Trừ phi chúng là những ảo giác, mọi dữ liệu giác quan đều thuộc về “những gia tộc” mà các thành viên đều có tính liên tục xét về phương diện hình học và phương diện phẩm chất. Price gọi thành viên đứng đầu một gia tộc như thế là “ cố thể chuẩn” (the standard solid) mà mọi thành viên khác của gia tộc hội tụ về. Price tránh thuyết duy hiện tượng bằng cách từ chối đồng hóa gia tộc với một đối tượng vật lí, trên cơ sở rằng cái sau có thể kháng cự và có thể vận hành theo nguyên lí nhân quả.; song le ông vẫn phải nhượng bộ rằng không một điều gì có thể nói về đối tượng vật lí trừ chuyện là nó có một vài năng lực nào đó. 

Tư tưởng của Price về tri giác thông báo cách giảng luận tinh tế của ông về Hume trong

Hume’s Theory of the External World ( Lí thuyết của Hume về thế giới bên ngoài). Ông biện luận rằng Hume đã nhầm khi kết luận rằng có một mâu thuẫn nan giải giữa lí tính và các giác quan. Những hạt giống cho giải pháp có thể được tìm thấy trong quan niệm của Hume về tưởng tượng nó lấp đầy những khoảng cách trong cảm giác và giúp cho tri giác về thế giới vật chất thành khả thi. Price biện luận rằng Hume xử lí (và phải xử lí) tưởng tượng gần như là một thứ”ngã siêu nghiệm” (transcendental ego) mà thường ông bị giả định là đã dứt bỏ, bởi vì thực ra về điểm này ông gần Kant hơn là người ta vẫn thường ghi nhận.

Tiếp đến Price xoay sự chú ý về hướng triết lí của tư duy, và trong Thinking and Experience ( Tư duy và kinh nghiệm) ông phân tích bản chất của các khái niệm. Ông bất đồng với cả hai quan điểm, một đàng đồng hóa tư duy khái niệm với việc sử dụng các biểu tượng và một đàng coi các khái niệm là những thực thể tinh thần khả thanh kiểm (inspectable mental entities), hiện diện trước tâm trí trong nhận thức. Price biện luận cho một số lí thuyết về tính khí. Nhận thức khái niệm, xét cho cùng, là một chức năng của trí nhớ. Cách tốt nhất để hiểu nó là đặt câu hỏi bằng cách nào các khái niệm tự biểu lộ và chúng làm điều này theo nhiều cách : chẳng hạn, trong việc tạo ra các hình tượng , tinh thần hay thể lí, cho những trường hợp của khái niệm hoặc là trong việc sử dụng và hiểu các từ , quan trọng nhất là trong sự sẵn sàng sử dụng những định thức từ ngữ khả hoán (alternative verbal formulations). Biểu hiện căn bản của một khái niệm là sự tái nhận thức các trường hợp của khái niệm đó: khả năng tái nhận thức là tiền điều kiện cốt yếu của tư duy và hành động thông minh.

Chủ đề chính thứ ba trong tư tưởng Price là quan tâm của ông đối với tôn giáo, một chủ đề đã trở nên càng nổi bật hơn trong các công trình về sau của ông. Ông trở thành Chủ tịch Hội Nghiên cứu Tâm linh năm 1939 và rất quan tâm soi sáng những hậu quả của các hiện tượng huyền bí và cận bình thường ( mystical and paranormal phenomena) đối với triết học. Chẳng hạn, trong phần kết luận các bài giảng về niềm tin ( Belief, 1969)sau một cuộc khảo sát về sự xảy ra và các lí thuyết tính khí về niềm tin, Price nhận định về những mặc hàm trong những luận chứng của ông về các mệnh đề khẳng định tính bất tử của linh hồn và hiện hữu của một Thượng đế siêu việt. Ông biện luận rằng không có típ mệnh đề nào là vô nghĩa : có bằng chứng nhẹ nhàng ( dầu rằng hơi khó kiến giải) cho sự bất tử của linh hồn từ hiện hữu của các hiện tượng cận bình thường ( một điểm được nêu lên trong quyển Some Aspects, 1953) và có thể cũng có bằng chứng thường nghiệm về hiện hữu của Thượng đế, một khi mà những năng lực tâm linh tiềm ẩn nơi con người được phát triển.

ROBERT WILKINSON

Pringle-Pattison, Andrew Seth 

Anh. s: 20-12-1856, Edinburgh. m: 01-09-1931, Haining, gần Selkirk. Ph.t: Nhà duy tâm nhân vị, nhà hiện thực phê phán. Q.t: Lịch sử triết học, tri thức luận, triết lí tôn giáo. G.d: Đại học Edinburgh, Đại học Jena và Đại học Gottingen. A.h: Các thầy học Frazer và Lotz; đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi việc đọc Kant, Hegel và Reid. N.c: 1883-7, Giáo sư Lô-gích học và Siêu hình học, University College, Cardiff; 1887-91, Giáo sư Lô-gích học, Tu từ học và Siêu hình học, Đại học St Andrew; 1891-1919, Giáo sư Lô-gích học và Siêu hình học, Đại học Edinburgh.

Ấn phẩm chính bản:

(1882) The Development from Kant to Hegel ( Sự phát triển từ Kant đến Hegel), London: William Norgate.

(1885) Scottish Philosophy: A Comparison of Scottish and German Answers to Hume (Triết học Ê-cốt: Một đối chiếu giữa câu trả lời của Ê-cốt và của Đức đối với Hume), Edinburgh: Blackwood.

(1887) Hegelianism and Personality ( Chủ nghĩa Hegel và nhân cách), London: Blackwood.

(1898) Balfour Lectures on Realism ( Những bài giảng về chủ nghĩa hiện thực), London: Blackwood 1933.

(1917) The Idea of God in the Light of Recent Philosophy ( Ý niệm Thượng đế qua ánh sáng triết học cận đại), Oxford: Clarendon Press.

(1922) The Idea of Immortality ( Ý niệm về sự bất tử), Oxford: Clarendon Press.

(1930) Studies in the Philosophy of Religion ( Những nghiên cứu về triết lí tôn giáo), Oxford: Clarendon Press.

Văn bản nhị đẳng:

Baillie, J.B. (1931) Pringle-Pattison as a philosopher, Proceedings of the British Academy 17: 461-89.

Hallet, H.F. (1933) Andrew Seth Pringle Pattison,1856-1931, Mind 42: 137-49.

Merrington, E.N.(1924) A Scottish thinker: Andrew Seth Pringle Pattison, Australasian Journal of Psychology and Philosophy 2.

Sell, A. P. F. (1995) Philosophical Idealism and Christian Belief ( Chủ nghĩa duy tâm triết lí và niềm tin Cơ đốc giáo), Cardiff: University of Wales Press and New York: St Martin’s Press.

Tennant , F.R.(1931) Critical Notice of Studies in the Philosophy of Religion ( Ghi chú phê bình về Những nghiên cứu về triết lí tôn giáo), Mind 40: 93ff.

Thời trẻ Pringle-Pattison bị hấp dẫn bởi chủ nghĩa Hegel nhưng rồi lảng tránh nó do chính chủ nghĩa cá nhân duy đạo đức của ông, lôi kéo nhiều hơn về một cách tiếp cận mở rộng theo Kant. Trong các Bài giảng về chủ nghĩa hiện thực ông tự nhận dạng như là “nhà hiện thực phê phán” về thế giới bên ngoài. Ông sớm chọn nhận quan điểm coi triết học là “ người thủ từ của ngôi đền kiến thức”. Ông có phần hoài nghi đối với các hệ thống triết lí và cho rằng tôn giáo, cũng như thi ca, có khả năng thâm nhập sâu hơn, xa hơn vào bản chất uyên nguyên của sự vật cũng như vào thâm cung sâu thẳm của lòng người, hơn là triết học. Tuy thế, ông không hề bỏ bê siêu hình học. Trong tác phẩm lớn của ông The Idea of God in the Light of Recent Philosophy ( Ý niệm về Thượng đế trong ánh sáng triết học cận đại) ông biện luận rằng “ Thượng đế, hay Tuyệt đối thể” là suối nguồn của quá trình cá nhân hóa, mặc dầu chính Ngài không phải là một cá nhân giữa các cá nhân. Ông mô tả triết học của mình như một chủ nghĩa duy tâm mở rộng trong đó những phán quyết của đạo đức và tôn giáo được hòa giải với những khám phá của khoa học. Tuy nhiên ông tỏ ra thận trọng với những yêu sách về sự bất tử của linh hồn mà ông không coi là một điều kiện của đạo đức cũng chẳng phải là một điều khoản trung tâm của tôn giáo. Passmore viết rằng triết học của Pringle-Pattison “có một sức lôi cuốn riêng đối với các triết gia nào có tâm hồn không quá khắc khổ đang tìm kiếm một triết lí sẽ mở ra một “trung đạo” ( via media) giữa chủ nghĩa duy nhiên (naturalism) và chủ nghĩa tuyệt đối (absolutism), giữa khoa học và tôn giáo, giữa những quyền của cá nhân và những đòi hỏi của cộng đồng”. Chủ nghĩa duy tâm chiết trung (eclectic idealism) của Pringle-Pattison, là một thí dụ của loại chủ nghĩa duy tâm bình thường , từng nở hoa ở Úc và một số nơi khác của thế giới nói tiếng Anh.

Nguồn: J.B.Capper Andrew Seth Pringle-Pattison, 1856-1931, PBA17: 447-61; DNB 193140; Edwards; Metz; Passmore 1957.

STUART BROWN